"
2666 - Roberto Bolaño PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 2666 - Roberto Bolaño PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
2666
———★———
Tác giả
ROBERTO BOLAÑO
Người dịch
TRẦN TIỄN CAO ĐĂNG QUÂN KHUÊ
Đơn vị phát hành
NHÃ NAM
Nhà xuất bản
HỘI NHÀ VĂN
ebook©vctvegroup 21-03-2022
Tặng Alexandra Bolaño và Lautaro Bolaño
Một ốc đảo kinh hoàng giữa một sa mạc buồn chán. - CHARLES BAUDELAIRE
1
PHẦN VỀ CÁC NHÀ PHÊ BÌNH
Lần đầu tiên Jean-Claude Pelletier đọc Benno von Archimboldi là vào Giáng sinh năm 1980, ở Paris, khi anh mười chín tuổi và đang theo học văn chương Đức. Đó là cuốn D’Arsonval. Chàng Pelletier trẻ tuổi ngày ấy đã không nhận ra rằng cuốn tiểu thuyết là một phần của một bộ ba (gồm Khu vườn, với chủ đề nước Anh và Chiếc mặt nạ da, chủ đề Ba Lan, cùng D’Arsonval, rõ ràng mang chủ đề Pháp), nhưng sự thiếu hiểu biết, sơ suất hay khiếm khuyết về thư mục này, chẳng qua chỉ vì anh còn quá trẻ, không làm vơi đi chút nào sự kỳ diệu và lòng ngưỡng mộ mà cuốn tiểu thuyết khuấy động trong anh.
Từ ngày đó trở đi (hay từ những giờ khắc tinh mơ khi anh kết thúc sự đọc thơ trẻ của mình) anh trở thành một nhà nghiên cứu Archimboldi nhiệt thành và khởi cuộc kiếm tìm thêm những tác phẩm khác của tác giả này. Đó chẳng phải là công việc dễ dàng. Tìm được sách của Benno von Archimboldi trong thập niên 80, kể cả ở Paris, là một nỗ lực gặp đầy trắc trở. Trong khoa tiếng Đức trường đại học hầu như không tìm thấy tham chiếu nào đến Archimboldi. Các giáo sư của Pelletier chưa bao giờ nghe nói tới ông. Một vị bảo nghe tên quen quen. Mười phút sau, Pelletier bực bội (và kinh hoàng) nhận ra người mà giáo sư của anh nghĩ đến là một họa sĩ Ý, và vị giáo sư cũng nhanh chóng lộ ra là chẳng biết gì về người đó.
Pelletier viết thư cho nhà xuất bản in cuốn D’Arsonval ở Hamburg nhưng không nhận được phản hồi. Anh cũng sục sạo mấy nhà sách tiếng Đức ít ỏi mà anh có thể tìm thấy ở Paris. Cái tên Archimboldi xuất hiện trong một từ điển văn học Đức và trong một tạp chí của Bỉ dành cho - chẳng rõ nghiêm túc hay đùa, anh không bao giờ biết được - văn chương Phổ. Năm 1981, anh cùng ba người bạn trong khoa tiếng Đức có một chuyến đi đến vùng Bavaria, và ở đó, trong một tiệm sách nhỏ ở Munich, trên đường Voralm, anh tìm được hai cuốn nữa: một cuốn mỏng tên là Kho báu của Mitzi, chưa tới trăm trang, và cuốn tiểu thuyết chủ đề nước Anh đã nhắc ở trên, Khu vườn.
Đọc hai tiểu thuyết này chỉ củng cố thêm nhận định anh đã có về Archimboldi. Năm 1983, ở tuổi hai mươi hai, anh bắt tay vào dịch D’Arsonval. Không ai yêu cầu anh làm việc này. Vào thời điểm đó, không nhà xuất bản nào ở Pháp quan tâm đến việc in tác giả người Đức có cái tên buồn cười ấy. Pelletier bắt tay dịch cuốn sách là bởi anh thích nó, và bởi anh thích công việc dịch thuật, mặc dù anh cũng từng nghĩ có thể nộp bản dịch, kèm bài giới thiệu nghiên cứu về tác phẩm của Archimboldi, thành luận văn của mình, và - tại sao không nhỉ - như là nền tảng cho luận án tương lai của anh.
Anh hoàn thành bản thảo dịch cuối cùng vào năm 1984, và một nhà xuất bản ở Paris, sau nhiều tranh cãi và ý kiến trái ngược nhau, đồng ý xuất bản Archimboldi. Dường như thoạt tiên người ta nghĩ cuốn tiểu thuyết không thể bán quá một nghìn bản, vậy mà ba nghìn bản in đầu bán sạch veo sau một số bài điểm sách mâu thuẫn, tích cực, thậm chí nồng nhiệt, dọn đường cho việc in lần thứ hai, thứ ba và thứ tư. Đến khi đó Pelletier đã đọc được mười lăm cuốn của nhà văn Đức, dịch thêm hai cuốn
nữa, và gần như được thống nhất thừa nhận là người có thẩm quyền vượt trội về Benno von Archimboldi trên toàn nước Pháp.
♣ ♣ ♣
Đến khi ấy Pelletier đã có thể hồi tưởng về ngày anh đọc Archimboldi lần đầu tiên, và anh nhìn thấy mình, trẻ trung và nghèo kiết, sống trong một căn phòng trên gác xép, dùng chung bồn để rửa mặt đánh răng với mười lăm người khác cùng chia căn gác tối tăm, đi ỉa trong một cái toa lét kinh tởm và bẩn thỉu giống hố tiêu hay hầm phân hơn, cũng dùng chung với mười lăm cư dân của căn gác, vài người trong bọn đã quay về tỉnh, với mảnh bằng đại học trong tay, hay đã chuyển tới những chỗ tiện nghi hơn chút đỉnh ở ngay Paris, hay vẫn còn ở lại đó - chỉ ít người trong bọn - sống mòn hay chết dần vì kinh tởm.
Anh thấy mình, như ta đã nói, khổ hạnh còng lưng bên những cuốn từ điển tiếng Đức dưới cái bóng đèn duy nhất nhờ nhờ sáng, gầy gò và bền bỉ, như thể anh chỉ là ý chí thuần khiết làm thành xương, thịt và cơ mà không có lấy một gam mỡ nào, đầy đam mê và quyết chí để thành công. Một hình ảnh khá bình thường của sinh viên ở thủ đô, nhưng có tác dụng với anh như thuốc, một loại thuốc khiến anh ứa nước mắt, một loại thuốc (như một nhà thơ Hà Lan trữ tình thế kỷ mười chín đã nói) mở toang những cánh cửa chặn cơn lũ cảm xúc, cũng như cánh cửa chặn lại một điều gì đó thoạt trông giống hệt tủi thân nhưng không phải (nó là cái gì? thịnh nộ ư? rất có thể), khiến trong đầu anh trở đi trở lại, không phải bằng từ ngữ mà bằng những hình ảnh đau đớn, quãng thời gian tập sự thời trẻ, và sau có lẽ là một đêm dài vô vị anh buộc phải đi tới hai kết luận: thứ nhất, cuộc đời
mà anh đã sống đến giây phút này đã qua rồi; thứ hai, một sự nghiệp rỡ ràng đang mở ra trước mặt anh, và để duy trì ánh hào quang của nó anh phải kiên định trong quyết tâm của mình, thề có căn gác xép. Điều nay có vẻ tương đối dễ.
♣ ♣ ♣
Jean-Claude Pelletier sinh năm 1961 và tới năm 1986 anh đã là giáo sư tiếng Đức ở Paris. Piero Morini sinh năm 1956, ở một thị trấn gần Naples, và mặc dù lần đầu anh đọc Benno von Archimboldi là năm 1976, trước Pelletier bốn năm, mãi tới năm 1988 anh mới dịch tiểu thuyết đầu tiên của tác giả Đức này, Bifurcaria Bifurcata, cuốn sách ra đời và hầu như chìm lỉm trong các tiệm sách nước Ý.
Phải nói rằng tình hình Archimboldi ở Ý rất khác so với Pháp. Vì một lẽ, Morini không phải là dịch giả đầu tiên của ông. Chuyện là, tiểu thuyết đầu tiên rơi vào tay Morini là bản dịch của cuốn Chiếc mặt nạ da do một người tên là Colossimo dịch cho nhà Einaudi năm 1969. Ở Ý, theo sau Chiếc mặt nạ da là cuốn Những dòng sông châu Âu năm 1971, Di sản năm 1973, và Sự hoàn hảo đường tàu năm 1975; trước đó, năm 1964, một nhà xuất bản ở Rome đã cho ra đời một tuyển tập hầu hết là các truyện ngắn về chiến tranh, nhan đề Thế giới ngầm Berlin. Vậy có thể nói Archimboldi không hoàn toàn xa lạ ở Ý, mặc dù khó có thể cho rằng ông thành công, hay tương đối thành công, hay thậm chí thành công chút ít. Thực tế, ông là một thất bại tuyệt đối, một tác giả của những cuốn sách mòn mỏi nằm trên những giá kệ bụi bặm nhất trong các nhà sách, hoặc còn tồn hay bị lãng quên trong nhà kho các nhà xuất bản trước khi bị đem đi nghiền.
Morini, dĩ nhiên, không nao núng với việc công chúng Ý hầu như không quan tâm gì đến tác phẩm của Archimboldi, và sau khi dịch Bifurcaria Bifurcata anh viết hai bài nghiên cứu về Archimboldi cho tạp chí ở Milan và Palermo, một bài về vai trò của định mệnh trong Sự hoàn hảo đường tàu, và bài kia về những cái lốt của lương tâm và tội lỗi trong Lethaea, bề mặt là tiểu thuyết phong tình, và trong Ngài Bitzius, một tiểu thuyết dài chưa tới trăm trang, trong chừng mực nào đó có nhiều điểm tương tự Kho báu của Mitzi, cuốn sách mà Pelletier đã tìm thấy trong một tiệm sách cũ kỹ ở Munich, cuốn sách kể câu chuyện về cuộc đời của Albert Bitzius, mục sư xứ Lutzelflüh, thuộc tổng Bern, tác giả của các bài giảng đạo đồng thời là một nhà văn với bút danh Jeremiah Gotthelf. Cả hai bài đều được đăng, và khả năng hùng biện hay sức rù quến của Morini trong việc giới thiệu hình ảnh Archimboldi đã vượt qua mọi trở ngại, và năm 1991 bản dịch thứ hai của Piero Morini, lần này là cuốn Thánh Thomas, được xuất bản ở Ý. Đến khi ấy, Morini đang dạy văn chương Đức ở Đại học Tổng hợp Turin, các bác sĩ chẩn đoán anh bị đa xơ cứng, và anh đã gặp phải một tai nạn lạ kỳ và ngoạn mục khiến anh vĩnh viễn gắn với xe lăn.
♣ ♣ ♣
Manuel Espinoza đến với Archimboldi bằng một con đường khác. Trẻ tuổi hơn Morini và Pelletier, Espinoza nghiên cứu văn chương Tây Ban Nha, không phải văn chương Đức, ít nhất trong hai năm đầu đại học, bởi vì, bên cạnh những nguyên nhân đáng buồn khác, anh mộng trở thành nhà văn. Các tác giả Đức mà anh có (chút ít) quen thuộc là ba con người vĩ đại: Hölderlin, vì lúc mười sáu tuổi anh nghĩ định mệnh sắp đặt cho anh trở
thành thi sĩ và anh đã ngấu nghiến mọi tập thơ tìm được; Goethe, vì năm cuối cấp hai một giáo viên có khiếu hài hước giới thiệu anh đọc Nỗi đau của chàng Werther, mà anh sẽ tìm thấy trong nhân vật chính một tinh thần gần gũi; và Schiller, bởi vì anh đã đọc một trong những vở kịch của ông. Sau này anh phát hiện ra tác phẩm của một tác giả hiện đại, Jünger, anh đã làm quen với ông bằng cách thẩm thấu hơn mọi cách nào khác, vì các nhà văn Madrid mà anh ngưỡng mộ (và trong sâu xa ghét cay ghét đắng) không ngớt nói về Jünger. Vậy có thể nói rằng Espinoza chỉ quen thuộc với mỗi một tác giả Đức và người đó là Jünger. Đầu tiên anh nghĩ tác phẩm của Jünger thật tuyệt diệu, và vì nhiều đầu sách của tác giả này đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Espinoza tìm và đọc tất không khó khăn gì. Anh đã mong nó bớt dễ dàng hơn một chút. Trong khi đó, nhiều người anh quen không chỉ là người hâm mộ Jünger; một vài người còn là dịch giả của Jünger nữa, tuy nhiên Espinoza không quan tâm mấy đến chuyện đó, vì vinh quang mà anh thèm muốn là vinh quang của tác giả, không phải của dịch giả.
Năm tháng trôi qua, lặng lẽ và tàn nhẫn như thường lệ, Espinoza vấp phải vài sự không may khiến anh thay đổi cách suy nghĩ. Ví dụ như, chẳng lâu la gì, anh đã phát hiện ra nhóm hâm mộ Jünger chẳng hâm mộ Jünger như anh từng nghĩ, thay vào đó, như mọi nhóm văn chương, họ ngả nghiêng theo mùa. Thu, đúng, họ ái mộ Jünger, nhưng đông tới họ thình lình chuyển sang mê Baroj và xuân về chuyển sang cuồng Ortega, và vào mùa hè thậm chí họ rời khỏi điểm hẹn ở quán bar để đổ ra đường ngâm nga những vần thơ đồng quê vinh danh Camilo José Cela, một điều mà chàng Espinoza trẻ tuổi, về căn bản yêu nước, hẳn sẽ sẵn sàng đón nhận vô điều kiện nếu những biểu hiện đó được khởi đầu trên một tinh thần ham vui, hội
hè, nhưng lại không tài nào có thể coi chuyện đó là hoàn toàn nghiêm túc được như kiểu các nhà hâm mộ Jünger giả hiệu.
Tồi tệ hơn, anh khám phá ra các thành viên trong nhóm nghĩ gì về những thử sức của anh đối với mảng tiểu thuyết. Ý kiến của họ tiêu cực đến nỗi có những lúc - ví dụ như những đêm không ngủ được - anh bắt đầu hết sức nghiêm túc nghi ngại liệu có phải họ đang đóng trò vờ vịt để gạt anh ra, để anh ngừng quấy rầy họ, không bao giờ thò mặt ra nữa.
Thậm chí tồi tệ hơn nữa là khi Jünger xuất hiện bằng xương bằng thịt ở Madrid và hội ái mộ Jünger tổ chức một chuyến đi đến El Escorial cho ông ấy (một ý thích lạ lùng của bậc thầy, viếng thăm El Escorial), và khi Espinoza cố tham gia chuyến tham quan, bằng bất cứ tư cách nào cũng được, anh bị khước từ vinh dự đó, như thể các nhà hâm mộ Jünger xem anh không đáng làm một phần của nhóm bảo vệ tác giả người Đức, hoặc họ sợ anh, Espinoza, có thể làm họ xấu hổ vì một bình luận ngây ngô, kỳ cục nào đó, mặc dù cách giải thích chính thức được đưa ra (có lẽ vì động cơ khoan dung chăng) là anh không nói được tiếng Đức trong khi mọi người khác đi dã ngoại với Jünger đều nói được.
♣ ♣ ♣
Đó là đoạn kết mọi mối quan hệ giữa Espinoza với hội Jünger. Và đó cũng là khởi đầu của sự cô đơn và một dòng (hay trận lũ) bền bỉ của những quyết định, thường xuyên trái ngược nhau và bất khả thực hiện. Thời gian ấy chẳng phải là những đêm thoải mái, mà kém dễ chịu hơn nhiều, nhưng Espinoza khám phá ra hai thứ giúp anh vô cùng nhiều trong những ngày
chập chững ấy: anh sẽ không bao giờ trở thành nhà văn, và, theo cách riêng của mình, anh dũng cảm.
Anh cũng khám phá ra rằng mình là kẻ cay đắng và đầy oán giận, rằng từ anh rỉ ra niềm oán giận, và rằng anh có thể dễ dàng hạ sát ai đó, bất kỳ ai, nếu điều ấy mang đến cho anh một lối thoát khỏi sự cô đơn cũng như khỏi mưa và cái lạnh của Madrid, nhưng đây cũng là một khám phá mà anh thà giấu kín. Thay vào đó, anh tập trung vào nhận thức rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn và vào việc làm mọi thứ có thể dựa trên lòng dũng cảm mới khơi lộ của mình.
Anh tiếp tục học đại học, nghiên cứu văn học Tây Ban Nha, nhưng cùng lúc ghi danh ở khoa tiếng Đức. Mỗi đêm anh ngủ bốn hay năm tiếng, thời gian còn lại anh ngồi vào bàn. Trước khi hoàn tất bằng văn học Đức, anh viết một tiểu luận hai mươi trang về mối quan hệ giữa Werther và âm nhạc, bài được đăng trên một tạp chí văn chương Madrid và một tạp chí đại học ở Göttingen. Đến năm hai mươi lăm tuổi, anh đã xong cả hai bằng. Năm 1990, anh nhận bằng tiến sĩ văn học Đức với luận án về Benno von Archimboldi. Một nhà xuất bản ở Barcelona phát hành luận án này một năm sau đó. Đến khi ấy, Espinoza đã thường xuyên hiện diện tại các hội nghị và bàn tròn về văn học Đức. Khả năng tiếng Đức của anh nếu không phải xuất sắc thì cũng hơn mức trung bình nhiều. Anh còn nói được tiếng Anh và Pháp. Cũng như Morini và Pelletier, anh có một công việc tốt và thu nhập đáng kể, và anh được sinh viên cũng như đồng nghiệp tôn trọng (trong chừng mực có thể). Anh chưa bao giờ dịch Archimboldi hay bất cứ tác giả Đức nào khác.
♣ ♣ ♣
Ngoài Archimboldi, có một điểm nữa mà Morini, Pelletier và Espinoza cùng chia sẻ. Cả ba đều có ý chí sắt đá. Thật ra, họ còn một điểm chung nữa, nhưng ta sẽ nói chuyện đó sau.
Liz Norton, mặt khác, không phải kiểu mà người ta thường gọi là một phụ nữ với những thôi thúc mãnh liệt, ý là cô không vạch ra những kế hoạch dài hạn hay trung hạn và toàn tâm toàn ý thực hiện những kế hoạch đó. Cô không có phẩm chất nào của một người tham vọng. Khi đau khổ, nỗi đau của cô hiển hiện rõ ràng, và khi hạnh phúc, niềm hạnh phúc cô cảm nhận cũng lây lan. Cô không có khả năng đặt ra cho mình một mục tiêu và nỗ lực đều đặn hướng tới mục tiêu ấy. Ít nhất, chẳng mục tiêu nào hấp dẫn hay cuốn hút đủ cho cô theo đuổi nó tới cùng. Dùng theo nghĩa cá nhân, cụm từ “đạt một mục đích” với cô dường như là một cạm bẫy hẹp hòi. Cô ưa từ đời sống, và, trong những dịp hiếm hơi, từ hạnh phúc. Nếu tự do ý chí bị ràng buộc vào những mệnh lệnh xã hội, như William James tin tưởng, và do đó tham chiến còn dễ hơn bỏ thuốc lá, người ta có thể nói rằng Liz Norton là dạng phụ nữ thấy bỏ thuốc dễ hơn là tham chiến.
Cô từng nghe nói chuyện này hồi còn là sinh viên, và cô yêu thích điều ấy, mặc dù nó chưa bao giờ khiến cô đọc William James. Với cô, việc đọc sách kết nối trực tiếp tới niềm lạc thú, chứ không phải tới kiến thức, những bí ẩn, các cấu trúc hay mê cung ngôn từ, như Morini, Espinoza và Pelletier tin phải là thế.
Việc khám phá ra Archimboldi của cô là ít chấn động nhất, kém thi vị nhất so với mọi người. Năm 1988, trong thời gian ba tháng sống ở Berlin, khi ấy cô hai mươi tuổi, một người bạn Đức cho cô mượn một tiểu thuyết của một tác giả cô chưa bao giờ nghe tới. Cái tên làm cô thắc mắc. Sao có thể thế được, cô hỏi người bạn, rằng lại có một nhà văn Đức mang họ Ý,
nhưng có chữ von đứng trước, thể hiện ít nhiều tính quý tộc? Người bạn Đức của cô không có câu trả lời. Đó có thể là bút danh, anh nói. Và để khiến sự việc thậm chí lạ lùng hơn, anh nói thêm, ở Đức tên đàn ông kết thúc bằng nguyên âm không phổ biến. Khá nhiều tên phụ nữ kết thúc như thế. Nhưng chắc chắn không phải tên đàn ông. Cuốn tiểu thuyết tên là Người đàn bà mù, cô thích nó, nhưng không nhiều đến mức khiến cô lao ra đường mua tất cả thứ khác mà Benno von Archimboldi từng viết.
♣ ♣ ♣
Năm tháng sau, quay lại Anh, Liz Norton nhận được qua đường bưu điện một món quà từ người bạn Đức của mình. Như mọi người có thể đoán ra, đó là một tiểu thuyết khác của Archimboldi. Cô đọc, thích cuốn sách, nên đến thư viện trường tìm thêm sách của tác giả người Đức có tên Ý này, và tìm được hai cuốn: một là cuốn cô đã đọc ở Berlin, và cuốn kia là Ngài Bitzius. Việc đọc cuốn sau thực sự khiến cô lao ra đường. Mưa đang trút xuống khoảnh sân, và bầu trời trên sân trông như vẻ chau mày của một con robot hay một vị thần hình dạng giống chúng ta. Những giọt mưa chênh chếch trượt xuống những lá cỏ trong công viên, nhưng nếu nó có trượt ngược lên thì cũng không có gì khác biệt. Rồi những (giọt) chênh chếch biến thành (giọt) tròn trịa, bị mặt đất bên dưới bãi cỏ nuốt chửng, rồi bãi cỏ và mặt đất dường như trò chuyện với nhau, không, không phải trò chuyện, mà cãi cọ, những từ ngữ không thể hiểu được của chúng như những mạng nhện kết tinh hay những bãi nôn kết tinh lại trong thoáng chốc, tiếng xao xác gần như không nghe được, như thể thay vì chiều hôm đó uống trà, Norton đã uống một cốc peyote* bốc hơi nghi ngút.
Nhưng sự thật là cô chỉ có mỗi trà để uống và cô cảm thấy mình bị ngập chìm, như thể ong ong trong tai cô một giọng nói lặp đi lặp lại một lời cầu nguyện kinh khủng, mà ngôn từ của lời cầu nguyện ấy nhòe dần khi cô cuốc bộ ra khỏi trường, mưa làm ướt chiếc váy xám, ướt đôi đầu gối xương xẩu, mắt cá chân xinh xắn và tất tật, bởi trước khi Liz Norton chạy vào công viên, cô đã quên mang theo dù.
♣ ♣ ♣
Lần đầu tiên Pelletier, Morini, Espinoza và Norton gặp nhau là ở một hội nghị văn học Đức đương đại tổ chức ở Bremen năm 1994. Pelletier và Morini từng gặp nhau trước đó, tại hội thảo văn học Đức tổ chức ở Leipzig năm 1989, khi Cộng hòa Dân chủ Đức đang ngắc ngoải, và họ gặp nhau lần nữa tại hội nghị văn học Đức tổ chức ở Mannheim tháng Mười hai năm đó (một thảm họa, bởi khách sạn tồi, thức ăn tồi, tổ chức thì nhộm nhoạm). Tại một diễn đàn văn học Đức hiện đại ở Zurich năm 1990, Pelletier và Morini gặp Espinoza. Espinoza gặp Pelletier lần nữa ở một hội nghị văn học Đức thế kỷ hai mươi tổ chức ở Maastricht năm 1991 (Pelletier đọc tham luận “Heine và Archimboldi: Những nẻo đường hội tụ”; Espinoza đọc tham luận “Ernst Jünger và Benno von Archimboldi: Những nẻo đường phân kỳ”), và có thể nói mà không sợ sai mấy rằng từ đó trở đi họ không chỉ đọc bài nhau trên các tạp chí chuyên môn, mà còn trở thành bạn bè, hay giữa họ đã nảy sinh điều gì đó như là tình bạn. Năm 1992, Pelletier, Espinoza và Morini tình cờ gặp nhau lần nữa tại một hội thảo văn học Đức ở Augsburg. Mỗi người đều trình bày một tham luận về Archimboldi. Trong một vài tháng, người ta đồn rằng đích thân Benno von Archimboldi
có kế hoạch dự sự kiện lớn này, vốn không chỉ hội tụ các nhà nghiên cứu văn học Đức mà còn khá đông đảo văn sĩ, thi sĩ Đức, tuy nhiên vào giờ chót, hai ngày trước khi khai mạc, nhà xuất bản của Archimboldi ở Hamburg đánh điện đến xin lỗi. Về mọi phương diện khác, hội nghị cũng là một thất bại. Theo ý Pelletier, có lẽ thứ duy nhất đáng quan tâm là một bài giảng của một giáo sư già ở Berlin về tác phẩm của Arno Schmidt (ở đây chúng ta có một cái tên đúng chất Đức kết thúc bằng nguyên âm), đánh giá này nhận được sự chia sẻ của Espinoza, và trong một chừng mực ít hơn, của Morini.
Họ dành thời gian rảnh rỗi, vốn khá rộng rãi, duyệt qua các địa điểm du lịch xoàng xĩnh (theo ý Pelletier) ở Augsburg, một thành phố mà Espinoza thấy cũng xoàng xĩnh, và Morini cho là tạm được, nhưng phân tích tới nơi tới chốn thì vẫn xoàng xĩnh, Espinoza và Pelletier thay phiên nhau đẩy xe lăn cho Morini vì dạo ấy Morini không khỏe lắm, đúng hơn là sức khỏe khá tồi, cho nên hai người bạn đồng thời là đồng nghiệp xét thấy một chút khí trời trong lành không hại gì cho anh, và thực ra có thể tốt cho anh hơn.
Chỉ Pelletier và Espinoza dự hội nghị văn học Đức kế tiếp, tổ chức ở Paris tháng Một năm 1992. Morini cũng được mời, nhưng vào lúc đó do tình trạng sức khỏe của anh tệ hơn bình thường nên bác sĩ khuyên anh tránh làm một số việc, mà cụ thể là những chuyến đi ngắn. Đó không phải là một hội nghị tệ, và tuy lịch trình kín mít, Pelletier và Espinoza cũng dành được chút thời gian để đi ăn với nhau tại một quán ăn nhỏ trên đường Galande, gần Saint-Julien-le-Pauvre, ở đó ngoài việc nói về những dự án và mối quan tâm của mình, trong lúc ăn tráng miệng họ bàn tán về thể trạng sức khỏe (ốm yếu, èo uột, đau khổ) của anh chàng người Ý u sầu, mà tình trạng ốm yếu đã không ngăn bắt tay soạn một cuốn sách về Archimboldi, một
cuốn sách có thể sẽ là kiệt tác vĩ đại về Archimboldi, con cá hoa tiêu cần mẫn bơi bên cạnh con cá mập đen vĩ đại là khối tác phẩm của nhà văn Đức nọ, như Pelletier thuật lại lời Morini kể với anh trên điện thoại, nhưng anh không chắc là nghiêm túc hay đùa cợt. Cả Pelletier lẫn Espinoza tôn trọng tác phẩm của Morini, nhưng những từ ngữ vang lên từ Pelletier (nói ra như từ bên trong một lâu đài cổ hay một căn hầm nhốt tù đào bên dưới đường hào của một lâu đài cổ) nghe có vẻ như lời đe dọa trong cái quán ăn nhỏ thanh bình trên đường Galande, giục giã kết cục của một buổi tối vốn khởi đầu trong không khí thân ái và chan hòa.
♣ ♣ ♣
Những điều này không làm suy suyển đến quan hệ của Pelletier và Espinoza với Morini.
Ba người gặp lại nhau tại một hội thảo văn học Đức tổ chức ở Bologna năm 1993. Và cả ba đều góp mặt trên số 46 Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Berlin, một số chuyên đề dành cho tác phẩm của Archimboldi. Đó không phải lần đầu họ góp bài cho tạp chí này. Trên số 44, đã có một bài của Espinoza về ý niệm Thượng đế trong tác phẩm của Archimboldi và Unamuno. Trên số 38, Morini đã đăng một bài về tình trạng giảng dạy văn học Đức ở Ý. Và trên số 37, Pelletier đã trình bày tổng quan về các nhà văn Đức quan trọng nhất thế kỷ hai mươi ở Pháp và châu Âu, một công trình ngẫu nhiên khơi ngòi không chỉ một bài phản đối mà thậm chí cả vài lời mắng nhiếc.
Nhưng chính số 46 này mới quan trọng đối với chúng ta, không chỉ vì nó đánh dấu việc hình thành hai nhóm các nhà nghiên cứu Archimboldi đối
lập - Pelletier, Morini và Espinoza đối đầu với Schwarz, Borchmeyer và Pohl - mà số này còn có một bài của Liz Norton, xuất sắc đến mức khó tin, theo Pelletier, lập luận tốt, theo Espinoza, thú vị, theo Morini, một bài tự nó hài hòa (mà không theo yêu cầu của bất cứ ai) với các tiểu luận của ba người bạn, bài báo trích dẫn họ ở nhiều chỗ, thể hiện một kiến thức hoàn chỉnh về các nghiên cứu của họ cũng như các chuyên đề do các tạp chí chuyên ngành hay các nhà xuất bản nhỏ ấn hành.
Pelletier đã định viết cho cô một lá thư, nhưng rốt cuộc lại thôi. Espinoza gọi Pelletier hỏi liệu liên lạc với cô có phải là ý tưởng hay không. Do không chắc lắm, họ quyết định hỏi Morini. Morini không bình luận gì. Tất cả những gì họ biết về Liz Norton là cô dạy văn học Đức tại một trường đại học ở Anh. Và, không giống như họ, cô không phải là giáo sư thực thụ.
♣ ♣ ♣
Hội nghị văn học Đức ở Bremen đầy ắp sự kiện. Pelletier, với sự trợ giúp của Morini và Espinoza, liên tục tấn công như Napoléon ở trận Jena, đột kích các học giả Archimboldi thiếu cảnh giác, khiến nhóm Pohl, Schwarz và Borchmeyer chẳng mấy chốc đã phải cuốn cờ dạt ra các quán cà phê và quán rượu của Bremen. Các giáo sư trẻ người Đức tham gia sự kiện thoạt tiên ngơ ngẩn sau đó, tuy có phần thận trọng, kéo về phe của Pelletier và các bạn. Khán giả, chủ yếu gồm đám sinh viên đại học từ Göttingen tới bằng tàu lửa hay xe khách, cũng bị những diễn giải bừng lửa và không khoan nhượng của Pelletier chinh phục, ném tung nghi ngại cho gió cuốn và nồng nhiệt hưởng ứng viễn tượng tưng bừng phóng túng mang
tinh thần Dionysus nơi những giảng luận về cái lễ hội sau cuối (hay cận kề sau cuối) mà Pelletier và Espinoza đề cao. Hai ngày sau, Schwarz và đồ đệ phản công. Họ so sánh Archimboldi với Heinrich Böll. Họ nói về khổ đau. Họ so sánh Archimboldi với Günter Grass. Họ nói về trách nhiệm dân sự. Borchmeyer thậm chí so Archimboldi với Friedrich Dürrenmatt và nói về hài hước, mà đối với Morini đó là đỉnh cao của trơ tráo. Rồi Liz Norton xuất hiện, như thiên sứ, dập tắt cuộc phản công như tướng Desaix, như thống chế Lannes, như một nữ chiến binh Amazon tóc vàng nói thứ tiếng Đức xuất sắc, mỗi tội quá nhanh, trình bày chi tiết về Grimmelshausen và Gryphius và nhiều người khác, bao gồm cả Theophrastus Bombastus von Hohenheim, được biết đến nhiều hơn dưới tên Paracelsus.
♣ ♣ ♣
Đêm hôm ấy họ ăn cùng nhau tại một quán rượu dài và hẹp gần sông, trên một con đường tối kẹp hai bên là những tòa nhà kiểu Hanse cổ kính, nhiều tòa trông giống những văn phòng Quốc xã bị bỏ hoang, và để đến được quán rượu họ phải leo xuống các bậc thang ướt lướt thướt vì mưa phùn.
Chỗ này không thể kinh hơn được nữa, Liz Norton nghĩ bụng, nhưng buổi tối ấy dài mà dễ chịu, và sự thân thiện của Pelletier, Morini và Espinoza, những người hoàn toàn không hề khó gần, khiến cô thấy thoải mái. Dĩ nhiên, cô quen thuộc với hầu hết công trình của họ, nhưng điều khiến cô ngạc nhiên (một cách dễ chịu, tất nhiên) là họ cũng quen thuộc với vài công trình của cô. Cuộc trò chuyện diễn tiến qua bốn giai đoạn: đầu tiên họ cười hể hả về cú chỉ trích Norton dành cho Borchmeyer và về việc
Borchmeyer càng lúc càng mất tinh thần trước các đòn tấn công càng lúc càng khốc liệt của Norton, rồi họ nói về các hội thảo tương lai, đặc biệt về một hội thảo lạ lùng ở Đại học Minnesota, được cho là sẽ có năm trăm giáo sư, dịch giả và chuyên gia văn học Đức tham dự, dù Morini có lý do để tin rằng toàn bộ chỉ là trò lừa đảo, rồi sau đó họ bàn về Benno von Archimboldi và cuộc đời của ông, vốn rất ít được biết đến. Tất cả bọn họ, từ Pelletier đến Morini (đêm hôm ấy nói nhiều, tuy bình thường là người ít nói nhất), xem xét lại các giai thoại và chuyện gẫu, so sánh các thông tin cũ, mơ hồ không biết lần thứ bao nhiêu, và phỏng đoán về nơi ở cũng như cuộc đời của nhà văn vĩ đại như người ta phân tích rốt ráo một bộ phim yêu thích, và cuối cùng, trong khi cuốc bộ trên những con đường ẩm ướt nhưng sáng đèn (chỉ thi thoảng sáng, như thể Bremen là một cỗ máy thường xuyên bị giật nẩy lên vì những cú sốc điện ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ), họ nói về bản thân.
Cả bốn đều độc thân và họ thấy ấy là dấu hiệu đáng khích lệ. Cả bốn đều sống một mình, nhưng Liz Norton thỉnh thoảng chia sẻ căn hộ ở London của mình với người anh trai làm việc cho một tổ chức phi chính phủ thường xuyên đi xa, chỉ về Anh vài lần một năm. Cả bốn đều dốc hết mình cho sự nghiệp, Pelletier, Espinoza và Morini đều có bằng tiến sĩ, Pelletier và Espinoza còn là trưởng khoa, còn Norton chỉ đang chuẩn bị luận án của mình và không hề mong ước trở thành trưởng khoa tiếng Đức của trường cô.
Đêm đó, trước khi chìm vào giấc ngủ, Pelletier không nghĩ về những tranh cãi ở hội nghị. Thay vào đó anh nghĩ về chuyến đi dạo dọc theo những con đường ven sông và Liz Norton đi bên cạnh anh trong khi Espinoza đẩy xe của Morini và bốn người bọn họ cười với những con thú
nhỏ nhắn của Bremen, chúng hòa thuận và thơ ngây trèo lên lưng nhau dõi theo họ hay dõi theo bóng họ trên vỉa hè.
♣ ♣ ♣
Kể từ ngày đó hay đêm đó, không tuần nào trôi qua mà bốn người bọn họ không gọi cho nhau, đôi khi vào những giờ giấc kỳ cục nhất, không hề bận tâm đến hóa đơn điện thoại.
Đôi khi Liz Norton là người gọi Espinoza và hỏi về Morini, người mà cô mới nói chuyện hôm trước và cô nghĩ là có vẻ hơi mệt mỏi. Cùng ngày đó Espinoza gọi Pelletier thông báo cho anh rằng theo Norton, sức khỏe của Morini đang xấu đi, để rồi Pelletier sẽ phản ứng bằng cách ngay lập tức gọi cho Morini, hỏi thẳng anh đang thế nào, cười đùa với anh (bởi Morini luôn luôn cố hết sức không nói nghiêm túc về tình trạng của mình), trao đổi vài nhận xét lặt vặt về công việc, và sau đó gọi cho Norton, có thể vào nửa đêm, sau khi trì hoãn niềm vui sướng của cuộc gọi bằng một bữa tối giản dị và tinh tế, và đảm bảo với cô rằng họ vẫn được quyền hy vọng rằng, Morini mạnh khỏe, bình thường, ổn định, và cái mà Norton cho là trầm cảm chỉ là tình trạng tự nhiên của Morini, anh vốn nhạy cảm với những thay đổi về thời tiết (có thể thời tiết ở Turin xấu, có thể đêm hôm trước Morini đã mơ ai mà biết được một giấc mơ kinh hoàng nào đó), vậy là kết thúc một chu kỳ mà một hay hai ngày sau sẽ lại bắt đầu, bằng việc Morini gọi Espinoza chẳng có lý do gì, chỉ để chào một tiếng, chỉ vậy thôi, để trò chuyện một lúc, cuộc gọi luôn luôn toàn những chuyện vụn vặt, bình luận về thời tiết (cứ như thể Morini và Espinoza đã nhiễm thói quen trò chuyện của người Anh), giới thiệu phim, những bình luận bàng quan về những
cuốn sách gần đây, nói tóm lại, một cuộc trò chuyện điện thoại nhìn chung là buồn ngủ hay ít nhất cũng uể oải, nhưng lại là cuộc trò chuyện mà Espinoza tham gia với nhiệt tình kỳ lạ, hay nhiệt tình giả vờ, hay bằng lòng yêu mến, hay ít ra là bằng mối quan tâm giữa con người với con người, và là cuộc trò chuyện mà Morini dốc sức vào như thể đời anh phụ thuộc vào đó, và hai ngày hay vài giờ sau, sẽ tới phiên Espinoza gọi cho Norton và có một cuộc trò chuyện về căn bản tương tự như vậy, rồi Norton gọi cho Pelletier, Pelletier gọi cho Morini, để rồi vài ngày sau đó toàn bộ quy trình lại bắt đầu lại, cuộc gọi chuyển hóa thành một mã siêu chuyên biệt, cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong Archimboldi, văn bản, văn bản chìm, cận văn bản, cuộc tái chinh phục cả lãnh địa thực lẫn lãnh địa khẩu ngôn trong những trang cuối cuốn Ngài Bitzius, những thứ mà trong tình huống này cũng giống như nói về phim ảnh hay các vấn đề trong khoa tiếng Đức hay những đám mây không ngớt trôi qua thành phố của mỗi người, suốt từ sáng đến đêm.
♣ ♣ ♣
Họ gặp nhau lần nữa tại hội nghị văn học châu Âu hậu chiến tổ chức ở Avignon vào cuối năm 1994. Norton và Morini đi dự với tư cách quan sát viên, mặc dù chuyến đi của họ được trường tài trợ, còn Pelletier và Espinoza trình bày tham luận về việc nhập khẩu tác phẩm của Archimboldi. Tham luận của Pelletier tập trung vào tính cách biệt, về sự đứt gãy dường như tách rời toàn bộ tác phẩm của Archimboldi khỏi truyền thống Đức, mặc dù không tách khỏi một truyền thống châu Âu rộng lớn hơn. Tham luận của Espinoza, một trong những bài tâm huyết nhất anh từng viết, xoay
quanh bí ẩn bảng lảng trên hình bóng của Archimboldi, hầu như chưa ai, kể cả nhà xuất bản của ông, biết tí gì về ông: sách của ông được in ra không hề có ảnh tác giả trên mép gấp hay bìa bốn; thông tin tiểu sử ông ít ỏi (nhà văn Đức sinh ở Phổ năm 1920); nơi cư trú của ông là một bí ẩn, mặc dù có lúc nhà xuất bản của ông lỡ lời trước phóng viên của tờ Spiegel rằng một trong những bản thảo của ông được gửi tới từ Sicily; không ai trong số các nhà văn cùng thời còn sống từng gặp gỡ ông; không có bản tiểu sử nào của ông hiện diện trong tiếng Đức mặc dù doanh số sách ông đang tăng ở Đức cũng như phần còn lại của châu Âu và ngay cả ở Mỹ, nơi vốn ưa thích các nhà văn biến mất (nhà văn biến mất hay nhà văn triệu phú) hay huyền thoại về những nhà văn biến mất, và nơi mà tác phẩm của ông bắt đầu được lưu hành rộng rãi, không chỉ giới hạn tại các khoa tiếng Đức mà còn trong và ngoài các trường đại học, tại những thành phố mênh mông vốn dành tình yêu cho các nghệ thuật truyền khẩu và nghệ thuật thị giác.
♣ ♣ ♣
Buổi tối Pelletier, Morini, Espinoza và Norton thường ăn cùng nhau, đôi khi đi cùng một, hai giáo sư người Đức mà họ quen biết từ lâu, nhưng các vị này cho dù rút lui sớm về khách sạn hay ở lại đến hết buổi tối thường khá kiệm lời, như thể họ hiểu rằng hình tứ giác tạo ra bởi bốn nhà nghiên cứu Archimboldi này là không thể xâm phạm và cũng dễ có khuynh hướng phản ứng bạo liệt với bất cứ can thiệp ngoại lai nào vào giờ ấy của đêm. Rốt cuộc luôn luôn là chỉ bốn người bọn họ đi dạo trên những con đường của Avignon, tươi tắn và vui vẻ như hồi họ dạo qua những con phố quan liêu, đen bẩn của Bremen và như khi họ sẽ đi dạo trên nhiều con
đường chờ đợi họ trong tương lai, Norton đẩy xe cho Morini với Pelletier đi theo bên tay trái và Espinoza bên phải, hoặc Pelletier đẩy Morini còn Espinoza đi bên trái và Norton đi lùi phía trước họ và cười bằng tất cả sinh lực tuổi hai sáu của mình, cái cười lộng lẫy khiến họ mau chóng cười theo mặc dù chắc chắn họ không thích cười mà chỉ thích nhìn cô, hay bốn người bọn họ sánh ngang hàng rồi dừng lại bên cạnh bờ kè thấp của con sông quá vãng, hay nói cách khác con sông bị thuần hóa, nói chuyện về niềm ám ảnh Đức của họ mà không ngắt lời nhau, kiểm tra và thưởng thức trí tuệ của nhau, với những khoảng lặng kéo dài mà ngay cả mưa cũng không thể phá quấy.
♣ ♣ ♣
Cuối năm 1994, khi Pelletier từ Avignon trở về, khi anh mở cửa căn hộ của mình ở Paris, đặt túi xách xuống sàn và đóng cửa, khi anh rót cho mình một ly whiskey, kéo màn cửa và nhìn ra quang cảnh thường ngày, một mảng của Dinh de Breteuil với tòa nhà UNESCO phía hậu cảnh, khi anh cởi áo khoác và để chai whiskey trong bếp và nghe các tin nhắn trên máy trả lời tự động, khi anh cảm thấy chóng mặt, nặng nề nơi mí mắt, nhưng thay vì lên giường đi ngủ anh cởi quần áo và đi tắm, rồi khi quấn một chiếc áo choàng tắm dài gần đến mắt cá anh mở máy tính lên, chỉ khi đó anh mới nhận ra anh nhớ Liz Norton và rằng anh sẽ đổi bất cứ thứ gì để được ở cùng cô vào giây phút đó, không chỉ trò chuyện với cô mà còn ở trên giường cùng cô, nói với cô rằng anh yêu cô và nghe từ môi cô rằng cô cũng yêu anh.
Espinoza cũng trải qua điều gì đó tương tự, mặc dù hơi khác về hai phương diện. Thứ nhất, nhu cầu ở gần Liz Norton đến với anh đâu đó trước khi anh trở về căn hộ của mình ở Madrid. Đến lúc ở trên máy bay anh đã nhận ra cô là người phụ nữ hoàn hảo, người anh đã luôn hy vọng tìm thấy, và anh bắt đầu đau đớn. Thứ hai, giữa những hình ảnh lý tưởng của Norton lướt ngang đầu anh với tốc độ siêu thanh trong lúc máy bay bay về Tây Ban Nha ở tốc độ bốn trăm dặm một giờ, có nhiều cảnh tình dục hơn Pelletier đã tưởng tượng ra. Không hơn nhiều quá, nhưng nhiều hơn.
Trong khi đó, Morini, đi tàu từ Avignon về Turin, suốt chuyến đi đọc phụ trang văn hóa của tờ Il Manifesto, rồi ngủ cho đến khi mấy người soát vé (đã giúp đưa anh và xe lăn lên sân ga) báo cho anh biết đã tới nơi. Còn về điều gì lướt qua đầu Liz Norton, tốt hơn không nên nói ra.
♣ ♣ ♣
Tuy nhiên, tình bạn giữa bốn học giả Archimboldi vẫn tiếp tục theo cách như trước nay, không thể lay chuyển, định hình bởi một lực mạnh mẽ mà bốn người không thể kháng cự, ngay cả khi điều này có nghĩa là những khao khát cá nhân của họ bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Năm 1995 họ gặp nhau trong buổi tọa đàm về văn chương đương đại Đức tổ chức ở Amsterdam, một cuộc thảo luận nằm trong khuôn khổ một thảo luận lớn hơn đang diễn ra trong cùng tòa nhà (tại các giảng đường riêng biệt) về văn chương Pháp, Anh và Ý.
Không cần nói cũng biết hầu hết người tham dự những buổi thảo luận kỳ lạ này dồn về sảnh thảo luận văn chương đương đại Anh, ngay bên cạnh sảnh văn chương Đức và ngăn cách với sảnh này bằng một bức tường rõ ràng là không phải làm bằng đá, như tường thường vẫn thế, mà bằng những viên gạch mong manh phủ một lớp vữa mỏng, cho nên những tiếng la gào, hú hét, và đặc biệt những tràng vỗ tay do văn chương Anh gây ra có thể nghe được trong sảnh văn chương Đức như thể hai cuộc trò chuyện hay đối thoại này là một, hay như thể những người Đức đang bị nhạo báng, dù không bị át hẳn tiếng, bởi người Anh, chưa nói đến lượng khán giả khổng lồ dự buổi thảo luận văn chương Anh (hay hệ Anglo-Ấn), lớn hơn nhiều so với lượng khán giả thưa thớt và chân tình dự buổi thảo luận văn chương Đức. Xét cho cùng, điều này lại tốt, vì ai cũng biết một cuộc trò chuyện giữa chỉ một số ít người, trong đó mọi người đều lắng nghe nhau và bỏ thời gian suy nghĩ và không la hét, thường ích lợi hơn hay ít nhất thư giãn hơn một cuộc trò chuyện đại chúng, vốn có rủi ro mặc nhiên là trở thành một buổi kêu gọi, hay, bởi vì tính ngắn gọn cần thiết của các bài nói chuyện, trở thành một chuỗi các khẩu hiệu phai nhạt ngay khi chúng được lập thành.
Nhưng trước khi đi đến điểm mấu chốt của vấn đề, hay của cuộc thảo luận, cần phải lưu ý một chi tiết khá vặt vãnh tuy nhiên lại ảnh hưởng đến tiến trình các sự kiện. Vào giờ chót, các nhà tổ chức - cũng là những người đã loại văn chương Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển đương đại ra vì lý do thiếu thời gian hoặc tiền - dành hầu hết ngân quỹ để cung cấp chỗ ở xa xỉ cho các ngôi sao của văn chương Anh, và với số tiền còn lại họ mang đến ba tiểu thuyết gia người Pháp, một nhà thơ người Ý, một nhà viết truyện ngắn người Ý và ba nhà văn Đức, hai người đầu là tiểu thuyết gia
của Đông và Tây Berlin, giờ đã thống nhất làm một, cả hai hầu như không mấy tiếng tăm (và cả hai đáp tàu đến Amsterdam và không phàn nàn gì khi bị xếp cho ở tại một khách sạn ba sao), và người thứ ba là một nhân vật mờ nhạt mà hầu như không ai biết gì tới, kể cả Morini, người cho dù có làm thuyết trình viên hay không, biết khá nhiều về văn chương đương đại Đức.
Và rồi khi tay nhà văn mờ nhạt, một người Swabia, trong cuộc nói chuyện (hay thảo luận) của mình bắt đầu hồi tưởng về quãng thời gian làm nhà báo, biên tập viên những trang nghệ thuật, phỏng vấn mọi loại nhà văn và nghệ sĩ vốn cảnh giác với các cuộc phỏng vấn, và rồi bắt đầu nhớ lại thời gian mà ông ta làm người xúc tiến văn hóa ở các thị trấn xa xôi hay đơn giản là bị lãng quên nhưng lại quan tâm đến văn hóa, đột nhiên, tên của Archimboldi chợt bật ra (có thể được gợi ý bởi cuộc trò chuyện trước đó do Espinoza và Pelletier dẫn dắt), bởi nhà văn người Swabia đó, hóa ra là, từng gặp Archimboldi khi ông ta là người xúc tiến văn hóa cho một thị trấn vùng Frisia, phía Bắc của Wilhelmshaven, đối diện bờ Biển Đen và các hòn đảo Đông Frisia, một vùng đất lạnh lẽo, rất lạnh lẽo, và thậm chí còn ướt át hơn là lạnh lẽo, một cái ướt át mằn mặn thấu vào tận xương, ở đây chỉ có hai cách để vượt qua mùa đông, một, uống cho đến bạn bị xơ gan, và hai, nghe nhạc (thường là tứ tấu đàn dây nghiệp dư) tại phòng hòa nhạc thị trấn hay trò chuyện với các nhà văn từ nơi khác đến và thường được trả rất ít, chỉ một căn phòng ở nhà trọ duy nhất trong thành phố và vài đồng mark để trang trải chuyến về bằng tàu, những chuyến tàu chẳng giống gì những chuyến tàu Đức ngày nay, nhưng trên những chuyến tàu đó người ta có lẽ nói chuyện nhiều hơn, lịch sự hơn, quan tâm đến người xung quanh nhiều hơn, nhưng dù sao đi nữa, các nhà văn, sau khi được trả tiền và trừ chi phí đi lại, rời những nơi này và về nhà (đôi khi chỉ là một căn phòng ở
Frankfurt hay Cologne) với rất ít tiền và có thể là bán được vài cuốn sách, trong trường hợp những nhà văn hay nhà thơ đó (đặc biệt nhà thơ), sau khi đọc vài trang sách và trả lời vài câu hỏi của dân cư thị trấn, dựng một cái bàn và kiếm được thêm vài mark, một hoạt động khá là có lãi ngày ấy, bởi vì nếu khán giả thích những gì nhà văn đã đọc, hoặc nếu việc đọc làm họ cảm động hay được giải trí, thì họ sẽ mua một trong những cuốn sách của anh ta, đôi khi để giữ làm kỷ niệm cho một buổi tối dễ chịu, khi gió rít theo những con đường hẹp của thị trấn vùng Frisia, cắt thịt cắt da, đôi khi để đọc hay đọc lại một bài thơ hay câu chuyện ở nhà của họ, nhiều tuần sau sự kiện, có thể bên ánh đèn dầu bởi không phải lúc nào cũng có điện, dĩ nhiên, vì chiến tranh mới kết thúc và còn nhiều vết thương, chưa khép miệng cả về xã hội lẫn kinh tế, dù sao đi nữa, ít nhiều tương tự với một buổi đọc sách ngày nay, điểm khác biệt duy nhất là những cuốn sách bày trên bàn là tự xuất bản trong khi bây giờ thì nhà xuất bản dựng bàn, và một trong những nhà văn đến thị trấn nơi người Swabia này đang làm xúc tiến văn hóa là Benno von Archimboldi, một nhà văn tầm cỡ Gustav Heller hay Rainer Kuhl hay Wilhelm Frayn (những nhà văn mà sau này Morini đã tìm tên trong bách khoa thư về các tác giả Đức, nhưng không thấy), và ông không mang theo sách, ông đọc hai chương của một tiểu thuyết đang viết, cuốn tiểu thuyết thứ hai, cuốn thứ nhất, nhà văn người Swabia nhớ lại, đã xuất bản ở Hamburg cùng năm đó, mặc dù ông không đọc chút nào trong cuốn ấy, nhưng cuốn tiểu thuyết thứ nhất có tồn tại, nhà văn người Swabia nói, và Archimboldi, như thể đoán trước những nghi ngờ, mang theo mình một bản, một cuốn tiểu thuyết nhỏ dài độ một trăm trang, có thể dài hơn, một trăm hai mươi, một trăm hai mươi lăm trang, và ông mang theo nó trong túi áo khoác của mình, và, thật lạ lùng, nhà văn Swabia nhớ chiếc áo khoác của Archimboldi rõ hơn cuốn tiểu thuyết nhét trong túi áo, một cuốn
tiểu thuyết nhỏ bìa bẩn, nhăn nhúm từng có màu ngà đậm hay một màu lúa mạch nhạt hay màu vàng ngả sang vô hình tính, nhưng giờ đây không màu, nhờ nhờ, chỉ có nhan đề cuốn tiểu thuyết và tên tác giả và thư vĩ của nhà xuất bản, trong khi đó chiếc áo khoác thì không thể nào quên được, một chiếc áo khoác da đen cổ cao, che chắn tuyết, mưa và lạnh tuyệt vời, thùng thình, có thể được khoác ngoài áo len dày hay hai chiếc áo len mà không ai để ý, có những chiếc túi nằm ngang mỗi bên, và một hàng bốn nút, không quá to cũng không quá nhỏ, được khâu bằng thứ giống như cước câu cá, một chiếc áo khoác gợi nhớ, vì sao tôi không biết, những chiếc áo khoác mà các sĩ quan Gestapo mặc, mặc dù hồi đó áo khoác da đen đang là thời trang và bất kỳ ai có tiền để mua một chiếc hay được thừa hưởng một chiếc đều mặc mà không ngừng lại để nghĩ tới cái mà nó gợi ra, và nhà văn đã tới thị trấn vùng Frisia ấy là Benno von Archimboldi, Benno von Archimboldi thời trẻ, hai chín hay ba mươi tuổi, và chính ông ta, nhà văn Swabia nọ, đã đi đón Archimboldi ở ga tàu và cùng ông đi tới nhà trọ, nói chuyện về thời tiết, vốn tồi tệ, và rồi đưa ông tới tòa đô chính, ở đó Archimboldi không bày chiếc bàn nào và đã đọc hai chương trong một tiểu thuyết chưa hoàn thành, và rồi nhà văn Swabia đã đi ăn tối cùng với ông ở một quán rượu địa phương, cùng với người giáo viên và một góa phụ yêu âm nhạc hay hội họa hơn văn chương, nhưng một khi đã chấp nhận việc không có âm nhạc hay hội họa, thì có thể bằng lòng với một buổi tối văn chương, và chính bà bằng cách này hay cách khác đã duy trì cuộc trò chuyện trong suốt bữa tối (gồm xúc xích, khoai tây và bia: nhà văn người Swabia nhớ lại, cả thời gian lẫn ngân sách của thành phố đều không cho phép một cái gì xa xỉ hơn), mặc dù có lẽ đúng hơn cần phải nói là bà ta hoàn toàn lèo lái cuộc trò chuyện, và những người đàn ông quanh bàn, thư ký của viên thị trưởng, một người làm trong ngành kinh doanh cá ướp
muối, một giáo viên già ngủ gà ngủ gật mặc cho nĩa cầm trên tay, và một nhân viên tòa thị chính, một cậu trai rất dễ thương tên là Fritz, là bạn tốt của nhà văn người Swabia, đều gật gù hay cẩn thận không cãi lại bà góa phụ đáng gờm người có kiến thức về nghệ thuật nhiều hơn bất kỳ ai, kể cả nhà văn người Swabia, từng đi du lịch ở Ý và Pháp và thậm chí, trên một trong những hành trình của mình, một chuyến vượt đại dương không thể nào quên, đi xa tới tận Buenos Aires, vào năm 1927 hay 1928 khi thành phố ấy là một cái chợ thịt và các chuyến tàu đông lạnh rời cảng chất đầy thịt, thật là một cảnh tượng đáng xem, hàng trăm chiếc tàu trống không cập bến để rồi rời đi với hàng tấn thịt hướng đến khắp thế giới, và khi bà ra boong tàu, giả dụ vào ban đêm, nửa mơ nửa tỉnh hay say sóng hoặc mệt mỏi, tất cả những gì bà phải làm là tì vào lan can tàu, để cho mắt mình quen dần với bóng tối và rồi quang cảnh bến cảng gây sửng sốt và ngay lập tức nó xua đi bất cứ dấu vết buồn ngủ hay say sóng hay những dấu hiệu mệt mỏi nào khác, hệ thần kinh không có lựa chọn nào ngoài việc đầu hàng vô điều kiện trước một hình ảnh như thế, cuộc diễu hành của những người nhập cư như bầy kiến khuân thịt của hàng ngàn con vật chết lên các hầm tàu, chuyển động của các tấm pa lét chất chồng thịt của hàng nghìn con bê đã hy sinh, và vệt màu nhẹ mỏng phết lên mọi góc của bến cảng từ bình minh tới hoàng hôn và thậm chí trong cả những ca đêm, rồi màu đỏ của những miếng steak còn tái, của những miếng T-bone, của phi lê, của sườn nướng tái, kinh khủng, may mà quý bà ấy, khi ấy chưa phải là góa phụ, chỉ phải nhìn thấy nó đêm đầu tiên, rồi sau đó họ lên bờ và lấy phòng ở một trong những khách sạn đắt nhất Buenos Aires, và họ đi xem opera và rồi là đến một trại chăn nuôi nơi chồng bà, một nài ngựa lão luyện, đồng ý đua với con trai chủ trại, người này thua, rồi là với một người chăn súc vật, cánh tay phải của cậu con trai, một tay gaucho* , người này cũng thua, và
rồi với cậu con trai của tay gaucho, một cậu gaucho nhỏ mới mười sáu tuổi, gầy như que sậy có đôi mắt sáng, sáng rực đến nỗi khi bà nhìn cậu, cậu cúi đầu xuống và khẽ ngẩng lên nhìn bà một cái nhìn tinh quái đến nỗi bà bị xúc phạm, thật là một thằng nhãi con xấc láo, trong khi chồng bà bật cười và nói bằng tiếng Đức: nàng gây ấn tượng khá tốt với cậu bé đấy, một lời bông đùa mà bà không thấy buồn cười tí nào, và rồi cậu gaucho nhỏ leo lên lưng ngựa và họ phóng đi, cậu bé quả thật có thể phi nước đại được, cậu bám ngựa quá chặt đến nỗi như thể cậu bị dính vào cổ nó, cậu toát mồ hôi và quất roi vun vút, nhưng rốt cuộc chồng bà thắng cuộc đua, chẳng phải bỗng dưng mà ông làm chỉ huy một trung đoàn kỵ binh, và chủ trại cùng anh con trai đứng dậy vỗ tay, những kẻ thua cuộc tử tế, các vị khách còn lại cũng vỗ tay, kỵ sĩ xuất sắc, tay người Đức này, kỵ sĩ tuyệt diệu, nhưng khi cậu gaucho nhỏ chạm đích, hay nói cách khác, tới cổng, trông cậu không phải một kẻ thua cuộc tử tế, một vẻ giận dữ u tối hiện ra trên mặt cậu, đầu cậu cúi gằm, và trong khi đám đàn ông, nói tiếng Pháp, tản ra quanh cổng tìm ly uống sâm banh ướp đá, bà đi tới chỗ cậu gaucho nhỏ, đang bị bỏ mặc đứng một mình, nắm dây cương ngựa trong tay trái (ở đầu kia của khoảng sân dài cha cậu gaucho nhỏ đang hướng về phía chuồng ngựa dẫn theo con ngựa mà người khách Đức đã cưỡi), và bảo cậu, bằng một ngôn ngữ cậu không thể hiểu nổi, rằng đừng buồn, rằng cậu đã chạy một vòng đua xuất sắc nhưng chồng bà cũng giỏi và giàu kinh nghiệm hơn, những từ ngữ mà với cậu gaucho nhỏ nghe như là trăng, như là những áng mây lướt qua mặt trăng, như một cơn bão chậm, và rồi cậu gaucho nhỏ ngước nhìn bà với cặp mắt của một con chim săn mồi, sẵn sàng cắm một con dao vào bụng bà và rạch ngược lên ngực, cắt banh bà ra, mắt cậu long lanh với một vẻ mãnh liệt lạ lùng, như cặp mắt của một tay đồ tể trẻ vụng về, bà nhớ lại, nhưng không ngăn bà đi theo cậu, không có lấy một lời
phản đối, khi cậu nắm lấy tay dẫn bà đến phía bên kia của căn nhà, đến chỗ giàn hoa bằng thép luyện, viền quanh bởi những loại hoa và cây mà bà chưa từng nhìn thấy trong đời hoặc vào giây phút đó bà nghĩ mình chưa từng nhìn thấy chúng trong đời, và bà thậm chí còn thấy một đài phun nước trong khu vườn, một đài phun bằng đá, ở giữa, đứng thăng bằng trên một chân, là một thiên thần có cánh trên lưng mỉm cười nhảy múa, nửa châu Âu nửa man rợ, được tắm không ngừng nhờ ba vòi nước phun từ dưới chân, đài phun nước tạc từ duy nhất một phiến đá hoa cương đen, một đài phun nước mà bà và cậu gaucho nhỏ trầm trồ thật lâu, cho đến khi một người em họ xa của chủ trại xuất hiện (hay một tình nhân mà chủ trại đã đánh mất trong những nếp gấp sâu của ký ức), bảo bà bằng một thứ tiếng Anh cộc lốc và vừa đủ hiểu, rằng chồng bà đang đi tìm bà nãy giờ, và rồi bà bước ra khỏi khu vườn mê hoặc trong cánh tay của người em họ xa, và cậu gaucho nhỏ gọi theo bà, hoặc bà nghĩ vậy, và khi bà ngoảnh lại cậu rít lên mấy từ, bà xoa đầu cậu và hỏi người em họ cậu nói gì, mấy ngón tay bà ngập trong mớ tóc quăn dày của cậu, và người em họ dường như lưỡng lự một chút, nhưng bà, không chấp nhận nói dối hay một nửa sự thật, yêu cầu dịch ngay, thẳng thắn, và người em họ nói: cậu ta nói… cậu ta nói ông chủ… sắp xếp để cho chồng bà thắng hai cuộc đua vừa rồi, và rồi người em họ im lặng và cậu gaucho nhỏ biến về phía đầu kia của khu vườn, kéo lê sợi dây cương ngựa của mình, và bà trở lại bữa tiệc, nhưng không thôi nghĩ về điều cậu gaucho nhỏ đã thú nhận vào phút chót, con cừu tế ấy, và bất kể bà suy nghĩ nhiều thế nào, lời lẽ của cậu vẫn là một câu đố, một câu đố kéo dài suốt phần còn lại của bữa tiệc, tra tấn bà cả khi bà lăn qua lăn lại trên giường, không ngủ được, khiến bà bất an cả ngày hôm sau trong suốt buổi cưỡi ngựa và tiệc BBQ lê thê, rồi theo bà về tới Buenos Aires và không buông tha suốt cả những ngày bà ở trong khách sạn hay đi ra ngoài
dự bữa tiếp tân ở sứ quán Đức hay sứ quán Anh hay sứ quán Ecuador, và chỉ được giải đáp nhiều ngày sau khi chiếc tàu của bà giương buồm khởi hành đi châu Âu, một đêm nọ, vào lúc bốn giờ sáng, khi bà đi dạo trên boong tàu, không biết hay quan tâm xem họ đang ở kinh độ hay vĩ độ nào, bao quanh hay bao quanh một phần bởi bốn mươi mốt triệu dặm vuông nước biển, thì ngay khi đó, khi bà châm thuốc trên boong hạng nhất dành cho hành khách hạng nhất, mắt dán vào đại dương mênh mông mà bà không nhìn thấy nhưng có thể nghe thấy, câu đố được giải một cách thần diệu, và chính khi đó, lúc câu chuyện đến đoạn đó, nhà văn người Swabia nói, bà, một quý bà Frisia từng giàu có quyền lực và thông minh (ít ra theo kiểu của bà), đột nhiên im lặng, và một khoảng lặng đầy chất tôn giáo, hay tệ hơn, mê tín, trùm lên quán rượu Đức hậu chiến buồn bã đó, mà mọi người đã bắt đầu cảm thấy càng lúc càng khó chịu nên vội vã vét nốt những gì còn lại của phần xúc xích và khoai tây của mình và nốc những giọt bia cuối cùng trong cốc, như thể họ sợ bất kỳ lúc nào quý bà kia sẽ bắt đầu hú lên như Nữ thần Thịnh nộ và họ cho là khôn ngoan khi chuẩn bị cho mình một dạ dày căng đầy để đối diện với hành trình lạnh lẽo về nhà.
Và rồi quý bà lên tiếng. Bà nói: “Có ai giải được câu đố không?” Bà nói vậy, nhưng bà không nhìn thẳng hay nói thẳng với bất cứ ai. “Liệu có ai biết câu trả lời cho câu đố đó không? Có ai hiểu không?
Liệu tình cờ có người nào trong thành phố này có thể nói với tôi lời giải, kể cả nếu phải thì thầm vào tai tôi?”
Bà nói tất cả những lời này trong khi mắt vẫn nhìn vào đĩa của mình, phần xúc xích và khoai tây trên đĩa của bà vẫn gần như chưa được động tới.
Và rồi Archimboldi, nãy giờ cúi đầu ăn trong lúc quý bà kia nói, lên tiếng, mà không cao giọng, rằng đó là một cử chỉ hiếu khách, rằng người chủ trại và con trai biết chắc chồng bà sẽ thua vòng đua đầu, và họ đã sắp xếp vòng đua thứ hai và thứ ba sao cho vị cựu đại úy kỵ binh sẽ thắng. Và rồi quý bà nhìn vào mắt ông và cười lớn hỏi tại sao chồng bà thắng vòng đua đầu.
“Tại sao? Tại sao?” bà hỏi.
“Bởi vì con trai người chủ trại,” Archimboldi nói, “người chắc chắn cưỡi ngựa giỏi hơn và có một con ngựa tốt hơn chồng bà, vào phút chót đã không ích kỷ. Nói cách khác, anh ta chọn lựa sự phóng túng, khi quá hào hứng với những hoạt động hội hè tưng bừng mà hai cha con anh đã bày ra. Mọi thứ phải được tiêu phí, kể cả chiến thắng của anh ta, và bằng cách này hay cách khác mọi người đều hiểu nó phải xảy ra theo kiểu như thế, kể cả người phụ nữ đi tìm bà trong vườn. Mọi người ngoại trừ cậu gaucho nhỏ.”
“Chỉ vậy thôi sao?” quý bà hỏi.
“Đối với cậu gaucho thì không. Nếu bà còn nán lại với cậu ta, tôi nghĩ cậu ta sẽ giết bà, tự thân việc đó cũng là một cử chỉ phóng túng, mặc dù chắc chắn không phải loại mà chủ trại và con trai ông nghĩ tới.”
Rồi quý bà đứng dậy, cảm ơn mọi người vì buổi tối dễ chịu, và ra về. “Vài phút sau,” nhà văn Swabia nói, “tôi đưa Archimboldi về nhà trọ. Sáng hôm sau, khi đến đón ông để đưa ra nhà ga, ông ấy đã đi mất.”
♣ ♣ ♣
Tay Swabia đáng kinh ngạc thật, Espinoza nói. Tớ muốn hắn là của riêng mình, Pelletier nói. Cố đừng làm ông ta bị ngộp, cố đừng tỏ ra quá quan tâm, Morini nói. Đối với ông già này chúng ta phải nâng như nâng trứng, Norton nói. Nghĩa là chúng ta phải rất thân thiện đối với ông ta.
♣ ♣ ♣
Nhưng nhà văn Swabia đã nói tất cả những điều phải nói, và mặc dù họ chiều chuộng ông ta, đưa ông ta tới nhà hàng ngon nhất Amsterdam, khen ngợi và trò chuyện với ông ta về sự hiếu khách và hào phóng và số phận của những người xúc tiến văn hóa mắc kẹt trong các thị trấn tỉnh lẻ, họ vẫn không thể moi được điều gì thú vị từ ông ta, mặc dù bốn người cẩn thận ghi lại từng từ ông ta nói, như thể họ đã gặp được nhà tiên tri của mình, một chi tiết mà nhà văn Swabia không thể không để ý và thực tế khiến ông ta rụt rè hơn (mà theo Espinoza và Pelletier, đấy là một đặc điểm bất thường của một người từng đi xúc tiến văn hóa đến nỗi họ nghĩ tay Swabia phải là một kẻ giả vờ), kín đáo hơn, thận trọng hơn, gần đạt đến luật im lặng quái lạ của một tay Quốc xã già đánh hơi thấy nguy hiểm.
♣ ♣ ♣
Mười lăm ngày sau, Espinoza và Pelletier lấy phép mấy ngày đi Hamburg để thăm nhà xuất bản của Archimboldi. Đón họ là tổng biên tập, một người gầy, vẻ ngay thẳng, tầm hơn sáu mươi tuổi tên là Schnell, nghĩa là nhanh nhẹn, mặc dù Schnell có vẻ chậm chạp. Mái tóc ông nâu sẫm,
mượt, lốm đốm bạc nơi thái dương, tô điểm thêm vẻ ngoài trẻ trung của ông. Lúc ông đứng dậy bắt tay, Espinoza và Pelletier đều có cảm giác ông là người đồng tính.
“Xưa giờ mình mới thấy tay bóng này là giống chạch nhất,” sau đó Espinoza nói, trong lúc hai người lang thang giữa Hamburg. Pelletier quở anh vì bình luận đó, vì quá rõ là nó kỳ thị người đồng tính, mặc dù trong sâu xa anh thầm đồng ý, trông Schnell có vẻ gì đó giống chạch, vẻ gì đó của loài cá vốn bơi trong những vùng nước tối, bùn lầy. Dĩ nhiên, họ hầu như đã biết tất cả những gì Schnell có thể kể. Ông chưa bao giờ nhìn thấy Archimboldi, và số tiền, ngày càng nhiều, thì được gửi tại một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Cứ hai năm một lần, các chỉ thị lại được chuyển tới từ phía nhà văn, thư thường mang dấu bưu điện Ý, mặc dù cũng có thư trong hồ sơ của nhà xuất bản mang tem đóng dấu Hy Lạp, Tây Ban Nha và Maroc, những lá thư, tiện đây nói luôn, được gửi cho bà Bubis, chủ nhà xuất bản, và dĩ nhiên là ông chưa đọc.
“Chỉ còn lại hai người ở đây, ngoài bà Bubis, dĩ nhiên, từng gặp mặt Benno von Archimboldi,” Schnell bảo họ. “Giám đốc truyền thông và trưởng ban biên tập. Tới thời tôi làm việc ở đây thì Archimboldi đã biến mất từ lâu.”
Pelletier và Espinoza yêu cầu được nói chuyện với cả hai người phụ nữ. Phòng của giám đốc truyền thông đầy cây và ảnh, không phải tất cả đều là ảnh của các tác giả của nhà xuất bản, và điều duy nhất mà bà có thể nói với họ về nhà văn biến mất đó là ông là một người tốt.
“Ông ấy cao, cao lênh khênh,” bà nói. “Khi đi bên cạnh ông Bubis họ giống như một ti. Hay một li.”
Espinoza và Pelletier không hiểu bà định nói gì, và bà giám đốc truyền thông viết chữ l và chữ i trên một mẩu giấy. Hoặc có thể giống một le hơn. Và bà lại viết gì đó trên mẩu giấy.
le
“Chữ l là Archimboldi, chữ e là ông Bubis quá cố.”
Rồi giám đốc truyền thông bật cười và ngắm họ, ngả người ra sau trên cái ghế xoay của mình trong im lặng. Sau đó họ nói chuyện với trưởng ban biên tập. Bà trạc tuổi giám đốc truyền thông nhưng không vui tính như thế.
Bà nói có, nhiều năm trước bà từng gặp Archimboldi, nhưng bà không còn nhớ mặt ông, hay trông ông như thế nào, hay bất cứ chuyện gì về ông đáng kể lại. Bà không nhớ lần cuối ông đến nhà xuất bản là khi nào. Bà khuyên họ nên nói chuyện với bà Bubis, và rồi, không nói lời nào, bà bận rộn biên tập một bản bông, trả lời câu hỏi của các biên tập viên khác, nói chuyện trên điện thoại với những người có lẽ - Espinoza và Pelletier cộm lên chút thương xót - là các dịch giả. Trước khi về, không nản lòng, họ quay lại văn phòng của Schnell và nói chuyện với ông về các hội nghị và hội thảo về Archimboldi dự kiến cho tương lai. Schnell, chăm chú và lịch sự, bảo họ có thể yên tâm trông cậy ở ông bất cứ thứ gì họ cần.
♣ ♣ ♣
Vì không có gì phải làm trừ việc đợi chuyến bay về Paris và Madrid, Pelletier và Espinoza đi loanh quanh Hamburg. Cuộc đi dạo không thể tránh khỏi việc đưa họ tới khu gái đứng đường và peep show* , và rồi cả hai bỗng trở nên u uất, họ bắt đầu kể cho nhau nghe những chuyện tình và sự
vỡ mộng. Dĩ nhiên họ không kể tên và ngày tháng, họ nói bằng những từ ngữ có thể gọi là trừu tượng, nhưng bất chấp việc có vẻ bàng quan khi thuật lại những chuyện không may ấy, cuộc trò chuyện và đi dạo chỉ dìm họ sâu hơn vào tình trạng u sầu, đến độ sau hai tiếng đồng hồ cả hai cảm thấy như nghẹt thở.
Họ đi taxi về khách sạn trong im lặng.
Một bất ngờ chờ đợi họ ở đó. Trên bàn có mẩu tin nhắn từ Schnell gửi cho cả hai người bọn họ, ông giải thích rằng sau cuộc trò chuyện sáng hôm đó, ông đã quyết định nói chuyện với bà Bubis và bà đồng ý gặp họ. Sáng hôm sau, Espinoza và Pelletier ghé đến căn phòng của nhà xuất bản, trên tầng ba một tòa nhà cổ ở đầu kia Hamburg. Trong lúc chờ đợi họ nhìn những tấm ảnh đóng khung treo trên một bức tường. Trên hai bức tường kia có những bức sơn dầu của Soutine và Kandinsky và nhiều họa phẩm của Grosz, Kokoschka và Ensor. Nhưng Espinoza và Pelletier quan tâm đến các tấm ảnh hơn, phần lớn là ảnh các nhà văn mà họ coi thường hay ngưỡng mộ, và dù gì thì cũng đã đọc: Thomas Mann với Bubis, Heinrich Mann với Bubis, Klaus Mann với Bubis, Alfred Döblin với Bubis, Hermann Hesse với Bubis, Walter Benjamin với Bubis, Anna Seghers với Bubis, Stefan Zweig với Bubis, Bertolt Brecht với Bubis, Feuchtwanger với Bubis, Johannes Becher với Bubis, Oskar Maria Graf với Bubis, những thân hình, gương mặt và cảnh mờ mờ, đóng khung đẹp đẽ. Với sự ngây thơ của người chết, vốn không còn bận lòng về việc bị quan sát, những người trong ảnh trông ra sự nhiệt tình hầu như không nén nổi của các giáo sư. Lúc bà Bubis xuất hiện, hai người bọn họ đang chụm đầu với nhau cố đoán liệu người đứng cạnh Bubis có phải là Fallada hay không.
Đúng rồi, đó là Fallada, bà Bubis nói. Quay lại, Pelletier và Espinoza thấy một phụ nữ đứng tuổi vận áo trắng và váy đen, một phụ nữ có dáng người như Marlene Dietrich, như về sau này Pelletier sẽ nói vậy, một phụ nữ bất chấp tuổi tác vẫn luôn luôn mạnh mẽ, một phụ nữ không thèm bám vào mép vực mà lao thẳng xuống đó cùng sự hiếu kỳ và vẻ lịch lãm. Một phụ nữ lao xuống vực bằng cách ngồi xuống.
“Nhà tôi quen biết tất cả nhà văn Đức và các nhà văn Đức yêu mến và tôn trọng ông ấy, ngay cả khi sau này đôi ba người bọn họ nói những điều kinh khủng về ông ấy mà thậm chí không phải cái nào cũng chính xác,” bà Bubis mỉm cười nói.
Họ trò chuyện về Archimboldi, bà Bubis gọi mang trà và bánh ngọt vào, nhưng bà lại uống vodka, điều này khiến Espinoza và Pelletier ngạc nhiên, không phải vì bà bắt đầu uống quá sớm, mà vì bà không mời họ, tuy rằng dù gì họ cũng sẽ từ chối.
“Người duy nhất ở nhà xuất bản biết tường tận tác phẩm của Archimboldi,” bà Bubis nói, “là ông Bubis, người xuất bản toàn bộ sách của ông ấy.”
Nhưng bà tự hỏi mình (và mở rộng ra, cả hai người bọn họ) liệu một người có thể thật sự biết tác phẩm của người khác kỹ đến chừng nào. “Ví dụ, tôi yêu tác phẩm của Grosz,” bà nói, trỏ về phía những bức tranh của Grosz trên tường, “nhưng tôi có thực sự hiểu chúng không? Những câu chuyện của ông ấy làm tôi bật cười, tôi thường nghĩ Grosz vẽ những bức tranh ấy để làm tôi cười, đôi khi tôi cười đến độ sảng khoái, rồi thành trận cười ngặt nghẽo, nhưng có lần tôi gặp một nhà phê bình mỹ thuật cũng thích Grosz, nhưng lại bị trầm cảm nặng khi dự triển lãm tác phẩm của ông hay khi phải nghiên cứu một bức sơn dầu hay họa phẩm nào
đó vì yêu cầu công việc. Và những đợt trầm cảm hay buồn bã này thường kéo dài hàng tuần. Nhà phê bình mỹ thuật này là một người bạn, nhưng bọn tôi không bao giờ bàn luận về Grosz. Tuy nhiên có lần, tôi nhắc tới ảnh hưởng của Grosz đối với mình. Thoạt tiên ông ấy không chịu tin tôi. Rồi ông bắt đầu lắc đầu nguầy nguậy. Rồi ông nhìn tôi từ đầu tới chân cứ như ông chưa bao giờ để mắt tới tôi trước đây. Tôi nghĩ ông ấy phát điên. Tình bạn của chúng tôi chấm dứt ở đó. Cách đây không lâu tôi nghe thuật lại ông ấy vẫn nói rằng tôi chẳng biết gì về Grosz và tôi có thẩm mỹ của một con bò. Thì thôi, kệ ông ấy muốn nói gì thì nói. Grosz làm tôi cười, Grosz làm ông ấy trầm cảm, nhưng ai có thể nói rằng mình thực sự hiểu Grosz?
“Hãy giả định,” bà Bubis nói, “ngay tại lúc này đây có tiếng gõ cửa và ông bạn cũ của tôi, nhà phê bình nghệ thuật ấy, bước vào. Ông ấy ngồi đây trên ghế sofa cạnh tôi, và một trong hai anh chìa ra một họa phẩm không ký tên bảo chúng tôi đây là một bức của Grosz mà các anh muốn bán. Tôi nhìn bức tranh, mỉm cười, và lấy tập séc ra để mua. Nhà phê bình mỹ thuật xem bức tranh nhưng không bị trầm cảm và cố làm tôi cân nhắc lại. Ông ấy nói đó không phải là Grosz. Tôi nói phải. Vậy trong hai chúng tôi ai đúng?
“Hay kể câu chuyện theo một cách khác. Anh,” bà Bubis nói, trỏ vào Espinoza, “chìa ra một bức tranh không có chữ ký nói đó là của Grosz và cố gắng bán nó. Tôi không cười, tôi nhìn nó lạnh lùng, tôi cảm nhận được đường nét, sự kiềm chế, châm biếm, nhưng không có gì trong bức tranh đó làm tôi buồn cười cả. Còn nhà phê bình nghệ thuật ngắm nghía nó cẩn thận rồi bị trầm cảm, như thường lệ, và rồi ông ra giá, một mức giá vượt quá mức tiền tiết kiệm của ông, và nếu được chấp nhận nó sẽ đày ông vào những buổi chiều triền miên sầu muộn. Tôi cố thay đổi suy nghĩ của ông ấy. Tôi nói với ông ấy bức tranh đáng ngờ bởi nó không làm tôi cười. Nhà
phê bình nói cuối cùng tôi cũng đang nhìn Grosz như một người trưởng thành và chúc mừng tôi. Vậy trong hai chúng tôi ai đúng?”
♣ ♣ ♣
Rồi họ quay lại đề tài Archimboldi và bà Bubis cho họ xem một bài điểm sách rất kỳ quặc xuất hiện trên một tờ báo Berlin sau khi phát hành cuốn Lüdicke, tiểu thuyết đầu tiên của Archimboldi. Bài điểm sách, của ai đó tên là Schleiermacher, cố gắng tóm gọn tính cách của nhà tiểu thuyết trong vài từ.
Trí tuệ: làng nhàng.
Phẩm chất: động kinh.
Trình độ học thuật: lộm nhộm.
Khả năng kể chuyện: lộn xộn.
Nhạc tính: lộn xộn.
Sử dụng tiếng Đức: lộn xộn.
Thông minh vừa phải và trình độ học thuật lộm nhộm còn dễ hiểu. Nhưng ý ông ta là gì khi nói phẩm chất động kinh? Rằng Archimboldi mắc chứng động kinh ư? Hay đầu óc ông không bình thường? Phải chăng ông ấy chịu đựng những đợt lên cơn bí ẩn? Hay ông ấy là độc giả mê muội của Dostoevsky? Bài viết không có mô tả ngoại hình nhà văn.
“Chúng tôi không bao giờ biết được tay Schleiermacher này là ai,” bà Bubis nói, “đôi khi nhà tôi còn nói đùa rằng tự tay Archimboldi viết bài điểm sách. Nhưng cả tôi lẫn ông ấy đều biết rõ không phải như vậy.”
Gần chính ngọ, lúc sắp ra về, Pelletier và Espinoza đánh bạo hỏi câu hỏi duy nhất mà họ nghĩ thực sự đáng hỏi: liệu bà có thể giúp họ liên lạc với Archimboldi? Bà Bubis nhướng mắt lên. Cứ như thể bà đang ở tại nơi xảy ra một đám cháy, sau này Pelletier kể lại cho Liz Norton. Không phải ngọn lửa thịnh nộ, mà một đám cháy sắp tàn, sau khi đã cháy hàng tháng trời. Bà trả lời không bằng cách lắc đầu nhè nhẹ khiến Pelletier và Espinoza ngay lập tức nhận ra có khẩn khoản cũng vô ích.
Mặc dù vậy, họ vẫn nấn ná thêm một lát. Đâu đó từ trong nhà văng vẳng giai điệu một bài hát Ý rất quen. Espinoza hỏi liệu bà có quen Archimboldi, liệu bà có từng gặp trực tiếp ông ấy khi chồng bà còn sống. Bà Bubis nói bà đã gặp, và rồi, bằng một giọng khe khẽ bà nhẩm theo đoạn điệp khúc cuối của bài hát đó. Tiếng Ý của bà, theo hai người bạn, rất tốt.
“Archimboldi trông như thế nào?” Espinoza hỏi.
“Cao lắm,” bà Bubis nói, “rất cao, một người thực sự cao lênh khênh. Nếu sinh thời nay rất có thể ông ấy sẽ chơi bóng rổ.”
Nhưng nghe cách bà nói, Archimboldi cũng rất có thể là một chú lùn. Trên taxi về khách sạn, hai người nghĩ về Grosz và về cái tràng cười hiểm ác, lanh lảnh của bà Bubis và ấn tượng căn nhà treo đầy ảnh đấy để lại, tuy nhiên ở đó ảnh của nhà văn duy nhất họ quan tâm lại bị thiếu mất. Mặc dù không muốn thừa nhận, cả hai tin rằng (hay cảm nhận thấy) chút hiểu biết mà khu đèn đỏ làm lóe lên trong họ còn quan trọng hơn bất cứ khơi lộ nào mà họ đánh hơi được khi là khách của bà Bubis.
♣ ♣ ♣
Nói một cách ngắn gọn, và thẳng thừng: khi tản bộ quanh Sankt Pauli, Pelletier và Espinoza chợt nhận ra cuộc tìm kiếm Archimboldi không bao giờ có thể lấp đầy cuộc đời của họ. Họ có thể đọc ông, họ có thể nghiên cứu ông, họ có thể soi mói ông, nhưng họ chẳng thể vui cười hay buồn bã cùng ông, phần nào bởi vì Archimboldi lúc nào cũng xa xôi, phần nào vì tác phẩm của ông, khi họ càng đi sâu vào, càng ngấu nghiến những kẻ khám phá. Nói một cách ngắn gọn: ở Sankt Pauli và sau đó ở nhà bà Bubis, nơi treo những tấm ảnh của ông Bubis về cuối đời và ảnh các nhà văn, Pelletier và Espinoza hiểu rằng cái họ muốn khơi mào là tình yêu, không phải chiến tranh.
♣ ♣ ♣
Chiều hôm đó, họ đi chung taxi đến sân bay mà không đả động tới bất cứ chuyện riêng tư nào ngoài cái cực kỳ cần thiết - chuyện riêng tư theo nghĩa chung, hay theo nghĩa trừu tượng - và trong khi chờ máy bay họ nói về tình yêu, về nhu cầu yêu. Pelletier bay trước. Còn lại một mình (chuyến bay của anh cất cánh sau một tiếng), ý nghĩ của Espinoza chuyển sang Liz Norton và cơ may thực tế để tán tỉnh cô. Anh hình dung ra cô và sau đó tưởng tượng ra chính mình, hai người vai kề vai, chia sẻ một căn hộ ở Madrid, cùng đi siêu thị, cùng làm việc tại khoa tiếng Đức. Anh hình dung ra văn phòng của mình và của cô, cách nhau một bức vách, và những đêm ở Madrid bên cạnh cô, ăn uống cùng bạn bè ở những quán ăn ngon, và trở về nhà, một bồn tắm thật to, một chiếc giường thật rộng.
♣ ♣ ♣
Nhưng Pelletier đến trước một bước. Ba ngày sau cuộc gặp với nhà xuất bản của Archimboldi, anh xuất hiện ở London không báo trước, và sau khi kể cho Liz Norton những tin tức mới nhất, anh mời cô đi ăn tối tại một quán ở Hammersmith mà một đồng nghiệp trong khoa Nga giới thiệu, ở đó họ ăn ragu, xúp đậu chickpea với củ cải đường, cá nhúng chanh với sữa chua, một bữa tối có nến, đàn vĩ cầm và những hầu bàn người Nga đích thực và hầu bàn người Ireland giả Nga, từ bất cứ góc nhìn nào tất cả những thứ ấy đều quá lố, còn từ góc độ ẩm thực thì đôi chút quê mùa và kém tin cậy, họ uống vodka trong bữa tối và một chai Bordeaux, toàn bộ bữa ăn tốn của Pelletier một mớ kha khá, nhưng cũng đáng vì sau đó Norton mời anh về nhà, chính thức là để thảo luận về Archimboldi và đôi ba điều mà bà Bubis đã tiết lộ, bao gồm, dĩ nhiên, bài đánh giá đầy vẻ coi thường của nhà phê bình Schleiermacher về tác phẩm đầu tay của Archimboldi, và rồi cả hai bắt đầu phá ra cười và rất lịch thiệp Pelletier hôn lên môi Norton, cô hôn đáp anh nồng nhiệt hơn nhiều, chắc nhờ bữa ăn tối, vodka và Bordeaux, nhưng Pelletier nghĩ rằng nó thể hiện sự hứa hẹn, rồi họ lên giường và quần nhau một tiếng đồng hồ cho đến khi Norton lăn ra ngủ.
♣ ♣ ♣
Đêm đó, trong khi Liz Norton ngủ, Pelletier nhớ về một buổi chiều lâu rồi anh và Espinoza xem một bộ phim kinh dị trong một căn phòng ở một
khách sạn Đức.
Đó là một bộ phim Nhật, một trong những cảnh đầu phim có hai cô thiếu nữ. Một cô đang kể chuyện. Đó là câu chuyện về một cậu bé đang đi nghỉ ở Kobe muốn ra ngoài đi chơi với bạn trong lúc tivi phát chương trình yêu thích nhất của cậu. Cậu kiếm một đầu video và cài đặt cho đầu máy thu lại chương trình rồi đi chơi. Rắc rối là cậu vốn là dân Tokyo mà ở Tokyo chương trình cậu thích phát trên kênh 34, trong khi ở Kobe, kênh 34 là một kênh trắng, một kênh mà bạn chỉ thấy trắng xóa.
Đi chơi về, cậu ngồi xuống trước tivi và bật đầu máy, thay vì chương trình yêu thích của mình, cậu thấy một người đàn bà mặt trắng bệch nói rằng cậu sắp chết.
Và chỉ có thế.
Rồi điện thoại reo, cậu bắt máy và nghe thấy giọng người đàn bà đó hỏi cậu có nghĩ đó là một trò đùa không. Một ngày sau người ta phát hiện cậu nằm trong sân, đã chết.
Cô thứ nhất kể cho cô thứ hai câu chuyện này trong bộ dạng có vẻ như sắp phì cười. Cô thứ hai rõ ràng sợ tê người. Nhưng cô thứ nhất, người đang kể chuyện, trông như sắp bò ra sàn mà cười.
Và rồi, Pelletier nhớ, Espinoza nói cô gái thứ nhất là kẻ đa nhân cách và cô thứ hai là một ả ngớ ngẩn, và phim chắc có thể hay hơn nếu cô thứ hai, thay vì há hốc mồm nhìn tỏ vẻ sợ hãi, thì bảo cô thứ nhất câm mồm lại. Không cần nhẹ nhàng hay lịch sự, cô nên bảo cô kia: “Ngậm mẹ cái mồm thối của cậu lại đi, có gì buồn cười đâu? Kể chuyện một thằng bé chết làm cho cậu hứng tình à? Kể chuyện một thằng bé chết làm cho cậu lên đỉnh hả, đồ gái mơ mút chim?”
Và cứ tiếp tục một mạch như thế. Pelletier nhớ là Espinoza sục sôi cả lên, thậm chí anh ta còn thể hiện cái giọng mà cô gái thứ hai lẽ ra nên dùng và cách mà cô ta nên đứng, đến nỗi anh nghĩ tốt nhất là tắt tivi dẫn Espinoza ra quán bar uống một ly trước khi quay lại phòng. Anh cũng nhớ rằng vào thời điểm đó anh có một cảm giác âu yếm dành cho Espinoza, một sự âu yếm đưa thời thiếu niên trở lại, khi những cuộc phiêu lưu được hăng hái sẻ chia, và những buổi chiều phố huyện.
♣ ♣ ♣
Tuần đó, điện thoại nhà Liz Norton reo ba, bốn lần mỗi chiều và điện thoại di động của cô reo hai, ba lần mỗi sáng. Các cuộc gọi là của Pelletier và Espinoza, và mặc dù cả hai đều viện những cái cớ rất tinh vi liên quan đến Archimboldi, những cớ này cạn sạch trong vòng một phút và hai vị giáo sư dấn tới nói những điều thực sự đang nung nấu trong đầu họ.
Pelletier nói về các đồng nghiệp trong khoa tiếng Đức, về một thi sĩ và giáo sư trẻ người Thụy Sĩ đang quấy rầy anh để xin một học bổng, về bầu trời ở Paris (những lời gợi nhắc bóng dáng của Baudelaire, Verlain, Banville), về những chiếc ô tô khi hoàng hôn xuống, đèn đã bật, hướng về nhà. Espinoza nói về tủ sách của mình, nơi anh sắp xếp sách những khi tịch mịch nhất, về những tiếng trống xa xa thỉnh thoảng vọng lại từ căn hộ hàng xóm dường như là nhà của một nhóm nhạc công châu Phi, về những khu phố của Madrid, Lavapies, Malasana, và về khu vực quanh Gran Vía, nơi bạn có thể đi dạo bất cứ giờ nào trong đêm.
♣ ♣ ♣
Trong thời gian này, cả Espinoza lẫn Pelletier hoàn toàn không nhớ gì tới Morini. Chỉ Norton thỉnh thoảng gọi cho anh, tiếp tục nói chuyện như mọi khi.
Morini đã biến mất khỏi tầm mắt theo kiểu của mình.
♣ ♣ ♣
Pelletier nhanh chóng quen thuộc với việc tới London bất cứ lúc nào anh muốn, mặc dù cần nhấn mạnh rằng về quãng đường cũng như phương tiện đi lại, anh lợi nhất.
Những lần ghé thăm này chỉ kéo dài một đêm mà thôi. Pelletier thường tới nơi sau chín giờ một chút, gặp Norton lúc mười giờ ở một nhà hàng mà anh đặt trước từ Paris, và đến một giờ họ đã lên giường.
Liz Norton là một người tình cuồng nhiệt, nhưng chỉ cuồng nhiệt trong một quãng thời gian ngắn. Tự bản thân cô không giàu trí tưởng tượng lắm, cô buông mình theo bất cứ trò chơi nào người tình của mình gợi ý, không bao giờ chủ động, hay nghĩ mình cần phải thế. Những cuộc yêu đương này hiếm khi kéo dài quá ba giờ đồng hồ, một thực tế thỉnh thoảng làm Pelletier buồn, vì anh sẽ vui vẻ quần nhau tới rạng sáng nếu có thể.
Xong cuộc gối chăn, và đây là điều làm Pelletier phiền lòng nhất, Norton ưa nói chuyện về những vấn đề học thuật hơn là nhìn thẳng vào những tiến triển giữa họ. Với Pelletier, sự lạnh nhạt của Norton dường như là một phương thức tự vệ đặc biệt nữ tính. Hy vọng hiểu được cô, một đêm
anh quyết định kể cô nghe chuyện phiêu lưu tình cảm của mình. Anh bày ra một danh sách dài những phụ nữ anh quen biết và kể cô nghe về họ để rồi chỉ được nhận lại cái nhìn lạnh nhạt hay lãnh đạm. Cô dường như không quan tâm và chẳng tỏ vẻ gì muốn đáp lại nỗi bộc bạch của anh bằng chuyện của mình.
Vào các buổi sáng, sau khi gọi taxi, Pelletier khẽ khàng tròng quần áo vào để khỏi đánh thức cô và đi thẳng đến sân bay. Trước khi đi anh thường đứng ngắm cô trong vài giây, uể oải nằm giữa chăn ga, và đôi khi anh thấy lòng dào dạt ái tình đến nỗi có thể bật khóc.
♣ ♣ ♣
Một tiếng sau đồng hồ báo thức của Liz Norton sẽ reo khiến cô phóng ra khỏi giường. Cô tắm, đun nước, uống trà pha sữa, sấy tóc và kiểm tra toàn diện căn hộ như thể sợ vị khách đêm qua đã cuỗm đi một món đồ giá trị nào đó. Phòng khách và phòng ngủ luôn luôn là một đống tan hoang, và chuyện đó làm cô bực bội. Cô nôn nóng nhặt nhạnh những chiếc cốc bẩn, đổ gạt tàn thuốc, thay ga, xếp những cuốn sách mà Pelletier đã lấy từ trên kệ xuống bỏ trên sàn nhà, gác lại mấy cái chai lên giá trong bếp, rồi mặc quần áo và đi đến trường đại học. Nếu có họp với các đồng nghiệp trong khoa, cô sẽ đi họp, còn nếu không có họp, cô sẽ tự nhốt mình trong thư viện làm việc hay đọc sách cho đến giờ lên lớp.
♣ ♣ ♣
Một thứ Bảy nọ, Espinoza bảo cô phải tới Madrid, cô sẽ là khách của anh, Madrid mùa này trong năm là thành phố đẹp nhất thế giới, và đang có triển lãm tranh Bacon nữa, không nên bỏ lỡ.
“Mai em sẽ tới,” Norton nói, khiến Espinoza choáng váng, vì lời mời của anh vốn là mong ước hơn là hy vọng đúng nghĩa rằng cô sẽ nhận lời. Biết chắc rằng ngày hôm sau cô sẽ xuất hiện tại căn hộ của mình, Espinoza tự nhiên rơi vào tình trạng càng lúc càng phấn khích đồng thời bất an tràn ngập. Tuy vậy họ đã có một Chủ nhật tuyệt vời (Espinoza làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo điều đó), và đêm đó họ lên giường cùng nhau, lắng nghe tiếng trống nhà bên nhưng không nghe thấy gì, như thể ngày hôm đó ban nhạc châu Phi đã dọn đồ đi lưu diễn ở các thành phố Tây Ban Nha khác. Espinoza có quá nhiều điều muốn hỏi đến nỗi khi đến lúc thì anh không hỏi một câu nào. Anh không cần hỏi. Norton bảo anh rằng cô và Pelletier là tình nhân, mặc dù cô diễn đạt một cách khác, dùng từ gì đó mơ hồ hơn, có lẽ là bạn bè, hoặc có lẽ cô nói họ đã gặp gỡ nhau, hay những từ khác mang ý nghĩa ấy.
Espinoza những muốn biết họ cặp nhau bao lâu rồi, nhưng anh chỉ có thể thở dài. Norton nói cô có nhiều bạn bè, không nói rõ ý cô muốn diễn đạt là bạn-bạn hay bạn-tình nhân, và lúc nào cũng vậy từ khi mười sáu tuổi, khi cô làm tình lần đầu tiên với một người ba mươi tư tuổi, một nhạc công thất bại của khu Pottery Lane, và đây là cách cô nhìn nhận sự việc. Espinoza, chưa bao giờ nói chuyện với phụ nữ về tình yêu (hay tình dục) bằng tiếng Đức, hai người trần truồng nằm trên giường, muốn biết chính xác cô nhìn nhận sự việc như thế nào, bởi vì anh vẫn chưa thông lắm chuyện ấy, nhưng tất cả những gì anh làm là gật đầu.
Sau đó là một ngạc nhiên lớn. Norton nhìn vào mắt anh hỏi anh có nghĩ là anh biết cô không. Espinoza nói anh không chắc lắm, có lẽ theo cách nào đó anh nghĩ có và theo cách khác thì không, nhưng anh dành cho cô sự tôn trọng lớn lao và ngưỡng mộ công trình của cô với tư cách học giả và nhà phê bình tác phẩm của Archimboldi. Khi đó Norton mới bảo anh cô đã có gia đình rồi và cũng đã ly hôn.
“Anh không hề biết,” Espinoza nói.
“Ừ, đúng vậy đó,” Norton nói. “Em từng ly hôn.”
Khi Liz Norton bay về London rồi, Espinoza ở lại còn lo lắng hơn hai ngày bên cô ở Madrid. Một mặt, cuộc gặp gỡ thành công như mức anh đã hy vọng, không nghi ngờ gì về chuyện đó. Đặc biệt, trên giường, hai người dường như hiểu nhau, rất hòa hợp với nhau, cứ như đã biết nhau từ lâu lắm rồi, nhưng khi xong cuộc ái ân và Norton có tâm trạng để trò chuyện, mọi thứ thay đổi. Cô bước vào trạng thái thôi miên, như thể cô chẳng có người bạn gái nào để trút bầu tâm sự, Espinoza nghĩ, trong thâm tâm anh tin rằng những thú nhận như thế không dành cho lỗ tai đàn ông mà đúng ra người nghe phải là phụ nữ: ví dụ, Norton nói về chu kỳ kinh nguyệt, mặt trăng và những bộ phim đen trắng bất thần chuyển thành phim kinh dị, những chuyện này hoàn toàn làm Espinoza trầm cảm, đến mức khi cô ngừng nói thì cần phải có một nỗ lực siêu nhân anh mới mặc nổi quần áo và đi ra ngoài ăn tối hay gặp gỡ bạn bè, khoác tay Norton, ấy là chưa kể đến vấn đề với Pelletier, mà khi thực sự nghĩ về chuyện ấy anh cứ thấy rờn rợn, giờ đây ai sẽ nói với Pelletier mình đang ngủ với Liz? Tất cả những chuyện đó làm Espinoza bồn chồn, và khi anh một mình, bụng nhộn nhạo khiến anh muốn lao vào nhà vệ sinh, y như lúc Norton kể chuyện đã xảy ra với cô (sao mình lại để cô ấy kể mình nghe những thứ này!) khi cô
gặp chồng cũ, một gã cao một mét chín và không bình thường lắm, một mối nguy với chính gã và người khác, một kẻ có thể đã là một gã côn đồ tép riu hay một kẻ du côn, trình độ văn hóa của hắn dừng ở những bài hát cũ mèm hắn hát trong quán rượu cùng đám bạn bè từ hồi nhỏ, một gã cà lơ tin tưởng vào tivi và có linh hồn co quéo, rúm ró của một tay cực đoan tôn giáo. Nói trắng ra, một gã chồng tệ hại nhất mà đàn bà có thể dính phải, bất kể nhìn theo cách nào.
♣ ♣ ♣
Và thậm chí mặc dù Espinoza đã tự trấn an mình bằng lời hứa rằng anh sẽ không đưa sự việc đi xa hơn nữa, bốn ngày sau, khi đã hồi phục, anh gọi cho Norton nói anh muốn gặp cô. Norton hỏi anh thích gặp ở London hay Madrid hơn. Espinoza nói tùy cô. Norton chọn Madrid. Espinoza cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới.
Tối thứ Bảy Norton đến và tối Chủ nhật cô về. Espinoza chở cô đến El Escorial rồi sau đó đi xem một buổi biểu diễn Flamenco. Anh nghĩ cô có vẻ vui vẻ và anh mừng vì điều đó. Tối thứ Bảy họ làm tình suốt ba tiếng đồng hồ, sau đó Norton, thay vì bắt đầu nói chuyện như lần trước, nói cô kiệt sức và đi ngủ. Ngày hôm sau, sau khi tắm, họ lại làm tình rồi đi tới El Escorial. Trên đường về Espinoza hỏi cô có gặp Pelletier không. Norton nói có, Jean-Claude vừa mới ở London.
“Cậu ấy thế nào?” Espinoza hỏi.
“Ổn,” Norton nói. “Em đã kể với anh ấy về bọn mình.”
Espinoza chợt bủn rủn và cố tập trung vào con đường.
“Vậy cậu ấy nghĩ gì?” anh hỏi.
“Rằng đó là chuyện của em,” Norton nói, “nhưng trước sau gì em cũng phải lựa chọn.”
Mặc dù không nhận xét gì, Espinoza thán phục thái độ của Pelletier. Quả là một người đàn ông biết cách chơi đẹp, anh nghĩ. Rồi Norton hỏi anh nghĩ sao về chuyện đó.
“Đại khái giống vậy,” Espinoza nói dối, mắt không rời đường. Họ im lặng một đỗi rồi Norton bắt đầu nói về chồng mình. Lần này những chuyện rùng rợn cô kể không mảy may ảnh hưởng đến Espinoza.
♣ ♣ ♣
Pelletier gọi Espinoza tối Chủ nhật đó, ngay sau khi Espinoza vừa thả Norton xuống phi trường. Anh đi thẳng vào vấn đề. Anh nói anh biết Espinoza biết chuyện gì đang xảy ra. Espinoza nói anh cảm kích về cuộc gọi, và dù Pelletier tin hay không, anh định gọi cho Pelletier ngay đêm đó và lý do duy nhất anh chưa làm là vì Pelletier đã làm trước. Pelletier nói anh tin.
“Vậy bây giờ chúng ta làm gì?” Espinoza hỏi.
“Phó mặc tất cả cho bàn tay định mệnh,” Pelletier trả lời. Rồi họ bắt đầu nói chuyện - và cười khá nhiều - về một hội nghị kỳ lạ vừa mới được tổ chức ở Salonika, mà chỉ mỗi Morini được mời.
♣ ♣ ♣
Ở Salonika, Morini bị một cơn choáng nhẹ. Một sáng anh thức giấc trong phòng khách sạn không thể nhìn thấy gì cả. Anh đã bị mù. Thoạt tiên anh hoảng sợ, nhưng một lúc sau anh cũng cố gắng tự chủ lại được. Anh nằm trên giường không nhúc nhích, cố gắng ngủ lại. Anh nghĩ về những chuyện dễ chịu, cố nhớ tới những cảnh tượng thời thơ ấu, vài bộ phim, những gương mặt tĩnh tại, nhưng đều không có tác dụng. Anh ngồi dậy trên giường và sờ xung quanh tìm chiếc xe lăn. Anh bật nó ra rồi quăng người lên xe không quá khó nhọc như anh tưởng. Rồi, rất chậm chạp, anh cố xoay người về phía cánh cửa duy nhất của căn phòng, một cánh cửa kiểu Pháp mở ra ban công nhìn xuống những ngọn đồi trọc, màu nâu vàng, và một tòa nhà văn phòng trên nóc có bảng đèn nê ông của một công ty bất động sản quảng cáo những biệt thự nhỏ trong một khu hẳn là gần Salonika.
Công trình (chưa được xây) có tên Apollo Residences, tối hôm trước, Morini, với một ly whiskey trên tay, đã ngắm nhìn bảng hiệu từ ban công phòng mình khi nó đang nhấp nháy. Giờ anh chạm tới cửa ra ban công và đang xoay xở mở nó ra thì cảm thấy chóng mặt, như muốn ngất. Thoạt tiên anh định cố tìm cánh cửa ra hành lang và có thể là kêu gọi giúp đỡ hay để mặc mình ngã xuống giữa hành lang. Rồi anh quyết định tốt nhất là trở lại giường. Một tiếng sau anh bị đánh thức bởi làn ánh sáng tràn vào phòng qua cửa sổ để mở và bởi chính mồ hôi của mình. Anh gọi tiếp tân hỏi có tin nhắn nào cho mình không. Anh được bảo là không có. Anh cởi quần áo trên giường và quay trở lại xe lăn đang nằm sẵn bên cạnh. Mất nửa tiếng đồng hồ anh mới tắm xong và mặc được quần áo sạch. Rồi anh đóng cửa sổ mà không nhìn ra ngoài, rồi ra khỏi phòng đến hội nghị.
♣ ♣ ♣
Bốn người bọn họ gặp lại nhau ở một hội nghị văn học Đức đương đại tổ chức ở Salzburg năm 1996. Espinoza và Pelletier có vẻ rất vui. Norton, ngược lại, giống như một nữ hoàng băng giá, thờ ơ trước những tặng vật văn hóa và vẻ đẹp của thành phố. Morini xuất hiện cùng chất ngất sách và bài làm cần phải chấm, như thể hội nghị Salzburg nhằm lúc anh đang bận nhất mà họp.
Cả bốn người được xếp ở chung khách sạn. Morini và Norton ở tầng ba, trong hai phòng lần lượt là 305 và 311. Espinoza ở tầng năm, phòng 509. Và Pelletier ở tầng sáu, phòng 602. Khách sạn bị chiếm cứ, theo đúng nghĩa đen, bởi một dàn nhạc giao hưởng Đức và một ca đoàn Nga, lúc nào cũng có tiếng nhạc ầm ĩ ở các hành lang và trên các cầu thang, lúc to lúc nhỏ, như thể các nhạc công không bao giờ ngừng ngâm nga những khúc dạo đầu hay như thể một sự ứ đọng về tinh thần (và âm nhạc) đã chiếm lĩnh khách sạn. Espinoza và Pelletier không phiền tí nào, còn Morini dường như không để ý, nhưng Norton thì tuyên bố, đây là thứ, một trong nhiều thứ mà cô sẽ không kể ra, khiến Salzburg thành ra một chỗ nhơ nhớp như thế.
Đương nhiên, cả Espinoza lẫn Pelletier đều không ghé phòng Norton lần nào. Thay vào đó, căn phòng mà Espinoza ghé tới (một lần) là phòng Pelletier, và căn phòng mà Pelletier ghé qua (hai lần) là phòng Espinoza, hai bọn họ hào hứng như trẻ con khi nghe được cái tin đang lây lan như đám cháy rừng, như đám cháy hạt nhân, dọc các hành lang và suốt các cuộc họp tổ chức trong hội nghị, rằng Archimboldi là ứng cử viên cho giải Nobel năm ấy, không chỉ là nguyên do để các học giả Archimboldi khắp nơi vui mừng mà còn là một chiến thắng, một minh chứng rõ rành rành, lớn đến nỗi ở Salzburg, tại quán bia Red Bull, trong một đêm của nhiều lời chúc
tụng, hòa bình được tuyên bố giữa hai phe học giả Archimboldi, tức là, giữa Pelletier và Espinoza với Borchmeyer, Pohl và Schwarz, họ quyết định từ đó trở đi, với sự tôn trọng dành cho những khác biệt và phương pháp diễn dịch của nhau, kết hợp các nỗ lực của họ và từ bỏ động thái phá hoại, về thực tế nghĩa là Pelletier sẽ không còn phủ quyết việc đăng các tiểu luận của Schwarz trên các tạp chí mà anh kiểm soát, và Schwarz sẽ không phủ quyết việc đăng tải các nghiên cứu của Pelletier trên các tạp chí mà Schwarz được tôn kính như thánh.
♣ ♣ ♣
Morini, không hào hứng như Pelletier và Espinoza, là người đầu tiên chỉ ra rằng cho đến bây giờ, ít nhất trong chừng mực anh biết, Archimboldi chưa bao giờ đoạt một giải thưởng quan trọng nào ở Đức, cho dù là giải thưởng của các đơn vị bán sách, giải thưởng của các nhà phê bình, giải thưởng của độc giả, hay giải thưởng của các nhà xuất bản, giả định có giải đó, điều này có nghĩa là người ta có quyền mong đợi rằng, khi biết Archimboldi được cân nhắc giải thưởng lớn nhất của văn chương thế giới, các đồng hương người Đức của ông, ngay cả chỉ để cho an toàn, sẽ trao cho ông một giải thưởng quốc gia hay giải thưởng tượng trưng hay giải thưởng danh dự hay ít nhất một tiếng đồng hồ phỏng vấn trên truyền hình, nhưng những chuyện đó đều không xảy ra, khiến các học giả Archimboldi thêm giận dữ (lần này thì đoàn kết), và họ thay vì ngã lòng vì những đối xử tệ hại mà Archimboldi tiếp tục gánh nhận, đã nhân đôi những nỗ lực của mình, bị khích động trong sự bực dọc và bị thúc giục bởi sự bất công mà một nhà nước văn minh đối xử với - theo ý họ - không chỉ nhà văn xuất sắc
nhất còn sống ở Đức, mà còn là nhà văn xuất sắc nhất còn sống ở châu Âu, và chuyện này khơi mào cho dồn dập các nghiên cứu văn chương và thậm chí nghiên cứu tiểu sử của Archimboldi (người ta biết về ông quá ít đến nỗi có thể coi như chưa biết gì), chuyện này đến lượt nó thu hút thêm người đọc, hầu hết bị hút hồn không phải vì tác phẩm của nhà văn Đức mà bởi cuộc đời hay phi-cuộc-đời của một nhân vật độc đáo như thế, điều ấy đến lượt nó biến thành một phong trào truyền miệng làm tăng doanh số đáng kể ở Đức (một hiện tượng không phải không liên quan đến sự hiện diện của Dieter Hellfeld, thành viên mới nhất của nhóm Schwarz, Borchmeyer và Pohl), rồi đến lượt nó tạo ra động lực mới cho các bản dịch và việc phát hành lại các bản dịch cũ, tuy không bản nào biến Archimboldi thành nhà văn có sách bán chạy nhất nhưng đã đẩy ông lên, trong vòng hai tuần, vị trí thứ chín trên bảng xếp hạng sách bán chạy ở Ý, và vị trí thứ mười hai ở Pháp, cũng trong hai tuần, và mặc dù không bao giờ lọt vào danh sách ở Tây Ban Nha, một nhà xuất bản ở đó mua bản quyền một số tiểu thuyết vốn vẫn thuộc về các nhà xuất bản Tây Ban Nha khác và bản quyền đối với mọi cuốn sách của nhà văn chưa được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, và bằng cách này một dạng Tủ sách Archimboldi bắt đầu thành hình, cũng không phải là một thương vụ tồi.
♣ ♣ ♣
Ở quần đảo Anh, phải nói rằng, Archimboldi rõ ràng vẫn là một nhà văn bên lề.
♣ ♣ ♣
Trong những ngày nháo nhào này, Pelletier tình cờ đọc được một bài viết của nhà văn người Swabia anh từng gặp ở Amsterdam. Trong bài này người Swabia đó đơn giản lặp lại những gì ông ta đã kể cho họ về chuyến viếng thăm của Archimboldi đến thị trấn vùng Frisia và bữa tối sau đó với người phụ nữ từng đi Buenos Aires. Bài viết được đăng trên tờ Reutlingen Morning News có khác với câu chuyện gốc ở chỗ nó thuật lại cuộc trao đổi giữa người phụ nữ và Archimboldi, bằng giọng hài hước đầy nhạo báng. Cuộc trò chuyện bắt đầu với việc bà hỏi ông là người ở đâu. Archimboldi đáp ông là người Phổ. Bà hỏi tên của ông có phải là tên quý tộc, thuộc dòng dõi quý tộc địa chủ người Phổ. Archimboldi đáp có thể lắm. Rồi bà thì thào cái tên Benno von Archimboldi, cứ như cắn đồng tiền vàng để thử. Sau đó ngay lập tức bà nói nghe có vẻ không quen thuộc lắm và bà nhắc một vài cái tên khác, để xem Archimboldi có nhận ra hay không. Ông nói ông không nhận ra, tất cả những gì ông biết về Phổ là những cánh rừng.
“Tuy vậy tên của ông có gốc Ý,” người phụ nữ nói.
“Pháp,” Archimboldi đáp. “Người Huguenot.”
Nghe vậy, người phụ nữ bật cười. Bà từng rất đẹp, người Swabia nói. Kể cả khi đó, trong ánh sáng mờ mờ của quán rượu, trông bà vẫn đẹp, mặc dù khi cười mấy cái răng giả trượt ra và bà phải lấy tay chỉnh lại. Tuy vậy, cử chỉ ấy khi do bà thực hiện hoàn toàn không phô. Phong thái tự nhiên và thoải mái của bà khiến ngư dân và nông dân đều mang lòng quý mến, tôn trọng. Đã từ lâu, bà là quả phụ. Thỉnh thoảng bà cưỡi ngựa trên các đụn cát. Những lúc khác bà vẩn vơ đi trên những con đường nhỏ lồng lộng gió thổi vào từ Bắc Hải.
♣ ♣ ♣
Một sáng nọ trong bữa ăn ở khách sạn trước khi đi Salzburg, Pelletier mang bài báo của nhà văn người Swabia ra bàn luận với ba người bạn của mình, ý kiến và diễn dịch của mọi người khác nhau đáng kể.
Theo Espinoza và Pelletier, nhà văn người Swabia có thể là tình nhân của người đàn bà kia vào thời điểm Archimboldi đến giới thiệu sách. Theo Norton, tùy thuộc vào tâm trạng và người nghe là ai, nhà văn Swabia sẽ kể ra một dị bản về các sự kiện, và biết đâu bản thân ông ta thậm chí không còn nhớ điều gì thực sự đã được nói ra và điều gì thực sự xảy ra trong thời điểm lịch sử ấy. Theo Morini, tay người Swabia là bản đóng thế xấu xí của Archimboldi, người anh em song sinh, âm bản của một bức ảnh đã in cứ phóng to ra, trở nên mạnh mẽ hơn, trấn áp hơn, không bao giờ mất mối liên kết của nó với âm bản (vốn lại trải qua quy trình ngược lại, dần dần thay đổi bởi thời gian và số phận), hai hình ảnh dường như vẫn giống nhau: hai chàng trai trẻ trong những năm kinh hoàng và mọi rợ dưới thời Hitler, cả hai đều là cựu binh Đệ nhị Thế chiến, cả hai đều là nhà văn, cả hai là công dân của một quốc gia phá sản, cả hai đều là những gã hoang đàng trôi dạt vào thời điểm gặp nhau và nhận ra con người nhau (bằng cách xấu xí của mình), Archimboldi là một nhà văn đang vật lộn, còn tay người Swabia là một “người xúc tiến văn hóa” ở một thị trấn mà văn hóa gần như không phải là một mối quan tâm nghiêm túc.
Thậm chí có thể nào cái người Swabia đau khổ và (tại sao không) đáng khinh kia là Archimboldi không? Người hỏi câu này không phải là Morini mà là Norton. Và câu trả lời là không, bởi người Swabia đó, trước hết, lùn và vóc người mỏng mảnh, không phù hợp chút nào với mô tả về ngoại hình của Archimboldi. Giải thích của Pelletier và Espinoza hợp lý hơn nhiều: người Swabia là tình nhân của quý bà cao quý kia, ngay cả khi bà đáng tuổi
bà ngoại của ông ta. Tay người Swabia lê gót mỗi chiều đến nhà quý bà từng đi Buenos Aires ấy, để ních đầy bụng các món thịt nguội, bánh quy và trà. Tay người Swabia xoa bóp lưng cho góa phụ của viên cựu đại úy pháo binh, trong khi mưa quất vào cửa sổ, một trận mưa vùng Frisia buồn thảm khiến người ta muốn khóc, và mặc dù mưa không làm cho người Swabia khóc, nó khiến ông ta tái nhợt, và ông ta lại gần cửa sổ gần nhất, đứng đó nhìn ra cái đang khuất sau màn mưa mù mịt, cho đến khi quý bà kia gọi ông, đầy quyền uy, và người Swabia quay lưng lại cửa sổ, không hiểu sao mình đi tới đó, không biết mình hy vọng nhìn thấy gì, và chỉ vào phút giây đó, khi không còn ai ở bên cửa sổ nữa và chỉ còn một ngọn đèn thủy tinh màu nho nhỏ cuối phòng leo lắt, nó xuất hiện.
♣ ♣ ♣
Cứ như thế những ngày ở Salzburg nhìn chung là dễ chịu, và mặc dù năm đó Archimboldi không được giải Nobel, trong mắt bốn người cuộc sống diễn tiến êm đềm, trôi theo dòng sông tĩnh lặng của khoa tiếng Đức các trường đại học châu Âu, không phải là không hứng phải một thất vọng này nọ nhưng rốt cuộc chúng đơn giản chỉ thêm chút tiêu, chút mù tạt, chút giấm vào những cuộc đời ngăn nắp, hay những cuộc đời trông ngăn nắp nhìn từ bên ngoài, mặc dù mỗi người đều phải mang theo một cây thánh giá của riêng mình, như bất cứ ai khác, trong trường hợp của Norton là một cây thánh giá kỳ lạ, ma mị và tỏa ánh lân tinh, vì Norton thường xuyên ám chỉ, một cách hằn học, về chồng cũ như một mối đe dọa lẩn quất, gán cho anh ta những xấu xa và lỗi lầm của một con quỷ, một con quỷ bạo lực đầy kinh dị nhưng là con quỷ không bao giờ hiện hình, một con quỷ chỉ gợi ra
qua hình ảnh thay vì hành động, mặc dù bằng lời lẽ của mình Norton cố hiện thực hóa sinh thể mà cả Espinoza lẫn Pelletier chưa bao giờ nhìn thấy này, như thể chồng cũ của cô chỉ tồn tại trong giấc mơ của họ, cho đến khi Pelletier, vốn sắc sảo hơn Espinoza, hiểu rằng những chỉ trích thiếu suy xét của Norton, danh mục vô tận những kêu ca, không là gì ngoài một hình phạt cô tự áp đặt cho mình, có lẽ vì sự tủi nhục do đã phải lòng một gã si độn như thế và còn cưới gã làm chồng. Pelletier dĩ nhiên sai.
♣ ♣ ♣
Đâu đó trong quãng thời gian này, Pelletier và Espinoza, lo lắng về tình trạng hiện tại của người tình chung, đã có hai cuộc trò chuyện dài trên điện thoại.
Cuộc thứ nhất do Pelletier gọi, kéo dài một tiếng mười lăm phút. Sau khi nói chuyện được một tiếng rưỡi, Pelletier bảo Espinoza gác máy vì cuộc gọi rất đắt tiền và anh sẽ gọi ngay lại, nhưng Espinoza khăng khăng từ chối.
Cuộc nói chuyện thứ nhất khởi đầu gượng gạo, mặc dù Espinoza đã chờ mong cuộc gọi của Pelletier, như thể cả hai thấy khó mà nói những điều sớm muộn gì họ cũng phải nói. Hai mươi phút đầu tiên nhuốm màu bi kịch, khi từ số mệnh được dùng mười lần và từ tình bạn hai mươi tư lần. Tên của Liz Norton được nói ra năm mươi lần, với chín lần trong tuyệt vọng. Từ Paris được nói bảy lần, từ Madrid, tám. Từ yêu được nói hai lần, mỗi người nói một lần. Từ kinh khủng được nói sáu lần và từ hạnh phúc một lần (Espinoza nói). Từ giải pháp được nói mười hai lần. Từ duy ngã bảy lần. Từ uyển ngữ mười lần. Từ hạng mục, cả số ít và số nhiều, chín
lần. Từ cấu trúc luận một lần (Pelletier). Từ văn học Mỹ ba lần. Các từ bữa tối, ăn, bữa sáng hay sandwich mười chín lần. Các từ mắt, tay hay tóc mười bốn lần. Rồi cuộc trò chuyện tiếp diễn trôi chảy hơn. Pelletier kể cho Espinoza một chuyện tiếu lâm bằng tiếng Đức và Espinoza bật cười. Thực tế, cả hai cùng cười, gói lại trong những bước sóng hay bất cứ thứ gì kết nối giọng nói họ và tai họ qua những cánh đồng tối tăm cùng gió và tuyết trên dãy Pyrénées và những dòng sông, những con đường và những khu ngoại ô cách biệt và vô tận bao quanh Paris và Madrid.
♣ ♣ ♣
Cuộc trò chuyện thứ hai, dài hơn cuộc thứ nhất rất nhiều, là cuộc trò chuyện giữa những người bạn đang làm hết sức mình để dứt điểm bất cứ điểm mù mờ nào có thể họ đã bỏ sót, một cuộc trò chuyện từ chối mang tính chuyên môn hay logic và thay vào đó chạm tới những chủ đề chỉ mong manh kết nối đến Norton, những chủ đề không liên quan gì đến những dâng trào của cảm xúc, những chủ đề dễ dàng khơi ra và sau đó bỏ rơi khi họ muốn quay lại chủ đề chính, Liz Norton, người mà, đến khi cuộc gọi thứ hai gần kết thúc, cả hai nhận ra không phải là Nữ thần Thịnh nộ phá hủy tình bạn của họ, vận áo đen với đôi cánh lấm máu, mà cũng không phải nữ thần Hecate, người khởi đầu là vú em, chăm sóc trẻ em, và rốt cuộc học thuật phù thủy và tự biến mình thành thú vật, mà là thiên thần củng cố vững chắc cho tình bạn của họ, mạnh mẽ chỉ ra cho họ những gì họ đã biết bấy lâu, những gì họ giả định bấy lâu, rằng họ là những sinh vật văn minh, có khả năng sở hữu những tình cảm cao quý, không phải hai thằng ngốc mất phẩm giá vì công việc nhàm chán lặp đi lặp lại, không, đêm đó
Pelletier và Espinoza khám phá ra rằng họ rộng lượng, rộng lượng đến nỗi nếu đang ở cùng nhau chắc chắn họ sẽ muốn đi chơi và ăn mừng, lóa mắt bởi ánh sáng của phẩm hạnh của mình, một ánh sáng có thể không kéo dài (bởi phẩm hạnh, một khi được nhận ra trong chốc lát, không tỏa sáng mà lại cư trú trong một cái hang tối giữa những cư dân của hang, một vài người thật ra nguy hiểm), và vì thiếu việc ăn mừng hay ăn uống ầm ĩ họ ca ngợi phẩm hạnh này với lời hứa thầm về tình bạn vĩnh cửu, và đánh dấu tuyên thệ này, sau khi cả hai gác điện thoại trong căn phòng ken cứng sách của mình, bằng cách thong thả nhấm nháp whiskey và ngắm màn đêm ngoài cửa sổ, có lẽ vô thức tìm kiếm những gì mà nhà văn người Swabia đã hoài công tìm kiếm bên ngoài cửa sổ người góa phụ.
♣ ♣ ♣
Morini là người cuối cùng biết, đúng như người ta dự đoán, mặc dù trong trường hợp của Morini phép toán tình cảm không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Thậm chí trước khi Norton lên giường lần đầu với Pelletier, Morini đã cảm thấy điều ấy sẽ xảy ra. Không phải vì cách Pelletier cư xử khi ở bên Norton mà bởi sự tách biệt của cô, một sự tách biệt chung chung, mà Baudelaire hẳn sẽ gọi là u uất, Nerval sẽ gọi là sầu muộn, khiến Norton dễ dàng lao vào một mối quan hệ gần gũi với bất kỳ ai xuất hiện.
Còn Espinoza, dĩ nhiên, anh đã không đoán ra. Khi Norton gọi cho anh nói rằng cô đi lại với cả hai người, Morini ngạc nhiên (mặc dù anh hẳn sẽ không ngạc nhiên nếu Norton nói rằng cô đi lại với Pelletier và một đồng
nghiệp ở Đại học London hay thậm chí một sinh viên), nhưng anh che giấu tài tình. Rồi anh cố nghĩ về những việc khác, nhưng không thể. Anh hỏi Norton cô có vui không. Norton nói có. Anh bảo cô anh nhận được một email từ Borchmeyer kèm theo tin tức nóng hổi. Norton có vẻ không quan tâm lắm. Anh hỏi cô có nghe tin gì của chồng không. “Chồng cũ,” Norton nói.
Không, cô không nghe tin gì của hắn, nhưng một người bạn cũ đã gọi cho cô bảo rằng chồng cũ của cô đang ở với một người bạn cũ khác. Morini hỏi liệu người đàn bà đó có phải là một người bạn rất thân. Norton không hiểu câu hỏi.
“Bạn thân nào?”
“Người đang ở với chồng cũ của em,” Morini nói.
“Cô ta không ở với hắn, cô ta trợ giúp hắn, điều đó hoàn toàn khác.” “À,” Morini nói, và anh cố thay đổi đề tài, nhưng bất thành. Có lẽ mình nên nói với cô ấy về bệnh trạng của mình, anh cay đắng nghĩ. Nhưng điều đó, anh không bao giờ làm.
♣ ♣ ♣
Đâu đó trong quãng thời gian này, Morini là người đầu tiên trong nhóm đọc được một bài báo về các vụ giết chóc ở Sonora, đăng trên tờ Il Manifesto của một nhà báo Ý đi Mexico để tường trình về lực lượng du kích Zapatista. Anh nghĩ tin đó thật kinh khủng. Ở Ý cũng có những kẻ giết người hàng loạt, nhưng hầu như chúng không bao giờ giết hơn mười người, trong khi đó ở Sonora số người chết đã vượt quá một trăm.
Rồi anh nghĩ về người phóng viên của tờ Il Manifesto và anh chợt nhận ra sự lạ lùng rằng cô ta đã tới Chiapas, cực Nam của Mexico, và rốt cuộc cô ta lại viết về những sự kiện ở Sonora, mà nếu anh không nhầm, ở miền Bắc, Tây Bắc, trên biên giới với Hoa Kỳ. Anh tưởng tượng ra cô đi bằng xe buýt, một quãng đường dài từ Mexico City đến những vùng sa mạc miền Bắc. Anh tưởng tượng ra cô nói chuyện với Subcomandante Marcos. Anh tưởng tượng ra cô ở thủ đô của Mexico. Ai đó ở đó hẳn đã kể với cô về những chuyện xảy ra ở Sonora. Và thay vì lên chuyến bay kế tiếp bay về Ý, cô quyết định mua vé xe buýt và cất bước trên một chuyến đi dài tới Sonora. Trong giây lát, Morini cảm thấy một khao khát hoang dại được đồng hành cùng người phóng viên đó.
Mình sẽ yêu cô ấy đến tận thế, anh nghĩ. Một tiếng sau anh đã quên sạch sẽ sự việc.
♣ ♣ ♣
Một lát sau anh nhận được email của Norton. Anh thấy lạ Norton viết email mà không gọi điện. Đọc thư rồi, anh mới hiểu rằng cô cần diễn đạt ý nghĩ của mình càng chính xác càng tốt và đó là lý do cô quyết định viết. Trong thư cô xin anh tha thứ cho cái mà cô gọi là sự vị kỷ của mình, một sự vị kỷ bộc lộ ra qua việc suy ngẫm về những điều không may của chính cô, cho dù có thật hay tưởng tượng. Cô nói tiếp rằng cuối cùng cô đã giải quyết xong vụ cãi cọ lình xình với chồng cũ. Những đám mây đen đã biến mất khỏi đời cô. Giờ đây cô muốn vui vẻ và ca hát [trích nguyên văn]. Cho đến có lẽ tuần trước, cô viết thêm, cô vẫn yêu hắn, và bây giờ cô có thể chứng thực rằng phần dĩ vãng mang theo hắn trong cô đã ở lại phía sau cô
mãi mãi. Đột nhiên em yêu quý công việc của em, cô nói, và yêu quý tất cả những thứ nho nhỏ hằng ngày khiến con người ta hạnh phúc. Và cô cũng nói: em muốn anh, Piero kiên nhẫn của em, là người đầu tiên biết tin.
Morini đọc bức thư ba lần. Lòng nặng nề, anh nghĩ Norton sai lầm biết bao khi nói tình yêu, chồng cũ và mọi thứ họ đã trải qua cùng nhau nay đã ở phía sau cô. Không có gì ở phía sau ta bao giờ.
♣ ♣ ♣
Pelletier và Espinoza, trong khi đó, không nhận được những chia sẻ như thế. Nhưng Pelletier để ý thấy một điều mà Espinoza không thấy. Những chuyến đi London-Paris đã trở nên thường xuyên hơn những chuyến Paris London. Thường thường, Norton xuất hiện cùng một món quà - tập tiểu luận, cuốn sách nghệ thuật, catalog của những triển lãm mà Pelletier sẽ không bao giờ xem, thậm chí áo sơ mi hay khăn tay - chuyện trước đây chưa bao giờ xảy ra.
Ngoài ra, mọi thứ vẫn như thế. Họ vần nhau, đi ăn tối, bàn luận tin tức mới nhất về Archimboldi. Họ không bao giờ nói về tương lai của mình như một cặp đôi. Mỗi lần Espinoza xuất hiện trong cuộc trò chuyện (hiếm khi), cả hai sử dụng một giọng điệu cực kỳ khách quan, cẩn trọng và trên hết, thân mật. Có những đêm họ ngủ thiếp đi trong vòng tay của nhau mà không làm tình, một điều Pelletier đoan chắc không xảy ra đối với Espinoza. Nhưng anh nhầm, vì quan hệ giữa Norton và Espinoza thường là hình ảnh trung thực của quan hệ giữa Norton với Pelletier.
Những bữa ăn thì khác, ở Paris ngon hơn; khung cảnh và cảnh quan cũng khác, Paris hiện đại hơn; và ngôn ngữ cũng khác, bởi với Espinoza, Norton chủ yếu nói tiếng Đức còn với Pelletier chủ yếu tiếng Anh, nhưng nhìn chung tương đồng vượt trội dị biệt. Dĩ nhiên, với Espinoza cũng có những đêm không làm tình.
♣ ♣ ♣
Nếu bạn thân nhất của Norton (chẳng có ai) hỏi cô tận hưởng thời gian trên giường với ai hơn trong hai người bạn, Norton sẽ chẳng biết nói gì. Có lúc cô nghĩ Pelletier là người tình lão luyện hơn. Có lúc cô lại nghĩ Espinoza. Nhìn từ bên ngoài, giả dụ từ góc độ học thuật nghiêm nhặt, người ta có thể cho rằng Pelletier có danh mục tài liệu tham khảo dài hơn Espinoza, người vốn dựa vào bản năng nhiều hơn tri thức trong những vấn đề như vậy, và có bất lợi vì là người Tây Ban Nha, tức là, thuộc về một nền văn hóa có khuynh hướng lẫn lộn chủ nghĩa huê tình với nghiên cứu dâm ô và khiêu dâm với ăn phân, một nhầm lẫn thể hiện rõ (bởi vì không được đề cập) trong thư viện tinh thần của Espinoza, bởi anh chỉ mới đọc Hầu tước de Sade để kiểm tra và (phản bác) một bài báo của Pohl trong đó Pohl rút ra mối liên hệ giữa các tác phẩm Justine và Triết học trong khuê phòng của de Sade với một trong những tiểu thuyết của Archimboldi in hồi thập niên 1950.
Pelletier, mặt khác, đã đọc Hầu tước thần thánh ấy từ mười sáu tuổi và lúc mười tám đã tham gia trò làm tình tay ba với hai nữ sinh viên đồng khóa, và lòng ham mê truyện tranh phong tình ở tuổi thiếu niên đã bừng nở
thành một bộ sưu tập hợp lý và chừng mực văn chương phóng túng thế kỷ mười bảy và mười tám. Nói văn vẻ Pelletier gần gũi thân mật với Mnemosyne, nữ thần núi và mẹ của chín nữ thần thi ca, hơn Espinoza. Nói đơn giản Pelletier có thể mần tình sáu tiếng đồng hồ (mà không lên đỉnh) nhờ vào thư mục ấn phẩm tham khảo của mình, trong khi đó Espinoza cũng có thể kéo dài trong thời gian tương đương (lên đỉnh hai lần, đôi khi ba, và kết thúc trong tình trạng ngắc ngoải) hoàn toàn cậy vào sức khỏe và ý chí.
♣ ♣ ♣
Nhân nhắc đến những người Hy Lạp, sẽ là hợp lý khi nói Espinoza và Pelletier tin rằng hai người họ sẽ là (và theo kiểu hư hỏng của họ, đã là) những hiện thân của Ulysses, và cả hai nghĩ về Morini như Eurylochus, người bạn trung thành được kể chuyện theo hai cách khác hẳn nhau trong Odyssey. Chuyện thứ nhất, chàng thoát khỏi cảnh bị biến thành lợn, cho thấy sự khôn ngoan hay một bản tính ưa hành động đơn độc và cá nhân, sự hoài nghi thận trọng, độ lọc lõi của một thủy thủ kỳ cựu. Chuyện thứ hai, tuy vậy, liên quan đến một hành vi mạo hiểm bất kính và báng bổ: lũ gia súc của Zeus hay một vị thần uy quyền khác đang hiền hòa gặm cỏ trên hòn đảo Mặt Trời khơi dậy cơn đói cồn cào của Eurylochus, nên bằng những lời lẽ khôn ngoan chàng đã phỉnh phờ các bạn mình giết đám gia súc và bày tiệc, khiến Zeus hay vị thần nào đó nổi giận đùng đùng, bèn nguyền rủa Eurylochus vì chàng ra vẻ kênh kiệu và vì tự phụ là khôn ngoan hay vô thần hay ngông cuồng, bởi vị thần này tức tối vì thái độ của Eurylochus, vì phép biện luận cho cơn đói của chàng, hơn là bản thân hành vi giết thịt đám gia súc, và bởi vì hành động này, hay bởi vì bữa tiệc, mà con tàu chở
Eurylochus lật và toàn bộ thủy thủ đều chết, chính là điều mà Pelletier và Espinoza tin sẽ xảy ra đối với Morini, dĩ nhiên không hữu thức, mà bằng một kiểu cách rời rạc hay bản năng, một ý nghĩ đen tối dưới hình thức một dấu hiệu tế vi phập phồng trong một góc tối tăm và tế vi của tâm hồn hai người bạn.
♣ ♣ ♣
Gần cuối năm 1996, Morini gặp một cơn ác mộng. Anh mơ thấy Norton nhảy xuống hồ bơi trong khi anh, Pelletier và Espinoza chơi bài quanh chiếc bàn đá. Espinoza và Pelletier quay lưng lại hồ, thoạt nhìn dường như là một hồ bơi khách sạn bình thường. Trong lúc chơi, Morini nhìn sang các bàn khác, những cây dù, và những chiếc ghế dài xếp hai bên hồ. Xa xa là công viên với những bờ cây xanh ngắt, lấp lánh như thể mới mưa xong. Dần dần mọi người bắt đầu ra về, biến mất qua những cánh cửa khác nhau nối không gian ngoài trời, quán bar với các phòng của tòa nhà hay những căn hộ nhỏ, những căn hộ mà Morini tưởng tượng là một phòng đôi có căn bếp nhỏ và phòng tắm. Chẳng mấy chốc không còn ai bên ngoài, ngay cả những hầu bàn chán chường lúc nãy anh thấy lượn quanh cũng không còn. Pelletier và Espinoza vẫn mải mê chơi. Bên cạnh Pelletier anh thấy một đống phỉnh cũng như tiền xu của nhiều nước, nên anh đoán Pelletier đang thắng. Tuy nhiên Espinoza trông có vẻ chưa sẵn sàng đầu hàng. Ngay khi đó, Morini liếc nhìn bài của mình và thấy rằng mình không có gì để chơi. Anh bỏ chúng đi và yêu cầu bốn lá bài, rồi anh úp chúng xuống trên mặt bàn đá mà không nhìn tới, rồi hơi khó nhọc lăn bánh xe đi. Pelletier và Espinoza thậm chí không hỏi anh đi đâu. Anh lăn xe đến mép
hồ bơi. Chỉ khi đó anh mới nhận ra nó to đến mức nào. Nó phải rộng ít nhất một ngàn bộ và dài hơn hai dặm, Morini ước tính. Nước sẫm màu, nhiều chỗ có váng dầu, loại ta thấy ở các bến cảng. Không có dấu vết của Norton. Morini kêu to.
“Liz.”
Anh nghĩ mình nhìn thấy một bóng người ở đầu kia hồ, và anh di chuyển xe của mình theo hướng đó. Đó là một quãng đường dài. Lần duy nhất quay đầu lại, Pelletier và Espinoza đã biến mất khỏi tầm nhìn. Một màn sương mù đã phủ lên phần đó của hàng hiên. Anh tiếp tục đi. Nước trong hồ dường như tràn cả lên bờ, như thể đâu đó một cơn lốc sắp nổi lên hay còn tệ hơn, mặc dù nơi anh đang hướng tới mọi thứ tĩnh lặng, và không hề có dấu hiệu của bão. Chẳng mấy chốc màn sương bao phủ cả Morini. Đầu tiên anh cố tiếp tục di chuyển, nhưng rồi anh nhận ra mình có nguy cơ lộn nhào cả xe xuống hồ, nên anh quyết định dừng lại. Khi đã nhìn quen mắt, anh thấy một tảng đá nhô lên từ dưới hồ, như một dải đá ngầm sẫm màu và óng ánh. Đối với anh điều này dường như không lạ lẫm. Anh tiến lại bên mép hồ và réo tên Liz lần nữa, sợ rằng giờ đây anh sẽ không bao giờ gặp lại cô. Chỉ cần bánh xe xoay nửa vòng là anh đã rơi tõm xuống dưới. Rồi anh chợt nhận ra hồ bơi trống rỗng và sâu hun hút, như thể một vực thẳm gạch đen mốc meo mở ra dưới chân anh. Dưới đáy anh dường như nhìn ra hình dạng một phụ nữ (mặc dù không thể khẳng định) đang tiến về phía con dốc đá. Morini định kêu lên lần nữa và vẫy tay thì cảm thấy có ai ở sau lưng. Có hai điều anh biết chắc ngay lập tức: thứ đó là ma quỷ và nó muốn Morini xoay lại nhìn mặt nó. Thận trọng, anh lùi ra và tiếp tục đi quanh hồ, cố gắng không nhìn vào ai đó đang theo sau anh, tìm kiếm cái thang có thể đưa anh xuống đáy. Nhưng dĩ nhiên cái thang, lý ra
phải ở góc, không bao giờ xuất hiện, và sau khi lăn đi được vài bộ Morini ngừng lại và quay lại nhìn vào mặt người lạ, cố gắng chế ngự nỗi sợ, một nỗi sợ tệ hại hơn vì anh chắc chắn là biết rõ người đang bám theo mình, người ấy tỏa ra mùi ma quỷ mà Morini gần như không chịu nổi. Trong màn sương, gương mặt Liz Norton hiện ra. Một phiên bản trẻ hơn của Norton - chừng hai mươi tuổi - nhìn chằm chặp thật nghiêm trọng và chăm chú đến nỗi Morini phải nhìn đi chỗ khác. Người dưới đáy hồ là ai? Morini vẫn còn có thể nhìn thấy anh ta hay cô ta, một chấm nhỏ đang cố leo lên tảng đá giờ đã trở thành ngọn núi, và việc nhìn thấy người này, ở quá xa, khiến anh giàn giụa nước mắt và để lại trong anh một nỗi buồn sâu sắc khôn nguôi, như thể anh nhìn thấy mối tình đầu của mình lang thang trong mê cung. Hay chính anh, với cặp chân vẫn còn hoạt động, lạc lối trong một cuộc leo trèo vô vọng. Thêm nữa, và anh không thể không nhận thấy, và thật tốt là anh đã không lảng tránh cái nhận thức này, anh nghĩ nó giống một bức tranh của Gustave Moreau hay Odilon Redon. Rồi anh ngoảnh sang gương mặt Norton và cô nói:
“Không có đường quay lại.”
Anh nghe câu nói không bằng tai mà thấy nó vang lên trong đầu mình. Norton đã thu nhận được sức mạnh thần giao cách cảm, Morini nghĩ. Cô ấy không xấu, cô ấy tốt. Không phải mình cảm nhận thấy ma quỷ, mà đó là thần giao cách cảm, anh tự nhủ, hòng thay đổi chiều hướng một giấc mơ mà tận trong tâm khảm anh biết đã được cố định và không thể tránh khỏi. Rồi Norton lặp lại, bằng tiếng Đức, không có đường quay lại. Và, thật nghịch lý, cô quay người và bước đi khỏi hồ bơi và lạc vào trong một khu rừng hầu như không thể nhìn thấy qua màn sương, một khu rừng tỏa ra ánh
sáng đỏ lóng lánh, và chính trong ánh sáng đỏ lóng lánh này Norton biến mất.
♣ ♣ ♣
Một tuần sau, sau khi đã diễn giải giấc mơ ít nhất theo bốn cách khác nhau, Morini đi London. Quyết định thực hiện chuyến đi là một thay đổi hoàn toàn so với thói thường của anh, vì anh vốn chỉ đi hội nghị, họp hành, vé máy bay và tiền lưu trú đều do nơi mời thanh toán. Lần này chẳng có lý do công việc nào và anh tự trả tiền vé máy bay và khách sạn của mình. Cũng không thể nói anh đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của Liz Norton. Bốn ngày trước anh mới nói chuyện với cô và bảo anh sắp đến London, một thành phố mà lâu rồi anh không ghé.
Norton vui mừng mời anh ở lại nhà cô, nhưng Morini nói dối đã đặt khách sạn. Khi anh hạ cánh ở Gatwick, Norton đã chờ anh ở đó. Hôm đó họ ăn sáng với nhau, tại một quán ăn gần khách sạn của Morini, và đêm đó họ ăn tối ở nhà Norton. Suốt bữa tối, đồ ăn thường thôi nhưng Morini lịch sự khen ngợi, họ trò chuyện về Archimboldi, về danh tiếng đang lên của ông và vô số lỗ hổng trong câu chuyện về ông còn đó chờ lấp đầy, nhưng sau đó, trong khi dùng món tráng miệng, cuộc trò chuyện rẽ sang hướng thân mật hơn, ôn lại chuyện cũ đến tận ba giờ sáng thì họ gọi taxi và Norton giúp Morini đi vào trong buồng thang máy cũ kỹ của tòa nhà, rồi xuống sáu bậc thang, mọi thứ, như Morini nhớ lại trong đầu, đều dễ chịu hơn nhiều so với mong đợi.
Giữa bữa sáng và bữa tối, Morini chỉ một mình, thoạt tiên gần như không dám ra khỏi phòng, nhưng sau đó, chán quá nên anh quyết định ra
ngoài và đi đến tận Công viên Hyde, và lang thang không chủ ý ở đó, đắm chìm trong suy tưởng, không chú ý hay nhìn thấy ai. Vài ba người nhìn anh chăm chú với vẻ tò mò, bởi họ chưa bao giờ thấy một người ngồi xe lăn di chuyển với vẻ quyết tâm và với tốc độ ổn định như thế. Khi cuối cùng dừng lại anh thấy mình đang ở bên ngoài Vườn Ý, người ta gọi nó như thế, mặc dù với anh khu vườn không có chút Ý nào, nhưng ai mà biết được, anh ngẫm nghĩ, đôi khi người ta ngờ nghệch đến không thể tin được về những thứ ngay dưới mũi mình.
Anh rút một cuốn sách ra khỏi túi áo khoác và bắt đầu đọc trong khi lấy lại hơi sức. Chẳng mấy chốc anh nghe thấy một tiếng chào cất lên, rồi tiếng một thân hình nặng nề buông xuống băng ghế gỗ. Anh chào lại. Người lạ có mái tóc màu vàng rơm, bạc thếch và bẩn thỉu, và nặng ít nhất phải hai trăm năm mươi pound. Họ ngồi nhìn nhau một chốc rồi người lạ hỏi có phải anh là người nước ngoài. Morini nói anh là người Ý. Người lạ muốn biết liệu có phải anh sống ở London, và hỏi cuốn sách anh đang đọc là cuốn gì. Morini đáp anh không sống ở London và cuốn sách anh đang đọc là Il libra di cucina di Juana Ines de la Cruz, của Angelo Morino, viết bằng tiếng Ý, dĩ nhiên, mặc dù kể về một bà xơ người Mexico. Về cuộc đời của bà xơ và một số công thức của bà.
“Vậy bà xơ Mexico này thích nấu ăn?” người lạ hỏi.
“Nói vậy cũng phải, nhưng bà còn làm thơ nữa,” Morini đáp. “Tôi không tin được các bà xơ,” người lạ nói.
“À, bà xơ này là một nhà thơ vĩ đại,” Morini nói.
“Tôi không tin được mấy người nấu ăn mà dùng công thức,” người lạ nói, như thể ông ta không nghe thấy anh.
“Vậy ông tin ai?” Morini hỏi.
“Những người ăn khi đói, hẳn là vậy,” người lạ nói.
Rồi ông ta tiếp tục giải thích rằng cách đây lâu rồi ông làm việc cho một công ty sản xuất cốc, mỗi cốc mà thôi, cốc trơn và cốc in những dòng chữ hay chuyện vui vui như: Xin Lỗi, Tôi Đang Trong Giờ Uống Cà Phê! hay Bố Yêu Mẹ hay Chén Cuối Hôm Nay, Chén Cuối Mãi Mãi, đại khái vậy, cốc với những lời ghi trung tính, rồi một ngày nọ, hẳn là do nhu cầu, những dòng chữ ghi trên cốc thay đổi đáng kể và người ta bắt đầu in ảnh, đầu tiên ảnh trắng đen, sau đó công việc kinh doanh tốt đến nỗi người ta chuyển sang ảnh màu, một số hài hước nhưng một số cũng tục tĩu.
“Thậm chí họ còn tăng lương cho tôi,” người lạ nói. “Ở Ý có loại cốc như vậy không?” ông ta hỏi.
“Có chứ,” Morini nói, “có câu tiếng Anh có câu tiếng Ý.” “Ừm, đó là tất cả những gì mà bọn tôi có thể đòi hỏi,” người lạ nói. “Tất cả bọn tôi đều làm việc vui vẻ hơn. Các quản lý làm việc vui vẻ hơn, và sếp trông vui vẻ. Nhưng sau vài tháng làm những chiếc cốc ấy tôi nhận ra sự vui vẻ của tôi là giả tạo. Tôi cảm thấy vui bởi tôi thấy những người khác vui vẻ và bởi tôi biết mình nên cảm thấy vui, nhưng tôi không thực sự vui. Thật ra, tôi cảm thấy tệ hơn trước khi họ tăng lương cho tôi. Tôi nghĩ mình đang trải qua một giai đoạn tồi tệ và tôi cố không nghĩ về nó, nhưng sau ba tháng tôi không thể tiếp tục giả vờ rằng không có chuyện gì trật chìa. Tâm trạng tôi tệ hại, tôi hung hăng hơn nhiều so với trước đây, bất cứ việc nhỏ xíu nào cũng làm tôi nổi khùng, tôi bắt đầu say xỉn. Nên tôi đối diện với vấn đề đó, và cuối cùng tôi nhận ra mình không thích làm loại cốc này. Đêm, tôi thề, tôi đau khổ như một con chó. Tôi nghĩ mình phát điên, rằng mình không biết mình đang làm gì hay nghĩ gì. Những ý nghĩ của tôi hồi
đó bây giờ vẫn còn làm tôi sợ hãi. Một hôm tôi nói chuyện thẳng thắn với một trong các quản lý. Tôi nói mình chán làm những chiếc cốc ngu xuẩn này lắm rồi. Đó là một quản lý tốt, ông tên là Andy, và ông luôn luôn cố gắng trò chuyện với công nhân. Ông hỏi tôi có phải tôi thích làm những chiếc cốc mà trước đây chúng tôi đã làm không. Đúng vậy, tôi nói. Cậu nghiêm túc hả, Dick? ông hỏi tôi. Hoàn toàn nghiêm túc, tôi trả lời. Những cái cốc mới khiến cậu phải làm nhiều việc hơn à? Không hề, tôi nói, công việc vẫn tương đương, nhưng những cái cốc chết tiệt này trước đây không khiến tôi tan tành như thế này? Ý cậu là sao? Andy nói. Là mấy cái cốc gớm ghiếc này trước đây không làm phiền tôi còn bây giờ chúng hủy hoại tôi từ bên trong. Vậy cái của nợ gì làm cho chúng khác đi, ngoài việc hiện đại hơn. Chính xác là vậy, tôi đáp, những chiếc cốc trước đây không hiện đại lắm, và thậm chí nếu cố làm hại tôi, chúng cũng không thể. Tôi không cảm thấy vết đâm của chúng, nhưng bây giờ những chiếc cốc gớm ghiếc này giống như những hiệp sĩ samurai chết tiệt vũ trang bằng những thanh kiếm samurai chết tiệt, chúng khiến tôi phát khùng. Dù sao đó là một cuộc trò chuyện dài,” người lạ nói. “Người quản lý lắng nghe tôi, nhưng ông ấy chẳng hiểu lấy một từ tôi nói. Ngày hôm sau tôi đòi tiền lương rồi nghỉ việc. Từ đó tôi không đi làm nữa. Anh nghĩ sao về chuyện này?”
Morini lưỡng lự trước khi trả lời.
“Tôi không biết,” cuối cùng anh nói.
“Mọi người đều nói vậy: họ không biết,” người lạ nói.
“Bây giờ anh làm gì?” Morini hỏi.
“Không làm gì cả, tôi không làm việc nữa, tôi là một thằng ăn mày London,” người lạ nói.
Cứ như là ông ta đang chỉ ra một điểm du lịch, Morini nghĩ, nhưng anh thận trọng không nói ra.
“Vậy anh nghĩ sao về cuốn sách đó?” người lạ hỏi.
“Sách nào?” Morini hỏi.
Người lạ chỉ một ngón tay núc ních của mình vào cuốn sách, do Sellerio xuất bản, ở Palermo, mà Morini đang hờ hững cầm trên một bàn tay.
“Ồ, tôi nghĩ nó rất hay,” anh nói.
“Đọc tôi nghe vài công thức đi,” người lạ nói, bằng cái giọng mà Morini thấy có vẻ dọa dẫm.
“Tôi không biết mình có thời gian không,” anh nói, “tôi phải gặp một người bạn.”
“Bạn anh tên gì?” người lạ hỏi bằng cùng một giọng như trước. “Liz Norton,” Morini nói.
“Liz, tên đẹp,” người lạ nói. “Còn anh tên gì, nếu anh không phiền cho tôi hỏi?”
“Piero Morini,” Morini nói.
“Lạ,” người lạ nói, “tên anh gần như y chang tên tác giả cuốn sách.” “Không phải,” Morini nói, “tôi là Piero Morini, còn ông ta tên là Angelo Morino.”
“Nếu anh không phiền,” người lạ nói, “ít nhất đọc cho tôi nghe tên vài công thức. Tôi sẽ nhắm mắt và tưởng tượng ra chúng.”
“Cũng được,” Morini nói.
Người lạ nhắm mắt và Morini bắt đầu đọc tên vài công thức từ xơ Juana Ines de la Cruz, chậm rãi và với ngữ điệu của một diễn viên. Sgonfiotti alformaggio
Sgonfiotti alia ricotta
Sgonfiotti di vento
Crespelle
Dolce di tuorli di uovo
Uova regali
Dolce alla panna
Dolce alle nod
Dolce di testoline di mom
Dolce alle barbabietole
Dolce di burro e zucchero
Dolce alia crema
Dolce di mamey
Khi anh đọc tới dolce di mamey, dường như người lạ đã thiếp ngủ và Morini đi khỏi Vườn Ý.
♣ ♣ ♣
Ngày hôm sau gần giống hệt ngày đầu. Lần này Norton đến gặp anh ở khách sạn và trong khi Morini thanh toán hóa đơn cô đặt chiếc vali duy nhất của anh vào trong cốp xe. Khi họ rời đi, cô lái đúng con đường mà anh đi đến Công viên Hyde hôm trước.
Morini nhận ra và im lặng ngắm đường phố, và rồi công viên xuất hiện, với anh trông như một bộ phim về rừng già, màu sắc sai lệch, buồn bã kinh khủng, thẫm đen lại, cho đến khi chiếc xe rẽ và biến mất sau những con đường khác.
Họ ăn cùng nhau tại một khu mà Norton mới khám phá, khu này nằm gần sông, từng có vài nhà xưởng và ụ cạn ở đây, còn giờ thì các cửa tiệm, cửa hàng thực phẩm, và nhà hàng thời thượng mở cửa trong các tòa nhà tân trang lại. Một cửa tiệm nhỏ chiếm diện tích tương đương bốn căn nhà của công nhân, Morini tính. Nhà hàng, cho mười hai hay mười sáu người. Có tiếng của Liz Norton ca ngợi khu phố và nỗ lực của những người đưa nó nổi trở lại.
Morini nghĩ rằng từ nổi là sai, bất chấp cái hơi hướm hàng hải của nó. Thực tế, trong lúc ăn món tráng miệng anh thấy như muốn khóc, hay đúng hơn, lả đi, trượt nhẹ khỏi ghế của mình trong khi mắt dán vào gương mặt Norton, và không bao giờ tỉnh dậy. Nhưng bây giờ Norton đang kể câu chuyện về một họa sĩ, người đầu tiên tới sống trong khu này.
Đó là một thanh niên khoảng ba mươi ba tuổi, được biết đến nhưng chưa đến mức nổi tiếng. Lý do đích thực anh ta chuyển tới là bởi giá phòng ở đây thấp hơn những chỗ khác. Ngày ấy khu này kém sôi động hơn. Vẫn còn những công nhân già sống ở đây nhờ vào lương hưu, nhưng không có thanh niên hay trẻ con. Phụ nữ hoàn toàn vắng mặt: hoặc họ đã chết hoặc ở trong nhà cả ngày, không bao giờ ra ngoài. Chỉ có một quán rượu, xập xệ như phần còn lại của khu. Nói tóm lại, một nơi chốn cô đơn, tồi tàn. Nhưng có vẻ như điều này khơi dậy trí tưởng tượng của người họa sĩ và gây cảm hứng cho anh làm việc. Anh ta cũng là một dạng người cô đơn. Nếu không phải, thì cũng là thoải mái với việc ở một mình.
Do vậy khu này không làm anh ta sợ hãi. Thật ra anh ta phải lòng nó. Anh ta thích tối đi về nhà, dạo hết dãy nhà này sang dãy khác mà không gặp người nào. Anh ta thích màu sắc của những ngọn đèn đường và ánh sáng đổ xuống trước các ngôi nhà. Những chiếc bóng di chuyển khi anh ta di chuyển. Những bình minh xám tro hay đen như bồ hóng. Những con người kiệm lời tụ tập trong quán rượu, nơi anh ta là khách quen. Nỗi đau, hay ký ức về nỗi đau, ở đây bị hút đi bởi cái gì đó không tên cho đến khi chỉ còn lại một khoảng trống. Cái nhận thức rằng đẳng thức này là có thể: nỗi đau cuối cùng biến thành sự trống rỗng. Cái nhận thức rằng đẳng thức tương tự áp dụng cho mọi việc, đại khái vậy.
Vấn đề là, anh ta làm việc hăng hái hơn bao giờ hết. Một năm sau anh ta có một buổi trình diễn ở phòng tranh Emma Waterson, một không gian cách tân ở Wapping, và đó là một thành công to lớn. Anh ta mở ra một thứ mà sau này sẽ được coi là thời kỳ suy đồi mới hay thuyết thú vật Anh. Những bức tranh trong buổi trình diễn khai mạc của trường phái này đều to, khổ mười nhân bảy bộ, khắc họa phần còn lại của đống tan hoang chính là khu anh ta ở, với các sắc xám lẫn vào nhau. Như thể họa sĩ và khu phố đã đạt tới tình trạng cộng sinh toàn phần. Như thể, nói cách khác, họa sĩ vẽ khu phố hay khu phố vẽ họa sĩ, bằng những nhát cọ dữ dội mà u ám. Các bức họa không tồi. Tuy nhiên, buổi trình diễn sẽ không thành công đến thế hay gây ra tác động như thế nếu không nhờ bức tranh trung tâm, vốn nhỏ hơn nhiều so với các bức khác, một kiệt tác mà nhiều năm sau này dẫn dắt các nghệ sĩ Anh quốc theo con đường của thời kỳ suy đồi mới. Bức tranh này, nhìn một cách đúng đắn (mặc dù người ta không bao giờ có thể chắc chắn về việc nhìn nó một cách đúng đắn), là tỉnh lược của những tự họa,
đôi khi là đường xoắn ốc của những tự họa (tùy góc nhìn), khổ bảy nhân ba bộ rưỡi, ngay chính giữa tranh treo bàn tay phải tẩm khô của họa sĩ. Chuyện xảy ra như sau. Một sáng nọ, sau hai ngày làm việc hăng say với các bức tự họa, họa sĩ chặt phăng bàn tay vẽ của mình. Anh ta lập tức băng cánh tay và mang bàn tay đến một thợ nhồi bông thú mà anh ta quen, người này đã được báo trước về nhiệm vụ. Sau đó anh ta tới bệnh viện, ở đó người ta cầm máu và khâu cánh tay lại. Có một lúc ai đó hỏi tai nạn xảy ra thế nào. Anh ta trả lời anh ta sơ ý chặt phải bàn tay mình bằng một nhát rựa trong khi đang làm việc. Các bác sĩ hỏi bàn tay bị đứt ra đâu rồi, vì có khả năng nối lại được. Anh ta nói do quá giận dữ và đau đớn nên đã vứt nó xuống sông trên đường tới bệnh viện.
Mặc dù giá ở trên mây, buổi trình diễn bán sạch. Bức họa kiệt tác, nghe nói, về tay một người Ả Rập làm việc ở London, cùng bốn bức tranh lớn. Chẳng lâu sau, họa sĩ phát điên và vợ anh ta (khi đó anh ta đã có gia đình) không còn lựa chọn nào khác ngoài gửi anh ta vào một nhà an dưỡng ở ngoại ô Lausanne hay Montreux.
Anh ta sống ở đó cho đến bây giờ.
Trong khi đó, các họa sĩ khác bắt đầu chuyển đến khu này. Chủ yếu vì nó rẻ, nhưng cũng bởi vì họ bị thu hút bởi huyền thoại về người đã vẽ bức tự họa cực đoan nhất của thời đại chúng ta. Kế đó các kiến trúc sư kéo đến, rồi một số gia đình mua những ngôi nhà được tân trang và cải tạo lại. Rồi sau đó là các cửa tiệm, các nhà hát thể nghiệm, các quán ăn hiện đại, cho đến khi nó trở thành một trong những khu thời thượng nhất ở London, chẳng còn rẻ tí nào như đã từng có tiếng.
“Anh thấy câu chuyện đó thế nào?”
“Anh không biết nghĩ gì,” Morini nói. Thôi thúc muốn khóc - hay đúng hơn, muốn ngất - vẫn còn đó, nhưng anh cố ngăn lại.
♣ ♣ ♣
Họ ăn bữa xế ở nhà Norton. Chỉ khi đó cô mới bắt đầu nói về Espinoza và Pelletier, bằng giọng hờ hững, như thể chuyện quá quen thuộc nên không đáng quan tâm hay thảo luận với Morini (cô để ý thấy anh thất vọng, nhưng cô thận trọng không căn vặn, biết rằng bị vặn hỏi thường chẳng dễ chịu gì), và thậm chí cũng không phải là điều mà bản thân cô muốn đem ra bàn luận.
Đó là một buổi chiều rất êm ái. Ngồi trên ghế bành, Morini chiêm ngưỡng phòng khách của Norton - sách và ảnh đóng khung treo trên các bức tường trắng, những tấm ảnh và đồ lưu niệm bí ẩn, sở thích của cô thể hiện trong những thứ đơn giản như sự lựa chọn đồ đạc, rất có gu, thoải mái và khiêm nhượng, và thậm chí trong cả mảng đường rợp cây mà chắc chắn cô nhìn thấy mỗi sáng trước khi ra khỏi căn hộ - và anh bắt đầu cảm thấy dễ chịu, như thể các sự vật biểu trưng cho bạn anh bao bọc lấy anh, như thể chúng cũng là biểu hiện của sự xác nhận, có lẽ anh không hiểu ngôn từ của nó, nhưng dù sao điều ấy vẫn khiến anh thoải mái.
Sắp sửa ra về, anh hỏi tên họa sĩ mới được nghe kể và liệu cái buổi trình diễn kinh khủng ấy có cuốn catalog nào không. Ông ấy tên là Edwin Johns, Norton nói. Rồi cô đứng dậy tìm trên kệ sách. Cô tìm thấy một cuốn catalog lớn và trao nó cho Morini. Trước khi mở ra anh tự hỏi liệu nằn nì chuyện này có phải là ý tưởng hay hay không, nhất là khi bây giờ anh cảm
"""