🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Abramovich - Nhân Vật Quyền Lực Bí Ẩn Của Điện Kremlin Ebooks Nhóm Zalo Dominic Midgley & Chris Hutchins ABRAMOVICH Nhân vật quyền lực bí ẩn của điện Kremlin Bản quyền tiếng Việt © 2010 Công ty Sách Alpha NHÀ XUẤT BẢN THỂ DỤC THỂ THAO Contents ABRAMOVICH Nhân vật quyền lực bí ẩn của điện Kremlin Tỷ phú đến từ hư vô Vị tỷ phú bí ẩn nhất nước Nga Chương 1. Đứa con của Thánh Chương 2. Trưởng thành Chương 3. Trúng mánh Chương 4. Cậu bé mồ côi gia nhập nhóm “Gia đình” Chương 5. Sự bành trướng thô bạo Chương 6. Tham gia chính trường Chương 7. Vương quốc Siberia Chương 8. Một dân tộc đặc biệt Chương 9. Bán hết tài sản Chương 10. Ngài Chelski Chương 11. Đội quân áo đỏ tiến lên! Chương 12. Đội bóng mơ ước Chương 13. Nơi cuộc sống thảnh thơi Chương 14. Độc giả áo choàng xám Chương 15. Dấn bước Chương 16. Thành lập Yuksi Chương 17. Cái giá của sự giàu có Chương 18. Một mùa giải trắng tay Lời bạt. Tương lai về đâu Tỷ phú đến từ hư vô Nhà báo Phan An Báo Thể thao và văn hóa Những câu chuyện về các tỷ phú luôn hấp dẫn, nhưng Roman Abramovich là một trường hợp đặc biệt hơn tất thảy. Bạn đọc sẽ rõ từ khi lật giở những trang viết đầu tiên. Đây không phải là một cuốn sách tiểu sử thông thường được viết ra một cách tường minh như tự truyện về Bill Gates hay Steve Jobs, mà là sản phẩm của một quá trình thu lượm công phu mang hơi hướm điều tra. Nhóm tác giả thậm chí đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin từ nhân vật chính, và phải vượt qua nhiều trở ngại để có thể vẽ ra một chân dung tương đối vể Abramovich, một tỷ phú, đúng như tên của cuốn sách, bước ra từ hư vô. Cuốn sách này giống như một món ăn mà ăn mãi vẫn thòm thèm, vì ngay cả trong những trang viết khá rõ ràng, tác giả vẫn khiến bạn đọc phải nhăn trán vì hoài nghi. Abramovich ẩn hiện từ đầu đến cuối sau một lớp màn sương, với nụ cười mỉm và ánh mắt ít khi nhìn thẳng vào người đối diện. Một nhân vật tưởng ở ngay trước mắt, mà luôn bí ẩn và không thể nắm bắt. Bí ẩn đến nỗi mà năm 1999, một tờ báo ở Nga đã phải treo giải một triệu rúp cho bất kỳ ai chụp được bức ảnh nào của Abramovich. Sản phẩm “ra lò” sau đó không lâu, và dù chỉ là một bức ảnh mờ, vẫn được các tờ báo Nga dùng đi dùng lại trong một thời gian dài. Trong mắt những cổ động viên bóng đá, Abramovich là một tỷ phú hào phóng, người đã mua lại Chelsea và biến nó thành một đội bóng chiến thắng trong một thập kỷ qua. Với những thầy cô giáo và bạn học ở trường cấp hai cũ, ông là một người gần gũi và có lòng biết ơn, đã đóng góp rất nhiều tiền để xây dựng lại ngôi trường trong nhiều năm. Nhưng đối với các công nhân của các khu khai thác dầu mỏ, Abramovich là một ông chủ khắc nghiệt và chỉ biết tận thu sức lao động của người làm thuê. Với hai người vợ cũ, ông thậm chí là một kẻ phản bội. Với các đối thủ trên thương trường, và thậm chí là với chính người đã dẫn dắt Abramovich vào điện Kremlin, Boris Berezovsky, ông là một con người tàn nhẫn. Bạn đọc cũng sẽ luôn phải tự hỏi rằng tại sao người đàn ông lại thành công đến thế. Abramovich mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới một tuổi rưỡi, không phải một học sinh xuất sắc ở trường, có cá tính mờ nhạt và bắt đầu sự nghiệp bằng nghề… buôn búp bê. Ngay cả trong giai đoạn thành công rực rỡ, chúng ta cũng sẽ không tìm thấy bất cứ chi tiết nào lộ liễu của ông. Abramovich luôn có ý thức giấu mình, và những gì viết trong cuốn sách không phải chỉ dẫn, mà là sự gợi mở. Điều thú vị là mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau khi đọc sách, và tự tìm ra lý giải cho riêng mình. Chelsea chỉ là một phần trong thế giới bí ẩn và thành công của Abramovich. Ông không chỉ là một tỷ phú giàu có và một ông bầu thể thao thành công, mà còn là một “chính trị gia ngầm”, như lời một bình luận trong cuốn sách. Bạn đọc cũng sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của nước Nga vào giữa thập niên 1990, khi chính sách tư nhân hóa các công ty nhà nước của cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã tạo điều kiện cho một loạt những tài phiệt như Abramovich ra đời. Nhưng trong “cuộc chiến” sinh tồn khắc nghiệt với các chính trị gia, chính con người có vẻ khiêm tốn và không hề thủ đoạn như Abramovich là người trụ lại được. Boris Berezovsky treo cổ tại Anh vào tháng Ba, sau một thời gian lưu vong vì bất đồng chính kiến với chính quyền Putin. Mikhail Khodorkovsky, từng một thời là người giàu nhất nước Nga, sẽ ra tù vào tháng Mười năm nay. Abramovich thì trở thành một trong những tỷ phú Nga nổi tiếng nhất thế giới vào thời điểm này, nhờ Chelsea, một sự “bảo hiểm an toàn nhất”. Ông nhận thức rõ rằng các chính trị gia cũng là ông chủ của các nhà tù, và luôn giữ một khoảng cách khôn ngoan với họ. Cuối cùng, bạn đọc không cần phải là một cổ động viên bóng đá mới đọc được cuốn sách này, dù nó cung cấp rất nhiều chi tiết hấp dẫn về cách Abramovich đã thâu tóm và đưa Chelsea trở thành một siêu cường bóng đá châu Âu như thế nào. Đây không phải là một cuốn sách dạng tu thân như những tự truyện về tấm gương của các tỷ phú. Nó chỉ viết về một trường hợp đặc biệt mà nếu chỉ đọc thoáng qua, bạn có thể nghĩ rằng Abramovich thành công hoàn toàn là nhờ may mắn. 337 trang sách sẽ dẫn dắt bạn vào một câu chuyện giàu chất “đời” và đáng tin cậy đến nỗi khi đọc xong, bất cứ ai cũng có thể cảm thấy trong bản thân mình có một phần của Abramovich. Không một chi tiết nào trong sách cho thấy những phẩm chất phi thường của Abramovich, nhưng ông đã, đang và có lẽ sẽ còn làm nên những điều phi thường. Bạn sẽ còn phải đọc lại nó nhiều lần, để kiểm chứng, thậm chí là trăn trở, không chỉ về bóng đá, mà còn về một cuộc đời đặc biệt. Của một người có tên Roman Abramovich. Vị tỷ phú bí ẩn nhất nước Nga Roman Abramovich, một thành viên bí ẩn của điện Kremlin, lần đầu tiên được công chúng Nga biết đến rộng rãi vào năm 1998, khi ông được mô tả là “hầu bao” của Boris Yeltsin, Tổng thống đương nhiệm khi đó, trong chuyên mục Chuyện đương thời của tạp chí Itogi do nhà bình luận kinh tế Yevgeni Kiselev phụ trách. Trước đó, Abramovich đã nhiều lần được xếp hạng tỷ phú chứng khoán. Khi tin tức về sự giàu có tột bậc của ông được lan truyền thì truyền thông bắt đầu tỏ ra quan tâm hơn. Chỉ có một vấn đề duy nhất: làm sao họ có thể kể các câu chuyện về nhân vật vốn được coi là một ông trùm bí ẩn này? Cho đến năm 1999, chưa có một tờ báo hay đài truyền hình nào có ảnh của Abramovich. Sau khi chán ngán với những bức phác họa chân dung không rõ ràng của ông, một tờ báo quyết định tung tiền để có được những bức ảnh tốt hơn. Tờ báo này trao giải một triệu rúp cho bất kỳ ai cung cấp một bức ảnh của nhà buôn quyền lực bí ẩn này. Giải thưởng này đã có hiệu quả, mang lại cho công chúng một bức ảnh không sắc nét của Abramovich mà báo chí Nga sau đó đã sử dụng trong nhiều tháng liền. Đến lúc này, cố vấn quan hệ công chúng của Abramovich, một người Anh tên là Gregory Barker, hiện là nghị sĩ, thành viên đảng Bảo thủ Anh, đã cố gắng thuyết phục ông chụp “một bộ ảnh đẹp” vì cuối cùng, nếu Abramovich không thể né tránh sự quan tâm của công chúng thì tốt hơn nên giới thiệu một hình ảnh càng tử tế càng tốt. Abramovich tìm đến Yuri Feklistov, một nhiếp ảnh gia của tờ tuần san Nga Ogonyok. Feklistov được Abramovich “chọn mặt gửi vàng” nhờ vào mối quan hệ bạn bè với Valentin “Valya” Yumashev, một phóng viên viết hồi ký cho Boris Yeltsin và sau này kết hôn với con gái Tatyana của vị Tổng thống này. Gia đình Yumashev đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp cho Abramovich và họ đã trở thành bạn bè thân thiết từ năm 1996. Còn Valya và Yuri thì đã quen biết nhau 20 năm kể từ khi cùng làm việc ở tờ Komsomolskaya Pravda và nhờ người bạn cũ này, Feklistov đã trở thành nhiếp ảnh gia ruột của Abramovich. Ngoài chụp hình cho Abramovich ở nhà và ở văn phòng tại Moscow, ông còn tháp tùng gia đình ông trùm này đi nghỉ ở Scandinavia, miền nam nước Pháp và đến tỉnh Chukotka, nơi Abramovich trúng cử vị trí Tỉnh trưởng năm 2000. Nhờ vậy, nước Nga và thế giới đã biết đến hình ảnh Abramovich trong nhiều hoạt động khác nhau. Nếu cần có những bức hình về một Abramovich đang nghỉ ngơi, giải trí thì vị nhiếp ảnh gia chụp cảnh ông đi câu cá hồi ở Na Uy, lái tàu ở Địa Trung Hải, tắm nắng với vợ và thư giãn cùng các con. Nếu bạn cần hình ảnh một Abramovich gắn với thế lực chính trị, thì có những bức hình ông đang xem xét các loại giấy tờ trước lò sưởi trong văn phòng, đang vận động tranh cử ở Chukotka, đang trao đổi với các ông trùm khác hoặc đang tản bộ với Tổng thống. Mặc dù đã lộ diện nhiều hơn, người đàn ông đằng sau chiếc mặt nạ này vẫn rất khó nắm bắt. Feklistov có thể bấm máy chụp Abramovich trong những khung cảnh đẹp và các phóng viên ảnh có thể ghi hình ông tại các sự kiện công cộng nhưng thu xếp được một cuộc phỏng vấn ông trùm này vẫn chẳng dễ dàng hơn chút nào. Mặc dù có vị thế là người giàu nhất nước Anh, nhưng Abramovich hạn chế xuất hiện trước công chúng đến mức mà trong một thời gian dài, cuộc phỏng vấn do phóng viên Steve Rosenberg của đài BBC thực hiện tại tư dinh của Abramovich ở Chukotka đã trở thành cảnh quay chính của mọi cuốn phim tài liệu sau đó. Với báo chí Anh, Abramovich cũng không rộng lượng hơn. Một năm sau khi tiếp quản Câu lạc bộ bóng đá Chelsea tháng 7/2003, ông mới chỉ cho phép một tờ báo thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Tất cả các câu hỏi của báo chí đều được chuyển đến John A. Mann II, chức danh chính thức là Giám đốc Quan hệ Đầu tư của Sibneft, công ty dầu lửa giúp xây dựng nền tảng cho cơ nghiệp của Abramovich. Đó là một người Mỹ gốc Phi nhã nhặn (không có nhiều người như vậy ở Moscow), từng là Phó Chủ tịch của Burson Marsteller, một mạng lưới quan hệ công chúng (PR) toàn cầu. Trước khi đảm nhiệm chức vụ này ở Moscow, Mann, khoảng hơn 30 tuổi, đang làm việc ở thủ đô Almaty của Kazakhstan và lấy vợ là người địa phương. Nhưng Mann không phải là bạn thân của Abramovich. Nhiều tuần liền anh không hề được giáp mặt ông chủ của mình và cũng không đủ khả năng khuyến nghị Abramovich tiết lộ nhiều hơn về bản thân. Mann còn nhớ một giai thoại khá bí mật về thái độ của Abramovich trước những câu hỏi về thời thơ ấu. Khi Mann chuyển cho Abramovich một danh sách các câu hỏi về vấn đề này, ông trùm người Nga chỉ liếc qua rồi mỉm cười, xé tờ giấy làm đôi và ném vào thùng rác. Có thể nói, chắc chắn là bất kỳ ai đọc cuốn sách này trước John Mann cũng sẽ biết nhiều về ông chủ của Mann hơn chính anh. Bề ngoài, Abramovich không gây ấn tượng lắm. Thực tế, ông không cao hơn Irina, người vợ thứ hai là bao. Trong khi đó, Irina cũng chỉ cao 1m58, vừa đủ đáp ứng tiêu chuẩn tiếp viên hàng không của hãng Aeroflot. Ông không thích nhìn vào mặt người đối diện. Điều đó khiến người ta nghĩ ông khiêm tốn, thậm chí là rụt rè. Cảm giác này càng dễ đến khi nhìn vào bộ râu quai nón được tỉa tót một cách khéo léo của ông. Rõ ràng chi tiết này khiến ông không giống với các tỷ phú khác. Ông cũng không phải là người sành thời trang, chỉ thích mặc những chiếc quần jean và áo khoác blazer được thiết kế giản dị nhưng rất đắt đỏ hoặc những bộ comple được cắt may tinh tế kết hợp với áo sơ mi hở cổ. Một trong những dịp hiếm hoi mà người ta thấy ông đeo cà vạt là khi tuyên thệ nhậm chức Tỉnh trưởng Chukotka tháng 1 năm 2001. Lớp nhà giàu mới nổi ở Nga nổi tiếng về phong cách thô kệch và quá đà, nhưng Abramovich lại tỏ ra là một ngoại lệ. Ông đã dùng hàng chục triệu để sắm một đoàn du thuyền (ông đã mua hai du thuyền còn chiếc thứ ba thì đang được hoàn thiện) và sống xa hoa ở Moscow, London và miền nam nước Pháp. Tuy nhiên, ông không hề bị dính tin đồn nào về những buổi tiệc đêm đầy sâm panh và cocaine với các “người mẫu”. Những thói xấu của ông chỉ là thói quen thi thoảng uống một cốc rượu vang đỏ (chứ không phải vodka) và đôi lúc rít một tẩu thuốc lá. Vợ ông luôn bên cạnh ông trong nhiều trận đấu của Chelsea còn ông thì thường chụp ảnh với con cái của mình. Một trong những bức ảnh mà ông rất thích là bức ảnh chụp ông một tay ôm vai người con cả Arkady, một tay cầm một bó hồng lớn đi vào MES (Trường Kinh tế Moscow) trong ngày đầu tiên của cậu bé ở trường trung học. Về phần mình, Irina tỏ ra hài lòng với vai trò nội trợ. Khi họ gặp nhau, Irina đã 23 tuổi nhưng trông có vẻ chỉ mới 17. Larissa Kurbatova, đồng nghiệp của Irina ở hãng hàng không Aeroflot nhận xét: “Cô ấy là một mỹ nhân với cặp mắt to màu xanh, sống mũi thẳng và đôi môi gợi cảm”. Bây giờ, Irina đã bước vào tuổi 36, đã kết hôn được 13 năm và đã sinh cho Abramovich 5 đứa con. Một người bạn của cặp đôi này cho biết họ đặt mục tiêu có 9 người con. Irina muốn tập trung nuôi dạy con cái hơn là tạo sự nghiệp cho riêng mình. Vì vậy cô quyết định tham dự một khóa học về lịch sử nghệ thuật ở Đại học Moscow. Một người bạn của gia đình Abramovich cho biết: “Trong các chuyến đi nước ngoài, họ đến thăm nhiều triển lãm nghệ thuật và Irina muốn giải thích được cho bọn trẻ về mọi thứ ở đó.” Mặc dù rất giàu có, nhưng Abramovich vẫn thích con cái được gần gũi mẹ hơn những người trông trẻ. Thái độ của ông về việc này đôi khi hơi cực đoan. Một lần, Irina muốn tháp tùng chồng tới một buổi biểu diễn đắt khách của Cesaria Evora, một ca sĩ rất được yêu thích ở Nga, tại nhà hát Vasiliev, Moscow. Vì đã biết rằng Irina rất muốn đi xem nên bạn bè cảm thấy rất bất ngờ khi cô lại ở nhà để chăm sóc con cái mặc dù một người trong Ban tổ chức đã dành riêng 20 vé cho công ty dầu lửa Sibneft theo yêu cầu của Abramovich. Thậm chí, có người còn nói Irina thích những chú chó đồ chơi hơn cả đồ trang sức. Irina thực sự là niềm mơ ước của nhiều đấng mày râu. Abramovich rất quan tâm đến bạn bè. Marina Goncharova, người phụ nữ làm việc cho Abramovich từ khi ông còn đang bán búp bê trong một quầy hàng ở một khu chợ Moscow cuối thập kỷ 1980, hiện vẫn đang làm việc cho ông. Ông cũng không phải là người thích tỏ ra trịch thượng. Nhân viên của ông được tự do sử dụng phòng thể dục trong trụ sở của công ty Sibneft tại Moscow. Khi không có lịch tiếp khách ăn trưa, ông thích mời đồng nghiệp ăn cùng trong phòng ăn riêng. Người ta còn thấy phong cách dân dã này ở ông khi để ý đến thành phần khách mà ông mời đến theo dõi một trận đấu của Chelsea ở sân của Newcastle United. Trong bốn người khách đó có Tatyana Dyachenko, con gái của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, người từng là một trong những chính khách quyền lực nhất ở Nga, và Christian, vị đầu bếp người Áo chuyên nướng những ổ bánh mì không men matzo mà ông ưa thích. Một đồng nghiệp thân cận của Abramovich nhận xét: “Ông ấy không thích sự thay đổi. Ông ấy thích làm việc với người quen, vì vậy ông ấy tìm cách giữ họ lại.” Abramovich không phải là người ham đọc sách. Có lần, một người khách từng đến thăm phòng làm việc tại tư gia của Abramovich ở ngoại ô Moscow nhấc một cuốn sách ra khỏi giá và phát hiện ra rằng giữa các tầm bìa chẳng có trang sách nào hết. Tất cả các cuốn sách đều chỉ có bìa và gáy, loại “sách trang trí” mà các nhà thiết kế nội thất bố trí chỉ để làm đẹp cho căn phòng. Sở thích của Abramovich những khi rảnh rỗi thực ra rất trẻ con. Ông thích câu cá, đá bóng, bowling và các trò bi-a của Nga. Khi đi xem đội Nga thi đấu với Tây Ban Nha ở Euro 2004, ông mặc áo cầu thủ Nga và đội một chiếc mũ bóng chày cùng tông màu. Ông thích đi xe máy và lái ô tô thể thao. Các du thuyền của ông có hơi hướng kiểu của James Bond, ví dụ như chiếc Pelorus dài 114m với một sân bay trực thăng, các phòng khách lộng lẫy, một phòng chiếu phim màn ảnh rộng và không dưới 4 tàu tiếp liệu dùng để đưa người từ thuyền vào bờ. Một phụ tá của ông bình luận: “Ông ấy có thứ triết lý sống mà bạn khó có thể hiểu được”. Nói tóm lại, Abramovich có vẻ là một người đàn ông của gia đình, kín đáo và nhút nhát. Thế nhưng, ông chủ mới 38 tuổi này lại kiếm được đến 7,5 tỷ bảng trong thời gian chưa đến 15 năm. Vì vậy, nhiệm vụ của cuốn sách này là lột tả cho được cá tính, phương pháp và hoài bão của Abramovich đằng sau vẻ rụt rè bề ngoài này. Theo một cựu chiến binh người Moscow thì “Tất cả bọn họ đều cùng một giuộc cả thôi.” Các tác giả của cuốn sách này nhanh chóng nhận ra Abramovich không muốn tạo thuận lợi cho công việc của họ. Alexei Venediktov, Tổng biên tập đài Tiếng vọng Moscow, một đài phát thanh có tầm ảnh hưởng lớn ở Nga, là người thường trò chuyện với ông trùm này. Trong một dịp nói chuyện với Abramovich đầu tháng 12 năm 2003, Venediktov đề cập đến việc ông sẽ gặp ăn trưa với nhóm tác giả chúng tôi ở Moscow hai ngày sau đó, Abramovich liền nói: “Anh đừng gặp họ nữa có được không?” Thật may, chúng tôi đã hứa là sẽ ăn với Venediktov ở một nhà hàng Grudia mà ông ưa thích. Sự quyến rũ của món cá tầm phết kem, salat bốn mùa và dĩ nhiên là cả cơ hội tranh luận nữa khiến ông không muốn hủy bỏ cuộc hẹn này. Thấy vậy, Abramovich tỏ ra lo lắng. Một ngày sau cuộc gặp của chúng tôi ở nhà hàng của “những người bạn thân thiết” đó, Abramovich đã gọi điện cho Venediktov để hỏi xem tình hình thế nào. “Họ hỏi anh cái gì?” Abramovich hỏi. “Mọi thứ,” Venediktov trả lời. “Thế anh kể cho họ những gì?” “Mọi thứ.” Một thoáng im lặng. “Vậy đấy, tôi muốn được đọc cuốn sách đó.” Sự dè dặt của Abramovich khi nói về quá khứ có thể do hai nhân tố chính. Một là do danh tiếng của ông: Abramovich đang là người có vai vế ở Anh, đất nước mà ông và nhiều đồng bào của ông tôn vinh là cái nôi của văn hóa và sự tinh tế. Ông có quan hệ với một số nhân vật trong giới tinh hoa của xã hội Anh, trong đó có Hầu tước Reading, nhà quý tộc Do Thái cao cấp nhất nước Anh, và Huân tước Rothschild, bạn thân của Hoàng tử xứ Wales. Mặc dù không chắc Abramovich đã từng gặp Thái tử Charles, nhưng chúng tôi biết rõ ông đã từng cho vị Thái tử này mượn trực thăng để vượt qua quãng đường 160km từ Highgrove, Gloucestershire, quê của Thái tử, tới Cowdray Park để tham gia vòng đua pô-lô dù đề nghị mượn trực thăng là do các nhà tổ chức nhân danh Thái tử, chứ không phải do chính văn phòng của Thái tử, đưa ra. Bên ngoài những phòng khách xa hoa của giới thượng lưu, Abramovich thậm chí còn nổi tiếng và được mến mộ hơn. Những người ủng hộ đội Chelsea lẽ ra đã có thể lên án cách ông đối xử với huấn luyện viên Claudio Ranieri, người bị sa thải để mở đường cho José Mourinho, huấn luyện viên của đội vô địch vòng chung kết C1 năm 2004. Thế nhưng nhiều người lại sẵn sàng đổ lỗi vụ lùm xùm đó cho Peter Kenyon, Giám đốc Điều hành của Câu lạc bộ. Họ vẫn yêu mến Abramovich bởi ông không chỉ khiến Chelsea trở thành câu lạc bộ được bàn tán nhiều nhất trong mùa giải qua (và có lẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới), mà còn giúp Chelsea lần đầu tiên đánh bại được Arsenal sau nhiều năm. Khi mọi việc đang tiến triển tốt đẹp, tại sao lại phải khơi lại quá khứ nhiều chuyện tồi tệ như chiếm đoạt cổ phiếu của công nhân, kiếm hàng tỷ đồng nhờ quá trình tư nhân hóa giả tạo, liều lĩnh pha loãng cổ phiếu và tương tự như vậy? Nguyên nhân thứ hai, Abramovich bận tâm với việc công khai tài sản chi tiết và cách thức ông kiếm được số tài sản đó sẽ tác động như thế nào đến người dân trong nước. Cử tri Nga đã thất vọng cay đắng với việc Chính phủ bán tống bán tháo các tài sản quý giá của đất nước với giá rẻ mạt. Vào lúc mà Abramovich phải chống lại những người muốn áp thuế nặng hơn hoặc thậm chí là tịch thu tài sản của các ông trùm, thì ông không hề muốn thu hút thêm sự chú ý nào của công chúng đối với cá nhân ông cả. Trong bối cảnh như vậy, không người nào sở hữu khối tài sản lớn như của Abramovich lại có thể phớt lờ chính trị. Định nghĩa của nền chính trị đầu sỏ là “cai trị bởi số ít” và số ít ở đây là những người giàu có tột bậc. Đối với họ, sẽ là hết sức nguy hiểm nếu họ không thân cận được với Tổng thống trong khi cử tri Nga đang đả đảo vì họ đã thâu tóm được quyền điều hành các ngành kinh tế chủ chốt của đất nước với cái giá bèo bọt và mạnh mẽ yêu cầu họ phải trả bớt số tài sản đó. Một doanh nhân phương Tây thạo tin làm ăn ở Moscow đã đánh giá rất sắc sảo như sau: “Để hiểu được Abramovich, bạn phải nhớ ông ấy không phải doanh nhân mà là một chính trị gia ngầm”. Người này muốn nhắc đến thực tế rằng các giám đốc điều hành và các kế toán tin cậy của Abramovich hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc quản lý hoạt động thường nhật của các công ty dầu mỏ, của một nhà máy chế biến thịt, của các công ty xe hơi… thuộc sở hữu của ông. Nhưng việc tiếp xúc, quan hệ với Chính quyền mới chính là việc cần đến tài năng đặc biệt của Abramovich. Nhiều ông trùm kém cỏi hơn, vì không được Kremlin ủng hộ nên cuối cùng đã bị tống vào tù khi Chính quyền tuyên bố tiến trình tư nhân hóa đã giúp họ kiếm được hàng triệu đô-la là bất hợp pháp. Nhiều người khác, trong đó có đối tác cũ của Abramovich là Boris Berezovsky và ông trùm truyền thông Vladimir Gusinsky, tỏ thái độ đối đầu với Putin và đã buộc phải lưu vong. Người giàu nhất trong số các ông trùm là Mikhail Khodorkovsky lại tìm cách thao túng tiến trình chính trị nhằm đạt mục đích riêng. Ông này cuối cùng đã bị bắt giữ vì những cáo buộc gian lận thuế và vào thời điểm các tác giả đang viết cuốn sách này, Khodorkovsky vẫn đang mòn mỏi đợi chờ phía sau song sắt nhà tù. Trong khi ba nhân vật nói trên, và nhiều người khác nữa, đã để cho “cái tôi” làm lóa mắt thì Abramovich lại đủ thông minh để không quên rằng Tổng thống chính là ông chủ của các nhà tù. Thay vì đối đầu với Putin, ông chấp nhận thực tế và tìm cách sử dụng công cụ hiệu nghiệm nhất của mình là khả năng lôi cuốn cá nhân để duy trì vị thế. Có nhận định cho rằng Berezovsky đã lầm tưởng Abramovich đứng về phía mình trong cuộc chiến với Putin trong khi thực chất Abramovich đã bắt tay với quyền lực chính trị mới. Trả lời phỏng vấn một tờ báo ở London, Berezovsky cho biết: “Khi Putin lên nắm quyền, tôi trao đổi với Abramovich về việc thành lập một lực lượng đối lập ở Nga để chống lại một Putin đang trở nên quá mạnh, nhưng Abramovich không nghe.” Trên thực tế, khi Berezovsky đang cố gắng lôi kéo Abramovich thì đối tác trẻ tuổi này đã thân cận với Putin đến mức, theo thông tin lần đầu tiên được đề cập trong cuốn sách này, Abramovich chính là người được Putin giao phỏng vấn các ứng cử viên cho nội các đầu tiên của ông ở điện Kremlin. Khi các tác giả đề cập đến chi tiết này với Berezovsky trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở London, Berezovsky lặng đi một hoặc hai giây rồi mới nói được: “Tôi không biết điều đó”. Trong khoảnh khắc đó, ông trùm tài phiệt nổi tiếng gian hùng từng được coi là “bố già của điện Kremlin” này mới nhận ra mình đã bị vị đối tác trẻ tuổi chơi khăm một cách ngoạn mục. Abramovich tiếp tục trở thành người ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập một chính đảng duy nhất sẵn sàng ủng hộ Putin một cách tuyệt đối trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 1999. Khi Putin cần một lực lượng bí mật để chống lại các kẻ thù giấu mặt, chính Abramovich đã trở thành người đồng hành tin cậy của ông. Tuy nhiên, họ không hề dính líu đến việc thuê các băng nhóm vũ trang khủng bố và buộc các nhân vật đối lập phải quy phục. Abramovich là người tao nhã, tế nhị hơn nhiều. Ông nổi tiếng là kiên nhẫn khi phải đối mặt với sự kích động, ngay cả khi điều đó khiến ông phải lui bước trong ngắn hạn. Một trong những người thân cận nhất của ông nhận định: “Ông ấy có thể nhìn xa mười bước, và nếu bước đầu tiên, hoặc thậm chí là chín bước đầu tiên, có vẻ không được tốt đẹp, thì ông ấy vẫn biết cách đi bước thứ mười và tiếp tục tiến lên”. Không chỉ bí mật ủng hộ Putin, Abramovich cũng dấn thân vào tuyến đầu chính trị. Năm 1999, ông quyết định trở thành người đại diện cho Duma Quốc gia Nga ở tỉnh Chukotka thuộc vùng Siberia xa xôi. Bước đi này là một cú sốc, ngay cả đối với các cộng sự thân cận của ông. Một người quan sát thấy: “Ông ấy không bắt tay, không ôm hôn trẻ em và không nhìn vào mắt mọi người”. Tuy nhiên, những gì ông ấy làm là dùng tiền, rất nhiều tiền. Khi các hoạt động từ thiện của Abramovich bắt đầu gây ấn tượng tốt với những người cùng khổ ở Chukotka thì ứng cử viên Aleksandr Nazarov, tỉnh trưởng đương nhiệm của Chukotka, ngày càng lo lắng. Việc Abramovich dần được yêu mến bắt đầu gắn với chính sách mị dân. Những gì xảy ra tiếp theo là sự minh họa rõ ràng về tài năng của Abramovich. Trong một diễn biến tàn nhẫn nhưng không đổ máu, Nazarov bị phế truất và Abramovich đã trở thành tỉnh trưởng Chukotka với 99% số phiếu bầu. Tuy nhiên, thay vì phũ phàng gạt bỏ Nazarov, vị tân tỉnh trưởng khuyến khích Nazarov tiếp quản vị trí mà ông đang đảm nhiệm tại Duma. Abramovich đã nhận được đúng những gì mà ông mong muốn, đồng thời biến người bị ông phế truất thành một đồng minh trung thành. Lúc đầu, Abramovich đồng ý để John Mann có phản hồi chính thức về cuốn sách này. Nhưng đến tháng 5 năm 2004, Mann lại gọi điện cho các tác giả để thông báo Abramovich và các cố vấn của ông “rất quan tâm” tới việc này và đã đi đến nhận định rằng các tác giả cuốn sách đang thu nhận “quá nhiều thông tin tiêu cực”. Sự thay đổi chiến thuật này của Abramovich có phải vì Abramovich nhận ra rằng ông bạn Venediktov đang tiết lộ những thông tin mật y như những ống dẫn dầu bị rò rỉ ở Siberia vậy? Hay vì Kremlin đã giận dữ gọi điện cho Abramovich sau khi các tác giả gửi fax cho người phát ngôn báo chí của Putin để hỏi có đúng Tổng thống đã đe dọa “phá hủy” Sibneft nếu Berezovsky không chấp nhận giảm giá cổ phiếu của mình theo đề nghị của Abramovich năm 2000? Có phải Roddie Fleming, một tỷ phú ngân hàng Anh, đối tác chính của Abramovich trong một mỏ vàng ở Siberia, đã liên hệ với Mann để kể lại những câu hỏi mà nhóm tác giả chúng tôi đưa ra về vai trò của Abramovich trong thương vụ đó? Hay chỉ đơn giản là do Abramovich đã nhận được nhiều cuộc điện thoại xin phép phát biểu của những người mà các tác giả tìm cách tiếp cận và cảm thấy lo ngại rằng chúng tôi đang tìm hiểu những vấn đề mà đến nay vẫn được giấu kín? Dù với động cơ nào nhưng Mann đã bay từ Moscow đến để tổ chức một cuộc họp tại văn phòng của Câu lạc bộ Chelsea ở sân Stamford Bridge. Các quy định tại chỗ rất rõ ràng. Chúng tôi có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào nhưng không được phép nêu tên người trả lời, một trong những cấp phó cao nhất của Abramovich. Sau một hồi trò chuyện với một vị luật sư có vẻ quý tộc và quyến rũ, có lẽ có mặt ở đó với tư cách quan sát viên, nhân vật chính đã tới. Trong suốt một tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi đã nêu những luận điểm gây tranh cãi nhất với một nhân vật thực ra chẳng biết gì nhiều về Abramovich. Mặc dù cuộc trao đổi có thể được coi là trọn vẹn và thẳng thắn, nhưng có lẽ không diễn ra như Abramovich dự kiến. Họ nhận được vài điều: dàn ý và vài chi tiết chính của cuốn sách. Đổi lại, các tác giả cũng nắm được những yếu tố đã tạo nên một Abramovich như vậy. Nếu đó là một cuộc thi đấu thì có lẽ tỷ số cuối cùng sẽ được tính hòa. Cho đến lúc này, nhóm tác giả chúng tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với cư dân Ukhta, thị trấn xa xôi ở miền bắc nước Nga, nơi Abramovich từng sống khi còn nhỏ, cư dân ở Moscow, ở miền nam nước Pháp, ở London và cả ở hạt West Sussex. Bạn bè thời thơ ấu, hàng xóm, thầy cô giáo, nhân viên (cả hiện tại và trước đây), các nhà báo, chính trị gia, những người hâm mộ của Chelsea, các chuyên gia bóng đá, các nhà kinh doanh bất động sản, các chuyên gia về thuyền buồm và nhiều người khác đã trao đổi thông tin về về lai lịch, nền tảng giáo dục, thành tích và hoài bão của Abramovich. Những câu chuyện đó làm nổi bật lên hình ảnh một nhân vật đa tính cách giống như một con búp bê Nga với nhiều kích cỡ khác nhau. Đối với người hâm mộ của Chelsea, ông là một Quý ngài hào phóng; đối với các nhà đầu tư nhỏ trong nhiều doanh nghiệp, ông là người chiếm đoạt cổ phiếu một cách tàn nhẫn. Người Eskimo ở Chukotka tôn sùng ông như một vị cứu tinh, còn các nhân viên thuế vụ dày dặn kinh nghiệm ở Moscow thì gọi ông là kẻ trốn thuế đáng xấu hổ, dù là một cách hợp pháp. Nhân viên cấp dưới, từ người đầu bếp cho đến người phụ nữ làm việc cho ông từ khi ông còn đang là chủ sạp hàng ở chợ, khâm phục sự chân thành và đáng mến của ông, trong khi công nhân dầu mỏ ở Siberia lại tỏ thái độ cay đắng vì bị giảm lương và bị thuyết phục phải bán cổ phiếu. Các đối tác thân cận khẳng định tài năng lãnh đạo và uy tín của Abramovich nhưng các ông chủ ngân hàng phương Tây lại chỉ trích ông là kẻ cơ hội đần độn. Điều gì có thể giải thích cho những nhận định trái ngược nhau như thế? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu cuộc sống của Abramovich kể từ khi ông chào đời. Chương 1. Đứa con của Thánh Irina Abramovich mang bầu ở những tháng cuối khi cô bắt đầu hành trình dài hơn 1.120km về phía Nam, từ ngôi nhà của cô ở miền bắc nước Nga đến nhà của mẹ cô ở thành phố Saratov bên bờ sông Volga. Saratov là thành phố quê hương cô và cô thường tìm cách thuyết phục ông chồng Arkady rằng họ có thể sống vui vẻ hơn ở đây, nhưng chồng cô lại thích sống ở Syktyvkar, thủ phủ vùng Komi, bất chấp những mùa đông lạnh buốt ở đó. Tuy nhiên, ít nhất thì cô cũng đã có thể tận hưởng giai đoạn cuối thai kỳ ở một nơi ấm áp hơn và có mẹ bên cạnh giúp đỡ khi lần đầu sinh nở. Saratov là nơi sinh ra nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, ca sĩ và nhà lãnh đạo đến mức người dân Nga thường nói những người sinh ra ở đây đều được một ngôi sao may mắn chiếu mệnh. Irina lâm bồn tại Saratov vào ngày 24 tháng 10 năm 1966, thế nhưng có vẻ như cậu bé Roman Arkadievich Abramovich của cô lại bị một đám mây đen chi phối. Gần một năm sau khi sinh, Irina lại có thai. Lần này, cô quyết định nạo thai chui vì không muốn có thêm một miệng ăn trong giai đoạn vô cùng khó khăn đó. Đau đớn thay, cô bị nhiễm độc máu và qua đời chỉ một ngày trước sinh nhật lần đầu tiên của cậu con trai. Lúc đó Irina mới 28 tuổi. Cái chết của Irina là một cú sốc lớn đối với Arkady, người bạn thân nhất của anh là Vyacheslav Shulgin cho biết. Đều là người Do Thái, hai người bạn này quen biết nhau từ đầu thập kỷ 1960 khi cùng làm việc tại sovnarkhoz (Hội đồng Kinh tế Quốc gia) ở Syktyvkar. Trước đám cưới của Arkady, hai người cùng một đồng nghiệp khác là Filchik rất hợp nhau, cùng nhau tán tỉnh các cô gái và mơ ước về một ngày họ có thể chuyển đến Israel. “Arkady là một người đàn ông điển trai”, Shulgin nhớ lại, “và là thành viên sôi động, chan hòa nhất trong nhóm chúng tôi.” Sau cái chết của vợ, Arkady vùi đầu vào công việc. Công việc của anh bận bịu đến mức dù rất yêu con, anh vẫn phải đưa chú bé Roman mồ côi mẹ (hay như mọi người vẫn gọi yêu là Romka) về sống với bà nội Tatyana. Lúc đó Arkady đang phụ trách bộ phận tiếp liệu của một doanh nghiệp xây dựng lớn nhưng anh không thỏa mãn với sự tẻ nhạt của đời sống văn phòng. Mọi người vẫn còn nhớ anh là người mạnh mẽ, tham gia nhiều hoạt động của cơ quan dù có thể đó không phải trách nhiệm của anh. Không ai ngạc nhiên khi vào một ngày thứ Hai của tháng 5 năm 1969, anh tự nguyện đảm nhiệm việc giám sát một công trình xây dựng. Shulgin còn nhớ y nguyên những gì xảy ra hôm đó: “Khi họ đang đưa cần trục vào vị trí thì tay cần bị gãy và đè nghiến lên đôi chân của Arkady. Người bạn thân thiết nhất của tôi đã qua đời chỉ vài ngày sau đó. Các bác sĩ cho chúng tôi biết đây là một trường hợp rất đặc biệt. Các phần tủy xương đã làm tắc động mạch của Arkady. Chúng tôi đã chôn cất Arkady bên cạnh vợ anh ấy.” Và thế là Roman Abramovich bất hạnh đã mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới hai tuổi rưỡi. Một tiểu thuyết gia Đông Âu coi những đứa trẻ mồ côi là “con của Thánh” với lập luận rằng vì chúng lớn lên mà không bị những kỳ vọng hạn hẹp của cha mẹ kìm hãm như phần lớn chúng ta. Những người thân của Abramovich có thể hy vọng điều đó sẽ trở thành hiện thực. Sau khi bố mất, Roman không sống với bà nội ở Syktyvkar nữa, nhưng cũng không phải đối mặt với một tương lai ảm đạm trong trại trẻ mồ côi, mà được anh trai của Arkady là Leib và vợ là Ludmilla, một cựu hoa hậu, nhận làm con nuôi. Hai vợ chồng Leib đã có hai con gái Natasha và Ida (lớn hơn Roman 13 và 10 tuổi). Vì cả Leib và anh trai là Abram đều không có con trai, nên vị trí của Roman với tư cách là cháu trai thừa tự duy nhất của gia đình đã cho cậu một vị thế nhất định. Leib, và sau đó là Abram, người đưa cậu bé đến Moscow nuôi dưỡng, đều vô cùng yêu thương người con nuôi Roman và chu cấp cho cậu một cuộc sống mà ngay cả Arkady và Irina cũng phải thèm muốn nếu còn sống. Ngôi nhà mới của Abramovich là căn hộ Số 4 trong một tòa nhà bốn tầng ở Số 22 đường Oktyabrskaya, thành phố Ukhta, cách Moscow 1.120km về phía đông bắc. Khu nhà này được xây dựng năm 1968, cũng trong năm đó, Leib và gia đình chuyển đến ở. Trước khi người cháu trai nhỏ tuổi đến thì điều kiện sinh hoạt ở đây đã rất khó khăn do các quy định về nhà ở của Liên Xô chỉ cho phép mỗi người được sử dụng 9m2. Thế nhưng Roman vẫn được đối xử như với một người con đi xa trở về. Leib và Ludmilla dành phòng ngủ nhỏ của mình cho cậu, còn hai người thì ngủ trên ghế sofa trong phòng khách. Khu căn hộ này hiện đã thay đổi đôi chút so với thời Abramovich sinh sống ở đây. Cầu thang bê tông từ tầng một dẫn lên ngôi nhà thời thơ ấu của ông không trải thảm, ai đó đã cố gắng làm cho mọi thứ sáng sủa hơn bằng cách vẽ một đường viền những bông hoa cúc La Mã dọc theo bức tường cầu thang, nhưng mọi người cũng ít có cơ hội để chiêm ngưỡng chúng vì nhiều bóng đèn đã bị hỏng. Gia đình Leib và Ludmilla đã chuyển đi từ lâu, tới thành phố Kaluga gần Moscow trong những năm 1980. Nhưng gia đình hàng xóm ở tầng trên của họ, Ivan và Ludmilla Lagoda, đều là giảng viên kinh tế học ở Đại học Công nghệ bang Ukhta, thuộc thế hệ những người bỏ lỡ các cơ hội do công cuộc “cải tổ” (perestroika) đem lại, vẫn sống trong căn hộ mà họ cùng với cậu con trai Sergei chuyển đến từ cách đây 35 năm. Họ trìu mến nhớ về cậu bé cũng chuyển đến căn hộ ở tầng dưới cùng đợt và thừa nhận rằng phải mất một thời gian khá lâu sau đó họ mới biết rằng Roman là cháu trai mồ côi của Leib mặc dù khi chuyển đến, Roman đã ra dáng một chú nhóc 4 tuổi rồi. “Chúng tôi không gần gũi đến mức có thể hỏi thẳng”, Ludmilla nói, “đó là chuyện riêng của họ”. Sau đó 2 năm, khi Abramovich vào lớp một, thì các gia đình mới bắt đầu qua lại với nhau nhiều hơn. Theo chính sách đồng bộ hóa một cách quan liêu của Liên Xô, trường học đầu đời của Abramovich chỉ được gọi một cái tên đơn giản là Trường số 2 với một dòng chữ khắc rõ nét trên cổng chính là “Học, học nữa, học mãi” như lời Lê-nin cổ vũ các đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1918 khi họ hỏi ông làm thế nào để có thể đóng góp tốt nhất vào công cuộc tăng cường sức mạnh của quốc gia cộng sản này. Ludmilla Lagoda nhớ lại: Roman thường qua chơi với Sergei, còn Sergei và cậu bé Dmitri ở căn hộ Số 1 tầng dưới thì đến nhà Leib để chơi với Roman. Chúng chơi khúc côn cầu với nhau. Leib và Ludmilla rất nghiêm khắc. Nếu Roman đến nhà chúng tôi, thì khoảng nửa giờ sau là Ludmilla sẽ gọi lên để xem cậu bé có phá quấy gì không. Họ là một gia đình có văn hóa. Khi dùng bữa, Ludmilla luôn trải khăn bàn và đặt dao dĩa theo đúng quy cách. Họ cư xử cũng rất tốt. Điều đặc biệt ở Roman là cậu bé luôn đứng lại chào mọi người trong khi tụi trẻ khác thường chạy biến đi. Người bạn thời thơ ấu, Dmitri Sakovich, của Abramovich lớn hơn cậu 3 tuổi, nhưng dường như không cậu bé nào cảm thấy khoảng cách tuổi tác đó cả. Trong khi Abramovich tiếp tục con đường trở thành một tỷ phú thì số phận đã không mỉm cười với Dima (tên gọi thân mật của Dimitri Sakovich). Sakovich hiện có vẻ khiêm nhường và buồn bã. Nghề xây dựng kiêm trang trí nội thất của ông không được phát đạt cho lắm. Ông và bà vợ người Do Thái có ý định đi theo chương trình di cư người Do Thái đến phía bắc Westphalia, Đức do chính phủ Đức tài trợ. Sakovich còn nhớ, người bạn thời thơ ấu của ông là người rất tò mò và liên tục đưa ra các câu hỏi. Ví dụ, khi Sakovich được tặng một bộ đồ chơi lâu đài Nga, Abramovich vô cùng thích thú, tìm cách lắp ghép bằng được và chẳng mấy chốc đã biết cách làm điều đó. “Cậu ấy rất sáng dạ, việc nào cũng cố gắng làm thật tốt và thật nhanh”, Sakovich nhận xét, “Cậu ấy luôn đề cao tính hiệu quả. Bạn có thể cảm nhận được sinh lực dồi dào trong con người cậu ấy”. Liệu đó có phải là dấu hiệu thiếu kiên nhẫn không? “Có lẽ”. Sakovich cũng nhận thấy một đặc điểm tính cách gắn với Abramovich suốt cả cuộc đời và luôn được mọi người nhắc tới: “Cậu ấy luôn vui vẻ, hòa đồng và lúc nào cũng mỉm cười. Điều đáng mến nhất ở Romka là gương mặt luôn tươi cười, đến bây giờ cũng vậy. Khi lên truyền hình, cậu ấy vẫn luôn mỉm cười.” Như vậy có thể thấy Abramovich đã thấm nhuần cách sống lễ phép, cách cư xử hòa nhã và tôn trọng người lớn tuổi từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, để giải thích được thời thơ ấu đã ảnh hưởng đến cậu bé ra sao, làm thế nào mà một cậu bé Do Thái mồ côi như cậu có thể vượt qua quá khứ khó khăn và tạo dựng sự nghiệp tại nơi phổ biến tư tưởng bài Do Thái như nước Nga, thì có lẽ chúng ta phải tính đến những điểm đặc biệt của thành phố Ukhta và những bài học mà bác Leib đã dạy cậu. Bề ngoài, Ukhta là một thành phố buồn tẻ điển hình ở miền bắc Nga. Với lối kiến trúc không có gì nổi bật, những hàng cây bạch dương và lớp băng tuyết bao phủ mặt đất, thành phố này giống như mọi khu định cư khác được xây dựng dưới thời Stalin để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực lân cận. Nhiệt độ mùa đông ở dưới mức đóng băng, có nơi còn xuống đến -250C. Cái giá lạnh và sự ảm đạm quanh năm làm suy sụp tinh thần của cư dân. Nhiều người đã tìm đến rượu mạnh để mong tìm thấy cảm giác phấn chấn hơn. Những người không uống được vodka thường tìm đến loại đồ uống pha từ rượu bạc hà (khoảng 300) và bia vốn được coi là “một loại cocktail dễ chịu”. Nhưng điểm khác biệt của Ukhta so với những nơi tương tự khác là: Ukhta được hình thành từ Gulag, hệ thống các trại cải tạo lao động của Liên Xô. Thành phố Ukhta vừa kỷ niệm 60 năm ngày thành lập năm 2003. Đây là thành phố được xây dựng và tiếp nhận các tù nhân chính trị bị lưu đày sau các đợt thanh trừng của Stalin. Như vậy, thành phố này được hình thành từ các cá thể chính trị đa dạng bất đồng chính kiến, từ diễn viên ba lê cho đến các nhà vật lý học. Có thời điểm, Ukhta từng rất tự hào vì có một đội bóng mạnh nhờ Nikolay Starostin, một ngôi sao bóng đá của Spartak Moscow, do mâu thuẫn với KGB đã đến đây và đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên đội Dinamo Ukhta. Điểm đáng chú ý là phần lớn trong số họ là người Do Thái. Cùng chia sẻ nỗi đau là nạn nhân của Chính quyền, người dân Ukhta từ bỏ phần nhiều những định kiến với người Do Thái vốn phổ biến ở các cộng đồng khác. Thành phố này được đánh giá là văn hóa và văn minh, nơi mà không ai quan tâm bạn thuộc dân tộc nào và mọi người đều cảm thấy “rất bình đẳng”. Vì thế, mặc dù trong danh sách học sinh của trường Số 2, cậu bé Abramovich được ghi nhận là người Do Thái, đồng thời hộ chiếu của cha mẹ nuôi cậu cũng thể hiện lai lịch Do Thái chứ không phải nguồn gốc Nga, nhưng các thông tin thu thập được cho đến nay cho thấy cậu bé không bị quấy nhiễu và bị bắt nạt ở trường như điều vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi khác trên đất nước Nga. Thông qua bác Leib, Abramovich đã được tiếp thu những bài học vỡ lòng về quy luật thị trường tại thời điểm mà doanh nghiệp tư nhân của Nga vẫn bị cấm hoạt động. Bác Leib của Abramovich khi đó đang phụ trách phòng tiếp liệu của công ty UkhtaLes, doanh nghiệp gỗ xây dựng của Ukhta thuộc sở hữu nhà nước. Yevgeni Devaltovsky, Trưởng khoa một trường đại học ở địa phương cho biết: Nếu cha của Abramovich là người phụ trách tiếp liệu của một công ty gỗ địa phương, thì đó là trường học kinh tế tốt nhất mà cậu ấy được trải qua. Những gì bây giờ được gọi là kinh doanh thì ngày đó bị coi là đầu cơ. Trong thời kỳ Xô Viết, việc bạn mua một giá và bán với giá khác được coi là một hành động sai trái, nhưng đó đúng là những gì họ đã làm. Hoạt động chính của việc điều hành các bộ phận tiếp liệu là thu mua hàng hóa với giá rẻ và đem bán lại với giá cao hơn. Bạn phải có tài năng, kỹ xảo và lòng dũng cảm để làm được điều đó. Không phải ai cũng có năng lực đó, nhưng rõ ràng Leib có. Ngay cả các công chức của Đảng cũng trở thành các doanh nhân xuất sắc bởi họ được tiếp cận nguồn tiếp liệu tốt hơn. Họ sống cuộc sống hai mặt, một mặt cổ vũ cho hệ tư tưởng của Nhà nước, mặt khác lại kiếm lời từ thị trường chợ đen. Nói như vậy thì Leib là một VIP theo tiêu chuẩn ở Ukhta. Ông có điều kiện tiếp cận những gì mà Ludmilla Lagoda gọi là “xa xỉ phẩm” nhưng nhiều người phương Tây lại chỉ coi là “nhu yếu phẩm”. Trong thời kỳ Xô Viết, nhiều loại hàng hóa thiết yếu, từ xúc xích cho đến giày dép, đều vô cùng khan hiếm. Điều này có nghĩa là nhiều người tiêu dùng có thể dư dả tiền bạc nhưng lại không có nhiều hàng hóa để mua. Một giai thoại kể rằng nhiều người sẵn sàng mua một chiếc vé tàu hỏa khứ hồi được nhà nước trợ giá để di chuyển quãng đường tới 2.240km để đến Moscow chỉ với mục đích là mua hàng đống những mặt hàng giá rẻ như xúc xích chẳng hạn. Thực tế thì việc này từng diễn ra phổ biến, đến mức ở nước Nga lan truyền một câu đố vui: - Cái gì dài, màu xanh và có mùi xúc xích? - Tàu hỏa. Leib có đặc quyền tiếp cận với cả thực phẩm và vải vóc vì Nhà nước chuyển các loại hàng hóa này qua bộ phận của ông để bán cho công nhân. Ví dụ, ông có thể chính thức nhận 10 chiếc chăn da cừu và hoàn tất các văn bản giấy tờ cần thiết để chứng tỏ là đã bán chúng cho cán bộ nhân viên, tuy nhiên, trên thực tế chúng lại được bán ở chợ đen với giá cao ngất ngưởng so với giá do Nhà nước ấn định. Trong bối cảnh đó, bất kỳ ai có khả năng tiếp cận các loại hàng hóa như vậy đều có vị thế và quyền lực. Ludmilla Lagoda mô tả Leib và những người cùng vị trí như anh là “những ông trùm của thời đó”. May mắn cho hai vợ chồng bà là người hàng xóm đầy thế lực đó nhận thấy họ cũng có cái để trao đổi. Natasha, một trong hai cô con gái của Leib, là sinh viên của Ludmilla. Với thái độ không hề trịch thượng, Leib nhờ Ludmilla “nhận xét tốt” cho Natasha và tỏ ý rằng Ludmilla sẽ được lợi nếu làm như vậy. Thực ra Natasha đã là một học sinh giỏi nên Ludmilla cũng không cần phải nâng điểm cho cô. Mặc dù vậy, bà vẫn nhận được một sự ưu tiên. Thời kỳ đó, xe hơi hiếm đến mức tất cả những gì một công dân trung bình có thể làm khi muốn sở hữu một chiếc là đăng ký vào một danh sách chờ dài dằng dặc. Leib đã sử dụng các mối quan hệ để đẩy nhanh việc xét duyệt đơn đăng ký của Lagoda. Chẳng bao lâu sau, gia đình Lagoda đã tự hào sở hữu một chiếc Lada. Điều duy nhất mà ngay cả Leib cũng không thể làm được là tìm một căn hộ lớn hơn cho bản thân và cho gia đình giờ đã đông người hơn của mình. Nguồn cung nhà ở thiếu thốn đến mức các quy định về nhà đất được thực hiện rất nghiêm. Vì vậy, trong khi gia đình Lagoda xoay sở được một căn hộ ba phòng bằng việc giả mạo giấy tờ chứng minh là cha của Ludmilla đang sống với họ thì Leib vẫn không thể tìm được một căn hộ lớn hơn. Mặc dù vậy, trong tất cả các khía cạnh khác thì cậu bé Roman đều được chăm sóc đặc biệt. Mọi người vẫn nhớ rằng, nhờ công việc của ông bác, cậu không những không bao giờ thiếu những đôi giày tươm tất để đi mà còn là người đầu tiên trong vùng có một chiếc đài kiểu phương Tây chứ không phải loại dùng băng cối cồng kềnh mà mọi người vẫn thường dùng. Tuy nhiên, sự khá giả tương đối của họ khiến một số người tức giận và căn hộ tuổi thơ của Abramovich đã bị kẻ trộm xâm nhập ít nhất hai lần. Sau 4 năm sống với Leib và Ludmilla, Abramovich lại chuyển đi, lần này là tới Moscow để đoàn tụ với bà nội Tatyana. “Roman biến mất năm 1974”, Ludmilla Lagoda nhớ lại, “và Leib giải thích rằng ông ấy quyết định gửi cậu bé đến Moscow bởi thủ đô sẽ đem lại nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp kinh doanh hơn”. Leib quả là có tầm nhìn xa trông rộng. Abramovich chuyển đến sống với bà nội trong căn hộ một buồng ở Đại lộ Tsvetnoi của Moscow, một khu vực trung tâm và khá trong lành. Tuy nhiên, có vẻ như chính bác Abram mới là người đảm nhận việc chăm sóc cậu. Bác Abram của Abramovich có dáng thấp đậm với đôi mắt lấp lánh và mái tóc hất ra sau trán. Bây giờ mái tóc ấy đã gần như bạc trắng. Bác Abram đã theo dõi chặt chẽ việc học tập của cậu bé Roman và chu cấp một cuộc sống vô cùng sung túc cho cậu. Bà Nadezhda Rostova, giáo viên chủ nhiệm lớp của Abramovich từ khi cậu 11 tuổi, nhớ lại rằng Abram đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của Roman và luôn quan tâm, chăm sóc cho cậu. Bà cho biết cậu bé luôn ăn mặc rất lịch sự, thể hiện là một đứa trẻ có văn hóa và thời trang. Theo bà, Abram thực ra còn yêu chiều Abramovich hơn nhiều người cha khác. Bất cứ khi nào có kết quả thi của Abramovich, ông ấy sẽ lao vội đến trường để xem. “Roman không thể trưởng thành được như bây giờ nếu không được yêu thương nhiều như thế”, Rostova nói, “Tôi nghĩ chính tình yêu của tôi và của Abram đã giúp cậu bé trở thành con người xuất chúng như hôm nay”. Những ngày đầu tiên đến trường của Abramovich ở Moscow có nhiều khó khăn. Rostova nhớ rõ khi Abramovich đến với Trường Số 232 trên đường Trubnaya, nơi bà hiện vẫn đang đứng lớp: “Ngày đầu tiên bác Abram đưa cậu ấy đến đây, cả hai cánh tay của cậu đều bị bó bột.” Abramovich bị ngã khi đang chơi xích đu và bị gãy cả hai tay. “Đó là một cậu bé rất đáng yêu nhưng điều đó còn làm tôi cảm thấy yêu cậu bé hơn”, bà nói thêm, “cách cư xử của cậu khiến ai cũng yêu mến cậu. Các bạn học cùng lớp luôn cảm thấy gần gũi với cậu”. Nếu bạn cảm thấy những lời khen ngợi này có vẻ hơi thái quá thì chúng ta cần làm rõ những gì mà Abramovich đã đem lại cho ngôi trường của mình kể từ ngày đó. Nhiều trường học ở Nga bị xuống cấp và được trang bị rất nghèo nàn. Thế nhưng 600 học sinh ở ngôi trường cũ của Abramovich dường như không thiếu thứ gì. Cô hiệu trưởng, Ludmilla Prosenkova, quả là không có gì quá đáng khi tỏ ra rất tự hào về phòng thể dục mới sáng choang với sàn gỗ được đánh bóng không tỳ vết, bộ xà ngang áp tường và sân bóng rổ; phòng máy tính với 13 bộ máy tính hiện đại cùng với nhiều vô tuyến, đầu video, radio, máy thu âm; và khu căng-tin được trang bị những thiết bị, đồ dùng nhà bếp hiện đại nhất của Ý. Tổng số 5 phòng học và khu làm việc mới được cơi nới do công ty xây dựng của bác Abram xây dựng và Abramovich trả tiền đều có gắn những tấm thẻ đồng nhỏ vinh danh nhà hảo tâm Roman Abramovich. Các giáo viên thậm chí còn cho in màu một cuốn sách nhỏ để chúc mừng những thành tích của ông, trong đó có ghi một đoạn fax mà Trường Số 232 gửi cho vị mạnh thường quân của mình: Ngài Roman Arkadievich kính mến, Các học sinh và giáo viên Trường Số 232 xin cảm ơn Ngài. Ngài đã rất tốt với chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ những điều tốt đẹp mà Ngài đã làm. Khi chúng tôi tập trong phòng thể dục, chúng tôi nghĩ về Ngài. Khi chúng tôi ăn trong căng-tin, chúng tôi nhớ đến Ngài. Khi chúng tôi dùng máy tính trong phòng máy, chúng tôi hướng ý nghĩ về Ngài… Cách bày tỏ lòng biết ơn này khiến người ta nhớ lại kiểu sùng bái cá nhân phổ biến thời Stalin. Ví dụ, trong những năm 1940 và 1950, các bài báo ca ngợi việc xây dựng một sân vận động mới sẽ viết: “Các vận động viên luôn nhớ ơn đồng chí Stalin”. Nhìn chung, Stalin được tuyên truyền là bạn tốt nhất của mọi người, từ trẻ em cho đến những người lính biên phòng. Điều đó cũng diễn ra tương tự với Abramovich ở Trường Số 232. Thậm chí trường này còn có kế hoạch xây dựng một bảo tàng để ghi nhận thành tích của các học trò cũ, trong đó Abramovich chắc chắn sẽ được dành một góc riêng đặc biệt lớn. Sự thể hiện tình cảm của chính Abramovich cũng nồng nhiệt và thái quá không kém. Ngày 13 tháng 2 năm 2001, từ khu tự trị Cộng hòa Chukotka xa xôi, ngài Tỉnh trưởng gửi một bức điện cho bà hiệu trưởng Trường Số 232: Cô Ludmilla thân mến, Dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường là cơ hội để tôi được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự dạy dỗ và những kiến thức mà chúng tôi, các học sinh của trường, nhận được. Dù số phận đưa chúng tôi đi đến đâu, tất cả chúng tôi vẫn luôn nhớ về trường, nơi không chỉ là những dãy nhà mà thực sự là nơi kiến tạo nền móng cho tương lai, nơi mà chúng tôi đã nhận được những kinh nghiệm và kiến thức đầu đời. Trân trọng kính chào, Roman Abramovich Tuy nhiên, tình cảm yêu thương giữa Abramovich và Trường Số 232 lại trái ngược hoàn toàn với mối quan hệ của ông với trường cũ ở Ukhta. Cô phó hiệu trưởng Irina Alioshina của Trường Số 2 cay đắng chia sẻ: “Chúng tôi đã đề nghị Roman Abramovich giúp đỡ nhưng ông ấy phớt lờ. Ông ấy cũng chẳng gửi một đồng rúp lẻ nào”. Những thông tin thu nhận được cho thấy Abramovich là một học sinh siêng năng hơn là sáng tạo. Cậu không nhận được một giải nào ở trường và ngay cả cô Rostova cũng mô tả cậu là “một học sinh trung bình”. Thậm chí đến bà hiệu trưởng, người hâm mộ số một của Abramovich, cũng thừa nhận rằng cậu bé không có năng khiếu phát triển học thuật hàn lâm. Tuy nhiên, cậu đã thể hiện những dấu hiệu cho thấy khả năng thích ứng nhanh với cuộc sống hiện đại. Đây chính là đặc điểm tính cách sau này đã giúp Abramovich vượt xa những người bạn học giỏi hơn mình. Ví dụ, nếu không làm bài tập về nhà thì cậu bé lại vận dụng khả năng tư duy nhanh nhạy để đưa ra những phán đoán chính xác và trả lời rất thuyết phục các câu hỏi của giáo viên. Ngoài thời gian học tập, cậu thường tham gia các chuyến dã ngoại của trường đến các thành phố như Brest, St Petersburg (sau đổi tên thành Leningrad) và Pskov. Trong những chuyến đi này, mọi người đều rất ấn tượng với sự hiếu kỳ và lòng khao khát hiểu biết của Abramovich. Abramovich rời trường học năm 1983 sau 9 năm học tập chăm chỉ và giành được tình cảm tốt đẹp từ bạn bè. Rostova tin tưởng vào tiền đồ của cậu: “Tôi biết Roman có tài hơn những người khác”, bà nói, “và tôi có thể kể cho anh rằng cậu bé đã chuẩn bị tinh thần cho một sự nghiệp lớn ngay từ ngày cậu ấy đến Trường Số 232 này. Người vợ đầu của Roman cũng có nhận xét tương tự trong một cuộc phỏng vấn. Đó có lẽ là điều đúng đắn duy nhất mà cô ấy từng nói.” Mọi việc diễn ra đúng như vậy, Abramovich sau đó chỉ mất vài năm để xây dựng cho mình một “sự nghiệp lớn”. Chương 2. Trưởng thành Khi Abramovich bắt đầu quá trình phát triển sự nghiệp, vùng đất Nga rất khác với đất nước mà chúng ta biết đến ngày hôm nay. Năm 1983, Nga vẫn là một phần của Liên Xô. Lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Yuri Andropov, một cựu lãnh đạo KGB 68 tuổi ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng lý tưởng cộng sản trong giải quyết những thách thức của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Doanh nghiệp tư nhân vẫn bị coi là bất hợp pháp. Trong môi trường như thế, một mảnh bằng đại học chính là một trong những tấm hộ chiếu để tiến thân. Tuy nhiên, mặc dù chàng thanh niên 17 tuổi Abramovich rất muốn học đại học, nhưng sự cạnh tranh khốc liệt và thành tích học hành không có gì nổi bật thời phổ thông đã không giúp được gì cho anh. Bên cạnh đó, nguồn gốc Do Thái cũng là yếu tố làm vấn đề trở nên khó khăn hơn. Sự nghi ngại của người Nga đối với người dân tộc thiểu số Do Thái, chiếm khoảng 2% dân số, có từ thời Nga hoàng hoặc thậm chí lâu hơn, khi Giáo hội Chính thống Nga còn đang cai trị. Stalin lên án người Do Thái là “những kẻ ăn bám vất vưởng” và khuyến nghị họ đến sinh sống tại vùng đất dành riêng cho người Do Thái Nga ở khu vực Birobidzhan, phía đông Siberia. Khu vực này được xây dựng năm 1934 để người Do Thái Nga giảm bớt sự quan tâm đến Palestine. Dù là một vùng đất hết sức khắc nghiệt nhưng nhiều người Do Thái thích được sống ở nơi mà họ có thể tự do thể hiện bản sắc văn hóa của mình. Vào thời điểm mà Abramovich đang tìm kiếm một suất ở trường đại học, người Do Thái vẫn bị coi là không đáng tin cậy về tư tưởng và không đủ lòng yêu nước để được tuyển vào một số trường, trong đó có Học viện Quan hệ Quốc tế và Đại học Ngoại ngữ. Tuy nhiên, những chuyên ngành không liên quan nhiều đến ý thức hệ như y học và các ngành khoa học khác không khắt khe đến thế. Thực tế này, cùng với mong muốn tìm cơ hội làm giàu, có thể là những yếu tố khiến Abramovich quyết định theo học chuyên ngành kỹ thuật cầu đường. Rất tiếc, chúng tôi đã không tìm hiểu được nhiều về sự phát triển nghề nghiệp của Abramovich trong giai đoạn này. Thông tin về những gì xảy ra tiếp theo do chính Abramovich, người nhà của ông và phát ngôn viên của ông cung cấp lại rất khác nhau. Trang lý lịch vắn tắt trên website của chính quyền Chukotka, nơi Abramovich là Tỉnh trưởng, cho biết ông nhập học tại Học viện Công nghiệp Ukhta sau khi rời trường trung học năm 1983. Đến giữa những năm 1980, ông bác Leib của Abramovich lại kể với hàng xóm ở Ukhta rằng cậu cháu trai đã chuyển từ Học viện Ukhta tới Học viện Dầu khí Gubkin nổi tiếng ở Moscow. Tháng 7 năm 2003, phát ngôn viên John Mann của Abramovich trả lời một phóng viên tạp chí Panaroma của Ý: “Tôi tin rằng ông ấy đã học ở cả hai nơi (các học viện Gubkin và Ukhta) mà không có được tấm bằng nào”. Có vẻ như ông bác Leib của Abramovich nhận được thông tin từ ai đó chứ không phải là từ cháu trai của mình. Theo những chứng cứ tìm được thì trình tự diễn biến giống như những thông tin mà Abramovich cung cấp. Vì không tìm được một chỗ học ở Gubkin (một phát ngôn viên của Học viện này khẳng định “Abramovich chưa bao giờ đặt chân đến đây”), Abramovich chắc chắn đã quyết định trở lại Ukhta để học ở trường đại học mà thời đó gọi là Học viện Công nghiệp Ukhta. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của Dmitri Sakovich, người bạn thời thơ ấu của Abramovich và người thỉnh thoảng vẫn gặp Abramovich ở Ukhta. Một luận điểm không thể nghi ngờ là đến khoảng năm thứ hai, Abramovich rời trường học và cuộc sống của anh có một bước chuyển quan trọng. Vào năm 18 tuổi, Abramovich được gọi nhập ngũ. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Nga (khi đó là Hồng quân) rất khắc nghiệt, nếu không nói là không thể chịu đựng được, đến mức người ta tìm mọi cách để trốn tránh bất cứ khi nào có thể. Các sinh viên theo học các học viện thanh thế, như Đại học Moscow được phép hoãn nghĩa vụ hai năm này. Tuy nhiên, một suất ở học viện Ukhta thì không đem lại đặc quyền đó. Và trong khi con cái của nhiều gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa của Nga thoát khỏi thử thách nghĩa vụ quân sự bằng cách nhờ họ hàng hối lộ cho quan chức hữu quan thì gia đình của Abramovich không có nguồn lực cũng như các mối quan hệ cần thiết để làm việc đó. Đầu năm 1985, anh được cử đến Kirzach, một thành phố cách Moscow khoảng 80km về phía đông bắc, và phục vụ trong một đơn vị pháo binh. Nếu cuộc sống với các bác Leib và Abram đã cho Abramovich nền tảng kiến thức về thương mại thì thời gian đi lính đã biến Abramovich thành một người đàn ông thực thụ. Trong quân đội, tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” phổ biến đến mức người ta đặt một từ riêng để gọi nó là dedovshchina. Binh lính năm cuối được gọi là dedy – nghĩa đen là “đại ca”, còn binh lính năm thứ nhất thì được gọi là salagy, tên một loại cá hồi nhỏ, có nghĩa là “bọn chíp hôi”. Các dedy coi việc của họ là phải bóc lột các salagy tàn khốc y như họ đã bị đối xử năm trước đó. Các tân binh được khuyến cáo về việc đó ngay từ khi họ bước chân vào doanh trại. Họ bị lục soát hết tiền bạc. Với những gói quà do người nhà chuyển vào, họ buộc phải mở ra trước mặt mọi người và chia sẻ tất cả những gì nhận được. Ngày tháng trôi qua, Abramovich ngày càng hiểu rằng nhiệm vụ của anh, một trong những salagy, là phải làm cho cuộc sống của các dedy trở nên dễ chịu hơn. Ví dụ, nếu một người lính đã thực hiện nghĩa vụ đến năm thứ hai được giao ca trực 10 tiếng đồng hồ với nhiệm vụ bảo vệ một kho đạn hoặc gác cổng trung đoàn, anh ta sẽ chuyển việc đó cho một trong số những người lính nghĩa vụ năm thứ nhất. Đến bữa ăn, các salagy thường bị đói vì khẩu phần ăn lớn nhất và ngon nhất lúc nào cũng được để dành cho các dedy. Nhưng nhiệm vụ khó chịu, nhục nhã và xúc phạm nhất là việc cọ rửa nhà xí. Các nhà xí đó chỉ là những cái hố lộ thiên, quây quanh là đất nung với hai kệ để chân xếp hình chữ V. “Chúng tôi không có găng tay cao su, chỉ dùng tay không, một miếng giẻ và một ít bột chlorine”, Dmitri Sakovich kể lại, “Chúng tôi dùng một con dao để cạo bỏ những vệt phân bị cáu két lại”. Những khó khăn thiếu thốn của Quân đội càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng ngược đãi có hệ thống. Người ta bày trò xây dựng hình ảnh một “người lính can trường”. Bất kỳ ai biểu lộ sự yếu đuối sẽ bị chế giễu không thương tiếc. Không chỉ bị nhục mạ bằng lời nói, họ còn có thể bị đánh đập. Những đòn đánh đập này thường được thực hiện khá chính xác nhằm tránh để lại các vết thâm tím rõ rệt. Người ta sẽ không đánh vào mặt mà đánh vào những nơi khó nhìn hơn, trong đó có vùng thận. Sakovich kể lại: Người Moscow bị căm ghét nhất vì họ bị coi là nhu nhược và ủy mị. Người từ vùng Caucasus không được ưa thích bởi họ thường đến từ các ngôi làng trên núi và thiếu giáo dục. Các trí thức bị coi thường bởi vì trong quân đội thì bạn phải là một “đại trượng phu”. Bạn phải thề thốt rất nhiều (một việc rất khó đối với người Moscow), phải khỏe về thể lực và phải quyết đoán. Bạn không được nói: “Anh vui lòng làm giúp tôi việc này nhé” mà phải nói: “Làm đi!” Đó là luật rừng. Kẻ mạnh sẽ chiến thắng. Ngay cả việc bố trí ăn ở cũng ảnh hưởng đến tinh thần của binh sĩ. Ở một số đơn vị, lính nghĩa vụ bị tống vào những phòng ngủ kê hàng loạt những chiếc giường đôi chứa đến 150 lính. Trang thiết bị vệ sinh chỉ gồm những thứ cơ bản: một vòi hoa sen gồm một ống nước với những cái lỗ thỉnh thoảng lại chảy ra những dòng nước nhỏ. Mùi hôi hám của cáu ghét và mồ hôi lúc nào cũng quanh quất trong phòng. Edil Aitnazarov cùng đi lính nghĩa vụ với Abramovich ở Kirzach trong gần 2 năm. Abramovich chính là người được lệnh chỉ phòng ăn cho Aitnazorov khi anh này vừa từ Moscow đến lúc 2 giờ sáng, mệt mỏi và đói khát, để bắt đầu thời gian thực hiện nghĩa vụ của mình. Aitnazorov còn nhớ “Romka” là người rất hòa đồng, nhạy cảm và “không bao giờ xung khắc với những người lính đi nghĩa vụ trước và cả những tân binh khi chính cậu ấy đã trở thành người có thâm niên lâu hơn”. Trở thành bạn bè ngay từ cuộc gặp đó, mối quan hệ giữa Aitnazarov và Abramovich ngày càng trở nên gắn bó. Tiếng Nga của Aitnazarov, do xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Kyrgyzstan, còn rất nghèo nàn và chính Abramovich đã dành thời gian giúp anh cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ. Abramovich rất chú ý giữ sức khỏe, tích cực chơi thể thao, không uống rượu và không hút thuốc. Cậu ấy tỏ ra trân trọng từng phút giây của cuộc sống. Cậu ấy tổ chức được một đội bóng đá và một nhóm các nghệ sĩ nghiệp dư. Cậu ấy có khả năng tổ chức tuyệt vời. Cậu ấy thậm chí còn tổ chức các chuyến du ngoạn với số lượng đông để hái nấm. Lần đầu tiên chúng tôi vào rừng để hái nấm, tôi rất ngạc nhiên. Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều nấm như thế trong đời và chưa bao giờ ăn chúng cả. Roman mang một cái vạc từ bếp đến và nấu món nấm như một đầu bếp thực thụ. Buồn cười nhất là không có thìa và cũng chẳng có dĩa để ăn. Tuy nhiên, với Roman thì điều đó chẳng hề gì. Chúng tôi đã ăn hết món nấm bằng những chiếc cờ-lê! Aitnazarov đã không còn gặp Abramovich từ ngày 18 tháng 10 năm 1986, khi viên sĩ quan chỉ huy gọi riêng Aitnazarov và thông báo rằng anh sẽ được về nhà sớm hai tháng. Sau một hồi lưỡng lự, ông ta cho anh biết lý do: mẹ anh đã qua đời. Aitnazarov vẫn luôn nhớ những gì mà Abramovich đã làm cho anh lúc đó. Người bạn này không chỉ cho Aitnazarov tất cả số tiền của mình mà còn kêu gọi các đồng đội khác trong đơn vị quyên góp thêm. Mặc dù có năng lực sáng tạo rất tốt nhưng Binh nhì Abramovich không thể trở thành trung sĩ mà chỉ kết được thêm nhiều bạn bè. Dmitri Sakovich cho rằng chính khả năng lôi cuốn cá nhân đã giúp Abramovich trụ được qua giai đoạn nghĩa vụ quân sự khắc nghiệt này. Tuy nhiên, có lẽ chính giai đoạn này lại là thời kỳ quan trọng xây dựng nên tính cách của Abramovich. Kinh nghiệm thời kỳ này không chỉ giúp anh mạnh mẽ hơn vì buộc phải đối đầu và vượt qua nhiều khó khăn, mà còn giúp anh biết cách sống hòa đồng hơn và tự lập hơn. Đối với Sakovich, anh không thu được nhiều kinh nghiệm từ giai đoạn này nhưng lại bị ám ảnh trong nhiều năm sau đó: Trong 3 đến 4 năm sau khi bị gọi nhập ngũ, tôi đã liên tục gặp ác mộng rằng mình lại bị gọi nhập ngũ lần nữa. Cảnh diễn ra ở trung tâm tuyển quân liên tục tái diễn trong các giấc mơ của tôi. Người ta bảo tôi đến nhận nhiệm vụ. Tôi cố gắng giải thích rằng đây là lần thứ hai tôi bị gọi nhập ngũ, nhưng họ nói tôi vẫn phải đi bởi họ đang thiếu người. Có lần, tôi thậm chí còn mơ bị gọi đến lần thứ ba và họ kiên quyết bắt tôi tòng quân. Khi tỉnh giấc, tôi liền thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cả Abramovich và Sakovich đều có thể tự an ủi rằng họ đi lính thời kỳ đó là tốt nhất. Họ đã may mắn khi không tham gia quân đội đúng vào hai cuộc xung đột lớn của nước Nga cuối thế kỷ XX: ở Afghanistan (các lực lượng Liên Xô quyết định rút quân vào năm 1985) và tại Chechnya (cuộc chiến tranh Chechnya đầu tiên bắt đầu tháng 12 năm 1994). Tuy nhiên, khi Abramovich đang rèn luyện trong quân đội thì bức tranh chính trị của Nga đã thay đổi đến mức không còn nhận ra. Sau khi Andropov chết, Konstantin Chernenko, một nhân vật thủ cựu khác, lên nắm quyền. Khi Abramovich giải ngũ thì Chernenko cũng qua đời khi còn đang tại nhiệm. Quyền điều hành đất nước lúc này được giao cho một nhà cải cách cấp tiến là Mikhail Gorbachev. Hai sáng kiến táo bạo nhất của Gorbachev là glasnost (mở cửa) và perestroika (cải tổ) đang làm thay đổi cả xã hội và nền kinh tế Nga. Các doanh nghiệp tư nhân, một thời bị coi là bất hợp pháp, nay mọc lên như nấm khắp nơi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều sinh viên vì sợ lỡ mất cơ hội vàng này đã bỏ học để tìm cho mình một chỗ đứng trong thế giới mới lung linh đó. Có một người đã thử và thất bại. Đó là Sergei Lagoda, người bạn hàng xóm cũ của Abramovich ở Ukhta. Điểm đáng ngạc nhiên là, mặc dù sau này rất táo bạo và rõ ràng là có khả năng, nhưng ban đầu Abramovich đã cố gắng chống lại sức cám dỗ của ý định bỏ học để lao vào kiếm tiền. Sau khi anh phục viên cuối năm 1986, người ta bắt gặp anh tại các buổi khiêu vũ của học viện Ukhta và tiệm rượu Trojan, địa điểm tụ họp thời thượng ở Ukhta khi đó, nơi khởi nghiệp của Stalker, một trong những ban nhạc được ưa chuộng nhất ở Nga hiện nay. Nhưng cuộc sống trong quân đội hẳn đã không làm mất đi tính kỷ luật của Abramovich. “Cậu ấy không bao giờ bị bắt gặp uống rượu”, Sakovich nói, “Cậu ấy luôn giữ mình trong giới hạn. Tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy uống rượu hay hành xử bạo lực. Tôi chắc là cậu ấy có nhiều bạn gái vì đó là một thanh niên trẻ rất điển trai.” Thực ra, Abramovich quay trở lại Ukhta chỉ để xác nhận Vika Zaborovskaya, nữ sinh viên học viện mà anh từng gặp gỡ trước khi đi lính, đã kết hôn với một người khác. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, vào mùa hè năm 1987, Abramovich gặp được người phụ nữ sẽ trở thành người vợ đầu tiên của anh. Olga Lysova là một phụ nữ tóc vàng hấp dẫn đến từ Astrakhan và đang theo học ngành địa chất học ở Học viện Ukhta. Ở tuổi 23, Olga không chỉ lớn hơn Abramovich 3 tuổi mà còn đang nuôi một cô con gái nhỏ từ cuộc hôn nhân trước. Có thể Abramovich không biết điều này khi anh thấy cô trong một bữa tiệc ở tiệm rượu. Theo trí nhớ của Olga, vì rụt rè, Abramovich đã nhờ một người bạn giúp anh mời cô nhảy. Cô từng kể lại với phóng viên tờ Tin tức Thế giới như sau: Tôi nhận lời và ngay lập tức cảm thấy rất ấn tượng. Roman là người đàn ông đẹp trai, cặp mắt xanh sắc sảo và cách ăn mặc thì không chê vào đâu được. Anh ấy luôn mặc comple, ngay cả khi ở nhà. Chúng tôi khiêu vũ theo nhạc pop của một bài hát Nga chậm rãi. Anh ấy nhảy thật tuyệt, tôi chỉ cần thả lỏng mình trong vòng tay của anh ấy và anh ấy dẫn tôi trên sàn với những bước nhảy vô cùng uyển chuyển. Chúng tôi trò chuyện không ngừng. Anh ấy có vẻ nghiêm túc và chín chắn hơn so với tuổi. Chúng tôi cùng nhau rời tiệm rượu và ngồi bên nhau cả đêm, ôm hôn nhau và trò chuyện. Tôi kể với anh ấy rằng tôi đã từng kết hôn và có một con gái 3 tuổi tên là Anastasia. Anh ấy trả lời rằng anh ấy yêu trẻ con và con gái tôi không là vấn đề gì với anh ấy. Tôi càng cảm kích bởi sự chín chắn đó của anh ấy”. Không lâu sau, Abramovich lần đầu tiên mời Olga đến căn hộ của mình ở Moscow. Thế rồi chỉ 2 tháng sau đó, trên ban công của căn hộ, anh cầu hôn cô. Ban đầu Olga nghĩ anh đùa giỡn và trả lời rằng cô sẽ suy nghĩ về điều đó. Tuy nhiên, ngay cả vào lúc này, Abramovich cũng thể hiện đặc tính khác người. Hai hoặc ba ngày sau, khi Olga trở về Ukhta, anh đi theo để gặp mẹ Olga và xin phép được cưới cô. Olga nhớ lại: Anh ấy xuất hiện trong bộ comple như thường lệ, tay cầm một bó hồng lớn và một chai “sâm-panh” Liên Xô. Anh ấy đã chứng tỏ với tôi rằng anh ấy nghiêm túc, và tôi trả lời “Vâng”. Tôi nhận thấy anh ấy là người quyết đoán, không cho phép điều gì cản trở mình. Tôi hỏi liệu anh ấy có muốn tôi theo họ của anh ấy sau đám cưới không, bởi vì ở Nga, bạn không nhất thiết phải làm vậy. Anh ấy âu yếm ôm tôi và thì thầm, “Em yêu, đó hoàn toàn là do em quyết định”. Tôi suy nghĩ, nhưng trước khi tôi có cơ hội trả lời, anh ấy nói thêm: “Dĩ nhiên là nếu em không lấy họ của anh, thì anh sẽ không cưới em đâu!”. Thế là tôi nghe lời. Đó là Roman: một quả đấm sắt bên trong chiếc găng tay bọc nhung. Hai người tổ chức một đám cưới kín đáo, chỉ khoảng 15 người thân và bạn bè tham dự, vào tháng 12 năm 1987 tại Phòng Đăng ký kết hôn Dzerzhinski ở Moscow. Họ về sống trong căn hộ 18m2 nhỏ xíu mà người bà quá cố của Abramovich để lại. Đến lúc này, Abramovich đã mệt mỏi với cuộc sống của một sinh viên cầu đường ở Học viện Ukhta. Từ lâu anh đã kiếm được tiền từ việc buôn hàng xa xỉ ở Moscow, chuyển qua đường hàng không và bán lại ở Ukhta. Anh thích các thủ thuật gói ghém vào hành lý của mình các loại thuốc lá, nước hoa, quần jean hàng hiệu và sô-cô-la và đem bán cho bạn bè, nhưng trái tim của anh thực sự nằm ở Moscow. Cuối cùng, anh đã được trở lại thủ đô khi chuyển tới Học viện Giao thông Vận tải Moscow. Có lẽ bước chuyển này cho thấy Abramovich có một niềm đam mê đặc biệt với xe hơi, một sở thích mà ông duy trì cho đến tận ngày nay. Trong 2 năm nghĩa vụ quân sự, Abramovich, người mà theo Aitnazarov xứng đáng được gọi là “điều vận viên”, rất quan tâm đến các thợ máy và các lái xe trong đơn vị. Người ta thường nhìn thấy anh quanh quẩn trong công xưởng giúp họ sửa chữa xe cộ. Abramovich hiện có trong tay một bộ sưu tập ấn tượng những siêu xe đặc chủng với tốc độ cao, trong đó có một chiếc Bentley và một chiếc Ferrari. Khi trở lại Moscow, cuộc sống sinh viên nhanh chóng đòi hỏi Abramovich phải kiếm tiền một cách nghiêm túc hơn. Khi Gorbachev gỡ bỏ lệnh cấm doanh nghiệp tư nhân, Abramovich mở một công ty sản xuất búp bê có tên là Uyut (tiếng Nga có nghĩa là “dịu êm”). Công việc kinh doanh phát đạt và chẳng lâu sau hai vợ chồng đã có thể kiếm được 3 nghìn đến 4 nghìn rúp mỗi tháng, gấp 20 lần mức lương trung bình của một công chức nhà nước thời đó. Họ thậm chí còn mua được một chiếc Lada, chiếc xe không lâu sau đã bị hỏng vì “va đập vào mọi thứ”, Olga cho biết. Nhưng thời gian Abramovich dành cho công việc kinh doanh mới đã khiến cuộc hôn nhân của họ trở nên căng thẳng. Họ đã ly hôn sau 2 năm. “Cuối cuộc hôn nhân, chúng tôi cả ngày hầu như không nói với nhau một câu”, Olga nói. “Anh ấy dậy sớm đi làm và về nhà sau nửa đêm. Tôi tin anh ấy là người tham công tiếc việc. Có vẻ như anh ấy đam mê công việc hơn tôi và con gái Anastasia.” Điều kỳ lạ là mặc dù họ chia tay khi con gái của Olga đã 6 tuổi, nhưng phải đến khi 16 tuổi Anastasia mới biết Abramovich không phải là cha đẻ của mình. Những ảo tưởng cuối cùng của cô bé về tình phụ tử với Abramovich đã sụp đổ 3 năm sau đó, khi cô gọi điện đến công ty dầu lửa Sibneft tìm Abramovich và được thư ký của anh trả lời rằng vì quá bận nên anh không thể gặp hoặc trả lời cô bé được. Olga luôn từ chối kể về vụ ly hôn của họ với cô con gái nhưng Anastasia tin Abramovich là một tình yêu lớn của cuộc đời Olga. “Tôi còn nhớ họ cãi nhau rất to và Roman bỏ đi. Tôi vẫn nghĩ ông ấy sẽ quay lại nhưng ông ấy đã không bao giờ làm thế.” Olga sau đó đã kết hôn lần thứ ba, với Stefan Stefanovic, một nghệ sĩ piano trong nhóm nhạc hát bè cho Abraham Russo, ngôi sao nhạc pop hàng đầu của Nga. Người thân của Olga cho rằng cuộc hôn nhân của hai người kết thúc do Olga không thể sinh thêm con. Mặc dù Olga không quy tội phản bội cho Abramovich, nhưng quả thực anh đã thay đổi tình cảm nhanh chóng, dành sự chăm sóc cho Irina Malandina, một tiếp viên hàng không của hãng Aeroflot. Dưới thời cộng sản, công việc của một tiếp viên hàng không đường bay quốc tế không hề bị nhạo báng là “trolley dolly” (búp bê đẩy xe) như cách gọi rất phổ biến ở phương Tây. Công việc này được coi là một nghề có nhiều đặc quyền đặc lợi: các tiếp viên hàng không đường bay quốc tế có điều kiện rất thuận lợi để tiếp cận các loại hàng hóa phương Tây vốn khan hiếm ở Nga. Malandina xin được công việc này nhờ một người cô cũng là tiếp viên trên các chuyến bay được các quan chức chính phủ và các chính trị gia thường xuyên sử dụng. Ảnh hưởng của người cô này đã giúp Malandina tránh được thời gian tập sự chán ngắt trên các chuyến bay nội địa và đi thẳng lên các tuyến bay quốc tế. Một đồng nghiệp của Malandina, Larissa Kurbatova, tiếp viên Ga Hành khách số 2 của sân bay Sheremetyeva tại Moscow, còn nhớ rất rõ: “Khi Irina đến làm việc ở Aeroflot, cô ấy vẫn còn dáng vẻ của một cô bé: non choẹt, mảnh khảnh và nhợt nhạt. Mặc dù đã 23 tuổi nhưng cô ấy trông như mới 17”. Kurbatova nhận thấy Malandina là “một người đẹp” nhưng tinh quái bình luận thêm: “Thực ra thì đôi chân đã làm giảm sắc của cô ấy, chúng hơi mập và ngắn. Các ngón tay của cô ấy cũng ngắn và mập mạp”. Hai người phụ nữ trẻ kết bạn và trong một buổi trò chuyện, Malandina tâm sự rằng cô đã lớn lên mà không có cha và chia sẻ: “Con cái mình sẽ không bao giờ phải chịu như vậy. Mình sẽ làm mọi việc để đảm bảo chúng lớn lên trong một gia đình sung túc và thành công.” Kurbatova kể tiếp: “Nghe vậy tôi hỏi cô ấy, ‘Thế còn tình yêu?’ Cô ấy không trả lời.” Có vẻ như việc biến những hành khách giàu có thành bạn trai là mối quan tâm của nhiều nữ tiếp viên. Theo đuổi mục tiêu này, Kurbatova khuyên người bạn trẻ tìm cơ hội thơ thẩn ở khoang thương gia, mỉm cười với họ và thu thập danh thiếp. Ban đầu Malandina không thành công. Có lẽ vì cô còn hơi nhút nhát. Dù vậy, chẳng bao lâu sau cô đã trở nên quyết đoán hơn. Việc dạy dỗ Malandina cuối cùng đã làm hại chính Kurbatova. Lúc đó, người phụ nữ lớn tuổi hơn này đang ly thân và một mình nuôi con nhỏ. Cô đã tìm được một đám khá tốt, anh chàng có tên là Misha Melnikov, là một trong số các huấn luyện viên. Anh là con trai của một phi công giỏi và vì vậy được coi là một “con mồi ngon”. “Tôi kể với Ira về anh ấy”, Kurbatova nhớ lại, “nhưng tôi không bao giờ nghĩ được rằng cô ấy có thể âm mưu làm điều đó”. Một thời gian ngắn sau, một tiếp viên khác thông báo cho Kurbatova rằng Malandina trẻ trung, ngây thơ đã cướp mất người yêu của cô. “Cô ấy kể rằng cô ấy thấy Ira gặp Misha ở bến xe buýt trong mấy ngày liền. Vì họ chưa quen biết nhau nên Ira rẽ qua đám đông và ngã vào người Misha, giả vờ như tình cờ vậy.” Thủ thuật này không có gì độc đáo nhưng đã có tác dụng. Hai người nhanh chóng cặp đôi với nhau. Kurbatova cho biết, khi cô chất vấn Malandina về việc đánh cắp bạn trai của mình thì Malandina trả lời rằng Misha sẽ không bao giờ cưới cô vì cô có một đứa con: “Tôi nhận ra mình đã nhầm rằng cô ấy là một cô gái khiêm tốn, đáng yêu. Nhưng rồi Ira cũng không may mắn. Misha lại bỏ rơi cô ấy.” Rõ ràng Kurbatova không phải người có thể đánh giá một cách khách quan về những gì diễn ra sau đó. Cô nhận xét cay độc rằng Abramovich là một kẻ hám tiền, liều lĩnh và rất không tinh tế trong việc trò chuyện với các tiếp viên. Mặc dù anh muốn đưa danh thiếp, nhưng rất ít cô gái tỏ ra thích thú. “Chúng tôi cười nhạo anh ta”, Kurbatova nói. “Cứ như anh ta bốc mùi kinh khủng vậy. Một hôm anh ta đưa danh thiếp cho Ira. Ban đầu cô ấy không thích thú gì, nhưng một vài tháng sau, cô ấy đột nhiên thông báo rằng sẽ kết hôn”. Kurbatova kết luận có nhiều điều khác ngoài tình yêu đích thực. Có lần cô nhận xét rằng Malandina đã hả hê “một cách thái quá” khi không còn phải lo đếm xem tháng này có bao nhiều tiền lương. Vì Abramovich từ chối trao đổi chuyện cá nhân, và cấm vợ mình làm như vậy, nên chúng tôi không biết nhiều về thời kỳ tìm hiểu của họ. Tuy nhiên, chúng tôi biết rõ mối quan hệ của cặp đôi này phát triển và đến năm 1991, họ kết hôn. Một năm sau, Abramovich trở thành cha lần đầu tiên khi cô con gái Anna ra đời. Đến lúc này, bản năng kinh doanh của Abramovich đã rất sôi sục. Đề cập đến giai đoạn này, sơ yếu lý lịch của ông trên website chính thức của tỉnh Chukotka chỉ đề cập đơn giản rằng ông trở thành một doanh nhân, thành lập công ty liên doanh Uyut và công ty ABK chuyên sản xuất hàng tiêu dùng quy mô nhỏ. Thế nhưng người ta cho rằng đầu thập kỷ 1990, Abramovich đã thành lập và đóng cửa không dưới 20 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tân trang lốp xe và đào tạo vệ sĩ. Việc sớm thử sức trong một thị trường tự do là một quá trình tập sự rất có giá trị đối với Abramovich. Khuynh hướng sẵn sàng chấp nhận rủi ro cùng với khả năng lôi cuốn cá nhân tài tình và khôn khéo đã bắt đầu tạo thuận lợi lớn cho Abramovich. Nhưng sự kiện tháng 8 năm 1991 mới chính là bước quyết định, không chỉ đối với sự nghiệp cá nhân của Abramovich mà còn đối với cả tương lai của nước Nga. Thời gian đó, một nhóm các nhà cộng sản theo đường lối cứng rắn tìm cách đảo ngược tiến trình cải cách tự do của Gorbachev, Tổng thống của Liên Xô khi đó, bằng cách phối hợp với một số thành phần trong Quân đội quản thúc Gorbachev tại quê nhà. Đồng thời, họ ra lệnh cho xe tăng và binh lính bao vây Nhà Trắng, trụ sở của nghị viện Nga. Những người âm mưu đảo chính đã không ngờ tới sự gan lì của một trong những chính trị gia hàng đầu của Nga, Boris Yeltsin. Yeltsin có vóc dáng cao to, vẻ mặt nhăn nheo do bị tàn phá bởi nhiều năm uống vodka như nước lã. Ông trưởng thành dưới thời cộng sản, nhưng không giống như nhiều apparatchik (thành viên của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga) khác, ông ủng hộ các cuộc cải cách của Gorbachev. Người ta nói rằng, ông mặc dù không tinh thông về kinh tế nhưng lại có bản năng chính trị xuất sắc không chịu thua kém ai. Ngày 19 tháng 8 năm đó, một lần nữa ông lại chứng tỏ bản năng này. Từ trên tháp pháo xe tăng bên ngoài Nhà Trắng, Yeltsin mặc một bộ comple màu nâu, bên trong là một chiếc áo chống đạn, dõng dạc hô vang các khẩu hiệu phản đối cuộc đảo chính. Trong vòng 48 giờ, những người cầm đầu vụ đảo chính phải bỏ chạy và 4 tháng sau thì Liên bang Xô Viết bị giải tán. Khi Yeltsin lên nắm quyền, cải cách kinh tế được thúc đẩy. Các nhà lập pháp không theo kịp những chuyển biến mau lẹ của tình hình trong khi các doanh nghiệp năng động lại đứng trước rất nhiều cơ hội. Abramovich là một trong số những người đầu tiên nhanh chóng nhận ra tiềm năng của hoạt động kinh doanh dầu lửa. Trong hệ thống Xô Viết cũ, dầu mỏ khai thác trong nước được bán với giá thấp hơn giá thế giới nhiều lần và chính quyền Xô Viết đã kiếm được khá nhiều tiền nhờ bán dầu sản xuất trong nước ra thị trường thế giới. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các nhà đầu tư tư nhân có cơ hội tiếp cận khoản lợi nhuận trời cho này. Chrystia Freeland, Phó tổng biên tập tờ Thời báo Tài chính, nguyên Giám đốc Văn phòng Moscow của tờ báo này từ 1995-1998, nhận xét: Khi Liên Xô sụp đổ, một trong những vấn đề mà Yeltsin đã lơ là trong kiểm soát chính là lĩnh vực dầu lửa. Chính quyền mới đã phải mất một thời gian khá lâu mới hiểu được điều then chốt là không thể kiểm soát dầu lửa thông qua việc kiểm soát giấy phép xuất khẩu. Vì vậy, nếu bạn trở thành một thương gia trong thời kỳ đặc biệt đó thì quả là điều tuyệt vời. Bạn có thể kiếm được bội tiền. Abramovich đã làm như vậy. Anh nhanh chóng hiểu rằng một giấy phép xuất khẩu dầu cũng không khác gì một giấy phép in tiền. Dầu lửa không chỉ là một trong những loại hàng hóa dồi dào nhất ở Nga mà còn là một trong những mặt hàng dễ giao dịch nhất ở phương Tây. Vấn đề duy nhất là làm thế nào để đưa được dầu ra khỏi biên giới quốc gia. Cần phải có một giấy phép xuất khẩu. Các vấn đề trở nên phức tạp bởi các công chức dân sự với mức lương nghèo nàn cũng nhanh chóng nhận thức được sức mạnh quyền lực do những con dấu cao su của họ đem lại. Giấy phép xuất khẩu cũng trở thành một loại hàng hóa được buôn bán như chính dầu lửa. Nạn hối lộ vốn đã lan tràn trong bộ máy quan liêu của chính quyền Xô Viết, nay tiếp tục tồn tại dai dẳng ở nước Nga non trẻ sau khi chính quyền cũ đã sụp đổ. Không có chứng cứ cho thấy Abramovich đã hối lộ ai đó khi đang là một doanh nhân dầu lửa, tuy nhiên, sự thực là anh có quan hệ gần gũi với một số viên chức cấp cao trong cơ quan hải quan Nga, trong đó có Mikhail Vanin, người sau này trở thành Giám đốc Ủy ban Hải quan Nga. Thứ mà Abramovich cần nhất lúc này là vốn đầu tư ban đầu cho các hoạt động kinh doanh. Trong gần như suốt cuộc đời kinh doanh của mình, Abramovich phải chịu những tin đồn không hay rằng để có vốn kinh doanh, anh đã tìm cách ăn cắp một lô dầu diesel đang được chuyên chở bằng tàu hỏa từ Ukhta, qua Moscow và đến Kalinigrad năm 1992. Câu chuyện này được tờ Nep+S, một tờ báo địa phương ở Ukhta kể lại chi tiết trong năm 1999. Tờ báo này cũng nhắc đến những tình tiết liên quan như bức điện giả, chứng mất trí nặng và sự can thiệp vào phút chót của một mạnh thường quân giấu mặt. Tờ báo thậm chí còn đưa ra mã số của vụ việc – 79067 – và nói rằng Abramovich đã bị bắt giam trong một sở cảnh sát vì những cáo buộc liên quan. Nhưng trong buổi gặp mặt tại Stamford Bridge, một trong những cấp phó cao nhất của Abramovich cho các tác giả biết: “Tôi có hỏi ông ấy về câu chuyện tàu hỏa. Tôi thấy làm vậy thật tồi tệ nhưng tôi phải biết sự thật. Ông ấy nhẹ nhàng nhìn tôi và nói: ‘Điều đó chưa bao giờ xảy ra.’” Chương 3. Trúng mánh Khi Abramovich tiến đến chiếc thuyền buồm nơi bạn của anh, Pyotr Aven, đang tổ chức một bữa tiệc rượu, anh chắc hẳn đã nghĩ rằng mọi việc không thể tốt đẹp hơn. Mặt trời đang tỏa sáng, những cô gái xinh đẹp thơ thẩn đi dạo trong bộ bikini, những loại thức ăn và đồ uống hảo hạng nhất. Thế nhưng, bước ngoặt lớn trong đời Abramovich vẫn đang ở phía trước. Abramovich sắp được giới thiệu với một nhân vật quan trọng, người sau này làm xoay chuyển cuộc sống của anh, người có vai trò lớn nhất trong việc biến anh từ một triệu phú dầu lửa thành một tỷ phú tư bản công nghiệp sở hữu không chỉ một mà là ba chiếc thuyền buồm dài và xa hoa hơn cả chiếc thuyền mà Aven du ngoạn ngày hôm đó. Aven là người rất đáng để kết làm bạn tốt. Anh là một trong số những “Nhà Cải Cách Trẻ”, nhóm những thanh niên cấp tiến có lối tư duy làm biến đổi cả nền kinh tế Nga. Anh tham gia vào khu vực kinh tế tư nhân với việc gia nhập nhóm Alfa, một tập đoàn độc quyền của trùm sỏ Mikhail Friedman, khi đó đã là một người đàn ông vô cùng giàu có và quan trọng hơn là dường như rất biết nhìn người. Trong số khách mời có mặt trên chiếc thuyền buồm của Aven ngày hè năm 1995 đó có một người đàn ông dáng thấp đậm, đầu chớm hói và phất lên từ việc buôn bán xe hơi. Tên ông ta là Boris Berezovsky, người thầy xuất sắc của Abramovich sau này. Khi hai người gặp nhau, Abramovich mới khoảng 25 tuổi nhưng thực sự đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Berezovsky, người lớn hơn anh đến 20 tuổi. Theo Giám đốc Đài phát thanh Tiếng vọng Moscow Alexei Venediktov, sau cuộc gặp đó, Berezovsky bảo với ông ta rằng Abramovich là “thanh niên tài năng nhất mà ông ấy từng biết” (mặc dù trong một cuộc phỏng vấn vài năm sau khi bất hòa với người mình đỡ đầu, Berezovsky cho biết, thực ra ông chỉ nói rằng trong số các doanh nhân mà ông từng gặp, Abramovich là người có khả năng giao tiếp trực tiếp tốt nhất). Venediktov nhớ lại: Lúc đó, Abramovich đã được đánh giá là một nhà quản lý giỏi và Berezovsky cần anh ấy làm đối tác. Có lần tôi hỏi Berezovsky rằng Abramovich có tài năng gì và ông ấy trả lời rằng anh ta là một nhà tâm lý giỏi. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định đó, căn cứ vào việc anh ta đã thành công trong việc thuyết phục tôi quay về làm việc cho anh ấy. Anh ta rất hiểu người đối thoại của mình. Tôi từng quan sát anh ta giao tiếp với nhiều phóng viên khác nhau và với mỗi người anh ấy đều có cách tiếp cận riêng. Rõ ràng anh ta cũng tiếp cận các chính trị gia theo cách đó. Anh ta thể hiện phong cách của một anh chàng cục mịch, trò chuyện tự nhiên về điểm yếu của mình. Anh ta thường bắt đầu câu chuyện bằng câu: “Dĩ nhiên là anh sẽ không tin tôi” và điều này luôn có tác dụng. Chrystia Freeland cũng nhận ra ở Abramovich khả năng tạo ấn tượng tốt đối với người đối thoại: Về tính tình, mọi người đều cảm thấy Abramovich là một người dễ chịu, và chắc chắn trong cộng đồng các ông trùm đó, anh ấy là người được mọi người thường nhắc đến với sự yêu mến. Có lẽ anh ấy thường tỏ ra hòa nhã hơn những người khác. Xét về phong cách, anh ấy là người dễ hòa đồng. Đặc điểm tính cách đó không thể giải thích cho sự thành công trong kinh doanh của Abramovich bởi bản chất của các ông trùm là những “con ngoáo ộp đáng sợ”. Tuy nhiên, dù sao đó vẫn là những gì mà mọi người nói về anh ấy. Abramovich cũng là người biết cách cư xử với các nhân viên chính quyền. Một viên chức trong điện Kremlin có quen biết với Abramovich sau khi Berezovsky bước chân vào chính phủ, còn nhớ rằng Abramovich là người rất kiên nhẫn: “Berezovsky rất khiếm nhã. Ông ấy thường bắt mọi người chờ đợi ở bên ngoài văn phòng trong nhiều giờ liền, đôi khi còn quên cả các cuộc hẹn với họ nữa. Nhưng Roman luôn ngồi ngoài hành lang và không bao giờ phàn nàn.” Tính cách khiêm nhường của Abramovich phù hợp với vai trò một đối tác cấp thấp và sự nhạy cảm thông minh giúp anh nắm bắt được tâm lý người khác. Tuy nhiên, chính sự thông hiểu về kinh doanh dầu lửa mới là điều thuyết phục Berezovsky cho Abramovich tham gia vào một trong những thương vụ hấp dẫn nhất khi Yeltsin đem bán rẻ các tài sản quốc gia khổng lồ của Nga. Trong nhiều tháng liền, Abramovich và Berezovsky cùng nỗ lực chuẩn bị cho một vụ bỏ thầu mà sau này trở thành một trong những giao dịch hời nhất của quá trình tư nhân hóa trong những năm 1990. Trong khi Berezovsky có mọi mối liên hệ chính trị cần thiết để thắng thầu thì Abramovich thể hiện sự tinh thông trong những lĩnh vực kỹ thuật phức tạp nhất. Lúc này, anh đã là một doanh nhân dầu lửa dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên giao dịch với nhà máy lọc dầu Omsk trong một khoảng thời gian dài. Năm 1995, nước Nga lâm vào khủng hoảng. Năm trước đó, giá cổ phiếu lao dốc không phanh, lạm phát vượt kiểm soát còn ngân sách quốc gia thâm hụt nặng nề. Lúc này, tổng thống Yeltsin cần khôi phục niềm tin của công chúng vào Chính quyền và phải gấp rút thành lập một ngân quỹ đặc biệt cho chiến dịch tranh cử tới, nếu không sự nghiệp của ông sẽ tiêu tan. Kiến trúc sư của kế hoạch cứu vớt Yeltsin, nhưng với cái giá ”cắt cổ” cho người dân Nga, là một ông chủ ngân hàng tên Vladimir Potanin. Kế hoạch của Potanin, ngày nay vẫn được nhắc đến dưới tên gọi “thương vụ cho vay tiền để lấy cổ phiếu” tỏ ra vô cùng táo bạo. Ông đề nghị một nhóm các ông trùm giàu có cho Chính phủ vay một khoản tiền, đổi lại họ sẽ được quyền mua cổ phiếu trong các ngành công nghiệp trụ cột của nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ từ bỏ một phần quyền quản lý và chuyển sang cho các chủ nợ. Vì khả năng Chính phủ có thể trả các khoản vay nợ là rất xa vời nên về lâu dài, thỏa thuận này gần như sẽ khiến các ngành kinh tế chủ lực của đất nước bị trao vào tay một nhóm các nhà đầu cơ với giá rẻ mạt. Trong một phiên họp kéo dài 4 giờ đồng hồ quanh chiếc bàn hình móng ngựa trong một phòng họp tại điện Kremlin ngày 30 tháng 3 năm 1995, Potanin, ngồi giữa hai ông chủ ngân hàng đầy quyền lực khác là Mikhail Khodorkovsky và Aleksandr Smolensky, nêu ra đề xuất trước đông đủ các thành viên nội các Nga do Thủ tướng Viktor Chernomyrdin làm chủ tọa. Ông đề nghị nhóm cho Chính phủ vay 9,1 nghìn tỷ rúp (lúc đó tương đương 1,12 tỷ bảng Anh) để đối lấy quyền mua cổ phần thiểu số và quyền quản lý 44 công ty thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có Yokos (mục tiêu của Khodorkovsky) và Norilsk Nickel (mục tiêu của Potanin). Dù sao, đây vẫn là một kế hoạch hấp dẫn đối với Chính phủ Nga vì một số lý do. Thứ nhất, Ủy ban Tài sản Nhà nước, được giao chỉ tiêu thu 8,7 nghìn tỷ rúp từ khu vực kinh tế tư nhân, đến lúc đó mới đạt 143 tỷ rúp. David Hoffman, tác giả cuốn Các ông trùm, Sự giàu có và Quyền lực ở nước Nga mới bình luận: “Các ông chủ ngân hàng đề xuất với Chính phủ một kế hoạch mà trong nháy mắt giới cầm quyền có thể thu được toàn bộ lợi tức của quá trình tư nhân hóa trong cả năm”. Potanin và các ông chủ ngân hàng khác cũng hứa hẹn một sự ủng hộ toàn diện về chính trị, tài chính và chiến lược cho chiến dịch tái tranh cử của Yeltsin và bảo đảm sự ủng hộ đối với bất cứ hoạt động nào nhằm gạt bỏ các thành phần cộng sản cũ. Thứ hai, kế hoạch này được thiết kế giống như việc đem cầm cố tài sản của nhà nước thay vì chuyển nhượng thẳng, và như vậy sẽ không gây phản ứng từ công chúng. Freeland sau đó đưa ra bình luận trong cuốn Vụ mua bán của Thế kỷ, cuộc chuyển mình của nước Nga từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản như sau: Thỏa thuận “tiền cho vay đổi lấy cổ phiếu” là thương vụ thao túng một quốc gia suy yếu một cách đau đớn đến nỗi nước Nga, ngay cả khi tiếp tục rơi vào khó khăn như thời điểm hiện tại (2004), vẫn đang phải tìm cách loại bỏ những ông trùm tham lam đã chủ mưu làm điều tồi tệ đó. Tuy nhiên, khi quan sát họ bày mưu tính kế và gặt hái lợi nhuận, tôi không ngừng tự hỏi những người Nga đó có gì khác với các doanh nhân lẫy lừng, các nhà sản xuất hàng điện tử, các nhà tài phiệt công nghệ và các chuyên gia tài chính mà xã hội chúng ta vẫn tung hô ca ngợi vì đã tạo ra một kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có… Vấn đề nằm ở chỗ nước Nga đã cho phép họ làm điều đó. Có một người quan trọng đã vắng mặt tại cuộc họp ngày 30 tháng 3, đó là Boris Berezovsky. Trong tất cả các ông trùm, Berezovsky là người có kinh nghiệm nhất. Phần lớn những người kiếm chác được nhiều từ bữa tiệc tư nhân hóa của Nga là những kẻ cơ hội may mắn “chộp” được thời cơ tốt nhất. Tuy nhiên, Berezovsky là một nhân vật hoàn toàn khác. Một phần vì lớn tuổi hơn và đã có hơn 20 năm làm việc trước khi chớp được tư tưởng tự do kinh doanh mới, Berezovsky là ông trùm ma mãnh và sừng sỏ hơn nhiều. Trước khi bước vào kinh doanh, ông ta đã có gần 2 thập kỷ làm việc tại Viện Khoa học Đối chứng, nơi dễ dàng tiếp cận với các nhà toán học và nhà lý luận nổi tiếng bậc nhất nước Nga, những người kề cận với trọng trách xây dựng một thế hệ phần cứng mới cho kỷ nguyên công nghiệp, từ những hệ thống dẫn đường cho tên lửa xuyên lục địa đến các chương trình tự động hóa các dây chuyền lắp đặt. Berezovsky trưởng thành trong môi trường này, không chỉ như một nhà khoa học mà còn là một nhà tổ chức và kết nối hệ thống. Ông ta thậm chí còn có tham vọng giành giải Nobel, nhưng công cuộc cải tổ đã cản trở việc đó. Khi các cuộc cải cách thị trường của Gorbachev được định hình thì Berezovsky đã 40 tuổi, chưa từng được sở hữu một chiếc xe hơi và thực sự cũng không nhìn thấy khả năng có được một chiếc trong tương lai. Vì vậy, cải thiện tình cảnh đó trở thành mục tiêu chủ đạo trong cuộc đời ông. Nhưng giải pháp cho vấn đề chỉ là quyền đồng sở hữu một chiếc Lada cũ mèm, tả tơi và hỏng hóc liên tục. Chiếc xe vốn là của một người bạn cũ của Berezovsky, Leonid Boguslavsky. Trong thời gian làm việc ở Viện Khoa học, Berezovsky có mối quan hệ với nhà máy Avtovaz, nhà máy chuyên sản xuất xe Lada tại thành phố Togliatti bên bờ sông Volga. Ông đã thuyết phục được Boguslavsky cho cùng sở hữu chiếc xe nếu ông có thể đưa nó đi đại tu ở nhà máy Avtovaz. Có được một chiếc xe luân phiên sử dụng với bạn, Berezovsky bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc tận dụng mối quan hệ với Avtovaz. Ông nhận ra rằng, cũng giống như ông, tất cả những người Nga thuộc tầng lớp trung lưu đều khao khát có một chiếc xe hơi. Chiến thuật ban đầu của ông có vẻ kỳ cục nhưng đầy sáng tạo. Ông tình nguyện làm tài xế cho một ủy viên ban quản trị Avtovaz có tên là Tikhonov khi ông này đến thăm Moscow. Khi đưa họ đi thăm quan thành phố, ông chú ý đến mọi thông tin mà các hành khách của ông trao đổi. Khi đã củng cố được mối quan hệ với ban quản trị cấp cao của Avtovaz, ông thành lập một công ty liên doanh với một công ty của Ý phát triển một dây chuyền lắp ráp ở Avtovaz. Cùng thời gian đó, Berezovsky cũng không bỏ qua các thương vụ làm ăn nhỏ lẻ. Ông ta sang Đức 10 lần, mỗi chuyến đi mua một chiếc Mercedes và lái về Nga để bán lại. Cho đến đầu năm 1993, Berezovsky bắt đầu kiếm tiền thực sự. Móc nối với Kaddanikov, Giám đốc Avtovaz, ông mua được 35 nghìn chiếc Lada với những điều khoản vô cùng hào phóng. Theo thỏa thuận, ông sẽ phải thanh toán ngay 10% tổng số tiền phải trả theo thỏa thuận bằng tiền rúp, số còn lại sẽ phải trả sau đó 2 năm rưỡi. Trong một nền kinh tế bất ổn như ở Nga, nơi lạm phát cứ tăng vùn vụt ngoài vòng kiểm soát, thì một thỏa thuận như thế là thua thiệt lớn đối với Avtovaz. Quả thực như vậy, theo tính toán của Hoffman, khi đồng rúp rơi tự do thì giá trị của những chiếc xe hơi đó tính theo đô-la giảm từ 2.989 đô-la xuống chỉ còn 360 đô-la. Kết quả là Berezovsky đã lãi ròng 105 triệu đô-la. Berezovsky tiếp tục kiếm thêm được rất nhiều từ một kế hoạch hoang đường có tên gọi là AVVA bằng việc bán trái phiếu cho công chúng. Khỏi cần phải nói, Berezovsky đã giàu lên nhanh đến mức nào. Một cụm từ thời thượng được lưu hành trong ngành kinh doanh xăng dầu đầu những năm 1990 là “liên kết dọc”, việc một công ty khai thác dầu liên kết với một hãng lọc dầu. Các kế hoạch thành lập Sibneft (Hãng dầu mỏ Siberia) đã bắt đầu được nhen nhóm từ tháng 11 năm 1992 sau khi các quan chức công ty sản xuất dầu Noyabrskneftegaz và công ty lọc dầu Omsk, hãng chế biến xăng dầu hiện đại nhất và lớn nhất của Nga, lần đầu tiên đề xuất với Bộ Nhiên liệu và Năng lượng về việc hợp nhất hai công ty trên dưới sự quản lý của đầu não duy nhất. Tuy nhiên, chính sự can thiệp của Berezovsky mới giúp thúc đẩy nhanh tiến trình này. Ông vận động hành lang Aleksandr Korzhakov, Cục trưởng Cục An ninh Tổng thống, để ông này, cùng với một phụ tá cao cấp khác của Yeltsin, thuyết phục một thống đốc địa phương và Bộ trưởng Năng lượng bật đèn xanh cho việc thành lập một doanh nghiệp mới. Chỉ trong vòng vài tháng, Sibneft đã được thành lập theo một sắc lệnh do Yeltsin ký vào ngày 12 tháng 9 năm 1995. Ngoài Noyabrsk và Omsk, công ty này còn nắm quyền điều hành công ty thăm dò dầu khí Noyabrskneftegazgeophysica và công ty tiếp thị Omsknefteprodukt. Thương vụ bán công ty dầu lửa lớn thứ 6 của Nga cùng nằm trong chương trình “cho vay tiền đổi lấy cổ phần”, và việc đấu giá được ấn định vào ngày 28 tháng 12 năm 1995. Chính phủ hy vọng có thể vay được một khoản tối thiểu là 100 triệu đô-la, thế chấp bằng 51% cổ phần của Sibneft đồng thời trao cho chủ nợ quyền quản lý vốn và tham gia đấu giá 49% cổ phần còn lại trong nhiều cuộc đấu giá tiếp theo. Xác định được đây là một mỏ vàng nhưng vấn đề của Berezovsky và Abramovich lúc này là phải tìm các nguồn tiền có thể huy động được để mua cổ phiếu của Sibneft. Mặc dù kinh doanh xe hơi thành công nhưng Berezovsky khi đó mới chỉ có 35 triệu đô-la trong khi số tiền ông cần là 50 triệu đô-la. Vì vậy, Berezovsky đã quyết định thực hiện một chuyến gây quỹ tới những nơi xa xôi như Nhật Bản, Đức và New York nhằm thu hút được 15 triệu đô-la còn thiếu. Tuy nhiên, thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào một doanh nghiệp Nga trong thời kỳ đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nỗi ám ảnh về Gennadi Zyuganov, nhà lãnh đạo cộng sản rất có uy tín thời đó, lớn đến mức không ai trong số những người mà Berezovsky tiếp cận muốn cho ông vay tiền để mua một doanh nghiệp rất dễ có nguy cơ bị tái quốc hữu hóa chỉ một thời gian ngắn sau đó. Khi Berezovsky đề nghị tỷ phú tài chính Mỹ George Soros, cho vay 10-15 triệu đô-la, ông ta thẳng thừng trả lời là việc đó quá rủi ro. Berezovsky sau đó kể với David Hoffman rằng câu trả lời chính xác của Soros là: “Tôi không thể cho anh dù chỉ một đô-la”. Cuối cùng, Berezovsky đã tìm được nguồn tiền ở trong chính nước Nga bằng việc vay Ngân hàng Menatep. Nghe nói Abramovich cũng vay một số tiền tương tự, phần vốn góp còn lại, lấy từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ. Hai nhân vật này giành được chiến thắng trong cuộc “đấu giá” diễn ra sau đó với thỏa thuận cho Chính phủ vay 100,3 triệu đô-la. Theo một cuộc điều tra của Phòng Kiểm toán của chính phủ Nga, công ty cấp vốn là Công ty Tài chính Xăng dầu, liên doanh 50-50 giữa Ngân hàng Thống nhất của Berezovsky và công ty Vektor-A, một công ty thuộc sở hữu của hãng kinh doanh dầu lửa Petroltrans của Abramovich. Có được quyền điều hành công ty, công việc tiếp theo của Berezovsky và Abramovich là huy động đủ tiền để mua 49% cổ phần còn lại. Phiên đấu giá 19% cổ phần đầu tiên được tiến hành vào tháng 9 năm 1996. Tất nhiên, kẻ thắng cuộc lại là một liên doanh Berezovsky/Abramovich khác có tên là ZAO Firma Sins. Theo các điều khoản của thỏa thuận, ngoài việc phải trả 82,4 tỷ rúp cho số cổ phiếu đó, liên doanh này phải cam kết sẽ đầu tư 45 triệu đô-la cho Sibnef. Điều thú vị là Abramovich lúc này lại trở thành một đối tác lớn xét về lượng cổ phiếu mà anh nắm giữ, ít nhất là trên giấy tờ. ZAO Sins là một liên doanh 50-50 giữa một công ty thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Abramovich và một công ty khác mà anh và Berezovsky giữ số cổ phần bằng nhau. Điều này có nghĩa là Abramovich chiếm 75% số cổ phiếu trong phiên đấu giá lần thứ nhất và Berezovsky chỉ chiếm 25%. Một tháng sau, đợt đấu giá 15% khác được thực hiện. Lần này bên thắng thầu là Công ty lọc dầu ZAO với giá thỏa thuận là 65 tỷ rúp và cam kết tiếp tục đầu tư 35,5 triệu đô la. Và Berezovsky có vẻ lại yếu thế bởi vì công ty ZAO là một liên doanh giữa hai công ty thuộc quyền sở hữu của Abramovich. Kết quả điều tra của Phòng Kiểm toán về thương vụ Sibneft được công bố năm 1998 cho thấy, dấu hiệu cạnh tranh trong suốt quá trình này chỉ là sự giả tạo. Nhà thầu khác duy nhất trong phiên đấu giá 19% cổ phần lại là một liên doanh giữa hai công ty thuộc quyền sở hữu của một người có tên R. Abramovich. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong “phiên đấu giá” tiếp theo. Nhà thầu “cạnh tranh” 15% cổ phần là công ty ZAO Firma Foster, một liên doanh khác giữa hai công ty của Abramovich. Mặc dù sắc lệnh gốc của Tổng thống Yeltsin quy định rằng số cổ phần được đấu giá sẽ vẫn thuộc sở hữu nhà nước trong 3 năm sau đó, đến tháng 9 năm 1998 mới chính thức “tự do”, nhưng trên thực tế, chúng đã được Công ty Tài chính Xăng dầu, công ty liên doanh của Berezovsky và Abramovich (chứ không phải Chính phủ) đem bán vào ngày 12 tháng 5 năm 1997. Theo các điều khoản của thỏa thuận gốc, nếu Chính phủ không trả được các khoản nợ thì số cổ phiếu được dùng để thế chấp sẽ được các nhà đầu tư đem bán đấu giá. Họ sẽ được hưởng 30% chênh lệch giá giữa số tiền mà họ đã cho vay và giá bán trên “thị trường”. Trong phiên đấu giá, Abramovich và Berezovsky giành được số cổ phiếu áp đảo. Cuộc đấu giá thu hút tất cả 4 nhà thầu, một trong số đó là công ty FNK. Ban đầu, FNK là liên doanh giữa công ty Chứng khoán Alkion và Ngân hàng Thống nhất của Berezovsky. Sau đó, hai cổ đông này bán bớt cổ phần, thu hút thêm 3 đối tác mới: gồm một công ty liên doanh giữa Berezovsky và Abramovich, trong đó Abramovich chiếm ưu thế, có tên là Firma Latsis (chiếm 29,9% cổ phần) và hai cổ đông khác là Broksi và Aksiap (mỗi công ty nắm giữ 2% cổ phần). Điều thú vị là cả Broksi và Aksiap đều có cùng địa chỉ đăng ký như Firrma Latsis và đều là liên doanh Berezovsky/Abramovich. Chưa hết, trong số ba nhà thầu còn lại cũng có một công ty là của Abramovich, tên ZAO Firma Stens. FNK được tuyên bố là bên chiến thắng với mức 110 triệu đô la. Như vậy, số cổ phần mà Berezovsky và Abramovich nắm giữ lại được bán cho một công ty mà hai ông trùm này có tới 1/3 cổ phần trong cuộc cạnh tranh mà một trong những nhà thầu khác lại chính là Abramovich. Trang web của Sibneft mô tả toàn bộ sự kiện trên trong hai đoạn, chính xác như sau: Kế hoạch ban đầu về việc tư nhân hóa Sibneft là đề xuất đem đấu giá 49% cổ phần cho các nhà đầu tư và giữ lại 51% cho chính quyền liên bang cho đến tháng 9 năm 1998. Trong một loạt các cuộc đấu giá bắt đầu từ tháng 1 năm 1996, các nhà đầu tư tư nhân đã mua 49% vốn cổ phần của Sibneft. Tháng 12 năm 1995, chính phủ đã thế chấp số cổ phần của mình theo chương trình “cho vay tiền để lấy cổ phiếu”. Theo kế hoạch này, các nhà đầu tư tư nhân sẽ cho Nhà nước vay một số tiền, để đổi lấy quyền quản lý số cổ phần của Nhà nước trong một số công ty. Sau đó, số cổ phần này được bán trong một phiên đấu giá đặc biệt cho các nhà đầu tư tư nhân. Ngày 12 tháng 5 năm 1997, Tập đoàn Tài chính Xăng dầu (FTC) đã mua lại toàn bộ số cổ phần của chính phủ trong Sibneft. Giá mà mọi việc có thể đơn giản như vậy. Nhờ thủ đoạn này, Berezovsky, Abramovich và các đối tác của họ đã mua được Sibneft với giá chưa đến 200 triệu đô-la trong khi giá trị của công ty này năm 2003 ước tính là 15 tỷ đô-la, cao gấp 75 lần. William Browder, vị giám đốc điều hành người Mỹ của Công ty Quản lý Quỹ Hermitage có trụ sở ở Moscow, nhận định: “Trong trò chơi độc quyền đặc biệt này, Abramovich bước vào từ bên lề và chiến thắng”. Abramovich không phải là người duy nhất. Mikkhail Khodorkovsky chỉ phải trả 309 triệu đô-la để mua 78% cổ phần của Yukos, công ty dầu mỏ lớn nhất nước Nga và có giá trị lúc cao nhất lên đến 35 tỷ đô-la. Vladimir Potanin mua 51% cổ phần của công ty Sidanko, một gã khổng lồ dầu mỏ khác, với giá 130 triệu đô-la và chỉ hơn hai năm sau, giá trị vốn hóa thị trường của số cổ phần đó đã lên tới 5 tỷ đô-la. Những con số tương tự có thể thấy được trong tất cả các quá trình tư nhân hóa khác. Các ông trùm người Nga chắc hẳn đã rất hả hê khi nhận định rằng phương Tây đã bỏ lỡ một món hời lớn khi từ chối đầu tư cho những thương vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, sự do dự của những nhà tài phiệt như Soros mang nhiều màu sắc chính trị hơn là kinh tế. Họ cũng có thể lập luận rằng nếu không có “những khoản cho vay” của họ thì Yeltsin không bao giờ có thể tái đắc cử và nước Nga sẽ lại rơi vào tay cộng sản. Lý lẽ này có phần thích đáng, tuy nhiên điều mà họ khó có thể biện minh là trong khi chỉ vài trăm người bọn họ trở nên vô cùng giàu có thì 150 triệu người Nga lúc đó vẫn phải lăn lộn trong khốn khó bởi đất nước họ đã đem bán tài nguyên khoáng sản với cái giá vô cùng rẻ mạt. Chương 4. Cậu bé mồ côi gia nhập nhóm “Gia đình” Một chiếc lều màu đen sang trọng được dựng lên ngay tiền sảnh ngôi biệt thư tọa lạc ở ngoại ô Moscow. Con gái của Tổng thống Boris Yeltsin là Tatyana Dyachenko đang tổ chức tiệc nướng ngoài trời cho một nhóm bạn bè và đồng nghiệp. Người lái xe bước ra, mở ngăn hành lý và bắt đầu dỡ xuống những thùng rượu đắt tiền, những túi thịt và những giỏ trái cây tươi ngon nhất. Một vị khách nhận xét: “Chà, nhân viên phục vụ trông khá ghê”. Dyachenko trả lời: “Không phải nhân viên phục vụ đâu, đó là Roman Abramovich đấy.” Yeltsin cai trị nước Nga từ năm 1991 đến năm 1999 và trong những năm đó, một trong những nhóm người có quyền lực nhất trên đất nước này không phải nội các của ông hay Cục An ninh Quốc gia mà là một nhóm những bạn bè và đệ tử nổi tiếng được gọi là “Gia đình”. Từ rất lâu trước khi trở thành một nhân vật tầm cỡ quốc gia, nhờ sự giới thiệu của Boris Berezovsky Abramovich đã tiếp cận, hòa nhập và trở thành thành viên của “Gia đình”. Ngay từ những ngày bắt đầu con đường trở thành một ông trùm, Berezovsky đã đủ sắc sảo để hiểu ông cần có quyền lực chính trị đủ mạnh để bảo vệ và mở rộng khối tài sản mới giành được. Đầu tiên, ông đầu tư vào tờ tuần báo rất được công chúng ưa thích là Ogonyok. Thông qua một trong những biên tập viên của tờ báo, ông tiếp cận được với người buôn quyền lực tối thượng, đó chính là Yeltsin. Người biên tập viên đề cập ở trên là Valentin Yomashev, người quen biết Yeltsin trong những ngày đầu của công cuộc cải tổ và nhanh chóng giành được sự tin cậy của ông ta. Khi Yeltsin muốn tìm một người viết hồi ký, ông đã chọn Yumashev. Khi Berezovsky gặp Yeltsin, Yumashev vừa mới hoàn thành tập hồi ký thứ hai của Yeltsin, Notes of the President. Kế hoạch bợ đỡ Yeltsin của Berezovsky rất táo bạo. Ông cho in một triệu cuốn hồi ký này ở Phần Lan và trả “nhuận bút” cho Yeltsin vào một tài khoản ở ngân hàng London. Số lượng xuất bản đó lớn đến mức những cuốn sách in ở Nga trở nên nhỏ nhoi. Phần thưởng dành cho Berezovsky, “món quà vô giá” theo mô tả của Chrystia Freeland, đó là trở thành thành viên Câu lạc bộ của Tổng thống. Câu lạc bộ này là nơi các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết nhất của Yeltsin đến để vui chơi giải trí. Khi tham gia Câu lạc bộ, Berezovsky nhanh chóng nhận ra cô con gái nhỏ Tatyana của Yeltsin, thường gọi là Tanya, chính là chìa khóa vàng để làm thân với Tổng thống. Aleksandr Korzhakov, vị lãnh đạo tàn bạo của Cục An ninh Tổng thống, từng nói: “Nếu Tanya Dyachenko cho Berezovsky số điện thoại trực tiếp của cô ta thì ông ta sẽ trở thành một thế lực không ai có thể ngăn cản.” Berezovsky tiếp tục dồn dập tặng quà cho Tanya, trong đó có cả một chiếc Niva, một loại xe jeep Nga, và một chiếc Chevrolet. Berezovsky là ông trùm duy nhất trong Câu lạc bộ. Vì thế, ông cư xử hợm hĩnh như chú gà trống giữa đàn gà mái vậy. Korzhakov kể cho Freeland một ví dụ sống động về phương cách giao tiếp theo kiểu mặt dày mày dạn của Berezovsky. Một lần, khi Korzhakov đang tắm sau một trận tennis thắng lợi, ông trùm tự cao tự đại đó bước vào và bắt chuyện, bất chấp những dòng nước cứ chảy róc rách trên nền sứ: “Tôi chẳng nghe ông ta nói được bao nhiêu, nhưng ông ta cứ hét lên,” Korzhakov nhớ lại, “Berezovsky chẳng bao giờ chơi thể thao. Ông ta đến với Câu lạc bộ, ngăn không cho mọi người chơi thể thao và tiếp cận những người ông ta cần để giải quyết những thắc mắc, những công chuyện và những vấn đề của ông ta.” Việc Berezovsky bợ đỡ Dyachenko chẳng bao lâu đã tỏ ra hiệu quả đến mức chính ông ta cũng không thể tiên lượng được, nhất là khi Dyachenko chính là “thế lực ngầm” nắm vai trò trung tâm trong Chính quyền Nga. Dyachenko tạo dựng được sự nghiệp này trước khi cha cô gặp khó khăn trong cuộc tái tranh cử tổng thống tháng 6 năm 1996. Cuối năm trước đó, Yeltsin lần đầu tiên bị một cơn đau tim nặng do cảm thấy bị cô lập và bị đe dọa bởi tỉ lệ ủng hộ ông trong Duma Quốc gia Nga sụt giảm thảm hại. Các đảng cánh tả, đứng đầu là những người cộng sản chịu ảnh hưởng của nhà lãnh đạo có tín nhiệm cao Gennadi Zyuganov, đã giành được 40% số phiếu, tương đương 200 ghế trong Duma. Sau bầu cử nghị viện, chính Yeltsin cũng không chắc có nên tái tranh cử hay không. Các cộng sự thân cận nhất của ông cũng bắt đầu nhen nhóm ý đồ kế nhiệm ông. Korzhakov và Mikhail Barsukov, Giám đốc Cục An ninh Liên bang, muốn ông sa thải Thủ tướng Viktor Chernomyrdin và chỉ định đồng minh của họ là Oleg Soskovets, khi đó đang là Phó Thủ tướng thứ nhất, lên thay thế. Bước đi này nhằm tạo thế thuận lợi cho Soskovets ra tranh cử tổng thống nếu Yeltsin rút lui. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12 năm 1995, Yeltsin đã lấy lại can đảm và quyết định ông là người duy nhất có thể đánh bại những người cộng sản. Để đền bù cho Soskovets, ông chỉ định vị cựu giám đốc nhà máy sắt thép này làm người phụ trách chiến dịch tranh cử. Tiến trình tổ chức tái tranh cử được triển khai và ngay lập tức, người ta thấy rõ Soskovets không đáp ứng được công việc này. Chiến dịch mà ông ta tổ chức kém cỏi đến mức suýt nữa thì một việc đơn giản là thu thập đủ số chữ ký cần thiết ủng hộ việc đề cử Yeltsin cũng không làm được. Trong cơn bối rối, Soskovets triển khai các biện pháp ép buộc các công nhân đường sắt và công nhân thép phải ký kết ủng hộ Yeltsin khi họ nhận lương một cách thiếu cẩn trọng. Tất nhiên, mưu đồ này bị báo chí tấn công dữ dội. Phản ứng giận dữ của công chúng lúc đó khiến Yeltsin vô cùng lo lắng. Cho đến lúc này, những chuyện thâm cung bí sử đã bị lan truyền khắp nơi. Yeltsin cần một người thực sự đáng tin cậy, không dính líu vào bất kỳ tranh chấp tai tiếng nào và không chỉ là một gián điệp đơn thuần. Khi ông thảo luận vấn đề này với phóng viên Yumashev, người sau này cưới cô con gái cưng của ông, người này tỏ ra không ngạc nhiên và trả lời: “Tanya thì sao ạ?” Nhìn bề ngoài, ngoài việc là con gái của Tổng thống, Tanya chưa thể hiện được những năng lực phù hợp với công việc. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành toán và kỹ thuật ở Đại học Moscow, cô làm nhân viên lập trình máy tính trong chương trình vũ trụ của Nga và đã kết hôn lần thứ hai (cô kết hôn ba lần) với Leonid Dyachenko, một kỹ sư hàng không tập sự. Vào lúc Yumashev đưa ra gợi ý, cô đang trong thời gian nghỉ sinh và chăm sóc cậu con trai thứ hai Gleb. Mặc dù vậy, Yeltsin ngay lập tức hứng thú với ý tưởng đó. Ông lúc nào cũng gắn bó với cô con gái thứ của mình. Người ta nói rằng cô là người duy nhất có thể an ủi khi ông rơi vào trạng thái trầm uất, đau buồn và mất ngủ. Khi Yeltsin mời con gái làm việc bên mình, Tanya nhiệt tình đồng ý và nhanh chóng chuyển đến Kremlin làm việc hàng ngày trong một văn phòng riêng và thường xuyên tham dự các cuộc họp. Ngoài mức độ gia đình trị nhất định thì chiến dịch tái tranh cử của Yeltsin sẽ không phải cuộc chiến đặc biệt nếu không có sự dính líu của các ông trùm, khi đó mới ở giai đoạn đầu của thời kỳ thăng hoa. Đầu năm 1996, mưu đồ “cho vay tiền để lấy cổ phiếu” đã tỏ ra có triển vọng, song rõ ràng triển vọng đó chỉ có thể thành hiện thực nếu Yeltsin tiếp tục nhiệm kỳ hai. Yeltsin đã thực hiện đúng giao kèo và bây giờ là lúc các ông trùm phải thể hiện sự ủng hộ về “chính trị, tài chính và chiến lược” mà họ đã hứa để đảm bảo ông có thể tái đắc cử. Nếu họ từng có bất kỳ ý nghĩ nào về việc bội ước thì cũng phải gạt bỏ sau khi Berezovsky (đối tác mới của Abramovich) cùng với Vladimir Gusinsky – một ông trùm khác, và Khodorkovsky tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos tháng 2 năm 1996. Thành công của những người cộng sản trong cuộc bầu cử vào Duma hai tháng trước đó đồng nghĩa với việc họ hiện là đảng độc lập lớn nhất trong Nghị viện và nhiều quan chức ở Davos đã đến chúc mừng Zyuganov với tư cách là tổng thống sắp tới của Nga. Mọi người chạy tới xin chữ ký của Zyuganov khi ông rảo bước trên hành lang khách sạn, các phương tiện truyền thông quan tâm tới ông đến mức ông phải trả lời phỏng vấn tới 20 lần một ngày, còn các doanh nhân phương Tây thì tìm cách lấy lòng ông một cách lộ liễu. Về phần mình, Zyuganov nói cho họ những gì họ muốn nghe. Ông khẳng định việc tái quốc hữu hóa không nằm trong chương trình nghị sự của ông: “Chúng tôi biết nếu chúng tôi khởi động việc thu hồi các nhà máy thì tình trạng bắt bớ, giết chóc sẽ diễn ra ở khắp nơi, từ Murmansk đến Vladivostok.” Tuy nhiên, các ông trùm thì thấu hiểu quan điểm thực chất của Zyuganov phía sau vẻ bề ngoài này. Cần phải làm gì đó. Họ nhận ra vị cứu tinh tiềm năng Anatoli Chubais, một cựu bộ trưởng phụ trách chương trình tư nhân hóa của Nga. Nhìn qua thì Chubais không phải là một ứng viên có triển vọng. Thậm chí, ông còn bị Yeltsin chỉ trích thậm tệ và đã bị sa thải ba tuần trước đó. “Anh ta đã bán hết các doanh nghiệp lớn với giá như về không”, Yeltsin nói với báo chí: “Chúng ta không thể tha thứ cho việc này”. Tuy nhiên, dù vô cùng lo ngại khi thấy Zyuganov đã thành công trong thể hiện bản thân giống như bạn của các nhà tư bản, Chubais vẫn chưa bỏ cuộc. Ông ta yêu cầu trong nước fax sang Davos một hồ sơ những bản tuyên ngôn, bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn của Zyuganov. Những tài liệu đó tiết lộ rằng nhà lãnh đạo cộng sản này cứng rắn hơn những gì mà ông thể hiện tại Davos. Quyết định cảnh tỉnh một phương Tây rõ ràng đang thỏa mãn với lời đường mật của Zyuganov và cảnh báo về những nguy cơ biến động sắp xảy ra, Chubais tổ chức một cuộc họp báo để vạch trần chương trình nghị sự thực sự của Zyuganov: “Có hai Zyuganov, một cho thế giới bên ngoài và một cho trong nước”, ông ta nói, “Nếu Zyuganov trở thành tổng thống Nga vào tháng 6, ông ta sẽ xóa bỏ kết quả của những năm tháng tư nhân hóa vừa qua, dẫn đến một cuộc đổ máu và một cuộc nội chiến toàn diện.” Sự công kích này gây ấn tượng mạnh đối với cả Berezovsky và Gusinsky. Khi Berezovsky tiếp cận được một nhân vật là cánh tay phải của Gusinsky sau đó không lâu, họ đồng ý gặp mặt. Hai nhân vật có mối cựu thù sâu sắc trong nhiều năm đã hòa thuận sau một bữa trưa tại quầy rượu của khách sạn Fluela. Sau khi đã thống nhất Chubais sẽ là người điều hành chiến dịch tranh cử của Yeltsin, họ tổ chức một bữa tối kín đáo với các ông trùm khác cũng đang tham gia Hội nghị, trong đó có Khodorkovsky, để tìm kiếm sự ủng hộ. Khi “mặt trận thống nhất” được thành lập, tất cả những việc còn lại phải làm là thuyết phục Chubais tham gia. Các ông trùm đã thành công theo cách thức mà họ cho là cực kỳ thẳng thắn: Họ đề nghị trả tiền cho Chubais, chính xác là 3 triệu đô-la. Sau khi trở lại Moscow, Berezovsky, Gusinsky, Khodorkovsky, Vladimir Potanin và Mikhail Friedman đến điện Kremlin để cảnh báo Yeltsin về tính nghiêm trọng của vấn đề. Nếu những người cộng sản lên nắm quyền, thì tất cả bọn họ sẽ bị “lên đoạn đầu đài”. Họ thẳng thắn nói: chiến dịch của Yeltsin là một mớ hỗn độn và ông chỉ còn một tháng để xoay chuyển tình thế. Có lẽ lúc đó Yeltsin chưa biết về các cuộc thảo luận của họ ở Davos và vì vậy khi kể lại câu chuyện này trong cuốn hồi ký, vị cựu tổng thống tâm sự một cách rất “ngây thơ”: “… điều làm tôi ngạc nhiên nhất là tất cả bọn họ đều khăng khăng cho rằng tôi cần Anatoli Chubais trong chiến dịch tranh cử.” May mắn cho các ông trùm là lúc đó Yeltsin đã nhận thấy rằng sự bất hòa của ông với Chubais chủ yếu do bị bè cánh Korzhakov-Soskovets kích động (nhóm này đang ngày càng bị ghẻ lạnh) và vui vẻ chào mừng Chubais quay trở lại. Một lần nữa, những ông trùm lại thắng thế. Chubais được bầu làm trưởng “nhóm phân tích”, như nhiều người vẫn gọi, gồm một nhà xã hội học, một ông chủ đài truyền hình và một số các nhà phân tích chính trị. Yeltsin đã vô cùng lo lắng, hồi hộp trong lần đầu giới thiệu con gái với nhóm này. “Lúc đầu không ai hiểu điều gì đang diễn ra”, ông kể lại, “Đây là một gương mặt mới, một người phụ nữ sẵn sàng ở lại làm việc muộn, đến văn phòng sớm, tham dự tất cả những cuộc họp ban đêm cũng như ban ngày, người có thể trò chuyện với tất cả mọi người và đưa ra những câu hỏi còn rất ngây thơ.” Tuy nhiên, ngay cả khi nhóm cố vấn sành sỏi này đi vào hoạt động thì kết quả các cuộc thăm dò dư luận về mức độ tín nhiệm dành cho đương kim tổng thống vẫn không hề cải thiện và Yeltsin buộc phải nghĩ đến những biện pháp liều lĩnh. Chính Korzhakov đã đề xuất một giải pháp theo đường lối cứng rắn điển hình: giải tán Quốc hội, cấm Đảng Cộng sản hoạt động và trì hoãn cuộc bỏ phiếu. Korzhakov rõ ràng không phải một nhà dân chủ. Nguyên là một tướng KGB, ông ta tỏ ra thô bạo, với vẻ mặt bất nhã, luôn tìm cách che giấu cái đầu hói bằng cách chải những lọn tóc mỏng vắt qua cái đầu bóng lộn trông giống như một Bobby Charlton nham hiểm vậy. Nhưng ông ta có tất cả sự tự tin của một ông chủ một công ty vệ sĩ nhỏ. Khoác lên mình bộ comple bằng ny lon không vừa vặn, ông ta ngày càng có vẻ lạc lõng khi mà điện Kremlin đang muốn tìm kiếm hình ảnh mới. Tuy nhiên, ông ta đã có 11 năm là bạn của Tổng thống và vì vậy không dễ bị sa thải. Thực tế là, trong cuốn tự truyện Against the Grain (tạm dịch: Lội ngược dòng), Yeltsin đã dùng ngôn từ rất trìu mến để kể về Korzhakov: “Cho đến nay, Korzhakov chưa bao giờ rời bỏ tôi. Có chuyến đi, chúng tôi thậm chí còn cùng ngồi bên nhau suốt đêm. Cậu ấy là một người rất tình cảm, thông minh, mạnh mẽ và dũng cảm. Nhìn bề ngoài cậu ấy rất giản dị, nhưng đằng sau sự giản dị ấy là một bộ óc sắc bén và một cái đầu sáng láng tuyệt vời”. Thực ra, Korzhakov chỉ là một sát thủ gặp thời và thăng tiến quá mức. Một ví dụ minh chứng cho phong cách thô bạo của viên tướng chỉ huy Cục An ninh Tổng thống là một việc xảy ra hai năm trước đó: Vladimir Gusinsky không đồng ý phản bội bạn của mình là Thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov, vì vậy ông không cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng của Luzhkov; ngay ngày hôm sau, một nhóm vũ trang đeo mặt nạ xuất hiện ở căn nhà nông thôn nơi Gusinsky sống với vợ, mẹ, cậu con trai 2 tuổi và người vú em. Nhóm người này tìm cách gây sự với các vệ sĩ của Gusinsky. Không làm được điều đó, chúng leo lên ba chiếc xe hơi bám theo đoàn xe hộ tống Gusinsky đi vào thành phố, chĩa súng máy qua các cửa sổ để mở và tìm cách buộc đoàn xe của Gusinsky phải dạt sang lề đường. Gusinsky đến được văn phòng một cách an toàn và mọi việc tạm ổn thỏa. Chỉ với hai cú điện thoại, Gusinsky đã xác nhận được những nghi ngờ của mình: nhóm côn đồ đó không phải là cướp mà là thành viên của Cục An ninh Tổng thống do Korzhakov chỉ huy. Gusinsky tiếp tục gửi 5 nhân viên thuộc lực lượng chủ đạo của FSB (Cục An ninh Liên bang, tiền thân là KGB) đến hiện trường. Sự có mặt của các nhân viên này ban đầu đã ngăn chặn được người của Korzhakov. Tuy nhiên khi Korzhakov thấy người của mình phải rút lui, ông ta đã tức giận gửi thêm quân chi viện. Trang bị vũ khí hạng nặng, đội mũ bịt kín đầu và mặc quần áo ngụy trang, nhóm này ra lệnh cho các vệ sĩ của Gusinsky nằm úp mặt xuống tuyết, đấm đá họ rồi dùng báng súng trường đánh đập họ. Đến lúc này thì các nhóm phóng viên truyền hình đã có mặt và ghi lại cảnh tượng tàn bạo đó. Khi Gusinsky trở về vào nhà sáng sớm hôm sau, bà vợ ông ta bước ra chào với một khẩu súng trường Winchester trên tay. Bà đã xem tin tức trên truyền hình và đã sẵn sàng chờ đợi điều tồi tệ nhất. Nhân vật chịu trách nhiệm cho thất bại này lại tiếp tục đề nghị Tổng thống nghiêm túc xem xét một kế hoạch mà tất cả ý định và mục đích chỉ là một cuộc đảo chính với sự hậu thuẫn của Quân đội. Đến giữa tháng 3, Duma Quốc gia đã cho Yeltsin một cái cớ để thực hiện đề nghị của Korzhakov. Duma thông qua một tuyên bố rằng thỏa thuận giải tán Liên bang Xô Viết năm 1991 là vi hiến. Những người theo đường lối cứng rắn cho rằng thỏa thuận này chẳng khác gì tội phản quốc. Yeltsin liền ra lệnh cho cấp dưới soạn thảo các sắc lệnh trừng phạt Quốc hội (Duma). Đây là một kế hoạch thô bạo, lố lăng và có thể biến Yeltsin thành một kẻ độc tài đang biến nước Nga trở thành một xã hội khốn khổ trong con mắt phương Tây. Theo Yeltsin, chính con gái Tanya đã cứu ông. Không nói gì với cha, cô gọi điện cho Chubais và bảo ông ta đến điện Kremlin để trao đổi. Chubais là một thuyết khách tài ba. Theo Yeltsin, trong cuộc trò chuyện sôi nổi kéo dài hàng giờ đồng hồ sau đó, Chubais đã thuyết phục được ông tin rằng đề nghị của Korzhakov là một sự điên rồ. Sự thực có lẽ còn phức tạp hơn nhiều. Freeland viết rằng Bộ trưởng Nội vụ của Yeltsin, người được giao trách nhiệm soạn thảo các sắc lệnh, đã từ chối làm như vậy và nói với Yeltsin rằng các dự thảo sắc lệnh đó là bất hợp pháp. Thủ tướng Viktor Chernomyrdin cũng có cùng quan điểm. Yeltsin tiếp tục chịu thêm sức ép khi nguyên phó thủ tướng Yegor Gaidar đã kể với Đại sứ Mỹ về kế hoạch này và nài nỉ ông này thuyết phục Tổng thống Mỹ đương nhiệm Clinton can thiệp. Bất kể sự thật là thế nào thì cuối cùng Yeltsin cũng tránh xa được bờ vực. Từ lúc đó trở đi, Korzhakov và phe của ông ta bị thất sủng, nhóm tổ chức chiến dịch tranh cử Soskovets bị giải tán và nhóm phân tích dưới sự chỉ huy của Chubais kiểm soát mọi công việc. Họ bắt đầu hoạch định một chiến lược tranh cử điển hình. Sau khi phân tích thống kê dân số của toàn bộ cử tri, họ quyết định tập trung chiến dịch vào giới thanh niên và xây dựng hình ảnh Yeltsin như một con người của nhân dân. Yeltsin đi khắp đất nước gặp gỡ mọi người, tham dự các buổi hòa nhạc pop cho những người ủng hộ, luôn tỏ ra là người dễ gần và biết cảm thông. Các vệ sĩ của ông được đề nghị tháo bỏ những cặp kính đen vốn khiến họ trông có vẻ côn đồ. Một chiến dịch truyền thông trên TV với khẩu hiệu “Hãy lựa chọn bằng trái tim” chiếu cảnh những con người bình thường chia sẻ suy nghĩ về tổng thống của họ. Phương cách tiếp cận thực dụng này xem ra có phần ủy mị và đa cảm một cách giả tạo, gây phản cảm đối với các thính giả phương Tây nhưng lại đem lại kết quả mà Yeltsin mong muốn. Các cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu cho kết quả thuận lợi cho Yeltsin. Dyachenko chính là trung tâm của chiến dịch: “Tanya làm việc thực sự siêng năng”, Yeltsin nói, “Con bé có thể làm việc mà chỉ ngủ 3 giờ mỗi đêm và thể hiện sự kiên trì phi thường. Cùng với những người soạn diễn văn, con bé có thể viết đi viết lại mỗi bài phát biểu cả chục lần. Nó cũng có thể duyệt đi duyệt lại với số lần tương tự các kịch bản cho chỉ một cuộc họp hay một buổi hòa nhạc mà thôi.” Ảnh hưởng ngày càng tăng của Tanya khiến Korzhakov căm ghét. Cô không có chức danh, không được trả lương, nhưng rõ ràng là một người chơi có thế lực. Vai trò không rõ ràng của cô làm ông ta tức giận đến mức tìm cách thể hiện thế bề trên của mình bằng cách bắt cô phải chờ đợi hàng giờ nếu cô muốn gặp ông ta và còn đưa ra những quy định lặt vặt khác nữa. Có lúc, ông ta thậm chí còn cấm cô không được mặc quần âu trong văn phòng. Tuy nhiên, cô vẫn thường phớt lờ yêu cầu đó. Không lâu sau vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 16 tháng 6, với kết quả là Yeltsin dẫn đầu, mọi chuyện dường như đã vượt tầm kiểm soát của Korzhakov. Vào lúc 5 giờ chiều ngày 19 tháng 6, trong phòng giải lao của Nhà Trắng, các thành viên của Cục An ninh Tổng thống của Kozhakov câu lưu hai trong số các phụ tá của Chubais vì mang theo nửa triệu đô-la tiền mặt. Vì không rõ nguồn gốc số tiền và không biết tại sao số tiền đó lại được đựng trong một chiếc hộp các-tông nên Korzhakov tưởng đã phát hiện ra một vụ xì-căng-đan có thể làm suy yếu kẻ thù của mình. Nhưng một lần nữa, chính Dyachenko đã ngăn cản ông ta. Sau khi gọi điện cho Korzhakov vào lúc nửa đêm hôm đó và nhận được lời đề nghị đừng can thiệp, cô đến văn phòng ở Logovaz, nơi mà Berezovsky cùng với phần lớn các thành viên của nhóm phân tích và một nhóm những người ủng hộ đang bị bao vây. Những người này cho cô biết Korzhakov đã bố trí các tay súng bắn tỉa trên đỉnh các mái nhà gần đó và cho các nhân viên an ninh bao vây nơi này. Vì biết ông ta sẽ không tấn công văn phòng này khi con gái của Tổng thống đang ở đó, Dyachenko ở lại với họ cho đến 5 giờ sáng. Trong vài giờ sau đó, Yeltsin đã buộc không chỉ ông bạn cũ Korzhakov mà còn cả đồng minh của ông ta là Barsukov và Soskovets phải từ chức. Có vẻ hợp lý khi nhận định rằng không ai khác ngoài Dyachenko có thể khiến cha mình chống lại Korzhakov, và khi tên tướng ra đi thì địa vị của cô trở nên bất khả xâm phạm. Ngày 3 tháng 6 năm 1996, Yeltsin tái đắc cử với 54% số phiếu. Zyuganov, nhân vật gần như đã thuyết phục được phương Tây rằng chủ nghĩa cộng sản sắp sửa quay lại, chỉ đứng thứ 2 với 40%. Với chiến thắng của Tổng thống trong tầm tay, thế lực của các ông trùm một lần nữa được củng cố vững chắc, còn Dyachenko, người phụ nữ mà Berezovsky bợ đỡ không mệt mỏi, sắp chính thức hóa địa vị trung tâm quyền lực của mình. Khi cha cô có thể yên tâm trong 4 năm nữa, cô tiếp tục đi làm và tham dự các cuộc họp. Không phải là vô lý khi Chubais, người sau khi Yeltsin chiến thắng được tưởng thưởng chức vụ Chánh Văn phòng Tổng thống, không yên tâm với sự hiện diện của một con người rõ ràng có thế lực và ảnh hưởng nhưng lại không có chức vụ chính thức. Vì vậy, ông đề nghị tân Tổng thống xác định vai trò và vị trí cho cô. Việc này khiến Tổng thống khó xử. Ông đã quen phụ thuộc vào ý kiến của cô con gái và không muốn để cô ra đi, nhưng mọi việc sẽ thế nào nếu ông đưa cô vào Chính phủ? Một ý tưởng lóe ra khi ông nhớ lại rằng đã có một tiền lệ như vậy trong chính phủ Pháp. Tổng thống Jacques Chirac đã chỉ định cô con gái Claude làm “cố vấn hình ảnh” cho mình. Yeltsin gọi điện cho Chirac và thu xếp cho con gái của hai người gặp nhau và trò chuyện. Dyachenko bay tới Paris và gặp Claude tại dinh thự chính thức của Tổng thống Pháp. Hai người thảo luận về vai trò của nhau và khi cuộc hội thoại trở nên gần gũi, Claude gợi ý họ cùng đến “chào Papa”. Trong màn chào hỏi đó, cô con gái của Tổng thống Nga chợt nhận ra cô đang thảo luận với chính Tổng thống Pháp về cuộc gặp sắp tới của ông với cha mình. Khi Dyachenko chính thức được bổ nhiệm vào điện Kremlin, sự bợ đỡ bền bỉ của Berezovsky đối với cô bắt đầu được chứng tỏ là vô cùng khôn ngoan. Bây giờ cô là nỗi sợ hãi của nhiều nhân viên cấp dưới và được gán “mác” tsarevna, có nghĩa là hoàng hậu Nga. Cô khuyến khích cha mình mặc comple hàng hiệu và cắt tóc kiểu cách điệu, còn cô có vẻ cũng bắt đầu chăm chút cho bản thân. Ở tuổi 35, Tanya là một phụ nữ hấp dẫn mặc dù trước đây cô không cố gắng làm đẹp. Bây giờ cô bắt đầu xuất hiện với mái tóc nhuộm highlight và thậm chí còn có tin đồn cô bắt đầu trang điểm. Nếu Dyachenko là một tsarevna thì Berezovsky là một Rasputin. Berezovsky biết rõ Yeltsin không tin cậy ông nhưng cũng biết Tổng thống không tin cậy ai khác ngoài con gái mình và thông qua cô, ông có thể đạt mục đích. Hạt giống mà ông gieo ở nơi Dyachenko đã nở hoa khi chính sách tư nhân hóa của chính phủ được hoạch định, các cuộc đấu giá được triển khai và các bộ trưởng được bổ nhiệm. Không lâu sau khi giành được khả năng thoải mái gia nhập trung tâm quyền lực của Yeltsin, tức là các văn phòng của điện Kremlin cũng như tư dinh của Yeltsin và Dyachenko, Berezovsky đã xây dựng một trung tâm quyền lực cho chính mình: trụ sở câu lạc bộ Logovaz. Phòng khách của Berezovsky là một nơi tụ họp xa hoa và thân tình với cách bài trí từng được so sánh với một lầu xanh ở Paris. Nằm trên đường Novokuznetskaya, một đại lộ cổ của Moscow, nơi có đường xe điện kẽo kẹt chạy qua, câu lạc bộ này tọa lạc trong một lâu đài từ đầu thế kỷ XIX, một thời thuộc về gia đình Vodka Smirnoff. Mặt tiền màu xám xoàng xĩnh của ngôi nhà khiến không ai có thể mường tượng đến nội thất được trang hoàng lộng lẫy bên trong, một công việc mà Berezovsky chăm chút thực hiện. Phòng chờ được bố trí một quầy rượu, những bức tường màu vàng, những bộ bàn ghế uống cà phê và một vòm trần uốn cong khắc họa một bông hồng đỏ. Khi nhấm nháp một ly rượu vang đỏ được lựa chọn từ danh sách vô vàn các loại rượu luôn có sẵn, các vị khách có cơ hội thỏa thuê ngắm những chú cá cảnh đến từ vùng nhiệt đới đang bơi lội trong chiếc bể nuôi sáng lấp lánh. Dyachenko trở thành vị khách thường xuyên viếng thăm câu lạc bộ. Sự thân thiết ngày càng tăng của cô với Berezovsky cũng gây chú ý cho những vị khách đến văn phòng của cô ở điện Kremlin, nơi cô cải tạo thành “một khuê phòng của công chúa tuyết với những bức tường cẩm thạch trắng và những tấm rèm ngà viền ren” như một nhà quan sát nhận xét. Các cuộc hội thoại ở đây hay bị gián đoạn vì cô bận trả lời điện thoại của Berezovsky. Ông ta có số di động riêng của cô và thường xuyên sử dụng nó. Cặp bài trùng Dyachenko-Berezovsky nhận được sự ủng hộ của ít nhất hai nhân vật quan trọng khác. Một là Aleksandr Voloshin, người sau này trở thành Tham mưu trưởng của Yeltsin và người kia là Badri Patakartsishvili. Voloshin, một người có mái tóc chớm hói và bộ râu rậm, ưa thích các hoạt động vận động ngầm và có tham vọng thăng tiến, tiếp tục trở thành nhân vật bền bỉ nhất trong nền chính trị Nga, phục vụ trong vai trò tham mưu trưởng dưới cả thời Yeltsin và Putin. Còn Patakartsishvili lại là người khiêm tốn đến mức khi gặp ông ta, rồi nhìn sang Abramovich, người ta bỗng thấy Abramovich, dù vốn được mệnh danh là ông trùm bí ẩn, chả khác gì một kẻ sẵn sàng khoe mẽ. Patakartsishvili gặp Berezovsky khi họ cùng kinh doanh xe hơi và tiếp tục là bạn, là đối tác thân thiết cho đến nay. Những người này, cùng với Yumashev, là các thành viên sáng lập một nhóm bí ẩn có tên gọi “Gia đình”. Abramovich, từng là đối tác cấp dưới của Berezovsky, rất để ý đến quyền lực và khả năng đặc biệt của các thành viên trong “Gia đình”. Anh nhanh chóng nhận ra để vào được vòng trong, tốt nhất là phải thông qua cô con gái yêu của Tổng thống. Không lâu sau anh cũng trở nên thân cận với Dyachenko y như Berezovsky. Trên thực tế, Dyachenko và Yumashev, người sau này khiến Dyachenko chia tay người chồng thứ hai, cũng thấy làm việc với Abramovich dễ dàng hơn nhiều so với đối tác nóng tính kia của anh. Ngoài những bữa tiệc nướng ở nhà Dyachenko, Abramovich đã trở thành gương mặt quen thuộc ở điện Kremlin và bắt đầu đi nghỉ cùng với cô và Yumashev. Khi Berezovsky mua một chiếc thuyền buồm, Dyachenko, Abramovich và Berezovsky cùng dạo chơi trên biển Địa Trung Hải. Elena Tregubova, tác giả cuốn tự truyện Tales of a Kremlin Digger (tạm dịch: Những mẩu chuyện về một nhân vật đã tận dụng triệt để Kremlin) kể về thời gian cô này là thành viên nhóm báo chí của Tổng thống, rất quan tâm theo dõi những tiến triển trong mối quan hệ của họ: “Đầu năm 1999,” cô viết, “Dmitri Yakushkin, viên thư ký báo chí mới, luôn tìm cách gây ấn tượng và tán tỉnh các nữ phóng viên bằng cách khoe khoang về việc đi trượt tuyết với Tatyana Dyachenko và Roman Abramovich”. Cuối năm đó, nhà văn này đã tình cờ phát hiện thêm nhiều bằng chứng về mối thâm tình ngày càng sâu sắc của họ. Trong một lần cô đến văn phòng của Phó Tổng tham mưu trưởng, Sergei Zveryev, ở điện Kremlin, người này chỉ tay ra phía cửa sổ và nói: “Đằng kia là xe của Abramovich đấy. Anh ta lúc nào cũng ở đây cùng với Voloshin hoặc Tatyana. Anh ta quanh quẩn cả ngày bên cô ấy.” Trong không khí sôi động của Kremlin, số lần mà Dyachenko và Abramovich gặp nhau đã khiến nhiều người đồn đại như đinh đóng cột rằng họ không chỉ là bạn bè. Không có gì ngạc nhiên khi một người đi xa đến mức đưa chuyện này ra nói một cách công khai. Đó là Korzhakov, kẻ thù cũ của Dyachenko. Korzhakov – người từng là cánh tay phải của cha Dyachenko đã có lần cay cú tuyên bố rằng ông ta được lệnh phải hủy mọi loại giấy tờ có thể làm hại Abramovich. “Động cơ ư?”, ông ta nói, “Đó chính là mối quan hệ có vẻ tình tứ giữa Roman đẹp trai và cô con gái cưng Tatyana của Yeltsin”. Một điều không ai nghi ngờ là doanh nhân dầu lửa trẻ Abramovich đã chiếm được sự tin cậy của gia đình Yeltsin. Sự tin tưởng ấy lớn đến mức anh được giao trách nhiệm quản lý các vấn đề tài chính của họ và cuối cùng nổi tiếng là “thủ quỹ” của gia đình họ. Người ta thậm chí còn đồn đại rằng anh đã tài trợ cho Dyachenko mua một dinh thự ở Garmish-Partenkirchen. Các đối thủ của Abramovich muốn phá quấy anh. Một lần họ treo các tấm áp phích lên một trong những con phố nổi tiếng nhất của Moscow với một khẩu hiệu đập vào mắt người xem: “Roma đang nghĩ về Gia đình. Gia đình đang nghĩ đến Roma. Chúc mừng! Roma đã tìm thấy một xứ sở tuyệt vời”. Quả thực, Abramovich đã tìm được nơi đó. Chương 5. Sự bành trướng thô bạo Sibnef, hãng dầu lửa mà Abramovich và Berezovsky khôn khéo giành được, không chỉ là một tập đoàn công nghiệp khổng lồ với hơn 50 nghìn công nhân. Ngoài một công ty khai thác dầu và một nhà máy tinh chế, tập đoàn này còn tham gia nhiều hoạt động phụ trợ khác thông qua chi nhánh khai thác chính Noyabrskneftegaz, có trụ sở ở một khu vực xa xôi phía Tây Siberia. Noyabrskneftegaz bắt đầu hình thành ở vùng Kholmogorskoye, nơi từng có mỏ dầu cực bắc của Nga và bắt đầu khai thác từ giữa thập kỷ 70. Không lâu sau, người ta phát hiện ở khu mỏ này một trữ lượng dầu mới rất lớn. Năm 1980, Chính phủ quyết định mở rộng sản xuất dầu ra toàn quốc và ban hành lệnh khẩn trương xây dựng một mạng lưới các thành phố và làng xã làm nơi cư ngụ cho dòng công nhân di chuyển đến. Một trong những nơi đó là Noyabrsk. Giống như nhiều “doanh nghiệp kiến tạo địa phương” được thành lập trong thời kỳ Xô Viết, người ta hy vọng Noyabrskneftegaz sẽ vừa khai thác dầu vừa tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội. Như vậy, Abramovich và Berezovsky nghiễm nhiên được thừa hưởng thêm 5 nông trang tập thể với 1.500 người, một nhà máy gạch, một nhà máy sản xuất quần áo và một nhà xuất bản. Ngoài ra còn có 200 nghìn m2 đất để xây chung cư, 100km đường xá, các khu thể thao, các nhà trẻ và một khách sạn. Tương tự như ở nhà máy lọc dầu Omsk, dần dần, tất cả các hoạt động phụ trợ này đều được đem bán hoặc chuyển giao cho chính quyền thành phố. Thực tế này có thể giải thích cho việc Abramovich mua một công ty giết mổ và chế biến thịt heo có tên là Omsk Bacon nhằm đa dạng hóa các hoạt động phụ trợ. Một vài năm sau, anh cũng mua lại toàn bộ đội khúc côn cầu trên băng của Omsk – đội Omsk Avangard, và xây dựng đội này theo mô hình một đội Chelsea thu nhỏ. Khi Abramovich tiếp quản, đội bóng này còn được mô tả là “một tập hợp những kẻ vô vọng ngập trong nợ nần” nhưng sau khi được đầu tư nhiều triệu đô-la, đội bóng đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2003, Abramovich thuê Sergei Gersonsky, một huấn luyện viên có tầm cỡ quốc gia và đội bóng đó giờ đây đang cạnh tranh ngôi vị hàng đầu khu vực. “Từ khi ông ấy giải cứu chúng tôi cách đây 5 năm, đội bóng đã thay đổi đến mức không thể nhận ra,” Arkady Alekseev, phát ngôn viên của Câu lạc bộ, nhận xét, “Bây giờ chúng tôi có thể thu nhận những cầu thủ tốt nhất”. Ngoài những tài sản hữu hình đó, các ông chủ mới của Sibneft còn xây dựng lại lối tư duy và văn hóa tập thể của công ty này. Nhiều nhân viên quản lý kỳ cựu của Sibneft đã trưởng thành trong môi trường cộng sản, được định hướng xây dựng và phát triển nhằm đạt được chỉ tiêu của Nhà nước chứ không phải là hướng đến việc tối đa hóa lợi nhuận. Điều này đã dẫn đến những tác hại nghiêm trọng cho môi trường. Theo một nghiên cứu độc lập được công bố năm 2001, có đến 840 nghìn hecta đất ở tây Siberia đã bị ô nhiễm do chất thải hóa học trong quá trình khai thác và dầu rò rỉ từ các đường ống, các giếng dầu và các kho dầu. Báo cáo này, được tổ chức Hòa bình Xanh ủy nhiệm, đưa ra đánh giá rằng các đường ống dẫn dầu đã rò rỉ đến 500 lít dầu mỗi giây. Không chỉ các động vật hoang dã ở địa phương phải gánh chịu hậu quả, các con sông và các tầng nước ngầm ở đây cũng bị phát hiện là ô nhiễm ở mức gấp 50 lần tiêu chuẩn an toàn của Nga. Chi phí để khắc phục những hậu quả này có thể lên đến nhiều tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, sau khi được tư nhân hóa, ưu tiên của công ty không phải là làm sạch môi trường mà là kiếm tiền. Không thỏa mãn với việc mua rẻ được Sibneft, Abramovich và Berezovsky tiếp tục tìm cách kiểm soát chặt các công ty con của Sibneft. Sibneft là một tập đoàn cổ phần đa công ty và mặc dù bộ đôi Abramovich – Berezovsky sở hữu hầu như toàn bộ cổ phần của Sibneft, nhưng lại chỉ nắm được 61% cổ phần của Noyabrskneftegaz. Hai người nhanh chóng xác định quyết tâm thay đổi hiện trạng khó chịu này. Mùa hè năm 1997, các cổ đông của Noyabrskneftegaz nhận được một thông báo về chương trình nghị sự của phiên họp toàn thể thường niên của công ty. Các nội dung chính bao gồm việc thông qua một điều lệ mới nhằm điều chỉnh hoạt động của Noyabrsk cho phù hợp với luật công ty cổ phần mới của Nga và một đề xuất về việc phát hành thêm cổ phiếu phổ thông được phép lưu hành nhằm mục đích “chính thống” là tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa xác định số lượng cổ phiếu mới mà công ty dự định phát hành. Vì vậy, một số cổ đông nhỏ quyết định không dự họp. Đúng vào phiên họp đó, Ban quản trị của Noyabrskneftegaz mới tiết lộ theo kế hoạch này, số cổ phiếu mới được công bố chiếm một tỷ lệ vô cùng lớn, bằng 196.300% công ty. Theo Giáo sư Bernard Black, giáo sư luật của Trường Đại học Luật Stanford, người sau đó tư vấn cho một cổ đông bị thiệt hại của Noyabrsk, Sibneft dĩ nhiên là cổ đông duy nhất ủng hộ đề xuất này, nhưng vì chỉ đại diện của 75% số cổ đông tham dự cuộc họp, nên kế hoạch pha loãng cổ phiếu có một không hai đó đã nghiễm nhiên được thông qua. Kể từ lúc đó mọi việc chuyển biến một cách nhanh chóng. Tại cuộc họp, Ban quản trị của Noyabrsk chỉ hứa miệng là sẽ tuân thủ những nội dung trong điều lệ mới liên quan đến việc phát hành cổ phiếu mới. Điều lệ này quy định “quyền được ưu tiên mua trước”, cho phép tất cả các cổ đông hiện tại được quyền mua thêm cổ phiếu mới tương đương với tỷ lệ cổ phần mà họ đang nắm giữ, như vậy sẽ đảm bảo tỷ lệ góp vốn của họ ở công ty không bị suy giảm. Tuy nhiên, sau đó, Noyabrsk phớt lờ hoàn toàn điều lệ mới và chỉ cho phép bốn đối tác, tất cả đều có mối liên hệ chặt chẽ với Sibneft, được mua cổ phiếu mới. Hai trong số bốn bên mua cổ phiếu đó đều do Sibneft kiểm soát, bên thứ ba là một quỹ đầu tư khai thác dầu ngoài khơi cũng do Sibneft kiểm soát và bên thứ tư là “một ngân hàng đầu tư chịu sự chỉ đạo của Sibneft”, theo như Black mô tả. Tệ hơn là số cổ phiếu mới không được bán với giá 16 đô-la/1 cổ phiếu – giá đang được giao dịch tại thời điểm đó – mà bị giảm xuống chỉ còn 7,0 đô-la, mặc dù Công ty đã quy định rằng cổ phiếu phải được bán với “giá thị trường”. Chỉ hai tháng sau đó, bốn đối tác trên đều chuyển số cổ phiếu của mình cho Sibneft. Người ta thấy rõ rằng tất cả những bước đi đó đều nhằm mưu đồ giúp Sibneft tăng cổ phần ở Noyabrsk. Có lẽ không ai ngạc nhiên khi một cổ đông nhỏ đệ đơn kiện Noyabrsk và Sibneft ra tòa về việc này. Tình huống trớ trêu xảy ra sau đó không được điều chỉnh cụ thể trong hệ thống pháp luật Nga. Giáo sư Black đã mô tả những diễn biến này một cách sinh động trong một bài báo đăng trên tạp chí của Công ty Dịch vụ Pháp lý cho Cổ đông (Institutional Shareholder Services) có tiêu đề là “Ăn chặn cổ phiếu kiểu Nga”. Noyabrsk và Sibneft bảo vệ hành động của mình bằng một số biện pháp. Đầu tiên họ đưa một “chuyên gia” thuyết phục Tòa rằng giá 7,60 đô-la thực sự là giá thị trường của cổ phiếu Noyabrsk mặc dù giá giao dịch thực tế gấp hơn hai lần (trên thực tế, giá cơ bản của cổ phiếu Noyabrsk thậm chí còn cao hơn vì giá giao dịch đã bị giảm rất nhiều do công ty này bán phá giá dầu và gas cho Sibneft). Về “quyền được ưu tiên mua trước”, Noyabrsk và Sibneft tranh luận rằng điều khoản của Điều lệ đảm bảo tính pháp lý của quyền này trên thực tế là không được phép theo Luật doanh nghiệp, chính bộ luật mà ngay từ ban đầu những người xây dựng Điều lệ đã sử dụng làm căn cứ soạn thảo. Black thừa nhận luận điểm này có lý nhưng cũng chỉ ra rằng không gì có thể ngăn cản Ban quản trị tạo điều kiện cho tất cả các cổ đông mua cổ phiếu mới nếu họ muốn. Quyết định của Tòa có lợi cho bị đơn khi xác định giá cổ phiếu tương đương với khoảng 45% giá giao dịch là hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu cổ phiếu được phát hành với giá thị trường, đồng thời khẳng định rằng Noyabrsk “không có nghĩa vụ phải tuân thủ Điều lệ của chính mình”. Khi cổ đông bị thiệt hại kháng cáo, mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Chánh án tòa phúc thẩm ở thành phố nhỏ Salekhard quyết định so sánh chữ ký của luật sự trong bản kháng cáo với chữ ký trong đơn kiện gốc và đi đến kết luận rằng chúng có vẻ “khác nhau” (“Chúng không khác nhau”, Black khẳng định), và bác bỏ đơn kháng cáo. Một việc rất kỳ lạ khác là phiên tòa phúc thẩm lại do chính vị quan tòa đã xét xử phiên tòa sơ thẩm làm chủ tọa. Giáo sư Black nhận xét: “Đây không phải là thông lệ ở các phiên tòa của Nga.” Kế hoạch chiếm đoạt cổ phiếu thành công này đã giúp Sibneft có được lượng cổ phần vượt trội tại Noyabrsk và giành thêm quyền kiểm soát chi nhánh khai thác dầu chủ chốt này. Mấu chốt của vụ việc này là biện pháp thâu tóm Noyabrsk bằng phương pháp chuyển giá. Đây là tiến trình mà một công ty mẹ mua dầu từ một chi nhánh khai thác với giá thấp hơn giá thị trường; sau đó thế chấp công ty con đó, với giá cao hơn nhiều, để vay tiền của các ngân hàng phương Tây. Kết quả là công ty mẹ trở nên giàu có nhưng chi nhánh sản xuất của nó bị thiệt hại. Hãng Yukos của Khodorkovsky cũng đã vô cùng thành công với phương thức làm ăn này. Kiểu làm ăn đó của giới tài phiệt Nga giải thích tại sao cho đến năm 1998, đầu tư nước ngoài ở Nga rất thấp trong khi đồng rúp trên đà mất giá mạnh. “Hậu quả là, Nga là một trong số những nước có tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với GNP thấp nhất trong số các nền kinh tế thị trường đang nổi lên trong thập kỷ 1990.” Black viết, “Các nhà đầu tư nước ngoài, lẽ ra đã có thể cung cấp nguồn vốn dài hạn giúp Nga tránh được sự mất giá của đồng rúp, nhưng lại rất quan ngại và bỏ đi.” Có lẽ do lo ngại những tác động tiêu cực của vụ Noyabrsk đến uy tín về khả năng quản trị tập đoàn của mình, Abramovich và Berezovsky quyết định thành lập một “ban cố vấn quản trị tập đoàn” để xây dựng một bộ “các nguyên tắc quản trị tập đoàn”. Giám đốc điều hành của Sibneft lúc đó là Eugene Shvidler, một người bạn và đồng nghiệp lâu đời của Abramovich ở Runicom, công ty kinh doanh dầu lửa có trụ sở ở Thụy Sĩ mà anh thành lập vài năm trước. Không giống như ông chủ, Shvidler có một hồ sơ học vấn hoàn hảo: tốt nghiệp đại học ở Học viện Dầu khí Gubkin, sau đó nhận bằng thạc sĩ ở Đại học Fordham danh tiếng của Mỹ và làm việc cho công ty kế toán khổng lồ Deloitte Touche với vai trò là thành viên bộ phận thuế quốc tế của công ty này. Nhưng cũng như Abramovich, anh này rất chăm chỉ duy trì những mối quan hệ trong điện Kremlin và nghe nói là rất thân cận với Putin và Mikhail Kasyanov, vị thủ tướng mà Putin sa thải ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 năm 2004. Shvidler có dáng hơi thấp, tính tình nóng nảy, không kiên nhẫn với các phóng viên. Mặc dù được đồng nghiệp ở Sibneft kính trọng và cấp dưới yêu mến, nhưng Shvidler có vẻ giống như nhân vật phản diện trong bộ đôi Shvidler Abramovich. “Anh ta có thể tẩn nhừ tử một nhân viên vì tội làm mất cái gì đó”, một người trong cuộc nói, “trong một công ty có 60 nghìn nhân viên, anh ta vẫn có thể chú ý đến những món tiền rất nhỏ. Chẳng hạn, anh ta quan tâm đến cả những tấm vé máy bay.” Cùng với việc phát hành trái phiếu châu Âu (Eurobond) cuối năm 1997, Sibneft bắt đầu hình thành và sử dụng một thế hệ các nhà quản lý linh hoạt hơn. Eugene Tenenbaum bắt đầu làm việc với Sibneft khi anh là Giám đốc Điều hành ở Salomon Brothers, ngân hàng đầu tư phụ trách vấn đề Eurobond. Sinh ra ở Nga, anh ta rời Liên Xô năm 1974 khi mới 8 tuổi và chuyển đến Canada. Mặc dù sau đó trở thành công dân Canada, nhưng khi lớn lên, anh ta lại chuyển đến London để theo đuổi ngành ngân hàng. Khi gặp Abramovich và Shvidler, anh ta đã 32 tuổi, vẻ ngoài bảnh bao, luôn đeo kính và đã rất thành đạt. Chính nhờ khuyến nghị của Tenenbaum mà Abramovich đã thành lập một ban quản trị quan hệ đầu tư đầu tiên. Eurobond là biện pháp thu hút thêm tiền mặt bằng cách cam đoan trả một tỷ lệ lãi suất cố định trên giá trị của mỗi trái phiếu và hoàn trả khoản đầu tư của người mua khi đến hạn. Vì Eurobond khi đó đã trở thành một loại hàng hóa có thể giao dịch, nên giá của chúng có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào mức độ tin tưởng của thị trường cả về khả năng trả tỷ lệ lãi suất đã cam đoan và trả gốc đúng hạn của nhà phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, niềm tin của thị trường rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực do những tin đồn thất thiệt và các điều kiện giao dịch khó khăn. Vì vậy, Tenenbaum nhắc Shvidler rằng phải có một cố vấn về quan hệ công chúng để vô hiệu hóa những tin đồn bất lợi và người được chọn mặt gửi vàng là Gregory Barker. Chuyên gia tài chính trẻ tuổi người Anh này chỉ mới làm việc cho hãng PR Brunswick không lâu trước khi tiếp xúc với Sibneft và vừa trải qua thất bại đầu tiên trong nỗ lực sáp nhập Sibneft và Yukos thành một công ty dầu lửa khổng lồ có khả năng cạnh tranh với các công ty khác như Exxon, Shell và BP. Shvidler thích tính cách của Tenenbaum và rất nhanh chóng, cả Tenenbaum lẫn Barker đều nghỉ việc tại công ty cũ và chuyển đến Moscow vào tháng 3 năm 1998 để đầu quân cho Sibneft. Tenenbaum làm Giám đốc tài chính tập đoàn còn Barker trở thành cấp dưới cao nhất của Tenenbaum, phụ trách quan hệ với các nhà đầu tư. Sibneft hoàn toàn khác với những công ty trước đó mà họ đã từng làm việc. “Công việc ở đây rất căng thẳng nhưng hứng thú và hấp dẫn”, Barker nhớ lại, “Họ không bắt đầu làm việc sớm nhưng liên tục làm việc cho đến rất khuya.” Các nhân viên của công ty rất thân thiết với nhau, đặc biệt là trong ban lãnh đạo. Mọi người thường gọi nhau bằng tên thân mật. Chính phong cách thoải mái của Abramovich đã tạo không khí thân tình cho toàn công ty. Barker còn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp Abramovich: “Tôi còn nhớ đã nói với một thư ký: ‘Cái ông nhà quê đứng ở chỗ máy photocopy kia là ai vậy?’ Cô thư ký trả lời: ‘Roman đấy, đây là công ty của ông ấy.’ Anh ấy ăn mặc rất giản dị, chỉ là một chiếc quần jeans và một áo sơ mi hở cổ.” Văn phòng chính của Abramovich nằm trên một góc tầng chóp của tòa nhà Sibneft ở Moscow, trong khuôn viên một biệt thự được xây dựng vào thế kỷ XIX, có tầm nhìn hướng ra điện Kremlin qua con sông Moscow. Văn phòng xa hoa này có vẻ không hợp với phong cách dân dã của Abramovich. Nội thất của nó do một công ty thiết kế nội thất Anh sắp đặt, bắt chước kiểu cung điện của vua James với những bức tường ốp gỗ tối màu và có một lò sưởi lớn ở giữa. Abramovich ít khi ngồi sau bàn làm việc. Anh thích được ngồi thư thái trên một chiếc ghế sofa để điều hành các cuộc họp. Khi không khí bớt nóng và có chương trình bóng đá trên truyền hình, nhìn qua cánh cửa luôn rộng mở, mọi người sẽ bắt gặp anh gác chân lên bàn xem đá bóng trên chiếc TV màn hình rộng. Ngay cả Shvidler đáng gờm cũng biết cách giải trí với Abramovich. Mọi người tụ họp ở văn phòng của Abramovich không chỉ để thảo luận về chiến lược kinh doanh mà còn để trò chuyện về những mẫu xe hơi mới và tính xem nên đi đâu trong kỳ nghỉ tới. Abramovich và phụ tá cao cấp nhất của mình không chỉ cùng làm việc mà còn cùng chơi. Mỗi khi họ trở về nhà sau khi cùng nhau đi nghỉ, đến miền nam nước Pháp chẳng hạn, thì mọi người trong văn phòng sẽ phát hiện ra rằng chiến lược hoạt động của Tập đoàn cũng đã được phát triển xa không kém. Trên thực tế, dấu hiệu duy nhất của việc phân tầng xã hội ở Sibneft, ngoài độ dày của phong bì tiền lương, là bữa ăn trưa. Các