" 1491- Những Khám Phá Mới Về Châu Mỹ Thời Kỳ Tiền Columbus PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 1491- Những Khám Phá Mới Về Châu Mỹ Thời Kỳ Tiền Columbus PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo CHARLES C. MANN Đỗ Nguyễn Nhị Hà dịch —★— 1491 • NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI VỀ CHÂU MỸ THỜI KÌ TIỀN COLUMBUS • HUY HOÀNG & NXB ĐH KINH TẾ QUỐC DÂN ebook©vctvegroup | 19-04-2022 Tác Giả - Tác Phẩm LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO TÁC PHẨM 1491 CỦA CHARLES C. MANN CUỐN SÁCH HAY NHẤT CỦA NĂM Theo tạp chí A Time • Boston Globe • Salon • Tạp chí San Jose Mercury News Discover • Báo San Francisco Chronicle • USA Today• New York Sun • Times Literary Supplement • New York Times “Tuyệt phẩm ký sự sống động, cuốn hút… Cuốn sách chứa đựng nhiều kiến thức và đầy hấp dẫn.” The New York Review of Book “Cực kỳ cuốn hút… Một cú dội sánh ngang các tác phẩm của Jared Diamond, đánh thẳng vào những quan niệm thông thường về phát triển toàn cầu. Mann đã ghi lại một chuyển biến quan trọng trong quan niệm của chúng ta về sự phát triển của thế giới, và con cái chúng ta có thể được học điều này khi chúng lên trung học.” San Francisco Chronicle “Giọng văn cuốn hút và vô cùng hấp dẫn… Đầy hứng khởi và thú vị… Mann đã cho ra đời cuốn sách, phần là câu chuyện trinh thám, phần là thiên anh hùng ca và phần là bi kịch, ông ấy lựa chọn chủ đề rất rộng: Cả nghìn năm lịch sử, hai lục địa khổng lồ và nền văn hóa từ các phức hợp đô thị sầm uất đến những tổ hợp thôn làng nhỏ, đa dạng phong phú đến độ danh từ mà chúng ta (phần lớn người Mỹ) dùng để gọi người châu Mỹ bản địa - Indian (người da đỏ) - dường như chẳng thể bất công và sai lệch hơn được nữa.” San Jose Mercury News “Tuyệt vời… Một phát hiện mới… Quan niệm hoang dã thuần túy chưa bị bàn tay thô bạo của con người chạm đến do chúng ta đặt ra nay cần vứt bỏ.” The New York Sun “Mann không trình bày luận điểm của mình như lý luận nhằm biện hộ cho sự phát triển vô độ. Trái lại, đó là lý luận ủng hộ con người quản lý đất đai tự nhiên và phản đối ‘thuyết đoạn diệt sinh thái học’ - tức quan niệm cho rằng rừng phải được giữ trong trạng thái nguyên sơ, chưa phải chịu các tác động khác.” The Seattle Times “Một tài liệu tổng quát về thời kỳ lịch sử tiền Columbus được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất định không thể bỏ qua, mỗi chương đều là sự cô đọng từ nhiều tập sách giúp người đọc có được cái nhìn bao quát về chủ đề này.” The Providence Journal “Cực kỳ công tâm và hấp dẫn. Những lý giải phong phú của Mann đã tạo nên một tác phẩm mang đậm tính học thuật nhưng lại rất tươi trẻ.” St. Petersburg Times “Súc tích và thú vị… Gọi cho người ta nhớ đến tài hùng biện với những chi tiết khoa học của John McPhee lẫn tham vọng thay đổi nhận thức thông thường của Jared Diamond. Khiến tôi phải nhìn nhận lại lịch sử theo cách khác.” Jim Rossi, Los Angeles Times “ Đầy mê hoặc… Sự chắt lọc khôn khéo dựa trên các bằng chứng đã được tích lũy và những tranh luận học thuật, 1491 nên được yêu cầu đọc trong tất cả các khóa học về lịch sử thế giới ở trung học phổ thông và đại học.” Foreign Affairs “Một đóng góp xuất sắc nhằm xóa bỏ sự mù mờ của phương Tây về những nền văn minh từng vô cùng rực rỡ ở châu Mỹ. Mann đã rất khéo léo trong việc chuyển đổi ngôn từ hàn lâm sang ngôn ngữ bình dân và viết về một vấn đề khoa học phức tạp bằng văn phong nhẹ nhàng dễ đọc. Thật bất ngờ là cuốn sách không chứa bất kỳ tư tưởng bài xích nào ngoài việc thừa nhận tính nhạy cảm của các vấn đề được nói đến.” Literary Review “Tuyệt phẩm! 1491 không phải là một tác phẩm tự sự mà tựa như nghi lễ khai mở với nhiều độc giả, hứa hẹn sẽ trở thành nỗi ám ảnh cả đời qua góc nhìn mới đầy chấn động, dần dần hé lộ về thời kỳ lịch sử này. Điều gây sốc nhất ở 1491 là nó tạo cảm giác cho người đọc như thể vừa thức dậy sau giấc ngủ dài mê man và nhận ra bấy lâu mình đã bị lừa bịp… Mann cũng đưa vào nhiều diễn giải mới về lịch sử châu Mỹ, làm tăng thêm tính phản biện vốn đã rất sâu sắc của tác phẩm này.” Salon “Có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cách viết đặc sắc… Thú vị và dễ hiểu. Hiếm có cuốn sách giới thiệu về lịch sử châu Mỹ thời tiền Columbus nào hay hơn, và chẳng có cuốn nào có những thông tin cập nhật mới nhất như tác phẩm này cả.” The Spectator “Một thành tựu lớn… Một công trình miêu tả cực kỳ hấp dẫn, phá vỡ mọi quan điểm cố hữu về cuộc sống của những người Anh-điêng ở châu Mỹ trước khi Columbus đến.” Business Week “Mann kể cho chúng ta một câu chuyện hấp dẫn và có tầm quan trọng đặc biệt… 1491 buộc ta phải nhìn nhận lại cách mình giảng dạy về lịch sử châu Mỹ và đối mặt với những hậu quả liên quan đến môi trường trong quá trình xâm chiếm thuộc địa.” The Washington Post Book World CHARLES C. MANN (1955) Charles C. Mann là phóng viên của nhiều thời báo, tạp chí như The Atlantic Monthly, Science, và Wired, chịu trách nhiệm mảng khoa học, công nghệ và thương mại. Ông từng viết bài cho National Geographic, Fortune, The New York Times, Smithsonian, Vanity Fair, The Washington Post, HBO và Law & Order. Ông đã ba lần lọt vào chung kết giải thưởng Tạp chí Quốc gia, được nhận giải thưởng viết văn từ Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Viện Vật lý Hoa Kỳ, Hiệp hội quỹ Alfred P. Sloan và Hiệp hội quỹ Lannan. Tác phẩm 1491 của ông được trao tặng Giải thưởng Truyền thông của Viện Hàn lâm Quốc Gia Mỹ ở hạng mục Cuốn sách hay nhất của năm. Các bài viết của ông có mặt trong các tập The Best American Science Writing 2003 và The Best American Science and Nature Writing 2003. Hiện ông đang sống cùng vợ và các con tại thị trấn Amherst thuộc hạt Hampshire, bang Massachusetts. NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA CHARLES C. MANN • At Large: The Strange Case of the World’s Biggest Internet Invasion (1997) (Tổng quát: Trường hợp lạ lùng của cuộc xâm lược Internet lớn nhất thế giới) (David H. Freedman đồng tác giả) • Noah’s Choice: The Future of Endangered Species (1995) (Lựa chọn của Noah: Tương lai của những loài vật bị đe dọa) (Mark L. Plummer đồng tác giả) • The Aspirin Wars: Money, Medicine and 100 Years of Rampant Competition (1993) (Cuộc chiến Aspirin: Tiền, Thuốc và 100 năm Cạnh tranh khốc liệt) (Mark L. Plummer đồng tác giả) • The Second Creation: Makers of the Revolution in Twentieth-Century Physics (1987) (Sáng Thế thứ Hai: Những người tạo nên cuộc cách mạng Vật lý thế kỷ XX) (Robert P. Crease đồng tác giả) Lời Mở Đầu Những hạt giống đầu tiên của quyển sách đã được ươm mầm từ rất lâu, ít nhất là từ năm 1983, khi tôi viết bài cho Science về chương trình giám sát nồng độ ozone trong tầng khí quyển của NASA. Nhằm hiểu hơn về chương trình, tôi cùng một đội nghiên cứu sử dụng chiếc máy bay có thiết bị lấy mẫu và phân tích khí quyển của NASA bay lên độ cao 9.144m. Sau một lúc, máy bay đáp xuống thành phố Merida nằm trên bán đảo Yucatán, Mexico. Vì vài lý do, ngày hôm sau các nhà khoa học được nghỉ phép nên chúng tôi đã bắt một chiếc xe tải Volkswagen cũ đến tham quan tàn tích của đế chế Maya tại Chichén Itzá. Tôi chẳng biết chút gì về nền văn hóa Trung bộ châu Mỹ cả, tôi thậm chí còn không biết có từ “Trung bộ châu Mỹ”, tức vùng đất trải từ trung tâm Mexico tới Panama, gồm cả Guatemala lẫn Belize, thêm một phần El Salvador, Honduras, Costa Rica và Nicaragua, quê hương nền văn minh Maya, Olmec, cũng là nhà của nhiều nhóm người bản địa khác. Chỉ ít phút sau khi rời khỏi xe, tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc. Tôi tự trở lại Yucatán 5-6 lần sau đó, lần là đi nghỉ, lần đi công tác, ba lần đi với anh bạn Peter Menzel đang làm phóng viên ảnh. Để kiếm được tư liệu cho một tờ tạp chí Đức, tôi và Peter phải lái xe suốt 12 giờ trên con đường đất bẩn thỉu (đầy ổ gà sâu tới đùi cùng gỗ gãy chắn ngang) xuống thủ phủ Calakmul (vào thời điểm ấy vẫn chưa được khai quật) của Maya. Hộ tống chúng tôi là một người Maya tên Juan de la Cruz Briceno, ông hiện đang coi sóc một tàn tích khác nhỏ hơn. Juan đã dành 20 năm làm một chiclero - người thu hoạch nhựa cây chicle, thường xuyên băng rừng trong nhiều tuần liền để tìm cây chicle có nhựa dẻo như sáp mà người Anh-điêng đã phơi khô rồi nhai trong hàng thiên niên kỷ, và cuối thế kỷ XIX, nó trở thành nguyên liệu chính yếu của ngành sản xuất kẹo cao su. Trong đêm lửa trại, ông kể cho chúng tôi nghe về những thành phố cổ xưa phủ đầy dây leo mà ông gặp trong vô số hành trình lang thang của mình, cả sự ngỡ ngàng của ông khi các nhà khoa học cho biết chính tổ tiên ông đã xây nên chúng. Đêm đó, chúng tôi mắc võng ngủ giữa những phiến đá từa tựa bia mộ với những dòng chạm khắc chưa từng được đọc suốt ngàn năm qua. Mối quan tâm của tôi về những người đặt chân lên châu Mỹ trước Columbus thực sự bắt đầu vào mùa thu năm 1992. Vào một chiều Chủ nhật, tôi tình cờ lướt thấy một ấn bản đặc biệt phát hành nhân dịp kỷ niệm 500 năm Columbus phát hiện ra châu Mỹ, nằm trong khu trưng bày ở thư viện của một trường đại học, có tên Annals of the Association of American Geographers (Biên niên sử của Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ). Tò mò, tôi cầm lên, ngồi xuống ghế bành và bắt đầu đọc bài viết của William Denevan, một nhà địa lý học ở Đại học Wisconsin. Bài báo mở đầu với câu hỏi: “Tân Thế Giới từng như thế nào vào thời của Columbus?”. Đúng thế, tôi nghĩ, nó đã như thế nào vậy? Ai đã sống ở đây và họ đã suy nghĩ gì khi những cánh buồm châu Âu đầu tiên xuất hiện nơi chân trời? Tôi đọc hết bài báo của Denevan và say sưa đọc tiếp hết bài viết này đến bài viết khác tới tận lúc thư viện chớp đèn báo hiệu sắp đóng cửa. Vào thời điểm ấy tôi vẫn chưa rõ, nhưng Denevan cùng một nhóm các nhà nghiên cứu đã dành cả sự nghiệp của mình cố gắng trả lời những câu hỏi đó. Bức tranh họ vẽ ra sau quá trình nghiên cứu khác xa với quan niệm phổ biến của hầu hết người châu Âu lẫn châu Mỹ, nhưng chẳng có mấy người biết đến ngoại trừ giới chuyên gia. Một hay hai năm sau khi đọc bài viết của Denevan, tôi có tham gia cuộc thảo luận nhóm tại buổi hợp thường niên của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ mang tên “Cách nhìn nhận mới về Amazon”. Phiên hợp có sự tham gia của William Balée đến từ Đại học Tulane. Bài phát biểu của Balée xoay quanh các cánh rừng “nhân tạo”- những cánh rừng đã được người Anh-điêng kiến tạo suốt nhiều thế kỷ hoặc thiên niên kỷ trong quá khứ, một quan niệm tôi chưa từng nghe đến. Ông ấy cũng nhắc đến điều Denevan từng đề cập: Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay tin rằng tổ tiên chúng ta đã ước tính thấp số lượng người ở châu Mỹ khi Columbus đến. Người Anh-điêng đã ở đó với số lượng đông đảo hơn rất rất nhiều so với quan niệm trước đây. Chà, tôi nghĩ, ai đó phải tổng hợp những điều này lại. Cuốn sách đó sẽ là một tuyệt phẩm. Tôi tiếp tục chờ đợi cuốn sách ấy xuất hiện. Sự chờ đợi càng lúc càng bức bối khi con trai tôi nhập học và nó được học những điều mà tôi từng được dạy, những quan niệm mà từ lâu đã bị chất vấn gay gắt. Vì mãi không có ai viết cuốn sách ấy, cuối cùng tôi quyết định thử sức, phần cũng do tôi khao khát được biết nhiều hơn. Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay đây chính là kết quả. Có những điều bạn sẽ không tìm thấy ở cuốn sách này. Đây không phải bản ghi theo hệ thống, trình tự thời gian về các nền văn hóa và sự phát triển xã hội của Tây Bán Cầu trước năm 1492. Một cuốn sách với phạm vi thời gian lẫn không gian rộng lớn như vậy sẽ không thể viết nổi - vì lúc tác giả viết đến đoạn kết của cuốn sách, khám phá mới sẽ lại tiếp tục xuất hiện và phần đầu cuốn sách sẽ lỗi thời. Một số trong những người cam đoan với tôi về điều này - không ai khác - chính là các nhà nghiên cứu đã dành nhiều thập niên vật lộn với sự đa dạng đáng kinh ngạc của xã hội thời kỳ tiền Columbus. Cuốn sách này cũng không phải là bản tổng hợp đầy đủ tri thức lịch sử về những thay đổi trong cách nhìn nhận gần đây của giới nhân chủng học, khảo cổ học, sinh thái học, địa lý học, sử học đã và đang nghiên cứu cư dân nguyên thủy châu Mỹ. Viết cuốn sách như vậy cũng là điều không thể, những ý kiến mới sẽ luôn tiếp tục nổi lên theo quá nhiều hướng khác nhau, nhiều đến nỗi khó mà gom hết vào một cuốn sách. Thay vào đó, cuốn sách này đi sâu vào ba trọng điểm của khám phá mới: Tình trạng dân số của người Anh-điêng (Phần I), Nguồn gốc của người Anh-điêng (Phần II) và Cộng đồng người Anh-điêng (Phần III). Vì rất nhiều cộng đồng xã hội thể hiện những điểm này theo quá nhiều cách khác nhau, tôi không tài nào nắm bắt hết được. Đổi lại, tôi chọn ví dụ từ các nền văn hóa được ghi chép lại nhiều nhất, thu hút sự chú ý của dư luận gần đây nhất, hay đơn thuần là có vẻ thú vị nhất. Điều ngược đời ở cuốn sách này là dẫu nó được viết về cuộc sống thời kỳ tiền Columbus nhưng nội dung lại dành không ít dung lượng bàn về cuộc sống thời kỳ hậu Columbus. Có hai lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, nhiều nền văn hóa bản địa không có chữ viết, rất nhiều thông tin quan trọng nhất về những nền văn hóa này được thu thập từ biên niên sử của những người châu Âu lần đầu nhìn thấy chúng. Chắc chắn các bản ghi chép của thực dân đã bị bóp méo bởi góc nhìn thiển cận đối với văn hóa bản địa châu Mỹ, nhưng dù sao đó vẫn là những bản mô tả thực tế các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống ở đó. Lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng, cuộc đụng độ giữa châu Âu và châu Mỹ có thể coi là một phát hiện mới đối với cả hai bên. Trong nhiều trường hợp, tình trạng giao thoa căng thẳng này đã bật lên nhiều khía cạnh đáng lẽ đã bị chìm khuất của các xã hội này. Cuộc chạm trán giữa tộc người Wampanoag và những Pilgrim (chủ đề của chương II), người Inka và quân đội Tây Ban Nha do Francisco Pizarro chỉ huy (phần chính của chương III) đều cho thấy cách nhìn nhận của người châu Âu về các nhóm thổ dân và phản ứng của họ khi chạm trán những con người xa lạ này. Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ chú ý ngay đến việc tôi dùng từ “người Anh-điêng” để chỉ những cư dân đầu tiên của châu Mỹ. Đây là tên gọi gây nhiều khúc mắc và sai lịch sử, điều này không còn gì để bàn cãi nữa. Chắc chắn từ ngữ chính xác nhất để chỉ những thổ dân châu Mỹ là “người châu Mỹ”. Tuy vậy, thực ra sử dụng khái niệm táo bạo này sẽ còn gây khúc mắc hơn nữa. Trong cuốn sách này tôi cố gắng gọi họ bằng những tên gọi họ tự đặt cho mình. Nhưng một số lượng đông đảo các nhóm dân bản xứ ở cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều tự gọi mình là “người Anh điêng”. (Để hiểu thêm về thuật ngữ, xem Phụ lục A: “Những ngôn từ cảm tính”.) Vào giữa thập niên 1980, tôi có ghé làng Hazelton trên thượng lưu sông Skeena giữa tỉnh British Columbia, nhiều cư dân nơi đó là người dân tộc Gitksan (hay Gitxsan). Thời điểm tôi đến, người Gitksan vừa khởi kiện đòi bồi thường từ cả chính quyền tỉnh British Columbia và chính phủ Canada. Họ muốn tỉnh lị lẫn đất nước nhìn nhận rằng người Gitksan đã sống ở đây từ rất lâu về trước, chưa bao giờ rời khỏi đây và chưa từng chấp thuận cho đi đất đai của mình; vì vậy họ có quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất xấp xỉ 18.000km² của tỉnh. Họ sẵn sàng thương lượng, nhưng hoàn toàn không chấp nhận bị lờ đi. Bay đến nơi, tôi hoàn toàn hiểu được tại sao người Gitksan lại bám trụ mảnh đất này. Máy bay bay qua những vách núi phủ tuyết tuyệt đẹp của dãy Rocher de Boule, tiến sâu vào vùng giao giữa hai thung lũng sông ngợp bóng cây. Hơi nước bốc mờ vùng đất. Người dân câu cá hồi và cá hồi vân trên sông mặc dù họ sống ở cách bờ biển chừng 265km. Đoàn Gitanmaax* của người Gitksan đặt trụ sở tại Hazelton, tuy vậy đa số thành viên lại sống ở một khu bảo tồn ngay ngoài thị trấn. Tôi lái xe đến khu bảo tồn đó, Neil Sterritt - người đứng đầu Hội đồng Gitanmaax giải thích cho tôi về vụ tranh tụng. Ông là người thẳng thắn, có giọng nói từ tốn, khởi nghiệp bằng nghề kỹ sư mỏ, sau đó trở về quê hương với tâm thế sẵn sàng cho cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài. Qua nhiều phiên tòa và kháng cáo, Tòa án tối cao Canada tại tỉnh British Columbia đã phải thương lượng về tình trạng đất với người Gitksan. Các buổi đàm phán vẫn còn kéo dài tới năm 2005, hai thập niên sau khi vụ kiện tụng nổ ra. Một hồi sau Sterritt đưa tôi đến ‘Ksan - công viên lịch sử kiêm trường nghệ thuật, xây dựng năm 1970. Trong công viên có vài ngôi nhà dài được dựng lại, mặt tiền trang trí những hình vòng cung đen đỏ thanh thoát đầy uy lực của nghệ thuật Anh-điêng bờ Tây Bắc. Trường nghệ thuật dạy người Anh-điêng bản địa cách in mẫu thiết kế truyền thống lên tranh lụa. Sterritt để tôi lại phòng hậu trường và bảo tôi cứ việc tìm kiếm. Có lẽ ông không biết rằng trong phòng chứa nhiều đồ thế nào, vì tôi nhanh chóng tìm được những hộp đựng vài chiếc mặt nạ cổ tuyệt đẹp, cạnh chúng là một chồng ảnh in từ bản khắc, vài bức sử dụng chung mẫu thiết kế, có cả những hộp đựng đầy ảnh, cũ cũng như mới, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Trong nghệ thuật phía Bờ Tây Bắc, sự vật được là phẳng và bóp méo - như thể chúng được chuyển từ dạng 3D thành 2D và gấp lại như gấp giấy nghệ thuật. Lúc đầu tôi cảm thấy tất cả mẫu thiết kế thật khó giải nghĩa, nhưng rất nhanh sau đó, có những mẫu mà tôi như thấy được tầng ý nghĩa nổi lên trên bề mặt ảnh. Chúng có những đường nét rõ ràng, chia cắt không gian thành từng phần đơn giản lẫn phức tạp: vật đan xen vào vật, người thì nửa người nửa thú còn thú thì nửa thú nửa người - tất cả đều biến dạng và hỗn loạn phi thực tế. Vài sự vật tôi nhìn vào là hiểu ngay, vài thứ tôi hoàn toàn không thể hiểu được, vài thứ tôi nghĩ mình đã hiểu nhưng rõ ràng là không và một vài thứ đến cả người Gitksan cũng chẳng hiểu nổi, hệt như phần lớn người châu Âu ngày nay không thấu hiểu triệt để tác động của nghệ thuật La Mã lên tâm hồn những con người đã được chiêm ngưỡng khi chúng vừa hoàn thành. Nhưng tôi say mê các đường nét rắn rỏi cũng như lóa mắt bởi cảm giác nhìn vào một quá khứ rực rỡ mình chưa hề biết đến, và nó vẫn đang ảnh hưởng đến hiện tại theo cách mà tôi chưa bao giờ nhận ra. Suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó, tôi đã xem hết vật này đến vật khác, luôn trong trạng thái háo hức muốn chiêm ngưỡng nhiều hơn. Lúc sắp xếp các chi tiết của cuốn sách này, tôi đã hy vọng có thể chia sẻ được niềm hứng khởi tôi trải qua lúc đó, và sẽ còn trải qua rất nhiều lần sau này. (bản đồ) Bản địa châu Mỹ năm 1491 sau Công Nguyên Một lưu ý về ấn bản này Nhiều lần độc giả của 1491 đã viết thư hỏi liệu tôi có thay đổi phần trọng yếu nào của tác phẩm nếu được viết lại hay không. Trước đây, câu trả lời luôn là tôi không biết, câu hỏi này quá thiếu tính thực tế nên không thể trả lời - không ai cho tôi cơ hội tìm ra cả. Nhưng quá trình chuẩn bị tái bản và bổ sung 1491 đã cho tôi cơ hội đó. Từ lần đầu cuốn sách được xuất bản, những nhà nghiên cứu đã có nhiều khám phá ấn tượng về 15.000 năm đầu tiên của lịch sử châu Mỹ, tất cả đều khớp với các luồng ý kiến chủ chốt trong cuốn sách này. Luận điểm cơ bản của 1491: Những cộng đồng xã hội của người Anh-điêng vốn lớn hơn nhiều so với quan niệm trước đây (trọng tâm Phần I), họ có lịch sử lâu đời và phức tạp hơn nhiều so với những gì ta hình dung (Phần II), và họ tác động lên môi trường ở mức độ cao hơn rất nhiều những gì ta biết (Phần III) - dưới góc nhìn của tôi, đều cho thấy quan điểm của phần lớn học giả trong lĩnh vực này. Tôi không hề thay đổi cấu trúc trọng yếu của 1491, hay có thể nói rằng mặc dù tôi đã cải tiến lại nhiều đoạn, cuốn sách vẫn là chính nó, nhưng đã được gọt giũa, tô điểm thêm (hy vọng) giúp độc giả cảm thấy thú vị hơn. GIỚI THIỆU Sai lầm của Holmberg 1 Nhìn từ trên cao Ở BENI Chiếc máy bay cất cánh trong thời tiết mát mẻ hơn hẳn bình thường của vùng trung tâm Bolivia và bay về phía Đông, hướng đến biên giới Brazil. Chỉ trong vài phút, đường sá lẫn nhà cửa biến mất, dấu vết duy nhất còn lại về sự định cư của con người là những đàn gia súc rải rác khắp thảo nguyên như vụn cốm màu trên kem tươi. Rồi sau đó, cả chúng cũng mất dạng. Lúc ấy, các nhà khảo cổ bắt đầu lấy máy ảnh ra và đang say sưa chụp lại những khung cảnh tuyệt vời. Phía dưới chúng tôi là Beni, một tình của Bolivia có diện tích xấp xỉ bang Illinois cộng với bang Indiana, và bằng phẳng gần như hai bang đó. Trong khoảng nửa năm, mưa và tuyết tan từ các dãy núi phía Nam và phía Tây bao phủ mảnh đất bằng một lớp nước kỳ lạ, chậm chạp trôi để rồi cuối cùng, hòa mình vào những dòng sông ở Bắc Beni, tức những nhánh thượng lưu của sông Amazon. Khoảng thời gian còn lại, nước khô cạn và đồng cỏ xanh tươi mênh mông trở thành một dạng địa hình tựa như sa mạc. Vùng bình nguyên độc đáo, xa xôi cách biệt, thường ngập nước này đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, không chỉ vì đó là một trong những nơi hiếm hoi trên Trái Đất này có thể còn tồn tại những người chưa bao giờ trông thấy bất cứ người phương Tây cầm máy quay nào. Nhà khảo cổ học Clark Erickson và William Balée ngồi phía trước. Erickson, thuộc Đại học Pennsylvania, đã hợp tác với một nhà khảo cổ Bolivia, nhưng hôm đó ông vắng mặt, nên máy bay còn dư một chỗ cho tôi. Balée, đến từ Đại học Tulane, vốn là nhà nhân chủng học, nhưng vì các nhà khoa học đã biết trân trọng hơn cách truyền tải thông tin giữa quá khứ và hiện tại nên sự khác biệt giữa giới nhân chủng học và khảo cổ học ngày càng mờ đi. Hai người đàn ông khác nhau về ngoại hình, tính cách lẫn xu hướng học thuật, nhưng cả hai đều áp mặt vào cửa kính máy bay với chung niềm hứng khởi. Quang cảnh bên dưới rải rác vô số khoảnh rừng, nhiều khoảnh giống như những hình tròn hoàn hảo - những đụn cây xanh mướt giữa biển cỏ vàng. Mỗi khoảnh rừng đều cao khoảng 18m so với mực nước ngập, vươn thẳng, tạo điều kiện cho cây phát triển mà không bị úng nước. Rừng nối với nhau bởi những bờ đắp thẳng tắp như đường đạn bay dài hơn 5km. Erickson tin rằng toàn bộ cảnh tượng này - những khoảnh rừng trải gần 5000km² và gò đất nối nhau bằng cầu đắp - đã được xây dựng bởi một nền văn minh có công nghệ kỹ thuật vượt trội, dân cư phát triển đông đúc tồn tại hơn 1.000 năm trước. Balée, vốn không quen thuộc với Beni, cũng chỉ ngả theo ý kiến này chứ chưa dám chắc điều gì. Erickson và Balée thuộc một nhóm các học giả, trong những năm gần đây, đã thách thức triệt để quan niệm thông thường về tình trạng Tây Bán Cầu trước khi được Columbus phát hiện ra. Thập niên 1970, khi học cấp III, tôi được dạy rằng người Anh-điêng đến châu Mỹ qua eo biển Bering từ khoảng 13.000 năm trước, họ sống chủ yếu theo nhóm nhỏ, biệt lập và ít tác động đến môi trường, kể cả sau khi họ đến cư trú cả thiên niên kỷ, hầu hết châu lục vẫn trong tình trạng hoang dã. Ngày nay, trường học đang tiếp tục truyền dạy quan niệm này. Quan điểm của những người như Erickson và Balée: có thể tóm lược thế này: Họ cho rằng quan niệm về cuộc sống của người Anh-điêng nói trên đều sai lệch ở hầu hết mọi khía cạnh. Các nhà nghiên cứu ấy cho rằng người Anh-điêng đã đến châu Mỹ từ trước đó rất lâu và có số dân lớn hơn nhiều so với quan niệm trên. Đồng thời, họ cũng thành công vượt trội trong việc cải tạo cảnh vật theo chủ ý, đến mức khi Columbus cập bến châu Mỹ năm 1492, ông đã đặt chân lên lục địa đầy dấu tích của loài người. Vì những mối quan hệ gay gắt giữa cộng đồng người da trắng và người bản địa, hoạt động điều tra sâu vào nền văn hóa Anh-điêng dĩ nhiên không tránh khỏi tranh cãi. Nhưng kiến thức mới đặc biệt gây tranh luận. Khởi đầu, một số nhà nghiên cứu (nhiều người trong số đó là học giả thuộc thế hệ trước) chế nhạo rằng, các giả thuyết mới chỉ là sự tưởng tượng quá lố bắt nguồn từ những lý giải dữ liệu sai lệch có chủ ý và một sự xuyên tạc nhằm phục vụ mục đích chính trị. Betty J. Meggers, thuộc Viện Smithsonian, nói với tôi rằng: “Tôi chưa từng thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy từng có số lượng lớn người sống ở Beni. Khẳng định ngược lại chẳng qua là tưởng tượng hoang đường thôi.” Thêm vào đó, hai nhà khảo cổ học ở Argentina được Viện Smithsonian hậu thuẫn đã cho rằng những mô gò lớn chỉ là bồi đắp tự nhiên của sông ngòi; “số cư dân nguyên thủy ít ỏi” có thể đã xây nốt những cây cầu đắp còn lại và trồng trọt trong khoảng chừng một thập niên ngắn ngủi. Rất nhiều tuyên bố học thuật mới về người Anh-điêng cũng chịu chỉ trích tương tự, theo Dean R. Snow, nhà nhân chủng học tại Đại học bang Pennsylvania. Vấn đề là, “Bạn có thể khiến những bằng chứng ít ỏi về lịch sử dân tộc học nói lên bất cứ điều gì bạn muốn”, ông nói. “Rất dễ lừa phỉnh bản thân.” Một số người lên án rằng những tuyên bố mới chỉ để thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị cho nhóm người muốn hạ thấp nền văn hóa châu Âu, bởi vì những con số khổng lồ được đưa ra có vẻ như đang thổi phồng mất mát văn hóa bản địa. Tranh cãi cũng nổi lên vì giả thuyết mới ảnh hưởng đến cuộc chiến môi trường ngày nay. Vô tình hay hữu ý, nhiều hành động vì môi trường đều được kích động dựa trên khái niệm nhà địa lý học William Denevan gọi là “Huyền thoại nguyên sơ” - niềm tin cho rằng châu Mỹ năm 1491 là vùng đất nguyên sơ, thậm chí có thể sánh ngang với Vườn Địa đàng. Và theo cách dùng từ của Đạo luật Wilderness năm 1964 (Đạo luật về vùng còn hoang sơ), một trong những văn kiện nền tảng cho các hoạt động vì môi trường toàn thế giới, thì nơi này là vùng đất “chưa bị con người gây hại”. Đối với giới hoạt động vì môi trường, như nhà sử học William Cronon thuộc Đại học Wisconsin đã viết, phục hồi trạng thái tự nhiên nguyên vẹn là nghĩa vụ đạo đức của cả xã hội. Nhưng nếu cách nhìn nhận mới là chính xác và các công trình nhân tạo đã phủ rộng khắp, thì dựa vào đâu để cố gắng phục hồi tự nhiên nữa? Beni là một trường hợp được chú ý. Bên cạnh xây đường sá, cầu đắp, kênh rạch, đê điều, hồ chứa, mô gò, ruộng nương, có khả năng thêm cả sân bóng, Erickson cũng lý luận rằng người Anh-điêng sống ở đây thời tiền Columbus đã biết bẫy cá ở những đồng cỏ trũng ngập nước mùa lũ. Đánh cá không chỉ là vài người bản địa đơn lẻ dùng lưới đánh, mà là nỗ lực của cả xã hội; tức là, vài trăm hoặc vài nghìn người tạo nên mạng lưới đập bắt cá bằng đất (rào bắt cá) dày đặc chạy dọc các cầu đắp theo hình chữ chi. Phần lớn thảo nguyên được hình thành một cách tự nhiên, do kết quả của nước lũ dâng theo mùa. Nhưng người Anh-điêng đã duy trì và mở rộng đồng cỏ bằng cách thiêu trụi những trảng cỏ lớn. Qua nhiều thế kỷ, những lần đốt đồng đã tạo ra hệ sinh thái phức tạp gồm nhiều loài thực vật thích nghi với lửa nhờ tập quán này của người bản địa. Cư dân Beni ngày nay vẫn tiếp tục đốt đồng, nhưng chủ yếu để duy trì thảo nguyên cho đàn gia súc của họ. Khi chúng tôi bay qua khu vực này, mùa khô chỉ mới bắt đầu, nhưng những vệt lửa trải dài hàng dặm đã sớm xuất hiện. Khói cuồn cuộn bốc lên thành từng cột khổng lồ. Trong đống tro tàn ngọn lửa bỏ lại là những gốc cây cháy đen, trong đó có nhiều loài thực vật mà các nhà hoạt động vì môi trường đang đấu tranh bảo vệ ở nhiều khu vực khác của vùng Amazon. Phía Bắc Beni là tỉnh Pando, nơi khá ít cư dân sinh sống và bị rừng bao phủ gần hết. Phía Bắc Pando là bang Acre của Brazil, cũng không đông dân, tuy nhiên phần lớn rừng ở đây đã bị đốn hạ để nhường chỗ cho nông trại gia súc. Chỉ còn cây dẻ Brazil được giữ lại - chặt hạ chúng bị quy vào hành động phạm pháp. (Đằng nào chúng cũng chết thôi, giống cây này cần được thụ phấn bởi một số loài ong rừng đặc biệt, mà những loài ong này lại không sống được trên các thảo nguyên mới hình thành.) Để ngăn giống cây khác mọc lại, máy bay của nông trại phun những đám mây hạt giống cỏ châu Phi xuống mảnh đất mới được khai hoang. Giống cỏ lá dày, dẻo dai này mọc thành thảm dày, tươi tốt đến mức hạt giống của loài khác không thể chen vào. Cuối thập niên 1990 khi tôi mới đến Beni lần đầu, rất ít người biết rằng việc khai khẩn quy mô lớn ở Acre đang làm lộ ra những hình vẽ khổng lồ được tạc trên nền đất mà nhà nghiên cứu Alceu Ranzi tại Đại học Federal của Acre đặt là “Geoglyph”. “Ngày nay, có hơn 200 hình vẽ đã được nhận diện; nhiều hình dài đến khoảng 150m. Với những hình tròn, hình vuông, chữ nhật được tạc chuẩn xác lên nền đất sét vùng Amazon, Geoglyph thực sự là quang cảnh ấn tượng khi nhìn từ máy bay, cũng giống như cảnh đồng ruộng và cầu đắp mà Balée và Erickson đã chỉ cho tôi thấy ở Beni. Tuy nhiên, thậm chí người ta còn ít hiểu biết về Geoglyph ở Acre hơn so với cảnh tượng ở Beni nữa. Tựa báo đầu tiên về những hình này phải đến tận năm 2007 mới xuất hiện trên một tạp chí chuyên ngành (Ranzi đồng tác giả). Năm năm sau, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra lời đáp chắc chắn cho các câu hỏi cơ bản như Những người tạo nên Geoglyph sống ở đâu? - những công trình này chẳng có dấu hiệu nào cho thấy từng có người cư ngụ. Erickson đã tìm ra một vài công trình trên nền đất tương tự ở Beni và tin rằng trước khi Columbus đến, 1.300- 1.600km² vùng đất phía Tây vùng Amazon thuộc về một tập hợp những nền văn hóa trước đây chưa từng ai biết tới, những nền văn hóa đã biến đổi hoàn toàn phong cảnh xung quanh. Tương lai vùng đất này vẫn chưa rõ ràng. Beni càng lúc càng được chủ trang trại và người trồng đậu tương - những kẻ thèm muốn vùng đất rộng mở và màu mỡ này - chú ý đến. Dân thu hoạch gỗ lại nhắm tới Pando. Đường cao tốc mới dẫn thẳng đến Thái Bình Dương mang lại số thương vụ khổng lồ cho Acre. Trong khi đó, phe bảo tồn lại cố thuyết phục giữ khu vực chưa nổi tiếng này gần với tự nhiên nhất có thể. Người Anh-điêng địa phương ngờ vực về ý tưởng của phe bảo tồn. Họ đặt ra câu hỏi: Nếu Beni trở thành nơi bảo tồn “tự nhiên”, liệu có tổ chức quốc tế nào sẽ để họ tiếp tục đốt những bình nguyên này không? Liệu tổ chức bên ngoài nào có thể tán thành việc thiêu đốt quy mô lớn ở vùng Amazon? Thay vào đó, người Anh-điêng đề xuất đưa họ nắm giữ quyền kiểm soát mảnh đất. Đổi lại, giới hoạt động xã hội cũng không vui vẻ gì với ý tưởng này - vài nhóm địa phương ở Tây Nam Hoa Kỳ thậm chí đã đề xuất sử dụng khu bảo tồn như chỗ chứa rác thải hạt nhân. Và, tất nhiên rồi, còn cả việc đốt rừng nữa chứ. SAI LẦM CỦA HOLMBERG “Đừng chạm vào cái cây đó”, Balée lên tiếng. Người tôi cứng lại. Tôi đang leo lên một ngọn đồi thấp, dốc và sắp nắm lấy một nhành cây khẳng khiu, gần giống dây leo, có lá vát. “Triplaris Americana”, chuyên gia về thực vật rừng Balée nói. “Anh phải cẩn thận với nó”. Theo kiểu cộng sinh bất thường, Balée cho biết: T. Americana đóng vai trò là vật chủ của chủng kiến đỏ bé xíu - trên thực tế, giống cây này còn khó tồn tại nếu thiếu chúng. Những con kiến chiếm đóng các đường rãnh nhỏ xíu ngay dưới vỏ cây. Đổi lấy chỗ ẩn nấp, kiến sẽ tấn công bất cứ thứ gì động đến cây - côn trùng, chim, một nhà văn lơ đãng. Sự hiểm ác của các đòn tấn công phun độc ấy đã khiến T.Americana bị người dân địa phương gán cho cái tên Cây quỷ dữ. Dưới gốc cây quỷ dữ có một cái hang thú khiến bộ rễ của nó bị lộ ra. Balée dùng dao bới một ít đất rồi vẫy tôi, Erickson và con trai tôi Newell, người đồng hành với chúng tôi. Cái hố nông đầy gốm vỡ. Chúng tôi có thể thấy những mảnh diềm đĩa và vật gì đó tựa như đế ấm trà - nó được tạo hình như chân người, tô điểm với móng chân sơn màu. Balée rút ra chừng một tá mảnh sứ: Những mảnh vụn ấm đĩa. Một thanh hình trụ đã bể, có thể là một phần của chân đỡ bình. Gần như 80% ngọn đồi này được tạo thành từ những mảnh vỡ như thế, ông nói. Cậu có thể đào bất cứ đâu và sẽ tìm thấy thứ tương tự. Chúng ta đang leo trên một đụn đồ sành vỡ. Đụn này mang tên Ibibate, một trong những gò phủ rừng cao nhất ở Beni với chiều cao gần 18m. Erickson giải thích cho tôi: đống mảnh sứ có lẽ được dùng để xây đắp và thông khí đất bùn giúp cho định cư và nông nghiệp. Nhưng mặc dù lý giải này hợp lý về mặt kỹ thuật, nó cũng chẳng khiến hành động của người đã tạo nên mô gò cổ xưa này bớt bí ẩn hơn. Những mô gò bao phủ khoảng diện tích khổng lồ, đến mức khó có thể coi chúng là hệ quả của rác thải loại. Đông Nam Roma có một đồi chai lọ vỡ tên Monte Testaccio, bãi rác tập thể cho toàn thành đô. Ibibate còn lớn hơn cả Monte Testaccio. Và ngoài gò này, có cả mấy trăm gò đồi tương tự. Chắc chắn, người ở Beni không hề thải ra nhiều rác như ở Rome, theo lý luận của Erickson, các mảnh đồ gốm cho thấy ở Ibibate từng tập trung đông dân cư, nhiều người là lao động tay nghề cao, sống trên những gò đồi này một thời gian dài, mở tiệc và ăn uống linh đình suốt thời gian đó. Số thợ làm gốm cần thiết để tạo ra những đống đồ sành sứ, thời gian lao động cần thiết, số người cần thiết để cung cấp đồ ăn và nơi ở cho thợ làm gốm, công cuộc tổ chức quá trình đập phá và chôn vùi quy mô lớn, theo cách nhìn của Erickson, tất cả đều là bằng chứng cho thấy hàng nghìn năm trước Beni là vùng đất của một xã hội có tổ chức cao, xã hội mà qua những cuộc điều tra khảo cổ, chỉ mới bắt đầu hiện hình. Đi cùng chúng tôi hôm ấy có hai người Anh-điêng thuộc bộ tộc Sirionó là Chiro Cuéllar và con rể ông, Rafael. Cả hai đều rắn rỏi, da đen và hầu như không râu; bước cùng trên đường mòn, tôi để ý thấy các vết khuyết nhỏ trên dái tai họ. Rafael hớn hở, gần như là tự mãn, thêm nếm chút gia vị cho buổi trưa bằng những lời bình luận; Chiro - một quan chức địa phương, vừa hút “Marlboro” sản xuất tại vùng này - vừa quan sát chúng tôi với vẻ khoan dung thích thú. Họ sống tại ngôi làng nhỏ ở cuối một con đường dài, cũ mòn và bụi bặm, cách đây khoảng 2km. Chúng tôi đã lái xe tới đó từ sớm, dừng lại dưới bóng một ngôi trường đổ nát và mấy tòa nhà giáo hội. Quần thể công trình kiến trúc co cụm với nhau gần đỉnh một ngọn đồi nhỏ - một gò đồi cổ xưa khác. Trong lúc tôi cùng Newell chờ cạnh xe tải, Erickson và Balée vào trường để xin Chiro và những quan chức khác cho phép đi thăm thú xung quanh. Nhận thấy chúng tôi đang ngồi không, vài đứa trẻ Sirionó cố thuyết phục bọn tôi xem một con báo đốm con nhốt trong chuồng và trả chúng tiền cho trò vui này. Sau vài phút, Erickson và Balée trở ra với giấy thông hành cùng hai người đi kèm: Chiro cùng Rafael. Bấy giờ, trèo lên Ibibate, Chiro quan sát thấy tôi dừng cạnh cây quỷ dữ. Khuôn mặt không chút cảm xúc, ông gợi ý tôi nên trèo lên đỉnh đồi. Trên ấy, theo lời ông nói, tôi sẽ tìm thấy loại trái cây rừng nào đó. “Anh chưa bao giờ gặp qua thứ gì như thế đâu”, ông hứa hẹn. Từ đỉnh Ibibate có thể nhìn được thảo nguyên bao quanh. Cách đó khoảng 500m, cắt ngang dải cỏ vàng cao tới hông là một hàng cây thẳng tắp - theo lời Erickson, đó là cây cầu đắp cổ đại. Miền thôn dã nơi đây bằng phẳng đến độ có thể nhìn xa nhiều dặm từ mọi hướng, thậm chí là hàng dặm nếu bầu không khí nhiều nơi không bị khói phủ. Sau đó, tôi thấy băn khoăn về mối liên hệ của những người Sirionó với nơi này. Liệu họ có giống những người Ý từng sống trong các di tích của Đế chế La Mã thời đó chăng? Lúc lái xe về tôi đã hỏi Erickson và Balée câu đó. Câu trả lời của họ rời rạc, chiếm hết thời gian còn lại chiều hôm ấy, khi chúng tôi lái xe đến chỗ trọ dưới làn mưa trái mùa rét mướt và ăn tối ngay sau đó. Họ bảo, vào thập niên 1970, đa số chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi về người Sirionó của tôi theo đúng một cách. Ngày nay, đa số họ sẽ trả lời theo một cách khác. Khác biệt này liên quan tới điều tôi đang trộm nghĩ, dù khá bất công, là sai lầm của Holmberg. Dù Sirionó chỉ là một trong khoảng 20 nhóm người bản xứ châu Mỹ, họ là những người nổi tiếng nhất. Giữa năm 1940 và 1942, một nghiên cứu sinh tên Allan R. Holmberg đã sống với họ. Vào 1950, ông đã xuất bản cuốn ký sự về cuộc sống của người Sirionó mang tên Nomads of the Longbow (Trường cung của dân du mục) - tựa sách ám chỉ loại cung dài gần 2m người Sirionó dùng săn bắn. Nomads nhanh chóng được công nhận là một tác phẩm kinh điển, trở thành cuốn sách có tính hình tượng và gây ảnh hưởng lớn, đồng thời là một trong những lý do chính hình thành quan niệm của thế giới bên ngoài về người Anh-điêng Nam Mỹ khi tên sách liên tiếp xuất hiện trên loạt bài viết học thuật lẫn tập san nổi tiếng. Theo tường thuật của Holmberg, tộc Sirionó “thuộc vào những tộc người lạc hậu nhất thế giới về mặt văn hóa”, luôn trong trạng thái đói khát và thiếu thốn, không có quần áo, không có gia súc, không có nhạc cụ (kể cả lục lạc hay trống), không có nghệ thuật lẫn đồ trang sức (trừ vòng cổ treo răng động vật), gần như vô thần (“Quan niệm về vũ trụ” của người Sirionó rất “thô lậu”). Thật khó tin nhưng họ không thể đếm quá 3 và tạo ra lửa (Ông viết rằng họ chuyền nó “từ lều này sang lều khác bằng cây đuốc [đang cháy]”). Loại chòi làm từ lá cọ chất lộn xộn của họ vô dụng trước những cơn mưa và côn trùng đến nỗi các thành viên bình thường của đoàn “trải qua nhiều đêm mất ngủ suốt cả năm”. Co cụm bên ngọn lửa trại leo lét trong những đêm ẩm ướt đầy rệp bọ, theo cách Holmberg diễn đạt, Sirionó là bằng chứng sống của người nguyên thủy - “ví dụ hoàn hảo” cho tình trạng “ăn lông ở lỗ”. Ông cho rằng họ đã sống như vậy suốt cả thiên niên kỷ và chẳng để lại dấu tích nào trên vùng đất. Cho đến khi họ chạm trán xã hội châu Âu, lịch sử của họ mới bắt đầu có thứ để kể. Holmberg là một nhà nghiên cứu kỹ tính và nhiệt huyết, nhiều quan sát tinh ý của ông vẫn còn giá trị đến tận ngày nay. Ông cũng dũng cảm vượt qua những thử thách có thể khiến nhiều người chào thua ở Bolivia. Tháng ngày sống trên đồng cỏ ông luôn thấy khó ở, thường xuyên đói khát và đau ốm. Khi hai mắt bị mù vì nhiễm trùng, ông đã nắm tay một người dẫn đường Sirionó đi bộ xuyên rừng ròng rã nhiều ngày để đến được trạm y tế. Sức khỏe ông không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Sau khi trở về, ông trở thành trưởng khoa Nhân chủng học tại Đại học Cornell, và trên cương vị đó, ông dùng những thành tựu lừng danh của mình để giúp vùng Andes xóa đói giảm nghèo. Tuy vậy, ông đã sai khi nói về người Sirionó, sai cả về Beni - nơi người Sirionó sống - sai một cách bài bản, thậm chí là chuẩn mực. Holmberg tin rằng trước khi Columbus đến, cả con người lẫn vùng đất đều không có lịch sử thực sự. Thẳng thắn mà nói, quan điểm cho rằng người Mỹ bản địa cứ sống tăm tối cả thiên niên kỷ cho tới tận năm 1492 nghe thật lố bịch. Nhưng thông thường, lỗ hổng trong cách nhìn nhận chỉ bộc lộ khi chúng được đề cập. Trường hợp này, người ta phải mất vài thập niên để sửa sai. Sự bất ổn của chính phủ Bolivia và hàng loạt vụ bạo động bài Mỹ, bài Âu khiến ít nhà khảo cổ học và nhân chủng học nước ngoài theo bước Holmberg đến Beni. Không chỉ riêng sự thù địch của chính phủ mà bản thân vùng đất - một trung tâm buôn bán cocaine trong thập niên 1970 và 1980 - cũng rất nguy hiểm. Ngày nay buôn bán thuốc phiện đã giảm, nhưng vẫn có thể thấy những con đường đâm sâu vào rừng của dân buôn lậu. Xác một chiếc máy bay chở thuốc phiện bị rơi nằm không xa sân bay ở Trinidad, thị trấn lớn nhất Beni. Theo Robert Langstroth, nhà địa lý kiêm chuyên gia môi trường thuộc Wisconsin đã làm luận án điều tra tại đó, trong cuộc chiến thuốc phiện, “Beni là nơi nhếch nhác, kể cả với tiêu chuẩn của người Bolivia. Là vũng nước đục giữa ao tù.” Dần dà, vài ba nhà khoa học dấn thân vào khu vực này. Điều họ thu thập được đã thay đổi nhận thức của họ về mảnh đất và con người nơi đó. Đúng như Holmberg nói, Sirionó là một trong những cư dân lạc hậu nhất về mặt văn hóa trên Trái Đất. Nhưng không phải vì họ không thay đổi gì từ thời tiền sử mà vì dịch đậu mùa và bệnh cúm đã tàn phá làng mạc của họ vào thập niên 1920. Trước khi bệnh dịch bùng phát, đã có ít nhất 3.000 người Sirionó, và có lẽ còn nhiều hơn, sống ở phía Đông Bolivia. Đến thời của Holmberg, chỉ còn gần 150 người - hơn 95% dân số bị xóa sổ trong chưa đầy một thế hệ. Thảm kịch đã đẩy người Sirionó vào tình trạng “Cổ chai di truyền.” (Cổ chai di truyền xảy ra khi quần thể dân cư trở nên quá nhỏ, các cá nhân buộc phải giao phối cận huyết, tình trạng này có thể gây thoái hóa di truyền.) Tác hại của hiện tượng cổ chai được Allyn Stearman thuộc Đại học Central Florida miêu tả vào năm 1982 khi ông trở thành nhà nhân chủng học đầu tiên sau Holmberg đến tìm hiểu người Sirionó. Stearman phát hiện ra người Sirionó có nguy cơ bị vẹo bàn chân bẩm sinh cao gấp 30 lần so với quần thể cư dân thông thường. Đồng thời hầu hết người Sirionó đều có vết khuyết bất thường trên dái tai, giống dấu vết tôi thấy ở hai người đi cùng lúc trước. Stearman biết thêm khi dịch bệnh bùng phát, bộ tộc còn phải chiến đấu chống lại những chủ trang trại người da trắng đang xâm chiếm mảnh đất. Quân đội Bolivia viện trợ cuộc xâm lăng này bằng cách truy sát người Sirionó và ném họ vào trại giam. Người được thả sau đó bị ép lao động khổ sai tại các đồn điền. Đoàn người lang thang mà Holmberg đồng hành cùng trong cánh rừng thực ra đang chạy trốn những kẻ áp bức họ. Holmberg đã liều lĩnh cố giúp họ, nhưng ông chưa bao giờ hiểu được rằng những người ông coi là cá thể còn sót lại từ thời Đồ Đá Cũ thực ra lại là kẻ sống sót đau khổ từ một nền văn hóa vừa bị tàn phá. Như thể ông bắt gặp người tị nạn từ các trại tập trung của Đức Quốc xã rồi kết luận rằng họ thuộc một nền văn hóa đã luôn đói khổ và rách rưới. Vốn không phải là kẻ sót lại từ thời Đồ Đá, trên thực tế, người Sirionó còn là người tương đối mới ở Beni. Họ dùng ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tupí Guarani, một trong số ngữ hệ quan trọng nhất tại Nam Mỹ, nhưng không phổ biến ở Bolivia. Dấu hiệu ngôn ngữ lần đầu tiên được các nhà nhân chủng học xem xét vào thập niên 70, đặt ra giả thuyết họ từ phía Bắc đến đây muộn nhất là trong thế kỷ XVII, cùng thời với những người khai hoang và truyền giáo Tây Ban Nha đầu tiên. Dấu hiệu khác lại cho rằng họ đến sớm hơn vài thế kỷ; các nhóm người dùng ngữ hệ Tupí-Guarani, có lẽ bao gồm cả Sirionó, đã tấn công đế chế Inka vào đầu thế kỷ XVI. Không ai biết được lý do người Sirionó tới Beni, có thể đơn giản vì lúc đó dân cư còn thưa thớt. Cách đó không lâu, xã hội của những cư dân đến trước vừa tan rã. Qua Nomads of the Longbow, có thể thấy Holmberg không biết về nền văn hóa tồn tại trước đó - nền văn hóa đã xây cầu đắp, mô gò và đập bắt cá. Ông không nhận ra người Sirionó đang đi qua cảnh vật do người khác tạo dựng. Vài người thám sát đến đây trước Holmberg đã nhận biết sự tồn tại của các công trình bằng đất này, mặc dù vài người trong đó nghi ngờ lực lượng xây nên cầu đắp và mô gò không phải con người. Tuy vậy chúng chưa thu hút sự chú ý của giới học giả cho đến tận năm 1961, khi William Denevan đến Bolivia. Denevan, lúc đó còn là nghiên cứu sinh, đã biết về cảnh vật đặc biệt này qua một thời gian ngắn làm phóng viên tập sự tại Peru và cho rằng đây là chủ đề hay để viết luận án. Đến nơi, ông phát hiện ra những nhà địa chất của công ty dầu mỏ, tức những nhà khoa học duy nhất ở đấy, tin rằng Beni chứa đầy tàn tích của một nền văn hóa bí ẩn. Khi bay qua vùng Đông Bắc Bolivia vào thời kỳ đầu của thập niên 1960, nhà địa lý học trẻ tuổi William Denevan đã rất sửng sốt khi nhìn thấy đồng ruộng của một xã hội đã tàn lụi bao phủ cảnh quan (ảnh trên). Những mương rạch mấp mô từa tựa hào đào rải rác khắp các cánh đồng, mục đích sử dụng của chúng vẫn là ẩn số. Tại bang Acre kế cận, các nhà khảo cổ đã tìm thấy vài trăm hình “geoglyph” [những hình vẽ, biểu tượng khổng lồ bí ẩn bằng đá, đất, cây cối… được tạo nên trên nền đất phẳng rộng như ruộng, đồi…] sắc nét (ảnh cuối cùng) và dấy lên nghi vấn rằng phần lớn vùng Tây Amazon là nhà của nhiều quần thể xã hội Anh-điêng phức tạp, mang quy mô lớn. Denevan đã quan sát Beni từ trên cao sau khi thuyết phục người phi công địa phương thực hiện một chuyến bay xa hơn bình thường về phía Tây. Điều ông được chiêm ngưỡng cũng chính là điều tôi được thấy bốn thập niên sau: những cồn rừng tách biệt, bờ đất dài đắp cao, kênh đào, ruộng đất, mương rạch giống hào dã chiến chạy vòng tròn và luống đất kỳ lạ hình chữ chi. Denevan bảo: “Tôi biết chắc đây không phải công trình tự nhiên. Trong tự nhiên không tồn tại loại đường thẳng như thế.” Càng hiểu thêm về cảnh vật, ông càng kinh ngạc. “Đây hoàn toàn là cảnh quan nhân tạo”, ông nói. “Với tôi, đây là điều tuyệt vời nhất diễn ra ở vùng Amazon và các vùng lân cận. Tôi nghĩ có khi nó còn là thứ quan trọng nhất trên toàn Nam Mỹ. Và nó hầu như còn nguyên vẹn”, gần như chưa bị giới khoa học động tới - các nhà khảo cổ vẫn chưa lập xong bản đồ các mương đào và công trình kiến trúc bằng đất đó. Erickson tin rằng nền văn hóa xa xưa này đã bắt đầu từ khoảng 3.000 năm trước, có lẽ do tổ tiên của người nói tiếng Arawak, nay gọi là tộc Mojo và tộc Bauré, lập nên - họ đã tạo ra một trong những môi trường nhân tạo lớn nhất, kỳ lạ nhất và có hệ sinh thái trù phú nhất hành tinh. Quần thể người này đắp mô gò để dựng nhà cùng trang trại, xây cầu đắp và kênh đào phục vụ giao thông vận tải, làm đập bắt cá để nuôi sống bản thân và đốt thảo nguyên để chống cây xâm lấn. Một nghìn năm trước, xã hội của họ đạt đến đỉnh cao. Làng mạc và thôn xóm rộng mênh mông, uy nghi, có hào và hàng rào bảo vệ. Theo giả thuyết của Erickson, có tới 1.000.000 người mặc áo trùm dài vải bông, cổ và cổ tay đeo đầy trang sức đã sinh sống trên những cầu đắp ở Đông Bolivia. Hàng trăm năm đã trôi qua từ khi nền văn hóa Arawak biến mất, ngày nay, cánh rừng bao phủ Ibibate và xung quanh nó giờ trông như một Amazon kinh điển trong giấc mộng của các nhà bảo tồn: dây leo phủ um tùm rậm rạp, những chiếc lá như lưỡi dao dài 2m đung đưa, những cây điều Brazil thân trơn nhẵn, mấy bông hoa thân dày tỏa mùi thịt thối. Balée bảo tôi, về độ đa dạng sinh học, rừng ở Bolivia có thể sánh với bất cứ nơi nào ở Nam Mỹ. Có vẻ điều này cũng đúng với thảo nguyên Beni khi xét đến số loài sinh vật của nó. Về mặt sinh thái, khu vực này là một kho báu, nhưng là kho báu sinh thái được loài người thiết kế và thi công. Erickson coi cảnh quan Beni là một trong những thành tựu nghệ thuật vĩ đại nhất của nhân loại, một kiệt tác mãi đến gần đây mới được khám phá, một kiệt tác tồn tại ở nơi mà chẳng mấy người sống ngoài khu vực Bolivia biết tới. “SỰ RỖNG TUẾCH CỦA LOÀI NGƯỜI VÀ HỆ LỤY” Beni không phải trường hợp đặc biệt, suốt gần năm thế kỷ, Sai Lầm của Holmberg - giả thuyết cho rằng Người Mỹ bản địa sống trong tình trạng vất vưởng kéo dài - đã làm mưa làm gió trong các tác phẩm học thuật, từ đó lan rộng ra sách giáo khoa trung học, phim Hollywood, báo chí, chiến dịch môi trường, tiểu thuyết thám hiểm lãng mạn và áo thun in lụa. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức và được đón nhận bởi cả phe thù ghét lẫn phe ngưỡng mộ người Anh-điêng. Sai Lầm của Holmberg lý giải cách thực dân nhìn nhận hầu hết người Anh-điêng như kẻ man rợ tàn ác, là hình mẫu rập khuôn hão huyền cho rằng người Anh-điêng là người nguyên thủy cao quý. Tiêu cực hay tích cực thì trong cả hai hình dung trên, người Anh-điêng thiếu chủ quyền, như các nhà khoa học xã hội đã nói - họ không được tự chủ mà chỉ là đối tượng bị động trước mọi thiên tai thảm họa giáng xuống. Khái niệm người nguyên thủy cao quý xuất hiện cùng lúc tác phẩm vang dội đầu tiên nghiên cứu về dân tộc bản địa châu Mỹ ra đời: Apologética Historia Sumaria (Tóm lược lịch sử biện giải) của Bartolome de Las Casas, phần lớn cuốn sách được viết trong những năm 1530. Las Casas, một thực dân Tây Ban Nha, vì ân hận về những hành động mình gây ra nên đã trở thành mục sư và dành hết quãng đời còn lại để chống đối sự tàn bạo của người châu Âu tại châu Mỹ. Theo ông, người Anh-điêng là sinh vật tự nhiên hiền lành như bồ câu sống trên “thiên đường trần thế.” Ông tin rằng họ đang im lặng chờ đợi với sự ngây thơ trong sáng - chờ đợi cả thiên niên kỷ - chờ đợi Công giáo đến soi lối. Pietro Martire d’Anghiera, nhà phê bình người Ý sống cùng thời Las Casas, cũng có chung tư tưởng trên. Người Anh-điêng, ông viết (trích bản dịch tiếng Anh từ cuốn 1556), “Sống trong thế giới hoàng kim mà các nhà văn thời xưa thường nhắc đến,” sự tồn tại “giản dị và hồn nhiên, không bị luật pháp ràng buộc”. Vào thời chúng ta, đức tin vào sự mộc mạc, hồn nhiên cố hữu của người Anh-điêng chủ yếu dựa vào giả thiết họ ít tác động đến môi trường. Quan điểm này khởi nguồn sớm nhất từ thời của triết gia Henry David Thoreau, người đã dành nhiều thời gian tìm kiếm “Trí tuệ Anh-điêng”, một hệ tư duy bản xứ được cho là không biết cách đong đếm và phân loại, những kỹ năng mà ông tin là quỷ dữ dùng để sai khiến loài người biến đổi thiên nhiên. Ý kiến của Thoreau không ngừng lan tỏa. Giữa không khí kích động trong Ngày Trái Đất đầu tiên năm 1970, một nhóm người lấy tên là Tập đoàn Keep America Beautiful đã dựng các tấm bảng có hình một nam diễn viên mặc đồ Anh-điêng khóc than cho vùng đất bị ô nhiễm. Chiến dịch thành công vang dội. Gần một thập niên sau, hình ảnh người Anh điêng than khóc xuất hiện toàn thế giới. Mặc dù người Anh-điêng ở đây đóng vai trò anh hùng, mẫu quảng cáo vẫn thể hiện Sai lầm của Holmberg, vì nó mô tả người Anh-điêng như những người chưa bao giờ biến đổi tình trạng hoang dã nguyên thủy của môi trường, vì lịch sử biến đổi mà họ lại là những người không có lịch sử. Quan điểm chống đối Tây Ban Nha của Las Casas gặp phải sự công kích dữ dội tới mức ông phải yêu cầu người thực hiện di chúc chỉ xuất bản cuốn Apologética Historia sau khi ông mất tròn 40 năm (ông qua đời năm 1566). Thực tế, cuốn sách chỉ được công bố đầy đủ vào năm 1909. Sự trì hoãn này cho thấy những cuộc chiến luận về người nguyên thủy cao quý trong thế kỷ XVIII và XIX có xu hướng triệt hạ lòng thương cảm. Điển hình là sử gia người Mỹ George Bancroft, một tên tuổi lớn trong giới, vào năm 1834 đã lập luận rằng trước khi người châu Âu đến thì Bắc Mỹ là “một vùng hoang phế… Chỉ có vài bộ lạc của những kẻ man rợ lạc hậu sống rải rác, thiếu cả thương mại lẫn liên kết chính trị.” Cũng giống Las Casas, Bancroft tin rằng người Anh-điêng đã sống trong xã hội bất biến - chỉ khác là Bancroft coi sự bất biến này như biểu hiện của lười biếng, không phải hồn nhiên. Quan điểm đầy cảm tính của Bancroft tiếp tục kéo dài đến thế kỷ sau. Vào năm 1934, Alfred L. Kroeber, một trong những người đặt nền tảng cho ngành nhân chủng học Hoa Kỳ lý luận rằng người Anh-điêng ở phía Đông Bắc Mỹ không thể phát triển - không thể có nền lịch sử - bởi vì cuộc sống của họ đầy “xung đột gây hao tổn khủng khiếp, không ngừng tiếp diễn”. Thoát khỏi vòng xung đột luẩn quẩn là “gần như bất khả thi. Nhóm người nào cố gắng chuyển đổi đời sống từ chiến tranh sang hòa bình hẳn đã tuyệt diệt từ lâu.”* Kroeber thừa nhận người Anh-điêng có tranh thủ gieo trồng lúc không phải chiến đấu, nhưng khăng khăng rằng nông nghiệp “không phải yếu tố cơ bản trong cuộc sống ở miền Đông, chỉ là phụ trợ, hoặc có thể coi như điều xa xỉ.” Kết cục, “Hơn 99% đất đai có thể phát triển vẫn còn nguyên sơ.” Bốn thập niên sau, nhà văn hai lần đoạt giải Pulitzer - Samuel Eliot Morison đã kết lại bộ sách European Discovery of America (Khám phá của người châu Âu về châu Mỹ) dài hai tập của mình bằng lập luận ngắn gọn: Người Anh-điêng chẳng để lại bất cứ công trình hay thể chế nào. Bị giam cầm trong sự hoang dã bất biến, họ chính là “kẻ vô thần trông chờ kiếp sống tăm tối ngắn ngủi, không hy vọng về tương lai.” Năm 1965, sử gia người Anh - Hugh Trevor-Roper, nam tước Dacre xứ Glanton tuyên bố: “Chức năng lịch sử chính” của thổ dân châu Mỹ là “cho người thời nay thấy được hình ảnh quá khứ mà lịch sử đã bỏ quên.” Sách giáo khoa phản ánh triệt để đức tin khoa học phi thực tế này. Theo một cuộc khảo sát sách giáo khoa lịch sử ở Mỹ, nhà báo Frances Fitzgerald kết luận từ thập niên 1840 đến thập niên 1940, những miêu tả về đặc điểm thổ dân châu Mỹ đã chuyển dịch, “có thể nói là thụt lùi”. Các ký giả trước đây nghĩ rằng người Anh-điêng đóng vai trò quan trọng, dù họ được coi là mọi rợ, nhưng sách báo sau này đóng khung họ trong công thức: “lười biếng, hoang dại và tàn ác”. Một quyển sách giáo khoa trọng yếu thời thập niên 1940 chỉ dành “vài đoạn văn” nói về thổ dân châu Mỹ. “Kết luận cuối cùng là: ‘Thổ dân châu Mỹ lạc hậu,’” bà viết. Con người thời nay rất dễ cảm thấy vượt trội so với người sống ở quá khứ. Sử gia Alfred W. Crosby thuộc Đại học Texas lưu ý thấy nhiều người trong số các nhà nghiên cứu ủng hộ Sai Lầm của Holmberg sống vào thời mà dường như những lãnh tụ vĩ đại gốc châu Âu là nguồn thúc đẩy biến động, xã hội người da trắng trông có vẻ áp đảo các quần thể xã hội khác ở mọi nơi. Trong suốt thế kỷ XIX và phần lớn thế kỷ XX, chủ nghĩa dân tộc lên đến cao trào, sử gia đồng hóa lịch sử với quốc gia thay vì với nền văn hóa, tín ngưỡng hay lối sống. Nhưng Thế Chiến II đã dạy phương Tây rằng những người không phải Tây phương - chẳng hạn như Nhật Bản - có khả năng thay đổi xã hội mau lẹ. Sự sụp đổ nhanh chóng của các đế chế thực dân châu Âu còn nhấn mạnh điều này thêm. Crosby so sánh: tác động của những sự kiện này lên giới xã hội học không kém “khám phá cho thấy quầng sáng mờ giữa các ngôi sao trong dải ngân hà thật ra là những thiên hà xa xôi khác” trong giới thiên văn học. Trong khi đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật đang tạo ra cách thức mới để tìm hiểu quá khứ. Nhân khẩu học, khí hậu học, dịch tễ học, kinh tế học, thực vật học và nghiên cứu phấn hoa (phân tích phấn hoa); sinh học phân tử và sinh học tiến hóa, định niên đại bằng Carbon-14, lấy mẫu lõi băng, chụp ảnh vệ tinh, xét nghiệm mẫu đất; phân tích microsatellite (chuỗi lặp đơn giản) của gen, phối cảnh tổng thể 3D ảo - hàng loạt công nghệ và triển vọng mới được đưa vào sử dụng. Và khi chúng được ứng dụng, quan niệm đã đứng vững suốt mấy nghìn năm cho rằng loài người chỉ mới chiếm dụng 1/3 bề mặt Trái Đất bắt đầu trở nên phi lý. Dĩ nhiên, một số nhà nghiên cứu đã công kích mạnh mẽ các khám phá mới là sự cường điệu điên rồ. (“Chúng ta chỉ đơn thuần thay thế truyền thuyết cũ [về sự hoang dã nguyên sơ] bằng truyền thuyết mới”, truyền thuyết về cảnh quan nhân tạo,” nhà địa lý học Thomas Vale cáu kỉnh nói.) Tuy vậy, sau vài thập niên khám phá và tranh luận, quan niệm mới về châu Mỹ và cư dân nguyên thủy của nó đang dần hiện ra. Các mẫu quảng cáo vẫn tán dương hình ảnh sống chan hòa với thiên nhiên, trong đó người du mục Anh-điêng cưỡi ngựa đuổi theo đàn bò rừng ở Đại Bình Nguyên Bắc Mỹ, nhưng vào thời Columbus đã có rất đông thổ dân châu Mỹ tập trung ở Nam Rio Grande. Họ không phải dân du mục mà là người đã xây dựng và định cư tại những thành phố lớn và sầm uất nhất thế giới. Khác xa với việc sống phụ thuộc săn bắt, đa phần người Anh điêng sống dựa vào trồng trọt, số còn lại lấy đánh bắt thủy hải sản làm kế sinh nhai. Còn ngựa, chúng đến từ châu Âu; trừ loài đà mã (lạc đà không bướu) ở dãy Andes, Tây Bán Cầu không có động vật thồ hàng. Nói cách khác, châu Mỹ náo nhiệt, trù phú và đông đúc hơn những gì các nhà nghiên cứu hình dung rất nhiều. Và cũng lâu đời hơn nữa. NHỮNG THỜI ĐẠI ĐỒ ĐÁ MỚI KHÁC Gần như trong suốt thế kỷ qua, các nhà khảo cổ tin rằng người Anh điêng đến châu Mỹ qua Eo biển Bering từ khoảng 13.000 năm trước, vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Do những mảng băng ở hai cực Trái Đất khóa giữ lượng nước khổng lồ, mực nước biển toàn cầu giảm gần 100m. Eo biển nông Bering trở thành một cầu cạn lớn nối Siberia và Alaska. Theo giả thuyết, người Anh-điêng cổ, như cách khoa học gọi, đi bộ băng qua eo biển rộng khoảng 85km nay chia cắt hai lục địa. Năm 1964, nhà khảo cổ C. Vance Haynes thuộc Đại học Arizona đã hoàn thiện giản đồ này khi ông thấy vào đúng thời điểm khoảng 13.000 năm trước - hai mảng băng khổng lồ phía Tây Bắc Canada tách rời, lộ ra một con đường tương đối ấm, không bị đóng băng. Người Anh-điêng cổ có thể đã theo tuyến đường này để đi từ Alaska đến những vùng dễ sống hơn phía Nam mà không cần vượt qua băng trôi. Thời điểm ấy, băng trôi trải dài hơn 3.000km khắp phía Nam của eo biển Bering và hầu như không có sự sống. Nếu thiếu con đường không phủ băng của Haynes, thật khó mà hình dung ra cách giúp con người có thể Nam tiến. Sự kiện đồng thời xuất hiện chiếc cầu cạn và con đường không băng chỉ xảy ra một lần trong 20.000 năm qua, và chỉ tồn tại trong vài trăm năm. Đồng thời sự kiện này xảy ra ngay trước sự xuất hiện của Clovis, nền văn hóa lâu đời nhất được biết tới của châu Mỹ. Clovis cũng là tên một thị trấn bang New Mexico, nơi người ta lần đầu thấy các tàn tích của nền văn hóa này nên đặt tên thị trấn theo nó. Cách giải thích của Haynes khiến giả thuyết quá gượng ép đến nỗi sách giáo khoa ít khi đề cập nó. Tôi đã học điều này thời trung học. Và con trai tôi, 30 năm sau, cũng thế. Trong năm 1997, giả thuyết đột nhiên gặp trục trặc. Một số người ủng hộ nó nhất, kể cả Haynes, công khai thừa nhận rằng cuộc tìm kiếm của giới khảo cổ ở Nam Chile đã tìm thấy dấu tích định cư của loài người từ hơn 12.000 năm trước. Cũng vì những người này sống cách Eo Bering khoảng 11.000km, phải mất thời gian dài họ mới di chuyển qua quãng đường này, rất có khả năng họ đã đến đây trước khi con đường không băng kia mở ra. (Dù sao thì, những nghiên cứu mới cũng nghi ngờ sự tồn tại của nó.) Vượt qua những sông băng mà không có con đường ấy gần như bất khả thi; vì vậy, vài nhà khảo cổ người Mỹ đặt giả thuyết rằng người châu Mỹ đầu tiên có thể đã đến từ cách đây 20.000 năm, khi băng trôi nhỏ hơn. Hoặc thậm chí sớm hơn thế nữa - khu khảo cổ ở Chile chứa chứng tích thuyết phục của những đồ tạo tác có niên đại hơn 30.000 năm. Hoặc người Anh-điêng nguyên thủy đã đến bằng thuyền, không cần cầu cạn. Hoặc có lẽ họ đến qua châu Úc, băng qua Nam Cực. “Chúng ta đang trong tình trạng rối loạn.” Cố vấn khảo cổ Stuart Fiedel nói với tôi như vậy. Ông bổ sung, hơi cường điệu một chút để tạo ấn tượng, “Tất cả những gì chúng ta biết có vẻ sai bét hết.” Chưa có sự thống nhất nhưng ngày càng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng có một nhóm người nhỏ đã vượt eo biển Bering, bị kẹt ở Alaska, sau đó di cư lẻ tẻ đến châu Mỹ theo từng nhóm riêng biệt, khả năng cao là di chuyển bằng thuyền dọc theo bờ Thái Bình Dương và định cư tại Tân Thế giới. Chi tiết cụ thể thì có nhiều ý kiến khác nhau; một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết châu Mỹ đã đón ít nhất năm làn sóng định cư trước Columbus, làn sóng đầu xảy ra ít nhất khoảng 50.000 năm trước. Dù vậy các giả thuyết đều có điểm chung: người Anh-điêng ngày nay so ra là những người đến sau. Các nhà hoạt động xã hội Anh-điêng không thích lý luận này. “Tôi không thể kể hết với ông bao nhiêu người da trắng đã bảo tôi ‘khoa học’ chứng minh người Anh-điêng chỉ là một đám ngoại lai,” Vine Deloria Jr., nhà chính trị học của Đại học Colorado ở Boulder nói với tôi trong cuộc trò chuyện trước khi ông mất vào năm 2005. Deloria là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm cả Red Earth, White Lies (Đất của người da đỏ, sự dối trá của người da trắng) lên án xu hướng khảo cổ đại trà. Nội dung chủ đạo của cuốn sách thể hiện qua mục lục của nó; dưới phần “khoa học”, các mục gồm “sự thối nát và gian xảo và”, “lời giải thích của người Anh-điêng bị lờ đi bởi”, “thiếu bằng chứng thuyết phục”, “thiếu tính khách quan” và “phân biệt chủng tộc”. Theo ý Deloria, khảo cổ học chủ yếu chỉ để giảm nhẹ tội lỗi của người da trắng. Việc quả quyết người Anh-điêng đã thế chân những người khác vừa khớp với chủ đích này. “Nếu chúng ta chỉ là kẻ cướp đất đai từ người nào đó,” Deloria nói, “thì họ có thể tuyên bố ‘Chà, chúng ta cũng giống nhau thôi. Chúng ta đều là dân nhập cư ở đây, đúng không?’” Logic đạo đức của lập luận “chúng ta đều là dân nhập cư” Deloria nêu ra thật khó phân tách; nó giống như hai cái sai tạo thành một cái đúng vậy. Hơn nữa, không có bằng chứng chứng minh “cái sai” đầu tiên là sai - chúng ta chẳng biết gì về mối liên hệ giữa những lớp người Anh-điêng cổ di cư cả. Nhưng dù thế nào, việc người bản xứ châu Mỹ là lớp người đầu tiên hay thứ hai đến đây đều chẳng liên quan tới công cuộc thẩm định thành tựu văn hóa của họ. Trong tất cả kịch bản có thể tưởng tượng ra, họ đều rời khỏi lục địa Á-Âu trước khi thời đại Đồ đá mới bắt đầu. Thời đại Đồ đá mới đánh dấu bằng sự xuất hiện của hoạt động trồng trọt, không hề phóng đại khi nói về tầm quan trọng của sự kiện này. Sử gia Ronald Wright viết: “Quá trình phát triển của loài người chia thành hai nửa: trước và sau thời đại Đồ đá mới. Thời kỳ này khởi nguồn tại Trung Đông khoảng 11.000 năm trước, ở nửa Tây vùng Lưỡi liềm màu mỡ, vùng đất hình cung nằm giữa Nam Iraq và Israel, lấn vào Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Các quần thể săn bắt hái lượm ở đó tập hợp thành làng mạc định cư, học cách trồng và nhân giống lúa mì lẫn lúa mạch dại trong vùng. Vài thiên niên kỷ sau, bánh xe và công cụ kim loại cũng bùng nổ. Người Sumer tập hợp các phát minh này lại, sáng tạo chữ viết và vào thiên niên kỷ III TCN, tạo ra nền văn minh vĩ đại đầu tiên. Tất cả nền văn minh Âu hay Á sau đó, dù hình thức khác nhau, đều thừa hưởng từ Sumer. Người Mỹ bản địa bỏ lỡ món quà này do rời khỏi châu Á từ rất lâu trước khi nông nghiệp xuất hiện. “Họ phải tự làm mọi thứ,” Crosby nói với tôi. Đáng chú ý là họ đã thành công. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết thời đại Đồ đá mới thứ hai -một thời đại Đồ đá mới riêng biệt xảy ra ở Trung bộ châu Mỹ. Vẫn chưa xác định thời gian cụ thể - các nhà khảo cổ không ngừng đẩy lùi mốc thời gian - nhưng hiện họ cho là xảy ra khoảng 10.000 năm trước, không lâu sau khi cuộc Cách mạng Thời kỳ Đồ đá mới ở Trung Đông bắt đầu. Dù vậy, năm 2003, các nhà khảo cổ phát hiện ra những hạt giống cổ đại của loài bí được gieo trồng ở vùng duyên hải Ecuador, dưới chân dãy Andes, có lẽ lâu đời hơn bất kỳ nền nông nghiệp nào tồn tại ở Trung bộ châu Mỹ - Thời đại Đồ đá mới thứ ba. Thời đại này chắc hẳn đã tạo nên những nền văn hóa ở Beni và nhiều thành tựu khác nữa. Hai thời đại Đồ đá mới ở châu Mỹ lan tỏa chậm hơn nhiều so với bản sao của chúng ở lục địa Á-Âu; có lẽ vì nhiều nơi ở châu Mỹ, người Anh-điêng chưa kịp tạo được mật độ dân số cần thiết, và có lẽ cũng do bản chất bất thường của loài cây trồng tiêu biểu nhất ở đây: Ngô.* Tổ tiên của lúa mì, lúa nước, kê, lúa mạch vẫn giống như hậu duệ đã được thuần hóa của mình; vì chúng đều ăn được và có năng suất cao, thật dễ hiểu tại sao con người nảy ra ý tưởng trồng chúng. Ngô không thể tự sinh sôi vì nhân của chúng được bọc kỹ trong hạt, vậy hẳn người Anh điêng phải lai tạo chúng từ vài giống cây khác. Nhưng chẳng có loài cây nào tương tự ngô cả. Giống cây có gen gần ngô nhất là một loài sơn thảo trông vô cùng khác biệt tên là teosinte (cỏ ngô) - “bắp” của nó còn nhỏ hơn cả loại ngô non phục vụ trong nhà hàng Trung Hoa. Không ai ăn cỏ ngô, giống này kết quá ít hạt đến mức không bõ công thu hoạch. Việc người Anh-điêng tạo ra giống ngô hiện nay từ loài cây không mấy năng suất này là một kỳ công quá mức phi thường, tới độ các nhà khảo cổ và sinh vật học đã tranh cãi hàng thế kỷ về cách thức thực hiện. Lai với bí, đậu và bơ, ngô cung cấp cho Trung bộ Nam Mỹ chế độ ăn uống cân bằng, có thể còn giàu dinh dưỡng hơn giống ngô ở Trung Đông và châu Á. (Nền nông nghiệp khu vục núi Andes tập trung chủ yếu vào khoai tây và đậu, cùng với nền nông nghiệp vùng Amazon tập trung chủ yếu vào sắn cũng có ảnh hưởng rộng lớn nhưng theo quy mô toàn cầu thì không bằng ngô.) Mất khoảng 7.000 năm từ buổi bình minh của thời đại Đồ đá mới ở Trung Đông đến lúc nền văn minh Sumer thành hình. Người Anh-điêng đã đi theo con đường tương tự trong khoảng thời gian ngắn hơn một chút. (Dữ liệu quá sơ sài đến nỗi khó mà nói cụ thể hơn.) Niềm vinh dự này thuộc về Olmec, phức hệ văn hóa tiên tiến đầu tiên ở Tây Bán Cầu. Xuất hiện tại “vùng eo” hẹp của Mexico vào khoảng năm 1800 TCN, họ sống trong những thành phố và làng mạc xây quanh các núi đền. Rải rác giữa chúng là tảng đá khổng lồ hình đầu người đàn ông. Nhiều đầu tượng cao trên 1,8m, đội mũ trùm trông như mũ giáp, luôn chau mày và có nét giống người châu Phi, làm dấy lên suy đoán cho rằng nền văn hóa Olmec chịu ảnh hưởng của những người du cư đến từ châu Phi. Olmec chỉ là xã hội đầu tiên trong nhiều cộng đồng nổi lên ở Trung bộ châu Mỹ thời kỳ này. Đa phần họ mang tín ngưỡng xoay quanh hiến tế con người, một vết nhơ đối với chuẩn mực cùng thời, nhưng thành tựu kinh tế và khoa học của họ lại vô cùng rực rỡ. Họ sáng tạo hơn mười hệ chữ viết khác nhau, thiết lập mạng lưới giao dịch rộng khắp, theo dõi quỹ đạo các hành tinh, tạo ra loại lịch có 365 ngày (chính xác hơn những loại lịch đương thời ở châu Âu), và dùng những “quyển sách” gấp như nan quạt làm từ vỏ cây vả tây ghi lại lịch sử của mình. Có lẽ thành tựu trí tuệ vĩ đại nhất của họ là tìm ra số 0. Trong tác phẩm kinh điển Number: The Language of Science (Số liệu: Ngôn ngữ của khoa học) của mình, nhà toán học Tobias Dantzig gọi việc tìm ra số 0 là “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại”, một “bước ngoặt” trong toán học, khoa học và kỹ thuật, số 0 bắt đầu xuất hiện ở Trung Đông vào khoảng năm 600 TCN. Khi tính số, người Babylon cổ xếp chúng theo cột, giống cách trẻ em học đếm ngày nay. Để phân biệt đương lượng số 11 và 101, họ dùng hai hình tam giác đánh dấu giữa các chữ số: 1����1, đại khái như vậy. (Vì toán học Lưỡng Hà dựa trên hệ cơ số 60 thay vì 10 nên ví dụ chỉ đúng về lý thuyết.) Dù thế kỳ lạ là họ không dùng ký tự trên để thể hiện khác biệt giữa phiên bản số 1, 10 và 100. Người Babylon cổ cũng không cộng trừ với số 0, đừng nói đến phân cách ranh giới số dương và số âm bằng số 0. Các nhà toán học Ấn Độ bắt đầu lác đác sử dụng 0 như một con số thay vì ký hiệu khoảng trống vào vài thế kỷ đầu sau Công nguyên. Mãi đến thế kỷ XII, số 0 mới du nhập vào châu Âu và xuất hiện trong bảng chữ số Ả Rập chúng ta dùng ngày nay (sợ bị lường gạt, chính quyền vài nước châu Âu đã cấm các chữ số mới). Trong khi đó, bản ghi số 0 đầu tiên ở châu Mỹ xuất hiện trên một tấm phù điêu Maya có niên đại vào năm 357 sau Công nguyên, có lẽ là trước cả tiếng Phạn. Ngoài ra còn có các lăng mộ xây từ thời điểm trước Công Nguyên không chứa số 0 nhưng được đánh số bằng ngày tháng thuộc một hệ thống lịch dựa trên sự tồn tại của số 0. Liệu điều đó có nghĩa là người Maya tiến bộ hơn người cùng thời với họ ở nơi khác, như châu Âu? Giới xã hội học sững người trước câu hỏi này, họ có lý do chính đáng. Người Olmec, Maya cùng các quần thể xã hội Trung bộ châu Mỹ khác là tiên phong trong lĩnh vực toán học, thiên văn học - nhưng họ không dùng bánh xe. Thật ngạc nhiên, họ đã sáng tạo ra bánh xe nhưng chỉ dùng nó như đồ chơi cho trẻ con. Người tìm kiếm sự vượt trội văn hóa có thể dẫn chứng số 0, người tìm kiếm thất bại có thể dẫn chứng bánh xe. Tuy thế, chẳng hướng lý luận nào hữu ích cả. Điều quan trọng nhất là vào năm 1000 sau Công nguyên, người Anh-điêng đã mở rộng cuộc cách mạng Đồ Đá Mới của họ và tạo ra một loạt nền văn minh phong phú trải suốt Tây Bán Cầu. Năm trăm năm sau, khi Columbus giương buồm đến Caribê, hậu duệ của các cuộc cách mạng Đồ Đá Mới chạm trán nhau, để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên. CHUYẾN DU LỊCH CÓ HƯỚNG DẪN Trong giây lát, hãy hình dung một hành trình không tưởng: cất cánh trên một chiếc máy bay từ phía Đông Bolivia như tôi đã làm, nhưng là vào năm 1000 sau Công nguyên, và thực hiện thám sát toàn bộ phần còn lại của Tây Bán Cầu. Những gì sẽ hiện ra ngoài cửa sổ máy bay? Năm mươi năm trước, câu trả lời của các sử gia sẽ rất đơn giản: Hai lục địa hoang dã, vài nhóm người sống tản mát với lối sống “ăn lông ở lỗ” từ kỷ băng hà. Khác biệt duy nhất có lẽ là Mexico và Peru, nơi người Maya và tổ tiên người Inka đang bò lết tới những ngọn đồi Văn Minh. Ngày nay nhiều khía cạnh trong hiểu biết của chúng ta đã đổi khác. Hãy hình dung chiếc máy bay thiên niên kỷ kia bay về phía Tây, từ vùng đất thấp của Beni đến những đỉnh núi cao của dãy Andes. Dưới mặt đất là những cầu đắp và kênh rạch như ta thấy ngày nay, trừ việc chúng ở trong tình trạng tốt và đông đúc. (Năm mươi năm trước, chưa ai biết đến các công trình bằng đất này, kể cả người sống gần đó.) Sau mấy trăm cây số, chiếc máy bay vượt qua những ngọn núi - bức tranh lịch sử một lần nữa thay đổi. Trước đây, các nhà nghiên cứu sẽ nói: Vào năm 1000, chỉ có vài ngôi làng nhỏ và một hoặc hai thị trấn lớn với ít công trình bằng đá tươm tất nằm rải rác trên cao nguyên. Nhưng những cuộc điều tra khảo cổ gần đây tiết lộ rằng: vào thời gian đó, dãy Andes là nhà của hai thành bang miền núi, thành bang nào cũng lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Thành bang gần Beni nhất được xây quanh hồ Titicaca, một hồ trên núi dài 190km và vắt ngang biên giới Peru-Bolivia. Đa phần khu vực này nằm ở độ cao từ 3.657m trở lên. Mùa hè rất ngắn và mùa đông đương nhiên kéo dài. “Vùng đất hoang vu, lạnh lẽo” này “dường như là nơi người ta không thể trông đợi một nền văn hóa phát triển”, nhà thám hiểm Victor von Hagen viết. Trên thực tế, hồ Titicaca tương đối ấm nên vùng đất quanh hồ ít chịu giá rét hơn so với cao nguyên xung quanh. Tận dụng khí hậu thuận lợi này, khoảng 800 năm TCN, làng Tiwanaku, một trong các cộng đồng định cư ven hồ, đã bắt tay vào tháo cạn vùng đất ngập quanh những con sông chảy vào hồ từ phía Nam. Nghìn năm sau, ngôi làng phát triển thành trung tâm một tổ chức xã hội lớn, được biết đến với tên Tiwanaku. Giống một tập hợp khu tự trị chịu chi phối tôn giáo-văn hóa chính từ trung tâm hơn là một thủ phủ, Tiwanaku tận dụng sự khác biệt sinh thái lớn giữa vùng duyên hải Thái Bình Dương, các dãy núi trùng điệp và vùng bình nguyên cao để tạo ra mạng lưới trao đổi dày đặc: cá từ biển; đà mã từ bình nguyên cao; trái cây, rau quả và ngũ cốc từ đồng ruộng quanh hồ. Chìm trong thịnh vượng, thành phố Tiwanaku chuyển mình thành kỳ quan của những kim tự tháp bậc thang và tượng đài hùng vĩ. Với bờ đá chắn sóng trải tới tận hồ Titicaca, thuyền sậy mũi dài chen chúc trên hồ; nước sinh hoạt được đưa đến tận nhà bằng hệ thống vòi ống, cống thoát khép kín, tường sơn rực rỡ, Tiwanaku thực sự là một trong các thành phố ấn tượng nhất thế giới. Nhà khảo cổ Alan L. Kolata của Đại học Chicago đã tiến hành khai quật Tiwanaku suốt thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Ông viết, “Vào năm 1000, dân số thành phố khoảng 115.000 người, cộng thêm khoảng 250.000 người ở các vùng ngoại ô xung quanh - đến năm thế kỷ sau Paris mới đuổi kịp số lượng này.” Phép so sánh này có vẻ hợp lý; vào thời điểm ấy, vương quốc Tiwanaku có diện tích xấp xỉ nước Pháp hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng con số ước tính này quá cao. Theo Nicole Couture, nhà khảo cổ thuộc Đại học Chicago đã hỗ trợ hiệu đính bản in tác phẩm của Kolata năm 2003, thành phố trung tâm có 23.000 người thì hợp lý hơn. Vùng ngoại ô xung quanh có số dân tương tự, bà cho biết. Quan điểm nào mới đúng? Mặc dù Couture rất tự tin vào ý kiến của mình, bà nghĩ sẽ mất “một thập niên nữa” vấn đề mới được giải quyết. Và trong mọi trường hợp, số lượng chính xác cũng không ảnh hưởng đến điều bà xem là chủ chốt. “Xây dựng nên khu vực rộng lớn này quả thực rất phi thường, tôi luôn cảm thấy như vậy mỗi lần tôi trở lại đây,” Couture nói. Phía Tây và Bắc của Tiwanaku, nay thuộc miền Nam Peru, là thành bang đối thủ Wari, vương quốc chạy dài gần 1.600km dọc theo dãy Andes. Có tổ chức chặt chẽ và định hướng quân sự rõ ràng hơn Tiwanaku, các nhà cầm quyền của Wari thiết kế các pháo đài dọc theo biên giới. Thủ phủ Wari - được đặt theo tên đế chế - nằm trên đỉnh núi, gần thành phố Ayacucho ngày nay. Với dân số có lẽ khoảng 7.000 người, Wari có một hệ thống đường sá chằng chịt, dày đặc những ngôi đền bị che khuất, những mảnh sân ẩn, lăng mộ hoàng gia và các tòa chung cư cao đến sáu tầng. Đa phần các tòa nhà được trát vữa trắng, khiến thành phố như tỏa sáng dưới ánh mặt trời trên núi. Vào năm 1000, cùng thời với chuyến bay tưởng tượng của chúng ta, cả hai cộng đồng xã hội đều đang vật lộn với đại hạn hán. Có lẽ từ 80 năm trước đó, mây bụi đã nuốt chửng vùng bình nguyên cao, nhuộm đen đỉnh các khối băng. (Mẫu băng thu được vào thập niên 1990 minh chứng cho thảm kịch này.) Sau đó, lời nguyền hạn hán giáng xuống, kéo dài hơn mười năm, xen kẽ là các trận lụt khủng khiếp. (Dấu vết trầm tích và vòng sinh trưởng cây mô tả chuỗi sự kiện này.) Nguyên nhân thảm họa vẫn là ẩn số, nhưng một số nhà khí hậu học tin rằng Thái Bình Dương đã hứng chịu những đợt “Mega-Niño”, phiên bản ghê gớm nhất của hiện tượng El Niño đang nhiễu loạn khí hậu Hoa Kỳ ngày nay. Mega-Niño xảy ra vài thế kỷ một lần suốt từ năm 200 đến năm 1600. Năm 1925, một đợt El Niño dữ dội - không phải Mega-Niño nhưng mạnh hơn El Niño thông thường - tàn phá vùng Amazon bằng khối khí khô nóng khủng khiếp đến mức lửa bùng phát giết chết hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người trong rừng. Sông ngòi khô cạn, lòng sông trơ đầy xác cá. Đợt Mega-Niño thế kỷ XI có thể đã gây ra hạn hán trong thời gian đó. Nhưng dù nguyên nhân biến động khí hậu là gì, nó cũng đã thách thức gay gắt xã hội Wari và Tiwanaku. Tuy thế, ta cần hết sức lưu ý, châu Âu bị một “Kỷ băng hà nhỏ” giá lạnh tột độ tàn phá vào giữa thế kỷ XIV và XIX, nhưng giới sử gia hiếm khi quy quá trình hình thành và sụp đổ của các thành bang châu Âu thời ấy cho biến đổi khí hậu. Mùa đông khắc nghiệt đẩy người Viking khỏi Greenland và gây ra mất mùa khiến căng thẳng xã hội ở châu Âu tăng cao, nhưng ít người tuyên bố “Kỷ băng hà nhỏ” đã dẫn đến Cải cách Tin lành. Tương tự, Mega-Niño chỉ là một trong nhiều tai họa giáng xuống các nền văn minh trên dãy Andes lúc ấy, tai họa mà cả Wari lẫn Tiwanaku đều không đủ nguồn lực chính trị để sống sót. Sau năm 1000 không lâu, Tiwanaku tan rã và phải mất bốn thế kỷ để thống nhất lại, khi bị người Inka càn quét. Wari cũng sụp đổ. Một quốc gia tên Chimor đã tiếp nối hoặc có lẽ xâm chiếm nó, sau đó lập nên đế chế trải khắp trung tâm Peru, cho đến khi chính Chimor cũng bị Inka nuốt chửng. Những khám phá lịch sử mới mẻ như thế xuất hiện ở mọi nơi trên châu Mỹ. Chúng tôi bay về phía Bắc, hướng đến Trung Mỹ và Nam Mexico, tiến vào bán đảo Yucatán, quê hương của người Maya. Tàn tích Maya đã nổi tiếng từ 40 năm trước, nhưng chúng vẫn chứa rất nhiều khám phá mới. Như Calakmul, tàn tích tôi và Peter Menzel đã đến tham quan đầu thập niên 1980: Gần như chưa ai khai quật Calakmul từ khi nó được phát hiện, cây cỏ khô, rậm rạp phủ kín nơi chúng tôi đến và biến thành thảm gai trùm lên hai kim tự tháp đồ sộ. Khi Peter và tôi trò chuyện với William J. Folan đến từ Đại học tự quản Campeche, người mới bắt đầu làm việc tại thành phố, anh khuyên chúng tôi phải thuê xe tải hạng nặng để đến tàn tích, nhưng dù có xe tải cũng đừng cố đi nếu trời mưa. Hành trình đến Calakmul đúng như lời Folan nói: Cây cối bọc kín các tòa nhà, rễ của chúng dần xé toạc những bức tường đá vôi mềm. Peter chụp lại một công trình có dạng như trăn quấn, cao 1,5-1,8m với đầy rễ cây cuốn quanh. Rừng cây nhiệt đới phủ dày đến mức tôi nghĩ lịch sử của Calakmul sẽ mãi chìm trong bí ẩn. Thật mừng là tôi đã sai. Vào đầu thập niên 1990, đội của Folan đã biết được chốn bị quên lãng này rộng cỡ 40km² và chứa hàng nghìn ngôi nhà, hàng chục hồ chứa cùng kênh đào. Đó là quần thể xã hội lớn nhất từ trước tới giờ: Maya. Các nhà nghiên cứu đã phát quang và chụp lại hơn một trăm công trình - vừa đúng lúc các nhà văn khắc học (học giả nghiên cứu văn tự cổ) giải mã được bộ chữ tượng hình của người Maya. Năm 1994, họ xác định được tên cổ xưa của thành bang là Kaan, Vương quốc Rắn. Sáu năm sau, họ phát hiện Kaan là trung tâm cuộc chiến khốc liệt đã nhiễu loạn Maya suốt hơn một thế kỷ. Và Kaan chỉ là một trong những điểm định cư của người Maya lần đầu được nghiên cứu trong vài thập niên qua. Với tập hợp khoảng 60 vương quốc và thành trì trong một mạng lưới đồng minh lẫn thù địch đan xen như mạng lưới ở Đức thế kỷ XVII, vương quốc Maya là nhà của một trong những nền văn minh lỗi lạc nhất thế giới. Tuy vậy, khoảng một thế kỷ trước chuyến thám sát tưởng tượng của chúng ta, vùng trung tâm Maya bước vào Kỷ nguyên Đen tối. Nhiều thành phố lớn nhất bị bỏ hoang, các vùng nông thôn xung quanh cũng chung số phận. Đáng ngạc nhiên là vài phần của những bản khắc cuối cùng chỉ toàn lời lan man vô nghĩa, như thể người khắc đã mất khả năng viết và sa vào lối bắt chước tổ tiên vô nghĩa. Vào thời điểm chuyến bay, một nửa hoặc hơn nửa vùng đất từng phồn thịnh của người Maya đã bị bỏ hoang. Vài nhà tự nhiên học cho rằng nguyên nhân sụp đổ này, gần với thời điểm Wari và Tiwanaku sụp đổ, là do một trận đại hạn hán. Người Maya, với số dân vài triệu người quần cư trên một vùng đất canh tác kém màu mỡ và không đủ cung cấp cho hệ sinh thái của họ. Trận hạn hán, có thể do Mega-Niño gây ra, đã đẩy cộng đồng đang đứng bên bờ vực rơi khỏi vách đá. Những giả thuyết đó, kết hợp với mối nghi ngại về sinh thái học đương thời, trở nên nổi tiếng bên ngoài giới học thuật. Trong giới, thái độ hoài nghi có vẻ phổ biến hơn. Báo cáo khảo cổ cho thấy miền Nam Yucatán bị bỏ hoang, nhưng các thành phố Maya phía Bắc bán đảo vẫn chống chịu hay thậm chí còn phát triển. Đặc biệt, nơi bị bỏ hoang là những vùng ẩm ướt nhất - có sông, hồ và rừng mưa - lẽ ra đó là nơi tốt nhất để chờ hạn hán qua đi. Ngược lại, vùng phía Bắc khô cạn và đá sỏi. Câu hỏi đặt ra, là tại sao người ta lại trốn chạy hạn hán bằng cách đến vùng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn? Phần còn lại của Trung bộ châu Mỹ thì sao? Khi chuyến bay tiếp tục hướng về phía Bắc, hãy nhìn những ngọn đồi ở phía Tây, nay là bang Oaxaca và Guerrero của Mexico. Nơi đây từng là thành bang của người Ñudzahui (Mixtec) hiếu chiến về sau đã tiêu diệt người Zapotec, đối thủ truyền kiếp đóng đô tại thành phố thung lũng Monte Albán. Xa hơn về phía Bắc, bành trướng đế chế trong sự nóng nảy vội vã, càn quét bốn phương tám hướng khắp vùng vịnh Mexico rộng lớn ngày nay, chính là người Toltec. Như mọi khi, thắng lợi quân sự nhanh chóng của Toltec dẫn đến xung đột chính trị. Một cuộc tranh đấu như kịch Shakespeare trong nội bộ tầng lớp thống trị, được hợp thức hóa bằng hàng loạt lời buộc tội say xỉn và loạn luân, đã ép Topiltzin Quetzalcoatl, vị vua trị vì đã lâu, phải bỏ ngai vàng vào (có lẽ) năm 987. Ông trốn chạy cùng đoàn thuyền chở tôi tớ trung thành đến bán đảo Yucatán, và thề sẽ quay trở lại. Vào lúc chuyến bay của chúng ta khởi hành, Quetzalcoatl hẳn đã chiếm được thành phố Chichén Itzá của người Maya và đang tái thiết nó theo hình ảnh Toltec của riêng ông. (Những nhà khảo cổ lừng danh bất đồng ý kiến về các sự kiện, nhưng bích họa và đĩa khắc mô tả quân đội Toltec tàn sát thẳng tay binh lính Maya thì thật khó bác bỏ.) Tiếp tục bay về Tây Nam Hoa Kỳ ngày nay, vượt qua các cánh đồng hoang và vách đá dựng, đến cộng đồng dân cư Mississippi ở Trung Tây. Cách đây ít lâu, giới khảo cổ đã sử dụng kỹ thuật tiên tiến để vén màn thảm kịch ở Cahokia, gần St. Louis ngày nay, nơi từng là cộng đồng dân cư đông đúc nhất vùng Trung Nam Rio Grande. Năm 1000, người ta khởi công xây dựng công trình bằng đất, về sau sẽ lớn cỡ 7ha và cao khoảng 30m, cao hơn mọi thứ quanh nó trong bán kính nhiều cây số. Trên đỉnh đồi, có điện thờ các thần vương, người điều khiển thời tiết cho mùa màng bội thu. Như thể trợ lực cho họ, những cánh đồng ngô dập dờn trải dài đến chân trời. Bất chấp chứng tích sức mạnh rõ rệt này, tầng lớp thống trị Cahokia lại đang tự đẩy mình vào rắc rối trong tương lai. Do khai thác rừng thượng nguồn để lấy củi và thả gỗ trôi sông xuống thành phố, họ bào mòn dần lớp phủ nền và làm tăng nguy cơ gây lũ lớn. Khi những cơn lũ kéo đến - sau này, chúng thực sự đã đến - các vị thần vương lên ngôi vì tuyên bố có thể kiểm soát được thời tiết sẽ phải đối mặt với lời tra vấn từ thần dân trong cơn thịnh nộ. Bay tiếp về phía Bắc, đến vùng đất hoang vu nhất, vương quốc của săn bắt hái lượm. Được khắc họa trong vô số sách lịch sử Mỹ và phim ảnh Hollywood, người Anh-điêng ở Đại Bình Nguyên là hình ảnh quen thuộc nhất với quảng đại quần chúng. Xét về nhân khẩu học, họ sống sâu trong lục địa hẻo lánh và thưa thớt dân cư; cuộc sống họ khác xa chúa tể Wari hay Toltec, cũng như dân du mục Siberia khác với quý tộc Bắc Kinh. Văn hóa vật thể của họ cũng đơn giản hơn - không chữ viết, không quảng trường đá, không điện thờ đồ sộ - dù vậy các nhóm cư dân vùng Bình nguyên cũng để lại khoảng 50 vòng đá khá giống công trình Stonehenge ở Anh*. Thiếu hụt của cải vật chất khiến một số người coi những nhóm này như một minh chứng cho lối sống vô ưu trên trần gian. Có lẽ thế, tuy nhiên Bắc Mỹ là một nơi hối hả và náo nhiệt. Cho đến năm 1000, hoạt động giao thương đã trải khắp châu lục suốt hơn 1.000 năm; người ta từng tìm thấy xà cừ Vịnh Mexico ở Manitoba và đồng đỏ Hồ Thượng ở Louisiana. Hoặc bỏ qua tất cả con đường phía Bắc và bay về hướng Đông từ Beni, tiến ra cửa sông Amazon. Vừa qua khỏi địa phận Beni sẽ gặp ngay những quần thể xã hội tuy khác biệt nhưng lại liên quan mật thiết với nhau đang bắt đầu hình thành, tại nơi ngày nay là tiểu bang Acre thuộc Tây Brazil; họ xây các công trình đất như ở Beni, nhưng chúng mang hình hài góc cạnh mạnh mẽ khác hẳn. Chúng ta còn ít biết về họ hơn; bài viết học thuật phổ biến rộng rãi đầu tiên về các cư dân này mới xuất hiện vào 2009, và năm nào cũng bổ sung phát hiện mới. Theo các nhà địa lý và khảo cổ học người Phần Lan, người đầu tiên thu hút sự chú ý đến các công trình đất tại Acre, “rõ ràng là những quần thể này có mật độ dân tương đối cao, khá phổ biến ở vùng hạ lưu Amazon”. Các nhà địa lý và khảo cổ học người Phần Lan đang tổng kết lại niềm tin của một thế hệ nhà nghiên cứu mới yêu thích vùng Amazon: Vào năm 1000, phần lớn con sông này đông đúc hơn hiện tại, đặc biệt ở vùng hạ lưu. Tập hợp dày đặc làng mạc chen nhau bên vách đá dọc bờ; dân làng đánh bắt cá trên sông, trồng trọt trên đồng bằng và đôi chỗ trên vùng cao. Quan trọng nhất là những vườn cây ăn quả nằm cách bờ nhiều cây số. Người Amazon ứng dụng một dạng nông-lâm nghiệp, trồng lương thực xen lẫn với cây rừng, khác hoàn toàn nền nông nghiệp đương thời ở châu Âu, châu Phi hay châu Á. Không phải mọi thị trấn đều nhỏ bé. Gần Đại Tây Dương là thủ phủ của Marajó, tọa lạc trên hòn đảo lớn ngay cửa sông. Dân số của Marajó, theo ước tính gần đây là 100.000 người, thậm chí nhiều hơn do còn một quần thể chưa định danh sống tại Santarém, thị trấn yên bình nằm cách đó gần1.000km theo hướng thượng lưu đang ngủ say cho qua hậu quả từ hàng loạt cơn sốt vàng và khai thác cao su vùng Amazon trong quá khứ. Thế giới xa xưa nằm bên dưới và xung quanh thành phố hiện nay gần như chưa được nghiên cứu. Hầu hết điều chúng ta biết chỉ là nơi đó có vị trí lý tưởng: Trên vách cao nhìn ra cửa sông Tapajos, một trong những nhánh lớn nhất của Amazon. Tại bờ vách này, các nhà khảo cổ và địa lý đã phát hiện ra một khu vực dài khoảng 5km phủ đầy mảnh gốm vỡ, rất giống Ibibate. Theo William I. Woods, nhà khảo cổ và địa lý học của Đại học Kansas, vùng đất này có thể đã chứa tới 400.000 cư dân, chí ít là theo lý thuyết, khiến nó trở thành một trong những trung tâm đông dân nhất thế giới. Vẫn còn nhiều nơi khác. Học giả phương Tây đã viết về lịch sử thế giới sớm nhất từ thế kỷ XII. Đương nhiên, các sử gia này tập trung vào nền văn hóa họ biết rõ nhất, nền văn hóa độc giả muốn nghe nhất. Nhưng theo thời gian, họ thêm vào chuyện về những nơi khác trên thế giới: những chương sách về Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Nhật Bản… Các nhà nghiên cứu ngả mũ trước thành tựu khoa học nghệ thuật của những người ngoài phương Tây. Đôi khi những thêm thắt này không đáng kể, hoặc do bất đắc dĩ mà phải thêm vào, nhưng khoảng trống mênh mông trong câu chuyện về loài người đã dần được xóa bỏ. Một cách để tóm lược học thuyết mới là, cuối cùng, nó đã bắt đầu lấp đầy một trong những khoảng trống lớn nhất lịch sử: Tây Bán Cầu trước năm 1492. Nơi đây, theo cách nhìn nhận bây giờ, là một chốn phồn thịnh và phong phú, một tập hợp đa dạng các ngôn ngữ, giao thương và văn hóa, một vùng đất nơi 10 triệu người đã yêu, đã ghét và đã sùng bái như con người ở mọi nơi. Bị bệnh tật và nô dịch hóa xóa sổ, phần lớn thế giới này đã biến mất sau khi Columbus đến. Sự tiêu biến nặng nề đến mức chỉ trong vài thế hệ, cả kẻ xâm lăng lẫn người bị xâm lăng đều không biết rằng nó từng tồn tại. Dù vậy, giờ đây, thế giới ấy đang dần hiện hữu trở lại. PHẦN MỘT Những con số đến từ hư không? 2 Lý do Billington sống sót NGƯỜI ANH-ĐIÊNG THÂN THIỆN Vào ngày 22 tháng 3 năm 1621, một phái đoàn thổ dân châu Mỹ đi qua nơi ngày nay là New England để thương thuyết với nhóm người nước ngoài đã xâm chiếm một khu dân cư Anh-điêng bị bỏ hoang gần đấy. Đứng đầu phái đoàn là nhóm ba người đang bồn chồn lo lắng: Massasoit, sachem (thủ lĩnh chính trị-quân sự) của liên bang Wampanoag, một liên minh rời rạc gồm hàng chục làng mạc kiểm soát phần lớn Đông Nam Massachusetts; Samoset, sachem của một nhóm liên minh phía Bắc; và Tisquantum, một tù nhân đáng ngờ mà Massasoit miễn cưỡng mang theo để làm thông dịch viên. Massasoit là một nhà chính trị khéo léo, nhưng tình thế ông đối mặt là thử thách gay go với cả nhà chính trị tài ba nhất. Khoảng năm năm trước, phần lớn thần dân của ông đã gục ngã trước một tai ương khủng khiếp. Nhiều ngôi làng bị tàn diệt - thực vậy, nơi những kẻ ngoại quốc đang chiếm đóng bây giờ chỉ là một trong những khu vực bỏ không. Tất cả điều ông có thể làm là tập hợp những người sống sót lại. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi thảm họa không xảy đến với kẻ thù truyền kiếp của Wampanoag, liên minh Narragansett ở phía Tây. Massasoit e ngại, sớm thôi, chúng sẽ lợi dụng điểm yếu của Wampanoag và tiêu diệt họ. Hiểm họa khôn lường đòi hỏi giải pháp khôn lường. Trong một ván cược, Massasoit định bãi bỏ, thậm chí đảo lộn nền chính trị vốn tồn tại lâu đời. Người châu Âu đã đến New England ít nhất một thế kỷ. Lùn hơn người bản địa, ăn mặc dị hợm, và thường thì bẩn thỉu khôn tả, những kẻ ngoại quốc xanh xao này có đôi mắt xanh kỳ lạ ló ra dưới mớ tóc tua tủa như lông động vật bọc lấy gương mặt họ. Họ cũng ba hoa đến mức khó chịu, hay gây gổ, và thường ngu ngốc một cách lạ lùng trước các vấn đề mà đối với người Anh-điêng thì chỉ là chuyện vặt. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những món đồ đẹp đẽ và hữu dụng - ấm đồng, kính lấp lánh màu sắc, dao thép và rìu - không giống bất cứ thứ gì ở New England. Hơn nữa, họ lại đổi những vật quý ấy lấy lông thú rẻ mạt, loại mà người Anh-điêng thường dùng làm chăn đắp. Giống như quầy hàng dơ dáy đem đổi hàng điện tử hợp mốt lấy những đôi tất đã dùng - hầu như ai cũng sẵn sàng bỏ qua sự dị hợm của chủ hàng. Qua thời gian, người Wampanoag, như những cộng đồng khác ở duyên hải New England, dần học được cách ứng phó với sự hiện diện của người châu Âu. Họ khuyến khích trao đổi hàng hóa, nhưng chỉ cho phép các vị khách này dạo chơi chốc lát trên bờ dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Kẻ nào ở quá lâu sẽ bị nghiêm khắc nhắc nhở về lòng hiếu khách hữu hạn của người Anh-điêng. Đồng thời, người Wampanoag cấm cản người Anh điêng trong lục địa, ngăn chặn họ giao thương trực tiếp với người ngoại quốc. Bằng cách này, các nhóm người sống bên bờ biển trở thành giới trung gian điển hình, giám sát quá trình người châu Âu tiếp cận hàng hóa của người Anh-điêng và người Anh-điêng tiếp cận hàng hóa châu Âu. Giờ đây, Massasoit đang đến gặp một nhóm người Anh, dự định thay đổi luật trên. Ông sẽ cho phép những kẻ mới đến này ở lại bao lâu tùy ý; đổi lại, họ phải chính thức liên hợp với Wampanoag chống lại Narragansett. Một năm rưỡi trước, thông dịch viên Tisquantum đã xuất hiện đơn độc tại nhà Massasoit. Anh ta nói tiếng Anh lưu loát vì đã sống vài năm ở Anh quốc. Nhưng Massasoit không tin tưởng người này. Đối với ông, anh ta là loại không thích cố định, chỉ biết lợi cho bản thân. Khi xảy ra tranh chấp, Tisquantum còn có thể về phe ngoại quốc. Massasoit đã giam giữ Tisquantum từ lúc anh ta đến, giám sát chặt chẽ hành động của anh. Và ông từ chối dùng anh ta để thương thuyết với thực dân cho đến khi ông có cách khác, không phải phụ thuộc anh ta để giao tiếp với họ. Đó là lúc March Samoset - người cuối cùng trong liên minh ba người - xuất hiện, sau khi đã bắt một chuyến tàu Anh quốc từ quê hương Maine đến. Không rõ anh ta đến đây là do tình cờ hay Massasoit mời vì anh có thể nói được vài câu tiếng Anh nhờ giao thương với người Anh quốc. Dù sao chăng nữa, lúc đầu Massasoit đã cử Samoset thay vì Tisquantum đi gặp những kẻ nước ngoài. Samoset một mình đi tay không vào giữa vòng vây lều trại thô sơ của người Anh vào ngày 17 tháng 3 năm 1621. Những thực dân nhìn thấy một người đàn ông tráng kiện, dáng hiên ngang, chỉ mặc độc chiếc khố; mái tóc đen thẳng cạo đằng trước nhưng để dài xõa xuống vai; ngạc nhiên hơn, anh ta chào họ bằng thứ tiếng Anh bồi nhưng dễ hiểu. Sáng hôm sau, anh rời đi, để lại vài món quà. Một ngày sau, anh quay trở lại cùng năm “người đàn ông cao to đẹp trai” - theo cách miêu tả của Edward Winslow - với những vệt đen dài khoảng 7cm vẽ giữa mặt. Hai bên nói chuyện xã giao, thận trọng quan sát đối phương trong vài tiếng. Còn bấy giờ, ngày 22, Samoset xuất hiện lần nữa tại căn cứ xiêu vẹo của đám người ngoại quốc, lần này đi cùng Tisquantum. Trong lúc đó, Massasoit và đoàn người còn lại chờ trong chỗ khuất. Samoset và Tisquantum nói chuyện với thực dân khoảng một tiếng. Có lẽ họ đã ra tín hiệu. Hoặc có thể Massasoit chỉ đơn thuần làm theo kế hoạch định trước. Dù thế nào, ông và đoàn người Anh-điêng đã xuất hiện trên đỉnh đồi ở phía bờ Nam lạch sông chạy ngang khu trại của người ngoại quốc mà không hề báo trước. Bị đánh động bởi sự xâm nhập bất ngờ, đám người châu Âu rút về ngọn đồi đối diện, nơi họ đặt vài khẩu pháo sau một rào chắn xây dở. Một chỗ trú ẩn. Cuối cùng, Winslow thể hiện tính quyết đoán. Sau này, chính tính cách ấy đã khiến ông được bầu làm thống đốc thuộc địa. Toàn thân mặc giáp, tay lăm lăm thanh kiếm, ông lội qua suối và tự nộp thân làm con tin. Tisquantum đi cùng ông làm thông dịch. Em trai Massasoit canh chừng Winslow còn Massasoit đích thân vượt suối, theo sau là Tisquantum và 20 tùy tùng, tất cả đều không mang khí giới. Thực dân dẫn ngài sachem đến một căn nhà xây dở dang và đưa ông vài cái nệm để tựa. Hai bên cùng dùng chút rượu lậu ngoại quốc rồi bắt đầu bàn chuyện, Tisquantum phiên dịch. Trong mắt thực dân, Massasoit dễ phân biệt với thuộc cấp của ông nhờ cử chỉ, không phải vì trang phục hay trang sức. Ông mặc áo choàng da hươu và dùng dầu xua côn trùng cùng màu nhuộm đỏ tía vẽ khắp mặt như thuộc hạ của mình. Quanh cổ ông treo một bao thuốc lá, một con dao dài và một chuỗi dày vỏ ốc trắng quý giá gọi là wampum, về hình dáng, sau này Winslow viết lại, “trong những năm tháng huy hoàng nhất đời mình”, ông là “một người đàn ông lực lưỡng, thân thể cường tráng, nét mặt nghiêm trang, kiệm lời.” Đoàn người châu Âu vừa suýt chết sau mùa đông lại mang dáng vẻ tệ hại hơn nhiều, non nửa đoàn đang nằm trong lòng đất, dưới những thẻ gỗ viết danh tự người chết; phần lớn người sống sót bị suy dinh dưỡng. Cuộc gặp gỡ này là bước ngoặt trong lịch sử châu Mỹ. Phía thực dân gọi thuộc địa của họ là Plymouth (phần lớn phát âm là “Plimoth”); còn bản thân họ là những Pilgrim* lừng lẫy. Như trẻ em được dạy, tại cuộc gặp đó, các Pilgrim được Tisquantum, thường được biết đến là “Squanto” hỗ trợ. Thập niên 1970, khi tôi vào trung học, có cuốn sách lịch sử nổi tiếng là America: Its people and Values (Châu Mỹ: Con người và giá trị), tác giả Leonard C. Wood, Ralph H. Gabriel và Edward L. Biller. Chen giữa những hình minh họa màu sắc về cuộc sống thuộc địa là chú thích ngắn gọn về vai trò của Tisquantum: Một người Anh-điêng thân thiện tên là Squanto đã giúp các nhà thực dân. Anh chỉ họ cách trồng ngô và sinh tồn nơi hoang dã. Một sĩ quan, đại úy Miles Standish, dạy các Pilgrim cách tự vệ chống lại người Anh-điêng thù địch. Giáo viên của tôi giải thích rằng ngô rất xa lạ với Pilgrim nên Tisquantum đã giảng giải phương pháp trồng ngô đúng cách - nhét hạt giống vào đụn đất nhỏ, phụ thêm đậu và bí để sau này chúng quấn lên những thân cây cao. Ông cũng dạy các Pilgrim bón phân bằng cách chôn cá dọc luống ngô, phương pháp bản địa truyền thống cho vụ mùa bội thu. Làm theo lời khuyên này, giáo viên tôi nói, thực dân đã trồng được nhiều ngô đến mức nó trở thành món chính trong Lễ Tạ ơn đầu tiên. Sinh viên chúng tôi nhoay nhoáy ghi lại. Câu chuyện trong America: Its People and Values không sai, chí ít là đến bây giờ. Nhưng ấn tượng nó để lại thì hoàn toàn sai lệch. Tisquantum là mấu chốt cho sự tồn tại của thực dân, các học giả đương thời đều đồng tình. Anh ta chuyển đến Plymouth sau cuộc gặp và dành cả đời còn lại ở đấy. Đúng như lời giáo viên tôi nói, Tisquantum đã dạy thực dân chôn cá trên các đồi ngô, một quy trình thực dân châu Âu tuân theo suốt hai thế kỷ. Lời dạy của “Squanto”, Winslow kết luận, đã mang đến “tăng trưởng vượt bậc cho giống ngô Anh-điêng”- điểm khác biệt giữa sung túc và chết đói. Winslow không biết rằng bón phân bằng cá có thể không phải là tập tục lâu đời của người Anh-điêng, mà dù có đi nữa thì cũng là một khám phá mới. Chẳng có bằng chứng nào cho thấy người Anh-điêng đã bón phân bằng cá cả, nên một số nhà khảo cổ tin rằng Tisquantum thực chất đã lấy ý tưởng này từ nông dân châu Âu. Quan điểm này không hề nực cười như người ta nghĩ. Tisquantum đã học tiếng Anh vì thủy thủ người Anh bắt cóc anh ta vài năm trước đó. Để trở về châu Mỹ, anh ta buộc phải bỏ trốn hai lần - một lần trốn khỏi Tây Ban Nha, nơi những kẻ bắt cóc bán anh làm nô lệ, một lần trốn khỏi nước Anh, nơi anh ta bị chuyển lậu đến từ Tây Ban Nha và sống như vật mua vui tại nhà một kẻ giàu có. Trong những chuyến hành trình của mình, Tisquantum đã ở vài nơi mà nông dân châu Âu dùng cá làm phân bón, tập tục có từ thời Trung cổ. Bỏ qua quãng đời phức tạp của Tisquantum là điều dễ hiểu đối với cuốn sách giáo khoa có dung lượng hạn chế. Nhưng sự thiếu sót này là biểu hiện cho thất bại hoàn toàn khi xem xét động cơ của người Anh-điêng, hoặc người Anh-điêng có thể mang động cơ nào hay không. Liên minh Massasoit đạt được với Plymouth đã thành công dưới góc nhìn của Wampanoag, vì nó giúp họ ngăn chặn người Narragansett; nhưng xét tổng thể dưới góc độ cộng đồng Anh-điêng ở New England, nó là một thảm họa, vì liên minh đã bảo đảm sự tồn tại của thuộc địa Plymouth, mũi nhọn mở đầu làn sóng di cư của người Anh đến New England. Tất cả điều này không chỉ vắng bóng trong sách giáo khoa, mà còn trong cả các tài liệu học thuật căn bản. Biến thể Sai Lầm của Holmberg từng xuất hiện từ thời các Pilgrim, những người gán sự kháng cự yếu ớt của dân bản địa cho ý Chúa trời. “Ý mệnh thánh thần”, thực dân Daniel Gookin viết, ưu ái “cuộc định cư lặng lẽ và yên bình của người Anh”. Sau này, các tác giả có xu hướng quy thành công của người châu Âu cho công nghệ kỹ thuật châu Âu thay vì thánh thần. Trong cuộc chiến mà chỉ một bên sở hữu súng lục và đại bác, thì tiềm lực của bên còn lại coi như bằng 0. Vào cuối thế kỷ XIX, tộc người Anh điêng phía Đông Bắc được xem như những chi tiết mờ nhạt làm nền cho bản hùng ca về sự trỗi dậy của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - “những kẻ thấp kém cuối cùng đã phải cam chịu thất bại”, như cách James Axtec thuộc Cao đẳng William & Mary phát biểu cộc lốc trong một buổi phỏng vấn. Lời tố cáo Pilgrim là kẻ đô hộ hay phân biệt chủng tộc trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam chỉ là bình mới rượu cũ của sai lầm này. Dù nguyên nhân do thánh thần, súng đạn hay lòng tham của Pilgrim, việc người bản xứ thất bại là điều đã định; theo nhận định này, người Anh-điêng không thể chống lại ách đô hộ, và họ gần như không cố gắng chống lại. Đầu thập niên 1970, Axtell, Neal Salisbury, Francis Jennings và nhiều sử gia khác cảm thấy bất mãn với nhận định trên. Salisbury, sử gia danh dự của trường Cao đẳng Smith nói với tôi: “Người Anh-điêng bị coi như miếng bột nhão tầm thường, bất lực. Nhưng nhận định cho rằng cả lục địa toàn là bột nhão thì thật phi lý.” Các sử gia này cố gắng đào xới các ghi chép của thực dân để tìm hiểu về cuộc sống người Anh-điêng chìm lấp trong đó. Hành động của họ dấy lên làn sóng tra vấn mạnh mẽ đánh vào mối tương tác giữa người bản địa và những kẻ mới đến trong kỷ nguyên mà hai bên còn đối diện nhau tương đối bình đẳng. Vào năm 2003, Joyce Chaplin, sử gia thuộc đại học Harvard, đã kinh ngạc thốt lên: “Không lĩnh vực nào trong lịch sử Hoa Kỳ phát triển nhanh đến thế.” Các nhà nghiên cứu tranh luận rằng sự suy tàn của quần thể xã hội Anh điêng bắt nguồn từ chính họ, chứ không phải do tâm linh hay công nghệ kỹ thuật. (Tuyên bố này không buộc tội các nền văn hóa bản địa đã gây nên sự sụp đổ của chúng, mà chỉ ra rằng chính chúng đã góp phần quyết định vận mệnh của mình.) “Nếu anh nhìn vào ghi chép lịch sử, anh sẽ thấy rõ người Anh-điêng đã cố gắng kiểm soát vận mệnh của mình,” Salisbury nói. “Và thường thì họ thành công”- để rồi như bao tộc người khác, nhận ra hậu quả kèm theo không phải điều họ mong đợi. Chương này và chương tiếp theo sẽ khám phá cách thức hai cộng đồng xã hội Wampanoag và Inka phản ứng trước sự xâm nhập từ bên kia đại dương. Có vẻ kỳ lạ khi cuốn sách về cuộc sống người Anh-điêng trước khi chạm trán người châu Âu lại dành chỗ cho khoảng thời gian sau khi đụng độ, nhưng việc này có lý do riêng. Đầu tiên, các bản mô tả người châu Mỹ bản địa của thực dân là một trong số ít những vết tích mờ nhạt mà chúng ta biết về cuộc sống của người Anh-điêng khi chưa bị sự hiện hữu của người châu Âu tác động. Bản ghi chép những lần gặp mặt đầu tiên giữa hai bên là cánh cửa nhìn vào quá khứ, dù tấm kính bị định kiến lẫn hiểu lầm của người ghi chép bôi bẩn và bóp méo. Thứ hai, dù câu chuyện về mối giao kết trước đó - người Wampanoag và người Anh, người Inka và người Tây Ban Nha - khác nhau từ nhân vật chính trở đi, nhưng nhiều nhà khảo cổ, nhân chủng học và sử gia gần đây đã nhận thấy chúng có điểm chung sâu sắc. Chuyện kể về cuộc gặp giữa những cộng đồng Anh-điêng khác với kẻ lạ mặt cũng giống nhau như vậy. Các quốc gia châu Mỹ tách biệt lớn về ngôn ngữ lẫn văn hóa; quần thể xã hội bản địa đa dạng đến kinh ngạc. Nhưng các câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa họ nhìn chung lại tương tự nhau. Khi người bản địa gặp kẻ mới đến, cả hai đều tìm cách trục lợi, như người bình thường sẽ làm. Thường thì, bên nào cũng tin mình là thượng đẳng - chủ nghĩa vị chủng có vẻ là đặc tính nhân loại toàn cầu - từ đó họ đinh ninh rằng họ có thể điều khiển bên còn lại để đạt được lợi ích. Nhưng dù những nhóm riêng lẻ này có muôn vàn ý tưởng về điều họ muốn và cách thực hiện, kết quả lại tương đồng đến mức các nhà nghiên cứu đã dựng nên cả thiên truyện về cuộc gặp giữa châu Âu và châu Mỹ. Dù ngoài giới chuyên gia, người ta vẫn biết rất ít về nó, thiên truyện này giải thích cho khởi nguồn của mọi quốc gia châu Mỹ ngày nay. Hơn thế nữa, nỗ lực tìm hiểu sự kiện hậu Columbus đã vô tình rọi sáng các khía cạnh trọng yếu trong cuộc sống tiền Columbus. Quả thật, thiên truyện này dẫn đến kết luận bất ngờ về quần thể xã hội bản địa châu Mỹ trước khi người châu Âu đến tới mức làm dấy lên một cuộc tri thức chiến đầy máu lửa. TRƯỞNG THÀNH Ở VÙNG ĐẤT BÌNH MINH Hãy xem xét một chút về Tisquantum, “người Anh-điêng thân thiện” trong sách giáo khoa: Rất có thể, Tisquantum không phải tên khai sinh. Ở khu vực thuộc vùng Đông Bắc ấy, tisquantum chỉ cơn thịnh nộ, đặc biệt là cơn thịnh nộ của manitou, sức mạnh tâm linh bao trùm thế giới, cốt lõi trong tín ngưỡng của người Anh-điêng vùng duyên hải. Khi Tisquantum lại gần các Pilgrim và giới thiệu bản thân bằng biệt hiệu đó, giống như là anh ta đã chìa tay ra và nói: Xin chào, tôi là Cơn thịnh nộ của Chúa Trời. Không ai trong xã hội Tây phương đương thời có thể dễ dàng chấp nhận cái tên đó. Cả xã hội bản xứ thế kỷ XVII cũng thế. Tisquantum đang cố gắng thực hiện điều gì đó. Tisquantum không phải người Anh-điêng. Đúng, tổ tiên anh ta đã cư trú tại Tây Bán Cầu suốt hàng nghìn năm. Và cũng đúng khi tôi gọi anh ta là người Anh-điêng, vì danh hiệu này khá tiện dụng; hậu duệ của anh ta cũng vậy, vì cùng lý do. Nhưng bản thân Tisquantum sẽ không xếp mình vào nhóm “Anh-điêng”, như cư dân ở cùng vùng đất đó ngày nay sẽ không tự gọi mình là “người Tây Bán Cầu”. Tisquantum lại càng không tuyên bố mình thuộc về “Norumbega”, tên gọi chỉ New England mà đa phần người châu Âu dùng. (Tên New England được đặt vào năm 1616.) Tiểu sử đời sau của Tisquantum đã làm sáng tỏ, anh ta trước hết coi mình là cư dân của Patuxet, một dải đất dọc bờ biển nằm giữa Boston và phần đầu mũi Cape Cod ngày nay. Patuxet là một trong khoảng mười khu định cư bao gồm cả liên bang Wampanoag ở miền Đông Massachusett và đảo Rhode ngày nay. Ngược lại, Wampanoag là một phần trong liên minh với hai liên bang khác: Nauset, gồm khoảng 30 nhóm người ở mũi Cape Cod; và Massachusett, gồm vài chục cụm làng xã quanh vịnh Massachusett, thành viên của gia đình ngữ hệ Algonquia, cộng đồng lớn nhất miền Đông Bắc Mỹ thời đó. (Do vậy Massachusett vừa là tên của ngôn ngữ vừa là tên của nhóm người dùng ngôn ngữ này.) Ở Massachusett, tên của New England là Vùng đất Bình minh, nơi mặt trời mọc. Cư dân của Vùng đất Bình minh là người của Tia sáng đầu tiên. Mười nghìn năm trước, khi người Anh-điêng ở Trung bộ châu Mỹ và Peru bắt đầu hoạt động nông nghiệp và hợp lại thành làng xóm, New England gần như hoang vu vì một lý do vô cùng hợp lý: Cách đấy không lâu, một lớp băng dày khoảng 2.000m đã bao phủ vùng đất. Dần dần, con người chuyển đến, dù vùng đất vẫn lạnh và khắc nghiệt trong suốt thời gian dài, đặc biệt dọc bờ biển. Do mực nước biển liên tục dâng lên ngập qua bờ, nên đến năm 1000 TCN, mũi Cape Cod lầy lội mới có hình dáng cố định. Thời điểm đó, Vùng đất Bình Minh đã phát triển thành nơi hấp dẫn hơn: Thảm sinh thái tuyệt mỹ của rừng phong ẩm ướt, bãi triều đầy sò ốc, rừng rậm cao nguyên, bãi lầy phủ rêu đầy mạn việt quất và phong lan, bản hợp âm rì rầm của doi cát và bờ biển, thân cây cháy sém của thông gỗ mềm - “Chỉ trong phạm vi vài cây số thôi, độ đa dạng đã thay đổi đến ngỡ ngàng,” nhà sử học sinh thái William Cronon nói. Thiếu hụt các bản ghi chép, đội ngũ nghiên cứu đã phát triển kỹ thuật để tìm ra bằng chứng từ quá khứ. Trong đó có “ngữ thời học”, một nỗ lực nhằm phỏng đoán thời điểm hai ngôn ngữ tách ra từ một gốc chung bằng cách ước lượng mức độ khác nhau qua một danh sách từ vựng. Trong thập niên 1970 và 1980, các nhà ngôn ngữ học ứng dụng kỹ thuật ngữ thời học lên từ điển Algonquia do những thực dân đầu tiên biên soạn. Dù chỉ là ước đoán, kết quả cho thấy các ngôn ngữ Algonquia đều có cùng nguồn gốc, xuất hiện ở vùng Đông Bắc vài thế kỷ trước Công nguyên. Mẫu ngữ này có thể xuất phát từ nền văn hóa Hopewell. Khoảng 2.000 năm trước, Hopewell nổi lên từ cứ địa của mình ở Trung Tây, thiết lập nên một mạng lưới giao thương bao phủ phần lớn Bắc Mỹ. Văn hóa Hopewell mang những công sự đào đắp bằng đất đồ sộ, và có thể là cả nền nông nghiệp, đến phần còn lại của miền Bắc lạnh lẽo. Mặc dù làng mạc của Hopewell cũng nhỏ như làng mạc của các nền văn hóa bình thường xung quanh, nhưng họ có phân đẳng cấp, giới tăng lữ kiểm soát toàn bộ giai cấp còn lại. Công cuộc khảo cổ không đem lại bất kỳ bằng chứng nào về chiến tranh quy mô lớn thời đó; vậy nên, có thể cho rằng Hopewell không giành ưu thế nhờ chinh phục. Thay vào đó, người ta có thể suy đoán phương tiện tạo nên sự biến đổi này là tôn giáo của Hopewell, với nghi lễ đám tang cầu kỳ nhưng đầy mê hoặc. Nếu vậy, sự tiếp nhận ngữ hệ Algonquia ở Đông Bắc sẽ đánh dấu kỷ nguyên xáo động tâm linh và biến đổi dữ dội, rất giống thời kỳ Hồi giáo nổi lên và truyền bá tiếng Ả Rập khắp vùng Trung Đông. Hopewell suy tàn vào khoảng năm 400. Nhưng mạng lưới giao thương của Hopewell vẫn hoạt động. Dây chuỗi vỏ sò ốc từ Florida, đá vỏ chai từ dãy núi Rocky, mica từ Tennessee đều có mặt ở vùng Đông Bắc. Mượn kỹ thuật và tri thức từ vùng Trung Tây, dân du mục New England đã biến đổi quần thể xã hội của họ. Đến cuối thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên, nông nghiệp lan rộng nhanh chóng và khu vực trở thành một tập hợp kỳ lạ những quần thể xã hội với địa hình định cư ưa thích, cách thức sinh tồn và đặc trưng văn hóa riêng. Tản mát quanh các hồ, ao và đầm lầy của vùng đất cao lạnh giá là nhóm du cư săn bắt và hái lượm nhỏ bé - nhà nghiên cứu thỉnh thoảng gọi họ là “người thu nhặt”. Đa số họ vừa mới hoặc sắp sửa ứng dụng nông nghiệp, nhưng đây vẫn là nguồn lương thực thứ yếu, phụ trợ thêm vào sản vật hoang dã từ vùng đất. Ngược lại, những thung lũng sông chính của New England lại chứa các ngôi làng lớn, cố định; nhiều cái nép giữa quần thể chòm xóm ngoại ô và khu trại săn. Nhờ có ruộng ngô, đậu lẫn bí rộng lớn bao quanh, những khu định cư này trải hàng dặm khắp Connecticut, Charles và thung lũng sông khác, thị trấn này san sát thị trấn kia. Dọc bờ, nơi Tisquantum và Massasoit sống, làng thường nhỏ và rời rạc hơn, dù cũng cố định như thế. Khác với thợ săn vùng cao, người Anh-điêng vùng duyên hải không lang thang khắp khu vực; thay vào đó, đa số họ di chuyển giữa điểm săn mùa đông và điểm săn mùa hè, như chim di trú luân phiên giữa Manhattan và Miami. Khoảng cách tất nhiên nhỏ hơn, hộ gia đình dọc bờ biển sẽ đi bộ khoảng 15 phút trong đất liền nhằm tránh bão và thủy triều mùa đông. Mỗi ngôi làng có cách kết hợp trồng trọt và chăn nuôi đặc trưng - làng này nằm sát nhiều bãi hàu dồi dào nên có thể trồng ngô để đa dạng hóa; trong khi làng kia, chỉ cách chục cây số, có thể sinh sống hoàn toàn dựa vào gặt hái, chất đầy các kho dự trữ khổng lồ dưới lòng đất vào mỗi mùa thu. Mặc dù đây đều là khu định cư lâu đời, đông lẫn hè, nhưng thường không kết nối chặt chẽ thành cụm nhà và đồng ruộng phân ranh giới. Thay vào đó, dân làng dàn trải trên các cửa sông, đôi khi hợp thành cụm làng xóm, đôi khi sống thành từng gia đình đơn lẻ, đất trồng ngô phân bổ riêng rẽ. Mỗi cộng đồng liên tục “hợp và tan như những hạt thủy ngân lỏng trong vật chứa,” Kathleen J. Bragdon, nhà nhân chủng học đến từ trường Cao đẳng William & Mary đã viết - một kiểu định cư “không có tên gọi trong cả khảo cổ học hay nhân chủng học”. Một trong những cộng đồng “thủy ngân” thuộc liên bang Wampanoag là Patuxet, nơi Tisquantum sinh ra vào cuối thế kỷ XVI. Chen trong dải đất cong rộng lớn của vịnh Cape Cod, Patuxet tọa lạc trên một gò đất thấp phía trong một hải cảng nhỏ, bị cát xói và nông đến mức trẻ con có thể lội xuống biển và đi vài trăm mét trước khi sóng đánh lút đầu chúng, về phía Tây, những đồi ngô chạy cắt các đồi cát thành nhiều đường song song. Phía dưới cánh đồng, cách biển chừng 2km là một khu rừng rộng mờ và hơi giống công viên với sồi, dẻ, mại châu, có người chuyên trách dọn dẹp các cây bụi tầng thấp theo quy trình đốt rừng hằng năm. Theo lời miêu tả của một du khách người Anh thì “không khí và cảnh tượng rất dễ chịu”, Patuxet có “lượng chim cá dồi dào quanh năm”. Những đàn cá hồi Đại Tây Dương trĩu trứng, cá tầm mũi ngắn, cá vược sọc, cá trích Mỹ hàng năm đều tràn ngập hải cảng. Nhưng vụ đánh cá quan trọng nhất đến vào cuối xuân, khi đàn cá trích mắt to lội ngược dòng suối nông chảy xiết cắt ngang ngôi làng. Đàn cá đông và khỏe đến mức, khi những cậu bé nghịch ngợm lấy đá chặn suối, chúng bật tung qua chướng ngại đó - thân ánh bạc lấp lánh trong nắng - và tiếp tục ngược dòng. Wetu (nhà) của Tisquantum kết từ những sào cong buộc lại thành vòm, mùa đông phủ chiếu cói đan chặt và mùa hè phủ mảnh vỏ cây dẻ mỏng. Một ngọn lửa đốt giữa nhà, khói thoát qua lỗ nhỏ giữa mái. Khách tham quan người Anh sẽ thấy quen thuộc với cách bài trí này; nước Anh vừa bắt đầu sử dụng ống khói, nên đa phần nhà ở, kể cả nhà giàu có, lửa vẫn được đốt ngay dưới lỗ thông ngay mái. Họ cũng không coi wetu của Vùng đất Bình minh là thô sơ; kết cấu nhiều lớp phủ giúp giữ lại các lớp khí khiến loại nhà này “ấm hơn nhà của người Anh chúng ta”, thực dân William Wood thở dài nói. Wetu cũng ít dột hơn kiểu nhà phên trát bùn vữa thông thường của người Anh. Wood không che giấu sự thán phục cách các tấm chiếu Anh-điêng “ngăn hoàn toàn nước mưa thấm vào, dù mưa dữ dội và kéo dài”. Trong wetu, những dải vỏ cây bản rộng được chất giữa các sào cong bên ngoài và bên trong. Vì các sào này mềm dẻo nên lớp vỏ cây có thể được chèn thêm hay bỏ bớt tùy theo chủ nhà muốn tăng khả năng giữ nhiệt trong mùa đông hay muốn thêm thoáng khí trong mùa hè. Thiết kế đơn giản thanh nhã của wetu có thể làm cả kiến trúc sư hiện đại khó tính nhất phải hài lòng. Quanh tường kê giường thấp, đôi khi đủ rộng để cả gia đình ngồi lên; thường cao khoảng 30cm, bằng phẳng, luôn trải chiếu và lông thú. Đi ngủ trong ánh lửa sáng, cậu bé Tisquantum hẳn đã dõi mắt theo cái bóng rung rinh của những túi sợi gai đan và hộp bằng vỏ cây treo trên xà nhà. Những giọng nói vang lên trong đêm tối: Một người hát ru, rồi đến người khác, cho tới khi tất cả đều say ngủ. Buổi sáng, khi cậu bé thức giấc, chiếc nồi lớn hình quả trứng chứa đầy ngô và đậu nghiền đặt trên bếp lửa, ninh với thịt, rau củ hoặc cá khô để làm món hầm nhừ cho bữa tối. Từ ngoài wetu, cậu sẽ nghe thấy tiếng thịch thịch vui tươi của chày và cối mà cánh phụ nữ dùng để nghiền ngô thành nokake, món bột “ngọt đậm, ngon lành và giàu dinh dưỡng”, Gookin viết, “người Anh-điêng sẽ đi ròng rã nhiều ngày chỉ với món này”. Dù người châu Âu than phiền về việc thiếu muối trong ẩm thực Anh-điêng, nhưng họ vẫn cho rằng nó rất bổ dưỡng. Theo sự tái dựng thời hiện đại, chế độ ăn uống của Vùng đất Bình minh chứa trung bình 2.500 calo một ngày, tốt hơn khẩu phần nghèo nàn thông thường của châu Âu. Những ký giả Pilgrim kể khắp toàn cầu rằng gia đình người Wampanoag rất gần gũi và đầy yêu thương - vài người nghĩ còn hơn cả gia đình người Anh. Người châu Âu thời đó cho rằng, khoảng bảy tuổi, trẻ em đã chuyển hẳn từ giai đoạn thơ ấu sang trưởng thành, nên thường bắt chúng lao động ngay. Ngược lại, cha mẹ người Anh-điêng coi những năm tháng tiền dậy thì là thời gian vui chơi phát triển, và họ giữ con cái bên mình cho đến khi chúng kết hôn. (Dưới cách nhìn đương thời, vài Pilgrim không vừa lòng nói rằng đây là “chiều quá hóa hư”.) Những cậu bé như Tisquantum thám hiểm vùng thôn quê, bơi trong các ao hồ phía Nam cuối hải cảng, chơi bóng đá bằng một quả bóng da; mùa hè và mùa thu, chúng cắm trại dựng lều trên đồng ruộng, nhổ ngô và đuổi chim. Hai tuổi chúng đã tập bắn cung. Đến thời niên thiếu chúng sẽ chơi trò bắn cung vào nhau và né mũi tên bắn đến. Mục tiêu tiên quyết trong việc giáo dục ở Vùng đất Bình minh là định hình tính cách. Cả nam và nữ đều được kỳ vọng sẽ dũng cảm, cứng cáp, trung thực và không kêu ca. Ba hoa và ngồi lê đôi mách sẽ bị kỳ thị. Wood lý giải: “Họ chỉ có thiện cảm với người kiệm lời, dám nói dám làm.” Giáo dục tính cách bắt đầu rất sớm, bằng trò chơi gia đình ném đứa trẻ trần trụi vào tuyết. (Chúng được kéo ra nhanh chóng rồi đặt gần lửa sưởi, theo cách thức tương tự xông hơi của người Scandinavi.) Khi nam giới Anh-điêng đến tuổi trưởng thành, họ sẽ dành cả mùa đông sống một mình trong rừng, chỉ mang một cây cung, một chiếc rìu và một con dao. Cách giáo dục này rất hiệu quả, Wood tường thuật đầy nể phục. “Đánh họ, quất họ, nhéo họ hay đấm họ cũng được, nhưng nếu [người Anh-điêng] quyết không chùn bước, họ sẽ không chùn bước.” Chế độ huấn luyện của Tisquantum chắc hẳn khắc nghiệt hơn bạn bè cùng lứa, theo sử gia Salisbury đến từ trường Cao đẳng Smith, có vẻ anh ta được chọn để trở thành pniese, một dạng tham vấn kiêm vệ sĩ của sachem. Để thành thạo nghệ thuật chịu đựng nỗi đau đớn, pniese tương lai phải can qua những trải nghiệm thống khổ như chạy chân trần trên bụi gai. Họ cũng thường nhịn ăn, để tập kiểm soát bản thân. Sau khi sống hết mùa đông trong rừng, ứng viên pniese trở lại tham gia bài kiểm tra phụ: uống nước ép cây long đởm đắng đến nôn ọe, lặp đi lặp lại quá trình điên cuồng này cho đến khi gần bất tỉnh, nôn ra máu. Patuxet, giống như những khu định cư lân cận, do một sachem trị vì, phê duyệt luật lệ, thương thuyết các hiệp ước, kiểm soát liên hệ với bên ngoài, thu cống nạp, tuyên chiến, lo liệu cho góa phụ và trẻ mồ côi, phân chia đất nông nghiệp khi có tranh chấp. (Dân Vùng đất Bình minh sống rời rạc tản mát, nhưng họ biết gia đình nào có quyền sử dụng mảnh đất nào - theo lời Roger Williams, người thiết lập thuộc địa Đảo Rhode, gọi sự trông nom ranh giới tài sản của người Anh-điêng là “rất đúng đắn và chính xác”.) Phần lớn thời gian, sachem Patuxet thề trung thành với Đại sachem ở làng Wampanoag phía Tây Nam, và với các sachem trong liên minh Nauset ở Cape Cod, Massachusett quanh Boston thông qua Đại Sachem. Trong khi đó, Wampanoag là kẻ thù của Narragansett và Pequots ở phía Tây, cùng nhiều nhóm nhỏ của Abenaki ở phía Bắc. Sachem phải có được sự đồng thuận của thần dân, một vấn đề thiết thực, vì họ có thể dễ dàng chuyển đi và quy phục sachem khác. Tương tự, Đại sachem phải làm vừa lòng hoặc ức hiếp các sachem nhỏ hơn, nhỏ nhất bởi những cộng đồng họ mất uy thế có thể bỏ họ đi. Vào thế kỷ XVI, New England có ít nhất 100.000 người và con số không ngừng tăng lên. Phần lớn người dân sẽ sống tập trung thành các cộng đồng bên bờ biển, nơi tăng dân số bắt đầu biến nông nghiệp từ một lựa chọn thành điều bắt buộc. Khu dân cư càng lớn nhu cầu quản lý tập quyền càng cao; tài nguyên thiên nhiên như mảnh đất màu mỡ hay con suối đầy cá tuy không phải hiếm nhưng giờ cần được quản lý. Do đó, các nhóm người ngày càng chú trọng ranh giới hơn. Sachem, có nhiều quyền lực và nhiều thứ cần bảo vệ hơn, trở nên gay gắt với nhau hơn. Mâu thuẫn chính trị lên cao. Theo nhà khảo cổ kiêm dân tộc học Peter Thomas, vùng duyên hải và ven sông New England là “một tập hợp thiên biến vạn hóa của những nhân vật, liên minh, âm mưu, bố ráp và chạm trán tác động đến mọi [vùng định cư] của người Anh-điêng”. Giao tranh vũ trang diễn ra thường xuyên nhưng chóng vánh và nhẹ nhàng, xét theo chuẩn mực châu Âu. Casus belli (Sự cố chiến tranh) chỉ để rửa nhục hoặc khẳng định uy lực, không phải để chinh phục. Đa số các trận chiến là những đợt phục kích bất thình lình của các nhóm du kích trong rừng: Ánh chớp của cung tên sọc đen vàng, tiếng rít xé gió của mũi tên đầu đá lao trong không trung, tiếng la hét giận dữ nổ ra ồn ã. Nhóm tấn công chuồn đi ngay khi phục thù xong. Kẻ thua cuộc nhanh chóng thừa nhận thất bại. Nếu không sẽ chẳng khác nào cố đấm ăn xôi sau khi mất một quân cờ trọng yếu trong ván cờ - một cái gai của xã hội, một sự lãng phí thời gian và nguồn lực. Phụ nữ và trẻ em hiếm khi bị giết, dù đôi lúc họ cũng bị bắt cóc và ép phải theo phe chiến thắng. Tù nhân nam thường bị tra tấn (họ sẽ được ngưỡng mộ, dù không chắc được tha mạng, nếu họ vững chịu trước đau đớn). Thỉnh thoảng, phe chiến thắng lột da đầu tù nhân bị giết, giống các trận giao tranh giữa người Anh và Ireland đôi khi kết thúc bằng cuộc diễu hành cọc cắm đầu người Ireland. Trong trận đặc biệt lớn, địch thủ sẽ giáp lá cà ngoài trận địa tương tự chiến trường châu Âu, dù kết quả như Roger William ghi chú: “Bớt đẫm máu và ít ác liệt hơn những cuộc chiến tàn khốc của châu Âu.” Tuy vậy, vào thời Tisquantum, rào lũy phòng thủ ngày càng phổ biến, nhất là ở các thung lũng sông. Trong các khu định cư là một thế giới của hơi ấm, gia đình và tục lệ quen thuộc. Nhưng bên ngoài, theo cách nói của Thomas, là “một mê cung của những hành động khôn lường và cá nhân chiến đấu để giữ lại sự tồn tại nào đó trong mặt tối của đổi thay.” Nhưng đó là trước khi người châu Âu xuất hiện. DU LỊCH VÀ PHẢN BỘI Thuyền đánh cá của Anh có thể đã đến Newfoundland vào thập niên 1480 cùng các khu vực khác không lâu sau đó. Năm 1501, chỉ 9 năm sau hành trình đầu tiên của Columbus, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Gaspar Corte-Real đã bắt 50 người Anh-điêng từ Maine. Lục soát tù nhân, Corte Real rất kinh ngạc khi thấy hai người đang đeo đồ chế tác ở Venice: một cây kiếm gãy và hai chiếc nhẫn bạc. Theo ghi chú của James Axtell, Corte Real có thể bắt cóc số lượng người lớn như vậy vì người Anh-điêng đã quá quen thương lượng với người châu Âu đến mức họ sẵn sàng lên tàu của ông ta để ra nước ngoài.* Bản mô tả sớm nhất về Người của Tia sáng Đầu tiên được viết bởi Giovanni da Verrazzano, một thủy thủ làm thuê được hoàng đế Pháp giao nhiệm vụ đi về phía Bắc, vòng qua châu Mỹ để tìm đường đến châu Á vào năm 1523. Giương buồm về phía Bắc từ Carolina, ông quan sát thấy dọc bờ biển đều có “dân cư tập trung dày đặc”, ám khói từ lửa đốt của người Anh-điêng; đôi lúc ông có thể ngửi thấy mùi khói từ hàng trăm dặm; con tàu thả neo tại vịnh Narragansett rộng lớn, gần Providence, đảo Rhode ngày nay. Verrazzano là một trong những người châu Âu đầu tiên dân bản xứ gặp, thậm chí có lẽ là người đầu tiên, nhưng họ không nao núng. Gần như ngay lập tức, 20 chiếc thuyền dài bao vây các lữ khách. Kiêu hãnh và phong nhã, sachem Narragansett bước lên tàu: một người đàn ông tóc dài cao lớn khoảng 40 tuổi, trên cổ và tai đeo trang sức sặc sỡ, “tôi chỉ có thể tả là đẹp như tượng tạc,” Verrazzano viết. Phản ứng của ông rất bình thường. Nhiều người châu Âu mô tả Người của Tia sáng Đầu tiên như những mẫu hình khỏe mạnh khác thường. Chế độ ăn cực kỳ giàu dinh dưỡng, làm việc chăm chỉ nhưng không quá sức, người vùng New England cao lớn và vạm vỡ hơn những kẻ muốn tiến vào - Thomas Morton, tên Pilgrim bất trị miêu tả “đàn ông và phụ nữ vóc dáng lẫn tay chân đều chắc lẳn”. Vì nạn đói và dịch bệnh rất hiếm xảy ra ở Vùng đất Bình minh, người dân nơi đây không có sẹo đậu mùa hay tay chân khẳng khiu thường thấy ở phía bên kia Đại Tây Dương. Người bản địa New England theo quan điểm của William Wood “còn ưa nhìn hơn (dù họ chỉ ăn mặc như Adam) những người Anh đỏm dáng ăn vận theo mốt thời trang mới nhất.” Các Pilgrim kém hào hứng với vẻ ngoài sặc sỡ của người Anh-điêng hơn. Lẽ đương nhiên, họ thừa nhận tính thực tiễn của đồ da hươu nhưng phản đối vì nó không hợp quần áo Anh quốc. Và thực dân hiểu được lý do da và tóc của người Anh-điêng lại bôi mỡ gấu hay mỡ đại bàng bóng loáng (chúng giúp chống nắng, gió lẫn côn trùng). Họ cũng lờ đi việc người Anh điêng để trẻ chưa dậy thì chạy rông ngoài đường không mảnh vải che thân. Nhưng các Pilgrim, người coi đồ trang sức như vật thể hiện sự tôn thờ, bị choáng ngợp trước sở thích chưng diện của người bản địa. Trang phục bao gồm áo choàng đầu thú, thắt lưng da rắn, mũ gắn lông chim. Tệ hơn, nhiều cư dân Vùng đất Bình minh xăm mặt, cánh tay và chân với họa tiết hình học và biểu tượng động vật. Họ đeo trang sức làm từ vỏ ốc, bông tai từ lông tơ thiên nga, trâm cài từ lông đại đàng. Như thể chưa đủ, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều tô mặt trắng, đỏ và đen - để rồi, Gookin khịt mũi, “nửa mặt màu này, nửa mặt kia màu khác, méo mó xẹo xọ.” Từ năm 1585-1586, họa sĩ John White đã sống 15 tháng ở Bắc Carolina ngày nay, ông trở về với hơn 70 bức tranh màu nước vẽ người Anh-điêng, thực vật, động vật. Các tác phẩm của White sau này được in trong một chuỗi ấn bản lãng mạn hóa. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn ngày nay thì chúng không phải tài liệu chất lượng - những người Anh-điêng của ông đứng dáng như các bức tượng Hi Lạp. Nhưng mục đích của ông rất rõ ràng. Trong mắt ông, người vùng Carolina, anh em đồng văn với người Wampanoag, rất cường tráng, nhất là khi so sánh với người châu Âu gầy còm, lỗ rỗ sẹo đậu mùa. Và trong mắt người da trắng, họ sống tại những khu định cư bố trí trật tự, cùng với những cánh đồng ngô bạt ngàn, tươi tốt. """