" 101 Điều Trường Học Chưa Bao Giờ Dạy Bạn 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 101 Điều Trường Học Chưa Bao Giờ Dạy Bạn Ebooks Nhóm Zalo LỜI GIỚI THIỆU T rường học dạy bạn: cái bắt tay mở đầu câu chuyện. Nhưng trường học không dạy bạn: kĩ năng bắt tay như thế nào để “truyền cho người ta cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, khả năng làm chủ bản thân, để lại một ấn tượng tốt đẹp”. Trường học dạy bạn: mạng xã hội đang lan truyền trong cộng đồng một cách nhanh chóng. Nhưng trường học không dạy bạn: cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và an toàn. Trường học dạy bạn: học hành chăm chỉ, sau này xin việc được dễ dàng hơn. Nhưng trường học không dạy bạn: xin việc cũng là một quá trình cần đầu tư vào bản thân nhiều hơn là một cái bằng tốt nghiệp. Trường học dạy bạn: thời gian là vàng. Nhưng trường học không dạy bạn: làm sao sử dụng khối “vàng” ấy một cách hữu ích. Trường học dạy bạn: sinh mạng là vô giá. Nhưng trường học không dạy bạn: làm sao để chăm sóc, giữ gìn điều quý giá đó. Trường học dạy bạn: hãy biết quan tâm tới mọi người xung quanh. Nhưng trường học không dạy bạn: quan tâm như thế nào là đúng mực, tinh tế mà không quá lố. Bàn về chuyện học, hầu hết chúng ta đều dành khoảng 12 đến 16 năm trong đời cho ngồi trên ghế nhà trường. 12 năm học phổ thông, và khoảng 3 đến 4 năm hoặc hơn cho những cấp học cao hơn như cao đẳng, đại học… Thế nhưng, sau từng ấy năm đèn sách, nhiều người vẫn bước ra cuộc đời với khuôn mặt ngơ ngác, đầy lạ lẫm. Vì sao vậy? Vì để bước đi trên đường đời, hành trang chúng ta mang theo không chỉ là những điều trường học dạy cho bạn, mà còn phải trang bị thêm rất nhiều điều trường học không dạy cho bạn. Một phần bé nhỏ trong số hàng triệu triệu điều đó, đang nằm trên tay bạn, trong từng trang giấy của cuốn sách này. Bằng lối viết súc tích cùng tư duy phản biện mạch lạc; tác giả đã mang đến cho bạn đọc những cái nhìn độc đáo, sâu sắc về những sự vật, sự việc tưởng chừng bé nhỏ đến mức bị lãng quên, bị tầm thường hóa trong nhịp sống hàng ngày. Điều đó, đôi khi đơn giản là một tiếng quát nạt khi bộn bề công việc, một lời nói trêu chọc “Ồ sao dạo này béo thế!”, một cái giẫm chân lúc chen nhau trong bữa tiệc buet… Những điều mà ta tưởng chừng rất nhỏ nên không cần bận tâm, những điều mà trường học cho là quá tầm thường nên không cần đưa vào giảng dạy, lại chính là những điều có thể gieo nên tính cách, số phận của mỗi người. Bây giờ, lật trang sách tiếp theo đi bạn, để xem, có điều nhỏ nhoi nào mà ta chưa từng được dạy! NHỮNG KỸ NĂNG CƠ BẢN 01 LỜI CHÀO VÀ ẤN TƯỢNG CÁ NHÂN Đ ặt chân đến đất nước hình chiếc ủng Italia tươi đẹp, tôi bị choáng ngợp bởi tháp nghiêng Pisa, thành phố Rome, Venice… và món spaghetti tuyệt hảo. Tuy nhiên dư âm đọng lại sâu sắc trong tâm trí tôi về đất nước này chính là lời chào. Lời chào tiếng Ý viết là “Ciao”, cách phát âm tương đối giống tiếng “Chào” của Việt Nam. Những người tôi gặp trên đường, từ bác bảo vệ, đến cô nhân viên phục vụ... họ đều nhìn tôi và mỉm cười nói: “Ciao”. Tôi cũng không ngại ngần đáp lại bằng chính âm thanh vui vẻ đó. Bước vào tiệm café, ba bốn cô cậu nhân viên đồng thanh: “Ciao ciao”, khách hàng cũng hân hoan: “Ciao ciao”. Câu chào hỏi vui tai ấy khiến tôi bất giác mỉm cười và có thể vui vẻ suốt cả ngày. Ở đất nước xa xôi ấy, người ta cất tiếng chào với cả người lạ. Thế nhưng, ngay tại đất nước mình, một lời chào chân tình với những người xung quanh phải chăng đang dần xa xỉ? Lời chào bị chặn lại sau những cánh cửa khép chặt, những toà nhà chọc trời, cánh cửa kính ô tô… Chúng ta thờ ơ, đánh rơi lời chào hỏi với hàng xóm, đồng nghiệp, người lớn tuổi, bác bảo vệ, cô lao công… Lời chào có từ bao giờ? Không ai biết cũng không ai quan tâm. Tôi chỉ biết nó là thói quen, là biểu hiện cho sự lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng và quan tâm lẫn nhau của mỗi người. Hay ở một tầm vĩ mô hơn, lời chào chính là lịch sử, nhân văn, giá trị văn hóa của cả dân tộc. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện về giá trị không tưởng của lời chào. Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến đông lạnh. Một ngày nọ, cô bị kẹt trong phòng đông lạnh. Cô la hét, đập cửa hy vọng có người tới cứu nhưng toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh. Đến khi cô thực sự tuyệt vọng và chắc chắn rằng mình sẽ chết cóng ở đây trước khi có người phát hiện ra thì tiếng cánh cửa phòng đông lạnh nặng nề mở ra. Người bảo vệ đã đi tìm cô. Cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa. Ông đáp: “Ở đây hằng ngày có hàng trăm công nhân ra vào. Cô là người duy nhất ngày nào cũng chào và tạm biệt tôi. Sáng sớm cô còn nói 'Cháu chào bác!' Nhưng khi tan làm, tôi không nghe tiếng cô: 'Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!' Tôi quyết định đi vào trong xưởng xem thế nào. Tôi nghe thấy tiếng đập cửa và tìm thấy cô.” Tuổi thơ tôi đầu trần chân đất, long nhong chạy theo các ông tây bà tây balo, miệng reo ầm ĩ “Hello! Hello!” chỉ mong nhận lại những nụ cười, cái vẫy tay từ những con người xa lạ. Chúng ta bây giờ lại “ki bo” với nhau ngay cả một lời chào. Đã bao lâu bạn không cất tiếng chào một cách nhiệt thành, thân mật? Hay chỉ còn những tiếng chào gượng gạo, xã giao? Hoặc thậm chí giả tảng, cúi gằm xuống mặt đất và lướt qua những người xung quanh? Mục đầu tiên của cuốn sách bạn đang cầm trên tay với tựa đề “Lời chào và ấn tượng cá nhân” cũng chính là lời chào của tôi gửi tới bạn. Điều đầu tiên tôi muốn nhắn gửi tới bạn, thật giản đơn và chân thành, hãy mỉm cười và nói “Xin chào!” 02 BẮT TAY ĐÚNG CÁCH – KHỞI ĐIỂM CỦA MỐI QUAN HỆ Ấ n tượng đầu tiên rất quan trọng trong việc tạo thiện cảm với người khác. Người tinh tế là người có khả năng cảm nhận về đối phương chỉ qua một động thái nhỏ, đơn cử như bắt tay. Cái bắt tay có thể dẫn đến một hợp đồng được ký kết thành công, một mối quan hệ tốt đẹp, hay mở ra một câu chuyện. Ấy vậy mà, bắt tay không đơn thuần là đưa tay lên, cầm tay đối phương rồi buông ra. Cái bắt tay chứa đựng nhiều quy tắc ngầm bên trong nó. Khi bắt tay ai đó, hãy tiến lại phía họ với nét mặt tươi cười. Dừng lại ở khoảng cách an toàn, rồi chìa tay về phía người đó. Hãy nắm cả bàn tay đối tác, sao cho ngón tay cái của bạn khít lên ngón cái của người ta, lắc 3-4 nhịp rồi buông ra là đủ. Không bóp tay quá mạnh, giật tay quá lâu khiến đối phương đau, nhất là đối với phụ nữ. Sử dụng lực vừa phải, không mạnh nhưng cũng không hời hợt, yếu ớt, chưa chạm đã buông, hay bắt tay kiểu chỉ cầm vài ngón tay. Đừng để tay ướt, dính nhớp mồ hôi mà bắt tay. Nếu tay bạn bận hay bẩn, bạn cứ xin lỗi rằng bạn không thể bắt tay, hãy nói: “Xin lỗi, tay tôi không tiện để bắt tay anh (chị) lúc này.” Nếu bạn là người thuận tay trái, cũng cố gắng chìa tay phải để bắt tay, không nên để đối tác phải rụt tay phải của họ lại để đổi sang tay trái cho giống bạn. Chỉ bắt tay khi cả hai cùng đứng dậy hoặc cùng ngồi. Tối kỵ là khi một người ngồi, một người đứng lom khom, hay một người đứng trên bục cao, một người ở thấp hơn. Hãy bước tới, nghiêng người về phía trước một chút để bắt tay. Với người lớn tuổi, nên cúi thấp hơn một chút để tỏ vẻ kính trọng. Không cần thiết úp cả hai bàn tay của mình vào tay người khác, hay cúi rạp mình, khiến người ta có cảm giác bạn khúm núm quá mức. Hãy bắt tay kèm lời chào, gọi đúng tên, sau đó giới thiệu bản thân. Ví dụ: Khi bắt tay, bạn hãy nói: “Chào anh/chị, tôi là Minh, sinh viên năm 4 trường Nhân văn, rất vui được gặp anh/chị.” Khi bắt tay ai đó, bạn hãy truyền cho người ta cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, khả năng làm chủ bản thân, để lại ấn tượng tốt đẹp. Đó là khởi đầu của mối quan hệ tốt đẹp và thành công. 03 LỜI CẢM ƠN VÀ LÒNG BIẾT ƠN N ếu được hỏi hành động người Nhật làm nhiều nhất trong ngày là gì? Tôi sẽ trả lời ngay tắp lự: Cúi gập người và nói “Arigatou Gozaimasu!” (Xin cảm ơn rất nhiều!). Người Nhật Bản tính trầm lặng ít nói, nhưng riêng lời cảm ơn luôn thường trực trên môi. Trong chuyến công tác Nhật Bản, tôi nghỉ tại một khách sạn ở Tokyo, mỗi lần gọi nhân viên lễ tân, sau khi đáp ứng yêu cầu của tôi, nhân viên khách sạn đều cúi người cảm ơn với thái độ kính cẩn như thể tôi vừa giúp đỡ họ. Ngày rời khỏi khách sạn, có một cảnh tượng khiến tôi sững sờ và xúc động: Quản lý và nhân viên khách sạn cầm chiếc băng rôn in chữ “Thank you” to đùng hướng về phía xe của chúng tôi, cười tươi rạng rỡ cho đến lúc xe đi khuất. Cũng không ít lần trên đường phố Nhật, tôi bắt gặp hình ảnh người đi bộ qua đường cúi gập người tỏ ý cảm ơn với những lái xe đã nhường đường cho họ. Bước vào nhiều cửa hàng trên phố, quản lý trực tiếp đứng mở cửa cho khách hàng và gập người cảm ơn khi khách bước ra khỏi cửa hàng. Con người ở đất nước này, càng hiện đại văn minh lại càng cúi đầu cảm ơn nhiều thật nhiều. Rời khỏi Nhật Bản, tôi mang trong mình một sự cảm kích kỳ lạ chưa bao giờ có được ở đất nước mình. Trong tất cả các chương trình bây giờ, chúng ta dễ dàng bắt gặp lời phát biểu với gương mặt lạnh tanh: “Em xin gửi lời cảm ơn tới cha mẹ, thầy cô, bạn bè, các đoàn thể đã tạo điều kiện để em có được ngày hôm nay.” Lòng biết ơn của chúng ta nhiều khi đã bị công thức hóa như thế. Chúng ta cũng bỏ quên lời cảm ơn cho những điều mà ta nhận được từ những người xung quanh vì mặc định đấy là điều hiển nhiên. Ở nhiều nước trên thế giới, thư cảm ơn sau phỏng vấn như là một phép lịch sự tối thiếu. Lá thư cảm ơn cho nhà tuyển dụng đã dành thời gian phỏng vấn mình, dù kết quả là trượt hay đỗ. Đừng quên nói lời cảm ơn với người phục vụ kèm theo một nụ cười thân thiện. Cảm ơn vì người ta đã phục vụ mình chu đáo. Nói cảm ơn khách hàng vì họ chính là người giúp bạn bán được những sản phẩm của mình. Gửi tin nhắn cảm ơn bạn trai/bạn gái sau mỗi buổi hẹn hò vì đã cho nhau những khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc. Nói một lời cảm ơn, để ta yêu thương những điều bé mọn, để ta trân trọng những điều người khác làm cho ta, để chúng ta đối xử với nhau tốt hơn, để thấy đời này còn bao nhiêu điều tươi đẹp. Lời cảm ơn, chính là sự hiện diện của lòng biết ơn, của sự văn minh và đẳng cấp tân tiến nhất. Thanh niên thế kỷ 21văn minh, hiện đại hãy bước ra ngoài và đừng ngại nói cảm ơn. 04 PHÉP LỊCH SỰ TỐI THIỂU TRONG CUỘC SỐNG Đ ánh giá một đất nước phát triển hay không, không chỉ nằm ở tốc độ phát triển kinh tế hay GDP, mà còn nằm ở trình độ văn hóa. Trình độ văn hóa bao gồm cả trình độ phát triển vật chất và tinh thần của một xã hội, một tộc người, một nhóm người, một cá nhân, trong đó chứa đựng cả cách sống, lối sống, cách ứng xử hằng ngày. Trình độ văn hóa khác với trình độ học vấn. Người có trình độ học vấn cao chưa hẳn đã có trình độ văn hóa cao nếu có hành xử dở ẹc, lối sống bê tha, mất đi cả những chuẩn mực cơ bản. Nhiều người trình độ học vấn thấp, nhưng ứng xử hay, lối sống đẹp nghiễm nhiên vẫn là người có văn hóa tốt. Cô giáo người Anh của tôi khi nói về văn hóa giao tiếp đã lưu ý tôi những chủ đề tuyệt đối cấm kỵ khi giao tiếp với người nước ngoài: cân nặng, thu nhập, tình trạng hôn nhân và giới tính. Tại đất nước ta, những câu hỏi này chúng ta vẫn bắt gặp thường xuyên, nhưng có lẽ không mấy ai dễ chịu khi được “hỏi thăm”: Dạo này tăng cân à? Đã lấy chồng chưa? Thưởng tết được bao nhiêu?... Khi tham gia giao thông, đừng bấm còi nếu chỉ để chứng minh công dụng của chiếc còi. Bấm còi lúc tắc đường hay đang dừng đèn đỏ là việc vô nghĩa nhất trên đời mà có thể bạn đã từng làm. Lái xe lúc trời mưa, nếu đi ngang qua vũng nước, hãy giảm tốc độ. Không phải để không làm bẩn xe mình, mà để nước không bắn lên người đi bên cạnh. Hãy là người cầm tay lái thông minh và lịch thiệp. Nếu không thể tới đúng giờ, hãy gửi một tin nhắn hay gọi một cuộc điện thoại để thông báo kèm theo lời xin lỗi. Không để người khác chờ đợi trong sự giận dữ và lo lắng. Ở chốn công cộng, chỉ nói đủ để người bên cạnh nghe. Không ai muốn nghe chuyện của bạn hay tiếng cười hô hố bất chấp mọi ánh nhìn. Giải quyết mâu thuẫn, cố gắng gặp trực tiếp, không ai nói chuyện quan trọng bằng bàn phím. Đổ đầy bình xăng khi mang trả nếu mượn xe của người khác. Nếu không sẽ chẳng ai muốn cho bạn mượn xe lần thứ 2. Dừng lại hoặc đi vòng ra phía sau lưng nếu người phía trước đang chụp ảnh. Ngược lại, nếu có người làm như thế với mình, đừng quên nói cảm ơn. Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và hỏi: “Tại sao bạn lại muốn biết điều đó?” Không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với tri thức để có trình độ học vấn cao, nhưng ai cũng có thể sàng lọc trăm vạn lối sống, lối ứng xử để trở thành người có văn hóa tốt. Trong cuộc sống này, kỹ năng ứng xử hầu như không có sách vở nào dạy, cũng không ai cầm tay chỉ việc mà chúng ta phải tự quan sát, tự nhìn nhận được điều gì tốt và điều gì nên làm để lựa chọn. Tốt hơn hết, hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn mình được đối xử. 05 CHÚ TRỌNG ĐẾN TỪNG TIỂU TIẾT T rong chúng ta, có lẽ ít người không biết đến thảm kịch tàu Titanic. Nhưng một trong những nguyên nhân đã khiến Titanic bị chìm thì không phải ai cũng biết. Khi bàn giao để con tàu Titanic rời bến cảng, chìa khóa chiếc tủ chứa kính viễn vọng bị bỏ quên trong túi áo khoác của sĩ quan David Blair. Tuy nhiên, Blair không theo con tàu Titanic, mà lại thực hiện nhiệm vụ ở một con tàu khác. Do đó, trong suốt chặng đường, đống kính viễn vọng của Titanic nằm im trong tủ và không được sử dụng. Sau tấn thảm kịch Titanic, thủy thủ được giao nhiệm vụ quan sát biển − Fred Fleet đã có lời khai được ghi nhận trong biên bản là: “Giá có kính viễn vọng thì mọi thứ đã khác.” Theo ông, nếu có kính viễn vọng có thể đã phát hiện ra núi băng từ sớm và kết cục đã khác. Một chiếc ốc vít có thể góp phần tạo nên con tàu, một chiếc chìa khóa cũng có thể nhấn chìm toàn bộ con tàu. Tiểu tiết làm nên đại sự ý là như vậy. Nói về chú trọng tiểu tiết, chúng ta không nên khắt khe với người khác nhưng tuyệt đối cần nghiêm khắc với bản thân mình. Có rất nhiều công ty, nhà tuyển dụng khi thông báo tuyển người, thường chú ý đến tiểu tiết, thiết kế những câu phỏng vấn hết sức “tiểu tiết”. Nhiều ứng viên bị loại vì đến trễ 5 phút, chiếc cúc áo cài lệch hay bộ hồ sơ bị gấp làm đôi. Một đôi giày đánh bóng kỹ lưỡng; một bộ hồ sơ được sắp xếp gọn gàng; một chiếc áo sơ mi là thẳng thớm, mùi nước hoa nhẹ nhàng, thanh lịch, nụ cười ý nhị đúng lúc… những tiểu tiết đó hoàn toàn có thể trở thành lý do để bạn được tuyển dụng. Có một điều còn được đánh giá cao hơn cả sự thông minh, đấy là sự tinh tế. Người tinh tế là người coi trọng tiểu tiết, người tinh tế cũng thầm lặng hơn người thông minh. Cứ im lặng quan sát, im lặng đánh giá sự vật sự việc một cách tinh tường, thấu đáo. Người biết để ý tiểu tiết, ắt hẳn cũng sẽ là người coi trọng đại cục. Tiểu tiết hay đại cục tổng quan đều rất quan trọng, tiếc rằng người ta dễ dàng bỏ qua cái gọi là tiểu tiết. Xét cho cùng thì cái cây to lớn bị đổ không hẳn là do bão tố mà do những con sâu, con mọt. 06 ĐỂ THÀNH CÔNG PHẢI CÓ KỸ NĂNG THUYẾT PHỤC N hững phái đoàn đi sứ nhà Thanh của nước ta làm thế nào để không những toàn mạng mà còn về nước vẻ vang? Steve Jobs – đã làm thế nào để mời về những nhân tài cùng tạo dựng nên thành công của Apple? Trước những đối thủ nặng ký, Barack Obama làm sao có thể chiến thắng áp đảo, tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2? Đáp án chung cho những câu hỏi trên là kỹ năng thuyết phục. Thuyết phục phải chăng là chạy theo và năn nỉ người khác làm theo ý mình? Ở một ngôi làng nọ, người dân tổ chức cuộc thi hoa khôi. Sau khi kết thúc các phần thi về nhan sắc và tài năng, các cô gái phải đi vận động những người con gái khác bầu mình là người xinh đẹp nhất. Tiểu Yên tham dự cuộc thi, cô đến gõ cửa từng nhà và nói với các cô gái khác rằng: − Hãy bầu tôi là người xinh đẹp nhất! − Vì sao chúng tôi phải bầu cô là người xinh đẹp nhất khi rõ ràng chúng tôi xinh đẹp hơn cô? - các cô gái kia hỏi. − Vì sau này, khi các cô có chồng, các cô có thể tự hào nói với chồng của mình rằng “Em xinh đẹp hơn cả hoa khôi của làng em.” Và Tiểu Yên trở thành hoa khôi của làng. Cô nắm được quy luật của việc thuyết phục người khác rằng: Người ta không quan tâm bạn làm được những gì mà người ta chỉ quan tâm họ nhận được những gì. Khi còn bé, chúng ta thuyết phục bố mẹ mua đồ chơi, tranh truyện cho bằng cách khóc lóc, ăn vạ, hứa sẽ ngoan ngoãn… Khi đã trưởng thành, việc thuyết phục người khác không dừng lại ở việc khóc nhè, vậy nên các bạn cần nhớ: − Hãy là một chuyên gia về chủ đề mà bạn đang cố gắng thuyết phục người khác. Bên cạnh việc nói về nó, bạn cần có khả năng trả lời những phản biện. − Biết rõ về đối tượng bạn đang thuyết phục – biết người biết ta trăm trận trăm thắng. − Nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi thuyết phục, kết hợp những cử chỉ, động tác tay, ánh mắt… để thu hút người đối diện. − Chỉ ra lợi ích đối với người được thuyết phục chứ không phải lợi ích của bạn. − Sử dụng bằng chứng khiến lập luận của bạn thêm độ tin cậy. − Chia sẻ cả những điều tiêu cực, những rủi ro một cách khéo léo để đối phương hoàn toàn tin tưởng rằng bạn thực sự thẳng thắn với họ. − Biểu lộ sự quyết liệt bằng lời nói. Hãy nói “Tôi chắc chắn” thay vì “Tôi nghĩ rằng”. Và hãy nhớ rằng, thuyết phục người khác phải bằng sự chân thành. Không có sự chân thành, mọi kỹ thuật, phương pháp đều vô nghĩa. 07 HOÀI NGHI TẤT CẢ ĐỂ TRỞ NÊN THÔNG MINH HƠN T rong một giờ thí nghiệm hóa học, nếu như kết quả thực hành khác với tính toán lý thuyết thì sinh viên Việt Nam sẽ lo lắng, tìm cách “ăn gian” cho ra đúng kết quả. Cùng vấn đề ấy, sinh viên Mỹ sẽ mày mò, đặt ra câu hỏi tại sao thí nghiệm không thành công, tại sao lý thuyết và thực hành không có cùng kết quả, tìm xem yếu tố bất thường nào đã xen vào và thử lại nhiều lần cho đến khi thí nghiệm thành công. Tôi hỏi một người bạn của mình rằng có hay hỏi “Tại sao?” trước một sự việc không. Câu trả lời nhận được là “Chỉ có trẻ con mới hay hỏi tại sao.” Tôi thừa nhận nó đúng, trẻ con rất hay hỏi “Tại sao”. Chúng ta ai cũng lớn lên từ những câu hỏi “Tại sao” như một bản năng. Nhưng số tuổi của chúng ta lại tỷ lệ nghịch với số lần hỏi “Tại sao” trong đời. Những đứa trẻ khi bắt đầu biết nói, biết ý thức về cuộc sống xung quanh, chúng đặt ra “Hàng vạn câu hỏi vì sao”. Bố mẹ chúng kiên nhẫn trả lời những câu hỏi đầu tiên, sau đấy thường gắt gỏng “Trẻ con mà hỏi nhiều, vặn vẹo như thế là hư.” Dần dà, chúng không còn hỏi “Tại sao” nữa, mà nhận những chiếc kẹo từ bố mẹ và được khen ngoan. Rồi chúng chấp nhận mọi điều những người xung quanh cho chúng biết như một sự hiển nhiên. Trong tự bạch của mình với hai cô con gái Jenny và Laura đưa ra năm 1865, Karl Marx đã trả lời về câu châm ngôn yêu thích nhất của mình là: “De omnibus dubitandum” nghĩa là “Hãy hoài nghi tất cả”. Marx muốn nhắn gửi tới con gái rằng hãy biết lắng nghe không chỉ bằng sự cầu thị của con tim mà cả bằng sự sáng suốt, khôn ngoan của trí óc. Đừng nhầm lẫn chữ “hoài nghi” với “đa nghi” ở đây. “Hoài nghi” là hành động khách quan cần thiết để đánh giá thấu đáo một sự vật, hiện tượng. Ngược lại, “đa nghi” thuộc về tính cách tiêu cực kiểu như “nhìn đâu cũng có vi trùng”. Nếu Newton không thắc mắc “Tại sao quả táo chín lại rơi xuống đất”, làm sao ông có Định luật vạn vật hấp dẫn? Nếu Archimedes không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về chiếc vương miện bị pha bạc với vàng, làm sao tìm ra lực đẩy Archimedes? Nếu Nhật Hoàng không hoài nghi về việc vì sao những chiếc thuyền bọc thép của Mỹ nặng như thế vẫn có thể nổi trên mặt nước thì làm sao Nhật Bản có nền kinh tế biển phát triển như bây giờ? Nhiều bạn trẻ bây giờ dễ dãi tin vào những thông tin trên mạng xã hội, không cần kiểm chứng, không hề hoài nghi, không cần biết bản chất sự việc đến đánh mất cả bản ngã. Hoài nghi cũng là để chúng ta không bảo thủ vì cái tôi cá nhân nhưng cũng không dễ dãi hùa theo tâm lý đám đông. Hãy nhìn ra xa hơn với câu hỏi “Tại sao” cho bản thân mình. 08 QUAN SÁT VÀ CẢM NHẬN THẾ GIỚI XUNG QUANH T rước khi phỏng vấn các ứng viên, tỷ phú Lý Gia Thành đưa họ vào một quán ăn, sau khi mời mọi người ăn uống, ông ra đề thi miêu tả quán ăn đấy. Người thiển cận chỉ thấy bát cơm tô phở, hỏi cung cách phục vụ ra sao, quán này có gì đặc biệt thì tuyệt nhiên không biết. Người có khả năng quan sát sẽ biết quán ăn bài trí ra sao, lối thoát hiểm ở đâu, khách bàn bên cạnh như thế nào… Ông dựa vào khả năng quan sát mà đề đạt vị trí cao thấp phù hợp. Người có tầm nhìn xa trông rộng, biết bao quát công việc, nhìn thấy xu hướng mới trong tương lai… là người có tư chất lãnh đạo. Người chỉ biết đến bản thân, không để ý mọi việc xung quanh, không quan tâm tiểu tiết, không nắm bắt được thời cuộc… thường chỉ làm thuê cho người khác. Vô hình trung, khả năng quan sát tạo nên hai tầng lớp của xã hội. Khả năng quan sát giống như việc lắp cho mình một chiếc kính lúp, để nhìn xa hơn, rõ hơn vào từng con người, sự vật, sự việc diễn ra xung quanh. Người có khả năng quan sát sẽ nhìn thấy được những điều nhỏ nhất để xử lý một cách triệt để, ít khi xảy ra sai sót trong công việc vì đặc biệt để tâm đến từng chi tiết. Diễn viên xiếc kịp thời cứu người bạn diễn của mình khi quan sát thấy đai an toàn có nguy cơ bị đứt trong lúc đang treo lơ lửng giữa không trung. Người có khả năng quan sát sẽ đón đầu những xu thế mới từ việc quan sát, nhìn nhận, phân tích những xu thế hiện tại của số đông. Chủ cửa hàng đồ ăn nhanh tăng doanh thu khi đón đầu xu thế giao hàng tận nơi dựa vào quan sát tâm lý “lười ra khỏi nhà” của khách hàng. Người có khả năng quan sát sẽ thể hiện sự tinh tế đối với những người xung quanh thông qua việc nắm bắt tâm lý, biểu cảm, thái độ, cử chỉ của mọi người. Nhân viên cửa hàng thời trang kịp thời giới thiệu mẫu mới khi nhận thấy sự không hài lòng của khách hàng với một mẫu quần áo. Khả năng quan sát không bẩm sinh mà có, mà cần rèn luyện, trau dồi. Phải yêu thương chân thành những người xung quanh, thật tâm để ý tới cảm xúc, cử chỉ của họ. Phải đặt toàn bộ tâm trí vào công việc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất từ đấy mới có thể quan sát một cách tinh tường, sâu sắc. “The most important thing in communication is hearing what isn’t said.” − “Điều quan trọng nhất trong giao tiếp là lắng nghe những gì không được nói lên.” Vậy thì chỉ có cách quan sát và cảm nhận mà thôi. 09 ĐANG GẤP! HÀNG VỚI CHẢ LỐI! RÁCH VIỆC! T rong một lần xếp hàng vào nhà vệ sinh ở Nhật, tôi tỏ ý muốn nhường bé gái sau tôi. Mẹ em mỉm cười cảm ơn và ra hiệu không đồng ý. Cô bé vui vẻ đứng đợi tới lượt của mình. Ở Việt Nam, không ít lần tôi thấy các vị phụ huynh xúi con mình “Con chen lên trước đi.” Thật khó để từ chối trẻ con, nhưng ta quên rằng trẻ con rồi sẽ lớn, những người lớn đấy rồi sẽ không biết xếp hàng vì chúng chưa từng xếp hàng lúc bé. Tôi chưa quên hình ảnh người dân vây ráp xe chở mũ, xô đẩy nhau trong chiến dịch đổi mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng năm 2012. Cũng không quên vụ hàng nghìn người chen lấn, hàng trăm người ngất xỉu trong lễ đền Hùng năm 2016. Còn kia nữa, những bữa ăn buet, thức ăn vừa mang ra đã chen nhau lấy sạch… Tôi càng không thể quên vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản năm 2011, người dân Nhật trước cái chết cận kề xếp hàng một cách ngay ngắn để nhận hàng viện trợ từ chính phủ. Từ thời đi học, chúng ta được dạy xếp thẳng hàng, đi đều trong hàng ngũ, người phía sau nhìn vai người phía trước, không chen lấn xô đẩy. Lớn lên, tại sao ta quên mất văn hóa xếp hàng ấy? Vì hiệu ứng đám đông, người ta chen mình cũng phải chen cho có phong trào; hay vì “kém miếng khó chịu”, người chen lên trước được phần, mình đi sau mất phần; hay vì xã hội bây giờ nhiều sự ưu tiên vô lý cho “con ông cháu cha”, vô hình trung người ta chẳng còn quan tâm tới thứ tự. Những năm 80 của thế kỷ trước, các kho lương thực Hà Nội cạn kiệt, người dân đã biết xếp hàng trước các cửa hàng mậu dịch. Giữa những bữa cơm gạo mốc trộn bo bo, cả nước chạy ăn từng bữa mọi người vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài, chỉn chu và nghiêm túc. Tại sao giữa thời đại này, chúng ta lại không thể kiên nhẫn chỉ vì những thứ bận rộn đời thường: một vài bộ quần áo giảm giá, dậy muộn nên sợ trễ làm, không thích chờ đợi, không muốn đi thang bộ… Nhân vật chính trong một quyển sách tôi từng đọc, anh bảo rằng “Lúc đợi đèn đỏ hay đợi thanh toán ở siêu thị, tôi thường nghĩ tới những người thân và cầu nguyện cho họ”. Hay là chúng ta cũng giống anh ấy đi, cũng không nóng vội, cũng dùng thời gian chờ đợi ấy để suy ngẫm kỹ hơn về mọi điều. Ở phương Tây, xếp hàng trở thành một dịch vụ, nhiều người kiếm sống nhờ vào nghề này, đặc biệt vào những dịp khuyến mãi, Black Friday. Khách hàng thuê người đứng giữ chỗ giúp mình trong những hàng dài bất tận để mua được những món đồ hàng hiệu đắt tiền. Ta nên ngừng ngay việc so sánh tại đây, bởi tự chúng ta cũng có thể làm được việc đơn giản là xếp hàng. Như vậy mới có thể bàn đến những điều to tát như việc xây dựng lối sống văn minh hay thể hiện văn hóa của dân tộc mình. 10 THẢM HỌA BUFFET T hời còn sinh viên, tôi ngày đi học tối đi làm bồi bàn ở một nhà hàng buet. Cùng là khách hàng, cùng trả một mức tiền ngang bằng nhau nhưng nếu là khách châu Âu, đám bồi bàn chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, còn là người châu Á thì thở dài thườn thượt. Phần đa khách châu Âu, bước vào nhà hàng đều rất lịch sự mỉm cười với nhân viên, luôn miệng nói “Thank you” khi được phục vụ. Họ xếp hàng trật tự đợi đến lượt lấy đồ ăn, không tranh giành, chen lấn. Ít khi nào họ để thừa đồ ăn trên bàn, nếu còn dư đồ ăn, khi dọn bàn họ sẽ nói xin lỗi vì lý do này lý do kia nên không thể ăn hết chỗ đồ ăn. Họ ăn uống cực kỳ sạch sẽ, kết thúc bữa ăn chỉ cần lau nhẹ là có thể dọn bàn ăn cho khách mới. Bồi bàn vì thế tự dưng cũng muốn phục vụ họ chu đáo hơn những bàn khác. Còn đâu khách châu Á, phần lớn là khách Việt Nam sau khi kết thúc bữa ăn, trên bàn thường còn dư khoảng 1/2 số thức ăn họ mang tới bàn. Với tâm lý “ăn cho bõ tiền”, họ chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để lấy được vào đĩa của mình nhiều món ngon nhất, đắt tiền nhất. Bàn ăn sau khi kết thúc cũng không khác bãi chiến trường là mấy. Đặc biệt, người Việt khi thủ vai “thượng đế” thường rất tiết kiệm lời cảm ơn và nụ cười đối với nhân viên phục vụ. Theo lịch sử ẩm thực, hình thức buet có nguồn gốc từ giới quý tộc châu Âu. Vào thế kỷ XVIII, tại Pháp phổ biến những bữa tiệc đứng ngoài trời phục vụ số lượng khách lớn với dãy bàn dài bày sẵn nhiều loại thức ăn. Buet tiếng Pháp có nghĩa là “tiệc đứng”. Hình thức thưởng thức tiệc đứng cứ thế lan sang Anh và các nước châu Âu khác một cách nhanh chóng. Tại Việt Nam, phong trào thưởng thức buet nở rộ trong những năm gần đây tại các thành phố lớn. Tôi nhớ câu chuyện bữa tiệc buet nhân ngày Quốc khánh và cái chắp tay xin lỗi của đại diện Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia. Bữa tiệc được tổ chức dành cho người lao động Việt Nam tại Malaysia và đại sứ quán các nước. Khi buổi lễ chưa kết thúc người Việt ta ùa ra tranh nhau gắp lấy gắp để thức ăn đến mức các quan khách nước ngoài không có gì để ăn. Lại nhớ video quay cảnh người Việt tranh nhau khu để tôm và hàu sống hết sạch trong vòng 16 giây ở một nhà hàng buet trên đường Kỳ Đồng, Sài Gòn năm 2012. Rồi hình ảnh tấm bảng nhà hàng buet Thái viết riêng cho thực khách Việt với nội dung: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cảm ơn.” Người xưa dạy “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” mà cũng nói “Miếng ăn là miếng nhục”. Lâu lâu đọc lại Một bữa nocủa Nam Cao mà thấm thía gì đâu. Thời bây giờ ăn buet là chuyện nhàm quá rồi, cơ mà đi ăn kiểu quý tộc mấy ai đã đủ phẩm chất quý tộc. 11 HÃY TRỞ NÊN QUÝ TỘC “C ác quý cô có biết cách dùng thìa khuấy tách trà không?” “Hai bạn đều khuấy sai rồi. Phải là từ trước ra sau chứ không phải khuấy vòng tròn. Và không có một tiếng động, hãy nhớ điều đó, các quý cô.” Cuộc đối thoại trên được thuật lại trong một lớp học “Làm quý tộc” ở Trung Quốc. Để chứng tỏ gia thế và tiềm lực tài chính hùng mạnh, giới thượng lưu Trung Quốc đua nhau đắp lên mình thứ “trang sức” tinh tế hơn cả hàng hiệu − “phong thái quý tộc” châu Âu. Học phí cho mỗi khoá học này rơi vào 20.000 CNY (gần 70 triệu VND) cho khóa học “Nghi thức ăn uống” kéo dài 2 ngày và 100.000 CNY (khoảng 350 triệu VND) cho khóa “Tiếp đãi khách khứa” kéo dài 12 ngày. Ấy vậy mà, những nhà quý tộc này dường như không nhận ra một điều “quý tộc là một trạng thái tinh thần chứ không phải là sự hưởng thụ vật chất”. Phú mà không quý chỉ có thể là phú hào địa chủ. Bạn có thể trở nên giàu có chỉ trong một đêm, nhưng khí chất cao quý thì phải nuôi dưỡng cả đời. Cao quý không phải là bước vào một nhà hàng năm sao sang trọng bậc nhất. Mà là lịch thiệp với người phục vụ, tôn trọng đồ ăn và cảm ơn đầu bếp vì món ăn ngon. Dù là nhà hàng cao cấp hay quán ăn bình dân cũng chớ quên những điều này. Cao quý không phải là khoác lên mình chiếc áo Dior, tay cầm túi Hermès. Cao quý là người áo quần chỉn chu, gọn gàng, đi đứng nhẹ nhàng, thanh lịch. Hễ cất lời chỉ nói lời điềm đạm, nho nhã thì dù bao lớp áo tầm thường cũng không che giấu được nét cao quý của mình. Chỉ có kẻ phàm phu tục tử mới cất lời thô tục, bỗ bã. Cao quý không phải bước xuống từ Rolls-Royce hay Lamborghini. Người cao quý có thể cầm tay lái xe máy, dáng ngồi thẳng thớm, bấm còi khi cần thiết, nhường đường cho người đi bộ. Người cao quý sẽ vội vàng dựng chân chống xe chạy tới đỡ một người bị ngã thay vì kéo cửa kính ô tô xuống, thò đầu ra hỏi “Ê, có sao không?”. Cao quý là người học rộng hiểu cao, đọc nhiều sách vở. Người đọc nhiều sách cách nói chuyện cũng tinh tế hơn, ở một tầm cao hơn những kẻ hời hợt với tri thức. Người giàu sang đủ tiền mua một bức tranh quý, người cao quý có thể ngắm nhìn và diễn thuyết về nó bằng cả lòng đam mê. Trong Thế chiến II, Hoàng tử nước Anh Edward đi thị sát một khu dân nghèo. Ông trịnh trọng nói với một bà lão nghèo rằng: “Xin hỏi, tôi có thể vào được không?” Một người quý tộc chân chính luôn luôn tôn trọng người khác, cho dù đối phương là người địa vị thấp hèn. Người ta nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”, ấy vậy mà nhiều kẻ phú quý vô lễ nghĩa, lắm người không cần khoác lên mình chiếc áo phú quý vẫn lễ nghĩa ngút ngàn. Phàm, những kẻ thấp hèn mới phải cố gắng tỏ ra cao quý. 12 NHỮNG KỸ NĂNG CƠ BẢN KHI GẶP NẠN XỬ LÝ KHI BỊ BỎNG M ột nguyên tắc chung trong sơ cứu bỏng ban đầu là cần xả nước lạnh vào vết bỏng càng sớm càng tốt trong 15 − 20 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, có tác dụng giảm độ sâu của vết bỏng. Tuyệt đối không ngâm vết bỏng bằng nước đá, đá lạnh. Vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ khiến thân nhiệt hạ, gây ra hiện tượng co mạch máu, co cơ, khiến tình trạng bỏng trở nên nặng hơn. Khi bị bỏng, bôi nước mắm, xà phòng, vắt nước củ chuối, củ ráy, kem đánh răng... lên vết thương đều là những cách phản khoa học có thể gây nhiễm trùng vết bỏng khiến cho việc điều trị càng khó khăn, tốn kém hơn. GẶP HỎA HOẠN Tắt toàn bộ hệ thống điện, xác định hướng cháy để tìm lối thoát hiểm. Cúi thấp người, dùng khăn ướt bịt mũi để tránh khói, hầu hết nạn nhân hỏa hoạn đều do bị ngạt khói nên không thể chạy thoát khỏi đám cháy. Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa nên dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn. LẠC TRONG RỪNG Chọn vị trí bạn đang đứng làm điểm bắt đầu và đánh dấu bằng hòn đá, tờ giấy, mảnh áo... hoặc bất cứ thứ gì dễ dàng quan sát được từ xa. Tìm dụng cụ để nhóm lửa, tạo nhiều khói nhằm phát tín hiệu cầu cứu. Chủ động tìm nguồn nước trong rừng. Và cuối cùng, học cách sử dụng la bàn. GPS có thể không phải là người bạn lý tưởng trong những trường hợp này. 13 QUẢN LÝ THỜI GIAN NHƯ CÁC VĨ NHÂN M ỗi ngày điển hình của bạn trôi qua như thế nào? Làm việc 8 tiếng và thời gian làm việc hiệu quả chỉ khoảng 4 tiếng; lướt Facebook, xem phim… 3 tiếng; ngủ 9 tiếng; ăn uống và sinh hoạt cá nhân 2 tiếng; chỉ còn 2 tiếng đồng hồ cho tất cả những việc khác. Mỗi ngày trung bình bạn lãng phí 6 tiếng đồng hồ cho những hoạt động không cần thiết. Một năm: 6 x 365 = 2190 tiếng Một đời: 2190 x 60 năm = 131400 tiếng = 5475 ngày = 15 năm 15 năm này nếu chỉ mang ra để học tiếng Anh thì cuộc đời bạn đã thay đổi biết bao nhiêu. Tham khảo cách quản lý thời gian của Tổng thống Mỹ thứ 34 Eisenhower. Ông chia công việc của mình thành 4 cấp độ: ƯU TIÊN CẤP 1: QUAN TRỌNG, KHẨN CẤP 1. Bạn phải làm ngay vì chúng rất quan trọng và khẩn cấp. Có 3 loại việc được xếp vào cấp độ này: 2. Xảy ra không đoán trước được: Chăm sóc người thân ốm, một cuộc họp khẩn, các cuộc điện thoại quan trọng của sếp hoặc khách hàng, email công việc… Đoán trước được: Sinh nhật người thân, ngày lễ tình nhân, kỷ niệm lễ cưới, đám cưới bạn thân… 3. Do trì hoãn, lười, thiếu chuẩn bị để tới sát hạn chót: Soạn bài thuyết trình, ôn thi sát… Ta thường không tránh được loại 1, 2. Hoàn toàn có thể giảm thiểu loại 3 bằng cách chuyển chúng thành việc Priority 2. ƯU TIÊN CẤP 2 – QUAN TRỌNG, KHÔNG KHẨN CẤP Bạn hãy dành nhiều thời gian cho những việc này. Chúng thường không khẩn cấp, nhưng sẽ tích lũy dần để giúp bạn đạt được thành tựu mong muốn. Ví dụ: Ôn thi từ đầu học kỳ; đọc sách; học tiếng Anh; tập thể dục; thiền;... Nếu bạn đang làm việc Priority 2 có việc Priority 1 xuất hiện hãy hoàn thành việc Priority 1. Sau đấy, hãy chắc chắn bạn hoàn thành Priority 2. Đừng để sang ngày hôm sau! ƯU TIÊN CẤP 3 – KHÔNG QUAN TRỌNG, KHẨN CẤP Những việc này chẳng có gì quan trọng, không giúp bạn tiến gần mục tiêu thêm được bước nào. Nhưng chúng lại khẩn cấp, bạn khó mà sắp xếp hay kiểm soát được chúng. Ví dụ: Cuộc gọi từ ông anh họ lâu ngày không gặp; tin nhắn từ đám bạn; người thân nhờ bạn đi mua đồ khi bạn đang làm việc, học bài;... Bạn phải tìm cách giải quyết những việc này càng nhanh càng tốt. Hãy học cách kết thúc các cuộc điện thoại, tin nhắn một cách lịch sự. Học cách từ chối khéo léo để giảm thời gian cho những việc này. ƯU TIÊN CẤP 4 – KHÔNG QUAN TRỌNG, KHÔNG KHẨN CẤP Chỉ dành dưới 5% thời gian cho Priority 4. Chúng tiêu tốn thời gian mà không đem lại lợi ích đáng kể: check Facebook; xem video giải trí trên YouTube; xem các chương trình giải trí trên tivi; xem phim. Khi chuẩn bị làm 1 việc thuộc nhóm Priority 4 hãy tự hỏi mình: Xem chương trình ca nhạc này có giúp tôi nhiều trong việc chinh phục được mục tiêu không? Chơi game này có giúp tôi học giỏi không? Tôi có nhất thiết phải xem phim này không? Cấp độ phân bố phù hợp của phương pháp này: P1: 15% – 20% P2: 60% – 65% P3: 10% – 15% P4: < 5% Nên nhớ, các bậc vĩ nhân cũng chỉ có 24 tiếng/ngày. Thời gian là vàng là bạc. Nếu bạn cứ lãng phí thì cũng có ngày “phá sản”. 14 ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ, TRƯỚC HẾT HÃY HỌC CÁCH QUẢN LÝ TIỀN BẠC P hỏng vấn một tỷ phú trẻ về bí kíp làm giàu, ông chia sẻ: “Khi tôi còn là một cậu trai nghèo kiết xác, tôi khởi nghiệp với 1 đô la trong tay. Tôi mua một quả táo với giá 1 đô, tỉ mẩn dùng áo của mình đánh thật bóng nó rồi bán với giá 2 đô. Tôi tiếp tục mua 2 quả táo và dùng cách cũ, tôi kiếm được 4 đô… … Sau đấy, bố vợ tôi mất và tôi thừa kế tài sản kếch sù của ông.” Đấy là câu chuyện của những người giàu. Nếu bạn chưa giàu, trước hết bạn phải học cách quản lý tiền bạc. Khi còn là sinh viên, với mức trợ cấp của bố mẹ là 2 triệu đồng/tháng, hắn sống rất tốt với số tiền đó. Ra trường, đi làm và nhận mức lương 5 triệu đồng, lẽ ra hắn phải dư ra 3 triệu đồng mỗi tháng mới đúng, nhưng cuối tháng nào hắn cũng cháy túi và nằm dài đợi lương. Hắn nghĩ về những người có mức thu nhập 15, 20 triệu hẳn phải sống dư dả lắm. Cho đến khi hắn cũng có thể kiếm được 20 triệu/tháng như người ta, hắn thấy mình vẫn không giàu có, vẫn không có nổi một đồng tiền tiết kiệm. Vấn đề của hắn nằm ở đâu? Hắn nhận ra “quản lý tiền bạc” là một khái niệm xa xỉ với hắn. Hắn muốn kiểm soát tài chính của mình, muốn có một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống hằng ngày. Nhưng, làm thế nào để có thể quản lý tiền bạc? Cuối cùng, hắn tìm được phương pháp tư duy 6 chiếc lọ. 6 chiếc lọ này đã dẫn hắn bước vào thế giới của người “luôn luôn có tiền”. Phương pháp 6 chiếc lọ (JARS system) được tạo ra bởi Harv Eker − người sáng lập kiêm giám đốc công ty Peak Potentials Training. Hắn rót tiền của hắn vào 6 chiếc lọ theo tỷ lệ sau: − Lọ 1: Tài khoản chi tiêu cần thiết 55%: Phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu, đồng thời hắn cân nhắc giới hạn chi tiêu, thay đổi lối sống phù hợp. − Lọ 2: Tài khoản tiết kiệm dài hạn 10%: Tích lũy dần cho những mục tiêu lớn trong tương lai. − Lọ 3: Tài khoản giáo dục 5%: Hắn không ngừng đầu tư kiến thức cho bản thân. − Lọ 4: Tài khoản tự do tài chính 10%: Hắn đầu tư vào một vài thứ để khi không đi làm nữa vẫn có thể tự chủ tài chính. − Lọ 5: Tài khoản hưởng thụ 10%: Tự thưởng cho bản thân để lấy động lực làm việc tốt hơn. − Lọ 6: Tài khoản từ thiện 10%: Phần này hắn dùng để đóng góp cho cộng đồng, giúp đỡ người khác Và rồi… hắn trở thành người có tiền lúc nào không hay. Quay lại câu chuyện của chúng ta, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ này để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này. Còn một điều đặc biệt “quan trọng” nữa: Tiền bạc không “quan trọng”, đấy là khi bạn nói về tiền của người khác. Nếu bạn không thấy tiền bạc “quan trọng”, hãy đưa nó cho tôi. 15 NGƯỜI THÔNG MINH LÀ NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG TỰ HỌC M ày ạ, dù đã chuẩn bị tinh thần là sang đây học sẽ vất vả hơn nhiều nhưng không nghĩ phải self−study nhiều đến thế. Những buổi đầu nghe giảng, chỉ hiểu lõm bõm vì thầy giáo nói quá nhanh. Tao phải thu âm bài giảng về nghe đi nghe lại đến khi hiểu bài. Giảng viên không chú trọng nhiều vào việc giảng lý thuyết, tụi tao phải đầu tư rất nhiều thời gian tự nghiên cứu trước bài học. Tới lớp, tụi tao trình bày các vấn đề mình đã nghiên cứu, bảo vệ ý kiến và phản biện lại chúng bạn. Hằng tuần, tao phải hoàn thành bài đọc vài trăm trang sách mà giáo sư giao cho. Các bài giảng, assignments và exams chủ đề thường rất rộng, tao phải chuẩn bị, nghiên cứu, tìm tài liệu từ đầu học kỳ. Khó khăn nhất trong khâu tìm tài liệu để nghiên cứu, làm bài là những nguồn dễ tìm thấy như Wikipedia sẽ bị đánh giá thấp vì độ tin cậy không cao. Sinh viên ở đây, đứa nào cũng có thể nói thông thạo ít nhất 2, 3 ngoại ngữ, thuyết trình tự tin, chơi thể thao tốt, tham gia tích cực các câu lạc bộ trong trường… Đọc thư của người bạn gửi về từ Anh, tôi bỗng cảm thấy xấu hổ. Bạn bè năm châu đang tích cực, chủ động trau dồi bản thân mỗi giờ mỗi phút. Còn bao nhiêu thanh niên Việt Nam vẫn lầm lũi cắp sách tới trường, trăm người như một, thầy đọc trò chép. Khi chúng ta vẫn giữ hình thức học thụ động, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, tự học đã trở thành một chủ nghĩa. Chủ nghĩa tự học (hay autodidactism), tiếng Anh là self−education (hay self−learning và self−teaching) là việc học về một hay nhiều chủ đề mà người học có ít hoặc không có sự dạy dỗ chính thống nào. Chúng ta bây giờ, trước mặt là màn hình máy tính, trên tay là điện thoại thông minh, người thầy giáo giỏi nhất thời đại này là Google, YouTube… và hàng triệu website bổ ích khác. Đừng bó buộc sự học của mình trong trang sách giáo khoa. Chuẩn bị đi xin việc thì mày mò thêm cách viết CV, trau dồi kỹ năng văn phòng: Word, Excel đi, đừng đợi lúc bảo đi in tài liệu cũng phải có người cầm tay chỉ việc. App điện thoại, website học ngoại ngữ miễn phí là nguồn tài nguyên vô tận luôn sẵn có. Sao chỉ là tiếng Anh? Hãy cho bản thân được biết ít nhất hai ngoại ngữ. Thích chụp ảnh thì chăm chỉ đi chụp ảnh dạo, đọc thêm tài liệu chụp ảnh, rồi học thêm photoshop, dần dần cũng sẽ tiến bộ lên. Thích lập trình thì đừng chỉ chơi game nhiều, mà mày mò, học lập trình game, chơi game mình tự làm ra chắc sẽ thích hơn nhiều. Tự học vài ngón đàn ca sáo nhị, sexy dance, khiêu vũ... mỗi thứ một chút còn giao lưu với bạn bè. Có chút tài lẻ bỗng dưng tự tin thêm bội phần. Thời đại mới rồi, ngưng đổ lỗi cho nền giáo dục, ngưng hài lòng với bản thân, thiếu gì thì học nấy đi. 16 BẢO VỆ QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN BẰNG TƯ DUY PHẢN BIỆN T rong một lớp tiểu học nọ, người thầy đứng trước học trò và nói: “Ta sẽ chứng minh cho các con thấy rằng, nếuChúa tồn tại, thì ông ta là quỷ dữ.” Người thầy lập luận: “Chúng ta đều biết Chúa tạo ra mọi thứ. Nếu đó là thật thì Chúa cũng tạo ra quỷ dữ. Như vậy Chúa chính là quỷ dữ.” Một cánh tay giơ lên từ cậu bé tóc xoăn: “Thưa thầy, cái lạnh có tồn tại không ạ?” “Tất nhiên là có. Trong các em ai lại chưa thấy lạnh nào?” “Thầy đã sai!”. Cậu bé lắc đầu. “Sự thật là cái lạnh không tồn tại. Theo các định luật vật lý, thứ ta gọi là lạnh thực chất chỉ là biểu hiện của thiếu vắng nhiệt độ. Thưa thầy, bóng tối có tồn tại không ạ?” Thầy bối rối: “Tất nhiên… là có.” “Thầy sai một lần nữa. Bóng tối cũng không tồn tại. Bóng tối thực chất là sự thiếu vắng ánh sáng. Chúng ta có thể nghiên cứu ánh sáng, không phải bóng tối.” Cậu bỗng nghiêm giọng. “Quỷ dữ không tồn tại. Chúa không tạo ra quỷ dữ. Vì giống như cái lạnh và bóng tối, đó là kết quả của việc con người không có được tình yêu của Chúa.” Cậu bé đấy là Albert Einstein. Câu chuyện trên là ví dụ dễ hiểu nhất cho tư duy phản biện. Critial Thinking – Tư duy phản biện đã xuất hiện khá lâu ở các nước phương Tây. Tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này còn mới mẻ và trừu tượng. Tư duy phản biện có thể phân làm 2 loại: Tư duy tự phản biện – Tư duy phản biện ngoại cảnh. Tư duy tự phản biện là tự mình phản biện lại những ý nghĩ, hành động của chính bản thân mình. Trong khi đó, Tư duy phản biện ngoại cảnh là việc thu thập, tiếp nhận những thông tin ngoại cảnh từ nhiều chiều để phân tích, đánh giá về những sự vật, sự việc khác. Thông thường, chúng ta hay có xu hướng phê phán người khác nhiều hơn và ít khi phê phán chính mình. Khi đưa ra một ý kiến, chúng ta hay bảo vệ ý kiến đó thay vì tự mình đào sâu tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng để nó trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, người Việt ít tranh cãi nhất châu Á. Điều này tưởng chừng như là một tín hiệu tích cực nhưng lại phản ánh một điểm yếu của người Việt. Ít tranh cãi nhiều khi là do không đủ khả năng tranh luận, cụ thể hơn là không có tư duy phản biện. Trong lớp học, giáo viên nói, học trò chỉ biết nghe; về nhà bố mẹ lên tiếng là con cái đều một dạ hai vâng, được tiếng ngoan; ở công sở lãnh đạo cần ý tưởng của nhân viên thì toàn những người ngại lên tiếng, chờ sếp chỉ đâu đánh đó… Một vị giám đốc người nước ngoài làm việc tại Việt Nam than thở làm việc với người Việt rất mệt. Sếp nói gì nhân viên cũng gật, cũng dạ vâng, ngại đóng góp ý kiến, ngại đưa ra ý tưởng. Thậm chí có những việc được giao không phù hợp, vượt quá khả năng của mình, họ cũng không lên tiếng cho đến khi… hỏng việc. Ra nước ngoài giữa hàng ngàn sinh viên rất dễ nhận ra sinh viên người Việt. Các bạn rất ngoan, thích im lặng và đến phần phát biểu ý kiến thường tìm cách đùn đẩy nhau. Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ thường không có tư duy phản biện để sàng lọc thông tin, chắt lọc sự thật mà có xu hướng hùa theo đám đông. Người Việt ít tranh cãi nhưng lại tràn lan việc hành xử bằng nắm đấm, bạo lực? Tình trạng bạo lực ở trẻ em lẫn người lớn cũng đang có xu hướng gia tăng. Phải chăng vì chúng ta không có khả năng giải quyết vấn đề bằng lời nói? Ở Mỹ và châu Âu, giáo viên rèn luyện cho học sinh tranh luận từ cấp tiểu học. Họ đặt ra các đề tài mang tính khơi gợi như “Ma quỷ có tồn tại không?” hay “Ta nên luôn trung thực hay có thể nói dối khi cần thiết?” rồi chia học sinh thành hai nhóm có ý kiến khác nhau. Các nhóm sẽ trình bày lập luận, sau đó giáo viên sẽ đổi vai trò, nhóm nào từng chống lại giờ phải ủng hộ, và ngược lại. Mục đích không phải là tìm câu trả lời, mà rèn luyện cho trẻ em thấy được các mặt khác nhau của cùng một vấn đề. Tư duy phản biện trở thành môn học chính quy. Ở mỗi cấp, lại có những môn học về tư duy mang tính chuyên sâu khác nhau, như phân tích bằng chứng hay tiếp cận và phát triển tranh luận. Các chủ đề cũng được chia ra như phản biện về chính trị, tôn giáo, giáo dục, tâm lý, lịch sử… cung cấp những kỹ năng tư duy trong nhiều lĩnh vực. Các cấp học của chúng ta hầu như không đào tạo chính quy hình thành tư duy phản biện. Ta có thể tự tập luyện cho mình thông qua các bước đơn giản sau: − Đặt câu hỏi; − Tìm kiếm thông tin; − Khách quan phân tích sự việc; − Đưa ra giải pháp giao tiếp. 17 TIÊU TIỀN NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KIẾM ĐƯỢC NHIỀU TIỀN HƠN? T hời gian sống ở Nhật, mỗi lần đi taxi tôi nhận thấy hầu hết tài xế taxi đều là người lớn tuổi. Trên đường đi lên núi Phú Sỹ, tại các trạm dừng, cũng có rất nhiều bác lớn tuổi mặc đồng phục, làm công việc cảnh báo, hướng dẫn xe vào vị trí an toàn. Người Nhật không phân biệt tuổi tác, giới tính… bất kể là ai họ vẫn chăm chỉ kiếm tiền. Người lớn tuổi càng không chấp nhận việc ngồi chơi không khi vẫn còn khả năng kiếm tiền. Tại Nhật, phổ biến kiểu nhà ở theo kiểu truyền thống, hoặc các căn hộ thuận tiện cho việc đi lại thay vì các căn biệt thự cao cấp. Người Nhật không tiêu tốn tiền bạc cho nhà đẹp, xe sang, đồ hiệu… họ thích dùng tiền cho nghệ thuật, học tập và du lịch. Ở một đất nước phát triển như Nhật, mọi chi tiêu đều được tính toán một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Bởi người Nhật tiêu tiền để kiếm tiền, tiêu tiền để sinh ra lời. Chúng ta thường hướng tới những giá trị vật chất khi có tiền trong tay: điện thoại, xe hơi, biệt thự, đồ hiệu… Chạy đua theo những mẫu xe mới nhất, có iphone 6 nhất định phải có iphone 7, tủ quần áo thời trang luôn chật kín với những bộ đồ chỉ diện một vài lần… những người tiêu dùng nhiệt tình như thế chính là lý do khiến các nhà sản xuất không bao giờ phá sản. Và ranh giới giữa việc mua sắm và nợ nần là rất mong manh. Hầu hết những vật chất trên đều “có giới hạn”. Người thông minh sẽ tiêu tiền của họ vào những thứ lâu dài và thiết thực hơn. Đầu tư vào giáo dục: học thêm ngoại ngữ để có cơ hội làm việc ở nước ngoài hay doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao chuyên môn để được thăng tiến trong công việc cùng một mức thu nhập tương đương… Đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là sai lầm. Đầu tư vào ẩm thực là một lựa chọn không tồi. Ẩm thực không chỉ là ẩm thực mà còn chứa đựng bề dày văn hóa, lịch sử, mỗi món ăn là một câu chuyện. Đầu tư vào du lịch: 63 tỉnh thành Việt Nam, 200 quốc gia trên thế giới… có cơ hội thì hãy đi. Đi để mở mang tầm nhìn, đi là sự đầu tư đúng đắn. Đi trong giới hạn chi phí có thể, chọn cho mình hình thức đi phù hợp với túi tiền nhất và vẫn đảm bảo sự trải nghiệm. Đầu tư vào sách: sách giấy, ebook, mua hay mượn sách ở thư viện… Đây là sự đầu tư ít tiền nhất nhưng thu lãi lớn nhất. Thay cho cầm điện thoại để giết thời gian chết, hãy cầm sách. Tiền kiếm được là để tiêu, nhưng cần chi tiêu thông minh. So với việc chi tiêu tằn tiện và chi tiêu thông minh kết hợp với gia tăng tài chính, tôi chọn cách thứ 2. Điều cuối cùng, hãy dùng tiền để mua tài sản gia tăng hơn là tài sản hao mòn. 18 HỌC TẬP NGUYÊN TẮC NGƯỜI THỨ 10 CỦA NGƯỜI DO THÁI T rước năm 1930, người Do Thái không ngờ rằng họ sẽ bị dồn vào trại tập trung. Từ những năm 1933 trở về sau, một mạng lưới các trại tập trung và trại hủy diệt do Đức Quốc xã dựng lên nhằm bắt nhốt và tiêu diệt người Do Thái. Hàng nghìn người Do Thái bị giết chết tại các trại này. Người Do Thái không tin rằng dân tộc mình sẽ bị Ai Cập đánh chạy ra đến bờ biển. Năm 1560 trước CN, người Ai Cập bắt dân tộc Do Thái làm nô lệ. Năm 1225 TCN, người Do Thái trốn chạy khỏi kiếp nô lệ, bị Ai Cập đuổi theo đến bờ biển. Chính vì vậy người Do Thái có một nguyên tắc, một hội đồng 10 người sẽ cùng đánh giá một vấn đề, nếu có 9 người cho rằng điều đó không thể xảy ra thì người thứ 10 phải phản biện ngược lại và chuẩn bị kế hoạch khi nó xảy ra, dù quan điểm của ông ta có là gì đi nữa. Điều này tương tự với thuyết Thiên nga đen nổi tiếng. Quy luật này thể hiện được sức mạnh của sự bất thường, tức là những điều ta nghĩ không bao giờ xảy ra lại xảy ra và tác động mạnh mẽ tới ta. Chính vậy, ta luôn phải có cho mình một phương án dự phòng – kế hoạch B. Những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống cũng cần một phương án dự phòng. Đi ra ngoài không quên để vào cốp xe áo mưa hay chiếc ô, đề phòng trời mưa dù bên ngoài đang nắng chang chang. Đi cắm trại không quên mang theo sạc dự phòng, đèn pin, la bàn, sẵn sàng cho tình huống bị lạc hay mất điện. Tính xa hơn, nếu đang có một công việc tưởng chừng như ổn định cũng không vì thế mà không chuẩn bị cho mình một kế hoạch B. Công ty có thể phá sản hay cắt giảm nhân sự. Phương án dự phòng tốt nhất là không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn toàn tự tin nếu phải đến phỏng vấn ở một công ty mới. Đứng trước bài toán khởi nghiệp cần dự trù tỷ lệ thất bại và những khó khăn có thể xảy đến, kể cả những nguy cơ khó lường nhất. Khi lên kế hoạch truyền thông cũng cần suy tính song song kế hoạch xử lý những khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Những điều bất thường hoàn toàn có thể ập đến, càng suy tính kỹ, lên kế hoạch dự phòng chính xác càng giảm thiểu được mức độ ảnh hưởng, thậm chí xoay ngược tình thế. Nguyên tắc người thứ 10, chung quy lại chính là tư duy phản biện và khả năng ứng phó khiến chúng ta sẵn sàng với mọi biến cố trong cuộc sống. 19 PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM ĐỂ HOÀN THIỆN CÁ NHÂN M ột trong những nguyên tắc làm việc của người Nhật là “Không được tự mình nhận định”. Mọi quyết định trong công việc đều cần bàn bạc, thông qua bởi đồng nghiệp và cấp trên. Nguyên tắc này nêu cao tinh thần làm việc tập thể, làm việc nhóm của người Nhật, hạn chế yếu tố chủ quan, chuyên quyền trong công việc. Giống như việc xòe rộng hết cả 5 ngón tay ra chắc chắn sức sẽ rất yếu, nhưng nếu nắm chặt tay lại thì sức mạnh sẽ vô cùng lớn. Đi học, đi làm và cả trong cuộc sống, kỹ năng làm việc nhóm là một kỹ năng tối quan trọng. Nhưng ít bạn trẻ được đào tạo bài bản kỹ năng làm việc này, hầu hết các bạn trẻ còn rất yếu kém trong làm việc nhóm. Điển hình của thành viên làm việc nhóm không hiệu quả chia thành 4 kiểu: kiểu im re không đóng góp gì; kiểu muốn làm lãnh đạo, nhất định phải làm lãnh đạo; kiểu cái gì cũng chê nhưng không đưa ra giải pháp gì và kiểu nai lưng ra làm cho công việc chung. Kết quả của những nhóm này thường là những trận tranh cãi và một sản phẩm sát deadline không mấy giá trị. Những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi làm việc nhóm là gì? − Không xem mình là trung tâm, không đặt cái tôi lên cao hơn tập thể. − Mỗi một cá nhân nên là hình mẫu của sự nhiệt tình. Làm việc nhóm giống hình thức hợp tác xã trước đây, làm ít hay nhiều đều được hưởng quyền lợi ngang bằng nhau nên không ít thành phần ỷ lại, thờ ơ với công việc. − Hãy tranh luận. Tranh luận là điều cần thiết trong làm việc nhóm. Đồng ý với tất cả mọi phương án được đưa ra là không thể. Tranh luận để đưa ra giải pháp tốt nhất. − Ai cũng phải làm việc. Đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhóm nhằm tận dụng được toàn bộ sức mạnh của tập thể. Đàn ngỗng trời xếp thành hình chữ V bay về phương nam tránh rét là một hình tượng điển hình của làm việc nhóm. Khi một con chim vỗ cánh sẽ tạo nên một lực đẩy nâng cao con ở phía sau. Khi bay theo dạng hình chữ V, cả đàn tăng thêm 71% lực đẩy so với bay một mình. Một tập thể hoàn chỉnh có thể đi nhanh hơn và dễ dàng hơn nếu có thể tổng hợp những ưu thế của từng cá thể và hỗ trợ lẫn nhau để có sức mạnh tốt hơn từng cá nhân riêng lẻ. Khi con ngỗng đầu đàn thấy mệt, nó sẽ bay về phía sau và con ngỗng khác sẽ thay thế nó dẫn đầu. Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận. Những con ngỗng trong đội bay luôn “hô hào” từ phía sau để khuyến khích những con phía trước giữ vững tốc độ. Thái độ tích cực và hỗ trợ từ tất cả các thành viên trong nhóm chính là động lực không ngừng nghỉ cho những thành viên còn lại. Khi một con ngỗng bị ốm hoặc bị thương hoặc bị bắn trúng, hai con khác sẽ bay theo để bảo vệ và giúp nó đáp xuống. Một tập thể đoàn kết là các cá thể luôn bên cạnh, hỗ trợ lẫn nhau những thời điểm khó khăn. Hãy nhớ, điều quan trọng không phải là ai ở trong đội, mà là các thành viên tương tác với nhau ra sao. 20 VÒNG BỤNG TỶ LỆ NGHỊCH VỚI VÒNG ĐỜI T ại các trường tiểu học ở Mỹ, học sinh đi học như đi chơi, trong balo chỉ có vài ba cuốn sách trơ trọi, đến trường thì toàn phải… chơi. Các môn học bị biến thành trò chơi, cộng trừ nhân chia đều thông qua game để học. Học nhẹ hều thế mà đến giờ học thể dục, lũ trẻ lại hùng hục ra sân tập, mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem, giày dép bong tróc vì vận động nhiều quá. Các trường học ở đây rất chú trọng không gian cho thể dục thể thao, bên cạnh những sân tập rộng mênh mông là những nhà thi đấu chuyên nghiệp. Tụi nhỏ học thể dục rất nghiêm túc, tập luyện và thi đấu liên tục. Nên thành tích các đội tuyển thể thao của Mỹ trên bảng xếp hạng thế giới rất cao dù vận động viên đa phần là sinh viên. Đến khi học lên các bậc học cao hơn, học sinh bắt đầu tăng tốc trong học tập kiến thức. Lúc bấy giờ, tụi nó đã cứng cáp, sức khỏe dồi dào, có một thể lực tràn đầy sức sống, kỹ năng mềm tốt… chúng bắt đầu bồi đắp kiến thức. Thể lực khỏe khoắn thì tinh thần mới thoải mái, tiếp thu điều gì cũng dễ dàng, thông suốt. Cũng ở đất nước này, trong những kỳ thi sát hạch, săn học bổng… các giải thưởng thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật của học sinh là một điểm cộng lớn đối với hội đồng chấm thi. Khi còn trẻ, khả năng hồi phục của cơ thể còn tốt nên chúng ta vẫn chủ quan và phó mặc sức khỏe của mình. Đêm vẫn ôm điện thoại làm cú đêm, ngày vẫn ngủ nướng tới trưa trờ trưa trật. Đi từ tầng 1 lên tầng 2 cũng kiên nhẫn đợi thang máy, kiên quyết không đi thang bộ. “Tập thể dục” dường như không có trong từ điển sống. Tổng thống Obama dù bận rộn đến mấy, hằng ngày vẫn dậy sớm, tập thể dục đều đặn 45 phút. Ông quan niệm rằng dậy sớm, tập luyện là một thử thách lớn. Vượt qua được thử thách đầu ngày này thì mọi khó khăn trong ngày cũng dễ dàng để giải quyết hơn. Dĩ nhiên, so với tập luyện khổ cực thì nằm ườn nghịch điện thoại vẫn hấp dẫn hơn. Hãy đặt điện thoại xuống 30 phút mỗi ngày, chơi bóng chuyền, bóng rổ, tập gym, tập yoga… thích gì tập nấy. Tập luyện xong, hít vào thở ra thấy thêm yêu đời, thấy tràn trề năng lượng, làm việc, học tập cũng hứng khởi hơn bội phần. Hình dung, con người ta như một chiếc máy tính, tích cực rèn luyện thể dục thể thao, chuẩn bị cho mình một cơ thể khỏe mạnh, ấy chính là một chiếc máy cấu hình mạnh, rồi muốn cài phần mềm, ứng dụng gì cũng chạy tốt. Còn ham hố cài phần mềm này kia nhưng cấu hình yếu, thể trạng kém, cơ thể lúc nào cũng trì trệ, không sớm thì muộn cũng phải cài lại Win. 21 BẠN ĐÃ BIẾT SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI? M ột cụ ông trước khi qua đời có để lại lời trăng trối: “Khi tôi chết đi, hãy chôn tôi cùng cục phát wi, có như vậy thì con cháu mới tới thăm tôi thường xuyên được.” Mẩu truyện cười nói lên rằng, mạng xã hội đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của các bạn trẻ. Không đơn thuần là nơi giao lưu, giải trí, mạng xã hội còn là nơi thể hiện cái tôi và lưu trữ nhiều thông tin cá nhân quan trọng của nhiều người. Vậy nên, hãy là người dùng mạng xã hội thông minh và văn minh: − Sử dụng bảo mật 2 lớp cho tài khoản mạng xã hội. − Hạn chế đưa thông tin, hình ảnh đời tư lên mạng xã hội. − Không bàn luận các vấn đề tôn giáo, chính trị trên mạng xã hội. − Hỏi thăm hay nói những chuyện riêng tư, hãy gửi tin nhắn thay vì đăng bình luận. − Hỏi ý kiến người khác trước khi đăng hình có mặt họ. − Nghĩ kỹ trước khi bấm nút share. Có một tin rất buồn là không có nhiều người quan tâm tới những bức ảnh bạn đang đi du lịch ở đâu hay bữa trưa của bạn là gì. Giá trị của những nút like chỉ dừng lại ở việc “đánh dấu tôi đã xem”. Thay vì đưa những bức ảnh sele hay đang tạo dáng ở một nơi nào đấy, hãy viết về những nơi mà bạn tới, cảnh quan có gì đặc sắc, có nét văn hóa nào đặc biệt, review chi tiết lịch trình đi lại… Hãy chụp thật đẹp món ăn bạn được ăn, giới thiệu về nó, nó được làm ra như thế nào, ăn ở đâu ngon, có gì đặc biệt hơn so với những hàng ăn khác… Hãy trở thành một người “có nội dung” thay cho những bức ảnh sáo rỗng. Đừng đăng nhiều, hãy đăng thật “chất”. Xoay ống kính máy ảnh ra xa khuôn mặt của mình và hướng ra thế giới nhiều hơn. Hạn chế những bình luận vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội. Like những điều mình thực sự thích, thực sự ưng ý, không “hạ giá” nút like của bản thân. Tìm hiểu kỹ trước khi bấm nút share, share những điều có ích nhằm lan tỏa nó rộng rãi. Follow những người văn hay chữ tốt, có ý chí, có cái nhìn tân tiến hiện đại để mở mang đầu óc. Theo dõi những doanh nhân thành đạt xem họ làm giàu như thế nào, theo dõi những người học tiếng Anh tốt xem họ đã học tập ra sao. Unfollow những người suy nghĩ tiêu cực, phát ngôn bừa bãi, hở tí là chửi bới chế độ, mạt sát xã hội, thích up hình khoe khoang ăn chơi. Thế giới tươi đẹp của ta không cần quá nhiều những điều như thế. Tạo cho mình một trang cá nhân “sạch và đẹp” giống như bản CV xin việc, đây cũng chính là nơi mà người khác nhìn nhận, đánh giá con người của bạn. Hãy cư xử nhã nhặn, tôn trọng và văn minh trên mạng xã hội như trong đời thực của bạn vậy. Rất có thể 50% lý do nhà tuyển dụng không chọn bạn nằm trên tài khoản mạng xã hội của bạn. PHÁT TRIỂN BẢN THÂN 22 NHẬN THỨC THẾ MẠNH – THẾ YẾU CỦA BẢN THÂN N hà triết học vĩ đại Aristotle từng nói “Knowing yourself is the beginning of all wisdom” – “Thấu hiểu bản thân là khởi đầu cho mọi sự khôn ngoan”. Hay gần gũi hơn, ông bà ta cũng đã có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vậy, làm sao để thấu hiểu bản thân? Trong kinh doanh, các nhà kinh tế học sử dụng phương pháp SWOT để phân tích doanh nghiệp nhằm đưa ra chiến lược tối ưu nhất. Chúng ta sẽ “mượn” phương pháp này để cùng nhau phân tích bản thân mình. SWOT là viết tắt của 4 chữ Strengths (Thế mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). SWOT giúp bạn nắm được thế mạnh của bản thân để phát huy tối đa, không để điểm yếu ảnh hưởng tới công việc. Đồng thời khám phá những cơ hội sẵn có và hạn chế những khó khăn gây cản trở. Hãy chuẩn bị giấy bút trên tay và cùng trả lời những câu hỏi dưới đây để hoàn thành SWOT của chính mình. THẾ MẠNH − Những thế mạnh của bạn mà người khác không có? (Kỹ năng, giáo dục, các mối quan hệ) − Liệt kê những thành tích của bản thân khiến bạn tự hào. − Bạn đang có những nguồn lực nào? − Bạn thường được khen ngợi vì điều gì? ĐIỂM YẾU − Thói quen xấu của bản thân là gì? − Điều gì thường khiến bạn lẩn tránh? − Những kiến thức và kỹ năng bạn còn thiếu hụt? − Bạn thường bị phê bình vì điều gì? CƠ HỘI − Bạn có tạo được ưu thế trong môi trường hiện tại không? − Bạn có phải là một người làm một công việc đặc biệt? − Bạn có thể đưa ra giải pháp cho các vấn đề không? − Mạng lưới các mối quan hệ có thể giúp được gì cho bạn? − Những công nghệ tiên tiến hỗ trợ gì cho bạn? THÁCH THỨC − Có đối thủ nào đang cùng cạnh tranh với bạn? − Những điểm yếu nào của bạn có thể dẫn tới những mối đe dọa? − Những khó khăn nào trong công việc, học tập cản trở bạn đạt được mục tiêu? − Công việc, học tập của bạn có đang bị thay đổi không? Sau khi hoàn thành bản SWOT trên, hãy nhìn vào gương, soi ngắm chính bản thân mình. Có những điểm mạnh rồi thì cố gắng phát triển thêm nữa, không có best, chỉ có better. Tiếng Anh tốt rồi thì đầu tư học thêm tiếng Trung, tiếng Pháp, chuyên môn vững rồi thì học thêm văn bằng 2, văn bằng 3… Điều đáng chú ý nhất của bản SWOT này là dám thẳng thắn đối diện với điểm yếu của bản thân. Còn chây lười, trì trệ thì tự đưa ra deadline cho bản thân, làm không kịp thì tự phạt mình thật nặng. Thấy việc không đúng chuyên môn thì lẩn tránh, sao không hỏi chuyên gia lĩnh vực đó, sao không hỏi “bác” Google, sao không đọc thêm sách, mày mò ngày đêm, làm nhiều thành quen, biến điểm yếu thành thế mạnh của mình. Loius Pasteur đã nói rồi: “Cơ hội chỉ đến với những tư tưởng có chuẩn bị.” Bạn đã chuẩn bị những gì cho cuộc đời mình? 23 KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH T iêu đề của chủ đề này tôi mượn trong 14 điều răn dạy của Đức Phật. Đức Phật dạy, con người ta vì tham sân si, đề cao cái tôi quá mà tự hại chính mình, biến mình thành kẻ thù lớn nhất cả đời người, kìm hãm chính mình đi đến với những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Có một sự thật không phải ai cũng biết đó là chúng ta thường âm thầm khuếch đại và chỉ trích thậm tệ những khiếm khuyết của bản thân. Những suy nghĩ đó nhen nhóm và chuyển ngữ thành giọng nói thầm thì trong đầu bạn mỗi ngày. Khi bạn đứng trước một cơ hội hay một công việc mới, sẽ có tiếng thì thầm vang lên “Mày không làm được đâu”,“Mày nghĩ mày là ai?”,“Mày quá vụng về và vô dụng”. Khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời, giọng nói đó sẽ xuất hiện và đưa ra hàng loạt lý do để dập tắt sự sáng tạo của bạn. Ngay cả khi giọng nói đó tỏ ra tốt đẹp “Hãy ở nhà và tận hưởng sự tự do đi” thì nó lại quay ngoắt dằn vặt khi bạn nghe lời nó: “Thật thảm hại, mày cô đơn quá, không có nổi một người bạn”. Nếu bạn không thể kiểm soát giọng nói bên trong con người mình, bạn sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của giọng nói thì thầm nó sẽ dần phá hủy hết những mối quan hệ, những thú vui, những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Hãy nhéo mình một cái thật đau mỗi khi giọng nói ấy xuất hiện, thay thế nó bằng một giọng nói khác do chính bạn điều khiển và mong muốn. Đừng nói “Tôi không có tiền”,“Tôi không có năng khiếu”,“Vì cha mẹ sinh ra tôi đã nghèo rồi mà”,“Tôi cảm thấy xa vời quá”… Hãy nói “Tôi luôn sẵn sàng học hỏi”,“Tôi sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ với những gì tôi có”,“Tôi sẽ trải nghiệm”,“Tôi sinh ra là để thành công”… Khi bạn trưởng thành, bạn có xu hướng nhìn cuộc sống này theo cách mà nó có sẵn. Và cuộc sống của bạn sẽ chỉ xoay quanh cái thế giới định sẵn đó. Đi học, đi làm, kiếm tiền, lập gia đình, hạn chế những điều mới mẻ phiền toái. Nhưng, cuộc sống này thực ra rộng lớn hơn những gì bạn nghĩ, khi bạn nhận ra một điều đơn giản rằng: Thế giới xung quanh được tạo ra bởi những người còn không giỏi bằng bạn. Bạn hoàn toàn có thể kiến tạo nên cuộc sống của chính mình bằng cách điều khiển những suy nghĩ bên trong mình. Suy nghĩ kiểm soát hành vi, hành vi kiểm soát kết quả. Những suy nghĩ của bạn có thể vùi dập hay nâng đỡ cho bạn. Sự lựa chọn thuộc về bạn. 24 LÀM GÌ ĐỂ ĐỐI MẶT VỚI LỜI PHÊ BÌNH? R anh giới giữa người thành công và kẻ thất bại đôi khi chỉ nằm ở thái độ trước lời phê bình. Tạm chia thành 4 kiểu người với 4 thái độ khi đối mặt với lời phê bình: Một là người bảo thủ cố chấp, không chịu nổi phê bình. Hai là người rất khiêm tốn, luôn sẵn sàng tiếp thu lời phê bình của người khác. Ba là người trước mặt thì cảm ơn, tiếp thu sự phê bình nhưng sau đó lại chẳng nhớ gì. Bốn là người trước mặt thì cương quyết không chịu nhận lỗi vì muốn giữ thể diện, nhưng lại âm thầm tự kiểm điểm mình. Suy cho cùng, 4 kiểu người trên đều không thể coi là những người biết chấp nhận sự phê bình. Kiểu người thứ nhất và thứ tư không có thái độ thẳng thắn chấp nhận những lời phê bình; kiểu người thứ hai không có năng lực để thẩm định những lời phê bình, dễ bị đánh ngã; kiểu người thứ ba không có thành ý chấp nhận lời phê bình, chỉ khéo mồm mép. Những kẻ ngốc nghếch khi bị phê bình thì lập tức nổi giận, nhưng những người thông minh thì học được thêm nhiều kinh nghiệm hơn từ những người trách móc, phản đối họ và “cản trở họ trên đường đi”. Bill Gates cho rằng, kẻ ngốc sẽ tìm cách biện hộ cho sai sót của mình, nhưng những người dám thừa nhận sai sót của mình sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác. Nếu chúng ta đúng thì phải thuyết phục để người khác đồng ý, ngược lại, nếu sai thì nên thừa nhận. Ý kiến của người khác thường đúng đắn và khách quan hơn nhiều so với cách nhìn nhận của bản thân. Nhưng thông thường, mỗi khi bị người khác phê bình, chúng ta chưa làm rõ nội dung phê bình đã vội vàng biện hộ cho bản thân như một cách tự vệ. Bởi con người luôn thích nghe những lời dễ chịu hơn là chỉ trích. Những người có đầu óc luôn nhìn nhận sự phê bình của người khác theo hướng tích cực, đặc biệt là những lời phê bình nghiêm khắc. Họ sẽ coi những lời phê bình của người khác là động lực để cải thiện mình, hoàn thiện cá tính, kiểm soát tình cảm, nâng cao sức chịu đựng về tâm lý và kích thích sự đấu trí. Một người có đủ dũng khí để thừa nhận sai sót của mình sẽ đạt được cảm giác thoả mãn ở một mức độ nào đó. Điều này không chỉ giúp loại bỏ mặc cảm tội lỗi và bản năng tự vệ mà còn giúp giải quyết vấn đề do sai sót đó tạo ra. 25 THOÁT KHỎI VÙNG AN TOÀN LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA TRẢI NGHIỆM M ột ngày của bạn trôi qua như thế nào? Sáng đi học, đi làm, gặp chừng đấy khuôn mặt quen thuộc mỗi ngày. Tối về nhà, ăn uống, lướt Facebook, thi thoảng đi chơi cùng bạn bè, ngủ nghỉ và kết thúc một ngày. Hôm sau mọi thứ lại xoay vòng. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?” Bây giờ chúng ta 20 tuổi, cuộc sống của ta ngày qua ngày sẽ tiếp tục như thế 60 năm nữa cho đến khi ta chết? Lần cuối cùng bạn làm điều gì đó lần đầu tiên là từ bao giờ? Cuộc sống của ta bây giờ phải chăng đã quá an toàn: không trải nghiệm, không va đập, không thử thách, không hào hứng như tuổi trẻ lẽ ra nó nên như thế. Chúng ta đang chết dần chết mòn trong vòng tròn an toàn ở những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện bên lề. Công trường cạnh nơi tôi làm việc, người ta có xích một chú chó với mục đích trông coi nguyên vật liệu. Công trường này nằm cạnh nhà xe công ty tôi, mỗi ngày hàng trăm người ra vào liên tục. Thời gian đầu, nhác thấy bóng người chú chó sủa váng lên. Dần dà, không ai quan tâm tới tiếng sủa của nó, nó cũng quá quen với việc người qua lại nên nó không buồn sủa nữa, chỉ nằm dài nhìn đời bằng cặp mắt lờ đờ. Đến giờ, tôi không chắc nó còn có khả năng trông coi nguyên vật liệu khỏi việc bị mất trộm. Mỗi chúng ta không ai có sợi xích hữu hình nào trói buộc như chú chó kia, nhưng luôn tự xích mình bằng một sợi xích vô hình. Chúng ta tự đánh mất bản lĩnh, đam mê, khả năng của bản thân vì những thói quen đời thường và một vỏ bọc nhàm chán. Oprah Winfrey – nữ hoàng truyền hình của ngành giải trí Mỹ từng nói: “Tôi đã luôn biết rằng mình là một ngôi sao lớn chờ thời.” Tại sao bạn không nghĩ rằng chính bạn cũng là một ngôi sao chờ ngày tỏa sáng. Hãy thoát ra khỏi vòng tròn an toàn, vượt qua giới hạn của bản thân. Bước ra khỏi bốn bức tường quen thuộc, đi du lịch, gặp gỡ những người mới, tìm hiểu những nền văn hoá mới. Đi đến và ngắm nhìn những cảnh quan kỳ vĩ, đẹp đẽ trên thế giới, đọc sách đều đặn và chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Thế giới có gần 200 quốc gia, bao nhiêu điều mới mẻ chờ ta khám phá, cả cuộc đời mỗi năm đi một nước cũng là chưa đủ. Hãy tin vào chính mình, trân trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng niềm tin vào chính mình. Hãy âm thầm rèn luyện, tìm kiếm đam mê, theo đuổi con đường của riêng mình. Rồi một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình đang sống đúng như cách mà bạn từng mơ ước. Ta chỉ có 70, 80 năm cuộc đời để sống, hãy sống sao cho trọn vẹn, để không sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân tươi đẹp này. 26 XÁC ĐỊNH SỞ THÍCH VÀ ĐAM MÊ C húng ta thường quan niệm đam mê và sở thích là một, thực ra, nó là hai phạm trù khác nhau nhưng có nhiều điểm tương đồng. Vậy rốt cuộc, đam mê là gì, sở thích là chi? Theo Từ điển Oxford, đam mê – passion là “a very strong feeling of love, hatred, anger, enthusiasm”, tạm hiểu là một cảm xúc mạnh mẽ của tình yêu, hận thù, tức giận, sự nhiệt tình. Sở thích – hobby là “an activity that you do for pleasure when you are not working” có nghĩa là một hoạt động bạn làm để vui vẻ, thoải mái khi rảnh rỗi. Đam mê và sở thích cùng tồn tại trong mỗi con người, nhưng điểm khác biệt lớn nhất là gì? Hầu như ai cũng có nhiều sở thích, chúng ta dễ dàng nhận ra sở thích của mình nhờ những “khoái cảm” do nó mang lại. Những sở thích này có thể xuất hiện và biến mất trong một khoảng thời gian nào đấy. Trong bản tự thuật của mình vài năm trước, tôi điền vào mục sở thích: vẽ, hát và xem phim. Bây giờ, nếu ai hỏi sở thích của tôi là gì, tôi sẽ trả lời là đọc sách và đi du lịch. Còn đam mê thì chỉ có một hoặc không. Niềm đam mê có thể được hình thành từ một sở thích. Đam mê sẽ tồn tại lâu dài, có thể đến hết đời. Đam mê cứu giúp người bệnh khiến một người trở thành bác sĩ và gắn bó với công việc suốt đời. Một nhà khoa học đam mê nghiên cứu, gắn bó với phòng nghiên cứu đến lúc chết. Nhưng cũng có những người, suốt đời không tìm được đam mê. Nhiều người vẽ nên hình tượng đam mê của chính mình, nhưng khi dấn thân vào cái đam mê mới biết mình chẳng hứng thú gì với nó. Ngược lại, có những việc tưởng chừng không hứng thú, nhưng thực ra đó lại chính là đam mê bất tận. Chẳng hạn, nhiều người tưởng đam mê của mình là đi du lịch vòng quanh thế giới. Nhưng đến khi đi rồi mới thấy du lịch chỉ là sở thích nho nhỏ chứ không phải đam mê. Sở thích, ở một mức độ nào đó thì chưa thể gọi là đam mê. Và đến một lúc nào đó, mỗi chúng ta sẽ đều có cơ hội tìm thấy được niềm đam mê của chính mình. Thế nhưng, đôi khi những sở thích cũng chẳng thể đưa cho bạn một câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Đam mê của mình ở đâu?” thì cũng… chẳng sao. Hãy cứ đi từng bước, hãy bắt đầu bằng sở thích đơn giản và đừng băn khoăn nó sẽ dẫn đến cái gì vì điều quan trọng nhất là khám phá những khả năng tiềm ẩn bên trong bản thân thì bạn đã làm rất tốt. Nếu có sở thích, hãy tận hưởng niềm vui do nó mang lại. Nếu tìm thấy được đam mê hãy cố gắng nuôi dưỡng nó, biết đâu một ngày nào đấy, nó sẽ cứu sống chính bạn. Khi ta 19, 20 tuổi và vẫn chưa xác định được mình đam mê cái gì cũng không hẳn là điều quá tồi tệ đâu! 27 LÀM CHỦ NGÔN NGỮ CƠ THỂ N gôn ngữ cơ thể là một loại ngôn ngữ, tức là sự giao tiếp. Mà đã là giao tiếp, tức là nó có sự tương tác. Vậy ngôn ngữ cơ thể của bạn đang nói gì với tôi? Theo một nghiên cứu khoa học, trong cơ thể động vật, có 2 hormone: testosterone (hormone thống trị) và cortisol (hormone áp lực). Những con đực cấp cao trong bậc thang linh trưởng hay những nhà lãnh đạo xuất sắc đều có nhiều testosterone và ít cortisol. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm về ngôn ngữ hình thể có tác động như thế nào tới hormone trong cơ thể. Nhóm 1 thực hiện những cử chỉ, hành động thể hiện sự tự tin, quyền lực. Nhóm 2 thực hiện những cử chỉ, hành động thể hiện sự sợ hãi, bất lực. Sau 2 phút, kết quả thu được thật bất ngờ, nhóm 1 chỉ số testosterone tăng lên 20%, cortisol giảm 25%. Ở nhóm người 2, chỉ số testosterone giảm 10%, cortisol tăng 15%. Kết luận sau thí nghiệm, những thay đổi trong ngôn ngữ cơ thể tác động trực tiếp tới não bộ làm thay đổi các chỉ số hoocmon. Ngôn ngữ cơ thể có khả năng chi phối không chỉ những gì người khác cảm nhận về ta mà còn chi phối chính cảm nhận của mình về bản thân. Điều quan trọng là không phải người khác thấy bạn tự tin, mà bản thân bạn phải tin rằng mình tự tin. Vậy ngôn ngữ cơ thể nào giúp bạn tự tin, bản lĩnh, chi phối người đối diện và điều khiển não bộ của bạn tin rằng bạn là người tự tin, quyền lực? Khoanh tay khi suy nghĩ: Khoanh tay cho thấy khả năng ứng phó với mọi tình huống, dấu hiệu của tự bảo vệ và suy ngẫm tìm phương pháp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đừng bao giờ khoanh tay trong những trường hợp đòi hỏi sự thân thiện như làm quen với một người bạn mới. Đứng thẳng: Đứng thẳng là vóc dáng của một người tự tin và tràn đầy năng lượng. Cho dù ở bất kỳ tình huống căng thẳng nào thì cảm xúc vẫn được kiểm soát hợp lý và trực diện đối mặt. Khom người, ngả nghiêng là dáng dấp của sự yếu nhược, nhút nhát, không dám đối mặt với sự việc. Chạm các đầu ngón tay vào nhau: Oprah Winfrey và Donald Trump thường chạm các đầu ngón tay vào nhau khi nói chuyện. Hành động này nói lên sự tín nhiệm, thông minh và quyền lực. Giữ cằm: Giữ cằm có nghĩa là trong đầu luôn lập trình sẵn có các câu trả lời và giải pháp thực hiện. Những người thành công như Hillary Clinton, Steve Jobs thường hay giữ cằm của mình. Đó là hình thức tư duy, sâu sắc trong suy nghĩ. Dang rộng tay khi nói: Hành động tạo sự bành trướng này ngay lập tức sẽ cho ta cảm thấy sự quyền lực. Những người yếu thế, đang lo lắng điều gì thường có xu hướng co người lại, bó gối, tự bọc lấy bản thân. Rất nhiều các nhà tuyển dụng dựa vào ngôn ngữ cơ thể của bạn để đánh giá và đưa nó trở thành một trong các lý do có quyết định có tuyển dụng bạn hay không. Hãy chú ý và thay đổi. 28 KHIÊM NHƯỜNG CHÍNH LÀ MẠNH MẼ N ăm 1945, Nhật Bản bị Quân đội Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki khiến hơn 200 nghìn người chết. Sau chiến tranh, phần lớn đô thị của Nhật Bản bị phá hủy cùng những khoản bồi thường khổng lồ sau chiến tranh. Nhật Bản chấp nhận trở thành quốc gia không có quyền lực chính trị để tập trung cho kinh tế. Và bây giờ, họ được mời trở lại như một cường quốc chính trị. Họ đã thắng khi vừa thua. Từ trước Công nguyên, người Hán gọi Nhật Bản là Nụy Quốc, người Nhật là Nụy nhân, ý ám chỉ đất nước của những người lùn. Vì người Nhật lúc bấy giờ có chiều cao rất khiêm tốn. Họ đã kiên trì, lặng lẽ cải thiện giống nòi, tầm vóc của cả thế hệ sau. Khi mà kinh tế đất nước còn chậm phát triển, Nhật Hoàng đã đặc biệt chú trọng tới chế độ dinh dưỡng từ các cấp tiểu học. Từ đó, nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm, củng cố thể diện và hình ảnh quốc gia không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Ngày nay, thế giới ngưỡng mộ sự phát triển của Nhật Bản chính bởi sự khiêm nhường khổng lồ của một dân tộc có lòng tự tôn mạnh mẽ ấy. Trong khi người ta khiêm nhường, âm thầm vươn lên thì một số không ít các bạn trẻ chúng ta vẫn đang miệt mài “chế tạo bom”: Là check in những nơi sang trọng, đắt tiền hoặc thiên đường du lịch; Là các buổi vui chơi tại hộp đêm cùng la liệt vỏ chai rượu đắt tiền với dòng trạng thái bữa tối đơn giản; Là những hình ảnh tạo dáng bên xế khủng hay ít ra cũng để lộ logo trên vô lăng; Là những cô nàng đỏm dáng khoác trên mình những món hàng hiệu, hay trang sức đắt tiền. Thế giới đang dần phẳng hơn, thật giả lẫn lộn tạo cơ hội cho các giá trị ảo lên ngôi. Nhiều người dành cả đời để mải mê chạy theo, phô diễn những vật ngoài thân, đến khi ngoái đầu nhìn lại rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói. Hãy một lần khiêm nhường, bạn sẽ nhận ra giá trị đúng đắn của bản thân. “Cúi đầu” chính là một cảnh giới ứng xử, một cảnh giới xử thế trong đời. Khi chúng ta vẫn ở đây so đo nhau xe ga hay xe số, hàng chợ hay hàng hiệu để vênh vang với đời. Thì ở ngoài kia, đất nước bạn đang cúi đầu khiêm nhường để vươn lên mạnh mẽ. Ấy thế nên mới có câu “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. 29 TRỞ THÀNH NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE T ại Nhật Bản, có một loại hình dịch vụ đang được rất nhiều người sử dụng − lắng nghe tâm sự, hay người dân ở đây gọi vui là dịch vụ “cho thuê tai”. Nghĩa là, những ai có nhu cầu cần một người lắng nghe mọi muộn phiền, họ có thể đăng ký dịch vụ qua mạng để thuê một “ossan”, tức một người lắng nghe tâm sự với giá 1.000 JPY/giờ (205.000 VND/giờ). Có ai trong chúng ta mà chưa từng bế tắc, tuyệt vọng, cô đơn hay stress muốn phát điên? Có ai trong chúng ta mà chưa từng cần trao đổi, bàn bạc, xin ý kiến khi đứng trước những quyết định quan trọng trong đời? Đấy chính là thời điểm ta cần có một người lắng nghe. Có những người già không nhận được sự quan tâm của con cháu nên phải tìm đến thú nuôi, viện dưỡng lão để tâm sự cho nguôi ngoai nỗi cô đơn. Có những bạn trẻ vì ôm mối sầu đau quá lớn, không biết bày tỏ cùng ai nên tìm đến cái chết. Có những cặp vợ chồng không tìm được sự đồng cảm và tiếng nói chung từ người bạn đời nên chuyện hôn nhân không mặn mà, hạnh phúc. Theo thang bậc nhu cầu con người của nhà tâm lý Abraham Maslow, nghe và nói có mặt trong hầu hết các nhu cầu thiết yếu của con người: nhu cầu về xã hội, nhu cầu được quý trọng, nhu cầu nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu được thể hiện mình... Thường chúng ta chỉ chú trọng đến cách nói năng sao cho hay, lưu loát, diễn cảm và hiệu quả. Ta thường dễ dàng quên đi kỹ năng nghe, hay đúng hơn nghệ thuật nghe – cũng hết sức cần thiết. Từ “listening deeply” (nghe thật sâu) của người Mỹ biểu lộ thiện chí muốn nghe. Còn chữ “lắng nghe” của người Việt, phải “lắng” rồi mới “nghe” được. “Lắng” để cho lòng mình yên tĩnh, không phân tâm. “Lắng nghe” là lắng mình xuống, không suy tư, không cố chấp, buông bỏ mọi thành kiến hay những phiền muộn trong tâm để nghe người khác nói với tất cả lòng thành. Làm thế nào để có thể lắng nghe? Trước hết, hãy vứt bỏ cái tôi đi, đặt nó ra ngoài cuộc trò chuyện. Ta không thể lắng nghe khi tâm trí của ta đang chạy đua để tìm một lời nói ra. Ta bị thôi thúc cắt ngang người đang nói để nói điều mình muốn, để khẳng định và tăng giá trị sự có mặt của ta. Tiếp đến, bạn có đang lắng nghe một cách khách quan, hay đang tô điểm lời của người nói bằng sự diễn giải của bạn và vô tình bóp méo sự việc. Cuối cùng, hãy đặt mình vào vị trí của người đang nói trước khi bạn thực sự mở lời. Chuck Gallozzi từng nói về nghệ thuật lắng nghe: “Trước khi ta có thể làm lãnh đạo, ta phải phụng sự Trước khi ta có thể phụng sự, ta phải sẵn sàng Trước khi ta sẵn sàng, ta phải học Trước khi ta có thể học, ta phải lắng nghe Trước khi ta có thể lắng nghe, ta phải im lặng.” Hôm nay, bạn đã lắng nghe ai và muốn ai lắng nghe mình? 30 ĐỜI KHÔNG CHỈ CÓ NIỀM VUI, VẬY NÊN HÃY BIẾT TẬN HƯỞNG NỖI BUỒN B ộ phim hoạt hình Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc) được công chiếu vào tháng 8/2015. Bộ phim xoay quanh hành trình cô bé Riley 11 tuổi chuyển nhà từ Minnesota đến San Francisco. Đây là một thay đổi lớn vì cô bé phải chia tay ngôi nhà thân thuộc, bạn bè thân thiết để tới một thành phố xa lạ. Tâm lý của Riley chịu sự chi phối của năm cảm xúc – Joy (vui vẻ), Sadness (buồn bã), Disgust (chảnh chọe), Anger (giận dữ) và Fear (sợ hãi). Có một điều đặc biệt là tất cả các cảm xúc trong tâm trí của Riley đều xác định được vai trò và vị trí, nhiệm vụ của mình. Chỉ có duy nhất cô bé Buồn Bã− Sadness là không biết nó được sinh ra để làm gì. Các cảm xúc khác cũng không hiểu vai trò của Sadness, chúng chỉ biết rằng mỗi khi Sadness xuất hiện là Riley lại u sầu, khóc lóc, thế nên chúng hạn chế đến mức thấp nhất sự xuất hiện của Buồn. Tại sao cuộc đời này phải có cả sự buồn bã? Tại sao dù không muốn nhưng ai cũng phải trải qua nó? Có cuộc sống nào chỉ có niềm vui? Mỗi khi Vui Vẻ không thể giúp được ta, Chảnh Chọe, Giận Dữ hay Sợ Hãi làm ta xấu đi, Buồn Bã sẽ có mặt để ta có thời gian suy nghĩ và hồi tưởng về những điều đã qua. Khi đối mặt với những khó khăn, thất bại trên đường đời, nỗi buồn giống như một sự giải thoát cho tinh thần của chúng ta. Nỗi buồn đôi khi giúp ta đúng đắn hơn, sáng suốt và tỉnh táo hơn lúc ta ở trong trạng thái vui vẻ hay lo sợ. Trong cuộc sống, nếu chỉ có niềm vui thì sẽ ra sao? Khi chia xa người thân, khi thất tình… nỗi buồn lúc bấy giờ cũng như một cách diễn đạt tình cảm, cảm xúc của bản thể. Những cảm xúc u sầu này đôi khi thể hiện được một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm. Hơn bao giờ hết khi ta buồn, trái tim yếu đuối của ta mới cần sự sẻ chia, yêu thương và đồng cảm từ những người thân thiết. Khi ta buồn, ta cần nhiều hơn những cái ôm, những lời động viên, những hành động ấm áp. Nỗi buồn chính vì thế mà có khả năng gắn kết con người với nhau. Giúp ta nhận ra rằng, phải trải qua nỗi buồn mới có thể đi đến niềm vui. Đó chính là lý do tồn tại của nỗi buồn. Đôi khi những cảm xúc vui buồn lẫn lộn sẽ tạo nên những ký ức khó quên, những khoảnh khắc khiến cuộc đời mỗi người phải nhớ mãi. Inside Out nhắc nhở người xem một điều rằng, đừng chỉ ghi nhớ niềm vui, nỗi buồn cũng xứng đáng có vị trí của riêng nó trong kho ký ức của mỗi người. Buồn không phải là một điều đáng sợ, mà điều đáng sợ là chúng ta không vui mà cũng chẳng biết buồn, chúng ta chỉ biết nóng giận, đổ lỗi lên mọi thứ xung quanh, chúng ta chảnh chọe, gạt đi mọi thứ mà người khác muốn giúp đỡ, chúng ta sợ hãi, không mở lòng với những mối quan hệ mới, con người mới... Nếu một ngày, nỗi buồn đến với bạn, hãy chào đón nó và để nó diễn ra. Bởi cuộc đời này, còn có thể khóc, ấy là niềm vui. Chỉ khi sống đúng với cảm xúc của chính mình, mỗi người sau đó mới có thể tìm thấy được nụ cười rạng rỡ nhất. 31 LÀM CHỦ CẢM XÚC TRƯỚC KHI NÓ CHI PHỐI BẠN P eter từ bé đã rất nóng tính, thường xuyên cáu kỉnh với những người xung quanh. Một ngày nọ, bố đưa cho Peter một cây búa và một nắm đinh, bảo rằng: “Mỗi lần con thấy tức giận hãy đóng một cây đinh này vào hàng rào và hãy tiết kiệm vì chúng ta không có nhiều đinh.” Từ đấy, mỗi lần tức giận, Peter đều đóng một chiếc đinh lên hàng rào. Số đinh ít dần đi, cho đến ngày Peter không còn hay nổi giận nữa, bố bảo rằng: “Mỗi lần con kiềm chế được một việc lẽ ra sẽ khiến con tức giận, con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào.”Nghe lời bố, mỗi lần Peter “nhịn” được một cơn giận, Peter nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào. Cho đến ngày trên hàng rào không còn cây đinh nào, Peter hớn hở khoe với bố. Bố mỉm cười bảo: “Đúng là trên hàng rào không còn cây đinh nào, nhưng con nhìn xem, hàng rào đã thủng lỗ chỗ rồi, và không có cách nào để khôi phục lại như cũ. Cảm xúc của con cũng thế, nếu không kiểm soát, nó có thể gây ra những tổn thương không bao giờ sửa được.” Cuộc sống hiện tại có muôn vàn lý do khiến chúng ta cảm thấy bức xúc, nóng giận: lỡ mất một cơ hội, cãi nhau với bạn gái, nhân viên trễ deadline… Chúng ta thường có xu hướng nuông chiều cảm xúc của bản thân, thể hiện sự nóng giận ra ngoài một cách nhất thời, bốc đồng. Việc liên tục không làm chủ được cảm xúc dẫn đến những tổn thương cho chính mình và người khác, thậm chí làm mất đi nhiều cơ hội của bản thân. Một người lãnh đạo tính tình nóng nảy, thường xuyên quát mắng cấp dưới, dù người đó có năng lực như thế nào cũng không thể nhận được sự nể phục hay tín nhiệm từ mọi người. Ngược lại, một người lãnh đạo có khả năng kiềm chế cảm xúc, hòa đồng với mọi người, luôn “biết người biết ta”, người đó sẽ dễ thành công không chỉ trong công việc mà trong quan hệ ngoài xã hội. Người tự tin không dùng cảm xúc để thể hiện bản thân. Người không làm chủ được cảm xúc của mình là người thiếu sự tự tin, không dám thẳng thắn đối diện với vấn đề, thường vịn vào việc bộc lộ những cảm xúc tiêu cực để che đậy điều gì đó. Tâm trạng càng muốn bùng nổ càng phải học cách khống chế. Hãy cố gắng vứt bỏ những cảm xúc tiêu cực sang một bên, không để nó khiến bạn mất kiểm soát dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: “Mỗi khi tức giận, tôi đều viết điều bực tức vào một bức thư, sau đó cho chúng vào lửa thiêu, sự bực tức cũng tự giác hóa thành tro.” Một người ngay đến cảm xúc của mình cũng không thể kiểm soát, cho dù tài năng tới đâu cũng khó có thể làm nên đại sự. Hãy kiểm soát cảm xúc của mình, đừng để bao giờ phải nói: “Giá như...”. """