🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 7 Chiến Lược Để Sống Sung Túc Và Hạnh Phúc Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC Lời nói đầu Ngày xoay chuyển cuộc đời tôi CHƯƠNG 1 NĂM TỪ THEN CHỐT CHƯƠNG 2 MỤC TIÊU: THỨ TẠO ĐỘNG LỰC CHO CON NGƯỜI CHƯƠNG 3 MỤC TIÊU: LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẬP MỤC TIÊU CHƯƠNG 4 MỤC TIÊU: KHIẾN CHÚNG PHỤC VỤ CHO BẠN CHƯƠNG 5 ĐƯỜNG ĐẾN SỰ THÔNG THÁI CHƯƠNG 6 SỰ THẦN KỲ CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN BẢN THÂN CHƯƠNG 7 LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TỰ DO TÀI CHÍNH CHƯƠNG 8 LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ THỜI GIAN SÁNG SUỐT? CHƯƠNG 9 NGUYÊN TẮC KẾT GIAO CHƯƠNG 10 ĐƯỜNG ĐẾN MỘT PHONG CÁCH SỐNG SUNG TÚC HƠN CHƯƠNG 11 NGÀY XOAY CHUYỂN CUỘC ĐỜI BẠN Original title: 7 Strategies for Wealth & Happiness: Power Ideas from America’s Foremost Business Philosopher Written by Jim Rohn Copyright © 1985, 1996 by Jim Rohn Vietnamese edition © 2023 by First News Co., Ltd. All rights reserved including the right of reproduction in whole or in part in any form. This edition published by arrangement with Harmony Books, an imprint of Random House, a division of Penguin Random House LLC. Tác phẩm: 7 CHIẾN LƯỢC ĐỂ SỐNG SUNG TÚC VÀ HẠNH PHÚC Tác giả: Jim Rohn Công ty First News – Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và phát hành ấn bản tiếng Việt tại Việt Nam theo hợp đồng chuyển giao bản quyền với Harmony Books, một chi nhánh của Random House, trực thuộc Penguin Random House LLC. Bất cứ sự sao chép nào không được sự đồng ý của First News đều là bất hợp pháp và vi phạm Luật Xuất bản Việt Nam, Luật Bản quyền Quốc tế và Công ước Bảo hộ Bản quyền Sở hữu Trí tuệ Berne. Biên tập viên First News: Thoại Uyên Quý độc giả có nhu cầu liên hệ, vui lòng gửi email về: Bản thảo và bản quyền: [email protected] Phát hành: [email protected] CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS 11H Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM Ngôi Nhà Hạt Giống Tâm Hồn, Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP. HCM Tel: (84.28) 38227979 – 38227980 www.firstnews.com.vn www.hatgiongtamhon.vn facebook.com/firstnewsbooks facebook.com/hatgiongtamhon Lời nói đầu Ngày xoay chuyển cuộc đời tôi Khi vừa bước sang tuổi 25, tôi có cơ duyên gặp một người đàn ông tên là Earl Shoaff. Lúc đó, tôi đã không ngờ rằng cuộc gặp gỡ này sẽ thay đổi cuộc đời tôi... Cho đến thời điểm đó, cuộc đời tôi cũng giống như phần đông mọi người – tẻ nhạt với rất ít thành tựu và thậm chí còn không thật sự hạnh phúc. Tôi đã có một khởi đầu tuyệt vời. Thời thơ ấu tôi sống trong tình yêu thương giữa một cộng đồng nông dân nhỏ ở vùng tây nam bang Idaho, chỉ cách con sông Snake vài phút đi bộ. Khi lớn lên và rời gia đình, lòng tôi tràn trề hy vọng rằng giấc mơ Mỹ mà tôi đã hoạch định cho cuộc đời mình sẽ sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn diễn ra như tôi mong muốn. Tôi vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng sau khi học xong năm thứ nhất, tôi nghĩ mình đã trang bị đủ kiến thức nên quyết định bỏ học. Về sau, tôi đã nhận ra đây là một sai lầm to lớn – một trong nhiều quyết định sai lầm của tôi trong những ngày tháng mới bước vào đời. Nhưng khi ấy tôi đã quá háo hức muốn tự mình làm việc và kiếm tiền, cứ nghĩ rằng mình có thể tìm được một công việc phù hợp mà không gặp khó khăn gì – và thực tế xảy ra đúng như vậy. (Lúc ấy, tôi chưa hiểu được sự khác biệt giữa việc đơn thuần kiếm sống với việc tạo lập một cuộc sống.) Không lâu sau đó, tôi lập gia đình. Và cũng giống như mọi người chồng bình thường khác, tôi đã vẽ ra với vợ mình một tương lai tươi sáng đầy hứa hẹn mà khi ấy tôi tin là sẽ sớm trở thành hiện thực. Xét cho cùng, tôi là một người có khát vọng, thật sự khao khát thành công, và tôi cũng làm việc hết sức chăm chỉ. Thành công với tôi khi ấy là một điều chắc chắn trong tầm tay! Ít nhất tôi đã từng nghĩ như thế... Cho đến khi bước sang tuổi 25, tôi đã làm việc được sáu năm, nên tôi quyết định tổng kết xem mình đã đi được bao xa trong hành trình của mình. Trong tôi luôn có một nỗi hoài nghi thường trực rằng mọi chuyện không tiến triển hoàn toàn đúng hướng. Tiền công hằng tuần của tôi mặc dù đã lên đến tổng cộng 57 đô-la nhưng vẫn còn cách xa những gì tôi đã hứa hẹn và thậm chí càng xa hơn nữa nếu tính luôn cả mớ hóa đơn ngày càng chồng chất trên chiếc bàn ọp ẹp trong bếp. Lúc ấy, tôi đã là một người cha với những trọng trách ngày càng nhiều trước một gia đình ngày càng đông thành viên. Nhưng quan trọng nhất là tôi nhận ra rằng mình đang dần quen với việc chấp nhận tình trạng “thiếu trước hụt sau”. Trong một khoảnh khắc thành thật với chính mình, tôi bắt đầu nhận ra rằng mỗi ngày trôi qua, thay vì không ngừng tiến lên phía trước, tôi lại đang tụt lại đằng sau về mặt tài chính. Rõ ràng là cần phải thay đổi một điều gì đó... Nhưng đó là gì? Chỉ làm việc cật lực thôi chưa đủ – tôi tự nói với chính mình như vậy. Tôi cảm thấy sốc khi nhận ra điều này, càng sốc hơn khi tôi vốn luôn tin rằng mỗi người đều nhận được kết quả tương xứng với mồ hôi công sức mình đã bỏ ra. Tuy nhiên, có một điều rõ như ban ngày là cho dù có đang nỗ lực đến “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” thì tôi vẫn chỉ nhìn thấy một viễn cảnh: cũng như rất nhiều người khác, tôi sẽ kết thúc ở tuổi 60, rỗng túi và trông chờ sự giúp đỡ từ người khác. Ý nghĩ này khiến tôi hoảng hốt. Tôi không thể đối mặt với một tương lai như vậy, nhất là khi tôi đang sống tại đất nước giàu nhất thế giới này! Dù vậy, trong đầu tôi chất chứa nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tôi phải làm gì đây? Làm thế nào tôi có thể chuyển hướng cuộc đời mình? Tôi đã nghĩ đến việc quay lại trường học. Một hồ sơ xin việc với chỉ một năm học đại học không thể nào tạo được ấn tượng tốt. Nhưng tôi còn có một gia đình phải chăm lo, nên việc đi học lại có vẻ phi thực tế. Và rồi tôi đã nghĩ đến việc bắt đầu một công việc kinh doanh. Ý tưởng này khiến tôi hào hứng hẳn lên! Tuy nhiên, thực tế là tôi chắc chắn không có đủ số vốn cần thiết. Rốt cuộc thì tiền bạc vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất của tôi; tôi thường xuyên rơi vào cảnh túng quẫn ngay từ đầu tháng. (Bạn đã bao giờ rơi vào cảnh đó chưa?) Một ngày nọ, tôi bị mất 10 đô-la. Chuyện này khiến tôi buồn bã đến phát ốm trong hai tuần lễ. Đúng vậy, hai tuần lễ, chỉ vì một tờ 10 đô-la! Một người bạn tìm cách lên tinh thần cho tôi. Anh ấy nói: “Này Jim, có lẽ một người khốn cùng nào đó rất cần đến số tiền này đã nhặt được nó”. Nhưng quả thật là ngay cả ý nghĩ đó cũng không an ủi được tôi. Trong tâm trí tôi lúc đó, tôi mới là người cần phải tìm thấy tờ 10 đô-la chứ không phải là người để mất nó. (Phải thú nhận rằng cho đến thời điểm đó của cuộc đời mình, tôi chưa nghĩ nhiều đến lòng thương người.) Tôi ở tuổi 25 là như thế – vẫn còn cách quá xa những ước mơ của mình và không biết cách nào để thay đổi đời mình theo hướng tốt hơn. Thế rồi một ngày nọ, vận may đã đến với tôi. Tại sao nó lại xuất hiện vào thời điểm đó trong cuộc đời tôi? Tại sao những điều tốt lại xảy ra vào thời điểm nó xảy ra? Tôi thật sự không biết. Tôi cho rằng đây là một phần bí ẩn của cuộc sống... Dù sao thì vận may của tôi cũng đã đến, khi tôi gặp một người đàn ông rất đặc biệt tên là Earl Shoaff. Tôi gặp ông ấy lần đầu tiên tại một hội nghị về bán hàng và ông ấy là người chủ trì một buổi hội thảo. Tôi không thể kể chính xác điều gì ông ấy nói vào đêm đó đã khiến tôi cảm thấy cuốn hút đến vậy, tôi chỉ nhớ lúc đó tôi đã nghĩ rằng tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để được như ông ấy. Vào cuối buổi hội thảo, tôi lấy hết can đảm đi đến chỗ ông ấy và tự giới thiệu. Mặc dù khi đó hẳn là trông tôi rất lóng ngóng, nhưng dường như ông ấy đã nhìn thấy được khao khát thành công của tôi. Ông ấy tốt bụng, rộng lượng và có vẻ cũng có chút cảm tình với tôi. Vài tháng sau, Shoaff tuyển dụng tôi vào tổ chức bán hàng của ông. Trong năm năm sau đó, tôi đã học được nhiều bài học về cuộc sống từ Shoaff. Ông ấy xem tôi như con trai, dành ra hàng giờ để dạy tôi triết lý của riêng mình, triết lý mà giờ đây tôi gọi là 7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc. Cho đến một ngày, Shoaff đột ngột qua đời ở tuổi 49. Sau nỗi buồn thương vì mất đi người thầy tinh thần, tôi dành thời gian để nhìn nhận lại ảnh hưởng của ông đến cuộc đời mình. Tôi nhận ra rằng điều tốt nhất tôi nhận được từ ông không phải là một công việc hay thậm chí là cơ hội phát triển từ một nhân viên bán hàng tập sự thành phó chủ tịch điều hành của công ty ông, mà chính là những gì tôi đã học được từ triết lý sống thông thái của ông và những đúc kết nền tảng cho một cuộc sống thành công: làm thế nào để trở nên giàu có và hạnh phúc. Trong vài năm tiếp theo, tôi đã vận dụng những ý tưởng của ông vào cuộc sống của mình… và tôi đã trở nên giàu có. Thực tế là tôi đã tạo dựng được một tài sản lớn. Nhưng trải nghiệm mà tôi cảm thấy mãn nguyện nhất là việc chia sẻ những ý tưởng làm giàu của mình với các cộng sự và nhân viên của tôi. Tôi nhận được những phản hồi tích cực và những kết quả thu được hầu như là ngay lập tức và có thể đo lường được. Mặc dù tôi chỉ xem mình là một doanh nhân chứ không phải là một tác giả hay diễn giả, nhưng tôi luôn cảm thấy thích thú với việc truyền đạt đến người khác một cách đơn giản và trực tiếp về những ý tưởng tạo nên sự khác biệt để thay đổi cuộc sống của mỗi người. * * * Khi bạn đọc quyển sách này, hãy tưởng tượng mình đang đi mua sắm. Bạn chỉ nên chọn những ý tưởng nào có thể áp dụng được ngay cho mình. Bạn chắc chắn không cần phải tin và “mua về dùng” mọi thứ mà người khác nói. Nhưng cũng nên cho chính mình cơ hội tìm hiểu. Hãy đọc những trang sách sau đây với tâm trí rộng mở. Nếu bạn thấy điều gì phù hợp với bản thân mình, hãy thử nghiệm; nếu bạn thấy những gì không phù hợp, hãy bỏ qua. Hãy nhớ rằng trong mọi việc bạn làm, bạn luôn là một người chủ động học hỏi chứ không đơn thuần là người làm theo. Chương 1 NĂM TỪ THEN CHỐT Tất cả các ý tưởng trong quyển sách này đều xuất phát từ một nhóm các từ then chốt. Vì vậy, để hiểu và từ đó thu nhận được tối đa giá trị của quyển sách, chúng ta cần phải có một cách hiểu thống nhất những từ này. NỀN TẢNG Trước hết, hãy xem xét từ “nền tảng”. Tôi định nghĩa nền tảng là những nguyên tắc cơ bản mà từ đó mọi thành tựu được xây dựng nên. Nền tảng tạo nên sự khởi đầu, phần căn bản và hiện thực để từ dòng chảy đó, mọi thứ khác có thể hình thành theo. Những gì thuộc về nền tảng thì không thay đổi theo thời gian, chẳng hạn như những nguyên tắc nền tảng. Vì vậy, bạn có thể áp dụng từ “nền tảng” vào khái niệm thành công. Nếu bạn đang tìm kiếm sự thành công nền tảng, loại thành công bền vững được xây dựng từ một nền móng vững chắc, thì bạn cần phải tránh mọi câu trả lời hoa mỹ. Ngày nay, chúng ta thường nghe rất nhiều câu trả lời hoa mỹ, trong khi trái lại, thành công là một quá trình đơn giản. Nó không rơi từ trên trời xuống. Nó cũng không phải là điều gì mầu nhiệm hay bí ẩn. Thành công đơn giản là kết quả tự nhiên của việc áp dụng nhất quán những nền tảng của sự thành công vào cuộc sống. Điều đó cũng đúng cho sự sung túc và hạnh phúc. Hai điều này cũng đơn giản là kết quả tự nhiên của việc áp dụng nhất quán những nền tảng của sự sung túc và hạnh phúc vào cuộc sống. Chìa khóa cho mọi sự là bám chắc vào các nền tảng. Một số ít điều then chốt Một ngày nọ, vị thầy của tôi, ông Shoaff, nói với tôi: “Này Jim, thường chỉ có một số ít điều then chốt làm nên 80٪ sự khác biệt”. Một số ít điều then chốt... thật là một ý tưởng đáng suy ngẫm. Cho dù chúng ta đang làm mọi chuyện để cải thiện sức khỏe, tài sản, thành tựu cá nhân hay công việc kinh doanh thì sự khác biệt giữa thành công vượt trội và thất bại đắng cay cũng tùy thuộc vào mức độ cam kết của chúng ta trong việc tìm kiếm, học hỏi và áp dụng một số ít điều then chốt này. Ví dụ, với một người nông dân mong muốn một vụ mùa bội thu vào mùa thu tới thì những điều then chốt mà ông ta cần tập trung khá dễ thấy: đất, giống, nước, nắng, phân bón và sự chăm sóc. Mỗi thành tố này đều có tầm quan trọng ngang nhau vì chỉ khi kết hợp cùng nhau thì chúng mới mang lại quả ngọt là một vụ thu hoạch thành công. Vì vậy, câu hỏi thích hợp cần đặt ra trước khi thực hiện bất kỳ một dự án mới hay thiết lập những mục tiêu mới nào là: Một số ít điều then chốt nào sẽ quyết định phần lớn sự khác biệt ở các kết quả? Dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật hay âm nhạc, toán học hay vật lý, thể thao hay kinh doanh thì những nền tảng này đều đóng vai trò quyết định. Hiểu và áp dụng nguyên tắc đơn giản này là bước đi thông minh đầu tiên đưa bạn đến việc hoàn thành những mục tiêu và ước mơ của mình. SUNG TÚC Từ then chốt thứ hai chúng ta cần phải định nghĩa là sung túc. Sung túc, hay giàu có là một từ gây tranh cãi vì nó mang đến cho tâm trí chúng ta nhiều hình ảnh khác nhau và thậm chí là nhiều khái niệm mâu thuẫn nhau. Kết quả là mỗi người chúng ta có quan điểm khác nhau về sự giàu có hay sung túc. Với người này, giàu có nghĩa là có đủ tiền để có thể làm mọi điều mình muốn. Với người kia, nó có thể là hoàn toàn không nợ nần. Với một người khác nữa thì sự giàu có hay sung túc lại đồng nghĩa với cơ hội để phát triển và thành đạt. Nhưng cũng chính sự đa dạng về quan điểm này lại đưa đến khả năng sáng tạo, và khả năng sáng tạo giúp mỗi chúng ta tìm ra những phương cách độc đáo cho riêng mình để làm việc vì một cuộc sống sung túc. Đối với đa số những người không dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về chủ đề này, để định nghĩa sự giàu có, đơn giản họ chỉ cần một từ: triệu phú. Hiện nay, đó là một từ khiến người nghe phấn khích! Nó vang lên âm thanh của sự thành công, tự do, sức mạnh, tầm ảnh hưởng, sự hưởng thụ, khả năng và tinh thần từ thiện. Có một điều chắc chắn, triệu phú là một hình ảnh không tệ. Mặt khác, từ giàu có không chỉ bao hàm những khái niệm về kinh tế. Ta cũng có thể nói về sự giàu kinh nghiệm, sự giàu có về tình bạn, sự giàu có về tình yêu thương, về gia đình, về văn hóa. Tuy nhiên, mục đích của chúng ta ở đây là tập trung vào loại giàu có mà đi cùng với nó là sự tự do về tài chính: Sự giàu có đến từ việc chuyển đổi nỗ lực và công việc kinh doanh thành tiền tệ và vốn. Số tài sản mà mỗi người chúng ta cần để có được cảm giác sung túc sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều rằng ước mơ của chúng ta về cơ bản là giống nhau: được tự do khỏi áp lực tài chính, được tự do lựa chọn và tận hưởng các cơ hội để sáng tạo và chia sẻ. *** Sự giàu có có ý nghĩa như thế nào đối với bạn? Bạn cần có nhiều tiền đến mức nào để có cảm giác tự do về tài chính? Đây không phải là những câu hỏi chỉ “để cho vui”. Bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng bạn càng có ý niệm rõ ràng về sự giàu có vật chất thì những ý tưởng trong quyển sách này sẽ càng hữu dụng với bạn. HẠNH PHÚC Sự tìm kiếm hạnh phúc bao hàm mọi sự tìm kiếm trên thế giới này. Tuy nhiên, cũng giống như sự giàu có, hạnh phúc với từng người lại có cách hiểu khác nhau. Hạnh phúc bao hàm cả niềm vui của sự khám phá và niềm vui của sự hiểu biết. Nó thường đồng hành với những ai nhận thức được trọn vẹn những màu sắc, thanh âm và sự hài hòa của cuộc sống. Hạnh phúc cũng đến với những người dành trọn tâm sức để thiết kế đời sống của họ, rồi thưởng thức đời sống đó như một tuyệt tác. Hạnh phúc là kỹ năng phản ứng với những gì mà cuộc sống mang lại bằng khả năng nhận thức và tận hưởng cuộc sống của mình. Bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc cả khi cho và khi nhận, khi gặt hái cũng như khi gieo trồng. Bạn cảm nhận được sự hài hòa trong khi thưởng thức những món ăn cũng như trong suy nghĩ. Hạnh phúc sẽ đến với những ai chân thành mong muốn mở rộng phạm vi hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Hạnh phúc lưu trú trong ngôi nhà của những ai có khả năng ứng phó với cảm giác thất vọng để không đánh mất cảm giác hạnh phúc của mình. Hạnh phúc không rời xa những ai kiểm soát được cả hoàn cảnh và cảm xúc của họ. Hạnh phúc cũng là tự do thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực khác do nỗi sợ sinh ra như sự lo lắng, đánh giá thấp bản thân, thói ganh tị, tham lam, bất mãn, định kiến và sự oán giận. Những ai nếm trải được hạnh phúc thường thấu hiểu và nhận thức được sức mạnh tích cực diệu kỳ của cuộc sống và tình yêu. Tuy nhiên, hạnh phúc không chỉ là cảm nhận thông thường mà còn là một phương thức suy nghĩ – phương thức tổ chức các cảm giác, hoạt động và phong cách sống. Nói cách khác, nó là một phương cách diễn dịch thế giới và các sự kiện. Hạnh phúc là tìm thấy được giá trị trong sự cân bằng. Đó là cảm giác hài lòng với công việc hằng ngày, kể cả những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán mà ít ai trong chúng ta có thể thoát được. Hạnh phúc là sống trọn vẹn, một cuộc sống phong phú những trải nghiệm và ký ức mà sẽ trở thành những tài sản vô giá cho những ai biết cách “chi tiêu” và “đầu tư” chúng. Hạnh phúc là hành động có mục đích, là tình yêu trong thực tế. Hạnh phúc vừa là khả năng nhìn thấy được những gì đang hiển hiện, vừa là lòng tôn kính với những điều kỳ diệu. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là thứ gì đó đã mất trong quá khứ hay một đỉnh cao cần phải đạt đến trong tương lai xa xôi (Tôi sẽ hạnh phúc chỉ khi nào mà...). Chỉ có rất ít người hiểu rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy được trong hiện tại. Và quả thật, cũng như nhiều điều tốt đẹp khác, hạnh phúc thường khó nắm bắt. Nhưng tôi cam đoan với bạn rằng hạnh phúc không phải là thứ không thể có được. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc? Thật kỳ lạ là bạn chỉ cần hiểu và áp dụng một khái niệm tưởng chừng như không liên quan chút nào đến hạnh phúc, đó là... tính kỷ luật. KỶ LUẬT Nếu có một yếu tố sống còn quyết định sự thành công của hành trình tìm kiếm cả sự giàu có lẫn hạnh phúc thì đó là tính kỷ luật. Khi vừa nghe đến khái niệm này, nhiều người sẽ không đồng ý vì nó khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh một viên sĩ quan huấn luyện khắt khe hay một giáo viên nghiêm khắc lăm lăm cây thước trên tay. Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng một khi bạn đã rèn được tính kỷ luật tức là bạn đã nắm giữ chiếc chìa khóa để biến những ước mơ và khát vọng của mình thành hiện thực. Bạn thấy ngạc nhiên ư? Vậy thì có lẽ chúng ta nên dành một chút thời gian để định nghĩa xem thế nào là kỷ luật. *** Kỷ luật là chiếc cầu nối giữa ý tưởng và kết quả đạt được, là chất keo kết dính niềm cảm hứng với thành quả, là mãnh lực phi thường biến nhu cầu tài chính thành sự sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng. Kỷ luật đến với những ai nhận thức được rằng để cánh diều có thể bay cao thì nó phải cưỡi lên ngọn gió; rằng những điều tốt đẹp chỉ có thể xảy đến với những người quyết tâm bơi ngược dòng; rằng một thái độ sống buông xuôi, để mọi thứ trôi đi vô định chỉ dẫn đến đắng cay và thất vọng mà thôi. Kỷ luật là nền tảng để tạo dựng thành công. Sự thiếu kỷ luật sẽ không tránh khỏi dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là nhiều người lại không thấy được mối liên hệ giữa sự thiếu kỷ luật và sự thiếu vắng thành công. Phần lớn mọi người hình dung thất bại như là một sự kiện chấn động, chẳng hạn như một công ty đang có nguy cơ phá sản hay một căn nhà sắp bị tịch biên. Tuy nhiên, đây không phải là cách thất bại diễn ra. Thất bại hiếm khi là kết quả của một sự việc riêng lẻ. Thay vào đó, nó là hệ quả của một danh sách cộng dồn nhiều thất bại nho nhỏ xảy ra do tình trạng thiếu kỷ luật quá mức. Thất bại xảy đến mỗi khi chúng ta không thể nghĩ trong hôm nay, hành động ngay hôm nay, chăm sóc, nỗ lực, phấn đấu, học hỏi hay cứ bước tiếp... ngay hôm nay. Nếu mục tiêu ngày hôm nay của bạn là phải viết mười bức thư nhưng bạn chỉ viết được ba bức thư, bạn còn thiếu bảy bức thư mới đạt mục tiêu. Nếu bạn tự cam kết sẽ thực hiện năm cuộc gọi trong hôm nay nhưng bạn chỉ thực hiện một cuộc gọi, bạn còn thiếu bốn cuộc gọi mới đạt mục tiêu. Nếu kế hoạch tài chính đòi hỏi bạn phải tiết kiệm 10 đô-la trong khi bạn không tiết kiệm được đồng nào, bạn còn thiếu 10 đô-la mới đạt mục tiêu của ngày hôm nay! Khi chúng ta nhìn lại một ngày trôi qua lãng phí và thấy như vậy cũng không hại gì, thì khi đó mới thật sự nguy hiểm. Dù sao đó chỉ là một ngày thôi mà. Nhưng nhiều ngày như thế cộng lại sẽ thành một năm và nhiều năm như thế cộng lại sẽ thành một đời, và có lẽ giờ đây bạn đã có thể thấy được cách mà những thất bại nho nhỏ lặp đi lặp lại của hôm nay có thể dễ dàng biến cuộc đời bạn thành một thất bại thảm hại. Thành công cũng tuân theo một khuôn thức chính xác như trên, nhưng theo cách ngược lại. Nếu bạn lên kế hoạch thực hiện mười cuộc gọi trong hôm nay và bạn gọi mười lăm cuộc, tức là bạn đã vượt chỉ tiêu năm cuộc gọi. Hãy làm tương tự với kế hoạch gửi thư cũng như tiết kiệm của mình và bạn sẽ sớm nhìn thấy quả ngọt từ những nỗ lực bền bỉ từng ngày của bạn sau một năm và thành quả cuối cùng sau một đời. Kỷ luật là chiếc chìa khóa chủ. Nó mở cánh cửa dẫn đến sự sung túc và hạnh phúc, văn hóa và nhận thức, lòng tự trọng cao và thành tựu lớn, và đồng hành với kỷ luật là những cảm giác tự hào, mãn nguyện và thành công. Làm thế nào để có được tính kỷ luật? Thứ nhất, bạn phải nhận thức được tầm quan trọng của tính kỷ luật trong cuộc sống của mình. Hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi: “Tôi muốn đạt được điều gì trong cuộc đời mình? Những thay đổi nào là cần thiết để tôi đạt được những mục tiêu đó?”. Thứ hai, hãy tự hỏi mình một cách trung thực: “Tôi có quyết tâm thực hiện những điều đó không?”. Nếu câu trả lời là “Có” thì bạn cần làm một cam kết dài hạn để duy trì tính kỷ luật của mình một cách khôn ngoan, có chủ đích, và nhất quán. Cuối cùng, cam kết này của bạn cần phải được kiểm nghiệm trong những tình huống phát sinh mà có thể gây cản trở cho việc bạn thực hiện cam kết. Chắc chắn tính kỷ luật sẽ mang lại nhiều điều cho cuộc sống của bạn và quan trọng hơn, nó mang lại nhiều điều cho chính bản thân bạn. Kỷ luật giúp bạn nhìn thấy được con người tốt đẹp của chính mình. Ngay cả kỷ luật ở mức độ tối thiểu cũng có ảnh hưởng khó tin đến thái độ của bạn. Và cảm giác tích cực mà bạn có được từ việc nhìn thấy giá trị của bản thân khi bắt đầu tuân theo một kỷ luật mới cũng tuyệt vời gần như cảm giác khi bạn đạt được kỷ luật mới đó. Mỗi kỷ luật mới đều ngay lập tức góp phần làm chuyển hướng cuộc đời bạn, giống như con tàu đổi hướng hành trình giữa đại dương và nhắm tới một đích đến mới. Có những người tin rằng kỷ luật là điều trái tự nhiên, rằng chỉ cần sống là đủ. Họ xem mong muốn thành tựu là nhân tạo, là không lành mạnh. Nhưng trên thực tế, tính kỷ luật rất phù hợp với thế giới tự nhiên, nơi mà mọi thứ đều phải nỗ lực. Một cái cây khi lớn lên sẽ cao đến mức nào? Nó phải tranh đấu với sức mạnh to lớn của trọng lực và không ngừng vươn ra hấp thụ ánh nắng mặt trời để mọc lên cao hết mức có thể. Đúng vậy, sự đấu tranh này không phải là một hành vi có ý thức, bởi vì cây không có não. Nhưng bạn và tôi đã được ban cho khả năng lựa chọn có ý thức việc luôn cố gắng và trở thành con người hoàn thiện nhất có thể. Kỷ luật thu hút cơ hội. Những cơ hội tuyệt vời luôn đến với những người không ngừng phát triển các kỹ năng và hăng say hành động. Những người có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện những mục tiêu cao thông qua kỷ luật và cam kết sẽ nắm bắt được những cơ hội mà những tâm hồn yếu đuối hơn sẽ không bao giờ nhìn thấy được. Kỷ luật là một quá trình độc nhất vô nhị của tư tưởng và hành động thông minh, giúp làm giảm bớt sự bốc đồng và nuôi dưỡng những cách ứng xử có chừng mực, phép tắc; phát triển những hành động tích cực và kiểm soát những ý nghĩ tiêu cực; khuyến khích hướng tới sự thành công và từ chối chấp nhận thất bại; tăng cường sức khỏe và hạn chế bệnh tật. Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu quá trình sống có kỷ luật. Bạn có thể rèn tính kỷ luật theo từng cấp độ, nâng lên từng bậc theo thời gian. Một tin rất tốt lành là... Bạn có thể bắt đầu, ngay hôm nay! Đừng nói: “Nếu tôi đã có thể…, tôi cũng sẽ…”. Hãy nói: “Nếu tôi…, tôi sẽ có thể…!”. Bây giờ, hãy bắt đầu quá trình mới này và bắt đầu bằng những việc nhỏ. Và sau đó, bạn học cách để luôn thực hiện đúng những cam kết mới của mình. Từ sự bắt đầu tưởng chừng như không quan trọng này, bạn sẽ thấy sống có kỷ luật tuyệt vời như thế nào. Và kể từ đó, cuộc sống của bạn không còn giới hạn nào nữa. Hành động thay vì tự huyễn hoặc Trong những năm gần đây, có một vài quyển sách đưa ra ý tưởng rằng nếu mỗi ngày chúng ta khẳng định bằng lời nói điều mình mong muốn, thành công sẽ đến một cách kỳ diệu. Tôi cho rằng điều này thật phi lý. Việc chỉ nói ra điều mình mong muốn mà không hề thực hành kỷ luật để thực hiện mong muốn đó sẽ khiến chúng ta trở nên phi thực tế. Chúng ta ảo tưởng rằng mình đang tiến bộ, trong khi những hoạt động hằng ngày không mục tiêu, không nỗ lực sẽ chẳng đưa chúng ta đến đâu cả. Hãy hình dung một người mơ ước trở nên giàu có nhưng những việc anh ta làm hằng ngày trong thực tế lại đang đưa anh ta đến sự túng quẫn; hay một người khát khao được hạnh phúc trong khi những suy nghĩ và hành động của cô ta lại theo chiều hướng tiêu cực. Họ đều tự huyễn hoặc mình khi tự xoa dịu bằng lời nói. Vì vậy, hãy nhớ: Để đi đến thành công, chúng ta phải thật sự bắt đầu! Để trở nên giàu có, hãy phát triển một kế hoạch “giàu có”. Nên nhớ rằng bạn không cần phải giàu có mới cần một kế hoạch giàu có; một người không có bất kỳ phương tiện nào cũng có thể lập một kế hoạch để “trở nên giàu có”. Có vô số kiểu kế hoạch khác mà bạn có thể tạo ra: • Nếu sức khỏe của bạn không tốt, hãy bắt đầu một kế hoạch về sức khỏe. • Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi? Vậy hãy bắt đầu một kế hoạch trau dồi năng lượng. • Bạn cảm thấy mình vẫn còn thiếu nhiều kiến thức? Vậy thì hãy bắt đầu một kế hoạch học tập. • Bạn thường nói “Tôi không thể”? Hãy bắt đầu một kế hoạch “Tôi có thể”. Ai cũng có thể! Ngay cả một người dở tệ cũng có thể bắt đầu đọc những quyển sách hay. Quan trọng là tiến từng bước, ngay hôm nay. Dù dự án của bạn là gì, hãy bắt đầu ngay hôm nay. Bắt đầu dọn sạch ngăn kéo để có bàn làm việc mới được sắp xếp khoa học ngay hôm nay. Bắt đầu lập mục tiêu đầu tiên ngay hôm nay. Bắt đầu nghe những nội dung audio tạo động lực ngay hôm nay. Bắt đầu kế hoạch giảm cân hiệu quả ngay hôm nay. Bắt đầu gọi điện hỏi thăm một khách hàng khó tính mỗi ngày ngay hôm nay. Bắt đầu nạp tiền vào tài khoản mới, “đầu tư cho tương lai” ngay hôm nay. Viết bức thư mà bạn đã trì hoãn quá lâu ngay hôm nay. Có gì to tát đâu nhỉ! Hãy tạo động lực cho cam kết mới của bạn về một cuộc sống tốt đẹp. Hãy xem bạn có thể làm được bao nhiêu việc để thực hiện cam kết này. Hãy làm hết sức mình! Hãy bứt phá ra khỏi vòng xoáy đi xuống của trọng lực. Hãy khởi động những lực gia tốc của bạn. Hãy chứng tỏ cho bản thân thấy rằng thời của chờ đợi và hy vọng viển vông đã qua và đây là thời của niềm tin và hành động. Đây là một ngày mới, một sự khởi đầu mới cho cuộc sống mới của bạn. Bằng kỷ luật, bạn sẽ rất kinh ngạc nhận ra mình đã tiến bộ nhiều đến đâu. Bạn đã chẳng mất gì ngoài cảm giác hối tiếc và nỗi sợ quá khứ, phải không? *** Giờ đây, tôi mang đến cho bạn thử thách tiếp theo: Hãy biến ngày đầu tiên cho sự khởi đầu mới của bạn thành ngày đầu tiên của tuần lễ của những sự khởi đầu mới. Bắt tay vào việc nào! Hãy xem bạn có thể bắt đầu bao nhiêu việc để khởi đầu cho tuần lễ khởi đầu đó. Tiếp theo, hãy biến tháng này thành tháng của những sự khởi đầu mới... và rồi năm của những sự khởi đầu mới. Vào lúc bạn hoàn thành năm đầu tiên này của mình, bạn sẽ không bao giờ còn bị “đòi nợ” bởi quá khứ – những thói quen quá khứ, những ảnh hưởng quá khứ, những tiếc nuối quá khứ, những thất bại quá khứ. Bạn đã sẵn sàng để “bay cùng đại bàng”. THÀNH CÔNG Thành công là từ then chốt thứ năm. Và cũng giống như những khái niệm đã được lần lượt thảo luận, thành công có nhiều tầng ý nghĩa. Thành công cũng là một khái niệm khó hình dung, một nghịch lý. Suy cho cùng, nó vừa là hành trình, vừa là đích đến, không phải vậy sao? Thành công là sự tiến bộ ổn định, có thể đo lường được so với mục tiêu và mức độ hoàn thành mục tiêu. Thành công vừa là thành tựu vừa là sự thông tuệ dành cho những ai hiểu được sức mạnh tiềm tàng của cuộc sống. Thành công là sự nhận biết giá trị và sự trau dồi những giá trị xứng đáng bằng kỷ luật. Thành công vừa là vật chất, vừa là tinh thần; vừa thực tế, vừa huyền bí. Thành công là một quá trình, trong đó bạn “quay lưng” với một vài thứ để chuyển sang những thứ tốt đẹp hơn – từ tình trạng uể oải sang lối sống năng động, từ kẹo sang trái cây, từ chi tiêu sang đầu tư. Thành công là nghe theo tiếng gọi thay đổi, trưởng thành, phát triển và trở thành – tiếng gọi vươn lên một vị trí tốt đẹp hơn để có được một vị thế thuận lợi hơn. Nhưng điều quan trọng hơn hết là thành công mang đến cho bạn cuộc sống mà bạn mong muốn. Hãy xem xét mọi khả năng, hãy xem xét tấm gương của tất cả những người có cuộc sống mà bạn ngưỡng mộ để biết bạn muốn có được những gì trong cuộc đời mình? Đó là một câu hỏi lớn! Hãy nhớ rằng thành công không phải là một bộ tiêu chuẩn được lấy từ nền văn hóa của chúng ta mà là một tập hợp những giá trị cá nhân được định nghĩa rõ ràng và cuối cùng phải đạt được. *** Tạo dựng cuộc đời mình như mình mong muốn – đó chính là thành công. Nhưng làm thế nào chúng ta thực hiện được điều đó? Đó chính xác là những nội dung mà quyển sách này đề cập. Chương 2 MỤC TIÊU: THỨ TẠO ĐỘNG LỰC CHO CON NGƯỜI Một buổi sáng, sau khi tôi đã làm việc cho Shoaff được hai tuần, ông ấy và tôi đang ngồi ăn sáng cùng nhau. Khi tôi ăn gần xong phần trứng của mình, ông ấy nói: “Jim, chúng ta hãy xem qua danh sách mục tiêu của cậu để cùng nhận định và thảo luận. Có thể đó là cách tốt nhất để tôi có thể giúp cậu kịp thời”. “Nhưng hiện giờ tôi không có danh sách này”, tôi đáp. “À, vậy cậu đang để nó ở trong xe hay để ở nhà?” “Không thưa ông, tôi không có danh sách này ở đâu cả.” Shoaff thở dài. “Được rồi, anh bạn, có vẻ như chúng ta nên bắt đầu từ đây.” Rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Nếu cậu không có danh sách mục tiêu của mình, tôi đoán là tài khoản ngân hàng của cậu hiện giờ chỉ có vài trăm đô-la”. Ông ấy đoán đúng, và điều này khiến tôi thật sự chú ý. Hết sức kinh ngạc, tôi hỏi: “Ý ông là nếu tôi có danh sách mục tiêu của mình thì tài khoản ngân hàng của tôi sẽ khác?”. “Đúng, khác hẳn”, ông ấy đáp. Từ hôm đó, tôi đã trở thành một cậu học trò của nghệ thuật và khoa học lập mục tiêu. Trong tất cả những điều tôi học được vào những ngày đầu ấy thì việc lập mục tiêu là kỹ năng có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời tôi. Mọi mặt trong đời sống của tôi – thành tựu, thu nhập, tài khoản ngân hàng, phong cách sống, kể cả nhân cách – đều nhờ đó mà thay đổi theo hướng tốt hơn. Với niềm tin vững chắc rằng việc nắm được cách thiết lập mục tiêu sẽ mang lại sự thay đổi sâu sắc cho cuộc sống của bạn, tôi sẽ dành nhiều trang sách để thảo luận về quá trình thường bị hiểu sai này. Thật ra, tôi không chỉ yêu cầu bạn đọc những chương tiếp theo mà bạn cần làm nhiều hơn thế: nghiền ngẫm chúng. Và nếu bạn có bên mình một quyển sổ tay thì càng tốt hơn nữa. SỨC MẠNH CỦA ƯỚC MƠ Mỗi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của một vài yếu tố. Một trong những yếu tố đó là môi trường sống – nơi chúng ta sống, trường chúng ta học, cha mẹ và bạn bè của chúng ta. Chúng ta còn được định hình bởi những sự kiện xảy ra trong đời. Kiến thức hay sự thiếu hụt kiến thức cũng sẽ góp phần ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta. Một yếu tố cũng quan trọng không kém là kết quả mà những nỗ lực của chúng ta mang lại – khả năng đạt được kết quả như mong muốn có thể cho chúng ta thêm động lực... Tuy nhiên, trong tất cả những yếu tố này, không yếu tố nào có nhiều sức mạnh tiềm tàng, thúc đẩy chúng ta làm những điều tốt đẹp bằng khả năng mơ ước của chúng ta. Ước mơ là sự phản chiếu cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Vì vậy, khi chúng ta cho phép những ước mơ của mình “cuốn hút” mình theo, chúng sẽ giải phóng một sức mạnh sáng tạo có thể khuất phục mọi trở ngại ngăn chúng ta đạt đến những mục tiêu của mình. Tuy nhiên, để khai thác được sức mạnh này thì chúng ta phải xác định rõ những ước mơ của mình. Một tương lai lờ mờ thì không đủ “sức hút”. Để thật sự đạt được những ước mơ của mình, để những kế hoạch tương lai đủ “sức hút” đối với bạn, những ước mơ của bạn phải thật sống động, rõ ràng. Giờ đây bạn có hai cách để đối mặt với tương lai: hoặc bằng sự dự phòng, hoặc bằng nỗi lo âu. Bạn thử đoán xem có bao nhiêu người đối mặt với tương lai bằng nỗi lo âu? Câu trả lời là phần lớn. Bạn từng thấy kiểu người đó – luôn luôn lo lắng, lo lắng và lo lắng. Tại sao họ lại lo lắng nhiều như vậy? Vì họ đã không dành thời gian thiết kế tương lai của mình. Trong đa số trường hợp, họ sống cuộc sống của mình bằng cách cố gắng thuận theo ý người khác. Trong quá trình đó, rốt cuộc họ chỉ “áp dụng” quan điểm của người khác vào cuộc sống của mình mà thôi. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ luôn lo lắng – luôn nhìn ra xung quanh, tìm kiếm sự đồng thuận của người khác cho mọi việc mình làm. Trái lại, những người đối diện tương lai với sự dự phòng đã hoạch định cho chính mình một tương lai đáng phấn khích. Họ có thể “nhìn thấy” được tương lai đó bằng con mắt của tâm trí và nó trông thật tuyệt vời. Tương lai đó thu hút trí tưởng tượng của họ và tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với họ. SỨC MẠNH CỦA NHỮNG MỤC TIÊU ĐƯỢC XÁC ĐỊNH RÕ RÀNG Những ước mơ luôn tuyệt vời nhưng chưa đủ. Có một bức tranh rực rỡ về những kết quả mà ta mong đợi vẫn chưa đủ. Để dựng nên một công trình vĩ đại, ta còn phải có một bản vẽ chi tiết từng bước một về cách đổ móng, cấu trúc chịu lực... Do đó, chúng ta cần có các mục tiêu. Cũng như một ước mơ được xác định rõ ràng, những mục tiêu được xác định rõ ràng hoạt động như những khối nam châm. Chúng hút bạn về hướng của chúng. Bạn càng định nghĩa chúng rõ ràng, bạn càng mô tả chúng cụ thể, bạn càng nỗ lực để đạt được những mục tiêu thì sức hút của chúng càng mạnh. Khi những “ổ voi” cuộc đời có nguy cơ khiến bạn phải dừng lại trên đường đến thành công, bạn cần một lực nam châm đủ mạnh để hút bạn về phía trước. Để hiểu được tầm quan trọng sống còn của các mục tiêu, hãy quan sát những người không có bất kỳ mục tiêu nào – phần đông mọi người đều như thế. Thay vì thiết kế cuộc đời mình, vì không được ai hướng dẫn, họ chỉ đơn giản là kiếm sống. Họ tranh đấu từng ngày trong cuộc chiến mưu sinh sống còn; họ phải chọn sinh tồn thay vì chất lượng sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Thoreau nói rằng: “Hầu hết con người sống một cuộc đời tuyệt vọng âm thầm”. LÝ DO Ông Shoaff nói với tôi: “Jim, tôi nghĩ rằng tài khoản ngân hàng hiện giờ của cậu không thể hiện đúng mức trí thông minh của cậu”. (Ôi chao, tôi đã sung sướng biết bao khi nghe điều đó!) Ông ấy nói tiếp: “Tôi nghĩ cậu có nhiều tài, nhiều khả năng và thông minh hơn cậu tưởng rất nhiều”. Và hóa ra điều này lại đúng; tôi thật sự thông minh hơn tôi nghĩ vào thời điểm đó. “Vậy tại sao tài khoản ngân hàng của tôi không nhiều hơn?”, tôi hỏi ông ấy. “Vì cậu không có đủ lý do để đạt được điều đó”, người bạn của tôi đáp. Và rồi ông ấy nói thêm: “Nếu có đủ động lực thì cậu đã có thể làm được những điều khó tin; cậu có đủ trí thông minh nhưng không có đủ lý do”. Ý tưởng này rất quan trọng: Phải có đủ lý do. Từ đó tôi đã khám phá ra điều này: Lý do đến trước, câu trả lời sẽ đến tiếp theo. Dường như một “lẽ khác thường” của cuộc sống là những câu trả lời được ngụy trang theo một cách mà chúng chỉ hiện ra rõ ràng với những ai có động cơ đủ mạnh – những ai có đủ lý do – để tìm kiếm câu trả lời. Nói theo một cách khác, khi bạn biết mình muốn gì và mong muốn đó đủ mạnh thì bạn sẽ tìm ra con đường để đạt được nó. Những câu trả lời, những phương pháp và giải pháp mà bạn cần để giải quyết các vấn đề trên đường đi sẽ lần lượt hé lộ ra cho bạn nhìn thấy. Này, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn buộc phải giàu có? Điều gì sẽ xảy ra nếu sinh mạng của người mà bạn rất mực yêu thương phụ thuộc vào khả năng chi trả của bạn cho dịch vụ y tế tốt nhất? Chúng ta hãy đi xa hơn bằng một giả thuyết khác, rằng bạn vừa biết đến một quyển sách sẽ chỉ cho bạn cách để trở nên giàu có. Bạn sẽ mua nó chứ? Tất nhiên bạn sẽ mua. Vì bạn đang đọc một quyển sách về cách để thành công, bạn sẽ được dẫn dắt để biết đến nhiều quyển sách và băng đĩa hay về chủ đề làm giàu. Nhưng nếu không buộc phải trở nên giàu có thì chắc bạn sẽ không sẵn sàng bỏ thời gian để đọc sách hay nghe băng. Có một câu tục ngữ: “Sự thiết yếu là mẹ của phát minh”. Đúng vậy! Hãy ghi nhớ điều này để luôn xác định những lý do của bạn trước tiên và tiếp đó mới đến những câu trả lời. BỐN ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ Câu hỏi lớn mà bạn cần đặt ra cho chính mình là: Điều gì thúc đẩy tôi? Mỗi người đều có những động lực khác nhau. Chúng ta đều có những “nút nóng” của riêng mình. Và nếu bạn chịu khó khám phá tâm hồn mình một chút, tôi chắc rằng bạn sẽ tìm thấy được một danh sách những điều truyền động lực cho bạn. Những nhân tố nào thúc đẩy chúng ta nỗ lực để vượt trội? Ngoài mong muốn chính yếu rất rõ ràng là sự thành tựu về tài chính, còn có bốn động lực mạnh mẽ khác. Thứ nhất là sự công nhận. Các công ty lớn và các giám đốc bán hàng khôn ngoan biết rằng một số người sẽ làm tốt khi được công nhận nhiều hơn là được tưởng thưởng bằng vật chất. Đó là lý do tại sao những tổ chức kinh doanh thành công, đặc biệt là những công ty có hoạt động chủ yếu là bán hàng trực tiếp, đã bằng mọi giá chú trọng việc công nhận thành tích của nhân viên dù đó là thành tích lớn hay nhỏ. Họ biết rằng trong thế giới đông đúc của chúng ta, phần lớn mọi người đều cảm thấy mình nhỏ bé và không được biết đến dù làm tốt đến đâu. Sự công nhận là một cách để xác nhận nỗ lực của một người là xứng đáng. Trên thực tế, khi công nhận ai đó, người ta thường nói: “Này, bạn thật đặc biệt; bạn tạo nên sự khác biệt”. Tôi tin rằng nếu ngày càng có nhiều công ty quan tâm hơn nữa đến việc công nhận nhân viên của mình – không chỉ nhân viên bán hàng mà cả cấp quản lý, thư ký và nhân viên bảo trì – thì các công ty đó sẽ tạo nên hiệu suất công việc tăng vọt không ngờ. Lý do thứ hai khiến một số người trở nên vượt trội là họ thích cảm giác chiến thắng. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất. Nếu bạn phải nghiện một thứ gì đó thì hãy chọn chiến thắng để nghiện. Tôi có vài người bạn, họ đều là triệu phú, làm việc từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày để kiếm thêm nhiều triệu đô-la nữa. Không phải vì họ cần tiền. Điều họ cần là niềm vui, cảm giác thích thú và sự thỏa mãn mà những “chiến thắng” của họ mang lại. Với họ, tiền bạc không phải là động lực lớn; họ đã có rất nhiều tiền. Bạn biết động lực của họ là gì không? Đó là hành trình – cảm giác chiến thắng tuyệt vời mà hành trình đó mang lại. Đôi khi, thường là ngay sau một buổi hội thảo do tôi dẫn dắt, một người nào đó sẽ đến gặp tôi và nói: “Thưa ông Rohn, nếu tôi có một triệu đô-la, tôi sẽ không bao giờ làm việc thêm một ngày nào nữa trong đời”. Đó có thể là lý do những người đó không bao giờ làm giàu được. Họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Động lực mạnh mẽ thứ ba là gia đình. Một số người sẽ làm việc vì những người mình thương yêu chứ không phải cho chính họ. Một người đàn ông tôi từng gặp đã nói với tôi: “Ông Rohn à, gia đình tôi và tôi có một mục tiêu là cùng nhau đi du lịch khắp thế giới. Để có thể làm tất cả những điều mình muốn, chúng tôi sẽ cần 250 ngàn đô-la mỗi năm”. Thật khó tin! Một người đàn ông có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình đến thế sao? Và câu trả lời là: “Tất nhiên rồi!”. Những người có động lực là tình yêu thương quả là những người may mắn! Lòng nhân từ, mong muốn san sẻ sự giàu có của mình với người khác, là động lực mạnh mẽ thứ tư. Khi ông vua thép vĩ đại Andrew Carnegie qua đời, người ta mở ngăn kéo bàn làm việc của ông và tìm thấy một tờ giấy đã ố vàng. Trên mẩu giấy đó (ngày tháng được ghi cho biết vào lúc đó ông ấy đang ở độ tuổi 20), Carnegie đã viết ra mục tiêu chính của đời ông: “Tôi sẽ dành nửa đầu của cuộc đời mình để tích lũy tài sản. Nửa còn lại của cuộc đời mình, tôi dành để cho đi toàn bộ tài sản đó”. Bạn biết điều gì không? Mục tiêu này đã truyền cảm hứng cho Carnegie nhiều đến nỗi nhờ đó mà tài sản tích lũy được của ông đã lên đến 450 triệu đô-la (tương đương 4,5 tỷ đô-la ngày nay!). Và quả đúng như vậy, trong suốt phần cuối của cuộc đời mình, ông ấy đã tìm thấy niềm vui trong việc cho đi hết tài sản mình có. NHỮNG LÝ DO THIẾT YẾU Chẳng phải việc chúng ta được thúc đẩy để đạt được những thành tựu bởi một mục tiêu tốt đẹp, cao cả như vậy là rất tuyệt vời sao? Tuy nhiên, về phần mình, tôi phải thú nhận rằng trong những năm đầu nỗ lực để vươn tới thành công, động lực của tôi thực dụng hơn rất nhiều. Lý do khiến tôi phấn đấu khi ấy mang tính cơ bản hơn. Đó là loại lý do mà tôi gọi là “thiết yếu”, là những lý do khiến cuộc sống của chúng ta buộc phải thay đổi. Tôi sẽ kể các bạn nghe điều gì đã xảy đến với tôi... Một ngày nọ, không lâu trước khi tôi gặp Shoaff, tôi đang nằm dài trên ghế sofa ở nhà thì có tiếng gõ cửa, nghe có vẻ ngập ngừng và hơi rụt rè. Khi mở cửa ra, tôi thấy một cặp mắt màu nâu mở to đang ngước nhìn mình chăm chú. Một bé gái ốm yếu chừng 10 tuổi đang đứng đó. Lấy hết can đảm và quyết tâm từ trái tim nhỏ bé, cô bé nói với tôi rằng cô bé đang bán bánh quy cho Hội Nữ Thiếu sinh Hướng đạo (Girl Scouts). Đó là một phần giới thiệu sản phẩm rất thành thục – bánh có nhiều hương vị, giá đặc biệt và chỉ 2 đô la một hộp. Ai có thể từ chối được chứ? Cuối cùng, bằng nụ cười niềm nở và lời lẽ vô cùng lễ phép, cô bé mời tôi mua. Và tôi đã muốn mua. Tôi thật tình rất muốn mua! Chỉ có một vấn đề: tôi không có 2 đô-la! Ôi trời, tôi đã bối rối vô kể! Chính là tôi đấy – một người cha, đã học đại học, đã đi làm và kiếm ra tiền – vậy mà khi ấy lại không có nổi 2 đô-la. Đương nhiên là tôi không thể thú thực điều này với cô bé có đôi mắt to màu nâu ấy. Vậy nên tôi đành làm điều mà tôi cho là tốt nhất khi ấy: nói dối cô bé. Tôi nói: “Cảm ơn cháu, năm nay chú đã mua bánh quy của Nữ Thiếu sinh Hướng đạo rồi. Ở nhà chú vẫn còn rất nhiều”. Hiển nhiên đó không phải là sự thật, nhưng tôi đã không nghĩ ra được cách nào khác để thoát khỏi tình huống đó. Và nó hiệu quả. Cô bé nói: “Dạ không sao, thưa chú. Cháu cảm ơn chú nhiều”. Nói xong, cô bé quay đi để tiếp tục công việc của mình. Tôi chăm chăm nhìn theo cô bé trong một lúc, có lẽ là rất lâu. Cuối cùng, tôi quay vào nhà, đóng cửa lại, tựa lưng vào đó và kêu lên thật lớn: “Mình không muốn sống như thế này thêm một phút nào nữa. Mình đã quá chán ngán với tình trạng rỗng túi này rồi, vì mình không thể chịu được việc nói dối. Đừng bao giờ phải khó xử lần nữa vì không có đồng nào trong túi”. Ngày đó, tôi đã tự hứa rằng sẽ kiếm đủ tiền để trong túi phải luôn có vài trăm đô-la. Đó là những gì tôi muốn ngụ ý về lý do thiết yếu. Một lý do thiết yếu có thể không khiến tôi được trao giải thưởng vì một việc làm cao cả nào đó, nhưng nó đủ thiết yếu để ảnh hưởng đến suốt phần đời còn lại của tôi. Câu chuyện bánh quy Nữ Thiếu sinh Hướng đạo của tôi cuối cùng cũng đã có một cái kết đẹp. Một vài năm sau đó, khi vừa đi ra khỏi ngân hàng sau khi gửi vào một khoản tiền lớn, tôi thấy hai cô bé đang bán kẹo cho một tổ chức dành cho bé gái. Một trong hai cô bé tiến về phía tôi và nói: “Thưa chú, chú có thể mua một ít kẹo không ạ?”. Tôi vui vẻ nói: “Để chú xem nào. Cháu có loại kẹo nào thế?”. “Almond Roca ạ.” “Almond Roca à? Đó là loại chú thích! Bao nhiêu tiền vậy cháu?” “Dạ 2 đô-la thôi ạ.” Hai đô-la! Thật không tin nổi! Tôi hào hứng hẳn lên. “Cháu có bao nhiêu hộp kẹo?” “Năm ạ.” Nhìn sang bạn của cô bé, tôi hỏi: “Còn cháu, cháu còn mấy hộp?”. “Dạ cháu còn bốn.” “Vậy là chín hộp. Được, chú sẽ lấy hết.” Nghe vậy, cả hai cô bé há hốc nhìn và cùng kêu lên: “Thật ạ?”. “Chắc chắn rồi”, tôi đáp. “Chú có vài người bạn nên chú sẽ san sẻ ra cho mỗi người một hộp.” Hai cô bé phấn khởi hẳn lên, liền gom lại tất cả các hộp kẹo mình đang có. Tôi đưa tay vào túi và trao cho hai cô bé 18 đô-la. Khi tôi định đi với những hộp kẹo kẹp dưới cánh tay, một trong hai cô bé nhìn tôi với vẻ ngưỡng mộ và nói: “Thưa chú, chú ‘ngầu’ thật đó!”. Thật tuyệt! Bạn có tưởng tượng được chuyện bạn tặng ai đó 18 đô-la và họ nhìn vào mắt bạn và nói rằng bạn thật ‘ngầu’ không?! Giờ thì bạn biết tại sao tôi luôn mang theo bên mình vài trăm đô-la rồi đấy. Tôi sẽ không để mất những cơ hội như thế một lần nào nữa. Tôi sẽ kể cho bạn một ví dụ khác về lý do thiết yếu. Tôi có một người bạn tên là Robert Depew. Bobby (tên thân mật của anh ấy) từng đi dạy ở Lindsay, California, thủ phủ của ô-liu. Sau một vài năm, Bobby quyết định sẽ bỏ việc. Anh ấy muốn có một khoảng dừng và sau đó sẽ bắt đầu một nghề nghiệp mới. Một ngày nọ, không nói cho bất kỳ ai biết, anh ấy từ bỏ việc dạy học và nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Khi gia đình Bobby biết được điều đó, anh ấy trở thành mục tiêu của rất nhiều lời chỉ trích. Nhưng phản ứng tồi tệ nhất là từ người anh trai; cứ như anh ấy cảm thấy thỏa lòng khi chì chiết em trai mình vậy. “Cuộc đời mày sẽ không đi đến đâu”, người anh mỉa mai. “Việc dạy học của mày đang tốt đẹp, giờ thì mày coi như mất hết. Hẳn là mày bị mất trí rồi.” Anh của Bobby nhiếc móc anh ấy bất cứ khi nào có cơ hội. Bobby kể lại: “Cách hành xử của anh tôi khiến tôi bực tức đến nỗi tôi quyết định phải trở nên giàu có”. Hiện nay, Robert Depew là một trong những người bạn triệu phú của tôi. Cũng như câu chuyện “bánh quy” của tôi, câu chuyện này nói lên một điều rằng ngay cả sự tức giận và cảm giác có lỗi khi được định hướng đúng cũng có thể trở thành những động lực thiết yếu mạnh mẽ giúp chúng ta đạt mục tiêu. * * * Bạn có câu chuyện nào tương tự để minh họa cho điều này không? Bạn có từng rơi vào một tình huống khó xử mà bạn muốn xóa khỏi ký ức không? Tôi chắc rằng bạn biết một câu nói rất đúng của người xưa: “Thành công to lớn là sự trả thù ngọt ngào nhất”. Có thể bạn cũng nhận ra rằng có bao nhiêu người là có bấy nhiêu lý do để thành công. Chìa khóa chính là: Có đủ lý do. Làm thế nào để một người tìm được “nút nóng” (hay những nút nóng) để có thể biến chuyển một cuộc đời với ít thành tựu trở thành một cuộc đời sung túc và hạnh phúc? Đó là chủ đề của chương tiếp theo. Chương 3 MỤC TIÊU: LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẬP MỤC TIÊU Trong Chương 1, chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của tính kỷ luật. Và bây giờ, tôi sẽ yêu cầu bạn bắt tay vào thực hành đặc điểm tính cách tích cực này. Nếu bạn chưa từng lập mục tiêu thì hãy chuẩn bị sẵn một quyển sổ tay hay nhật ký. Tôi muốn bạn tự biến mình từ người theo dõi (người đọc) thành người tham gia (người viết). Loại bài tập về nhà mà bạn sắp làm bây giờ khác với bài tập về nhà thông thường ở chỗ nó kéo dài trọn đời. Chủ đề là những mục tiêu và như bạn sẽ sớm hiểu ra, mục tiêu là việc của cả đời – không ngừng tiến hóa, không ngừng biến chuyển. Tại sao bạn nên làm việc này? Vì khi lập mục tiêu là lúc bạn đang đi những bước đầu tiên tiến gần đến kiểu cuộc sống mà bạn hằng mơ ước nhưng không bao giờ dám tin rằng sẽ xảy đến với mình. Vậy thì hãy bắt đầu nào. Càng sớm áp dụng tính kỷ luật thì bạn càng sớm có được những kết quả tốt đẹp. Và một khi những việc bạn làm mang lại kết quả, tôi hứa chắc rằng bạn sẽ không nề hà chút nào khi phải nỗ lực thêm nữa và tuân thủ kỷ luật thêm nữa. MỤC TIÊU DÀI HẠN Hãy ghi vào quyển sổ tay hay trên tờ giấy ghi chú của bạn đề mục “Mục Tiêu Dài Hạn”. Nhiệm vụ của bạn là trả lời câu hỏi: “Tôi mong muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?”. Bí quyết để làm bài tập này hiệu quả là viết ra trong thời gian ngắn nhất nhiều điều bạn mong muốn nhất. Hãy dành khoảng từ 12 đến 15 phút cho toàn bộ bài tập và hãy cố gắng viết được khoảng 15 điều. Để giúp bạn bắt đầu, hãy xem xét sáu câu hỏi sau như những hướng dẫn: 1. Tôi muốn làm những gì? 2. Tôi muốn trở thành những gì? 3. Tôi muốn thấy những gì? 4. Tôi muốn có những gì? 5. Tôi muốn đi những đâu? 6. Tôi thích chia sẻ những điều gì? Với sáu câu hỏi này trong đầu, bạn sẽ trả lời được câu hỏi chính yếu: “Tôi mong muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?”. Hãy để mọi thứ trong trí bạn tuôn chảy. Đừng cố gắng đi vào chi tiết ngay; các chi tiết sẽ tự khắc đến sau. Ví dụ, nếu bạn muốn có một chiếc Mercedes 380SL màu xám với nội thất màu xanh dương, bạn chỉ cần viết “380” rồi chuyển sang điều mong muốn tiếp theo. Sau khi hoàn tất danh sách của mình, hãy xem lại những gì đã viết ra. Tiếp theo, bạn hãy ghi số năm mà bạn tin mình cần phải dành ra để đạt được mỗi mục tiêu hay có được mỗi thứ mà bạn mong muốn trong danh sách. Chẳng hạn, bạn ghi số 1 kế bên những mục mà bạn nghĩ là cần một năm để thực hiện; hoặc ghi số 3 bên cạnh những mục mà bạn cần khoảng ba năm để sở hữu hay đạt được... Làm như vậy cho tất cả các mục. Bây giờ, hãy kiểm tra xem có sự cân đối giữa các mục tiêu của bạn không. Ví dụ, nếu bạn nhận thấy mình có rất nhiều mục tiêu mười năm nhưng rất ít mục tiêu một năm, nghĩa là bạn đang trì hoãn việc hành động ngay bằng cách đẩy lùi thời hạn hoàn thành. Trái lại, nếu bạn có rất ít mục tiêu dài hạn, có lẽ là bạn vẫn chưa quyết định được kiểu cuộc sống mà mình mong muốn tạo dựng về lâu về dài. Điều quan trọng ở đây là phát triển được sự cân đối giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. (Sắp tới đây chúng ta sẽ thảo luận về những mục tiêu thật sự ngắn hạn – những mục tiêu cần dưới một năm để hoàn thành.) Bạn có bối rối khi có quá nhiều mục tiêu không? Bạn có phải là kiểu người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ tập trung vào một mục tiêu ở từng thời điểm không? Thật ra, có một lý do thuyết phục cho việc nên phát triển nhiều tầng lớp mục tiêu. Nếu không có nhiều và đa dạng các loại mục tiêu, bạn có thể rơi vào tình trạng tương tự từng xảy ra với một số phi hành gia trên những chuyến tàu không gian Apollo đầu tiên. Sau khi trở về từ mặt trăng, vài người trong số họ đã bị những tổn thương sâu sắc về mặt cảm xúc. Lý do ư? Một khi ngay cả mặt trăng mà bạn cũng đã đặt chân đến rồi, thì còn nơi nào khác bạn muốn đi không? Sau nhiều năm rèn luyện, hình dung mọi viễn cảnh và háo hức mong đợi chuyến du hành đến mặt trăng, thời khắc đó cũng đã đến đầy vinh quang và ra đi chóng vánh. Đột nhiên mọi thứ dường như chấm dứt, cùng với toàn bộ sự nghiệp của cuộc đời họ, và thế là tình trạng trầm cảm bắt đầu xảy ra. Rút kinh nghiệm từ việc này, các chương trình huấn luyện sau đó đã bao gồm cả việc giúp các phi hành gia “khởi động” những dự án lớn khác sau khi sứ mệnh của họ được hoàn thành. Hạnh phúc là điều khó kiếm. Dường như cách tốt nhất để tận hưởng cuộc sống là hoàn thành một mục tiêu và đồng thời cũng bắt đầu thực hiện mục tiêu tiếp theo. Việc bạn ngủ quên trên chiến thắng là rất nguy hiểm. Cách duy nhất để có được một bữa ăn ngon miệng khác là bạn trở nên hưng phấn và đói bụng. * * * Nào, bây giờ bạn đã xem lại và cân đối danh sách của mình, hãy chọn ra bốn mục tiêu từ mỗi hạng mức thời gian (một năm, ba năm, năm năm, mười năm) mà bạn cho là quan trọng nhất với mình. Bây giờ bạn đang có 16 mục tiêu. Đối với mỗi mục tiêu, hãy viết một đoạn ngắn bao gồm những điều sau: 1. Phần mô tả chi tiết điều bạn muốn. Ví dụ, nếu đó là một mục tiêu vật chất, hãy mô tả chiều cao, chiều dài, số lượng, kiểu mẫu, màu sắc... Còn nếu đó là một vị trí công việc hay một dự án khởi nghiệp, hãy mô tả chi tiết công việc đó, bao gồm mức lương, chức vụ, ngân sách thuộc quyền kiểm soát của bạn, số lượng nhân viên... 2. Lý do tại sao bạn muốn hoàn thành mục tiêu này. Khi xác định được điều này, bạn sẽ khám phá được rằng đó là điều bạn thật sự mong muốn hay chỉ là một mơ ước thoáng qua. Nếu không thể đưa ra được lý do rõ ràng và thuyết phục, bạn nên xếp mục tiêu này vào loại bốc đồng, không phải là một mục tiêu thật sự, và thay nó bằng một mục tiêu khác. Bạn thấy không, điều bạn muốn chỉ có thể trở thành một động lực mạnh mẽ khi có một lý do rõ ràng đằng sau nó. Bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng một vài mục tiêu mà bạn từng xem là quan trọng không còn hấp dẫn nữa, chỉ đơn giản vì bạn không thể thấy được một lý do đủ thuyết phục khiến bạn thật sự mong muốn chúng. Việc làm bài tập này là hữu ích; nó khiến bạn phải ngẫm lại, tinh chỉnh và sửa đổi. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn hoạch định tương lai của mình. Một khi bạn đã xác định rõ 16 mục tiêu của mình, hãy viết lại 16 mục tiêu đó trên một tờ giấy khác hoặc viết vào sổ nhật ký để lưu giữ lâu dài và mang theo bên mình để bạn có thể xem lại bất cứ khi nào. Hãy xem lại danh sách này hằng tuần để xem có mục tiêu nào không còn quan trọng không và bạn có đang thực hiện những bước đi tích cực để biến chúng thành hiện thực không. Như bạn thấy đấy, thiết lập mục tiêu không phải là việc chỉ làm một lần với những kết quả xác định cụ thể. Thay vào đó, nó là một quá trình liên tục, trọn đời. MỤC TIÊU NGẮN HẠN Tôi định nghĩa mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu mà chúng ta cần từ một ngày đến một năm để hoàn thành. Và những mục tiêu này tuy khiêm tốn hơn những mục tiêu dài hạn về mức độ cần thiết nhưng không kém tầm quan trọng. Một thuyền trưởng có thể lên kế hoạch cho một hành trình dài để đến được đích cuối cùng. Tuy nhiên, dọc theo suốt hành trình này sẽ có nhiều điểm đến cho những chặng hành trình ngắn và ông ta phải đến được những nơi đó thì hành trình mới có thể kết thúc thành công. Cũng giống như trong một hành trình trên biển, những mục tiêu ngắn hạn của bạn phải gắn kết với những thành tựu dài hạn. Ưu điểm rõ rệt của mục tiêu ngắn hạn là khả năng đạt được mục tiêu có thể nhìn thấy được trong tương lai gần. Tôi gọi loại mục tiêu này là “những nhân tố xây niềm tin” vì việc hoàn thành chúng mang đến cho bạn niềm tin để đi tiếp. Vì vậy, khi bạn làm việc chăm chỉ, chong đèn thâu đêm và hoàn thành một nhiệm vụ ngắn hạn cụ thể, bạn có thể mừng vui với “chiến thắng” của mình, để cho mình được truyền thêm cảm hứng mà tiếp tục hành trình. Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn nên viết vào sổ tay hay nhật ký của mình cả những dự án ngắn hạn. Tổ chức các mục tiêu này như thế nào là tùy ở bạn. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp chúng theo ngày, tuần hoặc tháng. Bạn cũng có thể sắp xếp chúng như là những hạng mục phụ trong các mục tiêu dài hạn của mình. Bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong việc lập danh sách này khi bạn có thể đánh dấu hoàn tất một việc. Sau khi hoàn thành một mục tiêu, bạn hãy dành thời gian để ăn mừng thành quả đó. Hình thức ăn mừng có thể là một khoảnh khắc dừng lại, hài lòng về bản thân khi vừa hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ, hay là một sự tưởng thưởng lớn cho một thành quả tương xứng. Bất kể đó là gì, điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để cảm nhận niềm vui chiến thắng của mình. Điều đó sẽ truyền cảm hứng để bạn nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc uống ly rượu mừng thành công, bạn cũng cần làm một việc khác, không mấy dễ chịu: Đối diện nỗi đau khi thất bại. Bạn thấy đó, chúng ta trưởng thành nhờ hai loại trải nghiệm: niềm vui chiến thắng và nỗi đau thất bại. Vì vậy, nếu đã tự đặt mình vào một cam kết hoàn thành một dự án mà bạn lại cứ nhàn nhã, để thời gian trôi thì hãy tìm cách để phạt bản thân vì sự lười biếng của mình. Hãy chịu trách nhiệm về cả hành vi tích cực và tiêu cực. Ngoài ra, đừng thân mật với những người chấp nhận sự biếng nhác của mình. Đừng gia nhập vào một đám đông dễ dãi. Hãy đến những nơi có yêu cầu cao, những nơi có áp lực cao về hiệu quả công việc. Điều đó cũng là một phần trong chiến lược tổng thể của bạn để có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc. BUÔNG XUÔI Tôi muốn bạn thành công! Vì vậy, tôi có một chút băn khoăn. Tôi biết rằng phần lớn người đọc quyển sách này sẽ không đủ kiên trì để thiết lập và thường xuyên tinh chỉnh các mục tiêu của họ. Tại sao ư? Bởi vì đó là một việc mất nhiều thời gian, đòi hỏi tư duy. Trong khi đó, một nghịch lý là nhiều người làm cật lực công việc mà họ không thật sự yêu thích từ năm này qua tháng nọ nhưng khi được yêu cầu dành thời gian để thiết kế tương lai của chính mình, họ thường trả lời rằng “Tôi không có thời gian”. Họ đã buông xuôi điều đó, buông xuôi tương lai của chính họ. Tuy biết rằng phần lớn mọi người không lập những kế hoạch rõ ràng, tôi mong bạn không nằm trong số đó; bạn sẽ không đi loanh quanh với tâm thế buông xuôi, trông chờ vào vận may với nỗi lo lắng hiện rõ trên mặt, hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Dù có chấp nhận hay không thì ngay bây giờ bạn vẫn đang là một trong những người tham gia trò chơi của cuộc sống. Và hãy tin tôi, nếu bạn không có những mục tiêu để nhắm đến thì trò chơi bạn đang chơi sẽ không có gì thú vị. Sẽ không ai chịu bỏ ra những đồng tiền chính đáng để xem bạn chơi một trò chơi mà không có người nào ghi điểm. Anh chàng buông xuôi đó nói: “Anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem: anh về tới nhà thì đã trễ; anh ăn cho qua bữa, xem truyền hình một lát cho thư giãn rồi vào giường ngủ; anh không thể thức đến nửa đêm để lên kế hoạch, lên kế hoạch, và lên kế hoạch”. Và anh chàng đó luôn trễ hạn trả góp tiền mua xe hơi, mặc dù anh chàng đó là một người làm việc tốt, luôn chăm chỉ và nhiệt tình. Nhưng, bạn thân mến, tôi phát hiện thấy rằng bạn có thể nhiệt tình và làm việc cật lực trong suốt cuộc đời mình nhưng kết cục của bạn vẫn là rỗng túi, hoang mang và túng bấn. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải trở thành một người làm việc tốt hơn cả tốt. Bạn phải là một người hoạch định tốt, một người lập mục tiêu tốt. Việc bạn viết ra những mục tiêu của mình cho thấy bạn quyết tâm chuyển biến và thật sự nghiêm túc trong chuyện này. Và sự nghiêm túc là vô cùng cần thiết nếu bạn muốn làm tốt hơn. Bạn không cần phải quá nghiêm khắc nhưng phải thật sự nghiêm túc. Mà này, mọi người đều hy vọng sẽ làm tốt hơn. Nhưng niềm hy vọng có thể khiến bạn bị tổn thương nếu không có sự hoạch định rõ ràng. Như một câu trong Kinh Thánh: “Niềm hy vọng bị trì hoãn quá lâu có thể làm con tim đau yếu”, đó là tình trạng không lành mạnh... Tôi biết điều này. Tôi từng bị một căn bệnh gọi là “hy vọng thụ động”. Đó là một căn bệnh tệ hại. Chỉ có một thứ tệ hơn hy vọng thụ động là hy vọng thụ động mà vẫn vô tư. Chẳng hạn như một người đàn ông đã 50 tuổi, nghèo mà vẫn vô tư và hy vọng. Vì vậy hãy trở nên nghiêm túc. Viết các mục tiêu của bạn ra giấy. Đó là đề nghị của tôi dành cho bạn – từ kinh nghiệm của chính mình. Chương 4 MỤC TIÊU: KHIẾN CHÚNG PHỤC VỤ CHO BẠN “Không có ước mơ và tầm nhìn, chúng ta sẽ bị diệt vong.” Điều này thật đúng. Nhưng bạn biết không, điều ngược lại cũng đúng. Khi có những ước mơ, chúng ta có thể chuyển biến theo những cách thức độc đáo không ngờ. Trong những chương trước, tôi đã chỉ cho bạn cách để lựa chọn mục tiêu và bắt đầu như thế nào để đạt được những mục tiêu đó. Bây giờ bạn sẽ học làm sao để những ước mơ định hình chính cuộc sống của bạn. Trước tiên, bạn cần hiểu rằng một khi bạn đã thiết lập những mục tiêu thật sự quan trọng đối với mình thì bạn không còn là con người trước đây nữa. Những mục tiêu đích thực sẽ tác động đến hầu như mọi việc bạn làm trong suốt cả ngày. Và bạn mang chúng theo dù đi bất cứ đâu. Cái bắt tay của bạn, phong cách ăn mặc của bạn, âm điệu giọng nói của bạn, cách bạn cảm nhận mọi thứ – tất cả đều sẽ thay đổi khi bạn có mục tiêu. Bởi vì khi bạn xem mục tiêu là quan trọng thì mọi việc bạn làm đều có liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu này. Nhưng để những mục tiêu thật sự tạo động lực, tác động đến cuộc đời bạn, chúng phải đáng giá. Tôi từng hỏi một người đàn ông: “Các mục tiêu trong tháng của anh là gì?”. Anh ta trả lời: “Tôi chỉ cần kiếm đủ tiền để thanh toán hết đống hóa đơn này...”. Mục tiêu của anh ta chỉ có vậy thôi! Tôi không nói rằng việc thanh toán các hóa đơn không thể gọi là một mục tiêu – nó có thể. Nhưng đó là một mục tiêu khốn khổ. Tôi chắc chắn sẽ không đưa nó vào danh sách những động lực truyền cảm hứng sống nhất. Bạn không thể nhảy ra khỏi giường vào sáng thứ Hai và nói: “Ôi trời, lại tiếp tục ra ngoài kia, cố kiếm đủ tiền thanh toán đống hóa đơn này”. Để những mục tiêu chuyển hóa bạn, bạn phải đặt mục tiêu cao. Các mục tiêu cần phải trên tầm với, đủ để bạn phát triển và tiến xa hơn nữa; chúng phải đủ cao để kích thích trí tưởng tượng của bạn và thúc đẩy bạn hành động. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thiết lập mục tiêu đủ cao để bạn ráng sức vươn lên, và đừng quá xa tầm với đến mức bạn chưa bắt đầu đã nản lòng. CHỦ ĐÍCH THẬT SỰ CỦA MỤC TIÊU Tôi muốn chia sẻ với bạn một ý tưởng vô cùng lý thú. Giá trị đích thực của việc thiết lập mục tiêu không nằm ở việc hoàn thành chúng. Việc đạt được những điều mình mong muốn thật ra chỉ đóng vai trò quan trọng thứ hai. Lý do chủ yếu của việc thiết lập mục tiêu là để bạn buộc phải trở thành người có khả năng tương xứng để hoàn thành những mục tiêu đó. Hãy để tôi giải thích: Bạn nghĩ giá trị lớn nhất của việc trở thành một triệu phú là gì? Có phải là việc bạn có hàng triệu đô-la không? Tôi không nghĩ vậy. Không, giá trị lớn nhất là ở những kỹ năng, kiến thức, kỷ luật và phẩm chất lãnh đạo mà bạn sẽ phát triển trong quá trình đạt đến địa vị cao đó. Đó là những kinh nghiệm mà bạn sẽ đúc kết được trong khi hoạch định và phát triển các chiến lược. Đó là nội lực mà bạn sẽ phát triển để có được lòng can đảm, sự cam kết và sức mạnh ý chí đủ để “hấp dẫn” được một triệu đô-la về mình. Khi một người không có thái độ của một triệu phú thì nếu được ai đó tặng một triệu đô-la, rất có thể anh ta sẽ đánh mất nó. Tuy nhiên, khi một triệu phú thật sự bị tước đoạt hết mọi tài sản thì chẳng bao lâu người đó vẫn có thể tạo dựng lại được một gia sản mới. Tại sao ư? Vì những người đã đạt đến được vị trí của một triệu phú đã phát triển những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để có thể lặp lại tương tự quá trình này bao nhiêu lần cũng được. Như bạn có thể thấy, khi một người trở thành triệu phú, những thứ họ sở hữu là điều ít có ý nghĩa nhất. Điều quan trọng nhất là con người mà họ đã trở thành. Sau đây là một câu hỏi mà bạn nên dành thời gian suy ngẫm: Kiểu người mà bạn cần phải trở thành để có thể đạt được mọi điều bạn muốn là như thế nào? Quả thật, bạn cần phải viết ra một vài suy nghĩ về vấn đề này trong quyển sổ tay hay nhật ký của bạn. Viết ra những loại kỹ năng mà bạn cần phải phát triển và những kiến thức bạn cần trang bị. Câu trả lời sẽ mang lại cho bạn một vài mục tiêu mới cho sự phát triển cá nhân. Hãy nhớ quy tắc này: Thu nhập hiếm khi vượt trên sự phát triển cá nhân. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta đều phải tự “kiểm tra trình độ” của mình. Tôi thường nhìn vào cuộc sống của mình và đặt câu hỏi: “Ồ, đây là những điều mình mong muốn, nhưng liệu mình có quyết tâm trở thành kiểu người tương xứng không?”. Nếu tôi quá lười biếng, nếu tôi không sẵn sàng cho việc học, đọc sách, nghiên cứu và phát triển để trở thành người mà tôi phải trở thành thì tôi không thể kỳ vọng sẽ thu hút về mình những gì mình muốn. Giờ đây, khi đứng trước một sự lựa chọn như thế, tôi phải quyết định thay đổi, hoặc chính mình, hoặc những điều tôi muốn. ĐỪNG ĐỂ BỊ ÁP ĐẢO TINH THẦN Khi thiết lập mục tiêu, nhất là lần đầu tiên, bạn sẽ dễ dàng để quá trình này khiến bạn bị áp đảo tinh thần. Lời khuyên của tôi là hãy thư giãn. Nếu bạn cảm thấy bản thân chưa được trang bị đủ để đạt được những gì mình muốn, hãy nhớ điều này: Khả năng của bạn sẽ phát triển đủ để đáp ứng những ước mơ của bạn. Đây là điều kỳ diệu của việc thiết lập mục tiêu. Bạn càng nỗ lực cho những mục tiêu của mình bao nhiêu, càng nhiều cơ hội mới sẽ tự mở ra cho bạn bấy nhiêu. Và mỗi cơ hội mới sẽ chứa đựng hạt giống giải pháp cho một vấn đề cụ thể mà trước đây bạn tưởng chừng như không giải quyết được. Vì vậy, bạn đừng sợ bắt đầu. Hành trình này sẽ đưa bạn vượt xa hơn những gì mà trí tưởng tượng điên rồ nhất của bạn có thể nghĩ ra. Tôi biết điều này. Con người của tôi khi gặp ông Shoaff 25 năm trước là một người xa lạ với tôi hiện giờ. Tôi không còn là con người đó. Tôi đã thay đổi. Bạn cũng thế. Nhiều người ngại dấn bước vì sự thất bại và nỗi đau trong quá khứ. Họ luôn mang những gánh nặng trong tâm hồn, những gánh nặng mà nếu không được gỡ bỏ thì sẽ trì kéo họ xuống mãi mãi. Bạn thân mến, bạn và tôi không thể làm gì để thay đổi quá khứ. Quá khứ đã qua và bị vùi lấp. Nhưng bạn có thể làm được vô số điều cho tương lai của mình. Bạn không nhất thiết phải là bạn của ngày hôm qua. Bạn có thể tạo ra những thay đổi trong cuộc đời mình – những thay đổi cực kỳ đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Bạn có thể tạo ra những thay đổi mà con người bạn-hiện-giờ – con người không dành được cho mình ít nhất là một cơ hội – không thể hình dung được. Những khả năng của bạn có thể phát triển. Bạn có thể vận dụng được những tiềm năng và tài năng mà bạn chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của chúng trong bản thân mình. Và theo thời gian, bạn sẽ khai thác được những nguồn dự trữ khả năng sáng tạo còn tiềm ẩn bên trong mình. Trước khi biết được điều đó, bạn cũng đã có khả năng đạt được những điều mà bạn-hiện-giờ dường như không thể nào đạt được. Bạn có thể giải quyết được những việc mà bạn chưa bao giờ nghĩ mình có đủ khả năng để giải quyết. Trí não của bạn sẽ sản sinh ra những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo. Tại sao mục tiêu lại có sức mạnh lớn lao đến vậy? Tôi không biết làm thế nào chúng có thể khiến cho tất cả điều này xảy ra. Tôi đoán câu hỏi này thuộc về một phạm trù đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”. Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng điều bí ẩn này thật sự tồn tại. Hãy khám phá điều đó cho chính mình. Hãy cho chính mình cơ hội để trở thành mọi điều mà bạn có thể trở thành và đạt được mọi thành tựu mà bạn có thể đạt đến. HÃY HỎI XIN Có một lời răn trong Kinh Thánh dạy toàn bộ những gì bạn cần biết để đạt được những điều mình muốn. Lời răn đó là: “Hãy hỏi xin”. Chỉ vậy thôi – hãy hỏi xin. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ ghi lại điều này trong danh sách tất cả những kỹ năng quan trọng bạn cần phải học. “Hỏi xin” có nghĩa là gì? “Hỏi xin” có nghĩa là “nói ra điều bạn cần”. Và công thức đầy đủ của nó sẽ khiến bạn kinh ngạc, đó là: “Hãy hỏi xin, và bạn sẽ nhận được¹”. Tôi nghĩ chúng ta nên ngẫm kỹ điều này... ¹ Nguyên văn của lời dạy này trong Kinh Thánh là: “Hãy hỏi xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho”. Thứ nhất, “hỏi xin” sẽ khởi động quá trình “nhận”. Yêu cầu điều mình mong muốn cũng giống như nhấn nút để kích hoạt một cỗ máy phi thường, cả về mặt lý trí lẫn cảm xúc. Như tôi đã nói, tôi không biết về cách thức hay nguyên nhân khiến nó vận hành nhưng tôi biết chắc về sức mạnh của nó. Có rất nhiều thứ mang lại hiệu quả dù chúng ta có hiểu được cơ chế vận hành đằng sau chúng hay không. Chỉ cần vận hành chúng! Một số người không bao giờ bắt tay vào vận dụng một điều gì bởi vì họ còn mải nghiên cứu, tìm hiểu căn nguyên, gốc rễ của nó. Và những người khác thì chọn cách vừa hái quả vừa tìm hiểu gốc rễ. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn muốn bắt đầu từ đâu. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ việc “hỏi xin” – nói ra mong muốn của mình. Thứ hai, “nhận” – phần còn lại của công thức trên – không phải là vấn đề. Bạn không phải lo về phần nhận. Nó tự động đến. Vậy nếu việc nhận không khó khăn gì thì vấn đề nằm ở đâu? Đó là sự thất bại trong việc nói ra yêu cầu. Anh chàng đó nói: “Đúng, nhưng anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem. Khi anh về tới nhà thì đã trễ; anh ăn cho xong bữa, xem truyền hình một chút cho thư giãn rồi vào giường ngủ. Anh còn sức để ngồi đó đến nửa đêm để mà hỏi xin, hỏi xin, và hỏi xin không?”. Và đó chính là anh chàng luôn trễ hạn thanh toán hóa đơn. Anh ta là một người làm việc tốt, luôn chăm chỉ và nhiệt tình. Tuy nhiên, bạn không chỉ cần làm việc tốt, chăm chỉ và nhiệt tình trong suốt cuộc đời mình, mà phải làm tốt hơn thế nếu bạn không muốn đi đến kết cục rỗng túi và luôn túng bấn. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người làm việc tốt. Bạn phải là một người biết nói ra mong muốn của mình. “Giờ thì tôi đã hiểu”, anh chàng đó nói. “Suốt một năm qua, tôi thức dậy và làm việc hết sức mỗi ngày. Nhưng trong nhà tôi không có danh sách những thứ tôi mong muốn về cuộc sống.” Còn bạn thì sao... danh sách của bạn thế nào? Thứ ba, khả năng “nhận” cũng giống như đại dương – là rất lớn. Thành công là một nguồn cung không bao giờ cạn. Nó không hữu hạn đến nỗi khi đến lượt bạn thì mọi thứ đã được phân phát hết. Hoàn toàn không! Nếu điều này xảy ra thì vấn đề là gì? Vấn đề là phần đông mọi người tiếp cận đại dương cơ hội này với một chiếc muỗng canh. Bạn có hình dung ra hình ảnh này không? Một cái muỗng canh! Với kích thước của đại dương, liệu tôi có nên gợi ý rằng bạn cần thay muỗng canh bằng cái gì đó lớn hơn không? Một cái xô thì sao? Nó có thể chưa phải là điều tốt nhất bạn có thể làm, nhưng ít ra đám trẻ cũng sẽ không cười nhạo bạn... Thêm hai ý tưởng nữa về “hỏi xin”... Thứ nhất, nói ra mong muốn của mình một cách thông minh. Một lời dạy trong Kinh Thánh cũng hàm ý điều này. Đừng chỉ lầm bầm trong miệng. Bạn sẽ không nhận được gì nếu chỉ nói lầm bầm trong miệng. Phải rõ ràng, phải cụ thể. Yêu cầu một cách thông minh cũng bao gồm việc trả lời rõ ràng những câu hỏi về đặc tính, kích cỡ, chiều cao, chiều dài, trị giá, thời gian, mẫu mã, màu sắc… Hãy mô tả thứ bạn cần. Hãy xác định nó. Nên nhớ, những mục tiêu được xác định rõ cũng giống như những khối nam châm. Bạn càng đẽo gọt chúng tốt, chúng càng hút mạnh. Thứ hai, nói ra yêu cầu với niềm tin. Niềm tin là phần trẻ thơ trong bạn. Điều này có nghĩa là bạn tin sẽ có được điều mình muốn. Hãy tin theo cách của một đứa trẻ – không có sự hoài nghi, yếm thế, tức phần người lớn trong bạn. Bạn thấy đó, đa số chúng ta đã trở nên quá hoài nghi. Chúng ta đã đánh mất niềm tin và sự tin tưởng ngây thơ tuyệt vời đó của trẻ thơ. Đừng để điều này ngăn trở bạn. Hãy tin tưởng và có niềm tin vào bản thân và mục tiêu của bạn. Hãy hào hứng – như một đứa trẻ. Không điều gì có thể lan tỏa nhanh hơn lòng nhiệt thành của trẻ con. Trẻ con nghĩ chúng có thể làm được mọi điều. Chúng muốn biết về mọi thứ. Điều này thật tuyệt vời! Chúng ghét phải đi ngủ vào buổi tối và luôn háo hức nhảy ra khỏi giường vào mỗi sớm mai. Trẻ con có thể đặt ra cả ngàn câu hỏi, và cho đến khi bạn nghĩ rằng mình không thể kiên nhẫn thêm được nữa thì chúng vẫn sẵn sàng hỏi thêm cả ngàn câu hỏi khác. Chúng luôn khiến bạn phải đi đến điểm tận cùng. Nhưng tính hiếu kỳ của chúng dĩ nhiên là một phẩm chất tốt đẹp. Khi bạn làm sống dậy sự tò mò, óc khám phá nhiệt thành của trẻ thơ trong chính mình, bạn đang giúp bản thân trở thành một người giỏi nói ra điều mình mong muốn. THIẾT LẬP MỤC TIÊU VÀ QUẢN LÝ THỜI GIAN Quản lý thời gian là chủ đề được quan tâm rộng rãi trong thời đại ngày nay. Có rất nhiều kênh thông tin như sách, băng từ và các cuộc hội thảo nói về việc làm thế nào để sử dụng thời gian hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin rất lớn của công chúng về vấn đề này. Còn bạn thì sao? Bạn có mong muốn trở thành một người quản lý thời gian tốt hơn không? Nếu có, bạn cần hiểu điều này: Nếu không có mục tiêu thì bạn không thể quản lý thời gian hiệu quả. Năng suất là kết quả của những mục tiêu được xác định rõ ràng. Việc phân bổ thời gian sẽ không có ý nghĩa thiết yếu nếu những mục tiêu không được hình dung rõ ràng và chắc chắn trong tâm trí. Nó đơn giản như vậy đó. Đây là một trong nhiều lý do tại sao việc viết ra những mục tiêu trên giấy lại quan trọng đến vậy. NHỮNG ĐIỀU ƯU TIÊN Một trong những khó khăn chúng ta phải đối mặt trong thời đại công nghiệp là sự mất tri giác về mùa. Không giống như người nông dân với những việc cần ưu tiên thay đổi theo mùa, chúng ta trở nên “vô nhiễm” với nhịp điệu của cuộc sống. Hệ quả là chúng ta không cân đối được những điều mình cần ưu tiên. Tôi sẽ minh họa điều tôi nói như sau: Đối với nhà nông, mùa xuân là mùa mà người nông dân hoạt động nhiều nhất. Đó là thời gian mà anh ta làm việc bất kể ngày đêm, thức dậy trước bình minh và đầu tắt mặt tối cho đến khi đồng hồ điểm nửa đêm. Người nông dân phải cho máy móc, nông cụ chạy hết công suất vì việc gieo trồng mùa màng phải được hoàn thành trong một khoảng thời gian eo hẹp; trong khi vào mùa đông thì anh ta không thể duy trì nhịp độ tất bật như thế vì không có nhiều việc để làm. Ở đây chúng ta có thể rút ra một bài học. Hãy học cách sử dụng các mùa của cuộc sống. Bạn cần quyết định lúc nào cần dốc hết sức và lúc nào cần thư thả, khi nào cần tận dụng cơ hội và khi nào thì nên để cho mọi việc tiến triển tự nhiên. Bạn dễ dàng duy trì nếp sống một ngày làm việc tám tiếng từ năm này sang năm khác và mất đi tri giác tự nhiên về những điều cần ưu tiên và chu kỳ. Đừng để năm này lẫn vào năm khác trong một chuỗi dường như bất tận những công việc được giao và trách nhiệm. Hãy để tâm đến các mùa của riêng mình, để bạn không bị mất đi ý thức về giá trị và phẩm chất của mọi điều trong cuộc sống. Chính yếu và thứ yếu Một phần quan trọng trong việc thiết lập những việc cần ưu tiên là học cách tách biệt những điều thứ yếu trong cuộc sống khỏi những điều chính yếu. Đây là một câu hỏi hữu ích bạn nên đặt ra cho chính mình bất cứ khi nào bạn phải ra quyết định: Việc này là chính yếu hay thứ yếu? Bằng cách đặt câu hỏi như vậy, với mục tiêu luôn ở trong đầu, bạn sẽ giảm được nguy cơ sử dụng thời gian thiết yếu cho những dự án không thiết yếu. Trong kinh doanh, chúng ta được dạy rằng chỉ có một khoảng thời gian quan trọng, đó là thời gian mà chúng ta dành cho một khách hàng tiềm năng, bất kể chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu thời gian trước đó. Rất nhiều người kinh doanh dành quá nhiều thời gian cho những việc bên ngoài cuộc gặp gỡ quan trọng này, và thu nhập của họ nói lên tất cả. Vì vậy mà trong kinh doanh có lời khuyên sau: “Đừng đi khắp thành phố trong khi bạn chỉ cần đi qua con phố đó”. Còn một khía cạnh khác nữa mà ta có thể áp dụng khái niệm chính yếu và thứ yếu, đó là đừng dùng thời gian thứ yếu cho những việc chính yếu. Chúng ta thường dùng lẫn lộn các giá trị này. Một người cha hay người mẹ có thể dành ba giờ đồng hồ để xem tivi và chỉ dành mười phút để chơi với các con. Một người quản lý có thể dành gần như cả ngày cho việc điền vào các bảng biểu anh ta cho là quan trọng và dành rất ít thời gian để khích lệ nhân viên. Người quản lý này đã đánh mất khả năng nhận biết cái gì là quan trọng và cái gì là vụn vặt. Khái niệm này cũng áp dụng cho tiền bạc. Đừng chi tiêu những món tiền quan trọng cho những việc không quan trọng và ngược lại, đừng chi dùng một khoản tiêu vặt cho một việc chính yếu. Một số người sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền cho việc mua thức ăn để bồi bổ cơ thể và chi tiêu rất ít cho những món ăn tinh thần. Bỏ ra nhiều tiền mua bánh kẹo thay vì mua sách để được truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn, chẳng phải làm như vậy là ngu ngốc sao? Cách tốt nhất để sử dụng thời gian và tiền bạc là đưa vào đó giá trị tối đa. Điều này được gọi là đầu tư cẩn trọng để đạt kết quả tối đa. TẬP TRUNG Bất kỳ một vận động viên chuyên nghiệp nào cũng có thể nói cho bạn biết cái giá khủng khiếp phải trả cho sự thiếu tập trung. Chỉ cần một khoảnh khắc mất tập trung, bạn sẽ đánh mất vị trí số một và khả năng nhận được một món tiền lớn. Đừng để điều này xảy ra với bạn. Tập trung tối đa vào mọi việc bạn làm. Bạn đang viết một bức thư? Hãy tập trung. Bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề? Hãy tập trung. Bạn đang nói chuyện với ai đó? Phải rồi, hãy tập trung. Bạn sẽ không tin được điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào đâu. Dĩ nhiên là có lúc bạn nên để tâm trí lang thang. Nhưng việc này chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian mà bạn đã quyết định dành riêng cho nó. Và khi ấy, đừng làm việc gì khác. Hãy để tâm trí rỗng rang cho việc này bằng cách đi dạo trên bờ biển hoặc lái xe đến những chỗ có núi non – rời xa những áp lực của cuộc sống. Hãy để làn gió nhẹ mơn man trên tóc và để đầu óc bay bổng. Hãy mơ mộng. Điều đó tốt cho bạn. Nhưng chỉ nên làm việc đó vào một khoảng thời gian dành riêng mà bạn gọi là “thời gian lang thang”. Với những khoảng thời gian khác, hãy tập trung. TỶ LỆ TỐI ƯU Còn một điểm cuối cùng để xem xét... Ngay cả khi đã có một kế hoạch hành động được cân nhắc cẩn trọng nhất, bạn vẫn không thể đạt được tất cả mọi điều bạn muốn. Tôi biết điều này. Sao tôi lại nói như thế sau khi đã dành chừng ấy thời gian chỉ cho bạn cách làm thế nào để đạt được những điều mình muốn? Lời nói của tôi không nhất quán chăng? Tại sao chúng ta không thể đạt được tất cả mọi điều mình muốn? Bởi vì, bạn thân mến, cuộc sống là như vậy. Đôi khi, một cơn mưa đá trút lên mùa màng của bạn và làm hỏng mọi điều bạn dự tính. Thỉnh thoảng, những con mối cuộc đời gặm nhấm nền móng của bạn. Thật không công bằng, bạn sẽ nói vậy? Có lẽ đúng. Nhưng bởi vì cả bạn và tôi đều không lường được mọi thứ, nên chúng ta chấp nhận cuộc sống vốn như vậy. Tuy nhiên, tin tốt lành là bên cạnh đó cũng có rất nhiều tin tốt lành trong cuộc sống. Nếu bạn áp dụng những cách thức mà tôi đã chia sẻ, bạn sẽ nhận được nhiều hơn mong đợi rất nhiều. Bạn sẽ đạt được những điều mình muốn thường xuyên hơn bạn nghĩ. Và tỷ lệ “thắng” nhiều hơn tỷ lệ “thua” – tỷ lệ tối ưu đấy. * * * Không ai có thể biết trước bạn có thể làm được những gì khi được mục tiêu truyền động lực. Không ai có thể biết trước bạn có thể làm được những gì khi tin vào chúng. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy đến với bạn khi bạn hành động dựa trên mục tiêu. Chỉ cần thử áp dụng những cách thức này trong chín mươi ngày. Chỉ cần thử áp dụng thôi! Nó có thể mang lại cho bạn thậm chí nhiều thành công hơn cả cho tôi. Tôi mong mỏi những điều tốt đẹp đó sẽ đến với bạn. Chương 5 ĐƯỜNG ĐẾN SỰ THÔNG THÁI Một trong những chiến lược nền tảng để sống một cuộc đời tốt đẹp là bạn biết mình cần thông tin gì để đạt được những mục tiêu mà mình hướng đến. Và bạn cũng cần phải biết làm thế nào để thu thập những tri thức đó. Một trong những điều tốt đẹp nhất mà ông Shoaff đã làm cho tôi vào buổi đầu ấy là đã truyền thụ cho tôi giá trị của việc học. Ông ấy nói: “Nếu cậu muốn thành công, hãy học thành công. Nếu cậu muốn hạnh phúc, hãy học hạnh phúc. Nếu cậu muốn làm ra tiền, hãy học cách đạt đến sự giàu có. Những người đạt được những điều này đều không tình cờ đạt được, mà trước tiên là học và thứ đến là thực hành”. Bạn có muốn thử đoán xem có bao nhiêu người coi sự giàu có là một môn học không? Phải, rất ít. Nếu xem xét phần đông đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự giàu có và hạnh phúc, bạn có cho rằng họ học hỏi cẩn thận những điều này không? Hẳn là không nhỉ? Lý do tại sao lại cũng thuộc phạm trù đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”. Nhiều năm trước, tôi đã biết được rằng một số lời khuyên rất hữu ích có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Câu trong Kinh Thánh mà tôi đã trích dẫn ở chương trước có vế sau là: “Hãy tìm, sẽ gặp”. Và đây chính là cách để khám phá tri thức mới, từ đó mới tạo ra những ý tưởng mới. Tìm kiếm, tìm tòi. Để thấy được thứ gì đó, trước tiên bạn phải tìm. Bạn cần tìm kiếm một ý tưởng lớn lao để thay đổi cuộc đời mình? Hiếm khi nó xuất hiện không duyên cớ. Nhưng nếu bạn kiên tâm tìm kiếm kiến thức, đúng ý tưởng mà bạn cần sẽ xuất hiện trên con đường bạn đi, thường vào lúc bạn không ngờ nhất. NẮM BẮT KHO TÀNG TRI THỨC Đây là một từ nền tảng khác mà bạn cần suy ngẫm: nắm bắt. Những ý tưởng tuyệt vời thường lướt qua nhanh và dễ dàng bị lãng quên… cũng giống như những khoảnh khắc mà ta chợt nhận ra cuộc sống trở nên đáng sống. Đó là lý do tại sao việc học cách để nắm bắt những điều thật sự có ý nghĩa là rất quan trọng. Thứ nhất, học cách nắm bắt những khoảnh khắc đặc biệt. Hãy học sử dụng máy ảnh, và chụp thật nhiều bức ảnh. Khả năng thu giữ hình ảnh một sự kiện xảy ra trong chưa đến một phần mấy giây là một hiện tượng của thế kỷ 20. Và chúng ta cũng nhanh chóng xem các hiện tượng xảy ra là hiển nhiên. Tôi sẽ kể cho bạn một chuyện gần đây. Trong ba năm qua, mỗi năm tôi đều được mời đến diễn thuyết tại Đài Loan. Trong chuyến đi gần đây nhất, tôi dẫn dắt một cuộc hội thảo vào cuối tuần với khoảng một ngàn người tham dự. Nào, bạn đoán xem, nếu có một ngàn người tham dự thì sẽ có bao nhiêu máy ảnh trong phòng hội thảo? Đúng – một ngàn cái! Mọi người mang theo máy ảnh để thu giữ hình ảnh những khoảnh khắc, những người bạn mới, những trải nghiệm mới. Kết cục là phần lớn thời gian của tôi ở đó được dành cho việc chụp ảnh cùng mọi người. Bạn đã bao giờ xem những bức ảnh cách đây vài thế hệ chưa? Không may là chỉ còn rất ít những bức ảnh như vậy được lưu hành. Chẳng phải sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta có được đầy đủ những hình ảnh để kể lại toàn bộ câu chuyện về cuộc sống cách đây một trăm năm sao? Vì vậy, đừng đánh mất sự hăng say. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ để lại đằng sau cuộc đời mình toàn bộ câu chuyện của bạn bằng một kho báu ảnh và video. Một cách khác để nắm bắt tri thức là tạo một thư viện cá nhân của riêng mình. Tôi không nói đến những quyển sách mà các nhà thiết kế nội thất của bạn đã mua. Tôi muốn nói đến những quyển sách đã sờn gáy và được đánh dấu nhiều chỗ – những quyển mà bạn chọn để học và gạch dưới những chỗ quan trọng, những quyển mà bạn có ghi chú bên lề sách, những quyển giúp định hình triết lý của bạn về những giá trị của cuộc sống. Đó mới chính là kho báu thật sự cần nắm giữ. Ngày nay, với khái niệm truyền thông đã được mở rộng, kho báu mà tôi đang nói đến này cũng bao gồm tất cả các phương tiện truyền thông như băng từ, video… đang định hình cuộc sống của chúng ta để nó trở nên ngày càng tốt đẹp. Đó cũng là một di sản đặc biệt cho con cháu của chúng ta. Cuối cùng, bạn sẽ cần nắm bắt mọi tri thức mà bạn có được trong quá trình sống cuộc đời mình. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích bạn, một người học nghiêm túc “môn học” giàu có và hạnh phúc, sử dụng một quyển sổ tay hay nhật ký để làm nơi thu thập mọi ý tưởng bất chợt đến với bạn. Những gì dần định hình và nảy sinh là một kho báu ngoài mong đợi – những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng xã hội, ý tưởng văn hóa, ý tưởng đầu tư, ý tưởng về phong cách sống. Bạn có thể hình dung được giá trị mà điều này mang lại không? Chắc chắn loại kho báu này là một gia sản đáng giá hơn chiếc đồng hồ cổ của bạn! CÁCH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ THÔNG THÁI Có hai cách để thu thập tri thức và trở nên thông thái. Một cách là học từ chính cuộc sống của bạn. Cách thứ hai là học từ cuộc sống của những người khác. Suy nghiệm lại bản thân Hãy suy nghiệm lại toàn bộ những trải nghiệm đã qua trong đời mình. Hãy học kỹ năng suy nghiệm, tức là nhìn lại, suy nghĩ một cách cẩn trọng về những sự kiện trong cuộc sống với chủ ý học hỏi từ đó. Tôi gọi quá trình này là “tua lại cuộn băng”. Những sự kiện trong cuộc sống của bạn là một trong số những nguồn thông tin hữu ích nhất. Vì vậy, đừng chỉ đơn thuần để những ngày của bạn trôi qua – hãy thu nhận từ chúng. Hãy nhận biết những gì xảy ra xung quanh bạn ngày hôm đó để tạo ra những rãnh nhớ trong cuộn băng ở tận trong tâm thức của bạn. Hãy dành thời gian và nơi chốn cho mọi chuyện – những khoảng thời gian cho hành động và những khoảng thời gian để ngẫm lại. Nhưng hầu hết chúng ta lại không dành thời gian cho việc suy nghiệm lại một cách nghiêm túc. Với lịch trình bận rộn, chúng ta thường bỏ qua phần quan trọng này của công thức cho sự thành công. Vào mỗi cuối ngày, bạn hãy dành vài phút để ôn lại những gì đã xảy ra trong ngày – bạn đã đi những đâu, đã làm những gì, đã nói những gì. Hãy suy nghiệm lại những việc tốt và không tốt mình đã làm, những việc bạn vẫn sẽ làm và những việc bạn sẽ không làm nếu thời gian đó quay lại. Hãy cố gắng hình dung lại các sự việc một cách sống động nhất. Hãy nhớ lại màu sắc, khung cảnh, âm thanh, lời nói, cảm nhận. Bạn thấy đó, kinh nghiệm có thể trở thành hàng hóa hoặc tiền – nguồn giá trị mà bạn không ngờ đến. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu bạn dành thời gian để ghi lại kinh nghiệm, suy nghiệm về nó và biến nó thành những gì có giá trị. Rốt cuộc, không phải những gì xảy ra trong cuộc sống của mỗi người sẽ làm chuyển biến cuộc sống của người đó, mà cách họ ứng xử trước những sự việc xảy ra mới tạo nên sự khác biệt. Và để có thể làm điều gì đó tích cực cho cuộc sống, chúng ta phải tiếp thu những thông tin có giá trị từ chính cuộc sống. Một thời điểm phù hợp khác để bạn suy nghiệm lại bản thân là vào cuối những khoảng thời gian như một tuần, một tháng hay một năm. Bạn hãy dành vài giờ vào cuối mỗi tuần, dành một ngày vào cuối mỗi tháng, và dành một tuần vào cuối mỗi năm... để nhìn lại, suy ngẫm và chiêm nghiệm từng sự việc đã xảy đến trong cuộc sống của bạn. Những người khôn ngoan đã học được cách để tích lũy quá khứ và đầu tư vào tương lai. Khi cha tôi bước sang tuổi 76, tôi nói với ông: “Cha ơi, cha có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu cha tập hợp lại 75 năm qua và đầu tư vào năm thứ 76 của mình không?”. Bạn có bao giờ nghĩ về cuộc sống theo cách này? Bằng cách này, cuộc sống có thể trở nên hiệu quả và lý thú hơn bao giờ hết. Đừng chỉ đơn thuần là sống thêm một năm. Thay vào đó, tập hợp lại những năm bạn đã trải qua và đầu tư tất cả vào năm tiếp theo. Đừng chỉ đơn thuần là có thêm một cuộc đối thoại. Thay vào đó, tập hợp lại tất cả những cuộc đối thoại của bạn trong quá khứ và đầu tư tất cả vào cuộc đối thoại tiếp theo. Vì vậy, hãy khởi động một kỷ luật mới. Hãy khám phá – bằng cách quan sát cuộc sống của bạn – điều gì và cách thức nào giúp cho mọi thứ vận hành tốt trong thế giới này. Đừng bao giờ để ai đó nhận xét rằng bạn đã sống cuộc sống này mà không hiểu biết gì về nó. Bạn có thể không làm được mọi điều mình khám phá nhưng phải đảm bảo rằng bạn khám phá tất cả những gì mình làm. Bạn không muốn sống một cuộc đời chỉ để rốt cuộc nhận ra rằng bạn đã sống chỉ 1/10 cuộc sống, rằng bạn đã để cho 9/10 còn lại trôi qua lãng phí. Khi bạn học cách sống cuộc sống của mình, hãy chắc rằng bạn học cả những điều tiêu cực bên cạnh những điều tích cực, cả thất bại lẫn thành công. Những cái gọi là thất bại cũng giúp ích cho chúng ta không kém những bài học có giá trị. Thông thường, những thất bại dạy chúng ta nhiều hơn cả những thành công. Một trong những cách để chúng ta học làm đúng một điều là làm sai điều này trước đó. Những việc làm sai mang lại những bài học đáng giá trong cuộc sống. Bây giờ thì tôi khuyên bạn không nên học “bài học đáng giá” này quá lâu. Nếu bạn đang thực hiện một cách thức nào đó và nó không thật ổn trong mười năm qua thì tôi khuyên bạn không nên tiếp tục thêm mười năm nữa. Nhưng nếu bạn có thể học nhanh thì không gì tốt bằng. Không có phương cách nào tốt hơn, cho cả cảm xúc của bạn, là học từ kinh nghiệm cá nhân. Khi gặp ông Shoaff, tôi đã làm việc được sáu năm. Không lâu sau đó, ông ấy đã hỏi tôi: “Jim à, tính đến nay, cậu đã làm việc được bao lâu rồi?”. Tôi trả lời ông ấy số năm mình đã làm việc. “Cậu thấy thế nào?”, ông ấy hỏi tiếp. “Không hoàn toàn tốt đẹp”, tôi đáp, cảm thấy hơi buồn khi phải thú nhận điều này. “Vậy thì tôi khuyên cậu không nên làm việc đó nữa”, ông ấy nói. “Sáu năm đã đủ dài để vận hành một kế hoạch sai.” Rồi ông ấy hỏi: “Cậu đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong sáu năm qua?”. “Không được đồng nào ạ”, tôi ngượng ngùng thú nhận. Ông ấy nhướng mày, nói: “Kẻ nào đã bán cho cậu kế hoạch đó vậy?”. Câu hỏi thật tuyệt. Tôi đã lấy ở đâu ra kế hoạch tai hại này? Chà, mọi người đều dùng kế hoạch của người khác. Câu hỏi đặt ra là kế hoạch của ai. Bạn đã dùng kế hoạch của ai?