" 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh - Đặng Phong PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh - Đặng Phong PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Contents Tên sách: 5 đường mòn Hồ Chí Minh Lời giới thiệu Lời tác giả Mục lục Nhập đề: Những giai đoạn "tiền sử" Chương 1: Đường Trường Sơn Chương 2: Đường ống xăng dầu Chương 3: Đường Hồ Chí Minh trên biển Chương 4: Vận chuyển "quá cảnh" Chương 5: Binh chủng tiền và những con đường chuyển ngân Tài liệu tham khảo Biên niên tóm tắt Tên sách: 5 đường mòn Hồ Chí Minh Tác giả: Đăng Phong Nhà xuất bản: Tri thức Năm xuất bản: 2008 Số hoá: ptlinh; Sao Vàng Những người đã tham gia hoàn thành bản thảo: Cao Tuấn Phong Hải Yến. Huyền Minh Thùy Dương Vi Thanh Mai Vũ Ngọc Quyên. Phạm Văn Hiếu LỜI GIỚI THIỆU NGÔ VĨNH LONG Giáo sư Sử học Đại học Tổng hợp bang Maine (University of Maine), Hoa Kỳ. Tác phẩm này là một công trình rất quý giá, vì đây là lần đầu tiên tư liệu trong và ngoài nước được tập hợp trong một cuốn sách để miêu tả và giải thích tầm quan trọng và quan hệ của "5 đường mòn Hồ Chí Minh" trong việc chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam cũng như trong việc giữ liên lạc giữa miền Nam với miền Bắc. Trước đây, khi nói đến chi viện miền Bắc cho chiến trường miền Nam thì người ta chỉ chủ yếu nghĩ đến đường Trường Sơn, một phần vì sự tàn khốc ở đây: khoảng một triệu tấn bom đạn Mỹ đã tàn phá dọc đường này, làm cho khoảng hai vạn chiến sĩ miền Bắc đã ngã xuống và khoảng 20.000 người bị tàn phế. Các đường tiếp viện khác, tuy đã đóng góp rất lớn trong việc chi viện cho miền Nam và việc giữ liên lạc giữa hai miền, không được người ta chú ý đến nhiều vì chúng đã được bảo đảm bí mật bởi những người trong cuộc, bởi dân chúng trong nước và những người yêu mến Việt Nam ở nước ngoài. Không phải chính phủ Hoa Kỳ và các chính quyền Sài Gòn không biết đến bốn đường tiếp viện khác, ngoài đường Trường Sơn, như được miêu tả trong sách này. Đọc những báo cáo của Mỹ về chiến trường tại Việt Nam trong các kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, ta thấy là các cục tình báo Mỹ đã đề cập đến các con đường này hàng nghìn lần. Nhưng vì sự bảo đảm bí mật nói trên, họ chỉ biết rất lõm bõm nên đã không thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của chúng để có những biện pháp ngăn chặn hay phá hủy một cách hữu hiệu hơn. Nhưng vì yêu cầu bảo đảm bí mật nên chính những người trong cuộc cũng chỉ biết đường dây của chính mình thôi và không biết rõ những hoạt động của người khác hay biết bức tranh toàn cảnh là gì. Cuốn sách này, lần đầu tiên, giúp cho người đọc biết tương đối rõ rệt bức tranh toàn cảnh của việc chi viện cho miền Nam cũng như những hoạt động cụ thể của từng con đường tiếp viện và của các nhân vật chủ chốt trong đó. Tiếng nói của các nhân vật chủ chốt được trích trong sách này là một đóng góp rất quan trọng và rất sống động mà chưa quyển sách nào hay bài báo nào làm được. Nhiều nhân vật chủ chốt đều cho biết họ sẽ không thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó nếu không có sự ủng hộ, sáng tạo và bảo vệ của người dân. Nhưng những nhân vật chủ chốt được trích trong sách này đã không nói rõ là vì sao nhân dân đã hi sinh lớn đến như vậy để giúp thiết lập và bảo vệ "5 đường mòn Hồ Chí Minh" này. Đó là nhờ trong suốt thời gian từ năm 1945 đến năm 1975 Cách mạng đã giành được chính nghĩa. Chính phủ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời) có chính danh vì đã tranh đấu giành độc lập và tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Chính nghĩa và chính danh, chứ không phải chỉ các hoạt động bí mật và sáng tạo, đã giúp cho Cách mạng không những bảo vệ được 5 con đường miêu tả trong sách này mà còn bảo vệ tổ quốc và giành lại độc lập cho toàn dân tộc. Nếu cuốn sách này có gợi ra được một ấn tượng, hay một ý gì đáng suy nghĩ nhất cho người đọc thì đó là việc huy động được lòng dân - nhân dân trong nước và nhân dân thế giới. Thêm vào đó, người đọc có cảm nhận ngay đây là một cuốn sách có tinh thần khoa học rất cao. Tác giả đã nghiên cứu rất công phu, đã đối chiếu và phân tích các tư liệu với sự trung thực của một sử gia, và đã không qua đó mà phê phán cách tiếp cận của bất cứ một người nào hay đường lối chính trị của bất cứ một phe phái nào từ trong cuộc chiến đến nay. LỜI TÁC GIẢ Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (theo cách gọi của Việt Nam), hay chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ và đồng minh), là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, để lại những dấu ấn sâu sắc nhất trong dư luận và tâm linh của nhân loại thế kỷ XX. Những dấu ấn đó có nhiều chiều và nhiều ý nghĩa khác nhau: Là niềm tự hào nơi người chiến thắng, là sự bẽ bàng và khủng hoảng trong đời sống chính trị và tâm linh Mỹ, là sự day dứt nơi những người đã từng tham gia quân đội và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa... Có lẽ cũng vì những loại dấu ấn rất khác nhau đó, cho nên dù chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, vẫn tiếp tục một loại “chiến tranh" trong giải thích và bình luận lịch sử. Cuốn sách này không nhằm tham gia vào cuộc "chiến tranh" đó, và cũng không chọn một chỗ đứng nào trong ba góc nhìn kể trên. Mục đích của cuốn sách này là phơi bày một khía cạnh lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh mà nhiều chỗ vẫn còn chưa được biết tới, hoặc biết rất không đầy đủ: Đó là những hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Cho đến nay, có biết bao nhiêu tài liệu đã được công bố từ cả ba phía, biết bao nhiêu cuốn sách đã được viết ra nhưng vẫn chưa nói hết được những câu chuyện về các con đường mòn Hồ Chí Minh đó, thậm chí có những con đường hầu như chỉ ai đã đi thì mới biết. Sách báo Mỹ đã biết khá rõ về con đường Hồ Chí Minh trên bộ, tức là đường Trường Sơn. Nhưng cả những tài liệu đã được giải mật lẫn những sách báo đã được viết ra vẫn chưa giúp người đọc thỏa mãn một câu hỏi: Vì sao mà những phương tiện hiện đại nhất của Mỹ, dù đã được huy động tối đa vào đây, vẫn bị vô hiệu hóa bởi những con người mà xét về cả tiền bạc lẫn kỹ thuật đều thua kém nhiều lần? Những biện pháp để làm đường, những cách tổ chức vượt đường, hệ thống quản lý các cung chữa và nhất là những cách để tránh bom đạn và "đánh từa" kỹ thuật Mỹ... mà đến nay chính là những chuyện lý thú nhất, thì hình như sách báo Mỹ vẫn chưa nói được bao nhiêu, thậm chí cho đến gần đây nhất vẫn có những chuyện hiểu lầm (như chuyện hoang đường mới được phía Mỹ công bố đầu năm 2008 về việc "tình báo Việt cộng" lọt được vào hệ thống thông tin quân sự của Mỹ để "ra lệnh" cho máy bay Mỹ ném bom các căn cứ quân sự Mỹ). Con đường thứ hai là con đường xăng dầu, với tổng chiều dài tới 5.000 km, để vận chuyển nhiên liệu suốt từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển miền Bắc vào đến tận Nam Bộ, có chỗ vượt qua cả những độ cao tới gần ngàn mét là điều có vẻ là bất khả thi đối với kỹ thuật đường ống. Con đường này người Mỹ dường như cũng biết rằng có và cũng đã đánh phá được một số điểm. Nhưng nó có bằng cách nào và nó đã đóng vai trò ra sao trong việc cung cấp nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải vũ khí cung cấp nhiên liệu cho xe tăng trong các trận đánh lớn ở miền Nam, thì hình như trong những tài liệu đã giải mật gần đây nhất cũng không có được những thông tin cụ thể. Con đường thứ ba là con đường trên biển, thì hải quân, không quân của Mỹ và của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã cảm thấy hình như có chuyện và đã tổ chức đề phòng. Nhưng trong suốt 7 năm đầu hoạt động, các đoàn tàu không số đã đưa được hàng chục ngàn tấn vũ khí vào Nam rồi mà đối phương vẫn không bắt được vụ nào. Chỉ đến năm 1966 họ mới giật mình khi bắt được một vài vụ. Nhưng họ vẫn không sao tìm ra manh mối. Một số con tàu chớm bị phát hiện, sắp bị vây bắt, thì thuỷ thủ đoàn đã tự đánh đắm và tự thủ tiêu. Do đó nó vẫn là một con đường "phi tang”. Nếu lại so sánh những hải đồ do phía hải quân Mỹ vẽ về các tuyến đi của các con tàu không số và hải đồ thật của Lữ đoàn 125 thì khoảng cách sai biệt vẫn rất lớn Rồi khi những "con tàu đánh cá giả” bị họ theo dõi sít sao, thì những "con tàu đánh cá thật", hoàn toàn hợp pháp mà họ quen mặt từ lâu, lại bắt đầu chuyển sang chở vũ khí, còn công nhiên chở cả những cán bộ lãnh đạo quan trọng như Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh ra Bắc, vào Nam..., thì cho đến ngày giải phóng đối phương cũng chưa hề biết đến. Con đường thứ tư là con đường hàng không, bí mật trong công khai, đi từ Phnom Penh, bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thậm chí bay qua chính Sài Gòn, tới Hồng Kông hoặc Quảng Châu rồi về Hà Nội. Con đường này đã từng vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá của miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, vận chuyển hàng triệu đô-la cho cơ quan Kinh-tài của miền Nam, vận chuyển rất nhiều thứ máy móc, thuốc men và hóa chất quan trọng, vận chuyển thương binh, vận chuyển vợ con những chiến sĩ và cán bộ của miền Nam ra Bắc để học tập và điều dưỡng... Nhưng phía Mỹ và Chính quyền Sài Gòn hình như cũng hoàn toàn chưa biết gì. Con đường thứ năm, con đường chuyển ngân thì còn bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có đường, không có lối trên đất liền, trên biển, trên không, trên những đường ống... Nó đi theo hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho những lực lượng Giải phóng. Không cần ô tô, không cần máy bay, không cần tàu thủy, không cần gùi thồ, chỉ những mật mã, những cú điện... là tiền từ Paris, Lon don, Hong Kong, Bangkok, Moskva, Bắc Kinh... được chuyển qua Sài Gòn rồi lên các căn cứ địa ở khắp miền Nam, được thanh toán cho những địa chỉ cần thiết ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ... Con đường đó suốt hai mươi năm chiến tranh chỉ "ai làm thì biết", Mỹ không biết, Chính quyền Sài Gòn không biết, nên không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện... Không riêng người Mỹ, không riêng những người nước ngoài, ngay cả những người Việt Nam, thậm chí cả những chiến sĩ, những cán bộ và cả những người lãnh đạo cấp cao trong hệ thống các con đường Hồ Chí Minh kể trên cũng không biết hết được những gì ngoài phạm vi mình phụ trách. Người phụ trách đường bộ không biết được bao nhiêu về hệ thống đường biển. Người phụ trách đường biển không biết bao nhiêu về hệ thống đường hàng không. Và tất cả những lực lượng đó hoàn toàn không biết đến hệ thống đường chuyển ngân bí mật qua các ngân hàng. Sự "không biết" đó của cả bên này lẫn bên kia càng chứng tỏ rằng ngoài những điều thần kỳ của ý chí, tài năng và cách tổ chức, còn có một điều thần kỳ nữa: Sự bí mật? Ở Việt Nam đến nay cùng đã có rất nhiều sách viết về đường Trường Sơn, một số sách viết về con đường trên biển. Nhưng do những sách đó vẫn còn nặng về biểu dương thành tích, về lòng tự hào và ngợi ca, nhẹ về mô tả lịch sử và đúc kết lịch sử, mà có đúc kết thì cũng không ngoài mấy bài học đã thuộc từ lâu, nên tuy số trang thì kể ra đã có tới hàng ngàn, hàng vạn, mà người đọc vẫn khó thu lượm được những điều mà họ thực sư tìm Có thể nói, cho đến nay chưa có một sự trình bày tổng hợp nào về cả 5 đường mòn Hồ Chí Minh đó cũng như tính liên hoàn của chúng, để làm sao trong vòng hai, ba trăm trang thôi, có thể nói lên được những nét chính yếu của hệ thống chi viện vừa đa phương, vừa đa dạng cho miền Nam suốt trong 20 năm chiến tranh. Đó đang là nhu cầu của cả những thế hệ đương thời lẫn những thế hệ hậu chiến ở Việt Nam cũng như' ở Hoa Kỳ. Đó chính là lý do thúc đẩy tác giả viết nên tập sách nhỏ này. Cũng xin nói rõ rằng tác giả không hề có cương vị nào trong sự nghiệp lớn lao này, nên không hề dám làm điều gì vượt trội những tác giả tiền bối mà chỉ xin khiêm tốn nhặt nhạnh lại của những người đi trước (cả những người đã viết lẫn những người đã làm, cả phía bên này và phía bên kia), lại dựa thêm vào những tài liệu mới được giải mật của Mỹ, cộng với việc phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng đương thời, rồi sau đó tuyển chọn, sắp xếp lại một cách có hệ thống những gì mà người viết hiểu rằng người đọc ngày nay thực sự cần biết. Cũng xin nói rõ thêm rằng trong công việc sưu tầm này có nhiều khi tác giả không thể vượt qua được một khó khăn rất lớn là: Những nguồn số liệu thống kê trong thời kỳ này có nhiều chỗ còn mâu thuẫn với nhau mà tác giả không có đủ khả năng kiểm chứng. Ở những chỗ đó, tác giả xin ghi chú rõ sự bất lực của mình, hy vọng các cơ quan hữu quan và các nhà nghiên cứu lưu ý xác minh. Còn về hình ảnh minh họa, cũng do hoàn cảnh chiến tranh, trong khi sưu tầm, tác giả không xác định được nguồn gốc của một số ảnh, cũng xin mạnh dạn trình trước quý bạn đọc và mong nếu có ai phát hiện được thì xin cho tác giả được biết. Còn về tên gọi, xin có đôi lời giải trình: Con đường trên bộ qua Trường Sơn, gồm toàn bộ hệ thống đường vận tải bộ và sau đó là hệ thống đường ống xăng dầu, đương nhiên đã được đặt tên từ lúc khai sinh 19-5-1959 là "Đường Hồ Chí Minh". Còn con đường trên biển thì thậm chí, như trong sách này viết, nó đã ra đời ngay từ thời kháng chiến chống Pháp và đã được những "con cá kình" đầu đàn thời đó đặt tên là "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Còn con đường chuyển ngân thì ban đầu vốn cũng đi theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, sau đó hai vị “cha đẻ" của sáng kiến chuyển ngân là Mười Phi và Mai Hữu Ích gặp nhau ở Phnom Penh để quy định những mật ước, cũng đã đặt tên cho nó là "Đường Hồ Chí Minh FM", tức là Đường Hồ Chí Minh theo phương pháp mới. Riêng con đường bí mật trên không thì quả chưa thấy ai đặt tên cho nó là gì. Nhưng nói về tính chất, về tính năng và tác dụng của nó đều giống như các con đường kia: Đều là vận chuyển người, vận chuyển tiền một cách bí mật để chi viện cho miền Nam. Tác giả thấy nó hoàn toàn đáng được xếp vào hệ thống chung của các con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh, nên nhân đây xin mạn phép thỉnh vấn các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc. Tác giả xin chân thành cảm ơn tất cả các vị lão thành đã từng là người trong cuộc (mà tên tuổi đã chú thích trong sách) đã vui lòng cho gặp cho hỏi, cho tư liệu, cho ảnh, để nhờ đó có được nội dung chính của cuốn sách này. Tác giả xin cảm ơn Gs. Đỗ Hoài Nam và Ban lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam đã chấp nhận công trình này trong khuôn khổ một đề tài khoa học của Viện Kinh tế Việt Nam và tạo những điều kiện tối ưu cho việc thực hiện nó. Tác giả xin cảm ơn các sử gia Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Kỳ Phong là những người nhiều năm sống ở Mỹ, biết rất nhiều về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, đã giúp tác giả không những về tư liệu, mà về cả cách hiểu những tình tiết lịch sử liên quan đến phía Mỹ. Tác giả cũng không thể nào quên nhắc đến tên và gửi vào đây lời cảm ơn tới các bạn cộng sự trẻ đã hết lòng cộng tác và cộng tác một cách đầy hào hứng trong công việc tìm tư liệu, biên soạn và hoàn tất một bản thảo "khó tính" như bản thảo cuốn sách này: Ngô Huyền Minh, Cao Tuấn Phong, Vũ Ngọc Quyên, Trịnh Thị Hải Yến, Thùy Dương, Phạm Văn Hiếu... thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. MỤC LỤC Lời giới thiệu - Ngô Vĩnh Long Lời tác giả - Đặng Phong Nhập đề: NHỮNG GIAI ĐOẠN “TIỀN SỬ” 1. Thời trước Cách mạng 2. Từ sau Cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp 3. Tình hình từ sau Hiệp định Genève Chương 1. ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN 1. Từ tự phát “xoi” đường... 2. ...Đến chính thức mở đường 3. Từ một tuyến thành một hệ thống, từ gùi thồ đến cơ giới 4. Sức mạnh, quyết tâm và sự đánh phá của Mỹ 5. Đấu trí và đọ sức 6. Nhiều hệ thống trong một hệ thống 7. Quyết toán và ghi nhận Chương 2. ĐƯỜNG ỐNG XĂNG DẦU 1. Ý tưởng 2. Thực hiện 3. Kết quả Chương 3. ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN 1. Thăm dò và xác định phương án 2. Đóng tàu và tổ chức đoàn đi 3. Hai bộ phận phục vụ bí mật từ xa 4. Tổ chức những bến bãi tiếp nhận 5. Tổ chức hệ thống kho tàng 6. Phân phối - một đội quân khổng lồ nhưng “vô hình” 7. Những hàng rào của đối phương 8. Giai đoạn đầu suôn sẻ (1962-1965) 9. Giai đoạn “lừa miếng” - đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn (1965-1968) 10. Chuyển sang phương án vận chuyển gián tiếp (thời kỳ 1968-1969) 11. Tiếp tục phương án vận chuyển trực tiếp (thời kỳ 1969-1972) 12. Chuyển sang phương thức hoạt động công khai 13. Kết quả, ý nghĩa Chương 4. VẬN CHUYỂN QUÁ CẢNH 1. Vận chuyển qua cảng Sihanoukville 2. Quá cảnh không qua cảng Sihanoukville 3. Quá cảnh trên đường hàng không Chương 5. BINH CHỦNG TIỀN VÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG CHUYỂN NGÂN 1. Thời kỳ trước khi ra đời “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” 2. “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” - B.29 3. Phương thức “AM” 4. Phương pháp mới FM 5. Tiếp nhận và phân phối 6. Quyết toán 10 năm Thay cho lời kết Tài liệu tham khảo Biên niên tóm tắt 1955-1975 Bảng chỉ mục NHẬP ĐỀ: NHỮNG GIAI ĐOẠN "TIỀN SỬ” 1. Thời trước Cách mạng Nếu nói đến những con đường giao thông Bắc - Nam, ngoài tuyến đường thông dụng mà thời xưa vẫn thường gọi là đường “thiên lý", gần trùng với quốc lộ 1A ngày nay, thì từ nhiều thế kỷ trước đã có những đoạn đường trên Trường Sơn và cả một số tuyến giao thông đường biển được sử dụng trong việc qua lại giữa miền Bắc và miền Trung, miền Trung với miền Nam. Trên đường bộ, nếu xét về mặt lịch sử, thì con đường Trường Sơn đã có trước đường quốc lộ 1A hàng ngàn năm. Con đường đi từ Phong Châu vào miền Trung, men theo núi, gọi là đường "thượng đạo", đã có từ thời Hai Bà Trưng. Nó là con đường do các bộ tộc của nước Việt cổ xây dựng dần từng đoạn, qua từng thế hệ do nhu cầu giao lưu và bành trướng. Sau này, đó là những đoạn đường dùng cho các cuộc chuyển quân chiến đấu giữa các sứ quân. Còn ở phía Nam, ngay từ thế kỷ VI-VIII, quốc vương Chân Lạp (Campuchia ngày nay) mấy lần mở cuộc tấn công lên phía Bắc, chiếm cao nguyên Bôlôven, đánh sang phía Tây chiếm một phần đất Xiêm La (Thái Lan), đánh xuống phía Đông chiếm đồng bằng sông Cửu Long. Những đường hành quân đó đều là những lối mòn xuyên sơn, dần dần được mở thành đường cho cả xe thổ mộ đi lại... “Cho tới trước khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, thì có lẽ chi có một con đường chính mà sau này gọi là "thượng đạo”. Tới thế kỷ X đó là tuyến đường bộ duy nhất nối đồng bằng sông Hồng với vùng Thanh – Nghê. So với ngày nay, đoạn đầu của đường "thượng đạo " hầu như trùng với quốc lộ số 6. Đường qua sông Đáy đi lên Trúc Sơn theo đường Đìa, qua Tốt Động, vượt sông Tích. qua đất Mỹ Lương, Chi Nê, Nho Quan, Rịa thuộc Ninh Bình rồi vượt qua Đồi Ngang vào Thanh Hóa qua Phố Cát, Thạch Thành... đến núi Đồng Cổ thuộc huyện Yên Định. Đi tiếp vào phía Nam đến Vụ Ôn, thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thì có một ngả rẽ sang Lào”. Sử còn chép, vào năm 982 khi vua Lê Hoàn đi đánh Chiêm Thành, đã theo đường "thượng đạo" mà cất binh: "Khi vua đi đánh Chiêm, đã qua núi Đồng Cồ, đến sông Bà Hòa thuộc Tĩnh Gia, đường núi rất hiểm trở, khó đi." (Đại Việt Sử ký toàn thư. Nxb Văn hóa-thông tin, Hà Nội, 1999, q.1. tr.124) Ngược lại, vào các năm 1207 - 1209, quốc vương Chân Lạp cùng quân Chiêm Thành; Xiêm La mở nhiều đường theo hướng các đường 19, 20, 21 ngày nay) xuyên Trường Sơn thọc xuống đánh úp Đại Việt... Đến khi Lê Lợi dấy binh chống quân nhà Minh, thì ông cũng thường dùng đường “thượng đạo" để "chuyển quân và chuyển lương không ngớt." (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, q.2. tr.382.) Đặc biệt trong những chiến dịch quân sự, nhất là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đường Thiên lý bị tắc nghẽn, nhiều tuyến đường từ Bắc vào Nam trên Trường Sơn vẫn được dùng đến. Trên tuyến đường "thượng đạo” thường có nhiều sông suối. Để vượt qua sông suối, người xưa đã dùng thuyền, mảng. Những đoạn hẹp thì dùng cầu tre. Những đoạn rộng thì đã biết dùng cầu phao. Năm 1587, chúa Trịnh Tùng vào Nam đánh chúa Nguyễn đã cho bắc cầu phao qua sông Đáy ở vùng chợ Rịa, thuộc Ninh Bình. Trong trường hợp thần tốc thì còn căng dây qua sông qua suối để người ngựa vịn qua đó mà vượt qua, gọi đó là "dây bay". Lại có phép dùng phao để chuyển người và hàng hóa, những chiếc chum đan bằng tre rồi lấy vải gai tẩm dầu bọc lại để người ngựa và hàng hóa dựa vào đó bên kia dùng dây kéo qua sông… Sau đó, chính Lê Quý Đôn (năm 1775 với cương vị Hiệp trấn Tham tán Quân cơ) cũng đã dùng con đường phía Tây Quảng Trị rồi tràn qua đường số 9, dùng voi đánh vào Thuận Hóa. Trong “Phủ biên tạp lục”, ông cũng đã từng kể đến nhiều đoạn gian truân của cuộc hành quân qua con đường này: . “Tôi là kẻ tầm thường, may gặp chánh Chúa, mùa thu năm Giáp Ngọ (1774) được vào hầu ở Chính phủ, gặp việc đi đánh miền Nam... Đến mùa xuân năm Bính Thân (1776) tôi được sai làm Tham thi Quân vụ giúp việc của xứ ấy..." "Từ sông lớn Lệ Thủy, thuyền chở vào sông Ngô, thẳng đến Bến Dâu, xã Thô Ngõa, trước có kho thóc, nay làm chỗ đồn chứa lương. Từ Bến Dâu đến Lai Cách là đồi núi trập trùng, rừng cây rậm rạp. Tôi đi từ Bến Dâu, sai lấy hai đội xe trâu vận tải, mỗi xe hai trâu kéo, một người coi 7 xe, một xe chở gạo 1200 bát, qua mười lăm, mười sáu lớp đồi ngang, đến quán Mít nghỉ một lát, lai đi qua sáu bày lớp đồi bằng, giờ Thân thì tôi đến đồn Lai Cách, đến tối các xe trâu cũng đến." “Từ Cam Lộ theo đường sông đi xuống, qua các xã Thượng Độ, Nham Giang, Thuận Đức, Thiết Phủ, đường rất hiểm dốc, bên hữu đường đều là đồi núi, trèo non lội suối nửa ngày mới đến xã Đông Hà, thấy đất bằng có đông dân cư... Xã Cam Lộ huyện Đăng Xương ở thượng sông Điếu Ngao, dưới thông với Cửa Việt, trên tiếp với các nguồn sát đất Ai Lao, ở xa thì nước Lạc Hoàn. nước Vạn Tượng." (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.27, 106-108.) Đến cuối thế kỷ XVIII chính Quang Trung cũng đã tận dụng con đường thượng đạo để hành quân thần tốc. Ông đã từng dùng con đường phía Tây thành Quảng Ngãi, Quảng Nam để ra đánh thành Phú Xuân. Nhiều cánh quân của Quang Trung đã dùng voi đi trên con đường này để tạo sự bất ngờ cho quân chúa Nguyễn. Từ thượng du Bình Định theo đường thượng đạo tiến ra thượng du Nghệ An. Khi đánh lại liên quân Xiêm La - Nguyễn Ánh, quân Tây Sơn lại mở đường xuyên sơn tiến vào Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Định... (Việt sử thông giám cương mục. Dẫn theo Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, sđd, tr 67.) Còn quốc lộ 1A, mà tiền thân của nó là đường Thiên lý còn gọi là "hạ đạo" thì xuất hiện từ khoảng giữa thế kỷ XI, dưới triều nhà Lý. Sách “Sử học bị khảo” của Đặng Xuân Bảng viết vào thế kỷ XIX chép: "Nhà Lý về sau đóng đô ở Thăng Long, muốn vào Thanh Hóa thì làm một đường qua các huyện Thượng Phúc (Thường Tín), Thanh Liêm mà vào Gia Viễn." (Đặng Xuân Bảng. Sử học bị khảo, Nxb Văn hóa-thông tin. Hà Nội, 1997, tr.65.) Khi con đường Thiên lý đã mở, thì con đường "thượng đạo" ít được dùng đến. Đến thế kỷ XVIII, trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn viết: “Đường cái ở Tốt Động, Mỹ Lương rộng 2 trượng (khoảng 6 m) nghe nói là đi rất gần, nhưng nay không còn đi được nữa”. Đầu thế kỷ XX. các sĩ phu yêu nước Việt Nam lại "xoi" lên Trường Sơn đón vua Hàm Nghi đến động Voi Mẹp (phía Tây Cam Lộ) lập căn cứ Chính ở nơi này, vua đã hạ chiếu Cần Vương... Đó là quá trình hơn ngàn năm hình thành mạng lưới đường không tên trên dải Trường Sơn, gắn bó ba quốc gia Đông Dương. Còn trên biển thì chắc chắn từ xa xưa đã có những cuộc di cư Bắc Nam bằng thuyền theo gió mùa. Những tài liệu chính thức nói đến các tuyến đường biển là vào thế kỷ X. Trong triều đại nhà Lý, những tuyến đường trên biển đã được mở cho các cuộc hành quân đánh Chiêm Thành. Trên tuyến đường này, ngay từ thế kỷ XI-XII, mối quan hệ giữa Bắc và Nam là quan hệ giữa triều đại nhà Lý, nhà Trần với Chiêm Thành, cả hai bên đều đã sử dụng cho cả quân sự lẫn ngoại giao, thương mại. 2. Từ sau Cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là từ khi bùng nổ kháng chiến Nam Bộ, nhiều đoạn trên quốc lộ số 1 bị quân Pháp chiếm đóng. Nhiều đoàn cán bộ Việt Minh đã phải hoặc theo ngả Trường Sơn, hoặc qua biển Đông ra Bắc vào Nam... Như thế cả hai tuyến đường Hồ Chí Minh đã in dấu chân những chiến sĩ cách mạng từ những năm 1945 - 1946. Giữa năm 1946, Đông Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ bị Pháp chiếm đóng. Pháp đã kiểm soát hầu hết đoạn quốc lộ Bắc - Nam. Lực lượng vũ trang của Việt Minh chỉ còn kiểm soát được phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đây là các vùng tự do, còn có thể đi lại được. Đầu năm 1947, Pháp đã chiếm được một phần đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, đoạn từ phía nam đèo Ngang vào đến nam Đà Nẵng, phần lớn Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong Nam, nhiều đoàn cán bộ đã ra Bắc bằng đường biển. Còn từ ngoài Bắc, để chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Chính phủ Hồ Chí Minh đã cử nhiều cán bộ cấp cao, đồng thời chuyển một số lớn tiền và vàng để giúp miền Nam mua sắm thêm vũ khí và giải quyết những nhu cầu của kháng chiến. . Như vậy, ngay từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, hai con đường vào Nam đã được đánh thông: Một hướng trên bộ, một hướng trên biển. Con đường trên bộ: Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các tỉnh đều tự động xoi đường lên vùng núi để mở đường liên lạc. Thanh Hóa xoi lên Hồi Xuân, suối Rút, Cổ Định, núi Nưa. Nghệ Tĩnh tìm đường bí mật lên Con Cuông, Ngàn Phố. Quảng Bình, Quảng Trị xoi đường vượt Trường Sơn sang Lào, men dọc Tây Trường Sơn vào Khu V. Cuối năm 1947, ủy ban Kháng chiến Trung Bộ xoi đường lên Tây Nguyên, nối với Nam Bộ: Từ Bắc Ái (thuộc Ninh Thuận) bắt đầu xoi con đường mòn Ninh Thuận - Bình Thuận - miền Đông Nam Bộ. Hành lang này giữ vững cho đến thời chống Mỹ. Đoàn đầu tiên mở đường bộ vào Nam là đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Ca Văn Thỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, cùng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Sau khi dự họp kỳ Quốc hội đầu tiên vào đầu năm 1946, các ông nhận chức vụ trong Chính Phủ, nhưng lại tình nguyện vào Nam tham gia chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến Nam Bộ. Ngoài nhiệm vụ vào Nam tham gia kháng chiến, các ông còn kết hợp mang theo tiền, vàng và những tài liệu để xây dựng bộ máy kháng chiến Nam Bộ thời đó. (Thăng Long. Nhớ Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh 1999, tr374) Từ Hà Nội vào Nam Bộ, đoàn chỉ đi bằng tàu hỏa được một đoạn từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, sau đó phải đi bộ, nhờ dân địa phương vác hàng hóa, tài liệu và tiền. Đoàn vào tới Quảng Bình bằng đường quốc lộ sau đó rẽ sang động Phong Nha để đi theo đường trên núi Trường Sơn. Đơn vị đầu tiên mở đường tiếp tế và dẫn đường cho đoàn Ngô Tấn Nhơn và các đoàn khác sau đó chính là Phòng Liên lạc Liên khu V. Đơn vị này được thành lập theo chỉ thị của ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là đại diện của Chính phủ tại Nam Trung Bộ. Tháng 1 năm 1947, Phòng Liên lạc Liên khu V đóng tại Phú Ốc, Thừa Thiên chỉ gồm 8 thành viên, ông Sĩ Huynh làm trưởng phòng. Năm 1947, ông Phạm Văn Đồng gửi thư vào cho Phòng Liên lạc Liên khu V: “Liên khu V ngày 20.8.1947 Kính gửi đồng chí Nguyễn Sĩ Huynh Trưởng Phòng Liên lạc Liên khu V. Trong này đã nhận được các chuyến hàng do các anh gửi vào bằng đường bộ và đường biển. Thay mặt lãnh đạo, tôi gửi lời khen các anh đã cố gắng làm được một số việc có ý nghĩa lớn. Trong này rấl cần gạo, vũ khí, thuốc men. Mong các anh tiếp lục phấn đấu, vượt khó khăn, gian khổ gửi nhiều hàng vào an toàn. kịp thời phục vụ cho chiến trường Liên khu V đang đòi hỏi. Chúc các đồng chí khỏe. Thân ái, Phạm Văn Đồng Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ”. Ông Ngô Duyệt, một trong những thành viên đã đi áp tải chuyến hàng đầu tiên của đơn vị nhớ lại: "Năm 1947, tôi được Nha Tài chính Trung Bộ lúc đó sơ tán tại làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cử phụ trách một đoàn đi áp tải bạc Đông Dương vào miền Nam. Nhiệm vụ của đoàn là áp tải số bạc Đông Dương từ Khu IV (Hà Tĩnh) vào bàn giao cho Liên khu V (Quảng Ngãi) để Liên khu V chuyển đến cho Khu VI và cứ thế cho đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Mọi công việc chuẩn bị đều được giữ bí mật từ nhiều tháng trước, như tuyển mộ 120 dân công, trang bi phương tiện đi rừng, đóng thùng đựng bạc vừa một người cõng sau lưng. Đến giờ G, ô tô đưa tôi, anh Lâm Công Thương, hai đại diện của Nha Tài chíh Trung Bộ và anh Đoàn Văn Long đại diện của kho bạc Trung Bộ đến ga xe lửa Chợ Thượng (Hà Tĩnh) gặp đoàn từ Hà Nội đi vào trên một toa tàu riêng có cảnh vệ canh gác. Anh Trần Duy Bình thay mặt Nha Tài chíh Trung Bộ và cũng là người tổ chức đoàn áp lài giới thiệu chúng tôi với ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông được Trung ương và Bác Hồ cử đi công tác Nam Bộ. Đi cùng với ông Nhơn có anh Thực, thư ký riêng kiêm bảo vệ, anh Nguyễn Thanh Tâm của Phòng Liên lạc Liên khu V chịu trách nhiệm đưa đoàn đi bằng đường bộ. Đi đúng 30 ngày, đoàn đến xóm Mới (Quảng Trị). theo đường rừng đi đến Thừa Thiên, rồi Quảng Nam, leo dốc Bút, đổ xuống An Tân, bến Vát đã có ô tô từ Quảng Ngãi ra đón... Đến thị xã Quảng Ngãi thì bàn giao, tiến hành ký biên bản, sau đó đồng chí Phạm Văn Đồng mời cơm và chia tay ông Nhơn, chúng tôi và 120 dân công trở ra Hà Tĩnh." Đoàn cán bộ của ông Ngô Tấn Nhơn vào đến Quảng Ngãi, đi tàu hỏa từ đó vào Phú Yên thì không đi tiếp được nữa, vì liên lạc từ Bắc vào Nam bị tắc ở đoạn từ Khánh Hòa vào đến Ninh Thuận. Mặc dù ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam đã cử ba đoàn đi mở đường nhưng vẫn không thành công. Đoàn thì bị lộ, phải rút chạy vì bị biệt kích truy đuổi, đoàn thì bị giặc Pháp chặn đánh... mất mát, hy sinh, số còn lại đói khát, thiếu thốn mất liên lạc... Cuối cùng ủy ban Kháng chiến Miền Nam quyết định cử ông Nguyễn Đăng, Tham mưu trưởng Khu VI làm trưởng đoàn để mở lối đi mới. Rút kinh nghiệm ba đoàn mở đường trước đây, ông Nguyễn Đăng nghĩ ra cách là vượt núi rừng Trường Sơn ở đoạn giáp biên giới Lào. Đoàn đã xuất phát từ dốc Chanh (Phú Yên), đi đến hòn Dữ (Khánh Hòa) và từ đây đi xuyên qua núi Ba Cụm, qua bản làng của người Thượng, đến Lý Điềm, từ Lý Điềm xuống dốc để đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu). Đây là trạm cuối của đường dây liên lạc. Tính từ lúc xuất phát ở dốc Chanh đến đây mất 1 tháng 10 ngày, thế là đã thông suốt đường liên lạc bộ trên dãy núi Trường Sơn: Lộ trình bắt đầu từ Hà Tĩnh, đến Quảng Bình, leo núi sang phía Tây Trường Sơn, trở về vùng đồng bằng Quảng Trị, qua Thừa Thiên, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi... Sau đó đoàn của ông Ngô Tấn Nhơn được chuyển giao cho ủy ban Kháng chiến Miền Nam đóng tại Phú Yên dẫn đường đi tiếp vào Nam. Sau khi vào đến Nam Bộ, ông Ngô Tấn Nhơn thấy được những khó khăn của việc đi lại trên đường Trường Sơn, ông thành lập Ban Tiếp tế miền Nam Việt Nam và trực tiếp làm trưởng ban này. Hiểu được thiếu thốn của Liên khu V là thuốc chữa bệnh, ông tổ chức mua thuốc tây tại Sài Gòn, đóng vào thùng kẽm, chuyển bằng đường bộ ra Liên khu V, mỗi năm chuyển được hai chuyến. Cùng năm 1947, Phòng Liên lạc Liên khu V còn tổ chức một đoàn dân công mang tiền bạc, thuốc men từ Vinh đi bộ vào Liên khu V cùng với ông Nguyễn Duy Trinh lúc đó là Chủ tịch kiêm Bí thư Liên Khu ủy V (Nam Trung Bộ). Đoàn cũng phải đi qua các chiến khu thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, qua huyện Hiên (cực Tây Quảng Nam). Tuy gọi là đường nhưng không phải đoạn nào cũng sẵn đường. Đường đi thường là tự mở, đi đến đâu mở đến đó, có đoạn phải leo núi, có đoạn phải lội suối. Nguy hiểm nhất trong những ngày đầu mở đường là thú dữ: hổ, voi. Càng đi sâu vào rừng, dấu chân người càng vắng dần. Không chỉ có thú dữ mà sốt rét rừng, muỗi, vắt cũng là những kẻ thù đe dọa sinh mạng và sức khỏe con người . Như vậy, sau hai đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn và Nguyễn Duy Trinh, con đường bộ từ miền Bắc đi dọc Trường Sơn vào tới Nam Trung Bộ và tới các căn cứ của Nam Bộ kháng chiến thực sự đã được đánh thông. Tất nhiên đó hầu hết đều là đường mòn, khi thì đi trên núi, khi xuống ven đồng bằng, khi đi đò... Ngoài các cán bộ và chiến sĩ, còn phải thuê người dân tộc gùi đỡ một phần. Có nhiều trường hợp không có tiền thuê thì đồng bào cũng sẵn sàng giúp không lấy công. Trên con đường này cũng đã hình thành những trạm giao liên, mỗi cung đoạn có một đơn vị phụ trách. Bắc và Trung Bộ do Phòng Liên lạc Liên khu V phụ trách. Từ Phú Yên trở vào do Ban Liên lạc ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ phụ trách. Kể từ đó trở đi, việc liên lạc Bắc Nam tuy gian nan vất vả nhưng an toàn và ổn định. Mỗi năm có nhiều đoàn đi ra và nhiều đoàn đi vào. Vũ khí tiền bạc, vàng, tài liệu, thuốc men của Trung ương chi viện cho miền Nam cũng theo con đường này để vào Nam. Ông Dự Văn Kiều một trong số những người đảm nhiệm một chuyến hàng trên tuyến đường này vào tháng 8 năm 1949, còn giữ lại được một tấm ảnh rất quý hiếm của chuyến đi. Trong số những đoàn vào sau hai đoàn đầu tiên mở đường kể trên, có thể kể đến những đoàn quan trọng như đoàn của các ông: Lê Duẩn, Lê Hiến Mai, Hồ Sĩ Ngợi, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Trần Quý Hai, Lưu Quý Kỳ. Một trong những đoàn rất quan trọng đã vào Nam vào năm 1948 là phái đoàn của Chính phủ do các ông Lê Đức Thọ (đại diện cho Trung ương Đảng) và ông Phạm Ngọc Thạch (đại diện cho Chính phủ) đi từ giữa tháng 9 năm 1948 đến đầu tháng 9 năm 1949 thì tới Đồng Tháp Mười. Một trong những người đi trong đoàn này, ông Lê Toàn Thư, thư ký riêng của ông Lê Đức Thọ đã kể lại : "Năm đó, đầu tháng 9, chỉ cách ngày phái đoàn lên đường độ 10 ngày, tôi được điều động sang Trung ương Đảng làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (sau này gọi là Bộ Chính trị), phụ trách công tác tổ chức và dân vận của Trung ương. Đồng chí Lê Đức Thọ cho tôi biết: "Trung ương cử một phái đoàn vào công tác lại Nam Bộ. Cậu sẽ đi với tôi, làm thư ký riêng cho tôi. Mọi việc chuẩn bị tôi đã giao cho Văn phòng Trung ương Đảng lo liệu xong xuôi." "Đồng chí Lê Đức Thọ giao cho tôi ba gói đã bao bọc, niêm phong kỹ lưỡng và cho biết: một là tài liệu chỉ thị, nghị quyết, văn kiện của Trung ương, khi tới Nam Bộ mới lấy ra làm việc. Hai là một số bạc Đông Dương. Khi có lệnh mới được chi dùng. Ba là một số vàng gửi cho Xứ ủy Nam Bộ. Đây là những vật bất ly thân, phải bảo vệ chúng như bảo vệ tính mạng của mình” Đoàn gồm có ba đồng chí lãnh đạo về ba phương diện: đồng chí Lê Đức Thọ trưởng phái đoàn về mặt Đảng, đồng chí Phạm Ngọc Thạch trưởng phái đoàn về mặt Chính phủ. Đồng chí Dương Quốc Chinh, tức thiếu tướng Lê Hiền Mai đại diện của Bộ Tổng chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam... Cán bộ cùng đi giúp việc phái đoàn tổng cộng dưới 30 người gồm thư ký, y sĩ, bảo vệ, cần vụ. Nhiều nhất là cán bộ quân sự... "Từ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trở vào, đoàn phải leo núi, băng rừng, lội suối, phần nhiều là đi qua những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... Tới Bắc Khánh Hòa, đoàn phải chia làm hai, một bộ phận gồm ba đồng chí, trong đó có tôi đi đường biển, xuất phát từ hòn Hỡi Bắc Khánh Hòa qua nhiều chặng suốt dọc ven biển miền Trung, vào tận Xuyên Mộc (Bà Rịa), lại đi bộ, đi xuồng trên các kinh rạch tới Đồng Tháp Mười. Bộ phận còn lại tiếp tục đi đường rừng. Hai bộ phận đã gặp lại nhau đông đủ không thiếu một ai tại căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ Đồng Tháp Mười trên Kinh Ba..." Trong số các đoàn từ Nam ra Trung ương công tác, học tập, có các đoàn của các ông Phạm Văn Đồng, Lê Đình Thám, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh, Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Văn Trà, Đàm Quang Trung, đoàn của Xứ ủy Nam Bộ ra họp Đại hội Đảng lần thứ II, đoàn Lào của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, đoàn Campuchia của Sơn Ngọc Minh. Một trong số thành viên của đoàn đại biểu ra họp Đại hội Đảng lần thứ II, ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đã kể lại: “Ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II xong, khi trở về Nam, tôi cùng đoàn cuốc bộ mất một năm (ăn Tết năm 1951 ở Việt Bắc, ăn Tết năm 1952 ở Đồng Tháp Mười). Hồi đó tôi chưa hiểu lắm về địa lý Việt Nam, nhưng từ chiến khu Việt Bắc (Sơn Dương, Tuyên Quang) về đến khu căn cứ Bạc Liêu (Cà Mau), tôi đã thuộc khá nhiều địa danh trên đường mòn và các tỉnh duyên hải Khu IV khu V, miền Trung và cả Cực Nam Trung Bộ. Qua từng chặng phải dừng một thời gian để chuẩn bị lương khô cho chặng tiếp theo, ngoài ra phải dừng lại do địch hành quân phục kích... Bấy giờ bom pháo không dữ dội như hồi chống Mỹ, nhưng anh chị em phải chiến đấu một cách lặng lẽ trong thiếu ăn, thiếu thuốc, nhất là thuốc sốt rét, lại thường xuyên phải chống địch đốt phá, bảo vệ mạch máu giao thông và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ đi qua. Bấy giờ lương thực có được chủ yếu dành cho khách, còn anh chị em thì sống vô cùng gian khổ. Tôi nghĩ mình đi như thế này đã là gian khổ lắm. nhưng so với các chiến sĩ giao liên chỉ có một lon bắp rang, phải chia bữa ra, ăn với rau rừng nấu cùng nước lã..." Về vận chuyển và tiếp tế, tính từ năm 1947 đến năm 1954, riêng Phòng Liên lạc Liên khu V đã tham gia vận chuyển được: 80.000 tấn hàng vào Liên khu V và Bình Trị Thiên. Trong đó vận chuyển vào Khu V được 7.400 kg vàng thỏi (Đây là con số tổng kết của Ban Liên lạc cựu cán bộ chiến sĩ Phòng Liên lạc Liên khu V. Theo chúng tôi được biết, trong "tuần lễ vàng" do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1946, chỉ thu được 376 kg vàng. Do đó con số 7.400 kg vàng là không có lý [Đ.P]), 11.400 kg tiền Đông Dương, 41.200 kg tiền Việt Nam, 2.000 kg máy móc, vật liệu in tiền và nhiều tài liệu khác. Để dễ hình dung con đường mòn Bắc - Nam này, xin kể tên những đoạn đường mòn chính trên núi rừng Trường Sơn thời đó: 1/ Đường thượng (Tây Trường Sơn): Lộ trình bắt đầu từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ theo đường sắt đến ga Tân Ấp (đầu Quảng Bình), leo nhiều núi, qua nhiều đèo và thác, đến Phong Nha, qua khe Cóc, đi đò (vì không có đường đi bộ) lên khe Giữa, đến Bang Bụt là hết đất Quảng Bình. Rồi từ Quảng Bình tiếp đến Cổ Kiềng (Quảng Trị) vào xóm Mới, Khe Sanh, qua đường 9 đến Ba Lòng là chiến khu Quảng Trị . 2/ Con đường Đông Trường Sơn: Bắt đầu từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ, rồi đi goòng (goòng là toa xe lửa nhưng không có đầu máy, hai người chạy bộ hai bên kéo và hai người chạy sau đẩy trên đường ray) qua Minh Cầm vào Bồng Lai, đến Thuận Đức (Quảng Bình). Từ đây có thể đi theo hai hướng qua đường số 9 đến chiến khu Quảng Trị. 3/ Từ chiến khu Quảng Tri vào Liên khu V: Từ Ba Lòng vượt qua nhiều thác của đất Bình Trị Thiên như thác Mệ, qua vùng đồng bào Vân Kiều rồi vào Phú Lộc, A Lưới về dốc Bút (Quảng Nam), đến bến Hiên là địa đầu của tỉnh Quảng Nam rồi đi tiếp vào Bồng Sơn - Bình Định. 4/ Từ Khu V vào Nam Bộ: Từ dốc Chanh (Phú Yên) đi đến hòn Dữ (Khánh Hoà) rồi xuyên qua núi Ba Cụm, qua bản làng của người Thượng, đến Lý Điềm, từ Lý Điềm xuống dốc để đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu), thuộc miền Đông Nam Bộ. Ông Trần Hữu Tôi, một cán bộ kỳ cựu của Phòng Liên lạc Liên khu V lúc đó đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng giấy khen về thành tích vận chuyển trên hệ thống đường này. Con đường trên biển Đông: Ngoài đường bộ trên đại ngàn, đường biển cũng đã hình thành trong những ngày sơ khai của Cách mạng và kháng chiến. Có lê chuyến đi biển đầu tiên là đoàn của tỉnh Bến Tre vào đầu năm 1946, do ông Mười Khước và bà Nguyễn Thị Định ra Bắc để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin tiếp tế vũ khí cho Nam Bộ kháng chiến. “Tỉnh ủy Bến Tre đã cử đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung, hay còn gọi là Mười Khước), Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Định, vượt biển ra Bắc xin vũ khí từ năm 1946 lo việc tổ chức chuyến đi." Lộ trình của chuyến đi đầu tiên này cũng đầy những bất trắc gian nan và cùng với nó là những ứng phó sáng tạo, quyết đoán, linh hoạt... Những đặc điểm của chuyến đi đầu tiên đó sau này cũng được lặp lại trong suốt lịch sử của con đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Từ tháng 2 năm 1946, Pháp đánh chiếm tỉnh Bến Tre. Đội quân Nam tiến của miền Bắc chi viện chỉ vào tới được Nam Trung Bộ. Các tỉnh Nam Bộ phải tự lực cánh sinh để chống chọi với quân Pháp. Lãnh đạo của Khu VIII (trong đó có tỉnh Bến Tre) đã bàn việc cử phái đoàn của Khu VIII ra báo cáo với Trung ương xin chi viện. Một phái đoàn "hạn chế" gồm có ông Nguyễn Văn Khước, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và đại biểu Quốc hội của Khu VIII, bà Nguyễn Thị Định cán bộ của Bến Tre, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp của Mỹ Tho, Giáo sư Cao Văn Thỉnh của Bến Tre. Cuối tháng 3, đoàn dùng một chiếc thuyền buồm xuất phát từ bến Cồn Lợi thuộc huyện Thanh Phú tỉnh Bến Tre dong buồm chạy thẳng ra khơi để tránh tàu tuần tiễu của Pháp. Sau đó thuyền hướng về phía Tây Bắc. Ngày hôm sau khi tới hải phận Phan Thiết thì gặp gió chướng, thổi ngược chiều, buồm lại hỏng. Thuyền buộc phải ghé vào mũi Kê Gà để tránh gió. Đây là vùng Pháp đã chiếm đóng. May mắn đã tránh được tầm mắt quân Pháp. Đợi suốt hai ngày gió vẫn thổi mạnh. Đoàn quyết định trả thuyền về bến cũ, cả đoàn mang ba lô đi bộ ra Khu V. Nhưng ngay sáng hôm sau, bỗng đổi hướng gió, lại thổi từ phía Tây Nam lên phía Bắc. Đoàn hội ý chớp nhoáng và quyết định trở lại đi bằng đường biển. Về đến bến Kê Gà, đoàn mua một chiếc thuyền buồm khác và tiếp tục lên đường. Đến khu vực Tuy Hòa, nhìn vào bờ xa xa thấy đã có cờ đỏ sao vàng, thuyền vội vã vào bến. Đoàn được chính quyền cách mạng địa phương đón tiếp, giúp đỡ để đi bằng xe lửa ra Quảng Ngãi. Quảng Ngãi lúc đó là nơi đóng cơ sở của lãnh đạo Khu V. Tư lệnh Khu V lúc đó là Thiếu tướng Nguyễn Sơn thân mật tiếp đoàn và hôm sau bố trí xe lửa để đoàn đi thẳng ra Hà Nội. Đến Thủ đô đoàn được Chính Phủ và Quốc hội chăm sóc chu đáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và cùng ăn cơm thân mật. Sau đó, đoàn còn được dự lễ mừng thọ Chủ tịch vào ngày 19/05. Trung ương quyết định Giáo sư Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở lại làm việc tại Hà Nội. Những người còn lại được giao nhiệm vụ trở về Nam mang theo vũ khí. Đoàn lại tiếp tục đi theo đường sắt vào tới Phú Yên. Từ Phú Yên, đoàn lại dùng thuyền để chở vũ khí vào Nam. Trên chiếc thuyền này, đã có 10 tấn vũ khí chi viện của miền Bắc. Có lẽ đó cũng là khoản chi viện đầu tiên của miền Bắc cho Nam Bộ. Đối với Nam Bộ lúc đó, 10 tấn vũ khí là vô cùng quý báu. Chính số vũ khí này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng các lực lượng vũ trang ở Bến Tre và nhiều tỉnh thuộc Nam Bộ, góp phần duy trì sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Pháp trong suốt 9 năm. (Bộ Tư lệnh Quân Khu IX. Bảo đảm giao thông vận tải... ở đồng bằng sông Cửu Long 1954-1976. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2008, tr. 15 và 529.) Đến tháng 11 năm 1946, tỉnh Trà Vinh đã cử 10 chiếc thuyền buồm đi ra các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định, Quảng Ngãi), chở theo lương thực thực phẩm để tiếp tế cho ủy ban Kháng chiến Miền Nam đang đóng tại đó. Sau đó, các thuyền này lại nhận vũ khí của Trung ương chi viện trở về Trà Vinh. Mỗi chiếc thuyền chở khoảng 5 tấn vũ khí. Sang năm 1947. việc vận tải trên biển đã được tổ chức có quy củ hơn. Đoàn vận tải biển Nam Bộ đã được thành lập. Chiến Khu VIII thành lập chi đội số 14, với 13 thuyền buồm. Số thuyền này liên tục chở lương thực thực phẩm ra tiếp tế cho Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, đồng thời nhận vũ khí chi viện của Trung ương cho miền Nam. Tính trong toàn cuộc kháng chiến chống Pháp, đoàn vận tải biển Nam Bộ đã có hàng chục chiếc thuyền của hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Trong năm 1946, còn có một tuyến đường biển nữa đã bắt đầu được khai thác: Qua Thái Lan, sang Hong Kong rồi về miền Bắc. Đây là con đường mà đoàn Đại biểu Quốc hội gồm các ông Ngô Tấn Nhơn, Phạm Văn Bạch, bà Ngô Thị Huệ (vợ ông Nguyễn Văn Linh) đã đi từ Rạch Giá sang Bangkok rồi đi tàu thủy qua Hong Kong, về Hải Phòng. Cũng vào thời gian đó, còn có một đơn vị thuộc đại đội Hồ Chí Minh của Nam Bộ, xuất phát từ bến Khâu Băng (Bến Tre) xuyên biển Đông ra Nam Trung Bộ nhận hàng tiếp tế từ Trung ương chi viện. Họ đi bằng thuyền buồm, không có bản đồ nhưng cũng đã đi tới nơi, về tới chốn. Năm 1947, một hướng mới trên biển đã được mở thêm: Một số đoàn thuyền buồm được cử đi Thái Lan mua vũ khí và các phương tiện kỹ thuật, như máy móc, điện đài để phục vụ cho kháng chiến chống Pháp. Đoàn mang tiền mặt và vàng sang Thái Lan. Đoàn đến Thái Lan liên lạc với đại diện Tổng hội Việt Nam ở Thái Lan là các ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ, lúc đó phụ trách Văn phòng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok. Người được giao nhiệm vụ đưa những đoàn thuyền đầu tiên sang Thái Lan là ông Tám Xã kể lại : "Đầu năm 1947, Chủ tịch Phạm Văn Bạch và Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn giao nhiệm vụ cho tôi đưa đoàn thuyền có trọng tải 15-40 tấn sang Thái Lan đế công tác. Đoàn gồm ba chiếc, một chiếc trong đó có tôi và anh Hóa đi trước; chiếc thứ hai có anh Hoài và khoảng 10 cán bộ vừa tốt nghiệp Trường Quân chính Sơn Tây về: chiếc thứ ba Sáu Thanh và Đinh Luỵ chở máy móc nhà máy đường Đồng Bò. Riêng phần tôi còn mang 500. 000 đồng tiền Đông Dương ngân hàng, đem giao cho Tổng hội Việt kiều Thái Lan ở Bangkok, trực tiếp là các anh Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ ở Văn phòng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok... Chín ngày trôi qua. mọi việc đều được an toàn. Chúng tôi đã tiến vào vịnh Thái Lan. Sang ngày thứ mười hai thì bờ biển Thái Lan hiện dần. Đến Bangkok anh Hóa nói tiếng Anh hỏi thăm đường, chúng tôi đi đến tiệm may Sai gon Tailor địa điểm liên lạc với anh Trần Văn Giàu. Độ một tuần sau có đoàn các anh Năm Đông, Kinh, Kính, Bông Văn Dĩa và một số cán bộ khác nữa từ Khu IX cũng mang vàng của tuần lễ vàng Nam Bộ qua lo mua súng ống đạn dược, quân trang chuẩn bị thành lập một đơn vị mang vũ khí về nước (đó là Đoàn Cửu Long II sau này)." Tính trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, các đoàn thuyền đi Thái Lan đã đi được 36 chuyến, chở về được 250 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. Sau đó không lâu, khi các căn cứ kháng chiến ở Nam Bộ đã được củng cố, cơ quan ủy ban Kháng chiến Miền Nam tạm đóng ở Khu VI (từ lúc bùng nổ kháng chiến) cũng trở về Nam Bộ bằng đường biển. " Tháng 5 năm 1947 đoàn vận tải 14 có 6 ghe lớn ở sông Cầu (Phú Yên) do anh Thận phụ trách đưa đi, phải huy động hàng trăm công nhân và dân quân tại chỗ, ngày đêm khuân vác tắt qua đèo Cù Mông, đi cả tháng để đến thuyền. Con đường xuyên biển Đông xa bờ, ta đã đi được 36 chiếc thuyền buồm, đưa cán bộ chiến sĩ, chở gạo tiếp tế ra... rồi nhận vũ khí tiền vàng, rước cán bộ trở về Nam Bộ, hai phần ba là đi vào cửa biển Bến Tre. Vũ khí ước tính được trên 250 tấn.” Ở miền Trung Trung Bộ, Phòng Liên lạc Liên khu V, sau thắng lợi mở đường Trường Sơn trên bộ, cũng đã mở ra tuyến đi ven biển từ Nghệ An, Hà Tĩh vào Cửa Đại (Quảng Nam). Ông Trần Hữu Tôi nhớ lại : "Hàng và người đi bộ quá chậm, hàng cồng kềnh khó gùi, cõng... Mỗi đoàn dân công 100 người chỉ mang được hai tấn hàng, mà từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên mất 30 ngày, đến Quảng Nam mất 40 ngày. Đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo cho Phòng Liên lạc Liên khu V cố gắng bằng mọi cách tổ chức chuyển hàng bằng đường thủy..." "Yêu cầu tiếp tế cho chiến trường và nhân dân Bình Tri Thiên rất lớn và khẩn thiết. Liên khu uỷ Liên khu IV và các tỉnh ủy phải khai thông đoạn đường này bằng mọi giá, xây dựng các cơ sở bí mật làm nhiệm vụ cảnh giới địch, tiếp nhận hàng..." "Chúng tôi thành lập một trạm chuyên trách đóng quân tại làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Vì không có khả năng đóng thuyền chuyên chở riêng, chúng tôi phải mượn thuyền đánh cá, thuyền buôn của ngư dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đang làm ăn sinh sống. Bà con rất tốt, sẵn sàng cho cách mạng mượn, không đòi gì cả, lại xung phong đi theo làm thủy thủ. Lúc đầu thuyền của chúng tôi đi dọc bờ biển Bình Trị Thiên, vượt qua vùng đèo Hài Vân. Để dễ trà trộn với ghe thuyền của nhân dân các địa phương, chúng tôi sử dụng thuyền loại nhỏ từ 3-5 tấn, lúc thì đi lộng, lúc thì đi xa bờ, tùy tình hình địch kiểm tra kiểm soát. Nếu trót lọt thì cho thuyền vào vùng Cửa Đại, rồi luồn theo sông Trường Giang vào An Tân giao hàng. Dọc đường nếu gặp địch phát hiện đuổi bắt thì nhắm các cồn cát ven bờ lấp vào cất giấu thuyền, giấu hàng." "Càng ngày địch càng bao vây kiểm soát chặt chẽ dọc bờ biển nằm trong vùng chúng chiếm đóng. Chúng ra sức khủng bố, bắn phá ghe thuyền của nhân dân, nhằm triệt phá công việc vận chuyển, tiếp tế của ta. Việc huy động vận chuyển của bà con rất khó khăn, chúng tôi phải đóng thuyền và tuyển mộ thủy thú để tiếp lục công việc. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, chúng tôi thành lập một xưởng đóng thuyền, làm việc cả ngày đêm, đóng năm thuyền một lần, hễ năm thuyền này đóng xong thì đóng tiếp năm thuyền khác. Tranh thủ đợt gió mùa với sức gió cấp 6, cấp 7 (là thời điểm địch khó hoạt động đế kiểm soát ta), chúng tôi vượt biển làm nhiệm vụ. Xuất phát từ cửa Roòn (Quảng Bình), lúc 6 giờ tối nhắm hướng đông đi thẳng ra cách bờ biển khoảng trên dưới 40 km, rồi lật cánh đi xuôi. Với sức gió cấp 6, 7 thuyền chạy ngay trong đêm đó tới Cổ Rùa (bên trong cửa Hiền của tỉnh Thừa Thiên) trước khi trời sáng. Ẩn nấp tại đây đến đêm sau, thuyền lại đi vòng ngoài cù lao Quảng Nam đế tránh những luồng quét đèn pha cực mạnh của địch bố trí khoảng giữa cù lao và núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Nếu an toàn thì thuyền đi xuôi vào lạch Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) vào khoảng 3 giờ sáng. Giao thuyền xong thì thủy thủ để thuyền lại, đi bộ hàng tháng trời trở về trạm Cảnh Dương, Quảng Bình, tiếp tục đi chuyến khác suốt trong hai mùa gió." Không kiếm đâu ra cái la bàn. chúng tôi phải tìm những thủy thủ của các nhà buôn trước đây thường vào ra các địa phương miền Nam đi cùng dẫn đường. Chuyến dò đường thành công, bắt đầu khai thông con đường vận chuyển ngoài biển khơi từ Liên khu IV vào Liên khu V." (Trần Hữu Tôi. Đường Trường Sơn thủy bộ...”. Như vậy các tuyến trên biển Đông đã được nối lại thành tuyến Bắc - Nam từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, từ Quảng Bình đi qua Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng. Quảng Nam cũng đã hình thành các chi điếm vận tải trên biển là: Cửa Lò, cửa Hội (Nghệ An), cửa Nhượng, cửa Sót (Hà Tĩnh), Cảnh Dương (Quảng Bình), Cửa Đại (Quảng Nam). Đoạn này do Phòng Liên lạc Liên khu V phụ trách. Từ Quảng Nam trở vào, các tuyến từ hòn Hèo (Khánh Hoà) đi vào cửa sông Ray của Bà Rịa đi vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ do Phòng Liên lạc Nam Bộ phụ trách. Trên tuyến đường biển Bắc - Nam, có một sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là chuyến đi của đoàn đại biểu Nam Bộ ra dự Đại hội Đảng lần thứ II. Ông Võ Văn Kiệt kể lại : “Đoàn đại biểu của các tỉnh Nam Bộ đi dự Đại hội Đảng lần thứ II vào đầu năm 1951. Tôi lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu được tham gia đoàn này. Cuối năm 1950, chúng tôi định đi theo đường bộ, sang Thái Lan và vượt qua biên giới Lào để lên Việt Bắc. Nhưng tuyến đường này bị tắc nghẽn, phía Thái Lan cũng có nhiều khó khăn, phía Lào cũng bị quân Pháp phong tỏa. Chúng tôi tính toán cơ hội để vượt qua hai biên giới. Nhưng như thế thì sẽ trễ ngày họp Đại hội. Cuối cùng chúng tôi đành quay về đi đường biển. Một con đường rất xa nhưng cũng tới nơi nhanh chóng. Đó là tuyến đường đi từ vịnh Thái Lan, vượt biển Đông đến đảo Hải Nam. Rồi từ đảo Hải Nam bay về Quảng Châu. Từ Quảng Châu đi đường bộ về Việt Bắc. Đó là lần đầu tiên tôi được biết miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là được sống ở Việt Bắc." (Võ Văn Kiệt kể lại với tác giả tại nhà riêng ở TP HCM.) Do bị địch kiểm soát, nhân dân vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị không thể hỗ trợ vận chuyển được thì họ lại giúp đỡ bằng cách khác: “Chúng tôi không thể cho thuyền của đơn vị trà trộn với thuyền bè của nhân dân được nữa mà tự tổ chức tuyến đường riêng từ Roòn (Quảng Bình), vào Cửa Đại (Quảng Nam). Các thuyền vận chuyển từ Roòn xếp hàng từ 3-5 lần đi lộng, vượt qua các chốt của địch như đồn Thanh Khê ở cửa sông Gianh và hàng chục lô cốt từ cửa Lý Hòa vào Nhật Lệ. Vì vậy từ cửa sông Gianh vào đến Nhật Lệ, Phòng Liên lạc Liên khu V phải cùng các địa phương bố trí 7 tổ liên lạc, bí mật làm nhiệm vụ cảnh giới địch, thông báo tin tức và mật hiệu cho các thuyền, các tổ:. Ngoại Hải, Mỹ Hòa, Thanh Khê, Phú Hội, Lý Nhân Nam, Lý Hòa và tổ Nhật Lệ nằm sát phía Bắc và phía Nam cửa sông Gianh. Từ Nhật Lệ trở vào có 3 tổ: Vĩnh Ninh, Vĩnh Mốc, Vĩnh Hoàng, gọi là trạm Lệ Vĩnh. Từ Cửa Tùng đến cửa Tư Hiền có 3 tổ: Phong Điền, Quảng Điền, Tư Hiền. Vượt đèo Hải Vân có tổ Phú Lộc cảnh giới..." “Vào một đêm tối trời tháng 9 năm 1951, đoàn thuyền của Phòng Liên lạc Liên khu V chở gạo, vũ khí xuất phát từ Cảnh Dương đi vào, đến ngang cửa Lạch, Phú Hội thì nhận được báo động là địch đang tập trung nhiều tàu thuyền tuần tiễu, bao vây, kiểm soát các thuyền bè của nhân dân tại cửa Nhật Lệ. Đoàn thuyền không thể quay trớ lại Cảnh Dương kịp vì đến cửa sông Gianh thì trời sáng, sẽ bị địch phát hiện. Một cuộc hội ý cấp tốc, quyết định phá vòng vây của địch để đi. Lập tức bốn chiếc thuyền có buồm với trọng tải một tấn của nhân dân địa phương và tám dân quân du kích khỏe mạnh thạo tay lái và chèo đò được huy động ngay. Các thuyền này được ngụy trang là thuyền đánh cá, lợi dụng lúc gió cấp 6, 7 thì lao vào hàng rào thuyền của địch làm rối loạn hàng ngũ địch. Lúc đó đoàn thuyền của Phòng Liên lạc Liên khu V tranh thủ vượt biển, để lại tám dân quân anh hùng vô danh anh dũng chiến đấu với địch để mở đường phá vây.” “Đến cuối năm 1949, một số thuyền bị địch bắt cả người và hàng. Chúng tôi phải dùng loại thuyền đánh cá có đáy ở phía dưới đế cất giấu hàng quân sự, sách báo, ở trên để sẵn ngư cụ, nếu địch phát hiện thấy hoặc có máy bay địch thì mọi người thả lưới xuống đánh cá. Dần dần địch cũng phát hiện ra, tăng cường kiểm soát con đường vận chuyển ngoài khơi của chúng tôi. Đồng bào ven biển và chúng tôi không bó tay, vẫn cho thuyền đi. Đục lỗ sẵn dưới đáy thuyền, nút lại không cho nước vào, nếu bị địch phát hiện sẽ rút nút cho nước ngập thuyền, đánh chìm cả người và thuyền.” Tổng kết trong kháng chiến chống Pháp, con đường vận chuyển biển do Phòng Liên lạc Liên khu V tổ chức: 2.500 chuyến thuyền, vận chuyển được 50.000 tấn hàng quân sự, sách báo, lương thực, đưa được nhiều đoàn cán bộ quân sự, y tế, quân giới, hải quan, nhà báo tăng cường cho Liên khu V và miền Nam... 3. Tình hình từ sau Hiệp định Genève Một trong những quy định quan trọng của Hiệp định Genève là di cư những người dân từ Bắc vào Nam và tập kết những cán bộ, chiến sĩ từ Nam ra Bắc. Hầu hết sự vận chuyển trên cả hai chiều này đều dùng đường biển. Tàu của Mỹ và Pháp chở những người dân di cư vào Nam, xuất phát từ cảng Hải Phòng. Tàu của Liên Xô và Ba Lan chở những cán bộ và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, xuất phát từ Cà Mau và Quy Nhơn. Sau khi hoàn tất việc di cư và tập kết (300 ngày), thì việc liên lạc Bắc Nam cả trên đường bộ và đường biển đều gần như chấm dứt. Cho đến năm 1959, chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã đặt các lực lượng cách mạng ở trong Nam và Chính phủ miền Bắc trước một sự lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc là tiếp tục chịu đựng những cuộc khủng bố đó, trung thành với những gì đã ký kết tại Hội nghị Genève, chờ đợi Tổng tuyển cử. Hoặc là phải chống trả. Với Ngô Đình Diệm thì chờ đợi ông ta chấp thuận Tổng tuyển cử chỉ là điều dại dột. Nếu không chống trả thì lực lượng cách mạng sẽ bị chết dần chết mòn trong sự khủng bố ngày càng ác liệt. Cho đến năm này, toàn bộ lực lượng các cán bộ cũ còn lại ở miền Nam là hơn 50 nghìn người mà chỉ sau mấy năm khủng bố của Ngô Đình Diệm, chỉ còn 5 nghìn, điều đó có nghĩa là 10 người thì đã bị tiêu diệt 9. Những người còn lại chắc chắn cũng lâm vào cảnh tương tự nếu cứ tiếp tục ngồi im để chờ đợi thi hành Hiệp định Genève. Tại Hội nghị TW lần thứ 15 , họp đợt 1 vào tháng 1 năm 1959, một vấn đề gay cấn được đặt ra: Tiếp tục giữ gìn hòa bình hay vùng lên đấu tranh. Đây là điều day dứt của Chính phủ, của Đảng. Lúc này, toàn phe xã hội chủ nghĩa đang có xu hướng chung sống hòa bình, tránh những cuộc xung đột đổ máu. Việt Nam là một nước trong phe xã hội chủ nghĩa, tất nhiên không thể không chú ý đến xu hướng đó. Nhưng mặt khác, nếu tiếp tục bảo vệ hòa bình một cách thụ động, thì sẽ không còn lực lương nữa. Cuối cùng, sau khi tranh luận bàn bạc nhiều tháng, Hội nghị TW lần thứ 15 họp đợt 2 vào tháng 5 năm 1959 quyết định áp dụng hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để tự vệ, trong đó có việc xây dựng các vùng căn cứ địa ở miền Nam để chống trả những trận càn quét đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đây chính là bước ngoặt trong sự phát triển của tình hình ở miền Nam. Để giành thắng lợi cuối cùng trước một đối phương mạnh về tiền, về của như Mỹ, tất nhiên phải có một đội quân hùng mạnh, phải có những vũ khí hiện đại, phải có đủ những phương tiện vật chất để sống và hoạt động, phải có các cơ quan, đoàn thể và một bộ máy đảm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau... Phần quan trọng nhất tạo nên sức mạnh đó là sự chi viện của miền Bắc. Các khoản chi viện của miền Bắc rất to lớn: Vũ khí, quân trang, quân dụng, nhưng hàng hóa thiết yếu cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân như gạo, vải, đường, sữa, tiền bạc... dưới nhiều hình thức khác nhau. Để chi viện cho miền Nam, phải mở những tuyến đường. Những con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh đã dần dần hình thành. Người, vũ khí, hàng hóa và tiền chi viện cho miền Nam được chuyển qua nhiều con đường: Vận chuyển thẳng từ miền Bắc vào qua đường Trường Sơn. Vận chuyển bí mật qua đường biển, vận chuyển công khai qua cảng Sihanoukville (nay là cảng Komponsom) của Campuchia. Trong những trường hợp khẩn cấp thì cũng dùng con đường hàng không tuyến Sài Gòn - Phnom Penh - Quảng Châu - Hà Nội... Tiền thì có khi chuyển thẳng tiền mặt vào, về sau dùng hình thức chuyển ngân bí mật. chương 1 ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN 1. Từ tự phát "xoi" đường... Như trên đã nói, những con đường mòn trên Trường Sơn đã từng xuất hiện từ lâu, trong thời phong kiến, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ sau Hiệp định Genève 1954, con đường này hoang vu trở lại, chỉ còn những đường dây liên lạc bí mật về thư tín, dựa trên cơ sở những điểm liên lạc của các dân tộc thiểu số ở phía đông Trường Sơn. Đường dây này do Khu ủy Khu V phối hợp với ủy ban Thống nhất Trung ương ngoài Hà Nội phụ trách, mang mật danh là "Quận 9". "Quận 9" chủ yếu chỉ làm các công việc chuyển công văn, thư tín từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên trong một số trường hợp cá biệt, thì "Quận 9" cũng đảm đương việc đưa đón một số cán bộ bí mật ra Bắc để chữa bệnh hoặc dự các cuộc họp đặc biệt và cả một số cán bộ buộc phải đưa ra Bắc vì đã bị lộ, bị chính quyền Sài Gòn truy lùng, không nơi ẩn nấp... Ngay từ trước khi chính thức có chủ trương mở đường Trường Sơn, các địa phương đã tự động xoi những tuyến liên lạc qua rừng, qua núi. Giữa tháng 12/1954, Tỉnh ủy Quảng Trị cho lập 7 trạm liên lạc mật từ Tà Long đi Bãi Hà. Cơn Tăm, vượt đường số 9 gần biên giới đến Cheng là trạm bắt mối với đường từ Thừa Thiên ra. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bình Định, Phú Yên cũng xoi đường lên miền Tây lập căn cứ bí mật. Năm 1958, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo các tỉnh tổ chức đội tuyên truyền vù trang xoi đường xuyên rừng từ Bù Đăng, Bù Gia Mập lên đến vùng Ba Biên Giới. Tháng 06/1959, Tỉnh ủy Quảng Nam xoi đường bí mật để chờ đón đoàn cán bộ miền Bắc vào. Tháng 08/1959, đoàn cán bộ Dân chính Đảng đầu tiên gồm 34 người vào tới căn cứ Tà Ti (xã Tà Rựt, huyện Giằng). Tháng 07/1959, tỉnh Đắk Lắk xoi hành lang Nam Tây Nguyên dài 200 km vào tới Đông Nam Bộ. Các tỉnh trên Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có sáng kiến tổ chức "hành lang giao lưu” để giữ mối quan hệ giữa các vùng, nhằm liên kết và hỗ trợ nhau trong việc đấu tranh chống càn quét khủng bố. Đến khoảng cuối năm 1959 con đường Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo xoi ra đã nối thông được với tuyến hành lang Tây Nguyên, từ Khu V, Khu VI xoi vào... Đến giữa năm 1960, đường giao liên "thống nhất" thông tới Nam Bộ. Đã thực hiện được việc chuyển công văn, tài liệu mật vào các tỉnh, dẫn được 4 đoàn cán bộ đi các Khu IV, V, VI và Nam Bộ. ( Nguyễn Việt Phương. Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nxb Trẻ 2004, tập 1; tr 52- 53.) 2. ...Đến chính thức mở đường Đầu tháng 05/1 959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết vào miền Nam. Chỉ thị của Bộ Chính trị ghi rõ: . "Đây là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.” Vì xu hướng của những nước xã hội chủ nghĩa vẫn là chung sống hòa bình, nên việc mở đường và đưa lực lượng vào Nam chiến đấu là chuyện rất tế nhị. Do đó, Chỉ thị của Bộ Chính trị còn căn dặn: “Mở đường và tổ chức vận tải từ miến Bắc vào miền Nam phải tuyệt đối bí mật, an toàn.” (Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, sđd. tr.473. ) Người được Bộ Chính trị lựa chọn và trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường này là Thượng tá Võ Bẩm. Võ Bẩm là người gốc Liên khu V. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Võ Bẩm đã từng hoạt động nhiều năm ở vùng núi Tây Nguyên và Trường Sơn. Ông đã từng giữ chức Trưởng ban Tác chiến Liên khu V và đã từng tổ chức nhiều đoàn thuyền từ Liên khu V vượt biển ra Bắc, có lần sang tận Trung Quốc để chở vũ khí vào Nam. Qua đó ông đã thông thạo cả đường biển lẫn đường núi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi còn là đại diện của Chính phủ Trung ương ở Nam Trung Bộ những năm 1947 - 1948 cũng đã từng gặp và làm việc với ông ở Tây Nguyên. Ông cũng đã từng ra Việt Bắc để làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh và đã từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đó. Khi tập kết ra Bắc, ông được giao chức Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Nông trường Quân đội, là đơn vị có nhiệm vụ sử dụng phần lớn cán bộ miền Nam tập kết để xây dựng các nông trường ở miền Bắc. Đầu năm 1959, ông đã gửi quyết tâm thư lên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, xin được cho tổ chức những đoàn người vào Nam để cứu đồng bào đồng chí đang bị khủng bố. Ngày 02/05/1959, Tổng Quân ủy quyết định lập Phòng Nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam. Ba ngày sau, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, ủy viên Thường trực Tổng Quân ủy, triệu tập Thượng tá Võ Bẩm để chính thức giao chức Trưởng phòng "nghiên cứu”. Sau đó ông triệu tập một số cán bộ các cục hữu quan trong Bộ Quốc phòng đến họp. Tại cuộc họp này, "Đoàn quân sự đặc biệt" đã được thành lập. Sau cuộc họp đó, Võ Bẩm viết trong hồi ký của mình: "Hôm ấy đúng ngày sinh nhật Bác 19/05//959. Tôi đang đi dọc đường phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội thấy rợp cờ, biểu ngữ và tiếng hái ca ngợi Bác. Tôi đến nơi làm việc của Cục Nông trường thì đồng chí trực ban báo có điện thoại của Văn phòng Quân ủy Trung ương gọi sang ngay gặp Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất kiêm Thường trực ủy ban Quân ủy Trung ương là tướng Nguyễn Văn Vịnh. Khi tôi đến, anh Vịnh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: " Việc này không phải do Quân ủy giao mà do Bộ Chính trị đã chỉ đích danh đồng chí. Tôi thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt, để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo những điều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết 15." “Tôi vội vàng mở cặp lấy sổ tay để ghi chép chỉ thị nhưng anh Vịnh xua tay và nói tiếp: “Cố nhập tâm. không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này. Từ nay tất cả các công việc của đồng chí không được ghi chép... Việc lãnh đạo công tác đặc biệt này là Quân ủy Trung ương, tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo. Việc dự toán, thanh toán đồng chí trực tiếp làm việc với Cục tài vụ v. v... còn những việc khác, đồng chí mang bức thư này đến gặp đồng chí Trần Lương sẽ rõ..." “Ngay buổi chiều hôm đó, tôi đền gặp anh Trần Lương ở nhà riêng. Anh Trần Lương động viên tôi. "Anh là người đầu tiên ở quân đội được nhận nhiệm vụ mở đường. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, trong năm 1959 phải đưa vào được 500 cán bộ từ trung tá trở xuống và 7.000 khẩu súng bộ binh từ trung liên trở xuống để tổ chức 700 trung đội, trước mắt là tự vệ, đồng thời chuẩn bị cho lực lượng vũ trang sau này. Cần mở thật gấp một con đường đặc biệt. Không được để nó thành lối mòn, nghĩa là không được để lại một dấu chân, một tàn thuốc, một cành cây gãy..." “Về đến nhà, tôi ngồi ngay vào bàn làm việc với sự hứng thú, như nhà thơ vì ta làm ra từ thơ. Trên trang sổ tay của tôi trải ra những dòng chữ bằng ký hiệu riêng chỉ mình tôi biết: Ngày 20: Sáng gặp đồng chí Mậu. Chiều tới Quân khu III xin cán bộ. Ngày 2 1: Sáng sang Cục Quản lý xe. Chiều... " “Một ngày đầu của con đường đặc biệt đã qua... Cuối tháng 5, hầu như không ngày nào chiếc xe "GAT 69 " không đưa tôi đi lên khắp tuyến đường tới Quân khu III, Quân khu IV, Quân khu Tả Ngạn, sư đoàn 305... Mọi việc làm tôi chưa thấy bao giờ lại trôi chảy đến thế Người đầu tiên được điều về là Thượng úy Lê Trọng Tần, quê ở Hà Tĩnh, chiến sĩ Nam tiến, vừa từ miền Nam tập kết ra Bắc, được điều động về làm trợ lý cho tôi. Tôi là đoàn trưởng, anh Thạnh, vốn là du kích Ba Tơ, là đoàn phó... Thành lập đoàn bộ và tổ chức ban cán sự xong, chúng tôi nghĩ ngay đến trang phục của đơn vị. Phải giữ bí mật nhưng không được dùng quân trang, quân phục của bộ đội. Chúng tôi yêu cầu quân nhu may quần áo bà ba và sắm mũ lá cho anh em, mặt khác, chúng tôi ra chợ trời mua ba lô, bi đông, quân dụng... cũ của Pháp." (Võ Bẩm. Mở đường Hồ Chí Minh. Trong Hồi ký Trường Sơn. Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội 2005, tr 45- 46) Sau khi được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách "Đoàn quân sự đặc biệt". Võ Bẩm đã xuống ngay các nông trường do mình phụ trách trước đây để lựa chọn những người có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ mới: Trước hết đó phải là những cán bộ miền Nam tập kết, phải quen địa hình vùng núi miền Tây Khu V. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây: Hoàn toàn tự nguyện; Tinh thần dũng cảm đã được xác minh qua chiến đấu; Tinh thần kỷ luật, tự giác cao đã thể hiện trong quá trình công tác; Có ý thức bảo mật tốt; Lý lịch rõ ràng, không có những quan hệ phức tạp; Kiên định lập trường cách mạng, trung thành tuyệt đối, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam; Có sức khỏe dẻo dai. Đơn vị đầu tiên được Võ Bẩm tuyển chọn chỉ gồm có tám người, theo đúng tiêu chuẩn như trên đã nói. Tám người này họp bí mật tại khu nhà 83 đường Lý Nam Đế, Hà Nội ngày 19/05/1959 để bàn việc triển khai kế hoạch. Vì thế, kể từ đây đơn vị này được mang tên Đoàn 559, tức tháng 5 năm 1959. Cũng từ đó, ngày 19 tháng 5 được coi là ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn. Không bao lâu sau, Sư đoàn 305 vốn là sư đoàn quân đội của Khu V tập kết đóng tại Phú Thọ đã tuyển thêm được 447 cán bộ và chiến sĩ để thành lập một tiểu đoàn phục vụ cho kế hoạch kể trên, lấy tên là tiểu đoàn 301. Đại tá Nguyễn Danh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 301 kể lại: "Tháng 5 năm 1959, Sư đoàn 305 của chúng tôi đóng quân tại Vĩnh Phú. Bỗng một buổi sáng có điện của Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Đường gọi tôi lên... Trong phòng khách của Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Chính ủy Nguyễn Đường đang ngồi với một đồng chí Thượng tá, trạc tuổi ngoài 40, trông béo tốt, hồng hào. Chính úy giới thiệu: - Anh Võ Bẩm ở Bộ Tổng tư lệnh. Anh Bẩm hỏi tôi: - Về Nam được chứ cậu? - Dạ, được ạ. Từ đó anh chuyển sang phổ biến Nghị quyết của Bộ Tư lệnh và Quân ủy Trung ương... Tiếp lời anh Bẩm, Chính ủy Đường cho biết một đơn vị đã được thành lập do đồng chí Chu Đăng Trực làm Tiểu đoàn trưởng. Tôi, Nguyễn Danh, được chỉ định làm Chính trị viên..." (Nguyễn Danh. Những năm tháng đầu tiên. Trích trong Hồi ký Trường Sơn, sđd, tr.38-39.) Biên chế lực lượng xong, Tiểu đoàn 301 hành quân đến hạ trại ở vùng đồi núi Lâm Thao (Phú Thọ) là vùng thưa dân, dễ bảo đảm bí mật. Ban chỉ huy tiểu đoàn ở đây trực tiếp tổ chức việc rèn luyện đội quân vận tải chiến đấu đầu tiên sẽ đi vào Trường Sơn. Chương trình huấn luyện đơn vị: - Hành quân ban đêm đường núi, gùi nặng theo các cung đoạn thích hợp địa hình: Cung đoạn dài khoảng 20 km, gùi 30 kg. Cung đoạn ngắn 15 km, gùi 40 kg. - Tìm phương hướng ban đêm trong rừng, tìm đường vòng tránh qua các vùng đồn bốt hoặc khi bất ngờ đụng độ quân địch. - Khảo sát cắm tuyến mở đường bí mật xuyên rừng núi. - Chọn chỗ tạm dừng, sắp xếp nơi ngủ, nghỉ thật nhanh. - Kỹ thuật bảo mật: Đi không để lại dấu trên đường, nấu ăn không có khói, nói không thành tiếng, nơi đến không cố định. - Kỹ thuật trinh sát bám địch, bám dân, nắm bắt tình hình địa vật, bối cảnh... mà điều kiện bắt buộc là không ghi chép. - Kỹ thuật thông tin liên lạc, mật báo ban ngày và ban đêm ở vùng có địch... - Võ thuật chiến đấu cá nhân tay không hoặc có gậy khi phải chống lại kẻ địch đông. - Các biện pháp bảo vệ "hàng", không để rơi vào tay địch khi bị vây hãm. - Kỹ thuật tìm kiếm thức ăn, nước uống, dược liệu Trường Sơn. - Kỹ thuật tự cấp cứu khi bị rắn, rết, bọ cạp cắn, muỗi độc đốt và chống ngộ độc ăn uống. Để triển khai việc mở đường, trước hết Võ Bẩm đã vào Vĩnh Linh làm việc với Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Quảng Trị để bàn kế hoạch. Nguyên tắc tối cao của việc mở đường vào Nam đã được Trung ương căn dặn: " Việc mở đường không ai được biết... không để lọt vào tay địch một người. một hiện vật. Mỗi mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng...” (Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam. sđd, tr.474.) Từ giữa năm 1959, đường Hồ Chí Minh chính thức được triển khai. "Hàng" và người đi “B"' xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau trên miền Bắc. Việc chuẩn bị cho "hàng" và cho người đi vào được phân công và quy định cụ thể như sau: "Hàng" chủ yếu là vũ khí, mà tiêu chuẩn số 1 là không có dấu vết chế tạo tại Liên Xô hay Trung Quốc, phải là súng cũ của Pháp và các nước không phải là xã hội chủ nghĩa. Cục Quân giới có trách nhiệm thu hồi tất cả vũ khí và những phương tiện kỹ thuật là chiến lợi phẩm từ thời kháng chiến chống Pháp ở các đơn vị tập trung về tổng kho, với danh nghĩa "thu hồi để đúc lại", nhưng trong thực tế là để chuyển giao dần cho Đoàn 559. Đoàn 559 được “mượn" của địa phương ngoại thành Hà Nội một khu đất hoang thuộc thôn Kim Lũ, thường gọi là "Bốt Lũ”, nay thuộc Kim Giang (nguyên là khu vực thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi Hà Nội của quân đội Pháp, có hầm bê tông kề sông Tô Lịch, nay vẫn còn) làm nơi tiếp nhận vũ khí chiến lợi phẩm thu hồi. Tại đây tổ thợ Đoàn 559 lập xưởng, kiểm tra, phân loại, sửa chữa, bao gói chống ẩm để đủ tiêu chuẩn chịu đựng được khí hậu và thời tiết Trường Sơn. Thời đó, chữ B là danh từ bí mật để gọi miền Nam Việt Nam. Đi B có nghĩa là xuất phát từ miền Bắc để đi miền Nam, Có một vài loại khí tài tối cần thiết, mà ở kho chiến lợi phẩm không có thì phải sử dụng loại “hàng" của nước xã hội chủ nghĩa, nhưng phải "tẩy sạch" mọi ký hiệu rồi mới bao gói chuyển đi. Việc bao gói vũ khí - khí tài phải làm sao thích hợp hoàn cảnh vận chuyển, cất giấu trong điều kiện mưa lũ Trường Sơn. Phải dự tính cả trường hợp phải chôn “hàng" xuống đất, vùi "hàng" xuống bùn, ngâm hàng trong nước mà vẫn không bị gỉ sét. Tổ kỹ thuật áp dụng cách bôi ngập mỡ bảo quản, dùng vải nhúng paraphin cuốn 3 lớp, rồi dùng bao nylon bọc chặt. Đem dìm xuống tận đáy sông Tô Lịch, mười lăm ngày sau vớt lên, kiểm tra hàng bên trong vẫn khô ráo là đạt yêu cầu... Thiếu tướng Võ Bẩm: “... Chúng tôi lấy một cái bốt cũ của Pháp ở Kim Lũ làm kho vũ khí và nơi làm việc của bộ phận quân y. Tôi nghĩ đến trường hợp đã đưa súng vào ở trong kia rồi, chưa kịp phân phối mà bị địch càn thì sao nếu không bao gói bảo quản tốt? Vừa định thí nghiệm việc bao gói bảo quản thì rất may tôi nhận được điện bên Bộ Công an vùa khai quật được một hầm súng của Pháp chôn giấu lại để giao cho bọn gián điệp hoạt động. Tôi đến gặp anh Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bổ Công an, Tư lệnh Công ơn vũ trang, xin được một bộ súng, một hòm đạn. Tôi và đồng chí Linh mở ra xem cách thức bao gói. Chúng tôi đã lấy hai khấu súng trường của mình, và một hộp đạn, cũng bôi mỡ, bọc gói làm theo đúng như vậy rồi đem tới một chỗ kín đáo ở sông Tô Lịch thả xuống. Một tháng sau chúng tôi vớt bó súng đó lên xem, không có hoen gỉ. Từ đó các bao vũ khí gửi vào Nam chúng tôi đều làm như vậy. " (Võ Bẩm. Mở đường Hồ Chí Minh, sđd, tr.55-56.) Cục Quân nhu cử một Phó Cục trưởng trực tiếp tổ chức nghiên cứu chế biến lương khô, thực phẩm đi B. Thời gian đầu, Cục đặt cơ sở chế biến ở một xóm thưa dân kề hốc núi thuộc xã Thạch Vĩnh gần nông trường Thạch Ngọc (Hà Tĩnh). Cục còn tổ chức một bộ phận chuyên may trang phục các dân tộc Trường Sơn để cấp cho Đoàn 559... Cục Quân y cử Phó Cục trưởng đặc trách tổ chức sản xuất, đóng gói các cơ số thuốc điều trị chiến thương, sốt rét, trúng độc, lở loét... gửi đi B và cấp cho Đoàn 559. Cục Tài vụ cử Phó Cục trưởng chuyên lo kinh phí "mật" cho Đoàn 559. Việc thanh toán thời kỳ này không phải qua các cơ quan chức năng, mà trực tiếp làm việc với bộ phận cán bộ của Thường trực Quân ủy và Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất Trung ương (có quy định các tiêu chuẩn và phương thức thanh toán). Về mặt tài chính có một bộ phận chuyên trách việc tính toán các định mức chi phí và thẩm định các khoản chi. Chẳng hạn: Lấp một hố bom sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu thì cần bao nhiêu mét khối đất, đá, cần bao nhiêu công. San một đoạn đường, xẻ một đoạn đèo... cần bao nhiêu mìn, bao nhiêu máy ủi, bao nhiêu nhân công, bao nhiêu nhiên liệu, lương thực... Loại công việc này do một đơn vị đặc biệt gồm những cán bộ chuyên môn của Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp phụ trách. Mỗi đơn vị, mỗi công trường của Đoàn 559 đều có một bộ phận của Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp quản lý về mặt hạch toán. Bộ phận này hoạt động như một đơn vị trực chiến. Có thể hình dung một phần công việc của bộ phận này qua những đoạn hồi ký sau đây: Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Nguyễn Văn Doãn kể: "Từ đầu thập kỷ 70, ta đã triển khai tiếp một số công trình, có mật danh là công trình 70/1 và 70/2 để làm đường mòn Hồ Chí Minh. Ngân hàng Kiến thiết đã thành lập chi nhánh cấp phát cho công trình 70/1 - 70/2, Giám đốc chi nhánh này là Ngọc Thanh Quang, quê Thanh Hóa... Nguồn vốn là từ ngân sách Nhà nước. Chế độ quyết toán vẫn như cũ, nhưng khẩn trương đơn giản và vẫn phải làm tốt công tác thẩm định. kiểm tra, bám sát hiện trường..." (Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Doãn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tại trụ sở Ngân hàng Đầu tư Và Phát triến Việt Nam, ngày 15/402006) Ông Phạm Xuân Tiến, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình viết: “Chúng tôi nhận kế hoạch của phòng Chuyên quản công trình 70/1 trực thuộc Trung ương, thực hiện một chuyến công tác ở đường 10 (Quảng Bình), là tuyến đường chính được Trung ương tập trung chỉ đạo bảo đảm giao thông cho việc chuyển vận vũ khí, hàng hóa vào chiến trường. Anh Trịnh Lương Tá - Trưởng phòng Chuyên quản 70/2 nói: "Lần này các đồng chí được cử vào đường 10 là nơi ác liệt, ở đó anh chị em dân công, anh chị em thanh niên xung phong đang từng giờ đội bom sẵn sàng thông tuyến. Chúng ta cũng đến đó nhưng đến với trách nhiệm của người cán bộ cấp phát cho công trường. Mặc dù công trường đó phải đổi bằng máu xương nhưng không vì thế mà chúng ta buông lỏng quản lý kinh phí đầu tư, coi thường trách nhiệm giám sát." “Chúng tôi làm việc trong một cơn hầm. Khi làm việc với ban chỉ huy công trường và bộ phận tài vụ thì gặp nhiều điều không lường trước: Đã sơ tán hết chứng từ vào rừng sâu. Bây giờ khó lục lại. Chúng tôi chia làm hai tổ xuống hiện trường thị sát. Mặc dù chứng từ không có trong tay, nhưng những trang nhật ký nơi các tổ canh bom là những chứng từ "sống" giúp cho công việc đối chiếu mở ra hướng mới: Vừa ghi chép lại nhật ký, vừa thị sát các loại hố bom và hình thành một ba-rem tính toán nhanh nhất từng ngày. Chỉ mới qua một ngày thị sát, đã thấy con số chênh lệch lộ ra quá lớn, càng làm cho chúng tôi tự tin hơn, có trách nhiệm hơn và càng thấy việc làm của mình là đúng." (Tài liệu phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.) Người thì xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau. Có đơn vị đi tàu thẳng từ Phú Thọ vào Thanh Hóa rồi đi xe ô tô vào Vĩnh Linh. Có đơn vị thì đi thẳng bằng ô tô từ một cơ sở tại Phủ Lý vào đến giới tuyến. Tất cả đều bí mật, ngay cả trên đất Bắc. Đại tá Nguyễn Danh: "Cuối tháng 05/1959, đơn vị lên tàu ở ga Tiên Kiên, mọt ga nhỏ trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai. Không có ai tiễn đưa, cảnh ra đi đơn giản như một cuộc chuyển quân bình thường ở hậu phương. Về Hà Nội, cũng không ra phố, chỉ đứng lại ở ga Hàng Cỏ mấy tiếng đế đợi tàu rồi đi luôn vào Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa trở vào phải đi xe ô tô. Đến Đồng Hới phải dừng lại một đêm ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325. Sáng sớm hôm sau đi thẳng vào khe Hò, một khu rừng đại ngàn ở phía tây Vĩnh Linh. Chỉ trong có mấy hôm, Vĩnh Linh đã cấp cho chúng tôi mỗi người một bộ quần áo bà ba đen, một đôi dép cao su, một tấm vải nylon che mưa. Chưa có mũ tai bèo, thôi thì để đầu trần. Đèn pin thì đem gò lại làm cho mất hai chữ Rạng Đông và dấu hiệu mặt trời mọc. Thuốc lá Điện Biên và Tam Đảo phải cắt bỏ đầu có chữ, bọc vào túi nylon. Chúng tôi phải bó lại tất cả mọi thứ giấy tờ, cấm ghi chép. Việc viết thư về gia đình chỉ được nói chung chung rằng mình bây giờ ở Quảng Bình. Tha hồ nói chuyện yêu thương mong nhớ, chỉ cấm mỗi chuyện là không được tả cảnh nơi mình ở..." Xe cộ chở "hàng" thì xuất phát từ Xuân Mai, Hòa Bình... từ các địa điểm này, xe chở hàng và người đi vào tận khe Hò (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Khe Hò là điểm bắt đầu con đường mòn Hồ Chí Minh, chạy dọc theo dãy Trường Sơn, đến các chiến trường ở miền Nam. Ở vùng Tây Nam Quảng Bình, Đoàn 559 đưa cán bộ vào chuẩn bị lập căn cứ tiếp nhận các loại hàng chi viện chiến trường. Để giữ bí mật, Đoàn lấy danh nghiã "các đội khai khẩn lâm trường." Đến tháng 10 năm đó, căn cứ xuất phát được dời ra phía Nam Quảng Bình, đặt tại làng Ho để tiện phối hợp cả phía Đông với phía Tây Trường Sơn Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những đường chưa có lối, rẽ núi, băng rừng. Phương châm mở đường là "xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà xoi, không được trùng với các lối mòn cũ ". Lời của một câu hát trong bài ca Trường Sơn: "Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người..." là hoàn toàn đúng với sự thật của thời kỳ này. Kỷ luật tối cao lúc đó là không để lại dấu vết, theo nguyên tắc "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", nhằm tuyệt đối giữ bí mật cho con đường có ý nghĩa sống còn với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Phương tiện vận chuyển lúc đó hoàn toàn là đi bộ, mang vác trên vai, theo phương pháp gùi thô sơ. Mỗi chuyến đi gồm 25 - 30 người, mang theo 25, 30 chiếc gùi. Đường Trường Sơn tuy thô sơ nhưng cũng đã được tổ chức thành nhiều trạm. Mỗi trạm cách nhau một ngày đường. Các trạm không biết địa điểm của nhau. Khi tới nơi chỉ gặp một người liên lạc để giao hàng và giao người, rồi trở ra. Sau đó hàng và người đi đâu, theo đường nào là việc của trạm tiếp theo. Tuyến đường cũng không cố định, nhằm không tạo ra các lối mòn... Giai đoạn đầu, tuyến đường gồm tất cả chín binh trạm, hai trạm ở phía Bắc sông Bến Hải, bảy trạm ở phía Nam sông đó: Trạm 1: Khe Chu Kế (gần suối nước nóng) cách khe Hò khoảng 1km, hằng ngày nhận "hàng” rồi gùi theo đường động Nóc vào làng Một. Trạm 2: Làng Mít qua Bôhôsu đi Làng Cát. Trạm 3: Làng Cát - Bắc Chăng Hin (ở bắc động Voi Mẹp), còn gọi là động Hàm Nghi, vì đây là nơi vua Hàm Nghi đặt căn cứ kháng Pháp, hạ chiếu Cần Vương. Trạm 4: Chăng Hin - đỉnh động Voi Mẹp. Đoan này đường rất dốc. Điểm đặt trạm 4 ở ngay trên đỉnh 1.600 (núi Chăng Hin). (Đỉnh 1.600 là quy ước trên bản đồ của Đoàn 559, vì có độ cao 1.600 m so với mực nước biển.) Trạm 5: Nam đỉnh Voi Mẹp - làng Cát Sứ, bắc đường 9. Trạm 6: Qua động Cà Lư, men suối Cà Lư (Ta Lư) vượt đường 9 đến làng Rào Kề, sông Ba Lòng. Trạm 7: Ba Lòng - Aso. Trạm 8: Aso - Tà Rụt (bản đồ ghi Tà Riệt), hậu cứ Trị Thiên và Khu V. Điểm giao nhận ở Ly Tông. Trạm 9: Tà Riệt - Palinh (bản đồ ghi Palin) - bắc A Lưới (cao điểm 946), nơi giao hàng nhập kho của Khu V. Ngày 20/07/1959 rải xong 9 trạm: Bắc đường 9 có năm trạm, vượt đường 9 đặt một trạm, nam đường 9 có ba trạm. Đại tá Nguyễn Danh nói về các trạm lúc đó: "Gọi là trạm thực ra chi là một góc rừng quy ước với nhau để đến đó giao hàng, chứ có lều lán gì đâu! Mùa khô ráo, anh em gom lá cây lại, lót tạm mỗi người một cái ổ, hệt như ổ lợn rừng, lúc nào ngủ thì rúc vào đó. Vài ba ngày sau rời trạm sang góc rừng khác, lại phải tãi ổ ra, trả lại lá rừng như cũ để xóa dấu vết. Khổ cực nhất là những tháng mùa mưa, có đêm phải trùm kín nylon ngồi dựa lưng vào gốc cây mà ngủ vạ ngủ vật. Chúng tôi sống như vậy không phải một tháng, một năm mà những ba năm liền...” Những quy chế phải tuyệt đối tuân thủ là: - Từ trạm 1 vào trạm 3 gùi ban ngày dưới rừng già. Tuyệt đối không để lộ khói, không đi ra chỗ trống, rừng thưa. - Từ trạm 4 vào đi ban đêm, cài gỗ mục phát sáng vào gùi người đi trước để khỏi bị lạc. Đặc biệt đối với hai trạm 5 và 6, nằm hai bên Nam Bắc đường 9, đội tải phải chờ tín hiệu cảnh giới cho phép vượt qua. Cách vượt đường là: mỗi người có hai miếng gỗ mỏng lót dưới bàn chân, khi qua đường phải đi "ngồi", vừa ngồi vừa lết qua đường để không có vết chân ngang đường. Trường hợp dẫn "khách" đi đông, giao liên phải trải 1 tấm nylon ngang đường. Toàn bộ qua hết, tốp giao liên sau cùng sẽ thu nylon lại, xóa sạch dấu vết. Gặp khi quân địch liên tục qua lại trên đường 9, để tránh bất ngờ đụng địch, hai trạm 5, 6 đã tìm sẵn đường chui cống khe cạn để vượt đường. - Khi vượt sông, trạm giao liên đã kết sẵn những thân cây chuối làm bè chở “hàng" Người thì lần dây, người thì đẩy bè qua sông. Vượt xong phải dỡ bè, cất ở một nơi bí mật. - Trên đường đi không được bẻ cây, vặt lá, không để lộ bất cứ một dấu vết gì. Người đi sau cùng phải khoả cây lấp lối. Không được hút thuốc, nói chuyện. Khi cần thiết trao đổi phải rỉ tai, hoặc ra hiệu, kết hợp với cách nói không thành tiếng. Trong việc giao nhận "hàng" giữa các trạm, dù ban ngày cũng phải dùng tín hiệu, mật khẩu. Dù đã quen biết nhau rồi thì khi làm việc cũng vẫn phải theo quy định (mật khẩu, tín hiệu luôn thay đổi). Hai trạm 5, 6 (nam, bắc đường 9) nhất thiết chỉ giao nhận "hàng" vào ban đêm, nếu gặp sự cố lỡ cung độ, thì phải tìm chỗ ém để giao nhận hàng vào đêm sau. Chỗ ở của từng đội không cố định. Ngủ, nghỉ không tập trung quá ba người. Nấu ăn ban ngày vào lúc chạng vạng, không được để bốc khói. Đêm tối không được có ánh lửa . Chuyến hàng đầu tiên xuất phát từ Kim Lũ ngày 20 tháng 7 năm 1959, với 15 xe tải bịt kín, đi theo quốc lộ số 1 vào phía Nam, rẽ theo đường 15 tới khe Hò. Từ đây hàng được giao cho tiểu đoàn đặc nhiệm 301 phụ trách gùi dần từng đợt qua đường bộ. Số hàng đó được gùi thồ từng đợt tới trạm số 9 ở Palin, phía Bắc A Sầu, giao cho Khu ủy Khu V, gồm vũ khí, thuốc chữa bệnh, công văn, thư tín. Đến ngày 20 tháng 8 năm 1959 chuyến hàng gùi thồ đầu tiên gồm 32 gùi, mang được 20 khẩu súng tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường, 10 gùi công văn, tài liệu... Võ Bẩm : “Đặt trạm xong, chúng tôi bồi hồi theo dõi việc vận chuyển vũ khí. Hằng ngày tôi đọc những bức điện của đồng chí Chữ gửi về. Những tờ điện màu hồng nhạt thường đem đến cho tôi niềm vui. Hôm ấy là ngày anh em vận chuyển đến trạm cuối cùng, chúng tôi chờ điện như chờ báo tin kết thúc trận đánh. Đồng chí liên lạc đưa cho tôi một bức điện có mấy dòng chữ ngắn ngủi: "20-8-59 chúng tôi đã giao hàng ở Palin an toàn. Tô Đăng Chữ." Tôi muốn reo ầm lên vì vui mừng..." Tính đến hết năm 1959, Tiểu đoàn 301 hoạt động được 4 tháng rưỡi (13/08 - 31/12/1959), đi được 8 chuyến trót lọt. Tổng số hàng gồm 1.667 súng trường, 712 tiểu liên, 72 trung liên, 21súng giảm thanh, 850 súng ngắn với 250.000 viên đạn các loại, 180 kg thuốc TNT kèm ngòi nổ, 750 dao găm, 340 kìm cắt dây thép gai, 40 ống nhòm, 65 địa bàn, 26 bản đồ Khu V Tây Nguyên. Lào, Đông Bắc Campuchia. Số hàng đó được Khu ủy Khu V tiếp nhận và vận chuyển tiếp vào Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Cũng trong năm 1959, trên tuyến này, Đoàn 559 đã đưa được 542 cán bộ và chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam đề nhận nhiệm vụ trên các chiến trường miền Nam. 3. Từ một tuyến thành một hệ thống, từ gùi thồ đến cơ giới Qua hai năm vận chuyển, đến 1961, sau thời kỳ Đồng khởi, nhu cầu chi viện cho miền Nam tăng lên vượt bậc. Đối phương cũng đã đánh hơi thấy tuyến đường này nên tổ chức lùng sục, càn quét ráo riết. Về người hy sinh đầu tiên của Đoàn 559, Đại tá Nguyễn Danh kể: “Đầu năm 1950, trạm 6 bị bọn thám báo bám đuôi, về gần đến trạm, anh em phát hiện địch, không thể tránh vào đâu nữa, đành phải nổ súng. Hai đồng chí chạy thoát. Đồng chí Trường đi sau bắn yểm hộ, bị trúng đạn và sa vào tay giặc. Trường đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Anh đã bị chúng thủ tiêu sau khi đã dùng đủ cực hình tra tấn mà không khai thác được một chút tài liệu nào. Nếu tôi không nhầm thì đó chính là người chiến sĩ đầu tiên ngã xuống trên tuyến đường vận tải vượt Trường Sơn...” Vì thế trên tuyến đường này, tuy đã giữ bí mật tuyệt đối, hạn chế cường độ vận chuyển ở mức mỗi đợt không quá 25 gùi, số người đi không quá một tiểu đội một lần..., nhưng cũng vẫn bị ách tắc nhiều tháng. Do tình hình đó, Ban Cán sự Đảng Đoàn 559 đã tính đến việc mở một tuyến khác, tạt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, theo quốc lộ số 9, vượt qua đèo Lao Bảo sang đến Mường Phin trên đất Lào. Võ Bẩm: “Đầu năm 1960, địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, vì anh em vận tải trong khi giao nhận hàng đã bỏ quên một bó súng ở gần Khe Sanh. Địch đã mở một trận càn cấp trung đoàn. Tuy địch không phát hiện thêm được gì nhưng công việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian. Một lần, tôi được lên báo cáo trực tiếp với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng chí gợi ý: "Thử nghĩ xem có con đường khác nào có thể tránh được sự tuần tra rình mò của địch không?" Gợi ý đó đã bật ra một tia sáng trong ý nghĩ của tôi: Nếu như mở một con đường sang phía Tây Trường Sơn đi nhờ đất bạn thì chắc bọn ngụy miền Nam khó bề nhòm ngó. Nghĩ vây tôi tổ chức một bộ phận cùng tôi luồn rừng tìm đường sang phía Tây Trường Sơn. Khoảng tháng 1 năm 1961, tôi trở về Hà Nội, tạt vào thăm anh Trần Lương, nhân thể hỏi ý kiến anh về việc chuyển con đường chiến lược sang phía Tây Trường Sơn. Anh Lương nói: "Việc này tôi đã được giao liên hệ với Đảng bạn. Tôi đã đến gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn và được các đồng chí đồng ý..." Tháng 5 năm 1961, tuyến đường này đã được khai thông, dài khoảng gần 100 km từ đường 9 đến Mường Phalan, nối Trung Lào và Hạ Lào. Trên tuyến đường này, việc vận chuyển đã bắt đầu sử dụng được ngựa thồ, voi thồ, xe thồ và một số xe cơ giới. Trong năm 1962 trên những tuyến vận tải này, Đoàn 559 đã đưa vào tới các chiến trường 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần một vạn cán bộ vào và ra. Cũng từ năm 1962, phần lớn các thương binh nặng đã được chuyển từ chiến trường miền Nam ra Bắc để điều trị bằng tuyến đường này. Đến cuối năm 1963, công binh đã mở thêm tuyến đường 129 trên đất Lào, nối quốc lộ 12 từ Hà Tĩnh sang với quốc lộ số 9 từ Quảng Trị sang. Từ đó, việc vận chuyển được sử dụng chủ yếu bằng xe cơ giới. Năm 1960, Bộ Chính trị cử ông Trần Văn Quang, ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Cục trưởng Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu vào Nam Bộ, phụ trách quân sự toàn Miền. Cùng đi với ông có gần 600 cán bộ khung cơ quan Miền (khung hai trung đoàn chủ lực và khung tăng cường các tỉnh, các cơ sở...) Đó cũng là lúc Liên Xô phóng con tàu Phương Đông đầu tiên vào vũ trụ (12/04/1961). Các cán bộ trong đoàn kiến nghị đặt tên đoàn là "Đoàn Phương Đông." Đến năm 1961, Đoàn 559 đã phát triển từ một đơn vị nhỏ cấp tiểu đoàn lên thành một đơn vị tương đương cấp sư đoàn, gồm hai trung đoàn, một đại đội ô tô vận tải (trung đoàn 70 gồm 2.563 người, trung đoàn 71 gồm 1.308 người). Hàng ngàn thanh niên của các tỉnh miền Bắc đã được động viên vào nhiệm vụ này. Có tỉnh như Hà Tĩnh, riêng năm 1964 đã động viên tới 1.000 thanh niên tham gia Đoàn 559. Về trang bị, Đoàn 559 có 24 ô tô, 650 xe đạp thồ, 1.733 súng trường, 1.100 súng tiểu liên, 15 trung liên, 313 súng ngắn, 3.222 lựu đạn, 40 lựu chống tăng, 380 mìn. Số vũ khí này chủ yếu trang bị cho đơn vị trinh sát, bảo vệ, còn lực lượng vận tải chỉ có 50% súng, mọi người đều đủ lựu đạn. Phương tiện thông tin rất yếu, chưa có điện thoại đến các đơn vị vận tải chiến đấu. Chỉ huy toàn bằng VTĐ 15 w, máy bộ đàm (có 5 chiếc) và liên lạc chạy chân. Tiếp theo bộ khung của Đoàn Phương Đông, đến năm 1963, ngoài một số lượng rất lớn vũ khí, đạn dược, quân nhu phục vụ cho các chiến trường, thì tuyến Trường Sơn lần đầu tiên đã mở đường cho "đại quân" từ miền Bắc vào Nam. Số cán bộ và chiến sĩ được huấn luyện chính quy từ miền Bắc đưa vào là 40 nghìn người. Quân số này chiếm tới 50% tổng số bộ đội tập trung ở toàn miền Nam và chiếm tới 80% số cán bộ ở các cơ quan chỉ đạo thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đây là một lực lượng cực kỳ quan trọng, tạo ra sực mạnh mới ở miền Nam. Cũng trong năm 1963, trên tuyến đường này, Đoàn 559 đã chuyển được vào Nam 160 nghìn cỗ súng các loại, trong đó có pháo cối, DKZ... Những lực lượng này đã góp phần quyết định cho những chiến thắng vang dội của những năm kế tiếp 1964, 1965 như chiến thắng Đồng Xoài, Bình Giã, Ba Gia... Đến lúc này, tổng quân số của Đoàn 559 đã lên đến 6.997 người. Trang bị phương tiện vận tải gồm có 1.900 chiếc xe đạp thồ, 3 thớt voi, 40 con ngựa thồ, 70 ô tô vận tải... Tính đến cuối năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh đã được xây dựng và nối dài gồm 781 km đường ô tô, hơn 600 km đường giao liên và gùi thồ. Một mạng lưới vận tải từ Đông sang Tây Trường Sơn cũng đã hình thành, với hệ thống ba đường song song: Đường giao liên, đường vận tải gùi thồ và đường vận tải cơ giới, gồm những trục đường chính và những đường nhánh đi vào các chiến trường. Đến năm 1965, để đối phó với quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Bộ Quốc phòng quyết định nâng Đoàn 559 lên cấp Quân khu và cử Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Đại tá Võ Bẩm làm Phó Tư lệnh. Đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Phó Chính ủy... Từ đây, đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ thống đường chiến lược cơ giới, gồm ba tuyến liên hoàn, đảm bảo vận chuyển suốt bốn mùa, kể cả mùa mưa. Ba tuyến này là: Tuyến 1 (mật hiệu là S1) đi từ khe Ve đến Xê-pôn ở phía Bắc đường 9. Nhiệm vụ của tuyến này là đảm bảo mỗi đêm đưa được một chuyến hàng từ đèo Mụ Giạ ở biên giới Việt - Lào thuộc Quảng Bình đến Ba-na-phào. Hai đêm đưa một chuyến hàng từ cột cây số 50 đến cột cây số 31. Mỗi đêm một chuyến từ Ba-na-phào đến La-phi-lang trên đất Lào. Tuyến 2 (S2) đi tiếp từ đường 9 đến Bắc Bạc. Tuyến 2 này có ba cánh: Một cánh từ đoạn Mường Phin - Bản Đông qua La Thạp đến Bạc, nhằm giao hàng cho Khu V, chủ yếu dùng cơ giới, do hai binh trạm cơ giới phụ trách. Một cánh chéo xuyên từ Làng Ho xuống bản Đông, hoàn toàn dùng xe thồ, do một binh trạm thồ phụ trách. Rồi từ Bản Đông lại dùng cơ giới đưa hàng xuống đến La Thạp. Từ La Thạp lại theo đường B45 hoàn toàn dùng thồ, do một binh trạm thồ phụ trách. Cánh này có nhiệm vụ giao hàng cho Trị Thiên, đi qua A Túc, Tà Riệt và động Con Tiên (có bản đồ ghi là động Cồn Tiên) vào các căn cứ của Trị Thiên ...(Trong cuốn Lịch sử giao thông vận tái Việt Nam (sđd), trang 182 ghi Cồn Tiên là nhầm. Cồn Tiên là một khu căn cứ của quân đội Sài Gòn ở phía Nam sông Bến Hải, không lý nào đã đưa hàng vào đến đường 9 rồi lại chở ngược chiều ra Cồn Tiên! Còn động Con Tiên là một địa danh ở sâu hơn 200 km về phía Nam, đó là con đường tiếp tế cho Trị Thiên (xem bản đồ 1, 2, 3 phụ bản).) Tuyến 3 (S3) từ Bắc Bạc tới Tà-xẻng. Nhiệm vụ là đưa hàng theo trục đường 138 từ Bắc Bạc tới Tà-xẻng, rồi theo đường C4 thuộc Hạ Lào và vào đường B.46 từ Chà Vằn (Chavnane) tới Khâm Đức, tức là đã vào tới Kontum (Xem bản đồ 1, 2, 3, phụ bản). Mỗi tuyến kể trên có một Bộ Tư lệnh, có lực lượng tương đương một sư đoàn với đủ các loại lực lượng phối hợp: Công binh làm đường, vận tải kho giao liên, và bộ đội chiến đấu bảo vệ đường bộ. lực lượng phòng không để đánh máy bay . Đến lúc này hệ thống Đoàn 559 đã có quân số lên tới 3 1.762 người, trong đó có 27.462 quân nhân, 4.500 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Tổng trang bị của đoàn có 2.972 ô tô, trong đó 2.100 xe tải hàng, 872 xe phục vụ chiến đấu công tác, có 190 khẩu súng phòng không gồm 79 khẩu pháo, 111 súng máy, 138 phương tiện công binh gồm 53 máy ủi, 34 xe phóng từ (do Liên Xô chế tạo chuyên dùng cho việc phá bom từ trường). Đến thời kỳ 1968 - 1972, quân số của Đoàn 559 đã tăng gấp hơn 2 lần, gồm 68.726 người, trong đó có 58.726 quân nhân, 10.000 thanh niên xung Phong và công nhân giao thông. Tổng số trang bị là 6.490 xe ô tô, gồm 4.100 xe chở hàng, 2.390 xe phục vụ chiến đấu, 842 súng pháo phòng không gồm 419 cao xạ pháo và 423 súng máy, 461 phương tiện công binh gồm 138 máy ủi, 98 xe phóng từ... Về tình hình này, Cơ quan tình báo Trưng ương Mỹ (CIA) đánh giá như sau: "Do hệ thống đường cần sửa chữa trở nên dài hơn và tuyến đường mới mở đã kéo đến tận những vùng rừng núi thuộc biên giới Việt Nam, lượng nhân công đã giảm. Cơ quan tình báo Trung ương (the Central Inlelligence Agency) vào năm 1967 đã ước tính con số nhân công phục vụ cho việc xây dựng con đường mòn là 23.000 người. Đến tháng 1 năm 1968, con số ước tính trên đã giảm xuống 11.500. Một trong những nguyên nhân không phải do độ dài đang được xây dựng của con đường mà là sự đóng góp của những thiết bị cơ giới. CIA thừa nhận rằng không thể nào xác định được những trang thiết bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng không chắc chắn về con số chính xác, nhưng dự đoán Đoàn 559 đang sử dụng 20 máy ủi đất, 11 máy san đường, 3 máy đập đá, và 2 xe lu trong suốt mùa khô của những năm 1967- 1968. Số lượng thiết bị chắc hẳn đã tăng theo thời gian...” Đến thời kỳ 1973 - 1975, sau khi ký Hiệp định Paris, quân số Đoàn 559 lại tăng lên gấp đôi so với thời kỳ trước, gồm 112.722 người, trong đó có 97.500 quân nhân, 15.200 thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến. Tổng quân số năm cao nhất đã lên tới 145.200 người, trong đó có 100.495 quân nhân, 44.295 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Từ 1974 cho đến 30/04/1975, Đoàn 559 chịu trách nhiệm quản lý sử dụng tất cả các trục giao thông trong vùng mới giải phóng. Tổng trang bị năm cao nhất của thời kỳ này là 15.939 ô tô, gồm 8.218 xe chở hàng và chở bộ đội cơ động, 7.721 xe phục vụ chiến đấu, 1085 súng pháo phòng không, trong đó có 661 đại bác và hỏa tiễn, 424 súng máy, 1.010 phương tiện công binh gồm 141 máy ủi. 72 xe phóng từ... Từ đầu năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, có một giai đoạn tương đối hòa bình thuận lợi cho việc vận chuyển và xây dựng đường sá. Tuyến đường Trường Sơn được phát triển thành đường tiêu chuẩn quốc gia cấp 4 miền núi, xuyên suốt Bắc - Nam, bắt đầu từ Tân Kỳ thuộc Nghệ An và kéo dài 1.300 km tới Chơn Thành thuộc Bình Phước. Trong sự nghiệp phát triển đường Trường Sơn thời kỳ này, lần đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của người nước ngoài: Đó là các chuyên gia cầu đường của Cuba. Tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Fidel Castro sang thăm Việt Nam và có vào thăm đường Trường Sơn. Sau đó ông quyết định cử chuyên gia sang đóng góp với Việt Nam trong việc xây dựng một số đoạn chính trên tuyến đường này. Có 43 cán bộ Việt Nam được cử sang học tại Cuba trong 2 tháng. Đến tháng 11 năm đó, số người này trở về cùng 23 chuyên gia của Cuba. Tất cả đã trực tiếp tham gia xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp một số đoạn chính của đường Trường Sơn. Lực lượng bộ đội Trường Sơn lúc này đã lên tới 2 sư đoàn ô tô vận tải, 3 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn pháo binh cao xạ, 1 sư đoàn bộ binh và đoàn chuyên gia 565 tương đương 1 sư đoàn, 12 trung đoàn đường ống... Tất cả là 8 sư đoàn, 80 trung đoàn, 8.212 ô tô vận tải, 2.000 xe đặc chủng, 240 khẩu cao xạ. Tổng số quân lực là gần 110 ngàn người, trong đó có 11 ngàn là nữ... Trên các tuyến này đã kết hợp sử dụng gần như tất cả các loại phương tiện khác nhau. Những nơi có thể vận chuyển bằng đường hàng không thì dùng máy bay chở thẳng từ ngoài Bắc tới Xê-pôn và một số địa điểm khác. Từ đó, các đoàn xe cơ giới vận chuyển tiếp tới nơi nào không còn đường cho ô tô đi thì dùng xe thồ. Không có đường xe thồ thì dùng phương pháp gồng gánh, gùi thồ để đi tiếp ... 4. Sức mạnh, quyết tâm và sự đánh phá của Mỹ Nếu chỉ nói đến số tấn đã vận chuyển và số kilomet chiều dài của những tuyến đường thì có lẽ chưa thấy hết được sự cam go của sự nghiệp lớn lao này, do đó cũng chưa nói lên hết được tầm cao của cuộc đấu trí có tính chất thời đại đó. Phải nói rằng đây là sự thách đố với một đỉnh cao của kỹ thuật Mỹ và được chi trả bằng những núi của cải của một nước giàu nhất thế giới, mà theo cách nghĩ thông thường của thế giới lúc đó thì khó có đối phương nào chịu đựng nổi. Từ khi Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam thì việc đánh phá ngăn chặn con đường Trường Sơn được thực hiện bằng những phương pháp hoàn toàn mới, với những vũ khí và phương tiện mà trên thế giới chưa từng biết tới. Từ thực tiễn của con đường này, khoa học chiến tranh Mỹ còn nghĩ ra những biện pháp mà tưởng như không ai chống đỡ được. Hầu như tất cả nền khoa học quân sự của Mỹ đã tập trung nghiên cứu để quyết thắng trong cuộc đọ sức này. Có thể kể đến một số phương tiện và biện pháp chủ yếu mà Mỹ đã dùng đến ở đây: 4. 1. Không quân (Khi tìm hiệu và khai thác các tư liệu Mỹ về khía cạnh này, tác giả đã được sự giúp đỡ chân tình về tư liệu của ông Nguyễn Kỳ Phong, tác giả cuốn sách nối tiếng Vũng lầy toà Bạch ốc. Người Mỹ và chiến tranh Viet Nam 1945-1975, xuất bản tại Virginia năm 2006. Nhân đây xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới ông Nguyễn Kỳ Phong) Không lực Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thuộc hai binh chủng khác nhau: Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược (Strategic Air Command): Trực thuộc Bộ Tư lệnh này có nhiều đơn vị. Tham gia trực tiếp tại chiến trường Việt Nam là Đơn vị Không lực số 7 (The Seventh Air Force). Đây là đơn vị lớn nhất của Không lực Mỹ, nó gồm 7 Không đoàn tác chiến và 1 sư đoàn vận tải, với tổng số hơn 1.000 máy bay các loại. Không lực số 7 là đơn vị chủ chốt trong việc oanh tạc miền Bắc Việt Nam và các vùng có chiến sự ở miền Nam. Không quân của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương (The Seventh Fleet): với 19 Hàng không mẫu hạm lần lượt tham chiến ở Việt Nam, mỗi hàng không mẫu hạm đó có từ 70 đến 90 máy bay chiến đấu. Lực lương không quân trên các hàng không mẫu hạm chịu sự điều khiển của Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Việt Nam (Military Assistance Command, Vietnam, viết tắt là MACV), mà thuộc về quyền của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, có trách nhiệm tham gia các kế hoạch đánh phá miền Bắc, giội bom các tuyến đường thủy và bộ Bắc - Nam... Không lực 7-13 (The Seventh - Thirtenth Air Force): là một đơn vị đặc nhiệm trực tiếp "phụ trách" các tuyến đường Trường Sơn. có bản doanh ở Udon, Thái Lan. Về nguyên tắc nó nằm dưới quyền điều khiển của The Seventh Air Force, nhưng về danh nghĩa nó là một đơn vị riêng, vì nó có trách nhiệm đánh phá cả những vùng ngoài lãnh thổ Việt Nam như Lào và Campuchia (vì theo quy định của luật pháp Mỹ thì khi chưa được Quốc hội Mỹ chuẩn y thì Seventh Air Force không được làm việc đó). Không lực 8: Bộ Tư lệnh của không lực nằm ở căn cứ không quân Andersen, đảo Guam, phụ trách các phi vụ pháo đài bay B.52, dưới quyền điều khiển trực tiếp của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược. Không lực 8 có 8 không đoàn B.52 và 4 phi đoàn KC.135 dùng để tiếp nhiên liệu trên không cho các phi cơ bay đường xa. Không lực 8, trong cao điểm của cuộc chiến - trận bom Linebacker I và II vào năm 1972 - có đến 200 pháo đài B.52 và 6 phi đoàn hỗ trợ phụ thuộc. (Theo Carl Berger. The US Air Force in Southeast Asia: 1961-1973. An Ilustrated Account. Wasshington D.C. 1981 (Trích theo Nguyễn Kỳ Phong trong Vũng lầy tòa Bạch ốc.... sđd).) Chống một đối phương như thế không phải là điều dễ dàng. Trong thực tế từ năm 1965, việc vận tải qua Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn Thời gian đầu, những cuộc đánh phá của không quân Mỹ đã phát huy hiệu quả đáng kể. Nhiều khi cái chết ập đến thật bất ngờ, không chỉ với bộ đội, công binh, thanh niên xung phong mà với bất cứ ai đang hoạt động trong khu vực: Bác sĩ, giáo viên, nghệ sĩ, cán bộ ngân hàng, thương nghiệp ... Một trong những người chỉ huy bộ đội Trường Sơn lúc đó là Đại tá Phan Hữu Đại nhận xét: "Thời gian đầu, những biện pháp chiến tranh phát triển quá nhanh mà ta chưa kịp thích ứng, chưa nhận thức đúng chỗ mạnh chỗ yếu của đối phương nên đối phó theo xu hướng phòng chống là chủ yếu. Thời kỳ này, không quân Mỹ tự do bắn phá, gây tắc đường, vận tải ì ạch, xe cháy, bộ đội hy sinh nhiều, khiến tâm lý hoang mang lo sợ bắt đầu xuất hiện...” Ông Lê Bá Hùng, cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình kể: "Hai giờ sáng, anh Dù, chị Thức, chị Mai và tôi lên đường đến đợi xe lâm nghiệp ở Cầu Cúp theo ô tô vận chuyển gỗ về. Chúng tôi lên đường với 4 chiếc xe đạp, trên đường 15. Bỗng có tiếng ì ầm của máy bay Mỹ mỗi lúc một gần. Trên trời treo lơ lửng ánh đèn dù pháo sáng soi rõ cả con đường và đoàn xe. Cũng vừa lúc nhiều tiếng nổ chát chúa quanh mình, tiếp đến hàng trăm ngàn tiếng nổ của bom. Mãi đến 5 giờ sáng tiếng máy bay mới xa dần. Tôi đứng dậy phủi vội bụi đất, tìm gặp lại anh em, thấy hai chị Mai và Thức đang đi tới, nước mắt hai chị đã tuôn trào. Các chị nghẹn ngào nức nở: Anh Dù chết rồi! Ba anh em cùng khóc lặng hồi lâu. Tôi đến chỗ anh Dù nằm, mắt anh vẫn mở to như nhìn lần cuối 3 anh em chúng tôi. Tôi đưa tay vuốt nhẹ đôi mắt anh và nhận thấy anh bị 10 viên bi găm vào bụng và ngực: Anh Dù đã che đỡ và hứng chịu quả bom bi đó để hai chị được yên lành. Sau đó, cơ quan làm tờ trinh gửi lên cấp trên cấp bằng "Tố quốc ghi công" cho các anh Ngô Văn Dù, liệt sĩ Võ Văn Tương, Lương Ngọc Sướng." (Nhớ ngày anh Ngô Văn Dù hy sinh. Hồi ký ông Lê Bá Hùng, cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình. ) 4.2. Hàng rào Mcnamara Trước hết phải kể đến hệ thống hàng rào mệnh danh là "hàng rào điện tử Mcnamara" (Mcnamara Line), còn gọi là "Chiến luỹ Maginot Phương Đông" (lấy tên một chiến luỹ nổi tiếng về sự kiên cố trên biên giới Pháp - Đức được xây dựng năm 1930-32). Hàng rào này là phát minh của Roger Fisher, giáo sư Đại học Harvard. Sau đó phát minh này chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mcnamara giao cho Học viện Phân tích Quân sự (Institute for Defense Analysis) thiết kế, do Trung tướng Alffred Starbird chỉ đạo thi công và đưa vào hoạt động từ tháng 9 năm 1966. Toàn tuyến hàng rào này dài 100 km, dọc theo giới tuyến quân sự Bắc - Nam, gồm hệ thống dây thép gai dày đặc, sử dụng 20 triệu "mìn sỏi (gravel mines), 25 triệu bom "bươm bướm" (button bomblets), 10 ngàn bom CBU-26B, cùng nhiều loại "mìn thông minh" và các "con rệp" (sensor) cảm nhận từ trường, mùi người, mùi xăng, tiếng động, vật di chuyển... phối thuộc nó là những đồn bốt liên hoàn, hệ thống các sân bay dã chiến có thể cất cánh và oanh tạc sau 10-15 phút từ khi nhận được tín hiệu. (Theo Foreign Relations of the United State, 1964-1968, Vol. IV, Vietnam pp635) Trong thời gian đầu, Hàng rào Mcnamara đã gây không ít khó khăn cho việc vận chuyển. Trước những phương tiện kỹ thuật hiện đại và quá mới mẻ đối với người Việt Nam, Đoàn 559 đã ít nhiều lúng túng. Nguyên nhân của sự lúng túng đó là: Tuy lực lượng đã huy động tới mức tối đa, tới cấp quân khu, nhưng chưa tìm được hình thức tổ chức hữu hiệu, chưa định hình được tư tưởng tác chiến và những giải pháp chiến thuật thích ứng. Sự lúng túng kéo dài đến năm 1966. Phải từ năm 1967 trở đi bộ đội Trường Sơn mới từng bước giành thế chủ động, phân công và phối hợp tốt ba nhiệm vụ lớn: Mở đường, vận chuyển và chiến đấu chống trả. Qua thực tế chiến đấu, bộ đội Trường Sơn đã phát hiện ra hàng loạt nhược điểm của hàng rào Mcnamara. Từ đó đã tìm ra những giải pháp đối phó thông minh, nhạy bén. Cũng từ đây, sự lúng túng và bất lực lại dần dần chuyển qua phía Mỹ. Từ sau cuộc Tổng tiến công (đầu năm 1968), các nhà chiến lược Mỹ thấy rằng phòng tuyến Mcnamara là hoàn toàn vô hiệu. Vả chăng, chính Mcnamara cũng đã từ chức. Các chuyên gia Mỹ thấy nguyên nhân chính của thất bại là: "Hàng rào bị chọc thủng vì trên thực tế nó chỉ là một tuyến cố định, chứa đầy tính thụ động. Còn đối phương thì đầy tài nghệ trong việc "đánh lừa" những tai mắt điện tử của ta... Đã đến lúc phải bỏ khái niệm "tuyến" xơ cứng, không phù hợp với tính linh hoạt của kỹ thuật cao. Cần thay bằng khái niệm "trường điện tử". Xóa hẳn sự hạn chế về không gian, thời gian tiêu diệt địch. Có nghĩa là biến cả núi rừng xứ này thành "chiến trường tự động ngăn chặn." 4.3. Chương trình ngăn chặn mới Sau khi thấy hệ thống phòng tuyến cố định không có hiệu quả, giới quân sự Mỹ chuyển sang dùng một hệ thống ngăn chặn linh hoạt dựa trên kỹ thuật viễn thông quân sự hiện đại. Tổng thống Nixon coi phương sách mới này là có hiệu nghiệm hơn trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C. Cliford liền huy động các quân chủng tham gia Chương trình ngăn chặn mới. Chương trình này gồm 2 hệ thống phối hợp với nhau: Hệ thống thám báo tự động và hệ thống đánh phá tự động. - Hệ thống thám báo tự động mang mật hiệu "Igloo White" (Igloo White có nghĩa đen là “mái lều tròn tuyết trắng", một loại lều của thổ dân Esquimo miền Bắc Cực). Trung tâm Igloo White đặt tại Nakhon Phanorn (Thái Lan). Với hai máy tính khổng lồ IBM-360-65. trung tâm này quán xuyến toàn bộ những "thiết bị điện tử" đã rải xuống khắp 40.000 km2 trên Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, bắt âm thanh theo các tần số, phát hiện những vật di động..., xác định chính xác thời gian và đia điểm... rồi thông báo tức thì cho loại máy bay Night Hawk (diều hâu đêm săn mồi) ập đến đánh phá. Chi phí cho toàn bộ hệ thống thám báo tự động này là 1,7 tỷ USD. (The Vietnam War. Comprehensive and Illustrated history of the conflicl in Southeast Asia. London, p. 26. chuyển tiếp tự động (DART),) Những "thiết bị điện tử” gồm khoảng gần 100 loại khác nhau được rải xuống đại ngàn Trường Sơn, mệnh danh "thám tử giấu mặt", "những kẻ gác đường". Những máy ra đa nhỏ rải rác khắp các nẻo đường để phát hiện tiếng động hoặc tia hồng ngoại do các xe cơ giới phát ra, báo về Chỉ huy sở Trung tâm. Những máy ngửi được mùi amoniac trong mồ hôi để gọi máy bay oanh tạc tới . Có thể kể đến một số loại phổ biến nhất sau đây: SPIKE BUOY: Cảm ứng âm thanh do máy bay thả cắm xuống đất, lẫn màu cây cỏ, lặng lẽ phát hiện tiếng động: Chân đi, xe chạy, người nói, chó sủa, gà gáy... được truyền tất cả về trung tâm. ACOU BUOY: Loại máy cảm ứng có dù do máy bay thả xuống các khu rừng, nhẹ nhàng treo bám trên cành cây, lẫn vào lá, rất khó phát hiện, cũng làm nhiệm vụ như loại nói trên. ASID; Cảm ứng địa chấn có tần số nhỏ nhất rồi báo tín hiệu về trung tâm. Do máy bay thả xuống rồi cắm sâu trong đất, bộ đội ta tìm thấy, thường gọi nó là "cây nhiệt đới". ACOUSID: Máy cảm ứng địa chấn và âm thanh có hình dáng tương tự như Asid, nhưng có thêm khả năng cùng lúc truyền về trung tâm cả tiếng nói, âm thanh và những chấn động nhỏ nhất. Đề phòng khi sóng bị nhiễu do đối phương phá sóng, do ảnh hưởng vật lý làm cho các máy trinh sát điện tử không báo về được Trung tâm, giới "kỹ thuật" Mỹ còn chế tạo ra một số phương tiện hỗ trợ: Máy "chuyển tiếp ", đặt trên phi cơ không người lái QU-22B bay ở độ rất cao, đi được vào vùng có hỏa lực phòng không dày đặc, nhận tín hiệu từ mặt đất rồi chuyển tiếp về Trung tâm. Sau đó Mỹ chế tạo thêm cái gọi là trạm "chương trình bảo trợ” mang tên “Commando Bo", tức hệ thống điều phối toàn bộ hệ thống trinh sát điện tử để có thể tiến hành chỉ huy tự động, đảm bảo cho không quân Mỹ tấn công chính xác trong mọi hoàn cảnh thời tiết. Kết hợp với những máy thám báo, có cả những con người thám báo thật: Đó là những nhóm biệt kích được tung vào các khu rừng rậm trên Trường Sơn (hoặc luồn rừng mà vào, hoặc nhảy dù). Họ ẩn nấp bên những con đường để theo dõi các đoàn người và xe cộ, vũ khí đi qua. Họ còn nghe trộm điện thoại giữa các binh trạm với các cấp chỉ huy và báo cáo về chỉ huy sở. Căn cứ vào các thông tin này, phối kiểm với các thông tin từ các sensor báo về, không quân Mỹ sẽ tổ chức đánh phá. Trong cuốn sách viết về Đường Hồ Chí Minh mang tên Con đường máu (the Blood Road), sử gia Mỹ John Prados viết về sự phối hợp giữa thám báo với máy bay oanh tạc tại đèo Mụ Giạ năm 1964: " Những đội thám báo lại đèo Mụ Giạ đã báo cáo có 185 chiếc xe tải tiến về Nam trong tháng 12 năm 1964. Vào tháng 2, các đội thám báo này đã theo dõi trong 27 ngày liên tiếp, đếm được 311 xe tải hướng về Nam và 172 chiếc tiến ra Bắc. Trong tháng 3, những con số tương ứng là 481 và 658. Chính trong hai tháng này khu vực đèo đã bị giội bom. Đến tháng 4 các đội thám báo vẫn tiếp tục hoạt động trong suốt gần một tháng, 640 là số xe tải tiến về Nam và 775 là số xe trở ra Bắc. Tổng cộng, trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 1964 đến tháng 5 năm 1965, đã có 2.294 xe tải của quân đội Việt Nam tiến vào Nam và 2.492 xe đi theo hướng ngược lại. Lần đầu tiên những bức ảnh chụp từ trên không đã cho thấy những chiếc xe xi téc chở xăng dầu trên con đường mòn - bằng chứng rõ ràng về việc Hà Nội đã có ý định cho tăng cường mạnh mẽ nguồn lực. Những phi cơ đến từ hàng không mẫu hạm Coral Sea đã mở cuộc tấn công ngăn chặn đầu tiên tại đèo Mụ Giạ vào ngày 28 tháng 2. Có 10 chiếc A-1H Skyraiders và 14 máy bay phản lực, A-4C Skyhawks và có thêm 2 phi cơ chụp ảnh. Những chiếc phi cơ đã thả xuống gần 1 tấn bom khoảng 500 đến 2.000 pound), một số được đặt lệnh nổ trong vòng 6 ngày sau đó... Vào ngày 21 tháng 3 những chiếc phi cơ của đội bay Hancock đã tấn công Mụ Giạ thuộc phần biên giới của Lào. Hành lang vận tải hiện tại đã bị cắt đứt…(John Prados. The Blood Road - The Hochiminh Trail and the Vietnam War. John Wiley & Song, Ine. p. 110.) Mới đây, một hệ thống 450 cuốn băng ghi âm các phiên họp giao ban hàng tuần của tướng Abrams, Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam từ 1968 đến 1972 đã được phép cho giải mật (hồ sơ The Abrams Tapes), đó là một tập hồ sơ dày khoảng 3.200 trang. Trong đó có nhiều thông tin về quan hệ giữa các nguồn thám báo với các vụ oanh lạc. Dưới đây là một trong vô số những nội dung thuộc loại đó. (được ghi âm trong cuộc họp giao ban tình báo ngày 08/01/1971 của MACV (Weekly Inteligence Estimate Updates): “Vào tháng 11/1971, với những dữ kiện đã thu thập, đủ để có thể thử nghiệm phương cách đánh dấu những mục tiêu (xâm nhập). Các trạm giao liên T-54, T-55, T-61 và T-62 (thuộc binh trạm 35 và 38) được chọn để thử nghiệm. Với các toán đầu của đoàn xâm nhập đang trên đường hướng về B3, chiều ngày 6 tháng 12, B-52 oanh tạc trạm giao liên T-54 và T-61. Chiều ngày 14 tháng 12. hai phi tuần B-52 oanh tạc trạm T-62. MACV có kế hoạch sẽ sử dụng bom CBU để giội bom các binh trạm. Sư đoàn 320 đang chuyển quân. Binh trạm 35 (phụ trách B-1 và Khu V) thay đổi hệ thống trạm giao liên tình báo. Thẩm định từ ngày 18 đến ngày 31/12/1972, các đơn vi thuộc sư đoàn 320 sẽ đi ngang các trạm giao liên T-31, T-35 và T-36, (MACV). Rải máy điện tử báo động và truy tầm. Sáng ngày 23 tháng 12, B-52 giội bom trạm giao liên T-31 bằng bom CBU. Chiều ngày 24 và sáng ngày 25, không quân chiến thuật và B-52 tiếp tục tấn công trạm giao liên này bằng bom CBU. Trạm giao liên T-36 bị tấn công ngày 28. T-35 bị tấn công ngày 29. Ngay ngày Tết tây, T-62 bị tấn công với hơn 500 tiếng nổ phụ. Sau khi thuyết trình viên chấm dứt, Đại tướng Abrams lên tiếng. "Vì đây là kế hoạch tối mật, tôi lệnh cho các sĩ quan cao cấp có mặt trong phòng không được bàn về chương trình Island Tree hay những gì đã được nghe với bất cứ ai…" (Sử gia Mỹ Lewis Sorley đã chọn lọc từ hồ sơ kể trên để viết ra một cuốn sách mang tên Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes 1968-1972, Texas Tech University Press. Đoạn trích kể trên là ở trang 743, do Nguyễn Kỳ Phong cung cấp cho tác giả.) - Hệ thống đánh phá tự động có mật danh là Commando Huýt, gồm rất nhiều loại vũ khí mới, kéo dài suốt 3 năm, từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 3 năm 1972, chia làm 7 đợt có đánh số La Mã từ II đến VII, mỗi đợt kéo dài 6 tháng, với tổng số 300 ngàn phi vụ, trong đó có 3.100 phi vụ B.52. Tổng số bom của cả 7 đợt là 643 ngàn tấn các loại. Tính trung bình mỗi ngày có từ 180 đến 400 phi vụ không kích và 22 đến 30 phi vụ oanh kích của B.52 trên toàn dãy Trường Sơn. (Herman Gilster. The Air war in Southeast Asia. p. 18-21, 31-58, 218-224. Drew Middleton. Air War in Vietnam, p.99, 209) Về máy bay, có thể kể đến tính năng của một số loại máy bay đặc dụng của Mỹ trong hệ thống này: Dùng máy bay B.52 giội liên tục vào những vùng hiểm yếu để biến cả đất cả đá thành những lớp bụi dày hàng nhiều mét (B.52 có lượng bom gấp 10 đến 15 lần các máy bay thường). Không có máy ủi nào ủi hết được lớp đó. Mà xe thì không thể đi qua được một bãi bụi có thể lún ngập cả mui xe. Bom B.52 cũng biến những con đường hiểm trở bên sườn núi thành những bãi đá hộc khổng lồ, ngay cả dùng xe ủi cũng khó dọn dẹp, huống chi dùng sức người, làm sao dọn xong được trong một hai tiếng đồng hồ để xe đi qua! Dùng loại máy bay AC-130, chuyên đánh vào ban đêm nên có tên là "diều hâu đêm", trang bị các phương tiện phát hiện từ trường, dùng tia hồng ngoại để nhìn rõ mọi vật trong đêm, xác định tín hiệu phát ra từ máy nổ của xe cộ để xác định mục tiêu và điều khiển loại pháo 40 ly tự động tìm diệt mục tiêu. Loại máy bay này khi mới xuất hiện đã gây tổn thất rất lớn cho các đoàn xe đi đêm. Vì dù xe có tắt đèn vẫn bị bắn trúng. Khi hệ thống đường Hồ Chí Minh đã trở nên chằng chịt nhiều, thì giàu như nước Mỹ cũng không đủ bom để ngăn chặn tất cả các tuyến đường. Mỹ bắt đầu chọn những điểm hiểm yếu. Đó là những đoạn đường đi qua vách núi hiểm trở. Không quân Mỹ tập trung đánh vào khoảng trước 12 giờ đêm, là lúc xe đã rời những trạm xuất phát nhưng chưa vượt qua đoạn đường này. Vậy là xe sẽ ùn tắc lại từ 12 giờ đêm, đường rất hẹp nên xe không thể quay đầu trở lại điểm xuất phát. Tờ mờ sáng không quân Mỹ sẽ nhìn rõ mục tiêu để đánh phá. Dùng máy bay thám báo hiệu OV-10, bay rất cao nên dưới đất không nhìn thấy và cũng không nghe được tiếng động, có máy quan sát từ rất xa để phát hiện mọi hiện tượng khả nghi dưới đất, báo về trung tâm để gọi máy bay tới. Về bom đạn, cũng muôn hình vạn trạng: (Những tài liệu về các loại bom dưới đây là trích theo Nguyễn Việt Phương. Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyền thoại. sđd, tr.327-322. Chúng tôi chưa có điều kiện so sánh với tư liệu gốc của phía Mỹ) - Bom công phá nổ ngay có nhiều loại, tùy mục tiêu: Bom điện quang EO: Bom nặng 1-2 tấn, có camera lắp ở đầu giúp bom tự tìm đến mục tiêu, chuyên dùng để hủy diệt các công sự kiên cố. Bom "tinh khôn" được dẫn bằng tia laser lao trúng mục tiêu... AVE PATH là loại bom nặng 2.500 pound, có dù gắn ở đuôi. Ruột bom chứa đầy chất Propane (khí đốt). Bom cấu tạo nổ trên cao 5-8 m tạo ra một áp suất rất lớn, sẽ quét sạch mọi vật dưới hình chiếu của nó. - Bom công phá nổ chậm cũng có nhiều loại khác nhau, phối hợp với nhau. Có thứ bom nổ chậm theo giờ. Có thứ bom nổ khi có chấn động của đoàn xe đi qua. Có thứ bom nổ khi có sóng từ hoặc tia hồng ngoại phát ra từ những xe cơ giới chạy qua... Loại bom này thường được không quân Mỹ tập trung ném vào những đoạn sông có phà chở xe đi qua hoặc những đường ngầm để xe lội qua, ở những chỗ đó, bom thả xuống nước thì không có công binh nào có thể lặn mà tháo bom. BLU-31: Loại bom 705 pound, khi lao xuống sẽ chui sâu vào lòng đất. Lúc xe đi qua, bom được kích thích bởi từ trường hoặc tiếng động, sẽ nổ tung. Nếu đào để phá bom thì cuốc xẻng nhiễm từ và tiếng động cũng làm cho bom nổ. MK-36: Bom có sức phá rất lớn, thường được thả vào các trọng điểm như lưng đèo, đường qua hẻm núi, bến phà... Bom nằm chờ sẵn, khi một vật gì có trọng tải lớn đi qua (tăng, pháo...) thì nổ. - Loại bom sát thương người, có: Dùng bom bi thả tràn lan trên các tuyến đường. Bom bi có bom mẹ chứa từ 400 đến 800 quả bom con. Khi thả bom rơi cách mặt đất gần 100 m thì bom mẹ nổ vỡ làm đôi, văng tất cả số bom con ra một khoảnh rộng khoảng 1ha. Bom con nổ khi chạm đất, văng ra hàng ngàn viên bi khắp mọi phía. Có khoảng 30% số bom con không nổ ngay, mà chỉ khi bị va chạm thì mới nổ. Bom bi nổ gây thiệt hại rất nặng nề về người và xe cộ. Chỉ cần một viên bi bắn vào két nước là xe không chạy được. Chỉ cần một viên bi bắn vào bình xăng là xe không chạy được, thậm chí bị cháy, chỉ cần một viên bi bắn vào người lái xe cũng đủ làm cho xe tê liệt... Đây là một trong những đòn đánh rất ác liệt của không quân Mỹ. Chính bom bi đã từng gây tổn thương cho cả xe và người, làm cho nhiều đội xe tê liệt hàng tháng. WAAPM: Bom vướng nổ đồng loạt hàng trăm quả. Bom rơi xuống nằm khắp rừng, không nổ ngay, chờ "sự lay động" bất thần nổ tung ra hàng vạn mảnh sát thương. M-36: Loại bom nhỏ đựng trong "thùng", mỗi thùng có 182 quả. Khi thùng bom vỡ tung ra thì những quả bom con thay nhau nổ cả trên cao và dưới mặt đất. Bom này có tính năng sát thương trên phạm vi rộng. CBU-24: Bom tròn tương tự như quả lựu đạn. Khi nổ văng hàng trăm viên bi, bộ đội thường gọi là “bom bi". CBU-49: Bom nhỏ như bom bi, cỡ quả na, có 4 cái mắt. Trong quá trình rơi thì tự quay và tung ra 4 sợi dây màu xanh nhạt. Những sợi dây đó quàng vào bất cứ vật gì nó chạm phải, tạo thành “điểm tựa" giữ trái bom nằm im chờ nổ. Từ đó, bất cứ một va chạm nào như chuột, sóc chạy, chim nhảy, người đi qua vướng vào dây cũng khiến quả bom nổ tung. Do bị kích thích, những trái khác gần đó cũng nổ theo. Sự nguy hiểm của loại bom này là nó nhiều tới hàng trăm trái, có quả nằm dưới đất, có quả mắc cành cây, sườn núi. Có loại nổ ngay kéo dài 10-15 phút. Có loại nổ chậm. Có loại khi bị chạm thì nổ ngay. Có loại sau một thời gian tự nổ bất ngờ. Khi chúng nổ, diện sát thương rộng, có khi nấp dưới khe cũng dính mảnh. DRAGON TOOTH: Bom răng rồng, mỗi máy bay lướt qua rải xuống hàng ngàn trái nhỏ tựa như chiếc "vuốt cọp" rải khắp trong rừng, dọc đường giao liên, nhằm "chặt chân" bất cứ ai giẫm phải nó. GRAVEL: Hình dáng như viên đá cuội nhỏ. Ai giẫm phải nó nổ phá nát chân. Bộ đội Trường Sơn thường quen gọi là "bom sỏi". Ngoài ra, còn có các loại "bom túi", bom "châu chấu”, "mìn lá”, "mìn nhảy", "mìn nhện"... Tất cả các loại bom nhỏ này đều diệt bộ đội hành quân, diệt công binh cứu đường phá bom nổ chậm ... Hầu như khắp rừng và ở xung quanh các trọng điểm bom phá, hai đầu bến lội v.v... đều có những loại bom này. Những ngày đầu, khi Mỹ mới rải những bom này thì bộ đội, thanh niên xung phong vì chưa có kinh nghiệm nên bị thương rất nhiều... Đợt CH V, để hình dung cụ thể cách đánh trong "Chương trình ngăn chặn mới", hãy thử xét một đợt tiêu biểu trong 7 đợt của Commando Huýt: Đợt CH V, diễn ra từ 10/10/1970 đến 30/04/1971, mà theo tính toán quân sự thông thường thì "Việt cộng" không tài nào chịu đựng nổi: “Trong chiến dịch này, bốn khung trọng điểm được chọn là Seng Phan (đường 128), đèo Phu La Nhích - Ta Lê (đường 20), đường 18 (đoạn dẫn về Tà Khống - Sê pôn) và đường 16 (ngay dưới vĩ tuyến 17, bên biên giới Lào). Nhìn vào bản đồ, những vùng yết hầu này là những đường độc đạo: Một bên là núi, một bên là sông (Seng Phan), hay bến sông buộc phải chờ qua cầu ngầm (Phu La Nhích - Ta Lê). Còn đường 18 và 16 là hai con đường ngắn nhất và duy nhất dể đi về đường 9. Ngoài ra, cuối hai con đường này là sông lớn, có thể dùng để chuyên chở hay thả hàng hóa trôi sông xuôi về phía Nam (một phương pháp vận tải được áp dụng rất nhiều ở những khung đường có nhiều sông). Trong chiến dịch CH V một ngày ngoài 27 đến 33 phi vụ B-52, trung bình còn có 300 phi vụ oanh kích của các phi cơ chiến thuật (F-4, F-105, A-4, A-7). Bình thường, tất cả các phi vụ hàng ngày được chia đều cho bốn khung trọng điểm. Tuy nhiên, đôi khi tất cả các phi vụ được dồn vào một khung nếu có ảnh thám không và máy báo động cho thấy công binh trên luyến đang cố gắng sửa chữa một khung đường nào đó. Một ngày bỏ bom tiêu biểu của CH V xảy ra như sau: B-52 bỏ bom ba lượt, sáng, trưa và tối. Khoảng giữa những phi vụ B-52 là các phi vụ chiến thuật. Một số phi cơ này trang bị bom nổ chậm, với ngòi nổ được gài từ 2 đến 36 tiếng đồng hồ. Bom nổ chậm dùng trong khoảng giữa các phi vụ B-52, có mục đích ngăn chặn hoặc làm đình trệ các đoàn công binh sửa chữa cho đến khi có phi vụ B-52 kế tiếp. Ban ngày, song song với các phi vụ oanh kích là các chuyến bay thám thính, không ảnh, để định lượng kết quả của các phi vụ ngày hôm trước. Thông thường, phía Mỹ có thể biết được ngay lập tức kết quả ngăn chặn lưu lượng xâm nhập: Nằm dọc và ngang các trục giao thông là những chuỗi máy truy tầm điện tử (cây nhiệt đới). Một chuỗi dài chừng hơn một cây số có năm đến bảy máy báo động và thu âm được "trồng" cách nhau 200-300 mét (Một "chuỗi" không có nghĩa là những máy báo động nằm dính chung với nhau trên một sợi dây. Chuỗi ở đây là phi cơ cắm những máy báo động này theo một số thứ tự liên tục dài từng cây số, để qua tín hiệu của từng máy trong chuỗi, có thể biết được cả trung tâm của đối tượng và xu hướng vận động của đối tượng). Từ những tín hiệu của máy báo động, kết quả ngăn chặn từ những khung oanh tạc được thẩm định mau chóng. Ngoài những phi vụ nói trên, hằng đêm còn có thêm khoảng 10 phi vụ AC-130, AC-119-K, dùng để săn lùng những đoàn xe vận tải lẻ, chạy thoát được từ những khung oanh tạc. Trung bình một B-52 chở được từ 26 đến 29 tấn bom (105 quả bom, 500 pound Anh; hay 42 quả bom 750 pound Anh). Các phi cơ chiến thuật thì chở 1,5 đến 3 tấn bom. Căn cứ vào trọng tải của các phi cơ trên, mỗi ngày bốn khung trọng điểm bi oanh tạc chừng 1700 tấn bom, tương đương 6.800 quả bom, 500 pound Anh. (The Air war in Indochina, p.p.218-224. Những chi tiết về trọng lượng chở bom và vũ khí trang bị của một số phi cơ điển hình trong chiến tranh Việt Nam trích theo Nguyễn Kỳ Phong, trong Dòng sử Việt, sđd, tr. 15 - 45.) 4.4. Biến mùa khô thành mùa mưa Đây là một kế hoạch tối mật của không quân Mỹ, có mật danh là Operation Poppey, được áp dụng ở Việt Nam từ năm 1966 và ở Hạ Lào từ 1969: Phun vào bầu trời Trường Sơn những đám mây nitrate bạc để tạo ra mưa lớn giữa mùa khô, làm cho mọi tuyến đường đều vô dụng. 4.5 Khai quang bằng chất độc hóa học Hàng triệu lít dioxin được thả xuống các khu rừng để triệt tiêu khả năng ngụy trang và ẩn náu của đối phương... Kế hoạch này mang mật danh kỳ cục là Ranch Hand, tức "bàn tay người chăn nuôi", mà tác dụng lại là hủy hoại lâu dài tất cả những gì là sự sống trên mặt đất và trong lòng đất, cùng sông nước, ao hồ... Vì đây là việc làm vô nhân đạo và có thể bị coi là phạm pháp trên đất Mỹ, và cũng khó có nước đồng minh nào của Mỹ chứa chấp, nên nó được bí mật xây dựng bên cạnh đơn vị không quân số 62 của quân đội Sài Gòn tại căn cứ không quân Nha Trang, mang danh hiệu trá hình là Không đoàn 14. Kế hoạch này được thi hành lần đầu từ năm 1962. Trong Nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi đã mô tả: "11.6.69: Khu rừng đầy những vết bom đạn, những cây còn lại bị úa vàng vì chất độc. Cả người cũng đã bị ảnh hưởng chất độc, toàn thể cán bộ đều mệt mỏi bơ phờ, tay chân rũ rượi, ăn uống không nổi. Ai cũng muốn động viên chính bản thân và động viên đồng chí mình vậy mà vẫn có những phút cái lo âu hiện lên rõ rệt và đằng sau nó thấp thoáng bóng dáng của sự bi quan." (Trích trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm, đoạn viết ngày 11/06/1969.) Như vậy là "chiến trường điện tử" và "chiến tranh hóa học" không còn hạn chế trong việc ngăn chặn trên phạm vi hẹp, mà mở rộng ra toàn bộ không gian Trường Sơn, suốt chiều dài gần 1.000 km, chiều ngang 60- 70 km. Nhưng chỉ 2 năm sau, đến cuối năm 1970 thì hầu hết các chuyên viên sáng chế các chương trình tự động đó đều phải một lần nữa sửng sốt trước những thông tin chiến sự. Theo những con số do cơ quan tình báo chiến trường Mỹ cung cấp, từ năm 1969 đến năm 1970, mức thâm nhập qua đường Trường Sơn lên tới 348 đoàn, trong đó có 46 tiểu đoàn trang bị mạnh, 24.530 tấn vũ khí, có chuyến 335 máy bay các loại bí mật thả vũ khí xuống hành lang Lào... John Mc. Connell, Tham mưu trưởng không quân Mỹ nói: "Không lực Mỹ đang phái gánh chịu những tổn thất lớn trong cuộc chiến kỳ lạ dể giành những thắng lợi nhỏ nhoi... Tôi chưa bao giờ thất vọng như lúc này..." (Đoạn này trích của Nguyễn Việt Phương trong Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyền thoại, sđd, tập 1. tr.334, không thấy ghi rõ nguồn.) Vậy là từ sau khi "Tuyến Maginot phương Đông" bị chọc thủng, đến "Chương trình Igloo White" bị phá sản, từ năm 1970 trở đi, kỹ thuật quân sự Mỹ bế tắc, không tìm được lời giải đáp mới nào lạc quan. 4.6 Trực tiếp dùng bộ binh đánh phá và đóng chốt trên các tuyến đường Sau khi dùng đủ mọi phương tiện hiện đại mà vẫn không đạt được mục đích, cả "Hàng rào Mcnamara" lẫn "Chương trình ngăn chặn mới" đều không ngăn chặn được con đường Hồ Chí Minh, giới quân sự Mỹ quyết định quay về giải pháp cổ điển là trực tiếp đưa bộ binh vào đánh chặn con đường này. Thực ra ý tưởng này đã xuất hiện từ lâu, từ sau khi hàng rào Mcnamara bị vô hiệu hóa. Nhiều tướng lĩnh của Mỹ nghĩ rằng chỉ dùng không quân, hệ thống bom mìn và những máy móc thám báo không có tác dụng, nên cần trực tiếp đưa quân đội và vũ khí bộ binh để chặn đứng con đường này. Họ tính rằng dù có phải dùng tới nhiều sư đoàn và hàng ngàn máy bay thì vẫn "rẻ" hơn nhiều lần so với số quân đội phải đương đầu với đối phương trên các mặt trận ở miền Nam nếu không ngăn chặn được sự tiếp tế ở miền Bắc. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn gặp nhiều trở lực ở mặt trận quốc tế, đó là việc xâm phạm chủ quyền của các nước Lào và Campuchia, vì muốn làm như vậy phải xin phép Quốc hội. Vì lý do đó nên suốt thời kỳ Tổng thống Johnson còn đương chức, quân đội Mỹ không dám thực hiện ý đồ này. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV) chỉ được phép tung những nhóm thám báo và thả biệt kích vào những khu rừng rậm trên tuyến đường này để bí mật theo dõi các đoàn người và xe qua lại, nghe lén điện thoại của các binh trạm trên Trường Sơn... rồi báo cáo về cho cấp chỉ huy, không được đánh phá các mục tiêu. Nhưng từ khi Nixon lên làm Tổng thống, con người cứng rắn và liều lĩnh này đã quyết định và được nhiều tướng tá ủng hộ, trong đó có tướng Westmoreland lúc đó là Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam. (Tuy nhiên Mỹ cũng không được tự do hành động trên đất Lào như một số sách báo đã mô tả. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, mỗi lần cho máy bay oanh tạc trên đất Lào, MACV phải xin phép bên dân sự Bộ Ngoại giao Mỹ. Mục tiêu và tọa độ ném bom phải được Đại sứ Mỹ ở Vientiane thông qua trước 48 tiếng. Khó khăn đó của không quân Mỹ chính là một thuận lợi mà phía Việt Nam đã triệt để lợi dụng.) Để thực hiện ý đồ này, Mỹ đã tổ chức nhiều đợt hành quân. Trong đó tiêu biểu nhất là cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 719", là một chiến dịch đồ sộ nhằm cắt ngang hệ thống đường Hồ Chí Minh. Chiến dịch này mở đầu từ ngày 08/02/1971, với sự tham gia của hơn 40 nghìn quân Sài Gòn, 6.000 quân Mỹ, gần 600 xe tăng và xe bọc thép, hơn 300 khẩu pháo hạng nặng, khoảng 1.000 máy bay, trong đó có hơn 60 máy bay lên thẳng để trực tiếp đổ bộ sau chiến dịch "Phượng hoàng vồ mồi" đánh chiếm các điểm xung yếu, các hệ thống kho tàng trên đường Hồ Chí Minh. Để quốc tế hóa chiến dịch này, Mỹ còn huy động cả quân đội của Thái Lan và quân đội phái Hữu của Lào để tham gia một số mũi tiến công. Chiến dịch này kết thúc vào ngày 23/03/1971. Theo những số liệu của không quân Mỹ cung cấp thì trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã phá được phần lớn hệ thống kho tàng, hạ sát được 13 ngàn chiến sĩ Giải phóng, phá hủy được 500 xe vận tải. Con số này cũng trùng khớp với con số của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Việt Nam MACV công bố trong buổi họp mật ngày 25/03/1971. Họ coi đó là một trong những trận đánh thành công nhất trong chiến tranh Việt Nam. (Project CHICO: Commando Hunt V, p.p.72-74 (trích theo tài liệu do Nguyễn Kỳ Phong cung cấp cho tác giả, Dòng sử Việt, sđd, tr.25). Đến ngày 05/06/1971, MACV lại nhận được tin tình báo mới cho biết số thương vong của quân Giải phóng là 16.224 người (Theo Vietnam Chronicle: """