🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ánh Sao Trong Lòng Bố Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Lời giới thiệu Lời nói đầu Vũ trụ bé con Chàng trai của bố Bố “giận” con Thư gửi con Thủ thỉ cùng con Những ngón tay ngoan Bình minh ngọt ngào Tim bố luôn nở đầy hoa Hạt giống của riêng mình Làm mẹ của con thật vui! Những hạt ngọc Người bạn trọn đời Bố bi bi ơi! Nhớ quàng tay ôm cổ bố nghe con Những ngôi sao xanh Gia đình An lành và dịu ngọt Father’s day Thương cha Yêu thương là hành động Nhưng nhức Tết xưa Tinh tang, tinh tang Độc thoại và đối thoại Có em... Vợ và “cô dâu 8 tuổi” Hay thế chứ lị Tản mạn cho ngày 20/10 Thư gửi ông già Noel Tình yêu Hâm ơi là hâm Giận mà thương Nói với con về bà ngoại Những vì sao không ngủ Một tí... Lẽ dĩ tất ngẫu Mình thích... Thế thì hâm thật! Học trò cũ Lại chuyện về người giúp việc Vạn vật hữu linh Tri ân Dịu dàng Đặc sản của nghề thầy Lời giới thiệu Thi thoảng mình cũng nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho một cuốn sách nào đó. Nhưng lần này, mình nhận viết lời giới thiệu cho Ánh sao trong lòng bố với một tâm trạng rất đặc biệt. Đơn giản chỉ vì đó là cuốn sách của “người bên gối” nhà mình, người mà mình hay mượn lời của con trai lúc con vừa tập nói để trìu mến gọi là: Bố bi bi! Bố bi bi vốn thường dành rất nhiều thời gian cho con trai. Ngoài công việc và những mối quan tâm chung, thời gian còn lại anh đều sống cho con và vì con. Cả tuổi thơ con trai tràn ngập những giờ khắc vui vẻ, ấm áp tình phụ tử. Bố bi bi nói rằng, được chơi với con là niềm vui, niềm hạnh phúc và những lúc đó anh cũng như được sống lại tuổi thơ lần thứ hai. Bởi vậy, khi con trai du học xa nhà thì Bố bi bi bắt tay vào viết. Anh viết như cách người ta thủ thỉ, tâm tình. Bởi thế viết mà như không viết. Những gì anh kể ra, anh viết, khi đọc, mình luôn có cảm giác như được xem lại cuốn băng quay chậm những gì đã trải qua. Hầu như vào mỗi tối, anh đều lụi hụi viết rồi đọc, rồi bâng khuâng thương nhớ con khắc khoải, nhiều khi đến quá nửa đêm. Mình biết khi ấy Bố bi bi cũng đang vừa viết vừa mường tượng đến khuôn mặt của con, đến nụ cười của nó, đến cái nắm tay, cái nheo mắt, những câu dỗi hờn, những ủ ê nồng đượm... Cả trái tim ắp chặt nỗi nhớ, Bố bi bi mượn trang giấy để giãi bày. Và đó cũng là lý do để Tròn một vòng yêu thương và tiếp theo là Ánh sao trong lòng bố ra đời. Bố bi bi sống đầy đặn trọn vẹn niềm yêu thương vô bờ bến bởi trong lòng anh luôn có “ánh sao” cứ lấp lánh lấp lánh mãi - ánh sao của tình yêu. Cuốn sách với ba phần: “Vũ trụ bé con”; “Những ngôi sao xanh” và “Những vì sao không ngủ” như một tinh cầu của Bố bi bi. Trong tinh cầu đặc biệt ấy, con trai, cái “Vũ trụ bé con” của bố là tâm điểm. Những bài viết với đẫm nỗi nhớ mong, với ngạt ngào kỉ niệm, với những lời dặn dò tha thiết, dịu dàng của bố dành cho con đã đủ nói về một “vũ trụ” thần tiên của bố và chỉ của riêng bố mà thôi. Bố bi bi dường như biến mình thành một tiểu hành tinh xoay quanh cái vũ trụ bé con đáng yêu của mình, quay suốt trong nhịp điệu của Nhớ nhung - Thương yêu - Lo lắng. Đến nỗi khi đọc xong, đôi lúc mình cũng giật mình về sự yêu con đến mức mê mị đắm đuối của ông bố này và tự hỏi: Vậy mình ở đâu trong cái tiểu hành tinh đáng yêu đến ngộp thở này? Rất may là còn phần hai “Những ngôi sao xanh” kể về những người thân mà bố Bi bi gắn bó bằng con tim tha thiết. Nhưng đến phần này, giọng văn đã khác, anh trở về với con người mà mình biết từ cách đây ngót hai chục năm, bông phèng, dí dỏm và tếu táo. Thế nên mới gọi vợ là “cô dâu 8 tuổi” và tìm đủ cách để “dìm hàng”. Cái việc lạc đường, chậm chạp, thích mua sắm, lãng mạn, thích làm đẹp... dưới con mắt của Bố bi bi cũng dễ thương ra phết (dù mỗi lần đọc xong cũng không khỏi buông một cái nguýt dài). Khổ nỗi những “tật” này, chị em phụ nữ hình như ai cũng mắc, thành thử bài của Bố bi bi viết về vợ cứ đăng trên Facebook là được chị em ủng hộ nhiệt tình, khen nắc nỏm. Thành ra, đứng ở vị trí “người bị hại” mà mình cứ phải im re. Chà chà, Bố bi bi thật là... Và nữa, Bố bi bi cũng rất giỏi trong việc miêu tả cảm xúc và khắc họa chân dung của những người mà anh thương yêu gắn bó. Là bố mẹ, là chị gái, em gái, em trai, là cháu gái, là bố vợ, mẹ vợ... Những “nhân vật” ấy trong văn anh, mình cũng gặp hàng ngày, cũng gắn bó bằng biết bao nhiêu là yêu thương đồng cảm sẻ chia. Vậy mà khi đọc “Những ngôi sao xanh”, lòng mình vẫn dâng tràn niềm xúc cảm của trân trọng, của thấm thía máu thịt về cách sống đến tận cùng chia sẻ của Bố bi bi. Không bằng cách sống hết mình ấy, chắc khó có thể viết được những dòng văn nhẹ nhàng mà diết da đến thế. Phần ba với “Những vì sao không ngủ” là những câu chuyện nhân tình thế thái, chuyện về chị giúp việc, về những mối tình đã qua... Tất cả đều hài hước, dí dỏm đến độ “cười không nhặt được răng” như nhiều người nhận xét. Nhưng ẩn phía sau nụ cười ấy vẫn là những suy nghĩ kín đáo của một người đàn ông chân thành, tinh tế, biết nhìn ra những điều dung dị và cảm thông thấu hiểu với muôn nỗi của cuộc đời đa diện... Nhiều người thường hỏi mình: Bố bi bi hay viết về những chuyện “tình củm” ngày xưa thế mà mẹ Điệp không “ghen” à? Những lúc như vậy, mình thường mỉm cười. Bởi mình biết đã có một “tiểu vũ trụ” nằm trong lòng Bố bi bi. Giữa những dòng văn dịu dàng mê đắm, mình vẫn tìm thấy... chính mình, một ánh sao xanh lặng lẽ mà không kém phần lấp lánh. Nên mình rất yên tâm. Nên mình, thú thực, rất mong chờ những bài viết của Bố bi bi, kể cả đó là những bài viết về chuyện “ngày xưa” hoặc là bài viết “kể tội” mình. Một người đàn ông quan tâm đến cả cái cách nói chuyện của vợ, “chịu đựng” để vị tha đến mức thi vị hóa những “tật xấu” của vợ và chỉn chu đến từng chi tiết... chắc hẳn sẽ là người luôn sống bằng những nhịp điệu của yêu thương nao nức trong tim. Mình tin là như vậy! Ánh sao trong lòng bố vì thế đã tặng cho mình một tình yêu “như vẫn rất đôi mươi”. Ánh sao trong lòng bố cũng là dấu thăng trong bản nhạc yêu thương của Gia đình mà mình, bố bi bi và con trai đã và đang “hòa tấu” trong suốt những năm tháng cuộc đời. Ánh sao trong lòng bố cho mình gặp lại người Thầy của mười tám năm về trước, khi lần đầu mình run run nắm tay “Thầy” và đặt vào lòng bàn tay ấm nóng bài thơ tình non nớt, dại khờ. Người Thầy khiêm nhường, ít nói nhưng trí tuệ và bông phèng ấy khiến mình xao xuyến ngay từ lần đầu gặp mặt, để rồi sau đó “thành vợ thành chồng” và “cùng ôm con”. Bởi thế, mình yêu cuốn sách này, một cách thật thà. Mong bạn đọc hãy cầm trên tay cuốn sách để cảm nhận những yêu thương gửi trao nhẹ nhàng mà trong trẻo. Để hát “Ta là ai mà yêu quá đời này!”. Trân trọng cảm ơn bạn đọc! PHAN THỊ HỒ ĐIỆP Lời nói đầu Thuở ấu thơ, trong những đêm hè gió nồm nam mát dịu hay dưới ánh trăng thu rười rượi ngọt ngào, tôi thường trải chiếu ra sân và nằm ngửa cổ ngắm những vì sao. Tôi trò chuyện thì thầm cùng những ngôi sao, kể cho chúng về ước mơ bé bỏng, những đam mê khao khát của mình. Tôi kể về một ngày “thả diều đá bóng, bắt cá giữa đồng”, kể về những bí mật non nớt dại khờ... Và lần nào cũng thế, tôi như nghe được tiếng thầm thĩ từ những vì sao. Chúng cứ nhấp nháy mãi, nhấp nháy mãi trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo quyện hương bưởi dịu dàng và tiếng gió xạc xào bên vườn khuya tịch mịch. Ấn tượng về những vì sao ấy cứ in dấu đậm đà mãi dài theo năm tháng. Đến khi có con, tôi chợt ngộ ra rằng, con trai cũng diệu kì như những vì sao dễ thương ấy, luôn lắng nghe, luôn đón nhận những yêu thương từ bố bằng những gì hồn nhiên, trong sáng. Và bằng ánh sáng của những vì sao, tôi cần mẫn ghi lại những cuộc chuyện trò. Mỗi câu chuyện cho tôi được sống lại những khoảnh khắc mê đắm hạnh phúc trong tình cha con ấm áp, thiêng liêng. Mỗi câu chuyện nhắc tôi về những cung đường, miền đất đã qua, những vòng tay, những cái ôm, những gần gụi dịu dàng mà hai cha con gắn bó với nhau. Con đã đi học xa nhà nhưng những gắn bó ràng rịt vẫn luôn kết nối, bởi tôi luôn có muôn triệu ánh sao dịu dàng trong lòng. Ánh sao trong lòng cũng khiến tôi nhìn người, nhìn vật bằng ánh nhìn nhẹ nhàng, mát tươi, thơ thới. Tôi viết về người thân, bè bạn, học trò bằng cái nhìn thân ái. Tôi viết về người giúp việc vụng về, về những mối tình đã qua bằng giọng bông phèng... Và đặc biệt, cuốn sách nhỏ này dành không ít những trang văn nồng ấm cho người bạn đời của tôi với biệt danh “Cô dâu 8 tuổi”. Vì thế, những bài viết cũng nhẹ nhàng. Đôi khi, có thể do không làm chủ được cảm xúc của mình, tôi tìm thấy ở các tác giả khác tôi từng đọc những cảm xúc tương đồng trong một vài đoạn viết mà không nhớ nguồn trích dẫn. Xin các tác giả lượng thứ cho người “thư kí” sống bằng nhịp điệu của con tim là tôi này nhé! Tôi mong bạn đọc sẽ đón nhận Ánh sao trong lòng bố như đón nhận con người tôi: chân thật, nồng nàn và... đa tình nữa. Mong muốn lớn nhất của tôi là khao khát tìm được tiếng nói chung của những người có cùng cái nghề độc đáo như mình: NGHỀ LÀM CHA. Nghề mà tôi đã và đang học bằng tất cả sự hoan hỷ và niềm vui sống, bằng sự cố gắng nỗ lực hàng ngày, hàng giờ... Tôi cũng mong tìm được sự đồng cảm, sẻ chia từ những người mà tôi luôn tri ân: Những người mẹ, người chị, những bạn bè, đồng nghiệp, những người vợ, những người bạn gái, các thế hệ học trò... Chính những “nhân vật trữ tình” ấy đã làm trái tim tôi luôn được sưởi ấm lửa yêu thương. Và cuối cùng, ước mong cháy bỏng của tôi là con trai sẽ ấp iu cuốn sách vào lòng, như ấp ôm vòng tay của bố mà vì xa con quá bố không với tới. Với mỗi người cha, không gì hạnh phúc bằng được thấy con hiện hữu ngay trong lòng mình, bằng ánh sáng của những vì sao, bằng ánh sáng của tình yêu thương... Cảm ơn bạn đã cầm cuốn sách trên tay. Xin hãy nhận ở tôi lòng biết ơn sâu sắc, dịu dàng! ĐỖ XUÂN THẢO Vũ trụ bé con Chàng trai của bố Con trai yêu thương của bố! Mẹ sinh con đúng ngày mùng 1 tháng 5. Dịp này ở Nhật, gọi là Tuần lễ Vàng (Golden Week) nên bố được nghỉ dài ngày. Niềm vui vì thế nhân lên gấp bội. Từ đó, bố mẹ luôn có trọn vẹn những ngày nghỉ lễ để chuẩn bị tổ chức sinh nhật cho con. Tuổi thơ bố chưa một lần được biết thế nào là sinh nhật. Ông bà lận đận với miếng cơm manh áo, lo cho lốc nhốc đàn con khỏi đứt bữa đã là khó lắm rồi, lấy đâu ra sinh nhật. Việc nhớ ngày sinh của mỗi đứa con cũng chỉ áng chừng. Ở nông thôn, có người đến lúc đi học mới làm giấy khai sinh con à. Khi có con, bố cố gắng bù đắp cho con những thua thiệt của tuổi thơ mình, ít nhất là bằng những giá trị tinh thần. Chuẩn bị sinh nhật con, bao giờ bố mẹ cũng đưa con đi chụp ảnh và chọn kiểu đẹp nhất để phóng to. Nhìn vào đó, bố thấy được những giai đoạn phát triển của con. Cái ảnh chụp hồi con 6 tuổi, khi đó cả nhà mình mới về nước, con chỉ đứng đến ngang bụng bố. Vậy mà mấy ảnh của những lần sinh nhật sau, con cao đến gần vai bố. Bố ghi dấu sự lớn lên, dài rộng của con bằng những bức ảnh để mỗi lần nhìn lại, bố thấy trong lòng lặng lẽ những niềm vui. Bố nhớ ngày nào con còn nhỏ xíu xìu xiu, nhỏ đến nỗi chỉ vừa chiếc nón bố che khi bế con đi tiêm phòng, vậy mà giờ con đã thành chàng trai khỏe khoắn, bảnh bao. Bố không vui sao được. Những tấm ảnh chỉ ghi dấu sự lớn lên về thể chất. Còn bố, với chiếc máy ảnh là trái tim mình, bố đã ghi lại được sự trưởng thành về trí tuệ, về tâm hồn của con theo năm tháng. Sinh nhật con những năm còn nhỏ, con thích được mua quà, khi thì là ô tô, khi là máy bay, là các loại sách, truyện. Con thích cảm giác ngồi giữa những quà tặng háo hức bóc từng gói một và à lên thích thú. Quà của bố mẹ bao giờ cũng đặc biệt nhất vì đúng với sở thích của con. Sinh nhật con những năm sau này, con thường rất đắn đo khi bố mẹ hỏi con thích gì. Không phải con còn phân vân không biết chọn quà gì mà con muốn lựa những thứ con cho rằng hợp với túi tiền của bố mẹ. Sinh nhật những khi con còn nhỏ, con thích một cái bánh gato to thật là to với những hình trang trí ngộ nghĩnh. Con thích cái cảm giác nhắm mắt, cầu mong những điều tốt đẹp trong lung linh ánh nến và trong con mắt thương yêu của mọi người. Sinh nhật những năm sau này, con thường nhắc bố mẹ mua chiếc bánh nhỏ thôi cho khỏi lãng phí nếu lỡ không ăn hết. Sinh nhật khi con còn nhỏ, con thích mời thật đông, thật đông bạn bè đến dự. Có năm con mời các bạn ra nhà hàng. Con xăng xái giới thiệu với bố tên từng bạn, thậm chí còn nói thầm vào tai bố, bạn nào mà con đang chú ý “đặc biệt”. Có năm con mời các bạn đến nhà. Cả lũ chơi đùa rầm rập, mồ hôi bê bết, cười nói ầm ầm. Vui quá là vui. Nhưng những sinh nhật sau này, con chỉ mời một số ít bạn thân. Vẫn chạy chơi, vẫn nô đùa nhưng con luôn ra dấu nhắc các bạn nói nhỏ thôi vì con sợ làm ông bà nội nghe nhiều tiếng ồn mà mệt. Sinh nhật khi con còn nhỏ và sinh nhật khi con lớn... Chỉ một vài năm thôi mà bố đã thấy khác biệt rất nhiều. Cùng với sự lớn lên là sự trưởng thành, con biết thương, biết lo, biết nghĩ đến người xung quanh. Và có lẽ đó mới chính là dấu mốc đẹp nhất mà con tự “đánh dấu” cho bản thân mình. Sinh nhật năm nay, con ở xa bố mẹ hàng vạn dặm. Mấy hôm trước, thấy bố mẹ buồn vì không được tổ chức sinh nhật cho con, con đã làm thơ động viên bố mẹ. Những câu thơ cứ ghim bố vào nỗi thương con đến lặng cả người: Con sẽ châm nến tự hát Chúc mừng sinh nhật... chính con Trong màu hoa hồng như son Con cười một mình rạng rỡ. Thế đấy! Con không buồn cho cái sự “một mình” của bản thân. Con lo bố mẹ ở nhà. Con không sợ cô đơn, con sợ bố mẹ trống vắng. Và vì thế bố thấy con LỚN thật rồi. Con không còn là một đứa bé chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Con đã biết nhìn ra rộng dài phía trước. Con biết đau đáu với những buồn vui, con biết hòa mình với nhân sinh và hơn hết con thương lo cho bố mẹ. Và thế là con LỚN thật rồi. Con trai yêu thương của bố, bước qua tuổi 14, con sẽ bước sang một giai đoạn mới. Con có một tuổi trẻ trong tay: “Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm vẫn muốn quay lại để ướt mưa thêm một lần nữa”. Nó thật tuyệt vời. Con được tự do làm những gì mình thích. Con được bay bổng trong sự sáng tạo của chính con. Con được sống với những giá trị nhân văn dành cho cộng đồng mà con tạo dựng. Vậy nên con cứ đi, đừng ngần ngại. Bố luôn tin rằng, mỗi người tự tạo ra “số phận” cho riêng mình. Và bố cũng tin rằng, thế giới này đủ chỗ cho những đam mê khác biệt. Con cứ tự tin, mạnh mẽ tiến về phía trước. Sai thì làm lại. Thất bại cũng không nản. Thắng thua không phải là đích cuối cùng trong mỗi cuộc đua. Hãy cứ yêu thương mọi người bằng tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Hãy nhìn cuộc đời bằng ánh mắt lạc quan, tràn đầy yêu thương và tin tưởng. Và cho dù bất kể lý do gì, con hãy luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào bố mẹ. Bố chúc mừng sinh nhật CHÀNG TRAI của bố. THƯƠNG và TIN con vô cùng. Bố chỉ buồn chút thôi vì sinh nhật cách xa nhưng bố khát khao đợi ngày con về trong vòng tay của bố. Để ôm con thật chặt. Để thơm con ngàn lần. Để thấy con lại ngây ngô, vụng về trong lòng bố bao la. BỐ YÊU CON! (Viết trong ngày sinh nhật con, 01 tháng 05 năm 2015) Bố “giận” con Hôm qua, con nhắn tin cho bố: “Bố ơi, bố có khỏe không? Hè này con về bố cho con đi chơi nhiều nhé. Càng lớn, con càng hiểu và thương bố hơn. Nhiều lúc con không phải, bố đừng giận con bố nhé”. Đọc tin nhắn, bố thương con thắt lòng. Nước mắt ứa mi, bố lặng lẽ khép cửa phòng, sợ ai đó bất chợt vào phòng nhìn thấy... Ngoài kia, trời đất đã vào hè. Dưới sân trường, hoa muồng hoàng yến nở vàng rực cả một góc trời. Có gì như xa xăm, có gì như bâng khuâng, có gì như xôn xao. Cái thằng con trai của bố! Ừ, bố “giận” con lắm... Bố “giận” con khi con cứ quyết đi du học. Cách xa con nửa vòng trái đất, bố thương con quên ăn mất ngủ. Cái thằng cún con tồ tẹt của bố, ở nhà còn vụng về là thế, suốt ngày níu áo bố, bám áo mẹ, suốt ngày véo von, đi ra đi vào cười nói vang nhà. Rồi vụng về, rồi hấp tấp, lóng ngóng như một con ngỗng trời. Rồi hay ngã, rồi chân tay xước xát, rồi đau họng, rồi đau răng. Đủ thứ để lo lắng, để chăm bẵm! Thế mà con nhất định sẽ rời vòng tay bố mẹ để tự lập, để tự lớn tự khôn. Mà đi là đi một lèo, cả năm mới về. Lúc chia tay, giữa phi trường con hăm hở vai khoác ba lô, miệng cười toe trong khi cả nhà mắt ai cũng ầng ậng nước. Mỗi lần gọi về cho bố mẹ là một lần trêu chọc, nháy mắt, lắc lư cái bụng bự dù bố biết trong lòng con cũng đầy giông bão. Thế nên bố “giận” con! Bố “giận” con vì có đồng nào con cũng quy ra sách. Con mua sách với tốc độ chóng mặt. Còn mấy đồng bố cho để dự phòng vậy mà cứ vài hôm con lại nằn nì xin bố để mua sách. Chú chủ nhà còn trêu, chắc hết năm học, khi con chuyển chỗ ở, có lẽ phải thuê xe tải để chở sách. Con đọc sách quên cả giờ ăn. Mỗi cuốn sách dày cộp con chỉ đọc chừng vài ngày là hết. Đọc xong lại ríu rít kể cho bố mẹ về nội dung của sách, về những điều con ngẫm ngợi, về những gì con yêu thích. Con sống trong thế giới sách diệu kì và con tìm thấy ở đó “những người thầy”. Con làm bố nhớ lại tuổi thơ của mình. Cũng vì mê sách, mải đọc sách mà bố để cháy gian bếp, thui luôn cả đàn lợn trong chuồng mà ông bà nội đã chắt chiu nuôi cả năm trời. Cũng vì mê sách mà bố có thể đi bộ hàng chục cây số dù trời nắng chói chang hay mưa giông mịt mù để lên phố huyện mượn vài cuốn sách giấy mủn đen sì, động đến đâu giấy ròn, rã ra từng mảnh. Bố nâng niu sách, ôm vào lòng, không dám đọc nhanh sợ mau đến trang cuối cùng rồi lại ngẩn người vì tiếc. Con làm bố nhớ tuổi thơ của mình nhiều lắm. Nhớ về những giọt mồ hôi, những niềm vui, những nụ cười ẩn hiện trong từng trang sách. Và thấy là mình thoắt cái đã già. Nên bố “giận” con đấy thôi! Bố “giận” con vì những vần thơ con viết trong trẻo dịu dàng mà như có men say. Ôi cái thằng con tồ tẹt của bố! Khi còn ở nhà, bố chỉ nghĩ là con có khả năng cảm thụ văn học nhưng đâu có nghĩ là con lại biết làm thơ. Con làm lòng bố rưng rưng. Mỗi lần đọc thơ con là một lần nghẹn ngào. Và con làm bố sống mải miết trong hạnh phúc với những nỗi đợi chờ. Ngày cuối tuần nào bố cũng ôm cái iPad, hễ thấy màn hình hiện lên dòng chữ: “Đỗ Nhật Nam đã đăng lên dòng thời gian của bạn” là tim bố chừng như loạn nhịp. Rồi cả ngày bố sẽ ngâm nga đọc cho mẹ nghe thơ con. Mà mẹ thì hay mau nước mắt. Cứ vừa nghe thơ con vừa lặng lẽ khóc. Bài buồn thì không nói làm gì, cả bài vui cũng khóc. Lạ thế! Làm bố cũng “lây” mít ướt. Và những đêm khuya, khi mẹ còn bận coi sóc ông bà nội, một mình bố với cái giường rộng thênh, bố “ôm ấp, thủ thỉ” cùng những vần thơ con viết. Bố lẩm nhẩm đọc. Đôi khi bố muốn thử thách trí nhớ của mình, có những chỗ quên mà bố nhất định không mở Facebook ra để xem lại mà cố nghĩ, cố nhớ. Rồi bố tự đặt câu hỏi, nếu bố là con, chỗ này bố sẽ viết thế nào. Cứ thế, bố thiếp đi trong những ngọt ngào. Để sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, việc đầu tiên là bố mở ra để kiểm tra lại xem đêm qua, mình nhớ thơ con đã đúng chưa. Và lại tủm tỉm cười. Vậy đó, bố “rất mất thời gian” cho cái việc nhớ và thuộc thơ con. “Mệt” gì đâu. Vậy nên, bố “giận” con! Bố “giận” con hay lọ mọ làm việc lúc đêm khuya. Ngày ở nhà, bố mẹ quy định cứ 9 giờ là phải đi ngủ mà con thì chúa là hay “lách luật”. Đợt làm apply du học, cứ lúc bố mẹ ngủ là con xuống tầng một ngồi làm. Còn bây giờ ở một mình, nhiều đêm, 11,12 giờ bố vẫn thấy con ngồi lặng phắc, một mình với một ngọn đèn, say sưa, mê mải. Thi thoảng, bố mẹ gọi, con lại ngẩng lên cười xòa rồi cúi xuống học tiếp. Có hôm 12 giờ, con nhắn tin cho mẹ, trêu: “Đi ngủ muộn thích thế mẹ eiiii” và gửi vô số những hình mặt cười. Yêu gì đâu. Vậy nên bố “giận” con! Bố “giận” con vì cứ hay thương và lo lắng cho bố từng chi tiết. Bố khỏe mà, bố vui mà, bố có sao đâu mà con cứ thắc thỏm, cứ cả thương cả lo. Con nhắc mẹ đừng làm bố buồn. Con hay hỏi bố thích gì để con mua tặng. Mới hôm qua, con lên mạng tìm loại bút bố thích để đặt mua làm quà tặng bố. Rồi con tìm mua thuốc, mua áo cho bố. Cái áo con mua bố mặc xong rồi nhưng không muốn giặt vì nghĩ trên đó còn lưu mùi từng ngón tay con. Con tâm sự với bố về những điều con mong ước nhưng chưa thực hiện được. Con băn khoăn e ngại bố tốn tiền khi con đi học xa nhà. Con cứ lẩn mẩn lo và thương bố một cách lặng lẽ chứ không ồn ào như cách mà con dành cho mẹ. Con làm bố cứ ngơ ngác trong thứ tình cảm mê đắm và mụ mị ấy. Vậy nên bố “giận” con! Bố “giận” con... Con ơi! Những chuyến đi xa của con để lại trong bố nhiều “nỗi giận” quá chừng. Những “nỗi giận” cho bố thấy cuộc sống này thật đáng sống. Cho bố yêu cái cảm giác được trở về nhà. Đó là suối nguồn yêu thương để bố nạp lại năng lượng cho những tháng ngày quần quật với mưu sinh. Những “nỗi giận” cho bố biết bên mình luôn có một ốc đảo bình yên. Mà ở đó, bố thật “mệt” vì yêu và được yêu. Nên bố... “giận” con... Thư gửi con Con trai yêu thương của bố! Hôm qua, tình cờ bố được một người bạn thân gửi cho xem một đường link Facebook, trên đó có một status “khẳng định”: Bài thơ Tháng Bảy mùa thi con viết tặng những ông bố, bà mẹ cho con đi thi Đại học không phải là của con, là do bố viết rồi để con đăng! Đại loại là như thế. Bố lặng lẽ xem rồi lặng lẽ đóng Facebook lại. Lúc ấy, bố đã rất sợ con sẽ đọc được lời “khẳng định” đó, sợ con nhìn thấy hiện lên trên danh sách những người bấm “like” cho ý kiến này có cả người mà con vẫn luôn yêu quý và ngưỡng mộ. Bố sợ làm tan vỡ những cảm xúc trong veo, thánh thiện của con. Bố sợ con buồn... Nhưng rồi bố lại nghĩ, bố vẫn nên cho con biết những điều này. Bởi cuộc sống luôn là như thế con à! Trong status đó, người viết cũng nói, họ đã chừng ấy tuổi đầu rồi mà còn chưa hiểu thế nào là “bùn lầm ruộng ngấu” thì sao con, một đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, quen sống ở thành phố lại có thể hiểu nổi. Lạ nhỉ, cứ cái gì người lớn không biết thì trẻ con ắt là không được biết sao? Con ơi, bố đã nuôi nấng, chăm bẵm con bằng những điệu ru con cò, bằng bàn tay của một người cha yêu ruộng yêu đồng, bằng kí ức của một ông bố quê mùa luôn đau đáu tình cha, nghĩa mẹ. Từ thuở nằm nôi, con lớn lên lành lẽ trong dòng chảy chân quê tự nhiên từ máu thịt. Bố đã từng ngỡ ngàng khi con viết về tuổi thơ của bố bằng những từ ngữ đậm chất quê: “Thả câu, buông lờ, đơm đó”. Những động từ ấy đã miêu tả quá chân thật hành động của người dân vùng chiêm trũng. Bố đã nhiều lần giải thích cho mẹ thế nào là “đó, lờ, nơm...” mà mẹ vẫn không phân biệt được. Mẹ thì lúc nào cũng ngơ ngác thế. Nhưng con thì thẩm thấu tự nhiên, như hạt mưa xuân nằm trên đất, tan vào nhau để nuôi lớn những điều tốt đẹp, nhân hậu trong lòng con. Con ơi! Bố từng đọc cho con nghe nhiều lần hai câu nói trong cuốn Quà của bố: “Bất cứ điều gì con có, một ai đó sẽ vượt qua. Nhưng nếu con trung thực, chẳng bao giờ có ai trung thực hơn vì bản chất của sự trung thực là trung thực”. Bố chẳng mong con sẽ thành ông này bà nọ, bố chỉ mong con là con với tâm hồn hướng thiện, sống tử tế, thẳng ngay. Bố mong đắp bồi nhân cách cho con như hết thảy những ông bố yêu con trên thế gian này. Tất cả những việc con làm là tự nguyện từ tâm của con - một cái tâm trong veo, hồn hậu. Còn bố và mẹ chỉ mong một sáng đẹp trời nào đó, khi tỉnh dậy trong vòng tay của bố mẹ, con sẽ nói: “Bố mẹ ơi, con quyết định rồi, con sẽ ở nhà với bố mẹ, không đi học bên Mỹ nữa đâu!”. Thật thế! Bố dấn thân cho con đi du học xa chỉ là vì đam mê của con. Khi con đi, bố giao hẹn, con không được FA (Financial Aid) thì về với bố mẹ nhé. Và nói thật, bố chỉ cầu con... không được. Bố ghi nhận những nỗ lực của con nhưng thực trong lòng bố, chỉ muốn được gần con... Muôn đời nước mắt chảy xuôi mà con! Con trai của bố! Đêm qua là một đêm dài với bố. Bố trăn trở về cuộc đời muôn nẻo. Bố nghĩ về con. Và thương đầm đìa gối. Con ngủ ngoan trong vòng tay của bố. Ngoài kia là bầu trời. Yên ả đó mà bão giông cũng đó. Rồi sẽ đến lúc bố chẳng được ở gần con mà ầu ơ ru con ngon giấc. Rồi sẽ đến lúc con chẳng còn được nằm ghếch chân lên người bố nghe bố kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện cậu bé nghèo đến cùng cực mò cua bắt cáy ven ao làng mơ đỗ đạt. Con sẽ một mình chống chọi với bão táp mưa sa. Con bước ra cuộc đời với tâm hồn con trong vắt như mảnh trăng thu. Thương đến nhói lòng... Bố nhớ có lần cả nhà mình đi nghỉ trong khu nghỉ mát. Nơi đó yên tĩnh, cuộc sống cứ chầm chậm trôi đi. Và chỉ một vài ngày là con thấy chán. Con thèm nhớ những ồn ào sôi động ngoài kia. Cuộc sống với con là trải nghiệm, là biến cố. Con lớn lên từ những biến cố của cuộc đời. Không ai ngăn được điều đó cả. Và con không sợ đối mặt với những biến cố đó, phải không con? Con trai của bố! Mỗi khi con về nhà, con sà vào ôm bố, ôm mẹ. Con trêu đùa, con chạy ngang chạy dọc. Gia đình với con như một tấm gương soi trong lặng để con được nhìn lại chính mình. Luôn là nụ cười. Luôn là những bài học mới mẻ và đáng quý. Luôn là hành trang cho con mang theo đến cuối đất cùng trời. Nơi đó, cho con nhiều thứ đáng giá để con lớn lên mà không phải “trả giá” như ngoài đời. Nơi đó con được trải nghiệm mà không phải chịu đớn đau. Nơi đó ngập tràn tình yêu thương trong trẻo. Nơi đó con được bao dung tha thứ cho mọi sự “quẫy đạp” để trưởng thành. Nhưng cuộc đời thì không thế đâu con. Không phải con yêu ai thì người ta cũng yêu con. Không phải con tin ai thì người ta cũng tin con. Không phải con chia sẻ với ai thì họ cũng đồng cảm với con. Nhưng con ơi! Hãy cứ yêu đời sống này. Hãy cứ thích thì làm thơ để bố mẹ vẫn được chui vào một góc nào đó đọc thơ con và... khóc. Hãy cứ lớn lên trong sự khoan dung và tha thứ. Khi mình trung thực, mình sẽ chẳng sợ hãi điều gì! Hôm nọ bác Chu Sơn, Vân Anh yêu quý tặng con cuốn Lượng tử và Hoa sen. Sáng nay, hình như biết bố mẹ buồn, vừa ngủ dậy con đã gọi bố mẹ ngồi lại và đọc cho bố mẹ nghe một đoạn trong cuốn sách này: “Tốt và xấu tồn tại duy nhất dưới dạng hạnh phúc và đau khổ mà con người tạo ra cho chính mình hay cho người khác. Nếu chúng ta chọn thái độ vị tha thực sự, hẳn chúng ta đã quan tâm đến hạnh phúc của người khác”. Bố mẹ nghe xong, lặng lẽ nhìn nhau. Hình như những cái chấp nê nhỏ mọn đã tan biến trong sự tinh tế của con. Và bố chỉ cần có thế! Và bố chỉ ước, nếu có cuộc đời lần thứ hai, bố sẽ lại được làm bạn với con - người bạn thủy chung, tri âm, tri kỷ. Bố nhớ một câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn: “Em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Con cứ vui đùa đi. Rồi bình yên sẽ đến. Thả những nỗi buồn bay lên như một nắm tơ trời... Bố yêu con vô cùng, con trai của bố! Thủ thỉ cùng con Con à! Ở giữa đầu bà nội con có một chỗ nhẵn thín không mọc tóc làm lộ ra mảng da trơn bóng. Mỗi lần nhìn vào đó, bố không khỏi phân vân: Tại sao tóc lại rủ nhau rụng đúng vào một chỗ như vậy? Ngày còn trẻ, tóc bà nội con đen dài óng mượt rười rượi chảy dọc sống lưng. Mỗi lần bà gội đầu, hương bưởi hương sả cứ quấn quyện trong gió, vấn vít gần xa. Vậy mà có một chỗ không chịu mọc tóc là cớ làm sao. Mãi rồi bố mới tìm được câu trả lời. Biết rồi thương. Hiểu rồi ngơ ngẩn buồn. Thấu rồi xót dạ. Bà kể, hồi bà sinh nở, bà đỡ có dặn rằng, mỗi lần các con bị ốm cứ túm tóc trên đầu mẹ mà giật. Giật càng mạnh con càng đỡ đau. Mẹo này dân gian gọi là “nhổ bão”. Tội thân bà! Thuốc men chẳng có, bà chỉ có hai bàn tay trắng và trái tim người mẹ. Thế là mỗi lần con đau, bà tự nhổ tóc mình, bật máu, ứa nước mắt. Có hề gì. Con nhanh khỏi là mẹ vui. Và đâu chỉ có một đứa, cả một bầy con lóc nhóc ốm đau dặt dẹo quanh năm. Những đận nhổ tóc theo đó cứ dày lên mãi. Mỗi sợi tóc rớt xuống là một giọt buồn ám ảnh. Các con lớn lên nhưng “di chứng” về những đận nhổ tóc vẫn còn mãi trên đầu bà. Mỗi lần nhìn lên hay chạm vào khoảng trống không có tóc trên đầu bà, bố thấy nó giống hệt hình trái tim, và lòng bố lại rưng rưng... Con trai à! Ông nội con đã hai lần bị nhồi máu cơ tim, may mắn là đều qua khỏi. Mỗi lần như thế, đưa ông vào bệnh viện, quan sát bác sỹ siêu âm tim cho ông, bố lại run rẩy, chênh chao. Quả tim bé nhỏ đập yếu ớt trong lồng ngực phập phồng. Bố bỗng nhớ tới những nỗi đau đớn, mất mát mà ông nội con đã trải qua. Ấy là những lần bác Lụa mắc bệnh hiểm nghèo, bác Ba, bác Túc mất. Mỗi lần như thế, ông không khóc nhưng trái tim đau quặn thắt. Phải chăng vì thế, nó trở nên yếu ớt và mong manh dường ấy. Chỉ nghĩ đến đó thôi bố đã thấy cay cay khóe mắt và mằn mặn trên môi. Con à! Bà ngoại con thường bị đau nhức cánh tay. Mỗi khi trái gió trở trời, cái tay đau làm bà khó ngủ. Bà sinh mẹ con đúng vào mùa hè. Hồi đó không có điện như bây giờ nên bà phải dùng quạt tay. Bao đêm hè oi ả, muốn con mình ngon giấc, bà cứ sà sã quạt suốt đêm. Đôi khi buồn ngủ quá ngơi tay quạt, con ọ ẹ là lại choàng dậy quạt tiếp. Phụ nữ vừa sinh xong yếu ớt, phải dùng đến tay nhiều nên sau này thành di chứng tê tay. Vậy nên cứ mỗi lần sinh nhật mẹ con, đúng vào mùa hè oi nóng, bố lại nghĩ về những cơn gió mát từ tay bà ngoại trao cho mẹ con khi mới ra đời. Và bố lại thấy lòng rưng rưng lắm... Con à! Trên chân ông ngoại con có một vết sẹo. Ông ngoại bảo hồi mẹ con còn nhỏ, nhà ông bà ở trước con sông làng. Tất cả nước sinh hoạt đều lấy từ con sông ấy về đánh phèn. Một lần, ông ra sông múc nước cho mẹ con tắm. Về đến trước cửa thì trượt chân. Chậu nước đổ òa lên người và chân đập vào thềm tóe máu. Vết sẹo vẫn nằm đó, chắc ông cũng quên rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến, bố vẫn thấy rưng rưng... Nam à! Chẳng hiểu sao mẹ con mọc lắm răng khôn thế. Mọi người đùa là mẹ con “khôn” muộn quá. Nhưng bố lại nghĩ vẩn vơ rằng, có thể hồi mang thai con, mẹ uống quá nhiều sữa thành thử dư lượng canxi. Bố không biết suy đoán của mình có đúng không, nhưng mỗi lần nói đến “răng khôn” của mẹ là bố lại nôn nao nhớ đến những lần mẹ bặm môi uống sữa vì con. Sáng nào trước khi đi làm, bố cũng pha cho mẹ một cốc sữa đầy. Mẹ tỉnh dậy sau khi nôn thốc nôn tháo là lập tức uống sữa. Uống xong bị nôn lại pha uống tiếp. Cứ thế, mẹ loay hoay với những cơn nghén khủng khiếp và quyết tâm phải ăn uống để cho con đủ chất. Mẹ nghén cho đến tận lúc chuẩn bị sinh con. Vậy mà có lẽ không hôm nào bỏ bữa, không khi nào rời cốc sữa. Giờ, thấy mẹ kêu đau vì bị cái răng khôn hành hạ là bố lại thấy rưng rưng lắm... Còn với bố, ấy là những sợi tóc mỗi ngày thêm bạc trắng vì đau đáu những niềm lo và dằng dặc nỗi nhớ thương con... Con trai của bố! Mỗi người cha, người mẹ đều để lại những “vết tích” làm chứng nhân cho sự trưởng thành cho mỗi đứa con của mình. Những đứa con lớn lên, trên chặng đường đời mà chúng trải qua, gặp buồn đau, đơn độc hay bất hạnh, chúng sẽ nghĩ về những “vết tích” trên thân thể cha mẹ mình và thấy lòng ấm áp hơn. Và con cũng thế, con cứ lớn lên hồn hậu với đời. Con cứ thở bằng những hơi thở tinh khôi, trong trẻo. Con cứ yêu những hành trình mà con đã vượt qua. Những “vết tích” mà con thấu cảm được sẽ nằm yên trong một cõi lặng nào đó của trái tim con. Chúng là những biểu tượng cho “một chút mặt trời trong nước lạnh” (F. Sagan). Một mai nào đó, con thấy tóc bố bạc trắng nhiều hơn, mắt nhuốm màu thời gian cằn cỗi thì con ơi, những “vết tích” thân thương ấy sẽ đưa con trở về với tuổi thơ êm đềm. Nơi đó có bố và mẹ đã yêu con bằng tình yêu nhẫn nại và hiền lành của cỏ. Để con vững tâm bước tiếp những tháng năm vời vợi... Nhé con yêu! Những ngón tay ngoan Mới ngày nào con còn bé xíu, bé như cây kẹo ấy, bé đến nỗi mỗi lần bế con bố đều khẽ khàng vì sợ con đau. Vậy mà ngay từ những ngày đó, con đã biết chơi trò “ngoéo tay” với bố. Bố đi công tác xa, con kiễng chân, xòe ra ngón tay thơm mùi sữa, miệng bi bô: “Bố ngoéo tay là khi về sẽ mua quà cho con bố nhé!” Mỗi lần vào siêu thị, sợ mẹ không đồng ý, con ôm cổ bố thì thào: “Bố ngoéo tay với con là mua cho con một chiếc ô tô bé thế này, thế này, thế này!”. Rồi vẫn với cái ngón tay thoảng mùi sữa ấy, con huơ huơ trước mắt bố như ra hiệu. Chao ôi! Cái ngón út như một tín hiệu của niềm vui. Nó rạng rỡ và lấp lánh. Nó ngoan hiền như nụ hoa chúm chím đầu cành. Và vì thế bố gật đầu cái rụp. Bố đưa ngón tay mình ngoắc vào ngón tay con, mặc kệ mẹ con vừa liếc nhìn vừa tủm tỉm cười. Bố cứ vừa ra khỏi nhà, con lại chạy theo, những bước lũn cũn, lon ton: “Bố ơi, bố ngoéo tay là sẽ về nhà nhanh bố nhé”. Mỗi lần nghe con líu lo như thế, bố lập tức ngồi xuống, thơm hít hà lên mái tóc xù như nhím của con mà nhỏ nhẻ: “Tất nhiên rồi, đưa tay ra bố ngoéo nào!”. Hồi con học mẫu giáo, mỗi lần bố đưa đến lớp, con vừa xuống xe, mắt đã ngân ngấn: “Bố ơi, bố ngoéo tay là chiều sẽ đón con về sớm nhé”. Bố giả vờ quay đi mà mắt thì nhấp nháy cười: “Tất nhiên rồi, chàng trai ơi, đi học vui lắm, chiều bố đón con sớm, ngay chỗ này này”. Và bố len lén đưa ngón tay của mình cho con lắc lắc như lời nhắc nhở. Bố chẳng dám nhìn vào ngón tay con bé xíu, nhìn vào đôi mắt con trong veo mà tha thiết đợi chờ. Bố sợ mình sẽ “tan chảy” ngay trong khoảnh khắc hạnh phúc ấy. Vào tiểu học, con vẫn giữ thói quen ngoéo tay. Bố quy định con chỉ học đến 9 giờ tối là nghỉ. Mỗi lần muốn học thêm, thấy bố đi qua, con xòe ngón tay ra, mắt sáng lấp lánh dưới ánh đèn bàn: “Bố, con ngoéo tay với bố là con chỉ học thêm một tẹo nữa thôi nhé!”. Con muốn chơi skate, bố biết hậu đậu như con mà chơi môn đó thì hay trượt ngã lắm. Và quả thực không ít lần con ngã đến bầm tím cả người, thậm chí còn mất cả một miếng răng cửa. Vậy mà bố vẫn lẳng lặng mua thêm đồ trượt cho con. Đi công tác miền Nam, bố bỏ ra cả buổi vào những cửa hàng bán đồ skate tốt nhất chọn mua và gửi ra cho con. Biết bố nhiều lo lắng, mỗi lần cầm ván trượt đi chơi, con đều lỏn lẻn cười, xòe ngón tay ra và nói: “Con ngoéo tay với bố sẽ chơi cẩn thận, không bị ngã đâu bố à”. Con thích các kì thi. Với con mỗi lần thi là một lần thử sức, là một lần con vượt qua chính mình. Bố thì muốn con được nghỉ ngơi và vui chơi nhiều hơn. Bởi thế, cứ mỗi lần đi thi, con lại thơm vào má bố, liến láu: “Bố chúc con thi tốt đi! Con ngoéo tay với bố là sẽ không hề mệt mỏi gì cả, chỉ có vui thôi bố à”. Con nghiện đọc sách, nhất là sách tiếng Anh. Con thích được bố dẫn đi mua sách và lang thang trong các hiệu sách cũ cả ngày không chán. Con muốn mua hết cuốn này sang cuốn khác, nâng lên đặt xuống, xem giá rồi tần ngần. Bố lẳng lặng nhìn theo mà thấy thương con thắt lòng. Bố biết, chỉ một lúc thôi, con sẽ chạy lại với bố và thủ thỉ: “Bố, con ngoéo tay với bố chỉ mua lần này thôi bố nhé!”. Bố ôm con thật chặt: Chẳng sao cả, không cần ngoéo tay, bố con mình sẽ “dinh” hết chỗ sách này về. Và bố sẽ móc đến đồng tiền cuối cùng trong ví ôm đống sách về trong sự hỉ hả của cả hai bố con. Để rồi những lần sau lại thế... Đậm sâu và khắc khoải nhất là những cái ngoéo tay lúc con muốn đi du học. Tay con khi ấy đã cứng cáp hơn rồi, không còn nhỏ xíu xiu như thuở nào nhưng mỗi lần nhớ lại bố vẫn thấy nôn nao... Con chìa tay cho bố mạnh mẽ: “Con ngoéo tay với bố, con đi sẽ ổn. Bố đừng lo nhiều. Con ngoéo tay với bố hè sang năm con sẽ về”. Bố run run nắm lấy ngón tay con, lắc lắc, thấy trong mình có một điều gì đó vừa lớn lên khoáng đạt, thênh thang lại vừa... vút xa ngút ngàn. Sau một năm học con trở về. Mạnh mẽ, cứng cỏi, rắn rỏi. Nhưng con vẫn không quên trò chơi ngoéo tay những năm nào. Rồi bố mẹ đưa con trở lại Mỹ nhập trường mới. Lúc chia tay, con vẫn không quên chìa ngón tay ra ngoắc ngoắc: “Bố ơi, bố ngoéo tay với con là sẽ chăm sóc ông bà và mẹ tốt nhé!”. Và mới hôm qua thôi, con đã gửi đến bố một “kiện hàng” không thể dễ thương hơn: “Con lấy tóc bện thành sợi dây buộc yêu thương, buộc chăm lo, buộc sẻ chia thành một kiện hàng/ Từ nơi xa ngút ngàn/ Con gửi kiện hàng và đề tên người nhận là: Bố!”. Ôi, chàng trai của bố! Những cái ngoéo tay của con mãi gần gụi trong lòng tay bố. Bố như cảm nhận rất rõ hơi ấm từ bàn tay con nồng nàn. Khi còn nhỏ, con ngoéo tay vì những mong muốn của con. Khi lớn khôn, con ngoéo tay vì những người con yêu thương. Thay vì nghĩ cho mình, con đã nghĩ về lòng biết ơn. Trong tiếng Anh, từ thanks (cảm ơn) cùng gốc với từ think (suy nghĩ). Từ “cảm ơn” ban đầu được định nghĩa là những ý nghĩ tốt đẹp, là lòng biết ơn. Nghĩa này được phát triển từ các nghĩa “suy nghĩ”, “cảm thấy”. Tuy nhiên, “cảm ơn” và “suy nghĩ” không chỉ có cùng một xuất phát điểm mà chúng dường như còn liên quan đến nhau theo một góc hiểu khác. Bởi khi càng biết nghĩ suy thấu đáo, chúng ta càng biết ơn nhiều hơn. Cảm ơn con, chàng trai của bố! Con đã biết suy nghĩ và thể hiện lòng biết ơn của mình một cách rất hồn nhiên mà cũng không kém phần tinh tế. Bởi vậy bố tin là con đã trưởng thành, qua từng cái ngoéo tay. Hà Nội sau mưa, nắng đã bừng lên rạng rỡ. Và bố lặng người mơ những ngón tay ngoan... Bình minh ngọt ngào Con trai thương yêu của bố! Vậy là bố con mình xa nhau đã gần một tháng. Cảm xúc trong bố lạ lắm! Lúc thì bố thấy thời gian trôi rất nhanh, khi lại thấy quá lâu. Thời gian với bố đã không còn là khái niệm vật lý nữa mà là dấu ấn của cảm xúc con à! Vậy nên bố nhớ thương con vô cùng! Bố nhớ buổi chiều trước ngày khai giảng, con mở clip xem và học theo cách người ta thắt caravat. Bố lui cui bên cạnh gói ghém đồ đạc cho con, chốc chốc lại liếc sang con bằng ánh mắt khích lệ: Con cứ làm đi, bố tin con sẽ làm được. Con hì hụi tháo ra thắt vào, xem đi ướm lại cái caravat đã rướm đầy mồ hôi tay. Con loay hoay đến tận tối rồi được bác Chung về “giải thoát”. Từ khi ấy, con tìm ra cách thắt. Con sung sướng vô cùng. Ôi, chàng trai vụng về của bố! Thành công đâu chỉ đến từ những gì lớn lao. Nó đôi khi chỉ là những việc làm nho nhỏ nhưng mình đã nỗ lực cố gắng để hoàn thành. Cảm giác đạt được khi ấy thật là tuyệt phải không con. Và bố tin, tự thắt cho mình caravat để ăn mặc chỉnh tề trong ngày khai giảng trọng đại cũng là dấu mốc để con trưởng thành. Sáng hôm nhập học, con thức dậy từ hơn 3 giờ sáng. Bố mở mắt đã thấy con ngồi bên ngoan hiền lặng lẽ. Bố giục con ngủ tiếp và toan vòng tay ôm con vào lòng thì con khẽ nói: “Con dậy được một lúc rồi bố ạ, sợ bố mẹ mất ngủ nên con ngồi yên. Bây giờ con đi đánh răng rửa mặt đây!”. Bố nhìn qua cửa sổ. Trăng chênh chếch chiếu ánh sáng thanh thản, mát rượi vào phòng. Bố thấy tim mình thật bình yên. Con chưa biết nhiều về ngôi trường mà con sẽ đến và sẽ học ở đấy trong mấy năm nên con mới hồi hộp là thế. Ngày bố còn nhỏ, ngôi trường làng chỉ là những căn nhà cấp bốn tường vách, mái lá xập xệ ẩm mục mà mỗi lần khai trường bố vẫn thấy bồi hồi: “Quê tôi cả thẹn hay lo/ Dòng sông vắng khách con đò trầm ngâm/ Bụi tre thích đứng cười thầm/ Giàn bầu, giàn bí thích cầm tay nhau/ Con chim sẻ nhớ bẹ cau/ Con chào mào lại nhớ màu ổi ương/ Làng tôi lắm ngách nhiều đường/ Trẻ con theo tiếng trống trường mà đi”... Những câu thơ bình dị của Nguyễn Vĩnh Tiến chỉ liệt kê những hình ảnh tả thực mà ngân lên thành khúc lục bát ngọt ngào. Nó nhắc bố nhớ nỗi khát khao chộn rộn tự trong thẳm sâu ký ức: “Trẻ con theo tiếng trống trường mà đi”. Từ những sớm bám chặt lưng trâu, những ngày thắt ngang hông cái giỏ xuống ruộng lầy mò cua, bắt cá, đến những chiều trèo đồi hái chè kiếm củi, bố đã nuôi cái khát khao chộn rộn ấy. Tiếng trống khắc khoải suốt hành trình gian khó của tuổi thơ cứ dội mãi trong lồng ngực bố. Giờ đây, cũng có một tiếng gọi thầm tha thiết tự trái tim con. Tiếng gọi từ những mái trường con ước mơ khát khao nơi chân trời góc bể. Vậy nên bố hiểu những bồi hồi xúc động nơi con. Bố nằm im, nghe con đánh răng rửa mặt rồi mặc quần áo mới, thắt chiếc caravat trong trời đất vừa ràng rạng sáng. Bình minh thành phố New York đến thật chậm, thật chậm... Bố nhớ cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên ngôi trường con học. Giây phút ấy bố thấy vui và tự hào biết mấy. Trường học với bạt ngàn cây cỏ. Những dãy nhà lô xô bọc trong những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và miên man thảo nguyên, trang trại xanh tận chân trời. Rồi đây, ngôi trường này sẽ thành ngôi nhà thứ hai của con. Nó sẽ in dấu chân con và bạn bè con đến từ khắp năm châu bốn biển. Vậy nên bố không yêu, không mến thương sao được. Với bố, vui hơn cả còn là những nồng hậu, ân tình của các thầy cô giáo ở trường. Ai cũng tận tình thân thiện. Thầy trưởng ban tuyển sinh ra tận cổng trường đón con tay bắt mặt mừng dù trước đó thầy mới chỉ gặp con qua “thư”. Bố tin con sẽ được ấm áp, được yêu thương ở nơi này. Bố rất nhớ những giọt mồ hôi rịn ra trên trán của anh bạn người Hàn Quốc được giao nhiệm vụ chỉ dẫn cho con. Bạn tất tưởi, xăng xái dẫn con đi từ bàn này sang bàn khác làm thủ tục nhập học. Trên đường về ký túc xá, bố mời bạn lên xe nhưng bạn khéo léo từ chối vì quy định nhà trường không cho phép. Về đến dorm, vừa mở cửa xe, bố đang loay hoay với mấy chiếc va li thì có thêm mấy bạn nữa chạy ùa xuống mang giúp hành lý lên phòng ở của con. Hạnh phúc giản đơn thế. Những bạn bè mới của con với khuôn mặt sáng sủa, tự tin, thân ái đã cho bố cảm nhận về niềm vui khi gửi gắm con ở miền đất xa lạ này. Và có thể, sang năm, con sẽ lại như các bạn, lại hăng hái hết lòng đưa đón những em học sinh mới đến. Con sẽ cảm nhận được: Môi trường văn hóa chính là cách người ta trao và nhận yêu thương, giản đơn và bình dị đến không ngờ. Bố nhớ nụ cười của thầy phụ trách. Không có cảnh phụ huynh chen chúc đi tìm lớp, tìm thầy cho con. Chỉ cần một bàn ăn ngoài trời, trên bàn có đề tên học sinh, thế là thầy phụ trách tự đến tìm. Thầy ngồi ăn cùng và trò chuyện rôm rả với cả gia đình. Thầy luôn mỉm cười. Thầy lắng nghe và giải đáp tất cả những thắc mắc, những bỡ ngỡ. Thầy chia sẻ về sở thích của mình và luôn dừng lại để chụp ảnh cho cả nhà. Vì thầy biết, là cha mẹ ai cũng muốn lưu lại những khoảnh khắc của ngày đầu tiên con mình đến ngôi trường mới. Sự tôn kính dành cho người thầy không phải chỉ vì vẻ ngoài đạo mạo, cách nói năng thưa gửi mà sâu xa hơn là xuất phát từ vốn hiểu biết, từ thái độ cư xử văn minh của chính người thầy con ạ! Bố rất ấn tượng với cách nhà trường tổ chức buổi đón tiếp. Tưởng như rất thoải mái nhưng lại chính xác đến từng phút, không sai một chi tiết so với tờ chương trình đã phát cho phụ huynh. Tất cả các thầy cô trong trường đều có phần việc của mình. Ai cũng là một “hướng dẫn viên”, ai cũng là một người bạn và ai cũng là một diễn giả. Tất cả đều cười nói nồng nhiệt và truyền cảm hứng về môn học mình phụ trách, về những quyền lợi mà học sinh sẽ được nhận trong ngôi trường này. Không có những bài diễn văn dài dòng. Tất thảy đều nghĩ đến học sinh và hướng đến học sinh. Bố nhớ hôm trở lại trường để chia tay con. Trời hiểu lòng người nên mưa như trút. Bố mẹ chỉ được gặp con 10 phút trong khoảng thời gian trống giữa hai hoạt động của con. Sợ con ướt, bố lấy ô đưa cho con. Con, tay cầm ô, tay đặt lên vai mẹ vỗ về an ủi. Lúc bố mẹ lên xe trở lại New York, con đứng lặng một giây rồi mạnh mẽ băng mình vào làn mưa xối xả. Khoảnh khắc ấy bố thấy trong mình như có muôn triệu hạt mưa sóng sánh... Về đến nhà bác Chung, mở máy thấy tin nhắn của con: “Bố mẹ ơi, con để lại ô trong cốp xe để bố mẹ đi về kẻo ướt. Bố mẹ đừng lo cho con. Con ổn lắm bố mẹ à!”. Thoáng chốc lại lấp lánh cái dáng đi mạnh mẽ dứt khoát của con. Và bố giữ mãi cho mình trong luyến lặng da diết nỗi nhớ thương con! Nam ơi! Chặng đường phía trước của con còn dài rộng và không ít những khó khăn, thử thách. Có sao đâu! Bởi nếu cuộc sống là một con đường thì đó là con đường của những sự chọn lựa. Con đã chọn lựa bước ra khỏi “vùng an toàn” là bàn tay của bố mẹ để bản lĩnh bước theo con đường của riêng con. Bố hiểu và bố tin. Đến với ngôi trường của con, đứng trước những đồng cỏ xanh miên man đẹp như tranh, bố hiểu sâu sắc hơn câu: “Tính cách hình thành trong bão táp. Trí tuệ hình thành trong tĩnh lặng”. Quãng đời học trò là khoảng thời gian ta cần tĩnh lặng để lắng lọc cho sự hình thành dày dặn của trí tuệ và nhân cách. Vậy nên con nhé, hãy biết lánh xa những nhiễu loạn của âm thanh chát chúa, của khói bụi và hóa chất độc hại ô tạp, của hào nhoáng nhất thời và mong manh chênh chao. Hãy biết tận hưởng những bình minh có đàn chim sẻ sà vào tận cửa sổ phòng đánh thức. Hãy tận hưởng những hoàng hôn dịu ngọt của cây, hoa và cỏ. Hãy tận hưởng những buổi dã ngoại lên núi đón mặt trời, những đêm sâu nghe tiếng gió xạc xào bên đồi thao thiết... Để con biết gầy dựng cho mình sự bình an tự tại và nhất là sự tự do trong tâm hồn. Để con có đủ bản lĩnh cho những cuốn sách hay, cho những bài thơ đẹp. Để con có đủ sự thư thái cho những giờ trên lớp. Để con có đủ cảm xúc cho những thăng hoa về tâm hồn. Và để con có đủ không gian cho những ý tưởng khám phá và sáng tạo, đủ sáng suốt để chọn cho mình con đường của khai mở và hiểu biết. Đủ tĩnh lặng để khoan dung, đủ giao hòa để biết sống từ tâm... Với một môi trường lành lẽ và sạch thơm như thế, bố tin con sẽ có được sự thiền lặng cần thiết! Nam à! Trường học của con bây giờ không bắt đầu đi từ con đò nơi bến sông quê trầm ngâm vắng khách, không từ nơi giàn bí giàn bầu nắm tay vấn va vấn vít. Nhưng bố tin, đó vẫn là cánh cổng mở ra một thế giới khoáng đạt với những gì thân thương quyến thuộc cội nguồn. Một sớm mai khi tỉnh giấc, hãy đếm nhịp đập trái tim mình trong khao khát về một cái tôi của tương lai sáng láng và lòng can đảm. Vậy nhé! Chàng trai yêu thương của bố! Cứ bước tới đi, đừng sợ! Vì như lời thầy hiệu trưởng đã nói trong bài phát biểu ngắn gọn ngày tựu trường: “Nếu các em không may vấp ngã, hãy chống hai tay xuống đất để tự đứng lên. Nhưng nếu không tự đứng lên được thì cũng không sao, hãy chìa bàn tay của mình ra và chúng tôi sẽ nâng các em đứng dậy”. Bố tin vào lòng nhiệt thành tận tâm và sự hiểu biết của những người làm giáo dục biết sống vì học trò. Và bố tin con! Tim bố luôn nở đầy hoa Con trai yêu thương của bố! Từ ngày có con, bố như cánh chim gặp gió, bông hoa gặp khí trời. Mới ngày nào còn như mầm cây non yếu ớt, giờ con lớn phổng phao chững chạc. Con luôn chứng tỏ cho bố thấy là con lớn lên mỗi ngày. Bố hạnh phúc lắm vì mỗi việc đều có thể hỏi ý kiến của con và cùng con ra quyết định. Và thực sự, bố học được nhiều điều từ con. Con à! Thời của bố, việc học diễn ra theo mỗi chặng đường làng. Chỉ quanh co vài cây số từ đầu mom đến cuối bãi mà học mãi không hết. Bố học cách lên núi kiếm củi, xuống sông mò cua, bắt cá, học cách nhóm lửa giữa đồng, học mót khoai, cắt lúa, học kho cá, nấu cám lợn... Lớn chút nữa là học bơi, học đi xe đạp, học cách để một đứa trẻ nhà quê có thể thích nghi với cuộc sống ồn ào xô bồ nơi thành phố. Những kĩ năng sống được tích lũy phần nhiều qua va đập quăng quật có khi tóe máu đầu, trầy xước gối, bong gân tay, thậm chí là cả những trận đòn oan. Kì lạ thay, chỉ vài cây số quanh con đường làng gồ ghề khúc khuỷu đã đủ làm bàn đạp cho hành trình của cả một đời người. Con trai ơi! Bố cảm ơn con nhiều lắm. Nhờ sự nhạy cảm đến tinh tế của con, bố biết thương yêu hơn những người phụ nữ quanh mình. Bố biết trân quý những “công trình” được vén vun từ tấm lòng con trẻ. Bố hiểu thấu đáo hơn nỗi nông sâu của tình phụ tử để tin rằng bố không bao giờ thất nghiệp với cái nghề yêu thương độc đáo mà con dành tặng bố: “Bố ơi! Dòng sông sâu lắng/ Dạt dào bãi mía nương dâu/ Bên bố trọn những nông sâu/ Bố không bao giờ thất nghiệp”. Và bố hạnh phúc lắm con à! Dằng dặc vì những cách xa! Con trai yêu thương của bố! Hôm trước bố cùng mẹ đi xem phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Dẫu còn nhiều điều tiếc nuối ở một bộ phim đẹp đến long lanh này, bố vẫn thấy rưng rưng lắm. Bố như được trở lại tuổi thơ với những trò chơi đánh bi đánh đáo. Ngơ ngác bồng bềnh trong cảm giác huyền diệu của đêm rằm trung thu. Mơ hồ, xao xuyến cùng những xúc cảm đầu đời... Con biết không, phim này quay ở Phú Yên đấy! Nơi bố con mình đã từng rong ruổi! Nơi bố hấp tấp đóng cửa xe làm kẹp ngón tay con bầm tím. Con nghiến răng không khóc còn bố thì đau thắt nghẹn nơi tim! Nhưng dầu gì thì bố cũng đã cố gắng làm tất cả để con có một tuổi thơ trong veo với mây trời, núi non, sông suối, với nhạc và thơ. Bố nhớ nôn nao những đêm trăng lấp ló hiên nhà, những mùa hè hai bố con du ngoạn khắp dải dài hình chữ S, những nụ cười mềm môi... Lúc nào và ở đâu con cũng luôn rạng ngời hồn nhiên khiến “Tim bố luôn nở đầy hoa/ Mỗi ngày gần con tíu tít”. Vậy mà bố vẫn thấy thiếu, thấy tuổi thơ của con trôi qua nhanh quá. Bất chợt nhớ lại những câu đồng dao: “Trời mưa trời gió/ Mang vó ra ao/ Được con cá nào/ Về xào con ấy...” bố lại giật mình. Hình như bố còn chưa kịp dạy con những câu đồng dao hiền lành dịu dàng ấy! Bố muốn tâm hồn con giàu có hơn nữa trước lúc con quả quyết tự mình băng qua muôn vàn thử thách, khó khăn đầu đời để tạo dựng niềm tin cho chính con. Con đã âm thầm tích lũy tri thức và kỹ năng để bản lĩnh biến những dự định từ buổi ấu thơ trở thành hiện thực, có chí khí và sự mạnh mẽ cần thiết cho cuộc sinh tồn trong thế giới phẳng. Từ đó dần biết mình là ai trong những hành trình tiến về phía trước. Con đã không còn ở ngay gần bên bố để mỗi khi bố gọi là có con cất tiếng, sẽ sàng sà vào lòng bố để “Con ôm cổ bố thì thào/ Ngoan hiền như sương buổi sớm”. Bởi vậy, bố thấy quá dài cho những cách xa. Ngọt ngào vì những sẻ chia! Khi còn ở nhà, con sẻ chia với bố những vui buồn theo kiểu trẻ con, hồn nhiên, lí lắc thật dễ thương. Như lúc bố kêu đau đầu, con lấy tay xoa trán bố rồi hỏi: “Bố hết đau rồi đúng không bố?” Bố gật gật: “Ừ, tay con là tay thần, con vừa chạm vào là bố khỏe liền”. Thế là con cười tít mắt. Mỗi lần thấy bố đi làm về, con xuýt xoa, xăng xái chạy đi tìm nước tìm khăn. Đi hội hè thế nào cũng để dành cho bố cái kẹo vì con biết bố thích ăn đồ ngọt... Giờ cách xa bố nửa vòng trái đất, cứ hai ba ngày, con lại nhắn tin về cho bố. Con hỏi thăm từng người trong nhà. Con dặn bố chăm sóc mẹ. Con hỏi bố về việc chữa răng của mẹ. Con “giao nhiệm vụ” cho bố phải bảo vệ mẹ, che chở mẹ bằng những vần thơ không thể tinh tế hơn: “Con lấy tóc bện thành sợi dây buộc yêu thương, buộc chăm lo, buộc sẻ chia thành một kiện hàng/ Từ nơi xa ngút ngàn/ Con gửi kiện hàng và đề tên người nhận là Bố”. Ôi cái thằng con trai của của bố, sao bố nỡ từ chối những “nhiệm vụ” dễ thương nhường ấy! Rồi con viết thư cho ông bà, nhờ bố đọc cho ông bà nghe. Biết ông bà ngoại yêu thích thiên nhiên, thơ phú nên thư con mượt mà, êm ái như thơ: “Cháu nhớ con cu gáy, nhớ cây hoa lan bà trồng trước cửa... Cháu nhớ tất cả những gì thuộc về ông bà”. Hiểu ông bà nội già yếu không đi lại được, thư con kể tỉ mỉ một ngày của con, từ sáng cho đến khi đi ngủ. Con kể về bạn da màu cùng phòng, về ông bà nội của bạn ấy. Con kể về thầy cô giáo. Con kể về trường học của con... Tất thảy đều chi tiết, cặn kẽ! Mỗi lần nhận được tin nhắn của con, bố thấy ngày hôm đó của mình dường như ngắn lại, như tràn ngập niềm vui. Con tinh tế đến mức, trong mỗi dòng tin nhắn, chữ BỐ con luôn viết in hoa. Đơn giản là vì con muốn thể hiện sự trang trọng cho cái từ mộc mạc giản đơn mà quá đỗi thiêng liêng ấy. Con trai ơi! Được sẻ chia, được tin cậy, được yêu thương là những điều cốt lõi làm nên hạnh phúc của mỗi người. Con đã sớm biết truyền trao cho bố điều nhân văn ấy. Bố đón nhận trong rưng rưng hạnh phúc! Bố thấy mình như cây sau mưa xuân lóng lánh những giọt yêu thương trên đầu ngọn lá. Cảm ơn con đã hiểu bố tới từng chi tiết. Và bố thấy ngọt ngào. Khó khăn để học làm bố! Từ khi sinh con, bố bước vào một khóa học mới - khóa học làm bố. Thầy giáo của khóa học này chính là con tim của bố. Con càng lớn, khóa học này càng khó. Lúc con còn trứng nước, bố học cách ôm con cho khéo. Bố học cách đặt con nằm lên bụng để hát ru con ngủ mỗi khi mẹ vắng nhà. Bố học cách thay quần áo, cách cho con ăn, cách cho con uống thuốc, đưa con đi bệnh viện, đón con từ nhà trẻ, dạy con tô màu, kể chuyện, đọc thơ... Bố cứ lẩn mẩn tự học tự hành như thế. Và tình yêu thương dẫn dắt bố chỉn chu trên con đường tràn đầy những điều mới mẻ mà cũng nao nức những niềm vui. Nhưng khi con lớn, khóa học ấy cứ “nâng dần” độ khó. Con lớn lên rồi, cuộc sống của con cũng phức tạp và vi diệu hơn. Con không chỉ còn “sớm bắt bướm hái hoa vui ca bên đèn, bảy giờ tối nằm mơ thấy tiên” nữa. Con đôi khi lồ tồ, lệch tệch, lúc lại chín chắn, điềm đạm. Con khiến bố cứ phải tìm hiểu, phải đắn đo suy tính điều chỉnh những cư xử của mình cho phù hợp. Bố tránh làm những điều gì có thể gây tổn thương đến con. Trước khi làm bố, bố cũng từng làm con, hồn nhiên lớn lên như cỏ dại, quằn quại, vật vã trong giông gió để rồi mãi mới được đón mưa đền cây. Bởi vậy, bố càng hiểu, mỗi mối quan hệ mẫu tử, phụ tử thâm tình là một tiểu vũ trụ bí mật. Và bình an cho cha mẹ là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để bạn có được mọi tình yêu khác trong cuộc sống. Bố cố gắng hoàn thành xuất sắc khóa học để luôn mang lại bình an cho con như bố đã gắng gượng hết mình tạo lập không gian sống bình an thanh thản cho ông bà nội con. Nhưng “sorry” con nhé! Nhiều khi, bố cũng “tham lam” lắm, bố muốn con chỉ là của riêng bố. Điều đó khiến con đôi lúc phải phân vân và cả những mệt nhoài. Rồi hiểu ra, bố lại tìm cách điều chỉnh mình. Cứ thế, bố biết khóa học còn dài. Và quá khó để học làm bố con yêu à! Con trai yêu thương của bố! Khi bố viết những dòng này, Hà Nội đang mưa tầm tã. Những giọt mưa đầu mùa đông đã mang vị lạnh tê tê trên da thịt. Bên kia bán cầu, Philadelphia chắc cũng đã lạnh hơn. Bố run rẩy trong nỗi thương nhớ con se sắt cả lòng. Bố luôn HẠNH PHÚC vì có con. Bố đã ngàn lần, vạn lần cảm ơn cuộc đời đã cho bố được là bố của con: Hạnh phúc là ở con người và hạnh phúc chỉ có ở con người thôi. Đó là người có thể coi ngày hôm nay là của chính mình. Là khi con người luôn an tâm ở bên trong để có thể nói: “Ngày mai sao cũng được, vì tôi đã sống tốt hôm nay”. Bố luôn khắc ghi những câu nói về hạnh phúc ấy của Horace Walpole. Bên con, bố luôn cảm thấy “an tâm ở bên trong” và luôn sống tốt ngày hôm nay. Và vì bố QUÁ YÊU CON! Hạt giống của riêng mình Lúc chia tay con ở sân bay, ông ngoại thủ thỉ: “Cháu đi mạnh khỏe cháu nhé. Năm nay sang trường mới, vào ở nội trú, cháu cần dành ra khoảng một tháng để làm quen và hòa nhập với những điều mới mẻ, cháu nghe”. Đáp lại lời ông, con mạnh mẽ quàng tay ôm cổ ông và nói: “Ông ơi, ông đừng lo, cháu sẽ hòa nhập ngay từ ngày đầu tiên đến trường ạ!”. Giờ con ở xa, mỗi lần nhớ con, bố cứ nhớ mãi về cuộc trò chuyện đó, về cái quàng vai âu yếm, về thái độ mạnh mẽ, dứt khoát mà tràn đầy lạc quan của con. Quả thực, đúng như những gì con trò chuyện cùng ông, con đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, với nhịp sống mới, với muôn điều tươi mới quanh con. Con tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ngọt ngào từ những gì bình dị nhất. Ấy là việc những chú chim sẻ hót ríu ran bên cửa sổ phòng con mỗi sáng, việc con được chọn vào đội văn nghệ của Nhà trường hát hò và chơi violin, việc lần đầu tiên con được sở hữu một cây gậy chơi golf, cả việc con đã lau dọn nhà vệ sinh phỏng cả tay đến việc phòng ở của con luôn được điểm cao vì gọn gàng sạch sẽ... Tất cả đều mang lại cho con những trải nghiệm thú vị! Mỗi lần con nhắn tin về là một lần bố mẹ náo nức niềm vui. Và hôm qua lại thêm một lần như thế! Con kể về kì thi mà con đã tham gia. Đó là kì thi viết tiểu luận do một trường đại học tổ chức. Sau khi vượt qua vòng 1, có 7 bài luận xuất sắc nhất được chọn để trình bày trước ban giám khảo. Và con được chọn trong số đó. Trước hôm con đi trình bày, mẹ nhắn tin dặn: “Ngày mai em nhớ mặc vest cho đẹp trai nhé”. Con đáp lại tin nhắn của mẹ bằng việc gửi một loạt hình con mặc vest cười toe: “Mẹ xem này, con biết tự lo liệu mà. Con lúc nào cũng đệp zai”. Bố mẹ xem xong tin nhắn của con mà không thể không tủm tỉm cười. Hôm con đi thuyết trình, bố mẹ hồi hộp cả đêm. Mẹ cứ chốc chốc lại mở điện thoại chờ tin nhắn của con. Cái khoảng cách địa lý vời vợi xa khiến bố mẹ không thể như ngày con còn ở Việt Nam, mỗi lần con đi thi bố mẹ lại được làm khán giả, cười khích lệ với con và ôm con thật chặt, dù đạt giải hay không đạt giải. Và rồi, vượt ngoài mong đợi của bố mẹ, con đạt giải Nhất. Các thầy cô giám khảo là giáo sư của trường đại học đều đánh giá cao bài luận và cách trình bày của con. Con nhắn tin báo cho bố mẹ trong niềm vui vỡ òa của cả nhà: “BỐ ơi, con báo tin để BỐ vui là con đạt giải Nhất kì thi viết tiểu luận của trường đại học BỐ nhé. Con viết về chủ đề Harry Potter đấy. Nhờ có BỐ mua sách, băng đĩa để con xem nên con có nhiều cảm hứng để viết. Hôm qua con đi báo cáo, các học giả tham dự đều đánh giá cao. Con đạt điểm cao bài luận. Con vui lắm BỐ ạ. Con muốn thông báo đến BỐ để BỐ chia sẻ niềm vui với con. Con sẽ nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin của BỐ. Con cảm ơn BỐ đã thay con chăm sóc mẹ”. Con trai yêu thương của bố! Bố mẹ ghi nhận mọi nỗ lực cố gắng của con dù là nhỏ nhất. Bố mẹ nhìn thấy ở con ý chí và lòng khát khao, đam mê với khoa học. Cứ tiếp tục vững bước con nhé. Dù chặng đường con đi còn nhiều gian nan thử thách, dù con sẽ không chỉ gặp thành công. Nhưng chỉ cần con cố gắng, con sẽ hài lòng với những gì mình có! Ngày con còn nhỏ, bố hay hát ru con bài hát của Nhật có tựa đề Sekai ni hitotsu dake no hana: ... Là bông hoa duy nhất có mặt trên thế gian này Mỗi chúng ta đều có hạt giống của riêng mình Vì vậy hãy cố gắng hết mình Để những hạt giống nở rộ thành hoa Những bông hoa dù nhỏ hay lớn Chúng không hề ganh đua xem hoa nào đẹp nhất Tất cả đứng chung trong một cái lọ Xinh đẹp và kiêu hãnh biết bao ... Bạn chẳng cần phải trở thành số một Bắt đầu với việc là chính mình, bạn đã là người đặc biệt... Vậy đó con trai, bố tin con như bông hoa đã biết tỏa hương theo cách của riêng mình! Con à! Nếu tri thức là một mảnh vườn thì mỗi người nên là người nông dân cần cù, biết chăm chỉ gieo hạt để chờ những vụ mùa bội thu. Và cũng với mỗi người, còn một mảnh vườn khác nữa. Ấy là mảnh vườn của tâm hồn, nhân cách và tình yêu. Nơi đó cũng cần chăm chút, cày xới, vun trồng, tưới tắm cho màu mỡ, phì nhiêu. Và bố tin con đã và sẽ là “người nông dân” thứ thiệt trên cả hai mảnh vườn yêu thương đó. Con luôn mỉm cười và cần mẫn. Con làm việc trong niềm vui và sự lạc quan. Con biết làm giàu cho tâm hồn mình bằng những điều giản dị. Con à! Ngay phía sau trường con học có một khu tựa như cánh rừng nguyên sinh. Cây cỏ mọc um tùm, rậm rịt. Có cả những cây khô khẳng, mục ruỗng. Có cả những loài chim lạ về đậu hót líu lo. Ban đầu bố ngạc nhiên tự hỏi sao nhà trường không xén tỉa thẩm mỹ như những hàng cây khác trong khuôn viên. Sau rồi bố mới tự giải thích, có lẽ vì nhà trường muốn giữ lại một “khu rừng” tự nhiên. Để mỗi lần các con đi qua sẽ thực sự được hòa mình vào tự nhiên. Tự nhiên hít thở, tự nhiên nói cười, tự nhiên buồn, tự nhiên vui, tự nhiên ca hát, tự nhiên thất bại, tự nhiên thành công, tự nhiên kết thúc và tự nhiên khởi đầu. Lứa tuổi các con cần như thế, trải nghiệm, va đập, tự rút ra những bài học để lớn lên thơm thảo hạnh phúc với cuộc đời. Và bố thật sự tự hào vì những bước đi hồn nhiên trong tự nhiên của con. Cứ vui vẻ bước tiếp nhé con yêu! Bố chúc mừng con, chàng trai yêu thương của bố! Làm mẹ của con thật vui! Mẹ sẽ luôn được con chăm sóc mỗi khi trái gió trở trời. Mẹ mới hu hi mà con thì đã “sốt sình sịch”. Con chạy loăng quăng bên cạnh, con ân cần hỏi han. Con cặp nhiệt độ, con nấu cháo, con pha nước cam, con giặt đồ. Cứ chốc chốc con lại thơm lên trán mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đỡ chưa ạ! Mẹ không ăn hết cháo là con không chơi với mẹ nữa!”. Rồi con giục bố đưa mẹ đi khám, con giục bố pha thuốc cho mẹ. Con làm bố cứ cuống quýt, tất tả theo từng bước chân con. Có đêm mẹ sốt, con nằm cạnh rồi mệt quá ngủ thiếp đi. Bỗng con ngủ mê, quáng quàng tỉnh dậy ôm choàng lấy mẹ, nước mắt chưa kịp khô trên má. Cả bố và mẹ đều lặng người... Bây giờ, mỗi lần mẹ ốm, bố cứ lụi cụi coi sóc mẹ mà bên tai thì luôn văng vẳng những vần thơ con nồng ấm: “...Bên mẹ / Bố âm thầm cảm thông / Không mật ngọt / Không lời hoa mỹ / Thương mẹ đường dài bố dồn hết chở che...”. Làm mẹ của con thật vui! Con đi học về, đặt cái cặp xuống là tíu tít kể từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Con tường thuật tỉ mỉ, chi tiết về những gì con thấy ở lớp. Chuyện chiếc lá trên sân trường bỗng nhiên đổi từ màu xanh sang màu vàng úa. Chuyện chú cánh cam lạc trong lớp học ngập ánh đèn. Chuyện bạn Hoa ngồi cạnh tự dưng mắt kém không nhìn được bảng lớp. Chuyện cô giáo mang bụng bầu mà vẫn phải leo ì ạch mấy tầng cầu thang... Con vừa kể vừa nhìn mẹ bằng ánh mắt chan chứa niềm vui, má đỏ hồng hồng, miệng tía lia. Bố nhìn con như chiêm ngưỡng vầng mặt trời nhỏ lấp lánh ánh nắng, rạo rực tin yêu. Mỗi ngày con đến lớp là một ngày con chở niềm vui về nhà. Và mẹ là người được nhận món quà tình yêu hạnh phúc đó. Làm mẹ của con thật vui! Con đi xa về gần đều mua quà cho mẹ. Ngày còn nhỏ xíu xìu xiu con đã biết xin tiền bố mua tặng mẹ khi thì chiếc cặp tóc, khi thì đôi tất, lọ nước hoa... Lớn lên, mỗi lần con đi chơi cùng bố, việc đầu tiên con quan tâm là hỏi xem bố sẽ mua quà gì tặng mẹ. Những ngày lễ Tết, ngày sinh nhật mẹ, con hồ hở tíu tít chạy đôn đáo chọn quà. Con biết sở thích của mẹ ở từng giai đoạn. Con mua quà bằng tất cả sự cẩn thận, trân quý, bằng niềm vui ngập tràn, bằng những hồi hộp chờ đợi xem mẹ có thích món quà đó không. Hôm từ Mỹ qua Ấn Độ, trong khi bố mẹ đứng ngồi không yên lo con một mình trên cả chuyến bay quá dài, thế mà trên máy bay con vẫn nhớ chọn mua đồng hồ tặng mẹ. Rồi suốt cả chuyến bay, con giữ chặt cái đồng hồ trong tay, ngay cả khi thiếp ngủ. Đến sân bay New Delhi, con nhào ra ôm chầm lấy bố mẹ, nước mắt lưng tròng. Con khỏa lấp sự ngượng ngập bằng việc đeo chiếc đồng hồ vào tay cho mẹ. Mỗi lần nhớ lại, tim bố se thắt nỗi rưng rưng... Làm mẹ của con thật hạnh phúc! Làm mẹ của con được con “nhường nhịn”, được con gallant... Làm mẹ của con được con dỗ dành, con sẻ chia, con nói những lời ngọt ngào, âu yếm. Làm mẹ của con được con ấp iu, con sà xuống nũng nịu, được con dỗi hờn, con phụng phịu... Và còn biết bao điều hạnh phúc hơn thế nữa. Quả là làm mẹ của con thật thích! Nhưng con ơi, nếu có kiếp sau, bố vẫn xin được là bố của con. Có thể bố không có được những niềm vui gần gụi, giản dị như con với mẹ nhưng bố lại được đón nhận tình yêu từ con theo cách của những người đàn ông dành cho nhau. Bố được con sẻ chia những câu chuyện rất đàn ông. Những khi bố vui, những lúc bố buồn và ngay cả khi có lỗi, bố vẫn luôn nhận được từ con sự cảm thông, thấu hiểu và lòng bao dung tinh tế... Bố được con gửi tặng những tin nhắn mà mỗi lần đọc xong, bố chỉ muốn chia sẻ cho cả thế giới biết về niềm vui đáng yêu đến không thể đáng yêu hơn... Bố được con bày tỏ tình yêu bằng sự kiệm lời “chỉ có hai người đàn ông mới hiểu”... Bố được con tìm đến khi con gặp những tâm sự khó nói, những nỗi buồn, những việc khó giải quyết... Bố thích cái cách mà con hay dùng: Bố ơi, con có chuyện muốn nói với bố... Bố được hạnh phúc nắm tay con qua những con đường vàng lá me bay hay ngập tràn hoa phượng đỏ, qua những đỉnh núi bàng bạc sương hay những bãi biển miên man cát trắng. Có khi được ngủ cùng nhau trong căn phòng trọ tồi tàn, nửa đêm hai bố con hò nhau đi múc nước về tắm. Khệ nệ, hì hụi bê chậu nước trong đêm và rí rách cười, và nghêu ngao hát: “Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi, lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa...” (Trần Tiến). Mẹ thì chẳng có được những trải nghiệm thú vị như vậy đâu con nhỉ! Và bố luôn là người vững vàng nhất, can đảm nhất mỗi khi con bị đau, bị vấp ngã, bị sốt và cả lúc bị... buồn. Bố nhớ lần con chơi skate bị ngã gẫy cái răng cửa, máu me chảy đầm đìa. Trong khi mẹ con khóc đến lạc cả tiếng, bố vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, nắm chặt bàn tay con nhỏ nhắn: “Nào dũng cảm lên chàng trai của bố, bố sẽ đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ trả lại cho con nụ cười như mùa thu tỏa nắng...”. Lần con bị sụt bùn ở rừng tràm U Minh Thượng, mẹ cuống cuồng, sợ và lo đến tái mặt. Bố trấn an mẹ rồi điềm tĩnh đỡ con lên, múc từng thau nước rửa ráy cho con, dặn con cách nhận biết mặt bùn chưa khô để lần sau con khỏi ngã. Con nhìn bố đầy hàm ơn, âu yếm. Bố nhớ lắm Nam à... Bố được con trao cho tình yêu một cách đằm sâu, chín chắn, chính trực, tinh tế, đủ để tim bố luôn xao xuyến, mơ hồ tựa như có đàn chim thiên nga cất cánh bay xao xác mặt hồ. Nếu cuộc sống dành cho bố một món quà thì con chính là món quà đẹp đẽ tuyệt diệu nhất. Và làm sao bố có thể tri ân cho đủ vì món quà đặc biệt này. Mỗi lời con nói, mỗi dòng tin con nhắn, mỗi kỉ niệm, mỗi việc làm của con đều mang lại cho bố hy vọng, bình yên và niềm hạnh phúc vô bờ. Làm bố của con thật tuyệt! Cho nên, bố không đánh đổi với mẹ đâu. Bố muốn mãi mãi được làm bố, làm bạn cùng con. Con trai yêu thương của bố à! Hà Nội những ngày cuối thu xào xạc heo may. Mỗi khi bình minh hay mỗi lúc chiều tà, lòng bố lại rưng rưng nỗi nhớ thương con. Lời vút lên môi như tiếng của bầy chim thiên di vỗ cánh, như lời của hoa sữa thơm đậm nồng nàn, như khúc tình ca của người đàn ông đã đi qua hơn nửa đời giông gió. Tình phụ tử muôn đời là vậy, Con trai à! Bố luôn bên con, bây giờ và mãi mãi mai sau, nhé con yêu! Những hạt ngọc Ngày con còn nhỏ, bố thường khuyên con: “Là đàn ông, muốn làm trụ cột con phải luôn mạnh mẽ và bản lĩnh. Nước mắt dễ làm ta mềm yếu. Vậy nên, khi gặp khó khăn, con hãy tìm về bên bố. Bố sẽ nắm tay con thật chặt. Khi đó, nước mắt của con sẽ lặn vào tim bố, thành những viên ngọc trai lấp lánh...”. Mỗi lần nghe bố nói thế, mắt con mở to long lanh. Rồi con lấy tay xoa xoa lên ngực bố như tìm chỗ cất những viên ngọc trai thần thánh diệu kì. Dặn con thế thôi nhưng chính bố lại là người mau nước mắt... Chẳng thế mà trong thư viết tặng bố ngày bố vào viện mổ u, con đã dịu dàng “trách bố”: “Bố thường hay rơi nước mắt. Nhắc lại chuyện ngày xưa, bố khóc. Nhà có ai bị ốm, bố khóc. Con bị tổn thương, bố khóc. Bố làm con mỗi lần nhớ lại, chẳng muốn khóc đâu mà mắt vẫn ướt”. Chà! Cái thằng Bếu dễ thương của bố, hóa ra con hiểu bố hơn bố nghĩ rất nhiều lần. Hóa ra những giọt nước mắt bố tưởng mình cố kiềm chế trong góc sâu thẳm trái tim lại được con thấu cảm và sẻ chia đến tận cùng. Và con yêu ơi, những giọt nước mắt bố vẫn tiếp tục lăn. Phần thì vì cơn cớ nhưng nhiều khi chỉ vì những điều khó gọi thành tên. Bố rất thích hai câu danh ngôn: “Nếu bạn chưa từng khóc, đôi mắt bạn không thể đẹp” (If you haven’t cried, your eyes can’t be beautiful) và “Giọt sương của lòng trắc ẩn là nước mắt” (The dew of compassion is a tear). Ấy là giọt nước mắt - kết quả của “Yêu thương là hành động” - lúc bố nhận tin, sau khi mổ, đôi mắt của bác Lụa con đang dần bình phục (thị lực mắt trái đạt 8/10). Bố mừng lắm! Vậy là từ nay bác lại có thể đọc được những bài viết cũng như tin nhắn của bố. Và một ngày nào đó, khi vào thăm bác, bố lại được bác ra ngõ đón và hỏi bằng những câu dịu dàng: Ôi! Em trai của chị đi đường có mệt lắm không em? Chị mong em đỏ mòn con mắt... Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng là một quá trình nỗ lực không ngừng tìm kiếm và gắng gỏi hết mình cho những hạnh phúc đích thực. Cái NGHỀ THƯƠNG CHỊ của bố (từ con dùng trong một bài thơ tặng bố) cũng đáng yêu lắm phải không con? Là giọt nước mắt khi bố nhận tin con đạt giải Nhất trong một kì thi. Con đi xa, bố chẳng mong gì hơn là con luôn khỏe mạnh. Mỗi đợt bên này trái gió trở trời, bố lại thót lòng lo con bên ấy. Lo rồi lại trách mình lẩm cẩm vì thời tiết bên con đâu có giống bên mình. Sáng tỉnh dậy, việc đầu tiên bố nghĩ xem: Đêm qua con ngủ ngon giấc không? Con đã ăn sáng chưa? Bữa nay con ăn mì hay ăn bánh pizza? Đã đi chơi thể thao về chưa? Rồi có hậu đậu để xây xước chân tay không? Trên mặt có thêm dấu hiệu nào của thời kì vỡ da vỡ thịt không? Con có vui không? Bạn bè có thương nhau không?... Ngày nào cũng nao nức từng ấy câu hỏi và lại tự trả lời. Vậy nên, mỗi lần con báo tin đạt thành tích trong học tập và rèn luyện là bố vui sướng vô cùng. Với bố điều đó đơn giản chỉ là những thông điệp mạnh mẽ con gửi đến bố rằng: Con đã ổn định, con đã hòa nhập với môi trường và đang dần tiệm cận với những gì con ước mơ, khao khát... Nghĩ thế bố lại rơi nước mắt! Là giọt nước mắt khi hàng ngày bố được nhận những tin nhắn của con. Thằng con tồ tẹt của bố cứ luôn nghĩ ra nhiều tin nhắn với những hình minh họa ngộ nghĩnh vô cùng. Mỗi lần xem xong, bố bật cười rồi lại rơi nước mắt. Bố tưởng tượng khi gửi tin nhắn ấy con cũng đang tự tủm tỉm cười và hình dung ra bố mẹ ở quê nhà. Mỗi lời con nhắn, mỗi dòng con viết như chạm đến tận cùng trái tim bố. Hàng đêm, bố lẩm nhẩm đến thuộc lòng từng dòng tin nhắn của con. Bố cứ như người họa sĩ vẽ bóng đêm nâng niu cẩn trọng. Để bố được đắm mình vào không gian huyền diệu, cảm nhận sự yên tĩnh và thanh khiết! Và bố lại ứa nước mắt nhớ con. Là giọt nước mắt khi nhìn bà nội con đã nhúc nhắc tự đẩy xe đi dạo được vào những buổi chiều nắng ấm. Bố lại được đưa mắt tìm bà dưới hàng lộc vừng xanh mướt. Hễ thấy bóng bà tim bố lại hồi hộp đập những nhịp thương yêu rộn ràng, ấm áp. Và bố cứ lui cui, tủi mủi như thế với những giọt nước mắt thân thương chiu chắt. Vì bố mong những giây phút hạnh phúc ấy là mãi mãi. Để bất cứ lúc nào trong cuộc đời này, hễ bố đưa mắt tìm là lại thấy bóng dáng ông bà, như chưa từng già nua, như chưa từng bệnh tật yếu đau! Và con ơi, đêm qua bố lại rơi nước mắt trên trang thư bố nắn nót viết gửi con. Chẳng hiểu sao bố cứ thích viết tay hơn đánh máy, nhất là thư cho con. Phải chăng: “Tả đắc chỉ tận bút đầu can cánh tả, kỉ cá phụ tử chi giao...” (Viết đến giấy hết mực khô cũng không thể diễn tả cho thấu biết bao nhiêu là tình phụ tử giao hòa...). Từng dòng chữ cứ chạy lên chạy xuống vấn vít quyện nước mắt bố mặn mòi: “... Con à! Người ta nói con cái là phần nối dài của cha mẹ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Con càng lớn càng giống bố. Giống từ cái nheo mắt, điệu bộ bặm môi mỗi khi tập trung cho công việc, giống nụ cười, dáng đi, cái kiểu nửa ngủ nửa thức chập chờn mộng mị... cho đến nết ăn nết ở... Càng ngày bố càng hiểu và thương hai mẹ con hơn. Bởi vậy nếu có kiếp sau bố vẫn xin được làm bạn đời của mẹ con, làm bố của con. Để được yêu thương hai mẹ con mãi mãi...”. Cứ thế bố nắn nót viết, rồi dừng lại. Rồi chấm nước mắt. Rồi lại nắn nót... Bố hình dung ra có con ở bên. Khi con âu yếm vỗ về. Lúc con nũng nịu dỗi hờn. Khi con nghiêm khắc kỉ luật... Cứ thế con làm bố thức tỉnh nhiều điều, kể cả những điều mà “chỉ có cánh mày râu” mới hiểu! Hiểu để rồi cảm thông, bao dung và thứ tha cho trái tim đàn ông mạnh mẽ đấy mà cũng mong manh lắm đấy! Chao ôi là miên man những cảm xúc yêu tin, là nhớ nhung đau đáu những ngày xa... Đấy, bố thú thật với con rồi đấy. Bố chẳng hề mạnh mẽ đâu con... Trước con, bố mềm yếu lắm! Vậy nên khi con ở xa, nhớ lại những gì mà hai bố con có được với nhau, nước mắt bố cứ lăn dài... Hiểu cho bố nhé! Con yêu! Sau mỗi giọt nước mắt, bố học lại cách thương con. Sau những lần thương mình và thương người, bố hiểu thêm về cuộc đời dài rộng. Sau những dòng chữ nắn nót, bố thấy hạnh phúc và ấm áp tin yêu... Bố có vầng ngực rộng để con về trú, có đôi vai trần để con về dựa, có đôi bàn tay thô tháp để con nắm chặt nẻo đường xa vời vợi... Và bố có trái tim, để nhận phần con tất cả dòng nước mắt. Nam à!... Người bạn trọn đời Người ta nói, con gái là “người tình kiếp trước của bố”. Thế còn con trai thì sao? Với mình, con trai chính là người bạn vong niên của bố hiện hữu ở kiếp này. Là BẠN nên con trai rất hiểu bố. Bố ốm mệt, chưa cần kêu ca, con trai đã xuýt xoa: “Bố sao vậy bố?” Bố mất ngủ, hay mê man, mỗi sáng thức dậy, con trai chạy lăng xăng: “Bố ơi, đêm qua bố ngủ ngon không? Sáng nay bố ăn gì hả bố?”. Là BẠN nên con trai rất thông cảm và luôn sẵn lòng thể tất cho bố. Đôi khi bố khó tính, bố càu nhàu, gắt gỏng con trai ngồi im, mắt rân rấn. Chỉ im lặng thôi. Qua cơn nóng giận, bố thấy tim mình mềm nhũn trong nỗi yêu thương, trong niềm ân hận. Nhưng con trai chưa bao giờ giận bố. Chỉ một lát sau, con lại sà vào lòng, gại gại vào chân bố như muốn nói: Nào, bố nguôi giận chưa, bố con mình làm hòa nhé. Và chỉ cần bố vòng tay ra chạm vào mái tóc con là con trai sẽ đổ nhào nằm gọn trong lòng bố. Những lúc đó, bố ôm ghì lấy con, ngực cồn cào niềm thương yêu khôn tả. Bố ngại lắm, chẳng dám nhìn vào mắt con đâu nhưng bố biết, ánh mắt ấy ngập tràn niềm cảm thông và sẻ chia ấm áp. Là BẠN nên con trai rất tâm lý với bố. Biết bố thích xem phim truyện kinh điển của Việt Nam, con trai luôn ngồi xem cùng bố. Dù bố biết, đó chẳng phải là sở thích của con. Thi thoảng, con lại hỏi bố: “Thế bố xem phim này lúc bố mấy tuổi hả bố? Bố xem ở đâu?”. Chao ôi, những câu hỏi giản đơn mà gợi lên trong lòng bố biết bao nhiêu là kỉ niệm thân thương. Bố chỉ chờ có thế để ôm con vào lòng rồi thủ thỉ cho con nghe về tuổi thơ gian khó mà kiêu hãnh của bố. Này nhé, bố luôn xem ở sân đình, khi bố còn nhỏ xíu xìu xiu. Hồi ấy đói kém lắm nên trẻ con đều còi cọt như nhau. Có khi bố chỉ to bằng cái đùi của con thôi này. Bố vỗ đồm độp vào cái đùi chắc nịch của con khiến con cười khanh khách, nắc nỏm: “Rồi, con biết rồi, rất bé, sao nữa hả bố?”. À, bố kể tiếp đây. Mỗi dịp có phim về chiếu ở đình làng là bố vui như có con chim sáo nhảy trong lồng ngực. Chỉ cần nghe tiếng loa phóng thanh: A lô! Bà con chú ý, tối nay sẽ chiếu bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm...là đầu óc bố như để trên mây. Bố cắt cỏ thật nhanh. Bố cho lợn ăn như máy. Bố rửa bát như phóng tên lửa. Bố xay thóc như điện. Hihi, tất cả đều thật nhanh để có mặt ở sân đình thật sớm, càng sớm càng tốt. Khi trên sân mới chỉ lác đác lũ trẻ cùng tuổi, bố đã chọn được chỗ ngồi gần với màn ảnh nhất, rồi rải chiếu đặt gạch xí chỗ. Và đêm xuống, khi cái máy chiếu phim cổ lỗ quay xè xè, màn hình hiện ra màu trắng sáng diệu kì là bố như bị mê hoặc. Vậy nên bố “ngưỡng mộ” luôn cả người chạy máy nổ. Lúc ấy, chú trở thành người có “quyền lực” lớn lao, nhất là khi có tiếng loa nhắc nhở: “Đề nghị đồng chí máy nổ tăng thêm 10v điện”. Chà chà, sau câu nói đó, màn hình sáng rỡ lên. Bố như nuốt lấy từng lời thoại trong phim. Bố hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của những nhân vật mà bố yêu thích. Và khi phim hết, cái ánh sáng màu nhiệm từ màn hình vụt tắt, mọi người í ới gọi nhau ra về, bố vẫn còn ngồi mãi, ngồi mãi. Sân đình lồng lộng gió, thăm thẳm, vằng vặc đêm sâu. Bố lặng lẽ tiếc nuối... Đêm đó và nhiều đêm sau nữa, hình ảnh trong bộ phim ấy cứ tua chầm chậm trong đầu bố. Nhiều khi, bố đóng giả các nhân vât trong phim để diễn lại “như thật”. Kì lạ là bố nhớ rất rõ các lời thoại trong phim nên cứ “bắn” lèo lèo. Các chú bộ đội trọ ở nhà ông bà nội con lặng lẽ ngồi “xem” và trầm trồ thán phục trí nhớ của bố. Đậm sâu và thân thương là thế nên mỗi lần xem lại những bộ phim yêu thích cùng con là bố như được thở nhịp thở nóng hổi cùng những năm tháng thần tiên tưởng đã lùi xa lăng lắc. Con trai nghe xong lặng lẽ ôm chặt bố. Bố hiểu đằng sau cái ôm ấy là sự lắng dịu trong trẻo của tâm hồn khi con được trở về với ấu thơ của bố. Bố cùng con thì thầm giao hòa trong tiếng bước chân của đêm rì rào ngoài cửa. Là BẠN nên con trai luôn về một phe với bố. Trong mọi cuộc tranh luận giữa bố với mẹ, bất kể nội dung gì, con đều ríu rít: “Bố đúng, bố đúng, con thừa nhận”. Nói xong con cười như ngô rang lách tách, lách tách. Mắt con nheo nheo nhìn mẹ như trêu chọc. Mẹ lườm con rồi dọa: “Tối nay đi ngủ đừng hòng ôm mẹ nhé”. Thế là con sẽ ngã uỵch vào lòng bố: “Mẹ ơi, con không cần đâu, có bố ôm con rồi”. Bố ùa theo: “Đúng đúng, cần gì, bố ôm nhỉ, người bố thơm như mít”. Rồi hai bố con cười vang nhà. Bây giờ khi con đi xa, mỗi lần bật Skype nếu có cả bố và mẹ, con lại nheo mắt trêu: Yêu bố thôi, không yêu “bạn Khh”(1) đâu! Rồi con xốc ba lô lên vai, cười toe toét chào bố mẹ để nao nức đến trường. Màn hình tắt, bố bần thần ngồi lại trong miên man trống vắng và thương nhớ thắt lòng. Là BẠN nên con luôn chia sẻ những “bí mật” với bố. Con kể với bố về “sự tích” cái vết sẹo ở chân con. Mẹ thì không được nghe đâu vì thể nào mẹ cũng càm ràm, cũng trách móc, cũng xuýt xoa. Còn bố, khi con vừa kể xong, chưa kịp phản ứng gì, bố đã cúi xuống thơm thật nhanh vào vết sẹo ấy. Rồi bố chìa tay, chìa chân chỉ cho con xem những vết sẹo còn “kinh khủng” hơn của bố. Bố gọi đó là “những tấm huy chương của người đàn ông”, là những chứng nhận đánh dấu sự trưởng thành. Vậy nên, có gì phải lo lắng. Con nghe xong thì “khoái” lắm, con bảo: “Đúng rồi, có sao đâu bố nhỉ”. Hai bố con cứ rúc rích mãi những chuyện “con con” như thế. Con còn kể về những bạn cùng lớp, những bạn gái nào con “hơi cảm nắng”. Thế là bố được thể, bố sẽ tộc tệch những “chuyện tình” của bố. Hồi bằng tuổi con chứ mấy, bố đã được một cô bạn gái viết trong cuốn sổ tặng bố câu thơ: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” nhân dịp bố xa nhà đi học trường chuyên. Bố cứ băn khoăn mãi: Ơ cái bạn này lạ thật. Tình đã dang dở còn đẹp cái nỗi gì. Đấy con xem, bố ngờ nghệch lắm, có biết gì đâu nên bố toàn là “bị yêu” thôi. Con nhiệt liệt: “Vâng vâng, đúng quá còn gì, bị yêu, bị cưới, khổ quá, khổ quá”. Ầm ĩ những tràng cười vui bất tận trong tiếng hắng giọng của một ai đó nghe rất chi là “có vấn đề”. Là BẠN nên bố luôn được bộc bạch tất cả những nỗi niềm của bố với con. Này nhé, bố kể cho con nghe về làng quê - nơi gắn bó máu thịt gần gụi với dằng dặc miền kỉ niệm của bố. Ấy là mái chợ, là sân đình lúp xúp kề bên bến nước, mùi của những cọng rơm hoai hoải, thiên nhiên trong trẻo với dòng sông, cây đa, bờ ao, lũy tre và cả mối tình thơ dại đã dệt nên tuổi thơ của bố. Bố yêu ông bà vừa gần gụi lại có vẻ cách xa. Không có vòng tay ôm âu yếm, không có những giây phút được nũng nịu cọ má vào tóc mẹ, vào trán cha, không có vỡ òa vui sướng khi được mẹ cha nựng nịu, xuýt xoa lúc vấp ngã hay thành đạt... như kiểu bố với con bây giờ thế này đâu. Bố cứ hồn nhiên lớn, hồn nhiên yêu thương và xả thân. Suốt thuở ấu thơ, dọc dài thời tuổi trẻ và bây giờ dẫu đầu đã hai thứ tóc, bố vẫn chỉ muốn cả ngày như con mèo con quẩn quanh bên chân ông bà nội con. Để hít hà mùi mồ hôi đồng bãi mặn chát lăn thành từng giọt, để cảm nhận mùi khét nắng trên tóc ông, để hiểu từng nếp nhăn trên trán bà. Bố lớn lên trong những thứ vẩn vơ hiền thật là hiền như thế. Nhưng con à! Những kỉ niệm thiêng liêng một thời: cái bến nước cũ, cây bàng già nua và cả rặng dừa, hàng nhãn mở lối vào làng... tất cả chỉ còn trong kỉ niệm. Quê bây giờ cũng trần trụi tao tác lắm. Người quê giờ cũng tính toán, bán mua đổi chác chứ không thuần và lành như trước. Vậy nên mỗi lần cho con về quê, bố cứ thấy trong lòng có chút gì gường gượng, ngài ngại. Phải chăng cứ để những kỉ niệm lung linh trong lời kể của bố với con chắc lại hay hơn. Con hiểu lòng bố chứ? Con chớp chớp mắt, nắm đôi bàn tay bố cà cà lên mặt như muốn nói: “Bố ơi, con nghe đây, con hiểu và sẻ chia những điều bố nói”. Là BẠN nên bố con mình được giãi bày cùng nhau, được vụng dại cùng nhau, được bênh vực cho nhau. Là BẠN nên bố con mình được vui buồn cùng nhau, khóc cười cùng nhau và thấu cảm cùng nhau. Là BẠN nên bố con mình được mơ ước cùng nhau, khát vọng cùng nhau và nối dài những đam mê cùng nhau. Là BẠN và mãi mãi là BẠN để lúc nào và bất kì ở đâu cũng luôn có nhau. Bởi chỉ có thể là BẠN tri kỉ tri âm mới viết tặng nhau những câu thơ: “Song thưa nắng đã đan cài Con ôm bố suốt dặm dài bố ơi!”. Bố cũng ôm con, người BẠN trọn đời của bố! Bố bi bi ơi! Đêm trở gió, bố trằn trọc nằm đếm tiếng gió tiếng mưa thầm thĩ qua ô cửa sổ. Trong thinh lặng, bố cứ lẩn mẩn tự hỏi không biết giờ này con trai bố đang làm gì. Ừ, bên đó giờ đang là buổi chiều chắc con đang học bài. Mà lúc con tập trung học bài thì buồn cười lắm. Đầu cắm cúi, trán nhíu lại còn cái miệng thì khi tròn khi méo hệt đứa trẻ tập đánh vần. Những cử chỉ thân thương ấy đã in dấu trong lòng bố, khiến bố cứ nhắm mắt là lại hình dung ra con rõ mồn một. Và bố luôn tự nhận mình là người vẽ chân dung con giỏi nhất! Trong những khoảnh khắc hạnh phúc dựng “chân dung” con trong trí nhớ, bố chợt nhận ra rằng, hình như bố đã không còn đo độ lớn lên của con bằng hình hài thể chất nữa. Bố không còn hồi hộp say sưa ngắm bàn chân con đã “lớn” từng ngày như thế nào. Hồi con bé xíu đôi bàn chân thơm hiền như hai bìa đậu. Mỗi lần con ngủ, bố lại rón rén vạch chăn ra để thơm lên cái “bìa đậu” ấy rồi nắc nỏm khen ngon ơi là ngon. Mẹ con cứ càu nhàu vì sợ con thức giấc...Vậy mà, hè vừa rồi, đôi “bìa đậu” ấy đã đi vừa vặn giày của bố. Có lần đến lớp dạy tiếng Anh, vì ngủ dậy muộn con quáng quàng xỏ nhầm giày bố. Buổi chiều trở về trời mưa tầm tã, sợ ướt giày của bố nên con tháo ra cắp vào nách rồi bì bõm lội về nhà. Nhìn bộ dạng con khi ấy, miệng thì cười mà lòng bố rưng rưng. Bố không còn tẩn mẩn đo chiều dài của những ngón tay con. Ngày con chào đời, việc đầu tiên khi đón con từ nhà hộ sinh về là bố ủ chặt đôi bàn tay con trong tay bố. Những búp tay thon dài đỏ hồng xinh xinh như mầm măng mới nhú, huyền diệu làm sao! Lúc ấy, bố đã cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc nhưng nước mắt vẫn cứ lăn dài. Bố cảm ơn những đớn đau mẹ đã nén chịu đựng để con ra đời lành lặn, để con được phổng phao bụ bẫm ngay từ lúc lọt lòng. Quên sao được những tháng ngày mẹ mang thai con. Có những hôm mẹ chỉ dám nằm ngửa vì cứ ngồi dậy là lại đổ máu cam, ăn bất cứ thứ gì cũng nôn thốc nôn tháo...Chăm chút mẹ con những tháng ngày ấy, bố mới thấu hiểu câu “chửa là cửa mả”.Vậy mà mỗi lần khám thai chẳng biết con là trai hay gái, bố vẫn cứ ghi vào tờ giấy siêu âm “siêu âm cu Tý ngày... tháng...”. Rồi đêm đêm bố ghé sát miệng vào bụng mẹ trò chuyện với cu Tý, hát cho cu Tý nghe, ru cho cu Tý ngủ trong miên man hạnh phúc dâng tràn. Lòng biết ơn của bố thể hiện lặng thầm qua những giọt nước mắt trong veo, qua những cái nắm tay con ấm áp, giao hòa. Giây phút tay bố trong tay con thấy từng tĩnh mạch, từng nhịp đập, từng hồng cầu hòa trộn lắng tịnh thiêng liêng. Và bố coi bàn tay nhỏ xinh của con yêu như “báu vật” của đời bố. Sau này, mỗi lúc lo lắng muộn phiền bố lại ủ tay con vào lòng như tìm hơi ấm sẻ chia từ bàn tay “người tình”: “Đưa anh ngón út anh cầm/ Cái ngón bé xíu mà em giấu hoài”... Bố đã thấy rồi, thấy sự “lớn lên” của những ngón tay thơm ngoan, hiền dịu như thế đấy! Bố cũng không còn đo sự lớn lên của con qua giọng nói. Bố nhớ lần đầu tiên nghe con cất tiếng gọi: “Bố Bi bi ơi”, tim bố dường như tan chảy. Bố muốn cả thế giới được nghe cùng bố cái âm thanh thỏ thẻ mà dịu dàng hơn bất cứ thứ âm thanh tuyệt diệu nào ấy. Mỗi sớm mai thức dậy, nếu con chưa tỉnh giấc là bố cứ nấn ná nằm thêm và nhìn ra ngoài cửa sổ. Bố đếm những giọt sương đọng trên ô cửa kính mờ mờ hơi nước. Bố tìm bóng dáng con chào mào, con sẻ nâu trên cây hoa hồng ngoài ban công. Bố ngắm rặng anh đào trong khu vườn trước nhà... Bố cứ tha thẩn vậy thôi. Bởi bố đang hồi hộp chờ cái âm thanh bé bỏng thân thương: “Coong tào” bố bi!” lúc con tỉnh giấc. Chỉ cần thế thôi là bố yên tâm bật dậy đón ngày mới với tất cả niềm sảng khoái, với tất cả nỗi háo hức hân hoan. Con lớn lên, những âm thanh ấy không còn bi bô, ngọng nghịu nữa mà khi thì réo rắt vui tươi, lúc lại thì thầm, lỏn lẻn. Giờ thì chàng trai của bố đã bắt đầu vào tuổi vỡ giọng, mỗi lần gọi điện cho con, từ đầu bên kia bán cầu, đôi khi bố ngỡ ngàng vì không nhận ra giọng của con... Thế nhưng với bố, tất cả những thay đổi ấy cũng chưa phải là “cái thước” bố dùng để đo sự lớn lên của con đâu! Bố đố con biết, bố “đo” sự lớn lên của con bằng những gì nào? Bố đo quá trình lớn lên của con bằng sự trưởng thành trong suy nghĩ. Trước đây, mỗi lần định làm việc gì đó, bố hay hỏi ý kiến con để con hiểu rằng bố luôn tôn trọng con, luôn coi con là bạn. Nhưng bây giờ, mỗi lần hỏi ý kiến của con, nếu con đồng tình với ý kiến của bố thì thật tuyệt rồi. Nhưng nếu con không đồng tình thì bố luôn thấy mình cần xem lại ý kiến của mình. Bởi bố tin vào sự chín chắn của con. Đơn giản là việc mua quà tặng mẹ. Trước đây, con mua quà tặng mẹ vì con hiểu “gu” của mẹ. Thấy mẹ thích hoặc hay dùng đồ gì là con “gạ” bố mua. Bây giờ, con vẫn thường nhắc bố mua quà cho mẹ vào những dịp lễ Tết hoặc chính tay con mua nhưng không chỉ vì niềm thích thú của mẹ trước mỗi món quà. Điều sâu xa hơn con muốn, dù ở đâu và vào bất cứ lúc nào, cả bố và con cũng dành tặng mẹ những tình cảm yêu quý, thân thương, âu yếm nhất! Con luôn lo mẹ yếu đuối nên dễ buồn, dễ khóc. Con luôn nhắc bố phải chăm mẹ nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Suy nghĩ ấy, đúng là của một người đàn ông trưởng thành đó con à. Mới đây thôi, biết bố phải vào bệnh viện mổ cái u, con viết bài tản văn động viên bố với những suy nghĩ dễ thương quá quá chừng chừng: “... Con viết những dòng này khi biết bố sắp phải vào bệnh viện để mổ cái u ở trán. Con cầu mong bố sẽ nhanh lành. Và dù không còn cái u trên trán, Bố vẫn là con sư tử đầu đàn mạnh mẽ can trường...”. Chao ôi! Con trai của bố thực sự đã lớn thật rồi! Bố đo sự lớn lên của con bằng nghị lực và tinh thần cầu tiến. Có lẽ chưa lúc nào, từ khi con nhỏ đến giờ bố phải nhắc nhở con về việc học hành. Có nhắc cũng chỉ là nhắc con học vừa vừa thôi kẻo mệt. Con luôn coi việc học như một niềm vui, như một “phần thưởng” mà cuộc sống dành tặng cho con và con tận dụng tối đa phần thưởng ấy, niềm vui ấy. Nhưng điều mà bố ghi nhận và thấy rất rõ sự trưởng thành của con, ấy là việc con không sợ sai lầm, không sợ thất bại. Con đăng kí học nhiều khóa học online, con tham gia nhiều kì thi. Có những khóa học con hoàn thành xuất sắc nhưng cũng có khóa học, con phải rất cố gắng mới vượt qua. Có những kì thi con đạt giải cao nhưng cũng có những kì thi con phải dừng bước ngay từ vòng đầu. Dù thành công hay thất bại, đối với con, tất cả đều tuyệt vời. Bởi vậy, Con luôn có động lực để khám phá những điều mới mẻ. Mỗi lần nghe con kể về việc học hành, thi cử, về những dự định của con, không hiểu sao bố luôn liên tưởng đến những sớm tinh sương thuở ấu thơ của bố. Khi ấy, bao giờ bố cũng phải dậy từ rất sớm để đến chợ bán chè xanh hay rổ rau, mớ cá. Sương lạnh buông dày như tấm khăn choàng qua mặt, bố cứ bước thập thõm, thân hình gầy gò đầm đìa nước buốt tận xương. Vậy mà bố bất chấp, cứ mải miết bước tiếp, bởi bố luôn tin, chỉ một loáng thôi là mặt trời sẽ lên, đường sẽ rõ và trời sẽ ấm. Vậy đó! Cứ vững vàng bước tiếp nghe con! Phía trước con sẽ là mặt trời, là hào quang của niềm lạc quan bất tận. Viết đến đây, bố bỗng nhớ đến đoạn văn “Hạnh phúc không tùy thuộc vào tuổi thanh xuân của bạn có rực rỡ hay không. Bất luận bạn có phạm bao nhiêu sai lầm, bạn vẫn luôn có một cơ hội khác. Thành công thực sự trong đời không tự phát lộ cho đến khi bạn tới tuổi 40 hay 50. Nếu bạn gặp những thất bại trên đường đời, hãy tiếp tục với một tinh thần chiến đấu! Khổ đau là một phần của tuổi trẻ và quá trình trưởng thành của bạn”. Con à! Luôn nỗ lực không ngừng, không sợ sai lầm, không sợ gian khổ, không lo thất bại, đó là những biểu hiện của người đã trưởng thành. Và con ơi! “Cái thước” quan trọng nhất bố dùng để đo sự lớn lên của con là ở trong tâm hồn và nhân cách. Con yêu thương sẻ chia cùng bố mẹ, thấu hiểu những lo toan chắt chiu của bố và luôn khao khát: “... Con sẽ viết yêu thương thành vũ khúc/ Ru những nhọc nhằn cho bố mẹ mãi ấm êm...” (Trích thơ Con viết kính tặng Bố Mẹ nhân kỉ niệm 16 năm ngày cưới của Bố Mẹ). Và không chỉ biết cảm thông yêu thương những người thân trong gia đình bằng tình yêu hồn nhiên, sâu sắc, con còn biết lắng lòng trước những cảnh đời xung quanh, trước những mất mát nhân thế. Con viết về nỗi đau một cách tĩnh lặng, đẹp và nhân từ. Bố nhớ khi con còn nhỏ, bố đã khuyến khích con đọc bài viết về Lòng nhân từ của Daniel Granin. Trong bài viết của mình, ông luôn mong mọi người hãy sống với niềm tin rằng từ khi sinh ra họ đã có sẵn trong mình năng lực thông cảm và sẻ chia với nỗi đau của người khác. Tuy nhiên, nếu như năng lực ấy không được thực hành thường xuyên thì nó sẽ bị teo đi hoặc chết yểu. Ông kể, hồi ông còn bé, mỗi khi đi qua những người ăn xin, bố ông luôn nhắc ông tặng họ tiền. Khi ấy ông phải vượt qua nỗi sợ hãi trước vẻ bề ngoài xấu xí gớm ghiếc của họ, thậm chí phải vượt qua sự nuối tiếc những đồng tiền lẻ hiếm hoi mà mình có được để đặt vào tay những người ăn xin... Mãi đến khi về già, Granin mới hiểu rằng đó chính là quá trình thực hành của lòng nhân từ. Không có điều đó thì tri thức dẫu phong phú bao nhiêu cũng chẳng mấy ý nghĩa... Bố đã cùng con” thực hành” thường xuyên lòng nhân từ theo cách của Granin ngay từ những ngày con còn trứng nước. Và bố thực sự vui mừng khi thấy năng lực đồng cảm, chia sẻ của con ngày càng giàu có và sâu sắc. Bố coi đó là DẤU MỐC LỚN NHẤT trong quá trình trưởng thành của con. Bởi bố hiểu: Nếu ai đó để trái tim mình nguội lạnh và mất dần năng lực cảm thông với nỗi đau của người thân và đồng loại thì chắc chắn đó sẽ là cách nhanh nhất dẫn đến một không gian sống cằn cỗi, thiếu trắc ẩn và buồn tẻ đến vô cùng. Con ơi, sau này con sẽ hiểu, đối với người làm cha làm mẹ, không gì vui sướng hạnh phúc bằng được nhìn thấy đứa con của mình lớn lên. Từ “một bàn tay đầy hai bàn tay vơi”, những đứa con “trổ giò” rộng dài về vóc dáng sẽ là cách tốt nhất đáp ân CHĂM SÓC của mẹ cha. Nhưng tuyệt vời hơn nữa nếu đứa con ấy lại “lớn lên”, trưởng thành trong suy nghĩ, trong hành động, trong tâm hồn, trong nhân cách. Đó chính là cách đứa con báo ân công DƯỠNG DỤC của cha mẹ một cách hoàn hảo nhất. Nghĩ về điều đó, bố thấy lòng mình “đầy đặn”: “Mẹ nuôi cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy). Bố tin con sẽ mãi lớn lên ngoan lành chân thiện bởi bố mẹ đã nuôi phần hồn của con bằng những khúc nhạc tâm hồn thơm thảo. Chặng đường con đi phía trước còn dài. Con cứ tiếp tục trưởng thành, cứ dũng cảm đối mặt với chông gai, thử thách. Con cứ tiếp tục yêu thương, tiếp tục sẻ chia... Rồi đến lúc, con cũng sẽ thấy mình ĐẦY ĐẶN Nam à! BỐ YÊU CON - BẠN ĐỒNG HÀNH DỄ THƯƠNG CỦA BỐ! Nhớ quàng tay ôm cổ bố nghe con Sau khi con về nước dự Hội nghị Tài năng trẻ toàn quốc, bố mẹ cùng con trở lại Mỹ đúng mùa Giáng sinh. Khắp thành phố New York đèn hoa lộng lẫy, tưng bừng. Những hàng cây khoác màu áo mới rực rỡ ánh điện, nhấp nháy như những ánh mắt cười rạng rỡ. Không khí Noel ấm áp làm bố nhớ về tuổi thơ con, về những khoảnh khắc thú vị tuyệt vời khi bố được làm ông già Noel của con. Bố nôn nao lẩm nhẩm đọc lại những vần thơ con viết tặng bố mùa Giáng sinh năm ngoái: “Ông già Noel không râu dài tóc bạc/ Không mũ đỏ trùm đầu, không diện hài nhung/ Ông già Noel phóng Dream tơi tả/ Đi đến giữa đường huỳnh huỵch ngã lăn quay...”. Chao ôi! Ước gì thời gian quay ngược để bố lại được cùng con rong ruổi trong những mùa Noel ấu thơ của con. Bố lại được bế bổng con len lỏi giữa khu phố trang hoàng đẹp như lâu đài cổ tích ở ga tàu điện ngầm Umeda, Nhật Bản. Ngày ấy con nhỏ như que kem. Con chạy lăng xăng, mắt lóng lánh ngời sáng. Con ôm choàng cổ bố khi bỗng thấy ông già Noel xuất hiện đâu đó mỉm cười và vuốt má con. Vậy đó, bất cứ khi nào lo sợ, con cũng đều bíu chặt lấy cổ bố như thể từ đó sẽ có một nguồn năng lượng giúp con vững tin ấm áp. Bố thơm lấy thơm để những ngón tay nhỏ xíu đan quanh cổ mình như một vòng hào quang bé bỏng. Thực ra chính những búp măng xinh xinh bé bỏng ấy lại giúp bố mạnh mẽ cứng cỏi hơn. Trong cuộc đời này, hạnh phúc nhất là khi mình được làm điểm tựa cho ai đó phải không con. Bố khát khao thời gian quay ngược lại để bố lại có được niềm hạnh phúc tuyệt vời là đi tìm mua quà Giáng sinh cho con. “Quy trình” tìm quà thật gian nan lắm nhưng niềm hạnh phúc thì vô bờ vô bến. Năm thì tàu hỏa, ô tô đồ chơi, lego, năm thì máy bay mô hình, các loại sách, truyện... Nhưng dù gì thì cũng luôn phải là món quà con đã viết trong thư, phải không hề có sai sót. Ông già Noel quyền bính vô biên, phải hiểu mọi điều ước của con chứ! Luôn ước ao cháy lòng để con có một tuổi thơ trong sáng, được mơ mộng, được ao ước, được tin vào những điều huyền bí nên năm nào bố cũng cất công tìm bằng được món quà con thích. Rồi nửa đêm bố len lén đi lại nhẹ nhàng như vũ công đặt quà trên gối con, thật êm thật khéo kẻo con thức giấc. Và bố hồi hộp chờ thời khắc con trở dậy, ánh mắt lấp lánh niềm vui, khuôn mặt rạng ngời niềm ngạc nhiên mà hạnh phúc vô biên. Mỗi lần như thế bố lặng lẽ nấp sau cánh cửa ngẩn người ngắm con, thấy lòng lâng lâng tựa như mùa xuân xôn xao náo nức đào hoa đang về chạm ngõ. Bố mới hiểu, nguồn sống trong lòng bố được viên mãn, con tim bố tươi trẻ lại khi được hân hoan đón nhận những niềm vui từ con. Giờ đây ấu thơ đã xa con nhưng mỗi lần đi qua những cửa hiệu đồ chơi, ngắm miên man những ô tô, máy bay, tàu hỏa... bước chân bố lại ngập ngừng và tim chùng xuống trong nôn nao diết da niềm thương yêu đến tận cùng. Bố nuốt nước mắt vào trong mà miệng thì tủm tỉm cười. Nụ cười dành cho tuổi thơ con. Giáng sinh năm nay, trên đất Mỹ xa xôi vạn dặm con đã là một chàng trai. Tay con trong tay bố đầy mạnh mẽ, tự tin. Nhưng bố hiểu, tự trong thẳm sâu con vẫn là đứa trẻ, vẫn khao khát mỗi Giáng sinh có ông già Noel bố bên mình: “... Lời của con hay tiếng sóng thầm thì/ Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm/ Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận/Cha gặp lại mình trong những ước mơ con...” (Hoàng Trung Thông). Tất nhiên rồi con yêu! Bố không có phép màu thần bí nhưng bố có một con tim luôn nồng nàn yêu thương con nhất mực! Bố không có năng lực siêu nhiên nhưng bố có bờ vai để con tựa, có đôi tay để con nắm... Và con cứ ôm choàng cổ bố nếu con cần... Chiều qua trên đường từ Pennsylvania trở về New York, bố cứ mải mê ngắm nhìn bầu trời vời vợi và thấy chao ôi là nhiều chim. Bất chấp giá rét, chúng liệng sát vào nhau, đan rợp khung trời xanh trong mơ ước. Và bố thấy lòng mình sao quá đỗi thanh thản yên lành. Như chú chim trong đàn chim bay đến tự bốn phương trời, con cứ giang rộng cánh cho thỏa chí tang bồng. Để rồi chim lại về với tổ, con sẽ luôn ở mãi trong lòng bố mẹ, lúc thì nhỏ xíu bé bỏng thân thương, khi lại cao lớn, chững chạc, can trường... Và rồi đến ngày nào đó, con sẽ lại được làm ông già Noel... Nhưng trong lòng bố mẹ, con vẫn mãi là thằng con tồ tẹt, vụng dại, hậu đậu ngồi bên cửa sổ ngóng cỗ xe tuần lộc năm nảo năm nào... LUÔN NHỚ QUÀNG TAY ÔM CỔ BỐ NGHE CON! YÊU THƯƠNG CỦA BỐ! (New York - Mùa Giáng sinh 2015) Những ngôi sao xanh Gia đình Gia đình là khi trở về nhà, bố ló mặt vào ô cửa nhỏ xíu gọi to: “Thằng bếu, thằng bếu”, con hớn hở chạy ùa ra nao nức: “Con đâyyyy!”. Rồi ôm, rồi thơm, rồi nằm gác chân lên nhau trên ghế sofa hát vài câu vu vơ không đầu cuối. Gia đình là những buổi chiều đi làm về thấy trên bếp đang sôi nồi cơm thơm gạo mới, thấy người phụ nữ của mình lấm tấm giọt mồ hôi, chỉ kịp ngẩng lên hỏi “Anh về rồi đấy à?” rồi lại lui cui với bữa ăn chiều ngọt đượm. Gia đình là nơi căn phòng nhỏ ngập tràn sách. Ta có thể nằm dài để tỉ mẩn xem lại từng cuốn sách đã úa vàng. Sau nhiều lận đận, qua bao đợt chuyển nhà, qua bao phen khốn khó, những cuốn sách ấy vẫn ở lại, như những “nhân chứng của tình yêu”. Gia đình là giàn hoa trên sân thượng với vài bông li ti trăng trắng mà tỏa hương cả bốn mùa. Mùa hè nóng sôi, mùa đông giá rét, vẫn những cây hoa ấy, lặng lẽ, tinh khôi cho ta cái cảm giác bình yên trong chốn “vô ngã, vô ưu”. Gia đình là nơi được ăn những bữa cơm ríu rít cùng nhau. Gia đình là được ngả mình trên chiếc giường quen thuộc mà nếu lỡ đi công tác ta sẽ có cảm giác “lạ nhà”. Mỗi khi về đến nhà, bỏ quần áo đầy mồ hôi bụi bặm dọc đường mưu sinh, khó nhọc, ta được sống là ta, ta được trở về với chính ta. Còn gì hạnh phúc hơn thế! Và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu mỗi ngày trở về được ôm CON trong vòng tay. Được chạm vào chân con chắc nịch. Được cà bộ râu lởm chởm vào má con. Được chạy đuổi nhau thình thịch dọc cầu thang. Được nghe tiếng con: Bố ơi, bố à. Quán nhậu có gì vui? Những cuộc tụ bạ có gì vui? Ta về thôi, về với GIA ĐÌNH! Vì ta biết, khi đó, GIA ĐÌNH sẽ là TỔ ẤM! Vì ta biết khi đó, ta tìm được hạnh phúc của cuộc đời. PS: Bài viết ngắn này thân tặng những người bạn của tôi, những người yêu gia đình nhân ngày GIA ĐÌNH! An lành và dịu ngọt Ngày còn nhỏ, mình thấy mẹ thường hay cáu kỉnh. Sáng tinh sương, đất trời còn mờ mịt, mẹ đã hối thúc đàn con. Đứa dậy học bài, đứa đi làm việc đồng áng. Mẹ thường hay nói: Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày. Hồi ấy, mình chẳng hiểu mấy, cứ nghĩ dậy sớm một chút cũng chẳng thêm được mấy đồng thì giàu sang nỗi gì. Vậy nên mình sợ nhất đang ngủ say bí tỉ mà bị mẹ gọi dậy. Mùa hè, trời tang tảng, sương còn buông ngập ngừng lững lờ trên đỉnh đồi sau nhà, mình dụi mắt đến cả trăm lần vẫn chưa thể nào tỉnh ngủ. Mùa đông còn khổ hơn. Trời buốt thấu xương, mình nhớ hơi ấm của từng cọng rơm và cứ muốn nằm nán thêm chút nữa. Nhưng không, nếu không dậy mẹ sẽ quất thẳng vào mông và cáu kỉnh gọi thật to, to đến cả hàng xóm cũng phải giật mình. Mẹ cũng hay cáu khi anh chị em thường chí chóe với nhau. Nhà mình đông con lít nhít, làn sàn củ khoai củ sắn nên hay chành chọe. Anh giục em học bài, chị giục em nấu cơm, đứa này giành đứa kia củ khoai, trái ổi... Cả nhà lúc nào cũng đầy ắp âm thanh. Và cứ mỗi lần như thế, mẹ lại cáu. Mẹ thường nhắc: “Môi hở răng lạnh! Chúng mày cứ cãi nhau thế coi sao được”. Mình chẳng hiểu “Môi hở với răng lạnh” là gì chỉ thấy cãi nhau ỏm tỏi nhiều khi cũng... vui. Không những thế, việc cãi cọ chí chóe ấy còn khiến mình quên đi những đói mòn đói mỏi vật vã với khoai lang độn, với dong riềng ăn trừ bữa ngày nối ngày... Mẹ hay cáu kỉnh những lúc nhà nông công việc bộn bề. Mùa gặt, mùa cấy rồi làm cỏ, bón phân, lên đồi trồng chè, trồng sắn, đi chợ bán mớ rau, con cá... Việc cứ chồng lên việc nên mẹ cáu bẳn, giục giã. Mẹ cáu khi thấy anh em cứ nhởn nhơ không lo việc đồng áng mà mãi mải chơi. Trưa trật rồi vẫn còn lang thang ngoài ruộng đuổi cào cào, hun chuột, bắt châu chấu... hoặc chui vào đống rơm chơi trò đuổi bắt cho rơm tung phủ khắp cả tóc tai người ngợm. Mẹ cứ vừa thoăn thoắt làm vừa hối hả: “Làm nhanh lên, nghịch thế rồi ra lấy gì mà cho vào miệng hả lũ quỷ?”. Lũ con xem chừng chẳng thấy lời mẹ cáu có “xi nhê” chút gì nên hễ mẹ giục thì chạy ào vào làm lấy lệ rồi lại nhấm nháy nhau nghĩ ra các trò nghịch lăn lộn trên đám ruộng còn dang dở. Mẹ hay cáu kỉnh vào những lúc nhà có công có việc, nhất là vào dịp Tết. Quần mẹ lúc nào cũng xắn cao quá gối, trán mướt mải mồ hôi. Mẹ tất tả chạy từ đồng về nhà, chạy long tong tong từ nhà ra chợ, chạy bươn bả làng trên xóm dưới lo đụng lợn, vay gạo nếp, khất nợ... Mẹ hối hả giục các con nhóm bếp để đặt nồi bánh chưng. Mẹ phân công mỗi đứa làm một việc, đứa nào cũng dạ ran nhưng mẹ vừa quay đi đã túm tụm chơi quay, hò nhau đốt pháo tép... Thích nhất là lúc cả lũ quây quần quanh nồi nước luộc lòng đang sôi xèo xèo trên bếp. Chỉ ngửi mùi thơm bốc lên ngạt ngào đã thấy thèm ứa nước miếng. Hít hà, chép miệng, đi vòng qua vòng lại sốt ruột hết cỡ. Lúc ấy, dù mẹ có hét to cỡ mấy cũng chẳng đứa nào nghe. Khi nồi luộc lòng vừa chín, mẹ lại rốt ráo từ bờ ao chạy vào gạt lũ con đứng lui ra để bê nồi lòng đặt xuống vì mẹ sợ chúng nôn nóng quá mà bỏng tay. Rồi mẹ cắt miếng lòng trong lúc mấy anh em đứng chờ náo nức như lũ chim non quây vòng quanh mẹ: “Há mồm ra mẹ cho thử nào. Trời ơi, còn nóng thế này, đợi nguội một tí hẵng ăn kẻo bỏng hết mồm...”. Mẹ chúm môi thổi phù phù, miệng không ngớt cằn nhằn. Mấy anh em đứa nào đứa nấy mồm ngậm miếng lòng, chân nhảy lâng bâng, mắt ngời sáng lấp lánh. Rồi mẹ bắc nồi nước tắm bằng lá mùi già, đoạn lôi từng đứa ra để tắm “tẩy trần”. Quanh năm, đàn con lít nhít hồn nhiên lớn lên như cỏ dại. Giờ mẹ mới có dịp nhìn lại từng đứa. Vừa tắm mẹ vừa ca cẩm, cằn nhằn: “Trời ơi, sao ốm nhom ốm nhách thế này hả con? Mày nghịch cho lắm vào, chân tay xước xát hết cả. Cái mụn ghẻ này, mấy vết đỉa cắn này... cứ bì bõm ao chuôm lắm vào để loét hết cả thế này có khổ thân không!”. Rồi tróc đầu, rồi bươu trán, rồi sẹo lồi sẹo lõm. Mẹ nhìn săm soi từng vết, từng vết. Mẹ xoa, mẹ kì, mẹ vạch từng vết muỗi đốt, vết ghẻ bong tróc với ánh mắt xót xa, miệng vẫn không ngừng ca cẩm. Cứ thế, gần sang canh mẹ vẫn quần quật tối mắt tối mũi, mồ hôi đầm đìa giữa đêm trừ tịch lạnh thấu xương. Thời gian cứ thế trôi qua trong những cáu kỉnh, than vãn, cằn nhằn của mẹ. Chớp mắt “tuổi thơ bão táp” đã lùi vào dĩ vãng thẳm xa. Và rồi mẹ vẫn cả lo, vẫn cáu kỉnh ca ca cẩm cẩm cả khi mình đã lớn, đã già rồi! Bây giờ bố mẹ ở cùng, mỗi lần mình hu hi sốt nóng, ho hắng, mẹ... lại cáu. Mẹ luôn than vãn: “Ôi, sao không biết lo sức khỏe của mình hả con. Tham công tiếc việc quá làm gì, cả nhà trông vào mày, ốm ra đấy rồi sao...”. Mình uống thuốc Tây nhiều, mẹ cáu. Mình ăn ít, mẹ cũng cáu. Mình đi làm về muộn, đi công tác nhiều, thức khuya nhiều... mẹ đều cáu. Không chỉ cáu với mình, với chú em trai đến ở cùng nhà mình, mẹ cũng hay cáu. Hôm trước nó uống nhiều rượu về nhà say khướt nôn thốc tháo. Mẹ không cho ai dọn, mẹ chống gậy khom lưng tự tay lau lau chùi chùi. Vừa dọn vừa cáu, mẹ lào thào như sắp khóc: “Mày cứ thế này rồi ai thương hả con? Hỏng dạ dày, rồi hư cả tim gan phèo phổi...”. Mình đứng lặng, nước mắt ứa mi! Mỗi lần nghe mẹ cáu, trong lòng mình luôn đóng đinh một thứ cảm giác: Vừa sợ nhưng lại vừa nhói lòng THƯƠNG. Không phải thương mình, mà THƯƠNG MẸ! Mẹ ơi! Chúng con lớn cả rồi, đầu hai thứ tóc mà mẹ vẫn cứ tỉ mà tỉ mẩn lo cho từng đứa, vẫn đau đáu nỗi niềm... Mẹ ơi! Dường như với người phụ nữ Việt Nam đầu đội vai mang, khi phải đa đoan quá nhiều, khi phận bọt bèo mãi còn lênh đênh chìm nổi, họ thường hay dồn vào việc... cáu. Nên cáu được hiểu là “những lời than thân tự bạch”. Nên mình thấu hiểu “... Lòng con tìm về trong câu hát à ơi/ Để thấy hai chiều cuộc đời cơ cực/ Mẹ gánh gạo gánh con gánh cả dòng nước mắt/ Gánh cả cuộc đời như món nợ nhân gian...”. Và vì thế, bằng này tuổi rồi, con vẫn luôn thích được nghe mẹ... cáu, được “nhấm nháp” những lời “tự bạch than thân” của mẹ dẫu âm điệu không êm như ru nhưng ngọt ngào, sâu lắng. Thi thoảng đêm nằm ngủ mơ còn thảng thốt giật mình nghe mẹ gọi, mẹ giục giã ra đồng vào những sáng tinh sương gió thét mưa gào... Nên bằng này tuổi, mình còn thường đứng lặng góc phòng ngoài nghe văng vẳng tiếng mẹ cằn nhằn, than thở. Và thấy lòng dâng lên những an lành dịu ngọt thân thương. Nhà thơ Trần Trung Đạo viết: “Ví mà tôi đổi thời gian được/ Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”. Còn con, con mong đổi cả thiên thu lấy... những lời mẹ cáu. Bởi suy cho cùng, những lời cáu kỉnh của mẹ chỉ như một thông điệp mạnh mẽ nói với chúng con rằng: “Mẹ vẫn mãi ở đây, lo và thương chúng mày lắm đấy!”. Hẳn là thế phải không MẸ THƯƠNG YÊU CỦA CHÚNG CON! Father’s day Khi thơ dại, mỗi lần đi học về không thấy bố, con lại ngồi phịch ngay đầu ngõ để ngóng bố về. Đôi khi òa khóc cứ réo tên bố gọi đến hàng xóm đi qua cũng phải bật cười. Con sợ trời tối rồi mà bố vẫn lạc giữa bụi đường lầm lũi, lạc sau mái chèo ghì tay bật máu. Con lên tỉnh học, bố vác túi gạo sau lưng, hàng tuần lên thăm con. Gặp con, bố nắm chặt bàn tay chằng chịt vết chai của con mà xoa, mà giàn giụa nước mắt. Bố sợ con lạc ngác ngơ giữa thành phố mịt mù. Mỗi lần về nhà sau kì nghỉ, việc đầu tiên con làm là tơi tả chạy ra cánh đồng tìm bố. Trong chập choạng hoàng hôn khuất bóng, bố như con cò lạc trong muôn trùng sóng lúa. Bời bời khuất nẻo đường rơm. Con thành sinh viên đại học, bố nhắc tên con vào mỗi bữa ăn của cả gia đình: “Thằng Thảo không biết trên đó ăn uống thế nào”. Rồi chép miệng thương con là sinh viên mà vẫn bươn bả mò cua bắt ốc để qua ngày, vẫn tần tảo bán buôn có thêm vài đồng gửi về quê cho bố mẹ. Bố sợ con lạc giữa những mưu sinh dằng dặc phận người. Rồi bố già đi, con mua cho bố chiếc điện thoại, dặn bố cầm mỗi khi đi ra khỏi nhà. Con sợ bố tuổi già, đi ra ngoài quên đường về lạc lối. Con đã ngoài năm mươi, bố vẫn thấp thỏm mỗi khi con về muộn, vẫn ngóng trông khi con xuôi ngược đường xa, bố vẫn lo con lạc giữa nhân gian.