🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách: Anne tóc đỏ làng Avonlea Tác giả: Lucy Maud Montgomery Dịch giả: Hồ Thanh Ái
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Năm xuất bản: 2010
Thực hiện ebook: XXVII
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Giới thiệu
Những ai đã từng yêu quý “Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh” (Anne of Green Gables) hẳn sẽ không thể bỏ qua cuốn sách thứ hai “Anne tóc đỏ làng Avonlea” (Anne of Avonlea) nằm trong series tiểu thuyết về cô bé Anne Shirley nổi tiếng của nữ tác giả Lucy Maud Montgomery.
Mới ngày nào cô bé Anne mặt tàn nhang và dễ kích động vừa mới đặt chân lên đảo Hoàng Tử Edward đã gây bao xôn xao, xáo trộn. Vậy mà giờ đây Anne đã vụt lớn thành một thiếu nữ mười sáu tuổi tươi tắn và xinh đẹp. Tuổi mười sáu đặt lên vai cô nhiều trọng trách: một cô giáo làng với tham vọng gieo những ước vọng đẹp đẽ trong tâm hồn trẻ thơ, một sáng lập viên Hội Cải tạo với mong muốn biến Avonlea thành một ngôi làng xanh sạch đẹp hơn, và một người bảo hộ bất đắc dĩ của hai đứa bé sinh đôi mồ côi rất đáng yêu nhưng cũng gây lắm chuyện đau đầu. Nhưng tuổi mười sáu vẫn không làm mất đi trong Anne tính lãng mạn vô phương cứu chữa cũng như chẳng khiến Anne thôi vướng vào vô số sự cố dở khóc dở cười chẳng khác gì những học trò nhỏ tinh nghịch và hăng hái của cô.
Mười một, mười sáu rồi mười tám, Anne từng bước trưởng thành nhưng vẫn không thôi là Anne thánh thiện, lạc quan và căng tràn sức sống - nguồn cảm hứng tinh khôi quyến rũ biết bao thế hệ bạn đọc đủ mọi lứa tuổi trên khắp thế giới.
So với “Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh”, có thể nội dung của “Anne tóc đỏ làng Avonlea” không có nhiều đột biến, không có nhiều nút thắt mở hay những câu chuyện gợi trí tò mò của độc giả, nhưng ngòi bút của Montgomery lại có cơ hội vươn xa hơn đến những miền tưởng tượng và khuấy động tâm hồn người đọc bằng những chuỗi miêu tả tinh tế, lắng đọng.
Đừng vội thất vọng khi nghĩ rằng bạn sẽ không còn cơ hội được gặp lại cô nhóc Anne hay gây gổ và “vô phương cứu chữa” thuở nào, sẽ không còn được bật cười trước một mớ rối ren mà cô nhóc ấy gặp phải. Bởi trong “Anne tóc đỏ làng Avonlea” cũng không thiếu những tình huống như thế.
Câu chuyện về “cô giáo làng” Anne loay hoay để “thu phục” những cậu học trò quậy phá, chuyện Anne làm thế nào để “làm thân” với ông hàng xóm khó tính, chuyện Anne trở thành người tác hợp cho một mối tình…
Cô Anne 11 tuổi gặp rắc rối thế nào với mái tóc đỏ và trí tưởng tượng thái quá thì cô Anne 16 tuổi cũng gặp những vấn đề tương tự với 7 nốt tàn nhang trên mũi và thói hấp tấp, bốc đồng.
Một lần nữa, hãy đắm mình vào thế giới của Anne tóc đỏ, đắm mình trong ngôn ngữ văn chương thấm đẫm chất thơ của Montgomery, có thể bạn sẽ
thấy mình giống như Margaret Atwood, háo hức chờ đợi Anne tóc đỏ như chờ Wendy trong truyện Peter Pan lớn lên./.
Nhận xét về cuốn sách
"Dành cho tất cả những ai muốn được trải nghiệm cảm giác vui vẻ, hài hước trong khi đọc; và đặc biệt dành cho tất cả những ai từng yêu thích Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh.” - Resident Scholar
“Anne đã bước vào tuổi thiếu nữ, và những cuộc phiêu lưu của cô vừa khiến ta vừa thích thú cười thầm vừa trào dâng xúc cảm.” - Random House
MỤC LỤC
1. Người Hàng Xóm Nóng Nảy
2. Bán Vội Rồi Hối Hận Dài Dài
3. Ông Harrison Tại Gia
4. Ý Kiến Khác Nhau
5. Một Cô Giáo Đầy Bản Lĩnh
6. Đủ Loại Đủ Kiểu Đàn ông... Và cả Phụ Nữ Nữa 7. Nhiệm Vụ vẫy Gọi
8. Bà Marilla Nhận Nuôi Hai Đứa Trẻ Song Sinh 9. Vấn Đề Màu sắc
10. Davy Tìm Kiếm Sự Giật Gân
11. Sự Thật Và Tưởng Tượng
12. Một Ngày Xui xẻo
13. Một Buối Dã Ngoại Tuyệt Vời
14. Tránh Khỏi Mối Nguy
15. Kỳ Nghỉ Bắt Đầu
16. Bản Chất Của Những Cao Vọng
17. Một Chuỗi Rủi Ro
18. Một Chuyến Phiêu Lưu Trên Đường Bảo Thủ
19. Chỉ một ngày hạnh phúc
20. Chuyện vẫn Hay Xảy Ra Như Thế 21. Cô Lavendar Đáng Yêu
22. Những Chuyện Vụn Vặt
23. Chuyện Tình của Cô Lavendar
24. Nhà Tiên Tri Trong Lãnh Địa Riêng 25. Vụ Bê Bối Ở Avonlea
26. Khúc Quanh
27. Một Buổi Chiều Ở Căn Nhà Đá
28. Hoàng Tử Quay Lại Tòa Lâu Đài Bị Phù Phép 29. Thơ Ca Và Văn Xuôi
30. Đám cưới Ở Căn Nhà Đá
1. Người Hàng Xóm Nóng Nảy
Một cô gái cao, thanh mảnh, mười sáu tuổi “rưỡi”, đôi mắt xám nghiêm nghị, mái tóc có màu được bạn bè gọi là “nâu đỏ” đang ngồi trên bậc thềm sa thạch đỏ rộng rãi của một nông trại trên đảo Hoàng Tử Edward vào một buổi chiều muộn tháng Tám, quyết tâm dịch được càng nhiều dòng thơ của Virgil[1]càng tốt.
Nhưng một buổi chiều tháng Tám, với sương mù xanh nhạt bảng lảng trên những triền đồi mùa gặt, làn gió thì thào tinh nghịch giữa những hàng dương, anh túc đỏ rực rỡ nhảy múa như những ngọn lửa nổi bật trên bãi đất tối trồng cây linh sam non ở góc vườn anh đào, buổi chiều ấy phù hợp với những giấc mơ lãng mạn hơn là thứ ngôn ngữ chết. Quyển Virgil sớm chuồi khỏi tay rơi xuống đất không biết tự lúc nào, và Anne chống cằm lên hai tay đan chéo, dõi mắt theo những cụm mây bồng bềnh mỹ lệ đang vun lại thành một ngọn núi khổng lồ màu trắng phía trên ngôi nhà của ông J. A. Harrison, tâm tưởng của cô đã bay xa đến một thế giới tuyệt vời, nơi một cô giáo đang làm những công việc vĩ đại, định hình vận mệnh của những chính khách tương lai, gieo trồng những ước vọng đáng quý và cao thượng trong tâm hồn và trái tim trẻ thơ.
Đương nhiên, nếu đi thẳng vào thực tế trần trụi... tuy phải thú thật là Anne ít khi nghĩ tới trừ khi bị bắt buộc... không có mấy mầm mống danh nhân xuất hiện ở ngôi trường Avonlea; nhưng nếu một giáo viên chịu dùng hết sức mình, ai biết ngày sau sẽ ra sao chứ. Anne có một vài lý tưởng màu hồng về những thành tựu mà một giáo viên có thể đạt tới, chỉ cần cô đi đúng hướng; và cô đang mơ tới một giấc mơ tuyệt vời: 40 năm sau, một nhân vật nổi tiếng... nổi tiếng về cái gì thì tạm thời tính sau, nhưng Anne nghĩ cũng khá hay nếu ông ta là hiệu trưởng trường đại học hay thủ tướng Canada... cúi xuống hôn bàn tay nhăn nheo của cô và khẳng định rằng cô là người đầu tiên nhen nhóm lên ngọn lửa hoài bão của ông, rằng mọi thành công trong cuộc đời ông đều nhờ vào những bài học cô đã từng truyền đạt nhiều năm về trước ở trường Avonlea. Viễn cảnh dễ thương đó đã bị một sự can thiệp hết sức không dễ thương làm vỡ tan tành.
Một ả bò cái giống Jersey chạy cun cút xuôi con đường mòn, và năm giây
sau đó, ông Harrison bước vào... chỉ có điều “bước vào” là một động từ quá yếu ớt, không đủ sức miêu tả cách thức ông ta hùng hục xông vào sân.
Ông ta nhảy ngay qua rào mà không thèm chờ mở cổng, giận dữ đương đầu với cô nàng Anne đang hết sức ngạc nhiên đứng phắt dậy và hoang mang nhìn ông ta. Ông Harrison là người láng giềng mới bên phải bọn họ; cô chưa nói chuyện với ông ta lần nào dù có thấy qua một hai lần.
Hồi đầu tháng Tư, trước khi Anne rời trường Queen về nhà, ông Robert Bell, chủ nông trại giáp ranh với nhà Cuthbert về phía Đông đã bán đất và chuyển tới Charlottetown. Nông trại của ông được một ông J. A. Harrison nào đó mua lại, mọi người chỉ biết tên và một chi tiết khác là ông ta xuất thân từ New Brunswick. Chỉ mới một tháng ở Avonlea, ông ta đã kịp khoác lên mình danh hiệu một kẻ kỳ dị. “Gã lập dị”, bà Rachel Lynde tuyên bố. Bà Rachel là một quý bà trực tính, ai từng có hân hạnh gặp qua bà cũng nhớ rõ điều này. Ông Harrison rõ ràng là khác hẳn với những người khác... và đó là đặc trưng của một gã lập dị, như mọi người đều biết.
Đầu tiên, ông ta sống một thân một mình và tuyên bố thẳng thừng là không muốn bất cứ ả đàn bà ngu ngốc nào lảng vảng chung quanh chỗ ở của mình. Đám phụ nữ Avonlea trả thù bằng những lời đồn khủng khiếp về chuyện bếp núc và nội trợ của ông ta. Ông ta đã thuê cậu bé John Henry Carter ở White Sands và John Henry là nguồn phát tán những lời đồn này. Nào là ở nhà ông Harrison không có giờ giấc ăn uống cố định gì cả. Ông Harrison khi nào đói thì “nếm tí chút” và nếu lúc đó có John Henry lảng vảng quanh đấy thì cậu được chia phần, nhưng nếu cậu không có may mắn đó thì phải đợi đến khi ông Harrison đói lại. John Henry đau đớn quả quyết rằng hẳn là cậu đã chết đói nếu không được về nhà ăn no căng bụng mỗi Chủ nhật và mẹ cậu luôn gói ghém một giỏ đồ ăn để cậu đem theo mỗi sáng thứ Hai.
Hơn nữa, ông Harrison chẳng bao giờ để tâm đến việc rửa chén, trừ phi là vào một ngày Chủ nhật trời mưa. Khi đó, ông ta ra tay rửa bát đĩa hết một lượt trong máng lợn chứa nước mưa rồi để mặc cho chúng tự khô.
Ngoài ra, ông Harrison khá là “keo”. Khi được đề nghị đóng góp trả lương cho mục sư Allan, ông ta nói là phải đợi xem những bài giảng của
mục sư đáng giá bao nhiêu đô la trước đã... rằng ông ta không tin vào chuyện bịt mắt mua dê. Rồi khi bà Lynde đến xin đóng góp cho việc truyền giáo... và tình cờ nhìn thấy tình trạng bên trong căn nhà... ông ta đã nói với bà rằng số kẻ ngoại đạo trong đám bà tám ở Avonlea nhiều hơn hẳn bất cứ nơi nào khác ông ta biết, và ông ta sẵn sàng góp tiền để giúp bọn họ “cải tà quy chính” nếu bà Lynde chịu lãnh trách nhiệm đó. Bà Rachel bỏ đi một nước và tuyên bố thật may bà Robert Bell đã xuống mồ, nếu không bà ấy sẽ vỡ tim nếu thấy tình cảnh ngôi nhà mà mình từng hết sức tự hào.
“Chứ còn gì nữa, chị ấy cọ rửa sàn bếp hai ngày một lần,” bà Lynde căm phẫn nói với bà Marilla Cuthbert, “và giá như cô có thể nhìn thấy nó bây giờ! Tôi phải vén váy lên mới dám bước qua đấy.”
Cuối cùng, ông Harrison nuôi một con vẹt tên là Gừng. Chưa có ai ở Avonlea từng nuôi vẹt, chính vì vậy chuyện nuôi vẹt được coi là không đứng đắn chút nào. Lại còn con vẹt đấy nữa! Nếu tin vào lời cậu trai John Henry Carter nói thì chưa bao giờ có con chim nào xấu xa đến thế. Nó chửi thề trời thần đất quỷ. Bà Carter mà biết chắc tìm được chỗ làm khác cho cậu là bà sẽ dắt John Henry đi ngay. Bên cạnh đó, Gừng đã mổ mất một mẩu thịt sau gáy của John Henry khi cậu chàng cúi rạp xuống quá gần cái lồng. Bà Carter cho mọi người xem vết sẹo khi cậu John Henry xui xẻo về nhà vào Chủ nhật.
Tất cả những chuyện này thoáng hiện trong đầu Anne trong lúc ông Harrison đứng trước mặt cô, nghẹn lời vì quá tức tối. Khi ở trạng thái thân thiện nhất, ông Harrison cũng không thể được coi là đẹp trai; ông ta vừa lùn vừa béo lại vừa hói đầu; còn bây giờ, với khuôn mặt tròn vo tím bầm giận dữ cùng đôi mắt xanh lơ như lồi ra khỏi đầu, Anne cho rằng ông ta quả là người xấu xí nhất mà cô từng thấy.
Gần như ngay lập tức, ông Harrison phì ra.
“Tôi không thể chấp nhận được nữa,” ông ta lắp bắp, “không một ngày nào nữa, cô có nghe rõ không. Chúa rủ lòng thương cho linh hồn của tôi, đây là thứ ba, thưa cô... lần thứ ba! Nhẫn nại không còn là một đức hạnh nữa, thưa cô. Tôi đã cảnh cáo dì của cô lần trước rằng đừng để cho nó lặp lại... vậy mà bà ta vẫn cứ để cho nó lặp lại... bà ta đã làm như vậy... Bà ta muốn gì khi làm vậy, đó là điều tôi muốn biết. Đó là lý do tôi có mặt ở đây, thưa cô.”
“Ông có thể giải thích rõ hơn là có vấn đề gì được không?” Anne hỏi với vẻ trang nghiêm nhất của mình. Cô đã thực tập nhiều lần dạo gần đây để có thể có được vẻ trang nghiêm khi trở lại trường học, nhưng xem ra nó chẳng có tác dụng gì với ông J. A. Harrison đang phừng phừng lửa giận.
“Vấn đề hử? Chúa rủ lòng thương cho linh hồn tôi, tôi nghĩ đúng là có vấn đề thực đấy. Vấn đề là, thưa cô, tôi bắt quả tang con bò Jersey của dì cô trong đám ruộng yến mạch của tôi, chưa tới ba mươi phút trước đâu. Lần thứ ba, cô nhớ cho. Tôi phát hiện ra nó trong ruộng hôm thứ Ba tuần trước và ngày hôm qua. Tôi đã đến đây nói với dì cô là đừng để sự việc lặp lại nữa. Bà ta vẫn để nó lặp lại. Dì của cô đâu, thưa cô? Tôi chỉ muốn gặp bà ta đặng giảng cho bà ta một bài... bài giảng của J. A. Harrison, thưa cô.”
“Nếu ông muốn nói đến bác Marilla Cuthbert thì bác ấy không phải dì của tôi, với lại bác ấy đã đi đến Đông Grafton để thăm một người bà con xa bệnh rất nặng,” Anne đáp trả, nhấn giọng nghiêm trên từng từ. “Tôi rất lấy làm tiếc là con bò của tôi đã xông vào đám yến mạch của ông... nó là bò của tôi chứ không phải của bác Cuthbert... Bác Matthew tặng cho tôi ba năm trước khi nó còn bé xíu và bác ấy đã mua nó từ ông Bell.”
“Lấy làm tiếc ấy à, thưa cô! Tiếc với nuối chẳng giúp được quái gì. Tốt hơn cô hãy đi xem con súc vật ấy đã giở trò gì trong đám ruộng yến mạch của tôi... nó đạp dẹp lúa từ trong ra ngoài, thưa cô.”
“Tôi hết sức xin lỗi,” Anne lặp lại một cách dứt khoát, “nhưng có lẽ nếu ông giữ gìn hàng rào nhà mình đàng hoàng hơn thì Dolly đời nào mà xông vào được. Phần hàng rào ngăn giữa ruộng yến mạch nhà ông và đồng cỏ nhà chúng tôi là thuộc sở hữu của ông, bữa trước tôi thấy nó hình như không được chắc chắn mấy thì phải.”
“Hàng rào của tôi không có vấn đê gì sất,” ông Harrison bật lại, đã nóng càng nóng hơn trước câu nói chối bỏ trách nhiệm của Anne. “Hàng rào trại giam cũng không đủ sức ngăn cản một con quỷ như con bò cái này. Và tôi cho cô biết, đồ nhãi tóc đỏ ạ, nếu con bò là của cô, như cô nói, tốt nhất cô
hãy dành thời giờ mà trông coi không để nó phá phách trên ruộng nhà người khác, chứ đừng có ngồi thơ thẩn mà đọc đám tiểu thuyết sến bìa vàng kia,” ông ta căm tức liếc nhìn quyển Virgil màu nâu vàng vô tội nằm cạnh chân Anne.
Lúc này, có lẽ mái tóc Anne cũng không đỏ bằng ngọn lửa bốc lên rừng rực trong lòng... tóc đỏ, đó luôn là điểm yếu trí mạng của cô.
“Tôi thà có tóc đỏ còn hơn là hói sọi, chỉ có vài sợi lơ thơ quanh tai,” cô vụt thốt.
Mũi tên trúng đích, vì ông Harrison quả thật rất nhạy cảm về cái đầu hói của mình. Cơn giận làm ông ta nghẹn họng lần nữa và ông ta chỉ còn biết gườm gườm nhìn Anne không thốt nên lời. Anne lúc này đã bình tĩnh lại và thừa thắng xông lên.
“Tôi có thể thông cảm với ông, ông Harrison ạ, bởi vì tôi có óc tưởng tượng. Tôi có thể dễ dàng hình dung sẽ bực bội thế nào nếu tìm thấy một con bò đang phá phách trong ruộng nhà mình, tôi sẽ không giận ông vì những lời ông nói. Tôi hứa với ông là Dolly sẽ không bao giờ xông vào đám ruộng yến mạch của ông nữa. Tôi thề danh dự với ông như vậy.”
“Ờ, nhớ đừng để nó làm vậy nữa,” ông Harrison lầm bầm với giọng đã dịu đi đôi chút, nhưng ông ta vẫn hùng hổ dậm chân bỏ đi vẻ tức giận, và Anne nghe ông ta gắm gừ cho đến khi ông ta đi khỏi tầm nghe.
Bực bội hết cỡ, Anne băng qua sân và nhốt nàng Jersey hư đốn trong chuồng vắt sữa.
“Nó không thể nào thoát ra khỏi chuồng trừ phi đạp đổ hàng rào”, cô nghĩ bụng. “Nhìn nó có vẻ ngoan ngoãn đây. Mình dám cá nó đã ăn yến mạch đến phát bệnh, ước gì mình đã bán quách nó cho ông Shearer khi ông ấy đòi mua tuần trước, nhưng mình nghĩ nên đợi đến lúc bán đấu giá súc vật và tống hết chúng đi một lượt. Cái ông Harrison này đúng là người lập dị. Rõ ràng là ông ta chẳng đời nào có ai là tri âm tri kỷ cả.”
Anne luôn rất nhạy cảm với những tri âm tiềm năng.
Bà Marilla Cuthbert đánh xe ngựa vào trong sân khi Anne quay trở lại nhà, cô vội chạy đi chuẩn bị trà. Họ bàn bạc về chuyện vừa xảy ra trên bàn trà.
“Ta sẽ rất vui khi buổi đấu giá xong xuôi,” Marilla nói. “Thật vất vả khi có quá nhiều súc vật mà lại chỉ có mình cái tên Martin không thể tin tưởng được kia chăm sóc. Đến giờ mà hắn ta vẫn chưa chịu về, dẫu đã hứa hươu hứa vượn rằng nhất định sẽ về vào tối hôm qua nếu ta chịu cho hắn nghỉ một ngày để đi dự lễ tang cô hắn. Ta chẳng biết hắn có bao nhiêu bà cô nữa. Ta bảo đảm đó là bà cô thứ tư qua đời kể từ ngày thuê hắn một năm trước. Ta sẽ hết sức biết ơn khi thu hoạch xong vụ mùa và ông Barry tiếp quản nông trại. Chúng ta phải nhốt kỹ Dolly trong chuồng cho đến khi Martin tới, bởi vì phải dẫn nó đi ra bãi cỏ đằng sau, mà hàng rào ở đó thì cần sửa chữa. Ta nói thật, thế giới này đúng là rắc rối, như Rachel vẫn hay nói. Mary Keith đáng thương đang hấp hối, và ta chẳng biết nổi chuyện gì sẽ xảy ra với hai đứa con cô ta. Cô ta có một người anh ở British Columbia và đã viết thư cho anh ta về bọn chúng, nhưng anh ta vẫn chưa trả lời.”
“Đám nhóc thế nào? Chúng bao nhiêu tuổi?”
“Hơn sáu tuổi rồi... sinh đôi.”
“Ồ, cháu lúc nào cũng đặc biệt quan tâm đến mấy cặp sinh đôi vì bà Hammond có khá nhiều,” Anne hào hứng. “Chúng có xinh đẹp không?”
“Trời ơi, chả biết được... vì chúng dơ dáy lắm. Davy đang ở bên ngoài làm bánh bùn, Dora bước ra kêu nó vào. Thế là Davy dúi đầu con bé vào cái bánh bùn lớn nhất, và sau đó, bởi vì con bé òa lên khóc, nó bèn bước vào dầm mình luôn trong đó để chứng tỏ cho con bé thấy là chả có gì đáng để khóc cả. Mary nói Dora là đứa rất ngoan nhưng Davy thì nghịch hết chỗ nói. Có thể nói nó chưa hề được dạy dỗ tí gì. Cha nó chết khi nó còn ẵm ngửa, còn Mary thì cứ bệnh lên bệnh xuống từ khi ấy.”
“Cháu luôn cảm thương cho đám trẻ con không được dạy dỗ,” Anne
nghiêm nghị nói. “Bác biết đấy, chính cháu cũng chẳng được dạy dỗ gì cho đến khi bác nhận cháu về. Cháu mong cậu của chúng sẽ chăm sóc chúng. Cô Keith có họ hàng thế nào với bác ạ?”
“Mary hả? Chẳng có liên hệ gì. Là chồng cô ta kia... anh ta là anh em họ xa với bọn ta. Bà Lynde đi qua sân rồi kìa. Chắc bà ấy đến hóng chuyện về Mary.”
“Đừng kể cho bà ấy nghe chuyện ông Harrison và con bò cái,” Anne dặn dò.
Bà Marilla hứa với cô, nhưng lời hứa này hoàn toàn không cần thiết, vì bà Lynde vừa ngồi xuống đã nói ngay:
“Tôi thấy lão Harrison đuổi con bò Jersey của cô ra khỏi ruộng yến mạch khi tôi từ Carmody về nhà. Tôi thấy lão có vẻ rất điên tiết. Lão có làm ầm ĩ gì lắm không?”
Anne và bà Marilla lén cười thầm với nhau. Rất ít chuyện ở Avonlea lọt khỏi tầm mắt bà Lynde. Chỉ vừa sáng nay thôi, Anne có nói, “Nếu nửa đêm bác đi vào phòng mình, khóa cửa, kéo rèm và hắt xì hơi, ngay ngày hôm sau bà Lynde sẽ hỏi bác bị cảm ra sao!”
“Tôi nghĩ là có” bà Marilla thú nhận. “Tôi không có nhà. Ông ta đã cằn nhằn Anne một trận.”
“Cháu nghĩ ông ta là người hết sức khó ưa,” Anne nói, hất mái tóc hung đỏ vẻ bực tức.
“Cháu nói quá đúng,” bà Rachel nghiêm trang tuyên bố. “Ngay khi Robert Bell bán nhà cho một tên người New Brunswick là tôi biết ngay sẽ có chuyện mà, thế đấy. Tôi không biết Avonlea sẽ ra sao khi mà có quá xá người xa lạ ùn ùn kéo tới thế kia. Chắc đến nằm ngủ trên giường cũng chả thấy an toàn nữa.”
“Sao vậy, còn người mới nào nữa?” bà Marilla hỏi.
“Cô chưa biết à? ừ, có một gia đình đến từ Donnells. Họ đã thuê căn nhà cũ của Peter Sloane. Peter thuê ông ta quản lý cối xay. Họ từ miền Đông tới và chả ai biết gì về họ cả. Còn gia đình Timothy Cotton nghèo túng chuyển lên từ White Sands nữa, bọn họ sẽ là gánh nặng cho cộng đồng thôi, ông chồng thì bị ho lao... khi nào không đi trộm cắp... còn bà vợ thì chậm chạp chán đời chẳng làm gì ra hồn. Đến rửa chén mà bà ta còn phải ngồi nữa là. Bà George Pye thì vừa nhận nuôi Anthony Pye, cháu trai mồ côi của ông chồng bà ta. Nó sẽ học cháu đấy, Anne, cho nên cháu cứ chuẩn bị gặp rắc rối đi, thế đấy. Và cháu còn có thêm một học sinh lạ nữa. Paul Irving từ Mỹvề sống với bà nội. Cô còn nhớ cha cậu ta chứ, Marilla. Stephen Irving, cái tên phụ tình Lavendar Lewis ở Grafton đấy?”
“Tôi không nghĩ là anh ta phụ tình cô nàng đâu. Có cãi vã gì đó... tôi cho rằng đó là lỗi hai bên.”
“À, dù sao thì anh ta cũng chả lấy cô nàng, và cô nàng thì cứ quái quái gở gở kể từ đó, nghe đồn thế... sống một mình trong ngôi nhà đá tí ti mà cô nàng đặt tên là Nhà Vọng. Stephen đi sang Mỹ, làm ăn chung với ông chú và cưới một cô ả Yankee[2]. Từ đó đến giờ anh ta chưa về nhà lần nào, bà mẹ thì có đi thăm con một hai lần. Vợ anh ta mất hai năm trước nên anh ta gửi con về cho mẹ một thời gian. Nó mười tuổi rồi, và tôi chả biết nó có phải là học sinh gương mẫu hay không. Chẳng thể trông đợi gì nhiều vào bọn Yankee ấy được.”
Bà Lynde xem thường tất cả những ai không có may mắn được sinh ra hay lớn lên ở đảo Hoàng Tử Edward với vẻ cái khinh khỉnh có-gì-tốt-ở ngoài-Nazareth[3]. Họ có thể là người tốt, đương nhiên, nhưng dù sao thì vẫn phải đề phòng trước đã. Bà có thành kiến đặc biệt với “Yankee”. Chồng bà có lần bị một ông chủ ở Boston lừa mất mười đô, và không một thiên sứ, ông hoàng hay thế lực nào có thể thuyết phục bà Rachel rằng cả nước Mỹ không đáng phải chịu trách nhiệm về chuyện đó.
“Có thêm chút đổi mới ở trường Avonlea thì cũng chẳng chết ai,” bà Marilla lạnh nhạt nói, “Với lại nếu cậu bé này giống cha thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Steve Irving là chàng trai dễ thương nhất ở đây, dù vài người cho rằng anh ta kiêu căng. Tôi nghĩ bà Irving sẽ rất vui khi có cháu nội đến ở
chung. Từ khi chồng chết, bà ấy rất cô đơn.”
“Ồ, thằng bé ấy có thể tốt, nhưng dù sao thì nó cũng khác với trẻ em Avonlea,” bà Rachel nói dứt điểm. Ý kiến của bà về bất cứ ai, bất cứ nơi chốn hay vật gì vốn chẳng dễ dàng thay đổi. “Ta nghe nói cháu đang chuẩn bị thành lập Hội cải tạo Làng quê gì đấy, phải không Anne?”
“Cháu chỉ mới bàn với vài ba người bạn khi họp Câu lạc bộ Tranh luận lần trước thôi,” Anne đỏ mặt. “Họ nghĩ ý đấy cũng hay... ông bà Allan cũng vậy. Hội đấy đã được lập ở nhiều làng khác rồi.”
“Hừm, cháu mà cứ tiếp tục là sẽ gặp vô khối khó khăn đấy. Tốt nhất là để cho làng chúng ta yên, Anne, thế đấy. Mọi người không thích bị cải tạo đâu.”
“Ồ, chúng cháu đâu có định cải tạo con người. Chỉ là cải tạo Avonlea thôi. Có nhiều thứ cần làm để nó đẹp đẽ hơn. Ví dụ như nếu chúng ta có thể khuyên ông Levi Boulter kéo sập căn nhà cổ gớm ghiếc ở phía trên nông trại của ông ta, đó có thể coi là một cải tiến tốt không?”
“Đương nhiên rồi,” bà Rachel phải công nhận. “Cái phế tích cũ kỹ đấy làm chướng mắt cả vùng nhiều năm nay rồi. Nhưng nếu đám cải tiến viên của bọn cháu có thể dụ dỗ Levi Boulter làm không công việc gì đó cho công chúng thì hãy để cho ta đến chứng kiến từ đâu chí cuối nhé, thế đấy. Ta không muốn ngăn cản gì cháu, Anne à, bởi vì ý tưởng của cháu cũng có điểm có giá trị đấy, dẫu ta biết là cháu lại bị mấy cuốn tạp chí Yankee rác rưởi tiêm nhiễm. Nhưng cháu sẽ tối mắt tối mũi với trường học, và với tư cách một người bạn ta khuyên cháu đừng tốn công với mấy thứ cải tiến ấy nữa, thế đấy. Nhưng này, ta biết cháu sẽ theo đến cùng một khi cháu đã quyết tâm. Chẳng biết sao nhưng cháu luôn là người đã nói là làm.”
Có gì đó ở những đường nét kiên định trên đôi môi của Anne cho biết ý kiến của bà Rachel không cách xa sự thật mấy. Anne dốc lòng thành lập Hội cải tạo Làng quê. Gilbert Blythe dạy học ở White Sands nhưng luôn về nhà từ tối thứ Sáu đến sáng thứ Hai và rất hào hứng với ý tưởng đó, và đa số đám thanh niên còn lại sẵn sàng tham gia vào bất cứ thứ gì miễn là thỉnh thoảng có tụ họp và đôi chút “Vui vẻ.” Còn “cải tạo” có nghĩa là gì thì chẳng ai hiểu
rõ trừ Anne và Gilbert. Bọn họ đã bàn bạc và lập kế hoạch chi tiết vì một Avonlea lý tưởng, ít nhất là trong tâm trí bọn họ.
Bà Rachel vẫn còn một tin nóng hổi nữa.
“Họ đã giao trường ở Carmody cho một cô tên là Priscilla Grant. ở trường Queen cháu có quen cô nào tên như vậy không, Anne?”
“Ồ có. Priscilla dạy ở Carmody! Ôi thật là trên cả tuyệt vời!” Anne kêu lên, đôi mắt xám sáng rực tựa như ánh sao đêm, khiến bà Lynde tự hỏi lần nữa liệu mình có thể khẳng định Anne Shirley có thực sự là một cô gái xinh đẹp hay không.
2. Bán Vội Rồi Hối Hận Dài Dài
Anne đánh xe đến Carmody mua sắm vào buổi chiều hôm sau và kéo Diana Barry đi cùng. Diana đương nhiên là một thành viên nòng cốt của Hội cải tạo, và hai cô gái chẳng nói gì mấy đến đề tài khác trong suốt cả lượt đi lẫn lượt về từ Carmody.
“Việc đầu tiên chúng ta phải làm sau khi thành lập là sơn lại tòa thị chính,” Diana nói khi họ đánh xe qua tòa thị chính của Avonlea, một tòa nhà khá tồi tàn nằm dưới thung lũng rợp bóng cây vân sam. “Nó nhìn thật tởm quá, chúng ta phải giải quyết nó trước cả khi yêu cầu ông Levi Boulter giật sập nhà ấy chứ. Ba nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm nổi chuyện đó... Levi Boulter bần tiện chẳng đời nào tiêu phí thời gian vào một việc không kiếm ra tiền.”
“Có lẽ ông ta sẽ cho đám con trai giật sập nó nếu họ chịu tách mấy tấm ván thừa chẻ nhỏ ra cho ông ta làm củi nhóm lửa,” Anne hy vọng. “Chúng ta chỉ đành cố hết sức và chấp nhận đi từng bước. Chúng ta không thể mong đợi cải thiện mọi thứ ngay lập tức được. Đương nhiên, chúng ta phải thu phục nhân tâm trước đó.”
Diana không biết chắc thu phục nhân tâm nghĩa là gì, nhưng nghe có vẻ hay hay, và cô cảm thấy khá tự hào khi mình là thành viên của một hội có mục tiêu cao xa như vậy.
“Đêm qua tớ nảy ra một ý, Anne ạ. Cậu biết mảnh đất tam giác ở giao lộ ba con đường đi Carmody, Newbridge và White Sands chứ? ở đó mọc đầy cây vân sam non, nhưng nếu chúng ta nhổ sạch, chỉ để lại hai ba cây bạch dương thôi thì chắc là nhìn mát mắt hơn nhiều, phải không?”
“Tuyệt vời,” Anne vui vẻ đồng ý. “Và đặt thêm một băng ghế gỗ mộc dưới tầng cây nữa. Khi mùa xuân đến mình sẽ trồng một luống hoa phong lữ đỏ thắm ở giữa.”
“Hay đấy, chỉ có điều chúng mình phải nghĩ cách yêu cầu bà già Hiram Sloane cấm con bò cái của bà ta mò ra đường, nếu không nó sẽ ăn sạch hoa phong lữ của chúng mình mất,”
Diana cười khúc khích. “Bây giờ tớ bắt đầu hiểu thu phục nhân tâm nghĩa là gì rồi, Anne. Đến căn nhà cũ của Boulter rồi. Cậu có thấy một cái tổ quạ xấu xí đến thế ở đâu khác chưa? Lại còn chễm chệ bên đường cái nữa chứ. Một căn nhà cũ với các ô cửa sổ vỡ làm tớ nghĩ tới một thứ gì đó đã chết và bị móc mắt.”
“Tớ cho rằng một căn nhà cũ bỏ hoang nhìn thật là buồn thảm,” Anne mơ màng. “Với tớ, nó luôn có vẻ như đang suy tư về quá khứ và tiếc thương cho niềm hạnh phúc thời xưa cũ. Bác Marilla nói rằng một gia đình lớn đã từng sống trong căn nhà ấy hồi lâu lắm rồi, khi đó nó là một căn nhà đẹp đẽ, với khu vườn xinh xắn, hoa hồng leo đây tường. Nó từng tràn đầy tiếng cười, bài hát và bầy con trẻ, giờ đây nó trống rỗng, chẳng ai viếng thăm trừ những cơn gió. Chắc nó phải cảm thấy cô đơn buồn bã lắm! Có lẽ vào những đêm trăng sáng, bóng ma của những đứa trẻ, hoa hồng, những bài hát đều quay về viếng thăm... và trong một thoáng căn nhà cũ sẽ mơ thấy nó còn trẻ và vui sướng trở lại.”
Diana lắc đầu.
“Tớ chẳng bao giờ dám tưởng tượng những điều như thế về bất cứ nơi chốn nào nữa, Anne ạ. Cậu có nhớ mẹ tớ và bác Marilla giận dữ thế nào khi chúng mình tưởng tượng có những bóng ma lảng vảng ở rừng Ma Ám không? Cho đến giờ tớ vẫn chẳng dám đi qua đó khi trời tối; và nếu tớ cứ tưởng tượng những điều tương tự về căn nhà cũ của Boulter thì khi đi qua nó tớ sẽ lại sợ hú hồn cho coi. Hơn nữa, đám trẻ nít ấy đâu có chết. Họ đều lớn lên và thành đạt... một trong số họ làm đồ tể. Với cả dù sao chăng nữa, những bông hoa và những bài hát làm sao trở thành bóng ma được.”
Anne cố nén tiếng thở dài. Cô rất yêu quý Diana và họ luôn là bạn tốt của nhau. Nhưng từ lâu cô đã biết được rằng chỉ có mình mình đơn độc lang thang trong thế giới mộng ảo. Muốn đến thế giới ấy phải đi qua một lối đi bị phù phép, ngay cả những người thân yêu nhất cũng chẳng thế theo cô được.
Lúc hai cô đang ở Carmody thì trời đổ mưa lớn, tuy không lâu lắm. Xuyên qua những vòm cây lấp lánh nước mưa, những thung lũng um tùm nơi các nhánh dương xỉ sũng nước tỏa mùi ngai ngái, chuyến đi về nhà thật tuyệt vời. Nhưng khi họ quẹo vào con đường vào nhà Cuthbert, một cảnh tượng đập vào mắt Anne khiến cô chẳng thưởng thức phong cảnh tươi đẹp được nữa.
Bên phải bọn họ trải dài cánh đồng yến mạch ướt đẫm và trĩu hạt của ông Harrison; và giữa cánh đồng xanh xám thu hoạch trễ ấy là ả bò cái Jersey đang đứng oai vệ giữa những nhánh yến mạch ngon lành, vừa ve vẩy đuôi vừa bình thản chớp mắt nhìn họ.
Anne buông rơi dây cương, bậm môi đứng phắt dậy, coi bộ con vật bốn chân này sắp gặp họa lớn rồi. Cô không nói tiếng nào mà chỉ lanh lẹ trèo xuống xe, nhảy vút qua hàng rào trước khi Diana kịp hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.
“Anne, trở lại đi,” Diana hét tướng lên ngay khi bình tĩnh lại. “Cậu sẽ làm hỏng cái váy trong đám yến mạch ướt ấy... hỏng mất rồi. Cậu ấy chẳng thèm nghe mình! Ôi, cậu ấy chẳng đời nào kéo con bò đó đi một mình được. Đương nhiên mình phải tới giúp thôi.”
Anne điên cuồng phóng qua ruộng. Diana lanh lẹ nhảy xuống xe, buộc ngựa vào cọc, vén chiếc váy kẻ ô xinh đẹp của mình lên vai, leo qua hàng rào và bắt đầu đuổi theo cô bạn điên cuồng kia. Cô chạy nhanh hơn Anne đang bị chiếc váy ướt đẫm dính nhằng vào chân và mau chóng đuổi kịp bạn. Khi nhìn thấy dấu vết bọn họ để lại trên cánh đồng, chắc ông Harrison sẽ vỡ tim ra mất.
“Anne, trời ơi, dừng lại,” Diana đáng thương thở hổn hển. “Tớ mệt đến đứt hơi còn cậu thì ướt như chuôt lột.”
“Tớ... phải... đuổi con bò... ra... trước khi... ông Harrison... nhìn thấy,” Anne cũng muốn hết hơi. “Có chết đuối... tớ... cũng chẳng... thèm quan tâm... chỉ cần... chúng ta... đuổi nó... đi... được.”
Nhưng có vẻ như ả bò cái Jersey chẳng thấy có lý do gì mà nó phải bị
đuổi ra khỏi bữa chính ngon lành của mình cả. Hai cô gái thở hồng hộc vừa tiến lại gần nó thì nó đã quay đầu và tung vó chạy đến đầu kia cánh đồng.
“Chặn đầu nó,” Anne hét lên. “Nhanh lên, Diana, chạy đi.”
Diana chạy. Anne lạch bạch theo đuôi, còn ả bò Jersey xấu xa cong đuôi chạy vòng vòng quanh cánh đồng như bị ma ám. Diana thầm nghĩ chắc nó bị ma ám thật. Phải mất mười phút bọn họ mới chặn đầu được nó và kéo nó đi qua chỗ rào hỏng ở góc để sang con đường về nhà Cuthbert.
Vào đúng lúc này, phải nói là Anne đã điên tiết đến cực điểm. Nhìn thấy một chiếc xe dừng ở ngay bên đường, ông Shearer ở Carmody và đứa con trai ngồi trên xe đang cười toe toét càng làm tâm trạng của Anne tồi tệ hơn.
“Lẽ ra cháu nên bán con bò cho tôi khi tôi muốn mua tuần trước, Anne ạ,” ông Shearer cười khúc khích.
“Cháu sẽ bán nó cho ông bây giờ, nếu ông muốn,” cô chủ của con bò nói trong lúc mặt đỏ bừng, quần áo thì xốc xếch. “Ông lấy nó ngay lập tức cũng được.”
“Xong ngay. Tôi sẽ trả cháu hai mươi đô la như đã đề nghị lúc trước, và Jim sẽ kéo nó thẳng tới Carmody. Nó sẽ được đưa tới thị trấn với số súc vật còn lại tối nay. Ông Reed ở Brighton muốn mua một con bò giống Jersey.”
Năm phút sau đó Jim Shearer và ả bò cái Jersey đã hành quân trên đường, và cô nàng Anne bốc đồng đang đánh xe dọc con đường dẫn vào Chái Nhà Xanh với hai mươi đô la trong tay.
“Bác Marilla sẽ nói gì đây?” Diana hỏi.
“Ồ, bác ấy không quan tâm đâu. Dolly là con bò của mình và dẫu có đem đấu giá thì nó cũng chẳng bán được hơn hai mươi đô la đâu. Nhưng trời ơi, nếu ông Harrison nhìn thấy khoảnh ruộng đó thì ông ta sẽ biết nó lại vừa xông vào một lần nữa, ngay sau khi tớ thề danh dự là không để chuyện đó
lặp lại! Hừ, nó đã dạy cho tớ một bài học nhớ đời: không bao giờ thề danh dự về đám bò cái nữa. Một con bò có thể nhảy qua hoặc phá vỡ chuồng rào thì không thể tin tưởng được ở bất cứ đâu.”
Lúc ấy bà Marilla vừa đi thăm bà Lynde về, và khi quay trở lại bà đã biết tất cả, vì từ cửa sổ nhà mình bà Lynde đã nhìn thấy gần hết vụ mua bán và đoán ra phần còn lại.
“Ta cho rằng bán nó cũng tốt, dù cháu toàn hành động hấp ta hấp tấp khủng khiếp, Anne à. Dù sao thì ta cũng không hiểu làm sao nó ra khỏi chuồng được. Chắc nó húc đổ mấy tấm ván.”
“Cháu không biết nữa,” Anne nói, “nhưng cháu sẽ đi xem ngay bây giờ. Martin vẫn chưa chịu trở lại. Có lẽ vài bà dì nữa của anh ta lại qua đời chăng. Cũng giống như câu chuyện về ông Peter Sloane và những người bát thập cổ lai hy vậy. Một tối nọ, bà Sloane ngồi đọc báo và nói với ông Sloane, Tôi đọc thấy một người bát thập cổ lai hy khác vừa chết. Bát thập cổ lai hy là gì vậy, Peter?” Và ông Sloane đáp rằng ông không biết, nhưng chắc đó phải là những sinh vật rất ốm yếu, bởi vì ta chỉ toàn nghe thấy họ đang hấp hối mà thôi. Y chang như các bà dì của anh Martin vậy.”
“Martin cũng y hệt đám người Pháp còn lại,” Marilla nói vẻ chán ghét. “Không thể tin tưởng họ một ngày một bữa nào.”
Marilla đang xem xét những món đồ Anne mua ở Carmody thì nghe một tiếng thét lanh lảnh vang lên trong sân nuối súc vật. Một phút sau, Anne lao vào nhà bếp, tay vặn vẹo.
“Anne Shirley, chuyện gì vậy?”
“Ôi, bác Marilla, cháu biết làm gì đây? Thật là khủng khiếp. Và tất cả là lỗi của cháu, ôi, đến khi nào cháu mới học được cách dừng lại suy nghĩ trước khi làm những chuyện điên rồ đây? Bà Lynde luôn luôn nói với cháu rằng cháu sẽ gặp họa một ngày nào đó, và bây giờ thì cháu gặp họa thật rồi!”
“Anne, cháu lúc nào cũng trầm trọng hóa vấn đề! Cháu đã làm cái gì
nào?”
“Bán con bò Jersey của ông Harrison... con bò ông ta mua từ ông Bell... cho ông Shearer! Dolly vẫn đang đứng ngoan ngoãn trong chuồng ngay giây phút này.”
“Anne Shirley, cháu đang nằm mơ hả?”
“Cháu chỉ ước gì cháu đang nằm mơ. Không phải là mơ, mặc dù rất giống một cơn ác mộng. Và giờ này thì con bò của ông Harrison đã đến Charlottetown rồi. Ôi, bác Marilla, cháu tưởng là cháu hết gây chuyện rắc rối rồi, thế mà bây giờ cháu lại rơi vào vụ rắc rối tệ hại nhất trong đời. Cháu phải làm gì đây?”
“Làm gì ư? Chẳng còn gì để làm cả, bé con, trừ việc đi gặp ông Harrison và thông báo cho ông ta biết. Chúng ta có thể đưa con Jersey của chúng ta để trao đổi nếu ông ta không chịu lấy tiền. Dolly cũng chẳng khác gì con bò của ông ta cả.”
“Nhưng cháu chắc là ông ta sẽ hết sức bực tức và gắt gỏng cho coi,” Anne rên rỉ.
“Chắc là vậy rồi. Ông ta có vẻ là loại đàn ông dễ cáu kỉnh. Ta sẽ đi giải thích cho ông ta nếu cháu muốn.”
“Không, thật đấy, cháu không tệ đến vậy đâu,” Anne kêu lên. “Tất cả đều là lỗi của cháu, cháu không thể để bác chịu phạt thay được. Cháu sẽ tự đi, đi ngay lập tức. Chuyện này càng kết thúc sớm càng tốt, thật là nhục nhã hết chỗ nói mà.”
Anne đáng thương lấy mũ và hai mươi đô la rồi đi ra cửa, lúc ấy cô tình cờ liếc mắt nhìn vào phòng để thức ăn đang bỏ ngỏ. Trên bàn đặt một cái bánh quả hạch mà cô vừa làm hồi sáng... một món tráng miệng ngon tuyệt với lớp kem hồng có trang trí quả óc chó. Anne làm nó cho buổi tối thứ Sáu,
khi đám thanh niên của Avonlea tụ tập ở Chái Nhà Xanh để họp về Hội cải tạo. Nhưng làm sao bọn họ có thể sánh với ông Harrison đang tức giận một cách chính đáng kia chứ? Anne nghĩ rằng cái bánh đó đủ làm mềm trái tim của bất kỳ người đàn ông nào, nhất là người phải tự nấu ăn, và cô lập tức bỏ nó vào hộp. Cô sẽ mang nó cho ông Harrison như một lời đề nghị hòa bình.
“Ấy là nếu ông ta cho mình cơ hội nói một tiếng,” cô buồn bã nghĩ khi leo qua hàng rào, đi tắt qua cánh đồng vàng óng dưới ánh chiều tà mơ màng tháng Tám. “Giờ mình đã biết cảm giác của người tử tù sắp bị hành quyết là thế nào.”
3. Ông Harrison Tại Gia
Nhà của ông Harrison có cấu trúc khá lỗi thời, mái hiên thấp, quét vôi trắng xóa, phía sau là một lùm cây vân sam rậm rạp.
Ông Harrison đang ngồi một mình trên thềm nhà rợp bóng cây leo, mặc mỗi áo sơ mi và nhâm nhi tẩu thuốc. Khi nhận ra ai đang đi trên lối vào nhà, ông đột nhiên đứng dậy, chạy ngay vào nhà và đóng sầm cửa lại. Đó chỉ đơn thuần là hành động do quá bất ngờ, cùng với nỗi xấu hổ khá lớn vì đã giận quá mất khôn ngày hôm trước. Tuy nhiên, nó gần như xóa sạch chút can đảm còn sót lại trong tim Anne.
“Nếu bây giờ ông ta đã nóng nảy như vậy, khi biết mình đã làm gì thì ông ta còn tệ đến mức nào,” cô khổ sở nghĩ bụng rồi giơ tay gõ cửa.
Nhưng ông Harrison ra mở cửa, mỉm cười ngượng ngùng rồi mời cô vào với giọng điệu khá nhẹ nhàng và thân thiện, nếu không nói có chút lo lắng, ông đã cất ống điếu và mặc thêm áo khoác, ông mời Anne ngồi vào một chiếc ghế bụi bặm một cách rất lịch sự, và sự tiếp đón của ông có thể gọi là hoàn hảo nếu không có con vẹt hóng hớt đang nhìn qua song lồng bằng ánh mắt vàng chóe châm chọc. Anne vừa đặt mông xuống thì Gừng kêu lên,
“Chúa rủ lòng thương linh hồn tôi, con nhãi tóc đỏ kia đến đây làm gì?” Chẳng biết khuôn mặt của ai đỏ hơn, ông Harrison hay là Anne.
“Cháu đừng để ý đến con vẹt ấy,” ông Harrison giận dữ lườm Gừng. “Nó... nó luôn nói nhảm đấy mà. Tôi nhận nuôi nó từ ông anh thủy thủ. Đám thủy thủ ăn nói chẳng mấy chọn lọc, còn đám vẹt lại là giống hay bắt chước.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” Anne đáng thương thốt lên, mục đích của chuyến đi đã kìm hãm cơn bất mãn của cô. Cô không thể làm mất mặt ông Harrison
trong tình thế hiện nay, đó là chắc chắn rồi. Khi bạn lỡ bán con bò Jersey của một người đàn ông mà không xin phép thì bạn chẳng có quyền tức giận nếu con vẹt của ông ta cứ lặp đi lặp lại những lời châm chọc. Dù sao chăng nữa, “con nhãi tóc đỏ” không còn rón rén ngoan ngoãn như đáng phải vậy nữa.
“Tôi đến để thú nhận với ông một chuyện, ông Harrison ạ,” cô quả quyết lên tiếng. “Đó... đó là về... con bò Jersey.”
“Chúa rủ lòng thương linh hồn tôi” ông Harrison lo lắng kêu lên, “có phải nó lại xông vào đám yến mạch của tôi nữa không? ồ, không sao... như vậy cũng không sao. Chẳng có gì khác biệt... chẳng có gì cả, tôi... quả thực tôi đã quá hấp tấp ngày hôm qua. Nó có xông vào cũng chẳng sao đâu.”
“Ôi, không chỉ có vậy,” Anne thở dài. “Mà còn tồi tệ hơn gấp mười lần. Tôi không... “
“Giời ơi, ý cháu nói là nó còn chạy qua đám ruộng lúa mì?” “Không... không... không phải là đám lúa mì. Nhưng...”
“Vậy thì là vườn cải bắp rồi! Nó đã giẫm đạp lên đám cải bắp tôi trồng để tham gia triển lãm, phải không?”
“Không phải là cải bắp, ông Harrison à. Tôi sẽ nói cho ông biết tất cả... đó là lý do tôi tới đây - nhưng xin đừng ngắt lời tôi. Làm thế tôi sẽ rất bối rối. Hãy để tôi kể từ đầu đến đuôi và đừng ngắt lời - sau đó chắc chắn ông có nhiều lời để nói lắm đấy,” Anne đế thêm nhưng chỉ trong tâm tưởng.
“Tôi sẽ không nói một từ nào,” ông Harrison nói và làm đúng như vậy. Nhưng con Gừng không bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước im lặng nào và cứ tiếp tục quang quác, “nhãi ranh tóc đỏ” từng đợt một cho đến khi Anne cảm thấy muốn phát điên lên.
“Tôi nhốt con bò Jersey của tôi vào chuồng ngày hôm qua. Sáng nay tôi đi Carmody và khi trở về tôi nhìn thấy một con bò Jersey trong đám ruộng yến mạch của ông. Diana và tôi đuổi nó ra và ông không thể tưởng tượng
được chúng tôi đã khổ sở thế nào đâu. Tôi ướt mẹp, mệt mỏi và tức điên người - ngay giây phút đó ông Shearer đi ngang qua và đề nghị mua con bò. Tôi đã bán nó cho ông ấy tại chỗ lấy hai mươi đô la. Đó là sai lầm của tôi. Lẽ ra tôi nên chờ hỏi ý bác Marilla. Nhưng tôi đã quá quen cái thói làm mà không suy nghĩ - những người biết tôi cũng đồng ý như thế. Ông Shearer đã dẫn con bò đi ngay để kịp chuyến tàu buổi chiều.”
“Con ranh tóc đỏ,” con Gừng xen lời với giọng điệu khinh miệt cực điểm.
Đến lúc này, ông Harrison đứng phắt dậy, vẻ mặt hầm hầm đủ sức dọa chết bất cứ loại chim nào trừ giống vẹt, ông quẳng lồng con Gừng vào căn phòng kế bên rồi đóng cửa lại. Gừng hét tướng lên, chửi thề và thể hiện hết bản lĩnh vốn có của nó, nhưng khi thấy chỉ còn một mình, nó đành chịu câm miệng một cách uất ức.
“Xin lỗi, cháu cứ nói tiếp đi,” ông Harrison lại ngồi xuống. “Ông anh thủy thủ của tôi chẳng bao giờ chịu dạy dỗ con chim cho ra hồn.”
“Tôi đi về nhà và sau bữa trà, tôi đi ra chuồng bò, ông Harrison ạ”... Anne nghiêng người về phía trước, chắp tay lại theo thói quen thuở nhỏ, đôi mắt to màu xám của cô nhìn chằm chằm vào khuôn mặt xấu hổ của ông Harrison... “Tôi thấy con bò của tôi vẫn bị nhốt trong chuồng. Tôi đã bán con bò của ông cho ông Shearer.”
“Chúa rủ lòng thương linh hồn tôi,” ông Harrison kêu lên, hoàn toàn kinh ngạc trước kết thúc bất ngờ của câu chuyện. “Thật là một câu chuyện hết sức đặc biệt!”
“Ôi, chẳng đặc biệt chút nào khi tôi lại lôi bản thân mình và cả những người khác vào vụ rắc rối thế này,” Anne buồn rầu thốt. “Tôi là thế đấy. Ông chắc phải cho rằng tôi đã đủ trưởng thành để không lâm vào những tình huống tréo ngoe thế này... Tháng Ba tới tôi sẽ mười bảy tuổi... nhưng có vẻ như là tôi vẫn chưa đủ lớn. Ông Harrison, liệu có quá đáng khi hy vọng rằng ông sẽ tha thứ cho tôi không? Tôi e là giờ đã quá trễ để lấy con bò của ông lại, nhưng đây là số tiền bán bò... hoặc là ông có thể lấy con bò của tôi nếu ông muốn. Nó là một con bò rất tốt. Và tôi không thể diễn tả được nỗi hối hận của tôi về mọi việc.”
“Chậc chậc,” ông Harrison cắt ngang, “không cần nói gì nữa, quý cô. Không có gì đáng kể... không có gì đáng kể cả. Tai nạn đấy mà. Đôi khi tôi cũng quá hấp tấp, cô gái ạ... quá sức hấp tấp. Nhưng tôi không thể không nói ra những gì tôi nghĩ và mọi người phải chấp nhận tôi như tôi vốn thế. Nếu mà con bò ấy dám mò vào đám cải bắp bây giờ... nhưng quên đi, nó đâu có mò vào, vì vậy mọi chuyện đều ổn. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ lấy con bò của cháu, dù sao thì cháu cũng muốn tống khứ nó đi mà.”
“Ôi, cảm ơn ông, ông Harrison. Cháu rất vui vì ông không nổi điên lên. Cháu cứ sợ là ông sẽ như vậy.”
“Và tôi chắc là cháu sợ đến phát khiếp khi tới đây thú thật với tôi, sau khi đối mặt với cơn tam bành của tôi ngày hôm qua, phải không? Nhưng cháu đừng để ý, tôi là một lão già trực tính khủng khiếp, chỉ thế thôi... Luôn nhanh mồm nói ra sự thật, dẫu có trần trụi tới đâu.”
“Bà Lynde cũng vậy,” Anne buột miệng trước khi có thể ngăn mình lại.
“Ai cơ? Bà Lynde á? Đừng có nói là tôi giống bà tám ấy,” ông Harrison bực bội. “Tôi không... không giống vậy chút nào. Cháu mang cái gì trong hộp vậy?”
“Một cái bánh,” Anne tinh nghịch đáp lời. Vui sướng trước vẻ hiếu khách bất ngờ của ông Harrison, tinh thần của cô hồi phục nhanh chóng. “Cháu đem qua biếu ông... Cháu nghĩ có lẽ ông không có dịp ăn bánh thường xuyên.”
“Đúng là tôi không hay được ăn bánh thật, và tôi cũng rất thích bánh nữa. Rất cảm ơn cháu. Nhìn bên ngoài có vẻ ngon đấy. Tôi hy vọng bên trong cũng ngon.”
“Đương nhiên,” Anne tự tin. “Cháu từng làm những cái bánh không được ngon, cô Allan có thể cho ông biết về vụ đó, nhưng cái này thì đảm bảo. Cháu làm nó cho Hội Cải tạo, nhưng vẫn còn thừa thời gian để làm một cái
khác.”
“Ồ, nghe tôi nói này, cô gái, cháu phải ăn chung với tôi mới được. Tôi sẽ đun nước và chúng ta uống trà nhé. Vậy có được không?”
“Ông để cho cháu pha trà được không?” Anne nói vẻ nghi ngờ. Ông Harrison cười khúc khích.
“Tôi thấy cháu không mấy tin tưởng vào tài pha trà của tôi. Cháu sai rồi... Tôi có thể pha một vại trà ngon chẳng kém gì thứ ngon nhất cháu từng uống. Nhưng cứ tự nhiên đi. May là Chủ nhật tuần trước trời mưa nên còn nhiều chén đĩa sạch lắm.”
Anne nhanh chóng đứng dậy và bắt tay vào việc. Cô rửa ấm trà mấy nước liền trước khi ngâm trà. Sau đó cô lau bếp, dọn bàn ăn, đem chén đĩa ra khỏi chạn. Cô phát hoảng khi nhìn vào bên trong chạn, nhưng cô khôn ngoan không bình luận gì. Ông Harrison chỉ cho cô chỗ để bánh mì, bơ và một lon đào hộp. Anne trang trí bàn ăn bằng một bó hoa hái ngoài vườn và lờ đi vết bẩn trên khăn trải. Chẳng bao lâu trà đã sẵn sàng và Anne thấy mình đang ngồi đối diện với ông Harrison bên bàn, rót trà cho ông và tán chuyện thoải mái về trường học, bạn bè và các kế hoạch của cô. Cô hầu như không thể tin nổi chuyện này là thật.
Ông Harrison đã đem Gừng trở lại, quả quyết rằng con chim đáng thương ấy sẽ cảm thấy cô đơn nếu bị bỏ rơi; và Anne, cảm giác rằng mình có thể tha thứ cho tất cả mọi người và tất cả mọi chuyện, đưa cho nó một quả óc chó. Nhưng Gừng đã bị tổn thương trầm trọng, nó từ chối mọi món hối lộ làm quen. Nó ủ rũ đậu trên chạc và xù lông ra cho đến khi nhìn chẳng khác gì một quả banh lông xanh vàng.
“Tại sao ông lại gọi nó là Gừng?” Anne hỏi, cô vốn thích những cái tên thật kêu và nghĩ rằng Gừng chẳng hợp với bộ lông kiều diễm đến thế.
“Người anh thủy thủ của tôi đặt tên cho nó. Có lẽ muốn ám chỉ tính khí nóng nảy của nó. Nhưng tôi đánh giá con chim đó khá cao... cháu sẽ rất ngạc nhiên nếu biết tôi thích nó đến nhường nào. Nó quả thật cũng có khuyết điểm. Nó làm tôi hao phí khá nhiều tiền của đấy. Một số người phản đối thói quen chửi thề của nó, nhưng chẳng có cách nào cấm nó được. Tôi đã cố gắng thử... những người khác cũng đã cố gắng. Một số người có thành kiến với vẹt. Ngốc nghếch quá, phải không? Tôi thì tôi thích vẹt. Gừng là một người bạn thân thiết của tôi. Không có gì... không có gì trên thế giới có thể bắt tôi bỏ nó, cô gái ạ.”
Ông Harrison hùng hổ nhấn mạnh câu cuối với Anne cứ như ông nghi ngờ rằng cô có âm mưu thuyết phục ông bỏ Gừng. Tuy nhiên, Anne đã bắt đầu cảm thấy mến người đàn ông thấp bé lập dị và nóng nảy bộp chộp này, và trước khi bữa ăn kết thúc, họ đã trở thành bạn tốt của nhau, ông Harrison đã biết về Hội Cải tạo và tỏ vẻ ủng hộ.
“Đúng đấy. Cứ tiếp tục đi. Có rất nhiều chỗ... và có rất nhiều người cần phải cải tạo ở đây.”
“Ồ, thế mà cháu không biết đấy,” Anne bật lại. Cô có thể công nhận với bản thân và bè bạn thân thiết rằng có vài khiếm khuyết nhỏ dễ dàng khắc phục ở Avonlea và cả cư dân nơi đây. Nhưng nghe lời phê bình của một người gần như xa lạ như ông Harrison thì hoàn toàn là một chuyện khác. “Cháu nghĩ Avonlea là một nơi đáng yêu; và cư dân ở đây cũng rất dễ thương.”
“Cháu cũng dễ nổi nóng quá nhỉ,” ông Harrison nhận xét, quan sát đôi má đỏ bừng và cặp mắt bất bình trước mặt. “Tính khí ấy hợp với mái tóc của cháu, tôi nghĩ vậy. Avonlea là một nơi khá tử tế, nếu không thì tôi đã không chuyển đến đây, nhưng tôi cho rằng đến cháu cũng phải thừa nhận rằng nó có một số khiếm khuyết chứ?”
“Vì vậy mà cháu càng yêu Avonlea,” Anne trung thành đáp trả. “Cháu không thích những nơi hay những người chẳng có khiếm khuyết nào. Cháu cho rằng một người thực sự hoàn hảo sẽ rất đáng chán. Bà Milton White nói rằng bà chưa gặp ai hoàn hảo, nhưng đã nghe nói đến một người... vợ trước của chồng bà ta. Ông có nghĩ rằng lấy phải một người có bà vợ đầu hoàn hảo
thì thật là khó chịu không?”
“Còn khó chịu hơn nếu phải lấy một bà vợ hoàn hảo,” ông Harrison tuyên bố với giọng sôi nổi bất ngờ không hiểu tại sao.
Khi xong bữa, Anne khăng khăng đòi rửa chén bát, mặc dù ông Harrison đảm bảo với cô rằng có đủ chén bát để dùng cho nhiều tuần nữa. Cô cũng rất muốn quét sạch sàn nhà nhưng không tìm thấy chổi đâu, mà cô thì lại không dám hỏi ông Harrison vì sợ ông sẽ trả lời rằng nhà không hề có chổi.
“Thỉnh thoảng cháu ghé qua trò chuyện với tôi nhé,” ông Harrison đề nghị khi cô ra về. “ở đây không xa và láng giềng cũng nên thân thiết với nhau một chút. Tôi cũng khá quan tâm đến cái Hội của cháu. Theo tôi có vẻ cũng khá thú vị đấy. Các cháu sẽ giải quyết ai đầu tiên?”
“Chúng cháu sẽ không can thiệp vào con người... chúng cháu chỉ muốn cải tạo nơi chốn thôi,” Anne nói vẻ trang nghiêm. Cô hơi nghi ngờ rằng ông Harrison đang xiên xỏ dự án của mình.
Khi cô đi rồi, ông Harrison nhìn cô từ cửa sổ... một dáng hình nữ tính mềm mại vui vẻ lướt đi trên cánh đồng trong ánh hồng hoàng hôn.
“Mình là một lão già cộc cằn, cô đơn, hay cáu kỉnh,” ông nói lớn tiếng, “nhưng cô bé ấy có thứ gì đó làm cho mình cảm thấy trẻ lại... cảm giác ấy thật dễ chịu và mình muốn có được cảm giác ấy thường xuyên hơn.”
“Con ranh tóc đỏ,” con Gừng la ó vẻ chế giễu.
Ông Harrison dứ dứ nắm đấm của mình về phía con vẹt.
“Đồ xấu tính,” ông lầm bầm, “ước gì ta bẻ phắt cổ mi cho rồi khi anh ta đem mi về nhà. Tới chừng nào mi mới thôi gây rắc rối cho ta đây?”
Anne sung sướng chạy về nhà và kể lại cuộc phiêu lưu cho bà Marilla, bà đã lo lắng không ít trong suốt thời gian cô vắng mặt và suýt chút nữa đã chạy đi tìm cô.
“Dù sao chăng nữa, thế giới này vẫn khá là tốt đẹp, phải không bác Marilla?” Anne vui vẻ kết luận. “Hôm trước bà Lynde phàn nàn rằng thế giới này chẳng có gì hay. Bà ấy nói rằng mỗi khi chúng ta trông đợi bất cứ thứ gì vui vẻ, chắc chắn chúng ta sẽ thất vọng dù nhiều hay ít. Có lẽ đó là sự thật. Nhưng cũng có mặt tốt. Những điều xấu không hẳn lúc nào cũng tệ như chúng ta tưởng... gần như luôn luôn kết thúc tốt đẹp hơn hẳn mong đợi. Tối nay khi sang nhà ông Harrison, cháu cứ đinh ninh mình sẽ gặp xui xẻo; ai ngờ ông ấy lại khá dễ thương và cháu đã có một khoảng thời gian tương đối vui vẻ. Cháu nghĩ cháu và ông ấy có thể trở thành bạn rất thân nếu chúng cháu chịu bỏ qua những tính xấu của nhau, và mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp. Nhưng dù sao chăng nữa, bác Marilla à, chắc chắn cháu sẽ không bao giờ bán bò khi chưa biết chắc chủ của nó là ai. Và cháu không thích vẹt!”
4. Ý Kiến Khác Nhau
Một buổi hoàng hôn nọ, Jane Andrews, Gilbert Blythe và Anne Shirley thơ thẩn bên hàng rào dưới bóng râm của hàng vân sam nhẹ nhàng đung đưa, nơi một con đường băng rừng nhỏ được biết với cái tên lối Bạch Dương đổ ra đường cái. Jane đến thăm Anne suốt buổi chiều, sau đó Anne cùng cô đi bộ về nhà, tới hàng rào thì họ gặp Gilbert và cả ba bắt đầu trò chuyện về ngày mai định mệnh, ngày khai giảng mồng một tháng Chín. Jane sẽ đến dạy ở Newbridge và Gilbert ở White Sands.
“Cả hai cậu đều may hơn tớ,” Anne thở dài. “Các cậu sẽ dạy những đứa trẻ xa lạ; còn tớ phải dạy đám bạn học cũ của tớ, và bà Lynde bảo e rằng họ sẽ không tôn trọng tớ như một cô giáo bất kỳ nào khác, trừ phi tớ tỏ vẻ hắc xì dâu ngay hôm đầu tiên. Nhưng tớ không cho rằng giáo viên thì nên khó tính, ôi, tớ thấy đây đúng là một gánh nặng!”
“Chắc sẽ ổn cả thôi,” Jane tỏ vẻ thoải mái. Jane không bị quấy rầy bởi bất cứ cao vọng gây ảnh hưởng tốt lên học sinh nào. Cô chỉ muốn làm tròn chức trách, làm hài lòng Ban quản trị trường học và được liệt vào bảng danh dự của Thanh tra trường. Jane không có thêm bất cứ tham vọng nào. “Cần nhất là phải giữ gìn trật tự, và để làm điều đó giáo viên phải tỏ vẻ nghiêm khắc. Nếu học sinh của tớ không nghe lời thì tớ sẽ phạt chúng.”
“Phạt thế nào?”
“Tất nhiên là đánh chúng một trận ra trò.”
“Ồ, Jane, cậu sẽ không làm vậy đâu,” Anne kêu lên căm phẫn. “Jane, cậu không thể làm vậy!”
“Thật đấy, tớ có thể và sẽ làm vậy, nếu chúng đáng bị ăn đòn”Jane quả quyết.
“Tớ chẳng bao giờ có thể đánh một đứa trẻ,” Anne đáp trả với vẻ quả quyết không kém. “Tớ hoàn toàn không tin vào phương pháp ấy. Cô Stacy chẳng bao giờ đánh chúng mình mà lớp lúc nào cũng trật tự; và thầy Phillips thì cứ đánh học trò nhưng lớp cứ lộn nhào cả lên. Không, nếu tớ phải đánh học trò thì tớ chẳng thèm cố dạy học làm gì. Có nhiều cách quản lý học trò tốt hơn. Tớ sẽ cố được học trò yêu thích, và khi đó chúng sẽ muốn làm bất cứ điều gì tớ yêu cầu.”
“Nhưng trong trường hợp chúng không muốn thì sao?”Jane luôn là người thực tế.
“Dù sao thì tớ cũng sẽ không đánh bọn chúng. Tớ chắc là bạo lực chẳng làm được gì. ôi, đừng đánh đám học sinh của cậu, Jane thân yêu, dù chúng làm bất cứ chuyện gì.”
“Cậu nghĩ thế nào, Gilbert?” Jane hỏi. “Cậu không nghĩ rằng có một số đứa nhóc thỉnh thoảng thực sự cần ăn đòn sao?”
“Cậu không nghĩ rằng đánh trẻ con, bất kỳ đứa trẻ nào, là một hành động dã man tàn bạo sao?” Anne kêu lên, mặt đỏ ửng vẻ thành khẩn.
“Ừ,” Gilbert chậm rãi đáp, bị giằng xé giữa ý kiến thật sự của mình và mong muốn sánh vai với hình mẫu trong lòng Anne,” cả hai bên đều có lý cả. Tớ không tin mấy vào việc đánh trẻ em. Như cậu nói đấy, Anne, có nhiều cách tốt hơn để duy trì trật tự, và trừng phạt về thể xác là biện pháp cuối cùng. Nhưng mặt khác, như Jane nói, tớ tin rằng có một vài đứa trẻ không thể bị cảm hóa bằng bất cứ cách nào khác và nói tóm lại, nó cần bị ăn đòn mới chịu sửa đổi. Theo tớ, trừng phạt thể xác chỉ là biện pháp cuối cùng khi chẳng còn cách nào khác.”
Gilbert cố gắng làm hài lòng cả hai bên, vậy nên kết quả đương nhiên và không thể tránh khỏi là chẳng bên nào hài lòng với anh cả. Jane hất đầu.
“Tớ sẽ đánh học trò khi chúng hư. Đó là cách ngắn nhất và dễ dàng nhất để thuyết phục bọn chúng.”
Anne nhìn Gilbert vẻ thất vọng.
“Tớ sẽ chẳng bao giờ đánh một đứa trẻ nào,” cô lặp lại một cách kiên định. “Tớ cảm thấy điều đó chẳng đúng hay cần thiết gì cả.”
“Giả sử một thằng nhóc cư xử thiếu lễ độ với cậu khi cậu ra lệnh cho nó thì sao?”Jane hỏi.
“Tớ sẽ giữ nó ở lại trường sau giờ học và khuyên bảo nó một cách thân tình nhưng cương quyết,” Anne đáp. “Ai cũng có điểm tốt cả, nếu cậu chịu khó tìm kiếm. Trách nhiệm của giáo viên là tìm và phát triển điểm tốt ấy. Giáo sư môn Quản lý Trường học ở trường Queen đã dạy chúng ta điều đó, cậu biết mà. Cậu cho rằng đánh đòn trẻ con thì có thể tìm được điểm tốt của nó sao? Giáo sư Rennie từng nói tạo ảnh hưởng đúng đắn lên trẻ em còn quan trọng hơn là dạy chúng đọc, viết và tính toán nữa.”
“Nhưng Thanh tra chỉ kiểm tra ba môn đọc, viết và tính toán thôi, cậu biết đấy, và ông ta sẽ không đánh giá cậu cao nếu bọn nhóc làm bài không đạt chuẩn,” Jane phản đối.
“Tớ thà được học trò yêu quý và nhớ đến nhiều năm sau như một người hướng đạo thực thụ còn hơn được nêu tên trên bảng danh dự,” Anne khẳng định.
“Vậy cậu sẽ không trừng phạt bọn trẻ khi chúng phá phách sao?” Gilbert hỏi.
“Ồ, có chứ, tớ cho rằng tớ sẽ làm vậy, mặc dù biết là tớ căm ghét điều đó. Nhưng chúng ta có thể không cho chúng ra chơi, phạt đứng hay chép phạt.”
“Tớ cho rằng cậu sẽ không dùng cách buộc ngồi với đám con trai để phạt đám con gái, phải không?” Jane tinh nghịch hỏi.
Gilbert và Anne nhìn nhau mỉm cười vẻ bối rối. Đã có một thời Anne bị phạt ngồi cạnh Gilbert, hậu quả là bao buồn bực cay đắng về sau.
“À, thời gian sẽ trả lời đâu là cách tốt nhất,” Jane triết lý khi họ chia tay.
Anne quay trở lại Chái Nhà Xanh theo lối Bạch Dương, lối đi âm u, tiếng lá cây xào xạc, mùi dương xỉ lan tỏa, rồi xuyên qua thung lũng Tím, đi ngang hồ Liễu Rủ, nơi bóng tối và ánh sáng đan xen dưới tán linh sam, dọc theo đường Tình Nhân... những nơi chốn ngày xưa cô và Diana đã đặt tên. Cô bước đi chậm rãi, thưởng thức mùi hương ngọt ngào của rừng cây, cánh đồng và buổi chiều hè chạng vạng đầy sao trời lấp lánh, ngẫm nghĩ về những trách nhiệm mới của mình bắt đầu từ ngày mai. Khi cô vào đến sân của Chái Nhà Xanh, giọng nói vang dội và quả quyết của bà Lynde vẳng ra ngoài cửa sổ nhà bếp đang mở rộng.
“Bà Lynde đến để khuyên nhủ mình nên làm gì ngày mai đây,” Anne thâm nghĩ rồi nhăn mặt, “nhưng mình không đời nào chui đầu vào đâu. Mình nghĩ... lời khuyên của bà ấy giống như tiêu vậy, ít thì tốt nhưng nhiều thì cay sè lưỡi mất. Mình thà chạy qua nói chuyện với ông Harrison còn hơn.”
Đây không phải lần đầu tiên Anne chạy qua trò chuyện với ông Harrison kể từ vụ việc đáng nhớ về ả bò Jersey. Cô đã sang đó mấy buổi chiều và ông Harrison và cô đã trở thành bạn rất tốt, mặc dù cũng có lúc Anne phải cố gắng lắm mới chịu nổi thói quen nói thẳng nói thật mà ông Harrison rất tự hào. Gừng vẫn tiếp tục nhìn cô vẻ nghi ngờ và lần nào cũng chào cô đầy châm chọc “con ranh tóc đỏ.” ông Harrison đã cố gắng vô ích khi bắt nó thay đối thói quen bằng cách đứng phắt dậy hào hứng mỗi khi nhìn thấy Anne tới và kêu lên, “Giời ơi, cô gái xinh xắn đáng yêu lại tới nữa rồi,” hoặc một câu gì đó tâng bốc chẳng kém. Nhưng Gừng thấy rõ tim đen và tỏ vẻ khinh miệt âm mưu của ông. Anne không bao giờ biết ông Harrison đã ca tụng mình bao nhiêu lần sau lưng. Bởi ông chẳng bao giờ khen thẳng mặt cô cả.
“À, tôi cứ tưởng cháu đang ở trong rừng chặt sẵn một đống gậy gộc chuẩn bị cho ngày mai chứ?” là lời chào của ông khi Anne bước lên thềm nhà.
“Không đời nào,” Anne phẫn nộ. Cô là một mục tiêu trêu chọc tuyệt vời bởi cô luôn nghiêm túc với mọi chuyện. “Cháu không bao giờ cầm gậy vào lớp cả, ông Harrison ạ. Tất nhiên, cháu phải có một cây thước, nhưng cháu chỉ dùng nó để chỉ lên bảng thôi.”
“Vậy cháu tính đánh chúng bằng roi da hả? Ừ, tôi không biết nữa, nhưng chắc là cháu đúng. Đánh bằng gậy đau nhiều hơn nhưng roi da thì nhớ đời hơn, đó là sự thật.”
“Cháu không bao giờ dùng những thứ tương tự như thế. Cháu sẽ không đánh học trò đâu.”
“Giời ơi,” ông Harrison kêu lên vẻ ngạc nhiên chân thành, “vậy làm thế nào để cháu giữ gìn trật tự đây?”
“Cháu sẽ dùng tình cảm, ông Harrison ạ.”
“Không có kết quả đâu,” ông Harrison nói, “sẽ không có kết quả đâu Anne ơi. “Cá không ăn muối cá ươn. Thời tôi còn đi học, tôi ăn đòn mỗi ngày vì thầy giáo nói nếu tôi không quậy phá thì cũng đang mưu tính trò quậy phá nào đó.”
“Phương pháp dạy học đã thay đổi rồi, ông Harrison ạ.”
“Nhưng bản chất con người không hề thay đổi. Nhớ lấy lời của tôi, cháu sẽ không bao giờ quản lý được đám trẻ trừ khi cháu cầm sẵn gậy trong tay. Cách của cháu không có tác dụng đâu.”
“À, cháu sẽ thử cách của mình trước,” Anne đáp trả, cô vốn là người có ý chí khá mạnh mẽ và có khuynh hướng kiên trì không đổi với những lý thuyết của mình.
“Tôi thấy cháu khá cứng đầu đấy,” là nhận xét của ông Harrison về cô.
“Rồi, rồi, để xem. Một ngày nào đó cháu sẽ phát khùng lên... mà những người có mái tóc như cháu là dễ phát khùng lắm đấy... cháu sẽ quên sạch tất cả những ý định đẹp đẽ mà dần cho vài tên học trò một trận nhừ tử. Dù sao cháu vẫn còn quá trẻ để đi dạy học... quá trẻ và quá con nít.”
Nhìn chung, đêm hôm đó Anne đi ngủ với tâm trạng khá bi quan. Cô ngủ chẳng yên và sáng hôm sau xanh xao thảm thương trong bữa sáng đến mức bà Marilla cảm thấy lo lắng và nhất định phải pha cho cô một tách trà gừng cay xé lưỡi. Anne ngoan ngoãn nhấm nháp tách trà dù cô thật không tưởng tượng ra một tách trà gừng có thể làm được gì. Giá như nó là một thứ nước phép mạnh mẽ đem lại sự từng trải và kinh nghiệm, Anne sẽ sẵn sàng uống trọn cả lít mà không hề ngại ngùng.
“Bác Marilla, lỡ cháu thất bại thì sao!”
“Chỉ một ngày thôi thì sao mà thất bại hoàn toàn được, cháu còn nhiều ngày sắp tới mà,” bà Marilla nói. “Anne, vấn đề của cháu là cháu mong được dạy hết mọi điều và sửa đổi mọi tính xấu của đám học trò ngay lập tức, và nếu cháu không làm được vậy thì cháu cứ nghĩ là mình thất bại.”
5. Một Cô Giáo Đầy Bản Lĩnh
Sáng hôm đó, lần đầu tiên trong đời cô đi qua lối Bạch Dương mà chẳng để ý gì đến vẻ đẹp của nó, và khi Anne đến trường học, tất cả đều bình lặng yên ắng. Cô giáo cũ đã rèn luyện đám học trò phải ngồi ngoan ngoãn vào chỗ khi cô bước vào lớp. Do vậy, khi vào trong phòng, Anne liền đối mặt với hàng dãy những “khuôn mặt rạng rỡ buổi sáng” và những ánh mắt tò mò sáng rực. Cô treo mũ lên và đứng đối mặt với các học sinh, thầm hy vọng mình không có vẻ sợ hãi và ngốc nghếch như đang cảm nhận, và đám học sinh sẽ không nhìn thấy cô đang run rẩy đến thế nào.
Cô đã thức đến gần mười hai giờ đêm hôm qua để sáng tác một bài diễn văn đọc trước mặt học sinh nhân dịp khai giảng. Cô đã đọc đi đọc lại cẩn thận, sửa đổi nhiều lần, rồi học thuộc lòng cả bài. Đó là một bài phát biểu rất hay và có nhiều ý tưởng cao đẹp bên trong, nhấn mạnh vào việc giúp đỡ lẫn nhau và thái độ học tập nghiêm túc. Vấn đề duy nhất là bây giờ cô chẳng còn nhớ được một từ nào.
Sau một khoảng thời gian cô cảm thấy dài như cả năm trời... thực tế chỉ khoảng mười giây... cô nói như hụt hơi, “Các trò hãy lấy Thánh kinh ra,” rồi ngồi phịch xuống ghế trong tiếng sột soạt và tiếng mở ngăn kéo lách cách liên hồi của học sinh. Trong khi đám học sinh đọc lớn các tiết trong Kinh thánh, Anne cố sắp xếp những suy nghĩ hỗn loạn của mình vào trật tự và nhìn một lượt khắp lớp, từ hàng những đứa nhỏ đến đám học sinh đã trưởng thành.
Hầu hết đương nhiên đều quen thuộc với cô. Bạn cùng lớp của cô đã tốt nghiệp hết năm ngoái nhưng số học sinh còn lại đều từng học chung với cô, ngoại trừ lớp vỡ lòng và mười học sinh vừa mới đến Avonlea. Thực tình Anne cảm thấy hứng thú với mười học sinh mới hơn là những người cô đã quá quen thuộc về năng lực. Đương nhiên, đám học sinh mới rất có thể cũng bình thường như số còn lại, nhưng mặt khác vẫn có thể có một thiên tài trong số chúng.
Đó là một ý tưởng thật hứng khởi.
Tên nhóc ngồi một mình ở một góc bàn là Anthony Pye. Khuôn mặt đen sạm bé bỏng của nó lộ vẻ sưng sỉa, còn đôi mắt đen thì nhìn chằm chằm vào Anne một cách thù địch. Anne ngay lập tức hạ quyết tâm rằng cô sẽ khiến thằng nhóc ấy mến mình rồi thu phục hoàn toàn cả họ nhà Pye.
Ở góc khác, cậu bé lạ mặt đang ngồi chung với Arty Sloane... một cậu bé vẻ ngoài vui tươi, mũi hếch, mặt tàn nhang và đôi mắt to màu xanh nhạt với hàng mi trăng trắng viền quanh... có lẽ là cậu bé nhà Donnell; và xét theo vẻ ngoài hao hao giống nhau thì cô em gái của cậu ta đang ngồi ở dãy bên kia với Mary Bell. Anne tự hỏi mẹ cô bé là người thế nào mà để cho con cái ăn mặc như vậy đi học. Cô bé mặc một chiếc váy lụa màu hồng nhạt với hàng đống diềm ren bằng vải bông, giày da dê trắng lấm bẩn cùng bít tất lụa. Mái tóc vàng cát của cô bé bị ép thành vô số những lọn tóc quăn kỳ cục chẳng tự nhiên chút nào, ngự bên trên là một cái nơ hồng rực rỡ còn lớn hơn cả đầu cô bé. Xem vẻ mặt thì cô nàng rất hài lòng với cách ăn mặc của mình.
Cô bé nhỏ xíu da tái với mái tóc nâu vàng gợn sóng mượt mà xõa xuống vai, Anne nghĩ, nhất định là Annetta Bell, cha mẹ cô bé trước đây sống trong khu học chính Newbridge, nhưng khi dời nhà xích lên năm mươi mét về phía Bắc, họ đã lấn sang địa phận Avonlea. Ba cô bé xanh xao ngồi chen chúc trong một ghế chắc chắn là con nhà Cotton; và nàng tiểu mỹ nhân với những lọn tóc nâu dài và mắt màu hạt dẻ đang liếc mắt đưa tình qua cuốn Thánh kinh với Jack Gills chính là Prillie Rogerson. Cha cô nàng vừa mới cưới vợ hai và đưa Prillie về nhà từ nhà bà ngoại ở Grafton. Cô gái cao nhỏng vụng về ngồi ở ghế chót vẻ lúng ta lúng túng thì Anne không biết là ai, nhưng sau đó phát hiện ra cô tên Barbara Shaw và vừa chuyển đến sống với bà dì ở Avonlea. Rồi cô cũng sẽ khám phá ra rằng mỗi lần Barbara đi giữa hai dãy bàn mà không vấp vào chân mình hay chân người khác là đám học giả tí hon của Avonlea lập tức tường thuật sự kiện bất thường này lên tường hành lang để kỷ niệm.
Nhưng khi mắt Anne bắt gặp đôi mắt của cậu bé ngồi hàng đầu tiên đang nhìn thẳng vào cô, thì một cảm giác phấn khích kỳ lạ trào dâng trong lòng cô, cứ như cô đã tìm được một thiên tài cho mình vậy. Cô biết cậu bé này chính là Paul Irving và bà Rachel Lynde đã nói đúng được một lần khi tiên tri rằng cậu bé hoàn toàn không giống những đứa trẻ khác ở Avonlea. Hơn thế nữa, Anne nhận ra rằng cậu bé cũng khác hẳn những đứa trẻ bình thường
ở bất cứ nơi đâu, và rằng một tâm hồn hoàn toàn tương hợp với cô đang quan sát cô chăm chú qua đôi mắt xanh thẫm của mình.
Cô biết Paul lên mười tuổi nhưng nhìn bề ngoài thì cậu chỉ như mới tám tuổi thôi. Khuôn mặt nhỏ bé của cậu là khuôn mặt đẹp nhất cô từng thấy ở một đứa trẻ... đường nét tinh tế và tao nhã được đóng khung bởi những lọn tóc màu hạt dẻ như một vòng hào quang. Miệng cậu thật đáng yêu, căng mọng mà chẳng cần phải trề ra, đôi môi đỏ thẫm, khóe môi uốn cong dịu dàng tinh tế mà lại vừa khéo không bị trũng xuống thành lúm đồng tiền, vẻ mặt cậu nghiêm túc và đăm chiêu, cứ như linh hồn của cậu già dặn hơn nhiều so với thể xác, nhưng khi Anne mỉm cười dịu dàng với cậu, vẻ chín chắn đó lập tức biến đổi thành một nụ cười đáp lại, nụ cười ấy tựa như kết tinh của toàn bộ tinh thân cậu, cứ như một ngọn đèn nào đó đã được thắp sáng bên trong người, soi sáng cậu từ đầu đến chân. Điểm đặc biệt nhất là nụ cười đó hoàn toàn tự nhiên, không cần phải cố gắng hay do bất cứ động cơ nào, đó chỉ là sự tỏa sáng của một tính cách hiếm thấy, vừa tinh tế vừa ngọt ngào ẩn giấu bên trong. Chỉ trao đổi một nụ cười, trước khi kịp nói với nhau lời nào, Anne và Paul đã trở thành hai người bạn thân thiết vĩnh cửu.
Ngày hôm đó trôi qua như một giấc mơ. Sau này Anne chẳng thể nào hình dung lại nó một cách rõ ràng nữa. Dường như có một kẻ nào khác dạy học chứ không phải là cô. Cô lắng nghe học trò đọc bài, hướng dẫn cách tính cộng, phát bài tập một cách máy móc. Đám học trò cư xử khá tốt; chỉ có hai trường hợp phạm lỗi. Morley Andrews bị bắt gặp mang theo một cặp dế đá vào lớp học. Anne phạt Morley đứng trên bục giảng một tiếng và... tịch thu hai con dế, hình phạt khiến Morley nhà ta cảm thấy đau đớn hơn nhiều. Cô đặt chúng trong một chiếc hộp và thả ra ở thung lũng Tím trên đường về nhà; nhưng từ đó về sau, Morley mãi đinh ninh rằng cô đem chúng về nhà để chơi một mình.
Một bị cáo khác là Anthony Pye, nó đã đổ sạch nước từ chai đá của mình vào gáy của Aurelia Clay. Anne giữ Anthony ở lại lớp vào giờ ra chơi và giảng giải cho nó nghe những hành vi tiêu chuẩn của một quý ông, đồng thời khẳng định với nó rằng chẳng quý ông nào lại đổ nước vào gáy của quý cô cả. Cô muốn tất cả học trò nam đều trở thành một quý ông tao nhã, cô đã nói vậy. Bài giảng ngắn ngủi của cô khá là thân tình và cảm động nhưng rủi thay Anthony hoàn toàn chẳng tiếp thu được chút nào. Nó lắng nghe cô giảng giải trong im lặng với vẻ mặt sưng sỉa vốn có và huýt sáo khinh miệt khi bước ra
ngoài. Anne thở dài và sau đó tự an ủi mình bằng cách tự nhủ: chiếm được tình cảm của một người họ Pye cũng như là xây dựng thành Rome, không thể làm được trong một ngày. Trên thực tế, người nhà Pye có tình cảm hay không cũng là một dấu hỏi lớn, nhưng Anne hy vọng Anthony sẽ tốt đẹp hơn, nó có vẻ sẽ trở thành một cậu bé khá ngoan nếu có ai đó vượt qua được vỏ ngoài sưng sỉa chai lì của nó.
Khi tan học và đám học trò đã ra về, Anne ngồi phịch xuống ghế đầy mệt mỏi. Đầu cô nhức bưng bưng và cô cảm thấy chán nản ghê gớm. Chẳng có lý do nào để phải chán nản cả, vì chẳng có gì tệ hại xảy ra, nhưng Anne quá sức mệt mỏi và gần như tin rằng cô chẳng bao giờ yêu được nghề dạy học. Và thử nghĩ xem, có gì khủng khiếp hơn việc phải làm gì đó mà bạn không thích mỗi ngày suốt... ừm, giả dụ như suốt bốn mươi năm. Anne băn khoăn không biết mình có nên òa lên khóc ngay lập tức hay nên đợi đến khi an toàn về đến căn phòng trắng của mình ở nhà. Trước khi kịp đưa ra quyết định, cô chợt nghe tiếng giày cao gót lộp cộp và tiếng quần áo lụa sột soạt ngoài hành lang, rồi thấy mình đang đối diện với một quý bà có bề ngoài khiến cô nhớ lại lời châm chích gần đây của ông Harrison về một người phụ nữ ăn diện quá đỏm dáng mà ông nhìn thấy trong một cửa hàng ở Charlottetown. “Bà ta giống như nạn nhân của vụ đụng độ giữa một cuốn tạp chí thời trang và một cơn ác mộng vậy.”
Người mới tới này ăn diện lộng lẫy trong bộ váy lụa mùa hè màu xanh nhạt, đầy đăng ten, xếp nếp, tay phồng ở bất cứ chỗ nào có thể kết vào. Đầu bà ta trùm một chiếc mũ vải the trắng khổng lồ có điểm thêm ba sợi lông đà điểu dài sọc và thõng thượt. Một tấm mạng voan hồng, rải đầy những chấm đen lớn tướng, như một đường viền ren rủ từ vành mũ xuống vai rồi bay phất phới tựa hai lá cờ đuổi theo phía sau bà ta. Bà ta đeo đủ loại trang sức mà một phụ nữ nhỏ con có thể đeo nổi, mùi dầu thơm nồng nặc vây quanh người.
“Tôi là bà Donnell... Bà H. B. Donnell”, cái hình hài ấy tuyên bố, “và tôi đến đây gặp cô về một việc mà Clarice Almira nói với tôi khi nó về nhà ăn cơm hôm nay. Việc đó khiến tôi hết sức bực tức.”
“Tôi xin lỗi,” Anne chao đảo, căng óc cố gắng nhớ lại xem có vụ rắc rối nào diễn ra hồi sáng nay có liên quan tới đám trẻ nhà Donnell không.
“Clarice Almira nói với tôi rằng cô phát âm tên chúng tôi là Donnell. Này,
cô Shirley, cách phát âm đúng của tên của chúng tôi là Donnell... nhấn giọng vào âm tiết cuối cùng. Tôi hy vọng cô sẽ nhớ kỹ điều này từ nay về sau.”
“Tôi sẽ cố gắng,” Anne lắp bắp, cố nén nỗi khát khao mãnh liệt được phá lên cười nghiêng ngả. “Theo trải nghiệm bản thân, tôi cũng biết đánh vần sai tên của ai đó thì chẳng hay ho gì, và chắc là nếu phát âm sai thì còn tệ hại hơn.”
“Còn phải nói. Và Clarice Almira cũng thông báo với tôi rằng cô gọi con trai của tôi là Jacob.”
“Cháu nói với tôi tên của cháu là Jacob,”Anne chống chế.
“Tôi cũng nghi ngờ là thế,” bà H.B Donnell lên tiếng với giọng điệu ngụ ý rằng đám trẻ con chẳng biết thế nào là uống nước nhớ nguồn ở thời đại nhiễu nhương này. “Thằng bé đó có gu thật tầm thường, cô Shirley ạ. Khi sinh nó ra tôi muốn đặt tên nó là St. Clair... nghe thật là quý phái, phải không? Nhưng cha nó cứ nằng nặc đặt tên nó là Jacob theo tên của ông bác. Tôi nhượng bộ, vì bác Jacob là một người đàn ông độc thân giàu có. Và cô có biết gì không, cô Shirley? Khi thằng bé ngây thơ của chúng tôi mới lên năm tuổi, ông bác Jacob ấy lại đi lấy vợ và giờ đã có ba đứa con trai. Cô có thấy ai vong ân bội nghĩa đến thế không? Ngay khi nhận được thiệp mời đám cưới... không ngờ ông ta còn dám ngạo mạn gửi thiệp cho chúng tôi, cô Shirley ạ... tôi đã tuyên bố, ‘Tôi cóc cần Jacob nào nữa, cảm ơn nhiều.' Từ ngày hôm đó tôi gọi con trai của tôi là St. Clair, và tôi nhất quyết mọi người cũng phải gọi nó là St. Clair. Cha nó cứ bướng bỉnh tiếp tục gọi nó là Jacob, và thằng bé chẳng hiểu sao lại ưa thích cái tên thô tục ấy. Nhưng nó là St. Clair và chỉ là St. Clair mà thôi. Cô sẽ vui lòng nhớ kỹ điều này, phải không cô Shirley? cảm ơn cô. Tôi đã nói với Clarice Almira rằng tôi chắc đây chỉ là sự hiểu lầm và chỉ cần nói một tiếng là xong. Donnell... nhấn giọng vào âm tiết cuối cùng... và St. Clair... không bao giờ gọi là Jacob. Cô sẽ nhớ chứ? Cảm ơn cô.”
Khi bà H. B Donnell đã chịu dời gót ngọc, Anne khóa cửa trường rồi đi về nhà. Dưới chân đồi, cô nhìn thấy Paul Irving đang đứng ở lối Bạch Dương. Cậu bé đưa cho cô một bó hoa lan dại xinh xắn, loại hoa mà trẻ em Avonlea
hay gọi là “hoa huệ gạo”.
“Cô ơi, em tìm thấy chúng trong phần đất của ông Wright,” cậu bẽn lẽn, “Và em quay lại để tặng cô vì em nghĩ cô là kiểu phụ nữ sẽ ưa thích chúng, và bởi vì...” cậu ngước đôi mắt to xinh đẹp của mình... “Em thích cô, cô giáo ạ.”
“Ôi bé con,” Anne nhận lấy bó hoa thơm ngát. Và lời của Paul chẳng khác gì một câu thần chú, bao nhiêu thất vọng và mệt mỏi biến mất khỏi tâm trí cô; hy vọng trào dâng trong tim cô như suối nguồn nhảy múa. Cô nhanh nhẹn đi qua lối Bạch Dương, mùi hương ngọt ngào của bó hoa lan như lời chúc phúc dành riêng cho cô.
“À, tình hình thế nào?” bà Marilla tò mò muốn biết.
“Hãy hỏi lại câu đó vào một tháng sau, khi ấy có lẽ cháu có thể trả lời được cho bác. Bây giờ thì cháu không thể... Chính bản thân cháu còn không biết nữa là... Mọi chuyện còn mới mẻ quá. Suy nghĩ của cháu cứ nặng nề và hỗn độn như vừa bị đảo lộn cả lên. Thành tựu duy nhất mà cháu tin chắc mình làm được hôm nay là cháu đã dạy cho Cliffie Wright biết rằng A là A. Trước đây nó chưa bao giờ biết chữ này. Có phải đó là bước khởi đầu để dẫn dắt một con người đi theo con đường học thuật có thể dẫn đến một tập thơ kiểu như Thiên đường đánh mất, hay một Shakespeare mới chăng?”
Bà Lynde sau đó có ghé qua với nhiều lời động viên. Người phụ nữ tốt bụng này đã đứng trước cống chặn đường hỏi thăm đám học trò xem bọn chúng có thích cô giáo mới hay không.
“Và đứa nào cũng nói rằng rất thích cháu, Anne ạ, trừ Anthony Pye ra. Tôi phải thừa nhận là nó chẳng ưa cháu chút nào. Nó nói cháu vô dụng, chẳng khác gì đám nữ giáo viên non choẹt khác. Đấy là hiệu ứng nhà Pye đấy. Nhưng đừng lo.”
“Cháu không lo đâu,” Anne lặng lẽ đáp, “Và cháu sẽ làm cho Anthony Pye thực lòng mến cháu. Kiên nhẫn và lòng tốt chắc chắn sẽ thành công.”
“À, với một tên nhà Pye thì không nói trước gì được đâu,” bà Rachel tỏ vẻ
thận trọng. “Bọn họ cũng giống như những giấc mơ ấy, thường rất khó đoán. Còn cái mụ Donnell ấy, mụ ta đừng hòng bắt tôi gọi là Donnell, tôi đảm bảo với cháu đấy. Cái tên đó vốn là Donnell và sẽ luôn luôn như vậy. Mụ ta điên rồi, thế đấy. Mụ ta có một con chó lùn mũi tẹt đặt tên là Queenie, và nó ăn trong một cái đĩa sứ chung bàn với cả gia đình. Nếu tôi mà là mụ thì tôi sẽ sợ bị trời phạt lắm. Thomas nói ông Donnell là một người đàn ông chăm chỉ hiểu biết, nhưng không được sáng suốt lắm khi chọn vợ, thế đấy.”
6. Đủ Loại Đủ Kiểu Đàn ông... Và cả Phụ Nữ Nữa
Một ngày tháng Chín trên những ngọn đồi của đảo Hoàng Tử Edward; một cơn gió trong trẻo từ biển rộng thổi tung những đụn cát; một con đường dài màu đỏ quanh co băng qua đồng ruộng và rừng cây, lúc thì uốn quanh một khoảnh vân sam um tùm, lúc lại len lỏi qua vườn cây phong non với lớp dương xỉ mượt mà non tơ bên dưới, lúc thì hạ xuống một thung lũng nơi một con suối chảy trào rồi lại nép mình vào rừng cây, lúc lại tắm mình trong ánh mặt trời chói lọi giữa dải cúc tây thân vàng hoa xanh biếc; bầu không khí vang động tiếng râm ran của vô số côn trùng, những kẻ nghỉ dưỡng vô tư lự của ngọn đồi ngày hè; một chú ngựa non màu nâu mập mạp tung nước kiệu trên đường; hai cô gái đầy ắp niềm vui giản đơn mà vô giá của tuổi thanh xuân và cuộc đời ngồi ở xe ngựa phía sau.
“Ôi. ngày hôm nay là môt ngày sót lại từ vườn Địa Đàng, phải không Diana?”... và Anne thở dài một cách vô cùng thỏa mãn. “Bầu không khí tràn đầy ma thuật. Nhìn ánh tím trên vành thung lũng đang được thu hoạch kìa, Diana. Và ôi chao, hãy ngửi mùi nhựa cây linh sam đi! Nó tỏa lên từ thung lũng ngập nắng đằng kia, nơi ông Eben Wright đang chặt cây làm cột hàng rào. Được tận hưởng ngày hôm nay là hạnh phúc lắm rồi, nhưng ngửi mùi nhựa linh sam thì tuyệt vời như ở thiên đường vậy. Hai phần ba trong số đó là của nhà thơ Worthworth và Anne Shirley chỉ chiếm một phần ba còn lại. Trên thiên đường không thể nào có những cây linh sam bị chặt ngang, phải không? Nhưng dường như đối với tớ, thiên đường chưa thế hoàn hảo được nếu chúng mình không ngửi được mùi nhựa linh sam phảng phất khi đi dạo quanh rừng cây. Có lẽ chúng ta sẽ vẫn ngửi được mùi hương đó mà chẳng cần phải hy sinh cây linh sam nào. Đúng, tớ tin là sẽ có cách nào đó. Mùi hương ngọt ngào ấy nhất định là linh hồn của cây linh sam... và đương nhiên chỉ có những linh hồn tồn tại trên thiên đường.”
“Cây không có linh hồn đâu,” Diana là một người thực tế, “nhưng mùi nhựa linh sam thì quả thật rất tuyệt vời. Tớ sẽ làm một cái vỏ gối nhồi đầy lá linh sam. Anne, cậu cũng nên làm đi.”
“Tớ cũng nghĩ vậy... và tớ sẽ dùng nó để nghỉ trưa. Tớ chắc chắn sẽ mơ thấy mình là nữ thần rừng hay nữ thân cây lúc ngủ. Nhưng vào đúng giây
phút này, tớ hoàn toàn hài lòng khi chỉ là Anne Shirley, cô giáo của Avonlea, đánh xe trên một con đường như thế này vào một ngày ngọt ngào đáng yêu đến thế.”
“Hôm nay là một ngày tuyệt vời nhưng nhiệm vụ phía trước của chúng mình thì chẳng hề tuyệt vời chút nào,” Diana thở dài. “Vì lý do quái quỷ gì mà cậu lại đề nghị đi quyên tiền dọc theo con đường này hả Anne? Hầu hết số người lập dị của Avonlea sống ở đây, và chúng mình sẽ bị đối xử như những kẻ ăn mày lòng thương vậy. Đây là con đường tệ hại nhất.”
“Đó là lý do tại sao tớ chọn nó. Tất nhiên Gilbert và Fred sẽ đi con đường này nếu chúng ta yêu cầu. Nhưng cậu thấy đấy, Diana, tớ cảm thấy mình có trách nhiệm với Hội cải tạo Làng Avonlea, vì tớ là người đầu tiên đề nghị thành lập nó, do vậy tớ nên lãnh những công tác khó xơi nhất mới phải. Tớ xin lỗi vì đã phiền cậu, nhưng cậu không cần phải nói một lời khi gặp những người lập dị ấy đâu. Tớ sẽ nói hết cho... Bà Lynde sẽ thấy tớ dư sức đảm nhận trách nhiệm này. Bà ấy vẫn chưa biết có nên ủng hộ sự nghiệp của chúng mình hay không. Bà ấy nghiêng về phe ủng hộ khi nhớ ra là ông bà Allan cũng ưa thích Hội cải tạo Làng Avonlea, nhưng nguồn gốc Mỹ của các hội cải tạo làng quê là một điểm trừ to đùng. Vi vậy, bà ấy bị giằng xé giữa hai luồng ý kiến, và chỉ có thành công thì chúng mình mới chứng tỏ được bản thân trong mắt bà Lynde mà thôi. Priscilla sẽ viết một bản tham luận để đọc trong cuộc họp Hội cải tạo lần tới của chúng mình, và tớ hy vọng bài viết ấy sẽ hay, dù sao thì dì của cậu ấy cũng là nhà văn nổi tiếng nên chắc chắn cậu ấy sẽ được di truyền chút ít. Tớ sẽ không bao giờ quên được cảm giác phấn khích khi biết bà Charlotte E. Morgan là dì của Priscilla. Thật tuyệt vời khi tớ là bạn của người có bà dì từng viết nên quyển 'Những ngày ở Edgewood' và 'Vườn nụ hồng'.”
“Bà Morgan sống ở đâu thế nhỉ?”
“Ở Toronto. Và Priscilla nói rằng bà ấy sẽ đến thăm đảo vào mùa hè tới, và nếu có thể Priscilla sẽ thu xếp để chúng mình có dịp gặp bà ấy. Dường như điều đó quá sức tuyệt vời để trở thành hiện thực, nhưng dù sao chỉ cần mơ mộng tới nó khi đi ngủ cũng hay lắm rồi.”
Hội Cải tạo Làng Avonlea đã chính thức được thành lập. Gilbert Blythe là chủ tịch, Fred Wright phó chủ tịch, Anne Shirley là thư ký, Diana Barry là thủ quỹ. Bọn họ lập tức được mệnh danh là các “Cải tiến viên” và sẽ họp mặt hai tuần một lần tại nhà các thành viên. Cũng phải thừa nhận rằng họ chẳng thể kỳ vọng sẽ cải tiến được mấy khi đã sắp hết mùa thế này, nhưng họ đã quyết định sẽ lập kế hoạch chu đáo cho chiến dịch mùa hè sắp tới, thu thập và thảo luận các ý tưởng, viết và đọc tham luận, và, như Anne nói, thu phục nhân tâm.
Đương nhiên là có một vài ý kiến phản đối, và... không ít lời nhạo báng, điều khiến các cải tiến viên ấm ức nhất. Nghe đồn ông Elisha Wright đã nói rằng Hội nên đặt tên là Câu lạc bộ Tán tỉnh mới đúng. Bà Hiram Sloane tuyên bố bà ta nghe nói các cải tiến viên định sẽ xới tung toàn bộ lề đường mà trồng hoa phong lữ. Ông Levi Boulter cảnh báo láng giềng của mình rằng các Cải tiến viên sẽ yêu cầu mọi người giật sập nhà rồi xây lại với bản vẽ được Hội phê duyệt. Ông James Spencer nhắn với Hội ông hy vọng họ sẽ ủi sập ngọn đồi nhà thờ. Eben Wright nói với Anne ông muốn các Cải tiến viên khuyên lão Josiah Sloane chịu khó tỉa râu. Ông Lawrence Bell cho biết ông sẽ sơn trắng kho thóc nếu bọn họ nằng nặc yêu cầu, nhưng sẽ không đời nào treo rèm đăng ten nơi cửa sổ chuồng bò. Ông Major Spencer hỏi Clifton Sloane, một cải tiến viên hay chở sữa đến Nhà máy Pho mát Carmody, rằng có phải mọi người phải tự sơn và đặt miếng lót thêu trên giá vắt sữa vào mùa hè tới hay không.
Mặc dù, hoặc có lẽ là chính vì điều này... bản chất con người vốn là vậy mà... cả Hội quyết định đánh cược vào cải tiến duy nhất mà bọn họ hy vọng có thể hoàn thành vào mùa thu năm nay. Vào cuộc họp thứ hai, trong phòng khách nhà Barry, Oliver Sloane đề ra ý quyên góp tiền để lợp mái và sơn lại tòa thị chính; Julia Bell giơ tay ủng hộ ngay với cảm giác khó chịu rằng mình đang hành động chẳng giống một quý cô. Gilbert đưa ý kiến đó ra biểu quyết, nó được tất cả mọi người ủng hộ, và Anne nghiêm túc ghi chép vào biên bản. Việc tiếp theo là chỉ định ủy ban điều hành, và Gertie Pye, quyết tâm không để Julia Bell một mình hưởng hết vinh quang, mạnh dạn đề nghị cô Andrews Jane lên làm chủ tịch của ủy ban nói trên. Đề nghị này dĩ nhiên được ủng hộ và lập tức tiến hành, Jane đáp lại sự tín nhiệm bằng cách bổ nhiệm Gertie vào ủy ban, cùng với Gilbert, Anne, Diana và Fred Wright. Ủy ban phân chia khu vực quyên góp trong một buổi họp riêng. Anne và Diana xung phong nhận đường Newbridge, Gilbert và Fred đường White Sands, và Jane và Gertie đảm trách đường Carmody.
“Bởi vì,” Gilbert giải thích với Anne khi họ cùng đi bộ về nhà xuyên qua rừng Ma Ám, “tất cả người nhà Pye đều sống dọc theo con đường đó và họ sẽ không đời nào nhả ra một xu trừ phi được một người nhà Pye khác yêu cầu quyên góp.”
Ngày thứ Bảy kế tiếp, Anne và Diana bắt đầu hành động. Họ đánh xe đến cuối đường và đi quyên góp ngược lại, viếng thăm “các cô gái nhà Andrews” đầu tiên.
“Nếu Catherine ở nhà một mình thì chúng mình có thể quyên được chút ít,” Diana nói, “nhưng nếu là Eliza thì chúng mình sẽ trắng tay.”
Eliza có mặt ở nhà... thật đáng tiếc... và nom còn ủ rũ hơn bình thường. Cô Eliza này là kiểu người gây cho ta ấn tượng rằng cuộc đời quả thật là bể khổ, và rằng một cái nhếch mép, chứ chưa nói gì đến nụ cười, là một sự phí phạm năng lượng thần kinh không thể chấp nhận được. Các cô gái nhà Andrews đã là các “quý cô” hơn năm mươi năm có lẻ và dường như nhiều khả năng vẫn là “quý cô” cho đến tận cuối cuộc hành hương ở cõi trần gian. Nghe đồn rằng Catherine vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hy vọng, nhưng Eliza, bi quan từ trong trứng, chưa bao giờ biết chữ hy vọng viết thế nào. Họ sống trong một căn nhà nhỏ màu nâu xây ở một góc ngập nắng của khu rừng sồi nhà Mark Andrews. Eliza phàn nàn rằng căn nhà nóng khủng khiếp trong mùa hè, nhưng Catherine thường ca ngợi rằng mùa đông nơi đây thật dễ chịu và ấm áp.
Eliza đang khâu chăn làm từ những mảnh vải vụn ghép lại với nhau, không phải vì cô cần chăn mà chỉ nhằm phản đối tấm đăng ten phù phiếm mà Catherine đang móc. Khi hai cô gái giải thích lý do chuyến viếng thăm, Eliza lắng nghe với vẻ cau có còn Catherine thì mỉm cười. Đương nhiên, mỗi khi nhìn vào mắt Eliza thì Catherine lập tức thu lại nụ cười với vẻ áy náy, nhưng nét cười của cô quay lại ngay sau đó.
“Nếu tôi có tiền để mà phung phí,” Eliza buồn bã thốt, “có lẽ tôi sẽ đốt nó lên vì thích nhìn ánh lửa lấp lánh; nhưng tôi không đời nào góp một xu cho cái tòa thị chính đó. Nó chẳng có lợi gì cho cộng đồng... chỉ là nơi cho đám trẻ tụ tập và làm những chuyện vô bổ thay vì về nhà đi ngủ.”
“Ôi, Eliza, tuổi trẻ phải vui chơi một chút chứ,” Catherine phản đối.
“Tôi không thấy cần thiết chút nào. Chúng ta không lang thang la cà ở tòa thị chính và những chỗ tương tự khi chúng ta còn trẻ, Catherine Andrews ạ. Thế giới này mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn.”
“Em nghĩ rằng nó đang trở nên tốt hơn đấy chứ,” Catherine kiên định.
“Em nghĩ vậy thôi!” Giọng cô Eliza khinh miệt hết chỗ nói. “Em nghĩ thôi thì chẳng có giá trị gì, Catherine Andrews ạ. Sự thật là sự thật.”
“Vâng, em luôn thích nhìn về mặt tươi sáng của vấn đê, Eliza ạ.” “Không có bất kỳ mặt tươi sáng nào.”
“Ồ, thực sự là có mà,” Anne kêu lên, không thể im lặng chịu đựng những lời trái tai như vậy được nữa. “Chứ sao nữa, có vô số những mặt tươi sáng, thưa cô Andrews. Đây thực sự là một thế giới tươi đẹp mà.”
“Nếu cháu sống lâu như tôi thì cháu sẽ chẳng đánh giá cao thế giới này đến thế đâu,” cô Eliza chua chát, “và cũng sẽ chẳng có hứng thú cải tiến nó làm quái gì. Mẹ của cháu sao rồi, Diana? Than ôi, bà ấy dạo này xuống sắc quá. Xuống sắc kinh khủng. Và chừng nào thì bà Marilla mới mù hoàn toàn vậy, Anne?”
“Bác sĩ bảo rằng mắt bác ấy sẽ không tệ hơn nếu chịu giữ gìn cẩn thận,” Anne chùn giọng.
Eliza lắc đầu.
“Các bác sĩ luôn luôn nói như thế để ta đỡ buồn. Tôi sẽ chẳng mấy hy vọng nếu tôi là cô ấy. Phải luôn sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.”
“Nhưng chẳng phải chúng ta cũng nên sẵn sàng cho những điều tốt đẹp nhất hay sao?” Anne như van vỉ. “Khả năng điều tốt đẹp xảy ra cũng tương đương như điều tồi tệ nhất thôi mà.”
“Không tương đương đâu theo kinh nghiệm của tôi, mà tôi đã sống năm mươi bảy năm ròng chứ không phải ở tuổi mười sáu như cháu đâu nhé,” Eliza bắt bẻ. “Muốn về rồi à? Vâng, tôi chúc hội mới của cháu sẽ giúp cho Avonlea không tiếp tục xuống cấp, nhưng tôi chẳng mấy hy vọng đâu.”
Anne và Diana may mắn thoát khỏi cô Eliza và đánh xe với tốc độ nhanh nhất mà con ngựa non béo mập có thể chịu nổi. Khi họ rẽ cua ở cuối cánh rừng sồi, một bóng người mập mạp chạy ra khỏi đồng cỏ của ông Andrews, vẫy tay gọi họ rối rít. Đó là Catherine Andrews, cô thở hổn hển không nói được nên lời nhưng vẫn dúi một nắm xu vào tay Anne.
“Đây là phần đóng góp của tôi để sơn tòa thị chính,” cô thở gấp. “Tôi muốn đưa cho cháu một đô la nhưng không dám lấy nhiều hơn từ số tiền dành dụm vì sợ Eliza phát hiện. Tôi thực sự hứng thú với hội của các cháu và tôi tin rằng các cháu sẽ làm được rất nhiều việc có ý nghĩa. Tôi là một người lạc quan. Tôi phải như vậy, nếu sống chung với Eliza. Tôi phải nhanh nhanh mà quay trở lại trước khi chị ấy phát hiện đây... chị ấy nghĩ tôi đang cho gà ăn. Tôi chúc các cháu quyên góp thành công và đừng mất tinh thần vì những gì Eliza nói. Thế giới đang trở nên tốt hơn... chắc chắn là như vậy.”
Căn nhà tiếp theo là của Daniel Blair.
“Bây giờ, tất cả phụ thuộc vào việc vợ ông ấy có nhà hay không,” Diana nói, xe ngựa của bọn họ đang đi nước kiệu trên con đường mòn hằn vết bánh xe. “Nếu bà ta ở nhà, chúng mình sẽ không kiếm được một xu. Mọi người đều nói Dan Blair thậm chí không dám cắt tóc khi chưa xin phép vợ; và chắc chắn là bà ta hết sức keo kiệt, thế là đã nói giảm nói tránh rồi đấy. Bà ta bảo mình phải tiết kiệm trước khi rộng rãi. Nhưng bà Lynde nói sự tiết kiệm của bà ta đã đi ở đằng 'trước' quá xa đến mức sự hào phóng chẳng bao giờ theo kịp.”
Anne kể lại chuyện đã xảy ra ở nhà Blair cho bà Marilla nghe vào tối hôm
đó.
“Chúng cháu buộc ngựa rồi gõ cửa nhà bếp. Không có ai ra nhưng cửa để ngỏ và chúng cháu nghe thấy tiếng ai đó làu bàu trong phòng lương thực. Chúng cháu không nghe được nội dung nhưng Diana bảo nghe sơ sơ đã biết là tiếng chửi thề rồi. Cháu không thể tin nổi ông Blair làm vậy, bởi ông ấy luôn lặng lẽ hiền lành; nhưng ít nhất thì ông ấy rất tức tối, bác Marilla ạ, vì khi người đàn ông đáng thương ấy ra đến cửa, mặt đỏ như củ cải, mồ hôi mồ kê ròng ròng, thì hóa ra ông ấy đang đeo chiếc tạp dề kẻ ô của vợ. ‘Tôi không thể cởi được thứ quỷ này ra,’ ông ấy nói, ‘nút thắt chặt quá, tôi không gỡ ra được, xin quý cô thứ lỗi.’ Chúng cháu vội rối rít nói không sao rồi vào nhà ngồi, ông Blair cũng ngồi xuống; ông ấy xoay cái tạp dề ra đằng sau rồi cuộn nó lại, nhưng ông ấy trông hết sức xấu hổ và lo lắng đến mức cháu thấy tội nghiệp và Diana bèn nói xin lỗi vì đã không đến đúng lúc. “Ồ, không sao đâu,” ông Blair cố gắng mỉm cười... bác biết đấy, ông luôn luôn cư xử rất lịch sự... “Tôi chỉ bận rộn chút thôi... đang làm bánh ấy mà. Hôm nay vợ tôi nhận được bức điện nói rằng tối nay cô em của bà ấy ở Montreal sẽ đến đây, bà ấy đi ra ga đón em và lệnh cho tôi ở nhà làm bánh uống trà. Bà ấy viết công thức rồi hướng dẫn cách làm nhưng tôi quên sạch hơn phân nửa rồi. Mà trên giấy còn ghi là, 'nêm sao cho vừa miệng.' Như vậy nghĩa là gì? Làm sao biết được phải nêm bao nhiêu? Lỡ miệng của tôi không hợp vị với người khác thì sao? Một muỗng canh va ni có đủ cho một lớp bánh nhỏ hay không?”
“Cháu cảm thấy tội nghiệp cái ông đáng thương này hơn bao giờ hết. Ông ấy nhìn cứ như là cá bị vớt khỏi nước vậy. Cháu từng nghe nói về những người chồng bị vợ dắt mũi và bây giờ cháu nghĩ mình đã tận mắt nhìn thấy. Cháu đã suýt buột miệng, 'ông Blair, nếu ông chịu quyên tiền cho tòa thị chính thì cháu sẽ pha bột cho.’ Nhưng cháu chợt nghĩ thật chẳng có tí tình nghĩa hàng xóm láng giềng nào nếu lại đi mặc cả sát sao với một người gặp nạn. Vi vậy, cháu đề nghị pha bột cho ông ấy vô điều kiện, ông ấy đồng ý ngay tắp lự. Ông ấy kể rằng đã từng tự nấu ăn trước khi kết hôn, nhưng làm bánh thì thật là nằm ngoài tầm tay ông, nhưng ông không muốn làm vợ thất vọng, ông ấy kiếm cho cháu một cái tạp dề khác, rồi Diana đánh trứng còn cháu nhồi bột. Ông Blair chạy quanh đưa những thứ cần thiết cho chúng cháu, ông ấy quên phứt cái tạp dề còn đeo trên người, và khi ông chạy cái tạp dề cứ phấp phới sau lưng, Diana nói cậu ấy buồn cười đến chết đi được, ông ấy nói mình biết nướng bánh... ông ấy đã làm quen rồi... sau đó ông ấy
bèn đề nghị đóng góp và đưa cho chúng cháu bốn đô. Vậy là như bác thấy đấy, chúng cháu đã được tưởng thưởng xứng đáng. Nhưng dẫu ông ấy không góp một xu cháu vẫn cảm thấy mình đã làm đúng với tinh thần Chúa khi giúp đỡ ông ấy.”
Nhà của Theodore White là điểm đến tiếp theo, cả Anne lẫn Diana chưa đến đây lần nào, họ chỉ quen sơ sơ với bà Theodore, một người chẳng mấy hiếu khách. Họ nên vào bằng cửa trước hay cửa sau? Trong khi họ đang thì thào bàn bạc thì bà Theodore xuất hiện tại cửa trước với một chồng báo cao ngất trong tay. Bà cẩn thận đặt từng tờ báo xuống hiên nhà, bậc thềm và dọc theo lối đi tới tận chân những người viếng thăm bí ẩn.
“Các cô có thể vui lòng chà sạch chân trên cỏ rồi sau đó đi trên những tờ báo này không?” bà lo lắng hỏi. “Tôi vừa mới quét xong một lượt căn nhà và tôi không chấp nhận có thêm bụi bám vào nữa. Hôm qua trời mưa, đường lầy lội quá.”
“Cấm cậu cười đấy,” Anne thì thầm cảnh báo khi họ rón rén đi trên hàng giấy báo. “Và tớ xin cậu, Diana ạ, đừng có nhìn tớ dẫu bà ấy có nói gì, nếu không thì tớ sẽ không làm mặt tỉnh được nữa.”
Con đường giấy báo băng qua hành lang, dẫn tới một phòng khách ngăn nắp sạch choang. Anne và Diana rón rén ngồi xuống chiếc ghế gần nhất và giải thích lý do chuyến viếng thăm. Bà White lắng nghe họ một cách lịch sự, chỉ ngắt lời hai lần, một lần để đuổi một con ruồi phiêu lưu quá đà và một lần để cúi nhặt một cọng cỏ rơi từ váy của Anne xuống thảm. Anne thấy áy náy hết sức; nhưng bà White góp hai đô la và đưa tiền ngay...
“Để cho chúng mình khỏi phải quay lại nữa,” Diana nói khi họ đã rời khỏi nhà. Bà White đã thu gọn những tờ báo trước khi bọn họ kịp tháo dây buộc ngựa, và khi đánh xe ra khỏi sân, họ nhìn thấy bà đang bận rộn vung chổi quét hành lang.
Tớ luôn nghe nói bà Theodore White là người phụ nữ sạch sẽ nhất trên đời, giờ thì tớ tin rồi,” Diana nói rồi phá lên cười ngặt nghẽo ngay khi đã đi
được một khoảng cách an toàn.
“Tớ mừng vì bà ấy không có con,” Anne nghiêm túc. “Nếu bà ấy có con thì bọn chúng sẽ chịu khổ không sao tả được.”
Ở nhà Spencer, bà Isabella Spencer tra tấn bọn họ với đủ lời nói xấu về tất cả mọi người sống ở Avonlea. Ông Thomas Boulter từ chối đóng góp vì hai mươi năm trước người ta không chịu xây tòa thị chính ở vị trí ông đề nghị. Bà Esther Bell, bề ngoài khỏe như vâm, mất nửa giờ để miêu tả chi tiết mọi cơn đau nhức và bệnh tật của mình rồi buồn bã góp năm mươi xu bởi vì chắc năm tới bà sẽ không có dịp đóng góp nữa... không, lúc ấy hẳn bà đã nằm trong mộ rồi.
Tuy nhiên, lần tiếp đón tồi tệ nhất lại là ở nhà Simon Fletcher. Khi đánh xe vào sân, họ nhìn thấy hai khuôn mặt dòm lén họ qua cửa sổ đằng trước. Nhưng dẫu họ kiên nhẫn gõ cửa và kiên trì chờ đợi, chẳng ai ra mở cửa cả. Hai cô bực đến xù cả lông nhím đánh xe đi khỏi nhà của Simon Fletcher. Ngay cả Anne cũng phải thú nhận rằng cô đã bắt đầu thấy nản. Nhưng sau đó gió đã đổi chiều. Kế tiếp là mấy căn nhà của họ Sloane, họ nhận được kha khá tiền đóng góp, và từ đó đến cuối cùng họ thu hoạch khá tốt, chỉ bị hắt hủi một lần. Điểm của họ là nhà Robert Dickson kế cây cầu băng qua hồ. Họ ở lại dùng trà dẫu đã về rất gần nhà, không dám làm bà Dickson phiền lòng, bà này vốn có tiếng là một phụ nữ rất “nhạy cảm.”
Khi họ đang ở đó thì bà James White ghé chơi.
“Tôi vừa xuống nhà Lorenzo,” bà thông báo. “Ngay giây phút này, anh ta là người đàn ông tự hào nhất Avonlea. Bà biết chuyện gì không? Có một đứa bé trai mới sinh... sau bảy đứa con gái thì đó đúng là một sự kiện long trọng, tôi dám chắc với bà đấy.” Anne dỏng tai lên nghe và khi đánh xe đi, cô nói,
“Tớ sẽ đi thẳng đến nhà Lorenzo White.”
“Nhưng ông ta sống trên đường White Sandsvà cách khá xa khu vực của chúng mình,” Diana phản đối. “Gilbert và Fred sẽ đến quyên tiền chỗ ông
ta.”
“Phải đến thứ Bảy tuần sau họ mới đi được, mà khi đó thì đã quá trễ,” Anne cương quyết. “Khi đó thì ông ta chẳng còn hào hứng gì nữa. Lorenzo White là đồ vắt cổ chày ra nước, nhưng ông ta sẵn sàng quyên tiền cho bất cứ việc gì ngay bây giờ. Chúng ta không thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng này, Diana ạ.” Kết quả đúng như Anne dự đoán, ông White đón họ ngoài sân, mặt rạng ngời như mặt trời vào lễ Phục sinh. Khi Anne xin quyên tiền, ông hưởng ứng nồng nhiệt.
“Đương nhiên rồi, đương nhiên rồi. Cứ ghi cho tôi góp hơn người đóng cao nhất một đô la.”
“Vậy là năm đô... ông Daniel Blair góp bốn đô,”Anne đáp có chút lo lắng. Nhưng Lorenzo chẳng hề dao động.
“Vậy thì năm đô... giao tiền ngay luôn. Bây giờ cháu vào nhà với tôi nhé. Có một thứ rất đáng xem đấy... chẳng mấy người kịp thấy đâu. Cứ vào đi rồi cho tôi biết nhận xét của cháu.”
“Chúng ta biết nói gì đây nếu đứa bé không xinh đẹp?” Diana lo lắng thì thầm khi họ đi vào trong nhà theo ông Lorenzon đang mừng như điên.
“Ồ, sẽ có điểm nào đó dễ thương để khen thôi mà,” Anne không hề lo lắng. “Đứa bé sơ sinh nào cũng có điểm đáng yêu cả.”
Cũng may là đứa bé xinh trai thật sự, và ông White cảm thấy năm đô bỏ ra là xứng đáng khi thấy hai cô gái thật lòng mê tít cậu bé trai mới chào đời. Nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Lorenzo White bỏ tiền quyên góp.
Anne dẫu hết sức mệt mỏi vẫn cố gắng đi thêm một lần nữa vào chiều hôm đó, băng qua cánh đồng tới gặp ông Harrison, ông đang ngồi hút thuốc ngoài hiên như thường lệ với Gừng đậu bên cạnh. Tính đúng ra thì ông ở
trên đường Carmody, nhưng bởi vì bao lời đồn đại đáng nghi, Jane và Gertie vốn chẳng quen biết gì với ông đã năn nỉ Anne giúp giùm.
Thế nhưng ông Harrison cương quyết không đóng một xu, mọi lời thuyết phục của Anne đều vô ích.
“Vậy mà cháu tưởng ông ủng hộ Hội của chúng cháu, ông Harrison ạ,” cô than thở.
“Đúng thế... đúng thế... nhưng sự ủng hộ của tôi không đi sâu đến tận túi tiền, Anne ạ.”
“Nếu thêm vài trải nghiệm như ngày hôm nay nữa thì mình sẽ trở nên bi quan giống như cô Eliza Andrews mất thôi,” Anne nói với bóng mình trong gương ở căn phòng chái Đông vào giờ đi ngủ.
7. Nhiệm Vụ vẫy Gọi
Một buổi chiều tháng Mười se lạnh, Anne ngả người trên ghế thở dài. Cái bàn trước mặt cô chất đầy sách giáo khoa và sách bài tập, nhưng tập giấy chi chít chữ chẳng có liên quan gì đến việc học hành hay dạy học của cô.
“Có chuyện gì vậy?” Gilbert hỏi, anh vừa bước qua cánh cửa bếp để ngỏ và kịp nghe tiếng thở dài của cô.
Anne đỏ mặt, dúi tập giấy xuống dưới vài ba bài luận ở trường.
“Chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Tớ chỉ thử viết ra một vài suy nghĩ của mình theo lời khuyên của giáo sư Hamilton, nhưng chẳng tài nào viết cho ra hồn. Những suy nghĩ ấy thật cứng nhắc và ngớ ngẩn khi viết ra trên giấy trắng mực đen. Trí tưởng tượng chẳng khác gì cái bóng... ta không thể giam hãm được chúng, chúng lúc nào cũng tinh nghịch và hay thay đổi. Nhưng có lẽ một ngày nào đó tớ sẽ nắm được bí quyết nếu chịu cố gắng không ngừng. Tớ không có mấy thời gian rảnh rỗi, cậu biết đấy. Khi chấm xong bài tập và bài luận của học sinh, tớ chẳng còn muốn viết thêm bất cứ điều gì cả.”
“Cậu dạy học rất cừ, Anne ạ. Đứa trẻ nào cũng mến cậu,” Gilbert nói và ngồi xuống bậc thềm đá.
“Không, không phải tất cả. Anthony Pye đã không và sẽ không thích tớ. Tệ hơn nữa là nó chẳng hề tôn trọng tớ... không một chút nào. Nó cứ khinh thường tớ, và tớ phải thú nhận với cậu là điều đó làm tớ cảm thấy tồi tệ quá chừng. Không phải vì nó là đứa hư... nó chỉ tinh nghịch chút thôi, không tệ hơn đám nhóc còn lại bao nhiêu. Nó hiếm khi cãi lời tớ, nhưng nó làm theo lời tớ với vẻ chịu đựng một cách khinh miệt, cứ như là tớ không đáng để nó tranh cãi vậy... Hành vi của nó ảnh hưởng xấu đến những đứa học trò khác. Tớ đã thử đủ cách để thu phục nó nhưng tớ bắt đầu cảm thấy bất lực. Tớ muốn nó mến tớ, vì nó là một cậu bé con dễ thương, dẫu thuộc họ nhà Pye, và tớ có thể yêu thương nó nếu nó để cho tớ làm vậy.”
“Có lẽ là do những lời gièm pha nó nghe được ở nhà chăng?”
“Không chỉ có vậy. Anthony là một cậu bé độc lập và có chính kiến. Trước đây nó toàn đi học thầy giáo và nó cho rằng cô giáo là đồ vô dụng, ừ, chúng ta sẽ xem xem lòng kiên nhẫn và tình thương có tác dụng gì. Tớ thích các thách thức và dạy học là một công việc rất lý thú. Paul Irving đã đền bù cho mọi thiếu sót của những học sinh khác. Cậu ấy dễ thương cực kỳ, Gilbert ạ, và còn là một thiên tài nữa. Tớ tin rằng thế giới sẽ ngả mũ trước cậu bé một ngày nào đó,” Anne kết luận với giọng chắc như đinh đóng cột.
“Tớ cũng thích dạy học,” Gilbert nói. “Trước tiên là bởi nó giúp rèn luyện bản thân. Anne biết không, trong những tuần dạy đám trẻ con ở White Sands, tớhọc được nhiều thứ hơn suốt thời gian đi học. Tớ và đám học trò khá hợp nhau. Dân vùng Newbridge thích Jane lắm, tớ nghe nói vậy; và White Sands cũng khá là hài lòng với anh chàng công chức khiêm tốn này... ngoại trừ ông Andrew Spencer. Tớ gặp bà Peter Blewett trên đường về nhà tối qua, và ấy nói rằng bà ấy thấy mình có nghĩa vụ phải cho tớ biết ông Spencer không đồng ý với cách dạy học của tớ.”
“Cậu có để ý là,” Anne trầm ngâm, “khi có ai nói họ có nghĩa vụ phải nói với cậu điều gì đó, cậu nên chuẩn bị sẵn phải nghe những điều chẳng lọt tai không? Tại sao họ không nghĩ rằng họ có nghĩa vụ phải nói cho cậu nghe những lời khen người khác dành cho cậu? Hôm qua bà H. B. Donnell lại đến trường nói với tớ rằng bà ta nghĩ mình có nghĩa vụ thông báo cho tớ biết bà Harmon Andrews không đồng ý với việc tớ đọc truyện cố tích cho đám học trò nghe, và ông Rogerson cho rằng Prillie học môn toán chưa được tiến bộ cho lắm. Nếu Prillie chịu bớt đi số thời gian liếc mắt đưa tình với bọn con trai qua trang vở thì có lẽ cô nàng sẽ khá hơn. Tớ tin chắc là Jack Gillis gài toán cho cô nàng, dẫu tớ chưa bao giờ bắt quả tang được.”
“Cậu có thuyết phục được cậu con trai đầy triển vọng của bà Donnell chịu quay về với cái tên cao đẹp của mình không?”
“Được rồi,” Anne phá lên cười, “nhưng cũng khá là khó khăn đấy. Đầu tiên khi tớ gọi nó là 'St. Clair' nó chẳng thèm để ý gì cho tới khi tớ lặp lại hai ba lần; và khi đám bạn trai huých huých thì nó mới ngầng đầu lên với vẻ tổn
thương cứ như tớ gọi nó là Joen hay Charlie gì đó nên nó không hiểu tớ muốn gọi nó. Thế là một chiều nọ tớ giữ nó lại sau giờ học và nói chuyện thân mật với nó. Tớ nói rằng mẹ nó muốn tớ gọi nó là st. Clair và tớ không thể làm trái ý bà. Nó hiểu khi tớ giải thích rõ ràng... nó là một cậu bé hết sức biết điều... và nó bảo tớ có thể gọi nó là St. Clair, nhưng nó sẽ 'đập bẹp dí' bất cứ thằng nhóc nào dám gọi nó như vậy. Đương nhiên, tớ phải trách móc nó một chút vì dám dùng từ thô lỗ như vậy. Kể từ đó, tớ gọi nó là St. Clair, đám con trai gọi nó là Jake và mọi chuyện lại xuôi chèo mát mái. Nó kể với tớ rằng nó muốn làm thợ mộc nhưng bà Donnell bảo tớ phải dạy sao cho nó trở thành giáo sư đại học mới được.”
Nhắc tới đại học làm Gilbert chợt nghĩ sang chuyện khác và bọn họ bắt đầu thảo luận về những kế hoạch và nguyện vọng tương lai... nghiêm túc, phấn khởi và đầy hy vọng theo cách mà tuổi trẻ vẫn thường hay trò chuyện, khi tương lai là con đường chưa từng khai phá tràn đầy những triển vọng tuyệt vời.
Gilbert cuối cùng cũng quyết định rằng anh muốn trở thành bác sĩ.
“Đó là một nghề rất có ý nghĩa,” anh hào hứng. “Ai chẳng phải đấu tranh với điều gì đó trong cuộc đời... chẳng phải con người từng được định nghĩa như là một loài động vật đấu tranh hay sao?... và tớ muốn đấu tranh với dịch bệnh, đau đớn và sự thiếu hiểu biết... chúng đều gắn liền với nhau. Tớ muốn đóng góp cho thế giới bằng một công việc nghiêm túc thực sự, Anne ạ... thêm một chút vào khối lượng kiến thức nhân loại mà bao nhiêu người đi trước đã tích lũy từ xưa đến nay. Những bậc tiền bối đã để lại rất nhiều thứ cho tớ, và tớ muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách làm điều gì đó cho thế hệ tương lai. Tớ cho rằng đó là con đường duy nhất để chúng ta hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với giống loài.”
“Tớ thì muốn làm cho cuộc đời thêm phần tươi đẹp,” Anne mơ màng. “Tớ không hẳn là muốn làm cho người ta hiểu biết nhiều hơn... dẫu tớ biết rằng đó quả thật là khát vọng cao quý nhất... nhưng tớ muốn giúp họ vui vẻ hơn... có chút niềm vui hay những suy nghĩ thú vị mà họ không tài nào có được nếu tớ chưa từng tồn tại.”
“Tớ nghĩ ngày nào cậu cũng làm được điều đó cả,” Gilbert nói vẻ thán
phục.
Và anh nói đúng. Anne bẩm sinh đã là một đứa con của ánh sáng. Và khi cô bước qua cuộc đời của ai, gieo rắc một nụ cười hay một câu nói tựa như tia nắng mặt trời, chủ nhân của cuộc đời ấy sẽ cảm thấy ít nhất trong thời điểm hiện tại thì đời thật đáng yêu và tràn đầy hy vọng.
Cuối cùng Gilbert cũng nuối tiếc đứng dậy.
“À, tớ phải chạy lên nhà MacPhersons. Moody Spurgeon từ Queen về nhà từ hôm nay đến Chủ nhật, và cậu ta đem cho tớ một quyển sách mà Giáo sư Boyd cho tớ mượn.”
“Còn tớ thì phải pha trà sẵn cho bác Marilla. Bác ấy đi thăm cô Keith hồi trưa và sắp về nhà rồi.”
Khi bà Marilla về nhà thì Anne đã chuẩn bị trà nước sẵn sàng; ngọn lửa lách tách tươi vui, một bình cắm đầy dương xỉ tái đi vì sương giá cùng lá phong đỏ thẫm trang trí trên bàn, mùi thơm mê người của bánh mì nướng và thịt nguội ngập tràn trong không khí. Nhưng bà Marilla ngồi sụp xuống ghế trong tiếng thở dài.
“Mắt làm bác khó chịu sao? Đầu bác có nhức không?” Anne lo lắng.
“Không. Ta chỉ mệt mỏi... và lo lắng. Về chuyện Mary và đám trẻ ấy mà... Sức khỏe của Mary đã kém nhiều... cô ta chắc chẳng chống chọi thêm được bao lâu nữa. Còn về hai đứa sinh đôi, ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng.”
“Chẳng phải cậu của chúng đã liên lạc rồi sao?”
“Ừ, Mary nhận được một lá thư của anh ta. Anh ta làm trong một trại gỗ và 'phiêu bạt' ở ngoài, chẳng biết thế là nghĩa gì nữa. Dù sao anh ta cũng nói không thể nhận nuôi mấy đứa trẻ cho đến mùa xuân. Anh ta định sẽ lập gia đình lúc ấy và sẽ có nhà cửa đàng hoàng để đón chúng về; nhưng anh ta bảo
Mary phải nhờ hàng xóm trông chừng giùm đám trẻ suốt mùa đông. Cô ta nói mình không thể nhờ vả ai được. Mary không hợp với cư dân ở Đông Grafton, đó là sự thật. Tóm lại, Anne à, ta chắc là Mary muốn ta nuôi đám trẻ... cô ta không nói ra miệng nhưng tỏ vẻ như vậy.”
“Ôi!” Anne vỗ tay hào hứng và vui sướng. “Và đương nhiên bác sẽ làm vậy mà, phải không bác Marilla?”
“Ta chưa quyết định mà,” bà Marilla gắt. “Ta không nhắm mắt nhắm mũi quyết định như cháu, Anne à. Họ hàng cũng khá là xa đấy. Hơn nữa chăm sóc hai đứa nhóc sáu tuổi chẳng phải dễ dàng gì, lại còn là song sinh nữa chứ.”
Bà Marilla nghĩ rằng những đứa trẻ sinh đôi thì tệ gấp đôi so với những đứa trẻ sinh một.
“Song sinh cũng rất thú vị mà... ít nhất thì một cặp cũng rất vui,” Anne nói. “Chỉ khi có hai hay ba cặp một lúc thì mới bắt đầu buồn tẻ thôi. Với lại cháu nghĩ rằng có ai đó ở nhà thì bác sẽ vui hơn khi cháu đi dạy học.
“Ta chẳng thấy có gì thú vị cả... nhiều lo lắng và bực bội hơn thì có; phải nói là như vậy. Nếu chúng cỡ tuổi cháu hồi ta nhận nuôi thì không đến nỗi mạo hiểm. Ta không ngại con bé Dora... nó có vẻ ngoan và trầm tính. Nhưng tên nhóc Davy đó thì đúng là phải tốn công tốn sức đây.”
Anne rất yêu trẻ con, và trái tim cô bắt đầu thương hại cặp song sinh nhà Keith. Những ký ức về tuổi thơ bị hắt hủi vẫn còn rất sống động trong lòng cô. Cô biết điểm yếu duy nhất của bà Marilla là bà luôn tận tâm làm điều bà cho rằng là trách nhiệm của mình, và Anne khéo léo hướng lý lẽ của mình theo hướng đó.
“Nếu Dave là một cậu bé hư hỏng thì càng phải giáo dục nó đến nơi đến chốn, phải không hả bác Marilla? Nếu chúng ta không làm thì ai làm đây, hơn nữa chẳng biết đám nhóc phải sống trong môi trường thế nào. Giả dụ như gia đình Sprott láng giềng của cô Keith nhận nuôi chúng đi. Bà Lynde
nói Henry Sprott là người đàn ông báng bổ Chúa trời nhất từng tồn tại, và bác không thể tin bất cứ lời nào của đám con ông ta. Để hai đứa song sinh học những tật xấu như thế thì thật khủng khiếp, phải không ạ? Hay giả sử chúng sống với nhà Wiggins. Bà Lynde nói rằng ông Wiggins bán bất cứ thứ gì trong nhà có thể bán được và cho cả gia đình ăn uống kham khổ. Chắc bác không muốn họ hàng mình phải chịu đói, dẫu là họ hàng rất xa, phải không? Theo ý cháu, bác Marilla ạ, chúng ta có trách nhiệm nhận nuôi đám trẻ.”
“Chắc phải vậy thôi,” bà Marilla ủ rũ đồng ý. “Có lẽ ta sẽ nói với Mary là ta nhận nuôi bọn chúng. Cháu đừng tỏ vẻ vui sướng thế, Anne ạ. Cháu phải làm thêm rất nhiều việc đấy. Giờ ta chẳng khâu vá được gì nữa, do vậy cháu phải phụ trách việc may mặc và sửa chữa quần áo cho đám trẻ. Mà cháu thì đâu có thích khâu vá.”
“Cháu căm ghét ấy chứ,” Anne bình tĩnh nói, “nhưng nếu bác sẵn sàng nhận nuôi bọn trẻ vì tinh thần trách nhiệm thì đương nhiên cháu cũng có thể khâu vá cho bọn chúng vì tinh thần trách nhiệm. Nói chung thì bắt buộc phải làm chuyện mình không thích cũng tốt... chỉ là đừng nhiều quá thôi.”
8. Bà Marilla Nhận Nuôi Hai Đứa Trẻ Song Sinh
Bà Rachel Lynde ngồi đan chăn bên cửa sổ nhà bếp, cũng giống như một buổi chiều nhiều năm về trước, ngày Matthew Cuthbert đánh xe ngựa xuống đồi với đứa trẻ mà bà Rachel gọi là “đứa mồ côi mới nhặt được”. Nhưng lúc đó là mùa xuân, còn giờ trời đã vào độ cuối thu, cây cối trụi lủi và cánh đồng héo úa nâu vàng. Mặt trời đang dần chìm xuống, để lại vầng hào quang vàng tím đằng sau cánh rừng tối om phía Tây Avonlea thì một con ngựa nâu nhỏ hiền lành kéo xe đi xuống đồi. Bà Rachel nheo mắt nhìn nó vẻ hứng thú.
“Đó là Marilla quay về từ đám tang,” bà nói với chồng đang nằm trên ghế dài trong bếp. Dạo gần đây Thomas Lynde thường nằm dài trên ghế nhiều hơn lúc trước, nhưng tuy mắt bà Rachel thừa tinh nhanh để nắm bắt mọi chuyện xảy ra bên ngoài nhà, bà vẫn chưa chịu để ý đến tình trạng của ông chồng. “Và cô ấy đem theo hai đứa song sinh... đúng vậy, Davy nhoài người ra khỏi chắn bùn nắm lấy đuôi con lừa và Marilla kéo nó lại. Dora ngồi ngay ngắn trên ghế không có gì để chê trách. Con nhỏ lúc nào cũng nhìn như vừa được hồ bột và ủi phẳng. Ôi, Marilla đáng thương sẽ bận túi bụi mùa đông này cho xem. Thế nhưng trong hoàn cảnh của cô ấy thì tôi nghĩ cô ấy không thể làm gì khác hơn, với lại còn có Anne giúp cô ấy nữa. Anne nhiệt liệt ủng hộ kế hoạch này của Marilla và tôi phải nói là cô nàng rất khéo dỗ dành trẻ con. Ôi trời, dường như mới đây thôi Matthew đáng thương vừa đem Anne về nhà và mọi người cười cợt trước ý định nhận nuôi con bé của Marilla. Thế mà bây giờ cô ấy còn lãnh trách nhiệm nuôi hai đứa song sinh nữa. Đúng là còn sống thì không thể tránh khỏi bất ngờ.”
Con ngựa béo mập chạy nước kiệu qua cây cầu trong Thung Lũng Lynde và dọc theo con đường dẫn vào Chái Nhà Xanh, vẻ mặt của bà Marilla khá u ám. ở đây cách Đông Grafton mười dặm, và suốt đường đi Davy Keith như bị ma nhập, cứ loay hoay không ngừng. Bà Marilla không tài nào bắt nó ngồi yên và bà cứ lo ngay ngáy nó sẽ ngã ngửa ra khỏi xe ngựa rồi gãy cổ hay nhào xuống chắn bùn dưới chân con ngựa. Trong nỗi tuyệt vọng, cuối cùng bà hăm dọa sẽ đập nó một trận khi về đến nhà. Nghe vậy, Davy trèo vào lòng bà, chẳng thèm để ý gì đến dây cương, choàng đôi tay mũm mĩm quanh cổ bà và ôm bà thật chặt.
“Cháu không tin bà sẽ làm vậy,” nó nói, hôn thật kêu và tình cảm lên đôi má nhăn nheo của bà. “Bà không giống như một người đánh đòn trẻ con vì nó không chịu ngồi yên. Khi bà bằng tuổi cháu, bà có cảm thấy rất khó khăn nếu phải ngồi yên một chỗ không?”
“Không, bà luôn ngồi yên mỗi khi được bảo phải làm thế,” bà Marilla cố giữ giọng nghiêm khắc, dẫu trái tim bà đã mềm đi sau những hành động âu yếm bốc đồng của Davy.
“À, chắc vì bà là con gái đấy,” Davy giải thích, oằn người ngồi lại chỗ cũ sau một cái ôm nữa. “Cháu cho rằng bà từng là một cô gái, tuy rằng hình ảnh ấy tức cười thật. Dora có thể ngồi yên... nhưng cháu nghĩ chẳng có gì vui nếu làm vậy. Cháu thấy làm con gái thật chán phèo. Này, Dora, để anh làm em trở nên sinh động chút nhé.”
Cách “làm cho sinh động” của Davy là dùng tay tóm lấy mấy lọn tóc của Dora và giật mạnh. Dora ré lên rồi òa khóc.
“Sao cháu có thể quấy phá như thế khi người mẹ của cháu vừa an nghỉ dưới mồ ngay ngày hôm nay?” bà Marilla hỏi vẻ tuyệt vọng.
“Nhưng mẹ rất vui khi chết,” Davy nói vẻ tin chắc. “Cháu biết, vì mẹ đã nói với cháu như vậy. Bị bệnh hoài làm mẹ mệt mỏi lắm rồi. Mẹ và cháu đã trò chuyện rất lâu cái đêm trước khi mẹ chết. Mẹ nói với cháu rằng bà sẽ nuôi cháu và Dora suốt mùa đông và cháu phải ngoan ngoãn. Cháu sẽ ngoan ngoãn, nhưng có thể vừa chạy lòng vòng vừa ngoan ngoãn được không ạ? Mẹ còn dặn cháu phải luôn đối xử tốt với Dora và bảo vệ em, cháu đang làm như vậy đấy.”
“Cháu cho kéo tóc nghĩa là đối xử tốt với em à?”
“À, cháu sẽ không để bất cứ ai kéo tóc của em,” Davy siết chặt hai nắm tay và nhăn mặt. “Cứ thử làm xem. Cháu không làm em đau nhiều đâu... em chỉ khóc vì em là con gái thôi. Cháu rất vui khi cháu là con trai, nhưng thật buồn khi chúng cháu là anh em song sinh. Mỗi khi em gái của Jimmy Sprott
cãi lời thì nó chỉ cần bảo, 'Anh lớn hơn em nên đương nhiên anh biết nhiều hơn’ và thế là con bé câm miệng. Nhưng cháu không thể lên giọng với Dora như vậy, và thế là nó cứ tiếp tục suy nghĩ khác cháu. Bà hãy để cháu lái con ngựa này chút đi, vì cháu là đàn ông mà.”
Tóm lại, bà Marilla mừng hết sức khi về đến sân nhà, nơi gió thu đêm đang đùa giỡn với lá vàng. Anne đứng ngoài cổng đón họ và đỡ hai đứa song sinh ra khỏi xe. Dora bình thản cho phép cô hôn, nhưng Davy ôm chặt lấy Anne thay lời chào và vui vẻ tự giới thiệu, “Cháu là ông Davy Keith.”
Trên bàn ăn tối, Dora cư xử như một quý cô bé nhỏ, nhưng hành vi của Davy thì cần phải sửa đổi nhiều.
“Cháu đói bụng quá nên không có thời giờ ăn lịch sự,” nó nói khi bị bà Marilla nhắc nhở.
“Dora chỉ đói chưa tới một nửa của cháu. Cứ xem những chuyện cháu đã làm trên đường đến đây đi. Bánh ngon tuyệt và có nhiều mận khô thật. Lâu lắm rồi chúng cháu không
được ăn bánh, vì mẹ bệnh quá chẳng làm bánh được, còn bà Sprott nói chỉ làm bánh mì cho chúng cháu thôi cũng đã mệt chết rồi. Và bà Wiggins thì chẳng bao giờ bỏ mận vào bánh của bà ấy cả. Cháu đã bắt gặp tận mắt! Cháu ăn một miếng nữa nhé?”
Bà Marilla định từ chối nhưng Anne cắt cho thằng nhóc một lát bánh to đùng. Dù sao thì cô cũng nhắc Davy rằng nó phải nói cảm ơn. Davy chỉ nhăn răng cười với cô rồi ngoạm một miếng to đùng. Khi đã ăn sạch sẽ, nó nói,
“Nếu cô cho cháu một miếng nữa, cháu sẽ nói cảm ơn cho miếng đó.”
“Không, cháu ăn nhiều bánh lắm rồi,” bà Marilla nói với giọng dứt khoát mà Anne đã quá quen, nhưng Davy thì còn phải học dài dài.
Davy nháy mắt với Anne rồi chồm qua bàn giật lấy lát bánh đầu tiên của
Dora ra khỏi tay cô bé, cô bé mới điệu đàng cắn được một miếng nhỏ xíu. Davy mở to miệng hết cỡ rồi nhét nguyên cả lát bánh vào mồm. Dora môi run rẩy muốn khóc còn Marilla lặng người kinh hoàng. Anne lập tức kêu lên với giọng “cô giáo làng” đúng tiêu chuẩn,
“Ồ, Davy, các quý ông không hành động như vậy.”
“Cháu biết họ không làm vậy,” Davy nói khi nó mở miệng ra được, “nhưng cháu không phải là một quý ông.”
“Nhưng cháu không muốn trở thành một quý ông sao?” Anne sững sờ.
“Đương nhiên là có. Nhưng khi nào lớn thì mới thành quý ông được.”
“Ồ, không phải vậy đâu,” Anne vội nói, cho rằng mình đã tóm được cơ hội gieo một hạt giống sớm. “Khi chỉ là một cậu bé, cháu có thể bắt đầu tập luyện để trở thành một quý ông. Và một quý ông không bao giờ giật đồ ăn của các quý bà... hay quên nói lời cảm ơn... hay kéo tóc của bất cứ ai.”
“Họ chẳng có gì vui cả, đó là sự thật,” Dave nói thẳng. “Cháu nghĩ cháu sẽ đợi cho đến khi lớn thì mới trở thành quý ông.”
Vẻ cam chịu, bà Marilla cắt thêm một miếng bánh khác cho Dora. Bà cảm thấy không thể quản nổi Davy vào lúc này. Hôm nay là một ngày vất vả đối với bà, đám tang và một chuyến đi dài. Vào lúc đó, bà nhìn về tương lai với sự bi quan có thể gây ấn tượng với cả Eliza Andrews.
Hai đứa trẻ song sinh không giống nhau lắm, dẫu cả hai đều tóc vàng. Dora có những lọn tóc dài mượt không bao giờ rời khỏi nếp. Tóc Davy thì xoăn tít rối bù. Đôi mắt nâu nhạt của Dora vừa dịu dàng vừa hiền lành, còn mắt của Davy trông láu lỉnh và tinh quái như yêu tinh lùn. Mũi Dora thẳng còn mũi Davy thì hếch lên trời; Dora có cái miệng “nhỏ nhẹ õng ẹo” còn Davy lúc nào cũng tươi cười; và hơn nữa, nó có một lúm đồng tiền ở một bên má, nhưng má bên kia thì chẳng có gì, vì vậy, mỗi khi cười, khuôn mặt
của Davy không cân xứng một cách đáng yêu và buồn cười. Sự tinh nghịch và phá phách hiện rõ ở mỗi ngóc ngách trên khuôn mặt bé nhỏ của nó.
“Đến giờ ngủ rồi,” bà Marilla nói, cho rằng đó là cách dễ dàng nhất để thoát khỏi hai đứa trẻ. “Dora sẽ ngủ với bác cháu ta còn Davy ngủ ở chái Tây. Cháu không sợ ngủ một mình phải không, Davy?”
“Không, nhưng còn lâu lắm cháu mới đi ngủ,” Davy thoải mái đáp.
“Ồ không, cháu phải đi ngủ bây giờ.” Bà Marilla đã bị nó qua mặt nhiều lần, nhưng có gì đó trong giọng của bà lần này khiến cho cả Davy cũng phải co vòi. Nó lóc chóc chạy lên lầu với Anne một cách ngoan ngoãn.
“Khi nào lớn, chuyện đầu tiên cháu làm là thức suốt đêm để xem xem thức suốt đêm là thế nào”. Davy tiết lộ.
Những năm sau đó; mỗi lần nghĩ tới tuần đầu tiên hai đứa trẻ sinh đôi đến ở Chái Nhà Xanh, bà Marilla không khỏi rùng mình. Nói thế không phải mọi chuyện tốt hơn ở những tuần tiếp theo, nhưng ít nhất thì nó cũng không còn gây sốc cho bà nữa. Hiếm có phút nào trong ngày mà Davy không nghịch phá hay bày trò nghịch phá, nhưng “chiến tích” đáng kể đầu tiên của nó xảy ra hai ngày sau khi nó đến Chái Nhà Xanh, một sáng Chủ nhật... trời đẹp và ấm, mù sương và dễ chịu như một ngày tháng Chín. Anne đóng bộ cho nó để đi nhà thờ trong khi bà Marilla lo cho Dora. Ban đầu Davy cương quyết phản đối không để cô rửa mặt cho nó.
“Bà Marilla đã rửa hôm qua rồi... bà Wiggins thì dùng xà phòng cứng chà mặt cháu hôm đám tang. Thế là đã đủ cho một tuần rồi. Sạch sẽ chẳng có gì hay, cháu thấy thế. Ở dơ thoải mái hơn nhiều.”
“Paul Irving tự rửa mặt mỗi ngày đấy,” Anne khéo léo khích tướng.
Davy chỉ mới trở thành cư dân của Chái Nhà Xanh hơn bốn mươi tám tiếng đồng hồ một chút nhưng nó đã tôn thờ Anne và căm ghét Paul Irving, nó đã nghe Anne khen cậu ta rối rít ngay hôm sau ngày nó đến. Nếu Paul Irving rửa mặt mỗi ngày, thế thì đành vậy. Nó, Davy Keith cũng sẽ làm
được, dẫu có phải rửa mặt đến chết cũng chẳng sao. Với suy nghĩ tương tự, nó ngoan ngoãn tuân theo mọi yêu cầu vệ sinh cá nhân khác, và khi xong việc, nó trở thành một cậu bé con thật bảnh trai. Anne cảm thấy tự hào như một người mẹ khi dắt nó vào chỗ ngồi dành riêng cho nhà Cuthbert.
Ban đầu thì Davy cư xử khá tốt, bận bịu liếc mắt nhìn tất cả những thằng nhóc khác trong tầm mắt và đoán xem Paul Irving là đứa nào. Hai bài thánh ca và đọc thánh kinh trôi qua không có gì đáng nói. Ông Allan đang cầu nguyện thì có náo động xảy ra.
Lauretta White ngồi ngay phía trước Davy, cô bé hơi cúi đầu, mái tóc vàng được tết thành hai bím, ở giữa là khoảng gáy trắng ngần và cổ áo viền đăng ten đầy mời gọi. Lauretta mới tám tuổi, hơi mũm mĩm và vẻ mặt hiền lành, cư xử ngoan ngoãn hết chỗ chê kể từ ngày đầu tiên được mẹ dẫn tới nhà thờ, khi đó cô bé mới sáu tháng tuổi.
Davy thọc tay vào túi móc ra một... con sâu lông lá đang giãy giụa. Bà Marilla nhìn thấy và chộp lấy thằng nhóc nhưng đã quá muộn. Davy thả con sâu vào cổ của Lauretta.
Ngay giữa bài cầu nguyện của mục sư Allan, một tiếng thét chói tai vang lên. Viên mục sư ngơ ngác dừng lại và mở mắt. Mọi mái đầu trong giáo đoàn đều ngẩng lên. Lauretta White nhảy tưng tưng trong dãy ghế, hốt hoảng giữ chặt đằng sau váy.
“Úi... mẹ ơi... mẹ ơi... úi... bắt nó ra... a a... bắt nó ra... úi... thằng xấu đó bỏ nó vào gáy con... úi... mẹ ơi... nó đang bò xuống... úi... úi... úi...”
Bà White đứng lên, mặt nghiêm nghị kéo Lauretta đang hoảng loạn và quằn quại ra khỏi nhà thờ. Tiếng thét của cô bé nhỏ dần và ông Allan lại tiếp tục cầu nguyện. Nhưng mọi người đều cảm thấy buổi cầu nguyện hôm đó đã thất bại. Lần đầu tiên trong cuộc đời bà Marilla không để ý gì đến lời của mục sư và Anne mặt đỏ bừng vì xấu hổ.
Khi về đến nhà, bà Marilla đầy Davy vào phòng ngủ và bắt nó ở trong đó
suốt phần còn lại của ngày. Bà không cho nó ăn trưa mà chỉ cho phép uống một ly sữa và ăn bánh mì suông. Anne bưng thức ăn lên cho nó và buồn bã ngồi xuống bên cạnh trong khi nó ăn ngấu nghiến chẳng chút hối hận gì. Nhưng đôi mắt trách móc của Anne làm nó không yên lòng.
“Cháu chắc là,” nó trầm ngâm, “thằng Paul Irving sẽ không bao giờ bỏ sâu vào gáy của con gái trong nhà thờ phải không?”
“Quả thực là bạn ấy sẽ không làm vậy,” Anne buồn bã đáp.
“Ồ, vậy thì cháu cũng có chút hối hận vì đã làm vậy,” Davy nhượng bộ. “Nhưng con sâu đó thật là ngon mắt... Cháu bắt nó từ bậc thềm nhà thờ khi chúng ta vừa bước vào. Lãng phí nó thì thật là tiếc. Và chẳng phải nghe đứa con gái đó gào thét rất là vui sao?”
Chiều thứ Ba, Hội Từ thiện tụ họp ở Chái Nhà Xanh. Anne vội đi từ trường về nhà, vì cô biết bà Marilla rất cần giúp đỡ. Dora, sạch sẽ và ngoan ngoãn trong bộ váy trắng hồ bột xinh xắn và khăn choàng đen ngồi chung với thành viên của Hội Từ thiện trong phòng khách, từ tốn trả lời mỗi khi được hỏi, im lặng khi không ai gọi và cư xử như một đứa trẻ gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Davy, lem luốc một cách vui sướng, đang làm bánh bùn ở sân kho.
“Bác đã cho phép nó,” bà Marilla mệt mỏi thốt. “Bác nghĩ nó sẽ không giở trò nghịch phá tồi tệ hơn. ít nhất như vậy thì nó chỉ bị bẩn thôi. Chúng ta sẽ uống trà trước rồi mới gọi nó vào ăn. Dora có thể ăn cùng chúng ta, nhưng bác không bao giờ dám cho Davy ngồi chung với các thành viên của Hội Từ thiện.”
Khi Anne ra mời các thành viên Hội Từ thiện vào dùng trà thì cô phát hiện ra Dora không có mặt trong phòng khách. Bà Jasper Bell nói rằng Davy bước vào cửa chính và gọi cô bé ra ngoài. Cô chạy vội xuống phòng lương thực hỏi ý kiến bà Marilla, cuối cùng họ quyết định sẽ cho hai đứa trẻ uống trà chung sau đó.
Bữa trà đang dang dở thì một bóng người bé nhỏ bơ vơ xuất hiện trong phòng khách. Bà Marilla và Anne hết hồn, còn Hội Từ thiện thì hết sức ngạc nhiên. Đó là Dora sao... một cô bé chẳng nhìn được mặt mũi ra sao đang khóc thút thít, váy rách rưới, nước từ tóc và váy không ngừng chảy ròng ròng xuống tấm thảm mới tinh tươm của bà Marilla.
“Dora, có chuyện gì vậy cưng?” Anne kêu lên, liếc sang bà Jasper Bell vẻ có lỗi, gia đình của bà ta nghe đồn là gia đình duy nhất trên thế giới chưa hề xảy ra một chuyện không mong muốn nào.
“Davy bắt cháu đi trên hàng rào chuồng lợn,” Dora kể lể. “Cháu không muốn đi nhưng anh ấy gọi cháu là đồ nhát gan. Rồi cháu ngã vào chuồng lợn, váy bị dơ và lợn giẫm lên người cháu. Váy của cháu tơi tả rồi nhưng Davy nói nếu cháu đứng dưới vòi nước thì anh ấy sẽ rửa sạch cho, cháu nghe theo, anh ấy xịt nước đầy người cháu nhưng váy cháu chẳng sạch hơn chút nào, khăn choàng và giày đẹp của cháu bị hư hết rồi.”
Anne nhận vinh dự chủ trì bữa ăn trong suốt thời gian còn lại, còn bà Marilla lên lầu mặc lại áo cũ cho Dora. Davy bị túm cố tống đi ngủ mà không được ăn tối. Lúc chạng vạng, Anne đến phòng thằng bé nói chuyện nghiêm túc với nó... đó là phương pháp giáo dục cô rất tin tưởng, kết quả cho đến nay cũng chứng tỏ phương pháp này không phải hoàn toàn không có cơ sở. Cô bảo rằng cô cảm thấy buồn khi nó cư xử như vậy.
“Giờ thì cháu cũng hối hận rồi,” Davy thú nhận, “nhưng vấn đề là cháu chẳng bao giờ thấy hối hận cho tới khi làm xong việc cả. Dora không chịu giúp cháu làm bánh bùn vì sợ hỏng quần áo, và điều đó làm cháu tức điên lên. Cháu cho rằng Paul Irving sẽ không bắt em gái đi trên hàng rào chuồng lợn nếu biết là cô nàng sẽ té chứ?”
“Không, cậu ấy sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Paul là một quý ông nhỏ bé hoàn hảo.”
Davy nhắm tịt mắt lại rồi tỏ vẻ suy nghĩ hồi lâu. Sau đó nó vươn người choàng tay quanh cổ Anne, dụi khuôn mặt đỏ ửng vào vai cô.
“Cô Anne, cô có thương cháu chút xíu nào không, dẫu cháu không ngoan như Paul?”
“Thực sự là có,” Anne nói thật. Chẳng biết sao nhưng thật khó mà không thương Davy.
“Nhưng cô sẽ thương cháu nhiều hơn nếu cháu không quá nghịch phá như vậy.”
“Hôm nay... cháu còn làm một chuyện khác nữa,” Davy nghèn nghẹn. “Cháu hối hận rồi nhưng cháu sợ khủng khiếp không dám nói với cô. Cô đừng quá giận cháu, cô nhé? Và cô đừng kể với bà Marilla, cô nhé?”
“Cô không chắc, Davy à. Có lẽ cô sẽ phải kể cho bác Marilla biết. Nhưng cô nghĩ mình có thể hứa không kể nếu cháu hứa với cô cháu sẽ không lặp lại nữa, dù đó là chuyện gì.”
“Không, cháu sẽ không bao giờ làm vậy nữa. Dù sao thì cháu cũng chẳng có cơ hội tìm thêm được con nào giống nó trong năm nay. Cháu tìm thấy nó trên bậc thềm tầng hầm.”
“Davy, cháu đã làm gì?”
“Cháu bỏ con cóc vào giường của bà Marilla. Cô có thể đi bắt nó ra nếu cô muốn. Nhưng này, cô Anne, để nó luôn ở đó chẳng phải vui hơn sao?”
“Davy Keith!” Anne đứng bật dậy, nhoài khỏi vòng tay ôm của Davy và chạy như bay qua hành lang vào phòng bà Marilla. Khăn trải giường hơi nhăn. Cô vội vã run rẩy lật chăn lên và quả thực có một con cóc đang chớp mắt với cô từ dưới một cái gối.
“Làm sao mình đem cái đồ gớm ghiếc ấy ra ngoài được?” Anne rùng mình rên rỉ. Cô nghĩ ra chiếc xẻng xúc than bèn rón rén xuống lấy nó trong lúc bà Marilla bận bịu ở phòng lương thực. Anne cũng khó khăn lắm mới
đem con cóc xuống dưới nhà được, vì nó nhảy ra khỏi cái xẻng ba lần, và có một lần cô tưởng mình đã mất nó ở hành lang. Cuối cùng, khi đã đặt nó an vị ở vườn anh đào, cô thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.
“Nếu bác Marilla biết thì suốt đời bác ấy sẽ không bao giờ dám chui vào giường nữa. Mình thật mừng là tên tội phạm bé nhỏ ấy hối hận kịp lúc. ồ, Diana đang ra hiệu cho mình từ cửa sổ nhà cậu ấy. Mừng quá... Mình quả thật cần được vui vẻ đôi chút, bởi với Anthony Pye ở trường và Davy Keith ở nhà, thần kinh của mình đã quá đủ căng thẳng cho một ngày rồi.”
9. Vấn Đề Màu sắc
“Hôm nay cái bà già phiền phức Rachel Lynde lại đến đây, kỳ kèo tôi đóng góp mua thảm cho phòng lễ nhà thờ,” ông Harrison phẫn nộ. “Tôi ghét bà già ấy hơn bất kỳ ai trên đời. Bà ta có thể gói ghém một bài thuyết giáo, nội dung, bình luận và cách vận dụng vào trong vẻn vẹn sáu chữ rồi ném thẳng vào mặt người ta như một viên gạch.”
Anne đang ngồi ở rìa hành lang, tận hưởng vẻ diệu kỳ của làn gió Tây dịu dàng thổi qua cánh đồng vừa mới cày xới vào một buổi chạng vạng u ám tháng Mười một, miệng ngân nga một giai điệu ngắn đáng yêu giữa đám linh sam quấn quýt cuối vườn. Nghe vậy, cô bèn quay khuôn mặt mơ màng của mình lại.
“Vấn đề là ông và bà Lynde không hiểu nhau,” cô giải thích. “Đó luôn là lý do mỗi khi người ta không ưa nhau. Ban đầu cháu cũng chẳng thích bà Lynde, nhưng ngay khi hiểu được bà ấy thì cháu đã học được cách mến bà ấy.”
“Bà Lynde có thể hợp khẩu vị một số người, nhưng tôi không ăn chuối liên tục bởi vì được khuyên là cứ ăn rồi sẽ thích,” ông Harrison gầm gừ. “Còn về việc hiểu bà ta ư, tôi biết bà ta là một người lăng xăng nhiều chuyện chính hiệu và tôi đã nói thẳng như vậy.”
“Ôi, bà ấy nghe vậy chắc đau lòng lắm” Anne trách cứ. “Làm sao ông có thể nói như thế chứ? Cháu từng nói những lời khó nghe với bà Lynde hồi lâu lắm rồi, nhưng đó là khi cháu phát điên lên. Cháu không thể cố ý nói vậy được.”
“Đó là sự thật, và tôi tin vào việc luôn nói ra sự thật.”
“Nhưng ông đã không nói toàn bộ sự thật,” Anne phản đối. “Ông chỉ nói ra cái phần xấu xa của sự thật thôi. Chẳng hạn nhé, ông nói mấy chục lần rằng tóc cháu màu đỏ nhưng ông chưa bao giờ nói cho cháu biết lấy một lần
là cháu có cái mũi đẹp.”
“Tôi dám chắc cháu biết điều đó mà không cần ai nói,” ông Harrison cười khằng khặc.
“Cháu cũng biết là cháu có tóc đỏ... dẫu nó đã sẫm màu hơn nhiều so với lúc trước... do vậy không cần nói cho cháu biết đâu.”
“À à, vậy thì tôi sẽ cố không nhắc đến nữa vì cháu quá nhạy cảm với điều đó. Cháu đừng chấp tôi, Anne ạ. Tôi có thói quen nói thẳng nên mọi người đừng để ý làm gì.”
“Nhưng người ta không thể không để ý. Và dẫu biết đó là thói quen của ông thì cũng chẳng đỡ gì hơn. Ông nghĩ gì về một người cứ đi lấy gai châm chích vào người khác rồi nói, 'Xin lỗi, bạn đừng để ý... chỉ là thói quen của tôi thôi.’ Ông sẽ nghĩ ông ta bị khùng, phải không? Về phần bà Lynde, bà ấy là một người nhanh nhảu nhiều chuyện, có lẽ là thế. Nhưng ông có nói với bà ấy rằng bà ấy rất tốt bụng, luôn giúp người nghèo và chẳng nói tiếng nào khi Timothy Cotton trộm một bình bơ từ chạn nhà bà ấy rồi nói với vợ rằng ông ta mua về không? Bà Cotton khi gặp bà ấy còn chê nó có mùi củ cải, thế mà bà Lynde chỉ nói xin lỗi vì bơ không ngon.”
“Tôi cho rằng bà ấy cũng có vài điểm tốt,” ông Harrison miễn cưỡng nhượng bộ. “Đa số đều thế. Tôi cũng có vài điểm tốt đấy, dẫu có thể cháu chẳng bao giờ ngờ tới. Nhưng dù sao thì tôi cũng chẳng góp xu nào cho tấm thảm đó đâu. Tôi thấy mọi người ở nơi đây cứ mãi đi xin xỏ. Kế hoạch sơn lại tòa thị chính của cháu sao rồi?”
“Tuyệt vời. Tối thứ Sáu tuần trước Hội cải tạo Làng Avonlea vừa họp và nhận ra chúng cháu có đủ tiền quyên góp để sơn và lợp mái lại cho tòa thị chính. Đa số mọi người đều rất tích cực quyên góp, ông Harrison ạ.”
Anne là một cô gái có tâm hồn ngọt ngào, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn có thể bơm thêm tí nọc độc vào những lời nhấn mạnh ngây thơ khi cần thiết.
“Cháu định sơn màu gì?”
“Chúng cháu định sơn màu xanh lá rất đẹp. Mái ngói đương nhiên là đỏ thẫm rồi. Hôm nay ông Roger Pye sẽ ra tỉnh mua sơn.”
“Ai sẽ sơn?”
“Ông Joshua Pye ở Carmody. Ông ấy đã lợp lại mái gần xong rồi. Chúng cháu phải giao việc này cho ông ta, vì mọi người họ Pye... có tới bốn gia đình nhà Pye lận, ông biết mà... nói rằng họ sẽ không góp một xu trừ phi Joshua làm việc này. Nội bọn họ thôi cũng đã đóng mười hai đô rồi, và chúng cháu nghĩ rằng không thể lãng phí số tiền lớn như vậy được, dẫu vài người nghĩ chúng cháu không nên nhượng bộ nhà Pye. Bà Lynde nói bọn họ luôn cố kiểm soát mọi thứ.”
“Vấn đề chính là cái tên Joshua này có làm tốt không. Nếu hắn làm tốt thì dù hắn họ Pye hay họ Pút đinh gì cũng chẳng quan trọng.”
“Nghe đồn ông ta làm việc cũng chăm chỉ lắm, nhưng người ta nói ông ta khá kỳ dị. Hiếm khi nào nói một tiếng.”
“Chỉ vậy thôi cũng đủ là người kỳ dị rồi,” ông Harrison cộc lốc. “Hay ít nhất người ở đây sẽ đánh giá ông ta như vậy. Lúc trước tôi cũng chẳng nói nhiều đâu, nhưng khi tới Avonlea thì tôi phải nói để bảo vệ mình, nếu không bà Lynde sẽ cho tôi bị câm mà mở chiến dịch quyên góp để dạy tôi ngôn ngữ bằng tay mất. Cháu phải đi rồi à, Anne?”
“Cháu phải đi đây. Tối nay cháu phải may vá vài thứ cho Dora. Hơn nữa, Davy chắc đang làm vỡ tim bác Marilla với vài trò nghịch ngợm mới đây. Ngay sáng nay, nó hỏi, 'Bóng tối đi đâu vậy, cô Anne? Cháu muốn biết.’ Cháu bảo nó là bóng tối đi vòng qua mặt bên kia của trái đất, nhưng sau buổi sáng thì nó tuyên bố điều đó không đúng... rằng bóng tối chui xuống giếng. Bác Marilla nói hôm nay bác ấy bắt gặp nó đu mình nơi thành giếng bốn lần, cố tìm cách chạm vào bóng tối bên dưới.”
“Nó là một cục nợ đời,” ông Harrison tuyên bố. “Hôm qua nó sang đây nhổ sáu cái lông đuôi của Gừng trước khi tôi kịp chạy từ kho vào. Con chim đáng thương ủ rũ từ lúc đó đến giờ. Đám trẻ đấy chắc là hiện thân của tai họa cho gia đình cháu.”
“Mọi thứ đáng giá đều có vài phiền phức mà,” Anne thầm quyết định sẽ tha thứ cho lỗi lầm kế tiếp của Davy, dẫu đó là lỗi gì, bởi nó đã báo thù Gừng giúp cô.
Tối đó ông Roger Pye mang sơn và hôm sau ông Joshua Pye, một người lầm lì cáu bẳn, bắt đầu sơn. Ông ta sơn mà chẳng bị ai quấy rầy. Tòa thị chính nằm trên con đường được gọi là “đường dưới.” Vào cuối thu, con đường này lúc nào cũng lầy lội, cho nên người ta đi tới Carmody bằng con đường vòng xa hơn phía trên. Tòa thị chính được một rừng cây linh sam um tùm vây quanh, vì vậy phải đến thật gần mới nhìn thấy được. Ông Joshua Pye sơn nhà trong yên lặng và đơn độc, thỏa mãn tấm lòng không thích giao du của ông ta.
Chiều thứ Sáu, ông ta xong việc và về nhà ở Carmody. Ngay sau khi ông ta rời đi, bà Rachel Lynde đánh xe tới, chịu đựng đám bùn ở đường dưới chỉ vì tò mò muốn xem tòa thị chính trông thế nào trong lớp sơn mới. Khi quẹo qua góc đường cây vân sam, bà đã nhìn thấy.
Cảnh tượng trước mắt ảnh hưởng đến bà Lynde một cách kỳ lạ. Bà buông rơi dây cương, giơ tay lên trời nói: “Lạy Chúa nhân từ!” Bà nhìn chằm chằm như thể không tin vào mắt mình. Sau đó bà lăn ra cười như điên.
“Chắc hẳn là có lầm lẫn gì... nhất định là vậy. Tôi biết nhà Pye sẽ làm cho chuyện loạn xà ngầu lên mà.”
Bà Lynde đánh xe về nhà, gặp vài người trên đường và dừng lại kể cho họ nghe về tòa thị chính. Tin tức bay nhanh như đám cháy rừng. Lúc mặt trời lặn, Gilbert Blythe đang đọc sách ở nhà thì nghe người làm của ba mình kể lại, anh bèn hồng hộc chạy tới Chái Nhà Xanh, trên đường gặp Fred Wright cũng đang chạy về phía đó. Họ gặp Diana Barry, Jane Andrews và Anne Shirley tuyệt vọng hóa đá dưới cây liễu cổ thụ trụi lá trước cổng Chái Nhà
Xanh.
“Điều đó không thể là sự thật, phải không Anne?” Gilbert kêu lên.
“Thật đấy,” Anne đáp, vẻ mặt thê thảm. “Bà Lynde trên đường từ Carmody về nhà đã ghé qua báo cho tớ biết. Ôi, thật là khủng khiếp! Cố gắng cải tạo để làm quái gì chứ?”
“Chuyện gì mà khủng khiếp vậy?” Oliver Sloane hỏi, anh ghé qua biếu bà Marilla hộp quà anh vừa mua ở thị trấn.
“Cậu chưa nghe nói sao?” Jane phẫn nộ. “À, chỉ đơn giản thế này... Joshua Pye đi sơn tòa thị chính màu xanh dương thay vì xanh lá... màu xanh dương ngăn ngắt chói lọi, loại chuyên dùng để sơn xe cút kít và xe ngựa ấy. Và bà Lynde nói rằng cái màu đó kinh tởm khi dùng để sơn nhà, nhất là khi kết hợp với mái ngói đỏ, kinh tởm nhất trong những màu bà từng thấy hoặc có thể tưởng tượng ra. Khi nghe tin đó, tớ sững sờ hóa đá. Thật là đau xót, sau biết bao khó khăn mà chúng ta đã trải qua.”
“Trời đất ơi, sao một sai lầm như thế có thể xảy ra nhỉ?” Diana rên rỉ.
Kẻ đáng trách trong thảm họa chẳng hay ho gì này cuối cùng cũng được quy về cho nhà Pye. Các cải tiến viên đã quyết định dùng sơn hiệu Morton Harris, và thùng sơn hiệu này được đánh số theo màu. Người mua sơn chọn màu ưa thích trong thẻ màu và đặt mua số tương ứng. Số 147 là màu xanh lá họ lựa chọn, và khi ông Roger Pye bảo con trai John Andrew nhắn với các cải tiến viên ông ta sẽ ra tỉnh mua sơn cho bọn họ, các cải tiến viên đã bảo John Andrew nói với cha anh ta hãy mua số 147. John Andrew luôn khẳng định anh ta đã làm đúng vậy, nhưng ông Roger Pye cũng cương quyết tuyên bố John Andrew đã nói ông ta cần mua số 157. Mọi chuyện vẫn giằng co như vậy chưa có câu trả lời rõ ràng.
Đêm hôm đó, sự tuyệt vọng trống rỗng chiếm lĩnh mọi căn nhà của Avonlea nơi có các cải tiến viên sống. Bầu không khí của Chái Nhà Xanh u ám mãnh liệt đến mức cả Davy cũng ớn lạnh. Anne khóc nức nở mà chẳng ai
an ủi được.
“Cháu phải khóc thôi, dẫu cháu sắp mười bảy rồi, bác Marilla ạ,” cô nức nở. “Thật là nhục nhã quá. Và nó như hồi chuông báo tử gióng lên cho hội của chúng cháu. Chúng cháu sẽ bị mọi người cười thúi đầu cho coi.”
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng như trong giấc mơ, mọi chuyện thường diễn ra ngược lại. Người Avonlea chẳng ai cười; họ quá sức tức giận. Họ đã góp tiền sơn tòa thị chính, vậy nên họ cảm thấy mình bị tổn thương cay đắng bởi sai lầm này. Nỗi căm phẫn của công chúng dồn lên đầu nhà Pye. Roger Pye và John Andrew là đầu trò của câu chuyện vì quá cầu thả; còn Joshua Pye, ông ta đúng là một kẻ ngu ngốc bẩm sinh mới không phát hiện ván đề khi mở thùng sơn và nhìn thấy màu sơn. Joshua Pye khi bị vấn tội thì bắt bẻ lại rằng gu chọn màu của Avonlea chẳng liên quan gì đến ông ta, dẫu ông ta có nghĩ thế nào thì ông ta được thuê để sơn tòa thị chính chứ không phải để bình luận về màu sơn, và ông ta nhất định phải lấy đủ tiền công.
Các Cải tiến viên đành cay đắng giao tiền cho ông ta sau khi tham khảo ý kiến của ông Peter Sloane, một thẩm phán.
“Các cháu phải trả tiền thối,” Peter nói. “Các cháu không thể ép ông ta chịu trách nhiệm, vì ông ta nói chưa bao giờ được thông báo về màu sơn mà chỉ được giao mấy thùng sơn và bảo hãy làm việc đi. Nhưng đây đúng là một nỗi nhục nhã khủng khiếp và tòa thị chính nhìn xấu xí không chấp nhận được.”
Các Cải tiến viên xui xẻo đinh ninh là Avonlea sẽ còn thành kiến với họ hơn sau thảm họa này, nhưng thay vào đó, công chúng lại dành sự cảm thông cho họ. Mọi người thương cho nhóm thanh niên hào hứng nhiệt tình đã phấn đấu hết mức cho mục tiêu, thế mà lại bị lợi dụng như vậy. Bà Lynde khuyên họ nên tiếp tục cho nhà Pye thấy rằng trên đời này có người biết làm nên chuyện chứ không phải là đụng đâu hư đó. Ông Major Spencer nhắn ông sẽ dọn sạch mấy gốc cây trụi dọc đường phía trước nông trại của mình và tự bỏ tiền trồng cỏ thay vào. Một bữa nọ bà Hiram Sloane đến thăm trường, lấm lét gọi Anne ra hành lang để nói với cô rằng nếu “Họi” muốn trồng một vườn hoa phong lữ ở ngã ba đường vào mùa xuân thì không cần lo lắng đến
con bò cái của bà ta đâu, vì bà ta sẽ giữ cái ả ăn uống phàm tục ấy cẩn thận. Ngay cả ông Harrison cũng cười khúc khích một mình, nếu quả thật ông có cười khúc khích, và bề ngoài thì hết sức thông cảm.
“Đừng để ý, Anne à. Mỗi năm sơn sẽ bị phai màu và màu càng lúc càng xấu, nhưng cái màu xanh ấy đã xấu hết mức có thể rồi, nên khi phai màu nó sẽ đẹp hơn. Mái nhà đã được lợp và sơn lại đàng hoàng. Mọi người có thể ngồi trong đó mà không sợ dột. Dù sao thì cháu cũng làm được rất nhiều chuyện mà.”
“Nhưng tòa thị chính màu xanh dương của Avonlea sẽ là trò cười của tất cả các vùng lân cận từ giờ trở đi,” Anne chua chát.
Và phải thú nhận rằng sự thật đúng là như vậy.
10. Davy Tìm Kiếm Sự Giật Gân
Một chiều tháng Mười một nọ, trên đường từ trường về nhà qua lối Bạch Dương, một lần nữa Anne lại cảm thấy chắc chắn rằng cuộc đời thật tươi đẹp. Ngày hôm đấy là một ngày tốt lành, mọi chuyện đều suôn sẻ trong vương quốc nhỏ của cô. St. Clair Donnell không gây gổ với bất cứ đứa con trai nào vì chuyện tên tuổi; khuôn mặt của Prillie Rogerson sưng vù vì đau răng đến mức cô nàng không hề liếc mắt đưa tình với đám con trai chung quanh lấy một lần. Barbara Shaw chỉ gặp tai nạn mỗi một lần... đánh đổ một chén nước rửa bút xuống sàn... và Anthony Pye không đi học.
“Tháng Mười một năm nay thật là tuyệt quá!” Anne thốt lên, cô vẫn chưa thoát khỏi thói quen trẻ con là hay nói chuyện một mình. “Tháng Mười một thường là một tháng khó chịu... như thể năm đột nhiên phát hiện mình đã về già và chỉ biết khóc than buồn bã vì điều đó. Năm nay đã già đi một cách duyên dáng... giống như một bà lão oai nghiêm biết mình có thể xinh đẹp ngay cả với mái tóc bạc và những nếp nhăn. Ngày thật đáng yêu và lúc chạng vạng thì tuyệt vời. Hai tuần vừa qua khá yên bình, đến cả Davy cũng cư xử gần như đâu vào đó. Mình thực sự nghĩ rằng thằng bé đã ngoan hơn nhiều. Hôm nay rừng cây thật im lặng quá... chẳng có tiếng thì thầm nào ngoại trừ tiếng gió vi vút nơi ngọn cây. Chẳng khác gì tiếng sóng vỗ bờ xa. Rừng cây thật thân thương quá! Những hàng cây xinh đẹp ơi, mình yêu tất cả các cậu như bạn bè vậy.”
Anne dừng lại choàng tay qua một cây bạch dương non và hôn thân cây màu trắng sữa. Diana vừa rẽ vào con đường, nhìn thấy cô và phá lên cười.
“Anne Shirley, cậu chỉ giả vờ trưởng thành thôi. Tớ tin rằng khi có mỗi một mình, cậu lại hiện nguyên hình một cô bé.”
“Ồ, không thể thoát khỏi thói quen là một cô bé ngay lập tức được,” Anne vui vẻ đáp.
“Cậu thấy đấy, tớ bé bỏng suốt mười bốn năm trời, và tớ chỉ mới là người lớn được có mỗi ba năm thôi. Tớ chắc rằng mình luôn cảm thấy như một đứa