🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Warren Buffett - Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ - Roger Lowenstein
Ebooks
Nhóm Zalo
L
LỜI GIỚI THIỆU
ời đầu tiên tôi muốn gửi lời cám ơn đến Alpha Books một nhà xuất bản có nhiều đầu sách hay đã tiếp tục dày công tuyển chọn “Buffett: Con đường hình thành một nhà tư
bản Mỹ” của Loger Lowenstein do Minh Diệu – Phương Lan dịch để giới thiệu với bạn đọc yêu thích doanh nhân nói riêng và bạn đọc Việt nam nói chung. Tôi cũng chân thành cảm ơn Alpha Books đã tin cậy, mời tôi giới thiệu cuốn sách này. Nhận làm việc này, tôi đã đạt được 3 điều tốt đẹp mà tôi tâm đắc muốn làm, đó là giới thiệu được một tác phẩm hay với độc giả, được chia sẻ đôi điều suy nghĩ và hiểu thêm về một trong những nhân vật là thần tượng của mình – Warren Buffett, và đáp ứng sự tin cậy của anh em với mình.
Xuyên qua 750 trang sách, bằng cách viết ngắn gọn và ngôn từ phong phú, Roger Lowenstein không chỉ đã vẽ nên những hình ảnh rất thật về Warren Buffett, một người Tài giỏi mà không Xa cách, Giàu có mà không Kiêu sa, một người Kỳ dị trong đầu tư, Dung dị trong phong cách và Giản dị trong cuộc sống mà qua đó còn giúp cho người đọc hiểu hơn về nền kinh tế tư bản của Hoa Kỳ với xương sống để vận hành là các hoạt động và thị trường tài chính.
Quyển sách này dễ đọc ở lối hành văn và lời dịch, mặc dù chuyển ngữ luôn có những giới hạn nhất định. Theo tôi, sách cần thiết không chỉ cho những người đang làm quen và dấn thân vào thị trường chứng khoán, mà hơn nữa cho các doanh gia nghiệp chủ cần có khả năng tổng hợp và phân tích tài chính, cần có cách tư duy chiến lược và cả cho những người không làm trong lĩnh vực kinh doanh hiểu hơn về kinh doanh và con người làm kinh doanh chân chính. Tôi đặc biệt đánh giá tốt đến thần
tượng Buffett không phải ở kết quả, hiệu quả việc kinh doanh mà đặc biệt là về nhân cách của nhà hiền triết của Omaha, phù thủy về đầu tư chứng khoán và một nhà từ thiện vĩ đại ẩn danh Warren Buffett.
Có thể thấy chính nền kinh tế và xã hội Mỹ đã là cái nôi tốt để người xuất chúng như Warren Buffett ra đời và phát triển, dù thế nào, giữa bộn bề số đông chạy theo các giá trị ngắn hạn và chỉ lướt sóng kiếm lời trên sàn chứng khoán thì Buffett thực sự là một trường hợp rất cá biệt. Câu chuyện cổ tích về ông trong đầu tư chứng khoán và sự thành công lớn, chắc chắn, ổn định và vững bền của Buffett đã tạo hứng khởi cho nhiều nhà sản xuất hay những người không được giàu từ trong trứng thêm vững niềm tin. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ bằng cách lựa chọn đúng các cổ phiếu để đầu tư, Buffett đã tích lũy và ông ở vào số ít người có tài sản đồ sộ nhất thế giới trong thế kỷ XX, cũng có người bảo là may mắn thôi, nhưng với tôi may mắn là từ của người thành công khiêm tốn và là lý do ngụy biện của kẻ không thành công, ở trường hợp của Buffett nếu xem xét kỹ thì quãng thời gian kéo dài đến năm thập kỷ mà mức lợi nhuận rất ấn tượng (gần gấp ba mức trung bình), hơn thế nữa lại có tính ổn định cao, ít rủi ro và chưa có thua lỗ nặng nề, điều mà các nhà đầu tư khác luôn mơ ước và các học giả luôn cho rằng không thể đạt được kể cả khi may mắn, chắc cũng đủ để nói may mắn là điều không dễ dàng có với trường hợp của ông.
Điều tôi đặc biệt ấn tượng là câu chuyện thuở thiếu thời của Buffett, từ việc ông bắt đầu “tập kiếm tiền” bằng cách bán 5 lon Coca-cola với giá 6 xu / lon khi mua 5 xu /lon lúc ông mới chỉ lên 6 tuổi, rồi ngay cả trong lúc ốm rất nặng, ông vẫn say mê ghi những con số thể hiện cho ước mơ làm giàu của mình để nói với các cô y tá, không chỉ vậy, ông thực hiện cả việc hùn hạp để bán nước chanh ở nhà người bạn thân Rusell, rồi qua các trò chơi với các nắp chai và con số để không chỉ rèn luyện và làm giàu trí tuệ mà cả việc hiểu được thị trường và làm quen với tư duy kinh doanh qua việc hiểu thị phần và sự phát triển của các thương
hiệu. Không chỉ vậy điều đáng trân trọng ở Buffett là tính kiên định mục tiêu và kiên trì hành động không chỉ ở công việc mà cả trong tình yêu, theo tôi đây mới chính là những điều cần chú ý học hỏi nhất. Một trong những việc mà quỹ đầu tư của Buffett quan tâm và thường làm là “Tái bảo hiểm”, trong khi mọi người đổ xô đi săn bắn cơ hội thì ông rất kiên trì nuôi trồng việc kinh doanh của mình. Một lần nữa, câu chuyện này cùng các câu chuyện về cuộc đời và lời khuyên của các vĩ nhân khác khẳng định điều tôi luôn vững tin đó là work hard – làm việc cần cù theo mục tiêu tốt đẹp và positive thinking – suy nghĩ tích cực là cách tốt nhất để có thể work smart – làm việc thông minh và trở thành người thành công.
Hình ảnh của Warren Buffett càng lung linh hấp dẫn hơn vì dù ngay ở một quốc gia có tính chính trị rất cao trong mối quan hệ xã hội như Mỹ quốc, thì ông vẫn rất bình dị và chính trực trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, ông có sức hút lớn khiến nhiều người Mỹ tin và nghe theo từ những câu nói hóm hỉnh và sâu sắc đầy khí chất rất đàn ông có vẻ cổ điển của ông. Qua diễn giải của mình, Buffett biến những vấn đề phức tạp với số đông trở nên đơn giản dễ hiểu, ông có thể hài hước hóa các câu chuyện nặng nề với những quan hệ nghiêm túc như ông từng phát biểu “chính các chủ nhà băng mới là những người nên đeo mặt nạ” hay ông nói với một người bạn vừa nhận được công việc trong ngành tài chính rằng “đi theo làn đường chính trên Phố Wall, anh sẽ không phải gặp nhiều xe cộ đâu.”,“tôi chưa bao giờ gặp được ai có thể tiên đoán được thị trường” hay “nếu nghe lời của một chủ ngân hàng đầu tư về việc có nên thực hiện một thương vụ nào đó hay không bởi nó giống như là hỏi người thợ cắt tóc xem mình có nên cắt tóc hay không”. Tính kỷ luật và nghiêm túc với chính mình của Warren Buffett đã giúp ông thành công và hiển nhiên là một tấm gương sáng cho mỗi chúng ta.
Tài năng của ông bắt nguồn từ sự độc lập trong tư duy và khả năng tập trung cao độ vào công việc mà không cần quan tâm
đến thế giới, ông đi ra từ gia đình bình thường ở một vùng khốn khó của nước Mỹ. Bằng cách sống của mình, ông làm cho người ta cảm được Buffett “cao” mà không “xa”, có “tầm” ảnh hưởng lớn mà vẫn rất đời “thường”. Nhiều người tôn sùng ông và tin theo lời ông, ngay cả dân tài chính ngân hàng chuyên nghiệp phố Wall cũng mê Warren như điếu đổ và nâng niu từng bài phân tích tài chính, chen chỗ để lắng nghe cách ông bình luận và đầu tư, phải chăng cũng từ nhân cách như vậy?
Dù ở vị trí nào, tuổi nào và giàu thế nào, Buffett vẫn làm hết tất cả các ngày trong tuần và làm việc đến hơn 14h/ngày, thật phi thường! Có thể sẽ có người bảo rằng Buffett quá máy móc, nhưng thật ra ông quá tập trung, tập trung cao độ vào mục tiêu công việc và mục đích cuộc sống đến mức dễ quên những điều bình thường mà nhiều người khác vẫn phải nặng lòng, phân tâm. Đọc về ông, bạn sẽ hiểu hơn vì sao một con người có năng lực thuyết giáo phi thường mà lại rất kín đáo, một con người nhiệt huyết vô cùng mà lại rất điềm tĩnh, một con người khi phân tích đầu tư tính đến cả những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là người hào phóng làm từ thiện với lời nguyện hiến dâng hầu hết tài sản của mình mà không đòi hỏi – thậm chí cấm – người khác đặt tên mình vào các chương trình hay công trình từ thiện. Ông, hình tượng của thành công như nhiều người vĩ đại, luôn là người kết hợp nhuần nhuyễn các khái niệm tưởng như trái nghịch nhau.
Làm thế nào để hiểu hơn về cuộc đời và con đường thành công của một người có nhiều đặc điểm và đức tính như trên đã từ một em bé bán mấy lon Coca-cola giá 6 xu để thành một trong ba nhân vật có tài sản được công bố giàu trong hàng TOP3 của thế giới với sự kiên định đầu tư? Chắc hẳn như không muốn biết tỷ số trước khi xem trận đấu, tin rằng các bạn sẽ cho phép tôi dừng phần giới thiệu ở đây, để chính bạn là người khám phá những điều thú vị về nhân vật kiệt xuất này trong những trang sách của Alpha Books.
Chúc bạn sẽ đọc được thêm một cuốn sách hay và tin rằng cuốn sách này sẽ làm giàu thêm kho thông tin phong phú và phát triển hơn những kiến thức bổ ích cho cuộc sống của bạn!
Sài Gòn, ngày giỗ tổ Hùng Vương,
LÝ TRƯỜNG CHIẾN - Chuyên gia kinh tế cao cấp, tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược & phát triển nguồn lực
GIỚI THIỆU
T
rong lịch sử đầu tư trên thị trường chứng khoán, Warren Buffett là một trường hợp rất cá biệt. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ bằng cách lựa chọn đúng các cổ phiếu
để đầu tư, Buffett đã tích luỹ được một gia tài vào loại đồ sộ nhất trong thế kỷ XX. Trong quãng thời gian kéo dài bốn thập kỷ – quá đủ để loại trừ yếu tố may mắn – Buffett đã chứng tỏ mình là một nhà đầu tư xuất chúng, đạt được mức lợi nhuận ấn tượng mà không hề phải đối mặt với một rủi ro lớn hay một năm thua lỗ nặng nề nào. Đây là thành tích mà từ lâu các chuyên gia, học giả và cả những tay buôn lão luyện trên Phố Wall đã cho là không thể nào đạt được. Bằng những bước đi vững chắc cùng với những phẩm chất vượt trội, Buffett đã tạo ra khối tài sản với giá trị không tưởng là hơn 15 tỷ đô-la.
Từ thời Eisenhower cho đến Bill Clinton, từ những năm 1950 cho đến những năm 1990, từ thời chiến tranh Việt Nam cho đến thời người ta đua nhau lao vào những cổ phiếu có độ rủi ro cao để đổi lấy lãi suất lớn và cho đến cả kỷ nguyên mới của công nghệ thông tin, lúc nào cũng vậy, dù thị trường có đang bùng nổ hay rơi vào cảnh ảm đạm, dù nền kinh tế có đang vận hành trơn tru hay đang lâm vào khủng hoảng thì Buffett vẫn kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong những năm tháng đầu tiên của nước Mỹ thời hậu chiến, trong khi những cổ phiếu lớn trên thị trường chỉ tăng khoảng 11% giá trị mỗi năm, thì Buffett đạt được mức lợi nhuận gộp hàng năm 29,2%.
Thành tựu của ông còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn nữa bởi nó chính là sản phẩm của phương pháp đầu tư dài hạn theo lối cổ điển. Các tay buôn cổ phiếu hiện đại trên Phố Wall trở nên giàu có bằng cách điều khiển dòng tiền của dân chúng: mẹo của họ là
chọn đúng thời điểm để mua vào – rồi bán ra – các cổ phiếu niêm yết trên sàn. Buffett tránh không đầu tư theo kiểu này, cũng như tránh không vướng vào những trò lừa đảo vô đạo đức vốn vẫn rất phổ biến trên Phố Wall. Thay vào đó, ông tìm về với chân lý của chủ nghĩa tư bản thuần túy – một trò chơi “máu lạnh” nhưng cũng rất công bằng cho tất cả mọi người.
Điều đáng nói là những nhà đầu tư khác trên thị trường, nếu kiên trì làm theo Buffett thì cũng sẽ trở nên giàu có và đạt được chính xác mức lợi nhuận mà ông kiếm được. Những con số sẽ làm tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Nếu ai đó đầu tư khoản tiền 10.000 đô-la vào các cổ phiếu giống như Buffet đã làm lúc ông bắt đầu sự nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp đại học tại Omaha vào năm 1956, và sau đó vẫn tiếp tục đầu tư giống như ông thì anh ta sẽ có được tài sản trị giá 125 triệu đô-la vào cuối năm 1995.
Tuy nhiên, chỉ những con số không thôi thì chưa thể nói lên được hết tầm ảnh hưởng sâu sắc mà Buffett đã tạo ra trên Phố Wall. Mỗi năm một lần, các nhà đầu tư cũng như những người theo đuổi các phương pháp đầu tư của ông đổ xô về Omaha như những tín đồ hành hương về nơi thánh địa để nghe ông phân tích những khía cạnh phức tạp của đầu tư, kinh doanh và tài chính. Những buổi thuyết trình của ông đã trở thành một phần của văn hóa Mỹ, giống như các buổi biểu diễn của Elvis Presley hay sự phổ biến trở lại của các niềm tin và nghi thức tôn giáo. Những tín đồ tài chính đến Omaha, nâng niu những bài viết của Buffett như thể đó là Kinh thánh và trích dẫn lời nói của ông như thể đó là lời của Chúa Jesus.
Khả năng bẩm sinh luôn nhận ra những chân lý cơ bản và hết sức giản đơn trong mọi vấn đề đã khiến ông luôn trở thành trung tâm của mọi sự chú ý ngay từ khi còn rất trẻ. Trước những dòng người đổ xô đến Omaha hàng năm, thậm chí trước cả khi ông thành công và trở nên nổi tiếng, người ta đã thấy trong các bữa tiệc của một trường đại học có một chàng sinh
viên trẻ tuổi với khuôn mặt thơ ngây và đôi mắt sáng, đứng trong góc phòng, cao giọng diễn thuyết trong khi đám bạn bè lớn tuổi hơn tụ tập xung quanh và lắng nghe. Vài năm sau đó, khi những người bạn này của cậu bắt đầu cùng nhau khởi nghiệp trên Phố Wall, mọi chuyện vẫn diễn ra y như thế. Buffett, người trẻ nhất trong nhóm, vẫn ngồi lọt thỏm trong một chiếc ghế bành to, nói chuyện về tài chính trong khi những người khác ngồi quây xung quanh, chăm chú nuốt từng lời.
Tại Phố Wall, cách đơn giản hóa mọi vấn đề của Buffet khiến ông được công chúng vô cùng yêu mến. Mặc dù tài chính là chủ đề vô cùng phức tạp nhưng ông lại có thể giải thích nó một cách dễ hiểu, như thể một người làm nghề thu ngân tại cửa hàng tạp hóa đang bàn luận về thời tiết. Ông không bao giờ quên rằng đằng sau bất kỳ một cổ phiếu hay trái phiếu công ty nào, dù có khó nắm bắt đến đâu chăng nữa, vẫn luôn tồn tại một doanh nghiệp bình thường, hữu hình. Đằng sau những từ ngữ chuyên môn khó hiểu của Phố Wall, ông dường như đã khám phá ra những chân lý rất giản đơn – đó vốn vẫn là phần cơ bản trong tính cách Mỹ.
Có một điều thật lạ lùng mà cũng thật trớ trêu là càng nhiều người Mỹ quan tâm đến đầu tư, Phố Wall càng trở nên phức tạp, khó hiểu, bí ẩn và khốc liệt hơn bao giờ hết. Khi Buffett chào đời, giữa cuộc Đại Suy thoái, một số ít ỏi những người Mỹ đang có một số vốn đầu tư đều cảm thấy mình đủ khả năng kiểm soát chúng. Họ làm được điều này bằng cách đầu tư vào những cổ phiếu blue-chip và trái phiếu loại AAA. Và mặc dù Cuộc Đại Suy thoái 1929-1939 đã phủ lên toàn thị trường đám mây đen tối, nhưng sự thịnh vượng thời hậu chiến đã ngăn chặn bớt tác động của nó. Ngược lại, ngày nay có hàng chục triệu người nắm trong tay những khoản vốn cả lớn lẫn nhỏ, thế nhưng chỉ rất ít người trong số đó là cảm thấy an tâm khi quản lý chúng, số người có được sự tự tin như xưa lại càng ít ỏi hơn nữa. Cách tốt nhất họ có thể làm là lục lọi tin tức trên các tờ báo tài chính mỗi ngày, cứ như thể việc xem xét các số liệu về nhà ở và lạm phát có
thể cho họ câu trả lời mà họ vẫn chờ đợi từ lâu. Còn tệ nhất thì họ mua vào và bán ra các chứng chỉ quỹ một cách nóng vội tới mức có thể khiến cho ông cha họ, nếu có sống lại, cũng phải vô cùng choáng váng.
Trong một thời đại phức tạp như vậy, Buffet đã tỏa sáng nhờ vào các phương pháp đầu tư có tính ứng dụng cao của mình. Bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể bắt chước được hầu như tất cả những gì ông làm (đó là lý do tại sao rất nhiều người đổ xô đến Omaha). Sự xuất sắc mà Buffett có được phần lớn là nhờ những đức tính tuyệt vời của ông – kiên nhẫn, có nguyên tắc và duy lí. Đó thực ra là những phẩm chất rất bình thường và cần thiết cho bất kỳ ai muốn thử sức trên thị trường chứng khoán, song lại trở nên quá hiếm hoi trước sức mạnh của khát vọng làm giàu. Chính bởi vậy mà tính cách và sự nghiệp của Buffett được xem như là một sự hướng dẫn về đầu tư và kinh doanh cho công chúng ở nước Mỹ. Buffett nhận thức được vai trò của mình từ rất sớm và ông đã tập cho mình một thói quen kỳ lạ là ghi chép lại các quyết định đầu tư của mình như thể ghi lại nhật ký cuộc đời vậy.
Là một nhà đầu tư, Buffett tránh không sử dụng các đòn bẩy tài chính, các hợp đồng mua bán giao sau, các kiểu đầu tư mạo hiểm, các phương pháp phân tích danh mục đầu tư hiện đại và tất cả các chiến lược trừu tượng khác do các học giả đưa ra. Khác với một nhà quản lý danh mục đầu tư hiện đại vốn mang lối tư duy của người chỉ buôn bán cổ phiếu đơn thuần, Buffett đánh cược tài sản của mình vào sự tăng trưởng dài hạn của một vài công ty đã được chọn lựa kỹ càng. Nhờ thế mà ông dường như mang trong mình sức hấp dẫn của thời đại cũ, giống như là J.P. Morgan của thời hiện đại vậy.
Nhưng ngài Morgan nhã nhặn và kín đáo đã thuộc về thời xưa cũ; Buffett, con người thẳng thắn đôi khi đến khiếm nhã đến từ miền Trung Tây, lại hoàn toàn tương phản. Ông nổi tiếng nhờ câu châm biếm rằng “chính các chủ nhà băng mới là những
người nên đeo mặt nạ” hoặc như ông nói với một người bạn vừa nhận được công việc trong ngành tài chính rằng “đi theo làn đường chính trên Phố Wall, anh sẽ không phải gặp nhiều xe cộ đâu.” Đã có lần ông viết rằng ông sẽ không bao giờ nghe lời của một chủ ngân hàng đầu tư về việc có nên thực hiện một thương vụ nào đó hay không bởi nó giống như là hỏi người thợ cắt tóc xem mình có nên cắt tóc hay không. Sự hóm hỉnh pha lẫn châm biếm này khiến ông trở thành hình mẫu của một điều gì đó lớn lao và cơ bản hơn nhiều. Đó là mong muốn sâu xa của người Mỹ về những người anh hùng đích thực.
Đó là câu chuyện về ước mơ muôn thuở của nước Mỹ: có một con người bình thường chính trực xuất thân từ miền Trung Tây hay miền Tây, đứng ra đương đầu với những người miền Đông dễ bị mua chuộc – những nhà chính trị, chủ ngân hàng, doanh nhân hoặc tương tự. Đó có lẽ là cái giá phải trả cho một đất nước đa sắc tộc. Và câu chuyện này còn lưu truyền như một vật kỷ niệm của những người Mỹ trong sáng và thuần khiết của thời xa xưa đã mãi mãi ra đi. Cứ để cho châu Âu tôn sùng hoàng tử của riêng mình; mẫu người Mỹ lý tưởng luôn luôn là một con người bình thường xuất thân từ miền Trung của đất nước và đạt được thành công nhờ chính bàn tay và khối óc của mình – một Lincoln, một Twain, một Will Rogers. Và trong cái thời đại tạm thời chưa xuất hiện anh hùng của Buffett thì đây cũng chính là điều mà những người ngưỡng mộ ông muốn tìm kiếm ở Omaha.
Nhưng như Jack Newfield viết cho Robert Kennedy, Buffett không phải anh hùng mà là một tia hy vọng; không phải một huyền thoại, mà chỉ là một con người bình thường. Mặc dù rất thông minh, ông lại có rất nhiều nhược điểm. Khi đến Paris, ông không hề hứng thú với việc ngắm cảnh và cho rằng thức ăn của Omaha còn ngon hơn ở đó nhiều. Tài năng của ông bắt nguồn từ sự độc lập trong tư duy và khả năng tập trung cao độ vào công việc mà không cần quan tâm đến thế giới, nhưng những đức tính này cũng tạo ra rất nhiều khiếm khuyết trong con người ông. Một lần nọ, khi Buffett đến thăm nhà xuất bản của
Katharine Graham tại Martha’s Vineyard, một người bạn đường có bình luận về vẻ đẹp của buổi hoàng hôn, Buffett đã đáp rằng mình không để ý đến điều đó, cứ như thể ông cần phải chủ tâm tập trung trí óc của mình ở một mức độ nào đó thì mới thấy được vẻ đẹp của một buổi hoàng hôn. Thậm chí ngay tại ngôi nhà để nghỉ ngơi sát biển của mình tại California, Buffett cũng làm việc tất cả các ngày trong tuần mà hiếm khi bước chân ra đến bờ biển.
Cũng giống như quy luật vẫn thường thấy ở những nhân vật phi thường khác, Buffet đã phải trả một cái giá khá đắt cho tài năng của mình. Lớn lên trong một gia đình không thực sự đầm ấm, ông luôn giấu mình trong một “pháo đài” cảm xúc. Một số ít người làm chung văn phòng còn không biết gì về con người nội tâm của ông, kể cả sau hàng chục năm. Thậm chí ngay cả những người con của ông cũng hiếm khi nhớ được một lần ông lột bỏ cái vỏ điềm tĩnh bên ngoài của mình và biểu lộ chút cảm xúc.
Mặc dù có tính cách của một người có khả năng thuyết giáo nhưng Buffet lại là người kín đáo vô cùng. Peter Lynch, phù thủy của các quỹ đầu tư tín thác, trong một lần viếng thăm ông vào những năm 1980 đã bị bất ngờ trước sự tĩnh lặng nơi phòng làm việc riêng của ông. Ở đó, các tài liệu lưu trữ được xếp ngăn nắp theo thứ tự trong những tủ hồ sơ bằng kim loại, trông cứ thể chúng thuộc về một thời đại nào xa xôi lắm. Ông không hề có hàng đám nhân viên môi giới hay hàng dãy màn hình điện tử giống như Lynch. Trên bàn của Buffett không có các biểu đồ giá, không có cả máy tính – chỉ có một bài báo được cắt ra từ năm 1929 và một chiếc đồng hồ cổ nhỏ bên dưới một cái lồng chụp bằng thuỷ tinh. Chúng là nhân chứng lịch sử duy nhất của các quyết định mua bán mà ông đã thực hiện. Trong khi Lynch bán ngay những cổ phiếu thua lỗ chỉ trong vài tuần lễ thì Buffett sở hữu hầu như cùng một vài loại cổ phiếu hết năm này đến năm khác. Lynch đã cảm thấy vô cùng choáng váng, như thể ông đang đi ngược thời gian vậy.
Vật dụng hiện đại duy nhất mà Buffett sở hữu là một chiếc máy bay phản lực riêng. Ngoài ra, ông không cảm thấy hứng thú với việc tiêu xài số tài sản khổng lồ của mình. Ông không sở hữu các bộ sưu tập nghệ thuật hay những chiếc xe thời thượng, và ông chưa bao giờ quên hương vị của chiếc bánh mỳ kẹp hamburger. Ông sống trong một ngôi nhà bình thường, nơi con đường rợp bóng cây ngay gần chỗ làm việc. Đam mê lớn nhất của ông – và cũng là niềm vui duy nhất – chính là công việc, hoặc như cách ông gọi nó là nơi trú ẩn của ông. Chính tại đây ông đã khám phá ra những bí mật trong đầu tư chứng khoán cũng như để lại bức chân dung tự hoạ của chính mình.
Chương 1
OMAHA
G
iống như viên kim cương lớn nạm vào bờ sông Missouri, Omaha là thành phố kỳ diệu của miền Tây và là điều kỳ diệu của kinh doanh, khả năng và sự tiến bộ.
— QUẢNG CÁO CỦA CÔNG TY ĐIỆN THOẠI, NĂM 1990
Gần như từ ngày bác sĩ Pollard đỡ cậu chào đời, sớm năm tuần và chỉ nặng có sáu cân Anh, Warren Buffett đã mang trong mình niềm đam mê với những con số. Khi còn bé, vào những buổi chiều, cậu và Bob Russell thường ngồi trước cửa nhà trông ra một đại lộ đông đúc của gia đình Russell và ghi lại biển số của những chiếc xe đi ngang qua. Khi trời tối, cả hai vào nhà và mở tờ Omaha World Herald ra, đếm xem mỗi từ xuất hiện bao nhiêu lần và điền vào cuốn vở dày đặc những chuỗi số, cứ như thể chúng nắm giữ câu trả lời cho những câu đố của Euclide. Thông thường, Russell sẽ lấy một cuốn niên giám và đọc to một loạt các thành phố. Sau mỗi cái tên, Buffett sẽ phải cho biết dân số của thành phố đó là bao nhiêu. Nửa thế kỷ sau, Russell hồi tưởng lại: “Tôi đọc tên một thành phố, cậu ấy sẽ nói trúng phóc. Tôi có thể đọc cả những cái tên [lúc đó còn xa lạ] như Davenport, Iowa; Topeka, Kansas; Akron, Ohio. Nếu tôi nói tên 10 thành phố, cậu ấy sẽ trả lời đúng tất cả.” Rồi cả kết quả bóng chày, tỷ lệ tiền cược đua ngựa – mọi con số đều có thể được sử dụng cho trò chơi trí nhớ đầy thách thức này. Ngồi trong nhà thờ Giáo hội Trưởng lão Dundee khi đầu tóc đã chải mượt và quần áo gọn gàng, Buffett dành thời gian đi lễ ngày Chủ Nhật để tính toán tuổi thọ của những người soạn nhạc cho giáo hội. Cậu cũng thường ở trong phòng khách với vợt và bóng, đếm hết giờ này
đến giờ khác. Cậu dường như đang một mình chơi trò chơi kéo dài vô tận là đếm sự giàu có tưởng tượng của mình.
Với đôi mắt xanh, nước da sáng và hai má luôn ửng hồng, Buffett không chỉ bị các con số hấp dẫn mà còn bị cả tiền bạc hớp hồn. Tài sản đầu tiên của cậu là một túi đựng tiền do dì Alice tặng vào dịp Giáng sinh và từ đó trở đi cậu luôn tự hào đeo nó ở ngay thắt lưng. Lên 5 tuổi, cậu mở một quầy bán kẹo cao su trên vỉa hè nhà mình và bán kẹo Chiclet cho người đi đường. Sau đó, cậu chuyển sang bán nước chanh – nhưng không phải trên con đường yên ắng của nhà Buffett nữa mà là trước nhà Russell, nơi có nhiều người qua lại hơn.
Lúc 9 tuổi, Warren và Russell đi đếm nắp chai từ những máy bán sôda tự động tại trạm xăng đối diện nhà Russell. Đây hoàn toàn không phải là trò chơi ngớ ngẩn của trẻ con mà là một loại nghiên cứu thị trường thô sơ. Có bao nhiêu nắp Orange Crush? Bao nhiêu nắp Coca? Bao nhiêu nắp nước giải khát không gas? Hai đứa chở những chiếc nắp về bằng xe đẩy và cất chúng dưới tầng hầm của nhà Warren. Ý tưởng của chúng là tìm hiểu xem nhãn hàng nào có doanh số bán ra cao nhất? Công ty nào là công ty tốt nhất?
Ở cái tuổi mà chỉ có một số ít đứa trẻ có thể hiểu được một công ty là gì thì Warren đã được xem hàng tá cuộn băng giấy ghi chú của cha mình, vốn là một nhà môi giới chứng khoán. Cậu bày chúng la liệt trên sàn nhà và giải mã những ký hiệu xếp hạng từng công ty mà cha mình đã đánh dấu giống như cách của Standard & Poor. Cậu thường tìm kiếm tại sân golf địa phương những trái banh cũ nhưng vẫn còn có thể bán được. Cậu cũng đến đường đua Nebraska và lùng sục trên những sàn nhà đầy mùn cưa tìm kiếm những cuống vé rách bị vứt lại và thi thoảng lại có được một tấm vé thắng giải vô tình bị quẳng đi. Vào những ngày mùa hè oi ả của Nebraska, Warren và Russ thường đi mang gậy golf cho những quý ông giàu có tại câu lạc bộ Omaha Country và kiếm được 3 đô-la mỗi ngày. Vào những lúc
nhá nhem tối, khi hai đứa ngồi đánh đu ở hiên trước nhà Russell trong thời khắc chạng vạng tối ở miền Trung Tây, những đoàn xe Nash và Studebaker cũng như tiếng vang rền của động cơ xe điện thường làm hiện lên trong đầu Warren một suy nghĩ. Tất cả những chiếc xe đó đều di chuyển ngay qua nhà của gia đình Russell, giá mà có cách gì để kiếm ra tiền từ chúng. Mẹ của Russell, bà Evelyn hồi tưởng lại về Warren 50 năm sau đó rằng cậu thường nói với bà: “Nhiều xe cộ như thế cơ mà. Thật tiếc là con không kiếm được tiền từ chúng.” Cậu nói cứ như thể gia đình Russell có thể dựng một quầy thu phí đường bộ ngay trước cửa nhà mình vậy.
Nhưng lấy đâu ra vốn?
Warren là thứ hai trong số ba người con, và là con trai duy nhất trong nhà. Mẹ ông là một người phụ nữ nhỏ nhắn và hoạt bát, xuất thân từ một thị trấn nhỏ thuộc Nebraska. Bà rất nhanh nhẹn và, cũng như rất nhiều phụ nữ khác, rất tận tâm với vai trò chăm lo cho gia đình, đặc biệt là “rất giỏi với những con số”. Cha của Warren là một người nghiêm nghị nhưng rất tốt bụng, ông có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời cậu con trai. Chính ông đã mở cánh cửa ra thế giới cổ phiếu và trái phiếu cho Warren. Về mặt này thì ông đã gieo một hạt giống tốt, thế nhưng sự nhạy bén của Buffett cha trước những con số lại không bằng con trai mình. Và cả khát vọng làm giàu của ông cũng vậy. Nhưng rồi điều gì đã khiến Warren không mấy thiết tha với ngôi nhà đẹp đẽ và thoải mái của mình mà lại lang thang trên các đường đua ngựa cứ như thể đó là một thảm ngọc trai? Điều gì có thể khiến cho nhiều năm sau đó, cậu làm sững sờ những người đồng nghiệp của mình – hết lần này đến lần khác – bằng việc tính nhẩm trong đầu hàng dãy các con số và nhắc lại khối lượng dữ liệu khổng lồ một cách dễ dàng như trước đây cậu nhớ dân số của thành phố Akron? Em gái của cậu, Roberta đã khẳng định rằng: “Điều đó nằm ở trong máu anh ấy.”
Những người xung quanh đều thấy ở gia đình Buffett một tính cách chung rất tiêu biểu đó là sự hoà nhã và dễ chịu. Họ rất có tài trong kinh doanh nhưng cũng rất kỹ lưỡng khi tiêu xài tiền bạc. Người đầu tiên của dòng họ Buffett được biết đến ở Mỹ chính là John Buffett, ông là người Pháp theo đạo Tin lành và là một người thợ dệt vải. Ông kết hôn với Hannah Titus tại Huntington nằm về bờ biển phía bắc của Long Island vào năm 1696. Gia đình Buffett tiếp tục ở lại Long Island và làm nghề nông cho đến tận sau cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, trong con người họ luôn ẩn dấu nhiều tham vọng, thứ vốn vẫn mâu thuẫn với tính cách tằn tiện của gia đình. Năm 1867, Sidney Homan Buffett được thuê khai khẩn đất đai cho chính ông nội mình là Zebulon Buffett. Sau khi nghe mức lương được trả là 50 xu một ngày, Sidney đã cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Anh đã từ bỏ cả nghề nông để đi về miền Tây. Anh theo nghề lái xe ngựa ở Omaha và vào năm 1869 mở một cửa hiệu tạp hoá mang tên S. H Buffett. Khi ấy thành phố Omaha non trẻ vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và công việc kinh doanh của nhà Buffett vì thế cũng chỉ gói gọn trong đời sống thương mại của thành phố, nơi chỉ cách khu rừng mà sau này trở thành văn phòng làm việc của người đàn ông giàu nhất nước Mỹ có một dặm rưỡi.
Ở Omaha ngày đó nhà cửa được xây bằng khung gỗ, nằm dựa lưng vào những dốc đứng gồ ghề dọc sông Missouri. Mặc dù trước cửa các ngôi nhà đều có vẻ bằng phẳng song cả thị trấn lại nằm trên một vùng đất có địa hình đồi núi. Khu vực này vẫn còn là một nơi vắng vẻ tiêu điều cho đến tận năm 1854, khi một hiệp ước với những người da đỏ Maha (sau này là người Omaha) cho phép dân nhập cư đến sống trong lãnh thổ Nebraska. Nhưng thời điểm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của Omaha sau này lại là năm 1859, Abraham Lincoln, khi ấy còn là một luật sư trong ngành đường sắt, năm đó đã viếng thăm vùng này và cắt lấy một phần đất của nó để làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay không có khả năng thanh toán. Vài năm sau đó,
Tổng thống Lincoln đã chỉ định thành phố này là ga phía Đông của tuyến xe lửa Union Pacific[1].
Sidney Buffett mở cửa hiệu của mình vào thời điểm thật thích hợp, chỉ ba tháng sau khi các tuyến đường ray tại đây được nối với các vùng lân cận. Omaha trở thành điểm xuất phát lý tưởng cho các đầu máy xe lửa chạy xuyên qua các vùng đồng bằng. Nó nhanh chóng tràn ngập những người đến định cư, những người đầu cơ, cựu binh sĩ thời nội chiến, nhân viên đường sắt, những kẻ được ra tù và cả gái mại dâm, nhiều người trong số họ tình cờ đến với cửa hàng của Buffett, nơi anh bán đủ thứ từ thịt chim cút, vịt rừng cho đến gà gô. Người ông Zebulon rất hoài nghi về triển vọng của cậu cháu trai. Trong bức thư viết cho đứa cháu 21 tuổi của mình, Zebulon nhấn mạnh rằng sự thận trọng trong kinh doanh là khẩu hiệu của dòng họ Buffett:
Cháu đừng mong có thể kiếm được nhiều tiền ở đó, ông chỉ hy vọng công việc kinh doanh của cháu sẽ tốt đẹp hơn vào mùa xuân. Nhưng nếu cháu không thể làm được điều đó, hãy từ bỏ kịp thời để thanh toán hết nợ nần và giữ lại chữ tín cho mình, bởi vì nó còn quan trọng hơn cả tiền bạc.
Tuy nhiên, khi thành phố non trẻ trở nên thịnh vượng, Sidney cũng phất lên cùng nó. Vào những năm 1870, Omaha đã có những ngôi nhà với kiến trúc bằng sắt và một nhà hát kịch lớn. Vào lúc chuyển giao thế kỷ, nó đã có những toà nhà chọc trời, tháp treo và dân số 14.000 người với tốc độ phát triển nhanh chóng. Sidney dựng một cửa hiệu lớn hơn và đưa hai con trai mình vào con đường kinh doanh. Người con trai bé hơn, Ernest – sau này là ông nội của Warren – có tài năng kinh doanh xuất sắc nhất trong gia đình. Cậu đã cãi vã với anh trai vì một cô gái và rồi kết hôn được với cô ấy; chính vì thế mà sau này họ không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Năm 1915, Ernest rời khỏi cửa hàng ở trung tâm thành phố và mở một cửa hàng mới – có tên là Buffett & Son – ở khu phía Tây.
Một lần nữa, việc xác định thời điểm của nhà Buffett thật là sắc sảo. Người dân Omaha lúc đó đang dịch chuyển dần từ phía Đông sang phía Tây. Cảm nhận được những cơ hội tiềm tàng ở vùng ngoại ô, Ernest đã gây dựng việc kinh doanh giao hàng và trả tiền sau. Chẳng bao lâu, những người đầu bếp của các gia đình giàu có trong vùng đều gọi điện tới cửa hàng Buffett & Son để đặt hàng. Công việc kinh doanh phát triển song Ernest vẫn tiếp nối phong cách chi tiêu chặt chẽ của gia đình. Ông chỉ trả những người coi kho hàng có 2 đô-la cho mỗi ca làm 11 giờ mà vẫn kèm theo một bài diễn thuyết về sự xấu xa của quy định đồng lương tối thiểu và sự vô lý của cái gọi là nhiệm vụ phải đóng góp cho một xã hội công bằng. Với dáng người cao lớn và oai vệ, Ernest không điều hành cửa hàng mà cai trị nó.
Nhưng Howard, con trai của Ernest và cũng là cha của Buffett lại không hề hứng thú với vai trò làm ông chủ thế hệ thứ ba của cửa hiệu. Ông cũng có đầu óc độc lập giống như cha mình, nhưng thân thiện hơn và không bao giờ quát tháo. Ông đã làm kỹ sư trong một thời gian ngắn tại đường ống dẫn dầu ở Wyoming, nhưng điều thực sự thu hút tâm trí ông lại là lao động trí óc. Tại đại học Nebraska ở Lincoln, Howard làm biên tập cho tờ Daily Nebraska và luôn khao khát có được sự nghiệp trong ngành báo chí. Mặc dù không quá đẹp trai, chàng thành niên này có mái tóc đen nhánh và cái nhìn lôi cuốn. Là chủ tịch hội sinh viên, anh hoàn toàn có thể chọn lựa những cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu. Nhưng vào năm học cuối, Howard lại gặp một cô gái nông thôn, hoàn toàn không có dòng máu quý tộc.
Leila Stahl lớn lên tại West Point, bang Nebraska, một thị trấn hẻo lánh, hoang vắng với dân số 2.200 người. Cha của cô, ông John Ammon Stahl, sở hữu một tờ tuần báo có tên là Cuming Country Democrat. Hầu hết mọi người trong thị trấn đều là người Đức, vì vậy mà gia đình Stahls có nguồn gốc từ Anh quốc bị coi là người ngoài. Mẹ của Leila cảm thấy hết sức cô độc và thường xuyên ốm liệt giường hoặc ở trong tình trạng bị trầm cảm. Leila cùng em trai và hai em gái phải tự lo cho mình; Leila
còn phải phụ giúp bố tại tờ Country Democrate. Từ năm lớp 5 trở đi, Leila thường phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao, sắp chữ bằng tay và sau đó là bằng máy lino. Thỉnh thoảng khi có một đoàn tàu lửa dừng lại tại West Point, cô lao vội lên tàu phỏng vấn hành khách để lấp đầy các cột tin tức. Còn vào các ngày thứ Năm thì cô bé mảnh khảnh thường phải đứng cạnh đuôi của một chiếc máy in lớn, ôm chặt những tờ giấy in báo và cẩn thận kéo từng tờ ra rất đúng lúc. Cũng chính vì thế mà sau này Leila mắc chứng đau đầu nặng do phải gắn chặt với việc in ấn tờ Country Democrat quá lâu.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ở tuổi 16, Leila phải làm việc thêm ba năm nữa để có đủ tiền theo học tại trường Lincoln. Cô đến văn phòng của Howard Buffett để tìm một công việc tại tờ Daily Nebraska sau khi đã trải qua thời niên thiếu khắc nghiệt và vì thế có cái giọng điệu chua cay và một tính cách hài hước đầy châm biếm. Cô chỉ cao có hơn thước rưỡi, khá xinh xắn với những đường nét nhẹ nhàng và mái tóc nâu gợn sóng. Như cô nói, chuyên ngành của cô là “xây dựng gia đình” – đó không phải là điều hoàn toàn bất hợp lý đối với một cô gái đang đối mặt với nguy cơ phải trở về quê ở West Point.
Howard thuê cô và nhanh chóng đề nghị được hẹn hò với cô. Cả hai người dường như đều bị hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi sắp đến ngày tốt nghiệp, Howard cầu hôn Leila. Cha cô là John Stahl, một người đàn ông có học thức, luôn hy vọng con gái mình sẽ hoàn tất chương trình đại học, nhưng vẫn chúc phúc cho đôi trẻ. Đám cưới được tổ chức tại West Point một ngày sau lễ Giáng sinh năm 1925 trong cái lạnh âm 10oC. Theo cuốn hồi ký mà Leila viết cho những đứa cháu mình thì Howard sau đó đã nói với bà rằng: “Khi anh cưới em, đó là điều tốt đẹp nhất mà anh đã từng làm.” Chẳng có ai kịp nghĩ tới tuần trăng mật. Ngay sau khi đám cưới kết thúc, họ lập tức lên xe buýt tới Omaha.
Howard được mời làm cho một tờ báo, công việc mà anh mong muốn, nhưng một người bạn của cha anh đã để dành cho anh
một công việc với mức lương 25 đô-la một tuần trong một công ty bảo hiểm. Sự nhượng bộ của Howard là điều dễ hiểu. Như Leila nói: “Anh ấy chiều theo ý của cha, người đã trang trải hết chi phí học hành cho anh.”
Hai vợ chồng chuyển tới ngôi nhà một tầng làm bằng ván che màu trắng có lò sưởi đốt than đá trên đại lộ Barker. Đối với Leila, đó là một khởi đầu khó khăn. Lớn lên dưới sự nuôi nấng của một người mẹ ốm yếu, cô đã không được chuẩn bị cho vai trò nội trợ trong gia đình. Vì Howard sử dụng chiếc xe hơi nên Leila phải đi bộ ra đón xe điện để đi làm khi cô nhận việc in ấn hay làm thư ký tạm thời – công việc đôi khi còn kiếm được nhiều tiền hơn cả Howard trong những năm tháng đầu tiên đó. Sau giờ làm cô lại trở về với hàng đống việc nhà. Năm 1927, Leila trải qua một ca phẫu thuật mắt, sau ca phẫu thuật này chứng đau đầu của cô lại tái phát. Một năm sau đó, khi Doris, đứa con gái đầu lòng của họ chào đời, Leila đã bị sốt cao tới 40,5oC, khiến mọi người hoảng hốt. Nhưng hai năm sau, cô lại sinh hạ một cậu con trai, đặt tên là Warren Edward. Đó là một ngày hè ẩm ướt – ngày 30/8/1930 – một cơn mưa bất chợt làm dịu đi cái nóng 32oC.
Ngay từ khi còn bé, Warren đã tỏ ra cẩn trọng hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi cậu nhóc học đi, hai đầu gối cậu lúc nào cũng cong khuỵ xuống, như để chắc chắn rằng cậu sẽ không bị ngã đau. Khi mẹ cậu đưa cậu và chị Doris đi lễ nhà thờ, Doris thường khám phá lung tung và bị lạc trong khi Warren chỉ đứng khép nép bên cạnh mẹ. Leila viết rằng: “Tôi chẳng gặp rắc rối nhỏ nào với thằng bé cả.”
Trong một bức hình chụp khi Warren lên 2 tuổi, trông cậu chắc mập với mái tóc vàng hoe, đi giày buộc dây và tất trắng, một tay nắm chặt một cục gỗ hình lập phương, thoáng mỉm cười và mắt nhìn đăm đắm. Tóc cậu lúc đầu có màu đỏ vàng, sau thì chuyển thành nâu nhưng tính khí thì vẫn không hề thay đổi. Cậu không đi lang thang đến những chỗ mình không biết và cũng không
bao giờ gây rắc rối hay đánh nhau. Roberta, cô em gái nhỏ hơn Warren 3 tuổi sẽ bảo vệ cậu khỏi những kẻ hay bắt nạt. Có lần Howard mang về nhà vài đôi găng tay đấm bốc và gọi một cậu bé hàng xóm về để thi đấu với cậu. Leila kể lại rằng: “Sau này Warren chẳng bao giờ đụng đến chúng nữa.” Cậu hiền lành đến nỗi các chị gái và những người khác trong gia đình luôn có bản năng bảo vệ cho cậu. Cậu dường như chẳng bao giờ sẵn sàng để đánh nhau.
Những năm đầu của Warren cũng là thời gian khó khăn đối với gia đình Buffett. Howard làm nhân viên kinh doanh cổ phiếu tại ngân hàng Union Street Bank. Ông Ernest với tính cách chặt chẽ luôn cho rằng đó là một nghề không chắc chắn. Ông thu gọn suy nghĩ của mình trong một bức thư gửi cho chú Clarence của Warren như sau:
Ta biết tất cả những gì cần phải biết về chứng khoán, và nói ngắn gọn lại thì nó có nghĩa là bất kỳ kẻ nào đủ kiên nhẫn để dành dụm từng đồng đô-la cho tới tận khi hắn ta 50 tuổi chỉ là một gã ngu ngốc chết tiệt trên thị trường.
Howard viết nguệch ngoạc ngoài lề bức thư: “Một người ủng hộ nhiệt thành cho công việc kinh doanh của tôi.” Tuy nhiên, cùng năm đó ông Ernest đã tỏ rõ khả năng phán đoán chính xác của mình. Ngày 13/8/1931 – chưa đầy hai tuần trước sinh nhật đầu tiên của Warren – cha cậu đi làm về và cho biết rằng ngân hàng nơi ông làm việc đã phải đóng cửa. Sự việc đó chính là dấu hiện đầu tiên cho thấy lòng tin vào triển vọng của nền kinh tế đang lụi tắt dần trước bóng ma đen tối của cuộc Đại Khủng hoảng. Bị mất việc, tiền bạc dành dụm được cũng ra đi. Ernest chỉ cho con trai mình chút ít thời gian để thanh toán các khoản nợ nần – một liều thuốc cay đắng, vì Howard thừa hưởng thái độ làm cao không thèm vay mượn của dòng họ Buffett. “Hãy giữ lấy chữ tín, bởi vì nó quan trọng hơn tiền bạc.” Mọi việc trở nên u ám đến nỗi ông đã phải cân nhắc đến chuyện chuyển cả gia đình về lại West Point.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Howard tuyên bố công ty Buffett, Sklenicka & Co đã mở văn phòng tại toà nhà ngân hàng Union Street Bank trên đường Farnam – cũng là nơi sau này Warren sống và làm việc. Howard và cộng sự là George Sklenicka quảng cáo khắp nơi: “Chứng khoán đầu tư, Trái phiếu địa phương và các Công ty dịch vụ công cộng, cổ phiếu và trái phiếu.” Giờ đây Howard bỏ tiền đầu tư vào sự can đảm và ý chí của mình, vì sự sụp đổ của thị trường đã làm dân chúng hoàn toàn mất lòng tin. Thoạt đầu Omaha dường như vẫn bình an vô sự trước cuộc Đại Suy thoái, nhưng đến năm 1932, lúa mì mất giá nghiêm trọng và những người nông dân bắt đầu phải đến các bếp ăn từ thiện. Thành phố Omaha trung thành với chủ nghĩa cộng hoà đã bỏ phiếu cho Roosevelt với chiến thắng áp đảo; năm kế tiếp, 11.000 người đã đăng ký được cứu trợ. Ra đời trong thời gian khó khăn nhất, công ty Buffett Sklenicka thoạt đầu dường như chỉ tồn tại như một cái tên – một nơi để Howard có chỗ đến và làm chút việc để được hưởng hoa hồng. Những thương vụ đầu tiên của ông đến rất thưa thớt và các khoản hoa hồng thì nhỏ bé. Ernest, khi đó là chủ tịch của tổ chức Omaha Rotary, nói với những hội viên của ông rằng đứa con trai có thiện chí của mình không biết gì về cổ phiếu, ông khuyên họ không nên giao phó tiền của mình cho Howard. Leila phải xoay sở vất vả để sửa soạn bữa tối, vậy mà cô vẫn thường hay nhịn đói để dành phần ăn cho chồng con. Gia đình của họ túng quẫn đến nỗi Leila phải thôi không đi lễ nhà thờ nữa vì muốn tiết kiệm 29 xu để mua một pound cà phê.
Gia đình Buffett còn phải chịu đựng sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Trung Tây, thứ dường như đang bị cuộc Đại suy thoái làm cho tồi tệ thêm. Leila viết: “Cuộc Đại suy thoái bắt đầu với cái nóng kinh khủng 44,5oC.” Những cơn bão cát thổi vào từ Oklahoma vào khiến người dân Omaha phải đóng kín cửa nhà lại để ngăn châu chấu mà vẫn không mấy tác dụng. Trong ngày sinh nhật lần thứ tư của Warren, một cơn gió cực kỳ khô hanh đã thổi bay những chiếc đĩa giấy và khăn ăn khỏi bàn và chôn vùi hàng hiên trước nhà trong bụi đỏ. Warren và Doris
chịu đựng cái nóng nghẹt thở bên ngoài, đợi người bán kem xuất hiện từ chiếc xe ngựa để mua những miếng kem mút. Thế nhưng thứ còn tồi tệ hơn cả cái nóng chính là cái lạnh buốt giá vào mùa đông. Mặc kín quần áo, Warren và chị gái thường phải đi bộ qua tám dãy nhà dài để tới trường Columbia trong thời tiết lạnh tê cóng, đến nỗi những người bán hàng đều phải để xe của họ tiếp tục nổ máy khi ghé thăm nơi nào đó vì sợ sẽ không thể khởi động lại được động cơ.
Nhưng khi Warren bắt đầu đến trường thì gia cảnh nhà cậu đã khá lên nhiều. Khi cậu được 6 tuổi, gia đình Buffett chuyển tới một ngôi nhà gạch rộng rãi kiểu Tudor có mái dốc lợp ván trên đường 53 Phía Bắc ở vùng ngoại ô. Kể từ đó, những khoảng thời gian khó khăn của gia đình không bao giờ được nói đến; chúng đã bị quẳng ra khỏi tâm trí.
Tuy nhiên, chúng dường như lại ảnh hưởng nặng nề đến Warren. Những năm tháng đầu tiên đầy khó khăn đó đã nuôi dưỡng trong cậu một khát vọng là phải trở nên rất, rất giàu có. Cậu bắt đầu nghĩ đến điều này khi chưa đầy 5 tuổi. Và kể từ đó, cậu hầu như không bao giờ thôi nghĩ về nó.
Khi Warren lên 6, gia đình Buffett có một chuyến đi nghỉ hiếm hoi đến hồ Okoboji, phía bắc Iowa. Ở đó, cậu đã cố mua bằng được một lốc 6 lon Coca với giá 25 xu và dạo quanh khắp khu nghỉ mát, bán chúng với giá 5 xu mỗi lon để kiếm chút lời. Trở lại Omaha, vào những tối mùa hè, cậu mua đồ uống có ga từ cửa hàng tạp hoá của ông nội và đến tận cửa nhà mọi người để bán chúng trong khi những đứa trẻ khác rong chơi trên đường.
Từ đó trở đi, những nỗ lực của Warren không bao giờ chấm dứt. Và việc kiếm tiền của cậu là hoàn toàn có mục đích. Cậu không nghĩ đến việc kiếm chút tiền tiêu vặt mà nghĩ đến việc thực hiện khát vọng vĩ đại của mình.
Khi Warren 7 tuổi, cậu phải nhập viện vì một cơn sốt không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ đã cắt bỏ ruột thừa nhưng cậu vẫn yếu đến nỗi các bác sĩ sợ rằng cậu sẽ không qua khỏi. Thậm chí khi cha cậu mang món mì mà cậu thích nhất đến, Warren cũng không chịu ăn. Vậy mà khi còn lại một mình trên giường bệnh, cậu lấy ra một cây bút chì và điền đầy các con số vào một tờ giấy. Cậu nói với cô y tá chăm sóc mình rằng những con số này tượng trưng cho tài sản của cậu trong tương lai. Warren nói một cách vui vẻ: “Giờ thì cháu không có nhiều tiền, nhưng một ngày nào đó cháu sẽ có được số tiền lớn như trong tờ giấy này.” Trong cơn nguy kịch, cậu bé Warren đã tìm kiếm sự nâng đỡ không phải từ món mì mà là từ giấc mơ về sự giàu có.
Howard Buffett thề sẽ không để Warren phải trải qua những tháng ngày gian khổ như mình. Ông cũng cho rằng là một người cha, ông sẽ không bao giờ theo gương ông Ernest là làm mất đi sự kính trọng của con trai. Ông lúc nào cũng bày tỏ sự tin tưởng ở Warren và ủng hộ con trong mọi việc cậu làm. Và mặc dù Warren rất giống mẹ ở tính cách hoạt bát, nhưng thế giới đối với cậu lại xoay quanh người cha.
Với chiều cao 1 mét 82, Howard to lớn hơn rất nhiều so với các thành viên khác trong gia đình, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ông làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, sở hữu không chỉ một công ty môi giới riêng mà còn thêm cả công ty South Omaha Feed Co., một công ty nhỏ cạnh bãi chăn nuôi gia súc lớn của Omaha. Tuy nhiên, ông không bị kích thích bởi tiền bạc; đam mê của ông là tôn giáo và chính trị. Howard là một người đạo đức, có ý thức về bản thân và có lòng tin tôn giáo mạnh mẽ, một sự bảo thủ đôi khi cực đoan. (Theo như một chủ ngân hàng địa phương thì: “Ông ấy là người chỉ đi theo lẽ phải của Chúa.”)
Cho rằng Roosevelt đang làm suy yếu đồng đô-la, Howard cho các con mình những đồng tiền vàng và mua những thứ xinh đẹp để trang trí cho ngôi nhà – đèn treo bằng pha lê, đồ dùng
nhà bếp bằng bạc thật, thảm lót sàn theo kiểu phương Đông – ông làm tất cả những điều này với quan điểm rằng những vật hữu hình có giá trị hơn là tiền giấy. Ông thậm chí còn tích trữ thực phẩm đóng hộp và mua một trang trại, dự tính sẽ dùng nó làm chỗ trú ẩn cho gia đình khỏi sự tàn phá của lạm phát.
Howard cũng luôn theo đuổi một nguyên tắc còn bền vững hơn bất kỳ quan điểm chính trị nào của ông, đó là thói quen suy nghĩ độc lập. Khi những đứa con vây quanh mình, Howard thường nhắc tới câu châm ngôn mà ông rất ưa thích của Emerson:
Người vĩ đại chính là người dù ở giữa đám đông vẫn duy trì một cách hoàn hảo tinh thần độc lập như khi ở một mình.
Howard dạy cho các con mình về rất nhiều các giá trị, cả tôn giáo lẫn thế tục. Ông dạy một lớp giáo lý Chủ nhật dành cho người lớn nhưng cũng làm việc trong ban điều hành của một ngôi trường công lập. Hầu như không tuần nào ông không nhắc nhở Warren và các con gái về bổn phận của họ – không chỉ với Đức Chúa mà còn cả với cộng đồng. Ông thường nói với chúng: “Không ai buộc các con phải gánh lấy toàn bộ gánh nặng này – nhưng các con cũng không được phép bỏ phần của mình xuống.”
Có lẽ, cũng giống như những người cùng thế hệ với mình, Howard không chỉ thuộc lòng những câu cách ngôn kiểu đó mà còn cố gắng hiện thực chúng trong cuộc sống. Ông không bao giờ nhậu nhẹt hay hút thuốc. Khi cổ phiếu của một khách hàng đầy thiện chí của ông mất giá thê thảm, Howard cảm thấy muộn phiền và ông sẵn sàng mua lại chúng vào tài khoản của mình.
Khi ai đó kể với ông về một tệ nạn xã hội nào đó, ông sẽ đáp lại: “Anh là một công dân tốt. Anh sẽ làm gì trước tình trạng đó.”
Ông rất hay ngồi trên chiếc ghế da màu đỏ trong phòng khách, bên chiếc máy hát đĩa bật những bản nhạc của Stephen Foster hay những bài Thánh ca và hành khúc. Như một thói quen, vào Chủ nhật, ông thường đưa gia đình đến ăn tối tại nhà hàng dùng toàn đồ đạc bằng đất nung rất đông đúc có tên Union Station và sau đó tới tiệm kem Evans Ice Cream trên đường Center Street. Và dù luôn vận com-lê đen lịch thiệp, lúc nào người ta cũng thấy trên gương mặt ông nụ cười dễ chịu. Herbert Davis, trước kia là cộng sự của Howard nói: “Anh ấy hội tụ tất cả những tính cách mà mọi người mong muốn ở một người cha.”
Những đứa con của ông rất sợ làm ông thất vọng. Doris từ chối ngồi cùng với những đứa bạn đang uống bia vì sợ cha trông thấy và cho rằng mình cũng giống bọn chúng. Roberta nhớ lại: “Tất cả các nguyên tắc đối với ông đều là tối thượng. Bạn cảm thấy mình buộc phải là một người tốt thực sự.”
Warren lý tưởng hóa cha mình nhất. Cậu rất thân mật, thoải mái và dễ chịu khi ở gần ông. Một lần nọ, khi ở trong nhà thờ, Warren đã nói với cha mình lúc đó đang hát thánh ca sai điệu: “Cha à, cả hai cha con mình đều có thể hát nhưng chúng ta không thể hát cùng một lúc với nhau được đâu.” Howard đã trìu mến gọi con trai mình là “Quả cầu lửa.”
Khi Warren 10 tuổi, Howard dẫn cậu lên New York trên một chuyến tàu đêm. Đó là việc ông vẫn làm với từng đứa con của mình. Leila tiễn Warren ra đi trong tư thế nắm tay “người bạn tốt nhất” và cặp cuốn sách sưu tập tem to đùng của mình dưới cánh tay. Lịch trình của họ bao gồm một trận bóng chày, một buổi triển lãm các con tem và “một địa điểm có bán xe lửa đồ chơi hiệu Lionel”. Tại Phố Wall, Warren đã đi thăm sở giao dịch chứng khoán.
Trước đó Warren đã bị chứng khoán hút hồn cũng giống như những đứa trẻ khác bị những chiếc máy bay mô hình quyến rũ. Cậu bé thường xuyên ghé thăm công ty môi giới chứng khoán
của cha mình, nơi lúc ấy đã trở nên thịnh vượng và vừa mới chuyển đến tòa nhà Omaha National Bank với những cột đá cẩm thạch tại đường số 17 và Farnam. Nấp sau những song sắt sơn vàng trên văn phòng của cha mình, Warren nhìn chăm chú vào các chứng chỉ cổ phiếu và trái phiếu, trong mắt cậu chúng có một sức cám dỗ kỳ diệu. Cậu thường chạy xuống công ty môi giới chứng khoán Harris Upham nằm trong cùng tòa nhà, nơi có rất nhiều người trong ngành tài chính tại Omaha lui tới để tham khảo giá cả thị trường chứng khoán. Jesse Livermore, nhà đầu cơ khét tiếng tại East Coast, thường ghé qua đó khi ông ta vào thị trấn, viết nguệch ngoạc lệnh đặt mua hay bán các cổ phiếu vào một mảnh giấy rồi lặng lẽ rời đi. Các nhà môi giới của Harris Upham còn làm cậu bé vô cùng thỏa mãn bằng cách cho phép cậu ghi giá của các cổ phiếu lên bảng lớn.
Ở nhà, Warren cũng bắt đầu tự vẽ các biểu đồ giá cổ phiếu cho mình. Cậu theo dõi sự lên xuống của chúng và mê mẩn với ý tưởng giải mã được quy luật. Khi 11 tuổi, cậu quyết định hành động và mua ba cổ phiếu của công ty Cities Service lúc đó đang được mọi người ưa thích cho mình cùng với ba cổ phiếu nữa cho chị gái Doris với giá 38 đô-la. Doris nhớ lại: “Lúc đó tôi biết cậu ấy hiểu mình đang làm gì. Cậu ấy sống và hít thở với những con số.” Nhưng cổ phiếu của công ty Cities Service sau đó rớt giá thê thảm xuống còn 27 đô-la. Họ bồn chồn lo lắng, nhưng rồi nó lại hồi phục lên 40 đô-la, lúc đó Warren quyết định bán ra và thu về một khoản lãi thực sau khi đã trừ hoa hồng môi giới 5 đô-la. Nhưng ngay sau đó, giá của cổ phiếu này lại leo lên tới tận 200 đô-la. Đó chính là bài học đầu tiên về sự kiên nhẫn dành cho cậu.
Warren còn làm tốt hơn tại trường đua ngựa. Bị hấp dẫn bởi môn xác suất trong toán học, cậu và Russ đã cho ra đời một kênh mách nước cho những người chơi cá cược đua ngựa. Sau vài ngày, nhận thấy mình đã đưa ra những chỉ dẫn đúng, hai cậu bé đã viết ra một tờ giấy những con số mà mình lựa chọn rồi gắn vào đó biểu ngữ “Sự lựa chọn của hai kẻ làm việc trong
chuồng ngựa”; sau đó chúng mang cả đống bản phô tô đến trường đua Ak-sar-ben. Russell kể lại: “Chúng tôi nhận ra là mình có thể bán được những mảnh giấy đó. Chúng tôi vẫy tay mời chào mọi người với lời rao: “Hãy mua ‘Sự lựa chọn của hai kẻ làm việc trong chuồng ngựa.’ Nhưng chúng tôi không có giấy phép nên họ đã không cho chúng tôi bán thứ đó nữa.”
Những khám phá của Warren luôn dựa trên những con số, thứ mà cậu tin tưởng nhất. Cậu không hề tán thành sự sùng bái tôn giáo của gia đình. Ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, cậu đã quá tôn thờ các nguyên tắc toán học và logic đến nỗi không thể tiến được một bước lớn nào trong việc tiếp nhận niềm tin tôn giáo. Cậu tiếp thu những tư tưởng đạo đức của cha mình nhưng không hề tin vào thần thánh vô hình. Và với một con người, nhất là một cậu bé, vốn rất thành thật trong những suy nghĩ của mình thì những lý luận logic chưa được luyện rèn đó chỉ có thể mang đến một nỗi sợ hãi kinh hoàng – đó là cái chết. Và Warren bị ám ảnh bởi điều này.
Hàng tuần, dù tuyết có dày đến 1,2 mét thì Leila và Howard cũng bắt Warren phải đi tham dự lớp giáo lý ngày Chủ nhật. Nhưng việc này không hề cứu vớt cậu khỏi nỗi sợ hãi ấy. Khi ngồi trong nhà thờ và tính toán tuổi thọ của những giáo sĩ, cậu có một mục đích. Cậu muốn biết liệu niềm tin có giúp con người sống thọ hơn hay không. Chỉ có điều đối với cậu đó không phải niềm tin về một thế giới bên kia như của một người tín đồ mà là mong ước được sống lâu hơn trong chính thế giới này.
Warren và Bob Russell thường ngồi ở hiên trước nhà Russell, trong sự tĩnh mịch của buổi chiều. Trong một lần như thế, dường như được một cơn gió xoáy miền thảo nguyên bất ngờ thôi thúc, Warren đã thốt lên: “Russ à, có một thứ mà tớ sợ. Tớ sợ chết.” Hầu như năm nào cũng có lần cậu nói đến chuyện đó – thường xuyên đến nỗi nó khắc sâu vào trí nhớ của Russ. Nó dường như tách biệt với những thứ khác mà Russell biết về Warren, một người vốn rất sôi nổi và hoạt bát. Thỉnh thoảng
Russell lại bỏ thức ăn vào đáy một hộp sữa và bẫy một con chim vào đó, và lần nào cũng vậy Warren năn nỉ bạn mình đừng làm hại nó. Russell có thể kéo sợ dây buộc nắp hộp sữa và thả cho con chim ra. Nhưng cậu lại không thể giải phóng được Warren khỏi chính nỗi sợ hãi trước sự hữu hạn của cuộc sống.
Russell thường nói: “Nếu cậu làm những việc mà Chúa ban cho cậu tài năng để làm thì cậu sẽ thành công và giúp đỡ những người khác. Như thế cậu sẽ chết thanh thản.”
Nhưng Warren đáp lại: “Mình chỉ sợ.”
Russell, một người theo đạo Thiên Chúa thì lại không hiểu được nỗi sợ hãi đó. Cậu ta thường hỏi nó xuất phát từ đâu, tại sao một người đã đạt được nhiều thứ như vậy lại phải lo lắng đến thế. Nhưng có một nguyên do khác nằm trong cuộc sống gia đình của Warren mà Russell không biết tới.
Nhìn bề ngoài, gia đình Buffett có vẻ là một gia đình lý tưởng: khá giả, có đạo đức tốt và biết yêu thương nhau. Và đó là sự thực. Leila thường nói về ngày mình gặp Howard là “ngày may mắn nhất cuộc đời tôi.”
Cô đối xử với chồng như với một vị vua – một vị vua nhân từ, nhưng dù thế nào vẫn là kẻ thống trị. Là một phụ nữ thực tế, Leila cũng có những quan điểm của riêng mình về cổ phiếu, nhưng cô không bao giờ nói với Howard những điều này. Thậm
chí ngay cả khi bị đau đầu trầm trọng, Leila cũng cẩn thận không quấy rầy hoặc làm phiền chồng trong khi đang đọc sách. Mục đích của cô là làm một người vợ hoàn hảo. Bạn bè của Howard biết đến cô như một phụ nữ nhỏ nhắn và vui vẻ với một nụ cười tươi – dịu dàng và thân thiện, luôn luôn nói năng ríu rít giống như bà phù thủy tốt bụng của phương Bắc.
Nhưng khi việc cố gắng làm một người vợ hoàn hảo khiến cô quá căng thẳng, cô thường đổ mọi chuyện lên đầu các con mình trong sự phẫn nộ cùng cực. Không hề cảnh báo trước, người mẹ
g ự p ộ g ự g g ẹ vui vẻ này có thể trở nên rất giận dữ trong giây lát và quát tháo những đứa trẻ không thương xót, đôi khi liên tục trong hàng giờ đồng hồ. Cô chửi rủa và chê bai những đứa con mình. Chẳng có thứ gì chúng làm là tốt đẹp cả. Cô so sánh, chỉ trích và bới móc mọi lỗi lầm của chúng mà cô có thể tưởng tượng ra.
Trong cơn thịnh nộ, cô dường như bị quỷ dữ chế ngự. Không điều gì mà Warren và những người chị của cậu làm có thể thoát khỏi con mắt của cô; cô không bỏ qua bất kỳ một sự vi phạm nào, cho dù nhỏ bé đến đâu và bao giờ cũng quở trách rất dữ dội.
Thậm chí ngay cả khi chúng không hề làm điều gì sai, cô cũng tự tưởng tượng ra lỗi lầm của chúng.
Theo như Warren và các chị cậu thì tâm trạng của mẹ Leila hoàn toàn không thể đoán trước được. Chính vì thế mọi chuyện càng trở nên đáng sợ hơn. Nếu bị cô phát hiện thì chắc chắn chúng sẽ không có đường thoát. Cô là một phụ nữ mạnh mẽ, mạnh mẽ giống như cô bé đã sử dụng được máy đánh chữ Linotype khi mới ở tuổi 11. Nếu những đứa trẻ muốn trốn khỏi những lời quát nạt của mẹ, cô sẽ cáu lên: “Mẹ chưa nói xong mà.” Nhưng rồi đột nhiên, cơn thịnh nộ tan biến. Và cô lại trở về hình hài một người phụ nữ nhỏ nhắn dịu dàng.
Một lần nọ, trong những năm tháng sau này, một trong số những người con của Warren đang ở nhà do được nghỉ học đã gọi điện cho bà Leila để thăm hỏi. Nhưng bà đã đột nhiên trút lên cậu tất cả sự giận dữ. Bà gọi cậu bé là một kẻ tệ hại khi không gọi điện hỏi thăm mình thường xuyên hơn và liệt kê chi tiết vô số những điều mà bà cho là xấu xa trong tính cách của cậu bé, cứ như thế liên tục trong hai giờ liền. Khi cúp điện thoại xuống, cậu bé đã khóc. Warren chỉ nói giọng nhẹ nhàng: “Bây giờ con đã biết bố cảm thấy mỗi ngày trong đời mình như thế nào rồi đó.”
Một thời gian sau khi Leila rời khỏi West Point, gia đình cô đã gặp phải những thảm kịch liên tiếp. Một người chị của cô tự vẫn; một người chị khác cùng với mẹ thì bị đưa vào trại từ thiện.
Nhưng may mắn thay, sau những cơn điên khùng và mất cân bằng cảm xúc nghiêm trọng, Leila cũng đã qua khỏi được.
Warren và các chị gái luôn phải tự mình đối phó với những cơn thịnh nộ của mẹ. Hoàn toàn không có ai trong gia đình Buffett bàn luận về vấn đề này. Một buổi sáng nọ, khi Warren còn nhỏ, Howard đi xuống cầu thang và cảnh báo cậu: “Mẹ con lại đang giận dữ đấy.” Nhưng thường xuyên sau khi Howard đã rời khỏi nhà, Warren và các chị sẽ lắng nghe giọng nói của mẹ và cảnh báo cho nhau. Cha mẹ chúng không hề cãi vã, xung đột là chuyện giữa Leila và những đứa trẻ. Và đó là một cuộc xung đột mà Warren và các chị của cậu không bao giờ có cơ hội chiến thắng.
Warren đối phó với cuộc chiến vô vọng này bằng cách không chống trả lại. Chị Roberta của cậu nhớ lại: “Cậu ấy không điên lên mà giữ nó trong lòng.” Jerry Moore, người sống bên kia đường, quan sát thấy Warren không đấu tranh với ai. Cậu tránh xa mọi va chạm thường tình trong khu xóm – tránh bất kỳ kiểu xung đột nào.
Cậu không tâm sự về chuyện nhà mình với bạn bè, và cũng không có điều gì trong tính cách lạc quan của cậu làm lộ ra những điều đó. Nhưng một vài người bạn nhận thấy Warren thường dành nhiều thời gian ở nhà chúng hơn là ở nhà của chính cậu. Mẹ Russell thường hay nói: “Tôi hết cho nó đi ra ngoài với con mèo và rồi lại sai đem vào bịch sữa.” Byron Swanson, một người bạn cùng lớp, thường về nhà – trong khoảng thời gian thanh bình khi những người Mỹ đi ra ngoài mà không cần khóa cửa – và thấy Warren đang ngồi một cách ngây thơ trong căn bếp nhà mình, uống Pepsi và ăn khoai tây chiên. Walter Loomis cho hay mẹ cậu thường phải đuổi khéo Warren ra ngoài khi cha của Loomis về để cả nhà có thể dùng cơm tối. (Mỗi khi hồi tưởng lại, Loomis nói: “Thật tồi tệ, chúng tôi đã phải đuổi cậu ấy ra ngoài.”)
Sau này, cậu con trai Peter của Warren tự hỏi rằng phải chăng thành công của bố mình một phần là do được thôi thúc bởi khát khao thoát khỏi ngôi nhà đó. Câu hỏi này không có câu trả lời, nhưng rõ ràng là ông có khao khát được ở một nơi nào đó khác. Warren thường ngồi ở thang thoát hiểm tại trường tiểu học Rosehill và tuyên bố dứt khoát với những người bạn thân của mình rằng cậu sẽ trở nên giàu có trước tuổi 35. Cậu chưa bao giờ là một kẻ khoe khoang, khoác lác hay tự cao tự đại. Đó là điều duy nhất câu để lộ về bản thân mình.
Warren thường vùi đầu vào cuốn sách ưa thích của mình có tên Một nghìn cách để kiếm 1.000 đô-la, đó là một lời cổ vũ cho những tỷ phú tương lai với những câu chuyện như Tạo dựng một công việc kinh doanh tại nhà và Bà MacDougall biến 38 đô
la thành một triệu đô-la như thế nào. Warren tưởng tượng về mình một cách sinh động như thể chính cậu là nhân vật trong phần minh họa – đứng bên một núi tiền xu cao ngất ngưởng, thứ sẽ mang lại cho cậu nhiều hạnh phúc hơn bất kỳ núi kẹo nào. Rõ ràng cậu là người đọc được những giấc mơ của tác giả – cậu cũng nắm bắt tốt những lời khuyên trong cuốn sách để bắt đầu bất kỳ kế hoạch nào mà cậu chắc chắn sẽ không chờ đợi lâu.
Tại đường số 52, mọi người biết đến Warren như một con mọt sách. Cậu còn được công nhận là người có “trí nhớ kiệt xuất”. Cậu khá to lớn hơn so với tuổi của mình và thích chơi thể thao tuy còn đôi chút lóng ngóng. Tuy nhiên, cậu lại có thể nói về những khám phá trong môn tài chính của mình với một niềm say mê rất dễ khiến người khác cũng bị cuốn hút theo. Khi Warren nói, những đứa bạn của cậu chắc chắn sẽ vểnh tai lên nghe. Cậu cũng thuyết phục những đứa bạn khác tham gia các vụ làm ăn với mình, nhưng điều đó không đáng kể gì so với sức cuốn hút mà tự bản thân cậu tạo ra với chúng – giống như cha Howard đã nói, cậu là quả cầu lửa đang thu hút bướm đêm. Warren thuê Stuart Erickson, Russell và Byron Swanson đến trường đua Ak-Sar-Ben để tìm kiếm cuống vé bị đánh rơi. Cậu lôi kéo cả nửa số người trong khu phố của mình đi thu gom banh
gôn. Chẳng bao lâu sau, cậu có được những thùng lớn chứa những quả banh gôn đã được phân loại theo giá và nhãn hiệu trong phòng ngủ của mình. Người hàng xóm Bill Pritchard nhớ lại: “Cậu ta mang ra cả tá banh gôn. Chúng tôi bán chúng và cậu ấy trích từ đó ra một phần lợi nhuận cho mình.” Warren và Erickson thậm chí còn mở một quầy bán banh gôn tại công viên Elmwood cho mãi tới khi, theo Erickson nhớ lại, công việc làm ăn trở nên quá tốt, ai đó đã chỉ điểm chúng tôi và những kẻ trong nghề đã đuổi chúng tôi đi.
Trên tờ Saturday Evening Post những năm đó có đăng một bài mô tả sơ lược về Omaha, trong đó khắc họa theo lối châm biếm một thành phố hoang vu và nghèo nàn nằm ở tận cùng miền đất văn minh, vốn đã kết thúc tại Des Moines, và nơi bắt đầu của thiên nhiên hoang dã, vốn được tính từ dãy Rocky Mountains. Người ta chỉ có thể nhận ra dấu hiệu văn minh ở đây nhờ vào sự tuân thủ các luật lệ chung của xã hội. Nó cũng chẳng có gì đặc sắc ngoài thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Sự đóng góp duy nhất của nó cho văn hóa của đất nước là những bữa tối với đồ ăn của hãng thực phẩm lừng danh Swanson. Nhưng phủ lên câu chuyện về một miền đất bị văn hóa bỏ quên này lại là một cái nhìn khác lãng mạn hơn nhiều, trong đó Omaha được ví như là nơi trú ẩn duy nhất còn nguyên vẹn cho những ai muốn trốn tránh khỏi Miền Tây tội lỗi – một nơi “giản dị” và chân quê. Cũng có chút ít sự thực trong câu chuyện này, nhưng chắc chắn nó đã được phóng đại lên rất nhiều. Nó phần nào giải thích cho khuynh hướng mô tả Buffett là một người khó hiểu, thay vì là một người tài năng hay khôn ngoan, giống như việc một người dân New York vẫn thường được mô tả là “nhà Thông thái của Omaha”, hay “nhà tiên tri của Omaha.” (Tác phẩm Thiên tài của vùng đất Oz cũng bắt nguồn từ đây.)
Tuy nhiên đối với Warren, Omaha hoàn toàn không phải là một nơi cằn cỗi. Gia đình Buffett và những người láng giềng là những người văn minh, có giáo dục và là một phần trong dòng chảy văn hóa chính thống. Fred Astaire đã học khiêu vũ tại
Chambers Academy trên đường Farnam. Diễn viên kiệt xuất Henry Fonda cũng bắt đầu sự nghiệp lừng lẫy của mình từ các sân khấu ở quê nhà Omaha. Thành phố Omaha của Warren là một thành phố có quy mô nhỏ – với 220.000 dân – nhưng không hề là một nơi nhỏ bé. Carl Sandburg, một công nhân xúc than tại đây đã gọi nó là: “Omaha, nơi nuôi sống quân đội, ăn và chửi thề từ khuôn mặt lấm than.”
Mùa hè năm Warren lên 11 tuổi, Howard, người vốn mong muốn những đứa con mình được nếm trải cuộc sống thanh bình nơi nông trại, đã đăng tin rao vặt tìm một căn nhà nơi đồng quê. Trong một vài tuần, Warren và Doris đã đến ở trọ tại nhà một người nông dân tên là Elmer Benne. Warren thưởng thức rất ngon lành những chiếc bánh nướng của bà Benne, nhưng những con bò và cây ngô thì cậu lại chẳng hề để tâm tới. Cái tháp cao để ủ thức ăn cho gia súc cũng lạ lẫm với cậu giống như những tòa nhà chọc trời theo kiểu kiến trúc hiện đại của Omaha lạ lẫm đối với một đứa trẻ nông thôn. Warren là một đứa trẻ thành phố.
Tại đường số 53, cậu biết từng người trong tất cả các gia đình, kể cả các ngôi nhà, mặc dù chúng đều giống nhau ở những cột chống, tường gạch nâu và ô cửa ở trung tâm. Cậu có thể nhận ra mọi thứ, từ những chiếc xe tải của cửa hàng bơ sữa Roberts, tiếng nhạc xe điện, và tiếng đoàn tàu chở hàng từ phía xa, cho đến hương vị cà phê của nhà máy nghiền trong thị trấn, thậm chí là cả cái mùi nồng nặc khó chịu của những nhà máy đóng thịt hộp khi những cơn gió thổi đến từ phía nam trong những đêm hè nóng nực. Dù đi bộ, đi xe đạp, hay xe buýt công cộng, cậu đều có thể đi vòng quanh khắp thành phố, tới sân gôn, tới văn phòng của bố mình và tới cửa hàng của ông nội. Và dù cho vấn đề của Warren với mẹ hay nỗi đau khổ phải nghĩ về cái chết mỗi khi đi nhà thờ có như thế nào đi nữa, thành phố của cậu vẫn là một thứ vĩ đại, lâu bền và không gì thay đổi được.
Cú sốc mạnh mẽ khiến toàn thể người dân Mỹ bàng hoàng đau xót diễn ra vào tháng 12/1941 cũng đã đe dọa chút ít tới cuộc sống của Warren tại Omaha. Chủ nhật ngày diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng, gia đình Buffett đang ở thăm nhà ông nội Stahl, tại West Point. Trên đường lái xe về nhà, họ đã nghe những khúc quân nhạc bi tráng. Thế nhưng trong vài tháng sau đó, khi người Mỹ đã quen với chiến tranh, cuộc sống của Warren lại tiếp tục như trước.
Năm 1942, những người Cộng hòa tại khu vực bầu cử thứ hai của bang Nebraska đã không thể tìm được một ứng viên nào xứng tầm để đối đầu với đảng đối lập đang do một vị tổng thống thời chiến đang rất được yêu mến. Trong sự tuyệt vọng, họ đã tìm tới con người thẳng thắn vốn vẫn phản đối quyết liệt Chính sách kinh tế xã hội mới: Howard Buffett.
Howard, một người theo chủ nghĩa biệt lập thực ra không có nhiều cơ hội chiến thắng. Trong khi đi diễn thuyết, những lời lẽ chua cay của ông không nhắm vào Hitler hay Mussolini mà lại là Franklin Roosevelt.
Tôi nhận thức được đầy đủ những khó khăn mà một ứng viên Đảng Cộng hòa hiện nay phải đối mặt. Người đó sẽ phải chiến đấu chống lại cỗ máy chính trị Tammany[2] hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến. Bọn người tàn nhẫn này, dưới lớp vỏ chiến tranh, đang lên kế hoạch nhằm thắt chặt xiềng xích chính trị quanh cổ người dân Mỹ.
Phản đối kịch liệt tình trạng lạm phát và bộ máy chính phủ bành trướng, Howard đã có được tư tưởng đi trước thời đại mình tới 40 năm. Tuy vậy, ở Omaha, với tư cách cá nhân, ông lại không hề xa lạ đến thế với mọi người. Ông chỉ huy động được chút tiền cho cuộc bầu cử – chi phí của ông chỉ ở con số 2.361 đô-la – nhưng ông lại vận động tranh cử rất ngoan cường.
Vào ngày bầu cử, ông đã soạn bài diễn văn chấp nhận thất bại và rút lui lúc 9 giờ. Nhưng ngày hôm sau, ông bàng hoàng nhận ra rằng mình đã trúng cử. Ông gọi nó là “một trong những bất ngờ hạnh phúc nhất” trong cuộc đời mình.
Warren nhìn rõ số phận mình trong nỗi thất vọng tràn trề. Lần đầu tiên trong suốt hơn 12 năm, cậu sẽ phải rời Omaha. Trong một tấm hình gia đình được chụp ngay trước cuộc bầu cử, Warren trông có vẻ hơi lo lắng, trên khuôn mặt điển trai của cậu hiện lên cái nhìn đăm đắm, đôi môi mím chặt chỉ để một nụ cười rất nhẹ thoáng qua.
Vào thời chiến tranh, chỗ trống tại Wasington rất hiếm hoi, nên Howard đã phải thuê một căn nhà tại thị trấn Fredericksburg xinh đẹp nhưng xa xôi tại bang Virginia. Ngôi nhà nằm trên một sườn đồi, trông ra con sông Rappahannock. Đó là một nơi vốn dành cho bọn thực dân da trắng trước kia với mái hiên phía trước và những bụi hoa hồng. Đối với Roberta, nó trông giống như “thứ gì đó trong phim”. Còn Warren thì căm ghét ngôi nhà này.
Mặc dù có khung cảnh đẹp, nhưng Fredericksburg là một nơi xa xôi cách biệt nằm về phía Nam. Bất cứ một thay đổi nào cũng đều không được Warren chào đón và việc thay đổi chỗ ở này lại còn khiến thế giới của cậu bị đảo ngược. Không chỉ phải xa cách bạn bè và những người hàng xóm mà cậu còn phải xa cha mình suốt cả tuần vì ông phải nghỉ lại khách sạn Dodge tại Wasington, cách 50 dặm về phía Bắc. Vị đại biểu quốc hội mới đắc cử nói với gia đình mình rằng ông sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ, nhưng điều đó đã không thể an ủi được cậu con trai. Xa cách Omaha và tất cả những gì thân thiết, Warren cảm thấy “nhớ nhà vô hạn.”
Mặc dù cậu chỉ muốn bỏ đi bằng mọi giá, nhưng làm trái với những người thân thuộc lại không phải bản chất của cậu. Cậu chỉ đơn thuần nói với họ rằng cậu đang mắc chứng “dị ứng” kỳ
lạ và rằng cậu không thể ngủ được vào buổi tối. Tất nhiên, sức chịu đựng trước nghịch cảnh của cậu cũng khiến cho tinh thần nổi loạn dịu đi phần nhiều. Cậu thường nhớ lại: “Tôi nói với bố mẹ rằng có đôi lúc tôi cảm thấy không thể thở được. Tôi nói họ đừng lo lắng về chuyện này, rằng họ hãy cứ ngủ ngon. Còn tôi thì thường thức trắng đêm[3]. Tất nhiên, họ lo lắng đến phát sốt về cậu. Trong lúc đó, Warren viết thư cho ông nội Ernest và nói là cậu thấy buồn. Ngay sau đó, ông Ernest hồi âm và đề nghị Warren chuyển về sống với ông và dì Alice để hoàn tất lớp 8 tại Omaha. Sau một vài tuần khó khăn ở Federicksburg, bố mẹ cậu cuối cùng cũng đã phải đồng ý.
Warren trở về Omaha. Và trên tàu, cậu đã ở chung một khoang với Hugh Butler, một thượng nghị sĩ của bang Nebraska. Vào lúc rạng đông, nhận thấy người bạn đường vừa có một đêm ngon giấc, thượng nghị sĩ Butler đã nói với cậu: “Chú cứ tưởng cháu không ngủ được chứ.” Warren trả lời: “Khi ở Pennsylvania cháu đã quen với chuyện này rồi.”
Tại quê nhà, Warren như được hồi sinh. Dì Alice là một giáo viên kinh tế học tại gia rất vui vẻ và là người trông nom tốt bụng. Cô rất quan tâm đến Warren. Cũng giống như những giáo viên khác, cô bị sự thông minh và trí tò mò của cậu cuốn hút.
Ông nội Ernest, một thầy giáo bẩm sinh, cũng bất chợt thấy thích cậu bé. Lúc ấy ông đang viết một cuốn sách, và mỗi đêm ông đọc một vài trang cho Warren chép lại. Tựa đề đã được ông chọn lựa rất cẩn thận: Làm Thế Nào Để Quản Lý Một Cửa Tiệm Bách Hoá và Một Vài Điều Tôi Biết Về Câu Cá. Động lực thúc đẩy ông làm việc đó đã được tìm thấy trong một bức thư, trong đó ông Ernest tự tin tuyên bố rằng siêu thị là một thứ mốt nhất thời đã qua: “Tôi nghĩ Kroger, Montgomery & Ward và Safeway, đã đạt đến đỉnh cao của nó. Từ giờ trở đi, mô hình chuỗi cửa hàng sẽ phải trải qua một gian đoạn khó khăn.”
Thật may, tác phẩm Làm Thế Nào Để Quản Lý Một Cửa Hàng Bách Hoá đã không bao giờ được xuất bản.
Nhưng Warren thì được đến làm việc tại cửa hàng Buffett & Son, nơi cậu được trực tiếp lắng nghe những câu châm ngôn của ông nội mình. Ông Ernest còn áp dụng chúng với cả Warren bằng cách trừ ra 2 xu mỗi ngày từ tiền lương ít ỏi của cậu – một hành động mà cùng với những bài giảng về đạo đức, ông muốn khắc sâu vào đầu Warren tư tưởng về những chi phí quá lớn của các chương trình của chính phủ như Chương trình An sinh Xã hội. Đối với một cậu bé 12 tuổi, bản thân công việc này đã thật khó khăn: nâng các thùng chứa hoa quả đặt lên cao và kéo các thùng chở soda trong nhà kho ra. Cho nên Warren cũng chẳng hề bận tâm đến mục đích của ông. Cậu không thích mùi của các cửa hiệu bách hoá. Mỗi khi trái cây bị thối, cậu đều phải mang những chiếc thùng đựng chúng đi rửa sạch.
Tuy nhiên Warren yêu mến cửa hàng của ông nội. Buffett & Son là một nơi yên tĩnh và ấm cúng với những sàn gỗ sạch bong, những chiếc quạt xoay tròn, và hàng dãy kệ gỗ cao đến tận trần nhà. Khi có ai đó muốn mua một hộp ở tận kệ phía trên, Warren hoặc một nhận viên khác của cửa hàng sẽ di chuyển một cái thang trượt đến nơi thích hợp để leo lên đỉnh kệ.
Đây chính là công việc kinh doanh thành công đầu tiên mà Warren thấy. Ông chú Fred của cậu, vốn đứng sau quầy tính tiền, luôn nói những lời vui vẻ với mọi khách mua hàng. Với món bánh mì cay mới nướng, phó mát tuyệt ngon, quả hạch và bánh quy đựng trong bao còn chưa đóng kín, cửa hàng Buffett & Son có một điều gì đó thu hút khiến mọi người luôn muốn quay trở lại – có lẽ đó chính là tinh thần tiết kiệm tới từng đồng của ông nội cậu
Charlie Munger, đối tác sau này của Warren trong kinh doanh, cũng làm việc tại cửa hàng vào mỗi thứ Bảy (dù vậy mãi đến nhiều năm sau đó anh ta mới gặp Warren). Munger nhìn thấy ở
cửa hàng một kiểu văn hoá rất đậm đà, như thể nó bước ra từ những bức vẽ của Norman Rockwell[4]. Không một ai tỏ ra lười nhác. “Mọi người sẽ cực kỳ bận rộn ngay từ sáng sớm cho đến tận tối mịt.” Khi Bill Buffett, anh họ của Warren đến trễ vài phút, ông nội tóc bạc trắng, đẫy đà sẽ chào đón anh với chiếc đồng hồ bỏ túi trên tay, hét lên từ ban công của tầng hai: “Billy, mấy giờ rồi?”
Trong khi sống ở gia đình ông Ernest, Warren thường đến ăn trưa tại nhà Carl Falk, người sau này là bạn làm ăn của cha cậu. Cậu thường miệt mài đọc một cuốn sách về đầu tư lấy từ phòng đọc của ông Falk trong khi bà Falk chuẩn bị bữa trưa. Cậu còn thích nó hơn cả cửa hiệu bách hoá của ông nội. Một lần nọ, trong khi Warren đang húp sùm sụp món canh gà do bà Mary Falk nấu, cậu bé tuyên bố rằng cậu sẽ trở thành tỷ phú trước tuổi 30 – và còn nói thêm một cách khó hiểu “nếu không cháu sẽ nhảy từ toà nhà cao nhất Omaha xuống.”
Bà Mary Falk cảm thấy khiếp sợ và bảo Warren không được nhắc lại điều đó nữa. Warren nhìn bà và cười. Dù sao thì bà cũng không cưỡng lại nổi sự đáng yêu đến lôi cuốn của cậu bé và luôn luôn chào đón cậu tới nhà mình. Dường như Mary Falk là người đầu tiên hỏi: “Warren, tại sao cháu lại muốn kiếm nhiều tiền đến như vậy?”
Warren trả lời: “Cháu không muốn tiền. Cháu muốn tận hưởng niềm vui khi kiếm được tiền và nhìn chúng sinh sôi nảy nở.”
Những tháng cuối cùng của năm lớp 8, Warren đã có được chút thời gian vô cùng thoải mái. Cậu gặp lại lũ bạn thân và có những cuộc dạo chơi quanh thành phố, từ cửa hàng Buffett ở khu ngoại ô phía Tây tới những con đường đầy sỏi tại các khu buôn bán của thành phố, lăng xăng nơi các chợ trời và các nhà kho bằng sắt và ngói đỏ. Đó là nơi Sidney, thành viên đầu tiên của dòng họ Buffett tại Omaha, đã mở cửa hiệu của mình, trước đó ba phần tư thế kỷ. Là thế hệ thứ tư của dòng họ Buffett tại Omaha,
Warren cảm thấy đây thực sự là quê nhà của mình. Cậu có cách sống thoải mái của thành phố này, có giọng nói của vùng thảo nguyên và cũng mang cái vẻ bề ngoài điềm nhiên bí ẩn của nó. Cậu hoàn toàn không phải là một người “đơn giản”, nhưng thông qua những nét đặc trưng riêng – tính độc lập, tham vọng trở thành một người giàu có cộng với vẻ bề ngoài điềm tĩnh – ta có thể dễ dàng nhận ra cậu đích thực là một người miền Trung Tây.
Mùa thu năm 1943, Warren đã không còn lý do gì để từ chối chuyển về sống với gia đình tại Wasinghton nữa. Sự giải thoát đối với cậu đã chấm dứt.
Chú thích:
[1] Mạng lưới đường sắt lớn nhất tại Hoa Kỳ có trụ sở đặt tại Omaha, bang Nebraska
[2] Bộ máy chính trị "Tammany Hall" là một nhóm chính trị cực đoan thuộc đảng Dân chủ lúc đó đang đóng vai trò chính kiểm soát chính trường thành phố New York
[3] Nhiều năm về sau, khi được hỏi là lúc đó Warren có thức trắng đêm thật không, chị Doris của cậu đã thốt lên: “Trời ơi, không. Cậu ấy ngủ mà.”
[4] Họa sĩ nổi tiếng của nước Mỹ thế kỷ XX. Người dân Mỹ biết đến và yêu quý ông thông qua hơn 300 tranh minh họa cho bìa báo The Saturday Evening Post mà ông đã vẽ trong vòng bốn thập kỷ, trong đó ông mô tả những sự kiện bình thường vẫn diễn ra trong đời sống hàng ngày song lại thể hiện những tư tưởng văn hóa sâu sắc.
Chương 2
CHẠY TRỐN
G
ia đình Buffett chuyển tới một căn nhà có bốn phòng ngủ trên đường 49 Tây Bắc tại Spring Valley, một khu vực rất xa trung tâm Washington. Ngôi nhà được xây bằng gạch
sơn trắng, có mái hiên mở phía trước và một lối đi nhỏ dốc vào phía trong nhà. Đó là dinh cơ giản dị của chàng nghị sĩ mới đắc cử, chỉ cách đại lộ Massachusetts một đoạn ngắn – Richard Nixon, người sau này trở thành láng giềng của họ. Phía sau nó chỉ toàn là rừng cây.
Cuộc sống mới của Warren xoay quanh công việc giao báo cho tờ Washington Post. Giờ đây đã 13 tuổi, cậu ghi chép lại các khoản thu nhập và tự mình đóng thuế – cậu bướng bỉnh từ chối không để cha mình đóng thay.
Thế nhưng, ngoài niềm vui từ công việc đi giao báo hàng ngày, Warren cảm thấy hết sức buồn rầu. Tại trường trung học Alice Deal, cậu gây ra nhiều rắc rối cho các thầy cô giáo và thành tích học tập thì rất xoàng xĩnh. Nhỏ tuổi hơn do đã nhảy cóc so với các bạn một lớp, cậu có vẻ rất lạc lõng. Cậu ăn mặc luộm thuộm đến nỗi thầy hiệu trưởng đã phải cảnh báo mẹ Leila của cậu rằng cậu cần phải gọn gàng nghiêm chỉnh hơn.
Tháng Sáu, thời điểm kết thúc năm học buồn bã đầu tiên của mình ở nơi mới, Warren đã chạy trốn – đó là cuộc nổi loạn đầu tiên trong đời cậu. Cậu và Roger Bell, con trai một nghị sĩ bang Missouri và một người bạn thân khác đã đi quá giang xe đến Hershey, bang Pennsylvania. Warren biết một sân gôn ở đó và nghĩ rằng bọn chúng có thể ở lại vài ngày để kiếm tiền bằng
cách phục vụ những người đánh gôn. Nhưng lần này, vấn đề kinh tế không phải động cơ chính khiến cậu ra đi. Cậu bực dọc với những người thân, bực dọc với việc phải ở Washington – bực dọc với mọi thứ.
Ba cậu bé đến Hershey vào lúc chập tối, không mang theo nhiều hành lý và thuê một phòng tại nhà trọ Community Inn. Khi trời sáng, họ vừa mới ra khỏi cửa liền bị cảnh sát chặn lại. Bell thì thấp nhỏ trong khi Warren và cậu bé còn lại cao gần 1,8 mét. Từ đằng xa, cảnh sát nghĩ Bell là nạn nhân của một vụ bắt cóc – và đưa cả ba về đồn để thẩm vấn. Warren, lúc đó mới chỉ gần 14 tuổi, đã liến thoắng thuyết phục các viên chức cảnh sát rằng chúng vô tội mà không nói gì nhiều về việc chúng đang làm. Cảnh sát để ba cậu bé đi nhưng chúng đã bị ghi vào sổ đen. Chúng lại quá giang xe về nhà trong ngày hôm đó.
Sau này, Warren không còn nghĩ tới việc tiếp tục cuộc nổi loạn hơi thiếu can đảm của mình nữa. Cậu cũng gây ra ít rắc rối ở trường hơn; theo như chị Roberta của cậu thì “nổi loạn” là cụm từ khá mạnh để nói về cậu.
Tuy nhiên, cha mẹ cậu là Howard và Leila thì cảm thấy rất choáng váng. Mặc dù rất nhẹ nhàng với Warren khi cậu trở về Washington, nhưng Howard vẫn quyết định sẽ phải ngăn chặn sự nổi loạn của cậu ngay từ trứng nước. Ông nói với Warren rằng cậu cần phải cải thiện điểm số ở trường nếu không thì sẽ bị buộc phải từ bỏ công việc giao báo.
Không ngờ lời cảnh báo đó lại là liều thuốc kịp thời cho Warren. Không những không từ bỏ việc giao báo của mình, cậu còn có thể mở rộng chúng. Cậu nhanh chóng nhận giao thêm cho tờ Times-Herald, một tờ báo buổi sáng vốn là đối thủ của tờ Post và hoạt động trong cùng phạm vi mà cậu đang làm. Như Buffett nhớ lại, nếu một người đặt mua báo không muốn đặt tờ báo này nữa mà muốn tờ kia,“tôi vẫn sẽ vui vẻ xuất hiện vào buổi sáng hôm sau.” Chẳng bao lâu sau Warren đã giao báo cho năm tờ
khác nhau, và số lượng báo giao mỗi sáng đã lên đến gần 500 tờ. Mẹ Leila dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho Warren; cậu ra ngoài vào lúc 5 giờ 20 để bắt xe buýt xuống đại lộ Massachusetts. Những lần hiếm hoi khi cậu bị bệnh, mẹ Leila sẽ đảm nhận việc này, nhưng bà không bao giờ đi thu tiền. Bà viết: “Việc thu tiền cực kỳ quan trọng với nó. Không ai dám động vào ngăn kéo nơi nó cất tiền cả. Mọi đồng xu đều phải nằm nguyên ở trong đó.”
Nơi mang lại thu nhập cao nhất cho Warren chính là khu chung cư Westchester, một cụm nhà cao ốc 8 tầng bằng gạch đỏ trên đại lộ Catheral. Cậu nhanh chóng thiết lập cách giao báo kiểu “dây chuyền” vốn là một thành công xuất sắc của chàng Henry Ford[5] trẻ tuổi. Cậu bỏ một nửa số báo phải giao cho mỗi tòa nhà tại chân thang máy của tầng thứ tám và nửa còn lại tại tầng thứ tư. Sau đó cậu chạy bộ khắp tòa nhà, hết tầng này đến tầng khác, thả báo trước mỗi căn hộ. Vào ngày thu tiền, cậu sẽ gửi những chiếc phong bì tại quầy tiếp tân để khỏi phải đi đến từng căn hộ. Khi gia đình Buffett trở về Omaha để nghỉ hè, Warren giao phó công việc lại cho một người bạn là Walter Diehl và không quên giảng giải cho cậu ta cách thức thực hiện chúng thế nào. Diehl nhớ lại: “Trước mặt tôi là cả một đống báo cao như núi. Nhưng làm theo cách của Warren thì cũng chỉ mất khoảng một tiếng 15 phút là cùng. Đó là một phương pháp tuyệt vời. Tất cả các tòa nhà đều được thông với nhau ở tầng hầm. Bạn chẳng bao giờ phải đi ra phía ngoài cả.”
Nhận thấy mình có thể kiếm thêm lợi nhuận từ việc giao thêm nhiều tờ báo trên cùng địa bàn, Warren bắt đầu giao cả tạp chí tới các căn hộ. Bí quyết ở đây là mời chào khách hàng vào đúng thời điểm. Buffett nhớ lại: “Khi ấy một số khách hàng thường bỏ lại các tạp chí cũ ở chân cầu thang. Chỉ cần xé nhãn ghi địa chỉ ra là tôi có thể biết được khi nào hạn đặt báo của họ sẽ hết. Tôi ghi chép lại chúng và luôn đến với các khách hàng đúng lúc để mời chào họ.”
Mặc dù những căn hộ này được cho là cao cấp – Warren đã nhìn thấy Lacqueline Bouvier[6] tại thang máy – cậu vẫn gặp rắc rối với chuyện thu tiền. Tại Washington thời chiến, người ta thường xuyên chuyển đến và đi, đôi khi quên không thanh toán tiền cho cậu. Do đó, Warren thỏa thuận với các cô gái phục vụ tại thang máy. Họ sẽ nhận được báo miễn phí còn Warren sẽ được thông báo khi bất kỳ ai định dọn đi!
Nói tóm lại, Warren đã biến công việc giao báo của mình thành một công việc kinh doanh thực thụ. Cậu kiếm được 175 đô-la một tháng – số tiền tương đương với lương làm toàn thời gian của nhiều người – và tiết kiệm từng hào. Vào năm 1945, khi mới chỉ 14 tuổi, cậu đã dùng 1.200 đô-la kiếm được để đầu tư vào 40 mẫu Anh đất nông trại tại Nebraska.
Chiến tranh Thế giới thứ Hai trở thành bối cảnh chính cho những năm tháng của Warren tại Washington với những cuộc vận động mua trái phiếu tại trường học hay những thời kỳ người ta phải buông rèm che kín cả cửa nhà để tránh bom[7]. Tuy vậy, cuộc chiến không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp lắm tới Warren. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là vào tháng 8/1945 khi gia đình Buffett đang nghỉ hè tại Omaha. Warren nghe tin về vụ Hiroshima và có một cuộc thảo luận sôi nổi về bom nguyên tử với Henry Moore, bạn láng giềng của cậu tại Omaha. Theo như Moore nhớ lại, Warren khá lo lắng. Cách nhìn nhận của cậu về thuyết tương đối cũng giống như cách cậu ấy nghĩ về tôn giáo – với một logic cứng nhắc và vô cùng đáng sợ. “Tôi nhớ rất rõ, chúng tôi đang nói chuyện ở bãi cỏ trước nhà tôi. Cậu ta lo ngại rằng thế giới sẽ bị tàn phá theo phản ứng dây chuyền…”
Trở lại Washington sau mùa hè đó và chuyển tới trường Woodrow Wilson High, Warren đã bắt đầu hòa nhập hơn với xung quanh. Công việc giao báo giúp cậu đỡ nhớ nhà và cậu cũng bắt đầu có bạn bè mới. Cũng giống như ở Omaha, cậu lập ra một nhóm để đi lượm banh gôn. Cậu cũng là một tay gôn khá cừ khôi và đã gia nhập đội tuyển trường.
Huấn luyện viên gôn Robert Dwyer là giáo viên mà Warren gây được cảm tình nhất. Dwyer cho rằng cậu là một người vui vẻ – hăng hái nhưng không huênh hoang. Ông dẫn Warren tới trường đua và chỉ cho cậu cách đọc tờ Daily Racing Form[8]. Vào mùa hè năm thứ hai, Dwyer và cậu tình cờ cùng chơi gôn trong ngày tuyển lựa các ngôi sao của trường. Trời bắt đầu lất phất mưa, do đó họ vào trong xe của Dwyer và bật radio lên để nghe tường thuật các trận thi đấu. Charlie Keller, một nài ngựa nhà nghề thuộc đội New York Yankee đang ở vị trí cuối cùng. Dwyer nói: “Nếu cậu dám chấp 1 ăn 20, tôi sẽ cược với cậu xem anh ta có về nhất hay không.” Warren liền đáp lại: “Cháu cược một đô cửa dưới.” Cuối cùng Keller đã về nhất và Dwyer bị mất 20 đô-la trong cuộc cá cược kỳ lạ đó.
Cả hai người bọn họ cùng biết rằng Warren còn kiếm được nhiều tiền hơn cả huấn luyện viên của mình. Lạc lõng giữa một thành phố lạ song cậu đã bắt đầu khởi nghiệp ngay từ rất sớm. Cậu đọc tất cả các cuốn sách viết về kinh doanh mà mình kiếm được, nghiền ngẫm các bảng thống kê đồng thời vẫn tiếp tục công việc giao báo. Donalk Danly, một học sinh của trường Wilson và cũng là bạn thân của Warren nghĩ rằng cậu ta đang “vẽ bản đồ để tìm đường đến với giấc mơ giàu có của mình.”
Danly, con trai của một luật sư thuộc Bộ Tư pháp, là một học sinh thông minh và nghiêm túc. Thoạt nhìn, cậu và Warren dường như chẳng có điểm gì chung. Danly có một cô bạn gái xinh đẹp trong khi Warren chưa từng hẹn hò. Ngoài ra, những mối quan tâm của Danly chủ yếu xoay quanh khoa học. Mặc dù vậy, do mồ côi mẹ từ nhỏ nên sau chiến tranh, cậu thường sang nhà Buffett ở trong khi cha mình bay tới Nhật Bản để khởi tố những tên tội phạm chiến tranh. Cả hai chơi nhạc cùng nhau, Warren gảy đàn ghita Hawaii trong khi Danly chơi dương cầm. Và rồi họ khám phá ra rằng tình yêu khoa học của Danly và nỗi ám ảnh đối với kinh doanh của Warren có một điểm chung – đó là những con số. Họ thường cùng nhau tính tỷ lệ thắng thua của những ván bài pocker hay là xác suất hai người trong một căn
phòng có 12 người có cùng ngày sinh nhật. Đôi khi Danly lại đọc một mạch những con số có hai chữ số và chờ Warren tính tổng của chúng.
Khi cả hai đang học năm cuối tại trường trung học, Danly mua một chiếc máy bắn đạn cũ với giá 25 đô-la, và cùng chơi với Warren hàng giờ liền. Chiếc máy thường xuyên bị hỏng và khi Danly loay hoay với nó, Warren đã nhận ra khả năng sửa chữa máy móc tuyệt vời của bạn mình. Warren nảy ra một ý tưởng: tại sao không đặt chiếc máy này tại tiệm hớt tóc trên đại lộ Winconsin để kiếm tiền từ những người thuê nó chơi nhỉ?
Warren đến gặp người chủ cửa tiệm và người này đồng ý với tỷ lệ ăn chia 50–50. Hết ngày đầu tiên, họ kiếm được 14 đô-la. Chỉ trong một tháng, Warren và Danly đã nhanh chóng lắp thêm máy tại ba cửa tiệm khác. Ăn nên làm ra, họ lại lắp thêm bảy máy. Ngây ngất trước thành công, Warren đã nghĩ ra một cái tên cho công việc kinh doanh của mình là Công ty Máy Đồng xu Wilson (Wilson Coin Op). Cậu nhớ lại: “Cuối cùng, chúng tôi kiếm được 50 đô-la một tuần. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi cuộc đời lại có thể tốt đẹp đến vậy.”
Wilson Coin Op có sự phân chia lao động một cách rất tự nhiên. Warren góp phần lớn số vốn để lắp đặt những chiếc máy – loại chơi game bằng cách dùng những đồng xu cũ kỹ có giá từ 25 đến 75 đô-la mỗi chiếc. Danly sẽ sửa chúng lại. Warren theo dõi sổ sách và lập báo cáo tài chính hàng tháng. Những người chủ cửa tiệm cắt tóc được hướng dẫn gọi cho Danly nếu máy có trục trặc – mà thường là rất hay như vậy – hai chàng sẽ có mặt ngay tức khắc trên chiếc Buick[9] đời 1938 đã được gỡ bỏ ghế sau của Danly.
Lo ngại nhiều người sẽ nhảy vào lĩnh vực kinh doanh trò chơi này, Warren chỉ chọn những địa điểm nhỏ, ít người qua lại và tránh những đường phố chính. Chúng cũng giả bộ rằng mình
chỉ đơn thuần là những cậu bé chạy việc vặt cho một công ty lớn. Buffett nhớ lại:
Chủ các cửa tiệm cắt tóc lúc nào cũng đòi chúng tôi lắp thêm máy mới, và chúng tôi luôn nói với họ rằng chúng tôi phải trình việc này lên sếp của mình. Chúng tôi làm bộ mình chỉ là những người làm thuê chuyên mang những chiếc máy đi lắp đặt và thu tiền.
Mỗi tuần một lần, hai cậu lại đi thăm các cửa tiệm nơi đặt những chiếc máy, đôi khi có cả bạn gái của Danly là Norma Jean Thurston đi cùng. Warren thường trở ra xe với những lời miêu tả dí dỏm về chủ tiệm hoặc về những gì ông ta đã nói với cậu, và cả ba người lại cùng phá lên cười. Warren có thể nhìn thấy rõ sự châm biếm trong màn kịch của ba đứa trẻ trong vai những doanh nhân thành đạt.
Norma Jean nhận thấy Warren là một người cực kỳ khôi hài. Cô là một thiếu nữ khá xinh đẹp với cặp lông mày thanh gọn cong vút và mái tóc vàng quyến rũ. Nickname của cô là “Peroxide”, của Danly là “Duck”, trong khi Warren thì chỉ là “Buffett”. Trong khi người lớn vừa phải trải qua một cuộc chiến tranh thì Buffett, Duck và Peroxide vẫn còn là những tâm hồn rất trong sáng và vô tư. Hơn nữa, mặc dù đều phát triển một cách rất tự nhiên như những thanh niên cùng thời song họ không hề hút thuốc hay chửi thề, Warren thậm chí còn chẳng uống gì khác ngoài Pepsi Cola. Tất cả những bạn gái mà Norma Jean biết đều còn trinh trắng, trong nhóm của cô chưa ai từng một lần quan hệ xác thịt. Warren thậm chí còn ngây thơ hơn thế nữa. Cậu không đến những buổi khiêu vũ tối thứ Sáu. Norma Jean nói: “Cậu ấy không làm những việc mà những anh chàng khác vẫn làm. Cậu ấy còn không hề cố thử một lần nào.”
Warren có dáng đi nặng nề với đôi vai cong về phía trước và khòng xuống đất giống như một chú dê núi. Thỉnh thoảng, cậu mang theo một chiếc ví đựng tiền lẻ đeo ở thắt lưng trông khá
bất tiện. Đối với những người bạn cùng lớp tại trường Wilson, kiểu giầy dép khiến cậu trông giống một tên quê mùa cục mịch, và họ vẫn còn nhớ về điều này sau hàng thập kỷ. Casper Heindl nhớ lại: “Cậu ấy thường mang một đôi giày suốt cả năm. Dù tuyết có đóng dày 30 cm đi nữa thì cậu ta vẫn mang giày đế mềm.” Còn Robert Moore thì kể lại: “Tôi nhớ cậu ấy rất rõ. Điều duy nhất chúng tôi thường dùng để trêu chọc cậu ấy là cậu không mang thứ gì khác ngoài đôi giày chơi quần vợt, dù có đang là giữa mùa đông lạnh cóng.”
Warren dường như thích thú một cách kỳ lạ với những đôi giày đế mềm dùng để chơi quần vợt này. Norma Jean cho hay: “Hầu như tất cả chúng tôi đều cố gắng ăn mặc sao cho giống với những người khác. Các cô gái đều mặc áo len cài cúc ở phía sau. Nhưng tôi nghĩ Warren thích sự khác biệt. Mặc dù cũng đầy lòng tự trọng và hài hước như bao thanh niên thế hệ chúng tôi, cậu ấy vẫn có gì đó khác biệt. Khi câu chuyện đùa của mình bị đả kích, cậu ấy thường giữ lập trường của mình, hoặc châm biếm lời phản đối đó.” Norma Jean nói: “Cậu ấy là chính mình và không bao giờ muốn thử trở thành một ai khác.”
Trên bàn ăn ở nhà, vào mỗi buổi tối, Warren đều được nghe những bài diễn thuyết của cha về việc phải giữ vững lập trường. Howard, người vốn hứa chỉ phục vụ một nhiệm kỳ đã được tín nhiệm bầu lại vào năm 1944 và tái đắc cử một lần nữa vào năm 1946, hiện đang có chân trong Quốc Hội, và do đó lại được đề cử ra tranh đấu chống lại phe của Truman. Vào buổi tối, ông thường khiến cả nhà phải nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức kinh khủng. Một lần nọ, khi cả gia đình đang thảo luận sẽ tặng gì cho một trong những người trợ lý của Howard nhân dịp Giáng sinh, cô bé Roberta nói: “Thế một trái phiếu tiết kiệm thì sao – chú ấy có nghĩ là chúng không tốt không?”
Một lần khác, sau khi bỏ phiếu chống lại một đạo luật lao động nổi tiếng, Howard đưa Warren tới một trận bóng chày tại Omaha. Khi được giới thiệu với đám đông, ngài nghị sĩ này bị la
ó thẳng thừng. Nhưng trước mặt Warren, ông luôn tỏ ra mình chú ý đến điều đó.
Là một con người hết sức đạo đức, Howard đã từ chối tham dự những bữa tiệc và thậm chí còn từ chối nhận một phần tiền lương của mình. Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, khi lương của các nghị sĩ khác được nâng từ 10.000 đô-la lên 12.500 đô-la, Howard đã đóng góp phần nhận thêm này vào ngân quỹ của Quốc hội Hoa Kỳ, ông khăng khăng rằng mình đã được bầu để nhận một mức lương thấp hơn.
Leila cho biết, khi bỏ phiếu về một vấn đề nào đó, chồng cô chỉ cân nhắc một điều duy nhất là: “Việc này sẽ làm tăng hay giảm sự tự do của con người” Nhưng quan điểm của ông về tự do thì lại rất gò bó. Mối quan tâm duy nhất của ông là tinh gọn bộ máy chính quyền cồng kềnh mà Roosevelt và Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã bành trướng.
Trong suốt thời chiến, ông cùng với những người khác đã viết thư kêu gọi nước Mỹ nên xây dựng một chính sách nhằm tìm kiếm sự đầu hàng vô điều kiện từ phía nước Đức và đặt ra một câu hỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Chúng ta đang chiến đấu vì điều gì? Chẳng phải chủ nghĩa phát xít không đem lại thêm tự do cho loài người hay sao?”
Sau chiến tranh, ông bỏ phiếu phản đối việc trợ giúp nước Anh bị bom đạn tàn phá, chống lại chương trình hỗ trợ ăn trưa tại trường học, chống lại việc nhập khẩu ngũ cốc từ châu Âu, và bác bỏ kế hoạch tiền tệ của Bretton Woods. Tệ hại nhất, chủ nghĩa sùng bái nước Mỹ đã khiến ông nuôi dưỡng tư tưởng bài ngoại và công kích những người Cộng sản. Vào các buổi tối, khi gia đình Buffett lái xe ngang qua Đại sứ quán Anh vẫn còn sáng đèn, Howard thường càu nhàu: “Chúng thậm chí còn thức khuya để nghĩ cách moi tiền của chúng ta.” Ông phản đối kế hoạch do Marshall đề xuất nhằm tái thiết lại Tây Âu như thể đằng sau đó có sự trợ giúp bí mật của Stalin.
Trong một vài vấn đề, Howard lại đặc biệt có khả năng tiên đoán trước. Một trong số ít những đề xuất của ông là xây dựng một đạo luật bảo vệ những người sở hữu trái phiếu tiết kiệm ở Hoa Kỳ khỏi ảnh hưởng của lạm phát. Thế nhưng bao trùm lên toàn bộ thời kỳ ông tại nhiệm chỉ là hình ảnh một con người có đạo đức bị bóp méo bởi những tư tưởng cực đoan và thiển cận.
Warren hiểu rành rọt những quan điểm chính trị của cha mình, nhưng hầu như chỉ tin tưởng vào chúng một cách hời hợt và hoàn toàn không có ý định theo đuổi chúng. Cậu tiếp thu tinh thần yêu nước của cha mình chứ không phải chủ nghĩa biệt lập đến cực đoan của ông. Vài năm sau đó, trong một bức thư gửi cho một người bạn của mình tại trường đại học, Warren đã nói bóng gió đến chủ nghĩa giáo điều của người cha với một giọng điệu đầy châm biếm: “Tốt hơn là mình nên ngừng việc này lại và ra ngoài để giúp bố mình tổ chức một chiến dịch chống lại ai đó.”
Warren thực sự thừa hưởng đạo đức cũng như sự quan tâm đến xã hội của cha mình. (sau này nhà tỷ phú đã sỉ vả các công ty cướp tiền của người khác giống như cha mình trước kia đã chỉ trích chính phủ.) Nhưng đối với Warren, người đã chứng kiến cuộc Đại Suy Thoái và Chiến Tranh Thế giới thứ Hai lúc tuổi thơ thì chính phủ là người che chở cho xã hội chứ không phải là kẻ thù. Cùng với sự sùng bái tuyệt đối của cậu với cha mình, người ta có thể nhận ra quan điểm chính trị của cậu, mặc dù còn chưa phát triển đã mang tính độc lập nhất định.
Warren quyết không theo bước cha tham gia vào chính phủ. Khi Norma Jean hỏi liệu cậu có thể sẽ sống tại Washington hay không, Warren đã đáp lại không chút ngập ngừng: “Không, mình sẽ sống ở Omaha.”
Kể từ năm đầu tiên đại học, cậu đã lên kế hoạch sẽ theo đuổi một sự nghiệp không phải chỉ là kinh doanh mà chuyên hẳn về đầu tư. Ngồi dùng bữa sáng tại một góc yên tĩnh trong nhà, ở
vào cái tuổi mà những đứa trẻ khác sẽ không bao giờ bỏ qua các trang thể thao thì Warren chỉ chăm chăm nhìn vào các bảng giá cổ phiếu. Cậu còn mang những lời nhận xét rất chuyên sâu của mình đến trường, nơi các giáo viên luôn muốn thăm dò và sử dụng những kiến thức về thị trường của cậu.
Tận dụng tiếng tăm của mình một cách rất tài tình, có lần Warren đã khôn khéo bán khống cổ phiếu[10] của American Telephone & Telegragh Company (AT&T)[11] – nghĩa là đánh cược rằng cổ phiếu này sẽ sụt giá – bởi vì cậu biết rằng rất nhiều giáo viên của mình đang nắm cổ phần trong công ty này. “Thầy cô cho rằng tôi biết về cổ phiếu còn tôi thấy rõ rằng nếu tôi bán khống AT&T, tôi sẽ làm cho họ cảm thấy hoảng loạn về tương lai của mình khi nghỉ hưu.”
Nhưng tại sao chàng trai trẻ với chút tiếng tăm này lại trở thành một người có uy tín đến vậy? Warren chưa hề có thành tích gì xuất sắc trên thị trường. Thế nhưng mọi người vẫn có cảm giác rằng cậu ta biết. Ở cậu có điều gì đó thiên bẩm, không chỉ đơn thuần là một kho kiến thức được tiếp thu sớm hơn bình thường mà chính là khả năng khai thác chúng theo những cách rất hợp lý. Niềm tin thường không có tác động gì đến cậu, nhưng với các sự kiện thì cậu lại luôn có khả năng tập hợp thành những chuỗi liên tục và hợp lý. Danly cho hay: “Cậu ấy luôn có được cái nhìn bên trong bản chất mỗi sự việc. Cậu ấy thường nói theo cách khiến mọi người đều hiểu rằng cậu ấy biết chắc là mình đang nói gì.”
Warren tốt nghiệp trung học phổ thông vào tháng 6/1947, đứng thứ 16 trong tổng số 374 học sinh (Danly là người đứng đầu.) Cuốn kỷ yếu của trường Wilson có tấm hình chụp cậu với đôi mắt sáng với ánh nhìn sôi nổi, mái tóc được chải rẽ kỹ càng và một nụ cười bẽn lẽn. Lời chú thích phía dưới viết: “Thích toán học… một nhà môi giới chứng khoán trong tương lai.”
Howard đề xuất với con trai Trường Tài chính và Thương mại Wharton thuộc Đại học Pennsylvania ở gần đó. Nhưng Warren đáp lại rằng đại học là một sự lãng phí. Cậu đã giao được gần 600.000 tờ báo và nhờ đó kiếm hơn 5.000 đô-la. Tiền đang chảy về từ việc giao báo, từ công ty Wilson Coin Op và từ một người nông dân thuê đất của cậu ở Nebraska. Hơn thế nữa, cậu đã đọc ít nhất một trăm quyển sách về kinh doanh. Nói tóm lại, cậu còn phải học thêm điều gì nữa?
Howard nhẹ nhàng chỉ cho cậu thấy rằng vẫn còn tới hai tháng nữa cậu mới đủ 17 tuổi. Cuối cùng, Warren đã nhượng bộ. Vào tháng Tám, công ty Wilson Coin Op được bán cho một binh sĩ phục viên với giá 1.200 đô-la. Warren bỏ túi phần tiền của mình và đến học tại trường Wharton.
Thế nhưng, lần này Howard đã sai lầm. Mặc dù rất có danh tiếng, nhưng chương trình học của Wharton lại vô cùng nghèo nàn. Warren kể lại một cách giận dữ rằng cậu còn biết nhiều hơn cả các giáo sư của mình ở đó. Sự bất mãn của cậu có lẽ bắt nguồn từ phương pháp tiếp cận dàn trải không hệ thống của họ – một điềm báo trước việc nhà tỷ phú sau này nhìn chung không có cảm tình với các trường dạy kinh doanh. Các vị giáo sư của cậu chỉ ôm mớ lý thuyết suông mà không hề để tâm tới những kinh nghiệm thực tế trong việc tìm kiếm lợi nhuận mà bản thân Warren đã tích lũy được.
Khi Warren về thăm Omaha, bà Mary Falk thường khuyên nhủ cậu không được lơ là việc học hành. Warren đã hồn nhiên đáp lại: “Cô Mary à, tất cả những gì cháu phải làm chỉ là vừa mở sách ra xem lại vào đêm hôm trước, vừa uống một chai Pepsi-Cola to; thế là cháu được điểm 100.”
Thật ra, Warren dành nhiều thời gian để tới một phòng môi giới chứng khoán ở Philadelphia. Ở đó cậu theo dõi rất nhiều cổ phiếu khác nhau. Tuy nhiên, cậu vẫn chưa biết cách đầu tư một cách có hệ thống – hoặc nếu có thì nó còn rất mơ hồ. Cậu nghiên
cứu các biểu đồ và lắng nghe những lời khuyên. Nhưng cậu chưa có được cái khung cơ bản. Cậu vẫn đang tìm kiếm.
Năm thứ nhất đại học, Warren ở chung phòng với Charles Peterson, một anh chàng cũng đến từ Omaha (và sau này là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Warren). Cậu cũng trở thành bạn thân với Harry Beja, một anh chàng người Mexico cũng sống xa nhà và phải ở tại khu học xá đông bắc giống như Warren. Beja là sinh viên nghiêm túc nhất tại ngôi trường này, nhưng Warren thì lại thường trêu đùa cậu ta về cuộc sống với những người “da đỏ” ở Mexico. Cả hai đều được điểm A+ trong môn Công nghiệp, nhưng Beja để ý thấy rằng mình đã phải học hành chăm chỉ hơn Warren rất nhiều. Dù không thích sự thành công dễ dàng của cậu bạn, Beja vẫn phải thừa nhận rằng mình thích Warren. Đối với Beja, Warren là kiểu người Mỹ mà cậu từng lý tưởng hóa: “Một người miền Trung Tây thật thà và khiêm tốn với phong cách bình thường, giản dị.”
Warren cũng tìm thấy một tâm hồn đồng điệu khác nơi người bạn cùng phòng với Beja. Đó là một anh chàng đến từ Brooklyn tên Jerry Orans. Họ gặp nhau trong phòng tập thể hình, và anh chàng Orans lực lưỡng ngay lập tức tin rằng Warren là một thiên tài. Giống như Warren, Orans cũng cảm thấy mình hơi lạc điệu; cậu nhớ nhà kinh khủng và đã khóc rất nhiều trong suốt năm học thứ nhất. Nhưng cậu cũng rất thông minh sáng dạ và có nụ cười ấm áp. Warren và Orans đã trở thành những người bạn thân thiết.
Không hề chủ tâm nhưng Warren đang gieo mầm cho rất nhiều nhà đầu tư tương lai[12]. Nhưng lúc đó, cậu cảm thấy rằng mình sẽ chẳng đi đến đâu. Sau một năm tại Pennsylvania, cậu muốn bỏ học, tuy vậy cha cậu kiên quyết yêu cầu cậu cố gắng thêm một năm nữa. Ở Washington trong kỳ nghỉ hè, Warren tìm ra một trò tiêu khiển nhưng lại thể hiện ước vọng trở thành một quý ông giàu có – lần này lại là với Don Danly – người bạn kinh doanh trò chơi máy bắn đạn của cậu trước kia. Cậu ta vừa mới
bỏ ra 350 đô-la mua một chiếc Roll-Royce cũ và Warren đi cùng cậu đến một nơi để đồng nát tại Baltimore để lấy nó về rồi sau đó cùng nhau trở lại Washington. Về đến ranh giới của Baltimore, họ bị cảnh sát yêu cầu dừng xe. Danly thuật lại:
Tôi không hề có biển số; đèn chiếu hậu thì không sáng. Viên cảnh sát dường như chắc chắn sẽ viết vé phạt. Nhưng Warren đã nói: “Khoan đã, chú cảnh sát, chúng cháu phải mang chúng về nhà, đem đến gara nhà cháu để tụi cháu sửa chữa nó lại thì nó mới đáp ứng được tất cả các yêu cầu về an toàn chứ.” Cậu ấy cứ nói và nói đến tận khi viên cảnh sát phải cho qua.
Danly để chiếc Rolls Royce trong gara nhà Buffett. Chúng phải dùng cả mùa hè để sửa nó – và tất nhiên Danly chính là người chui vào gầm xe. Warren ngồi trên một chiếc ghế đẩu giúp bạn mình thư giãn với những câu chuyện kinh doanh và những đoạn viết từ cuốn sách mà chúng cho rằng rất thú vị – Làm thế nào để mất bạn bè và khiến mọi người xa lánh mình.
Chiếc Rolls Royce thuộc dòng Ladie’s Shopping[13] sản xuất năm 1928. Nó có một ghế đơn ở phía trước, một ghế ngủ rộng ở phía sau và một cái quay tay rất đẹp phô ra ngoài. Danly và Norma Jean sơn chiếc xe màu xanh đen. Họ cho thuê nó vài lần, nhưng mục đích chủ yếu là để mọi người nhìn thấy họ trong chiếc xe. Warren đề nghị cả hội lái xe vào khu trung tâm, giả vờ làm một cặp đôi giàu có với tài xế riêng – chính cậu sẽ đóng vai anh chàng quý tộc giàu có còn Danly sẽ làm tài xế. Danly mặc chiếc áo khoác ngoài của ông Howard Buffett vào và cầm lái, còn Warren mặc một chiếc áo khoác lông chồn và đội chiếc mũ chóp cao, rụt rè bước vào trong xe ngồi cạnh Norma Jean. Khi họ đến tòa nhà Times–Herald, theo như kịch bản, Danly sẽ tắt máy và thả dốc xuống một chỗ đỗ. Sau đó cậu ta sẽ ra khỏi xe và bắt đầu loay hoay dưới mui như thể đang xem chiếc xe bị hỏng ở đâu. Khi mọi người bắt đầu chú ý, Warren – chàng trai quý tộc – sẽ gõ cây gậy vào kính chắn gió và chỉ, như thể đang nói cho Danly
biết hỏng hóc có thể xảy ra ở đâu. Danly đóng kịch thêm một chút xíu nữa và rồi chiếc xe được sửa xong[14].
Thế nhưng khi không có kịch bản, Warren hiếm khi nào tỏ được sự tinh tế, ngọt ngào và khéo léo. Cậu hẹn hò với em họ của Norma Jean là Barbara Worley mùa hè năm đó và dẫn cô đi nghe nhạc của Billie Holiday[15]. Nhưng mặc dù là một người bạn vui tính, cậu lại chẳng để lại chút lãng mạn nào nơi cô gái khi đặt ra cho cô vô số những câu đố hay những “trò chơi thử thách trí tuệ” khác – có lẽ chúng là những hoạt động duy nhất giúp cho Warren cảm thấy bớt vụng về. Cuối cùng, khi cậu lấy hết can đảm để mời cô đi chơi cuối tuần tại Pennsylvania, Worley đã từ chối.
Vào năm thứ hai, Warren sống tại Alpha Sigma Phi, một khu nhà lớn từ thời nữ hoàng Victoria trên đường Spruce với những trần nhà cao và cầu thang xoắn ốc oai vệ. Cậu có mối liên hệ không thật rõ ràng với những nam sinh viên khác tại đây – không tách biệt nhưng cũng không hẳn là một phần trong đời sống của họ. Sau giờ ăn trưa, cậu thường ngồi lọt thỏm trong một chiếc ghế bành cong và tham gia chơi bài. Khi trò chuyện, đặc biệt là trong các bữa ăn, Warren thường rất sôi nổi – thoải mái và tự tin với ý kiến của mình. Trong những năm tháng đó, các thành viên của hội nam sinh được bồi bàn phục vụ khi ăn và phải mặc áo vét và thắt cà vạt khi dùng bữa tối. Anthony Vecchione, anh chàng cùng bàn thường nói chuyện với Warren, nhớ lại: “Khi cậu ấy thích thú, cậu ấy tỏ ra rất vui vẻ và cười rất nhiều. Cậu ấy rất thông minh và vui tính. Đó không phải là một lời khen ngợi mà là một nhận xét rất khách quan. Cậu ấy có một cái nhìn khá hoài nghi về mọi thứ. Tôi nhớ cậu ấy đã nói một cách châm chọc rằng nếu có tiền, cậu ấy sẽ lắp những chiếc ghế ngồi sưởi ấm bằng hơi nước trong nhà vệ sinh. Cậu ấy nói rằng đó phải là loại hiện đại nhất.”
Niềm khao khát duy nhất của Warren là những thử thách trí tuệ – hoặc tài chính. Thế nhưng Penn là một ngôi trường rất sôi nổi
theo một chiều hướng khác. Năm học 1948 tại đây hầu như chỉ xoay quanh các hoạt động cổ vũ và 10 đội bóng hàng đầu của trường. Thật khôi hài, Warren được mô tả trên trang bìa của tờ Penn Pics, một tạp chí sinh viên, như một fan hâm mộ kiểu mẫu – đội chiếc nón quả dưa, khoác chiếc áo lông gấu trúc, một tay đang vẫy biểu ngữ, tay kia cầm một chai rượu nổi tiếng chỉ về phía cô gái đang hẹn hò, ngậm một điếu xì gà trên miệng và đang cười khoái chí, tất cả trên nền một loạt ảnh mô tả đội diễu hành của trường Penn.
Hình trang bìa đó chỉ là một trò đùa; bạn của Warren, Jerry Orans là một trong những người đã biên tập nó. Trong thực tế, Warren hoàn toàn trái ngược với chàng trai trong bức hình. Cậu không uống rượu bia, không cảm thấy thoải mái với phụ nữ và cũng không phải là người của công chúng. Trong khu trường học với quá nhiều sinh viên lớn tuổi hơn – những người lính phục viên – cậu thậm chí còn có vẻ lạc lõng. Với mái tóc giản dị không chải chuốt, chàng sinh viên gày gò 18 tuổi trông như một cậu em đến thăm người anh trai của mình ở trường đại học.
Sự non nớt của Warren thể hiện rất rõ trong khi nói chuyện về tình dục. Ngoài việc không có kinh nghiệm đối với phụ nữ, cậu còn đặc biệt không cảm thấy thoải mái với những chuyện đùa trong phòng tắm của những gã trai khác. Veccochione, con trai của một nhà thầu phụ tại Long Island, nói: “Khi mọi người nói về chuyện ấy, cậu ta sẽ cúi gằm xuống sàn nhà, mặt đỏ bừng bừng.”
Vào cuối tuần, khi khu nhà Alpha Sigma tổ chức những bữa tiệc bia. Ngôi nhà của các nam sinh sẽ tràn ngập những cô gái. Warren thường xuyên không hẹn hò với ai. Nhưng như một phần quan trọng trong tính cách của một nhà đầu tư tương lai, cậu cảm thấy thoải mái khi không giống với đám đông. Trong khi hầu hết các anh chàng khác đang choàng tay ôm bạn gái mình thì Warren lại ngồi trên một chiếc trường kỷ và góp vui cho bữa tiệc bằng việc nói một chút về tiêu chuẩn của vàng. Câu
chuyện của cậu thu hút đến nỗi những người tham gia đã biến phần của cậu trong các bữa tiệc trở thành truyền thống: Warren sẽ đứng ở góc phòng và được hỏi dồn dập về các chủ đề kinh tế và chính trị. William Wayne Jones, một người bạn không uống rượu và là một nhà truyền giáo tương lai của Hội Giám lý, nhớ lại: “Cậu ấy bắt đầu nói và chỉ trong chưa đầy hai phút đã có người quay lại lắng nghe, có khi là 10 đến 20 người.” Cậu thường nói chuyện một cách rất khiêm tốn khiến cho mọi người bị chinh phục. Câu cửa miệng của cậu lúc bắt đầu là: ‘Tớ thật sự không biết nhiều về điều này, nhưng đối với tớ thì nó…’”
Những người bạn trong hội nam sinh viên rất khâm phục sự thông minh của Warren. Họ nhớ lại rằng cậu thường đọc một chương sách và kể lại như đã thuộc lòng. Trong lớp, khi một giảng viên nào đó đọc như vẹt một câu trả lời từ sách giáo khoa, Warren vốn đã thuộc lòng nó thường la lên: “Thầy quên mất dấu phẩy rồi thưa thầy.” Ngoài ra, cách cậu lém lỉnh bình luận về các giảng viên trong khoa khiến những người bạn của cậu phải chú ý. Một trong những thành viên của hội nam sinh, Richard Kendall nói: “Warren kết luận rằng chẳng có thứ gì trường Wharton có thể dạy cậu ấy cả. Và cậu ấy đã đúng.”
Khi những anh chàng cùng trường trở lại Wharton vào mùa hè năm 1949, họ sững sờ khi không thấy Warren đâu. Vecchione nói: “Cậu ấy đã bốc hơi vào cuối năm thứ hai. Không ai còn nghe thấy tin tức gì về cậu ấy nữa. Tóm lại, cậu ấy lại chạy trốn một lần nữa. Cha cậu thất bại trong cuộc bầu cử năm 1948 và đã trở về quê nhà Omaha, để lại Warren một mình ở miền Đông. Tại trường Wharton, chẳng có thứ gì giữ được chân cậu nữa – không có việc giao báo, cũng không có công việc kinh doanh máy bắn đạn. Cậu chuyển tới trường đại học Nebraska tại Lincoln quen thuộc, nơi cha mẹ cậu đã gặp nhau. Warren giải thích: “Tôi không nghĩ mình học được nhiều điều. Nebraska thì mời gọi còn Wharton lại xua đuổi tôi.”
Đối với những nam sinh ở cùng tòa nhà Alpha Sigma, ký ức duy nhất về Warren còn đọng lại trong tâm trí họ là hình ảnh cậu ngồi chơi bài trong một góc phòng, cạnh một cái cửa sổ lớn. Ngoài ra, cậu dường như chưa hề có mặt ở đó.
Từ lúc trở về Nebraska, Warren chỉ còn là một cậu sinh viên trên danh nghĩa. Sự thực là cậu đang khởi đầu sự nghiệp của mình. Suốt mùa hè đó, cậu làm việc tại công ty J.C. Penney[16], nơi cậu được đề nghị vào một vị trí sau khi tốt nghiệp (nhưng sau này cậu đã từ chối). Cảm thấy thoải mái hơn trên lãnh thổ quen thuộc của mình, Warren cũng bắt đầu hẹn hò. Khi viết thư cho “Quái vật Yêu dấu” (Jerry Orans), anh chàng Buffett hóm hỉnh đã vênh váo khoe với bạn mình:
Cô gái gần đây nhất mà mình hẹn hò tình cờ tiết lộ rằng cô ấy có chơi quần vợt, thế là mình nghĩ sẽ có thể gây ấn tượng với cô bé bằng một màn biểu diễn cơ bắp. Mình ngỏ ý muốn chơi quần vợt với cô ấy. Thế nhưng cô ấy đã thắng đậm.
Warren lên kế hoạch học tập dày đặc – hoàn thành năm môn trong học kỳ thu năm 1949 và 6 môn trong học kỳ xuân năm 1950, hầu hết là các môn về kinh doanh và kinh tế. Nhưng mối quan tâm của cậu thì lại nằm ngoài giảng đường. Buffett tiếp tục công việc giao báo; cậu kể lại với anh bạn Orans của mình rằng giờ cậu đang quản lý “50 cậu bé luôn gọi cậu là ‘Ngài Buffett.’” Những đứa trẻ này đang giao tờ Lincoln Journal trong sáu quận nông thôn vùng Đông Nam Nebraska dưới sự giám sát của Warren. Cậu dùng một chiếc Ford đời 1941 cho việc đi lại. Công việc này mang lại cho cậu thu nhập 75 xu một giờ. Mark Seacret, trưởng phòng phát hành của tờ báo còn hoài nghi không biết liệu một cậu sinh viên có thể gánh vác được khối lượng công việc nặng nề đến thế hay không. Nhưng Buffett thì lại “rất phấn khích.” Mỗi tuần cậu chỉ đến nhận nhiệm vụ có một lần và thường biến mất luôn trong giây lát. Đối với cậu, đó là một công việc rất vừa sức. Sau này Buffet thuật lại:
Nếu phải giao báo xuống Seward hoặc thành phố Pawnee hoặc vùng Weeping Water tại Nebraska, thì chắc chắn bạn sẽ phải tìm kiếm một cậu bé và cậu ta sẽ chỉ giao được khoảng 15 tờ báo một ngày. Bạn còn phải để cậu ta làm việc vào cuối buổi chiều hoặc đầu buổi tối trong khi bạn đang phải có mặt trên giảng đường – tôi đã học được rất nhiều điều từ việc đó.
Tại Lincoln, Buffett sống trên gác một ngôi nhà được xây từ thời Victoria trên Đại lộ Pepper cùng với Truman Wood, người sau này trở thành hôn thê của chị Doris của cậu. Buffett thường trở về nhà vào cuối buổi chiều sau khi đã kết thúc công việc giao báo, ngồi đọc tờ Wall Strett Journal rồi sau đó cùng Wood tới một quán ăn nhỏ để dùng bữa tối với các món như khoai tây nghiền, thịt bò hay nước thịt hầm. Wood, người cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng Buffett đã đọc Kinh Thánh được ba hay bốn lần nhưng vẫn không tin vào Chúa, đã cố gắng thay đổi cậu. Họ thường tranh cãi với nhau về niềm tin hay cuộc sống sau khi chết, nhưng Buffett dường như không thể lay chuyển nổi. Trước mỗi luận điểm mà Wood đưa ra, Buffett đều có những lý lẽ cực kỳ hợp lý để đáp lại.
Ngoài những cuộc tranh luận với bạn cùng phòng, Buffett đang khẩn trương hoàn thành chương trình đại học trong ba năm. Và trong khi theo đuổi một công việc gần như toàn thời gian và tiếp tục duy trì sở thích chơi bài, cậu vẫn đạt toàn điểm A. Hơn thế nữa, như cậu viết cho Orans vào mùa thu năm đó, cậu đã gửi 12 bài thơ với hy vọng sẽ thắng giải thưởng trị giá 100 đô-la của cuộc thi làm thơ[17] vui quảng cáo cho hãng kem cạo râu Burma Shave và lại còn hẹn hò với “một cô gái người Đức trông cũng khá ổn”
Vào mùa đông, Buffett bắt đầu xem xét việc khôi phục lại công việc kinh doanh banh gôn của mình – lần này cậu muốn làm ăn nghiêm túc với ý định đề nghị Orans làm đại lý cho mình tại Philadelphia. Vào tháng 1/1950, cậu bắt đầu nài nỉ bạn mình tham gia.
Mình không nghĩ là thanh niên ở đó có nhiều kinh nghiệm chơi gôn và mình có thể đảm bảo rằng ngày một tháng Ba sẽ giao loại banh mà cậu muốn, cho nên đừng lưỡng lự về việc nhận đơn hàng nữa.
Warren hứa sẽ bù đắp thiệt hại đối với bất kỳ trái banh nào không dùng được và đảm bảo với Orans rằng chất lượng hàng của mình rất tốt. Tuy nhiên, cậu cũng nhắc nhở bạn mình: “Đừng để chúng ở chỗ có nhiệt độ cao.” Sau này Buffet có kể lại rằng mình đã vượt qua các kỳ thi cuối năm với kết quả “khá tốt” cũng như hoàn thành việc đăng ký các môn sẽ tham gia trong học kỳ tiếp theo. Vào tháng Tư, sau khi gửi cho Orans một chuyến hàng, cậu đã chuyển tới người bạn thân của mình một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng rất có chủ ý rằng “Công ty Gôn Buffet” được lập ra là để kiếm lời chứ không phải cho vui.
Tới lúc này thì mình có thể tưởng tượng được là cậu đang chìm ngập trong sự xa hoa mà những khoản lợi nhuận khổng lồ kiếm được từ việc bán những trái banh lấp lánh đẹp đẽ mình gửi qua một người thân của bố cậu đem lại. Thế nhưng đừng quên là sự giàu có của Philadelphia vẫn chưa được chia sẻ với Lincoln cho tới khi cậu gửi cho tớ tấm chi phiếu trị giá 65,94 đô-la đâu nhé.
Vào mùa hè, Buffett vẫn tiếp tục tốc độ học tập chóng mặt. Cậu chuyển đến sống cùng bố mẹ ở Omaha và theo học ba môn để có thể tích lũy đủ tín chỉ tốt nghiệp. Tính đến tháng Bảy, cậu đã bán 220 trái banh gôn và kiếm được 1.200 đô-la từ chúng. Và cậu đã tiết kiệm được tổng số 9.800 đô-la từ tất cả các công việc kinh doanh của mình.
Khoản tiền khiêm tốn này chính là khởi đầu của toàn bộ số tài sản khổng lồ mà Buffett sẽ kiếm được sau này. Trong một cuốn sổ chép tay nguệch ngoạc, chữ thì lúc to lúc nhỏ, cậu theo dõi từng đồng xu mà mình kiếm được – từ cổ phiếu của Công ty dịch vụ Công cộng cho đến công việc giao báo, kinh doanh banh gôn và cho thuê máy trò chơi máy bắn đạn. Khối lượng các ghi chép
của Buffett sau này đã gợi lên trong tâm trí một nhà báo về số lượng khổng lồ các tác phẩm văn học mà “nhà văn Horatio Alger đã tặng cho Thư viện Baker thuộc Trường Kinh doanh Harvard.”
Buffett thực ra đã nộp đơn xin học tiếp tại trường này. Cậu tự tin viết cho Orans, người bạn đã chọn Trường Luật Colombia, rằng: “Này! Jerry béo, hãy suy nghĩ lại rồi nộp đơn vào Harvard cùng với tớ đi.” Mùa hè đó, Buffett đón xe lửa tới Chicago để gặp một cựu sinh viên tại Harvard. Gày giơ xương, đầu tóc không chải chuốt và gương mặt non nớt của cậu đã gây cho người phỏng vấn ấn tượng rằng cậu không hợp với Harvard cho lắm. Cuộc phỏng vấn đó kết thúc chỉ trong vòng 10 phút. Viết cho “Jerry béo” vào ngày 19/7, Buffett đã cần tới năm đoạn văn để thông báo kết quả. Cậu cho bạn mình biết rằng cậu đang học môn thuế và nghiên cứu về “tất cả các yếu tố tinh vi nhất khiến lợi nhuận của các công ty bị hạn chế bớt.” Sau đó cậu mô tả cú giao bóng mạnh mẽ như súng thần công của mình trên sân gôn, rồi cập nhật về việc kinh doanh banh gôn; cậu còn gửi những lời chúc tốt lành cho người cha đang hồi phục sau cơn bệnh của Orans.
Sau cùng mới là vấn đề chính. Những gã huênh hoang khoác lác đó đã không nhận mình vào khoa sau đại học của họ. Họ cho rằng 19 tuổi là còn quá trẻ và khuyên mình nên đợi thêm một hay hai năm nữa. Giờ thì mình đang phải đối mặt với thực tế u ám là sẽ phải tự trả tiền thuê phòng và ăn ở tại đây thêm bốn tuần lễ nữa. Bố mình muốn mình tiếp tục tìm thêm một trường nào đó nhưng mình không thích ý tưởng đó cho lắm.
Hai tuần sau, cậu không giấu giếm bạn mình thêm nữa. Cậu viết:
Jerry Béo yêu quý,
Nói thật với cậu, tớ đã chết lặng khi nghe tin từ Harvard. Hiện giờ, tớ đang chờ được trường Columbia chấp nhận. Ở đó họ có
khoa tài chính khá tốt; ít nhất thì họ cũng có một vài nhân vật đang nổi – những giáo sư đang giảng dạy môn định giá cổ phiếu là Graham và Dodd.
Nhưng hóa ra Buffett đã đánh giá thấp hai nhân vật này. Benjamin Graham lúc đó thật ra đã là chủ nhiệm khoa chứng khoán; ông và đồng nghiệp của mình David Dodd là đồng tác giả cuốn Phân tích Chứng khoán, cuốn sách giáo khoa có tầm ảnh hưởng rất lớn. Khi còn ở Lincoln, Buffett cũng đã đọc quyển sách mới của Graham, Nhà Đầu tư Thông minh, và thấy nó hết sức hấp dẫn. Wood, bạn cùng nhà với Buffett đã từng nói: “Cứ như thể là cậu ấy đã tìm được tôn giáo của mình vậy. Cụm từ “nhân vật đang nổi” mà cậu ấy sử dụng có thể xem như là một đánh giá không thành thật cho lắm bởi lúc ấy cậu ấy đang hết sức lo sợ sẽ lại bị từ chối thêm một lần nữa.” Nhưng vào tháng Tám, Buffett nhận được tin mừng. Cậu sẽ được tới New York để học tập dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư này.
Chú thích:
[5] Henry Ford là người sáng lập tập đoàn Ford Motor. Ông là người đầu tiên áp dụng sản xuất kiểu dây chuyền lắp ráp trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô.
[6] Vợ của Tổng thồng John F. Kennedy
[7] Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, để tránh quân Nhật và Đức ném bom, người ta dùng rèm để che cửa nhằm tránh để ánh sáng từ trong nhà thoát ra ngoài vốn có thể giúp kẻ địch xác định được mục tiêu ném bom.
[8] Daily Racing Form là một tờ báo chuyên đăng thành tích quá khứ của các chú ngựa đua nhằm mục đích thống kê cho những tay cá cược
[9] Một thương hiệu xe hơi của General Motor
[10] Short selling: nghiệp vụ trong đó người thực hiện mượn cổ phiếu của một công ty nào đó từ một nhà đầu tư để bán đi, với kỳ vọng là giá của nó sẽ sụt giảm sau một thời gian và anh ta có thể hoàn trả chúng bằng cách mua lại với giá thấp hơn và hưởng phần chênh lệch
[11] Công ty điện thoại và điện báo, nhà cung cấp các dịch vụ điện thoại đường dài và nội địa lớn nhất Hoa Kỳ
[12] Orans trở thành một nhà đầu tư của Buffett và là một người ngưỡng mộ ông suốt đời. Sau này anh ta đề nghị Beja cũng đầu tư nhưng Beja kiên quyết chứng tỏ rằng mình có thể tự mình làm điều đó. Kể từ đó, Orans thường gọi cho Beja vài lần một năm để kể cho anh ta biết Warren có giá trị như thế nào.
[13] Xe dành cho quý bà khi đi mua sắm
[14] Danly có một sự nghiệp vững chắc trong vai trò một kỹ sư hóa học tại công ty Monsanto. Lúc nghỉ hưu, ông đã mua một chiếc Jaguar.
[15] Cô là ca sĩ và nhạc sĩ nhạc Jazz của Hoa Kỳ (1915 – 1959) [16] Một chuỗi cửa hàng bách hóa tại Hoa Kỳ
[17] Bài thơ hay nhất của Buffett: “Nếu bạn nhớ những nụ hôn – Thì nghe này, hãy thử thứ này đi – Burma-Shave.”
Chương 3
GRAHAM
T
hị trường bao giờ cũng là người bạn thật thà. Mỗi ngày, nó đều nói cho bạn biết bạn đang lời lãi được bao nhiêu
— BENJAMIN GRAHAM, Nhà đầu tư thông minh
Buffett bị cổ phiếu mê hoặc kể từ lần đầu cậu được viết giá của chúng lên những tấm bảng đen lớn. Cậu đã mua bán cổ phiếu, nghiên cứu thị trường, tham khảo ý kiến từ những người có uy tín, và chờ đợi phép màu hiện ra – có thể là một hàm số tương quan nào đó trong các biểu đồ hay một nguyên tắc vàng giúp cậu trở nên giàu có. Nhưng lúc đó Warren vẫn chưa làm được gì nhiều hơn so với trước đây, khi cậu lùng sục trên sàn của trường đua ngựa để tìm kiếm những cuống vé bỏ đi. Một số cổ phiếu sẽ sinh lời, nhưng rất nhiều cổ phiếu khác thì không.
Ben Graham chính là người đã mở ra cánh cửa lớn cho Buffett. Ông đã cho cậu những công cụ cần thiết để khám phá những khả năng đa dạng của thị trường và quan trọng hơn là phương pháp tiếp cận nó theo cách rất phù hợp với tâm tính của cậu học trò. Được trang bị những kỹ thuật của Graham, Buffett không cần đến lời khuyên của các bậc thầy nữa mà có thể tận dụng tài năng thiên bẩm của chính bản thân mình. Được tôi luyện theo bản lĩnh hình mẫu của Graham, Buffett đã phát huy hết tính độc lập vốn có của mình trong công việc – tính độc lập được duy trì một cách hoàn hảo theo kiểu Emerson[18] mà cậu vẫn thường được nghe từ cha mình.
Đối với Buffet, vai trò của Graham không chỉ dừng lại ở một người giáo viên. Ông chính là người trao cho cậu tấm bản đồ
g g g g ậ đáng tin cậy đầu tiên của thành địa bí ẩn và lạ kỳ – thị trường chứng khoán. Ông đưa ra một cơ sở có lý luận trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư – thứ trước đây vốn chỉ là một cách thức không có nền tảng khoa học giống như trò cá cược. Đầu tư chứng khoán mà không có Graham thì cũng giống như chủ nghĩa cộng sản không có Mác – nguyên tắc cơ bản sẽ không được đưa ra.
Giống như mọi phát kiến mang tính cách mạng khác, lúc đầu, những bài viết của Graham chưa nói lên được đầy đủ tầm ảnh hưởng của ông. Nhưng không giống như những nhà đầu tư khác tại Phố Wall, Graham rất cởi mở trong suy nghĩ và thoải mái chia sẻ các ý tưởng của mình. Phố Wall hấp dẫn ông như một bí ẩn cần phải khám phá – tiền bạc chẳng có ý nghĩa gì với ông cả. Trong cái thế giới đầy rẫy những đầu óc thiển cận đó, Graham là một học giả thực thụ theo quan niệm truyền thống: ông học tiếng Latinh và Hy Lạp, dịch các bài thơ bằng tiếng Tây Ban Nha, và đã sáng tác một vở kịch cho sân khấu Broadway[19] – tuy rằng nó chỉ được trình diễn có bốn đêm. Nhưng kỳ lạ thay, là một người đã cách mạng hóa việc đầu tư, ông lại dành phần lớn thời gian của mình để làm những việc nhỏ nhặt hay chế tạo những vật dụng lạ lùng, chẳng hạn như một cái thước trượt kiểu mới hay những thứ đồ nội thất mà ông cho là “thiết thực hơn”. (Điều này cũng khó hiểu không kém so với quan điểm của ông trước sức hấp dẫn của phố Wall: chẳng có vẻ gì là Graham đã từng cầm búa) Về mặt ngoại hình, ông thấp bé, đôi mắt xanh sắc sảo và đôi môi dày – theo một cộng sự của ông thì: đó là “một gã bé nhỏ, có phần xấu xí nhưng vui tính, có cái đầu rất thông minh và nhanh nhạy.”
Ông chào đời tại London vào năm 1894 và được đặt cho cái tên Benjamin Grossbaun. Khi ông một tuổi, cha ông đã đưa cả gia đình tới New York để ông có thể mở chi nhánh cho một công ty kinh doanh đồ sứ nhập khẩu. Nhưng cha ông đã qua đời khi ông lên 9. Mẹ ông sau đó đã dùng tiền dành dụm được đầu tư vào thị trường chứng khoán và đã bị mất trắng trong cuộc khủng
hoảng tài chính năm 1907. Vì vậy mà Ben phải làm những việc lặt vặt để kiếm sống. Ông học tập xuất sắc tại trường trung học Boys High tại Brooklyn và được nhận vào trường Đại học Columbia. Tốt nghiệp năm 1914, ông được đề nghị nhiều vị trí giảng dạy tại ba khoa trong trường – tiếng Anh, toán và triết học. Nhưng ông đã nghe theo lời khuyên của một vị trưởng khoa khác trong trường và đến làm việc tại Phố Wall.
Tại đó, Graham khởi đầu sự nghiệp từ vị trí thấp nhất, nhận được 2 đô-la một tuần nhờ công việc ghi giá cổ phiếu lên bảng. Trong thời đại mà những nhà phân tích chứng khoán còn chưa được khai sinh mà mới chỉ có những “nhà thống kê thuần túy”, ông nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình với tư cách một nhà đầu tư và cũng bắt đầu viết lách. Đến năm 1920, ông đã tham gia giảng dạy về tài chính sau giờ làm việc.
Các bài giảng về Phố Wall thể hiện niềm say mê của ông đối với hình học. Ví dụ, ông hăm hở hệ thống hóa việc đầu tư – trong đó ông nghiên cứu những nguyên lý hình học của Euclide để áp dụng chúng trong phân tích thị trường chứng khoán.
Trong thời buổi của xu thế đầu cơ trong những năm cuối của thập niên 1920 – phương pháp đầu tư của Graham là một trường hợp hiếm hoi và kỳ lạ: ông tìm kiếm những công ty có giá cổ phiếu rẻ tới mức không còn rủi ro nào khi đầu tư vào chúng. Ví dụ, năm 1926 ông phát hiện ra rằng Northern Pipe Line, một công ty chuyên vận chuyển dầu lửa (bằng đường ống dẫn), sở hữu một danh mục đầu tư gồm các trái phiếu ngành đường sắt trị giá 95 đô-la mỗi trái phiếu, đó là còn chưa tính giá trị các đường ống dẫn dầu. Thế nhưng cổ phiếu của nó chỉ được giao dịch ở mức 65 đô-la. Graham đã mua 2.000 cổ phiếu và đề nghị công ty này bán các trái phiếu mà nó sở hữu nhằm lấy lại giá trị cho danh mục đầu tư đang bị chôn vùi của mình. Ban quản trị công ty, vốn do gia đình Rockefeller kiểm soát, đã từ chối đề nghị trên. Thế nhưng, Graham đã tiến hành một cuộc chiến để giành lấy quyền kiểm soát công ty và đã được bầu vào
ban quản trị. Northern Pipe Line đành chịu thua có điều kiện để Graham thoái lui khỏi chức vụ vừa được bầu; nó buộc phải thanh lý các trái phiếu đường sắt đang sở hữu và trả lợi tức 70 đô-la cho mỗi cổ phiếu.
Năm 1929, công ty Benjamin Graham Joint Account của Graham đã có số vốn lên đến 2,5 triệu đô-la và Graham đang dẫn dắt nó một cách xuất sắc... Đương nhiên là vào lúc đó, Phố Wall cũng đầy rẫy những người giàu có. Các nhà đầu cơ đang đẩy giá cổ phiếu lên cao ngất trời. Chính trong năm đó, vị giáo sư không may mắn của Đại học Yale – Irving Fisher đã tuyên bố: “Dường như giá cổ phiếu đã đạt được ngưỡng cao và rất ổn định.”
Mặc dù vậy, Graham vẫn rất cẩn thận. Khi cuộc Đại Suy thoái[20] diễn ra, công ty Joint Account chỉ bị mất 20% giá trị – con số tương đối khiêm tốn. Nhưng đến năm 1930, Graham – giống như rất nhiều người khác – tin chắc rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi. Ông quyết định vay tiền từ các công ty môi giới chứng khoán[21] để đầu tư vào cổ phiếu. Nhưng sau đó, thị trường vẫn tiếp tục phá hết đáy này đến đáy khác. Như John Kenneth Galbraith nhận xét: “Đặc điểm tiêu biểu của cuộc Đại Suy thoái là điều tồi tệ nhất tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.”
Những đồng tiền thông minh – những đồng tiền được đặt ngoài vòng kiểm tỏa của cuộc Đại khủng hoảng để chờ đợi cho sóng gió đi qua – cuối cùng cũng bị cuốn trôi hết. Vào năm 1932, công ty Joint Account đã giảm tới 70% giá trị. Graham gần như phá sản. Gia đình họ phải chuyển khỏi căn hộ hai tầng nhìn ra công viên Beresford và tới sống trong một căn hộ giản dị nằm ở phía sau của khu El Dorado gần đó, nơi những chỗ trống cũng đang dần trở nên hiếm hoi. Vợ ông, một giáo viên khiêu vũ, phải đi làm trở lại. Graham đã chuẩn bị tinh thần để tuyên bố phá sản, nhưng một người họ hàng của Jerome Newman – người góp vốn của Graham – đã bơm vào 75.000 đô-la tiền vốn và vì thế giúp công ty thoát khỏi cơn nguy khốn. Khi tác phẩm Phân Tích
Chứng Khoán xuất hiện vào năm 1934, Graham – vị đồng tác giả 40 tuổi của nó – đã không được trả lương trong vòng 5 năm liền.
Trong phần giới thiệu của quyển sách, Graham thành thật thừa nhận rằng đầu tư vào những cổ phiếu phổ thông dường như là một phương pháp “không đáng tin cậy”. Lúc đó, một phần ba các công ty trong ngành công nghiệp Hoa Kỳ đang bán cổ phiếu của mình ở mức dưới giá trị sổ sách. Các chuyên gia vốn chỉ một vài năm trước đây còn xem Phố Wall như chốn thiên đường với những dòng suối sữa và mật ong bất tận thì bây giờ lại khuyên rằng: “Sở hữu những cổ phiếu như thế không thể gọi là đầu tư.” Gerald M.Loeb, một nhà bình luận mà tác phẩm rất nổi tiếng Cuộc chiến để tồn tại trong đầu tư của ông xuất hiện cùng thời điểm với cuốn Phân tích chứng khoán, đã cho rằng đầu tư để kiếm lời là chuyện không thể. Nếu chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones có thể đạt được 381,17 điểm vào năm 1929 nhưng rồi lại tụt xuống 41,22 điểm vào năm 1932 thì ai mà biết được giá trị “thực” của nó là bao nhiêu? Ông còn khẳng định: “Tôi không nghĩ là có ai đó thực sự biết được khi nào một cổ phiếu nhất định có giá rẻ hay đắt.” Ông đưa ra lời khuyên rằng: “Khi đầu cơ điều quan trọng là phải đoán trước được các xu thế.”
Loeb nhấn mạnh rằng điều cần quan tâm xem xét không phải là doanh thu của một công ty mà là tâm lý của đám đông:
Tầm quan trọng của việc cân nhắc đầy đủ quan điểm của số đông, các kỳ vọng và ý kiến của công chúng – và ảnh hưởng của chúng đến giá cổ phiếu – không thể bị bỏ qua.
Nhưng làm thế nào để đánh giá đúng được quan điểm của công chúng? Phương pháp chủ yếu mà ông đưa ra là theo dõi giá của chính các cổ phiếu. Nếu một cổ phiếu rớt giá, bạn nên nhanh chóng bán chúng đi; còn nếu nó tăng, bạn nên mua vào. Mua một cổ phiếu với giá rẻ không thôi thì chưa đủ – bạn phải mua vào “đúng lúc nó bắt đầu tăng.”
Nếu Leob không thể hiểu thấu được nghịch cảnh của hàng triệu nhà đầu tư, trong đó mỗi người đều có phản ứng trước hành động của những người còn lại và ai cũng cố gắng đi trước đám đông một bước, thì Graham và Dodd lại làm được điều này:
Đầu cơ cổ phiếu chủ yếu là câu chuyện xoay quanh việc anh A cố gắng nghĩ xem anh B, C và D đang nghĩ gì – trong khi B, C và D cũng cố làm y như thế.
Phân tích chứng khoán đưa ra một cách nhằm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Graham và Dodd đề xuất các nhà đầu tư không nên chỉ chú ý vào sự biến động giá của các cổ phiếu mà còn phải chú ý vào các công ty đằng sau chúng. Bằng cách tập trung vào lợi nhuận, giá trị tài sản, triển vọng tương lai cũng như các tiêu chí khác tương tự như thế, các nhà đầu tư có thể biết được “giá trị thực” của một công ty – thứ vốn hoàn toàn độc lập với giá cả cổ phiếu của nó trên thị trường.
Họ lập luận rằng thị trường không phải là một “bàn cân máy” để có thể xác định giá trị các cổ phiếu một cách chính xác mà là một “chiếc máy ghi lại kết quả biểu quyết”, trong đó vô số người đưa ra sự lựa chọn của họ sau khi đã suy xét dựa trên một nửa là lý trí và nửa kia là cảm xúc. Thỉnh thoảng, những lựa chọn này sẽ không phù hợp với kết quả của những đánh giá hợp lô-gic. Tuy nhiên, bí quyết ở đây chính là đầu tư khi giá cả đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực, và tin tưởng vào xu hướng của thị trường là điều chỉnh sự sai lệch đó.
Cứ cho là cuộc Đại Suy thoái vẫn chưa lộ rõ hết sức tàn phá của nó, nhưng thời điểm đó vẫn là một thời điểm thích hợp để thể hiện lòng tin của một nhà đầu tư vào thị trường. Nhiều cổ phiếu của các công ty đang được rao bán với giá trị còn thấp hơn số dư tiền gửi của nó trong ngân hàng. Tuy nhiên, Graham, con người luôn tin tưởng vào các giá trị truyền thống, đã có thể nhận ra rằng sự u ám bao trùm lên Phố Wall chỉ là một phần của vòng tròn luân hồi nhân quả:
Việc những khoản lợi nhuận khổng lồ rồi cũng biến thành những khoản thua lỗ to lớn, những lý thuyết mới được phát triển rồi sau đó lại bị nghi ngờ, những sự lạc quan vô tận lại được tiếp nối bởi những nỗi thất vọng cùng cực, tất cả đều hoàn toàn phù hợp với quy luật truyền thống đã tồn tại bao đời nay.
Graham phân tích tỉ mỉ các cổ phiếu phổ thông, trái phiếu công ty, chứng khoán ưu tiên[22] (những thứ Micheal Milken thường gọi là trái phiếu rác – junk bond) giống như các nhà sinh vật học mổ xẻ những con ếch. Thoạt nhìn, Phân tích chứng khoán là một quyển sách giáo khoa phục vụ cho một chuyên ngành vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành[23]. Tuy nhiên, do được viết trong thời gian từ cao trào của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 cho đến giai đoạn hậu kỳ của nó nên cuốn sách cũng được coi như một lời kêu gọi tránh xa khỏi tội lỗi của các hoạt động đầu cơ. Theo nghĩa này, nó là một sự đột phá hoàn toàn. Các nhà đầu cơ của Loeb coi cổ phiếu như những mẩu giấy, có giá trị bằng tất cả những gì kẻ kế tiếp phải trả. Mục đích của ông là đi trước những kẻ khác một bước. Còn nhà đầu tư của Graham-và Dodd lại coi cổ phiếu là một phần của một công ty mà giá trị của nó, theo thời gian, sẽ phản ánh giá trị thực của toàn bộ công ty đó.
Nó là một sự thực gần như không thể tin nổi mà Phố Wall chưa bao giờ băn khoăn về nó: “Một công ty nào đó đáng giá bao nhiêu?”
Thế nhưng nó lại chính là câu hỏi mà Graham và Dodd đưa ra để làm chỉ dẫn trong khi định giá một cổ phiếu nào đó. Nó không phải là một môn khoa học chính xác, nhưng (đây chính là điểm cốt lõi) một nhà đầu tư cũng đâu cần đến sự chính xác – anh ta chỉ cần kỹ năng để nhận biết cổ phiếu của một công ty đã được bán với giá thật sự thấp hơn giá trị của nó nhiều hay chưa mà thôi.
Một ví dụ minh họa đơn giản và dễ hiểu nhất là: việc nhận biết xem một người phụ nữ đã đủ tuổi bầu cử hay chưa khi không biết tuổi của cô ta hoặc một người đàn ông có béo phì hay không khi không biết cân nặng của anh ta là điều hoàn toán có thể làm được.
Vẫn còn một câu hỏi hóc búa khác là một nhà đầu tư sẽ phải làm gì khi một cổ phiếu rẻ, sau khi mua vào, lại rớt giá hơn nữa. Về vấn đề này, hai tác giả thừa nhận rằng: bởi vì giá cả đôi khi không phản ánh chính xác nên nó có thể cần một thời gian khá dài để tự điều chỉnh.
Câu trả lời cho câu hỏi trên được tìm ra một năm trước khi Buffett nhập học tại trường Columbia. Trong cuốn Nhà Đầu Tư Thông Minh của Graham, triết lý của ông đã được gói gọn lại trong bốn từ “khoảng biên an toàn.” Ông cho rằng: “Một nhà đầu tư nên giữ một khoảng cách – mà nên là một khoảng cách lớn – giữa mức giá anh ta sẵn sàng trả cho một cổ phiếu và giá trị mà anh ta ước tính được của nó. Điều này cũng giống như việc dành ra khoảng trống cho các sai lầm trong khi lái xe ô tô. Nếu khoảng biên này đủ lớn, nhà đầu tư sẽ được an toàn. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Nghĩa là giả sử cổ phiếu này tiếp tục rớt giá. Graham viết: “Cứ cho rằng không hề có thứ gì liên quan đến công ty đó thay đổi, vậy thì nhà đầu tư không nên để tâm đến giá cổ phiếu của nó nữa, cho dù nó có u ám đến mức nào.”
Thật ra, một nhà đầu tư cảm thấy nhụt chí do thị trường giảm sút và quyết định bán ra theo phong trào ở mức giá rất thấp chính là “đang chuyển lợi thế cơ bản của mình thành một bất lợi cơ bản. Vậy lợi thế cơ bản là gì? Hầu hết các nhà đầu tư đều không biết rằng mình có một lợi thế như vậy Graham đã giải thích điều này trong một câu chuyện ngụ ngôn:
Hãy tưởng tượng, bạn đang nắm một cổ phần nhỏ trị giá 1.000 đô-la trong một công ty tư nhân nào đó. Một trong những người cùng hùn vốn với bạn,“Ông Thị Trường” là một người bạn rất
thật thà. Mỗi ngày, ông đều nói cho bạn biết bạn đang lời lãi bao nhiêu từ số cổ phiếu của mình, hơn nữa, trên cơ sở đó ông ta còn đề nghị bạn nên mua vào hay bán thêm cho ông ta một số cổ phiếu nữa. Đôi khi, ý kiến của ông ta rất hợp lý… Nhưng mặt khác,“Ông Thị Trường” cũng hay để cho sự sốt sắng nhiệt thành hoặc là nỗi hoảng hốt sợ hãi của mình lấn át, chính vì thế mà các giá trị ông ta đưa ra, với bạn, dường như hơi ngớ ngẩn.
Một nhà đầu tư thật sự cũng ở trong hoàn cảnh giống hệt như vậy. Anh ta có thể hoặc là tận dụng bảng giá hằng ngày của thị trường hoặc là bỏ qua nó –“Ông Thị Trường” rồi sẽ trở lại bình tĩnh hơn và sẽ đưa ra những giá trị đúng đắn hơn.
Đối với Buffett, những ý tưởng này giống như là bảng mã chìa khóa để giải nghĩa các văn tự cổ vậy. Cậu đã áp dụng hết các kỹ thuật đầu cơ; cậu đã dùng cả mẹo vặt lẫn các biểu đồ Magee – hết phương pháp này đến phương pháp khác nhằm bắt kịp với xu thế của thị trường. Thế nhưng, Graham đã đưa ra một phương pháp đầu tư có thể giúp cậu thoát khỏi việc cứ phải bắt chước “A, B và C” – nó chỉ đòi hỏi cậu phải duy trì tính độc lập một cách hoàn hảo như cậu đã học được từ cha mình. Buffett coi đó là sự giác ngộ, giống như “Thánh Paul trên đường đến Damascus” vậy. Cậu đã gặp được vị tiên tri của mình.
Tại đại học Columbia, Buffett nhận thấy Graham là một tính cách khá lôi cuốn. Vẻ ngoài của ông rất giống với Edward G. Robinson[24], và các bài giảng của ông thì đều mang màu sắc của các vở kịch. Trong một buổi học nọ, Graham mô tả say sưa và nhấn mạnh vào sự khác biệt lớn giữa hai bảng cân đối kế toán của công ty A và công ty B. Nhưng cuối cùng hóa ra chúng đều là của Boeing – vào những thời điểm thịnh suy khác nhau trong lịch sử của nhà sản xuất máy bay này.
Năm học 1950, Graham có cả thảy 20 sinh viên. Hầu hết các sinh viên này đều lớn tuổi hơn Buffett nhiều, và một vài người trong số họ đang làm việc tại Phố Wall. Các bài giảng của ông
thường diễn ra như một cuộc trao đổi hai chiều. Graham thường sử dụng phong cách Socratte là nêu lên một câu hỏi để dẫn dắt vào chủ đề, nhưng khi ông chưa kịp dừng lời thì anh chàng 20 tuổi từ Omaha đã giơ tay thẳng tắp đòi phát biểu.
Graham rất hiếm khi nhận xét xem những câu trả lời của Buffett là đúng hay sai. Ông không có thói quen gói gọn vạn vật trong vũ trụ này vào sự hiểu biết có hạn của mình. Ông thường nói: “Thật tuyệt. Điều gì khiến cậu đi đến kết luận đó vậy?” Và Buffett bắt đầu giải thích. Một người bạn cùng lớp của Buffett, Jack Alexander nhớ lại:
Hình như Warren là người trẻ tuổi nhất trong lớp – chính xác là một học sinh phát triển sớm. Cậu ấy có câu trả lời cho mọi câu hỏi, lúc nào cậu ấy cũng giơ tay, lúc nào cậu ấy cũng dẫn dắt các cuộc thảo luận. Cậu ấy luôn luôn nhiệt tình và sốt sắng và hẳn là có nhiều điều để nói hơn bất cứ người nào khác.
Tâm điểm của Graham là các cổ phiếu giá rẻ – “những mẩu xì gà” chưa cháy hết, hoặc những cổ phiếu bạn có thể đầu tư gần như miễn phí, giống như những điếu xì gà hút dở nhưng vẫn còn một vài “hơi thuốc” vô cùng quý giá khi rít nốt chúng. Một trong những bài tập ông ra trong năm đó là nghiên cứu những cổ phiếu được giao dịch dưới giá 5 đô-la.
Buffett cũng học được phương pháp đọc các bảng báo cáo tài chính, và cách làm thế nào để phát hiện gian lận. Về bản chất, Graham đã dạy cho cậu cách làm thế nào để xác định giá trị hợp lý của một công ty khi khai thác những tài liệu do chính nó phát hành.
Graham không thực hiện những điều này một cách lý thuyết đơn thuần. Ông giảng giải về những cổ phiếu thực trên thị trường. Ông tỏ ra rất thờ ơ trước thực tế là các sinh viên đang kiếm lời từ chính các ý tưởng mà ông đưa ra. Đến năm 1950, khi bước sang tuổi 56, Graham đã trở nên rất giàu có, nhưng thái độ
thờ ơ đó của ông thì vẫn không mấy thay đổi so với những năm 1930.
Một trong số các sinh viên của ông nhớ lại: “Những gã trai ranh mãnh trên Phố Wall này, tất cả họ đều kiếm được rất nhiều tiền từ những ý tưởng của Ben nhưng ông thì chẳng bao giờ bận tâm.” Graham là kiểu nhà bác học đãng trí, thường ngủ với những tập giấy ghi chú rải đầy mặt gối và rồi sáng hôm sau mang hai chiếc giày màu khác nhau để tới chỗ làm. Marshall Weinberg, người cùng thời và sau này là nhà môi giới cũng như là bạn của Buffett, đã tham gia hai khóa học của Graham. Anh ta nhớ lại:
Ông ấy đưa ra cho bạn những ý tưởng. Tôi đã mua cổ phiếu của Youngtown Sheet & Tube với giá 345/8 và bán chúng ở quanh mức 75 đến 85. Tôi mua cổ phiếu của GM và Easy Washing Machine theo lời khuyên của ông. Ông ấy đã nói: “Đây là cổ phiếu mà bây giờ, tức là sáng nay, xem ra là rẻ đối với tôi”. Cổ phiếu của Real Silk Hosiery cũng là một trường hợp tương tự. Lớp học này đã giúp tôi có tiền trang trải học phí.
Buffett cuồng tín khi đi theo từng bước chân của Graham. Cậu đầu tư vào các cổ phiếu do công ty đầu tư của Graham là Graham-Newman Corp. nắm giữ, chẳng hạn như Marshall Wells và Timely Clothes. Cậu tra tên giáo sư của mình trong quyển Ai là Ai và phát hiện ra rằng Graham là chủ tịch của Công ty Bảo Hiểm Người Lao Động Chính Phủ[25]. Công ty này được biết đến với cái tên GEICO và có trụ sở tại Washington. Buffett cảm thấy mình muốn biết về bất cứ tổ chức nào do Graham điều hành, và cậu quyết định phải đến thăm nơi đó. Cũng thật là thuận tiện, cha cậu đã tái đắc cử vào Quốc hội năm 1950, và trở lại Washington vào mùa xuân năm 1951 trong khi Warren đang học kỳ thứ hai tại trường Columbia.
Buffett đón xe lửa vào một ngày thứ Bảy. Trung tâm Washington trông thật hoang vắng, song cậu vẫn đi thẳng đến
văn phòng của GEICO trên đường số 15. Thấy cổng khóa, cậu đập cửa và gọi to cho đến khi người trông nhà xuất hiện.
Buffett hỏi: “Ngoài chú ra cháu còn có thể nói chuyện với ai ở đây nữa không?”
Người trông nhà nói có một người đàn ông đang làm việc trên tầng sáu và đồng ý dẫn cậu lên đó. Lorimer Davidson sửng sốt khi thấy một cậu sinh viên trẻ măng tiến lại bàn làm việc của mình – và sững sờ khi cậu ta dồn dập đặt ra hàng loạt câu hỏi. Nhưng cuối cùng hai người họ đã nói chuyện với nhau suốt bốn tiếng đồng hồ.
Sau 15 phút, tôi đã biết mình đang nói chuyện với một người khác thường. Cậu ta đưa ra những câu hỏi tinh tế và hết sức thông minh. GEICO là gì? Phương pháp kinh doanh, triển vọng tương lai và tiềm năng tăng trưởng của nó là gì? Cậu ấy đặt ra loại câu hỏi của một nhà phân tích chứng khoán giỏi. Tôi là phó chủ tịch phụ trách tài chính và cậu ấy cố gắng khai thác hết những điều tôi biết.
Davidson biết rất nhiều thứ – về GEICO và cả về Graham. Công ty này được Leo Goodwin thành lập tại Texas vào năm 1936, ông đã đưa ra ý tưởng xuất sắc là bán bảo hiểm xe ô tô thông qua đường thư trực tiếp, do đó cắt giảm chi phí duy trì mạng lưới đại lý như các công ty thông thường khác. Ngoài ra, GEICO chỉ bán bảo hiểm cho các nhân viên chính phủ, nhóm người có tỷ lệ đòi bồi thường thấp hơn mức trung bình. Chi phí phân phối thấp cùng với khách hàng thuộc tầng lớp có địa vị cao đã giúp cho nó trở thành người chiến thắng. Năm 1947, một cổ đông lớn muốn rút ra khỏi công ty, và ông này đã thuê Davidson – lúc đó đang là một nhà môi giới đầu tư – bán cổ phần của mình. Lúc đầu, không ai thèm mua chúng. Nhưng đến năm 1948, ông bán nó cho Graham, người phát hiện ra rằng đây là một mỏ vàng. Công ty Graham-Newman đã bỏ ra 720.000 đô-la – một phần tư số tài sản của mình – để mua một nửa số cổ phần
của GEICO. Không lâu sau, Graham-Newman bán hết số cổ phần này cho các cổ đông của công ty, sau đó cổ phiếu của GEICO bắt đầu được giao dịch công khai. Trong khi đó, Davidson đã thực hiện một vụ mua bán quá tốt nên đã được mời tới làm việc cho GEICO.
Buffett trở lại New York sau khi đã bị GEICO hoàn toàn mê hoặc. Với một chút tìm tòi, cậu khám phá ra rằng biên lợi nhuận của nó gấp năm lần những công ty bảo hiểm thông thường khác, và rằng tiền bảo hiểm cũng như lợi nhuận của nó đang tăng vùn vụt. Sau đó, cậu đi gặp thêm các chuyên gia bảo hiểm – những anh B, C và D. Họ đều bảo với cậu rằng cổ phiếu của GEICO đang được định giá quá cao. Nghiên cứu của Buffett dựa trên các dữ liệu thực tế thì lại cho thấy điều ngược lại, nhưng họ đã làm cậu thoái chí. Họ là các chuyên gia còn cậu chỉ đang theo học một trường loại B.
Mỗi nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn cổ phiếu để đầu tư có lẽ đều sẽ dẫn tới tình thế lưỡng lự như vậy. Việc đầu tư vốn của mình theo cách mà mọi người cho là ngớ ngẩn quả là cực kỳ khó khăn – đó chính là lý do tại sao Graham lại vô giá đến vậy. Ông thích nói: “Anh chẳng đúng cũng chẳng sai chỉ bởi vì đám đông không đồng ý với anh.” Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư phụ thuộc không chỉ vào ý thích nhất thời của đám đông mà là vào các dữ liệu thực tế. Buffett đã luôn ghi nhớ điều này, một phần bởi vì cậu luôn nhìn Graham theo cách hoàn hảo nhất – như một vị anh hùng, giống như cha của cậu vậy.
Graham cũng có ảnh hưởng tương tự đối với những người khác. Mặc dù bình thường luôn tỏ ra kín đáo và dè dặt, nhưng ông luôn dành những tình cảm trìu mến gần giống như của cha mẹ cho các sinh viên của mình. Đối với Jack Alexander thì Graham là một người cha. Nhưng thật lạ lùng là những lời đó lại được các sinh viên của ông nói ra nhiều hơn là chính những đứa con ruột của Graham.
Với gia đình của chính mình, Graham lại là một người rất xa cách; chủ yếu là do tính trăng hoa của ông gây ra. Ông đã bỏ người vợ đầu tiên của mình để theo một cô người mẫu trẻ, và vào lúc Buffett gặp ông, Graham đang sống cùng với người vợ thứ ba của mình tên là Estelle vốn trước đây là thư ký cho ông. Theo một câu chuyện kể về sự trác táng của vị giáo sư này thì một lần, ông đang ở trên giường với Estelle thì một người phụ nữ đến gọi cửa và Graham đã đề nghị cô ta vào chung giường với họ.
Những đứa con của ông nhận thấy bố mình luôn tỏ ra xa cách, đặc biệt là sau khi ông mất cậu con trai 9 tuổi. Chúng biết bố mình là con người của những ý tưởng, thường đi dạo bộ vòng quanh công viên Central Park với một chiếc mũ và một chiếc gậy đi bộ, vừa đi vừa ngâm thơ. Cậu con trai Benjamin có lần đã hỏi bố mình một câu hỏi đơn giản về một bài học tiếng Latinh ở trường trung học, và Graham đã đáp lại bằng cách đọc thuộc lòng một bài diễn văn của Cicero, cứ như thể ông đang giảng bài cho sinh viên trên giảng đường vậy. Ông rất thiếu kiên nhẫn cho những cuộc tán gẫu, và thường xuyên biến mất ngay giữa buổi tiệc tối do chính ông tổ chức để đi đọc sách.
Thế nhưng được làm học trò của Graham vào những năm 1950 là đã kiếm được một chỗ rất ngon lành. Phố Wall đầy rẫy những “mẩu xì gà chưa hút hết”; bạn chỉ cần có các công cụ và một cái đầu để nhận biết chúng. Đối với những nhà quản lý đầu tư tương lai, ngôi trường Columbia của Graham và Dodd đã cho họ những trải nghiệm quan trọng, na ná như cú sốc mà một tác giả trẻ 20 tuổi trải qua trước khi cho ra đời kiệt tác của mình.
Buffett nhanh chóng tham gia vào một hội những người hết lòng ủng hộ Graham. Cậu về chơi nhà Fred Stanback, một người bạn cùng lớp nhút nhát đến từ Bắc Carolina; Fred đã nói với mẹ mình rằng Buffett “chỉ ăn bánh mỳ kẹp và uống Pepsi-Cola và do đó sẽ không gây ra rắc rối gì.” Sau đó, Buffett và Stanback tới thành phố Jersey tham dự cuộc họp cổ đông thường niên của
công ty Marshall Wells và tại đó họ gặp Walter Schloss, một người cũng sùng bái Graham và lúc đó đang làm việc tại công ty Graham-Newman. Cả ba cùng nhau đi ăn trưa và nói chuyện về cổ phiếu cho tới khi mệt nhừ.
Trong một chuyến du ngoạn khác đến Câu Lạc Bộ Phố Wall ở trung tâm thành phố, Buffett đã gặp Tom Knapp, một anh chàng đến từ Long Island có tính tình khiêm tốn; anh này đã bỏ công việc trong ngành hóa học để nhảy sang lĩnh vực cổ phiếu sau khi tham dự một lớp học buổi tối của David Dodd. Buffett cũng trở nên thân thiết với William Ruane, một người rất nghiêm túc, đã tốt nghiệp trường Kinh Doanh Harvard và hiện đang học dự thính trong một lớp của Graham. Giữa những chàng sinh viên này ngay lập tức hình thành một mối dây liên kết vô hình do sự sùng bái hết mực mà họ dành cho Graham. Như Buffett quan sát sau này, một người hoặc là sẽ lập tức bị Graham cuốn hút hoặc là không bao giờ. Bởi vì ai cũng có một tính cách riêng cố hữu và việc thuyết phục sẽ chẳng bao giờ mang lại kết quả gì. Những người bạn mới của Buffett ngay lập tức bị Graham hút hồn. Họ nhận thấy chiến lược của ông – tóm gọn lại là cố gắng mua một cổ phiếu có giá trị 1 đô-la với giá 50 xu – là một chiến lược hiệu quả và hết sức đơn giản, trong khi hầu hết những chiến lược khác tại Phố Wall đều chỉ là chuyện tầm phào. Họ khởi đầu như một nhóm với Buffett, một người hóm hỉnh, dễ mến – nhưng họ biết chắc là thông minh hơn họ làm lãnh đạo. Ấn tượng đầu tiên của Knapp về Buffet là “dường như cậu ta biết tất cả các bảng cân đối kế toán của tất cả các công ty tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York.”
Tuy nhiên, có một điều thật lạ lùng là khi Buffett tốt nghiệp vào năm 1951, cả Graham và cha cậu đều khuyên cậu không nên bước chân vào con đường chứng khoán. Cuộc Đại Suy thoái đã để lại cho cả hai người tâm lý lo sợ về khả năng một cuộc khủng hoảng thứ hai. Graham chỉ ra rằng chỉ số Dow Jones năm nào cũng tụt xuống mức dưới 200 tại một thời điểm nào đó, ngoại trừ năm nay. Một dấu hiệu của bong bóng báo trước khủng
hoảng. Vậy thì tại sao không hoãn việc gia nhập Phố Wall cho đến khi cuộc khủng hoảng kế tiếp đó qua đi và tìm một công việc an toàn trong lúc này trong một công ty nào đó, chẳng hạn như Procter & Gramble.
Đó là một lời khuyên lạ lùng – đi ngược lại với triết lý của Graham là không nên dự báo trước diễn biến của thị trường. Sự thực là sau đó chỉ số Dow Jones không bao giờ xuống dưới mức 200 nữa. Sau này Buffett cho hay: “Lúc đó tôi có khoảng 10.000 đô-la, và nếu nghe theo lời khuyên của họ bây giờ có lẽ tôi cũng chỉ có độ 10.000 đô-la mà thôi.”
Dù thế nào đi nữa thì Buffett cũng không bao giờ chịu ngồi đó mà chờ đợi. Từng đạt được điểm A+ duy nhất mà thầy Graham đã cho sinh viên của mình trong suốt 22 năm dạy học của ông tại trường Columbia, Buffett đã đưa ra lời đề nghị quá hấp dẫn mà dường như ông không thể chối từ: làm việc cho công ty Graham-Newman mà không cần nhận lương.
Thế mà Graham đã từ chối cậu. Đó là những ngày tháng mà các ông chủ công ty không theo đạo Do thái trên Phố Wall không bao giờ tuyển dụng những người Do thái vào làm và vì thế Graham muốn để dành các vị trí trong công ty của ông cho họ[26]. (Cho mãi đến năm 1963 Morgan Stanley mới tuyển người Do thái đầu tiên) Không rõ Buffett có biết lý do của Graham ngay lúc đó không hay phải sau này, nhưng khi biết được, cậu đã bị sốc. Một trong những người bạn của cậu kể lại: “Đó là một bài học cho cậu ấy về sự nhạy cảm trong các vấn đề.”
Buffett đã không tìm kiếm một công ty khác tại Phố Wall – nghĩa là không hề muốn làm việc cho những người mà cậu không biết. Và một lần nữa, cậu lại hướng về quê nhà. Ngân hàng Omaha National Bank có mời cậu làm việc, nhưng Buffett đã từ chối; cậu thích môi trường quen thuộc của Buffett-Falk & Co., công ty môi giới của cha cậu hơn. Một người bạn của