🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Yến Hội Và Phaedrus
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
GIỚI THIỆU
HIỆN TƯỢNG TÌNH YÊU GỢI DỤC (Erôs), thứ tình yêu bắt nguồn từ sự thèm muốn thể xác, song có khả năng vượt qua nguồn gốc trần tục để vươn tới đỉnh cao nhập định, đi từ tâm lý theo con đường tâm linh đến tôn giáo, được Platon bàn tới trong hai đối thoại hết sức ấn tượng Sumpósion và Phaedrus. Đối thoại thứ nhất bàn về tình yêu, đối thoại thứ hai nói về cái đẹp. Phaedrus là danh từ riêng chỉ tên người cụ thể thời đó; Sumpósion là danh từ chung chỉ lối Sống đặc biệt thuở ấy, tiếng Pháp dịch là le banquet, tiếng Anh là the symposium, tiếng Việt là Yến hội hay yến ẩm, hiểu nôm na là tiệc rượu sau bữa ăn chiều. Hai đối thoại này bàn tới nguồn gốc trần thế và đỉnh cao xuất thần của tình yêu nhập hóa.
Về nội dung, Sumpósion là bản tường thuật các phát biểu hoặc diễn từ về tình yêu gợi dục trình bày trong buổi Yến hội, còn Phaedrus là cuộc chuyện trò bàn về nghệ thuật diễn ngôn bao gồm nhiều loại phát biểu về tình yêu nhục dục. Cả hai đều mang đậm nội dung triết lý cũng như phẩm chất văn chương, Cả hai cung cấp chứng cứ hiển nhiên để bàn luận về triết học Platon một cách tổng quát, vì chúng trình bày cụ thể nhiều chủ đề chính yếu trong trứ tác của triết gia. Cả hai cũng cung cấp cứ liệu thích hợp để tìm hiểu vấn đề nên đọc đối thoại của Platon như thế nào, bởi cả hai đều chứa đựng nhiều dáng vẻ khiến giới tư tưởng Tây Âu tranh luận: đối thoại như thế thuộc thể loại văn chương nào?
Dẫu vậy, hai đối thoại ấy cũng khác nhau đáng kể. Sumpósion kể một số diễn từ ca ngợi tình yêu tại buổi Yến hội. Phát biểu trải dài từ pha trò lỗ mãng, nói năng tục tĩu qua lý thuyết trình bày rành mạch, tới suy tư triết lý cao siêu; đối thoại bao gồm khá nhiều chi tiết về nhân vật phát biểu cùng
https://thuviensach.vn
phản ứng của họ tại buổi sinh hoạt đặc biệt. Còn Phaedrus ghi lại cuộc chuyện trò giữa Socrates và chàng thanh niên Phaedrus. Sau khi gặp nhau sánh vai tản bộ tới nơi yên tĩnh ở ngoại ô thành phố, nghỉ ngơi trên bãi cỏ xanh tươi, dưới tán cây tiêu huyền, bên dàn hoa trinh nữ, cạnh dòng sông êm đềm, hai người đọc diễn từ của Lysias, diễn giả lừng danh đương thời, nội dung nhằm thu hút cậu thiếu niên mới lớn. Socrates đưa ra hai diễn từ hoàn toàn khác biệt, chủ đề tương tự, ngõ hầu thay thế. Sau đó, ông và Phaedrus bàn luận những yếu tố cần thiết để cấu thành một diễn từ lôi cuốn. Độc giả sẽ bắt gặp khá nhiều chi tiết miêu tả phản ứng của nhân vật cùng khung cảnh gợi cảm diễn ra trước mắt hai người. Tuy nhiên, Phaedrus nghiêng nhiều về việc làm thế nào để hình thành và diễn giải huyền thoại.
Nhưng thế nào là Sumpósion? Dịch là “Yến hội” không sai, song chưa hẳn đúng. Sumpósion là sinh hoạt do cá nhân tổ chức tại nhà riêng hay viên chức tổ chức tại công sở. Tiệc rượu Hy Lạp phản ánh đặc tính nam giới chế ngự đời sống xã hội, sinh hoạt tách biệt giữa nam giới với nữ giới. Tiệc rượu Hy Lạp cũng phản ánh lễ nghi trong đời sống xã hội, ngay cả trong phạm vi ta gọi là riêng tư hoặc bình thường. Chủ và khách đều là đàn ông; tiệc rượu diễn ra trong phòng riêng. Ở Hy Lạp thời xưa (thế kỷ VIII - VI TCN), tiệc rượu dường như là sinh hoạt quan trọng nhằm thắt chặt tình thân trong giới quý tộc, thành phần chủ chốt trong thành quốc thời đó. Thanh thiếu niên đóng vai bồi rượu nhanh nhảu, ngoan ngoãn, vui vẻ hầu hạ khách khứa nhằm đón nhận lời khuyên có tính đức độ và ánh nhìn mang đầy vẻ yêu đương của người cùng giới. Qua sinh hoạt như thế họ được khai tâm, chỉ bảo để mai này cất bước đi vào cuộc sống xã hội nam giới. Cuối thế kỷ V TCN, thời gian diễn ra đối thoại của Platon, tiệc rượu vẫn là sinh hoạt đặc thù được thành phần quý tộc tiêu khiển với nhau, dù lúc này Athens về mặt thể chế đã là thành quốc dân chủ. Người tham dự gồm toàn đàn ông, thiếu niên không hiện diện nữa, thay vào đó là nam nô lệ và nữ nô lệ, cả hai giữ vai phục vụ và chiêu đãi. Khác với tiệc rượu ngày nay, tiệc rượu ngày xưa nặng vẻ nghi lễ; giữa bữa ăn và tiệc rượu cách nhau khá lâu, thời gian là mấy tiếng đồng hồ. Sau bữa ăn, thực khách rửa tay, choàng hoa, thoa dầu
https://thuviensach.vn
và nghỉ ngơi. Tiệc rượu bắt đầu, khách khứa nếm vang nguyên chất, rảy một chút xuống đất làm lễ, sau đó cất lời đồng ca dâng hiến thần linh. Vang pha với nước, tỉ lệ năm phần nước hai phần vang, nồng độ như bia ngày nay. Một người được bầu làm thủ lĩnh. Tham khảo ý kiến tửu khách, thủ lĩnh quyết định số độ sẽ pha, số liễn sẽ hòa, số ly sẽ uống và lượng thức ăn sẽ dùng, Đêm xuống, cuộc vui bắt đầu. Nó kéo dài đến tảng sáng hôm sau. Tiệc rượu diễn ra trong căn phòng vuông vắn gọi là andrôn. Bên trong đặt một số ghế dài có thể gấp lại, phần ngắn để dựa, phần dài để nằm, số lượng từ bảy đến 11 chiếc. Khách ngả lưng trên ghế, tay trái tựa gối chống cằm, tay phải với đồ ăn thức uống để trên chiếc bàn thấp trước mặt. Ghế kê theo hình vuông, trước cửa ra vào bỏ trống. Sắp xếp như thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyên trò, ca hát theo đường vòng hay đi chéo căn phòng, Đón rượu, ca hát, phát biểu đi đường vòng thường từ trái qua phải. Phòng không cửa sổ, thay vào là các bức tranh vẽ treo trên tường; hình trang trí được vẽ trên liễn hoặc ly thường là cảnh trí Yến hội hoặc gặp gỡ ngỏ tình. Toàn cảnh tạo thành không gian riêng biệt, khép kín, trong đó tửu khách chú ý lẫn nhau, chia sẻ nguồn vui qua ly rượu, câu chuyện, khúc nhạc và nhục cảm thầm kín. Cảm giác gợi tình do nữ nô lệ trong vai kỹ nữ, đôi khi do nam nô lệ trong vai bồi tửu tạo nên; họ sắm vai khêu gợi trong buổi tiệc rượu song dường như chỉ lả lướt bề ngoài hơn là thực sự gợi tình bên trong.
Yến hội trong đối thoại của Platon biểu hiện nét sinh hoạt xã hội ấy. Nhưng thủ lĩnh Eryximachus lại dứt khoát cho kỹ nữ tạm nghỉ trong đêm Yến hội mặc dù gia chủ hiếu khách Agathon sốt sắng cung cấp. Việc ấy cho thấy Yến hội có tính trí tuệ, sinh hoạt khác thường với một loạt diễn từ về bản chất tình yêu, đồng thời dọn đường mở lối cho diễn từ về tình yêu đồng tính. Không khí đặc sánh mùi vị triết lý trong phát biểu của Socrates loãng dần khi Alcibiades say khướt cùng đám đệ tử lưu linh quá chén loạng choạng bước theo thiếu nữ thổi sáo ùn ùn như nước chảy đi vào. Phá tan quy ước thông thường của Yến hội, không những thế còn tự bầu mình làm thủ lĩnh, Alcibiades uống tiếp và bảo đoàn tùy tùng làm theo. Rồi
https://thuviensach.vn
Alcibiades lại phá tan quy ước khi lớn tiếng ca ngợi Socrates, và thay vì ca ngợi thần Tình Yêu, ông lại dốc lòng nói về tình dục, mặc dù thực chất là nhằm biểu lộ tình trạng vắng bóng tình dục giữa họ.
Muốn thưởng thức trọn vẹn hai đối thoại, độc giả cần để ý nhiều đến vấn đề liên hệ. Điểm chính yếu độc giả đừng quên là hai đối thoại này, cũng như mọi đối thoại của Platon, đều là sáng tác hư cấu. Khung cảnh, nhân vật phần nào dính dáng tới lịch sử, qua đó độc giả hiểu thái độ cùng lối sống của giới quý tộc Athens thế kỷ V và IV TCN, song độc giả không nên cho rằng hai áng văn này là bản tường trình sự việc và đối thoại cụ thể mà do người khác hình dung, không phải Platon (ngay cả diễn từ được bảo là của Lysias trong Phaedrus). Đặc biệt vấn đề sau đây lại càng khiến độc giả thấy nội dung kỳ cục, phản tự nhiên đối với văn hóa ta ngày trước cũng như ngày nay, và có thể nói đối với đa phần văn hóa thế giới xưa và nay. Đó là tình trạng đồng tính luyến ái, đàn ông yêu đàn ông, đàn ông làm tình với đàn ông. Đó không phải tình yêu nam nữ như mọi nơi quan niệm. Thể hiện quan điểm khác biệt, đối thoại diễn tả bản chất và ý nghĩa của tình yêu, với quan niệm tình yêu luôn ở hình thái giữa hai người cùng phái. Quan hệ đồng tính luyến ái được những người trong đối thoại mặc nhiên chấp nhận. Mô hình thông thường là người đàn ông lớn tuổi (người kia) tìm cách thiết lập quan hệ thân thiết với cậu thiếu niên (người này); người này trở thành protégé của người kia, người kia giữ vai trò che chở, hỗ trợ người này; sáng kiến khởi sự cuộc tình thường do người kia chủ xướng, dẫu thế người này nên và cần kín đáo, đừng vội vã bày tỏ cảm tình hoặc bán rẻ lòng mình kẻo mang tiếng và có thể mang tội. Người kia là chủ thể, người này là đối tượng; người kia là người định yêu, người này là người được yêu; người kia là người yêu, người này là người tình; tiếng Hy Lạp gọi người kia là erastès, người này là erômenos, tiếng Pháp dịch là l’aimé và l’aimant, tiếng Anh dịch là thepursuer và the pursued hay the lover và the loved. Bởi thế, lợi ích đến từ mối quan hệ này hoàn toàn khác biệt đối với hai bên: lợi ích xã hội và giáo dục đối với thiếu niên, còn thú vui tình dục và cảm giác giao du đối với người lớn tuổi. Kiểu quan hệ như thế được
https://thuviensach.vn
miêu tả trong đối thoại như lối sống bình thường của người dân Athens cổ xưa, ít nhất là giới quý tộc. Việc thể hiện tình yêu đồng tính của người Hy Lạp thời đó còn được coi như sự thỏa mãn ước muốn cao nhất của con người, còn tình yêu khác giới giữa nam và nữ chỉ là phương tiện sinh con đẻ cái. Độc giả phải chấp nhận thực tế này không chút thành kiến, coi đó như sinh hoạt tự nhiên mà không khó chịu nếu muốn hiểu nghĩa của từ “Erôs” được người Hy Lạp sử dụng.
Sáng tác vào khoảng các năm 385 - 380 TCN, từ đó đến nay, Yến hội vẫn được coi là triết phẩm gây nhiều ấn tượng mà Platon để lại trong sự nghiệp triết học. Đối thoại xây dựng trên mấy diễn từ về Erôs, thần Tình Yêu, hay Tình Yêu, trình bày trong buổi tiệc mà kịch gia Agathon (450 - 400 TCN) khoản đãi bạn bè thân thiết tại nhà riêng nhân dịp ngài đạt giải cao trong cuộc tuyển chọn bi kịch do thành quốc Athens tổ chức. (Theo lịch sử, cuộc tuyển chọn thực sự diễn ra vào năm 416 TCN.) Diễn biến do một người tên là Apollodorus kể lại cho người bạn không thấy nêu tên nghe ít lâu sau cuộc tuyển chọn. Một số nhân vật là những người tiếng tăm thực sự. Ngoài Socrates (469 - 399 TCN), có kịch gia hài hước Aristophanes (448 - 385 TCN) nổi tiếng thời ấy với các sáng tác đến nay vẫn còn lưu truyền, cụ thể là The clouds (Đám mây) và The Brogs (Bầy ếch). Thêm vào đó là một nhân vật đặc biệt: Thời Platon, không ai không biết hay xa lạ với cái tên Alcibiades (?450 - 404 TCN) cùng sự nghiệp hứa hẹn lẫy lừng, từng có thời điểm giao du thân mật với Socrates. Thời gian diễn ra Yến hội, Alcibiades mới chớm 30 tuổi, là một thanh niên đẹp trai, tài hoa và giàu có. Năm 415 TCN, tức năm kế sau tiệc rượu được tổ chức ở nhà Agathon, Alcibiades được chọn làm tướng chỉ huy đoàn quân đi chiếm đảo Sicile. Cuộc viễn chinh thất bại thảm hại; thất bại này kéo theo thất bại khác thảm hại hơn; những thất bại hoàn toàn bất ngờ. Athens thua Sparta trong cuộc chiến tranh Peloponnese kéo dài khá lâu. Đêm trước ngày xuất quân, nhiều tượng thần Hermes ở khắp nơi trong thành phố được dân chúng đặt trước cửa nhà để tỏ lòng tôn kính, đồng thời hy vọng sự che chở bình yên, bỗng dưng bị đập nát. Cảnh tượng đó khiến họ phẫn nộ. Nhiều người quy tội đó cho
https://thuviensach.vn
Alcibiades chứ không ai khác. Khi hay tin nếu trở về Athens sẽ bị tử hình vì báng bổ thần linh, chàng bèn bỏ sang Sparta, trợ giúp thành quốc này đánh bại Athens. Tuy nhiên, vài năm sau, chàng lại được Athens đón tiếp như người hùng chứ không phải kẻ phản quốc, mặc dù có nhóm thù ghét chàng, và cuối cùng chàng đã bị ám sát. Viết về bi kịch, Agathon cũng nổi tiếng, dẫu sáng tác của ông đã bị thất truyền. Sau thành tích vẻ vang khiến có lý do tổ chức Yến hội ăn mừng với bạn bè, kịch gia rời Athens đi Macedonia tới triều đình của vị quân vương độc tài Archelaus. Eryximachus là y sĩ nổi tiếng đương thời bị cáo buộc như Phaedrus âm mưu đập tượng, hành tung ngông cuồng đã gán cho Alcibiades. Người còn lại không phải nhân vật lịch sử. Tuy thế, không thể bỏ qua nhân vật mang tên Pausanias, nhân vật tương tự xuất hiện trong Symposium của Xenophon*. Người đời sau không có chứng cứ rõ rệt về cuộc đời của các nhân vật tên là Diotima, Aristodemus và Apollodorus, mặc dù Apollodorus xuất hiện trong Apologia (Biện giải) như bạn chí thiết sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt cứu mạng Socrates, và trong Phaedo như bạn tâm giao chuyện trò lần cuối với tử tội Socrates.*
Về hình thức, Yến hội gồm sáu diễn từ do Aristodemus kể và bảy độc thoại. Tuần tự là Phaedrus (178a-180c), Pausanias (180c-185c), Eryximachus (185e-188e), Aristophanes (189a-193d), Agathon (194e 197e), Socrates (201d-212c), và Alcibiades (215a-222b). Sáu nhân vật sau đây lần lượt phát biểu: Phaedrus, Agathon, Pausanias, Eryximachus, Aristophanes, và Socrates nhân danh Diotima. Sáu diễn từ về Erôs, thần Tình Yêu, có thể được xếp thành ba cặp, trong đó diễn từ này trái nghịch với diễn từ kia, ý tưởng đối chọi nhau chan chát.
(?431 - 334 TCN), là nhà triết học, nhà sử học, người lính, lính đánh thuê, và học trò của Socrates. Symposium được Xenophon viết khoảng cuối những năm 360 TCN, kể lại buổi tiệc do Kallias tổ chức, có sự tham dự của Socrates và những người khác. (BT)
Xem thêm: Plato, Ngày cuối trong đời Socrates, Omega Plus Books, 2018. (BT)
https://thuviensach.vn
Với Phaedrus và Agathon thì chỉ có một Erôs. Trong khi Phaedrus chủ trương Erôs là vị thần già nhất, thì Agathon khẳng định Erôs là vị thần trẻ nhất trong các thần. Ngược lại, Pausanias và Eryximachus chủ trương có hai Erôs tương ứng với hai Aphrodite, nữ thần tình yêu thiên thể Ourania* và nữ thần tình yêu trần tục Pándêmos. Trong khi Pausanias chỉ để ý đến hậu quả của tình trạng nhị nguyên đối với trường hợp con người, thì Eryximachus lại trải rộng việc tìm hiểu tới toàn thể sinh vật. Aristophanes và Socrates lại đặt vấn đề ở mức độ khác. Với Aristophanes, Erôs là vị thần duy nhất có thể giúp con người thực hiện thứ mà họ hướng tới: kết hợp với một nửa còn lại đã bị thần Zeus chẻ làm hai. Socrates nhắc lại lời Diotima, một phụ nữ xa lạ từ thành phố Mantinea, rằng Erôs không phải thần linh mà là anh linh, được giao phó chức năng trung gian, giúp con người gửi khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Tốt mà con người muốn sở hữu vĩnh viễn qua phương tiện truyền giống theo thân xác và tâm hồn tới thần linh. Phaedrus viện dẫn Hesiod, Parmenides và Akousilaos. Vì già nhất nên Erôs là vị thần đem lại lợi ích lớn nhất và là vị thần có tư cách và quyền lực đưa con người tới chỗ đạt được giá trị và hạnh phúc khi sống cũng như khi chết, dù là người định yêu (người yêu) hay người được yêu (người tình). Về phần mình, Agathon giữ quan điểm Erôs là vị thần trẻ nhất, tế nhị và bất thường, song cũng công bằng, tiết độ và can đảm; nhờ đó, vị thần ấy đem lại lợi ích cho mọi người.
Trong tiếng Hy Lạp, từ “ourania” nghĩa là bầu trời, hoặc thuộc về bầu trời.
Pausanias không ngần ngại đưa ra định đề: mọi người đều biết nếu không có Aphrodite sẽ không có Erôs. Bởi có hai Aphrodite, một Aphrodite thiên thể sinh ra từ tinh trùng của Ouranos chảy xuống đại dương (Hesiod, Theogony (Thần phổ), 178-206) và một Aphrodite trần tục là ái nữ của Zeus và Dione [xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 223], nên phải phân biệt hai Erôs. Thoát thai từ Aphrodite trần thế, sự ra đời hàm ý có nguyên lý nam và nguyên lý nữ tham dự, Erôs biểu thị ba nét đặc biệt: thích cả đàn ông lẫn đàn bà; thích cả thể xác lẫn tâm hồn; thích cả việc thực hiện lẫn cung cách thực hiện hành vi tình dục. Đổi lại, thoát thai
https://thuviensach.vn
từ Aphrodite thiên thể, già nua nhất trong các vị thần, sự ra đời chỉ do nguyên lý nam, Erôs này biểu thị ba nét đặc biệt đối nghịch với ba nét kể trên: đặc biệt thích đàn ông; thích tâm hồn, không thích thể xác; thích cung cách hơn bản thân việc thực hiện hành vi tình dục. Với Aristophanes và Socrates, diễn từ về Erôs đổi chiều rõ rệt. Trong khi bốn diễn từ trước thâm nhập vào lối diễn giải, biến đổi nhận định của huyền thoại về Erôs, thì phát biểu của Aristophanes và Socrates lại dẫn độc giả đi vào một địa hạt tôn giáo khác hẳn. Không những hậu cảnh huyền thoại, mà cả tính văn chương trong diễn từ của Aristophanes cũng trội hơn các diễn từ khác trong Yến hội. Thay vì miêu tả bản chất Erôs rồi chứng minh lợi ích xuất phát từ bản chất đó, Aristophanes trình bày khả năng của thần linh, riêng mình có thể khắc phục nỗi bất hạnh đó, và việc chữa trị này thể hiện hạnh phúc cực kỳ lớn lao đối với loài người. Muốn làm vậy, kịch gia miêu tả trạng thái trước kia của loài người và cho thấy nguồn gốc bất hạnh đã hành hạ họ. Ngày xưa, loài người chia làm ba loại bản chất: nam, nữ, vừa nam vừa nữ. Con người có hình dạng như quả trứng, mỗi thứ trong mỗi loại vừa kể đều gấp đôi; có bốn tay, bốn chân, hai mặt đối diện nhau, và nhất là hai giới, cái thực sự cấu thành phần phía sau của con người. Trong trường hợp người nam, hai giới đó đều là đực; trong trường hợp người nữ, hai giới đó đều là cái; và trong trường hợp người lưỡng tính, một giới là đực, một giới là cái. Mặt khác, dáng vẻ hình tròn cho thấy nguồn gốc của sinh vật: đực là con của Mặt Trời; cái là con của Trái Đất; lưỡng tính là con của Mặt Trăng - giới này ở vị trí trung gian giữa Mặt Trời và Trái Đất mà khi liên hệ tới Mặt Trời, giới này là một loại của Trái Đất, còn khi liên hệ với Trái Đất, giới này là một loại của Mặt Trời. Bắt chước anh em Khổng Lồ Ephialtes và Otos bắc thang lên trời bắt giữ thần linh, con người nổi loạn chống lại thần linh. Vì thế, muốn trừng phạt mà không tận diệt, Zeus quyết định chẻ con người làm đôi. Làm xong, Zeus chỉ định Apollo săn sóc vết thương cho con người và lỗ rốn chính là cái sẹo do đường cắt tạo thành. Sự trừng phạt này đưa loài người tới chỗ mất mát. Do vậy, liên tục và hăng hái, nửa này cố gắng tìm kiếm nửa kia. Zeus lại phải ra tay chuyển các bộ phận nhận biết giới tính của mỗi nửa lên phía trước. Phẫu thuật lần này giúp con người có
https://thuviensach.vn
thể thỉnh thoảng kết hợp tình dục, giúp con người tìm lại nửa phần chia lìa, đồng thời giúp con người để ý chuyện khác, nhất là chuyện sinh sống và sinh đẻ.
Socrates làm ra vẻ nhắc lại lời Diotima, ca ngợi tình yêu (Erôs) mở đường đi vào thế giới mới, thế giới lý tính; thực tại không đồng nhất nữa, nó biểu thị mức độ trong đó cảm tính và lý tính tiêu biểu như hai cực đối nghịch song bổ túc. Bàn luận với Agathon, Socrates đưa ra ba nhận xét cơ bản. Thứ nhất, tình yêu luôn luôn trong tương quan với cái gì đó, vì luôn luôn là yêu cái gì. Thứ hai, đối tượng ấy là cái đẹp không thể tách khỏi cái tốt. Thứ ba, trong trường hợp tình yêu hàm ý sự thèm muốn giả định đối tượng vắng mặt, thì tình yêu phải đau khổ vì thiếu cái đẹp và cái tốt. Theo Socrates, ba đặc tính vừa kể biểu thị bản chất Erôs. Đó cũng là điều mà Diotima đã giảng giải. Khi đau khổ vì thiếu cái đẹp, cái tốt, Erôs thấy mình không còn là một vị thần vốn đẹp và tốt nữa. Nguồn gốc của Erôs - con của thần (Poros - hiện thân của mưu mẹo, kế sách, con trai của Métis - Khổng Lồ thế hệ thứ hai) và người (Penia - hiện thân của sự nghèo khó và túng quẫn) - giải thích cá tính Erôs. Từ người mẹ Penia, thừa hưởng tình trạng thiếu cái đẹp và cái tốt khiến Erôs đau khổ. Trái lại, từ người cha Poros, Erôs mang khát vọng hướng tới cái đẹp và cái tốt vốn chỉ có thể trở thành sở hữu vĩnh viễn qua việc sinh sản bằng thể xác và sáng tạo bằng tâm hồn. Sinh sản, thực hiện qua việc hợp nhất giữa đàn ông và đàn bà, giúp con người tồn tại lâu dài trong cái đẹp và cái tốt của thế giới cảm tính. Còn sáng tạo, chỉ có thể thực hiện qua giao tiếp giữa đàn ông với nhau, giúp con người tìm thấy tình trạng bất tử chân thực hiện hữu không phải trong thế giới cảm tính mà trong thế giới lý tính. Từ thế giới cảm tính sang thế giới lý tính, Erôs có thể biến sự ra đi thành hiện thực vào cuối quá trình tựa như cuộc khai tâm nhập pháp. Đó là nghi lễ bí truyền. Bởi thế, Socrates đối nghịch với Aristophanes như Mặt Trăng với Mặt Trời. Với Aristophanes, sức mạnh của Erôs là ở chỗ hợp nhất trong thế giới cảm tính; qua hợp nhất, Erôs thực hiện việc tìm kiếm nửa này ghép vào nửa kia. Socrates cho rằng
https://thuviensach.vn
Erôs đưa con người đi từ thế giới cảm tính sang thế giới lý tính mà ở đó biểu thị thực tại chân thực.
Bao quanh và kết nối các diễn từ là các ý kiến của Apollodorus đưa ra trao đổi, phản biện, nhận định, góp phần không nhỏ vào đối thoại.
Về nội dung, chủ đề bao trùm Yến hội dĩ nhiên là bản chất Erôs, nghĩa là bản chất tình yêu. Platon đi sâu vào chủ đề qua mấy diễn từ; nhưng do bất đồng quan điểm với nhau nên các diễn giả đưa ra những nhận định hầu như khác biệt. Qua đây, Platon muốn xác định bản chất tình yêu và bản chất con người.
Có sự khác biệt đáng kể giữa năm người phát biểu đầu tiên, song qua Agathon, một số điểm trình bày dường như lại tạo điều kiện để hai diễn giả sau cùng là Socrates và Alcibiades lên tiếng. Thoạt đầu, ai cũng hiểu Erôs là thèm muốn tình dục, điều đó hiển nhiên, thèm muốn như thế sẽ đưa tới hệ quả khác biệt và diễn ra dưới các hình thức khác biệt, trong đó, thèm muốn này khá hơn thèm muốn kia. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng Erôs có ý nghĩa lớn lao hơn thèm muốn tình dục, thèm muốn tình dục chỉ là biểu hiện giới hạn của cái sâu xa gấp bội. Eryximachus liên hệ Erôs với sự vận hành cơ bản của vũ trụ, Aristophanes liên hệ Erôs với nhu cầu chủ yếu của con người, nếu hoàn thành thì đó là chìa khóa mở cửa đi vào ngôi nhà hạnh phúc. Diễn tả Erôs như chìa khóa đối với con người và vũ trụ, khuynh hướng đạt cao điểm trong nhân định của Diotima được Socrates thuật lại. Đến đây, Erôs được nhìn nhận như phương tiện để cụ thể hóa khả năng tiềm ẩn cao nhất của con người trong việc hoàn tất sự hiểu biết về nguyên tắc tối hậu của cái đẹp, đó là mục đích tối hậu của Erôs. Đến đây xuất hiện cuộc đời thực sự thích hợp với con người. Nhưng Platon quan niệm cuộc đời đó như thế nào? Vấn đề này khiến giới học giả Tây Âu suy ngẫm bấy lâu, thế hệ nối tiếp thế hệ đưa ý kiến, song diễn giải thường mâu thuẫn, kết luận kém thuyết phục.
Bố cục đối thoại khá phức tạp. Đó là chuyện trò kể lại chuyện trò, đôi khi chuyện trò này lại gồm cả tường thuật về chuyện trò kia. Sau đối thoại
https://thuviensach.vn
mở đầu giữa Apollodorus và một người vô danh, toàn bộ đối thoại là lời kể của Apollodorus.
Mỗi người trong bữa tiệc nhân dịp họp mặt hãn hữu đều đồng ý đưa ra diễn từ ca ngợi tình yêu, hoặc chính xác hơn, đề cao Erôs, thần Tình Yêu mà người La Mã gọi là Cupid. Diễn từ mang hình thức hùng biện (hình thức đã trở thành tiêu chuẩn) ca ngợi trong Yến hội rõ ràng đi theo một khuôn mẫu đã định: (1) gốc gác hoặc gia hệ chủ thể; (2) phẩm chất tốt đẹp như thân thể cường tráng, diện mạo tuấn tú; (3) đức độ như thông minh, công bằng, can đảm, cư xử tao nhã; (4) thói quen và lối sống; so sánh những thành quả chủ thể đạt được với người khác. Phát biểu cũng cho thấy hình thức liên hệ giữa thần linh và tín hữu là hình thức tương hỗ. Diễn giả ngỏ lời ca ngợi Erôs là hình thức biểu thị sùng kính tôn thờ hoặc lợi ích qua lại mà tín hữu đón nhận từ thần linh.
Phaedrus kể cuộc chuyện trò phức tạp giữa Socrates và Phaedrus, chàng thanh niên cũng xuất hiện trong Yến hội. Đối thoại gồm ba diễn từ, một của Lysias, nhà hùng biện lừng danh, do Phaedrus đọc, hai của Socrates đáp lời nhân dịp bàn chuyện sáng tạo văn chương. Diễn từ của Lysias và diễn từ thứ nhất của Socrates đề cao lợi ích khi thiết lập quan hệ với người không yêu hơn là người yêu. Diễn từ thứ hai của Socrates ca ngợi ưu điểm của người yêu. Sau ba diễn từ là bàn luận dài dòng về nghệ thuật sáng tác diễn từ. Phaedrus thường được các nhà nghiên cứu Platon xếp loại là đối thoại sáng tác giai đoạn hai trong số các sáng tác của triết gia.
Phaedrus đặt cuộc chuyện trò diễn ra vào khoảng các năm 410 - 405 TCN, miêu tả Socrates lớn tuổi, Phaedrus trẻ tuổi song không còn là thiếu niên. Lysias là diễn giả lừng danh thành quốc Athens cổ đại; phát biểu của ông giữ vai trò chủ yếu trong đối thoại. Nhiều diễn từ của ông còn lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, không ai biết diễn từ được cho là của ông trong đối thoại là do ông viết hay Platon mượn bút pháp để viết ra - một điều gây tranh luận mà kết quả chưa rõ ràng. Phaedrus nhắc tới nhiều nhân vật nổi tiếng thành quốc Athens thời đó. Đặc biệt phần cuối nhắc tới
https://thuviensach.vn
Isocrates, người cùng thời với Platon, biện sư* lừng danh trong hàng ngũ biện sư giảng dạy nghệ thuật hùng biện, phê bình gay gắt Platon và Socrates như những người ảo tưởng, không thực tế, đi mây về gió. Trong đối thoại cũng ám chỉ khá nhiều về thần linh, đồng thời kể lại không ít huyền thoại.
Nguyên văn: “sophistes”, thoạt đầu được sử dụng trong tiếng Hy Lạp chỉ người có tài đặc biệt, từ cuối thế kỷ V TCN thì chỉ các trí thức, thầy đồ, lữ thứ lang thang đó đây kiếm ăn bằng nghề huấn luyện việc nói năng cho trôi chảy và hoa mỹ mà đương thời gọi là hùng biện.
Theo cách đặc biệt, Phaedrus miêu tả những đặc điểm nổi bật của xã hội Athens thời xưa, cụ thể là việc giảng dạy và thực tập nghệ thuật hùng biện. Nếu đọc Apologia của Platon, độc giả sẽ thấy luật pháp thành quốc được quyết định bởi một bồi thẩm đoàn đông đảo. Phiên tòa xét xử Socrates gồm 500 bồi thẩm. Hơn thế, hội đồng nhân dân có quyền hành lớn lao và thường giữ vai trò quyết định tối hậu đối với mọi việc trong cộng đồng. Trong xã hội như thế, khả năng nói năng thuyết phục là chìa khóa giúp bị cáo thoát khỏi vòng lao lý, nên người hướng dẫn và giảng dạy nghệ thuật này được đề cao và trả ơn hậu hĩnh. Một số thầy dạy cùng một số đề tài giảng dạy được đề cập trong đối thoại.
Bố cục của Phaedrus khá đơn giản: Gặp nhau chào hỏi qua loa, hai người quyết định đi đến một nơi yên tĩnh ngoài thành phố nghỉ ngơi rồi đọc diễn từ của Lysias. Lắng nghe xong xuôi, Socrates đưa ra hai diễn từ của ông. Sau đó hai người bàn luận khá lâu về nghệ thuật hùng biện và sáng tác diễn từ. Đối thoại gồm:
1. Nhập đề: 227a-230e
2. Diễn từ về tình yêu: 230e-257b
Diễn từ của Lysias: 230e-234c
Diễn từ thứ nhất của Socrates: 237a-241a
Diễn từ thứ hai của Socrates: 243e-257b
https://thuviensach.vn
3. Nghệ thuật trước tác diễn từ: 257b-278b
4. Kết luận: 278b-279c
ĐỖ KHÁNH HOAN
https://thuviensach.vn
LƯU Ý ĐỘC GIẢ
TRONG ẤN BẢN Yến hội và Phaedrus này, tên các nhân vật xuất hiện được ghi theo bản dịch tiếng Anh của Benjamin Jowett. Một số địa danh được đề cập trong sách hiện nay vẫn còn nhưng ranh giới địa lý đã thay đổi và/hoặc có tên gọi khác.
Cách ghi số và chữ căn cứ theo bản dịch các triết phẩm Platon do Joannes Serranus dịch và Henricus Stephanus phát hành ở Thụy Sĩ từ thế kỷ XVI, được coi là tiêu chuẩn và sử dụng trong các ấn bản thời nay để tiện tra cứu. Phần số là số trang ở ấn bản của Stephanus còn phần chữ là các đoạn ở mỗi trang. Khi trích dẫn Platon, người ta sẽ nhắc đến ba yếu tố: tên tác phẩm, số trang và đoạn. Ví dụ: “Yến hội 172a” nghĩa là trích từ (tác phẩm) Yến hội, trang 172, đoạn a.
Chú thích của người biên tập sẽ được ghi “(BT)”, các chú thích còn lại là của người dịch; phần trong ngoặc vuông “[…]” ở chú thích của người dịch là của người biên tập. Chú thích ở đây chỉ mang tính chất tham khảo, phục vụ các độc giả không tiện tra cứu, do các nguồn tư liệu khác nhau có thể cung cấp các thông tin khác nhau.
BAN BIÊN TẬP
https://thuviensach.vn
YẾN HỘI
GIỚI HỌC GIẢ TÂY ÂU đánh giá cao Yến hội về cả mặt văn chương lẫn mặt tư tưởng. Đối thoại kể mẩu chuyện khá sinh động và miêu tả chân đung Socrates rất chi tiết; hàm chứa biểu thị tuyệt vời về niềm tin thầm kín mà Platon mang trong lòng: cái không nhìn thấy là cái bất diệt và vĩnh viễn quan trọng. Đối thoại trình bày, diễn tả đơn giản; đối thoại chẳng cần dẫn nhập hay giải thích; đối thoại không gây khó khăn; bất kỳ độc giả nào cũng có thể nhập cuộc dễ dàng. Đối thoại không phải cuộc tranh luận gay go khiến độc giả mất thì giờ theo dõi, mà chỉ là mấy diễn từ thể hiện trong buổi dạ tiệc mà thời đó gọi là Yến hội. Diễn từ không liên hệ với nhau, trừ việc đề cập cùng đề tài tình yêu với tình yêu ở mức độ thấp, cao và cao vút. Diễn từ đạt tới đích là diễn từ của Socrates. Tiếp theo là diễn từ của Agathon, người tổ chức bữa tiệc, thi sĩ đạt giải văn chương hạng nhất; lời khiến độc giả, nhất là tín đồ Thiên Chúa giáo, liên tưởng lời Thánh Phao-lồ ca ngợi tình yêu ở Chương 13 Corinthians 1 vào 400 năm sau. Lời đó như thế này, xin được nhắc lại: “Cho dù tôi có nói được nhiều thứ tiếng thế nhân và thiên thần đi nữa, mà không có đức mến*, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Cho dù tôi có biết tiên tri và biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có tất cả đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Cho dù tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, chia từng phần nhỏ, chia từng búng cơm, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu, chịu đốt, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng được gì. Đức mến nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vác, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận
https://thuviensach.vn
thù, không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả… Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ, như trong tấm gương, mai sau sẽ mặt giáp mặt. Bây giờ tôi chỉ biết có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ biết đầy đủ, trọn vẹn, như Chúa biết tôi trọn vẹn, đầy đủ. Bởi thế, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, song cao trọng hơn cả vẫn là đức mến”.
Giống như Thánh Phao-lồ, Agathon nói tới tình yêu con người. Trong diễn từ của mình, Socrates đi từ tình yêu trần thế sang tình yêu thánh thiện. Socrates nói chúng ta bắt đầu yêu cái đẹp trong con người, rồi tiếp tục yêu không phải cái đẹp nhìn thấy, mà là cái đẹp không nhìn thấy - tâm hồn đẹp.
Tiếp tục, chúng ta yêu tư tưởng đẹp, quan niệm đẹp, luôn luôn vươn cao nhờ ảnh hưởng của tình yêu chân thật. Cứ thế, chúng ta tới gần biển đẹp mênh mông, càng lúc càng gần, cuối cùng chúng ta nhận ra chính cái đẹp, không tổn tại trong bất kỳ thực thể nào, mà chỉ hiện hữu trong cái đẹp duy nhất, tuyệt đối, giản dị và bất diệt.
Từ đỉnh cao vời vợi, Platon dẫn chúng ta đi thật nhanh xuống gặp Alcibiades, không bao giờ bận tâm cao thấp là gì, vừa bước vào dạ tiệc đã nhận mình say. Song, lúc nói về Socrates, anh ta lại chẳng say chút nào. Anh ta bảo Socrates đã khiến anh ta hổ thẹn vì cuộc đời nghèo nàn, vô vị mà mình đang sống, hổ thẹn đến độ đôi khi cảm thấy không chịu nổi. Anh ta kết luận, về tầm vóc vĩ đại và mức độ tốt đẹp thì Socrates đứng riêng lẻ, đứng một mình giữa đông đảo thế nhân trên trần gian. Im lặng lắng nghe, thích thú và hiền hậu, Socrates mỉm cười.
Phân biệt rõ ràng “erôs” - tình yêu đam mê, vị kỷ, với “agapê” - đức mến, tình yêu cao cả, vị tha.
APOLLODORUS. Đúng thế, [172a] tôi đã sẵn sàng trả lời câu quý hữu muốn hỏi.* Sự thực thế này, hôm kia, rời nhà ở Phalerum ra thành phố, trong lúc tôi đang cất bước thì có người quen từ đằng sau cách khá xa nhận
https://thuviensach.vn
ra và cất tiếng gọi. Dáng vẻ hối hả, giọng điệu đùa giỡn, người đó nói: “Này, người từ Phalerum*! Đúng rồi, Apollodorus, đợi đã!”
Yến hội bắt đầu với cuộc chuyện trò như khung nền nhằm hai điểm chính: nhiều người muốn biết diễn từ về tình yêu tại bữa tiệc nổi tiếng, và một số người (cả Aristodemus lẫn Apollodorus) hăm hở theo bước Socrates chấp nhận triết lý như lối sống. Cả hai chứng tỏ sức mạnh đam mê đi tìm sự thật.
Thành phố bến cảng phía đông Pireaus. Apollodorus đang trên đường tới Athens. Tính đùa giỡn dường như ở chỗ vội chặn đường một người vì một việc không gấp gáp: muốn biết chuyện có tính xã hội đã xảy ra. Có cách hiểu khác rằng đây là cách nói trang trọng trong trường hợp không trang trọng: “người từ Phalerum” như ở tòa án, quốc hội giới thiệu nhân vật, nơi xuất phát.
Tôi dừng bước, đứng chờ.
Người đó tiếp lời: “Đúng rồi, Apollodorus, tôi tìm quý hữu bấy lâu mà giờ mới gặp, để nghe đầu đuôi câu chuyện diễn ra trong bữa tiệc ở nhà Agathon, [b] có Socrates, Alcibiades* và nhiều người nữa tham dự. Họ nói gì về tình yêu? Tôi nghe người khác kể, người này nghe từ Phoenix* con trai của Philip. Rất tiếc người này không thể kể chính xác, song anh ta bảo quý hữu cũng biết chuyện. Quý hữu vui lòng kể lại cho tôi nghe được không? Socrates là bạn quý hữu, xem ra không ai đầy đủ thẩm quyền thuật lại cuộc chuyện trò ấy bằng quý hữu. Nhưng trước khi bắt đầu, xin cho tôi hay quý hữu có mặt trong bữa tiệc đó không?”
Alcibiades (450 - 404 TCN) giàu có, quý tộc và đẹp trai. Năm 416 TCN vào khoảng 36 tuổi (cỡ tương đương Agathon). Mồ côi từ nhỏ, được Pericles nuôi dạy, quen biết và theo học Socrates khá lâu, sự nghiệp xuất hiện như hiện tượng kỳ lạ. Là một chính khách, từng đem quân chinh phạt Sicile năm 415 TCN, song bị ngưng chức do cáo buộc phá tượng, lăng mạ giáo phái kỳ bí, theo Sparta chống lại Athens và bị kết án phản bội, sau lại được phục hồi và coi là anh hùng dân tộc. [Xem thêm Thucydides, Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Omega Plus Books, 2018.]
https://thuviensach.vn
Không rõ người này là ai.
Tôi đáp lời: “Chuyện quý hữu nghe kể chắc chắn không chính xác, [c] nếu quý hữu nghĩ bữa tiệc vừa mới diễn ra cho nên tôi hiện diện ở đó”.
“Vâng, tôi nghĩ vậy.”
“Làm sao quý hữu có thể nghĩ như thế, Glaucon*? Quý hữu không biết Agathon rời bỏ Athens nhiều năm rồi sao*, còn tôi thì mới quen biết Socrates chưa đầy ba năm, giao du với tiên sinh là nhằm tìm hiểu người nói gì, làm gì hằng ngày. Trước đó, chẳng biết làm gì, tôi thường lăng xăng, quanh quẩn, vơ vẩn đó đây. [173a] Bụng bảo dạ đang làm việc quan trọng, thế nhưng có ngờ đâu, thực ra tôi lại rơi vào tình trạng hết sức thảm thương, y hệt quý hữu hiện giờ, cứ nghĩ triết lý là điều cuối cùng tôi sẽ bắt tay thực hiện.”
[Có hai người tên Glaucon.] Một là nhân vật chính trong Cộng hòa (em cùng cha khác mẹ với Platon), một là cha của Charmides (cậu Platon) được nhắc đến ở đoạn 222b và trong Charmides 154b. Không rõ ở đây là Glaucon nào.
Theo M. C. Nussbaum, The Fragility of Goodness, 1968, các tr. 168-71, Agathon rời Athens đến triều đình Archelaus trước năm 405 TCN, trước khi Alcibiades qua đời.
“Đừng chế giễu tôi. Xin cho hay bữa tiệc được tổ chức khi nào?”
“Khi chúng ta còn là trẻ con. Agathon đạt giải thưởng với bi kịch đầu tay. Sau ngày ấy, kịch gia và ca đoàn tổ chức lễ tế sinh ăn mừng thắng lợi.”*
Trong cuộc thi, thường thì bi kịch chỉ trình diễn một lần hằng năm ở Athens nhân dịp lễ hội tôn giáo đầu năm. Agathon đạt giải nhất năm 416 TCN.
“Vậy bữa tiệc diễn ra lâu rồi. Ai thuật lại cho quý hữu hay, Socrates hả?”
Tôi đáp: “Trời ơi, chắc chắn không phải! Mà chính là người kể cho Phoenix, [b] tên là Aristodemus*, người khu Cydathenaeum, nhỏ thó, luôn
https://thuviensach.vn
luôn đi đất, chân không giày, không dép. Gã tới dự tiệc vì, tôi nghĩ, gã là một trong những người lúc đó nhiệt tình yêu quý Socrates. Dĩ nhiên, sau này, tôi hỏi lại Socrates điều gã nói với tôi có đúng không, và tiên sinh xác nhận gã nói đúng”.
Aristodemus cũng không nổi tiếng; xuất hiện trong Memorabilia Quyển I Chương 4 của Xenophon, là người theo Socrates; bắt chước Socrates không đi giày dép (174a, 220b).
Người nọ gằn giọng: “Vậy, tại sao bây giờ quý hữu không nhắc lại nội dung cho tôi hay? Xét cho cùng cuốc bộ trên đường tới thành phố* là may mắn cho chúng mình có dịp chuyện trò, vừa để chân cất bước vừa để tai lắng nghe”.
Đường tới Athens; về nghĩa triết học của chuyến đi (đi tìm sự thật) trong đối thoại này hay đối thoại khác của Platon, xem C. Osborne, Eros Unveiled: Plato and the God of Love (Oxford, 1994).
Vì thế, vừa đi chúng tôi vừa thảo luận về các diễn từ, và đó là lý do tại sao [c], như tôi nói lúc đầu, tôi rất ư sẵn sàng. Nếu cũng cần kể lại quý hữu hay, đó là việc tôi phải làm. Thực tình mà nói, phần riêng, ít nhất, ngoài vấn đề lợi ích hay không, bất cứ khi nào tự mình bàn luận hay lắng nghe người khác bàn luận về triết học, tôi đều thích thú vô cùng. Trái lại, khi nghe bàn luận chuyện khác, đặc biệt cánh thương nhân giàu có như quý hữu vướng mắc chuyện làm ăn buôn bán, tôi chán ngấy, tôi thương cảm quý hữu và bạn quý hữu, vì quý hữu nghĩ [d] mình đang làm điều gì đó quan trọng, song thực ra không phải, mà hoàn toàn là cái tầm thường. Phần mình, có lẽ quý hữu nghĩ tôi không sung sướng, là hiện thân của thất bại, và tôi nghĩ quý hữu đúng. Nhưng tôi không nghĩ quý hữu là hiện thân của thất bại, tôi biết quý hữu thất bại thực sự!
Quý hữu. Apollodorus, quý hữu luôn luôn như vậy! Luôn luôn chỉ trích mọi người, kể cả bản thân. Hình như quý hữu tin ai cũng ở trạng thái đau khổ, trước nhất là chính mình, trừ Socrates. Do đâu quý hữu mang biệt danh “kẻ điên” thì tôi không rõ. Nhưng đúng là mỗi khi trò chuyện, quý
https://thuviensach.vn
hữu thường nóng giận, cáu kỉnh với chính mình và mọi người, trừ Socrates, dĩ nhiên.
Apollodorus. Ôi, quý hữu quý mến nhất đời, [e] có thực nếu nhìn bản thân và quý hữu theo ánh mắt như thế là tôi hóa điên, phát khùng không?
Quý hữu. Chẳng cần tranh luận chuyện đó bây giờ, Apollodorus. Vui lòng làm như tôi yêu cầu, cho tôi hay câu chuyện đã diễn ra như thế nào.
Apollodorus. Vâng, đại khái thế này, song nếu làm như Aristodemus, tôi kể từ đầu [174a] có lẽ hay hơn.
Aristodemus kể mình gặp Socrates vừa tắm xong và chân đi dép, một điều hiếm thấy*. Anh ấy hỏi tiên sinh sắp đi đâu sao mà trông chải chuốt thế.
Chứng tỏ ông sống giản dị, khắc khổ, như Alcibiades nhấn mạnh (219e 220b).
Socrates đáp: “Dùng cơm chiều ở nhà Agathon. Hôm qua vì ngại đám đông nên ta không tới dự tiệc vui ăn mừng thắng lợi; song ta hứa tham dự bữa nay. Đó là lý do ta ăn vận lịch sự, để trông ra vẻ bảnh bao khi tới nhà một người xinh đẹp. Còn anh thì sao? Anh nghĩ thế nào nếu đi cùng ta dù không được mời?” [b]
“Con sẽ làm như ngài nói,” Aristodemus trả lời.
Socrates nói tiếp: “Vậy đi theo ta, để bọn mình đủ sức chứng minh câu cách ngôn [‘Dù không được mời, người tử tế vẫn đến dự bữa tiệc của kẻ kém cỏi’] là sai bét, biến nó thành ‘Dù không được mời, người tử tế vẫn đến dự tiệc ở nhà người tốt bụng, giỏi giang’*. Xem ra, không những chỉ chứng minh không đúng mà Homer còn tiến tới chỗ coi thường, xem nhẹ câu cách ngôn. Trong Iliad, Homer mô tả Agamemnon như một chiến binh đặc biệt kiên cường còn Menelaos là ‘tay thương yếu ớt’. [c] Khi làm lễ tế sinh và tổ chức tiệc mừng, Homer để Menelaos, kẻ kém cỏi và không được mời, đến dự tiệc ở nhà người tài ba*”.
https://thuviensach.vn
Câu cách ngôn được dịch ra tiếng Anh là: “Good men go uninvited to good men’s banquets”. Ở đây, Socrates chơi chữ với tên của Agathon, vì tiếng Hy Lạp người tốt bụng, giỏi giang là “agathôn”.
Xem Homer, Iliad, [Omega Plus Books, 2018, các tr. 141, 573].
Nghe thế, Aristodemus bèn đáp: “Nhưng con sợ mình không như ngài nói mà trái lại, như Homer miêu tả, con là kẻ kém cỏi, tầm thường, không được mời mà vác mặt tới dự tiệc ở nhà người khôn khéo. Nếu mang con đi theo, xin ngài nghĩ cách bào chữa, vì con sẽ không thừa nhận mình không được mời mà tới, con sẽ nói ngài với con đi cùng”. [d]
“Vậy khi cùng cất bước, người này đi trước người kia theo sau; chúng ta nghĩ cách sẽ nói thế nào. Thôi lên đường!”*
Dẫn ý từ Homer, Iliad, [Omega Plus Books, 2018, tr. 357].
Aristodemus kể, nói với nhau như thế xong xuôi thì họ đi. Nhưng do tâm trí cứ mải mê suy ngẫm riêng tư, Socrates tụt lại lẵng đẵng đằng sau trong khi hai người rảo gót cách nhau khá xa nhau. Lúc Aristodemus dừng lại, Socrates bảo anh ấy cứ đi đi. [e] Tới nhà Agathon, Aristodemus thấy cửa mở toang và bản thân rơi vào tình trạng khó xử. Một nô lệ trong nhà hối hả chạy ra dẫn anh ấy vào phòng, bên trong có mấy thực khách đang ngả lưng trên ghế dài và sắp sửa dùng bữa. Vừa nom thấy Aristodemus, Agathon cất tiếng: “Aristodemus! Quý hữu đến thật đúng lúc! Phải dùng bữa với chúng tôi. Nếu tới vì lý do khác, xin để hạ hồi phân giải. Hôm qua cố kiếm để mời song tôi không thấy quý hữu đâu. Nhưng sao quý hữu không dẫn Socrates đi cùng?”
Aristodemus tiếp lời: “Lúc quay lại nhìn tôi không thấy Socrates đâu. Nhưng tôi khẳng định tôi đi cùng tiên sinh, vì tôi đến dự tiệc là do tiên sinh có nhã ý mời”.
“Tôi mừng khôn xiết vì quý hữu quá bộ lại chơi,” Agathon nói, “nhưng Socrates đâu hở?”
https://thuviensach.vn
“Socrates [175a] theo sau tôi một lúc. Tôi tự hỏi không rõ bây giờ người ở đâu.”
Agathon quát: “Nô lệ đâu, mau mau đi tìm và dẫn Socrates về đây. Còn Aristodemus, xin quý hữu ngả lưng chung với Eryximachus trên ghế dài”.
Aristodemus được một nô lệ mang nước lau tay, rửa chân cho rồi ngả lưng trên ghế. Nô lệ khác bước tới cất lời: “Thưa, Socrates tới rồi. Tiên sinh đang đứng trong cổng nhà hàng xóm, cứ đứng đó mà không chịu đi theo dù con hết lời nài nỉ”.
Agathon thốt lên: “Lạ thật, lại ra mời người vào đi, nhất định phải mời bằng được, đừng để tiên sinh đứng một mình”.
“Chớ! Để mặc Socrates đi!” [b] Aristodemus nói, “Tiên sinh vẫn có thói quen như thế. Có khi người bỏ đi, có khi đứng yên tại chỗ vừa tới*. Tôi dám chắc rồi người sẽ đến. Cứ để tiên sinh như thế, đừng quấy rầy ông ấy”.
Thói quen của Socrates (220c-d). Có người cho rằng đó là thói quen biện chứng liên tục (194c-e, 199b-201c); có lẽ suy nghĩ riêng tư như thế là biện chứng nội tâm thật. Tác phong ấy chứng tỏ Socrates không quan tâm tới quy ước xã hội, tương phản với thái độ say sưa theo kiểu triết học truy tìm sự thật.
“A, nếu quý hữu cho hay như vậy, chúng tôi đương nhiên phải làm theo.” Nói rồi Agathon quay sang đám nô lệ phân phó: “Nô lệ đâu, hãy mang thức ăn mời mọi người. Các ngươi thường lo việc theo cung cách ưa thích khi không ai cai quản, trông chừng, mà ta thì không bao giờ làm vậy. Bữa nay, cứ tưởng tượng các ngươi là chủ nhà mời khách quý và ta tới dự bữa. Hãy phục vụ làm sao để chiếm được cảm tình khiến mọi người khen ngợi”*, [c]
Chỗ này và đoạn 174e, Agathon là chủ nhân hết sức dịu dàng và ân cần; nói vậy là hàm ý nô lệ trong nhà đều nhanh nhảu, ngoan ngoãn nên không cần theo dõi, sai bảo.
https://thuviensach.vn
Mọi người bắt đầu dùng bữa nhưng Socrates vẫn chưa tới. Suốt bữa, Agathon không ngớt lời giục nô lệ phải đi tìm, song Aristodemus ngăn cản. Cuối cùng Socrates cũng xuất hiện (ông không kéo quá dài những gì thường làm) lúc mọi người đã dùng bữa nửa chừng. Agathon đang nằm một mình trên chiếc ghế dài cuối cùng*, bèn la lớn: “Socrates, tới đây nằm bên cạnh tôi, để tôi được tiếp xúc với ngài, [d] và có thể chia sẻ chút kiến thức ùa tới lúc ngài ở ngoài cổng. Rõ ràng ngài đã tìm thấy cái cần tìm và bây giờ cái đó đã nằm trọn trong tay; nếu không ngài sẽ không chịu dừng bước”.
Ở bên phải theo truyền thống dành cho chủ nhân.
Socrates ngồi xuống rồi nói: “Agathon thân mến, tốt đẹp nhường nào, may mắn biết bao, quả thực bất ngờ nếu kiến thức là thứ theo lẽ tự nhiên chảy từ chỗ đầy xuống chỗ vơi, có thể truyền từ người hiểu biết sang người kém hiểu biết hơn khi chúng ta tiếp xúc với nhau, như nước qua sợi len* tuôn từ ly đầy xuống ly cạn. Nếu quả như vậy, thật là một ân huệ lớn lao cho tôi [e] được chia sẻ ghế nằm cạnh quý hữu. Tôi hy vọng lượng kiến thức dồi dào và tốt đẹp từ quý hữu sẽ tuôn chảy tràn ngập lòng mình. Kiến thức của tôi hẳn còn hạn hẹp hoặc hơn thế, về ý nghĩa còn khả nghi, chẳng khác những mộng tưởng là bao, còn kiến thức của quý hữu thì lỗi lạc, tràn trề và có tiềm năng phát triển mãnh liệt. Hãy nhìn những kiến thức đó đã tỏa sáng rực rỡ thế nào ngay khi quý hữu vẫn còn trai trẻ; kiến thức đó xuất hiện vào một bữa nọ trước ánh mắt chăm chú ngó nhìn của hơn 30.000 người Hy Lạp!”*
Người ta dùng một miếng vải lọc khi rót nước. (BT)
Socrates ám chỉ thắng lợi vẻ vang Agathon đạt được là thi sĩ bi kịch; con số 30.000 có lẽ phóng đại, theo tư liệu thì rạp hát Dionysus thuở đó có thể chứa từ 10.000 đến 20.000 người. Chỗ này và đoạn 194b, qua cách nói bóng gió, ông tỏ ý nghi ngờ giá trị biểu lộ hiểu biết của quần chúng dưới hình thức bi kịch.
https://thuviensach.vn
“Socrates, ngài lại đang quá lời, chế giễu tôi rồi*. Chúng ta sẽ bàn chuyện so tài kiến thức sau, Dionysus sẽ là trọng tài phân xử*. Nhưng bây giờ, trước hết xin ngài để tâm tới bữa ăn.”
Nguyên văn: “hubris”. Platon dùng từ này để chỉ tính tình và tác phong của Socrates xuyên suốt đối thoại, còn xuất hiện ở các đoạn 174b, 181c, 188a, 190c-d, 215b, 219c, 221c và 222a.
Nắm ngay giọng điệu châm chọc của Socrates, Agathon buộc tội ông “khi thị” hoặc “vũ phu”. Dường như Agathon ám chỉ Dionysus là thần Rượu Nho, cũng là quan khách bảo hộ Yến hội; có lẽ Agathon cũng nghĩ tới địa vị của Dionysus trong vai trò bảo trợ lễ hội kịch nghệ mà Agathon vừa đạt vinh dự.
Socrates ngả lưng xuống ghế [176a] và bắt đầu ăn với mọi người. Lát sau, thực khách rảy rượu xuống đất làm lễ, cất tiếng ca ngợi thần linh, thực hiện nghi thức quen thuộc rồi cùng nhau uống rượu. Mở màn khởi xướng là Pausanias, đại khái thế này: “Thưa các quý hữu, chúng ta phải làm thế nào để uống mà không có vấn đề? Về sự kiện liên quan tới bản thân, xin thú thật, hôm qua tôi rơi vào tình trạng khủng khiếp, tôi không cảm thấy tỉnh táo sau khi cụng ly chung vui cùng quý hữu, và cũng xin thú thật tôi cần ngừng giây lát. Vả lại, tôi thầm nghĩ phần lớn quý hữu cũng rơi vào trường hợp tương tự, [b] vì tham dự hôm qua. Vậy các quý hữu có biết làm thế nào có thể uống mà không gặp vấn đề gì?”*
Trong yến ẩm cũng như sinh hoạt tập thể, theo đúng nghi thức, tửu khách thường đồng ý về dung lượng và nồng độ rượu sẽ uống.
Aristophanes góp ý: “Pausanias, quý hữu nói chí phải, hãy giảm tối thiểu yêu cầu, chúng ta nên chuẩn bị mọi mặt để tránh có vấn đề khi cạn ly. Vì tôi cũng là một trong mấy người say bí tỉ hôm qua”.
Tiếp theo, Eryximachus con trai Acumenus nói: “Tôi đồng ý với cả hai. Song còn một người nữa tôi cần nghe ý kiến, để xem người đó có khả năng gánh chịu tửu lượng thế nào. Người đó là Agathon”.
“Tôi thấy mình không có khả năng,” Agathon đáp.
https://thuviensach.vn
Eryximachus tiếp lời: “Theo tôi, [c] đó là điều may mắn cho chúng ta, tôi muốn nói là cho tôi, cho Aristodemus, cho Phaedrus* và hết thảy những ai chưa bao giờ uống được, rằng mấy người uống hăng nhất bây giờ cũng đã mệt đừ. Người uống kém như chúng ta chẳng tài nào theo kịp. Dĩ nhiên, tôi không kể Socrates. Tiên sinh có thể làm hai việc cùng lúc: uống hay không uống đều được, chúng ta muốn bề nào người cũng thích nghi.* Ừm, nhận thấy vì không ai ở đây có vẻ muốn uống nhiều có lẽ để tỏ ra không khiến các quý hữu khó chịu, tôi xin thưa sự thật về say rượu. [d] Với kinh nghiệm y học của tôi, một điều đã được chứng minh rõ ràng chính là say rượu có hại cho con người. Bởi thế, nếu được chọn đường đi, tôi cũng không muốn đi quá xa khi uống, và tôi cũng khuyên bất kỳ ai đừng làm vậy, nhất là ai vẫn còn ngà ngà, chếnh choáng hơi men rớt lại từ đêm qua*”.
Người được nhắc tới trong ba đối thoại: Protagoras, Yến hội và Phaedrus. Không biết mất bao giờ, song không thấy xuất hiện khi Socrates qua đời năm 399.
Xem 214a, 223c-d. Nhắc đến khả năng uống không say có lẽ nhằm miêu tả Socrates đặc biệt kiên cường, dẻo dai, không mềm yếu về mặt tình cảm và ước muốn.
Câu nói tiêu biểu tính cách của Eryximachus. Ông ta tỏ ra mình là đại biểu nghề y mà lúc này đang nổi như cồn là nghề cứu nhân độ thế.
Vừa nghe nói thế, Phaedrus người xứ Myrrhinus lên tiếng tức thì: “Tôi thường nghe lời quý hữu khuyên nhủ, nhất là khi liên quan tới y học. Mọi người ở đây cũng sẽ làm theo nếu bình tĩnh nhận ra sự thật”.
Đến đây [e] thì tất cả đồng ý không biến dịp vui hiện tại thành tiệc rượu say sưa, mà chỉ uống vừa phải, có chừng có mực.
“Bây giờ,” Eryximachus tiếp tục, “vì chúng ta đã đồng ý mỗi người sẽ uống như mình muốn, không bị ép buộc bất kể thế nào, nên tôi đề nghị tiếp theo chúng ta bảo kỹ nữ thổi sáo vừa vào hãy đi nơi khác, chơi một mình hoặc với nhóm phụ nữ trong khu riêng nếu muốn. Về phần mình, chúng ta
https://thuviensach.vn
sẽ tiêu khiển với nhau tối nay qua diễn từ. Nếu các quý hữu vui lòng cho phép, tôi cũng đề nghị đề tài thảo luận”.
Mọi người [177a] đồng ý và yêu cầu Eryximachus đưa ra đề nghị. Ông ta nói: “Để bắt đầu, tôi xin mượn lời từ kịch phẩm Menalippe của Euripides, rằng ‘Chuyện không phải của tôi’*, mà tôi sẽ kể hầu quý vị chuyện của Phaedrus hiện diện ở đây. Quý hữu ấy thường bực bội than phiền với tôi là: ‘Eryximachus ơi, khủng khiếp chưa, thi sĩ đua nhau làm thơ, số lượng nhiều vô kể, nào tán ca, nào tụng ca hiến dâng thần linh, [b] thế mà không người nào sáng tác tụng từ ca ngợi và xiển dương Erôs, một vị thần quan trọng và cổ xưa đến thế. Nếu để mắt tới các biện sư tài hoa bậc nhất của chúng ta*, Prodicus* tuyệt hảo chẳng hạn, quý hữu thấy họ viết tụng từ bằng văn xuôi đề cao Heracles và toàn thể thần linh. Điều đó có lẽ không quá ngạc nhiên. Nhưng có lần tôi thấy cuốn sách do nhà văn tài ba chắp bút, trong đó ca ngợi công dụng của muối lên tận mây xanh vì đặc tính ích lợi, và quý hữu có thể [c] tìm thấy ngôn từ tán tụng nhiều thứ khác tương tự. Thật lạ đời khi người ta đặc biệt chú ý đến dạng đề tài đó mà đến hôm nay, vẫn chưa ai đủ can đảm ca ngợi Erôs đúng mức. Vị thần vĩ đại như thế mà lại bị bỏ bê đến vậy!*’ Tôi nghĩ Phaedrus hoàn toàn có lý về điểm này. Để ủng hộ và làm quý hữu ấy vui lòng, tôi mong được góp sức; dường như nay cũng là dịp tốt để chúng ta, những người hiện diện ở đây, ngỏ lời chúc tụng thần linh. Nếu các quý hữu đồng ý, chúng ta sẽ không làm gì hết mà chỉ bàn luận. [d] Tôi đề nghị từng người chúng ta, lần lượt từ trái qua phải, phô diễn hết sức theo khả năng của mình ca ngợi Erôs. Tôi nghĩ hãy bắt đầu từ Phaedrus vì quý hữu ở ghế đầu tiên bên trái, và cũng là người khai sinh đề tài này”.
Câu đầy đủ trong vở kịch: “Chuyện không phải của tôi mà là của mẹ tôi”.
Platon thường miêu tả không mấy thiện cảm và còn gay gắt phản đối Socrates, dẫu ở đoạn này ông để Phaedrus tỏ ý tán thưởng vài người trong đám “tài hoa bậc nhất”.
https://thuviensach.vn
Prodicus (470 - 400 TCN) đảo Ceos nổi tiếng về nghiên cứu ngôn ngữ, viết truyện về anh hùng Heracles chọn đường Đức Độ gian lao, khổ cực chứ không chọn đường Đồi Bại dễ dàng, trơn tru, được Xenophon kể trong Memorabilia Quyển II Chương 1.21-34. Platon nhắc tới ông trong Protagoras 339e-341d, Meno 75e, Euthydemus 277e.
Lúc này, Erôs chưa chiếm địa vị rõ rệt trong huyền thoại hay nghệ thuật Hy Lạp, dẫu sau đó xuất hiện đậm nét. Mặc dù Erôs được tôn thờ nhưng không trịnh trọng như với nữ thần Aphrodite.
“Eryximachus quý mến, sẽ không ai phản đối quý hữu đâu,” Socrates nói. “Tôi chắc chắn không thể từ chối vì tình yêu là chủ đề duy nhất tôi khẳng định mình am tường. Agathon và Pausanias* cũng không thể, cả Aristophanes - người luôn dồn toàn bộ tâm sức vào Dionysus và Aphrodite* [e] - hoặc bất kỳ ai tôi nom thấy hiện diện ở đây đều sẽ không. Dĩ nhiên, sắp xếp như thế không công bằng với người ở vị trí cuối cùng. Song, nếu người ở vị trí đầu tiên phát biểu những gì cần thiết thật hay, việc ấy sẽ khiến chúng ta vui lòng vừa ý. Chúc Phaedrus may mắn! Hãy cất lời ca tụng Erôs!”
Theo lời Socrates, hai người này là một cặp tình nhân (xem 193c và Protagoras 315e).
Nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và nhục dục.
Mọi người tán đồng ý kiến và thúc giục Phaedrus [178a] làm như Socrates vừa đề nghị. Mọi người sẽ đưa ra diễn từ về đề tài đã định. Nhưng Aristodemus không nhớ hết những gì mỗi người phát biểu, và tôi cũng không nhớ toàn bộ nội dung anh ấy tường thuật. Dẫu thế, tôi sẽ nói quý hữu hay diễn từ của mấy người mà anh ấy nhớ hơn hết và tôi cho là quan trọng nhất.
Như đã nói, Phaedrus phát biểu đầu tiên, mở màn hầu như thế này: Erôs là vị thần quan trọng, xứng đáng để loài người cũng như thần linh quý trọng vì nhiều lý do, mà đặc biệt là nguồn gốc.
https://thuviensach.vn
Phaedrus nói như sau: “Erôs được quý trọng, tôn thờ [b] vì ngài là vị thần cổ nhất trong hàng thần linh. Chứng cớ cho nguồn gốc cổ đó là Erôs không cha, không mẹ, không được văn sĩ hay thi sĩ nào xác định trong thi ca hay văn xuôi. Trái lại, theo Hesiod: ‘Hỗn Mang (Chaos) hiện hữu đầu tiên, tiếp theo là Trái Đất vòng ngực nở nang, nơi náu thân yên ổn muôn đời cho vạn vật, rồi đến Erôs*’. Thêm vào đó, Akousilaos* đồng ý với Hesiod, bảo rằng sau Hỗn Mang có hai thực thể ra đời, đó là Trái Đất và Erôs. Khi nhắc tới nguồn gốc thần Tình Yêu, Parmenides* nói: ‘Vị thần đứng đầu trong hàng nữ thần sáng tạo* là Erôs’. Như thế, [c] Erôs được công nhận rộng rãi là vị thần cổ xưa nhất.
Xem Hesiod, Theogony 116, 120. Đây là nguồn thần thoại quan trọng với người Hy Lạp, đến nay vẫn còn lưu truyền.
Người thu thập huyền thoại và thần thoại ở thế kỷ V TCN, nhưng công trình đã bị thất lạc.
Thi sĩ, triết gia trước thời Socrates đầu thế kỷ V TCN.
“Nữ thần sáng tạo” có thể là nữ thần Tất Yếu. Phaedrus thận trọng khi dẫn chứng.
Vì cổ xưa hơn hết nên Erôs còn là cội nguồn của nhiều lợi ích lớn lao. Tôi khẳng định, với một người tình, không lợi ích và may mắn nào bằng cái duyên từ lúc trẻ đã gặp được một người yêu có đức hạnh, và với một người yêu, không gì lớn lao bằng khi lớn tuổi có được một người tình trẻ đáng mến. Quan hệ gia đình, vai vế xã hội, của cải riêng tư hay bất kỳ cái gì đều không có tác dụng như tình yêu in sâu gắn chắc trong việc dẫn đường chỉ lối suốt đời cho những ai muốn sống một đời tốt đẹp. [d] Đó là gì? Theo tôi, đó là ý thức xấu hổ khi hành động khiếm nhã và cảm nghĩ tự hào lúc cư xử tế nhị. Không có ý thức vừa kể, cá nhân hay thành quốc không tài nào đạt được những điều tốt đẹp và vĩ đại.
Lấy ví dụ, nếu một người yêu bị bắt quả tang cư xử khiếm nhã hoặc chấp nhận cư xử khiếm nhã vì quá hèn nhát, không thể tự bảo vệ bản thân, bởi chính người tình trẻ của mình, thì người đó sẽ đau khổ hơn; cả khi bị
https://thuviensach.vn
phát giác bởi cha ruột, bạn bè, hay bất kỳ người nào khác. [e] Sự thể tương tự với người tình: cậu thiếu niên sẽ cảm thấy xấu hổ khôn xiết trước mặt người yêu nếu bị bắt gặp trong hoàn cảnh khiếm nhã nào đó. Giả sử tìm được cách tạo ra một thành quốc hay đội quân gồm toàn người yêu và người tình của họ, chắc hẳn không có tổ chức xã hội nào tốt đẹp bằng: họ phủ nhận cái xấu xa, khích lệ cái tốt đẹp, và giữ mình không rơi vào tình cảnh xấu hổ, người này phấn đấu đạt vinh dự trước mắt người kia. [179a] Dù số lượng nhỏ nhoi gồm toàn người như thế, nếu sát cánh bên nhau chiến đấu, họ có thể chinh phục thế giới, san bằng nhân loại*. Với người yêu, để người tình thấy mình rời bỏ hàng ngũ hay vứt bỏ vũ khí thì thà chết còn hơn, thậm chí chết đến ngàn lần! Còn chuyện bỏ rơi người tình trên chiến trường hoặc bất lực không thể trợ giúp người tình trong nguy nan, xem ra không ai hèn nhát đến nỗi Erôs không thể tiếp sức và truyền cho lòng can đảm, [b] biến người đó trở nên can trường như thể họ sinh ra đã là anh hùng. Khi Homer nói thần linh ‘thổi sức mạnh’* cho chiến binh nào đó, ấy chính là tặng phẩm mà Erôs dành cho những người yêu.
Lịch sử ghi năm 379 (hoặc 378) TCN, thành quốc Thebes thành lập đội quân đồng tính luyến ái gồm 150 cặp erastai và erômenoi và đặt tên là “Đoàn Thiêng liêng,” tiếng Pháp là Bataillon sacré, tiếng Anh là Sacred Band (of Thebes).
Lời thơ quen thuộc của Homer tả cảnh chiến trường trong Iliad. [Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, các tr. 367, 494.)
Hơn thế, chỉ người yêu mới sẵn sàng chết vì ai đó, sự thể đúng với cả đàn bà lẫn đàn ông. Người Hy Lạp có đủ chứng tích về chuyện này: Alcestis, con gái của Pelias, là người duy nhất sẵn sàng xả thân cho chồng, dù cha mẹ chàng đều còn sống. [c] Hành xử bắt nguồn từ tình yêu, thể hiện niềm âu yếm, xót thương gấp bội, nàng khiến họ chẳng khác kẻ xa lạ đối với con trai, và chỉ là bà con thân thuộc do tên gọi. Thần linh cũng như nhân loại đều coi đó là hành vi hết sức lớn lao và cao cả. Mặc dù nhiều người đã thực hiện hành vi đức hạnh nhường ấy, Alcestis là một trong số rất ít người được thần linh ban đặc ân, giải thoát khỏi cõi âm do cảm phục
https://thuviensach.vn
hành vi nàng thực hiện. [d] Sự thể cho thấy ngay cả thần linh cũng đề cao biết bao sự thành tâm và lòng can đảm xuất phát từ tình yêu.*
Thần Apollo cho Admetos cơ hội thoát chết nếu có người sẵn sàng chết thay; chỉ có vợ chàng là Alcestis tự nguyện hiến thân. Trong bi kịch Alcestis, Euripides miêu tả nàng được Heracles cứu sống sau khi vật lộn, giành giật một mất một còn với Tử thần.
Nhưng thần linh đã tống cổ Orpheus, con trai Oeagrus, khỏi cõi âm, trở về cõi trần tay không; thần linh chỉ cho chàng nhìn thấy bóng ma của vợ mình khi chàng xuống tìm, chứ không để cho chàng dắt vợ thực sự về cõi trần. Thần linh cho rằng Orpheus ủy mị vì chàng chỉ là một nghệ sĩ chơi đàn Lia và không có can đảm chết cho tình yêu như Alcestis, mà chỉ tìm được cách lẻn xuống cõi âm khi còn sống. Bởi thế, thần linh trừng phạt Orpheus, để chàng chết dưới tay đàn bà.* [e]
Phần lớn huyền thoại kể khác, rằng Orpheus là nhạc sĩ tài nghệ siêu việt, sử dụng sức mạnh nghệ thuật đặc biệt xuống cõi âm tìm vợ. Song, vì không giữ lời hứa với Diêm Vương rằng khi ở dưới âm phủ không được quay đầu nhìn vợ, vừa lên cõi trần liền quay lại nhìn nên Orpheus phải ra về tay không. Orpheus sau đó bị các Maenad, nhóm tín đồ nữ của Dionysus, giết chết. Xem thêm: Aeschylus, Bassarai; Virgile, Georics 4.453-527 và Ovid, Metamorphoses, 10.1.
Ngược lại, thần linh đề cao Achilleus, con trai Thetis, và đưa chàng tới đảo của người được chúc phúc*. Achilleus nghe mẹ dặn, nếu giết Hector thì liền sau đó chàng cũng chết, còn không, chàng sẽ được trở về quê hương và sống tới khi chết già. Achilleus đã dũng đảm lựa chọn hành động vì người yêu, báo thù cho người yêu. Chàng không những chết vì người yêu mà còn chết theo người yêu, bởi Patroklos đã chết rồi. (Nghe thật vô lý khi Aeschylus bảo Achilleus là người yêu của Patroklos.* Chàng đẹp trai hơn Patroklos, và hơn hẳn mọi chiến binh khác, chưa có râu và trẻ hơn Patroklos rất nhiều, như Homer kể*.) [180a] Hành động ấy khiến thần linh đặc biệt ngưỡng mộ và vinh danh Achilleus, bởi nó chứng tỏ chàng quý
https://thuviensach.vn
trọng người yêu biết dường nào*. Mặc dù hẳn sẽ đặc biệt đề cao lòng can đảm sinh ra do tình yêu, song thần linh vẫn tỏ vẻ ngỡ ngàng và cảm kích, và tưởng thưởng nồng hậu gấp bội khi một người tình âu yếm, quan tâm tới người yêu so với cho một người yêu cư xử y hệt với người tình. Người yêu có vẻ thiêng liêng hơn người tình vì anh ta được thần linh truyền cảm hứng*. [b] Đó là lý do thần linh vinh danh Achilleus nhiều hơn Alcestis và đưa chàng tới đảo của người được chúc phúc.
Đảo của người được chúc phúc (Isles of the Blest) thường được thi sĩ Hy Lạp miêu tả trong thi ca buổi đầu như quê hương của anh hùng tử sĩ.
Phaedrus phân biệt người yêu (the lover) và người tình (the loved). Người yêu thường là đàn ông lớn tuổi hơn và có vai trò chi phối. Người tình thường là chàng trai trẻ và nghe lời người yêu. Theo Homer, Patroklos và Achilleus không yêu nhau, nhưng theo Aeschylus trong kịch phẩm Myrmidons, hai người lại yêu nhau.
Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 403. (BT)
Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, các tr. 152, 336,403, 586. (BT)
Điều này lại cho thấy người tình vốn là đối tượng của tình yêu nhưng không “yêu” (love), mà chỉ “mến” (cherish, agapê) người yêu. [Xem thêm chú giải về “đức mến”, tr. 29].
Đó là lý do tôi nói Erôs là vị thần cao tuổi nhất, được tôn vinh hơn hết và có năng lực nhất trong việc giúp loài người có được can đảm, đức hạnh và hạnh phúc, cả khi sống lẫn khi chết”.
Diễn từ của Phaedrus đại khái là như trên. [c] Sau Phaedrus còn có mấy người nữa cất lời mà Aristodemus không nhớ hết nên anh tiếp tục kể về diễn từ của Pausanias.
Pausanias mở lời: “Phaedrus, theo tôi, chủ đề chúng ta dự định phát biểu chưa được quy định rõ ràng ở chỗ chỉ dặn là ca ngợi Erôs chung chung. Nếu chỉ có một Erôs thì chuyện sẽ không rắc rối, nhưng, sự thật
https://thuviensach.vn
không phải chỉ có một Erôs. Vì vậy, [d] trước hết, cần xác định Erôs nào là đối tượng mà chúng ta sẽ viết diễn từ ca ngợi. Phần riêng tôi sẽ thực hiện việc xác minh, sắp đặt sự việc đúng chỗ. Tôi sẽ nêu ra Erôs nào người đời phải tán dương, tiếp theo tôi sẽ đọc diễn từ biểu thị sự tán dương mà vị thần ấy xứng đáng nhận được.
Mọi người đều biết Aphrodite* không thể tách rời Erôs, không có Erôs sẽ không có Aphrodite. Nếu chỉ có một Aphrodite thì cũng chỉ có một Erôs; nhưng vì có hai Aphrodite nên cũng phải có hai Erôs. Và làm sao không thể có hai Aphrodite? Một vị lớn tuổi, không có mẹ, con gái của Ouranos, chúng ta gọi là Aphrodite thiên thể. Một vị trẻ tuổi, con gái của Zeus và Dione, [e] chúng ta gọi là Aphrodite trần tục hoặc Pándêmos*. Bởi thế, việc minh xác đương nhiên quy định mỗi Erôs phải có tên tương tự như vị nữ thần tương ứng, tức cũng gọi là thiên thể hoặc trần tục. Dĩ nhiên, chúng ta phải ca ngợi tất cả thần linh, song vẫn cần phân biệt chức năng, bản chất của họ.
Ý nói say mê tình dục.
Ở đây Pausanias nêu ra nguồn gốc của Aphrodite từ hai nguồn thần thoại: từ Zeus và Dione, [Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 223]; từ Ouranos, Hesiod, (Theogony 188-206). Hai danh xưng “Thiên thể” (Ourania) và “Trần tục” (Pándêmos) cũng gắn liền với Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. Ý nghĩa mà Pausanias đưa ra hoàn toàn mới mẻ. Aphrodite thiên thể được chọn vì tình yêu đồng tính, có lẽ vì theo ghi chép của Hesiod thì Aphrodite không có mẹ (nàng sinh ra từ dương vật bị thiến của Ouranus) và bởi nàng “già hơn” (thuộc thế hệ thần linh già hơn) nên có uy thế hơn.
Lý luận kể trên cũng áp dụng cho mọi việc trên đời. Bản thân việc làm không phải mà cũng không trái, không đẹp mà cũng không xấu. Đơn cử việc làm hiện tại của chúng ta lúc này. [181a] Chúng ta có quyền lựa chọn uống rượu, ca hát hay chuyện trò. Bản thân từng việc đều không tốt cũng không xấu mà tùy thuộc vào cung cách nó được thực hiện. Nếu được thực
https://thuviensach.vn
hiện hợp lý và đúng đắn, việc làm sẽ đẹp, sẽ phải; nếu được thực hiện không hợp lý, không đúng đắn, việc làm sẽ xấu, sẽ sai. Điều tôi muốn nói là nguyên tắc này áp dụng chính xác cho chuyện yêu đương: không phải mọi loại tình yêu và Erôs đều phải, đều đẹp và đều đáng ca ngợi, mà chỉ loại nào đưa tới tình cảm cao đẹp, thôi thúc, khích lệ chúng ta yêu một cách hợp lý.
Erôs xuất phát từ Aphrodite trần tục đúng là trần tục, cung cách phiêu lưu, không biết suy xét hệ quả, là loại tình yêu mà những người kém cỏi, tầm thường ưa thích. [b] Tình yêu của người như thế có hai đặc tính: thứ nhất, say mê cả đàn bà lẫn các cậu trai trẻ, đắm đuối theo đuổi thể xác nhiều hơn tâm hồn; thứ hai, họ tìm đối tác càng kém hiểu biết càng tốt, vì mục đích duy nhất của họ là đạt cái họ mong muốn, hoàn tất hành vi tình dục, và không quan tâm làm thế là đúng hay sai, có cao quý hay không. Dưới tác động của tình yêu, họ nhắm mắt hành động; đi vào tình yêu theo đường phiêu lưu, không tự hỏi làm vậy là tốt đẹp hay ngược lại. Lý do là tình yêu của họ bắt nguồn từ vị nữ thần [c] trẻ hơn, về bản chất do nguồn gốc vừa nữ vừa nam.
Erôs còn lại liên hệ mật thiết với Aphrodite thiên thể. Nữ thần này không có phần nữ mà chỉ có phần nam bên trong, dẫn đến thiên hướng yêu nam thiếu niên. Nữ thần này cũng già hơn nên tránh được thói lạm dụng tình dục và tính phóng đãng. Đó là lý do tại sao người được tình yêu loại này thôi thúc thường hướng tới phái nam, cảm thấy âu yếm đối với cái linh hoạt và năng động hơn theo lẽ tự nhiên. Các vị cũng có thể phân biệt, trong đông đảo số người tha thiết với các cậu thiếu niên, một số thuần túy [d] do tình yêu thiên thể thúc đẩy. Họ chỉ bị lôi cuốn khi các cậu thiếu niên bắt đầu phát triển trí năng, ở khoảng thời gian cậu ta bắt đầu mọc râu, má lấm tấm lông tơ. Tôi nghĩ số người bắt đầu cuộc tình với cậu thiếu niên ở thời điểm vừa kể cho thấy họ sẵn sàng sống và san sẻ cả cuộc đời với cậu.* Họ không có ý đánh lừa cậu, nắm bắt vơ lấy khi cậu còn trẻ dại, ngờ nghệch, sau đó bỏ rơi, cười khẩy, biến mất dạng, chạy theo người khác. [e]
https://thuviensach.vn
Diễn từ của Aristophanes (192b) và Phaedrus 256a-e. cũng thể hiện ý tương tự. Phải chăng đây là lối sống lý tưởng được xã hội bấy giờ chấp nhận?
Cần có những nomos* ngăn cấm chuyện yêu những thiếu niên trẻ người non dạ để tránh những hậu quả bất trắc, bất công, bởi chẳng thể nói chắc được gì về tương lai của họ. Thử hỏi còn gì bất trắc, bất công cho bằng cuối cùng cậu thiếu niên sẽ thành người tử tế hay hư hỏng, về mặt thể xác cũng như tâm hồn? Người yêu đàng hoàng dĩ nhiên sẵn sàng tự đặt ra quy tắc và tuân theo, còn người yêu tầm thường thì bị ép tuân theo quy tắc tương tự. Vì thế chúng ta đặt đủ chướng ngại pháp lý, kiềm chế hoặc nỗ lực kiềm chế họ phát triển tình cảm với phụ nữ tự do. [182a] Người yêu trần tục là người đã làm cho tình yêu mang tiếng xấu xa, khiến có người không ngại ngần khẳng định chuyện nhận bất kỳ gã đàn ông nào làm người yêu là việc làm sai trái, nhục nhã. Người ta nói thế vì người ta chứng kiến tư cách bất xứng, bất minh của loại người này. Đương nhiên, nếu thể hiện đúng đắn và phù hợp với phong tục tập quán thông thường, việc làm của chúng ta sẽ không bao giờ bị chỉ trích.
Từ “nomos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là quy tắc hoặc đạo luật. Không chắc trong diễn từ Pausanias sử dụng theo nghĩa nào. Ở đây, người dịch tạm chọn nghĩa “quy tắc”.
Quy tắc cư xử liên quan tới chuyện yêu đương của các thành quốc khác khá dễ hiểu vì được xác định bằng từ ngữ minh bạch [b] trong khi ở đây và ở Sparta, chúng phức tạp*. Ở Elis, Boeotia và những nơi dân chúng nói năng kém cỏi, không có các biện sư, quy tắc rất đơn giản: thỏa mãn người tình là hợp lẽ và đúng đắn, và không một ai, dù già hay trẻ, lấy làm xấu hổ vì việc đó. Tôi ngờ rằng nguyên do là muốn tránh né khó khăn khi phải tìm cách thuyết phục đám trẻ vì thâm tâm cứ nghĩ mình ăn nói kém cỏi. Mặt khác, ở Ionia và nhiều nơi thuộc đế chế Ba Tư* có quy tắc xác nhận yêu đương là chuyện sai trái. Ở Ba Tư, do chuyên chế và độc đoán, chính quyền lên án chuyện yêu đương và [c] sinh hoạt tri thức và tập thể dục trần truồng*. Tôi nghĩ chính quyền không muốn dân chúng mà họ cai
https://thuviensach.vn
trị nảy sinh tư tưởng hiểu cao biết rộng, giao tế phát triển, quen biết vững bền, không khuyến khích những sinh hoạt vừa kể, nhất là tình yêu. Ở Athens, các nhà độc tài ý thức trực tiếp sự thể do kinh nghiệm bản thân: tình yêu của Aristogiton và sức mạnh tình yêu tương hỗ của Harmodius đã bẻ gãy quyền bính, đập tan chế độ của họ*. Bởi thế, chỗ nào có quy tắc [d] cho rằng việc thỏa mãn người yêu là sai trái thì có thể nói quy tắc đó xuất phát từ tình trạng tha hóa của người thiết lập, họ muốn người cai trị khống chế, còn dân chúng hèn nhát cúi đầu tuân theo. Trái lại, nơi đâu có quy tắc làm rõ rằng việc ấy là hợp lý thì được quy cho tình trạng trì độn, lười biếng của người thiết lập.
Trong Hiến pháp Sparta 2.12-14, Xenephon ghi nhận rõ sự phân biệt giữa liên hệ đồng tính luyến ái có thể chấp nhận (có tính giáo dục về mặt luân lý) và liên hệ đồng tính luyến ái không thể chấp nhận, tương tự phần của Pausanias 184c-185 b.
Tại thời điểm diễn ra sự việc trong Yến hội (416 TCN), thành phố thuộc Ionia đều tự do, sau năm 387/86 TCN mới bị Ba Tư đô hộ mà khi đó, dường như Platon đã viết xong đối thoại.
Các nền văn hóa khác coi người Hy Lạp tập thể dục, tranh tài thể thao trần truồng là khiếm nhã.
Thucydides kể trong cuốn Lịch sử chiến tranh Peloponnese [Omega Plus Books, 2018, Chương XIX, các tr. 538-560] vào năm 514 TCN. Aristogiton yêu Harmodius, nhưng Hipparchus em trai bạo chúa Hippias cũng yêu Harmodius, và Aristogiton âm mưu hạ sát cả hai, song chỉ giết được Hipparchus. Ba năm sau, chế độ độc tài mới đổ, cặp tình nhân nổi tiếng là sát thủ bạo quân kết liễu chế độ độc tài. Phù hợp với quan niệm đặc thù của người Hy Lạp, người yêu được miêu tả do thèm muốn (erôs) thúc đẩy, người tình (cậu thiếu niên) do “tình yêu” hoặc “tình bạn” (philia) đôn đốc.
Quy tắc của thành quốc chúng ta khá hơn mấy nơi đó, nhưng như tôi vừa nói, chúng không dễ hiểu. Người ta bảo yêu công khai tốt hơn yêu giấu giếm, nhất là nếu yêu một thiếu niên thuộc thành phần xã hội nổi trội, gia
https://thuviensach.vn
đình cao sang, dù không khôi ngô tuấn tú. Người ta còn bảo mọi người cổ vũ người yêu yêu một cách nồng nhiệt, điều đó chứng tỏ người yêu không làm điều đáng tiếc; người ta xem việc chiếm được cảm tình của cậu thiếu niên mà người yêu muốn là thành công, còn không là thất bại. Khi người yêu [e] tìm cách làm quen cậu thiếu niên, quy tắc cho phép người yêu làm điều khác thường. Nếu dám làm điều vừa nói [183a] mà nhằm mục đích và ý định khác, người yêu sẽ bị khước từ mọi sự tán thưởng.
Tưởng tượng người định tâm moi tiền người khác, nhắm đến chức vụ chính trị hay thèm muốn địa vị hành chính nào đó chuẩn bị cư xử như người yêu với cậu thiếu niên người đó có cảm tình. Tưởng tượng người đó quỳ gối năn nỉ, van xin điều mình muốn, thề thốt đủ điều, suốt đêm nằm chờ ngoài ngưỡng cửa, sẵn sàng làm đủ kiểu tâng bốc mà không nô lệ nào chịu làm. Ở trường hợp khác, bạn bè cũng như kẻ thù sẽ ngăn cản người đó làm vậy; [b] kẻ thù sẽ chỉ trích vì người đó hạ mình để đạt thứ mình muốn, bạn bè sẽ bảo người đó chấm dứt và lấy làm hổ thẹn với những gì đã làm. Nhưng khi người yêu làm điều vừa kể thì những hành động đó sẽ được tha thứ và nhân nhượng, không bị phê bình, chỉ trích, và mục đích của người yêu được ngầm hiểu là hoàn toàn đáng khen. Đáng kể hơn hết, ít nhất theo nhận định thông thường, người duy nhất thần linh sẽ tha thứ dù vi phạm lời thề là người yêu, vì lời thề thể hiện dưới ảnh hưởng của Aphrodite không phải là lời thề. [c] Vì thế, theo quy tắc của chúng ta, tự do mà thần linh và con người dành cho người yêu mênh mông như biển cả. Nhận định tổng quát này dẫn tới kết luận: ở thành quốc Athens, người ta coi ước muốn của người yêu và ý định thỏa mãn ước muốn ấy là việc làm cao cả nhất đời. Song, khi cậu thiếu niên lọt vào mắt người yêu, cha cậu thường thuê người trông nom, chỉ thị rành mạch ngăn ngừa không để cậu chuyện trò với người yêu. Bạn bè chế giễu không thương tiếc nếu thấy cậu tiếp xúc với người yêu, [d] còn cha mẹ bạn bè không ngăn cản mà chấp nhận, khuyến khích việc chọc ghẹo đó. Khi để ý suy ngẫm sự thể, ta buộc lòng đi đến kết luận ở đây chúng ta coi chuyện yêu đương là hoàn toàn sai trái.
https://thuviensach.vn
Tuy nhiên, theo thiển kiến, sự thật không đơn giản, mà là thế này. Như tôi nói trước đây lúc bắt đầu, bản thân việc làm không phải mà cũng không trái, nhưng phải khi thực hiện phải lẽ, và trái khi thể hiện trái lẽ. Thỏa mãn người xấu theo cách xấu là sai, chiều ý người tốt theo cách tốt là đúng. Trong liên hệ này, người xấu là người yêu thuộc loại trần tục, [e] yêu thể xác hơn tâm hồn. Người đó không chung tình, vì yêu cái không trung hậu, vẻ đẹp thể xác quyến rũ khiến mê mẩn vừa tàn phai, người đó ‘êm ả bay đi’*, trâng tráo dẫm đạp lên những lời thề nguyền tốt đẹp, hứa hẹn ngon lành. Ngược lại, người yêu tính tình đáng yêu sẽ chung thủy suốt đời, vì đã trở thành hợp nhất với cái bất biến.
Lấy ý từ cách Homer tả giấc mơ đến với Agammenon. [Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 126.]
Quy tắc [184a] của chúng ta thử thách người yêu một cách gay gắt, theo đúng đường lối, nhằm nắm vững sự kiện người tình chọn đáp ứng loại này và từ chối loại kia. Đó là lý do chúng ta khuyến khích người yêu theo đuổi người tình, đồng thời thôi thúc người tình lảng tránh khi người yêu tiếp cận. Đó là phép thử để biết người yêu cũng như người tình thuộc loại nào. Làm vậy còn giải thích tại sao lại bị coi là sai trái nếu nhanh nhảu đồng ý; làm vậy là muốn vững tin thời gian sẽ trả lời, trong nhiều trường hợp, theo nhận định chung là phương thức hữu hiệu để thử nghiệm đa số sự việc ở đời; làm vậy cũng giải thích tại sao lại coi là sai trái nếu bị chinh phục bằng tiền bạc người yêu trao tay hay chức vụ người yêu lấy làm mồi nhử. Trong trường hợp này, người tình hoặc run sợ khuất phục trước những đe dọa đối xử tàn tệ, [b] hoặc đón nhận lợi ích tiền bạc, quyền hành được người yêu mang lại, hoặc chìm đắm không thể ngoi lên một khi nếm mùi ngon ngọt từ những mồi nhử đó. Không ai nghĩ những lợi ích đó sẽ lâu dài, bền vững, đấy là chưa kể trong đó không hề có tình cảm chân thực hay tình yêu cao thượng.
Vì thế, theo quy tắc, cách duy nhất là người tình nên thỏa mãn người yêu một cách ngay thẳng và giữ gìn đức hạnh. [c] Trước đây tôi nói người yêu sẵn sàng kinh qua đủ loại nô lệ đối với người tình, dưới hình thức nào
https://thuviensach.vn
đó, làm thế không hề nhục nhã hay đáng trách. Cũng theo quy tắc của chúng ta, chỉ có loại nô lệ tự nguyện người tình dành cho người yêu là không đáng trách, bởi nó sản sinh đức độ. Quy tắc là nếu người này sẵn sàng cúi đầu phục vụ người khác, tin tưởng người khác sẽ giúp đỡ người này mở mang hiểu biết, gia tăng nhận thức hoặc phát triển đức độ về mặt nào đó, thì việc nô lệ tự nguyện như thế không sai trái hay nhục nhã.
Hai quy tắc ấy [d] phải kết hợp, cái này chi phối tình yêu của người tình, cái kia điều chỉnh tình yêu với kiến thức và đức độ, để sáng tạo điều kiện mà trong đó, việc người tình thỏa mãn người yêu là phải lẽ. Điều kiện này được thực hiện khi người yêu và người tình gặp nhau, mỗi người tuân theo quy tắc thích hợp, người yêu được công nhận là phải trong bất kỳ việc làm nào thể hiện với người tình mà người tình thỏa mãn người yêu, và người tình được công nhận là đúng trong bất kỳ chiều chuộng nào thực hiện với người giúp mình trở nên khôn ngoan, tử tế. Người yêu cũng phải có khả năng phát triển hiểu biết và đức độ cho người tình, [e] còn người tình thì phải có thành ý muốn nhận sự giáo dục và kiến thức. Khi và chỉ khi đáp ứng điều kiện vừa kể, việc người tình thỏa mãn người yêu mới hợp lý. Trong trường hợp này, việc bị lừa dối cũng không có gì là sai trái; song trong trường hợp khác, yêu là sai trái, dù có bị lừa dối hay không. Chẳng hạn, cứ tưởng người yêu giàu có, [185a] liền thỏa mãn đòi hỏi, cậu thiếu niên hy vọng bòn rút được tiền bạc; nào ngờ người yêu lại nghèo khó, cậu tay trắng, như vậy điều cậu làm vẫn sai trái. Làm thế, cậu bộc lộ phần nào bản tính: làm bất kể việc gì cho bất kể người nào để kiếm tiền, vậy rõ là sai trái. Sự thể tương tự, chẳng hạn cậu thiếu niên thầm nghĩ người yêu mình là người đàng hoàng, tử tế, nên chẳng ngần ngại chấp nhận đề nghị, hy vọng nhờ tình thân của người yêu mà có tiền đồ hứa hẹn. Nếu người yêu hóa ra là người tồi tệ, [b] hoàn toàn không có đức độ, thì việc bị lừa dối trong trường hợp này là chuyện không có gì phải hổ thẹn. Làm thế, cậu thiếu niên cũng hé lộ phần nào cá tính: sẵn sàng làm bất kể điều gì cho bất kỳ người nào ngõ hầu đạt đức độ và trở nên khá giả, không có lý do nào khả ái bằng. Bởi thế, việc chiều ý người yêu với hy vọng đạt đức độ nhất định là hợp lý.
https://thuviensach.vn
Xuất phát từ Aphrodite thiên thể, Erôs này cũng thiên thể. Đây là tình yêu thiên thể, tình yêu thuộc nữ thần thiên thể, nguồn cung cấp giá trị lớn lao cho thành quốc và cá nhân, vì nó thôi thúc người yêu quan tâm tới đức độ bản thân, đôn đốc người tình làm điều tương tự. [c] Tình yêu khác bắt nguồn từ Aphrodite kia, nữ thần trần tục.
Phaedrus quý mến, đóng góp của tôi về Erôs là vậy, do lúc này thôi thúc, tôi cố gắng thực hiện”.
Pausanias vừa ngừng* (người nói năng tài ba dạy tôi sử dụng lối chơi chữ như thế), Aristophanes định lên tiếng nhưng đột nhiên bị nấc liên hồi, có lẽ do ăn nhiều quá, nên không thể phát biểu. Aristophanes nói với Eryximachus, [d] y sĩ* đang nằm trên chiếc tràng kỷ phía dưới: “Quý hữu giúp tôi hoặc chấm dứt cơn nguy nan này, hoặc nói thay tôi cho đến khi tôi thoát khỏi nó”.
Lối chơi chữ cân xứng, láy lại nguyên âm, đơn vị bằng nhau: “Pausanias” (Pausa-niou) và “vừa ngừng” (pausamenou) âm tiết dài, vang như nhau. Phát biểu của Pausanias chịu ảnh hưởng của biện sư, thầy dạy nghệ thuật hùng biện. Platon có lẽ ngụ ý phát biểu này là bài biện hộ khéo léo, bênh vực một hình thức tình yêu bị coi là thấp kém, tầm thường.
Cũng như cha đẻ của Acumenus, Eryximachus được Xenophon và Platon kể là y sĩ; Eryximachus cũng xuất hiện trong Protagoras 315c của Platon. Tên trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “trấn ợ”, y hệt ý muốn giúp Aristophanes ngừng nấc. Xuất hiện ở đây, ông ta tiêu biểu cho y học, song triết gia miêu tả hơi châm biếm.
Eryximachuis đáp: “Thế thì tôi làm cả hai. Tôi sẽ thay quý hữu cho đến khi khi cơn nấc đi qua. Trong lúc tôi nói, quý hữu thử nín hơi thật lâu, có thể sẽ hết nấc. Nếu vẫn nấc thì lấy nước súc miệng. Nếu chưa dứt [e] thì kiếm cái gì ngoáy mũi, rồi hắt hơi. Làm vậy một hai lần, quý hữu sẽ hết, dù cơn nấc có dai dẳng đến mấy”.
Aristophanes đáp: “Chừng nào có thể thì quý hữu cứ bắt đầu, tôi sẽ làm như quý hữu nói”.
https://thuviensach.vn
Eryximachus ậm ừ: “Tôi nghĩ điều cần thiết là thế này. Pausanias mở đầu diễn từ khá ngoạn mục, [186a] song không đưa diễn từ đến một kết luận thỏa đáng, vì thế tôi cố gắng góp ý bổ túc dòng lý luận của Pausanias. Theo tôi, Pausanias phân biệt rõ ràng khi nói có hai Erôs, hai loại tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ bộc lộ trong phản ứng có tính chất tình cảm giữa con người với người xinh đẹp, mà còn biểu lộ trong nhiều loại phản ứng nữa như phản ứng thể xác của mọi loại súc vật, phản ứng của cây cối mọc trên mặt đất, phản ứng của hầu như mọi thứ tồn tại, hiện hữu ở đời. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy y khoa, ngành chuyên môn của tôi, nghệ thuật của chúng ta, cho phép chúng ta quan sát Erôs, vị thần này vĩ đại, tuyệt vời làm sao [b] trải rộng, thâm nhập quyền năng tới mọi mặt đời sống con người và thần linh như thế nào.
Phát biểu của tôi sẽ bắt đầu với vài nhận định về y khoa nhằm đem lại chỗ ngồi vinh dự cho nghệ thuật này. Bản chất cơ thể cố hữu gồm hai Erôs, hai thần linh tình yêu, hai loại tình yêu tôi vừa nhắc qua. Với cơ thể, mọi người đều công nhận lành mạnh và ốm yếu là hai trạng thái khác biệt, trạng thái này không giống trạng thái kia. Khi sự vật khác biệt, đối tượng ước muốn và yêu thương của sự vật cũng khác, khác biệt tìm và yêu khác biệt. Vì thế, tình yêu gắn bó với phần lành mạnh khác tình yêu dan díu với phần ốm yếu. Pausanias vừa nói chiều lòng người tiết độ là đúng và thỏa mãn người buông thả là sai. [c] Sự thể y hệt cơ thể vậy. Trong cơ thể, thỏa mãn phần lành mạnh, khỏe khoắn là phải, quý hữu nên làm (xin thưa, làm thế là thực hành y khoa); nhưng chiều lòng phần ốm yếu, bệnh tật là sai, quý hữu nên tránh nếu noi theo nguyên tắc của nghệ thuật và sắp sửa là y sĩ chuyên khoa.
Vì, tắt một lời, y khoa trong thực chất là hiểu biết hình thức của tình yêu thể xác, khoa học thực hiện thao tác đổ đầy, vét cạn cơ thể Erôs gây nên. Một y sĩ hoàn hảo trước hết phải biết phân biệt giữa [d] Erôs tốt và Erôs xấu trong quá trình nhận định. Người thực hành y khoa nhuần nhuyễn có thể tạo ra sự thay đổi để cơ thể sở hữu tình yêu này thay vì tình yêu kia; người đó biết làm thế nào gắn tình yêu khi không ở đó mà phải ở đó, và bứt
https://thuviensach.vn
tình yêu đang ở đó. Người đó phải có khả năng lấy nguyên tố tương phản hơn hết trong cơ thể và sáng tạo tình thân và tình yêu tương hỗ giữa các nguyên tố. Nguyên tố đối lập hơn hết là nguyên tố chống chọi như lạnh và nóng, chua và ngọt, khô và ướt, v.v.. Người khám phá cung cách làm thế nào cấy tình yêu [e] và hòa hợp giữa nguyên tố như thế chính là Asclepius*, ông tổ chúng ta (thi sĩ như quý hữu hiện diện ở đây nói với chúng ta như thế, tôi đồng ý với họ)* và ông xây dựng nghệ thuật y khoa ra sao.
Asclepius, con của Apollo (vị thần của nghệ thuật y khoa) với nữ thần rừng núi Coronis (Pindare, Pythique 3), là người sáng lập y học và là thần linh chữa trị cho Epidaure. Ngày xưa trong vùng Dodecanese và Stagire, nhiều gia đình làm nghề bốc thuốc trị bệnh. Qua nhiều thế hệ, họ nghĩ mình là hậu duệ của Podaleirios và Machaon, con của Asclepius [xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 155], được Homer miêu tả như y sĩ chữa bệnh. Song, mọi y sĩ đều có khuynh hướng tự nhận hoặc muốn được gọi là “Asclepiades” vì cho rằng theo đuổi nghề này là đã được chấp nhận vào gia đình Asclepius. Asclepius được miêu tả như thần linh chữa bệnh đã học nghề cứu nhân độ thế từ quái vật Chiron có tài dạy học tuyệt vời, [Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, các tr. 193, 202.]
Ý nói Aristophanes và Agathon.
Như tôi từng trình bày, y khoa hoàn toàn do vị thần này chi phối, thể dục và nông nghiệp cũng vậy; [187a] chẳng cần nói ai cũng biết nếu bỏ thì giờ suy nghĩ một chút, điểm tương tự áp dụng rõ ràng với cả âm nhạc. Có lẽ đó là điều Heraclitus suy ngẫm, dẫu ông diễn tả không rõ ràng lắm. Ông nói về thống nhất ‘do tách rẽ thống nhất thích hợp với chính nó… như hài hòa của cây cung hoặc cây đàn’*. Quả thực phi lý và phi lý hết sức khi bảo sự hài hòa tách rẽ từ chính nó hoặc hài hòa tồn tại trong khi thành phần cấu thành nó vẫn tách rẽ. [b] Nhưng có lẽ điều ông ấy suy ngẫm trong đầu là kiến thức tinh thông về âm nhạc sáng tạo hài hòa bằng cách thay tình trạng tách rẽ có trước giữa nốt cao và nốt thấp bằng tình trạng hòa hợp. Đương nhiên không thể nào có sự hài hòa giữa cao và thấp trong khi cao và thấp
https://thuviensach.vn
tách rẽ. Hài hòa chính là hòa âm, hòa âm chính là một loại hòa hợp; nhưng hòa hợp không thể được tạo ra từ sự vật tách rẽ trong khi sự vật vẫn tách rẽ, và không thể tạo ra sự hài hòa nếu sự vật tách rẽ không hòa hợp. Cũng như có thể tạo ra nhịp điệu bằng cách thay tình trạng [c] tách rẽ có trước giữa nhịp nhanh và nhịp chậm bằng tình trạng hòa hợp. Cũng như y khoa sáng tạo tình trạng hòa hợp trong khu vực này, âm nhạc sáng tạo sự hòa hợp trong khu vực kia bằng cách gắn tình yêu và hòa hợp với các nguyên tố liên quan; âm nhạc cũng vậy, âm nhạc là hiểu biết hình thức của tình yêu liên hệ với hài hòa và nhịp điệu.
Ý này của Heraclitus (535 - 475 TCN) thường được dẫn chứng dưới nhiều hình thức. Câu nói biểu thị cách hiểu nguyên tắc thống nhất như cân bằng lực đối nghịch. Mặc dù tỏ ra huênh hoang muốn sửa đổi, song Eryximachus hình như không nắm vững luận điểm của triết gia như học giới ngày nay hiểu. Luận điểm đó là vũ trụ (“thống nhất” hoặc “cái duy nhất”) gồm tình trạng căng thẳng giữa đối lập cùng tồn tại, hòa điệu trong âm nhạc biểu thị tình trạng căng thẳng tương tự. Trong làng triết học Heraclitus nổi tiếng là khó hiểu. Có lẽ vì vậy ông mang biệt danh Heraclitus Tối Tăm, Heraclitus The Obscure.
Trong quá trình cấu trúc hài hòa và nhịp điệu, quan sát trong chính nó, nhận ra sự tham dự của tình yêu xem ra không khó, bản chất hai mặt của tình yêu vẫn chưa xuất hiện. Nhưng nếu là vấn đề [d] sử dụng nhịp điệu và hài hòa để tạo nên tác dụng với con người bằng cách sử dụng âm nhạc (chúng ta gọi là sáng tác trữ tình) hoặc bằng cách sử dụng chính xác ca khúc và bài thơ đã sáng tác (chúng ta gọi là giáo dục)*, thì khó khăn bắt đầu xuất hiện, lúc đó quả thực cần người nắm vững tay nghề. Đến đây lại cần nguyên tắc tương tự: quý hữu phải thỏa mãn và khuyến khích tình yêu của người ngăn nắp, hoặc người chưa ngăn nắp song có thể theo cách này để trở thành ngăn nắp.* Erôs này là Erôs lành mạnh và thiên thể, Erôs của Thi Thần Thiên thể. Trái lại, Erôs kia là Erôs của Thi Thần Polymnia*, [e] Erôs trần tục, mà khi thực hiện tình yêu phải cẩn trọng, bảo đảm người tiếp nhận vui vẻ để tình yêu mang lại không rơi vào tình trạng buông thả. Cũng
https://thuviensach.vn
như trong địa hạt chuyên môn của tôi, phần chủ chốt của công việc nằm ở chỗ vận dụng đúng đắn các thèm muốn nghệ thuật nấu ăn đáp ứng, bảo đảm người đón nhận nguồn vui không rơi vào cảnh ốm đau. Bởi thế, trong âm nhạc, y khoa và bộ môn khác, cả trần tục lẫn thiên thể, chúng ta phải đặc biệt chú ý hai loại tình yêu vừa kể, vì cả hai đều hiện diện.
Theo truyền thống, giáo dục (“paideia”) hàm ý thể dục (“gumnastikê”) để rèn luyện thân thể, và âm nhạc (“mousikê”) trong đó có thi ca để tôi luyện tâm hồn. Quan niệm như thế về giáo dục cũng thấy thể hiện trong Plato, Cộng hòa, [Omega Plus Books, 2018, các tr. 185-86].
Cung cách vụng về Eryximachus kết hợp hai chủ đề thể hiện đặc biệt trong phần này diễn từ.
Tên này nghĩa là “nhiều tán ca”. Có lẽ Platon để Erixymachus chọn Thi Thần này vì tên gần với tên Aphrodite Pandêmos, Aphrodite trần tục, được Pausanias phân biệt rõ ràng. Thi Thần Thiên thể (Ourania) và Thi Thần Polymnia đều xuất hiện trong danh sách Thi Thần của Hesiod (Theogony 75-9), song chức năng đặc biệt của mỗi Thi Thần không nêu ra; Eryximachus nhặt đại hai tên đó do gần gũi nhất với loại tình yêu Pausanias đề cập (180d-e). Quan niệm âm nhạc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, uốn nắn đức độ con người hiện rõ nét trong tư tưởng Hy Lạp. [Xem Plato, Cộng hòa, Omega Plus Books, 2018, các tr. 231-41.]
Đặc tính các mùa [188a] trong năm phản ánh ảnh hưởng cũng do hai Erôs này quyết định. Khi các nguyên tố tôi vừa nêu (nóng và lạnh, khô và ướt) chịu ảnh hưởng của Erôs ngăn nắp, chúng ở tình trạng hòa hợp với nhau và đạt mức pha trộn vừa phải; mùa đến đem kết quả tốt đẹp cho vụ lúa, sức khỏe cho con người, súc vật, cây cối, không tạo thiệt hại, không gây tổn thất. Trái lại, khi Erôs bừa bãi, buông thả chế ngự các mùa, Erôs đó gây nên sự tàn phá và hủy hoại. [b] Tình huống vừa kể có khuynh hướng sinh ra bệnh truyền nhiễm cùng nhiều loại bệnh dị thường đối với súc vật và cây cối. Băng giá, mưa đá, nóng cháy là kết quả của tình trạng cạnh tranh sấn sổ một cách hỗ tương và trật tự lộn xộn do tác dụng của Erôs này.
https://thuviensach.vn
Vì thế thứ chúng ta gọi là thiên văn* chính là hiểu biết về sự vận hành của tình yêu như sự vận hành chịu ảnh hưởng từ chuyển động của tinh tú trên trời và các mùa trong năm.
Với người Hy Lạp thời đó, khí tượng học thuộc vào nghiên cứu thiên thể.
Còn nữa. Mọi thứ tế sinh và toàn bộ phạm vi chiêm đoán, đó là đường lối [c] thần linh và con người giao thiệp với nhau, hoàn toàn hướng tới mục đích duy trì Erôs này, chữa trị Erôs kia*. Mọi hình thức bất hiếu với cha mẹ, còn tại thế hay đã khuất núi, hay mọi sự báng bổ đối với thần linh đều có chiều hướng xảy ra khi trong mọi hành động con người thất bại, không thỏa mãn, không kính trọng, không vinh danh Erôs ngăn nắp, ngược lại thỏa mãn, kính trọng, vinh danh Erôs buông tuồng. Tiên tri đã được giao phó phần việc là để mắt quan sát Erôs sai trái và chữa trị Erôs này. Tiên tri cũng được giao phó phần việc là sản sinh [d] tình thân giữa thần linh và con người bằng cách am tường ứng dụng tình yêu trong đời con người ảnh hưởng ra sao tới tác phong đúng cách và tinh thần sùng đạo nghiêm chỉnh.
Bảo vệ tình yêu tốt, chữa trị tình yêu xấu.
Bởi thế, nhìn tổng thể thì trong mọi biểu hiện, Erôs đều sở hữu quyền năng to lớn, mãnh liệt hoặc toàn diện. Song chỉ Erôs với bản chất thể hiện qua việc làm tốt đẹp, đậm nét do tiết độ và công bằng, ở mức độ thiêng liêng và trần thế, mới có quyền năng hơn hết và là suối nguồn mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Erôs này giúp chúng ta liên kết, trở thành bạn bè, thân thiết với nhau và thần linh, bề trên của chúng ta.
Rất có thể diễn từ ca ngợi Erôs [e] của tôi còn thiếu sót rất nhiều, xin thông cảm. Nếu vậy, dám thưa, tôi không phải cố ý, dĩ nhiên. Giả như tôi bỏ qua điều nào, xin Aristophanes vui lòng bổ túc. Hoặc giả như trong tâm trí dự định diễn từ loại khác đề cao Tình Yêu, rất mong quý hữu phát biểu tức thì, bây giờ cơn nấc đã ngừng”.
[189a] Đến lượt Aristophanes bắt đầu với lời khẳng định: “Vâng, đúng thế, lúc này cơn nấc quả thực đã ngừng hoàn toàn, song chỉ ngừng sau khi tôi áp dụng phương thức thế nào cũng hắt hơi. Sự thể khiến tôi tự hỏi có
https://thuviensach.vn
phải nguyên tắc ngăn nắp của tình yêu trong cơ thể tôi muốn tiếng động và cọ ngoáy nên nhảy mũi hắt hơi, vì cơn nấc im tức khắc lúc tôi áp dụng cách đó!”*
Nhận định của Aristophanes, mặc dù rõ ràng là nói đùa, nhưng dường như xác nhận ý kiến của Eryximachus rằng y học là khoa học “đổ đầy và làm vơi” (186c): hắt hơi khiến hơi nhiều lúc nấc cụt thoát ra ngoài. Tuy nhiên, nhận định này cũng khiến ta chú ý hình ảnh thế giới và ý định đặt để trật tự do Eryximachus đưa ra không hoàn toàn thỏa đáng.
Eryximachus đáp: “Aristophanes quý mến, cẩn thận đừng coi thường cái đang làm! Trước khi bắt đầu diễn từ mà nói đùa pha trò, [b] quý hữu khiến tôi cũng phải canh chừng trong khi quý hữu phát biểu, vì sợ quý hữu nói điều ngớ ngẩn, tức cười, nếu không quý hữu cứ việc hoàn tất diễn từ êm ả, không bị ngắt quãng cắt ngang”.
Aristophanes cười nói: “Eryximachus nói có lý, tôi xin rút lời đã nói, hãy coi như tôi chưa nói gì! Xin đừng để ý canh chừng. Điều tôi sợ phải kể không phải điều sẽ làm buồn cười, vì như vậy là tự nhiên nắm ưu thế và Thi Thần của tôi* sẽ tìm thấy đất dụng võ thích hợp, mà là điều nực cười*”.
Tức Thi Thần hài kịch.
Nguyên văn: “geloíos” (buồn cười) và “katagélastos” (nực cười). Nét nghĩa của hai từ này rất khó phân biệt rõ ràng. Ở đây, người dịch có tham khảo bản tiếng Pháp: “des choses quy fassent rire” và “des choses ridicules”, và bản tiếng Anh: “something funny” và “something ridiculous”.
Eryximachus tiếp lời: “Vậy thì, quý hữu có thể tấn công tôi rồi bỏ chạy! Coi chừng, Aristophanes. Nên nhớ quý hữu sẽ phải nói như ai đó tính sổ trả lời.* Tuy nhiên, dù vậy, nếu quyết định, tôi sẵn sàng để quý hữu ra đi.”
Theo thông lệ cuối năm chứng tỏ khả năng thi hành chức vụ quan chức nào cũng phải tính sổ theo dự toán tài khóa; cơ chế gọi là “eúthuma”. Chỗ này có lẽ Eryximachus ám chỉ cơ chế đó.
https://thuviensach.vn
[c] Aristophanes nói: “Eryximachus, tôi dĩ nhiên định tiếp cận diễn từ theo cách khác quý hữu và Pausanias tiếp cận trong diễn từ.* Hình như con người hoàn toàn thất bại khi không nhận ra quyền năng của Erôs; nếu ý thức đúng mức về tầm quan trọng của quyền năng, con người đã xây đền đài vĩ đại, lập bàn thờ hoành tráng để thờ cúng và làm lễ tế sinh nguy nga vô cùng. Trên thực tế, không việc nào trong mấy việc vừa kể đã được thực hiện, mặc dù Người là bậc xứng đáng hơn hết.* Người yêu thương, thân thiết với con người hơn bất kỳ vị thần nào; [d] Người giúp đỡ con người, chữa trị khi con người ốm đau. Cung cách trị liệu của Người cấu thành suối nguồn tràn trề sung sướng và hạnh phúc lớn lao khôn tả cho nhân loại. Tôi sẽ giải thích quý hữu hay quyền năng của Người*, rồi quý hữu giảng giải cho người khác cùng hay.
Aristophanes (?450 - 385 TCN) là kịch gia hài hước danh tiếng cuối thế kỷ V đầu thế kỷ IV TCN, một số hài kịch của ông còn lưu truyền. The Clouds (423 TCN) giễu cợt Socrates rất gay gắt, song không ác ý. Trong Apologia [xem Plato, Ngày cuối trong đời Socrates, Omega Plus Books, 2018, tr. 102-03], Socrates miêu tả giễu cợt ấy rất thú vị, không có dấu hiệu chua cay giữa hai người. Diễn từ này không hề giống hài kịch của Aristophanes, trừ tính vui nhộn và mang chủ đề cụ thể, sinh động. Diễn từ có vẻ giống lời người trí thức nào đó kể lại huyền thoại hoặc chuyện ngụ ngôn của Aesop.
Theo S. Hornblower và A. Spawforth (The Oxford Classical Dictionary, 1996), thực ra thời này có đền thờ Erôs nhưng khá nhỏ.
Ý này nói điểm cơ bản. Erôs có quyền năng chữa trị “bệnh” do sự trừng phạt của Zeus gây nên, giúp hai nửa của con người duy nhất từ khởi thủy hợp lại.
Trước hết, chúng ta cần biết bản chất con người và chuyện gì đã xảy ra với con người. Lâu lắm rồi, thời xửa thời xưa, bản chất chúng ta không như bây giờ mà khác hoàn toàn, [e] Thoạt đầu có ba giống người chứ không chỉ hai giống đực và cái như hiện tại, giống thứ ba vốn là sự kết hợp của hai giống kia. Tên còn sống, song giống đã mất. Một thời từng có giống ái nam
https://thuviensach.vn
ái nữ, một giống khác hẳn, tên gọi cũng như hình thù phối hợp hai giống nam và nữ*; ngày nay giống này không còn nữa, trừ tên gọi bị dùng để bêu riếu, hạ nhục*. Mỗi giống có hình thù như trái cầu, lưng và sườn tạo thành vòng tròn. Mỗi giống có bốn tay, số chân tương đương số tay, hai mặt giống nhau trên cần cổ tròn. [190a] Mỗi giống có một cái đầu với hai khuôn mặt quay về hai hướng đối nghịch, và bốn cái tai. Ngoài ra, mỗi giống có hai bộ phận sinh dục, và các thứ còn lại giống như quý hữu có thể mường tượng từ những gì tôi nói từ nãy đến giờ. Khi di chuyển, mỗi giống đứng thẳng như chúng ta làm bây giờ về cả hai phía họ muốn. Khi định chạy nhanh, họ như nghệ nhân nhào lộn, nhấc chân khỏi đất lấy đà rồi đặt lại cho thẳng, dựa trên tám chi như bánh xe, chuyển động thành vòng rất nhanh.
Nguyên văn; “androgynon”, gồm hai từ “anèr” (đàn ông) và “gynè” (đàn bà); tiếng Pháp là “androgyne”; tiếng Anh là “androgynous”.
Lưỡng tính đồng thể dùng để chỉ người đàn ông ẻo lả, nhút nhát. Ý tưởng phối hợp chức năng của hai giống (nghĩa là “thụ thai” đàn ông) cũng thấy xuất hiện trong diễn từ của Socrates (206c-e, 208e-209c).
Lý do có ba giống như thế và tại sao chúng được miêu tả như vậy chính là [b] giống nam khởi đầu là con của Mặt Trời, giống nữ nguyên thủy là con Trái Đất, hai giống kết hợp trước tiên là con của Mặt Trăng, vì Mặt Trăng là kết hợp của Mặt Trời và Trái Đất*. Ba giống đều tròn, cung cách mà ba giống di chuyển cũng vậy, vì ba giống đều giống cả cha và mẹ. Về sức và lực, ba giống khủng khiếp, ba giống mang tham vọng lớn lao và tính chuyện giao chiến với thần linh. Chuyện do Homer kể, nhắc đến hai người thực sự là Ephialtes và Otos tìm cách trèo lên trời để tấn công thần linh*. Zeus và thần linh bàn luận cách đối phó, [c] song chưa đi đến quyết định. Thần linh không biết làm thế nào giết chết hai người bèn quét sạch con người bằng sấm chớp như đã làm với đám Khổng Lồ; song nếu làm vậy, lễ nghi và tế sinh thần linh đón nhận từ nhân loại sẽ mất hết. Nhưng thần linh không thể để hai người tiếp tục cư xử tàn nhẫn như thế. Suy đi tính lại khá lâu, Zeus nêu ý kiến: ‘Ta nghĩ ta có kế hoạch mà nếu áp dụng, con người vẫn tồn tại, song quá yếu để tiếp tục cư xử hỗn xược, [d] Ta sẽ chẻ mỗi
https://thuviensach.vn
người thành hai; chúng sẽ yếu đi, nhưng đông đảo lên, và điều này trở thành lợi thế cho chúng ta. Chúng sẽ đi đó đi đây bằng hai chân đứng thẳng. Nếu xét thấy bọn chúng vẫn hành động man rợ và không bớt xấc láo, ta sẽ chẻ bọn chúng ra làm đôi lần nữa để nếu di chuyển chúng sẽ nhảy lò cò một chân’.
Quan niệm Mặt Trời là nam, Trái Đất là nữ, Mặt Trăng là vừa nam vừa nữ cũng xuất hiện trong tư tưởng Hy Lạp.
Ephialtes và Otos là hai Khổng Lồ muốn phế truất thần linh bèn chồng núi trèo lên trời, nhưng bị con của Zeus là Apollo dùng cung hạ sát. [Xem Homer, Odyssêy, Omega Plus Books, 2018, các tr. 350-51; Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 224.]
Nói rồi, Zeus chẻ con người làm hai như người ta bổ quả táo trước khi ngâm làm mứt, [e] hoặc như người ta cắt trứng luộc bằng sợi tóc. Trong khi chẻ từng người, Zeus bảo Apollo* xoay mặt và nửa cổ dính liền với mặt hướng về vết chẻ để con người nhìn thấy vết thương, do đó trở nên nhún nhường, ngoan ngoãn; Zeus cũng dặn Apollo đắp thuốc vào vết chẻ khác cho lành lặn. Apollo xoay mặt, kéo da khắp thân thể về chỗ bây giờ gọi là bụng (như kéo dây thắt chiếc túi cho chặt), cuối cùng để một lỗ hở ở giữa, chúng ta gọi là lỗ rốn. [191a] Thần cũng vuốt nén vô số nếp nhăn cho phẳng phiu, nắn lại lồng ngực bằng dụng cụ của thợ đóng giày sử dụng căng gò đường sần sùi cho nhẵn nhụi khi đặt mặt da trên khuôn gỗ. Nhưng thần linh để lại vài đường nhăn trên bụng quanh lỗ rốn để con người nhớ những gì đã xảy ra với mình trước đây.
Apollo được kể là thần linh chữa bệnh (Cratylus 405a-b), thần linh ham chuộng y học.
Vì bản chất nguyên thủy đã bị xẻ làm hai, nên nửa này thương nhớ nửa kia. Do mong muốn tìm gặp, kết hợp, cả hai vung tay ôm chầm, bám chặt lấy nhau, ao ước tạo thành bản thể sinh động duy nhất. Bởi thế cả hai chết đói và cả hai chết vì bất động, [b] vì không muốn làm gì xa cách nhau. Khi nửa này chết, nửa kia bơ vơ, nửa bơ vơ ở lại cõi đời tìm kiếm nửa
https://thuviensach.vn
khác, kết thân và kết hợp chặt chẽ với nửa ấy. Có khi cái nửa mà nửa đó bắt gặp là nửa của người đàn bà toàn vẹn (nửa bây giờ chúng ta gọi là ‘đàn bà’), có khi nửa đó là nửa của người đàn ông toàn vẹn (‘đàn ông’). Bất luận thế nào hai nửa đều tiếp tục chết như vậy.
Thương hại hai nửa, Zeus đưa ra kế hoạch khác với ý định tốt đẹp: chuyển bộ phận sinh dục ra đằng trước. Trước đó, hai nửa có bộ phận sinh dục ở phía sau, giao cấu để thụ thai, việc sinh đẻ [c] không diễn ra theo kiểu nửa này hợp nhất với nửa kia, mà diễn ra dưới đất như ve sầu.* Nhờ đưa bộ phận sinh dục ra đằng trước, Zeus sáng tạo sự sinh nở bên trong, do người đàn ông trong người đàn bà, hai nửa có thể truyền giống, thụ thai với nhau, theo cách bộ phận sinh dục nam trong bộ phận sinh dục nữ. Mục đích của cách này là nếu người đàn ông gặp người đàn bà, người đàn ông quấn chặt người đàn bà, người đàn ông gieo hạt giống và hai người sẽ sinh con đẻ cái để loài người tiếp tục tồn tại. Trái lại, nếu hai người đàn ông gặp nhau, qua giao cấu tình dục, họ ít nhất sẽ thỏa mãn, sau đó xả hơi thư giãn rồi làm việc trở lại và nghĩ tới các nhu cầu khác trong cuộc đời.
Ve sầu thực ra là cặp đôi thông thường. Con cái đẻ trứng trên cành cây. Ấu trùng rơi xuống đất sống ở đó tới khi lớn. Còn cào cào, châu chấu thì đẻ trứng trên mặt đất. Có lẽ Platon lầm ve sầu với dế mèn, con cái loại này có mái đẻ đồ sộ gắn đằng đuôi, chui xuống đất đẻ trứng, mái đó có thể coi như dương vật của con đực.
[d] Tình yêu bẩm sinh của con người đối với nhau bắt nguồn từ khá lâu như thế. Tình yêu nảy nở trong con người, kêu gọi hai nửa xuất phát từ bản chất nguyên thủy trở lại với nhau, tìm cách biến hai nửa thành một, đồng thời điều trị vết thương trong bản chất con người nhằm khôi phục trạng huống tự nhiên. Mỗi người chúng ta là nửa phần xẻ đôi của một con người. Vì bị chia đôi như cá thờn bơn, biến một thành hai, nên mỗi nửa trong chúng ta không ngừng tìm kiếm một nửa thích hợp với mình. Những người đàn ông tách khỏi bản chất phối hợp, chúng ta gọi là ái nam ái nữ, tìm tình yêu nơi người đàn bà; đa số đàn ông dối vợ ngoại tình thuộc nhóm này. Đàn bà kiếm tình yêu bên đàn ông, [e] dối chồng ngoại tình cũng thuộc
https://thuviensach.vn
nhóm này.* Những người đàn bà tách khỏi nữ giới không hề quan tâm tới đàn ông, mà chú ý nhiều đến đàn bà; phụ nữ đồng tính luyến ái* là xuất thân từ nhóm này. Những người tách khỏi nam giới thì đi tìm đàn ông. Khi ở độ tuổi thiếu niên, vì là lát mỏng của nam giới, số này bị đàn ông lôi cuốn, chỉ muốn ngủ với đàn ông và muốn được đàn ông ôm ấp. Số này, cả thiếu niên lẫn thanh niên trẻ tuổi, là thành phần hứa hẹn của cả thế hệ [192a], vì về bản chất họ manh mẽ hơn ai hết. Có người nói họ trơ trẽn, song không đúng. Không phải vì không có thể diện mà họ làm vậy, mà là vì táo bạo, hùng dũng và cương nghị, họ đón đợi phẩm chất tương tự nơi người khác. Đây là chứng cớ hiển nhiên: người như loại này là người duy nhất khi lớn lên sẽ trở thành chính trị gia lo việc thành quốc. Khi trưởng thành, về mặt sinh lý, họ nghiêng về việc yêu các chàng trai trẻ; [b] bản chất họ không thích nghĩ đến chuyện lập gia đình và sinh con đẻ cái, nếu có cũng là do tục lệ xã hội bắt buộc. Họ hoàn toàn thỏa mãn với việc sống bên nhau cả đời mà không lấy nhau. Tóm lại, người như thế hay yêu nam thiếu niên, và nam thiếu niên thì hay yêu người yêu lớn tuổi luôn dang tay đón nhận người đồng điệu với mình.
Ngoại tình được đưa ra làm ví dụ cho tình yêu khác giới vì hôn nhân (thường do sắp đặt) ở Athens thời cổ đại không được coi như bối cảnh dành cho loại tình yêu đắm đuối hoặc lãng mạn.
Đây là đoạn văn duy nhất của Athens cổ đại thừa nhận sự tồn tại của tình trạng đồng tính luyến ái nữ giới. Nguyên văn: “hetairistriai” (từ nguyên “hetairai” là “bạn gái”), không phải “lesbian” như tiếng Anh hiện đại, chỉ loại thơ trữ tình đắm đuối với phụ nữ do nữ thi sĩ Sappho đảo Lesbos sáng tác.
Khi gặp được nửa kia của mình, dù là những người yêu trai trẻ hay bất kỳ ai, họ đều vui mừng khôn xiết, mức độ, giới hạn mênh mông kỳ lạ, lòng tràn ngập tình thân, âu yếm và yêu thương. [c] Hai nửa không muốn rời nhau dù chỉ một lúc. Hai nửa sống cả đời với nhau, song vẫn không thể nói cần nhau như thế là thế nào. Dĩ nhiên, không thể nghĩ họ chỉ muốn thỏa mãn sinh lý cho vui, mặc dù đó là lý do tại sao họ tìm thấy nguồn vui trong
https://thuviensach.vn
nhau và coi trọng nguồn vui ấy. Song, ấy vẫn chưa phải cái đích cuối cùng của lòng thương mến mãnh liệt giữa họ. Mỗi nửa trong thâm tâm hiển nhiên luôn nuôi ao ước nào đó [d] mà không thể nói ra; thay vì thế, như sấm truyền, mỗi nửa nắm một nửa cái mình thích, và như sấm truyền giấu đằng sau điều huyền bí, bóng gió đoán độ cái đó một cách mơ hồ. Hãy tưởng tượng cảnh Hephaistos tay cầm dụng cụ đứng ở đầu giường khi hai người đang nằm canh nhau và lớn tiếng: ‘Thế là thế nào, hở loài người, mà các ngươi làm vậy?’ Nghĩ tiếp, nếu thấy họ lúng túng không trả lời, Hephaistos lại hỏi: ‘Có phải các ngươi mong muốn được ở bên nhau cả ngày lẫn đêm, không bao giờ rời xa cả ngày lẫn đêm? Nếu đó là điều các ngươi mong muốn thì ta sẵn sàng nấu chảy, hàn chặt để hai ngươi trở thành một. [e] Rồi hai ngươi sẽ sống cuộc đời chia sẻ tới khi nhắm mắt, vì các ngươi là một; khi chết, các ngươi sẽ chia sẻ cái chết dưới âm phủ, như một thể thay vì hai nửa tách rời. Ta hỏi, phải chăng đây là cái các ngươi mong muốn, và nếu hoàn tất, các ngươi sẽ thỏa mãn, hài lòng?’* Chúng ta biết khi nghe đề nghị như thế không ai lại khước từ, và dường như không ai tỏ vẻ ước ao điều gì khác. Ai cũng nghĩ điều mình nghe lúc này đúng là cái mình khao khát bấy lâu: đến bên nhau, hòa nhập với người mình yêu, trở thành một thay vì hai. Nguyên do là thực trạng tự nhiên, nguyên thủy của con người vốn là một sinh vật toàn vẹn; [193a] bây giờ tình yêu là tên gọi chỉ ước muốn và theo đuổi tình trạng toàn vẹn.
[Xem Homer, Odyssêy, Omega Plus Books, 2018, các tr. 271-75.] Homer miêu tả Hephaistos, thần thợ rèn, gài bẫy vợ là nữ thần Aphrodite và tình nhân, thần chiến tranh Ares khi họ đang làm tình. Hephaistos gọi vị thần khác đến chứng kiến nhưng ông đã tỏ ra rộng lượng khi đồng ý để hai người “hợp lại làm một”. Agathon ám chỉ vụ ngoại tình này ở đoạn 196d.
Đúng thế, tôi nhắc lại, trước đó chúng ta hợp nhất; nhưng bây giờ vì cư xử bất chính nên chúng ta bị Zeus chia phân y như người Arcadia bị người Sparta phân chia.* Vẫn chưa hết hiểm nguy, nếu thái độ đối với thần linh không thỏa đáng, lại bị chia nữa, con người sẽ bước đi giống hình thù chạm nổi trên mộ thạch, mũi cưa dọc thành hai, như quân xúc xắc chia đôi.
https://thuviensach.vn
Chúng ta phải khuyến khích người khác bày tỏ lòng sùng kính đúng mức đối với thần linh, ngõ hầu tránh khỏi số phận khốn đốn, [b] mà may mắn tìm thấy tình trạng vẹn toàn. Với Erôs dẫn đường và chỉ huy, chúng ta sẽ đạt được kết quả. Đừng ai làm gì chống lại Erôs. Chống lại Erôs là đối nghịch với thần linh, thần linh sẽ nổi đóa, ghét bỏ chúng ta. Nếu duy trì tình thân và sống hòa bình với thần linh, chúng ta sẽ làm cái ít người bây giờ làm - tìm thấy và trở nên gần gũi với người yêu thực sự của mình.
Ám chỉ sự kiện xảy ra khoảng năm 385 TCN. Vì Arcadia chống đối rồi bị khuất phục, nên Sparta phá tường phân chia thành phố Mantinea thành bốn thuộc địa riêng biệt và phân tán dân cư khắp nơi. Xem thêm: H. B. Mattingly “The Date of Platos Symposium’ (1958) và K. J. Dover “The Date of Platos Symposium” (1965).
Tôi không muốn Eryximachus cắt ngang ở đây vì nghĩ diễn từ của tôi là hài kịch giễu cợt Pausanias và Agathon. Rất có thể [c] hai người thuộc loại này và cả hai là nửa phần bản tính nam giới. Nhưng tôi cũng muốn nói với tất cả mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà, rằng: loài người chúng ta chỉ có thể đạt hạnh phúc nếu tình yêu đi đến hồi viên mãn, mỗi người trong chúng ta tìm kiếm người mình yêu và khôi phục bản chất nguyên thủy. Nếu đó là lý tưởng, trong hoàn cảnh hiện tại, cái gần gũi nhất với lý tưởng phải là cái tốt đẹp nhất, nghĩa là tìm kiếm người yêu phù hợp với bản tính tự nhiên của mình. Nếu muốn ca ngợi đấng nào đã tạo điều kiện cho lý tưởng thành hình, chúng ta phải ca ngợi Erôs. Trong tình huống hiện tại, [d] thần linh đã làm tốt đẹp hơn hết cho chúng ta cái có thể làm, dẫn đường chỉ lối cho chúng ta tiến tới cái gần gũi với chúng ta một cách tự nhiên. Thần linh cũng cho chúng ta thấy hy vọng lớn lao khủng khiếp trong tương lai, ấy là nếu chúng ta tỏ lòng tôn kính, sùng bái, thần linh sẽ trả lại cho chúng ta bản chất nguyên thủy, chữa trị thương tích và ban trao cho chúng ta hạnh phúc vẹn toàn.
Eryximachus ơi, đó là diễn từ của tôi về Tình Yêu, khác hẳn diễn từ của quý hữu. Bởi thế, như tôi yêu cầu, xin đừng chế giễu. Được vậy chúng
https://thuviensach.vn
ta mới có thể lắng nghe mỗi vị trong số diễn giả còn lại sẽ phát biểu, cụ thể là hai vị này, [e] vì chỉ còn Agathon và Socrates”.
Eryximachus đáp: “Vâng, tôi sẽ làm như quý hữu gợi ý. Song, xin thưa, tôi thấy diễn từ của quý hữu thú vị vô cùng. Nếu không biết Socrates và Agathon là bậc thầy đại tài trong nghệ thuật tình yêu thì tôi sẽ lo, lo lắm, hai vị sẽ không có gì để nói nữa, vì cho đến bây giờ, chúng ta đã nghe đủ các loại diễn từ. Nhưng sự thật cho thấy, tôi không sợ nữa, tôi hoàn toàn lạc quan và tin tưởng”.
Đúng lúc đó, Socrates cất tiếng: “Eryximachus thừa biết sở dĩ như vậy là vì [194a] quý hữu đã tham dự ngoạn mục cuộc tranh tài. Nếu ở hoàn cảnh của tôi hiện tại, hoặc hoàn cảnh có vẻ tôi sẽ rơi vào, sau khi Agathon phát biểu mà cũng đưa ra diễn từ hoa mỹ như thế, quý hữu sẽ hết hồn thực sự, sẽ rơi vào tình trạng cùng đường tuyệt lộ, loay hoay không biết lối ra, như tôi bây giờ!”
Agathon nói: “Socrates, ngài đang tìm cách yểm bùa khiến tôi bối rối nghĩ, như ở rạp hát, khán giả mong vọng điều hay ý lạ ghê hồn tôi phải phát biểu trong diễn từ”.
Socrates tiếp lời: “Nhưng làm vậy chẳng hóa ra tôi hay quên. Tôi nom rõ thái độ quả cảm và tự tin [b] phơi bày khi quý hữu bước ra sân khấu với diễn viên, quay mặt nhìn đông đảo khán giả không chút ngượng ngùng, trước khi ngỏ lời trình bày tác phẩm. Vì thế tôi tin quý hữu sẽ không luống cuống trước nhóm khán giả ít người”.
“Dẫu thế, tôi hy vọng ngài không nghĩ tôi mê say sân khấu đến độ không biết rằng dưới con mắt của người tinh tường, số ít những người hiểu biết còn đáng sợ hơn số nhiều những người ngu ngốc”.
Socrates phân trần: “Ấy không, [c] tôi sẽ không phải chút nào nếu nghĩ quý hữu thô lậu hay lỗ mãng. Tôi biết rất rõ nếu gặp người mà quý hữu nghĩ là hiểu biết, quý hữu sẽ chú ý đến phản ứng của họ nhiều hơn là của đám đông. Nhưng tôi sợ chúng ta không thuộc hạng người ấy, vì cũng ở rạp hát và cũng là một phần của đám đông. Trái lại, nếu bất đồ gặp người
https://thuviensach.vn
hiểu biết, ngoài chính bản thân, thế nào quý hữu cũng sượng sùng nghĩ tới làm gì khiếm nhã trước mắt họ. Có phải quý hữu nghĩ thế không?”
“Đúng thế.”
“Nhưng quý hữu sẽ không cảm thấy ngượng ngùng nếu chẳng may làm gì khiếm nhã trước mặt đám đông. Đúng không?”
[d] Đến đây thì Phaedrus cắt ngang, xen lời: “Agathon ơi, đừng trả lời nữa. Chừng nào Socrates còn có đối tác để bàn luận, đặc biệt nếu người thiếu niên ấy đẹp trai, thì chừng ấy người sẽ không buồn để ý chúng ta sẽ đi tới đâu với những gì đang làm. Bây giờ, cũng như quý hữu, tôi khoái nghe Socrates bàn luận, song nhiệm vụ của tôi là dõi theo việc ca ngợi Erôs và đòi hỏi mỗi quý hữu đóng góp một diễn từ. Vậy trước hết chúng ta phải làm xong việc ca ngợi thần linh, rồi hai quý hữu mới có thể bàn luận”.
[e] Agathon đáp: “Phaedrus nói có lý. Không có gì ngăn cản tôi phát biểu, vì trong tương lai tôi sẽ có nhiều cơ hội bàn luận với Socrates. Trước hết, tôi sẽ giới thiệu cách tiếp cận đề tài, sau đó mới đưa ra diễn từ. Tôi nhận thấy tất cả các diễn giả trước tôi, thay vì ca ngợi thần linh, đã ca ngợi con người và lợi ích mà thần linh mang lại. Nhưng không có người nào nói thần linh mang lại lợi ích đó là ai và thế nào. [195a] Khi làm diễn từ ca ngợi chỉ có một cách, bất kể là đề tài gì, là lý giải bản chất đề tài diễn từ và bản chất đề tài khiến thần linh đem lại lợi ích. Trong trường hợp Erôs, trước hết chúng ta nên ca ngợi bản chất thần linh rồi ca ngợi lợi ích ngài mang lại.*
Agathon là kịch gia bi kịch nổi tiếng Hy Lạp, xếp hạng sau Aeschylus, Sophocles và Euripides, không những nổi tiếng với vẻ ngoài đẹp trai, mà còn với bút pháp trau chuốt, lời văn hùng hồn, cùng lối sống ẻo lả và mối quan hệ tình cảm với Pausanias. Có thông tin cho rằng Agathon được sinh ra sau năm 450 TCN, nên vào năm 416 TCN thì tuổi ông chừng ngoài 20, gần 30. Đặc tính diễn từ của ông đòi hỏi cần định nghĩa chính xác, ý này diễn ra suốt đối thoại (xem 180c-e, 186a-b, ở đây 195a, 198d-199c, 205a 206b).
https://thuviensach.vn
Tôi xin khẳng định mà không hề có ý xúc phạm hay bất kính, rằng trong số tất cả các vị thần vốn đều có nhiều ân phúc, Erôs là vị thần được ân sủng nhất vì ngài đẹp nhất và giỏi nhất. Phaedrus à, Erôs đẹp nhất trước hết là bởi ngài trẻ nhất trong hàng thần linh.* Bản thân Erôs cung cấp chứng cớ hiển nhiên cho điều này; nhìn xem Erôs cúi đầu cắm cổ chạy thục mạng để tránh tuổi già như thế nào, [b] nhanh hơn thực tế và nhanh hơn chúng ta nghĩ. Hiển nhiên là Erôs chán ghét tuổi già và không bao giờ bén mảng tới chỗ tuổi già. Erôs luôn sống với người trẻ tuổi và ngài cũng trẻ mãi. Người xưa có câu: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Mặc dù đồng ý nhiều điểm Phaedrus phát biểu, song tôi không tán thành điểm Erôs già hơn Kronos và Iapetus.* Theo tôi, Erôs trẻ nhất trong các vị thần, [c] mãi mãi, vĩnh viễn và muôn đời. Các việc thần linh làm với nhau thời xa xưa theo Hesiod và Parmenides kể lại, nếu tường thuật của họ đúng sự thật, diễn ra do thần Tất Yếu, chứ không phải thần Tình Yêu. Nếu có mặt Erôs, hẳn các thần linh đã không cắt xẻo, xiềng xích lẫn nhau hoặc xử sự vũ phu như thế, thay vào đó là bầu không khí hòa thuận, thương mến và hòa bình giống như cõi trên hiện giờ, kể từ khi Erôs bắt đầu thống trị hàng ngũ thần linh.
Lúc ấy, chưa có hình ảnh cụ thể về Erôs, song ngài thường được hình dung như một thanh niên trẻ tuổi đẹp trai chứ không phải cậu bé bụ bẫm như thời xưa.
Hai anh em Khổng Lồ, con của Ouranos và Gaia; hai vị thần này là mô hình tiêu biểu cho quan niệm thời xưa. (Phaedrus không sử dụng làm ví dụ).
Erôs trẻ trung. Ngoài trẻ trung Erôs còn ý nhị. Phải thi sĩ tầm cỡ Homer mới đủ khả năng chứng tỏ Erôs ý nhị đến thế nào. [d] Homer từng kể về Até như một nữ thần ý nhị có đôi chân tinh tế qua câu thơ:
Chân mềm nhẹ, không bước đi trên mặt đất, mà lướt qua đầu thế nhân, nữ thần mang điên rồ cho nhân loại, - gài bẫy, cám dỗ, tha hóa mọi người.*
https://thuviensach.vn
[Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 612.] Até được Homer kể là con gái lớn của Zeus, nữ thần làm con người ngớ ngẩn, lầm lẫn; đó là lý do vì sao thi sĩ tả Até đi trên đầu người. Tên ấy đồng nghĩa với bất hạnh trong cảnh bi thương.
Tôi nghĩ, chứng cứ dễ thương, Homer đã miêu tả rõ ràng tính chất ý nhị khi nói nữ thần không bước đi trên cái cứng rắn mà bước đi trên cái mềm mại. Chúng ta sẽ sử dụng chứng cớ tương tự đối với Erôs để chứng minh ngài tế nhị. [e] Thần không cất bước cả trên mặt đất và trên đầu con người (thực ra không hề mềm mại), mà đi trong thực tế và sống trong cái mềm mại nhất ở đời. Thần cư ngụ trong tính tình, tâm hồn cả thần linh và con người, song không phải toàn bộ những tính tình, tâm hồn mà thần bắt gặp. Khi bắt gặp tâm hồn, tính tình thô lậu, tàn nhẫn, thần lánh xa; còn khi bắt gặp tâm hồn dịu dàng, tế nhị, thần vào ngự bên trong. Vì đôi chân và toàn bộ thân thể Erôs luôn tiếp xúc với thực tại mềm mại nhất thuộc sự vật mềm mại nhất tại nơi mềm mại nhất, nên thần đương nhiên phải cực kỳ tế nhị.
Như chúng ta thấy, [196a] Erôs rất trẻ và nhạy cảm. Cần nói thêm về hình dạng cũng là chất lỏng, nên Erôs thấm ẩm. Nếu cứng rắn, thần đã không thể bao trùm tâm trí con người, hoặc đi vào rồi đi ra mà không ai hay biết. Chứng cứ ngoạn mục là thần mang hình thù thấm ẩm, cân đối, gọn gàng, chứng cứ xuất phát từ vẻ thanh nhã khắp nơi công nhận là điểm đặc biệt của Erôs; khiếm nhã và thần luôn là kẻ thù không đội trời chung, chiến tranh bất tận*. Nước da đẹp chứng tỏ Erôs thường sống trong hoa.* Erôs không nghỉ ngơi trên những thân xác và tâm hồn [b] hay cái gì không nở hoặc đã mất sức nở, mà thần chỉ chọn những chỗ hoa nở tưng bừng, hương thơm ngào ngạt, thần linh ghé vào, ở lại.
Chỗ này và đoạn 195b có lẽ Agathon muốn trêu chọc Socrates. Bấy giờ giã từ tuổi trẻ lâu rồi, mặt mũi lại gồ ghề, song Socrates không xa lạ với tình yêu, như mọi người có mặt đều biết.
https://thuviensach.vn
Liên hệ Erôs với hoa là biểu hiện truyền thống trong thơ Hy Lạp, mặc dù chỗ này Agathon nhằm liên hệ Erôs với sự nở rộ của tuổi trẻ.
Nói về vẻ đẹp của Erôs như vậy đã đủ, dù vẫn còn nhiều điều có thể thêm vào. Đề tài tiếp theo tôi phải nói ấy là đức độ.* Điều quan trọng nhất là Erôs không làm chuyện bất công với ai và không để ai làm chuyện bất công với mình, dù đối phương là thần hay người. Khi muốn ai làm điều gì đó cho mình, Erôs không muốn việc đó làm do bạo lực thúc đẩy, vì ngài không bao giờ chấp nhận bạo lực. Khi làm cái gì cho ai, [c] Erôs cũng không sử dụng bạo lực, vì mọi việc và trong mọi hoàn cảnh, chúng ta làm là hoàn toàn tự nguyện theo tiếng gọi của tình yêu. Bất kể cái gì mà người này đồng ý với người kia, khi cả hai thuận tình, cái đó là phải, công bằng, ‘luật pháp là quốc vương trị vì xã hội’* như vẫn nói.
Nguyên văn: “aretê”. Công bằng (dikaiosunê), tiết độ (sôphrósunê), dũng cảm (andreia) và khôn ngoan (sophía) là bốn đức tính cơ bản được Socrates đề cập trong Plato, Cộng hòa, [Omega Plus Books, 2018]. Chỗ này nói bao quát về bốn đức tính trong diễn từ của Agathon dành cho Erôs, song lộn xộn: Công bằng đánh đồng với không sử dụng bạo lực, dũng cảm và tiết độ với quyền hành, khôn ngoan với khả năng chuyên môn.
Câu nói được cho là của Alcidamas, nhà tư tưởng tự do thế kỷ IV TCN, đệ tử của Gorgias (Rhetorica III, 3, I406a 17-23).
Cũng như công bằng, Erôs chia sẻ tiết độ rất rộng lớn. Ai cũng đồng ý tiết độ là ý thức chế ngự khoái lạc và thèm muốn, và công nhận không khoái lạc nào mạnh bằng khoái lạc Erôs ban phát. Nếu Erôs kiềm chế khoái lạc và thèm muốn thấp hèn, nếu Erôs chế ngự, vì chế ngự khoái lạc và thèm muốn, Erôs ắt phải đặc biệt tiết độ.
Về tính dũng cảm, [d] ngay cả Ares thần Chiến Tranh cũng không thể sánh với Erôs thần Tình Yêu*. Không phải Ares nắm giữ Erôs mà ngược lại, chính Erôs mới nắm giữ Ares, như trong câu chuyện Ares tư tình với Aphrodite. Người nắm giữ chế ngự người bị nắm giữ. Người chế ngự người dũng cảm nhất chính là người dũng cảm nhất*.
https://thuviensach.vn
Theo các nhà chú giải phương Tây, chỗ này nhắc lại một đoạn trong kịch phẩm thất lạc của Sophocles; đại ý: thần Chiến Tranh (Ares), chứ không phải thần Tình Yêu (Erôs), không thể cưỡng lại nữ thần Tất Yếu.
Vì Axes bị Aphrodite quyến rũ mà nói Erôs dũng cảm hơn người dũng cảm nhất thì khá phi lý.
Tôi đã đề cập công bằng, tiết độ và dũng cảm của Erôs, còn kiến thức tôi đề cập nốt cho xong. Tôi phải cố gắng càng nhiều càng tốt trình bày đầy đủ, không bỏ qua đức độ nào. [e] Trước hết, để chào mừng nghệ thuật của mình như Eryximachus đã chào mừng nghệ thuật của quý hữu ấy*, xin thưa, thần linh này là một thi sĩ hết mực tài ba, tài ba đến độ có thể biến người khác thành thi sĩ. Ai cũng trở thành thi sĩ, ‘dù trước đó là kẻ cục mịch, thô lậu, xa lạ với Thi Thần’ khi Erôs đưa tay vuốt nhẹ*. Hiển nhiên chúng ta có thể lấy sự kiện này làm bằng chứng, Erôs là nghệ sĩ tài hoa, phong phú, tóm lại, sáng tạo đủ loại nghệ thuật, vì quý hữu không thể cho ai cái quý hữu không có, hay dạy ai cái chính quý hữu không biết. Hơn thế, [197a] về phần sáng tạo sinh vật, trong mọi sinh vật, ai dám phủ nhận do tài năng khéo léo của Erôs nhờ đó sinh vật xuất hiện và phát triển? Còn nghệ nhân và nghệ sĩ, có ai không biết người được Erôs chỉ dạy sẽ nổi tiếng, lừng danh, người không được Erôs động tới sẽ vô danh, tầm thường? Do đuổi theo ước muốn và tình yêu, Apollo đã khám phá nghệ thuật cung tên, y khoa và tiên tri, sự thể biến Apollo thành đệ tử Erôs. [b] Tương tự, sự thể biến các Thi Thần thành đệ tử Erôs trong âm nhạc, Hephaistos trong luyện kim, Athena trong nghề dệt và Zeus trong việc điều khiển, lèo lái con người và thần linh.* Bởi thế, cãi cọ dàn xếp, hoạt động của thần linh chỉ trở thành ngăn nắp khi Erôs chào đời cùng thần linh, yêu cái đẹp, dĩ nhiên, vì tình yêu không thể hướng theo cái xấu. Như tôi đã nói ban đầu, chúng ta được nghe kể rằng xưa kia, các thần từng làm nhiều điều khủng khiếp, vì lúc đó là thời kỳ thần Tất Yếu trị vì. Nhưng từ khi Erôs ra đời, mọi điều tốt lành đến với thần linh và con người qua tình yêu cái đẹp.*
Eryximachus bóng gió nhắc tới khả năng chuyên môn ở đoạn 186b.
https://thuviensach.vn
Ý này được cho là của Euripides trong vở kịch Stheneboea (khoảng trước năm 429 TCN). Khá vô lý khi cho rằng vì Erôs gây cảm hứng đưa con người đến thơ ca, mà thơ ca giống như kiến thức, nên Erôs sở hữu sự khôn ngoan.
Theo Agathon, vì mọi sáng tạo đều do ước muốn thúc đẩy nên Erôs chính là người sáng tạo.
Agathon đưa ra lập luận lỏng lẻo để bênh vực nhận định của mình (195c), do ảnh hưởng quyết định Erôs thiết lập trật tự thế giới hiện tại, nhận định tự nó chỉ là huyền thoại sáng tạo. Song, Agathon đi từ khẳng định Erôs xinh đẹp (195b) sang khẳng định tình yêu là của cái đẹp khiến Socrates tranh luận (200e-201b).
Bởi thế, Phaedrus ơi, tôi thấy hình như [c] Erôs tự thân đạt mức tuyệt vời về nhan sắc và đức độ, đồng thời chịu trách nhiệm về phẩm chất tương tự ở thần linh khác. Cảm thấy xúc động khôn xiết bèn diễn tả thành thơ, tôi khẳng định Erôs là vị thần:
Đem hòa bình cho nhân loại, khiến gió ngừng điên cuồng, biển cả thành tĩnh mịch,
đưa giấc ngủ êm đềm
cho những ai buồn rầu đau khổ.*
Không rõ mấy câu này là từ vở kịch thất lạc của Agathon hay do Platon sáng tác.
Erôs vét sạch bất hòa, chia ly, đổ đầy thân thiết, hòa hợp [d], đưa chúng ta đến với nhau tụ tập chia sẻ thế này, đồng thời đóng vai người dìu dắt trong lễ hội, khiêu vũ, hợp xướng và tế sinh. Erôs đón nhận sự ngọt ngào, sự dịu dàng, xua đuổi cái hung hăng, cái dữ tợn. Erôs có thừa thiện chí và không có ác tâm. Erôs ân cần, tử tế, người hiểu biết chiêm ngưỡng, thần linh thán phục! Người thiếu thốn thèm muốn, người thừa thãi quý trọng; Erôs là cha đẻ của sang trọng, lộng lẫy, tế nhị, dịu dàng, duyên dáng,
https://thuviensach.vn
nhiệt tình; quan tâm người tử tế và lạnh nhạt kẻ xấu xa. Trong lo âu, khiếp sợ, ao ước, tâm tình [e], thần là hoa tiêu, bạn đồng hành và người cứu trợ tuyệt vời. Đối với toàn thể thần linh và con người, Erôs là thủ lĩnh tuyệt vời và xinh đẹp nhất mà mọi người nên đi theo; vừa cất bước vừa ca hát tán ca mỹ lệ, cùng ca hát với thần linh ca khúc mang lại cảm giác tươi đẹp cho tâm trí từng thần linh, từng con người.
Vậy đó, Phaedrus. Tôi trân trọng dâng hiến thần linh những lời này, nửa phần vui nhộn, nửa phần nghiêm túc phô diễn tôi cố gắng tối đa”.
Agathon vừa kết thúc diễn từ [198a], mọi người liền cất tiếng tán thưởng dồn dập, vì nghĩ trong diễn từ thanh niên đã nói cung cách phản ánh rõ ràng bản thân Agathon* cùng thần linh. Socrates đưa mắt nhìn Eryximachus rồi lên tiếng: “Con trai của Acumenus ơi, bây giờ quý hữu có còn nghĩ trước đây tôi cảm thấy lo sợ là phi lý không? Tôi chẳng đã nói như tiên đoán lúc nãy ư, khi thốt lời Agathon sẽ đưa ra diễn từ kỳ lạ, và tôi sẽ lúng túng, cứng lưỡi không biết nói năng ra sao?”
Agathon là người trẻ nhất, đẹp trai nhất có mặt tại Yến hội.
Eryximachus bèn đáp: “Ngài nói đúng điểm, Agathon nói năng khéo léo. Nhưng tôi không cho rằng ngài sẽ lúng túng, cứng lưỡi, không biết nói năng thế nào”.
[b] Socrates tiếp lời: “Eryximachus quý mến, làm sao mà tôi hay bất kỳ ai lại không lúng túng cho được sau khi để tai lắng nghe diễn từ hoa mỹ và điêu luyện như thế? Phần khác có thể không thú vị, tuyệt diệu đến thế, nhưng phần cuối, trời ơi! Thử hỏi có ai không ngẩn ngơ, thẫn thờ nghe vẻ đẹp từng lời, từng câu? Tôi lo trong diễn từ tôi không thể đạt giới hạn gần gụi, trình độ ngang bằng diễn tả lời và câu đẹp như thế, bởi vậy, quá ư hổ thẹn, tôi hầu như chạy trốn, tới bất kỳ đâu nếu có chỗ náu thân! [c] Diễn từ khiến tôi nhớ đến Gorgias*, nên tôi thực sự thấu hiểu cảm giác mà Homer miêu tả. Tôi sợ chấm dứt diễn từ, Agathon sẽ xoay đầu Gorgias, diễn giả khủng khiếp, như đầu quái vật Gorgon*, chống lại diễn từ của tôi, biến tôi thành đá, khiến tôi cứng đơ. Lúc đó, tôi nhận ra mình đã tự biến thành trò
https://thuviensach.vn
hề khi đồng ý tiếp tay với quý hữu đến lượt cất lời ca ngợi Erôs, tuyên bố tôi là bậc thầy nghệ thuật yêu đương mà thực ra lại chẳng hiểu chút gì về nó, không biết phải ca ngợi nó ra sao. Trong lúc rồ dại, ngớ ngẩn, tôi thầm nghĩ quý hữu sẽ cho tôi hay sự thật về đề tài ca ngợi; tôi nghĩ đây là nền tảng quý hữu căn cứ, từ đó diễn giả lựa chọn sự thật ngoạn mục hơn hết, rồi sắp xếp thích hợp nhất. Quá ư hão huyền, tôi đã hí hửng, huênh hoang nghĩ mình sẽ nói hay ho, trôi chảy, diễn từ ngoạn mục, vì biết sự thật về cách ca ngợi đề tài. Nhưng giờ mới thấy thực ra không phải cứ ca ngợi ngoạn mục bất kể cái gì là đúng. Thay vào đó, chúng ta phải khẳng định đề tài [e] chứa đựng phẩm chất ngoạn mục và lớn lao hơn hết, chẳng cần bận tâm đề tài có hay không. Nếu điều quý hữu nói không đúng cũng chẳng cần bận tâm làm gì. Dường như chúng ta đã đồng ý rằng mọi người phải làm ra vẻ ca ngợi Erôs, song cũng đồng ý chúng ta không thực sự làm thế. Tôi nghĩ chắc hẳn đó là lý do quý hữu ve tròn bóp méo phát biểu trong diễn từ. Hết lên trời xuống đất lại vòng vo tam quốc, khi thấy bất kỳ thứ gì có thể nói và gán cho Erôs thì đều bảo thần giống thế này, thần làm thế nọ, [199a] nhằm biến thần trông có vẻ càng đẹp càng tốt càng quý. Làm thế hiển nhiên quý hữu làm với người không hiểu biết (dĩ nhiên, với người hiểu biết thì đâu cần phải nói). Dẫu thế, diễn từ quý hữu trình bày quả thực bay bổng và ấn tượng. Nhưng tôi vẫn chưa biết cách ngợi ca thế nào cho đúng; do ngu dốt không biết tôi đồng ý tham dự cuộc phát biểu. Tiếc thay ‘cái lưỡi hứa, cái đầu lại không’*, cho nên xin đừng bận tâm, hãy bỏ qua chuyện đó. Tôi sẽ không ca ngợi kiểu như thế, nhất định không, tôi không làm được! Tuy nhiên, nếu quý hữu muốn, tôi sẵn lòng nói sự thật, chỉ sự thật chứ không gì ngoài sự thật, mặc dù cách của tôi, không thi đua, không cạnh tranh với diễn từ của quý hữu, [b] sẽ khiến tôi có vẻ tức cười. Vậy xin cho hay, Phaedrus, có cần diễn từ như thế không, diễn từ nói sự thật về Erôs, song sử dụng bất kể lời nào, câu nào bỗng dưng xuất hiện bất kể thế nào trong lúc tôi phát biểu?”
Diễn giả, bậc thầy tu từ và hùng biện lừng danh thế kỷ V TCN; giữ vai trò chủ yếu trong đối thoại Gorgias của Platon; được gián tiếp nhắc tới trong
https://thuviensach.vn
nhiều đối thoại khác. Diễn từ của Agathon phản ánh và nhái lại bút pháp của ông.
Chơi chữ “đầu Gorgias” (Gorginian, biện sư) với “đầu Gorgon” (Gorgonian, quái vật). Agathon nhái cách viết được công nhân là tột bậc mãnh liệt của Gorgias (485 - 380 TCN), biện sư lừng danh. Theo huyền thoại, nếu thấy đầu Gorgon Medusa, người nhìn sẽ bị hóa đá. [Xem Homer, Odyssêy, Omega Plus Books, 2018, tr. 366.]
Các nhà chú giải cho rằng đây là câu nói nổi tiếng của kịch gia Euripides trong Hippolytus 612. Lời và ý thực ra là: “Cái lưỡi thề, nhưng trái tim không thề”.
Phaedrus và mấy người giục Socrates phát biểu theo bất kỳ cách nào mà người nghĩ là tuyệt nhất.
Socrates tiếp lời: “Nếu thế thì, Phaedrus, cho phép tôi hỏi Agathon vài câu ngắn gọn, nếu hai bên đồng tình với nhau thì tôi sẽ phát biểu”.
Phaedrus đáp: “Tán thành, xin cứ tự nhiên”. [c]
Sau đó, Socrates bắt đầu diễn từ đại khái như sau:
“Agathon quý mến, tôi thấy quý hữu mở đầu diễn từ rất cừ khi nói trước hết chúng ta phải miêu tả bản chất, sau đó mới đề cập thành quả của Erôs. Tôi tán dương cao độ cách khởi sự như thế. Vậy, vì đã giải thích bản chất của Erôs về mặt khác khá ngoạn mục và hoành tráng, xin hỏi quý hữu thêm về Erôs.* [d] Có phải bản chất tình yêu là yêu ai, yêu cái gì, hay không yêu ai, không yêu cái gì?* Tôi không hỏi Erôs liệu có phải là con của ai đó, bởi quả là nực cười nếu đặt câu hỏi Erôs là Erôs có cha hay có mẹ không.* Nhưng giả dụ, nếu hỏi về người cha thì tôi sẽ hỏi người cha ấy có phải là cha của người nào hay không? Nếu muốn trả lời chính xác, chắc hẳn quý hữu sẽ nói, người cha là cha của một cậu con trai hoặc một cô con gái, đúng không?”
Đoạn 199d-201c tiêu biểu cho đối thoại kiểu Socrates: dùng câu hỏi trực tiếp để đối phương nhận ra ý kiến của mình là bất nhất, để rồi từ bỏ ý kiến
https://thuviensach.vn
đã đưa ra. Lý luận tập trung vào nghĩa của từ erôs (ham muốn) chứ không phải “tình yêu” giữa hai người theo nghĩa thông thường.
Chỗ này vì viết thường không viết hoa nên người sau không biết “erôs” là danh từ chung (tình yêu) hay danh từ riêng (Erôs, thần Tình Yêu), sử dụng thuộc cách (génitif) sau “einai” chỉ sở hữu hay liên hệ, có thể là giống đực, giống cái hay giống trung (neutre), vĩ tố trở nên mơ hồ. Bởi thế có thể hiểu câu hỏi của ông theo hai nghĩa: cần biết có phải tình yêu là yêu ai hay không yêu ai, yêu cái gì hay không yêu cái gì; hay cần biết Erôs là con của ai hay không phải con ai.
Nguyên văn: “ei érôs estin érôs mêtros hê patrôs”. Ở đây không chắc chắn “erôs” là danh từ chung hay danh từ riêng nên có thể dịch: “câu hỏi tình yêu là của người mẹ hay người cha” hoặc “câu hỏi Erôs có cha hay có mẹ”.
Agathon đáp: “Đương nhiên”.
“Sự thể có tương tự với người mẹ không?”
Agathon cũng đồng ý.
Socrates nói: “Vậy thì, xin trả lời thêm vài câu nữa, [e] quý hữu sẽ hiểu tôi định nói gì. Giả dụ tôi hỏi rằng có phải một người anh, chừng nào còn là người anh, là anh của một người nào đó?”
Agathon trả lời đúng thế.
“Nghĩa là anh của một người em trai hoặc em gái?”
Agathon gật đầu.
Socrates nói tiếp: “Bây giờ hãy nói cho tôi hay về Erôs. Có phải Erôs là yêu hay là không yêu cái gì?”
“Yêu cái gì, dĩ nhiên!” [200a]
“Đây là điểm phải nhớ cho kỹ, và nhớ thế nào là tình yêu. Hãy cho tôi biết: Erôs có thèm muốn cái gọi là tình yêu hay không?”
Agathon đáp: “Chắc chắn rồi”.
https://thuviensach.vn
“Khi thèm muốn và yêu, có thực Erôs có được cái mà Erôs thèm muốn và yêu hay không?”
“Không. Ít nhất, có lẽ không.”
“Thay vì có lẽ, xin nghĩ cho kỹ. Đương nhiên không phải chỉ có lẽ mà thực ra cần, thèm muốn là thèm muốn cái ta cần, nếu không cần sẽ không thèm muốn, [b] Tôi cảm thấy kỳ lạ hết sức, tôi nghĩ đó là cần. Agathon, quý hữu nghĩ sao?”
“Thưa, tôi cũng nghĩ thế.”
“Tốt lắm. Người cao có muốn cao không? Hay người khỏe có muốn khỏe không?”
“Không, theo những gì chúng ta đã đồng ý.”
“Đúng, có lẽ vì không ai cần cái đã có.”
“Đúng vậy.”
“Nhưng giả dụ người cường tráng muốn cường tráng, người chạy nhanh muốn chạy nhanh, người khỏe mạnh muốn khỏe mạnh. Trong trường hợp này, ta sẽ nghĩ người đời thường thế, muốn là cái họ đã là và muốn có cái họ đã có. [c] Nói thế là tôi muốn chúng ta đừng rơi vào sai lầm tương tự. Nếu để ý, Agathon, quý hữu sẽ thấy những người vừa kể cần có cái họ có lúc này, dù muốn hay không. Vì thế người ta không biết cái người ta có. Nhưng giả dụ có người nói: ‘Tôi khỏe mạnh, đó đúng là điều tôi muốn, tôi giàu có, đó đúng là cái tôi muốn, tôi muốn cái tôi đã có’, chúng ta hãy đáp: ‘Bạn của tôi, [d] bạn đã có tiền của, sức khỏe và thể lực. Bạn muốn có chúng là cũng có trong tương lai, vì hiện tại, dù muốn hay không, bạn cũng đã có tất cả. Để ý khi nói muốn cái hiện tại đã có, bạn nên tự hỏi có phải bạn chỉ muốn thế này không: Cái tôi có trong hiện tại, tôi cũng muốn có trong tương lai’. Người đó sẽ đồng ý chứ?”
Agathon đồng ý.
Socrates tiếp tục: “Trong trường hợp như thế, yêu cái vẫn chưa đến với mình và yêu cái mình không hề có thật ra là muốn cái đó dành cho
https://thuviensach.vn
mình và mình sẽ có trong tương lai”.
“Đúng thế,” Agathon đáp.
[e] “Vậy trường hợp này và trường hợp khác muốn là muốn cái chưa đến với mình và mình chưa thực sự có. Muốn và yêu là nhắm cái mình không có, cái không ở ngay tầm tay, và cái mình cần.”
“Đương nhiên.”
“Vậy, chúng ta hãy tóm tắt điểm đã đồng ý với nhau khi bàn luận. Thứ nhất, yêu là yêu cái gì; thứ hai, yêu là yêu cái người đó* đang cần.”
“Người đó” chỗ này dĩ nhiên là “người yêu”; nhưng “người đó” cũng có thể hiểu là “Tình Yêu” hay “Erôs”. Tình trạng hai nghĩa đi xa hơn trong đoạn 201b. Hai điểm hàm ngụ đã được đồng ý trong đoạn 199e, 200e.
“Phải rồi.”
[201a] “Đừng quên điểm này, ngoài điểm vừa nói, hãy nhớ những gì quý hữu đã nói trong diễn từ về cái mà Tình Yêu yêu. Nếu cần, tôi sẽ nhắc lại. Tôi nhớ quý hữu nói thế này, thần linh sẽ giải quyết mọi chuyện bất hòa theo đường lối yêu cái đẹp, cái tốt, vì không thể yêu cái xấu, cái tồi. Có phải quý hữu nói thế không?”
“Thưa, đúng.”
Socrates nói tiếp: “Quý hữu nói rất hợp tình hợp lý. Nếu vậy, Erôs là vị thần yêu cái đẹp, không yêu cái xấu, phải không?”
“Đồng ý.”
“Chúng ta [b] đã đồng ý rằng người đó yêu thứ người đó cần và thứ người đó không có, đúng chứ?”
“Vâng.”
“Do đó tình yêu cần cái đẹp và không có cái đẹp.”*
Suy luận chỗ này có vẻ không chặt chẽ. Socrates đi từ ý người yêu cần và thiếu cái đẹp (201b) sang ý Erôs cần và thiếu cái đẹp. Cảm nghĩ về tình yêu có thể đẹp cho dù người yêu muốn và “cần” người đẹp.
https://thuviensach.vn
“Đúng thế.”
“Đấy! Liệu chúng ta có coi một thứ cần cái đẹp và hoàn toàn không có cái đẹp là đẹp nữa hay không?”
“Chắc chắn không.”
“Thế quý hữu vẫn đồng ý Erôs đẹp nữa chăng?”
Agathon nói: “Tôi e là mình không hiểu mình đã nói gì trong diễn từ”.
[c] Socrates trấn an: “Dù sao, đó vẫn là diễn từ tuyệt vời*. Bây giờ, xin vui lòng trả lời một câu hỏi ngắn nữa. Quý hữu có nghĩ cái tốt cũng luôn đẹp không?*”
Nguyên văn: “kalos”, tiếng Hy Lạp nghĩa là “hay”, “tốt”, “cao quý”, “đẹp đẽ”. Ở đây thật châm biếm khi khen là vậy nhưng Socrates vẫn chỉ trích tơi bời diễn từ của Agathon cả về mặt hình thức lẫn nội dung.
Tương quan giữa cái đẹp và cái tốt: xem 204e, Gorgias 474d và Menon 77b.
“Theo tôi là có.”
“Vậy nếu Tình Yêu cần cái đẹp và mọi cái tốt đều đẹp thì hẳn người đó cũng cần cái tốt.”
“Socrates, tôi nghĩ mình không cách nào lý luận lại với ngài. Xin chấp nhận điều ngài biểu thị.”
Socrates nói: “Agathon thân mến, nói đúng hơn là quý hữu không thể lý luận lại sự thật, chứ thừa sức bắt bẻ Socrates tôi đây, chẳng chút khó khăn. Giờ tôi sẽ buông tha để quý hữu lui về ngơi nghỉ.
[d] Tôi sẽ cố gắng thuật lại quý hữu hay diễn từ về Erôs mà tôi nghe từ Diotima thành Mantinea*. Bà là một nhà thông thái về địa hạt này cũng như nhiều địa hạt khác. Ngày xưa, bà đã chỉ dẫn dân Athens làm lễ tế sinh và đẩy lui được bệnh dịch tới tận mười năm. Bà cũng là người đã chỉ dạy cho tôi nhiều điều về nghệ thuật tình yêu. Tôi sẽ nhắc lại những gì bà đã
https://thuviensach.vn
nói, sử dụng làm nền tảng kết luận tôi đã thỏa thuận với Agathon, song theo cách của tôi tới mức tối đa.
Không có chứng cứ xác thực cho thấy Diotima thành Mantinea là nhân vật lịch sử có thật. Diotima nghĩa là “Zeus quý trọng”. Mantinea trong tiếng Hy Lạp là Mantinike, gần với từ chỉ nhà tiên tri (“mantis”). Danh từ này gợi ý về nghề nghiệp của Diotima.
Agathon, như quý hữu giải thích, [e] trước hết phải miêu tả Erôs là thế nào, phẩm chất ra sao, rồi mới miêu tả các việc Erôs làm. Muốn vậy, tôi thấy cách dễ nhất là tường thuật nội dung cuộc thảo luận giữa tôi với người phụ nữ ngoại bang* ấy theo trình tự Diotima đặt câu hỏi. Những gì tôi trả lời lúc đó hầu như tương tự những gì Agathon vừa nói: Erôs là vị thần vĩ đại, Erôs thuộc về cái đẹp*. Diotima sử dụng lý luận tương tự bẻ lại tôi như tôi sử dụng lý luận y hệt chống lại Agathon; bà ấy chứng minh rằng Erôs không đẹp và cũng không tốt. Tôi mới hỏi: ‘Diotima, bà nói thế là thế nào? Có phải Erôs xấu và tồi không?’
Nguyên văn: “xénê”, vừa có nghĩa là khách vừa có nghĩa là chủ. Khách phải tôn trọng luật thành quốc nơi mình tới thăm, song cũng được Zeus bảo đảm quyền “hiếu khách”.
“Erôs thuộc về cái đẹp”: Erôs đẹp. Nguyên tác mơ hồ giữa “Erôs yêu những cái đẹp” và “Erôs là một trong những cái đẹp”. Agathon xác định ý trên (197b, 201a), ý này sẽ là tiền đề trong lý luận của Diotima, nhưng Agathon cũng xác định ý sau (195a), đó là điều Diotima sẽ bác bỏ.
Diotima đáp: ‘Bạo mồm, bạo miệng, nói năng hay chưa!* Quý hữu nghĩ bất kỳ cái gì không đẹp hẳn phải xấu hả?’ [202a]
Nguyên văn: “ouk eupheméseis”, lối nói uyển ngữ, không thực sự có ý quở trách. (BT)
Tôi (Socrates): ‘Vâng, tôi nghĩ là thế’.
Diotima: ‘Bất kể cái gì không khôn ngoan đương nhiên ngu đần ư? Quý hữu không biết giữa khôn ngoan và ngu đần* có cái gì hay sao?’
https://thuviensach.vn
Nguyên văn: “amathia”, nghĩa là “ngu dốt”, hàm ý thiếu hiểu biết, gần nghĩa với “hiểu lầm”. Amathia là tình huống tin vào nhận định sai lầm, không phải tình huống không có ý niệm. Từ “ngu đần” sử dụng theo nghĩa đó, song không phải luôn là vậy.
Tôi: ‘Đó có thể là cái gì?’
Diotima: ‘Nhận định sự việc đúng đắn không thể đưa lý do giải thích. Chắc hẳn quý hữu thấy việc này không như hiểu biết, vì làm sao hiểu biết lại không lý luận? Và việc này cũng chẳng phải là ngu dốt, bởi làm sao tiếp xúc sự thật lại ngu dốt? Nhận định đúng đắn, dĩ nhiên, mang đặc tính này: nằm giữa hiểu biết và ngu dốt*’.
Đoạn này khôn ngoan (“sophia”), nhận thức (“epistêmê”) và hiểu biết (“phronêsis”) dùng như đồng nghĩa, tương phản với nhận định đúng đắn nhờ khả năng đưa ra lý do. Về sự phân biệt nhận thức và nhận định đúng đắn, xem Platon, Meno 97a-99a, Theaetetus 201d-210a.
Tôi: ‘Đúng như vậy’.
Diotima: ‘Vậy đừng mạnh miệng bảo [b] bất kỳ cái gì không đẹp là xấu, hoặc bất kỳ cái gì không tốt là tồi. Cũng như với Erôs, khi đồng ý Erôs không tốt và cũng không đẹp, quý hữu đừng nghĩ bởi thế mà Erôs vừa xấu lại vừa tồi, mà trái lại có thể ngài ở giữa hai sự thể’.
Tôi: ‘Dẫu vậy, mọi người công nhận Erôs là một vị thần vĩ đại’.
Diotima: ‘Quý hữu muốn nói chỉ số người không hiểu biết hay tính cả số người hiểu biết?’
Tôi: ‘Tất cả mọi người’.
Diotima cười nói: ‘Socrates ơi, làm sao những người khẳng định [c] Erôs không phải thần linh có thể đồng ý Erôs là một vị thần vĩ đại?’
Tôi hỏi: ‘Họ là những ai?’
Diotima: ‘Một là quý hữu và hai là tôi’.
Vừa nghe tôi thảng thốt: ‘Sao có thể nói như thế!’
https://thuviensach.vn
Diotima: ‘Rất đơn giản. Cho tôi hay, quý hữu nghĩ các thần linh đều xinh đẹp và sung sướng phải không? Chắc không bao giờ quý hữu nghĩ thần linh không xinh đẹp và không sung sướng?’*
Trong thần thoại Hy Lạp, thần linh không phải luôn xinh đẹp hay sung sướng; nhưng Diotima giả dụ loại thần học xét lại về mặt triết học trong đó thần linh đều có phẩm chất tốt đẹp.
Tôi đáp: ‘Lạy Zeus, tôi không’.
Diotima: ‘Vậy khi bảo người nào đó sung sướng, quý hữu có hàm ý người đó có cái tốt và cái đẹp không?’
Tôi đáp: ‘Thưa, chắc chắn’.
Diotima: [d] ‘Thế Erôs thì sao? Quý hữu đồng ý vì cần cái tốt và cái đẹp, nên Erôs muốn, bởi ngài cần mấy thứ này’.
‘Đúng, tôi đồng ý như thế.
‘Làm sao có thể là thần linh nếu Erôs không có chút gì là tốt và đẹp?’ Tôi nói: ‘Xem ra không thể’.
Diotima tiếp lời: ‘Thấy chưa, quý hữu cũng không tin Erôs là thần linh!’
Tôi: ‘Vậy, Erôs là gì? Con người trần tục ư?’
Diotima: ‘Không phải’.
Tôi hỏi: ‘Vậy thì là gì?’
Diotima: ‘Như các ví dụ chúng ta đã đề cập, [Erôs ở một trạng thái] giữa tất tử và bất tử’.
Tôi: ‘Diotima muốn nói thế nào?’
Diotima: ‘Erôs là một anh linh* vĩ đại, Socrates. [e] Mọi thứ xếp loại như anh linh đều nằm giữa thần linh và con người’.
Nguyên văn: “daimôn”, trước kia có khi được hiểu như “theos” (thần linh), có khi (như chỗ này) như thực thể hạng thấp hơn. Ý niệm “daimôn” như
https://thuviensach.vn
trạng thái trung gian về sau được Plutarque và Plotinus khai thác. Vai trò của “anh linh” như sợi dây liên hệ giữa người phàm và thần thánh liên hệ tới vai trò của tình yêu (207a). Platon phân biệt “daimôn” với “theos” chỗ này có vẻ khác thường. Thông thường, “daimôn” không bị coi như khác hẳn “theos”, tiếng Anh dịch là “god”, tiếng Pháp là “démon”.
Tôi hỏi: ‘Quyền năng thế nào?’
Diotima: ‘Là sứ giả như con thoi, anh linh đi đi lại lại giữa hai bên, mang những lời cầu nguyện, những vật tế sinh từ con người đến thần linh, đồng thời đem chỉ thị, tặng phẩm đổi lại nghi lễ tế sinh từ thần linh tới con người. Vì ở giữa, anh linh lấp đầy khoảng trống giữa hai bên và tạo điều kiện để vũ trụ cấu thành cái toàn thể liên kết mật thiết với nhau. Anh linh làm vật trung gian cho mọi tiên tri, tế sinh, lễ bái, bùa chú, chiêm đoán và phù thủy. [203a] Thần linh không tiếp xúc trực tiếp với con người, mà giao thiệp, chuyện trò với chúng ta qua anh linh (Erôs), dù chúng ta thức hay ngủ, tỉnh hay mơ. Người tinh thông mặt này trong số vừa kể là người của anh linh, còn người thông thạo mặt khác, về tay nghề chuyên môn, chỉ là nghệ nhân. Anh linh nhiều lắm và khác nhau, một trong số đó là Erôs’.
‘Cho hỏi cha mẹ Erôs là ai?’
[b] ‘Đi vào chi tiết thì chuyện dài lắm, song tôi sẽ kể quý hữu hay. Nên biết khi Aphrodite chào đời, các thần linh đã tổ chức đại tiệc ăn mừng. Hôm đó, Poros con của Métis cũng có mặt. Tiệc vừa chấm dứt, thần linh ẩm thực xong xuôi thì Penia* xuất hiện, đến để xin ăn, như đám dân khốn khổ, túng thiếu thường làm khi có hội hè, chè chén. Penia đứng chầu chực ngoài cổng. Uống rượu thần say bí tỉ (lúc đó rượu vang chưa xuất hiện) ngất ngưởng lết bước đi vào khu vườn của Zeus, hơi men đè nặng, Poros lăn kềnh ngủ khì. Do túng quẫn trăm bề, Penia bèn tính kế giải thoát cảnh ngộ thiếu thốn, bảo đảm nguồn sống bằng cách có một mụn con với Poros. [c] Penia nằm ngủ với Poros và thụ thai, sinh ra Erôs.* Sở dĩ Erôs trở thành tùy tùng và hầu cận cho Aphrodite là vì Erôs là bào thai vào hôm Aphrodite
https://thuviensach.vn
chào đời, liên hoan tổ chức linh đình, và do bản chất Erôs cũng là người yêu cái đẹp và vì Aphrodite đẹp tự nhiên.
Poros nghĩa là “mưu kế’; Métis nghĩa là “mánh lới”; Penia nghĩa là “nghèo khó”.
Cũng như diễn từ của Aristophanes, đây là huyền thoại sáng tạo nhằm khẳng định: tình yêu phối hợp tình cảnh cùng quẫn với cung cách thỏa mãn tình cảnh cùng quẫn đó.
Là con của Poros và Penia, số phận ở đời bắt Erôs rơi vào cảnh như cha mẹ. Trước hết, Erôs luôn bị cái nghèo đeo bám, chẳng hề mảnh dẻ, xinh xẻo như đa số người đời thường nghĩ. Thực tế là Erôs nhăn nheo, dơ dáy, bẩn thỉu, da cứng rắn, chân không giày không dép, thân không nhà không cửa, [d] luôn luôn ngủ cực khổ, trên mặt đất, không giường, không chiếu, nằm ngay lối vào nhà, bên vệ đường, dưới màn trời đầy sao. Vì thụ hưởng bản chất của mẹ, Erôs luôn luôn sống trong tình cảnh bần cùng, giật gấu vá vai. Bên cạnh đó, Erôs cũng giống cha ở điểm nuôi hoài bão theo đuổi, nắm bắt cái đẹp và cái tốt. Can đảm, hăng hái, cương quyết - Erôs là một thợ săn tài ba, luôn luôn tính toán, sắp đặt mưu kế, thèm khát hiểu biết, nhanh nhẹn xoay xở nắm bắt hiểu biết, suốt đời say mê tìm kiếm hiểu biết*. Erôs còn sử dụng ma thuật, dược chất, hùng biện khéo léo và tài tình.*
Đoạn này nguyên tác dùng từ ám chỉ “tìm kiếm” thay vì “sở hữu”.
Miêu tả có nhiều nét gợi nên hình ảnh Socrates, đặc biệt như Alcibiades miêu tả sau này. Xem 174a và 219e-220d. Ám chỉ sự liên kết tình yêu với loại tìm kiếm đặc biệt, tìm kiếm sự thật theo kiểu triết học, như Socrates là tiêu biểu; xem 204a-b.
[e] Về bản chất, Erôs không bất tử và cũng không tất tử. Cùng một ngày, Erôs có lúc tươi như hoa nở, tràn trề sức sống, khi cung ứng đầy đủ, có lúc lại chết từ từ rồi hồi sinh khi tập trung nguồn sống do bản tính giống cha. Song, vì nguồn sống tiêu hao, cạn dần, Erôs không hoàn toàn giàu có mà cũng không phải nghèo nàn. Erôs cũng ở giữa hiểu biết và dốt nát. Tình trạng thế này. Không có vị thần nào yêu hiểu biết [204a] hoặc muốn trở nên
https://thuviensach.vn
thông thái, vì các thần vốn đã thông thái; và cũng không có thần linh nào đã thông thái lại yêu hiểu biết. Không có người ngu dốt nào bỏ công tìm kiếm hiểu biết hay muốn trở nên thông thái. Vấn đề đặc biệt khó khăn với người ngu dốt chính là mặc dù chẳng đẹp, chẳng tốt, chẳng khôn ngoan, song người đó bằng lòng với mình và tưởng mình tạm đủ. Không, nếu nghĩ không cần cái gì, dĩ nhiên chẳng ai muốn cái mà mình nghĩ là mình không cần’.
Tôi lại hỏi: ‘Trong trường hợp đó, Diotima ơi, ai là người yêu hiểu biết nếu không phải người hiểu biết hay người ngu dốt?’
Diotima đáp lại: ‘Ngay cả [b] trẻ con cũng biết đó là những người rơi vào giữa hai trường hợp, và cũng hiểu Erôs là một trong số đó. Hiểu biết là một trong những thứ đẹp đẽ nhất, và Erôs yêu cái đẹp. Erôs đương nhiên phải là người yêu hiểu biết*. Là người yêu hiểu biết, truy lùng hiểu biết, Erôs rơi vào lưng chừng giữa hiểu biết và ngu dốt.* Lý do giải thích cho sự thể này là gốc gác Erôs: cha đa mưu túc trí, còn mẹ không túc trí, đa mưu.
Nghĩa là triết gia, “philosophos”.
Erôs (Tình Yêu) chỗ này được đồng hóa với trạng thái trung gian đặc biệt (xem đoạn 202a-203a) và sự tìm kiếm để thỏa mãn nhu cầu cần thiết, nghĩa là tìm kiếm sự hiểu biết. Đồng hóa tình yêu với triết học giải thích điều Socrates khẳng định là thành thạo (177d, 199b). Định nghĩa tình yêu về sau thể hiện rất tổng quát (205a-206a) mặc dù tìm kiếm sự thật theo kiểu triết học được miêu tả như hình thức tình yêu lý tưởng trong chuyện huyền bí của Diotima (210d-212a).
Cho nên, Socrates quý mến, đó là bản chất tinh thần Erôs. [c] Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi quý hữu nhìn Erôs như thế. Căn cứ vào những gì quý hữu nói mà nhận định, tôi nghĩ quý hữu nhìn Erôs như đối tượng của tình yêu*, thay vì chủ thể của tình yêu. Đó là lý do tại sao quý hữu tưởng tượng Erôs đẹp toàn vẹn. Trái lại, trong thực tế, nhan sắc, thanh lịch, tuyệt vời và thánh thiện là đặc tính của đối tượng xứng đáng để
https://thuviensach.vn
được yêu, trong khi người yêu mang đặc tính hầu như khác hẳn như tôi vừa miêu tả’.*
Tức “người tình” (l’aimé, le bien-aimé).
Diotima qua lời kể của Socrates trở lại nội dung diễn từ của Agathon (xem 197c-d và từ đoạn 200a).
Tôi nói: ‘Vâng, thưa Diotima khách quý của Athens, bà diễn tả quan điểm thật tuyệt vời. Nhưng nếu bản chất là vậy, thử hỏi Erôs ích gì cho con người?’
Diotima trả lời: ‘Cái đó lại là chuyện khác, Socrates, tôi sẽ giảng giải quý hữu hay. [d] Từ nãy tới giờ, chúng ta đã thảo luận bản chất và gốc gác Erôs; theo quý hữu nhận định, Erôs cũng là yêu cái đẹp. Nhưng quý hữu sẽ trả lời thế nào, giả sử có người hỏi chúng ta: Tại sao Erôs yêu cái đẹp hở Socrates và Diotima? Hoặc nói thế này rõ hơn: người yêu cái đẹp có thèm muốn, song người đó thèm muốn cái gì?’
‘Để cái đó trở thành của riêng.’
‘Nhưng câu trả lời đòi hỏi câu hỏi khác, Erôs sẽ được gì khi cái đẹp trở thành của riêng?’
Tôi nói tôi chưa thể trả lời câu hỏi này.
[e] Diotima lại nói: ‘Giả sử có người thay đổi câu hỏi, dùng chữ ‘tốt’ thay vì ‘đẹp’*, rồi hỏi: Vậy, Socrates, bây giờ người đã yêu cái tốt lại thèm muốn, người đó thèm muốn cái gì?’
Chỗ này thật ra Diotima đang đồng hóa tình yêu (việc muốn cái đẹp) với việc muốn cái tốt, hàm ý cái tốt giống cái đẹp. Hình trạng cái đẹp (210- 212a) giữ vai trò tương tự hình trạng cái tốt cũng được nhắc đến trong Plato, Cộng hòa, [Omega Plus Books, 2018, các tr. 465-75].
‘Muốn cái tốt trở thành của riêng.’
‘Người đó sẽ được gì khi cái tốt trở thành của riêng?’
‘Với tôi, việc trả lời câu hỏi này không khó. Người đó sẽ sung sướng.’
https://thuviensach.vn
Diotima tiếp lời: ‘Như vậy tức là, sở hữu cái tốt [205a] làm người sung sướng trở nên sung sướng, và quý hữu không cần hỏi thêm câu này: Tại sao có người muốn sung sướng?* Nếu trả lời câu này nghĩa là chúng ta chấm dứt tiến trình tìm hiểu’.
Nguyên văn: “eudaimonia”, tiếng Hy Lạp nghĩa là “hạnh phúc”, “sung sướng”. Người Hy Lạp coi đây là mục đích chính yếu của đời người, là điều kiện khách quan, không phải cảm nghĩ chủ quan. Kết hợp tư tưởng truyền thống với thành đạt, giàu có, bình yên, triết gia Hy Lạp thường đồng hóa tư tưởng này với đức độ.
‘Đúng thế.’
Diotima lại hỏi: ‘Quý hữu có nghĩ thèm muốn như thế và hình trạng tình yêu vừa kể là thông thường với thế nhân không, mọi người đều muốn cái tốt là của riêng mãi mãi, quan điểm quý hữu thế nào?’
Tôi đáp: ‘Như bà nói, phổ biến với mọi người’.
‘Trong trường hợp đó, Socrates, tại sao chúng ta không nói mọi người là người yêu, nếu mọi người luôn luôn yêu cái tương tự? [b] Tại sao chúng ta không gọi số này là người yêu, số kia không phải?’
‘Thưa, đó là điều tôi cũng ngạc nhiên.’
‘Điều đó chẳng là gì mà phải ngạc nhiên. Tôi giải thích quý hữu hay. Sau khi nhặt ra một loại tình yêu đặc biệt chúng ta gọi là tình yêu, chúng ta đặt tên tình yêu bằng tên tổng quát, song chúng ta dùng tên khác gọi tình yêu loại khác’.
‘Bà cho ví dụ khác tương tự được không?’
‘Được chứ. Quý hữu biết đấy, có nhiều loại sáng tạo, mỗi khi cái chưa tồn tại mà xuất hiện đều là do sáng tạo. Sản phẩm của mọi nghệ thuật và tay nghề [c] là kết quả của sáng tạo, người thực hiện đều là người sáng tạo’.*
Trong đoạn văn xuất hiện tình trạng đa nghĩa của hai từ “poiêsis” (sáng tạo/thơ ca) và “poiêtês” (người sáng tạo/nhà thơ). Dịch giả Pháp dùng từ
https://thuviensach.vn
“fabrication” và “fabricant”, “poésie” và “poètes”; dịch giả Anh, Mỹ dùng từ “poets” và “poetry”, “composition” và “composer”, song dịch rất khác nhau.
Ví dụ tiếng Pháp, bản dịch của Luc Brisson: “(…) voilà en quoi consiste la fabrication; aussi les ouvrages réalisés par tous les arts sont-ils des fabrications, de même que les ardsans quy les réalisent sont tous des fabricants”.
Ví dụ tiếng Anh, bản dịch của Benjamin Jowett: “All creation or passage of non-being into being is poetry or making, and the processes of all arts are creative; and the masters of arts are all poets and makers”.
‘Đúng vậy.’
‘Nhưng quý hữu biết họ không được gọi là người sáng tạo (nhà thơ) mà mang tên khác. Từ khối sáng tạo tổng quát, chúng ta nhặt ra một phần liên hệ tới âm nhạc và thơ ca, rồi gọi phần đó theo tên tổng quát. Chỉ có phần này được gọi là sáng tác (thơ ca) và người có phần chia nhỏ bé về tài năng được gọi là người sáng tạo (nhà thơ)’.
‘Đúng thế.’
‘Sự thể diễn ra tương tự với tình yêu. [d] Điểm chính yếu là mọi thèm muốn cái tốt, mọi thèm muốn cái hạnh phúc là cái cấu thành ‘Erôs khủng khiếp, Erôs dối lừa”*. Những người theo đuổi chuyện này có thể tiếp cận nhiều cách khác nhau, người tiến tới theo đường lối khác nhau, làm tiền, tập thể dục hay trau dồi kiến thức, song chúng ta không bảo họ yêu, không gọi họ là người yêu*. Chỉ người nào nhiệt tình hướng tới loại tình yêu đặc biệt, chúng ta mới sử dụng mấy chữ vừa kể thực sự thuộc về toàn thể để gọi đó là tình yêu, đó là yêu và đó là người yêu.’
Dẫn chứng không rõ xuất xứ.
Nguyên văn: “erastês” chỉ một người đàn ông trưởng thành đang có một mối quan hệ đồng tính nam với chàng trai trẻ tuổi (được gọi là “eromenos” - người tình), hoặc đang tán tỉnh cậu ta. Hiện trong tiếng Việt chưa có từ nào mang nghĩa tương đương.
https://thuviensach.vn
‘Tôi nghĩ chắc vậy.’
[e] Diotima nói thêm: ‘Có chuyện kể rằng tìm kiếm nửa kia của mình là yêu.* Nhưng theo chuyện của tôi, tình yêu không hướng tới một nửa hoặc toàn thể, trừ phi kết quả xem ra tốt đẹp. Tôi nói thế chẳng qua là vì người ta sẵn sàng cưa tay, cưa chân nếu nghĩ tay chân mang bệnh. Tôi không nghĩ có người tỏ ra bịn rịn với cái thuộc về mình, trừ phi nói thuộc về tôi người đó hàm ý tốt, và khi nói thuộc về người khác người đó hàm ý xấu. Sở dĩ vậy là vì cái mọi người yêu thực ra không gì khác cái tốt. [206a] Quý hữu có phủ nhận không?’
Đây là ý chính trong diễn từ của Aristophanes (xem 191d). Sự trùng hợp này khiến người đọc đặt nghi vấn về sự tồn tại của cuộc trò chuyện giữa Socrates và Diotima cũng như của chính Diotima.
‘Lạy Zeus, chắc chắn là không, tôi không phủ nhận.’
‘Vậy, chúng ta có thể nói rất đơn giản là con người yêu thích cái tốt không?’
‘Thưa, có thể.’
‘Nhưng mà! Chúng ta có nên thêm khi yêu con người có muốn cái tốt là của họ không?’
‘Thưa, nên.’
‘Và không những thế, họ muốn cái tốt mãi mãi là của mình, đúng không?’
‘Cũng nên thêm điểm đó.’
‘Vậy, tóm lại, yêu là muốn sở hữu vĩnh viễn cái tốt.’
Tôi phụ họa: ‘Thưa, đúng quá’.
[b] Diotima tiếp tục: ‘Đó luôn luôn là mục tiêu nổi trội của tình yêu. Để mắt theo dõi chúng ta cũng nên hỏi. Người ta theo đuổi mục tiêu thế nào nếu thực sự yêu? Người ta xử sự ra sao với khao khát và hăng hái
https://thuviensach.vn
chúng ta gọi là tình yêu? Mục đích thực sự của tình yêu là gì? Quý hữu biết không, vui lòng cho hay?’
‘Chắc chắn không, Diotima. Nếu biết, tôi đã không thụ giáo bà, cảm kích và thán phục đến thế trước những hiểu biết sâu xa, đồng thời cố gắng học hỏi đúng mấy điều vừa phát biểu.’
‘À, tôi sẽ nói quý hữu hay. Mục đích của tình yêu là hạ sinh trong cái đẹp*, trong thân xác và trong tâm hồn.’
Nguyên văn: “tókos en kalôi”. Cụm từ này có hai cách giải nghĩa, nghĩa còn lại là sinh đẻ đúng kỳ. Hơn nữa, giới từ “en” được sử dụng mơ hồ, không rõ là “trong” hay “trước”, dẫn đến việc có thể hiểu ý Diotima là cái thai ở trong một cơ thể (người mẹ) đẹp hoặc người mang thai sinh con trước cái đẹp.
‘Phải là nhà tiên tri mới có thể am tường bà muốn nói gì, thực sự tôi không biết đoán độ.’
[c] Diotima trả lời: ‘Vậy tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn. Socrates biết đấy, con người đều thụ thai* trong thể xác và tâm hồn. Khi tới tuổi trưởng thành, chúng ta tự nhiên muốn sinh con đẻ cái. Nhưng chúng ta không thể sinh trong cái xấu mà phải trong cái đẹp*. Sở dĩ vậy ấy là vì khi người đàn ông và người đàn bà gặp nhau để sinh đẻ, tiến trình đó thuộc loại tuyệt vời. Việc thụ thai và sinh sản là thấm nhỏ mầm mống bất tử vào thực thể tất tử, việc đó không thể diễn ra trong tình trạng bất hòa.
Nguyên văn: “kyoûsin”, nghĩa đen là mang thai, nghĩa bóng là sáng tạo. Từ đoạn này, tác giả dùng phép ẩn dụ, lấy việc sinh đẻ (thể xác) để mô tả việc sáng tạo (tâm hồn). (BT)
Hoặc: “Không thể sinh đẻ khi chưa thích hợp, mà phải đúng kỳ”.
[d] Cái xấu bất hòa, xung khắc với cái tuyệt vời, trong khi cái đẹp kết thân, hòa hợp với cái tuyệt vời. Vì thế, cái đẹp giữ địa vị nữ thần Moira* và Eileithyia* chủ tọa việc sinh nở. Đó là lý do tại sao khi tới gần cái đẹp, đúng định kỳ, thú vật mang bầu hoặc con người mang thai đều cảm thấy
https://thuviensach.vn
thoải mái, trở nên hiền lành, hòa nhã, sẵn sàng giãn nở, hớn hở lâm bồn và vui vẻ ở cữ. Trái lại, khi đến gần cái xấu, không phải định kỳ, cả người lẫn vật đâm ra ỉu xìu, buồn bã. Nhăn nhó, co rúm, vặn vẹo, vật vã, cả hai không sinh đẻ, cả hai giữ chặt bào thai trong tử cung, giãy giụa đau đớn. Đó là lý do tại sao người chửa, bụng nở, dạ xổ, căng phồng phấn khởi, hồ hởi đến thế về cái đẹp*. Người mang cái đẹp [e] giải thoát cả hai khỏi đau đớn khủng khiếp lúc lâm bồn. Thế nên, Socrates, cái tình yêu muốn không phải cái đẹp như quý hữu tưởng.’
Tên gọi chung các nữ thần Định Mệnh, được mô tả như nữ thần sinh nở. [Xem Homer, Iliad, Omega Plus Books, 2018, tr. 738.]
Nữ thần chăm lo việc ở cữ, Bà Mụ.
Ngôn ngữ đoạn này nhắc lại phản ứng của nam giới và nữ giới lúc giao hợp, lâm bồn.
‘Vậy là gì?’
‘Sinh đẻ và chào đời trong cái đẹp.’
‘Có lẽ vậy.’
‘Đúng thế đấy! Nhưng tại sao sinh đẻ là mục tiêu của tình yêu? Ấy là vì sinh đẻ tiếp tục mãi mãi; ấy là bởi đối với con người tất tử, việc sinh đẻ kéo dài cuộc sống bất tận, nghĩa là đưa đến chỗ bất tử. Nếu điều đồng ý trước đây không sai, mục đích của tình yêu là sở hữu cái tốt mãi mãi, [207a] chúng ta phải ước muốn cái bất tử cùng với cái tốt lành. Từ nhận định này chúng ta thấy Tình Yêu (Erôs) cũng cần nhằm mục tiêu bất tử.’
Trên đây là hết thảy những vấn đề liên hệ tới Erôs, hoạt động mọi mặt của Tình Yêu, mà Diotima giảng dạy cho tôi hay trong vài dịp hàn huyên. Một lần, bà ấy hỏi: ‘Socrates, theo quý hữu, cái gì gây nên yêu đương và thèm muốn? Quý hữu không thấy cảnh tượng khủng khiếp súc vật đủ loại rơi vào khi muốn sinh đẻ ư? Súc vật có chân để đi, sinh vật có cánh để bay cũng vậy, tất cả đều bấn loạn vì chứng bệnh tình yêu, cảm thấy thèm muốn sinh đẻ. [b] Trước hết, do tình yêu thôi thúc, cả hai phát ốm vì thèm muốn
https://thuviensach.vn
giao hợp với nhau. Tiếp theo, cả hai hóa sốt do ước định nuôi nấng con nhỏ ra đời. Ngay cả sinh vật yếu nhất cũng sẵn sàng đương đầu chống lại sinh vật khỏe nhất, hy sinh bản thân để bảo vệ, sẵn lòng nhịn đói dành miếng ăn và làm bất kể cái gì vì con nhỏ. Quý hữu sẽ nghĩ con người làm tương tự vì hiểu lý do vì sao phải làm, nhưng trong trường hợp súc vật, cái gì thôi thúc [c] chúng ở tình trạng yêu đương như thế? Quý hữu cho ý kiến được không?’
Một lần nữa, tôi lại thú thật mình không hiểu.
Diotima mới nói: ‘Nếu không hiểu, làm sao quý hữu có thể nghĩ mình sẽ nắm vững vấn đề liên quan tới Erôs, làm chủ đường đi nước bước của tình yêu và nghệ thuật yêu đương?’
‘Diotima ơi, bởi thế tôi mới tới xin bà chỉ dạy, tham khảo ý kiến, như đã thưa trước đây. Tôi hiểu mình cần người chỉ giáo. Xin bà vui lòng cho tôi hay cái gì gây nên sự thể và bất kể cái gì thuộc về nghệ thuật tình yêu’.
‘Được, nếu thực sự tin tưởng bản chất của tình yêu là nhắm cái chúng ta nhiều lần đồng ý [hướng đến sự bất tử] thì quý hữu chớ ngạc nhiên khi nghe câu trả lời. Nguyên tắc áp dụng với con người cũng áp dụng với súc vật: [d] bản chất tất tử tìm mọi cách càng nhiều càng tốt sống mãi mãi và trở thành bất tử. Muốn thực hiện nguyên tắc chỉ có cách duy nhất ấy là sinh đẻ, vì nguyên tắc luôn luôn để lại con mới sinh thay chỗ người đã già. Nguyên tắc áp dụng ngay cả thời kỳ trong đó sinh vật miêu tả là còn sống và vẫn vậy, chẳng hạn, người cho là tương tự từ thời thiếu niên tới khi trở thành ông lão. Ngay cả như thế đi nữa người đó cũng không bao giờ tồn tại trong trạng thái tương tự, mặc dù người ta bảo vẫn vậy, song người đó luôn luôn đổi mới, nhiều mặt tiêu hao, kinh qua mất mát, biến dạng, ví dụ tóc, da, thịt, xương, máu và các phần khác của thân thể. [e] Nguyên tắc áp dụng không những chỉ thân thể mà cả tâm hồn. Vì tập quán, thói quen, quan niệm, ước muốn, vui thú, đau khổ, lo âu hay sợ sệt, không cái nào cũng như cũ, không thay đổi trong mỗi chúng ta. Trái lại, có cái vẫn còn, có cái không còn, có cái xuất hiện, có cái biến dạng. Điều kỳ lạ hơn nữa là kiến
https://thuviensach.vn