"
23 Vấn Đề Họ Không Nói Với Bạn Về Chủ Nghĩa Tư Bản
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 23 Vấn Đề Họ Không Nói Với Bạn Về Chủ Nghĩa Tư Bản
Ebooks
Nhóm Zalo
Thông tin sách
Tên sách: 23 Vấn Đề Họ Không Nói Với Bạn Về Chủ Nghĩa Tư Bản Nguyên tác: 23 Things They Don't Tell You About Capitalism
Tác giả: Ha Joon Chang
Người dịch: Nguyễn Lợi
Nhà phát hành: DT Books
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức
Khối lượng: 350g
Kích thước: 14,5 x 20,5 cm
Ngày phát hành: 05/2012
Số trang: 388
Giá bìa : 116.000đ
Thể loại: Kinh tế học
Thông tin ebook
Nguồn: http://tve-4u.org
Type+Làm ebook: thanhbt
Ngày hoàn thành: 22/07/2016
Dự án ebook #208 thuộc Tủ sách BOOKBT
Giới thiệu
Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng bị phá huỷ. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để thoát khỏi những viễn cảnh đáng sợ của cuộc khủng hoảng kinh tế? Sau nhiều phân tích, chứng minh, chúng ta được khuyên rằng hãy đặt tất cả niềm tin của mình vào thị trường và không can thiệp vào nó.
Nghe theo lời khuyên này, hầu hết các quốc gia đã áp dụng chính sách thị trường tự do trong suốt ba thập kỷ qua - tư nhân hóa các công ty tài chính và các công ty công nghiệp quốc doanh, nới lỏng các quy định tài chính và công nghiệp, tự do hóa thương mại và đầu
tư quốc tế, giảm thuế thu nhập và các khoản thanh toán phúc lợi. Các chính sách này, như những người ủng hộ chúng đã thừa nhận, trước mắt có thể gây ra một số vấn đề, chẳng hạn như sự bất bình đẳng gia tăng, nhưng cuối cùng chúng sẽ làm cho tất cả mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách tạo ra một xã hội năng động và giàu có hơn. Hình ảnh thủy triều lên sẽ nâng tất cả các tàu thuyền lên là một hình ảnh ẩn dụ cho điều đó.
Nhưng, kết quả của các chính sách này đối lập với những gì đã được hứa hẹn. Sự thật đã bị che giấu.
Những gì chúng ta được nghe từ những người ủng hộ thị trường tự do - hoặc, như họ thường được gọi là các nhà kinh tế học tân tự do - cùng lắm là chỉ đúng một phần, còn không sẽ là hoàn toàn sai. Những tư
tưởng thị trường tự do đều dựa vào các giả định không đủ căn cứ, đó là những quan điểm chắp vá, nếu không muốn nói là những quan điểm vì lợi ích cá nhân.
Chính cuốn sách này, 23 Vấn Đề Họ Không Nói Với Bạn Về Chủ Nghĩa Tư Bản, sẽ đưa ra "những sự
thật" mà các nhà kinh tế học thị trường tự do sẽ không bao giờ nói cho bạn biết…
Dành tặng Hee-Jeong, Yuna, và Jin-Gyu
7 cách đọc cuốn 23 VẤN ÐỀ HỌ KHÔNG NÓI
VỚI BẠN VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
Nếu bạn không chắc chắn chủ nghĩa tư bản là gì, hãy đọc: Cách
1.
Các vấn đề 1, 2, 5, 8, 13, 16, 19, 20, và 22
Nếu bạn nghĩ rằng chính trị là một sự lãng phí thời gian, hãy đọc:
Cách
2.
Các vấn đề 1, 5, 7, 12, 16, 18, 19, 21, và 23
Nếu bạn đang tự hỏi tại sao cuộc sống của bạn dường như tốt hơn
Cách mặc dù thu nhập tăng và công nghệ tiên tiến, hãy đọc: 3.
Các vấn đề 2, 4, 6, 8, 9, 10, 17, 18, và 22
Nếu bạn nghĩ rằng một số người giàu có hơn những người khác bởi
vì họ có khả năng hơn, được giáo dục tốt hơn và có tinh thần doanh
Cách nhân hơn, hãy đọc:
4.
Các vấn đề 3, 10, 13, 14, 15, 16, 17, 20, và 21
Nếu bạn muốn biết lý do tại sao các nước nghèo lại nghèo và làm thế
Cách nào họ có thể trở nên giàu có hơn, hãy đọc: 5.
Các vấn đề 3, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 15, 17, và 23
Nếu bạn nghĩ rằng thế giới là một nơi không công bằng nhưng Cách không có nhiều thứ bạn có thể làm để cải thiện nó, hãy đọc:
6.
Các vấn đề 1, 2, 3, 4, 5, 11, 13, 14, 15, 20, và 21
Cách Đọc toàn bộ cuốn sách theo thứ tự sau.
7.
Lời nhà xuất bản
Khi Liên Xô tan rã và khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ
XX, nhiều nhà chính trị kinh tế học của Chủ nghĩa Tư bản reo lên vui mừng, sáng tác ra rất nhiều tác phẩm nhằm ca ngợi chiến thắng của Chủ nghĩa Tư bản và kết luận rằng Chủ nghĩa Tư bản là con đường phát triển duy nhất đúng đắn của nhân loại. Nhưng niềm vui “phút
chẳng tày gang”, hệ thống kinh tế tư bản toàn cầu rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng đến nỗi các nhà kinh tế chính trị Tư bản chưa hết cơn vui mừng đã buông tiếng thở dài, hy vọng sang năm 2012 nền kinh tế Tư bản thế giới mới le lói tìm thấy đường ra.
“23 Vấn đề họ không nói với bạn về Chủ nghĩa Tư bản” của nhà kinh tế học Hàn Quốc Ha-Joon Chang vừa là một phản đề vừa là một biện minh cho nền kinh tế Tư bản Chủ nghĩa.
Phản đề, bởi vì tác giả vạch trần sự giả dối trong luận điệu tuyên truyền, sự hoạch định chính sách, sự ca ngợi thị trường tự do... v.v... Ví dụ như khi các nước Tư bản phê phán nền kinh tế có kế hoạch thì chính họ
lại gây dựng từ sự kế hoạch hóa chặt chẽ. Khi các nước Tư bản yêu cầu một thị trường tự do toàn cầu thì chính họ lại thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch một cách tinh vi để bảo vệ sản xuất và xuất khẩu của nước mình. Khi kinh tế phát triển, các nhà hoạch định thu nhập cao đã đành, nhưng khi kinh tế suy thoái thì họ kiếm lại lời nhiều hơn...
Biện minh, bởi vì tác giả cũng là nhà kinh tế Chính trị học Tư bản Chủ nghĩa nên tuy phê phán nền kinh tế
Tư bản Chủ nghĩa hiện nay thì lại lựa chọn một nền kinh tế Tư bản Chủ nghĩa kiểu khác, mang màu sắc khác theo tư duy của mình.
Đó không là lựa chọn của chúng ta. Khi xu thế toàn cầu hóa về kinh tế là bất khả kháng, chúng ta chấp nhận bước vào nền kinh tế thị trường. Nhưng nền kinh tế thị trường của chúng ta là nền kinh tế thị trường có điều tiết vì mục đích dân giầu nước mạnh, xã hội phồn vinh nhằm đảm bảo an ninh chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập tự do. Đó là nền kinh tế thị trường có định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Nền kinh tế của chúng ta tuy còn nhiều trở ngại nhưng thực tế chứng minh rằng đã và đang thành công.
Tuy nhiên đây vẫn là một cuốn sách cần đọc để hiểu rõ hơn nền kinh tế Tư bản Chủ nghĩa trong cơn khủng hoảng hiện nay, đồng thời để kiên định đi theo con đường chúng ta lựa chọn.
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
Lời cảm ơn
Tôi nhận được sự trợ giúp từ rất nhiều người khi viết cuốn sách này. Người từng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xuất bản cuốn sách trước đây của tôi, Bad Samaritans, cuốn sách tập trung về các nước đang phát triển, Ivan Mulcahy, đại diện văn học của tôi, đã liên
tục khuyến khích tôi viết một cuốn sách khác với một phạm vi rộng hơn. Peter Ginna, biên tập viên của tôi tại Bloomsbury Mỹ, không chỉ cung cấp những thông tin phản hồi có giá trị về mặt biên tập mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên phong cách của cuốn sách, với gợi ý tiêu đề cuốn sách là “23 Things They Don’t Tell You about Capitalismn”, trong khi tôi vẫn đang hình thành ý tưởng cho cuốn sách. William Goodlad, biên tập viên của tôi tại Allen Lane, đã chỉ đạo việc biên tập cuốn sách và đã rất khéo léo khi làm cho tất cả mọi thứ rất hoàn hảo.
Nhiều người đã đọc các chương của cuốn sách và đóng góp những ý kiến hữu ích. Duncan Green đã đọc tất cả các chương sách và cho tôi lời khuyên rất hữu ích, cả về nội dung và hình thức. Geoff Harcourt và Deepak Nayyar đã đọc nhiều chương và cho tôi những lời khuyên sắc sảo. Dirk Bezemer, Chris Cramer, Shailaja Fennell, Patrick Imam, Deborah Johnston, Amy Klatzkin, Barry Lynn, Kenia Parsons, và Bob Rowthorn cũng đọc các chương khác nhau và đã cho tôi nhiều ý kiến quý báu.
Nếu không có sự giúp đỡ của các trợ lý nghiên cứu có năng lực, tôi không thể có được tất cả các thông tin chi tiết cho cuốn sách này. Tôi xin cám ơn, theo thứ tự bảng chữ cái, Bhargav Adhvaryu, Hassan
Akram, Antonio Andreoni, Yurendra Basnett, Muhammad Irfan, Veerayooth Kanchoochat, và Francesca Reinhardt vì những trợ giúp của họ.
Tôi cũng xin cảm ơn Jeong Seung-il và Buhm Lee vì đã cung cấp cho tôi những dữ liệu mà không dễ gì có thể có được.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi xin cảm ơn gia đình tôi. Nếu không có sự ủng hộ và tình yêu của họ, tôi không thể hoàn thành được cuốn sách này. Hee-Jeong, vợ tôi, không chỉ tiếp cho tôi sức mạnh tinh thần mạnh mẽ trong khi tôi viết cuốn sách này mà còn đọc tất cả các chương và giúp tôi xây dựng những lập luận chặt chẽ hơn và dễ hiểu hơn. Tôi đã vô cùng vui mừng nhận thấy rằng khi tôi nêu một số ý tưởng của mình với Yuna, con gái tôi, cô bé đã trả lời bằng một sự trưởng thành về trí tuệ đáng ngạc nhiên của một cô bé 14 tuổi. Jin-Gyu, con trai tôi, đã cho tôi một số ý tưởng rất thú vị cũng như ủng hộ rất nhiều về mặt tinh thần cho cuốn sách. Tôi dành tặng cuốn sách này cho ba người thương yêu đó.
Lời giới thiệu
Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng bị phá hủy. Trong khi các biện pháp khuyến khích về tiền tệ và tài chính với quy mô chưa từng có đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trở thành một sự
sụp đổ toàn diện của nền kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 vẫn là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn thứ hai trong lịch sử, sau khi cuộc Đại Suy thoái ( Great Depression). Vào thời điểm tôi viết cuốn sách này (tháng 3 năm 2010), khi một số người tuyên bố kết thúc suy thoái, sự phục hồi bền vững vẫn không hề chắc chắn. Do không có các cải cách tài chính, các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng đã gây ra những bong bóng tài chính mới, trong khi nền kinh tế thực sự thì đang thiếu tiền. Nếu những bong bóng này vỡ, nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc suy thoái “kép” khác (double-dip recession). Ngay cả
khi sự phục hồi được duy trì, hậu quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn đeo đẳng trong nhiều năm. Có thể là một vài năm trước khi khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình xây dựng lại bảng cân đối kế toán của mình.
Thâm hụt ngân sách khổng lồ do cuộc khủng hoảng gây ra sẽ buộc các chính phủ phải giảm đáng kể các khoản đầu tư công và các quyền lợi phúc lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, đói nghèo và ổn định xã hội - có thể trong nhiều thập kỷ. Một số người bị mất việc làm và nhà cửa trong cuộc khủng hoảng có thể không bao giờ tham gia trở lại vào dòng kinh tế chủ đạo nữa. Đây là những viễn cảnh đáng sợ.
Thảm họa này cuối cùng đã được tạo ra bởi hệ tư tưởng thị trường tự do, hệ tư tưởng đã thống trị thế giới từ những năm 1980. Chúng ta đã nghe nói rằng, nếu đứng một mình, thị trường sẽ tạo ra những kết quả
hiệu quả và công bằng nhất. Hiệu quả, vì các cá nhân biết cách tận dụng tốt nhất các nguồn lực họ cần, và công bằng, bởi vì quá trình thị trường cạnh tranh đảm bảo rằng các cá nhân được hưởng theo năng suất của họ. Chúng ta cũng được biết rằng doanh nghiệp nên được tự do tối đa. Các công ty, gần gũi với thị trường nhất, biết điều gì là tốt nhất cho việc kinh doanh của mình. Nếu chúng ta để cho họ làm những gì họ muốn, việc tạo ra của cải sẽ được tối đa hóa, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho phần còn lại của xã hội. Chúng ta cũng nghe nói rằng sự can thiệp của chính phủ vào các thị trường sẽ chỉ làm giảm hiệu quả của chúng. Sự
can thiệp của chính phủ thường được thiết lập để hạn chế phạm vi của việc tạo ra của cải vì quan niệm chủ
nghĩa quân bình sai lầm. Ngay cả khi không phải là như vậy, các chính phủ cũng không thể cải thiện được kết quả của thị trường, vì họ không có thông tin cần thiết cũng như không có những động lực để đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn. Tóm lại, chúng ta
được khuyên rằng hãy đặt tất cả niềm tin của mình vào thị trường và không can thiệp vào nó.
Nghe theo lời khuyên này, hầu hết các quốc gia đã áp dụng chính sách thị trường tự do trong suốt ba thập kỷ qua - tư nhân hóa các công ty tài chính và các công ty công nghiệp quốc doanh, nới lỏng các quy định tài chính và công nghiệp, tự do hóa thương mại và đầu
tư quốc tế, và giảm thuế thu nhập và các khoản thanh toán phúc lợi. Các chính sách này, như những người ủng hộ chúng đã thừa nhận, trước mắt có thể
gây ra một số vấn đề, chẳng hạn như sự bất bình đẳng gia tăng, nhưng cuối cùng chúng sẽ làm cho tất cả
mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách tạo ra một xã hội năng động và giàu có hơn. Hình ảnh thủy triều lên sẽ nâng tất cả các tàu thuyền lên là một hình ảnh ẩn dụ cho điều đó.
Kết quả của các chính sách này đối lập với những gì đã được hứa hẹn. Trong chốc lát hãy tạm quên đi cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc khủng hoảng để lại những vết sẹo cho thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Trước đó, và không được hầu hết mọi người biết đến, các chính sách thị trường tự do đã khiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn, sự bất bình đẳng gia tăng và bất ổn tăng cao ở hầu hết các nước. Ở nhiều nước giàu, những vấn đề này được che dấu bằng sự mở rộng tín dụng rất lớn, do đó thực tế rằng mức tiền lương ở Mỹ vẫn còn thấp và giờ làm việc tăng từ những năm 1970 đã được che đậy một cách kín đáo bằng sự bùng nổ tiêu dùng nhờ được cung cấp tín dụng. Những vấn đề này ở các nước giàu đã đủ tồi tệ, nhưng chúng thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các nước đang phát triển. Mức sống ở Tiểu vùng Sahara Châu Phi đã chững lại vào ba thập kỷ gần đây, trong khi Mỹ Latinh đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người của mình giảm hai phần ba trong thời kỳ này. Có một số nước đang phát triển đã phát triển nhanh chóng (mặc dù sự
bất bình đẳng tăng nhanh) trong thời gian này, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng đây chính là các nước, trong khi tự do hóa một phần, đã không áp dụng các chính sách thị trường tự do một cách toàn diện.
Vì vậy, những gì chúng ta được nghe từ những người ủng hộ thị trường tự do - hoặc, như họ thường được
gọi là các nhà kinh tế học tân tự do - cùng lắm là chỉ đúng một phần, còn không sẽ là hoàn toàn sai. Như
tôi sẽ thể hiện trong cuốn sách này, “những sự thật” được đưa ra bởi những tư tưởng thị trường tự do đều dựa vào các giả định không đủ căn cứ và những quan điểm chắp vá, nếu không muốn nói là những
quan điểm vì lợi ích cá nhân (selfserving notions). Mục tiêu của tôi trong cuốn sách này là giúp các bạn biết một số sự thật quan trọng về chủ nghĩa tư bản mà các nhà kinh tế học thị trường tự do sẽ không nói cho bạn biết.
Cuốn sách này không phải là một tuyên ngôn chống tư bản chủ nghĩa. Phê phán hệ tư tưởng thị trường tự
do không có nghĩa là chống lại chủ nghĩa tư bản. Mặc dù có những vấn đề và những mặt hạn chế, nhưng tôi tin rằng chủ nghĩa tư bản vẫn là hệ thống kinh tế có hiệu quả thực tế nhất mà nhân loại đã phát minh ra.
Phê bình của tôi là về một phiên bản đặc biệt của chủ nghĩa tư bản đã thống trị thế giới trong ba thập kỷ
qua, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Đây không phải là cách duy nhất để điều hành chủ nghĩa tư bản, và chắc chắn không phải là cách tốt nhất, như những thống kê trong ba thập kỷ qua đã thể hiện. Cuốn sách này chỉ ra rằng có những cách thức mà chủ nghĩa tư bản lẽ ra, và có thể, được thực hiện tốt hơn.
Mặc dù cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến cho chúng ta phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi về cách thức điều hành các nền kinh tế của mình, nhưng hầu hết chúng ta không cố gắng trả lời những câu hỏi như vậy bởi vì chúng ta nghĩ rằng đó là những câu hỏi dành cho các chuyên gia. Thực tế đúng là như vậy - nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Những câu trả lời chính xác đòi hỏi những kiến thức về nhiều vấn đề chuyên môn, mà rất nhiều vấn đề trong số đó quá phức tạp đến nỗi chính các chuyên gia cũng không đồng thuận về chúng. Cho nên sẽ là điều hết sức tự nhiên khi hầu hết chúng ta đơn giản là không có thời gian hoặc sự
đào tạo cần thiết để tìm hiểu tất cả các vấn đề chuyên môn trước khi chúng ta có thể đưa ra những đánh giá của mình về tính hiệu quả của của TARP (Chương trình Giải cứu Tài sản Xấu), sự cần thiết của G20, sự
khôn ngoan của việc quốc hữu hóa các ngân hàng hoặc mức độ thích hợp của các khoản lương điều hành.
Và khi nói đến những thứ như sự nghèo đói ở Châu Phi, những hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế
giới, những quy định thỏa đáng về vốn của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, hầu hết chúng ta đều thực sự
lạc hướng.
Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải hiểu tất cả các vấn đề chuyên môn mới có thể hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới và thực hiện điều mà tôi gọi là “tinh thần công dân kinh tế tích cực” để yêu cầu các hành động phù hợp từ những người nắm quyền quyết định. Tóm lại, chúng ta có thể đánh giá về tất cả
các vấn đề khác cho dù chúng ta chưa đủ kiến thức chuyên môn. Chúng ta không cần phải là chuyên gia dịch tễ học để biết rằng cần phải có những tiêu chuẩn vệ sinh trong các nhà máy thực phẩm, các cửa hàng bán thịt và các nhà hàng. Đánh giá về kinh tế cũng không
có gì khác: một khi bạn biết các nguyên tắc và thông tin cơ bản, bạn có thể đưa ra một số đánh giá đanh thép mà không cần biết rõ về các vấn đề chuyên môn. Điều kiện tiên quyết duy nhất là bạn phải sẵn sàng gỡ bỏ cặp kính hồng (rosetinted glasses) mà ý thức hệ tân tự do muốn bạn đeo mỗi ngày. Cặp kính này khiến cho thế giới trông rất đơn giản và tươi đẹp.
Nhưng hãy bỏ chúng ra và nhìn thẳng vào ánh sáng rõ ràng của thực tế khắc nghiệt.
Một khi bạn biết rằng thực sự không có cái gọi là thị trường tự do, bạn sẽ không bị lừa gạt bởi những người lên án một quy định dựa vào lập luận rằng nó làm cho thị trường “không tự do” (xem Vấn đề 1). Khi bạn biết rằng các chính phủ lớn và năng động có thể thúc đẩy, hơn là làm suy yếu, tính năng động kinh tế, bạn sẽ thấy rằng sự mất lòng tin vào chính phủ là không có cơ sở (xem Vấn đề 12 và 21). Việc nhận thức được rằng chúng ta không sống trong một nền kinh tế tri thức hậu công nghiệp sẽ khiến bạn phải đặt câu hỏi về
sự khôn ngoan của việc lờ đi, hoặc thậm chí ngầm chào đón, xu hướng suy giảm công nghiệp của một quốc gia, như một số chính phủ đã thực hiện (xem điều 9 và 17). Một khi bạn nhận ra kinh tế học “kiểu nước chảy chỗ trũng” (trickle- down economics) không hiệu quả, bạn sẽ thấy việc cắt giảm thuế quá mức cho người giàu vì chính họ - một sự tái phân phối thu nhập đơn giản có lợi cho người giàu, chứ không phải là một cách để làm cho tất cả chúng ta đều giàu có hơn, như người ta đã nói với chúng ta (xem Vấn đề 13 và 20).
Những gì đã xảy ra đối với nền kinh tế thế giới không phải là ngẫu nhiên hay là kết quả của một lực lượng không thể cưỡng lại của lịch sử. Không phải vì một số luật lệ cứng rắn của thị trường khiến cho mức lương bị trì trệ và giờ làm việc gia tăng đối với hầu hết những người Mỹ, trong khi những nhà quản lý và các chủ
ngân hàng hàng đầu có nguồn thu nhập tăng đáng kể (xem Vấn đề 10 và 14). Không phải đơn giản chỉ vì sự tiến bộ không thể ngăn cản
trong công nghệ truyền thông và giao thông vận tải mà chúng ta được tiếp xúc với ngày càng nhiều các lực lượng cạnh tranh quốc tế và phải lo lắng về an ninh công việc (xem Vấn
đề 4 và 6). Việc khu vực tài chính ngày càng bị tách ra khỏi nền kinh tế sản xuất trong ba thập kỷ qua là điều không thể tránh khỏi. Việc này cuối cùng đã gây ra các thảm họa kinh tế mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt (xem Vấn đề 18 và 22). Lý do chủ yếu khiến các nước nghèo bị nghèo không phải là do một số yếu tố cấu trúc không thể thay đổi - khí hậu nhiệt đới, vị trí không thuận lợi, hay nền văn hóa yếu kém (xem Vấn đề 7 và 11).
Quyết định của con người, đặc biệt là quyết định của những người có quyền đặt ra các quy tắc, làm cho mọi việc xảy ra đúng như chúng xảy ra, như tôi sẽ giải thích. Mặc dù không có một người đưa ra quyết định duy nhất nào có thể chắc chắn rằng các hành động của mình sẽ luôn luôn đem lại kết quả mong muốn, nhưng các quyết định đã được đưa ra không phải là không thể tránh khỏi xét ở một khía cạnh nào đó.
Chúng ta không sống trong một thế giới tốt nhất có thể. Nếu các quyết định khác được thực hiện, thế giới sẽ có một vị trí khác. Vì vậy, chúng ta cần phải đặt câu hỏi liệu quyết định mà những người giàu và những người có quyền lực đưa ra có dựa trên lý luận hợp lý và những bằng chứng thuyết phục không. Chỉ khi chúng ta làm điều đó, chúng ta mới có thể yêu cầu những hành động đúng đắn từ các công ty, các chính phủ và các tổ chức quốc tế. Nếu không có tinh thần công dân kinh tế tích cực của mình, chúng ta sẽ luôn luôn là nạn nhân của những người có quyền quyết định cao hơn, những người nói với chúng ta rằng mọi thứ xảy ra bởi vì chúng phải xảy ra và do đó chúng ta không thể làm gì để thay đổi chúng, cho dù chúng có thể khó chịu và bất công đến thế nào.
Cuốn sách này nhằm mục đích trang bị cho người đọc sự hiểu biết về phương thức hoạt động thực sự của chủ nghĩa tư bản và làm thế
nào để nó có thể hoạt động có lợi hơn. Tuy nhiên, đây không phải là “kinh tế
học cho người ngoại đạo”. Cuốn sách này đang cố gắng để vừa dễ hiểu hơn lại vừa chuyên sâu hơn nhiều so với kinh tế học cho người ngoại đạo.
Nó đơn giản và dễ hiểu hơn so với “kinh tế học cho người ngoại đạo” bởi vì tôi không đi sâu vào các kiến thức chuyên ngành mà ngay cả một cuốn sách giới thiệu cơ bản về kinh tế học sẽ buộc phải giải thích. Tuy nhiên, việc không đi sâu vào các chi tiết chuyên ngành không phải vì tôi tin rằng chúng không phù hợp với độc giả của tôi. 95% kinh tế học là những kiến thức thông thường bị phức tạp hóa, và ngay cả đối với 5%
còn lại, những lý luận cần thiết, nếu không phải là tất cả các kiến thức chuyên ngành, đều có thể giải thích được bằng những thuật ngữ đơn giản. Tôi không đề cập các kiến thức chuyên ngành chỉ đơn giản là vì tôi tin rằng cách tốt nhất để học những nguyên lý kinh tế là sử dụng chúng để hiểu được vấn đề mà người đọc quan tâm nhất. Vì vậy, tôi chỉ giới thiệu các kiến thức chuyên ngành khi chúng có liên quan, chứ không theo một hệ thống, như kiểu sách giáo khoa vẫn trình bày.
Tuy nhiên, trong khi hoàn toàn dễ hiểu đối với các độc giả không chuyên, cuốn sách này nêu các vấn đề
sâu hơn rất nhiều so với những cuốn “kinh tế học cho người ngoại đạo”. Thật vậy, nó đi sâu hơn nhiều so với nhiều cuốn sách kinh tế tiên tiến xét về khía cạnh rằng nó đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về các học thuyết kinh tế đã được công nhận và những kinh nghiệm thực tiễn mà những cuốn sách đó cho là đương nhiên.
Trong khi một độc giả không chuyên dường như thấy khó khăn trong việc đặt câu hỏi về các học thuyết được ủng hộ bởi các “chuyên gia” và về những thực tiễn được chấp nhận bởi hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực đó, bạn sẽ thấy rằng điều này thực sự là dễ dàng hơn
nhiều, một khi bạn ngừng giả định rằng hầu hết những điều các chuyên gia tin đều đúng.
Hầu hết các vấn đề thảo luận trong cuốn sách này không có câu trả lời đơn giản. Thật vậy, trong nhiều trường hợp, quan điểm chính của tôi là không có câu trả lời đơn giản, không giống như những gì các nhà kinh tế học thị trường tự do muốn bạn tin. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đối mặt với những vấn đề này, chúng ta sẽ không thể hiểu được thế giới thực sự hoạt động như thế nào. Và nếu chúng ta không hiểu điều đó, chúng ta sẽ không thể bảo vệ lợi ích riêng của chính mình, nói chi đến làm những điều tốt đẹp hơn như
là những công dân kinh tế tích cực.
Vấn đề thứ 1: Không có cái gọi là thị trường tự do Những điều họ nói với bạn
Thị trường cần phải được tự do. Một khi chính phủ can thiệp vào và áp đặt những hoạt động mà các đối tượng tham gia thị trường được phép làm và không được phép làm thì các nguồn lực sẽ không thể phát huy tác dụng một cách hữu hiệu nhất. Nếu mọi người không được làm những điều mà họ thấy rằng sẽ đem lại lợi ích cao nhất, họ sẽ mất hết động lực để đầu tư và đổi mới. Do đó, nếu chính phủ áp đặt mức giá trần đối với tiền thuê nhà thì những người chủ nhà sẽ không còn động lực để bảo trì tài sản hoặc xây dựng mới nữa.
Hay nếu chính phủ hạn chế các loại hình sản phẩm tài chính được bán ra thì hai bên ký hợp đồng sẽ không thể đạt được những lợi ích tiềm năng của một hợp đồng tự do trong khi lẽ ra cả hai có thể được hưởng lợi từ các giao dịch có tính cách tân, đáp ứng nhu cầu riêng của mình. Mọi người phải được “tự do lựa chọn”, giống như tiêu đề một cuốn sách nổi tiếng có tầm nhìn xa về thị trường tự do của Milton Friedman.
Những điều họ không nói với bạn
Thị trường tự do không tồn tại. Mọi thị trường đều có một số quy định và giới hạn hạn chế quyền tự do lựa chọn. Thị trường trông có vẻ tự do chỉ bởi vì chúng ta chịu chấp nhận vô điều kiện những hạn định ngầm đến nỗi chúng ta không còn nhận thấy chúng nữa. Thế nào là một thị trường tự do là điều không thể định nghĩa được một cách khách quan. Nó là một định nghĩa mang tính chất chính trị. Lời khẳng định thường nhật của các nhà kinh tế học về thị trường tự do rằng họ đang cố gắng bảo vệ thị trường khỏi sự can thiệp có động cơ chính trị là dối trá. Chính phủ luôn tham gia vào thị trường và những người tham gia vào thị
trường tự do kia cũng có động cơ chính trị như bất cứ ai. Chiến thắng được ảo tưởng rằng có cái gọi là “thị
trường tự do” theo định nghĩa khách quan là bước đầu tiên để hiểu được chủ nghĩa tư bản.
Lao động phải được tự do
Năm 1819, pháp chế quy định về lao động trẻ em thuộc Đạo luật đối với các Nhà máy Bông đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Anh. Quy định được đề xuất là “cú chạm nhẹ” của những chuẩn mực hiện đại.
Quy định này cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 9 tuổi. Trẻ em lớn hơn (từ 10 đến 16 tuổi) vẫn được phép làm việc nhưng thời gian làm việc tối đa là 12 tiếng một ngày (vâng, họ đã thực sự đối xử tốt hơn đối với những đứa trẻ này). Những quy định mới chỉ áp dụng cho các nhà máy bông, nơi bị phát hiện là làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động.
Đề xuất này đã gây ra tranh cãi lớn. Những người phản đối cho rằng quy định này sẽ ngầm phá hoại tính thiêng liêng của quyền tự do ký kết hợp đồng và như vậy là phá hoại nền tảng của thị trường tự do. Trong quá trình tranh luận về pháp chế này, một vài Thượng nghị sỹ đã phản đối pháp chế này với lý do rằng “lao động phải được tự do”.
Lý lẽ mà họ đưa ra là: trẻ em muốn (và cần) làm việc, và các chủ nhà máy muốn thuê họ; vậy vấn đề là gì?
Ngày nay, ngay cả những người đề xướng nhiệt huyết nhất của thị trường tự do ở Anh hoặc các nước giàu có khác cũng không nghĩ đến việc đưa lao động trẻ em trở lại với tư cách là một phần trong quá trình tự do hóa thị trường dù họ rất muốn. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi những quy định nghiêm túc đầu
tiên về lao động trẻ em được áp dụng tại Châu Âu và Bắc Mỹ, rất nhiều người có địa vị xã hội quan trọng đã đánh giá rằng quy định về lao động trẻ em là đi ngược lại các nguyên lý của thị trường tự
do.
Chính vì vậy, “tính tự do” của thị trường nên được nhìn nhận theo quan điểm riêng của từng người. Nếu bạn tin rằng quyền không phải làm việc của trẻ em quan trọng hơn quyền của các chủ nhà máy được thuê bất cứ ai mà họ thấy có lợi nhất thì bạn sẽ không thấy việc cấm lao động trẻ em là xâm phạm tính tự do của thị trường lao động. Nếu bạn quạn niệm ngược lại thì bạn sẽ nhìn thấy một thị trường ‘không tự do’, bị trói buộc bởi quy định sai lầm của chính phủ.
Chúng ta không cần phải ngược dòng thời gian hai thế kỷ để xem xét những quy định mà chúng ta cho là hiển nhiên (và chấp nhận nó như là “tạp âm” trong thị trường tự do). Nhưng khi mới được áp dụng, những quy định này đã bị phản đối kịch liệt như là một tác nhân hủy hoại thị trường tự do. Khi các quy định về
môi trường (các quy định về khí thải ô tô và khí thải nhà máy) xuất hiện vài thập kỷ trước, chúng đã bị rất nhiều người phản đối vì xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do lựa chọn. Những người phản đối quy định này đã đặt ra câu hỏi: nếu mọi người muốn lái những chiếc ô tô gây ô nhiễm môi trường hơn hoặc các nhà máy thấy các phương pháp sản xuất gây ô nhiễm môi trường hơn mang lại lợi nhuận cao hơn thì tại sao chính phủ lại ngăn cấm họ đưa ra những lựa chọn như vậy? Ngày nay, hầu hết mọi người chấp nhận những
quy định này như “một lẽ tự nhiên”. Họ tin rằng những hành động gây hại cho người khác dù không cố ý (như ô nhiễm môi trường) cần phải bị hạn chế. Họ cũng hiểu rằng việc sử dụng thận trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là nguồn tài nguyên không tái sinh là việc làm rất sáng suốt. Họ có thể tin rằng việc giảm tác động của con người đối với những biến đổi khí hậu là điều vô cùng ý nghĩa.
Nếu những người khác nhau có nhận thức khác nhau về mức độ tự do của cùng một thị trường thì sẽ không có định nghĩa nào thực sự khách quan về mức độ tự do của thị trường. Nói cách khác, thị trường tự do chỉ
là ảo tưởng. Một số thị trường có vẻ tự do chỉ bởi vì chúng ta đã hoàn toàn chấp nhận những quy định đang ngày càng khó nhận ra mà các thị trường đó đang dựa vào.
Dây piano và võ sư kungfu
Giống như tất cả mọi người, khi còn bé tôi đã bị cuốn hút bởi những võ sư kungfu bay giữa không trung trong các bộ phim Hồng Kông. Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi nghi ngờ và tôi đã thất vọng khi phát hiện ra sự thật là các võ sư đó đã treo mình trên những chiếc dây đàn piano.
Thị trường tự do cũng gần tương tự như vậy. Chúng ta hoàn toàn chấp nhận tính hợp pháp của các quy định đến mức chúng ta không nhận ra chúng nữa. Xem xét kỹ hơn, ta thấy các thị trường đang dựa vào rất nhiều quy tắc.
Hiện có một loạt các hạn định đối với những thứ được phép buôn bán; và không chỉ cấm những thứ “hiển nhiên phải cấm” như ma túy hay các bộ phận cơ thể người. Trong các nền kinh tế hiện đại, phiếu bầu cử, công việc trong chính phủ và quyết định pháp lý không phải là những thứ có thể mua bán, ít nhất là mua bán công khai, cho dù trong quá khứ điều này đã xảy ra ở hầu hết các nước. Những vị trí
trong trường đại học có thể không được mua bán mặc dù ở một vài quốc gia tiền vẫn có thể mua được những vị trí này -
hoặc là bằng cách trả tiền (bất hợp pháp) cho những người tuyển chọn hoặc đầu tư tiền (hợp pháp) cho các trường đại học. Nhiều nước cấm buôn bán súng và rượu. Thường thì các loại thuốc phải được cấp phép của chính phủ dựa vào các tiêu chuẩn về độ an toàn trước khi được bán ra thị trường. Tất cả các quy định này đều tiềm ẩm những tranh cãi - giống như lệnh cấm buôn bán người (buôn bán nô lệ) cách đây một thế kỷ
rưỡi.
Cũng có những hạn định về đối tượng tham gia thị trường. Quy định về lao động trẻ em hiện nay cấm đưa trẻ em vào thị trường lao động. Các ngành nghề có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống con người như
bác sỹ hay luật sư phải có giấy phép hành nghề (đôi khi giấy phép này do các hiệp hội ngành nghề chứ
không phải chính phủ cấp). Nhiều nước chỉ cho phép các công ty với số vốn cao hơn một mức nhất định nào đó mới được thành lập ngân hàng. Ngay cả thị trường chứng khoán mà những quy định lỏng lẻo (underregulations) của nó là một nguyên nhân gây ra cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 cũng có những quy định về đối tượng tham gia. Không phải là bạn cứ có cổ phiếu là có thể đến Sở Giao dịch Chứng khoán New York và bán chúng. Các công ty phải đáp ứng các yêu cầu về niêm yết cổ phiếu, các tiêu chuẩn kiểm toán nghiêm ngặt trong một vài năm trước khi được đem cổ phiếu ra bán. Chỉ những môi giới hoặc những người kinh doanh có giấy phép mới được phép buôn bán cổ phiếu.
Các điều kiện thương mại cũng được quy định cụ thể. Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên khi tôi mới chuyển tới Anh vào giữa thập niên 1980 là người ta có thể yêu cầu hoàn lại toàn bộ số tiền cho một sản phẩm mà họ không thích cho dù sản phẩm đó không bị lỗi.
Vào thời điểm đó, điều này là không tưởng ở Hàn Quốc, ngoại trừ ở những cửa hàng sang trọng nhất. Tại Anh, người ta coi quyền được thay đổi quyết định của khách hàng quan trọng hơn quyền của người bán hàng được tránh các tổn thất do việc trả lại các sản phẩm không ưng ý (không phải do bị lỗi) cho nhà sản xuất. Có nhiều quy tắc khác
quy định các phương diện khác nhau của quá trình trao đổi: trách nhiệm sản phẩm, không thể giao hàng, nợ quá hạn, vv.
Ở nhiều nước cũng có sự cho phép cần thiết đối với vị trí đặt các cửa hàng như các hạn định về việc bán hàng rong trên phố hay luật phân vùng cấm các hoạt động kinh doanh trong khu vực dân cư.
Bên cạnh đó, còn có những quy đinh về giá cả. Ở đây, tôi không chỉ nói đến những hiện tượng dễ nhận thấy như việc kiểm soát tiền thuê nhà hay mức lương tối thiểu mà những nhà kinh tế học về thị trường tự
do rất ghét.
Mức lương ở các nước giàu được quyết định bởi việc kiểm soát nhập cư nhiều hơn bất kỳ một yếu tố nào khác bao gồm cả pháp chế về mức lương tối thiểu. Vậy lượng người nhập cư tối đa được quyết định như
thế nào? Việc này không được quyết định bởi thị trường lao động “tự do”, thị trường mà nếu được thả nổi thì nó sẽ thay thế khoảng 80- 90% công nhân bản địa bằng những người nhập cư với mức lương rẻ hơn và thường làm việc năng suất hơn. Phần lớn việc nhập cư được giải quyết bằng con đường chính trị. Do đó, nếu bạn còn chút nghi ngờ nào về vai trò to lớn của chính phủ đối với thị trường tự do thì hãy dừng lại và suy ngẫm để nhận ra rằng suy cho cùng thì mức lương của chúng ta do yếu tố chính trị quyết định. (xem Vấn đề thứ 3)
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tại nhiều nước giá các khoản vay (nếu bạn có thể vay một khoản hoặc bạn đã có một khoản vay với tỉ lệ lãi suất khả biến) đã trở nên thấp hơn rất nhiều nhờ vào việc liên tục giảm tỷ lệ lãi suất. Liệu điều này có phải là do đột nhiên
mọi người không muốn vay và các ngân hàng cần phải hạ thấp giá để giải ngân không? Câu trả lời là không. Đây chính là kết quả của các quyết định chính trị nhằm tăng nhu cầu vay vốn bằng cách giảm tỷ lệ lãi suất. Thậm chí tại những thời điểm bình thường ở hầu hết các nước, tỷ lệ lãi suất do ngân hàng trung ương đặt ra. Điều này có nghĩa là chính trị đã can thiệp vào. Nói cách khác, tỷ lệ lãi suất cũng do chính trị quy định.
Nếu mức lương và tỷ lệ lãi suất (phần lớn) là do chính trị quy định thì tất cả các loại giá khác cũng do chính trị quy định vì chúng ảnh hưởng tới các loại giá khác.
Thương mại có công bằng không?
Chúng ta chỉ nhận thấy một quy định khi chúng ta không tán thành các giá trị đạo đức ẩn sau nó. Hạn định về mức thuế cao đối với thương mại tự do thế kỷ XIX của chính phủ Liên bang Mỹ đã làm các chủ nô lệ
tức giận vì họ thấy việc buôn bán người trong thị trường tự do là không có gì sai trái. Với những người tin rằng con người cũng có thể được sở hữu như hàng hóa thì việc cấm buôn bán nô lệ cũng có thể bị phản đối giống như phản đối việc hạn chế buôn bán hàng hóa. Những người bán hàng ở Hàn Quốc những năm 1980
có thể nghĩ rằng yêu cầu “trả lại hàng vô điều kiện” là một quy định phiền toái và không công bằng của chính phủ, hạn chế tự do của thị trường.
Sự mâu thuẫn về giá trị này cũng nằm phía sau sự tranh cãi đương thời về thương mại tự do và thương mại công bằng. Nhiều người Mỹ tin rằng Trung Quốc đang tham gia vào thương mại quốc tế, nền thương mại có thể tự do nhưng không công bằng. Theo quan điểm của họ, Trung Quốc đã cạnh tranh không lành mạnh bằng cách trả cho công nhân mức lương rẻ mạt không thể chấp nhận được và bắt công nhân phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, vô nhân đạo. Người Trung Quốc có thể phản bác lại rằng việc các nước giàu một mặt ủng
hộ tự do thương mại nhưng một mặt lại cố gắng đặt ra những rào cản nhân tạo đối với ngành xuất khẩu của Trung Quốc bằng cách cố gắng hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ “các xưởng mồ hôi” là việc làm không thể chấp nhận được. Họ thấy không công bằng khi bị ngăn cản khai thác nguồn lực duy nhất mà họ
dồi dào nhất - lực lượng lao động giá rẻ.
Tuy nhiên, cái khó ở đây là không có một định nghĩa khách quan nào cho “mức lương thấp không thể chấp nhận được” hay “điều kiện làm việc phi nhân đạo”. Với những khoảng cách lớn đang tồn tại ở các mức độ
phát triển kinh tế và tiêu chuẩn sống thì không có gì đáng ngạc nhiên khi mức lương “chết đói” ở Mỹ lại là mức lương đáng kể ở Trung Quốc (mức lương trung bình chỉ bằng 10% mức lương ở Mỹ) và là cả một gia tài lớn ở Ấn Độ (mức lương trung bình bằng 2% so với ở Mỹ). Trên thực tế, hầu hết những người Mỹ có tư
tưởng thương mại tư do đều sẽ không mua những thứ do chính ông cha mình, những người phải làm việc nhiều tiếng đồng hồ trong điều kiện làm việc vô nhân đạo làm ra. Cho tới đầu thế kỷ XX, tuần làm việc trung bình ở Mỹ là khoảng 60 giờ. Vào thời điểm đó (chính xác hơn là vào năm 1905), Mỹ chính là nước mà Tòa án Tối cao đã cáo buộc bộ luật bang New York mới, bộ luật giới hạn ngày làm việc của những
công nhân xưởng bánh mỳ trong vòng 10 tiếng, là trái với hiến pháp với lý do là nó đã tước đi quyền tự do làm việc trong thời gian bao lâu tùy ý của người làm bánh.
Do vậy, cuộc tranh cãi về thương mại công bằng chính là cuộc tranh cãi về giá trị đạo đức và các quyết định chính trị, chứ không phải là về kinh tế học thuần túy. Cho dù đó là tranh cãi về một vấn đề kinh tế thì nó cũng không phải là thứ mà các nhà kinh tế học được trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng để có thể kiểm soát được.
Tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người theo chủ nghĩa tương đối và không thể phê phán bất cứ ai về bất cứ điều gì đang diễn ra. Chúng ta có thể có (và chính tôi
cũng có) một quan điểm riêng về việc chấp nhận các tiêu chuẩn lao động đang phổ biến khắp Trung Quốc (hoặc bất kỳ một quốc gia nào khác) và cố gắng làm một điều gì đó để cải thiện vấn đề này mà không tin rằng những người có quan điểm khác là sai hoàn toàn. Mặc dù Trung Quốc không thể trả mức lương như Mỹ
hay tạo được điều kiện làm việc như ở Thụy Điển nhưng chắc chắn nước này có thể cải thiện được mức lương và điều kiện làm việc cho công nhân. Thực ra, nhiều người Trung Quốc không chấp nhận những điều kiện đang phổ biến và yêu cầu những quy định cứng rắn hơn. Nhưng học thuyết kinh tế (ít nhất là kinh tế thị trường tự do) không thể chỉ cho chúng ta biết mức lương và điều kiện làm việc “hợp lý” ở Trung Quốc là như thế nào.
Tôi không tin chúng ta đang ở Pháp nữa
Vào tháng 7 năm 2008, với một hệ thống tài chính quốc gia đang bị phân rã, chính phủ Mỹ đã rót 200 tỉ đô la vào Fannie Mae và Freddie Mac, hai tập đoàn cho vay thế chấp và quốc hữu hóa chúng. Chứng kiến sự
việc này, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Kentucky, Jim Bunning đã kịch liệt phản đối hành động này như là một sự kiện chỉ có thể xảy ra tại một nước “xã hội chủ nghĩa” như Pháp.
Pháp đã đủ tồi tệ, nhưng vào ngày 19 tháng 9 năm 2008, đất nước thân yêu của Thượng nghị sỹ Bunning cũng đã bị chính nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa chuyển thành “Đế chế Ma Quỷ”. Theo kế hoạch được Tổng thống George W. Bush tuyên bố vào ngày hôm đó và một chương trình có tên là “Chương trình Giải cứu Tài sản xấu” (TARP), chính phủ Mỹ đã định sử dụng 700 tỷ đô la từ tiền thuế để mua lại những “tài sản xấu” đang bóp nghẹt hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, Tổng thống Bush không nhìn nhận các vấn đề theo hướng đó. Ông cho rằng kế hoạch này đơn giản chỉ là một sự kế thừa hệ thống doanh nghiệp tự do của Mỹ, hệ thống mà “luôn tin rằng chính phủ liên bang nên can thiệp vào thị trường khi cần thiết”, chứ không phải là trở thành một nước Xô viết. Theo quan điểm của ông thì chỉ như vậy, việc quốc hữu hóa phần lớn khu vực tài chính chỉ là một trong những việc làm cần thiết đó.
Tất nhiên, phát biểu của ông Bush là một ví dụ điển hình của việc nói nước đôi trong chính trị - một trong những can thiệp của nhà nước lớn nhất trong lịch sử loài người được ngụy trang như một quy trình thị
trường bình thường khác. Tuy nhiên, thông qua những lời lẽ này, ông Bush đã chỉ ra cơ sở mong manh mà ảo tưởng về thị trường tự do đang bám vào. Như lời phát biểu đã thể hiện rất rõ ràng, sự can thiệp cần thiết của nhà nước phù hợp với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do là gì thực sự là một vấn đề còn gây tranh cãi.
Không có một định nghĩa mang tính khoa học nào cho giới hạn của thị trường tự do.
Nếu những giới hạn thị trường cụ thể đang tồn tại không có gì thiêng liêng thì nỗ lực thay đổi chúng cũng chính đáng như nỗ lực bảo vệ chúng. Trên thực tế, lịch sử của chủ nghĩa tư bản là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ về các giới hạn của thị trường.
Rất nhiều thứ không nằm trong thị trường hiện nay - con người, công việc chính phủ, phiếu bầu cử, quyết định pháp lý, vị trí trong các trường đại học hay các loại thuốc không được cấp phép - đã bị xóa bỏ bởi các quyết định chính trị chứ không phải do quá trình phát triển thị trường. Vẫn còn có những nỗ lực mua những thứ trên một cách bất hợp pháp (hối lộ quan chức chính phủ, thẩm phán hoặc cử tri) hoặc mua một cách hợp pháp (dùng những luật sư đắt giá để thắng kiện, tài trợ cho các đảng phái chính trị, v.v...). Mặc dù vẫn còn những
động thái ở cả hai mặt song đã có sự chuyển biến dần sang xu hướng ít thị trường hóa hơn.
Đối với các loại hàng hóa vẫn đang được buôn bán trên thị trường, qua thời gian đã có thêm nhiều quy định được đặt ra. So với một vài thập kỷ trước, hiện nay chúng ta có thêm rất nhiều quy định nghiêm ngặt về vấn đề ai có thể sản xuất cái gì (ví dụ như giấy chứng nhận
cho những nhà sản xuất hữu cơ hoặc thương mại công bằng), các sản phẩm được sản xuất như thế nào (ví dụ như các hạn định về việc thải các chất thải và khí các-bon), và phương thức bán các sản phẩm này (ví dụ như các quy tắc về gắn nhãn sản phẩm hay quy đinh về việc hoàn lại tiền).
Hơn nữa, quá trình lập lại các giới hạn đôi khi được đánh dấu bởi những cuộc xung đột gay gắt, phản ánh bản chất chính trị của nó. Người Mỹ đã tiến hành một cuộc nội chiến về vấn đề tự do buôn bán nô lệ (mặc dù tự do buôn bán hàng hóa - hay các vấn đề về thuế - cũng là một vấn đề rất quan trọng).[1] Chính phủ
Anh tiến hành cuộc Chiến tranh Nha phiến với Trung Quốc để được công nhận quyền tự do buôn bán thuốc phiện. Các quy định về lao động trẻ em trong thị trường tự do chỉ được thực hiện nhờ cuộc đấu tranh của các nhà cải cách xã hội, như tôi đã trình bày ở trên. Tạo ra thị trường tự do cho các công việc của chính phủ hay các phiếu bầu bất hợp pháp đã từng vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các đảng phái chính trị, những người đã bỏ tiền ra mua phiếu bầu và không ngần ngại tặng thưởng cho những người trung thành bằng cách trao cho họ các chức vụ trong chính quyền. Những hành động này chỉ kết thúc khi có sự kết hợp của chủ nghĩa chính trị tích cực, cải cách bầu cử và việc cải cách các nguyên tắc liên quan đến vấn đề
tuyển dụng trong chính quyền.
Việc nhận thức được rằng các ranh giới của thị trường là rất mơ hồ và không thể được định nghĩa một cách khách quan cho phép chúng
ta nhận ra rằng kinh tế học không phải là một môn khoa học giống như vật lý hay hóa học mà là một hoạt động chính trị. Các nhà kinh tế học về thị trường tự do có thể muốn bạn tin rằng ranh giới chính xác của thị trường có thể xác định một cách khoa học nhưng điều này là sai. Nếu ranh giới của những gì bạn đang nghiên cứu không thể xác định được một cách khoa học thì những gì bạn đang thực hiện không phải là khoa học.
Do đó, phản đối một quy định mới chính là nói rằng không nên thay đổi tình hình hiện tại, tuy có không công bằng xét từ quan điểm của một vài người. Nói rằng một quy định hiện hành nên bị xóa bỏ cũng chính là nói rằng phạm vi của thị trường nên được mở rộng. Điều
này có nghĩa là những người có tiền trong vùng đó nên được trao nhiều quyền lực hơn vì thị trường được điều khiển theo nguyên tắc một đô la một phiếu bầu.
Cho nên khi các nhà kinh tế học về thị trường tự do nói rằng một quy định cụ thể không nên được áp dụng khi nó hạn chế “tự do” của một thị trường nhất định, họ đang thể hiện quan điểm chính trị rằng họ phản đối các quyền mà bộ luật đã được đề xuất bảo vệ cho. Mặt nạ tư tưởng của họ là để ngụy tạo ra rằng các hoạt động chính trị của họ không thực sự là chính trị mà là một sự thật kinh tế khách quan trong khi các hoạt động chính trị của người khác là chính trị thực sự. Tuy nhiên, họ cũng có động cơ chính trị giống như
những người đối lập với họ.
Thoát ra khỏi ảo tưởng về tính khách quan của thị trường là bước đầu tiên để hiểu được chủ nghĩa tư bản.
Vấn đề thứ 2: Các công ty không nên hoạt động vì lợi ích của chủ sở hữu
Những điều họ nói với bạn
Các cổ đông sở hữu công ty. Vì vậy các công ty nên hoạt động vì lợi ích của họ. Đây không đơn giản là sự
tranh cãi về vấn đề đạo đức. Các cổ đông không được đảm bảo bất kỳ một khoản thanh toán nào cố định, không giống như các nhân viên (những người có mức lương cố định), những nhà cung cấp (những người được trả những mức giá cụ thể), những ngân hàng cho vay (những người được trả lãi suất cố định) và các bên có quyền lợi liên quan khác của công ty. Thu nhập của các cổ đông thay đổi tùy theo kết quả hoạt động của công ty. Điều này cho họ động lực lớn nhất để đảm bảo công ty hoạt động tốt. Nếu công ty bị phá sản, các cổ đông sẽ mất tất cả, trong khi các bên liên quan khác ít nhất cũng thu lại được một cái gì đó. Do đó, các cổ đông gánh rủi ro mà các bên liên quan khác trong công ty không phải gánh chịu. Điều này đã khuyến khích họ tối đa hóa hiệu quả hoạt động của công ty. Khi bạn điều hành một công ty vì lợi ích của các cổ đông, lợi nhuận của công ty (phần lãi còn lại sau khi đã trừ đi tất cả các khoản thanh toán cố định) được tối đa hóa. Điều này cũng tối đa hóa sự đóng góp cho xã hội của công ty.
Những điều họ không nói với bạn
Cổ đông có thể là chủ sở hữu của công ty nhưng, là những người không trung thành nhất trong số “các bên có quyền lợi liên quan” của công ty, họ thường ít quan tâm nhất đến tương lai lâu dài của công ty (trừ khi họ mạnh đến mức họ thực sự không thể bán cổ phần của mình mà không gây hậu quả nghiêm trọng đến việc kinh doanh). Do đó, các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ hơn, muốn chiến lược của công ty phải tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn của họ, thường bằng cách hy sinh đầu tư dài hạn, và tối đa hóa lợi tức từ
những lợi nhuận đó. Điều này thậm chí còn làm suy yếu các triển vọng lâu dài của công ty bằng việc giảm lợi nhuận giữ lại, khoản lợi nhuận có thể sử dụng cho việc tái đầu tư. Điều hành công ty vì lợi ích của các cổ đông thường làm giảm tiềm năng phát triển lâu dài của công ty.
Karl Marx và khái niệm “Trách nhiệm hữu hạn” trong quá trình tích lũy Tư
bản
Bạn có thể nhận thấy rất nhiều tên công ty ở các nước nói tiếng Anh trên trên thế giới đi kèm với chữ cái L
- PLC, LLC, Ltd, v.v... Chữ cái L là chữ cái viết tắt của từ Limited (Hữu hạn), là cách nói rút gọn của
“limited liability” (trách nhiệm hữu hạn) - Public limited company (PLC) (Công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng), limited liability company (LLC) (công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc đơn giản là
limited company (Ltd) (công ty trách nhiệm hữu hạn). Trách nhiệm hữu hạn (limited liability) có nghĩa là các nhà đầu tư
trong công ty sẽ chỉ mất những gì họ đã đầu tư (“cổ phần” của họ), nếu công ty bị phá sản.
Tuy nhiên, bạn có thể không nhận ra rằng chữ L, nghĩa là trách nhiệm hữu hạn, chính là cái đã làm cho chủ
nghĩa tư bản hiện đại trở thành hiện thực. Ngày nay, hình thức tổ chức doanh nghiệp kinh doanh này được coi là hiển nhiên, nhưng thực tế không phải luôn luôn như vậy.
Trước khi xuất hiện công ty trách nhiệm hữu hạn ở Châu Âu thế kỷ XVI - hay vào thời kỳ của các công ty cổ phần, như nó đã được được biết đến trong thời kỳ đầu - các doanh nhân đã phải mạo hiểm với tất cả mọi thứ khi họ bắt đầu kinh doanh. Khi tôi nói từ “tất cả mọi thứ”, tôi thực sự muốn nói đến tất cả mọi thứ -
không chỉ là tài sản cá nhân (trách nhiệm vô hạn (unlimited liability) có nghĩa là một doanh nhân thất bại sẽ phải bán tất cả tài sản cá nhân của mình để trả tất cả các khoản nợ) mà còn cả tự do cá nhân nữa (họ có thể bị đi tù nếu không trả được các khoản nợ của mình).
Mặc dù vậy, nó gần như là một phép lạ khiến mọi người đều muốn mở công ty.
Thật không may, ngay cả sau khi khái niệm trách nhiệm hữu hạn ra đời, nó vẫn rất khó sử dụng trong thực tế mãi cho tới giữa thế kỷ XIX - bạn cần một điều lệ của hoàng gia (hoặc điều lệ của chính phủ trong một
nước cộng hòa) để thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn. Người ta tin rằng những người quản lý một công ty trách nhiệm hữu hạn mà không sở hữu nó 100% sẽ gặp những rủi ro lớn, bởi vì một phần tiền họ
đem ra mạo hiểm không phải là của riêng họ. Đồng thời, các nhà đầu tư không nắm quyền quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn cũng sẽ trở nên ít cảnh giác trong việc giám sát các nhà quản lý vì rủi ro của họ đã bị giới hạn (ở các khoản đầu tư tương ứng). Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học và vị thánh của chủ
nghĩa tư bản thị trường tự do, đã phản đối trách nhiệm hữu hạn dựa trên những luận điểm này. Ông có một câu nói nổi tiếng rằng “các giám đốc của các công ty [cổ phần]... là các nhà quản lý tiền của người khác chứ không phải tiền của chính họ, người ta cũng không thể mong đợi rằng những vị giám đốc này sẽ kiểm soát khoản tiền này với sự thận trọng cao độ như những vị giám đốc trong công ty cổ phần tư nhân (private copartnery) [mà quan hệ đối tác của nó đòi hỏi trách nhiệm vô hạn] thường chú tâm đến tiền của mình”[2]
Do đó, các nước thường chỉ cấp “trách nhiệm hữu hạn” cho các liên danh đặc biệt lớn và mạo hiểm, được coi là phục vụ cho lợi ích quốc gia, như Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602 (và đối thủ của nó là Công ty Đông Ấn Anh) và Công ty Biển Nam nổi tiếng của Anh, một bong bóng đầu cơ mà vào năm 1721 đã để lại tiếng xấu cho các công ty trách nhiệm hữu hạn đến tận các thế hệ sau.
Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, với sự xuất hiện của ngành công nghiệp quy mô lớn như đường sắt, thép và hóa chất, nhu cầu về
trách nhiệm hữu hạn dường như ngày càng tăng. Rất ít người có đủ tài sản để có thể đơn thương độc mã mở một nhà máy thép hoặc một đường sắt, vì vậy, bắt đầu là Thụy Điển vào năm 1844 và theo sau là Anh vào năm 1856, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ đã phổ biến hình thức trách nhiệm hữu hạn- chủ yếu là vào những năm 1860 và 1870.
Tuy nhiên, sự nghi ngờ về trách nhiệm hữu hạn tiếp tục kéo dài. Thậm chí đến tận cuối thế kỷ XIX, một vài thập kỷ sau khi trách nhiệm hữu hạn trở nên phổ biến, các doanh nhân nhỏ ở Anh “những người, đang tích cực điều hành một doanh nghiệp và cũng là chủ sở hữu của doanh nghiệp này, tìm cách hạn chế trách nhiệm trả nợ của mình bằng một công cụ của công ty [trách nhiệm hữu hạn]” đã bị phản đối, theo lịch sử
có tầm ảnh hưởng lớn của tinh thần doanh nhân Tây Âu.[3]
Thật thú vị, một trong những người đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của trách nhiệm hữu hạn đối với sự
phát triển của chủ nghĩa tư bản là Các-Mác, người được coi là kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tư bản. Không giống như nhiều người ủng hộ thị trường tự do đương thời (và trước đó là Adam Smith), những người phản đối trách nhiệm hữu hạn, Mác hiểu được rằng trách nhiệm hữu hạn sẽ cho phép huy động một khoản vốn lớn cần thiết cho ngành công nghiệp nặng và hóa học mới nổi bằng cách giảm rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân. Viết ra vào năm 1865, khi thị trường chứng khoán vẫn còn đóng một vai phụ
trên sân khấu của chủ nghĩa tư bản, Mác đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của mình khi gọi công ty cổ
phần là “bộ máy sản xuất của tư bản chủ nghĩa trong sự phát triển cao nhất của mình.” Giống như những người phản đối thị trường tự do, Mác đã nhận thức được, và chỉ trích, xu hướng khuyến khích các nhà quản lý chấp nhận rủi ro quá mức của trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, Mác coi nó là một tác dụng phụ của quá trình phát triển vật
chất khổng lồ mà sự đổi mới thể chế sắp mang lại. Tất nhiên, trong khi khuyến khích sự
tích lũy tư bản “mới” chống lại những lời chỉ trích về thị trường tự do, Mác đã có một động cơ kín đáo.
Ông nghĩ rằng công ty cổ phần là một “điểm chuyển tiếp” sang chủ nghĩa xã hội mà ở đó nó tách quyền sở
hữu ra khỏi quyền quản quản lý, từ đó có thể loại bỏ những nhà tư bản (những người không quản lý công ty) mà không gây nguy hiểm cho những tiến bộ vật chất mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được.
Sự suy vong của giai cấp tư bản
Sự tiên đoán của Mác rằng chủ nghĩa tư bản mới dựa vào các công ty cổ phần sẽ mở đường cho chủ nghĩa xã hội đã chưa trở thành sự thật.
Tuy nhiên, dự đoán của ông rằng thể chế mới của trách nhiệm hữu hạn được phổ biến (generalized limited liability) sẽ đưa các lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản lên một trình độ mới tỏ ra cực kỳ chính xác.
Trong thời kỳ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trách nhiệm hữu hạn đã đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và phát triển công nghệ. Chủ nghĩa tư bản đã được chuyển đổi từ một hệ thống được tạo thành từ các nhà máy, các hàng thịt và các cửa hàng bánh trung thành với học thuyết của Adam Smith, với tối đa là vài chục nhân viên và được quản lý bởi một ông chủ duy nhất, thành một hệ thống các tập đoàn lớn sử dụng hàng
trăm hoặc thậm chí hàng ngàn nhân viên, bao gồm cả các nhà quản lý hàng đầu với những cơ cấu tổ chức phức tạp.
Ban đầu, vấn đề khuyến khích quản lý của các công ty trách nhiệm hữu hạn - rằng các nhà quản lý, kinh doanh bằng tiền bạc của người
khác, sẽ tham gia vào các thương vụ mạo hiểm lớn - dường như không quan trọng lắm. Trong thời gian đầu xuất hiện trách nhiệm hữu hạn, nhiều công ty lớn được quản lý bởi một doanh nhân có uy tín - chẳng hạn như Henry Ford, Thomas Edison hoặc Andrew Carnegie - người sở hữu một phần đáng kể của công ty. Mặc dù, các nhà quản lý sở hữu một phần công ty này có thể lạm dụng vị trí của họ và đưa ra những quyết định mạo hiểm quá mức (điều mà họ thường làm), vẫn có một giới hạn cho hành động đó. Sở hữu một phần lớn của công ty, họ sẽ làm tổn thương chính mình nếu họ đưa ra một quyết định quá mạo hiểm. Hơn nữa, nhiều người trong số những nhà quản lý kiêm chủ sở hữu một phần công ty là những người có khả năng và tầm nhìn xuất chúng, vì vậy ngay cả những quyết định ít có động cơ của họ
cũng thường tốt hơn những quyết định có động cơ rõ ràng của hầu hết những nhà quản lý sở hữu toàn bộ
công ty.
Tuy nhiên, thời gian trôi đi, một thế hệ các nhà quản lý chuyên nghiệp mới xuất hiện để thay thế những doanh nhân có uy tín này. Khi các công ty phát triển hơn về quy mô thì ngày càng khó hơn cho bất cứ ai muốn nắm giữ lượng cổ phần đáng kể của công ty, mặc dù ở một số nước Châu Âu như Thụy Điển, các công ty gia đình (hoặc các cơ sở thuộc sở hữu của họ) đã nổi lên như là các cổ đông có ảnh hưởng lớn, nhờ
sự hỗ trợ pháp lý để phát hành cổ phiếu mới với quyền biểu quyết nhỏ hơn (thường là 10%, thậm chí đôi khi là 0,1%). Với những thay đổi này, các nhà quản lý chuyên nghiệp đã trở thành một nhân tố đóng vai trò thống trị và các cổ đông ngày càng trở nên thụ động trong việc xác định cách thức mà công ty được điều hành.
Từ những năm 1930, câu chuyện về sự ra đời của chủ nghĩa tư bản thiên về quản lý, nơi mà các nhà tư bản theo nghĩa truyền thống - các “Thuyền trưởng của ngành công nghiệp”, như mọi người thời
Victoria từng gọi họ - đã được thay thế bởi các quan chức hành chính sự nghiệp (các quan chức khu vực tư nhân, nhưng dù sao vẫn là các quan chức). Có một mối lo lắng đang ngày càng gia tăng rằng các nhà quản lý được thuê này đang điều hành các doanh nghiệp vì lợi ích của bản thân mình hơn là vì lợi ích của chủ sở hữu hợp pháp của công ty, các cổ đông. người ta lập luận rằng khi cần tối đa hóa lợi nhuận, những nhà quản lý này sẽ tối đa hóa doanh số bán hàng (để tối đa hóa quy mô của công ty và theo đó là uy tín của bản thân họ) và đặc quyền của họ, hoặc tệ hơn, tham gia trực tiếp vào các dự án uy tín giúp nâng cao thanh thế của họ
nhưng ít mang lại lợi nhuận và giá trị cho công ty (được đo chủ yếu bằng sự tư bản hóa thị trường chứng khoán của công ty).
Một số chấp nhận, nếu không muốn nói là hoàn toàn hoan nghênh, sự gia tăng các nhà quản lý chuyên môn như là một hiện tượng không thể tránh được. Vào những năm 1940, Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học Mỹ gốc Áo nổi tiếng với học thuyết về tinh thần doanh nhân (xem Vấn đề thứ 15), đã lập luận rằng với quy mô ngày càng phát triển của công ty và sự ra đời của các nguyên tắc khoa học trong hoạt động nghiên cứu và phát triển của công ty, giới doanh nhân quả cảm, dám nghĩ dám làm của chủ nghĩa tư bản thơi kỳ đầu sẽ
được thay thế bằng các nhà quản lý chuyên môn quan liêu. Schumpeter tin điều này sẽ làm giảm tính năng động của chủ nghĩa tư bản, nhưng ông cũng nghĩ rằng điều này là không thể tránh khỏi. Vào những năm 1950, John Kenneth Galbraith, nhà kinh tế học Mỹ gốc Canada cũng lập luận rằng sự gia tăng số lượng các công ty lớn được quản lý bởi các nhà quản lý chuyên môn là điều không thể tránh khỏi và do đó cách duy nhất để cung cấp “các lực lượng đối trọng” cho các doanh nghiệp là thông qua việc tăng cường quy định được của chính phủ và nâng cao quyền lực công đoàn.
Tuy nhiên, trong nhiều thập niên sau đó, nhiều người hoàn toàn ủng hộ tư hữu đã tin rằng các biện pháp khuyến khích trong công tác
quản lý cần được thiết lập sao cho các nhà quản lý tối đa hoá được lợi nhuận.
Nhiều người uyên bác đã nghiên cứu về vấn đề “thiết lập các biện pháp khuyến khích” này, nhưng “chén thánh” tỏ ra khó tìm thấy. Các nhà quản lý cũng luôn có thể tìm ra cách để vẫn tuân theo từng chữ của bản hợp đồng chứ không theo mục đích của người soạn thảo hợp đồng đó, nhất là khi không dễ để các cổ đông có thể xác minh xem liệu lợi nhuận ít ỏi của công ty là do kết quả của việc các nhà quản lý không chú tâm đến lợi nhuận hay do các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của nhà quản lý.
Chén thánh hay liên minh ma quỷ?
Và sau đó, vào những năm 1980, “chén thánh” đã được tìm thấy. Nó được gọi là nguyên tắc của sự tối đa hoá giá trị cổ đông. Người ta tranh luận rằng nhà quản lý chuyên môn nên được khen thưởng theo mức lợi nhuận mà họ có thể mang lại cho cổ đông. Người ta cũng lập luận rằng để đạt được điều này, trước tiên lợi nhuận cần được tối đa hoá bằng cách cắt giảm chi phí một cách triệt để - tiền lương, các khoản đầu tư, hàng tồn kho, các nhà quản lý cấp trung, v.v.... Hai là, việc phân chia các khoản lợi nhuận này ở mức cao nhất có thể cần được phân phối đến các cổ đông - qua cổ tức và quyền mua lại cổ phiếu. Để khuyến khích các nhà quản lý cư xử theo cách này, tỉ lệ các khoản lương thưởng và ưu đãi mà trong đó có quyền mua cổ
phiếu với mức giá ưu đãi cần được tăng lên, sao cho họ quan tâm hơn tới lợi ích của cổ đông. Ý tưởng này không chỉ được ủng hộ bởi các cổ đông mà còn bởi nhiều nhà quản lý chuyên môn, nổi tiếng nhất là Jack Welch, chủ tịch lâu năm của General Electric (GE), người thường được tán dương khi đưa ra thuật ngữ
“giá trị cổ đông” trong bài diễn văn vào năm 1981.
Ngay sau bài diễn văn của Welch, tối đa hoá giá trị cổ đông trở thành hệ tư tưởng thời đại của giới doanh nghiệp Mỹ. Lúc đầu, dường như hệ tư tưởng này có lợi cho cả nhà quản lý lẫn cổ đông. Tỷ lệ lợi
nhuận trong thu nhập quốc dân, thể hiện xu hướng đi xuống từ những năm 1960, đã tăng mạnh vào giữa thập kỷ
80 và đã cho thấy xu hướng đi lên từ đó. [4] Và cổ đông nhận được mức chia lợi nhuận dưới dạng cổ tức cao hơn, trong khi chứng kiến giá trị cổ phần của họ cũng tăng lên. Lợi nhuận được phân phối dưới dạng một phần lợi nhuận của toàn công ty ở Mỹ chiếm 35- 45% trong khoảng từ năm 1950 đến 1970, nhưng nó đã được trên xu hướng đi lên từ những năm cuối của thập niên 70 và hiện nay đang đạt khoảng 60%. [5]
Các nhà quản lý nhận thấy mức lương thưởng của mình tăng cao (xem Vấn đề thứ 14), nhưng các cổ đông không còn chất vấn về các khoản lương thưởng dành cho các nhà quản lý vì họ hài lòng về mức giá cổ
phiếu và cổ tức đang tăng cao chưa từng thấy. Các hoạt động này sớm lan sang các quốc gia khác - dễ dàng hơn khi lan sang các quốc gia như Anh, các nước có cơ cấu quyền lực và văn hoá quản lý công ty giống với các công ty ở Hoa Kỳ, và ít dễ dàng hơn khi lan sang các quốc gia khác, như chúng tôi sẽ xem xét dưới đây.
Giờ đây, liên minh ma quỷ giữa nhà quản lý chuyên nghiệp và cổ đông này hoàn toàn được cung cấp tài chính bằng cách gây áp lực với những bên có quyền lợi liên quan khác của công ty (điều đó khiến cho các hoạt động này lan truyền sang các quốc gia giàu có nơi mà các bên có quyền lợi liên quan khác của công ty có sức mạnh tương đối lớn hơn bị chậm hơn rất nhiều). Việc làm bị cắt giảm triệt để, rất nhiều công nhân bị sa thải và được thuê lại với tư cách là các lao động ngoài công đoàn với mức lương thấp hơn và được hưởng ít quyền lợi hơn, và việc tăng lương đã bị cản trở (thường bằng cách tái phân bổ hoặc thuê công nhân từ các quốc gia có mức lương nhân công thấp, như Trung Quốc và Ấn Độ - hoặc đe doạ làm như
vậy). Các nhà cung cấp, và công nhân của họ, cũng bị gây áp lực bằng việc tiếp tục cắt giảm trong giá mua sắm, trong khi chính phủ
cũng bị gây sức ép hạ thấp thuế suất doanh nghiệp và / hoặc cung cấp nhiều trợ
cấp hơn, với sự trợ giúp của việc đe doạ sẽ chuyển đến các quốc gia có thuế suất doanh nghiệp thấp hơn và/hoặc trợ cấp kinh doanh cao hơn. Kết quả là tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tăng vọt (xem Vấn đề
13) và thời kỳ phát triển mạnh mẽ dường như không có hồi kết của công ty (dĩ nhiên là có kết thúc vào năm 2007), đại đa số người Mỹ và Anh có thể chia sẻ sự thịnh vượng (hiển nhiên) thông qua việc vay vốn với tỷ lệ lãi suất chưa từng có trong tiền lệ.
Việc phân phối lại thu nhập tức thời thành lợi nhuận đủ tồi tệ, nhưng phần lợi nhuận tăng lên không ngừng trong thu nhập quốc dân từ những năm 1980 cũng không được chuyển thành các khoản đầu tư cao hơn (xem Vấn đề 13). Đầu tư như là một phần của tổng sản lượng quốc dân (national output) của Mỹ thực sự
đã suy giảm, chứ không phải là tăng lên, từ 20,5% trong những năm 1980 xuống còn 18,7% (1990 - 2009).
Điều này có thể chấp nhận được nếu tỉ lệ đầu tư thấp hơn này đã được bù đắp bởi việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, tạo ra sự tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân theo đầu người ở Hoa Kỳ đã giảm từ khoảng 2,6% mỗi năm vào những năm 1960 và 1970 xuống 1,6% trong suốt giai đoạn 1990 - 2009, thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản vì lợi ích cổ đông (shareholder capitalism). Ở
Anh, nơi những thay đổi tương tự trong tâm lý doanh nghiệp đang diễn ra, tốc độ tăng trưởng thu nhập theo đầu người giảm từ 2,4% vào những năm 1960 - 1970, khi quốc gia này phải hứng chịu “Căn Bệnh Anh”, xuống 1,7% trong giai đoạn 1990 - 2009. Do vậy, việc điều
hành công ty vì lợi ích của cổ đông thậm chí không có lợi cho nền kinh tế theo nghĩa bình thường (nghĩa là, lờ đi việc tái phân phối thu
nhập theo hướng có lợi cho người giàu (upward income distribution)).
Đó không phải là tất cả. Điều tệ hại nhất của sự tối đa hoá giá trị cổ đông là nó thậm chí không làm bản thân công ty này tốt lên nhiều. Cách dễ nhất cho công ty tối đa hoá lợi nhuận là giảm chi tiêu, vì việc tăng
doanh thu là điều khó thực hiện hơn - bằng cách cắt giảm tiền lương thông qua việc cắt giảm việc làm và giảm sử dụng vốn bằng cách giảm thiểu đầu tư. Tuy nhiên, tạo ra lợi nhuận cao chỉ là sự khởi đầu của quá trình tối đa hoá giá trị cổ đông. Khoản lợi nhuận tối đa được tạo ra cần được chia cho cổ đông dưới dạng cổ
tức cao hơn. Hoặc công ty sử dụng một phần lợi nhuận để mua lại cổ phiếu của chính công ty mình, nhờ đó giữ được giá cổ phiếu ở mức cao và gián tiếp phân phối lại nhiều lợi nhuận hơn cho cổ đông (những người có thể thu được lợi nhuận từ vốn cao hơn nếu họ quyết định bán vài cổ phiếu của mình). Việc mua lại cổ
phiếu từng ở mức dưới 5% lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong nhiều thập niên mãi cho đến đầu những năm 1980, nhưng kể từ đó nó đã tiếp tục tăng lên và đạt tỉ lệ 90% vào năm 2007 và 280% trong năm 2008. [6]
William Lazonick, nhà kinh tế học người Mỹ, ước tính rằng nếu GM không sử dụng 20,4 tỉ đô la để mua lại cổ phiếu từ năm 1986 đến năm 2002 và gửi khoản tiền này vào ngân hàng (với mức lãi suất sau thuế thu nhập hằng năm là 2,5%), công ty này sẽ không gặp rắc rối trong việc phải tìm kiếm 35 tỷ đô la Mỹ mà nó cần để ngăn chặn phá sản trong 2009.[7] Và trong sự “no say” lợi nhuận này, các nhà quản lý chuyên môn cũng được hưởng lợi vô cùng lớn vì chính họ được sở hữu nhiều cổ phiếu do có quyền được mua cổ phiếu với mức gia ưu đãi.
Điều này sẽ hủy hoại triển vọng lâu dài của công ty. Cắt giảm việc làm có thể nâng cao năng suất trong thời gian ngắn, nhưng có thể
gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài. Có ít công nhân hơn nghĩa là cường độ làm việc tăng lên, khiến cho công nhân mệt mỏi và có xu hướng dễ mắc lỗi hơn, làm giảm chất lượng sản phẩm và theo đó là làm giảm danh tiếng của công ty. Điều quan trọng hơn nữa là sự bất an tăng cao, xuất phát từ
nỗi lo sợ mất việc làm luôn thường trực, làm công nhân chán nản không muốn đầu tư vào các kỹ năng cụ
thể mà công ty yêu cầu, làm thui chột tiềm năng sản xuất của công ty. Cổ tức cao hơn và quyền mua lại cổ
phiếu của chính công ty mình lớn hơn làm giảm lợi nhuận giữ lại, nguồn vốn đầu tư chính của công ty ở
Hoa Kỳ và các nước tư bản giàu có khác, và từ đó làm giảm đầu tư. Những ảnh hưởng của việc giảm đầu tư không thể hiện rõ ngay trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài chúng khiến công nghệ của công ty bị
lạc hậu đồng thời đe doạ sự sống còn của công ty.
Nhưng các cổ đông sẽ không quan tâm ư? Là chủ sở hữu của công ty, liệu họ có mất nhiều nhất không nếu trong dài hạn công ty của họ bị suy thoái? Không phải điểm nổi bật của ai đó là chủ sở hữu của một tài sản
- ví dụ một ngôi nhà, một mảnh đất hoặc một công ty - là người ấy quan tâm tới hiệu suất lâu dài của công ty ư? Nếu các chủ sở hữu để cho tất cả điều này xảy ra, những người bảo vệ cho thực tế này sẽ tranh luận rằng hẳn là vì đó là điều họ muốn, cho dù người ngoài cuộc có thể thấy nó điên khùng đến mức nào.
Thật đáng tiếc, mặc dù là người sở hữu hợp pháp của công ty, các cổ đông là người ít có sự ràng buộc nhất đối với khả năng tồn tại lâu dài của công ty so với những bên có quyền lợi liên quan khác của công ty. Đó là vì họ chính là người có thể rời công ty dễ dàng nhất -
họ chỉ cần bán cổ phiếu của mình và chịu lỗ một chút nếu cần thiết, miễn là họ đủ thông minh để không bám vào những nỗ lực vô vọng quá lâu. Ngược lại, sẽ khó hơn cho những bên có quyền lợi liên quan khác của công ty - như các nhà cung cấp và công nhân của họ - để rời bỏ công ty và tìm một công ty khác vì có thể họ đã tích luỹ những kỹ năng và có những tư
liệu sản xuất (trong trường hợp là nhà cung cấp) đặc trưng cho các công ty mà họ hợp tác. Do đó, họ đặt cược nhiều hơn vào khả năng tồn tại lâu dài của công ty so với hầu hết các cổ đông. Đây là lý do tại sao tối đa hoá giá trị cổ đông có hại cho công ty, cũng như phần còn lại của nền kinh tế.
Ý tưởng ngốc nghếch nhất trên thế giới
Trách nhiệm hữu hạn đã giúp tạo ra những tiến bộ to lớn trong sức sản xuất của con người bằng việc cho phép tích lũy lượng vốn lớn, chính xác vì nó cho phép các cổ đông dễ dàng rời bỏ công ty, do đó giảm những rủi ro liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên, việc dễ dàng rút
khỏi công ty này đồng thời cũng chính là lý do khiến các cổ đông trở thành những người giám hộ không đáng tin cậy đối với tương lai lâu dài của công ty.
Đây là lý do tại sao hầu hết các quốc gia giàu có không thuộc nhóm các nước từng là thuộc địa của Anh (Anglo-American world) đã cố giảm ảnh hưởng của các cổ đông tự do và duy trì (hoặc thậm chí tạo) một nhóm những người cam kết gắn bó lâu dài với công ty (bao gồm một số cổ đông) bằng nhiều phương pháp chính thức và không chính thức. Ở nhiều quốc gia, chính phủ đã giữ quyền sở hữu lượng cổ phiếu đáng kể
trong các doanh nghiệp chủ chốt - thông qua quyền sở hữu của các ngân hàng nhà nước một cách trực tiếp (chẳng hạn như, Renault ở Pháp, Volkswagen ở Đức) hay gián tiếp (chẳng hạn như, Pháp, Triều Tiên) - và
trở thành các cổ đông trung thành. Như đã đề cập ở trên, các quốc gia, như Thụy Điển, cho phép bỏ phiếu kín đối với các loại cổ phiếu khác nhau. Điều này cho phép các công ty gia đình duy trì đáng kể
quyền kiểm soát công ty khi huy động nguồn vốn bổ sung. Ở một vài quốc gia, có những đại diện chính thức do các công nhân, những người có định hướng lâu dài hơn các cổ đông tự do trong việc quản lý công ty (chẳng hạn như sự hiện diện của đại diện công đoàn trong ban điều hành công ty ở Đức). Ở Nhật Bản, các công ty đã giảm thiểu ảnh huởng của cổ đông tự do thông qua việc lưu giữ cổ phần chéo giữa các công ty thân thiết. Kết quả là nhà quản lý chuyên nghiệp và cổ đông tự do ở các quốc gia này thấy rằng họ khó có thể liên kết thành một “liên minh ma quỷ” hơn, mặc dù họ cũng thích mô hình tối đa hoá giá trị cổ đông, dựa vào những lợi ích rõ ràng của mô hình này.
Bị ảnh hưởng lớn, nếu không muốn nói là bị kiểm soát hoàn toàn, bởi những những người cam kết gắn bó lâu dài với công ty, các công ty trong các quốc gia này không dễ dàng sa thải công nhân, chèn ép các nhà cung cấp, sao lãng việc đầu tư và dùng lợi nhuận để chia cổ tức và mua lại cổ phiếu như các công ty Mỹ và Anh thường làm. Tất cả điều này có nghĩa rằng trong dài hạn các công ty này có thể đứng vững hơn các công ty của Mỹ hoặc Anh. Hãy nghĩ về cách thức mà General Motors (GM) đã bỏ lỡ mất cơ hội thống trị
tuyệt đối của mình trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới và cuối cùng bị phá sản trong khi đang là người đi đầu trong việc tối đa hoá giá trị cổ đông bằng cách liên tục giảm quy mô và hạn chế đầu tư (xem Vấn đề 18). Nhược điểm trong chiến lược quản lý ngắn hạn của GM đã hiện rõ ít nhất từ cuối những năm 1980, nhưng chiến lược này vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến thời điểm công ty này phá sản vào năm 2009, vì nó khiến cả các nhà quản lý lẫn các cổ đông hài lòng ngay cả khi khiến công ty suy yếu.
Điều hành công ty vì lợi ích của các cổ đông tự do không những không công bằng mà còn không hiệu quả, không chỉ cho nền kinh tế quốc dân mà còn cho chính công ty đó. Như Jack Welch gần đây đã
thú nhận, giá trị cổ đông có lẽ là “ý tưởng ngốc nghếch nhất trên thế giới”.
Vấn đề thứ 3: Hầu hết mọi người ở các nước giàu được trả công nhiều hơn so với những gì họ đáng được hưởng
Những điều họ nói với bạn
Trong nền kinh tế thị trường, mọi người được hưởng theo năng suất. Những người theo chủ nghĩa tự do giàu lòng thương cảm với những người bị bóc lột hoặc chịu thiệt thòi trong xã hội cảm thấy rất khó chấp nhận sự thật rằng người Thụy Điển được trả công cao hơn năm mươi lần so với người Ấn Độ cho cùng một công việc, nhưng đó là sự phản ánh năng suất tương đối của họ. Những nỗ lực nhân tạo để giảm những chênh lệch - ví dụ, bằng cách áp dụng luật lương tối thiểu ở Ấn Độ - chỉ dẫn đến tình trạng bất công và không hiệu quả trong việc khen thưởng cho những nỗ lực và tài năng của các cá nhân. Chỉ có một thị
trường lao động tự do mới có thể khen thưởng cho moingười hiệu quả và công bằng.
Những điều họ không nói với bạn
Khoảng cách về mức lương giữa các nước giàu và nghèo tồn tại không phải là do sự chênh lệch về năng suất cá nhân, mà chủ yếu là do kiểm soát nhập cư. Nếu có chế độ tự do nhập cư, hầu hết các công nhân ở
các nước giàu có thể, và sẽ, bị thay thế bởi các công nhân từ các nước nghèo. Nói cách khác, tiền lương chủ yếu được xác định thông qua chính trị. Mặt khác, các nước nghèo bị nghèo không phải do người nghèo ở đó, nhiều người trong số họ có thể vượt xa những người nghèo ở các nước giàu, mà do những người giàu ở nước họ,
hầu hết trong số đó không thể làm được điều tương tự. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người giàu ở các nước giàu nước có thể vỗ ngực tự hào với những thành tựu cá nhân của mình. Họ
có được năng suất cao là nhờ họ được thừa kế từ những thể chế tập thể trước đó. Chúng ta nên từ bỏ ý tưởng huyễn hoặc rằng tất cả chúng ta được trả công theo năng lực cá nhân của mình nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội thực sự công bằng.
Lái xe thẳng hay tránh con bò (và cả chiếc xe kéo)
Một tài xế xe buýt ở New Delhi được trả khoảng 18 rupee một giờ. Vào mùa hè năm 2009, một tài xế làm việc tương tự như ông ta tại Stockholm được trả tiền khoảng 130 kronas, tương đương khoảng 870 rupee.
Nói cách khác, một tài xế ở Thụy Điển được trả công cao gấp 50 lần so với một tài xế ở Ấn Độ.
Kinh tế học thị trường tự do nói với chúng ta rằng nếu một sản phẩm đắt hơn so với một sản phẩm khác tương đương, chắc hẳn nó phải tốt hơn. Nói cách khác, trong các thị trường tự do, các sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ lao động) được trả công theo những gì họ xứng đáng được hưởng. Vì vậy, nếu một tài xế Thụy Điển - Chúng ta hãy tạm gọi anh ta là Sven - được trả công cao gấp 50 lần so với tài xế Ấn Độ - tạm gọi là Ram - thì chắc hẳn là do Sven làm tài xế taxi hiệu quả gấp 50 lần so với Ram.
Một số (mặc dù không phải tất cả) nhà kinh tế học thị trường tự do có thể thừa nhận rằng trong một thời gian ngắn, mọi người có thể trả giá quá cao cho một sản phẩm vì chạy theo mốt hay một cơn sốt nhất thời.
Ví dụ, người ta đã trả giá cao một cách lố bịch cho những tài sản xấu trong một giai đoạn bùng nổ tài chính gần đây (cuộc khủng hoảng mà sau đó đã trở thành cuộc suy thoái lớn nhất kể từ sau cuộc Đại Suy thoái) bởi vì họ đã bị mắc kẹt trong một bong bóng đầu cơ quá nóng
(speculative frenzy). Tuy nhiên, họ sẽ lập luận rằng, tình trạng này sẽ không thể kéo dài, vì mọi người sớm muộn gì cũng nhận ra giá trị thực sự của mọi thứ (xem Vấn đề 16). Tương tự như vậy, ngay cả khi một công nhân không đủ năng lực bằng cách nào đó nhận được một công việc lương cao thông qua sự lừa đảo (ví dụ, làm bằng giả) hoặc lừa dối trong quá trình phỏng vấn thì anh ta sẽ sớm bị sa thải và bị thay thế, bởi vì sự thật rằng năng suất làm việc của anh ta không tương xứng với mức tiền lương anh ta nhận được sẽ nhanh chóng bị phơi bày. Vì vậy, theo lập luận này nếu Sven được trả công cao gấp 50 lần so với mức tiền Ram được nhận thì anh ta phải tạo ra kết quả
gấp 50 lần so với Ram.
Nhưng đây có thực sự là những gì đang thực sự diễn ra? Thứ nhất, liệu có ai có thể lái xe tốt hơn gấp 50
lần so với người khác? Cho dù chúng ta bằng cách nào đó có thể tìm ra cách để tính được số liệu về chất lượng lái xe, thì liệu mức chênh lệch năng suất trong lái xe này có thể xảy ra? Có lẽ điều đó là có thể nếu chúng ta so sánh các tay đua chuyên nghiệp như Michael Schumacher hay Lewis Hamilton với một số
thanh niên mới mười tám tuổi vẫn còn lái xe rất vụng về, những người vừa vượt qua kỳ thi sát hạch lấy bằng lái xe. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể tưởng tượng được làm thế nào một tài xế xe buýt bình thường có thể lái xe tốt hơn 50 lần so với những người khác.
Hơn nữa, có thể Ram còn là một tài xế có tay nghề cao hơn rất nhiều so với Sven. Tất nhiên, Sven có thể là một tài xế giỏi theo Tiêu chuẩn Thụy Điển, nhưng trong đời lái xe của mình anh ta đã bao giờ phải tránh một con bò, điều mà Ram thường xuyên phải làm, chưa? Hầu như những gì yêu cầu ở Sven là khả năng lái xe thẳng (Vâng, có chăng chỉ là một vài động tác né tránh để đối phó với các tài xế say rượu vào tối thứ
bảy), trong khi Ram phải “đàm phán” phần đường của mình gần như từng phút từng giây với các xe bò, xe kéo và xe đạp với những chiếc thùng được xếp chồng lên cao đến ba mét. Vì vậy, theo logic thị trường tự
do, Ram phải được trả nhiều tiền hơn so với Sven, chứ không phải là ngược lại.
Để đáp lại, một nhà kinh tế thị trường tự do có thể cho rằng Sven được trả công cao hơn vì anh ta có nguồn
“vốn con người”, tức là kỹ năng và kiếnthức tích lũy thông qua giáo dục và đào tạo, nhiều hơn. Thật vậy, gần như chắc chắn rằng Sven đã tốt nghiệp trung học với kiến thức mười hai năm học trong tay, trong khi Ram, người có lẽ chỉ có thể đọc và viết, mới chỉ hoàn thành 5 năm học trong ngôi làng của mình tại Rajahstan.
Tuy nhiên, rất ít lượng vốn con người mà Sven tích lũy thêm được trong bảy năm học tiếp theo có liên quan đến công việc lái xe buýt (xem Vấn đề 17). Anh ta không cần bất kỳ kiến thức nào về nhiễm sắc thể
con người hoặc chiến tranh năm 1809 của Thụy Điển với Nga để lái xe buýt tốt hơn. Vì vậy, vốn con người mà Sven có thêm được so với Ram không thể giải thích lý do tại sao anh ta được hưởng mức lương cao hơn.
Lý do chính mà Sven được trả cao hơn Ram 50 lần, nói một cách thẳng thắn, là do chế độ bảo hộ lao động
- công nhân Thụy Điển được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh với các công nhân của Ấn Độ và các nước nghèo khác thông qua kiểm soát nhập cư. Xét cho cùng thì không có lý do nào hợp lý hơn cho việc tất cả các tài xế xe buýt Thụy Điển, hay nói chung là lực lượng lao động của Thụy Điển (và của bất cứ một quốc gia giàu có nào khác) không thể bị thay thế bởi một số người Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Ghana. Hầu hết những người nước ngoài này sẽ hài lòng với mức lương
bằng một phần nhỏ so với mức lương mà người lao động Thụy Điển được hưởng, trong khi tất cả những người này có thể thực hiện công việc tốt bằng, hoặc thậm chí tốt hơn. Và chúng ta không chỉ đơn giản
nói về những người lao động có kỹ năng thấp như nhân viên quét dọn hoặc nhân viên vệ sinh đường phố. Có một số lượng lớn kỹ sư, nhân viên ngân hàng và lập trình viên máy tính đang chờ việc ở Thượng Hải, Nairobi hoặc Quito, những người có thể dễ dàng thay thế các đồng nghiệp của họ ở Stockholm, Linköping và Malmö. Tuy nhiên, những người lao động này không thể
ra nhập trường lao động Thụy Điển vì họ không được tự do di cư đến Thụy Điển do chế độ kiểm soát nhập cư. Kết quả là, người lao động Thụy Điển có thể yêu cầu mức lương cao hơn 50 lần mức lương của người lao động Ấn Độ, mặc dù trên thực tế nhiều người trong số họ không đạt được năng suất cao hơn so với những người lao động Ấn Độ.
Con voi trong phòng[8]
Câu chuyện của chúng ta về các tài xế xe buýt cho thấy sự tồn tại của một “con voi trong phòng”. Nó cho thấy rằng mức sống của phần lớn người dân ở các nước giàu phụ thuộc đáng kể vào sự tồn tại của chế độ
kiểm soát hà khắc nhất đối với thị trường lao động - chế độ kiểm soát nhập cư. Mặc dù vậy, kiểm soát nhập cư là không tồn tại đối với nhiều người và bị cố ý phớt lờ bởi những người khác, khi họ nói về những ưu điểm của thị trường tự do.
Tôi đã từng nói (xem Vấn đề thứ 1) rằng thực sự không có cái gọi là thị trường tự do, nhưng ví dụ về kiểm soát nhập cư cho thấy mức độ tuyệt đối của việc điều tiết thị trường đang tồn tại trong cái được cho là nền kinh tế thị trường tự do nhưng chúng ta lại không nhận thấy.
Mặc dù phàn nàn về pháp chế mức lương tối thiểu, các quy định về giờ làm việc, và các rào cản nhân tạo
khác đối với thị trường lao động do công đoàn đề ra, nhưng rất ít nhà kinh tế học đề cập đến kiểm soát nhập cư như là một trong những quy định khó chịu cản trở hoạt động của thị trường lao động tự do. Hầu như không có ai trong số họ ủng hộ việc bãi bỏ kiểm soát nhập cư. Tuy nhiên, nếu họ nhất quán, họ cũng nên ủng hộ chính sách nhập cư tự do. Thực tế rằng rất ít người trong số họ từng làm vậy một lần nữa chứng minh quan điểm của tôi ở Vấn đề thứ nhất rằng ranh giới của thị trường được xác định bởi chính trị và rằng các nhà kinh tế học thị trường tự do cũng “chính trị” như những người muốn điều tiết thị trường.
Tất nhiên, khi chỉ trích sự không nhất quán của các nhà kinh tế học thị trường tự do về kiểm soát nhập cư, tôi không có ý rằng kiểm soát nhập cư nên bị bãi bỏ - Tôi không cần phải làm như vậy bởi vì (như giờ đây bạn có thể nhận thấy) tôi không phải là một nhà kinh tế học thị trường tự do.
Các quốc gia có quyền quyết định số lượng người nhập cư mà họ tiếp nhận là bao nhiêu và trong khu vực thị trường lao động nào. Tất cả các quốc gia đều có một giới hạn trong việc tiếp nhận những người nhập cư, những người thường có nền văn hóa rất khác biệt, và sẽ là sai lầm nếu yêu cầu một quốc gia vượt qua giới hạn đó. Dòng người nhập cư vào quá nhanh sẽ không chỉ dẫn đến sự gia tăng đột ngột trong cuộc cạnh tranh về công ăn việc làm mà còn đòi hỏi thêm nhiều cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội, như nhà ở và chăm sóc sức khỏe, và tạo ra những căng thẳng cho người dân địa phương. Việc cấp chứng minh thư nhân dân cũng rất quan trọng, nếu không muốn nói là có thể dễ dàng xác định số lượng. Nó là một câu chuyện hoang đường - một ý tưởng huyễn hoặc cần thiết, nhưng dù sao vẫn là một ý tưởng huyễn hoặc - rằng các quốc gia có chứng minh nhân dân không thể thay đổi được, những cái mà không thể, và không nên thay đổi. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều người nhập cư đến cùng một lúc, nước tiếp nhận sẽ gặp khó khăn trong việc cấp chứng minh nhân dân mới, mà không có nó khó có thể duy trì được trật tự xã hội. Điều đó có nghĩa rằng tốc độ và quy mô nhập cư nên được kiểm soát.
Điều này không phải là để nói rằng các chính sách nhập cư hiện hành của các nước giàu không thể cải thiện được. Trong khi khả năng tiếp nhận người nhập cư của bất kỳ xã hội nào đều có giới hạn, đó không phải như thể là tổng dân số phải cố định. Các xã hội có thể quyết định mở cửa nhiều hơn hoặc ít hơn cho người nhập cư bằng cách áp dụng các chính sách xã hội và thái độ khác nhau đối với việc nhập cư. Về vấn đề thành phần dân nhập cư, hầu hết các nước giàu tiếp nhận quá nhiều người “không phù hợp” theo quan điểm của các nước đang phát triển. Trên thực tế, một số nước bán hộ chiếu thông qua các cơ chế mà ở đó những người nộp nhiều hơn một số tiền“đầu tư” nhất định sẽ được tiếp nhận nhanh hơn. Cơ chế này chỉ
làm tăng thêm sự thiếu vốn mà hầu hết các nước đang phát triển phải gánh chịu. Các nước giàu cũng góp phần gây ra tình trạng chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển bằng việc dễ dàng tiếp nhận hơn đối với những người có kỹ năng cao hơn. Đây là những người có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước mình so với những người nhập cư không có kỹ năng chuyên môn, nếu họ còn sống tại quê nhà của mình.
Các nước nghèo bị nghèo bởi người nghèo của nước họ?
Câu chuyện của chúng tôi về các tài xế xe buýt không chỉ làm rõ ý nghĩ hoang đường rằng tất cả mọi người đều được trả lương công bằng theo giá trị của chính mình trong một thị trường tự do, mà còn cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về nguyên nhân nghèo đói ở các nước đang phát triển.
Nhiều người nghĩ rằng các nước nghèo bị nghèo vì người nghèo ở nước họ. Trên thực tế, những người giàu ở các nước nghèo thường đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết, sự lười biếng và thụ động của người nghèo đối với sự nghèo đói của đất nước họ. Nhiều người trong số những người này sẽ nói với bạn, và nếu bạn sẽ lắng nghe, rằng giá như những người dân nước họ làm việc chăm chỉ giống như người Nhật Bản, tiết kiệm thời gian như người Đức và sáng tạo như người Mỹ thì đất nước họ sẽ giàu có.
Theo phương diện số học mà nói thì đúng là người nghèo là người kéo thu nhập quốc dân bình quân ở các nước nghèo xuống. Tuy nhiên, những người giàu ở các nước nghèo hầu như không nhận ra rằng đất nước họ nghèo không phải vì người nghèo ở đất nước họ, mà vì chính họ. Hãy trở lại ví dụ về tài xế xe buýt của chúng ta, lý do chính mà Sven được trả nhiều hơn Ram 50 lần là anh ta cùng chung thị trường lao động với những người có năng suất lao động cao hơn gấp 50 lần so với những người tương nhiệm của họ ở Ấn Độ.
Cho dù mức lương trung bình ở Thụy Điển cao hơn khoảng năm mươi lần so với mức lương trung bình ở
Ấn Độ, hầu hết người Thụy Điển chắc chắn không có năng suất cao hơn năm mươi lần so với người Ấn Độ
có công việc tương tự. Nhiều người trong số họ, bao gồm cả Sven, có thể có tay nghề thấp hơn. Nhưng có một số người Thụy Điển - những người quản lý hàng đầu, các nhà khoa học và kỹ sư tại các công ty hàng đầu thế giới, như Ericsson, Saab và SKF - những người làm việc hiệu quả gấp hàng trăm lần so với những người đồng nhiệm Ấn Độ, do đó năng suất quốc dân trung bình của Thụy Điển cao hơn khoảng năm mươi lần so với năng suất quốc dân trung bình của Ấn Độ.
Nói cách khác, người nghèo ở các nước nghèo thường có đủ năng lực để có thể cạnh tranh được với những người nghèo ở các nước giàu. Chính người giàu ở các nước nghèo là những người không thể làm điều đó.
Chính năng suất tương đối thấp của họ làm cho đất nước họ nghèo, vì vậy những chỉ trích thường ngày của họ rằng đất nước họ bị nghèo vì tất cả những người người nghèo là hoàn toàn không đúng. Thay vì đổ lỗi cho người nghèo của nước mình trong việc kéo đất nước đi xuống, người giàu ở các nước nghèo nên tự hỏi tại sao họ không thể kéo phần còn lại của nước mình lên như người giàu ở các nước giàu đã làm.
Cuối cùng là một lời cảnh báo cho những người giàu có ở các nước giàu, vì sợ họ sẽ trở nên tự mãn khi nghe nói rằng người nghèo của nước họ được trả lương cao là nhờ kiểm soát nhập cư và năng suất lao động cao của họ.
Ngay cả trong các lĩnh vực mà các cá nhân ở nước giàu thực sự có năng suất lao động cao hơn so với những người tương nhiệm của họ ở các nước nghèo, phần lớn năng suất của họ có được là do hệ thống, chứ
không phải là do bản thân các cá nhân. Đây đơn giản, hoặc thậm chí chủ yếu, không phải là vì họ thông minh và được giáo dục tốt hơn mà một số người ở các nước giàu có năng suất lao động cao hơn gấp hàng trăm lần so với những người tương nhiệm của họ ở các nước nghèo. Họ đạt được điều này bởi vì họ sống trong các nền kinh tế có công nghệ tốt hơn, có các công ty được tổ chức tốt hơn, có các thể chế tốt hơn và có cơ sở hạ tầng vật chất tốt hơn - tất cả những thứ mà phần nhiều là sản phẩm của các hoạt động tập thể
được thực hiện qua nhiều thế hệ (xem cá vấn đề 15 và 17). Warren Buffet, một nhà tài chính nổi tiếng, nói về vấn đề này một cách hoa mỹ khi ông trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào năm 1995: “Cá nhân tôi nghĩ rằng xã hội đóng một vai trò quan trọng cho phần lớn những thứ tôi đã kiếm được. Nếu bạn cho tôi sống ở giữa Bangladesh hay Peru hay một nơi nào đó, bạn sẽ thấy tài năng này kiếm được chẳng đáng là bao ở những mảnh đất không phù hợp này. Tôi sẽ phải nỗ lực thêm ba mươi năm nữa. Tôi làm việc trong một hệ thống thị trường, hệ thống mà khen thưởng cho những gì tôi làm rất tốt - tốt một cách không tương xứng”.
Vì vậy, chúng ta đang thực sự trở lại nơi chúng ta bắt đầu. Những gì một cá nhân được trả không hoàn toàn phản ánh hết giá trị của người đó. Hầu hết mọi người, ở cả các nước giàu và nước nghèo, được trả công cho những gì họ làm chỉ vì có chế độ kiểm soát nhập cư. Thậm chí những công dân của các nước giàu đó, những người
không thể dễ dàng bị thay thế bởi người dân nhập cư, và do đó có thể được cho là thực sự
được trả công theo giá trị của họ (mặc dù họ có thể không được như vậy - Xem Vấn đề 14), có năng suất lao động như họ hiện có là nhờ hệ thống kinh tế - xã hội nơi mà họ đang làm việc. Nó không đơn giản là nhờ tài năng cá nhân và sự siêng năng mà họ đạt được hiệu quả lao động cao như những gì họ đang có.
Điều khẳng định được chấp nhận rộng rãi rằng chỉ khi bạn không can thiệp gì vào thị trường thì tất cả mọi người sẽ được trả công một xứng đáng và công bằng theo giá trị của mình là một điều ảo tưởng. Chỉ khi chúng ta vượt ra khỏi ảo tưởng này và hiểu thấu bản chất chính trị của thị trường cũng như tính chất tập thể
của năng suất cá thể, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội công bằng hơn trong đó không chỉ tài năng và nỗ lực cá nhân mà cả các di sản lịch sử và các hành động tập thể đều được xem xét kỹ lưỡng khi trả
công cho mọi người.
Vấn đề thứ 4: Máy giặt đã thay đổi thế giới nhiều hơn Internet
Những điều họ nói với bạn
Các cuộc cách mạng gần đây trong công nghệ truyền thông, đại diện bởi Internet, đã thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của thế giới. Nó đã dẫn đến “cái chết của khoảng cách”. Trong “thế giới không biên giới”
được tạo ra đó, các quy ước cũ về lợi ích kinh tế quốc dân và vai trò của các chính phủ quốc gia không còn hiệu lực nữa. Cuộc cách mạng công nghệ này quy định thời đại mà chúng ta đang sống. Nếu các quốc gia (hoặc các công ty hay các cá nhân) không thay đổi với
tốc độ tương ứng, họ sẽ bị suy vong. Chúng ta - với tư cách là các cá nhân, các công ty hoặc các quốc gia sẽ phải linh hoạt hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi thị trường phải tự do hóa cao hơn.
Những điều họ không nói với bạn
Trong quá trình thay đổi nhận thức, chúng ta có xu hướng coi những sự kiện gần đây nhất là mang tính cách mạng nhất. Điều này thường mâu thuẫn với sự thật. Những tiến bộ gần đây trong công nghệ viễn thông không mang tính cách mạng bằng những gì đã xảy ra vào cuối
thế kỷ XIX - điện báo có dây - xét một cách tương đối. Hơn nữa, xét về những thay đổi kinh tế và xã hội kéo theo, cuộc cách mạng Internet không (ít nhất là vẫn chưa) quan trọng như máy giặt và đồ dùng gia đình khác, những thứ đã giúp giảm một lượng lớn các công việc cần thiết cho sinh hoạt gia đình, cho phép phụ nữ tham gia thị trường lao động và gần như đã xóa bỏ các ngành nghề liên quan đến dịch vụ giúp việc gia đình. Chúng ta không quá khắt khe khi chúng ta nhìn về quá khứ và đánh giá thấp cái cũ cũng như đánh giá quá cao cái mới. Điều này khiến chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm về chính sách kinh tế quốc dân, chính sách công ty và sự
nghiệp của chính chúng ta.
Ở Mỹ Latinh tất cả mọi người đều có một người giúp việc
Theo một người bạn Mỹ, sách giáo khoa tiếng Tây Ban Nha mà cô đã sử dụng trong trường học vào năm 1970 đã có một câu nói (tất nhiên, bằng tiếng Tây Ban Nha) là tất cả mọi người ở Mỹ Latinh đều có một người giúp việc.
Xét cho cùng, đây là một điều không hợp lý. Ở Mỹ Latinh, người giúp việc cũng có người giúp việc ư? Có lẽ có một chương trình trao đổi người giúp việc mà tôi chưa được nghe nói đến, chương trình mà người giúp việc này đổi công cho người người giúp việc khác để tất cả họ đều có thể có một người giúp việc, nhưng tôi không nghĩ như vậy.
Tất nhiên, người ta có thể nhận thấy lý do tại sao một tác giả người Mỹ có thể đưa ra một kết luận như vậy.
Tỷ lệ người dân ở các nước nghèo có người giúp việc cao hơn nhiều so với ở các nước giàu. Một giáo viên hoặc một nhà quản lý trẻ trong một công ty nhỏ ở nước giàu sẽ không dám mơ có một người giúp việc sống cùng nhà, nhưng những đồng nghiệp của họ ở các nước nghèo có khả năng có một hoặc thậm chí hai người giúp việc. Số liệu thì khó có thể thống kê được hết, nhưng, theo dữ liệu của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), ước tính có 7 - 8% lực lượng lao động ở Brazil và 9% lao động ở Ai Cập được thuê làm người giúp việc gia đình. Những số liệu tương ứng là 0,7% ở Đức, 0,6% ở Mỹ, 0,3% ở Anh và Wales, 0,05% ở
Na Uy và thấp nhất là 0,005% ở Thụy Điển (tất cả các số liệu trên đều được thống kế vào những năm 1990, ngoại trừ đối với Đức và Na Uy là vào những năm 2000)[9]. Vì vậy, xét về tỷ lệ, Brazil có số người giúp việc gia đình cao hơn 12 - 13 lần so với Mỹ và Ai Cập, gấp 1.800 lần so với Thụy Điển. Không ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ nghĩ rằng “tất cả mọi người” ở Mỹ Latinh đều có một người giúp việc và người Thụy Điển ở Ai Cập sẽ cảm thấy rằng đất nước này thực sự tràn ngập người giúp việc gia đình.
Điều thú vị là tỉ lệ lực lượng lao động làm giúp việc gia đình ở các nước giàu ngày nay là tương tự như
những gì bạn thấy ở các nước đang phát triển ngày nay. Tại Mỹ, khoảng 8% những người làm mướn trong
những năm 1870 là người giúp việc gia đình. Tỷ lệ này ở Đức cũng duy trì ở mức khoảng 8% cho đến những năm 1890, mặc dù sau đó nó bắt đầu giảm khá nhanh. Ở Anh và xứ Wales, nơi mà nền văn hóa “đầy tớ” tồn tại lâu hơn so với ở các nước khác do sức mạnh của giai cấp địa chủ, tỷ lệ này còn cao hơn, 10 -
14% lực lượng lao động làm giúp việc gia đình vào giữa những năm 1850 - 1920 (với một số thời điểm thăng trầm). Thực ra, nếu bạn đọc
những tiểu thuyết của Agatha Christie những năm 1930, bạn sẽ nhận thấy rằng không chỉ ông trùm báo chí, người bị sát hại trong thư viện bị khóa của mình, người có rất nhiều người làm công, mà cả người phụ nữ độc thân thuộc tầng lớp trung lưu luôn túng tiền, mặc dù cô có thể chỉ
là một người giúp việc (cô có giao du với một anh thợ sữa chữa ô tô, người mà hóa ra là con trai ngoài giá thú của ông trùm báo chí), cũng bị sát hại ở trang 111 vì đã ngốc nghếch đề cập đến một điều mà đáng lẽ
cô không nên thấy).
Lý do chính tại sao ở các nước giàu lại có ít (tất nhiên, xét về tỷ lệ) người giúp việc gia đình hơn rất nhiều là do mức giá tương đối của lao động cao hơn - mặc dù rõ ràng đây không phải là lý do duy nhất, căn cứ
vào những khác biệt văn hóa giữa các nước có mức thu nhập tương tự, ở hiện tại và trong quá khứ. Với sự
phát triển kinh tế, xét một cách tương đối, con người (hay đúng hơn là dịch vụ lao động mà họ cung cấp) trở nên đắt hơn so với “hàng hóa” (xem thêm vấn đề thứ 9). Kết quả là, ở các nước giàu, dịch vụ giúp việc gia đình đã trở thành một thứ xa xỉ mà chỉ những người giàu có mới đủ tiền để sử dụng, trong khi dịch vụ
này ở các nước đang phát triển vẫn còn rẻ đủ để tầng lớp trung lưu có thu nhập thấp hơn sử dụng.
Bước vào kỷ nguyên của máy giặt
Bây giờ, cho dù có sự dịch chuyển nào trong mức giá tương đối giữa “người” và “hàng hóa” như thế nào đi chăng nữa thì sự giảm sút về số lượng những người giúp việc gia đình cũng sẽ không mạnh mẽ như nó đã từng xảy ra ở các nước giàu trong suốt thế kỷ vừa qua, nếu không được cung cấp một loạt các công nghệ
phục vụ gia đình, điển hình là máy giặt. Cho dù việc thuê người giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, nhóm lò sưởi, nấu ăn và rửa bát đĩa có thể đắt đến đâu (xét một cách tương đối) thì họ vẫn sẽ phải thuê, nếu những việc này không thể thực hiện được bằng máy. Nếu không, bạn sẽ phải bỏ ra hàng giờ để tự làm những việc này.
Máy giặt đã tiết kiệm cho bạn vô khối thời gian. Không dễ để có thể thống kê được các dữ liệu, nhưng một nghiên cứu vào giữa những năm 1940 của Cơ quan Điện khí hóa Nông thôn Mỹ cho biết rằng, với sự ra đời của máy giặt và bàn là điện, thời gian cần thiết để giặt 38 Pao (khoảng 17kg) quần áo đã giảm gần 6 lần (từ 4 giờ xuống 41 phút) và thời gian là chỗ quần áo này giảm hơn 2,5 lần (từ 4,5 giờ xuống 1,75 giờ). [10]
Nước máy đồng nghĩa với việc phụ nữ không phải mất nhiều tiếng đồng hồ để múc nước (mà, theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, ở một nước đang phát triển việc này phải mất hai giờ mỗi ngày).
Máy hút bụi đã giúp chúng ta làm sạch nhà kỹ hơn với một phần thời gian rất nhỏ so với khoảng thời gian mà trước kia chúng ta phải làm việc đó với cây chổi và giẻ lau. Bếp và lò sưởi bằng gas/điện đã giảm vô khối thời gian cần thiết để kiếm củi, nhóm lửa, giữ cho lửa khỏi tắt, và lau sạch chúng sau khi sưởi ấm và nấu ăn. Hiện nay nhiều người ở các nước giàu thậm chí còn có máy rửa chén, mà nhà phát minh (tương lai) của nó cụ thể là ông I. M. Rubinow, một nhân viên của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nói nó sẽ là “một ân nhân thực sự của nhân loại” trong bài viết của mình trên Tạp chí Kinh tế Chính trị (Journal of Political Economy) vào năm 1906.
Sự xuất hiện của các thiết bị điện gia dụng, cũng như điện, nước máy và hệ thống khí đốt dẫn qua đường ống, đã hoàn toàn thay đổi phong cách sống của phụ nữ, và theo đó là của cả nam giới. Chúng đã giúp nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động hơn. Ví dụ, ở Mỹ, tỷ lệ phụ nữ da trắng đã kết hôn đang trong độ tuổi lao động chính
(35- 44 tuổi), làm việc ngoài xã hội, từ một vài phần trăm vào cuối những năm 1890
hiện đã tăng lên gần 80%. [11] Cơ cấu nghề nghiệp của nữ giới cũng thay đổi một cách đáng kể khi xã hội vẫn phát triển tốt với số lượng người giúp việc ít hơn rất nhiều, như chúng ta đã thấy ở trên - ví dụ trong những năm 1870, gần 50% phụ nữ làm việc tại Mỹ là làm “giúp việc và tiếp viên” (hầu hết mọi người trong số đó là giúp việc chứ không phải là tiếp viên, bởi vì thời điểm đó nhà hàng ăn uống chưa phải là một hình thức kinh doanh lớn). [12] Sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động tăng chắc chắn sẽ làm tăng vị thế của họ ở cả trong gia đình và trong xã hội, do đó cũng làm giảm ưu đãi cho trẻ em nam và tăng đầu tư giáo dục cho trẻ em nữ mà kết quả sau đó sẽ là sự gia tăng hơn nữa sự tham gia của nữ giới vào thị
trường lao động. Ngay cả những người phụ nữ, những người được đào tạo nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn ở
nhà chăm sóc con cái, cũng có địa vị cao hơn trong gia đình, vì họ có thể tạo ra các mối đe dọa thực sự
rằng họ có thể tự nuôi sống bản thân nếu họ quyết định chia tay người bạn đời của mình. Với những cơ hội việc làm bên ngoài, chi phí cơ hội khi có con cũng tăng lên, khiến cho các gia đình có ít con hơn. Tất cả
những điều này đã thay đổi chức năng của gia đình truyền thống. Tóm lại, chúng đã tạo nên những thay đổi thật sự mạnh mẽ.
Tất nhiên, tôi không nói rằng những thay đổi xảy ra chỉ vì - hoặc thậm chí chủ yếu vì - những thay đổi công nghệ của thiết bị gia dụng. Thuốc tránh thai và các hình thức tránh thai khác có một tác động mạnh mẽ đối với quá trình học tập và sự tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ bằng cách cho phép họ
kiểm soát khoảng cách và số lần sinh con. Và còn có các nguyên nhân không liên qua đến công nghệ nữa.
Ngay cả với cùng một công nghệ phục vụ gia đình, các nước có thể có tỷ lệ nữ giới tham gia vào thị trường lao động khá khác nhau và cấu trúc nghề nghiệp khác nhau, tùy thuộc vào những thứ như những quan niệm xã hội liên quan đến việc chấp nhận làm việc của tầng lớp phụ nữ trung lưu (phụ nữ nghèo luôn phải làm việc), ưu đãi về thuế cho công việc được trả lương và việc nuôi con, và khả năng kinh tế để nuôi con. Mặc dù có những nguyên nhân khác như chúng ta đã đề cấp ở trên, chúng ta vẫn không thể phủ nhận một sự
thực rằng nếu không có máy giặt (và các thiết bị gia dụng tiết kiệm sức lao động khác), vai trò của phụ nữ
trong xã hội và trong gia đình sẽ không thay đổi mạnh mẽ như vậy. Máy giặt đánh bại internet
So với những thay đổi do máy giặt (và những thiết bị gia đình) mang lại, ảnh hưởng của động của Internet, mà rất nhiều người nghĩ đã hoàn toàn thay đổi thế giới, là không lớn - ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Tất nhiên, Internet đã thay đổi cách thức mọi người sử dụng thời gian ngoài giờ làm việc của mình - lướt web, tán gẫu với bạn bè trên Facebook, nói chuyện với bạn bè qua Skype, chơi trò chơi điện tử với một ai đó đang ngồi cách đó 5.000 dặm, v.v.... Hiệu quả của nó cũng đã được cải thiện rất nhiều, nhờ đó chúng ta có thể tìm kiếm thông tin về các chính sách bảo hiểm, các kỳ nghỉ, các nhà hàng, và thậm chí cả giá của bông cải xanh và dầu gội.
Tuy nhiên, khi nó được áp dụng với các quy trình trình sản xuất, thì những tác động của nó có mang tính cách mạng hay không không được rõ ràng. Chắc chắn, đối với một số người, internet đã thay đổi
sâu sắc cách thức làm việc của họ. Tôi biết được điều đó bằng kinh nghiệm của mình. Nhờ Internet, tôi có có thể
viết cả một cuốn sách với bạn của tôi và cũng là đồng tác giả, Giáo sư Ilene Grabel, người dạy tại Denver, Colorado, chỉ qua một cuộc
gặp mặt trực tiếp và một hoặc hai cuộc nói chuyện điện thoại.
Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, Internet không có nhiều tác động đến hiệu suất. Các nghiên cứu đã phải rất vất vả để tìm ra các tác động tích cực của internet đối với năng suất tổng thể - như Robert Solow, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, đã nói “bằng chứng ở khắp mọi nơi ngoài ngoại trừ ở những số liệu.”
Bạn có thể nghĩ rằng so sánh của tôi là khập khiễng. Các thiết bị gia dụng mà tôi đề cập đến đã có ít nhất một vài thập kỷ, đôi khi cả một thế kỷ, để để tạo ra điều kỳ diệu, trong khi internet mới ra đời chưa đầy hai thập kỷ. Điều này cũng đúng một phần. Như nhà sử học nổi tiếng về khoa học, David Edgerton đã nói trong cuốn sách hấp dẫn của ông Cú sốc của Cái cũ - Công nghệ và Lịch sử Toàn cầu từ năm 1900 (The Shock of the Old - Technology and Global History Since 1900), thời gian sử dụng công nghệ tối đa, và theo đó là tác động tối đa của nó, thường chỉ đạt được sau nhiều thập kỷ phát minh ra công nghệ. Nhưng ngay cả về tác động tức thời của nó, tôi nghi ngờ liệu internet có phải là công nghệ mang tính cách mạng theo suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta không.
Internet là bị đánh bại bởi điện báo
Ngay trước khi dịch vụ điện báo có dây xuyên Đại Tây Dương bắt đầu năm 1866, gửi một bức điện sang phía bên kia đại dương phải mất khoảng ba tuần - thời gian để băng qua Đại Tây Dương bằng tàu thuyền buồm. Thậm chí “gửi chuyển phát nhanh” bằng tàu hơi nước (điều mà không phổ biến cho đến những năm 1890), bạn phải mất hai tuần (thời gian kỷ lục là 8 - 9 ngày).
Với điện báo, thời gian truyền một bức điện 300 từ đã giảm xuống còn 7 hoặc 8 phút. Nó thậm chí vẫn còn có thể nhanh hơn. Tờ Thời báo New York (The New York Times) vào ngày 04 tháng 12 năm 1861 cho biết Thông điệp Liên bang của Tổng thống Abraham Lincoln với 7.578 từ được truyền từ thủ đô Washington,
DC tới các bang còn lại của đất nước trong 92 phút, trung bình là 82 từ một phút. Điều này sẽ cho phép bạn gửi bức điện 300 từ trong vòng chưa đầy 4 phút. Nhưng đó là mức kỷ lục, còn trung bình là khoảng 40 từ
một phút, tức là 7,5 phút cho một bức điện 300 từ. Giảm từ 2 tuần xuống 7,5 phút nghĩa là giảm được hơn 2.500 lần.
Internet giúp giảm thời gian truyền của một bức điện 300 từ từ 10 giây bằng máy fax xuống còn 2 giây, nhưng mức giảm này mới chỉ là 5 lần. Việc giảm thời gian truyền bằng internet sẽ lớn khi nó truyền những bức điện dài hơn - nó có thể gửi một tài liệu 30.000 từ trong 10 giây (với điều kiện nó phải được tải), trong khi đó gửi bằng máy fax sẽ mất hơn 16 phút (hay 1.000 giây), tức là tốc độ truyền tải qua internet nhanh gấp 100 lần. Tuy nhiên, hãy so sánh kết quả này với mức giảm 2.500 lần đã đạt được bằng điện báo.
Internet rõ ràng có những tính năng mang tính cách mạng khác. Nó cho phép chúng ta gửi hình ảnh ở tốc độ cao (một điều mà ngay cả điện tín hoặc fax không thể thực hiện được và do đó phải dựa vào vận chuyển cơ học). Nó có thể được truy cập ở nhiều nơi, không chỉ ở bưu điện. Quan trọng nhất là khi sử dụng nó, chúng ta có thể tìm kiếm thông tin cụ thể mà chúng ta muốn từ rất nhiều nguồn. Tuy nhiên, xét về khả
năng tăng tốc độ tuyệt đối, nó hầu như không mang tính cách mạng bằng điện báo có dây (thậm chí không kể đến điện báo không dây).
Chúng ta đánh giá quá cao những tác động của internet chỉ vì giờ đây nó đang ảnh hưởng tới chúng ta.
Nhưng không chỉ có chúng ta, con người nói chung có xu hướng bị cuốn hút bởi những công nghệ mới nhất và dễ thấy nhất. Vào năm 1944, George Orwell đã chỉ trích những người quá hào hứng với sự “xóa bỏ
khoảng cách” và “sự biến mất của biên giới” nhờ máy bay và đài phát thanh.
Hãy đánh giá đúng về những thay đổi
Ai quan tâm tới việc mọi người đánh giá một cách sai lầm rằng Internet có nhiều tác động quan trọng hơn điện báo hoặc máy giặt? Tại sao việc mọi người có ấn tượng nhiều hơn với những thay đổi gần đây nhất lại là vấn đề quan trọng?
Nó sẽ không quan trọng nếu quan điểm sai lầm này chỉ là vấn đề về ý kiến cá nhân của mọi người. Tuy nhiên, những quan điểm méo mó này có những tác động thực sự, vì chúng dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên khan hiếm.
Niềm đam mê với cách mạng ICT (Công nghệ thông tin và Truyền thông), điển hình là Internet, đã khiến một số quốc gia giàu có - đặc biệt là Mỹ và Anh - đi đến một kết luận sai lầm rằng việc sản xuất hàng hóa đã trở nên lạc hậu đến mức họ nên cố gắng sống dựa vào các ý tưởng. Và như tôi giải thích ở Vấn đề thứ 9, niềm tin về “xã hội hậu công nghiệp” này đã khiến các quốc gia quá sao lãng khu vực sản xuất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của họ.
Đáng lo ngại hơn nữa, niềm đam mê với internet của người dân ở các nước giàu đã khiến cộng đồng quốc tế lo lắng về “khoảng cách số” giữa các nước giàu và nước nghèo. Điều này đã khiến các công ty, các cơ sở
từ thiện và các cá nhân quyên góp tiền để cho các nước đang phát triển mua thiết bị máy tính và các thiết bị
internet. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là những thứ mà các nước đang phát triển cần nhất không. Có lẽ việc quyên tiền cho những thứ ít thời thượng hơn như đào giếng, mở rộng lưới điện và chế
tạo ra những chiếc máy giặt với mức giá rẻ hơn sẽ giúp cuộc sống của nhân dân được cải thiện hơn so với việc cho mỗi trẻ em một chiếc máy tính xách tay hoặc xây dựng trung tâm internet ở các làng quê nông thôn. Tôi không nói rằng những thứ đó chắc chắn quan trọng hơn, nhưng các nhà tài trợ đã lao vào các chương trình theo thị hiếu nhất thời mà không cẩn thận đánh giá những chi phí và lợi ích lâu dài của việc sử dụng tiền của mình theo một cách khác.
Thêm một ví dụ khác, niềm đam mê với cái mới đã khiến mọi người tin rằng những thay đổi gần đây trong công nghệ thông tin liên lạc và giao thông vận tải mang tính cách mạng đến nỗi hiện nay chúng ta đang sống trong một “thế giới không biên giới”, như tiêu đề của cuốn sách nổi tiếng Kenichi Ohmae, một bậc thầy trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.[13]
Kết quả là, trong khoảng hai mươi năm gần đây, nhiều người đã tin rằng bất cứ thay đổi nào đang diễn ra
ngày hôm nay đều là kết quả của tiến bộ công nghệ vượt bậc. Tin tưởng vào một thế giới như vậy, nhiều chính phủ đã xóa bỏ một số quy định cần thiết về dòng vốn, lao động và hàng hóa xuyên biên giới, với những kết quả nghèo nàn (Ví dụ, hãy xem các Vấn đề 7 và 8). Tuy nhiên, như tôi đã chỉ ra, những thay đổi công nghệ gần đây không mang tính cách mạng bằng những thay đổi công nghệ của thế kỷ trước. Trên thực tế, một thế kỷ trước, thế giới đã được toàn cầu hóa nhiều hơn rất nhiều so với trong khoảng thời gian từ thập niên 1960 đến thập niên 1980 mặc dù có công nghệ truyền thông và giao thông vận tải kém hơn, bởi vì trong thời gian từ thập niên 1960 đến 1980, các chính phủ, đặc biệt là các chính phủ mạnh, tin tưởng vào các quy định khắt khe hơn đối với các dòng vốn xuyên biên giới. Yếu tố quyết định mức độ toàn cầu hóa (nói cách khác, sự mở cửa quốc gia) là chính trị chứ không phải là công nghệ. Tuy nhiên, nếu chúng ta để cho quan điểm của chúng ta bị bóp méo bởi niềm đam mê với cuộc cách mạng công nghệ gần đây nhất, chúng ta không thể nhận ra vấn đề này và cuối cùng dẫn đến việc thực hiện các chính sách sai lầm.
Hiểu biết về xu hướng công nghệ là điều rất quan trọng trong việc đề ra các chính sách kinh tế đúng đắn, cả ở cấp quốc gia và quốc tế (và trong việc đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp ở mức độ cá nhân). Tuy
nhiên, niềm đam mê với cái mới và việc đánh giá thấp về những gì đã trở thành phổ biến của chúng ta, có thể, và đã, khiến chúng ta có những định hướng sai lầm. Tôi đã trình bày điểm này một cách khiêu khích có chủ
đích bằng cách so sánh máy giặt bình thường với internet, nhưng các ví dụ của tôi đã chỉ ra cho các bạn thấy rằng cách thức mà qua đó các lực lượng công nghệ đã định hình sự phát triển kinh tế và xã hội dưới sự
kiểm soát của chủ nghĩa tư bản phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ.
Vấn đề thứ 5: Gieo nhân nào gặt quả ấy
Những điều họ nói với bạn
Adam Smith có một câu nói nổi tiếng: “Không phải xuất phát từ sự từ bi của người bán thịt, người bán bia, hay người bán bánh mì mà chúng ta có được bữa tối, mà xuất phát từ mối quan tâm của họ đến lợi ích riêng của chính họ”. Thị trường khai thác rất tốt năng lực của các cá nhân ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân (và cùng lắm là nghĩ đến gia đình họ) để tạo ra sự cân đối xã hội. Nền kinh tế chỉ huy duy ý chí thất bại bởi vì nó đã phủ nhận bản năng này của con người và điều hành nền kinh tế với giả định rằng tất cả mọi người đều không ích kỷ, hoặc ít nhất là rất vị tha. Chúng ta phải giả định điều tồi tệ nhất về con người (ví dụ họ
chỉ nghĩ về bản thân mình), nếu chúng ta muốn xây dựng một hệ thống kinh tế bền vững.
Những gì họ không nói với bạn
Tính tư lợi là một đặc điểm mạnh nhất tồn tại ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nó không phải là xu hướng duy nhất của chúng ta. Nó thường không phải là động cơ chính của chúng ta. Thật vậy, nếu thế giới đầy rẫy các cá nhân vụ lợi được tìm thấy trong sách giáo khoa kinh tế, nó sẽ bị trì trệ bởi vì chúng ta sẽ phải dành phần lớn thời gian để gian lận, cố gắng bắt những kẻ gian lận, và xử phạt những kẻ bị bắt. Thế giới hoạt động như nó vốn có bởi vì con người không phải là các cá nhân hoàn toàn tư lợi như kinh tế học thị
trường tự do đã nhận định. Chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống kinh tế khai thác triệt để các động cơ
khác của con người và thu được lợi ích tốt nhất từ con người trong khi vẫn thừa nhận rằng mọi người thường rất ích kỷ. Có thể, nếu chúng ta giả định tồi tệ nhất về con người, chúng ta sẽ nhận được sự tồi tệ
nhất từ họ.
Làm thế nào để (không) điều hành một công ty
Vào giữa những năm 1990, tôi đã tham dự một hội nghị ở Nhật Bản về chủ đề “sự tăng trưởng kỳ diệu của Đông Á”, do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Một bên của cuộc tranh luận là những người như tôi, lập luận rằng sự can thiệp của chính phủ đã đóng một vai trò tích cực đối với sự tăng trưởng ở Đông Á bằng cách đi ngược lại các tín hiệu thị trường, bảo vệ và trợ cấp cho các ngành công nghiệp như ngành sản xuất ô tô và điện tử. Phía đối lập là các nhà kinh tế học ủng hộ Ngân hàng Thế giới, cho rằng sự can thiệp của chính phủ chỉ có tác dụng rất ít thậm chí còn có hại, hơn là có lợi, cho Đông Á. Quan trọng hơn, họ nói thêm, ngay cả khi sự thần kỳ của Đông Á có được đúng là từ sự can thiệp của chính phủ thì điều đó cũng không có nghĩa là các chính sách được áp dụng tại các nước Đông Á có thể áp dụng cho các nước khác. Người ta đã chỉ ra rằng các quan chức chính phủ, những người hoạch định chính sách (cũng như tất cả chúng ta) đều là những người tư lợi, chỉ quan tâm nhiều đến việc mở rộng
quyền lực và uy tín của bản thân họ hơn là phát triển lợi ích quốc gia. Họ lập luận rằng sự can thiệp của chính phủ có hiệu quả ở Đông Á chỉ bởi vì nơi đây có các quan chức đặc biệt không tư lợi và có năng lực xuất chúng vì những lý do mang tính lịch sử
(mà chúng ta không cần phải tìm hiểu ở đây). Ngay cả một số nhà kinh tế học ủng hộ vai trò tích cực của chính phủ cũng thừa nhận quan điểm này.
Lắng nghe cuộc tranh luận này, một người Nhật Bản trông rất đặc biệt ngồi ở hàng ghế khán giả giơ tay phát biểu. Giới thiệu mình là một trong các nhà quản lý hàng đầu của Kobe Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ
tư ở Nhật Bản, vị khán giả này cho rằng các nhà kinh tế học đã hiểu lầm bản chất của chế độ quan liêu hiện đại, có thể là trong chính phủ hoặc trong khu vực tư nhân. Nhà quản lý Kobe Steel này phát biểu (tất nhiên tôi đang diễn giải ý của ông ta): “Tôi xin lỗi khi nói điều này, nhưng các vị, các nhà kinh tế học đã không hiểu thế giới thực hoạt động như thế nào. Tôi có một bằng tiến sĩ về luyện kim và đã làm việc tại Kobe Steel gần ba thập kỷ, vì vậy tôi biết một vài điều về sản xuất thép. Tuy nhiên, công ty tôi hiện nay rất lớn và phức tạp đến mức ngay cả bản thân tôi cũng không hiểu đến quá nửa những điều đang xảy ra bên trong công ty. Cũng như các nhà quản lý khác - với nền tảng kiến thức về kế toán và marketing - họ thực sự đã không có nhiều thông tin. Mặc dù vậy, ban giám đốc của chúng tôi thường phê duyệt phần lớn các dự án do nhân viên đệ trình, bởi vì chúng tôi tin rằng nhân viên của chúng tôi làm việc vì lợi ích của công ty. Nếu chúng ta cho rằng tất cả mọi người đều làm việc vì lợi ích riêng của mình và suốt ngày nghi ngờ động cơ
của nhân viên thì công ty sẽ bị trì trệ vì chúng ta sẽ dành tất cả thời gian để xem xét thật kỹ lưỡng những đề
xuất mà chúng ta thực sự không hiểu. Đơn giản là các vị sẽ không thể điều hành một tổ chức quan liêu lớn, ví dụ như Kobe Steel hay
chính phủ của mình, nếu các vị cho rằng tất cả mọi người đều làm việc vì lợi ích riêng của bản thân.”
Đây chỉ là một giai thoại, nhưng nó là một minh chứng hùng hồn về những hạn chế của học thuyết kinh tế
chuẩn, trong đó giả định rằng lợi ích cá nhân là động cơ duy nhất thúc đẩy con người. Hãy cùng tôi thảo luận thêm về vấn đề này.
Hàng thịt và hàng bánh ích kỷ
Kinh tế học thị trường tự do bắt đầu từ giả định rằng tất cả các tác nhân kinh tế đều ích kỷ, như đã được kết luận trong đánh giá của Adam Smith về người bán thịt, bia và bánh mì. Họ cho rằng ưu điểm của hệ thống thị trường là nó có thể chuyển những đặc điểm dường như là tồi tệ nhất của bản chất con người - tự tư tự
lợi, hoặc tham lam - thành những đặc điểm tích cực và đem lại lợi ích cho xã hội.
Với bản chất ích kỷ của họ, các chủ cửa hàng sẽ cố gắng tính giá cao hơn khi bạn mua hàng, công nhân sẽ
tìm mọi cách để trốn việc, và các nhà quản lý chuyên môn sẽ cố gắng để tối đa hóa tiền lương và uy tín của bản thân chứ không phải là lợi nhuận, khoản tiền sẽ vào túi các cổ đông chứ không phải là vào túi họ. Tuy nhiên, sức mạnh của thị trường sẽ hạn chế nghiêm ngặt, nếu không muốn nói là hoàn toàn loại bỏ, những hành vi này: chủ cửa hàng sẽ không lừa dối bạn nếu họ có một đối thủ cạnh tranh gần đó, công nhân không dám trốn việc nếu họ biết họ có thể dễ dàng bị thay thế, các nhà quản lý được thuê sẽ không thể lừa dối các cổ đông nếu họ hoạt động trong một thị trường chứng khoán sôi động, thị trường mà sẽ đảm bảo rằng những người quản lý tạo ra ít lợi nhuận hơn, và do đó giá cổ phiếu thấp hơn, sẽ có nguy cơ mất việc vào tay những người tiếp quản.
Đối với các nhà kinh tế học thị trường tự do, các viên chức nhà nước - các chính trị gia và các quan chức chính phủ - đặt ra một thách thức đặc biệt trong vấn đề này. Việc họ theo đuổi lợi ích cá nhân không thể bị
hạn chế ở bất kỳ mức độ có thể nào bởi vì họ không tuân thủ nguyên tắc thị trường. Các chính trị gia phải đối mặt với một số đối thủ cạnh tranh từ các đảng khác, nhưng các cuộc bầu cử xảy ra không thường xuyên nên ảnh hưởng của chúng bị hạn chế. Do đó, có rất nhiều không gian để các quan chức theo đuổi các chính sách nâng cao quyền lực và sự giàu có của họ bằng nguồn phúc lợi quốc gia. Đối với các nhân viên hành chính sự nghiệp, không gian cho tính tư lợi thậm chí còn lớn hơn. Cho dù những người nắm quyền chính trị, các chính trị gia, cố gắng bắt họ thực hiện các chính sách phục vụ cho công tác bầu cử, họ luôn có thể
gây hoang mang và thao túng các chính trị gia, như đã được mô tả thành công trong bộ phim hài trên đài BBC Vâng, Thưa Bộ trưởng (Yes, Minister) và phần tiếp theo của nó, Vâng, thưa Thủ tướng (Yes, Prime Minister). Hơn nữa, không giống như các chính trị gia, các nhân viên hành chính sự nghiệp này có mức độ
an toàn công việc cao, nếu không muốn nói là suốt đời, cho nên họ có thể chờ kết thúc nhiệm kỳ của các chính trị gia bằng cách đơn giản là trì hoãn mọi việc. Đây là mấu chốt của những mối quan tâm mà các nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới đã thể hiện trong cuộc họp ở Nhật Bản mà tôi đã đề cập ở đầu vấn đề
này.
Vì vậy, các nhà kinh tế học thị trường tự do đề nghị rằng nên giảm thiểu bộ phận kinh tế do các chính trị
gia và quan chức kiểm soát. Theo quan điểm này, việc nới lỏng các quy định và tư nhân hóa không chỉ
đem lại hiệu quả kinh tế mà còn là rất hợp lý về mặt chính trị trong việc giảm thiểu khả năng các viên chức nhà nước này lợi dụng nhà nước như một phương tiện để tự lợi bằng nguồn ngân sách chung của đất nước.
Một số người - nhóm gọi là trường phái “Quản lý công kiểu mới” (“New Public Management” school) -
thậm chí còn đi xa hơn và đề nghị rằng việc quản lý của chính phủ nên đặt vào tay các lực lượng thị trường lớn hơn: sử dụng tích cực hơn chế độ hưởng lương theo hiệu quả công việc và ký hợp đồng ngắn hạn với các quan chức; thường xuyên ký hợp đồng với người ngoài chính phủ để làm các công việc trong chính phủ, tích cực trao đổi nhân sự giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Có thể chúng ta không phải là thiên thần, nhưng
Giả định về chủ nghĩa cá nhân tư lợi, nền tảng của kinh tế học thị trường tự do, có nhiều điểm tương đồng với kinh nghiệm cá nhân của chúng ta. Tất cả chúng ta đã từng bị lừa dối bởi các thương nhân vô đạo đức,
ví dụ như người bán trái cây đặt một số mận thối ở dưới đáy túi hoặc các công ty sữa chua phóng đại lợi ích của sản phẩm đối với sức khỏe. Chúng ta biết nhiều chính trị gia tham nhũng và nhiều viên chức lười biếng đến nỗi mà chúng ta khó có thể tin rằng tất cả cán bộ, viên chức nhà nước chỉ phục vụ công chúng.
Hầu hết chúng ta, trong đó có tôi, cũng đã từng trốn việc và một số người trong chúng ta đã từng cảm thấy bực bội vì các nhân viên dưới quyền và các trợ lý tìm mọi lý do để không làm việc một cách nghiêm túc.
Hơn nữa, những gì chúng ta biết được qua các phương tiện truyền thông ngày nay giúp chúng ta hiểu rằng các nhà quản lý chuyên môn, ngay cả những người được coi là dẫn đầu trong số các nhà quản lý luôn vì lợi ích của cổ đông như Jack Welch của General Electric (GE)
và Rick Wagoner của General Motors (GM), cũng chưa thực sự phục vụ lợi ích cao nhất của các cổ đông (xem Vấn đề 2).
Điều này hoàn toàn là sự thật. Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều bằng chứng - không chỉ là giai thoại mà là những bằng chứng có hệ thống - cho thấy rằng tính tư lợi không phải là động cơ duy nhất của con người ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của chúng ta. Chắc chắn, tính tư lợi là một trong những động cơ quan trọng nhất, nhưng chúng
ta có nhiều động cơ khác - tính trung thực, lòng tự trọng, lòng vị tha, tình yêu, sự
thông cảm, đức tin, ý thức trách nhiệm, tính đoàn kết, lòng trung thành, tinh thần vì lợi ích chung, lòng yêu nước, v.v... - mà đôi khi còn quan trọng hơn tính tư lợi, một đặc tính đóng vai trò là kim chỉ nam cho những hành vi của chúng ta.[14]
Ví dụ trước của chúng ta về Kobe Steel cho thấy các công ty thành công là dựa vào niềm tin và lòng trung thành, chứ không phải là sự nghi ngờ và tính tư lợi. Nếu bạn nghĩ rằng đây là một ví dụ không điển hình từ
một quốc gia của “những chú kiến thợ”, nơi mà kiềm chế tính cá nhân trỗi dậy từ bản chất con người, thì bạn hãy chọn bất kỳ cuốn sách về lãnh đạo trong kinh doanh hay bất kỳ cuốn tự truyện nào của một doanh nhân thành đạt được xuất bản ở phương Tây và xem họ nói những gì. Họ có nói rằng bạn phải luôn nghi ngờ và giám sát xem mọi người có trốn việc và gian lận không? Không, có thể họ nói chủ yếu về việc làm thế nào để gắn kết các nhân viên, thay đổi cách họ nhìn nhận mọi việc, truyền cảm hứng cho họ và khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm của họ. Nhà quản lý tốt biết rằng mọi người không phải là những con robot tư lợi phiếm diện. Họ biết rằng con người có mặt “tốt” và mặt “xấu” và rằng bí quyết quản lý tốt là tán dương mặt tốt và không quá gay gắt với mặt xấu.
Một ví dụ khác để minh họa cho sự phức tạp của động cơ con người là hình thức “làm việc chiếu lệ”, ở đó người lao động làm giảm sản
lượng đầu ra bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chi phối nhiệm vụ
của họ. Bạn có thể tự hỏi làm thế nào những người lao động có thể làm tổn hại người sử dụng lao động bằng cách làm việc theo các quy định. Tuy nhiên, phương pháp bán đình công này - được biết đến với cái tên “đình công kiểu Ý” (và là ‘sciopero bianco’, hoặc “đình công trắng”, theo cách gọi của người Ý) - đã làm giảm 30 - 50% sản lượng. Điều này xảy ra là do không phải tất cả mọi thứ có thể được cụ thể hóa trong hợp đồng lao động (các quy định) và do tất cả các quy trình sản xuất đó phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của người lao động trong việc làm thêm những việc không được yêu cầu trong hợp đồng hoặc áp dụng các sáng kiến và thực hiện các biện pháp nhanh chóng để giải quyết mọi việc, khi các quy tắc quá rườm ra.
Những động cơ đằng sau các hành vi không vị kỷ như vậy của người lao động rất khác nhau - sự yêu thích công việc, niềm tự hào về tay nghề của mình, lòng tự trọng, tinh thần đoàn kết với các đồng nghiệp, sự tin tưởng vào các nhà quản lý hàng đầu của họ hay lòng trung thành với công ty. Nhưng điểm cốt yếu là các công ty, và theo đó là nền kinh tế của chúng ta, sẽ bị đình trệ nếu mọi người hành động một cách hoàn toàn ích kỷ, theo như kinh tế học thị trường tự do đã nhận định về họ.
Không nhận ra bản chất phức tạp trong động cơ của người lao động, giới tư bản của đầu thời kỳ sản xuất hàng loạt nghĩ rằng băng chuyền sẽ tối đa hóa năng suất của công nhân bằng cách hoàn toàn tước bỏ quyền tự quyết về tốc độ và cường độ công việc cũng như là cơ hội trốn việc của họ. Tuy nhiên, như những nhà tư bản này sớm nhận ra, các công nhân đã phản ứng lại bằng cách trở nên thụ động, không suy nghĩ và thậm chí không hợp tác khi họ bị tước mất quyền tự chủ và nhân phẩm của mình. Vì vậy, khởi đầu với
“Trường phái Quan hệ Con người” (Human Relations School) xuất hiện vào những năm 1930, trong đó nêu bật sự cần thiết của các mối liên hệ giao tiếp tốt giữa các công nhân, nhiều phương pháp quản lý
đã xuất hiện nhấn mạnh sự phức tạp của các động cơ thúc đẩy con người và đề xuất các phương thức để thu được những kết quả tốt nhất từ công nhân. Đỉnh cao của các phương pháp như vậy là phương pháp gọi là
“hệ thống sản xuất Nhật Bản” (Japanese production system) (đôi khi được gọi là “hệ thống sản xuất của Toyota”). Phương pháp này đã khai thác thiện chí và tính sáng tạo của người lao động bằng cách trao trách nhiệm cho họ và tin tưởng họ là những người có đạo đức. Trong “hệ thống sản xuất Nhật Bản”, người lao động được trao quyền kiểm soát đáng kể đối với dây chuyền sản xuất. Họ cũng được khuyến khích đưa ra
các sáng kiến cải thiện quy trình sản xuất. Cách tiếp cận này cho phép các công ty Nhật đạt được hiệu quả
sản xuất và chất lượng cao đến nỗi mà hiện nay nhiều công ty không phải của Nhật cũng đang bắt chước theo. Bằng cách không giả định những điều tồi tệ nhất về công nhân của mình, các công ty Nhật Bản đã nhận được những thứ tốt nhất từ công nhân.
Hành vi đạo đức là một ảo ảnh quang học?
Vì vậy, nếu bạn nhìn xung quanh và suy nghĩ, bạn sẽ thấy thế giới dường như có rất nhiều các hành vi đạo đức, trái với giả định của các nhà kinh tế học thị trường tự do. Khi đứng trước những hành vi này, họ
thường gạt nó đi như những “ảo giác quang học”. Nếu thấy mọi người cư xử một cách có đạo đức, họ sẽ
lập luận rằng đó chỉ là vì người quan sát không thấy được những lợi lộc và những phần thưởng ẩn phía sau những hành vi đạo đức đó.
Theo kiểu lý luận này, mọi người vẫn mãi là những con người tư lợi. Nếu họ cư xử có đạo đức thì đó không phải là vì họ tin vào nguyên tắc đạo đức mà vì hành xử theo cách đó giúp tối đa hóa lợi ích và tối
thiểu hóa hình phạt cho cá nhân họ. Ví dụ, nếu thương nhân không gian lận, ngay cả khi không có sự ràng buộc pháp lý hoặc khi không có đối thủ cạnh tranh sẵn sàng cướp đi công việc kinh doanh của họ, không có nghĩa là họ tin vào tính trung thực. Đó là bởi vì họ biết rằng danh tiếng là thương nhân trung thực mang lại cho họ nhiều khách hàng hơn. Hoặc nhiều khách du lịch cư xử rất tệ ở bên ngoài không làm như vậy ở
nhà, không phải vì đột nhiên họ trở thành người tốt khi họ trở về nhà mà bởi vì họ không còn là khách du lịch ẩn danh và do đó họ sợ bị chỉ trích hoặc xa lánh bởi những người mà họ biết và quan tâm.
Điều này chứa đựng một sự thật nào đó. Có những phần thưởng và những khen ngợi tế nhị mà không dễ
nhìn thấy ngay và mọi người hành động vì chúng. Tuy nhiên, lập luận này xét cho cùng là không đúng.
Thực tế là ngay cả khi không có những cơ chế khen thưởng và những tuyên dương tại nơi làm việc, nhiều người trong chúng ta vẫn hành xử một cách trung thực. Ví dụ, tại sao chúng ta - hoặc ít nhất là những người chạy nhanh - không bỏ chạy mà không trả tiền taxi? [15] Tài xế taxi thực sự không thể đuổi theo chúng ta quá xa vì anh ta không thể rời xe của mình quá lâu. Nếu bạn đang sống trong một thành phố lớn, hầu như bạn không có cơ hội gặp lại người tài xế taxi đó, vì vậy bạn thậm chí không cần sợ tài xế taxi đó sau này sẽ trả đũa mình. Mặc dù vậy, thật đáng chú ý rằng rất ít người bỏ chạy mà không trả tiền đi taxi.
Một ví dụ khác là trong một kỳ nghỉ ở nước ngoài, một vài người trong số các bạn có thể đã tình cở gặp một thợ sửa xe hoặc một người bán hàng rong, những người không lừa dối bạn, ngay cả khi thực sự bạn không có cách nào khen thưởng cho họ bằng cách tuyên truyền về danh tiếng làm ăn trung thực của họ -
đặc biệt càng khó hơn khi bạn thậm chí không thể đánh vần tên của gara bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc khi người phụ nữ Campuchia bán
mì rong, mà bạn không tài nào nhớ được tên, có thể không bán hàng ở cùng một địa điểm mỗi ngày.
Quan trọng hơn, trong một thế giới của các cá nhân ích kỷ, cơ chế khen thưởng/xử phạt vô hình không thể
tồn tại. Vấn đề là việc khen thưởng và trừng phạt người khác vì những hành vi của họ tốn rất nhiều thời gian và sức lực của những người khen/phạt, trong khi lợi ích từ các tiêu chuẩn hành vi đã được cải thiện chia đều cho tất cả mọi người. Trở lại với ví dụ của chúng ta ở trên, nếu bạn là một tài xế taxi muốn đuổi theo và đánh đập người khách chạy trốn, bạn có thể có nguy cơ bị phạt vì đậu xe bất hợp pháp hoặc thậm chí để taxi của bạn bị phá hỏng. Nhưng đâu là cơ hội bạn được hưởng lợi từ một tiêu chuẩn hành vi đã được cải thiện của hành khách đó, người mà bạn có thể không bao giờ gặp lại? Sẽ tốn rất nhiều thời gian và sức lực để tuyên truyền những lời tốt đẹp về gara ô tô Thổ Nhĩ Kỳ đó, nhưng tại sao bạn làm điều đó nếu bạn có thể không bao giờ trở lại khu vực đó? Vì vậy, là một cá nhân tư lợi, bạn chờ đợi một ai đó đủ ngốc nghếch để dành nhiều thời gian và sức lực của mình thực hành công lý đối với hành khách taxi bỏ chạy hoặc một gara ô tô trung thực ở một miền đất xa xôi, chứ không phải là tự bạn làm việc đó. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người đều là nhưng cá nhân tư lợi như bạn, tất cả mọi người cũng sẽ làm như bạn. Kết quả là, không ai khen thưởng, trừng phạt những người khác vì hành vi tốt hay xấu của họ. Nói cách khác, những cơ chế khen thưởng/xử phạt vô hình mà các nhà kinh tế học thị trường tự do cho rằng đã tạo ra ảo giác quang học về đạo đức chỉ có thể tồn tại bởi vì chúng ta không phải là các cá nhân ích kỷ, vô đạo đức như
những nhà kinh tế học đã nói về chúng ta.
Đạo đức không phải là một ảo ảnh quang học. Khi mọi người hành động một cách không ích kỷ - như là
không gian lận với khách hàng, làm việc chăm chỉ mặc dù không ai giám sát, hoặc chống hối lộ như một viên chức nhà nước bị trả
lương thấp - nhiều người, nếu không muốn nói là tất cả, trong số họ làm như vậy bởi vì họ thực sự tin rằng đó là một hành động đúng đắn. Các cơ chế khen thưởng và xử phạt vô hình rất quan trọng, nhưng chúng không thể giải thích được tất cả - hoặc, theo quan điểm của tôi, là phần lớn -
những hành vi không ích kỷ, nếu chỉ vì lý do đơn giản rằng chúng sẽ không tồn tại nếu chúng ta hoàn toàn ích kỷ. Trái ngược với khẳng định của bà Thatcher rằng “không có cái gọi là xã hội. Chỉ có cá nhân những người đàn ông và những người phụ nữ, và có các gia đình”, con người chưa bao giờ tồn tại như những cá nhân ích kỷ nhỏ nhoi không bị ràng buộc bởi bất cứ xã hội nào. Chúng ta được sinh ra trong xã hội với những chuẩn mực đạo đức nhất định và được dạy dỗ để khắc sâu trong tâm khảm các chuẩn mực đạo đức này.
Tất nhiên, điều này không phải là để phủ nhận rằng tính tư lợi là một trong những động cơ thúc đẩy con người quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người thực sự chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình, thế giới sẽ bị đình trệ, vì sẽ có rất nhiều gian lận trong kinh doanh và trốn việc trong sản xuất. Quan trọng hơn, nếu chúng ta thiết lập hệ thống kinh tế dựa trên giả định như vậy, hiệu quả có thể là thấp hơn, chứ
không phải là cao hơn. Nếu chúng ta đã làm điều đó, mọi người sẽ cảm thấy rằng họ không được tin tưởng như là những người có đạo đức và sẽ không hành động một cách có đạo đức, khiến cho chúng ta phải tốn một số tiền rất lớn cho việc giám sát, đánh giá và trừng phạt người vi phạm đạo đức. Nếu chúng ta giả định điều tồi tệ nhất về con người, chúng tôi sẽ nhận được điều tồi tệ nhất từ họ.
Vấn đề thứ 6: Sự ổn định kinh tế vĩ mô lớn hơn
không làm nền kinh tế thế giới ổn định hơn
Những gì họ nói với bạn
Cho đến những năm 1970, lạm phát là kẻ thù chung số một của nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải trải qua những đợt lạm phát phi mã tai hại. Ngay cả khi nó chưa đạt được mức lạm phát phi mã, sự bất
ổn định kinh tế bắt nguồn từ lạm phát cao và thay đổi bất thường đã ngăn cản đầu tư và kéo theo đó là sự tăng trưởng. May mắn thay, con rồng lạm phát đã bị tiêu diệt từ những năm 1990, nhờ vào thái độ cứng rắn hơn nhiều đối với thâm hụt ngân sách của chính phủ và sự ra đời của ngày càng nghiều các ngân hàng trung ương độc lập với chính trị, các ngân hàng được tự do tập trung vào kiểm soát lạm phát. Vì ổn định kinh tế
là cần thiết cho đầu tư dài hạn và kéo theo đó là cho tăng trưởng, việc thuần hóa con thú dữ có tên là lạm phát đã đặt nền móng cho sự thịnh vượng lâu dài.
Những điều họ không nói cho bạn biết
Lạm phát có thể đã được kiểm soát, nhưng nền kinh tế thế giới đã trở nên dễ lung lay hơn môt cách đáng kể. Lời tuyên bố hùng hồn về sự thành công của chúng ta trong việc kiểm soát biến động giá trong ba thập kỷ qua đã bỏ qua sự bất ổn bất thường được thể hiện bởi các nền kinh tế trên thế giới trong thời gian đó. Đã có một số lượng lớn các cuộc khủng hoảng tài chính, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, phá hủy cuộc sống của nhiều người qua các khoản nợ cá nhân, phá sản và thất nghiệp. Sự tập trung quá mức vào lạm phát đã làm phân tán sự chú ý của chúng ta vào vấn đề việc làm đầy đủ và tăng trưởng kinh tế
toàn diện. Vấn đề việc làm càng trở nên bất ổn định hơn qua cái tên “tính linh hoạt của thị trường lao động”, gây mất ổn định đời sống của nhiều người. Mặc dù khẳng định rằng ổn định giá cả là điều kiện tiên quyết của tăng trưởng, các chính sách nhằm làm giảm lạm phát chỉ tạo ra tình trạng tăng trưởng èo uột từ
những năm 1990, khi lạm phát được cho là đã được kiểm soát. Ðó có phải là nơi trữ tiền?
Tháng 1 năm 1923, quân đội Pháp và Bỉ xâm chiếm khu vực Ruhr của Đức, nổi tiếng nhiều than và thép.
Điều này là bởi vì, vào năm 1922, người Đức sa lầy nghiêm trọng vào việc thanh toán các khoản đền bù được yêu cầu theo Hiệp ước Versailles, hiệp ước kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất.
Tuy nhiên, nếu muốn có tiền thì Pháp và Bỉ lẽ ra phải chiếm các ngân hàng - rốt cuộc, “đó là nơi cất giữ
tiền”, như một tên cướp ngân hàng nổi tiếng của Mỹ Willie Sutton đã nói khi được hỏi lý do tại sao ông ta cướp ngân hàng - chứ không phải là một loạt các mỏ than và nhà máy thép. Tại sao họ không làm điều đó?
Đó là vì họ lo lắng về lạm phát ở Đức.
Kể từ mùa hè năm 1922, lạm phát ở Đức đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chỉ số giá sinh hoạt ( cost-of-living index) tăng mười sáu lần trong sáu tháng cuối năm 1922. Tất nhiên, lạm phát phi mã một phần do yêu cầu đền bù nặng nề của Pháp và Bỉ, nhưng một khi lạm phát bắt đầu, thì việc Pháp và Bỉ chiếm Ruhr để đảm bảo rằng họ đã được trả tiền bồi thường chiến tranh bằng hàng hoá, như than đá và thép, chứ không phải là những tờ giấy bạc vô giá trị, những đồng tiền mà giá trị của nó sẽ giảm đi nhanh chóng, là hoàn toàn hợp lý.
Họ được quyền làm như vậy. Lạm phát ở Đức đã hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát sau khi Ruhr bị chiếm đóng, với giá cả tăng lên 10 tỷ lần (vâng, là tỷ, chứ không phải là nghìn hay triệu) cho đến năm 1923, khi đồng Rentenmark, đồng tiền mới, bắt đầu được đưa vào sử dụng. Lạm phát phi mã ở Đức đã để lại những vết sẹo lớn và lâu dài nhất lên lịch sử phát triển của Đức và thế giới. Một số người đã đánh giá một cách công bằng rằng kinh nghiệm về lạm phát phi mã tạo cơ sở cho sự nổi lên của Đảng Quốc xã (Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa) bằng cách hạ uy tín của các thể chế tự do thuộc Cộng hòa Weimar.
Những người có quan điểm này lúc đó ngầm ám chỉ rằng lạm phát phi mã của Đức năm 1920 là một trong
những nguyên nhân chính của cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Đức bị tổn hại từ lạm phát phi mã nhiều đến nỗi ngân hàng Bundesbank, ngân hàng trung ương của Tây Đức sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, đã nổi tiếng với những ác cảm quá mức của mình đối với chính sách tiền tệ nới lỏng. Thậm chí sau sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu, euro, và sự xóa bỏ các ngân hàng trung ương ở các quốc gia trong khu vực Châu Âu, ảnh hưởng của Đức đã khiến cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trung thành với chính sách thắt chặt tiền tệ, ngay cả khi đối mặt với nạn thất nghiệp cao dai dẳng, mãi cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 buộc nó phải cùng với các ngân hàng trung ương khác trên khắp thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, khi nói về về hậu quả của lạm phát phi mã ở Đức là chúng ta nói về quá trình nỗ lực phấn đấu kéo dài một gần thế kỷ sau sự kiện này và ảnh hưởng đến lịch sử không chỉ của Đức, mà cả các nước khác ở Châu Âu và thế giới.
Lạm phát nguy hại như thế nào?
Đức không phải là nước duy nhất trải qua lạm phát phi mã. Theo giới báo chí tài chính, Argentina đã trở
thành một điển hình lạm phát phi mã trong thời hiện đại, nhưng tỷ lệ lạm phát cao nhất mà nước này trải qua mới chỉ khoảng 20.000%. Tệ hơn cả lạm phát ở Đức là lạm phát ở Hungary sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai và ở Zimbabwe năm 2008 trong những ngày cuối cùng của Chế độ độc tài của Tổng thống Robert Mugabe (bây giờ ông ta chia sẻ quyền lực với phe đối lập trước đây).
Lạm phát phi mã làm suy yếu các cơ sở của chủ nghĩa tư bản, bằng cách biến giá cả thị trường thành những nhiễu tạp vô nghĩa. Đỉnh điểm của lạm phát ở Hungary vào năm 1946, cứ mười năm giờ giá cả lại tăng gấp đôi, trong khi cứ 4 ngày giá cả tăng gấp đôi trong những
ngày tồi tệ nhất của lạm phát phi mã ở Đức năm 1923. Tín hiệu giá không phải là hướng dẫn tuyệt đối, như tôi đã đề cập trong cuốn sách này, nhưng sẽ
không thể có một nền kinh tế thịnh vượng khi giá cả tăng ở mức độ như vậy. Hơn nữa, lạm phát phi mã thường là kết quả hoặc nguyên nhân của các thảm họa chính trị, chẳng hạn Adolf Hitler hoặc Robert Mugabe. Lý do tại sao mọi người rất muốn tránh lạm phát phi mã là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, không phải tất cả lạm phát đều là lạm phát phi mã. Tất nhiên, có những người lo sợ rằng bất kỳ
lạm phát nào, nếu để mặc nó, đều sẽ leo thang thành lạm phát phi mã. Ví dụ, vào đầu những năm 2000, ông Masaru Hayami, thống đốc ngân hàng trung ương của Nhật Bản, từ chối nới lỏng cung tiền với lý do ông ta lo ngại về khả năng xảy ra lạm phát phi mã - mặc dù trên thực tế tại thời điểm đó đất nước này đang ở giữa giai đoạn giảm phát (giá cả giảm). Nhưng thực sự là không có bằng chứng nào cho thấy điều này là không thể tránh khỏi hay có khả năng xảy ra. Không ai cho rằng lạm phát phi mã là đáng ao ước, hoặc thậm chí là có thể chấp nhận được, nhưng nó đáng để đặt ra một câu hỏi là liệu có phải tất cả các lạm phát dù ở bất kỳ mức độ nào đều có ảnh hưởng xấu không.
Từ những năm 1980, các nhà kinh tế thị trường tự do đã thành công trong việc thuyết phục những người khác trên thế giới rằng ổn định kinh tế, mà họ định nghĩa là lạm phát rất thấp (lý tưởng nhất là bằng không), cần đạt được bằng mọi giá, vì lạm phát ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát mục tiêu mà họ đề xuất là 1 - 3%, như đề xuất của Stanley Fischer, một cựu giáo sư kinh tế học tại trường MIT và là nhà kinh tế hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 1994 đến 2001. [16]
Tuy nhiên, thực sự là không có bằng chứng rằng lạm phát ở mức thấp là có hại cho nền kinh tế. Ví dụ, ngay cả các nghiên cứu được thực hiện bởi một số nhà kinh tế học thị trường tự do, liên kết với các tổ chức như Đại học Chicago và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đều cho thấy rằng lạm phát dưới 8 - 10% không ảnh hưởng đến tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.[17] Thậm chí một số nghiên cứu khác còn đặt ra ngưỡng cao hơn - 20% hoặc thậm chí 40%. [18]
Những kinh nghiệm của từng quốc gia cũng cho rằng lạm phát khá cao là tương thích với tăng trưởng kinh tế nhanh. Trong những năm 1960 và 70, Brazil đã có tỷ lệ lạm phát trung bình là 42% nhưng là một
trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân trên đầu người đạt mức 4,5% một năm. Trong cùng thời kỳ, thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc tăng ở mức 7%
mỗi năm mặc dù tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm của nước này là gần 20%, con số thực sự cao hơn so với ở nhiều nước Mỹ Latinh tại cùng một thời điểm. [19]
Hơn nữa, có bằng chứng chỉ ra rằng chính sách chống lạm phát quá đà thực sự có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Từ năm 1996, khi Brazil - đã trải qua một giai đoạn đau thương do lạm phát tăng nhanh, mặc dù chưa ở mức lạm phát phi mã - bắt đầu kiểm soát lạm phát bằng cách tăng tỷ lệ lãi suất thực (tỷ lệ lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) lên tới một trong những mức cao nhất trên thế giới (10 - 12% mỗi năm), lạm phát của nước này đã giảm 7,1% mỗi năm nhưng sự tăng trưởng kinh tế cũng giảm theo với tốc độ
tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ còn 1,3% mỗi năm. Nam Phi cũng đã có một trải nghiệm tương tự từ năm 1994, khi nước này bắt đầu dành ưu tiên hàng đầu cho việc kiểm soát lạm phát và tăng tỷ
lệ lãi suất lên bằng với mức của Brazil đã đề cập ở trên.
Tại sao điều này lại xảy ra? Đó là do các chính sách nhằm giảm lạm phát thực sự làm giảm đầu tư và tăng trưởng kinh tế, nếu đi quá xa. Các nhà kinh tế học thị trường tự do thường cố gắng biện minh cho thái độ
rất hiếu chiến của họ đối với lạm phát bằng cách cho rằng ổn định kinh tế khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, từ đó khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong khi cố gắng thuyết phục rằng ổn định kinh tế vĩ
mô, được định nghĩa là lạm phát thấp, là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế Đông Á (Một đề xuất
"""