"27 Bài Học Tự Cổ Vũ Bản Thân 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 27 Bài Học Tự Cổ Vũ Bản Thân Ebooks Nhóm Zalo 01 Nhật ký thay đổi của “Tiên sinh Nam Quách” 02 Ông vua phá hoại kỳ quái 03 Cách bắt cá khác biệt 04 Nhật ký thay đổi của “Người biết rồi” 05 Tập thành đại lực sĩ 06 Lý tưởng của Văn Long 07 Kẻ trộm gặp phải Văn Long 08 Tớ là quân nhân 09 Trẻ bán báo tạm thời 10 “Mọt sách” học năng khiếu 11 Hoa cẩm chướng không tàn 12 Nhiệm vụ bí mật 13 Bài học giờ Mỹ thuật 14 Ngày thứ năm đáng sợ 15 Cuộc trò chuyện đặc biệt 16 Cái đuôi của Văn Long 17 Dũng cảm nhận lỗi 18 Đứa bé đen 19 “Vua thông minh” bị ốm 20 Thí nghiệm kẹo ngọt 21 Bí mật không thể nói 22 Nhật ký của “chúa nghịch ngợm” 23 Hà Dương keo kiệt 24 Đố kị là ma quỷ 25 Biểu diễn từ thiện 26 Trận đấu giữa “vua” “chúa” 27 Sức mạnh của sự tôn trọng “Tại sao các bạn đều không chơi với mình?”, “Mình có phải là đứa trẻ tệ nhất thế giới không?”, “Mình thực sự, thực sự rất ghét cậu ấy!”… Trời ơi! Bao nhiêu là vấn đề! Làm trẻ con thật là khổ! Sao mình mong lớn nhanh đến thế! Đừng lo lắng! Trốn tránh vấn đề không phải là biện pháp giải quyết tốt nhất. Trên con đường trưởng thành, chúng ta chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, sẽ có lúc cảm thấy bực dọc, buồn bã, lo lắng… Khi đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ phát hiện thấy đôi khi mình nghịch ngợm như Văn Long, có lúc lại nhỏ nhen như Hà Dương, rồi có lúc lại là một cô bé hay làm nũng mẹ ở nhà như Trúc Giang… Vậy là chúng ta hoàn toàn không cô đơn, những người bạn cùng độ tuổi với chúng ta cũng gặp phải những vấn đề khó khăn tương tự. Thế nên đừng buồn nhé! Tất cả những điều chúng ta tưởng chừng là tồi tệ đều không có gì to tát cả. Mỗi biến cố, thử thách đều sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sự trưởng thành của chúng ta. Vậy, hãy cùng thưởng thức những câu chuyện thú vị trong cuốn sách này nào. Sự trải nghiệm cùng nhân vật chính có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn những khó khăn trong cuộc sống, từ đó có ý chí rèn luyện và trưởng thành lành mạnh! Hà Dương là “Vua thông minh” được cả lớp công nhận. Nhưng cậu học sinh thường ngày vẫn tự hào là học sinh ưu tú này lại là học sinh cá biệt trong mắt thầy giáo dạy nhạc. - Hà Dương, khi hát thì phải hát đúng nhạc, đừng có lạc điệu đi như thế, hiểu không? - Thầy Khang dạy nhạc cau mày nói. Hà Dương luôn khiến thầy lo lắng trong bất cứ tiết dạy nhạc nào. - Bạn ấy không chỉ là “vua thông minh“ mà còn là cao thủ sai nhạc nữa đấy ạ! - Văn Long không bao giờ bỏ qua cơ hội nào để trêu chọc Hà Dương. Vừa nghe nói như vậy, các bạn khác trong lớp đều bật cười. Thầy Khang liếc Văn Long một cái, rồi lại nói với Hà Dương: - Cuộc thi tốp ca sắp tới rồi, em về nhà phải luyện tập thêm đấy nhé! Tan học, Văn Long nói lớn: - Cuộc thi lần này chắc có người phải trốn đi rồi! Để không thành “Tiên sinh Nam Quách”. Cả lớp đều biết “có người” mà Văn Long nói là ai, bởi vậy ai cũng bụm miệng cười. Mặt Hà Dương đỏ bừng, cậu nghĩ: “Mình không làm Tiên sinh Nam Quách đâu, mình không tin là không hát được bài này”. Về nhà, Hà Dương giở vở nhạc ra nghiêm túc tập luyện. Ngoài thời gian học hát trên lớp, hầu như cậu chẳng tự hát bao giờ. Cậu thấy hơi ngượng, chỉ dám cất tiếng khe khẽ: - Hãy mang tiếng hát của tôi về nhà, hãy để lại nụ cười của bạn… - Hà Dương hát hết lần này tới lần khác, sau khi cậu tin tưởng rằng mình đã hát được thì bất giác cất cao giọng. - Con trai, con làm ơn đừng hành hạ mẹ nữa! - Cuối cùng mẹ Hà Dương không chịu nổi, bịt tai nói. - Bình thường con toàn làm bài tập, sao hôm nay lại ngồi hát như thế? Vừa tự tin một chút thì lại bị làm cho mất hứng, Hà Dương lập tức xị mặt xuống, ấm ức nói: - Con đang tập hát mà! Lần này con không muốn làm “Tiên sinh Nam Quách” trong cuộc thi tốp ca nữa đâu. Mẹ nghe Hà Dương nói vậy, liền cầm quyển nhạc phổ lên, quả quyết nói: - Nào, ngày trước mẹ rất giỏi văn nghệ đấy nhé, hôm nay mẹ sẽ giúp con tập hát. Đúng là mẹ Hà Dương hát rất hay. Cứ hát xong một câu là mẹ lại bảo Hà Dương hát theo ngay. Cho dù như vậy thì Hà Dương vẫn bị sai nhạc một cách nghiêm trọng. - Hà Dương, con phải nắm chuẩn các nốt nhạc chứ! Đừng sai nhạc như thế. Hà Dương ra sức gật đầu, chăm chỉ hát theo mẹ, nhưng vẫn sai nhạc. - Nhạc ơi là nhạc, sao lại làm cho mình mệt đến thế này! - Hà Dương vò đầu bứt tai, mồ hôi túa ra như tắm, trong lòng thầm kêu khổ. Lúc này, cậu nhớ ra mỗi lần bị sai nhạc, thầy dạy nhạc đều đánh đàn piano và yêu cầu cậu hát theo. - Đúng rồi! Mình phải tìm ra một thứ giúp mình nắm chuẩn được âm. Cậu chạy vào nhà kho, lôi cây đàn điện tử mà hồi nhỏ từng dùng ra. Hà Dương bảo mẹ đánh đàn điện tử, còn cậu thì hát theo. Chà! Lần này thì cậu nắm đúng được các nốt rồi, không còn sai nhạc rõ ràng như trước nữa. Tối hôm đó, Hà Dương hát cả trăm lần, nếu mẹ không yêu cầu cậu dừng lại để tránh làm phiền hàng xóm thì chưa chắc Hà Dương đã nghỉ ngơi! Cậu vui vẻ nằm trên giường, cảm thấy mình đã tiến bộ rất nhiều, trong lòng thầm nghĩ: “Ngày mai mình phải tập hát tiếp, nhất định không được trở thành Tiên sinh Nam Quách”. Mấy ngày sau đó, cho dù là đi học, nghỉ giải lao hay tan học, cứ có cơ hội là Hà Dương lại ngâm nga hát. Các bạn đều ngạc nhiên hỏi: - Hà Dương trở thành cái loa phát nhạc từ khi nào ấy nhỉ? Thầy Khang rất kinh ngạc trước sự tiến bộ của Hà Dương. Thầy nói, một người hát sai nhạc trầm trọng như Hà Dương còn không sợ thất bại, sau nhiều lần luyện tập đã có thể hát được như thế, thì tin rằng tất cả mọi người đều có thể giành được thành công bằng sự nỗ lực của mình. Cuộc thi hát tốp ca lần này, Hà Dương đã có thể vui vẻ và tự tin đứng lên sân khấu cùng các bạn. Tháng 12 năm 1877, phòng thí nghiệm của Edison bị hỏa hoạn. Ngọn lửa càng lúc càng dữ dội, cậu con trai Charles rất lo lắng cho sự an nguy của bố, tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng cũng tìm thấy ông sau một đống đổ nát. Edison đang đứng đối diện với đám cháy, bất lực nhìn ngọn lửa lúc đó thiêu rụi mọi thứ, mái tóc bạc bay trong gió… Nhìn dáng vẻ đáng thương của bố, Charles cảm thấy xót xa và thương bố vô cùng. - Bố đã 67 tuổi rồi mà còn gặp phải một chuyện xui xẻo như vậy… - Anh lau nước mắt, đang định lại gần an ủi bố. Không ngờ Edison vừa nhìn thấy con trai liền nói lớn: - Charles, mau tìm mẹ con đến đây, có lẽ cả đời này bà ấy cũng không được nhìn thấy cảnh tượng này lần thứ hai. Ngọn lửa cuối cùng cũng được dập tắt, nhưng phòng thí nghiệm đã hóa thành tro, tổn thất lên tới hơn 2 triệu đô la Mỹ. Edison tới hiện trường vụ cháy, nhìn đống tàn tích, cảm động thốt lên: - Tai nạn cũng có giá trị của nó. Sai lầm của chúng ta khi trước đều đã bị thiêu rụi rồi. Cảm ơn Thượng đế, bây giờ con đã có thể bắt đầu lại từ đầu. …Ba tuần sau vụ hỏa hoạn, Edison đã phát minh ra chiếc máy quay đĩa đầu tiên trên thế giới. Nhà phát minh người Mỹ. Trong đời mình, ông có khoảng hơn 1.000 phát minh, được mệnh danh là “Ông vua phát minh”, có cống hiến to lớn cho văn minh và sự tiến bộ của nhân loại. Mỗi khi gặp phải khó khăn, cảm thấy cuộc sống thật tối tăm, không nhìn thấy tương lai, thì âm nhạc giống như ánh mặt trời chiếu rọi tâm hồn chúng ta. Cuộc sống của chúng ta không thể thiếu âm nhạc, vậy bạn đã bao giờ để ý tới thói quen nghe nhạc của mình chưa? Âm nhạc có thể giúp chúng ta tăng khả năng chống lại áp lực đấy! Hãy thử bài trắc nghiệm dưới đây nhé! Thói quen nghe nhạc của bạn là gì? A Khi nào có thời gian thì nghe. B Thích dùng Mp4 hay các công cụ nghe nhạc khác để có thể nghe bất cứ lúc nào. C Thích vừa nghe vừa hát. D Khi sử dụng công cụ nghe nhạc bỏ túi, thích khi tua nhanh, khi tua chậm. Chọn A: Tâm trạng ức chế. Chỉ số chống lại áp lực: 70% Chọn B: Tính tình cởi mở. Khả năng chống lại áp lực: 90% Chọn C: Lo lắng quá độ. Chỉ số chống lại áp lực: 40% Bạn có thể bình tĩnh đối mặt với vấn đề, ít khi tâm sự với bạn bè, thường tự kìm nén dẫn đến tâm trạng ức chế. Hãy nhớ, phải học cách thả lỏng tâm trạng của mình bạn nhé! Có thể coi áp lực là động lực trong cuộc sống. Khi gặp phải vấn đề khó giải quyết, bạn còn có thể chủ động nhờ bạn bè giúp đỡ, biết cách giải tỏa áp lực. Tâm trạng dễ thay đổi tùy vào diễn biến của sự việc, khi gặp khó khăn thì sẽ lo lắng tới mức quên ăn, quên ngủ, khả năng chống lại áp lực rất thấp. Chọn D: Trốn tránh áp lực. Chỉ số chống lại áp lực: 60% Không quan tâm tới những sự việc khiến mình khó chịu, bởi vậy cuộc sống đối với bạn không có áp lực. Bạn không có ý định chống lại áp lực và “trốn tránh” nó một cách bướng bỉnh. Người thông minh tuyệt đối không ngồi một chỗ khóc thương cho thất bại, họ sẽ lạc quan tìm kiếm biện pháp để cứu vãn sự việc. Shakespeare Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều chuyện vui vẻ, nhưng cũng sẽ gặp phải nhiều nỗi khó khăn, Văn Long thường buồn rầu vì làm bài thi không tốt, Hà Dương lại thường buồn vì chẳng có bạn học nào quý mến mình, ngay cả Trúc Giang tưởng như là hoàn mĩ cũng buồn vì bố mẹ không quan tâm tới cô… Nhưng cuộc đời con người giống như con tàu mải miết đi trên biển, không thể lúc nào cũng sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mà sẽ có lúc gặp phải bão táp mưa sa, quan trọng nhất là phải vững tay chèo lái con thuyền ấy, tin vào bản thân, đặc biệt là phải có quyết tâm, tiến về phía mục tiêu không ngừng nghỉ, kiên trì tới giây phút cuối cùng, như vậy mới có ngày ước mơ trở thành hiện thực. 2 Ông vua phá hoại kỳ quái Chuyện xung quanh ta - Trời ơi! - Sáng sớm, vừa mới đẩy cửa vào phòng, Nhất Đạt đã hét lên - Cục cưng, cục cưng của mình bị ai phá hoại thế này! Cục cưng gì khiến Nhất Đạt buồn như vậy nhỉ? Thì ra, đó là một tác phẩm điêu khắc của cậu và bố. Bố của Nhất Đạt là một nhà điêu khắc nổi tiếng, nhưng ông chưa bao giờ dạy con trai mình điêu khắc. Hồi nhỏ, Nhất Đạt từ làm nũng, khẩn cầu đến giận dỗi… dùng đủ mọi cách mà bố chỉ nói một câu: - Con trai, con tự thử đi. Không còn cách nào khác, Nhất Đạt dù còn rất nhỏ cũng đành tự bắt tay vào làm. Để tác phẩm hoàn mỹ hơn, cậu bắt đầu lén học theo kỹ thuật của bố. Cậu quan sát tỉ mỉ cách bố sử dụng các loại công cụ và ghi nhớ trong đầu. Cứ như vậy, vài năm sau, mặc dù Nhất Đạt mới chỉ là một học sinh tiểu học, nhưng cậu đã có thể điêu khắc được những bức tượng hình người hoặc hình động vật như ý muốn. Dần dần, Nhất Đạt trở thành một nhà điêu khắc tượng khá nổi tiếng trong trường. Nhưng bắt đầu từ năm nay, các tác phẩm của bố và Nhất Đạt thường bị người ta phá hoại. Điều này khiến cậu tức giận lắm! Đấy, mới được vài ngày yên ổn, đã lại gây chuyện rồi! Nhất Đạt hạ quyết tâm phải phá bằng được vụ án bí ẩn này, cậu bèn xỏ giày vào, chạy nhanh đi tìm người bạn tốt của mình - Văn Long. - Giúp mình với, Văn Long! Văn Long nhìn Nhất Đạt đang thở hổn hển, vội vàng hỏi: - Chuyện gì thế? Nhất Đạt kể một mạch những việc vừa xảy ra. - Ừm! Kẻ phá hoại này chắc chắn phải rất quen thuộc địa hình nhà cậu, hơn nữa lại chẳng lấy trộm cái gì, chỉ lấy trộm mấy món đồ không đáng tiền… - Văn Long suy nghĩ rất lâu rồi nói tiếp với Nhất Đạt: - Hay chúng ta thử dùng cách này… Cậu kéo Nhất Đạt lại gần, thì thầm vào tai bạn một hồi, Nhất Đạt gật đầu lia lịa. Nhất Đạt về tới nhà, vừa âu yếm con mèo con, vừa lấy đất sét ra làm tác phẩm mới. Bố ngồi cạnh cảm thấy rất lạ: Lần nào tác phẩm bị phá hỏng Nhất Đạt cũng buồn bã mấy ngày trời, sao hôm nay lại tỏ ra bình thản thế nhỉ? Bề ngoài Nhất Đạt tỏ vẻ thờ ơ, nhưng thực ra trong lòng cậu thì vô cùng đắc ý: - He he! Kẻ trộm, chẳng phải người thích phá hoại tác phẩm của mình sao? Vậy thì mình sẽ làm thật nhiều ”mồi câu”, để ”con cá” này ”cắn câu” mới được… Mấy ngày sau, tác phẩm của Nhất Đạt và bố đã bày đầy trong phòng. Xem ra đã đến lúc ”thu lưới” rồi. Hôm đó, Nhất Đạt nói với bố: - Bố ơi, lớp con tổ chức hoạt động dã ngoại hai ngày một đêm. Bố cho con đi nhé! Bố đồng ý ngay: - Được, con trai đi chơi vui vẻ nhé! Buổi tối hôm đó, Văn Long và Nhất Đạt trốn về nhà Nhất Đạt theo dõi tình hình. Hai cậu khom lưng, rón rén bò vào trong sân, phát hiện đèn trong phòng làm việc vẫn còn sáng. - Ha ha! Con cá cắn câu rồi! - Cả hai vui vẻ đánh mắt ra hiệu cho nhau, cùng lẻn tới sát cửa sổ, nhìn vào bên trong, Nhất Đạt lập tức xị mặt xuống, chẳng khác nào quả bóng hết hơi, buồn rầu nói khẽ: - Cái gì mà cá cắn câu? Bố tớ đang làm việc mà. Vừa mới nói xong thì một cảnh tượng khiến cậu kinh ngạc đã xảy ra: Bố cầm cái búa, đập nát tác phẩm của mình; sau đó lại đến trước tác phẩm của Nhất Đạt, bố nhìn ngắm từng tác phẩm rất lâu, với vẻ trân trọng, rồi giơ búa lên đập. Nhất Đạt sửng sốt, vội vã lao vào phòng làm việc: - Bố! Sao bố lại làm thế? Nghe thấy tiếng hét, bố đánh rơi cái búa trong tay, vội vàng giải thích: - Con trai, con nghe bố nói. Bố chỉ muốn con hiểu rằng, trên thế giới này không có cái gì là tốt nhất, chỉ khi không ngừng hành động, con mới làm ra được tác phẩm tốt hơn. Trưởng thành cùng người nổi tiếng Triết gia người Hy Lạp, Aristotle từng nói: “Hai quả bi sắt, một quả nặng 10 pound, một quả nặng 1 pound, đồng thời rơi xuống từ một độ cao, quả nặng 10 pound chắc chắn sẽ rơi xuống trước, tốc độ nhanh gấp 10 lần quả nặng 1 pound”. Vào thế kỷ XVII, câu nói này vẫn được coi là chân lý, nhưng một nhà khoa học trẻ tuổi người Ý tên là Galileo lại nảy sinh nghi ngờ: Nếu hai viên bi sắt buộc vào với nhau, quả rơi chậm sẽ hạn chế độ rơi của quả rơi nhanh, tốc độ rơi chắc còn chậm hơn tốc độ của quả nặng 10 pound; nhưng nếu coi hai viên bi buộc với nhau là một chỉnh thể, vậy thì có một chỉnh thể 11 pound, tốc độ rơi của nó phải nhanh hơn tốc độ của viên bi nặng 10 pound. Phương án nào là đúng đây? Thế là Galileo bỏ ra rất nhiều thời gian để làm thí nghiệm, giải quyết nghi hoặc trong lòng. Một hôm, Galileo đứng trên tháp nghiêng Pisa để làm thí nghiệm. Khi hai viên bi đồng thời rơi xuống đất, những người đứng xem đều không nén được tiếng kêu kinh ngạc, chúng đã tiếp đất cùng lúc, tốc độ rơi của bi sắt không liên quan gì tới trọng lượng của chúng. Vậy là chân lý chưa có ai hoài nghi suốt bao nhiêu năm đã bị thí nghiệm của Galileo phá vỡ như thế đó. Galileo Galilei (1564 - 1642) Nhà vật lý học, thiên văn học, toán học và triết học người Ý, người đi tiên phong trong phong trào thí nghiệm khoa học cận đại, được ca ngợi là “cha đẻ của khoa học”. Thí nghiệm nhỏ Hãy cùng bắt tay vào làm một thí nghiệm nhỏ theo hướng dẫn dưới đây, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều việc tưởng chừng không thể làm được, đến khi bắt tay vào làm lại trở nên rất dễ dàng đấy. Phân loại bột tiêu và muối Ôi! Bạn lỡ tay làm đổ lọ tiêu và muối, khiến hai thứ lẫn vào với nhau, làm thế nào để phân loại chúng đây? Nguyên liệu Bột tiêu, muối, đũa, thìa nhựa, đĩa nhỏ. Thao tác 1 Chuẩn bị sẵn muối và bột tiêu. 2 Đổ hai thứ vào bát, dùng đũa trộn đều. 3 Sau khi cọ xát thìa nhựa lên quần áo, đặt thìa lên trên bát. 4 Bột tiêu sẽ dính vào thìa nhựa. 5 Khẽ chuyển động thìa nhựa xuống dưới. 6 Muối sẽ dính lên thìa. Nguyên lý Khi thìa nhựa cọ xát với quần áo sẽ sinh ra tĩnh điện, bởi vì trọng lượng của bột tiêu nhẹ hơn muối nên khi đưa thìa nhựa có tĩnh điện lại gần, bột tiêu sẽ bị hút lên trước muối. Một người làm thế nào để nhận thức được bản thân? Chắc chắn không phải là thông qua suy nghĩ mà là thông qua thực tiễn. Goethe “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học“, bất cứ việc gì muốn làm tốt, chúng ta đều phải dành thời gian học tập và thực hành. Chúng ta muốn học bơi, nếu không ra bể bơi để luyện tập thì cho dù có thuộc lòng các bước bơi cũng không thể nào bơi được; chúng ta muốn chơi đàn piano, nếu không bắt đầu luyện tập từ các nốt đồ, rê, mi thì sẽ không bao giờ chơi được bản nhạc nào… Có thể, khi mới bắt đầu làm việc gì đó, chúng ta cũng giống như Nhất Đạt, tác phẩm làm ra còn thô vụng, nhưng như vậy cũng không sao. Chỉ cần có ước mơ, tin vào bản thân, không ngừng luyện tập, rèn luyện nhiều lần, tích lũy kinh nghiệm thì chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh, cuối cùng thực hiện được ước mơ của mình. Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu luyện tập ngay từ hôm nay nhé! Hôm nay, vừa học xong tiết thể dục, cô Vân đã tuyên bố một chuyện khiến cả lớp đều vui. - Các em, ngày kia, tức là thứ năm, lớp chúng ta sẽ có chuyến du lịch đầu xuân. - Cô Vân nói. - Du lịch đầu xuân? Nghe tin này, mắt ai cũng sáng lên. Đây quả là một tin tốt đẹp. Cô Vân nói tiếp: - Trong chuyến du lịch lần này, chúng ta sẽ tới một vùng quê, nơi đó có sông có núi. Các em đều thích nghịch nước nên lần này chúng ta sẽ tổ chức “Cuộc thi bắt cá”. Các em có thể tự do tổ chức thành từng nhóm, nhóm nào bắt được nhiều cá nhất sẽ đạt giải nhất. - Oh yeah! Thật tuyệt! - Cả lớp hào hứng reo lên: vừa tha hồ nghịch nước, lại vừa được bắt cá, có ai mà không thích cơ chứ! Ai cũng đua nhau tìm nhóm cho mình. Văn Long, Nhất Đạt, Văn Chương và Thế Hùng đương nhiên thành một nhóm rồi. Cuối cùng, ngày thứ năm mong đợi cũng đến. Nhìn thấy cái đầm rất rộng ngay trước mắt, ai cũng vui vẻ hét lên, vội vàng bỏ giày, lội xuống nước. - Suỵt! Khẽ thôi các em! - Cô Vân ngăn học sinh lại. - Khi bắt cá, các em đừng làm ồn, nếu không cá sẽ chạy khắp nơi, các em không bắt được đâu. Cả lớp vội vàng im bặt. Lúc này, từng nhóm lần lượt lội xuống đầm, cuộc thi bắt cá bắt đầu. Nhìn kìa! Hà Dương đang nín thở, chăm chú nhìn theo một con cá, nhẹ nhàng lại gần nó, sau đó nhanh nhẹn giơ hai tay ra bắt, một lúc lâu sau mới chịu buông tay! Hả! Lòng bàn tay chẳng có gì cả. Văn Long cũng ngồi không yên, cậu cũng theo dõi một con cá, rồi thoắt cái lấy hai tay vồ lấy nó, không ngờ, con cá vẫn chạy thoát. - Bắt thế này thì bao giờ mới được một con? - Văn Long nghĩ bụng. Cậu nhìn ra xung quanh, mọi người chẳng ai dám thở mạnh, tất cả thận trọng di chuyển trong nước, nhưng vẫn chưa bắt được con cá nào. Phải một lúc lâu, nhóm của Trúc Giang mới bắt được hai con cá bé xíu. - Không ổn rồi! Chúng ta phải nghĩ cách khác thì mới có thể bắt được cá. - Văn Long nhìn ra xung quanh. - Ha ha! Có rồi. - Không yên tĩnh được thì mình làm ngược lại: thật ồn ào. - Cậu ghé tai nói với Thế Hùng, Văn Chương và Nhất Đạt. Bốn cậu bạn cùng cười lớn rồi vỗ tay. Ha ha! Không tin là lần này họ không bắt được cá. Bốn bạn nhỏ đi ra giữa đầm, cúi xuống ra sức đào, đào thành một cái hố sâu, sau đó bốn bạn cùng lùi về bốn góc, Nhất Đạt hát lớn, Văn Long ra sức giậm chân, Văn Chương thì vừa hát vừa nhảy… Nghe thấy tiếng huyên náo, tất cả mọi người cùng ngẩng đầu lên, không hiểu nhóm Văn Long đang làm gì thế nhỉ? Cô Vân đứng trên bờ càng sốt ruột hơn, ra sức ra hiệu cho nhóm của Văn Long yên lặng. Nhóm Văn Long không để tâm đến sự nhắc nhở của cô Vân, vẫn vừa hát vừa nhảy, rất ồn ào. Cuối cùng cô Vân không nhịn nổi sự tức giận, bèn tiến lại gần. - Các em làm gì thế? Cá bị các em dọa chạy hết rồi, còn đâu mà bắt nữa. - Cô nhìn này. - Văn Long kiêu hãnh chỉ tay vào cái thùng nước nhỏ. Cô Vân giật mình: - Gì thế này? Các em bắt được nửa thùng cá cơ à? Vậy thì hãy kể lại kinh nghiệm của mình đi, để các nhóm khác còn học theo! - Thưa cô, chẳng phải cô từng nói âm thanh khiến cá chạy về chỗ sâu hơn sao? - Văn Long nói. - Thế nên bọn em đào một cái hố ở giữa, sau đó tạo tiếng ồn từ bốn phía, bọn cá sợ quá chạy hết về cái hố. Thế là bọn em chỉ việc đến đó bắt thôi. Nghe Văn Long giải thích, cô Vân vô cùng kinh ngạc, một lúc sau cô mỉm cười, khen: - Ý tưởng này đúng là rất sáng tạo! Ngày 10 tháng 3 năm 1876, “Watson, hãy tới đây, tôi cần anh!”, đó là câu nói đầu tiên được phát ra trong chiếc điện thoại. Câu nói được truyền đi từ phòng thí nghiệm của Bell và Watson, và đó cũng là câu nói trong chiếc điện thoại đầu tiên của loài người. Nhưng ít ai biết rằng, phát minh vĩ đại này nảy sinh từ một gợi ý rất bất ngờ. Một hôm, Bell và Watson đang ở trong hai căn phòng để thí nghiệm máy điện báo của họ. Lúc này, một miếng lò xo trên máy điện báo trong căn phòng của Watson bị dính trên một miếng sắt từ, Watson đưa tay ra kéo cái lò xo thì ở phòng bên kia, Bell kinh ngạc phát hiện ra miếng lò xo trên máy điện báo của mình cũng chuyển động và phát ra âm thanh. Phát hiện này khiến ông chợt nảy ra một suy nghĩ: Con người nói chuyện với một màng sắt mỏng sẽ khiến màng sắt bị rung, vậy nếu đằng sau màng sắt đó đặt một miếng sắt điện từ thì sự rung động của màng sắt sẽ tạo nên thay đổi khoảng cách với miếng sắt điện từ, khiến lực từ thay đổi, miếng sắt điện từ sẽ sinh ra dòng điện biến thiên tương ứng. Mà dòng điện này sẽ theo nguồn điện, truyền tới miếng sắt điện từ ở máy của người kia, như vậy lại khiến lực từ thay đổi, làm màng sắt rung động và sinh ra âm thanh. Nghe suy nghĩ của Bell, Watson rất tán đồng. Thế là hai người bắt đầu chuyên tâm vào nghiên cứu, cuối cùng đã chế tạo thành công chiếc máy điện thoại đầu tiên của nhân loại. Alexander Graham Bell là nhà phát minh, nhà khoa học người Scotland. Ông sinh ra và trưởng thành ở Edinburgh, Scotland, sau đó di cư đến Mỹ năm 1871 và trở thành công dân Mỹ năm 1882. Ông là người phát minh ra điện thoại, thành lập Công ty điện thoại Bell. Một hôm, nhà phát minh thiên tài Edison giao một cái bóng đèn cho trợ lý của mình tên là Upton, yêu cầu anh ta trong thời gian quy định phải tính ra dung tích của bóng đèn. Upton cầm bóng đèn nghiên cứu rất lâu, dùng thước dây đo chu vi, chiều cao của bóng đèn, còn làm rất nhiều phép toán trên giấy, viết kín các con số, liệt kê ra đủ mọi công thức, nhưng vẫn không tính được dung tích bóng đèn. Thời gian phải đưa ra câu trả lời đang đến gần. Đúng lúc ấy, Edison đi qua cửa phòng thí nghiệm, thấy Upton vẫn đang loay hoay với đủ thứ phép tính, ông mỉm cười lắc đầu, đi vào phòng, nói với Upton: - Để tôi chỉ cho anh biết một cách hay! Nói xong, Edison ghé tai nói với Upton điều gì đó. Nghe Edison nói xong, Upton mới bừng tỉnh, lập tức đi lấy dụng cụ thí nghiệm, làm theo cách của Edison, không lâu sau đó, anh đã tính được dung tích của bóng đèn. Edison đã nói gì khiến Upton bừng tỉnh? Hãy cùng động não và suy nghĩ nhé! Edison bảo Upton đổ đầy nước vào bóng đèn, rồi lại đổ số nước đó vào cốc chia độ, như thế là có thể tính ra được dung tích của bóng đèn rồi. Một người có tài năng thiên bẩm tuyệt đối không suy nghĩ theo cách của người bình thường. Stendhal Bạn biết không? Mỗi ngày trên thế giới này có biết bao nhiêu sự vật mới được sinh ra, mà những sự vật mới này xuất hiện là bởi những tư duy sáng tạo không ngừng của con người. Nó khiến mọi thứ xung quanh chúng ta nảy sinh sự thay đổi liên tục. Trong cuộc sống hay trong học tập, khi gặp phải những vấn đề khó giải quyết, bạn đừng bao giờ cư xử theo kiểu “nguyên tắc” hay cố chấp làm theo những kinh nghiệm sẵn có. Hãy căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết vấn đề bằng tư duy sáng tạo, hãy luôn để bộ não của bạn được hoạt động một cách tích cực nhé! 5 Tập thành đại lực sĩ Chuyện xung quanh ta Chiều nay, cô Vân cầm một tập bài kiểm tra đi vào lớp. - Tiết học này chúng ta sẽ làm bài trắc nghiệm số 8. - Cô Vân tuyên bố. Kiểm tra không có gì đáng ngạc nhiên, cả lớp chỉ ngạc nhiên bởi câu sau đó của cô Vân: - Thời gian kiểm tra lần này chỉ có 30 phút. - Hả! Ba mươi phút thì sao có thể làm hết bài tập được? - Cả lớp bàn tán xôn xao. Cô Vân ra hiệu cho học sinh yên lặng rồi nói tiếp: - Các em, kỳ thi cuối kỳ sắp đến gần rồi, để tất cả các em có kết quả thi tốt, chúng ta sẽ rút ngắn thời gian kiểm tra bài ngày hôm nay. Học sinh trong lớp còn chưa kịp phản ứng thì cô Vân đã nhanh chóng phát đề, sau đó nhìn đồng hồ rồi nói: - Chỉ có 30 phút. Các em phải trả lời câu hỏi thật nhanh. Bắt đầu tính giờ! Cô Vân vừa nói xong, các bạn đều nhanh chóng bắt tay vào làm đề của mình. Chớp mắt, 30 phút đã trôi qua. - Hết giờ! Các em mau hạ bút xuống và nộp bài. - Làm thế nào đây? Vẫn còn chưa xong! - Một số bạn trong lớp kêu lên. Văn Long lấy tay khều Hà Dương ngồi trước, hỏi: - Vua thông minh, cậu làm xong chưa? Hà Dương lắc đầu: - Chưa, còn một câu nhỏ nữa. Trúc Giang tỏ ra khó hiểu: - Vì sao bỗng dưng cô Vân lại rút ngắn thời gian kiểm tra nhỉ? Như thế sẽ khiến chúng mình làm bài không tốt! Minh Phương cũng chép miệng lắc đầu, tỏ ý mình không biết. - Tớ biết. - Sau lưng họ vang lên giọng nói rất lớn. Tất cả cùng quay đầu lại, hóa ra là bạn Văn Cường mới chuyển từ quê lên. - Sao cậu biết? Mau nói đi! - Mọi người đều vây lấy cậu. Văn Cường đưa tay ra, nói: - Đừng vội! Các cậu hãy thử đọ sức lực với tớ. Tất cả các cậu cùng vật tay với tớ, xem có thể thắng được không? Văn Long và ba người còn lại trong bang Nghịch ngợm nhìn nhau, không biết Văn Cường định làm trò gì? - Nào! - Văn Cường thấy mọi người còn chần chừ thì giục. Bốn người thấy cậu khích như vậy bèn lao đến. Nhưng kết quả, dù có cố gắng thế nào, họ cũng không thể vật đổ được cánh tay Văn Cường. - Kỳ lạ thật! Một mình cậu địch lại bốn người. - Văn Long rất khâm phục Văn Cường. Văn Cường cười nói: - Có gì đâu! Cuối tuần này mời các cậu đến nhà tớ chơi là sẽ biết được đáp án. Hóa ra bí mật nằm ở nhà Văn Cường! Bang Nghịch ngợm bắt đầu mong ngóng ngày cuối tuần. Thứ bảy, bốn người bạn tới nhà Văn Cường như đã hẹn. Vừa mới vào nhà đã thấy bố của Cường chỉ vào phía góc của chuồng lợn, nói với Cường: - Đến giờ rồi, bế nó lên đi! Bốn người nhìn theo hướng bố Cường chỉ. Trời ơi! Đó là một con lợn nặng khoảng ba, bốn mươi cân. Liệu Văn Cường có bế được không? Thật bất ngờ, Văn Cường lại gần, sờ đầu con lợn rồi khom người xuống, cau mày, dùng lực bế con lợn lên. Mọi người đều kinh ngạc, trợn tròn mắt nhìn: - Sao cậu có thể làm được như thế? Bố của Cường cười nói: - Việc này phải tập luyện đấy. Khi con lợn này vẫn còn nhỏ, bác giúp Cường thực hiện bài “rèn luyện sức khỏe” hàng ngày, mỗi ngày bế nó đi quanh nhà hai vòng rồi lại quay về chuồng lợn, không bao giờ gián đoạn. Bây giờ con lợn lớn dần lên, trọng lượng cũng tăng dần lên, lực ở tay của Cường dần dần cũng khỏe hơn. Bốn người vỡ lẽ ra, đồng thanh nói: - Cô Vân rút ngắn thời gian kiểm tra cũng là đang “rèn luyện gánh nặng” cho chúng ta! Bí mật của tự nhiên Một cậu bé nọ nhìn thấy ổ kén trên cành cây. Cậu bèn mang ổ kén về nhà, muốn xem ổ kén đó sẽ biến thành bươm bướm như thế nào. Mấy ngày sau, trên ổ kén xuất hiện một vết nứt, cậu bé nhìn vào trong, thấy một con bướm đang vất vả vật lộn, cơ thể như bị thứ gì đó giữ chặt lại, không thể thoát ra ngoài… - Ôi! Con bướm đáng thương làm sao, mình phải giúp nó. - Thế là cậu cầm cái kéo cắt ổ kén, giúp con bướm thoát ra ngoài. Không ngờ, cơ thể con bướm co rút lại, đôi cánh khô quắt đi, không bay lên được, chẳng bao lâu thì chết. Nhìn con bướm chết đi, cậu bé buồn lắm. Cậu có lòng tốt nên mới làm như vậy, cậu không ngờ rằng con bướm phải trải qua quá trình tranh đấu vất vả trong ổ kén cho tới khi đôi cánh của nó đủ mạnh để thoát ra ngoài, lúc ấy nó mới trở thành một con bướm xinh đẹp và sống cuộc đời tự do phiêu du khắp nơi của mình. Con người cũng như con bướm nhỏ, phải trải qua rất nhiều khó khăn, rèn luyện, trắc trở, thất bại rồi mới dần dần trưởng thành. Đó là con đường tất yếu mà ai cũng phải đi qua. Vì vậy, chúng ta cần biết chịu đựng gian khổ và rèn luyện từ nhỏ. Rồi có một ngày, chúng ta sẽ phát hiện ra mình là người gặt hái được nhiều thành công. Trí nhớ có thể rèn luyện Các bạn có muốn bí quyết để học giỏi không? Trí nhớ là một yếu tố rất quan trọng đấy. Đại văn hào nổi tiếng người Nga, Lev Tolstoy nói: “Mỗi ngày tôi đều có hai bài luyện tập, một là bài tập buổi sáng và hai là bài tập trí nhớ. Mỗi buổi sáng tôi đều học thuộc bài và từ mới ngoại ngữ để kiểm tra và bồi dưỡng trí nhớ của mình”. “Bài tập trí nhớ” của Tolstoy chính là ”rèn luyện gánh nặng” cho trí nhớ. Vậy bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày chúng ta hãy đặt ra một mục tiêu và một nội dung ghi nhớ, chỉ cần tiến hành có kế hoạch thì trí nhớ của chúng ta chắc chắn sẽ được nâng cao. Hoạt động nhỏ Tổng kết Hà Dương đã áp dụng bí quyết này nên mỗi ngày bạn ấy lại tiến bộ thêm một chút! Chúng ta hãy mau bắt tay vào làm một quyển “Nhật ký rèn luyện trí nhớ” của riêng mình nhé. Muốn bước chân in được sâu thì đừng đi trên con đường bằng phẳng. Ngạn ngữ Bạn có muốn trở thành một người tài giỏi không? Vậy thì đừng quên rèn luyện trí nhớ và thể lực của mình nhé. Mỗi ngày hãy đặt ra cho mình một mục tiêu, gia tăng áp lực, kiên trì thực hiện, như vậy bạn sẽ ngày càng kiên cường và tự tin hơn! Trong cuộc đời mình, mỗi người đều sẽ phải trải qua nhiều khó khăn và vất vả. Chỉ cần chúng ta có mục tiêu, kiên định thực hiện nó, thì sẽ có ngày bạn kinh ngạc phát hiện ra là mình đã đạt được rất nhiều thành công. Văn Chương có một câu cửa miệng rất nổi tiếng là “biết rồi”. Không cần biết ai đang nói gì, đã nói xong hay chưa, cậu luôn vội vàng xua tay, ngắt lời họ và nói: - Biết rồi, biết rồi… Thế nên các bạn cùng lớp đều gọi cậu là “Người biết rồi”. Bạn bè trong lớp mỗi khi nói chuyện với cậu đều thấy rất khó chịu, bởi vậy đều đồng loạt yêu cầu cậu phải từ bỏ thói quen xấu này. Vậy là cả lớp cử lớp trưởng Trúc Giang đại diện nói chuyện với Văn Chương. - Văn Chương à, chúng tớ đều cảm thấy nói chuyện với cậu rất căng thẳng. Hy vọng khi nói chuyện với mọi người, cậu hãy chú ý lắng nghe, ngắt lời người khác là một hành vi rất không lịch sự. - Biết rồi. Lần sau sẽ sửa. - Văn Chương khiêm tốn tiếp nhận ý kiến của lớp trưởng. Không ngờ, mặc dù khiêm tốn nhận lỗi nhưng Văn Chương lại kiên quyết không chịu sửa. Những lần sau cậu vẫn lặp lại như thế. Lần này thì cả lớp chẳng còn cách nào. Chiều nay là tiết tự học cuối cùng. Văn Chương là thành viên đội bóng rổ của trường nên bị gọi đi tập bóng, buổi tập luyện kéo dài đến tận khi buổi học kết thúc: - Mau lên, mau lên. - Văn Chương vừa chạy vừa nghĩ. - Cầu trời bạn trực nhật đừng xóa mất bảng của mình! Bởi bài tập về nhà mà cô Vân giao đều ghi ở trên bảng. Văn Chương thở hổn hển chạy về lớp, các bạn đều đã về hết, chỉ còn lại Hà Dương trong lớp. Văn Chương vừa nhìn lên bảng, thấy vô cùng thất vọng vì bảng đã bị xóa sạch, chẳng còn chữ nào, chỉ còn lại mấy hình vẽ vô duyên. Văn Chương giận dữ hỏi Hà Dương: - Có phải cậu xóa bài tập trên bảng không? Hà Dương thản nhiên trả lời: - Đúng thế! Hôm nay tớ trực nhật. Ai bảo cậu về lớp muộn quá, cậu nhìn này, mọi người về hết rồi. - Được rồi, được rồi. - Văn Chương đang sốt ruột muốn về nhà nên chẳng buồn nói chuyện với Hà Dương. - Cậu mau nói cho tớ biết, bài tập môn văn hôm nay là gì? - Trang 29, phần luyện tập, câu số 1, 2, 3, 4… - Biết rồi, biết rồi. - Bệnh cũ của Văn Chương lại tái phát, cậu ngắt ngang lời Hà Dương rồi co giò chạy. - Còn nữa… - Hà Dương hét to sau lưng. Văn Chương như có phép tàng hình, thoáng cái đã chẳng thấy đâu. Hà Dương lắc đầu nói: - Đừng trách tớ nhé! Tại cậu không chịu nghe tớ nói hết đấy, đúng thật là… - Văn Chương, bài tập của cậu làm xong chưa? - Hà Dương thận trọng thăm dò. Văn Chương đưa tay ra làm dấu V, nói: - Làm đúng như những gì cậu nói. - Sao thế được? - Cậu nói thế là ý gì? - Văn Chương không phục, lập tức lôi phần luyện tập ra cho Hà Dương xem. Này! Như cậu nói, câu 1, 2, 3, 4. - Hôm qua tớ còn chưa nói xong thì cậu đã bảo “biết rồi, biết rồi”, sau đó chạy mất hút. Hà Dương mang vở bài tập ra: Còn phải viết một bài văn cảm nghĩ về tác phẩm mới học nữa. Văn Chương tái mặt: - Cái này… Làm thế nào đây? - Vừa nghĩ đến ánh mắt nghiêm khắc của cô Vân, cậu đã thấy mồ hôi toát ra ướt lưng. Đúng lúc này thì chuông vào lớp vang lên. Tiết đầu tiên là tiết của cô Vân. - Chào các em, các em làm xong bài tập hôm qua chưa? - Cô Vân mỉm cười hỏi. Cả lớp đều nhất loạt giơ tay, chỉ có một mình Văn Chương là cúi đầu thật thấp. - Văn Chương, sao thế? Vì sao em chưa làm bài tập? - Cô Vân lập tức nghiêm nét mặt. - Thưa cô, không phải em không làm, là… là vì… - Văn Chương bình thường vốn nhanh mồm nhanh miệng, nhưng giờ bỗng trở nên ấp úng. Cậu đành nhắm mắt chịu đựng những lời trách mắng của cô Vân, trong lòng thầm nghĩ: “Đáng đời mình!” Từ đó về sau, Văn Chương đã thay đổi thói quen không tốt trước đây. Bây giờ, cho dù bạn nói với cậu ấy nhiều thế nào đi chăng nữa thì cậu ấy cũng không ngắt lời bạn, ngược lại còn chăm chú lắng nghe nữa đấy! Joe Girard là nhân viên bán ô tô. Lần nọ, có một người nổi tiếng muốn mua xe của anh, anh giới thiệu một chiếc xe tốt cho người này. Người ấy rất hài lòng về chiếc xe, lập tức rút trong ví ra 10 nghìn đô la Mỹ. Khi thương vụ sắp thành công thì đột nhiên người nổi tiếng này lại thay đổi quyết định của mình. Joe buồn lắm, anh quyết định gọi điện hỏi người đó vì sao lại làm thế. - Rất tốt! Giờ anh có thể chăm chú nghe tôi nói được không? - Rất chăm chú ạ. - Điều đáng tiếc là hôm qua anh đã không nghe tôi nói bằng thái độ này. Một giây trước khi kí tên, tôi nói chuyện với anh về đứa con trai mà tôi rất tự hào, nhưng anh lại không có phản ứng gì. Joe không nhớ người khách nói chuyện với mình lúc nào, bởi khi đó anh hoàn toàn không chú ý nghe ông nói. Anh cho rằng mình đã thành công trong một vụ buôn bán hời, bởi vậy chỉ muốn nhanh chóng kí vào hóa đơn rồi đưa bạn bè đi đâu đó ăn một bữa. Chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Joe, từ đó, anh hình thành thói quen nghiêm túc lắng nghe lời người khác nói. Và chính thái độ phục vụ này đã khiến sự nghiệp của anh ngày càng phát triển, cuối cùng anh đã trở thành người bán được nhiều ô tô nhất trên thế giới. Nhân viên bán hàng nổi tiếng người Mỹ, liên tục 12 năm liền được vinh dự là nhân viên bán hàng thành công nhất thế giới. Kỷ lục bán ô tô mà ông duy trì được là trong 12 năm, trung bình mỗi ngày bán được 6 chiếc, tới nay vẫn không ai phá được kỷ lục đó. “Quang Lâm nói chuyện dài dòng quá!” “Sao chẳng ai quan tâm tới mình nhỉ?” Muốn biết đáp án không? Đó là vì bạn chưa học được cách lắng nghe. Lắng nghe có thể ảnh hưởng rất lớn tới việc học tập và cuộc sống của chúng ta! Bây giờ hãy tìm vài người bạn (càng nhiều càng tốt) để cùng chơi trò “cái loa thần kỳ”, rồi cùng xem kết quả như thế nào nhé. Những người tham gia ngồi thành hai hàng, trong thời gian quy định, người đầu tiên của hai hàng ghé sát tai người ngồi sau nói hai câu có nội dung giống nhau, lần lượt làm như vậy tới người cuối cùng, đội nào truyền lời xong trước và ít bị sai, thậm chí là không bị sai thì giành chiến thắng. 1 Viên bi thủy tinh màu đỏ ở dưới chiếc ghế dài hàng thứ ba bên trái của vườn trường. 2 Một cô gái tóc dài mặc áo màu đỏ đang đá cầu trên sân bóng. Bạn thấy trò chơi này có vui không? Chúng ta còn có thể tự nghĩ ra nhiều nội dung truyền lời khác nữa! Hãy mau mau chơi cùng các bạn mình thôi nào! Lắng nghe ý kiến hoặc lời đánh giá của người khác là một cách thể hiện sự tôn trọng, bởi điều đó chứng tỏ chúng ta thừa nhận người đối diện là người có chính kiến, tài giỏi, thông minh. Ngược lại, ngáp ngủ, lơ đãng hoặc nhìn đi chỗ khác là biểu hiện của sự coi thường. Hobbs Trò chuyện chính là nhịp cầu giao tiếp giữa người với người. Trong quá trình trò chuyện, lắng nghe là một yếu tố vô cùng quan trọng. Thử nghĩ xem, nếu Văn Chương biết chăm chú lắng nghe lời Hà Dương nói thì cậu sẽ không làm thiếu bài tập. Thực ra, muốn chăm chú lắng nghe không khó, chỉ cần khi người khác nói chuyện, bạn kiên nhẫn và tập trung, tự nhiên sẽ có thể trò chuyện một cách hiệu quả. Học cách lắng nghe, bạn sẽ phát hiện ra rằng, người sẵn sàng nói chuyện với bạn ngày càng nhiều, người sẵn sàng nghe bạn nói cũng ngày càng nhiều! 6 Lý tưởng của Văn Long Chuyện xung quanh ta Hôm nay, cô Vân yêu cầu cả lớp viết một bài văn về đề tài “lý tưởng của tôi”. Văn Long thường có rất nhiều câu hỏi, cô Vân vừa mới nói xong, cậu đã giơ tay thật cao. - Thưa cô, thế nào là “lý tưởng” ạ? Cô Vân nói: - Lý tưởng chính là mục tiêu mà em muốn đạt được, vì nó, em sẽ theo đuổi và phấn đấu đến cùng. Ví dụ, có người có lý tưởng trở thành nhà du hành vũ trụ, có người có lý tưởng trở thành giáo viên. Cô Vân nói xong liền đi họp và để các bạn ngồi trong lớp viết lý tưởng của mình. - Nên viết gì nhỉ? - Văn Long cắn bút suy nghĩ. Bỗng dưng mắt cậu sáng lên, có vẻ như vừa nảy ra ý tưởng hay lắm. Sau đó, cậu cắm đầu vào viết, chẳng mấy chốc đã xong. Đúng lúc cậu đang đắc ý đọc lại bài viết của mình thì Trúc Giang ngồi cạnh ghé đầu nói: - Văn Long, cho tớ xem lý tưởng của cậu là gì đi? - Trúc Giang vừa nói vừa nhanh tay giật lấy bài làm của Văn Long để đọc. - Lý tưởng của tôi là trở thành một nhà thiết kế khu vui chơi, tôi sẽ thiết kế ra nhiều đồ chơi thú vị hơn, hấp dẫn hơn. Các bạn và cô giáo sẽ không phải mua vé mà được chơi tự do… - Ha ha ha… - Trúc Giang không nhịn được nữa, bật cười nghiêng ngả, một lúc sau mới nói nên lời - Văn Long, cậu đúng là chúa nghịch ngợm! Đến cả lý tưởng của cậu cũng gắn liền với việc “chơi“. Hà Dương và Minh Phương ngồi bàn trước nghe nói vậy, cũng bật cười theo. Văn Long không chịu nổi sự cười nhạo của các bạn, liền nổi cáu: - Lý tưởng của tớ có gì không tốt? Làm người khác vui chẳng phải là điều tốt hay sao? Các cậu nói đi, các cậu thì có lý tưởng to tát gì để tớ học theo nào. Trúc Giang khó khăn lắm mới nín cười được, nói: - Lý tưởng của tớ là làm một nhà văn, tớ hy vọng mình sẽ nổi tiếng như J.K. Rowling, viết được một tác phẩm gây tiếng vang trên toàn thế giới… Cô bé vẫn chưa nói xong, Minh Phương đã chen ngang: - Sau này lớn lên, tớ sẽ là một nghệ sĩ. Hà Dương cũng không chịu thua kém, khẽ hắng giọng rồi nói: - Ước mơ của tớ là trở thành một nhà khoa học. Thì ra lý tưởng của các bạn học giỏi trong lớp đều rất cao xa, không phải trở thành nghệ sĩ thì cũng là nhà văn, nhà khoa học, Văn Long cảm thấy lý tưởng của mình so với các bạn thật là ấu trĩ. - Văn Long, mau thay đổi lý tưởng của cậu đi! - Trúc Giang khuyên. - Cậu mà nộp bài này thì chắc chắn cô Vân sẽ bắt cậu viết lại. Hà Dương, Minh Phương cũng gật đầu phụ họa: - Đúng đấy! Đúng đấy! Văn Long nói: - Tớ không sửa đâu! Mang lại niềm vui cho người khác chẳng lẽ không phải là ước mơ chính đáng? Tớ không sửa. - Chúng tớ cược rằng, lý tưởng của cậu chắc chắn không được cô giáo đồng ý. Nếu cô giáo yêu cầu viết lại, cậu phải mời bọn tớ ăn xúc xích nướng, mỗi người một cái; nếu không thì mỗi người bọn tớ mời cậu ăn một cái xúc xích nướng. - Cược thì cược, sợ gì? - Văn Long không hề do dự, chấp nhận lời cá cược của các bạn. Mấy ngày sau, cô giáo trả bài, Văn Long không những không phải viết lại mà còn được 8,5 điểm. Trúc Giang, Minh Phương và Hà Dương đành phải mời cậu đi ăn xúc xích. Mời bạn một cái xúc xích chẳng có gì to tát. Chỉ có điều, Trúc Giang, Minh Phương và Hà Dương đều không phục, vậy là liền đến tìm cô Vân: - Thưa cô, lý tưởng của Văn Long là trở thành nhà thiết kế khu giải trí, sao bạn ấy lại được điểm cao như thế? Cô Vân cười nói: - Mỗi người đều có lý tưởng của riêng mình, lý tưởng không phân biệt nghề nghiệp sang hèn. Quan trọng là các em có ý thức không ngừng nỗ lực để đạt được lý tưởng đó. Trưởng thành cùng người nổi tiếng Hơn 100 năm trước, có một cậu bé sống gần sông Tần Hoài. Tết Đoan ngọ hàng năm, người dân ven sông Tần Hoài đều tổ chức cuộc đua thuyền rồng, vô cùng náo nhiệt. Cậu bé cũng rất thích xem đua thuyền rồng như những người bạn khác. Năm 10 tuổi, vào đúng dịp tết Đoan ngọ, cậu bé bị ốm. Cậu đành nằm trên giường, chờ người bạn về kể cho nghe cuộc đua thuyền rồng năm đó. Chiều tối, người bạn quay về. Cậu bé vội vàng hỏi: - Mau kể cho tớ nghe về cuộc đua thuyền rồng hôm nay đi! Không ngờ, người bạn cúi đầu, mãi mới nói nên lời: - Cầu trên sông bị gãy rồi, rất nhiều người rơi xuống sông… Nghe được tin không hay này, cậu bé buồn lắm. Sau khi khỏi bệnh, cậu bé chạy tới bên bờ sông Tần Hoài, lặng lẽ nhìn cây cầu đã gãy. Lúc này trong lòng cậu thầm hạ quyết tâm: - Sau này lớn lên, mình sẽ trở thành một người xây cầu, cầu mình xây chắc chắn sẽ rất kiên cố, không bao giờ bị đổ! Từ đó, cậu bé luôn đặc biệt lưu ý tới những cây cầu. Ra khỏi nhà, gặp bất cứ cây cầu nào, cậu cũng nhìn ngắm, đánh giá rất tỉ mỉ, về đến nhà liền vẽ lại hình ảnh cây cầu mà mình nhìn thấy. Khi đọc báo, nếu gặp kiến thức liên quan tới cầu, cậu đều sưu tầm lại. Sau một thời gian dài nỗ lực, cuối cùng cậu bé cũng thực hiện được ước mơ, trở thành một chuyên gia xây dựng cầu. Cậu bé có lý tưởng và phấn đấu không mệt mỏi vì lý tưởng này chính là chuyên gia xây cầu nổi tiếng Trung Quốc - Mao Dĩ Thăng. Mao Dĩ Thăng (1896 - 1989) Kỹ sư nổi tiếng Trung Quốc, chuyên gia xây cầu, công trình vĩ đại nhất là xây dựng cầu bắc ngang sông Tiền Đường. Trắc nghiệm tâm lý Bạn có lý tưởng và tương lai tốt đẹp không? Hãy căn cứ vào tình hình thực tế của bạn để chọn một đáp án phù hợp nhất cho những câu hỏi dưới đây. Chọn A được 5 điểm, chọn B được 2 điểm, chọn C được 0 điểm. Cộng điểm của các câu lại và tính điểm tổng. 1 Đối với hoạt động tập thể, bạn có thái độ: ( ) A Nhiệt tình tham gia. B Không quan tâm. C Rất ghét các hoạt động này. 2. Với tiền tiêu vặt, bạn sẽ: ( ) A Lên kế hoạch cụ thể, cân bằng thu chi, hình thành thói quen tiết kiệm tiền. B Chỉ cần không phải xin bố mẹ là được rồi. C Hôm nay thích gì thì mua cái đó, không cần có kế hoạch. 3. Khi gặp phải khó khăn, bạn sẽ: ( ) A Tìm ra nguyên nhân gây ra khó khăn, coi những khó khăn này là một bài học và cơ hội để tích lũy kinh nghiệm. B Lo lắng, nghĩ cách tìm người giúp đỡ. C Khóc thương bản thân, thái độ tiêu cực, tuyệt vọng với tương lai. 4. Khi người khác phê bình bạn, bạn sẽ: ( ) A Bình tĩnh suy nghĩ ý kiến của người khác, nếu đúng thì chấp nhận; nếu không thì cũng không tùy tiện nổi giận, sau đó tìm cơ hội để giải thích. B Không quan tâm tới lời phê bình của người khác, không có phản ứng gì. C Tỏ ra bất bình vì lời phê bình của người khác, thậm chí là xảy ra tranh cãi. 5. Khi bạn bè gặp khó khăn, bạn sẽ: ( ) A Trước tiên phán đoán xem bạn mình gặp khó khăn gì, nếu cần được giúp đỡ thì lập tức giúp đỡ. B Không hỏi lý do, cố gắng giúp đỡ. C Cho rằng đây là việc của người khác, có thái độ khoanh tay đứng nhìn. Phân tích 20 điểm trở lên 10 - 19 điểm Dưới 10 điểm Ưu tú. Bạn có lý tưởng rất cao về cuộc sống và sự nghiệp của mình, có thể đối mặt với hiện thực, gặp phải khó khăn, trắc trở sẽ nghĩ cách để khắc phục, có thể hợp tác với người khác và thành công trong sự nghiệp. Trung bình. Bạn có ý thức nhất định về cuộc sống và sự nghiệp, cơ bản có thể đối mặt với hiện thực, đối với đa số các khó khăn, trắc trở, bạn đều nghĩ cách để khắc phục, nhưng có lúc cũng nảy sinh suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Nhận thức của bạn về các vấn đề chưa rõ ràng hoặc có quan niệm sai lầm, thiếu quyết tâm khắc phục khó khăn. Bạn phải rèn luyện nhiều hơn nữa thì mới có thể tạo ra một tương lai tươi sáng. Hoạt động của con người nếu không được lý tưởng khích lệ thì sẽ trở thành vô hồn và nhỏ bé. Chernyshevsky Đối với tương lai xa xôi, chắc hẳn mỗi người đều có kế hoạch riêng của mình. Chính vì mỗi người có một ý tưởng riêng về tương lai nên cuộc sống của chúng ta mới muôn màu muôn vẻ như vậy. Lý tưởng không phân biệt nghề nghiệp sang hèn, một xã hội vừa cần có các nhà khoa học, vừa cần có đầu bếp, vừa cần các nghệ sĩ, cũng vừa cần có người nông dân, thiếu bất cứ nghề nào cũng không được. Điều quan trọng nhất là sau khi đã có lý tưởng, không thể chỉ dừng lại ở việc suy ngẫm, mà chúng ta phải nỗ lực hành động để thực hiện lý tưởng đó! “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Ông bà nói câu này quả không sai. Tiết học cuối của buổi sáng vừa bắt đầu, Văn Long bắt đầu bị cái răng của mình hành hạ. Cô Vân hỏi có phải cậu đau lắm không, Văn Long nhăn nhó gật đầu. Để không ảnh hưởng tới việc học của các bạn trong lớp, cô Vân đưa Văn Long tới phòng y tế uống thuốc giảm đau và thông báo cho người nhà tới đưa cậu về nghỉ ngơi. Răng Văn Long tuy rằng còn rất đau nhưng trong lòng cậu thì vui lắm: - Ha ha! Đúng là trong họa có phúc! Mẹ đến trường đón Văn Long về nhà rồi lại phải tới công ty làm việc tiếp. Buổi trưa, người lớn đi làm, trẻ con đi học, khu nhà cậu vắng tanh, thi thoảng có bóng một vài người lướt qua. Ở nhà chỉ một mình, Văn Long chán nản ngẩng đầu lên nhìn cầu thang của tòa nhà, bất chợt phát hiện có hai người đi đi lại lại ở đó rất lâu, một người vừa cao vừa gầy, một người vừa thấp vừa béo, hai người họ đứng quay lưng về phía Văn Long, đang thì thào, dường như đang có âm mưu gì đó, hành vi vô cùng khả nghi. Văn Long không nén được tò mò, chạy lại gần. Nghe thấy tiếng bước chân sau lưng, tên cao gầy và tên thấp béo lập tức quay lại, hoảng hốt nhìn Văn Long. Văn Long tò mò ngắm nghía hai người đó, bọn họ hiển nhiên không phải là lao công, vậy thì cứ lén lút ở đây làm gì nhỉ? - Rốt cuộc họ là ai? - Văn Long băn khoăn. - Họ là nhân viên chuyển phát nhanh? Hay là… Tên cao gầy và tên thấp béo cũng giật nảy mình. Vừa nãy bọn chúng đã quan sát rất lâu, xác định là xung quanh chẳng có ai, sao tự nhiên lại có một thằng nhóc con lao ra thế này? Tên thấp béo thoáng run rẩy, tờ giấy và cái bút trong tay rơi xuống đất. Văn Long thấy thế, vội vàng ngồi xuống nói: - Để cháu nhặt giúp chú. - Cậu vừa nói vừa nhặt tờ giấy và cái bút lên. Đồng thời liếc nhanh vào tờ giấy, trên đó viết mấy số nhà “101, 102, 103, 201”, đằng sau mỗi số nhà đó còn có một ký hiệu mà Văn Long không hiểu. Văn Long trả tên thấp béo giấy bút rồi cười hỏi: - Chú ơi, các chú đang làm gì thế? - Bọn chú… bọn chú… - Tên cao gầy và tên thấp béo nhìn nhau, sau đó ấp úng nói. - Bọn chú ở công ty gas, tới xem đồng hồ gas. Văn Long lại cười hỏi: - Ồ! Thế sao các chú không mang theo sổ như mọi người ạ? - Hả! À, sổ… - Hôm nay bọn chú quên mang. Tên cao gầy vừa nói vừa đánh mắt ra hiệu cho tên thấp béo đứng cạnh. - Bọn chú… bọn chú phải đi làm việc đây. Tên cao gầy và tên thấp béo đều ấp úng nói rồi vội vàng bỏ đi. Văn Long đứng trước cửa nhà, càng nghĩ càng thấy bất thường. Cậu cảm thấy hai người này thật kỳ lạ, thứ nhất, nói là người của công ty gas mà chẳng mặc đồng phục, không có sổ ghi chép; thứ hai, công ty gas hàng tháng tới xem đồng hồ hoặc kiểm tra định kỳ đều thông báo trước, nhưng mấy ngày nay lại chẳng thấy thông báo gì cả! - Chẳng lẽ bọn chúng đến để dò la tình hình trước? - Nghĩ đến đây, Văn Long lập tức bỏ bàn tay đang ôm má ra, cơn đau răng hình như không còn dữ dội như trước nữa. Cậu quay người lại, thấy tên cao gầy và tên thấp béo đang đi về phía bên kia tòa nhà. Cậu định kêu lên, nhưng buổi trưa vắng vẻ chẳng có một ai, phải làm thế nào đây? - Mình không được hô to, bởi hô to là bọn chúng sẽ chạy thoát mất. - Văn Long nghĩ, bèn vội vàng về nhà gọi điện báo công an. - A lô, chú công an, chỗ cháu là… Chuyện sau đó không cần phải nói, các chú công an đã tóm gọn hai tên trộm đang chuẩn bị bỏ trốn. Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán của Văn Long, đúng là chúng tới để dò la tình hình. Khi các chú công an đến nhà tặng Văn Long giấy khen, mẹ kinh ngạc hỏi: - Văn Long, con giúp các chú công an bắt được kẻ trộm thật hả? Văn Long xua tay, làm ra vẻ chuyện này nhỏ lắm: - Dạ! Có gì đâu! Con còn kém xa cậu bé trong phim Ở nhà một mình mà! Một hôm, vua hài Chaplin đang đi trên đường, bỗng dưng một tên cướp lao ra, một tay kẹp chặt cổ ông, tay còn lại gí súng vào đầu ông, hung hãn nói: - Mau đưa ví tiền đây, nếu không ta sẽ lấy mạng ngươi. Trước tên cướp hung ác này, Chaplin biết nếu mình chống lại hắn thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Thế là ông không hề phản kháng, ngoan ngoãn cho tay vào túi lấy ví ra đưa cho tên cướp và nói: - Đây không phải là tiền của tôi, là của ông chủ tôi. Nếu anh mang số tiền này đi, ông chủ chắc chắn sẽ cho rằng tôi đã biển thủ tiền công và sẽ đuổi việc tôi. Người anh em, làm ơn hãy bắn một phát vào cái mũ trên đầu tôi để chứng minh rằng tôi bị cướp, được không? Tên cướp cười cười đếm tiền trong tay rồi nói: - Chuyện nhỏ này đương nhiên là ta làm được. Thế là hắn giơ cao khẩu súng trong tay, bắn hai phát vào mũ của Chaplin. Chaplin lại cầu xin: - Người anh em, anh làm phúc thì làm cho trót. Xin hãy bắn thêm mấy phát vào quần tôi, để ông chủ tôi tin tưởng hơn. Tên cướp vốn là một kẻ đầu óc đơn giản, thấy tiền là tối tăm mặt mũi, thế nên hắn răm rắp làm theo lời ông, bắn hết 6 viên đạn trong nòng súng. Lúc này, Chaplin đã chuẩn bị từ trước, nghiến răng, giơ tay lên, đấm mạnh vào người tên cướp, lấy lại được cái ví và mỉm cười đi về nhà. Diễn viên điện ảnh, đạo diễn và là một danh hài kiệt xuất của nước Anh. Khi gặp hỏa hoạn, nên làm thế nào? Chúng ta hãy cùng xem những hướng dẫn sau đây nhé. Chúng đều là những kiến thức hữu dụng đấy. 1 Tranh thủ thời gian, mau chóng thoát khỏi đám cháy Đừng lãng phí thời gian quý giá vào việc mặc quần áo hay tìm đồ vật. Khi phát hiện có hỏa hoạn thì phải lập tức tìm “cửa ra” và rời đi theo chỉ thị của người lớn. 2 Phản ứng nhanh, trốn chạy đúng hướng Khi hiện trường có khói dày đặc, hãy cúi thấp người xuống hoặc là bò sát mặt đất, để không bị khói làm cho ngạt thở; quần áo trên người khi chẳng may bắt lửa, hãy mau cởi ra hoặc lăn tròn trên đất, dập tắt ngòi lửa. 3 Chọn đường đi, nhất quyết thoát khỏi đám cháy Nếu lửa không quá to thì có thể khoác lên người quần áo thấm nước hoặc khoác chăn lên để lao ra ngoài; nếu lửa to thì hãy sử dụng dây thừng hoặc ga giường, xé thành miếng nhỏ buộc thành thừng, một đầu buộc vào chỗ chắc chắn, đầu còn lại thả xuống và leo ra từ cửa sổ. 4 Trốn khỏi nơi cao, chú ý an toàn Khi lửa cháy to, có khả năng nguy hiểm tới tính mạng thì có thể nhảy xuống qua cửa sổ nếu ở độ cao vừa phải. Khi nhảy xuống, cố gắng nhảy vào giữa đệm cứu sinh hoặc trước khi nhảy ném chăn màn, đệm ghế salon xuống để làm giảm chấn thương. Nếu không có vật đệm thì phải nhảy ở chỗ cửa sổ hoặc ban công, nhảy xuống theo tư thế thẳng tự nhiên, trước khi chạm đất, hai tay ôm chặt đầu, cơ thể co lại để giảm bớt tổn thương. 5 Tranh thủ thời gian, chờ cứu hộ Khi các con đường chạy thoát đều bị cắt đứt, hãy sử dụng các biện pháp chống khói, chống lửa, đóng chặt cửa sổ và tưới nước lên cửa sổ để kéo dài thời gian bén lửa, phải dùng khăn ướt để bịt miệng và mũi, chờ cứu hộ tới. Bạn đã nhớ hết những phương pháp này chưa? Chỉ ghi nhớ các phương pháp đối phó khi hỏa hoạn là chưa đủ, quan trọng nhất là bạn phải giữ bình tĩnh nhé! Không ai vì học vấn mà trở thành bậc trí giả. Học vấn có được có thể là do chăm chỉ, còn nhanh trí lại phụ thuộc vào trí tuệ trời sinh. John Selden Trong đời người, ai cũng có lúc gặp phải một vài tình huống nguy hiểm không thể dự đoán trước. Người yếu đuối, nhát gan, thiếu trí tuệ khi gặp phải tình huống nguy cấp sẽ tỏ ra hoảng hốt, luống cuống; còn người dũng cảm, có trí tuệ khi gặp phải những vấn đề này sẽ nhanh trí tìm cách giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề một cách thông minh, nhanh trí, thường ngày hãy chú ý học hỏi các kiến thức liên quan tới việc xử lý những tình huống nguy hiểm, hãy chịu khó động não. Chỉ có như vậy, khi sự việc xảy ra, bạn mới có thể bình tĩnh, xử lí vấn đề kịp thời. Cố lên! Chắc chắn bạn sẽ làm được. 8 Tớ là quân nhân Chuyện xung quanh ta Văn Chương có một người cậu tên là Trung Hiếu, cậu nhập ngũ từ khi Văn Chương còn nhỏ, sau đó lại đi học, tốt nghiệp trường quân sự, trở thành một sĩ quan nổi tiếng trong quân đội. Hôm nay, cậu Trung Hiếu về thăm người thân. Văn Chương đã mấy năm không được gặp cậu Trung Hiếu rồi. Lần này được gặp thật là sung sướng! Cậu thầm tự hào trong lòng. Cậu Trung Hiếu cao 1m85, lưng thẳng, vai rộng, lông mày rậm, mắt to, mặc dù khi về thăm mọi người cậu không mặc quân phục, nhưng trong mắt Văn Chương, cậu vẫn rất ”oách”. Văn Chương vô cùng hâm mộ cậu, cả ngày cứ mở miệng là nói “cậu Trung Hiếu của tớ”, khiến cả hai người bạn thân là Văn Long và Nhất Đạt cũng trở thành ”fan hâm mộ” của cậu Trung Hiếu. Kỳ thi học kỳ vừa kết thúc, còn lâu nữa mới hết ngày, cả ba nghĩ nếu về nhà sớm thì quả là lãng phí thời gian. Vậy là Văn Chương đề nghị: - Này! Bọn mình chơi trò đánh trận đi. - Ừ! Ý hay đấy Văn Long. - Nhất Đạt nghe vậy thì mắt sáng lên, hào hứng đồng ý. Văn Chương muốn làm sĩ quan, mặc dù hai cậu bạn kia đều không đồng ý nhưng cũng phải chấp nhận! Nhất Đạt thật thà thì bị bắt làm binh sĩ, còn Văn Long lém lỉnh bị bắt làm quân địch. Trò chơi bắt đầu. Kẻ địch Văn Long chạy thật xa rồi trốn đi. Sĩ quan Văn Chương ra lệnh cho binh sĩ Nhất Đạt chặn kẻ địch ở ngã tư, còn mình thì chạy ra cánh đồng tìm kiếm. Tiết trời mùa xuân giống như tâm trạng của trẻ con vậy, thay đổi nhanh liên tục. Lúc trước trời nắng đẹp như thế mà giờ đã đổ mưa. Mưa càng lúc càng to, Văn Chương và Văn Long thấy vậy bèn vội vàng co giò chạy về nhà, chỉ có Nhất Đạt là vẫn đứng ở ngã tư. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, quần áo của Nhất Đạt đã ướt hết. Lúc này Trúc Giang cầm ô đi qua, thấy Nhất Đạt ướt lướt thướt như vậy thì gọi to: - Nhất Đạt, mưa to rồi, về nhà thôi. Nhất Đạt lau nước mưa trên mặt, kiên định nói: - Không được! Giờ tớ là quân nhân, không có lệnh của sĩ quan Văn Chương thì tớ không thể rời khỏi đây được. Trúc Giang chẳng hiểu gì, không biết Nhất Đạt định giở trò gì đây. Mưa to quá rồi, Trúc Giang khuyên thế nào Nhất Đạt cũng không đổi ý, cô bé đành đi tìm cô Vân. Cô bé nghĩ, có cô Vân thuyết phục nhất định Nhất Đạt sẽ nghe lời! Không ngờ, Nhất Đạt cũng không chịu nghe cô Vân. Mặc dù trời đã tối dần, quần áo ướt sũng, dính chặt vào người, nhưng binh sĩ Nhất Đạt vẫn nói với cô Vân: - Em là một quân nhân, không có mệnh lệnh của sĩ quan Văn Chương, em không thể rời khỏi đây. Cô Vân lo lắng lắm, dù vẫn chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân sự việc, nhưng nghe Nhất Đạt nói “mệnh lệnh của sĩ quan Văn Chương”, cô bèn vội vàng gọi điện thoại cho Văn Chương: - Văn Chương, mau đến trường hạ lệnh, bởi vì không có mệnh lệnh của em, Nhất Đạt không chịu về nhà. Văn Chương nghe thấy thế, ngại ngùng lắc đầu. Cậu không ngờ Nhất Đạt lại giống y một người quân nhân, nói được làm được, cậu cứ nghĩ trời mưa, Nhất Đạt rồi cũng giống mình, vội vã chạy về nhà thôi, không ngờ giờ vẫn ở đó. Cậu Trung Hiếu nghe nói đến chuyện này thì vội vàng kéo Văn Chương đứng lên, chạy như bay đến trường. Quả nhiên, ở ngã tư mà Văn Chương đã chỉ định, Nhất Đạt toàn thân ướt sũng, đứng bất động. Mưa quá to, cho dù cô Vân đứng sau lưng cậu che ô cũng không có tác dụng. Văn Chương vội vàng lại gần, nhưng bị cậu Trung Hiếu giữ lại. Rồi cậu Trung Hiếu đi về phía đó, giơ tay chào Nhất Đạt theo đúng kiểu nhà binh, nghiêm giọng nói: - Binh sĩ Nhất Đạt, tôi, Thượng úy Nguyễn Trung Hiếu, ra lệnh cho cậu lập tức về nhà. - Vâng! - Nhất Đạt run rẩy trả lời, rồi cũng giơ tay chào cậu Trung Hiếu cho dù động tác không đúng lắm, sau đó co giò chạy. Nhìn theo bóng Nhất Đạt khuất sau màn mưa, cậu Trung Hiếu thở dài: - Thằng bé là một quân nhân thực sự, rất đáng để chúng ta học tập! Văn Chương nghe cậu nói vậy, xấu hổ đỏ bừng mặt, lặng lẽ cúi đầu. Trưởng thành cùng người nổi tiếng Một hôm, một cậu bé khoảng 12 tuổi vui vẻ cùng chơi đá bóng với bạn. Không cẩn thận, cậu bé đá bóng trúng vào cửa sổ của một nhà gần đó làm kính cửa sổ vỡ tan. Chủ nhà lập tức chạy ra, nổi giận đùng đùng, lớn tiếng hỏi ai làm việc đó. Các bạn sợ hãi bỏ chạy hết, chỉ còn cậu bé. Cậu cúi đầu nhận lỗi và quay về nhà lấy tiền để đền. Về tới nhà, cậu bé gây ra chuyện rụt rè kể chuyện này cho bố nghe. Người bố lấy tiền ra rồi nghiêm khắc nói với cậu bé: - Cửa kính do con làm vỡ nên con phải chịu trách nhiệm bồi thường. Giờ bố trả tiền trước cho con, con phải nghĩ cách để trả số tiền này cho bố. Cậu bé gật đầu, lấy tiền của bố rồi chạy đến trả cho chủ nhà. Sau đó, cậu bé vừa vùi đầu vào học tập, thời gian rảnh rỗi lại đi làm thêm kiếm tiền. Cậu rửa bát đĩa ở nhà hàng, có lúc còn đi nhặt rác. Mấy tháng sau, cuối cùng cậu cũng kiếm được đủ 15 đô la để trả cho bố. Rất nhiều năm sau, cậu bé ấy đã trở thành Tổng thống Mỹ, ông chính là Reagan. Sau này, mỗi khi nhớ lại chuyện ấy, Reagan đều cảm động nói: - Sau lần đó, tôi hiểu rằng làm người nhất định phải có tinh thần trách nhiệm. Ronald Reagan (1911 - 2004) Tổng thống thứ 40 của Mỹ, được giới truyền thông gọi là “người trò chuyện vĩ đại”. Trắc nghiệm tâm lý Muốn biết mình có phải là người có tinh thần trách nhiệm hay không, chúng ta hãy thử làm bài trắc nghiệm này xem sao! Hãy điền “O” cho câu trả lời là “Có“ hoặc “X” cho câu trả lời là “Không“ vào trong dấu ngoặc nhé. 1 Hẹn gặp người khác, bạn có đến đúng giờ không? ( ) 2 Trước khi làm một việc gì đó, bạn có chuẩn bị trước không? ( ) 3 Phát hiện bạn mình làm sai việc gì đó, bạn có nói với cô giáo không? ( ) 4 Đi du lịch, không tìm được thùng rác, bạn có cất rác vào túi không? ( ) 5 Bạn có thường xuyên tập thể dục không? ( ) 6 Bạn có tránh ăn những loại thực phẩm ôi thiu hoặc thực phẩm có hại cho sức khỏe? ( ) 7 Bạn luôn ưu tiên việc chính, có thời gian mới làm những việc phụ khác? ( ) 8 Nhận được thư của người khác, bạn thường hồi âm trong khoảng một, hai ngày? ( ) 9 Hẹn với bạn bè rồi, bạn sẽ không bao giờ lỡ hẹn, cho dù bị ốm cũng không ngoại lệ? ( ) 10 Bạn có nộp bài tập đúng giờ không? ( ) Phân tích Chọn O được 1 điểm, chọn X được 0 điểm. 7 - 10 điểm 3 - 6 điểm Dưới 2 điểm Bạn là một người rất có tinh thần trách nhiệm. Làm việc thận trọng, hiểu lễ nghĩa, đáng tin tưởng và rất thành thật. Trong đa số tình huống, bạn rất có tinh thần trách nhiệm, thỉnh thoảng suy nghĩ chưa chu đáo lắm. Bạn là một người không có tinh thần trách nhiệm. Bạn trốn tránh trách nhiệm hết lần này tới lần khác, việc gì cũng không làm được lâu. Một người nên làm việc mà anh ta nên làm - cho dù là kết quả như thế nào, khó khăn nguy hiểm và áp lực như thế nào - đó nguồn gốc đạo đức của nhân loại. John Kennedy Đối với bất cứ ai, tinh thần trách nhiệm đều vô cùng quan trọng. Nó là tiêu chuẩn để làm việc, không có tinh thần trách nhiệm thì không thể có được thành công, giống như sự kiên trì của Nhất Đạt với trách nhiệm của một binh sĩ, đã không chỉ cảm động được cậu Trung Hiếu mà còn khiến chúng ta yêu mến. Trong cuộc sống, các bạn nhỏ nên hành động theo tinh thần trách nhiệm, ví dụ: vứt rác vào thùng rác, giúp mẹ làm việc nhà, làm những việc trong khả năng của mình… Có tinh thần trách nhiệm sẽ khiến bạn nỗ lực làm việc, cũng khiến bạn được người khác tin tưởng và tôn trọng, cuối cùng mới làm nên sự nghiệp lớn. Hãy bắt đầu cố gắng từ bây giờ các bạn nhé! - Văn Long, ra đây. - Mẹ đứng ở ban công gọi lớn. - Dạ! con ra ngay ạ! - Văn Long biết có chuyện chẳng lành nhưng vẫn lên tiếng đáp lại. Mẹ chống hai tay vào hông, giận dữ nhìn Văn Long đang đi tới. - Mẹ, có chuyện gì thế? - Văn Long thận trọng hỏi. - Này, con tự nhìn xem. - Mẹ vừa nói vừa đưa một cái túi về phía Văn Long. Văn Long nhìn kỹ lại. Ấy? Đây chẳng phải là túi rác mà lúc sáng cậu dọn phòng xong vứt ra sao? - Mẹ, đây là rác con vứt ra lúc dọn phòng mà, sao thế ạ? - Rác? - Mẹ càng giận hơn. Mẹ cúi xuống mở túi rác ra, nói. - Những thứ này vẫn còn dùng được mà gọi là rác sao? Này! Con xem, bút chì vẫn còn một nửa đã vứt đi, quyển sổ này vẫn còn dùng được, lại còn cái gọt bút chì nữa… Cuối cùng Văn Long cũng hiểu nguyên nhân khiến mẹ nổi giận rồi. Cậu thở phào, nói: - Ôi, mẹ ơi, con tưởng chuyện gì nghiêm trọng cơ. Những thứ này không dùng được nữa nên con vứt đi. - Sao lại không dùng được nữa? Những tờ giấy đã viết một mặt, vẫn có thể để làm nháp; nửa cây bút chì khó cầm thì cắm thêm cái “mũ” đồ chơi vào là được… Văn Long xoa đầu: - Mẹ, con xin mẹ. Những thứ này thực sự không dùng được nữa, chẳng nhẽ mẹ bắt con phải làm Grandet(1) à? Nghe Văn Long nói tới “Grandet”, mẹ khựng lại: - Con còn biết cả Grandet cơ à? Mẹ hy vọng con trở thành người tiết kiệm không tiêu tiền lãng phí, chứ hoàn toàn không bắt con thành một kẻ keo kiệt, bủn xỉn. - Vở dùng hết rồi mẹ còn bắt con lấy mặt sau làm nháp, như thế không phải là keo kiệt thì là gì ạ? - Văn Long đấu lý với mẹ. - Bướng thật! - Mẹ thầm nghĩ. - Mình nhất định phải khiến nó tâm phục khẩu phục mới được. Buổi chiều hôm ấy, mẹ đưa Văn Long đi siêu thị mua đồ. Vừa mới ra khỏi cổng thì gặp một ông lão bán báo. Đột nhiên, mẹ bảo Văn Long: - Văn Long, mẹ cho con tiền, con ra chỗ ông lão mua 10 tờ báo, sau đó mang đến cái cầu vượt đằng kia để bán, xem chúng ta mất bao nhiêu thời gian mới bán hết nhé. - Dạ vâng! Con cũng muốn thử làm trẻ bán báo một lần xem sao. - Văn Long cao hứng đáp rồi ôm đống báo đi về phía cầu vượt. Nhưng hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Văn Long rao bán một hồi lâu mà chẳng có khách nào ghé thăm. Nửa tiếng đồng hồ sau… - Chú ơi, chú mua một tờ báo đi! Hôm nay có nhiều tin hay lắm! Một chú đi qua gật đầu rồi móc tiền trong túi ra trả, trở thành khách hàng đầu tiên của Văn Long. Văn Long phải tốn không ít nước bọt và mồ hôi, đứng mấy tiếng đồng hồ dưới nắng, cuối cùng mới bán được hết 10 tờ báo. - Văn Long, con có cảm tưởng gì khi làm trẻ bán báo? - Mẹ bắt chước giọng điệu của phóng viên trên tivi, phỏng vấn Văn Long. - Cảm tưởng của con là: Kiếm tiền khó quá. - Văn Long nhìn số tiền trong tay, cảm động nói. - Mẹ, sau này con sẽ không lãng phí vứt đồ đạc nữa. Kiếm tiền thật là vất vả. Về tới nhà, việc đầu tiên mà Văn Long làm là chạy ra ban công, nhặt đống “rác” cậu vứt trong thùng rác lên. Mẹ cười thầm trong lòng: - Thằng nhóc này đúng là Grandet rồi. Bạn có biết người sáng lập công ty IKEA của Thụy Điển, Ingvar Kamprad không? Ông đã từng được xếp vào danh sách những người giàu có nhất thế giới, nhưng lại sống một cuộc sống vô cùng tiết kiệm. Kamprad ăn mặc vô cùng giản dị, cùng vợ sống trong một căn nhà rất bình thường ở Thụy Điển. Họ thường ghé thăm những quán ăn bình dân, thường tới siêu thị địa phương mua đồ ăn vào buổi chiều, khi mọi thứ đã giảm giá. Ông Kamprad nói: - Mỗi lần tiêu tiền, tôi thường hỏi bản thân, các khách hàng của IKEA có chịu đựng được giá này không? Có một lần, quê hương của Kamprad xây dựng một bức tượng chân dung ông, thị trưởng thành phố long trọng mời ông đến dự lễ cắt băng khánh thành. Sau khi nghi thức kết thúc, ông Kamprad xếp băng khánh thành cẩn thận rồi đưa cho thị trưởng, nói: - Ngài thị trưởng, dải băng này vẫn sử dụng được, xin hãy cất đi. Chuyện này nhanh chóng lan đi khắp nơi, rất nhiều người chê bai Kamprad thật hà tiện, nhưng ông nói: - Bởi vì tôi biết, nếu tôi theo đuổi cuộc sống xa hoa thì chỉ khiến người khác bắt chước. Là một người lãnh đạo, việc trở thành một tấm gương tốt rất quan trọng. Người thành lập công ty IKEA, Thụy Điển. Khi quét dọn phòng, dọn ra một đống đồ vô dụng, rất nhiều người sẽ ném chúng vào thùng rác. Chờ đã! Những quyển lịch cũ, những cốc giấy tưởng chừng như vô dụng thực ra vẫn còn có giá trị đấy! Bạn không tin à? Thử xem nhé. Lịch để bàn, nửa cái cốc giấy, giấy nhớ, giấy gói quà, ruy băng, hạt vòng. 1 Chuẩn bị một quyển lịch để bàn đã cũ. 2 Tháo rời các trang bên trong. 3 Dùng giấy gói gói lịch và cốc giấy lại cho thật đẹp. 4 Dán cốc giấy và giấy nhớ lên bìa lịch, bên cạnh dùng ruy băng, hạt vòng để trang trí, cốc giấy dùng để cắm bút, giấy nhớ có thể lấy ra để sử dụng. Từ những vật dụng cũ, có phải chúng ta đã tạo ra một món đồ mới rất đẹp và hữu ích không? Hãy thử động não, sưu tầm những thứ bỏ đi xung quanh, chúng ta có thể sáng tạo ra thành nhiều thứ thú vị khác rồi đấy! Xa xỉ sẽ phá hoại sự trong sáng của tâm hồn, bởi điều không may là, bạn đạt được càng nhiều thì sẽ càng tham lam, hơn nữa thường cảm thấy không thể thỏa mãn. Ingres Lớn lên bạn có muốn trở thành người thành công không? Vậy thì trước tiên hãy học cách tiết kiệm. “Thành nhờ tiết kiệm, bại do xa hoa”, câu này có ý nhắc nhở chúng ta thành công bắt đầu từ chăm chỉ và tiết kiệm, còn xa hoa, lãng phí chỉ khiến bạn gặp thất bại. Chân lý đơn giản này đã được đúc kết từ xưa, cho tới ngày nay vẫn còn giá trị, bởi vì rất nhiều người thành công, nổi tiếng đều có đức tính tốt này! Thật khó tưởng tượng một người từ nhỏ đã có thói quen lãng phí lại thành công trong sự nghiệp! Bởi vậy, hãy học cách tiết kiệm, tôn trọng thành quả lao động của người khác, bắt đầu từ việc trân trọng những thứ xung quanh mình. 10 “Mọt sách” học năng khiếu Chuyện xung quanh ta Mùa hè sắp tới rồi, nhà trường lại tổ chức rất nhiều lớp trại hè năng khiếu, có lớp dương cầm, lớp Taekwondo, lớp violin, lớp tiếng Anh, các bạn đều căn cứ vào sở thích để đăng ký với lớp trưởng Trúc Giang. Hà Dương vốn định đăng ký vào lớp tiếng Anh mà cậu thích. Nhưng lần trước bị Minh Phương cười nhạo, cậu đã quyết tâm tận dụng kỳ nghỉ hè này để học một môn năng khiếu nào đó, nhằm thay đổi hình tượng “mọt sách” trong mắt các bạn. Nhưng học gì bây giờ nhỉ? Vì câu hỏi này mà Hà Dương suy nghĩ rất lâu, cuối cùng cậu huých tay vào Minh Phương, đỏ mặt hỏi: - Này! Minh Phương, cậu nói xem tớ nên đăng ký vào lớp năng khiếu nào? Minh Phương đang làm bài tập về nhà, chẳng ngẩng đầu lên đã nói: - Lớp violin. - Nói rồi đưa cho Hà Dương một tờ báo. - Này, cậu xem đi, trên đó có viết, học violin có thể khiến con người trở nên thanh lịch hơn. - Thanh lịch hơn ? Được! Thế thì tớ đăng ký học lớp violin. - Nghe lời Minh Phương, Hà Dương lập tức đưa ra quyết định trọng đại. Mùa hè đã tới, các lớp năng khiếu của trường bắt đầu khai giảng! Hà Dương hào hứng tham gia vào lớp violin. Thành tích học của Hà Dương rất tốt, nhưng bắt cậu làm quen với nốt nhạc thì thật là khó, cậu không thể nào phân biệt được các nốt đô, rê, mi. Trong mắt cậu, các nốt nhạc đó chẳng khác gì những con kiến đang bò không theo hàng lối nào, khiến cậu chóng cả mặt. Cô giáo dạy violin cũng nhanh chóng bị Hà Dương làm cho thất vọng, tiếng đàn của Hà Dương nghe như tiếng chuột con nghiến răng, khiến cô cảm thấy rất căng thẳng. Đối với Hà Dương thì học violin còn khó khăn hơn cả việc học thuộc một quyển từ điển tiếng Anh. Cuối cùng, Hà Dương đành tuyên bố từ bỏ, cậu tới gặp cô giáo dạy nhạc: - Thưa cô, em không muốn tập violin nữa. Cô giáo rất hiểu việc một học sinh không có chút năng khiếu âm nhạc nào, có miễn cưỡng học thì cũng không thể thành tài được nên lập tức đồng ý cho Hà Dương rút lui. - Không kéo violin thì mình tập gì đây. - Hà Dương vừa đi vừa nghĩ, đúng lúc đó Văn Long từ lớp Taekwondo đi ra, va trúng phải cậu. - Này, Văn Long, cậu nói xem, tớ nên đăng ký vào lớp nào? - Đương nhiên là vào lớp Taekwondo rồi! Học Taekwondo thú vị lắm… - Văn Long vừa nói tới Taekwondo là chân tay liền múa may, thao thao bất tuyệt. - Thế thì tớ không học violin nữa, chuyển sang học Taekwondo. - Thấy Văn Long say mê như vậy, Hà Dương lại đưa ra quyết định mới. Ngày hôm sau, Hà Dương hào hứng tới lớp Taekwondo. Không ngờ, vừa mới bắt đầu đã gặp phải khó khăn. Tiết này là tiết học đá, thầy huấn luyện cầm một miếng gỗ đứng trước, yêu cầu các học sinh lần lượt nhấc chân lên tập đá. Học sinh đầu tiên kêu lớn một tiếng, rồi vung chân đá mạnh vào miếng gỗ, mặc dù không đá vỡ được miếng gỗ, nhưng động tác rất chuẩn; học sinh thứ hai cũng dễ dàng vượt qua bài luyện tập, sau đó là học sinh thứ ba, thứ tư… Cuối cùng tới lượt Hà Dương. Nhìn các bạn đều làm thành thạo, Hà Dương tràn đầy tự tin bước nhanh tới trước mặt thầy giáo, vừa nhấc chân lên, thì cậu cảm tưởng như chân mình đang đeo một tảng đá nặng hàng ngàn cân, không tài nào nhấc cao được. Thầy giáo cổ vũ: - Cao thêm một chút, sắp chạm vào tấm gỗ rồi. - A! - Hà Dương kêu to một tiếng, rồi tung chân lên, nhưng không đá trúng tấm gỗ mà còn bị căng cơ. - Ối! - Hà Dương đau đớn ôm đùi lăn lộn dưới đất. Lần đầu tiên cậu phát hiện ra, hình như mình chẳng có chút năng khiếu nào. Nghe tin Hà Dương bị thương, cô Vân vội vàng chạy tới, nói: - Sao em lại không có chính kiến như vậy? Chỉ em mới biết mình thích hợp với môn nào mà thôi! Hôm sau, Hà Dương lại chuyển tới lớp năng khiếu thứ ba, lần này chính là lớp tiếng Anh mà cậu thích. Quả nhiên, ở lớp tiếng Anh, cậu như cá gặp nước, nhanh chóng tìm lại được sự tự tin vốn có. Câu chuyện nhỏ, bài học lớn Ngày xưa có hai cha con cùng dắt lừa ra chợ bán. Họ đi trên đường, thấy có người chỉ trỏ: - Nhìn hai gã ngốc kia xem, có lừa không cưỡi mà lại đi bộ. Thế là ông bố bảo con trai cưỡi lừa, còn mình đi bộ. Hai cha con tiếp tục lên đường, lại gặp phải một đám người khác. Thấy cậu con trai trẻ tuổi cưỡi lừa, còn người cha già thì thở hổn hển theo sau, những người này giận dữ nói: - Con trai thật bất hiếu, còn trẻ mà cưỡi lừa, để cha đi bộ. Cậu con trai nghe thấy vậy, vội vàng nhảy xuống, bảo cha ngồi lên lưng lừa. Khi người cha cưỡi lừa, để con trai dắt lừa đi thì có người lại nói: - Cha gì mà chẳng thương con, ngồi chễm chệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ! Chẳng còn cách nào khác, hai cha con cùng leo lên lưng con lừa. Người đi đường nhìn thấy, lại nói: - Mau nhìn kìa, hai kẻ lười biếng, con lừa sắp gãy chân đến nơi rồi. Ông lão với cậu con trai nghe vậy khó xử, không biết phải làm thế nào. Cuối cùng, họ đành nai lưng khiêng con lừa ra chợ. Con người thường bị ảnh hưởng nhiều bởi lời khen chê của người khác. Tất nhiên chúng ta nên lắng nghe và tiếp thu ý kiến của những người thật sự muốn giúp đỡ mình, nhưng cũng không nên “dao động“ bởi những lời gièm pha vô thưởng vô phạt. Chúng ta phải học cách giữ chính kiến, nắm chắc số phận của mình trong tay, bởi bạn không thể nào nhận được sự tán đồng và khen ngợi của tất cả mọi người. Trắc nghiệm tâm lý Bạn có phải là người có chính kiến không? Hãy thử làm bài trắc """