"
Áo Khoác Vai Người - Linda Grant PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Áo Khoác Vai Người - Linda Grant PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
ÁO KHOÁC VAI NGƯỜI —★—
Nguyên tác: The Clothes On Their Backs Tác giả: Linda Grant
Người dịch: Ngô Thị Tố Uyên
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2012
ebook©vctvegroup
10-08-2018
“Hấp dẫn và được viết với phong cách đả kích xã hội nhẹ nhàng mà sâu sắc và chua cay; cuốn tiểu thuyết đã thành công trong việc khắc họa một câu chuyện gia đình thông qua những thăng trầm trong cuộc đời nhân vật chính trong một giai đoạn ngắn ngủi đầy dữ dội của thế kỷ 20… Nói cách khác, đây là một tác phẩm hiếm có, một tiểu thuyết của những tư tưởng lớn không bao giờ quên vai trò kể chuyện lôi cuốn của nó. Bất kỳ một chiếc áo choàng hay áo khoác bôlêrô nào mà ta tình cờ bắt gặp trên đường đều đơn giản giống như một lớp kem phủ bên ngoài một chiếc bánh.” • The Evening Standard
“Chủ đề truyện không hề tầm thường nhưng lại được tạo dựng một cách tinh tế, khéo léo đến nỗi ta hầu như hoàn toàn không cảm thấy là mình đang đọc một đề tài lớn. Cốt truyện cũng được xây dựng vô cùng linh hoạt và lôi cuốn. Và, giống như bất kỳ cuốn sách xuất sắc nhất nào, các tư tưởng lớn được đề cập trong cuốn tiểu thuyết này sẽ đọng lại trong ta rất lâu sau đó… Đây là một tác phẩm tuyệt vời; được viết một cách chặt chẽ, vẽ nên đời sống tâm lý tình cảm của một phụ nữ đồng thời lồng vào đó những vấn đề chính trị, lịch sử, đạo đức… Đặc biệt, tiểu thuyết này là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng trước những mối nguy của thói đạo đức giả. Chẳng có ai hoàn toàn tốt, cũng chẳng có người nào hoàn toàn xấu. Một bộ cánh lịch sự có thể đánh bóng vẻ bề ngoài của con người ta quá mức.”
• The Observer
“Cuốn tiểu thuyết sống động thú vị và liên tục gây bất ngờ này cũng giống như truyện của Anita Bookner với nhiều trang viết về tình dục. Thái độ vừa yêu mến, trân trọng vừa kinh tởm cuộc sống của nhân vật Sándor ngụ ý những điều sâu xa vượt ngoài phạm vi câu chuyện về một lối sống tham vọng khó ngờ và hấp dẫn”. • The Telegraph
“Chúng ta thể hiện mình là ai qua những gì mà ta khoác lên người vì quần áo tiết lộ tính cách của chúng ta; nhưng, như ngòi bút Grant đã chỉ rõ khi dẫn dắt bạn đọc qua một mê cung những lý luận đạo đức làm ta choáng váng, quần áo còn che đậy bản chất thật, con người thật của chúng ta… Trong cuốn tiểu thuyết công phu và có bố cục phác dựng tỉ mỉ này, đằng sau những miêu tả của Grant về cách ăn mặc, về quần áo bề ngoài, những gì mà tác giả muốn nói đến không đơn thuần chỉ dừng ở ý nghĩa giản đơn hời hợt đó”.
• TheTimes
“Cốt truyện của Grant giàu tình tiết đến nỗi cuốn tiểu thuyết đã gói gọn trong nó cơ man nào là chuyện… Ngược lại, ý nghĩa của những mạch truyện khác đôi khi có vẻ như khó hiểu một cách kỳ lạ. Nhưng, đó mới thực sự là chủ đề chính của tác phẩm này: cuộc sống tự thân nó không phải là thứ rõ ràng, minh triết. Ta cố gắng vận hết khả năng phân tích nó nhưng đôi khi, ta không thể nhìn xuyên qua được lớp vỏ bên ngoài của sự vật, hiện tượng.” • The Sunday Times
“Một tiểu thuyết xuất sắc, tràn đầy hơi thở cuộc sống cùng các nhân vật sống động”.
• The Mail on Sunday
“Được viết với một trí tưởng tượng phong phú… lập tức, tiểu thuyết này của Grant trở thành một công trình nghiên cứu tỉ mỉ tuyệt vời về tính cách con người, một lịch sử chua xót về một dòng họ, một bức tranh miêu tả cuộc sống sinh động giàu tính liên tưởng… Thật vui khi đón chào một cuốn sách gây ấn tượng sâu sắc và khơi gợi nhiều suy ngẫm như vậy.”
• The Independent
“Giống như tiền, quần áo cũng có giá trị tâm lý, biểu tượng và thực thể. Linda Grant hiểu thấu những giá trị này và đã khéo léo lồng vào cuốn thuyết mới nhất của mình nhận thức sâu sắc về vai trò của quần áo trong việc phản ánh tính cách và giá trị tự thân của mỗi con người… Tia sáng soi rọi đặc biệt này của riêng Grant đã phát lộ cách chúng ta hình thành nhận thức về cái tôi của mình từ những gì được phản chiếu ngược tới chúng ta, thông qua gương hoặc qua những mối quan hệ với người khác. Tác giả đã miêu tả nếp uốn lượn đầy mê hoặc của váy áo sành sỏi không kém gì viết về tình trạng căng thẳng xã hội.”
• The Sunday Telegraph
Lời dịch giả
Áo khoác vai người - cuốn tiểu thuyết đầy nữ tính, nhưng qua một câu chuyện kể rất hấp dẫn đã đặt ra rất nhiều những vấn đề lớn.
“Tôi hoàn toàn không hay biết mình có một người họ hàng cho đến tận năm tôi 10 tuổi”. Đây không phải là dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này vì quả thực mãi đến chương 3, chi tiết này mới xuất hiện; nhưng, chính từ đây, câu chuyện về một hành trình tưởng chừng như bất tận đi tìm và khẳng định cái tôi bản ngã, câu chuyện về một niềm khát khao “sống” mãnh liệt, trọn vẹn theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này mới thực sự bắt đầu.
Nhân vật “tôi” dẫn chuyện là một người phụ nữ Anh gốc Do Thái tên Vivien Kovaks còn người họ hàng là ông bác ruột đặc biệt của Vivien - Sándor Kovaks. Từ mối quan hệ là trung tâm của câu chuyện này, bạn đọc được dẫn dắt khám phá thế giới nội tâm của các nhân vật với bao cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái, ố rất đời; với những ưu tư, băn khoăn, dằn vặt; với những nuối tiếc giằng xé khôn nguôi; với nỗi cô đơn tột cùng đến mức ám ảnh; với những giành giật, lừa lọc, bí mật và phản bội; với những thống khổ và đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt; với tình yêu và cả nhu cầu tình dục rất trần tục của con người.
Vivien sinh ra trong một gia đình người Hungary Do Thái nhập cư vào Anh năm 1938 với tư cách là dân tị nạn. Nhân vật “tôi” lớn lên giữa những con người lập dị,“trong một môi trường cô độc”, một bầu không khí cô đơn, khép kín đến mức ngột ngạt và lặng lẽ đến mức nhàm chán, tẻ nhạt. Không gian sống tuổi thơ của Vivien chủ yếu gói gọn trong căn phòng ngủ nhỏ bé của chính nhân vật; người bạn duy nhất của Vivien là một bức tượng ông già Trung Hoa bằng ngà; trò chơi ưa thích của Vivien là nằm tĩnh lặng hàng giờ trên giường, chơi đùa với những ý nghĩ tưởng tượng trong đầu. “3 người chúng tôi - bố mẹ và con gái - sống chậm chạp và lặng lẽ như ba hòn bi uể oải lăn trên sàn nhà lót vải sơn”. “Bố tôi khiếp hãi sự thay đổi, xáo trộn. Trong khi nó vẫn còn ở tận đẩu tận đâu… bố tôi đã khổ sở chịu đựng mối lo âu rồi. Ông sợ rằng bất cứ một chút xáo trộn trong hoàn cảnh của mình cũng có thể làm cho mọi thứ sa sút”. Vì vậy,“khi đã chắc chắn bước qua phía bên kia của cánh cửa nhà mình, hai vợ chồng họ liền khóa chặt nó lại và cố gắng ra ngoài càng ít càng tốt”. Và cặp vợ chồng già,“gàn dở”,“kỳ quặc” này - nói như lời của Vivien - đã nuôi nấng, dạy dỗ đứa con duy nhất của mình trở thành “một con chuột nhắt” giống họ, tồn tại chứ không phải sống giữa cuộc đời. “Tôi chưa từng đi tàu hỏa bao giờ. Tôi không hề bước ra ngoài phạm vi London mãi cho đến năm tôi 18 tuổi”.
Chính hoàn cảnh sống đó đã tạo nên một thiếu nữ Vivien bên ngoài “tỏ ra là một kẻ thời thượng trải đời, một dân London chính gốc, lớn lên ngay giữa trung tâm thủ đô, đầy tự tin và cá tính độc đáo. Nhưng bên trong toàn là những sợ hãi, dao động và khó hòa nhập với xã hội. Người ta bảo tôi có một kiểu thu hút
xa cách, khó gần… Nhưng tất cả những gì tôi cảm thấy lại là một nỗi cô đơn nhức nhối của những chân trời vĩnh viễn xám xịt một màu”. Mất phương hướng sống, Vivien trải qua một loạt những rối loạn hành vi và tâm lý.
Không ít lần, nhân vật “tôi” tìm cách thoát khỏi cuộc sống chật hẹp, ngột ngạt là căn nguyên của nỗi cô đơn, u uất, chán ghét kéo dài lê thê trong tâm hồn cô - từ quyết định học đại học xa nhà cho đến việc kết hôn lần đầu chóng vánh khi chưa định rõ mình đã thật sự yêu người đàn ông mình lấy làm chồng hay không. Thậm chí, Vivien còn tìm đến sự giải thoát trong tình dục với không ít lần trải nghiệm quan hệ hoàn toàn xác thịt, không tình yêu; nhưng, tất cả chỉ càng làm cho cô thêm loay hoay, bế tắc trên con đường đi tìm và định hình cái tôi của mình nhằm khẳng định nỗi khát khao được sống một cuộc sống đầy màu sắc như đặc tính tự nhiên vốn có của nó.
Vì vậy, chẳng có gì quá ngạc nhiên khi nhân vật nữ chính này bị cuốn hút mạnh mẽ về phía người bác Sándor của mình - một người trái ngược hoàn toàn với ông bố, từ ngoại hình, tính cách cho tới những trải nghiệm sống; một chủ nhà trọ ổ chuột bị tống vào tù vì tội bóc lột, ngược đãi người thuê nhà; một kẻ bị nguyền rủa là mang khuôn mặt của quỷ sứ; một tên dắt mối cho gái làng chơi; một nạn nhân sống sót qua nạn diệt chủng tàn bạo của Đức Quốc xã, trở nên giàu có, nổi tiếng trong giới thượng lưu để rồi cuối đời lại thành một kẻ giết người và chết vì những gì mắt mình nhìn thấy.
Có thể nói, điểm thú vị, hấp dẫn nhất của cuốn tiểu thuyết này là những đoạn tranh luận giữa Vivien và ông bác của mình hay đúng hơn là sự đấu tranh không ngừng giữa những giá trị
đạo đức, những niềm tin, những quan điểm sống trái ngược nhau, giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác. Dù có lúc Vivien muốn hành động giống như bố mẹ mình - sợ hãi, ghê tởm, tránh xa người bác bị người đời xem là hiện thân của quỷ dữ - nhưng cuối cùng cô vẫn không cưỡng lại được sự tò mò muốn tìm hiểu về nhân vật đầy màu sắc cá tính này. Để rồi cuối cùng, chính từ những hiểu biết đó, Vivien dần dần cảm thông với ông bác Sándor của mình, nhận ra ông là một người đáng thương hơn đáng trách vì ông không phải hoàn toàn là một con quái vật vô nhân tính như miệng lưỡi người đời. Thậm chí, cô còn nhận thấy mình phát triển nhiều tính cách giống người bác: thích làm một con tê giác đầm mình trong bùn lầy của những cánh rừng hơn là một con chuột nhắt trốn chui trốn nhủi ở xó nhà; khát khao sống, dám sống và quyết tâm sống trong mọi hoàn cảnh. Vivien dần dần lột xác từ một người tự ti, nhút nhát, suốt ngày chìm trong thế giới sách vở lý thuyết với những tưởng tượng viển vông thành một người chín chắn, trưởng thành và thực tế hơn. Bởi vì, cô nhận chân một điều: những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần là một điều hiển nhiên tất yếu của cuộc sống vốn dĩ đa dạng; ta nên bình thản đón nhận để vượt qua và liên tục tái sinh tâm hồn mình. Dù cuộc đời, theo như cách ví von của Sándor, giống như một chiếc bánh mà luôn có một phần nào đó ngon hơn bị người ta giấu đi, không muốn cho ta tìm thấy và đôi khi ta phải giành giật, chộp lấy ngay khi có cơ hội, thì nó vẫn rất đáng để sống hết mình. Dù con người ta có phải chết vì những gì mắt mình nhìn thấy nhưng ta vẫn cứ dám nhìn thẳng vào nó để thấy bao điều sinh động thay vì nhắm mắt, rúc đầu vào một xó nào đó để rồi lây lất chết mòn trong
nỗi cô đơn, buồn chán, tẻ nhạt của một sự tồn tại vô nghĩa. Với ý nghĩa này, đề tài truyện mang tính phổ quát chung cho toàn nhân loại và có giá trị chân lý bất biến theo thời gian. Cái tài của tác giả Linda Grant ở đây là biết lồng nó khéo léo, nhẹ nhàng qua những đối đáp, tranh luận hay suy nghĩ của các nhân vật về đủ mọi vấn đề - từ chính trị, lịch sử, tôn giáo, đức tin, nạn phân biệt chủng tộc cho đến triết lý sống. Đủ để không biến tiểu thuyết thành quá khô khan với những lời giáo điều lên gân lên cốt mà vẫn đảm bảo chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng. Bố cục truyện khá chặt chẽ với những tình tiết giàu kịch tính, lôi cuốn, hấp dẫn được dẫn dắt theo trục thời gian. Quá khứ, hiện tại đan xen một cách mạch lạc với nhau thông qua kết nối từng mảng đời của các nhân vật - những chân dung được khắc họa một cách sống động, đầy cá tính riêng. Trong đó, quần áo cũng được nhân cách hóa thành một tuyến nhân vật mang đầy tính ẩn dụ. Giống như cuộc đời, con người chúng ta chẳng ai hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Cái thiện, cái ác luôn tồn tại song hành trong mỗi con người như hai mặt không tách rời của một chỉnh thể. Quần áo nói riêng hay vẻ bề ngoài nói chung có thể ví như một lớp giáp bọc bảo vệ con người ta khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài, giúp người ta che giấu được phần nào đó con người thực của mình, những ẩn chứa sâu kín trong lòng mình: bí mật chôn giấu, nỗi đau thầm kín, bấn an, mâu thuẫn nội tâm giằng xé hay toan tính, dục vọng tầm thường, v.v… Như tác giả Linda Grant từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí Anh, quần áo bên ngoài có thể xóa mờ nhân dạng thực của một người. Ta có thể thay đổi nhân dạng của mình để ngụy trang thành những con người
khác nhau nhờ thay đổi lớp vỏ bọc bên ngoài. Nhưng, nếu ta cứ thay đổi liên tục như một con tắc kè hoa, ta sẽ đánh mất luôn bản sắc riêng có của mình. Qua hàng chục năm, nhân vật Vivien vẫn không thể nào định hình được một phong cách riêng cho mình. Nhìn sâu hơn vào vấn đề này, ta có cảm tưởng như tác giả muốn mượn Vivien để nói rộng ra tới xã hội Anh bất ổn trước những biến động xã hội, đặc biệt vào những năm 70 của thế kỷ trước, và chưa hết loay hoay xác định một bộ mặt phát triển mang dấu ấn riêng của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh quần áo xuất hiện trong các trang viết của Linda Grant. Ta có thể bắt gặp nó trong nhiều tiểu thuyết khác của tác giả. Riêng trong tác phẩm này, quần áo còn tượng trưng cho những điều tươi mới, tích cực của một tương lai tốt đẹp hơn. (Truyện mở đầu bằng hình ảnh Vivien ghé vào một cửa hàng thời trang trong bộ dạng già nua, mệt mỏi và kết thúc bằng hình ảnh nhân vật nữ chính bước đi với một chiếc túi xách đựng một chiếc váy mới, tâm trạng bình thản hơn dù vừa trải qua liên tiếp hai biến cố đau buồn trong cuộc đời, tin tưởng vào một khởi đầu mới sáng sủa hơn). Chỉ có điều hơi đáng tiếc là “nhân vật” đặc biệt này được khắc họa chưa được rõ nét lắm.
Nhân vật Vivien trong truyện mang nhiều dáng dấp của chính tác giả, một công dân Anh lớn lên tại thành phố Liverpool, con gái một cặp vợ chồng người Nga - Ba Lan Do Thái di cư sang Anh vào năm 1900. Như Linda Grant chia sẻ, là thế hệ dân nhập cư thứ hai tại Anh, tác giả từng trải nghiệm phức cảm giằng xé giữa một bên là giữ lại những giá trị Do Thái của một người gốc Đông Âu và một bên là thay đổi để hòa nhập
với phong cách, lối sống Anh. Ở chừng mực nào đó, khi đi ra bên ngoài gia đình, Linda Grant cảm giác như mình đang ngụy trang trong một vỏ bọc. Về nhà, bà lại cảm giác như một người xa lạ với thế giới trong gia đình. Tác giả thừa nhận phức cảm này mạnh đến nỗi nó tự nhiên thấm đẫm trong các trang viết của bà, định hình thành một giọng văn tiểu thuyết riêng. Và cũng chính từ lý do này, Linda Grant chọn đề tài viết về những trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng Do Thái sau Thế chiến thứ II; về thân phận của phụ nữ trong những phong trào chính trị lớn hay vào những thời khắc biến đổi lịch sử lớn, về hành trình khẳng định bản ngã, cái tôi nữ tính và khát khao được sống của họ; về những con người bị gạt ra bên lề xã hội.
Đi vào những đề tài này, tiểu thuyết của Linda Grant luôn đọng lại trong bạn đọc nhiều suy ngẫm, nhiều cảm xúc mãnh liệt, dữ dội sau khi khép lại trang cuối cùng. Tiểu thuyết này cũng không phải là một ngoại lệ.
• Ngô Thị Tố Uyên
Vẫn còn đó cho em Giữa màn đêm tĩnh lặng Làn xiêm y cháy sáng Mãnh liệt: một linh hồn. • GEORGE SZIRTES - trích Dressing
1
Sáng nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi mới đi ngang qua cái cửa hàng đó trên phố Seymour. Một tấm biển u sầu treo trước cửa sổ thông báo cửa hàng đang chuẩn bị đóng cửa hẳn. Qua lớp cửa kính, tôi thấy những giá treo đồ bỏ trống đến quá nửa, tưởng chừng như những chiếc váy đầm, áo khoác, áo cánh và áo len đã đào thoát đêm qua, vỗ phần phật những cánh tay trống rỗng và mất tăm xuống phố.
Eunice đang ở đó, đằng sau quầy tính tiền, vuốt vuốt những ngón tay sơn nhũ bạc lên mái tóc nhuộm màu xanh đen. Trông bà ấy mới già nua, lẻ loi và cô độc làm sao! Cằm bà gục xuống ngực trong chốc lát.
Rồi tôi thấy Eunice choàng tỉnh, ngẩng lên, một tay khum khum đỡ lấy cằm. Bà nói to đôi ba từ với chính mình. Cố gắng lên nào!
Một sự thôi thúc, một nỗi nhói đau mãnh liệt của niềm thương cảm, dẫn tôi vượt qua cánh cửa. Tôi bước vào trong. Căn phòng sực nức mùi nước hoa, thứ mùi không thể lẫn vào đâu của Eunice, nước hoa eau de nil & gold của Revlon’s Aquamarine.
– Cô đấy ư, Vivien? Có thực là cô không, sau cả ngần ấy năm trời? - Eunice thốt lên.
– Vâng, là cháu đây.
– Tôi đoán đúng mà. Mà sao trước đây tôi không bao giờ thấy cô nhỉ?
– London rộng lớn lắm, cô Eunice à. - Tôi đáp.
– Ai đó có thể biến mất dễ dàng chứ tôi thì không đâu. Tôi vẫn cứ ở đây suốt. Cô biết tìm tôi ở đâu mà.
– Nhưng cháu không định tìm cô, thưa cô Eunice. Cháu xin lỗi.
Cháu chưa bao giờ đến xem Eunice sống như thế nào sao? - giọng ông bác tôi hét vang trong đầu tôi. Cháu đã bỏ cô ấy trơ trọi một mình như một con chó. Ôi! Eunice của ta! Cháu thậm chí còn không thể tạt vào cửa hàng để mua một đôi găng tay hay sao?
– À, cũng phải thôi. Tôi với cô chẳng có chuyện gì để nói với nhau cả - Eunice nói, ném vào tôi một cái nhìn chòng chọc kiêu kỳ, mũi hếch lên còn vai thì so lại. - Thế gia đình cô thì sao rồi?
Đôi vai của Eunice căng lên dưới lớp áo vest trong lúc bà cúi xuống vuốt vuốt cho phẳng mấy cái ly hộp của chiếc váy. Ba chiếc cúc mạ vàng khắc hình hoa huệ tây sáng lấp lánh ở tay áo vest, phía trên chỗ xương cổ tay của bà lồi lên lấm tấm tàn nhang. Tôi nhận ra chiếc đồng hồ vàng Eunice đang đeo. Bác tôi đã tặng nó cho bà. Đó là chiếc đồng hồ hiệu Omega, nhãn hiệu ưa thích của bác tôi. Nó vẫn chạy đều, tích tắc.
– Bố cháu mất hồi tuần trước - tôi trả lời Eunice. Thật là lạ khi nói về ông như một người đã thuộc về dĩ vãng và phải làm quen với ý nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ được gặp lại người cha khó tính của mình. Bất kể điều gì còn mắc mứu giữa ông và tôi, điều đó sẽ mãi tồn tại như vậy cho đến khi hai bố con gặp lại
nhau ở thế giới khác, đúng vậy, ở thế giới bên kia. – Tôi mới gặp ông ấy có hai lần. Chẳng lần nào dễ chịu cả, cô cũng biết đấy. Nhưng mẹ cô thì lại rất khác với cha cô. Bà vẫn còn sống chứ?
– Không. Mẹ cháu mất cách đây 16 năm rồi.
– Ôi, thật là đáng buồn! Bà ấy quả đúng là một quý bà. Tôi rất lấy làm tiếc là mẹ cô ra đi quá sớm. Thế còn anh ta? Điều gì đã xảy ra với anh ta? Ồ, đừng có nhìn tôi ngây thơ như vậy. Cô biết ý tôi muốn nói đến ai mà.
Phải, tôi nhớ chứ. Nhớ tiếng cười bất thình lình phá lên, để lộ hàm răng nhọn nhỏ và cái miệng gợi tình. Nhớ đôi tay anh ta đang vê vê điếu thuốc lá. Nhớ đôi giày ống vải canvas màu đỏ. Nhớ mái tóc đen dựng đứng của anh ta. Cả chiếc áo phông, chiếc mũ lưỡi trai và cái bể cá của anh ta nữa. Nhưng thứ mà tôi đặc biệt nhớ như in là mùi của anh ta và những thứ ẩn chứa trong cái mùi hương ấy: toàn bộ thứ mùi làm khuấy động rạo rực không yên của anh ta đã ngập tràn trong huyết quản tôi, đột ngột thổi bừng bừng lên trong tôi một nỗi thèm khát dục vọng mãnh liệt đáng xấu hổ.
Đợi cho cơn thèm muốn cháy bỏng nguội bớt, tôi cất lời: “Cháu không biết chuyện gì đã xảy ra với anh ta. Chắc bây giờ anh ta đã gần 40 tuổi rồi”. Một dư vị buồn xuất hiện khi tưởng tượng một chàng trai đầy nhục cảm gợi tình nay đã trở thành một người đàn ông đứng tuổi vì anh ta vốn chẳng có gì ngoài tuổi trẻ và sự sôi nổi xác thịt.
– Cô đúng là người vô tâm, Vivien. Cô vẫn thế, chẳng thay đổi gì.
– Ồ, Eunice! Cô có biết gì về cháu đâu. Gần ba chục năm rồi còn gì. Cô chụp mũ cháu thế nào cũng được, nhưng đừng nói cháu vô tâm. Cháu không phải là người như vậy. Nhất định không phải vậy.
– Thôi được, thôi được. Tôi rút lại câu đó vậy. Thế cô đã sống ở đâu suốt thời gian qua?
– Cháu ra nước ngoài vài năm nhưng giờ thì cháu quay về lại London.
– Sống trong căn hộ ở góc đường đó à?
– Ồ không. Dĩ nhiên là không. Cháu có một chỗ gần Công viên Regent’s.
Eunice nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đầu. Tôi biết bà ấy đang nghĩ gì. Rằng tôi ăn mặc chẳng hề giống như một quý bà của khu Công viên Regent’s. Đâu rồi những chiếc vòng cổ ngọc trai, túi xách hiệu Chanel, hoa tai kim cương và áo khoác lông thú? Eunice biết chính xác những gì giới nhà giàu thường khoác lên người mỗi sáng họ thức dậy. Bà ấy đọc tất cả các tạp chí thời trang. Còn tôi thì sao? Gần như là rách rưới. Tồi tàn trong bộ đồ jeans đó!
Và rồi Eunice, người đã dành gần trọn cuộc đời cho công việc bán lẻ, không phải không biết cách làm sao để nắm bắt một cơ hội. Một người phụ nữ giàu có ăn mặc sơ sài cần phải có một nữ bán hàng thông minh. “Chà chà,” - bà nói - “cô có muốn mua một bộ không? Tôi có vài thứ hợp với cô đây. Chỗ tôi đang còn rất ít hàng vì chuẩn bị đóng cửa hẳn mà. Nhưng không sao, tôi sẽ chọn cho cô một món hời.”
Tôi mỉm cười. Tôi, một người như tất cả mọi người, đang
được chào mời mua một chiếc đầm. Đã từ lâu, tôi chẳng buồn liếc xem mình trông ra sao mỗi khi lướt qua các cửa sổ của các cửa hàng chứ đừng nói đến chuyện soi mình trong chiếc gương lớn trong phòng thử đồ với những bóng điện sáng choang ở phía trên đầu. Mà nếu tôi có quan tâm đi nữa thì hẳn là tôi sẽ không nhận ra những gì mình thấy trong gương. Người đàn bà sầu thảm với những vết chân chim quanh mắt, với quần jeans, giày ống và áo khoác da, với đôi tay nứt nẻ, thô ráp và chiếc cổ tàn tạ đang leo lên từng bậc thang ở ga tàu điện ngầm kia là ai? Người đàn bà đứng tuổi với mái tóc nhuộm không được dặm màu ở chân tóc mà ta thấy đang tần ngần trước những tín hiệu đèn giao thông khi cố băng qua giao lộ Regent-Oxford đông đúc đó là ai?
Thỉnh thoảng, độ vài tháng hay có lẽ là lâu hơn, tôi cho phép mình được sống tự do thoải mái, đơn giản chỉ là trôi xa khỏi ý nghĩ thậm chí trông mình như thế nào, giải phóng bản thân khỏi một cái “tôi” đã từng chăm chú săm soi ngắm nghía mình trong gương, quên đi bàn tay từng tự tin cầm cây cọ chuốt mi, quên đi một con người từng quan tâm đến việc mình xuất hiện như thế nào trước mọi người.
Cũng có vài tình huống tôi tỏ ra thư thái nhẹ nhàng nhưng đó không phải là con người thật của tôi. Một năm trước đây, chính xác là 13 tháng rưỡi, chồng tôi mất và sau đó là bố tôi. Quá nhiều sự chết chóc len vào từng chân tóc, luồn vào từng hốc từng kẽ trong cánh mũi, bám vào từng lớp quần áo. Một vị mặn đắng đọng lại nơi cuối họng. Bố tôi là một ông già đã rụng sạch răng, hay vận áo chùng và chiếc quần nhem nhuốc vết dơ. Còn chồng tôi là một người đàn ông có cánh tay cuồn cuộn cơ bắp,
mái tóc vàng hoe đỏ và cái cổ to khiến anh khó khăn lắm mới tìm ra được áo có cổ vừa vặn cho mình. Anh mạnh mẽ, tràn trề sức sống và có khiếu hài hước, luôn sẵn sàng tham gia vào mọi việc mà không cần biết mình có làm được hay không để rồi sau đó tếu táo tự giễu về những thất bại của chính mình. Chỉ có Vic mới có thể xem mọi chuyện nhẹ nhàng đến vậy.
Vậy là điều này đã hai lần xảy ra với tôi. Đến nửa đời người, mọi thứ lại quay trở về vạch xuất phát ban đầu. Cái chân trời xám xịt không thể phân biệt đâu là nơi bắt đầu đâu là nơi kết thúc lại xuất hiện.
Và hôm nay, một ngày như mọi ngày, trên đường đến căn hộ của bố tôi để chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên dọn nhà đến, một người phụ nữ mà tôi đã không để mắt tới suốt gần 30 năm đang nhìn tôi từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu và hồi tưởng về hình ảnh của tôi thuở còn là một thiếu nữ tuổi đôi mươi vô tâm vô tư như lời bà buộc tội. Còn nữa, tôi của khi ấy là một cô gái tò mò, đầy khát khao, hoài bão, đầy đam mê, hi vọng, đầy giận dữ, phẫn nộ, đầy xét đoán, chỉ trích và rất làm cao, đầy ý thức về tội lỗi và dĩ nhiên, đầy cả mối quan tâm về việc không nên mặc thứ gì. Thế nhưng, giờ này, tôi đang đứng đây với mái tóc bạc ở chân, trong chiếc quần jeans sờn cũ và quấn chiếc khăn tơ tằm xanh lá quanh chiếc cổ đã nhão. Vì đâu còn ai nhìn tôi giống cái cách mà Vic đã ngắm tôi. Và, dù đang đứng trên đôi chân cứng cáp, dù nhận thấy được sự hiện diện của khối mỡ quanh eo, tôi vẫn cảm thấy mình giống như một bóng ma, nửa hư nửa thực.
Nhưng Eunice nổi tiếng là người luôn luôn muốn một phụ nữ phải xuất hiện trong bộ dạng đẹp nhất, rạng ngời nhất bất chấp người đó có những khiếm khuyết gì do tạo hóa hay do tự bản
thân người đó tạo ra. “Tôi không nghĩ cô vẫn là một cô gái mảnh mai như hồi lần cuối tôi gặp cô nhưng cô chỉ hơi đẫy ra một chút thôi.” - Eunice nhận xét - “Nhìn này, cái này hợp với cô đấy. Tôi sẽ để cho cô với giá phải chăng.”
Chiếc đầm mà bà ấy đưa cho tôi có màu đỏ, màu của rượu vang sẫm màu đựng trong chai thủy tinh khi phơi ra ánh sáng. Tôi ngập ngừng cầm lấy nó, xoa xoa lớp vải giữa hai ngón tay đoạn ướm thử lên người mình. Tôi thực sự không muốn mua nó. Tôi không thể hình dung làm sao nó hợp được với mình.
– Khi treo trên móc thì nó trông nó cũng thường thôi, - Eunice nói - nhưng cứ mặc vào đi, rồi cô sẽ thấy. Đó đúng là màu của cô, rất hợp với màu tóc đen của cô. Nếu siết chặt nó quanh eo thì nó sẽ nâng mông lên. Chiếc đầm này là đầm ôm. Cô chưa bao giờ thấy cái nào như một trong mấy cái này phải không? Kiểu này bây giờ đang là mốt đấy. Làm bằng lụa jecxi nên nó sẽ tôn mông lên tuyệt vời. Rồi cô sẽ thấy. Nào, mặc thử đi!
Tôi thường mặc đồ vội vàng vào buổi sáng và hiếm khi buồn trang điểm ngoại trừ bôi ít sáp để môi khỏi nứt nẻ. Hai đứa con gái của tôi tặng cho tôi kem dưỡng da mà chúng đã đọc thấy trên các tạp chí và dành dụm để mua cho tôi một suất thư giãn cuối tuần tại một spa, mà lâu nay tôi chưa bao giờ bỏ thời gian để đặt chỗ. Chúng hóa ra là những đứa con gái đáng yêu. Chúng tự tin hơn, thẳng thắn hơn và đằm thắm hơn tôi hồi ở tuổi như chúng. Đó là bởi vì chúng có một người cha tốt để cảm thấy mình thật may mắn và bởi chúng là sản phẩm của một cuộc hôn nhân thành công (dù hầu như không hoàn hảo). Nước da sáng của Vic đã truyền lại cho cả hai đứa. Cả mái tóc hung hung
đỏ, cái cằm hồng hào và nụ cười có lúm đồng tiền cũng vậy. – Cô sắp đóng cửa hàng này à? - Tôi hỏi Eunice, mắt nhìn quanh cố hình dung lại hình ảnh của nó thời hoàng kim, khi tôi đến đây lần cuối vào thập niên 70. Nó có vẻ như chẳng khác xưa là mấy. Có lẽ chỉ màu tường và thảm là thay đổi. Nhưng, hãy thẳng thắn nhìn nhận mà xem, ngay cả tôi đây cũng còn thay đổi nhiều hơn nó nữa là.
– Phải, sắp đóng. Sau ngần ấy năm, bà Post - chủ cửa hàng - đã chết rồi. Cô con gái Corolyn tiếp quản nhưng cô ta không phải là dân kinh doanh. Cô ta chẳng biết phải làm thế nào để quản lý. Rồi thì mấy quí bà thường vào đây để mua sắm, khách hàng thân thiết của tôi ấy - nào là bà Cohen, bà Frame và cả bà Parker đi phẫu thuật thẩm mỹ độn bộ ngực giả - tôi nhớ hết tất cả các bà ấy, nhưng, họ không đến đây nữa. Các bà ấy giờ chỉ quanh quẩn trong căn hộ của mình. Thôi thì cũng chẳng trách được. Cứ nhìn tôi đây này. Ở cái tuổi này rồi mà tôi vẫn phải tự lo lấy cho mình. Thôi, cô đi thử chiếc áo đầm đó xem. Thử ngay đi.
– Nhưng cháu không muốn mua một chiếc đầm mới. Cháu đã có đầy đủ quần áo mình cần rồi.
– Cô thật ngốc nghếch làm sao! - Eunice nhìn tôi với đôi mắt sẫm đầy vẻ dò hỏi. - Thế bây giờ cô bao nhiêu tuổi rồi? - bà vặn hỏi. Tôi nói cho Eunice số tuổi của mình. “Trông cô không hẳn là một người già xấu như vậy đâu” - Eunice nhận xét - “Tiếc là cô đã để cho làn da đó có nếp nhăn dù kem tốt không phải là không tốt.”
– Vâng. Còn cô thì trông thật tuyệt, cô Eunice! - Tôi thốt lên
với vẻ ngưỡng mộ dành cho ý chí sắt đá của bà ấy. Eunice không bao giờ đầu hàng trước những gì mà bà có thể chinh phục được bằng ý chí của riêng mình. Vũ khí của bà là cây chì kẻ mắt, cây son môi và đôi tất chân không hề có một đường chỉ sút. Nhưng ngược lại, con trai của Eunice chẳng ra sao và bà sống chẳng vì cái gì cả. Cuộc đời bà, xét theo hướng ấy, thật khác với tôi.
– Là tôi cố gắng giữ gìn đấy, Vivien! - Eunice đáp - Tôi dám chắc là cả đời, tôi chưa bao giờ để móng tay mình bị gãy hay để giày mình phải đóng đế. Nhiều hôm về nhà lúc đêm, tôi không ăn tối để giặt khô sạch sẽ bộ đồ vest bán hàng của mình. Mà cô có định thử chiếc đầm đó không đấy?
– Cháu béo quá. Cô nhìn xem này, cháu béo cứ như cái thùng phuy ấy!
Thật ra là tôi đã cường điệu. Dù tôi có lên độ chục cân so với lần cuối cùng Eunice trông thấy tôi nhưng ngược lại, tôi lấy làm ngạc nhiên thấy dạo này mình mảnh mai hẳn. Tôi lướt hai bàn tay qua phần áo lót của những chiếc đầm mà mình đã từng mặc. Tôi chẳng có bộ ngực đáng để tự hào. Chuyện sinh con đẻ cái làm phụ nữ tròn hẳn ra. Nhưng tôi không tăng cân đến độ trông ra thành lôi thôi vì tôi vẫn tự đối xử tệ bạc với chính tôi, tự bỏ bê bản thân mình.
– Đừng có vớ vẩn như thế! Đã là phụ nữ thì không có ai béo mà không mặc được đầm đẹp. Chiếc đầm này sẽ làm cho cô trông gầy đi vài cân đấy. Rồi cô xem.
Và Eunice, người đàn bà lớn tuổi đang đối mặt với sự trống vắng vì phải về hưu bắt buộc, đứng đó với chiếc đầm trên tay. Bà cầm chiếc đầm và thúc giục tôi thử nó. Eunice đang gợi cho tôi
nhớ đến những gì mà tôi đã từng cảm nhận sâu sắc, tường tận nhưng rồi lại lãng quên: chính là sự phấn khích dâng tràn đó, cảm giác ngất ngây đó, niềm vui sâu kín đó. - Bởi một chiếc đầm mới làm thay đổi tất cả mọi thứ.
– Vào trong đó thử đồ đi! Thử chiếc đầm đáng yêu đó xem nào!
Một mình trong căn phòng nhỏ với chiếc ghế bọc nhung, với những cái móc để tôi treo quần áo của mình lên, với chiếc gương phẳng lì và với những bóng đèn rất tôn da, tôi kéo khóa quần jeans và tụt nó qua đôi chân phủ những sợi lông đen mượt mà hàng tháng trời tôi quên không cạo hay wax. Tôi thậm chí không thể nào nhớ lại được lần cuối cùng mình mua một món gì đó mơi mới là vào khi nào. Nhưng, hình ảnh chiếc đầm đỏ cũng đủ làm tôi bối rối, rụt rè. Tôi phải mặc nó như thế nào đây?
Tôi gọi to cho Eunice.
– Thấy chưa? - Bà hỏi.
Ta xỏ tay qua tay áo và luồn thắt lưng qua chiếc lỗ ở bên hông, những ngón tay lóng ngóng vụng về chồng đầu thắt lưng này lên đầu thắt lưng kia vòng quanh eo và siết chặt lại bằng một cái khóa. Trong khi tôi cố làm xong động tác rắc rối đó thì chiếc đầm đã tìm được cuộc sống riêng của mình, gánh trách nhiệm chăm nom cho cơ thể tôi, xếp đặt nó lại sao cho đạt được một hình dáng hoàn toàn khác. Ngực vun lên, eo thắt lại. Tôi trông như gọn đi ít nhất 3-4 cân.
Chiếc đầm tạo cảm giác hết sức mềm mượt, cứ như thể nó sẽ bám chặt lấy tôi mãi mãi. Và trong gương, hiện lên hình bóng
gây giật mình sửng sốt của một người mà ban đầu tôi gần như không nhận ra hay không nhớ ra, con người mà tôi đã để đi mất. Cô gái mảnh mai, sôi nổi đó, tôi của ngày xưa đó, đã hiện ra lấp lánh, óng ánh như bạc trong gương, mỉm cười với người đàn bà 53 tuổi có mái tóc bạc ở phần chân tóc. Vivien Kovaks!
Chiếc đầm đỏ rực rỡ giống như màu hồng ngọc sáng lên trên nền da của tôi. Tôi nhón chân giống như đang đi giày cao gót. Tôi đưa chân phải ra trước và đặt đôi tay mình lên chỗ mà lần cuối cùng tôi còn nhớ đã nhìn thấy xương hông. Chẳng có khăn choàng cổ tơ tằm để che chắn ngụy trang, chiếc cổ đầy nếp nhăn của tôi bị phơi ra, nhưng làn da trên xương ức không hề có dấu vết của những đường chùng nhão. Ôi! Cơ thể ta đang chơi những trò mới ma mãnh làm sao! Trò đùa tinh nghịch mà nó đang chơi với ta làm ta phải phì cười. Ồ, không, không hẳn là như vậy.
– Cô thấy thế nào? - tôi hỏi Eunice.
Bà nhìn tôi từ đầu đến chân với ánh mắt chăm chú đánh giá của một người bán hàng. Đoạn, Eunice nhào tới, đôi tay thoăn thoắt sửa lại đường viền cổ áo. “Thấy chưa? Giờ thì mông cô đã được tôn cao lên rồi đó. Cô cần phải có một cái áo ngực tốt nữa. À, tiện thể tôi cho cô biết là cửa hàng Selfridge đang bày một bộ sưu tập hay lắm. Nhưng phải nhớ thử trước khi mua bất cứ món gì đó nhé! Cô đang mặc sai cỡ đấy.”
Chiếc đầm tan ra, quyện vào da thịt tôi. Ai mà biết được đâu là da của tôi, đâu là lụa jecxi nữa? Tôi đang mê mẩn một mảnh vải một cách hết sức buồn cười.
– Cháu sẽ lấy chiếc đầm này.
– Không cần phải mua nó để làm phước cho tôi đâu. Tôi được bà Post trả lương hưu khá lắm. Tôi không muốn bất cứ thứ gì nữa.
Tôi để ý thấy có một vết màu be ở đường viền cổ áo. Một khách hàng nào đó đã dây đồ trang điểm lên áo nhưng Eunice đã không nhìn thấy, vết bẩn này sẽ sạch bay sau khi giặt khô. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy một nỗi buồn tê tái dâng lên. Cả một đời tự mình để mắt kiểm tra quần áo rất chặt chẽ, Eunice giờ đây đã chẳng còn tinh anh nữa. Con ngươi trong mắt bà đã phủ một lớp màng mờ đục màu sữa. Tôi lặng thinh không nói gì về vết bẩn nhưng Eunice dường như đã cảm nhận thấy chút phiền lòng trong tôi - một sự phê bình, có lẽ về bà. Cán cân cân bằng một lần nữa lại tự điều chỉnh và lần này không nghiêng về tôi.
– Thế hôm nay sao cô lại đến đây? - Eunice hỏi bằng giọng già nua sắc lạnh mà tôi còn nhớ, như thể đang bị vô số những tinh thể đá hình kim đâm bể nát. - Cô thấy cửa hàng đang đóng cửa nên nghĩ rằng cô có thể kiếm chác được một món hời lần cuối chứ gì?
– Cháu chỉ đi ngang qua thôi - tôi trả lời - Đơn giản chỉ là vậy. Chỉ đi ngang qua đây thôi.
– Nhưng trước giờ cô có đi ngang qua đây đâu?
– Cháu nói thật lòng nhé, cô Eunice - tôi giải thích - cháu luôn đi đường khác hay băng sang phía bên kia đường. Tôi không muốn trông thấy cô.
– Đến mức thế đấy! Cô thậm chí còn không thể nhìn vào mắt tôi nữa đấy.
– Ôi chao! Thôi nào! Cô nói cháu đã sai. Nhưng cháu không… – Cô! Cô đúng là đứa con gái dối trá, hiểm độc. Cô đã làm tan nát trái tim ông ấy, sau tất cả những gì mà ông ấy đã trải qua. – Đúng là bác cháu đã có một cuộc sống khắc nghiệt nhưng không…
– Không cái gì? Không cho ông ấy được quyền sống thoải mái lúc bóng xế tuổi già mà ông ấy không bao giờ có được bởi vì, nhân đây tôi nói luôn, là do cô chĩa mũi vào, phải vậy không?
Bà ném phịch chiếc đầm xuống quầy tính tiền rồi tống thẳng vào một cái túi mà chẳng buồn gấp nó lại, cũng chẳng lấy giấy lụa bọc vào.
– 120 bảng. Tiền mặt hay thẻ?
Tôi rút thẻ tín dụng của mình ra.
– Ái chà! Thẻ bạch kim à. Cô đã lo cho mình tốt đấy. Tiền luôn đi với tiền, tôi biết mà. Một anh chồng giàu, phải không? Tới đây, hai chúng tôi - tôi và Eunice - lại trở về nơi mình bắt đầu. Sẽ không nhắc đến tạm tha, không nhắc đến tù treo nữa. Tôi vẫn là đứa cháu gái tọc mạch của ông bác tôi, người tình đau khổ của Eunice, và vẫn là đứa con gái đã tình cờ gây ra những tất cả những bất hạnh, buồn phiền mà Eunice đã đổ lỗi là nguyên nhân khiến ông chết sớm. Bởi vì bác tôi là tình yêu một đời của bà Eunice. Họ là một cặp đôi “cọc cạch”: cô quản lý da đen của một cửa hàng quần áo trên phố Marble Arch và người đàn ông đến từ Budapest, chủ khu trọ ổ chuột dành cho dân tị nạn.
Eunice chỉ một ngón tay nổi những đường sạm màu vào tôi,
những móng tay sơn bạc bong tróc, các đầu ngón tay hơi run run. Bà bắt đầu nói và rồi vô cớ, mắt bà mọng lên. Eunice bắt đầu khóc. Tôi chưa từng thấy điều này bao giờ, ngay cả trong đám tang của bác tôi. Khuôn mặt của Eunice khi đó giấu sau một chiếc mũ có mạng đen nhỏ điểm lốm đốm những bông hồng đen. Nhưng giờ đây, tất cả quá khứ đang ùa về, xâm chiếm toàn bộ con người bà. Tình yêu mà Eunice dành cho bác tôi, người đã nằm yên dưới một nấm mồ, trở nên tan chảy trong lồng ngực bà.
– Cô không biết cảm giác mà một người đàn ông nhìn ngắm tôi theo cách riêng của ông ấy là như thế nào sau… cái điều kia. - Eunice nói.
– Điều kia là điều gì? - tôi hỏi lại. Nhưng, những giọt nước mắt của Eunice chưa kịp trào ra đã dừng lại. Nét mặt bà ấy liền phủ một lớp mặt nạ nâu nhẵn với một nỗi buồn xưa cũ khắc sâu trên đấy, giống như những vết bẩn mà ta không sao gỡ bỏ được.
– Tôi sẽ bọc cái áo đầm tử tế cho cô, - bà nói - tôi xin lỗi vì nổi cáu với cô, Vivien.
– Không sao ạ, - tôi đáp - cháu hiểu mà.
Bác tôi đã mất gần 30 năm nay rồi mà Eunice vẫn còn đau khổ trong chừng ấy thời gian. Có phải đây cũng là điều mà tôi sẽ phải đối mặt: 30 năm đau khổ khôn nguôi đang ở phía trước?
Ngập ngừng, tôi vươn ra chạm vào cánh tay của Eunice. Xương của bà thật yếu ớt dưới lớp áo vest và tôi sợ rằng nếu tôi ôm bà thì chúng sẽ gãy ra mất. Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ chạm vào nhau, ngoại trừ cái bắt tay đầu tiên trên phố bên ngoài nhà của bác tôi, bàn tay đeo găng màu xanh da trời của
Eunice khi đó nằm trong tay tôi.
Eunice để im cho tôi đặt tay lên áo vest của mình. Lớp vải lụa nơi tay áo cam chịu một cách yếu ớt. Rồi bà ngẩng mặt lên nhìn tôi, vẻ đầy sinh động và rạng rỡ.
– Tôi có quá nhiều tình cảm dành cho người đàn ông đó. Ngày nào tôi cũng nghĩ về ông ấy. Cô đã bao giờ viếng mộ ông ấy chưa? Tôi thì có đấy. Mỗi năm một lần. Tôi đặt mấy viên đá để dằn ông ấy xuống, không cho ông ấy ngồi dậy và đi lang thang đau khổ trên cõi đời này nữa. Trong căn hộ của tôi, tôi luôn cắm một bình đầy hoa tươi và đặt một tấm danh thiếp trên bệ lò sưởi để nhớ về ông ấy. Cô thấy không này, tôi vẫn giữ chiếc đồng hồ mà ông ấy tặng tôi, chiếc đồng hồ mặt trái tim bằng vàng, dây đính hạt kim cương nhỏ. Tôi chỉ tháo chuỗi đồng hồ đeo cổ đó ra khi cần lau rửa. Cả chiếc bật lửa của ông ấy, tôi cũng vẫn giữ nó dù tôi không còn hút thuốc nữa. Nếu bán mấy thứ này đi, tôi có thể kiếm được khoản tiền kha khá, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm vậy. Chúng là tất cả những gì mà tôi có được từ ông ấy, từ người đàn ông tuyệt vời ấy.
* * *
Tôi thả bộ ngược lên phố Marylebone High. Quai của chiếc túi đựng đồ đung đưa. Chiếc túi đựng cái áo đầm lụa jecxi màu đỏ hồng ngọc của tôi.
Sáng nay, tôi buộc phải đi theo đường khác vì cảnh sát đã lập một hàng rào phong tỏa do lo ngại xảy ra một vụ khủng bố. Một người đàn ông đang đứng trên một ban công với chiếc khăn tắm
quấn quanh thắt lưng. Cảnh sát đeo mặt nạ đang chĩa súng vào ông ta. Người ta cho rằng có một cơ sở chế tạo bom trong căn hộ phía sau người đàn ông đó. Năm ngoái, có nhiều vụ nổ, ở những hành lang sâu xuống các ga điện ngầm giống như lời của Claude đã tiên đoán cách đây gần 30 năm. Mùi thịt bị cháy khét lẹt và sau đó là những thi thể bị rữa ra ở tuyến đường tàu điện ngầm Piccadily nằm sâu dưới đất.
Sự bắt buộc phải thay đổi đường đi vì vụ tình nghi khủng bố đã dẫn dắt tôi gặp lại Eunice và chiếc đầm đỏ này. Tôi rẽ sang góc phố quen thuộc, góc phố của tôi. Tôi đã lớn lên ở đây và những con đường này là của tôi. Tôi là người London. Tôi chấp nhận thành phố này với tất cả những hỗn loạn không thể kiểm soát và tất cả những hình ảnh kém cỏi dơ bẩn của nó. Nó để cho ta được ở yên một mình làm những gì mình thích. Liệu có nơi nào khác mà ta có thể dám chắc một điều như vậy hay không?
* * *
Và đây là tòa nhà Benson Court, nơi tôi sinh ra. Những cư dân hay ầm ĩ, om sòm sống trong các căn hộ bên trong chưa bao giờ thống nhất được với nhau về một chương trình hiện đại hóa hay tân trang lại tòa nhà. Vẫn những chiếc đèn bằng đồng bụi bặm treo lủng lẳng trên trần nhà, vẫn những bức tranh chép của Canaletto[1] đóng trong những cái khung mạ vàng xỉn màu treo trên tường. Cả chiếc thang máy với cánh cửa kim loại kêu lạch cạnh mỗi khi đóng vào mở ra, những sợi cáp rệu rã rền rĩ, cái
buồng ván gỗ với chiếc ghế bọc da ngả được ra sau cũng vẫn còn y nguyên như thế. Năm ngoái có một người thuê nhà đã chết ở đó. Bố tôi nhấn nút thang máy để đi xuống và cái xác chạy lên, ngồi đó trong bộ dạng thẳng lưng ngay ngắn, bên cạnh những món hàng vừa mua. Đó là một nữ diễn viên ballet đã về hưu. Bà ấy chết, đầu ngoẹo sang một bên. Bà cô già ấy quả là luôn luôn biết cách tạo dáng.
Tôi bước vào. Không gian lặng phắc như tờ. Rồi bụi. Đủ thứ mùi khác nhau. Ký ức ùa về. Tôi bước vào nhà bếp, căn phòng tồi tàn nhất, để pha một tách trà. Các thứ để trong tủ lạnh vốn không thuộc về nơi đó. Từ sách và bút mà cha tôi đã từng dùng để viết những lá thư kỳ quặc cho các tờ báo cho đến những mẩu quảng cáo cắt ra từ những quyển tạp chí bỏ đi bị vứt chỏng chơ bên mấy cái thùng - những mẩu quảng cáo có hình một bàn tay đang khoe một chiếc đồng hồ kim cương.
Tôi ngồi xuống bàn và uống trà. Cái bếp lò mà mẹ tôi đã đun không biết bao nhiêu hộp súp cứ nằm trơ ra như thể nó không hề biết rằng chỉ vài ngày nữa thôi, khi những người dọn nhà kéo đến, nó sẽ bị đập vụn vỡ thành đồ phế liệu. Giờ đây chẳng còn ai thèm dùng đến cái thứ bám đầy muội đen đúa và nhớp nháp dầu mỡ với những ống ga kêu xì xì đó nữa. Đến cả viện bảo tàng cũng chẳng màng. Chồng tôi, Vic, đã từng có lần thử làm món trứng ốp la trên cái bếp đó và khẳng định có thứ gì đó ở bộ chia lửa của nó bị hỏng nặng. Anh bảo nó cháy chập chờn như nến sắp tàn ấy. Tôi thèm đến chết một bữa trứng ốp la của anh, món trứng có rắc hẹ hay điểm những cục giăm bông màu hồng béo ngậy. Một ngày kia, tôi sẽ thử lại món ấy nhưng ở một nơi khác, phải, một nơi khác.
Đến thứ sáu, tất cả mọi thứ rồi sẽ biến mất. Tất cả mọi vết dấu của bố mẹ tôi cùng với quãng thời gian gần 60 năm sống trong 4 căn phòng này của họ sẽ biến mất dưới những lớp sơn mới. Vải sơn lót sàn cũ sẽ bị xé bỏ. Cả căn nhà được phun thuốc tẩy trùng. Căn hộ này gắn với cuộc đời chúng tôi. Tôi đã rời nơi đây từ rất lâu rồi. Mẹ tôi cũng đã ra đi được 16 năm. Bố tôi trút hơi thở cuối cùng khò khè nặng nhọc trên chiếc ghế bành trước ti vi, trên tay vẫn cầm một tờ Radio Times khi tôi phát hiện ra ông vào ngày hôm sau. Ôi, 60 năm thuê nhà đằng đẵng. Thật là kỳ lạ khi con người ta có thể ổn định một nơi lâu dài đến vậy mà chẳng có điều gì, kể cả một quả bom, có thể khiến họ dời đi. (Bom đã rơi nhưng không phải ngay căn hộ này mà ở căn bên cạnh trong một cuộc oanh tạc dữ dội. Bố mẹ tôi ở dưới lòng đất, trong hầm tránh bom ngoài vườn và trở lên thang máy ngay sáng hôm sau để vào bếp đúng giờ cho bữa ăn sáng). Đến cuối tuần, sẽ chẳng còn lại thứ gì. Và, chỉ trong một tháng nữa thôi, nơi đây sẽ toàn người lạ. Rồi, suốt quãng đời còn lại của mình, tôi sẽ đi ngang qua Benson Court mà không có chìa khóa để mở cánh cửa trước, không được phép đi lên thang máy nữa. Hẳn nhiên là người ta sẽ quẳng đi tấm thảm chùi chân bằng vải đay cũ và thay vào đó một cái mới.
Tiếng gió thở than ngoài cửa sổ. Phía đối diện, một tấm mành rủ xuống trông buồn u uẩn. Thang máy vẫn đứng lặng yên, không lên không xuống khỏi tầng nhà đó. Cả tòa nhà lớn lặng phắc như tờ và chỉ có mỗi mình tôi ở đó, chẳng có ai đi cùng ngoại trừ chiếc đầm mới. Tôi nghĩ thầm: “Mình phải mặc thêm đồ thôi. Mình lạnh lắm.”
2
Một tiếng chuông vang lên ngoài hành lang. Giọng bác tôi vang vọng khắp căn hộ. Tôi nghe thấy tiếng ông một cách đột ngột, giống như một ảo giác.
Bác tôi, tình yêu một đời của Eunice - người phụ nữ quản lý cửa hàng quần áo trên phố Marble Arch. Bác tôi, người có thể đã bị giết bằng nhiều cách khác nhau, người đã chết nhưng không chịu yên nghỉ, giờ đây đang cất lên tiếng nói, đang gào thét.
Tôi vẫn không quên mùa hè tôi ở cùng với ông, khi tôi học được sự thật duy nhất có nghĩa: khổ hạnh không hề cao quý và kẻ sống sót tồn tại được nhờ vào sức mạnh, thủ đoạn hay sự may mắn của mình chứ không phải nhờ tính thiện, càng không phải nhờ sự ngây thơ trong sạch.
Và rồi tôi bật cười, vì ông đang ở đó. Gần 30 năm, bác tôi đã giấu mình trong một hộp bìa các tông. Tôi đã tự tay mang nó về căn hộ vài tháng sau khi ông chết và đặt nó vào tủ quần áo của mẹ tôi, đẩy tít sâu vào bên trong.
Tôi vào phòng ngủ và lật mớ quần áo của mẹ để tìm nó, lật qua chiếc áo chẽn bằng vải nỉ màu nâu của bà, qua cây gậy gỗ của bà mà bố tôi đã không chịu vứt đi. Từ ngày mẹ tôi mất tới giờ, hôm nay tôi mới lại thấy cây gậy này. Tôi với tay lấy nó, ban đầu còn ngập ngừng, rồi nhẹ nhàng vuốt tay lên từng thớ gỗ.
Tôi cảm nhận được những hao mòn của cây gậy gỗ mà đôi tay mẹ đã bám chặt trong một quãng thời gian dài: một đường cong dễ chịu ở chuôi cầm - nơi mẹ tôi đã tì một phần cơ thể mình lên đó.
Ông bác tôi đây rồi. Ông ấy đã tới yên nghỉ trong tủ quần áo của cô em dâu, bên cạnh cây gậy, vật đầu tiên làm ông chú ý đến bà và dẫn đến kết quả là bà lấy bố tôi. Sau đó, bố mẹ tôi rời Budapest đến London rồi sinh ra tôi. Tiếp theo, các con gái tôi chào đời. Đủ mọi chuyện đã kéo theo sau đó.
Nói đúng nghĩa đen thì bác tôi không ở trong tủ quần áo. Ông ấy vẫn nằm dưới tấm bia cẩm thạch ngoài nghĩa trang, nhưng, giọng nói của ông vẫn còn sống, bên trong một loạt băng ghi âm và những trang giấy tôi đã cần mẫn gõ lại từng lời, và dĩ nhiên có cả bút tích của riêng ông, những phần mà ông đã cố tự mình viết ra.
Này đây những cuộn băng ghi âm. Này đây cây gậy. Những món đồ vật này, đống đồ bỏ tầm thường thuộc về những người đã mất, vẫn tiếp tục sống sau khi họ ra đi. Và cả cô gái mà tôi đã cho vào lãng quên cũng vẫn còn ở đâu đó quanh đây, chỉ chờ tôi khoác lên mình một chiếc đầm lụa jecxi đỏ là cô ấy xuất hiện ngay tức khắc. Tôi đang chờ đợi cô gái ấy. Cô ấy đang ở đâu đó trong căn hộ này và không phải là một bóng ma vì tôi vẫn còn sống đây, hiện diện bằng xương bằng thịt ngay giữa thế giới này. Cuộc sống của tôi không nhẹ nhàng hay lặng lẽ. Xét cho cùng, tôi vẫn là máu mủ với bác mình. Chẳng có điều gì ông làm mà không để lại một dấu ấn.
* * *
Đây là nơi tôi sinh ra, chính tại tòa nhà lớn nằm trên Đại lộ Marylebone này. Mẹ tôi đã trở dạ trong thang máy trong khi bố tôi đang đi làm. Bà ở đó, hết quằn quại, la hét lại lăn lên lộn xuống. Các cánh cửa sắt mở ra như một cây đàn phong cầm và một bác sĩ phẫu thuật làm ở bệnh viện Middlesex đã trông thấy bà nằm giữa một vũng nước ối. Ông bác sĩ vội đưa mẹ tôi vào căn hộ của mình và đỡ tôi ra đời ngay trên trường kỷ. Tôi chào đời, mắt nhìn chằm chằm vào cây đèn trang trí bằng nhựa Bakelite thời tiền chiến và một bức tranh sơn dầu treo trên lò sưởi vẽ một bầy gia súc của vùng cao nguyên Scotland. Đó là một ngày giữa mùa hạ, ngày 19 tháng 7 năm 1953 và tôi được đặt tên là Vivien, theo tên vợ ông bác sĩ.
Vào 2g30 chiều, vị bác sĩ gọi đến chỗ làm cho bố tôi để báo tin nhưng mãi đến 5 giờ bố tôi mới về, đúng như lệ thường, mặc cho ông chủ của bố tôi là Axelrod đã cho phép ông về nhà ngay. Tôi có thể hiểu được thái độ bướng bỉnh nhất quyết không phá bỏ thói quen của ông. Bố tôi khiếp hãi sự thay đổi, xáo trộn. Với sự không chắc chắn thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Thế nhưng, chưa gì mà bố tôi đã khổ sở chịu đựng mối lo âu rồi. Ông sợ rằng bất cứ một chút xáo trộn trong hoàn cảnh của mình cũng có thể làm cho mọi thứ sa sút. Nào là căn hộ, nào là người vợ, nào là công việc, nào là cô con gái mới sinh rồi chính cái thành phố London và cả nước Anh nữa. Và ông có thể trôi xuống dưới trong bản đồ thế giới, quay trở lại Hungary, những ngón tay bấu chặt một cách vô vọng và buồn cười lên bề mặt
trơn láng, xoay vòng vòng của quả địa cầu.
Được xây khoảng đầu thế kỷ 20, Benson Court là một tòa nhà làm bằng gạch đỏ cầu kỳ. Phía sau nó là một khu vườn mọc đầy những bụi cỏ hiếm khi được cắt xén cùng đôi ba luống hoa mà nếu đứng từ căn hộ của chúng tôi thì không thể trông thấy được. Từ bếp nhà mình, chúng tôi có thể nhìn thấy một bên của tòa nhà lân cận. Những phòng khác thì nhìn ra ngoài phố, một ngõ tắt yên tĩnh dành cho khách bộ hành có biển báo đường một chiều ở cuối đường ngăn hầu hết các phương tiện giao thông qua lại nơi đây. Người ta không thể lái xe từ cửa trước nhà chúng tôi đến bất cứ nơi nào cần thiết như đại lộ Marylebone hay đường Euston. Mà thế thì đã sao? Cả bố lẫn mẹ tôi đều không biết lái xe chứ đừng nói đến chuyện có xe riêng.
Tôi là con của một cặp bố mẹ già, một đôi vợ chồng người châu Âu gàn dở, kỳ quặc với những suy nghĩ khác thường chẳng giống ai. Tư tưởng nặng nề đó hình thành từ niềm u uẩn lê thê. Bố tôi trở nên hết sức điên khùng trong những năm cuối đời khi không còn chịu sự ảnh hưởng kiềm chế bớt của mẹ tôi. Không còn bà, ông tự bơm đầy vào mình một luồng khí xuất phát từ những suy nghĩ của chính riêng ông rồi thả mình trôi lơ lửng vào một thế giới khác. Cuối cùng, ông trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt Tổng thống Mỹ George W. Bush. Ông đã nhận xét Bush “không phải là một người thông minh nhưng đúng là người mà thiên hạ cần đến. Điều cuối cùng mà ta cần phải làm là ủng hộ giới trí thức nắm giữ quyền lực. Để bố nói con nghe, có một vài ý tưởng lố bịch đến nỗi chỉ có những giáo sư mới nuốt nổi”. Từ ngày nghỉ hưu, bố tôi bắt đầu nghiện viết những lá thư lem nhem mực gửi cho các tờ báo, những lá thư mà ông
đã nhờ tôi gửi đi nhưng tôi chẳng bao giờ thực hiện điều đó. Có nghĩa gì đâu kia chứ? Thư thì không thể đọc được còn người viết thì gần như không tự mình đọc nổi tờ báo.
Căn hộ của chúng tôi là nhà thuê với một cái giá rẻ mạt. Những quý bà đội mũ tròn của Đội nữ tình nguyện viên Hoàng gia Anh (WRVS) đã tìm cho bố mẹ tôi căn hộ này khi họ mới chân ướt chân ráo tới Anh vào năm 1938 với tư cách là dân tị nạn trẻ đến từ Budapest. Có một bức ảnh chụp bố mẹ tôi đang mở khóa cửa trước, miệng mỉm cười gượng gạo, cứng đơ như những hộp thư bằng gỗ. Khi đã chắc chắn bước qua phía bên kia của cánh cửa, họ liền khóa chặt nó lại và cố gắng ra ngoài càng ít càng tốt. Họ đem theo duy nhất một món đồ: tượng một ông già Trung Hoa bằng ngà cầm cần câu bằng gỗ mun. Đó là quà cưới mà bà dì của mẹ tôi đã tặng. Để xem lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh, bố mẹ tôi mua một chiếc ti vi mà họ luôn nâng niu với một mối quan tâm thấp thỏm thường trực. Họ lo nếu để ti vi tắt quá lâu, nó sẽ không chịu bật lên nữa bởi vì ti vi thời đó cần phải “khởi động cho nóng máy”. Biết đâu nó sẽ nguội quá thì sao? Biết đâu nó sẽ chết hẳn để trả đũa cho sự lơ là thiếu quan tâm săn sóc của họ?
Chủ nhà trọ là một nhà hảo tâm có nhiều bất động sản ở khắp London. Mỗi tuần, ông ấy cử một người đàn ông mặc áo bành tô vải tuýt hiệu Harris và đội mũ nỉ đi thu tiền thuê nhà mà bố mẹ tôi đã để sẵn trong một phong bì. Chưa bao giờ bố mẹ tôi trả tiền trễ hạn. Ông chủ nhà trọ đã cố tăng tiền nhà lên nhằm buộc bố mẹ tôi phải dọn đi song bố mẹ tôi vẫn trả đầy đủ mà không hề hé răng than phiền lấy một tiếng to nhỏ nào. Nội thất bên trong nhà chẳng được sửa sang, thay đổi. Mọi thứ đồ
đạc dần trở nên lỗi thời nhưng bố mẹ tôi không quan tâm. Họ chưa bao giờ mảy may ngờ rằng một căn hộ trên đại lộ Marylebone, chỉ cách giao lộ Regent - Oxford, các nhà ga và hãng tin BBC vài bước đi bộ có thể đáng giá hàng núi tiền. Họ thành thật nghĩ rằng nhà hảo tâm kia (và kế tiếp là những người thừa kế của ông này, sau khi ông chết vào năm 1962) sẽ cho một lớp người tị nạn mới khác đến thuê lại căn hộ một khi họ đi xa. Họ hoàn toàn chẳng biết gì hết.
Lý do của sự ngây thơ này là vì bố tôi suốt cả ngày chỉ cắm cúi tập trung nhìn vào một điểm nhỏ, cách mũi ông vài ba centimet. Bố tôi là một thợ kim hoàn bậc thầy làm việc trong một gian phòng phía sau của một cửa hàng kim hoàn trên phố Hatton Garden - một con phố ở khu Farringdon, nơi người ta đến mua vàng và kim cương được cân tỉ mỉ bằng những cái cân bé xíu. Vàng và kim cương được chuyển tới từ Antwrep bởi những người đàn ông khoác áo đen, để râu đen, đội mũ đen, xách cặp đen có khóa xích vào cổ tay, nói chuyện điện thoại di động bằng đủ thứ tiếng và đầu óc thì cực nhạy với số má. Nhưng, bố tôi hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến những người này. Ông lúc nào cũng cặm cụi làm việc trong gian xưởng bụi bặm chật kín những hộp và giấy tờ, ngồi dưới một ngọn đèn chói lọi, phục chế dây chuyền hỏng hay gắn những viên đá cũ vào những kiểu tạo tác mới. Đó là công việc mà bố tôi đã làm suốt từ năm ông 16 tuổi cho đến khi ông không thể nhìn được nữa lúc ông 81 tuổi, khi một tấm màng đen phủ xuống đôi mắt ông cứ như thể Chúa đã gửi đến ông một trong những yêu sách của Người.
Qua nhiều năm, nhiều người đã chuyển khỏi Benson Court.
Vị bác sĩ và bà vợ của ông dọn tới Finchley khi tôi lên 5. Dù có một tấm thiệp vẫn được gửi đến tôi vào ngày sinh nhật nhưng cuối cùng họ vẫn rời sang Canada và thế là chúng tôi mất luôn liên lạc. Qua cánh cửa sổ nhà bếp nhìn ra con đường giữa hai tòa nhà, những tấm màn mới, những bức mành mới, những con người mới xuất hiện. Chúng tôi chưa gặp gỡ bất kỳ ai trong số họ. Một lần, tôi thấy một người phụ nữ đứng đó khóc một mình giữa đêm khuya. Mascara của bà chảy xuống còn ánh đèn huỳnh quang ở phía trên đầu làm cho mái tóc vàng của bà ấy ngả thành màu xanh lục. Năm 1968, một đứa bé mặc quần soọc đỏ kiểu chú hề trèo lên bờ tường, giữ thăng bằng được một chốc rồi lại loạng choạng ngả hết bên này sang bên kia. Nó cứ đi trên bờ tường như thế cho đến khi một cánh tay to lớn vòng qua người nó, bồng nó đến một chỗ an toàn. Có một dạo, một chính trị gia đã sống ở đó. Tôi từng có lần thấy ông ta xuất hiện trong bản tin trên ti vi ngoài phòng khách và rồi một phút sau, khi tôi vào nhà bếp để pha một tách cà phê, tôi lại thấy ông ta đang bình dị đun nước.
Năm tháng trôi qua, hết người này đến rồi kẻ khác ra đi. Cô phát thanh viên có giọng nói thanh thanh và anh bạn trai là một anh hùng chiến đấu được trao huân chương đặc biệt chuyển đến. Rồi đến bà vũ công ballet già cùng lão chồng là một tay buôn thảm Ba Tư đang làm ăn khấm khá, tôi đoán thế vì bà ấy có thói quen gọi lão ta là “đại gia nhà tôi” chứ không phải là “chồng tôi”. Cả Gillbert, anh họa sĩ vẽ biếm họa cho báo hay thể hiện chân dung các chính trị gia với cái mũi dài độc địa bất kể họ sự thật có cái mũi như vậy hay không. Ta thấy họ chạy lên chạy xuống cầu thang. Ta nghe thấy tiếng ồn ào tiệc tùng, nhìn
thấy những gương mặt nổi tiếng. Và còn nhiều những người khác giấu mình sau cánh cửa, uống rượu, khóc lóc hay điều hành những công ty có những thương vụ mờ ám. Đôi khi, ta nghe thấy giọng ngoại quốc trong thang máy. Một tùy viên đại sứ quán Ấn Độ đã giấu cô đầm tóc vàng của mình trong một căn hộ.
Nhưng trong suốt thời gian đó, tôi là đứa nhóc duy nhất trong tòa nhà. Tôi không hiểu tại sao như thế. Có lẽ có một thứ gì đó trong những ống chì làm người ta mất khả năng sinh sản dù bố mẹ tôi đã cố gắng tìm đủ mọi cách để có tôi. Hay có lẽ đơn giản bởi tại Benson Court là nơi mà người ta đến chỉ vì cô đơn và cần được tiếp chút kích thích hào hứng của thành phố. Hay có lẽ vì họ chỉ tạm dừng chân ở nơi này. Hay có thể chính sách không sinh con đẻ cái vướng bận đã thắng thế trước bố mẹ tôi, những người tị nạn. Tôi biết ở đây cũng không có những con vật nuôi lớn hay nếu có, người ta cũng giấu chúng rất kỹ.
Tôi lớn lên trong một môi trường cô độc. Tôi sống chủ yếu trong căn phòng ngủ nhỏ bé của mình, một căn phòng nhìn ra ngoài phố có một chiếc giường đơn hẹp dành cho trẻ con cùng một tấm drap trải giường bằng vải bông trắng. Trên tường đối diện là một bức tranh đóng khung, vẽ một cảnh trong Hồ thiên nga, tuyệt tác ballet với những con thiên nga con, với tuyết và mặt nước loáng thoáng hồng. Trên tủ com-mốt là sách vở của tôi, nằm ngay ngắn nhờ một cặp chặn sách hình ngựa bằng thạch cao đã mẻ và một món đồ trang trí - một chú chó Trung Quốc bóng bẩy, giống chó Spaniel, tôi nghĩ thế. Người bạn duy nhất của tôi là ông già Trung Hoa bằng ngà ở phòng khách mà bố mẹ tôi đã mang theo từ Hungary. Tôi gọi lão là Simon và lão
thường nói chuyện với tôi. Tôi không kể cho bố mẹ nghe về chuyện này.
Quần áo trong tủ đều rất kỳ lạ. Hầu hết là quần áo cũ từ Đội nữ tình nguyện viên Hoàng gia Anh: váy vải tuýt và áo cánh vải tơ tổng hợp màu ngà có cổ kiểu Peter Pan. Tất cả đều có cúc ngọc trai kín cổ và được viền bằng những dải ren bạc màu trông giống như tuyết bẩn. Chẳng có bức hình nào chụp tôi trong những bộ đồ đó. Bố tôi chưa bao giờ có một cái máy ảnh hay biết cách dùng máy ảnh như thế nào. Theo như tôi biết, chẳng có một bằng chứng nào về việc tôi từng là một đứa trẻ.
Những gì mà tôi nhớ đến mỗi khi hồi tưởng lại chính là Benson Court chứ không phải thời thơ ấu của mình. Và tôi khi đó đang ở tại hành lang tòa nhà, trong khu vườn công cộng hay trong phòng của mình với cuốn từ điển mà bố mẹ tôi đã trao cho tôi trong bọc giấy căng phồng như thể nó là chìa khóa mở cửa vào Vương quốc Anh. (Đối với họ, những người mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, quả thực đúng là như thế). Vậy là, niềm yêu thích ngôn ngữ đã hình thành trong tôi, một đặc điểm của dân nhập cư. Tôi cố gắng lý giải nhiều điều bí ẩn về cuộc sống đơn giản của mình. Tôi chỉ nằm đó và suy nghĩ, không phải về bài tập ở nhà mà là chơi đùa với những ý nghĩ trong khi một đứa trẻ khác, một đứa trẻ thích thể thao hơn nằm dài suy nghĩ, hẳn sẽ liên tục dùng vợt tennis đánh một quả bóng nảy vào tường hay ném bóng vào vòng. Tôi nằm đó, nghĩ về khoảng cách giữa ta với mặt trời rồi giữa ta với mặt trăng, tiếp đến là với và nhiều thứ khác nữa cho đến khi tôi đặt một ngón tay lên chóp mũi và tập xem mình có thể giữ cho đầu ngón tay sát gần chóp mũi đến cỡ nào mà vẫn không chạm vào nó, xem liệu có
đo được khoảng cách đó không. Mọi thứ cảm giác như rất gần nhưng đồng thời cũng xa xôi đến lạ. Thế giới bên ngoài trông như thể được nhìn qua lớp kính cửa sổ dày của một đoàn tàu tốc hành hay chí ít là giống như một trải nghiệm được miêu tả trong một cuốn sách vì tôi chưa từng đi tàu hỏa bao giờ. Tôi không hề bước ra ngoài phạm vi London mãi cho đến năm tôi 18 tuổi.
Tôi bồng bềnh trôi qua thời gian và không gian. Tôi có những giấc mơ rối rắm, đôi khi là những cơn ác mộng. Tôi nghĩ mình đã nhìn thấy ma trong thang máy. Tôi dễ bị kích động thần kinh, rụt rè, nhút nhát, dễ bị cảm lạnh, cảm cúm và viêm amiđan. Tôi thích nằm tĩnh lặng trên giường hơn với tấm drap, tấm chăn bông vào mùa đông - khoảng không khép kín của căn phòng và cả những miền không gian mỗi lúc một nhỏ hơn.
Đầy khao khát nhưng không được thỏa mãn toại nguyện về những điều mà tôi không thể nói hết thành lời hay không thể thấu hiểu, tôi gặm nhấm mọi thứ trong nỗi thất vọng. Tôi cắn móng tay và suốt vài tuần năm tôi 11 tuổi, tôi gặm cả cốc uống nước khiến miệng tôi chảy máu. “Ở đâu ra mà hàm con bé khỏe thế?” - bố tôi thốt lên và ngăn tôi lại.
Có một dạo, ở tuổi dậy thì, tôi mắc phải một chứng mà bây giờ người ta gọi là rối loạn ăn uống. Tôi toàn ăn những thứ có màu trắng hay màu vàng. Và thế là thực đơn của tôi chỉ gói gọn trong bánh mì, bơ, khoai tây, thịt gà và bánh. Tôi đâm béo ra chứ không hề gầy đi. Rồi đột nhiên tôi lại quay sang ghiền màu đỏ: thịt bò, cà chua, táo và đậu nuớng. Bố mẹ tôi nói chuyện về tôi khi tôi đã lên giường đi ngủ. Tôi nghe lỏm được cuộc nói chuyện của họ khi đang đi ra hành lang đến nhà vệ sinh đi tiểu
đêm. Họ bất đồng về việc có nên đưa tôi đi tư vấn bác sĩ hay không. Mẹ tôi nói có còn bố tôi thì bảo không. “Đừng lo” - ông nói - “rồi con bé sẽ tự qua khỏi thôi.” “Nếu anh lo về chuyện tiền nong thì anh không phải chi tiền đâu, anh biết rồi mà” - mẹ đáp. “Chẳng liên quan gì đến chuyện đó cả. Con bé ổn mà. Bọn con gái đều dở dở ương ương như thế cả. Dĩ nhiên là trừ em ra, Bertha.” Rốt cuộc, tôi cũng điềm tĩnh lại và bắt đầu nhìn đời bình thản hơn, bắt đầu nhận thức được rằng nỗi đau sinh tồn là bình thường và hiển nhiên.
* * *
Đến tuổi thanh niên tôi đã có ý thức về bản thân và bắt đầu tự ngắm mình trong những ô cửa sổ của các cửa hàng trên đường đi học về. Tôi bắt đầu quan sát những người khác, lẫn trong đám đông hay đứng riêng từng người một, và học được cách hòa vào phần còn lại của thế giới loài người. Tôi dè dặt kết thân với những đứa con gái trong trường, những đứa bơ vơ lặng lẽ, và gia nhập một nhóm siêng năng học tập thường đến rạp chiếu phim Academy trên phố Oxford vào cuối tuần để xem những bộ phim nói đủ thứ ngoại ngữ mà chúng tôi đang học. Sau đó, chúng tôi ra Soho uống một tách cà phê sủi bọt. Rồi tôi về nhà ở Benson Court nơi bố mẹ tôi đang ngồi xem những chương trình giải trí nhẹ nhàng, những chương trình đố vui, những bộ phim nhiều tập sướt mướt hay những tập phim hài dài nửa tiếng trên ti vi với một khay đồ ăn khuya để trên đùi. Những chương trình chính luận nghiêm túc tuyệt nhiên không phải là lựa chọn của
họ.
Mẹ tôi sinh ra đã bị chân cao chân thấp. Tôi chưa bao giờ thấy bà rời cây gậy nâu và cái áo chẽn vải nỉ màu nâu do bà tự may ‘để giữ ấm lưng’. Một hôm, trên đường từ trường về nhà, tôi thấy bà đang cố băng qua Đại lộ Marylebone, gần quán rượu, khi mật độ xe cộ rất cao. Bà không nhìn thấy tôi. Trong khi bà đang bồn chồn chờ cho những chiếc xe con và xe tải chạy chậm lại, chống cây gậy xuống lề vỉa hè, chuẩn bị xuống thấp một chút thì bỗng nhiên, một con chim sẻ đậu ngay xuống đầu bà. Chắc hẳn là mẹ tôi cũng cảm nhận được những cái móng bấu vào đầu mình nhưng bà không la lên. Bà chỉ đưa tay lên và chạm những ngón tay vào đôi cánh khô lạnh của nó. Con chim chẳng hề hoảng sợ bay đi hay thử mổ vào mắt bà. Nó chao lượn một lát, cách vài tấc trên mái đầu nâu sẫm của bà, rồi bay đi, để lại một cục phân trắng nhỏ xíu trên tóc bà.
Cảm thấy xấu hổ khi phải đi về nhà, tay quàng tay, với một người đàn bà có phân chim trên đầu; một người đàn bà không chỉ có phân chim mà còn cả một cây gậy gỗ nặng trịch với một đầu bịt cao su; một người đàn bà nắm lấy cánh tay con gái rồi khoặc tay mình vào đó một cách tự động vì bà nghĩ đó là cách mẹ và con gái cùng đi dạo phố, để thể hiện tình cảm - không muốn bị người ta nhìn thấy là đang đi với mẹ mình, tôi quay ngược lại dọc phố Moxon và liên tục rẽ phải để trở về đúng vị trí cũ rồi về nhà vài phút sau đó.
Tôi thấy mẹ trong phòng tắm. Bà đang gội đầu, mỉm cười và hát một đoạn nhạc trên đài. “Con biết không” - bà nói - “mẹ vừa được một chú chim nhỏ viếng thăm. Mới đầu, mẹ thấy nó không đáng yêu cho lắm nhưng khi chuyện này xảy ra, mẹ nghe
nói nó sẽ mang vận may tới. Ngày mai mẹ sẽ gặp may mắn cho mà xem.”
Quả đúng là như vậy. Một lá thư được chuyển tới trong chuyến thư buổi sáng: chúng tôi đã trúng 10 bảng tiền xổ số định kỳ của công trái không có tiền lời. “Nhờ con chim đó đấy” - mẹ tôi nói. - “Cảm ơn mày, con chim nhỏ!”
Mẹ tôi là thế.
3
Tận đến năm 10 tuổi tôi vẫn hoàn toàn không biết mình có một người bà con. Rồi một ngày kia chuông cửa reo lên. Bố tôi ra mở cửa bình thường, theo cái cách mà ông vẫn mở cho tất cả mọi người: để nguyên dây xích khóa và nhòm ra qua khe cửa.
“Ai đấy?” - ông hỏi bằng giọng cao lanh lảnh của dân nhập cư với những nguyên âm trẹo trọ. “Tôi biết người nào ở ngoài đấy là không đàng hoàng vì hôm nay không phải ngày trả tiền nhà. Đừng có vờ đến đây thu tiền.”
Mấy ngón tay to bè luồn qua khe hở và nắm lấy khuỷu tay khô ráp của bố tôi. “Ervin, cho anh vào. Là anh đây, anh trai của em đây.”
Ngay khi bố tôi nghe thấy giọng nói đó, ông liền đóng cửa đánh sầm một cái, làm rung chuyển cả căn hộ và khiến cả mẹ lẫn tôi vội chạy ra ngoài hành lang xem có chuyện gì xảy ra.
– Không có anh anh em em gì sất! - bố tôi hét to, mồ hôi bỗng túa ra trên mũi ông. - Cút đi không tôi gọi cảnh sát bây giờ.
– Ervin, anh vừa mới mua một thanh chocolate rất tuyệt. Chờ xem, em sẽ thấy nó to như thế nào. Để anh vào rồi anh em mình ngồi nói chuyện.
– Khasene hobn solst du mit dem malekh hamovesis tokhter! - bố tôi gào lên.
– Ha ha! Cậu ấy muốn anh lấy con gái của Thần chết - ông bác tôi quay sang nói với một cô gái mà ông đưa đi cùng. Đoạn, ông hôn lên má cô này bằng đôi môi run run.
– Fransn zol esn dein layb! - bố tôi quát và mở tung cửa để người anh trai có thể cảm nhận được hết sức mạnh trong giọng nói của ông, cái giọng mà ông biết là hơi nhỏ và cần một sắc thái liền mạch, không ngắt quãng để nó khuyếch đại lên. Ông vừa quát vừa khạc nhổ nước bọt.
Tôi đứng đó, tay đặt lên khung cửa, trố đôi mắt to tròn nhìn chằm chằm vào vị khách. Cả đời tôi chưa từng thấy ai ăn mặc như ông, chưa kể đến cô gái. Một người đàn ông vận bộ đồ nỉ angora xanh da trời tươi trẻ, đi đôi giày da lộn khâu tay màu đen, cổ tay sáng lên một đồng hồ tuyệt đẹp được gắn vào một vòng xuyến nạm kim cương. Còn cô gái da đen đang đứng ngả vào cánh tay ông thì mặc áo khoác nylon da báo hợp với cái mũ tròn nhỏ đội trên đầu, tay xách một chiếc túi nhựa dẻo giả da cá sấu có khóa mạ vàng.
Ồ! Một ông bác mới lạ làm sao!
Người đàn ông nhìn tôi còn tôi thì nhìn chằm chằm không chớp mắt vào khuôn mặt tai tái của ông ấy. Tôi - một đứa bé gái nhỏ, da ngăm đen giống mẹ; còn ông ấy và bố tôi đều có nước da trắng và mái tóc hung hung đỏ. Cuộc gặp mặt dữ dội này đẩy tôi rơi vào một trạng thái sốc rối loạn tâm lý. Tôi không thể nói cũng chẳng thể cử động. Chúng tôi chưa bao giờ có khách, trừ người đàn ông hay đi thu tiền cho thuê nhà. Tôi chưa từng gặp
ai ngoại trừ những cư dân thanh lịch của Benson Court. Một vài người trong họ đã từng nói chuyện với tôi và cho tôi kẹo, sau khi bị bố mẹ tôi săm soi kĩ càng. Bởi thế nên bây giờ tôi cứ đứng ngây ra đó, đờ người ra vì bất ngờ. Cứ như thể mặt trăng, quả cầu óng ánh bạc, đã tự hạ từ trên trời xuống bằng dây và ròng rọc. Rồi người đàn ông ở Mặt trăng mở cửa sập, leo ra, bước xuống hành lang nhà tôi.
– Anh ta nói gì thế, anh? - cô gái hỏi bằng một giọng khàn khàn.
– Cậu ấy cầu cho anh bị giang mai - bác tôi vừa dịch lại cho cô gái vừa đảo tròn mắt. Cô gái cười khúc khích rồi bật ho. – Thật quá đáng! Ngay trước mặt trẻ con! - bố tôi rít lên - Vivien, về phòng ngay.
Nhưng tôi không nhúc nhích. Tôi không biết giang mai nghĩa là gì. Tôi nhẩm từ đó trong miệng, và ghi vào trong óc, để lát nữa, tôi có thể hỏi cuốn từ điển - quà sinh nhật của bố mẹ tôi tặng cho tôi.
– Nào, Vivien, ra đây với bác Sandy nào. Bác có chocolate cho cháu đây.
Ông bác tôi mở cái khóa mạ vàng của chiếc túi giả da cá sấu trên tay cô gái rồi lấy ra một thanh Toblerone to và nặng như một cái búa. “Bác đoán là cháu chưa bao giờ thấy cái nào như cái này ở cửa hàng ngoài kia. Nó là chocolate Thụy Sĩ đấy. Cháu biết không, ở đó người ta làm những thanh chocolate giống hình quả núi!”
– Migigul zolst in henglayhter, by tog zolst du hengen, un bay nacht zolst du brenen.
– Giờ thì cậu ấy muốn anh biến thành đèn chùm, treo lủng lẳng vào ban ngày và cháy ban đêm. Ôi, cậu em của tôi! Bác tôi chộp lấy đũng quần nỉ rồi giật phắt “của quí” của mình lên. Cô gái bắt đầu cười lớn. Cô ta há miệng, tuôn cả tràng cười the thé và cứ sau mỗi tràng cười lại ngớp thật sâu lấy hơi. Tôi nhìn thấy được cả bên trong cái miệng màu hồng của cô ta, cả cái lưỡi to hồng và những vết trám kim loại trên răng. – Ông đéo là anh em gì với tôi sất, đồ chó sói! - bố tôi đã phát khùng. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ đến vậy. Mi mắt ông căng lồi ra, đẩy tới tròng mắt kính viền đen bụi bặm của ông. Tôi lùi lại xa hơn về phía cửa nhưng không hề có ý chạy vụt đi. Tới lúc đó, tôi chưa bao giờ được vào rạp hát nhưng tôi nghĩ cảnh ở đó hẳn cũng giống như thế này: có quát tháo, gào thét và có điệu bộ, cử chỉ mạnh bạo. Người ta biến đổi thành một con người khác.
– Cậu nói gì vậy? - bác tôi hỏi rồi cười lớn, chiếc môi dưới trề rung lên rung xuống. - Anh với cậu đều cùng được mẹ đẻ ra, đều cùng dòng máu cả.
– Để cho mẹ được yên nghỉ. Đừng có xúc phạm mẹ bằng cái mồm bẩn thỉu của ông!
– Thôi mà, Ervin. Để cho anh vào đi!
– Ông đừng hòng đặt chân vào cái nhà này. Chừng nào tôi còn một hơi thở.
Nói rồi bố tôi đóng sầm cửa, bỏ đi vào phòng khách, mở ti vi tới mức to nhất, to hơn cả mức ông từng dám mở từ trước đến giờ.
Ở bên ngoài cửa trước, bác tôi buông một tiếng thở dài cường
điệu giả tạo rồi nhún vai, quay đi, bước xuống cầu thang trong chiếc giày da lộn khâu tay. Tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng cô gái hỏi ông sẽ làm gì với thanh chocolate. “Cho em đấy” - bác tôi nói với cô gái. Tôi chạy ra phía cửa sổ và trông theo họ ở dưới phố. Cô gái Tây Ấn đứng trên vỉa hè, chocolate dính quanh mặt còn bác tôi thì đi tới chiếc xe tuyệt đẹp của ông, một chiếc Jaguar bạc, mở cửa phía tay lái và gọi cô gái vào chứ không mở cửa đứng chờ ở phía bên kia như một quý ông lịch lãm. Đó là vì bác tôi không phải một quý ông còn cô ta chỉ là một gái điếm vị thành niên. Cái cảnh đó, buổi sáng thứ bảy ngập nắng trước cửa tòa nhà Benson Court năm 1963, vẫn lưu lại trong trí nhớ của tôi đến tận ngày hôm nay.
Tám tháng sau, bác tôi vào tù. Thật là một nỗi cực hình với bố mẹ tôi khi bị buộc phải xem tin tức về vụ án trên truyền hình hết đêm này đến đêm khác suốt năm tuần liền mà không dám tắt ti vi đi vì như thế, cả phòng khách sẽ biến thành một cái nhà mồ với sự im lặng không tài nào phá vỡ. Và họ đã cố gắng nhưng thất bại trong việc bảo vệ con gái mình khỏi người đàn ông đang ngồi trong ghế bị cáo, người cùng mang một cái họ gần như giống mình, người đến từ cùng một nơi như mình, người nói tiếng Anh bằng một chất giọng giống mình, người mà tôi đã tận mắt thấy xuất hiện ngay nước cửa căn hộ nhà tôi, cãi nhau với bố tôi và gọi bố tôi là em trai.
Một người có con gái thì anh trai của người đó chính là bác của đứa bé. Chẳng thể nào khác được. Vậy là tôi có một người bà con.
– Cái ông đó đã làm gì hả bố? - ngay lập tức tôi hỏi. – Đừng có hỏi vặn hỏi vẹo! Những người hay thắc mắc này
nọ có ai sống yên ổn đâu, mà sống không bình yên thì đâu phải là sống.
Nhưng, cuộc sống của bố mẹ tôi cũng chẳng thể gọi là êm ả, phẳng lặng. Với tôi, đó là sống ì. Cả một phần tư thế kỷ chìm trong lặng lờ, ù lì.
4
Suốt quãng đời thơ ấu còn lại của tôi, ba người chúng tôi - bố mẹ và con gái - sống chậm chạp và lặng lẽ như ba hòn bi uể oải lăn trên sàn nhà lót vải sơn. Trong khi đó, ở tầng dưới, người khách trọ lâu đời nhất của khu chung cư vẫn lặng lẽ đi lại một trong một khung cảnh tranh tối tranh sáng triền miên, trên đầu là trần nhà có một bông hồng thạch cao và những đường gờ trang trí. Những chiếc đèn bàn của bà ấy được lắp những bóng đèn tròn công suất thấp và được phủ khăn choàng tua rua để làm dịu bớt ánh sáng thành quầng mờ ảo màu hổ phách, giống như đèn pha trước của xe hơi trong một buổi sáng sương mù. Thỉnh thoảng, bà ấy mở một đĩa máy hát không thể nhận ra là nhạc gì. Mỗi tối, cứ khoảng 8 giờ, bà khách trọ lại choàng lên người một tấm áo khoác da cáo, đi một đôi giày da lộn cao gót có gắn nơ xa tanh màu xám rách tơi tả để lang thang qua những con phố đêm của London. Người đàn bà phiêu lãng đó chỉ trở về nhà sau bình minh, khi ta vừa bị đánh thức dậy khỏi những cơn mơ quay cuồng bởi tiếng thang máy lách cách, tiếng sập cửa trước đánh sầm và tiếng cửa sổ kính màu rung lạch cạch trong khung gỗ.
Đố ai biết được vì sao bà ấy có giờ giấc sinh hoạt kỳ quặc như vậy hay vì sao bà vẫn tự mình trang điểm với đôi tay run rẩy yếu
ớt? Đôi mắt trên khuôn mặt nhăn nheo của người đàn bà lạ lùng đó nhòe nhoẹt phấn kohl[2]; gò má nổi lên hai đốm phấn hồng tròn xoe như búp bê; đôi môi cong giống như cánh cung của thần Tình yêu thoa son màu đỏ máu, trông cứ như thể bà ấy đã cắn vào da thịt của ai đó và hút hết tinh chất của họ. Có lẽ có một con ma sói bên trong bà ấy. Con người ta ai cũng có những thôi thúc thầm kín, giống như những con chó đang cắn xé gan ruột họ. Tôi biết mình cũng vậy.
Từ lúc trở về nhà sau bình minh cho đến giữa chiều, người đàn bà kỳ bí ấy chỉ ngủ hoặc nếu không thì nằm dài, mắt mở to, nhớ lại những gì mình đã trông thấy trong những cuộc lang thang phiêu bạt khắp thành phố. Người ta đã thấy bà ấy đi xa tới tận Kilburn, leo lên phố, tiếp tục lê bước xa hơn nữa về hướng bắc rồi gục xuống vì kiệt sức khi ánh bình minh ló dạng. Sao bà ấy cứ lang thang độc hành như thế nhỉ? Vì mục đích gì? Bà ấy đang kiếm tìm điều gì hay đang trốn chạy khỏi một cái gì? Tôi chẳng thể nào biết được, ngay cả bây giờ, sau 40 năm.
Một buổi tối, năm tôi 17 tuổi, tôi về nhà muộn sau buổi tổng duyệt một vở kịch của trường, vở kịch về Công chúa Anastasia[3] (hay nói đúng hơn là về một cô gái nông dân người Ba Lan tên là Franzisca Schanzkowska tự nhận mình là Công chúa Anastasia). Tôi không diễn trong vở đó mà chỉ là một người nhắc kịch, một vai thoại không xuất hiện trên sân khấu. Đó là đêm ngày 5 tháng 11[4]. Pháo hoa bắt đầu được bắn lên ở ngoài những khu vườn sau. Một màn pháo hoa nổ vang trời đang được đốt trên đồi Primrose. Presscot, người đàn bà bí hiểm, đứng trên bậc tam cấp của Benson Court, đang cài chặt cúc áo khoác thì một tiếng nổ lớn làm rúng động cả con phố vang lên từ phía
sau tòa nhà đối diện. Bà ấy đứng đó, lặng câm, run rẩy. – Bà không sao chứ ạ? - tôi hỏi.
– Ta không thích tiếng nổ, - bà đáp, giọng mỏng tang. – Cháu đoán là nó gợi cho bà nhớ về chiến tranh - tôi trả lời, đầy cảm thông, vì đây là điều mẹ tôi năm nào cũng nhắc đến. (‘Những quả bom khủng khiếp!’)
Bà lắc đầu: “Ta chưa bao giờ thích tiếng nổ.”
– Có lẽ bà không nên ra ngoài tối nay, - tôi nói. - Sẽ có tiếng nổ khắp nơi đấy ạ.
– Ta thích ánh sáng đầy màu sắc. Ta chỉ ước gì chúng yên lặng. Ta chỉ thích nhìn, chứ không thích nghe.
Cơn mưa bạc xối xuống những cái chụp ống khói. Một quả pháo rít lên. Người đàn bà rùng mình. Nỗi sợ hãi của bà tác động lên tôi, gợi cho tôi nhớ về những năm tháng cô đơn trong phòng ngủ. Bà ấy có mùi hoa hồng, phấn đánh mặt và cả mùi nỗi buồn. Những mùi hương ấy tóm lấy và giữ chặt tôi, ngay trên bậc tam cấp này. Tôi chỉ cao gần 1m63. Vậy mà, tôi vẫn đứng cao hơn hẳn bà.
– Ta nghĩ là cháu nói đúng. Ta sẽ không đi cho đến lúc hết bắn pháo hoa, - bà nói.
Bà quay lại. Tôi nhận ra đôi môi cong hình cánh cung Thần tình yêu của bà lem màu đỏ sang những vết nhăn phía trên miệng như thế nào. Trước đây, tôi chưa bao giờ được nhìn thật gần điều này vì mẹ tôi cũng có nếp nhăn nhưng không bao giờ trang điểm. Tôi nghĩ bà ấy phải dành hàng giờ trước gương tô son lên những nếp nhăn bằng một cây chổi nhỏ xíu. Cần phải có một đôi mắt tinh anh và đôi bàn tay vững để làm việc này. Thế
nhưng, có vẻ như bà chẳng có được thứ nào trong hai điểm này vì bà vẫn tiếp tục run rẩy và mắt thì nhìn tôi chăm chú như thể đã từng biết tôi.
– Bà ở căn hộ dưới nhà cháu, - tôi nói - Thỉnh thoảng, cháu nghe thấy bà mở nhạc.
– Ta không mở nhạc gì cả.
– Bà có mà.
– Không phải ta. Đấy là một vị khách.
Tôi chưa bao giờ thấy khách nào nhưng hồi đó có phải ai cũng nhìn thấy ông bác Sándor của tôi đâu.
Chúng tôi đi lên thang máy.
– Bố cháu là người nói giọng lơ lớ phải không? - bà hỏi. – Vâng ạ.
Cánh cửa thang máy lạch cạch mở ra ở tầng hai.
– Chắc là cháu muốn uống với ta một ly rượu sherry[5] chăng - bà quay sang tôi nói lúc bước ra khỏi thang máy. Tôi theo người đàn bà vào căn hộ, bước vào một không gian tranh tối tranh sáng. Bà rót rượu sherry vào một cái ly và một con nhện chết nổi lên lềnh bềnh trên mặt ly. Tôi thò mấy ngón tay vớt nó ra rồi vứt xuống sàn nhà, cạnh ghế tôi ngồi. Tôi liếm lớp rượu bên trong cốc với một vẻ thận trọng để thử xem mùi vị của rượu. Nó ngọt và hăng. Bà lặng im quan sát tôi vài phút. Tôi chẳng hề thấy phiền vì bố tôi vẫn hay làm thế. Đoạn, bà cố gắng mở miệng vài lần, vừa chuẩn bị thốt lên một từ thì đã ngưng lại. Thoáng chốc sau, bà lại bắt đầu và cuối cùng cũng cất được lời: “Sao cháu lại ăn mặc như thế?”
– Đây là đồng phục đi học của cháu.
– Ý ta là khi cháu không đi học kìa.
– Cháu không biết. Cháu chỉ mặc đồ có trong tủ quần áo. – Cháu biết ta muốn gì không? Ta muốn gội đầu cho cháu đấy.
– Sao ạ? Đầu cháu sạch mà.
– Ta muốn tạo kiểu tóc kia. Đi nào!
Người đàn bà nhẹ nhàng đặt bàn tay mình lên cánh tay tôi. Đôi mắt bà, đôi mắt màu xanh nhạt như có nước, toát lên nét dịu dàng chứ không hề điên khùng. Bà giống như Bà cô già Havisham[6] nhưng là Havisham của đường phố lộng gió, hỗn loạn, đầy hiểm nguy. Nếu bạn lớn lên ở Benson Court, bạn hiển nhiên sẽ thấy rằng mọi người đều khác biệt, hoàn toàn chẳng có ai giống ai. Người đàn bà ấy thật kỳ dị và bố mẹ tôi cũng vậy. Bà ấy vừa mỏng manh lại vừa mạnh mẽ; mỏng manh về thể chất nhưng vẫn đủ mạnh mẽ để chống chọi lại màn đêm.
Tôi đứng dậy, theo bà vào phòng tắm. Bà mở vòi nước và ấn nhẹ đầu tôi xuống chậu. Dòng nước chảy qua đầu tôi và tôi cảm thấy dầu gội lành lạnh trên da đầu. Những ngón tay đột nhiên trở nên mạnh mẽ của bà bắt đầu xoa đám chất lỏng thành bọt. Cả người tôi ngập trong một cảm giác nhồn nhột khoan khoái.
Khoảng vài phút sau, bà dùng khăn tắm lau đầu cho tôi rồi bắt đầu uốn tóc tôi quanh những ống cuộn lớn. Những ngón tay của bà biết chính xác những gì chúng đang làm. Tôi nhìn vào gương. Đầu tôi đã phồng ra với vô số ống lô kim loại lớn được ghim chặt bằng những cái kẹp.
– Giờ thì ngồi lại gần lò sưởi đi, - bà nói - chờ cho nó khô
hẳn.
Một quãng thời gian rất lâu trôi qua. Bên ngoài, những tiếng nổ mỗi lúc một đinh tai nhức óc hơn, lũ mèo gào thét ầm ĩ vì hoảng sợ còn đám chó thì sủa như phát rồ. Bà đưa tay lên bịt tai và co rúm người lại sau tấm nệm. Những ánh chớp, tia lửa và một trận mưa ánh sáng xuyên qua tấm rèm cửa.
– Pháo hoa sẽ bắn hàng giờ ấy.
– Mỗi năm nó nổ mỗi lớn.
Sau cùng, bà tháo những ống cuộn và bắt đầu chải tóc tôi. – Xem kìa - bà vừa nói vừa chỉ vào gương.
Tôi đã bước vào căn hộ này với một mái đầu đen rậm rạp, những lọn tóc quăn, rối bù, được ép phẳng và nén xuống bằng những cái kẹp xước nâu và cặp trâm cài tóc làm bằng mai rùa. Giờ thì tôi có một mái tóc trông giống như đang đội một cái mũ đen láng mượt những gợn sóng. Tôi thấy mình thành ra hai nửa, một nửa ở bên trong còn nửa kia ở bên ngoài cái đầu của chính mình. Thoạt đầu, đó là một cảm giác xa lạ sâu sắc, một cơn khủng hoảng tâm lý mạnh đến nỗi tôi bắt đầu đứng không vững, ngả tới ngả lui trên những chiếc đế cao su của đôi giày đi học.
– Cháu thấy chưa? Khi mới bắt đầu, cháu chỉ là một đứa con gái khá xấu xí và nhợt nhạt nhưng giờ trông cháu hệt như Elizabeth Taylor[7] vậy. Ta sẽ cho cháu thấy cháu giống cô ấy như thế nào.
– Đây là cháu thật sao?
– Dĩ nhiên rồi. Đây mới thật là cháu.
– Cảm ơn bà.
– Có gì đâu, ta thích làm vậy mà.
Những tiếng pháo tắt dần, chỉ còn một tiếng nổ thoảng vang lên phá vỡ màn đêm.
Người đàn bà mặc áo khoác lên.
– Giờ thì ta có thể đi được rồi, - bà nói. Hai chúng tôi cùng rời khỏi căn hộ. Bà đi xuống bằng thang máy còn tôi leo bộ lên những bậc thang còn lại tới tầng nhà mình. Tôi nghe nói bà về nhà muộn hơn mọi khi rất nhiều, vào khoảng 7g30 sáng, vì bà đã khởi hành trễ vào tối hôm trước.
Mẹ tôi kêu lên thất thanh khi bà trông thấy tôi còn bố thì tái bệch đi. “Con đã làm cái gì vậy hả?” bà hét lên. “Ai làm thế này cho con?”
– Sao, giờ mày thành đồ đĩ thỏa rồi đấy phỏng? - bố tôi mắng. - Mày đi với trai đấy à?
– Một đứa bạn gái cùng trường làm cho con, - tôi đáp. - Bố mẹ đừng có bắt con đi gội đầu vì con không làm thế đâu. Con đã 17 tuổi rồi. Con sẽ làm những gì con thích.
Bố mẹ tôi lặng người. Họ không nuôi một đứa con gái để nó cãi lại bố mẹ như thế. Họ thấy tôi đang xuống dốc ở cõi đời này, nơi mà với họ, giống như một khu rừng tăm tối trong truyện cổ tích, đầy rẫy những bầy sói, những đám yêu tinh xấu xa và những loài vật gớm ghiếc khác của đêm trường Trung cổ châu Âu rình rập. Năm trước, ban nhạc rock Rolling Stones đã tổ chức một buổi hòa nhạc cách công viên Hyde Park vài bước đi bộ. Tiếng guitar và trống vọng đến tận Marylebone, qua cả những cửa sổ của Benson Court nơi bố mẹ tôi đang ngồi, nắm tay nhau, như thể tiếng nhạc là âm thanh của một đội diễu
hành dẫn đầu một đoàn quân đến để xử bắn họ.
Ngày hôm sau, lúc đã tan học, tôi đến hiệu thuốc tây Boots, mua một thỏi son đỏ có vỏ màu vàng rồi thoa son lên môi mỗi tối lúc làm bài tập về nhà. Vài ngày sau, tôi đánh bạo bước vào thế giới của mascara sau khi được bà bán hàng chỉ cho cách sử dụng. Tôi chưa bao giờ dùng bất cứ thứ gì trong những món đồ trang điểm này khi bước chân ra khỏi căn hộ nhà mình. Thế nhưng, tôi đã bắt đầu dừng lại trước những cửa hàng quần áo và ngó nghiêng vào bên trong. Tôi cố gắng làm tóc theo kiểu mà bà Presscott đã tạo mẫu cho tôi nhưng không mấy thành công. Sau cùng, tôi tìm đến người thợ cắt tóc vẫn cắt cho tôi ba tháng một lần để hỏi xin lời khuyên. Cô ta bán cho tôi một chai dưỡng tóc để bôi sau khi gội đầu và còn chỉ cho tôi chỗ mua một chiếc máy sấy tóc giá rẻ đã qua sử dụng. Từ đó, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian duỗi thẳng tóc.
Giống như Louis Jourdan trong phim Gigi, chính Gilbert, anh họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa cũng sống trong Benson Court, là người đầu tiên nhận ra cô gái nhỏ giờ đã lớn phổng phao. Anh ta mời tôi đi uống ở 4G và sau đó hút cần sa. Tôi đi xuống đại lộ Marylebone trong trạng thái phê lâng lâng và khoảng một giờ sau, tôi đã trải qua lần đầu trinh trắng với Gilbert. Đó là một buổi chiều mưa xối xả làm ngập hết cống rãnh và sấm sét đã đánh trúng một chú chim câu trong khu vườn công cộng. Sau đó, anh ta làm cho tôi bánh mì nướng với mắm trứng cá trống rồi vẽ tôi cho bộ sưu tập phác họa riêng của anh ta. Tôi làm điều đó chỉ vì tôi đã đọc rất nhiều về tình yêu trong sách vở. Nhưng, nó không hề đem lại cảm giác mãn nguyện mà ngược lại, ướt át và khó chịu. Dù vậy, nó thu hút sự
chú ý của tôi về những lần tiếp theo có khả năng xảy ra. Trong căn hộ đó, tôi đã sớm phát triển thành kiểu người mà người ta gọi là người sành sỏi.
Thiên hạ kháo rằng ta sẽ tỏa sáng một khi đã làm tình. Tôi ắt hẳn là như vậy vì giờ đây cả đám dê già trong khu nhà đã theo đuổi tôi. Bà vũ công ballet già về hưu thường ra ngoài ăn trưa hai lần một tuần tại nhà hàng Fountain Room của Trung tâm thương mại Fortnum & Mason để gặp gỡ hàn huyên với những người bạn cũ, ôn lại những ngày tháng xa xưa khi họ còn đóng vai nàng công chúa thiên nga Odette trong vở Hồ Thiên nga hay nàng Giselle trong vũ kịch cùng tên. Lão chồng “đại gia” của bà ấy rình mò ở các dãy hành lang để tìm gặp tôi. “Anh muốn cho em xem cuốn sách đầu tay của anh” - lão nói. Lão ta là một tên già béo ị chuyên thắt cà vạt hồng và có một trong số những chiếc máy điện thoại trả lời tự động thế hệ đầu tiên mà vợ lão không biết dùng thế nào. Nhờ vậy, lão ta có thể sắp xếp được một đời sống tình ái phức tạp.
Tôi có kế hoạch theo học triết học ở trường đại học. Tất cả bởi vì những suy nghĩ cô đơn trong phòng ngủ của mình. Nhưng rồi, tôi bắt đầu đóng vai các nhân vật trong tiểu thuyết độ đôi ba ngày để xem chúng có hợp với tôi không. Tôi ăn mặc như những nhân vật này, nghĩ như những nhân vật này, giả làm Emma Bovary[8] đi loanh quanh mà chẳng biết tí gì về đời sống tỉnh lẻ hay nghề nông. Nhưng, sự buồn chán thì tôi hiểu rất rõ.
Lần cuối tôi gặp bà Presscot là lúc bà ấy đang loanh quanh ở bậc tam cấp, dáng vẻ trông mệt mỏi. Chỉ nhờ giờ khuya tôi mới có thể biết bà đang về nhà hay sắp đi.
– Ta đã làm được trò ảo thuật - bà nói, giọng mỏng tang
như giấy lụa. - Giờ thì trông cháu khá hơn nhiều rồi đấy. – Cháu cảm ơn bà.
– Ta nghĩ cháu nên ăn chút thịt đỏ. Cháu cần sắt và protein. Cháu sắp sửa trở thành một cô gái hết sức khỏe mạnh rồi. Đấy là tạng người cháu, khung xương cháu. Cháu xuất thân từ gia đình nông dân.
– Cháu không nghĩ thế.
– Ồ, đúng thế đấy. Ta khá chắc với cháu như vậy. – Cháu đi cùng bà được không?
– Đi đâu?
– Nơi bà đang đến ấy.
– Không, cháu yêu ạ. Ta không muốn thế.
Rồi bà nhẹ nhàng đi xuống phố, nhanh hơn tôi nghĩ. Tôi đi theo bà một đoạn, đến phố Edgware rồi quay về. Tôi thấy bà đứng chờ dưới những ngọn đèn đường ở góc công viên Hyde Park. Mái tóc bà óng ánh dưới làn mưa phùn.
Mọi thứ đều được chiếu rọi bằng một thứ ánh sáng màu hổ phách: những trụ đèn giao thông có vẻ như mãi mãi giữ cái màu hổ phách ấy. Tôi bỗng ngập trong một niềm hân hoan bất chợt hệt như một người vừa tỉnh dậy sau cơn hôn mê. Đó là niềm vui thích được sống, một niềm khoái lạc.
“Bà Prescott,” - tôi gọi - “nói cho cháu nghe…” Nhưng bà ấy đã chạy qua đường và dù tôi có đuổi theo nhanh đến thế nào đi nữa, tôi cũng không thể bắt kịp bà. Đêm đó hay đêm khác cũng vậy.
Bà ấy là một nhà truyền đạo, một con người viễn chinh. Bà ấy
là một nhà thám hiểm, là một nữ thợ săn, vinh quang đến với bà và vinh quang bà để lại cho tôi. Mười ngày sau đó, bà chết như một tấm vé tàu hết hạn, trên đường Edgware, tại góc phố Frampton, không một lời giải thích.
Mọi đồ đạc của bà Prescott được một người đàn ông mặc áo chẽn da ố màu, đi ủng đinh đến dọn đi. Khi ông ta nhấc một chiếc rương, cái đáy mục nát của nó bung ra, vãi đầy ra hành lang nào là lụa, xa tanh, nhung, nào là đồ thêu kiểu Anh, ren và cả lông cài mũ. Tất cả bày ra với đủ màu sắc, hết màu đào, màu mơ, màu nho đến màu mận. Một cơn mưa quần áo thời trang giàu sang trong phút chốc làm lóa mắt đến nỗi mẹ tôi liền chạy tới, vơ hết vào tay mình rồi phóng như bay lên cầu thang, đóng sầm cửa lại, đoạn thở dốc.
“Bà ấy biến mẹ thành kẻ cắp, kẻ đi trộm quần áo người chết, - mẹ tôi thì thầm - nhưng mà nhìn xem này, Vivien, xem chúng đẹp nhường nào! Mẹ chưa bao giờ thấy những thứ thế này trừ quần áo mấy minh tinh Hollywood khoác lên người. Lại đây giúp mẹ nào. Chúng ta có gì đây nhỉ? Cúc bằng vàng, à không, mạ vàng. Con mà cào là nó tróc ra đấy.” Một mùi hương của hoa lan chuông, những bông hoa thời tiền chiến xa xưa, dậy lên, át đi thứ mùi ẩm mốc ám vào chiếc rương.
Mẹ tôi ướm thử một chiếc đầm lên người nhưng khổ người bà rộng vượt ra ngoài đường chỉ may. “Quá bé! Mẹ biết mà. Chà, những thứ này tuyệt quá, bỏ đi thì phí lắm nhưng mẹ e là chúng không vừa với mẹ. Vivien, con phải thử đi. Để đi dự tiệc.”
Sau khi tôi đã khai thác hết mọi khả năng tận dụng đồ của bà Prescott và bắt đầu hình thành một khiếu thẩm mỹ về thế nào là trang phục nghiêm chỉnh, giản dị, thế nào là đồ cắt xéo, thế
nào là váy dài ngang bắp chân, là áo khoác lửng, là quần lưng cao ống rộng kiểu Katherine Hepburn[9], là áo độn vai phong cách Dietrich[10], tôi bắt đầu thường xuyên lui tới những cửa hàng quần áo cũ, nơi mà thời đó người ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những món đồ phù hợp cho mình dù chúng được tạo ra từ trước đó hàng kỷ nguyên. Cư dân sống trong nhiều khu nhà ở London chết đi, tủ quần áo của họ - những chiếc tủ đựng váy ren, mũ dạng quả chuông, hay đôi khi là tấm áo choàng lụa xếp li của nhà thiết kế Fortuny thuộc về chủ nhân là những cô gái mới lớn - được những người họ hàng đang đau buồn dọn trống trơn sạch sẽ rồi sau đó được những nhân viên dọn nhà mang đi, cũng chính những người đã đến dọn đồ của bà Prescott trước khi mẹ tôi nhanh tay chộp được.
Chúng tôi - những người say mê với thứ mà bây giờ người ta gọi là “thời trang cổ điển”, những người từ chối khoác lên mình những bộ cánh theo phong cách thời thượng kinh khiếp với ve áo rộng, thân áo thùng thình màu sắc nhợt nhạt, cổ áo khổng lồ và đều toàn có màu nâu hoặc cam - kín đáo chuyền tay nhau một vài địa chỉ nhất định cứ như thể đây là hang ổ của những tay buôn ma túy. Tiếp theo, chỗ được tìm đến nhiều nhất là những nơi ta bấm chuông cửa bên và được quẳng vào một căn phòng dơ dáy bẩn thỉu nằm bên trên một cửa hàng, nơi hàng giá của báu bị xếp bừa bãi với nhau: những bộ đồ lông thú cũ mèm nằm bên cạnh áo vest hiệu Schiaparelli[11]. Các chủ hàng biết chính xác họ có những gì. Họ là những người buôn bán quần áo cũ, những người bán đồ đã qua sử dụng. Họ không hiểu sao cả bầy các cô gái trẻ lại dạo lên cầu thang nhà họ và chìa ra những tờ bảng Anh gấp gập để trả cho những thứ rác rưởi vô
dụng. Trong khi đó, những món hàng thời trang mới toanh luôn được trưng ra thoải mái ở cửa tiệm bên dưới. Chúng tôi hẳn là khá khùng điên hoặc nếu không thì cũng nghèo khổ rớt mồng tơi. Nhưng dân buôn bán bọn họ đủ thông minh để hiểu rằng một số nhãn hiệu nhất định luôn bán được giá hời. Việc chúng được gắn vào đâu, dù ở một chiếc áo cánh nhỏ hay một cái áo khoác mùa đông được may theo kiểu ăn chắc mặc bền không chạy theo mốt, không quan trọng. Nhãn hiệu mới là yếu tố quyết định.
Hầu như không có cái gọi là phòng thay đồ. Chỉ có một tấm rèm nhỏ được căng ra ở một góc cửa hàng. Sau một hồi tính toán góc của tấm gương trên trần nhà thẳng với một tấm gương khác ở bên ngoài vành đó, nếu sành sỏi việc này, ta có thể thay hết bộ này đến bộ khác mà thực sự không cần phải cởi quần áo lót.
Nơi mà tôi thường lui tới nhiều hơn cả là cửa hàng nằm trên phố Endell ở quận Covent Garden, phía trên một hàng thịt. Mùi thịt lợn, thịt cừu, thịt bò, gan và cật ám chặt vào quần áo đến nỗi ta phải đem giặt vài lần hay đem đi giặt khô mới có thể mặc được. Chủ cửa hàng quần áo cũ này là một ông lão người Ba Lan râu ria xồm xoàm, quanh năm suốt tháng đi ủng và mặc đồ da cừu trừ những ngày hè nóng bức tột độ buộc ông phải khoác áo vải tuýt và đội mũ lưỡi trai. Nếu ta lui tới thường xuyên, ông chủ già sẽ mời bạn một cốc rượu bẩn thỉu rót từ một chai sherry của đảo Síp và sẽ cười đầy vẻ hàm ơn khi bạn từ chối. Tiếng Anh của ông ấy thật là tệ. Chẳng ai có thể hiểu nổi bất cứ từ nào mà ông ấy nói còn quần áo thì chẳng bao giờ để sẵn giá. Mỗi khi khách hỏi, ông ấy sẽ nhìn vào bộ đồ rồi quay sang nhìn khách, đoạn
viết gì đó lên một mẩu giấy. Khách xem xong thì gật hoặc lắc. Ông ấy gói tất cả mọi thứ vào những bọc giấy nâu, buộc dây hẳn hoi. Cảm giác cứ như là một bí mật khi đi xuống cầu thang với gói đồ cũ. Rồi sau đó về nhà, ta mở ra xem thực sự mình có được những gì, dưới ánh sáng bình thường chứ không phải là ánh đèn huỳnh quang trong căn phòng bừa bộn, ám khói và đầy mùi thịt đó. Thường thì sẽ có những vết bẩn mà trước đó ta không nhận ra và đôi khi không giặt sạch được. Nhưng cuối cùng, ta có được một chiếc áo khoác nhỏ với cái mác thời trang danh tiếng CHANEL PARIS gắn bên trong.
Tôi mặc một chiếc đầm dạ tiệc bằng lụa crêpe de Chine đến trường đại học và ngay lập tức gây ra một ấn tượng nổi bật. Tôi nghĩ giờ thì cuộc sống mới bắt đầu. Và quả thực là như vậy.
5
Trong khuôn viên trường đại học trũng thấp đúc bê tông nằm ở vùng ngoại ô “thành phố” York cổ kính (thực ra nó chẳng lớn hơn gì một thị trấn), tôi tỏ ra là một kẻ thời thượng trải đời, một dân London chính gốc, lớn lên ngay giữa trung tâm thủ đô, đầy tự tin và cá tính độc đáo. Nhưng bên trong toàn là những sợ hãi, dao động và khó hòa nhập với xã hội. Người ta bảo tôi có một kiểu thu hút xa cách, khó gần. Người ta cũng kể là đã bắt gặp tôi lang thang quanh hồ nước nhân tạo, nơi vịt và những giống thủy cầm khác sinh sống, hay những cánh đồng trống trải chạy dài đến tận chân trời. Nhưng tất cả những gì tôi cảm thấy lại là một nỗi cô đơn nhức nhối của những chân trời vĩnh viễn xám xịt một màu. Xa hơn về một phía của những chân trời đó là rặng Pennines[12] với những ngọn đồi trọc lóc, trơ đất nâu, còn quay sang hướng Đông là Biển Bắc.
Dù thế nào chăng nữa, tôi đã có một sự lựa chọn bất hạnh, hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi một thầy giáo, người chỉ đơn thuần giới thiệu cho tôi về sự tuyệt vời của khoa tiếng Anh. Tôi là một “con gà công nghiệp” chỉ quanh quẩn ở thành phố London. Quãng đường xa nhất mà tôi đã từng đi là chuyến đi từ London đến Brighton kéo dài 1 giờ. Trước đó, tôi chỉ mới thấy bò, cừu, ngựa, lợn và gà trên tranh ảnh. Những cánh đồng
thường có màu xanh, đôi khi ngả vàng vào mùa lúa mạch. Các chuyến đi ra ngoài của tôi là đoạn đường nối trạm xe buýt với cửa trước khu chung cư Benson Court. Những công viên nằm rạp mình bằng phẳng như thể đang yên nghỉ và không tỉnh dậy lại nữa.
Tôi không biết giải thích thế nào về người bố người mẹ là dân tị nạn của tôi, về cái áo chẽn nỉ của mẹ, về bầu không khí đáng sợ của Benson Court, về bà Prescott, về Gilbert cùng những điếu cần sa và tập kí họa của anh ta, về nỗi lo lắng bồn chồn không yên của mình đối với những khoảng không gian rộng mở và một bầu không khí trong lành. Quần áo của tôi giống như một cái vỏ cứng, một tấm giáp mà tôi dùng để bảo vệ cơ thể yếu đuối bên trong. Nhưng cách ăn mặc của tôi khiến một người chặn tôi lại lúc tôi đang dạo bộ quanh hồ vào một chiều thu muộn lộng gió và hỏi tôi có hứng thú gia nhập vào giới kịch nghệ hay không. Không phải với tư cách là một diễn viên mà là một nhà thiết kế trang phục. Không giấu được vẻ ngạc nhiên, tôi trả lời rằng mình không hề biết may. Nhưng chuyện may vá thực sự không phải là điều người ta đặt nặng. Nhiệm vụ của tôi đơn giản chỉ là lùng sục các cửa hàng bán đồ cũ. Vậy là chính tôi đã thiết kế trang phục cho vở diễn nổi tiếng Câu chuyện mùa đông[13] vốn sống suốt nhiều năm trong ký ức của những người tham gia vì trạng thái vô cùng căng thẳng nhục dục mà nó thể hiện cùng với những chiếc vòng bạc, những chiếc khăn choàng tung bay trong gió và nhiều món đồ lòe loẹt rẻ tiền khác.
Chính thông qua giới kịch nghệ mà tôi đã học được cách làm thế nào để đạt được những kỹ năng xử lý khéo léo bản ngã xung đột, giằng xé giữa một bên là niềm khát khao mãnh liệt thầm
kín và một bên sự hoảng loạn ẩn giấu ở bên trong. Giới đồng tính nam cho tôi sự can đảm dám sống đúng là con người thật Vivien, hay nói đúng hơn là phát triển cô gái ấy từ một con số không, từ nhiều chất liệu khác nhau để cho tôi tùy ý sử dụng. Tôi nghĩ mình đã trở thành một biểu tượng của “thế giới thứ ba”, thành bạn tình ảo của dân đồng tính nam. Nếu họ định có một trải nghiệm cuối cùng với người khác giới để xác định chắc chắn về xu hướng tình dục của mình trước khi gắn bó với những gã trai khác thì người mà họ tìm đến sẽ là tôi. Tôi đã quá mệt mỏi với những chiếc khăn quàng cổ tung bay và những chiếc vòng bạc. Thế nhưng, tôi lại cảm thấy khá thoải mái với việc trút bỏ xiêm y và được dò xét kỹ với một thái độ tò mò xen lẫn chút khó chịu của một người đang nhìn ngắm phiên bản mẫu khác giới.
* * *
Một ngày hè cuối năm hai đại học, tôi đang nằm dài trong bồn tắm hút thuốc thì một anh chàng tóc vàng cao gầy học ở khoa Sinh hóa xộc vào, hết sức bức xúc muốn “giải quyết nỗi buồn” của mình trong khi đang đi trả sách giáo khoa cho một trong những người bạn cùng phòng của mình.
Anh ấy đã lựa chọn tôi chứ không phải tôi lựa chọn anh ấy. Một quyết định lựa chọn tức thì và dứt khoát:
Và anh thấy em ở đó, nằm dài bên cạnh bình hoa phi yến trên bệ rửa mặt. Khung màu đỏ của cửa sổ kính ố bẩn hắt bóng thành một đường nghiêng nghiêng chạy qua ngực em. Mọi thứ mờ mờ ảo ảo
trong làn hơi nước. Em đang hút thuốc với những ngón tay đẫm nước. Son môi dính trên đầu mẩu. Tay kia té nước lên người. Em trông giống hệt như trong một bức tranh của Modigliani[14] mà có lần anh đã xem. Cả căn phòng như tan chảy thành màu đỏ. Lúc đó trong đầu anh chỉ thắc mắc mỗi một điều cô ấy là ai, cô ấy đang tơ tưởng điều gì.
Chúng tôi thành một cặp không xứng với nhau lắm. Nhưng thế thì đã sao? Nhiều cặp cũng vậy mà.
Anh chàng đó là Alexander Amory. Nếu để cho ta chọn lựa thì người con trai ấy dường như là người đặc biệt nhất: có đầu óc thông minh, bảo thủ và tự tin. Giờ thì tôi nghĩ anh hơi hời hợt nhưng theo một cách hết sức phức tạp. Đôi khi anh vô cùng cứng nhắc, bất di bất dịch trong một số suy nghĩ nhất định, nói đều đều về khoa học và tiến bộ, về đề tài nghiên cứu protein của anh. Lúc khác, anh lại nằm dài trên trường kỷ, gác hai chân cao hơn hai cánh tay, đọc sách bên ngọn đèn bàn, cười khúc khích về một bài báo rồi đọc to một đoạn, nhại những lời phát biểu nực cười của các chính trị gia.
Có lần Alexander nói rõ anh không nghĩ môn học của tôi là môn học khách quan thực tế và theo anh, văn chương không phải là một môn học thực tế. Chẳng hạn như ta có thể nói về văn chương với một sự chính xác từng li từng tí nếu ta rút tỉa từ nó những ý tưởng về triết lý chính trị. Mỗi lần Alexander đọc một cuốn sách, tôi có cảm giác như anh ấy đang thọc tay vào chiếc bánh Giáng sinh, lựa ra phần ngon nhất, giơ ra ánh sáng và kiểm tra dò xét thật kỹ lưỡng trước khi cho vào miệng[15]. Chịu ảnh hưởng dẫn dắt của sự phức tạp, rắc rối trong bản chất của con người, anh xem cuốn sách đó là không chính xác, hầu
như là vô dụng. Anh cho cách đọc sách của tôi là hài hước. Bằng cách này hay cách khác, tôi cố gắng thâm nhập vào trong cuốn sách mình đọc và cảm nhận nó, thưởng thức nó. Tôi trở thành chính các nhân vật trong đó. Hiểu nghệ thuật là một điều quá nặng về trực giác đến nỗi Alexander không thể cảm nhận được.
Nếu tôi là một cây hoa lan được trồng trong nhà kính, phát triển ở môi trường trong nhà, ưa cuộn mình trước lò sưởi đọc sách vào mùa đông thì Alexander lại thích ngồi hàng giờ trong màn sương mù lạnh giá ngắm nhìn những con ngỗng Canada trồi lên từ mặt hồ ở khuôn viên trường đại học, lắng nghe tiếng vỗ cánh của chúng dội lại khắp mặt hồ lổn nhổn băng tuyết. Rồi anh ấy về nhà, hà hơi lên mấy ngón tay và thử sáng tác một bài thơ. Đoạn, anh hỏi tôi: “Thơ văn là lĩnh vực của em chứ không phải của anh. Cho nên, em phải cho anh biết là em thấy thế nào? Em là chuyên gia mà.”
Alexander nói, anh thấy thơ khác hẳn với những câu chuyện sướt mướt trong tiểu thuyết và khẳng định những bài thơ do anh sáng tác là những tác phẩm giá trị, hay tài tình, đầy tính trừu tượng và ẩn chứa một thứ gì trong đó, giống như ánh sáng nứt ra một đường bên dưới khe cửa. Tôi thán phục anh nhưng không thích những bài thơ đó. Tôi chỉ thực sự thích thú khi anh cố mô tả những cấu trúc protein trong đề tài nghiên cứu của anh ấy. Alexander cho rằng thơ và protein hết sức giống nhau. Anh giải thích chúng giống những lớp băng dày đóng trên một ô cửa mùa đông như thế nào. “Giờ thì em thấy chưa?” - anh nói. Tôi chỉ hiểu được phần nào.
Điều mà tôi thực sự ngưỡng mộ Alexander là việc anh mê đắm tôi nhiều đến thế nào. Anh thú nhận chưa bao giờ từng gặp
một ai giống như Vivien Kovaks. Chính thứ mà anh cho là thiếu logic ở tôi đã hấp dẫn anh. Cứ như thể tôi là một bài toán vô cùng khó, một phương trình toán học mà anh ấy cố gắng giải ra. Alexander luôn hỏi tôi về chính bản thân tôi, tìm mọi cách soi rọi trí thông minh lạnh lùng sáng sủa của mình vào mọi khía cạnh trong tính cách của tôi.
Chẳng hạn như: “Tất cả mọi đôi găng tay phong cách Fair Isle[16] mà em mang cuối cùng đều có lỗ thủng ở đầu ngón tay” - Alexander vừa nói vừa nâng đôi tay tôi - “rồi sau đó em mua găng tay mới. Tất cả chỉ vì em không bao giờ cắt móng tay. Vì sao vậy, Vivien? Sao em không cắt móng tay? Đừng có nhìn anh như thế. Không phải là anh phê bình em đâu. Anh chỉ muốn biết thôi mà.”
– Em không để ý nó dài thế nào. Đến lúc phát hiện ra thì nó đã quá dài rồi.
– Có lý do nào sâu xa hơn không? Chẳng hạn như em không thích để mấy ngón tay của mình bị nhốt trong đó? – Không, chỉ là do em lười và quên cắt thôi.
– Thì anh cũng biết vậy rồi. Nhưng mà tại sao?
– Em cũng không biết nữa.
– Lúc nào em cũng mơ mộng lãng đãng. Anh chỉ muốn biết là em đang nghĩ gì?
Tôi đang nghĩ mình may mắn như thế nào khi thoát khỏi Benson Court, thả bộ xuống phố, tay trong tay với chàng trai này - một anh chàng người Anh tóc vàng, dáng người cao gầy, để râu quai nón theo mốt rất thịnh hành hồi đầu thập niên 70, đôi chân dài hẹp xỏ trong đôi giày ống da lộn kiểu nhà binh,
mái tóc mỏng nhưng mượt còn đôi mắt thì có màu xanh lơ. Có một cái gì đó hết sức gợi tình về hình ảnh của Alexander mà chính bản thân anh rõ ràng không cố ý tỏ vẻ khêu gợi. Anh đã cứu tôi ra khỏi tay đám bạn trai đồng tính có nước da xanh xao vàng vọt của tôi, những người mà Alexander không phản đối một cách nguyên tắc nhưng cho rằng tôi đã dại dột khi cho phép mình trở thành một trạm thử nghiệm trong lĩnh vực khoa học khám phá thiên hướng tình dục.
Bố của Alexander là một cha xứ của hạt Hereford. Người thân của anh là kiểu người tôi chỉ mới biết qua sách báo. Họ hiện lên từ không gian hai chiều thành những con người bằng xương bằng thịt trong thực tế làm ta khó chịu, bực dọc. Chẳng hạn như mẹ Alexander có thú vui là nuôi một giống chó lông dài và thích khoe chúng tại Hội thi chó Crufts[17]. Ngôi nhà toàn mùi chó, mùi thức ăn chó và mùi nấm mốc. Họ toàn ăn những bữa ăn nhỏ đạm bạc với những lát thịt giăm bông màu hồng có những màng mỡ lớn màu trắng, khoai tây luộc, tủy hầm và bánh pudding gạo tráng miệng. Sau bữa tối, một người chị của Alexander chơi đàn xenlo còn một người chị khác chơi viola. Tất cả mọi người hoặc là gà gật theo hoặc là đọc bản nhạc. Tôi ngủ trong một căn phòng lạnh giá, cuộn mình trong một tấm chăn lông vịt, dưới tượng chúa Giê-su với hai cánh tay dang rộng, nhỏ máu cứng đơ ở trên tường phía bên trên giường tôi. Buổi sáng, bố của Alexander ăn trứng luộc lòng đào. Lòng đỏ trứng còn lỏng màu vàng đậm dính li ti lên bộ râu của ông. Bà mẹ thì ôm một con chó trong lòng, hôn lên miệng nó. Chẳng ai mảy may chú ý đến chuyện này. Con chó le lưỡi liếm vào lưỡi bà. Người và chó vươn tới gần để liếm nhau.
Tuy nhiên, tôi không tài nào hình dung con trai của một cha xứ sẽ gặp gỡ người đàn ông đeo cặp kính bụi bặm, đọc những tờ Radio Times có vết đánh dấu và khoanh tròn ở những chương trình phát buổi tối như thế nào.
Chúng tôi đón một chuyến tàu đi London và tôi dẫn Alexander đi qua cửa trước tòa nhà Benson Court. Trước đây, tôi chưa bao giờ để ý đến các loại mùi ở đây, nào là mùi nước tẩy rửa, mùi mồ hôi của những nữ nhân viên tạp vụ quét dọn và hương anh đào của mẹ tôi trong căn hộ nhà mình. “Em gần như được sinh ra ngay tại cái thang máy này” - tôi nói với Alexander khi chúng tôi đang đi lên. Buồng thang máy màu gụ trông giống như một cỗ quan tài lộn ngược. Anh vươn hai bàn tay ra chạm vào các bên của thành buồng rồi buông lời nhận xét: “Cái ‘dạ con’ này, cái lồng ấp này của em lớn gớm nhỉ! Tốt ghê!”
Bố mẹ tôi lặng câm trước sự xuất hiện của chàng thanh niên lịch lãm người Anh có những nếp nhăn dọc theo khóe miệng hằn sâu mỗi khi cười, đôi chân ống sậy vắt chéo trên chiếc ghế rẻ tiền trong lúc anh kiên nhẫn giải thích về những protein và những gì anh đang làm với chúng.
“Thế nó có biết gì không?” - bố tôi xuống nhà bếp thì thầm hỏi. Tôi đang ở trong bếp giúp mẹ xếp bánh bông lan cuộn mua sẵn ngoài tiệm lên đĩa và lau sạch bụi một chiếc cốc uống rượu đi kèm với miếng lót cốc, phòng khi Alexander muốn uống một chút gì và một trong số ba người trong gia đình tôi sẽ phải chạy ra cửa hàng mua một chai gì đó.
“Biết tường tận, thưa bố” - tôi đáp. Alexander đã hỏi tôi về
cái họ Kovaks và thắc mắc liệu tôi có họ hàng gì với gã chủ nhà trọ ổ chuột khét tiếng tên Sándor Kovacs hay không. Anh biết câu chuyện về Sándor Kovacs vì nó đã được đài báo đưa tin nhưng Alexander quả quyết với tôi rằng trong đầu anh không hề có ý nghĩ cho rằng giữa tôi và người đàn ông kia có mối quan hệ gì với nhau. Anh nói cái họ Kovaks chẳng liên quan gì với cái họ Kovacs. Ý nghĩ cho rằng hai họ này có quan hệ huyết thống với nhau là một suy đoán mông muội như thời Trung cổ. Và chắc là anh biết vì anh quan sát máu dưới kính hiển vi.
Khi bố tôi ở độ tuổi 58-59, ông đã cố gắng bằng mọi giá đổi họ của toàn bộ gia đình chúng tôi từ Kovacs sang Kovaks thông qua một chứng thư có duy nhất một đương sự ký. Ông nói với mẹ tôi: “Anh chỉ đổi duy nhất một ký tự. Giờ thì chúng ta chẳng có dây mơ rễ má gì với hắn nữa”. Bố tôi nghĩ ông đang đánh lừa ai cơ chứ? Chắc chắn là lừa chính bản thân ông. Mẹ tôi không bao giờ thực sự nuốt nổi chuyện đó và vẫn giữ tên mình như cũ. Bố tôi thì khó tính hơn. Ông giải thích với tôi lý do mẹ không muốn đổi họ là vì bà không biết đọc. Bố cưới mẹ con rồi mà tới giờ bà ấy vẫn không biết đánh vần tên bố là gì. Ông cười lớn và nháy mắt với mẹ tôi còn bà thì phớt lờ, không thèm để ý đến những gì bố nói.
Tôi chỉ cho Alexander thấy chữ “k” và chữ “c” khác biệt giữa hai cái họ nhưng khi tôi xin cấp hộ chiếu để đi nước ngoài, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi (một tuần ở Paris, chứ còn nơi nào khác nữa), anh đã nhìn thấy giấy khai sinh của tôi.
– “K” hay “c”, chữ nào nào? - Alexander hỏi - “Anh sẽ không trả cho em chừng nào em chưa giải thích rõ cho anh.” Thế là tôi buộc phải giải thích về ông bác của mình, người
đàn ông mặc đồ vải nỉ angora đi cùng một cô gái điếm mặc đồ họa tiết da báo.
– Rồi nó phản ứng thế nào? - bố tôi hỏi giọng căng thẳng, mắt đăm đăm nhìn quanh cánh cửa nhà bếp, cảm thấy không thoải mái trước sự hiện diện của một người lạ trong căn hộ của mình. - Thế nó có muốn tiếp tục hẹn hò với con không?
– Vâng có. Anh ấy dường như chẳng quan tâm chút nào. – Thế nó có biết chuyện đi tù và tất cả mọi thứ khác không? – Vâng biết hết.
– Con có chắc là nó hiểu không?
– Có mà bố.
– Thôi được. Giờ thì tốt hơn là con nên dính chặt với nó. Con không thể nào biết thằng con trai tiếp theo nào về sau phản ứng như thế nào đâu. Nói với nó là lúc nào gia đình mình cũng chào đón nó.
Cả hai chúng tôi đều bắt đầu làm luận án sau đại học. Tôi nghiên cứu về những nhân vật phụ của nhà văn Charles Dickens, những nhân vật bị xem là “kỳ cục” mà tôi cảm thấy quen thuộc từ trải nghiệm của riêng mình lớn lên trong môi trường tại Benson Court. Tôi cứ mơ mộng vẩn vơ và lười biếng cho nên việc viết luận án tiến triển chậm chạp. Trong khi đó, Alexander lại chạy đua để hoàn thành luận án của mình với một phong thái làm việc chăm chỉ, kỷ luật, vùi đầu suốt 12 tiếng mỗi ngày trong nhiều ngày trời ở phòng thí nghiệm và thư viện.
Anh được mời làm việc ở đại học Johns Hopkins ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ với tư cách là một thành viên của nhóm nghiên cứu. Anh hỏi tôi có đồng ý cưới anh không. Lời cầu hôn
trịnh trọng đó được đưa ra trong bữa ăn tối tại một nhà hàng Italy có rượu và có cả màn tặng nhẫn - một chiếc đính hạt kim cương nhỏ xíu. Alexander không muốn đi Mỹ mà không có tôi đi cùng. Anh nói tôi là ánh sáng của cuộc đời anh, là một con khỉ đen nhỏ đẹp kỳ lạ có những ngón tay cong lại với niềm thích thú khi cô ấy vui sướng và tranh luận với một niềm đam mê thinh lặng không nói ra về những gì cô ấy quan tâm: văn chương, quần áo, màu son môi. Với anh, tôi là một cô gái nghiêm trang mà nhẹ dạ, đầy hứng thú và gợi tình, quyến rũ, phải nói là vô cùng quyến rũ, v.v… Tôi thốt lên: “Có phải đây là cách anh thực sự nhìn nhận em không?”. “Ừ.” - anh đáp, ngạc nhiên vì tôi không hiểu đó chính là con người tôi. Tôi có thực sự cần anh trở thành một tấm gương cho tôi soi hay không cơ chứ?
Bố tôi lo lắng về nhiệm vụ dắt tôi tới trao cho chú rể trong lễ cưới tại nhà thờ, về việc đi giữa hai bên dãy ghế trong bộ cánh đuôi tôm đi thuê khi mọi con mắt đều đổ dồn về phía ông. Ông căng thẳng đến nỗi điều đó làm cho ông phát ốm. Ông bắt đầu mọc một cái nhọt độc và lo lắng về nó.
Ông nói với ông chủ của mình là Axelrod: “Ông biết không, tôi không thích điều đó tí nào. Tôi không có giấy chứng nhận rửa tội giống như chúng tôi đã làm một cái cho Vivien khi con bé mới chào đời. Nó có đủ giấy tờ, còn tôi thì không. Đó là điều mà anh không nên làm nếu anh không có giấy chứng nhận. Người ta có thể dựa vào đó mà nói những lời lẽ không hay về anh.”
Bố tôi gắn sai đá quý vào một chiếc vòng cổ. Thay vì gắn kim cương, ông lại gắn ngọc bích màu xanh lơ. Đây là lần đầu tiên bố tôi nhầm lẫn trong gần suốt 40 năm làm việc trung thành
"""