🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn Ebooks Nhóm Zalo Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn Tác giả: T.S Nguyễn Thị Bích Hạnh Thể loại: Chuyên khảo Số trang: 320 Kích thước: 16x24 cm Phát hành: Nxb Khoa học xã hội Năm xuất bản: 11/2015 E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. TVE-4U CÙNG ĐỌC - CÙNG CHIA SẺ! Lời giới thiệu Hiện nay, ngôn ngữ học tri nhận với cách tiếp cận đa ngành, liên ngành các khoa học trong nghiên cứu đã trở thành tâm điểm của ngôn ngữ học hiện đại. Trong số các vấn đề mà ngôn ngữ học tri nhận quan tâm, có vấn đề về ẩn dụ tri nhận. Ở Việt Nam, trong bối cảnh những nghiên cứu theo hướng ngôn ngữ học tri nhận vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu thì cuốn chuyên khảo này ít nhiều mang tính thời sự, có nhiều ý nghĩa về lí luận và thực tiễn. Trong nền âm nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một hiện tượng hiếm gặp. Là một nhạc sĩ tài danh, ông được công chúng mến mộ không chỉ trong nước mà phần nào vượt qua biên giới quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh đời sống âm nhạc Việt ngày càng nở rộ với nhiều dòng nhạc như: nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, nhạc nhẹ, nhạc kịch, nhạc dân ca, nhạc dân gian đương đại, nhạc Rap, R&B, Jazz, Rock, Pop,… thì nhạc Trịnh Công Sơn tồn tại như một dòng nhạc độc lập, trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và ngay cả trong lĩnh vực văn học từ trước đến nay. Nhạc Trịnh Công Sơn tự mình tạo ra một ma lực đặc biệt cuốn hút, mê hoặc người nghe. Làm nên sức sống của nhạc Trịnh chính là ở phần ca từ, cái hay, cái lạ, cái đẹp của nhạc Trịnh chủ yếu ở phần lời chứ không hoàn toàn ở phần nhạc. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng Trịnh Công Sơn ghép nhạc vào lời hơn là ghép lời vào nhạc, ngôn ngữ trong ca từ của ông vô cùng mới lạ, bằng cách mượn hình ảnh để cụ thể hóa những ý niệm trừu tượng. Việc tìm hiểu giá trị ca từ Trịnh Công Sơn đang là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là soi chiếu ca từ dưới góc độ ngôn ngữ. Đã có rất nhiều công trình sách, báo, bài viết cả trong và ngoài nước viết về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này. Nghiên cứu ca từ nhạc Trịnh dưới góc độ ngôn ngữ học bắt đầu được quan tâm từ mấy năm trở lại đây, nhưng các tác giả chủ yếu tiếp cận ngôn ngữ nhạc Trịnh theo quan điểm của ngôn ngữ học cấu trúc. Tiếp cận ngôn ngữ nhạc Trịnh dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận là địa hạt mới mẻ, có khả năng mang đến một cái nhìn đa chiều hơn về con người cũng như góp phần khai thác các giá trị trong các tác phẩm âm nhạc Trịnh Công Sơn, làm nổi bật triết lý nhân sinh sâu sắc của nhạc sĩ về con người và về cuộc đời. Từ góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, cụ thể là ẩn dụ tri nhận, chuyên khảo đã nghiên cứu, khảo sát cách sử dụng ngôn từ tiếng Việt trong ca từ của Trịnh Công Sơn, đi sâu khai thác và giải mã các mô hình ẩn dụ tri nhận trong khối liệu ca từ này, từ đó làm nổi bật tính sáng tạo, sự linh hoạt và tính triết lí thấm đẫm trong ca từ của ông, góp phần nghiên cứu toàn diện về các sáng tác của nhạc sĩ tài ba này. Các kết quả nghiên cứu của chuyên khảo sẽ góp phần củng cố lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, làm rõ thêm một số vấn đề lí thuyết về ẩn dụ thông qua ca từ của một trong những nhạc sĩ Việt Nam tài hoa nhất, với những bài hát có ca từ thuộc vào loại đẹp nhất, đã làm lay động và say mê nhiều thế hệ. Chuyên khảo sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu khuynh hướng lý thuyết về ngôn ngữ học tri nhận ở Việt Nam, góp phần chứng minh ẩn dụ tri nhận không chỉ là hình thái tu từ của thi ca mà còn là vấn đề của tư duy, là một cơ chế cực kỳ quan trọng để con người nhận thức thế giới. Chuyên khảo Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn sẽ là một đóng góp cho Việt ngữ học một thí dụ điển hình về nghiên cứu ẩn dụ tri nhận trong ngôn ngữ nghệ thuật. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng độc giả! Hà Nội, tháng 9 năm 2015 GS.TS. Võ Khánh Vinh Lời nói đầu Nhạc sĩ Văn Cao sinh thời từng cho rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn là kết quả của một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa phần ca từ với phần âm nhạc, hai phần này hòa quyện vào nhau đến mức khó có thể tách rời, làm nên hồn cốt nhạc Trịnh, vì vậy, ông gọi Trịnh Công Sơn là “Người ca thơ”1. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến thì cho rằng: “Tất cả ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn làm thành một tình ca hay nhất thế kỷ”. Cùng với thời gian, nhạc Trịnh ngày càng khẳng định được vị trí và tên tuổi của mình trong lòng công chúng yêu nhạc trong và ngoài nước. Việc tìm hiểu giá trị ca từ Trịnh Công Sơn đang là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là soi chiếu ca từ dưới góc độ ngôn ngữ. Chuyên khảo đã dựa trên lý thuyết về ngôn ngữ học tri nhận để lý giải những mô hình ẩn dụ tri nhận trên cứ liệu ca từ Trịnh Công Sơn. Dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, các mô hình ẩn dụ được khai thác, giải mã dựa trên kinh nghiệm thân thể, trải nghiệm sinh học, các cơ chế thần kinh và phản xạ hành vi, các mô hình văn hóa và các tri thức nền mang đặc trưng tâm lý, tư duy tộc người; bên cạnh đó những ước định về văn hoá, tôn giáo và những định chế về tư duy tâm linh con người cũng được vận dụng để suy nghiệm các ẩn dụ. Trên cơ sở phân tích các mô hình ẩn dụ, chuyên khảo đã so sánh, đối chiếu trong các miền văn hóa khác nhau, từ đó có thể làm sáng tỏ tính khác biệt về văn hóa trong ngôn từ của nhạc sĩ, đặt trong tương quan giữa cái mang tính phổ quát toàn nhân loại với cái đặc thù mang tính dị biệt của từng dân tộc. Để hoàn thành chuyên khảo này, tác giả xem ca từ của Trịnh Công Sơn như một hệ thống những ý niệm (hay hệ thống từ vựng tinh thần) để khảo sát. Đây không chỉ là sản phẩm đơn thuần của trí tuệ, mà hệ thống ý niệm này đã cấu trúc hóa tình cảm, cảm xúc, hành vi, quan hệ của nhạc sĩ trong mối quan hệ thường nhật với thế giới bên ngoài, được xây dựng dựa trên những sơ đồ nhất định mà hằng ngày chúng ta vẫn nhận thức về nó một cách thụ động, vô thức bởi nó vốn tiềm tàng trong tư duy văn hóa dân tộc. Từ việc phân tích các ý niệm, chuyên khảo làm rõ bản chất của các mô hình ẩn dụ tri nhận trong vai trò cấu trúc hóa tri giác, tư duy, và hoạt động của con người. Đặc biệt, khi ánh xạ vào tư duy của Trịnh Công Sơn, các ẩn dụ ấy còn mang được nét riêng biệt trong cách tri giác và tư duy về thế giới của cá nhân nhạc sĩ. Với thao tác liên văn bản, chuyên khảo sử dụng không những các văn bản có tính văn học khác để soi chiếu các tác phẩm của Trịnh Công Sơn mà còn sử dụng những huyền thoại, truyền thuyết, ngữ cảnh văn hóa như là những nguồn cung cấp những dữ kiện, những hình ảnh, những yếu tố để qua đó, mỗi người đọc tự cảm nhận được những vỉa tầng sâu kín của các ý niệm trong ca từ Trịnh Công Sơn. Với thao tác xếp chồng văn bản, chuyên khảo sử dụng những tác phẩm khác nhau của Trịnh Công Sơn,“xếp chồng” các văn bản cùng thể loại của ông để tìm những đường nét của huyền thoại tập thể, từ đó làm phát lộ huyền thoại cá nhân của nhạc sĩ. Kết hợp với sử dụng thủ pháp so sánh văn hoá, chuyên khảo đã so sánh, đối chiếu các ẩn dụ ý niệm tương đương ở các nền văn hóa khác (qua so sánh trên cơ sở các truyền thuyết, thần thoại, các quan niệm trong tôn giáo, tâm thức văn hóa cộng đồng…) với ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn để tìm ra các nét tương đồng, tương cận, hay dị biệt giữa chúng. Từ đó, chỉ ra những thẩm nhận đặc trưng và cá tính sáng tạo trong ca từ nhạc Trịnh. Chuyên khảo nỗ lực gắn phân tâm học và các luận điểm của triết học Hiện sinh phương Tây vào việc lí giải các mô hình ý niệm, nghiên cứu những mạng lưới liên tưởng trong ngôn ngữ và hình ảnh được thể hiện trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn, giúp người đọc, người nghe khám phá ra những ám ảnh mà nhạc sĩ luôn ôm ấp trong đời sống cũng như trong những giấc mơ giữa đời thường của mình. Tất cả những ám ảnh này làm nên con người vô thức của tác giả, làm nên “huyền thoại cá nhân” của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của chuyên khảo còn có thể ứng dụng vào việc giảng dạy trong lĩnh vực phong cách học, phong cách sáng tác ca từ. Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa luôn mang trong mình các hệ thống ẩn dụ mang tính ổn định tương đối, lại vừa chứa đựng một tiềm năng biến đổi. Vì vậy, khi nghiên cứu ẩn dụ tri nhận, nhất thiết phải đặt nó trong sự vận động xã hội. Xuất phát từ cơ sở nêu trên, trong quá trình phân tích các ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn, ngoài các thao tác phân tích ý niệm và suy luận của ngôn ngữ, chuyên khảo đặc biệt chú ý kết hợp với các nhân tố của ngữ cảnh văn hóa như: đặc điểm và diễn biến của thời đại; ý thức hệ tư tưởng; môi trường văn hóa - nghệ thuật; Những quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hóa,… có ảnh hưởng đến thế giới quan và nhân sinh quan của tác giả. Để lý giải các ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn, tác giả cho rằng cần thiết nắm rõ một số yếu tố của ngữ cảnh văn hóa như: đời sống tâm lý cá nhân và đời sống tâm lý cộng đồng; các yếu tố văn hóa hay tri thức nền của nhạc sĩ; bối cảnh xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy nghệ thuật của Trịnh Công Sơn,… từ đó mới có thể hiểu một cách sâu sắc thông điệp của nhạc sĩ. Đây cũng là căn cứ để giải mã toàn bộ hệ thống ẩn dụ trong ca từ của ông. Chuyên khảo sẽ góp phần làm sinh động, tươi mới các ý niệm có tính chất phổ niệm bằng các ngữ liệu của đối tượng nghiên cứu; khảo sát chi tiết các ẩn dụ tri nhận điển dạng (cơ sở) cũng như các ẩn dụ tri nhận phái sinh (thứ cấp) và đề xuất các khung tri nhận cụ thể; sơ đồ hóa mối tương ứng trong cơ trình ẩn dụ giữa miền nguồn và miền đích với những dẫn liệu ngôn ngữ ca từ độc đáo, chính xác, thuyết phục; phát hiện và làm rõ tính lưỡng phân thống nhất trong ẩn dụ tri nhận và nỗi ám ảnh thân phận con người trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chuyên khảo sẽ giúp người đọc có thêm công cụ để tự ý thức và giải mã được “cái bí ẩn sâu kín” trong ca từ nhạc Trịnh. Để chuyên khảo đến được với người đọc, tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội nói riêng và Ban Giám đốc Học viện KHXH nói chung, đã tạo mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để tác giả sớm hoàn thành công trình này; Tác giả cũng xin được cảm ơn Phòng Quản lý khoa học; Ban Chủ nhiệm khoa Khoa Ngôn ngữ học - Học viện Khoa học xã hội; GS.TS. Đỗ Việt Hùng; GS.TS. Nguyễn Đức Tồn; GS.TS. Nguyễn Văn Khang; GS.TSKH. Lý Toàn Thắng; GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, GS.TS. Lê Quang Thiêm; GS.TS. Bùi Minh Toán đã cho tác giả nhiều ý kiến quý báu để sửa chữa, biên tập, hoàn thành chuyên khảo. Và nhân đây cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho phép tác giả sử dụng một số tranh và ảnh tư liệu liên quan đến nhạc sĩ; cảm ơn GS.TS. Nguyễn Quang đã cho phép tác giả sử dụng bức họa về Trịnh Công Sơn để in trong chuyên khảo; đặc biệt, tác giả xin được gửi lời cảm ơn đến GS.TS. Hồ Sĩ Quý - người thiết kế mỹ thuật cho bìa cuốn sách, cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã tạo mọi điều kiện để cuốn chuyên khảo này sớm đến được với độc giả. Vì khả năng nghiên cứu có hạn, nội dung chuyên khảo không tránh khỏi những mặt hạn chế. Tác giả mong nhận được những ý kiến đóng góp của các độc giả để công trình đạt chất lượng tốt hơn ở những lần tái bản sau. Xin chân thành cảm ơn. Hà Nội, tháng 09 năm 2015 Tác giả Nguyễn Thị Bích Hạnh Chương 1 Dẫn nhập 1. Khái lược về ẩn dụ Ẩn dụ vốn thường được xem là vấn đề của bản thân ngôn ngữ, bao gồm một số biểu trưng hiểu theo nghĩa bóng, dựa trên các ngôn từ chứa đựng nghĩa đen. Ẩn dụ vốn được các nhà tu từ học quan tâm nghiên cứu, thường được coi là cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau. Cơ chế của ẩn dụ tạo ra sự chuyển đổi nghĩa phổ biến nhất trong tất cả các ngôn ngữ. Có thể xem so sánh ngầm là quy trình cơ bản để hiểu về ẩn dụ. Quan điểm truyền thống này về ẩn dụ có từ thời Aristotle, được nhiều nhà ngôn ngữ học cấu trúc luận trên thế giới đồng tình và khẳng định. Trong Việt ngữ học, ẩn dụ được xem xét theo hai góc độ. Thứ nhất, là đối tượng nghiên cứu của từ vựng học, ẩn dụ là một trong những phương thức chuyển nghĩa cơ bản của các đơn vị từ vựng dựa vào mối quan hệ tương đồng giữa sự vật - đối tượng. Thứ hai, là đối tượng nghiên cứu của phong cách học, ẩn dụ là một biện pháp tu từ nhằm tạo nên những biểu tượng trong nhận thức của con người, được khảo sát trong những ngữ cảnh cụ thể, gắn liền với văn bản. Trong ba thập niên gần đây, định nghĩa về ẩn dụ đã có sự thay đổi mang tính đột phá khi các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ẩn dụ còn là một công cụ tri nhận hữu hiệu để con người ý niệm hóa các khái niệm trừu tượng. Ẩn dụ là hình thái tư duy của con người về thế giới. Tư duy ẩn dụ dựa trên cơ sở các ý niệm. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng các đơn vị ngôn ngữ (từ, ngữ, kết cấu) đều biểu đạt các ý niệm và những ý niệm này đều tương ứng với các ý nghĩa của những đơn vị ngôn ngữ đó. Mỗi khi tạo sinh một phát ngôn, một cách vô thức, con người đã cấu trúc mọi phương diện của kinh nghiệm mà ta có ý định truyền tải và sử dụng quá trình ý niệm hóa cho phát ngôn đó. Ý niệm hóa bao hàm tất cả các quá trình tư duy (hay bất cứ sự trải nghiệm tinh thần nào của con người). Quá trình này chính là quá trình nhận thức của con người trong việc tạo ra ý niệm: các thông tin mà con người tri giác từ thế giới khách quan được tích hợp lại trong một hình ảnh tinh thần đơn lẻ, hình ảnh này, như một thứ ý nghĩa quy ước, được gắn với âm thanh của một ngôn ngữ để diễn đạt cái mảnh thế giới khách quan đó một cách khái quát. Trong quá trình nhận thức và tư duy, con người thông qua các trải nghiệm tinh thần ý niệm hóa thế giới bằng các thông tin đã tri giác được từ thế giới khách quan. Cơ chế tri nhận của ẩn dụ bao gồm hai miền nguồn và đích tồn tại tiền giả định trong ý thức của con người, trong đó những thuộc tính của miền nguồn được ánh xạ, phóng chiếu lên miền đích, cả hai miền nguồn và đích đều là những ý niệm, được cấu trúc hóa theo mô hình trường - chức năng: trung tâm - ngoại vi, trong đó hạt nhân là khái niệm nằm ở trung tâm, mang tính phổ quát toàn nhân loại, và ngoại vi là những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, nằm trong một “khung” hay “nền” văn hóa nhất định mang tính đặc thù. Ý niệm có tính nghiệm thân và chịu tác động của hiệu ứng điển dạng và các mô hình văn hóa, vì vậy, ý niệm không chỉ mang tính phổ quát mà còn mang tính đặc thù văn hóa - dân tộc. Ý niệm không tồn tại riêng lẻ mà liên kết với nhau tạo thành một hệ thống ý niệm. Mỗi một hệ thống ý niệm có những ý niệm cơ sở và ý niệm thứ cấp, giữa chúng có hiện tượng ranh giới mờ, thậm chí một số ý niệm trong hệ thống ý niệm này lại đồng thời nằm trong hệ thống ý niệm khác. Ngôn ngữ học tri nhận (cognitive linguistics) bắt đầu phát triển từ những năm 80 thế kỷ XX như một trường phái ngôn ngữ vận dụng kiến thức liên ngành. Ngôn ngữ học tri nhận “nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật của thế giới khách quan đó”1. Ẩn dụ ý niệm (hay còn gọi là ẩn dụ tri nhận - cognitive/conceptual metaphor) “là một trong những hình thức ý niệm hóa, một quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới và không có nó thì không thể nhận được tri thức mới”2. Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ là một cơ chế tri nhận mà nhờ đó, những tri giác liên tục, tương tự đã trải qua quá trình phạm trù hóa được đánh giá lại trong những bối cảnh ý niệm mới. Ẩn dụ ý niệm phản ánh cơ chế ánh xạ kiểu lược đồ giữa hai miền không gian. Ánh xạ ẩn dụ có tính chất bộ phận vô thức và đơn tuyến. Các lược đồ ý niệm có vai trò tổ chức kiến thức trong quá trình tri nhận. Mẫu lược đồ được chọn từ các miền hữu ảnh, diễn ra trong phạm trù nghiệm thân và tạo thành trải nghiệm tự thân của con người. Vì vậy, các mô hình tri nhận nhấn mạnh vào bản chất tinh thần, kinh nghiệm tri giác và nhận thức khoa học của con người. Trải nghiệm của thân thể vừa kích hoạt, vừa đặt cơ sở tạo thành ẩn dụ, nói cách khác, tri nhận của con người phải được hiểu qua tính nghiệm thân. Nếu nghiên cứu ẩn dụ dưới góc độ ngôn ngữ học cấu trúc thì chỉ giúp phát hiện ra các cơ chế ẩn dụ theo kiểu hình thái ngôn ngữ, bản chất của ẩn dụ và các dạng khác nhau của ẩn dụ; tìm hiểu được các cơ chế định danh (ẩn dụ chết), các phương thức chuyển nghĩa của từ trong cùng một trường nghĩa hay giữa các trường nghĩa khác nhau dựa trên các cơ chế ẩn dụ; vận dụng vào trong thi pháp để xây dựng chúng trở thành một thủ pháp tu từ, tạo nên những biểu tượng nghệ thuật ngôn từ mang ý nghĩa biểu trưng và phần nào mang tính chủ quan, sắp đặt của người nghệ sĩ. Việc nghiên cứu ẩn dụ theo phương thức truyền thống không thể giúp chúng ta tìm hiểu được cặn kẽ những “cấu trúc bề sâu của nhận thức” qua ngôn từ. Ngôn ngữ hậu cấu trúc với thuyết ẩn dụ tri nhận đã nhận thức và lý giải các phạm trù của thế giới qua hệ thống các ý niệm được nghiệm thân trong ngôn ngữ; giúp con người khám phá thế giới tri thức quanh mình được phản chiếu qua ngôn từ hằng ngày; thấy được sự tương đồng và khác biệt trong các cơ tầng văn hóa giữa những nền văn hóa khác nhau. Là một bộ phận của khoa học tri nhận, ngôn ngữ học tri nhận cùng với ẩn dụ ý niệm đã trở thành một bộ môn khoa học liên ngành, gắn bó mật thiết với các khoa học về tâm lý học tri nhận, trí tuệ nhân tạo, văn hóa học, triết học, thần kinh học, đặc biệt là nhân học, với thuyết “Dĩ nhân vi trung” (lấy con người làm trung tâm của vũ trụ). Ngôn ngữ học tri nhận nghiên cứu sự nhận thức và ý niệm hóa của con người về thế giới quanh mình qua các biểu thức và các diễn ngữ ngôn ngữ, bằng cách lấy con người làm bản thể định vị giữa không gian, thời gian, và các nguyên tắc, sự kiện, hành động, tư tưởng, tôn giáo, niềm tin… của con người tương tác mật thiết với nhau trong không - thời gian ấy. Như thế, ngôn ngữ học tri nhận không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ với chính bản thân ngôn ngữ từ những hiện tượng có thể quan sát được, mà còn nghiên cứu cả những gì không quan sát trực tiếp được như sự hiểu biết (hay tri thức), trí tuệ, cảm xúc, ý chí, các hiện tượng tinh thần nói chung… Các ẩn dụ tri nhận được khai thác, giải mã các vỉa tầng nghĩa dựa trên các tri thức nền, các mô hình văn hoá, đặc trưng tâm lý, tư duy tộc người, những ước định về văn hoá, tôn giáo, và cả những định chế về tư duy tâm linh con người, giúp chúng ta tìm hiểu được cặn kẽ những “cấu trúc bề sâu của nhận thức” qua ngôn từ, bên cạnh đó còn làm rõ sự tương đồng và khác biệt trong các cơ tầng văn hóa giữa những nền văn hóa khác nhau; Những “hiện thực trải nghiệm luận”, “hiện thực nghiệm thân luận” được dùng làm cơ sở để nhận thức các mô hình ẩn dụ ngày càng làm hé lộ cách con người tư duy về thế giới quanh mình dựa trên các cơ sở khoa học rất cụ thể và rõ ràng. Vì vậy, tiếp cận ngôn ngữ theo hướng ngôn ngữ học tri nhận đang là một hướng đi mới được nhiều nhà ngôn ngữ học hiện nay quan tâm ủng hộ. 2. Đường hướng nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận Ngôn ngữ học tri nhận đã bắt đầu được nghiên cứu từ những thập kỷ 80 của thế kỷ XX với những tên tuổi như G. Lako, M. Johnson, G. Fauconnier, Ch. Fillmore, R Jackendo, R. Langacker, E. Rosch, L. Talmy, M. Turner, A. Wierzbicka, Yu. Stepanov, Yu. Apresian,W. Chafe, M. Minsky… Ngay từ cuối những năm 70 thế kỷ XX, với công trình trở thành kiệt tác trí tuệ Metaphor We live by năm 1980 viết chung với nhà triết học M. Johnson, Lako bắt đầu phát triển lý thuyết về ẩn dụ tri nhận. Lý thuyết này làm cho danh tiếng Lako vượt ra ngoài phạm vi thuần túy ngôn ngữ học, là một báo hiệu cho thấy có một sự thay đổi lớn trong nghiên cứu về ngôn ngữ trong mối liên hệ với các ngành khoa học khác. Trong những năm qua, lý thuyết của phép ẩn dụ đã phát triển và đào sâu đáng kể. Ban đầu, xu hướng của các nghiên cứu đều cho rằng phép ẩn dụ ý niệm chủ yếu được căn cứ vào kinh nghiệm thân thể. Trong những năm 80 thế kỷ XX, Lako và Kovecses đã cho thấy những ẩn dụ cảm xúc (như sự giận dữ của con người) xuất hiện trong ngôn ngữ và đều xuất phát từ cơ sở văn hóa, cơ sở sinh lý học của con người (Lako 1987; Kovecses năm 1986, 1990). Đến đầu những năm 90, một quan điểm hoàn toàn mới của phép ẩn dụ được phát hiện ra rằng ẩn dụ ý niệm không chỉ nằm ở lĩnh vực thời gian, mà còn ở trong các lĩnh vực như sự kiện, nhân quả, đạo đức4. Một tiến bộ quan trọng trong lý thuyết ẩn dụ đến năm 1997 là nghiên cứu ẩn dụ ý niệm gắn với các lý thuyết thần kinh, các nghiên cứu chỉ ra rằng kinh nghiệm hằng ngày, kinh nghiệm cảm giác của con người là cơ sở đưa ra các đánh giá chủ quan của nhận thức ngôn ngữ (Joseph Grady (1997), Christopher Johnson (1997). Tác giả Srinivas Narayanan (1997) còn sử dụng các kỹ thuật tính toán cho mô hình thần kinh, phát triển một lý thuyết mà trong đó, ẩn dụ ý niệm được lý giải thông qua bản đồ thần kinh với hệ kinh mạch kết nối hệ thống cảm giác với các khu vực cao hơn ở vỏ não. Năm 2002, Gilles Fauconnier và Mark Turner đã phát triển một lý thuyết về không gian pha trộn, là một kiểu không gian tinh thần tưởng tượng kết hợp với lý thuyết thần kinh của ngôn ngữ, trong đó, các ánh xạ ẩn dụ được thực hiện trên cơ sở vật lý giống như một bản đồ thần kinh, như thế, chúng tạo thành các cơ chế thần kinh tự nhiên trong các suy luận ẩn dụ5. Tiếp đó, cùng với một số nhà nghiên cứu khác, Lako đã phát triển tư tưởng về vai trò của ẩn dụ trong việc hình thành hệ thống ý niệm của con người và cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên. Tư tưởng này đã được Lako phát triển thành học thuyết “Trí tuệ nhập thân”, chủ trương nghiên cứu sự phụ thuộc của những năng lực tư duy của con người và những quan niệm về thế giới, kể cả những hệ thống triết học vào những đặc điểm cấu tạo của cơ thể và bộ não con người. Về các nghiên cứu liên quan đến ứng dụng của lý thuyết ẩn dụ: Kể từ lần đầu tiên phát hiện ra ẩn dụ ý niệm, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học đa dạng như lý thuyết văn học, nghiên cứu pháp luật, ngôn ngữ học và triết học đã thực hiện một cách thú vị ứng dụng của lý thuyết này. Họ đã xác định được ẩn dụ ý niệm nằm ở trung tâm của pháp luật, thơ ca, chính trị, tâm lý học, vật lý, khoa học máy tính, toán học và triết học. Nghiên cứu của họ cho thấy cấu trúc ẩn dụ đã góp phần làm sáng tỏ cách con người suy nghĩ như thế nào trong một số lĩnh vực trí tuệ. Trong lĩnh vực văn học phân tích, More (1989), Lako và Turner đã chứng minh rằng phép ẩn dụ trong thơ ca hầu hết nằm ở các phần mở rộng và trong các trường hợp đặc biệt ổn định, ẩn dụ ý niệm thông thường được sử dụng trong tư tưởng và ngôn ngữ hằng ngày. Các sáng tạo ẩn dụ của nhà thơ không hoàn toàn nằm ở việc tạo ra tư tưởng mới của ẩn dụ, mà nằm trong cơ chế ánh xạ ẩn dụ. Lako và Turner (1987) cũng cho thấy, ẩn dụ ý niệm thông thường nằm ở trung tâm của các thể loại văn học, đặc biệt là tục ngữ (1996), Turner sau đó đã chứng minh ẩn dụ nằm ở việc xây dựng các truyện ngụ ngôn và các sản phẩm phổ biến khác của trí tưởng tượng văn học. Các cơ sở ẩn dụ về chiều kích đạo đức trong văn học trở nên rõ ràng từ các cuộc thảo luận về ẩn dụ và đạo đức của Johnson (1993), của Lako trong lĩnh vực chính trị và đạo đức (1996), và bởi Lako và Johnson trong Triết học(1999)6. Các ứng dụng quan trọng nhất của lý thuyết về ẩn dụ ý niệm là ở các lĩnh vực pháp luật, chính trị và các vấn đề xã hội. Nhà lý thuyết Pháp lý Steven (2001) đã viết nhiều bài báo tổng quan về pháp luật và trong một cuốn sách cũng đã bàn về vai trò trung tâm của phép ẩn dụ trong lý luận pháp luật. Ẩn dụ Pháp lý rất phổ biến trong những ẩn dụ về bất động sản, sự hiểu biết về sở hữu trí tuệ,… Ẩn dụ được xem là một công cụ pháp lý mạnh mẽ và có hiệu ứng rộng rãi trong xã hội. Triết học Lako và Johnson (1999) là một phân tích sâu về ẩn dụ cấu trúc được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh tế, chính trị. Lako (1996) phân tích thế giới quan chính trị của những người bảo thủ và cấp tiến ở Mỹ, xem xét các quan điểm về kiểm soát súng, phá thai, án tử hình, thuế, các chương trình xã hội, môi trường và nghệ thuật,… trong một khung tri nhận nhất định. Còn trong lĩnh vực tâm lý học, ẩn dụ đã chứng minh tầm quan trọng của mình đối với cả hai lĩnh vực nhận thức và tâm lý học. Nhận thức tâm lý bị chi phối bởi ý tưởng cũ mà khái niệm nằm ở các con chữ và nghĩa, nhưng các tài liệu về lý thuyết ẩn dụ cung cấp bằng chứng áp đảo chống lại quan điểm đó và mở ra một khả năng cho nhận thức tâm lý thú vị hơn nhiều, các nghiên cứu của Gibbs (1994), ẩn dụ cảm xúc của Lako (1987) hay ẩn dụ nghiệm thân của Kovecses (1990), nghiên cứu về tâm trí, bộ nhớ, và sự chú ý của Fernandez-Duque và Johnson (1999) đã chứng minh điều đó7. Như vậy, kể từ lần đầu tiên phát hiện ra ẩn dụ ý niệm, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học đa dạng như lý thuyết văn học, nghiên cứu pháp luật, ngôn ngữ học và triết học đã thực hiện một cách thú vị ứng dụng của lý thuyết này. Họ đã xác định được ẩn dụ ý niệm nằm ở trung tâm của pháp luật, thơ ca, chính trị, tâm lý học, vật lý, khoa học máy tính, toán học và triết học. Nghiên cứu của họ cho thấy cấu trúc ẩn dụ đã góp phần làm sáng tỏ cách con người suy nghĩ như thế nào trong một số lĩnh vực trí tuệ. Như vậy, có thể thấy lý thuyết ẩn dụ ý niệm ngày càng được xây dựng tỉ mỉ và cụ thể, mở rộng không chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ học mà còn giúp tìm hiểu các lĩnh vực nghiên cứu đa ngành khác. Ở trong nước, nghiên cứu được xem là sớm nhất về khuynh hướng tri nhận có thể kể đến Nguyễn Lai trong công trình Nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt (Đại học Tổng hợp, H, 1990), tuy trong công trình này tác giả không dùng đến thuật ngữ “tri nhận” nhưng các nghiên cứu về quá trình phát triển ngữ nghĩa của các từ chỉ hướng ra vào, lên xuống, đến tới, lại qua, sang về hoàn toàn được xem xét và triển khai theo đường hướng của ngôn ngữ học tri nhận với giả thuyết nghiệm thân. Đến năm 2002, tác giả Nguyễn Đức Tồn8 tuy chưa trực tiếp bàn đến ngôn ngữ học tri nhận nhưng đã bắt đầu hướng nghiên cứu của mình theo hướng lý thuyết tâm lý - ngôn ngữ học tộc người. Tác giả đã dùng thuật ngữ tri giác khi bàn đến ẩn dụ với cách tiếp cận và hiểu về bản chất của ẩn dụ như là một kiểu “tư duy phạm trù”, trong đó, qua tìm hiểu về đặc điểm dân tộc của định danh động vật, định danh thực vật, định danh bộ phận cơ thể người của người Việt (đặt trong sự so sánh với người Nga, Anh)… tác giả đã bước đầu khẳng định đặc điểm văn hóa - dân tộc của người Việt, khẳng định mỗi dân tộc có cách tri giác, định danh riêng của mình về bức tranh ngôn ngữ thế giới khách quan. Cũng trong một nghiên cứu khác, Nguyễn Đức Tồn đã đưa ra một cái nhìn mới về bản chất của ẩn dụ, giải phóng ẩn dụ khỏi sự trói buộc ở quan niệm chỉ là phép dùng từ: “Hiện tượng loại suy đặc điểm, thuộc tính, hoạt động,… giữa các sự vật, hiện tượng khác loại làm cơ sở cho những cách diễn đạt ẩn dụ ý niệm”9. Tác giả cũng chỉ rõ, chính những tri thức văn hóa được thủ đắc trong phạm vi vài dân tộc đã lập thành hạt nhân của hiện tượng được gọi là “đặc trưng dân tộc của tư duy”. Kiểu loại tư duy và đặc trưng dân tộc của tư duy được thể hiện rõ nhất ở thiên hướng “ưa thích” hay sự nổi trội của kiểu tư duy hoặc cách nghĩ nào đó ở một dân tộc nhất định10. Người đầu tiên giới thiệu ngôn ngữ học tri nhận vào Việt Nam một cách có hệ thống với khung lý thuyết cụ thể là tác giả Lý Toàn Thắng (2005) với công trình Ngôn ngữ học tri nhận - từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt (Nxb Khoa học xã hội, H). Tuy nhiên, trong công trình này, tác giả chưa đi sâu vào nghiên cứu ẩn dụ mà chủ yếu nghiên cứu về cách thức tri nhận không gian và thời gian trong ngôn ngữ. Tác giả đưa ra hướng tiếp cận không gian theo nguyên lý “Dĩ nhân vi trung” (lấy con người làm trung tâm của vũ trụ), con người được đặt trong không gian vật lý ba chiều và thời gian một chiều, qua đó, ngôn ngữ phản ánh cách con người tri nhận về thế giới quanh mình qua các cặp phạm trù được định vị theo vị trí của con người trong không gian như: trên/dưới, trước/ sau, phải/trái, trong/ngoài,… và các phạm trù chỉ thời gian định vị theo vị trí của con người qua ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong một nghiên cứu khác, tác giả cho rằng vấn đề “con người” trong sự tri nhận không gian có liên hệ sâu xa với ba phương diện: cấu tạo cơ thể người; môi trường tự nhiên xung quanh con người; các chuẩn mực và cách thức hoạt động của con người11. Năm 2007, tác giả Phan Thế Hưng đã đưa ra quan niệm mới của mình về ẩn dụ rất đáng chú ý trên cơ sở phủ nhận dòng quan điểm so sánh trong ẩn dụ: “Chúng ta không hiểu ẩn dụ bằng chuyển ẩn dụ thành phép so sánh. Thay vì vậy, câu ẩn dụ là câu bao hàm xếp loại và do vậy hiểu ẩn dụ qua câu bao hàm xếp loại”12. Cùng với việc khẳng định ẩn dụ là câu bao hàm xếp loại, tác giả khẳng định vai trò của sự xếp loại trong cấu trúc ẩn dụ: “Ẩn dụ không đơn giản là phép so sánh ngầm mà chính là câu bao hàm xếp loại thuộc cấu trúc bề sâu của tư duy. Nói cách khác, hiểu sự so sánh không phải là trung tâm của việc hiểu ẩn dụ, mà chính là hiểu được việc xếp loại”13 và đưa ra các hệ quả về ẩn dụ như: so sánh ẩn dụ được hiểu là câu bao hàm xếp loại; so sánh ẩn dụ tuân theo tầng bậc của loại theo hệ thống tôn ti và bản chất của sự xếp loại là cơ sở của tính ẩn dụ; ẩn dụ không thể đảo ngược và mối quan hệ của hai sự vật trong ẩn dụ không mang tính đối xứng. Năm 2009, tác giả Trần Văn Cơ trong công trình Khảo luận ẩn dụ tri nhận (Nxb Lao động xã hội) đã giới thiệu khái luận về ngôn ngữ học tri nhận và giới thiệu lý thuyết ẩn dụ ý niệm ở Việt Nam bằng việc tổng thuật lại một cách có hệ thống và toàn diện những vấn đề trung tâm có liên quan đến lý thuyết ẩn dụ ý niệm từ hai công trình kinh điển của G. Lako Metaphors We live by (1980), của Lako và Johnson Women, Fire and The Dangerous Things: What Categories Reveal about The Mind (1987) gồm: 1. Ý niệm và ẩn dụ ý niệm; 2. Hoạt động sáng tạo của ẩn dụ tri nhận; 3. Kinh nghiệm luận - phương pháp luận của học thuyết về ẩn dụ tri nhận; và 4. Phạm trù hóa thế giới. Kế tiếp những nghiên cứu về các từ chỉ hướng trong không gian của Nguyễn Lai, tác giả Nguyễn Đức Dân (2009)14 đã nghiên cứu sự chuyển nghĩa và ẩn dụ qua những giới từ chỉ không gian trong tiếng Việt, trong đó đã đề cập đến những cặp khái niệm nguyên thủy trong nhận thức không gian liên hệ tới sự tồn tại và vận động của con người như: trên - dưới (theo phương thẳng đứng),trước - sau (theo phương nhìn ngang của con người), gần - xa (theo tầm nhìn và đường đi), trong - ngoài (theo định vị ranh giới) và các vận động có hướng như: ra, vào, lên, xuống,… Đây là những từ ngữ đặc biệt quan trọng, có sự vận động chuyển nghĩa rất mạnh, được nhìn nhận và xem xét như một cách thức riêng của tiếng Việt trong việc ý niệm hóa, phân loại và mô tả thế giới khách quan, tạo nên những ẩn dụ về không gian và thời gian mang đậm dấu vết văn hóa và tinh thần dân tộc. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp với bài viết “Ngữ nghĩa của từ ‘ra’ ‘vào’ trong tiếng Việt từ góc độ nghiệm thân”15 đã dùng giả thuyết nghiệm thân của ngôn ngữ học tri nhận, tổng kết một cách đầy đủ những con đường phát triển ngữ nghĩa của từ “RA” trong tiếng Việt, từ nghĩa gốc trong từ điển và những lớp nghĩa phái sinh, đến các lớp nghĩa của từ “RA” trong khả năng kết hợp hay ứng xử ngữ pháp, tạo thành một phạm trù lan tỏa ngữ nghĩa với mạng lưới nhiều ý niệm có liên hệ với nhau. Nghiên cứu về ẩn dụ thời gian, tác giả Nguyễn Hòa16 đã cho rằng quá trình ý niệm hóa thời gian như là không gian xảy ra trên cơ sở sử dụng các ý niệm không gian sẵn có, tuy không hoàn toàn đồng nhất trong các nền văn hóa. Tác giả coi thời gian với tư cách như một sự vật và có thể được xem xét một cách đa chiều dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Nguyễn Văn Hán17 đã chứng minh cách thức tri nhận thời gian luôn mang tính chất quy ước xã hội, tính chất văn hóa và tính môtíp của cộng đồng. Nghiên cứu về các ẩn dụ ý niệm cảm xúc, các ẩn dụ chỉ tình cảm của con người, các công trình18,19,20,21… đều khẳng định và chứng minh rằng yếu tố cơ thể hóa ngôn ngữ, kinh nghiệm nghiệm thân và sự tác động của thế giới bên ngoài, mà cụ thể là văn hóa của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đã tạo ra những ẩn dụ ý niệm vừa mang tính phổ quát, vừa mang đặc trưng tư duy dân tộc. Các cộng đồng dân tộc khác nhau, do sự khác nhau về các nhân tố văn hóa, xã hội… sẽ tạo ra sự khác biệt hay tính chủ thể về các phương thức tư duy và mô hình tri nhận trong các biểu thức ngôn ngữ. Ngay cả những cá thể khác nhau trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ, do không đồng nhất trong kiến thức về thế giới, những hiểu biết về quy ước xã hội, cũng như sự khác nhau về kinh nghiệm trải nghiệm, khả năng cảm nhận và lý giải sự việc… sẽ dẫn đến sự khác biệt trong quá trình sử dụng và lý giải các ẩn dụ tri nhận. Qua nghiên cứu các ẩn dụ ý cảm xúc (giận dữ, vui sướng), tác giả Phan Thế Hưng đã khẳng định trải nghiệm của cơ thể con người trong ẩn dụ hóa là những trải nghiệm mang tính phổ quát và từ đó chúng ta có ẩn dụ ý niệm cơ bản và phổ quát. Ngoài ra, tác giả cũng đã đề cập đến sự tương tác giữa ẩn dụ và hoán dụ dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, đặc biệt là yếu tố kinh nghiệm phản ánh trong ngôn ngữ, tính nghiệm thân và sự tác động của thế giới bên ngoài mà cụ thể là văn hóa của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ, văn hóa tạo ra cái nền cho tất cả các tình huống chúng ta trải nghiệm để tạo thành mô hình tri nhận. Thông qua việc khảo sát các thành ngữ chỉ trạng thái tâm lý, tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt thuộc 5 phạm trù tình cảm: tức giận, vui, buồn, sợ, xấu hổ, tác giả Trần Bá Tiến đã chỉ ra điểm khác biệt căn bản giữa người Việt và người Anh trong sử dụng ẩn dụ: người Việt vì sống theo nguyên tắc trọng tình, hòa thuận, ứng xử mềm dẻo nên ưa “kìm chế”, trong khi người Anh quan niệm rằng tức giận khi bộc phát sẽ tốt hơn cho sức khỏe nên họ có xu hướng bộc lộ ra ngoài. Thông qua các tường giải cụ thể, tác giả chứng minh các thành ngữ tiếng Việt hầu hết không có ẩn dụ trực tiếp mà đều thông qua suy luận ẩn dụ. Tiếp cận qua cách nhìn toàn diện, đa chiều về phương diện cơ sở tri nhận “nghiệm thân” trong cách biểu đạt bốn ý niệm tình cảm cơ bản happiness/vui, love/yêu, fear/sợ, anger/giận, cũng như quá trình ý niệm hóa bốn tình cảm tương ứng thông qua các ánh xạ ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm, tác giả Ly Lan đã làm sáng tỏ các đặc điểm tương đồng và khác biệt trong cách tri nhận về tình cảm của hai cộng đồng người bản ngữ nói tiếng Anh và tiếng Việt. Tác giả Vi Trường Phúc22 nghiên cứu về thành ngữ chỉ tâm lý tình cảm trong tiếng Hán từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận (có liên hệ với tiếng Việt) đã áp dụng nguyên lý của người Trung Hoa: “Cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật” (gần thì lấy từ bản thân, xa thì lấy từ các vật) để tham chiếu thế giới xung quanh con người. Ngoài nghiên cứu tính nghiệm thân dựa trên các bình diện: tính nghiệm thân của tâm trí, tính vô thức của tri nhận, tính ẩn dụ và hoán dụ của tư duy, tác giả còn nghiên cứu cả tính nghiệm thân của sự tích hợp (dựa trên thuyết pha trộn ý niệm). Đây là một đóng góp mới của tác giả, góp phần thay đổi quan niệm của các nhà tri nhận trước đây khi cho rằng ẩn dụ ý niệm vốn chỉ được xây dựng dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa hai miền ý niệm hoặc lược đồ hình ảnh, và sơ đồ ánh xạ trong ẩn dụ chỉ diễn ra một chiều (từ miền nguồn đến miền đích); mà thông qua những kiến giải hết sức khoa học và lôgic từ cứ liệu thành ngữ chỉ tâm lý tình cảm tiếng Hán và tiếng Việt, tác giả đã chứng minh ẩn dụ tri nhận còn được giải mã dựa trên bốn không gian tâm trí (pha trộn ý niệm), ánh xạ giữa hai miền không gian nguồn, đích là một sự tương tác đa chiều, các ý niệm không nhất thiết phải có sẵn, được sử dụng một cách máy móc và vô thức mà có những ý niệm mới mẻ và mang tính lâm thời, sự ánh xạ giữa chúng là ánh xạ xuyên không gian. Theo đường hướng ngôn ngữ học tri nhận, ở trong nước còn có một số nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về thực vật. Trần Thị Phương Lý23 đã tìm hiểu phương thức thiết lập và các thành tố của mô hình chuyển di ý niệm (từ ý niệm thực vật để nhận thức các phạm trù ý niệm khác) trên ngữ liệu biểu thức ngôn ngữ liên quan đến thực vật trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng Anh); tìm hiểu các nền tảng kinh nghiệm phổ quát cho phép thực hiện sự nhận thức thông qua con đường chuyển di này; từ đó khám phá mối quan hệ mật thiết giữa bộ ba ngôn ngữ, tư duy và văn hóa được thể hiện trong bức tranh ngôn ngữ với ý niệm thực vật. Trong một khuôn khổ hẹp hơn, Lý Toàn Thắng trong bài viết “về cách thức tri nhận thế giới của người Việt (trên ngữ liệu câu đố về động vật và thực vật)”24 đã chỉ ra cách thức tri nhận của người Việt thông qua những câu đố về thực vật và những thuộc tính dễ nhận diện trong câu đố về thực vật, qua đó cho thấy “thế giới quan” và “cách nhìn thế giới” của người Việt. Một số nghiên cứu tập trung vào cách thức tri nhận các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể con người25,26. Các nghiên cứu này chủ yếu khai thác các miền ý niệm là các bộ phận chỉ cơ thể con người, lý giải cơ chế tri nhận của một số ẩn dụ và hoán dụ dựa trên những yếu tố văn hóa, điều kiện địa lý cũng như cách thức tư duy của từng dân tộc. Các công trình đều kết hợp được kiến thức liên ngành ngôn ngữ, văn hóa và khoa học tri nhận để giải quyết vấn đề đã nêu ra. Ngoài ra, còn một mảng nghiên cứu khác tập trung vào ẩn dụ tri nhận và vai trò của ẩn dụ tri nhận trong sự hành chức cụ thể qua các tác phẩm văn, thơ27, các nghiên cứu đã cố gắng làm rõ phần nào vai trò và cấu trúc của tri thức trong một lĩnh vực ý niệm, phân tích các mối quan hệ giữa ẩn dụ và kiến thức, sự ánh xạ, phóng chiếu của kiến thức đời thường vào các mô hình tri nhận, từ đó tập trung chứng minh sức mạnh của ẩn dụ trong thi ca; nghiên cứu ẩn dụ ý niệm thông qua các từ khóa với tư cách như một mã văn hóa trong ngôn ngữ của dân tộc28; tiếp cận ẩn dụ tri nhận trên các diễn ngôn kinh tế dựa trên mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và tư duy29. Tóm lại, cũng giống như các bộ môn có tính chất liên ngành ở Việt Nam, những vấn đề về ngôn ngữ học tri nhận nói chung và về lý thuyết ẩn dụ ý niệm nói riêng trong mấy năm qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Các lĩnh vực được giới nghiên cứu quan tâm nhiều nhất như: cách thức tri nhận và định vị không gian, thời gian; các ẩn dụ ý niệm cảm xúc; ẩn dụ ý niệm của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người; ẩn dụ ý niệm thực vật; ẩn dụ môi trường tự nhiên hay hoạt động của con người; ẩn dụ trong sự hành chức cụ thể trong các tác phẩm thi ca… Tuy nhiên, ẩn dụ ý niệm xét trong sự hành chức trong các tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là thể hiện trong các văn bản ca từ là lĩnh vực vẫn còn bỏ ngỏ, cần được quan tâm khai thác, nghiên cứu. 3. Các nghiên cứu về Trịnh Công Sơn Trịnh Công Sơn là một hiện tượng hiếm gặp. Sau khi ông mất (01/4/2001), tính đến nay trong nước đã có tới gần 20 cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông, chưa kể các công trình ngoài nước như: Luận văn Cao học Những ca khúc chiến tranh và hòa bình của Trịnh Công Sơn của tác giả Michiko, người Nhật Bản viết bằng tiếng Pháp, bảo vệ tại Đại học Paris VII năm 1991; Trần Hữu Thục - Tác giả, tác phẩm và sự kiện, Nxb Văn Mới, California, 2005. Những công trình đã xuất bản trong nước viết về Trịnh Công Sơn chủ yếu chứa trong đó là những bài viết của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, công chúng yêu nhạc và ngưỡng mộ tài năng của ông, một số của các nhà báo, và số ít là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, phê bình văn học. Những bài viết đều có dung lượng nhỏ, chủ yếu là kể kỷ niệm, giai thoại, bày tỏ cảm xúc, ấn tượng và tình yêu đối với nhạc sĩ, bày tỏ cảm nhận đối với từng bài hát, những đồng cảm về thân phận con người trong chiến tranh qua những ca khúc phản chiến, những nỗi đau trong tình yêu và những phát hiện về triết lý sống trong nhạc Trịnh,… ít những bài viết mang tính chất nghiên cứu ca từ dưới góc độ ngôn ngữ, càng hiếm có những bài viết nghiên cứu về ẩn dụ tri nhận dù chỉ là đề cập đến một cách đơn lẻ. Tác giả Bửu Ý30 đã dành hẳn một chương để nghiên cứu ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngôn ngữ. Tác giả đã đưa ra những đặc điểm của ngôn ngữ nhạc Trịnh như: Ngôn ngữ nhịp bốn; kết hợp từ ngữ độc đáo (giống như tạo thành một từ ngữ thứ ba, một hình tượng kiểu mới như “nắng thủy tinh”,“tuổi đá buồn”, “vết lăn trầm”,“phơi tình cho nắng khô mau”,“treo tình trên chiếc đinh không”…); các biện pháp tu từ (láy lại, ẩn dụ); ngôn ngữ cưỡng bức (tự hạ mình khi ví mình là “hạt bụi”,“lá cỏ”,“đá cuội”,…); ngôn ngữ siêu thực (màu sắc trừu tượng mang tính chất tâm lý, góc độ thu hình lạ,…); ngôn ngữ hiện sinh (cái tôi hoang mang, cuộc đời phù du),… Cuốn Một cõi Trịnh Công Sơn (2004) tập hợp nhiều bài viết có giá trị về Trịnh Công Sơn: Bửu Ý phát biểu về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn; Lê Hữu nhận xét về cái mới và các kết hợp độc đáo trong ngôn ngữ nhạc Trịnh; Cao Huy Thuần phân tích các cặp đối nghịch - nét riêng biệt độc đáo trong tư duy ngôn ngữ nhạc Trịnh: có-không, một-hai, sống-chết, vui-buồn, lệ rơi-không buồn, bình yên-buồn,… Trần Hữu Thục phân tích về giá trị của những từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần, và khẳng định đó là những hình ảnh mang tính chất biểu tượng như “tuổi/đá/ buồn; cồn/đá; môi/hờn; nắng/khuya…” nhưng tác giả không phân tích biểu tượng mà đi vào khai thác một cấp độ khác của biểu tượng: Hình tượng. Những bản tình ca và thân phận ca của Trịnh Công Sơn được tác giả gọi bằng khái niệm “Nhân sinh ca” và tổng quát hóa thành ba hình tượng chính: Em - Cõi thế - Tôi. “Em” là ngôi vị để chỉ người tình, có thể là một người tình cụ thể, mà cũng có thể là người tình tưởng tượng, và cũng có thể chỉ là một khái niệm, một bóng dáng, một hình ảnh, một sản phẩm thuần túy tưởng tượng. “Tôi” là chủ thể, là tự ngã, có đôi khi trở thành ta, là một thân thế, một hiện sinh, một số kiếp. “Cõi thế” (hay “cõi đời”, hay “một cõi đi về”) có thể là người đời hay đời người, hay những đối vật gần gũi tham dự trong kiếp hiện sinh, tồn tại bên cạnh mỗi người, bên cạnh cái Em, bên cạnh cái Tôi, trong cái Em, trong cái Tôi, hoặc tạo thành cái Em, cái Tôi: dòng sông, ánh nắng, con trăng, bông hoa, góc phố với những liên hệ xa gần với Em, Tôi, với Người và đời người. Chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc31 được xem là nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về ca từ nhạc Trịnh dưới góc độ ngôn ngữ. Để đi sâu vào thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, tác giả đã đưa ra những ám ảnh nghệ thuật chi phối thế giới vô thức, làm nên “huyền thoại cá nhân” của tác giả: ám ảnh về chiến tranh; ám ảnh về sự cô đơn, sự phụ rẫy; ám ảnh về cuộc chia tay lớn; ám ảnh về một người nữ,… Những ám ảnh này được biểu hiện bằng những hình ảnh phóng chiếu, khúc xạ lẫn nhau qua nhiều ca khúc của ông. Ngoài ra tác giả còn phân tích những không gian nghệ thuật trong ca từ Trịnh Công Sơn như không gian trời đất, không gian núi biển, không gian rừng, trong đó tác giả có lưu ý đến một số thủ pháp tu từ như ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, và các kết hợp từ lạ, tạo nên phong cách riêng của Trịnh Công Sơn. Tác giả Nguyễn Thị Bích Hạnh32 đã đi sâu nghiên cứu về hệ thống các biểu tượng ngôn ngữ trong ca từ nhạc Trịnh, trên cơ sở khảo sát 16 biểu tượng, tác giả đã phân chia thành 3 hệ thống nhỏ: biểu tượng có chất liệu trực quan (sản sinh từ mẫu gốc Bầu trời, nước, Con người như “đá”,“núi”,“mặt trời”,“nắng”,“lửa”, “biển”,“sông”,“đôi mắt”,“đôi môi”); các biểu tượng phi trực quan (sản sinh từ mẫu gốc Thời gian và Âm thanh như “ngày”, “mùa”,“đời người”,“lời ru”,“tiếng súng”) và hệ thống các biểu tượng chuyển hóa giữa trực quan và phi trực quan (biểu tượng “con đường”,“khu vườn”). Trong công trình này, tác giả đã đi sâu khai thác các cấp độ phái sinh của biểu tượng, trên cơ sở ý nghĩa bản thể của các mẫu gốc, tìm ra các lớp nghĩa biểu trưng cho các biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh trong ca từ Trịnh Công Sơn. Ngoài những cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã xuất bản kể trên, còn có một số công trình nghiên cứu mang tính chất chuyên đề về ca từ nhạc Trịnh ở cấp độ luận văn thạc sĩ được bảo vệ trong thời gian gần đây. Các nghiên cứu chủ yếu tiếp cận ở phương diện văn học như: quan niệm về cõi sống, về cái chết và về tình yêu của Trịnh Công Sơn; quan niệm mỹ học của Trịnh Công Sơn về nghệ thuật; quan niệm về cái đẹp, cái bi trong ca từ Trịnh Công Sơn. Một số nghiên cứu tiếp cận nhạc Trịnh dưới góc độ ngôn ngữ như: phép so sánh tu từ; đặc điểm từ vựng, ngữ nghĩa. Luận văn đầu tiên nghiên cứu ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận là của tác giả Nguyễn Thị Thanh Huyền33, tác giả đã tập trung khai thác 2 mô hình ẩn dụ cấu trúc cơ sở: “Cuộc đời là đóa hoa vô thường” và “Cuộc đời là một cõi đi về”. Tác giả đã dựa trên cấu trúc nghĩa biểu trưng của “Đóa hoa vô thường” bao gồm những đặc trưng như: nụ, loài, đóa, cánh, hương thơm, màu sắc, nở, tàn, phai, héo,… để làm căn cứ giải mã cấu trúc ý niệm “Đóa hoa vô thường” trong ca từ Trịnh Công Sơn, trong đó - từ một hiện tượng thiên nhiên, với trạng thái của hoa “nở - tàn” đã được chuyển thành hình ảnh tư duy trong ý niệm “Vô thường” của cuộc đời. Song trong nghiên cứu của mình, tác giả chủ yếu thiên về giải thích các quan niệm về “Vô thường”, cái nhìn văn hóa của Việt Nam với “Vô thường”. Phần lý giải cơ chế ánh xạ giữa hai miền không gian, tác giả mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê một cách cơ học những câu hát có chứa quan niệm “vô thường” trong tư duy nhạc Trịnh theo từng ý niệm như: đời người, sự sống, sự chết, hạnh phúc,… là đóa hoa vô thường. Luận văn chưa lý giải được cơ chế chiếu xạ, chưa chỉ ra được các đặc điểm tri nhận trong tư duy của Trịnh Công Sơn. Với ý niệm “Cuộc đời là một cõi đi về”, dựa trên quan niệm vũ trụ là cát (tro) và con người hóa thân từ tro bụi trong Kinh thánh, tác giả cho rằng trong ca từ Trịnh Công Sơn, cuộc “đi - về” của kiếp người xảy ra trong vòng khép kín, trong đó sự “đi - về” nối tiếp nhau tạo ra hình ảnh “đi loanh quanh”, kiếp người diễn tiến theo luật luân hồi “nhân - quả”, đời người “là chuyến đi không có điểm xuất phát và đích đến, nghĩa là không có sinh, không có diệt, cái chết là khởi nguồn của sự sống”34. Tác giả cũng chủ yếu dừng lại ở mức độ thống kê, phần lý giải quy luật ánh xạ còn hết sức sơ sài, mờ nhạt. Tuy nhiên, đây là một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho tác giả chuyên khảo, để qua đó, bằng phương pháp loại trừ, tiếp tục đi sâu khai thác, tìm hiểu các mô hình ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn trên các thể loại: ẩn dụ cấu trúc và ẩn dụ định hướng. Bên cạnh đó, có thể khai thác các cấp độ phái sinh của ẩn dụ dựa trên các lược đồ hình ảnh và các ẩn dụ quy ước; các mối quan hệ kết hợp, tương tác giữa các ẩn dụ; và đặc biệt là sự tương hợp giữa các ẩn dụ làm nên nguồn sức mạnh trong ca từ Trịnh Công Sơn. Trên cơ sở những công trình đã nghiên cứu về ngôn ngữ học tri nhận và nghiên cứu về ngôn ngữ trong ca từ của Trịnh Công Sơn, tác giả chuyên khảo cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận trên cứ liệu ca từ này để góp phần làm sáng tỏ thế giới tinh thần của nhạc sĩ, khám phá các vỉa tầng sâu kín trong thế giới vô thức của cá nhân Trịnh Công Sơn, dựa trên những lược đồ hình ảnh mang tính ý niệm đặc thù của tư duy văn hóa Việt. Trên cơ sở phân tích sự chuyển dịch của các ý niệm gắn với các mô hình ẩn dụ tri nhận, so sánh, đối chiếu trong các miền văn hóa khác nhau, từ đó có thể làm sáng tỏ tính khác biệt về văn hóa trong ngôn từ của nhạc sĩ, đặt trong tương quan giữa cái mang tính phổ quát toàn nhân loại với cái đặc thù mang tính dị biệt của từng dân tộc. 4. Vai trò của ngữ cảnh văn hóa trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn Các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra rằng, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa luôn mang trong mình các hệ thống ẩn dụ mang tính ổn định tương đối, lại vừa chứa đựng một tiềm năng biến đổi. Vì vậy, khi nghiên cứu ẩn dụ ý niệm, nhất thiết phải đặt nó trong sự vận động xã hội. Xuất phát từ cơ sở nêu trên, trong quá trình phân tích các ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn, ngoài các thao tác phân tích ý niệm và suy luận của ngôn ngữ, công trình sẽ đặc biệt chú ý kết hợp với các nhân tố của ngữ cảnh văn hóa như: đặc điểm và diễn biến của thời đại; ý thức hệ tư tưởng; môi trường văn hóa - nghệ thuật; Những quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hóa,… có ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới quan và nhân sinh quan của tác giả. Để lý giải các ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn, tác giả cho rằng cần thiết nắm rõ một số yếu tố của ngữ cảnh văn hóa như: đời sống tâm lý cá nhân và đời sống tâm lý cộng đồng; các yếu tố văn hóa hay tri thức nền của nhạc sĩ; bối cảnh xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến từ duy nghệ thuật của Trịnh Công Sơn,… thì mới có thể hiểu rõ thông điệp của nhạc sĩ. Đây cũng là căn cứ để giải mã toàn bộ hệ thống ẩn dụ trong ca từ của ông. Sinh năm 1939, Trịnh Công Sơn lớn lên bằng tuổi chiến tranh đứt rồi lại nối, chiến tranh dai dẳng và ám ảnh đến nỗi đứng ở tọa độ nào trên đất nước cũng nghe thấy âm thanh của chiến tranh. Thuở nhỏ, ông đã từng có thời gian sống trong nhà tù cùng cha vào năm 1949 ở nhà lao Thừa Phủ trước khi cả gia đình vào Sài Gòn. Năm 16 tuổi thì cha mất, ông luôn luôn bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi: cái chết. Cái chết của người cha chính là lý do khiến Trịnh Công Sơn không bao giờ cho phép mình là kẻ cầm súng. Chiến tranh đã biến Trịnh Công Sơn thành kẻ trốn lính chuyên nghiệp. Ông bị chính quyền Ngụy săn đuổi. Chiến tranh đã mang những người bạn của Trịnh Công Sơn vào guồng máy cuồng sát, và rất nhiều người trong số họ đã hi sinh trong khi lý tưởng còn xanh ngời những khát vọng. Chiến tranh đã khiến Trịnh Công Sơn phải chứng kiến bao thảm cảnh rùng rợn, chỗ nào cũng thấy thịt xương và máu trộn lẫn. Âm thanh của cuộc sống luôn luôn là tiếng đạn bom, ánh sáng ban đêm là hỏa châu rực sáng, những số phận trong chiến tranh là những đứa trẻ lõa lồ, mồ côi, què cụt, những người mất trí, điên loạn vì mất người thân trong chiến tranh. Vốn là một gia đình Phật tử sống trên đất Huế, năm 1955, sau khi cha mất, Trịnh Công Sơn được gia đình gửi vào quy y ở chùa Phổ Quang (có sách ghi là chùa Hiếu Quang) với pháp danh Nguyên Thọ. Thế giới quan của Phật giáo về nhân duyên, về sự biến đổi khôn lường của vạn vật một cách vô thường theo quy luật sinh - trụ - dị - diệt, thành - trụ - hoại - không đã sớm được Trịnh Công Sơn khải thị và đã mặc khải nó trong các ca khúc của mình sau này với một tâm hồn rất an nhiên. Là một trí thức tây học, lại rất yêu thích học môn triết học, Trịnh Công Sơn theo học tại Khoa Triết ở một trường của Pháp, sau này Trịnh Công Sơn đã đưa triết học vào các ca khúc của mình với những lời ca mượt mà song lại vô cùng gần gũi. “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc như những lời ru con của mẹ”35. Ở miền Nam, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ cùng với hệ tư tưởng của nó là chủ nghĩa “Duy linh nhân vị” đã tạo nên một khoảng trống về hệ tư tưởng trong một thời gian. Người ta cho rằng, cần phải có một triết học khác nữa để cho quần chúng tự “cai trị” lấy mình, làm thành một đôi chân vững chắc để chế độ có thể đứng vững được. Theo Nguyễn Tiến Dũng36, Chủ nghĩa hiện sinh phương Tây được người ta đưa vào miền Nam lúc đó và được cổ súy để mong tạo ra các thế hài hòa xã hội. Ngay từ năm 1955, Chủ nghĩa hiện sinh đã có mặt trong chương trình của hệ thống giáo dục tiếng Pháp, tiếng Việt ở bộ môn “Siêu hình học” hoặc “Đạo đức học” ở các trường như: Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Văn khoa Huế, Đại học Đà Lạt, … Chủ nghĩa hiện sinh cũng xuất hiện trên các sách báo như Sáng tạo văn, Văn nghệ, Văn học, Đại học, Tạp chí Bách khoa,… Các nhà hiện sinh đã đưa ra những vấn đề cơ bản của con người, tôn vinh các giá trị của con người, nêu cao tự do cá nhân, thức tỉnh con người trước những điều phi lý của cuộc sống. Xoay quanh các phạm trù về cái hữu thể (hiện hữu), hư vô (không hữu thể), cái cô đơn và sự lo âu (tuyệt vọng), sự tha hóa (vong thân) và thái độ nhập cuộc, đặt trong mối quan hệ với tha nhân, triết hiện sinh hay nhắc đến cái chết. Đời sống bao giờ cũng được Chủ nghĩa hiện sinh miêu tả như một tấn thảm kịch, một hư vô. Con người bị treo chơi vơi giữa các hố thẳm, bất lực và tuyệt vọng, không tìm thấy mình ở ngoài không gian và thời gian. Không chỉ những người công giáo tìm ra được Thượng đế là nguyên nhân của hiện sinh và là cơ sở của tự do hiện sinh, mà ngay cả Phật giáo cũng đã tìm thấy nhiều yếu tố hiện sinh trong triết thuyết của mình, vì đạo Phật là một tôn giáo mang nặng thảm kịch bể khổ của kiếp người. Nhà nghiên cứu Tâm Ích đã khẳng định: “Từ khởi thuỷ, đạo Phật đã mang đậm màu sắc sâu lắng hiện sinh hơn cả Chủ nghĩa hiện sinh phương Tây”, bởi với Phật “Bốn phương đều là bể khổ, nước mắt chúng sinh mặn hơn nước biển”37. Trong thời gian này, ở Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng gay gắt và quyết liệt. Cuộc sống của con người trong chiến tranh là nhạt nhẽo, vô vị, phi lý và đáng buồn. Ở trong một miền mịt mù và khét lẹt khói súng ấy, để truy tìm và định vị được thân phận con người là một điều bế tắc, con người tồn tại trong tuyệt vọng, mà từ tuyệt vọng đến với cái chết chỉ là một khoảng cách rất mong manh. Vì vậy, Chủ nghĩa hiện sinh ở Sài Gòn mang đậm màu sắc bi quan đen tối, sự tuyệt vọng và niềm cô độc luôn thường trực, mà cái chết chính là điểm kết thúc. Trong bối cảnh xã hội ấy, triết hiện sinh phương Tây với vấn đề trung tâm là nhân vị con người đã gây ra nhiều xao động trong đời sống xã hội và nếp suy nghĩ của thanh niên trí thức miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, nhiều vấn nạn được đặt ra: sống để làm gì? Cuộc đời liệu có đáng sống? Cái chết có ý nghĩa gì? Đời là hữu thể hay hư vô? Sống là vong thân hay phải ngụy tín? Thỏa hiệp với tha nhân hay dấn thân vào đại cuộc? Nơi đây là chốn lưu đày hay quê nhà? Ta hợp tác hay đứng ngoài lề xã hội?… Những vấn đề về con người được đặt ra gây khắc khoải, hoang mang, bế tắc. Năm 1957, sau một lần tai nạn do tập judo, Trịnh Công Sơn bị nội thương, phải ở nhà nằm dưỡng thương hai năm, từ bỏ giấc mơ làm võ sư, sau đó chuyển sang con đường sáng tác âm nhạc, có dịp thể nghiệm những trăn trở của mình về cuộc đời. Có thể nói, đây là toàn bộ những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến thế giới quan, nhân sinh quan của nhạc sĩ, chi phối đến các thao tác ý niệm trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chương 2 Ẩn dụ, ẩn dụ tri nhận - Quan điểm và hệ thống khái niệm 1. Các quan điểm về ẩn dụ 1.1. Ẩn dụ theo quan điểm truyền thống Trong các nghiên cứu về ẩn dụ ở trong và ngoài nước, cho đến nay, ẩn dụ thường được coi là phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau. A.A. Reformatxky cho rằng: “Ẩn dụ theo nghĩa chiết tự là “sự chuyển đổi” (Perenos), là trường hợp chuyển nghĩa điển hình nhất. Sự chuyển nghĩa theo ẩn dụ dựa trên sự giống nhau của các sự vật về màu sắc, hình thức, đặc tính vận động v.v…”38. B.N. Golovin định nghĩa: “Sự chuyển đổi của các từ từ một đối tượng này sang một đối tượng khác trên cơ sở sự giống nhau của chúng được gọi là ẩn dụ”39. Trong Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, O.X. Akhmanova đã định nghĩa ẩn dụ là “Phép chuyển nghĩa (Trop) dùng các từ và ngữ ở ý nghĩa bóng trên cơ sở sự tương tự, sự giống nhau…”40. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cũng có quan điểm tương tự khi nghiên cứu về ẩn dụ. Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Ẩn dụ là cách gọi tên một sự vật này bằng tên một sự vật khác, giữa chúng có mối quan hệ tương đồng”41. Sau này, trong cuốn Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục năm 1999, ông đã giải thích cụ thể hơn: “Cho A là một hình thức ngữ âm, X và Y là những ý nghĩa biểu vật. A vốn là tên gọi của X (tức X là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của X để gọi tên Y (để biểu thị Y), nếu như X và Y có nét nào đó giống nhau”42. Cùng quan điểm về sự tương đồng trong ẩn dụ, Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng: “Ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau”43. Tác giả Nguyễn Đức Tồn thì quan niệm: “Bản chất của ẩn dụ là sự thay thế tên gọi dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng, tính chất… khi tư duy liên tưởng của con người phát hiện ra ở chúng ít nhất cùng có một nét hay một đặc điểm nào đó”44. Từ trước đến nay, trong lịch sử nghiên cứu ẩn dụ đã tồn tại nhiều đường hướng tiếp cận đa dạng, có thể kể đến một số đường hướng cơ bản dưới đây: 1.2. Ẩn dụ theo quan điểm miêu tả Đây là cách tiếp cận theo quan điểm nghĩa học. Theo quan điểm miêu tả, việc giải thích ẩn dụ không liên quan nhiều đến các đặc tính thực tế gán cho các vật thể được đề cập đến bằng các đặc tính gán cho bản thân đơn vị từ. Đại diện cho quan điểm này là lí thuyết tương tác của Black (1993). Thuật ngữ “tương tác” được Black giải thích là sự kích thích người nghe lựa chọn một vài đặc tính của chủ thể bậc hai. Do có sự hiện diện của chủ thể chính, khuyến khích người nghe tạo dựng một phức hợp hàm ý song song phù hợp với chủ thể chính, và tương tác qua lại tạo ra những thay đổi trong chủ thể bậc hai. Có nghĩa là, trong ẩn dụ A là B, hệ thống đặc điểm liên kết của A tương tác với hệ thống đặc điểm của B để tạo ra ý nghĩa ẩn dụ mới. Đặc điểm liên kết là đặc điểm và các mối quan hệ của sự vật thường được cho là có thật. Ví dụ, chúng ta thường gán một số đặc điểm cho rắn: di chuyển uyển chuyển, có khả năng lột xác, siết chặt trong động tác bắt mồi, có nọc độc, và chúng ta có thể căn cứ vào các đặc điểm đó để hiểu ẩn dụ trong câu: Mụ ta là một con rắn độc (có nghĩa ám chỉ rằng Mụ ta là một người đàn bà khéo léo nhưng nham hiểm, mưu mô, độc ác, có khả năng làm hại người khác), vấn đề đáng lưu ý là chúng ta không hiểu ẩn dụ qua so sánh các đặc điểm của sự vật mà phải dựa vào điều mà ẩn dụ gợi ý cho ta. Trong ví dụ trên, chúng ta sử dụng toàn bộ hệ thống đặc điểm (ví dụ của loài rắn) để “lọc” hay tổ chức ý niệm của mình về một hệ thống khác (như con người) để có được một ý niệm mới, hay ý nghĩa mới về một sự vật nào đó. Vì thế, trong câu Mụ ta là một con rắn độc, Những hàm ý đã biết về loài rắn độc như: có nọc độc; có khả năng giết chết đối thủ; bắt mồi bằng cách di chuyển linh hoạt, nhẹ nhàng; siết chặt con mồi khi đã tấn công… có thể áp dụng để hiểu về con người mặc dù giữa hai sự vật không hoàn toàn giống nhau theo nghĩa đen. Hệ quả của việc coi một người là rắn độc là tạo ra một hệ thống các đặc điểm ở người có liên quan đến đặc điểm của rắn độc. Mỗi một đặc tính này đem gắn với chủ thể (con người) theo nghĩa đen hay nghĩa khác thường nào đó, và tất nhiên không thể gắn tất cả các đặc điểm của rắn cho con người được, nhưng trên thực tế, trong quá trình tương tác, ẩn dụ rắn độc đã bỏ qua một số chi tiết về rắn độc và làm nổi bật một số chi tiết khác về loài động vật này để có thể tạo ra cái nhìn mới của chúng ta về con người. Theo quan điểm miêu tả, ẩn dụ bao gồm một sự thay đổi nghĩa. Trong ẩn dụ Trong cuộc họp, bà ta bị ngứa nọc nên liên tục châm người khác, nghĩa đen của biểu thức châm không thể đem ra giải thuyết cho ẩn dụ, bởi vì điều này chỉ dẫn đến một phát ngôn sai theo nghĩa đen. Thay vào đó, thuật ngữ tiêu điểm châm đã tạo thêm một ý nghĩa mới, hay ý nghĩa ẩn dụ trong phạm vi ngữ cảnh cụ thể của nó (bà ta bị lật tẩy, để lộ những điểm yếu, hoặc bị chạm đúng tim đen, chạm đến những bức xúc cá nhân nên chuyển sang tấn công người khác bằng những lời nói hoặc luận điệu khó nghe, mang tính tiêu cực). Theo quan điểm miêu tả, chính tính khác biệt được coi là cơ sở quan trọng để giải thuyết ẩn dụ. Theo nghĩa đen, con người không có nọc để có thể châm như loài ong, loài muỗi được, và điều này sẽ đem đến cho người nghe một dấu hiệu là một nét nghĩa phi thực của từ châm sẽ được phân tích trong ẩn dụ Trong cuộc họp, bà ta bị ngứa nọc nên liên tục châm người khác. Việc giải thuyết sẽ bao gồm việc chuyển di một số thành tố nghĩa từ biểu thức ẩn dụ châm sang biểu thức ngữ cảnh thực người. Các nhà nghiên cứu theo quan điểm miêu tả vì thế xem việc giải thuyết ẩn dụ dưới danh nghĩa quá trình chuyển di nghĩa và coi việc nhận diện ẩn dụ là sự xung đột ngữ nghĩa ở tầng bậc nghĩa đen. Quan điểm miêu tả nhấn mạnh đến tính chất dị biệt của các nét nghĩa đen và đem chúng ra làm tiêu chuẩn để nhận diện ẩn dụ. 1.3. Ẩn dụ theo quan điểm dụng học Theo quan điểm dụng học, Searle (1993) cho rằng một phát ngôn ẩn dụ chưa thể dẫn đến một sự thay đổi về nghĩa của các từ liên quan. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu theo quan điểm này đã giữ lại các quy tắc ngữ nghĩa một cách đơn giản có cấu tạo ổn định và quy ẩn dụ về một cơ chế giải thuyết khác. Theo quan điểm dụng học, người nghe sẽ thuyết giải phát ngôn của người nói theo nghĩa đen (người nghe sẽ hiểu là người nói có ý định giao tiếp những gì người nói nói), trừ phi việc thuyết giải theo nghĩa đen nghe khác lạ đến nỗi cần phải viện đến một sự giải thuyết lại theo lối dụng học. Ví dụ, khi một người nói Hắn là một con sói, người đó nói ra một điều sai theo nghĩa đen, nhưng lại ngụ ý, hay có ý định giao tiếp một điều gì đó có thể đúng, chẳng hạn như muốn ám chỉ hắn là một kẻ nham hiểm, hung bạo, táo tợn, và luôn sẵn sàng rình rập tấn công người khác. Sự phát triển của lý thuyết dụng học như một lý thuyết chung về sử dụng ngôn ngữ từ những năm 60 trở về sau, đặc biệt thể hiện trong các công trình của Searle (1993) và Grice (1989) đã mở ra một khả năng hình thành một quan điểm dụng học như thế. Cả hai tác giả đều lấy phát ngôn chứ không phải là các câu hay mệnh đề làm điểm xuất phát để phân tích. Cả hai đều dựa trên tham số lý thuyết là ý định của người nói trong phát ngôn để phân biệt các khái niệm như “hàm ngôn” và “nghĩa của người nói” với các khái niệm nghĩa học như “nghĩa của câu” và “nghĩa kéo theo”45. Nếu phân tích phát ngôn ẩn dụ dựa trên lý thuyết của Grice về hàm ngôn hội thoại, rất có thể trong phần lớn các trường hợp, người nói sẽ lựa chọn theo Nguyên tắc hợp tác, vì vậy, khi xuất hiện một phát ngôn không đúng sự thật (kiểu như Cô ấy đang bị tôi chăn dắt, Giám đốc là một con cáo già) thì người nghe sẽ suy ra rằng người nói muốn thông báo một điều gì khác ẩn đằng sau phát ngôn ấy (ví như: cô ta quá ngây thơ và ngờ nghệch; giám đốc là một kẻ ranh ma và lọc lõi). Trong trường hợp đó sẽ xuất hiện hàm ngôn hội thoại. Như vậy, nếu tiếp cận ẩn dụ dưới góc độ dụng học, thì ẩn dụ sẽ liên quan đến nghĩa phát ngôn của người nói chứ không phải là phụ thuộc vào nghĩa của từ hay câu. Grice xem ẩn dụ như một hàm ngôn hội thoại xuất phát từ việc vi phạm phương châm về Chất lượng. Tuy nhiên, tiêu chí nhận diện ẩn dụ thông qua hàm ngôn hội thoại vẫn không thực sự thuyết phục, bởi nhiều phát ngôn vi phạm phương châm hội thoại vẫn không chứa các ẩn dụ. Quan điểm dụng học cho rằng người nói sử dụng ẩn dụ nhằm mục đích thuyết phục - chứ không đơn giản việc sử dụng ẩn dụ chỉ là phản xạ vô thức như quan điểm tri nhận - và người nói dựa vào những tài nguyên sẵn có về ngôn ngữ và tri nhận, điều phối và kết nối chúng lại trong một mối liên kết tư duy để sử dụng chúng theo ý mình. Vì vậy, ẩn dụ có giá trị biểu cảm và thuyết phục. Việc phân tích ẩn dụ có thể góp phần làm sáng tỏ hệ thống niềm tin, thái độ hay tình cảm của một cộng đồng ngôn ngữ nơi ẩn dụ xuất hiện. 1.4. Ẩn dụ theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận Khác với quan điểm truyền thống, xem ẩn dụ như một sự lệch chuẩn khỏi cách sử dụng ngôn ngữ bình thường hằng ngày, và để hiểu được ẩn dụ thì phải thông qua các quá trình đặc biệt. Việc thuyết giải ẩn dụ phải được thực hiện thông qua ngôn ngữ sử dụng nghĩa đen, vì thế, theo quan niệm truyền thống, ngôn ngữ sử dụng nghĩa đen có vai trò to lớn hơn so với ngôn ngữ mang tính ẩn dụ. Lako và Johnson (1980, 1999) lại nhìn nhận và nghiên cứu ẩn dụ thông qua các lĩnh vực kinh nghiệm và cho rằng ẩn dụ là hiện tượng tri nhận hơn là một hiện tượng ngôn ngữ. Những biểu thức ẩn dụ mà chúng ta bắt gặp trong ngôn ngữ chính là cái phản ánh các ẩn dụ tồn tại ở tầng bậc ý niệm. Ẩn dụ không còn giới hạn ở phép dùng từ hình ảnh, so sánh mà xa hơn thế, ẩn dụ phản ánh phương thức tư duy sáng tạo của con người qua hệ thống các ý niệm, vì vậy Lako và Johnson gọi nó bằng thuật ngữ “Ẩn dụ tri nhận” (hay “Ẩn dụ ý niệm”). Ẩn dụ tri nhận (hay còn gọi là ẩn dụ ý niệm - cognitive/conceptual metaphor) “Một trong những hình thức ý niệm hóa, một quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới và không có nó thì không thể nhận được tri thức mới… Ẩn dụ được xem như là cách nhìn một đối tượng này thông qua một đối tượng khác, và với ý nghĩa đó, ẩn dụ là một trong những phương thức biểu tượng tri thức dưới dạng ngôn ngữ”46. Nhờ phương thức ẩn dụ, con người nhận biết thế giới bao gồm thế giới vật chất, thế giới tinh thần và thế giới cảm xúc. Ẩn dụ gắn liền với đặc trưng văn hóa tinh thần của người bản ngữ. Với cách tiếp cận chung nhất, ẩn dụ được xem như là cách nhìn một đối tượng này thông qua một đối tượng khác, và với ý nghĩa đó, ẩn dụ là một trong những phương thức biểu tượng tri thức dưới dạng ngôn ngữ. Ẩn dụ thường có quan hệ không phải với những đối tượng cô lập riêng lẻ, mà với những không gian tư duy phức tạp (Những miền kinh nghiệm cảm tính và xã hội). Trong quá trình nhận thức, những không gian tư duy không thể quan sát trực tiếp này thông qua ẩn dụ xác lập mối tương quan với những không gian tư duy đơn giản hơn hoặc với những không gian tư duy có thể quan sát được cụ thể (chẳng hạn cảm xúc của con người có thể so sánh với lửa, các lĩnh vực kinh tế và chính trị có thể so sánh với các trò chơi, với các cuộc thi thể thao…). Trong những biểu tượng ẩn dụ tương tự diễn ra việc chuyển ý niệm hóa không gian tư duy quan sát trực tiếp được sang không gian không quan sát trực tiếp được. Trong quá trình này, không gian không thể quan sát trực tiếp được ý niệm hóa và nhập vào trong một hệ thống ý niệm chung của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định. Đồng thời, cùng một không gian tư duy có thể được biểu tượng nhờ một hoặc một số ẩn dụ ý niệm47. Theo tác giả Trần Văn Cơ48, mô hình tri nhận là một dạng đặc biệt của các quan điểm khoa học, nó có nhiệm vụ tổ chức việc quan sát, gán cho việc quan sát một ý nghĩa nào đó, tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố xuất phát từ những quan sát này, phát triển những giả thuyết, dự đoán các sự kiện chưa được quan sát. Các khoa học ý niệm, kể cả mô hình tri nhận đều mang tính chất ẩn dụ. Những mô hình về các hiện tượng của tự nhiên là những tư tưởng trừu tượng có được là nhờ ở khả năng suy lý có cơ sở trong sự quan sát. Theo G. Lako và M. Johnson, ẩn dụ là một cơ chế nhận thức mà thông qua nó, logic của những khái niệm có tính trừu tượng được thay bằng logic của những khái niệm có tính cụ thể hơn. Nó là cơ chế quan trọng mà thông qua đó chúng ta có thể thực hiện những lập luận phức tạp. Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ là một cơ chế tri nhận nhờ đó những tri giác liên tục, tương tự đã trải qua quá trình phạm trù hóa được đánh giá lại trong những bối cảnh ý niệm mới. Ngôn ngữ học tri nhận là một bộ phận của khoa học tri nhận, và nó là một bộ môn khoa học liên ngành, gắn bó mật thiết với các khoa học về tâm lý học tri nhận, trí tuệ nhân tạo, văn hóa học, triết học, thần kinh học, đặc biệt là nhân học, với thuyết “Dĩ nhân vi trung” (lấy con người làm trung tâm của vũ trụ). Như thế, ngôn ngữ học tri nhận trở thành bộ môn khoa học nghiên cứu sự nhận thức và ý niệm hóa của con người về thế giới quanh mình qua các biểu thức và các diễn ngữ ngôn ngữ, bằng cách lấy con người làm bản thể định vị giữa không gian, thời gian, và các nguyên tắc, sự kiện, hành động, tư tưởng, tôn giáo, niềm tin… của con người tương tác mật thiết với nhau trong không - thời gian ấy. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng, chính ngôn ngữ bảo đảm cách tiếp cận với sự miêu tả và xác định bản chất của ý niệm. Giữa ý niệm và các đơn vị ngôn ngữ có mối quan hệ đặc biệt. Ý niệm là cái chứa đựng sự hiểu biết của con người về thế giới được hình thành trong ý thức và trong quá trình tri nhận. Trong ý niệm có cái phổ quát và cái đặc thù văn hóa dân tộc, được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. 2. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ tri nhận 2.1. Mô hình tri nhận và mô hình văn hóa Các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra rằng, trong quá trình tri nhận, các lược đồ ý niệm tổ chức kiến thức của chúng ta. Chúng tạo ra những mô hình tri nhận về một lĩnh vực nào đó của thế giới, những mô hình mà chúng ta dùng để nhận thức thấu đáo trải nghiệm của chúng ta và suy luận về nó. Các mô hình tri nhận không phải là những mô hình của ý thức, chúng thuộc về tiềm thức và được sử dụng một cách máy móc và dễ dàng, được vận dụng một cách vô thức và tự động. Các mô hình tri nhận này không thể quan sát trực tiếp được mà được suy ra từ những ánh xạ ẩn dụ, được hiểu bằng chính những trải nghiệm trực tiếp của chúng ta về thế giới thực hữu và thông qua nền văn hóa của chính mình. Con người tích lũy mô hình tri nhận bằng hai con đường cơ bản: bằng kinh nghiệm trực tiếp và thông qua tri thức văn hóa. Theo các nhà tri nhận, các lược đồ ý niệm (lược đồ hình ảnh) không phải là những hình ảnh cụ thể mà có tính trừu tượng hay lược đồ trong nhận thức hoặc tâm trí của con người. Lược đồ hình ảnh biểu trưng cho các mẫu lược đồ từ các miền hữu ảnh (có hình ảnh) như vật chứa, đường đi, khớp nối, lực đẩy, hay cân bằng diễn ra trong phạm trù nghiệm thân và tạo thành trải nghiệm tự thân của con người, hoặc tạo thành trải nghiệm không mang tính tự thân thông qua ẩn dụ. Một mặt, lược đồ hình ảnh mang tính trừu tượng vì chỉ hiện ra trong tâm trí, mặt khác, lược đồ hình ảnh lại không trừu tượng, vì đó là hình ảnh do trải nghiệm của con người mà có. Hình ảnh là biểu trưng của trải nghiệm cụ thể, mang tính nghiệm thân, là cái nhìn của thế giới bên ngoài qua mối quan hệ không gian, thời gian và cả cơ chế cảm nhận của con người. Theo Lako và Turner (1989), nhiều miền thiếu hình ảnh như tư tưởng, cái chết, thời gian, sự giác ngộ, thức tỉnh và sự sống. Miền thiếu hình ảnh đôi khi được gọi là “miền trừu tượng” hay “vô ảnh” vì con người chỉ cảm nhận được mà thôi. Miền tạo nên hình ảnh là miền mang tính nghiệm thân, hay cụ thể hơn là xuất phát từ trải nghiệm mang tính vật thể, các hoạt động tự thân của con người qua không gian, tác động đến các vật thể, và tương tác qua các cảm nhận. Theo các nhà tri nhận, mô hình tri nhận được tích lũy qua tri thức văn hóa là mô hình tồn tại lâu bền nhất, có thể được bảo lưu giá trị qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa mô hình văn hóa và mô hình tri nhận, các nhà ngôn ngữ học tri nhận cho rằng mô hình tri nhận nhấn mạnh vào bản chất tinh thần, kinh nghiệm tri giác và nhận thức khoa học của con người. Ngược lại, mô hình văn hóa nhấn mạnh vào khía cạnh văn hóa, những tri thức thông dụng mà một cộng đồng nào đó chia sẻ, vì vậy mô hình văn hóa có thể không đồng nhất với tri thức khoa học. Trong quá trình nhận thức, các mô hình tri nhận - Những không gian tư duy không thể quan sát trực tiếp này thông qua ẩn dụ xác lập mối tương quan với những không gian tư duy đơn giản hơn hoặc với những không gian tư duy có thể quan sát được cụ thể. Trong những biểu tượng ẩn dụ tương tự diễn ra việc chuyển ý niệm hóa không gian tư duy quan sát trực tiếp được sang không gian không quan sát trực tiếp được. Trong quá trình này, không gian không thể quan sát trực tiếp được ý niệm hóa và nhập vào trong một hệ thống ý niệm chung của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định. Đồng thời, cùng một không gian tư duy có thể được biểu tượng nhờ một hoặc một số ẩn dụ ý niệm49. 2.2. Ý niệm và sự ý niệm hóa Theo các nhà tri nhận, các mô hình tri nhận được cấu thành bởi các ý niệm. Ý niệm là đơn vị tinh thần hoặc tâm lý của ý thức chúng ta, là đơn vị nội dung của bộ nhớ động, của từ vựng tinh thần và của bộ não, của toàn bộ bức tranh thế giới được phản ánh trong tâm lý con người. Theo Trần Văn Cơ50, ý niệm được hình thành trong ý thức của con người. Trong các quá trình tư duy, con người dựa vào các ý niệm phản ánh nội dung các kết quả của hoạt động nhận thức thế giới của con người dưới dạng “Những lượng tử” của tri thức. Các ý niệm nảy sinh trong quá trình cấu trúc hóa thông tin về một sự tình khách quan trong thế giới đó, nó có cấu trúc nội tại bao gồm một mặt là nội dung thông tin về thế giới hiện thực và thế giới tưởng tượng, mang những nét phổ quát; mặt khác, bao gồm tất cả những gì làm cho nó trở thành sự kiện của văn hóa, chứa đựng những nét đặc trưng văn hóa - dân tộc. Ý niệm mang tính chủ quan với nghĩa nó là một mảng của bức tranh thế giới, nó phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính của ý thức ngôn ngữ dân tộc. Do đó ý niệm mang tính dân tộc một cách sâu sắc, chứa đựng ba thành tố: khái niệm, cảm xúc - hình tượng và văn hóa. Sự phân cắt thế giới thành từng mảnh (ý niệm) từ cách nhìn thế giới khác nhau của con người được gọi là sự ý niệm hóa thế giới, từ đó hình thành nên bức tranh kỷ niệm về thế giới, được thể hiện ra trong ngôn ngữ tạo nên bức tranh ngôn ngữ về thế giới. Theo tác giả Trần Văn Cơ51, bức tranh ngôn ngữ về thế giới được phản ánh trong vốn từ vựng của ngôn ngữ có in đậm dấu vết của lối tư duy “Dĩ nhân vi trung”. Bức tranh ngôn ngữ về thế giới còn được một số nhà nghiên cứu gọi là “mô hình (hoặc bức tranh) ngây thơ về thế giới”. Bức tranh ngôn ngữ về thế giới được gọi là ngây thơ bởi lẽ cách nó thuyết giải những hiện tượng của hiện thực khác với cách thuyết giải của khoa học về cùng hiện tượng đó. Tuy vậy, những quan niệm ngây thơ tuyệt nhiên không phải là sơ đẳng, thô thiển, vô lý, trong nhiều trường hợp nó không kém phức tạp, không kém thú vị so với cách nhìn khoa học. Bức tranh ngây thơ không phải là một tập hợp những mảng lộn xộn, ô hợp, vô trật tự, vô tổ chức mà là một sự sắp xếp các biểu tượng ngôn ngữ một cách có hệ thống. Cách sắp xếp, tổ chức như vậy gọi là ý niệm hóa thế giới. Miêu tả và thuyết giải các ý niệm trong tính hệ thống của nó là nhiệm vụ của ngôn ngữ học tri nhận. Tác giả Lý Toàn Thắng cho rằng: “Ý niệm không phải và không chỉ là kết quả của quá trình tư duy mà là sản phẩm của hoạt động tri nhận, nó là cái chứa đựng kiến thức/tri thức hay sự hiểu biết của con người trên cơ sở kinh nghiệm từ đời này qua đời khác. Chỉ khi nào con người thụ đắc được kinh nghiệm thì kinh nghiệm mới biến thành ý niệm. Ý niệm không chỉ mang tính nhân loại/phổ quát mà còn mang tính tương đối/đặc thù văn hóa - dân tộc do gắn liền với ngôn ngữ và văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc nhất định. Các quá trình tinh thần có trong sự ý niệm hóa/ngôn giải còn được gọi là các “thao tác tinh thần”52. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận cũng cho rằng ý niệm là một mảng của thế giới do con người cắt ra bằng “lát cắt của ngôn ngữ” để nhận thức và đó cũng chính là sự ý niệm hóa thế giới. Nói cách khác, theo tác giả Lý Toàn Thắng53, mỗi ngôn ngữ tự nhiên của mỗi cộng đồng dân tộc - văn hóa “chia cắt” thế giới theo những cách khác nhau, phản ánh một cách tri giác và ý niệm hóa thế giới nhất định, từ đó mà chúng ta có được những “bức tranh thế giới” đa dạng. Ý niệm ngoài mang đặc trưng miêu tả, còn mang cả đặc trưng tình cảm, ý chí và hình tượng, nó là kết quả của sự tác động qua lại của một loạt những nhân tố như truyền thống dân tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng, kinh nghiệm sống, hình tượng nghệ thuật, cảm xúc và hệ thống giá trị. Ý niệm tạo ra một lớp văn hóa trung gian giữa con người và thế giới, nó được cấu thành từ tri thức tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo lý, luật pháp, phong tục tập quán và một số thói quen mà con người tiếp thu được với tư cách là thành viên của xã hội54. Theo Lako, trong hệ thống ý niệm của chúng ta có những phạm trù có tính căn bản hơn những phạm trù khác. Những phạm trù căn bản thường được thể hiện một cách vô thức, tự động, không cần cố gắng và tức thời. Những phạm trù được cho là cơ bản nhất gồm: không gian, thời gian, các mô hình tri nhận thể hiện qua ẩn dụ, hoán dụ ý niệm. Cơ sở của ý niệm là kinh nghiệm cảm tính trực tiếp mà con người thu nhận được thông qua quá trình tri giác thế giới bằng các cơ quan cảm giác, thông qua hoạt động tư duy và giao tiếp dưới hình thức ngôn ngữ. Hay nói cách khác, ý niệm là “cái chứa đựng” sự hiểu biết của con người về thế giới được hình thành trong ý thức, trong quá trình tri nhận và hiện thân trong ngôn ngữ. Tri thức ngôn ngữ về cơ bản là cấu trúc ý niệm và biểu hiện ngữ nghĩa về cơ bản là biểu hiện ý niệm. Ý niệm gắn bó với ngôn ngữ và văn hóa. Trong ngôn ngữ và văn hóa, có những yếu tố nhân loại mang tính phổ quát và những yếu tố dân tộc mang tính đặc thù, do vậy ý niệm cũng có hai loại: Những ý niệm phổ quát và những ý niệm đặc thù dân tộc. Về cấu tạo, ý niệm là một cấu tạo đa chiều, bao gồm không chỉ những khái niệm được định nghĩa mà còn cả những đặc điểm hàm chỉ, hình ảnh đánh giá, liên tưởng cần phải được tính đến khi miêu tả ý niệm. Ý niệm không tồn tại riêng lẻ mà chúng liên kết với nhau tạo thành một hệ thống ý niệm. Mỗi một hệ thống ý niệm có những ý niệm cơ sở (ý niệm xuất phát) và ý niệm thứ cấp (ý niệm phái sinh), chúng được định nghĩa thông qua những ý niệm cơ sở. Các ý niệm trong một hệ thống ý niệm không có ranh giới rõ rệt, tức có hiện tượng ranh giới mờ (fuzzy), thậm chí một số ý niệm trong hệ thống ý niệm này lại đồng thời nằm trong hệ thống ý niệm khác. Điều này cho phép người nghiên cứu khi phân loại ý niệm, có thể sắp xếp một số ý niệm cùng một lúc vào những danh sách khác nhau. Cấu trúc của ý niệm: theo tác giả Trần Văn Cơ, ý niệm có cấu trúc trường - chức năng được tổ chức theo mô hình trung tâm và ngoại vi. Có thể hình dung trường chức năng của ý niệm như một vòng tròn to có chứa vòng tròn nhỏ trong tâm và những vòng tròn nhỏ khác giao nhau. Hạt nhân là khái niệm, nằm ở trung tâm của trường - chức năng, mang tính phổ quát, toàn nhân loại. Ngoại vi là những yếu tố mang nét đặc thù văn hóa dân tộc, trong đó yếu tố hàng đầu là giá trị. Ý niệm là “cái chứa đựng” sự hiểu biết của con người về thế giới được hình thành trong ý thức qua quá trình tri nhận và hiện thân trong ngôn ngữ. Trong ý niệm có cái phổ quát (khái niệm) và cái đặc thù (văn hóa), được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Theo các nhà tri nhận, ý niệm thường bao gồm hai thành tố: hình bóng ý niệm (concept prole) và hình nền ý niệm (concept base, concept frame). Hình bóng ý niệm là ý niệm được biểu đạt bởi từ đã cho. Hình nền ý niệm được hiểu là tri thức hay cấu trúc ý niệm được tiền giả định bởi ý niệm hình bóng, hình bóng ý niệm sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có hình nền ý niệm. Do vậy, ý nghĩa của đơn vị ngôn ngữ phải được xác định có tính đến cả ý niệm hình bóng lẫn hình nền, hay nói cách khác - cả “ý niệm” lẫn “khung/ lĩnh vực”. 2.3. Tính nghiệm thân Các nhà tri nhận cho rằng, trải nghiệm của con người với thế giới xung quanh tạo nên ý nghĩa và quyết định phương thức con người hiểu biết thế giới, quá trình phạm trù, ý niệm, suy lý và tâm trí của con người chính là được hình thành trên cơ sở trải nghiệm mang tính tương tác giữa các cá thể với môi trường vật lý và xã hội. Con người thông qua trải nghiệm tương tác với thế giới hiện thực mà hình thành những lược đồ hình ảnh cơ bản, tức hình thành những mô hình tri nhận, và dựa vào đó để tiến hành phạm trù hóa, xây dựng nên các ý niệm. Thuyết ẩn dụ hiện đại cho rằng hệ thống ý niệm của con người bao hàm các ánh xạ (mappings) từ miền cụ thể sang miền trừu tượng và ánh xạ ẩn dụ không mang tính chất quy ước mà do bản chất của tính nghiệm thân quy định. Nói cách khác, trải nghiệm của thân thể vừa kích hoạt, vừa đặt cơ sở tạo thành ẩn dụ. Tính tương tác trong quá trình trải nghiệm của con người bao hàm các mặt: sinh học, xã hội, văn hóa, kinh tế, đạo đức, chính trị,… rất nhiều kinh nghiệm nghiệm thân của con người được bắt rễ trong bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể, bị ảnh hưởng bởi một khế ước văn hóa cụ thể. Ở nhiều nền văn hóa, rất nhiều trải nghiệm cơ bản của con người được tạo ra từ tập tục văn hóa bản địa, do đó, có thể xem tính nghiệm thân của tâm trí được sản sinh từ mối tương tác giữa con người với thế giới khách quan và bị giới hạn trong bối cảnh văn hóa cộng đồng. Vì vậy, khi xem xét kinh nghiệm trải nghiệm của con người là phải xem xét cả kinh nghiệm của cá thể và kinh nghiệm cộng đồng của người nói cùng ngôn ngữ. 2.4. Lược đồ hình ảnh Các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã khẳng định rằng, những trải nghiệm cơ thể lặp đi lặp lại thường xuyên tạo nên những cấu trúc tri nhận được gọi là lược đồ hình ảnh trong trí não con người. Lược đồ hình ảnh chính là những mô thức xuất hiện lặp đi lặp lại trong hoạt động kinh nghiệm của con người, là mô thức tổ chức kinh nghiệm của con người. Vì vậy, việc hình thành các lược đồ không phải là dựa trên sự tương tự mà có cơ sở từ các tương quan kinh nghiệm. Sơ đồ ánh xạ (mapping) trong cấu trúc ẩn dụ ý niệm là một hệ thống cố định của các tương ứng giữa các yếu tố hợp thành miền nguồn và miền đích. Nhiều yếu tố trong các khái niệm của miền đích xuất phát từ miền nguồn và trước đây có thể chưa từng có. Khi những tương ứng này được kích hoạt, các sơ đồ ánh xạ có thể phóng chiếu từ miền nguồn sang miền đích. Do vậy, hiểu được một ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) có nghĩa là hiểu được hệ thống sơ đồ ánh xạ của một cặp nguồn - đích. Theo quan điểm tri nhận, ẩn dụ không chỉ là một phương thức chuyển nghĩa dựa trên sự tương tự hay giống nhau giữa hai sự vật A và B trong mô hình ẩn dụ A là B, mà là ánh xạ (theo nghĩa toán học) dựa trên những điểm tương ứng. Nếu trong miền nguồn có điểm A thì sẽ có ánh xạ A’ trong miền đích, miền nguồn có điểm B thì sẽ có ánh xạ B’ trong miền đích. Ví dụ: Trong ẩn dụ ý niệm “đời người là một ngày”, dễ nhận thấy một sơ đồ quy ước như sau: thời điểm sinh ra tương ứng với bình minh, tuổi trưởng thành tương ứng với buổi trưa, tuổi già tương ứng với hoàng hôn và tình trạng chết tương ứng với bóng đêm. Cấu trúc cơ bản của nó là một lược đồ hình ảnh bao gồm một thời điểm bắt đầu sinh ra, trưởng thành, kết thúc và trở về bên kia thế giới. Như vậy, các ánh xạ trong ẩn dụ được hiểu theo nghĩa toán học và hoàn toàn dựa trên các điểm tương ứng giữa hai miền không gian. Các sơ đồ ánh xạ không mang tính chất quy ước mà bắt nguồn từ sự vận động của thân thể con người trong không gian, từ các trải nghiệm cá nhân và sự hiểu biết trong đời sống hằng ngày. Một hệ thống ý niệm chứa hàng ngàn sơ đồ ánh xạ, tạo thành những tiểu hệ thống trong cùng một hệ thống ý niệm, tương tự như ma trận miền. Do vậy, ngôn ngữ học tri nhận chia sơ đồ ánh xạ thành hai loại dựa trên sự tri nhận của con người: sơ đồ ánh xạ ý niệm và sơ đồ ánh xạ hình ảnh; trong khi những ẩn dụ ý niệm cho phép nhiều ý niệm trong miền nguồn được ánh xạ lên trên những ý niệm tương ứng trong miền đích, thì ánh xạ hình ảnh chỉ ánh xạ duy nhất một hình ảnh trực quan lên trên một hình ảnh trực quan khác. Tuy vậy, cả hai đều tuân theo nguyên lý hằng số55. Những tương ứng mang tính bản thể (ontological) gồm các thực thể (người, vật,…), hành động hay trạng thái trong miền nguồn được ánh xạ với phần tương ứng trong miền đích; đồng thời cũng có những tương ứng mang tính nhận thức (epistemic) như ý thức, điểm nhìn, cách nhìn nhận, xử trí… trong miền nguồn cũng ánh xạ tương ứng với miền đích. Ví dụ: Ẩn dụ “cuộc đời là một cuộc hành trình” là một ý niệm mang tính phổ quát của mọi nền văn hóa và có một nền tảng kinh nghiệm vững chắc, cấu trúc cơ bản của nó là một lược đồ đường đi bao gồm một điểm bắt đầu (hoặc nguồn của chuyển động), con đường đi qua và đích đến. Lô-gíc cơ bản của cuộc hành trình là người đi phải đi qua những điểm trung gian trên lộ trình; thời gian đến đích phụ thuộc vào quãng đường phải đi. Mục đích (trong cuộc đời, công việc,…) được hiểu dưới dạng đích đến và khi đạt được mục tiêu nghĩa là đã hoàn thành lộ trình từ điểm xuất phát đến đích. Trong cuộc hành trình, những sự tình phức tạp khiến người đi có thể bị chệch đường hay gặp phải những chướng ngại vật. Những tương ứng mang tính bản thể giữa miền nguồn và miền đích trong lược đồ “cuộc đời là một cuộc hành trình” gồm các thực thể, hành động như: du khách, phương tiện giao thông, chướng ngại vật trên các tuyến đường, sự cố gặp phải, khoảng cách đi được, tốc độ chuyển động, các không gian tuyến tính như: điểm mốc, điểm đến của hành trình, các ngã tư hoặc nhánh, đường cụt, mục tiêu, khởi đầu, kết thúc; trạng thái của du khách như: hứng khởi, mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng,… và chúng ánh xạ một cách tương ứng ở hai miền không gian, do đó ý niệm “cuộc đời” cũng có được những nét thuộc tính của “cuộc hành trình”. Những tương ứng mang tính nhận thức trong lược đồ “cuộc đời là một cuộc hành trình” cũng được ánh xạ một cách tương ứng như: trong cuộc hành trình, xe có thể bị hỏng và lữ khách cố gắng khởi động trở lại bằng cách sửa xe hoặc vượt qua chướng ngại để tiếp tục cuộc hành trình. Tình huống này cũng tương ứng với hành trình cuộc đời, khi cuộc sống đến chỗ bế tắc, sóng gió, hay tuyệt vọng thì theo bản năng sống, con người sẽ cố gắng vươn lên để tồn tại, khắc phục và vượt qua khó khăn để tiếp tục sinh tồn. Bản chất của ánh xạ ẩn dụ: Ẩn dụ chỉ phản ánh một phần, nghĩa là chỉ một số bình diện của miền nguồn được chiếu xạ sang miền đích chứ không chiếu xạ toàn bộ thuộc tính sang miền đích. Ẩn dụ ý niệm thường được tạo lập nên nhờ rất nhiều (chứ không phải một) sự ánh xạ, hay nói cách khác sự ánh xạ giữa A và B chỉ mang tính bộ phận - tức là chỉ một bộ phận của ý niệm nguồn B được ánh xạ lên ý niệm đích A và chỉ một phần ý niệm đích A được bao hàm trong sự ánh xạ từ ý niệm nguồn B, bởi lẽ hệ thống ý niệm trong trí não chúng ta hàm chứa hằng ngàn ý niệm cụ thể và hằng ngàn ý niệm trừu tượng. Thông thường chỉ có một/một số bình diện của trường nguồn được chiếu qua trường đích, chỉ một số ý niệm ở miền nguồn được “làm nổi bật” - tức là được sử dụng và được kích hoạt để giúp chúng ta hiểu miền ý niệm đích, và những phương diện còn lại thì bị “che giấu” đi. Ví dụ: trong ẩn dụ ý niệm “thời gian là tiền bạc”, miền đích “thời gian” chỉ thu nhận một số thuộc tính của miền nguồn “tiền bạc” như: quý, có giá trị, giữ gìn, sở hữu, tiết kiệm, phung phí, tặng, dành cho, ít, nhiều, mất, ăn cắp, tiêu tốn, hao… ngoài một số nét thuộc tính này ra, nhiều thuộc tính khác của “tiền bạc” không tham gia vào việc cấu trúc nghĩa của ý niệm “thời gian”, chẳng hạn: thật, giả, đổi, tham nhũng, đút lót, mất giá, in ấn, phát hành, lạm phát, rách… Tính bộ phận của ẩn dụ ý niệm làm cho hai không gian nguồn và đích không đồng nhất tuyệt đối mà chỉ đồng nhất bộ phận mà thôi. Ẩn dụ ý niệm có tính đơn tuyến, tức là ánh xạ được cấu trúc từ miền nguồn sang miền đích nhưng không có chiều ngược lại. Trong ẩn dụ ý niệm “thời gian là tiền bạc”, chỉ có các thuộc tính của miền nguồn (tiền bạc) được ánh xạ sang miền đích (thời gian) chứ không có sự cấu trúc ngược lại. Ví dụ, miền đích thời gian có các thuộc tính như: vô hình, không màu, không mùi vị, không thể đảo ngược, tuần hoàn, thời đoạn, trôi đi, quá khứ, hiện tại, tương lai… không thể ánh xạ sang cho miền nguồn tiền bạc được. Mặt khác, các nhà ngôn ngữ học tri nhận cũng cho rằng cơ sở tri nhận của ánh xạ ẩn dụ ý niệm là kinh nghiệm hay những nền tảng kinh nghiệm. Sự ánh xạ “nguồn - đích” thường có nền tảng từ sự tương đồng giữa hai miền nguồn và đích dựa vào những tương liên trong kinh nghiệm, vào sự tương đồng cấu trúc trong tri giác, vào những cội rễ sinh học và văn hóa mà hai ý niệm cùng bắt nguồn,… Và về phương diện tương quan giữa các miền ý niệm, một miền ý niệm đích có thể là một tổ hợp/ma trận miền bởi vì phải có hằng chục miền ý niệm nguồn mới giúp chúng ta hiểu được các phương diện hay các miền “con” của nó. Hệ thống mạng lưới tầng bậc các miền ý niệm phức tạp đó được gọi là Tri thức bách khoa. 2.5. Các miền không gian trong ẩn dụ tri nhận Theo nguyên lý tri nhận đã nêu trên, ẩn dụ tri nhận (ẩn dụ ý niệm) hàm ý việc hiểu một đối tượng này qua lăng kính của một đối tượng khác, hay nói cách khác - ẩn dụ tri nhận là một sự “chuyển di” (transfer) hay một sự “ánh xạ” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh vực hay miền nguồn sang một lĩnh vực hay miền đích, nghĩa là miền nguồn có chức năng cung cấp tri thức mới và chuyển (gán) tri thức mới đó cho miền đích. Một kết luận quan trọng về ẩn dụ tri nhận nữa là miền ý niệm đích thường trừu tượng hơn, còn miền ý niệm nguồn thì cụ thể và thuộc về vật chất hơn. Chẳng hạn: tranh luận, tình yêu, ý tưởng, tổ chức xã hội… thì trừu tượng hơn chiến tranh, cuộc hành trình, thực phẩm và thực vật. Sự tổng quát này tạo ra một cảm giác trực giác. Nếu chúng ta muốn thấu hiểu hơn về một ý niệm thì chúng ta phải dùng đến một ý niệm khác cụ thể hơn, có tính vật chất hơn hoặc hữu hình hơn so với ý niệm đó. Kinh nghiệm của chúng ta về thế giới vật chất được xem là một cơ sở tự nhiên và hợp lý để hiểu về những miền ý niệm trừu tượng hơn. Điều này lý giải tại sao trong hầu hết các trường hợp ẩn dụ thường ngày, miền nguồn và miền đích không thể đảo ngược cho nhau. Cái này được coi là nguyên tắc theo một hướng duy nhất, đó là, điển hình của quá trình ẩn dụ là đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng hơn. Trong ẩn dụ tri nhận, những miền nguồn thông dụng thường xuất hiện như: cơ thể con người; sức khỏe và bệnh tật; động vật; thực vật; nhà cửa và xây dựng; máy móc và công cụ; trò chơi và thể thao; tiền bạc và giao dịch kinh tế; nấu ăn và thực phẩm; nóng và lạnh; ánh sáng và bóng tối; lực và sức mạnh; chuyển động và chiều hướng… Các miền đích thông dụng thường được nhắc đến như: cảm xúc; ham muốn; đạo đức; tư duy; xã hội; quốc gia; chính trị; kinh tế; quan hệ con người; giao tiếp; sự sống và cái chết; sự kiện và hành động… sự chiếu xạ giữa hai miền không gian này luôn tuân theo nguyên tắc bất biến. 2.6. Cấp độ của ẩn dụ Các nhà tri nhận cho rằng ẩn dụ gồm hai cấp độ: Ẩn dụ cơ sở (primary metaphor) và ẩn dụ phức hợp (complex metaphor). Ẩn dụ cơ sở xuất phát từ những trải nghiệm mang tính chủ quan của con người, phần lớn là vô thức và mang tính phổ quát. Mỗi ẩn dụ sơ sở có một cấu trúc tối thiểu, xuất hiện tự nhiên thông qua kinh nghiệm hàng ngày theo nguyên lý đồng nhất. Trong quá trình đó, mối liên hệ xuyên trường được thành lập. Ẩn dụ phức hợp được hình thành bởi sự kết hợp ý niệm. Những kinh nghiệm giai đoạn đầu mang tính phổ quát dẫn đến hiện tượng đồng nhất phổ quát, các hiện tượng đồng nhất này phát triển thành các ẩn dụ ý niệm quy ước. Ví dụ: Để hiểu được miền đích của ý niệm “cái chết là sự đi đến đích cuối cùng”, có thể cần huy động đến hằng loạt miền ý niệm nguồn như: “cái chết là giấc ngủ, cái chết là sự nghỉ ngơi, cái chết là sự trở về quê mẹ, cái chết là sự giải thoát”,… Ngôn ngữ ẩn dụ (metaphorical language) chỉ là biểu hiện bề mặt của ẩn dụ tri nhận. Ví dụ, trong ca từ Trịnh Công Sơn có câu: “Trên đời người trổ nhánh hoang vu”; “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ”; “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền”; “Những giọt máu đến ngày trổ bông”; “Tay em kết nụ”; “Những ngón tay thơm nối tật nguyền”; “Lòng nhân ái lên nụ hồng”; “Đôi môi ngon dù chưa chín tới”… là biểu đạt ngôn ngữ của ẩn dụ tri nhận “con người là cây cỏ”. Vậy nên, chúng ta mới nói đời người trổ nhánh, mọc lên như đời cây; bàn tay mang màu xanh của lá cây; con người tỏa hương thơm của hoa lá; đôi môi là trái quả,… Như vậy, với tư cách là một cấu trúc tri nhận cơ sở, ẩn dụ giúp chúng ta hiểu và diễn đạt một khái niệm trừu tượng thông qua một khái niệm khác cụ thể hơn. Nó là cơ chế quan trọng thông qua đó chúng ta có thể thực hiện những lập luận phức tạp. 2.7. Sự tương hợp trong ẩn dụ Sự kết hợp ẩn dụ: Đôi khi các ẩn dụ liên kết với nhau không chỉ bởi vì chú ng là những trường hợp đặc biệt của một ẩn dụ khái quát hơn nào đó, hay bởi vì chúng ánh xạ thành một cấu trúc đích, mà còn do chúng có cùng một cơ sở nền trong những trải nghiệm hằng ngày hay cùng một kiến thức thông thường chung như nhau. Chẳng hạn: các ẩn dụ: “cái chết là bóng đêm” được suy ra từ ẩn dụ “cuộc đời là một ngày”; “cái chết là sự lạnh lẽo” được suy ra từ ẩn dụ “sự sống là sức nóng”; “cái chết là bóng tối” được suy ra từ ẩn dụ “sự sống là ánh sáng”; “cái chết là giấc ngủ” được suy ra từ ẩn dụ “cái chết là sự nghỉ ngơi”; “cái chết là sự giải thoát” được suy ra từ ẩn dụ “cuộc sống là ngục tù”. Mỗi ẩn dụ vừa nêu đều có một cơ sở nền tảng của những trải nghiệm thân thể rất vững chắc. Khi cơ thể con người còn sống có thân nhiệt và ấm, khi người ta chết về mặt sinh học, các cơ quan sẽ ngừng hoạt động và cơ thể cứng lại, lạnh giá. Con người khi đang sống thì hoạt động trong ánh sáng ban ngày, không hoạt động trong bóng tối, cũng giống như cây cỏ sống và quang hợp dưới ánh nắng mặt trời và sẽ héo úa, chết khi ở lâu trong bóng tối. Như vậy, có một tương quan chung giữa ánh sáng, sức nóng trong mối quan hệ với sự sống; tương quan giữa lạnh lẽo, tăm tối trong mối quan hệ với cái chết. Những kiến thức phổ quát chung đã được liên kết lại, dùng để nối lĩnh vực nguồn và lĩnh vực đích: đêm đen thì lạnh và tối, con người thì ngủ vào ban đêm, và giấc ngủ là sự nghỉ ngơi. Thêm vào nữa, người chết thì lạnh, giống như lúc trời tối, con người không hoạt động nữa mà như thể đang nghỉ ngơi. Xét theo thuộc tính và cường độ của ánh sáng trong một ngày, với các thời đoạn: bình minh; buổi trưa; buổi chiều và đêm xuống, thì chu kỳ cuộc sống của con người cũng đi theo lược đồ của ánh sáng: khỏe mạnh, sung mãn ở giai đoạn bình minh hay buổi trưa (giai đoạn sinh ra và lớn lên, trưởng thành); suy yếu và giảm dần khi bước vào giai đoạn chiều tà hay đêm xuống (giai đoạn tuổi già và chết đi). Do đó, ban đêm, bóng tối, sự lạnh lẽo, giấc ngủ và sự nghỉ ngơi được liên kết lại với nhau trong một kiến thức thông thường, mang tính phổ quát về ý niệm cái chết mà mỗi chúng ta đều có như nhau. Mối liên kết này làm cho các ẩn dụ tương hợp với nhau và giúp ta cảm nhận được các lớp nghĩa qua mối tương quan có được giữa chúng. Sự tương hợp giữa các ẩn dụ: sự kết hợp của vài ẩn dụ cơ sở sẽ gợi lên cái nền tảng của các ẩn dụ đó nhờ vào những kiến thức và trải nghiệm chung rất thông thường. Một khi những trải nghiệm và kiến thức này liên kết các ẩn dụ lại thì dường như tất cả đã được tạo ra một cách tự nhiên và hiển nhiên. Các ẩn dụ phức hợp này đánh thức trong mỗi chúng ta những trải nghiệm và kiến thức vốn đã tạo thành cơ sở cho các ẩn dụ đó, mặt khác, chúng tạo ra sự tương hợp giữa những trải nghiệm và kiến thức đã biết, rồi dẫn dắt để tạo ra sự tương hợp mới mẻ khác dựa vào những cái mà chúng ta đã biết và trải nghiệm. Lako (1994) cho rằng các ẩn dụ ý niệm cũng liên quan với nhau theo một hệ thống để tạo thành một cấu trúc tôn ti trật tự các ý niệm, các sơ đồ ánh xạ ẩn dụ không diễn ra biệt lập với nhau. Đôi lúc chúng tổ chức thành các cấu trúc tôn ti trong đó sơ đồ ánh xạ “thấp hơn” lại được thừa hưởng các cấu trúc thuộc sơ đồ ánh xạ “cao hơn”56. 3. Phân loại ẩn dụ tri nhận Theo Lako (1987); Lako và Johnson (1980); Reddy (1979), Langacker (1991), có ba loại ẩn dụ chính sau đây: ẩn dụ cấu trúc; ẩn dụ bản thể và ẩn dụ định hướng. 3.1. Ẩn dụ cấu trúc Ẩn dụ cấu trúc (structural metaphor) là loại ẩn dụ khi nghĩa (hoặc giá trị) của một từ (hay một biểu thức) này được hiểu (được đánh giá) thông qua cấu trúc của một từ (hoặc một biểu thức khác). Kiểu ẩn dụ này thường sử dụng kết quả của biểu trưng hóa trong sự liên tưởng, giúp người ta hiểu ý niệm đích A (thường trừu tượng) thông qua các cấu trúc ý niệm nguồn B (cụ thể hơn). Trong loại ẩn dụ này, miền nguồn cung cấp một cấu trúc tri thức tương đối phong phú cho miền ý niệm đích, và sự hiểu biết này diễn ra thông qua các ánh xạ lược đồ ý niệm giữa các yếu tố của miền A và B. Ví dụ: Ẩn dụ “tranh luận là chiến tranh” có các biểu đạt ngôn ngữ: “Anh ấy ra đòn tâm lý chiến với tôi”; “Tôi đầu hàng trước lời cáo buộc của cô ấy”; “Cô ấy tấn công tôi dồn dập bằng những câu hỏi xoáy”; “Tôi dùng kế sách hoãn binh trước anh ấy”; “Anh ta gài bẫy tôi bằng những câu hỏi dò”; “Tôi luôn phòng thủ khi tranh luận với anh ấy”, v.v… Trong ẩn dụ này, miền nguồn “chiến tranh” đã cung cấp một cấu trúc tri thức tương đối phong phú cho miền ý niệm đích, và sự hiểu biết này diễn ra thông qua các ánh xạ lược đồ ý niệm giữa các yếu tố của miền A và B. 3.2. Ẩn dụ bản thể Theo Kovecses (2002), ẩn dụ bản thể (ontological) cung cấp cấu trúc tri nhận ít hơn nhiều so với ẩn dụ cấu trúc. Nhiệm vụ tri nhận của loại ẩn dụ này dường như chỉ đơn thuần là cung cấp trạng thái bản thể cho các phạm trù chung của những ý niệm đích trừu tượng. Điều này có nghĩa là chúng ta hình dung trải nghiệm của mình dưới dạng sự vật, chất liệu hay vật chứa. Vì những tri thức của chúng ta về các sự vật, chất liệu hay vật chứa bị giới hạn phần nào ở cấp độ chung này nên chúng ta không thể dùng những phạm trù chung bậc cao này để hiểu nhiều về các miền đích. Do vậy, công việc của ẩn dụ cấu trúc là cung cấp một cấu trúc cụ thể cho những ý niệm trừu tượng. Ẩn dụ bản thể quy những trải nghiệm vốn không thể phác họa rõ ràng, hoặc có tính mơ hồ, trừu tượng của chúng ta về những trạng thái cơ bản dưới dạng thức sự vật, chất liệu… phục vụ cho những mục đích rất đa dạng. Ví dụ, một hiện tượng như giá cả được tri giác như một vật thể (bản thể) độc lập, nên mới có thể có những ẩn dụ như: nâng giá, hạ giá, định giá, giảm giá, khảo sát giá, áp giá, vật giá leo thang… Lạm phát cũng là một hiện tượng có thể được tri giác như một vật thể, vì thế ta có các ẩn dụ bản thể: chống lạm phát, chạy đua cùng lạm phát, lạm phát đè bẹp hàng loạt các công ty… Điều đó cho phép chúng ta nói về những hiện tượng trừu tượng như là những vật thể cụ thể nhờ vào năng lực vật thể hóa của tri giác chúng ta. 3.3. Ẩn dụ định hướng Ẩn dụ định hướng (Orientational): Không cấu trúc ý niệm thông qua một ý niệm khác mà tổ chức cả một hệ thống ý niệm trong mối tương quan với nhau. Hầu hết ẩn dụ định hướng liên quan đến định vị không gian với những kiểu đối lập như: lên - xuống, trong - ngoài, trước - sau, hoạt động - nghỉ, sâu - cạn, trung tâm - ngoại biên… chúng liên quan đến việc định hướng trong không gian. Chẳng hạn, các ý niệm: hạnh phúc, sức khỏe, có ý thức, hợp lý… được miêu tả thông qua ẩn dụ “up” (lên), trong khi đó “bất hạnh”,“ốm đau”,“chết chóc” thông qua ẩn dụ “down” (xuống, dưới). Những định hướng không gian này xuất hiện trên cơ sở kinh nghiệm của sự vật, hiện tượng con người quan sát được trong môi trường lý tính xung quanh (vì vậy có cách nói: Phấn chấn hẳn lên, tinh thần lên cao, tâm hồn trên chín tầng mây… là phản ánh của ẩn dụ “vui là hướng lên”). Ẩn dụ định hướng không mang tính võ đoán mà có cơ sở kinh nghiệm lý tính và văn hóa. Theo đó, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy các ý niệm đích nhất định có khuynh hướng được ý niệm hóa theo một cách thức thống nhất. Phương hướng đi lên liên quan đến các giá trị tích cực trong khi hướng xuống dưới lại có mối liên quan đến giá trị tiêu cực. Chẳng hạn, tất cả các ý niệm sau đây được chỉ ra bằng một phương hướng “đi lên” như: toàn thể, trung tâm, liên kết, cân bằng, vào trong, có mục tiêu, ở trước, sức khỏe, ý thức, … và hầu hết là có liên quan đến giá trị tích cực; trong khi những ý niệm ngược lại của chúng lại theo hướng “đi xuống” như: cái phi toàn thể, ngoại vi, không liên kết, mất cân bằng, ra ngoài, không mục tiêu, đằng sau, ốm đau, bệnh tật, cái chết, vô thức, … và hầu hết là liên quan đến giá trị tiêu cực. Mặc dù các cực trong - ngoài, lên - xuống,… mang bản chất lý tính, nhưng ẩn dụ định hướng có thể khác nhau ở mỗi nền văn hóa (Ví dụ: Ở Anh, thời gian nằm ở phía trước, người Việt lại xem thời gian ở phía sau hoặc cả hai(tuần tới, tuần sau). * * * Ẩn dụ tri nhận là hình thái tư duy của con người về thế giới, là một công cụ hữu hiệu để con người ý niệm hóa các khái niệm trừu tượng. Tư duy ẩn dụ dựa trên cơ sở các ý niệm. Ý niệm có tính nghiệm thân và chịu tác động của hiệu ứng điển dạng và các mô hình văn hóa, vì vậy, ý niệm không chỉ mang tính phổ quát mà còn mang tính đặc thù văn hóa - dân tộc. Ý niệm không tồn tại riêng lẻ mà liên kết với nhau tạo thành một hệ thống ý niệm. Mỗi một hệ thống ý niệm có những ý niệm cơ sở và ý niệm thứ cấp, giữa chúng có hiện tượng ranh giới mờ, thậm chí một số ý niệm trong hệ thống ý niệm này lại đồng thời nằm trong hệ thống ý niệm khác. Cơ chế của ẩn dụ tri nhận tuân theo cơ chế ánh xạ kiểu lược đồ giữa hai miền không gian. Ánh xạ ẩn dụ có tính chất bộ phận vô thức và đơn tuyến. Các lược đồ ý niệm có vai trò tổ chức kiến thức trong quá trình tri nhận. Mẫu lược đồ được chọn từ các miền hữu ảnh, diễn ra trong phạm trù nghiệm thân và tạo thành trải nghiệm tự thân của con người. Vì vậy, các mô hình tri nhận nhấn mạnh vào bản chất tinh thần, kinh nghiệm tri giác và nhận thức khoa học của con người. Trải nghiệm của thân thể vừa kích hoạt, vừa đặt cơ sở tạo thành ẩn dụ, nói cách khác, tri nhận của con người phải được hiểu qua tính nghiệm thân. Chương3 ẨndụcấutrúctrongcatừTrịnh CôngSơn 1. Ẩn dụ tri nhận “con người là cây cỏ” Trong ca từ nhạc Trịnh, ngoài sự xuất hiện hằng loạt biểu tượng ngôn ngữ với các thủ pháp tu từ, có rất nhiều mô hình ẩn dụ cấu trúc, trong đó mô hình ẩn dụ “con người là cây cỏ” xuất hiện ở khá nhiều ca khúc. Việc nghiên cứu mô hình ẩn dụ này trong ca từ nhạc Trịnh là nghiên cứu một cơ chế quan trọng của nhạc sĩ khi nhận thức về thế giới con người, biểu hiện cách tri nhận của Trịnh Công Sơn về con người dựa trên ý niệm về các loài cây cỏ. Cơ chế của ý niệm này gồm miền nguồn là “cây cỏ”, ánh xạ lên miền đích là “con người”. Các thuộc tính và tri thức về “cây cỏ” được ánh xạ, sao phỏng cho “con người”, và một số đặc trưng của “cây cỏ” được gán ghép lên “con người”. Cả hai miền “cây cỏ” và “con người” trong ca từ nhạc Trịnh đều thuần túy là những ý niệm, được cấu trúc hóa theo mô hình trung tâm - ngoại vi. Ẩn dụ “con người là cây cỏ” là một ý niệm mang tính phổ quát. Trong văn hóa người Việt, có rất nhiều từ ngữ được cấu tạo theo phương thức chuyển nghĩa dựa trên những nét tương đồng giữa cây cỏ và con người, đã đi vào hệ thống từ vựng toàn dân và tạo thành nét nghĩa ổn định trong từ điển như: lá gan, lá phổi, buồng trứng, cuống tim, cuống phổi, cuống rốn, quả thận, quả tim, vỏ não, chùm gân, thớ thịt, bắp đùi, ống chân, cẳng tay, vân tay, thùy tai, gai đôi cột sống, nổi gai ốc, họng hạt, nhân xơ, ngực lép, mông mẩy, giọng chua, anh em cành trên cành dưới, nhà có nếp có tẻ, cha già mẹ héo, cây phả hệ,… Trong ngôn ngữ toàn dân, ý niệm nguồn “cây cỏ (thực vật)” được áp dụng thường xuyên cho các miền ý niệm liên quan đến “con người” và các dạng thức của hệ thống trừu tượng liên quan đến “con người” như: tổ chức xã hội, các mối quan hệ xã hội, hệ thống kinh tế và chính trị, hệ tư tưởng,… Ví dụ: ươm mầm cho tương lai; gieo nghi ngờ; bội thu ý tưởng; phân nhánh quyền lực; sự nghiệp đơm hoa kết trái; mang trong mình một mầm sống mới (mang thai); ý tưởng bị chín ép; suy nghĩ chín muồi; gương mặt chín nẫu (già); tình yêu đơm trái ngọt; khai hoa nở nhụy (sinh đẻ),… như vậy, bức tranh ngây thơ về thế giới thực vật được con người tri nhận và phản ánh một cách đa dạng trong ngôn ngữ, trong đó, thực vật được nhìn nhận như một phạm trù quan trọng của ngữ nghĩa, văn hóa và ý thức, phản ánh rõ nét đặc thù trong tư duy văn hóa dân tộc. Các nhà ẩn dụ học cho rằng ẩn dụ tri nhận có tính chất ánh xạ bộ phận, không phải mọi thứ từ miền nguồn đều được ánh xạ lên miền đích, sự chiếu xạ từ miền nguồn lên miền đích là có chọn lọc, trong đó, những thuộc tính được lựa chọn trong miền đích phải là những bộ phận của những thuộc tính được xác định trong miền nguồn, vì thế, có một sự chuyển di của duy nhất một số thuộc tính từ miền nguồn đến miền đích. Trong tư duy thông thường của người Việt, với thuộc tính quá trình sinh trưởng của cây cỏ được phân chia thành những giai đoạn phát triển khác nhau, vì vậy có sự liên tưởng đến những giai đoạn khác nhau trong quá trình đời sống của con người. Từ đó, vòng đời của cây cỏ được ánh xạ lên vòng đời con người trong những nét tương ứng nhất định (xem khung tri nhận “con người là cây cỏ” ở hình 7). Hình 1. Khung tri nhận “con người là cây cỏ” Từ Ẩn dụ “con người là cây cỏ” cho phép hiểu rằng ý niệm nguồn “cây cỏ” có thể có những nét thuộc tính như: nụ, đóa, cánh, hoa, xanh, tươi, héo, gieo, cấy, mọc, rụng, tàn, úa, phai, già, cỗi, thơm, tươi, trổ, nhánh, đốt, mọc rễ, cành, đơm, nở, khép, mướt, gẫy, mầm, thớ, vân, gân, tỏa, vươn, hồng, vàng, đỏ,… rồi đem gán cho chúng ý niệm đích là “con người”, do đó ý niệm “con người” cũng có được những nét thuộc tính của “tri thức” mới ấy. Khi ánh xạ các thuộc tính của miền nguồn (cây cỏ) lên miền đích (con người), miền đích (con người) chỉ thâu nhận một bộ phận chứ không phải toàn bộ những thuộc tính vốn có của ý niệm nguồn. Trong ẩn dụ “con người là cây cỏ”, chỉ một số nét thuộc tính của “cây cỏ” được gán ghép cho “con người”. Ngoài những nét thuộc tính này ra, nhiều thuộc tính khác của “cây cỏ” không tham gia vào việc cấu trúc hóa ý niệm “con người”, chẳng hạn: diệp lục, quang hợp, sâu đục thân, rễ sần, rễ cọc, rễ chùm, lông hút, răng cưa, xẻ thùy, … tính bộ phận này đã khiến cho hai không gian (miền) nguồn và đích không đồng nhất tuyệt đối mà chỉ là đồng nhất bộ phận mà thôi. Đối với các mô hình tri nhận, ít khi ta nhận ra chúng là ẩn dụ, nhưng khi nghiên cứu các cơ sở của chúng trong mối quan hệ với kinh nghiệm của con người (kinh nghiệm vật lý, kinh nghiệm văn hóa, trải nghiệm sinh học, tâm linh, tôn giáo…) thì sẽ thấy rõ các cơ chế tri nhận của chúng. Việc sử dụng ý niệm “con người là cây cỏ” trong ca từ Trịnh Công Sơn hoàn toàn mang tính vô thức, được sử dụng theo những lược đồ hình ảnh nhất định. Trong đó có sự tương hòa giữa những đặc trưng mang tính phổ quát toàn nhân loại (hạt nhân) với những yếu tố mang tính “ngoại vi” là những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa riêng biệt của nền văn hóa Việt, thuộc tâm thức văn hóa dân tộc mang tính chất đặc thù. Sự tồn tại của mọi sinh vật và sự vật trong vũ trụ đều nằm trong mối quan hệ đa chiều, luôn tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Cây cỏ trong đời sống vốn rất gần gũi với thế giới con người. Trong tâm thức văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, cây cỏ có một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa thần thánh, linh thiêng. Trong hệ biểu tượng văn hóa thế giới, “Cây” là một trong những đề tài biểu tượng phong phú và phổ biến nhất, được tập hợp xung quanh ý niệm về Vũ trụ sống trong sự tái sinh liên tục. Cây là “hình ảnh biểu trưng về một bản thể vượt lên trên nó”57, vì vậy cây trở thành đối tượng của sự thờ bái. Cây gắn với sự sống trong diễn trình tiến hóa liên tục nên nó cũng biểu trưng cho sự tuần hoàn, biến hóa của vũ trụ, thể hiện sự chết và sự tái sinh. Cây được xem như một biểu tượng về những quan hệ đã thiết lập giữa đất và trời. Vì thế, Cây thế giới đồng nghĩa với Trục thế giới58. Trong tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên thế giới, Cây vũ trụ được hình dung rất kỳ vĩ: cây sồi (Celtes), cây gia (Đức), cây tần bì (Scandinavie), cây ôliu (phương Đông Hồi giáo), cây bạch dương (Xibia), cây Kien-Mou (Trung Quốc),… đều là các loài cây có kích thước và tuổi thọ xuất chúng. Các thần linh và linh hồn đều lên xuống theo con đường nối đất với trời của Cây vũ trụ ấy59. Cây Triết học ở Anh thì được miêu tả là cây có nhiều cành, mọc ra từ cơ thể người. Trong Phật giáo phương Đông, truyền thuyết về sự ra đời của đức Cồ Đàm gắn liền với truyền thuyết về Người Cây, sinh ra từ Nữ Thần Đất. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thảo mộc có trực giác tâm linh, giữa cây cỏ với tâm trí con người có những tương tác tâm linh rất tích cực. Cây là biểu tượng về tính thống nhất cơ bản của sự sống, của sự phát triển, của những triển vọng sẽ thành hiện thực, vốn xuất phát từ hạt, mầm, được nuôi dưỡng từ thứ vật chất chưa phân hóa là đất, gắn với sự chuyển động tuần hoàn của thời gian và mùa vụ, cây cỏ biểu trưng cho tính tuần hoàn của mọi dạng sinh tồn: sinh ra, lớn lên, trưởng thành, tàn lụi và chuyển hóa thành dạng vật chất khác. Như vậy, cây là khởi thủy của mọi sự sống nảy sinh. Vì vậy, dân gian thường dùng đời sống cây cỏ để quy chiếu đến đời sống con người. Trong tâm thức văn hóa Việt Nam, cây cỏ có một vị trí đặc biệt. Dân gian ta vẫn luôn tồn tại thuyết “Vạn vật hữu linh” nên tín ngưỡng thờ cúng thần rừng, thần cây xuất hiện ở nhiều địa phương. Theo kinh nghiệm của ông cha ta thì cây lớn có Thần lớn, cây nhỏ có Thần nhỏ. Dân gian cũng lưu truyền câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để nhắc nhở con người phải tôn trọng thiên nhiên, đặc biệt là các loài thảo mộc. Hơn nữa, nền văn minh Việt Nam là văn minh lúa nước, cộng thêm ảnh hưởng của tôn giáo (Đạo Phật) thấm sâu vào nếp sống của cộng đồng người Việt, đã tạo nên một nền văn hóa nhân hậu, phóng khoáng, hữu tình với cỏ cây. Vì niềm yêu mến và sùng kính thiên nhiên, nên cây cỏ có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với tâm thức văn hóa bản địa Việt Nam. Một cách vô thức, từ lâu, việc tri nhận các yếu tố, bộ phận liên quan đến cỏ cây đã thấm sâu vào ý thức sử dụng ngôn ngữ hằng ngày của con người mà có thể chúng ta không dễ gì nhận ra. Trong các biểu thức ngôn ngữ sử dụng trong sinh hoạt hay trong văn chương nghệ thuật, mô hình ẩn dụ cấu trúc “con người là cây cỏ” với kiểu tư duy hai không gian miền nguồn, đích xuất hiện rất phổ biến. Xét về bản chất sinh vật, con người và cây cỏ có sự tương đồng ở tổ chức đa bào. Mỗi tế bào đều mang trong mình một chương trình hóa di truyền cho toàn bộ thực thể. Những quá trình sinh học của mầm, hạt, phôi ở người và thực vật có sự tương đồng rõ rệt. Trong nhận thức ngây thơ về thế giới, người Việt hình dung sự sống của mình giống như cây cỏ, đó là một quá trình khép kín, từ hình thành phôi, nảy mầm, lớn lên, hấp thu và trao đổi chất để phát triển. Dễ nhận thấy, giữa cây và con người có những nét tương đồng nhất định về chu kỳ vòng đời. Cây và người đều tuân theo quy luật của tạo hóa: tạo sinh, tạo diệt. Vòng đời của một cái cây được bắt đầu từ khi hạt mầm được gieo xuống, nảy chồi, vươn lên mặt đất rồi bám rễ, và trải qua các giai đoạn lớn lên, trưởng thành, ra hoa, kết trái, lụi tàn và chết. Vòng đời của cây cũng thường được tính một cách ước lệ theo bốn mùa: Xuân - sinh; Hạ - trưởng; Thu - thu; Đông - tàn. Vì vậy, trong tiếng Việt có một sự chuyển di ý niệm từ cây cỏ sang con người để gợi liên tưởng đến các quá trình của đời sống. Nét thuộc tính về quá trình phát triển của cây gợi liên tưởng đến các quá trình phát triển trong chu kỳ vòng đời người: nảy mầm (thoát thai từ bụng mẹ); lớn lên (nhi đồng - thiếu niên); trưởng thành (dậy thì, thanh xuân); già cỗi(tuổi già); khô, rụng, tàn phai(trở về cõi chết). Trong ca từ Trịnh Công Sơn, khi chiếu xạ các thuộc tính của cây cỏ lên con người, nhạc sĩ đã lựa chọn những thuộc tính từ miền nguồn để ánh xạ lên miền đích như: chu kỳ vòng đời của cây ánh xạ thành chu kỳ vòng đời người; các giai đoạn sinh trưởng của đời cây ánh xạ thành các giai đoạn sinh trưởng của đời người; màu sắc của hoa, lá ánh xạ thành màu của tóc, của mắt, của làn da, thậm chí của tâm hồn, của tư tưởng con người; hương thơm của hoa ánh xạ thành hương thơm của da thịt; hương vị của trái quả ánh xạ thành hương vị của đôi môi,… Tỷ lệ ánh xạ giữa các thuộc tính của miền nguồn “cây cỏ” lên miền đích “con người” trong ca từ Trịnh Công Sơn được thể hiện qua bảng 1. Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ ý niệm không phải là võ đoán mà là hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm vật lý và kinh nghiệm văn hóa của chúng ta. Trong ẩn dụ về thực vật, dựa trên cơ sở vật lý, chúng ta dễ nhận thấy tư thế cụp xuống của hoa, lá, thân cây kèm theo hiện tượng mất nước, mất sức sống là điển hình của trạng thái suy yếu, sắp tàn, rơi rụng của cây cỏ, từ đó khi chuyển di nét thuộc tính này sang cho ý niệm con người, nó biểu trưng cho trạng thái cảm xúc tiêu cực hoặc sự suy yếu, kết thúc của một bộ phận cơ thể, một sự việc, một giai đoạn… của con người; tư thế vươn thẳng, hoặc vận động, vươn cao, đâm lên, hướng lên phía ánh sáng của cây cỏ là điển hình của sức sống mãnh liệt, khỏe khoắn, khi chuyển di các thuộc tính trên cho ý niệm con người, nó biểu trưng cho các trạng thái cảm xúc tích cực. Bảng 1. Các tương đồng ánh xạ trong ẩn dụ tri nhận “con người là cây cỏ” trong ca từ Trịnh Công Sơn. Theo thuyết nghiệm thân, kinh nghiệm vật lý và trải nghiệm sinh học là cơ sở để giúp ta hiểu các ẩn dụ. Theo sự vận động sinh học của thực vật, sức khỏe, sự phát triển đời sống luôn hướng lên trên; sự đau yếu, cái chết, hay sự kết thúc là hướng xuống dưới, vì vậy, khi diễn tả cái chết hoặc sự đi xuống của con người thì dân gian thường dùng hình ảnh hoa tàn, hoa rụng, lá rụng,… còn khi diễn tả sức sống, tuổi trẻ, sự sinh sản, sung mãn,… thì diễn tả bằng các hình ảnh đơm nụ, nở hoa, trổ bông, đâm chồi, kết trải. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, cảm thức về con người luôn gắn bó với cảm thức cỏ cây với cả hai trạng thái tích cực và tiêu cực, đặc biệt là giai đoạn đẹp nhất của đời cây với những “nụ”, “mầm”, “đóa”, “nở”, “trổ bông”… và được nhạc sĩ tri nhận gắn với con người. Thời Trịnh Công Sơn sống, chiến tranh với những khốc liệt của nó in hằn lên đôi vai dân tộc, mà những hình ảnh của cuộc sống trong khói thuốc súng chỉ thấy những “điêu tàn” của đất nước và những thân phận nô vong. Nhưng cái nhìn của Trịnh về cuộc đời và con người lại luôn luôn hướng về phía ánh sáng, tương lai, với niềm hi vọng hồi sinh của những chồi, búp, nụ đời, vì vậy trong nhạc phẩm của ông xuất hiện rất nhiều những lời ca mà ý niệm về con người tương đồng với ý niệm về cỏ cây: Mượn phù sa đắp lên điêu tàn Lòng nhân ái lên nụ hồng. (Dựng lại người, dựng lại nhà) Đợi máu anh em chớm những nụ hồng (Đợi có một ngày) Những giọt máu đến ngày trổ bông Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng cười (…) Nở ra yêu thương làm mát nụ cười. (Những giọt máu trổ bông) Từ trên trang giấy thơm này Nở những giấc mơ đời vui. (Đời sống không già vì có chúng em) Rõ ràng những ý niệm về cây cỏ được cấu tạo, xây dựng, cấu trúc hóa thành ý niệm về con người theo quy luật ánh xạ: một cái cây khỏe mạnh, xanh tốt sẽ cho đời những nụ hoa đẹp, mập mạp, khỏe khoắn; con người với cái tâm trong sáng, thánh thiện sẽ tặng cho đời những sản phẩm tinh thần đẹp đẽ (nụ hồng nhân ái), chia sẻ với những kiếp nhân sinh khổ đau. Trịnh Công Sơn nhìn con người giống như cái cây, dòng máu lưu thông trong huyết quản chính là nhựa cây, nuôi cho cây (người) ra “nụ”, rồi “trổ bông”. Cây cỏ trổ bông tô điểm cho cuộc sống thiên nhiên thêm hương sắc; giọt máu trổ bông cho cây đời “nở” ra hòa bình và tình yêu thương nhân loại, “nở” Những giấc mơ đời vui. Tác giả đã lựa chọn đặc trưng vật lý về sự vận động lan tỏa, mở rộng của bông hoa, cánh hoa khi trong trạng thái nở để chuyển thành đặc tính của nụ cười và niềm hạnh phúc của con người. Từ cách tri nhận “Con người là cây cỏ”, nhạc sĩ đã tri nhận tất cả những gì thuộc về cuộc sống con người, đặc biệt là về phương diện tinh thần cũng như cỏ cây, theo quy luật vòng đời cây: sinh, diệt, nở, tàn. Hòa bình được dân tộc Việt Nam vun đắp, ươm mầm như cỏ cây, để nó “nở” ra tươi tốt từ những mảnh đời khốn khó lầm than: Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khổ (Dân ta vẫn sống) Bốn mùa trời đất biến đổi theo quy luật vô thường, nhưng đời cây thì theo vòng tuần hoàn, chết lại tái sinh nên vẫn luôn xanh mãi, vẫn trổ hoa và nảy những nụ mầm mới, và con người giữa vòng tuần hoàn ấy cũng giống như cây, “nụ mầm mới” nhú là biểu hiện sự sống hồi sinh của con người: Bên trời xanh mãi, những nụ mầm mới Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười (Bốn mùa thay lá) Cuộc đời người thiếu nữ cũng được nhìn như cái cây đang ở độ xanh tốt nhất, kết đọng hương sắc lên đài nhụy: Ru em đầu cơn gió Em hong tóc bên hồ Khi sen hồng mới nở Nụ đời ôi thơm quá (Ru tình) Con người là cây nên mới tỏa cành nhánh thênh thang ở vào giai đoạn sung sức nhất: Nụ xuân xanh, cành thênh thang Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng (Gọi tên bốn mùa) Nhạc sĩ luôn tha thiết kêu gọi con người hãy xích lại bên nhau, dành cho nhau tình yêu và tình người nồng thắm, tình người ấy được tri nhận và biểu trưng bằng hình ảnh nụ hoa, cành hoa rất đẹp: Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ (Hoa xuân ca) Một lần em đã đến hân hoan ôi cuộc đời Nụ tầm xuân hãy ấm Đông sang khoác vai tôi (…) Tuổi mười sáu xanh cho mọi người. (Môi hồng đào) Tay em kết nụ. (Ru em từng ngón xuân nồng) Hãy yêu khi đời mang đến Một cành hoa giữa tâm hồn. (Đời gọi em biết bao lần) Trong văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa người Việt nói riêng, Sen được coi là loài hoa nhất hạng, người Việt tôn Sen làm quốc hoa bởi vẻ đẹp thanh khiết của nó. Mọc lên từ chốn bùn tanh nhưng sen vẫn tỏa hương thơm ngát với sắc trắng tinh khôi. Trong giá trị tinh thần của Phật giáo, màu trắng của sen được hiểu theo ý nghĩa đạo đức, là biểu trưng của đức hạnh và sự kiên trinh. Trịnh Công Sơn là người theo đạo Phật, bị ảnh hưởng bởi mỹ học Phật giáo, cái đẹp của người con gái trong tình yêu luôn được thăng hoa trong cảm xúc của ông ở một miền siêu thực. Đặc biệt, vẻ đẹp đầy chất thiền của bông hoa sen luôn được ông tri nhận và liên tưởng trong cái nhìn so sánh với vẻ đẹp của người tình: Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng (Ru tình) Em tương đồng với đóa hoa sen trở thành cái đẹp từ bi nhất, tinh khôi nhất, thánh thiện nhất: Sen hồng một độ Em hồng một thuở xuân xanh (…) Từ đó hoa là em Một sớm kia rất hồng Nở hết trong hoàng hôn Đợi gió vô thường lên. (Đóa hoa vô thường) Có một sự đồng nhất giữa sen và em: em là nụ, em là hoa, “thì” của hoa cũng chính là thì (tuổi xuân) của em. Những đặc trưng của sen đều xuất hiện ở em: màu sắc (hồng), trạng thái (nở). Vì vậy, khi tìm em nhưng thực chất là đi tìm vẻ đẹp của “một cành hoa khôi”, vì em là đóa hoa nên mới có “bờ môi thơm”, mới tỏa hương “ngát hương trầm”: Tìm em tôi tìm Mình hạc xương mai Tìm trên non ngàn Một cành hoa khôi (…) Một bờ môi thơm (…) Em ngồi bốn bề Thơm ngát hương trầm. (Hoa vàng mấy độ) Trong đời sống thực vật, hạt mầm là thứ vật chất khởi tạo sự sống, khi cây vươn chồi, bám rễ vào đất và lớn lên, cội (gốc) cây cùng với rễ sẽ giữ cho cây đứng vững, chống chọi với gió bão, với sâu bệnh để phát triển. Từ thuộc tính ban đầu đó của “cội” đã tạo cơ sở cho sự liên tưởng đến một nơi mà con người từ đó sinh ra, đó chính là nguồn cội. Trong ngôn ngữ toàn dân, ta vẫn bắt gặp các cách nói: con người có cội có rễ, ai xa quê cũng nhớ đến nguồn cội của mình, lá rụng về cội… để diễn tả ý niệm “nơi mà từ đó sinh ra” của con người. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, trong mối liên hệ với cây cỏ, ý niệm nguồn cội chính là chỉ nơi mà mỗi hạt cát đã sinh ra, “ở trọ” và rong chơi trong cuộc đời: Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời. (Biết đâu nguồn cội) Tìm trong vô thường Có đôi dòng kinh Sấm bay rền vang Bỗng tôi thấy em Dưới chân cội nguồn. (Đóa hoa vô thường) Nói về cái chết hoặc dự cảm về cái chết của con người là nhạc sĩ dùng hình ảnh về cội: Đất ôm anh đưa về cội nguồn. (Cho một người nằm xuống) Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh Về cội xưa níu tay nghìn trùng. (Níu tay nghìn trùng) Các bộ phận của cây cỏ trong từng chức năng cơ bản của chúng dùng để thực hiện quá trình trao đổi, chuyển hóa liên tục của đời cây cũng cho ta liên tưởng đến ẩn dụ về con người. Lá cây là bộ phận chứa chất diệp lục, có chức năng quang hợp ánh sáng, tạo sự trao đổi chất nuôi cây. Sau khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, trong quá trình sinh hóa, chất diệp lục trong lá sẽ chuyển hóa thành chất khác. Trong tiến trình lụi tàn, màu sắc của lá sẽ chuyển dần từ màu xanh sang vàng úa hoặc đỏ sậm, rồi nâu đất và rụng xuống, khép kín một chu trình sống. Trong vòng tuần hoàn của mình, cây đâm chồi, nảy lộc rồi ra lá, trút lá, thay lá theo thời gian trong vòng tái sinh liên tục. Dựa trên thuộc tính điển dạng về quá trình sinh học của lá, trong mối liên tưởng với đời người, các phạm trù đích như mái tóc, đời người cũng được hình dung như lá cây. Lá cây thay màu theo thời gian mùa (xanh - lốm đốm - úa vàng - rụng), trong suy nghiệm với đời người, tóc cũng như lá thay màu theo thời gian (đen - niên thiếu và tuổi trẻ; hoa râm - trung niên; úa màu, trắng - tuổi già và cái chết); thêm nữa, quá trình biến đổi chất trong lá cũng tương đồng với quá trình lão hóa của đời người, vì thế dân gian mới có cách nói Lá xanh rụng trước lá vàng để chỉ cái chết của người trẻ tuổi(lá xanh) trước bậc tiền bối(lá vàng). Trong logic ấy, Trịnh Công Sơn nhìn nhận con người như một cái cây, mà mái tóc chính là thảm lá có hương thơm nồng nàn tỏa xuống ướp hương cho bờ vai thon: Ôi tóc trầm ướp vai thơm Em là phấn thơm cho rừng chút hương. (Cho đời chút ơn) Nhạc sĩ xem mái tóc là những chiếc lá, thảm lá để đôi khi nó ở vào trạng thái rơi rụng như lá cây: Tóc em từng sợi nhỏ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. (Như cánh vạc bay) Có khi lại là nơi trú ngụ của loài sâu ngủ vùi cho quên hiện tại: Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều. (Dấu chân địa đàng) Tóc cũng đổi màu úa tàn như cây sang mùa, đánh dấu bước chuyển của thời gian và tuổi tác: Tóc úa là vì những tháng âu lo. (Bay đi thầm lặng) Đặc biệt, màu sắc úa tàn của lá là dấu hiệu hàm chỉ sự đến đích cuối cùng của đời người: Lá úa trên cao rụng đầy Cho trăm năm vào chết một ngày. (Cát bụi) Có khi nhạc sĩ tri nhận con người như cái cây, từng bộ phận của con người cũng úa màu khi ở trạng thái rệu rã, hao kiệt: Thương nụ cười và mái tóc buông lơi Mùa thu úa trên môi. (Thương một người) Hình dung “con người là cây cỏ”, Trịnh Công Sơn đặc biệt chú ý đến màu sắc của cây lá để gán ghép một số thuộc tính ấy cho con người. Những màu xanh của lá cây luôn được gán cho các bộ phận trên cơ thể con người mà bằng quan sát trực quan có thể nhận thấy như: mắt, làn da, bàn tay, vòng tay, mái tóc,… thậm chí cả phần tinh thần của con người không thể quan sát được như: hồn, hồng nhan, thanh xuân… cũng mang màu xanh của lá với các cấp độ khu biệt khác nhau: Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa. (Diễm xưa) Ngày thu xanh yếu làn da Em nằm ốm chờ (…)