" 2030: Những Xu Hướng Lớn Sẽ Định Hình Thế Giới Tương Lai PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 2030: Những Xu Hướng Lớn Sẽ Định Hình Thế Giới Tương Lai PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai 2030: How Today's Biggest Trends Will Collide and Reshape the Future of Everything Tác giả: Mauro F. Guillén Dịch giả: Vũ Kiều Linh Thể loại: Non-fiction Số trang: 360 Kích thước: 15.5x23.5 cm Dạng bìa: bìa mềm - tay gập Phát hành: Phương Nam Book Nhà xuất bản: Thế Giới Năm xuất bản: 02/2022 AN INTERNATIONAL BESTSELLER • Wall Street Journal Bestseller Financial Times Best Books of 2020 • A Porchlight Book Bestseller • JP Morgan NextList 2021 selection • Yahoo Finance Favorite Business Books of 2020 THẾ GIỚI MÀ BẠN BIẾT SẮP KẾT THÚC, BẠN SẼ CHUẨN BỊ GÌ CHO NHỮNG ĐIỀU XẢY RA TIẾP THEO? Từng có lúc, thế giới phân biệt rõ rệt giữa giàu và nghèo. Dân số trẻ, tài chính đảm bảo, người lao động nhiều hơn người về hưu. Những công ty lớn không thấy nhu cầu bành trướng ra bên ngoài Mỹ và châu Âu. Một người bình thường trong xã hội phát triển chỉ cần siêng năng làm việc là sẽ có một tương lai ổn định. Đến năm 2030, thế giới đó sẽ khác: - Ông bà sẽ nhiều hơn cháu chắt - Giới trung lưu châu Á và châu Phi Hạ Sahara sẽ có dân số đông hơn Mỹ và châu Âu cộng lại - Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế toàn cầu sẽ bị điều khiển bởi nhu cầu phi-phương Tây - Nữ sẽ sở hữu tài sản nhiều hơn nam - Sẽ có nhiều robot hơn người lao động Năm 2030, không còn là một thời điểm xa xôi trong tương lai mù mịt, nó đang đến rất gần, và chúng ta cần phải gấp rút tự trang bị trước những cơ hội lẫn thách thức. Cuốn sách này sẽ hướng dẫn chúng ta nắm bắt ý nghĩa của những chuyển biến, đưa ra thông điệp lạc quan về tương lai (dù vẫn phải đối mặt với những lo lắng hiện tại); hỗ trợ chúng ta vượt qua cơn biến động mang tính lịch sử, chỉ ra điều gì cần làm và điều gì nên tránh trước những hoàn cảnh mới mẻ, lạ lùng này. Cuốn sách là bản phân tích đột phá từ một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các xu hướng toàn cầu, bao gồm cả cách Covid-19 đang đẩy nhanh tất cả những thay đổi lớn đang diễn ra cho thế giới của chúng ta. ------ “Cuốn sách táo bạo và đầy khiêu khích của Mauro Guillen sẽ khai sáng cho chúng ta lý do tại sao tỉ lệ sinh lại giảm đi, giới trung lưu thì trì trệ, tỉ lệ thất nghiệp luôn biến động, cũng như những thế lực mới đang không ngừng vươn lên.” - Adam Grant, tác giả của Originals “Từ sự chuyển đổi nhân khẩu học đến tốc độ đô thị hóa, những thay đổi trong mối quan hệ giữa giới tính và của cải, sự sụt giảm công nghệ và những điều chỉnh của nền kinh tế toàn cầu,… Mauro Guillen nhắc nhở ta về tính liên kết và những lỗ hổng của chúng ta. Và do đó, đây là một cuốn sách phải đọc, một cuốn sách mà đơn giản là ta không thể phớt lờ.” - Dambisa Moyo, tác giả của Edge of Chaos “Những thay đổi trong cách chúng ta sống và làm việc, trong chính trị và văn hóa của chúng ta, cả thời gian tồn tại của chúng ta trên trái đất này đều góp phần tạo nên những thay đổi lớn trong lịch sử nhân loại… Một cuốn sách phải đọc cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp lẫn lãnh đạo chính trị, những nhà hoạch định đô thị cùng tất cả những ai quan tâm đến tương lai.” - Richard Florida, tác giả của The Rise of the Creative Class E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. TVE-4U CÙNG ĐỌC - CÙNG CHIA SẺ! 2030: How Today’s Biggest Trends Will Collide and Reshape the Future of Everything MAURO F. GUILLÉN (30/9/1964) Mauro F. Guillén là chuyên gia xu hướng thị trường toàn cầu và là một nhà diễn giả, tư vấn uy tín cho nhiều doanh nghiệp, ông từng tốt nghiệp Xã hội học ở Đại học Yale và kinh tế học ở Tây Ban Nha. Ông đồng thời cũng là một nhà tư tưởng đáng tôn trọng, học giả và giáo viên từng đoạt giải thường tại Trường Wharton, nơi ông giữ chức giáo sư Zandman về quản lý Quốc tế và giảng dạy trong Chương trình Quản lý Nâng cao hàng đầu cùng nhiều khóa học khác cho giám đốc điều hành, MBAs và sinh viên đại học. Hiện nay, ông là Giám đốc và Hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Cambridge Judge, và là thành viên của Queen’s College tại Đại học Cambridge. Những cuốn sách đã xuất bản: The Architecture of Collapse, Global Turning Points và Emerging “Những thay đổi về cách sống, cách làm việc, về chính trị và văn hóa diễn ra trong thời gian qua trên trái đất của chúng ta đã và đang tạo nên một biến động lớn nhất trong lịch sử nhân loại… Một cuốn sách thực sự giúp chúng ta sống kiên cường trong thế giới mới này”. - Richard Florida Một vài dữ kiện và con số Nơi sản sinh cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo: Tiểu vùng Sahara châu Phi. Lý do: có 500 triệu mẫu [Anh] đất nông nghiệp phì nhiêu chưa phát triển. Kích thước Mexico: 500 triệu mẫu [Anh]. Tỷ lệ tài sản phụ nữ sở hữu trong tổng tài sản thế giới năm 2000:15% Tỷ lệ tài sản phụ nữ sở hữu trong tổng tài sản thế giới năm 2030:55% Giả sử không phải Lehman Brothers [Anh em] mà là Lehman Sisters [Chị em] thì khủng hoảng tài chính toàn cầu đã không xảy ra. Số người thiếu ăn trên thế giới năm 2017: 821 triệu người Số người thiếu ăn trên thế giới năm 2030: 200 triệu người Số người béo phì trên thế giới năm 2017: 650 triệu người Số người béo phì trên thế giới năm 2030: 1.100 triệu người Tỷ lệ người Mỹ dự kiến sẽ bị béo phì năm 2030: 50% Tỷ lệ diện tích thành thị trong tổng diện tích đất đai thế giới năm 2030: 1,1% Tỷ lệ dân số thế giới sống ở các thành phố năm 2030: 60% Tỷ lệ phát thải carbon của thành phố trong tổng lượng phát thải carbon toàn thế giới năm 2030: 87% Tỷ lệ dân số đô thị sống gần khu vực mực nước biển dâng cao năm 2030: 80% Thị trường tiêu dùng trung lưu lớn nhất hiện nay: Mỹ và Tây Âu Thị trường tiêu dùng trung lưu lớn nhất năm 2030: Trung Quốc Đến năm 2030, số người gia nhập tầng lớp trung lưu tại các thị trường mới nổi: 1 tỷ. Số người thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ hiện nay: 223 triệu người Số người thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ năm 2030: 209 triệu người. Phần giới thiệu: Thời gian đang cạn dần Người ta thường chỉ thấy những gì họ muốn thấy, và nghe những gì họ muốn nghe. - thẩm phán Taylor trong Giết con chim nhại của Harper Lee Năm 2030. Từ Paris đến Berlin, Tây Âu đang ấm lên một cách bất thường mà thời tiết nắng nóng vẫn không thấy dấu hiệu giảm nhiệt - một vấn đề báo giới quốc tế ngày càng báo động ráo riết. Rehema vừa hạ cánh xuống quê nhà Nairobi trên chuyến bay trở về từ London sau hai tuần thăm viếng người họ hàng xa. Nhìn nước Anh dưới con mắt người nhập cư, cô có cảm nhận sâu sắc về thế giới phong phú đa dạng xung quanh. Vừa sải bước ra khỏi sân bay Nairobi, cô vừa ngẫm nghĩ về sự khác biệt giữa quê hương mình với một quốc gia mà chỉ cách đây chưa đầy một thế kỷ còn là đế quốc thực dân siêu cường chiếm vị thế độc tôn trên hành tinh. Cô sửng sốt khi thấy nước Anh vẫn dùng tiền mặt, trong khi ở Kenya từ lâu đã phổ biến hình thức thanh toán trực tuyến và điện thoại đóng luôn vai trò của ví tiền. Một lúc sau, trên chiếc taxi về nhà, cô còn vui vẻ kể cho người tài xế nghe về thái độ ngạc nhiên của người Anh khi cô nói mình từng “theo học” trường trực tuyến từ khi lên sáu, cùng với hầu hết các bạn bè hàng xóm. Cách đó hàng ngàn kilomet, Angel đang chờ làm thủ tục hải quan tại sân bay JFK ở Thành phố New York. Hai tuần tới, cô sẽ bắt đầu chương trình Thạc sĩ Khoa học hai năm tại Đại học New York. Trong khi chờ đợi, cô đọc tờ New York Times số hôm nay, mở đầu với bài viết cho rằng lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, thế hệ ông bà chiếm tỷ lệ cao hơn con cháu - một thực tế hoàn toàn trái ngược với tình hình ở quê hương Philippines của cô. Bài báo cho biết hàng chục ngàn công dân Mỹ lớn tuổi sử dụng dịch vụ robot chăm sóc và cho thuê những phòng trống trong nhà để trang trải cuộc sống, nhất là kể từ khi lương hưu không còn mang lại sự an toàn tài chính mà họ từng mong đợi. Angel giở tiếp sang bài phê bình tương đối gay gắt của một phóng viên độc lập về thực trạng ở Mỹ hiện nay: Phụ nữ đang vượt mặt nam giới về tỷ lệ sở hữu tài sản, một xu hướng mà chính tác giả bài viết cũng cảm thấy lo ngại cho tương lai của nền kinh tế Mỹ. Angel có thời gian đọc gần hết tờ báo vì hàng người nước ngoài đang chờ vừa dài ngoằn ngoèo vừa di chuyển chậm. Trong khi đó, những hàng dành cho công dân và thường trú nhân đang di chuyển khá nhanh chóng. Cô nghe họ nói về chuyện người Mỹ có thể làm thủ tục hộ chiếu bằng công nghệ blockchain (chuỗi khối) thời thượng, một bước đột phá với rất nhiều lợi ích như có thể tính thuế mua hàng ở nước ngoài hay sắp xếp cho bạn một chiếc xe tự lái ngay sau khi lấy hành lý. ■ Năm 2020: “Trung Quốc sẽ dẫn đầu mọi lĩnh vực”. Đó là cụm từ khá phổ biến hiện nay. Một câu khác là Mỹ và Trung Quốc sẽ đấu đá nhau để giành vị trí thống trị toàn cầu trong tương lai không xa. Thực ra cũng có phần đúng nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh. Năm 2014, Ấn Độ đã khiến thế giới sửng sốt khi phóng thành công tàu thăm dò không gian vào quỹ đạo quay quanh sao Hỏa - trở thành quốc gia đầu tiên đạt được kỳ công ngay đợt phóng lần đầu. Từ thuở bình minh của thời đại không gian, chỉ có chưa đến một nửa vụ phóng tàu của Mỹ, Nga và châu Âu là thành công, khiến thành quả của Ấn Độ càng trở nên thực sự phi thường. Không những thế, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã làm nên lịch sử với ngân sách cực kỳ thấp là 74 triệu USD. Hiện nay, chính xác phải tốn bao nhiêu tiền để thiết lập một vệ tinh quay quanh hành tinh đỏ? Vâng, một phi vụ phóng tàu lên không gian có thể ngốn hết 450 triệu USD, và người ta phải chi mất 165 triệu USD để sản xuất bộ phim Interstellar (Hố đen tử thần) và 108 triệu USD để đưa The Martian (Người về từ sao Hỏa) ra rạp. Bạn hình dung được rồi đấy, chính xác là thế. Người Ấn Độ đơn giản đã chứng minh được họ cũng có “đúng chất” - như lời tác giả Tom Wolfe1. Họ cho thấy công nghệ đẳng cấp thế giới của mình bằng việc sản xuất hiệu quả và đúng hạn. Phóng tàu lên sao Hỏa không phải là một thành công ăn may. Thực tế, đó đã là lần thứ hai Ấn Độ vượt mặt các siêu cường quốc trên thế giới. Nhớ lại năm 2009, ngay lần đầu phóng tàu lên Mặt trăng, quốc gia này đã đưa ra những bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của nước - “rõ ràng tập trung tại các cực và có thể được hình thành bởi gió mặt trời” - theo báo cáo của tờ The Guardian. NASA phải mất 10 năm mới có thể xác nhận được phát hiện này của Ấn Độ. Hầu hết chúng ta lớn lên trong thế giới cho rằng thăm dò vũ trụ là một lĩnh vực cực kỳ đắt đỏ được khai sinh từ ý tưởng của các nhà khoa học tên lửa, được tài trợ nhiều nguồn lực to lớn từ các siêu cường quốc toàn cầu, và được triển khai bởi các phi hành gia anh hùng cùng với các chuyên gia tài năng về phóng tàu. Tính phức tạp và chi phí khủng của các vụ phóng tàu lên không gian (cùng với danh tính các quốc gia có khả năng thực hiện điều này) được xem là quá hiển nhiên. Nhưng thực tế đó giờ đã trở thành quá khứ. Ngày trước, thế giới không chỉ phân cực rõ ràng giữa các nền kinh tế thịnh vượng và lạc hậu, mà còn có rất nhiều trẻ em, số người lao động cao hơn người hưu trí, và ai cũng mong muốn sở hữu nhà xe. Các công ty không cần có tầm nhìn xa hơn châu Âu và Mỹ mà vẫn hoạt động tốt. Tiền giấy là đồng tiền pháp định cho tất cả các khoản nợ, cho khu vực công và tư. Ở trường, chúng ta được dạy cách “vận hành các trò chơi”, để khi lớn lên nghĩ rằng các quy tắc đó sẽ không hề thay đổi dù chúng ta đã có công việc đầu tiên, xây dựng gia đình, con cái trưởng thành, hay bắt đầu nghỉ hưu. Thế giới quen thuộc đó nhanh chóng biến mất khi chúng ta gặp phải một thực tế mới đầy hoang mang, do một hệ thống quy tắc mới vận hành. Chẳng mấy chốc thế giới sẽ có nhiều người già hơn người trẻ ở hầu hết các nước; thị trường trung lưu ở châu Á sẽ lớn hơn thị trường này ở Mỹ và châu Âu cộng lại; phụ nữ sẽ sở hữu nhiều tài sản hơn nam giới; và chúng ta sẽ p ụ g g thấy xung quanh nhiều robot hơn công nhân, nhiều máy tính hơn trí óc con người, nhiều thiết bị cảm biến hơn mắt người, và nhiều loại tiền hơn trong một quốc gia. Đó sẽ là thế giới năm 2030. Vài năm gần đây, tôi đã nghiên cứu về triển vọng tương lai trong 10 năm tới. Là một giáo sư của Trường Wharton2, tôi không chỉ lo lắng về tình hình kinh doanh trong tương lai mà còn về tác động của dòng thác biến động đang ào đến người lao động và tiêu dùng. Tôi đã trình bày không biết bao lần về các dữ liệu trong cuốn sách này trước nhiều đối tượng khác nhau như giám đốc điều hành, chính trị gia, quản lý cấp trung, sinh viên đại học và học sinh trung học. Tôi cũng trao đổi với hàng chục ngàn người thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và các khóa học trực tuyến. Lúc nào, họ cũng đều phản ứng với tâm trạng hoang mang, lo sợ trước tương lai tôi đã trình bày. Cuốn sách này sẽ giúp chúng ta tìm đường vượt qua cơn biến động sắp tới. Không ai biết chắc tương lai sẽ ra sao. Nếu bạn biết thì cho tôi hay - chúng ta chắc sẽ kiếm được một đống tiền. Tuy dự đoán không bao giờ là hoàn toàn chính xác nhưng chúng ta có thể xây dựng một số giả định tương đối chắc chắn về những điều có khả năng xảy ra trong thập niên tới. Chẳng hạn như, đa số thế hệ chịu tác động của các dự báo trong cuốn sách này đã được sinh ra và chúng ta có thể mô tả một số đặc điểm chung của thế hệ người tiêu dùng này dựa trên trình độ giáo dục hoặc thói quen hoạt động truyền thông xã hội của họ. Chúng ta cũng có thể tính toán với độ chính xác hợp lý về số người sống thọ đến 80, 90 tuổi. Thậm chí chúng ta có thể dự đoán một cách đáng tin cậy về tỷ lệ người cao niên sẽ cần người chăm sóc - có thể là con người hay robot. Nói đến robot, hãy tưởng tượng chúng có thể nói nhiều ngôn ngữ với các giọng khác nhau, không ngoan cố, không xin nghỉ, và cũng không lợi dụng bệnh nhân về tài chính hay điều gì khác. Chúng ta không còn nhiều thời gian. Năm 2030 không còn là một thời điểm xa xôi trong tương lai mù mịt. Nó đang đến rất gần, và chúng ta cần phải tự trang bị trước các cơ hội và thách thức. Nói một cách đơn giản, thế giới chúng ta biết hiện nay sẽ không còn nữa vào năm 2030. Đối với nhiều người, các xu hướng này không chỉ khó lường mà còn vô cùng bất ổn. Liệu đó có phải là dấu hiệu cho sự suy tàn của chúng ta? Hay thực chất đó là sự bùng nổ chứ không phải diệt vong? Cuốn sách này sẽ hướng dẫn chúng ta nắm bắt ý nghĩa của những chuyển biến, đưa ra thông điệp lạc quan về tương lai dù chúng ta vẫn phải đối mặt với những lo lắng hiện tại. Nó hỗ trợ chúng ta vượt qua cơn biến động mang tính lịch sử, chỉ ra điều gì cần làm và điều gì nên tránh trước những hoàn cảnh mới mẻ, lạ lùng này. Điều quan trọng là mỗi kết cục đều sẽ mở ra một chân trời mới tràn đầy cơ hội, nếu chúng ta dám đào sâu suy nghĩ để dự đoán các xu hướng, luôn chủ động ứng biến thay vì trốn tránh, và học cách đưa ra quyết định hiệu quả cho bản thân, con cái, vợ chồng, gia đình tương lai, công ty, v.v… Vì ai cũng sẽ bị ảnh hưởng. ■ Chúng ta nên xem sự chuyển hóa lịch sử này là một quá trình thẩm thấu từ từ, mỗi giọt thay đổi sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với thời điểm quy luật đổi thay, tức là khi đột nhiên mọi việc đều trở nên khác đi. Chúng ta hay quên rằng mỗi một thay đổi, dù nhỏ, đều trải qua quá trình tích lũy, giống như từng giọt nước dần dần sẽ lấp đầy bình, và tiếng nước nhỏ đều đều như nhắc nhở thời gian đang trôi qua. Chúng ta sẽ bị giật mình khi thấy nước đột nhiên chảy tràn. Cứ tưởng tượng năm 2030, Nam Á và Tiểu vùng Sahara châu Phi sẽ tranh nhau ngôi vị khu vực đông dân nhất thế giới. Đó là một sự biến đổi rất lớn so với thời điểm cuối thế kỷ 20, cách đây chỉ hai thập niên, khi Đông Á - bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản cùng với một số các nước khác - là khu vực đứng đầu về số dân. Đúng là trong tương lai, số trẻ sơ sinh ở các quốc gia như Kenya hay Nigeria sẽ giảm, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nước khác trên thế giới. Chưa kể, tuổi thọ dân số của các khu vực này đang được cải thiện đáng kể. Có thể bạn sẽ thắc mắc tác động của quy mô dân số làm sao lại lớn đến vậy. Nhưng cứ thử nhân số người gia tăng đó với số tiền họ có trong những năm tới, bạn sẽ thấy đến năm 2030 thị trường châu Á, thậm chí không cần tính Nhật Bản, sẽ lớn đến mức có thể chuyển trọng tâm tiêu thụ toàn cầu về phía Đông. Các công ty buộc phải đi theo xu hướng thị trường của phần thế giới này, cùng với các sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ thị hiếu người tiêu dùng châu Á. Hãy dừng một chút để suy nghĩ về điều này. Sau đó thử hình dung nếu có thêm một số xu hướng khác đan xen thì sự thể sẽ như thế nào. Tỷ lệ sinh giảm ở hầu hết các nơi trên thế giới là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nhanh chóng tiến tới một dân số già. Phần lớn nguyên nhân thay đổi về nhân khẩu học là do phụ nữ vì ngày càng có nhiều người muốn học lên cao và theo đuổi sự nghiệp (chứ không chỉ đơn thuần là việc làm) bên ngoài xã hội, do đó muốn có ít con hơn. Chẳng mấy chốc, sẽ có nhiều nữ triệu phú hơn so với nam. Sự giàu sang cũng ngày càng mang tính đô thị hơn với dân số thành phố tăng ở mức 1,5 triệu người mỗi tuần. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích đất đai thế giới nhưng các thành phố lại chứa đến 55% dân số và tiêu thụ đến 80% năng lượng (và khí thải carbon). Đó là lý do tại sao đô thị là nơi cần tập trung mọi nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các thế hệ khác nhau lại có những mong ước và khát vọng khác nhau. Thế hệ Millennials3 dù đi đầu trong nền kinh tế chia sẻ (và không màng đến sở hữu riêng), nhưng thế hệ này đang nhận được sự chú ý quá mức cần thiết. Trong thập niên tới, thế hệ chiếm tỷ lệ lớn nhất sẽ là dân số ở độ tuổi trên 60, những người hiện đang sở hữu 80% tài sản nước Mỹ và hình thành nên “thị trường đầu bạc” - lực lượng tiêu dùng lớn nhất. Các công ty dù lớn hay nhỏ đều nên chuyển một số trọng tâm sang các công dân cao tuổi nếu vẫn muốn tồn tại trong thời gian tới. Hãy xem Hình 1 thể hiện một chuỗi các thay đổi nhỏ móc nối với nhau. Nếu đứng riêng lẻ, không một thay đổi nào có thể thực sự dẫn đến biến động trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta hoàn toàn có khả năng đối phó với từng thay đổi nếu tách chúng riêng biệt. Con người rất giỏi phân tách tâm trí - một cơ chế phòng vệ tâm lý từ trong tiềm thức. Chúng ta sử dụng cơ chế nhận thức phân ly này để tự bảo vệ mình khỏi bị khó chịu, lo lắng trước quá nhiều xu hướng, sự kiện, nhận thức, hay xung đột cảm xúc. Điểm mấu chốt của cơ chế phân tách tâm trí là tách mọi việc riêng biệt với nhau để tránh bị choáng ngợp trước sự tác động cộng hưởng. Hiện tượng dân số già đi đang trở nên phổ biến ở Mỹ và Tây Âu. Trong khi đó, thế hệ trẻ hơn đang chiếm phần lớn thị phần trung lưu trong các thị trường mới nổi. Họ là lực lượng tiêu dùng rất khác biệt so với thế hệ trước đây - có nhiều đam mê khát vọng hơn chẳng hạn. Cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu, hơn bao giờ hết ngày càng có thêm phụ nữ tích lũy được nhiều của cải hơn so với nam giới dù cả hai đều có lối sống đô thị và xuất thân từ luồng di cư lên thành phố như chúng ta từng thấy trên khắp thế giới. Và đô thị cũng là nơi sinh ra hàng loạt nhà phát minh và doanh nhân có ý tưởng đột phá thế giới hiện tại bằng cải tiến và công nghệ. Công nghệ thay đổi các thói quen và lối sống cũ, hình thành cách tư duy mới và chạm đến tất cả mọi thứ - từ nhà cửa, văn phòng cho đến xe cộ hay đồ dùng cá nhân. Từ đó xuất hiện khái niệm về một loại tiền mới có thể phân phối được nhiều hơn, phi tập trung hơn, và dễ sử dụng hơn. Dù đã bắt đầu lộ diện nhưng một số xu hướng sẽ chỉ đạt đến đỉnh điểm vào khoảng năm 2030. (Tuy nhiên, tất cả các xu hướng này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn khi có một sự kiện lịch sử xảy ra, như đại dịch COVID-19 mà tôi sẽ đề cập chi tiết trong phần Lời bạt). Việc thể hiện những thay đổi diễn ra xung quanh chúng ta một cách tuyến tính như vậy chỉ để thuận tiện sắp xếp thứ tự các chương của cuốn sách này. Nhưng đó không phải là cách thế giới thực sự vận hành. Các nhà nhân chủng học và xã hội học từ lâu đã biết rằng để giảm bớt phức tạp chúng ta chia thế giới thành các phạm trù nhằm giải quyết vấn đề, phát triển chiến lược, đưa ra quyết định, và tiếp tục cuộc sống. Những phạm trù đóng vai trò như khung tham chiếu, giúp chúng ta xác định bản chất thường mơ hồ của môi trường xung quanh. Nhờ đó chúng ta cảm thấy an tâm vì mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Các công ty, tổ chức cũng làm theo cách tương tự. Họ phân tách mọi thứ. Họ chia khách hàng thành các nhóm nhỏ như “tiên phong”, “thích nghi nhanh”, “lạc hậu”. Họ phân loại sản phẩm vào các phân khúc “ngôi sao”, “bò sữa”, “chó” hay “dấu hỏi”4, tùy thuộc vào thị phần hiện tại và tiềm năng tăng trưởng tương lai. Và nhân viên sẽ được chia thành mấy dạng “hợp tác đội nhóm” hay “tham vọng” tùy vào thái độ, hành vi và tiềm năng của họ. Tuy nhiên, cơ chế phân tách sẽ khiến bạn không thấy được những khả năng mới. Tôi xin kể một ví dụ. Cuối thế kỷ 19, ngoài đèn điện, điện thoại, hay xe hơi, một trong những phát minh vĩ đại là khái niệm nghỉ hưu: Khoảng thời gian dành riêng cho sở thích và gia đình, cũng là cơ hội để ngẫm nghĩ về những gì đã đạt được. Chúng ta thừa hưởng từ thế kỷ này khái niệm về một giai đoạn riêng biệt của cuộc sống - lớn lên, đi làm, rồi nghỉ hưu - mà chúng ta hy vọng sẽ được tận hưởng. Với sự suy giảm về số lượng trẻ sơ sinh và động lực mới giữa các thế hệ, xã hội tương lai có thể phải suy nghĩ lại về cách sống truyền thống của chúng ta. Công dân cao tuổi cũng là người tiêu dùng, với lối sống đặc trưng của họ, và họ có thể thích nghi nhanh với công nghệ như thế hệ Millennials, nếu không nói là nhanh hơn. Hãy nghĩ đến công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, hay robot và tác động to lớn mà các công nghệ này sẽ mang lại cho phần cuối cuộc đời chúng ta. Những trật tự cũ có thể không còn nữa. Khác với trước đây, chúng ta có thể quay lại trường để học nhiều kỹ năng mới trước khi lìa đời. Hãy xem tiêu đề của tờ New York Times năm 2019: “Thiếu trẻ em, một ngôi trường ở Hàn Quốc nhận dạy cả những người già mù chữ”. Tôi mong chúng ta nên tránh lối suy nghĩ tuyến tính, đôi khi được gọi là tư duy “một chiều”, như trong Hình 1. Thay vào đó, tôi đề nghị chúng ta tiếp cận sự thay đổi với nhiều góc nhìn khác nhau. Nhà phát minh, nhà cố vấn Edward de Bono là người đưa ra khái niệm về tư duy đa chiều - tức cách tiếp cận “không nhằm xử lý những mảnh ghép hiện hữu mà tìm cách thay đổi những mảnh ghép đó” - nghĩa là cần đặt lại các câu hỏi và giải quyết vấn đề theo nhiều hướng. Không thể đột phá nếu không thoát ra khỏi những mô thức định sẵn, thay vào đó cần loại bỏ giả định, phá vỡ quy tắc, và để cho sự sáng tạo thăng hoa. Họa sĩ Picasso và Braque đi tiên phong trong trường phái tranh lập thể khi gạt bỏ những giả định và quy tắc phổ biến về tỷ lệ phối cảnh. Kiến trúc sư Le Corbusier đặt nền móng cho kiến trúc hiện đại bằng việc bỏ đi các bức tường để tạo nên không gian rộng mở với các cửa sổ chạy hết chiều dài mặt tiền tòa nhà, và phơi bày nét đẹp tinh tế của thép, thủy tinh, và xi măng thô mà không cần phải trang trí bên ngoài. Nhà văn Marcel Proust từng viết: “Hành trình khám phá thực sự không phải là tìm những phong cảnh mới, mà là có góc nhìn mới”. Thật vậy, tư duy đa chiều có thể phát triển hơn nhờ “tầm nhìn ngoại vi”, một khái niệm của George Day và Paul Schoemaker, các đồng nghiệp của tôi ở Trường Wharton. Rất giống với tầm nhìn của con người, các công ty và các loại hình tổ chức khác không thể hoạt động hiệu quả nếu không ý thức, hiểu rõ, và hành động tùy theo các tín hiệu yếu từ vùng bên ngoài khu vực họ đang tập trung. Hãy xem một ví dụ sau đây. Thành lập năm 1888, Kodak thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán phim máy ảnh và các sản phẩm liên quan trong suốt thế kỷ thứ 20. Đầu những năm 1990, các kỹ sư công ty đã bắt đầu ý thức về khả năng xuất hiện loại chụp hình kỹ thuật số, nhưng cấp quản lý hàng đầu vẫn tập trung nhiều hơn vào mục tiêu ngắn hạn, tin rằng mọi người sẽ tiếp tục thích ảnh giấy. Kết quả thế nào? Năm 2012, Kodak phải đệ đơn phá sản. Họ chính là nạn nhân của hiện tượng mà thẩm phán Taylor trong tác phẩm To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) của Harper Lee đã nhắc đến: “Người ta thường chỉ thấy những gì họ muốn thấy, và nghe những gì họ muốn nghe” - họ đã không thấy được những điều bất ngờ và bất thường ở vùng ngoại vi. Hãy xem Hình 2 dưới đây, thể hiện những gì đang xảy ra trên thế giới theo một cách khác. Các mũi tên lớn chỉ theo chiều kim đồng hồ xung quanh mép biểu đồ thể hiện chiều tuyến tính của chuỗi các xu hướng có liên quan; về cơ bản giống như Hình 1 nhưng được sắp xếp theo dạng vòng tròn. Thật sai lầm nếu chỉ tập trung vào các liên kết tuyến tính trên vòng tròn của biểu đồ. Mỗi xu hướng trong tám vòng tròn nhỏ đều có tương tác với bảy cái còn lại. Tôi sẽ giải thích chi tiết của mỗi tương tác đa chiều trong các chương tiếp theo, đồng thời giới thiệu cho độc giả các xu hướng đan xen và quá trình diễn ra trên toàn cầu - nhất là khi chúng hội tụ vào năm 2030. Sau đây là một ví dụ cho thấy tư duy đa chiều thể hiện qua hành động như thế nào. Airbnb cạnh tranh với các doanh nghiệp khách sạn nhưng cũng làm cho các ngân hàng mất khách. Tại sao? Một lúc nào đó, nhiều người lớn tuổi nhận ra tiền tiết kiệm của họ sẽ không đủ trang trải cho giai đoạn hưu trí. Trong khi đó, họ sở hữu một tài sản rất có giá trị: căn nhà. Thông thường có hai cách để kiếm tiền từ căn nhà mà không cần phải bán đi. Cách truyền thống là thế chấp nhà để vay ngân hàng - một phương thức không chỉ mang tiếng nợ nần mà còn phải chịu áp lực trả nợ hàng tháng. Một cách khác là thế chấp ngược5(từ bỏ tài sản chủ sở hữu), tuy nhiên với cách này về sau con cháu lại không có nhà để thừa kế. Gia nhập lực lượng Airbnb, những nhà có dư phòng có thể cho du khách thuê trong một thời hạn ngắn - dạng giao dịch linh hoạt hơn cho cả hai bên. Trường hợp họ đi du lịch hay đến thăm con cái thường xuyên thì có thể cho thuê toàn bộ ngôi nhà trong ngắn hạn. Dù cách nào, họ cũng kiếm được tiền và giữ được nhà. Airbnb sẽ không thành công đến vậy nếu không nhờ sự hội tụ của một số xu hướng: tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ dài hơn, tâm trạng lo sợ lương hưu không đủ sống, điện thoại thông minh và ứng dụng được sử dụng rộng rãi, cùng với xu thế thích cộng tác chia sẻ hơn là sở hữu. Tôi sẽ giải thích cho các bạn quá trình các xu hướng tương thuộc này diễn ra và đạt đỉnh điểm năm 2030. Thế giới mới có đầy các cơ hội cũng như nguy cơ; mỗi người, mỗi công ty và tổ chức đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng trong việc đối phó với thế giới đó. Tuy vậy, như tôi sẽ nói trong phần kết, tất cả chúng ta sẽ cần tiếp cận thế giới mới này theo một cách khác với trước đây. Các trang cuối sẽ cung cấp cho chúng ta một số nguyên tắc và cách tiếp cận, giúp nắm bắt thực tiễn mới - và thăng hoa từ những cơ hội đang đến. Hãy nhớ tất cả sẽ diễn ra trong thời đại này của chúng ta và đã đến rất gần. 1 Trẻ em cho ta biết điều gì? DÂN SỐ GIẢM, BÙNG NỔ TRẺ EM CHÂU PHI, VÀ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP TIẾP THEO Trẻ em được sinh ra không chỉ có miệng để ăn, mà còn có tay để làm. -Edwin Cannan, nhà kinh tế học, nhân khẩu học người Anh. Dân số thế giới có vẻ tăng với tốc độ kinh hoàng. Năm 1820 chỉ có 1 tỷ người trên trái đất. Một thế kỷ sau, đã có hơn 2 tỷ. Gián đoạn một thời gian ngắn sau cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ II, tỷ lệ tăng dân số quay trở lại với tốc độ ngoạn mục: 3 tỷ năm 1960, 4 tỷ năm 1975, 5 tỷ năm 1987, 6 tỷ năm 2000, và 7 tỷ năm 2010. “Kiểm soát dân số, hay chạy đua tới diệt vong?” - là tiêu đề nổi bật trên trang bìa cuốn sách gây chấn động The Population Bomb (Tạm dịch Bùng nổ dân số) xuất bản năm 1968 của các giáo sư Đại học Stanford Paul và Anne Ehrlich. Kể từ đó, các chính phủ và tổ chức xã hội lớn trên toàn thế giới phải nghiêm túc quan tâm đến hiện thực không thể tránh khỏi này: Chúng ta sẽ tràn ngập hành tinh và hủy diệt chính mình (cùng hàng triệu loài động thực vật). Tuy nhiên, đến năm 2030, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế khan hiếm trẻ sơ sinh. Trong vài thập niên tới, dân số thế giới sẽ tăng với tỷ lệ chưa đến một nửa so với tỷ lệ của những năm từ 1960 đến 1990. Ở một số quốc gia, dân số thậm chí còn giảm (vì không có nhiều người nhập cư). Một ví dụ cụ thể, kể từ đầu thập niên 1970, phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh sản trung bình có ít hơn hai con - một tỷ lệ không đủ để thay thế cho thế hệ già. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng thế. Người dân ở các quốc gia như Brazil, Canada, Thụy Điển, Trung Quốc, và Nhật Bản bắt đầu lo lắng ai sẽ chăm sóc người già và trả lương hưu. Tỷ lệ sinh ở Đông Á, châu Âu và châu Mỹ suy giảm trong khi ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á, tỷ lệ này giảm chậm, dẫn đến sự thay đổi trong thế cân bằng quyền lực kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu. Hãy xem: Hiện nay khi một trẻ sinh ra ở các nước phát triển thì có hơn chín trẻ được sinh ra ở các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi. Nói cách khác, cứ mỗi trẻ được sinh ra ở Mỹ thì có 4,4 trẻ được sinh ra ở Trung Quốc; 6,5 trẻ ở Ấn Độ và 10,2 trẻ ở châu Phi. Thêm vào đó, điều kiện dinh dưỡng và y tế ở các nước nghèo nhất thế giới ngày càng được cải thiện, làm tăng số lượng trẻ sơ sinh sống được đến tuổi trưởng thành và bước vào tuổi sinh sản. Nửa thế kỷ trước, ở các nước châu Phi như Kenya và Ghana, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ chết dưới 14 tuổi, nhưng hiện nay tỷ lệ này còn thấp hơn 1/10. Những thay đổi nhanh chóng về dân số thế giới xuất phát không chỉ từ các nước có tỷ lệ sinh cao hơn, mà còn từ các quốc gia có tuổi thọ tăng nhanh. Ví dụ, trong những năm 1950, tuổi thọ trung bình của dân số ở những nơi kém phát triển nhất thế giới thấp hơn 30 năm so với tuổi thọ ở các quốc gia phát triển nhất. Ngày nay khoảng cách này chỉ còn là 17 năm. Thời gian từ năm 1950 đến 2015, tỷ lệ tử vong ở châu Âu giảm chỉ 3% trong khi ở châu Phi giảm đến 65%. Các nước nghèo hơn đang bắt kịp xu thế tuổi thọ cao nhờ giảm tỷ lệ tử vong ở tất cả các độ tuổi. Hãy xem Hình 3 để đánh giá tác động của thay đổi nhân khẩu học đối với toàn thế giới, thể hiện qua tỷ lệ phần trăm tổng dân số các khu vực trên thế giới từ năm 1950 đến 2017 cùng với con số dự báo cho đến năm 2100 của Liên Hiệp Quốc. Tập trung vào năm 2030, ta thấy Nam Á (bao gồm cả Ấn Độ) sẽ vẫn dẫn đầu về số dân. Châu Phi trở thành khu vực dân số lớn thứ hai, trong khi Đông Á (bao gồm cả Trung Quốc) sẽ rớt xuống hạng ba. Châu Âu, từng xếp thứ hai trong thập niên 1950, nhưng sẽ rơi xuống vị trí thứ sáu, đứng sau Đông Nam Á (bao gồm Campuchia, Indonesia, Philippines, và Thái Lan, cùng với một số quốc gia khác) và châu Mỹ Latinh. Dòng di cư quốc tế có thể phần nào làm dịu bớt tác động tiêu cực của biến động lớn này vì các nước có nhiều trẻ em sẽ bù đắp cho những nơi thiếu hụt trên thế giới. Thực chất, hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, chẳng hạn trong những năm 1950 và 1960 có rất nhiều người ở khu vực Nam Âu di cư đến Bắc Âu. Tuy nhiên, thời nay, dòng di cư sẽ không đủ lớn để xoay đổi các xu hướng dân số (xem dữ liệu trong Hình 3). Tôi phải nhấn mạnh điểm này vì có vẻ quá nhiều chính phủ đang muốn tăng cường bức tường biên giới, dù là theo cách truyền thống (với gạch và vữa), hay sử dụng công nghệ laser, máy dò, hay cả hai. Nhưng ngay cả khi không tăng cường kiểm soát biên giới, tôi vẫn cho rằng dòng di cư không thể tác động quá lớn đến xu hướng dân số. Với mức độ di cư và gia tăng dân số hiện tại, Tiểu vùng Sahara châu Phi - gồm 50 quốc gia châu Phi không giáp với biển Địa Trung Hải - sẽ trở thành khu vực đông dân thứ hai trên thế giới vào năm 2030. Giả sử cứ cho là số dân di cư sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới thì cũng chỉ làm chậm dự đoán trên cho đến năm 2033. Như vậy cũng không thể làm chệch xu hướng chủ yếu dẫn đến sự thay đổi dân số thế giới hiện tại mà chỉ làm chậm lại ba năm. Phụ nữ và trẻ em điều khiển thế giới Vậy đâu là vấn đề đằng sau hiện tượng giảm sinh trên toàn cầu? Câu hỏi không dễ trả lời, dù nói chung, việc thụ thai một em bé không có gì khó với nhiều phương pháp dễ sử dụng và phổ biến. Tôi xin bắt đầu trả lời bằng câu chuyện của một trong những cụ kỵ nhà tôi ở Tây Ban Nha, người mang thai 21 lần và sinh được 19 người con. Bà sinh con đầu khi 21 tuổi và sinh con út khi đã 42. Đất nước phát triển và phụ nữ có điều kiện tốt hơn để học hành, gia đình trở nên nhỏ dần cho đến mức một phụ nữ chỉ có một hoặc hai con. Thực tế ở các nơi khác trên thế giới như châu Phi, Trung Đông và Nam Á, hàng triệu phụ nữ hiện nay vẫn có năm, mười, hoặc thậm chí nhiều con hơn trong đời. Tuy nhiên, theo thời gian, số trẻ sơ sinh trung bình trên mỗi phụ nữ ở các nước đang phát triển đang giảm dần, cũng như ở các nước phát triển con số này suy giảm mạnh kể từ hai thế hệ trước. Phụ nữ bây giờ có cơ hội tận hưởng nhiều thứ bên ngoài gia đình. Để nắm bắt cơ hội, họ chú trọng việc học hành và nhiều trường hợp muốn tiếp tục học lên cao hơn. Điều này có nghĩa họ sẽ có con chậm hơn. Sự thay đổi vai trò của người phụ nữ trong nền kinh tế nói riêng và trong xã hội nói chung chính là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hiện tượng giảm sinh trên toàn thế giới. Phụ nữ đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến những gì xảy ra trên toàn cầu. Hãy xem phụ nữ Mỹ thay đổi thứ tự ưu tiên trong đời mình nhanh chóng như thế nào. Và những năm 1950, phụ nữ Mỹ kết hôn trung bình ở tuổi 20; ở nam giới là 22 tuổi. Ngày nay con số đó là 27 cho nữ và 29 cho nam. Độ tuổi sinh con lần đầu trung bình cũng tăng thành 28 tuổi. Có sự thay đổi này phần lớn là do thời gian dành cho học hành dài hơn. Hiện nay, rất nhiều phụ nữ tốt nghiệp trung học, và không ít người tiếp tục lên đại học. Những năm 1950, có khoảng 7% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 29 có bằng đại học, chỉ bằng một nửa so với đàn ông. Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ có bằng đại học đạt gần 40%, trong khi nam giới chỉ đạt 32%. Tình trạng suy giảm ham muốn tình dục Chiều hướng tiến hóa dân số có vẻ đã thay đổi. Trong nhiều thiên niên kỷ, sự tăng trưởng dân số chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố quyết định như lương thực, chiến tranh, bệnh tật, và thiên tai. Các nhà triết học, thần học, và khoa học đã vất vả hàng thế kỷ để trả lời câu hỏi Trái đất có thể nuôi sống bao nhiêu con người. Năm 1798, nhà kinh tế học, nhân khẩu học người Anh - Đức Cha Thomas Robert Malthus, đã cảnh báo về hiện tượng mà sau này được biết đến là “bẫy Malthus” - tức xu hướng sinh sản tràn lan làm cạn kiệt nguồn sinh sống của con người. Vào thời của Malthus, dân số thế giới chưa đến 1 tỷ người (so với 7,5 tỷ người ngày nay). Ông cho rằng con người là kẻ thù xấu xa nhất của chính mình vì sinh hoạt tình dục bừa bãi. Theo ông, dân số tăng vọt sẽ dẫn đến nạn đói và bệnh tật vì nguồn cung cấp lương thực không thể theo kịp. Malthus và nhiều người cùng thời đã lo ngại đến nguy cơ tuyệt chủng của loài người do sinh sản tràn lan. Ông viết: “Với vấn nạn gia tăng dân số vượt hơn khả năng trái đất có thể nuôi sống, nhân loại sẽ phải chịu tình trạng chết yểu theo cách này hay cách khác”. Với lợi thế của hậu bối, ngày nay chúng ta có thể nói rằng Malthus đã đánh giá thấp vai trò phi thường của các phát minh cải tiến nhằm gia tăng sản lượng nông nghiệp. Ông cũng không thấy hết tiềm năng mở rộng nguồn cung lương thực thông qua thương mại quốc tế nhờ vận chuyển đường biển vừa nhanh vừa rẻ. Tuy nhiên, ông đã đúng khi nhấn mạnh dân số và thực phẩm là hai mặt của một vấn đề. Không chỉ đánh giá thấp vai trò to lớn của tiến bộ khoa học trong sản xuất và phân phối lương thực, Malthus còn hoàn toàn bỏ qua thực tế công nghệ hiện đại có thể làm suy giảm ham muốn tình dục của con người. Lý do rất đơn giản: Càng có nhiều hình thức giải trí thì người ta càng giảm sinh hoạt tình dục. Xã hội hiện đại cho chúng ta mọi loại hình giải trí, từ phát thanh, truyền hình cho đến trò chơi điện tử hay phương tiện truyền thông. Ở một số nước phát triển, kể cả Mỹ, tỷ lệ sinh hoạt tình dục đã suy giảm trong vài thập niên qua. Một nghiên cứu toàn diện được đăng trên tạp chí Archives of Sexual Behavior cho thấy “người Mỹ trưởng thành quan hệ tình dục ít hơn khoảng chín lần trong đầu thập niên 2010 so với cuối thập niên 1990”, sự suy giảm này chủ yếu xảy ra ở những cặp vợ chồng hoặc cặp đôi sống chung đã lâu. Nếu dựa trên độ tuổi, thì “những người sinh trong thập niên 1930 (Thế hệ Im lặng) sinh hoạt tình dục thường xuyên nhất, trong khi những người sinh trong thập niên 1990 (Thế hệ Millennials và iGen) lại quan hệ tình dục ít nhất” Nghiên cứu đưa ra kết luận: “Người Mỹ giảm sinh hoạt tình dục vì… số lượng cá nhân độc thân hoặc không có bạn tình ngày càng tăng, đi đôi với sự suy giảm tần suất sinh hoạt tình dục ở các cặp đôi phối ngẫu lâu dài”. Một ví dụ thú vị chứng minh tác động của giải trí đến ham muốn tình dục của chúng ta, liên quan đến một vụ mất điện. Năm 2008, trên đảo Zanzibar, ngoài khơi bờ biển Đông Phi, xảy ra một vụ mất điện cực kỳ khó chịu, kéo dài hết cả tháng. Vụ việc chỉ ảnh hưởng đến khu vực có điện lưới trên đảo; những nhà còn lại vẫn tiếp tục sử dụng máy phát điện. Đây là cơ hội hiếm có cho các nhà nghiên cứu có thể tiến hành “thử nghiệm” về hoạt động sinh sản của người dân, thông qua “nhóm thử nghiệm” bao gồm các gia đình không có điện và “nhóm đối chứng” bao gồm những hộ sử dụng máy phát điện trong tháng mất điện đó. Chín tháng sau, tỷ lệ sinh sản của nhóm thử nghiệm tăng khoảng 20%, trong khi tỷ lệ của nhóm đối chứng vẫn không đổi. Đồng tiền xoay vòng thế giới Tiền dĩ nhiên cũng đóng vai trò lớn trong quyết định sinh con của chúng ta. Năm 2018, tờ New York Times tiến hành một cuộc khảo sát để tìm hiểu lý do tại sao người Mỹ ngày càng có ít con hoặc thậm chí không có con. Bốn trong năm lý do hàng đầu có liên quan đến tiền bạc. “Tiền lương không tăng kịp với chi phí sinh hoạt, cộng với khoản vay sinh viên nên khó mà ổn định tài chính - cho dù có bằng đại học, có việc làm và hai nguồn thu nhập”, chia sẻ của anh David Carlson, 29 tuổi, có vợ cũng đi làm. Thanh niên từ các gia đình có thu nhập thấp cũng ngại có con vì họ buộc phải lựa chọn giữa xây dựng gia đình hay để dành tiền cho những điều có giá trị khác. Như trường hợp của Brittany Butler, người gốc Baton Rouge, Louisiana, cô là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Ở tuổi 22, cô ưu tiên lấy bằng thạc sĩ về công tác xã hội trước rồi trả các khoản vay sinh viên, và ổn định cuộc sống ở một nơi an toàn. Còn chuyện con cái tính sau. Trở lại những năm 1960, nhà kinh tế học Trường Đại học Chicago Gary Becker đã đưa ra luận điểm quan trọng về cơ sở quyết định sinh con của các bậc cha mẹ: Họ cân nhắc đánh đổi giữa chất lượng và số lượng con họ mong muốn. Thông thường, khi thu nhập tăng, họ có thể mua thêm một hoặc hai chiếc xe nhưng sẽ không mua hàng chục cái cho dù có nhiều tiền đến đâu. Họ cũng không mua hàng chục cái tủ lạnh hay máy giặt. Becker lý luận rằng khi thu nhập tăng cao người ta sẽ chú trọng về chất lượng thay vì số lượng; nghĩa là, họ sẽ thay những chiếc xe cũ tàn tạ bằng một chiếc sedan hoặc SUV mới hơn, lớn hơn, và sang trọng hơn. Đối với con cái, điều này có nghĩa là họ dành nhiều sự quan tâm và tiền bạc hơn cho một số ít con hơn. Ông viết: “Cân nhắc giữa số lượng và chất lượng con cái là lý do quan trọng nhất khiến các bậc phụ huynh quyết định tập trung nhiều hơn cho con khi thu nhập gia tăng”, nghĩa là khi có thêm thu nhập, họ muốn đầu tư nhiều hơn cho từng đứa để chúng có nhiều cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Luận điểm về hành vi con người của Becker đã mang lại cho ông giải Nobel Kinh tế Khoa học năm 1992. Đối với một vấn đề phức tạp như tỷ lệ sinh sản, ý tưởng của ông đã bỏ sót vai trò của sở thích cũng như các tiêu chuẩn văn hóa và giá trị, tuy nhiên ông đã khởi xướng một xu hướng xã hội quan trọng. Ngày nay, nhiều phụ huynh chú trọng đầu tư thêm thời gian và tiền bạc cho ít con hơn để chúng có được những cơ hội thành công nhất có thể, từ tiền đóng học phí đại học cho đến tham gia các hoạt động ngoại khóa. Như nhà xã hội học Trường Đại học Maryland Philip Cohen giải thích: “Chúng ta muốn đầu tư cho con nhiều hơn để chúng có những cơ hội tốt nhất khi cạnh tranh trong một môi trường ngày càng bất bình đẳng”. Theo nghĩa đó, con cái được xem như là dự án đầu tư, với giá trị hiện tại ròng (NPV) và tỷ suất hoàn vốn (ROI). Để biết các cặp vợ chồng dựa vào đâu mà quyết định sẽ có bao nhiêu con, chúng ta hãy xem số tiền họ cần chi tiêu cho mỗi đứa. Năm 2015, chính phủ liên bang tính được để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 17 tuổi, một gia đình trung bình ở Mỹ sẽ phải chi một số tiền đáng kinh ngạc là 233.610 USD, chưa kể nếu bao gồm cả học phí đại học thì số tiền đó sẽ gấp đôi. Trong máy tính xách tay, tôi có một bảng liệt kê mọi thu nhập và chi phí gia đình mỗi năm. Quả là sửng sốt khi biết một gia đình trung bình ở Mỹ có thể sẽ phải chi hơn nửa triệu đô la cho mỗi đứa con, nhất là khi chúng tốt nghiệp từ trường đại học đắt tiền. Tôi làm một bảng tính khác với các hạng mục tương tự nhưng trừ ra mọi chi phí liên quan đến con cái. Kết quả là nếu không đầu tư cho con cái ăn học, chúng ta có thể mua một chiếc xe hơi sang trọng hay một nhà nghỉ bên bờ biển. “Đại ca” chính phủ có thể tác động đến quyết định sinh con của chúng ta? Cách đây vài năm, chính phủ Singapore tiến hành một thử nghiệm nhằm nỗ lực khắc phục vấn đề đáng lo ngại là các cặp vợ chồng ở quốc đảo nhỏ nhưng giàu có này, với ¾ dân số là người Hoa, đang trì hoãn việc có con để đổi lấy “5C” (cash, car, credit card, condominium, country club) - tiền, xe, thẻ tín dụng, nhà, và tiếng tăm (chẳng hạn là thành viên các câu lạc bộ cấp quốc gia). Nhà chức trách đã viết thư cho một nhóm các cặp vợ chồng không có con, giải thích rằng đất nước cần có dân số trẻ để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế đang phát triển. Thông điệp được gửi đi kèm theo một phần thưởng hấp dẫn: kì nghỉ miễn phí tại Bali - để tạo “điều kiện” cho các cặp vợ chồng. Háo hức trước kỳ nghỉ trên bãi biển đẹp, các cặp vợ chồng hăng hái chớp lấy cơ hội. Họ đã đi nghỉ, nhưng không thực hiện được phần sau của giao dịch - chẳng có em bé nào được sinh ra ít nhất là theo một mức tối thiểu có thể làm an lòng các quan chức chính phủ. Chương trình thí điểm phải dừng lại sau chín tháng. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng từng cố gắng thay đổi xu hướng dân số bằng chính sách một con khắc nghiệt. Cuối những năm 1970, khi phải đối mặt với nền kinh tế tập thể lạc hậu và vô tổ chức, lực lượng cải cách Trung Quốc, đứng đầu là nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng Đặng Tiểu Bình, kết luận rằng dân số gia tăng nhanh chóng chỉ dẫn đến nghèo đói liên miên. Họ nghiên cứu kỹ lịch sử Trung Quốc và nhận thấy rằng: Dân số của họ tăng cùng tốc độ với Tây Âu vào giữa những năm 1500 đến 1700, nhưng lại tăng nhanh hơn rất nhiều trong thập niên 1700, một thời kỳ dài hòa bình và thịnh vượng đã cho phép sản lượng nông nghiệp tăng cao chưa từng có. Suốt thời gian đó, sản lượng lúa và lúa mì tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, và các loại cây trồng mới được lai ghép từ châu Mỹ như ngô và khoai lang càng hỗ trợ tăng năng suất. Nhờ đó, tiêu chuẩn sống ở một số vùng Trung Quốc được nâng cao, thậm chí còn sớm hơn so với Anh, nơi sản sinh ra cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Giữa những năm 1800 đến 1950, mức tăng trưởng dân số chậm lại ở hạ nguồn sông Dương Tử phần lớn là do việc trồng trọt quá mức, rối loạn chính trị, nội chiến, bên cạnh sự can thiệp và xâm lược của lực lượng nước ngoài. Nhưng sau đó, dù phải chịu nạn đói khủng khiếp do chính sách Đại nhảy vọt của thập niên 1950 và sai lầm của Cuộc Cách mạng Văn hóa thập niên 1960, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mỗi thập niên vẫn có thêm từ 120 đến 150 triệu người trong thời gian từ 1950 đến 1979. Lúc này Trung Quốc đã sắp trở thành quốc gia đầu tiên có dân số vượt quá 1 tỷ. Ông Đặng Tiểu Bình và các đồng chí quyết định nếu không hành động ngay thì nền kinh tế quốc gia sẽ đổ nát. Năm 1979, chính sách “một con” cưỡng chế đã được ban hành. Nhưng hóa ra các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thực sự không biết rằng tỷ lệ sinh đã giảm mạnh kể từ thập niên 1960, với cùng nguyên nhân như các quốc gia khác trên thế giới: quá trình đô thị hóa, phụ nữ được học hành cao hơn và tham gia vào lực lượng lao động, bên cạnh xu hướng muốn dành cho con nhiều cơ hội tốt hơn thay vì có quá nhiều con. Các nhà lập chính sách đã thiếu cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Hãy xem các con số sau: Năm 1965, tỷ lệ sinh ở vùng đô thị Trung Quốc là khoảng 6 con/phụ nữ. Đến năm 1979, khi chính sách một con bắt đầu có hiệu lực, tỷ lệ này tụt xuống còn khoảng 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn cả mức tối thiểu cần để tái tạo dân số là 2 con/phụ nữ. Trong khi đó, ở nông thôn Trung Quốc, tỷ lệ sinh khoảng 7 con/phụ nữ vào giữa những năm 1960, sau đó giảm xuống còn khoảng 3 con vào năm 1979. Suốt thời kỳ áp dụng chính sách một con, tỷ lệ sinh ở đô thị đã giảm từ 1,3 xuống 1 con, và ở nông thôn tỷ lệ này giảm từ 3 xuống 1,5 con. Trên tạp chí China Journal, các nhà nhân khẩu học phát biểu rằng “không thể quy kết nguyên nhân chính của hiện tượng giảm sinh ở Trung Quốc là do chính sách một con”. Dân số tăng trưởng chậm là do người dân phải thích ứng với hoàn cảnh biến động, chứ không phải vì các quan chức quan liêu. “Chiến dịch ‘một con’ thực chất chỉ phục vụ cho chính trị và ngụy khoa học, chứ không phải vì cần thiết, và càng không phải vì mục đích cải thiện dân số”, các chuyên gia kết luận. Năm 2015, Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn chính sách này. Liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khôi phục được mức tăng trưởng dân số? Nhà kinh tế học đạt giải Nobel Amartya Sen nhận định rằng “tư tưởng tiến bộ tác động đến phụ nữ còn mạnh hơn cả chính sách một con ở Trung Quốc”. Cơ hội tiếp cận với giáo dục và việc làm ngày càng mở rộng cho phụ nữ Trung Quốc, như vậy khó có thể tăng sinh. Để so sánh, Đài Loan và Hàn Quốc vốn không hề áp dụng chính sách tương tự nhưng tỷ lệ sinh của họ dao động trên dưới 1,1 trẻ/phụ nữ, vẫn thấp hơn mức hiện tại 1,6 của Trung Quốc. Như vậy, câu khẩu hiệu phổ biến “Phát triển kinh tế là biện pháp tránh thai tốt nhất” cũng đúng với Trung Quốc như bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Tác động lớn nhất của chính sách một con được bộc lộ ngay trong thế hệ hiện tại. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ giảm 90 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 35 và tăng 150 triệu người ở tuổi hơn 60. Quốc gia này đang trải qua quá trình lão hóa dân số quy mô lớn nhất và nhanh nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ phân tích tác động của sự thay đổi to lớn giữa các thế hệ trong Chương 2. Bên hưởng lợi bất ngờ từ chính sách “một con” của Trung Quốc Những ngày này tin tức toàn viết về thâm hụt thương mại, đánh cắp công nghệ, hay gián điệp Trung Quốc giả danh doanh nhân. “Cứ năm công ty sẽ có một công ty tuyên bố Trung Quốc đã ăn cắp tài sản trí tuệ của họ” - một tiêu đề trên tạp chí Fortune năm 2019 viết như vậy. Dường như ai cũng cho rằng Trung Quốc đang vươn tay tới Mỹ và các nước phương Tây khác, với mục tiêu vượt lên trở thành người khổng lồ toàn cầu bằng mọi giá. Rất ít các chính trị gia hay nhà báo nhận ra rằng chính sách một con của Trung Quốc đã mang lại vận may hiếm có cho người tiêu dùng Mỹ. Các nhà kinh tế với cách tư duy đa chiều đã phát hiện ra mối tương quan có thể có giữa tỷ lệ sinh và số tiền tiết kiệm. Việc bắt buộc áp dụng chính sách một con dẫn đến sự mất cân bằng về giới tính - nam nhiều hơn nữ khoảng 20% do quan niệm thích trai hơn gái. “Mất cân bằng giới tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng hôn nhân ở Trung Quốc” là một tiêu đề được đăng trên tạp chí Economist năm 2017. Tờ New York Times phụ họa: “Hàng triệu chàng trai phải cô đơn trong ngày Lễ Tình nhân ở Trung Quốc”. Thế là các bậc phụ huynh quyết định nhảy vào. “Do ‘thị trường cô dâu’ cạnh tranh căng thẳng, các gia đình có con trai phải cố gắng tiết kiệm nhiều hơn với hy vọng con mình sẽ dễ cưới được vợ hơn” - kết luận của các nhà kinh tế Shang-Jin Wei và Xiaobo Zhang sau khi phân tích kỹ lưỡng số liệu về tài sản. “Tỷ lệ giới tính nam gia tăng giữa các năm từ 1990 đến 2007 chính là yếu tố giải thích cho mức tiết kiệm tăng cao đến 60% trong cùng thời gian”. Hiện tượng này trở nên phổ biến đến mức ngoài hàng hóa, Trung Quốc còn xuất khẩu cả giá trị tiết kiệm thặng dư. Sức tiêu thụ mạnh của người Mỹ chủ yếu dựa vào nguồn tiết kiệm từ các gia đình. Nếu không có sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm tăng cao, người Mỹ có thể đã phải trả lãi suất thế chấp và vay tiêu dùng cao hơn trong hai thập niên qua. Chẳng hạn, nếu lãi suất của khoản vay thế chấp cố định 30 năm trung bình là 6% thay vì là 5% trong 20 năm qua, thì số tiền thanh toán hàng tháng sẽ phải tăng khoảng 25%, nghĩa là không còn nhiều tiền cho chi tiêu mua sắm. Như vậy giá nhà ở San Francisco chắc chắn có liên quan đến giá trà ở Trung Quốc. Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến quy mô tiêu thụ trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thử tưởng tượng người ta đã chi bao nhiêu tiền cho các loại dịch vụ hẹn hò trực tuyến khác nhau. Thị trường dịch vụ hẹn hò hiện nay có hàng trăm triệu khách hàng trên toàn thế giới với tổng doanh số khoảng 5 tỷ USD mỗi năm. Người ta đổ xô vào thị trường này để tìm người hôn phối tương lai, tìm mối quan hệ lãng mạn hay tình một đêm. Tuy nhiên, thói quen chi tiêu giữa các quốc gia có sự khác biệt rất lớn. Ở Trung Quốc chỉ có 2% người sử dụng các ứng dụng hẹn hò để tìm bạn tình, trong khi ở châu Âu và Mỹ có tới 21% người chi cho các ứng dụng như Ashley Madison, C-Date, First Affair, Victoria Milan, và Tinder. Mặt khác, dịch vụ mai mối ở Trung Quốc như Baihe hay Jiayuan chiếm đến 85% so với chỉ 40% ở châu Âu và Mỹ. Cũng dễ hiểu tại sao có sự chênh lệch này. Đàn ông Trung Quốc chú trọng tìm người phối ngẫu lâu dài (thay vì tình một đêm) vì mất cân bằng giới tính đã tạo nên sự cạnh tranh khủng hoảng trên toàn quốc. Cũng không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ Trung Quốc trở nên kén chọn hơn. Nhóm tác giả của thử nghiệm tạo hồ sơ giả của các ứng viên nam nữ trong giao diện hẹn hò lớn nhất Trung Quốc cho biết: “Đàn ông có mức thu nhập khác nhau xem hồ sơ của phụ nữ có mức thu nhập khác nhau với tỷ lệ tương đương. Nhưng ngược lại, phụ nữ có mức thu nhập khác nhau xem hồ sơ nam giới có thu nhập cao với tỷ lệ rất cao… Hồ sơ nam giới với mức thu nhập cao nhất nhận được số lần xem gấp 10 lần so với nam giới có mức thu nhập thấp nhất”. Không hiểu sao, tình trạng mất cân bằng giới tính ở các nước khác lại có chiều hướng ngược lại. Ở Nga số lượng nam thanh niên giảm sút vì rất nhiều người chết sớm, chủ yếu là do rượu bia quá đà. Tình hình càng tệ hơn ở một số vùng Siberia do thiếu trầm trọng đàn ông trong độ tuổi kết hôn, đến nỗi phụ nữ ở đây phải vận động chính phủ hợp pháp hóa chế độ đa thê. Theo Caroline Humphrey, nhà nhân chủng học của Đại học Cambridge, phụ nữ Siberia ngày càng tin rằng “thà có [đàn ông] còn hơn không” vì việc hợp thức hóa chế độ đa thê sẽ giúp họ có được người đàn ông hỗ trợ về sức lực và tài chính, con cái được hợp pháp hóa, cùng với các quyền lợi từ nhà nước”. Dĩ nhiên, giải pháp lý tưởng sẽ là trao đổi đàn ông Trung Quốc với phụ nữ Nga. Nhưng không may là tỷ lệ mất cân bằng giới tính của Trung Quốc cao gấp bảy lần so với tỷ lệ của Nga vì dân số Trung Quốc lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy mới cần ứng dụng mai mối. Gương mặt mới: bùng nổ trẻ em châu Phi Trong khi dân số châu Âu, châu Mỹ, và Đông Á đang giảm thì ở khu vực Tiểu vùng Sahara châu Phi số dân lại tăng, dù với tốc độ chậm hơn trước rất nhiều. Dân số vùng này dự kiến tăng từ 1,3 tỷ hiện nay lên 2 tỷ vào năm 2038 và 3 tỷ năm 2061. Một số người dự đoán chiến tranh ác liệt hoặc dịch bệnh tàn phá có thể biến đổi hướng phát triển nhân khẩu học châu Phi. Thực chất, xung đột vũ trang gây ra tỷ lệ tử vong lớn nhất trong lịch sử là Thế chiến thứ II, cướp đi 50 đến 80 triệu mạng sống, nhưng chẳng ảnh hưởng nhiều đến châu Phi. Cho đến nay, đại dịch AIDS khiến 36 triệu người chết trên toàn cầu, trong đó ⅔ xảy ra ở châu Phi và chủ yếu thiệt hại nhiều nhất ở các quốc gia: Nam Phi, Nigeria, Tanzania, Ethiopia, Kenya, Mozambique, Uganda, và Zimbabwe. Tuy nhiên, theo mô tả về phân bố dân số khu vực trong Hình 3, ngay tại thời điểm đỉnh dịch những năm 1980 đến 1990, đường vẽ dân số châu Phi hầu như không thay đổi. Như vậy, chỉ có một cuộc chiến tranh lớn hay đại dịch cướp đi hàng trăm triệu mạng sống, mới có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng trưởng nhân khẩu học của lục địa này so với các khu vực khác trên thế giới. Có thể bạn nghĩ châu Phi không đủ diện tích cho số dân dự kiến đó, nhưng hãy xem thực chất châu Phi rộng lớn đến mức nào. Bản đồ thế giới trong các sách giáo khoa không mô tả hết độ lớn thực sự của Bắc bán cầu. Hình 4 cho thấy diện tích của châu Phi có độ lớn tương đương tổng diện tích của Trung Quốc, Ấn Độ, Tây và Đông Âu, Mỹ, và Nhật Bản cộng lại. Đó là chưa kể vùng sa mạc rộng lớn không có người ở châu Phi. Các quốc gia khác (ngoại trừ Nhật Bản) cũng vậy. Ngay cả châu Âu cũng có sa mạc - bộ phim nổi tiếng Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập) được quay không phải ở bán đảo Ả Rập mà chủ yếu ở miền Nam Tây Ban Nha. Ngoài sa mạc châu Phi bao la, lục địa này còn có diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nhất hành tinh, dù chưa được phát triển. Với diện tích rộng lớn của châu Phi, có vẻ chúng ta không phải lo về vấn đề thiếu chỗ ở. Lục địa này hiện có 1,3 tỷ người, trong khi các quốc gia khác trên bản đồ (Hình 4) có tổng dân số hơn 3,5 tỷ. Hiện nay, mật độ dân số trên mỗi dặm vuông ở châu Á cao gấp ba lần và châu Âu cao gấp bốn lần châu Phi. Việc gia tăng dân số của châu Phi tạo ra một số vấn đề hóc búa. Lục địa này là điểm nóng xung đột về tôn giáo và sắc tộc. Nhiều thập niên qua, các cuộc nội chiến suốt thời Chiến tranh Lạnh đã tàn phá cơ sở hạ tầng nơi đây. Cụ thể là các thể chế chính trị xã hội - từ cơ cấu chính phủ cho đến từ pháp dân sự - đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc không có điều kiện phát triển, khiến vai trò nhà nước hoàn toàn thất bại. Khoảng một nửa trong số 54 quốc gia có chủ quyền ở châu Phi đang bị bủa vây trong sự hỗn loạn chính trị, vô chính phủ và vô luật pháp. Nhiều người ở nông thôn vì muốn tránh xung đột và bạo lực đã di cư lên thành phố và ra nước ngoài, chủ yếu là đến các nước châu Âu, không chỉ gây nguy hiểm cho sự an toàn của cá nhân mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế. Như vậy, dù tồn tại một số nguy cơ, nhưng tiềm năng thu được từ dân số đang tăng lên của châu Phi vẫn rất lớn. Với lượng dân số ngày càng đông, châu Phi sẽ không còn bị phớt lờ. Dù theo chiều hướng tốt hay xấu, tương lai của lục địa này sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Nếu thuận lợi, châu Phi sẽ là nguồn lực dồi dào, mang lại lợi ích lớn lao cho thế giới. Nếu bất lợi, thì hậu quả sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn cầu. Sự thay đổi dân số không phải do định mệnh nhưng chắc chắn có tác động đến số phận của chúng ta. Lương thực cho dân số châu Phi - Một cơ hội lớn Nhiều người vẫn nghĩ rằng cơ hội kinh doanh lớn nhất chủ yếu nằm trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng các nền tảng hay ứng dụng công nghệ. Hãy có góc nhìn đa chiều về vấn đề tăng trưởng dân số châu Phi. Theo Ngân hàng thế giới, nông nghiệp châu Phi sẽ trở thành khu vực đáng giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, một mỏ vàng đang được hình thành và có tiềm năng biến đổi toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tương lai trẻ em châu Phi, chủ yếu được sinh ra ở nông thôn, sẽ gắn liền với quá trình chuyển hóa này của ngành nông nghiệp. Tuy có diện tích rất lớn và nguồn nước dồi dào, nhưng lục địa này hiện đang nhập siêu về lương thực. Các ngành công nghiệp khai thác như ca cao, dầu, và khoáng sản vẫn đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế quốc gia bao lâu nay, tuy nhiên trong tương lai gần châu Phi sẽ chủ yếu phát triển nhờ sự lớn mạnh của ngành nông nghiệp và các ngành sản xuất liên quan, cùng với dịch vụ cung cấp lương thực thực phẩm cho số dân ngày càng tăng của lục địa. Ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với hai thách thức: tận dụng trồng trọt hết 500 triệu mẫu đất - tương đương với diện tích Mexico - và cải thiện năng suất trên diện rộng. Châu Phi sắp chứng kiến một cuộc cách mạng kép về nông nghiệp và công nghiệp như ở châu Âu, châu Mỹ, và Đông Á các thế kỷ trước. Hãy hình dung những lợi ích có được từ quá trình vận động tích cực của ngành nông nghiệp ngày càng mở rộng. Nông dân sẽ cần nguyên liệu tốt hơn như hạt giống, phân bón để tăng năng suất và tận hưởng mức sống cao hơn. Theo đó sẽ xuất hiện các công việc hỗ trợ cho ngành trồng trọt ở nông thôn, như sửa chữa máy kéo và các thiết bị khác. Khi sản lượng nông nghiệp từ mức đủ sống tăng trưởng mạnh nhờ năng suất cao thì phần thặng dư sẽ được chuyển đến các thành phố đang phát triển, giúp giảm lượng thực phẩm nhập khẩu. Việc chuyển từ hình thức thực phẩm cơ bản sang các sản phẩm chế biến sẵn, như bánh ngọt hay trái cây đóng hộp, sẽ tạo ra nhiều công việc hơn cho hàng chục triệu người trên khắp lục địa, từ đó làm phát triển ngành chế biến cùng với ngành dịch vụ phân phối, buôn bán các hàng hóa này cho dân thành thị. Đây chính là cuộc cách mạng nông nghiệp - công nghiệp châu Phi trong tương lai không xa. Để biến tiềm năng này thành hiện thực, nhiều tổ chức và công ty đang đưa các sáng kiến và ứng dụng mới vào ngành nông nghiệp châu Phi. Chẳng hạn, Quỹ Công nghệ Nông nghiệp châu Phi đã giới thiệu đến các nông dân cách kiểm tra chất lượng đất và kỹ thuật lựa hạt giống. Theo nhân viên thực địa của Quỹ thì “một số nông dân xem thường lời khuyên nên chuẩn bị đất tốt, dùng hạt giống phù hợp và sử dụng phân bón để có thể thu hoạch gấp mười lần. Đó là chuyện họ chưa từng nghe bao giờ”. Thế nhưng, hãy xem câu chuyện về Samuel Owiti Awino. Trang trại của ông ở vùng hồ Victoria, Kenya luôn phải chịu những cơn mưa thất thường và cỏ dại phá hoại mùa màng. Ông tuyệt vọng tìm mọi phương cách để thu hoạch đủ nuôi gia đình và bán một chút dư ra chợ. “Khi bị bệnh mà không biết mình bị bệnh gì, ta sẽ ‘vái tứ phương’ hy vọng may ra có thuốc chữa”, ông nói. “Tôi đã trồng trọt như vậy trong một thời gian khá dài”. Thế nên Awino quá sửng sốt khi ruộng ngô thử nghiệm đạt năng suất gấp hai lần ruộng ngô tốt nhất của ông. Trái với những lời chê bai về “bùng nổ dân số”, thực chất nhân khẩu tăng có thể tạo động lực phát triển cho nông nghiệp châu Phi, từ đó mang lại công ăn việc làm và thúc đẩy các hoạt động kinh tế liên quan, không chỉ ở châu Phi mà cả những nơi khác trên thế giới. Những cải tiến trong xử lý đất, thủy lợi, và phân phối có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn. Con đường tương lai của châu Phi phụ thuộc vào quá trình chuyển hóa những người nông dân chỉ canh tác đủ sống như Awino thành những nhà nông giỏi giang. Bùng nổ dân số châu Phi có thể trở thành một cơ hội phát triển là nhờ vào việc trồng trọt, thu hoạch, và chế biến một loại cây phi thường là khoai mì (sắn). Loại cây lấy củ này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khả năng chịu hạn cao, có thể thu hoạch linh hoạt bất kỳ lúc nào trong đợt trồng 18 tháng, và cần phải có lao động thủ công để trồng, do đó tạo ra nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Đối với các nước đang phát triển, khoai mì là nguồn tinh bột chính thứ ba sau gạo và ngô. Hiện nay loại củ này chủ yếu được sử dụng để sản xuất bột và bia. Tiểu vùng Sahara châu Phi có ít nhất 300 triệu người vẫn dùng khoai mì trong chế độ ăn uống hàng ngày. Ngoài ra, khoai mì không chứa gluten và có lượng đường thấp hơn so với lúa mì, nên đó là một lựa chọn lành mạnh để thay thế ngũ cốc và là nguồn tinh bột tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường. Khi sản lượng khoai mì tăng cao, một phần sẽ được chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn - bổ sung vào danh sách hàng xuất khẩu như nguyên liệu làm ván ép; chất độn cho nhiều loại dược phẩm, bao gồm các loại thuốc uống, thuốc viên nén và kem; ngoài ra còn có thể chế thành nhiên liệu sinh học. Để hiện thực hóa tiềm năng to lớn của ngành sản xuất khoai mì cần phải có chuyên môn và trang thiết bị. Ở trung tâm Zambia, Celestina Mumba dành nhiều thời gian giảng giải phương pháp cải thiện năng suất cho nông dân trồng khoai mì bằng các kỹ thuật đơn giản như chọn giống và chia luống. Cô đã trở thành chuyên gia về các kỹ thuật này và giờ đây dành hầu hết thời gian của mình để giúp các nông dân khác sử dụng những phương pháp tốt nhất hiện có. Cách đó hơn 2.000km ở Nigeria, Pastor Felix Afolabi thành lập công ty Afolabi Agro Divine Ventures để hướng dẫn các nông dân trẻ trồng khoai mì, đồng thời mua về các công cụ cày bừa, máy tưới, máy trồng, máy đào gốc, máy kéo và máy ủi để trang bị cho nền nông nghiệp Nigeria. Các doanh nhân - nông dân như Mumba và Afolabi là những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng nông nghiệp - công nghiệp của châu Phi. Bên cạnh nhiều nguồn nhân lực, công nghệ, và tài chính có sẵn trong nước để phát triển ngành sản xuất khoai mì khắp Tiểu vùng Sahara châu Phi, các công ty nước ngoài và tổ chức phi lợi nhuận cũng có những đóng góp quan trọng. Do có hàm lượng nước cao, khoai mì cần phải được xử lý trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi thu hoạch, vì vậy cần có sẵn các thiết bị ở gần nơi trồng trọt. Công ty Thương mại và Phát triển Nông nghiệp Hà Lan (DADTCO), một doanh nghiệp xã hội nhắm đến hỗ trợ các hộ nghèo bằng cách cung cấp cho các trang trại nhỏ châu Phi những chiếc xe tải chứa máy chế biến, máy lọc và máy sấy để có thể di chuyển từ làng này sang làng khác. Có thể bắt đầu thu hoạch ngay sau khi cố định thiết bị di động này. Chẳng mấy chốc, các nông dân hay các doanh nhân địa phương đã có thể sử dụng những nguồn lực này để tự chế biến thực phẩm. Trong tương lai gần, quy mô sản xuất khoai mì mở rộng sẽ có thể mang lại việc làm cho lượng trẻ em nông thôn ngày nay. Giả sử nếu châu Phi trở thành một thế lực mạnh trong ngành công nghiệp bia toàn cầu thì sao? Một số các công ty lớn nhất thế giới như SABMiller và Diageo, đang tìm nguồn cung ứng nguyên liệu khoai mì để sản xuất bia, từ đó có thể giảm chi phí sản xuất thành phẩm, đồng thời châu Phi cũng bớt phụ thuộc vào lượng nhập khẩu nước ngoài đắt đỏ. Nếu loại bia sản xuất từ khoai mì cho thấy hiệu quả về chi phí và thân thiện với môi trường, thì bia châu Phi sẽ nhanh chóng xuất hiện ở các quán rượu bia với giá thành không thể bỏ qua. Hãy cẩn thận đấy, Anheuser-Busch6! Trảng cỏ Silicon Bên cạnh cuộc cách mạng nông nghiệp - công nghiệp sắp tới, châu Phi còn có bước tiến nhảy vọt trong thế kỷ 21 nhanh hơn bất kỳ ai về lĩnh vực công nghệ di động viễn thông. Và bước chuyển hóa này đã thay đổi cuộc sống trên khắp lục địa. Hãy xem tờ Irish Times kể về câu chuyện của Naomi Wanjiru Nganga, một phụ nữ sống ở khu ổ chuột Korogocho của Nairobi. Cô chỉ mới 34 tuổi nhưng sức khỏe đã yếu, lại còn phải nuôi bốn đứa con bằng cách thu lượm ve chai rồi đem bán. Thứ đồ công nghệ duy nhất mà cô có là chiếc điện thoại di động loại đơn giản, dùng để liên lạc, cũng như để chuyển tiền và nhận tiền, trong đó có khoản tiền trợ cấp hàng tháng từ tổ chức từ thiện Alien. Hệ thống mạng di động phát triển mang lại rất nhiều lợi ích cho cô. Một thập niên trước, Kenya đã khiến thế giới ngạc nhiên khi đi đầu trong lĩnh vực thanh toán di động, với ¾ dân số sử dụng thường xuyên. Chẳng có gì bất ngờ khi giờ đây Nairobi được mệnh danh là “Trảng cỏ Silicon”. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng nếu muốn nhìn ra thế giới năm 2030 thì phải du lịch đến châu Phi. Công nghệ di động được chứng minh đặc biệt hữu ích trong lĩnh vực y tế. Như ở Kenya chẳng hạn, đa số người nông thôn phải đi xe buýt mất ít nhất một giờ mới tới được phòng khám hay cơ sở y tế. Để giải quyết vấn đề về khoảng cách, nhiều dịch vụ di động đã được đưa vào sử dụng, từ các đường dây nóng y tế và các công cụ chẩn đoán sớm cho đến công tác truyền thông, nhắc nhở dùng thuốc và theo dõi bệnh nhân. Đến nay, 90% dân số đã có điện thoại di động. Hồ sơ người dùng điện thoại ở Kenya thực tế còn đầy đủ hơn so với dữ liệu điều tra dân số. Cơ quan chính phủ đã sử dụng dữ liệu điện thoại di động thay vì danh sách nhân viên, học sinh để xây dựng kế hoạch chính sách y tế và phạm vi thực hiện. Như nhiều quốc gia dù giàu hay nghèo khác, Kenya phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế giỏi, trong khi chi phí leo thang và nhu cầu tăng vọt. Đã có hàng trăm dự án và chương trình y tế điện tử (e-health) mang đến nhiều lợi ích cho lượng dân số nông thôn ngày càng tăng. Mô hình sử dụng công nghệ viễn thông di động trong chăm sóc sức khỏe, như ở Kenya, có thể là giải pháp giúp tiếp cận y tế một cách hiệu quả và toàn diện mà các quốc gia khác nên làm theo - kể cả một quốc gia như Mỹ, nơi chăm sóc y tế luôn là chủ đề nóng của giới chính trị và chi phí y tế ngày càng tăng qua mỗi năm. Lo lắng và bức xúc về vấn đề di cư Đến năm 2030 dân số toàn cầu sẽ phân bố theo cách rất khác với hiện tại, trong đó mật độ tập trung cao hơn ở châu Phi và Nam Á. Dù số lượng di dân từ nước này sang nước khác có thể biến động, nhưng lý do thì không đổi: Di cư sẽ diễn ra khi lượng trẻ em chênh lệch quá lớn giữa các khu vực trên thế giới, hoặc khi có các cuộc khủng hoảng như nội chiến, bất ổn chính trị, nạn đói, tình trạng kinh tế khẩn cấp, hay thiên tai. Gần đây, di cư quốc tế bị xem như một cơn “lũ” cần phải ngăn chặn. Các nhà lãnh đạo chính trị đang kêu gọi tăng cường bức tường biên giới. Các quốc gia đang rút khỏi các hiệp định thương mại và tổ chức kinh tế/chính trị như Liên minh châu Âu. Người dân diễu hành trên đường phố với những khẩu hiệu tẩy chay người nhập cư. Nhưng nếu nỗi lo sợ rằng người nhập cư giành mất công ăn việc làm và tiêu tốn nguồn lực chính phủ là hoàn toàn sai lầm và thiển cận thì sao? Nhiều người thường nghĩ rằng lực lượng di dân chiếm chỗ và cướp mất việc làm tốt của công nhân nhà máy. Thực chất, đa số người nhập cư không cạnh tranh với dân địa phương về công việc, theo kết luận của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật, và Y học Quốc gia Mỹ trong một số báo cáo quan trọng. Lý do là vì hầu hết các di dân đều là người có kỹ năng rất cao hoặc rất thấp, nên khó tìm được công việc tốt ở quê hương. Ngược lại, đồng bào của họ với kỹ năng bậc trung - chẳng hạn như thợ máy hay công nhân có tay nghề - lại có rất nhiều cơ hội việc làm tại quê nhà, vì thế không có xu hướng muốn di cư. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu vẫn còn rất nhiều công việc kỹ năng thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nhằm phục vụ cho nhu cầu của người lao động có tay nghề cao. Trong khi đó, đa số các trường hợp mất việc xảy ra với các công nhân có kỹ năng bậc trung trong ngành sản xuất ở các nước phát triển, vì công việc của họ tương đối đơn giản và sẽ kinh tế hơn nếu thay bằng tự động hóa. Các nước giàu sẽ có lợi nhất về mặt kinh tế khi sử dụng công nghệ thay thế các công việc đòi hỏi kỹ năng bậc trung, vì chi phí tự động hóa vẫn thấp hơn tiền lương và máy móc có thể xử lý các công việc tương đối dễ dàng (như chúng ta sẽ thấy trong Chương 6). Như vậy, nỗi lo lắng và tức giận vì mất việc làm phải nhắm vào đổi mới công nghệ, chứ không phải người nhập cư. Đồng nghiệp của tôi ở Trường Wharton, Britta Glennon phát hiện thấy việc hạn chế số lượng thị thực cho các nhà khoa học và kỹ sư thực chất lại gây hại đến công ăn việc làm ở Mỹ vì các công ty phải chuyển phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) ra nước ngoài để tiếp cận nguồn nhân tài. Những kẻ hưởng lợi lớn nhất từ chính sách siết chặt nhập cư là ai? Chính là Trung Quốc, Ấn Độ, và Canada - điểm đến của các hoạt động R&D. Khi phân tích số liệu thống kê trình độ học vấn của người lao động ngoại quốc tại Mỹ, chúng tôi thấy người nhập cư không hề cạnh tranh việc làm với người Mỹ. Khoảng 42% tổng số công nhân bỏ học trung học là người nhập cư, trong số những người có bằng tiến sĩ, 29% là người sinh ra ở nước ngoài. Ngược lại, chỉ có 15% người tốt nghiệp trung học, 10% người học đại học nhưng không có bằng và 14% người có bằng cử nhân là người nhập cư. Trong khi đó, Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết số lượng công việc quản lý và kỹ thuật tay nghề cao đã tăng lên, còn số lượng lao động chân tay và công việc văn phòng với trình độ bậc trung lại giảm mạnh - do quá trình tự động hóa. Nếu đi sâu phân tích dữ liệu các ngành nghề cụ thể, chúng ta sẽ có thêm nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết người nhập cư không cạnh tranh việc làm với người bản xứ. Theo Viện Chính sách Đô thị, ba nhóm nghề hàng đầu của người nhập cư vào Mỹ mà không có bằng trung học là giúp việc và quản gia, đầu bếp và lao động nông nghiệp. Trong khi đó, người lao động bản xứ chưa tốt nghiệp trung học chủ yếu làm các công việc như thu ngân, tài xế xe tải và các phương tiện chuyên chở khác, và nhân viên vệ sinh. Rất ít trường hợp cạnh tranh việc làm trực tiếp giữa người nhập cư và người bản xứ. Dòng người di cư sẽ giúp khắc phục những vấn đề về lão hóa dân số. Liên Hiệp Quốc gọi đó là “lực lượng di cư thay thế”. Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy khi Thế hệ bùng nổ dân số7 nghỉ hưu, nền kinh tế Mỹ sẽ cần nhiều người nhập cư hơn để đáp ứng nhu cầu cho hàng chục hạng mục nghề nghiệp, từ trợ lý y tá, chăm sóc y tế tại nhà cho đến công nhân xây dựng, đầu bếp và nhân viên phát triển phần mềm. Đến năm 2030, hơn một nửa các công việc này cũng như một số công việc khác ở Mỹ sẽ do lực lượng lao động sinh ra ở nước ngoài đảm nhiệm. Có một cách khác để đánh giá liệu người nhập cư có làm suy yếu tình trạng kinh tế của người bản xứ hay không - hãy xem xét vấn đề thu nhập. Tiền lương của người bản xứ lẽ ra phải giảm nếu người nhập cư cạnh tranh ở cùng loại công việc. Sau khi phân tích bằng chứng kỹ càng, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ kết luận rằng “tác động của việc nhập cư đối với mức lương tổng thể của người bản xứ có thể rất nhỏ và gần như bằng không”. Quan trọng hơn, đa số các nghiên cứu đều cho thấy “những tác động tiêu cực đối với các nhóm thiệt thòi [như dân tộc thiểu số] và với thế hệ người nhập cư thời trước sẽ lớn hơn đối với người bản xứ nói chung”. Điều này có thể giải thích cho nghịch lý tại sao một tỷ lệ đáng kể người mới nhập cư vào châu Âu và Mỹ lại bỏ phiếu cho các ứng cử viên chống đối vấn đề di cư. Rõ ràng, nhóm người bản xứ chịu tác động lớn nhất từ luồng di dân là những người bỏ học trung học, do đó họ thường ủng hộ các biện pháp kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn, một vấn đề lớn trong các cuộc bầu cử hiện nay. Mặc dù bằng chứng cho thấy người nhập cư không cạnh tranh việc làm với người bản xứ, nhưng dòng di dân vẫn có thể gây ra một khoản thất thoát cho quốc gia nhập cư nếu những người mới đến được hưởng các dịch vụ phúc lợi của chính phủ một cách bất tương xứng. Trên thực tế, dân nhập cư vào châu Âu và Mỹ bị ác cảm chủ yếu vì họ bị cho là gánh nặng tài chính khi hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội nhiều hơn so với những gì họ đóng góp. Một lần nữa, chúng ta lại có bằng chứng phản biện lại suy nghĩ truyền thống này. Khoảng 72% tổng số người nhập cư quốc tế trên thế giới đang trong độ tuổi lao động, so với 58% của tổng dân số. Theo một nghiên cứu uy tín của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người nhập cư chiếm 47% trong tổng lượng lao động tăng thêm ở Mỹ và 70% ở châu Âu kể từ năm 1990, và họ thường đóng nhiều thuế hơn so với lợi ích mà họ nhận được từ các chương trình của chính phủ. Viện Hàn lâm Quốc gia cho biết: “Dù ở lứa tuổi nào, các thành viên trưởng thành thuộc thế hệ thứ hai [của người nhập cư] cũng mang lại hiệu quả tài chính tích cực cho mọi cấp chính phủ hơn là những người trưởng thành thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thứ ba”. Từ năm 1994 đến 2013, tỷ lệ thuế trên phúc lợi “tăng lên đối với cả nhóm thế hệ thứ nhất lẫn thứ hai” cho thấy dần dần người nhập cư ngày càng có nhiều đóng góp tài chính thông qua tiền lương và thuế thu nhập hơn là số phúc lợi họ nhận được từ các chương trình của chính phủ. Cần lưu ý rằng tác động tài chính của người nhập cư - trong điều kiện hầu hết đều trong độ tuổi lao động - xảy ra tích cực ở cấp liên bang hơn là cấp tiểu bang và địa phương, nơi con cái họ được học hành. Viện Hàn lâm Quốc gia kết luận “một người nhập cư và một người bản xứ với cùng đặc điểm [như tuổi tác, học vấn, thu nhập] sẽ có thể tạo ra tác động tài chính như nhau”. Người nhập cư không giành mất việc mà tạo ra công việc Google, Intel, eBay, Facebook, Linkedln và Tesla có hai điểm chung: Đều là các công ty chuyển hóa nền kinh tế Mỹ và được người nhập cư sáng lập hoặc đồng sáng lập. Nền kinh tế toàn cầu sẽ khác đi nếu không có họ. Khoảng 23% các công ty công nghệ cao ở Mỹ là do người nhập cư thành lập và tỷ lệ này còn cao hơn đáng kể ở một số tiểu bang - 40% ở California, 42% ở Massachusetts và 45% ở New Jersey, theo Quỹ Kauffman và Viện Kinh tế Hội đồng Vùng Vịnh. Tính đến năm 2016, người nhập cư đã sáng lập 44 trong số 87 “kỳ lân” Mỹ - tức các công ty tư nhân có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên - theo báo cáo của Quỹ Chính sách Quốc gia Mỹ, một tổ chức nghiên cứu độc lập. 23 trong số 44 doanh nhân sáng lập các công ty đó ban đầu đến Mỹ để học đại học hoặc sau đại học, chủ yếu là từ Ấn Độ, Canada, Vương quốc Anh, Đức và Israel. Như trường hợp của David Hindawi, sinh ra ở Baghdad năm 1944 trong một gia đình Iraq Do Thái. Năm 1951, cha mẹ đưa ông đến Israel và ông phục vụ cho lực lượng không quân tại đây. Năm 1970, ông sang Mỹ học bằng tiến sĩ tại Đại học California ở Berkeley. Năm 2007, David cùng với con trai Orion sáng lập Tanium, một công ty an ninh mạng sau này phát triển mạnh với số lượng nhân viên là 500 người. Người nhập cư mang lại lợi ích cho nền kinh tế vì họ có khuynh hướng muốn trở thành doanh nhân nhiều hơn. Theo một báo cáo toàn diện từ Viện Hàn lâm Quốc gia,“người nhập cư sáng tạo hơn người bản xứ”, thể hiện qua số lượng bằng sáng chế chẳng hạn. Nghiên cứu kết luận rằng “người nhập cư có nhiều sáng tạo đổi mới hơn người bản xứ không phải do khả năng bẩm sinh giỏi hơn mà vì họ thực sự tập trung vào các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật”. Nhà đồng sáng lập Linkedln, Reid Hoffman, viết trên tờ Washington Post năm 2013 rằng: “Di cư cũng là một dạng kinh doanh. Bạn bỏ lại mọi thứ quen thuộc để bắt đầu cái mới ở một nơi nào đó. Để thành công, bạn cần xây dựng các liên minh và phát triển các kỹ năng. Bạn sẽ phải tùy cơ ứng biến tùy trường hợp. Đó chính là sự định vị vững chắc”. Ngoài kinh doanh, người nhập cư còn đóng góp đáng kể vào lĩnh vực y tế tại Mỹ. Theo một nghiên cứu năm 2016 của Đại học George Mason, người nhập cư chiếm khoảng 13% toàn dân số Mỹ nhưng trong đó có 28% là bác sĩ; 22% là nhân viên điều dưỡng, bác sĩ tâm lý và y tá chăm sóc tại nhà; cùng với 15% là y tá được cấp phép. Họ chiếm hơn một nửa số nhà khoa học y tế làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Lý do chủ yếu giải thích cho tỷ lệ phần trăm này là đa số người nhập cư đã được đào tạo về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại quê nhà. Người ngoại quốc có bằng cấp vẫn cần phải nâng cao kỹ năng trước khi làm việc tại Mỹ vì ở đây đặt ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp cao hơn, dù vậy Mỹ vẫn không có đủ nhân lực y tế trình độ cao. Rõ ràng, lực lượng y tế nhập cư không hề cạnh tranh việc làm với người Mỹ. Một thước đo hữu ích khác là số người đoạt giải Nobel về khoa học. Trong số 85 công dân Mỹ giành được các giải thưởng về hóa học, vật lý, sinh lý học và y học kể từ năm 2000 thì có 33 người là được sinh ra ở nước ngoài, chiếm gần 40%. Nếu Mỹ muốn duy trì vị thế quốc gia đổi mới nhất thế giới thì cần ghi nhận vai trò của người nhập cư, nhất là khi nền kinh tế dựa vào tri thức vẫn không ngừng phát triển. Trong một báo cáo năm 1997, Viện Hàn lâm Quốc gia đưa ra kết luận rằng nhìn chung tác động của người nhập cư đối với nền kinh tế Mỹ là tích cực. Báo cáo năm 2017 của tổ chức này ghi nhận nếu không có người nhập cư vào Mỹ,“rõ ràng GDP sẽ thấp hơn nhiều và có lẽ GDP bình quân đầu người cũng vậy - phần lớn là vì Mỹ sẽ có dân số già hơn, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động thấp hơn đáng kể”. Nhờ có người nhập cư, giá “dịch vụ chăm sóc trẻ, chế biến thức ăn, dọn dẹp, sửa chữa và xây dựng nhà cửa” mới có xu hướng giảm. Báo cáo cũng đề cập đến nhu cầu về nhà cửa của người nhập cư và con cháu họ trong khi thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Thật khó hình dung các gia đình trung lưu Mỹ có bố mẹ đều đi làm sẽ như thế nào nếu không có người nhập cư giúp chăm sóc con cái. Đến năm 2030, nền kinh tế Mỹ sẽ còn được thúc đẩy nhiều hơn bởi sự năng động sáng tạo của người nhập cư so với hiện nay - nếu không bị những kẻ xây biên giới can thiệp. Thiên kiến về người nhập cư Vấn đề nhập cư luôn gây tranh cãi vì chúng ta thường tập trung vào mặt xấu hơn là mặt tốt. Các nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman cho rằng chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm trong nhiều khía cạnh cuộc sống vì bị tâm lý “ác cảm với mất mát” chi phối. Sau khi tiến hành nhiều thử nghiệm, họ kết luận người ta có xu hướng cố tránh thiệt hại hơn là cố đạt lợi ích. Thật đáng ngạc nhiên, hầu hết mọi người đều quan tâm làm sao không mất 10 USD hơn là làm sao để có được 10 USD. Để làm luận văn thạc sĩ của mình tại Đại học Bergen, nhà kinh tế học hành vi người Na Uy Thea Wiig đã tiến hành một thử nghiệm, trong đó cô trình bày với một số người về thống kê việc làm của người nhập cư (cho thấy lợi ích xã hội tiềm năng từ nhập cư) và tác động của việc nhập cư đến các chương trình phúc lợi (thể hiện những thiệt hại tiềm ẩn). Cô nhận thấy “phần tổn thất lấn át phần lợi ích” trong tâm trí của mọi người, dẫn đến thái độ tiêu cực đối với người nhập cư. “Mọi người rất dễ có ác cảm tiêu cực khi nhấn mạnh về các chi phí liên quan đến nhập cư”, cô chia sẻ. Cụ thể như “khi biết tỷ lệ việc làm của người nhập cư ở Na Uy là 60%, một số người sẽ cổ xúy cho việc siết chặt các chính sách nhập cư”. Ý nghĩa của nghiên cứu này cho thấy có thể thay đổi và thậm chí điều khiển thiên kiến về người nhập cư, và theo đó là các chính sách tương ứng, một khi chúng ta biết rằng “mọi người thường bỏ qua các lợi ích của việc nhập cư mà chỉ chú ý đến phần thiệt hại”. Tiến đến năm 2030, chúng ta cần nhận thức rõ phạm vi tác động của suy nghĩ tiêu cực về việc nhập cư, cũng như mức độ lấn át của nó đối với lực lượng ủng hộ nhập cư. Trên tờ The New Yorker, nhà báo James Surowiecki cho rằng luận điệu “chúng ta đang mất nước” mang tính thuyết phục cao vì đã đánh đúng tâm lý không muốn mất mát của công chúng, do đó tạo lợi thế cho các ứng viên chống đối nhập cư trong các cuộc bầu cử. Một nghiên cứu khác về tâm lý sợ mất mát giúp giải thích cho hành vi của người nhập cư. Phân tích sự khác biệt về hành vi giữa người bản xứ, người ngoại quốc nhập cư và người ngoại quốc ở lại quê hương của họ một nghiên cứu cho thấy trong ba nhóm này, người di cư có khả năng chấp nhận rủi ro cao nhất. Điều đó có thể giải thích tại sao rất nhiều người nhập cư trở thành doanh nhân. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng những người nhập cư cũng phản ứng mạnh với tin xấu hơn là tin tốt về kinh tế trong tương lai, như những người khác. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế khó khăn ở quê nhà sẽ chi phối quyết định di cư nhiều hơn so với cơ hội ở một quốc gia mới, theo giáo sư Mathias Czaika trong một nghiên cứu khác. Phát hiện này cho thấy hầu hết người nhập cư không đơn thuần muốn cải thiện mức sống mà chủ yếu là muốn thoát khỏi tình trạng kinh tế khắc nghiệt và tuyệt vọng ở quê nhà. Vấn đề nhà ở (hoặc không có nhà ở) cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định di cư vì nó ảnh hưởng đến thái độ chấp nhận rủi ro. Trong một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, William Clark và William Lisowski thấy rằng người nhập cư cân nhắc kỹ lưỡng giữa được và mất khi quyết định chuyển đến một đất nước khác. Những người có nhà hoặc các loại bất động sản khác thường không muốn chuyển đến nơi khác hay di cư ra nước ngoài. Chính vì thế, việc phân bổ lại đất đai ở các nước nghèo sẽ làm giảm tỷ lệ di cư hiệu quả hơn các bức tường biên giới. Thực tế có rất nhiều lý do để chú trọng nhiều hơn vào lợi ích của dân số nhập cư. Báo cáo năm 2018 từ các ủy viên Sở An sinh Xã hội cảnh báo rằng đến năm 2030 họ không thể đảm bảo đủ mức “tài chính ngắn hạn” tối thiểu cần thiết trong quỹ ủy thác vì chính phủ hiện đang phải dùng quỹ này để chi trả phúc lợi thay vì để duy trì hệ thống bền vững. Tờ USA Today đặt tiêu đề cho báo cáo này là: “An sinh xã hội và chăm sóc y tế đang chết dần mà chẳng có ai ở Washington động một ngón tay”. Như vậy hóa ra lực lượng nhập cư không phải là mối đe dọa mà thực chất họ mang lại cơ hội duy trì sự tồn tại của hệ thống lương hưu trong tương lai. Những người nhập cư phải trả hàng tỷ đô la thuế quỹ lương8 mỗi năm cho an sinh xã hội, ngay cả khi họ không có giấy tờ hợp pháp hay sử dụng số an sinh xã hội giả. Tổ chức nghiên cứu Nền Kinh Tế Mỹ Mới ước tính 8 triệu người lao động bất hợp pháp đã đóng góp khoảng 13 tỷ USD tiền thuế quỹ lương trong năm 2016, nhưng nhìn chung họ không thể đòi hỏi các phúc lợi an sinh xã hội. Và chính những người nhập cư lương thấp lại là những người đóng góp nhiều nhất vì thuế An sinh Xã hội 6,2% chỉ áp dụng cho 128.400 USD đầu tiên trong thu nhập. Monique Morrissey, nhà kinh tế thuộc Viện Chính sách Kinh tế cho biết: “Việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp sẽ có tác động tiêu cực, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, đến quỹ An sinh Xã hội vốn liên quan trực tiếp đến sự gia tăng dân số”. Trong bản báo cáo, các ủy viên Sở An sinh Xã hội giải thích lý do tại sao làn sóng nhập cư gia tăng có thể mang lại một vài lợi thế: “Phần thiệt hại sẽ giảm khi tỷ lệ nhập cư tăng vì đa số đều di cư ở độ tuổi tương đối trẻ, tức số người lao động sẽ tăng nhanh hơn số người hưởng phúc lợi”. Vấn đề mấu chốt nằm ở cách tư duy. Nếu biết suy nghĩ sáng tạo, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội lớn. Càng tập trung tận dụng cơ hội, chúng ta càng có thể thích ứng hiệu quả hơn trước những thách thức của năm 2030. Sẽ không còn chảy máu chất xám? Ngay cả những người phản đối vấn đề nhập cư gay gắt nhất cũng phải đồng ý rằng cần có lực lượng nhân tài nước ngoài để bù đắp cho những thiếu hụt trong nền kinh tế Mỹ. Nhưng như vậy có phải là chúng ta đang lợi dụng các quốc gia nghèo vì họ đã mất các nhân tài giỏi nhất vào tay chúng ta? Trở lại những năm 1950, người Anh đưa ra thuật ngữ “chảy máu chất xám” để chỉ trích việc mất nguồn nhân lực về các quốc gia như Mỹ và Canada, vì tại đây các bác sĩ, kỹ sư và những người có trình độ cao khác có thể tìm việc làm với mức lương cao hơn ở quê nhà. Trong ba đến bốn thập niên qua, dòng nhân tài di cư cũng lấy đi nguồn nhân lực quý giá nhất của các nước đang phát triển như Bangladesh, Nigeria và Philippines. Theo AnnaLee Saxenian, nhà khoa học về địa lý và chính trị tại Đại học California ở Berkeley, vấn nạn chảy máu chất xám có thể trở thành hiện tượng “luân chuyển chất xám” mang lại lợi ích cho cả hai đầu quốc gia. Hãy xem một ví dụ: Miin Wu, di cư từ quê hương Đài Loan đến Mỹ để theo học bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện tại Đại học Stanford. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1976, ông làm việc cho các công ty huyền thoại Siliconix và Intel. Mười năm sau, ông đồng sáng lập công ty Công nghệ VLSI tại Thung lũng Silicon, chuyên thiết kế và sản xuất vi mạch tích hợp. Cuối thập niên 1980, khi Đài Loan trở thành điểm đến hấp dẫn của ngành sản xuất chip, ông quyết định sử dụng các mối quan hệ ở Mỹ để thành lập Macronix, một trong những công ty bán dẫn đầu tiên của Đài Loan và là công ty đầu tiên của quốc gia này được niêm yết trên sàn Nasdaq9. Cuộc đời ông giờ đây là những chuyến vượt Thái Bình Dương đều đặn. Công việc kinh doanh của Wu phát triển và mang lại lợi ích cho cả quê hương lẫn nơi đã cưu mang ông. James Joo-Jin Kim từ Hàn Quốc tới Mỹ vào những năm 1960 để tiếp tục con đường học vấn. Thời điểm ông đến được Trường Wharton, là khi “cả hai đầu của bán đảo Triều Tiên đều bị chiến tranh tàn phá, thật không thể tưởng tượng được viễn cảnh tồi tệ như thế nào đối với tất cả người dân Hàn Quốc. Chúng tôi nghèo kinh khủng, còn đất nước thì rơi vào tình trạng hỗn loạn”. Năm 1969, sau khi lấy bằng tiến sĩ và trở thành giáo sư đại học, ông thành lập công ty Amkor Technology, chuyên cung cấp dịch vụ thử nghiệm và bao bì bán dẫn, đạt doanh thu 4,2 tỷ USD năm 2018. Bên cạnh đó, Amkor cung cấp việc làm cho gần 30.000 nhân viên trong các nhà máy ở khắp Đông Á và Bồ Đào Nha cùng với một số cơ sở ở Mỹ. Tên của công ty đã nói lên tất cả: Đó là sự kết hợp giữa “America” và “Korea”. Amkor đã góp phần đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc công nghệ như ngày nay. “Chúng tôi sống sót, chúng tôi kiên trì, và rồi chúng tôi thịnh vượng”, Kim nói. Câu chuyện của các doanh nhân có tầm nhìn xa như Wu và Kim đã cho thấy sức tác động mạnh mẽ của người nhập cư đến nhiều quốc gia. Nhờ chi phí vận chuyển thấp hơn và việc liên lạc dễ dàng hơn thông qua các phương tiện kỹ thuật số, các doanh nhân giờ đây có thể điều hành doanh nghiệp hoạt động giữa hai quốc gia xa xôi như Ấn Độ và Mỹ, hay Trung Quốc và Mỹ, qua đó khai thác những nguồn lực bổ sung giữa các quốc gia. Hiện nay, công việc hợp tác từ đơn giản đến phức tạp đều có thể diễn ra song song ở khắp nơi trên các châu lục, nhờ đó tạo ra công ăn việc làm cho cả quê hương lẫn quốc gia nhập cư. Dù cho đến nay, thị trường hợp tác như vậy chủ yếu vẫn là ở Mỹ, nhưng tương lai tăng trưởng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nhân và công ty xuyên quốc gia ngày càng phát triển. Lợi ích của việc luân chuyển chất xám trên thế giới thực sự rất đa dạng, theo ông Saxenian. Nó thu hút người nhập cư có trình độ cao đến với một nền kinh tế như Mỹ, nơi thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời tạo ra việc làm cho người Mỹ trong một số ngành nghề tương lai. Nhưng quan trọng nhất, đó là chiếc cầu nối giữa Mỹ và một số thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, mang lại lợi nhuận lớn lao khi trọng tâm kinh tế và tiêu dùng chuyển từ Bắc Đại Tây Dương sang châu Á và cuối cùng là châu Phi. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự đoán về quy mô hợp tác quốc tế to lớn dựa trên mạng lưới cộng đồng gồm các doanh nhân và kỹ sư đến Mỹ học tập. Tùy theo quốc gia quê hương, có từ ½ cho đến ¾ doanh nhân thuộc cộng đồng này hồi hương để thành lập các công ty khởi nghiệp. Trong số những người ở lại Mỹ, một nửa cũng trở về quê hương để công tác ít nhất mỗi năm một lần. Lợi ích của mạng lưới cộng đồng những người di cư trình độ cao thể hiện rõ nét nhất ở Israel, Đài Loan và Ấn Độ. Công nghệ thông tin là lĩnh vực kinh tế phù hợp nhất cho loại hình phát triển xuyên quốc gia này, có lẽ vì chỉ cần vốn đầu tư thấp. Có thể cơ hội từ nguồn lực nhập cư là rất lớn, nhưng cũng không thiếu những chông gai tiềm ẩn nếu người bản xứ xem đó là sự thiệt thòi cho họ. Thật sự chúng ta cần bàn luận thấu đáo để tìm ra các chính sách tốt nhất quy định về số lượng, thời điểm và thành phần nhập cư nhằm tối đa hóa cơ hội cho cả quốc gia quê hương lẫn quốc gia nhập cư, đồng thời không bỏ quên hàng triệu người mất việc và những cộng đồng bị thu hẹp trong quá trình toàn cầu hóa. Nghiên cứu cho thấy hệ thống quản lý hạn ngạch có vẻ không phải là cách tốt nhất để đạt được những mục tiêu đó, mà là các hệ thống dựa trên nhu cầu lao động và trình độ với cơ hội thành công cao hơn. Canada có lẽ là ví dụ điển hình nhất: Đất nước này đã thành công trong việc thu hút người nhập cư trình độ cao khi tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài có thị thực việc làm sau khi tốt nghiệp, ủy ban Hội nghị Canada, hiệp hội của người sử dụng lao động, năm 2018 ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hai thập niên tới sẽ chậm lại ⅓ nếu lượng nhập cư bị cắt giảm: “Nếu Canada không cho nhập cư, lực lượng lao động sẽ bị thu hẹp, tăng trưởng kinh tế yếu, và từ đó gặp thách thức lớn trong việc chu cấp các dịch vụ xã hội như y tế chẳng hạn”. Năm 2030, những nền kinh tế sôi nổi nhất sẽ là những nền kinh tế biết tận dụng lợi ích từ sự đóng góp năng động của người nhập cư, đồng thời vẫn quan tâm đến những người chịu thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi không ngừng của đất nước. Trẻ em, dòng di cư và cơ hội Từ tình hình biến động số lượng trẻ em, chương này cho chúng ta biết về các xu hướng tương lai trong năm 2030. Thế hệ người tiêu dùng trẻ trong tương lai gần đã được sinh ra, và phần nào dòng di cư sẽ bù đắp cho lượng dân số đang già đi nhanh chóng ở một số nơi trên thế giới. Trong khi đó, những người bị tụt lại phía sau sẽ càng lo sợ, thậm chí tức giận khi cảm thấy bản thân chịu thiệt thòi trong quá trình thích nghi với thực tế mới. Kết quả của những lực lượng đối nghịch này sẽ tùy thuộc vào cách chúng ta biến mối lo ngại của hiện tại thành cơ hội cho tương lai. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, giải pháp nằm ở việc cân bằng giữa nhu cầu và nguyện vọng của các nhóm thế hệ khác nhau. Phân khúc dân số trẻ và già sẽ nhìn nhận các thách thức phía trước theo những cách hoàn toàn khác nhau, lẽ thường là vậy. Có thể thế hệ này thấy đây là được, nhưng thế hệ kia lại xem đó là mất. Chương 2 sẽ hướng dẫn chúng ta cách nắm bắt các cơ hội đến từ biến động dân số trên quy mô lớn. 2. Công dân “đầu bạc” sẽ là thế hệ “xanh” mới NGƯỜI CAO NIÊN SÀNH CÔNG NGHỆ, ĐẨY LÙI TUỔI NGHỈ HƯU, VÀ ĐỊNH NGHĨA LẠI “GIÀ” - “TRẺ” Thế hệ tôi, đứng giữa lựa chọn tôn giáo hay tuyệt vọng, đã chọn cần sa. Giờ đây chúng tôi đã ở giai đoạn chín muồi. - Peggy Noonan, nhà báo, nhà văn Hiện nay, 2,3 tỷ thanh niên Millennials - tức những người sinh từ năm 1980 đến 2000 - đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Tâm trí, ví tiền và cả phiếu bầu của họ - đều thuộc tầm ngắm của các công ty và chính trị gia. Theo Morgan Stanley10, thế hệ Millennials hiện là “lứa tuổi quan trọng nhất đối với mọi hoạt động kinh tế, vì họ sẽ bắt đầu lập gia đình, sinh con và chi tiêu để ổn định cuộc sống. Đây là quan niệm sai lầm. Bản chất thế hệ Millennials cũng có đặc điểm không đồng nhất như các thế hệ trước, bao gồm những thành phần khác nhau về nhiều mặt. Một số người có học vấn cao, số khác thì thấp. Một số người giàu có, bên cạnh những người phải vật lộn để kiếm sống. Một số thích tiêu dùng trong khi số khác lại cay nghiệt với thương mại. Các phương tiện truyền thông thường khái quát hóa thái độ và hành vi của họ bằng các tít giật gân: “Millennials đang giết dần thói quen hẹn hò ăn tối”. “Millennials đã chính thức bỏ bữa sáng muộn”. “Millennials đang giết chết ngành công nghiệp bia bằng nỗi ám ảnh rosé11“. “Millennials đang giết chết ngành công nghiệp khăn ăn”. “Millennials đang giết chết ngành điện ảnh”. “Liệu thế hệ Millennials có từ bỏ khái niệm sở hữu nhà?” “Tại sao thế hệ Millennials không quan hệ tình dục?” Nhưng có một lý do nền tảng hơn cho thấy sự thổi phồng về thế hệ Millennials đã hết thời. Trái với hiểu biết thông thường, thế hệ Millennials không phải là phân khúc thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trên thực tế, phân khúc phát triển nhanh nhất theo độ tuổi có thể khiến bạn ngạc nhiên. Đó là thế hệ thường bị các công ty bỏ qua, nhưng lại được các chính trị gia o bế (vì nhiều khả năng họ sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử hơn) và sở hữu ít nhất một nửa giá trị tài sản ròng trên toàn cầu - khoảng 80% tài sản nước Mỹ. Họ là phân khúc dân số trên 60 tuổi, mà đến năm 2030 thế giới sẽ có thêm 400 triệu người, chủ yếu là ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Tại Mỹ, nhóm tuổi này bao gồm thế hệ bùng nổ dân số và Thế hệ im lặng (những người lớn lên trong thời kỳ Suy thoái, đã sống sót hoặc chiến đấu trong Thế chiến Thứ II; Tom Brokaw gọi họ là “Thế hệ vĩ đại nhất”). Nhà sử học người Mỹ Neil Howe viết trên tờ Forbes rằng “sự sung túc của người cao tuổi ngày nay là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử”. Howe quá biết về vấn đề này: Ông chính là người đưa ra cụm từ “thế hệ Millennials”. Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy “Thế hệ Im lặng nắm giữ lượng tài sản nhiều gấp 1,3 lần so với Thế hệ bùng nổ dân số, hơn gấp đôi so với Thế hệ X12 và gấp 23 lần so với thế hệ Millennials”. Theo ông Howe,“các nhà tiếp thị đã chú ý đến sức chi tiêu mạnh mẽ vừa mới phát hiện của Thế hệ bùng nổ dân số và đang đổ tiền vào quảng cáo để thu hút những người tiêu dùng ở độ tuổi 60 và 70”. Tạp chí uy tín hàng đầu của ngành marketing, Advertising Age, “thậm chí còn đánh bóng cho chuỗi chiến dịch có sự góp mặt của các cụ già trên 80 tuổi từ các thương hiệu toàn cầu như Nike và Poland Spring”. Mọi người thường nhầm tưởng chi phí y tế cho người cao tuổi ở Mỹ đang tăng vọt, nhưng trên thực tế, kể từ năm 2002, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe chủ yếu dành cho nhóm dân số từ 18 đến 64 tuổi. Suy nghĩ về các thế hệ Chúng ta đang ở một thời điểm chưa từng có trong lịch sử, đó là khi vài thế hệ với quy mô tương đối bằng nhau cùng tồn tại và tranh giành sự ảnh hưởng. Cần phân biệt các thế hệ vì mỗi thế hệ sẽ có cách hành xử cụ thể liên quan đến hoàn cảnh của họ tại thời điểm hiện tại cũng như đến thời điểm họ trưởng thành. Tiểu thuyết gia John Dos Passos đã viết: “Xây dựng thế giới quan là công việc của cả thế hệ chứ không phải của một cá nhân. Nhưng mỗi chúng ta, dù tốt hay xấu, đều có đóng góp trong công trình ấy”. Ngày nay, các công ty phải đối mặt với hai tầng vấn đề: Họ bối rối trước hành vi của người tiêu dùng thế hệ trẻ và chưa tìm ra cách tiếp cận thế hệ già, những người sống và chi tiêu lâu hơn bất kỳ thế hệ nào khác cho đến nay (khái niệm về độ tuổi bắt đầu nghỉ hưu ở cột mốc quen thuộc 65 tuổi, có thể sẽ không còn phù hợp nữa). Vấn đề còn phức tạp hơn vì không biết liệu có điểm chung nào giữa các nhóm thế hệ này? Viết trên tạp chí Forbes năm 2016, bác sĩ Linda Bernstein cho rằng: “Đang có phong trào đả kích Thế hệ bùng nổ dân số”. Nhiều người trẻ nổi giận với Thế hệ bùng nổ dân số và đổ lỗi cho họ về mọi thứ, từ khủng hoảng tài chính hay biến đổi khí hậu cho đến sự bất ổn của nền kinh tế. Ngoài ra, còn có sự bất hòa về mặt chính trị. Nhìn chung, quan điểm của những người trẻ tiên tiến rất khác so với thế hệ cha mẹ ông bà, những người nhiệt tình ủng hộ các chính trị gia dân túy, các hình thức chủ nghĩa dân tộc mới, hay các bức tường ngăn chặn những kẻ không mời. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến mọi người phải xem lại ý kiến cho rằng các thế hệ kế tiếp đều có điều kiện tài chính tốt hơn bố mẹ. Các thế hệ còn chỉ trích lẫn nhau về sự tư lợi và lòng ái kỷ. Khi năm 2030 đến, mối tương quan giữa các thế hệ sẽ mang đặc tính mới và những định nghĩa thông thường về “trẻ” và “già” sẽ trở nên lỗi thời. Không còn có thể gán cho năng động là tuổi trẻ và tàn lụi là tuổi già. Công nghệ phát triển sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta xử lý vấn đề hưu trí và chăm sóc lão khoa. Hãy thử hình dung một thế giới mà cha mẹ ông bà chúng ta là những người năng động và hiệu quả nhất trên hành tinh. Hãy tưởng tượng thế hệ Millennials lớn lên trong thế giới công nghệ cao và làm kinh doanh với mục đích phục vụ cho lớp dân số trên 60 tuổi. Hãy nghĩ đến một thế giới mà trong đó vấn đề tuổi tác không quá quan trọng trong việc tuyển dụng - như khi một người 70 tuổi vẫn được nhận vào làm là chuyện hết sức bình thường, chẳng hạn. Sức chi tiêu của nhóm dân số hơn 60 tuổi này, ước tính lên tới 15 nghìn tỷ USD một năm, sẽ được cụ thể hóa như thế nào? Các công dân “đầu bạc” có phải là thế hệ “xanh” mới? Nhà xã hội học người Đức Karl Mannheim là người đầu tiên chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề thế hệ. Cách đây một thế kỷ, ông đã viết định nghĩa thế hệ là nhóm người có điểm chung về thời gian và không gian, hành xử theo những cách riêng trong suốt cuộc đời họ, tạo nên một dạng đặc trưng tập thể gắn liền với những trải nghiệm nhất định, như: Thời kỳ Suy thoái, Thế chiến Thứ II, phong trào dân quyền, Internet hay mạng xã hội. Điều này khác với “nhóm tuổi” vì cách phân biệt này chỉ đơn giản biểu thị những người được sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định, một thập niên chẳng hạn, mà không có đặc điểm chung nào gắn liền theo đó. Các thành viên của một thế hệ cụ thể phát triển cùng một hệ ý thức, nhưng có khác biệt về địa vị kinh tế xã hội hay các giá trị văn hóa. Ông Mannheim gọi các nhóm con như vậy là “đơn vị thế hệ”. Chẳng hạn trong “Thế hệ dân quyền” người Mỹ cũng có những đơn vị thế hệ khác nhau về quan điểm xã hội, độ gắn kết với chính nghĩa và mức độ tham gia chính trị. Còn một khía cạnh khác về thế hệ được nhà nhân loại học - xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu nhắc đến lần đầu tiên vào thập niên 1970. Thay vì xác định theo sự kiện lịch sử, Bourdieu tập trung vào “thiên hướng”. Theo quan điểm của ông, mỗi thế hệ phát triển “những hành động hoặc nguyện vọng tự nhiên và hợp lý nhưng [thế hệ] khác lại cảm thấy không thể hiểu được và cho đó là bất thường”. Nói cách khác, đặc điểm hành vi thường làm đều đặn (mà ông gọi là “thói quen”) cộng với quá trình xã hội hóa sẽ khiến mỗi thế hệ trở nên khác biệt. Đặc điểm hành vi đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tác động của các thế hệ đối với nền kinh tế, đặc biệt là về tiết kiệm và tiêu dùng. Hãy hình dung sự khác biệt giữa các thế hệ khi giải quyết các vấn đề kinh tế chính trị của riêng mình. Tiếp đó, trong mỗi thế hệ lại có sự đa dạng của các nhóm con với mối quan tâm và nhu cầu riêng. Hãy cùng nghĩ xem thái độ và hành vi của một thế hệ sẽ thay đổi như thế nào khi họ già đi. Dù có thể khác biệt khi sinh ra, nhưng khi già đi, liệu những người cùng thế hệ có nhắm đến một hệ giá trị giống nhau? Đừng khoác lác với người tiêu dùng “đầu bạc” Nhà báo kiêm biên tập viên người Anh Stefano Hatfield chia sẻ: “Tôi đón chờ cuộc khủng hoảng đang đến, lúc tóc sẽ bạc đi, thể lực bắt đầu chậm lại. Tôi cũng đang đợi các nhà quảng cáo nói với tôi; chú ý đến tôi với cái nhìn và giọng điệu đầy khát khao”. Nghiên cứu khảo sát cho thấy con số khổng lồ 96% người Anh trên 50 tuổi cảm thấy bị các nhà quảng cáo phớt lờ. “Thế hệ bùng nổ dân số có tiền nhưng các nhà quảng cáo dường như không quan tâm” - lời một bài báo gần đây của tổ chức AARP13. Nếu đó là cảm nhận của những người bước sang tuổi 50, thì tưởng tượng những người trên 60 hay 70 sẽ cảm thấy thế nào. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng nhóm dân số trẻ dao động lên xuống thì nhóm những người trên 60 đang gia tăng trên khắp thế giới. Hãy cùng làm vài phép tính. Ở Trung Quốc, mỗi ngày có khoảng 54.000 người tổ chức sinh nhật lần thứ 60. Ở Mỹ, con số này là khoảng 12.000. Trên toàn thế giới là con số đáng kinh ngạc 210.000 người. Đó là những con số mà rất ít doanh nhân và công ty nào có thể làm ngơ. Đến năm 2030, số người trong độ tuổi này trên toàn thế giới sẽ là khoảng 1,4 tỷ người, so với 1 tỷ người hiện nay - Mỹ sẽ có thêm 14 triệu người (vào tổng số hiện tại là 90 triệu), Mexico thêm 6 triệu người, Vương quốc Anh thêm 3 triệu, Ấn Độ thêm 50 triệu, và Trung Quốc thêm một con số khổng lồ là 113 triệu. Ngay cả các nước kém phát triển cũng sẽ có mức tăng nhóm dân số già rất lớn, nhất là theo giá trị tương đối. Ví dụ, Bangladesh sẽ nhảy vọt từ 13 triệu lên 21 triệu người trên 60 tuổi. Con số quan trọng cần phải chú ý đối với những người làm công tác phân tích tác động xã hội của biến động nhân khẩu học là tỷ lệ nhóm già trong tổng dân số. Đến năm 2030, con số này sẽ là 38% ở Nhật Bản, 34% ở Đức, 28% ở Vương quốc Anh, 26% ở Mỹ và 25% ở Trung Quốc. Liệu hệ thống lương hưu và y tế có thể xử lý được không? Lo lắng đó cũng là hợp lý, nhưng hãy nhìn những con số này một cách thoáng hơn qua lăng kính cơ hội. Năm 2018, Forbes gọi tình trạng dân số già là “điều may mắn cho các doanh nghiệp”. Về phần mình, tờ Economist gần đây cũng cho rằng “người tiêu dùng lớn tuổi sẽ định hình lại bối cảnh kinh doanh”. Chúng ta đang ở thời kỳ khởi sắc của “thị trường ‘đầu bạc’”, một thị trường phát triển mạnh về sức chi tiêu, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, Tập đoàn Tư vấn Boston ước tính cứ bảy công ty thì chỉ có một đã chuẩn bị cho sự kiện này. Cũng dễ hiểu khi hầu hết các bộ phận công nghệ, marketing, và bán hàng ở các công ty kỳ cựu lẫn mới khởi nghiệp đều là những người trẻ tuổi, vì thế họ khó có sự đồng cảm để nhìn thấy cơ hội trong thị trường “đầu bạc”. Nhưng đó là một sai lầm. Thị trường “đầu bạc” ngày nay không chỉ lớn mạnh hơn so với các thế hệ trước mà còn được ước tính có sức chi tiêu lên tới 20.000 tỷ USD vào năm 2030. Giải quyết nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng “đầu bạc” không phải là điều dễ dàng. Theo Maria Henke, Phó chủ nhiệm Phân hiệu Lão khoa thuộc Đại học Nam California, “Người cao niên thuộc diện khó nhằn. Khoác lác chỉ làm lãng phí thời gian vì họ đã từng xem biết bao nhiêu quảng cáo”. Đúng vậy, tưởng tượng nếu là Thế hệ bùng nổ dân số, sinh từ năm 1944 đến 1964, thì bạn hẳn đã chứng kiến biết bao cuộc cách mạng quảng cáo, từ tiếng leng keng trên radio cho đến chiến dịch tiếp thị lan nhanh như virus. Sự dửng dưng là đương nhiên: “Cái này có thực sự cần thiết không?” Nhưng thách thức không chỉ dừng lại ở việc tìm ra chiến lược truyền thông và quảng cáo phù hợp. Người này có thể già nhanh hơn người khác. Nhu cầu và sở thích của mỗi người thay đổi khác nhau - và chưa chắc ai cũng cảm thấy hoặc nghĩ theo cách người “già”. Nhà báo Hatfield sắc sảo nhận xét “phần lớn ngành quảng cáo nói riêng và giới truyền thông nói chung đã không nhận thấy tuổi 50 ngày nay không còn là tuổi 50 của cha mẹ chúng ta”. Vấn đề là chúng ta cứ giả định mọi người sẽ nhìn nhận các khía cạnh cuộc sống như nhau nếu cùng độ tuổi. Coco Chanel nổi tiếng đã nói rằng “có thể 40 không còn là trẻ nhưng ta vẫn có thể hấp dẫn khôn cưỡng ở bất kỳ độ tuổi nào”. Ấy thế mà “quảng cáo dành cho người tiêu dùng lớn tuổi có xu hướng hạ thấp họ, thậm chí còn gây khó chịu”, Jeff Beer, biên tập viên tờ Fast Company chia sẻ. Sarah Rabia, Giám đốc toàn cầu về chiến lược văn hóa của TBWA, một công ty quảng cáo, đã khéo léo tóm tắt vấn đề hóc búa này: “Chúng ta nên đi theo hướng bao quát hơn, đừng chỉ xác định theo độ tuổi mà hãy cân nhắc đến các giá trị và điểm tương đồng của khán giả, vì có rất nhiều điểm chung giữa Thế hệ bùng nổ dân số và Thế hệ Milennial. Hoặc không thì chúng ta có thể tiếp cận trực tiếp đối tượng, nhưng phải với giọng điệu lạc quan, hiện đại và tiến bộ”. Trong một nghiên cứu toàn diện, Nadia Tuma, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của công ty quảng cáo quy mô toàn cầu McGann, ghi nhận “đa số mọi người nói rằng nét đẹp của việc già đi nằm ở thời gian chúng ta dành cho những người xung quanh. Đó là cơ hội kết nối giữa các thế hệ, một điều gì đó lớn lao hơn nhiều chứ không đơn thuần là sự già đi”. Điều quan trọng là cách phân tách các khía cạnh cuộc sống trước đây sẽ không còn phù hợp nữa khi chúng ta bước vào năm 2030. “Có vẻ như những đặc điểm nhân khẩu học từng biết lại là rào cản ngăn chúng ta hiểu mọi người ở cấp độ sâu hơn”, bà Tuma kết luận. Và đây là một ví dụ khác cho thấy không hề đơn giản để hiểu người tiêu dùng “đầu bạc”. Các sản phẩm tiêu dùng dài hạn - như thiết bị, dụng cụ, hay ô tô - đặt ra một thách thức đáng suy nghĩ. Về lý thuyết, chúng được thiết kế và sản xuất để sử dụng lý tưởng nhất là trong 5, 10 hoặc thậm chí 20 năm. Trong thời gian đó, nhu cầu và khả năng của người tiêu dùng thay đổi khi họ già đi, khiến sản phẩm trở nên lỗi thời đối với chính người tiêu dùng đó. Đừng quên rằng người tiêu dùng “đầu bạc” không thích đổi vật dụng thường xuyên như những người trẻ tuổi, nhất là trong trường hợp họ cần tiết kiệm để đủ sống khi nghỉ hưu. Hãy xem loại máy giặt lý tưởng dành cho người 60 tuổi. Loại cửa trước vẫn sẽ dễ sử dụng và ít tốn điện hơn các loại khác, nhưng độ tuổi 70 hoặc 80 có thể cảm thấy loại cửa trên tiện lợi hơn (mặc dù hóa đơn tiền điện sẽ đắt hơn một chút). Cần phải dễ cầm nắm hơn, đồng thời các biểu tượng và chữ in cần hiển thị rõ hơn. Theo một bài báo về máy giặt thân thiện với người lớn tuổi, “mép [mở nắp máy giặt cửa trên] dễ cầm là rất quan trọng đối với những ai khó vận động tay. Thêm vào đó, nếu mép nắp cửa càng sâu và rộng thì những người có vấn đề về thị lực càng dễ nhìn thấy”. Có hai cách để điều chỉnh các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người lớn tuổi. Phương án thứ nhất là cung cấp các dịch vụ cho thuê (thay vì mua), cho phép người tiêu dùng đổi sang sản phẩm mới sau vài năm. Cách này đặc biệt phù hợp hơn về tài chính đối với những người có thể không sống đến hết đời sản phẩm. Cách thứ hai là thiết kế chức năng sản phẩm cho phù hợp với dự đoán về tình trạng suy giảm sức khỏe, kỹ năng thể chất hay khả năng nhận thức ở người sử dụng. Đối với máy giặt chẳng hạn, hoàn toàn có thể thay đổi nhiều loại màn hình điều khiển kỹ thuật số đáp ứng thị hiếu người dùng của các thế hệ khác nhau. Thế hệ “đầu bạc” quan tâm những gì? Cơ hội tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường “đầu bạc” là vô cùng to lớn. Điều quan trọng là phải hiểu được cách tiêu tiền của những người lớn tuổi. Đương nhiên chất lượng cuộc sống sẽ là ưu tiên hàng đầu. Theo AARP, đa phần người lớn tuổi đều lạc quan về chất lượng tổng thể của cuộc sống, bao gồm đầy đủ tài chính, sức khỏe tinh thần và thể chất, thời gian giải trí và thư giãn, cũng như cuộc sống gia đình. Gần ¾ người lớn tuổi mong đợi chất lượng cuộc sống được cải thiện hoặc như cũ (tuy nhiên sự lạc quan này bắt đầu giảm sút sau tuổi 70). Cao hơn nữa chính là khả năng độc lập, tự chủ, di chuyển, và kết nối. Vấn đề không chỉ là giải quyết hậu quả của sự suy giảm thể chất và nhận thức, mà là làm sao để chống lại nỗi cô đơn và tiếp tục vui sống. Có lẽ đạo diễn người Thụy Điển Ingmar Bergman đã miêu tả rõ nét nhất những khó khăn này trong bộ phim Wild Strawberries (Tạm dịch: Dâu dại) (1957), kể về hành trình lái xe hơn 600km để nhận giải thưởng cuộc đời của một vị bác sĩ 78 tuổi hay cáu kỉnh. Ông đã gặp gỡ nhiều người trên đường đi, khiến ông nhớ đến những sự cố rắc rối, bực mình hiện tại, bên cạnh đó cũng có người đồng hành cùng ông khám phá và đánh giá lại bản thân mình. Chuyến đi đã lột tả hết nỗi cô đơn của ông. Khi thị trường “đầu bạc” nổi lên cũng là lúc các dịch vụ y tế, chăm sóc tại nhà, hỗ trợ sinh hoạt và các ngành tương tự khác phát triển mạnh vào năm 2030. Lĩnh vực phục vụ thư giãn và giải trí cũng sẽ có cơ hội rất lớn. Nhưng có lẽ cơ hội hấp dẫn nhất sẽ nằm trong lĩnh vực không gian sống chất lượng cao, nhờ sự hỗ trợ của các giải pháp sáng tạo và đổi mới. Hãy xem ngành giày dép chẳng hạn. Có rất nhiều lựa chọn về mẫu mã, chất lượng và giá cả, chưa kể đến thị hiếu và sở thích. Ngành công nghiệp này có hàng nghìn công ty và thương hiệu, nhưng chỉ Nike là có thị phần đáng kể. Giờ chúng ta sẽ nói đến nhu cầu của thị trường “đầu bạc”. Những đôi giày giúp cải thiện tình trạng đau gối và hông hiện đang có nhu cầu cao. Điều quan trọng là phải thiết kế nhưng đôi giày vừa thời trang vừa dễ sử dụng. Người tiêu dùng có thân hình cân đối có thể không nghĩ đến điều này, nhưng cũng có người cần những đôi giày có chiếc trái và chiếc phải khác nhau. Những mặt hàng có chi tiết thay đổi theo người tiêu dùng này có thể thu hút hàng triệu khách hàng tiềm năng đến với các công ty sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhóm tuổi khác nhau trong chiến lược thương hiệu. Còn về trải nghiệm tại cửa hàng thì sao? Các nhà bán lẻ có thể áp dụng một số phương án sau: mở cửa hàng sớm hơn và giảm giá trong giờ sớm, vì người cao tuổi có xu hướng dậy sớm; xây dựng chương trình khách hàng thân thiết; chuẩn bị nhiều chỗ ngồi nghỉ; hay thuê nhân viên được đào tạo để hiểu nhu cầu và mối quan tâm của thị trường người cao tuổi. Một cơ hội khác nằm trong lĩnh vực sức khỏe và thể hình. Các phòng tập thể dục và yoga mọc lên như nấm ở những nơi gần với địa điểm (người trẻ) làm việc. Hãy xem các con số sau: công cụ định vị trực tuyến của Hội đồng Quốc tế Người cao tuổi năng động giúp xác định các trung tâm thể dục phù hợp với người lớn tuổi - tức những nơi dễ tiếp cận, từ trong ra ngoài, dành cho nhóm dân số lớn tuổi nhưng vẫn năng động - chỉ hiển thị 5 phòng tập thể dục như vậy trong khu vực (mã zip) 77494 ở Katy, Texas, cho khoảng 105.000 cư dân; 2 phòng trong khu vực của tôi ở trung tâm thành phố Philadelphia, nơi có 20.000 người sinh sống; và chỉ có 1 ở Lexington, Virginia, một trong những khu vực có dân số trẻ nhất nước Mỹ. Ở Hạt Sumter, Florida, nơi có lượng dân số trung niên cao nhất, chỉ có 7 phòng tập thể dục phù hợp với lứa tuổi cho 125.000 cư dân. Giờ đã đến lúc cần tính đến việc mở thêm các phòng tập như vậy trong những khu vực có người cao niên sinh sống (hoặc muốn sống). Thế còn mua sắm trực tuyến thì sao? Mọi người vẫn tranh cãi về việc liệu người cao tuổi có chịu chuyển sang mua sắm trên các trang thương mại điện tử hay không, nhất là khi họ mất chức năng vận động hay khó di chuyển. Theo eMarketer, người Mỹ ở độ tuổi 60 trở lên chỉ đứng sau các thế hệ khác vài phần trăm về tỷ lệ sử dụng Amazon Prime để tìm hiểu sản phẩm (trên kênh kỹ thuật số) trước khi mua tại cửa hàng hoặc qua kênh trực tuyến. Tuy nhiên, họ lại không thích mua hàng bằng điện thoại thông minh hay nghe tư vấn sản phẩm qua mạng xã hội. Không phải vì tụt hậu về kỹ thuật số, mà là người tiêu dùng “đầu bạc” thích mua sắm ở những nơi gần gũi - như các cửa hàng nhỏ xung quanh, vì họ có thể được chăm sóc tận tình như mong muốn. Dữ liệu từ công ty tư vấn Nielsen cho thấy người cao tuổi mua sắm ở các cửa hàng, nhất là cửa hàng tạp hóa, thường xuyên hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là những kênh còn lại sẽ bị loại trừ. Trên thực tế, thương mại điện tử và mua sắm truyền thống có thể bổ sung cho nhau, và đừng quên rằng phần lớn người cao tuổi đều chú ý về giá cả vì họ phải chi tiêu số tiền tiết kiệm một cách khôn ngoan. Chi tiêu tùy ý, tức những khoản chi ngoài nhu cầu thiết yếu như nhà ở, thực phẩm, tiện ích, y tế, đi lại và giáo dục, cũng là một lĩnh vực phát triển khác trong thị trường “đầu bạc”. Tại Mỹ, mức chi tiêu tùy ý cao nhất ở độ tuổi từ giữa 30 đến giữa 50, chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu. Người cao tuổi giảm dần các chi tiêu thứ yếu vì khả năng di chuyển giảm đồng thời nhu cầu về dịch vụ chăm sóc gia tăng. Với những người trên 75 tuổi, loại chi tiêu này giảm xuống thấp hơn 33%. Nếu nhìn nhận vấn đề chi tiêu tùy ý của người cao tuổi trên phạm vi cả toàn cầu thì chúng ta sẽ thấy cơ hội. Ở châu Âu, Canada và Nhật Bản, tỷ lệ chi tiêu thứ yếu cao hơn tới 12% so với Mỹ vì chi phí y tế tự trả thấp hơn. Nói cách khác, mức độ bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu không thiết yếu. Chẳng hạn, người cao tuổi trung bình trên 65 tuổi ở Mỹ phân bổ 14% chi tiêu cho y tế, trong khi ở Vương quốc Anh, con số này là dưới 3%. Điều đó cho phép người cao tuổi Anh chi tiêu gấp đôi cho những thứ như quần áo, nhà hàng và du lịch. Nói đến vui chơi giải trí, chúng ta hay lầm tưởng người cao tuổi sẽ chi tiêu nhiều hơn các nhóm tuổi khác vì họ rảnh rỗi hơn. Trên thực tế, chưa chắc người tiêu dùng “đầu bạc” đã chi tiêu cho du lịch và giải trí nhiều hơn các nhóm tuổi khác, không những thế, nếu càng cảm thấy khỏe mạnh và dẻo dai thì họ càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động như làm việc (ít nhất là bán thời gian), nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế hợp đồng tự do, hay hoạt động tình nguyện. Thêm vào đó, hình thức “giải trí” quá đa dạng nên khó nhận biết được những xu hướng quan trọng. Chúng ta hãy xem mọi người hay làm gì khi rảnh rỗi. Người cao tuổi thường dành thời gian để xem TV, đọc sách, thư giãn hoặc suy ngẫm nhiều hơn những người ở độ tuổi 40 và 50. Đối với các loại hình giải trí có phí, ngày nay người cao tuổi sẵn sàng chi tiền cho du lịch nhiều hơn các thế hệ trước vì họ khỏe mạnh hơn và có thể chất tốt hơn. Nhìn chung, chi tiêu cho du lịch của người cao tuổi ở châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản cao hơn ở Mỹ, có nghĩa là trong tương lai thị trường Mỹ có nhiều tiềm năng phát triển hơn so với các nơi khác, nếu chi phí y tế không đổi. Hơn nữa, do nhiều người cao tuổi thích đi du lịch quãng đường ngắn nên nhu cầu của họ chủ yếu sẽ tạo công ăn việc làm trong nội địa. Vận may ở đỉnh tháp dân số Nhiều công ty đã thành công khi tập trung vào thị trường “đầu bạc”, bên cạnh đó cũng có một số công ty thất bại, phải cố tránh phá sản bằng cách chuyển đổi hình ảnh. Hãy xem câu chuyện về Philips, một trong những công ty đa quốc gia lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Năm 1891, Gerard Philips cùng với cha, Frederick, đóng sáng lập công ty này ở Hà Lan. Đến năm 1895, công ty có nguy cơ bị phá sản vì thế Gerard đã viện đến người anh trai, Anton, có chuyên môn về kỹ thuật. Công ty sau đó chuyển đổi sản phẩm trọng tâm, áp dụng khoa học triệt để vào thiết kế sản phẩm. Tinh thần đổi mới khắp nơi đã ủng hộ họ vì người Hà Lan đi tiên phong trong cuộc cách mạng khoa học trong thập niên 1600. Một số các phát minh đột phá như: đèn điện dây vonfram (1907), dao cạo râu điện (1939), cassette băng từ nén (compact) (1963), VCR (1972), đĩa nén (compact) (1983), hệ thống GSM cho điện thoại di động viễn thông (cũng trong năm 1983), và đầu máy DVD (1998), chỉ là một số nhỏ trong rất nhiều sáng chế. Tuy vậy, công ty Philips vẫn gặp khó khăn trong những năm 1980 và 1990 dưới áp lực giá rẻ từ các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Dòng tiền âm hàng tỷ đô la như muốn nhấn chìm cả công ty. Cấp quản trị hàng đầu cố tìm mọi cách để phục hồi lợi nhuận, như: thuê những cố vấn giỏi nhất, tái cấu trúc nhà máy sản xuất, điều chỉnh hệ thống vận chuyển phân phối quy mô toàn cầu, cải tiến đường lối tiếp thị,… Họ tái cơ cấu công ty bằng việc áp dụng hệ thống báo cáo kép và các nhóm chức năng chéo, trong đó đội ngũ kỹ sư và tiếp thị cùng hợp tác đưa ra các loại sản phẩm mà khách hàng thực sự muốn. Nhưng dường như không có gì là hiệu quả. Công ty Philips thay sáu CEO trong 30 năm (so với năm người trong 100 năm đầu). Sau đó, năm 2011, Frans van Houten được bổ nhiệm làm CEO. Là “con nhà nòi”, ông làm việc cho công ty Philips suốt cả đời, còn cha ông là thành viên ban giám đốc của công ty. Nhưng ông không lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm. Thay vì bơi ngược dòng xu thế thay đổi kinh tế và dân số toàn cầu, ông quyết định công ty phải cưỡi sóng vượt lên. Bóng đèn và phụ tùng TV, sản phẩm chủ đạo của công ty, đã không còn mang lại nhiều lợi nhuận như mọi năm. Vậy một thương hiệu toàn cầu như Philips cần phải làm gì? Van Houten đưa ra một phương hướng phát triển mới: tập trung vào hàng thiết bị y tế điện tử, các sản phẩm được nghiên cứu chuyên sâu và tùy chỉnh theo đối tượng sử dụng, như máy quét và thiết bị hình ảnh chẳng hạn, với nhu cầu ngày càng tăng cao khi dân số thế giới ngày càng già đi. Ngày nay, bộ phận sản phẩm y tế của Philips chiếm hơn ⅔ doanh thu công ty, và lợi nhuận đã tăng vọt. Định nghĩa lại “tuổi già” “Mẹ tôi mới nghỉ hưu và đã khá quen với các ứng dụng công nghệ”, Jennifer Jolly, cộng tác viên tờ USA Today chia sẻ. “Mẹ có thể chơi game Words with Friends, biết cách đăng ảnh lên Facebook,… thỉnh thoảng còn chụp hình tự sướng nữa. Hóa ra, một chút công nghệ có thể là liều thuốc hữu ích trong cuộc sống hàng ngày cho người lớn tuổi và những người yêu thương họ”, cô giải thích thêm. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lão khoa của Sheila Cotten, giáo sư Đại học bang Michigan, cho thấy người Mỹ cao tuổi có sử dụng Internet sẽ ít bị trầm cảm hơn. Kết quả này không có gì là bất ngờ đối với người cao tuổi. Bà Annena McCleskey, 70 tuổi, đang trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật thay khớp hông. “Tôi không muốn bị tù túng, xa cách bạn bè và mọi thứ”, bà nói. Internet đã “mang gia đình, bạn bè, và cả giải trí đến với tôi”. Câu thần chú “công nghệ thay đổi mọi thứ” chắc chắn đúng khi chúng ta già đi. Những đột phá trong y học, dinh dưỡng, công nghệ sinh học, và các lĩnh vực khác đang hỗ trợ ngày càng nhiều người tận hưởng cuộc sống lâu hơn. Đến năm 2030, người 70 tuổi trung bình sẽ sống như người 50 tuổi trung bình hiện nay. Một số lĩnh vực mới nổi lên như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, và công nghệ nano, thường được cho là phục vụ theo mong muốn và nhu cầu của người trẻ, nhưng thực tế cho thấy đa số các phát minh đột phá và hữu ích hiện nay lại dựa trên nhu cầu của lượng dân số trên 60 tuổi. Hãy xem câu chuyện về Rendever, một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển các ứng dụng thực tế ảo (VR) giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn. “Rendever đang xây dựng những sản phẩm VR đặc biệt cho các cư dân cao tuổi không còn có thể tự ra ngoài khám phá thế giới nữa”, đồng sáng lập kiêm CEO Kyle Rand chia sẻ. “Với VR, chỉ cần đặt tai nghe headset lên là bạn có thể đến bất cứ nơi nào trên thế giới… Bạn có thể chơi Bingo, làm nghệ thuật hay thủ công, rồi đột nhiên có mặt trên đỉnh tháp Eiffel”. Cảm giác cô độc sẽ khiến quá trình suy giảm nhận thức nhanh hơn, làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến các điều kiện sức khỏe khác. Để tránh tình trạng đó, VR sẽ tạo ra một trò chơi tình huống mang tính xã hội. “Trong cộng đồng người cao tuổi, sẽ có sáu cư dân đeo tai nghe và cùng trải nghiệm giống nhau. Mạng lưới công nghệ cho phép họ cảm thấy mình đang cùng trải nghiệm với những người khác”, ông Rand cho biết. “Liệu pháp hồi tưởng” cũng được sử dụng để giảm mức độ căng thẳng. “Trở lại nơi từng xảy ra những sự kiện ý nghĩa hồi trẻ và chìm đắm trong hồi ức” có tác dụng xoa dịu rất cao. Một giải pháp khác để cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi là khung xương trợ lực (exoskeletons) (giống như Người Sắt, nhưng dành cho ông bà), hỗ trợ thực hiện những nhu cầu cụ thể như leo cầu thang, nâng túi đồ, dọn giường, hay phục hồi sau giải phẫu hông. Đừng quên người cao tuổi luôn quan tâm đến chất lượng cuộc sống, họ muốn được tự chủ chứ không phụ thuộc. Innophys, một công ty khởi nghiệp Nhật Bản, đã bán được cả ngàn máy eXo-Muscle - robot bảo vệ phần lưng giúp người dùng nâng vật nặng như túi đồ hoặc vali, với giá bắt đầu từ khoảng 6.000 USD. CEO Takashi Fujimoto cho biết “phần chủ yếu của exoskeletons là hệ thống kiểm soát: thiết bị phải hiểu khi nào cần bắt đầu chuyển động”. Một số công ty đang phát triển loại cảm biến phát hiện tín hiệu thần kinh để theo dõi chuyển động của cơ bắp. Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực robot cho người cao tuổi vì quốc gia này là một trong những thị trường “đầu bạc” lớn nhất thế giới về số tuyệt đối lẫn tương đối. Ở Nhật Bản rất khó tìm người chăm sóc với giá hợp lý. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi thiếu lực lượng nhập cư. (Ở hầu hết các quốc gia, kể cả Mỹ, khoảng 90% nhân viên chăm sóc người già đều là người nhập cư). Đến năm 2025, Nhật Bản sẽ cần thêm 1.000.000 y tá mà hiện nay đang thiếu. Liệu Nhật Bản sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt này bằng robot? Các công ty như Toyota đang xây dựng các mẫu “robot hỗ trợ con người” trong những việc như lấy thuốc, phục vụ nước, hay kéo rèm theo lệnh thoại. Một ví dụ khác là robot hải cẩu Paro, mang lại sự thoải mái cho các bệnh nhân phải nằm liệt giường. Tác dụng xoa dịu của robot này thật xuất sắc: không chỉ làm bệnh nhân bớt lo âu và trầm cảm, mà còn hạn chế những người mất trí nhớ đi lang thang ra ngoài khu vực theo dõi. Hiện có đến 30 quốc gia đang sử dụng robot hải cẩu này. Tại 80% viện dưỡng lão Đan Mạch đều có mặt Paro. Có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao lại là hải cẩu, mà không phải là con gì khác, như chó hay mèo. Thật ra, lý do tương đối cảm tính: Rõ ràng chó mèo nên là lựa chọn đầu tiên, nhưng theo nhà phát minh, tiến sĩ Takanori Shibata, các bệnh nhân sẽ hay so sánh robot với con vật thật, mà “kỳ vọng của họ lại quá cao”. Bên cạnh đó,“những người thích chó sẽ không thích robot mèo, cũng như những người thích mèo sẽ không thích robot chó”. Còn đối với hải cẩu thì đa số mọi người sẽ không có gì để so sánh. Mặc dù chậm hơn Nhật Bản trong ngành robot cho thế hệ “đầu bạc” nói chung nhưng Mỹ cũng có nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới công nghệ. Brookdale Senior Living, mạng lưới cộng đồng người cao tuổi lớn nhất với hơn 100.000 cư dân, đang trông cậy vào các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số bằng giọng nói đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân bị viêm khớp hoặc thoái hóa điểm vàng. Robot ElliQ của Brookdale khuyến khích người cao tuổi tích cực tham gia các trò chơi trực tuyến, video chat, TED Talk, và các hoạt động xã hội khác. Những người lớn tuổi tương tác nhiều với robot dường như ít trầm cảm và trở nên hoạt bát hơn. Brookdale gọi phát minh sáng kiến đó là “robot với cánh tay rộng mở”. Người Nhật cũng phát triển nhiều ứng dụng công nghệ robot cho các nhóm tuổi khác. Robot Nao Evolution VS tương tác với trẻ em cần chăm sóc dài ngày trong bệnh viện, huấn luyện bệnh nhân tiểu đường cách theo dõi và quản lý mức đường trong máu, thực hiện các buổi vật lý trị liệu, và phụ đạo cho học sinh trong các môn học khác nhau. Rõ ràng trẻ em rất thích tương tác với robot, thậm chí còn nhiều hơn so với người thật. Một số người cảm thấy có gì đó không ổn khi dùng robot để chăm sóc người già và trẻ em trong tương lai. Nhưng thực sự chúng ta không còn lựa chọn nào khác, vì hai lý do: Lượng trẻ em sinh ra hiện nay sẽ không đủ để đảm nhận tất cả các công việc chăm sóc cần thiết sau này; bên cạnh đó, các chính phủ trên thế giới vẫn cố ngăn chặn luồng di trú, mà như tôi đã nói chính là nguồn nhân lực cho công việc này từ trước đến nay. Hơn nữa, một số người lớn tuổi vẫn muốn tiếp tục học tập và làm kinh doanh. Ở tuổi 60, Michael Taylor không ngại tìm kiếm những chân trời mới. “Tôi tự hỏi mình muốn làm gì khi lớn lên?”. Ông theo học bằng cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực thiết kế nội thất, sau đó tự thành lập doanh nghiệp riêng. Một bài viết trên tạp chí Entrepreneur cho biết “năm 1997, những người ở lứa tuổi từ 55 đến 64 chiếm 15% lực lượng doanh nhân đang lớn mạnh. Đến năm 2016, con số đó đã đạt đến 24%, theo chỉ số Kauffman về các doanh nhân”. Với độ lớn của dân số già trong tương lai, cộng với tuổi thọ cao hơn, khả năng là một nửa lực lượng doanh nhân sẽ nằm trong lứa tuổi này vào năm 2030. Ví tiền của thế hệ “đầu bạc” Bên cạnh y tế, ngành hàng bán lẻ và robot, tài chính là một trong những phần thay đổi nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu liên quan đến quá trình già đi của dân số. Nói một cách đơn giản, những nhu cầu, thị hiếu, và thái độ liên quan đến tiền sẽ thay đổi khi chúng ta già đi. Một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco đã chứng minh quá trình thay đổi này. Họ quan sát thấy mối tương quan chặt chẽ trong thị trường chứng khoán Mỹ giữa hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (PE) của các công ty niêm yết với sự lão hóa của dân số. Hệ số PE được tính bằng giá của một cổ phiếu chia cho phần lợi nhuận trên một cổ phiếu đó. Khi hệ số PE cao, các nhà đầu tư sẵn sàng chi mạnh tay nhằm thu về lợi nhuận từ cổ phiếu tương ứng. Điều đó có nghĩa là họ đang tăng giá cổ phiếu vì tin rằng công ty sẽ thành công trong tương lai. Các nhà kinh tế nhận thấy từ thập niên 1950 đến đầu những năm 2010, hệ số PE trung bình của tất cả các cổ phiếu niêm yết tại Mỹ đều thay đổi theo quy luật: giảm xuống khi dân số già đi và tăng lên khi dân số trẻ hơn. Tại sao lại như thế? Có mối quan hệ gì giữa sự lão hóa và giá cổ phiếu? Có thể giải thích cho mối tương quan này như sau. Từ quan điểm đầu tư, nhìn chung người ta sẽ không còn thích mạo hiểm khi già đi. Những người trẻ tuổi có xu hướng dùng tiền tiết kiệm để đầu tư vào loại tài sản có giá trị gia tăng nhưng kèm với rủi ro cao hơn. Chứng khoán là một trong những loại tài sản đó. Khi bước sang tuổi 50 hay 60, họ bắt đầu tái cân bằng tài sản bằng cách mua thêm trái phiếu với ít rủi ro hơn. Cuối cùng, đến khi nghỉ hưu, họ bắt đầu thu tiền về hoặc mua một tài sản trả góp (tức thanh toán một số tiền theo thời gian định kỳ). Ngoài ra, quá trình dân số già đi cũng có mối tương quan với thói quen tiêu dùng. Người ta thay đổi hành vi mua sắm khi già đi. Họ không còn đổi xe và các thiết bị gia dụng, thậm chí """