🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Yêu Thương, Khen Ngợi Và Nhìn Nhận - Makoto Shichida
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Nuôi con bằng Yêu thương, Khen ngợi và Nhìn nhận Lời ngỏ
Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam
Thư gửi độc giả nhân dịp xuất bản cuốn sách “Yêu thương, Khen ngợi và Nhìn nhận” tại Việt Nam.
Phần mở đầu
Chương 1: Tình yêu thương
Chương 2: Sự nghiêm khắc
Chương 3: Xây dựng lòng tin cho con
Chương 4: Những lời gợi ý tích cực
Chương 5: Phát triển tâm hồn con
Phần kết: Nuôi dạy con là vun đắp những ước mơ Lời cuối
Nuôi con bằng Yêu thương, Khen ngợi và Nhìn nhận
Sinh con ra, yêu thương con chính là bản năng của các bậc cha mẹ. Nhưng rồi cùng với thời gian, sự lớn lên của con khiến cho nhiều bậc cha mẹ bắt đầu lúng túng. Nhiều người đã tự hỏi, liệu cách mình yêu thương – dạy dỗ con đã đúng chưa? Liệu cách dạy con của mình có đủ để con trở thành một người tốt, có ích cho xã hội, hay liệu con có trở thành một người xuất sắc? Câu hỏi này sẽ song hành cùng các bậc cha mẹ từ khi sinh con ra cho đến khi con khôn lớn trưởng thành, ở mọi quốc gia, mọi dân tộc.
Là một người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục sớm tại Nhật Bản, giáo sư Shichida đã bắt đầu chuyến hành trình cuộc đời trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ vào năm 1958 khi ông thành lập trường ngoại khóa chuyên sâu dạy tiếng Anh cho trẻ em tại Nhật. Sự thành công trong công việc đầu tiên với trẻ nhỏ đã thúc đẩy ông cống hiến hơn 40 năm cho Giáo dục sớm; và đặc biệt, phát triển phương pháp giáo dục phát triển toàn diện và cân bằng não bộ ở trẻ.
Triết lý giáo dục dựa trên nền tảng của sự phát huy sức mạnh tiềm ẩn của não phải, hay còn gọi là “giáo dục trái tim” của giáo sư Shichida được thể hiện trên 160 cuốn sách, được công nhận và áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Úc, Trung Quốc, Canada, Malaysia, Singapore, Campuchia, Hồng Kông… Phương pháp Shichida về giáo dục não phải đã được tổ chức Hòa
bình Thế giới đăng ký là Tài sản Trí tuệ của thế giới vào tháng 12 năm 1997. Ngày nay, đã có hơn 500 trường học tại Nhật Bản áp dụng phương pháp của ông trong giảng dạy và rất nhiều thế hệ con cái trong các gia đình Nhật Bản đã trưởng thành từ phương pháp giáo dục của giáo sư Shichida.
Tôi trân trọng giới thiệu đến các bậc cha mẹ Việt Nam cuốn sách đầu tiên giới thiệu triết lý giáo dục của giáo sư Shichida tại Việt Nam với tựa đề: Yêu thương, Khen ngợi và Nhìn nhận. Ba từ giản dị này chính là ba chìa khóa vàng trong việc nuôi dạy con trẻ, theo giáo sư Shichida. Với ba chìa khóa này, ông cho rằng bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể ứng dụng để thay đổi mối quan hệ giữa mình và con cái và có thể đạt được hiệu quả ngay, nhìn thấy được.
Tôi tin tưởng rằng cuốn sách sẽ giúp ích nhiều cho các bậc cha mẹ đang tìm phương pháp để nuôi dạy con hiệu quả, cũng như tạo được niềm hạnh phúc thực sự trong hành trình làm cha mẹ của mình.
Trân trọng,
Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ
Lời ngỏ
Mỗi trẻ em là một món quà vô giá, trong sáng và ngây thơ như một trang giấy trắng. Trẻ có thể phát triển tốt để thành công trong tương lai hay không phụ thuộc phần lớn vào những năm đầu đời. Hơn thế nữa, khái niệm “thành công” không chỉ đơn thuần là những thành tích học tập hay tài năng mà còn bao hàm nhiều hơn thế.
Cha mẹ luôn mong cho con những điều tốt đẹp nhất và thực tế, mỗi trẻ em là một thiên tài. Cách chúng ta khám phá và phát triển các tiềm năng của trẻ không chỉ nằm ở việc cho con tham gia bao nhiêu hoạt động, bao nhiêu lớp học mà còn là mối quan hệ tin tưởng và yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Là phương pháp giáo dục sớm đến từ Nhật Bản dựa trên sự phát triển não bộ của trẻ từ không đến sáu tuổi, các tài liệu và giáo trình của chúng tôi được đặt trên nền tảng phát triển và nghiên cứu khoa học trong suốt 60 năm qua.
Trong xã hội Việt Nam, cha mẹ thường đặc biệt chú trọng vào kết quả và khả năng đặc biệt của con. Cuốn sách này sẽ phân tích lý do tại sao những thành quả tuyệt vời đó của trẻ chỉ là một phần của sự phát triển. Bởi lẽ, theo triết lý “Yêu thương – Khen ngợi – Nhìn nhận” của phương pháp Shichida, cha mẹ hoàn toàn có thể nuôi dạy con trở thành một thiên tài, tuy nhiên nếu thiếu đi tình yêu thương, trẻ sẽ khó có thể phát triển một cách toàn diện. Do đó, khi có được sự gắn kết mạnh mẽ với cha mẹ, trẻ có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Điều này cũng giống như khi thân cây yếu vì rễ không
đủ vững, cây sẽ khó mà chống đỡ được sức nặng từ những cành và tán lá dầy. Ngược lại, nếu gốc rễ của cây được vun trồng và chăm sóc hợp lý, cây sẽ đâm chồi nảy lộc và lớn lên mạnh mẽ, dù phải chống chịu hạn hán hay bão giông. Với trẻ em cũng vậy, tình yêu thương của cha mẹ là nền tảng vững chắc cho con trưởng thành, mạnh mẽ, có năng lực và những cống hiến cho gia đình và xã hội.
Cuốn sách này sẽ đem đến cho các bậc cha mẹ cái nhìn sâu sắc hơn về triết lý Shichida trong nuôi dạy con cái. Lĩnh hội được điều này, cha mẹ sẽ nhận thấy những thành quả tuyệt vời của con trong bất kỳ lĩnh vực nào mà cha mẹ định hướng cho con.
Trân trọng,
Jeannie Ho - Chan
Viện trưởng Viện Giáo dục Shichida Việt Nam
Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam
Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam mang đến chương trình Giáo dục sớm từ Nhật Bản, với hơn 60 năm nghiên cứu khoa học và thực hành. Phương pháp được phát triển dựa trên nền tảng khoa học và chứng thực về não phải, cân bằng phát triển hai bán cầu não. Từ đó, khả năng của trẻ không chỉ dừng lại ở các kỹ năng cơ bản như đọc, toán, nhạc, họa… mà qua đó phát triển hình thành tính cách, năng lực tư duy, tình yêu và sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
Ở Viện Giáo Dục Shichida, điều đầu tiên chúng tôi dạy là Yêu Thương và Tin Tưởng tuyệt đối, con bạn sẽ làm được, rồi bạn sẽ thấy tự hào về con mình. Học tập ở Viện Giáo Dục Shichida là một hành trình trải nghiệm nghiêm khắc nhưng tràn đầy hạnh phúc. Niềm vui dễ dãi là niềm vui không vững bền; chính vì vậy, hạnh phúc từ tri thức trong quá trình học tập ở Viện đòi hỏi tính kỷ luật cao, và luyện tập bền bỉ, giống như tinh thần Nhật Bản.
Tại Viện Giáo Dục Shichida, chúng tôi có các lớp học dành cho các bé từ 0 – 6,5 tuổi. Nội dung học được thiết kế theo từng tuần, phù hợp cho sự phát triển riêng biệt của con bạn, mô phỏng một xã hội thu nhỏ trong lớp học với sự kích thích tương tác đa chiều. Hiện Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam có cơ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Hình ảnh GPS địa chỉ Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam được sử dụng từ nguồn google.com/maps
Thư gửi độc giả nhân dịp xuất bản cuốn sách “Yêu thương, Khen ngợi và Nhìn nhận” tại Việt Nam.
Có một vài điều mà cha mẹ nên làm trước khi cố gắng đưa con mình vào kỷ luật hoặc phát triển khả năng của con. Đó là nuôi dưỡng nhân cách, kiến thức của trẻ thông qua việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ đôi khi cần phải nghiêm khắc khi đưa con vào nề nếp. Tuy nhiên, nếu hằng ngày cha mẹ không thể hiện dược tình yêu với con của mình. Cha mẹ sẽ không thể tạo mối quan hệ mật thiết và bạn sẽ thấy việc nuôi dạy con trở nên khó khăn.
Hơn thế nữa, việc thiếu đi những biểu hiện của tình yêu, cha mẹ sẽ không thể giúp con thể hiện những tiềm năng của não phải. Trẻ sẽ thể hiện những khả năng xuất chúng, những khả năng tiềm ẩn chưa được biết đến của bán cầu não phải, một khi cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ.
Bạn có chắc con bạn cảm nhận rằng con đang được yêu thương? Cha mẹ không thể nào thể hiện trọn vẹn tình yêu của mình đối với con bằng phương cách yêu thương đơn thuần. Vậy cha mẹ nên nói chuyện, giao tiếp với con như thế nào để có thể thể hiện được tình yêu của cha mẹ dành cho con? Cuốn sách này hướng dẫn cha mẹ hiểu được sự quan trọng của yêu thương, khen ngợi và
nhìn nhận con mình với những ví dụ cụ thể nhất và thực nghiệm khoa học.
KO SHICHIDA
CEO Viện Giáo Dục Shichida Nhật Bản
Phần mở đầu
Nuôi dạy con chính là yêu thương hết mực, đừng quên nghiêm khắc và hãy luôn tin tưởng
1. Ba nguyên tắc kỳ diệu trong việc nuôi dạy con Trong thời gian làm tình nguyện viên giám sát phạm nhân trẻ bị quản thúc, từ những trải nghiệm quý báu và thực tế tôi đã nghiên cứu và xây dựng nên: “Ba nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con”. Đây là những nguyên tắc khoa học và hiệu quả mà các bậc cha mẹ nên sử dụng để nuôi dạy con hiện nay. Những “nguyên tắc vàng” này sẽ giúp các bậc cha mẹ suy xét lại phương pháp nuôi dạy con của mình trong thời gian qua. Chắc chắn rằng, chính những phương pháp mà bạn áp dụng để nuôi dạy trước khi con lên sáu tuổi sẽ tạo nên nền tảng rất quan trọng cho tương lai: Liệu con bạn sẽ phát triển toàn diện hay có nguy cơ trở thành tội phạm vị thành niên? Tôi tin chắc rằng, nếu các bậc cha mẹ thực sự áp dụng tốt những nguyên tắc này trong quá trình nuôi dạy con, chắc chắn con bạn sẽ có một tương lai tươi sáng.
Nguyên tắc vàng đầu tiên: “Tình yêu thương”.
Bạn có chắc chắn là con bạn đã cảm nhận đầy đủ tình yêu thương từ bạn? Bạn có tin rằng mình đã truyền tải đầy đủ tình thương yêu của mình đến con không? Khó khăn ở đây là mặc dù các bậc cha mẹ cảm thấy mình đã yêu thương con hết lòng, nhưng
con họ dường như vẫn không cảm nhận được tình yêu thương ấy trọn vẹn.
Chúng ta không chỉ ấp ủ tình yêu thương con âm thầm trong lòng, mà cần thể hiện điều đó một cách đúng đắn bằng ngôn ngữ và cử chỉ để con cảm nhận được. Thay vì nói những lời sáo rỗng hay để chúng tự hiểu, cha mẹ có thể thể hiện bằng cách ôm siết con vào lòng một cách trìu mến. Điều quan trọng là khi khen ngợi con, hãy khen ngợi một cách chân thành. Rất khó để một đứa trẻ có thể hiểu được tình cảm giấu kín trong lòng cha mẹ, do đó, nếu muốn con biết chúng ta yêu con đến thế nào, chúng ta hãy tìm cách thể hiện tình yêu ấy bằng ngôn ngữ và hành động.
Nguyên tắc vàng thứ hai: “Sự nghiêm khắc”.
Đây là nguyên tắc luôn song hành với tình thương vô hạn mà cha mẹ dành cho con. Vì nếu chỉ tỏ ra nghiêm khắc mà không thể hiện rõ tình yêu của mình đối với con, việc nuôi dạy con không thể có kết quả trọn vẹn.
Ngược lại, nếu chỉ yêu thương mà không nghiêm khắc thì không hiệu quả. Đây là điều mà tôi thực sự muốn các bạn hiểu rõ. Thương yêu mà thiếu mất sự nghiêm khắc thì chỉ đơn thuần là tình yêu thương mù quáng. Nhiều người mẹ nói rằng họ tuyệt đối không bao giờ phê bình hay la mắng con cái. Liệu cách nuôi dạy con như vậy có hiệu quả không? Không! Bởi vì họ sẽ khiến cho con mình trở nên ích kỷ.
Một khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thiếu đi sự nghiêm khắc, chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng đứa trẻ nhiễm tính ích kỷ. Nếu bạn hiểu được rằng tình yêu thương phải song hành cùng sự nghiêm khắc và truyền đạt những điều này đến con bạn, chắc chắn
con bạn sẽ tự biết điều chỉnh cách ứng xử của chúng, và việc dạy dỗ con sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Những đứa trẻ không quen với sự nghiêm khắc của cha mẹ ngay từ nhỏ, khi lớn lên sẽ không có thói quen nề nếp và không có khả năng rèn luyện tính tự chủ. Chúng thường tỏ ra cáu kỉnh và không muốn nghe lời cha mẹ.
Những bậc cha mẹ chưa từng la mắng con cái nên nhớ: chỉ khiển trách con nghiêm khắc khi thật sự cần thiết. Các bậc cha mẹ thuộc thế hệ trước đây thường dùng cách nghiêm khắc quá mức để nuôi dạy con. Thật không khôn ngoan khi lúc nào cũng nghiêm khắc với con bạn. Nói cho cùng, yêu thương vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nguyên tắc vàng thứ ba: “Sự tin tưởng”.
Bất kể dù có xảy ra việc gì, bạn phải luôn tỏ ra tin tưởng ở con mình khi dạy dỗ chúng. Đây là nền tảng quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con cái. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu nguyên tắc này. Họ đã bất cẩn bỏ qua nền tảng quan trọng này – và việc nuôi dạy con trở nên hết sức khó khăn đối với họ.
Bản tính sẵn có ở mỗi đứa trẻ luôn là trong sáng, thông minh. Chính cha mẹ sẽ là người góp phần giúp cho tố chất này tỏa sáng hơn hay lu mờ đi. Thay vì tập trung vào việc phát triển những khả năng cụ thể hoặc tìm cách đưa con vào khuôn phép kỷ luật, trước tiên cha mẹ hãy tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ tin tưởng hai chiều với con mình.
Chỉ cần làm được điều này, những việc khác tự nhiên sẽ trở nên suôn sẻ. Nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau có liên quan đến cách cha mẹ nói chuyện với con mình, chẳng hạn: “Cha mẹ hết sức hạnh phúc khi có con ở bên cạnh”. Đừng để những lời nói này trở thành
sáo rỗng. Cha mẹ cần thực sự cảm nhận được niềm vui từ tận đáy lòng mình. Nếu làm được điều này, bạn sẽ không phải lo lắng rằng con mình sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển hay có vấn đề về học hành. Nếu áp dụng thành công ba nguyên tắc vàng này, cha mẹ có thể tin tưởng rằng con mình sẽ không bị phát triển lệch lạc.
2. Cuộc khảo sát về việc “khen ngợi” và “la mắng” Trong khi thực hiện một cuộc khảo sát để tìm hiểu xem các bà mẹ đang nuôi dạy con bằng phương pháp khen ngợi hay la mắng, chúng tôi đã yêu cầu họ thoải mái nói lên suy nghĩ của mình về điều này. Và đây là những câu trả lời chúng tôi nhận được: 1. Tuy biết rằng nên nuôi dạy con bằng cách khen ngợi, nhưng khi đối mặt với những vấn đề xảy ra hằng ngày, dù đã rất cố gắng kiềm chế, cuối cùng tôi cũng phải la mắng con.
2. Nhất định phải la rầy con mình về những việc gây phiền toái cho người khác hoặc những việc nguy hiểm.
3. Tôi muốn dung hòa giữa khen ngợi và la mắng sao cho hiệu quả nhưng lại không biết phải làm thế nào.
4. Tôi ủng hộ phương pháp dạy con nghiêm khắc vì tôi muốn các con mình nắm vững những nguyên tắc cơ bản khi sinh hoạt trong cộng đồng, xã hội.
5. Có quá nhiều bậc cha mẹ không la mắng con cái. Trẻ con phải được dạy bảo nghiêm khắc về các quy tắc ứng xử và những hành vi sai trái.
6. Do không bao giờ bị la mắng vì bất kỳ điều gì, nhiều đứa trẻ đã lớn lên mà không hiểu được các phép tắc và không biết phân biệt đúng sai.
7. Chỉ nên la mắng con trẻ khi hành vi của chúng gây rắc rối cho người khác.
8. Khi tôi chuyển sang nuôi dạy con bằng cách khen ngợi, việc dạy dỗ con cái trở nên vô cùng dễ dàng.
9. Khi các con tôi đổ lỗi cho người khác, tôi cẩn thận chỉ cho chúng thấy như vậy là không đúng. Tôi không la mắng con mà chỉ giúp chúng sửa sai bằng cách nói rằng: “Con không được đổ lỗi cho người khác. Liệu con đã cố gắng hết sức chưa?”.
10. Khi các con tôi không chịu làm bài tập và xem tivi quá nhiều, tôi không la mắng mà cố tìm cách kéo lũ trẻ xa khỏi chiếc tivi bằng cách hướng sự chú ý của con vào những thứ con thích. Rồi sau đó tôi sẽ gợi ý: “Sao các con không đi làm bài tập đi?” và thế là chúng bắt tay làm bài ngay, không chút chần chừ.
Nuôi dạy con bằng cách la mắng hay khen ngợi sẽ hiệu quả hơn? Tại sao các bậc cha mẹ lại la mắng hay khen ngợi con mình? Chắc chắn mục đích lớn nhất chính là: rèn luyện con cái vào nề nếp.
Tuy nhiên, trên thực tế, cha mẹ thường có khuynh hướng muốn con cái hành xử theo một vài chuẩn mực mà họ cho là hợp lý và họ tin rằng việc la mắng sẽ làm giảm những hành động không phù hợp của con. Và có thể vì họ tin rằng: “khen ngợi là dung túng; la mắng là dập tắt”.
Quan điểm nuôi dạy con bằng sự la mắng chắc chắn sẽ hiệu quả về mặt nào đó, nhưng vẫn còn có nguyên tắc khác hiệu quả hơn, mang lại kết quả tốt hơn và bạn không cần phải quá khắt khe với con mình nữa: sự nhìn nhận, lời khen ngợi và tình yêu thương sẽ hoàn toàn thay đổi con trẻ.
Khi được cha mẹ khen ngợi, nhìn nhận và yêu thương, trẻ thường muốn làm cho cha mẹ vui lòng hơn nữa. Những động thái khuyến khích từ cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm động, tiếp thêm động lực và sự quyết tâm thay đổi. Đồng thời trái tim trẻ sẽ hoàn toàn rộng mở. Trẻ sẽ không cãi lời cha mẹ và ngoan ngoãn vâng lời. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy cha mẹ không nhìn nhận, không khen ngợi và không yêu thương, trẻ sẽ đóng chặt lòng mình và sẽ lớn lên với lòng nghi kỵ cùng sự phản kháng.
Chúng ta biết rằng, la mắng không phải là phương pháp nuôi dạy con tốt. Bởi vì khi sử dụng phương pháp này, phần quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con là tình yêu thương lại không được truyền tải đến con một cách hiệu quả.
3. Con đường phạm tội của trẻ
Khi còn là tình nguyện viên giám sát phạm nhân trẻ bị quản thúc, mỗi khi có trẻ phạm tội, chúng tôi cho trẻ vào chương trình quản chế trong một khoảng thời gian nhất định thay vì ngay lập tức đưa chúng vào khu nhà giam. Công việc của một quản chế viên như tôi là giúp trẻ phạm tội tái hòa nhập cộng đồng và ngăn không để chúng quay lại con đường phạm tội. Khi tiếp xúc với những trẻ này, tôi luôn cảm nhận được ở chúng có ba điểm tương đồng.
Điểm đầu tiên là những đứa trẻ này không cảm nhận được tình yêu thương và trái tim chúng rất lạnh lùng, vô cảm. Khi trò chuyện với chúng, tôi nhận thấy tâm hồn chúng chỉ chứa đầy sự cay đắng, chua xót. Cha mẹ chúng đã bỏ rơi chính đứa con của mình. Khi tôi nói chuyện với họ, họ hờ hững thốt ra những câu như: “Tôi không nhớ mình có đứa con này. Tôi không còn cảm thấy nó là con tôi nữa. Nó muốn làm gì thì làm”. Tôi nhận thấy trái tim họ trống rỗng,
không còn chút tình yêu thương nào; chính vì vậy mà bọn trẻ cũng không thể cảm nhận được điều đó. Bởi vì cha mẹ không yêu thương con mình nên đứa trẻ cũng không nuôi dưỡng được một trái tim biết yêu thương cha mẹ và những người xung quanh. Trong ba nguyên tắc vàng của việc nuôi dạy con thì tình yêu thương đã bị bỏ qua.
Điểm thứ hai dẫn đến con đường phạm tội của trẻ vị thành niên đó là trẻ không có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình; hay nói cách khác, trẻ trở nên ích kỷ và thiếu khả năng chịu đựng.
Trong trường hợp này, cha mẹ đã bỏ qua nguyên tắc vàng thứ hai - sự nghiêm khắc. Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, nếu cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách mù quáng và nuông chiều chúng vô lối thì kết quả là đứa trẻ sẽ mất khả năng kiểm soát nhu cầu và cảm xúc của mình.
Chiều theo mọi nhu cầu của con sẽ khiến đứa trẻ không kiểm soát được ham muốn của mình. Bởi vì khi một nhu cầu được thỏa mãn, trẻ sẽ mong chờ nhiều hơn, và những đòi hỏi sẽ ngày càng lớn dần. Đứa trẻ sẽ lớn lên mà không học được cách tự kiềm chế và không có khả năng chịu đựng. Ngược lại, những trẻ học được cách tự kiềm chế ngay từ tấm bé sẽ không dễ thất vọng bởi vì chúng có thể kiềm chế ham muốn của bản thân.
Điểm thứ ba là trẻ không được cha mẹ tin tưởng và lớn lên trong môi trường đầy sự cự tuyệt. Khi cha mẹ có khuynh hướng thỏa mãn mọi mong muốn của con một cách vô lối thì dần dần những đòi hỏi của đứa trẻ sẽ trở nên không thể nào đáp ứng được nữa, và rồi họ bắt đầu chuyển sang kiểm soát con mình bằng sự cự tuyệt, với những câu nói đại loại như: “Không!”, “Con không được làm thế!”…
Việc này đi ngược lại với phương pháp nuôi dạy con bằng sự yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận.
Khi phương pháp nuôi dạy con theo hướng tiêu cực này cứ tiếp diễn một cách thái quá, trái tim đứa trẻ sẽ trở nên méo mó. Kết cục bất hạnh là trẻ có thể trở thành tội phạm vị thành niên. Trẻ sẽ dễ sa vào con đường phạm tội hơn nếu chúng không cảm nhận được tình yêu thương, không hiểu được sự nghiêm khắc và không có được niềm tin của cha mẹ.
Chương 1
Tình yêu thương
Làm sao để thể hiện trọn vẹn tình yêu thương với con trẻ?
1. Tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi nuôi dạy con Cách tốt nhất để cha mẹ thành công trong quá trình nuôi dạy con là tận hưởng quá trình này, giữ cho cả mình và con cùng vui vẻ. Nếu tâm lý của cha mẹ không thoải mái thì việc nuôi con sẽ khó diễn ra suôn sẻ. Những bà mẹ nuôi con khéo thường giữ cho con mình không bị buồn chán và giúp con vui vẻ trong từng khoảnh khắc. Đó sẽ là những bà mẹ chu đáo và tràn đầy tình thương.
Năm 1981, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một cuộc nghiên cứu lớn trên phạm vi toàn cầu, nhằm tìm hiểu về mức độ hứng thú trong việc nuôi dạy con của các bà mẹ tại nhiều quốc gia khác nhau. Kết quả của cuộc nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ những bà mẹ yêu thích và có hứng thú với việc nuôi con tại các nước như sau:
- Anh: 70,9%
- Tây Đức (cũ): 49,9%
- Mỹ: 49,8%
- Pháp: 38,8%
- Nhật Bản: 19,8%
- Hàn Quốc: 18,9%
Số liệu này tuy đã cũ nhưng vẫn có thể cho thấy khuynh hướng của một số quốc gia. Rõ ràng là phần đông các bà mẹ Nhật không thật sự có hứng thú với việc nuôi con. Một nghiên cứu khác cho thấy khoảng 70% những lời mà các bà mẹ Nhật nói với con hằng ngày là những lời chỉ trích và mang tính tiêu cực. Sai lầm lớn nhất mà các bà mẹ thường phạm phải trong quá trình nuôi dạy con là thường xuyên la mắng và bới móc khuyết điểm của con. Điều này sẽ tạo nên bức tường “phản kháng” trong tâm trí của trẻ. Bức tường này sẽ khiến trẻ sẽ không còn ngoan ngoãn lắng nghe những gì mẹ nói. Bên cạnh đó, trẻ sẽ mất đi mong muốn được học hỏi.
Đây là điều mà tôi muốn các bậc cha mẹ hiểu rõ. Những lời la mắng sẽ dập tắt đi tình yêu thương trong trái tim con trẻ. Sau này bất kể hai mẹ con có làm gì cùng nhau đi nữa thì đứa trẻ vẫn cảm thấy không hứng thú khi ở bên cạnh mẹ.
Trái lại, khi một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận mà không bị la mắng, con sẽ biết vâng lời và không có ý muốn phản kháng. Nhờ đó, những lời dạy bảo của mẹ sẽ dễ đi vào nhận thức của con hơn. Những đứa trẻ được bao bọc trong tình yêu thương và sự dịu dàng của mẹ là những đứa trẻ có khả năng tiếp thu cao, biết vâng lời và biết đối xử tốt với mọi người xung quanh. Ngược lại, những đứa trẻ hay bị la mắng khắt khe thường có những hành vi như cắn móng tay, nói lắp bắp, cơ mặt giật giật và tè dầm. Chúng thường mất đi sự hăng hái và luôn dò xét biểu hiện của cha mẹ.
Bạn hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nói những lời này với chồng mình:
“Anh phải chăm chỉ hơn nữa. Bằng không anh sẽ chẳng bao giờ trở thành trưởng phòng nổi đâu”, hoặc “Lương của anh thấp quá.
Chồng của bà hàng xóm lương cao hơn nhiều”, hay “Không được xem tivi sau bữa ăn tối đâu nhé. Sao anh không đọc một ít tài liệu liên quan đến công việc của anh đi?”.
Liệu cách nói chuyện như thế có khiến chồng bạn vui? Hay sẽ khiến chồng bạn nổi giận và rồi cả hai vợ chồng sẽ cãi nhau ngay lập tức. Nếu việc này tiếp diễn trong khoảng hai tuần, có thể chồng bạn sẽ đòi ly dị. Để chung sống hạnh phúc, vợ chồng cần phải thông cảm và nói chuyện tử tế với nhau. Nuôi dạy con cũng giống hệt như vậy, việc đối xử với con cái của bạn như một cá nhân độc lập là điều hết sức quan trọng.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta rất ít khi khen ngợi lẫn nhau. Hãy thử quan sát cuộc sống hôn nhân của bạn mà xem. Ở nhà, vợ chồng bạn có hay khen ngợi lẫn nhau không?
Trong một buổi hội thảo dành cho các cặp vợ chồng, người ta đã tiến hành một cuộc thử nghiệm. Người chủ trì hội thảo yêu cầu những người tham gia viết ra 15 điều tốt đẹp về người bạn đời của mình. Khi người đầu tiên viết xong 15 điều thì vẫn còn rất nhiều người chưa viết được gì.
Thông thường chúng ta ít khi nhận ra và hầu như không ngợi khen ưu điểm của những người xung quanh. Tương tự, chúng ta cũng ít khi nhận ra và ngợi khen những ưu điểm của con cái. Đó chính là điểm trở ngại trong nhiều mối quan hệ. Cuộc thử nghiệm này được thực hiện nhằm giúp các cặp vợ chồng nhận ra việc khen ngợi lẫn nhau sẽ giúp làm sâu sắc thêm tình yêu giữa hai người.
Một nhà tâm lý học đã từng nói:
“Việc nuôi dạy con chẳng có gì khó cả. Bạn chỉ cần biết cách khen ngợi con mình. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào điều này. Nếu
các con của bạn giữ ý tứ khi ăn uống thì hãy khen ngợi chúng. Nếu chúng vẽ được một bức tranh thì hãy khen ngay. Nếu chúng giúp bạn dọn dẹp nhà cửa thì đừng chần chừ nói những lời khen tặng. Đây là điều duy nhất mà bạn cần làm”.
Trong suốt cuộc đời mình, con người luôn né tránh hình phạt và tìm kiếm phần thưởng. Chúng ta luôn tìm kiếm lời khen ngợi và nỗ lực làm việc để có được những lời khen ấy. Lời khen sẽ giúp cuộc sống gia đình trở nên vui vẻ hơn. Nó sẽ làm cho tình yêu thương ngập tràn trong ngôi nhà bạn.
2. Khi việc nuôi dạy con trở nên quá khó khăn, hãy xem lại bản thân mình
Bạn có cảm thấy việc nuôi dạy con càng ngày càng trở nên quá khó khăn không? Bạn có nhận thấy con mình có những hành vi kỳ lạ không? Nếu câu trả lời là có, nghĩa là bạn đã không biết cách thể hiện tình yêu dành cho con. Tôi cho rằng các bà mẹ đều từng trải qua giai đoạn thường xuyên la mắng con mình. Tùy theo mức độ la mắng, con họ bắt đầu hành xử một cách kỳ lạ. Nếu điều đó xảy ra thì bạn nên làm gì? Trong trường hợp này, người mẹ nên tự tìm cách thay đổi bản thân, chứ không nên cố gắng để thay đổi con mình. Khi người mẹ thay đổi thì con sẽ hoàn toàn thay đổi theo.
Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Tình trạng hiện tại của con là kết quả quá trình nuôi dạy của cha mẹ. Tất cả mọi ưu và khuyết điểm của con đều là kết quả của quá trình này. Nếu cha mẹ cố gắng thay đổi con mình bằng cách chăm chăm bới móc lỗi lầm của con, thường xuyên la mắng hoặc đánh đòn con thì cha mẹ chắc chắn không thể thành công. Vì vậy, hãy quyết định và thay đổi
phương pháp một cách triệt để. Ngưng la mắng trong vòng một tuần lễ. Thay vào đó, cha mẹ hãy thử dạy con bằng cách khen ngợi. Cha mẹ nên giữ cho mình luôn vui vẻ, dịu dàng, trở thành ánh nắng sưởi ấm cho ngôi nhà. Bạn sẽ là người mẹ thành công nếu con cái bạn có thể xem mẹ như một người hỗ trợ tinh thần đáng tin cậy. Tiếc thay, điều ngược lại thường hay xảy ra. Bọn trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng, chỉ trích và phê bình.
Điều này xảy ra là vì cha mẹ đã quên mất rằng nuôi dạy con là khoảng thời gian thú vị, khiến cho việc học hỏi của con trở nên khó khăn hơn.
Thay vì chăm chăm vào khuyết điểm của con cái và không khen ngợi chúng, cha mẹ hãy nhìn nhận những gì con đang có và cố gắng ngợi khen. Trẻ con, nếu có khuyết điểm thì cũng là chuyện bình thường. Nếu bạn thay đổi quan điểm, thì tất cả mọi điều con bạn làm đều trở nên đáng khích lệ.
Để bắt đầu, bạn hãy thử khen ngợi con khi chúng hăm hở thức dậy vào buổi sáng. Cười thật tươi với con và nói: “Chào, Yuki. Sáng nay trông con thật vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Mẹ rất hạnh phúc khi thấy con như vậy”. Khi bạn làm thế, con sẽ thấy nụ cười của bạn và sẽ cười đáp lại. Bạn có thể khen con thêm một lần nữa: “Con có nụ cười xinh ơi là xinh”. Khi con bạn tự mặc quần áo, bạn có thể khen con thay quần áo thật giỏi. Nếu con bạn chủ động chào người lớn thì bạn có thể khen con lễ phép. Cứ như thế, hãy dùng khoảng 50 từ để khen con mỗi ngày. Nếu thái độ của người mẹ thay đổi, phản ứng của người con cũng thay đổi theo.
Bí quyết để thay đổi thái độ của bản thân là hãy nhìn nhận con bạn với đúng những gì con đang có. Hãy chấp nhận những khuyết
điểm của con và đừng chê bai dù chỉ một lần. Bạn chỉ cần khen ngợi những ưu điểm của con thôi.
Nếu bạn không chú ý đến những khuyết điểm mà chỉ tập trung vào ưu điểm và khen ngợi con thì những ưu điểm sẽ ngày càng lớn mạnh, còn khuyết điểm sẽ từ từ biến mất.
Thư của mẹ
Con tôi xứng đáng được khen ngợi!
Mỗi khi đọc lại các bài viết của ông, tôi càng nhận rõ tầm quan trọng của việc khen ngợi con lớn lao đến mức nào.
Đáng ra hai mẹ con tôi đã có những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau, nhưng… Tôi thường hồi tưởng lại những lúc tôi vô ý và lạnh lùng lớn tiếng khi nói chuyện với con. Tất cả những gì tôi kiên trì gây dựng với con trai sụp đổ nhanh chóng sau mỗi lần như vậy. Tôi biết mình cần phải điều chỉnh, nuôi giữ tình yêu thương và lòng tôn trọng. Tôi biết tất cả là lỗi của tôi, nhưng tôi lại xem đó là lỗi của con mình. Lối nghĩ này thật sự là một vòng lẩn quẩn.
Từ khi con trai tôi còn rất nhỏ, tôi đã dẫn con đến hồ bơi. Trước kia, đứa con trai ba tuổi chín tháng của tôi thường đùa nghịch dưới nước rất vui vẻ. Nhưng cách đây ít lâu con tôi đột nhiên không thích nước nữa và bắt đầu có tật mút ngón tay trước khi ngủ. Gần đây, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên rất căng thẳng. Một ngày nọ, trong lúc đang học bài, con thở dài và nói: “Mẹ ơi, con thấy mẹ dễ nổi giận quá. Con không thích thế đâu”. Câu nói của con làm tôi bàng hoàng thức tỉnh, cứ như bị tạt một gáo nước lạnh vậy.
Tôi cảm thấy con thật tội nghiệp. Những gì con có thể làm đều là những điều hiếm thấy ở trẻ cùng tuổi. Tôi nhận ra rằng tôi chưa khen ngợi con một cách xứng đáng.
- T.C. Thành phố Yokohama
3. Tình yêu thương của cha mẹ giúp phát triển tâm hồn ở con Mục đích của việc nuôi dạy con là gì? Đó là nuôi dưỡng trái tim con trẻ.
Hãy nhớ rằng nền tảng của việc nuôi dạy trẻ là “yêu thương, khen ngợi, nhìn nhận”. Nếu mục đích của cha mẹ chỉ gói gọn trong việc làm sao nhồi nhét thật nhiều kiến thức và kỹ năng cho con thì con bạn sẽ thiếu thốn tình cảm, sẽ cư xử kỳ lạ, và bạn sẽ không còn cảm thấy hứng thú với việc nuôi dạy con nữa.
Việc nuôi dạy con thực chất là một điều rất thú vị. Hãy cho phép bản thân cảm nhận niềm vui khi được làm cha mẹ. Nếu bạn cố gắng hết sức để nuôi dạy con, nhưng con bạn lại không hợp tác, và bạn tin rằng đó là lỗi của con chứ không phải lỗi của bạn, thì đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải điều chỉnh cách nuôi dạy con của mình. Trong trường hợp bạn mới làm cha mẹ lần đầu, thiếu kinh nghiệm nuôi dạy con cũng là lẽ thường. Tất cả mọi người đều khởi
đầu như thế. Bạn chỉ cần học hỏi để trở nên chín chắn và thuần thục hơn, để có thể nuôi dạy con tốt hơn. Khi đó, bạn sẽ tự mình đánh giá được những phản ứng tiêu cực của con và nhận ra điều đó xuất phát từ cách hành xử chưa phù hợp của chính mình. Khi mọi thứ không diễn ra suôn sẻ, bạn cần nhận ra rằng mình cũng có trách nhiệm trong việc đó và bởi sự thiếu thốn tình yêu, lời khen ngợi và lời nói dịu dàng nên bạn đã không thể lay động được trái tim của con.
Nếu cha mẹ vô tình gieo vào lòng con sự buồn bã hoặc lo lắng thì con cái họ sẽ bắt đầu cư xử lạ lùng. Điều quan trọng là bạn phải nhanh chóng cảm nhận được nỗi đau mà bạn đã để lại trong trái tim non nớt của con và nhận ra nỗi đau ấy dẫn đến cách hành xử lạ lùng của con như thế nào. Trẻ con thường hay ngại ngùng và kín đáo. Chúng có khuynh hướng hướng nội nhiều hơn hướng ngoại. Chúng luôn đổ lỗi cho người khác về những hành vi của mình. Chúng cảm thấy mình luôn đúng và cho rằng người khác sai. Khi bị la mắng, chúng hờn dỗi. Cha mẹ liệu có bỏ cuộc vì cảm thấy rằng đây là tính cách bẩm sinh của con mình? Thật lòng mà nói, tất cả điều này là do cha mẹ tạo ra. Những hành vi này xuất hiện bởi vì các ông bố bà mẹ đã không thể hiện tình thương dành cho con một cách đúng đắn. Nếu các bậc cha mẹ nhận thấy kịp thời và điều chỉnh hành vi của mình một cách thích hợp thì con cái của họ sẽ thay đổi.
Nếu các đức tính tốt và tài năng của con trẻ là do cha mẹ truyền dạy thì tính nhỏ mọn, ích kỷ, do dự và hung hăng cũng là những đặc tính mà con cái bị ảnh hưởng từ cha mẹ. Đây không phải những đặc tính không thể sửa đổi. Chúng có thể được thay đổi bất cứ lúc nào nhờ vào tình yêu thương sâu sắc.
Trong các độc giả của tôi, có một người mẹ lúc nào cũng lo lắng về cậu con trai đang học lớp Năm của mình. Cậu bé không có tính quyết đoán và điểm số ở trường của cậu chỉ ở mức trung bình. Người mẹ thường hay so sánh cậu với cậu em trai học lớp Ba lúc nào cũng đạt được điểm số cao. Cô không biết phải làm gì với đứa con lớn. Cô đã đọc sách của tôi và sau đó nhận thấy rằng mình nên nhìn nhận lại và bắt đầu áp dụng các phương pháp thể hiện tình yêu thương mà tôi đã nói đến trong sách. Và rồi cậu con trai cô thay đổi hoàn toàn. Cậu bé trở nên vui vẻ hơn, trở thành đứa trẻ có trí nhớ xuất sắc và điểm số ở trường được cải thiện đáng kể. Nếu bạn thể hiện tình yêu thương với con, bạn có thể sửa chữa bất cứ điều gì, cô ấy đã thử áp dụng phương pháp này. Phương pháp mà cô đã dùng chính là: Chấp nhận con với tất cả những gì con có.
Hãy ôm lấy con. Ngẫm lại xem bạn có gây ra nỗi buồn, sự lo lắng hay cảm giác bực bội nào cho con không. Nếu bạn nhớ ra điều gì thì hãy xin lỗi con một cách thật chân thành, thể hiện cho con thấy là bạn yêu quý mọi thứ thuộc về con.
Cậu bé tôi vừa kể trên đã bị sinh non và tháng đầu tiên cậu phải ở trong lồng ấp. Mẹ cậu đã nói với cậu:
“Lúc mới sinh ra, con bị non tháng và cha mẹ không thể đưa con về nhà được. Cha mẹ phải nuôi con trong lồng ấp, vì vậy mà cha mẹ không thể ôm con thật nhiều. Mẹ thực sự rất tiếc về khoảng thời gian đó, hẳn con đã thấy rất cô đơn và lo lắng. Nhưng mẹ thực sự rất muốn được ôm con vào lòng. Hồi đó mẹ không thể ôm con, nhưng giờ mẹ có thể. Mẹ đã bắt con phải học hành suốt, nhưng thực sự mẹ không quan tâm đến điểm số của con ở trường đâu bởi con vốn là tài sản quý giá nhất của mẹ. Mẹ yêu con nhiều lắm!”.
Khi mẹ cậu bé nói những lời này và ôm cậu thật chặt, cậu bé có vẻ ngượng ngùng nhưng rất hạnh phúc. Kể từ ngày đó, cậu bé đã hoàn toàn thay đổi. Cậu đã từng có trí nhớ rất tệ. Nhưng giờ, trí nhớ của cậu đã được cải thiện. Có những môn học cậu thậm chí còn đạt được điểm số cao hơn cả em trai mình.
Ví dụ này cũng có liên quan đến chức năng của nội tiết tố. Vậy, nội tiết tố đóng vai trò ra sao trong sự phát triển của con bạn? 4. Chức năng của nội tiết tố
Bộ não thường được cho là bao gồm các bó dây thần kinh nhưng trên thực tế, nó còn bao gồm và bị ảnh hưởng bởi nhiều tuyến nội tiết. Không có nội tiết tố, các tế bào thần kinh trong não sẽ không thể hoạt động tốt. Sự phát triển não bộ của thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào nội tiết tố. Khi người mẹ thể hiện tình thương đối với con một cách mãnh liệt, não bộ của thai nhi sẽ tạo ra đủ nội tiết tố tăng trưởng hỗ trợ cho quá trình phát triển.
Khi người mẹ ôm ấp và âu yếm con ngay từ lúc vừa mới sinh, não bộ của đứa trẻ nhận đủ tình yêu thương, nội tiết tố tăng trưởng được tiết ra và trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh. Nội tiết tố có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực lên bộ não người. Khi con người cảm thấy thoải mái và vui vẻ, cơ thể sẽ sản sinh ra beta-endorphin, một loại morphine nội sinh có tác dụng giảm đau và tạo cảm giác hưng phấn. Khi con người lo lắng, cơ thể sẽ sản sinh ra các loại nội tiết tố có chứa độc tố.
Năm 1983, lần đầu tiên tạp chí Nature đăng tải bài viết về loại morphine nội sinh có lợi này. Trước đây, người ta cho rằng nội tiết tố chỉ có tác dụng giảm đau. Nhưng các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng nội tiết tố còn có tác dụng chữa trị tuyệt vời mà không một
loại thuốc nào sánh kịp. Khi con người rơi vào trạng thái thư giãn sâu, beta-endorphin được sinh ra, nội tiết tố này thay đổi hoạt động của não bộ ngay lập tức, khơi gợi những khả năng tiềm tàng của con người. Khi con người rơi vào trạng thái căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ sản sinh ra catecholamine, một loại nội tiết tố làm ức chế khả năng của con người.
Bên cạnh đó, não bộ còn tiết ra TRH, một loại nội tiết tố gây hưng phấn. TRH là chữ viết tắt của “thyrotropin-releasing hormone”. Nội tiết tố này được sản sinh ra từ vùng dưới đồi. Nó kích thích tuyến yên tiết ra thyrotropin; đồng thời kích thích tuyến giáp sản sinh ra thyroxin. Đó là lý do vì sao nội tiết tố này được gọi là “thyrotropin releasing hormone”. Ngoài ra, nó còn có khả năng khiến cho cơ thể trở nên năng động hơn, vì vậy nó được xem là nội tiết tố có khả năng gây hưng phấn.
Sở dĩ tôi trình bày chi tiết về nội tiết tố ở đây bởi vì nó có liên quan mật thiết đến việc giáo dục con cái. Mỗi lời mà người mẹ nói với con không đơn thuần là sự bộc lộ tình cảm. Tôi muốn bạn hiểu rằng mỗi lời bạn nói với con đều ảnh hưởng đến chức năng não bộ, đến năng lực và tính cách của con trẻ.
Dây thần kinh A10 trong não là dây thần kinh cảm nhận sự vui vẻ. Giáo sư James Olds của Viện Công nghệ California đã khám phá ra dây thần kinh này vào năm 1954 (theo cuốn “How to make a clever brain”, Makoto Shichida, NXB Kodansha). Dây thần kinh này được đặt tên là A10 dựa trên quy tắc phân loại. Đây là neuron thứ 10 trên cột A của hệ thần kinh. Các sợi thần kinh của dây thần kinh A10 đi ra từ thân não và hình thành nên cầu nối quan trọng nhất từ tim đến vỏ não (“ngôi nhà” của trí năng). Nó cũng đi qua hệ viền, hạch nền (nơi
thực hiện chức năng cảm xúc) và vùng dưới đồi (nơi phát xuất của chức năng tư duy). Trong số hơn 100 triệu tế bào thần kinh trong não người, dây thần kinh A10 là dây thần kinh duy nhất nối liền với tim và đi qua những vị trí trên.
Dây thần kinh A10 là dây thần kinh quan trọng nhất, tạo ra cảm giác dễ chịu và cảm xúc tích cực, đồng thời giúp duy trì chức năng tim. Dây thần kinh A10 xuất phát từ hệ thần kinh trung ương (đây là trung tâm điều khiển sự thèm ăn, nhu cầu tình dục và cảm giác dễ chịu) và giữ vai trò truyền phát tín hiệu đến nhân accumben - nhân cảm xúc, vùng hải mã (hippocampus) - điều khiển trí nhớ và phần vỏ não mới (cerebral neocortex) - điều khiển óc sáng tạo.
Khi não bộ của trẻ cảm nhận một hành động thú vị, một chất dẫn truyền thần kinh, hay còn gọi là nội tiết tố dopamine, được tiết ra. Khi dopamine được tiết ra, vùng nhân accumben, vùng hải mã điều khiển trí nhớ và phần vỏ não mới điều khiển óc sáng tạo sẽ gia tăng hoạt động. Ngược lại, khi một người không sẵn lòng làm điều gì đó, ý nghĩ phản đối của họ sẽ tạo ra noradrenalin, một nội tiết tố độc hại, khiến cho não hoạt động khó khăn hơn.
Việc nuôi dạy con bằng phương pháp la mắng sẽ khiến con mất đi động lực. Chức năng của bộ não được vận hành thông qua việc điều tiết hormone. Khi đứa trẻ nổi giận, bực bội, lo lắng hoặc bứt rứt thì tim sẽ không phát triển bình thường; đồng thời, sự phát triển trí tuệ cũng bị đình trệ. Trái lại, khi cha mẹ và con cái cảm thấy vui vẻ khi ở bên nhau, nội tiết tố TRH được giải phóng và đứa trẻ sẽ tràn đầy năng lượng.
Hiểu được cách vận hành của não bộ, chúng ta sẽ thấy việc la mắng con thực sự để lại những tác động tiêu cực và có thể tự mình trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để tạo động lực cho con?”.
5. Tình yêu thương giúp tạo nguồn động lực cho con Nguồn động lực ở con trẻ trỗi dậy nhờ vào cảm giác an toàn mà con cảm nhận được từ tình thương của mẹ. Khi tương tác với con, nếu người mẹ nói giọng rõ ràng, ấm áp và dịu dàng thì đứa con sẽ thấy vui vẻ. Con cảm thấy mình được mẹ quan tâm nên không sợ hãi và có khả năng thích ứng với thế giới bên ngoài.
Trái lại, nếu giọng nói của mẹ chất chứa nỗi phiền muộn, lạnh lùng, cục cằn, gắt gỏng, thậm chí không thèm nói chuyện với con thì đứa con sẽ cảm thấy lo lắng. Khi điều này xảy ra, nguồn động lực ở con biến mất. Nếu trong lòng con chất chứa cảm giác lo lắng, sợ hãi,
giận dữ cực độ... thì tâm lý của con sẽ không thể phát triển bình thường. Qua đó, sự phát triển trí tuệ bị đình trệ; đồng thời, sự phát triển cảm xúc ở con cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Với tư cách là cha mẹ, hẳn bạn không hề cố ý trong việc làm cho con mình lo lắng, bực bội, sợ hãi hay nổi giận. Nhưng nếu bạn không dành đủ thời gian để trò chuyện với con thì con bạn sẽ dần cảm thấy bất an. Dù bạn có liên tục hỏi han đứa con đang khóc của mình: “Có chuyện gì vậy?”, nhưng nếu bạn không thể hiện được sự quan tâm chân thành thì con bạn sẽ cảm thấy mẹ không hiểu mình, và trẻ sẽ cảm thấy không thỏa mãn.
Nếu người mẹ chân thành thể hiện cảm xúc qua những lời mình nói như: “Mẹ biết là không đúng nhưng… Mẹ có việc cần phải làm nên mẹ mới để con chờ lâu. Mẹ xin lỗi nhé!”, hoặc “Chắc là con đói bụng lắm rồi phải không?”, thì con bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì mẹ quan tâm đến nhu cầu của mình.
Trong lòng con trẻ lúc nào cũng mong đợi mẹ thể hiện tình yêu sâu sắc với mình. Khi người mẹ biết động viên con bằng những lời lẽ đầy yêu thương, đứa con sẽ cảm thấy an toàn. Nhờ đó, nguồn động lực ở con sẽ phát triển mạnh mẽ. Trái tim con sẽ rộng mở và những tổn thương sẽ được chữa lành.
Trẻ nhỏ vốn sở hữu khả năng phát triển vô hạn. Nếu ánh sáng tình yêu của cha mẹ có thể nuôi dưỡng khả năng này thì dù một đứa trẻ có tâm hồn bị tổn thương nghiêm trọng cũng sẽ cởi mở hơn và dần vui vẻ trở lại. Ngược lại, khi cha mẹ tin rằng con họ chẳng biết gì, không thể làm được bất cứ việc gì, hoặc đối xử với con như đứa trẻ kém cỏi thì những lời lẽ mang tính ra lệnh, tiêu cực và cấm đoán sẽ khiến tâm hồn con bị tổn thương.
Khi bị bắt phải hành động theo mệnh lệnh, con sẽ thực hiện một cách miễn cưỡng uể oải. Thậm chí khi con cố gắng làm, con cũng không thể làm tốt được. Từ đó, con trở nên chạm chạp, không tiến bộ. Và rồi cha mẹ lại nổi giận. Khi điều này xảy ra, con sẽ cảm thấy: “Mẹ chỉ toàn nói những điều gây khó chịu cho mình” và trái tim bất an của con sẽ cảm thấy thất vọng vô cùng.
Bạn biết đấy, trẻ con vốn tò mò và có nhu cầu học hỏi cao. Tuy nhiên, nếu con trở nên lãnh đạm, điều gì sẽ xảy ra khi cha mẹ cố gắng dạy dỗ con? Mọi thứ sẽ tốt đẹp khi hành động của cha mẹ tương ứng với sở thích và những gì con quan tâm, nhưng khi không được như thế thì con sẽ không hợp tác nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã không còn thấy hứng thú với việc chúng đang làm. Nếu cha mẹ không nhận ra điều này, không thay đổi hướng nuôi dạy con, thì họ đang ép buộc con mình, và trẻ sẽ hoàn toàn mất hết động lực. Trái lại, nếu cha mẹ cởi mở tiếp nhận những mong muốn của con, trẻ sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực.
Thư của mẹ
Việc tương tác với con trở nên thú vị
Xin cảm ơn sự hướng dẫn của ông. Gần đây tôi đã bắt đầu cảm thấy thích tương tác với con, đồng thời học được cách nghĩ đến cảm nhận của con mình.
Thật kỳ lạ, khi tôi làm vậy, con tôi bắt đầu chú tâm lắng nghe những gì tôi nói. Mới gần đây thôi, bất luận con tôi làm gì tôi cũng thấy bực bội. Tôi luôn lo lắng và luôn thúc giục con: “Nhanh lên, nhanh nữa lên con”. Nhưng giờ tôi đã học được cách nhìn nhận con mình đúng với bản chất của cháu. Tôi không còn nóng vội, thiếu kiên
nhẫn nữa. Khi tôi có thể bình tĩnh quan sát hoạt động của con, bé cũng bắt đầu trở nên nhanh nhẹn hơn.
Thưa Giáo sư Shichida, mọi việc đúng như ông nói: “Khi cha mẹ thay đổi, con cái sẽ thay đổi theo”. Tôi đã từng nghĩ rằng mình phải dạy dỗ con, cho nên thái độ của tôi dường như lúc nào cũng gay gắt.
Giờ tôi đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ. Tôi tự nhủ: “Con gái tôi không làm được một việc nào đó? Đây là chuyện hết sức bình thường”. Tôi thong thả, không la mắng con và khen ngợi con nhiều hơn. Câu “Nhanh lên con!” đã biến mất khỏi vốn từ vựng của tôi.
Vài tuần sau khi tôi thay đổi cách suy nghĩ của mình, con gái tôi bảo rằng bé muốn tập đàn vĩ cầm, điều mà bé chưa từng làm trước đây. Đồng thời bé cũng tự giác hơn trong việc học. Bé đã thay đổi theo cách mà tôi không thể ngờ.
T.Y., Thành phố Yachiyo.
6. Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương
Để yêu thương con đúng cách, chúng ta cần phải hiểu được tâm hồn của con. Việc này không dễ chút nào. Trở ngại lớn nhất chính là cha mẹ luôn cảm thấy mình có trách nhiệm phải dạy dỗ con. Từ lúc con được sinh ra, cha mẹ lúc nào cũng nghĩ con mình chẳng biết gì và cần phải được chỉ bảo mọi thứ. Đây là gốc rễ của mọi sai lầm. Khi xem việc dạy dỗ con là điều cốt lõi trong quá trình nuôi dạy con thì nhiều khả năng bạn sẽ thất bại. Việc nuôi dạy con phải dựa trên tình yêu thương con. Bạn cần phải hiểu rằng tình yêu thương sẽ chạm tới tâm hồn và nuôi dưỡng trái tim con.
Nếu bạn lấy việc dạy dỗ con làm trọng tâm thì việc nuôi dạy con sẽ trở nên hết sức khó khăn. Khi tâm hồn con không được bao bọc bằng tình yêu, con sẽ trở nên nổi loạn và hay khóc lóc. Bé sẽ mất hết
động lực và rồi sẽ không vâng lời. Nền tảng của việc nuôi dạy con là giúp con phát triển tâm hồn. Vậy chúng ta nên vun đắp tâm hồn con như thế nào? Để làm được việc này, chúng ta cần phải hiểu tâm hồn con phát triển ra sao. Nhìn vào hình ảnh minh họa bộ não người, chúng ta thấy nó được chia thành ba phần như sau:
Trên hình minh họa, phần thấp nhất của bộ não là thân não – phần não tâm hồn. Cần phải hiểu rằng: Đây mới là trung tâm của não, chứ không phải lớp vỏ não mới – phần não trí tuệ.
Những hoạt động cơ bản nhất của con người diễn ra ở thân não. Vì thế, để nuôi dạy con khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần và nuôi dưỡng động lực cho con, chúng ta cần chú trọng phát triển phần
não này. Để làm được điều này, chúng ta cần hiểu được chức năng của thân não.
Chức năng của thân não là cho ta cảm giác thân thuộc. Cảm giác thân thuộc chiếm vị trí ưu tiên, là nhu cầu bản năng của con người. Nếu nhu cầu này được đáp ứng hợp lý thì con sẽ trở thành một người đầy nhiệt huyết.
Vậy làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đó? Cảm giác thân thuộc bao gồm nhu cầu được cha mẹ yêu thương. Tuy nhiên, bởi vì cha mẹ không biết cách thể hiện tình thương con sao cho hiệu quả nên nhiều trẻ không có cảm giác thân thuộc này.
Chính cảm giác thân thuộc sẽ giúp thắt chặt mối liên hệ tình cảm giữa con và cha mẹ. Đây chính là nền tảng tạo ra động lực cho con. Khi con cảm nhận được điều này từ cha mẹ, con sẽ cảm thấy bình yên và tăng cường khả năng tương giao, tiếp xúc với mọi người. Con sẽ cảm thấy an toàn và có nhu cầu chơi đùa cùng các bạn khác nhiều hơn.
Về bản chất, thân não và da có cùng nguồn gốc tế bào. Trong lúc các tế bào của thai nhi phân chia để tạo thành bộ não thì một phần ngoại bì tạo thành thân não, một phần khác hình thành nên lớp da bao bọc bên ngoài cơ thể. Do đó, việc tiếp xúc qua da rất quan trọng để thỏa mãn cảm giác thân thuộc và tăng cường hoạt động cho vùng thân não. Nói cách khác, việc thường xuyên tiếp xúc vật lý giữa con cái và cha mẹ là điều cần thiết.
Đa số các bậc phụ huynh đều cảm thấy họ đã thương con đủ rồi. Tuy nhiên, hầu hết trẻ không cảm nhận được đầy đủ tình cảm đó. Chính “hố ngăn cách” này đã khiến cho việc nuôi dạy con trở nên khó khăn.
Vì vậy hãy nhớ lấy hai phương pháp sau để truyền tải trọn vẹn tình yêu thương của bạn đến với con:
a. Ôm ấp, hoặc vuốt ve con
b. Chú tâm lắng nghe những gì con nói
7. Ôm ấp và vuốt ve con sẽ giúp đánh thức vùng thân não Thân não là trung tâm của bộ não người. Thân não bao gồm cả vùng dưới đồi (điều khiển hệ thần kinh thực vật) và tuyến yên (điều khiển việc tiết nội tiết tố). Khi hai cơ quan này hoạt động bình thường, hầu hết các loại bệnh tật sẽ được chữa trị bằng khả năng tự chữa lành tuyệt vời của thân não. Tất cả các dây thần kinh của não đều tập hợp ở thân não. Đây cũng là ngọn nguồn điều khiển hoạt động của tim, cũng như “chỉ huy” tất cả các hoạt động của cơ thể. Nếu thông tin được truyền dẫn đến đây chính xác thì tất cả các chức năng của cơ thể sẽ được cải thiện. Một trong những phương pháp có thể được sử dụng để truyền thông tin đến thân não là vuốt ve cơ thể khi nói những lời yêu thương chân thành. Cách làm này có thể thay đổi bất cứ đứa trẻ nào, ngay cả những trẻ bị liệt não cũng sẽ bắt đầu thay đổi.
Sau đây là báo cáo về một trường hợp như thế.
Sau một thời gian liên tục trò chuyện, chúng tôi đã có thể cảm nhận được về nhau.
Mẹ của bé E đưa cháu đến tham dự một buổi học của tôi. E bị liệt não. Bé E sắp tròn bốn tuổi, nhưng cơ thể cháu hoàn toàn mềm oặt, đôi mắt cháu đờ đẫn và cháu không hề có phản ứng gì đáp trả lại mẹ. Ngay lập tức, tôi bế cháu trên tay và trong vòng hơn một giờ đồng hồ, tôi không ngừng mỉm cười và nói chuyện với cháu, đồng thời nhẹ nhàng vuốt ve cháu. Tôi tin rằng tôi hoàn toàn có thể giao
tiếp với E. Tôi nói chuyện với cháu bằng sự tận tâm. Tôi nói rằng cháu được yêu thương nhiều thế nào. Mọi thứ đều được quy về một mối là tình yêu. Tôi đã dành thời gian để thực hành tất cả những gì mình biết. Trong khoảnh khắc, tôi cảm nhận rất rõ một nguồn sáng vô tận đang vây quanh tôi, tràn ngập trên người tôi, xuyên qua lòng bàn tay tôi và truyền vào người E. “Bác rất yêu cháu, E ạ. Bác rất hạnh phúc khi được gặp cháu. Cảm ơn vì cháu đã có mặt trên đời. Cha mẹ cháu rất hạnh phúc khi có cháu.”
Tôi nắm lấy bàn tay lạnh của E và nói với mẹ cháu:
“E hiểu mọi thứ mà người lớn suy nghĩ và nói ra. Cháu biết tất cả mọi việc đang xảy ra trên trái đất này, những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì sẽ đến trong tương lai. Nhưng bởi vì không ai nhận ra, nên cô bé không thể sử dụng khả năng này. Hãy tin rằng E có thể cảm nhận được mọi thứ xung quanh cô bé. E có những khả năng tuyệt vời, chỉ là cô bé chưa sử dụng chúng ngay bây giờ đấy thôi. Tất cả những gì bạn cần làm là mỉm cười và nói chuyện với bé. Hãy luôn mỉm cười với con mình. Nụ cười có khả năng kỳ diệu giúp kích thích não phải. Tất cả những gì bạn cần làm là mỉm cười. Bất luận xảy ra việc gì, hãy cứ mỉm cười. Khi bạn mỉm cười, nguồn năng lượng tích cực sẽ tiêu trừ những điều tiêu cực”.
Trong suốt thời gian đó, bàn tay E đã ấm lên. Thi thoảng, tôi thậm chí còn có thể giao tiếp bằng ánh mắt với cháu. Sau khi chúng tôi đã trò chuyện với nhau khá lâu, tôi bắt tay cháu và nói lời tạm biệt. E cố gắng nở nụ cười. Trước giờ, phản ứng của E hoàn toàn vô cảm. Đây là lần đầu tiên cô bé mỉm cười trong vòng một năm rưỡi qua.
Tôi thật sự tin rằng trái tim chúng tôi có thể giao tiếp được với nhau.
- Cô Sekiguchi Michiko, trường Odawara
Khi tình yêu được truyền đến thân não theo cách này, nó có thể đánh thức một trái tim đã ngủ quên. Nền tảng để vun đắp tình cảm ở trẻ là cách truyền tải tình yêu của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thiết lập nền tảng quan trọng này. Nhiều người gặp rắc rối trong việc nuôi dạy con nhưng không hề biết đây chính là nguồn gốc của mọi vấn đề.
Hãy thể hiện tình yêu thương đối với con bằng cách ôm con thật chặt, vuốt ve con và nói với con những lời yêu thương! Phương pháp ôm giúp trái tim con rộng mở, giúp cha mẹ và con cái xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Tôi khuyên những bậc phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái hãy áp dụng phương pháp này, kể cả những phụ huynh đang nuôi dạy con tốt cũng không nên bỏ qua.
8. Chú tâm lắng nghe những điều con nói
Một phương pháp khác giúp bạn thể hiện tình yêu với con đó là chú tâm lắng nghe con. Khi các bậc phụ huynh nói chuyện với con,
nhiều người không chú ý lắng nghe những gì con nói. Trong trường hợp cha mẹ liên tục giành quyền nói, không tạo điều kiện cho con nói, con sẽ cảm thấy mình không được yêu thương đầy đủ. Ngược lại, khi bạn quan tâm lắng nghe những gì con nói, bạn có thể hiểu được cảm xúc của con và con sẽ cảm thấy mình được quan tâm, được nhìn nhận và được yêu thương.
Một số thống kê cho thấy 70% những gì các bà mẹ nói với con mỗi ngày là những lời la mắng, 30% còn lại là những lời giao tiếp thông thường và những lời khen ngợi.
Trong số này cũng có những bà mẹ chẳng hề khen con lấy một lời.
Nếu một đứa trẻ được nuôi dạy bằng cách la mắng, thì cha mẹ sẽ không có cơ hội để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của con mình. Khi bị la mắng, trái tim con sẽ đóng chặt lại. Ngược lại, khi người mẹ thôi la mắng, và bắt đầu nhìn nhận con, khen ngợi con, trái tim đứa trẻ sẽ trở nên rộng mở và chịu trò chuyện với mẹ. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải hết sức quan tâm lắng nghe cảm xúc của con mình.
Cha mẹ có thể vận dụng Phương pháp tiếng vọng để nắm bắt suy nghĩ của con. Thông thường, các bà mẹ hay nói những câu như: “Hãy làm việc này đi”, thế là cuộc trò chuyện mang đầy tính mệnh lệnh. Vậy thì hãy ngưng dùng những lời lẽ ra lệnh và thử dùng Phương pháp tiếng vọng xem sao! Phương pháp tiếng vọng được mô tảnhư sau:
Khi con nói điều gì đó với bạn, bạn hãy kiềm chế bản thân, hãy đặt mình vào vị trí của con và cố gắng hiểu cảm xúc của con. Sau đây là một ví dụ về cách mà bạn có thể trò chuyện với con: - Mẹ ơi, anh hai xấu tính lắm.
- Thật sao? Anh xấu tính với con à? Anh đã làm gì vậy? - Anh ấy đánh con.
- Ồ không, anh đánh con à? Tại sao anh đánh con?
…
Bằng cách này, bạn sẽ trả lời con bằng cách lặp lại những điều con nói và đặt thêm những câu hỏi gợi mở. Đây là phương pháp đặc biệt hiệu quả giúp bố mẹ có thể giao tiếp và hiểu được con mình.
Khi đáp lại lời con theo cách này, bạn có thể trò chuyện thân mật với con. Khi bạn nhìn nhận cảm xúc của con, trái tim con sẽ rộng mở và con sẽ giãi bày với bạn thêm nhiều điều khác nữa. Cách trò chuyện này còn giúp con hình thành thói quen sắp xếp suy nghĩ và diễn đạt một cách rõ ràng.
Thư của mẹ
“Phương pháp tiếng vọng” giúp thắt chặt mối quan hệ giữa hai mẹ con tôi
Tôi hết sức ấn tượng khi nghe ông đề cập đến tầm quan trọng của việc áp dụng “Phương pháp tiếng vọng” để lắng nghe những gì con trẻ muốn thổ lộ trong bài phát biểu của mình. Gần đây tôi rất lo lắng, không biết phải làm thế nào với đứa con gái lầm lì, chậm chạp và ít nói của tôi. Tôi muốn biết ở trường con học hành ra sao, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu nói rõ ràng. Mỗi khi tôi la mắng nó, dù chỉ một chút thôi, là con bé chẳng thèm nói năng gì nữa. Tôi cảm thấy lo, không biết phải làm gì với bé nữa. Ngay khi về nhà, tôi đã thử áp dụng “Phương pháp tiếng vọng”.
Ông biết điều gì xảy ra không? Trái tim tôi rộng mở và tôi đã có thể tiếp nhận tất cả mọi điều mà con gái tôi chia sẻ. Tôi đã hết sức kinh ngạc. Tôi đã nghĩ con bé chẳng muốn nói gì với tôi, nhưng thực
tế không phải vậy. Tôi nhận ra tôi cần kiên nhẫn lắng nghe những lời con nói. Tôi hiểu ra rằng trước đây tôi đã không đủ kiên nhẫn để đón nhận những lời mà con cố gắng nói. Trong thời gian tôi lặp lại những gì con nói, con sẽ có thời gian để nói câu tiếp theo. Nhờ vậy, tôi có thể lắng nghe con mà không cảm thấy bực mình. “Phương pháp tiếng vọng” là phương pháp giúp cha mẹ và con cái hòa hợp với nhau. Nó đã giúp tôi thắt chặt thêm mối quan hệ giữa tôi và con gái.
Xin cảm ơn ông rất nhiều.
K. K., Thành phố Obama
Khi các bậc cha mẹ thay đổi cách nhìn về con và học cách lắng nghe tâm tư tình cảm của con (thay vì chỉ đơn thuần nhìn vào những gì con có thể hoặc không thể làm) thì gánh nặng trên vai họ sẽ được cởi bỏ và họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Từ đó, nụ cười sẽ lại nở trên môi. Họ có thể nhận thấy con họ không hề thua kém bạn bè và tình yêu dành cho con sẽ càng được bồi đắp.
Bên cạnh đó, nếu cha mẹ thường xuyên vuốt ve con mình để thể hiện tình cảm thì con họ sẽ có thể trở thành những đứa trẻ phi thường. Những gì mà họ tin rằng con họ không thể làm được bỗng trở nên khả thi. Họ sẽ nhận ra rằng chính họ đã khiến con mình khép chặt trái tim như thế nào.
Nếu bạn cũng nhận thấy việc nuôi dạy con thật khó khăn, hoặc bạn đang thất bại trong nỗ lực nuôi dạy con thì hãy thay đổi quan điểm của mình.
Khi chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về con, ôm con và nói với con: “Cha/mẹ thật hạnh phúc khi có con bên cạnh. Bất kể con làm việc gì, thậm chí dù con có phạm lỗi lầm, cha mẹ sẽ luôn bên con, ủng hộ con. Cha mẹ yêu thương con từ tận đáy lòng” và thì thầm bên
tai con những lời lẽ thể hiện sự nhìn nhận tuyệt đối thì đứa con sẽ thay đổi hoàn toàn.
Chương 2
Sự nghiêm khắc
Nghiêm khắc đúng cách sẽ giúp vun đắp tâm hồn con trẻ
1. Nền tảng của kỷ luật là giúp con trở thành người có ý chí mạnh mẽ
Trước khi cân nhắc về việc nên rèn luyện tính kỷ luật cho con như thế nào, đầu tiên bạn cần phải hiểu rằng, mục đích thật sự của việc áp dụng kỷ luật trong quá trình nuôi dạy trẻ chính là nuôi dạy con trở thành người có ý chí mạnh mẽ. Có ý chí mạnh mẽ không có nghĩa là ích kỷ và tự mãn. Ngược lại, một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ sẽ có thể vượt qua những ham muốn, đòi hỏi và cảm xúc cá nhân. Để phát triển nhân cách và nuôi dạy con trở thành một người có khả năng sáng tạo dồi dào, phụ huynh cần phải nghĩ đến việc dạy dỗ sao cho con có khả năng chịu đựng gian khổ và vượt qua khó khăn. Những đứa trẻ không có ý chí mạnh mẽ không thể phát triển cá tính của riêng mình.
Khi trẻ lên ba, trẻ sẽ bắt đầu hình thành khả năng chịu đựng và sức mạnh ý chí. Nếu cha mẹ đợi đến giai đoạn sau ba tuổi, nghĩa là khi con đã có khả năng nhận biết mọi việc mới rèn luyện tính kỷ luật cho con thì mọi nỗ lực của bạn đều đã muộn rồi. Đến lúc đó, cá tính của con bạn đã hình thành, rất khó thay đổi. Thế nên, trong ba năm đầu tiên ấy, phụ huynh cần phải thiết lập các nguyên tắc và giới hạn cho trẻ, về những giá trị mà trẻ không được phép phá vỡ. Một trong
những nguyên nhân khiến trẻ phạm tội khi lớn lên là do thiếu khả năng chịu đựng. Những trẻ này không có cơ hội để phát triển ý chí, không biết cách kiềm chế cảm xúc trong suốt quá trình trưởng thành. Do vậy, chúng không có khả năng kiểm soát bản thân, dễ rơi vào con đường phạm tội. Khuynh hướng phạm tội bắt đầu khi đứa trẻ bị làm hư từ nhỏ. Nhiều người phương Tây đến Nhật, thấy cách mọi người đối xử với trẻ em tại Nhật, họ thường bảo: “Ở Nhật, trẻ em và người già là hai đối tượng được phép ích kỷ và tự do nhất. Nhật Bản thực sự là thiên đường của trẻ em”. Người phương Tây thường nuôi dạy con rất nghiêm khắc nên họ lấy làm lạ khi thấy các bà mẹ Nhật Bản nuông chiều con mình.
Trong quyển sách “The Chrysanthemum and the Sword” (tạm dịch “Hoa cúc và Thanh gươm”), tác giả Ruth Benedict đã trình bày đường biểu diễn so sánh tính nghiêm khắc của bà mẹ Nhật và bà mẹ Mỹ. Đường biểu diễn này cho thấy hai xu hướng hoàn toàn trái ngược.
Ở Nhật, trẻ được phép sống ích kỷ và rất được nuông chiều. Khi lớn lên, trẻ dần dần được nuôi dạy nghiêm khắc hơn. Trong khi đó ở Mỹ, cha mẹ rất nghiêm khắc với con. Có điều, sự nghiêm khắc này sẽ giảm dần theo thời gian. Ở Mỹ, đường cong biểu diễn sự nghiêm khắc đạt đỉnh cao nhất lúc không tuổi, rồi giảm dần ở tuổi lên ba, giảm hơn nữa ở tuổi lên sáu và tiếp tục giảm ở tuổi lên chín. Sau độ tuổi này, cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu ngồi lại với nhau và thảo luận về phương pháp giáo dục phù hợp.
Ở Nhật, khi một đứa trẻ khóc, người mẹ dù đang làm gì cũng sẽ ngừng lại và nhanh chóng bế con lên. Thói quen này khiến trẻ bỏ lỡ bài học quan trọng nhất: kiểm soát bản thân. Trong thực tế, nhiều người tin rằng việc trẻ con khóc rất có lợi cho hệ hô hấp. Do vậy, thay vì vội chạy đến bên con, hãy cứ để bé khóc một lúc rồi hẵng cho con thấy mặt bạn. Đừng vội bế con lên. Thay vào đó, hãy kề sát mặt bên con và hỏi: “Sao vậy con? Con đói rồi à? Hay tã ướt làm con khó chịu?”. Chỉ bế con lên sau khi con đã thôi khóc sẽ tập cho con bạn có được thói quen tốt. Con sẽ biết chờ đợi và có thói quen tự kiềm chế bản thân ngay từ khi con còn nhỏ. Mỗi khi khóc, bé sẽ nghe thấy tiếng chân bình tĩnh của mẹ, cánh cửa mở ra và bé sẽ nhìn thấy khuôn mặt mẹ mỉm cười với mình. Rồi mẹ nhìn bé, dịu dàng nói chuyện với bé. Đến khi bé ngừng khóc, mẹ sẽ ôm lấy bé. Dần dần, trẻ sẽ ghi nhớ quy trình này. Nhờ đó, sự khó chịu đối với việc chờ đợi sẽ giảm dần. Các bậc phụ huynh nên áp dụng phương pháp này ngay từ khi con còn nhỏ để giúp con học cách chờ đợi.
Khi con yêu cầu bạn mua một thứ gì, nếu đó là thứ mà bạn không muốn mua thì bạn cần dứt khoát nói: “Không!”. Hãy nghiêm khắc và kiên định, cho dù con bạn có la hét và gào khóc bao nhiêu lần. Ngay từ nhỏ, trẻ phải học cách chờ đợi và phát triển thói quen kiểm soát bản thân. Nhờ đó, các thói quen xấu mới không có cơ hội phát triển. Nếu bạn cứ chiều theo mọi yêu cầu của con thì bạn sẽ không thể nuôi dạy con thành một đứa trẻ tự chủ, bạn chỉ tạo nên một đứa trẻ ích kỷ.
Sự tức giận của trẻ không xuất phát từ việc rèn luyện khả năng tự kiềm chế, mà xuất phát từ việc trẻ không được dạy cách kiềm chế bản thân. Bạn cần hiểu rằng con cảm thấy tức giận không phải vì bị
cha mẹ từ chối không cho một thứ gì đó, mà là do cha mẹ đã cho con quá nhiều.
Ở Pháp, hầu hết tội phạm vị thành niên không xuất thân từ những gia đình trung lưu. Bởi vì trẻ em thuộc những gia đình này được nuôi dạy nghiêm khắc từ nhỏ, chúng biết cách tự kiềm chế những nhu cầu của mình và không bị chi phối bởi sự tức giận.
2. Rèn luyện khả năng tự kiềm chế
Cha mẹ cần tập cho trẻ sơ sinh khả năng chờ đợi và tự kiểm soát bản thân. Bạn có thể bắt đầu quá trình “huấn luyện” này khi cho con bú. Hãy để con khóc trong một khoảng thời gian nhất định và chờ cho đến khi con ngừng khóc rồi mới cho con bú. Đây là bước khởi đầu của quá trình rèn luyện, giúp con biết cách chờ đợi và kiểm soát bản thân.
Một trong những bài tập thể chất quan trọng khi nuôi dạy trẻ sơ sinh là cho con khóc hết sức bình sinh. Margaret A. Ribble, một bác sĩ nghiên cứu về các vấn đề hô hấp ở trẻ em, đã khẳng định rằng khi khóc, trẻ sẽ học được cách hít thở sâu. Bình thường, trẻ thở rất nông. Nhưng khi trẻ khóc dữ dội, phần cơ hoành của trẻ được tập luyện; đồng thời, phúc mạc, bao tử, ruột và các cơ quan nội tạng khác cũng được tác động tương ứng. Người ta cho rằng việc khóc lớn giúp trẻ hít thở sâu và cải thiện sự phát triển của nhiều cơ quan nội tạng khác nhau.
Nếu bạn cho bú ngay khi con khóc, con sẽ không thể làm quen với việc chờ đợi và không thể đạt được khả năng tự kiểm soát bản thân. Do vậy, con bạn sẽ mất đi cơ hội được rèn luyện đầu đời.
Tập cho con bạn biết tự kiềm chế là bước giáo dục quan trọng, giúp hình thành tính kỷ luật cho trẻ. Như đã nói ở trên, nền tảng của
sự giáo dục là dạy con biết sống có mục đích. Điều đó nghĩa là cha mẹ cần giúp trẻ hình thành ý chí mạnh mẽ và khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như các nhu cầu của bản thân chứ không phải là cho phép trẻ làm mọi điều chúng muốn một cách ích kỷ. Tuy nhiên, quá trình này thường bị hiểu sai. Khi hiểu sai vấn đề, cha mẹ thường nói những câu như: “Tôi tôn trọng mong muốn của con, vì vậy tôi để con mình được làm những gì nó muốn”. Cách nghĩ này cho phép trẻ từ chối làm những điều mà chúng không muốn. Sự dung túng này là một sai lầm. Khi làm một việc trẻ không muốn, trẻ sẽ học được cách chiến thắng sự ích kỷ của bản thân. Đó mới chính là sự tự do thực sự. Bởi vì nền tảng của sự tự do là khả năng tuân thủ nguyên tắc và luật lệ một cách triệt để.
Hãy suy nghĩ một chút về chủ đề ý chí. Điểm khác biệt giữa con người và loài vật là gì? Chúng ta và động vật giống nhau ở chỗ cả hai đều có phản xạ tiếp nhận và phản hồi các yếu tố kích thích đến từ môi trường bên ngoài.
Theo quan điểm của tâm lý học, cách con người phản ứng với một yếu tố kích thích nào đó tạo nên hành vi. Cùng một quá trình nhưng cách phản ứng của con người và động vật khác nhau. Động vật tiếp nhận yếu tố kích thích từ môi trường, sau đó chúng hành động theo phản xạ tự nhiên như: bỏ chạy, tấn công, sục sạo kiếm ăn... Còn khi con người tiếp nhận yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, cảm xúc sẽ xuất hiện trước, sau đó ham muốn sẽ nổi dậy. Cho tới lúc này, con người và động vật về bản chất là giống nhau. Tuy nhiên, con người sẽ cân nhắc chuyện hành vi này đúng hay sai, xem xét hậu quả, làm vậy lợi hay hại. Việc đưa ra quyết định sau khi suy
xét, cân nhắc kỹ càng chính là điều khiến cho con người khác với động vật.
Ý chí luôn song hành với lương tâm. Ý chí cân nhắc cả hai mặt của vấn đề và sau đó, lương tâm sẽ thực hiện vai trò định hướng và quyết định hành vi của con người. Ví dụ, nếu đó là điều xấu thì tôi sẽ không làm, hay cái đó thuộc về người khác nên tôi sẽ không lấy... Tuy nhiên lúc này, cảm xúc và bản năng của con người cũng đồng thời trỗi dậy. Đó là lý do khi đứng trước những vấn đề mâu thuẫn, chúng ta thường lưỡng lự, bị giằng xé và không biết phải làm sao. Lúc này, con người cần tới sự dũng cảm để có thể hành động theo lương tâm và ý chí.
Tự do về ý chí có nghĩa là mỗi người tự chịu trách nhiệm với bản thân. Đây chính là sự khác biệt giữa sự tự do và sự tự nuông chiều (ích kỷ). Những người nuông chiều bản thân không quan tâm đến những rắc rối mà họ gây ra cho người khác và cũng không có trách nhiệm với bản thân mình.
Trọng tâm của sự giáo dục nghiêm khắc là nhằm phát triển ba điều: khả năng suy xét, lương tâm và sức mạnh ý chí. Nếu con bạn có khả năng suy xét đúng đắn, sự hướng dẫn rõ ràng của lương tâm và ý chí mạnh mẽ để điều khiển cảm xúc và mong muốn của bản thân thì sứ mệnh nuôi dạy con của bạn coi như đã hoàn thành mỹ mãn. Việc phát triển sức mạnh ý chí bằng cách kiên trì vượt qua khó khăn sẽ đưa con người đến với thành công. Tính ích kỷ và thiếu khả năng kiểm soát bản thân sẽ dẫn con người đi theo hướng ngược lại.
3. Sự khắt khe lệch lạc
Nuôi dạy con nghiêm khắc từ nhỏ là bước quan trọng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng sự khắt khe lệch lạc sẽ cản trở sự phát triển
của con.
Nhiều bậc phụ huynh rất dễ nhầm lẫn hai khái niệm này, đặc biệt là những người muốn dạy dỗ và uốn nắn con hướng đến những mục tiêu mà họ mong muốn. Vì quá đặt nặng việc dạy dỗ con, các phụ huynh này thường lạm dụng sự nghiêm khắc để ép con đạt được những nguyện vọng của cha mẹ. Tôi mong bạn hiểu rằng áp dụng kiểu giáo dục khắt khe như vậy là một sai lầm. Khi cha mẹ làm vậy có nghĩa là họ đang cố gắng uốn nắn con mình theo hình tượng mà họ thích. Và khi trẻ con không thực hiện được ý định của người lớn thì chúng bị cấm đoán, bị khiển trách và bị phạt.
Mục đích nuôi dạy con mà bạn muốn hướng đến là gì? Có lẽ bạn hy vọng nuôi dạy nên một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ, có khả năng tư duy độc lập, có khả năng tự quyết và biết làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu? Để có thể nuôi dạy một đứa con như thế, bạn phải hiểu rõ sự khác biệt giữa việc dạy con bằng cách la mắng và dạy con bằng sự nghiêm khắc. Trên hết, bạn cần phải xác định mục đích rõ ràng để nuôi dạy con trở thành một người hữu ích.
Làm sao để nuôi dạy trẻ trở thành người có ích trong thời đại này? Theo các bậc phụ huynh, trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ, thầy cô và dễ dạy bảo. Tuy nhiên, những đứa trẻ như thế lại có vấn đề cần phải đặc biệt chú ý. Mặc dù chúng được dạy dỗ cẩn thận, biết vâng lời và không gây rắc rối, nhưng chúng lại không có khả năng khẳng định bản thân và có nguy cơ không thể cống hiến được gì cho xã hội.
Có một số trường hợp, khi những đứa trẻ “biết vâng lời” này vào trung học, chúng bắt đầu trở nên bạo lực để thể hiện sự chống đối với cha mẹ. Đây đều là những đứa trẻ tốt, những đứa trẻ luôn lắng
nghe và vâng lời cha mẹ khi còn nhỏ. Người ta cho rằng khi những đứa trẻ này còn nhỏ và còn yếu ớt, chúng không có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân. Đến khi trẻ lớn lên, chúng mạnh dần về thể chất trong khi ảnh hưởng của cha mẹ yếu dần. Thế là trẻ bắt đầu khẳng định bản thân bằng cách sử dụng bạo lực chống lại các thành viên trong gia đình. Vì vậy, bạn nên thấy vui trước sự phản kháng của con khi con còn nhỏ. Quá trình phản kháng này hàm chứa một ý nghĩa to lớn và tích cực đối với sự phát triển của con, cụ thể là:
Con đã đủ trưởng thành để có cách suy nghĩ riêng, khác với cách nghĩ của cha mẹ.
Con đã học được cách thể hiện ý nghĩ của mình thông qua hành vi và lời nói.
Con đã có đủ can đảm để nói lên những điều mà con không đồng ý và những điều mà con cho là không đúng, dù có bị la mắng. Việc có thể khẳng định quan điểm của bản thân mang đến cho con bạn cơ hội đương đầu với cuộc sống mà không dồn nén những khó chịu hoặc ấm ức trong lòng. Khi trẻ nghi ngờ những gì người lớn nghĩ, việc bộc bạch ý nghĩ cá nhân một cách chân thành sẽ giúp trẻ thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách. Trong trường hợp trẻ không phản hồi hoặc không thể hiện bất cứ sự phản kháng nào, cha mẹ cần nhớ đây là biểu hiện không hợp lý. Nếu cha mẹ cứ liên tục khống chế trẻ theo chiều hướng này thì quá trình phát triển của trẻ sẽ bị ngưng trệ. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên đánh đòn hoặc la mắng con một cách vô tội vạ mỗi khi con cãi lại hay tỏ ra chống đối. Điều cha mẹ cần làm là thật tâm lắng nghe những gì con nói. Thông qua đó, bạn sẽ giúp con phát triển khả năng thể hiện bản thân, đồng thời cũng giúp bản thân bạn hành xử khôn ngoan hơn.
Tất nhiên cha mẹ cần nghiêm khắc để giúp con tự chủ hơn khi trưởng thành. Tôi đề nghị các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với con theo những cách sau:
a. Giúp con học cách tự kiểm soát bản thân. Thay vì để con bị chi phối bởi cảm xúc, hãy giúp con học cách kiềm chế bản thân. b. Giúp con học hỏi các quy tắc xã hội. Dạy cho con biết rằng việc làm tổn thương và gây rắc rối cho người khác là sai trái. c. Dạy con biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình. d. Dạy con biết kiên trì theo đuổi mục tiêu.
4. Các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với chính mình Ba nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con – yêu thương, nghiêm khắc và tin tưởng – thực ra không phải là thử thách đối với trẻ mà chính là thử thách đối với các bậc cha mẹ. Sự nghiêm khắc tôi đang đề cập đến là sự nghiêm khắc mà các bậc cha mẹ nên dành cho chính mình. Bạn cần phải kiên nhẫn nói: “Không” – Không là không! – mỗi khi con bạn nhõng nhẽo hay vòi vĩnh. Bạn cần hiểu được rằng đó là sự nghiêm khắc với chính bản thân mình chứ không chỉ là nghiêm khắc với con. Thường thì cứ hễ con khóc là cha mẹ gần như bỏ cuộc. Như vậy có nghĩa là bạn chưa đủ nghiêm khắc với chính mình. Một trường hợp khác: ngay cả khi phụ huynh biết rằng họ không nên la mắng con trong trạng thái xúc động, họ vẫn sẽ làm như vậy mỗi khi không kiểm soát được mình. Đây là một ví dụ khác chứng tỏ cha mẹ chưa thật sự nghiêm khắc với bản thân. Do đó, cha mẹ cần phải hiểu đúng ý nghĩa của từ “nghiêm khắc” mà tôi đang nói tới.
Dạy con bằng cách thường xuyên la mắng và luôn luôn cấm cản không phải là cách nuôi dạy con nghiêm khắc thực sự. Đó chẳng qua
chỉ là một hình thức bao bọc con quá mức bằng lời nói. Nếu cha mẹ liên tục xét nét con thái quá thì họ sẽ khiến con cái mất đi cảm giác độc lập. Nghe lời cha mẹ là việc quá dễ dàng. Có điều, nếu tình trạng này kéo dài thì trẻ sẽ không còn khả năng tư duy và tự mình suy nghĩ nữa. Phương pháp này bao gồm các mệnh lệnh và những lời lẽ mang tính cấm đoán, tiêu cực. Tôi khuyên bạn nên tự đánh giá lại, xem bản thân có đang vô tình áp dụng phương pháp này trong việc dạy con không. Vì nếu bạn cứ dùng những lời lẽ mang tính bao bọc quá mức để cản trở con thì sự tò mò và nhạy bén của con sẽ dần bị thui chột. Con sẽ mất đi óc phiêu lưu mạo hiểm và trở nên lệ thuộc thái quá, và rồi con bạn sẽ trở thành một người thiếu động lực và không quyết đoán.
Thật lòng mà nói, những bà mẹ có thói quen cằn nhằn, nuôi dạy con bằng cách thường xuyên la mắng là mối nguy hiểm lớn nhất đối với quá trình nuôi dạy con trẻ. Những bậc cha mẹ khó tính, những người hay chỉ trích và la mắng, sẽ khiến trẻ dễ nổi giận, nóng tính và hay to tiếng. Khi trẻ lớn dần lên, cơn giận cứ tích tụ dần. Khi ra khỏi nhà, trẻ sẽ dễ gây sự với những đứa trẻ khác. Các bậc phụ huynh có thói quen này thường là những người có khuynh hướng kìm hãm con cái trong nhiều nguyên tắc cứng nhắc. Vì vậy, con họ không thể phát triển nhanh và đúng hướng. Nếu tình trạng này kéo dài, sự bất mãn của trẻ sẽ bị dồn nén lại. Chúng đâm ra chống đối cha mẹ và dần trở nên bướng bỉnh. Thậm chí khi cha mẹ cố gắng dạy bảo con một cách nhẹ nhàng, con cũng sẽ cố tình làm trái ý cha mẹ.
Mười tháng tuổi sau sinh chính là khoảng thời gian con khám phá các vật dụng xung quanh. Trong khoảng thời gian này, con của bạn sẽ liên tục trải nghiệm và học hỏi. Nếu bạn khắt khe ngăn cấm con
không được làm việc này việc kia thì bạn sẽ tạo ra một đứa trẻ hay chống đối. Hầu hết những đứa trẻ hay giận dữ và hay chống đối đều có khởi đầu như thế.
Khi lên hai, con bạn bắt đầu hình thành tính độc lập. Những đứa trẻ vốn luôn biết nghe lời bắt đầu tự khẳng định bản thân và nói: “Không” với tất cả những gì cha mẹ bảo. Điều này cho thấy con đã bước sang một giai đoạn phát triển khác. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần giúp con hiểu những việc con không nên làm. Tuy vậy, đừng nên cằn nhằn con một cách vô lý hoặc la mắng quá dữ dội. Nếu cha mẹ làm vậy thì con sẽ trở nên chống đối và cứng đầu.
Trẻ có những thay đổi khác nhau qua từng thời kỳ. Nếu cha mẹ hiểu được rằng mỗi giai đoạn phát triển chỉ đơn thuần là một giai đoạn phát triển thì họ có thể nuôi dạy con dễ dàng hơn, quan sát và nhìn nhận những việc con làm một cách bao dung, đồng thời sẽ không phạm phải bất cứ sai lầm nghiêm trọng nào. Ngược lại, nếu cha mẹ tỏ ra nóng nảy thì họ chỉ khiến con họ tổn thương.
Thư của mẹ
Khi tôi ngừng ra lệnh, sự chống đối giảm dần
Tháng trước, tôi đã phải cầu cứu ông vì tôi quá bối rối, không biết phải làm gì với đứa con hay chống đối của mình. Ông đã gợi ý cho tôi rằng: “Chị có đang nói với cháu những lời lẽ mang tính ra lệnh, tiêu cực hay cấm đoán không? Nếu có thì hãy ngừng lại và nhìn nhận con mình đúng với những gì cháu có. Tốt hơn là chị nên lịch sự yêu cầu, chứ không nên ra lệnh cho cháu”.
Kể từ hôm đó, tôi đã cố gắng làm theo lời ông. Sau một tuần, sự chống đối của con tôi giảm dần. Sau một tuần nữa, con tôi bắt đầu cư xử dễ chịu hơn. Thi thoảng, bé vẫn cãi lời và chọc ghẹo em trai.
Có điều, khác với trước đây, giờ tôi đã có thể quan sát con một cách bình tĩnh. Nhờ ông mà tôi đã có thể tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với con. Tôi muốn tiếp tục cố gắng giúp con tôi mở rộng lòng mình. Xin cảm ơn ông rất nhiều.
Y. G., Thành phố Konan
Thật khó để thay đổi cách tương tác với con. Có điều, hãy nghiêm túc thay đổi bản thân vì nếu bạn thay đổi, con bạn cũng sẽ thay đổi theo.
5. Rèn luyện tinh thần cho con
Trẻ cần gì để có thể tồn tại khi trưởng thành? Không phải là kiến thức, mà là tính cách mạnh mẽ để không bao giờ nhụt chí khi đương đầu với trở ngại. Không có tính cách mạnh mẽ, trẻ có thể thất bại khi đương đầu với tình huống khó khăn. Trong một số trường hợp, trẻ có thể đầu hàng thất bại, không thể đứng dậy hay thậm chí là nghĩ đến việc tự vẫn. Thay vì đương đầu và vượt qua thử thách, trẻ thường chọn con đường dễ dàng để tránh những tình huống khó khăn. Trong trường hợp này, trẻ sẽ không đạt được thành tựu đáng kể nào. Do vậy, ngay khi con bạn còn nhỏ, bạn cần rèn cho con lòng can đảm để đối mặt với mọi trở ngại.
Các quý tộc Anh dạy con họ hai điều quan trọng: thứ nhất là lạc quan, thứ hai là can đảm. Đây là hai phẩm chất quan trọng mà giới quý tộc Anh cần phải có và là những bài học quan trọng dành cho con trẻ. Họ cho rằng hai phẩm chất này có thể giúp trẻ vượt qua trở ngại. Vậy, phải làm thế nào để giúp con thấm nhuần hai phẩm chất này?
Để có được những tính cách này, điều quan trọng là trẻ phải xem trọng chính mình và xây dựng được hình ảnh tích cực về bản thân.
Đây chính là lý do bạn không thể nuôi dạy con bằng cách la mắng con vô lối và nói con là đứa xấu tính hay con là đứa chuyên gây rắc rối. Trước mặt con, đừng than vãn với người khác những điều như: “Con tôi là đứa chuyên gây chuyện. Nó chẳng bao giờ nghe lời tôi và luôn khiến tôi lo lắng”. Vì khi nghe bạn nói thế, con sẽ nghĩ con là người như vậy. Trẻ nhỏ có xu hướng tạo dựng hình ảnh về bản thân dựa trên những gì mà cha mẹ nói về chúng.
Có bốn yếu tố quan trọng giúp con bạn xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân.
Thứ nhất, cha mẹ yêu thương con và con cảm nhận được tình yêu đó một cách trọn vẹn. Nếu đứa trẻ lúc nào cũng bị la mắng và bị đóng khung trong những lời lẽ tiêu cực từ cha mẹ thì trẻ sẽ cảm thấy mình không xứng đáng với kỳ vọng của cha mẹ.
Thứ hai, hãy tin rằng con của bạn có những khả năng tuyệt vời. Trẻ sẽ đánh giá bản thân dựa trên những gì chúng có thể làm được. Vì vậy, bạn phải giúp con nâng cao khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu bạn đánh giá con bằng những tiêu chuẩn quá khắt khe, con sẽ dễ nhụt chí. Trái lại, nếu bạn cho rằng: “Con không làm được một vài thứ là chuyện bình thường” thì khi con đạt được điều đó, con sẽ cảm thấy rất tuyệt vời. Dần dần, càng ngày con sẽ càng làm tốt hơn nữa. Nếu bạn luôn đánh giá con mình một cách tích cực thì năng lực của con bạn sẽ được cải thiện.
Thứ ba, cha mẹ cần giúp con thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức. Chúng ta nên cố gắng giáo dục con theo chiều hướng giúp con nhận thức được trách nhiệm xã hội của bản thân. Con cần có nhận thức rõ ràng về đạo đức và tinh thần trách nhiệm.
Thứ tư, cha mẹ nên nuôi dạy con trở thành người có sức ảnh hưởng. Hãy nuôi dạy và giúp con cảm nhận được rằng sự tồn tại của con có ảnh hưởng tích cực lên những người xung quanh con. Vì nếu trẻ cảm thấy chúng chẳng có khả năng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người khác hoặc nhận thấy bản thân là một người tẻ nhạt thì lớn lên chúng sẽ trở thành một người thụ động và thờ ơ.
Để nuôi dạy được một đứa trẻ tự tin, cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương dành cho con một cách rõ ràng. Nếu bạn muốn con mình nhìn nhận một cách tích cực về bản thân thì quá trình nuôi dạy con phải đáp ứng được bốn yếu tố trên.
Để đạt được điều này, cả cha lẫn mẹ cần phải kiên trì nuôi dạy con bằng cách nghiêm khắc thực thi những kỷ luật cần thiết. Họ phải giúp con sống có ý chí và can đảm phấn đấu nhằm đạt được những mục đích cao xa nhưng khả thi. Nếu cha mẹ cầu toàn, đòi hỏi sự hoàn hảo và hay trách mắng từng lỗi nhỏ của con thì cha mẹ chỉ có thể tạo nên những đứa trẻ nóng nảy và căm ghét bản thân mình. Ngược lại, nếu cha mẹ giúp con sống vô tư, cho con cơ hội trải nghiệm phong phú và chú tâm phát triển năng lực của con thì cha mẹ sẽ tạo nên những đứa trẻ mạnh mẽ và tự tin vào chính bản thân mình.
Những đứa trẻ nhìn nhận tích cực về bản thân thường quen với cảm giác: “Tôi không bao giờ bị đánh bại! Tôi nhất định sẽ thành công!”. Nói cách khác, những đứa trẻ này rất có nghị lực.
Cha mẹ nên hợp tác để giúp con trau dồi kỹ năng xây dựng các mối quan hệ. Để làm được điều này, cha mẹ phải dạy con biết sống ngăn nắp, tích lũy kinh nghiệm ngoài xã hội, ân cần, chu đáo, có phong thái đĩnh đạc, có năng lực, có kỹ năng ngôn ngữ tốt và có
nhiều bạn bè. Ngay cả khi con gặp vấn đề, cha mẹ vẫn cần phải kiên nhẫn hỗ trợ con để giúp con có được nghị lực, sức mạnh tinh thần và xây dựng được hình ảnh vững chắc về bản thân.
6. Bạn có thể dạy dỗ con một cách nghiêm túc mà không cần la mắng
Khi chúng ta tiếp tục xem xét vấn đề này, có lẽ bạn bắt đầu cảm thấy kỷ luật nghiêm khắc không có nghĩa là phải la mắng. Soi mói và la mắng một cách tàn nhẫn không phải là bản chất của kỷ luật nghiêm khắc.
Chúng ta biết rằng kỷ luật quan trọng trong việc phát triển sức mạnh ý chí cũng như khả năng kiểm soát bản thân và lòng can đảm, nhưng hoàn toàn không cần đến sự soi mói. Soi mói chỉ làm trẻ nhụt chí và mất đi động lực. Bản năng tự nhiên của trẻ là thích khám phá những điều mới lạ và học hỏi về thế giới xung quanh. Nếu được định hướng đúng thì con bạn sẽ tràn đầy niềm khát khao học hỏi và việc
nuôi dạy con sẽ rất dễ dàng. Khi con làm được một việc nào đó và cha mẹ vỗ tay tán thưởng thì con sẽ rất hạnh phúc vì con cảm nhận được niềm vui và sự hài lòng của cha mẹ. Thông qua những trải nghiệm này, trẻ sẽ có được cảm giác an toàn và lòng can đảm. Từ đó con sẽ có thêm động lực để học hỏi những điều mới mẻ.
Đến giai đoạn học bò, con sẽ di chuyển khắp nhà để lấy bất cứ thứ gì mà mình có thể chạm tay đến, và rồi đột nhiên người mẹ trông có vẻ tức giận và bắt đầu dùng những lời lẽ mang tính cấm đoán như: “Không!”, “Đừng làm thế!”… Điều này sẽ khiến con cảm thấy rất lo lắng, hoang mang, đồng thời dập tắt mất niềm khao khát học hỏi ở trẻ. Sự la rầy của mẹ đã lấy mất cảm giác an toàn của con. Nếu điều này tiếp diễn trong thời gian dài, con sẽ trở thành đứa trẻ kém tập trung và khả năng học tập sẽ bị ảnh hưởng.
Trẻ thực sự tin rằng những lời cha mẹ nói về chúng và hình ảnh của chúng trong mắt cha mẹ chính là hình ảnh thực sự của trẻ, cứ như thế trẻ bắt đầu hình thành nên nét cá tính riêng. Vậy là trẻ đã khám phá bản thân thông qua lời nói của cha mẹ.
Mỗi một việc mà con làm đều là để học hỏi. Chính cha mẹ sẽ là người đánh giá đúng sai và cổ vũ tinh thần cho con. Những lời mà cha mẹ thường nói hằng ngày với con sẽ ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với môi trường xã hội. Nếu một người mẹ nuôi dạy con bằng cách liên tục nói những câu như: “Không được” hay “Con không thể”… thì mẹ chỉ đang hạn chế hành vi của con, chứ không phải đang giáo dục con. Những câu nói này làm trẻ mất đi ham muốn học hỏi và cố gắng, dần dần sẽ dẫn đến hành vi nổi loạn. Trẻ con cũng như những mầm non mới nhú cần ánh nắng mặt trời ấm áp, khi gặp những cơn gió đông khắc nghiệt, mầm non sẽ ngừng lớn lên và
sẽ tàn lụi đi. Khi những nỗ lực của trẻ bị kìm hãm, chúng sẽ mất hết động lực và không muốn làm gì nữa. Vai trò của người làm cha mẹ là mang đến cho con sự tự tin. Thay vì cấm đoán, ra lệnh và phủ nhận, vai trò của cha mẹ là quan sát con, khen ngợi con một cách khéo léo và mang đến cho con cảm giác an toàn.
Kỷ luật nghiêm khắc bao gồm sự phát triển tinh thần của trẻ bằng cách giúp trẻ có hình ảnh tích cực về bản thân. Từ đó con sẽ tự tin hơn, có ý chí mạnh mẽ, cũng như nghị lực để không đầu hàng trước khó khăn. Đồng thời con cũng sẽ có khả năng kiên trì đeo đuổi mục tiêu của mình đến cùng.
Các bậc cha mẹ không nhận ra rằng con mình luôn muốn được thử sức, được khám phá, và họ thường bất cẩn nói những lời phản tác dụng như: “Đừng làm việc đó”, “Nhanh lên nào”, “Con không thể”… Những câu nói này chỉ khiến cho trẻ thêm nhụt chí. Khi cha mẹ dùng những lời lẽ như thế để la rầy con, việc dạy dỗ con sẽ trở nên hết sức khó khăn và việc kỷ luật sẽ không có tác dụng. Để nuôi dạy con theo đúng hướng, bạn cần làm điều ngược lại. Bạn hãy tin vào cá tính thật sự của con. Bạn hãy lặp lại những lời vui vẻ, những câu nói giúp tạo dựng lòng can đảm ở con. Bằng cách đó, bạn sẽ giúp con xây dựng ý chí vững vàng và nỗ lực vươn lên.
Ông bà K có một cậu con trai. Bất luận làm việc gì cậu cũng kém hơn các bạn đồng lứa, kể cả trong học tập lẫn thể thao. Nhưng cha mẹ cậu đã quyết định không nói với cậu điều này mà sẽ nói điều ngược lại: “Con có thể làm tốt mọi việc”. Khi cậu bé học tiểu học, cậu tham gia vào đội bóng chày của trường, vì chậm chạp nên cậu luôn phải ngồi ở ghế dự bị. Nhưng bố mẹ cậu vẫn tiếp tục động viên cậu. Họ luôn đến sân tập trước tiên và ở lại cho đến khi kết thúc buổi tập.
Bất chấp những điều này, cậu bé vẫn không thể giành được vị trí chính thức trong đội. Cậu cảm thấy buồn và đã có những lúc cậu gần như mất hết động lực. Song bố mẹ cậu vẫn luôn động viên cậu: “Con đang nỗ lực nhiều. Con chơi rất tốt, nhưng các cầu thủ khác hơi nhỉnh hơn một chút nên con chưa được vào vị trí chính thức đấy thôi. Nếu con tiếp tục cố gắng hết sức thì sớm muộn gì con cũng được chơi ở vị trí chính thức”.
Thế là cậu bé tiếp tục cố gắng hết sức mình. Khi vào trung học, cậu đã được vào vị trí chính thức và thậm chí còn ghi được bàn thắng nữa. Cuối cùng cậu trở thành một cầu thủ có năng lực nổi bật.
Khi mới vào trung học, thành tích học tập của cậu được xếp thứ 80/500 học sinh. Nhưng nhờ có những lời khích lệ tiếp sức của cha mẹ nên đến học kỳ hai cậu đã lọt vào danh sách các học sinh đứng đầu.
7. Chúng ta nên rèn kỷ luật cho con như thế nào? Rõ ràng là không nên dạy con trở thành đứa trẻ ích kỷ. Phần quan trọng nhất của quá trình giáo dục là dạy cho con biết cách tự kiểm soát bản thân. Con bạn nên hiểu rằng trên đời này có những việc mà chúng không được phép làm.
Dạy con biết cách kiềm chế để không làm một việc gì đó dù con rất muốn làm là bước vô cùng quan trọng. Bạn không nên cho phép con làm tất cả những việc mà chúng muốn; hoặc vô tư sống ích kỷ. Bởi vì, việc dung túng con sống ích kỷ cuối cùng sẽ chỉ tạo nên một con người thất bại. Khi một người bước vào xã hội, họ cần tuân thủ các nguyên tắc, luật lệ và biết cách cư xử phù hợp. Nếu không học được điều này thì người đó sẽ trở thành gánh nặng đối với những người xung quanh.
Để giúp con học được các quy tắc xã hội, trước tiên bạn nên đề ra những quy tắc trong gia đình. Khi con biết tuân thủ những quy tắc trong gia đình, con sẽ hiểu thế nào là tự do và tinh thần trách nhiệm. Sống trong xã hội, trẻ không thể chỉ nghĩ đến sự tự do cá nhân. Tôn trọng tự do của người khác là điều hết sức cần thiết, bởi nếu trẻ coi trọng sự tự do của bản thân mà gây ra rắc rối cho người khác thì sự tự do này rất đáng lo ngại. Do đó, khi thiết lập những quy tắc trong gia đình, bạn nên cho trẻ tham gia vào quá trình này. Bạn cần thiết lập một bản “nội quy gia đình” hợp lý và hiệu quả. Nếu bạn làm được như vậy thì việc nuôi dạy con sẽ trở nên rất thuận lợi.
Bản “nội quy” cần bao gồm đầy đủ ba điểm sau:
1. Không làm tổn thương người khác
2. Không gây rắc rối cho người khác
3. Làm việc của mình một cách có trách nhiệm
Có những bậc phụ huynh cương quyết áp dụng phương pháp giáo dục con thông qua việc khen ngợi. Họ tin rằng họ không nên la mắng con mà chỉ nên vui vẻ và mỉm cười. Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi vì xã hội được hình thành dựa trên các quy định. Để tránh nuôi dạy nên một đứa con ích kỷ, cho rằng mình chẳng có trách nhiệm gì hoặc tin rằng chỉ có người khác mới phải chịu trách nhiệm, trước tiên bạn nên tập cho con thói quen tuân thủ các quy tắc của gia đình một cách rạch ròi. Bạn cũng nên thỏa thuận với con rằng khi con làm trái quy tắc thì con sẽ phải chịu phạt. Khi con bạn vi phạm một quy tắc nào đó, trước hết hãy nói cho con biết vì sao con không nên làm như vậy. Nếu con bạn tiếp tục vi phạm hết lần này đến lần khác thì bạn cần phải nghiêm khắc la mắng con.
Tôi sẽ gợi ý một số mẹo bạn có thể dùng khi la mắng con. Có điều, bạn cần thực sự hiểu con trước khi la mắng chúng. a. Chỉ la mắng con trong vòng 1 phút. Sau khoảng thời gian này, bất cứ lời quở trách nào cũng sẽ phản tác dụng.
b. Chỉ nên la mắng con về sai lầm hiện tại, đừng bới móc những chuyện từ hôm qua hay từ tuần trước...
c. Đừng chỉ trích bản thân con, chỉ la mắng đúng lỗi lầm mà con mắc phải.
Khi bạn xây dựng bản “nội quy”, bạn nên trao đổi những vấn đề nêu trên với con để có được sự đồng thuận giữa các bên, giúp tạo dựng bầu không khí gia đình vui vẻ. Do đã vạch ra nguyên tắc rõ ràng, bạn sẽ không dễ rơi vào trạng thái đa cảm hay mềm lòng khi la mắng con. Vì các thành viên trong gia đình đã thống nhất rõ ràng nên xích mích giữa bạn và con sẽ biến mất.
Khi con bạn làm sai việc gì, bạn cần phải cho con cơ hội “trải nghiệm” việc bị la mắng. Những đứa trẻ chưa từng bị la mắng thường không đủ sức đề kháng đối với việc này. Khi bước vào xã hội, chúng dễ bị tổn thương nặng nề. Sau này lớn lên, chúng sẽ trở thành những người yếu đuối, dễ chán nản khi bị cấp trên quở trách.
Bạn nên cố gắng giúp con biết nhận ra sai lầm của bản thân và có khả năng suy ngẫm về những sai lầm đó. Sau khi la mắng con, bạn cần lưu ý khen ngợi con một cách chân thành khi trẻ hiểu ra lỗi lầm của mình và nói lời xin lỗi. Điều này sẽ giúp con có khả năng suy xét sâu hơn về những hành động mình đã làm, để chúng hiểu rằng kể cả khi cha mẹ la mắng chúng, đó cũng là những lời la mắng vì tình yêu thương.
Thư của mẹ
Sau khi đề ra những quy tắc gia đình, tôi và con tôi đã bình tĩnh hơn
Vài ngày trước, tôi đã tham dự buổi họp mặt tại Chugoku. Xin cảm ơn ông rất nhiều. Từ bài phát biểu của ông cũng như kinh nghiệm mà các bà mẹ khác chia sẻ, tôi đã nhận được rất nhiều thông tin bổ ích.
Trước đây, tôi thường la mắng các con mình bởi vì tôi cho rằng việc la mắng là rất cần thiết, rằng đây là cách để uốn nắn con vào khuôn phép. Nhưng giờ đây, tôi đã nhận ra đó là một sai lầm lớn.
Tôi đã kiểm soát cảm xúc của mình, không la mắng con khi mất bình tĩnh và xin lỗi chúng về những sai lầm tôi đã phạm phải cho đến thời điểm này. Chúng tôi cùng đề ra những quy tắc trong gia đình. Nhờ đó, tôi đã học cách suy xét xem lúc nào nên và lúc nào không nên la mắng con. Sau khi tôi thực hiện những điều này, gia đình tôi trở nên yên ấm hơn. Tôi đã có thể hòa hợp với các con của mình.
S. H., Quận Kochi
8. Liệu bạn có đang dùng phương pháp la mắng vô lý? Chúng ta có thể nuôi dạy con mà không cần phải la mắng quá nhiều. Những tình huống thực sự cần phải la mắng là khi con bạn làm tổn thương hoặc gây rắc rối cho người khác. Tôi quan sát và thấy các bà mẹ thường la mắng con gay gắt vào những lúc không cần thiết. Đó là nguyên nhân khiến việc nuôi dạy con trở nên khó khăn.
Hãy dành ít phút để suy ngẫm xem liệu bản thân con có bị tổn thương vì cách mà bạn cư xử với con không. Bạn có thể sử dụng “thước đo” này để biết có cần phải la mắng con nữa không. Khi con học bò, con bắt đầu mở ngăn kéo đựng quần áo và trút hết mọi thứ ra ngoài không chút chần chừ. Chúng còn kéo khăn trải bàn, lôi đồ đạc từ trên cao xuống và làm đổ bể nhiều thứ. Dù bạn có nói “Không”, chúng vẫn sẽ cố bò lên bàn và cười. Thậm chí dù bạn có bảo chúng không được chạy nhảy trong nhà, chúng vẫn sẽ chạy giỡn ồn ào quanh phòng. Bất kể bạn có chỉ bảo bao nhiêu lần, chúng vẫn tiếp tục mang dép trái. Đây là những điều mà mọi đứa trẻ đều mắc phải, là những việc hết sức bình thường. Nó thể hiện từng giai đoạn phát triển của con và khi giai đoạn đó kết thúc, tự khắc con sẽ không làm như thế nữa. Bạn nên nhìn nhận tất cả những việc mà đứa trẻ một - hai tuổi của bạn làm là hành vi khám phá hoặc thể nghiệm cách ứng xử. Thông qua những hoạt động này, con bạn sẽ học hỏi được nhiều điều một cách tự nhiên. Bạn nên nhìn nhận đó là điều cần thiết cho quá trình học hỏi của con. Thường thì cha mẹ sẽ cấm đoán những hành vi này. Khi trẻ không vâng lời, cha mẹ sẽ cho rằng trẻ không ngoan. Tuy nhiên đây là những hành động mà mọi đứa trẻ đều làm và sẽ tự nhiên biến mất khi trẻ lớn hơn. Đây không phải là những
sai lầm cần phải la mắng. Việc trẻ chạy nhảy lung tung trong nhà là đúng theo lẽ tự nhiên.
Bạn có la mắng trẻ khi chúng về nhà với quần áo lấm lem bùn đất không? Hoặc khi con bạn lỡ tay đánh rơi và làm bể bát đĩa lúc đang phụ giúp bạn? Bạn không cần rầy la con vì những việc này. Bạn chỉ nên yêu cầu trẻ hãy cẩn thận hơn và cứ để trẻ tiếp tục phát triển.
Bạn có la mắng con vì trẻ dọn dẹp nhà cửa không được sạch sẽ, hay vì trẻ không nhanh nhẹn mỗi khi bạn hối thúc? Bạn nên kiên nhẫn dạy con cách dọn dẹp phù hợp với lứa tuổi của bé. Hãy thử dạy con cất đồ đạc đúng chỗ và chỉ cho con cách dọn dẹp, ví dụ: “Các đồ vật nhỏ thì cho vào hộp. Những món đồ chơi dán nhãn vàng thì sắp lên trên kệ có dán nhãn vàng…”. Lúc đầu, chỉ cần con bạn dọn được một món đồ, bạn cũng nên khen ngay. Ngày tiếp theo con sẽ dọn được hai món đồ, bạn lại khen con và ngày hôm sau con sẽ dọn được ba món…
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chê bai thay vì khen ngợi? Bạn sẽ có một đứa trẻ ghét dọn dẹp. Khi bạn bảo con hãy nhanh lên, bạn hãy giải thích với con vì sao cần phải làm như vậy. Đưa ra lời yêu cầu luôn hiệu quả hơn mệnh lệnh. Hãy giải thích cho con hiểu rằng nếu con đến muộn thì việc đó sẽ gây khó chịu cho người khác. Khi bạn muốn con làm việc gì đó nhanh hơn, tốt nhất bạn nên giải thích tại sao bạn phải hối thúc con. Nên nhớ, việc hối thúc con phải nhanh lên chỉ khiến con trở nên chậm chạp hơn. Còn nếu bạn dùng lời lẽ thích hợp, giúp con hiểu mọi người đang chờ mình và tự nguyện tăng tốc thì từ từ bạn sẽ có được một đứa trẻ nhanh nhẹn và năng nổ.
Tóm lại, bạn không nên để mặc con muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Khi con cư xử không đúng mực, cha mẹ cần kiểm
điểm hành vi của con một cách nghiêm khắc. Nếu cha mẹ để mặc con thỏa sức làm mọi chuyện theo ý mình thì con sẽ không học được cách kiểm soát bản thân và sẽ trở nên ích kỷ. Còn nếu con đã từng bị nghiêm khắc kiểm điểm, không cho làm một việc gì đó khi con còn nhỏ thì lúc lớn lên, khi đứng trước một hành vi sai trái, con sẽ có thể tự kiềm chế bản thân mình. Bạn không được đầu hàng trước những gì con đòi hỏi. Bạn cũng không nên bỏ cuộc chỉ vì bạn không tự tin với vai trò chỉ bảo, rèn giũa con. Khi con làm điều sai trái, bạn phải cứng rắn ngăn cấm ngay.
Chương 3
Xây dựng lòng tin cho con
Trân trọng những nét riêng của con
1. Tạo dựng lòng tin cho con trước khi nghĩ đến kỷ luật Việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên khó khăn nếu lòng can đảm của trẻ bị tổn thương. Khi lòng can đảm và nghị lực của trẻ bị hạ thấp, trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ bất trị. Có sáu điều các bậc cha mẹ thường làm sau đây có thể gây tổn thương đến lòng can đảm của trẻ: - Tập trung vào khiếm khuyết, không nhìn nhận điểm mạnh cũng như khả năng của trẻ.
- Xem trọng kết quả hơn là quá trình phấn đấu và nỗ lực của trẻ. - Đánh giá trẻ bằng con mắt cầu toàn, nghĩa là kỳ vọng trẻ lúc nào cũng phải đạt 100% trên mọi phương diện.
- So sánh trẻ với những trẻ khác.
- Quan niệm việc học quan trọng hơn tất cả những việc khác - Chỉ nhìn nhận con sau khi con đáp ứng được một số yêu cầu nhất định của mình
Nếu bạn làm ngược lại những điều trên thì việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên hết sức dễ dàng. Dưới đây là sáu quan điểm nhìn nhận trẻ mà cha mẹ nên áp dụng:
- Hãy bỏ qua những khiếm khuyết, chỉ tập trung vào những điểm mạnh cũng như khả năng của trẻ.
- Hãy quan sát quá trình phát triển của trẻ chứ đừng xem trẻ như một sản phẩm đã hoàn thiện.
- Hãy nhìn nhận một cách tích cực việc con bạn có nhiều điểm chưa hoàn hảo.
- Đừng so sánh con với các trẻ khác.
- Đừng xem kết quả học tập là trọng tâm của việc nuôi dạy con. - Hãy nhìn nhận con vô điều kiện.
Nguyên tắc thứ ba trong ba “nguyên tắc vàng” của việc nuôi dạy con là sự tin tưởng. Nếu cha mẹ làm theo sáu điều vừa nêu trên thì họ có thể hoàn toàn tin tưởng ở con mình. Thông thường, các bậc phụ huynh luôn muốn nuôi dạy con thật tốt. Trong suốt quá trình này, họ đã vô tình tập trung vào việc nâng cao khả năng cho con. Dần dần, họ bắt đầu đánh giá con dựa trên những gì con có thể hoặc không thể làm. Nếu cha mẹ đánh giá con dựa trên khả năng của chúng thì họ sẽ bị “sa lầy” ngay lập tức. Bởi vì họ bắt đầu đánh giá con mình dựa trên nguyên tắc của một cuộc tranh đua.
Một trong những điểm quan trọng trong việc nuôi dạy con là bạn cần nhìn nhận con đúng với những gì con có. Vấn đề không nằm ở chỗ con có thể hoặc không thể làm một việc gì. Bạn cần nói với con những lời như: “Cha mẹ thật hạnh phúc khi có con”.
Trước khi thắc mắc liệu con có làm được điều gì đó hay không, trước khi cân nhắc nên dạy dỗ con ra sao, hoặc trước bất kỳ hành động hay quyết định nào, hãy nhớ là bạn và con cần xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau. Chỉ cần có mối liên hệ này, tất cả những vấn đề đáng lo ngại sẽ tự động biến mất.
Một ngày nọ, khi tôi thuyết trình tại Hiroshima, một người mẹ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như sau:
Tôi thật hạnh phúc! Tôi có một đứa con hết sức chu đáo và bé đối xử với mọi người xung quanh rất tử tế. Chỉ vài tháng trước thôi, mọi việc hãy còn hết sức tồi tệ. Con gái tôi bỗng nổi loạn và việc dạy dỗ con trở thành nỗi khổ đối với tôi. Khi tôi đưa ra trường hợp này trong khóa học làm cha mẹ (do tác giả cuốn sách này hướng dẫn - ND), mọi người nói với tôi rằng: “Điều quan trọng là bạn phải nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương con đúng với những gì con có. Thay vì cố gắng thay đổi con theo ý mình, hãy thay đổi cách nhìn nhận về con của bạn. Hãy thay đổi thái độ khi bạn giao tiếp với con”.
Ban đầu, tôi thực sự không thể làm được điều này. Ngay cả khi tôi nghĩ con mình như thế này là ổn lắm rồi, tôi cũng vẫn vô tình quở trách hoặc đánh đòn con mỗi khi nhận thấy con làm điều sai trái. Tôi càng làm vậy mọi chuyện càng chẳng đâu vào đâu. Dù hiểu rằng tự thân tôi phải thay đổi, thế nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Mất khoảng bốn tháng, cuối cùng tôi mới học được cách nhìn nhận con mình đúng với những gì con có. Tôi đã học được cách bao dung, khen ngợi và yêu thương con thật sự. Kể từ đó trở đi, con gái tôi đã hoàn toàn thay đổi. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng con bé chỉ chống đối cách tôi đánh giá và đối xử với cháu thôi.
Như tôi đã nói từ đầu, hiện tại gia đình tôi rất hạnh phúc. Tôi đã có thể nghĩ đến những mặt tốt của con và không chú ý đến những điểm tiêu cực nữa. Khi tôi bắt đầu đối xử với con tử tế và thật sự tin tưởng rằng con là báu vật của cả nhà, gia đình tôi hoàn toàn thay đổi. Do vậy, tôi cho rằng trước khi nghĩ về những vấn đề của con và cách giải quyết những vấn đề đó, hãy thử nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương con mình. Nếu bạn làm thế thì bạn có thể xây dựng sự tin cậy lẫn nhau hết sức tuyệt vời giữa các thành viên trong gia đình.
2. Đừng tập trung vào khiếm khuyết của con
Trẻ em luôn muốn được yêu thương, được nhìn nhận và khen ngợi. Người cha người mẹ giỏi là người nắm bắt được tâm lý này và khéo léo dạy con thông qua những lời khen ngợi. Những người cho rằng nuôi dạy con là một công việc khó khăn là những người thường xuyên quở trách con một cách vô lý. Trung bình, khoảng 70% lời lẽ một người mẹ nói với con mỗi ngày là những lời phê bình và mắng mỏ. Điều này khiến cho trẻ bất mãn và nổi giận, dần dần sẽ dẫn đến thái độ nổi loạn.
Khuyên nhủ và cảnh báo con là việc có thể thông cảm được, nhưng bạn không nên đổ dồn sự chú ý vào lỗi lầm của con. Thay vào đó, hãy tìm những mặt tốt để khen ngợi, rồi những mặt tốt này sẽ được phát huy mạnh mẽ và lỗi lầm sẽ dần biến mất.
Thực ra, ưu điểm và khuyết điểm của con không phải hai vấn đề tách biệt. Chúng thực chất là hai mặt của một vấn đề, giống như hai mặt của đồng tiền vậy. Nếu ưu điểm tăng lên thì khuyết điểm sẽ giảm đi. Một căn phòng tối và một căn phòng sáng thoạt nhìn tưởng là hai “thực thể” riêng biệt. Thế nhưng, nếu bạn bật đèn trong căn phòng tối thì nó sẽ trở thành căn phòng sáng. Ưu và khuyết điểm cũng vậy. Nếu bạn tập trung phát triển ưu điểm của con thì khuyết điểm sẽ biến mất. Dần dần, những khuyết điểm chỉ còn là “cái bóng” trong tính cách của con mà thôi. Chúng không thực sự tồn tại. Ban đầu, cá tính thực sự của trẻ không có khuyết điểm. Thậm chí dù có tồn tại thì chúng cũng sẽ biến mất nếu bạn chỉ tập trung vào ưu điểm. Điều này cũng được phản ánh trong Nguyên tắc về sự tăng trưởng, trong đó chỉ ra rằng những gì càng được sử dụng và được chú ý đến thì sẽ càng phát triển, còn những thứ không được sử
dụng sẽ bị thoái hóa dần. Nguyên tắc này đúng khi áp dụng với cơ thể sống và cũng đúng khi áp dụng vào đời sống kinh tế, chính trị. Khi tôi bảo rằng bạn không nên chăm chăm vào khuyết điểm mà chỉ nên tập trung phát triển ưu điểm, điều đó không có nghĩa là bạn nên nhắm mắt cho qua những lỗi nhỏ.
Nếu cha mẹ cứ liên tục nói những câu như: “Không” hay “Con không thể” mà không ngăn chặn hành động của con thì trẻ sẽ càng ngày càng bị thôi thúc, muốn làm những gì cha mẹ cấm đoán. Do đó cha mẹ không nên đối phó với sai lầm của con. Thay vào đó, tốt hơn là cha mẹ nên trân trọng những ưu điểm mà con có.
Nếu muốn nâng cao lòng nhiệt huyết và động lực của con thì cha mẹ không nên lạm dụng câu “Không” và “Con không thể” trong cuộc sống hàng ngày. Hãy nhớ rằng mọi đứa trẻ đều có ưu điểm. Bạn cần tìm ra những ưu điểm nho nhỏ này và khen ngợi con bằng lời. Trong lúc nói, bạn hãy ôm chầm lấy con hoặc vuốt ve con, con sẽ rất hạnh phúc khi được khen ngợi và nỗ lực nhiều hơn để củng cố thêm ưu điểm đó. Nếu ứng dụng thành công Nguyên tắc về sự tăng trưởng này, bạn sẽ có thể nuôi dạy con một cách nhẹ nhàng.
3. Đừng xem trạng thái hiện tại của con là trạng thái hoàn thiện
Đừng xem trạng thái hiện tại của con là trạng thái hoàn thiện. Bất luận bạn đang khó chịu với khía cạnh nào trong hành vi của con, bạn vẫn cần tin tưởng vào sự thật rằng con người có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cá tính của mình. Thậm chí nếu con bạn không thay đổi sau một vài ngày, hãy kiên trì trong vòng từ một đến hai tuần. Sau đó, con bạn chắc chắn sẽ thay đổi.
Điều quan trọng trong việc nuôi dạy con là tạo cho trẻ một hình ảnh tích cực về bản thân. Khi đó, con sẽ thay đổi. Tinh thần con sẽ tràn đầy năng lượng. Con sẽ có thể sống hòa hợp với nhiều người, sẽ không còn gắt gỏng với mọi người xung quanh và trở nên tử tế hơn, đồng thời học được cách hợp tác với trẻ đồng trang lứa.
Trong trường hợp cha mẹ lúc nào cũng trấn áp con bằng cách nổi giận, con sẽ khó hòa hợp với mọi người. Nhiều trường hợp cho thấy khi cha mẹ chuyển sang phong cách nhìn nhận, khen ngợi và yêu thương con, con không còn hung hăng nữa. Con sẽ thay đổi. Từ một đứa trẻ hay khóc nhè thành một đứa trẻ mạnh mẽ chỉ trong vòng vài tuần.
Mọi trẻ em trên thế gian này đều có bản tính tuyệt vời. Hãy tin tưởng con bạn. Chỉ cần bạn điều chỉnh cách ứng xử với con, tích cực khen ngợi con và thay đổi thái độ, con bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này thường học được cách yêu thương và cố gắng bảo vệ cha mẹ. Trẻ sẽ ngoan ngoãn vâng lời và tự giác giúp đỡ cha mẹ. Trẻ mang hình ảnh tích cực về bản thân và có tâm hồn rộng mở. Điều này sẽ giúp cho việc học hành của trẻ tiến triển suôn sẻ.
Dù con bạn có cư xử thế nào, bạn cũng cần nhớ rằng cá tính của con chưa hoàn thiện và không tồn tại vĩnh viễn. Đừng tự động đặt các giả định rằng con bạn học dở hay con bạn có vấn đề về tâm lý. Khi con lớn hơn, các khía cạnh này sẽ thay đổi. Đầu tiên, trứng nở thành sâu, sâu biến thành nhộng, rồi nhộng mới trở thành bướm. Sự phát triển của trẻ cũng vậy. Bạn không thể nhìn thấy một con bướm ngay được. Bạn có thể xem tính cách hiện tại là một phần của quá trình trưởng thành ở con.
“Sợ người lạ” là một giai đoạn trong quá trình phát triển của con. Con nói: “Không” với mọi thứ cũng là một giai đoạn của quá trình này. Năm trẻ lên hai, trẻ trải qua khoảng thời gian dễ cáu kỉnh. Hãy quan sát con và nhớ rằng những hành vi này chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định. Hãy cố cư xử thật bình tĩnh và đợi con bước sang giai đoạn trưởng thành tiếp theo.
Tôi vẫn thường nhận được nhiều câu hỏi từ các bà mẹ, những người cảm thấy bối rối không biết phải làm thế nào trước những cơn cáu giận của con. Những người mẹ này lo lắng, rằng nếu họ không thay đổi hành vi của con ngay bây giờ thì chúng sẽ gặp rắc rối về sau.
Ở tuổi lên hai, khi bạn yêu cầu con ghép một bức hình, con sẽ cảm thấy việc này thật khó, và con sẽ tỏ ra khó chịu. Con sẽ ném các mảnh ghép đi, nằm ngửa ra sàn mà la hét; thậm chí ngay cả khi bạn đã cố gắng dỗ dành, con vẫn sẽ tiếp tục khóc lóc một hồi. Nhưng bạn chỉ cần đợi thêm khoảng nửa năm, con có thể dễ dàng thực hiện bức tranh ghép cũng như bộc lộ rõ cảm xúc của mình. Trạng thái thất vọng của con sẽ biến mất, con sẽ trở nên điềm tĩnh đến khó tin. Hãy nghĩ đến những hành động đầy lo lắng mà con bạn thể hiện vào những giai đoạn phát triển của con. Thậm chí nếu con không thể chơi tốt một môn thể thao nào đấy hoặc học kém thì bạn cũng đừng vội nghĩ khả năng của con chỉ có thế. Chỉ cần con cố gắng, con vẫn có thể tiến bộ hơn nữa. Hãy tin rằng khi cha mẹ ôn tồn và ủng hộ con, con chắc chắn sẽ thay đổi. Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên quở trách khắt khe thì tính cách của con sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Tôi từng nhận được thư của một người mẹ hỏi như sau: “Con tôi bắt đầu biết đánh tôi. Trước giờ chẳng có ai đánh bé cả, tôi không biết bé học được hành động này từ đâu?”.
Trong tình huống này, con đánh mẹ không phải vì con từng nhìn thấy ai đó đánh nhau và học được hành vi ấy, mà là vì mẹ cứ la mắng con trước mặt người khác nên con bực bội và bắt đầu đánh mẹ. Nếu mẹ đối xử dịu dàng với con thì thái độ hung hăng của con sẽ biến mất. Hành vi hung hăng ấy bắt đầu xuất hiện khi con không nhận được đầy đủ tình thương từ cha mẹ. Trẻ sẽ thay đổi nếu cha mẹ không dùng lời lẽ và hành động quá khắt khe, đồng thời không nhìn nhận cảm xúc nhất thời của con với thái độ tiêu cực. Tôi đã nhận được lá thư sau đây từ một phụ huynh trong trường của chúng tôi.
Thư của mẹ
Tôi nhận ra mình đã chưa dành đủ tình yêu thương cho con Chuyện liên quan đến đứa con hung hăng mà tôi từng nhờ ông tham vấn ý kiến giờ đã được giải quyết. Nhìn lại cả quá trình, tôi nhận ra tôi đã vô tình đẩy con mình ra xa. Con tôi đã cư xử bạo lực với một người bạn của bé nên tôi đã tách chúng ra và không cho chúng chơi với nhau trong vài tháng.
Thế rồi, con tôi bắt đầu cư xử như một đứa trẻ nhõng nhẽo, lúc nào cũng bắt tôi ẵm bồng. Dù thực sự không muốn như thế vì bé đã lên ba nhưng tôi nghĩ mình nên làm theo yêu cầu của bé. Vào những lúc có thể, tôi ẵm bồng và ôm bé trong lòng. Khi tôi làm vậy, con tôi có vẻ bình tĩnh lại. Cùng lúc đó, tôi cảm thấy tình thương mình dành cho con thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Tôi nhận ra mình
chưa dành đủ tình yêu thương cho con. Giờ con tôi đã có thể hòa nhã chơi đùa với cậu bạn mà bé đã từng có thái độ hung dữ. T. K., Thành phố Urayasu
4. Đừng cầu toàn trong việc nuôi dạy con
Mọi người mẹ đều muốn nuôi dạy nên những đứa trẻ khỏe mạnh và thông minh. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con đôi khi trở nên khó khăn. Khi thấy con cư xử trái với ý muốn của mình, các bà mẹ liền có cảm tưởng họ dạy con không khéo. Nhiều người thậm chí còn rơi vào trạng thái căm ghét bản thân mình. Nếu bạn quá thiết tha trong việc mang đến cho con sự giáo dục lý tưởng thì việc đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả mà bạn mong muốn. Thật khó mà đạt được các tiêu chuẩn lý tưởng vì một khi bạn đã lấy những tiêu chuẩn này làm trọng tâm, bạn sẽ buộc mình phải liên tục cố gắng giúp con đạt được chính xác những điều bạn kỳ vọng. Khi đó, bạn sẽ không thể nuôi dạy con một cách thoải mái và sẽ bị sự căng thẳng đè nặng. Việc này sẽ tạo nên một môi trường trưởng thành không tốt cho con bạn. Tôi đề nghị những bà mẹ đang vật lộn với cảm xúc này nên tham khảo Lý thuyết “Cái tốt thứ cấp” (Second Best Principle). Lý thuyết “Cái tốt thứ cấp” là một nguyên tắc cho rằng: khi một phương án để đạt được một kết quả tối ưu trở nên bất khả thi (không thể thỏa mãn được), thì bạn nên chuyển sang phương án tốt nhất thứ hai với những thay đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bằng cách này, phương án tốt nhất thứ hai khi đó có thể đem lại hiệu quả cao hơn kỳ vọng mà bạn đặt ra cho phương án thứ nhất.
Tương tự như vậy, thay vì cố gắng đạt được quy trình giáo dục hoàn hảo bằng mọi giá (một việc gần như không thể), bạn nên áp
dụng Lý thuyết “Cái tốt thứ cấp” và điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống của gia đình cũng như khả năng của con bạn. Bằng cách này, bạn có thể giữ được thái độ bình tĩnh. Cảm giác bình tĩnh này sẽ truyền sang con. Con sẽ vui vẻ đáp lại.
Trái với tư tưởng cầu toàn, việc điềm tĩnh giáo dục con dựa trên quan điểm này sẽ cho phép cha mẹ tạo ra môi trường nuôi dạy tốt nhất dành cho con.
Khi cha mẹ đòi hỏi sự hoàn hảo trong quá trình đánh giá con, bất luận con làm gì, cha mẹ cũng chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực. Họ quên mất nhịp điệu phát triển tự nhiên của con và cứ mãi thắc mắc tại sao con mình không thể làm được một số việc nhất định. Họ sẽ đề ra những tiêu chuẩn rất cao và khi con họ không thể đạt được, họ sẽ bực mình.
Thay vì chấp nhận con đúng với những gì con có, quá trình nuôi dạy trở nên khó khăn vì cha mẹ đơn phương thiết lập tiêu chuẩn riêng của họ, cố gắng nuôi dạy để con đáp ứng được những tiêu chuẩn đó.
Cha mẹ cần biết rằng con trẻ có nguyện vọng của riêng mình. Chúng không thể cư xử chính xác như những gì cha mẹ muốn. Những bậc cha mẹ cố gắng điều khiển con dựa theo mong muốn của bản thân sẽ không thể nào thoát khỏi trạng thái cáu kỉnh và bực tức. Từ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ ngày càng trở nên khó chịu hơn. Con họ sẽ không thể tự làm được việc gì, trong khi vấn đề và rắc rối thì ngày một gia tăng. Cha mẹ phải lập tức nhận thức được khi việc này xảy ra. Cha mẹ cần nhớ rằng vốn dĩ con đã hoàn hảo theo cách của riêng mình.
Tuy nhiên, vì không nhận thức được điều này, nhiều bà mẹ bắt đầu đề ra tiêu chuẩn thật cao khi nuôi dạy con. Họ sẽ đâm ra lo lắng khi con không đạt được những tiêu chuẩn này và bắt đầu tin rằng con mình lúc nào cũng đầy khiếm khuyết.
Chúng tôi thường đề nghị cha mẹ cho con nhỏ xem các tấm thẻ có tranh ảnh, chữ và số ngay từ tuổi sơ sinh. Nhưng nếu bé nhà bạn tỏ ra không muốn nhìn chúng nữa thì bạn cũng nên ngưng cho con xem những thẻ này. Nếu con không còn thích nghe bạn đọc truyện nữa thì bạn không cần phải ép con tiếp tục nghe. Nếu con đã không muốn làm bài tập thì không cần phải làm nữa. Việc ép buộc con làm một việc gì đó chỉ khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn bắt đầu tin rằng con bạn kém cỏi thì bạn cũng sẽ bắt đầu tin rằng mình đã thất bại trong việc nuôi dạy con.
Nhìn chung, hầu hết các bà mẹ đều vô tình đề ra những tiêu chuẩn quá cao trong việc nuôi dạy con và khiến bản thân mình mắc kẹt trong những tiêu chuẩn đó. Trẻ con có cá tính riêng, không bị giới hạn hay buộc phải hành động theo những khuôn mẫu đã định. Tuy nhiên, các bà mẹ thường cố bắt con mình phải hành xử giống với những “khuôn mẫu” khác.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu cảm xúc và quá trình phát triển của con. Đừng bắt con phải tuân theo một chương trình định sẵn. Hãy giúp con cảm thấy rằng chúng có thể tự làm mọi việc và thích ứng với sự phát triển của con. Nếu bạn làm vậy thì con bạn có thể lớn lên mà không cần lo lắng gì cả.
Thư của mẹ
Con tôi thực ra rất thích học
Khi con tôi tròn bốn tuổi, chúng tôi rơi vào tình trạng bế tắc vì những hành động của bé. Sự thiếu kiên nhẫn và thái độ hối thúc của tôi khiến bé chịu nhiều áp lực. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn và tôi rất lo lắng. Dần dần, tôi quyết định giảm bớt số hoạt động cùng tham gia với con, chúng tôi chỉ còn duy trì việc đọc sách và làm bài tập cùng nhau.
Rồi một ngày nọ, con gái tôi nói với chị gái tôi: “Ở nhà vui hơn đi mẫu giáo nhiều vì ở nhà mẹ cháu dạy cháu rất nhiều thứ. Nhưng dạo gần đây mẹ chẳng dạy cháu nhiều nữa nên ở nhà chẳng vui gì cả”. Tôi đã giảm số hoạt động cùng tham gia với con. Động thái đó giải quyết được sự năng động thái quá của bé và giảm thiểu những hành vi nổi loạn. Tôi đã nghĩ rằng đó là một việc tốt. Nhưng khi nghe những gì con nói, tôi mới nhận ra con gái tôi thực sự rất thích học.
Kể từ đó, tôi đối xử với con thoáng hơn và nhận được những kết quả tuyệt vời. Nếu bạn đối xử bao dung với con thì con bạn sẽ thấy thoải mái và bắt đầu bộc lộ những điểm mạnh đáng ngạc nhiên. K. K., Quận Chiba
5. Đừng so sánh con với trẻ khác
So sánh con mình với trẻ khác có thể khiến cho việc nuôi dạy con trở nên khó khăn. Chẳng có gì tốt đẹp trong việc so sánh. Thông thường, các bà mẹ hay so sánh con với những đứa trẻ có khả năng làm việc gì đó một cách khéo léo. Nghĩ đến chuyện con mình không làm được giống như vậy, họ cảm thấy rất buồn. Có điều, cha mẹ cần nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều có cá tính, sự phát triển và sở thích riêng, hoàn toàn khác biệt với người khác. Làm sao chúng ta có thể đánh giá con dựa trên một tiêu chuẩn chung được!