🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ăn Gì Bổ Não Ebooks Nhóm Zalo ĂN GÌ BỔ NÃO Lưu Trung Kiên dịch ------------------------- NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI Trụ sở chính: Số 46, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Tel: 0084.24.38253841 – Fax: 0084.24.38269578 Chi nhánh: Số 7, Nguyễn Thị Minh Khai. Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Tel: 0084.28.38220102 Email: [email protected] Website: www.thegioipublishers.vn CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT BẢN VÀ DỮ LIỆU ETS Trụ sở chính: Tầng 3, Dream Center Home số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội Tel: (84-24) 3 722 62 34 | Fax: (84-24) 3 722 62 37 Chi nhánh TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh Tel: (84-28) 38220 334 | 35 Website: www.etsdata.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP TS. TRẦN ĐOÀN LÂM Biên tập: Phùng Tố Tâm Sửa bản in: Đặng Loan Thiết kế bìa:Mạnh Cường Trình bày: Mỹ Mây In 2.000 bản, khổ 15 x 23 cm tại Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam (Vinadataxa) Địa chỉ: 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Số xác nhận đăng ký xuất bản: 890-2021/CXBIPH/12-54/ThG Quyết định xuất bản số: 357/QĐ-ThG cấp ngày 29 tháng 03 năm 2021. ISBN: 978-604-77-9378-5 In xong và nộp lưu chiểu năm 2021. Cuốn sách này được dành cho bạn. Giống như hàng loạt thể sống bên trong cơ thể giúp bạn tồn tại, ảnh hưởng của mỗi cá nhân đến sự khỏe mạnh của hành tinh chúng ta cũng vậy. Trên thực tế, bạn là một thành viên tích cực trong hệ vi sinh vật của Trái Đất. —————————————— “Không ai là một hòn đảo, hoàn toàn chỉ riêng mình…” ‒ JOHN DONNE GIỚI THIỆU Cảnh báo vi sinh vật: Bạn có kẻ đồng hành Cái chết bắt đầu trong đại tràng. – ÉLIE MECHNIKOV (1845-1916) V ài lần một tuần trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã phải nói với một bệnh nhân hoặc người chăm sóc rằng tôi không còn gì trong kho vũ khí của mình để điều trị một căn bệnh thần kinh nghiêm trọng mà chắc chắn sẽ hủy hoại cuộc sống của bệnh nhân đó. Tôi đã đầu hàng vì căn bệnh đã trở nên quá khó kiểm soát và không có cách chữa trị nhanh chóng hay loại thuốc nào để thậm chí kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của nó. Đó là một việc đau lòng, một việc mà bạn sẽ không thể quen được dù đã thực hiện bao nhiêu lần. Tuy nhiên, điều mang lại cho tôi hy vọng là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển mà cuối cùng đã mang lại cho tôi những phương pháp tiếp cận mang tính cách mạng để giảm bớt sự đau khổ. Ăn gì bổ não nói về thứ khoa học mới tuyệt vời này và cách bạn có thể tận dụng nó cho sức khỏe của chính mình. Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về việc thế giới của chúng ta đã thay đổi nhiều như thế nào trong thế kỷ qua, nhờ vào nghiên cứu y học. Chúng ta không còn lo lắng về việc chết vì bệnh đậu mùa, kiết lỵ, bạch hầu, tả, hoặc sốt ban đỏ. Chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm tỉ lệ tử vong của nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm cả HIV/AIDS, một số dạng ung thư và bệnh tim. Nhưng khi bạn xem xét các bệnh và rối loạn liên quan đến não bộ, bức tranh trở nên hoàn toàn khác. Những tiến bộ trong việc ngăn ngừa, điều trị và chữa lành các chứng bệnh suy nhược thần kinh trong suốt vòng đời – từ chứng tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đến chứng đau nửa đầu, trầm cảm, đa xơ cứng, Parkinson và Alzheimer – hầu như không tồn tại. Và, đáng buồn thay, chúng ta đang tụt lại nhanh chóng khi tỉ lệ mắc mới những căn bệnh này ngày càng gia tăng trong xã hội. Hãy cùng xem xét một vài số liệu. Ở mười quốc gia phương Tây giàu có nhất, số ca tử vong do bệnh về não nói chung đã tăng đáng kể trong vòng 20 năm qua, phần lớn trong số đó phản ánh những ca tử vong do sa sút trí tuệ. Và Mỹ dẫn đầu. Trên thực tế, một báo cáo năm 2013 của Anh cho thấy kể từ năm 1979, tử vong do các bệnh về não đã tăng đáng kinh ngạc đến 66% ở nam giới và 92% ở nữ giới tại Mỹ. Theo lời tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Colin Prichard: “Những số liệu thống kê này là về những người và gia đình có thật, và chúng ta cần phải [nhận ra] rằng có một ‘đại dịch’ mà rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về môi trường và xã hội.” Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự gia tăng nhanh chóng này, thứ đang ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi trẻ hơn như thế nào, trái ngược hẳn với việc giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân khác.1 Vào năm 2013, tạp chí New England Journal of Medicine đã công bố một báo cáo tiết lộ rằng chúng ta chi khoảng 50.000 đô la hằng năm để chăm sóc cho mỗi bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ở nước này.2 Con số đó tương đương với khoảng 200 tỉ đô la một năm, gấp đôi số tiền chúng ta chi để chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tim và gần gấp ba những gì chúng ta chi cho điều trị ung thư. Rối loạn tâm trạng và lo âu cũng đang gia tăng và có thể làm tê liệt chất lượng cuộc sống giống như các căn bệnh thần kinh khác. Khoảng 1/4 người trưởng thành ở Mỹ – hơn 26% dân số – mắc một chứng rối loạn tâm thần có thể chẩn đoán được.3 Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người Mỹ, và gần 10% dân số trưởng thành của Mỹ mắc chứng rối loạn tâm trạng cần kê đơn thuốc liều cao.4 Bệnh trầm cảm, ảnh hưởng đến 1/10 người trong số chúng ta (bao gồm 1/4 phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50), hiện là nguyên nhân hàng đầu gây ốm yếu trên toàn thế giới và các chẩn đoán đang gia tăng với tốc độ đáng kinh ngạc.5 Các loại thuốc như Prozac và Zoloft nằm trong số những loại thuốc được kê đơn thường xuyên nhất trên toàn quốc. Xin lưu ý với bạn, những loại thuốc này điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm, chứ không phải nguyên nhân, thứ vốn bị bỏ qua một cách rõ ràng. Trung bình, những người mắc bệnh tâm thần nặng, chẳng hạn rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, chết sớm hơn 25 năm so với dân số nói chung.6 (Điều này một phần là do những người này có nhiều khả năng hút thuốc, lạm dụng rượu và ma túy, và bị thừa cân với các bệnh liên quan đến béo phì bên cạnh những vấn đề về tinh thần của họ.) Đau đầu, bao gồm chứng đau nửa đầu, là một trong những chứng rối loạn phổ biến nhất của hệ thần kinh; gần một nửa dân số trưởng thành bị đau đầu ít nhất một lần mỗi tháng. Và chúng không chỉ là một sự bất tiện; chúng có liên quan đến tình trạng ốm yếu, đau khổ cá nhân, chất lượng cuộc sống bị tổn hại và tiêu tốn về tài chính.7 Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng đau đầu là dạng phiền toái rẻ tiền, đặc biệt là vì nhiều loại thuốc điều trị chúng tương đối rẻ và dễ tiếp cận (ví dụ như aspirin, acetaminophen, ibuprofen), nhưng theo Quỹ Đau Quốc gia Hoa Kỳ, chúng gây thiệt hại hơn 160 triệu ngày công mỗi năm ở Mỹ và tiêu tốn chi phí y tế khoảng 30 tỉ đô la mỗi năm.8 Theo ước tính, bệnh đa xơ cứng, một bệnh tự miễn gây tàn tật làm gián đoạn khả năng giao tiếp của hệ thần kinh, hiện ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người trên toàn thế giới, với gần nửa triệu người ở Mỹ và ngày càng trở nên phổ biến hơn.9 Chi phí suốt đời trung bình dành cho việc điều trị cho một người bị đa xơ cứng vượt quá 1,2 triệu đô la.10 Y học chính thống cho chúng ta biết rằng hiện chưa có cách chữa trị tiềm năng nào. Và còn cả chứng tự kỷ, tỉ lệ bệnh đã tăng gấp bảy đến tám lần chỉ trong 15 năm qua, khiến đây thực sự là một đại dịch thời hiện đại.11 Chắc chắn rằng, hàng trăm triệu đô la đang được chi cho những bệnh này và những căn bệnh nguy hiểm khác liên quan đến não, tuy nhiên chúng ta đang chỉ thấy được rất ít tiến bộ quý báu. Giờ tới tin tốt lành: Tri thức mới, đến từ các tổ chức uy tín nhất trên thế giới, đang phát hiện ra rằng sức khỏe não bộ và mặt trái là các bệnh về não, được quyết định, ở một mức độ phi thường, bởi những gì diễn ra trong ruột. Đúng vậy: những gì đang diễn ra trong ruột của bạn hôm nay xác định nguy cơ của bạn đối với bất kỳ căn bệnh thần kinh nào. Tôi nhận thấy điều này có thể khó hiểu; nếu bạn hỏi bác sĩ của mình về một phương pháp chữa trị đã biết cho chứng tự kỷ, đa xơ cứng, trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ, họ sẽ nói rằng không có phương pháp nào tồn tại – và có thể không bao giờ tồn tại. Đây là nơi tôi chia rẽ với hầu hết, nhưng may mắn là không phải tất cả, các đồng nghiệp của mình. Với tư cách là nhà thần kinh học, chúng tôi được đào tạo để tập trung vào những gì diễn ra trong hệ thần kinh, và cụ thể là trong não, theo cách thức tiếp cận gần. Cuối cùng, chúng tôi tự động xem các hệ thống khác trong cơ thể, ví dụ như đường tiêu hóa, như các thực thể rời rạc không liên quan đến những gì diễn ra trong não. Rốt cuộc thì, khi bị đau bụng, bạn không đến gặp bác sĩ tim mạch hay bác sĩ thần kinh. Toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh được đặc trưng bởi các chuyên khoa riêng biệt, được chia theo bộ phận cơ thể hoặc hệ thống riêng lẻ. Hầu hết các đồng nghiệp của tôi sẽ nói: “Những gì xảy ra trong ruột sẽ ở trong ruột.” Quan điểm này hoàn toàn không phù hợp với khoa học hiện tại. Hệ tiêu hóa được kết nối mật thiết với những gì diễn ra trong não. Và có lẽ khía cạnh quan trọng nhất của đường ruột có liên quan mật thiết đến sức khỏe chung và sức khỏe tinh thần của bạn là hệ sinh thái bên trong của nó – các vi sinh vật khác nhau sống bên trong nó, đặc biệt là vi khuẩn. GẶP GỠ HỆ VI SINH CỦA BẠN Từ trước đến nay, chúng ta được dạy rằng hãy coi vi khuẩn là tác nhân gây chết người. Rốt cuộc thì bệnh dịch hạch đã quét sạch gần một phần ba dân số châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 1347 đến năm 1352, và một số bệnh nhiễm khuẩn vẫn là những kẻ giết người trên toàn thế giới ngày nay. Nhưng đã đến lúc phải đón nhận một khía cạnh khác của câu chuyện vi khuẩn trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải xem xét cách một số vi sinh vật không hề gây bất lợi mà còn đóng vai trò thiết yếu cho cuộc sống. Thầy thuốc người Hy Lạp và cha đẻ của y học hiện đại, Hippocrates, lần đầu tiên nói vào thế kỷ III TCN: “Tất cả bệnh tật đều bắt đầu từ ruột.” Điều này xảy ra rất lâu trước khi nền văn minh có bất kỳ bằng chứng hoặc lý thuyết vững vàng nào để giải thích cho ý tưởng này. Chúng ta thậm chí còn không biết vi khuẩn tồn tại cho đến khi nhà khoa học và thương nhân người Hà Lan Antonie van Leeuwenhoek quan sát mảng bám răng của chính mình qua kính hiển vi thủ công vào cuối thế kỷ XVII và theo dõi một thế giới bí ẩn của thứ mà ông gọi là “vi động vật”. Ngày nay ông được coi là cha đẻ của ngành vi sinh. Vào thế kỷ XIX, nhà sinh vật học người Nga và người đoạt giải Nobel Élie Mechnikov đã tìm ra mối liên hệ trực tiếp tuyệt vời giữa tuổi thọ của con người và sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn trong cơ thể, xác nhận rằng “cái chết bắt đầu từ đại tràng”. Kể từ khám phá của ông, được thực hiện vào thời điểm mà việc trích huyết vẫn còn phổ biến, nghiên cứu khoa học ngày càng mang lại nhiều lòng tin hơn cho quan điểm rằng tới 90% tổng số bệnh tật đã biết của con người có thể bắt nguồn từ đường ruột không khỏe mạnh. Và chúng ta có thể nói chắc chắn rằng cũng giống như bệnh tật bắt đầu từ ruột, sức khỏe và sức sống cũng vậy. Mechnikov cũng là người nói rằng vi khuẩn tốt phải nhiều hơn vi khuẩn xấu. Thật không may, hầu hết mọi người ngày nay mang trong mình nhiều vi khuẩn xấu gây bệnh hơn họ nên có, thiếu một hệ vi sinh vật phong phú và đa dạng bên trong. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta mắc rất nhiều chứng rối loạn não bộ. Giá như Mechnikov còn sống đến ngày hôm nay để trở thành một phần của cuộc cách mạng y khoa tiếp theo mà ông đã cố gắng khởi động vào thế kỷ XIX. Điều này cuối cùng đang được tiến hành. Ngay bây giờ, cơ thể bạn bị vô số sinh vật xâm chiếm với số lượng nhiều hơn các tế bào của chính bạn khoảng 10 lần (may mắn thay, các tế bào của chúng ta lớn hơn nhiều, vì vậy những sinh vật đó không nặng hơn chúng ta mười lần!). Khoảng hàng trăm nghìn tỉ sinh vật vô hình này bao phủ bên trong và bên ngoài cơ thể bạn, phát triển mạnh trong miệng, mũi, tai, ruột, cơ quan sinh dục và mọi nơi trên da của bạn. Nếu bạn có thể tách riêng tất cả các vi sinh vật đó, chúng sẽ lấp đầy một thùng chứa gần hai lít. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được khoảng 10.000 loài vi sinh vật, và bởi vì mỗi vi khuẩn có chứa DNA riêng của nó, con số đó chuyển thành hơn tám triệu gen. Nói cách khác, đối với mỗi gen người trong cơ thể bạn, có ít nhất 360 gen vi sinh vật.12 Hầu hết các sinh vật này sống trong đường tiêu hóa của bạn, và trong khi chúng bao gồm nấm và virus, có vẻ như các loài vi khuẩn trú ngụ bên trong bạn thống trị và đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ mọi khía cạnh có thể hình dung được của sức khỏe. Và bạn không chỉ tương tác với những sinh vật này mà còn với vật chất di truyền của chúng. Chúng tôi gọi hệ sinh thái phức tạp phát triển bên trong chúng ta và dấu vết di truyền của nó là hệ vi sinh (vi có nghĩa là “nhỏ” hoặc “cực nhỏ”, hệ sinh vật chỉ một cộng đồng sinh vật có mặt tự nhiên chiếm giữ một môi trường sống lớn – trong trường hợp này là cơ thể người). Mặc dù bộ gen người của tất cả chúng ta gần như giống nhau, ngoại trừ một số ít gen mã hóa các đặc điểm cá nhân như màu tóc hoặc nhóm máu, hệ vi sinh đường ruột của ngay cả các cặp song sinh giống hệt nhau là rất khác nhau. Nghiên cứu về y dược hiện đang thừa nhận rằng trạng thái của hệ vi sinh vật rất quan trọng đối với sức khỏe con người – với ý nghĩa sâu sắc về việc bạn có sống khỏe mạnh đến già hay không – đến mức tự bản thân nó nên được coi là một cơ quan nội tạng. Và đó là một cơ quan đã trải qua những thay đổi căn bản trong hơn hai triệu năm qua. Chúng ta đã tiến hóa để có mối quan hệ cộng sinh mật thiết với những cư dân vi sinh vật này, những kẻ đã tham gia tích cực vào việc định hình quá trình tiến hóa của chúng ta kể từ buổi bình minh của loài người (và thực sự, chúng đã sống trên hành tinh này hàng tỉ năm trước khi chúng ta xuất hiện). Đồng thời, chúng đã thích nghi và thay đổi để đáp ứng với môi trường mà chúng ta đã tạo ra cho chúng bên trong cơ thể mình. Ngay cả sự biểu hiện của các gen trong mỗi tế bào của chúng ta cũng bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó bởi những vi khuẩn này và các sinh vật khác sống trong chúng ta. Tầm quan trọng của hệ vi sinh đã thúc đẩy Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khởi động Dự án Hệ vi sinh vật ở người vào năm 2008 như một phần mở rộng của Dự án Hệ gen người.13 Một số nhà khoa học giỏi nhất của Mỹ đã được giao nhiệm vụ khám phá những thay đổi trong hệ vi sinh vật liên quan đến sức khỏe và bệnh tật ở chiều ngược lại. Hơn nữa, họ đang nghiên cứu những gì có thể được thực hiện với thông tin này để giúp đảo ngược nhiều vấn đề sức khỏe khó khăn nhất của chúng ta. Mặc dù dự án đang nghiên cứu một số bộ phận của cơ thể chứa vi khuẩn, bao gồm cả da, nhưng lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn nhất tập trung vào ruột vì đây là nơi sinh sống của hầu hết các vi khuẩn trong cơ thể và như bạn sắp khám phá, là cơ quan quan trọng nhất chi phối toàn bộ chức năng sinh lý của cơ thể. Hiện không thể phủ nhận rằng các sinh vật đường ruột của chúng ta tham gia vào nhiều hoạt động sinh lý khác nhau, bao gồm vận hành hệ miễn dịch, giải độc, viêm, dẫn truyền thần kinh và sản xuất vitamin, hấp thụ chất dinh dưỡng, báo hiệu đói hay no cũng như sử dụng carbohydrate và chất béo. Tất cả những quá trình này ảnh hưởng rất nhiều đến việc chúng ta có bị dị ứng, hen suyễn, ADHD, ung thư, tiểu đường, sa sút trí tuệ hay không. Hệ vi sinh ảnh hưởng đến tâm trạng, ham muốn tình dục, sự trao đổi chất, khả năng miễn dịch và thậm chí cả nhận thức về thế giới và sự rõ ràng trong suy nghĩ của chúng ta. Nó giúp xác định xem chúng ta béo hay gầy, năng động hay lờ đờ. Nói một cách đơn giản, mọi thứ về sức khỏe của chúng ta – cách chúng ta cảm nhận cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất – đều phụ thuộc vào trạng thái của hệ vi sinh. Nó có lành mạnh và chiếm đa số là cái gọi là vi khuẩn có lợi, thân thiện không? Hay nó bị bệnh và bị áp đảo bởi vi khuẩn xấu, không thân thiện? Có lẽ không có hệ thống nào trong cơ thể nhạy cảm với những thay đổi của vi khuẩn đường ruột hơn hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não. Vào năm 2014, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ đã chi hơn một triệu đô la cho một chương trình nghiên cứu mới tập trung vào sự kết nối hệ vi sinh vật-não bộ.14 Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe hệ vi sinh của chúng ta và do đó là sức khỏe của não bộ, nuôi dưỡng hệ vi sinh lành mạnh ngày nay dễ dàng hơn bạn nghĩ. Tôi đã đưa ra tất cả phỏng đoán với các đề xuất được trình bày trong cuốn sách này. Tôi đã thấy những thay đổi đáng kể về sức khỏe với những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống và đôi khi là các kỹ thuật tích cực hơn để thiết lập lại một hệ vi sinh khỏe mạnh. Ví dụ, một quý ông bị đa xơ cứng nặng đến mức phải ngồi xe lăn và đặt ống thông bàng quang. Sau khi điều trị, ông không chỉ tạm biệt với ống thông và lấy lại khả năng đi lại không cần hỗ trợ, mà bệnh đa xơ cứng của ông đã thuyên giảm hoàn toàn. Hoặc hãy xem xét Jason, cậu bé 12 tuổi mắc chứng tự kỷ nặng, người hầu như không thể nói thành câu. Trong Chương 5, bạn sẽ biết cách cậu bé biến đổi về mặt thể chất thành một cậu bé hấp dẫn sau một phác đồ lợi khuẩn mạnh mẽ. Và tôi rất nóng lòng muốn chia sẻ với bạn vô số câu chuyện của những cá nhân gặp vô số khó khăn về sức khỏe – từ đau mạn tính, mệt mỏi và trầm cảm đến rối loạn ruột nghiêm trọng và các bệnh tự miễn – những người mà các triệu chứng đã biến mất hoàn toàn sau khi điều trị. Họ đã đi từ việc có một cuộc sống với chất lượng tồi tệ đến việc có được cơ hội thứ hai. Một số người thậm chí còn đi từ ý nghĩ tự tử đến lần đầu tiên cảm thấy mãn nguyện và hoạt bát. Những câu chuyện này không phải là trường hợp ngoại lệ đối với tôi, nhưng theo thước đo tiêu chuẩn về những gì thường được mong đợi, chúng có vẻ gần như kỳ diệu. Tôi chứng kiến những câu chuyện này hằng ngày và tôi biết rằng bạn cũng có thể thay đổi tích cực số phận của bộ não thông qua sức khỏe đường ruột của mình. Trong cuốn sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm thế nào. Mặc dù bạn có thể không gặp phải những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng và liên tục, mà cần điều trị bằng thuốc men hoặc liệu pháp chuyên sâu, nhưng hệ vi sinh bị rối loạn chức năng có thể là căn nguyên của chứng đau đầu khó chịu, lo lắng, mất khả năng tập trung hoặc cái nhìn tiêu cực về cuộc sống của bạn. Dựa trên các nghiên cứu lâm sàng và phòng thí nghiệm của các nhà khoa học, cũng như những kết quả phi thường mà tôi đã thấy đi thấy lại hoặc nghe nói đến tại các hội nghị y khoa thu hút các bác sĩ và nhà khoa học giỏi nhất trên khắp thế giới, tôi sẽ cho bạn biết những gì chúng tôi biết và làm thế nào chúng ta có thể tận dụng kiến thức này. Tôi cũng sẽ đưa ra những hướng dẫn mang tính thực tiễn cao và toàn diện để thay đổi sức khỏe đường ruột của bạn và theo đó là sức khỏe nhận thức của bạn để cuộc sống của bạn có thể thêm nhiều năm đầy sức sống. Và lợi ích không dừng lại ở đó. Tri thức mới này có thể giúp ích với tất cả những bệnh sau: • Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD) • Hen suyễn • Tự kỷ • Dị ứng và mẫn cảm thực phẩm • Mệt mỏi mạn tính • Rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm và lo âu • Tiểu đường, thèm đường và carbohydrate • Thừa cân và béo phì, cũng như gặp khó khăn trong việc giảm cân • Các vấn đề về trí nhớ và kém tập trung • Táo bón và tiêu chảy mạn tính • Cảm lạnh hay các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp • Rối loạn đường ruột, bao gồm bệnh celiac, hội chứng viêm đại tràng kích thích và bệnh Crohn • Mất ngủ • Sưng đau khớp và viêm khớp • Huyết áp cao • Xơ vữa động mạch • Các bệnh nhiễm nấm mạn tính • Các bệnh về da như mụn và chàm • Hơi thở có mùi hôi, bệnh về lợi và răng • Hội chứng Tourette • Các triệu chứng kinh nguyệt nhiều và mãn kinh • Và rất nhiều bệnh khác Trên thực tế, kiến thức mới này có thể giúp ích cho hầu hết mọi tình trạng thoái hóa hoặc viêm. Trong các trang tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá điều gì tạo nên một hệ vi sinh khỏe mạnh và điều gì khiến một hệ vi sinh tốt trở nên xấu đi. Bài kiểm tra ở trang 18 sẽ cho bạn biết các yếu tố nào về lối sống và quan điểm sống có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và chức năng của hệ vi sinh. Và một điều bạn sẽ nhanh chóng nắm bắt được là thực phẩm thực sự quan trọng. BẠN LÀ THỨ MÀ BẠN ĂN Ý tưởng rằng thực phẩm là biến số quan trọng nhất đối với sức khỏe con người không phải là tin tức mới. Như câu ngạn ngữ cũ: “Hãy để đồ ăn là thuốc và thuốc là đồ ăn của bạn.”15 Bất kỳ ai cũng có thể thay đổi trạng thái của hệ vi sinh vật – và số phận sức khỏe của họ – thông qua các lựa chọn chế độ ăn uống. Gần đây tôi đã có cơ hội được phỏng vấn Tiến sĩ Alessio Fasano, ông hiện đang là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y khoa Harvard và Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiêu hóa Nhi khoa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Ông được công nhận là nhà lãnh đạo tư tưởng toàn cầu về khoa học hệ vi sinh. Chúng tôi đã nói về các yếu tố làm thay đổi vi khuẩn đường ruột, và ông đã nói rõ với tôi rằng chắc chắn yếu tố quan trọng nhất liên quan đến sức khỏe và sự đa dạng của hệ vi sinh là thực phẩm chúng ta ăn. Và những gì chúng ta ăn thể hiện thách thức môi trường lớn nhất đối với bộ gen và hệ vi sinh của chúng ta. Thật là một sự tán thành lớn cho quan điểm rằng thực phẩm quan trọng, vượt trội hơn các hoàn cảnh khác trong cuộc sống mà chúng ta có thể không hoàn toàn kiểm soát được. Như tôi đã mô tả trong cuốn sách Grain Brain* trước đây của mình, hai tác nhân chính dẫn đến thoái hóa não là viêm mạn tính và hoạt động của các gốc tự do, mà ở thời điểm hiện tại bạn có thể coi là sản phẩm phụ của quá trình viêm khiến cơ thể “gỉ sét”. Ăn gì bổ não có một cái nhìn mới về các cơ chế này và cách chúng bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn đường ruột và sức khỏe đường ruột của bạn. Trên thực tế, hệ vi sinh đường ruột của bạn có liên quan mật thiết đến tình trạng viêm và việc liệu bạn có thể chống lại các gốc tự do hay không. Nói cách khác, trạng thái của hệ vi sinh vật quyết định liệu cơ thể bạn có đang thổi bùng ngọn lửa viêm hay dập tắt chúng. * Grain brain: Sự thật tàn khốc về cách đường và tinh bột tàn phá não bộ của chúng ta, Nxb Thế giới và AZbooks, 2021. Viêm mạn tính và tổn thương do các gốc tự do là những khái niệm nằm ở vị trí hàng đầu và trung tâm trong khoa học thần kinh ngày nay, nhưng không có thuốc men nào có thể so sánh được với một chế độ ăn hợp lý cho việc quản lý vi khuẩn đường ruột của bạn. Tôi sẽ giải thích về chế độ ăn đó từng bước một. Rất may, cộng đồng vi sinh vật đường ruột rất dễ phục hồi chức năng. Các nguyên tắc nêu trong cuốn sách này sẽ thay đổi hệ sinh thái bên trong cơ thể bạn để tăng cường sự phát triển của đúng loại sinh vật duy trì não bộ. Chế độ mang tính thực tiễn cao này bao gồm sáu chìa khóa thiết yếu: prebiotic, probiotic, thực phẩm lên men, thực phẩm ít carbohydrate, thực phẩm không chứa gluten và chất béo lành mạnh. Tôi sẽ giải thích mỗi yếu tố này đóng vai trò như thế nào đối với sức khỏe của hệ vi sinh vật vì lợi ích của não bộ. Hơn hết, bạn có thể gặt hái được thành quả của chế độ ăn bổ não trong vòng vài tuần. CHUẨN BỊ Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì rằng bằng cách nắm bắt thông tin này, chúng ta sẽ hoàn toàn cách mạng hóa việc điều trị các bệnh lý thần kinh. Và tôi không thể diễn tả bằng lời rằng tôi cảm thấy vinh dự như thế nào khi có thể giới thiệu những khám phá này với công chúng, tiết lộ tất cả dữ liệu đang được lưu hành âm thầm trong các tài liệu y khoa. Bạn sẽ trân trọng việc hệ vi sinh vật của mình sau cùng chính là tạo hóa của não bộ. Các khuyến nghị của tôi trong cuốn sách này được thiết kế để điều trị và ngăn ngừa các rối loạn não bộ; giảm bớt sự ủ rũ, lo lắng và trầm cảm; tăng cường hệ miễn dịch và giảm bệnh tự miễn; cải thiện các chứng rối loạn chuyển hóa, bao gồm bệnh tiểu đường và béo phì, những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ lâu dài. Tôi sẽ mô tả các khía cạnh trong cuộc sống mà bạn có thể không bao giờ đoán được có ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ của mình. Tôi sẽ thảo luận về tầm quan trọng của câu chuyện ra đời của bạn, về chế độ dinh dưỡng và các loại thuốc được kê khi còn nhỏ cũng như thói quen vệ sinh của bạn (ví dụ: việc bạn sử dụng dung dịch sát khuẩn tay). Tôi sẽ khám phá xem vi khuẩn đường ruột khác nhau như thế nào giữa các quần thể trên khắp thế giới và sự khác nhau này gây ra bởi sự khác biệt trong chế độ ăn uống ra sao. Tôi thậm chí sẽ đưa bạn qua những gì tổ tiên của chúng ta đã ăn hàng nghìn năm trước và điều này liên quan như thế nào đến nghiên cứu mới về hệ vi sinh. Chúng ta sẽ xem xét khái niệm đô thị hóa: nó đã thay đổi cộng đồng sinh thái bên trong của chúng ta như thế nào? Liệu việc các thành phố được vệ sinh có dẫn đến tỉ lệ bệnh tự miễn tăng lên không? Tôi tin rằng bạn sẽ thấy cuộc thảo luận này vừa khai sáng vừa trao cho bạn sức mạnh. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách prebiotic sinh ra từ thực phẩm – nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiên liệu cho các vi khuẩn có lợi sống trong ruột của bạn – đóng vai trò cơ bản trong việc bảo vệ sức khỏe bằng cách duy trì sự cân bằng và đa dạng của vi khuẩn đường ruột. Các loại thực phẩm như tỏi, atisô Jerusalem, củ đậu, và thậm chí cả lá bồ công anh, cũng như các loại thực phẩm lên men như dưa cải bắp, kombucha và kim chi, mở ra cánh cửa giúp tăng cường sức khỏe nói chung, cũng như hoạt động và bảo vệ não bộ nói riêng. Mặc dù probiotic (lợi khuẩn) hiện đã trở nên phổ biến trong nhiều sản phẩm thực phẩm và có thể được tìm thấy trong các cửa hàng tạp hóa thông thường, biết cách điều hướng tất cả các lựa chọn là một việc hữu ích – đặc biệt là khi bạn phải đối mặt với quảng cáo “tốt cho đường ruột”. Tôi sẽ giúp bạn làm điều đó, giải thích khoa học đằng sau lợi khuẩn và cách chọn loại tốt nhất. Tất nhiên, các thói quen lối sống khác cũng được tính vào phương trình. Ngoài việc khám phá sự tương tác giữa hệ vi sinh và não bộ, chúng ta sẽ biết đến một ngành học mới: y học biểu sinh. Ngành khoa học này nghiên cứu cách các lựa chọn lối sống như chế độ ăn uống, tập thể dục, ngủ và quản lý căng thẳng ảnh hưởng đến sự biểu hiện gen của chúng ta và ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến sức khỏe não bộ. Tôi cũng sẽ chia sẻ với bạn vai trò của ti thể trong các rối loạn não bộ, từ quan điểm của hệ vi sinh vật. Ti thể là những cấu trúc nhỏ xíu bên trong tế bào của chúng ta, nó có DNA riêng tách biệt với DNA trong nhân tế bào. Trên thực tế, ti thể có thể được coi là chiều thứ ba đối với hệ vi sinh của chúng ta; chúng có mối quan hệ độc đáo với hệ vi sinh vật trong ruột của chúng ta. Phần I và II sẽ cung cấp nền tảng bạn cần để bắt tay vào chương trình phục hồi chức năng não bộ của tôi trong Phần III. Tôi đã cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin trong phần giới thiệu này. Tôi hy vọng mình đã bắt đầu kích thích sự thèm muốn của bạn đối với việc tìm hiểu và nắm bắt lĩnh vực y học hoàn toàn mới này, một phương pháp mới để duy trì sức khỏe não bộ. Không gì ngoài một tương lai mạnh mẽ hơn, tươi sáng hơn, khỏe mạnh hơn đang chờ đón bạn. Bắt đầu nào. THỬ BẢN LĨNH Các yếu tố rủi ro của bạn là gì? T rong khi không có một xét nghiệm nào hiện có sẵn để cho bạn biết một cách chính xác về tình trạng hệ vi sinh, bạn có thể thu thập thông tin bằng cách trả lời một vài câu hỏi đơn giản. Những câu hỏi này cũng có thể giúp bạn hiểu những trải nghiệm nào trong cuộc sống của bạn – từ khi sinh ra đến giờ – có thể đã ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột của mình. Lưu ý: Mặc dù các bộ dụng cụ xét nghiệm vi sinh đang bắt đầu xuất hiện trên thị trường, tôi cho rằng chưa có nghiên cứu nào về việc biết kết quả thực sự có ý nghĩa gì (lành mạnh so với không lành mạnh) và những yếu tố rủi ro nào bạn phải chịu. Trong tương lai, tôi chắc chắn sẽ có thể thiết lập các thông số dựa trên bằng chứng và các mối tương quan được xác định giữa các vi sinh vật được định danh và các điều kiện hiện hữu. Nhưng hiện tại đây là lĩnh vực khó khăn; vẫn còn quá sớm để biết liệu một số mô hình nhất định về hệ vi sinh đường ruột đang được nghiên cứu có liên quan đến bệnh X hoặc rối loạn Y là một phần nguyên nhân hay hậu quả của những tình trạng đó. Tuy vậy, những bộ dụng cụ này có thể hữu ích cho việc đánh giá sự đa dạng và thành phần chung của hệ vi sinh. Nhưng ngay cả khi đó, thật khó để nói rằng một cấu trúc hệ vi sinh nhất định xác định bạn là “khỏe mạnh”. Và tôi không muốn bạn cố gắng tự mình hiểu kết quả từ các xét nghiệm như vậy mà không có sự hướng dẫn thích hợp của các chuyên gia y tế được đào tạo, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, hiện tại, tôi sẽ tạm dừng cho đến khi có thông báo mới về những bộ dụng cụ này. Các câu hỏi dưới đây sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều dữ liệu cá nhân có thể giúp bạn hiểu về các yếu tố rủi ro của mình. Đừng lo lắng nếu bạn thấy mình trả lời có cho hầu hết các câu hỏi này. Bạn càng có nhiều câu trả lời có, nguy cơ có một hệ vi sinh vật bị bệnh hoặc rối loạn chức năng càng cao, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn, nhưng bạn chưa tới số đâu. Toàn bộ quan điểm của tôi khi viết cuốn sách này là trao quyền cho bạn để phụ trách sức khỏe đường ruột và theo đó là sức khỏe não bộ của bạn. Nếu bạn không biết câu trả lời cho một câu hỏi, hãy bỏ qua nó. Và nếu bất kỳ câu hỏi cụ thể nào khiến bạn lo lắng hoặc khiến bạn đặt thêm câu hỏi, hãy yên tâm, tôi sẽ trả lời chúng trong các chương sắp tới. Hiện tại, chỉ cần trả lời những câu hỏi này trong khả năng tốt nhất của bạn. 1. Mẹ bạn có uống thuốc kháng sinh khi đang mang thai bạn không? 2. Mẹ bạn có dùng các loại steroid như prednisone khi đang mang thai bạn không? 3. Bạn được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai? 4. Bạn có bú sữa mẹ ít hơn một tháng không? 5. Bạn có bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn về tai và/hoặc họng thường xuyên khi còn nhỏ không? 6. Bạn có phải dùng ống tai khi còn nhỏ không? 7. Bạn đã cắt amidan chưa? 8. Bạn đã bao giờ cần dùng thuốc steroid trong hơn một tuần, bao gồm thuốc hít steroid đường mũi hay đường thở chưa? 9. Bạn có dùng thuốc kháng sinh ít nhất hai đến ba năm một lần không? 10. Bạn có dùng thuốc kháng axit (để tiêu hóa hoặc chống trào ngược) không? 11. Bạn có mẫn cảm với gluten không? 12. Bạn có bị dị ứng thực phẩm không? 13. Bạn có nhạy cảm với các hóa chất thường có trong các sản phẩm hằng ngày không? 14. Bạn có được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn không? 15. Bạn có bị bệnh tiểu đường type 2 không? 16. Bạn có thừa hơn 9 kg cân nặng không? 17. Bạn có bị hội chứng ruột kích thích không? 18. Bạn có bị tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng ít nhất một lần một tháng không? 19. Bạn có yêu cầu uống thuốc nhuận tràng ít nhất một lần một tháng không? 20. Bạn có bị trầm cảm không? Tôi cá là bây giờ bạn đang tò mò xem tất cả những điều này có nghĩa là gì. Cuốn sách này sẽ cho bạn biết mọi thứ bạn muốn – và cần – biết, và nhiều hơn thế nữa. PHẦN I LÀM QUEN VỚI HÀNG TRĂM NGHÌN TỈ NGƯỜI BẠN C húng không có mắt, tai, mũi hay răng. Chúng không có các chi, tim, gan, phổi hay não. Chúng không thở hay ăn như chúng ta. Bạn thậm chí không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Nhưng đừng đánh giá thấp chúng. Một mặt, vi khuẩn đơn giản đến kinh ngạc, mỗi vi khuẩn chỉ bao gồm một tế bào duy nhất. Mặt khác, chúng cực kỳ phức tạp, thậm chí tinh vi theo nhiều cách, và chúng là một nhóm sinh vật hấp dẫn. Đừng để kích thước quá nhỏ của chúng đánh lừa bạn. Một số vi khuẩn có thể sống ở nhiệt độ có thể đun sôi máu của bạn, và những vi khuẩn khác phát triển mạnh ở những nơi dưới nhiệt độ đông lạnh. Một loài thậm chí có thể chịu được mức độ bức xạ lớn hơn hàng nghìn lần mức bạn có thể chịu được. Những tế bào sống siêu nhỏ này ăn mọi thứ từ đường và tinh bột đến ánh sáng mặt trời và lưu huỳnh. Vi khuẩn là nền tảng của mọi sự sống trên Trái đất. Chúng là dạng sống ban đầu của hành tinh và có thể sẽ là cuối cùng. Tại sao vậy? Chắc chắn không sinh vật sống nào có thể tồn tại mà không có chúng, kể cả bạn. Mặc dù có lẽ bạn quen với thực tế là một số vi khuẩn có thể gây bệnh và thậm chí gây tử vong, bạn có thể không quen được với phía bên kia của câu chuyện – rằng mỗi nhịp tim, nhịp thở và sự kết nối tế bào thần kinh giúp vi khuẩn duy trì sự sống của con người. Những vi khuẩn này không chỉ cùng tồn tại với chúng ta – bao phủ bên trong và bên ngoài của chúng ta – mà còn giúp cơ thể chúng ta thực hiện một loạt các chức năng cần thiết cho sự tồn tại của mình. Trong Phần I, chúng ta sẽ khám phá hệ vi sinh vật của con người – nó là gì, cách thức hoạt động và mối quan hệ đáng kinh ngạc giữa cộng đồng vi sinh vật trong ruột với não của bạn. Bạn sẽ biết được một loạt các căn bệnh như tự kỷ, trầm cảm, sa sút trí tuệ và thậm chí ung thư có nhiều điểm chung như thế nào, nhờ vi khuẩn đường ruột. Chúng ta cũng sẽ xem xét các yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một hệ vi sinh khỏe mạnh, cũng như những yếu tố có thể phá hủy nó. Bạn sẽ sớm bắt đầu thấy rằng chúng ta có thể mắc các bệnh dịch hiện đại, từ béo phì đến bệnh Alzheimer, khi hệ vi sinh của chúng ta bị bệnh và rối loạn chức năng. Đến cuối phần này, bạn sẽ có một sự trân trọng mới đối với vi khuẩn đường ruột của mình và cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh cho tương lai sức khỏe của bạn. CHƯƠNG 1 Chào mừng Những người bạn vi sinh từ khi bạn sinh ra đến khi chết đi Đ âu đó trên một hòn đảo xinh đẹp ở Hy Lạp thuộc vùng biển Aegea, một bé trai ra đời một cách tự nhiên ở nhà. Bé bú sữa mẹ trong hai năm. Lớn lên. Cậu bé không có được nhiều sự tiện nghi hiện đại của nền văn hóa Mỹ. Đồ ăn nhanh, nước ép trái cây và soda là những thứ vô cùng lạ lẫm với cậu. Các bữa ăn của cậu bao gồm chủ yếu là rau từ khu vườn của gia đình, những loại thịt cá địa phương, sữa chua tự làm, các loại hạt và rất nhiều dầu ôliu. Cậu dành những tháng ngày tuổi thơ theo học ở một ngôi trường nhỏ và giúp đỡ cha mẹ ở trang trại của họ, nơi họ trồng rau, thảo mộc để làm trà và nho để làm rượu. Không khí trong lành và không có ô nhiễm. Khi cậu bị ốm, cha mẹ cho cậu một thìa đầy mật ong địa phương, vì không phải lúc nào cũng có thuốc kháng sinh. Cậu sẽ không bao giờ bị chẩn đoán tự kỷ, hen suyễn hay rối loạn tăng động giảm chú ý. Cậu bé có thân hình cân đối và mảnh khảnh nhờ hoạt động thường xuyên. Các gia đình không ngồi trên ghế dài mỗi tối; họ thường giao lưu với hàng xóm và nhảy theo nhạc. Cậu bé này có lẽ sẽ chẳng bao giờ phải đối mặt với một bệnh về não bộ nghiêm trọng nào như trầm cảm hay Alzheimer. Thực tế, cậu chắc hẳn sẽ sống tới khi già nua, bởi hòn đảo quê hương cậu, Ikaria, là nơi có tỉ lệ người ở tuổi 90 cao nhất hành tinh – gần một phần ba người dân sống đến thập niên thứ mười với sức khỏe thể chất và tinh thần mạnh mẽ.1 Họ cũng có số ca mắc ung thư ít hơn 20%, một nửa số ca bệnh tim, và gần như không có người mắc chứng mất trí nhớ. Giờ hãy tới bất kỳ thành phố nào ở Mỹ, nơi một bé gái được sinh ra. Cô bé chào đời qua một ca sinh mổ theo nguyện vọng và được uống sữa công thức hoàn toàn. Cô bé mắc nhiều bệnh nhiễm trùng khi còn nhỏ – từ viêm tai mạn tính cho tới viêm họng và xoang – và được chữa bằng thuốc kháng sinh; cô bé dùng thuốc kháng sinh ngay cả khi bị cảm lạnh thông thường. Tuy được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng tốt nhất thế giới, chế độ ăn của bé tràn ngập đồ ăn chế biến sẵn, đường tinh luyện, và những chất béo thực vật không lành mạnh. Tới sáu tuổi, cô bé thừa cân và được chẩn đoán tiền béo phì. Cô bé lớn lên thành một người sử dụng đồ điện tử thành thạo và dành phần lớn thời gian tuổi trẻ ở một ngôi trường nghiêm khắc. Nhưng giờ cô phải dùng thuốc chống lo âu, mắc nhiều vấn đề về hành vi, và thường xuyên vật lộn với việc học tập do thiếu khả năng tập trung. Khi trường thành, cô bé sẽ có nguy cơ cao mắc những bệnh chết người liên quan đến não, bao gồm rối loạn tâm trạng và lo âu, đau nửa đầu và các chứng rối loạn tự miễn như đa xơ cứng. Và khi nhiều tuổi hơn nữa, cô có thể mắc bệnh Parkinson hay Alzheimer. Ở Mỹ, những sát thủ hàng đầu đều có liên quan đến các bệnh mạn tính, như chứng mất trí nhớ, căn bệnh hiếm thấy ở trên hòn đảo Hy Lạp kia. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Trong vài năm qua, nghiên cứu mới đã cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa những gì chúng ta tiếp xúc từ những năm đầu đời và sức khỏe ngắn hạn cũng như dài hạn của bản thân. Các nhà khoa học đã xem xét kỹ lưỡng các mối liên hệ giữa trạng thái hệ vi sinh trong người và tình trạng sức khỏe của một người. Câu trả lời cho câu hỏi nằm ở sự khác biệt giữa các trải nghiệm đầu đời của hai đứa trẻ, và một phần trong trải nghiệm đó, nói rộng ra, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hệ vi sinh của riêng chúng, những cộng đồng vi sinh vật tồn tại trong cơ thể chúng từ khi sinh ra và có vai trò then chốt trong sức khỏe và chức năng não bộ trong suốt cuộc đời. Hiển nhiên, tôi đã có những quan điểm riêng trong trường hợp giả định này. Có hằng hà sa số các yếu tố dẫn tới tuổi thọ của bất kỳ người nào và nguy cơ mắc một vài căn bệnh nhất định trong cuộc đời của họ. Nhưng ngay lúc này, hãy tập trung vào thực tế rằng những trải nghiệm đầu đời của cô bé đã đặt ra một hướng đi khác hoàn toàn về phương diện sức khỏe não bộ so với cậu bé kia. Và vâng, hòn đảo Hy Lạp đó thực sự tồn tại. Ikaria nằm cách bờ phía tây Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 50 km. Nó cũng được biết đến như một Vùng Xanh, một nơi mà con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn đáng kể so với hầu hết chúng ta ở thế giới phát triển phương Tây. Họ thường uống rượu vang và cà phê hằng ngày, vẫn năng động trong một thời gian dài sau tuổi 80, và tinh thần nhạy bén cho tới cuối đời. Một nghiên cứu nổi tiếng đã chỉ ra rằng những người đàn ông ở Ikaria có khả năng sống tới tuổi 90 cao gấp bốn lần so với đàn ông Mỹ, và thường có sức khỏe tốt hơn.2 Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng họ sống lâu hơn tới một thập niên trước khi mắc các bệnh tim mạch và ung thư, và họ không mắc chứng trầm cảm nhiều. Tỉ lệ suy giảm nhận thức ở những người trên 80 tuổi chỉ bằng một phần nhỏ so với người Mỹ cùng độ tuổi. Tôi chắc rằng khi khoa học giải quyết được vấn đề giữa hai nơi khác biệt rõ rệt này, và chúng ta có thể chỉ ra nguồn cơn của những vấn đề về sức khỏe tại đây ở Mỹ, hệ vi sinh của con người sẽ đi đầu. Tôi sẽ chứng minh cho bạn rằng nó đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe ngang với oxy và nước. Vậy những vi sinh vật trong bụng bạn có ảnh hưởng gì tới não bộ và các bệnh liên quan? Nhiều hơn bạn tưởng đấy. AI CHỊU TRÁCH NHIỆM? NHỮNG VI SINH VẬT TRONG RUỘT BẠN Có lẽ không có từ nào tốt hơn để chỉ những vi sinh vật sống trong ruột và giúp bạn tiêu hóa bằng từ siêu anh hùng. Dù có ít nhất 10.000 loài khác nhau chung sống trong ruột người, một vài chuyên gia cho rằng con số này có thể vượt quá 35.000 loài.3 Các công nghệ mới cuối cùng đã xuất hiện để giúp các nhà khoa học xác định mọi loài, rất nhiều trong số đó không thể nuôi cấy được trong phòng thí nghiệm bằng các phương pháp truyền thống. Trong thảo luận này, chúng ta sẽ tập trung cụ thể vào vi khuẩn; chúng chiếm phần lớn lượng vi sinh trong ruột của bạn, cùng với nấm men, virus, sinh vật đơn bào và các ký sinh trùng nhân thực mà cũng đóng vai trò quan trọng, có lợi cho sức khỏe. Nhìn chung, chính vi khuẩn là những nhân tố chủ chốt của cơ thể trong hoạt động cùng với chức năng sinh lý học của bạn – đặc biệt là hệ thần kinh. Xếp cùng nhau, các vi khuẩn trong ruột bạn có thể nặng khoảng 1,3 đến 1,8 kg, tương đương với khối lượng bộ não của bạn (một nửa khối lượng phân của bạn tạo nên từ các vi khuẩn bị thải loại).4 Nhớ lại thời trung học khi bạn học về hệ tiêu hóa, bạn đã được biết nó phân giải đồ ăn thành chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thụ như thế nào. Bạn đã đọc về các axit và enzyme trong dạ dày, cũng như các hormone giúp chỉ dẫn quá trình này. Bạn có thể đã phải ghi nhớ các bước mà một miếng đồ ăn điển hình đi từ miệng tới hậu môn. Bạn có thể đã học sâu tới mức hiểu cách mà glucose – phân tử đường – đi vào các tế bào để tạo ra năng lượng. Nhưng có lẽ bạn chưa bao giờ nghe về hệ sinh thái đa dạng sống bên trong đường tiêu hóa của mình, mà gần như điều hành toàn bộ hệ thống trong cơ thế. Bạn cũng không phải làm bài kiểm tra về các vi khuẩn đường ruột mà DNA của chúng có thể có tác động lớn tới sức khỏe của bạn hơn cả DNA của chính bạn. Tôi biết, điều này gần như không thể tin nổi. Nghe có vẻ điên rồ, như khoa học viễn tưởng vậy. Nhưng nghiên cứu đã chỉ rõ: Những vi sinh vật trong ruột bạn cũng có thể được coi là một nội tạng theo cách riêng của chúng. Và chúng cũng có vai trò sống còn đối với sức khỏe của bạn giống như trái tim, cặp phổi, gan và não. Nghiên cứu mới nhất cho chúng ta biết rằng hệ vi khuẩn đường ruột cư trú trên các nếp gấp mỏng manh của thành ruột: • Hỗ trợ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. • Tạo nên một rào chắn vật lý chống lại những kẻ xâm nhập như các vi khuẩn có hại (vi sinh vật gây bệnh), các virus xấu và các ký sinh trùng gây tổn thương. Một vài loại vi khuẩn có các sợi lông để giúp chúng bơi; những “roi”, tên gọi của các sợi này, gần đây đã được chứng minh là chặn các rotavirus dạ dày trên đường đi của nó.5 • Hoạt động như một cỗ máy khử độc. Những vi sinh vật trong ruột đóng vai trò ngăn ngừa nhiễm trùng và có tác dụng như một hàng phòng thủ trước nhiều loại độc tố xuống tới ruột của bạn. Trên thực tế, bởi vì chúng vô hiệu hóa nhiều loại độc tố trong thức ăn, chúng có thể được coi là lá gan thứ hai. Do vậy khi giảm lượng vi khuẩn có lợi trong ruột, bạn đã tăng cường độ làm việc của gan. • Ảnh hưởng lớn tới sự đáp ứng của hệ miễn dịch. Trái ngược với những gì bạn tưởng, ruột là cơ quan lớn nhất của hệ miễn dịch. Hơn nữa, vi khuẩn có thể hướng dẫn và hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách điểu khiển một số tế bào miễn dịch nhất định và ngăn chặn sự tự miễn (một trạng thái mà cơ thể tấn công các mô của chính nó). • Sản xuất và tiết ra các enzyme và chất quan trọng, cũng như các hóa chất cho não bộ, bao gồm các vitamin và các chất dẫn truyền thần kinh. • Giúp bạn đương đầu với sự căng thẳng qua các tác động của hệ vi khuẩn lên hệ nội tiết – hormone. • Hỗ trợ bạn có được giấc ngủ ngon. • Giúp kiểm soát các con đường gây viêm của cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến nguy cơ đối với hầu như tất cả các loại bệnh mạn tính. Rõ ràng, các vi khuẩn có lợi trong một đường ruột khỏe mạnh không phải là những kẻ ăn sẵn hưởng thụ đồ ăn và chỗ ở miễn phí. Chúng có ảnh hưởng đến nguy cơ không chỉ về các bệnh về não và tinh thần mà còn cả ung thư, hen suyễn, dị ứng thực phẩm, các bệnh về chuyển hóa như tiểu đường và béo phì, cũng như các bệnh tự miễn nhờ những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của chúng lên nhiều cơ quan và hệ thống. Nói đơn giản, chúng chịu trách nhiệm về sức khỏe của bạn. Một số vi khuẩn ít nhiều là cư dân thường trú; chúng tạo thành các quần thể lâu dài. Những loại khác thì nhất thời; nhưng ngay cả những loại chỉ tồn tại thời gian ngắn cũng có tác dụng quan trọng. Vi khuẩn nhất thời di chuyển qua đường tiêu hóa của con người và, tùy thuộc vào loại và đặc điểm riêng biệt của chúng, chúng có tiếng nói riêng đối với sức khỏe tổng thể của cơ thể. Nhưng thay vì cư trú lâu dài, chúng thiết lập các quần thể nhỏ trong một thời gian ngắn trước khi bị đào thải hoặc chết đi. Tuy nhiên, khi cư trú tạm thời, chúng thực hiện một lượng lớn các nhiệm vụ cần thiết; một số chất chúng tạo ra rất quan trọng đối với sức khỏe và sự khỏe mạnh của các vi khuẩn cư trú lâu dài – và theo đó là sức khỏe của chúng ta. MỐI QUAN HỆ GIỮA RUỘT VÀ NÃO Mặc dù để hiểu biết đầy đủ về mối liên kết ruột-não bộ đòi hỏi bạn phải có kiến thức về miễn dịch học, bệnh lý học, thần kinh học và nội tiết học, nhưng tôi sẽ đơn giản hóa nó cho bạn. Bạn sẽ tiếp tục xây dựng và củng cố nền tảng kiến thức này khi đọc các chương sắp tới. Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn cảm thấy đau bụng vì hồi hộp, lo lắng, sợ hãi hoặc có thể là do quá phấn khích. Có thể đó là trước khi làm một bài kiểm tra quan trọng, phát biểu trước một nhóm người, hoặc kết hôn. Các nhà khoa học chỉ mới biết được rằng mối quan hệ mật thiết giữa ruột và não của bạn thực sự là hai chiều: Giống như bộ não của bạn có thể gửi sự phấn khích đến dạ dày, ruột của bạn có thể chuyển trạng thái bình tĩnh hoặc báo động đến hệ thần kinh. Dây thần kinh phế vị, dây thần kinh dài nhất trong số 12 dây thần kinh sọ, là kênh thông tin chính giữa hàng trăm triệu tế bào thần kinh trong hệ thần kinh ruột và hệ thần kinh trung ương của chúng ta. Còn được gọi là dây thần kinh sọ số X, nó kéo dài từ thân não đến vùng bụng, chỉ đạo nhiều quá trình của cơ thể mà chúng ta không kiểm soát một cách có ý thức. Chúng có các nhiệm vụ quan trọng như duy trì nhịp tim và kiểm soát sự tiêu hóa. Và hóa ra quần thể vi khuẩn trong ruột ảnh hưởng trực tiếp đến sự kích thích và chức năng của các tế bào dọc theo dây thần kinh phế vị. Một số vi khuẩn trong ruột thực sự có thể giải phóng các thông điệp hóa học, giống như các tế bào thần kinh, nói với não bằng ngôn ngữ riêng của chúng thông qua dây thần kinh phế vị. Khi nghĩ đến hệ thần kinh, có lẽ bạn sẽ hình dung đến não và tủy sống. Nhưng đó chỉ là hệ thần kinh trung ương. Bạn cũng phải xem xét hệ thần kinh ruột của bạn, hệ thần kinh của đường tiêu hóa. Hệ thần kinh trung ương và ruột được tạo ra từ cùng một mô trong quá trình phát triển của thai nhi, và chúng được kết nối thông qua dây thần kinh phế vị. Nó còn được gọi là dây thần kinh lang thang, một tên thích hợp cho dây thần kinh này, dây thần kinh này đi lang thang trong hệ tiêu hóa. Các tế bào thần kinh trong ruột dồi dào đến mức nhiều nhà khoa học hiện đang gọi tổng thể của chúng là “bộ não thứ hai”. Bộ não thứ hai này không chỉ kiểm soát cơ bắp, tế bào miễn dịch và nội tiết tố mà còn sản xuất ra một thứ thực sự quan trọng. Các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến như Paxil, Zoloft và Lexapro làm tăng sự sẵn có của chất hóa học serotonin “tạo cảm giác dễ chịu” trong não. Bạn có thể ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng ước tính khoảng 80 đến 90% lượng serotonin trong cơ thể được sản xuất bởi các tế bào thần kinh trong ruột của bạn!6 Trên thực tế, bộ não ở ruột của bạn tạo ra nhiều serotonin – phân tử hạnh phúc chính – hơn bộ não trong đầu bạn. Nhiều nhà thần kinh học và tâm thần học hiện đang nhận ra rằng đây có thể là một lý do tại sao thuốc chống trầm cảm thường kém hiệu quả trong điều trị trầm cảm hơn so với thay đổi chế độ ăn uống. Trên thực tế, nghiên cứu gần đây đang phát hiện rằng bộ não thứ hai của chúng ta có thể không hề “thứ cấp” chút nào.7 Nó có thể hoạt động độc lập với bộ não chính và kiểm soát nhiều chức năng mà không cần mệnh lệnh hoặc sự trợ giúp của não bộ. Tôi sẽ giải thích thêm về sinh học của não bộ ở ruột trong suốt cuốn sách này. Bạn sẽ tìm hiểu về nhiều chức năng sinh học trong các chương sắp tới, tất cả đều liên quan đến hệ vi sinh vật. Mặc dù một số thứ có vẻ khác biệt rõ ràng với những thứ khác, chẳng hạn như tế bào miễn dịch của bạn làm gì và tuyến tụy của bạn bơm ra bao nhiêu insulin, bạn sẽ sớm hiểu rằng chúng có cùng một mẫu số chung: cư dân của đường ruột. Theo nhiều cách, chúng là những kẻ canh giữ và cai trị cơ thể của bạn. Chúng tạo thành trụ sở chính của cơ thể. Chúng là những anh hùng và đối tác thầm lặng trong sức khỏe của bạn. Và chúng là người điều khiển sinh lý của bạn theo những cách mà bạn có lẽ không bao giờ tưởng tượng được. Việc thấu hiểu các mối liên hệ giữa ruột và não giúp xem xét phản ứng chung của cơ thể đối với căng thẳng, cả về thể chất (ví dụ: chạy trốn khỏi một kẻ đột nhập có vũ trang trong nhà của bạn) và tinh thần (ví dụ: tránh tranh cãi với sếp của bạn). Thật không may, cơ thể không đủ thông minh để phân biệt giữa hai điều này, đó là lý do tại sao tim bạn có thể đập mạnh trước khi chuẩn bị chạy trốn khỏi tên trộm cũng như khi bạn bước vào văn phòng của sếp. Cả hai tình huống đều được coi là căng thẳng với cơ thể, mặc dù chỉ một – thoát khỏi kẻ xâm nhập – là mối đe dọa thực sự cho sự sống còn. Vì vậy, trong cả hai trường hợp, cơ thể bạn sẽ tràn ngập steroid và adrenaline tự nhiên, và hệ miễn dịch của bạn sẽ giải phóng các thông điệp hóa học gọi là cytokine gây viêm khiến hệ thống cảnh giác cao độ. Điều này có hiệu quả đối với những khoảnh khắc cưỡng ép theo đợt, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể thường xuyên bị căng thẳng (hoặc nghĩ là như vậy)? Hiếm khi chúng ta thấy mình liên tục chạy trốn khỏi kẻ trộm, nhưng căng thẳng về thể chất cũng bao gồm việc đối mặt với các chất độc và mầm bệnh có thể gây chết người. Và đây là những thứ chúng ta có thể phải đối mặt hằng ngày chỉ qua các lựa chọn chế độ ăn uống. Mặc dù cơ thể có thể không nhất thiết phải chuyển sang chế độ chiến-hay-chạy với trái tim đập thình thịch khi gặp một chất hoặc thành phần mà cơ thể không thích, nhưng nó chắc chắn sẽ trải qua sự đáp ứng miễn dịch. Và kích hoạt miễn dịch trường diễn và sự đáp ứng viêm gây ra từ những tình huống chạm trán như vậy có thể dẫn đến bệnh mạn tính, từ các bệnh về tim và não như Parkinson, đa xơ cứng, trầm cảm và sa sút trí tuệ đến các rối loạn tự miễn, viêm loét đại tràng và ung thư. Chúng ta sẽ khám phá quá trình này chi tiết hơn trong chương tiếp theo, nhưng bây giờ hãy hiểu rằng tất cả các loại bệnh đều bắt nguồn từ việc tình trạng viêm vượt khỏi tầm kiểm soát và hệ miễn dịch của bạn kiểm soát tình trạng viêm. Vậy hệ vi sinh đóng vai trò gì? Nó điều hòa hoặc quản lý đáp ứng miễn dịch. Vậy là tới lượt nó tham gia vào câu chuyện về viêm trong cơ thể bạn. Hãy để tôi phân tích điều này một chút cho bạn. Mặc dù mỗi người trong chúng ta liên tục bị đe dọa bởi các hóa chất và mầm bệnh, chúng ta có một hệ thống phòng thủ tuyệt vời: khả năng miễn dịch. Khi hệ miễn dịch bị tổn hại, chúng ta nhanh chóng trở thành con mồi của bất kỳ tác nhân gây bệnh nào. Nếu không có hệ miễn dịch hoạt động đầy đủ, một sự kiện đơn giản như vết muỗi đốt có thể gây tử vong. Và ngoài các sự kiện bên ngoài như côn trùng cắn, mọi bộ phận của chúng ta đều bị xâm chiếm từng khoảnh khắc bởi các sinh vật có khả năng đe dọa tính mạng, nếu không có hệ miễn dịch hoạt động thích hợp, có thể dễ dàng dẫn đến tử vong. Đồng thời, điều quan trọng là phải nhận ra rằng hệ miễn dịch hoạt động tối ưu khi nó ở trạng thái cân bằng. Hệ miễn dịch hoạt động quá mức có thể dẫn đến các biến chứng như dị ứng; trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể phản ứng dữ dội đến mức dẫn đến sốc phản vệ – một phản ứng cực đoan có thể gây chết người. Ngoài ra, khi hệ miễn dịch bị định hướng sai, nó có thể không nhận ra các protein bình thường của cơ thể là một phần của bản thân và tấn công chúng. Đây là cơ chế cơ bản của các bệnh tự miễn, thường được điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh mà thường có những mặt trái đáng kể, không ít trong số đó bao gồm thay đổi sự phân bổ vi khuẩn trong ruột. Hệ miễn dịch là nguyên nhân khiến một bệnh nhân ghép tạng từ chối thứ được cho là cơ quan nội tạng cứu mạng cho họ. Và chính hệ miễn dịch giúp cơ thể nhận biết và loại bỏ các tế bào ung thư, một quá trình đang xảy ra ngay bên trong bạn. Ruột của bạn có hệ miễn dịch của riêng nó, đó là “mô bạch huyết liên quan đến ruột” (GALT). Nó đại diện cho 70 đến 80% tổng hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này nói lên nhiều điều về tầm quan trọng – và tính dễ bị tổn thương – của ruột. Nếu các sự kiện diễn ra trong ruột không quá quan trọng đối với sự sống, thì phần lớn hệ miễn dịch của bạn có thể sẽ không phải ở đó để canh gác và bảo vệ nó. Lý do hầu hết hệ miễn dịch của bạn được triển khai trong ruột rất đơn giản: thành ruột là biên giới với thế giới bên ngoài. Bên cạnh da, đó là nơi cơ thể bạn có nhiều cơ hội gặp vật chất và sinh vật ngoại lai nhất. Và nó giao tiếp liên tục với mọi tế bào khác của hệ miễn dịch trong cơ thể. Nếu gặp một chất gây rắc rối xuất hiện ở ruột, nó sẽ cảnh báo phần còn lại của hệ miễn dịch phải đề phòng. Một trong những chủ đề bao quát mà bạn sẽ đọc trong suốt cuốn sách là tầm quan trọng của việc duy trì tính toàn vẹn của thành ruột mỏng manh, chỉ dày ngang một tế bào. Nó phải vẫn còn nguyên vẹn trong khi hoạt động như một ống dẫn tín hiệu giữa vi khuẩn đường ruột và các tế bào của hệ miễn dịch. Theo lời của Tiến sĩ Alessio Fasano ở Harvard – người đã thuyết trình về chủ đề này tại một hội nghị mà tôi tham dự vào năm 2004, chỉ dành riêng cho giới khoa học về hệ vi sinh – những tế bào miễn dịch nhận tín hiệu từ vi khuẩn đường ruột là “kẻ đáp ứng đầu tiên” của cơ thể. Đổi lại, vi khuẩn đường ruột giúp giữ cho hệ miễn dịch cảnh giác nhưng không ở chế độ phòng thủ hoàn toàn. Chúng giám sát và “giáo dục” hệ miễn dịch. Điều này sau cùng giúp ngăn hệ miễn dịch đường ruột của bạn phản ứng không thích hợp với thực phẩm và kích hoạt các phản ứng tự miễn. Trong các chương sắp tới, chúng ta sẽ xem mô bạch huyết liên quan đến ruột quan trọng như thế nào trong việc duy trì sức khỏe tổng thể của cơ thể bạn. Đó là quân đội của cơ thể bạn, luôn đề phòng mọi mối đe dọa đi xuống đường ruột có thể tác động xấu đến cơ thể cho đến tận não bộ. Cả nghiên cứu trên người và động vật đều cho thấy vi khuẩn đường ruột xấu hoặc mang bệnh có thể gây bệnh, nhưng không chỉ vì chúng có liên quan đến một tình trạng cụ thể. Ví dụ, chúng ta biết rằng vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây ra các vết loét. Nhưng hóa ra vi khuẩn gây bệnh cũng tương tác với hệ miễn dịch trong ruột gây giải phóng các phân tử gây viêm và hormone căng thẳng, về cơ bản, làm bật công tắc trên hệ thống phản ứng với căng thẳng của cơ thể để nó nghĩ rằng chúng ta đang bị một con sư tử săn đuổi. Khoa học mới cũng tiết lộ rằng vi khuẩn xấu có thể thay đổi cách chúng ta cảm nhận cơn đau; thực sự là những người có hệ vi sinh không lành mạnh có thể nhạy cảm hơn với cơn đau.8 Vi khuẩn tốt trong ruột làm điều ngược lại. Chúng cố gắng giảm thiểu số lượng và tác động của những vi khuẩn xấu đồng thời tương tác tích cực với cả hệ miễn dịch và nội tiết. Có nghĩa là, vi khuẩn tốt có thể tắt phản ứng trường diễn của hệ miễn dịch. Chúng cũng có thể giúp kiểm soát cortisol và adrenaline – hai hormone liên quan đến căng thẳng có thể tàn phá cơ thể khi chúng liên tục được tiết ra. Mỗi nhóm lớn vi khuẩn đường ruột gồm nhiều chủng khác nhau, và mỗi chủng này có thể có những tác động khác nhau. Hai nhóm vi sinh vật phổ biến nhất trong đường ruột, chiếm hơn 90% số vi khuẩn trong đại tràng, là Firmicutes (phát âm là phia-mi-ciu-ti) và Bacteroidetes (phát âm là bác-tia-roi-đê-ti). Firmicutes nổi tiếng là vi khuẩn “ưa chất béo” vì đã được chứng minh rằng vi khuẩn thuộc họ Firmicutes được trang bị nhiều enzyme để tiêu hóa carbohydrate phức tạp hơn, do đó, chúng có hiệu quả hơn trong việc trích xuất năng lượng (tức là calo) từ thức ăn. Gần đây chúng cũng được phát hiện là tác nhân tăng sự hấp thụ chất béo.9 Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người béo phì có mức Firmicutes trong hệ vi sinh đường ruột cao hơn so với những người gầy, những người có nhiều Bacteroidetes hơn.10 Trên thực tế, tỉ lệ tương đối của hai nhóm này với nhau, tỉ lệ Firmicutes-trên-Bacteroidetes (hoặc F/B), rất quan trọng để xác định sức khỏe và nguy cơ bệnh tật. Hơn nữa, chúng ta vừa mới biết rằng mức Firmicutes cao hơn thực sự kích hoạt các gen làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và thậm chí là bệnh tim mạch.11 Hãy nghĩ rằng: Những thay đổi trong tỉ lệ của những vi khuẩn này có thể thay đổi biểu hiện thực tế DNA của bạn! Hai chủng lợi khuẩn được nghiên cứu nhiều nhất hiện nay là Bidobacterium và Lactobacillus. Đừng lo lắng về việc phải nhớ những cái tên dài này. Trong cuốn sách này, bạn sẽ được nghe về nhiều loại vi khuẩn có tên tiếng Latinh phức tạp, nhưng tôi hứa rằng cuối cùng bạn sẽ có thể phân biệt được nhiều chủng khác nhau. Mặc dù chúng tôi chưa thể nói chắc chắn rằng chính xác chủng nào, với tỉ lệ bao nhiều là lý tưởng cho sức khỏe tối ưu, nhưng đa số công nhận rằng là sự đa dạng về chủng loài là điểm then chốt. Tôi cũng nên chỉ ra rằng ranh giới giữa vi khuẩn “tốt” và “xấu” không rõ ràng như bạn nghĩ. Một lần nữa, sự đa dạng tổng thể và tỉ lệ các chủng so với nhau là những yếu tố quan trọng. Với tỉ lệ sai, một số chủng mà có tác động tích cực đến sức khỏe có thể trở thành nhân vật phản diện. Ví dụ, vi khuẩn Escherichia coli khét tiếng tạo ra vitamin K nhưng có thể gây bệnh nặng. Helicobacter pylori, vi khuẩn mà tôi vừa đề cập gây ra loét dạ dày tá tràng, cũng giúp điều chỉnh sự thèm ăn theo hướng tích cực để bạn không ăn quá nhiều. Để có thêm một ví dụ, hãy xem xét Clostridium dicile, một chủng vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng nếu chúng phát triển quá mức. Căn bệnh đó, đặc trưng bởi triệu chứng tiêu chảy dữ dội, vẫn giết chết khoảng 14.000 người Mỹ mỗi năm; các bệnh do C. dicile đã tăng mạnh trong 20 năm qua.12 Từ năm 1993 đến 2005, số ca bệnh ở người lớn nhập viện tăng gấp ba lần; từ năm 2001 đến 2005, con số này đã tăng hơn gấp đôi.13 Tỉ lệ tử vong cũng tăng vọt, phần lớn là do sự xuất hiện của một chủng đột biến, độc lực cao. Thông thường, tất cả chúng ta khi còn bé đều có ruột chứa rất nhiều vi khuẩn C. dicile và nó không gây ra vấn đề gì. Nó được tìm thấy trong ruột của tới 63% trẻ sơ sinh và thậm chí một phần ba trẻ mới biết đi. Nhưng sự thay đổi trong môi trường ruột, ví dụ do lạm dụng một số loại kháng sinh, có thể thúc đẩy sự phát triển quá mức của vi khuẩn này, dẫn đến bệnh đe dọa tính mạng. Tin tốt là hiện nay chúng ta đã có một cách rất hiệu quả để điều trị căn bệnh đó, thông qua việc sử dụng các chủng vi khuẩn khác để khôi phục sự cân bằng. Bạn sẽ tìm hiểu thêm về hệ vi sinh và mối quan hệ của nó với hệ miễn dịch và não bộ trong các chương sau, nhưng đây là thời điểm tốt để chuyển sang câu hỏi: Những vi sinh vật anh em của chúng ta bắt nguồn từ đâu? Nói cách khác, làm thế nào mà chúng trở thành một phần của chúng ta? BẠN ĐƯỢC SINH RA CÙNG VỚI NÓ! GẦN NHƯ VẬY… Phần lớn những gì chúng ta biết về hệ vi sinh đến từ việc nghiên cứu chuột vô trùng. Đây là những con chuột đã được biến đổi để không có bất kỳ vi khuẩn đường ruột nào, do đó cho phép các nhà khoa học nghiên cứu ảnh hưởng của việc thiếu vi khuẩn, hoặc ngược lại, cho chúng tiếp xúc với một số chủng nhất định và xem điều gì xảy ra. Những con chuột vô trùng trong phòng thí nghiệm đã cho thấy là có biểu hiện lo âu cấp tính, không có khả năng xử lý căng thẳng, viêm ruột mạn tính và viêm tổng thể, và có lượng thấp hơn của một hormone tăng trưởng não quan trọng gọi là BDNF (nhân tố nuôi dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não).14 Nhưng những triệu chứng này có thể đảo ngược khi chuột được cho ăn một chế độ ăn giàu Lactobacillus helveticus hoặc Bidobacterium longum, hai loại lợi khuẩn phổ biến. Người ta cho rằng mỗi người chúng ta đều đã từng không có vi khuẩn, khi còn trong bụng mẹ, một môi trường tương đối vô trùng. (Tôi hy vọng quan niệm này sẽ sớm bị thách thức, vì khoa học mới xuất hiện cho thấy thai nhi có thể tiếp xúc với vi sinh vật trong tử cung qua nhau thai, và hệ vi sinh thực sự bắt đầu từ đó.15 Hãy theo dõi để biết thêm thông tin về chủ đề này.) Tư duy hiện tại cho rằng thời điểm chúng ta di chuyển qua âm đạo và tiếp xúc với các sinh vật trong âm đạo, hệ vi sinh của chúng ta bắt đầu phát triển. Và mặc dù mọi người có thể không muốn hình dung điều này, nhưng ngay cả vật liệu phân của người mẹ ở vùng quanh hậu môn cũng giúp cấy vào trẻ sơ sinh các vi sinh vật duy trì sức khỏe. Về sự phát triển ban đầu của một hệ miễn dịch khỏe mạnh, một yếu tố quan trọng trong việc thiết lập “điểm mốc” cho chứng viêm có thể là phương pháp sinh của một cá nhân. Đây là một trong những sự kiện có ảnh hưởng nhất trong việc xác định kết quả chức năng của hệ vi sinh vật. Khi nói đến điểm mốc, tôi đang đề cập đến mức độ viêm trung bình hoặc cơ bản của cơ thể. Sẽ hữu ích khi nghĩ về điểm mốc của bạn như một bộ điều nhiệt tích hợp được lập trình tới một nhiệt độ cụ thể. Nếu điểm mốc của bạn cao, chẳng hạn như máy điều nhiệt được cố định ở 25°C, về tổng thể, mức độ viêm chung của bạn cao hơn so với người có điểm mốc thấp hơn. Mặc dù có thể có một số sự khác nhau, nhưng nhìn chung, điểm mốc cao hơn có nghĩa là mức nhiệt độ cao hơn (tình trạng viêm). Và như tôi vừa đề cập, cách bạn được sinh ra sẽ ảnh hưởng đến cách hệ vi sinh của bạn phát triển ban đầu, từ đó ảnh hưởng đến điểm mốc bẩm sinh của bạn đối với chứng viêm. Bạn có thể thay đổi điểm mốc của mình không? Có – chắc chắn rồi. Cũng giống như việc bạn có thể thay đổi điểm mốc cho trọng lượng cơ thể và chỉ số khối cơ thể (BMI) thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục, bạn có thể thay đổi điểm mốc cho tình trạng viêm thông qua các biện pháp can thiệp lối sống cơ bản. Nhưng trước khi hiểu được tất cả những điều đó, điều quan trọng là bạn phải đánh giá đúng sức mạnh của những trải nghiệm đầu đời và hiểu được làm thế nào mà phương pháp sinh đẻ (sinh thường hay sinh mổ) hình thành nên những nguy cơ về sức khỏe trong suốt cuộc đời của một người. Nhiều nghiên cứu nổi tiếng đã so sánh sự khác biệt giữa trẻ sinh mổ và trẻ sinh thường.16 Ngoài việc so sánh các đặc điểm nổi trội của hệ vi sinh của hai nhóm trẻ này, họ đã nghiên cứu các tác động sức khỏe liên quan và đưa ra nhiều kết luận đáng báo động. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng có mối tương quan rõ ràng giữa những gì nằm trong ruột của em bé và những gì được tìm thấy trong âm đạo của người mẹ. Một nghiên cứu đặc biệt hấp dẫn được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu vào năm 2010 tiết lộ rằng khi sử dụng phương pháp giải trình tự gen để xác định các loại vi khuẩn từ người mẹ và những đứa con mới sinh của mình, họ phát hiện ra rằng trẻ sinh thường thu được các quần thể vi khuẩn giống với hệ vi sinh vật âm đạo của mẹ chúng, chiếm đa số là các Lactobacillus có lợi, trong khi trẻ sinh mổ thu được các quần thể vi khuẩn tương tự như các quần thể vi khuẩn tìm thấy trên bề mặt da, chiếm đa số là rất nhiều vi khuẩn Staphylococcus có thể gây hại.17 Vào năm 2013, tạp chí Canadian Medical Association Journal đã đăng một nghiên cứu chỉ rõ sự thật, cho thấy sự gián đoạn của hệ vi sinh đường ruột của trẻ sơ sinh có liên quan đến nhiều vấn đề về viêm và miễn dịch như dị ứng, hen suyễn và thậm chí là ung thư.18 Các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh tác động của trải nghiệm ra đời (sinh thường hay sinh mổ) của một em bé và việc liệu em bé ấy bú sữa mẹ hay uống sữa công thức. Họ gọi một cách chính đáng hệ vi sinh đường ruột là một “siêu cơ quan” với “vai trò đa dạng đối với sức khỏe và bệnh tật”. Trong bài bình luận liên quan về nghiên cứu này, Tiến sĩ Rob Knight của Phòng thí nghiệm Knight danh tiếng tại Đại học Colorado, Boulder, cho biết,“Trẻ sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai hoặc nuôi bằng sữa công thức có thể có nhiều nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau về sau; cả hai quá trình đều làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, điều có thể là cơ chế làm tăng nguy cơ.”19 Điều làm cho Lactobacillus trở nên vượt trội là nó tạo ra một môi trường axit nhẹ, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn nguy hiểm tiềm ẩn. Vi khuẩn Lactobacillus có thể sử dụng đường sữa, hay lactose, làm nhiên liệu. Điều này cho phép trẻ sơ sinh sử dụng lactose từ sữa mẹ. Nhìn chung, trẻ sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai có thể không nhận được nguồn cung cấp Lactobacillus dồi dào; thay vào đó, các bé tiếp xúc nhiều hơn với những gì ẩn náu quanh phòng phẫu thuật và trên bàn tay của bác sĩ và điều dưỡng – vi khuẩn trên da có xu hướng chiếm đa số là những loại không mang lại nhiều lợi ích. Hơn nữa, như Tiến sĩ Martin Blaser mô tả trong cuốn sách tuyệt vời của ông, Missing microbes (Những vi khuẩn bị thiếu), mọi phụ nữ ở Mỹ đều nhận được thuốc kháng sinh khi sinh con theo phương pháp sinh mổ, và điều đó có nghĩa là tất cả trẻ sơ sinh ra đời bằng phẫu thuật đều tiếp xúc với một loại kháng sinh mạnh khi mới ra đời – một tác hại kép.20 Tiến sĩ Blaser, người chỉ đạo Chương trình Hệ vi sinh của Đại học New York, chỉ ra thêm rằng một phần ba số trẻ sinh ra ở Mỹ ngày nay được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai, điều này phản ánh mức tăng 50% kể từ năm 1996. Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2020, một nửa số trẻ sinh ra ở Mỹ sẽ được sinh mổ. Tôi thích cách Blaser tuyên bố một cách hùng hồn về sự thật của vấn đề: “Những cái tên bóng bẩy của những vi khuẩn này không quan trọng lắm vì quan điểm cho rằng các quần thể vi khuẩn được tìm thấy trên trẻ sơ sinh được sinh mổ không phải là những quần thể được chọn bởi hàng trăm nghìn năm tiến hóa của con người hoặc thậm chí lâu hơn.”21 Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng trẻ sinh thường có lượng cao hơn nhiều của bidobacteria, một nhóm vi khuẩn đường ruột có lợi giúp trưởng thành niêm mạc ruột nhanh chóng hơn.22 Mặt khác, trẻ sinh mổ thường thiếu loại vi khuẩn tốt này. Một cách nghĩ về quá trình sinh nở là hiểu rằng nó giống như việc cung cấp cho trẻ sơ sinh một bộ hướng dẫn để có một khởi đầu lành mạnh cho cuộc sống. Đây là sự chuyển giao lớn cuối cùng mà một em bé nhận được từ mẹ sau khi ở trong tử cung. Trẻ ra đời bằng phương pháp sinh mổ bị thiếu một vài thứ trong số những hướng dẫn này. Và chúng có thể không bao giờ lấy lại được chính xác những thứ này bằng cách nhân tạo hoặc thậm chí thông qua việc bú sữa mẹ hoặc chế độ ăn. Các số liệu thống kê về hậu quả sức khỏe của việc sinh mổ chứ không phải sinh thường là hoàn toàn đáng kinh ngạc. Dưới đây là tóm tắt nhanh về những gì việc sinh bằng phương pháp mổ có thể chứa đựng, dựa trên một quần thể lớn và các nghiên cứu có đối chứng chặt chẽ: • Nguy cơ mắc các chứng dị ứng cao gấp năm lần23 • Nguy cơ mắc ADHD cao gấp ba lần24 • Nguy cơ mắc tự kỷ cao gấp đôi25 • Nguy cơ mắc bệnh không dung nạp gluten cao hơn 80%26 • Nguy cơ bị béo phì khi trưởng thành cao hơn 50% (và, như chúng ta sẽ thấy sau đây, việc bị béo phì có liên quan trực tiếp đến tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ)27 • Nguy cơ mắc tiểu đường type 1 cao hơn 70%28, 29 (và việc bị tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ bị sa sút trí tuệ) Tôi xin nói rõ: Mổ lấy thai có tác dụng cứu mạng người và cần thiết về mặt y tế trong một số tình huống nhất định. Nhưng hầu hết các chuyên gia, bao gồm cả nữ hộ sinh tại nhà và bác sĩ sản khoa, những người chuyên về các ca sinh có nguy cơ cao, đồng ý rằng chỉ một phần nhỏ các ca sinh nở cần được thực hiện bằng phẫu thuật, và những ca phẫu thuật này thường được phụ nữ Mỹ lựa chọn.30 Năm 2014, một nghiên cứu mới trên toàn quốc cho thấy 26% các bà mẹ Mỹ sinh con theo phương pháp mổ vào năm 2001, và 45% trong số này được xem là không có chỉ định y khoa (do sản phụ yêu cầu).31 Vì vậy, mối quan tâm của tôi xoay quanh xu hướng lựa chọn sinh mổ vì những lý do không nhất thiết có lợi cho em bé hoặc người mẹ. Mặc dù vậy, một phụ nữ mang thai có thể có ý định tốt là sinh con qua đường âm đạo và sau đó phải đối mặt với những trường hợp không mong muốn cần phải sinh mổ. Cô ấy không bao giờ nên cảm thấy tội lỗi hoặc sợ hãi rằng cô đang gây nguy hiểm cho sức khỏe tương lai của con mình. Ở phần sau của cuốn sách, tôi sẽ cung cấp thông tin rõ ràng cho cả những bà mẹ đang mang thai và những người đã sinh con, về cách bù đắp cho một ca sinh mổ. Bạn có thể làm rất nhiều điều để hỗ trợ hệ vi sinh đang phát triển của trẻ sơ sinh và chống lại những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ các can thiệp y tế được thực hiện trong quá trình sinh nở. Mặc dù hợp lý khi cho rằng việc truyền vi khuẩn từ mẹ sang con qua âm đạo là đặc thù đối với động vật có vú, nhưng chúng ta có bằng chứng cho thấy các loài khác thực sự truyền di sản vi sinh vật của chúng cho con cái, mặc dù thông qua các cơ chế khác nhau.32 Những loài khác này bao gồm hải miên (đã tiến hóa 600 triệu năm trước với tư cách là động vật đa bào đầu tiên), trai, rệp cây, gián, ruồi trắng, bọ xít, gà và rùa. Ý tôi là là sự chuyển giao vi khuẩn từ thế hệ này sang thế hệ khác là một quá trình cơ bản của sự sống. BA LỰC LƯỢNG CHỐNG LẠI NHỮNG VI SINH VẬT TRONG BỤNG BẠN Tuy không thể thay đổi cách mình sinh ra, việc bạn được cho bú sữa như thế nào, và hệ vi sinh vật nào phát triển trong (và trên) bạn khi còn là trẻ sơ sinh, tin tốt là bạn vẫn có khả năng thay đổi, chữa lành và nuôi dưỡng một hệ vi sinh vật khỏe mạnh qua những thứ mà bạn ăn, những gì bạn tiếp túc trong môi trường và lối sống của bạn. Tới đây, bạn hẳn đã có một cái nhìn sơ qua về những gì chống lại sức khỏe của những lợi khuẩn trong ruột mình. Tôi sẽ liệt kê chi tiết mọi tác nhân và nguyên nhân tiềm năng gây bệnh cho hệ vi sinh vật ở phần sau. Nhưng để bắt đầu, hãy cùng lướt qua ba lực lượng mạnh mẽ nhất hiện có. • Lực lượng #1: Sự tiếp xúc với các chất giết hoặc thay đổi theo hướng bất lợi cấu trúc của các quần thể vi khuẩn. Trong đó bao gồm mọi thứ từ các hóa chất trong môi trường tới những nguyên liệu nhất định trong thực phẩm (ví dụ như đường, gluten), nước (ví dụ như chlorine), và các loại thuốc như kháng sinh. • Lực lượng #2: Sự thiếu hụt các dưỡng chất hỗ trợ cho các nhóm vi khuẩn có lợi, đa dạng và thay vào đó tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại. Tôi sẽ chia sẻ những loại thực phẩm và chế phẩm bổ sung đảm bảo sức khỏe của hệ vi sinh và theo đó là não bộ. • Lực lượng #3: Sự căng thẳng. Mặc dù nghe có vẻ sáo rỗng khi nói căng thẳng có hại cho sức khỏe, tôi sẽ giải thích vì sao nó thậm chí tệ hơn những gì chúng ta từng nghĩ. Rõ ràng là một vài trong số này đôi khi là không thể tránh khỏi. Sẽ có những trường hợp, ví dụ, khi thuốc kháng sinh có thể cứu mạng và rất cần thiết. Sau đây, tôi sẽ cho bạn một vài hướng dẫn để xử lý những tình huống như vậy để bạn có thể bảo vệ sức khỏe đường ruột của mình (hay đường ruột của con bạn trong trường hợp được kê đơn kháng sinh cho một nhiễm trùng trong thai kỳ) tốt nhất có thể. Theo đó, điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và chức năng não bộ của bạn. BÍ MẬT “BẨN THỈU” VỀ CÁC DỊCH BỆNH HIỆN ĐẠI Một trong số những chủ đề của cuốn sách này là sức mạnh của “cái bẩn”, có thể nói là như vậy. Nói cách khác, có một giá trị to lớn trong tình trạng không vệ sinh. Các nghiên cứu mới đầy bất ngờ cho thấy mối quan hệ giữa môi trường sống ngày càng vô trùng và tỉ lệ mắc mới của các bệnh mạn tĩnh, từ bệnh tim và các chứng rối loạn tự miễn tới ung thư và sa sút trí tuệ. Ở Trường Y khoa Đại học Stanford, nhóm gồm vợ chồng Erica và Justin Sonnenburg điều hành một phòng thí nghiệm thuộc khoa vi sinh học và miễn dịch học, nơi họ tập trung tìm hiểu sự tương tác bên trong hệ vi sinh đường ruột và giữa vi khuẩn đường ruột với vật chủ con người. Cụ thể, họ đang điều tra làm thế nào sự thiếu hụt một vài loại vi khuẩn và sự đa dạng trong nền văn minh phương Tây do chế độ ăn, việc sử dụng thuốc kháng sinh, và các điều kiện khử trùng quá mức có thể giải thích cho việc vì sao chúng ta phải hứng chịu sự gia tăng đối với các bệnh “phương Tây”, điều không thường thấy trong các xã hội truyền thống, chủ yếu làm nông nghiệp. Trong một bài báo gần đây, họ viết một cách thuyết phục rằng chúng ta có thể đang gặp phải sự “không tương thích” giữa DNA của chúng ta, vốn vẫn tương đối ổn định trong suốt lịch sử loài người và hệ vi sinh vật của mình, thứ đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng với lối sống hiện đại của chúng ta.33 Họ cũng nêu bật cách chế độ ăn phương Tây, vốn ít chất xơ thực vật dùng làm nhiên liệu cho vi khuẩn đường ruột, dẫn đến ít loại vi khuẩn và các sản phẩm phụ có lợi mà vi khuẩn đường ruột tạo ra khi chúng chuyển hóa hoặc lên men thức ăn. Theo cách nói của họ, chúng ta đang “bỏ đói bản thể vi sinh vật của mình” và điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Nhân tiện, các sản phẩm phụ mà vi khuẩn đường ruột của chúng ta tạo ra giúp kiểm soát tình trạng viêm cũng như đáp ứng của hệ miễn dịch – hai yếu tố quan trọng trong tất cả các dạng bệnh mạn tính. Vợ chồng Sonnenburg viết: “Có thể là hệ vi sinh vật phương Tây thực sự bị rối loạn sinh học và là điều kiện khiến các cá thể dễ mắc nhiều loại bệnh.”34 CHẾ ĐỘ ĂN PHƯƠNG TÂY TẠO NÊN HỆ VI SINH PHƯƠNG TÂY Khi so sánh hệ vi sinh của trẻ em châu Phi với của trẻ em châu Âu, bạn thấy có một sự khác biệt lớn. Hệ vi sinh vật “phương Tây” thiếu sự đa dạng đáng kể và có nhiều vi khuẩn thuộc nhóm Firmicutes hơn so với nhóm Bacteroidetes, hai loại vi khuẩn thống trị hệ sinh thái đường ruột. Firmicutes nổi tiếng là tốt trong việc giúp cơ thể chiết xuất nhiều calo hơn từ thức ăn và hỗ trợ hấp thu chất béo, do đó chúng liên quan đến việc tăng cân khi chúng chiếm ưu thế trong ruột. Mặt khác, Bacteroidetes không có cùng khả năng này. Vì vậy, mô hình mức Firmicutes cao hơn và mức Bacteroidetes thấp hơn dẫn đến nguy cơ béo phì cao hơn.35 Điều này xảy ra ở những người từ khu vực thành thị, trong khi điều ngược lại phổ biến hơn ở những người từ các khu vực nông thôn. Một cách khác để quan sát mối liên hệ giữa lối sống phương Tây sạch sẽ, ít chất xơ và tỉ lệ mắc bệnh mạn tính là xem xét yếu tố giàu có. Các quốc gia giàu có hơn và sạch sẽ hơn có tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer cao hơn không? Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu xuất sắc được công bố vào năm 2013, được thực hiện tại Đại học Cambridge.36 Tiến sĩ Molly Fox và các đồng nghiệp của bà đã đánh giá 192 quốc gia trên thế giới và xem xét hai điều. Đầu tiên, họ kiểm tra tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng và sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột ở những người đến từ các quốc gia này. Và thứ hai, họ xem xét tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer. Những gì họ tìm thấy thực sự đáng chú ý. Ở những nước có điều kiện vệ sinh kém nhất, tỉ lệ lưu hành bệnh Alzheimer’s đã giảm đáng kể. Nhưng ở những quốc gia có mức độ vệ sinh cao hơn, và do đó mức độ ký sinh trùng thấp hơn cũng như ít đa dạng hơn về sinh vật đường ruột, tỉ lệ lưu hành bệnh Alzheimer đã tăng vọt. Ở các quốc gia có hơn 75% người dân sống ở các khu vực thành thị, chẳng hạn Vương quốc Anh và Úc, tỉ lệ lưu hành bệnh Alzheimer cao hơn 10% so với các quốc gia có dưới 1/10 số người sống ở khu vực thành thị, chẳng hạn như Nepal và Bangladesh. Kết luận của họ nêu rõ: “Dựa trên phân tích của chúng tôi, có vẻ như vệ sinh có tương quan đồng biến đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer... sự khác biệt trong vệ sinh có thể giải thích một phần các mô hình toàn cầu về tỉ lệ bệnh Alzheimer. Sự phơi nhiễm với vi sinh vật có thể có tương quan nghịch biến với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Những kết quả này có thể giúp dự đoán gánh nặng bệnh Alzheimer ở các nước đang phát triển, nơi sự đa dạng vi sinh vật đang giảm nhanh chóng.” Trong các hình ảnh ở trang tiếp theo, hãy lưu ý cách mà các quốc gia trong hình đầu tiên có mức ký sinh trùng cao nhất, chẳng hạn như Kenya, được mô tả trong hình thứ hai là có tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer thấp nhất. Hiện tại, mối tương quan (như được tìm thấy trong nghiên cứu này) không nhất thiết chỉ ra nguyên nhân. Chỉ vì sự chú ý đến vệ sinh có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer không nhất thiết có nghĩa là nó khiến tỉ lệ bệnh Alzheimer tăng. Có nhiều biến số tham gia vào khi nói đến sự phát triển của bất kỳ căn bệnh nào, cũng như tỉ lệ mắc một số bệnh ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, điều đó nói lên rằng, chúng ta phải thừa nhận các bằng chứng vẫn tiếp tục gia tăng đến mức khó có thể bỏ qua những mối tương quan chặt chẽ và nhất quán như vậy. Đó là từ sự quan sát, nhưng sự suy luận buộc chúng ta ít nhất phải xem xét thực tế rằng hệ vi sinh của chúng ta đang tham gia – đáng kể – vào nguy cơ mắc của nhiều bệnh mạn tính. Nó cũng buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi mà Tiến sĩ Justin Sonnenburg đã đặt ra: “Vi khuẩn có ảnh hưởng nhiều như thế nào đến chúng ta? Có phải con người chỉ đơn giản là những ổ chứa tinh vi để vi khuẩn sinh sôi?”37 Thực sự là một câu hỏi hay. Sự thật không thể tránh khỏi là chúng ta đã tiến hóa với những vi sinh vật này qua hàng triệu năm. Chúng là một phần của sự sống còn của chúng ta giống như những tế bào của chính chúng ta. Chúng ta cần chúng cho cuộc sống và sức khỏe. Thật không may, chúng ta đối xử với hệ vi khuẩn đường ruột một cách thiếu tôn trọng. Chúng đang làm công việc quan trọng trong điều kiện nguy hiểm. Đã đến lúc dành cho chúng sự quan tâm và chăm sóc mà chúng xứng đáng. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tiến hành một bước tiến nghiêm túc, có ý nghĩa chống lại những phiền não hiện đại của mình. CHƯƠNG 2 Bụng và não phát hỏa Khoa học mới về viêm V ới những kiến thức mà hiện nay tôi biết về vai trò của chế độ ăn uống đối với nguy cơ mắc bệnh và sự tiến triển của bệnh, tôi vô cùng đau buồn khi nghĩ đến cha mình, người đã từng là một bác sĩ giải phẫu thần kinh xuất sắc, được đào tạo tại Lahey Clinic uy tín ở Massachusetts, và hiện đang sống trong một cơ sở hỗ trợ sinh hoạt nằm đối diện với bãi đậu xe từ văn phòng của tôi. Bộ não của ông ấy đã bị tàn phá bởi bệnh Alzheimer. Ông thường xuyên không nhận ra tôi và vẫn nghĩ rằng ông đang hành nghề y mặc dù đã nghỉ hưu hơn 25 năm trước. Đôi khi tôi tự hỏi, liệu ông ấy đã có thể làm gì khác để ngăn chặn số phận này? Bất kỳ bệnh nhân nào của tôi có thể làm gì để ngăn chặn số phận này? Những câu hỏi giống nhau đi qua trí óc tôi cũng như những câu hỏi trong các gia đình được tôi tư vấn, những người đang phải vật lộn với chẩn đoán bi thảm của người thân: Tại sao điều này lại xảy ra? Người đó đã làm gì sai? Nó bắt đầu từ khi nào? Liệu chúng ta đã có thể ngăn chặn điều này bằng cách nào đó? Và rồi tôi tự nhắc mình về quá trình quan trọng trong cơ thể liên quan đến bệnh về não: tình trạng viêm. Viêm có liên quan gì đến hệ vi sinh vật? Đó là những gì chúng ta sẽ khám phá trong chương này. Tôi sẽ đặt cuộc thảo luận này trong bối cảnh của bệnh Alzheimer, được cho là căn bệnh thần kinh đáng sợ nhất, ảnh hưởng đến khoảng 5,4 triệu người Mỹ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu mối liên hệ không thể xóa nhòa giữa trạng thái của cộng đồng vi sinh vật đường ruột và số phận của não bộ. VIỆC LÀM VÔ NGHĨA CỦA THẾ KỶ XXI Vào năm 2014, tôi đã viết một bài báo trực tuyến có tiêu đề “Tại sao chúng ta có thể và phải tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer” sau một thông báo trên New York Times về mối quan hệ đối tác mới được lập ra giữa Viện Y tế Quốc gia (NIH), mười công ty dược phẩm và bảy tổ chức phi lợi nhuận.1, 2 Nhiệm vụ của họ là phát triển các loại thuốc để điều trị bệnh Alzheimer cùng các bệnh khác. Không nghi ngờ gì nữa, nỗ lực kéo dài năm năm, trị giá 230 triệu đô la này thoạt đầu có vẻ cao cả, nhưng tôi đã tuyên bố,“động lực sau cùng cho sự kiện có vẻ đại đoàn kết này rất đáng ngờ”. Bệnh Alzheimer rất tốn kém. Mức giá 200 tỉ đô la hằng năm mà tôi đã đề cập trong phần giới thiệu không bao gồm chi phí tinh thần mà các thành viên gia đình có cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi căn bệnh này phải gánh chịu, đôi khi trong một thời gian dài. Như bài báo của Times đã tiết lộ, các công ty dược phẩm “đã đầu tư số tiền đáng kinh ngạc vào việc phát triển các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer, nhưng hết lần này đến lần khác các loại thuốc này đều thất bại trong quá trình thử nghiệm”. Cùng năm đó, tạp chí New England Journal of Medicine ghi nhận rằng hai trong số các ứng cử viên thuốc đầy hứa hẹn để điều trị bệnh Alzheimer đã không mang lại bất kỳ lợi ích có ý nghĩa nào.3, 4 Thêm vào báo cáo đáng lo ngại này là một báo cáo khác được công bố trên tạp chí Journal of the American Medical Association cho thấy thuốc memantine, hiện đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh Alzheimer từ trung bình đến nặng, không chỉ không hiệu quả mà còn liên quan đến sự suy giảm nhiều hơn chức năng của bệnh nhân khi so sánh với giả dược.5 Lý do chúng ta nên giảm bớt sự ủng hộ của mình đối với sự hợp tác này là nó thể hiện sự “lệch lạc về mức độ ưu tiên”. Như tôi đã viết trong bài báo: “Những người rất đỗi hăng hái với những mối quan hệ có vẻ thật thà lương thiện và việc chi tiêu tiền bạc này có lẽ tập trung vào việc phát triển một loại vũ khí thần thánh để điều trị bệnh Alzheimer không vì động cơ giảm thiểu căn bệnh mà thiên nhiều hơn vào kết quả lợi ích tài chính.” Thật đau lòng, tôi biết. Nhưng ý tôi là đó là một sự thúc giục hành động để chuyển hướng và khám phá một lựa chọn khác. Thay vì dành nhiều sự quan tâm (và tiền bạc) vào việc phát triển các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer (hoặc bất kỳ bệnh thoái hóa thần kinh nào), chúng ta phải tập trung vào việc giáo dục mọi người về các nỗ lực phòng ngừa. Các chiến lược phòng ngừa này đã được ghi lại đầy đủ trong các tài liệu khoa học nổi tiếng và có thể có tác động triệt để trong việc giảm tỉ lệ mắc căn bệnh thoái hóa thần kinh này. Các nhà nghiên cứu y khoa đã biết rằng, nếu được thực hiện, có thể giảm hơn một nửa số bệnh nhân Alzheimer mới ở Mỹ. Và khi bạn xem xét rằng số người mắc bệnh Alzheimer được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, việc truyền bá thông tin này nên được ưu tiên hàng đầu.6 Thực tế, kinh tế và thị trường không may là những rào cản đáng gờm cần phải vượt qua. Nếu có thì có rất ít cơ hội để kiếm tiền từ những can thiệp không độc quyền như chế độ ăn uống và tập thể dục, những thứ mà trong số các hoạt động lối sống khác, được biết đến là đóng vai trò quan trọng trong cả thoái hóa, và mặt khác là bảo tồn, não bộ. Dưới đây là một ví dụ điển hình về một yếu tố chính trong lối sống: Các tạp chí y khoa tốt nhất của chúng tôi hiện tràn ngập các nghiên cứu nghiêm ngặt, nổi bật cho thấy mối tương quan tuyệt vời giữa lượng đường trong máu cao và nguy cơ sa sút trí tuệ. Theo báo cáo trên tạp chí New England Journal of Medicine vào năm 2013, ngay cả sự gia tăng nhẹ của lượng đường trong máu, thấp hơn nhiều so với ngưỡng của bệnh tiểu đường, đã được chứng minh là làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ không thể điều trị.7 Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Washington đã đánh giá một nhóm hơn 2.000 người có tuổi trung bình là 76 tuổi. Khi bắt đầu nghiên cứu, họ đo lượng đường trong máu lúc đói, và sau đó theo dõi những người này trong khoảng bảy năm. Một số người đã phát triển chứng mất trí nhớ trong khoảng thời gian đó. Những gì các nhà nghiên cứu phát hiện là có mối tương quan trực tiếp giữa lượng đường trong máu khi bắt đầu nghiên cứu và nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ. Điều quan trọng là phải hiểu rằng những người này không bị tiểu đường; họ có lượng đường trong máu thấp hơn ngưỡng chẩn đoán bệnh tiểu đường. Đường huyết phản ánh trực tiếp sự lựa chọn chế độ ăn uống; ăn quá nhiều đường tinh luyện và carbohydrate, bạn sẽ khó kiểm soát lượng đường trong máu. Tôi sẽ mô tả ngay mối liên hệ giữa cân bằng lượng đường trong máu và nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, nhưng đến đây cũng đủ để nói rằng phần kiến thức này cung cấp một điểm tựa đáng kể mà có thể tạo ra sự dịch chuyển lớn về sức khỏe trí não. Hơn nữa, vào năm 2013, tờ Journal of Neurology, Neurosurgery and Psychiatry đã công bố một nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi bổ sung nhiều chất béo hơn, dưới dạng dầu ôliu hoặc các loại hạt, vào chế độ ăn uống duy trì chức năng nhận thức tốt hơn nhiều trong vòng sáu năm so với những người theo chế độ ăn ít chất béo.8 Những hàm ý của các nghiên cứu như trên sẽ dọn đường cho việc cách mạng hóa ngành y mà chúng ta đã biết. Nhưng đáng buồn thay, việc phòng bệnh thông qua các lựa chọn lối sống hằng ngày đơn giản, không xâm lấn lại thiếu vẻ anh hùng của các can thiệp táo bạo, dựa trên dược phẩm. Đã đến lúc chúng ta phải đi một con đường mới và ủng hộ y học dự phòng, đặc biệt là đối với sức khỏe não bộ. Chúng ta không thể không làm vậy. Thay vì tiêu tốn nguồn lực khổng lồ để tìm con bò sau khi để mở cửa chuồng, có lẽ chúng ta nên xem xét việc đóng cửa chuồng ngay từ đầu. Và cánh cửa chuồng ẩn dụ đó có liên quan rất nhiều đến trạng thái của hệ vi sinh. Để hiểu mối liên hệ này, trước tiên chúng ta hãy khám phá vai trò của tình trạng viêm, sau đó quay trở lại sức mạnh tiềm ẩn của vi khuẩn đường ruột. VIÊM: MẪU SỐ CHUNG Tất cả chúng ta đều quen thuộc với tình trạng viêm. Bản thân từ này xuất phát từ động từ inammare trong tiếng Latin, có nghĩa là “nhóm lửa” hoặc “đốt cháy”. Thịt bị viêm nghĩa là đang cháy lên – và không theo chiều hướng tốt. Một đợt viêm có thể bao gồm mẩn đỏ, nóng và sưng đi kèm vết côn trùng cắn hoặc cơn đau mà bạn gặp phải khi bị viêm họng hoặc bong gân mắt cá chân. Chúng ta thường chấp nhận quan niệm rằng một vết cắn hoặc vết xước trên da sẽ gây đau đớn vì viêm. Nhưng chứng viêm liên quan đến nhiều quá trình bệnh hơn bạn có thể tưởng tượng. Thật vậy, đó là mấu chốt của phản ứng chữa lành của cơ thể, mang nhiều hoạt động miễn dịch hơn đến nơi bị thương hoặc nhiễm trùng. Nhưng khi tình trạng viêm kéo dài hoặc không phục vụ mục đích nào, sâu bên trong cơ thể và qua các con đường toàn thân, nó sẽ gây bệnh. Trên thực tế, nó liên quan đến các tình trạng khác nhau như béo phì, tiểu đường, ung thư, trầm cảm, tự kỷ, hen suyễn, viêm khớp, bệnh mạch vành, đa xơ cứng và thậm chí cả bệnh Parkinson và Alzheimer. Chúng ta hãy xem xét cụ thể bệnh Alzheimer. Viêm chính xác là những gì đang xảy ra trong não của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Tôi nhận ra tình trạng viêm này có thể khó phát hiện bởi vì khi não bị viêm, chúng ta sẽ không nhìn thấy những gì chúng ta nghĩ là dấu hiệu bình thường của viêm, chẳng hạn như đau và sưng. Bộ não, mặc dù có thể cảm nhận được cơn đau ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng bản thân nó không có các thụ thể tiếp nhận cảm giác đau và do đó không thể ghi nhận sự thật rằng nó đang bốc khói. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học, trong nhiều thập niên qua, đã chứng minh nhiều lần một cách rõ ràng rằng viêm là một quá trình cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển của bệnh Alzheimer.9 Vô số chất hóa sinh có liên quan đến chứng viêm cả trong não và khắp cơ thể. Ở bệnh nhân Alzheimer, các chất hóa sinh chỉ ra rằng tình trạng viêm đang xảy ra – các chỉ tố viêm – tăng cao và thậm chí có thể được sử dụng để dự đoán sự suy giảm nhận thức và sự phát triển của chứng sa sút trí tuệ. Trong số các chất hóa sinh nổi tiếng nhất là cytokine, các protein nhỏ do tế bào tiết ra có ảnh hưởng đến hành vi của các tế bào khác và thường là những thành phần quan trọng tham gia vào quá trình viêm. Protein phản ứng C, interleukin 6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α) đều là cytokine. Giờ đây, chúng ta có khả năng chụp ảnh não bộ theo những cách cho phép thấy những hóa chất gây viêm này đang hoạt động, vì vậy chúng ta có thể xác định mối tương quan trực tiếp giữa mức độ viêm và mức độ suy giảm nhận thức. TNF-α nói riêng dường như đóng một vai trò quan trọng trong tình trạng viêm khắp cơ thể, ngoài việc tăng cao trong máu ở những bệnh nhân Alzheimer, nó còn được phát hiện là tăng cao trong một loạt các tình trạng viêm khác bao gồm bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp, bệnh tim mạch, bệnh Crohn và hen suyễn.10, 11 Vai trò của TNF-α ở các chứng bệnh này quan trọng đến mức các công ty dược phẩm đang đầu tư một khoản tiền khổng lồ để cố gắng phát triển các cách giảm thiểu nó. Thị trường toàn cầu cho các chất ức chế TNF hiện nay vượt quá 20 tỉ đô la mỗi năm.12 Ở một số người, các gen đặc hiệu có thể làm tăng tình trạng viêm một cách tự nhiên và chúng có thể làm tăng thêm nguy cơ phát triển các bệnh bắt nguồn từ viêm.13 Nhưng các yếu tố di truyền không phải là toàn bộ câu chuyện. Bạn có thể làm rất nhiều điều để tác động đến sự biểu hiện của các gen, từ việc tắt hoặc ức chế các gen “xấu” đến bật công tắc các gen “tốt” giúp đảm bảo sức khỏe của bạn. Trong cuốn Grain Brain, tôi đã khám phá sâu về một trong những cách cơ bản và có ảnh hưởng nhất mà người ta có thể hỗ trợ sự biểu hiện của những gen tốt đó trong khi ngăn chặn gen xấu và do đó, kiểm soát tình trạng viêm khi không cần thiết: bằng cách duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh. Lượng đường trong máu tăng cao gây ra tình trạng viêm trong máu, vì lượng đường dư thừa có thể gây độc nếu nó không được tế bào sử dụng. Nó cũng gây ra một phản ứng gọi là glycate hóa – quá trình sinh học trong đó đường liên kết với protein và một số chất béo nhất định, dẫn đến các phân tử bị biến dạng không hoạt động tốt. Các protein đường này được gọi là các sản phẩm glycate hóa bền vững (AGEs). Cơ thể không nhận ra AGEs là bình thường, vì vậy chúng khởi động các phản ứng viêm. Trong não, các phân tử đường và protein não kết hợp để tạo ra các cấu trúc mới gây chết người, góp phần vào sự thoái hóa của não và chức năng của nó. Mối quan hệ giữa việc kiểm soát lượng đường trong máu kém và bệnh Alzheimer nói riêng mạnh mẽ đến mức các nhà nghiên cứu hiện đang gọi bệnh Alzheimer là bệnh tiểu đường type 3.14 Mặc dù các nghiên cứu ghi nhận hiện tượng này đã có từ khoảng mười năm trước, nhưng tri thức khoa học mới hơn đang làm sáng tỏ thêm thêm bức tranh tổng thể. Chúng tôi đang phát hiện ra rằng những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột mở đường cho sự phát triển của bệnh tiểu đường và sự gia tăng của AGEs và do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tôi sẽ trình bày chi tiết cách việc này xảy ra trong Chương 4, nhưng đây là phần sơ lược nhanh. Vào năm 2012, tạp chí Nature đã công bố một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột của họ (rối loạn hệ khuẩn ruột).15 Sự mất cân bằng này khiến họ thiếu các sản phẩm phụ quan trọng từ vi khuẩn đường ruột, cần thiết để duy trì sức khỏe của các tế bào trong hệ tiêu hóa. Hãy nhớ rằng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 phải chịu rất nhiều căng thẳng chuyển hóa vì cơ thể của họ không thể vận chuyển thành công glucose từ máu vào tế bào. Và ở những vùng cơ thể không có hệ thống vận chuyển glucose, chẳng hạn như dây thần kinh và não, các nhà khoa học có thể xác định các dạng căng thẳng chuyển hóa khác như AGEs, có thể dẫn đến các tình trạng bao gồm bệnh thần kinh ngoại vi (suy nhược, tê bì và đau do dây thần kinh bị tổn thương), và tổn thương các mạch máu và chức năng não. Khám phá này đã là một đột phá trong lĩnh vực của tôi. Để biết rằng trung tâm của chuỗi các sự kiện dẫn đến bệnh tiểu đường và bệnh não là một hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn, ít nhất là đối với tôi, thật đáng kinh ngạc. Tôi thích cách một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã giải thích sự thật của vấn đề này trong một báo cáo đăng trên tạp chí danh tiếng Food Science and Human Wellness:16 Đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực hệ vi sinh thường trú ở bệnh tiểu đường type 2 trong những năm gần đây. Cộng đồng vi sinh vật không chỉ góp phần gây ra tình trạng viêm mức độ nhẹ khi khởi phát bệnh tiểu đường type 2, mà còn làm phát triển thêm bệnh tiểu đường type 2 thông qua các thành phần gây viêm. Nó cũng có tác động với nhiều biến chứng liên quan đến tiểu đường type 2, bao gồm bệnh võng mạc tiểu đường, nhiễm độc thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, loét chân do tiểu đường, xơ nang và bệnh Alzheimer. Những nghiên cứu này cùng nhau hỗ trợ vai trò quan trọng của hệ vi sinh trong việc duy trì tính toàn vẹn của hàng rào ruột, duy trì cân bằng nội môi chuyển hóa bình thường, bảo vệ vật chủ khỏi nhiễm trùng bởi các mầm bệnh, tăng cường hệ thống đề kháng của vật chủ và thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh trong bệnh tiểu đường type 2. Các nhà nghiên cứu tiếp tục thảo luận về vai trò ảnh hưởng của các lựa chọn chế độ ăn uống trong việc thay đổi hệ vi sinh vật theo hướng tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh này. Họ cũng chỉ ra rằng các loại thảo mộc và chế phẩm bổ sung có đặc tính chống tiểu đường đã được biết đến có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu thông qua hệ vi sinh vật. Nói cách khác, chúng có thể không nhất thiết ảnh hưởng trực tiếp đến insulin và glucose; đúng hơn, chúng đang ảnh hưởng tích cực đến hệ vi sinh vật. Ví dụ, các thành phần thảo dược truyền thống của Trung Quốc là berberine và nhân sâm, cũng như các hợp chất được tìm thấy trong trà, cà phê, rượu vang và sôcôla có tác dụng chống tiểu đường nhờ tác dụng của chúng đối với vi khuẩn đường ruột. Những hợp chất này hoặc thay đổi thành phần của vi khuẩn đường ruột theo chiều hướng tốt hơn hoặc được chuyển hóa bởi vi khuẩn đường ruột trước khi được hấp thụ vào cơ thể. Sau hàng ngàn năm, các phương pháp thực hành thảo dược cổ đại của Trung Quốc cuối cùng cũng nhận được lời giải thích mà chúng xứng đáng được nhận. Chính những vi sinh vật đường ruột đang sử dụng những hợp chất thảo dược này trước tiên để chúng ta có thể hưởng lợi từ chúng. Tiến sĩ James M. Hill là nhà điều tra khoa học cấp cao và giáo sư khoa học thần kinh tại Trường Y Đại học Bang Louisiana. Phòng thí nghiệm của ông nằm trong số nhiều phòng thí nghiệm công nghệ cao tìm hiểu mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và nguy cơ mắc bệnh về não. Gần đây, ông đã xuất bản một báo cáo phác thảo nhiều cách mà bộ não và chức năng của nó bị ảnh hưởng bởi những gì diễn ra trong ruột.17 Trong các nghiên cứu sử dụng mô hình chuột, ông đã khám phá cách vi khuẩn đường ruột tốt có khả năng sản xuất các hóa chất cho não quan trọng như BDNF, axit gamma-amino butyric (GABA) và glutamate. Và nồng độ của những hóa chất quan trọng này phản ánh trực tiếp những gì đang xảy ra với vi khuẩn đường ruột; khi các nhà nghiên cứu gây rối loạn vi khuẩn đường ruột ở chuột, họ không chỉ quan sát những thay đổi về hành vi ở chuột mà còn tính toán những thay đổi về khối lượng của những hóa chất này. Ở phần trước, tôi đã mô tả yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não như một loại protein tăng trưởng não quan trọng. BDNF tham gia vào quá trình hình thành các tế bào thần kinh mới. BDNF cũng bảo vệ các tế bào thần kinh hiện có, đảm bảo sự tồn tại của chúng và khuyến khích các kết nối, hoặc khớp thần kinh, giữa chúng. Sự hình thành khớp thần kinh này rất cần thiết cho việc suy nghĩ, học tập và các cấp độ cao hơn của chức năng não. Mức BDNF giảm được thấy trong hàng loạt các bệnh thần kinh, bao gồm bệnh Alzheimer, động kinh, biếng ăn tâm thần, trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Và mặc dù chúng ta biết rằng BDNF có thể được tăng lên thông qua tập thể dục nhịp điệu cũng như bằng cách tiêu thụ chất béo omega-3 DHA, giờ đây chúng ta biết rằng chất hóa học cực kỳ quan trọng trong não này phụ thuộc vào sự cân bằng của vi khuẩn sống trong ruột. Trên tạp chí thần kinh học JAMA Neurology của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, một báo cáo hấp dẫn của nhóm nghiên cứu tại Trường Y Đại học Boston, được xuất bản vào tháng 11 năm 2013, đã tiết lộ mức BDNF trong máu liên quan như thế nào đến nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.18 Nghiên cứu lấy thông tin từ Nghiên cứu tim Framingham nổi tiếng, một trong những nghiên cứu dịch tễ học lớn nhất từng được thực hiện, để xem xét nồng độ BDNF trong máu ở một nhóm gồm 2.131 người trưởng thành. Những người này không bị sa sút trí tuệ khi bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi đến 10 năm. Những gì các nhà nghiên cứu của Đại học Boston đã phát hiện là những người có mức BDNF cao nhất khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ mất trí nhớ bằng một nửa so với những người có mức BDNF thấp nhất. Họ tuyên bố rằng BDNF “cũng có thể giảm ở những người khỏe mạnh có xu hướng phát triển chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer”. Các nhà nghiên cứu đã kết luận điều rõ ràng: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy vai trò của BDNF trong sinh học và có thể là trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.”19 GABA, một hóa chất quan trọng khác được sản xuất bởi vi khuẩn đường ruột, là một axit amin đóng vai trò là chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương. Nó là chất truyền tin hóa học chính trong não của bạn giúp làm dịu hoạt động thần kinh bằng cách ức chế những dẫn truyền thần kinh và bình thường hóa sóng não. Nói cách khác, GABA đưa hệ thần kinh trở lại trạng thái ổn định hơn để bạn có thể vượt qua căng thẳng tốt hơn. Năm 2012, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Baylor và Bệnh viện Nhi đồng Texas đã xác định được một chủng vi khuẩn Bidobacterium có khả năng tiết ra một lượng lớn GABA, cho thấy rằng nó có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị không chỉ các rối loạn não bộ mà còn các rối loạn viêm ruột như bệnh Crohn.20 Vì GABA chặn hoạt động của tế bào thần kinh nên nó kiểm soát sự lo lắng – sự lo lắng, tất nhiên, là nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ viêm. Glutamate, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng khác được tạo ra bởi vi khuẩn đường ruột, có liên quan đến hầu hết các khía cạnh của chức năng não bình thường, bao gồm nhận thức, học tập và trí nhớ. Nó có nhiều trong một bộ não khỏe mạnh. Một loạt các vấn đề về thần kinh, từ lo lắng và suy giảm hành vi đến trầm cảm và bệnh Alzheimer, được cho là do thiếu GABA và glutamate. Một trong những kết quả quan trọng nhất từ nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa vi khuẩn và sức khỏe não bộ là “sự rối loạn” không chỉ là việc có một hệ vi sinh vật mất cân bằng, trong đó những kẻ côn đồ đông hơn và giẫm đạp lên những sinh vật tốt, gây ra chứng viêm và cướp đi khỏi cơ thể những vật liệu quan trọng được sản xuất bởi những sinh vật tốt đó. Ở hàng triệu người ngày nay, đường ruột phần lớn bị rối loạn do tính thấm ruột tăng lên, dẫn đến tình trạng viêm mức độ nhẹ liên tục. Hãy để tôi giải thích thêm về điều này. HIỂM HỌA TỪ MỘT ĐƯỜNG RUỘT RÒ RỈ Đường tiêu hóa của bạn, từ thực quản đến hậu môn, được lót bằng một lớp tế bào biểu mô. Lớp tế bào này đại diện cho một bề mặt quan trọng giữa bạn và môi trường của bạn (“bên trong” so với “bên ngoài”). Trên thực tế, tất cả các bề mặt niêm mạc của cơ thể, bao gồm cả mắt, mũi, họng và đường tiêu hóa, là nơi xâm nhập lớn của các mầm bệnh khác nhau, vì vậy chúng phải được cơ thể bảo vệ tốt. (Các bề mặt này được lót bởi màng nhầy, một loại mô tiết ra chất nhầy, do đó có thuật ngữ là niêm mạc.) Lớp niêm mạc ruột, bề mặt niêm mạc lớn nhất, có ba chức năng chính. Đầu tiên, nó đóng vai trò là phương tiện hoặc cơ chế để lấy chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn. Thứ hai, nó ngăn chặn các phần tử, hóa chất, vi khuẩn và các sinh vật khác xâm nhập vào dòng máu mà có thể gây hại đe dọa đến sức khỏe của bạn. Thứ ba, nó chứa các hóa chất gọi là các immunoglobulin, chúng gắn với vi khuẩn và các protein lạ để ngăn chúng bám vào niêm mạc ruột của bạn. Các hóa chất này là các kháng thể được tiết ra từ các tế bào của hệ miễn dịch ở phía bên kia của niêm mạc ruột và được vận chuyển vào ruột qua thành ruột. Điều này cuối cùng cho phép các sinh vật và protein gây bệnh di chuyển qua và bị đào thải ra ngoài. Có hai con đường mà cơ thể sử dụng để hấp thụ chất dinh dưỡng từ ruột. Nếu sử dụng con đường xuyên tế bào, các chất dinh dưỡng di chuyển qua các tế bào biểu mô; nếu sử dụng con đường gian bào, các chất dinh dưỡng đi qua giữa các tế bào biểu mô. Sự kết nối giữa các tế bào, được gọi là liên kết đặc, là một mối quan hệ phức tạp và được quản lý chặt chẽ. Khi chúng ta nói về các vấn đề về tính thấm trong ruột, hay cái gọi là “ruột bị rò rỉ”, chúng ta đang đề cập đến các vấn đề về khả năng vận hành của các liên kết đặc này, kích thước từ 10 đến 15 Å (Å là chữ viết tắt của angstrom, một đơn vị nhỏ đến mức cách duy nhất để hình dung nó là nghĩ về một không gian vi mô, nhỏ hơn đầu của một cái đinh ghim hàng triệu lần; nó nhỏ hơn nhiều so với một virus hoặc vi khuẩn điển hình). Nếu các kết nối không hoạt động hiệu quả, chúng không thể khống chế một cách thích hợp những gì nên được phép đi qua (chất dinh dưỡng) hoặc không cho vào (các mối đe dọa tiềm ẩn). Với tư cách là người gác cổng, những kết nối này quyết định, trên quy mô lớn, điểm mốc của tình trạng viêm – mức độ viêm cơ bản của cơ thể tại bất kỳ thời điểm nào. Một thực tế đã được ghi nhận rõ ràng là khi hàng rào đường ruột bị tổn thương, bạn dễ bị mắc – thông qua tình trạng viêm gia tăng – một loạt các bệnh về sức khỏe, bao gồm viêm khớp dạng thấp, dị ứng thực phẩm, hen suyễn, chàm, bệnh celiac, viêm ruột, HIV, xơ nang, tiểu đường, tự kỷ, Alzheimer và Parkinson.21 Thật khó để tưởng tượng rằng chúng ta sẽ muốn ruột của mình bị rò rỉ, nhưng có những lúc điều này thực sự hữu ích. Một số bệnh nhiễm trùng ruột, như bệnh tả, do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, được đặc trưng bởi sự rò rỉ của ruột tăng lên theo hướng ngược lại, về cơ bản cho phép nhiều chất lỏng đi vào ruột từ máu, có lẽ là để giúp làm loãng sinh vật và độc tố của nó. Điều này sau cùng cho phép cơ thể loại bỏ mầm bệnh thông qua tình trạng tiêu chảy rất nặng ở căn bệnh này. Điều thú vị là, chính mô hình này – sự tăng tính thấm của niêm mạc ruột xảy ra với bệnh tả – đã cho phép Tiến sĩ Alessio Fasano từ Harvard xác định mối quan hệ hiện đã được thiết lập giữa việc tiêu thụ gluten, tăng tính thấm của ruột và tình trạng viêm lan rộng khắp cơ thể.22 Tôi đã có cơ hội nghe Tiến sĩ Fasano giảng về chủ đề này một vài lần. Vài năm trước, ông đã chia sẻ ảnh hưởng của sự tình cờ trong sự nghiệp của mình. Ông đang nghiên cứu cách phát triển một loại vắc-xin phòng bệnh tả khi tình cờ bắt gặp mối liên hệ đáng ngạc nhiên này, thêm một chương mới vào sách khoa học về ruột bị rò rỉ, gluten và chứng viêm. Bằng chứng rằng nghiên cứu có thể có những phát hiện ngoài dự định. Mối nguy hiểm của ruột bị rò rỉ dường như càng trở nên khủng khiếp hơn, khi mà khoa học mới đang cho chúng ta biết rằng tình trạng viêm do mất tính toàn vẹn của ruột có thể dẫn đến não bị rò rỉ. Từ lâu, chúng ta đã giả định rằng bằng cách nào đó, bộ não được cách ly và bảo vệ hoàn toàn khỏi những gì diễn ra trong phần còn lại của cơ thể, như thể đó là một thánh địa không thể chạm tới. Có thể bạn đã nghe nói về cánh cổng kiên cố, có khả năng bảo vệ cao, ngăn những thứ xấu ra khỏi não: hàng rào máu não. Trong những năm trước đây, chúng ta thường coi hàng rào này như một bức tường không thể xuyên thủng, ngăn mọi thứ có thể gây ra mối đe dọa. Tuy nhiên, gần đây, rõ ràng rằng nhiều chất có thể đe dọa tính toàn vẹn của hàng rào máu não, để lọt vào bên trong các phân tử khác nhau có thể gây rắc rối, bao gồm protein, virus và thậm chí cả vi khuẩn mà chúng đáng lẽ ra đã bị loại trừ.23 Hãy nghĩ xem: Những thay đổi trong môi trường ruột của bạn có thể làm suy yếu khả năng tự bảo vệ của não trước những kẻ xâm lược độc hại tiềm tàng. Điều đáng báo động hơn nữa là phát hiện gần đây của Tiến sĩ Fasano rằng không chỉ tính thấm của ruột tăng khi nó tiếp xúc với gliadin, một loại protein có trong gluten, mà trên thực tế, hàng rào máu não cũng trở nên dễ thấm hơn khi tiếp xúc với gliadin.24 Cứ như thể một cánh cửa mở nhầm dẫn đến việc mở một cánh cửa khác. Tràn ngập những kẻ xâm nhập. Một câu hỏi mà bạn có thể hỏi lúc này là: Làm thế nào bạn có thể kiểm tra xem ruột có bị rò rỉ không? Hằng ngày, tôi thực hiện các xét nghiệm máu đơn giản trên bệnh nhân để giúp tôi hiểu được tính toàn vẹn của niêm mạc ruột của họ. Tôi sử dụng Cyrex Array 2, cung cấp các xét nghiệm sàng lọc tinh vi nhất trên thị trường hiện nay. Array này do Cyrex Labs (www.CyrexLabs.com) sản xuất, đo các kháng thể được tạo ra bởi hệ miễn dịch khi nó đối đầu với một phân tử gọi là LPS, viết tắt của lipopolysaccharide. Không có cuộc trò chuyện nào về hệ vi sinh vật, chứng viêm và sức khỏe não bộ có thể loại trừ tác động của phân tử này. LPS: THIẾT BỊ GÂY CHÁY Nếu có một nhân vật phản diện sinh học rõ ràng nào đó xâm nhập các con đường gây viêm trong cơ thể, thì đó sẽ là lipopolysaccharide (LPS). Nó là sự kết hợp của lipid (chất béo) và đường, và là thành phần chính của màng ngoài của một số vi khuẩn. Ngoài việc cung cấp tính toàn vẹn về cấu trúc của vi khuẩn, LPS cũng bảo vệ những vi khuẩn này khỏi bị tiêu hóa bởi muối mật từ túi mật. Vi khuẩn được bảo vệ bằng LPS, được gọi là vi khuẩn Gram âm – tức là một loại vi khuẩn không bắt màu thuốc nhuộm màu tím được sử dụng trong phương pháp nhuộm Gram dùng để phân biệt vi khuẩn – thường có nhiều trong ruột, chiếm tới 50 đến 70% vi khuẩn đường ruột. Từ lâu, chúng ta đã biết rằng LPS (được xếp vào nhóm “nội độc tố” (endotoxin) nghĩa là một độc tố đến từ bên trong vi khuẩn) gây ra đáp ứng viêm dữ dội ở động vật nếu nó tìm thấy đường vào máu. LPS được sử dụng thực nghiệm trong nghiên cứu để tạo ra tình trạng viêm ngay lập tức trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các mô hình động vật, được sử dụng cho các tình trạng như bệnh Alzheimer, đa xơ cứng, rối loạn viêm ruột, tiểu đường, bệnh Parkinson, xơ cứng teo cơ một bên (ALS), viêm khớp dạng thấp, lupus, trầm cảm và thậm chí tự kỷ, sử dụng LPS vì khả năng kích hoạt viêm trong cơ thể nhanh chóng. Điều này sau cùng cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu những căn bệnh này và xem xét mối quan hệ của chúng với chứng viêm. Các nghiên cứu trên người cho thấy rằng các chỉ số LPS tăng cao được thấy ở rất nhiều trong số các căn bệnh này. Thông thường, LPS bị chặn khỏi dòng máu bởi các liên kết đặc tồn tại giữa các tế bào lót trong ruột. Tuy nhiên, như bạn có thể tưởng tượng, khi những liên kết đó bị tổn thương và lớp lót bị rò rỉ hoặc thấm, LPS sẽ đi vào tuần hoàn và có thể gây viêm và gây ra thiệt hại. Vì vậy, nồng độ LPS trong máu không chỉ là dấu hiệu của tình trạng viêm nói chung mà còn cả sự rò rỉ của ruột. Trong một trong những nghiên cứu đáng báo động nhất từng được thực hiện về LPS, sinh viên cao học Marielle Suzanne Kahn và các đồng nghiệp của cô tại Đại học Cơ đốc giáo Texas đã chỉ ra rằng việc tiêm LPS vào cơ thể động vật thí nghiệm (không phải não) dẫn đến sự suy giảm quá mức khả năng học hỏi.25 Ngoài ra, những động vật này phát triển nồng độ beta-amyloid tăng cao trong hồi hải mã, trung tâm trí nhớ của não. Beta-amyloid là một loại protein có liên quan mạnh mẽ đến bệnh lý bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu hiện đang nghiên cứu các cách giảm thiểu beta-amyloid trong não hoặc thậm chí ngăn chặn sự hình thành của nó. Điểm mấu chốt: LPS tăng cao trong máu có thể là một yếu tố góp phần lớn làm tăng beta-amyloid trong não, đặc trưng của bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng những con chuột được tiêm LPS vào bụng gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ.26, 27 LPS cũng đã được chứng minh là làm giảm lượng BDNF sản sinh.28 Hơn nữa, chúng tôi hiện có bằng chứng cho thấy lượng LPS trong huyết tương của bệnh nhân Alzheimer nhiều gấp ba lần so với nhóm đối chứng khỏe mạnh.29 Đây là thông tin mạnh mẽ một lần nữa nói lên mối liên hệ ruột-não và tác động của chứng viêm và tính thấm của ruột. Tất cả chúng ta đều có LPS trong ruột bởi vì nó là một thành phần cấu trúc quan trọng trong rất nhiều vi khuẩn ở đó, nhưng không nên để nó đi vào trong máu, nơi nó có thể có tác động hủy hoại. ALS, còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, là một bệnh nghiêm trọng, gần như gây tử vong phổ biến mà không có cách chữa trị và chỉ một loại thuốc (chỉ có hiệu quả khiêm tốn) được FDA chấp thuận. Nó ảnh hưởng đến hơn 30.000 người Mỹ. Nghiên cứu hiện đang xem xét vai trò của LPS và tính thấm của ruột trong bệnh này. Không chỉ có mức LPS cao hơn trong huyết tương của bệnh nhân ALS, mà mức LPS tương quan trực tiếp với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dữ liệu mới này đã khiến một số chuyên gia tự hỏi liệu có phải kẻ chủ mưu của ALS không phải ở não hay tủy sống mà là ở ruột. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu có thể đã tìm nhầm chỗ trong suốt những năm qua. Bằng chứng chống lại LPS và tình trạng viêm mà nó gây ra nặng nề đến mức các nhà khoa học tại Đại học San Francisco đã tuyên bố rằng kiến thức này có thể “đại diện cho các mục tiêu mới để can thiệp điều trị ở bệnh nhân ALS”.30 Một ví dụ khác cho thấy sức mạnh của LPS: Tiến sĩ Christopher Forsyth và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago đã khám phá LPS và tính thấm ruột liên quan đến bệnh Parkinson, và họ thực sự đã tìm thấy mối tương quan trực tiếp.31 Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson cho thấy mức LPS cao hơn nhiều so với người khỏe mạnh. Và trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem cách khoa học mới nhất về trầm cảm cho thấy rằng LPS tăng cao là một trong những nghi phạm xấu xa nhất trong việc kích hoạt chứng rối loạn tâm trạng. SỨC KHỎE NÃO BỘ BẮT ĐẦU TỪ RUỘT Vậy bạn chắc hẳn có thể rút ra cùng một kết luận mà tôi sẽ đưa ra. Chúng ta thực sự phải chú ý đến cách các sinh vật trong ruột của mình được cho ăn và nuôi dưỡng. Chúng ta cũng phải đảm bảo tính toàn vẹn của lớp lót ruột. Trong cuốn sách trước của mình, tôi đã chỉ ra những tác nhân chính gây ra chứng viêm trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và sức khỏe của não – các thành phần phổ biến như gluten và đường, và thiếu các chất giải độc như chất béo lành mạnh, tập thể dục và ngủ yên giấc. Nhưng giờ đây, chúng ta có nhiều kiến thức khoa học hơn để chứng minh rằng câu chuyện không chỉ bắt đầu bằng đáp ứng viêm đối với bánh mì và bánh blintz. Nó bắt đầu với một hệ vi sinh vật bị bệnh và những tác động tai hại của các phân tử như LPS làm loạn một khi vào trong hệ tuần hoàn. Như bạn sẽ biết thêm trong các chương sắp tới, các yếu tố như kháng sinh và các loại thuốc khác, nước khử trùng bằng clo, một số loại thực phẩm nhất định và thậm chí căng thẳng đều đóng một phần trong việc xác định sự đa dạng và cân bằng của vi khuẩn đường ruột và từ đó là điểm mốc của chứng viêm. Các vi khuẩn đường ruột không chỉ ảnh hưởng đến môi trường trong cơ thể bạn, mà chúng còn đóng góp cho môi trường đó bằng cách tạo ra một số hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe của não và toàn bộ hệ thần kinh. Chúng quyết định sức mạnh và độ vững chắc của thành ruột. Và chúng thậm chí có thể tạo ra nhiều loại vitamin cần thiết cho sức khỏe não bộ, bao gồm cả B12. Các bằng chứng đã cho thấy nồng độ B12 thấp là một yếu tố nguy cơ rất lớn đối với chứng sa sút trí tuệ, chưa kể đến những vấn đề thần kinh khác như trầm cảm.32 Tôi không thể nói với bạn rằng bao nhiêu lần tôi đã chứng kiến những tiến triển đáng kể ở một ca trầm cảm lâm sàng chỉ với việc bổ sung B12. Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt B12 ở Mỹ ảnh hưởng đến 10-15% số người trên 60 tuổi33 và có thể liên quan đến những thay đổi trong vi khuẩn đường ruột do hậu quả của chế độ ăn uống nghèo nàn và các loại thuốc họ dùng để cố gắng duy trì sức khỏe. Mối liên hệ rất đơn giản: Sự tổng hợp B12 trong cơ thể chủ yếu xảy ra ở ruột non, nơi vi khuẩn đường ruột sản xuất nó bằng cách sử dụng coban và các chất dinh dưỡng khác. Mặc dù vitamin B12 có thể được lấy từ chế độ ăn uống, chủ yếu từ thực phẩm động vật bao gồm cá, thịt, gia cầm và trứng, một số B12 được hấp thụ trong ruột để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của bạn đến từ các nhà máy vi khuẩn đó. Tôi không thể nhắc lại điều này sao cho đủ: Sức khỏe và sự đa dạng của các vi sinh vật trong bụng của bạn phụ thuộc trực tiếp vào thực phẩm bạn ăn. Thực phẩm giàu chất xơ, cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn đường ruột và giảm lượng đường tinh luyện hỗ trợ một lượng lớn các loài vi khuẩn, giúp duy trì tính toàn vẹn của thành ruột, giữ cho lượng đường trong máu được kiểm soát, giảm viêm và sản xuất tất cả những chất và phân tử quan trọng cần thiết cho sức khỏe và chức năng của não. Hơn nữa, có sự khác biệt lớn giữa chất béo gây viêm và chất béo giúp kiểm soát tình trạng viêm. Chất béo omega-6 chiếm ưu thế trong chế độ ăn uống của phương Tây ngày nay; đây là những chất béo gây viêm được tìm thấy trong nhiều loại dầu thực vật có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn não cũng như bệnh tim. Mặt khác, chất béo omega-3 – như chất béo có trong dầu ôliu, cá, hạt lanh và động vật ăn cỏ hoang dã – tăng cường chức năng não, giúp đẩy lùi chứng viêm và thực sự có thể đối trọng với những tác động bất lợi của chất béo omega-6. Nghiên cứu nhân học cho thấy tổ tiên săn bắt-hái lượm của chúng ta tiêu thụ chất béo omega-6 và omega-3 với tỉ lệ khoảng 1:1.34 Ngày nay, chúng ta tiêu thụ chất béo omega-6 nhiều hơn một cách khủng khiếp từ 10 đến 25 lần so với tổ tiên của mình. Hãy cùng tìm hiểu nhanh về khái niệm cà phê là chất bảo vệ não, vì điều này sẽ thuyết phục bạn hơn nữa về sức mạnh của các lựa chọn chế độ ăn uống đối với vi khuẩn đường ruột. Một công bố gần đây trên tạp chí Journal of Alzheimer’s Disease cho thấy khả năng giảm nguy cơ phát triển bệnh một cách ấn tượng ở những người uống cà phê. Nghiên cứu được thực hiện ở Phần Lan với sự hợp tác của Viện Karolinska, theo dõi 1.409 người từ 65 đến 79 tuổi trong trung bình 21 năm.35 Những người uống từ 0 đến 2 cốc mỗi ngày được mô tả là những người uống cà phê “ít”. Những người uống từ 3 đến 5 cốc được coi là “vừa phải” và những người uống nhiều hơn 5 cốc mỗi ngày được xếp vào loại “nhiều”. Những người uống vừa phải ở tuổi trung niên cho thấy nguy cơ mắc bệnh Alzheimer giảm đáng kinh ngạc là 65% so với những người uống ít. (Mặc dù những người uống hơn 5 cốc mỗi ngày cũng giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, nhưng không đủ số người trong nhóm này để đưa ra kết luận có ý nghĩa thống kê.) Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Miia Kivipelto, giáo sư về Dịch tễ học Lão khoa tại Karolinska, nhận xét về nghiên cứu bằng cách nêu rõ: “Với lượng tiêu thụ cà phê lớn trên toàn cầu, kết quả có thể có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh sa sút trí tuệ/bệnh Alzheimer. Các phát hiện này cần được xác nhận bởi các nghiên cứu khác, nhưng nó mở ra khả năng rằng các can thiệp chế độ ăn uống có thể thay đổi nguy cơ mất trí nhớ/bệnh Alzheimer.”36 Tôi sẽ nói sâu hơn chút nữa. Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu làm sáng tỏ các đặc tính bảo vệ não của cà phê và nghiên cứu mới nhất đã chứng minh rõ ràng rằng nó xảy ra ở cấp độ của hệ vi sinh vật. Trên thực tế, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện đang được mở rộng và cho thấy một cách rõ ràng rằng – thông qua hoạt động của những vi sinh vật trong bụng – cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, đột quỵ, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, thậm chí cả ung thư và bệnh tim mạch.37, 38 Nó thực hiện điều này thông qua một loạt các cơ chế trong đó bao gồm vi khuẩn đường ruột.39 Đầu tiên, vi khuẩn đường ruột có thể dễ dàng tiêu hóa chất xơ hạt cà phê còn trong cà phê lỏng sau khi pha, chiết xuất năng lượng của nó cho sự sinh trưởng và sức khỏe của chúng. Nó cũng đã được chứng minh là làm giảm tỉ lệ vi khuẩn Firmicutes so với Bacteroidetes, và sau đây chúng ta sẽ xem sự thay đổi tỉ lệ này có liên quan như thế nào đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì và do đó cũng giảm viêm. Hơn nữa, chúng tôi cũng hiểu rằng cà phê là một nguồn giàu polyphenol, các phân tử với các đặc tính có lợi cho sức khỏe. Chúng là chất chống oxy hóa dồi dào nhất trong chế độ ăn uống của con người. Người ta ước tính rằng chúng ta tiêu thụ 1 g polyphenol mỗi ngày, cao hơn khoảng 10 lần so với lượng tiêu thụ hằng ngày của vitamin C và cao hơn 100 lần so với lượng vitamin E và A. Polyphenol không chỉ được tìm thấy trong cà phê; chúng cũng có trong rượu vang đỏ cũng như các loại thực phẩm khác và đã trở thành một trọng tâm nghiên cứu. Nhưng đây là mấu chốt của vấn đề: Khả năng cơ thể chiết xuất và sử dụng các polyphenol mà bạn tiêu thụ phần lớn do vi khuẩn đường ruột quyết định. Những vi sinh vật đó một lần nữa đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối sinh học của bạn vì sức khỏe của bạn. Để có được đầy đủ lợi ích sức khỏe của polyphenol từ thực phẩm, bạn cần có một hệ vi sinh khỏe mạnh. BA CÁCH TỐT NHẤT MÀ NHỮNG ANH BẠN TRONG RUỘT GIÚP GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH VỀ NÃO 1. Chúng giúp kiểm soát tình trạng viêm. Sự cân bằng và đa dạng của vi khuẩn đường ruột điều chỉnh mức độ viêm xảy ra trong cơ thể. Mức độ khỏe mạnh của nhiều loại vi khuẩn tốt hạn chế việc sản xuất các hóa chất gây viêm trong cơ thể và trong não. Viêm, như bạn đã biết, là cơ sở cho các tình trạng thoái hóa trong cơ thể con người, bao gồm bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch vành và bệnh Alzheimer. 2. Chúng củng cố tính toàn vẹn của thành ruột và ngăn chặn sự thấm qua ruột. Đường ruột bị rò rỉ do mất cân bằng vi khuẩn đường ruột cho phép các protein khác nhau thường được tìm thấy trong ruột vượt qua thành ruột và tổn hại hệ miễn dịch. Tình huống này kích hoạt phản ứng miễn dịch một lần nữa dẫn đến viêm. Giờ đây, chúng tôi nhận ra rằng nhiều yếu tố làm tăng tính thấm của ruột, bao gồm một số loại thuốc, vi khuẩn gây bệnh, sự căng thẳng, độc tố môi trường, lượng đường trong máu cao và các thành phần như gluten. 3. Chúng tạo ra các chất hóa học quan trọng cho sức khỏe não bộ, bao gồm BDNF, các vitamin khác nhau như B12, và thậm chí cả chất dẫn truyền thần kinh như glutamate và GABA. Chúng cũng lên men một số hợp chất sinh ra từ thực phẩm như polyphenol thành các chất chống viêm nhỏ hơn để có thể được hấp thụ vào máu và sau cùng là bảo vệ não. TÌNH TRẠNG VIÊM, RUỘT, VÀ TI THỂ HÙNG MẠNH Để bắt đầu cuộc trò chuyện về vòng tuần hoàn đầy đủ về viêm, chúng ta phải xem xét kỹ hơn cách các ti thể hoạt động. Đây là những bào quan cực nhỏ, được tìm thấy trong tất cả các tế bào, ngoại trừ tế bào hồng cầu, tạo ra năng lượng hóa học dưới dạng ATP (adenosine triphosphate). Chúng có DNA của riêng mình, và quan điểm hiện tại cho rằng chúng có nguồn gốc từ vi khuẩn – chúng từng là vi khuẩn sống tự do mà sau cùng cư trú trong tế bào của chúng ta và mang lại lợi ích cho tế bào của chúng ta nhờ việc sản xuất năng lượng. Giống như DNA của vi khuẩn, DNA của ti thể được sắp xếp theo một vòng tròn, hoàn toàn không giống như vật chất di truyền được tìm thấy trong nhân tế bào. Bây giờ chúng ta nhận ra rằng những bào quan nội bào này không chỉ đơn giản là tạo ra năng lượng. Ti thể kiểm soát đáng kể DNA nhân. Với nguồn gốc vi khuẩn và DNA đặc thù của chúng, ti thể nên được coi là một phần của hệ vi sinh vật của con người. Ti thể khỏe mạnh tạo nên một con người khỏe mạnh. Và bây giờ chúng ta biết rằng chúng đóng một vai trò quan trọng trong các bệnh thoái hóa như Alzheimer, Parkinson, và thậm chí cả ung thư. Được quan sát lần đầu tiên bởi bác sĩ người Đức Carl Benda vào năm 1897, những hạt nội bào này xuất hiện dưới dạng những hạt nhỏ như sợi chỉ. Do đó có tên là ti thể (mitochondria), bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp mitos, có nghĩa là “sợi”, và chondrin, có nghĩa là “hạt”. (Ngoài ra, trong khi nhân tế bào chứa chính xác hai bản sao DNA của nó, thì ti thể có thể có từ 5 đến 10 bản sao DNA của nó.) Nhưng phải đến năm 1949, hai nhà khoa học người Mỹ, Eugene Kennedy và Albert Lehninger, mới giải thích đầy đủ về vai trò của ti thể như là nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào. Về cơ bản, các bào quan này có thể sử dụng nhiên liệu carbohydrate và chuyển nó thành năng lượng cung cấp cho hầu hết các chức năng của tế bào. Năng lượng được tạo ra từ phản ứng này được gọi là chuyển hóa oxy hóa vì oxy được sử dụng cho quá trình này, giống như ngọn lửa khi cháy. Nhưng sự hô hấp của ti thể khác với ngọn lửa ở chỗ thay vì giải phóng năng lượng trong một phản ứng không kiểm soát, năng lượng của ti thể được lưu trữ dưới dạng phân tử gọi là ATP. ATP giàu năng lượng sau đó có thể được phân phối khắp tế bào, giải phóng năng lượng theo yêu cầu với sự hiện diện của các enzyme đặc hiệu. Các tế bào riêng lẻ của não, cơ xương, tim, thận và gan có thể chứa hàng nghìn ti thể, đến mức trong một số tế bào, có tới 40% vật chất được tạo thành từ ti thể. Theo Giáo sư Enzo Nisoli của Đại học Milan, bạn và tôi mỗi người sở hữu hơn 10 triệu tỉ ti thể, chiếm 10% trọng lượng cơ thể của chúng ta.40 Một thực tế cơ bản cần hiểu ở đây là việc sử dụng oxy trong quá trình sản xuất năng lượng mang lại mức hiệu suất cao. Trong khi các tế bào có khả năng sử dụng các con đường hóa học khác để tạo ra ATP trong điều kiện không có oxy, thì quá trình này, chuyển hóa kỵ khí, chỉ hiệu quả bằng 1/18 so với chuyển hóa oxy hóa. Nhưng việc sử dụng oxy đi kèm với một cái giá. Một sản phẩm phụ quan trọng của công việc được thực hiện bởi ti thể là các chất hóa học, liên quan đến oxy, được gọi là các gốc oxy hóa (ROS). ROS thường được gọi là các gốc tự do. (Theo nghĩa thuần khoa học, thuật ngữ “gốc tự do” không chỉ đề cập đến các gốc oxy hóa, mà còn là một họ các gốc phản ứng tương tự, các loại nitơ phản ứng. Để cho đơn giản, và như đã trở thành tiêu chuẩn trong các ấn phẩm phi khoa học, chúng tôi sử dụng thuật ngữ gốc tự do để chỉ các gốc oxy hóa.) Hầu hết mọi người đều quen thuộc với thuật ngữ gốc tự do ngày nay, vì chúng đã được mô tả rộng rãi trong các tài liệu dành cho giới không chuyên, từ các tạp chí làm đẹp đến quảng cáo cho các sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa. Mặc dù thường bị coi là xấu vì những tác động tiêu cực mà chúng có thể gây ra trong cơ thể, nhưng các gốc tự do có một vai trò tích cực trong sinh lý con người theo nhiều cách. Chúng tham gia điều chỉnh quá trình chết rụng tế bào, quá trình các tế bào trải qua sự tự hủy. Mặc dù thoạt đầu có vẻ khó hiểu tại sao sự tự hủy tế bào nên được coi là một sự kiện thuận lợi, nhưng quá trình chết rụng tế bào là một chức năng tế bào quan trọng và cần thiết. Thuật ngữ chết rụng tế bào (apoptosis) đầu tiên được cho là của Hippocrates và ban đầu có nghĩa là “sự rụng của lá”. Nhưng phải đến khi một bài viết của Alastair R. Currie được xuất bản trên tạp chí British Journal of Cancer vào năm 1972, thuật ngữ này mới có được sức hút trong cộng đồng khoa học. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng từ này để mô tả quá trình các tế bào bị loại bỏ một cách có chủ ý. Ví dụ, nếu không có quá trình chết rụng tế bào, chúng ta sẽ không có các ngón tay riêng lẻ, vì chính quá trình này mà các ngón của chúng ta có thể hình thành từ các chồi chi trong quá trình phát triển phôi thai, do đó cho phép bàn tay của chúng ta hình thành từ những gì ban đầu xuất hiện như là những chiếc găng tay nhấc nồi. Chết rụng tế bào cực kỳ quan trọng, vì nó cho phép cơ thể chúng ta tự loại bỏ vô số tế bào ung thư xuất hiện tự phát bên trong cơ thể. Mỗi ngày có 10 tỉ tế bào bị tiêu diệt để nhường chỗ cho các tế bào mới hơn, khỏe mạnh hơn. Và các gốc tự do do ti thể tạo ra trong quá trình sản xuất năng lượng đóng vai trò chủ đạo trong quá trình này. Giống như rất nhiều điều trong cuộc sống, quá trình chết rụng tế bào có mặt tối của nó. Mặc dù có nhiều tình huống mà việc kích hoạt các gen phá hủy của tế bào là một điều tốt, nhưng khi chức năng của ti thể bị suy giảm, sự tự sát của tế bào trái lại có thể được gây ra ở các tế bào khỏe mạnh bình thường. Trên thực tế, đây là cơ chế cơ bản dẫn đến sự phá hủy các tế bào thần kinh trong các tình trạng thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, đa xơ cứng, Parkinson và Lou Gehrig. Tuy nhiên, quá trình chết rụng tế bào não không chỉ giới hạn ở những quá trình bệnh này. Nó xảy ra trong mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời và là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm chức năng não nói chung khi chúng ta già đi. Cho đến gần đây, các nhà khoa học đã tin tưởng vào mô hình rằng tất cả các chức năng của tế bào, bao gồm cả quá trình chết rụng tế bào, đều do nhân tế bào chỉ đạo. Nhưng như nhà hóa sinh người Anh Nick Lane ghi nhận trong cuốn sách hấp dẫn của ông Power, Sex, and Suicide (Quyền lực, Tình dục và Tự sát), “đã có một sự thay đổi về tầm quan trọng đến mức tạo nên một cuộc cách mạng, lật ngược mô hình sơ khai. Mô hình cho rằng nhân là các [trung tâm] hoạt động của tế bào và kiểm soát số phận của nó. Trong nhiều phương diện, điều này tất nhiên là đúng, nhưng trong trường hợp chết rụng tế bào thì không. Đáng chú ý, các tế bào thiếu nhân vẫn có thể thực hiện quá trình chết rụng. Nghiên cứu thấu đáo đã cho thấy rằng các ti thể kiểm soát số phận của tế bào: chúng xác định liệu một tế bào sẽ sống hay chết.”41 Khi đó, ti thể không chỉ là bào quan đơn giản có tác dụng biến nhiên liệu thành năng lượng. Chúng chứa những ẩn họa khó lường. Và không có gì ngạc nhiên khi chúng có thể bị hư hại rất dễ do tình trạng viêm – đặc biệt là loại bắt nguồn từ sự điều hành rối loạn trong cộng đồng vi sinh vật đường ruột. Rốt cuộc, ruột là nguồn gốc của chứng viêm do sự tác động lẫn nhau phức tạp giữa các vi sinh vật cư ngụ và hệ miễn dịch. Vì vậy, các quá trình viêm được điều chỉnh bởi vi khuẩn đường ruột và kết quả là các phân tử gây viêm di chuyển qua máu – đến các tế bào và mô – sẽ tấn công các ti thể. Hơn nữa, các sản phẩm phụ của cộng đồng đường ruột mất cân bằng cũng có thể gây tổn thương trực tiếp đến ti thể và do đó gây viêm nhiều hơn. Các nghiên cứu hiện đang được tiến hành để điều tra mối liên hệ giữa hệ vi sinh ở người và các bệnh liên quan đến ti thể, đặc biệt là những bệnh có thể di truyền cho các thế hệ tương lai. Các bệnh về ti thể bao gồm một nhóm các bệnh về thần kinh, cơ và rối loạn chuyển hóa do các ti thể bị rối loạn chức năng. Các rối loạn đa dạng như bệnh tiểu đường, tự kỷ và bệnh Alzheimer đều có liên quan đến các vấn đề về ti thể. Trong Chương 5, chúng ta sẽ xem rối loạn chức năng ti thể ở trẻ tự kỷ cung cấp manh mối như thế nào cho tình trạng này, cũng như