🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vươn lên từ vực thẳm - Thần kỳ kinh tế Tây Đức sau 1945 Ebooks Nhóm Zalo T LỜI CẢM TẠ ác giả xin chân thành cảm tạ quý anh chị: TS. Nguyễn Tường Bách, Trần Ngọc Cư, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Hoàng Thị Lan Anh, Nguyễn Tăng Niệm, GS.TS. Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Thế Tài, Trần Trọng Thức, Trần Viết Tuyên, TS. Nguyễn Xuân Xanh đã bỏ nhiều thì giờ và lòng kiên nhẫn cao độ để đọc, chỉnh sửa, góp ý, phê bình sâu sắc làm cho chất lượng cuốn sách được nâng cao rất nhiều so với bản thảo đầu tiên. Không chỉ là tu chỉnh về văn phong ngữ pháp, cũng không phải chỉ dừng lại ở việc đọc và phê bình, mà quí anh chị đã dày công suy nghĩ để đề nghị nhiều thay đổi về nội dung, sắp xếp lại bố cục, thêm phần này, bỏ bớt phần kia, cần thêm chú giải để người đọc dễ theo dõi, thêm hình ảnh để minh họa, thêm thống kê để dẫn chứng, thêm bản đồ địa lý, thêm niên sử v.v... Nói tóm lại, rất nhiều nhận xét sâu sắc trên tầm nhìn khách quan của người đọc đã giúp cho tác giả tỉnh táo hoàn thiện tác phẩm mà quí độc giả hiện có trong tay. Một lần nữa xin chân thành cám ơn tất cả anh chị. Nhưng trước hết cần nói đến lòng kiên nhẫn và sự cảm thông sâu sắc của Lan Anh, người bạn đường yêu quí. Để hoàn tất tác phẩm này, tác giả đã sử dụng hàng ngàn giờ làm việc, thì giờ hiếm hoi mà đúng ra có thể phụ giúp việc gia đình, cùng nhau dạo chơi nhiều hơn, đi du lịch nhiều hơn để thư giãn tinh thần v.v... Những điều đó Lan Anh đã vui lòng hy sinh, hơn thế nữa đã bỏ nhiều thì giờ để theo dõi tiến trình nghiên cứu biên khảo, giúp tra cứu và mua tài liệu, chỉnh sửa nhiều sai sót khó tránh được vì chủ quan người viết, tranh luận về tác dụng tâm lý lên người đọc, pha trò những lúc tác giả bí lối hoặc sắp “rơi xuống vực thẳm”. Những hỗ trợ thường xuyên đó đã giúp tác giả giữ vững tinh thần và hứng thú hoàn thành tác phẩm. Cuốn sách này đầu tiên xin dành tặng Lan Anh với lòng yêu quí và biết ơn. Sau cùng xin cám ơn nhiều bạn bè ở Việt Nam, ở Bỉ, Đức, Mỹ, Pháp, Úc cũng như anh chị em trong gia đình đã thường xuyên hỏi thăm và khuyến khích tác giả sớm hoàn tất và xuất bản sách. Đầu năm 2015 Tôn Thất Thông LỜI GIỚI THIỆU C ộng hòa Liên bang Đức hiện nay có nền kinh tế giàu mạnh số một tại châu Âu, ngày càng chiếm ảnh hưởng to lớn trong nền chính trị thế giới, đó là một thực tế không ai chối cãi. Nếu ta nhớ rằng, cách đây chỉ 70 năm, Đức là một nước bại trận toàn diện, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, bị các nước đồng minh chia nhau chiếm đóng và kiểm soát, toàn thể đất nước bị tàn phá, xã hội ly tán cực độ, thì ai trong chúng ta cũng phải tự hỏi, do đâu mà nước Đức đã vươn lên một cách thần kỳ để trở thành cường quốc trên thế giới? Tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay sẽ trả lời phần lớn câu hỏi đó. Tác giả Tôn Thất Thông, vốn đã sống tại CHLB Đức trên 40 năm, đã trăn trở và quan sát, tìm đọc và ghi chép, tổng kết và hệ thống hóa để viết nên công trình này. Cuốn sách nhằm lý giải cho chính tác giả về những bí ẩn và luận đề liên quan đến lịch sử và sự phát triển của một quốc gia mình đang sống, lại là một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, với lòng thầm mong điều gì đó cho quê hương. Vì lý do đó tác phẩm toát ra một lòng say sưa và tận tụy hiếm có của người viết. Vươn lên từ vực thẳm – Thần kỳ kinh tế Tây Đức sau 1945 là tác phẩm đề cập đến sự phát triển của cả một quốc gia qua thời gian hơn nửa thế kỷ nên qui mô của nó bao trùm nhiều lĩnh vực. Ta có thể đọc tác phẩm này trong ba hướng chính sau đây: • Lịch sử: Tác phẩm này ghi lại dòng chảy của lịch sử nước Đức, từ thời của Bismarck đến cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đến khi Adolf Hitler lên nắm chính quyền và sự phát khởi của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sau phần trình bày nước Đức bại trận và đầu hàng vô điều kiện, tác phẩm sẽ nói đến sự thành lập gian nan của quốc gia Tây Đức (CHLB Đức) trong năm 1949. Về sau sự thống nhất kỳ diệu của hai nước Đức năm 1989 cũng nằm trong quá trình lịch sử vô cùng đáng ngạc nhiên của dân tộc Đức. • Chính trị: Sau 1945, là một nước bại trận và bị chiếm đóng, nước Đức nằm dưới sự cai trị của “tứ cường” Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp với bốn vùng kiểm soát khác nhau. Cũng từ 1947, cuộc đối đầu mà ta gọi là “chiến tranh lạnh” giữa Liên Xô và Mỹ - Tây Âu bắt đầu mà địa bàn nóng bỏng nhất chính là nước Đức. Tác phẩm này sẽ cho người đọc những dữ kiện vô cùng thú vị về các chính sách của các cường quốc đối với Đức và đối với nhau, vì ngay giữa Hoa Kỳ, Anh và Pháp cũng có những mâu thuẫn trầm trọng. Lịch sử châu Âu vô cùng oái ăm và hóm hỉnh cho thấy, vì sợ sự lớn mạnh của Liên Xô mà nước Đức sớm được Hoa Kỳ hỗ trợ để trở thành giàu mạnh trong lúc Pháp vì an ninh quốc gia luôn luôn nhìn Đức với cặp mắt nghi kỵ. • Kinh tế: Đây chính là trọng tâm của tác phẩm và là nội dung đáng được tham khảo nhất. Xây dựng lại một nền kinh tế dưới cặp mắt nghi ngờ của bốn bên thắng trận, trong sự đổ nát của đất nước và đói rách của dân chúng, trong sự thiếu vắng của thành phần tinh hoa dân tộc, nước Đức phải tìm một lời giải chưa hề có tiền lệ trên thế giới. Thời kỳ sau 1945 cũng là một thời kỳ mà các giải pháp kinh tế khác nhau cạnh tranh khốc liệt để chiếm ảnh hưởng. Người Đức đứng trước nhiều lựa chọn, từ một nền kinh tế kế hoạch xem ra phù hợp với kinh tế hậu chiến đến một nền kinh tế tự do tuyệt đối mà Hoa Kỳ muốn nước Đức rập khuôn. Cuối cùng, các nhà kinh tế của Đức đã tìm ra một chính sách trung dung mà họ gọi là “Kinh tế Thị trường Xã hội”. Giải pháp này đã được hình thành qua muôn vàn gian khổ, cuối cùng đã chứng minh sự đúng đắn mà ngày nay những nền tảng của nó vẫn còn nguyên giá trị, cho nước Đức và có lẽ cho cả một số nước khác. Ngoài ba khía cạnh chính yếu nói trên, độc giả sẽ tìm thấy những thông tin quí báu về dân tộc tính, về vốn xã hội, về cách suy tư và hành động của người Đức. Chúng cho thấy Đức là một dân tộc khá đặc thù trong các dân tộc khác tại châu Âu. Đọc tác phẩm này độc giả sẽ tự phát hiện do đâu mà nước Đức vươn lên mạnh mẽ từ vực thẳm của sự hoang tàn đổ nát. Yếu tố này nằm trong tư duy và trí tuệ của họ. Đó là lòng quyết tâm sắt đá xây dựng đất nước, với khả năng khoa học kỹ thuật thiên phú cộng với tập thể của những nhân tài xuất hiện đúng lúc. Đó là những con người vừa khéo léo biết tranh thủ đồng minh Hoa Kỳ, Anh, Pháp vừa một lòng một dạ vì tương lai dân tộc. Từ những con người đó đã hình thành nền Kinh tế Thị trường Xã hội, ngày nay vẫn còn đơm hoa kết trái và đưa nước Đức vượt qua cả các nước thắng trận ngày xưa. Là người sống tại Đức đã hơn 40 năm, người viết những dòng này hưởng một niềm ngạc nhiên thú vị được đọc tác phẩm của một người bạn Việt Nam. Cuốn sách đã mang lại rất nhiều thông tin mà mình không hề biết, soi sáng nhiều nghi vấn trong quá khứ, lý giải các mối liên hệ hiện nay về ngoại giao và nội bộ nước Đức, cho thấy dòng chảy thông suốt của một nước Đức đầy biến động trong mấy mươi năm qua. Cuối cùng, hiển nhiên thôi, nước Đức vốn có những mối tương đồng với quê hương Việt Nam, nên người đọc sẽ nhận thêm thông tin bổ ích khi suy nghĩ về việc xây dựng xứ sở của mình. Cuốn sách này là tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm về nước Đức và nền chính trị thế giới vì nói cho cùng trước kia cũng như hiện nay, nước Đức hầu như luôn luôn đóng vai trò trung tâm điểm. Cuốn sách này cũng cần thiết cho những ai suy tư về những con đường kinh tế để xây dựng đất nước, những ai tìm hiểu ưu và khuyết điểm của hai giải pháp cực đoan, một bên là nền kinh tế kế hoạch, bên kia là nền kinh tế tự do thả lỏng. Song song với nội dung bổ ích nói trên, tác giả đã dày công đưa vào sách rất nhiều hình ảnh, phụ lục, bảng trích dẫn, tài liệu tham khảo, mục lục tra cứu... Tác phẩm có nội dung nghiêm túc này được lồng trong một văn phong khúc chiết, điềm tĩnh, xứng đáng được lưu lại trong tủ sách và trí nhớ của độc giả. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Nguyễn Tường Bách LỜI NÓI ĐẦU N gày 1.9.1939, Hitler ra lệnh tấn công Ba Lan, mở màn cho một cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Ba ngày sau, nước Anh nhảy vào vòng chiến chống lại Hitler. Cùng buổi chiều hôm đó, nước Pháp tuyên chiến với Đức Quốc xã. Thế là cuộc chiến đã lan rộng thành một Thế chiến từ châu Âu sang Á và Phi. Hơn 60 triệu người tử vong. Riêng dân tộc Đức, con số người chết được thống kê là tám triệu, trong đó gần một nửa thường dân. Sáu năm sau, ngày 7.5.1945, tư lệnh quân đội Đức ký giấy đầu hàng vô điều kiện tại Reims, Pháp. Ảo tưởng ngông cuồng của Hitler khi gây chiến tranh đã đưa nước Đức vào một cuộc đổ vỡ suy tàn chưa từng thấy trong lịch sử của họ. Về mặt địa lý, Đức phải nhường lại một phần tư lãnh thổ của mình cho Ba Lan và Liên Xô. Về mặt công pháp quốc tế, thật khó định nghĩa một cách chính xác tình trạng chủ quyền của nước Đức trên phần đất còn lại lúc đó. Lãnh thổ còn lại ở phía tây sông Oder và sông Neisse được chia làm bốn vùng chiếm đóng, mỗi vùng được đặt dưới sự quản lý của Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Liên Xô. Toàn bộ hoạt động trong từng vùng đều nằm trong tay chính quyền quân sự liên hệ. Nói tóm tắt, đấy là mảnh đất bị xé nhỏ của một nước Đức không có chủ quyền, không chính phủ, không quân đội, không cảnh sát. Về mặt kinh tế, mức độ sản xuất công nghiệp năm 1945 chỉ còn lại 20% so với năm 1936. Thêm vào đó chính sách chiếm đóng của bốn nước đồng minh cấm sản xuất công nghiệp nặng và điện tử, công nghiệp nhẹ chỉ được cho phép sản xuất 50% của mức 1936. Về mặt xã hội, cuộc chiến tranh đã để lại cho dân tộc Đức một đống tro tàn theo đúng nghĩa đen của nó: 400 triệu mét khối gạch vụn. Gần 50% đơn vị gia cư bị phá hủy, số còn lại có thể được xem như “khu cắm trại” tạm bợ không nước, không điện, không lò sưởi, nhiều nhà thì không có vách che. Giao thông hoàn toàn tắc nghẽn, cho nên việc cung cấp thực phẩm chỉ có thể dựa vào tiềm năng địa phương, được thực hiện thông qua tem phiếu cung ứng cho mỗi người một lượng thực phẩm có năng lượng trên dưới 1.000 ca-lo-ri mỗi ngày, ở vùng Ruhr có lúc chỉ có khả năng cung ứng được 700 ca-lo-ri. Nạn đói kéo dài gần ba năm, mà cao điểm là mùa đông 1946. Lạm phát phi mã, đồng bạc không còn giá trị, đa số dịch vụ buôn bán đều thực hiện trong các khu chợ trời tự phát. Nạn trộm cắp hoành hành khắp nơi, nhất là than đốt, được gọi là vàng đen. Tất cả mọi người, khi gặp than đốt đều có một cách hành xử giống nhau: “Chẳng thà bị chửi là ăn cắp, hơn là phải chết rét”. Bên bờ vực thẳm đó, những câu hỏi lớn được đặt ra cho dân tộc Đức: Làm thế nào để giành lại chủ quyền mà không sử dụng bạo lực và thành lập một quốc gia bình đẳng với các nước khác? Làm thế nào để giải quyết những vấn đề lớn của một xã hội băng hoại từ vật chất tới tinh thần, cộng thêm nạn đói nặng nề của những năm sau chiến tranh? Làm thế nào để xây dựng lại một nền kinh tế tự chủ phồn vinh trong bối cảnh bị chiến tranh tàn phá và mọi hoạt động trong tương lai đều bị các lực lượng đồng minh khống chế? Thêm một câu hỏi không kém phần quan trọng: Với những tội ác có một không hai mà Quốc xã gây ra cho nhân loại, làm thế nào để dân tộc này có thể lấy lại sự tự trọng, lấy lại niềm tin từ các nước khác và từng bước hòa đồng trở lại với cộng đồng quốc tế? Đấy là những câu hỏi quá lớn trong một bối cảnh lịch sử vô cùng đen tối. Trong thời gian đó, không ai nghĩ rằng có thể tìm được giải pháp trong vòng một thế hệ. Thế mà như một phép mầu, dân tộc Đức đã đạt được những thành quả không ngờ trong thời gian kỷ lục. Trong khuôn khổ cuốn sách này, đề tài “Thần kỳ kinh tế” là nội dung trọng điểm được đề cập qua những sự kiện lịch sử kinh tế ở Tây Đức bao gồm ba khu vực chiếm đóng của Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Họ đã đạt được những gì? 1945-1950: Trong vòng chưa đầy năm năm, nước Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập vào năm 1949 với một Quốc hội do dân bầu trong một cuộc bầu cử tự do có sự tham dự của mọi đảng phái chính trị. Họ đã có một bản hiến pháp tương đối hoàn chỉnh – dù về ngôn từ chỉ tạm thời gọi là Bộ luật Cơ bản[1]trong lúc chờ đợi một nước Đức thống nhất. Họ đã phác thảo được những chính sách lớn của Kinh tế Thị trường Xã hội, làm nền tảng cho thần kỳ kinh tế kéo dài mấy thập niên sau. Năm 1950 cũng là năm bản lề về xã hội. Mặc dù phải trả bồi thường chiến tranh và phí tổn cho lực lượng chiếm đóng, họ cũng có đủ tài chính để lập kế hoạch táo bạo sẽ xây dựng mỗi năm 300.000 căn hộ xã hội phục vụ dân nghèo trong suốt năm năm sau, đồng thời họ quyết tâm giải quyết nạn thất nghiệp một cách trọn vẹn. Trong thực tế, họ đã vượt xa kế hoạch. 1951-1955: Kỹ nghệ sản xuất xe hơi tăng trưởng mạnh (tăng 35% mỗi năm). Tổng sản lượng quốc gia (GDP) có lúc tăng 16% trong năm, xuất khẩu tăng vọt. Dân chúng Đức không còn phải lo chuyện ăn mặc, mà đã bắt đầu tính chuyện mua sắm nhà cửa, đi du lịch. Nạn thất nghiệp đã được xóa sạch. Các nước chung quanh, kể cả những nước thắng trận chiếm đóng, bắt đầu nhìn vào mô hình Đức bằng cặp mắt ngạc nhiên và thán phục. Về mặt chủ quyền, họ đã đạt những bước đi bảy dặm: Tháng 5.1955, với sự đồng thuận của các lực lượng chiếm đóng, Thủ tướng Konrad Adenauer tuyên bố toàn vẹn chủ quyền. Đến tháng 7.1955, CHLB Đức tham gia vào Liên minh Tây Âu[2] và Liên minh Bắc Đại Tây Dương[3]. Kể từ ngày ấy, nước Đức đã trở thành một thành viên bình đẳng trong cộng đồng thế giới. Một trang sử mới đang được lật qua cho dân tộc Đức, chỉ mười năm sau khi chiến tranh chấm dứt. 1956-1960: Tổng sản lượng quốc gia tăng gấp đôi so với mười năm trước. Riêng về sản lượng công nghiệp tăng gấp 2,5 lần. Cuối năm 1960, tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 1%. Nhờ sự phát triển vũ bão đó, một loạt cải cách xã hội được thực hiện như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phế tật do nghề nghiệp, nhưng quan trọng nhất là cải tổ hưu bổng. Nhiều nhà bình luận cho rằng, những cải tổ này, nhất là cải tổ hưu bổng, là “sản phẩm có tầm vóc thế kỷ” và đã tạo được một sự đoàn kết giữa các thế hệ. CHLB Đức đã trở thành lực lượng kinh tế hàng đầu trong cộng đồng châu Âu. Hơn thế nữa, mô hình Kinh tế Thị trường Xã hội đã được các nước chung quanh ca ngợi và trở thành nền tảng của chủ thuyết Kinh tế Thị trường Nhân bản được triển khai vào thập niên 1990. Kinh tế của CHLB Đức còn tiếp tục phát triển mạnh trong thập niên sau đó, tuy thế chúng ta tạm dừng ở năm 1960 để đặt câu hỏi: Làm thế nào để dân tộc này có thể đạt được những thành quả như thế trong một thời gian kỷ lục? Chỉ cần 15 năm sau chiến tranh và thực chất chỉ 11 năm sau khi thành lập CHLB, dân tộc Đức đã đi một bước dài mà những nước khác cần hơn vài chục năm. Động lực nào thúc đẩy họ làm được chuyện đó? Nhân tố nào đã vun bồi cho những thành quả đó? Đâu là những nguyên do quan trọng nhất? Và một loạt câu hỏi khác cần được mổ xẻ nghiêm túc. Tất nhiên là có những yếu tố bất ngờ hỗ trợ, thí dụ chiến tranh Triều Tiên đã đẩy mạnh công nghiệp Đức, hoặc chiến tranh lạnh kể từ năm 1948 cũng như nguy cơ bành trướng của Liên Xô buộc các lực lượng chiếm đóng phải có thái độ thiện cảm với dân tộc Đức. Tuy thế, đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ để rút ngắn thời gian mà thôi. Không có nhà sử học nào dám quả quyết đâu là yếu tố then chốt, đâu là yếu tố thứ yếu. Tùy theo thế đứng, góc nhìn, tùy theo mối quan tâm mà mỗi người sẽ thấy những sắc màu khác nhau. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày càng nhiều dữ liệu lịch sử có thể và phân tích những mắt xích liên hệ, qua đó hy vọng bạn đọc sẽ tự trả lời được những câu hỏi lý thú ở trên. Vì trọng điểm đề tài là lịch sử kinh tế và vì khuôn khổ sách hạn chế, chúng tôi chỉ chú trọng đến các sự kiện kinh tế, bổ sung thêm một ít sự kiện chính trị và xã hội liên quan. Ngoài ra, mặc dù các vấn đề văn hóa giáo dục cũng rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử này, chúng tôi cũng xin được gác lại vào dịp khác hoặc đề cập rất sơ sài ở đây khi cần thiết. Sau cùng, trong lúc biên soạn chúng tôi mong mỏi cuốn sách này sẽ được đưa đến tay các bạn trẻ Việt Nam, trước hết đọc và xem đây như một đầu cầu để góp phần vào quá trình giao lưu giữa hai dân tộc. Đối với các bạn trẻ mà trong tương lai sẽ nắm giữ những vị trí có tác động vào công cuộc xây dựng đất nước, hy vọng các bạn sẽ tự rút ra được những bài học lịch sử bổ ích. Trông người mà nghĩ đến ta. Nếu các bạn có thể rút ra được những bài học hay của lịch sử xứ người, gạn lọc và áp dụng để cải thiện, canh tân đất nước bằng những chính sách đúng đắn, được thế thì đó là một phúc lớn cho dân tộc. Với mong mỏi đó, chúng tôi sẽ cám ơn các bạn vô cùng và chúc các bạn tìm thấy niềm vui khi đọc cuốn sách này. Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn trước những ý kiến đóng góp phê bình từ phía độc giả. Mọi ý kiến khen chê đều cần thiết để làm cho những lần tái bản thêm hoàn hảo. Đầu năm 2015 Tôn Thất Thông [1] Grundgesetz. [2] WEU – West European Union. [3] NATO – North Atlantic Treaty Organization. DẪN NHẬP C uốn sách quý độc giả đang cầm trên tay có ba chương. Mặc dù các chương có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng chúng tôi cố gắng trình bày một cách độc lập, cho nên tùy quan tâm mỗi người mà quí độc giả có thể bắt đầu bằng một chương hay một đề mục nào đó mà vẫn có thể dễ dàng theo dõi nội dung. CHƯƠNG I: Chương này đề cập đến bốn hội nghị thượng đỉnh quan trọng liên quan đến các chính sách của đồng minh đối với nước Đức thua trận. Mặc dù chương này có tính chất làm bối cảnh, việc theo dõi chính sách đồng minh sẽ giúp chúng ta hiểu thêm khó khăn mà Đức phải đối đầu trên bước đường giành độc lập và xây dựng đất nước trong thời hậu chiến. CHƯƠNG II: Đây là chương chủ đạo của sách. Ngoại trừ hai đề mục Trên đống tro tàn và Thành lập Cộng hòa Liên bang Đức, còn lại tất cả các đề tài khác đều nhằm phân tích lịch sử kinh tế, nguyên nhân và hậu quả của các sự kiện lịch sử ấy: Dân tộc Đức xây dựng tinh thần xã hội như thế nào, từ lúc nào? Ai là người khai sáng lý thuyết kinh tế chưa từng được thử nghiệm trong một nước nào nhưng lại được áp dụng rất thành công cho nước Đức? Ai là người chủ chốt biến những lý thuyết ấy thành chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội? Chương này tất nhiên phải đề cập đến nhân vật huyền thoại Ludwig Erhard, đến cải tổ tiền tệ, đến chương trình Marshall và nhất là đến cuộc cải cách kinh tế cũng như những thành công tuyệt diệu trong những năm đầu sau chiến tranh. Cuối chương II, tác giả xin phép dùng vài trang để rút tỉa một số bài học lịch sử bổ ích của giai đoạn này, mục đích để gợi những ý kiến ban đầu cho một diễn đàn thảo luận sau này. Biết đâu chúng ta có thể tìm thấy vài vấn đề lý thú cho việc phát triển đất nước Việt Nam thân yêu? CHƯƠNG III: Chương này đặc biệt dành cho quí độc giả nào quan tâm đến việc nghiên cứu lịch sử kinh tế Đức. Qua tám đề mục độc lập, chương này triển khai những phân tích bổ sung về bối cảnh, nguyên nhân và hậu quả của các sự kiện đã được trình bày trong chương II. Những trang mục lục cuối có lẽ nói chi tiết hơn những điều dẫn nhập ở trên. Sau cùng xin chúc quý độc giả tìm thấy niềm vui khi đọc sách này. Chương I 1945 - LỊCH SỬ SANG TRANG Sau hậu trường cuộc chiến N gay trong lúc chiến tranh chưa chấm dứt, Nguyên thủ ba nước Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh và hội nghị cấp cao với mục đích để xử lý nước Đức thua trận, nhưng quan trọng hơn là qua đó họ thỏa thuận với nhau một trật tự mới trên thế giới. Liên quan đến tương lai nước Đức, trong phần này chúng ta sẽ đề cập ba hội nghị chính: hội nghị Đại Tây Dương với bản hiến chương nổi tiếng làm nền tảng cho Hiến chương Liên Hiệp Quốc sau này, hội nghị Casablanca với học thuyết đầu hàng vô điều kiện, sau đó là hội nghị Yalta và sự phân chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng khác nhau. Hội nghị Potsdam sau khi chiến tranh chấm dứt sẽ được trình bày trong một phần riêng. Trong Thế chiến thứ hai, Đức là một nước thua trận, điều đó chúng ta đã biết. Trong thời cận đại, xung đột thường được chấm dứt bằng thương thuyết giữa các bên tham chiến để tiến tới một hiệp ước ngưng bắn. Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử, Đức ký giấy đầu hàng vô điều kiện, ngày 7.5.1945 tại Reims và 8.5.1945 tại Berlin. Chỉ một ngày sau đó, quân đội bị giải giáp, tất cả các đảng phái chính trị bị giải thể, mọi hoạt động chính trị bị nghiêm cấm, toàn bộ Nội các bị bắt sau đó một tháng và chính phủ không còn tồn tại. Nước Đức chỉ còn lại những con người không có phương tiện, sống trên mảnh đất do bốn nước thắng trận chia nhau thành vùng kiểm soát. Với cơ chế phức tạp của bốn nước và hai ý thức hệ xung khắc, phe thắng trận không thể có được một chính sách chung trong một sớm một chiều, mà phải qua một quá trình chuẩn bị gay go để có thể thống nhất ý kiến cho một câu hỏi phức tạp: Phải xử lý thế nào với 70 triệu người Đức sau khi chấm dứt chiến tranh? Nội dung cuốn sách này chủ yếu trình bày sự phát triển kinh tế Tây Đức sau 1945, cho nên có lẽ chúng ta không cần phân tích kỹ về thời kỳ khi chiến tranh còn diễn tiến. Tuy thế, trong bối cảnh nước Đức hoàn toàn mất chủ quyền kể từ 1945, việc phân tích kinh tế hậu chiến không thể tách rời việc tìm hiểu chính sách của các nước đồng minh thắng trận áp đặt lên nước Đức thua trận. Chính sách này là kết quả của một cuộc vận động ráo riết trong năm năm liên tục giữa các Nguyên thủ quốc gia, trong đó Thủ tướng Anh Winston Spencer Churchill là người hăng hái nhất. Tưởng cũng nên nói thêm một ít về hoạt động ngoại giao của Churchill. Ban đầu, Đức Quốc xã tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng: thắng Ba Lan trong vòng một tháng (tháng 9.1939), thắng ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg trong vòng một tuần (tháng 5.1940), chiếm Paris, Verdun và ép Pháp đầu hàng trong vòng sáu tuần (tháng 6.1940). Trước những sự kiện bất ngờ đó, Churchill hoảng hốt nhận thấy rằng Liên minh châu Âu không thể thắng được nước Đức như đã dự kiến khi tuyên chiến với Đức trước đó một năm. Trước thực tế này, Churchill cho rằng yếu tố duy nhất để thắng Đức là sự tham chiến của Hoa Kỳ, cho nên một loạt hội nghị thượng đỉnh được vận động tổ chức trong bối cảnh đó. Danh sách các hội nghị thượng đỉnh Bảng 1: Danh sách các hội nghị thượng đỉnh Thời gian Địa điểm Người tham dự, mục đích, kết quả Hội nghị Đại Tây Dương. 9.8 đến Newfoundland, Churchill, Roosevelt, Hopkins. 12.8.1941 Canada Atlantic Charter. Đề nghị Liên Xô tham chiến. 29.9 đến 1.10.1941 Moscow Stalin, Harriman, Beaverbrook, Molotov. Viện trợ đồng minh cho Liên Xô. 22.12.41 đến 14.1.1942 20.06 đến Washington DCChurchill, Roosevelt. Mặt trận châu Âu, Liên Hiệp Quốc. 25.06.1942 Washington DCChurchill, Roosevelt. Chiến lược quân sự: mở mặt trận Bắc Phi. 12.8 đến 17.8.1942 Moscow Churchill, Stalin, Harriman. Thảo luận đổ bộ từ Anh, chuyển giao công nghệ giữa đồng minh và Liên Xô. 24.1.1943CasablancaChurchill, Roosevelt, De Gaulle, Giraud 14.1 đến Kế hoạch đổ bộ. Học thuyết đầu hàng vô điều kiện. 27.5.1943 Washington DCChurchill, Roosevelt, King. 12.5 đến Xác định ngày D đổ bộ. Việc trao đổi tin tức về bom nguyên tử. 23.11 đến 26.11.1943Cairo, Ai CậpChurchill, Roosevelt, Chiang Kai-Shek. Hậu chiến tại châu Á. 28.11 đến 1.12.1943Teheran, Iran 12.9 đến Churchill, Roosevelt, Stalin. Lần gặp đầu tiên của Big-Three. Nền móng đầu tiên về chính sách đối với Đức. 16.9.1943Quebec, CanadaChurchill, Roosevelt. Kế hoạch Morgenthau về nước Đức. 9.10.1944 MoscowChurchill, Stalin, Eden, Molotov. Hậu chiến tại Đông Âu và Balkan. 2.2.1945 MaltaChurchill, Roosevelt. 30.1 đến Chuẩn bị cho hội nghị Yalta. 4.2 đến 11.2.1945Yalta, CrimeaChurchill, Roosevelt, Stalin. Chia cắt nước Đức, hậu chiến châu Âu, Liên Hiệp Quốc. 17.7 đến 2.8.1945Potsdam, Đức Churchill, Truman. Chính sách chiếm đóng ở Đức. Đòi Nhật đầu hàng vô điều kiện. Sau đây là những hội nghị quan trọng nhất về các chính sách liên quan đến nước Đức sau chiến tranh. Tháng 8.1941: Hiến chương Đại Tây Dương Hai nước [Hoa Kỳ và Anh] tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân các nước trong việc chọn lựa thể chế chính trị mà họ mong muốn, và hai nước cũng muốn rằng họ có quyền đòi lại chủ quyền đã mất do nước khác cướp đi. (Điều 3, Hiến chương Đại Tây Dương) Nhận thức được tình hình khó khăn của châu Âu, Churchill ráo riết thuyết phục Hoa Kỳ tham chiến. Thực ra thì trước đó Hoa Kỳ cũng đã giúp các nước châu Âu vũ khí, nhiên liệu và nhu yếu phẩm với những điều kiện rất dễ dãi, nhưng Hoa Kỳ chưa hề chính thức tuyên chiến với phe trục Đức, Ý và Nhật. Trong chiến lược toàn cầu của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Hoa Kỳ muốn nhân dịp này tìm cách hạn chế số thuộc địa của các nước lớn, chủ yếu là Anh và Pháp, tạo ra một thế quân bình mới trên toàn cầu để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản và nhất là không để cho các nước thuộc địa dần dần rơi vào vòng ảnh hưởng của cộng sản, điều mà Hoa Kỳ tin rằng, chỉ có thể đạt được khi nguyện vọng của các nước nhỏ và các thuộc địa được chú ý đúng mức. Roosevelt tin rằng, trong trật tự mới, với phương tiện giao thông phát triển, với thỏa thuận mới về mậu dịch quốc tế, với qui ước mới về hải quan và với sức mạnh kinh tế của mình, Hoa Kỳ có thể gây được ảnh hưởng rộng lên vùng châu Á, châu Âu và Bắc Phi. Sự tiếp cận của Churchill đến lúc này cũng là một cơ hội thuận tiện cho Roosevelt để đạt đến một giải pháp tối ưu và lâu dài, một mặt đánh bại phe trục Đức-Ý-Nhật, mặt khác tạo được một trật tự mới có lợi cho Hoa Kỳ trong cộng đồng quốc tế. Đúng lúc đó một sự kiện bất ngờ xảy ra: Ngày 22.6.1941, Đức Quốc xã mở lệnh tấn công Liên Xô mặc dù trước đó hai nước đã ký “Hiệp ước bất tương xâm”[1]. Chúng ta cũng biết, học thuyết của Hitler đã trở thành cương lĩnh của Đảng Quốc xã Đức từ những năm 1920: Mở rộng “không gian sống” (Lebensraum) cho dân tộc Đức, chủ yếu là sang phía đông đến tận vùng Ural, một vùng rộng lớn mênh mông có đầy đủ tiềm năng về tài nguyên, năng lượng và thực phẩm. Khả năng thua trận của Liên Xô là điều có thể xảy ra và như thế sẽ ảnh hưởng nặng đến mặt trận phía tây. Sức ép này buộc Hoa Kỳ phải hành động trước khi quá muộn. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về cuộc Thế chiến diễn ra trong bối cảnh lịch sử đó. Hình 1: Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill Nguồn: US Naval Historical Center, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill gặp nhau ở vịnh Placentia thuộc Newfoundland, Canada vào ngày 9.8.1941 trên chiến hạm HMS Prince of Wales, chiếc tàu mẫu mực mà hải quân Anh rất tự hào. (Ghi chú thêm: Chiến hạm mới toanh này mới được đưa vào sử dụng tháng 1.1941, bảy tháng trước ngày hội nghị. Sau đó, chiến hạm này bị quân Nhật đánh chìm trên vùng biển Mã Lai tháng 12.1941. Thời gian hoạt động kéo dài không quá một năm). Hai Nguyên thủ muốn gì qua hội nghị? Roosevelt và Churchill, mỗi người đến hội nghị với những “hành trang” khác nhau: Churchill muốn thuyết phục Hoa Kỳ tích cực tham chiến, đặc biệt trên chiến trường châu Âu. Roosevelt thì muốn đạt đến những thỏa thuận ban đầu để thực hiện chiến lược toàn cầu trong tương lai. Ngoài ra cũng nên nhớ rằng, Roosevelt chưa thể đạt được số phiếu đa số trong Quốc hội nếu quyết định tham chiến và người dân Mỹ chưa muốn đổ máu trên những vùng đất mà họ gọi đơn giản là “chẳng ăn nhập gì đến mình”. Trong lúc Churchill muốn đạt những thỏa thuận về cuộc chiến hiện tại, thì Roosevelt muốn giải quyết trật tự thế giới trong tương lai sau chiến tranh. Với những ý định khác nhau như thế, tuy hội nghị không rơi vào tình trạng đồng sàng dị mộng, nhưng các cuộc thảo luận đã diễn ra rất gay gắt, nhất là trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp liên quan tới các thuộc địa của Anh ở châu Á và Bắc Phi. Tưởng cũng nên nói thêm rằng, Roosevelt không có thiện cảm gì về chính sách thuộc địa của Pháp và Anh. Cuộc hội nghị kéo dài ba ngày liên tục và chấm dứt ngày 12.8.1941 bằng một tuyên bố chung dài đúng một trang giấy A4 với tám điều khoản (xem lược dịch nội dung bên dưới). Ngoài ra có một biên bản trong đó Hoa Kỳ đồng ý sẵn sàng “hỗ trợ tích cực dưới mọi hình thức” nhằm triệt hạ Đức Quốc xã, cũng như hứa hẹn đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí và quân dụng với những điều kiện dễ dãi. Tuyên bố chung của hội nghị được phổ biến ngày 14.8.1941 và đến cuối tháng 8.1941, Churchill chính thức dùng thuật ngữ “Hiến chương Đại Tây Dương”[2]. Roosevelt đã đạt được mục đích của mình: Gián tiếp gởi thông điệp đến phe trục để gây sức ép mà không cần tuyên bố tham chiến, ngoài ra Hoa Kỳ đã gởi được thông điệp cần thiết đến các nước thuộc địa về một viễn tượng độc lập khi tham gia liên minh chống phe trục để chấm dứt chiến tranh. Để đổi lại, Hoa Kỳ phải gia tăng cung cấp vũ khí và phương tiện cho phe đồng minh – dưới dạng cho vay và thuê (lend lease) với một con số khổng lồ là 50 tỉ đô-la[3]. Nhưng việc này thì Hoa Kỳ cũng không bị thiệt hại. Dù sao thì về mọi mặt, châu Âu là đối tác quan trọng số một của Hoa Kỳ trong suốt thời gian sau khi lập quốc. Ngoài ra kinh tế của Hoa Kỳ đã phát triển vũ bão kể từ lúc chiến tranh bắt đầu (xem Bảng 6trang 205). Churchill thì đạt được mục đích tranh thủ sự ủng hộ toàn diện của Hoa Kỳ trong cuộc chiến. Tất nhiên, những điều khoản về tự quyết (điều 3), về rào cản thương mại (điều 4) sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hơn 50 nước thuộc địa sẽ nằm trong Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) thành lập vào năm 1949. Churchill không hề có ý định thảo luận những vấn đề đó, lại càng không muốn đưa nó vào tuyên bố chung, nhưng cuối cùng thì Hoa Kỳ đã thuyết phục được. Tuy thế, cách thể hiện rất khái quát của Hiến chương cũng đã giúp cho Churchill tránh né trách nhiệm nước Anh, và Churchill cũng không ngần ngại phát biểu vào tháng 9.1941 rằng, các điều khoản này chỉ áp dụng cho các nước bị phe trục chiếm đóng, chứ những nước khác thì không ảnh hưởng tới – ý ông muốn nói những nước trong thuộc địa của Anh. Chúng ta cũng biết rằng, Churchill là người có tinh thần quốc gia cực đoan, luôn luôn bảo vệ sự tồn tại vĩnh viễn của Đế chế Anh. Đối với đòi hỏi độc lập của các thuộc địa, dù dưới hình thức nào, Churchill xem đó như một sự tấn công vào cá nhân ông và sẵn sàng dùng hết năng lực của mình để chống lại. Đối với các nước thuộc địa trong hoặc ngoài thuộc địa Anh và Pháp, hiến chương này là một niềm hy vọng lớn trong quá trình giành độc lập. Người ta tin tưởng mãnh liệt vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ khi cần thiết, cho nên đối với nhiều dân tộc, việc chống lại phe trục đã trở thành kim chỉ nam cho những hoạt động của họ trong thời gian này. Trong thực tế thì sự tin tưởng ấy là quá đáng, nếu không muốn nói là ảo tưởng. Sau 1945, Hoa Kỳ đã làm ngơ hoặc đồng thuận với những cuộc đàn áp đẫm máu các phong trào giải phóng thuộc địa Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan ở châu Phi và châu Á, mặc dù những nước này đã hưởng ứng lời kêu gọi của đồng minh và gởi quân tham gia cuộc chiến chống phe trục[4]. Hình 2: Vịnh Placentia, nơi họp hội nghị Đại Tây Dương Nguồn: Fotolia, ID #69996017 Đối với cộng đồng quốc tế, hiến chương này là một văn kiện rất đáng chú ý. Cũng cần nói thêm rằng, hiến chương này chưa hề được hai Nguyên thủ ký kết. Sau khi hội nghị chấm dứt, mỗi bên nhận được một bản thảo, sau đó trao đổi qua lại các đề nghị sửa đổi bằng điện báo và xác minh sự đồng ý về nội dung. Mặc dù thế, Hiến chương Đại Tây Dương đã đi vào lịch sử một cách ấn tượng. Tinh thần của hiến chương này đã đặt nền tảng cho việc thành lập Liên Hiệp Quốc và việc soạn thảo nội dung Hiến chương Liên Hiệp Quốc sau này. Hơn 20 chính phủ lưu vong họp tại London, đại diện cho những nước bị phe trục chiếm đóng tuyên bố ủng hộ hiến chương, mặc dù Hà Lan và Ba Lan đòi kèm thêm sự xét lại giá trị của một số điều khoản. Ngoài ra, Liên Xô tuyên bố có thể xét lại một số điều khoản đối với các vấn đề trong khu vực Ba Lan và Balkan. Anh thì cắt nghĩa một vài điều khoản khác theo ý riêng của mình. Dù sao thì Hiến chương Đại Tây Dương cũng là một văn kiện lịch sử có giá trị, nó đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình vận động liên minh chống phe trục Đức-Ý-Nhật cũng như đặt nền móng cho một tổ chức bảo vệ hòa bình lâu dài trên hoàn cầu sau khi chiến tranh chấm dứt. Tiếc thay, thái độ của Anh chung quanh vấn đề thuộc địa và thái độ của Liên Xô đối với các vấn đề Đông Âu đã làm giảm hẳn giá trị thực tế của bản hiến chương. Tuy thế, tinh thần của hiến chương cũng đã giúp cộng đồng quốc tế những điểm tựa cần thiết trong việc đi tìm giải pháp hòa bình trong những thập niên sau. Bảng 2: Tóm lược Hiến chương Đại Tây Dương[5] Tóm lược bản Hiến chương Đại Tây Dương 1. Hai nước không có ý định bành trướng lãnh thổ dưới mọi hình thức. 2. Hai nước không muốn có một sự thay đổi về lãnh thổ các nước khác, nếu sự thay đổi đó không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nước đó. 3. Hai nước tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân các nước trong việc chọn lựa thể chế chính trị mà họ mong muốn, và hai nước cũng muốn rằng họ có quyền đòi lại chủ quyền đã mất do nước khác cướp đi. 4. Hai nước sẽ cố hết sức mình để tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ, thắng trận hay thua trận, được quyền sử dụng các nguồn thương mại thế giới cũng như hạn chế các rào cản thương mại đến mọi thị trường. 5. Hai nước hết lòng ủng hộ sự hợp tác kinh tế giữa các nước với mục đích cải thiện điều kiện lao động, phồn vinh và an ninh xã hội. 6. Hai nước tin rằng, sau khi chế độ Đức Quốc xã đã bị triệt hạ, các nước sẽ sống trong hòa bình mà không phải sợ hãi chiến tranh và đói khổ. 7. Trong nền hòa bình đó, tất cả mọi người sẽ được hưởng quyền sử dụng đường thủy quốc tế. 8. Hai nước tin rằng mọi quốc gia sẽ thỏa thuận từ bỏ vũ trang. Hòa bình thế giới không thể được bảo đảm, khi vẫn còn có một nước tiếp tục sử dụng, hoặc có ý định sử dụng bạo lực vũ trang trên đất, trên biển hay trên không ở bên ngoài biên giới của họ. Vì thế, giải trừ quân bị là điều cần thiết để bảo đảm an ninh lâu dài. Tháng 1.1943: Hội nghị Casablanca Vào tháng 12.1941, bốn tháng sau khi Hiến chương Đại Tây Dương ra đời, Nhật tấn công vào Tổng hành dinh hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ tại Pearl Harbor, Hawai. Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến với sự đồng thuận tuyệt đối của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như không gặp một sức chống đối nào của nhân dân Mỹ vì không khí phản chiến đã tan rã nhanh chóng chỉ sau một đêm. Sau đó Hoa Kỳ và Anh thành lập ban tham mưu liên quân để phối hợp tác chiến. Kể từ 1942, chiến trường châu Âu thay đổi nhanh chóng có lợi cho phe đồng minh, nhất là tại Pháp và vùng Địa Trung Hải. Ngày 14.1.1943, Tổng thống Roosevelt triệu tập hội nghị thượng đỉnh kéo dài 13 ngày tại Casablanca thuộc Marocco. Tham dự hội nghị ngoài hai Nguyên thủ Hoa Kỳ và Anh còn có toàn bộ ban tham mưu liên quân hai nước. Phong trào giải phóng Pháp có Charles de Gaulle và Henri Giraud đại diện, nhưng hai vị tướng này không đóng vai trò gì đáng kể trong hội nghị. Josef Stalin của Liên Xô cũng được mời, nhưng cuối cùng không tham dự, lấy lý do không thể rời Liên Xô trong lúc mặt trận Stalingrad – nay là thành phố Volgograd – đang đến hồi kết thúc, cần sự có mặt của ông để điều động chiến trường. Trọng điểm của cuộc họp Casablanca là xác định kế hoạch tác chiến ở Tây Âu, vùng biển Adrea và Địa Trung Hải, cũng như phối hợp với mặt trận phía đông do Liên Xô điều động. Buổi họp này là một bước ngoặt lớn về mặt quân sự. Phe đồng minh đã lập được kế hoạch toàn bộ, và có thể nói rằng số phận của phe trục ở châu Âu xem như đã được định đoạt. Hình 3: Thành phố Casablanca của Marocco ở Bắc Phi Nguồn: Fotolia, ID #43128237 Điều chúng ta quan tâm ở đây là hiệu ứng chính trị của hội nghị Casablanca như thế nào. Sau 10 ngày họp, hai Nguyên thủ mời hơn 50 ký giả đến để trình bày các vấn đề về chiến lược. Một ký giả hỏi là phe đồng minh sẽ “xử lý thế nào về tương lai nước Đức”. Roosevelt không ngần ngại trả lời là Đức Quốc xã phải “đầu hàng vô điều kiện”. Churchill không giấu được ngạc nhiên vì giữa hai vị Nguyên thủ này chưa có một thỏa thuận sẽ đưa học thuyết đó ra công luận. Hai ngày sau, đòi hỏi đầu hàng vô điều kiện đã được chính thức hóa trong bản thông cáo chung của hội nghị. Rõ ràng là Roosevelt đã nắm được thế thượng phong trong quan hệ giữa hai nước. Học thuyết “đầu hàng vô điều kiện” Trước hết, một vài điều khoản của Hiến chương Đại Tây Dương liên quan đến nước thua trận không còn giá trị nữa, mà lãnh thổ và chủ quyền của nước thua trận sẽ được xử lý theo một tinh thần khác, không nằm trong hiến chương mà sẽ được quyết định trong những hội nghị thượng đỉnh sau đó. Tinh thần quan trọng của bản Hiến chương Đại Tây Dương là điều 3 (quyền tự quyết của mọi dân tộc). Nếu Anh không thừa nhận điều đó đối với các thuộc địa, Liên Xô không thừa nhận đối với các nước Đông Âu, bây giờ lại thêm học thuyết “đầu hàng vô điều kiện”, thì giá trị thực tế của bản hiến chương không còn cao nữa. Thứ hai, với đòi hỏi đầu hàng vô điều kiện, phe đồng minh từ chối mọi thương lượng để đi đến chấm dứt chiến tranh sớm hơn. Họ cũng không phân biệt thành phần lãnh đạo Đức Quốc xã và những thành phần Đức chống Hitler, nhất là tại Đức và Pháp. Chính sách đó chỉ làm cho những hoạt động chống đối này thêm khó khăn. Có khá nhiều sĩ quan cao cấp của Đức đã có ý định tham gia một cuộc đảo chính lật đổ Hitler để tạo tiền đề cho một cuộc đàm phán ngưng chiến, vì kể từ lúc Hitler thua trận Stalingrad vào tháng 2.1943, nhiều tướng tá của Hitler không còn tin tưởng vào một chiến thắng cuối cùng. Họ muốn chấm dứt chiến tranh sớm để cứu mạng sống của hàng triệu quân và dân Đức. Trong thực tế, nếu không có học thuyết “đầu hàng vô điều kiện” thì cuộc chiến tranh có thể được chấm dứt sớm hơn, Hồng quân Liên Xô chưa vượt qua biên giới Ukraine và các nước Đông Âu có thể đã không rơi vào vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Có luận cứ cho rằng, phe đồng minh hoàn toàn không có chút quan tâm nào đến một cuộc đảo chính thành công, thậm chí còn xem đó như là một yếu tố nhiễu loạn[6] cho chiến lược quân sự của họ. Luận cứ này được chứng minh rõ hơn qua hội nghị Yalta vào đầu năm 1945: Khi Stalin hỏi về cách ứng xử trong trường hợp một cuộc đảo chính thành công tại Đức, Churchill trả lời rằng “Lúc ấy phe đồng minh phải quyết định có nên thương lượng với nhóm đảo chính hay vẫn tiếp tục đánh cho đến lúc lãnh thổ Đức bị chiếm đóng hoàn toàn”. Ngôn ngữ ngoại giao này cũng nói khá rõ ý định của Churchill. Roosevelt cũng có chính sách như thế. Khi cố vấn Louis P. Lochner[7] xin gặp Roosevelt để thông báo kế hoạch của những sĩ quan Đức nhằm lật đổ Hitler, Roosevelt không tiếp, chỉ trả lời ngắn: “Ông Lochner, với bản kế hoạch đó ông chỉ đưa tôi vào tình trạng cực kỳ khó xử”[8]. Hình 4: Roosevelt và Churchill tại Casablanca Nguồn: Imperial War Museum UK, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng Nhiếp ảnh: H. A. Mason Thứ ba, đối với quân đội phe trục, học thuyết “đầu hàng vô điều kiện” không có tác dụng nào hơn là đẩy họ vào thế chân tường không còn lối thoát. Bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã nắm lấy thời cơ để cáo buộc rằng “Roosevelt đòi hỏi tiêu diệt dân tộc Đức”[9]. Biết bao nhiêu người dân bình thường tin vào lời tuyên truyền đó? Biết bao nhiêu người lính bình thường quả thật sợ hãi sự tiêu diệt đó? Cho nên họ chỉ có một con đường để chọn lựa là đánh cho đến cùng vì nghĩ rằng đằng nào họ cũng bị tiêu diệt. Thứ tư, đối với những người dân Đức bình thường, học thuyết này đã in đậm vào tâm tư của họ nhiều năm sau chiến tranh. Cả 20 năm sau, giới trí thức Tây Đức yêu chuộng tự do vẫn còn “chống Mỹ” một cách âm thầm trong tiềm thức, mặc dù họ biết rằng Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực để giải phóng họ khỏi chế độ độc tài Quốc xã, 300.000 binh lính Mỹ tử trận không phải là một con số mà người Đức yêu chuộng hòa bình có thể dễ dàng quên được. Phải chăng Roosevelt đã góp một phần vào tư tưởng chống Mỹ đó? Thực ra thì tình hình phe trục ở châu Âu đã bắt đầu tan rã. Quân đồng minh thắng trận khắp nơi, nhất là ở mặt trận Bắc Phi và Địa Trung Hải. Liên Xô thì thắng trận Moscow và đang đánh bại Đức Quốc xã ở Stalingrad. Trong bối cảnh đó, một tư lệnh quân đội đồng minh đòi hỏi đầu hàng vô điều kiện là chuyện có thể hiểu được. Nhưng học thuyết này lại xuất phát từ một chính trị gia, hơn nữa từ một Tổng thống lỗi lạc của Hoa Kỳ. Đấy là một học thuyết sáng chói, một sự khôn ngoan hay ấu trĩ về chiến thuật của Roosevelt? Hay là Roosevelt bị ảnh hưởng quá nặng từ những chính trị gia cố vấn mang nặng tư tưởng trả thù - đại biểu là bộ trưởng tài chính Henry Morgenthau? Hay đấy chỉ là thái độ “lên gân” của một Hercules thời đại mới? Nhiều câu hỏi cần được đặt ra về trách nhiệm của Tổng thống Roosevelt khi ông đưa ra học thuyết “đầu hàng vô điều kiện” trong hội nghị Casablanca. Chuyện Đức Quốc xã thua trận, điều đó không ai còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng với đòi hỏi đầu hàng vô điều kiện, có lẽ phe đồng minh đã kéo dài chiến tranh một cách không cần thiết. (Ghi chú thêm: Sau khi chiến tranh đã chấm dứt ở châu Âu, vào ngày 12.7.1945, Nhật Hoàng Hirohito quyết định thương thuyết với đồng minh. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đánh điện cho Đại sứ ở Moscow: “...Hoàng Đế mong muốn rằng cuộc chiến tranh cần được chấm dứt càng sớm càng tốt để tránh thương vong cho thường dân vô tội. Tuy thế, nếu Hoa Kỳ và Anh vẫn muốn chúng ta đầu hàng vô điều kiện thì chúng ta bắt buộc phải chiến đấu tới cùng”[10]. Nội dung bức điện này đã được lặp lại trong một công hàm chính thức của đại sứ Nhật gởi đến Ngoại trưởng Liên Xô Molotov. Ngoài ra bức điện này cũng bị gián điệp Hoa Kỳ nghe lén và giải mã, như thế Tổng thống Truman cũng biết Nhật muốn gì. Nhưng cuối cùng bom nguyên tử vẫn nổ bốn tuần sau đó. Mục đích của Truman khi thả bom xuống Hiroshima và Nagasaki thực sự là để chấm dứt chiến tranh hay chỉ để trả lời cho Quốc hội về một phí tổn khổng lồ trong việc nghiên cứu sản xuất bom nguyên tử? Hay là Truman không muốn rằng chiến tranh chấm dứt nhờ trung gian môi giới của Liên Xô? Hay là Truman muốn ép Nhật đầu hàng Hoa Kỳ - và chỉ một mình Hoa Kỳ - để bảo đảm thế thượng phong tại châu Á? Chúng ta cũng chỉ biết đặt giả thuyết mà thôi. Hai thành phố và hàng trăm ngàn thường dân Nhật bị hủy diệt bởi hai quả bom nguyên tử đang chờ câu trả lời thỏa đáng.) Sau hội nghị Casablanca, đại diện Lực lượng Giải phóng Pháp là De Gaulle tuyên bố ủng hộ bản thông cáo chung của hội nghị. Stalin thì hết lòng ủng hộ học thuyết “đầu hàng vô điều kiện” vì Stalin luôn luôn xem việc chiếm đất đai là mục đích quan trọng của chiến tranh. Hình 5: Giraud, Roosevelt, De Gaulle và Churchill tại Casablanca Nguồn: Imperial War Museum UK, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng Tháng 2.1945: Hội nghị Yalta Ngay cả khi chiến tranh chưa chấm dứt, hội nghị Yalta không những quyết định số phận nước Đức, mà còn số phận của châu Âu và Viễn Đông trong nhiều năm sau. Ranh giới Oder-Neisse[11] đã được định đoạt và gắn liền với sự kiện này là sự trục xuất hàng triệu người dân Đức ra khỏi quê hương của họ. Sau này, sự kiện Trung Hoa trở thành cộng sản, nước Triều Tiên bị chia đôi và đến năm 1950 chiến tranh Nam Bắc bùng nổ, và sau đó biến cố Việt Nam, Campuchia và Lào vào năm 1975, tất cả các sự kiện đó đều có nguồn gốc từ Yalta[12]. (Giáo sư Hubertus Prinz zu Löwenstein, Sử gia) Đến giữa năm 1944, quân đội Đức Quốc xã bắt đầu tan rã trên hầu hết các chiến trường. Quân đồng minh cũng đang chuẩn bị đổ bộ vào Tây Âu và mở những mặt trận mới ở vùng Địa Trung Hải và Đông Âu. Tổng thống Roosevelt thấy đã đến lúc ba Nguyên thủ cần thỏa thuận với nhau những giải pháp chính trị cho châu Âu và châu Á sau chiến tranh. Một loạt đề nghị về thời điểm và địa điểm (Hy Lạp, Marocco, Iran v.v...) đều không được đồng ý. Stalin cứ nhởn nhơ như thế cho đến cuối năm và bất chợt đề nghị Yalta thuộc đảo Crimea bên bờ Biển Đen, nơi nghỉ mát nổi tiếng của Nga Hoàng trong suốt mấy thế kỷ trước. Thế là hội nghị được tổ chức vào ngày 4.2.1945 tại Yalta, một chiến trường khốc liệt mà Liên Xô vừa đẩy lùi Đức Quốc xã mấy tháng trước đó. Lấy kết quả của hội nghị Teheran cuối tháng 11.1943 làm nền tảng, mục đích hàng đầu của hội nghị Yalta là giải quyết các vấn đề chính trị trên thế giới khi chiến tranh chấm dứt. Cũng không đến nỗi cường điệu nếu nói rằng bản đồ Trung Âu và Đông Âu sẽ được vẽ lại tại Yalta. Hội nghị bắt đầu ngày 4.2, kéo dài tám ngày và chấm dứt hôm 11.2.1945 bằng một bản thông cáo chung. Vào thời điểm này, quân đồng minh Tây phương đã thâm nhập vào lãnh thổ nước Đức, chỉ còn 40 cây số cách bờ tây sông Rhein, cách Berlin 600 cây số. Quân Liên Xô thì đã đến bờ đông sông Oder, cách Berlin 80 cây số. Như thế là diện tích đất do Liên Xô giành lại từ Đức rộng gấp ba lần diện tích mà Anh-Mỹ-Pháp giành được ở phía tây. Sự sụp đổ của Đức Quốc xã chỉ còn là vấn đề thời gian, vài tháng hay thậm chí vài tuần. Stalin hẳn có dự kiến khôn ngoan khi chọn địa điểm họp này. Trước hết, Liên Xô đến đó với tư thế của kẻ thắng trận hơn hẳn những nước đồng minh còn lại, báo chí sẽ tường thuật rằng bản đồ thế giới được vẽ lại trên vùng đất lịch sử của Liên Xô. Stalin cũng muốn phô diễn cho Roosevelt thấy mức thiệt hại mà Liên Xô phải gánh chịu trong chiến tranh, và không hẳn là quá đáng để chúng ta tin rằng, việc cài đặt hệ thống nghe lén trong các phòng của Anh và Hoa Kỳ cũng dễ dàng hơn (trùm gián điệp của Liên Xô cũng có mặt tại đó nhưng chỉ ở sau hậu trường). Ý đồ của ba Nguyên thủ khi đến Yalta là gì? Chúng ta hãy bắt đầu với chủ nhà. Quan tâm hàng đầu của Stalin là chiếm toàn bộ khu vực Đông Âu để làm vòng đai an ninh đồng thời làm bàn đạp để bành trướng sang phía tây. Nơi đó sau khi đẩy lùi quân Đức ra khỏi các nước Đông Âu, Liên Xô đã thiết lập được những chính phủ lâm thời do các nhóm du kích thân cộng sản điều khiển. Anh và Mỹ cũng không dễ dàng gì mà thay đổi được cục diện chính trị ở đây, chỉ có vùng đất còn lại để thương thuyết là lãnh thổ Ba Lan sẽ thế nào? Quan tâm thứ hai của Stalin là việc chia vùng kiểm soát nước Đức. Đối với Stalin, nước Đức từ thế kỷ trước đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh Liên Xô, ngoài ra việc bành trướng thế lực sang Tây Âu sẽ dễ dàng hơn nếu Liên Xô khống chế được nước Đức. Sau cùng là chuyện thuần vật chất: bồi thường chiến tranh, tháo gỡ cơ sở công nghiệp, kiểm soát sản lượng than ở vùng Ruhr và Saarland ở phía tây v.v... Những giải pháp chính trị khác chỉ là vấn đề thứ yếu, và Stalin chỉ dùng nó như là để mặc cả với hai Nguyên thủ kia mà thôi. Trong hội nghị này, Stalin biết rõ Roosevelt đang cần Liên Xô, Churchill thì không có một tầm vóc đáng sợ. Cuộc sắp xếp ai thắng ai thua ở hội nghị này có vẻ như đã hoàn tất. Điều mà trước đây Churchill sợ và Stalin mong muốn đã xảy ra: Hầu hết khu vực Đông Âu đã có vết chân của Hồng quân Liên Xô. Hình 6: Yalta trên bán đảo Crimea Trong thời gian 1944 Crimea thuộc Nga, Ukraine là một cộng hòa trong Liên bang Xô viết. Nguồn: Fotolia, ID #63215246 Roosevelt thì muốn có vai trò số một trong việc chấm dứt sớm cuộc chiến tranh tại châu Âu, thuyết phục Stalin tham chiến chống Nhật tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thỏa thuận về đề tài yêu thích số một của Roosevelt: Việc thành lập Liên Hiệp Quốc. Chuyện chiếm đóng tại châu Âu thì Roosevelt không quan tâm lắm và cũng không úp mở trả lời cho Stalin: “Chắc chắn Quốc hội chúng tôi sẽ không cho phép tôi giữ quân tại đây lâu hơn hai năm”. Một phán đoán quá lạc quan và chủ quan. Stalin cũng mừng thầm về kế hoạch bành trướng tại châu Âu. Chuyện vật chất thì hoàn toàn không có gì quan trọng đối với Hoa Kỳ. Nhìn chung thì những đòi hỏi “khiêm tốn” ấy có lẽ xuất phát từ sự tin tưởng quá đáng của Roosevelt đối với Stalin. Mặc dù Churchill cũng như các tướng tá trong bộ chiến tranh Hoa Kỳ đã nhiều lần lưu ý, nhưng có lẽ do ảnh hưởng của cố vấn thân tín James F. Byrnes, người được cho là có thiện cảm với Liên Xô, Roosevelt cho rằng Stalin là đối tác có thể tin cậy được. Ông cũng không ngần ngại tuyên bố là “Tôi thích ông ta [Stalin] và có lẽ ông ta cũng thích tôi”[13]. Chỉ hơn sáu tuần sau, với một báo cáo mật của đại sứ Hoa Kỳ Averell Harriman tại Moscow, Roosevelt đã phải thừa nhận rằng, mình đã phán đoán sai về Liên Xô và Stalin. Có quá trễ hay chăng? Cũng cần nói thêm rằng, Roosevelt đã lâm bệnh nặng từ hai năm trước, ông đến hội nghị với tình trạng sức khỏe đã suy sụp. Sau đó ông mất vào tháng 4.1945, hai tháng sau hội nghị. Trong bối cảnh đó, Stalin có thừa điều kiện thuận lợi để thương lượng trả giá với các đối tác tại Yalta. Vai trò của Churchill thì phức tạp hơn. Trước hết, Churchill là người hiểu quá rõ lịch sử tranh chấp giữa Anh với Pháp, Đức, Ý, Áo và Nga, cho nên quan tâm hàng đầu của Anh là một châu Âu hòa bình ổn định mà trong đó Anh có vai trò quan trọng nhất có thể khống chế chính trị các nước khác. Đức thì sẽ thua trận, Pháp đã bị hạ nhục và không có vai trò gì nữa, Ý đã tan nát, những nước còn lại không là đối thủ của Anh. Thứ hai, với truyền thống liên minh với Ba Lan, Churchill muốn đạt được một giải pháp thỏa đáng về lãnh thổ Ba Lan, đồng thời giữ cho Ba Lan không rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Cụ thể, Churchill muốn có bầu cử dân chủ ở Ba Lan và các nước Đông Nam châu Âu (Yugoslavia, Hungary, Czechoslovakia, Romania). Thứ ba, Churchill muốn thắng Nhật trên chiến trường châu Á mà không phải trả lại độc lập cho những thuộc địa sẽ được giải phóng từ tay Nhật. Thứ tư, Churchill muốn có một giải pháp ở Bắc Phi có lợi cho Anh. Churchill biết rằng Roosevelt không hề ủng hộ chính sách thuộc địa của Anh, và cũng biết rằng Stalin có thể mặc cả với mình trên nhiều vấn đề. Đứng trước hai nhân vật “vĩ đại” này, Churchill cảm thấy rất khó thương thuyết với hai vị lãnh đạo không những có nhiều tham vọng cá nhân mà còn có lực lượng hùng hậu đằng sau. Con đường Churchill chọn lựa là: phải làm cho hai nhân vật này tranh cãi triền miên trên nhiều vấn đề, rồi tùy cơ ứng biến. (Chú thích phụ: Phái đoàn Anh được Liên Xô phân chia vào một biệt thự khiêm tốn bên cạnh cung điện Livadia tráng lệ của đoàn Hoa Kỳ.) Cũng cần nói thêm, cả Churchill và Roosevelt đều nghĩ rằng cuộc chiến với Nhật có thể kéo dài lâu, và cả hai đều chưa được báo cáo cụ thể rằng, việc thử bom nguyên tử ở Hoa Kỳ có dấu hiệu sẽ thành công. Cho nên Roosevelt và Churchill đều muốn Liên Xô tham chiến ở châu Á và sẵn sàng nhượng bộ Stalin trong những vấn đề khác. Roosevelt còn muốn đi xa hơn: Ông dự kiến Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ là hai cột trụ của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ hòa bình thế giới (!). Điều trớ trêu cho loài người là, đôi khi số phận của hàng triệu con người có thể bị ảnh hưởng nặng nề vì nhận thức đúng hay sai của Nguyên thủ một nước lớn. Ba thành viên hội nghị thỏa thuận những gì? Mỗi bên một ý định, cho nên chưa bao giờ trong lịch sử có một hội nghị với nhiều đề tài khác nhau như thế. Cũng chưa bao giờ số phận của hàng trăm triệu con người được quyết định bởi rất ít người như thế. Sau tám ngày hội họp, thế giới đã được phân chia rành rọt như những miếng bánh ngọt trên bàn tiệc. Thế giới sau những ngày họp không còn là thế giới trước đó. Một trật tự mới đã được thiết lập. Tốt hay xấu hơn? Đáng vui hay buồn? Điều đó còn tùy thế đứng và cách nhìn của mỗi người. Hội nghị chấm dứt ngày 11.2.1945 với một tuyên bố chung. Ba bên đồng ý rằng một tổ chức quốc tế sẽ được mở rộng, sẽ họp vào tháng 4.1945 để chuẩn bị một hiến chương và tiến tới sự hình thành tổ chức lấy tên là Liên Hiệp Quốc, có khả năng bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Liên Hiệp Quốc được cải tổ về việc thành lập Hội đồng Bảo an có năm thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, ngoài ra thêm Trung Hoa và Pháp - nếu hai nước này đồng ý tham gia). Mỗi thành viên thường trực có quyền phủ quyết trên mọi vấn đề. Về mặt trận Thái Bình Dương, Liên Xô đồng ý tham chiến với điều kiện được hưởng những điều kiện thuận lợi về vấn đề Mông Cổ, Sakhalin, Kurile v.v... Hội nghị cũng có những thỏa thuận về biên giới đối với Yugoslavia, Ý, Áo, Iran. Biên giới Ba Lan thì được giải quyết một phần, phần còn lại sẽ được xác định trong một phiên họp sau này. Hình 7: Churchill, Roosevelt và Stalin tại hội nghị Yalta Nguồn: US National Archives, US Army, tải từcommons.wikipedia.org, vùng công cộng Riêng về những quyết định liên quan đến nước Đức bại trận, cả ba nước đưa ra những quyết định về lãnh thổ, chính trị và kinh tế với mục đích làm suy yếu nước Đức và ngăn chặn mầm mống chiến tranh trong tương lai có thể xảy ra xuất phát từ nước này. Có những quyết định chưa ngã ngũ hoàn toàn và sẽ được giải quyết tại một hội nghị trong tương lai. Hay nói một cách đơn giản: Ba Nguyên thủ đã thống nhất ý kiến là những vấn đề quan trọng về biên giới chưa được thống nhất. Những quyết định tại Yalta có thể tóm tắt như sau: Về lãnh thổ, cả ba nước lấy biên giới Đức năm 1937 làm chuẩn và chia phần đất ở đông bắc (vùng Königsberg) cho Liên Xô, vùng bắc (Danzig và vùng biển) thuộc Ba Lan. Ngoài ra, biên giới phía đông sẽ được xử lý trong một hội nghị sau này, tinh thần là sẽ cắt bớt một vùng đất của Đức dành cho Ba Lan để bù lại phần đất phía đông của nước này đã bị sát nhập vào Liên Xô trong chiến tranh. Khu vực đông nam (vùng Schlesien) chưa có quyết định cụ thể. Ghi chú: Trong hội nghị Potsdam cuối tháng 7.1945, Đức mất luôn vùng đất phía đông sông Oder cũng như một phần vùng Schlesien cho đến bờ đông sông Neisse. Như thế, nước Đức mất tổng cộng khoảng 120.000 cây số vuông, gần một phần tư lãnh thổ của năm 1937. Trong lúc đó thì Ba Lan mất 180.000 cây số vuông cho Liên Xô. Cả ba nước dự kiến, nhưng chưa có quyết định cụ thể, sẽ chia nước Đức thành nhiều nước nhỏ với mục đích “giữ cho nước này suy yếu lâu dài để tránh nguy cơ chiến tranh”. Phần lãnh thổ còn lại có thể được chia làm ba khu vực do lực lượng quân sự của các nước liên hệ kiểm soát: đông thuộc Liên Xô, nam và tây nam thuộc Hoa Kỳ, bắc và tây bắc thuộc Anh. Ngoài ra Pháp có thể được chia một phần đất, nếu Pháp đồng ý. Phần đất cho Pháp sẽ cắt bớt từ khu vực của Hoa Kỳ và Anh và do hai nước này quyết định trên cơ sở thương lượng với Pháp, Liên Xô không can thiệp vào. Ngoài ra, Berlin cũng được chia làm bốn vùng kiểm soát của bốn bên và một ủy ban kiểm soát có bốn thành phần với quyền phủ quyết trên mọi vấn đề. Ghi chú: Sau hội nghị Potsdam cuối tháng 7.1945, Anh và Hoa Kỳ thỏa thuận nhường cho Pháp khu vực ở phía tây là Saarland, cộng thêm vùng đất tam giác Karlsruhe-Mainz-Trier (một phần của Rheinland Pfalz hiện nay) và tam giác Karlsruhe-Basel-Konstanz (vùng tây nam Baden-Würtemberg hiện nay). Về mặt kinh tế, cấm nước Đức sản xuất tất cả các món hàng có thể được sử dụng cho chiến tranh, kể cả các xe vận tải, kỹ nghệ đóng tàu và kỹ nghệ hàng không. Nhiều món hàng trong lĩnh vực hóa học bị cấm. Ngành công nghiệp nặng cũng bị cấm. Công nghiệp tiêu dùng chỉ được phép sản xuất đến mức vừa đủ để một mặt bồi thường chiến tranh và mặt khác nâng cao đời sống, nhưng mức sống không được cao hơn các nước chung quanh. Chính sách hạn chế phát triển kinh tế sẽ được cụ thể hóa trong một hội nghị sau. Đức phải chịu bồi thường chiến tranh cho các nước đã gánh chịu hậu quả chiến tranh và đã góp phần vào cuộc chiến đấu chống Đức Quốc xã đến thành công. Giá trị bồi thường không tính bằng tiền, mà bao gồm ba bộ phận: a) Tháo gỡ và tịch thu cơ sở sản xuất, tài sản trong và ngoài nước kể cả chứng khoán, các công ty con và tài sản các loại. Chương trình này kéo dài hai năm; b) Trong vòng mười năm sau chiến tranh, sản lượng quốc dân sẽ được trích ra một phần để trang trải bồi thường; c) Cung cấp lao động cưỡng chế. Một ủy ban kiểm tra bồi thường sẽ được đặt tại Moscow bao gồm ba nước. Ủy ban này sẽ xác định chương trình hoạt động cũng như qui định cụ thể số lượng, chủng loại và giá trị của các sản phẩm bồi thường. Ba nước đề nghị tổng số bồi thường là 22 tỉ đô-la, trong đó 50% thuộc về Liên Xô. Về vấn đề tội phạm chiến tranh, một ủy ban gồm Bộ trưởng Ngoại giao của ba nước sẽ được thành lập và qui định phương thức xử lý các tội phạm chiến tranh. (Toàn văn bản tiếng Anh có thể xem tại http:// avalon.law.yale.edu) Ngày 8.5.1945: Đầu hàng vô điều kiện Người thì được trở về nhà, kẻ khác thì mất quê hương. Người thì được giải phóng, kẻ khác bắt đầu làm tù binh. Rất nhiều người chỉ giản dị cám ơn rằng những đêm bom dội hãi hùng đã qua đi và may mắn thay họ vẫn còn sống sót, nhiều người khác thì cảm thấy khổ đau vì sự sụp đổ của Tổ quốc. Có người Đức cảm thấy chua chát vì một ảo tưởng đã tan biến, người khác thì cám ơn về món quà nhận được để làm lại từ đầu[14]. (Tổng thống Đức Richard von Weizsäcker, Diễn văn ngày 8.5.1985) Buổi sáng đầu tháng 5.1945 đến như mọi ngày hôm trước. Ngày tháng năm sẽ hứa hẹn cho ta những tia nắng xuân ấm áp. Trong thời bình thì người ta có thể chờ đón cảm giác mênh mang trên những bãi cỏ non xanh mướt. Nhưng sáng hôm nay, trong thành phố, dưới vùng quê, mọi người khi thức dậy bỗng nhiên thấy vắng lặng, hụt hẫng đến lạnh người, mặc dù trời đã sáng, ánh mặt trời tháng năm quét những tia nắng đầu tiên vô cùng ấm áp. Cảm giác ngủ mà không bị đánh thức bởi tiếng bom đêm, không phải vùng dậy chạy cho kịp xuống hầm trú ẩn. Cảm giác này thật khó tả, hơn thế nữa, không thể tả được. Họ đang sống hay đang chết? Đang thăng hoa hay đang đi vào địa ngục? Chịu, không thể nào tả được. Biết bao nhiêu triệu người dân Đức cùng có cảm giác như thế? Không còn tiếng bom rơi, không còn tiếng đại pháo gầm rú, vì hôm qua là ngày 8.5.1945, vì tối hôm qua quân đội Quốc xã đã ký giấy đầu hàng vô điều kiện tại Berlin. Đài phát thanh đã loan báo tin này nhiều lần kể từ hai giờ sáng, nhưng không phải mọi người đều nghe được thông điệp đó. Không phải ai cũng hiểu được dù đã nghe qua. Giống nhau là cảm giác nhẹ nhõm của cơ thể sau nhiều ngày quen với bom rơi. Nhưng làm sao giống nhau về tâm tư? Có phải hôm nay là ngày giải phóng, là ngày hòa bình, là ngày thua trận hay trời đất đang sụp đổ? Cảm giác được giải phóng có thể nhận ra dễ dàng ở những người đã bị giày xéo bởi Đức Quốc xã trong chiến tranh và sáu năm trước đó. Nhưng trước hết phải nói tới hàng trăm ngàn người tù còn lại trong những trại tập trung. Cảm giác giải phóng được thấy rõ trên gương mặt hốc hác tái sạm, trong ánh mắt sâu hoắm thất thần, nếu họ còn chút sức tàn để sống sót, để biểu lộ mừng vui, để cảm nhận thâm sâu bốn chữ “hòa bình giải phóng”. Có hàng loạt người như thế còn trong các trại tập trung. Nơi đó, kể từ đầu tháng 5.1945, những người lính Quốc xã cuối cùng phải vội vàng cuốn gói chạy trốn, để lại nhiều người tù bị nhốt trong những căn nhà khóa kín, trong hàng rào kẽm gai, không thực phẩm, không nước uống. Những người này “may mắn” chưa bị đưa vào các lò hơi ngạt, nhưng như một tấn thảm kịch, khi quân đồng minh tới nơi, vô số tù nhân đã chết sau một tuần đói khát. Quân đội Hoa Kỳ, trách nhiệm hành quân vùng Nam Đức, phải chuyển tới đó khẩu phần của lính để nuôi dưỡng những người tù vừa được giải phóng, phải chuyển đến hàng tấn thuốc trừ dịch và thuốc bổ dưỡng. Dù thế, hàng vạn người trong số đó, dù được săn sóc tận tình, cũng không qua nổi số phận, vì không còn sức kháng cự sau bao nhiêu ngày kiệt lực. Những người còn lại thì đúng là chết mười lần để sống lại một đời. Ngày này là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời, họ sẽ vĩnh viễn không quên được Dachau, Auschwitz, Bergen-Belsen, Buchenwald[15] v.v... Giá mà Anne Frank[16] có thể cầm cự thêm vài tuần, sống được đến ngày giải phóng, có lẽ cô sẽ viết được một tuyệt tác về trại tập trung, và chúng ta sẽ hiểu thêm được cảm nhận sâu sắc về hai chữ “giải phóng” đối với những người này trong ngày hôm đó. Cảm nhận giải phóng cũng dễ dàng nhận thấy ở những người đấu tranh chống lại chế độ Quốc xã, họ phải bỏ trốn ra ngoại quốc sống lưu vong hoặc trốn chạy chế độ để sống một cuộc đời lưu lạc dưới sự bao che của người thân. Đối với họ, sáu năm chiến tranh và sáu năm dân sự dưới thời Hitler đã khắc sâu vào tâm khảm như những vết hằn khó quên. Hình 8: Berlin bị tàn phá hoàn toàn Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-J31399 / CC-BY-SA 3.0 Giải phóng, trong chừng mực nào đó, cũng là cảm nhận của nhiều người khác nằm trong guồng máy Đức Quốc xã nhưng không hề ủng hộ nó mà chỉ làm nhiệm vụ được giao cho như một quán tính. Nói cho cùng thì ai cũng phải kiếm phương tiện để sinh sống. Họ không muốn và cũng chưa hề tự ý làm chuyện gì để gây nên tội ác chiến tranh, hơn thế nữa họ chống đối chế độ một cách âm thầm nhưng không đủ ý chí để hành động. Ngày 8.5.1945 đã thực sự giải phóng cho hàng triệu người như thế. Họ là công dân lương thiện có ý thức, cho nên ngày hôm nay không chỉ là ngày giải phóng theo nghĩa thông thường của nó, mà là một sự giải phóng về lương tri, giải phóng tâm hồn: Sáu năm chiến tranh đẫm máu kinh hồn – xuất phát từ xứ Đức của họ – đã vĩnh viễn qua rồi, người lính Đức không còn đốt nhà người khác ở nước ngoài, không còn phải cầm súng bắn vào thường dân vô tội. Lương tri của cả dân tộc được giải phóng chứ đâu phải một cá nhân nào! Có hạnh phúc nào lớn hơn hôm nay? Cũng chính những người này sau này sẽ là những người rất tích cực và hiệu quả trong công cuộc xây dựng đất nước tang thương, vì ý thức yêu nước, vì lòng tự hào dân tộc hoặc cũng có thể vì lương tâm thôi thúc để bù lại những ngày thụ động đã qua, như một món nợ lịch sử phải trả. Nhiều nhân vật nổi tiếng của lớp người này mà chúng ta rất quen thuộc có thể kể như Konrad Adenauer, Heinrich Böll, Willy Brand, Ludwig Erhard, Carlo Schmid, Kurt Schumacher v.v...và biết bao nhiêu người nữa. Khác với hạnh phúc của những người có cảm nhận giải phóng như thế, hàng chục triệu người khác đón ngày 9 tháng 5 một cách e dè bởi mỗi người một hoàn cảnh, một tâm tư khác nhau. Chuyện có thật hay sao? Chẳng lẽ mọi chuyện xảy ra giản dị đến thế? Hóa ra bao nhiêu hy sinh của chồng, vợ, con, cha mẹ đều trở thành vô nghĩa hay sao? Hóa ra bao nhiêu khẩu hiệu tung hô trên đường phố trong những năm trước là biểu hiện của ngây thơ ngu muội? Họ đã tin vào lịch sử oai hùng hằng trăm năm trước, đã tin vào một tương lai huy hoàng của nước Đại Đức cho hằng trăm năm sau khi ném mình vào cơn lốc lịch sử này, sẵn sàng để cho Quốc xã dẫn dắt vào một cuộc chơi mà họ ngây thơ không hề biết qui luật. Nhưng dù sao thì buổi sáng hôm nay họ vẫn còn sống, còn chuyện trò với người thân, “còn một cái đầu trên cổ”[17]. Có lẽ chúng ta cũng cần nói tới rất nhiều người khác không chứng kiến được ngày hòa bình hôm nay. Họ đã chết trong vài ngày qua, không vì bom rơi đạn rớt, mà họ tự kết thúc cuộc sống. Không cần phải nói tới những tay đồ tể khét tiếng của Quốc xã đã tự tử vì sợ sẽ bị xử bắn bởi quân đồng minh. Nhưng còn biết bao nhiêu người khác, nhất là phụ nữ, đã tự tử vì sợ sẽ bị làm nhục, bị hãm hiếp, bị quẳng xác ra đường. Cho đến ngày cuối cùng, họ cũng tiếp tục làm nạn nhân của Quốc xã một cách vô thức: Trước đó, bộ máy tuyên truyền của Goebbels[18] đã ra rả trên đài về một viễn tượng kinh hoàng như thế, mục đích để đẩy mọi người tiếp tục lăn xả vào cuộc chiến đã tuyệt vọng. Sau một buổi sáng dè dặt vì không rõ diễn biến tương lai, lác đác đã có người ra đường. Người ta cố gắng bình thường hóa cuộc sống, cố gắng bình thản để hưởng ngày hòa bình đầu tiên sau sáu năm khốc liệt. Người ta bắt đầu đi đến chỗ này chỗ kia, đến nhà bạn nhà anh em, qua những con đường họ đã quen thuộc. Dần dần sự tàn khốc của chiến tranh càng lộ ra. Nhà văn Fritz J. Raddatz sau này nhớ lại: “Xác chết trong thành phố không phải là chuyện bất bình thường. Vào tháng 5 năm 1945, xác chết nằm khắp nơi trong công viên, trên đường phố. Xác chết bị lục soát, lột trần mọi thứ đến nỗi không nhận ra được đó là lính chết trận hay thường dân”. Không có một thành phố nào không bị tàn phá dữ dội, hậu quả của những trận bom năm 1944 và những trận giáp chiến cuối cùng, nhất là Berlin, mà cảnh hoang tàn ở đây không bút mực nào tả được. Cuộc chiến đấu cuối cùng của thành phố này kéo dài bốn tháng với tất cả những loại súng ống dữ dội nhất, với những người lính say trận nhất của cả hai bên. Hitler thì giữ lại đây nhiều đội quân tinh nhuệ, điều khiển bởi Wilhelm Keitel[19] và những sĩ quan cuồng tín nhất để bảo vệ Berlin và bảo vệ “lãnh đạo”. Phía Liên Xô thì hơn hai triệu quân được dồn lại trong vùng chung quanh với hàng chục ngàn đại pháo chĩa nòng vào một mảnh đất không quá 100 cây số vuông, hơn 6.000 xe tăng và 7.000 máy bay chiến đấu. Toàn bộ lực lượng này được điều khiển bởi thống soái Georgi Zhukov, người có biệt danh là “vị tướng khét tiếng nhất của Thế chiến thứ hai”. Với hàng loạt bom trải thảm trong suốt sáu tháng cuối năm 1944, cộng thêm cuộc sống mái cuối cùng kéo dài bốn tháng, Berlin đã trở thành bình địa. Không ai còn nhận ra cái gì tại đâu trong Berlin. Có những con đường không còn nhà cửa. Hơn hai triệu người dân sống sót trong những ngày hòa bình đầu tiên phải sống dưới hầm trú ẩn, vì không còn nơi nào khác để nương thân. Nếu còn chăng thì đôi lúc chỉ có bốn vách tường không mái. Berlin không còn hiện hữu nữa. Hình 9: Phụ nữ trong tro tàn Nguồn: Bundesarchiv, Bild 146-1976-137-06A / CC-BY-SA 3.0. Cuộc suy tàn của Berlin không chỉ là nhà cửa bị tàn phá, đường phố ngập tràn gạch vụn, mà đáng nói là những con người không còn gì để giữ lại trong tâm hồn, nhất là phụ nữ và cả những bé gái ở lứa tuổi 15. Tác phẩm “Một người đàn bà ở Berlin” hoặc là “Berlin. Sự sụp đổ 1945” đã nói khá đầy đủ cơn ác mộng này. Trong thực tế thì nhiều nữ nạn nhân không muốn đưa ra công luận nỗi khổ đau của mình. Giới nghiên cứu tâm lý gọi đấy là chấn thương tâm lý gấp đôi: Chấn thương về thân xác và chấn thương về tâm lý “phải im lặng”. Và cứ thế họ giữ mãi trong lòng vết thương không bao giờ được băng bó. Họ giấu dư luận, giấu con cái, giấu mọi người thân trong nhà. Chấn thương đó theo suốt cuộc đời cho đến lúc họ chết đi cũng không ai hay biết. Trong ngày tháng 5 này cũng có hàng triệu số phận khác vô cùng oái ăm. Chúng ta hãy lướt qua những gì mà nhà sử học Guido Knopp kể lại[20]: Ba nước đồng minh đã thỏa thuận không chấp nhận Đức đầu hàng từng phần mà phải đầu hàng toàn bộ vô điều kiện. Ngày 2.5.1945 đội quân 350.000 người của tướng Von Friedeburg[21] ở Mecklenburg bị kẹp giữa gọng kềm Anh bên tây và Liên Xô bên đông. Trong cơn tuyệt vọng đó, Von Friedeberg thương lượng với tư lệnh Montgomery[22] được phép đầu hàng Anh thay vì sẽ bị Liên Xô bắt làm tù binh. Montgomery không chấp thuận, vì đó là một cuộc đầu hàng từng phần, nhưng cuối cùng ông làm một ngoại lệ cho phép binh lính đầu hàng cá nhân nếu họ bỏ súng và chạy sang phía tây. Bằng cách giải quyết ngoại lệ này, đội quân 350.000 người Đức thất trận “được” làm tù binh của Anh (và sau vài năm được trả về quê quán). Ở phía nam vùng Sachsen trên mặt trận của Hoa Kỳ cũng xảy ra trường hợp như thế và hàng chục ngàn số phận đã được cứu vớt. Chiến thuật đầu hàng từng phần đó có vẻ có hiệu quả để cứu quân, cho nên Karl Dönitz[23], người kế vị của Hitler, cử Von Friedeburg sang Reims gặp tư lệnh lực lượng đồng minh Tây Âu Eisenhower vào ngày 5.5 với hy vọng đạt một thỏa thuận tương tự, nhưng Eisenhower từ chối. Ngày 6.5 Dönitz cử cánh tay mặt, tướng Alfred Jodl, sang thương lượng tiếp và xin bốn ngày để đầu hàng toàn bộ, nhưng Eisenhower vẫn cứng rắn yêu cầu Đức đầu hàng tức khắc và không điều kiện. Sau một ngày dài thương lượng, Eisenhower không còn giữ được kiên nhẫn và tuyên bố: “Cuối cùng tôi phải nói với ông rằng chúng tôi chấm dứt thảo luận, đóng cửa mặt trận phía tây và sẽ sử dụng bạo lực với bất kỳ mọi di chuyển nào của quân đội và thường dân Đức, nếu phía các ông không chấp nhận điều kiện của chúng tôi”. Thế là bản đầu hàng vô điều kiện được ký kết lúc 2 giờ 41 sáng ngày 7.5.1945 tại Reims, một thành phố ở phía đông nước Pháp, cách Paris 200 cây số. Việc ngưng bắn sẽ có hiệu lực vào sáng ngày 9.5.1945. Bằng cách này và với đòi hỏi cương quyết của Eisenhower, gần hai triệu quân Đức không được phép đầu hàng Anh và Hoa Kỳ, mà phải buông súng về phía Liên Xô. Nếu Eisenhower biết trước số phận gần hai triệu người như thế, không biết ông có xử lý cách khác không? Có thể, và cũng có thể là không? Hay đấy chỉ là vấn đề của số phận? Gia tài của Hitler để lại cho dân tộc Đức là như thế. Nhưng hắn ta đã trốn tránh trách nhiệm, đã tự tử rồi. Cả tập đoàn phục vụ Đức Quốc xã cũng trốn chạy cả rồi. Bây giờ đến phiên người dân gánh chịu. Thành phố tan hoang, làng mạc thành bình địa. Những tội ác khốc liệt mà Đức Quốc xã gây ra cho các nước chung quanh bây giờ trở lại giáng lên đầu dân tộc Đức như một sự trả báo oan nghiệt. Nhà văn Alfred Kantorowicz đã ví von: “Mười hai năm[24]tích tụ đầy đủ tội ác của cả ngàn năm lịch sử để lại”. Hình 10: Biểu tình chống nạn đói tại Krefeld năm 1947 Trên biểu ngữ: “Chúng tôi muốn than đá, chúng tôi muốn bánh mì” Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-B0527-0001-753 / Röhnert / CC-BY-SA 3.0 Tháng 7.1945: Hội nghị Potsdam Suốt quá trình hội nghị cuối cùng [tại Potsdam] của ba Nguyên thủ, các vấn đề khó khăn [để lại từ các hội nghị trước] không hề được giải quyết, mà còn tăng thêm. Thái độ ngoại giao quen thuộc không còn nữa mà thay vào đó là khẩu chiến, ngoan cố và khiêu khích trên bình diện chính trị quốc gia. [...] Kết quả hội nghị không phải là một hòa ước mà báo chí chờ đợi. Biên bản thỏa thuận họ ký kết thực chất là lời kêu gọi tay ba cho một cuộc chiến tranh lạnh[25]. (Sử gia Charles L. Mee, Giáo sư Đại học Columbia, USA) Sau khi chiến tranh chấm dứt, Nguyên thủ ba nước Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô gặp nhau tại Potsdam ở ngoại thành Berlin trong lâu đài Cecilienhof để giải quyết các vấn đề còn đọng lại từ hội nghị Yalta[26]. Sau khi Tổng thống Roosevelt mất vào ngày 12.4.1945, Harry S. Truman tham dự hội nghị với tư cách Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ. Khác với Roosevelt, Truman không mấy thiện cảm với Liên Xô và ngay từ đầu đã chống lại sự bành trướng của cộng sản tại châu Âu. Học thuyết Truman công bố vào tháng 3.1947 được giới sử học đánh giá là điểm khởi đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh. Với nhân vật mới này, cuộc thương thuyết của ba Nguyên thủ sẽ mang một tính cách khác trước. Mặc dù Truman có quan niệm khác với Roosevelt về các vấn đề liên quan đến Liên Xô và châu Âu, nhưng ông chủ trương vẫn giữ nguyên những thỏa thuận từ trước, đồng thời rất cứng rắn với những vi phạm của Liên Xô về các thỏa thuận tại Yalta và tìm cách đưa thêm những nhân tố mới để cứu vãn những gì đã nhượng bộ từ trước. Hội nghị bắt đầu ngày 17.7.1945 và kéo dài 17 ngày, nhưng thực chất chỉ thương lượng nghiêm chỉnh trong vòng tám ngày đầu tiên. Đến ngày 25.7, Churchill phải về Anh để có mặt lúc tuyên bố kết quả bầu cử Quốc hội mà ông nghĩ rằng sẽ thắng. Nhưng kết quả là Đảng Bảo thủ của Churchill đã thất cử, Churchill phải rút lui để làm vai trò đối lập. Thế là phái đoàn Anh trở lại hội nghị ngày 28.7 với hai gương mặt mới: Thủ tướng mới Clement Attlee và Ngoại trưởng Ernest Bevin thuộc Đảng Lao động Anh. Hình 11: Đức ký giấy đầu hàng ngày 7.5.1945 tại Reims, Pháp Nguồn: F.D. Roosevelt Library, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng Sự thay đổi nhân sự của phái đoàn Anh tất nhiên có ảnh hưởng đến hội nghị. Hai phái đoàn Liên Xô và Hoa Kỳ gặp riêng ở hậu trường để thương lượng và thỏa hiệp nhau trước khi ra các phiên họp chính thức. Có thể nói, những cuộc họp sau ngày 28.7 thật nhàm chán, có tính cách miễn cưỡng và vì vậy chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi thấy hội nghị đã đạt được những “kết quả” rất khập khiễng. Dù sao thì cuộc họp quá lâu cũng làm cho mọi người mệt mỏi và muốn chấm dứt sớm. Các nhà sử học sau này đều thống nhất một nhận định: Ý muốn ban đầu tại Teheran của ba Nguyên thủ là thiết lập một trật tự mới sau chiến tranh để bảo đảm hòa bình lâu dài nhưng đã hoàn toàn thất bại với cuộc chiến tranh lạnh sau này. Ngay cả trong hội nghị Potsdam, ý muốn đó cũng tỏ ra là không thực tế nữa với những mâu thuẫn quyền lợi không thể hàn gắn được. Mầm mống thất bại đã lộ rõ ngay lúc ký biên bản. Trong thời gian hội nghị Potsdam còn tiếp diễn, Truman và Churchill đã cùng với Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-Shek), lúc ấy đang ở Trung Hoa, ra tuyên cáo yêu cầu Nhật đầu hàng “càng sớm càng tốt để tránh một thiệt hại ghê gớm” xảy ra trên lãnh thổ Nhật. Truman và Churchill không thông báo trước cho Stalin bản tuyên cáo này, viện lý do là không muốn đưa Liên Xô vào thế khó xử vì Liên Xô vẫn còn trung lập trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương. Bản tuyên cáo này được phát ra sau khi Truman thông báo mật cho Churchill hay rằng, việc thử bom nguyên tử ngày 12.7 đã thành công. Gọi là mật, nhưng gián điệp Liên Xô đã biết và đã báo cho Stalin trước đó. Cách xử lý không thiện cảm này làm cho Stalin ngấm ngầm bất bình khiến mọi cuộc thương lượng những ngày sau đó trở nên khó khăn hơn. Những thỏa thuận chính liên quan đến Đức[27] Hội nghị Potsdam chấm dứt ngày 2.8.1945 bằng một biên bản được tuyên bố chính thức. Có người gọi đây là thỏa ước Potsdam, nhưng thực ra ngôn từ chính thức là “The Berlin Conference - Protocol of the Proceedings”, chúng ta tạm dùng thuật ngữ Biên bản Potsdam. Cũng cần nói thêm rằng văn bản này chỉ ghi lại những thỏa thuận giữa ba nước thắng trận và không có giá trị pháp lý cao về mặt công pháp quốc tế. Nếu có một bên nào vi phạm thỏa thuận thì cũng chỉ được giải quyết trên tinh thần thương thuyết chứ không có một cơ sở pháp lý nào để tòa án quốc tế có thể phán quyết. Trong thực tế, chuyện đó đã xảy ra chỉ vài tháng sau khi ký và châu Âu đi vào cuộc chiến tranh lạnh sau đó khoảng hai năm. Sau đây là bản dịch tóm tắt những điều khoản chính rút từ biên bản có liên quan đến nước Đức. Hình 12: Vị trí thành phố Potsdam, ngoại thành Berlin Nguồn: Fotolia, ID #48990752 Mục tiêu và đường lối kinh tế • Để triệt hạ khả năng gây chiến của Đức, cấm sản xuất súng ống, đạn dược, thiết bị chiến tranh, máy bay, tàu thủy. Việc sản xuất kim loại, hóa chất, máy móc có thể liên quan đến chiến tranh sẽ được kiểm soát gắt gao. Phương tiện sản xuất nào không cần thiết cho việc sản xuất các sản phẩm cho phép sẽ bị tháo gỡ hoặc phá hủy. • Các tập đoàn lớn, tổ hợp xí nghiệp, công ty ủy thác và những cơ sở tập trung khác sẽ bị nghiêm cấm. • Ưu tiên chú trọng đến nông nghiệp và sản phẩm hòa bình phục vụ nhu cầu trong các vùng. • Trong thời gian chiếm đóng, kinh tế Đức sẽ được quản lý như một đơn vị kinh tế thống nhất đối với kỹ nghệ hầm mỏ, sản phẩm công nghiệp, nông, lâm và ngư nghiệp, lương bổng, giá cả, thực phẩm, xuất nhập khẩu, ngân hàng, tiền tệ, thuế, hải quan, bồi thường chiến tranh, tháo gỡ cơ sở công nghiệp, giao thông vận tải, truyền thông. • Chính sách kiểm soát nhằm mục đích bảo đảm sản xuất đủ để phục cho nhu cầu của lực lượng chiếm đóng và người tản cư (displaced persons), ngoài ra bảo đảm cho dân Đức một mức sống vừa phải không cao hơn các nước chung quanh, cũng như kiểm tra được hàng xuất nhập khẩu, công trình nghiên cứu v.v... Bồi thường chiến tranh • Trị giá bồi thường bao gồm: a) thiết bị và cơ sở sản xuất được tháo gỡ trong vòng hai năm cũng như các chiến hạm, thương thuyền, b) thành phẩm dân dụng được sản xuất trong vòng năm năm, c) cổ phiếu, vàng, tài sản ở ngoại quốc. • Trị giá bồi thường chiến tranh cho nước nào sẽ được thanh toán trực tiếp từ sản phẩm, thiết bị và cơ sở công nghiệp trong vùng chiếm đóng của nước đó. • Ngoài ra, Liên Xô còn nhận thêm từ ba vùng phía tây 15% trị giá bồi thường ở những vùng đó và đền bù lại bằng thực phẩm và nguyên liệu do Liên Xô cung cấp, cộng thêm 10% trị giá bồi thường không đền bù. (Toàn văn bản tiếng Anh có thể xem tại http:// avalon.law.yale.edu hoặc tiếng Đức tại http:// potsdamer konferenz.de, ngoài ra trong hầu hết các thư viện ở các thành phố lớn tại Đức đều có văn bản này.) Hình 13: Bản đồ nước Đức sau Thế chiến thứ hai, 1.9.1945 Nguồn: Deutschland nach dem zweiten Weltkrieg 1.9.1945 IEG-Maps - Kartenserver am Leibniz-Institut für Europäische Geschichte Mainz Kartenautoren: Andreas Kunz, Joachim Robert Moeschl http://www.ieg-maps.uni-mainz.de/mapsp/mapp945d.htm So sánh với lãnh thổ năm 1937, Đức bị cắt phía đông sông Oder và sông Neisse cho Ba Lan, phần đông bắc (Königsberg) chia cho Liên Xô và Ba Lan. Phần đất còn lại bị chia làm bốn vùng chiếm đóng đặt dưới quyền quản lý của bốn nước đồng minh. Berlin cũng có bốn khu vực tương tự. Nước Đức đã bị chia cắt không chính thức? Biên bản Potsdam luôn luôn lặp lại khái niệm ”nước Đức”. Trong thực tế, kể từ ngày chiếm đóng, người ta đã bắt đầu thúc đẩy sự chia cắt về chính trị và kinh tế ở cả hai miền [Đông và Tây] với mục đích tạo ra một thế trận đã rồi không đảo ngược lại được[28]. (Giáo sư Wilhelm Treue, Sử gia kinh tế) Biên bản Potsdam xác định chính sách “đơn vị kinh tế thống nhất”, “nền chính trị thống nhất”, nhưng nếu phân tích kỹ biên bản chính thức cũng như theo dõi các mẩu đối thoại trong các buổi họp, chúng ta không tìm được những điều kiện cần thiết để đạt được sự thống nhất, đồng thời cũng có thể thấy nhiều điều mâu thuẫn về nội dung. Vấn đề các vùng chiếm đóng: Trong việc chia cắt vùng chiếm đóng, điều A.1 của biên bản đã qui định rõ qui chế chiếm đóng. Có thể thực tế vài năm sau thì khác, nhưng ngay trong ngày ký kết, điều khoản đó xem nước Đức bị chia làm bốn vùng (hay cũng tạm gọi là bốn nước), có bốn quân đội riêng và bốn chính phủ có toàn quyền quyết định trong vùng của họ về tất cả mọi vấn đề luật pháp, kinh tế, chính trị, an ninh v.v... chỉ trừ các vấn đề mà bốn thành viên trong Hội đồng Kiểm soát có thể thống nhất ý kiến chung cho cả bốn vùng. Như thế việc có thể thiết lập được một đơn vị thống nhất về chính trị cũng như kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần làm việc nhất trí của bốn thành viên trong Hội đồng Kiểm soát. Trong thực tế thì chưa bao giờ có sự nhất trí đó. Pháp đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết chống lại các quyết định của hội đồng này, mục đích là ngăn chặn tất cả quyết định nhằm tiến tới một hình thức thống nhất cho bốn vùng chiếm đóng. Trong một buổi họp giữa Stalin và phái đoàn cộng sản Yugoslavia vào đầu năm 1945, Stalin đã nói không úp mở: “...Cuộc chiến tranh này không giống một cuộc chiến nào trong quá khứ. Ai chiếm được vùng nào thì xã hội vùng đó phải phục tùng người chiếm đóng. Kẻ chiếm đóng sẽ áp đặt lên vùng đó hệ thống riêng của mình, cho đến tận nơi nào mà quân đội có thể chiếm được”[29]. Điều đó - và với biên bản Potsdam - có nghĩa là: Phía đông nước Đức sẽ có một chế độ cộng sản, ba vùng phía tây sẽ là tư bản, đấy là chưa kể đến sự khác nhau trong ba vùng còn lại về mọi mặt, và cũng không ai cấm ba vùng này sẽ trở thành ba nước khác nhau. Khó mà tin rằng Hoa Kỳ và Anh không nhận thức được điều này lúc ký biên bản. Làm sao chúng ta có thể cắt nghĩa được tương lai cả nước Đức là một “đơn vị chính trị thống nhất” trong bối cảnh đó? Phải chăng thỏa ước này là một ý đồ chia cắt lâu dài, dù trên ngôn từ không ai viết ra rõ ràng minh bạch? Có thể là vấn đề thể diện? Vấn đề bồi thường chiến tranh: Trong hội nghị Yalta, ba bên chưa có thỏa thuận cụ thể, chỉ đề cập sơ lược trong bản tuyên bố một con số là 22 tỉ đô-la[30], trong đó Liên Xô được hưởng 50%. Anh và Hoa Kỳ thì thấy trước, với con số khổng lồ này và trong tình trạng công nghiệp bị tàn phá nặng nề, Đức không thể trang trải nổi bằng sản phẩm làm ra hằng năm. Đấy là chưa kể nạn đói có thể xảy ra làm cho xã hội rối loạn và mầm mống cộng sản có cơ hội phát triển. Lời giải sẽ là Đức phải vay tiền từ bên ngoài để bồi thường chiến tranh. Vay ai? Ngoài Hoa Kỳ ra thì có ai có thể đủ tiềm lực tài chính sau cuộc chiến này? Hóa ra Hoa Kỳ phải dùng tiền của mình để trang trải bồi thường cho Liên Xô, Anh và cho chính mình? Roosevelt đã để lại cho Truman một bài toán nan giải. Trong lúc đó, Liên Xô đã bị tàn phá nặng nề nên có nhu cầu rất lớn về bồi thường bằng tiền mặt cũng như tháo gỡ cơ sở sản xuất mang về nước. Truman đã gởi Edwin Pauley thương lượng trước với Liên Xô trong tháng 6.1945 để đi đến một thỏa thuận chung. Chiến thuật của Pauley là tìm cách gạt ra ngoài những con số về tiền mặt, và việc bồi thường chỉ nên rút từ sản phẩm công nghiệp hàng năm với một tỉ lệ hợp lý nào đó. Sau hai tuần không có kết quả gì, Pauley đánh điện về: “Điều mà chúng ta có thể đòi và cũng nên đòi cho bằng được là vàng, ngoại tệ, tài sản ở ngoại quốc, bằng sáng chế, chất xám dưới mọi hình thức”[31]. Trong hội nghị Potsdam, Hoa Kỳ và Liên Xô đã mất thêm ba ngày chỉ để đạt được những con số thật mơ hồ về bồi thường chiến tranh. Tất nhiên Stalin chỉ đồng ý ký vào thỏa thuận, sau khi Anh và Hoa Kỳ nhượng bộ 24% đất đai của Đức cho Ba Lan, Liên Xô và công nhận các Chính phủ lâm thời tại Đông Âu (do những người thân cộng sản cầm đầu). Phải chăng chỉ vì 20 tỉ đô-la mà Đức đã mất thêm đất ở vùng tam giác giữa hai con sông Oder-Neisse và số phận của các nước Đông Âu đã được gắn chặt vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô suốt 40 năm sau? Hình 14: Anh - Hoa Kỳ - Liên Xô tại hội nghị Potsdam Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-R67561 / CC-BY-SA 3.0 Biên bản Potsdam qui định rằng vùng nào bồi thường theo vùng đó theo quyết định riêng của lực lượng chiếm đóng tại chỗ. Để phục vụ mục đích bồi thường, ngoài các cơ sở sản xuất bị tháo gỡ và qui ra tiền mặt, ngoài các tài sản ở ngoại quốc, các vùng chiếm đóng phải tự quyết định một chính sách kinh tế riêng và căn cứ vào mức sản xuất hàng năm, trừ đi phí tổn chiếm đóng, trừ đi nhập khẩu các loại, trừ đi nhu cầu tối thiểu cho người dân Đức, phần còn lại được qui thành trị giá bồi thường. Thỏa thuận này đưa tới kết quả là sẽ có bốn vùng kinh tế khác nhau, bốn chính sách kinh tế khác nhau, bốn chính sách phân phối sản phẩm khác nhau. Làm sao chúng ta có thể xem nước Đức là một đơn vị kinh tế thống nhất? Sự chia cắt về mặt kinh tế đã bắt đầu từ ngày ký biên bản. Ngoài ra hội nghị không quyết định, thậm chí chưa nghiêm chỉnh thảo luận về những biện pháp để ngăn chặn sự lạm dụng của một lực lượng chiếm đóng trong quá trình thực hiện biện pháp bồi thường chiến tranh. Trong thực tế, điều này đã xảy ra trầm trọng trong hai vùng chiếm đóng của Liên Xô và Pháp. Thành ra hội nghị Potsdam không có một đóng góp đáng kể nào trong nỗ lực xây dựng hòa bình và phồn vinh tại lục địa châu Âu sau chiến tranh. Nếu Tây Âu sau này phát triển mạnh như chúng ta thấy, điều đó chủ yếu do những nỗ lực khác và không có một sự liên hệ nào với những thỏa thuận tại Potsdam. Tưởng cũng nên nhắc lại thời gian sau khi Thế chiến thứ nhất chấm dứt năm 1918, các nước thắng trận họp tại Versailles ép buộc Đức phải thi hành những điều khoản bồi thường với một con số khổng lồ: 132 tỉ Mác vàng[32] (Goldmark). Đó là con số mang tính chất hạ nhục chứ trong thực tế không có nước nào vào thời điểm đó có thể kham nổi. Thỏa ước đó chỉ làm cho những xu thế dân tộc chủ nghĩa cực đoan tại Đức dễ dàng phát triển. Vào những năm đầu thập niên 1920, Hitler hứa với dân Đức sẽ đòi hỏi các nước thắng trận rút lại thỏa ước đó trong một thời gian ngắn. Lời hứa đó và hiệu ứng tâm lý của thỏa ước Versailles đã góp phần không nhỏ làm tăng ảnh hưởng chính trị của Hitler. Chưa đầy 15 năm sau, Quốc xã đã nắm được chính quyền. Hình như các nước đồng minh chưa học được bài học lịch sử nào trong quá khứ, mà tại hội nghị Potsdam họ chỉ hành động theo cảm tính trả thù và lặp lại sai lầm của Versailles. Không ai chối cãi tội ác ghê rợn của Hitler, nhưng không vì thế mà Nguyên thủ ba nước lớn có quyền ép buộc cả một dân tộc phải hứng chịu sự trừng phạt. May mắn là dân tộc Đức đã tự rút ra bài học lịch sử cho chính mình. Chính quyền Cộng hòa Liên bang Đức đã ra công giáo dục nhân dân họ tinh thần hòa bình, dân chủ và xã hội. “Không bao giờ lặp lại chiến tranh”[33]là khẩu hiệu của tuổi trẻ Đức trong những thập niên 1960, 1970. Mấy thập niên qua cho thấy là họ không muốn lặp lại sai lầm của quá khứ, cho dù họ đã trở thành cường quốc hơn hẳn những nước chung quanh. Họ cũng không quan tâm đến việc đòi lại hơn 120.000 cây số vuông[34] đã bị cắt cho Ba Lan và Liên Xô năm 1945, vì họ biết rằng việc đòi lại đất đai cũng có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh. Hình 15: Churchill, Truman, Stalin tại Potsdam Nguồn: U.S National Archives and Records Administration, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng Mẩu đối thoại “Nước Đức là gì?” Đối thoại trong buổi họp ngày 18.7.1945, Truman làm chủ tọa[35]. Churchill: Tôi muốn đặt một câu hỏi. Chúng ta đang dùng thuật ngữ “Nước Đức”. Vậy nước Đức là gì? Chúng ta có thể dùng khái niệm trước chiến tranh hay không? Truman: Liên Xô nghĩ thế nào về câu hỏi này? Stalin:Nước Đức là một thực thể sau chiến tranh. Một nước Đức khác không hiện hữu ngày hôm nay. Tôi hiểu câu hỏi là như thế. Truman: Chúng ta có thể nói tới nước Đức như là một thực thể của năm 1937? Stalin: Như là thực thể của năm 1945. Truman: Đức đã mất tất cả vào năm 1945. Trong thực tế, nước Đức không còn tồn tại. Stalin: Như trong nước chúng tôi thường nói, Đức là một khái niệm địa lý. Chúng ta cứ tạm kết luận như thế. Không ai có thể trừu tượng hóa những biến cố lịch sử. Truman: Đồng ý, nhưng phải xác định một khái niệm về “Nước Đức”. Tôi muốn nói đến nước Đức năm 1886, hoặc 1937, và đó cũng không phải là nước Đức năm 1945. Stalin: Nó đã bị thay đổi qua những biến cố lịch sử, và chúng ta có thể kết luận như thế. Truman: Tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng cũng phải có một định nghĩa về khái niệm “Nước Đức”. Stalin: Quí vị có thể tưởng tượng được rằng, sẽ có một bộ máy quản lý của Đức trong vùng Sudeten ở Tiệp hay không? Đấy là vùng mà trước đây Đức đã đuổi người Tiệp đi. Truman: Có lẽ chúng ta nói tới nước Đức như là thực thể năm 1937? Về mặt chính thức có thể như thế. Nhưng về thực tế thì không. Nếu trong vùng Stalin: Königsberg xuất hiện một bộ máy quản lý của Đức, chúng tôi sẽ tống cổ nó đi. Chắc chắn là sẽ tống cổ đi. Truman: Ở hội nghị Yalta chúng ta đồng ý sẽ giải quyết vấn đề lãnh thổ trong một cuộc hòa đàm. Chúng ta nên định nghĩa thế nào về khái niệm “Nước Đức”? Chúng ta cứ định nghĩa biên giới phía tây của Ba Lan, tự khắc câu hỏi sẽ rõ ràng hơn. Tôi cảm thấy khó hình dung nước Đức là cái gì bây giờ. Đó là một vùng đất không có Stalin: chính phủ, không biết ranh giới ở đâu, vì biên giới không được quân đội chúng ta qui định. Đức không có quân đội, cũng không có lính biên phòng, nó được chia ra nhiều vùng chiếm đóng. Thế mà quí vị muốn xác định nước Đức là cái gì. Đó là một mảnh đất đã bị xé nhỏ. Truman: Có lẽ chúng ta lấy ranh giới Đức năm 1937 làm điểm khởi đầu? Stalin:Điểm khởi đầu thì có thể lấy đâu cũng được. Chúng ta phải có một cái gì làm điểm khởi đầu. Vậy thì cứ lấy năm 1937. Truman: Đấy là nước Đức sau thỏa ước Versailles. Stalin:Đồng ý, chúng ta lấy nước Đức của năm 1937, nhưng chỉ là điểm khởi đầu. Đơn giản là một giả thuyết để dễ làm việc. Churchill: Chỉ là điểm khởi đầu. Điều đó không có nghĩa là chúng ta tự giới hạn vào đó. Truman: Tôi đồng ý rằng chúng ta lấy nước Đức năm 1937 làm điểm khởi đầu. Từ mẩu đối thoại có tính chất mơ hồ này, chúng ta thử rút ra vài kết luận: Thứ nhất, theo ý muốn của Liên Xô, nếu xé nhỏ hoặc thậm chí xóa sổ nước Đức trên bản đồ thế giới, thì Liên Xô sẽ không phản đối. Thứ hai, mọi thảo luận về lãnh thổ phải lấy biên giới 1937 làm chuẩn, tức là bao gồm lãnh thổ hiện nay, cộng thêm vùng đất ở bờ đông sông Oder và sông Neisse, cộng thêm vùng Königsberg ở đông bắc (Hình 13). [1] Treaty of Non-aggression between Germany and the Union of Soviet Socialist Republics, 23.8.1939 (Nichtangriffspakt). [2] Atlantic Charter. [3] Xem tài liệu tham khảo [90] Dr Elke Kimmel, Krieg und Kriegsende. (Ghi chú: Theo cách tính của Bureau of Economic Analysis, 50 tỉ đô-la năm 1940 tương đương 600 tỉ đô-la năm 2009). [4] Xem thêm nhiều dữ kiện đáng quan tâm: Wolgang Kaleck, Recht subversiv (Lẽ phải xuống ngôi), ZEIT ONLINE ngày 27.3.2015. [5] Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại http://avalon.law.yale.edu. [6] Xem tài liệu tham khảo số [33] P. Hoeres. [7] Louis P. Lochner là ký giả Mỹ ở Berlin có nhiều liên hệ với các sĩ quan chống Hitler, đồng thời cũng là cố vấn của Tổng thống Roosevelt. [8] Xem tạp chí Tấm Gương (Der Spiegel) số 31, ngày 28.7.1949, trang 11-12: Sie bringen mich in Verlegenheit. [9] Tuyên bố của Bộ Trưởng Tuyên truyền Goebbels, xem tài liệu tham khảo số [59] trang 134, N. F. Poetzl. [10] Xem tài liệu tham khảo số [49] trang 30, C. L. Mee [11] Neisse là sông nhánh từ hướng đông nam đổ vào bờ đông sông Oder. Toàn bộ lãnh thổ Đức ở phía đông sông Oder và sông Neisse bị cắt cho Ba Lan và Liên Xô. [12] Xem tài liệu tham khảo số [44] trang 606, H.P. von Lövenstein. [13] Xem tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) số 16/1965 trang 78-79: Die grossen Drei von Jalta. [14] Xem tài liệu tham khảo [81] trang 11-12, R. von Weizsäcker. [15] Những trại tập trung khét tiếng của Quốc xã Đức. [16] Anne Frank là tác giả cuốn sách nổi tiếng Nhật ký của Anne Frank được viết lúc cô chỉ mới 15 tuổi. Sách đã được dịch sang hơn 60 thứ tiếng. Anne Frank trở thành biểu tượng cho sự phi nhân của chính sách bài Do Thái của Quốc xã Đức. Cô chết trong trại tập trung Bergen-Belzen đầu tháng 3.1945, hai tháng trước khi chiến tranh chấm dứt. Lúc ấy cô chỉ mới 16 tuổi. [17] Đó là tựa đề sách của văn sĩ Bernt Engelmann: Wir hab’n ja den Kopf noch fest auf dem Hals, ISBN 34-6201-688-1. [18] Paul Joseph Goebbels là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của chế độ Quốc xã kể từ 1933. [19] Thống soái Keitel là Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc xã. [20] Xem tài liệu tham khảo [36], trang 272-275, G. Knopp. [21] Hans-Georg von Friedeburg là thống soái, Tư lệnh Hải quân Quốc xã, là một trong những cánh tay mặt của Hitler còn tồn tại đến ngày cuối cùng. Von Friedeburg là người đã ký vào bản đầu hàng vô điều kiện, sau đó tự tử. [22] Bernard Montgomery là Tư lệnh Quân đội Anh trong chiến dịch đánh bại Đức Quốc xã. [23] Sau khi Hitler tự tử, Karl Dönitz lên thay đứng đầu Chính phủ. Sau chiến tranh, tòa án Nϋrnberg kết án ông 10 năm tù. [24] 12 năm là thời gian Hitler cầm quyền từ 1933 đến 1945. [25] Xem tài liệu tham khảo số [49] trang 9-10, C. L. Mee. [26] Xem phần Tháng 2.1945: Hội nghị Yalta trang 44. [27] Mục tiêu chính trị, kinh tế và bồi thường chiến tranh của thỏa thuận này được các nước đồng minh tiến hành một cách rốt ráo. Về phía Đông Đức, chính sách đó còn kéo dài gần một thập niên sau. Riêng phía Tây Đức, để đối phó với chiến tranh lạnh, chính sách đó từng bước được thay đổi kể từ 1947. Quá trình thay đổi rất phức tạp, độc giả có thể xem phần bổ sung 6. Những thay đổi về chính sách của đồng minh trang 350. [28] Xem tài liệu tham khảo số [76] trang 869, W. Treue. [29] Xem tài liệu tham khảo số [47] trang 167, W. Mayr hoặc [7] trang 25, W. Benz. [30] 22 tỉ đô-la đổi theo hối suất 1950 là 90 tỉ Mác Đức, tương đương với 450 tỉ Euro hiện nay. [31] Xem tài liệu tham khảo số [49] trang 176, C. Mee. [32] Xem tài liệu tham khảo số [76] trang 792, W. Treue. Ghi chú thêm: 132 tỉ Mác vàng theo hối suất 1919 là 553 tỉ đô-la. Một Goldmark có giá trị 0,358423 gram vàng, tức khoảng 1/100 lượng vàng. [33] Nie wieder Krieg là khẩu hiệu thường thấy ở các cuộc biểu tình sinh viên. [34] 120.000 cây số vuông tức một phần ba lãnh thổ CHLB Đức hiện nay. [35] Xem tài liệu tham khảo số [49] trang 131-133, C. Mee. Chương II NĂM NĂM HỒI SINH TRÊN ĐỐNG TRO TÀN Tôi đi đôi giày không đế Ich trag Schuhe ohne Sohlen túi đeo lưng là chiếc tủ cưu mang und der Rucksack ist mein Schrank Gia tài của tôi, người Ba Lan thừa kế Meine Möbel hab’n die Polen và tiền đã thuộc Dresdner Bank und mein Geld die Dresdner Bank Không quê hương, không bà con thân thiết Ohne Heimat und Verwandte, Đôi ủng già không vết bóng trơn, und die Stiefel ohne Glanz, đúng rồi, đấy là điều đã biết ja, das wär nun der bekannte bước suy tàn của xứ hoàng hôn![1] Untergang des Abendlands! (Erich Kästner, Khúc hành ca 1945) (Erich Kästner,Marschlied 1945) N ước Đức sau 1945 là một hiện tượng có một không hai. Suốt chiều dài lịch sử cả ngàn năm chưa bao giờ nước Đức rơi vào một tình huống đổ vỡ toàn diện như bấy giờ, từ vật chất tới tinh thần, từ kinh tế tới xã hội, không chính quyền, không quân đội, Quốc hội bị giải tán, tòa án thuộc phe chiếm đóng. Với khẩu hiệu “chiến thắng toàn diện” của Quốc xã, Hitler đã để lại cho dân tộc Đức một mảnh đất tan hoang bị tàn phá toàn diện. Ruộng vườn không ai canh tác. Thành phố sụp đổ chỉ còn những đống gạch vụn cao ngất trời. Đường bộ không đi lại được. Hầu hết đường sông tắc nghẽn vì cầu đường bị phá sập, tàu bè bị đánh chìm. Toàn bộ dân tộc Đức phải sống dưới đống tro tàn của gạch ngói. Nhiều người còn phải sống lâu năm dưới đống tro tàn của tinh thần và tâm lý. Tội ác tày trời mà Hitler nhân danh dân tộc Đức đã gây ra cho người Do Thái và các nước Đông Âu, bây giờ trở lại giáng lên đầu dân Đức với một mức độ không kém phần khốc liệt. Những ai còn sống sót không những hiểu mà còn chứng kiến và cảm nhận những gì gọi là tàn bạo: Ngoài chiến trường, trong các trại tập trung, trong thành phố, sau những chuỗi bom rải thảm, người dân bị xua đuổi ra khỏi quê hương làng mạc phía đông. Không khí chết chóc vẫn còn ngự trị đâu đó trong các vùng đông dân sau những ngày cuối cùng của cuộc chiến và còn kéo dài nhiều năm sau. Gần 12% dân số Đức tử vong vì chiến tranh: Bảng 3: Tổng số người Đức chết từ 1939 đến 1947 Quân nhân chết trận 3,8 triệu người Lực lượng vũ trang dân sự 0,4 Thường dân chết vì bom oanh tạc 0,5 Thường dân chết do trục xuất, chạy loạn 2,2 Thường dân chết vì khủng bố Quốc xã 0,3 Chết vì đói và rét từ 1945-1947 1,1 Tổng cộng 8,3 triệu người Nguồn: Xem tài liệu tham khảo số [84] trang 13, H. Winkel. Thành phố tan hoang Sự tàn phá vật chất trong các thành phố thì chưa có nơi nào thảm khốc hơn ở Đức, chủ yếu do những trận bom trải thảm những năm 1944 và 1945 trong chiến lược giội bom tâm lý[2] của Anh và Hoa Kỳ. Georg Bönisch tường thuật trên tuần báo Tấm Gương(Der Spiegel) về Köln: “Trong khu phố cổ chỉ còn lại hai phần trăm căn nhà của thời 1939 – chính xác là 113 căn. Trong 150 nhà thờ thì 91 căn bị phá hủy, trong đó có Đại Giáo đường La Mã nổi tiếng khắp năm châu. Toàn bộ các cây cầu trên sông Rhein đều bị phá sập, 100 chiếc tàu bị đánh chìm làm giao thông tắc nghẽn. Trong số 2.176 phòng học chỉ còn lại 212, với 7.711 giường bệnh trước chiến tranh chỉ còn lại 1.495 giường, 16.000 chiếc đèn đường bị gục ngã, 737 ki-lô-mét đường nước ngầm không còn sử dụng được vì có hàng ngàn chỗ bị phá vỡ. Với 43.000 xe hơi đủ loại bây giờ chỉ còn lại 6.000”[3]. Với gần 800.000 dân trước chiến tranh, bây giờ Köln chỉ còn lại chưa đầy 40.000, đa số phải sống dưới hầm nhà, không điện, không nước, không thực phẩm dự trữ. Hình 16: Dresden sau trận bom đầu năm 1945 Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-Z0309-310 / Beyer, G. / CC-BY-SA 3.0 Tài liệu năm 1946 cho biết có khoảng 14 triệu hộ gia cư trên nước Đức trong lúc chỉ còn lại tám triệu căn hộ còn sử dụng được - nếu còn được gọi là căn hộ theo đúng nghĩa của nó. Đa số đều ở trong tình trạng thê thảm mà trong thời bình người ta sẽ phá sập hoặc không dám ở vì vấn đề an toàn[4]. Có những căn nhà có mái nhưng thiếu vách che. Nhiều nhà khác thì toàn bộ cửa sổ đều bị phá hủy. Các tỉnh ở biên giới phía tây như Aachen, Trier, Eiffel, nơi đụng độ đầu tiên giữa phe đồng minh và lực lượng SS hiếu chiến, thì các thành phố đều trở thành bình địa không còn nhà cửa. Các thành phố bị tàn phá dữ dội bởi giao tranh, pháo kích và nhất là bom rải thảm. Berlin, Hamburg, Nürnberg, Dresden v.v... là những thành phố mang thiệt hại nhiều nhất, nơi đó có những con đường không còn một căn nhà nguyên vẹn, không còn lối đi, không cây cối, tất cả đều trở thành mảnh đất hoang. Lực lượng chiếm đóng ra lệnh cho tất cả nam giới lứa tuổi 14 đến 65 cũng như phụ nữ từ 16 đến 50 tuổi đều phải tham dự vào công tác thu dọn thành phố, nếu họ muốn nhận được thẻ khẩu phần thực phẩm. Bằng cách này, hơn một nửa dân số đều trở thành những người phu hốt rác mà công việc dọn dẹp này suốt gần ba năm vẫn chưa xong. Công việc cũng không giản dị. Xe ủi đất – nếu có – chỉ dùng để phá sập nhà, tất cả công việc còn lại đều hoàn tất bằng hai bàn tay không với một chiếc cào cá nhân: xẻ nhỏ những mảnh tường lớn, lọc các viên gạch còn nguyên để tái sử dụng, cạo sạch vôi vữa, chất đống lại từng khối để bộ phận kiểm tra đo lường năng suất. Cũng trong thời gian này, toàn bộ lực lượng lao động nam giới có 20 triệu, trong lúc nữ giới chiếm 25 triệu, cho nên phần lớn công việc thu dọn thành phố đều do người phụ nữ Đức hoàn thành. Thuật ngữ “phụ nữ trong tro tàn”[5] cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Họ đã có công lớn nhất trong công việc thu dọn và phục hồi thành phố, cũng như xây dựng lại nhà cửa, lo miếng ăn cho con cái. Có lẽ cũng là một niềm an ủi: Qua lao động vất vả đó, ý thức độc lập được nâng cao và họ tự tin hơn trong đời sống. Bên cạnh sự thiếu thốn về nhà cửa là tình trạng tồi tệ về nhu yếu phẩm hàng ngày: áo quần, giày dép, chăn mền, nồi niêu soong chảo, bếp núc, giường ngủ, bàn ghế v.v... tất cả đều trở thành khan hiếm. Với tình trạng đó, mùa hạ còn chịu được, đến mùa đông với nhiệt độ âm thì đời sống cực kỳ khó khăn. Kinh tế suy sụp Hậu quả chiến tranh đối với tình hình sản xuất cũng vô cùng trầm trọng. “Mặc dù cơ sở công nghiệp chỉ bị phá hủy 20%, nhưng tình hình sản xuất thực tế chỉ đạt được một phần nhỏ của năng suất các xí nghiệp. Trong quí III năm 1945, tổng sản lượng chỉ bằng 14% của năm 1936. Năm 1946, ở vùng chiếm đóng phía tây đạt được 38% so với năm 1936 và 44% ở vùng Liên Xô chiếm đóng. Năm 1947 thì tăng lên được 44% ở phía tây và 54% ở phía đông[6]. Tình trạng đó có nhiều nguyên do, mà quan trọng nhất là hệ thống giao thông hoàn toàn tê liệt. Các lực lượng đồng minh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến đã tập trung phá hủy toàn bộ đường xe lửa, cầu cống, đường sá, tàu thuyền trên sông. Một phần tư cơ sở giao thông cũng như phần lớn đầu máy, toa xe lửa, xe vận tải và các phương tiện giao thông khác đều bị phá hủy. Thêm vào đó là tình trạng thiếu năng lượng. Thời đó năng lượng chủ yếu là than với mức sản xuất năm 1945 chỉ còn lại 25.000 tấn mỗi ngày – tức 6% năng suất trước chiến tranh. Mức sản xuất nói chung có thể tăng lên đáng kể sau đó, nhưng hệ thống giao thông và vận tải vẫn không có gì được cải thiện”[7]. Chính sách chiếm đóng không thống nhất trong bốn vùng càng làm cho tình trạng sản xuất khó khăn hơn. Giao thông vận tải giữa các vùng rất hạn chế và bị kiểm soát gắt gao. Việc trao đổi hàng hóa giữa các vùng đều bị nghiêm cấm hoặc chỉ được thực hiện với giấy phép đặc biệt. Sự hợp tác giữa bốn lực lượng chiếm đóng không những thiếu tổ chức mà còn bị cố ý cản trở, nhất là đối với hai vùng thuộc Liên Xô và Pháp. Một báo cáo của hãng BASF ghi lại như sau về cơ xưởng tại Ludwigshafen vùng Pháp: “Trong lúc xí nghiệp đạt mức cao nhất năm 1943 là 43.400 nhân viên, đến tháng 5.1945 chỉ còn lại 800 người, vừa đủ để vận hành máy móc. Để sản xuất, nhà máy phải xin giấy phép của chính quyền quân sự. Tất cả nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng đều được cung cấp theo chế độ. Nhiều lần nhà máy rơi vào nguy cơ bị đứng yên chỉ vì thiếu than đá. Khó khăn lớn cũng xuất phát từ vị trí cô lập của cơ xưởng với khu vực chung quanh. Nhân viên sống bên hữu ngạn sông Rhein (vùng Hoa Kỳ) thường không đến làm việc được vì sự kiểm soát và ngăn chận ở biên giới hai vùng. Có lúc bỗng nhiên xí nghiệp không có đá vôi từ vùng Neckartal, không có muối khoáng từ Heilbronn hoặc Niederrhein, chỉ vì các sản phẩm này nằm ở vùng chiếm đóng khác”[8]. Hình 17: Nürnberg bị tàn phá Nguồn: US Army, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng Thêm vào đó các nước chiếm đóng gấp rút thực hiện chính sách bồi thường một cách triệt để. Ở hai vùng Liên Xô và Pháp, hầu như không còn một nhà máy nào họ không tháo gỡ toàn bộ hoặc một phần để mang về nước. Họ chỉ để lại những cơ sở cần thiết nhất cho sản xuất phục vụ nhu cầu hàng ngày và nghĩa vụ bồi thường theo tỉ lệ qui định về sản phẩm. Họ không chừa một thứ gì: nhà máy, vật dụng văn phòng, thiết bị kỹ thuật từ lớn tới nhỏ, sắt thép từ các cơ sở đường sắt, tàu vận tải, đốn rừng lấy gỗ và tất nhiên là toàn bộ bằng sáng chế. Người ta phỏng đoán rằng trị giá bằng sáng chế của tập đoàn hóa học IG Farbe bị tịch thu trong vùng Hoa Kỳ chiếm đóng có giá trị tương đương với 10 tỉ đô-la[9]và về mặt công nghệ đã giúp cho Hoa Kỳ một bước nhảy vọt hơn mười năm nghiên cứu. Với tình trạng sản xuất đình trệ, vận chuyển hàng hóa không hoạt động, nạn lạm phát dâng cao, mọi hoạt động kinh tế khác cũng hoàn toàn tê liệt. Khi đồng bạc không còn giá trị, thì mọi dịch vụ mua bán đều biến mất, nhường chỗ cho chợ đen và dịch vụ dùng hàng đổi hàng như thời trung cổ. Đơn vị “tiền tệ” được ưa chuộng nhất là thuốc lá Mỹ, cho nên binh lính đồng minh tha hồ làm giàu trong giai đoạn này. Với 20 bao thuốc lá họ có thể đổi được một máy truyền thanh loại tốt. Với ba bao Lucky Strike và một cân cà phê họ đổi được một chiếc nhẫn vàng khảm kim cương[10]. Đấy chỉ là một vài thí dụ. Với thuốc lá, lính Mỹ có thể trao đổi được mọi thứ: dao găm Quốc xã, đồng hồ vàng, thánh giá và tất nhiên là cả tình dục. Trong hai năm đầu tiên, các nước chiếm đóng đã rốt ráo thi hành chính sách cưỡng chế. Điều 4.b của mệnh lệnh JCS 1067 gởi cho bộ chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Đức ghi rõ bằng văn bản: “Nước Đức không phải được chiếm đóng như một nước giải phóng, mà là một nước thù địch bị thua trận. Mục đích các bạn không phải đi cưỡng chế mà là chiếm đóng nước Đức để đạt được những mục đích quan trọng của phe đồng minh”. Sau 1948 thì chính sách có thay đổi, nhưng trước đó các nước chiếm đóng không hề có ý định giúp cho Đức phục hồi kinh tế, mà chỉ can thiệp khi thấy cần thiết để ngăn chận nạn đói, bệnh tật, hỗn loạn xã hội có thể ảnh hưởng đến an ninh của lực lượng quân sự trong các vùng chiếm đóng. Nạn đói hoành hành Với chính sách kinh tế như thế không ai ngạc nhiên về nạn đói thảm khốc hoành hành suốt ba năm, nhất là trong mùa đông 1946-1947. Nhà văn Hans Erich Nossack kể lại đời sống hàng ngày: “Từ tám giờ sáng đến ba giờ chiều tôi ở trong cửa hàng – xe công cộng chỉ hoạt động sau ba giờ – nhưng cũng đã lạnh cóng chân tay không làm sao đi nổi, nhất là tôi chỉ có thể mang theo hai lát bánh mì khô ăn trưa. Và rồi bắt đầu cuộc đấu tranh để lên được xe điện ngầm. Trong thời gian đó, vợ tôi đã làm việc mấy tiếng đồng hồ, nghỉ một giờ trưa để đi lãnh phần ăn miễn phí, khẩu phần mà chúng tôi không thể thiếu được vì không có gì để nấu nướng ở nhà. Đến ba giờ chiều, cô ấy hâm nóng thức ăn và nhờ thế căn phòng trở nên sinh động. Sau bữa ăn tôi có đủ chuyện tay chân để làm hoặc chẻ củi để dành. Giữa năm và sáu giờ tôi cố dỗ giấc ngủ để may ra bù đắp vào số năng lượng còn thiếu trong ngày vì thiếu ăn. Sau đó chúng tôi uống một tí “trà” tự biến chế, dùng thêm một ít thức ăn vặt vãnh, và nếu không có hẹn khách thì chúng tôi ngồi đối diện, âm thầm nhìn nhau dưới ánh đèn tù mù 15 watt. Đúng mười giờ khuya còi báo động hú ba tiếng, sau 15 phút hú hai tiếng, sau nửa giờ hú một tiếng. Thế là bắt đầu giờ giới nghiêm. Tôi còn trùm chăn làm việc đến một giờ khuya trước khi cố bò và lết vào giường với chân tay tê cóng”[11]. Hàng triệu người khác cũng có cuộc sống tương tự như thế. Khẩu phần cung cấp cho mỗi người chỉ sản sinh được năng lượng khoảng 1.200 ca-lo-ri mỗi ngày, ở vùng Pháp đôi lúc chỉ được 900 ca-lo-ri, trong lúc con người bình thường cần ít nhất 2.000 ca-lo-ri để sinh tồn, và có thể đi lại mà không bị ngã quị. Trong thời gian còn chiến tranh, không có một người Đức nào phải lo chuyện ăn. Nếu thực phẩm thiếu thì Quốc xã có thể dễ dàng chuyển phó-mát từ Pháp về, bơ sữa từ Đan Mạch, bia rượu hạng nhất từ Tiệp, không thiếu thức gì. Khi quân đội Quốc xã thua trận rút về nước, nguồn cung cấp ấy cũng không còn và chỉ trong vòng vài tháng, cùng với sự chiếm đóng của phe đồng minh, cả mấy chục triệu người đối diện với nạn đói ngày càng gay gắt. Người ta phải biến chế đủ cách để tạo ra thực phẩm: vỏ khoai tây biến chế thành bánh mì, đọt cây sồi đem ra xay và trộn với cỏ cây để chế thành trà. Mãi ba năm sau tình hình vẫn thường xuyên căng thẳng. “Khẩu phần bánh mì bị giảm xuống còn một lát mỗi ngày” như tờ News Chronicle đưa tin tại London năm 1947. Báo Times từ New York cũng bình luận trong năm đó: “Mức độ khủng hoảng mà chó của nhân viên chính phủ Hoa Kỳ cũng bị ăn cắp, bị giết và xẻ thịt để ăn, mức độ này đã trở thành sự thách đố cho chúng ta”.[12] Hình 18: Người dân Berlin xẻ thịt ngựa Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-R77871 / CC-BY-SA 3.0 Theo một báo cáo ngành y tế, “Bác sĩ thành phố Hamburg đếm được trong năm 1947 có 60.000 bịnh nhân nhiễm chứng phù thủng vì đói[13]. Ở Remscheid thì 60/100 người dân thiếu cân 25%. Hàng trăm người ở Berlin tự tử vì không chịu nổi đói rét[14]. Tỉ lệ chết chóc của trẻ sơ sinh là 16% năm 1946, so với 7,2% năm 1936. Người dân Đức không mong muốn gì hơn bánh mì, khoai tây và năng lượng. Hiếm khi có được một ít thịt hoặc dồi. Bơ và sữa là những thứ xa xỉ phẩm chỉ nằm mơ mới thấy. Có những trẻ em suốt mấy năm không hề thấy một khúc dồi và cũng không hề biết dồi là cái gì: “Đó là Norbert, một cậu bé dễ thương. Trong buổi tiếp đón đầu tiên, cậu được phu nhân thị trưởng Marburg tặng một ổ bánh mì kẹp dồi. Cậu trân trối nhìn mà không biết đó là cái gì. Mãi sau, người ta mới khám phá rằng cậu bé Berlin này, với bảy tuổi đầu, chưa hề thấy một khúc dồi lần nào trong đời, chứ đừng nói tới ăn”.[15] Chúng ta hãy nghe nhà văn nổi tiếng Heinrich Böll[16]tự thú về sự tầm thường của con người trong cơn đói mùa đông năm 1946: “Cơn đói đã dạy cho tôi biết thế nào là giá trị. Ý nghĩ về mảnh bánh mì tươi nguyên mới ra lò làm cho tôi trở thành ngu muội trong ý thức và nhiều lúc tôi lang thang vô định trong thành phố về chiều để không nghĩ gì hơn là bánh mì. Đôi mắt mọng đỏ, đầu gối rã rời và tôi cảm nhận một cơn đói lả người. Bánh mì. Tôi đã trở thành ghiền bánh mì như người ta ghiền bạch phiến. Tôi cảm thấy sợ hãi với chính mình [...] Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nỗi sợ hãi về cơn đói ngày nào và tôi mua bánh mì khi nó còn tươi nguyên sau cửa sổ chưng hàng của tiệm bánh”.[17] Trong những năm đầu tiên, có lúc việc cung cấp thực phẩm không đủ cho con người sống còn. Các nghiên cứu khoa học đều kết luận rằng con người cần tối thiểu 2.200 ca-lo-ri mỗi ngày để sinh tồn và đi lại được thì ở Đức trong những năm sau chiến tranh được thống kê theo bảng dưới đây. Tất nhiên các chính quyền quân sự dù cố gắng cũng không làm được tốt hơn. Bản thân các nước chung quanh cũng ở trong tình trạng thiếu thốn dù ở mức độ khác: Thí dụ ở Bỉ 1.300, ở Hà Lan 2.350 ca-lo-ri. Bảng 4: Năng lượng cung cấp cho dân Đức sau chiến tranh Để so sánh: ở Hoa Kỳ 3.300, Thụy Sĩ 2.600 ca-lo-ri mỗi ngày Vùng Hoa Kỳ 1.330 ca-lo-ri Vùng Liên Xô 1.080 Vùng Anh 1.050 Vùng Pháp 900 Nguồn: Tài liệu tham khảo số [79] trang 24, J. Weber Đời sống xã hội Tình hình khó khăn về kinh tế và nạn đói kéo dài triền miên đã phát sinh vô số vấn đề xã hội. Sau sáu năm chiến tranh với cuộc sống chia cách thường xuyên, hầu hết các gia đình đều phát sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng, dần dà không chịu được phải ly dị mà cao điểm là năm 1948. Mãi sau này, đến 1950 vẫn còn 40% gia đình sống không toàn vẹn, và cũng trong năm đó có 9,5% tất cả trẻ em sơ sinh không có cha chính thức[18]. Cuộc sống quá căng thẳng và khó khăn làm người phụ nữ buông thả và làm đủ mọi cách để sinh tồn dù chỉ để qua ngày, kể cả chuyện bán tình dục cho lính Mỹ để mang về cho con một vài thỏi chocolat, hoặc vài bao thuốc lá đem bán chợ trời. Người nào may mắn hơn thì tìm được tình yêu mới, lập gia đình và di dân sang vùng đất hứa. Toàn xã hội bị chìm ngập trong cơn lốc hỗn loạn, như cây trốc rễ. Gia đình ly tán, nhiều người không biết người thân ở đâu. Vợ đi tìm chồng, cha mẹ kiếm con. Mọi người đều sống trong cơn chấn thương của di tản tập thể. Hình 19: Thuốc lá trong thị trường chợ đen Berlin Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-19000-3293 / CC-BY-SA 3.0 Bần cùng sinh đạo tặc, đấy là qui luật muôn thuở. Trộm cắp hoành hành khắp nơi, từ một vài củ khoai đến một bóng đèn đường, không ai dám để hé một cái gì ra ngoài mà không có người trông coi. Nói cho cùng thì cũng không ai nghĩ tới chuyện trách cứ hoặc nói chuyện đạo đức, vì thực chất cũng không ai dám chắc mình có giữ được ngay thẳng hay không khi gặp thời cơ. Ngay cả Đức Hồng Y Josef Frings trong một thánh lễ Giáng sinh năm 1946 cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc về nạn trộm cắp: “Chúng ta sống trong một thời đại mà mỗi cá nhân trong cơn cùng quẫn có thể lấy những gì để bảo toàn đời sống và sức khỏe, nếu những thứ đó họ không kiếm được bằng việc làm lương thiện hoặc xin được từ người khác”. Mặc dù trong câu nói tiếp theo, Đức Hồng Y khuyên mọi người nên trả lại những thứ đã lấy cắp, nhưng vế sau của câu nói chẳng có ai để ý, và câu nói trên trở thành một cách xử thế thông dụng trong những năm hậu chiến. Đó là vấn đề đạo đức nhưng nó cũng nói lên được mức độ trầm trọng của tệ nạn xã hội thời bấy giờ. Nguy hiểm hơn là tình trạng cướp bóc hoành hành dữ dội, được lãnh đạo bởi những băng cướp chuyên nghiệp nắm toàn bộ các thương vụ trao đổi hàng hóa và khống chế giá cả chợ đen. “Nhà văn Dieter Forte kể về các băng cướp có tổ chức, chúng lượn đi lượn lại khắp nơi ở Düsseldorf và chia nhau vùng kiểm soát. Một trong những băng cướp đó là Bá Tước Mokka Von Tonelli, như chúng tự đặt tên, ngự trị lên những thành phần bất hảo. Những băng khác thì đặt tên là Băng Ba Lan, Băng Hà Lan. Chúng mang súng ống, mặc đồng phục, phân phát thức ăn miễn phí và hưởng thụ cảm giác được làm chúa trong thành phố”. [19] Còn đâu những tài năng xuất chúng Cuộc di dân do Hitler tạo ra là sự chuyển giao một tập hợp khổng lồ của tri thức và tài năng mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến[20]. (Sử gia Peter Gay, Giáo sư Đại học Yale, USA) Kể từ cuối thế kỷ 19, nước Đức trải qua một giai đoạn phát triển vũ bão về mọi lĩnh vực. Mặc dù vẫn còn là một nước phong kiến, nhưng với những cải cách về xã hội, văn hóa, giáo dục và khoa học, triều đại Wilhelm đã hoàn tất trọn vẹn những cải tổ lớn lao được bắt đầu từ đầu thế kỷ, nhất là về mặt giáo dục, họ đã thiết lập được một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh. Đến đầu thế kỷ 20, đại học Đức được xếp vào loại số một trên thế giới. Nơi đó không những tập hợp những người thầy nổi tiếng, mà còn là những trung tâm nghiên cứu hàng đầu qui tụ những danh tài thuộc tầm vóc quốc tế như Adolf von Baeyer, Albert Einstein, Otto Hahn, Fritz Haber, Gustav Hertz, Max Planck v.v... Sinh viên khắp nơi trên thế giới đổ về Berlin, Göttingen như đi hành hương, họ đến để học tập, nhưng quan trọng hơn là để thấy, nghe, học hỏi, trao đổi, thảo luận và làm quen với thần tượng của họ, những thiên tài sáng giá của thế giới. Cho đến năm 1933 – năm Hitler lên nắm chính quyền – hội đồng Nobel đã phát khoảng 100 giải về khoa học (thời gian đó chỉ có ba ngành vật lý, hóa học và y khoa), trong đó nước Đức chiếm được 31 giải. Nếu so sánh với Anh (17 giải), Pháp (14) và Mỹ (6) thì chúng ta cũng thấy sự phân phối tài năng của các nước này trong thời gian 33 năm đó. Khi cuộc Thế chiến thứ nhất chấm dứt cùng với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, sự ra đời của Cộng hòa Weimar đã phát sinh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội. Đời sống dân chủ nghị viện của thời 1848 được hồi sinh đã tạo ra một đột biến chưa từng có trong quá trình phát triển tư duy toàn xã hội, mặc dù tình hình kinh tế thì chẳng có gì khả quan. Từ ngày thành lập nền cộng hòa (1919) cho đến 1933, chỉ trong vòng thời gian 14 năm ngắn ngủi, ngành văn hóa nghệ thuật có cơ hội bùng nổ như những ngọn thủy triều quét đi những trào lưu cổ điển. Thomas Mann, Hermann Hesse là những khuôn mặt quen thuộc trong giai đoạn phát triển này. Những trường phái nghệ thuật mới nhất ở châu Âu đều có sự tham gia quyết định của những nghệ sĩ Đức: phái biểu tượng, siêu thực, Dada, lập thể với sự có mặt của những cây cổ thụ như Max Beckmann, Max Ernst, Karl Hofer, Paul Klee, Kurt Schwitters v.v... Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, các đại học bắt đầu đặt những viên đá đầu tiên để xây dựng các ngành khoa học hiện đại và tiền phong như sinh hóa, vật lý nguyên tử, tâm lý học, phân tâm học, xã hội học, chính trị học v.v... những ngành mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn chi phối mạnh mẽ lên đời sống con người. Carl Bosch, Albert Einstein, Gustav Hertz, Robert Koch, Paul Ehrlich, Hans Peter, Otto Warburg là một vài khuôn mặt điển hình. Dưới mắt nhìn của những người theo Quốc xã, tất cả các trào lưu mới mẻ đó là những cái gai cần phải nhổ. Vốn bản chất là bảo thủ, cứng ngắc và độc đoán, ý thức hệ Quốc xã hoàn toàn không chấp nhận tư duy tự do dân chủ và nó làm thui chột mọi sáng tạo trong tư duy khoa học và nghệ thuật. Chỉ vài năm sau khi Quốc xã nắm chính quyền năm 1933, bao nhiêu thành quả đạt được trong vòng 50 năm trước về văn học, nghệ thuật, triết học đã bị phá hủy trầm trọng, thậm chí sách vở bị cấm đoán và đốt một cách công khai, một chuyện mà chúng ta tưởng chỉ có thể xảy ra dưới thời trung cổ. Chính quyền Quốc xã, một mặt dùng hệ thống truyền thông đại chúng để cổ xúy cho ý thức hệ Quốc xã, đàn áp các nhân tài có xu hướng tân tiến, dân chủ, tự do, mặt khác cải tổ toàn bộ guồng máy hành chánh, thanh lọc những người khác chính kiến, đưa Đảng viên Quốc xã lên nắm những vai trò chủ chốt trong mọi cơ quan. Hình 20, trái: Thomas Mann di dân sang Hoa Kỳ năm 1938 Hình 21, phải: Stefan Zweig di dân sang Anh năm 1934 Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Trường đại học và các cơ quan nghiên cứu cũng không thoát khỏi số phận đó. Họ đưa những Đảng viên Quốc xã lên làm Viện trưởng, Khoa trưởng, Giám đốc nghiên cứu, mặt khác dùng sinh viên Quốc xã quá khích để làm áp lực lên những giáo sư có xu hướng dân chủ tự do. Đồng nghiệp chỉ điểm nhau là chuyện thường tình. Sinh viên đòi trục xuất hoặc thủ tiêu giáo sư là chuyện xảy ra như cơm bữa. Mục đích của những hoạt động ấy là “Quốc xã hóa” đại học và nghiên cứu khoa học, chuẩn bị việc xây dựng nền công nghiệp chiến tranh và làm một “giải pháp dứt điểm”[21] về vấn đề Do Thái giáo. Chế độ khủng bố của Quốc xã Đức đã tạo ra một làn sóng di cư khổng lồ chưa bao giờ có trong lịch sử dân tộc Đức, trong đó hàng loạt chuyên gia cao cấp và nhiều học giả tiếng tăm phải bỏ nước ra đi. Nhà sử học Michael Grüttner cho biết: “Sau năm 1933, gần một phần năm trong toàn bộ tập thể giảng dạy phải rời bỏ đại học, 24 học giả được giải thưởng Nobel bỏ nước Đức và Áo để di dân. Sự mất mát này đã đẩy nhanh sự xuống dốc của chúng ta với tư cách là quê hương của khoa học. Kể từ đấy, vai trò dẫn đầu trong mọi ngành nghiên cứu được chuyển sang tay Hoa Kỳ, vĩnh viễn không bao giờ trở lại”[22]. Những người này hoặc không ủng hộ đường lối chính trị Quốc xã, hoặc tư tưởng không phù hợp với học thuyết nhân chủng học của Hitler, những người theo đạo Do Thái thì khỏi nói, họ là đối tượng hàng đầu trong chính sách kỳ thị. Ngay cả những người làm nghiên cứu khoa học, những đầu đàn thuộc các ngành khoa học xã hội hiện đại như tâm lý học, phân tâm học, xã hội học hoặc các trào lưu nghệ thuật mới như siêu thực, biểu tượng v.v... đều là những đối tượng của chính sách kỳ thị, họ bị tước đoạt mọi khả năng phát triển và sinh tồn. Giáo sư sử học Claus - Dieter Krohn đã làm một tổng kết những người nổi tiếng bỏ Đức và Áo để di dân[23], bao gồm 200 văn sĩ ký giả tiếng tăm (Bertolt Brecht, Alfred Döblin, Lion Feuchtwanger, Oskar Maria Graf, Thomas Mann, Erich Maria Remarque, Stefan Zweig...), 200 nghệ sĩ tạo hình, phim, nhạc, hàng ngàn khoa học gia hàng đầu có trình độ quốc tế (Hannah Arendt, Max Born, Albert Einstein, Sigmund Freud, Erich Fromm, Fritz Haber, Theodor Lessing, Golo Mann, Herbert Marcuse, Wilhelm Röpke...). Theo Krohn, có khoảng 360.000 người Đức di dân trong thời gian 1933 – 1945, trong đó người Do Thái giáo chiếm 280.000. Sau khi Hitler thôn tính Áo vào năm 1938 thì có thêm 140.000 người Áo (125.000 là Do Thái giáo). Trong số tổng cộng nửa triệu người, đa số là trung lưu tầng trên và thành phần ưu tú của xã hội, trong đó có 3.000 giáo sư đại học[24], tức là một phần tư lực lượng giảng dạy đại học. Làn sóng di dân này được gọi tên là đợt “chuyển giao tri thức”[25] khổng lồ từ Đức và Áo đến các nước định cư. Hầu hết người di dân trước hết chạy qua các nước chung quanh như Áo, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ và nhất là Pháp, Tiệp và Anh, vì họ hy vọng rằng chế độ Quốc xã chỉ nắm quyền tạm thời, sau đó họ có thể quay trở lại khi tình hình chính trị khả quan hơn. Chỉ có khoảng một phần tư thì đi thẳng sang Hoa Kỳ, một phần vì quá xa (thời đó, Hoa Kỳ là xứ ra đi không có ngày về[26]), phần khác chế độ nhập cư đối với người Do Thái trong thời gian này cũng không dễ, nhất là khi toàn bộ của cải của họ đã bị Quốc xã cướp đoạt, họ trở thành những người với hai bàn tay trắng, không phải là đối tượng ưu tiên. Sau khi chiến tranh bùng nổ năm 1939, những nước họ đã định cư ở châu Âu cũng trở nên bất ổn định hoặc trở thành nơi chiếm đóng của Đức. Họ lại phải khăn gói di dân một lần nữa. Một số ít thì qua Anh, Canada, Brasil, Argentina, phần còn lại thì sang Hoa Kỳ. Nhiều người phải mua những giấy tờ giả mạo mới được phép nhập cư. Điểm chung của loạt di dân này là, họ gặp vô vàn khó khăn trong giai đoạn đầu. Ra đi với hai bàn tay trắng, họ phải bắt đầu lại từ đầu để sinh tồn. Bên cạnh đó là tình trạng bị chấn thương tâm lý, mất phương hướng, tuyệt vọng trong mưu sinh, cộng thêm khó khăn về ngôn ngữ. Chỉ trừ những khoa học gia có trình độ cao hoặc những doanh nhân lành nghề có thể lập lại cuộc đời sau vài năm, còn lại số đông đều muốn trở về quê cũ khi có điều kiện. Hình 22, trái: Sigmund Freud di dân sang Anh năm 1938 Hình 23, phải: Max Born di dân sang Anh năm 1936 Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Loạt di dân này có thể được chia làm ba nhóm chính: Di dân vì chính trị, các nhà hoạt động văn hóa và các khoa học gia. Thành phần di dân gốc Do Thái thì bao gồm tất cả các nhóm kể trên. Phong trào di dân của cả ba nhóm có thể chia làm ba đợt: Đợt một, họ đi trong vòng đầu năm 1933 khi các đạo luật phát-xít được ban hành và họ – nhất là người theo Do Thái giáo – không còn con đường nào để làm ăn sinh sống; đợt hai, năm 1938 khi Quốc xã Đức công khai bài trừ Do Thái sau một đêm khủng bố tập thể cộng đồng Do Thái[27], đồng thời Áo bị sát nhập vào Đức;đợt ba, khi chiến tranh đã lan rộng trên lục địa châu Âu. Riêng nhóm khoa học gia thì còn đợt bốn: sau khi chiến tranh chấm dứt, phe thắng trận đi lùng sục để mang về xứ những chuyên gia giỏi trong guồng máy Quốc xã. Trong đợt bốn, tuy số lượng chỉ vài ngàn người, nhưng đó là những khoa học gia hàng đầu của chế độ, đặc biệt trong công nghiệp chiến tranh. Có thể gọi những người bị cưỡng chế di dân thời gian này, nhất là đợt một, là chiến lợi phẩm vô giá của phe thắng trận. Khoa học gia Tình trạng các khoa học gia thì không gặp khó khăn lúc xin nhập cư. Hoạt động chuyên môn của họ không phụ thuộc nhiều vào ngôn ngữ, cho nên quá trình hội nhập cũng dễ dàng. Không có một thống kê rõ ràng về số khoa học gia di dân, nhưng nếu căn cứ vào những học giả hàng đầu đã ra đi (24 giải Nobel và 3.000 giáo sư đại học trong năm 1933) thì người ta phỏng đoán tổng cộng chuyên viên đã tốt nghiệp đại học khoảng gấp mười lần hoặc nhiều hơn. Đa số những người này đều sang các nước lân cận với hy vọng sẽ trở lại khi tình hình chính trị cho phép. Đến năm 1939 thì hầu hết đều sang Hoa Kỳ, một số khác sang Anh hoặc Brasil và Argentina. Sau khi đã ổn định đời sống, đa số đều có ý định ở lại lâu dài và họ cũng ảnh hưởng rất mạnh lên kinh tế và xã hội nước định cư. Tại Hoa Kỳ, trong giai đoạn trước chiến tranh, chính sách di dân đối với nước Đức chỉ giới hạn 25.000 người mỗi năm[28], nhưng đối với chuyên viên tốt nghiệp đại học, họ có những qui định riêng, và cũng không có ai bị từ chối. Cũng cần nói thêm rằng, nhiều sinh viên Hoa Kỳ đã du học tại Đức từ đầu thế kỷ, khi trở về làm việc sau hai thập niên, họ nắm được những vị trí quan trọng trong các trường đại học. Cho nên khi Đức Quốc xã có chính sách đàn áp và sa thải chuyên viên, kể cả giáo sư đại học, chính những người này rất tích cực trong việc tìm kiếm để thu nhận các giáo sư Đức danh tiếng về giảng dạy cho đại học của họ. Cũng vì thế khá nhiều học giả Đức di dân đã nắm được những vai trò quan trọng trong đại học. Trong guồng máy nhà nước cũng có người làm đến chức cố vấn cho Tổng thống sau một thời gian ngắn, thí dụ như Gerhard Colm (kinh tế) hoặc Henry Kissinger (chính trị). Trong bối cảnh lịch sử của thập niên 1930, thế giới vừa trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng và bản thân Hoa Kỳ có nhu cầu rất lớn về cải tổ kinh tế và xã hội. Một mặt họ muốn hạn chế bớt tinh thần “thuần kinh doanh” mà chú trọng hơn những giá trị tinh thần và văn hóa hiện đại. Mặt khác Tổng thống Roosevelt đang tiến hành một “cải tổ mới” (the New Deal) về kinh tế và xã hội. Trong quá trình đó, Roosevelt rất thành công trong giai đoạn đầu với chính sách “xoa dịu khổ đau” (relief) cũng như phục hồi kinh tế (recovery), nhưng khi qua giai đoạn “cải tổ” (reform) thì nhóm chuyên viên cố vấn còn lúng túng về mặt lý thuyết. Cho nên các khoa học gia Đức đến Hoa Kỳ rất đúng lúc. Với truyền thống và kinh nghiệm trong chính sách xã hội, họ đã góp phần không nhỏ trong quá trình phục hồi kinh tế và xây dựng chính sách xã hội Hoa Kỳ sau cuộc Đại khủng hoảng (the Great Depression), đáp ứng phần nào những yêu cầu cải tổ của chính quyền Roosevelt. Có thể nói, Hoa Kỳ là nước đã thu được nguồn lợi lớn nhất trong đợt di dân này. Sử gia Claus-Dieter Krohn cho biết như sau: “Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế[29]thuộc Đại học New York đã thành lập một Ủy ban Giúp đỡ Học giả Đức ngay khi vừa biết tin về chính sách đàn áp học giả của Hitler. Ủy ban này phối hợp với Quĩ Bảo trợ Rockefeller để chuẩn bị tiếp nhận vài trăm học giả Đức và các nước châu Âu khác. Để làm chuyện đó, Quĩ Bảo trợ Rockefeller phối hợp với đối tác là Hội đồng Hỗ trợ Hàn lâm tại London và Ủy ban Cứu nguy Khoa học gia Đức tại Thụy Sĩ để lên một danh sách hơn 1.600 khoa học gia hàng đầu để đưa về phục vụ tại các đại học Hoa Kỳ. Để giảm bớt cạnh tranh với các chuyên gia trong nước, Quĩ Bảo trợ Rockefeller sẵn sàng trả một phần hai lương trong vài năm đầu, nếu một đại học Hoa Kỳ đồng ý sẽ thâu nhận lâu dài học giả đó”.[30] Claus-Dieter Krohn còn cho biết chuyện thú vị hơn: “Giám đốc trường Nghiên cứu Xã hội[31]tại New York đã quyên đủ tiền để thành lập ngay trong mùa hè 1933 một Đại học Lưu vong. Là một người hăng hái đấu tranh cho ‘cải tổ mới’, ông ta quyết tâm kiếm học giả Đức có khả năng cung cấp lý thuyết cần thiết cho chương trình kinh tế của Roosevelt. Cho đến 1945, trường Đại học Lưu vong có một không hai ấy đã chiêu dụ được 170 giáo sư từ Đức và các nước châu Âu khác”.[32] Một trong những người sáng lập Đại học Lưu vong là Gerhard Colm, thuộc nhóm “Kieler Gruppe”, di dân năm 1934 và sau này trở thành cố vấn của hai vị Tổng thống Roosevelt và Truman, ông cũng là đồng tác giả của kế hoạch cải tổ tiền tệ năm 1948. Trong thập niên 1920, đại học Đức đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Họ đã đưa ra được những lý thuyết và trào lưu mới trong các lĩnh vực khoa học, xã hội và nghệ thuật. Có thể kể những ngành tương đối còn mới mẻ trên thế giới như sinh hóa, vật lý nguyên tử, tâm lý học, phân tâm học, chính sách kinh tế, khoa học chính trị. Trong tất cả các ngành này, nước Đức đã sản sinh ra những thiên tài như Albert Einstein, Sigmund Freud, Walter Eucken v.v... Sự phát triển những ngành tân tiến này không những giúp cho loài người vượt qua được những bế tắc trong nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, mà nó còn có khả năng tác động lên tư duy con người trong việc cắt nghĩa những hiện tượng xã hội và chính trị trong thời đại mới. Chính điều này đã đụng đến chỗ yếu nhất của ý thức hệ Quốc xã, vốn là bảo thủ, độc tài toàn trị và thiếu cơ sở khoa học (tiêu biểu là lý thuyết “Nhân chủng học”). Cho nên khi vừa lên cầm quyền, trừ những chuyên ngành phục vụ cho kỹ nghệ chiến tranh, Hitler đã nhanh chóng loại bỏ những đầu đàn trong các chuyên ngành kể trên, triệt hạ tiếng nói và uy tín của họ trong xã hội, mục đích để thiết lập ý thức hệ Quốc xã lên toàn xã hội. Những học giả này không còn con đường nào khác hơn là phải di dân đến những nước họ cho là có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu. Những người khác chần chờ hoặc chậm chân hơn thì trở thành nạn nhân của Quốc xã. Sigmund Freud, Theodor Lessing là những thí dụ đau đớn cho dân tộc Đức. Cuộc chiến tranh do Hitler gây ra không những đã phá hủy cơ sở vật chất, mà còn tạo ra một làn sóng di cư khổng lồ, một sự mất mát chất xám chưa từng có trong lịch sử nước Đức, nó đẩy đất nước này thụt lùi nhiều năm về mặt tri thức và tư duy. Vai trò dẫn đầu trong các nghiên cứu khoa học đã chuyển dịch sang Hoa Kỳ và vĩnh viễn không bao giờ trở lại, như Michael Grüttner đã nhận xét. Các nước định cư đã hưởng trọn vẹn vốn chất xám đó mà không bỏ tiền đào tạo, Hoa Kỳ là kẻ thừa hưởng lớn nhất. Có lẽ cũng không quá đáng lắm, nếu bảo rằng những học giả di dân Đức đã góp phần quan trọng trong việc phát triển mọi mặt của nước định cư, thậm chí trong vài trường hợp đã giúp các nước định cư tìm kiếm được giải pháp cho những bế tắc trong kinh tế và xã hội. Vài thí dụ có thể kể: Về kinh tế có “Nhóm Kiel” bao gồm ba nhân vật chính: Gerhard Colm, Hans Neisser và Adolf Löwe thuộc trường phái Freiburg. Cả ba học giả này khi di dân qua Hoa Kỳ đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ra những chính sách kinh tế phục vụ cho “cải tổ mới” của Roosevelt. Bản thân Gerhard Colm, sau khi Roosevelt chết, đã trở thành cố vấn kinh tế thân cận của Tổng thống Truman, và là cha đẻ của kế hoạch cải tổ tiền tệ tại Tây Đức năm 1948. Về vật lý, Đức là nước có trình độ cao. Trong 33 năm kể từ 1901 cho đến 1933, Đức đã chiếm được 11 giải Nobel về vật lý. Những gương mặt nổi tiếng đoạt giải Nobel có thể kể là Felix Bloch (di dân 1934), Victor Franz Hess (di dân 1938), Otto Stern (di dân 1933). Riêng ngành vật lý nguyên tử, Albert Einstein (Nobel 1921) và James Franck (Nobel 1925) là hai học giả trứ danh trong giới nghiên cứu. James Franck – sau khi nhập quốc tịch Mỹ – trở thành nhân vật quan trọng trong việc bào chế Plutonium ròng để chế bom nguyên tử trong chương trình Manhattan. Sau khi chiến tranh chấm dứt, đa số các khoa học gia hàng đầu, nhất là những người đã tạo được một thế đứng vững vàng trong các nước định cư, có xu hướng ở lại, một phần vì chưa thấy tương lai sáng sủa của châu Âu sau chiến tranh, phần khác các chính quyền tại Đức sau 1945 chưa có những nỗ lực cần thiết. Trong ba năm đầu sau chiến tranh, các lực lượng chiếm đóng không hề có ý muốn tái định cư các khoa học gia đã ra đi. Sau khi Cộng hòa Liên bang Đức thành lập năm 1949, chính phủ mới cũng bù đầu trong việc giải quyết hàng triệu người bị trục xuất từ Đông Âu. Đối với các khoa học gia đã di dân, họ không có những chính sách thỏa đáng, một mặt vì những vị trí trong các cơ quan đã được phân bố, mặt khác về tâm lý xã hội, sự trở về trong nhiều trường hợp cũng chưa chắc sẽ được hoan nghênh. Đấy là sự chia rẽ tất yếu do chiến tranh để lại giữa những người ra đi và người ở lại. Hình 24, trái: Albert Einstein sang Hoa Kỳ 1932 và không trở về Hình 25, phải: James Franck di dân sang Hoa Kỳ năm 1933 Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Để có sự so sánh tình trạng nghiên cứu khoa học tại các nước mạnh, chúng ta có thể xem xét con số những khoa học gia được giải Nobel khoa học (vật lý, hóa học và y khoa): Bảng 5: Giải Nobel khoa học trước và sau chiến tranh Trước chiến tranh, khoa học gia giỏi tập trung ở châu Âu, trong đó Đức chiếm hàng đầu. Sau 1945, lực lượng khoa học gia giỏi đã chuyển về Hoa Kỳ một cách đáng kể. Thời kỳ Đức Anh Pháp Hoa Kỳ 1901 - 1933 31 17 14 6 1934 - 1945 7 7 2 12 1946 - 2013 33 50 14 220 Nguồn: Số liệu lấy từ http:// www. nobelprize.org Đầu năm 1945, khi các nước đồng minh tiến vào lãnh thổ Đức, bên Đông cũng như Tây, họ rốt ráo lùng sục để mang về nước các chuyên gia Đức từng giữ những chức vụ quan trọng trong kỹ nghệ chiến tranh, nhất là công nghệ hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân. Về phía Liên Xô, có một chiến dịch nổi tiếng mang tên “Chiến dịch Ossawakim”. Chỉ trong vòng hai ngày tháng 10.1946, Liên Xô cưỡng bức 2.000 khoa học gia, kỹ sư và kỹ thuật viên lành nghề từ trong vùng chiếm đóng Đông Đức về nước của họ. Nhiều người trong đợt này đã tham gia vào các chương trình phát triển hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân và đã đóng góp không ít vào các thành công của Liên Xô trong các lĩnh vực đó. Phía Hoa Kỳ, kế hoạch Overcast được đề xuất từ đầu năm 1945 để xử lý tù nhân Đức thuộc vài diện đặc biệt, qua đó họ chọn lựa những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chiến tranh mang về nước. Cho đến cuối 1945, Hoa Kỳ cho phép 600 chuyên viên xuất sắc Đức được bí mật nhập cư để tiếp tục tham gia vào các kế hoạch nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực hỏa tiễn. Nổi tiếng nhất trong những người này là Wernher von Braun, chuyên gia số một của Quốc xã về hỏa tiễn V1 và V2. Braun sau này trở thành Giám đốc Trung tâm Marshall của NASA, điều khiển việc nghiên cứu và chế tạo nhiều hỏa tiễn (Saturn, Apollo...) phục vụ ngành không gian và tham gia thành công chương trình đổ bộ cung trăng năm 1969. Đợt “di dân cưỡng bách” ấy kéo dài không lâu và số lượng chuyên gia liên hệ cũng chỉ vài ngàn, nhưng họ là những người có trình độ rất cao, nhiều người là chuyên gia chủ chốt trong các dự án quan trọng của Quốc xã. Hình 26: 104 chuyên gia hỏa tiễn Đức ở Fort Bliss, Texas năm 1946, Wernher von Braun đứng hàng đầu, thứ 7 từ phải sang trái. Nguồn: US National Aeronautics and Space Administration, tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng. Kể về số lượng thì đợt di dân lớn nhất sau chiến tranh là đợt ra đi sang châu Mỹ kể từ 1948. Di dân đợt này chủ yếu xuất phát từ ba vùng chiếm đóng phía Tây. Trong những năm đầu sau chiến tranh, chính quyền quân sự cấm dân chúng vượt biên giới ra ngoại quốc, nhưng khi chính sách đó được nới lỏng, người dân Đức ồ ạt đến các tòa lãnh sự nộp đơn xin nhập cư. Báo Tấm Gương (Der Spiegel) báo cáo trong những ngày cao điểm: “Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Frankfurt phỏng đoán có từ 12.000 đến 14.000 đơn xin nhập cư mỗi ngày. Nhân viên lo chiếu khán ở Hamburg cho rằng, hàng ngày trong tất cả các tòa lãnh sự, tổng cộng số đơn xin nhập cư lên tới 30.000 đến 40.000. Con số đó vượt quá chỉ tiêu của cả năm sắp tới”[33]. Người ta phỏng đoán rằng, mãi ba bốn năm sau, các đơn xin nhập cư đợt này mới được cứu xét hết. Cho đến 1960, tổng số di dân Đức lên đến 800.000 người đến các nước định cư xa xôi như Hoa Kỳ (385.000), Canada (235.000), Úc (80.000), còn lại 80.000 người đến các nước khác như Brasil, Argentina, Nam Phi v.v... Động lực mạnh mẽ nhất lôi kéo họ từ bỏ quê hương là ước muốn một cuộc đời thành đạt phồn vinh. Tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, không nhà cửa, gia đình ly tán những năm sau chiến tranh làm nhiều người chỉ muốn lên tàu ra đi khi có điều kiện, mặc dù họ chưa hình dung được khó khăn nào sẽ chờ đón họ bên kia bờ Đại Tây Dương, thậm chí có người không biết một ngoại ngữ nào. Đối với những chuyên gia nghiên cứu thì ước ao càng lớn hơn. Trong những năm đầu sau chiến tranh, điều kiện làm việc trong nghiên cứu tại đại học Đức gần như là số không, nhất là những ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Ngoài ra họ còn được lôi cuốn bởi môi trường nghiên cứu của bạn đồng nghiệp đã di dân sang Mỹ, Canada. Đối với họ, di dân cũng là giải pháp cho nghề nghiệp và tương lai. Không có thống kê nào cho biết số chuyên gia di dân đợt này, nhưng có lẽ có rất nhiều người đã tốt nghiệp đại học bỏ nước ra đi. Tìm lối đi: Kinh tế Thị trường Xã hội[34] An ninh xã hội và công bằng xã hội là những ưu tư lớn của thời đại. Kể từ khi bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, câu hỏi về xã hội ngày càng trở thành vấn đề trung tâm của thực thể con người. Nó có một sức mạnh to lớn. Mọi suy nghĩ và hành động phải hướng tới việc tìm cho nó một lời giải. (Giáo sư Walter Eucken, Sáng lập viên trường phái Freiburg) Trong phần này, chúng ta thử phân tích tinh thần xã hội của dân tộc Đức được hình thành thế nào, tiếp theo là tìm hiểu công trình nghiên cứu của Walter Eucken và trường phái Freiburg về lý thuyết Tự do trong Trật tự, cuối cùng là hoạt động của Alfred Müller-Armack trên hành trình đi tìm chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội. Nhìn vào sự phát triển kinh tế chính trị của Tây Đức (tức là Cộng hòa Liên bang Đức kể từ 1949), chúng ta có thể rút ra một kết luận mà mọi người đều chấp nhận được: Chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội[35]là nhân tố quan trọng để đưa nước Đức thoát khỏi cơn khủng hoảng toàn diện sau chiến tranh, mang lại phồn vinh cho mọi người. Sự phát triển kinh tế nhanh và vững chắc chưa từng có trong lịch sử nước Đức qua đó mọi thành phần xã hội đều được hưởng, có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu học thuyết Kinh tế Thị trường Xã hội không được đề xuất, phát triển và quyết tâm thực hiện trong gần hai thập niên bởi những chính quyền dân chủ đầu tiên sau chiến tranh. Người có công lớn nhất trong quá trình phát triển ấy là Ludwig Erhard, giáo sư đại học ngành kinh tế, Bộ trưởng Kinh tế đầu tiên của tiểu bang Bayern, Giám đốc Cơ quan Quản lý kinh tế của vùng Anh - Hoa Kỳ kiểm soát. Sau năm 1949 là Bộ trưởng Kinh tế liên bang đầu tiên của CHLB Đức, Erhard có đầy đủ tư duy kinh tế và nhất là sử dụng đúng mức kiến thức của giới chuyên gia, kết hợp với quyền lực của chính trị gia để biến những lý thuyết đúng đắn thành những quyết định chính trị và dùng hành động thực tiễn để ảnh hưởng lên quá trình phát triển kinh tế. Nhưng gọi Ludwig Erhard là cha đẻ của học thuyết Kinh tế Thị trường Xã hội thì cũng không đúng hẳn. Nhiều sử gia kinh tế cho rằng, Erhard không có đóng góp cao vào việc xây dựng cơ sở lý thuyết cho nền kinh tế đó, mà chủ yếu là ông biết vận dụng lý thuyết của chuyên gia để đưa ra quyết định chính trị. Nền tảng của chính sách này là học thuyết “Tự do trong Trật tự”[36] do Walter Eucken và trường phái Freiburg (Freiburger Schule) đề xuất và quảng bá từ những thập niên 1930 và 1940. Sau 1945, Müller-Armack một mặt dựa vào nền tảng lý thuyết đó, mặt khác ông bổ sung thêm nhiều nhân tố xã hội trong chính sách hậu chiến để từng bước hình thành một hệ thống kinh tế mà ông gọi tên là Kinh tế Thị trường Xã hội. Ngoài ra cũng không nên quên rằng, tinh thần xã hội của dân tộc Đức đã giúp họ tìm được con đường đúng đắn cho chính mình trong cơn khủng hoảng hậu chiến. Tinh thần này không những được hình thành và phát triển mà còn được đóng neo vào hệ thống luật pháp nhà nước kể từ thập niên 1880. Thiết tưởng chúng ta cũng nên lướt qua ba giai đoạn đó. Những đạo luật xã hội đầu tiên cuối thế kỷ 19 Sự hình thành chế độ xã hội của nền sản xuất [Đức] có nguồn gốc rất chính xác, nó vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Với một quá trình rõ nét từ 1873, nó chấm dứt chế độ sản xuất tự do bằng những bước đi được hoàn tất vào cuối thế kỷ 19. Nền sản xuất này có thể gọi là “kinh tế thị trường tự do từ cấp trên”. Nó là kết quả của những cải tổ sau cuộc chiến tranh với Pháp và những thách thức kinh tế với vai trò thống trị của công nghiệp Anh, để từ đó tìm ra một con đường riêng của Đức dẫn đến một xã hội tân tiến[37]. (Giáo sư Werner Abelshauser, Sử gia kinh tế) Kể từ 1850, nước Đức chứng kiến một thời gian dài của phát triển kinh tế mà cao điểm đạt được khi Đức thắng Pháp và đất nước được thống nhất lần đầu tiên thành Đế chế (Deutsches Reich) năm 1871, đi kèm với việc Pháp trả 5 tỉ Franc vàng[38] bồi thường chiến tranh. Nhưng sau khi hơn 60 ngân hàng Đức và Áo phá sản năm 1873, nền tài chánh sụp đổ kéo theo hàng loạt xí nghiệp đóng cửa, nạn thất nghiệp gia tăng và đời sống vô cùng khó khăn, xã hội rối loạn. Phong trào chống đối ngày càng dâng cao, họ đòi hỏi nhà nước phải có biện pháp cấp thời để xoa dịu khổ đau, đồng thời xây dựng mạng lưới bảo hiểm xã hội lâu dài cho người dân. Trong lúc đó, Thủ tướng Otto von Bismarck lúc vừa mới nắm quyền đã tiến hành hàng loạt biện pháp cứng rắn để nhanh chóng củng cố quyền lực trong một vùng đất rộng lớn vừa mới thống nhất. Cao điểm là một loạt đạo luật giới hạn hoạt động của giáo hội và đạo luật chống phe dân chủ xã hội. Những đạo luật này càng làm cho xu hướng chống chính quyền phát triển mạnh hơn[39]. Sự chống đối ngày càng gay gắt và phát sinh từ mọi phía. Trong nghị trường thì phái dân chủ xã hội và phái quốc gia tự do ngày càng có tiếng nói lớn. Ngoài xã hội thì trừ giới quí tộc và kỹ nghệ gia, tất cả các tầng lớp khác đều có những bức xúc như nhau, đặc biệt tinh thần đấu tranh của tầng lớp công nhân là gay gắt nhất. Trước tình hình đó, Thủ tướng Bismarck thấy cần phải tiến hành cải cách xã hội để xoa dịu làn sóng chống đối, qua đó ông hy vọng rằng, phái dân chủ xã hội sẽ ngày càng suy yếu và tan rã. Để đạt được mục đích đó, Bismarck chỉ định luật sư Theodor Lohmann, chuyên gia cố vấn của Bộ Thương mại đề xuất một dự thảo. Bên cạnh đó nghị sĩ Louis Baare cũng được giao hợp đồng soạn một bản dự thảo thứ hai. Hình 28: Louis Baare Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Hình 29: Theodor Lohmann Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Louis Baare là một kỹ nghệ gia tiếng tăm, là Chủ tịch Hiệp hội Khai thác hầm mỏ, là Giám đốc Sở công nghiệp và thương mại thành phố Bochum. Baare mời 35 công thương kỹ nghệ gia và đại diện những hiệp hội lớn để bàn về đạo luật liên quan đến bảo hiểm các loại, đến việc phát triển công nghiệp, đến an toàn lao động v.v...Ủy ban viết bản dự thảo này bao gồm những người có khả năng, có nhiều ảnh hưởng trong xã hội cũng như trong nghị trường. Bản dự thảo tất nhiên được soạn ra trong tinh thần có lợi cho giới kỹ nghệ gia, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và giảm quyền hạn tham dự của giới lao động vào các cơ quan quản lý. Dự thảo của Louis Baare rất có trọng lượng và đáp ứng khá đầy đủ mục đích mà Bismarck đưa ra ban đầu. Theodor Lohmann là mẫu người khác hẳn. Vốn chịu nhiều ảnh hưởng của tinh thần công bằng xã hội từ giáo dục kinh thánh, bước hoạn lộ của ông bắt đầu bằng công chức nhà nước, và có nhiều tiếp cận đến mọi tầng lớp xã hội. Một mặt, Lohmann là người công chức gương mẫu trung thành với chế độ, và chưa hề tham gia hoạt động chống đối nào, mặt khác qua tiếp cận với nhiều thành phần khác nhau, Lohmann không tìm thấy trong ý muốn của Bismarck một lời giải phù hợp. Ông cho rằng, để có một lời giải rốt ráo cho các vấn đề xã hội, một cuộc cải cách sâu rộng và toàn diện phải được tiến hành gấp rút, một loạt các đạo luật cần được ban hành, từ luật xí nghiệp tới luật bảo hộ lao động, từ luật bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn tới luật hưu trí. Khác với Bismarck, Lohmann cho rằng để đạt được mục đích hòa nhập người lao động vào hệ thống chính trị nhà nước, cần phải tạo cho họ khả năng tham gia vào các cơ quan bảo hiểm – không những về mặt tài chính mà còn cả quyền kiểm soát các cơ quan liên hệ. Dấu ấn mà Lohmann để lại cho dân tộc Đức cho đến bây giờ là tinh thần cải cách toàn bộ quan hệ giữa giới tư bản và người lao động, ý thức công bằng xã hội, quyền tự quyết và nghĩa vụ tham gia của người làm công trong các vấn đề an ninh xã hội. Tinh thần bản dự thảo của Louis Baare được Bismarck chú ý nhiều và dùng nó như một cơ sở lý luận lúc đăng đàn trước Quốc hội. Trong lúc đó, bản dự thảo của Theodor Lohmann cung cấp nhiều dữ liệu phong phú cho phái dân chủ xã hội dùng để tranh luận trong nghị trường. Có thể nói rằng, August Bebel thuộc phái dân chủ tự do là nhân vật nổi bật có nhiều lý lẽ sắc bén và đóng góp phần quan trọng nhất trong việc thuyết phục ba phái dân chủ xã hội, Đảng Quốc gia tự do và Đảng Trung tâm (DZP) chấp nhận tinh thần xã hội mà Lohmann đã đưa vào dự thảo. Đạo luật đầu tiên về bảo hiểm tai nạn lao động được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào tháng 4.1881. Xu hướng bảo thủ trong dự thảo Bismarck không được đa số tán thành, cho nên Bismarck dùng đủ mọi sức ép, kể cả việc giải tán Quốc hội và tổ chức lại bầu cử. Dù thế ông cũng không thuyết phục được Quốc hội mới tán thành tinh thần của phác thảo Louis Baare, mà ngược lại phác thảo mang tính xã hội của Theodor Lohmann đã chiếm đa số trong nghị trường. Sau nhiều lần họp trong suốt gần một thập niên, mỗi lần kéo dài vài ba ngày và sau nhiều lần thay đổi dự thảo, một loạt các đạo luật được Quốc hội thông qua: • 1883: Đạo luật bảo hiểm sức khỏe qui định những vấn đề liên quan đến chữa bệnh, thuốc thang, nằm nhà thương, hỗ trợ lúc thai nghén, trả lương lúc còn bệnh, hỗ trợ tài chính lúc chết, tỉ lệ đóng góp của mỗi bên vào tiền bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của các quĩ bảo hiểm v.v... • 1884: Đạo luật bảo hiểm tai nạn lao động ràng buộc chủ nhân phải bồi thường lúc có tai nạn, không kể trường hợp tai nạn đó do ai gây ra. • 1889: Đạo luật hưu trí do tai nạn lao động và hưu trí tuổi già qui định cách thức đóng tiền bảo hiểm của mỗi bên, cũng như việc thành lập và quản lý các quĩ bảo hiểm, công thức tính tiền hưu trí căn cứ vào thời gian và số tiền bảo hiểm hàng năm v.v... • 1891: Luật bảo hộ lao động, bảo đảm lợi tức tối thiểu, qui định về thời gian làm việc và quyền được đào tạo nghề nghiệp cho mọi người dân. So với tình trạng bảo hiểm xã hội mà dân Đức được hưởng hôm nay, thì những đạo luật nói trên không có gì mới lạ, nhưng vào cuối thế kỷ 19, các đạo luật này là những công trình có một không hai trong lịch sử các nước công nghiệp phát triển. Cũng không có gì là quá đáng, nếu cho rằng những đạo luật này là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên của lịch sử cận đại loài người. Nó là một mô hình kiểu mẫu cho các nước công nghiệp trên thế giới noi theo, nó là điểm chuẩn cho các nước châu Âu nghiên cứu để thực hiện trong nước của họ vài thập niên sau đó. Thí dụ về bảo hiểm hưu trí ở các nước phát triển[40]: Đức ban hành năm 1889 và sau đó là Đan Mạch 1891, Bỉ 1900, Áo 1906, Anh và Úc 1908, Pháp 1910, Thụy Điển 1913, Hà Lan 1919, Canada 1927, Hoa Kỳ 1935 v.v... Cũng cần nói thêm rằng, từ 1890 cho đến hơn một trăm năm sau, các đạo luật xã hội Đức được tu chỉnh và bổ sung nhiều lần, nhưng nguyên tắc chính vẫn không có gì thay đổi đáng kể, có chăng là sự thay đổi về tỉ lệ và con số trong các qui định cũng như các tu bổ về nguyên tắc hoạt động các quĩ bảo hiểm. Điều này cho chúng ta thấy là tinh thần xã hội của dân tộc Đức đã được xây dựng khá tốt từ hơn một trăm năm về trước. Điều đặc biệt về bộ luật xã hội này là tác động của nó lên chế độ sản xuất công nghiệp dưới một hình thái rất đặc biệt: Kết hợp với luật cạnh tranh ban hành trong thập niên 1870, “Nước Đức [cuối thế kỷ 19] đã phát triển một chế độ sản xuất dựa vào hệ thống xã hội ổn định, trong đó nguyên lý cơ bản không phải là sự cạnh tranh mà là sự hợp tác giữa các thành viên của nền sản xuất”[41]. Tinh thần này, mặc dù trong nhiều giai đoạn bị phê phán bởi xu hướng thuần kinh doanh, vẫn còn tồn tại cho đến thế kỷ 21 và đã được nhiều nhà bình luận kinh tế gọi là “con đường riêng của nước Đức”. Hình 30: Otto von Bismarck Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Nhiếp ảnh: Ad Braun & Cie Dornach Walter Eucken và lý thuyết Tự do trong Trật tự Hình 31: Wilhelm I Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Nhà nước không nên can thiệp vào quá trình hoạt động kinh tế, cũng không nên thả lỏng cho nền kinh tế tự do hoạt động. Chính sách nhà nước để tạo ra một khung hoạt động: đồng ý; kế hoạch nhà nước để điều khiển quá trình hoạt động kinh tế: không! Nhận thức được đâu là sự khác nhau giữa khung hoạt động và quá trình hoạt động để ban hành chính sách, đấy là cốt lõi của vấn đề[42]. (Giáo sư Walter Eucken, Sáng lập viên Trường phái Freiburg) Kể từ cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng kỹ thuật kết hợp với chủ nghĩa kinh tế tự do đã tạo ra những bước nhảy vọt chưa từng thấy ở lục địa châu Âu và Bắc Mỹ. Công nghiệp phát triển, hàng hóa dồi dào, tăng trưởng nhảy vọt, phương pháp sản xuất không ngừng cải thiện, đời sống con người trong xã hội thay đổi tận gốc rễ, tốt cũng như xấu. Không ai phủ nhận sự đóng góp tích cực của giai đoạn phát triển này vào lịch sử loài người. Nhưng vì đây là bước thử nghiệm đầu tiên của một mô hình còn mới mẻ, nhất là chính phủ các nước phát triển đang còn say sưa với những đổi thay ngoạn mục do nền kinh tế mới tạo ra, cho nên ít có chuyên viên nhà nước nghiên cứu một cách nghiêm túc những hiện tượng tiêu cực ngày càng nhiều trong sự phát triển vũ bão ấy. Trong thực tế, cho đến đầu thế kỷ 20 cũng không có ai đưa ra được những chính sách kinh tế phù hợp để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Trong vòng chưa đầy một trăm năm kể từ 1837, tại Hoa Kỳ đã xảy ra bốn cuộc khủng hoảng lớn làm rung chuyển toàn bộ nền kinh tế quốc dân[43], thậm chí cuộc khủng hoảng năm 1857 kéo theo sự suy thoái kinh tế và xã hội có thể xem là “giọt nước làm tràn ly” gây ra cuộc nội chiến Nam - Bắc kéo dài bốn năm. Các cuộc khủng hoảng lớn nhất đều xuất phát từ Hoa Kỳ, nơi tinh thần cạnh tranh cao nhất và chính sách nhà nước lỏng lẻo nhất trong vai trò kiểm tra và điều phối. Các nước châu Âu cũng không tránh được hậu quả tương tự, cho dù ở một dạng khác và một mức độ khác. Riêng ở Đức, cuộc suy thoái kinh tế kể từ 1873 và kéo dài hơn mười năm đã làm cho nền kinh tế quốc dân suy sụp, xã hội rối loạn và xu hướng chiến tranh có cơ hội phát triển. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929 là cao điểm. Một lần nữa, nó lại xuất phát từ Hoa Kỳ và lần này nhanh chóng lan ra tất cả các nước châu Âu. Câu hỏi ngày càng cấp bách đặt ra cho các nhà kinh tế chính trị: Có cách nào tránh được khủng hoảng kinh tế hay không? Đâu là khâu yếu nhất của kinh tế thị trường, cần có biện pháp điều chỉnh? Giữa tự do cạnh tranh và kinh tế kế hoạch tập trung có một con đường thứ ba hay không? Đặc biệt đối với kinh tế gia Đức, các câu hỏi đó càng cấp bách hơn hết, vì thời gian này Quốc xã Đức dù chưa nắm chính quyền nhưng đã có nhiều hoạt động công khai cổ xúy cho một nền chính trị “mạnh” có tính chất quân phiệt và kỳ thị chủng tộc. Ba nhóm nghiên cứu kinh tế thuộc các trường Đại học Freiburg, Frankfurt và Köln là những nhóm nghiên cứu có hiệu quả nhất. Họ tự đặt cho mình nhiệm vụ kiếm một con đường phù hợp cho Cộng hòa Weimar giải quyết tốt đẹp nền kinh tế quốc dân, qua đó bảo đảm phồn vinh và an ninh xã hội. Kết quả nghiên cứu của họ còn tiếp tục lưu truyền cho đến sau này, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng kinh tế hậu chiến[44]. Về mặt lý thuyết, nhóm nghiên cứu Freiburg đứng đầu là Walter Eucken có đóng góp lớn nhất trong hai thập niên 1930 và 1940. Eucken cùng Franz Böhm, Leonhard Miksch và Hans Grossmann-Dörth thành lập một vòng chuyên gia nghiên cứu sau này có tên là “Trường phái Freiburg”[45]. Trong lĩnh vực nghiên cứu, trường phái này qui tụ nhiều kinh tế gia và luật gia, nhưng trong hoạt động trao đổi tri thức, họ đã lôi cuốn được nhiều ký giả, triết gia và cả nghệ sĩ tạo hình. Thật là một bất ngờ lý thú khi nhiều người như thế với những quan tâm cá nhân khác nhau, lại có quan điểm giống nhau về một trật tự kinh tế mà họ cho là “có hiệu quả hơn và nhân bản hơn”. Hoạt động của họ đã được đúc kết thành một hệ thống lý thuyết kinh tế mà họ gọi là “Con đường thứ ba”. Đến năm 1950, giới nghiên cứu ở Đức và cả thế giới đồng ý dùng thuật ngữ chuyên môn “Tự do trong Trật tự”[46] để nói về cơ sở lý thuyết của trường phái Freiburg[47]. Trước khi đưa ra những luận đề cơ bản, Eucken tạm thời phân chia kinh tế thế giới làm hai giai đoạn để phân tích và phê phán: giai đoạn “tự do thả lỏng” (laissez-faire) kéo dài hơn một thế kỷ và giai đoạn “kinh tế nhà nước tập quyền”, bắt đầu từ thế kỷ 20. Phê phán kinh tế tự do thả lỏng Những doanh nhân hoạt động cùng ngành ít khi gặp nhau, kể cả lúc gặp nhau chỉ để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, mà lại không đề cập đến những thỏa thuận ngấm ngầm nhằm mục đích chi phối dư luận công cộng, để cuối cùng đưa ra những dự thảo về việc tăng giá hàng[48]. (Adam Smith, Thủy tổ của lý thuyết kinh tế quốc dân cổ điển) Hình thái kinh tế tự do thả lỏng (laissez-faire) không đồng nghĩa với một nền kinh tế vô chính phủ, mà ngược lại, thời đó nhà nước có những qui định rất rõ ràng về quyền tư hữu, về bằng sáng chế, về hợp đồng, về thành lập và quản lý xí nghiệp v.v...Nền tự do thả lỏng này “đi từ niềm tin của nhà nước cho rằng, những hình thái chấp nhận được cho một trật tự kinh tế, có thể tự hình thành và phát triển bởi sức mạnh của các thành viên bên dưới, nếu tự do của mọi thành viên được bảo đảm và luật pháp được mọi người tôn trọng”[49]. Sự can thiệp của nhà nước vào quá trình kinh tế chỉ giữ ở mức độ tối thiểu. “Câu hỏi ngày hôm nay về xã hội thực chất là câu hỏi về tự do của con người”. (Giáo sư Walter Eucken) (Tài liệu tham khảo số [23], trang 193) Hình 32: Giáo sư Walter Eucken Sáng lập viên trường phái Freiburg Nguồn: Walter Eucken Institut, Freiburg, Germany Như thế thì đâu là chỗ yếu của kinh tế tự do thả lỏng? Rõ ràng hình thái kinh tế này có những ưu điểm vượt trội và lý thuyết kinh tế này vẫn còn giá trị sau hơn 200 năm. Trừ các nước độc tài, tất cả các nước phát triển khác đều tiếp tục sử dụng những nguyên tắc cơ bản của thời kỳ đó: Tự do con người được tôn trọng, quyền tư hữu – kể cả tư hữu phương tiện sản xuất – được luật pháp thừa nhận và bảo vệ, không ai kể cả nhà nước có quyền can thiệp vào quá trình sản xuất của các đơn vị tư nhân, đối tượng trung tâm cho mọi hoạt động kinh tế là giới tiêu thụ v.v... Eucken không phê phán những nguyên lý ưu việt đó, mà chỉ phê phán hậu quả của chính sách tự do thả lỏng. Một trong những hậu quả lớn thì Adam Smith cũng đã tiên đoán trong tác phẩm gối đầu giường của mọi kinh tế gia “Phồn vinh của quốc gia”[50] phát hành từ thế kỷ 18 về xu hướng câu kết giữa các nhà sản xuất cùng ngành trong việc khống chế giá cả thị trường. Nếu dùng thuật ngữ hiện nay thì đấy chính là những vấn đề về tập đoàn, về liên minh, về độc quyền. Những ai phê phán một cách gay gắt chủ nghĩa tư bản sơ khai, trong chừng mực nào đó, cũng chỉ lặp lại những tiên đoán của bản thân Smith trong tác phẩm nói trên và những luận đề của ông về kinh tế tự do cạnh tranh. Điều quan tâm hàng đầu của Eucken khi phê phán chính sách tự do thả lỏng xuất phát từ nhận thức rằng, tình trạng suy thoái kinh tế tất yếu sẽ kéo theo tình trạng mất cân bằng xã hội, bần cùng hóa dân lao động, tự do của từng cá nhân sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Từ trước tới sau, lý thuyết của Eucken dựa vào nền tảng lý thuyết Adam Smith, xem tự do cạnh tranh là động lực thúc đẩy quá trình sản xuất, xem tự do con người là nhân tố quan trọng của tiến hóa. Tuy thế, nguyên lý tự điều chỉnh của kinh tế tự do căn cứ vào sự điều hòa giữa cung và cầu có vẻ không hữu hiệu trong việc ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế. Trước nguy cơ sụp đổ của xã hội, Eucken ủng hộ sự can thiệp của nhà nước để ngăn ngừa hoặc giảm bớt những tiêu cực có thể phát sinh. Can thiệp thế nào, điều đó sẽ được phân tích sau trong phần Lý thuyết Tự do trong Trật tựtrang 139. Phê phán kinh tế tập quyền đầu thế kỷ 20[51] Ở Đức sau 1936 và Nga sau 1928 hình thành một thực tế lịch sử: Để nâng cao quyền lực chính trị, thành phần lãnh đạo có xu hướng xây nhà máy lớn, đường sắt, xa lộ, nhà máy điện, thành phố v.v... Nhiều khi họ dùng phương pháp điều khiển trung ương để gia tốc đầu tư và qua đó nâng cao uy thế chính trị cũng như ý đồ chiến tranh. Sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ số đông chỉ là chuyện thứ yếu[52]. (Giáo sư Walter Eucken, Sáng lập viên trường phái Freiburg) Trong ba thập niên đầu của thế kỷ 20, khi nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng của chính sách tự do thả lỏng, một loạt các chính sách mới về kinh tế được đem ra áp dụng trong hầu hết các nước phát triển: Anh, Pháp, Ý, Hà Lan, Đức, Nga, Hoa Kỳ v.v... Eucken gọi giai đoạn này một cách chính xác: Đấy không phải là sự thay đổi hay cách mạng, mà là những cuộc thử nghiệm lớn trên bình diện quốc gia. Mỗi nước tiến hành sự thay đổi với một mức độ khác nhau, thử nghiệm một mô hình khác nhau, nhưng không phải là một mô hình được phác thảo trên bàn giấy, mà mỗi chính sách có tầm ảnh hưởng lên hàng chục triệu con người trong nước đó. Chúng ta thử lấy hai nước làm tiêu biểu trong ba giai đoạn sau đây. Phê phán kinh tế kế hoạch tại Nga sau 1917 Đây là cuộc thử nghiệm táo bạo nhất loài người, nó xảy ra trên một vùng đất rộng hơn 15 triệu cây số vuông, với số phận của hàng trăm triệu con người gắn liền với cuộc thử nghiệm đó. Eucken nhận xét[53]: “Khi Lenin viết cuốn ‘Nhà nước và cách mạng’, ông chưa có một hình dung cụ thể về các vấn đề hạch toán kinh tế, cũng như những khó khăn sẽ gặp phải trong việc điều khiển trung ương quá trình phát triển của một nền kinh tế quốc dân hiện đại. Giải pháp của Lenin là ‘tổ chức toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo mô hình kiểu mẫu của bưu điện’. Khi cuộc cách mạng thành công, Lenin phải đối đầu với những câu hỏi trung tâm của kinh tế, và kêu gọi – trong những nhiệm vụ sắp tới của Xô viết từ 1919 – về một ‘hạch toán xã hội’[54] và gọi ‘hạch toán và kiểm toán’ là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Cũng không có gì ngạc nhiên về kết quả của cuộc thử nghiệm táo bạo đó: Nếu xây nhà không cần bản vẽ – giống cách làm của nông dân – thì nhà cũng có thể xong nhưng không đứng vững được lâu. Bảy mươi năm thì cũng kể là dài. Nếu không có cuộc Thế chiến thứ hai để cho Stalin trở thành người hùng của Xô viết, thì có lẽ chủ nghĩa xã hội đã tan rã sớm hơn, và các nước Đông Âu đã không mất 45 năm tụt hậu như bây giờ. Nhiều nước trong khối Đông Âu cho đến thế kỷ 21 vẫn còn sống trong tình trạng nghèo khó của một loại “công dân hạng hai” trong cộng đồng châu Âu. Đã có nhiều tác phẩm có giá trị phân tích chính sách kinh tế của Liên Xô, cho nên chúng tôi không trình bày thêm mà chỉ xin lặp lại một kết luận: Cuộc thử nghiệm này đã chứng tỏ mô hình kinh tế của Liên Xô lúc ấy không còn phù hợp cho sự tiến hóa của loài người trong thời đại mới. Phê phán kinh tế kế hoạch từng phần của Cộng hòa Weimar[55] Cộng hòa Weimar là giai đoạn khá đặc biệt của lịch sử Đức, chỉ kéo dài 14 năm từ 1919 đến 1933. Đó là cuộc thử nghiệm lần thứ hai[56] về chế độ dân chủ nghị viện mà cuối cùng phải sụp đổ nhường chỗ cho giai đoạn đen tối với Quốc xã Hitler. Weimar cũng là cuộc thử nghiệm đầu tiên về cải cách kinh tế, vừa mang tính chất tự do cạnh tranh, cũng vừa là kinh tế do nhà nước điều khiển. Cuộc thử nghiệm này cuối cùng cũng thất bại. Sau Thế chiến thứ nhất, nền kinh tế chiến tranh – tất nhiên là tập quyền nhà nước – cũng chấm dứt nhường chỗ cho kinh tế tự do, nhưng với những thay đổi sâu đậm bằng những thử nghiệm mới và cực đoan. Cuộc Thế chiến thứ nhất đã để lại cho nước Đức một nền kinh tế kiệt quệ, một xã hội rối loạn, các phe cánh chính trị tranh nhau gây ảnh hưởng trong dân chúng, lính tráng từ chiến trường trở về làm loạn, an ninh không còn bảo đảm, thanh toán, thủ tiêu xảy ra như chuyện bình thường hàng ngày. Trong bối cảnh đó, chế độ quân chủ bị sụp đổ, vua Wilhelm II thoái vị và trốn sang Hà Lan, Cộng hòa Weimar được thành hình với cơ cấu nghị viện mới. Lực lượng dân chủ xã hội phát triển ảnh hưởng của mình trong xã hội một cách nhanh chóng. Cuộc bầu cử ngày 19.1.1919 đã mang về cho Đảng Xã hội (SPD) một số phiếu đáng kể là 37,4%[57]. SPD liên minh với hai Đảng Dân chủ vả Đảng Trung tâm (DZP) để lên nắm chính quyền trong nền cộng hòa đầu tiên. Lãnh đạo Đảng SPD, Friedrich Ebert cũng như Ausgust Bebel trước đó không phải là những người cộng sản, họ muốn xây dựng một nền dân chủ nghị viện chứ không chấp nhận chuyên chính vô sản, nhưng về mặt chính sách kinh tế thì họ cũng bị ảnh hưởng không ít vào lý thuyết của Karl Marx, thậm chí trong cương lĩnh hành động đưa ra từ đại hội Đảng tại Görlitz vào năm 1921, khái niệm đấu tranh giai cấp được ghi thành văn bản. Khi vừa nắm quyền, họ tiến hành một cuộc thử nghiệm mới về kinh tế kế hoạch nhà nước từng phần, được thực hiện trong một chính thể dân chủ nghị viện của Đức. Sau khi tiến hành cải tổ tiền tệ năm 1923-1924 và nhất là khi nhận được tín dụng từ Hoa Kỳ, nền kinh tế có vẻ từng bước được phục hồi, nhưng kéo dài không lâu. Cuộc đại khủng hoảng năm 1929 đã phá hủy tất cả thành quả non yếu vừa đạt được. Hình 33: Weimar, gần thủ phủ Erfurt thuộc tiểu bang Thüringen Nguồn: Fotolia, ID #52781466 Cuộc thử nghiệm của Cộng hòa Weimar không những không giải quyết được những vấn đề cấp bách của thời hậu chiến, mà nó còn làm cho việc sản xuất chậm lại, phí tổn sản xuất không được tính toán cẩn thận trên cơ sở giá cả cạnh tranh trên thị trường, cho nên nhà nước dần dần cạn vốn, sản xuất công nghiệp các ngành khác cũng ảnh hưởng theo, thực phẩm và hàng tiêu dùng không đáp ứng được nhu cầu giới tiêu thụ. Thêm vào đó, thỏa ước Versailles năm 1919 do các nước thắng trận quyết định đã làm tình hình càng căng thẳng hơn. Thỏa ước này ép buộc Đức phải bồi thường chiến tranh với những con số khổng lồ lên đến 132 tỉ Mác vàng (Goldmark)[58] kèm thêm những ràng buộc về kiểm soát đến tận những đơn vị kinh tế thấp nhất tại địa phương. Sự tin tưởng của thị trường thế giới đối với kinh tế nước Đức giảm sút nặng nề, từ đó đồng tiền mất giá, tiền lời của trái phiếu và tín dụng ngoại tệ tăng vọt, lạm phát gia tăng. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1930 kéo tất cả các nước châu Âu xuống, thương mại thế giới không hoạt động được, đầu tư ngoại quốc sụp đổ, cho nên việc cung ứng nhu cầu nội địa cũng không hoạt động được, mọi cố gắng phục hồi kinh tế của nền cộng hòa non trẻ trong những năm qua trở thành công dã tràng xe cát. Sản xuất giảm sút, nạn thất nghiệp tăng nhanh, cho đến năm 1933, hơn sáu triệu người thất nghiệp toàn phần, số người thất nghiệp bán phần (làm ít giờ – Kurzarbeit) cũng không ít hơn. Nếu so sánh với 60 triệu dân thì có thể hình dung cứ mỗi hộ gia đình có ít nhất một người thất nghiệp. Trong bối cảnh đen tối đó, sự sụp đổ của Cộng hòa Weimar là một tất yếu lịch sử khó tránh được. Phê phán kinh tế Quốc xã[59] Nếu chúng ta để ý rằng, trễ nhất là sau năm 1936, toàn bộ chính sách ngoại thương Quốc xã đều hướng đến một cuộc chiến tranh xâm lược, thì chúng ta cũng khỏi cần tranh luận thêm: Hậu quả kinh tế đối với các nước Đông Nam châu Âu trong thời gian chiến tranh sẽ vô cùng thảm khốc[60]. (Nikolaus Wolf, Giáo sư kinh tế Đại học Tự do (FU) Berlin) Tình hình thảm hại của Cộng hòa Weimar đã làm cho Đảng Quốc xã của Hitler thắng thế trong cuộc bầu cử 1930 và đến năm 1933, Hitler đoạt luôn chức Thủ tướng liên bang. Giai đoạn đen tối nhất của dân tộc Đức bắt đầu từ đây. Ngay từ lúc mới nắm quyền, Quốc xã đã thực hiện những chính sách rất cực đoan, về lâu dài để phục vụ nhu cầu chiến tranh trong ý đồ bành trướng “không gian sống” (Lebensraum). Trước mắt, với tình trạng thất nghiệp hơn 20% (thất nghiệp toàn phần, chưa kể số người làm ít giờ), chính quyền Quốc xã đưa ra một loạt các đạo luật cấp thời: luật tạo công ăn việc làm, luật xây dựng xa lộ, luật trợ cấp tu sửa nhà cửa, luật giảm thuế khi xây nhà mới, luật thành lập xí nghiệp nhỏ v.v... Để thực hiện chương trình giảm nạn thất nghiệp, chính quyền Quốc xã đã chi ra 5 tỉ Mác cho hai năm 1933 và 1934, tương đương với 4% tổng sản lượng quốc dân[61]. Chương trình này đã giảm hơn một triệu người thất nghiệp trong hai năm đầu, một kết quả ngoạn mục. Tiếp đó một loạt dự án lớn được tiến hành trong ba năm sau: mở mang hệ thống xa lộ, đường sắt, đường thủy, xây công trình công cộng, phát triển công nghiệp xây cất, sản xuất nguyên liệu, hóa chất, xăng dầu tổng hợp, sản xuất than và khoáng sản khác, kỹ nghệ xe hơi, đóng tàu, máy bay v.v... Ngoài ra quân đội phát triển từ 100.000 lên đến một triệu quân. Chi phí quân sự năm 1936 lên đến 11 tỉ Mác, so với 2 tỉ năm 1933, 5 tỉ năm 1934 và 5 tỉ năm 1935[62]. Các dự án lớn này đã làm cho nạn thất nghiệp giảm từ 20% năm 1933 xuống còn 5,7% năm 1936 và hoàn toàn được xóa sạch năm 1937, an ninh xã hội được ổn định và uy tín của chế độ Quốc xã được củng cố vững chắc. Nhờ những nỗ lực kinh tế đó, Đức đã thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng thập niên 1930 sớm nhất so với các nước khác ở châu Âu, cho nên cũng có người gọi đó là thần kỳ kinh tế Quốc xã. Tuy thế, đằng sau sự thần kỳ và những con số ngoạn mục đó là những vấn đề trầm trọng hơn nhiều sẽ xuất hiện qua thời gian. Sự phát triển kinh tế nội địa có thể che giấu nạn lạm phát và nợ nần của nhà nước một thời gian ngắn mà thôi. Kinh tế quốc dân thực chất không đủ tiềm lực để trang trải những dự án khổng lồ đó. Với chính sách tín dụng liều lĩnh, mầm mống đổ vỡ tiền tệ đã đâm chồi từ đầu và sẽ xuất hiện sau một thời gian ngắn. Eucken viết: “Nền kinh tế Đức sau 1933 dựa vào sự bùng nổ tín dụng trên cơ sở giữ vững hối suất ngoại tệ. Hậu quả tất yếu là sự can thiệp của bộ máy quản lý trung ương, tiếp đến là chế độ định giá [giả tạo] và cuối cùng dẫn đến những phương pháp kinh tế điều khiển trung ương”[63]. Giải pháp tất yếu của Quốc xã là giải quyết sự đổ vỡ tài chính bằng vay mượn hoặc cướp đoạt từ bên ngoài. Chiến tranh là phương tiện tất yếu để đạt được mục đích. Lý thuyết Tự do trong Trật tự Đối với những người theo chủ thuyết Tự do trong Trật tự, vai trò và trách nhiệm của nhà nước phải được qui định và hạn chế rõ ràng để nhà nước có thể hoàn thành một cách hữu hiệu vai trò và trách nhiệm của họ. Ý nghĩa đích thực của thuật ngữ ”nhà nước mạnh” phải được hiểu trong bối cảnh đó. Ngược với một ”nhà nước toàn trị”, nhà nước mạnh không phải là cứu cánh của chính nó, mà chỉ là phương tiện được giới hạn rất hẹp dùng để hoàn thành một trật tự kinh tế nhân bản và hữu hiệu. Nhà nước không phải là công cụ của tư nhân, nó là nhân tố để bảo đảm trật tự và cạnh tranh lành mạnh[64]. (Giáo sư Nils Goldschmidt, Viện nghiên cứu Walter Eucken, Freiburg ) Trong lúc quan sát và phê phán các hình thái kinh tế của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như đã đề cập ở trên, Eucken tìm thấy sự liên hệ mật thiết giữa “quyền lực – mất tự do – nghèo đói”. Trong nền kinh tế tự do thả lỏng, quyền lực kinh tế được hình thành khi một hoặc vài tập đoàn khống chế thị trường qua vị trí độc quyền của mình. Đối với nền kinh tế kế hoạch, quyền lực được hình thành bằng cách khác và mức độ ảnh hưởng cũng cao hơn. Nó cần một bộ máy trung ương tập quyền để có thể thực hiện các chính sách kinh tế và điều đó tất yếu xảy ra độc tài. Eucken từ chối cả hai nền kinh tế đó vì quyền lực sẽ tập trung trong tay một thiểu số có khả năng khống chế trên số đông còn lại và đấy là mầm mống của bất công xã hội. Nền tảng tư tưởng của lý thuyết Tự do trong Trật tự là, thông qua trật tự cạnh tranh và trật tự tiền tệ được bảo vệ bởi nhà nước, trị giá tiền tệ được ổn định, trật tự kinh tế được thiết lập qua đó hiệu quả kinh tế được nâng cao, công ăn việc làm đầy đủ và dẫn đến sự phân phối lợi tức hợp lý phù hợp với năng suất. Cũng không phải là điều cuối cùng, nó còn bảo đảm tự do cho mỗi cá nhân trong xã hội1. (Giáo sư kinh tế Heinz Lampert) Hình 34: Giáo sư Hans Grossmann-Dörth Đồng sáng lập viên Trường phái Freiburg Nguồn: Walter Eucken Institut, Freiburg, Germany. Vậy thì đâu là con đường mà Eucken đề nghị? Eucken trước sau vẫn đứng trên nền tảng thị trường tự do, nhưng đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước. Sự can thiệp này không thể là sự can thiệp toàn trị giống mô hình Liên Xô hay Đức Quốc xã, cũng không giống sự can thiệp từng phần trong một số ngành chọn lựa nào đó giống như thử nghiệm của Cộng hòa Weimar. Eucken không phân biệt ngành nào là quan trọng mà nhà nước cần can thiệp và ngành nào dành cho tư nhân được tự do kinh doanh. Đối với Eucken, tất cả mọi ngành đều quan trọng, cần có sự can thiệp, nhưng nhà nước phải biết can thiệp cái gì và phải để cái gì được tự do. Nói cách khác, học thuyết Kinh tế Tự do trong Trật tự lấy nguyên lý cơ bản “Hoạt động của nhà nước khi đưa ra chính sách kinh tế phải hướng tới việc phác thảo những khung trật tự kinh tế, chứ không phải ảnh hưởng lên quá trình hoạt động kinh tế[65]”. Đấy là tư tưởng chủ đạo của học thuyết Tự do trong Trật tự. Walter Eucken cho rằng, mọi chính sách kinh tế cần dựa trên nguyên lý đó làm nền tảng. Ông đề nghị 11 nguyên tắc căn bản để nhà nước đưa ra chính sách kinh tế phù hợp[66]. Chúng ta thử làm một đồ họa tóm tắt: Hình 35: Những nguyên tắc căn bản của Kinh tế Tự do trong Trật tự Trong một nền kinh tế đang phát triển, nếu nhà nước tuân theo những nguyên tắc căn bản đó thì chúng ta cũng có thể dự đoán được kết quả của nó: Tự do con người được tôn trọng, thị trường kinh tế được mở ngỏ cho mỗi thành viên, phồn vinh đạt được sẽ phân phối một cách tương đối hợp lý cho mọi người và đấy chính là sự bảo đảm cho công bằng và an ninh xã hội. Trong các nguyên tắc căn bản diễn tả trên đồ họa, bảy nguyên tắc dưới cùng thuộc tầng (2) và (3), là nền tảng và mang tính chất kiến tạo[67]. Trong bảy nguyên tắc đó, việc hình thành một hệ thống giá cả lành mạnh (tầng 3) mang yếu tố quyết định để bảo đảm cho mọi thành viên khả năng tiếp cận thị trường theo ý mình mong muốn, giá cả được điều phối bởi tương quan tự nhiên giữa cung và cầu trên thị trường. Sáu nguyên tắc ở tầng (2) là công cụ tác động lên hệ thống giá cả lành mạnh. Các công cụ này chủ yếu là khung luật pháp, các qui định và những biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước. Nguyên tắc quan trọng hàng đầu ở tầng (2) làquyền tư hữu, kể cả quyền tư hữu tư liệu sản xuất. Nó cũng là một trong những tiền đề để bảo đảm trật tự cạnh tranh trên thị trường[68]. Một nguyên tắc quan trọng khác là thị trường mở, trong đó mọi thành viên của nền kinh tế có thể tham gia một cách bình đẳng vào mọi hoạt động mà không sợ bị khống chế bởi quyền lực nhà nước hay bởi sự chèn ép của những thế lực kinh tế độc quyền. Để xử lý các trường hợp bất bình thường có thể xảy ra trong nền kinh tế, bốn nguyên tắc trên cùng ở tầng (1) có tính cách hỗ trợ, nó mang tính chất điều phối[69] và cần được cụ thể hóa thành những đạo luật bổ sung cũng như cần những cơ quan độc lập có nhiệm vụ điều phối các hoạt động và thay mặt nhà nước trước luật pháp. Quan trọng hàng đầu trong bốn nguyên tắc điều phối ở tầng (1) là chính sách hạn chế độc quyền, trên cơ sở đó thị trường mở được bảo đảm và giá cả lành mạnh mới có điều kiện hoạt động hữu hiệu. Bên cạnh đó, chính sách lợi tức và xã hội là những công cụ quan trọng để bảo đảm sự phân phối phồn vinh cho mọi người và từ đó nâng cao công bằng và an ninh xã hội. Nếu tất cả bảy nguyên tắc kiến tạo được thực hiện một cách trọn vẹn thì chúng ta có thể chờ đợi các mục đích đặt ra về công bằng xã hội có thể đạt được. Cũng cần lưu ý về nguyên tắc “trách nhiệm” ở trên. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi thành viên trong nền kinh tế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hoạt động của mình, cho nên Eucken phê phán hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, với lập luận cho rằng “khi người đại diện trên mặt luật pháp (giám đốc) chịu trách nhiệm một mình trong lúc người chủ (người bỏ vốn) thì quyết định những vấn đề hệ trọng nhất, thì nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn không phù hợp với trật tự cạnh tranh”[70]. Eucken cho rằng, nó không giải quyết triệt để những vấn đề tồi tệ do công ty gây ra, cho nên ông đòi hỏi “nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn chỉ được phép áp dụng trong những công ty trong đó người bỏ vốn không có quyền hoặc bị hạn chế quyền điều hành công ty”. Đấy là sự tranh cãi mà cuối cùng nguyên tắc đó chỉ được thực hiện một phần trong luật công ty cho đến tận bây giờ. Thực tế về những “phá sản” giả tạo mang tính chất lừa bịp chúng ta thường gặp cho thấy là Eucken hoàn toàn có lý, ít ra là về mặt xã hội. Nói tóm lại, những thành viên sáng lập trường phái Freiburg tự nhận rằng lý thuyết kinh tế họ đưa ra là con đường thứ ba, con đường trung dung giữa một bên là chủ nghĩa tư bản sơ khai với tự do thả lỏng và tình trạng vô chính phủ trong thị trường, và bên kia là chính sách kinh tế kế hoạch nhà nước theo mô hình Liên Xô, mà trường phái Freiburg đã tiên đoán từ thập niên 1930 rằng nó sẽ chấm dứt bằng một sự sụp đổ thảm hại của nền kinh tế quốc dân. Nền tảng để xây đắp con đường thứ ba đó là hệ thống luật pháp chặt chẽ dựa vào tư tưởng chủ đạo của 11 luận đề cơ bản ở trên. Cũng trên con đường thứ ba đó mà các chuyên gia sau này bổ sung và cụ thể hóa các lý thuyết thành chính sách, hay nói đúng hơn thành hệ thống Kinh tế Thị trường Xã hội giúp cho nước Đức tạo nên thần kỳ kinh tế vươn lên khỏi đống tro tàn do chiến tranh để lại. Alfred Müller-Armack và Kinh tế Thị trường Xã hội[71] Sự phát triển chính trị tại châu Âu kể từ 1945 đã chứng tỏ một điều: Chương trình Kinh tế Thị trường Xã hội đã được thử nghiệm trong thực tế. Cuộc phục hưng kinh tế có một không hai được hoàn tất tại Tây Đức trong thời hậu chiến không thể nào xảy ra được nếu không dựa vào nền tảng của khái niệm Kinh tế Thị trường Xã hội[72]. (Tiến sĩ Matthias Wissmann, cựu Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ) Trên con đường nghiên cứu chính sách kinh tế phù hợp cho thời đại mới, Müller-Armack muốn làm rõ “khái niệm tổng hợp giữa khung trật tự kinh tế thị trường và những nhân tố cần thiết mang tính xã hội. Đối với ông, tư tưởng này nhắm tới sự hình thành một trật tự kinh tế để phục vụ cho tự do con người, trong đó mỗi cá nhân hoàn toàn tự do định đoạt về chính mình và hành động của mình. Đồng thời tư tưởng này cũng mở ngỏ cho nhà nước khả năng điều khiển để tạo ra công bằng và ổn định xã hội”.[73] Müller-Armack cho rằng, xây dựng một nền kinh tế lành mạnh phải hướng tới ba mục đích lớn: Mục đích đầu tiên là phục vụ tự do con người. Đó phải là một nền tự do toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng không phải là tự do bừa bãi. Khi nào tự do của một thành viên có thể hạn chế tự do của thành viên khác thì nhà nước phải can thiệp và tiên liệu để ngăn ngừa và điều phối. Ngoài những quyền tự do căn bản như chúng ta đã biết trong một xã hội dân chủ, khái niệm tự do này có ý nghĩa rộng hơn trong lĩnh vực kinh tế: tự do buôn bán bình đẳng với mọi người mà không sợ bị độc quyền cạnh tranh, tự do chọn lựa nghề nghiệp mà không sợ bị thị trường lao động chèn ép, tự do sở hữu tư liệu sản xuất để có thể nghiên cứu, phát triển và kinh doanh những gì mình mong muốn v.v... Tuy nhiên tâm lý con người thường đi quá tự do được phép và nhiều khi làm những chuyện xấu xa, cho nên nhà nước phải đủ mạnh để ngăn ngừa hạn chế theo tinh thần “tự do càng nhiều càng tốt, hạn chế chỉ ít đến mức cần thiết”. Mục đích thứ hai là công bằng và an ninh xã hội. Khái niệm công bằng cần hiểu một cách chính xác. Công bằng không có nghĩa là mọi người đều được hưởng như nhau, được chia bằng nhau, mà mỗi người có quyền hưởng một cách tương xứng những gì họ đã tạo ra qua lao động tay chân hoặc trí óc. Những điều họ hưởng qua lao động phải đủ cao để cho họ và gia đình họ có một cuộc sống ấm no. Ngoài ra, nếu nền kinh tế không tạo được công ăn việc làm cho mọi người, nhà nước phải giải quyết sự phân phối lợi tức quốc gia một cách hợp lý để cho những người không có điều kiện làm việc cũng hưởng được phương tiện sinh sống tối thiểu để có một cuộc sống đầy đủ nhân phẩm[74]. Sau này, Ludwig Erhard gọi chính sách phân phối lợi tức ấy là một bộ phận quan trọng của chính sách “phồn vinh cho mọi người”.[75] Mục đích thứ ba là hòa hợp giữa mọi xu hướng xã hội. Trong giai đoạn lịch sử sau chiến tranh, có bốn trào lưu xã hội lớn ở Đức: giáo dục xã hội của Thiên Chúa giáo, tinh thần xã hội của Tin Lành, nhân tố xã hội trong lý thuyết Xã hội chủ nghĩa và trào lưu tự do xã hội[76]. Theo Müller-Armack, cả bốn trào lưu này đều có những tinh hoa đáng cổ vũ và mỗi người trong xã hội đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của một trong bốn trào lưu này. Chính sách kinh tế đưa ra cần đạt được một thỏa hiệp cho mọi trào lưu kể trên, làm cho mọi người đều có thể an tâm tham gia vào đời sống xã hội, cũng như tự hào về những thành quả mà mình đã cống hiến. Nếu so sánh tư tưởng của ba nhân vật chủ chốt Walter Eucken, Alfred Müller-Armack và Ludwig Erhard thì chúng ta thấy rằng, sự khác nhau – dù rất khó nhận ra – chỉ nằm ở hai mục đích sau. Cả ba người đều là những hậu bối trung thành của Adam Smith, nhưng họ từ chối nền kinh tế tự do thả lỏng, vì những hậu quả tai hại của nó lên nền kinh tế quốc dân, nó không tạo được công bằng xã hội cũng như làm cho tự do của một thành phần đông đảo bị khống chế bởi một thiểu số nắm quyền lực kinh tế trong tay. Mặt khác, cả ba người này đều từ chối kinh tế kế hoạch nhà nước theo mô hình Liên Xô cũng như kinh tế tập quyền nhà nước của Quốc xã. Họ cho rằng cả hai mô hình này đều tất yếu sẽ dẫn tới độc tài, kinh tế thoái hóa và tự do con người không được bảo đảm. Hơn thế nữa, khi chế độ độc tài trở thành độc tài cá nhân thì mọi sai lầm có thể xảy ra, nguy cơ chiến tranh là hậu quả tất yếu. Việc tạo ra một trật tự kinh tế trong đó tự do con người được bảo đảm và nhân phẩm con người được tôn trọng là một nhiệm vụ xã hội mà mọi thành viên của nền kinh tế phải hoàn thành. (Giáo sư Alfred Müller-Armack) Hình 36: Alfred Müller-Armack Nguồn: Bundesarchiv, B145 Bild-F011913-0003 / Patzek, Renate / CC-BY-SA 3.0 Về mục đích thứ nhất là tự do, cả ba đều có chung tư tưởng xem đó là mục đích hàng đầu cũng như rất thống nhất về chính sách kinh tế và phương pháp thực hiện để phục vụ cho tự do con người, trong đó khuôn khổ về tự do cạnh tranh[77]là công cụ quan trọng nhất làm nền tảng cho mọi chính sách kinh tế. Một bộ luật hoàn chỉnh về tự do cạnh tranh phải giải quyết tận gốc các vấn đề về hạn chế độc quyền, hạn chế và giám sát liên minh, giám sát các thương vụ mua bán xí nghiệp, giám sát việc liên minh xí nghiệp, khuyến khích phát triển trung lưu, tự do hợp đồng, tự do hợp tác sản xuất, nghĩa vụ công bố tin tức, chính sách chọn lựa đối tác cho các hợp đồng nhà nước v.v... Chính nhờ sự nhất trí về tư tưởng cũng như hành động từ ba cách nhìn khác nhau của ba xu hướng quan trọng ở trên mà “bộ luật chống hạn chế cạnh tranh”[78] của CHLB Đức có một giá trị đặc biệt. Bộ luật này được những chuyên gia kinh tế xem như là “Hiến pháp của nền Kinh tế Thị trường Xã hội” và xem đó như kim chỉ nam cho những đạo luật khác về kinh tế cũng như xã hội trong những thập niên sau. Về mục đích thứ hai, công bằng xã hội, cả ba người đều có tư tưởng giống nhau, mặc dù mỗi người có một cách chọn con đường khác nhau. Ludwig Erhard, nhà chính khách có viễn kiến sâu xa thì cho rằng khi phồn vinh đã đạt được thông qua hoạt động kinh tế một cách hoàn toàn tự do, thì công bằng và an ninh xã hội tất yếu sẽ được thiết lập nếu mọi thành viên trong xã hội hành động trong khuôn khổ luật pháp. Không cần đặt ra những đạo luật xã hội, mà nhà nước chỉ làm vai trò giám sát để khi cần thì đưa ra những quyết định nhất thời để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Walter Eucken, lý thuyết gia, thì chú ý đặc biệt về tác dụng hỗ tương giữa phồn vinh [cũng như nghèo đói], an ninh xã hội và tự do cá nhân, vì thế ông cho rằng nhà nước cần tạo ra những khung luật pháp phù hợp để lợi tức đạt được trong nền kinh tế quốc dân được phân phối một cách hợp lý và tránh sự chênh lệch quá lớn làm nảy sinh tình trạng căng thẳng giữa các thành viên trong xã hội. Müller-Armack tuy là lý thuyết gia nhưng có đầu óc thực tiễn và có nhiều kinh nghiệm trong vai trò cố vấn quản lý kinh tế ở các cơ quan nhà nước, cho nên cách giải quyết cũng thực tiễn hơn. Là lý thuyết gia, nhà tổ chức và cũng là chiến lược gia kinh tế, ông cho rằng giữa thị trường tự do và bảo đảm xã hội luôn luôn có một sự căng thẳng nào đó, cho nên nhà nước phải mạnh và luật pháp phải công minh thì phồn vinh mới đi đôi với công bằng và an ninh xã hội. Ngoài ra ông còn mang viễn kiến hòa hợp các xu hướng xã hội khác nhau, cho nên ngoài chính sách phân chia lợi tức như Eucken chủ trương, Müller-Armack còn phác họa một loạt chính sách khác để vừa giải quyết đồng bộ vấn đề phân chia lợi tức, đồng thời tạo được những thỏa hiệp giữa các thành viên trong nền sản xuất, cũng như thỏa hiệp giữa các xu hướng khác nhau về xã hội. Để so sánh sự khác nhau rất tinh tế giữa lý thuyết Tự do trong Trật tự của Walter Eucken và Kinh tế Thị trường Xã hội của Alfred Müller-Armack, giáo sư Viktor J. Vanberg làm một tổng kết ngắn: “Theo trường phái Freiburg, trật tự thị trường [hướng đến] vốn là một trật tự cạnh tranh không thiên vị và không kỳ thị cho nên tự bản thân nó là một trật tự có đạo đức. Khi nhu cầu bảo đảm xã hội cần được chú ý thì trường phái Freiburg cho rằng trật tự thị trường cạnh tranh có thể và nên kết hợp với hệ thống bảo đảm lợi tức tối thiểu cho những thành viên mà tạm thời hoặc thường trực không thể kiếm được lợi tức để sinh sống bằng năng lực thực sự của chính họ [...]. Ngược lại, Müller-Armack xem trật tự thị trường [hướng đến] là một trật tự hữu hiệu nhất về mặt kinh tế, chứ không chỉ mang tính chất đạo đức. [Trật tự thị trường] Đó là một công cụ kỹ thuật mà xã hội có thể dùng để tạo ra phồn vinh, chứ không làm cho bản thân nó thành một xã hội ‘hàng hóa’. Phải sử dụng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách ‘xã hội’ để làm cho nó mang tính ‘đạo đức’. Điểm nổi bật trong trường hợp Müller-Armack là, những ‘chính sách xã hội’ hỗ trợ này đã giúp cho kinh tế thị trường tự nó không làm giảm giá trị đạo đức bên cạnh tính hiệu quả kinh tế, như đòi hỏi của trường phái Freiburg rằng, mọi chính sách không được mâu thuẫn với bản chất không thiên vị của luật chơi trong thị trường”[79]. Nhận xét của Vanberg phần nào làm rõ nét sự khác nhau và bổ sung lẫn nhau giữa hai con người: một bên là nghiên cứu hàn lâm, bên kia là thực tiễn hành động. Phác thảo đầu tiên năm 1947-1948 rút từ kết quả nghiên cứu được Müller-Armack trình bày một cách có hệ thống trong tác phẩm “Điều khiển kinh tế và kinh tế thị trường” phát hành năm 1947 bao gồm những chính sách sau đây[80]: Chính sách bảo vệ tự do cạnh tranh Chính sách giá cả Về việc thiết lập cấu trúc kinh tế Chính sách xã hội Trật tự về công nghiệp xây cất và gia cư Về việc tác động lên cấu trúc xí nghiệp Chính sách ngoại thương Chính sách tiền tệ và tín dụng Chính sách chu kỳ kinh tế Ảnh hưởng của những chính sách đó lên xã hội rất rõ khi chúng ta quan sát các cuộc đình công tại Đức trong mấy thập niên qua. Chúng ta thấy là mỗi năm đều có ít nhất vài cuộc đình công, chủ ý là đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Ngôn từ thì nhiều lúc rất quyết liệt, nhưng cuối cùng hai bên thường đạt một thỏa hiệp vừa phải, và chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một cuộc đình công “một mất một còn” làm tê liệt hoạt động kinh tế giống như chúng ta đã chứng kiến tại Anh dưới thời Margaret Thatcher, hoặc ở Pháp và Ý trong ba thập niên qua. Kết quả này một phần nào nhờ tinh thần hòa hợp xã hội mà Müller Armack và Ludwig Erhard đã lồng vào các đạo luật kinh tế trong những năm 50. Khuôn khổ luật pháp đó là tiền đề có khả năng khuyến khích và ràng buộc các thành viên đấu tranh trong tinh thần dân chủ và thỏa hiệp, thay vì đấu tranh để triệt hạ nhau. Một trong những đạo luật quan trọng để thúc đẩy quan hệ ôn hòa giữa giới tư bản và người làm công là “Hiến pháp xí nghiệp”[81], trong đó quyền lợi của người làm công trong quan hệ lao động với chủ cũng như trong quan hệ tổ chức với xí nghiệp được qui định rõ, đồng thời những điều khoản liên quan đến nghiệp đoàn một mặt thừa nhận quyền đình công, mặt khác qui định khuôn khổ đấu tranh để tạo tiền đề cho những giải pháp ôn hòa khi có tranh chấp. Bên cạnh Hiến pháp xí nghiệp, một loạt các đạo luật xã hội được thiết lập trong thập niên 1950 đã làm cho công bằng và an ninh xã hội được bảo đảm hơn, thí dụ như luật lao động, cải tổ luật hưu trí tuy ban đầu sinh ra những tranh cãi rất gay gắt giữa các xu hướng chính trị cũng như giữa các thành viên kinh tế, nhưng cuối cùng những đạo luật xã hội đó được thông qua và đã tạo ra một nền móng vững chắc cho việc phân phối phồn vinh cho mọi thành phần xã hội, nói khác đi: Phồn vinh cho mọi người, kể cả phồn vinh cho những người không kiếm được công ăn việc làm và những người đã hưu trí. Tưởng cũng cần nói thêm rằng, Müller-Armack xem Kinh tế Thị trường Xã hội là một hệ thống mở, nó không phải là một thực thể tĩnh, đứng yên, làm một lần là giải quyết cả vài chục năm, mà từng thời kỳ nhà nước cần có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với môi trường kinh tế trong thời kỳ đó như nhận xét sau đây: “[Kinh tế Thị trường Xã hội] thiết lập một xã hội mở rộng chứ không đóng kín, cũng không tĩnh tại. Nó không làm công chuyện dần dần lấp đầy lỗ trống bằng những biện pháp cần thiết để tiến đến mục đích đưa ra từ đầu, mà hơn thế nó luôn luôn tìm lời giải cho nhu cầu mới, vấn đề mới, mâu thuẫn mới”[82]. Phác thảo đầu tiên được đề xuất năm 1947-1948, trên cơ sở đó Ludwig Erhard soạn những luận đề quan trọng để chuẩn bị cho cuộc tranh cử đầu tiên năm 1949. Phác thảo thứ hai được cải thiện năm 1950 khi CHLB Đức đã được thành lập, dựa vào phác thảo trước có thêm vài điều chỉnh để chuẩn bị cho các đạo luật kinh tế và xã hội mà Quốc hội sẽ thảo luận và phê chuẩn trong thập niên 1950. Phác thảo thứ ba năm 1960 có thể xem là một một phác thảo mới trong tình hình mới mà Müller-Armack gọi là “giai đoạn hai của Kinh tế Thị trường Xã hội”. Nói tóm lại, trong thời hậu chiến, Alfred Müller-Armack đã hoàn tất những phác thảo đầu tiên tương đối đầy đủ về chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội, trên cơ sở đó Ludwig Erhard đã lãnh đạo kinh tế Đức đạt những thành công kỳ diệu suốt mấy thập niên sau. Ludwig Erhard – Người thuyền trưởng[83] Là một chính trị gia kinh tế, có lẽ Erhard đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất lên số phận Tây Đức và cũng như số phận nước Đức thống nhất so với những đồng nghiệp chính trị của ông. Ở đây, nơi mà quốc gia Đức luôn luôn tự khẳng định chính mình: lĩnh vực kinh tế, Erhard vẫn tồn tại như một nhân vật vĩ đại của lịch sử[84]. (Tiến sĩ Claus von Dohnanyi, Cựu Thủ hiến Tiểu bang Hamburg) Lịch sử kinh tế hậu chiến Đức không tách rời khỏi nhân vật huyền thoại Ludwig Erhard, cho nên chúng ta cũng nên dừng lại một lúc để tìm hiểu ông bắt đầu hợp tác với chính quyền chiếm đóng Hoa Kỳ năm 1945 thế nào, bước hoạn lộ của ông trong Nội các tiểu bang Bayern, thành công và thất bại của ông trong thời gian ngắn ngủi này. Sau đó Erhard bắt đầu thế nào trong sự nghiệp chính trị liên vùng với vai trò Giám đốc Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng và cuối cùng, quan trọng nhất là vai trò mang tính quyết định: Giám đốc Quản lý Kinh tế trong Hội đồng Kinh tế Bizone năm 1948. Để lèo lái con thuyền kinh tế thị trường tự do, nước Đức đã có hoa tiêu giỏi. Walter Eucken và những gương mặt sáng chói của trường phái Freiburg đã đặt nền móng lý thuyết vững chắc cho Kinh tế Tự do trong Trật tự kể từ thập niên 1930. Tư tưởng tiên phong của trường phái Freiburg là một tư tưởng có tính cách phổ quát, nhưng như những kinh tế gia sau này nhận xét, nó rất phù hợp với nước Đức hậu chiến vì hoàn cảnh đặc biệt sau 1945. Cũng trên đất nước này, nhiều chính sách kinh tế khác nhau đã được đưa ra thử nghiệm và đi từ thất bại này tới thất bại khác, hơn thế nữa đã dẫn dân tộc này đến bờ vực thẳm của khủng hoảng toàn diện. Dựa trên tư tưởng tiên phong của nhóm Eucken, những nhà chiến lược kinh tế hậu chiến mà đại biểu là Alfred Müller-Armack, Alexander Rüstow, Wilhelm Röpke, Leonhard Miksch v.v... tiếp tục triển khai và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và tâm lý xã hội thời hậu chiến để phác thảo những chính sách phù hợp. Vấn đề còn lại là một người thuyền trưởng tài ba hội đủ những đặc tính cần thiết: Một mặt phải có đủ tư duy kinh tế để hiểu và đánh giá những đề nghị khác nhau của chuyên gia, mặt khác ông ta phải dũng cảm bảo vệ đường lối kinh tế mà mình chọn lựa. Đấy không phải là một nhiệm vụ giản đơn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà rất nhiều chính trị gia, cũng như bạn bè đồng nghiệp và cả đông đảo quần chúng chưa chấp nhận một đường lối kinh tế ngược dòng và táo bạo. Ngoài ra người thuyền trưởng đó cũng phải có khả năng thuyết phục cao và một quyền lực chính trị trong tay mới có đủ phương tiện để thực hiện đường lối. Người thuyền trưởng đó là Ludwig Erhard. Chúng ta không tin vào một phép lạ, và cũng không được phép chờ đợi chuyện đó. Điều quan trọng hơn nhiều là ý thức rằng, chỉ có lao động phục vụ mục đích hòa bình và tích lũy phồn vinh xã hội của một dân tộc siêng năng trong cộng đồng thân thiện với thế giới bên ngoài mới có thể mang lại thành công và vươn lên khỏi cuộc sống khốn khó hiện nay*. (Giáo sư Ludwig Erhard, diễn văn ngày 21.4.1948) Hình 37: Ludwig Erhard Nguồn: Bundesarchiv, B145 Bild-F022484-0016 / Engelbert Reineke / CC-BY-SA 3.0 Ngay từ những ngày đầu sau khi quân đội Hoa Kỳ tiến vào thành phố Fürth, ngày 19.4.1945 Erhard đã gặp và ngỏ ý với thiếu tá Cooper, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại đó, rằng mình sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới với tư cách chuyên gia kinh tế[85]. Sau đó lực lượng chiếm đóng đã cử Erhard vào chức vụ Giám đốc Sở kinh tế địa phương thành phố Fürth. Sau này có sử gia cho rằng lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ đã có tên Ludwig Erhard trong danh sách chuyên viên cần đưa vào các vai trò cao cấp và chủ động kiếm ông, mời làm cố vấn. Cả hai giả thuyết đều có cơ sở, mặc dù giả thuyết thứ nhất vẫn có tính thuyết phục hơn. Nhưng điều đó cũng không quan trọng gì. Với tư cách là Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế, có trong tay một luận cương có giá trị về kinh tế hậu chiến, có kinh nghiệm cố vấn kinh tế cho nhiều vùng rộng lớn thời chiến tranh, lại có thêm thiên phú ăn nói hoạt bát, có sức thuyết phục cao, kiến thức ngoại ngữ vững vàng, nhất là quá khứ không liên hệ gì với tội ác của Quốc xã, Ludwig Erhard có đủ điều kiện để lực lượng chiếm đóng chú ý đặc biệt. Đúng vậy, buổi sáng ngày 18.10.1945, một chiếc xe Jeep đỗ trước căn nhà của Erhard ở Fürth trên đường Forsthausstrasse số 49. Một sĩ quan trẻ nhảy ra, bấm chuông và dõng dạc đòi gặp tiến sĩ Erhard. Sau khi kiểm tra giấy tờ cá nhân, anh sĩ quan ra lệnh cho Erhard lên xe đi ngay mà không nêu lý do. Bà Luise Erhard và con gái Elisabeth nhìn theo một cách sợ hãi[86]. Sau này, trong Tổng hành dinh quân đội Hoa Kỳ ở München, Erhard mới vỡ lẽ rằng, lực lượng chiếm đóng đặt ông vào chức vụ Bộ trưởng Kinh tế tiểu bang Bayern. Tất nhiên là Ludwig Erhard vui vẻ nhận lời. Đây là một cơ hội, một thử thách đồng thời cũng là một nguy cơ lớn. Thời gian đó, hoàn cảnh kinh tế thật tang thương, mức sản xuất chưa tới 20% năng suất trước chiến tranh, sự phân phối hàng hóa hoàn toàn bế tắc, đồng bạc không còn giá trị, toàn bộ thị trường mua bán đều bị khống chế bởi chợ đen. Trước tình hình đó ít có ai có ý muốn nhận chức vụ Bộ trưởng Kinh tế, đấy là chưa kể sự hạn chế quyền hành của nước Đức bị chiếm đóng: Mọi quyết định của bộ trưởng phải được lực lượng chiếm đóng đồng ý trước khi đem ra thực hiện. Nhưng Erhard là người tự tin, can đảm và lạc quan. Ông cho rằng đây là cơ hội hiếm có để biến hiểu biết lý thuyết của mình thành hành động thực tiễn để xây dựng đất nước. Erhard không hề sợ hãi một núi công việc đang chờ đón người bộ trưởng, và mặc dù mọi cố gắng đến tận cùng sức lực, khả năng thất bại trước một bài toán quá lớn của kinh tế là một khả năng hoàn toàn hiện thực, nhưng Erhard tin rằng sau một thời gian ngắn, nền kinh tế sẽ được khôi phục lại. Một phán đoán lạc quan và thật là chủ quan. Thủ hiến tiểu bang Bayern lúc ấy là Wilhelm Hoegner, một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), trốn Quốc xã và di dân qua Áo năm 1933, sang Thụy Sĩ năm 1934 và trở về Đức khi chiến tranh vừa chấm dứt và được chính quyền quân sự Hoa Kỳ cử làm Thủ hiến Bayern. Ngày thứ sáu 28.9.1945, Thủ hiến Fritz Schäf er và Bộ trưởng Tư pháp Wilhelm Hoegner được triệu tập đến văn phòng chính quyền quân sự [Hoa Kỳ]. Họ báo cho Thủ hiến đương nhiệm Schäf er biết là ông ta và các thành viên Nội các không thuộc phái dân chủ xã hội đã bị truất phế. Không có một lý do nào được nêu ra. Đồng thời họ chỉ định Bộ trưởng Hoegner lên làm Thủ hiến mới[86-1]. Hình 38: Wilhelm Hoegner Nguồn: http:// www. wikipedia.org, vùng công cộng Đường lối kinh tế của Hoegner tất nhiên có xu hướng ngã về hướng kế hoạch nhà nước, nhất là trong tình hình kiệt quệ sau chiến tranh. Đấy cũng là một thách thức đối với Ludwig Erhard, người luôn luôn đấu tranh không khoan nhượng cho kinh tế thị trường tự do. Ngược lại, Hoegner thì xem Erhard như một lá chắn bảo vệ trong quan hệ với lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ, vì ông biết rằng Hoa Kỳ luôn luôn ủng hộ những ai thuộc xu hướng kinh tế tự do như Erhard, còn ông, với nhãn hiệu SPD thì chỉ được sử dụng khi Hoa Kỳ không tìm thấy con đường nào khác. Sự hợp tác giữa hai nhân vật đặc biệt có hai cá tính hoàn toàn khác biệt này có thể kéo dài lâu hơn, nếu SPD chiếm đa số trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Bayern tháng 10.1947. Nhưng trong cuộc bầu cử đó, cử tri vùng Bayern vốn có truyền thống Thiên Chúa giáo đã dồn phiếu cho Đảng Xã hội Cơ Đốc (CSU) chiếm đa số tuyệt đối và có quyền chọn lựa Thủ hiến để thành lập Nội các. Thế là Wilhelm Hoegner ra đi và tất nhiên cả Ludwig Erhard cũng phải nhường ghế bộ trưởng cho một người khác của Đảng CSU. Dù trong một thời gian ngắn ngủi, Ludwig Erhard cũng bắt đầu thực hiện những chủ trương kinh tế do chính mình xây dựng lên trong quá khứ. Nền tảng tư tưởng của Erhard không khác gì trường phái Freiburg. Erhard chỉ kém Eucken sáu tuổi, sống cùng thời với nhau, chịu giáo dục của chủ nghĩa tự do, kẻ ít người nhiều đều là nạn nhân của Quốc xã. Đường lối kinh tế của Eucken rõ ràng có ảnh hưởng lớn lên tư duy của Erhard: lấy tự do con người và quyền tư hữu – kể cả tư hữu tư liệu sản xuất – làm mục đích, dùng chính sách tự do cạnh tranh làm nền tảng và xem tự do giá cả là công cụ chủ yếu để thị trường tự điều phối sự phát triển. Đấy là chính sách kinh tế mà Ludwig Erhard muốn thực hiện trong tiểu bang Bayern. Tuy thế, ông chỉ là nhà nghiên cứu có phương pháp thực tiễn, nhưng thiếu cá tính cần thiết để làm một chính trị gia. Ông không để ý đến việc liên minh với các thành viên chung quanh, thúc đẩy thỏa hiệp giữa những người đối lập để từ đấy đẩy mạnh chính sách và đạt được mục đích ban đầu. Ông làm cuộc thử nghiệm đầu tiên để trả lại quyền tư hữu tư nhân cho những xí nghiệp đã bị Quốc xã quốc hữu hóa trong thời kỳ chiến tranh. Trong một bối cảnh hoạt động bình thường thì chính sách của Erhard là đúng bài bản và rất đáng được tán thưởng, nhưng nhìn ngược lại lịch sử thì chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, đấy là thái độ của những người liều lĩnh không biết sợ ai. Và đấy cũng là kinh nghiệm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của Erhard. Trong năm 1945, mọi người vẫn còn quen với lối sống theo chế độ phân phối, toàn bộ nền kinh tế quốc dân đều đặt dưới kế hoạch của nhà nước, kinh tế tư nhân dù vẫn được hoạt động chính thức nhưng chiếm một tỉ trọng không đáng kể. Trong bối cảnh đó, mọi người đều chờ đợi một chính quyền mạnh, nắm quyền điều khiển kinh tế, chứ ít người tin vào nền kinh tế tự do. Ngoài ra, hàng hóa bắt đầu khan hiếm, thực phẩm phân phối không đủ để sống qua ngày, khi nào có thêm một sản phẩm được phân phối là người dân bình thường mừng thêm một tí, thế mà một bộ trưởng kinh tế mới toanh có sáng kiến trả lại nhà máy cho chủ cũ, những người mà họ gọi mỉa mai là “tư bản cá mập” chẳng giúp ích gì cho những lo âu hàng ngày của họ. Chính trị gia cũng có phản ứng không kém gay gắt đối với chính sách của Erhard. Chuyện đó cũng dễ hiểu: Khi ngân quĩ nhà nước trống rỗng, hệ thống thuế khóa chưa hoạt động thì việc trả lại xí nghiệp cho tư nhân khác nào thái độ ném tiền qua cửa sổ? Trong tình hình hậu chiến 1945, đa số chính trị gia đều có xu hướng tập quyền nhà nước, trước tiên là xây dựng một chính quyền vững mạnh, thúc đẩy sản xuất để có đầy đủ hàng hóa phân phối cho dân chúng, thậm chí nhiều xu hướng tả khuynh còn muốn quốc hữu hóa thêm các xí nghiệp lớn. Thế mà Erhard dám táo bạo trả lại nhà máy cho tư nhân. Sự chống đối là điều tất yếu sẽ xảy ra. Còn lực lượng chiếm đóng? Một trong những nghĩa vụ bồi thường chiến tranh là việc tháo gỡ cơ sở công nghiệp để họ mang về nước. Việc trả lại nhà máy cho tư nhân khác nào việc cấm lực lượng chiếm đóng tháo gỡ, có phải việc làm của Erhard thực chất là sự vi phạm qui định bồi thường? Nghĩa vụ bồi thường thứ hai là tịch thu sản phẩm từ các xí nghiệp nhà nước và trích phần trăm để xuất khẩu sang nước chiếm đóng mà không phải thanh toán theo đơn giá. Nếu xí nghiệp đã trả lại cho tư nhân thì nguồn thu nhập này vô hình trung đã mất. Ngoài ra, đứng về mặt đường lối kinh tế, nếu Hoa Kỳ ủng hộ chính sách kinh tế tự do thì điều đó chỉ có giá trị trong một bối cảnh khác, chứ ngay sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, mọi lực lượng chiếm đóng đều có chung một ý nghĩ như nhau: Phải duy trì quyền điều khiển kinh tế quốc dân trong một thời gian dài để nắm quyền chủ động quyết định, mục đích là kiềm chế không cho nền kinh tế Đức phát triển mạnh hơn các nước chung quanh, như biên bản Potsdam đã ghi rõ ràng minh bạch. Vậy thì, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Ludwig Erhard bị búa rìu từ mọi phía: Lực lượng chiếm đóng vùng Hoa Kỳ mặc dù rất ủng hộ chính sách thị trường tự do nhưng cũng ghi vào sổ đen “Tiến sĩ Ludwig Erhard là người có xu hướng lạm dụng quyền hành để làm chuyện mờ ám”, các đảng phái đối lập thì ngán ngẩm và khi CSU nắm quyền năm 1947, chẳng có ai nghĩ đến chuyện sử dụng Erhard vào một chức vụ tương ứng, mặc dù khả năng chuyên môn, tác phong làm việc và những bài diễn văn sôi nổi của Erhard rất được mọi người coi trọng. Dân chúng thì đặt cho ông một cái tên hài hước nhưng pha chút thân ái: “ông mập” (der Dicke). Ngay sau cuộc bầu cử tháng 10.1947 mà kết quả là Erhard phải ra đi, Quốc hội thành lập một ủy ban điều tra để tìm kiếm “những chuyện mờ ám trong Bộ Kinh tế dưới thời Erhard”[87]. Việc thành lập ủy ban điều tra một cựu bộ trưởng là một sự kiện đầu tiên trong lịch sử dân chủ nghị viện Đức. Sau ba tháng điều tra với nhiều cuộc phỏng vấn 50 nhân chứng, kết quả điều tra đã chứng minh sự trong sạch của Erhard, nhưng những nhận xét về khả năng tổ chức kém cỏi và tình trạng hỗn loạn trong Bộ Kinh tế là một phán quyết không mấy thuận lợi cho bước hoạn lộ của Erhard. Sử gia Wolfgang Benz tóm tắt một vài điểm chính của báo cáo tổng kết cuộc điều tra[88]: “Ủy ban điều tra tin rằng, cựu Bộ trưởng Erhardt[89] không làm gì sai trái về mặt pháp luật. Về mặt công việc thì ủy ban điều tra nhận thấy rằng, cựu Bộ trưởng không làm tròn trách nhiệm như chúng ta có thể chờ đợi từ ông ta. Tuy thế chúng ta cũng nên hiểu rằng, ông ta phải xây dựng một cơ cấu hành chánh từ đầu, bị giới hạn quyền hành [bởi lực lượng chiếm đóng], phải đi công tác xa nhiều lần, không có đầy đủ nhân viên được huấn luyện, và mọi thứ đều phải làm tạm bợ – như ông ta nhấn mạnh. Nếu Bộ trưởng, Tiến sĩ Erhardt thiếu thành công trong nhiệm vụ, ủy ban tin rằng điều đó có nguyên do là ông ta quá lý thuyết, thiếu kinh nghiệm quản lý để lãnh đạo một bộ, ông ta cũng không hiểu rằng phải tìm cách kiếm nhân viên lành nghề để thay vào chỗ trống”. Hoặc ở một đoạn khác của báo cáo: “Trong bộ không có một qui định rõ ràng về nhiệm vụ phải hoàn tất. Sự phát triển của bộ không xuất phát từ nhận thức về việc xây dựng bộ máy quản lý. Nguyên tắc cơ bản lúc vừa mới nhậm chức của Bộ trưởng Tiến sĩ Erhardt là phải làm một kiểm kê toàn bộ. Bước đi này không có cho nên mọi khó khăn đều nảy sinh từ đó. Trong bộ không có một phân định rõ ràng về vai trò nhiệm vụ của từng phân bộ. Ngoài ra cũng không có một phân định rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn giữa Bộ Kinh tế và Sở Kinh tế tiểu bang. Cũng không có một qui định trật tự trong hoạt động. Khắp nơi chúng ta đều thấy một sự hỗn loạn trầm trọng, nói đúng ra là quá luộm thuộm”. Điều an ủi cho Erhard là những cố gắng của ông về việc xây dựng chính sách trong giai đoạn ngắn ngủi này đã được các nhà kinh tế thuộc xu hướng tự do đánh giá cao và xem những quyết định của ông là một sự can đảm đáng thán phục. Đại học München tấn phong Ludwig Erhard làm giáo sư danh dự với lời ca ngợi “kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chính sách kinh tế”. Điều này làm cho Erhard hài lòng nhất, vì trước sau ông vẫn tự xem mình là khoa học gia, nhà nghiên cứu chứ không phải là chính trị gia. Đứng trên quan điểm chính sách kinh tế và phân tích một cách khách quan chúng ta cũng thấy nhiều yếu tố tích cực trong quyết định trả lại xí nghiệp cho tư nhân. Một mặt nó nói lên tính chất đấu tranh không khoan nhượng của Erhard cho một chính sách kinh tế tự do và lành mạnh có khả năng đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện, mặt khác quan trọng hơn, nó là tiếng pháo khởi đầu để cho những người bơi ngược dòng mạnh dạn hơn và sẵn sàng công khai quảng bá chính sách kinh tế tự do trong một môi trường chính trị mà xu hướng tập quyền nhà nước còn chiếm tuyệt đại đa số. Ngoảnh nhìn lại lịch sử từ 1945 chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nếu không có khởi đầu của Erhard, nếu xu hướng tập quyền nhà nước vẫn thắng thế không có tiếng nói ngược dòng, nếu kinh tế tự do không được quyết tâm thực hiện bởi những người nắm quyền, thì nước Đức bây giờ sẽ ra sao? Sự phát triển èo uột tại Đông Đức với mô hình kế hoạch nhà nước trong suốt 45 năm đủ để chúng ta tìm thấy phần nào câu trả lời. Công bằng mà nói thì một năm làm bộ trưởng tại Bayern có nên xem là thất bại của một mình Ludwig Erhard? Có ai có thể vực dậy một nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh trong vòng một năm? Khi người dân không có thực phẩm đủ ăn trong lúc ngân quĩ nhà nước trống rỗng thì có ai có thể thỏa mãn được nhu cầu dân chúng sau một thời gian ngắn ngủi? Erhard đã rút ra được một bài học quí báu cho chính mình: Chính sách kinh tế lớn chỉ có thể đạt được thành công khi nó thực hiện trong một khuôn khổ rộng lớn. Tiểu bang Bayern đã trở thành không gian chật hẹp và có lẽ từ đây, Erhard sẽ kiếm cơ hội mới cho mình trong một bình diện rộng hơn. Dù sao thì bước hoạn lộ thứ nhất kéo dài đúng một năm là chấm dứt, Erhard trở về với viện nghiên cứu của mình tại Fürth. Nhưng chỉ vài tháng sau, lực lượng chiếm đóng lại đặt ông vào một vị trí thứ hai không kém phần quan trọng và vượt ra ngoài khuôn khổ tiểu bang. Chính quyền quân sự Bizone (Anh và Hoa Kỳ) cử ông làm Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng với nhiệm vụ tìm một giải pháp về cải tổ tiền tệ cho ba vùng chiếm đóng phía tây là Anh – Pháp – Hoa Kỳ. Ủy ban này qui tụ nhiều chuyên viên tài chính của Đức. Họ làm việc siêng năng, đưa ra nhiều giải pháp và dự kiến những tiền đề để thực hiện thành công một cuộc cải tổ trong tương lai. Việc cải tổ tiền tệ sẽ được trình bày ở phần sau. Dù sao thì Ludwig Erhard và các chuyên gia này cũng không phải là cha đẻ của một cuộc hành quân độc đáo trong tuần lễ đổi tiền, nhưng nhận thức của họ và những chính sách họ đưa ra là chìa khóa của thành công kinh tế sau đó. Tưởng cũng cần nói thêm rằng, chiến tranh lạnh đã bắt đầu. Một mặt, phe chiếm đóng phía tây cần củng cố bộ máy hành chánh để làm việc có hiệu quả hơn, mặt khác họ cũng không muốn khiêu khích Liên Xô khi đưa ra những hình thức hoạt động có thể dẫn đến hiểu lầm là một quốc gia đang được thành lập. Bộ máy hoạt động với vai trò như Quốc hội liên bang của hai vùng Anh – Hoa Kỳ thì được gọi là “Hội đồng Kinh tế” (Wirtschaftsrat), Nội các liên bang thì được gọi là “Hội đồng Quản lý” (Verwaltungsrat), trong đó Bộ trưởng thì được gọi là “Giám đốc Quản lý” (Verwaltungsdirektor). Đầu tháng 3.1948 Ludwig Erhard được cử làm Giám đốc Quản lý Kinh tế, thực chất là vai trò của một Bộ trưởng Kinh tế liên bang. Đấy là một sự tình cờ, nhưng trong lịch sử có nhiều chuyện tình cờ mang lại kết quả tốt đẹp hơn sự mong đợi. Sự việc Erhard được cử vào chức vụ Giám đốc Quản lý Kinh tế cũng là một sự tình cờ mang số phận lịch sử: Kể từ đầu năm 1947, hệ thống các đảng phái chính trị đã hình thành một cách rõ rệt. Hầu hết các chức vụ quan trọng trong guồng máy nhà nước đều gắn liền với màu sắc đảng phái. Ludwig Erhard thì không quan tâm đến chuyện đó và không nghĩ đến chuyện phải gia nhập một đảng phái chính trị. Tuy thế, những chính sách kinh tế ông quảng bá trong hai năm hậu chiến mang tính chất tự do cho nên rất được Đảng Dân chủ Tự do chú ý. Khi Hội đồng Quản lý lần đầu tiên bầu Giám đốc Quản lý Kinh tế, các đảng phái chính trị tất nhiên muốn đề cử Đảng viên của mình cho nên Johannes Semler (CSU) được chọn vào vai trò đó và được lực lượng chiếm đóng đồng ý. Cuối năm 1947, khi Hoa Kỳ gởi tặng nhân dân Đức bắp hột[90] để xoa dịu nạn đói đang hoành hành, Semler nhận xét một cách mỉa mai: “Người Mỹ gởi cho chúng ta thức ăn dùng để nuôi gà, và còn chờ đợi chúng ta cám ơn”[91]. Phát biểu đó không lọt tai người Mỹ. Phê bình lực lượng chiếm đóng từ phía người Đức là điều cấm kỵ. Thế là lực lượng chiếm đóng truất ngôi Semler và yêu cầu Hội đồng Quản lý chọn một người khác. Lần này thì Ludwig Erhard được Đảng Dân chủ Tự do đề nghị nhờ tư tưởng, chính sách và thành quả ông đạt được trong hai năm qua, nhất là những chính sách về tiền tệ và tín dụng đã tạo được một ấn tượng đáng để cho phái tự do chú ý. Hội đồng Quản lý bầu Ludwig Erhard làm Giám đốc Quản lý và lực lượng chiếm đóng cũng đồng ý chấp nhận ông vào chức vụ này. Đến đây thì sự nghiệp của Ludwig Erhard đã qua một khúc quanh mới, phạm vi hoạt động rất thuận tiện cho những chính sách mà ông cho là chỉ có thể thành công trong một địa bàn rộng lớn. Quan trọng hơn hết: Ông đã rút ra được kết luận đâu là chỗ yếu của mình cần được bổ sung. Erhard ghét việc làm quản lý với giấy tờ hồ sơ, chuyện này tốt hơn hết ông giao cho chuyên gia có kiến thức kinh tế và kinh nghiệm quản lý. Ông rất bực mình khi phải viết những nghị quyết không có chỗ hở về pháp lý, chuyện này ông sẽ giao cho luật sư soạn thảo. Đấy là một thay đổi quan trọng trong cuộc đời chính trị của Erhard, và chính sự thay đổi phương pháp làm việc này đã góp phần quyết định trong những thành công sau này của ông. Đóng góp lớn lao của Ludwig Erhard chủ yếu là rút tỉa được những tinh túy của trào lưu tân tự do[92] để thuyết phục mọi thành viên kinh tế trong hành động thực tiễn. Công lao của Erhard là thiết lập được chính sách thực tiễn trên cơ sở lý thuyết và khái niệm của trường phái Freiburg mà Walter Eucken đã nghiên cứu từ thập niên 1930, sau chiến tranh được Eucken và những học giả tiếng tăm như Alexander Rüstow (trước ở Istanbul và kể từ 1949 về dạy tại Heidelberg), Wilhelm Röpke tại Genève và Alfred Müller-Armack ở Münster tiếp tục triển khai[93]. (Giáo sư Wolfgang Benz, Sử gia)Hình 39: Alexander Rüstow Nguồn: commons.wikipedia.org, Johannes Lorenz, Vùng công cộng Kể từ lúc lãnh trách nhiệm mới, chung quanh Erhard luôn luôn có một tập thể đông đảo chuyên gia hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau: cố vấn, làm khảo sát, chỉ đạo dự án và nếu được thì tuyển dụng vào Bộ Kinh tế. Họ không phải là những người xa lạ nào, mà là những khuôn mặt sáng chói nhất trong thành phần ưu tú của xã hội, là cha đẻ của những học thuyết có tầm vóc quốc tế. Walter Eucken, Franz Böhm, Alfred Müller-Armack, Alexander Rüstow, Wilhelm Röpke v.v... là những người hợp tác rất chặt chẽ với Erhard, đa số sau một thời gian ngắn đều chịu nắm những vai trò chủ chốt trong Bộ Kinh tế của Erhard như Vụ trưởng, Đổng lý văn phòng hoặc Quốc vụ khanh. Cả hai bên đều thấy sự ích lợi của bên kia trong sự hợp tác: Lý thuyết gia kinh tế thì cần một chính trị gia có năng lực để thực hiện những chính sách do họ phác thảo. Người bộ trưởng thì cần những bộ óc lớn để làm chính sách và dự kiến trước mọi tình huống để điều chỉnh. Nhờ một lực lượng đông đảo các chuyên gia tầm cỡ kết hợp với quyết tâm và quyền lực của Ludwig Erhard mà chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội được đẩy mạnh một cách hiệu quả tại CHLB Đức trong mấy thập niên và đã đưa nước Đức ra khỏi bờ vực thẳm của khủng hoảng toàn diện, từng bước vươn lên thành một quốc gia số một trong cộng đồng châu Âu. Đấy không phải là một bài toán đơn giản. Đội ngũ chuyên gia này tuy có trình độ chuyên môn hoàn chỉnh, nhưng nếu không có một quyết tâm lớn của chuyên gia có nhiệt tình cộng thêm ý chí sắt thép của người chính trị gia thì mọi cố gắng cũng sẽ nhường bước cho những chống đối đến từ mọi phía: Từ lực lượng chiếm đóng, đến đồng nghiệp chính trị, đồng nghiệp chuyên môn kinh tế và cả nhiều tầng lớp nhân dân. Câu hỏi lớn đặt ra là: Kinh tế tự do hay kinh tế kế hoạch? Người bộ trưởng thì đã chọn từ đầu con đường tự do, trong lúc đó lực lượng chiếm đóng và gần như toàn bộ các thành phần còn lại trong xã hội thì muốn kinh tế kế hoạch hoặc kế hoạch từng phần. Cuộc đấu tranh có vẻ như không cân xứng lúc đầu, nhưng kết quả thì chúng ta sẽ thấy sau này. [1] Thuật ngữ Xứ hoàng hôn (Abendland) dùng để chỉ các nước thuộc văn hóa Tây Âu. [2] Moral Bombing Strategy, nhằm đánh vào các khu vực đông dân với mục đích bẻ gãy hậu thuẫn chính trị của Quôc xã. [3] Xem tài liệu tham khảo số [10] trang 151, G. Bönisch. [4] Xem tài liệu tham khảo số [39] trang 272, C.G. von Krockow. [5] Tạm dịch chữ Trümmerfrau, là người phụ nữ thường đi thu nhặt gạch ngói vụn để tái sử dụng, xây dựng nhà cửa. Nó còn có nghĩa bóng ở chữ Trümmer (đống tro tàn). [6] Xem tài liệu tham khảo số [61] trang 32, H. Pötzsch. [7] Xem tài liệu tham khảo số [61] trang 32, H. Pötzsch. [8] Xem tài liệu tham khảo số [79] trang 25 J. Weber. Ghi chú thêm: Mannheim, Neckartal, Heilbronn và Niederrhein thuộc vùng Hoa Kỳ chiếm đóng. Hãng BASF thì ở Ludwigshafen thuộc vùng Pháp. [9] 10 tỉ đô-la theo hối suất 1950 là 40 tỉ Mác Đức, tương đương với 200 tỉ Euro hiện nay. [10] Xem tài liệu tham khảo số [9] trang 55, G. Bönisch. [11] Xem tài liệu tham khảo số [63] trang 408, D. Raff. [12] Xem tài liệu tham khảo số [9] trang 53, G. Bönisch. [13] Dịch chữ Hungersödem (tiếng Anh: Famine edema). [14] [9] trang 57, G. Bönisch. [15] Xem tài liệu tham khảo số [87] trang 117 W. Wolf. [16] Giải Nobel văn chương năm 1972. [17] Xem tài liệu tham khảo số [14] trang 33 E. Conze. [18] Xem tài liệu tham khảo số [39] trang 276, C.G. Von Krockow. [19] Xem tài liệu tham khảo số [9] trang 55, G. Bönisch. [20] Xem tài liệu tham khảo số [41] trang 2, C. D. Krohn. [21] Thuật ngữ chính thức của Quốc xã: Endlösung, nó gián tiếp bao hàm ý nghĩa tiêu diệt. [22] Xem tài liệu tham khảo số [26] J. Friedmann phỏng vấn giáo sư Michael Grüttner. [23] Xem tài liệu tham khảo số [41], C. D. Krohn. [24] Vào thời điểm ấy, Đức có 60 đại học, 80.000 sinh viên và 13.000 giáo sư. [25] Know-how transfer. [26] Point of no return. [27] Pogromnacht 9.11.1938. Đợt khủng bố này kéo dài hơn một tuần. [28] Xem tài liệu tham khảo số [41] C. D. Krohn. [29] Institute of International Education. [30] Xem tài liệu tham khảo số [41] trang 19, C. D. Krohn. [31] New School for Social Research. [32] Xem tài liệu tham khảo số [41] trang 21, C.D. Krohn. [33] Xem tài liệu tham khảo số [52] trang 48, J. Mohr. [34] Xem phần bổ sung 2. Hành trình đến lý thuyết Tự do trong Trật tự trang 299 về tài liệu chung quanh đề tài này. [35] Soziale Marktwirtschaft, tiếng Anh: Social Market Economy. [36] Ordoliberalismus, tiếng Anh: Ordoliberalism. [37] Xem tài liệu tham khảo số [3] trang 28, W. Abelshauser. [38] Mỗi Franc vàng có hàm lượng 9/31 gram vàng ròng, tức khoảng 1/100 lượng vàng. Đức nấu chảy 5 tỉ Franc vàng để đúc thành Mác vàng (Goldmark). Sức mạnh của nền tài chính Đức vì thế đã tăng lên đáng kể. [39] Để theo dõi quá trình đấu tranh cho công bằng xã hội, độc giả có thể xem phần bổ sung 1. Con đường đấu tranh cho các chính sách xã hội trang 289. Quá trình hình thành các đạo luật xã hội là một cuộc đấu tranh gay go giữa các xu hướng xã hội và giữa các lực lượng chính trị. Một bên là Thủ tướng Bismarck với quyền lực tuyệt đối trong tay và xu hướng quân chủ bảo thủ, một bên là công nhân nghèo và trí thức cấp tiến đại diện bởi phe tự do và dân chủ xã hội. Bismarck không từ chối một biện pháp nào, miễn sao đạt được mục đích, nhưng cuối cùng xu hướng xã hội đã thắng. [40] Xem số liệu từ Giáo Sư Annette Henninger: Der Wohlfahrtstaat: Auslauf- oder Zukunftsmodell? (Quốc gia an sinh xã hội: mô hình lỗi thời hay có tương lai?), trang 12 (Đại học Marburg). [41] Xem tài liệu tham khảo số [3] trang 38, W. Abelshauser. [42] Xem tài liệu tham khảo số [23], W. Eucken. [43] Bốn cuộc khủng hoảng lớn tại Hoa Kỳ là 1837, 1857, 1907 và 1929. [44] Về việc phê phán các chính sách kinh tế trong quá khứ và quá trình hình thành cơ sở lý thuyết, độc giả có thể xem phần bổ sung 2. Hành trình đến lý thuyết Tự do trong Trật tự trang 299. [45] Freiburger Schule (Freiburg School). [46] Ordoliberalism. [47] Cũng có tài liệu gọi đó là Chủ thuyết tân tự do theo mô hình Đức” (The German neo-liberalism). [48] Xem Adam Smith - The wealth of nations, Book I, Chapter X, Part II, trang 111. [49] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 27, W. Eucken. [50] Adam Smith - An inquiry into the nature and causes of the wealth of nations, xuất bản 1776. [51] Bên cạnh phần trình bày sau đây, độc giả có thể tham khảo thêm một số sự kiện lịch sử được phân tích ở phần Từ Đế chế sang Cộng hòa Weimar và đến Quốc xã trang 302. [52] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 62, W. Eucken. [53] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 211, W. Eucken. [54] Gesellschaftliche Buchhaltung. [55] Độc giả có thể tham khảo thêm một số tư liệu lịch sử thời gian này ở phần Giai đoạn Cộng hòa Weimar – từ 1919 đến 1933 trang 303. [56] Cuộc thử nghiệm dân chủ đầu tiên là cuộc cách mạng 1848. [57] Xem tài liệu tham khảo số [76] trang 787 W. Treue. [58] Xem tài liệu tham khảo số [76] trang 792, W. Treue. Theo hối suất 1919: 553 tỉ đô-la. Ghi chú thêm: Một Goldmark có giá trị 0,358423 gram vàng, tức khoảng 1/100 lượng vàng. [59] Có thể xem phần bổ sung Giai đoạn từ 1933 đến 1945 với Quốc xã trang 307. [60] Xem tài liệu tham khảo số [86] trang 42, N. Wolf. [61] Xem tài liệu tham khảo số [28] trang 225 R. Gömmel. [62] Xem tài liệu tham khảo số [28] trang 239, R. Gömmel [63] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 56, W. Eucken. [64] Xem tài liệu tham khảo số [27] trang 8, N. Goldschmidt. [65] Đấy là hai khái niệm khác nhau, một bên là Gestaltung der Ordnungsformen der Wirtschaft, bên kia là Lenkung des Wirtschaftsprozesses. (Trích Walter Eucken, Grundsätze der Wirtschaftspolitik) [66] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 254-318, W. Eucken. [67] Konstituierende Prinzipien (Constitutive principles). [68] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 271, W. Eucken. [69] Regulierende Prinzipien (Regulatory principles). [70] Xem tài liệu tham khảo số [23] trang 281, W. Eucken. [71] Xem phần bổ sung 3. Hành trình dẫn đến Kinh tế Thị trường Xã hội trang 318. [72] Xem tài liệu tham khảo số [80] trang 7, M. Wissmann. [73] Xem tài liệu tham khảo số [69] trang 4-5 S. Schmidt. [74] Ghi chú tác giả: Công cụ thực hiện là chính sách thuế khóa và chính sách xã hội. [75] Wohlstand für alle. [76] Social Liberalism. [77] Wettbewerbsordnung (tiếng Anh: Competitive regulatory). [78] Gesetz gegen Wettbewerbsbeschränkungen được bắt đầu thiết kế từ 1949, thảo luận trong Quốc hội từ 1951. Đạo luật được thông qua và ban hành ngày 27.7.1957. [79] Xem tài liệu tham khảo số [78] trang 2, V. J. Vanberg. [80] Xem tài liệu tham khảo số [53] trang 65-154, A. Müller-Armack. [81] Betriebsverfassungsgesetz (Corporate Constitutional Law) ban hành ngày 11.10.1952. [82] Xem tài liệu tham khảo số [64] trang 26, O. Schlecht. [83] Trong phần này chúng tôi chỉ trình bày hoạt động của Ludwig Erhard sau chiến tranh. Về hoạt động của Ludwig Erhard trước 1945 có thể xem phần bổ sung 4. Vài nét về cuộc đời Ludwig Erhard trước 1945 trang 325. [84] Xem tài liệu tham khảo số [21] trang 68, R. Ermrich. [85]* Xem tài liệu tham khảo sô [19] trang 62, L. Erhard. Xem tài liệu tham khảo số [37] trang 87, G. Knopp. [86] Xem tài liệu tham khảo số [37] trang 90 G. Knopp. [86-1] Xem tài liệu tham khảo sô [79] trang 285, J. Weber. [87] Xem tài liệu tham khảo số [37] trang 91, G. Knopp. [88] Xem tài liệu tham khảo số [7] trang 121-122, W. Benz. [89] Tên của Erhard bị vô tình hay cố ý viết sai trong báo cáo (thừa chữ “t” ở cuối). [90] Vì một sai lầm kỹ thuật của bộ phận thông dịch, đợt này Hoa Kỳ chỉ cung cấp bắp hột, mà lại có chất lượng thấp. [91] Xem tài liệu tham khảo số [37] trang 94 G. Knopp. Ghi chú: Bài diễn văn của Semler đã trở thành nổi tiếng với tên gọi “Bài diễn văn thức ăn nuôi gà” (Hühnerfutterrede). [92]Neoliberalism. [93]Xem tài liệu tham khảo sô [7] trang 125 W. Benz. CẢI TỔ TIỀN TỆ NĂM 1948 [1] N hững năm sau đó [kể từ 1948] người ta chứng kiến một sự phục hưng kinh tế với mức độ không tưởng tượng nổi. Điểm khởi đầu là cuộc cải tổ tiền tệ có tác dụng như ”một quyết định bước đầu về chính sách kinh tế chủ đạo. Quyết định đó thiết lập nền móng cho cấu trúc cũng như sự phát triển kinh tế và xã hội Tây Đức”[2]. (Giáo sư Werner Abelshauser, Sử gia Kinh tế) Cải tổ tiền tệ tất yếu phải đến khi đồng tiền hết giá trị trên thị trường kéo theo nạn lạm phát, chợ đen và sản xuất đình trệ. Nhưng giữa ba nước đồng minh, chính sách không nhất quán. Ngoài ra, giữa chính quyền quân sự và lãnh đạo Đức có sự khác nhau lớn về quan tâm, thời điểm, bước đi và cả nội dung cuộc cải tổ. Quá trình quyết định gay go thế nào, cuộc “hành quân” đổi tiền được tổ chức thế nào, cải cách kinh tế thế nào để kích thích sản xuất sau đó, hậu quả chính trị và kinh tế lên nước Đức thế nào? v.v... Trong phần này chúng ta cố gắng trả lời những câu hỏi ấy. Nói tới những biến cố lịch sử Đức sau chiến tranh, ai cũng có thể thừa nhận rằng việc cải tổ tiền tệ là một trong vài sự kiện quan trọng nhất trong vòng năm năm đầu tiên. Không những nó ngăn chận lạm phát, phục hồi kinh tế trong một thời gian ngắn sau khi cơn chấn động đổi tiền đã qua, nâng cao sản xuất hàng công nghiệp và tiêu dùng, mà nó còn gây ra một hiệu ứng tâm lý không thước gì đo được. Đối với dân tộc Đức, mấy tuần sau khi đổi tiền, với lượng hàng hóa tràn đầy trong các cửa hàng, việc cải tổ tiền tệ đã mang lại cho họ cảm giác hồi sinh, một cảm giác mạnh hơn cả cuộc hồi sinh năm 1945. Họ bắt đầu nhìn về tương lai bằng cặp mắt lạc quan hơn. Đối với họ, sự thiếu thốn thực phẩm cũng như nạn đói ba năm có lẽ đã qua đi sau ngày lịch sử này. Và cũng không cường điệu lắm khi cho rằng, đồng Mác mới D-Mark mang một phần sắc màu cá tính dân tộc Đức, quan trọng không kém gì Goethe, Kant hay Beethoven[3]. Chúng ta thử dừng lại ở đây để phân tích sự kiện lịch sử quan trọng của ngày X này. Chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh, khi tình hình sản xuất bị giảm sút, mọi người đều thấy rõ một thực tế: Số lượng tiền tệ luân lưu không tương xứng với trị giá hàng hóa trao đổi trên thị trường. Điều này thực chất đã có nguồn gốc từ những năm đầu chiến tranh, nó bộc lộ rõ rệt trong những năm sau cùng, và trở thành một mối lo cho mọi người trong đời sống kinh tế và xã hội sau khi chiến tranh chấm dứt[4]. Hậu quả tất yếu của nền tài chính đó là đồng bạc mất giá, nạn lạm phát tăng nhanh, dịch vụ buôn bán không hoạt động được, nạn đầu cơ tích trữ lan tràn. Không những hàng tiêu dùng mà cả nguyên vật liệu sản xuất chỉ tìm thấy được ở chợ đen, nền sản xuất cũng từ đó bị tê liệt. Về mặt chính trị, sự thiếu thống nhất trong chính sách của đồng minh càng làm cho mọi hoạt động càng khó khăn hơn. Hoa Kỳ và trong chừng mực nào đó cả Anh thì tương đối có ý kiến giống nhau trong việc tạo dựng một nước Đức thống nhất. Liên Xô ban đầu mong muốn như thế nhưng càng ngày càng tách xa khỏi ý định đó. Pháp thì phản đối ngay từ ngày đầu, và cũng sẵn sàng dùng quyền phủ quyết để chống lại mọi hình thức quản lý trung ương cho một nước Đức thống nhất, như họ đã làm vào mùa thu 1945[5]. “Trong Hội đồng Kiểm soát của đồng minh – cơ quan quản lý chung của bốn lực lượng chiếm đóng – sự mâu thuẫn đã phát sinh từ 1946. Trong lúc Hoa Kỳ, với chiến lược mới về châu Âu, muốn kế hoạch cải tổ tiền tệ được thực hiện sớm và có thể được sự đồng thuận của Anh, thì Liên Xô và Pháp ra hiệu cho biết họ phản đối dự tính đó. Mục đích của họ không phải là nhanh chóng phục hồi kinh tế trong vùng họ chiếm đóng, mà ưu tiên cao hơn nhiều là thỏa mãn nhu cầu bồi thường chiến tranh. Theo biên bản Potsdam, các lực lượng chiếm đóng sẽ bảo tồn tính thống nhất của Đức. Tuy thế, điều này càng ngày càng lộ ra rằng, đấy chỉ là một ảo tưởng”[6]. Như thế, nếu không có một thay đổi đột biến trong chính sách của đồng minh thì việc cải tổ tiền tệ khó được thực hiện sớm. Một vấn đề, hai cách nhìn Đối với bản thân người Đức, họ cảm thấy đã chọn một con đường riêng độc đáo trong quá trình phát triển một nền kinh tế tư bản ít gặp khủng hoảng. Con đường đó bắt đầu từ cuộc cải tổ tiền tệ năm 1948 và tiếp theo là sự dẫn nhập chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội[7]. (Sử gia kinh tế Werner Abelshauser, Giáo sư Đại học Bielefeld) Một biến cố quan trọng xảy ra năm 1946, khi Tổng thống Truman cử cựu Tổng thống Herbert Hoover đi công cán tại Đức để thanh tra tình hình thực phẩm trong vùng Hoa Kỳ chiếm đóng. Cuộc công du đã để lại trong tư tưởng Hoover những ấn tượng sâu đậm. Ông nhận xét rằng, kinh tế Đức đã “suy thoái đến mức thấp nhất trong vòng 100 năm”. Đi ngược lại xu hướng trả thù của cựu Bộ trưởng Henry Morgenthau, vốn vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều trong chính sách của Hoa Kỳ, Hoover phê phán chính sách chiếm đóng của Hoa Kỳ trong một bản báo cáo: “Có ảo tưởng cho rằng nước Đức có thể bị triệt hạ xuống thành một nước nông nghiệp. Điều đó không thể làm được trừ phi chúng ta hủy diệt hoặc trục xuất 25 triệu người ra khỏi xứ sở của họ”[8]. Trong một báo cáo khác quan trọng hơn về đề xuất chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Âu, ông nhận xét “Năng suất sản xuất của châu Âu chỉ có thể được tái lập, nếu một nước Đức lành mạnh đóng góp vào quá trình này”. Hoover còn nhấn mạnh thêm rằng, nếu không nhanh chóng giải quyết kinh tế nước Đức, mỗi người dân Mỹ phải đóng thêm 600 đô-la thuế mỗi năm chỉ để cứu dân tộc Đức thoát khỏi nạn đói[9]. Có thể nói rằng, trong bốn nước chiếm đóng, quyết định cải tổ tiền tệ bắt đầu từ Hoa Kỳ là chính, mà mốc ban đầu quan trọng có lẽ là những báo cáo của cựu Tổng thống Herbert Hoover đã ảnh hưởng mạnh lên chính sách của Tổng thống Harry S. Truman. Cũng qua những báo cáo này, vai trò của Đức trong cộng đồng châu Âu được xem xét lại một cách thận trọng dưới một góc nhìn khác, thiện cảm hơn. Tư tưởng trả thù của những gương mặt như Henry Morgenthau từng bước bị đẩy lùi. Có vẻ như Hoa Kỳ bắt đầu nhìn Đức là một yếu tố ổn định cho lục địa châu Âu khi ý đồ bành trướng của Stalin ngày càng lộ rõ. Trong lúc hai cường quốc châu Âu là Anh và Pháp vẫn chưa đạt được tăng trưởng nào đáng kể sau chiến tranh, Hoa Kỳ đặt kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế Đức, cũng như khả năng hòa đồng trở lại của Đức vào cộng đồng châu Âu. Nói khác đi, Hoa Kỳ cần một tiền đồn chống cộng có năng lực ở ngay biên giới tiếp giáp với Đông Âu. Thống đốc Clay báo cáo về Washington ngày 10.4.1948: “Nếu Berlin thất thủ, Tây Đức sẽ là bước kế tiếp. Nếu chúng ta có dự tính bảo vệ châu Âu không rơi vào tay cộng sản, chúng ta đừng quên vị trí này. Bây giờ mà Hoa Kỳ không hiểu điều này, thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để hiểu, và chủ nghĩa cộng sản sẽ lan tràn khắp nơi”[10]. Theo yêu cầu của tướng Lucius D. Clay, Phó Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Đức, chính phủ Truman cử một phái đoàn chuyên viên tài chính sang Đức đầu năm 1946 để khảo sát tình hình. Phái đoàn được dẫn đầu bởi Gerhard Colm, một giáo sư kinh tế Đức theo đạo Do Thái đã bị Quốc xã Đức thải hồi ra khỏi Đại học Kiel[11]. Phó trưởng đoàn là Raymond W. Goldsmith, giáo sư kinh tế Đại học New York, cũng là chuyên gia gốc Đức di dân năm 1934. Phái đoàn có nhiệm vụ nghiên cứu tình hình tại chỗ, tham khảo ý kiến của chuyên gia kinh tế Đức và soạn thảo một kế hoạch cho việc cải tổ tiền tệ sau này. Cùng hợp tác với cố vấn tài chính của tướng Clay, Joseph Dodge, một kế hoạch tương đối đầy đủ ra đời ngày 20.5.1946, mang tên là kế hoạch Colm-Dodge-Goldsmith (CDG). Kế hoạch này đã ghi nhận khá đầy đủ những đề nghị thiết thực của chuyên gia kinh tế Đức. Khi việc cải tổ tiền tệ được thực hiện hai năm sau, những chính sách cụ thể được phác thảo từ kế hoạch CDG vẫn là tinh thần chủ đạo của toàn bộ quá trình cải tổ. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng hàng đầu của chuyên gia Đức – nhân tố xã hội và chính sách đền bù tổn thất – thì không được kế hoạch CDG nói tới. Chính phủ Hoa Kỳ chủ trương rằng, việc phục hồi kinh tế, xóa bỏ lạm phát, giảm trừ nợ nần nhà nước là những mục đích hàng đầu cần đạt được một cách ưu tiên. Giải quyết bất công xã hội và xoa dịu khổ đau của người dân phát sinh từ cuộc cải tổ là nhiệm vụ sau đó của chính quyền địa phương Đức. Hình 40: Buổi họp của Hội đồng Quản lý vùng Anh Người đứng bên phải là Thống đốc Sir Brian Robertson Nguồn: Bundesarchiv, Bild 183-2005-0919-523 / CC-BY-SA 3.0 Hoa Kỳ dùng nội dung kế hoạch CDG để thương lượng với ba nước đồng minh trong Hội đồng Kiểm soát nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận nào. Liên Xô và Pháp vẫn chống lại mọi hình thức thống nhất nước Đức về kinh tế. Đúng vào lúc ấy, ngày 6.9.1946, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James F. Byrnes đọc một bài diễn văn quan trọng tại Stuttgart, được xem là mốc đánh dấu sự thay đổi chính sách Hoa Kỳ tại Đức. Ông phát biểu rằng: “Quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ bây giờ là giao lại cho dân tộc Đức trong toàn lãnh thổ của họ trách nhiệm chính trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước họ, với một qui chế bảo đảm an ninh[12] [cho đồng minh]”. Về chủ trương thống nhất đơn vị kinh tế, ông không ngần ngại thách thức ba nước khác trong phe đồng minh khi phát biểu: “Chúng tôi chủ trương thiết lập một đơn vị kinh tế cho toàn nước Đức. Nếu sự nhất trí không đạt được, chúng tôi sẽ làm tất cả mọi chuyện để đạt một thỏa thuận tối đa”.[13] Với quyết tâm như thế, cuối cùng Hoa Kỳ đã cùng với Anh tiến đến hợp nhất để thiết lập đơn vị kinh tế thống nhất của hai vùng (Bizone). Trong phiên họp ngày 4.10.1946 tại Bremen giữa các Thủ hiến tiểu bang thuộc hai vùng Anh và Hoa Kỳ, họ đã đề nghị lực lượng chiếm đóng thành lập một hội đồng các tiểu bang (Deutsche Länderrat) làm nhiệm vụ cố vấn các lực lượng quân sự trong những vấn đề thống nhất quản lý các vùng. Ngày 2.12.1946 hai Bộ trưởng Ngoại giao Ernest Bevin của Anh và James F. Byrnes của Hoa Kỳ gặp nhau tại New York để ký thỏa ước thành lập vùng kinh tế chung. Kể từ 1.1.1947, hai vùng này chịu chung một chính sách kinh tế, kể cả việc cải tổ tiền tệ sau này. Trong lúc các chính quyền chiếm đóng còn tranh cãi nhau, chuyên gia Đức đã bắt đầu nôn nóng và mất bình tĩnh trong những phát biểu liên quan đến cải tổ tiền tệ. Họ cho rằng để ổn định kinh tế thì không thể không tiến hành việc cải tổ càng sớm càng tốt. Ngay cả ước muốn tối hậu của mọi người dân Đức là sự thống nhất, họ cũng sẵn sàng hy sinh để cứu vãn tình hình. Erwin Hielscher, người sau này thay thế Ludwig Erhard trong Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng, viết trong bản báo cáo mật tháng 6.1947: “Rất tiếc là hy vọng của dân tộc Đức về một thỏa thuận tại hội nghị Moscow chung quanh các vấn đề cơ bản cho nước Đức không đạt được. Từ đó một câu hỏi cực kỳ khó khăn mà dân tộc Đức phải đặt ra là, nếu lực lượng chiếm đóng Liên Xô không tham gia vào chương trình, thì liệu có nên tiến hành trước tiên việc phục hồi kinh tế và trật tự tiền tệ trong các vùng phía tây. Câu hỏi tiếp theo là, ngay cả khi lực lượng chiếm đóng Liên Xô đồng ý tham gia chương trình, liệu những khác biệt về ý thức hệ và cách thực hiện đường lối kinh tế khác nhau có mang lại thành công cho toàn bộ chương trình hay không. Chúng ta nhận thức rằng, lực lượng chiếm đóng Liên Xô sẽ không tham gia vào chương trình do Hoa Kỳ và Anh đưa ra, cho nên câu hỏi thứ hai có lẽ khỏi cần tìm câu trả lời. Với câu hỏi thứ nhất, chúng ta phải đi đến một kết luận hết sức đau đớn cho lương tâm, rằng thời gian đã điểm để chúng ta tuyên bố với lực lượng chiếm đóng rằng việc cải tổ tiền tệ cần phải được tiến hành trước tiên trong các vùng phía tây (chúng ta hy vọng Pháp sẽ tham gia vào chương trình này). Ở đây chúng ta cũng cần lưu ý họ rằng, một Đế chế đã sụp đổ rồi cũng không thể để cho nó tồi tệ hơn, về vật chất cũng như bộ mặt bên ngoài”.[14] Họ cũng thừa biết rằng, đề nghị như thế không khác nào chấp nhận tình trạng chia cắt đất nước. Đấy là một điều cấm kỵ và họ sẽ gặp chống đối từ nhiều phía trong lòng dân tộc Đức, nhưng tình hình đã khẩn trương đến độ họ cho rằng, để cứu vãn tình hình, mọi đòi hỏi khác dù quan trọng đến đâu cũng có thể dời lại về sau. Tư tưởng tiến công của chuyên gia Đức vô hình trung rất phù hợp với chiến lược mới của Hoa Kỳ về châu Âu, trong đó việc phục hồi kinh tế Đức là một nhân tố quan trọng và gắn liền với nó tất nhiên là cải tổ tiền tệ. Đến khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ George C. Marshall đọc bài diễn văn quan trọng tại Đại học Harvard ngày 5.6.1947, mở đầu cho chương trình ERP (European Recovery Program, sau này được gọi là chương trình Marshall), các hoạt động phục hồi kinh tế và cải tổ tiền tệ tại Đức mới được tiến hành một cách cương quyết. Tất nhiên là Pháp cũng muốn tham gia vào chương trình Marshall. Có lẽ nhờ thế và cũng có lẽ dưới áp lực của Hoa Kỳ qua chương trình Marshall mà Pháp đã đồng ý hợp tác vào kế hoạch cải tổ tiền tệ trên ba vùng phía tây, mặc dù họ chính thức tham gia rất miễn cưỡng vào giờ cuối, ngày 16.6.1948, tức là chỉ bốn ngày trước khi đổi tiền. Hoa Kỳ một mặt ráo riết tranh thủ ba nước kia tiến đến thỏa thuận sau cùng, mặt khác rất thận trọng với cách hành xử thiếu nhất quán của Liên Xô về các quyết định trong Hội đồng Kiểm soát của đồng minh. Cho nên chiến thuật hành xử của Hoa Kỳ là, một mặt tích cực vận động bằng con đường ngoại giao trên bàn hội nghị, mặt khác vẫn âm thầm bí mật chuẩn bị sau hậu trường, dự phòng trường hợp nếu có sự đối kháng giữa bốn bên, kế hoạch cải tổ vẫn có thể tiến hành mà không mất nhiều thời gian. Đấy là một tính toán rất thực tế và khôn ngoan như chúng ta sẽ thấy sau này. “Căn cứ vào chiến thuật trì hoãn của Liên Xô, Hoa Kỳ dự đoán rằng Liên Xô muốn kéo dài thời gian, vì tình trạng khốn cùng của một dân tộc thường có lợi cho sự thiết lập một nền kinh tế nhà nước chỉ huy hơn là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Vì thế Washington chọn con đường hành động một mình. Quyết định bắt đầu in tiền được đưa ra vào tháng 10.1947: Công ty Phát hành Tiền giấy[15] và Văn phòng Khắc chạm và In ấn[16] nhận được đơn hàng sản xuất giấy bạc cho Đức. Hoa Kỳ vẫn còn hy vọng vào một thỏa hiệp sau cùng với Liên Xô. Niềm hy vọng đó cũng thể hiện rõ trong cách thiết kế tờ bạc: Không phô trương, không có chữ ký, không cơ quan phát hành và không có xuất xứ”.[17] Thiết kế đồng Mác mới không những rất đơn giản, mà nó là một sự cóp nhặt từ những chứng nhận cổ phần của một vài công ty ở Mỹ. Lý do cũng dễ hiểu: Trong vòng vài tuần họ phải in hàng trăm triệu tờ giấy bạc cho nên chỉ có cách là lấy những mẫu thiết kế có sẵn, lắp ghép nhau, chỉnh sửa chút đỉnh để trở thành thiết kế giấy bạc và đem in. Hình 41: Đồng Mác mới 10 DM Nguồn: www.wikipedia.org – Vùng công cộng Với những hoạt động âm thầm nhưng rất quan trọng xảy ra sau hậu trường từ hơn một năm, giới chuyên gia Đức cũng suy đoán được tình hình đang chuyển biến thuận lợi. Mặc dù họ không có quyền hành gì và mọi quyết định của đồng minh đều được giữ bí mật, nhưng họ cho rằng thời gian đã đến cho một cuộc thay đổi lớn về kinh tế. Khi Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng được thành hình năm 1947 với Ludwig Erhard làm Giám đốc, giới chuyên gia Đức biết rằng việc cải tổ tiền tệ sẽ xảy ra nay mai, và họ nghĩ rằng, họ sẽ là bộ phận quyết định các chính sách liên quan, tỉ suất chuyển đổi cũng như kế hoạch tiến hành cuộc cải tổ. Một phán đoán chủ quan và sai lầm. Họ không hề hay biết rằng, mọi chuyện đã được thu xếp sau hậu trường, tiền đang được in mà không ai hay biết và ai sẽ là tư lệnh cuộc “hành quân” đặc biệt này. Nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm. Sự thành công của cuộc cải tổ tiền tệ không chỉ nằm ở việc đổi tiền được thực hiện trôi chảy tốt đẹp, mà nền kinh tế có được nâng lên sau đó hay không chủ yếu xuất phát từ những chính sách đi kèm. Về mặt này thì Ludwig Erhard và nhóm chuyên gia Đức đã đóng vai trò quyết định. Về phía Anh và nhất là Hoa Kỳ, mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo. Bộ máy đang chuyển động khẩn trương với một bộ mặt bên ngoài hết sức thư giãn, tựa như những cơn sóng ngầm cuồn cuộn dưới mặt bể bình yên. Các chuẩn bị kỹ thuật và hậu cần đã chuyển động từ lâu dưới tên mã “Con chó săn” (Bird Dog) và cả người trách nhiệm cuộc hành quân độc đáo này cũng đã được chỉ định: Trung úy 27 tuổi Edward A. Tenenbaum[18], lúc ấy đang là trợ lý cho cố vấn tài chính của Thống đốc Quân sự Clay. Sự chọn lựa Tenenbaum vào vai trò này cũng nói lên quan niệm của Hoa Kỳ về kế hoạch cải tổ tiền tệ. Đối với họ, việc đổi tiền trôi chảy và tiêu hủy được hệ thống tiền cũ càng sớm càng tốt là điều quan trọng nhất, cho nên khía cạnh kỹ thuật và hậu cần là ưu tư số một. 23.000 thùng sắt chứa đầy tiền Mác Đức, với một trọng lượng 500 tấn đã được chuyển đến Bremerhaven vào tháng 11.1947[19]. Từ đó tám chiếc tàu lửa đặc biệt đang đợi để vận chuyển món hàng đặc biệt đến Ngân hàng Trung ương Frankfurt. Chỉ cần một quyết định ngày đổi tiền, 800 xe vận tải sẽ sẵn sàng phân phối số tiền 5,7 tỉ Mác (1,4 tỉ đô-la năm 1948) đến các ngân hàng địa phương để phát tiền cho dân chúng. Mọi chuẩn bị kỹ thuật coi như đã hoàn tất từ đầu năm 1948. Đối với Hoa Kỳ, những chính sách bên cạnh để kích thích kinh tế phát triển sau đó là chuyện thứ yếu. Hay là, họ biết các chuyên gia tài chính Đức đã lên kế hoạch cụ thể và họ có thể yên tâm cho phép thực hiện các chính sách đó sau này? Chúng ta cũng chỉ biết suy đoán mà thôi. Dù sao thì Hoa Kỳ đã có công đầu trong sự kiện lịch sử này và Tenenbaum xứng đáng được gọi là cha đẻ của đồng Mác mới. Cũng chính Tenenbaum đặt tên chính thức cho nó trong các tài liệu hội họp là Deutsche Mark, thường được viết tắt là D-Mark. Thật là một bất công của lịch sử khi nhiều người trong chúng ta chưa hề nghe tên Tenenbaum. Khi nói vể cải tổ tiền tệ, nhiều người cho rằng, đấy là công đầu của Ludwig Erhard, kể cả những chính trị gia tên tuổi tại Đức trong những phát biểu chính thức trước công luận. Thật ra thì Colm-Dodge-Goldsmith, Tenenbaum và nói chung Hoa Kỳ đã có công đầu. Cũng chính Tenenbaum đã bảo vệ một cách thành công chính sách của Hoa Kỳ đối kháng lại những đòi hỏi của Đức, Anh hoặc Pháp. Vai trò của Ludwig Erhard là nắm đúng giây phút lịch sử để kết nối việc cải tổ tiền tệ với những chính sách đi kèm cho một cuộc cải cách kinh tế sâu rộng nhất trong lịch sử nước Đức, bắt đầu bằng chính sách giá cả và thay đổi chế độ phân phối theo khẩu phần để thúc đẩy quá trình tự điều chỉnh giữa giá cả và hàng hóa, giữa cung và cầu để kích thích sản xuất và điều hòa phân phối, mở đầu cho một giai đoạn kéo dài hai thập niên thần kỳ kinh tế có một không hai trong lịch sử nước Đức. Mặc dù kế hoạch cần được giữ bí mật đến phút cuối, Tenenbaum cũng nhận thấy rằng, sự hợp tác với chuyên gia Đức là yếu tố quan trọng để bảo đảm thành công, vì thế một phái đoàn chuyên gia cao cấp Đức về tài chính và luật pháp được mời đến Rothwesten[20] ngày 20.4.1948 để cùng đại diện đồng minh hoàn tất những chuẩn bị kỹ thuật. Sau sáu tuần làm việc bí mật, những bước đi sau cùng được qui định. Phái đoàn chuyên gia Đức được trở về nhà đầu tháng 6.1948 nhưng họ vẫn không biết bao giờ sẽ là ngày đổi tiền. Cuộc giằng co phút cuối Dù sao thì những Nội các tiểu bang và những người trách nhiệm cao cấp của Đức cũng biết rằng, ngày X sẽ đến nay mai. Họ không biết ngày X là bao giờ, mặc dù lực lượng chiếm đóng đã quyết định sau hậu trường. Điều họ biết rõ là, lực lượng quân sự sẽ chủ trì và tuyên bố đổi tiền lúc nào, việc bồi thường thiệt hại và công bằng xã hội không được xử lý, các chính sách đi kèm để kích thích kinh tế chưa được đặt ra lúc này. Hình 42, trái: Cựu Tổng thống Herbert Hoover Hình 43, phải: Thống đốc Lucius D. Clay Nguồn: commons.wikipedia.org, vùng công cộng Thực tế đó đưa họ vào một tình huống vô cùng khó xử. Một mặt ai cũng biết mọi quyền hành và trách nhiệm đều ở trong tay lực lượng chiếm đóng và họ chỉ có vai trò cố vấn và thừa hành. Nhưng mặt khác, họ cũng có bộ máy hành chánh, mỗi tiểu bang đều có Thủ hiến và Nội các, công việc liên vùng thì có Quốc hộiBizone[21], có Hội đồng Liên hệ với chức năng như Bộ Liên bang, có các Giám đốc Quản lý với chức năng như Bộ trưởng. Họ ăn nói thế nào với người dân sau cuộc đổi tiền, khi nhiều người sẽ mất gần hết vốn liếng dành dụm, hưu bổng, bảo hiểm? v.v...Và nếu kinh tế không được khôi phục đúng mức và kịp thời thì ai khác hơn là họ sẽ phải trả lời trước người dân? Với tinh thần bất mãn cao độ, các viên chức lãnh đạo của Đức làm một cuộc vận động cuối cùng. Các Thủ hiến tiểu bang và những người trách nhiệm về kinh tế tài chính tập trung về Frankfurt để cứu vãn những gì còn cứu được. Họ muốn đạt được ba điều trong cuộc cải tổ tiền tệ: Thay đổi chế độ phân phối và chính sách giá cả, đền bù thiệt hại phải được lưu ý, và sau cùng họ phải là người đứng ra tuyên bố trên đài phát thanh về cải tổ tiền tệ. Về mặt kinh tế tài chính, họ tìm cách thuyết phục lực lượng chiếm đóng đưa ra các chính sách phù hợp về tiền tệ, giá cả, chế độ cung cấp v.v... Chính sách như thế nào? Trước đó, ngày 18.4 ủy ban khoa học gia của Hội đồng Kinh tế đã có một báo cáo nghiên cứu về kinh tế, chủ yếu để trả lời câu hỏi “Trong mức độ nào và với phương pháp nào để điều hòa tiêu thụ, chế độ cung cấp và chính sách giá cả sau cuộc cải tổ tiền tệ mà những nét cơ bản chúng ta đã biết?”.[22] Ủy ban khoa học gia đề nghị dùng chính sách giá cả tự do làm công cụ điều hòa thị trường, mặc dù họ cũng tiên đoán những đau đớn sẽ xảy đến cho mọi người. “Dùng giá cả để điều phối kinh tế nhằm mục đích nâng cao sản lượng quốc dân. Đây là chính sách xã hội quan trọng nhất trong thời điểm này. Tất nhiên một câu hỏi còn bỏ ngỏ là trật tự kinh tế và hình thái xã hội nào chúng ta muốn đạt đến về lâu dài. Một biện pháp mạnh như cải tổ tiền tệ với thời gian chuyển tiếp dùng giá cả để chỉ đạo kinh tế sẽ mang đến những khó khăn về tái cấu trúc. Đặc biệt là chúng ta phải tính tới tình huống một số nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động hạn chế và nạn thất nghiệp có thể gia tăng”.[23] Ủy ban cũng đề nghị một loạt biện pháp đi kèm để hạn chế thiệt hại, tạo niềm tin vào thị trường và kích thích sản xuất. Những biện pháp đó bao trùm mọi lĩnh vực như tín dụng đặc biệt cho các xí nghiệp, chính sách thuế khóa, thu nhập thêm ngoại tệ, giải quyết khó khăn về xuất nhập khẩu, thị trường nhà cửa, hạn chế độc quyền, nhất là trong ngành khai thác khoáng sản. Quan trọng nhất là đề nghị của ủy ban về chính sách giá cả: “Đa số thành viên ủy ban quan niệm rằng, chỉ có giá cả tự do trên thị trường mới có thể điều hòa khả năng cung cấp sản phẩm cho nhu cầu phong phú của xã hội”. Căn cứ vào báo cáo nghiên cứu đó, Quốc hội hai vùng đã thảo luận trong một phiên họp kín bất thường ngày 14.6 và thông qua quyết định chính sách thuế khóa tạm thời. Quan trọng hơn là kỳ họpmarathon bắt đầu sáng 17.6 kéo dài cho đến năm giờ sáng ngày 18.6 vì tính cách cấp bách của vấn đề và họ phải có sơ sở để đấu tranh với chính quyền quân sự. Buổi họp này đã thông qua “Đạo luật về nguyên tắc cơ bản của chế độ phân phối và chính sách giá cả sau cuộc cải tổ tiền tệ” và hai nghị định liên hệ để thực hiện đạo luật trên[24]. Những điểm chính của đạo luật này có thể tóm tắt như sau. Về chế độ phân phối và chính sách giá cả, họ chủ trương: • Thực phẩm chính và nguyên liệu sản xuất công nghiệp và nông nghiệp sẽ được tiếp tục phân phối theo kế hoạch. Giá cả các loại hàng đó cũng như tiền thuê nhà và giá vận chuyển công cộng được nhà nước qui định. • Về ngũ cốc, sữa, khoai tây, thịt, mỡ, than, sắt, thép thì chế độ phân phối có thể bỏ và giá cả có thể được tự do, nhưng cần được sự cho phép của Hội đồng Kinh tế trong từng thời kỳ. • Chế độ phân phối hàng dệt phục vụ ăn mặc, giày dép, xà phòng và các nhu cầu hàng ngày được bãi bỏ. Giá cả các mặt hàng này được tự do. • Sự can thiệp của cơ quan công quyền vào mọi hoạt động kinh tế phải được giữ ở mức độ tối thiểu. Hàng nào mà chính quyền định giá thì chỉ qui định giá tối đa. Về liên minh, độc quyền: Việc liên minh giá cả để chi phối thị trường được xem là tội phạm và bị luật pháp trừng trị. Chính quyền nghiêm cấm và trừng phạt mọi hình thức độc quyền, trong sản xuất cũng như tiêu thụ. Đầu cơ tích trữ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Việc đấu tranh để được chính quyền quân sự đồng ý những nguyên tắc đó không dễ dàng chút nào. Đối với Anh thì ngay trên đất nước của họ vẫn còn giữ chế độ phân phối và kiềm giá, họ khó chấp nhận một chính sách tự do như thế. Pháp thì không quan tâm lắm vì mặc dầu tham gia vào cải tổ tiền tệ, nền chính trị và kinh tế trong vùng của họ vẫn không có gì thay đổi. Hoa Kỳ trên nguyên tắc không chống lại nguyên tắc cạnh tranh trong kinh tế thị trường, nhưng họ không tin chính sách đó sẽ có hiệu quả tốt trong tình hình bấy giờ. Chỉ trong vòng ba ngày, bằng mức độ đấu tranh rất gay gắt với ba Thống đốc Quân sự và các chuyên gia của họ, vừa tranh cãi thảo luận, vừa ôn hòa ngoại giao, vừa đe dọa rút lui từ chức, Thủ hiến các tiểu bang và nhất là nhân vật số một Ludwig Erhard đã làm cho các Thống đốc Quân sự phải nhường bước và chấp nhận hầu hết yêu sách của Đức: • Đạo luật về phân phối và giá cả được chính quyền chiếm đóng đồng ý và cho phép ban hành trên ba vùng phía tây sau khi việc đổi tiền được hoàn tất. Đây là thắng lợi lớn nhất và cũng có thể nói rằng, đạo luật này là tiếng pháo khởi đầu cho chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội sẽ được Ludwig Erhard nhất quán thực hiện trong hai thập niên tới. • Việc bồi thường tổn thất và xoa dịu xã hội sẽ do chính quyền dân cử của Đức thuộc ba vùng (Trizone) quyết định[25]. • Chính quyền quân sự sẽ thông báo quyết định đổi tiền, nhưng đồng thời tối 18.6 và ngày 24.6 Ludwig Erhard sẽ tuyên bố các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế trên đài phát thanh. Có thể xem bài diễn văn của Ludwig Erhard ngày 24.6 là bước khởi đầu cho một cuộc cải cách kinh tế sâu rộng tại Tây Đức. Cũng nhờ cuộc đấu tranh thành công và nhất là sự có mặt của Erhard trên đài phát thanh trong những ngày này mà chính quyền Đức đã cứu vớt phần nào uy tín trong dân chúng, và Ludwig Erhard đã trở thành hình ảnh huyền thoại kéo dài tới bây giờ. Erhard không quên thông báo trên đài phát thanh rằng giá cả một số mặt hàng sẽ được thả nổi tự do và chế độ cung cấp sẽ được hủy bỏ, mặc dù Thống đốc Clay chưa cho phép. Đấy là một lối chơi liều lĩnh, hoặc được tối đa hoặc thua tất cả và có thể bị mất chức dễ dàng. Chúng ta hãy nghe mẩu đối thoại ngày hôm sau trong văn phòng của Thống đốc Clay[26]: Clay: Làm thế nào mà ông dám thay đổi chế độ phân phối do đồng minh qui định? Erhard: Thưa đại tướng, tôi không thay đổi mà đã loại bỏ nó rồi. Clay: Nhưng các cố vấn của tôi đều chống lại cách làm của ông. Erhard: Ông đừng nghe lời họ. Các cố vấn của tôi cũng thế. Cuối cùng Thống đốc Clay cũng bỏ qua và Erhard đã đạt được mục đích của mình, qua đó đã nâng cao hiệu ứng tâm lý và có tác dụng giải phóng hàng đầu cơ tích trữ. Qua sự xuất hiện trên đài phát thanh mà nhiều người Đức cho rằng Ludwig Erhard là cha đẻ của cuộc cải tổ tiền tệ, là nhân vật số một. Ludwig Erhard là một hình ảnh huyền thoại của thần kỳ kinh tế sau này, ông cũng là người đưa ra những chính sách đi kèm để cuộc cải tổ tiền tệ thành công, nhưng đối với bản thân cuộc cải tổ thì ông không phải là người lập kế hoạch, cũng không là cha đẻ của đồng Mác mới. Đã đến lúc chúng ta làm rõ sự thật trước lịch sử và trả lại cho Colm-Dodge-Goldsmith và Tenenbaum vai trò vinh dự này. Ngày sinh của đồng Mác Đức Đối với hầu hết người dân thời đó, cuộc hồi sinh quyết định cho đất nước và kinh tế không phải là ngày tuyên bố Đạo luật Cơ bản 23.5.1949, cũng không phải là ngày thành lập Quốc hội đầu tiên tại Bonn 7.9.1949, mà chính là ngày [cải tổ tiền tệ] 20.6.1948. (Giáo sư Werner Abelshauser, Sử gia kinh tế) Cuối cùng thì ngày X cũng phải đến. Buổi tối thứ sáu ngày 18.6, sau khi mọi cơ quan và ngân hàng đã đóng cửa, ba Thống đốc Quân sự cho đài phát thanh thông báo và ngày hôm sau tất cả các nhật báo đều đăng một nội dung giống nhau, trích một phần từ đạo luật về trật tự tiền tệ mới[27]: “Tất cả các loại tiền cũ sẽ mất giá trị vào ngày thứ hai. Tiền mới, có giá trị kể từ chủ nhật 20.6, được gọi là Mác Đức[28]. Trước tiên mỗi công dân trong ba vùng phía tây nhận được tiền đầu người[29]là 60 Mác Đức đổi lại 60 đồng Mác cũ. 40 Mác Đức được phát tức thời, số 20 Mác Đức còn lại thì hai tháng sau[30]. Việc đổi tiền được thực hiện ngày chủ nhật tại các quầy hàng tem phiếu thực phẩm” và nhiều qui định khác nữa, nhưng chẳng có ai cần đọc hết. Đối với họ, tiền cũ đổi thành tiền mới với tỉ suất 1:1 là chuyện khó tin nhưng có thật. Người ta đợi đến ngày chủ nhật như trẻ con chờ ngày Tết. Chúng ta hãy theo dõi hai trang sách của sử gia Guido Knopp[31]: “Thật sự là người ta chen lấn đến chỗ đổi tiền từ một tới hai giờ trước khi mở cửa. Người ta không thể tưởng tượng rằng, đồng Mác cũ có thể đổi lấy đồng Mác mới tinh. Sự thông báo về đồng tiền mới đã dẫn đến cảnh tắm mưa tập thể: Chương trình truyền hình chiếu cảnh hàng người chờ đợi dưới mưa dầm. Dù cho bầu trời mù mịt, ký giả truyền hình cũng nhận xét ‘đấy là sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của bản thể con người’. Trong tờ báo Nam Đức[32] ngày hôm sau: ‘Suốt cả tám giờ đồng hồ, hàng trăm ngàn người chờ đợi dưới cơn mưa tầm tã trong những hàng dài dằng dặc, dài hơn bất cứ hàng người nào từ trước tới nay. Thỉnh thoảng đâu đó có tiếng cãi vã, đột quị vì mệt hoặc đánh lộn chửi rủa nhau’. Cũng không có gì ngạc nhiên là chỉ có 70 phần trăm dân Đức lãnh được tiền hôm đó. Số còn lại phải đợi đến sáng hôm sau. Nhiều người nhớ lại cảm giác lạc quan lúc nhìn thấy đồng tiền mới: ‘Thật giống như được giải phóng lần thứ hai’ hoặc ‘Hồi hộp như chờ đợi ngày sinh nhật và Giáng sinh kết hợp với nhau’. Không có sự kiện nào sau chiến tranh để lại ấn tượng sâu đậm hơn. Cuộc cải tổ tiền tệ đối với nhiều người là một cảm nhận thuở sơ khai, một bước ngoặt cuộc đời như sự đổ vỡ ba năm về trước, chỉ khác là theo chiều ngược lại. Và chỉ sau một đêm người ta đã hiểu thế nào là ‘thần kỳ Mác Đức’. Nếu cửa sổ các cửa hàng hôm trước còn trống trơn, thì ngày hôm sau đã đầy rẫy hàng và hàng. Không tin được khi bỗng nhiên có thể mua tất cả: bơ, thịt và cũng có cả nồi niêu, ruột xe đạp – những thứ mà trước đây người ta chỉ nằm mơ mới thấy và nghĩ rằng không thể kiếm được từ đâu. ‘Bỗng nhiên có tất cả mọi thứ’ hoặc ‘Giống như có ai vung chiếc đũa thần ảo thuật’.” Hoặc một khía cạnh khác[33]: “Phiền nhất là có quá nhiều hàng hóa để chọn lựa. ‘Hà hà, bây giờ thì trước tiên là ăn cho thỏa chí. Chúng ta đã đói quá rồi. Đơn giản là thế’, như nữ diễn viên Marianne Hoppe nhớ lại. Otto Schlecht, Đổng lý văn phòng của Ludwig Erhard, kể lại: ‘Điều đầu tiên tôi làm, hồi đó còn là sinh viên, là mua ngay 500 gram dồi, ăn gọn một hơi hết sạch’. Cựu Bộ trưởng Erich Mende thì hồi tưởng: ‘Tôi mua 200 gram bơ, sáu trứng, một chùm cải hoa, 500 gram quả anh đào, làm bột khoai tây nhão với trứng chiên, bơ nâu và cải hoa nấu chín. Cuối cùng thì có anh đào làm tráng miệng. Tất cả chỉ tốn bốn Mác Đức nhưng thật tuyệt vời như một bữa tiệc thịnh soạn trong ngày đổi tiền’.” Hình 44: Ngày khai sinh đồng Mác Đức 20.6.1948 Tấm bảng có chữ: “Quầy đối tiền” Nguồn: Bundesarchiv, Bild 146-1982-181-20 / CC-BY-SA 3.0 Với 60 DM “tiền đầu người”, dân Đức có đủ phương tiện ăn tiêu đầy đủ trong thời gian đầu. Ngoài ra, đạo luật số 3 qui định, tất cả số tiền còn lại phải chuyển vào tài khoản ngân hàng. Mỗi 100 RM tiền cũ (Reichmark) trong ngân hàng được đổi ra 10 DM (hối suất 10:1), trong đó 5 DM được sử dụng, còn lại 5 DM bị giữ lại trong tài khoản phong tỏa. Khi đạo luật số 4 ban hành cuối tháng 9.1948, hối suất chuyển đổi cho tài khoản phong tỏa được qui định: trong 5 DM còn lại nói trên, chủ tài khoản mất 3,5 DM (70%), được sử dụng 1 DM tiền mặt (20%) và mãi đến năm 1953 được lãnh phần còn lại 0,5 DM (10%). Nói tóm lại, 100 RM tiền cũ trong tài khoản chỉ đổi được 6,5 DM tiền mới. Người dân Đức mất trắng 93,5% tài sản còn trong ngân hàng. Lương bổng, tài sản vật chất, chứng khoán được giữ trị giá 1:1. Nói tóm lại, ai còn giữ tiền mặt thì kẻ đó bị thua thiệt nặng, trong lúc những ai còn giữ tài sản vật chất (bất động sản, vàng, nữ trang, hàng hóa, phương tiện sản xuất, chứng khoán v.v...) là những người may mắn trong cuộc cải tổ tiền tệ. Hậu quả chính trị Mặc dù cuộc cải tổ tiền tệ khởi đầu cho một bước nhảy vọt kỳ diệu trong quá trình phát triển Tây Đức, nhưng hậu quả chính trị của nó lên toàn nước Đức cũng to lớn không kém. Hậu quả này không phải xuất phát trực tiếp từ cuộc cải tổ, mà nó có mầm mống từ hai năm trước xuất phát từ chiến lược phát triển ngày càng khác nhau giữa hai vùng đông và tây. Sự kiện cải tổ tiền tệ là cơn chấn động cuối cùng làm nước tràn khỏi ly. Sự chuẩn bị khẩn trương ở phía tây mặc dù rất bí mật cũng không thể qua mắt mật vụ Liên Xô và họ cũng dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra trong tháng 6 hoặc 7.1948. Ngày 16.6.1948, phái đoàn quân sự Liên Xô bỏ ra khỏi phòng họp của Hội đồng Chỉ huy Đồng minh cho vùng Berlin. Thái độ này cũng chấm dứt hoạt động của hội đồng này như họ đã làm đối với Hội đồng Kiểm soát của đồng minh ba tháng trước đó. Mọi cơ cấu hợp tác chung giữa bốn bên coi như hoàn toàn giải thể. Khu vực Liên Xô chiếm đóng cũng bắt đầu chuẩn bị mọi điều kiện để tiến hành song song cuộc cải tổ tiền tệ ở phía đông. Sau khi cuộc cải tổ ở phía tây được thông báo trên truyền thanh ngày 18.6.1948, Liên Xô ra lệnh chận đường lưu thông giữa đông và tây Berlin. Kể từ 19.6.1948 Berlin từng bước bị cô lập mọi phía. Cũng cần nói thêm rằng, vì cơ chế quản lý bốn nước đồng minh, chính quyền quân sự phía tây quyết định không thực hiện cải tổ tiền tệ tại tây Berlin, mà ở đó đồng Mác cũ vẫn còn giá trị. Sau ngày đổi tiền 20.8.1948 ở ba vùng phía tây, Liên Xô ra lệnh đổi tiền ở phía đông và sử dụng tiền mới trong cả đông và tây Berlin. “Cuộc cải tổ không chuẩn bị trước trong vùng phía đông ba ngày sau khi phía tây bắt đầu là bước đi cần thiết không tránh được, nhưng đồng thời đã phân chia nước Đức thành hai vùng tiền tệ khác nhau. Vì bên đông chưa in tiền kịp, đồng Mác Đế chế vẫn tiếp tục sử dụng với một con tem dán chồng lên trên. Người ta gọi khôi hài là tiền Mác dán tường”. Cải tổ tiền tệ ở phía đông thực chất không khẩn cấp như phía tây, vì với sự đình chỉ sử dụng tiền trong ngân hàng và quĩ tiết kiệm kể từ 1945, Liên Xô đã vô hiệu hóa lượng tiền 70 tỉ Mác Đế chế trên thị trường[34]. Sau cải tổ ở phía tây thì cải tổ bên đông là điều bắt buộc, vì với sự suy giảm giá trị đồng Mác Đế chế nói chung, lạm phát tất yếu xảy ra ở phía đông nếu tiền cũ vẫn còn lưu hành. Sự đau khổ vì mất mát lúc đổi tiền ở phía đông tuy thế cũng không đến nỗi khắc nghiệt lắm: “tiền đầu người”[35]là 70 Mác, tiền ngân hàng được đổi theo tỉ suất 1:1 cho đến 100 Mác, 5:1 cho đến 900 Mác và còn lại trên đó là 10:1”[36]. Liên Xô cũng nới rộng vùng sử dụng Mác đông sang vùng tây Berlin với dụng ý biến tây Berlin kể từ 23.6.1948 thành một vùng kinh tế thuộc Liên Xô. Tất nhiên ba Thống đốc ở phía tây không nhượng bộ, họ cho chuyển tiền Mác Đức với khuôn dấu B sang sử dụng tại Berlin. Như thế kể từ 24.6.1948 tây Berlin có hai loại tiền lưu hành, trong lúc đông Berlin thì cấm sử dụng Mác Đức. Cuộc chia cắt nước Đức như thế đã được sắp xếp đến mức hoàn hảo. Liên Xô tuyên bố phong tỏa Berlin. Hoa Kỳ huy động lực lượng không quân để thiết lập cầu không vận cho tây Berlin. Cuộc phong tỏa kéo dài 11 tháng mãi đến ngày 4.5.1949 mới chấm dứt. Nhưng mọi chuyện đã quá trễ, chiến tranh lạnh đã lên đến cực điểm không thể đảo ngược trở lại. Cuộc chia cắt nước Đức thành hai vùng đông tây đã hoàn tất. Dù trực tiếp hay gián tiếp, đấy là cái giá mà dân tộc Đức phải trả cho việc cải tổ tiền tệ năm 1948.