" Âm Phủ - Roderick Gordon PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Âm Phủ - Roderick Gordon PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo AÂm Phuû [Tunnel 1] Tác Giả: Roderick Gordon, Brian Williams Thể Loại: Giả Tưởng, Thám Hiểm, Kỳ Dị Dịch Giả: Lý Lan Nhà xuất bản: Trẻ Nguồn: e-thuvien.com Chụp hình và quản lý dự án: Hoàng Liêm Đánh máy: voxuanlanh1990, oh_bon, astrologic, Đặng Luân, fujuko, haduyen, thanhtam921992, cockroach, trinhnguyen123, Hoàng Liêm Soát lỗi chính tả: Hoàng Liêm Ebook: daotieuvu.blogspot.com Ebook được blog Đào Tiểu Vũ hoàn thành với mục đích phi thương mại, nhằm chia sẻ với những bạn ở xa hoặc không có điều kiện mua sách, khi sao lưu xin ghi rõ nguồn. Trong điều kiện có thể bạn hãy mua sách để ủng hộ nhà xuất bản và tác giả. Giới Thiệu: Có bao giờ bạn tưởng tượng rằng: … Cha của bạn đột ngột mất tích Và… Chính bạn phải tìm cách giải cứu cha ra khỏi thế giới tăm tối, đầy rẫy những điều hắc ám đang diễn ra? Nhưng Bạn phát hiện bạn thuộc về thế giới đó… Nhân vâṭ chı́nh của truyêṇ , Will Burrows là một đứa trẻ 14 tuổi sống cùng gia đình ở London. Cậu bé có rất ı́t điểm chung với mọi người trong nhà trừ niềm đam mê đào bới khảo cổ với cha mình – một tiến sĩ cổ vật không gặp thời. Khi người cha đột nhiên biến mất, Will cùng người baṇ là Chester quyết định lần theo môṭ đường hầm bı́mâṭ để tı̀m tung tı́ch cha mı̀nh, đồng thời cuñg là thỏa mañ thú đam mê đào bới để lý giải những điều chưa từng đươc̣ ai biết đến. Ngay khi chúng tìm thấy một thế giới kỳ dị dưới lòng đất, hai đứa trẻ cũng phát hiện ra một sự thật kỳ bí và kinh hoàng – một sự thật mà có thể lấy đi cả mạng sống của chúng… Những người dưới lòng đất rất căm ghét người Trần-gian, tức dân trên mặt đất. Xã hội dưới lòng đất cũng phân chia giai cấp nặng nề và nhiều định kiến dã man. Dưới lòng đất, có các vùng đất khác nhau như Thuộc địa, Âm Phủ, Địa Ngục, Thành phố Vĩnh viễn, trong đó Âm Phủ và Địa Ngục là nơi lưu đầy những người phạm tội trong điều kiện sống khủng khiếp… Âm Phủ, tập đầu tiên trong series Tunnels, series truyện thám hiểm hấp dẫn và kỳ thú mới nhất được đánh giá có thể tiếp nối thành công công của Harry Potter Một thế giới thù hận đang phục sẵn đâu đó bên cạnh thế giới ta đang sống? Hay đó thật ra là nơi ta đang sống mà chính ta, một lần ngẫu nhiên trong đời, bàng hoàng nhận ra mình đang sống đầy bất trắc. Cậu bé 14 tuổi Will Burrows và người bạn Chester trong cuốn Âm phủ tìm kiếm gì dưới lòng đất nếu như nơi đó không mở ra một thế giới mênh mông chưa biết điểm dừng, nơi “ngày xưa đó là nhà của tất cả chúng ta”. Cái cội nguồn vẫy gọi đứa trẻ bạch tạng hóa ra có thật, với một gia đình gốc đợi nó dưới một nơi chốn kỳ dị, với những cái tên cổ xưa và tiện nghi lùi lại cả thế kỷ. Bằng những giả định rất có lý, Âm phủ mặc dù được so sánh với Harry Potter, nhưng lại tràn ngập nỗi bâng khuâng của con người trước các dấu hiệu lịch sử bí ẩn như kiểu Mật mã Da Vinci. Cuốn sách ăn khách của hai tác giả R. Gordon và B. Williams lại mở ra một nước Anh khác, có những kết nối bí hiểm với thế giới lòng đất làm người đọc ngạc nhiên vì trí tưởng tượng mở ra vô tận như những mê cung ngầm có những cái tên vừa rùng rợn, vừa gây tò mò: Âm phủ, Cõi sâu, Thành phố Vĩnh Viễn. Khác lạ mà giống như cuộc đời nào đó đã có, lũ trẻ gặp những nguy hiểm bất lường, những kẻ ác hiểm độc, những người tốt thô nhám. Lòng đất tăm tối nhưng lại sáng rực nhờ những ngọn đèn bí ẩn, và lũ trẻ có đến đích được hay không là nhờ vào thứ ánh sáng của lòng tin mãnh liệt. "Âm Phủ" là tập đầu tiên trong series Tunnels của 2 tác giả Roderick Gordon và Brian Williams. "Âm phủ" tập đầu tiên được xuất bản ngày 3/7/2007, bản dịch tiếng Việt được phát hành trên toàn quốc ngày 24/8 vừa qua. Phần 2 và phần 3 của seri truyện lần lượt là "Deeper" xuất bản ngày 22/5/2008, "Freefall" xuất bản ngày 18/5/2009. Âm Phủ (Tunnels) là tập đầu của bộ sách nổi tiếng của hai tác giả người Anh Rodorick Gordon và Brian Williams, các tâp̣ còn laị có tên (Deeper – taṃ dic̣h: Cõi Sâu; Freefall- taṃ dic̣h : Rơi tựdo). Âm Phủ là điểm đến của những đứa trẻ ưa mạo hiểm, dũng cảm và sống chết vì nhau. Từ khi ra đời, Tunnels (Âm phủ) đã liên tiếp giành giải thưởng và lọt vào top những cuốn sách hay nhất và bán chạy nhất ở Mỹ, Séc, Rumani, Bồ Đào Nha, Litva, Pháp... và được phát hành thành manga ở Nhật (cuốn 1 vào tháng 6.2009). Thử so sánh một chút giữa Âm Phủ và Harry Potter, ta thấy, Hary Potter tập 1 ra ngày 30.6.1997, đến tháng 3.1999, thì bán được 300.000 bản sau 21 tháng. Âm Phủ tập 1 ra ngày 3.7.2007, đến tháng 2.2008, bán được 100.000 bản sau 7 tháng. Như vậy, Âm Phủ mất 7 tháng để thu về 100.000 bản, trong khi để có 300.000 bản, Harry Potter tập 1 cũng đã mất 21 tháng, 1 tỉ lệ tương đương. Chắc chắn, Âm Phủ phải chứa đựng những điều kỳ thú đặc biệt mới có thể lôi cuốn độc giả với một lượng bán ra “khủng” như thế! Về tác giả Roderick Gordon (trái) & Brian Williams: RoderickGordon sinh ra, lớn lên và học đại học ở Luân Đôn – nơi ông đọc những cuốn sách sinh vật và dành nhiều thời gian cho các hoạt động phong phú của giới sinh viên cũng với người bạn viết văn của mình sau này – Brrian Williams. Ông làm trong một công ty tài chính của thành phố cho đến năm 2001. Hiện nay, Roderick và gia đình của mình đã chuyển từ London đến phía bắc Norfolk. Brian Williams lớn lên ở Zambia và cùng gia đình chuyển đến Liverfool những năm 70. Thời sinh viên, ông học trong một trường về nghệ thuật và sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục vẽ, viết văn và làm phim. Ông hiện sống ở Harley. ĐỂ TƯỞNG NHỚ ELIZABETH OKE GORDON 1837-1919 Cái gì không biết thì đáng ngờ. Vô danh Phần Một:Vỡ Đất Chương Một PHẬP! Lưỡi cuốc chim bổ vào những mảng tường đất, chạm phải vật rắn vô hình nào đó, nháng lửa, rồi cắm sâu và lớp đất sét. Cái cuốc vang lên một tiếng phập ngán ngẩm, rồi dừng lại. - Chắc là nó đấy, Will à. Tiến sĩ Burrows bò tới trước trong đường hầm chật cứng. Trong không gian tù túng, ông vã mồ hôi, thở hồng hộc, bắt đầu cào xới lớp đất một cách nóng nảy, hơi thở thoát ra đặc quánh trong không khí ẩm ướt. Dưới quầng sáng kết hợp từ hai ngọn đèn pha gắn trên mũ bảo hộ của hai cha con, mỗi bụm đất được cào xới ra để lộ rõ hơn sàn ván gỗ cũ kỹ bên dưới, bày ra bề mặt nứt nẻ với các vân gỗ được tráng hắc ín. - Đưa cho ba cái xà beng. Will lục lọi trong cái túi đeo lưng, tìm được một cây xà beng cùn ngắn củn, đưa cho ba nó. Ông đang chăm chú nhìn vào mảng gỗ trước mặt. Cố chèn đầu dẹt của cây xà beng vào giữa hai mảnh ván, tiến sĩ Burrows nghiến răng khi đè hết trọng lượng của cơ thể mình lên cái cán xà beng để tạo lực đòn bẩy. Rồi ông bắt đầu nạy từ mép này đến mép kia. Mấy mảnh ván kêu kèn kẹt, rên rỉ kháng cự lại những khớp lắp ghép gỉ sét, cho tới khi mảnh ván hết chịu nổi, vồng lên, rồi bục ra trong một tiếng kêu rắc rõ to. Will hơi lùi lại khi một luồng gió nhẹ ẩm lạnh thoát ra từ lỗ hổng mà tiến sĩ Burrows vừa tạo nên. Hai cha con hối hả rút thêm mấy mảnh ván nữa ra khỏi sàn, để lộ một lỗ hở rộng bằng bề ngang vai người, rồi dừng tay một lát trong im lặng. Cha và con quay đầu nhìn nhau, trao đổi một nụ cười thoáng qua đầy bí ẩn. Gương mặt của người này lờ mờ trong ánh sáng rọi ra từ chiếc đèn pha trên mũ của người kia, bê bết dấu vết cuộc vật lộn với bùn đất. Hai người quay lại cái lỗ chăm chú nhìn những hạt bụi lơ lửng như những hạt kim cương tí ti, tựu rồi tan rồi tựu lại thành những chòm sao không tên trên nền tối như đêm của lỗ hổng. Tiến sĩ Burrows thận trọng chồm qua khoảng trống. Will ép người bên cạnh cha để nhìn ké qua vai ông. Khi ánh sáng đèn pha rọi vào hố, một bức tường lát gạch hiện ra rất rõ. Đèn pha của họ rọi xuống sâu hơn, quét qua mấy tấm áp phích cũ đã long hồ ở góc, sút ra và phất phơ nhè nhẹ, như tua rong biển bị kẹt giữa những dòng chảy mạnh dưới đáy đại dương. Will hơi ngẩng đầu lên một chút, để ánh sáng đèn pha quyets xa hơn, cho tới khi nó bắt gặp một biểu tượng tráng men. Tiến sĩ Burrows dõi theo ánh đèn của con trai cho đến khi ánh sáng hai ngọn đèn pha của họ trùng nhau để soi tỏ cái tên trên biểu tượng. - Highfield & Crossly North! Đúng là nó rồi, Will, đúng là nó! Chúng ta đã phát hiện ra nó! Tiếng nói hồ hởi của tiến sĩ Burrows vang vọng trong khoảng không giới hạn ẩm ướt của ga xe lửa bỏ hoang. Hai cha con cảm thấy một làn gió nhẹ thoảng qua mặt họ như thể có cái gì đó thổi dọc sân ga, xuôi xuống đường ray, như thể cái đó bị kinh hoảng bấn loạn vì sự đột nhập thô bạo vào hầm mộ bị đóng kín và lãng quên sau hàng bao nhiêu năm trời này. Will đá loạn xị vào mấy sớ gỗ chân đế của chỗ thủng, làm những mảnh vụ gỗ ván mục bắn tung toé, cho tới khi cái sàn dưới chân nó bỗng dưng trượt đi và banh ra thành một cái hang. Nó bò qua khoảng trống, vớ theo cái xẻng. Tiến sĩ lập tức đuổi theo sau. Hai cha con gây ra mấy tiếng răng rắc khi vượt được mấy bước trên bề mặt rắn chắc của sân ga, tiếng chân họ vang vọng, ngọn đèn pha trên mũ họ soi những luồng sáng vào cõi mù mờ chung quanh. Mạng nhện giăng chằng chịt trên nóc và tiến sĩ Burrows thổi phù phù khi một cái mạng nhện báo vào mặt. Khi ông nhìn quanh, ánh đèn pha của ông chiếu qua đứa con trai, một hình ảnh kỳ lạ của một mớ tóc trắng như rơm bị tẩy màu xù ra dưới cái mũ thợ mỏ đã cũ kỹ bầm dập, hai con mắt xanh nhạt của nó nhấp nhá sáng niềm say mê khi nó chớp mắt nhìn vào bóng tối. Khó miêu tả được áo quần của Will, đại khái quần áo của nó có vẻ nhoè nhoẹt với đất sét bết vào khắp người nó, lên đến tận cổ, khiến nó giống như một bức tượng của một nhà điêu khắc được phả cho sự sống một cách huyền bí. Còn tiến sĩ Burrows là một người đàn ông dẻo dai có chiều cao trung bình – người ta không thể miêu tả là ông cao, mà cũng không thể nói là ông lùn, đại khái là tầm thước. Mặt ông tròn trịa, đôi mắt nâu sáng trông càng sắc sảo nhờ đôi kính có tròng thạch anh và gọng vàng. - Nhìn lên kia kìa, Will, nhìn cái đó! Ông nói, đồng thời ánh đèn của ông soi vào một biển hiệu gắn trên cái lỗ trống mà hai cha con vừa chui vào. Cái biển ghi bằng chữ đen to đùng: LỐI RA. Hai cha con bật đèn soi cầm tay, và chùm ánh sáng kết hợp với ánh đèn yếu hơn gắn trên mũ cối xuyên thủng bóng tối để lộ nguyên ra một sân ga đầy đủ. Rễ cây lòng thòng dưới nóc, tường thì loang lổ từng mảng và vằn vện những sọc vôi bạc phếu ở những nơi kẽ nứt ngấm hơi ẩm. Hai cha con còn nghe thấy tiếng nước chảy ở đâu đó xa xa. Với vẻ đắc thắng tự thưởng, Tiến sĩ Burrows nói : - Con thấy phát hiện này sao? Thử nghĩ coi, chưa từng một người nào từng đặt chân xuống đây kể từ khi tuyến đường Highfield được làm vào năm 1895. Hai cha con đã đi tới đoạn cuối sân ga, tiến sĩ Burrows lúc này đang chiếu đèn soi vào khoảng trống của đường hầm xe lửa ở bên cạnh. Một đống gạch và đất đá vụn đã bít miệng đường hầm. Tiến sĩ Burrows nói: - Đầu kia cũng sẽ giống như vậy thôi - ắt là người ta đã bít cả hai đường hầm. Khi hai cha con vạch đường đi dài theo sân ga chăm chú nhìn mấy bức tường, họ chỉ có thể nhận ra mấy mảnh gạch lát màu kem có cạnh màu xanh đen bị rạn nứt lung tung. Cứ cách khoảng ba thước thì nhô cao lên một ngọn đèn khí, trên chụp đèn bằng kính vẫn còn những con số. Will kêu lên: - Ba! Ba ơi, lại đây! Ba thấy mấy áp phích này chưa? Còn đọc được đó. Con đoán mấy tấm áp-phích này quảng cáo về đất đai hay gì đó. Tấm này còn rõ nè…Gánh xiếc của Wilkinson…sẽ diễn ra tại sân Cộng Đồng… ngày 10 tháng 2 năm 1895. Có một tấm hình kìa. Nó nói hụt hơi trong lúc ba nó đến đứng bên cạnh cùng xem. Tấm áp-phích được nước chừa ra không bị làm hỏng, và hai cha con có thể nhận ra màu sắc nguyên thuỷ của con quay to màu đỏ và người đàn ông mặc đồ xanh đội mũ ống cao đứng phía trước. Will nói: - Coi cái này nữa nè. Quá mập ư? Hãy dùng thuốc viên thanh lịch của bác sĩ Gordon! Một nét vẽ thô kệch miêu tả một ông béo tốt phục phịch có bộ râu quai nón đang cầm một chai thuốc nhỏ. Hai cha con đi thêm một đoạn nữa, bước vòng qua một núi xà bần đổ xuống sàn từ cái cổng tò vò. Tiến sĩ Burrows bảo con trai: - Lối đó ắt là dẫn tới một sân ga khác. Cả hai ngừng bước để ngắm một cái băng ghế bằng sắt có chậm trổ trang trí. - Cái này mà để trong vườn thì đẹp lắm. Nó chỉ cần chà sạch và sơn vài nước lên cho láng lẩy. Tiến sĩ Burrows lẩm bẩm trong lúc Will rọi đèn soi vào một của gỗ khuất trong bóng tối. Nó nhìn đăm đăm cánh cửa hỏi: - Ba à, trong bản thiết kế của ba có một văn phòng hay cái gì như vậy không? - Một văn phòng hả? Tiến sĩ Burrows đáp, vừa lục lọi các túi áo cho đến khi lấy được ra tấm giấy mà ông tìm. - Để ba coi lại. Will không đợi câu trả lời, đẩy vào cánh cửa. Cửa đóng chặt. Tiến sĩ nhanh chóng mất hết hứng thú với bản thiết kế, đi tới giúp con trai, cả hai hè nhau kề vai đẩy cánh cửa mở ra. Cửa bị kẹt cứng trong khung, nhưng hai cha con nỗ lực lần thứ ba thì cánh cửa chịu thua. Nó bật mở, hai cha con té lăn kềnh vô phòng, liền sau đó bị một trận xà bần vụn trút xuống đầu và vai. Vừa ho vừa dụi bụi trong mắt, hai cha con vạch lối đi qua một rừng mạng nhện. Will khẽ la lên: - Oái! Ngay giữa văn phòng nho nhỏ, hai cha con nhận ra một cái bàn giấy và một cái ghế phủ đầy bụi. Will cẩn thận đi tới đằng sau cái ghế, và dùng bàn tay đi găng phủ lớp bụi bám nhện giăng trên tường để lộ ra tấm bản đồ to đã mờ của hệ thống đường xe lửa. - Có thể là văn phòng của trưởng trạm. Tiến sĩ Burrows vừa nói vừa lau bụi trên mặt bàn giấy bằng cánh tay, một tấm giấy thấm lộ ra, bên cạnh đó là một vật thể nhỏ, xỉn màu vì thời gian, rỉ chất gì xanh xanh trên mặt bàn. - Tuyệt vời! Máy điện báo đường sắt, được chế tạo hết sức tinh xảo – ba dám chắc nó làm bằng đồng. Hai bức tường của căn phòng được kê kín những kệ hồ sơ chất đầy những hộp bìa cứng đã mục. Will chọn một hộp ngẫu nhiên, bưng ra bàn thật nhanh, như thể sợ cái hột vụn nát ngay trong tay nó. Nó nhấc lên một nắp hộp méo mó, tò mò nhìn những tập vé cũ ở bên trong. Nó cầm một tập lên, nhưng sợi dây thun cột bị bục đứt, khiến những mẩu vé vụn rơi lả ta khắp mặt bàn. Tiến sĩ Burrows nói : - Vé trắng – người ta chưa in chúng. - Đúng như ba nói! Will xác nhận. Trong lúc nghiên cứu những tấm vé, nó không ngừng kinh ngạc về kiến thức của ba mình. Nhưng tiến sĩ Burrows không còn để tai nghe nó nữa. Ông đang quỳ xuống, kéo một vật gì đó nặng nề trên một cái kệ thấp hơn. Vật đó được gói trong một miếng vải mục, khi ông chạm ta vào thì nó đã rời ra. Khi Will ngoái lại để nhìn cái vật giống như một cái máy đánh chữ cũ có một tay quay khổng lồ ở bên cạnh, Tiến sĩ Burrows long trọng nói: - Còn đây là một mẫu máy in cổ xưa. Hơi bị mòn, nhưng chúng ta có thể đánh bóng lại nó. - Để cho vô viện bảo tàng à? - Không, cho vô bộ sưu tập của ba. Tiến sĩ Burrows đáp. Ông ngập ngừng một chút, gương mặt ông lộ rõ vẻ nghiêm chỉnh. - Thế này, Will nhé: cha con mình không hé lộ cho bất cứ ai biết một lời về chuyện này, không một lời nào cho bất cứ ai, con hiểu không? - Dạ? Will xoay hẳn người lại, hơi nhướng chân mày lên. Đâu có vẻ gì là cha nó sẽ đi rao khắp nơi cái chuyện cha con nó chúi mũi đào bới mấy món đồ linh tinh dưới lòng đất lúc rỗi hơi – mà chắc gì sẽ có ai thèm quan tâm tới. Niềm say mê của hai cha con nó đối với những thứ bị chôn vùi và những thứ chưa được khám phá ra là một điều cha con nó không chia sẻ với ai hết, một kiểu khế ước khiến hai cha con nó gắn bó khăng khít với nhau. Cả hai đứng trong văn phòng, ngọn đèn trên mũ người này soi tỏ ngương mặt người kia. Bởi vì người con trai chưa đáp lời cha, tiến sĩ Burrows bèn nhìn thẳng vào mắt con và nói tiếp: - Ba có cần nhắc con nhớ chuyện gì xảy ra hồi năm ngoái về vụ biệt thự La Mã không? Tay giáo sư lừng lẫy ấy xuất hiện, cướp công đào xới và chiếm hết vinh quang. Chính ba là người đã khám phá ra chỗ đó, vậy mà ba được gì? Một dòng ghi nhận tí ti bị vùi lấp bởi nỗ lực lớn lao chẳng phải của hắn trong bài luận văn. - Dạ, con nhớ. Will đáp, nhớ lại cơn uất phẫn của cha nó và trận lôi đình bùng phát từ lần đó. - Muốn chuyện đó xảy ra lần nữa sao? - Không, dĩ nhiên là không. - Ừ lần này ba nhất định không chịu thân phận một ghi chú cuối trang sách đâu. Ba không muốn ai biết về nơi này. Lần này không ai được phỗng tay trên của ba vụ này. Con đồng ý không? Will gập đầu đồng ý, khiến cho ánh đèn trên cái mũ của nó vọt lên vọt xuống trên tường. Tiến sĩ Burrows liếc nhìn đồng hồ đeo tay. - Cha con mình phải trở về thôi. - Dạ. Will đáp giọng miễn cưỡng. cha nó nhận ra ngay cái giọng đó. - Không có gì thực sự gấp gáp lắm, đúng không? Tối mai chúng ta sẽ dành thời gian thám hiểm phần còn lại. - Dạ, con thấy cũng được. Will đáp vẻ không nhiệt tình lắm trong lúc đi về phía cửa. Tiến sĩ Burrows thân mật vỗ vỗ lên cái mũ bảo hộ của con trai khi hai cha con ra khỏi văn phòng. - Will à, ba phải nói đây là một phát hiện đáng đồng tiền. Suốt mấy tháng trời đào xới cũng bõ công, đúng không? Hai cha con đã tới lỗ trống, và sau khi nhìn lại lần cuối sân ga, cả hai trèo trở lại đường hầm. Được khoảng sáu thước thì đường hầm mở ra đủ rộng để hai cha con sóng bước cạnh nhau. Nếu tiến sĩ Burrows cúi xuống một tí thì đường hầm đủ cao cho ông đứng người lên. Ông xem xét những súc gỗ trên đầu và tuyên bố: - Chúng ta cần phải tăng cường gấp đôi các thanh giằng và trụ chống. Thay vì cách mỗi mét một, thì như chúng ta vừa bàn, sẽ phải hai cho mỗi mét. - Dạ, không thành vấn đề đâu ba. Will cam đoan với cha nó, giọng không thuyết phục lắm. Tiến sĩ Burrows dùng giầy ống đá hất đống đất sét nằm trên sàn của đường hầm, nói tiếp: - Và chúng ta cần vận chuyển đống này đi chỗ khác. Ta đâu có muốn bị dính nhèm nhẹp dưới này, đúng không nào? - Dạ, không. Will đáp yếu ớt, không thực tâm nó có ý định làm gì hết. Nỗi hào hứng khám phá thuần tuý của nó thường đưa tới kết quả là coi thường những nguyên tắc an toàn mà cha nó đề ra. Niềm say mê của nó là đào, và đầu óc của nó chẳng bận tâm chút gì cho cái chuyện mất thì giờ là “dọn dẹp” như tiến sĩ Burrows đang đặt ra. Với lại đằng nào đi nữa thì hiếm hoi lắm cha nó mới xung phong giúp nó cuốc với đào, ông thường xuất hiện khi nó đã bày xong mâm cỗ. Tiến sĩ Burrows lơ đãng huýt sáo qua kẽ răng trong lúc chậm bước lại để xem xét một đống ván gỗ và một tháp xô chậu chất chồng lên nhau gọn ghẽ. Hai cha con đi tiếp đường hầm theo đà lên dốc, tiến sĩ Burrows dừng bước nhiều lần nữa để kiểm tra những trụ chống bằng gỗ ở hai bên vách. Ông dùng bàn tay vỗ lên chúng, khi ông làm vậy, tiếng huýt sáo vu vơ của ông cất lên cao tông thành một thứ tiếng ré eng éc không ai khác phát ra được. Cuối cùng lối đi trở nên bằng phẳng và rộng ra thành một căn phòng lớn hơn, trong phòng có một cái bàn thô và hai cái ghế bành ngó thấy thảm thương. Hai cha con liệng một mớ dụng cụ của mình lên bàn, rồi trèo nốt đoạn cuối con đường hầm để tới lối ra vào. Đúng kíp khi đồng hồ thành phố gõ xong bảy tiếng, ở một góc trong bãi đậu xe quảng trường Temperance, một miếng tôn lắp ghép trên mặt đất được nhấc lên vài xăng-ti-mét. Trời lúc đó chớm thu, mặt trời vừa chạm đường chân trời, hai cha con yên chí bên ngoài vắng vẻ an toàn, bèn đẩy tấm tôn ra, để lộ một cái lỗ to trên mặt đất, miệng lỗ viền khung gỗ. Hai người nhô đầu lên một tí, nhìn quanh quất, kiểm tra lần nữa để yên chí là không có ai trong bãi đậu xe, rồi mới trèo ra khỏi lỗ. Sau khi đậy lại tấm tôn che kín lối ra vào, Will gạt bụi đất lên tấm tôn để nguỵ trang. Một làn gió nhẹ thổi xào xạc qua hàng rào quanh bãi đậu xe. Một tờ báo bị gió cuốn tròn trên mặt đất, được đà tung những ruột báo xung quanh như những trái lông chông. Mặt trời dần khuất, trải bóng hoàng hôn lên khắp khu nhà kho xung quanh và hắt lên bề mặt lát gạch đỏ của khu cư xá Peabody. Hai cha con nhà Burrows ung dung rời khỏi bãi đậu xe, dáng vẻ y chang hai kẻ truy tìm kho báu đã để lại kho tàng dưới chân đồi mà về thành phố. Chương Hai Phía bên kia Highfield, ông Terry Watkins, hay còn được đồng nghiệp gọi là “Tel xe ben”, đang mặc quần ngủ đứng đánh răng trước tấm gương trong buồng tắm. Ông đã oải lắm rồi và chỉ mong ngủ một giấc thiệt ngon, nhưng đầu óc ông sao cứ quay cuồng vì những điều ông đã thấy hồi chiều. Hôm nay đúng là một ngày dài vất vả. Ông và đội dọn quang đã ủi sập xưởng chì trắng cổ lỗ sĩ để lấy chỗ xây khu nhà văn phòng cho ban ngành sở nhà nước hay gì đó. Ông chẳng mong gì hơn được về nhà, nhưng ông lại đã hứa với sếp là sẽ lấy lên vài mẫu gạch dưới tầng hầm để thử làm một bản đánh giá tầm cỡ của các nền tầng ở đó. Công ty của ông không thể kham nổi mức quá lố của hợp đồng, mà mấy tòa nhà cổ như vầy thường có nguy cơ đẻ lố công việc. Trong lúc ngọn đèn pha xách tay rọi sáng từ sau lưng, ông đã vung búa đập bể những viên gạch xưa chế tạo thủ công, gạch bể lòi ra phần bên trong đỏ au không khác gì những con vật bị moi ruột. Ông vung búa lên lần nữa, mảnh vụn văng tứ tán và rớt xuống sàn tầm hầm đen thui bồ hóng. Ông lầu bầu chửi thầm vì cả cái tầng hầm này được xây dựng quá ư kiên cố. Sau vài trận lôi phong, ông dừng tay chờ cho đám bụi gạch mờ mịt lắng xuống. Ông ngạc nhiên hết sức khi nhận ra nguyên mảnh tường ông đục phá nãy giờ chỉ mới là một lớp gạch mặt ngoài mà thôi. Lẽ ra bên trong là lớp gạch thứ hai, thứ ba, thì lại là một tấm sắt thô cũ kỹ. Ông đập cho tấm sắt vài búa, mỗi búa dội lại một tiếng vang rền chắc nịch. Tấm sắt không dễ gì bị bung ra. Ông thở hồng hộc, dập vụn nát mớ gạch viền quanh mép tấm kim loại vừa bị phát hiện, ngạc nhiên cực độ khi thấy tấm kim loại ấy có bản lề, thậm chí có cả nắm đấm cửa chìm trên bề mặt. Một cánh cửa. Ông ngừng lại, thở hổn hển một lát trong lúc cố nghĩ ra xem tại sao ai đó lại gắn cửa vào một nơi lẽ ra chỉ là móng nhà. Tiếp theo ông phạm một sai lầm lớn nhất đời ông. Ông dùng cái tua-vít để tháo nắm đấm cửa ra. Một vòng sắt chế tạo công phu, xoay được dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên, không cần cố gắng chút nào. Ông đá một cú nhẹ bằng mũi giày bảo hộ lao động và cánh cửa bung mở về hướng trong, áp vào mặt tường bên kia, gây ra một âm thanh ngân vang tưởng như không bao giờ dứt. Ông lấy cây đèn pin ra và rọi vào bóng tối như hũ nút bên trong căn phòng. Ông có thể thấy nó rộng ít nhất cỡ sáu thước, và thực ra thì căn phòng hình tròn. Ông đi qua cửa, đặt chân lên nền đá bên trong. Nhưng ông vừa đi bước thứ hai thì sàn đá biến mất và bàn chân của ông chạm được cái gì ngoài không khí. Một cú rơi! Ông chới với ngay trên mép, hai cánh tay ông quơ quào loạn xạ cho đến khi ông giữ được thăng bằng và lùi ra khỏi miệng vực. Ông ngã tựa vào thanh dọc khung cửa và bám vào đó, hít lấy mấy hơi thở thật sâu để thần kinh ổn định lại, và tự nguyền rủa cái thói ẩu tả của mình. Ông nói lớn, buộc mình tỉnh táo lại: - Thôi nghe, vụ này không xong đâu! Ông quay lại, từ từ nhích tới trước, ngọn đèn trong tay ông soi thấy thực ra ông đang đứng trên một gờ tường, bên ngoài gờ là một khoảng không đen hù đáng sợ. Ông hơi chồm tới, thử nhìn coi bên dưới là cái gì – có vẻ như khối đen ấy không có đáy. Ông đã bước vào một miệng giếng xây bằng gạch khổng lồ. Mà khi nhìn lên ông cũng chẳng thấy có nóc đâu cả - thành giếng bằng gạch cong cong vươn lên mất hút vào bóng tối, ánh sáng từ ngọn đèn của ông không rọi tới được. Một làn gió mạnh dường như thổi từ trên xuống, khiến mồ hôi sau gáy ông lạnh giá. Xoay ngọn đèn rọi chung quanh, ông nhận thấy có những bậc thang, có lẽ rộng chừng nửa thước, dẫn xuống men theo thành giếng, bắt đầu ngay bên dưới cái gờ ông vừa đứng. Ông giẫm giẫm lên bậc thang thứ nhất để kiểm tra độ chắc của nó, rồi bắt đầu đi xuống cầu thang, hết sức thận trọng sao cho không trượt té trên lớp bụi dày, vương vãi rơm rác và cành vụn. Lần theo thành giếng, ông leo xuống, càng lúc càng sâu hơn. Cho đến khi cánh cửa được rọi sáng bằng ánh đèn pha chỉ còn là một cái chấm nhỏ xíu phía trên ông. Cuối cùng cầu thang hết bậc, ông lại nhìn thấy mình đứng trên một cái sàn lát đá. Dùng đèn pin rọi chung quanh, ông có thể thấy nhiều cái ống màu đồng gỉ gắn trên tường, giống cây đàn ống ở nhà thờ. Ông dõi theo đường của một ống chạy ngoằn ngoèo lên trên thì thấy cái ống đó tận cùng nối với cái một cái phễu, như thể đó là một thứ ống thông gió gì đó. Nhưng cái khiến ông chú ý hơn hết là một cánh cửa có một ô kính nhỏ. Ánh sáng đang chiếu xuyên qua ô kính đó, ông không thể nhầm lẫn được. Ông tưởng đâu mình đâm ra đần độn lọt xuống âm phủ, nhất là tai ông nghe có tiếng rì rầm của máy móc và cảm thấy không khí như bị hút xuống liên miên. Ông từ từ tiến tới gần cửa sổ, cái ô kính dày hình tròn, lốm đốm và trầy xước vì cũ kỹ. Ông nhóng nhìn qua và không thể tin nổi vào mắt mình. Qua mặt kính gợn sóng, ông thấy một cảnh giống như trong phim đen trắng đã cũ bị trầy trụa. Dường như có một con đường và một dãy nhà. Và tắm trong ánh nắng tỏa ra từ những trái cầu rực rỡ của những đốm lửa di động chậm rãi, người ta đang lây lất quanh quẩn. Những con người bộ dạng phát gớm. Trông như những con ma xanh xao mặc quần áo thời xưa lắc xưa lơ. Ông không phải là một con người có lòng mộ đạo lắm lắm, chỉ đi nhà thờ vào dịp cưới hỏi hay tang ma, nhưng trong một thoáng ông tự hỏi chẳng lẽ mình đã sa vào địa ngục, nếu không phải một kiểu lò luyện ngục ở khu vui chơi giải trí nào đó. Ông lùi khỏi cửa sổ, làm dấu thánh giá, lảm nhảm thảm thương mấy câu kinh Lạy Mẹ Maria sai bét, rồi cun cút đi lên cầu thang trong cơn hoảng loạn, đóng bít cánh cửa lại để cho quỷ sứ khỏi thoát ra. Ông chạy băng qua công trường có toàn nhà bỏ hoang đó, gài móc khóa cánh cổng sau lưng. Ông lái xe về trong nỗi sững sờ, không biết có nên báo cáo sếp chuyện này vào sáng hôm sau. Mặc dù ông đã chứng kiến bằng chính mắt mình, ông cũng không thể nào dừng được việc rà đi soát lại hình ảnh đó trong đầu. Khi về tới nhà thì ông thiệt tình không còn biết nên tin cái gì nữa. Ông không tài nào nhịn được kể chuyện này cho gia đình; ông phải nói với ai đó mới được. Aggy vợ ông và hai đứa con trai mười mấy tuổi đều cho là lúc đó ông nhậu xỉn rồi, thành ra trong bữa cơm chiều ông bị họ giỡn mặt bằng kiểu sám hối bông phèng. Họ giơ lên mấy cái chai tưởng tượng, giả bộ nốc rượu giữa những tràng cười thô lỗ, cho đến khi ông nín thinh. Nhưng dù vậy ông vẫn không sao dứt bỏ được câu chuyện. Cuối cùng bà Aggy bảo ông ngậm miệng lại, đừng lải nhải hoài về những quái vật tóc trắng dưới địa ngục và những trái cầu lửa lơ lửng kiểu ma trơi trong lúc bà đang cần tập trung để xem chương trình Stenders trên tivi. Thành ra ông vô nhà tắm, chà mấy cái răng hàm và thắc mắc địa ngục có thực không. Đúng lúc đó ông nghe một tiếng rú phát ra – tiếng rú của vợ ông, tiếng rú thường dành cho lũ chuột cống và mấy con nhện nhép trong buồng tắm. Nhưng trước khi tiếng rú chuyển tông thành tiếng gào thét toàn thân như thông lệ thì đột ngột bị cắt. Bản năng ông bắt đầu rung chuông báo động, thần kinh của ông rối mù như làm xiếc khi ông quay phắt người lại, chỉ kịp nhận ra đèn đóm tắt phụt và thế gian đảo lộn tùng phèo, đồng thời ông bị gạt ngã chỏng cẳng, cổ chân bị túm chặt. Tay chân ông bị kẹp sát vô hông bằng một thứ gì đó mạnh hơn ông rất nhiều khiến ông vô phương chống cự. Sau đó chung quanh ông là một thứ vật chất đặc sệt bao bọc toàn thân, cho đến khi ông thành một cuộn thảm người, rồi ông bị cuộn tròn theo thế nằm ngang, và bị vác đi, như thể ông đúng là một cuộn thảm. Kêu cứu là chuyện bó tay bởi vì miệng ông đã bị bít nghẽn, và ông mà còn thở được đã là một cố gắng phi thường. Có lúc ông tưởng như nghe tiếng kêu của một trong hai đứa con trai của ông, nhưng âm thanh đó ngắn và bị bưng bít nên ông không chắc lắm. Cả đời, ông chưa bao giờ thấy hoảng sợ cho gia đình mình và bản thân mình như vậy. Hoặc cảm thấy hoàn toàn bất lực, không thể cứu giúp được gì hết. Chương Ba Viện Bảo tàng Highfield là một cái hốc vinh quang – một kho chứa đồ hết xài để thành phố đỡ mất công đổ rác. Bản thân tòa nhà của viện là tòa thị chính trước đây, được cải biên thành viện bảo tàng bằng cách bày biện lung tung mấy hộp kiếng cũ kỹ y như những thứ chứa bên trong. Ngồi trên cái ghế nha sĩ cọc cạch của thế kỷ trước, Tiến sĩ Burrows ăn bánh mì, dùng một cái mâm bày những bàn chải đánh răng hồi đầu thế kỷ hai mươi làm mâm đựng bữa ăn của ông. Ông vừa gặm khúc bánh mì trét sốt trứng kẹp xúc xích ỉu xìu vừa lật tờ The Times, ra vẻ không bận tâm tới những dụng cụ liên quan đến răng cỏ cáu bẩn nằm bên dưới, những thứ mà dân chúng địa phương hiến tặng cho viện bảo tàng thay vì liệng thùng rác. Trong những căn phòng xung quanh sảnh đường chính mà Tiến sĩ Burrows đang ngồi, cũng bày biện nhiều món đồ tương tự, những thứ đỡ-mất-công người-quét-dọn. Góc “Bếp Bà Nội” triển lãm một tập hợp phong phú mấy cái đồ đánh trứng, đồ lấy hộp táo và đồ gạn bã trà. Một cặp máy cán là đời Victoria gỉ sét đứng kiêu hãnh bên một máy giặt hiệu Old Faithful Electric đã ngoẻo từ thập niên 1950, bây giờ tung tẩy bụi bặm một cách kinh hoàng không khác thời vàng son từng chơi đủ loại bột giặt. Góc “Tường Đồng Hồ” đúng là tuyệt vời vì chất đời thường của nó. Đúng, cũng có một vật bắt mắt – một cái đồng hồ tranh thời Victoria có vẽ trên mặt kiếng cảnh một nông dân đang kéo cày – nhưng chẳng may mặt kiếng lại bị bể, và một miếng kiếng hơi to bị mất đúng ngay chỗ lẽ ra là cái đầu của con ngựa cày. Chung quanh cái đồng hồ này có trưng bày khá tỉ mỉ các thứ đồng hồ lên giây và đồng hồ điện treo tường thịnh hành vào thập niên 1940 và 1950 trong ánh sáng èo uột của đèn chao mờ đục. Chẳng có cái đồng hồ nào còn chạy, bởi vì Tiến sĩ Burrows đâu có rảnh ở đó mà sửa chúng. Highfield là một phần của thành phố London, nhỏ hơn, và đã trải qua thời giàu có, hình thành như một khu dân cư nhỏ từ thời người La Mã chiếm đóng, còn trong lịch sử cận đại thì khu vực này từng phình lớn nhờ ảnh hưởng của Cách Mạng Công Nghiệp. Tuy nhiên, chẳng có mấy chứng tích của quá khứ phong phú đó được lưu trữ trong cái viện bảo tàng bé tí, và khu vực này được thể hiện như hiện thực ngày nay: một sa mạc những nhà ở hai-trên-hai-dưới, những cửa hàng lèng èng không thuê nổi chỗ kinh doanh ở trung tâm. Tiến sĩ Burrows, quản thủ viện bảo tàng, kiêm luôn thuyết trình viên, ngoại trừ ngày thứ bảy, là ngày mấy người già ăn lương hưu được bố trí trực nhật ở cứ điểm này. Lúc nào bên hông Tiến sĩ Burrows cũng kè kè một cái cặp da nâu đựng vô số tạp chí và những cuốn sách giáo khoa đọc nửa chừng cùng mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử. Bởi vì đọc là cách Tiến sĩ Burrows làm cho hết ngày, thỉnh thoảng giải lao bằng một giấc ngủ ngắn, và hơi quá thỉnh thoảng là những lúc hút thuốc lá liên tục trong “Kho Sách”, một kho chứa lớn chất đầy nhóc những hộp bưu thiếp và hình ảnh gia đình bị lãng quên, chúng sẽ chẳng bao giờ được đem ra trưng bày vì không có chỗ. Chui rúc giữa những đồ triển lãm bám đầy bụi và những kệ trưng bày cũ kỹ bằng gỗ gụ, ông gác chân lên bàn, đọc như điên trên cái nền âm thanh của kênh Radio 4 phát ra từ một cái đài bán dẫn được một người dân địa phương đầy thiện chí cống hiến cho viện bảo tàng. Ngoại trừ những lúc năm thì mười họa có mấy thầy trò thèm đi một chuyến thực tế ở địa phương trong lúc thời tiết ẩm ướt, chẳng có mấy khách thăm viếng cái viện bảo tàng này, mà nếu có thì xem xong cũng chẳng có mấy ai muốn trở lại. Tiến sĩ Burrows, cũng giống nhiều người khác, ban đầu nhận công việc này như một trạm dừng chờ thời vận. Mà không phải là ổng không có thành tích học thuật đáng nể: một bằng cấp về lịch sử, sau đó là một bằng cấp khác về khảo cổ, và tận cùng bằng đỉnh cao tiến sĩ. Nhưng thời buổi này không có mấy chỗ trống ở các trường đại học London, lại có con nhỏ ở nhà, ông tình cờ phát hiện công việc ở viện bảo tàng ở Highfield Bugle, bèn gởi hồ sơ xin việc, thầm nghĩ thà làm đỡ việc gì đó cho nhanh. Khi người ta cho ông trông nom viện bảo tàng, ông nhận công việc và thầm nghĩ mình sẽ tìm một công việc khác hợp sở trường hơn trong tương lai gần. Và, như đã xảy ra với nhiều người khác, sự an toàn của đồng lương lãnh đều đặn mỗi tháng khiến cho mười hai năm trôi qua một cái vèo và người ta tiêu tan mọi ý muốn tìm kiếm một công việc khá hơn. Thành ra, ông giờ đây, với bằng tiến sĩ về cổ vật Hy Lạp, áo khoác bằng vải len xù màu sậm có những miếng vá phong cách “giáo sư” ở hai cùi chỏ, ngồi ngao ngán nhìn bụi lắng xuống những đồ trưng bày cũ kỹ, đau đớn nhận ra bụi cũng đang lắng xuống chính cuộc đời ông. Ăn hết ổ bánh mì, Tiến sĩ Burrows vò miếng giấy gói bánh thành một cục rồi nghịch quăng nó vô một cái sọt rác giấy làm bằng nhựa màu cam làm từ thập niên 1960 đang được trưng bày trong khu vực “Nhà bếp”. Ông quăng không trúng, cục giấy chạm vành miệng giỏ rác, văng ra, rớt xuống sàn gỗ. Ông thở ra một cái đầy thất vọng rồi với lấy cái cặp, lục lọi tìm kiếm đến khi lôi ra được một thanh sô-cô-la. Đó là món ăn chơi khoái khẩu mà ông tính để dành cho buổi xế trưa, cho mỗi ngày có chút hương vị. Nhưng bữa nay ông cảm thấy đặc biệt não nề và đành buông lỏng cho thói hảo ngọt, xé giấy gói thanh sô-cô-la ra cắn một miếng to. Ngay lúc đó, chuông cửa reo leng keng và cụ Oscar Embers lộc cộc đi vào trên đôi nạng. Cụ già nguyên kịch sĩ tám chục tuổi này đã hình thành được một niềm say mê bảo tàng, và đăng ký thỉnh thoảng trực buổi trưa thứ bảy, sau khi hiến tặng cho kho lưu trữ bộ chân dung “Tiêu điểm” có chữ ký của cụ. Thấy cụ già sắp sà vào mình, Tiến sĩ Burrows vội ngốn nuốt một miệng đầy sô-cô-la, nhưng nhận thấy mình có hơi ép năng lực tiêu hóa của bản thân. Trong lúc còn nhai trệu trạo, ông nhận thấy cụ già hưu trí, vẫn còn sáng suốt minh mẫn, đang tiếp cận mình bằng tốc độ quá nhanh. Tiến sĩ Burrows đã nghĩ đến chuyện lỉnh qua phòng làm việc của riêng mình, nhưng bây giờ thì trễ quá rồi. Ông đành ngồi yên, hai má phù lên như má chuột đồng khi ông cố nhe ra nụ cười. - Chào ông, Roger. Cụ Oscar hồ hởi phấn khởi chào, trong lúc tay cụ lục lọi túi áo khoác. - Ủa, cái đó chạy đâu rồi? Tiến sĩ Burrows nặn ra tiếng “Ờ ừm” với đôi môi mím chặt, đầu gật gù một cách sốt sắng nhiệt tình. Trong lúc cụ Oscar còn vật lộn với cái túi áo, Tiến sĩ Burrows đã tranh thủ nhai được vài cái, nhưng cụ già bỗng ngước nhìn lên, tay vẫn kẹt trong túi áo như thể cái túi kháng cự mãnh liệt. Cụ Oscar bèn tạm ngưng tra khảo cái túi một giây, nheo mắt nhìn quanh mấy bức tường và mấy kệ trưng bày. - Không thấy sợi dây tôi đem tới vào tuần kia nhỉ? Ông có tính trưng bày nó không đấy? Tôi biết nó hơi bị sờn chỉ vài chỗ, những ông biết đấy, vẫn là đồ tốt mà. Vì Tiến sĩ Burrows không trả lời, ông nói tiếp: - Vậy là nó không được trưng bày à? Tiến sĩ Burrows cố gắng chỉ về phía kho chứa bằng một cái hất đầu. Cụ Oscar, chưa từng biết ông quản thủ viện bảo tàng lại kín tiếng lâu như vậy, nhìn ông ta giễu cợt, nhưng đột nhiên mắt cụ sáng lên khi cụ tìm ra báu vật của mình. Cụ từ từ lấy nó ra khỏi túi, hai tay bụm lại đỡ nó, và đưa nó ra trước mặt Tiến sĩ Burrows. - Cái này là của cụ bà Tantrumi đưa tôi – ông biết đấy, cụ bà người Ý sống ở cuối đường High đấy. Cái này được tìm thấy dưới hầm rượu nhà bà ta khi nhân viên hãng ga sửa chữa gì đó. Nó bị vùi trong đất. Một nhân viên đá phải nó. Tôi cho rằng chúng ta nên cho vào bộ sưu tập. Tiến sĩ Burrows, hai má vẫn phồng, ngao ngán tự nhủ lại thêm một cái máy bấm giờ luộc trứng chưa-cổ-lắm hoặc một cái lon cắm đầu viết hết xài méo mó. Nhưng thái độ cảnh giác của ông biến mất ngay sau khi cụ Oscar khoát tay kiểu cách như một nhà ảo thuật, đưa lên một trái cầu nhỏ, tỏa ánh sáng dịu nhạt, hơi lớn hơn trái banh chơi gôn một tí, bị nhốt trong một cái lồng bằng kim loại có màu vàng xỉn. - Đây là ví dụ điểm hình của một... vật phát sáng... thuộc loại... Cụ Oscar ấp úng. - Thật tình, đúng ra, tôi cũng không biết nó là cái gì. Tiến sĩ Burrows cầm hiện vật, và ông mê mẩn đến nỗi quên béng cụ Oscar đang chăm chú quan sát ông nhai một miệng đầy sô-cô-la. Cụ Oscar hỏi: - Răng cỏ hành hạ ông rồi hả? Trước đây tôi cũng thường nghiến chúng như vậy, khi chúng dở chứng. Khủng khiếp! – Tôi biết chính xác cái cảm giác của ông ra sao. Tôi chỉ có thể nói là tôi mừng là mình đã thu hết can đảm nhổ quách cả đám ra hết một lần. Ông biết đấy, khi quen với những cái này rồi thì cũng không đến nỗi khó chịu lắm. Cụ thò tay lên miệng. Tiến sĩ Burrows lật đật nói: - Ồ, không, răng tôi không sao cả. Ông vội vàng quay đầu khỏi cảnh tượng phải ngắm nghía hàm răng giả của cụ già. Ông nuốt ực một cái mớ sô-cô-la cuối cùng trong miệng, xoa xoa cổ họng giải thích: - Chẳng qua trời khô quá. Cần chút nước. - Ờ... dù sao cũng nên chú ý đến răng cỏ, ông biết đấy. Biết đâu ông mắc phải cái bệnh đái đường ngu xuẩn ấy. Hồi tôi còn trai tráng, ông Roger à... Đôi mắt cụ Oscar dường như bừng sáng khi hồi tưởng. - Một số bác sĩ thường kiểm tra bệnh đái đường bằng cách lấy... Cụ hạ giọng nói xuống chỉ còn là tiếng thì thầm và ánh mắt của cụ cũng hạ xuống nhìn sàn nhà. - nước… ắt ông hiểu tôi muốn ám chỉ gì, để kiểm tra xem có quá nhiều đường trong đó không. - Vâng, vâng, tôi biết. Tiến sĩ Burrows đáp lại một cách máy móc, bởi vì trái cầu tỏa sáng dịu nhạt đang hấp dẫn ông quá sức, khiến ông chẳng còn chú ý tới tính hiếu kỳ y học của cụ Oscar nữa. - Hết sức lạ lùng. Tôi dám nói liều, không kiểm chứng rằng cái này có thể có niên đại khoảng thế kỷ thứ mười chín, cứ nhìn cách chế tạo kim loại công phu... và thủy tinh tôi dám nói chắc chắn là được thổi bằng thủ công hồi xưa... nhưng tôi không biết bên trong là cái gì. Có thể chỉ là một thứ hóa chất phát sáng gì đó. Cụ có thử đưa nó ra ngoài ánh sáng lâu lâu hồi sáng này không, cụ Embers? - Chưa. Chỉ giữ kỹ nó trong túi áo kể từ khi bà Tantrumi đưa nó cho tôi ngày hôm qua. Sau giấc điểm tâm thì phải. Tôi đang ăn uống theo chế độ kiêng cữ - giúp cho bộ lòng già nhuận trường ấy mà... Tiến sĩ Burrows ngắt lời cụ đột ngột: - Tôi thắc mắc là nó có phóng xạ không? Tôi có đọc là một số bộ sưu tập khoáng vật và đá thời Victoria ở những viện bảo tàng khác đã được thử phóng xạ. Một số mẫu vật khá dữ dội đã được phát hiện trong một mẻ thử ở Scotland – Tinh thể uranium rất mạnh mà người ta phải cách ly trong một cái hòm bọc chì. Quá nguy hiểm không thể đem ra trưng bày. - Ôi, tôi hy vọng nó không nguy hiểm. Cụ Oscar vừa nói vừa hấp tấp lùi lại. - Qua nay tôi đã đeo nó kè kè bên hông... tưởng tượng nếu mà chất... gì đó tan ra. - Không, tôi không mong nó hiệu lực dữ vậy – chắc nó chưa gây ra nguy hiểm thực sự nào cho cụ đâu, mới có hăm bốn giờ mà. Tiến sĩ Burrows chăm chú nhìn vào trái cầu. - Thật là kỳ lạ có thể nhìn thấy chất lỏng chuyển động bên trong... có vẻ như nó xoáy... như một trận bão. - Không, ắt hẳn là nhiệt từ lòng bàn tay tôi khiến nó biến chuyển như vậy… cụ hiểu không… phản ứng nhiệt. - Thế này, tôi vui thấy ông cho là vật đó thú vị. Tôi sẽ thông báo cho bà Tantrumi biết ông muốn giữ nó để nghiên cứu. Cụ Oscar vừa nói vừa lùi lại thêm một bước nữa. Tiến sĩ Burrows đáp: - Chắc chắn. Tôi cần phải làm vài nghiên cứu trước khi trưng bày, chỉ để bảo đảm là nó an toàn. Nhưng mà ngay lúc này tôi cần thay mặt viện bảo tàng viết vài dòng cảm ơn bà Tantrumi. Ông lục trong túi áo khoác tìm một cây viết, nhưng chẳng tìm được cây nào. - Cụ Embers, xin chờ một tí trong lúc tôi đi lấy cái để viết. Ông đi ra khỏi sảnh chính đi vào hành lang, loay hoay vấp phải một khúc gỗ xưa, được mấy người dân địa phương quá tích cực đào lên từ đầm lầy hồi năm ngoái, khăng khăng cho là của một chiếc thuyền độc mộc thời tiền sử. Tiến sĩ Burrows mở cánh cửa có dòng chữ “Quản thủ” vẽ trên lớp kính mờ. Văn phòng của ông tối thui, bởi vì khung cửa sổ duy nhất đã bị đống thùng chất cao ngất nghểu phía trước án mất. Trong lúc ông mò mẫm tìm nút bật đèn trên bàn giấy, bàn tay cầm trái cầu ngẫu nhiên lơi ra một tí. Ông sững sờ vì điều mình chứng kiến. Ánh sáng mà trái cầu phát ra rõ ràng đã biến đổi từ ánh sáng dịu nhạt mà ông đã thấy trong sảnh chính thành ánh sáng huỳnh quang xanh biếc rực rỡ. Trong lúc ông quan sát, ông có thể thề là ánh sáng càng lúc càng sáng hơn, và chất lỏng bên trong trái cầu di chuyển càng sống động hơn. Ông lẩm bẩm nói với mình: - Tuyệt vời! Vật chất nào khi chung quanh càng tối thì càng phát sáng? Không, chắc là mình nhầm, chứ lẽ nào! Ắt là sự phát sáng này chỉ dễ nhận thấy hơn ở trong này. Nhưng nó đã phát sáng hơn; ông thậm chí không cần mở đèn trên bàn để tìm ra cây viết, bởi vì trái cầu đang phát ra một ánh sáng xanh biếc huy hoàng, hầu như rạng rỡ tựa ánh sáng ban ngày. Khi ông rời văn phòng, trở lại sảnh chính với bức thư cảm tạ người hiến tặng, ông giơ trái cầu lên cao trước mặt ông. Không sai lệch chút nào, ngay khi ông vừa bước ra vùng sáng, trái cầu mờ đi ngay. Cụ Oscar sắp nói điều gì đó, nhưng Tiến sĩ Burrows hấp tấp đi ngang qua mặt cụ, đi thẳng tới cửa chính của viện bảo tàng, và chạy luôn ra đường. Khi cánh cửa đóng mạnh sau lưng, ông còn nghe cụ Oscar quát: - Này! Này! Nhưng Tiến sĩ Burrows quá chú tâm vào trái cầu nên phớt lờ hẳn cụ già. Khi ông giơ trái cầu lên cao trong ánh sáng ban ngày, ông thấy trái cầu ngừng hẳn phát sáng và chất lỏng bên trong trái cầu đậm lại thành một màu xám xịt. Ông càng đứng lâu ngoài ánh sáng, phơi trái cầu ra ánh sáng tự nhiên, chất lỏng bên trong nó càng sậm đen lại, đến khi trở thành gần như đen kịt, như dầu thô vậy. Vẫn đung đưa trái cầu trước mặt, ông quay trở vào trong viện bảo tàng, vừa ngắm chất lỏng bắt đầu tự xoáy lên thành một cơn bão tí ti và lại sôi động lên một cách kỳ lạ. Cụ Oscar đang đứng đợi ông với vẻ mặt băn khoăn. Tiến sĩ Burrows nói: - Tuyệt trần đời... Tuyệt trần đời! - Này, ông bạn, tôi tưởng đâu ông sắp bị ngất xỉu chớ. Tôi đã tự hỏi phải chăng ông cần không khí khi hấp tấp chạy ra ngoài như vậy? Ông có cảm thấy muốn xỉu không? - Không, tôi khỏe, tôi khỏe mạnh thật mà, cụ Embers. Chỉ là tôi muốn kiểm tra chút đỉnh. Bây giờ, xin cụ vui lòng cho biết địa chỉ của bà Tantrumi. Cụ Oscar nói: - Thật vui mừng thấy ông mãn nguyện. Thế này nhé, trong khi chúng ta còn quan tâm việc này, tôi sẽ cho ông số điện thoại của ông nha sĩ của tôi, để ông có thể chăm sóc răng cỏ ngay lập tức đây. Chương Bốn Will đang dựa vào tay lái chiếc xe đạp của nó ở lối vào một bãi đất hoang có cây cỏ và bụi rậm vây bọc chung quanh. Nó liếc nhìn đồng hồ đeo tay và lần nữa quyết định chỉ chờ Chester thêm năm phút thôi, chứ không lâu hơn nữa. Nó đang lãng phí thời giờ quý báu. Mảnh đất này là một trong những thửa đất bị bỏ quên ở vùng ngoại ô bất cứ thành phố nào. Mảnh đất này chưa được xây dựng nhà cửa, có lẽ vì nó nằm kế bên bãi rác của thành phố và những núi rác cứ mọc lên rồi xẹp xuống một cách đều đặn đáng ngán. Dân địa phương gọi nơi này là “Bốn chục Hố” nhờ vô số cái hố khoét lõm bề mặt mảnh đất, có cái sâu gần tới ba thước. Đây chính là vũ đài diễn ra những trận thư hùng giữa hai băng teen đối nghịch nhau, băng Hội và băng Cạch, thành viên của hai băng này là bọn trẻ ở khu dân cư tạp hơn của Highfield. Đây cũng là địa điểm đua xe đạp khoái nhất của bọn trẻ, cả xe gắn máy chôm, càng ngày càng nhiều. Những chiếc xe chôm đó được chạy vô khu này, rồi bị luộc, bộ khung xe đen như than thành phế thải vất bên mép mấy cái hố xa, cỏ mọc xuyên qua bánh xe, quanh mấy cái vỏ máy gỉ sét. Thỉnh thoảng chỗ này cũng là hiện trường giải trí của những đứa mới lớn dở hơi chơi trò săn chim hay bắt nhái. Hầu như mọi lần, những sinh vật khốn khổ đó bị hành hạ từ từ đến chết và những cái xác nhỏ bé tội nghiệp của chúng bị xiên bằng những cái que trong sự reo hò hân hoan trẻ trung ác độc. Khi Chester quẹo qua khúc quanh về phía khu Hố, mắt nó chợt bắt gặp một ánh kim loại sáng chói lóe lên. Đó là cái lưỡi xẻng được đánh bóng của Will mà nó đeo chéo trên lưng, tựa như bảo kiếm của võ sĩ Nhật. Nó mỉm cười, đi nhanh hơn, kẹp chặt cái thuổng làm vườn bình thường của nó vào ngực và nhiệt tình vẫy tay với cái hình dáng đơn độc xa xa, một hình dáng không thể nào nhầm lẫn được nhờ vẻ mặt tái nhợt một cách đáng chú ý, lại đeo kính râm và đội mũ kết. Thực ra, toàn bộ bề ngoài của Will hơi kỳ: nó đang mặc “bộ đồ đào đất” gồm một cái áo len to quá khổ có hai miếng vá bằng da ở cùi chỏ, một quần nhung sọc cũ lấm lem bụi bặm, không xác định được màu sắc vì một lớp bùn khô bao phủ đều khắp. Vật mà Will giữ sạch bóng là cái xẻng yêu dấu và mũi giày được bọc kim loại của đôi giày bảo hộ lao động nó đi. - Mày mắc cái gì mà trễ vậy? Will hỏi khi Chester tới gần. Will không thể hiểu sao lại có bất cứ điều gì khiến bạn nó chậm trễ, sao lại có bất cứ cái gì có thể quan trọng hơn chuyện này. Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời Will, lần đầu tiên nó để một ai đó ở trường – bất kể là ai – được xem một trong những dự án của nó. Nó còn chưa yên tâm là nó đang hành động khôn ngoan; nó vẫn chưa biết rõ Chester lắm. Chester phùng má cáo lỗi: - Xin lỗi nghe, bị xì lốp, nên phải bỏ cả xe đạp ở nhà chạy bộ tới đây – trời nóng xì khói. Will liếc nhìn mặt trời khó chịu, nhăn mặt. Mặt trời không thân thiện với nó lắm: vì nó mắc chứng thiếu sắc tố nên ngay cả ánh sáng yếu ớt vào ngày râm mây cũng thiêu đốt da nó. Chứng bạch tạng khiến nó có mái tóc trắng như cước chĩa ra dưới vành mũ, và đôi mắt xanh lợt của nó lúc này đang bồn chồn ngó đăm đăm về phía trong khu Hố. - Thôi được, tụi mình đi thẳng tới đó. Mất toi quá nhiều thì giờ rồi. Will nói giọng cộc lốc. Nó đạp dấn chiếc xe đạp của nó tới trước, không thèm liếc Chester tới một cái. Chester đành chạy theo nó, nhưng không tài nào theo kịp. Nó bằng tuổi với Will, nhưng rõ ràng là nó được nuôi kỹ hơn hoặc được thừa hưởng di truyền thể hình của lực sĩ cử tạ. Một trong những hình nhảm nhí nhưng không đến nỗi bậy bạ lắm vẽ trên vách nhà vệ sinh tiết lộ lý lịch của nó: cha là một cái Tủ, còn mẹ là một cái Bàn mặt gồ. Mặc dù giữa Will và Chester không có vẻ gì có thể phát triển một tình bằng hữu thắm thiết, nhưng điểm chung duy nhất đã khiến hai đứa tụi nó gắn bó với nhau chính là đặc điểm đã khiến tụi nó lạc lõng trật chìa ở trong trường: làm da khác thường của hai đứa. Da của Chester bị những vết chàm trầm trọng khiến cho da bóng vẩy và khi bong ra thì da non ngứa ngáy cực kỳ. Nó được giải thích một cách vô tích sự là bệnh này do căng thẳng thần kinh hay dị ứng gì đó không xác định được tác nhân. Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, nó cũng đã phải chịu đựng sự chọc ghẹo và nhạo báng của lũ bạn, mà dã man nhất là bị gọi “con gì đó có vẩy lẩy ra vàng”, hoặc “đít rắn”. Đến khi hết chịu đựng nổi, nó đánh trả và nhờ ưu thế thể lực, nó dần cho bọn thối mồm những trận ra trò. Đồng cảnh ngộ, vẻ tái nhợt và trắng ngà của Will khiến nó bị tách ra khỏi bọn trẻ bình thường, và có những lúc nó đã chịu đựng dàn đồng ca độc địa rống gọi nó là “Phấn ti” và “Người tuyết pha sương”. Nó còn khốn khổ hơn cả Chester, vào một buổi chiều mùa đông nó đã phát khùng khi bọn đầu bò phục kích nó trên đường nó đi đào hầm. Thật không may cho bọn chúng, Will đã sử dụng cái xẻng của nó hết sức hiệu quả, và trận chiến đẫm máu mà chỉ một bên có vũ khí đã diễn ra với hậu quả là những cái răng bể và những cái mũi gãy thê lương. Sau những vụ đó, dễ hiểu là cả Will và Chester bị tẩy chay và xa lánh một thời gian, bị đối xử với ít nhiều nể nang ngán sợ dành cho mấy con chó điên. Tuy nhiên, cả hai đứa vẫn không thể tin cậy lũ trẻ, biết tỏng là nếu mình mà bỏ vũ khí xuống thì chắc chắn trò hành hạ khủng bố sẽ tái diễn ngay lập lức. Vì vậy, mặc dù có thể lực ngon lành, nhưng Chester vẫn không được cho vào đội thể thao của trường, mà bị gạt ra rìa, làm kẻ cô độc ở bên lề sân chơi. Ẩn náu trong sự cô lập của mình, hai đứa chẳng nói chuyện với ai khác, và cũng chẳng ai trò chuyện với chúng. Kể ra thì cũng phải trải qua nhiều năm trời hai đứa mới bắt đầu nói chuyện với nhau, mặc dù trong suốt thời gian dài tụi nó đã thầm ngưỡng mộ nhau qua cách thức mỗi người tự kháng cự lại trò hiếp đáp của lũ trẻ. Hai đứa từ từ nhích lại gần nhau mà không thực sự hay biết điều đó, chỉ ở bên cạnh nhau mỗi lúc một lâu hơn trong thời gian ở trường. Will đã từng cô độc không bạn bè một thời gian quá lâu đến nỗi nó phải thừa nhận có bạn thật là dễ chịu, nhưng Will biết là nếu tình bạn phát triển thì sớm muộn cũng đến lúc nó phải chia sẻ với Chester niềm đam mê vĩ đại của nó – những cuộc khai quật. Và bây giờ là lúc đó. Will cưỡi xe đạp chạy giữa mấy mô đất mọc đầy cỏ luân phiên những hầm hố và những đống rác mà mấy xe xúc rác bỏ lại, khi đến được mé tuốt bên kia nó dừng xe một cách thiện nghệ. Nó xuống xe, giấu chiếc xe đạp vào một cái hố đào bên dưới một cái vỏ xe hơi bỏ phế, bị gỡ đồ và gỉ sét, nên không dễ bị phát hiện. Khi Chester chạy kịp tới nơi, Will tuyên bố: - Tới rồi. Chester thở hổn hển vừa ngó lom lom qua chỗ đất dưới chân nó hỏi: - Tụi mình sẽ đào chỗ này hả? Will nói: - Không, lùi lại một tí. Chester lùi cách Will hai bước, ngước nhìn nó với vẻ kinh ngạc: - Tụi mình sắp đào một cái mới hả? Will không thèm trả lời, thay vào đó nó quỳ xuống và có vẻ dò dẫm gì đó trong đám cỏ mọc dày. Nó đã gặp cái mà nó tìm – một đoạn dây có thắt nút – bèn đứng dậy, cầm đoạn dây kéo mạnh. Chester ngạc nhiên thấy một kẽ hở lộ ra trên mặt đất và một ô ván gỗ được lật lên, đất cát rơi rớt ra cho thấy bên dưới ô ván đó là một cửa hầm tối thui. Chester hỏi Will: - Mày che giấu nó chi vậy? Will đáp với thái độ chủ nhân ông: - Chẳng lẽ để cho lũ cặn bã quậy tùm lum công trình khai quật của tao à? Chester bước tới gần, dòm vô lỗ hổng, hỏi: - Tụi mình đâu cần chui xuống dưới hả? Nhưng Will đã bắt đầu thòng người nó xuống thấp qua miệng hầm, sau khi xuống sâu cỡ một hai mét, tiếp tục xuống sâu hơn, rồi tới một góc ngoặc. Từ bên trong miệng hầm, Will bật ngọn đèn soi gắn trên đỉnh trước cái mũ bảo hộ màu vàng của thợ hầm mỏ mà nó đang đội trên đầu, và nói vọng lên: - Tao có một cái giống như vầy để dành cho mày. Ánh đèn chiếu vào gương mặt của Chester. Nó đang dùng dằng bên miệng hố. Will gắt: - Mày có xuống hay không? Tin tao đi, tuyệt đối an toàn. - Mày có chắc không? - Dĩ nhiên Will khẳng định, biểu diễn một màn vỗ mạnh vào một trụ chống bên cạnh và mỉm cười tin tưởng để cổ vũ thằng bạn của mình. Trong bóng tối đằng sau nó, khuất tầm nhìn của Chester, một đám bụi đất rơi rào rào như mưa xuống lưng nó, nó vẫn giữ nguyên nụ cười: - An toàn như cái nhà. Thật mà. - Thôi được... Khi đã lọt vào bên trong, Chester ngạc nhiên đến nỗi gần như á khẩu. Một đường hầm, rộng chừng hai thước và cao cũng cỡ đó, chạy khuất vào bóng tối, vách hầm được tấn bằng những súc gỗ cách đều nhau. Chester nghĩ, có vẻ giống y như mấy hầm mỏ trong mấy bộ phim cao bồi xưa mà người ta chiếu trên tivi vào mỗi buổi trưa chủ nhật. - Cái này hay! Một mình mày đâu thể làm nổi, đúng không? - Will nhe răng cười đắc chí: VMột mình tao chứ ai. Tao bắt đầu từ hồi năm ngoái. Mày còn chưa thấy tới một nửa mà. Đi lối này. Nó đóng ô ván đậy kím miệng hầm lại. Chester quan sát với những cảm xúc lộn xộn khi thẻo trời xanh cuối cùng biến mất. Hai đứa bắt đầu đi dọc một hành lang, ngang qua những gian chứa ván và gỗ làm trụ chống chất lộn xộn hai bên. Chester thì thào: - Quao! Hoàn toàn bất ngờ, hành lang mở rộng thành một không gian có kích thước một căn phòng khá rộng, ở đầu và cuối phòng là hai đường hầm rẽ nhánh. Ở giữa phòng là một núi nho nhỏ những cái xô, một cái bàn thô và hai cái ghế bành, gỗ ốp trần được chống đỡ bằng những cột sắt hiệu Stillson, loại cột có thể điều chỉnh, chúng đã loang lỗ vết sét gỉ. Will nói: - Về nhà, về nhà rồi. Chester nói bằng giọng không tin nổi: - Cái này thật... điên. Rồi nó cau mày: - Nhưng mà hai đứa mình ở dưới này có sao không? - Dĩ nhiên không sao. Ba tao đã dạy tao cách lót ván và chống trụ - đây đâu phải lần đầu tiên tao làm, mày biết không... Will ngập ngừng, tự thắng mình kịp lúc trước khi nói lộ ra bất cứ điều gì về cái trạm xe lửa mà nó đã cùng cha nó phát hiện. Chester nhìn nó nghi ngờ trong khi nó ho thật to để khỏa lấp khoảng nín thinh giữa cuộc chuyện trò. Nó đã bị cha nó bắt thề giữ bí mật, và nó không thể tiết lộ bí mật đó, cho dù với Chester. Nó khụt khịt mũi rõ to rồi nói tiếp: - Và tuyệt đối vững chắc. Không nên xây đường hầm bên dưới những tòa nhà – cái đó cần những trụ chống đường hầm kiên cố hơn và thiết kế chu đáo hơn. Thêm nữa, cũng không nên làm đường hầm nơi có nước hay mạch suối ngầm – khiến cho toàn bộ công trình trôi trượt đi. Chester hỏi ngay: - Quanh đây đâu có nước hả? Will với lấy từ bên trong một cái hộp bằng giấy bồi để trên cái bàn rồi đưa cái chai nhựa đựng nước cho bạn. - Tụi mình giải lao một lát. Cả hai ngồi xuống hai cái ghế bành, hớp từn ngụm nước đóng chai, trong khi Chester ngó lên trần và nhóng cổ nhìn ra hai nhánh đường hầm. Will thở ra: - Bình yên, há? - Ừ. Chester đáp. - Rất... ơ... yên tĩnh. - Không chỉ yên tĩnh, ở dưới này ấm áp và thanh thản. Và cái mùi... cảm thấy như được an ủi, đúng không? Ba tao nói đó là nhà của tất cả chúng ta, hồi xưa thật xưa, hồi thượng cổ hay đại khái vậy – và dĩ nhiên cũng là nơi tất cả chúng ta trở về - lòng đất. Vì vậy, đối với cha con tao, rất tự nhiên thoải mái, như nhà mình vậy. Chester đồng ý một cách hồ nghi: - Cho là vậy. - Mày biết không, tao thường nghĩ là khi người ta mua một cái nhà, người ta sở hữu luôn những thứ dưới cái nhà đó. - Nghĩa là sao? - Thì, cái nhà của mày được xây trên một miếng đất, chứ gì? Will vừa nói vừa dộng giày xuống sàn của cái hang để minh họa. - Tất cả mọi thứ ở dưới miếng đất đó, sâu tới tâm trái đất, đều là của mày hết. Dĩ nhiên khi càng đi sâu đến tâm trái đất thì “thổ phần”, nếu mày muốn gọi như vậy, sẽ càng lúc càng nhỏ đi, cho đến khi đụng trúng tâm. Chester chậm rãi gật đầu, chẳng biết nói năng gì cả. Will mơ màng nói - Bởi vậy tao luôn tưởng tượng đào sâu xuống – xuống phần thế giới của mình và suốt cả mấy ngàn dặm sẽ bị lãng phí đó, thay vì chỉ ngồi trong cái nhà dựng khơi khơi trên lớp vỏ của trái đất. Chester nương theo ý tưởng đó, nói: - Tao hiểu. Vậy nếu mày cứ đào sâu xuống, mày có thể có một kiểu nhà chọc-trời nhưng theo hướng ngược lại. Nhưng kiểu lông quặm mọc vô trong hay sao đó. Nó bất giác gãi vết chàm trên tay. Will đồng ý: - Ừ, đúng như vậy. Trước giờ chưa nghĩ vậy, hình dung hay đó. Nhưng ba tao nói chúng ta không thực sự sở hữu tất cả đất ở dưới mình – Nhà nước có quyền xây dựng đường ống và đại loại nếu họ muốn. - Ủa. Chester kêu lên, thắc mắc thì sự đã vậy thì nãy giờ tụi nó nói chuyện nhà chọc-đất làm gì? Will bật đứng dậy. - Thôi, tự trang bị cho mày đi, bốn cái xô với một xe cút-kít, đi theo tao xuống đây. Nó chỉ vào một trong mấy con đường hầm tối thui. - Hơi bị cực với đá. Cùng lúc ấy, ở trên mặt đất, Tiến sĩ Burrows sải bước cắm cúi đi trên con đường về nhà. Ông luôn thích cái cơ hội để suy tư trong lúc đi bộ hai cây số, và điều đó còn có nghĩa là ông tiết kiệm được tiền vé xe buýt. Ông dừng chân bên ngoài quầy bán báo, đột ngột khựng lại giữa đường, chông chênh một thoáng, xoay mình chín chục độ, rồi bước vào. Người đàn ông ngồi sau quầy ngước mắt khỏi tờ báo trải trước mặt nhìn lên nói: - Chào Tiến sĩ Burrows! Tôi đang bắt đầu nghĩ chắc là chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại ông. Tưởng ông đã lên tàu đi ngao du khắp thế giới không chừng. - À, không, đâu có. Tiến sĩ Burrows đáp lại, cố gắng tránh nhìn mấy thỏi sô-cô-la hiệu Snickers, Mars và Walnut Whips được bày ngay trước mắt ông đầy cám dỗ. - Chúng tôi vẫn giữ đủ các số báo cho ông. Người bán hàng cúi xuống phía dưới cái quầy và lôi ra một xấp tạp chí - Chúng đây. Khai quật hôm nay. Tập san Khảo cổ học. Nguyệt san của Quần thủ. Tôi hy vọng mọi thứ đúng và đủ cả. Tiến sĩ Burrows lục tìm ví tiền. - Xù thôi. Chẳng lẽ ông không muốn bán chúng cho ai khác à? Người bán báo nhướng chân mày lên. Ông cầm tờ giấy bạc hai chục bảng của Tiến sĩ Burrows, nói: - Cứ tin tôi, ở đây tuyệt nhiên không có ai khác hỏi mua mấy tờ báo đó. Ông ngó thấy mấy móng tay dính đất của Tiến sĩ Burrows bèn hỏi: - Coi bộ ông đang đeo đuổi công việc gì đó nhỉ? Xuống một mỏ than à? - Không. Tiến sĩ Burrows đáp, ngắm nghía đất đóng trong kẽ móng tay của ông. - Thực ra tôi đang tự sửa một chỗ dưới tầng hầm nhà tôi. Có cái hay là tôi không gặm cũ móng tay, đúng không nào? Tiến sĩ Burrows rời khỏi quầy báo, mang theo mớ báo mới, cố gắng nhét kỹ chúng vô ngăn bên của cái cặp khi ông đẩy cửa mở ra. Vẫn còn loay hoay với mớ tạp chí, ông bước ra lề đường, bị lóa mắt, nên đâm sầm vô một kẻ nào đó đang di chuyển rất nhanh. Há hốc miệng vì bất ngờ, ông dội lui khỏi một người đàn ông lùn, cục mịch, mà ông tông phải. Tiến sĩ Burrows làm rớt cả cái cặp lẫn mớ tạp chí. Người đàn ông kia, người có vẻ vững vàng như một cái đầu máy xe lửa, dường như chẳng hề bị hề hấn suy suyển chút nào, chỉ tiếp tục đi. Tiến sĩ Burrows bối rối và lắp bắp nói với theo ông kia để xin lỗi, nhưng ông ta vẫn cắm cúi đi, chỉ chỉnh lại cặp kính râm, hơi ngoảnh lại để đáp lễ Tiến sĩ Burrows bằng một cái nhếch mép. Tiến sĩ Burrows sững sốt đến lặng người. Đó là một người-đội-mũ. Gần đây, ông đã bắt đầu chú ý, lẫn trong số dân chúng bình thường ở Highfield, xuất hiện một loại người có vẻ - thế nào nhỉ, khác, nhưng không lộ liễu quá đáng. Là người có thói quen quan sát thiên hạ, ông cho là những người đó có mối liên hệ với nhau như thế nào đó. Điều khiến cho ông ngạc nhiên nhất, ấy là khi ông nêu ra vấn đề thì chẳng có một ai khác ở Highfield có vẻ nhận ra những người mặt bèn bẹt khá đặc biệt, đội nón lưỡi trai dẹp, khoác áo đen và đeo kính râm rất dày đó. Khi Tiến sĩ Burrows đụng phải người đàn ông, suýt nữa làm văng cặp kính râm đen như mực tàu của ông ta, ông đã có cơ hội tiếp cận “mẫu người” ở cự ly sát rạt lần đầu tiên. Ngoại trừ gương mặt bèn bẹt một cách kỳ quái và mái tóc lưa thưa, trên một làn da trắng như bột và trong suốt. Nhưng còn một điểm nữa: một mùi rất kỳ lạ lởn vởn quanh ông ta, một mùi ẩm mốc. Mùi đó khiến Tiến sĩ Burrows liên tưởng tới mấy cái rương quần áo cũ mốc mà những người hảo tâm vô danh đã quăng lên thềm của viện bảo tàng. Ông quan sát người đàn ông cắm cúi sải bước đi xuống đường High và đi xa hút, cho đến khi ông ta chỉ còn thấp thoáng, và rồi một khách bộ hành khác băng qua đường, cắt ngang tầm nhìn của Tiến sĩ Burrows. Trong tích tắc giai đoạn đó, người-đội-mũ biến mất. Tiến sĩ Burrows trố mắt nhìn xuyên qua cặp mắt kính trong lúc dõi theo bóng người nọ, nhưng mặc dù lề đường không đến nỗi tấp nập người qua lại, ông có cố nhìn cách nào cũng ũ không thể thấy người đó nữa. Bỗng nhiên Tiến sĩ Burrows thấy ông nên cố gắng theo dõi coi người-đội mũ đó đi đâu. Nhưng là một người biết giữ kẽ, Tiến sĩ Burrows không thích bất kỳ hình thức đối đầu nào và nhanh chóng tự thuyết phục minh rằng làm vậy chẳng hay ho gì, nhất là thái độ của người đó tỏ ra thù địch. Vậy là bất kể ý tưởng trinh thám gì vừa nảy ra cũng lập tức bị hủy bỏ. Mà biết đâu, có thể vào một ngày khác ông có thể tìm ra chỗ ở của người đó, và có thể cùng cả một gia đình những người đội mũ y chang nhau. Vào lúc ông cảm thấy táo bạo hơn một chút. Ở dưới lòng đất, Will và Chester thay phiên đào đục một vách đá mà Will đã xác định là một loại sa thạch. Nó mừng là đã rủ Chester đi khai quật cùng nó, bởi vì Chester quả thật có vẻ có khiếu về việc này. Nó quan sát với vẻ ngưỡng mộ âm thầm khi Chester vung cây cuốc chim lên bằng một sức mạnh dễ sợ, một khi vết nứt xuất hiện trên mặt vách đá, như thể Chester biết chính xác khi nào bửa ra được những tảng đá rời mà Will nhanh nhảu hốt vô mấy cái xô. - Nghỉ một lát nghen? Nó đề nghị khi thấy Chester bắt đầu mệt. - Ngồi xuống thở một cái. Will nói câu đó với nghĩa đen, bởi vì lối vào tới chỗ tụi nó đào xới đã được bít lại, chẳng mấy chốc tụi nó đã cảm thấy thiếu không khí và ngột ngạt. Hai đứa đang ở chỗ cách gian phòng lớn khoảng sáu mét. Nó nói với Chester khi cả hai cùng đẩy cái xe cút-kít đầy đá trước mặt: - Nếu tao theo đường hầm này xa hơn, tao sẽ phải khoét một ống thông gió thẳng đứng để lấy không khí. Mỗi tội dựng được một cái như vậy cực lắm, trong khi tao có thể cứ tiến tới đào xuống ở đây. Hai đứa về tới gian phòng lớn, ngồi cuống ghế banh, uống nước cho đã. Chỉ vào mấy cái xô đầy đất đá trên xe cút kít, Chester hỏi: - Vậy tụi mình làm gì với mớ đó? - Lôi chúng lên mặt đất, liệng vô mấy cái rãnh bên cạnh. - Làm vậy có ổn không? - Ờ, nếu có ai hỏi thì tao chỉ nói là tao đào hào cho một trò chơi chiến tranh. Will đáp gọn. Tu thêm một hơi từ chai nước của nó, Will uống ừng ực. - Người lớn quan tâm làm gì chứ? Nó nói tiếp với vẻ ngang ngược: - Đối với họ, tụi mình chỉ là mấy đứa con nít khờ khạo với xẻng với xô. Chester chớp chớp mắt nhìn quanh gian phòng lớn, nói: - Họ sẽ quan tâm nếu họ thấy cái này – cái này không phải là thứ con nít bình thường làm. Tại sao mày làm, hả Will? - Nhìn thử những cái này đi. Will nhẹ nhàng nhấc cái sọt bằng nhựa ở bên cạnh cái ghế bành của nó đặt lên đùi. Rồi nó bắt đầu lấy ra một lô các thứ đồ vật, chồm ngang qua mặt bàn để đặt từng món lên đó. Trong số đó có mấy cái vỏ chai Codswallop – những chai nước ngọt thời Victoria có hình thù cổ chai quái đản chứa một viên bi thủy tinh – và một mớ chai thuốc đủ kích cỡ và màu sắc, tất cả đều có một nước bóng mờ xinh đẹp từ thời chúng bị vùi trong đất. - Và những cái này nữa. Will nói một cách kính cẩn khi nó bày ra một dãy những hũ pate thời Victoria nhiều kích cỡ, có những cái nắp chạm trổ và tên bằng nét chữ xưa uốn éo mà Chester chưa từng thấy bao giờ. Chester quả là có vẻ thích thú thật, lần lượt cầm từng hũ lên, hỏi Will về niên đại của chúng hay nơi Will đã đào chúng lên. Được khuyến khích, Will tiếp tục cho đến khi mọi thứ nó đã tìm được trong những cuộc khai quật trước đây đều được đem đặt lên bàn. Rồi nó ngồi ngả ra lưng ghế, quan sát kỹ phản ứng của thằng bạn mới kết. Chester dùng ngón tay thăm dò một đống vật kim loại nặng nề gỉ sét hỏi: - Đám này là gì? - Đinh đầu hoa hồng. Có lẽ thế kỷ thứ mười tám. Nếu nhìn kỹ mày sẽ thấy mỗi chiếc mỗi khác nhau, bởi vì chúng được làm bằng tay... Nhưng trong lúc hào hứng, Chester đã đi lần xuống tới cuối bàn, nơi nó bắt gặp một vật khiến nó chú ý: - Cái này dễ thương quá. Nó nói, cầm một ve nước hoa nhỏ lên, xoay xoay để cho ánh sáng chiếu xuyên qua có màu tím hoa cà và mà xanh cô-ban. - Không tin được là ai đó đã làm ra nó. Will tán đồng: - Ừ, tuyệt trần. Nếu mày thích thì mày cứ giữ lấy. - Không. Chester nói, ngạc nhiên vì được tặng - Lấy đi mà. Tao còn một cái khác giống y vậy để ở nhà. - Ê, hay thật... cảm ơn nghen. Chester nói, vẫn chiêm ngưỡng cái ve đựng dầu thơm với sự mê ly đến nỗi không nhận thấy Will nở một nụ cười toe toét tươi không tưởng tượng nổi. Will thực tế chỉ sướng vào những lúc khoe với cha nó những thành tựu mới nhất mà nó đào được, còn chuyện này vượt xa cả điều nó hy vọng – có người đồng trang lứa với nó có vẻ thật sự yêu thích thành quả lao động của nó. Đưa mắt nhìn khắp cái bàn bày biện tùm lum, nó cảm thấy phồng lên niềm tự hào. Nó thường hình dung chính nó trở về thời quá khứ đoạt lấy những mẩu tí hon này của lịch sử bị vứt bỏ. Đối với Will quá khứ là một chốn tử tế hơn nhiều so với hiện thực u ám của hiện tại. Nó thở dài khi nó bắt đầu cất mọi thứ vào cái sọt. - Tao chưa tìm được mẫu hóa thạch nào dưới này... thứ gì đó thật sự xưa... nhưng ai biết được vận may của mình. Nó liếc về hướng đường hầm nhánh với vẻ khát khao, nói: - Đó mới là tất cả sự ly kỳ. Chương Năm Tiến sĩ Burrows bước vội, đung đưa cái cặp theo nhịp chân bước vội của ông. Ông quẹo qua góc đường lúc 6 giờ 30 chiều, chính xác như xưa nay ông vẫn luôn vậy, và căn nhà của ông hiện ra. Đó là một trong những căn nhà chen chúc trên đại lộ Broadlands – một dãy thẳng hàng những cái hộp gạch vừa đủ chỗ cho một gia đình bốn người. Ưu điểm bù trừ là phía này của con đường, bám vào sau lưng công viên, cho nên những ngôi nhà ít nhất cũng mở được tầm nhìn ra một quang cảnh rộng rãi, cho dù người ta buộc phải nhìn ra từ những căn phòng bé tẹo, chẳng đủ chỗ để vung tay chứ đừng nói là xoay sở tứ chi. Khi ông đã tự mở cửa cho mình vào và đứng trong hành lang, sắp xếp lại mớ báo và tạp chí trong cái cặp của ông, con trai ông đang trên đường về tới nơi. Will cưỡi chiếc xe đạp một cách thiện nghệ và chạy bằng tốc độ gãy cổ về đến đại lộ Broadlands, cái xẻng sáng bóng đeo trên lưng nó lấp loáng dưới ánh sáng đỏ của những ngọn đèn đường vừa được thắp lên. Nó khéo léo lượn lách giữa những lằn vôi trắng ở giữa con đường và cúi rạp xuống tay lái khi phóng xe xuyên qua cánh cổng mở, phanh xe của nó rít lên âm thanh hết cỡ của tiếng kêu chói tai khi nó phanh gấp dưới mái nhà để xe. Nó xuống xe, khóa lại, rồi đi vô nhà. Will thuộc loại con trai cần không gian khoáng đạt. Vì vậy, hiếm khi nào nó có mặt ở nhà trừ lúc ăn và ngủ, coi nhà chẳng khác gì quán trọ, như nhiều đứa con trai cùng độ tuổi với nó. Nỗi khao khát thường xuyên được ra ngoài trời của nó gặp phải một vấn đề duy nhất là: vì nó không thể phơi mình lâu dưới ánh nắng, nó buộc phải đi xuống lòng đất mỗi khi nó có được cơ hội. Dĩ nhiên, nó không phiền hà chuyện đó chút nào. Nó chào cha nó: - Thưa ba. Cha nó đang tạo vẻ đĩnh đạc một cách luộm thuộm ở ngay trong phòng khách, một tay vẫn còn cầm cái cặp trong khi mắt thì ngó cái gì đó trên tivi. Tiến sĩ Burrows chắc chắc là ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời con trai của ông. Mỗi nhận xét bình thường hay một tí thông tin vụn vặt của cha nó cũng đủ gợi hứng cho Will lao vào một cuộc “điều tra” hăng hái nhất, điên rồ nhất, thường dính dáng đến những cuộc đào xới bở hơi tai. Tiến sĩ Burrows luôn luôn tìm cách có mặt “đúng lúc bóp cò” trong những cuộc đào xới của con trai nếu ông nghi là sẽ có cái gì đó có giá trị khảo cổ chân chính được khai quật, nhưng phần lớn thời gian ông thích chúi mũi vào những cuốn sách cất dưới tầng hầm, tầng hầm của ông. Ở dưới đó ông có thể trốn ra khỏi đời sống gia đình, thả mình vào những giấc mơ của những đền đài hy Lạp vang vọng và những trụ cột La Mã nguy nga diễm lệ. - Ờ, à con hả, Will. Ông lơ đãng đáp lại lời chào của con trai sau một lúc im lặng hơi lâu, vẫn còn bị cái tivi thu hút. Will phóng mắt qua khỏi cha nó để nhìn về chỗ mẹ nó ngồi, cũng đang mê mẩn theo dõi chương trình trên tivi. - Thưa mẹ. Will nói xong thì đi ra khỏi phòng không chờ đợi câu trả lời. Mắt bà Burrow bị hút dính vào một chuyển biến bất ngờ va cực kỳ nguy hiểm trong bản tin ở phòng cấp cứu Cuối cùng bà ta cũng chào lại, mặc dù Will đã ra khỏi phòng: - Ừ. Cha mẹ của Will gặp nhau lần đầu ở trường đại học khi bà Burrows đang là một sinh viên của khoa truyền thông có triển vọng, toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp truyền hình. Không may, truyền hình vận vào đời bà lúc này vì một lý do hoàn toàn khác. Bà xem tivi với sự ngưỡng mộ gần như cuồng tín, tung hứng các chương trình bằng hai đầu máy ghi hinh khi các chương trình bà khoái chiếu trùng giờ nhau, mà mấy chương trình này hơi bị nhiều. Nếu người ta có thể chụp hình được ấn tượng về một con người, một hình ảnh được nhớ tới trước tiên khi người ta nghĩ đến người đó, thì ấn tượng về bà Burrows sẽ là hình ảnh bà nằm nghiêng trên chiếc ghế bành bà khoái nhất, trên tay ghế đặt ngay ngắn một hàng điều khiển tivi từ xa, còn chân bà thì gác trên một chiếc ghế đẩu chồng chất những trang chương trình tivi xé ra từ các tờ báo. Bà nằm đó, hết ngày này sang ngày khác, hết tuần này đến tuần khác, vây quanh bà là một mớ hỗn mang bừa bộn hững cuộn băng ghi hình, đông cứng trong ánh sáng nhấp nháy của màn ảnh nhỏ, thỉnh thoảng trở chân chỉ để cho người ta biết là bà vẫn còn sống. Phòng khách, nơi ngự trị của bà, bày biện các thứ bàn ghế đã từng có một thời đối xử tử tế hơn bây giờ: Một bộ ghế gỗ gồm từng chiếc lẽ đủ loại được sơn màu tím hay lam, hai cái ghế bành không cùng một bộ được trùm lỏng lẻo bằng một thứ vải màu xanh đậm đã phai, và chiếc trường kỷ mà chỗ gác tay đã sờn chỉ, tất cả những thứ đó bà và Tiến sĩ Burrows được thừa kế từ nhiều năm qua. Như lệ mỗi tối, Will đi vô nhà bếp, cụ thể hơn là đến cái tủ lạnh. Nó nói khi mở cửa tủ lạnh, nhưng chẳng buồn liếc mắt đến người kia khi nhận ra sự có mặt của người đó ở trong phòng. - Có gì ăn không mày? Tao đói chết được. - À, ông tướng sình đã về. Rebecca nói với anh. - Em đã có cảm giác buồn cười hết sức là anh sắp chường mặt ra. Con nhỏ đóng sập cửa tủ lạnh lại để kịp ngăn anh nó thò mũi vô bên trong, và trước khi Will kịp càm ràm, nó liệng vô tay Will một cái hộp trống rỗng. - Gà chua ngọt, cơm và vài thứ rau quả. Nó được bán một-tặng-một ở siêu thị. Will nhìn cái hình vẽ trên cái hộp, và chẳng một lời bình luận, liệng trả cái hộp cho em nó. - Sao, vụ đào xới mới nhất tới đâu rồi? Em nó hỏi, vừa đúng lúc cái lò nướng vi ba kêu beng một tiếng. - Không khá lắm – tụi này đụng phải một lớp sa thạch. - Tụi này? Rebecca liếc nó với vẻ thắc mắc khi lấy cái đĩa trong lò ra. - Em chắc chắn nghe anh vừa nói “tụi này”? Anh đâu có ngụ ý là ba làm việc đó với anh, hả Will? Không phải trong giờ làm việc chứ? - Không. Chester học chung ở trường giúp tao một tay. Rebecca vừa đặt đĩa đồ ăn thứ hai vô lò nướng, và suýt tí nữa là kẹt ngón tay khi đóng cửa lò nướng. - Nghĩa là quả thực anh có nhờ người khác phụ việc? Chà, mới nghe lần đầu à. Tưởng anh không tin nổi ai để chia sẻ mấy cái “dự án” chứ? - Không. Thường thì tao không tin ai hết, nhưng Chester là đứa chơi được. Will nói, hơi cảnh giác với vẻ hứng thú của em nó. - Nó được việc lắm. - Em không biết nhiều về hắn lắm, ngoại trừ nghe người ta gọi hắn là... - Tao biết người ta gọi nó là gì. Mười hai tuổi, Rebecca nhỏ hơn Will hai tuổi, vậy mà nó khác với anh nó cực kỳ; nó thanh mảnh và xinh xắn so với lứa tuổi, ngược hẳn với thân thể chắc nịch của anh nó. Với mái tóc đen, màu da sạm, con nhỏ chẳng ngán gì mặt trời, ngay cả giữa mùa hè, trong khi da của Will chỉ mất một phút là bắt đầu đỏ ửng và rát bỏng. Hai anh em nhà nó khác hẳn nhau, không chỉ bề ngoài mà cả tính tình. Cuộc sống trong nhà nó có cái gì đó như một thỏa hiệp không thoải mái lắm, người này chỉ tỏ ra quan tâm chiếu lệ niềm đam mê mà người kia đeo đuổi. Cũng không hề có những buổi gia đình cùng nhau đi nghỉ hè hay đi chơi dã ngoại mà người ta thường mong đợi, bởi vì ông bà Burrows cũng hoàn toàn khác biệt nhau về sở thích. Will chịu đi theo ba nó làm những chuyến thám hiểm – một địa điểm quen thuộc là bờ biển nam, Lyme Rigis là chỗ chắc chắn được ưa thích nhất, nơi hai cha con đi săn cổ vật hóa thạch, sục sạo bờ biển để tìm vết tích cập bến mới nhất. Ngược lại, Rebecca tự thu xếp lấy ngày nghỉ cho mình, thường xuyên một mình đi chơi - ở đâu, làm gì, Will không biết hay không bận tâm. Còn bà Burrows thì cũng có lúc hiếm hoi ra khỏi căn nhà, lúc đó bà lững thững đi quanh các cửa hàng ở khu West End hay đi xem những bộ phim mới nhất. Tối nay, như hầu hết những buổi tối khác, gia đình Burrows ngồi ăn tối với khay thức ăn để trên đùi của mỗi người và xem một hài kịch của thập niên 1970 chiếu đi chiếu lại mà Tiến sĩ Burrows có vẻ khoái lắm. Không ai nói năng gì trong suốt bữa ăn ngoại trừ bà Burrows có lúc đã lầm bầm: - Hay... cái này hay. Câu đó có thể là khen ngợi món ăn hâm trong lò vi ba, hoặc có thể là đoạn kết của vở kịch hài cũ rích, nhưng chẳng ai buồn thắc mắc. Ăn vội vã xong phần của nó, Will rời căn phòng không nói một lời, đặt cái khay vô chậu rửa chén trong nhà bếp, đi như nhảy vọt lên cầu thang, tay nắm chặt một cái túi vải đựng các thứ vừa mới khám phá. Tiến sĩ Burrows là người tiếp theo rời khỏi phòng, đi vô nhà bếp đặt cái khay lên bàn. Mặc dù chưa ăn xong, Rebecca cũng đi theo cha vô nhà bếp. - Ba à, có hai hóa đơn cần trả tiền. Chi phiếu để trên bàn. - Còn đủ tiền trong tài khoản không? Ông hỏi khi ký vội phía dưới chi phiếu, thậm chí chẳng buồn đọc con số tiền. - Con có nói với ba hồi tuần trước, con kiếm được một mối bảo hiểm nhà khá lớn, tiết kiệm được mấy xu phí bảo hiểm. - Ừ... giỏi lắm. Cám ơn con. Tiến sĩ Burrows nói xong, cầm cái khay của mình quay về phía cái máy rửa chén định đi. Rebecca nhanh nhảu nói ngay: - Ba cứ để nó ở ngoài. Con nhỏ bước tới với thái độ như muốn bảo vệ cái máy rửa chén. Mới tuần rồi nó đã bắt gặp ba nó đang xài cái lò vi ba yêu dấu của nó bằng cách giận dữ nên loạn xạ lên mấy cái nút, như thể đang cố phá vỡ một mật mã nào đó. Kể từ lúc đó con nhỏ luôn cảnh giác tắt hết các vật dụng thiết bị chính. Khi Tiến sĩ Burrows ra khỏi phòng, Rebecca nhét mấy chi phiếu vào phong bì rồi ngồi xuống để lập ra danh mục những thứ cần mua sắm vào ngày hôm sau. Ở cái tuổi mười hai non nớt, Rebecca là đầu tàu, là tay hòm chìa khóa trong gia đình Burrows. Con nhỏ không chỉ tự đảm nhiệm công việc mua sắm, mà còn lo liệu các bữa ăn, trông coi chỉ bảo người quét dọn nhà cửa, và làm hết tất cả những việc mà trong những gia đình bình thường khác, vốn thuộc về trách nhiệm của cha mẹ. Nói Rebecca chăm chỉ thì hãy còn đánh giá quá thấp con nhỏ này. Trên tấm bảng ghi nhớ trong nhà bếp có một bảng liệt kê tất cả đồ ăn thức uống mà nó cần trong nửa tháng tới. Nó giữ cẩn thận các tập hồ sơ có dán nhãn về tất cả hóa đơn và tình trạng tài chính trong một ngăn kéo của tủ bếp. Và lần duy nhất việc vận hành suôn sẻ mọi việc trong căn nhà này bị chệch choạng là lúc Rebecca vắng mặt. Lúc đó ba người còn lại trong nhà, ông bà Burrows và Will, đành cầm hơi bằng đồ ăn mà Rebecca chừa lại cho họ trong ngăn đá của tủ lạnh, tự mình dọn ăn lấy khi muốn, ngấu nghiến như một bầy sói đói. Sau những lần vắng mặt đó, Rebecca chỉ việc trở về nhà, dọn dẹp sắp đặt lại đâu vô đó mà không hề phàn nàn phản đối gì hết, như thể con nhỏ chấp nhận cái số nó trên đời là cứ phải thu vén cho những người khác trong gia đình. Ở trong phòng khách, bà Burrows bấm lia lịa cái điều khiển tivi để bắt đầu cuộc chạy đua của những vở kịch truyền hình và những chương trình trò chuyện hằng đêm của bà trong khi Rebecca bắt đầu lau dọn nhà bếp. Lúc chín giờ, con nhỏ làm xong hết việc nhà, bèn ngồi xuống bên cái bàn, một nửa mặt bàn bày la liệt những bình cà phê rỗng mà Tiến sĩ Burrows cứ hứa hẹn hoài là sẽ làm gì đó với chúng, để làm hết bài tập của nó. Sau đó, quyết định là đã tới giờ đi ngủ, con nhỏ lựa một xấp khăn tắm sạch kẹp dưới nách đi lên cầu thang. Đi ngang qua buồng tắm, con nhỏ dừng chân khi tình cờ liếc vô. Will đang quỳ gối trên sàn chiêm ngưỡng những thứ nó mới tìm được và đang dùng bàn chải đánh răng của Tiến sĩ Burrows để chải sạch đất cát bám mấy món đồ đó. - Coi nè! Will đầy vẻ tự hào khi giơ lên một cái túi nhỏ làm bằng da mục đang nhểu nước dơ tùm lum. Nó tiếp tục tháo mở hết sức nhẹ nhàng cái miệng túi mỏng manh và lấy ra một loại ống bằng gốm. - Người ta thường chỉ tìm thấy từng miếng lẻ... những miếng mà nông dân đánh rơi. Nhưng thử nhìn mấy cái này coi. Chẳng có cái nào bể. Nguyên vẹn y như lúc chúng mới được làm ra... thử nghĩ coi... suốt bao nhiêu năm qua... từ thế kỷ mười tám... - Dễ thương đấy. Rebecca nói, không tỏ ra chút xíu hứng thú nào. Hất khẽ mái tóc một cách hơi kênh kiệu, con nhỏ tiếp tục băng ngang qua hành lang để tới cái tủ thoáng để cất khăn tắm, rồi trở về phòng mình, đóng chặt cửa lại. Will thở dài, quay lại xem tiếp những phát hiện của nó thêm một lúc nữa, rồi gom chúng lại trong một tấm thảm chùi chân và cẩn thận rinh chúng về phòng ngủ của nó. Ở đó nó cẩn thận sắp xếp máy cái ống và cái túi da còn sũng nước bên cạnh nhiều báu vật khác trên mấy cái kệ kê chiếm hết một bức tường của phòng ngủ - nó gọi là viện bảo tàng của nó. Phòng ngủ của Will nằm ở phần phía sau căn nhà. Và lúc đó chắc là khoảng hai giờ sáng khi có một tiếng động đánh thức nó. Tiếng động đó vang lên từ ngoài vườn, mắt nó vừa mở ra là nó đã xác định được âm thanh. Nó nói: - Tiếng xe cút kít? Một xe cút kít chở nặng? Nó lồm cồm ra khỏi giường đi tới bên cửa sổ. Ở đó, nhờ ánh sáng của vầng trăng khuyết, nó thấy bóng một người đang đẩy xe cút kít trên lối mòn. Nó mở to mắt, cố gắng nhìn cho rõ. - Ba! Nó kêu thầm khi nhận ra dáng dấp đặc biệt của cha nó vả thấy ánh trăng phản chiếu trên gọng kính quen thuộc của cha nó. Không hiểu ất giáp gì cả, Will quan sát cha nó đi tới cuối vườn, chui qua lỗ trống của hàng giậu, đi ra công viên. Tới đó, một số cây che khuất tầm nhìn của Will. Nó lẩm nhẩm một mình: - Ba đang làm gì? Tiến sĩ Burrows thường có giờ giấc kỳ hoặc vì ông thường xuyên đánh giấc trong viện bảo tàng, nhưng lao động vào giờ này thì hơi hăng hái bất thường. Will nhớ lại, cách đây vài năm, nó đã giúp cha nó đào đất, hạ thấp nền của tầng hầm thêm gần một mét, rồi đúc một lớp sàn bê tông mới để tăng thêm chiều cao căn phòng dưới đó. Sau đó, khoảng một tháng hơn, Tiến sĩ nảy ra một sáng kiến chói lọi là đào một lối thoát từ tầng hầm ra đến khu vườn và lắp đặt một cánh cửa mới, thì chẳng biết lý do gì, ông quyết định là ông cần một cách thức khác để vào chốn ở ẩn của ông dưới đáy căn nhà. Theo như Will biết, công việc ở dưới đó đã xong rồi, nhưng về cha nó thì không thể nói trước được điều gì cả. Will cảm thấy nhói lên một nỗi giận hờn xót xa – điều cha nó đang làm đêm nay có nghĩa là ông quá ư kín đáo, mà tại sao ông không bảo Will giúp ông một tay chứ? Vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn và đầu óc còn vương vấn những dự án ngầm của chính mình, Will tạm thời gạt dấu hỏi về cha nó ra khỏi đầu và quay trở về giường ngủ tiếp. Chương Sáu Sau giờ học ngày hôm sau, Will và Chester lại tiếp tục công việc đào bới. Will đang quay lại sau khi đổ đất xong, xe cút kít của nó chất ngất nghểu mấy cái xô rỗng khi nó hối hả đẩy về đường hầm chỗ Chester đang đục đẽo lớp đá. Will hỏi Chester: - Sao rồi? - Chắc chắn là không dễ hơn chút nào hết! Chester đáp, lau mồ hôi trên trán bằng ống tay áo dơ hầy và do vậy quẹt đất tèm lem khuôn mặt nó. - Khoan, để tao coi qua một cái. Mày nghỉ giải lao đi. - Ừ. Will rọi ngọn đèn soi gắn trên mũ cối của nó vào bề mặt vách đá, vằn vện những vệt màu nâu và vàng huyền ảo của vỉa đá bị mũi cuốc chim đục ngẫu nhiên, rồi nó thở ra thành tiếng. - Tao thấy tụi mình nên ngừng lại để suy nghĩ về chuyện này một chút. Cứ dộng đầu vô một bức tường bằng sa thạch thì chẳng được tích sự gì! Uống miếng nước cái đã! Chester mừng rỡ tán thành. Hai đứa quay lại gian phòng chính, Will đưa cho Chester một chai nước. Nó nói với Chester lúc đó đang nhìn lơ đễnh khoảng không trước mặt. - Mày chịu làm tiếp vụ này tao mừng lắm. Dễ ghiền hén? Chester quay nhìn Will đáp: - Ờ, thật ra thì cũng chẳng biết đúng hay không. Tao đã nói là tao sẽ giúp mày đục đá, nhưng sau đó tao không chắc lắm. Hồi hôm cánh tay tao nhức kinh khủng. - Ôi, mày sẽ quen thôi, với lại, mày có tài bẩm sinh. Chester cười rạng rỡ: - Thật không? Mày thấy vậy hả? - Chắc chắn. Mai mốt mày sẽ giỏi gần bằng tao. Chester đùa giỡn véo cánh tay nó và cả hai đứa cùng cười vang, nhưng tiếng cười của tụi nó xìu xuống khi nét mặt của Will trở nên nghiêm trang. Chester hỏi: - Gì vậy? - Chúng ta sẽ phải tính toán lại việc này. Vân đá này có lẽ quá dầy, tụi mình không thể đục thủng được. Will nhíu mày lại, ngón tay đan nhau trên đỉnh đầu, một động tác nhiễm từ cha nó. - Mày thấy sao nếu mình... đào vòng xuống phía dưới nó? - Phía dưới hả? Mình có buộc phải xuống quá sâu không? - Không, trước đây tao từng xuống sâu hơn nữa. - Hồi nào? Will nói lảng: - Có hai đường hầm của tao ăn xuống sâu hơn cả cái này. Nếu mình đào vòng xuống phía dưới, tụi mình có thể dùng được tảng sa thạch này, mày hiểu không, vì nó là một lớp đá nguyên chắc chắn, mình có thể dùng nó làm nóc một đường hầm mới. Có khi cũng không cần tới trụ chống nào hết. Chester hỏi lại: - Không cần trụ chống hả? - An toàn tuyệt đối. - Nếu không thì sao? Nếu nó sập xuống lúc mình ở dưới hầm thì sao? Chester tỏ ra không hồ hởi lắm trước viễn cảnh đó. - Mày lo lắng thái quá. Thôi, tụi mình làm tiếp đi! Will đã quyết đinh rồi và đi luôn xuống đường hầm. Chester gọi với theo: - Ê, mắc gì tụi mình phải đào cụp xương sống hả...? Ý tao nói, kế hoạch này có mục tiêu gì không? Để làm gì hả? Will khựng lại vì câu hỏi đó, mấy giây sau nó mới trả lời. Nó nhìn nhận: - Không, chẳng có gì ghi trên bản đồ Địa hình của ban Quân nhu hay bản đồ lưu trữ của ba tao. Nó hít một hơi thật sâu rồi quay lại nói với Chester: - Đào là để đào thôi. Chester hỏi lại ngay: - Vậy mày có cho là có cái gì đó bị vùi chôn ở dưới? Như mấy thứ moi ra từ những hố rác cũ mà mày nói đó? Will lắc đầu: - Không. Dĩ nhiên tìm được cái gì thì tuyệt quá. Nhưng việc này quan trọng hơn. Nó quơ quơ tay trước mặt một cách quái gở. - Việc gì? - Tất cả việc này! Will đảo mắt khắp các vách hầm đến nóc hầm trên đầu tụi nó. - Không cảm thấy hả? Mỗi một nhát cuốc xuống, có cảm giác như thể tụi mình đang du hành ngược thời gian. Nó ngừng lại, mỉm cười với chính mình: - Về nơi chưa ai từng đến trong nhiều thế kỷ... có khi chưa bao giờ đến từ trước đến giờ. Chester hỏi: - Vậy là mày không biết có cái gì ở đó? Will cương quyết nói: - Đương nhiên không. Nhưng tao sẽ không để cho một miếng sa thạch nào đánh bại tao. Chester cảm thấy bối rối kinh khủng. - Chẳng qua... tao nghĩ, nếu tụi mình không nhắm tới một mục tiêu cụ thể, thì sao tụi mình không xoay qua đào một đường hầm khác? Will lại lắc đầu, nhưng không thèm giải thích nữa. - Nhưng như vậy sẽ dễ hơn nhiều. Chester nói, giọng bắt đầu cáu như thể nó đã biết là đừng hòng có được câu trả lời hợp lý của Will. - Tại sao không làm vậy chứ? - Linh cảm. Will nói sẵng, rồi đi xuống đường hầm trước khi Chester kịp thốt thêm một lời nào nữa. Chester nhún vai, cầm cây cuốc chim lên. - Nó khùng. Mà mình cũng khùng thầy chạy luôn. Mình làm cái khỉ gì ở đây chứ? Nó làu bàu với chính mình. - Lẽ ra ở nhà... lúc này... chơi game... khô ráo và ấm áp. Nó ngó xuống bộ đồ lấm đầy sình, tự lặp lại nhiều lần: - Khùng thầy chạy. Ngày của Tiến sĩ Burrows vẫn luôn như mọi ngày. Ông đang ngồi dựa lưng một cách sang trọng trên cái ghế nha sĩ với tờ báo còn gấp lại đặt trên đùi, sắp sửa thả mình vào giấc ngủ sau bữa ăn dằn bụng, thì cánh cửa viện bảo tàng mở ra. Joe Carruthers, nguyên thiếu tá lực lượng Kỵ binh của Nữ hoàng, cắm cúi đi vào, rảo mắt nhìn quanh phòng cho đến khi thấy Tiến sĩ Burrows, cái đầu của Tiến sĩ đang lừ thừ gục gặc trên cái ghế nha sĩ. - Sẵn sàng, Burrows! Ông rống lên, gần như khoái trá trước phản ứng bật đầu dậy của Tiến sĩ Burrows. Ông Joe Carruthers là cựu chiến binh thời Đệ nhị Thế chiến, không bao giờ đánh mất tác phong nhà binh, hay thói lỗ mãng. Tiến sĩ Burrows đã tặng cho ông một hỗn danh không được hay lắm là “Joe Khóm[1]” xuất phát từ cái mũi phồng và đỏ một cách gây chú ý – có thể là hậu quả của một vết thương chiến tranh, hay như Tiến sĩ Burrows đôi khi tự biện giải, nhưng rất có thể, là do số lượng khổng lồ rượu gin mà ông ta đã tiêu thụ. Ở tuổi bảy mươi mấy, ông ta vẫn hoạt bát một cách đáng ngạc nhiên và có thiên hướng sủa ồn ào. Lúc này Tiến sĩ chẳng muốn gặp ông chút xíu nào. - Lên yên, Burrows, cần ông đến dọn cái này cho tôi, nếu ông rảnh được một phút? Mà chắc là rảnh, thấy ông đâu có làm gì ở đây, đúng không nào? Tiến sĩ Burrows bất đắc dĩ dứt ra một xíu giấc mơ màng, đáp nhừa nhựa: - Ồ, không, xin lỗi ông Carruthers, tôi không thể nào bỏ mặc viện bảo tàng không người trông coi. Xét cho cùng, tôi đang làm nhiệm vụ. Từ đầu kia sảnh chính, ông Joe Carruthers tiếp tục rống: - Thôi đi cha, đây là một nhiệm vụ đặc biệt, ông hiểu không? Cần ý kiến của ông. Con gái tôi và thằng chồng mới vừa mua một căn nhà phía cuối đường High. Vừa cho sửa xong cái nhà bếp thì tụi nó tìm được một cái... cái gì đó ngộ lắm. Tiến sĩ Burrows hỏi, vẫn còn quạu vì bị phá giấc ngủ: - Ngộ như thế nào? - Một cái lỗ ngộ lắm trên sàn. - Cái đó thì kêu mấy người thợ xây mà giải quyết. - Không phải chuyện đó, ông già ơi. Không phải loại chuyện xây sửa nhà. Tiến sĩ Burrows bắt đầu thấy tò mò. - Sao? - Tốt hơn là ông tự đi khảo sát lấy, ông già à. Tôi thấy ông là người biết hết lịch sử vùng này. Tôi nghĩ tới ông ngay. Tôi nói với con gái Penny của tôi, ông rành việc này nhất. Tôi nói với nó, tay này thật sự biết chuyên môn. Tiến sĩ Burrows hơi ngây ngất với ý tưởng ông là chuyên gia về lịch sử địa phương, vì vậy ông đứng lên, ra vẻ trịnh trọng mặc áo khoác vào. Khóa cửa viện bảo tàng xong, ông sóng bước bên cạnh ông Joe Khóm, ráng theo kịp bước chân lính diễu hành dọc con đường High, rồi quẹo vô đường Jekyll. Ông Joe Khóm chỉ phát biểu thêm một lần, khi cả hai quẹo qua một góc đường khác, để vào Quảng trường Martineau. - Mấy con chó mắc dịch – người ta lẽ ra không được thả chúng chạy rong như vậy. Ngó thấy mấy tờ giấy bị gió thổi bay ngang qua đường ở đằng xa, ông càm ràm: - Lẽ ra phải xích chó lại. Sau đó cả hai đi tới một ngôi nhà. Nhà số 23 là một ngôi nhà có nền cao, không khác gì tất cả những ngôi nhà tiếp nối nhau giáp bốn cạnh của quảng trường, được xây bằng gạch, với nét đặc trưng của kiến trúc Georgie thời đầu[2]. Mặc dù mỗi căn nhà hơi hẹp với một thẻo vườn bé tẹo ở phía sau, Tiến sĩ Burrows vẫn ngưỡng mộ chúng mỗi lần có dịp tình cờ đi ngang khu vực này, ông vui vẻ nhân cơ hội này nhìn vào nội thất một căn. Ông Joe Khóm dộng lên cánh cửa đời George ghép bằng bốn tấm ván nguyên bằng một sức mạnh có thể xuyên thủng cánh cửa, mỗi lần dộng khiến mặt Tiến sĩ Burrows nhăn lại một cái. Một phụ nữ trẻ mở cửa, gương mặt cô ta nhẹ nhàng hẳn ra khi nhận ra cha mình. - Ôi ba. Vậy là ba mời được ông ấy. Cô ta quay sang Tiến sĩ Burrows nở nụ cười e dè. - Mời đi thẳng xuống nhà bếp. Hơi bừa bộn, nhưng tôi sẽ pha trà ngay. Cô vừa nói vừa đóng cánh cửa lại. Tiến sĩ Burrows đi theo ông Joe Khóm dẫm bước trên đám bụi bặm trong hành lang, nơi giấy dán tường được lột xuống dở dang. Khi đã vào trong nhà bếp, cô con gái của ông Joe Khóm quay sang nói với Tiến sĩ Burrows: - Xin lỗi, tôi hơi vô phép chưa tự giới thiệu. Tên tôi là Penny Hanson – Tôi nhớ chúng ta đã từng gặp nhau. Cô ta nhấn mạnh cái họ mới lấy theo họ chồng một cách hãnh diện. Trong một thoáng lúng túng, Tiến sĩ Burrows có vẻ hoàn toàn mù tịt về ngụ ý của nữ chủ nhân, khiến cô ta đỏ mặt ngượng nghịu, nên vội lắp bắp mấy tiếng gì đó rồi đi pha trà. Trong khi đó, Tiến sĩ Burrows, tỉnh bơ trước sự quê độ của nữ chủ nhân, bắt đầu xem xét căn phòng. Nó đã bị cạo gỡ các lớp vữa để lộ ra lớp gạch bên trong, dọc theo một bức tường đã gắn một cái chậu rửa chén mới toanh với cái tủ chén vừa làm xong một nửa. Cô Penny chỉ lên bức tường đối diện với bức tường đã gắn chậu và tủ, nói: - Chúng tôi tính gỡ bỏ cái khung lò sưởi, để làm cái quầy ăn điểm tâm ở chỗ đó. Kiến trúc sư nói là chúng tôi chỉ cần một thanh giằng trên trần. Cô ta chỉ một cái lỗ mà Tiến sĩ Burrows có thể thấy một cái dầm nhà mới bằng kim loại đã được gắn vào. - Nhưng khi những người thợ xây đục ra lớp gạch cũ, thì bức tường phía sau lò sưởi sụp xuống và họ tìm thấy cái này. Tôi đã gọi cho kiến trúc sư, nhưng ông ấy chưa gọi lại cho tôi. Phía sau bệ lò sưởi là một đống gạch bám đầy bồ hóng xác định vị trí của bụng lò sưởi trước đó. Bức tường sụp xuống để lộ một chỗ khá rộng ở phía sau, cỡ cái buồng của cha xưng tội trong nhà thờ. - Cái này hơi bất thường. Chẳng lẽ là một ống thông khói thứ hai? Ông tự nhủ, và gần như la to lên một tràng “Không” trong lúc lắc lư cái đầu. Ông bước tới gần hơn để nhìn xuống. Dưới sàn là một lỗ thông gió kích cỡ một thước dài nửa thước ngang. Bước lên đống gạch rời, ông cúi xuống bên mép lỗ thông gió, dòm vô. - À... cô có sẵn cây đèn pin đó không? Ông hỏi. Penny đi lấy một cây. Ông nhận cây đèn pin và rọi xuống lỗ hổng. - Thành lát gạch, tôi dám nói là đầu thế kỷ mười tám, dường như được xây cùng thời với cái nhà. Ông lẩm nhẩm một mình trong lúc ông Joe Khóm và cô con gái nhìn ông với vẻ căng thẳng. - Nhưng mà cái quỷ này để làm gì? Ông lẩm nhẩm tiếp. Điều lạ lùng nhất là khi ông chồm tới để nhìn xuống, ông chẳng thấy đáy nó ở đâu cả. Ông đứng thẳng lên, hỏi Penny: - Cô thử nó sâu cỡ nào chưa? Cô ta trả lời đơn giản: - Bằng cái gì? - Tôi xin cái này nhé? Tiến sĩ Burrows cầm lên một nửa miếng gạch từ đống gạch vụn của bức tường sụp. Cô Penny gật đầu. Ông bèn quay lại miệng hố, chọn thế đứng, liệng viên gạch xuống. - Bây giờ nghe nhé. Ông nói với hai cha con ông Joe Khóm khi thả viên gạch xuống miệng lỗ thông gió. Họ nghe tiếng viên gạch chạm vào thành ống khi rơi. m thanh mỗi lúc một xa vắng cho đến khi vọng âm yếu ớt vọng lại tai Tiến sĩ Burrows. Ông đang quỳ bên lỗ hổng. Penny hỏi: - Nó có…? - Suỵt! Tiến sĩ Burrows giơ tay lên ngăn cô ta một cách bất lịch sự, khiến cô giật mình. Một lát sau ông ngước lên chau mày nhìn ông Joe Khóm và cô Penny. Ông nhận định: - Không nghe nó chạm đáy. Nhưng nghe như nó cứ va vô thành ống hoài. Làm sao... làm sao nó có thể sâu tới cỡ đó? Sau đó, dường như chẳng màng đi bụi đất dơ bẩn, ông nằm dài xuống sàn, thòng đầu và vai xuống cái lỗ sâu đến mức có thể, săm soi bóng tối bên dưới ông bằng ánh sáng cây đèn pin mà ông duỗi thẳng tay ra cầm để rọi. Thình lình ông sửng sốt, bắt đầu hít hửi kỹ lưỡng. - Không lẽ nào! Ông Joe Khóm hỏi: - Cái gì vậy, ông Burrows? Có gì phải trình báo không? Tiến sĩ Burrows ngóc đầu lên khỏi lỗ trống, nói: - Có thể tôi nhầm, nhưng tôi thề là có một tí hơi gió thông lên. Tại sao lại có, tôi thật không biết – trừ phi toàn bộ khu nhà được xây với kiểu hệ thống thông gió thế nào đó giữa các ngôi nhà. Nhưng mà cả đời tôi cũng không thể hình dung ra được tại sao phải cần tới chúng. Điều đáng tò mò là đường ống... Ông lăn qua, nằm ngửa, chĩa cây đèn pin hướng lên phía trên lỗ trống. - ... có vẻ như thông tuốt lên trên, ngay sau ống khói lò sưởi thông thường. Tôi đoán là nó cũng thông gió như một phần của cụm ống khói trên nóc nhà chăng? Điều mà Tiến sĩ Burrows đã không nói với hai cha con ông Joe Khóm là ông lại ngửi phải cái mùi ẩm mốc đặc biệt: giống y cái mùi ông đã nhận ra khi đụng phải người-đội-mũ trên đường High hôm trước – Ông không dám nói với họ, bởi vì nghe có vẻ quái đản rùng rợn quá. Ở dưới đường hầm, Will và Chester cuối cùng đã có tiến bộ. Hai đứa nó đang đào lớp đất mềm bên dưới tảng đá thì mũi cuốc chim của Will chạm phải cái gì đó cứng rắn. Nó cáu kỉnh la lên: - Cà chớn! Đừng bảo tao là đá cũng thò xuống đây. Chester lập tức quăng cái xe cút kít chạy từ phòng lớn đến. Ngạc nhiên vì tiếng la, nó hỏi: - Chuyện gì vậy, Will? - Cứt, cứt, cứt. Will vừa nói vừa bổ mạnh lưỡi cuốc vào chướng ngại vật. Chester hét: - Cái gì? Cái gì vậy? Nó hoảng hốt vì trước đây chưa bao giờ thấy Will mất bình tĩnh như vậy; nó giống như một thằng bị ma ám. Will giáng mạnh thêm những nhát cuốc, hùng hục bổ như điên vào mặt đá. Chester buộc phải lùi lại một bước để khỏi bị nó vung cuốc trúng phải, hay bị đám đất đá vụn nó hất ra sau văng trúng. Bỗng nhiên Will ngừng tay và im lặng một lát. Sau đó, liệng cây cuốc chim qua một bên, nó quỳ thụp xuống, dùng tay bới móc loạn xạ phía trước mặt nó. - Đây, nhìn thử coi! - Nhìn cái gì? Will nói đứt hơi: - Tự nhìn đi. Chester bò xuống và thấy cái đã khiến cho bạn nó hào hứng dữ vậy. Ở chỗ Will đã gạt hết đất, lộ ra nhiều lớp của bức tường gạch nằm bên dưới tảng sa thạch, và Will đã khượi ra được vài viên gạch đầu tiên. Chester lo lắng nói: - Nhưng nếu đó là đường ống cống hay đường xe điện ngầm, hay cái gì tương tự thì sao? Mày có chắc là tụi mình nên đào như vầy không? Biết đâu nó liên quan đến ống dẫn nước. Tao không thích chuyện này! - Bình tĩnh lại, Chester, theo bản đồ thì chung quanh đây không có gì hết. Tụi mình đang ở ngoài rìa của một thành phố cổ, đúng không? Chester không rõ ý tứ của bạn nó, ngập ngừng nói: - Đúng. - Vậy thì, sẽ không có bất cứ thứ gì được xây dựng trong vòng một trăm đến một trăm rưỡi năm gần đây – cho nên khó mà có đường xe điện ngầm ở tuốt dưới này, ngay cả đường ngầm không sử dụng. Tao đã xem hết mấy bản đồ cũ với ba tao. Tao nghĩ đây có thể là một ống cống. Nhưng nếu mày nhìn kỹ đường cong của gạch tiếp giáp với đá, thì có thể tụi mình đang ở gần trên miệng cống. Nó có thể là vách tầng hầm của một căn nhà cổ - hoặc có lẽ là nền, nhưng tao thắc mắc làm sao mà nó được xây bên dưới tảng sa thạch? Kỳ lạ thật. Chester lùi lại hai bước không nói gì, cho nên Will tiếp tục dốc sức ra thêm vài phút nữa rồi ngừng lại, nhận ra thằng bạn nó vẫn đang phân vân lo lắng đằng sau lưng. Will quay lại, thở ra một hơi dài. - Nghe đây, Chester, nếu mày muốn thì tụi mình ngừng bữa nay, và tối nay tao sẽ hỏi lại ba tao. Để coi ba nghĩ sao. - Ừ, mày nên làm vậy, Will à. Mày biết đấy... để phòng xa. Tiến sĩ Burrows chia tay ông Joe Khóm và cô con gái ông ta, hứa sẽ hết sức tra cứu về ngôi nhà và kiến trúc trong hồ sơ lưu trữ địa phương. Ông liếc nhìn đồng hồ đeo tay, nhăn nhó. Ông biết là bỏ viện bảo tàng đóng cửa lâu như vậy là không đúng, nhưng ông muốn xem xét một việc trước khi trở lại đó. Ông đi vòng quanh quảng trường nhiều lần, xem xét những ngôi nhà liên kế giáp bốn cạnh. Toàn bộ quảng trường đã được xây dựng cùng một lúc, căn nào y như căn nấy. Nhưng cái khiến ông thú vị là tất cả những căn nhà này có thể đều có ống thông gió bí mật chạy xuyên khắp. Ông băng qua đường, đi xuyên qua cổng, đi vào giữa quảng trường, nơi được lát gạch ở trung tâm, chung quanh viền bằng những bụi hoa hồng rườm rà. Đứng đó ông có thể quan sát rõ những mái nhà, và ông giơ giơ ngón tay như thể cố đếm chính xác coi mỗi nóc nhà có mấy cái chụp ống khói. Ông cau mày: - Không tính ra được. Quả thật là kỳ lạ. Ông quay đi, rời khỏi quảng trường, đi trở về viện bảo tàng, tới nơi vừa vặn hết giờ mở cửa tham quan. Chương Bảy Trong đêm sâu, Rebecca đứng bên cửa sổ trên lầu nhìn một cái bóng mờ lảng vảng trên lề đường phía trước ngôi nhà của gia đình Burrows. Cái bóng đó, khoác áo trùm đầu lại đội mũ nên mặt mũi bị che khuất, lén lút rình ngó ngược xuôi con đường, hành tung giống như một con cáo chứ không ra con người. Khi yên chí là không bị quan sát, kẻ đó sà xuống mấy bao rác để trong thùng, chụp một bao bự nhất, móc một cái lỗ rồi nhanh nhẩu lục lọi bên trong bằng cả hai tay. - Bộ mày tưởng tao ngu lắm sao? Rebecca nói thầm, hơi thở của nó phả mờ lớp kính khung cửa sổ phòng ngủ. Nó chẳng bận tâm chút xíu nào cả. Tuân theo sự cảnh báo về bọn ăn cắp căn cước ở vùng Highfield, con nhỏ đã tiêu hủy kỹ càng mọi thư từ chính thức, thẻ tín dụng và báo cáo tài khoản của ngân hàng – thực tế là bất cứ cái gì có chứa thông tin cá nhân của người trong gia đình. Trong lúc vội vã lục tìm gì đó, gã móc rác đã làm văng đổ rác ra khỏi bao. Mấy lon đồ hộp rỗng, những hộp đựng đồ ăn, và một mớ chai bị vung vãi ra bãi cỏ trước nhà. Hắn lôi ra một nắm giấy tờ, đưa lên sát mặt, xoay chúng trong nắm tay trong lúc hắn soi mói nắm giấy dưới ánh đèn đường mờ mờ. Rebecca thách thức gã móc rác: - Tìm nữa đi. Cố tàn mạt luôn. Phủi bã cà phê cũ nhờn khỏi một mẩu giấy trong tay, hắn xoay người lại để có thể đọc rõ hơn dưới ánh đèn đường. Rebecca nhìn hắn luống cuống đọc lá thư, con nhỏ mỉm cười khi hắn nhận ra tờ giấy chẳng có giá trị gì. Hắn vung cánh tay với vẻ ghê tởm, quăng tờ giấy đi. Rebecca đã ngao ngán rồi. Từ nãy giờ nó đã tì trên bậu cửa sổ, bây giờ nó đứng lên, kéo màn ra. Động tác đó khiến gã móc rác chớp mắt ngước nhìn lên. Hắn nhìn thấy Rebecca và lặng đi, rồi xoay người ngó ngược ngó xuôi con đường, hắn lỉnh đi, vừa ngoái lại nhìn Rebecca như thể ước chừng xem nó có gọi cảnh sát không. Rebecca nắm tay lại tức tối, vì biết rằng nó sẽ là đứa phải hốt dọn cái đống tùm lum ấy vào sáng sớm. Lại thêm vô danh sách việc phải làm một công việc đáng ngán nữa! Con nhỏ kéo màn lại, rời khỏi cửa sổ đi ra khỏi phòng tới chỗ đầu cầu thang. Nó đứng lại, lắng nghe; tiếng ngáy vang lên không được êm tai lắm. Rebecca nhẹ bước tới cửa phòng ngủ chính, lập tức nhận ra âm thanh quen thuộc. Bà Burrows đang ngủ. Trong khoảnh khắc yên ắng sau đó, nó lắng nghe kỹ hơn, cho đến khi nó có thể phân biệt tiếng thở có âm mũi dài của Tiến sĩ Burrows, rồi ngóng cổ về phía buồng ngủ của Will, lại lắng nghe đến khi nó bắt được nhịp thở cạn và nhanh của anh nó. Con nhỏ hí hửng hất đầu nói khẽ. - Tốt. Mọi người ngủ say sưa. Con nhỏ lập tức thấy dễ chịu. Bây giờ mới là thời gian của nó, khi nó có nguyên căn nhà riêng mình và có thể làm cái gì nó muốn. Thời gian trước khi những người kia thức dậy và mọi việc lại tùm lum ra. Nó so vai lại, bước êm ru đến ngưỡng cửa phòng ngủ của Will nhìn vào. Chẳng có gì chuyển dịch. Tựa như một cái bóng nhẹ nhàng di chuyển ngang qua căn phòng, nó lướt nhanh như làn gió đến bên giường Will. Nó đứng đó, chăm chú ngó xuống anh mình. Will nằm ngửa, hai cánh tay thả lỏng vắt không ngay ngắn phía trên đầu. Dưới ánh trăng nhợt nhạt được lọc qua màn cửa sổ khép nửa chừng, nó nghiên cứu gương mặt Will. Nó bước đến gần cho đến khi nó cúi xuống ngay trên gương mặt anh nó. Nó nghĩ: “Chà, trông hắn kìa, chẳng màng gì trên thế gian.” Nó cúi xuống thấp hơn nữa bên trên cái giường. Khi làm như vậy nó nhận ra một vết bẩn ngay dưới mũi anh nó. Mắt nó rà khắp thằng con trai ngủ say không hay biết gì hết cho đến khi dừng lại ở hai bàn tay của Will. “Bùn!” Tay Will bám đầy bùn đất. Thằng nhóc chẳng thèm rửa tay trước khi lên giường ngủ, đã vậy, hẳn là nó đã thò tay móc mũi trong lúc ngủ. Con nhỏ rít lên khe khẽ: - Đồ chó dơ. Nhiêu đó đủ quấy rầy thằng nhóc. Nó duỗi cánh tay, co mấy ngón tay. Sung sướng vô tư và không hay biết về sự có mặt của Rebecca, nó ậm ừ mấy tiếng khoái trá trong cổ họng, vặn vẹo thân hình một tí, rồi ngủ tiếp Cuối cùng Rebecca thì thầm: - Đúng là đồ vô tích sự. Con nhỏ quay lại đống đồ dơ mà Will đã quăng trên sàn. Con nhỏ nhặt lên, ôm trong tay, đi ra khỏi phòng, tới cái giỏ mây đựng quần áo để giặt đặt ở một góc đầu cầu thang. Lúc mò các túi áo túi quần trước khi tống chúng vào giỏ, nó bắt được mẩu giấy trong túi quần jeans của Will. Nó mở mẩu giấy ra, nhưng không đọc được gì hết trong ánh sáng quá mờ. Con nhỏ nghĩ, có thể chỉ là rác, rồi nhét mẩu giấy vô túi áo ngủ của nó. Khi rút tay ra, móng tay nó bị vướng đường may ráp. Nó thận trọng gặm cạnh mẻ của móng tay và đi về phòng ngủ chính. Khi đã vô phòng rồi, nó canh bước đi trên những chỗ chính xác mà ván lát sàn dưới tấm thảm te tua không kêu cót két tố cáo sự hiện diện của nó. Cũng giống như lúc nãy nó quan sát Will ngủ, bây giờ nó quan sát ông bà Burrows, như thể nó đang cố gắng đoán biết suy nghĩ của cha mẹ nó. Tuy nhiên ngắm được mấy phút, Rebecca thấy đủ rồi, bèn thu dọn cái ca của bà Burrows đặt trên cái bàn cạnh giường ngủ, ngửi thăm dò cái ca một cái. Lại Horlicks, nghe như mùi rượu mạnh, cầm cái ca trong tay, Rebecca nhón gót đi ra khỏi phòng, đi xuống cầu thang, đi vô nhà bếp, di chuyển thoải mái trong bóng tối. Đặt cái ca vô chậu rửa chén xong, con nhỏ quay lại, đi ra khỏi nhà bếp, trở ra hành lang. Ở ngoài hành lang nó đứng lại, hơi ngoẹo đầu sang bên một tí, mắt nhắm lại, lắng nghe. Nó nghĩ: “Êm ghê... và yên tĩnh. Lẽ ra cứ nên như vầy hoài.” Như thể một người bị thôi miên, nó cứ đứng đó, không nhúc nhích, cuối cùng nó hít một hơi thở sâu bằng mũi, nín hơi vài giây, rồi thổi phù ra bằng miệng. Có tiếng ho khục khặc trên lầu. Rebecca bực bội quắc mắt hướng lên cầu thang. Phút thảnh thơi của nó đã bị phá vỡ, suy tư của nó đã bị gián đoạn. Nó cay đắng nói: - Mình phát chán hết rồi. Nó nhẹ bước đến cửa trước, mở chốt xích an toàn, rồi đi vô phòng khách. Bức màn cửa sổ được kéo mở hết cỡ nên nó có thể nhìn thông thoáng ra vườn sau lốm đốm từng mảng ánh trăng chuyển dịch. Mắt nó vẫn hướng ra vườn khi nó ngồi xuống cái ghế bành của bà Burrows, xoay ngược lại để tiếp tục ngắm khu vườn và bờ giậu ngăn khu vườn và công viên. Và nó cứ ngồi đó, thưởng ngoạn nỗi cô đơn của đêm và được ôm ấp trong bóng đêm màu sô-cô-la. Cho đến gần sáng. Ngồi đó mà ngắm. Chương Tám Ngày hôm sau, Tiến sĩ Burrows có mặt trong viện bảo tàng, sắp xếp tủ nút bên dưới cửa sổ. Ông đang chồm qua kệ trưng bày, để thêm vài cái nút đồng đã gỉ xanh, mới được lựa ra từ mớ hổ lốn, vào chỗ trưng bày chung với những hàng nút nhựa dở dở ương ương, những cái nút ngọc trai hay tráng men đủ màu. Ông hơi mất kiên nhẫn bởi vì những cái chân nút khiến cho những cái nút không cách gì nằm bằng phẳng trên tấm bảng nền được bọc nỉ, bất kể ông ấn chúng xuống mạnh cỡ nào. Ông thở hào hển vì giận dữ. Nghe thấy một tiếng còi xe vang ở ngoài đường, ông ngẫu nhiên liếc nhìn ra. Thoáng qua khóe mắt ông là hình ảnh một người đàn ông đang đi bên lề kia của con đường. Hắn đội một cái mũ kết dẹp, mặc một áo khoác dài và mặc dù trời rõ ràng đầy mây râm mát, chỉ thỉnh thoảng lọt xuống chút nắng, hắn vẫn đeo một cặp kính râm đen hù. Rất có thể đây là người đàn ông mà Tiến sĩ Burrows đã đâm sầm phải phía trước tiệm bán báo, nhưng ông không dám chắc, bởi vì những người này trông y chang nhau. Những người này có gì mà thu hút sự chú ý của Tiến sĩ Burrows dữ vậy? Ông cảm nhận tận xương tủy là có điều gì đó rất đặc biệt về họ, điều gì đó dứt khoát dị thường. Có vẻ như họ vừa bước thẳng ra từ một thời gian khác, có thể từ thời George, căn cứ vào y phục của họ. Đối với Tiến sĩ Burrows thì chuyện này có tầm ý nghĩa tương đương với việc tìm ra một mẩu lịch sử sống, giống những báo cáo mà ông đã đọc về những người đánh cá châu Á giăng lưới bắt cá vây hay thậm chí một chuyện gì đó còn quái chiêu hơn thế... khám phá một “kết nối sót” trong tiến hóa của con người chẳng hạn. Những chuyện như vậy khiến ông mơ mộng và bay bổng khỏi cuộc sống tẻ nhạt và buồn chán của mình. Không bao giờ là người buông thả vào những cơn ám ảnh, Tiến sĩ Burrows ngoéo chặt vào thực tế. Phải có một giải thích hợp lý về hiện tượng người đội-mũ. Ông quyết tâm phải tìm hiểu hiện tượng đó là gì. Ông quyết định ngay tức thì: - Được. “Ngay bây giờ” là thời điểm tốt nhất. Ông đặt cái hộp nút xuống và vội vã băng qua viện bảo tàng đi tới cửa chính, đi ra khóa cửa lại. Khi ông bước ra đường, ông xác định được vị trí của người-đội-mũ ở đằng trước, bèn đi theo hắn xuống đường High, giữ một khoảng cách khá lớn giữa hai người. Tiến sĩ Burrows theo kịp người đàn ông khi hắn bỏ đường High, quẹo vào đường Disraeli, rồi băng qua đường để quẹo phải vào đường Gladstone, ngang qua tu viện nữ cũ. Ông đi sau hắn khoảng hai mươi mét, bỗng dưng hắn ngừng bước đột ngột và quay phắt lại nhìn thẳng vào ông. Tiến sĩ Burrows rùng mình ớn sợ khi thấy bầu trời phản chiếu trên mặt kính râm của người đàn ông, biết là trò chơi lộ rồi, nên lập tức quay mặt về hướng ngược lại. Không biết phải làm sao khác, ông ngồi xổm xuống giả bộ cột sợi dây giày tưởng tượng của đôi giầy chỉ cần xỏ chân vô mang chứ không cần xỏ dây của ông. Vẫn trong tư thế ngồi chồm hỗm, ông len lén liếc mắt qua vai mình nhưng người đàn ông kia đã hoàn toàn biến mất. Hai mắt đảo như điên rà soát con đường, Tiến sĩ Burrows bắt đầu bước gấp gáp, rồi ù chạy khi tới gần chỗ mà ông đã nhìn thấy đối tượng theo dõi lần cuối cùng. Tới chỗ đó ông mới phát hiện một lối vào hẹp té giữa hai nhà tế bần nho nhỏ. Ông hơi ngạc nhiên là hồi nào đến giờ ông đã đi qua đường này bao phen mà trước đây chưa hề để ý. Lối vào này có một cái cổng mở hình khung tò vò chạy sâu vô trong như một con đường hầm cho đến khi khuất phía sau nhà tế bần, rồi lại hiện ra một đoạn ngắn như một con đường hẻm không có vòm che. Tiến sĩ Burrows dòm vô, nhưng vì ánh sáng không rọi thấu lối đi đó nên ông cũng khó mà thấy được gì nhiều. Cố nhìn xuyên bóng tối, ông có thể thấy cái gì đó ở cuối lối đi. Đó là một bức tường, cắt ngang con hẻm. Một ngõ cụt. Xem xét con đường một lần cuối, ông lắc đầu, không thể nào tin được. Ông không thể hiểu người đàn ông kia có thể đi lối nào mà biến mất tăm nhanh chóng như vậy. Ông bèn lấy hơi hít sâu một cái và khỏi bước vào lối đi. Ông dò dẫm từng bước thận trọng, lo lắng là người đàn ông kia có thể đang rình ông ở một cánh cửa nào đó ông không nhìn thấy. Khi mắt ông quen với bóng tối, ông có thể thấy mấy hộp giấy cứng thấm ướt và mấy chai sữa hầu như vỡ cả, lăn lóc khắp trên mặt đường lát đá. Ông hầu như thấy nhẹ nhõm khi lại bước ra vùng ánh sáng, bèn đứng lại nghiên cứu hiện trường. Con hẻm được hình thành giữa những bức tường bao bọc vườn rau bên trái và bên phải, và kết thúc bằng bức tường của một nhà máy cao ba tầng nằm ở cuối con hẻm. Tòa nhà máy cũ kỹ không có cửa sổ nào phía dưới tầng lầu chính và không có cách nào khả dĩ giúp cho gã đàn ông kia trốn thoát. Vậy thì hắn đã biến vào cái cõi âm ty nào? Tiến sĩ Burrows thắc mắc khi quay lại nhìn ngược lên con hẻm, nhìn ra con đường, nơi một chiếc xe hơi vừa vụt thoáng qua. Bên phải của ông, bức tường vườn rau có một cái giàn cho dây leo cao khoảng một mét chạy dài suốt bức tường, như vậy gã đàn ông kia hầu như không thể nào leo bức tường này được. Bức tường đối diện thì không có chướng ngại vật tương tự, nên Tiến sĩ Burrows trèo lên để dòm qua bên kia. Đó là một khu vườn trơ trụi và nhếch nhác, lèo tèo vài bụi cây xơ xác và một miếng đất lầy lội ở chỗ lẽ ra là một bãi cỏ. Cảnh này được điểm xuyết bằng mấy cái đĩa nhựa xỉn màu chứa nước xanh lè. Tiến sĩ Burrows chăm chú nhìn một cách bất lực mảnh đất riêng bỏ hoang. Ông suýt quên phứt toàn bộ câu chuyện này cho rồi thì bỗng nghe tim mình thắt lại. Ông vung cái cặp qua bức tường và ì ạch trèo lên. Ông nhảy xuống, ê ẩm hơn là ông tưởng, vì ông rớt xuống một bãi sình trong tư thế ngồi. Ông cố đứng dậy, nhưng giầy của ông mất chỗ tựa nên ông lại ngồi bệt xuống, bàn tay vươn ra của ông loay hoay quơ trúng một trong mấy cái đĩa, khiến cho chất nước xanh lè bên trong bắn tung tóe lên cánh tay và đầu cổ của ông. Ông chửi thầm ráng phủi cho sạch, rồi gượng đứng lên một phen nữa, chúi ngã, loạng choạng như một người say, rồi mới lấy lại được thăng bằng. - Khỉ! Khỉ! Khỉ thiệt! Ông nghiến răng lầu bầu, vừa lúc có tiếng cửa mở phía sau lưng ông. Một giọng nói e dè hỏi: - Chào? Ai đấy? Có chuyện gì thế? Tiến sĩ Burrows xoay người lại đối diện một bà già đứng cách ông chừng hai thước, chung quanh chân bà là ba con mèo đang lom lom nhìn ông bằng ánh mắt thờ ơ nham hiểm. Bà già có lẽ không nhìn được rõ lắm, căn cứ theo cách bà ngúc ngoắc cái đầu. Tóc bà trắng như cước, khoác một cái áo hoa mặc trong nhà. Tiến sĩ Burrows đoán bà già ít nhất trên tám chục tuổi. Không thể nghĩ ra được cớ gì để giải thích tại sao hay làm cách nào mà ông lại có mặt ở đó, Tiến sĩ Burrows nói: - Ơ... Roger Burrows, hân hạnh được gặp bà. Nét mặt của bà già bỗng nhiên thay đổi. - Ôi, Tiến sĩ Burrows, ông ghé qua đây quả là tử tế. Đúng là một ngạc nhiên thú vị. Bản thân Tiến sĩ Burrows cũng ngạc nhiên, và không phải không bối rối: - Vâng... Ơ... À, tôi tình cờ đi ngang qua đây. - Ông quả là lịch sự. Thời nay hiếm gặp người lịch sự như thế. Ông đến thăm thật quý hóa. Ông ngập ngừng đáp lại: - Ơ... không có chi. Tôi rất vui mừng. - Chẳng là hơi neo đơn, chỉ có mấy con mèo để hủ hỉ. Ông vào nhà uống trà nhé? Ấm nước đang sôi. Tiến sĩ Burrows còn đang lưỡng lự - ông đã nhắm trước chuyện sẽ phải nhanh chóng vọt qua bức tường đào tẩu khi nhác thấy bà già. Sự tiếp đón nồng hậu và hiếu khách này thật là ngoài sự mong đợi. Không biết nói sao, ông chỉ gật đầu rồi bước tới trước, giầy của ông lại giẫm phải một cái đĩa khác, làm văng nước bên trong đĩa lên ống quần của ông. Ông dừng bước để gỡ một cục rêu nhớt dính vào vớ. Bà già nói: - Ôi, Tiến sĩ Burrows, cẩn thận nhé. Tôi đặt mấy đĩa đó cho chim ấy mà. Bà quay đi, đám mèo tùy tùng phóng vọt vô bếp trước. - Sữa hay đường? - Vâng. Tiến sĩ Burrows nói, vẫn đứng bên ngoài cửa nhà bếp trong khi bà già lăng xăng quanh bếp, lấy ấm trà trên kệ xuống. - Tôi xin lỗi là đã đến mà không báo trước như vầy. Tiến sĩ Burrows nói trong nỗ lực khỏa lấp sự im lặng. - Bà thiệt là tử tế. - Ấy chớ, ông mới là người tử tế. Tôi phải cám ơn ông. - Sao vậy? Ông phát cà lăm, vẫn còn bấn loạn tìm cách biết được chính xác bà già này là ai. - Vì lá thư rất lịch sự của ông đấy. Bây giờ tôi đọc không được rõ như xưa nữa, nhưng ông Embers đọc dùm. Bỗng nhiên đâu đó rõ như ban ngày và Tiến sĩ Burrows thở phào nhẹ nhõm, màn sương mù mờ được làn gió mát hiểu ra thổi tan biến. - Trái cầu phát sáng! Thưa bà Tantrumi, cái đó chắc chắn là một mẫu vật đáng tò mò. - A, hay thế cơ? - Có lẽ ông Embers đã nói với bà là nó cần được kiểm tra. Bà nói: - Vâng. Chúng ta không muốn mọi người đều bị radio điều khiển, nhỉ? - Không ạ. Tiến sĩ Burrows tán đồng, cố gắng không mỉm cười. - Chẳng được việc lắm. Bà Tantrumi à, lý do tôi ghé qua là... Bà già nghiêng đầu sang một bên, hồi hộp chờ ông nói tiếp trong khi tay vẫn khuấy trà. Ông đành nói nốt: - ... À, tôi mong bà có thể chỉ cho tôi chỗ bà đã tìm ra nó. - Ấy không, nào phải tôi – chính là những người thợ gas ấy. Bánh bông lan hay kem trứng? Bà nói, vừa đưa ra một hộp thiếc méo mó đựng bánh. - Ơ... xin bánh bông lan ạ. Bà nói là mấy người thợ gas tìm ra nó à? - Chính họ đấy. Ngay bên trong tầng hầm. - Dưới đó? Tiến sĩ Burrows hỏi, nhìn về phía cánh cửa mở ở dưới chân của một cái cầu thang ngắn. - Bà cho phép tôi ngó qua một cái được không? Ông nhét cái bánh bông lan vô túi áo khoác vì phải đối phó với mấy bậc cầu thang bằng gạch mốc rêu. Khi đã bước qua ngưỡng cửa ông có thể thấy tầng hầm được chia làm hai phòng. Phòng đầu tiên để trống, chỉ có mấy cái đĩa đựng đồ ăn cực kỳ đen và khô cho mèo, dây thun rơi vãi khắp sàn. Ông bước qua phòng thứ hai, nằm dưới phần trước của căn nhà. Nó gần giống như phòng thứ nhất, ngoại trừ ánh sáng trong phòng này kém hơn và có thêm một số bàn ghế. Khi đảo mắt nhìn quanh ông thấy một cái dương cầm dựng đứng ở một góc, coi bộ sắp rã rời từng mảnh vì ẩm mục, và khuất trong góc tối là một tủ quần áo có mặt gương bể. Ông mở cánh cửa tủ ra và đứng lặng. Ông hít hửi nhiều lần, nhận ra cùng một mùi ẩm mốc mà ông đã ngửi thấy ở gã đàn ông đụng phải trên đường và ở ống thông gió trong ngôi nhà của Penny Hanson. Khi mắt ông đã quen với bóng tối ông có thể thấy bên trong tủ có nhiều chiếc áo khoác – theo như ông có thể phân biệt thì chúng đều màu đen – và khá nhiều những chiếc mũ kết dẹp và nhiều thứ đội đầu khác nhau chất chồng trong một ngăn tủ ở một bên. Điều đáng chú ý là bên trong tủ quần áo không có vẻ lộm cộm như mọi thứ chung quanh, cái nào cũng bị phủ một lớp bụi dày. Hon nữa, khi ông xê dịch nó ra khỏi tường để coi có cái gì sau lưng tủ không thì cái tủ hóa ra là còn tốt một cách lạ lùng. Không kiếm ra gì cả phía sau tủ, ông hướng sự chú ý trở vào bên trong tủ. Bên dưới ngăn đựng mũ ông tìm thấy một ngăn kéo nhỏ hé mở. Bên trong có năm hay sáu cặp kính, cầm một cặp kính và lấy một cái áo khoác ra khỏi móc treo áo ông đi trở lên khu vườn. Từ dưới chân cầu thang ông gọi: - Bà Tantrumi ơi! Bà già đủng đỉnh đi tới cửa nhà bếp. - Bà có biết là trong tủ áo dưới tầng hầm còn có vài thứ đồ đạc không? - Thế ư? - Vâng, một số áo khoác và kính râm. Có phải của bà không? - Không, tôi ít khi nào đi xuống dưới. Nền mấp mô quá. Ông có thể đem chúng lại gần hơn để tôi nhìn thử xem. Ông đi lại gần cửa bếp. Bà đưa tay ra để lướt mấy ngón tay vào lớp vải áo khoác như thể bà đang vuốt ve cái đầu của một con mèo thân quen. Cảm giác dày và bóng, bà thấy cái áo khoác này thật lạ lẫm. Kiểu ráp áo đã xưa với một miếng đắp vai bằng chất liệu vải còn dày hơn nữa. Bà nói cho qua chuyện rồi quay lại nhà bếp: - Tôi không thể nói là trước đây tôi đã từng thấy cái này. Có thể là chồng tôi, Chúa phù hộ linh hồn ông ấy, đã bỏ chúng dưới đó. Tiến sĩ Burrows xem xét kỹ cặp kính râm. Nó gồm hai miếng kính dày và phẳng lì, hầu như bằng thủy tinh đục, tương tự kính bảo hộ của thợ hàn, với những lò xo tinh xảo kỳ lạ ở hai bên gọng kính, rõ ràng để giữ kính bám gọn vào đầu người đeo. Ông đâm ra thắc mắc. Tại sao những người lạ cất giữ đồ đạc riêng trong một cái tủ quần áo hết xài trong một tầng hầm bỏ trống? - Có ai đến đây không bà Tantrumi? Tiến sĩ Burrows hỏi trong lúc bà rót trà bằng bàn tay run lẩy bẩy, cái vòi ấm trà chạm lanh canh vào miệng cái tách dữ dội đến nỗi ông tưởng bà sắp hất luôn cái tách ra khỏi cái đĩa. Tiếng lanh canh tạm ngưng khi bà tỏ ra bối rối. Bà nói, như thể Tiến sĩ Burrows vừa giả định rằng bà làm điều gì đó không được đứng đắn lắm. - Tôi thật tình không hiểu ông ngụ ý gì? - Chẳng qua là vì tôi vừa thấy vài nhân vật kỳ quái lẩn quẩn quanh khu phố này – luôn mặc áo khoác to và đeo kính râm, giống những thứ này... Bà già lộ vẻ lo lắng khiến Tiến sĩ Burrows ấp úng. - Ôi, tôi mong những người đó không phải là hạng tội phạm người ta hay nghe nói. Tôi chẳng còn thấy an ninh ở đây nữa – Tuy là ông Oscar bạn tôi rất tử tế. Hầu như chiều nào ông cũng đến thăm tôi. Ông thấy đó, tôi chẳng còn ai là thân thích nữa, chẳng còn gia đình. Con trai tôi đã đi Mỹ, ông biết đấy. Nó là đứa con trai giỏi giang. Công ty nó làm việc đã đưa nó và vợ nó đi... - Vậy là bà chưa từng gặp những người mặc áo khoác như vầy – những người đàn ông tóc trắng? - À, không hề, không thể hiểu là ông đang nói về cái gì. Bà già nhìn ông dò hỏi, rồi tiếp tục rót trà. - Mời ông vào và ngồi chơi. - Tôi cất những thứ này đã. Tiến sĩ Burrows nói rồi quay trở xuống tầng hầm. Trước khi rời khỏi tầng hầm ông không thể đừng kiểm tra nhanh cái dương cầm, nhấc cái nắp đàn lên, ấn thử vài phím, gây nên vài âm thanh từng tưng rè rè và hoàn toàn lạc tông. Ông thử kéo nó ra khỏi tường, nhưng nó kêu rít lên và dọa rã ra từng mảnh, nên ông dừng tay lại. Sau đó ông đi vòng quanh cả hai căn phòng dưới tầng hầm, giẫm giẫm chần xuống nền hầm, hy vọng phát hiện ra một cái cửa sập. Ông cũng làm vậy trong khu vườn nhỏ, giẫm giẫm chân quanh bãi cỏ đồng thời tránh giẫm lên mấy cái đĩa nhựa, và luôn tò mò để mắt đến chiếc xe hơi của bà Tantrumi. Ở đầu kia của thành phố, Chester và Will đã trở lại đường hầm trong khu Bốn chục Hố. - Ba mày nói sao? Ổng cho là tụi mình đã tìm được cái gì? Chester hỏi trong lúc Will dùng một cái vồ và một cái dùi để khượi ra lớp hồ giữa những viên gạch của cái cấu trúc chưa xác định được. - Cha con tao đã coi lại mấy tấm bản đồ và thấy không có gì trên đó. Will nói dối vì hồi tối nó đi ngủ trước khi Tiến sĩ Burrows ra khỏi tầng hầm, và trước khi Will thức dậy vào buổi sáng thì ông đã ra khỏi nhà. - Không có ống cấp nước hay cống tháo nước hay bất cứ cái gì trong khu vực này. Will nói tiếp, cố gắng thuyết phục Chester. - Mày biết không, gạch xây rất chắc – cái này xây để đời. Will đã gỡ ra được hai lớp gạch, nhưng vẫn chưa đục thủng tường. Will nói, ra sức gấp đôi đục bức tường gạch, - Nghe đây: nếu tao sai vụ này và cái gì đó ào ra, mày hãy liệu làm sao ra được tới phía bên kia của căn phòng lớn. Dòng chảy sẽ đưa mày lên tới cửa hầm. - Cái gì? Chester hỏi lại ngay. - Một dòng chảy... đưa tao lên hả? Tao không thích nghe cái điệu đó chút nào. Tao dông đây. Nó quay đi, dừng bước một chút như thể chưa dứt khoát, rồi quyết định và đi về phía gian phòng chính, vừa đi vừa lầm bầm một mình. Will chỉ nhún vai. Không có chuyện nó sẽ ngừng lại, nhất là khi có khả năng nó sẽ đưa ra ánh sáng một bí mật kỳ diệu nào đó, một bí mật quan trọng đến nỗi cha nó phải sửng sốt, và chính nó đã một mình khám phá ra. Và sẽ chẳng có ai ngăn được nó, kể cả Chester. Will lập tức tiếp tục đục quanh một viên gạch khác, khượi từng mẩu vụn hồ vữa sát mép viên gạch. Thình lình, một phần hồ bỗng nổ bụp thành một tiếng xì hơi, và một mảng hồ bắn xuyên thẳng qua hai bàn tay đeo găng của Will như một viên đạn đá chạm vào bức tường đường hầm sau lưng nó. Nó làm rớt dụng cụ và ngã ngửa ra nền đất kinh ngạc. Nó lúc lắc đầu, lồm cồm đứng dậy, bắt tay vào công việc gỡ viên gạch, và làm xong trong vòng vài giây. Will gọi: - Ê, Chester! - Hả? Cái gì? Giọng Chester cộc cằn vang lại từ gian phòng chính. - Cái gì hả? - Không có nước! Will hét trả lại, giọng nó dội lại âm hưởng kỳ cục. - Lại đây mà coi! Chester bất đắc dĩ lần ngược lại dấu chân của nó. Nó thấy Will quả thật đã đục thủng bức tường, và đang áp mặt nó vào cái lỗ hổng nó vừa đục ra, hít hửi không khí. Will nói: - Chắc chắn đây không phải là ống cống, nhưng nó đã bị nén khí. - Có thể là một ống dẫn khí chăng? - Không, chẳng có mùi như vậy, với lại nó được làm bằng gạch mà. Ước chừng theo tiếng vọng thì nó sâu rộng lắm. Mắt Will lóe lên tia sáng cảnh giác. - Tao biết là tụi mình bắt được cái gì đó. Mày lấy dùm tao cây đèn cầy và cây roi sắt ở gian phòng lớn, được không? Khi Chester quay trở lại, Will thắp cây đèn cầy khá xa cái lỗ rồi giơ nó ra trước mặt, chầm chậm tiến càng lúc càng gần cái lỗ, cứ mỗi bước chân lại chăm chú quan sát ngọn đèn cầy. Chester quan sát như bị thôi miên. Nó hỏi: - Làm vậy để chi? Will trả lời một cách đơn giản: - Nếu có khí mày sẽ nhận thấy cách đèn cháy có khác đi. Khi người ta phá mộ Kim Tự Tháp người ta cũng làm như vầy. Nhưng chẳng có thay đổi gì trong ánh đèn bập bùng khi Will cầm đèn tới gần hơn, rồi giơ thẳng tới trước, đưa vào lỗ trống. - Coi bộ tụi mình an toàn rồi. Will nói khi nó thổi ngọn đèn cầy và với lấy cây roi sắt mà Chester đã đặt tựa vào vách đường hầm. Nó cẩn thận kéo thẳng cây roi ba thước đưa vào cái lỗ rồi nhét roi qua, ấn cây roi đến khi chỉ còn thò ra một khúc ngắn giữa hai viên gạch. - Nó không chạm vô cái gì hết - cái này bự lắm. Will nói vẻ phấn khích, càm ràm vì ráng sức khi kiểm tra chiều sâu bằng cách thòng một đầu roi xuống đu đưa. - Nhưng tao nghĩ tao có thể cảm nhận được cái có thể là đáy. Được, tụi mình banh cái lỗ này rộng ra chút nữa. Hai đứa cùng làm và chỉ lát sau đã gỡ ra được đủ số gạch để Will thò đầu qua trước mà trượt xuống. Nó đụng đáy kèm một tiếng rên tắc nghẹn. Chester gọi: - Mày có sao không, Will? - Không sao, chỉ té một phát. Will đáp. - Mày thò chân qua trước, tao sẽ đỡ mày xuống. Chester chui qua lọt sau khi cố gắng hết sức, vai nó rộng hơn vai Will. Khi Chester đã vô được bên trong, cả hai đứa nhìn quanh quất. Đó là một căn phòng bát giác, mỗi bức tường dựng theo tám cạnh uốn cong lên trên để hội tụ ở điểm trung tâm phía trên đầu tụi nó khoảng sáu mét. Ở điểm hội tụ có cái gì đó giống như một hoa hồng chạm trổ từ đá. Hai đứa giơ đèn lên soi với vẻ tôn kính lặng lẽ, thưởng ngoạn công trình xây bằng gạch hoàn hảo này với những trang trí hình chuỗi hạt Gô-tích[3]. Sàn cũng được lát kiểu gạch đấu đầu nhau. Chester thì thầm: - Kinh thật! Ai mà ngờ được một phát hiện như vầy! Will nói: - Giống như một hầm mộ nhà thờ, đúng không? Nhưng điều lạ lùng nhất là… - Gì? Chester rọi đèn vào Will. - Nó hoàn toàn khô khốc. Và không khí cũng có mùi như hăng hắc. Tao không chắc… Chester đột ngột nói, vừa rọi đèn chung quanh sàn rồi hướng ánh sáng lên bức tường gần nó nhất. - Mày thấy cái này chưa, Will? Có gì đó được ghi trên gạch. Viên nào cũng có! Will lập tức xoay vòng để nghiên cứu bức tường gần nó, đọc những chữ viết kiểu Gô-tích được khắc công phu trên mặt mỗi viên gạch. - Mày nói đúng. Những chữ này là tên: James Hobart, Andrew Kellogg, William Butts, John Cooper... Chester nói: - Simon Jennings, Daniel Lethbridge, Silas Samuels, Abe Winterbotham, Caryll Pickering... phải có tới cả ngàn cái tên trong này. Will rút từ thắt lưng nó ra một cái vồ nhỏ, bắt đầu gõ lên tường, lắng nghe âm thanh để xem có dấu hiệu nào của một chỗ rỗng, hay một đường hầm tiếp giáp nào không. Nó gõ ra vẻ có phương pháp lắm, được hai bức tường trong số tám bức, thì không rõ vì lý do gì nó bỗng nhiên ngừng. Nó vỗ một bàn tay lên trán, nuốt nước miếng một cách khó khăn. Nó hỏi Chester: - Mày có cảm thấy vậy không? Chester tỏ ra đồng cảm, chọc một ngón tay đeo găng vào lỗ tai. - Ừ, lỗ tai tao lùng bùng. Giống như khi máy bay cất cánh. Cả hai đứa cùng im lặng, như thể chờ đợi điều gì đó sắp xảy ra. Tụi nó cảm thấy một cơn chấn động, một âm vọng không nghe rõ, giống như một nốt trầm của cây đàn organ – đang gia tăng bập bùng, dường như ngay trong đầu tụi nó. Chester nhìn bạn nó, dứt khoát nói: - Tao thấy tụi mình phải ra khỏi đây. Nó nuốt nước miếng, bây giờ không phải vì lùng bùng lỗ tai nữa, mà vì những cơn buồn nôn đang trào lên trong bụng nó. Lần này, chỉ một lần này, Will không bất đồng ý kiến. Nó há miệng hớp hơi, thốt được một tiếng “ừ”, mắt chớp chớp vì không còn nhìn rõ trước mắt nữa. Cả hai lật đật trèo ngược lên lỗ hổng, rồi chạy về gian phòng lớn ngồi phịch xuống hai cái ghế bành. Cái cảm giác khó chịu không giải thích được chấm dứt ngay khi tụi nó ra khỏi căn hầm bất giác, mặc dù lúc đó tụi nó không nói gì với nhau về chuyện đó. Chester há rộng miệng để giãn quai hàm, áp hai bàn tai lên hai tai, hỏi: - Cái gì ở trong đó hồi nãy? Will trả lời: - Tao không biết. Tao sẽ kêu ba tao xuống coi – Ba có thể giải thích. Chắc là áp suất tích tụ hay gì đó. - Mày có thực sự tin đó là một hầm mộ, bên dưới một nhà thờ hồi xưa không... Tất cả những cái tên đó là sao? Will đăm chiêu suy nghĩ, trả lời: - Có thể. Nhưng ai đó, nghệ nhân hay thợ đá, đã xây nó rất kỹ lưỡng, không để dư chút đầu thừa đuôi thẹo nào khi xong việc, rồi phong kín nó cũng rất kỹ. Mắc gì ai đó phải mất công làm như vậy chứ? - Mày nói phải, tao đã không nghĩ tới điều đó. - Và không có lối ra vô nào hết. Tao không tìm ra dấu vết nào của hành lang liên kết – không một cái nào. Một căn phòng độc lập khắc đầy những cái tên, giống như một kiểu bia tưởng niệm hay gì đó. Will trầm ngâm, trông ngố hết chỗ nói. - Bây giờ tụi mình làm gì nữa đây? """