🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vua Gia Long Và Người Pháp
Ebooks
Nhóm Zalo
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Chương 1: Nhu cầu viết lại lịch sử thời Pháp thuộc
Tại miền Nam trước 1975, nền giáo dục phổ thông dựa trên bộ Việt Nam Sử Lược (1920) của Trần Trọng Kim. Đào sâu về thời Pháp thuộc hơn, có bộ Việt Nam Pháp thuộc sử 1884-1945 (1961) của Phan Khoang. Các nhà viết sử lớp sau như Phạm Văn Sơn cũng chỉ dựa trên hai cuốn sử này mà viết rộng ra, chứ không có khám phá mới.
Trong bài tựa cuốn Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) [Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)]của Charles B. Maybon, in năm 1920, Henri Cordier cho biết cuốn sử đầu tiên mà độc giả Pháp được biết về nước Nam là cuốn Cours d’histoire annamite [Giáo trình lịch sử An Nam] của Trương Vĩnh Ký in năm 1875.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, viết xong năm 1919, in lần đầu năm 1920, dưới thời Pháp thuộc, tất nhiên có sự kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa. Học giả họ Trần, uyên thâm chữ Nho và chữ Pháp, tuy có đọc những bộ sử của nhà Nguyễn, nhưng ông vẫn đặt niềm tin gần như trọn vẹn vào tài liệu Pháp. Khi nhận định về những lý do của cuộc xâm lăng, Trần Trọng Kim lấy lại ý kiến của các sử gia thuộc địa, cho rằng vì triều đình Huế không chịu canh tân đất nước, áp dụng chính sách bế quan toả cảng, cấm đạo, diệt đạo, nên người Pháp mới đánh Việt Nam, để cứu giáo dân, giáo sĩ và bảo vệ tự do buôn bán.
Phan Khoang đào sâu hơn, tiếc rằng ông cũng vẫn nghiêng theo lối trình bầy sự kiện và cách đánh giá của các sử gia thuộc địa.
Nguyễn Thế Anh trong Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ (Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970), dùng phương pháp nghiên cứu khoa học hơn, đã đưa ra những khám phá mới, tuy nhiên trong cuốn sách này, ông vẫn chỉ dựa vào tài liệu Pháp. Đến cuốn Monarchie et fait colonial au Việt nam (1875-1925) Le crépuscule d’un ordre traditionnel [Nền quân chủ và vấn đề thuộc địa ở Việt Nam (1875-1925) Ngày tàn của trật tự truyền thống] (L’Harmattan, Paris 1992), ông đã có một thái độ quân bình hơn.
Học giả Đào Đăng Vỹ khi viết Nguyễn Tri Phương (1974, Kelton in lại tại Mỹ) cũng không tham khảo Đại Nam Thực Lục mà lại dựa rất nhiều vào cuốn La conquête de L’Indochine [Sự chinh phục Đông Dương] (Payot, Paris, 1934) của A.Thomazi, được nhiều người tham khảo về chiến tranh Đông dương. Thomazi là một quân nhân, không nhắc đến các chiến bại của Pháp mà chỉ đề cao chiến thắng. Vì vậy, tác phẩm của Đào Đăng Vỹ dù xuất hiện khá muộn (1974) vẫn còn nằm trong khuôn khổ các sử gia viết theo quan niệm thuộc địa.
Nguyễn Khắc Ngữ trong cuốn Việt Nam ngày xưa, qua các ký họa Tây Phương, (Nhóm nghiên cứu sử địa, Montréal, Canada, 1988) đã có công sưu tầm nhiều hình ảnh, ký họa, vẽ lại các trận chiến, các vụ xử tử giáo sĩ, để người đọc hôm nay, có thể hình dung được không khí của những hiện trường thủa trước. Nhưng in lại những sản phẩm này mà không giải thích rõ ràng, là đã gián tiếp góp phần vào việc tuyên truyền cho quan điểm thuộc địa.
Cuốn sách sau cùng mà chúng tôi muốn đề cập ở đây, là Lịch sử nội chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc, bộ môn sử 1973 ở Sài Gòn (An Tiêm in lại ở Cali, 1991). Ông là một người viết sử thuộc lớp trẻ hơn, có đọc cả tài liệu Pháp-Việt, sách của ông được giải thưởng văn học, khiến cuốn Lịch sử nội chiến Việt Nam có một uy tin nào đó, được nhiều người trích dẫn, đưa lên Wikipidéa tiếng Việt. Tiếc rằng, ông cũng vẫn lại rập theo lập luận của sử quan thuộc địa để xác định công lao của Bá Đa Lộc và những “sĩ quan” Pháp, trong việc giúp Gia Long dựng lại cơ đồ.
Vậy sử quan thuộc điạ là gì? Tại sao chúng ta phải nghi ngờ lối viết này? Sử quan thuộc địa
Hầu như tất cả mọi người nghiên cứu về giai đoạn Pháp thuộc đều phải dựa vào thông tin của các vị thừa sai, vì họ mới chính là những người đi sâu, đi sát với dân, có tai mắt ở khắp nơi, được sự ủng hộ của giáo dân, biết nhiều thông tin ngoài lề, không có trong chính sử; hơn nữa họ là các nhà tu hành, đứng trên mọi nghi ngờ. Vì lẽ đó mà rất nhiều sử gia đã chép lại những thông tin bịa đặt của giáo sĩ La Bissachère mà không đặt vấn đề. Trường hợp Bissachère là một ngoại lệ, sẽ nói đến sau, không phải giáo sĩ nào cũng “bất lương” như thế.
Tuy nhiên, giáo sĩ là một tập đoàn riêng biệt, có những nhu cầu và mục đích không đi đôi với sự tìm hiểu sự thật lịch sử: Đầu tiên hết, khi nhận nhiệm vụ
truyền giáo, là họ đã quyết rời bỏ gia đình, “một đi không trở lại”, xả thân vì đạo Chúa. Nghiã vụ tử vì đạo là nghiã vụ cao cả mà họ đón nhận như một vinh quang. Nghĩa vụ thứ nhì là dìu dắt con chiên, không bỏ rơi con chiên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việc này giải thích tại sao các giáo sĩ khi bị đuổi khỏi Việt Nam, từ Alexandre de Rhodes (bốn lần bị bắt, bốn lần trở lại) luôn luôn tìm cách quay trở lại ngay, bất chấp luật lệ nhà vua, bất chấp án tử hình. Nhiệm vụ thứ ba của họ đối với toà thánh là truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng của đạo thiên chúa trong vùng họ cai quản. Nhiệm vụ thứ tư là phục vụ đất nước họ, đó là quyền lợi của nước Pháp, từ Alexandre de Rhodes (1591- 1660) đến Bá Đa Lộc (1741-1799), cả hai linh mục này đã xả thân suốt đời để phục vụ nước Pháp, dẫn đường cho người Pháp đến Việt Nam. Sự bất đồng ý kiến giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh, cũng là sự xung đột giữa hai nguyên tắc: giảng đạo và chiến tranh, giữa hai quyền lợi: nước Pháp và nước Việt.
Để hoàn tất những nhiệm vụ này, các giáo sĩ đôi khi đã, không phải bẻ cong ngòi bút, mà họ chỉ viết một nửa sự thật: ví dụ, mô tả việc xử tử giáo sĩ một cách cực kỳ dã man, nhưng không nói đến nguyên nhân tại sao họ bị xử tử; không nói đến luật hình ở Việt Nam; giấu kỹ những hoạt động chính trị của những giáo sĩ giúp phe nổi loạn (Lê Văn Khôi, Tạ Văn Phụng…), để chống lại triều đình.
Thậm chí giáo sĩ Louvet, còn “dịch” một đoạn dụ rất tàn ác, bảo là của vua Tự Đức, trong có câu: “Những thầy tu người Việt, dù có chịu bước qua thánh giá hay không cũng bị chém làm đôi (…) những kẻ tàng trữ người Âu trong nhà cũng bị chém ngang thận vứt xuống sông” (Louvet, La Cochinchine Religieuse, II, t.185), không hề tìm thấy ở đâu; hoặc là “ghi lại” những lời vô nhân đạo, bảo do vua ra lệnh truyền miệng, không cho phép in, để không ai có thể kiểm chứng được. Những giáo sĩ này, dường như cố tình đưa bộ mặt “dã man” diệt đạo của vua quan nhà Nguyễn, để giáo hoàng can thiệp, để chính quyền Pháp đưa quân vào đánh.
Nhiệm vụ của họ là vinh thăng sứ mệnh truyền giáo.
Cuốn La Cochinchine Religieuse, (Đạo giáo ở Nam Kỳ), in năm 1885, của Louis Eugène Louvet (1838-1900), được coi như cuốn lịch sử tử vì đạo, dưới thời các “bạo chúa” Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Là ngòi bút biện hộ đắc lực cho sứ mệnh truyền giáo, cực lực kết án các vua Nguyễn và đặc biệt căm thù Minh Mạng mà các thừa sai coi là “bạo chúa Néron” Việt Nam. Louvet viết về sự “vô ơn” của Minh Mạng như sau:
“Các ông Vannier và Chaigneau, hai người Pháp ở lại, duy nhất sống sót trong mấy người tận tụy đến đây từ năm 1789, khôi phục lại ngai vàng cho cha ông [Gia Long]. Để thưởng công cho họ, vua Gia Long đã thăng lên hàng đại thần và cho tham dự hội đồng [nội các]; sự hiện diện của họ làm Minh Mạng khó chịu, kiếm cách loại trừ”. (Louvet, La Cochinchine Religieuse, t.32, tất cả những chỗ in đậm là do chúng tôi).
Sự xác định: Những người Pháp đến đây từ năm 1789, đã khôi phục lại ngai vàng cho Gia Long là một huyền thoại, được các sử gia thuộc địa dầy công xây dựng.
Một trong những sử gia thuộc địa ảnh hưởng lớn đến sử gia Việt, lớp trước, phải kể đến Charles Gosselin và cuốn L’Empire d’Annam [Đế Quốc An Nam] in tại Paris, năm 1904. Charles Gosselin là đại uý trong quân đội viễn chinh, có mặt trên chiến trường và đã nghiên cứu rất kỹ về xã hội Việt Nam. Ông viết về xã hội Việt, về phong tục tập quán của người Việt khá sâu sắc, đặc biệt vấn đề thờ cúng tổ tiên, như một triết lý sống, một ý thức tâm linh đi trên mọi tôn giáo, mà đạo Thiên Chúa thời ấy đã sai lầm bác bỏ. Ông cũng viết rất kỹ về việc vua Hàm Nghi bị bắt, qua thông tin của những người trực tiếp tham dự chiến dịch này, tỏ lòng khâm phục sâu xa hai người con của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm, đã phò vua đến chết. Tuy nhiên, ông đã không thể gạt bỏ được đầu óc chủ quan của người lính viễn chinh, đến đây với mục đích “chinh phục” và “giáo hoá”, vì thế ông cần phải biện minh cho chính nghiã, qua hai điểm chính:
- Đổ tội cho các vua Nguyễn trách nhiệm đánh mất nước.
- Biện minh cho cuộc xâm lăng bằng cách thổi phồng sự tàn sát đạo Thiên chúa dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; nêu cao “thiên chức cứu đạo” của đoàn quân viễn chinh.
Hai mục đích này được trình bầy rất rõ trong bài tựa cuốn L’Empire d’Annam [Đế Quốc An Nam]:
“Những vị hoàng đế nước Nam, bởi sự bội bạc đối với những người Pháp lẫy lừng đã làm quan cho Gia Long, mà nhờ họ, mới có được ngai vàng; bởi sự tàn ác đối với những giáo sĩ đồng bào của chúng ta; bởi sự cứng đầu điên dại bế quan tỏa cảng; bởi sự khinh bỉ nền văn minh phương Tây, vì kiêu căng ngu muội, họ cho là man rợ; bởi sự kiên trì từ chối tiếp xúc với nước ngoài, trừ nước Tầu; những hoàng đế này, tôi bảo, phải chịu trách nhiệm sự suy đồi và sụp đổ của nước họ, phải gánh vác một mình, sự nhục nhã trước
lịch sử.”(Gosselin, L’Empire d’Annam, Paris, Librairie Académique Didier, Perrin et Cie, Libraires-Editeurs, 1904, t.XVII)
Những lời lẽ trịch thượng, vô căn cứ này của Gosselin lại được tiếp tay bởi các sử gia Việt Nam, Trần Trọng Kim viết:
“Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước Y Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh lấy nước ta vậy” (Trần Trọng Kim, VNSL, bản Bộ quốc gia giáo dục, 1971, t.242).
Phan Khoang, cũng không đi ra ngoài những luận điểm ấy:
“Vua Minh Mệnh cũng có ý tự cường, tự chủ, nhưng không hiểu tình thế thiên hạ, lại không dung nạp đạo Gia Tô, nên cái mầm xung đột sinh ra từ đó. Vua Thiệu Trị tiếp tục chính sách ấy, người Pháp có cớ mà gây hấn, và tiếng súng đầu tiên nổ ở Đà Nẵng năm 1847, đã báo hiệu những ngày mai đầy giam hiểm.” (Phan Khoang, Lời nói đầu, Việt Nam pháp thuộc sử, Sống Mới, 1961, t.VI).
Phan Khoang viết tiếp: “Ngài [vua Tự Đức] không hiểu rõ thời thế, cứ tưởng chỉ có nước Tầu, nước Việt Nam mới là văn hiến (…) chứ các nước khác là dã man (…) phần đông các quan đại thần lúc bầy giờ như các ông Nguyễn Đăng Giai, Trương Đăng Quế, Võ Trọng Bình, Nguyễn Tri Phương… đều là hạng người bảo thủ (…) người nước ta còn cho người Âu châu cũng như rợ Đột- khuyết đời Đường, rợ Kim đời Tống mà thôi, nghiã là tuy về võ bị họ tài giỏi, nhưng cũng là giống người dã man, không đáng cho ta bắt chước. Vì vậy, vua Tự Đức đối với đạo Thiên Chúa và với người Tây dương cứ theo chánh sách của vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị (…) cho nên khi vua quan đã sai đường, lầm nẻo thì cả nước bị bại vong.” (Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, t.105-106).
Nguyễn Thế Anh, sau khi mô tả biến cố Pháp đánh Đà Nẵng ngày 15/4/1847 theo luận cứ của sử gia Pháp, nhận định:
“Sự thị uy của các chiến thuyền Pháp tại Đà Nẵng cho thấy rõ nguy cơ đương đe dọa nước Việt Nam. Các quan trong triều vua Tự Đức mới kế vị Thiệu Trị không phải là không ý thức được mối đe dọa ấy; trong các bản sớ tâu lên nhà vua, nhiều người đã đề cập đến sự bành trướng thế lực của người Âu tại Viễn Đông (J. Silvestre, Politique française dans l’Indochine, Annales de l’École libre des Sciences Politiques, Janvier 1896, trang 55). Nhưng triều đình đã không có một biện pháp đối phó nào, ngoài sự cấm đạo
Thiên chúa ngặt nghèo hơn trước. Nhân vụ An Phong Công Hồng Bảo mưu nghịch, tìm sự ủng hộ của các giáo sĩ Âu Châu để đoạt ngôi báu. Vua Tự Đức nghi ngờ các nhà truyền giáo nhúng tay vào đời sống chính trị Việt Nam, và cho công bố 2 đạo dụ cấm đạo mới năm 1848 và 1851. Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt Nam có đến 10 giáo sĩ người Âu và khoảng 100 giáo sĩ người Việt bị xử tử. Tại Nam Việt Nam vào khoảng 15 giáo sĩ ngoại quốc và 20 giáo sĩ người Việt bị giết. Hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đầy” (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970, trang 17-18).
Không hiểu Nguyễn Thế Anh căn cứ vào đâu để xác định hai điều:
1- Triều đình đã không có một biện pháp đối phó nào, ngoài sự cấm đạo Thiên chúa ngặt nghèo hơn trước.
2- Từ năm 1848 đến năm 1860, tại Bắc Việt Nam có đến 10 giáo sĩ người Âu và khoảng 100 giáo sĩ người Việt bị xử tử. Tại Nam Việt Nam vào khoảng 15 giáo sĩ ngoại quốc và 20 giáo sĩ người Việt bị giết. Hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đầy.
Về điểm thứ nhất: Vua Minh Mạng là người, không những đã xây dựng lại toàn bộ nhà nước Việt Nam từ hành chính, giáo dục, luật pháp, địa lý, sử ký một cách quy mô; mà trước kinh nghiệm mất nước của Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, rồi sau đến chiến tranh nha phiến ở Trung Hoa (1839), và vị trí chiến lược của nước ta trên Thái Bình Dương, vua đã thấy mối đe doạ ngoại xâm không thể nào tránh được, nên đã thiết lập một lực lượng quân sự hùng mạnh. Ngay từ năm 1826, vua Minh Mạng cho xây Hải Vân Quan, trên đèo, chặn đường tiến của những đạo quân từ Đà Nẵng đánh vào Huế. Năm 1836, cho xây thành đài kiên cố An Hải và Điện Hải để bảo vệ vịnh Đà Nẵng. Đà Nẵng được Barrow, người Anh đến đây năm 1793, gọi là vịnh Gibralta của Á Đông. Vì vậy nhiều lần quân Pháp đánh Đà Nẵng đều thất bại: chỉ đến bắn phá rồi bỏ đi. Năm 1847, Lapierre và Rigault de Genouilly oanh tạc lén 5 chiến thuyền đồng của vua Thiệu Trị rồi bỏ đi. Năm 1848, 14 chiến hạm của liên quân Pháp Y Pha Nho đánh vào Đà Nẵng, chiếm được An Hải và Định Hải, nhưng không thể vượt đèo Hải Vân để đánh Huế, phải bỏ, vào đánh Sài Gòn. Thiệu Trị và Tự Đức tiếp tục việc phòng thủ như vua cha. Vì vậy mà người Pháp đã phải để ra 30 năm mới chinh phục được Việt Nam (1858- 1888).
Việc cấm đạo đối với triều Nguyễn không phải là quốc sách, nên chỉ được ghi lại vài dòng rải rác trong Đại Nam Thực Lục. Dù bị các vị thừa sai gọi là
“bạo chúa”, vua Minh Mạng không cấm hẳn đạo mà chỉ ngăn chặn việc đạo Thiên Chúa lan rộng, cấm giáo sĩ xâm nhập vào Việt Nam và ra lệnh cho các giáo sĩ trong nước về Kinh dịch thuật.
Từ năm 1835, sau khi bắt được một số giáo sĩ nhúng tay vào hai vụ loạn nổi tiếng Lê Văn Khôi trong Nam và Lê Duy Lương ở Bắc, mục đích lật đổ triều Nguyễn, xây dựng một nhà nước thiên chúa giáo [linh mục Marchand (Cố Du) bị bắt với 5 phần tử nòng cốt của cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi, cùng bị xử lăng trì], việc cấm đạo mới nghiêm ngặt hơn: giáo sĩ bị bắt sẽ bị ném xuống sông.
Về điểm thứ nhì: Con số những người tử vì đạo, cũng cần phải kiểm chứng lại. Bởi nếu đọc các điều khoản cấm đạo dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thì không thấy lệnh nào giết dân; các vua thường khoan hồng, truyền cho các quan phải tìm cách giảng giải cho họ hiểu, và giải tán không cho tập trung ở một nơi, để thoát khỏi ảnh hưởng các cha cố. Vậy con số hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đầy khó có thể tin được nếu không có bằng chứng nói rõ ở đâu, trong những hoàn cảnh nào. Bởi vì thông tin của các vị thừa sai thường rất tương phản, một mặt họ thổi phồng việc tàn sát giáo dân, một mặt họ đưa ra những con số rất lớn về những người đã được rửa tội, trong thời kỳ cấm đạo.
Tiếp tục phỉ báng các vua Nguyễn, Gosselin viết:
“Những lời nguyền rủa dữ dội và những cơn phẫn nộ vô ích của Thiệu Trị, những than van bất lực và những lễ tế trời của Tự Đức bộc lộ những cố gắng tột độ của các quân vương yếu đuối như đàn bà này để chống lại sự tiến công của chúng ta trên vương quốc của họ”.
(Sđd, t.XVIII).
Theo Gosselin, nếu vua Gia long còn sống thì đã… không có chiến tranh, có lẽ nhà vua đã “dâng” nước cho Pháp vô điều kiện, như giấc mơ của vị giám mục yêu nước [Pháp] Bá Đa Lộc:
“Nếu chúng ta có được trước mặt một ông hoàng thông minh, sáng suốt, chủ động như Gia Long, chiến tranh sẽ không xẩy ra (…) nếu những kẻ kế vị đại đế này có được một vài đức tính của cha ông, thì, dưới sự bảo trợ của chúng ta, đất nước này sẽ đi vào con đường canh tân giống như nước Nhật. Sự biến chuyển có thể chậm hơn, vì cá tính hai dân tộc khác nhau trên nhiều điểm, nhưng cũng đủ để cho người ngoài nể trọng, và thay vì nước Nam ngày nay
sống nhục nhã dưới nền đô hộ của chúng ta, được che bằng hai chữ bảo hộ khả kính, có thể, sẽ là đồng minh và bè bạn của nước Pháp, thực hiện giấc mơ cao quý của vị giám mục yêu nước Bá Đa Lộc.” (Sđd, t.XVIII-XIX)
Vần đề Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh sẽ phải nghiên cứu lại. Ông có thực tâm giúp Nguyễn Ánh hay ông chỉ giúp Nguyễn Ánh để dẫn đường cho Pháp vào Việt Nam? Người thanh niên 22 tuổi ấy, ở bước đường cùng, đã trao con cho Bá Đa Lộc để tránh cho nó bị Tây Sơn tiêu diệt? Quốc ấn thì có, vì được Nguyễn Ánh xác nhận, nhưng “quốc thư” chắc là giả. Lúc ấy Nguyễn Ánh tìm nhiều lối thoát, định nhờ cả Anh, Hoà Lan, Y Pha Nho… Bản hoà ước cầu viện, ký giữa Bá Đa Lộc và ngoại trưởng Pháp Montmorin ngày 28/11/1787, là do Bá Đa Lộc viết ra, không có gì cho thấy là ông đã “tham khảo” ý kiến Nguyễn Ánh.
Bởi sự kiện nhượng các vùng Đà Nẵng, Hải Vân và Côn đảo cho Pháp, là điều tối kỵ: từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá, Quảng Nam Đà Nẵng vẫn là khu chiến lược cực kỳ quan trọng, các chúa đều giao cho hoàng tử trưởng làm trấn thủ; đèo Hải Vân là yết hầu của Huế, chiếm được ải này là có đường đánh vào Kinh đô. Một người tài trí như Nguyễn Ánh chẳng thể không biết điều đó.
Cuối cùng, vì nhiều lý do, sẽ nói sau, Louis XVI không giúp, khiến Nguyễn Ánh thoát mọi nợ nần với Pháp mà có lẽ trong bước đường cùng, ông đã không chủ động được. Lá thư ông viết ngày 31/1/1790, cám ơn Pháp hoàng một cách hoan hỉ vì đã không giúp, chứng tỏ sự kiện này.
Tất cả những điểm này cần được khảo sát lại từng chi tiết, từng ngõ ngách, đọc kỹ thư từ của Bá Đa Lộc gửi Hội thừa sai và chính phủ Pháp, mới có thể tìm được một phần sự thật và hiểu tại sao các sử gia thuộc địa vinh thăng Bá Đa Lộc lên hàng “vĩ nhân yêu nước” và cho rằng nếu vua Gia Long còn, thì nước Nam sẽ vào tay Pháp không tốn một xu, như nguyện ước của Bá Đa Lộc.
Trở về lý do của cuộc xâm lăng, thì đây mới là lý do thực sự cuộc xâm lược qua lời Gosselin thổ lộ với độc giả Pháp:
“Đồng bào ta, không thông hiểu lịch sử, cho rằng nước Pháp đã bị lôi kéo can thiệp vào nước Nam chỉ vì muốn hỗ trợ các giáo sĩ, hay muốn trả đũa những hành động gây hấn đối với họ và sự tàn sát đạo Thiên chúa. Thực ra, những giáo sĩ chỉ là cái cớ để chúng ta tấn công nước Nam. Bị mất Ấn Độ trong thế kỷ thứ mười tám, địch thủ miên viễn của ta là nước Anh, ngày
càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, bắt buộc ta phải có chỗ đứng ở biển Đông, nếu không sẽ bị mất hết, nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng thấp hèn đáng khinh bỉ. Nước Nam đã cho ta cơ hội, sự tàn sát các giáo sĩ người Pháp đã cho ta cái cớ, chúng ta vội vàng nắm lấy là điều dễ hiểu, và đến giờ này sự chiếm hữu đã toàn vẹn”. (Sđd, t.XIX).
Gosselin còn nói đến lý do số mệnh, tạo ra từ vị thế địa lý chính trị của Việt Nam.
Ông đã đặt bút viết những hàng tự cao tự đại sau đây:
“Bởi lỗi của những hoàng đế nước Nam sau Gia Long, mà chúng tôi sẽ trình bầy những khía cạnh khác nhau, đất nước họ nằm trên đường dẫn đến nước Tầu, định mệnh bắt buộc phải rơi vào vào tay một cường quốc Âu châu. Không kiêu ngạo, chúng ta mạn phép cho rằng rơi vào tay ta là một đặc ân của số mệnh. Thử hỏi nếu rơi vào tay nước Anh thì sẽ ra sao? Không ai lạ gì chính sách của Anh đối với thổ dân ở Úc, sự trấn áp những nước cộng hoà Nam Phi bằng những hành vi bỉ ổi, sự xấc xược hỗn hào hành hạ những dân tộc mà họ đã chinh phục bằng võ lực …” (Sđd, t.XIX-XX).
Những lời trên đây của Gosselin tiêu biểu cho quan niệm sử học thực dân: biện minh cho “thiên chức giáo hoá” của người Âu và đạo Thiên Chúa, kể lại “công ơn” của người Pháp đối với Việt Nam. Nhờ Pháp mà Nguyễn Ánh mới “xây dựng lại được cơ đồ”. Lên ngôi, ông “biết ơn” Bá Đa Lộc, trọng dụng các sĩ quan Pháp “đã giúp ông lấy lại ngai vàng” như Chaigneau, Vannier… phong làm quan lớn trong triều. Nhưng sau khi Gia Long mất, Minh Mạng “vô ơn bạc nghiã”, đuổi họ về, “bế quan toả cảng, tàn sát đạo Thiên Chúa”. Thiệu Trị, Tự Đức rập theo đường lối “dã man” hậu tiến này. Vì vậy mà Pháp phải can thiệp để cứu giáo sĩ, giáo dân, “khai hoá” cho dân Việt.
Nhưng những lý do “vững như bàn thạch” này lại hoàn toàn bị triệt tiêu, khi chính Gosselin đưa ra lý do tối hậu: Giáo sĩ chỉ là cái cớ.
Pháp đánh chiếm Việt Nam, vì ở thế cùng:
- Bị mất Ấn Độ trong thế kỷ thứ mười tám, đối thủ miên viễn của ta là nước Anh, ngày càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, bắt buộc ta phải có chỗ đứng ở biển Đông, nếu không sẽ bị mất hết, nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng thấp hèn đáng khinh. Sự thực Pháp mất cả Canada và Mỹ nữa.
Và, vì vị thế địa lý chính trị thuận lợi của Việt Nam:
- Nước Việt nằm trên đường dẫn đến nước Tầu, định mệnh bắt buộc phải rơi vào vào tay một cường quốc Âu châu.
Nhìn dưới những góc độ này, thì chúng ta không còn có lý do gì để mơ tưởng rằng cứ mở cửa cho Pháp vào tự do giảng đạo là mọi chuyện xong xuôi, êm đẹp, sẽ không có sự xâm lăng!
Vấn đề cần được đặt lại: Nếu các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, không đề phòng người Âu và hạn chế sự phát triển của đạo Thiên chúa, thì nước ta đã bị đã bị xâm chiếm từ bao giờ?
Silvestre, cựu Giám đốc chính trị và dân sự Bắc Kỳ, giáo sư trường Cao Đẳng Chính Trị, đã không ngần ngại nói lên sự mãn nguyện của ông và nước Pháp, sau khi ký xong hiệp ước 5/6/1862, lấy được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hoà, Gia Định (Sài Gòn), Định Tường (Mỹ Tho) và Côn đảo, ông viết:
“Ngày mùng 5 tháng 6 năm 1862 này đánh dấu sự thành công, chúng tôi không dám nói là của đường lối chính trị Pháp mà là của một ý tưởng Pháp. Sa xuống từ 180 năm trước trong địa hạt hoạt động của Pháp (…) ý tưởng Pháp đã được thực hiện, dẫn chúng ta đến sự sở hữu trọn vẹn và toàn thể một đất nước rộng lớn và phì nhiêu và nắm trong tay một trong những đế quốc hùng mạnh nhất vùng Đông Á“. (Silvestre, Politique Française dans L’Indochine, Annales de l’Ecole des Sciences Politiques 1896, t.195).
Paul Doumer, toàn quyền Pháp, nhận định về người Việt Nam:
“Điều không thể chối cãi được là những người này [người Việt] hơn hẳn tất cả các dân tộc xung quanh. Người Mên, Lào, Xiêm không chống được họ. Không một dân tộc nào ở đế quốc Ấn Độ có những đức tính của họ, phải tới Nhật mới thấy có một giống người tương đương. Người Việt và người Nhật chắc chắn thủa xưa có bà con với nhau. Cả hai đều thông minh, cần mẫn và can đảm.” (Paul Doumer, L’Indo-Chine française, 2e édition, Paris, Vuibert et Nony, Éditeurs, 1905, t.40-43).
Những nhận xét có ý khen ngợi của Paul Doumer, cũng là để thầm khâm phục chính nước Pháp đã thắng một dân tộc như thế, và ông còn đi xa hơn nữa:
“Đế quốc An Nam đã đạt tới mức hùng mạnh nhất, cách đây một thế kỷ [tức
là 1803], khi được người Pháp cố vấn và lãnh đạo“. (Paul Doumer, sđd, trang 43).
Vẫn một giọng bề trên, kể những công lao (chưa bao giờ có thực) của nước Pháp đối với vua Gia Long, với nước Việt.
Những lời trên đây của Silvestre và Doumer, đối với người Việt ngày nay có nghiã gì?
Chúng ta không thể dựa vào đó để kiêu căng, cũng không phải họ phỉnh phờ vô bằng cớ. Mà những lời đó chứng tỏ rằng khi Pháp đánh chiếm nước ta, họ đã đứng trước một đất nước hùng mạnh vào bậc nhất vùng Đông Á, một dân tộc có cá tính giống như dân Nhật, khiến ngày nay, bắt buộc chúng ta phải nhìn lại chính mình, để so sánh với tiền nhân và các dân tộc bên cạnh, nhất là Nhật Bản. Và nhất là phải nhìn lại công lao của Gia Long, Minh Mệnh và các quần thần trong việc thống nhất lãnh thổ và dựng nên một nước độc lập, hùng cường.
Giới nghiên cứu Pháp
Hai nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp, tiên phong trong việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam, là Maybon và Cadière.
Linh mục Cadière, chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), đã có nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ này, trải dài trên toàn bộ tập san BAVH và Bulletin de l’École d’Extrême Orient (BEFEO), đặc biệt hai loạt bài Les documents relatifs à l’époque de Gia Long, (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) in trên tập san Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO), số 12, 1912 và loạt bài Les français au service de Gia Long (Những người Pháp giúp Gia Long), in trên BAVH trong 9 năm, từ 1917 đến 1926.
Sử gia Maybon, với hai cuốn Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820) [Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)], (Plon-Nuorrit, Paris, 1920) và La relation Bissachère (Ký sự Bissachère, do ông sưu tầm, viết lời giới thiệu và chú thích (nxb Champion, Paris, 1920). Hai tác phẩm chủ yếu của ông về giai đoạn lịch sử này. Chúng tôi sẽ trình bầy trong những phần sau. Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820), có lời đề trên trang đầu “Tặng Albert Sarraut, dân biểu vùng L’Aude, cựu Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng bộ thuộc địa, phản ánh ít nhiều “lập trường” của tác giả.
Trẻ hơn có Georges Taboulet với bộ La geste française en Indochine [Huân
trạng của người Pháp ở Đông Dương] 2 tập (Andrien-Maisonneuve, Paris, 1955) có lối trình bầy mới, tuy tên sách vẫn mang dáng vẻ “thực dân”, qua chữ “la geste” ngụ ý: “huân trạng”, “thiên anh hùng ca” của người Pháp tại Đông Dương. Bìa tập I, in chân dung Chaigneau, người được các sử gia thuộc điạ coi là “một trong anh hùng có công đầu giúp vua Gia Long chiến thắng và là đại sứ Pháp đầu tiên ở Việt Nam”.
Cuốn sách của Taboulet được rất nhiều người trích dẫn.
Trên đây là ba tác giả chính, được người ta tin tưởng và sử dụng để vẽ nên bộ mặt lịch sử Việt Nam thời Gia Long dựng nghiệp. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp đề cập đến những tác giả này.
Thế hệ sử gia mới
Hai mươi năm sau, một thế hệ sử gia mới xuất hiện:
Daniel Hémery cho in cuốn Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en indochine (communistes, trotskystes, nationalistes à Saigon de 1932 à 1937) [Những nhà cách mạng Việt Nam (cộng sản, trốt-kít, quốc gia tại Sài Gòn từ 1932 đến 1937)] (François Maspéro, Paris, 1975). Có lẽ đây là lần đầu tiên chữ colonial (thực dân) xuất hiện trên bìa một cuốn sách lịch sử do người Pháp viết, theo đúng nghiã thực dân của nó. Tác phẩm đi sâu vào nội tình của nhóm La Lutte (Tranh Đấu), tuần báo viết tiếng Pháp, xuất hiện ở Sài Gòn thập niên 1930, do hai nhóm cộng sản và trốt kít chủ trương. Tác giả mở rộng địa bàn vào cuộc cách mạng chống Pháp của thành phần trí thức và lao động ở miền Nam, phơi bầy bộ mặt thật của chính quyền thực dân.
Philippe Devillers có cuốn Paris-Saigon-Hanoi. Les archives de la guerre 1944-1947 [Paris-Sài Gòn-Hà Nội. Những văn kiện về cuộc chiến 1944- 1947] (Gallimard/Juilliard, Paris, 1988). Devillers theo cách làm việc của Taboulet để dựng lại bối cảnh lịch sử 1944-1947 qua các văn bản. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên vạch ra trách nhiệm của Pháp trong cuộc chiến Đông Dương, nhờ kho tài liệu mới của bộ quốc phòng.
Charles Fourniau với cuốn Vietnam domination coloniale et résistance nationale (1858-1914) [Việt Nam, đô hộ thực dân và kháng chiến quốc gia], Les Indes Savantes, Paris, 2002. Dày 845 trang. Lần này cả bốn chữ: đô hộ, thực dân, kháng chiến, quốc gia, đều có mặt trên bìa sách, chứng tỏ một tương quan đồng đẳng. Tác phẩm bao gồm hơn nửa thế kỷ lịch sử trong cái nhìn mới, xứng đáng là một cuốn sử hiện đại, trung thực. Tác phẩm đào sâu vào mặt sau của nhiều sự kiện mà các sử gia lớp trước chỉ nhìn thấy bề mặt,
hoặc không muốn đi sâu. Chính Fourniau đã ít nhiều vẽ lại khuôn mặt đích thực của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dựng lại sự thật về các chính sách của triều Huế để bảo tồn nền tự chủ của dân tộc trong thế kỷ XIX. Dựng lại các trận chiến một cách trung thành, không tô hồng phiá Pháp, không bôi nhọ phía Việt.
Gần đây hơn, François Guillemot, với cuốn Đai Viêt indépendance et révolution au Việt Nam [Đại Việt, độc lập và cách mạng Việt nam], 738 trang, Les Indes Savantes, Paris, 2012. Nghiên cứu về đảng Đại Việt, đồng thời tìm hiểu và trình bày những phong trào cách mạng quốc gia đã bị cộng sản chôn vùi, bị dân tộc bỏ quên hoặc không hề biết đến.
Céline Marangé với cuốn Communisme vietnamien (1919-1991) [Cộng sản Việt Nam (1919-1991)] Sciences Po, Les presses, 2012, mở ra một lối nghiên cứu mới về Hồ Chí Minh và đảng cộng sản khác hẳn các sử gia thiên tả đi trước như Hémery, Brocheux, Fourniau.
Như vậy, có thể nói là các sử gia Pháp, lớp sau, đã phần nào làm xong công việc của họ: tìm cách viết về giai đoạn lịch sử đẫm máu giữa hai dân tộc, một cách trung thực hơn, gần với sự thực hơn. Làm như vậy là họ đã ít nhiều trả được món nợ mà tổ tiên thực dân của họ đã gây ra và lấy lại danh dự cho nước Pháp.
Về phiá Việt Nam
Người đọc Việt Nam vẫn chờ đợi những tác phẩm lịch sử đứng đắn, viết bằng tiếng Việt, theo tinh thần mới, bởi những gì Trần Trọng Kim viết dù đáng nể, cũng đã được gần 100 năm rồi.
Về giai đoạn nào cũng cần cả. Về giai đoạn hiện đại, không lẽ chúng ta lại phải dịch sách của Fourniau để có một cuốn sử đúng đắn, mặc dù việc dịch là cần thiết, nhưng nó không miễn cho chúng ta việc viết lại lịch sử nước mình.
Sự nhìn nhà Nguyễn theo quan niệm của các giáo sĩ và quân đội viễn chinh của các sử gia lớp trước, từ Trương Vĩnh Ký đến Trần Trọng Kim, Phan Khoang… trong một thế kỷ nay, đã ảnh hưởng sâu xa đến đầu óc mọi người: chúng ta “xấu hổ” về “sự yếu đuối và thiển cận” của triều đại cuối cùng.
Sự cố tình bôi nhọ nhà Nguyễn theo nhu cầu chính trị của đảng cộng sản từ 1945, đưa đến hậu quả: giới trẻ không tha thiết với lịch sử, có mặc cảm về dân tộc, không thèm học những bài lịch sử giả tạo trong chương trình giáo
khoa.
Trong không khí chôn vùi nhà Nguyễn ở Bắc, đặc biệt qua những lời lẽ thô bạo của Trần Huy Liệu, viện trưởng Viện Sử Học thập niên 60; thì tổ phiên dịch của Viện Sử Học, với các học giả, sử gia, dịch giả như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp, Nguyễn Ngọc Tỉnh, vv… vẫn âm thầm làm việc, dịch những bộ chính sử của nhà Nguyễn như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ… Đó là đóng góp lớn lao của ban dịch thuật viện sử học, mà ngày nay phần lớn đã qua đời.
Nhờ công lao của họ mà những người nghiên cứu không biết chữ Hán, có những tư liệu đúng đắn về phía Việt để đối chiếu với phiá Pháp. Và cũng vì lẽ đó mà chúng ta không thể lười biếng mãi, cứ để cho người Pháp viết hộ, nghiên cứu hộ, phải tự cầm bút viết sử nước mình.
Đại Nam Thực Lục do vua Minh Mạng cho soạn, nhưng vua không duyệt, sách bắt đầu in khi vua đã qua đời, dưới triều Tự Đức, vậy dưới triều Minh Mạng có thể nói là các sử thần đã có sự tự do viết sử. Sử viết theo lối biên niên, ghi các truyện xẩy ra hàng ngày, ghi cả những lời vua nói với các quan trong triều. Tổng tài (tức chủ biên) là các quan đầu triều có uy tín, liêm khiết, như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản… đã sống cả ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cho nên mọi việc cũng khó có thể chép sai. Nhờ thế mà ta biết được những gì đã xẩy ra trong nội bộ triều chính, những bàn luận giữa vua và các đại thần về chính sách đối phó với ngoại xâm. Nhờ những ghi chép này, mà ta biết vua Minh Mạng nói gì về việc cấm đạo, vua Thiệu Trị có phản ứng thế nào đối với việc hai chiến thuyền Pháp gây hấn ở cửa Đà Nẵng ngày 15/4/1847; biết được những bàn bạc của vua Tự Đức với Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Tường,… về chiến lược đối đầu với Pháp trong suốt thời đại Tự Đức trị vì.
Đại Nam Thực Lục phản ảnh chính sách cai trị, cách điều hành nhà nước, sự thất bại và thành công ở mỗi chặng đường, tư cách của các vua, các quan.
Cũng nhờ vào đó mà ta có thể gột rửa nhãn hiệu “bạo chúa”, “Néron Annam”, mà các thừa sai đã gán cho vua Minh Mạng từ hơn 100 năm nay.
Cũng nhờ vào những bộ sử này mà ta biết vua Gia Long làm những việc gì, lính Pháp giúp gì cho Nguyễn Ánh? Ai xây thành? Ai đắp luỹ? Ai đóng thuyền? Ai đúc súng? Chúng ta có chứng cớ để bác bỏ hoàn toàn luận điệu của các sử gia thực dân, không những họ đã cướp nước, mà còn cướp cả quá
khứ, cả lịch sử của ta nữa.
Công việc mênh mông, mà người biết tiếng Pháp ở trong nước ngày càng giảm, nếu không bắt đầu lúc này, thì ai làm hộ, mai sau?
Sự xuyên tạc lịch sử đã lên tới tầm mức toàn cầu, nhờ Internet. Khi bấm vào những mục từ Puymanel, Bá Đa Lộc, Chaigneau… trên Wikipédia, ta thấy họ trở thành các ông tổ của ngành binh bị và cai trị ở Việt Nam, họ ngồi trên đầu vua Gia Long.
Nhờ vào sự dịch thuật của những bộ sử đồ sộ này của nhà Nguyễn mà ta có những chứng từ xác đáng để đối chiếu với tài liệu Pháp, để nhận diện lại những trận đánh, những chiến thắng, chiến bại, những hoà ước, những thủ đoạn… rút ra những gì gần với sự thực, để tái tạo lại bộ mặt lịch sử, từ thời điểm Gia Long khởi nghiệp.
Biết rõ hơn về cuộc chiến chống Pháp trong thế kỷ XIX, mà người Pháp đã phải bỏ ra 30 năm mới hoàn tất cuộc chinh phục.
Viết lại lịch sử theo tinh thần mới là một nhu cầu, một kinh nghiệm, một cần thiết cho dân tộc, nhất là cho giới trẻ, trước cuộc đấu tranh với Trung quốc, để dành lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bối cảnh đó, bộ sách Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị xuất hiện đúng lúc, góp phần vào những bước đầu xây dựng lại một nền sử học đúng nghiã.
Chương 2: Giới thiệu bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị
Bộ sách lịch sử “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn” xin gọi tắt là Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị, do tác giả xuất bản năm 2013 tại Maryland, Hoa Kỳ, đáp ứng đúng nhu cầu nhìn lại và viết lại lịch sử.
Cảm tưởng đầu tiên của người đọc là sự ngạc nhiên trước một công trình nghiên cứu mới mà từ lâu những người quan tâm đến lịch sử vẫn hằng chờ đợi, không chỉ đối với giai đoạn hiện đại, mà cả về cuộc chiến chống Pháp của nhà Nguyễn, bởi hầu hết chúng ta, vì thiếu sách sử, vì không đọc được chữ Hán, vì kém Pháp văn, đã trưởng thành trong tình trạng thiếu hiểu biết lịch sử nước mình.
Nguyễn Quốc Trị, sinh năm 1929, xuất thân Đại học Quốc gia Hành chánh và Đại học Luật khoa Sài Gòn. Là viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh. Là cháu đời thứ ba của quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Với mục đích tìm hiểu những gì “ông cố” đã làm để gây tiếng xấu trong lịch sử, Nguyễn Quốc Trị không những đã truy tìm hành trình đích thực của Nguyễn Văn Tường mà còn điều tra lại những sự kiện lịch sử xẩy ra dưới triều Nguyễn, đánh đổ những thành kiến sai lầm về các vua Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức. Ông tố cáo những giả trá trong cách hành xử của các nhà chính trị, quân sự, giáo sĩ Pháp; sự bóp méo lịch sử của những ngòi bút thuộc địa và giáo hội thừa sai; sự cố tình bôi nhọ triều Nguyễn nói chung, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nói riêng; cốt để trình bầy một bộ mặt lịch sử có lợi cho chế độ thực dân.
Nhờ những bản tấu của Nguyễn Văn Tường, do ba người cháu nội của quan phụ chính sao chép lại từ các bộ, viện và được phổ biến trong cuộc hội hội thảo chủ đề Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX, tổ chức tại Đại học sư phạm, Sài Gòn, ngày 12/11/1991, mà người ta biết rằng chính Nguyễn Văn Tường là tác giả sách lược “hòa để thủ, thủ để mưu chiến”, mà các triều Tự Đức, Kiến Phúc và Hàm Nghi đã ứng dụng để đối phó với cuộc xâm lăng của Pháp.
Từ năm 2002, Nguyễn Quốc Trị đã chuyên tâm nghiên cứu, sao lục tài liệu ở các tàng thư Pháp, Mỹ, đối chiếu với kho tư liệu Việt. Bộ sách của ông đồ sộ, đưa ra nhiều vấn đề, đi vào nhiều chi tiết nhưng cách sắp đặt chưa thật sự
được hệ thống. Nếu tác giả chia sách làm nhiều quyển (hoặc nhiều chương mục), sắp xếp theo chủ đề, hoặc theo từng nhân vật, hoặc theo thứ tự ngày tháng, có lẽ độc giả dễ tiếp nhận hơn.
Ngoài ra, sách viết với chủ ý bạch hoá những vấn đề đưa ra, cho nên phần diễn lại lịch sử đích thực đôi khi bị chìm đi. Có lẽ sau khi đã đẩy lui những thông tin sai lầm, thiết tưởng tác giả nên tóm tắt lại mỗi vấn đề, mỗi sự kiện, để làm nổi trội bộ mặt lịch sử sau khi đã được tìm tòi, phân tích, minh chứng một cách khoa học. Ở trong nước, Trần Xuân An, hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Văn Tường có viết bộ truyện ký tựa đề Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (nxb Văn Nghệ tpHCM, 2004) theo lối lịch sử tiểu thuyết, dựa trên những sự kiện có thật ghi trong Đại Nam Thực Lục, tiếc rằng bộ sách này không mấy giá trị.
*
Bộ sách Nguyễn Văn Tường dày 1138 trang khổ lớn (21×27) chia làm hai tập, viết về sự nghiệp Nguyễn Văn Tường, vị phụ chính đại thần đã bôn ba lo việc nước nhưng bị các sử gia Pháp Việt chôn vùi như một người “tham ô, hà lạm” thậm chí “bán nước” vì đã ký hòa ước Giáp Thân 1884, nhận sự bảo hộ của Pháp. Tác giả trình bầy sách lược chống Pháp của Nguyễn Văn Tường: “hòa để thủ, thủ để mưu chiến”, mà theo ông, đã được vua Tự Đức chấp nhận; đồng thời mở rộng thêm nhiều vấn đề khác, giải mã những sai lầm về các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; tìm hiểu những khúc mắc trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao và quân sự của triều Nguyễn với Pháp.
Tập I, gồm những chương:
1- Chương một, tựa đề Nguyễn Văn Tường và sách lược chống đô hộ Pháp:
Tác giả dẫn lại hành trình Nguyễn Văn Tường từ 1862 đến 1886, khi ông mất.
Khi Nguyễn Văn Tường bắt đầu có trách nhiệm chính trị và ngoại giao, thì vua Tự Đức đã phải ký hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, cốt yên mặt Nam, để Nguyễn Tri Phương ra Bắc dẹp loạn.
Sau khi đã bình định ba tỉnh chiếm được, bất chấp hiệp ước Nhâm Tuất, năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Năm sau, 1868, Nguyễn Văn Tường dâng kiến nghị đầu tiên lên vua Tự Đức, ngụ ý: thường thì phải đánh rồi mới thủ, thủ rồi mới hòa; nhưng tình thế đã nguy ngập, ta phải hòa trước để thủ, thủ rồi mới mưu chiến” (Bản tấu ngày 8/3/1868, Nguyễn Văn Tường I, t.25).
Con đường mềm dẻo trong chính trị và ngoại giao này sẽ được Nguyễn Văn Tường áp dụng gần 20 năm, dưới triều Tự Đức, khi đánh khi hòa, mỗi chặng là một đương đầu, một khó khăn, cho tới khi ông bị Pháp bắt, đầy đi Tahiti năm 1885 và mất năm 1886.
2- Chương hai: Sử thuộc địa bôi lọ vua quan nhà Nguyễn và Nguyễn Văn Tường: Tác giả phản bác những luận điểm của sử gia thuộc địa và một số điều được sử gia Việt chép lại. Về “công ơn” của Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long: ơn cứu mạng, ơn giúp Nguyễn Ánh dựng lại cơ đồ, về những sự vu khống: vua Gia Long “tàn bạo”, “nhỏ nhen”, đối xử tàn tệ với nhà Lê; vua Minh Mạng “bội bạc” “quên ơn” Pháp, “giết đạo, giết hại công thần, diệt dòng trưởng hoàng tử Cảnh”; Nguyễn Văn Tường “tư thông với Học phi, giết Kiến Phúc”, vv…
3- Chương ba: Nguyễn Văn Tường và vua quan nhà Nguyễn tham lam: Tiếp tục giải mã những vu cáo của sử gia và chính quyền thuộc địa đối với Nguyễn Văn Tường qua việc sử dụng thông tin sai lầm và văn kiện giả mạo. Đồng thời đưa ra những chứng từ xác định tư cách và hành động của các vua Thiệu Trị, Tự Đức, bị bôi nhọ là bạo chúa.
Tập II, tiếp tục chứng minh những luận điểm xuyên tạc Nguyễn Văn Tường và các vua triều Nguyễn qua các chương bốn và năm.
4- Chương bốn: Vua quan nhà Nguyễn và Nguyễn Văn Tường tàn nhẫn? Tác giả phản bác sự quy kết Nguyễn Văn Tường những tội: diệt đạo, đi với công giáo để giết Văn Thân, giết công thần Trần Tiễn Thành, giết ba vua: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.
Những vần đề nêu ra đều được tác giả giải quyết bằng sự đối chiếu văn bản: Trần Tiễn Thành bị Kỳ ngoại hầu Hồng Chuyên giết chết. Dục Đức bị truất phế vì theo Pháp. Hiệp Hòa bị giết vì mật thông với Khâm sứ de Champeaux để diệt phe chống Pháp. Vua Kiến Phúc chết vì bệnh.
5- Chương năm: Ai gian trá: Người Pháp hay vua quan triều Nguyễn? Nêu ra những thủ pháp bội nhọ trong sách vở, ca dao, vè, viết lách xuyên tạc, không kiểm chứng. Đặc biệt trong chương này, tác giả đã có những khám
phá quan trọng:
a/ Vụ đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất: Khi Francis Garnier tấn công Hà Nội, không hề có tối hậu thư, Nguyễn Tri Phương không ngờ Garnier dám động thủ, vì vua Tự Đức đang thương lượng, không muốn dùng bạo lực. Giám mục Puginier huy động giáo dân tiếp tay với Francis Garnier trong việc đánh chiếm Bắc Kỳ.
b/ Vụ đánh Bắc Kỳ lần thứ hai: Henri Rivière bất chấp hiệp ước 1874, dùng thủ đoạn và sự nội công của giới thừa sai.
Riêng chương năm này đã là một cuốn sách nghiên cứu về hai sự kiện lịch sử chính trong cuộc chiến Bằc Hà, gây ra cái chết của hai vị đại thần Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, mà cho tới nay, vì thiếu sự giải thích minh bạch, chúng ta vẫn không hiểu tại sao Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu lại có thể thua trận một cách dễ dàng như thế, trước hai kẻ giang hồ như Francis Garnier và Henri Rivière.
Đặc biệt về việc đại tướng Nguyễn Tri Phương để mất thành Hà Nội, như trên đã nói, Nguyễn Quốc Trị chứng minh rằng vì Francis Garnier tấn công bất ngờ, không hề có tối hậu thư như lời đồn đại, Nguyễn Tri Phương được lệnh vua không động thủ, để điều đình.
Đây không phải là lần đầu tiên quân Pháp dùng những thủ đoạn lừa gạt để tấn công.
Khi đánh Đà Nẵng lần đầu năm 1847, dưới thời vua Thiệu Trị, Lapierre và Rigault de Genouilly cũng đã đánh lén: bất ngờ bắn phá tan 5 thuyền đồng của nước ta ở vịnh Đà Nẵng, trong khi đang đợi thư vua trả lời. Lapierre đã đánh lén và nhờ giám mục Forcade biện minh cho hành động nhơ nhuốc này như thế nào?
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài Tìm hiểu cuộc tấn công Đà Nẵng ngày 15/4/1847, cuộc chiến đầu tiên của Pháp ở Việt Nam mà ít người để ý tới. Chính vì trận ấy mà vua Thiệu Trị phẫn uất, mấy tháng sau mất và việc giao thiệp với Pháp và người Âu bị đình chỉ trong gần 10 năm.
*
Thủ pháp bôi nhọ các vua triều Nguyễn trực chỉ vua Minh Mạng, là biện pháp chung của các vị thừa sai và các sử gia thuộc điạ. Tại sao vua Minh Mạng lại bị giới thừa sai và sử gia thuộc địa cay độc kết án? Bởi ông là vị
vua tài ba trong việc nội trị, cứng rắn trong việc ngoại giao, chủ trương ngăn ngừa ngoại xâm bằng một đường lối chính trị và quân sự vững chắc, chặt chẽ và toàn diện. Để bôi nhọ Minh Mạng, sau khi mô tả việc xử linh mục Gagelin (bị thắt cổ), với những chi tiết cực kỳ dã man (theo lời kể của các giáo sĩ), Gosselin còn thêm thắt:
“Tuy nhiên Minh Mạng dấn thân vào đủ loại tội ác. Người ta xác định, nhưng tôi chưa thể kiểm chứng sự xác thực của việc này, rằng ông ta loạn luân với chị dâu, vợ hoàng tử Cảnh; khi bà này có mang trông thấy, ông ta kết án tử hình người đàn bà bất hạnh cùng với hai con của bà, là cháu ruột ông ta, cho họ được hưởng “tam ban triều điển” là đặc ân trong cái chết: ba thước lụa hồng để thắt cổ hay treo cổ, một lọ thuốc độc và một thanh gươm để cắt cổ” (Gosselin, L’Empire d’Annam, trang 116)
Lối trình bày “sự kiện” như trên, thường thấy trong thư từ hoặc báo cáo của các vị thừa sai gửi hội truyền giáo, và được người viết chia động từ trong thể điều kiện (conditionnel), tức là chưa chắc hoặc ghi thêm nghe nói, nhưng khi được các sử gia chép lại, nó trở thành sự thực! Việc “vua Minh Mạng tư thông với chị dâu” đầu tiên là do Trương Vĩnh Ký (gần gũi giới thừa sai) đưa ra, rồi Gosselin chép lại.
Nguyễn Quốc Trị minh giải bằng những điều ghi rõ trong Đại Nam Thực Lục và Liệt Truyện: vợ hoàng tử Cảnh là Tống Thị Quyên loạn luân với con trai Mỹ Đường (hoàng tôn Đán). Lê Văn Duyệt biết chuyện tâu lên. Đây là một trong những tội nặng nhất về hình sự. Vua Minh Mệnh sai Lê Văn Duyệt dìm chết Tống Thị Quyên và cấm Mỹ Đường không được vào chầu. Người em là Mỹ Thùy (hoàng tôn Kính) chết vì bệnh dịch tả. Sau khi phạm thêm một tội nữa, Mỹ Đường bị biếm làm thường dân; mất năm 1849, dưới thời Tự Đức. Con trai Mỹ Đường là Lệ Chung trông nom việc thờ cúng hoàng tử Cảnh. (Nguyễn Quốc Trị, tập I, t.432).
Ngoài việc phản bác những sự bôi nhọ cá nhân, Nguyễn Quốc Trị còn khai quật những nghi vấn tầm vóc quốc gia, như:
1- Bá Đa Lộc có thực sự cứu Nguyễn Ánh khỏi chết không?
2- Sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc có quyết định sự nghiệp của Nguyễn Ánh không?
2- Vai trò của các giáo sĩ Marchand (Mã Song hay Cố Du) và Tabert trong cuộc khởi loạn Lê Văn Khôi.
3- Sự thật về sự phế lập ở Huế.
5- Hồng Bảo (anh vua Tự Đức) âm mưu đảo chánh, nhờ sự giúp đỡ của giới thừa sai và quân đội viễn chinh.
6- Vai trò của các giáo sĩ trong các cuộc nổi loạn ở Bắc, Trung, Nam.
7- Những hiệp ước quan trọng: Nhâm Tuất 5/6/1862; Giáp Tuất 15/3/1874; và Giáp Thân 6/6/1884, đã được ký kết trong những điều kiện như thế nào?
Những câu hỏi mà cho tới nay, chưa mấy ai đặt ra, hoặc chỉ viết lại những gì người trước đã đưa, đôi khi là vài lời phán xét của Trần Trọng Kim có giá trị như một sự thật lịch sử mà chính vị học giả cũng lại dựa vào những nguồn tin chưa phải là đáng tin cậy.
Ví dụ việc phế vua, giết vua, từ trước đến nay, sử gia đều đổ lên đầu hai ông Tường và Thuyết, mà không đả động đến việc các vua Dục Đức, Hiệp Hoà thông đồng với Pháp.
Hoà ước Giáp Thân 6/6/1884, còn gọi là hoà ước Bảo hộ, đã được thiết lập trong điều kiện nào? Có ai biết bản tiếng Pháp khác với bản chữ Hán? Nguyễn Văn Tường có chịu nhận hai chữ bảo hộ hay không? Thủ tướng Pháp Jules Ferry đã dùng thủ đoạn gì để ký hòa ước ấy? Tại sao Nguyễn Tri Phương để mất thành Hà Nội? Một đại tướng xông pha cả đời trong chiến trận khiến quân Pháp nể trọng, sao chưa đánh mà thua một kẻ vô danh tiểu tốt như Francis Garnier? Những mánh lới gì nằm sau vụ Henri Rivière chiếm Hà Nội lần thứ nhì, nội ứng của giới thừa sai ra sao? Tại sao Hoàng Diệu tuẫn tiết?…
Tất cả những câu hỏi trên đây, đều được Nguyễn Quốc Trị giải đáp thoả đáng. Những sự thực bị che đậy như thế, được trưng ra và ông đã phanh phui rất nhiều điểm tối của lịch sử.
*
Phần phụ lục ở cuối tập II, trang (925-1138) có một số văn bản gốc chụp trong các kho tư liệu, gồm nhiều thư từ trao đổi giữa các viên chức, giáo sĩ với nhà cầm quyền Pháp. Đặc biệt có hai tài liệu quan trọng: Hoà ước Giáp Thân và lá thư Silvestre gửi Lemaire.
1/ Hòa ước Giáp Thân 6/6/1884, còn gọi là hòa ước Patenôtre hay hòa ước Bảo hộ
Trong lúc mọi sự đang hết súc rối ren, thì vua Tự Đúc mất ngày 19/7/1883.
Một năm sau, ngày 6/6/1884, trong thế cùng, triều đình Huế phải ký với Pháp hoà ước Giáp thân hay hoà ước Patenôtre còn gọi là hoà ước Bảo Hộ.
Đây là hoà ước “nhục nhã” nhất của nước ta, vì với nó, nưóc ta chính thức mất chủ quyền.
Trong đó chữ Protectorat (Bảohộ) ngụ cả ý ngoại giao lẫn nội trị. Có nghiã là Việt Nam hoàn toàn chịu sự bảo hộ hay đô hộ của người Pháp. Nguyễn Văn Tường, lúc đó là phụ chính đại thần, đảm trách việc ký hòa ước này, dư luận cho rằng ông đã theo Pháp mà ký một hiệp ước “bán nước”.
Nguyễn Quốc Trị đưa ra hình chụp nguyên bản hòa ước chữ Pháp và chữ Hán, để chứng minh sự khác biệt giữa bản Pháp văn và Hán văn, và thủ đoạn của thủ tướng Pháp Jules Ferry.
Xin nhắc lại một số sự kiện:
- Chưa đầy một tháng sau khi vua Tự Đức mất, vua Hiệp Hoà, dưới áp lực của Toàn quyền Harmand và Khâm sứ De Champeaux, sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp ký hoà ước Quí Mùi ngày 25/8/1883, Pháp gọi là hoà ước Harmand.
- Hoà ước Harmand chưa được chính phủ Pháp phê chuẩn và bị phe chống Pháp do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cầm đầu quyết liệt phản đối.
- Vua Hiệp Hòa -đi với Pháp, định diệt hai ông Tường và Thuyết- bị buộc phải uống thuốc độc chết ngày 29/11/1883.
- Vua Kiến Phúc lên ngôi.
- Pháp điều đình vói Tầu, ký hòa ước Thiên Tân 11/5/1884, để Tầu công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam.
- Patenôtre trên đường đi Bắc Kinh nhận chức đại sứ, ghé Huế, ký một hiệp ước mới, thay thế hiệp ước Harmand bị coi là quá khắt khe.
- Không ngờ hòa ước Patenôtre còn tệ hơn hòa ước Harmand. Vì vậy mà Nguyễn Văn Tường, là người chủ chốt ký hoà ước này, đã bị coi
là phản bội.
Nguyễn Quốc Trị trình bầy sự gian lận của chính quyền Pháp bằng cách đối chiếu văn bản.
Chữ protectorat (bảo hộ) xuất hiện lần đầu trong hòa ước Harmand, nguyên văn tiếng Pháp:
Article Premier: L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France avec les conséquences de ce mode de rapports au point de vue du droit diplomatique européen, c’est-à-dire que la France présidera aux relations de toutes les puissances étrangères, y compris la Chine, avec le gouvernement annamite, qui ne pourra communiquer diplomatiquement avec lesdites puissances que par l’intermédiaire de la France seulement. (Gosselin, Phụ lục số 9, trang 528).
Điều Một: Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp, với những hậu quả của thể thức này theo luật ngoại giao Âu châu, nghiã là nước Pháp sẽ điều khiển các mối giao thiệp của nước Nam với tất cả các cường quốc bên ngoài, kể cả nước Tầu, chính phủ An Nam chỉ được quan hệ ngoại giao với những cường quốc ấy qua trung gian của nước Pháp mà thôi.
Nhận xét: Chữ protectorat (bảo hộ) trong hòa ước Harmand chỉ bao hàm ý nghiã ngoại giao.
Hòa ước Giáp Thân, ký ngày 6/6/1884, giữa Patenôtre và Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, mà Nguyễn Quốc Trị chụp lại được bản chính viết tay, như sau:
Article I
L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France.
La France représentera l’Annam dans toutes ses relations extérieures. Les Annamites à l’étranger seront placés sous la protection de la France. (Nguyễn Văn Tường, Tập II, Phụ lục 4a, trang 936)
Điều I
Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp.
Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam trong tất cả các mối bang giao bên ngoài.
Người An Nam ở nước ngoài sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp.
Nhận xét: điều I của hòa ước Harmand và hoà ước Patenôtre hoàn toàn khác biệt:
Hòa ước Harmand viết điều I thành một câu hoàn chỉnh với nghiã: Việt Nam công nhận sự bảo hộ của Pháp về mặt ngoại giao.
Điều I của hòa ước Patenôtre, có vẻ “bao dung” hơn, chiếu cố đến cả người Việt ở nước ngoài; được chia làm 3 câu độc lập, mỗi câu một ý nghiã:
1- Nước Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp (ngụ ý cả nội trị và ngoại giao)
2- Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam ở bên ngoài (ngụ ý về mặt ngoại giao không còn nước Nam nữa mà nước Pháp đã thay thế)
3- Người Việt ở nước ngoài sẽ được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp (ngụ ý người Việt ở nước ngoài cũng trở thành công dân bảo hộ).
Với mục đích thành lập một hòa ước mới, bớt khắt khe hơn, để bên Việt chấp thuận, thì quả là hòa ước Patenôtre đã đi ngược lại: Từ sự bảo hộ về ngoại giao, đã tiến sang, bảo hộ cả nội trị lẫn ngoại giao và người Việt ở nước ngoài sẽ trở thành thuộc dân của Pháp.
Tại sao Nguyễn Văn Tường lại chịu ký một hòa ước như vậy? Nếu nhìn bản Hán văn mà Nguyễn Quốc Trị chụp kèm theo (NQT, II, Phụ Luc 4b, t. 944- 966), được dịch trong Đại Nam Thực Lục, thì điều I này được viết như sau:
“Khoản thứ 1: nước Đại Nam tự nhận nước Đại Pháp giúp đỡ, nghiã là nước Đại Nam có giao thông với nước nào, thì nước Đại Pháp giúp đỡ công việc và nhân dân nước Đại Nam có ở nước ngoài thì Đại Pháp cũng giúp đỡ.” (NQT, I, t.165).
Nhận xét: Khoản thứ 1 này hoàn toàn không có nghiã như điều I trong bản tiếng Pháp.
Ngoài ra, bản tiếng Pháp, trong điều số 19, còn ghi thêm:
“En cas de constestations, le texte français fera seul foi” (Trong trường hợp tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị).
Và đây là sự giải thích của Nguyễn Quốc Trị (Tập I, t.166-167):
1- Nguyễn Văn Tường và các quan nhất quyết đòi thay chữ bảo hộ bằng chữ bảo trợ hay bang trợ, tức là giúp đỡ chứ không nhận sự thống trị của Pháp trên nước Nam. Điều này được xác định trong một văn kiện của triều đình Huế, dịch ra tiếng Pháp mang tên Projet de la Cour de Huế, (Dự án của triều đình Huế) lưu trữ ở văn khố Bộ ngoại giao Pháp, được Võ Đức Hạnh phát hiện và đăng lại trong cuốn La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1870 à 1886, 3 tomes. Berne, New York: P Lang, 1992.
2- Cuộc tranh luận về từ ngữ đưa đến bế tắc, không bên nào chịu nhượng bộ. Patenôtre đánh điện xin chỉ thị của Paris, Jules Ferry trả lời trong một điện văn mật (codé) gửi ngày 3/8/1884: “Le texte français faisant foi, vous pouvez accepter le mot baluttro [bảo trợ] si vous jugez nécessaire, Ferry” (Chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị, ông có thể chấp nhận chữ bảo trợ nếu cần, Ferry). Nguyễn Quốc Trị tìm thấy điện văn này trong văn khố Bộ ngoại giao Pháp.
Như vậy, hòa ước này có hai bản, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi. Bản chữ Hán viết sao cũng được, miễn làm vừa lòng phiá Việt.
Jules Ferry dùng thủ đoạn này, vì ông dự trù rằng khi thi hành hoà ước thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sẽ không còn ở ghế phụ chánh nữa. Với một ông vua thân Pháp, thì sẽ không gặp trở ngại gì. Quả đúng như vậy, đầu năm 1886, khi Nguyễn Văn Tường bị đầy đi Tahiti, Pháp mới đưa bản hòa ước cho vua Đồng Khánh chuẩn y. Sau đó không ai nêu lại vấn đề khác biệt giữa hai bản Pháp-Việt nữa.
3- Nguyễn Văn Tường có thể đã biết rõ âm mưu về sự khác biệt giữa hai văn bản, nhưng đành phải ký, vì cũng như với hòa ước Harmand, lần này Pháp cũng đem chiến thuyền vào uy hiếp Huế. Pháp đưa tối hậu thư bắt buộc phải ký trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không họ sẽ dùng biện pháp quân lực. Tại trung tâm văn khố hải ngoại Aix-en-Provence, Nguyễn Quốc Trị tìm được tờ trình về bộ Hải Quân của viên đại tá, dưới quyền đề đốc Courbet, cho biết: “Hòa ước Patenôtre chỉ được Nguyễn Văn Tường ký một cách miễn cưỡng sau khi nhận được tối hậu thư 24 giờ của phiá Pháp”.
Tối hậu thư này chưa từng thấy ghi lại ở đâu. Đọc kỹ Thực Lục, Nguyễn Quốc Trị thấy có chỗ nói thoáng qua về việc người Pháp hăm doạ sẽ để cho
quan võ giải quyết vấn đề, và ngày hôm sau thì thủ tục ký kết hòa ước đã bắt đầu, không thương thuyết gì nữa.
Tóm lại, hậu ý của công hàm Jules Ferry gửi cho Patenôtre:
- Cứ cho viết bản chữ Nho, theo đúng ý của triều đình Huế. Tức là Việt Nam chỉ nhận sự bang trợ ngoại giao của Pháp.
- Còn bản tiếng Pháp ghi điều gian trá: Việt Nam chấp nhận nền bảo hộ của Pháp. Và chua thêm trong điều 19 câu: khi có tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi.
- Dùng tối hậu thư đe dọa, để ép buộc triều đình phải ký ngay, nếu không quân Pháp sẽ tấn công kinh thành: Ngoài 2 đại đội tháp tùng Patenôtre, còn có quân Pháp đóng ở Thuận An và hạm đội của tổng tư lệnh Courbet đóng ở ngoài khơi cửa Thuận.
Chỉ vài tháng sau khi hiệp ước Patenôtre 6/6/1884 được ký kết, Tổng trú sứ Rheinat dựa vào quyền “bảo hộ” đòi truất phế vua Hàm Nghi, vì lên ngôi không được Pháp cho phép, rồi người kế nhiệm Lemaire đòi thêm rằng sự bổ nhiệm Phụ chánh và Thượng thư cũng phải có sự chấp thuận của Tổng trú sứ. Tất cả những uất ức này, dẫn Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đến quyết định chống Pháp: Tôn Thất Thuyết đi kháng chiến, Nguyễn Văn Tường ở lại để nghị hoà.
Sau biến cố Mang Cá, 4-5/7/1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến trong ba năm, đến khi vua bị bắt năm 1888, thì Việt Nam mới hoàn toàn mất quyền tự chủ, nhận sự bảo hộ của Pháp, theo bản Pháp văn của hoà ước Patenôtre.
2- Bản chụp bức thư Silvestre gửi Lemaire
Tài liệu quý giá thứ nhì mà Nguyễn Quốc Trị tìm được là bức thư viết tay của Silvestre gửi Lemaire:
Silveste, Giám đốc chính trị và dân sự, viết thư cho Lamaire, Tổng trú sứ, ngày 19/11/1884, đề nghị kế hoạch truất phế vua Hàm Nghi.
Thư này viết sau khi vua Hàm Nghi lên ngôi (ngày 2/8/1884) được 3 tháng rưỡi. Tài liệu quan trọng, chứa nhiều thông tin về tình hình chính trị và quân sự sau khi vua Tự Đức mất.
Silvestre coi hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là đích danh thủ phạm chính sách chống Pháp.
Coi Nguyễn Văn Tường kẻ thù lợi hại hàng đầu, Silvestre kể đủ mọi tội tham tiền, tham nhũng để bêu xấu Nguyễn Văn Tường: Tuy không ra mặt nhưng cầm cương ở đằng sau, trách nhiệm tất cả những mưu đồ, liên kết với quân Tầu làm mặt trận thống nhất chống Pháp. [Lúc này Fournier đã ký với Lý Hồng Chương hiệp ước Thiên Tân (11/5/1884): Tầu công nhận VN là thuộc địa của Pháp và sẽ rút quân về].
Sivestre khám phá chiến lược chống Pháp của triều đình Huế qua hai nguồn tin đồng quy: tin tức tình báo và thư giám mục Puginier gửi tổng tư lệnh quân đội viễn chinh ngày 6/11/1884, theo đó, thì cuộc nổi dậy do Nguyễn Văn Tường bí mật chỉ đạo: Tôn Thất Thuyết sẽ đưa vua Hàm Nghi ra Cam Lộ. Hoàng Kế Viêm, Đề đốc Ngô, Lưu Vĩnh Phúc… được giao trọng trách đánh chiếm các vùng Hưng Hoá, Thanh Hoá, Ninh Bình, Sơn Tây, Tuyên Quang.
Silvestre đề nghị với Lemaire giải pháp: Nếu hai phụ chính đưa vua Hàm Nghi rời Huế thì Pháp lập tức đưa Chánh Mông (sau là vua Đồng Khánh) lên ngay, tuyên bố truất phế Hàm Nghi, lập chính phủ mới với 6 tên tuổi: Đoàn Văn Bình, Nguyễn Thuật, Cao Hữu Sung, Lê Tấn Thông, Đặng Đức Địch, Nguyễn Hữu Độ, là những người đã từng giữ chức tuần phủ hoặc thượng thư nhưng bị triều đình giáng chức hoặc cách chức vì có tội.
Nửa năm sau, xẩy ra biến cố Mang Cá ngày 4-5/7/1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi ra Cam Lộ cầm đầu lực lượng kháng chiến trong ba năm mới bị bắt, tất cả đã xẩy ra gần đúng như dự báo của Silvestre.
Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, thuộc Cơ Mật Viện và Tôn Thất Đính (cha Tôn Thất Thuyết) bị bắt, đi đầy ở Tahiti.
Phạm Thận Duật chết trên tầu. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Đính, mất ở Tahiti năm sau (1886).
Phong trào Cần vương tiếp tục chống Pháp đến khi Phan Đình Phùng mất (1895) mới tan rã.
Bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị là một công trình nghiên cứu thận trọng và chi tiết, mở đầu cho một khuynh hướng tìm lại, viết lại và đọc lại lịch sử Việt Nam. Tác giả không chỉ quan tâm đến việc kể lại sự kiện lịch sử, mà còn lật trái lật phải, xem những gì đã được viết về sự kiện này, từ
trước đến giờ, như thế nào, nếu nó sai, thì sai ở chỗ nào, tại sao sai, người ta căn cứ vào đâu để đưa ra những luận chứng như thế. Tuy viết về nhân vật chính là Nguyễn Văn Tường, nhưng thực sự Nguyễn Quốc Trị đã trải dài lịch sử đến gần như cả ba triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn sẽ là tác phẩm sử học đầu tiên viết theo lối nhìn mới thoát hẳn các khuôn mẫu cũ. Tác giả đã điều tra đến tận nguồn nhiều sự việc, nhiều biến cố lịch sử; dĩ nhiên ông chưa làm được tất cả, nhưng những gì ông đem ra ánh sáng cũng đủ khơi mào cho một khuynh hướng nghiên cứu lại lịch sử, trung thực và đào sâu hơn, để trả lại giá trị cho đại thần Nguyễn Văn Tường và triều đại nhà Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, trong suốt thời kỳ trị vì, đã tìm mọi cách chống lại sự xâm lăng của Pháp.
Chương 3: Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777-1802 (I)
(Phần 1)
Trước khi tìm hiểu công trạng của những người Pháp “giúp vua Gia Long dựng nghiệp”, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh chung của cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, trong 25 năm, từ 1777 đến 1802, khi Gia Long thống nhất đất nước.
Chương này tóm lược bối cảnh chiến tranh qua lăng kính của Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện. Tuy gọi Tây Sơn là ngụy, là giặc, nhưng sử gia triều Nguyễn ghi chép rất kỹ về giai đoạn này.
Những chương kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu tài liệu của những người Tây Phương sống cùng thời, xem họ viết như thế nào; để đối chiếu với những điều do các nhà nghiên cứu, các sử gia thuộc địa viết, xem sự khác biệt ra sao.
Tổng hợp cả ba loại tài liệu trên, chúng ta sẽ có thể tìm ra sự thực lịch sử. Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định
Chúa Nguyễn, ở trong Nam, kể từ Nguyễn Hoàng (1600-1613) đến Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) là đời thứ tám. Võ Vương mất, di chúc lập con thứ hai là Nguyễn Phước Luân, cha của Nguyễn Phước Ánh lên ngôi. [Hoàng tử cả là Nguyễn Phước Chương mất sớm, hoàng tử thứ chín là Nguyễn Phước Hiệu được chọn làm thế tử, cũng mất; con là hoàng tôn Nguyễn Phước Dương còn nhỏ].
Trương Phúc Loan chuyên quyền, bắt Nguyễn Phước Luân giam vào ngục, tha về thì chết. Phước Luân được gọi là Hưng tổ.
Nguyễn Ánh mới 3 tuổi (tên húy là Chủng, Noãn và Ánh, sinh ngày 8/2/1762). Chủng là tên lúc nhỏ, lớn dùng tên Ánh.
Trương Phúc Loan lập con thứ 16 của Võ Vương là Nguyễn Phước Thuần, sinh năm Giáp Tuất (1754), lên ngôi lúc 11 tuổi, tức Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế còn gọi là Định Vương.
Tháng 3/1773 (tháng 2 Quý Tỵ), Tây Sơn khởi nghiệp. Chiếm Qui Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận.
Tháng 4-5/1774 (tháng 4 Giáp Ngọ), Tống Phước Hiệp, tướng nhà Nguyễn, chiếm lại được Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang.
Ở Bắc, chúa Trịnh Sâm (1767-1782) thấy trong Nam có biến, bèn quyết định đánh.
Tháng 6-7/1774 (tháng 5 ÂL.) quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc làm thống tướng cùng Bùi Thế Đạt, Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Thể tiến vào Nam.
Tháng 11/1774 (tháng 10 ÂL.) quân Trịnh vượt sông Gianh.
Tháng 12/1774 (tháng 11 ÂL.) Trịnh Sâm đem thủy quân vào Nghệ An, đóng ở Hà Trung [Theo Đại Nam Nhất thống chí, phủ Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hoá, tập 2, t. 226]
Cuối tháng 1/1775 (tháng 12 Giáp Ngọ) Hoàng Ngũ Phúc chiếm được Phú Xuân [Huế].
Tháng 2/1775 (tháng 1/Ất Mùi) Định Vương chạy vào Quảng Nam, lập cháu là Nguyễn Phước Dương làm Thế tử (Đông cung) sai ở lại trấn thủ Quảng Nam, rồi cùng cháu là Nguyễn Phước Ánh (13 tuổi) con thứ ba của Hưng tổ và cung quyến chạy vào Gia Định.
Chữ Gia Định, thời ấy, vừa chỉ Sài Gòn, vừa chỉ cả miền Nam.
Ánh, dù nhỏ tuổi, được dự bàn việc quân, với chức Chưởng sử, coi quân Tả dực. (Thực Lục, I, t. 204). Tống Phước Hiệp làm Tiết chế.
Mạc Thiên Tứ đem các con đến yết kiến, được thăng làm Đô đốc, các con làm Chưởng Cơ, Cai Cơ, đóng giữ đạo Trấn Giang [An Giang-Hà Tiên].
Nguyễn Nhạc tiến đánh Quảng Nam.
Đông Cung đóng quân ở Cu Đê [cửa biển Cu Đê cách huyện Hòa Vang 27 dặm về phiá Bắc].
Tháng 3/1775 (tháng 2 ÂL.) Hoàng Ngũ Phúc vượt Hải Vân vào đánh Quảng Nam.
Nguyễn Nhạc cùng các tướng Tập Đình và Lý Tài, người Tầu, giao tranh với quân Trịnh của Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ ở Cẩm Sa. Thua trận, Tập Đình trốn về Quảng Đông. Lý Tài chạy về Bản Tân [biên giới Quảng Nam].
Nguyễn Nhạc đem Đông cung về Quy Nhơn.
Tháng 6/1775 (tháng 5 ÂL.), Tống Phước Hiệp chiếm lại Phú Yên.
Tháng 8/1775 (tháng 7 ÂL.), Nguyễn Huệ tấn công Phú Yên. Hiệp thua, lui giữ Hòn Khói.
Tháng 11/1775) (tháng 10 ÂL.), Hoàng Ngũ Phúc, đóng ở Châu Ổ [địa giới Quảng Ngãi], quân bị bệnh dịch, chết một nửa, xin Trịnh Sâm rút về Thuận Hoá, rồi mất ở dọc đường.
Châu Văn Tiếp, người Phú Yên, đem 1000 quân về theo Tống Phước Hiệp. Lý Tài bỏ Tây Sơn theo chúa Nguyễn.
Đỗ Thanh Nhơn chiếm lại Gia Định
Tháng 3-4/1776 (tháng 2/ Bính Thân), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ vào chiếm Gia Định.
Tống Phước Hựu đưa Định Vương chạy về Trấn Biên [Biên Hoà], mộ quân cần vương.
Tháng 4-5/1776, (tháng 3 ÂL.) Nguyễn Nhạc đắp thành Trà Bàn [Quy Nhơn], lên ngôi vua là Tây Sơn Vương. Cho Lữ làm thiếu phó, Huệ làm phụ chính (Thực Lục ghi tháng 3, Liệt truyện ghi tháng 2 ÂL.).
Tháng 6-7/1776 (tháng 5 ÂL.), Đỗ Thành Nhơn, thủ lãnh hảo hán ở Ba Giồng tập hợp Nguyễn Huỳnh Đức (Nguyễn Hoàng Đức), Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Tai, Võ Nhan, Đỗ Bảng và 3000 quân “Đông Sơn cần vương”, tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân, chiếm lại Gia Định.
Ba Giồng tức Tam Phụ, nơi tụ hợp ba sông Yến, Kỳ Lân và Qua Qua, có gò đống chập chùng, cây cối um tùm, vị trí hiểm trở, phía trước là sông cái, phiá sau, rừng chằm, là chỗ tụ nghiã của đảng Đông Sơn, Đỗ Thanh Nhơn là chủ soái (Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, t. 95).
Đỗ Thanh Nhơn và Nguyễn Huỳnh Đức trở thành những đại tướng của
Nguyễn Ánh.
Quân Đông Sơn tiến đánh Gia Định, Nguyễn Lữ thua chạy, kịp chở kho thóc 200 thuyền, về Quy Nhơn.
Tháng 7-8/1776 (tháng 6 ÂL.), Tống Phước Hiệp chết. Lý Tài làm phản, giữ núi Châu Thới. Đỗ Thanh Nhơn đánh không được. Định Vương phải chạy trốn.
Tháng 11-12/1776 (tháng 10 ÂL.), Đông cung trốn Nguyễn Nhạc về Gia Định, đem quân dẹp Lý Tài. Nhìn thấy cờ hiệu, Lý Tài quy hàng.
Tháng 12/1776-1/1777 (tháng 11 ÂL.) Lý Tài đón Đông Cung về Sài Gòn. Định Vương nhường ngôi cho Đông Cung làm Tân Chính Vương, còn mình lên làm Thái Thượng Vương.
Đội trưởng Võ Di Nguy và Tô Văn Đoài đem 200 quân, từ Quy Nhơn, về giúp chúa Nguyễn.
Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ nhất, diệt chúa Nguyễn
Tháng 2/1777 (tháng 1/Đinh Dậu) Nguyễn Nhạc xin Trịnh Sâm làm trấn thủ Quảng Nam để yên mặt Bắc. Sau khi Hoàng Ngũ Phúc chết, Trịnh Sâm cũng không muốn tiếp tục chiến tranh, thuận cho.
Tháng 4-5/1777 (tháng 3 Đinh Dậu), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định.
Lý Tài giữ Sài Gòn. Tân Chính Vương giữ Trấn Biên [Biên Hoà].
Lý Tài thua chạy đến Tam Phụ [Ba Giồng, thuộc Định Tường] bị quân Đông Sơn giết chết. Tân Chính Vương lui về Tranh Giang [Gia Định].
Định Vương chạy đến Đăng Giang [Định Tường].
Nguyễn Ánh đem 4000 quân Đông Sơn đến đón, Định Vương đem quân về Tài Phụ [Giồng Tài, Gia Định].
Tháng 5/1777 (tháng 4 ÂL.), Nguyễn Huệ đánh Tài Phụ. Định Vương chạy sang Long Hưng, bị đuổi, chạy đến Cần Thơ hợp với quân của Mạc Thiên Tứ, sau khi thua ở Hà Tiên chạy về.
Định Vương sai Đỗ Thanh Nhơn đi Bình Thuận gọi Châu Văn Tiếp, Trần Văn Thức về cứu.
Tây Sơn đánh Tranh Giang. Tân Chính Vương lui về Trà Tân [Định Tường], Chưởng cơ Thiêm Lộc đón Vương đến Ba Việt [Vĩnh Long].
Tân Chính Vương sai Tống Phước Hựu giữ Mỹ Lung [Vĩnh Long], Thiêm Lộc giữ Hương Đôi [Vĩnh Long]. Tống Phước Hoà thống lãnh quân đội.
Tháng 8/1777 (tháng 7 ÂL.), Trần Văn Thức kéo quân Phú Yên về giúp, thua trận, chết ở Bình Thuận.
Tây Sơn đánh Ba Việt, các tướng Tôn Thất Chí, Nguyễn Mẫn, Tống Phước Hựu đều bị bệnh chết, chỉ còn một mình Chưởng cơ Tống Phước Hoà chống trả, thắng nhiều trận.
Tháng 9/1777 (tháng 8 ÂL.), Nguyễn Huệ đích thân đánh Hương Đôi. Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt. Tân Chính Vương thấy quân ít thế cô, muốn chạy lên Bình Thuận, họp với quân Châu Văn Tiếp, nhưng không thành. Tống Phước Hoà thấy không thể cứu được chúa, tự tử.
Ngày 19/9/1777 (ngày Tân Hợi 18/8/Đinh Dậu) Tân Chính Vương và 18 quan theo hầu bị giết. Sau được truy tặng là Mục Vương.
Còn Định Vương Nguyễn Phước Thuần chạy đi Long Xuyên.
Tháng 10/1777 (tháng 9 ÂL.), Nguyễn Huệ sai Chưởng cơ Thành đánh Long Xuyên.
Ngày 18/10/1777 (ngày Canh Thìn 18/9/Đinh Dậu), Định Vương bị giết cùng với Tôn Thất Đồng (con thứ hai Hưng tổ, anh ruột Nguyễn Ánh) và các tướng: Trương Phúc Thận, Lưu thủ Lương (không rõ họ), Nguyễn Danh Khoáng.
Một mình Nguyễn Ánh, 15 tuổi, chạy thoát.
Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn, để các tướng Chu, Hãn, Oai, Hoà, Chấn (không rõ họ) chia giữ các dinh ở Gia Định.
Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định, xưng vương
Một tháng sau, Nguyễn Ánh xuất hiện lại ở Long Xuyên.
Tháng 11/1777 (tháng 10 ÂL.), Nguyễn Ánh tiến đến Sa Đéc cùng Đỗ Thanh Nhơn, Lê Văn Quân, họp với các tướng cũ: Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương, Dương Công Trừng, Hồ Văn Lân.
Tháng 12/1777 (tháng 11 ÂL.), quân Nguyễn đánh úp Long Hồ [Vĩnh Long].
Tháng 1/1778 (tháng 12 Đinh Dậu) Đỗ Thanh Nhơn chiếm Sài Gòn.
Tháng 2/1778 (tháng 1 Mậu Tuất) Nguyễn Ánh, 16 tuổi, được các tướng tôn làm Đại nguyên soái.
Tháng 3/1778 (tháng 2 ÂL.), Tổng đốc Chu (Tây Sơn) đánh Trấn Biên [Biên Hoà] và Phiên Trấn [Gia Định].
Tháng 4/1778 (tháng 3 ÂL.), Nguyễn Ánh sai đóng hơn 50 chiến hạm gọi tên là thuyền hiệu [tức là tầu chiến] Long Lân và mua nhiều bè hoả công.
Tháng 6/1778 (tháng 5 ÂL.), Lê Văn Quân và Đỗ Thanh Nhơn dẹp xong quân Tây Sơn ở Gia Định, Lê Văn Quân tiến đánh Bình Thuận.
Tháng 6/1778, tại Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, hiệu Thái Đức, phong Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân.
Trong hai năm (1778-1779), ở tuổi 16 và 17, Nguyễn Ánh tổ chức lại Gia Định.
Tháng 4-5/1779 (tháng 3 Kỷ Hợi), Ánh rước Từ cung từ Quảng Trị về Gia Định (khi Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú Xuân năm 1774, mẹ Nguyễn Ánh và các công chúa chạy ra Quảng Trị).
Tháng 7-8/1779 (tháng 6 ÂL.), Ánh sai Đỗ Thanh Nhơn, Hồ Văn Lân, Dương Công Trừng đánh Chân Lạp, giết Nặc Vinh (kẻ thoán đoạt), lập Nặc Ấn lên ngôi, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ Chân Lạp.
Tháng 12/1779-1/1780 (tháng 11 ÂL.) Ánh chia lại đất Gia Định. Lập hành chính và quan thuế.
Ngày 28/2/1780 (ngày Quý Mão 24/1/Canh Tý) Nguyễn Ánh xưng vương. Thăng chức cho các tướng: Đỗ Thanh Nhơn, Tống Phước Khuông, Tống
Phước Lương, Nguyễn Đình Thuyên, Trần Đại Thể.
Lập các bộ: Lại, do Hồ Đồng phụ trách. Hộ, Trần Phúc Giai. Lễ, Nguyễn Nghi. Binh, Minh (Không rõ họ). Hình, Trần Minh Triết.
Ngày 6/4/1780 (ngày Tân Tỵ 2/3/Canh Tý) sinh hoàng tử Cảnh, con của nguyên phi Tống thị, con gái Tống Phước Khuông, Ánh cưới năm Mậu Tuất (1778), lúc 16 tuổi.
Tháng 5/1780 (tháng 4 ÂL.) Đỗ Thanh Nhơn và Dương Công Trừng, tìm cách móc các thuyền chiến lại với nhau, đánh chiếm được Trà Vinh.
Tháng 7/1780 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Vương sai 2 cai cơ Sâm, Tĩnh sang Xiêm thông hiếu. Cùng lúc ấy, một thuyền buôn Xiêm đi qua Hà Tiên bị lưu thủ Thăng cướp và giết; rồi một người Chân Lạp tâu bịa với vua Xiêm là Gia Định đã gửi mật thư sai Tôn Thất Xuân, Mạc Thiên Tứ làm nội ứng để chiếm Vọng Các. Vua Xiêm nổi giận, giam Sâm, Tĩnh và bắt gia đình Mạc Thiên Tứ hỏi tội. Mạc Tử Duyên (con Mạc Thiên Tứ) bị đánh chết. Mạc Thiên Tứ tự tử. Tôn Thất Xuân, Sâm và Tĩnh cùng quyến thuộc của Mạc Thiên Tứ, 53 người đều bị hại.
Tháng 8/1780 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Vương lại sai đóng thêm thuyền chiến. Đỗ Thanh Nhơn sáng tạo thuyền trường đà (bánh lái dài), rất lợi hại.
Tháng 4/1781 (tháng 3/Tân Sửu) Đỗ Thanh Nhơn chuyên quyền bị giết. Quân Đông Sơn nổi dậy.
Tháng 5-6/1781 (tháng 5 ÂL.) Vương duyệt binh: khoảng 3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 thuyền chiến lớn, 2 tầu Tây, định đánh Tây Sơn, nhưng xẩy ra cuộc biến Đông Sơn, phải rút quân về.
Tháng 6-7/1781 (tháng 5 nhuận), thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhơn làm phản. Phải dẹp mãi.
Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ nhì
Tháng 4-5/1782 (tháng 3/Nhâm Dần) Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem 100 chiến thuyền đánh vào cửa Cần Giờ.
Nguyễn Vương sai Tống Phước Thiêm thống lãnh quân đội, bày thủy trận chống cự ở Ngã Bẩy [còn gọi là Thất kỳ giang, nơi bẩy dòng họp lại chằng chịt nhau, ở Biên Hoà, cách huyện Phước An 37 dặm về phiá tây bắc]. Quân
Nguyễn thua to.
Một mình cai cơ người Pháp tên là Mạn Hoè (Manuel hay Emmanuel) đi tầu Tây, cố sức đánh rất lâu. Mạn Hoè do Bá Đa Lộc giới thiệu, được giữ chức cai cơ, coi đội Trung Khuông. Tây Sơn đốt tầu, Mạn Hoè chết cháy. Được truy tặng là Hiếu nghiã công thần phụ quốc thượng tướng quân. Được thờ ở đền Hiển Trung ở Gia Định (Thực Lục, I, t. 211-212, Liệt truyện, tập 2, t. 506). Đối với triều Nguyễn, Mạn Hoè là người Pháp có công lớn nhất trong thời kỳ lịch sử này.
Nguyễn Ánh đốc binh giao tranh ở Ngã Ba [Ngã ba Nhà Bè, Biên Hoà, cách huyện Long Thành 32 dặm về phía tây Nam], Ánh thua, chạy đi Ba Giồng [Định Tường]. Tống Phước Thiêm, vì lúc trước xui vua giết Đỗ Thanh Nhơn bị quân Đông Sơn thù, giết chết.
Nguyễn Ánh chạy ra Phú Quốc.
Tháng 6-7/1782 (tháng 5 ÂL.) Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ trở về Qui Nhơn, để hàng tướng Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập ở lại giữ Gia Định.
Châu Văn Tiếp chiếm lại Gia Định
Tháng 9-10/1782 (tháng 8 ÂL.), Châu Văn Tiếp chiếm lại Gia Định, đón Nguyễn Ánh về.
Nguyễn Ánh sửa sang quân ngũ:
Châu Văn Tiếp làm ngoại tả Chưởng dinh, Tôn Thất Dụ làm ngoại hữu Chưởng dinh, vv…
Sai cai cơ Trung thủy Võ Di Nguy, cai cơ Tiền thuỷ Trương Phúc Dĩnh tập hợp những thủy binh ngạch cũ, sửa đóng chiến thuyền.
Tây Sơn quyết định đánh Gia Định.
Nguyễn Ánh được tin Tây Sơn sắp vào, sai đắp đồn Thảo Câu [Vàm Cỏ] và đồn Dác Ngư [Cá Dốc] ở phiá Nam và phía Bắc sông lớn Gia Định, giao cho Dương Công Trừng và Tôn Thất Mân giữ. Trên sông dàn 100 chiến thuyền do Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc, Võ Di Nguy… quản thủ. Giám quân Tô coi bè hoả công.
Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ ba
Tháng 2/1783 (tháng 1 Quý Mão), đại binh Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ từ cửa Cần Giờ đánh lên, tư khấu Nguyễn Văn Kim đánh bờ Bắc, đô đốc Lê Văn Kế đánh bờ Nam.
Bè hoả công của quân Nguyễn bị ngược gió, quay trở lại đốt thuyền mình. Tôn Thất Mân tử trận, Dương Công Trừng bị bắt. Châu Văn Tiếp chạy sang Xiêm cầu cứu.
Nguyễn Ánh chạy đi Ba Giồng, bầy tôi chỉ còn nhóm Nguyễn Kim Phẩm 5, 6 người. Số quân không đầy 100.
Tháng 5/1783 (tháng 4 ÂL.), Nguyễn Ánh lại tập họp các đạo quân, Nguyễn Kim Phẩm tiên phong, đóng ở Đồng Tuyên [Gia Định].
Nguyễn Huệ tiến đánh Đồng Tuyên. Quân Nguyễn thua to. Các tướng: Đồng bị bắt; Minh, Quý, Thuyên, Huề, đều tử trận.
Nguyễn Ánh chạy đi Lật Giang [Gia Định] nước sông chảy mạnh. Ánh bơi giỏi, thoát chết, binh sĩ chết đuối nhiều. Ánh đi Mỹ Tho, lấy thuyền chở cung quyến ra Phú Quốc, sai Tôn Thất Cốc và Trần Đĩnh ra Cần Giờ thăm thú tình hình. Đĩnh không theo lệnh, bị Cốc giết. Đồ đảng của Đĩnh là Trần Hưng và Lâm Húc (người Tầu) chiếm giữ Hà Tiên. Nguyễn Kim Phẩm về Hà Tiên thu quân.
Thái trưởng công chúa Ngọc Đảo (con thứ bẩy Võ Vương, cô Nguyễn Ánh) cũng đến coi việc quân nhu, đều bị bọn Hưng giết. Nguyễn Ánh hay tin, đem binh thuyền đến đánh, Hưng, Húc bỏ chạy. Tướng Xiêm Vinh Li Ma đem 200 quân và chục chiến thuyền đến theo.
Tháng 7/1783 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Ánh đóng ở hòn Điệp Thạch (đá chồng) Phú Quốc, Phan Tiến Thuận (Tây Sơn) đến đánh, Lê Phúc Điển mặc áo ngự, liều mình cứu vua.
Tháng 7/1783, Tôn Thất Điển (con thứ sáu Hưng tổ, em Nguyễn Ánh), Tôn Thất Cốc, chưởng cơ Hoảng và Vinh Li Ma đều bị Tây Sơn bắt, giết. Vợ Hoảng tự tử.
Nguyễn Ánh chạy thoát ra Côn Lôn.
Tháng 8/1783 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Huệ sai phò mã Trương Văn Đa vây Côn Lôn. Nhờ bão, thuyền Tây Sơn bị đắm, Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi quay về Phú Quốc.
Quân lính phải ăn cỏ, ăn rễ cây. Nguyễn Đức Xuyên liều chết kiếm đồ ăn cho Nguyễn Ánh.
Nghe tin Bá Đa Lộc ở Chân Bôn (Chantabun, Xiêm), Ánh sai người đến mời. Trao hoàng tử Cảnh, 3 tuổi, cùng với quốc ấn cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, để mẫu hậu và hoàng hậu ở lại Phú Quốc. (Thực Lục I, t. 218). Tuy nhiên trong thư viết từ Pondichéry ngày 20/3/1785 cho Hội truyền giáo, Bá Đa Lộc không nói đến việc này (Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, III, t. 84-92).
Thuyền Nguyễn Ánh tới cửa biển Ma Li [huyện Yên Phước, tỉnh Bình Thuận] bị vây rất ngặt, chạy quanh bẩy ngày đêm, mới trở lại được Phú Quốc. Quần thần còn lại: Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội, Đỗ Văn Hựu, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Khiêm và Nguyễn Đức Xuyên.
Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ về lại Quy Nhơn, để Trương Văn Đa ở lại giữ Gia Định.
Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm
Tháng 2/1784 (tháng 1 Giáp Thìn) Nguyễn Ánh trú ở đảo Thổ Châu.
Tháng 2-3/1784 (tháng 1 nhuận) Hồ Văn Lân, Tôn Thất Hội, Lê Văn Quân, thua trận, chạy sang Xiêm.
Tháng 3-4/1784 (tháng 2 ÂL.) Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm, có hơn 30 quan đi theo và vài chục lính.
Tháng 4-5/1784 (tháng 3 ÂL.) Nguyễn Ánh đến Vọng Các, được tiếp đón tử tế.
Châu Văn Tiếp sau khi thua trận đã sang Xiêm cầu viện trước, được vua Xiêm chấp thuận. Định ngày cử binh.
Tháng 7-8/1784 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Ánh đem quân về Gia Định. Vua Xiêm sai hai người cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn thuỷ binh và 300 chiến thuyền về giúp.
Nguyễn Ánh phong Châu Văn Tiếp làm Bình Tây đại độ đốc, điều bát các quân.
Tháng 8-9/1784 (tháng 7 ÂL.) quân Nguyễn và Xiêm tiến đánh Kiên Giang, chiếm được Ba Xác, Trà ôn, Mân Thít, Sa Đéc.
Lấy Mạc Tử Sinh (con Mạc Thiên Tứ) làm tham tướng Hà Tiên.
Tháng 11-12/1784 (tháng 10 ÂL.) Châu Văn Tiếp đánh trận trên sông Mân Thít [Vĩnh Long], chống với Chưởng tiền Bảo của Tây Sơn, bị gươm đâm trúng, tử trận.
Tháng 12/1784-1/1785 (tháng 11 ÂL.) Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân làm Tổng nhung, chiếm lại được 2 đồn Ba Lai và Trà Tân ở Định Tường.
Thái giám Lê Văn Duyệt và đội trưởng Lê Văn Khiêm, trước bị Tây Sơn bắt, nay trốn về.
Nguyễn Ánh sai cai đội Nguyễn Văn Thành đi thu phục quân Đông Sơn. Quân Xiêm tàn bạo đi đến đâu là cướp bóc.
Nguyễn Huệ vào Gia Định lần thứ tư, đại phá quân Xiêm
Tháng 1-2 /1785 (tháng 12 Giáp Thìn) Nguyễn Huệ vào Gia Định, phục quân ở Rạch Gầm (Định Tường) và sông Xoài Mút (Định Tường), dụ quân Xiêm đến, phá tan 2 vạn Xiêm. Lê Văn Quân thua chạy.
Nguyễn Ánh chạy đi Trấn Giang (An Giang), bầy tôi còn lại hơn 10 người.
Trong khi ấy, Bá Đa Lộc, vẫn còn quanh quẩn ở lại trong vùng, chưa đi. Sau khi Nguyễn Huệ phá tan quân Xiêm, Nguyễn Ánh khẩn cấp giục Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh (4 tuổi) sang Tây. Bá Đa Lộc đến Pondichéry (Ấn độ) cuối tháng 2/1785 (thư Bá Đa Lộc viết ngày 20/3/1785 cho Hội truyền giáo, Launay III, t. 84-92).
Tháng 2-3/1785 (tháng 1 Ất Tỵ) Nguyễn Ánh ở đảo Thổ Châu.
Tháng 4-5/1785 (tháng 3 ÂL.), quân Tây Sơn đuổi đến Thổ Châu, Nguyễn Ánh chạy qua đảo Cổ Cốt, rồi sang Xiêm.
Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn để Đặng Văn Trấn (Chấn) giữ Gia Định. Nguyễn Ánh tạm trú ở Xiêm La
Theo Nguyễn Ánh sang Xiêm có 30 quần thần, 200 quân và 5 chiến thuyền: Phượng Phi, Bằng Phi, Hùng Trì, Chính Nghi, Thuyền Ô (Thực Lục I, t. 223). Điều này chứng tỏ Nguyễn Ánh đã đóng được thuyền đại hiệu bọc đồng, [tầu chiến bọc đồng theo kiểu Tây Phương như Phượng Phi và Bằng Phi] từ năm 1785. Tầu Phượng Phi năm 1790 sẽ giao cho Trần Văn Học và Nguyễn Văn Chấn (Vannier) cai quản (Liệt truyện II, t. 282).
Trong số quần thần đi theo: Tốn Thất Hội, Trương Phúc Dĩnh, Nguyễn Văn Định, Trương Phúc Luật, Tống Phước Ngạn, Nguyễn Văn Thành, Đỗ Văn Hựu, Tô Văn Đoài, Nguyễn Văn Mẫn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Văn Khiêm… nhiều người sẽ lập công lớn sau này.
Nguyễn Ánh xin trú ở Long Kỳ (Xiêm gọi là Đồng Khoai), ngoại thành Vọng Các, sai người đi đón quốc mẫu và cung quyến sang.
Tháng 6-7/1785 (tháng 5 ÂL.), Lê Văn Quân đem 600 quân đến Vọng Các, nhiều quần thần cũ tiếp tục sang theo. Nguyễn Ánh sai làm đồn điền nuôi quân, sai ra hải đảo đóng thuyền chiến, sai người ngầm về Gia Định mộ lính.
Tháng 1/1786 (tháng 12 Ất Tỵ) Dương Công Trừng sau khi thua trận Dác Ngư bị bắt, trốn thoát, họp cùng Lê Thượng và Nguyễn Tần do Nguyễn Ánh sai về do thám, cùng chiếm lại Long Xuyên. Thái bảo Tây Sơn là Phạm Văn Tham đem quân từ Sài Gòn ra đánh.
Lê Thượng và Nguyễn Tần tử trận. Dương Công Trừng bị bắt lần thứ hai, không chịu hàng, bị Phạm Văn Tham giết.
Tháng 3/1786 (tháng 2 Bính Ngọ) Diến Điện đánh Xiêm. Vua Xiêm hỏi kế hoạch. Nguyễn Ánh thân chinh trợ chiến, sai Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành đi trước, dùng ống phun lửa để đánh. Địch quân thua to, rút về. Vua Xiêm đề nghị giúp Ánh thu phục Gia Định. Nguyễn Văn Thành gạt đi. Ánh khen phải.
Tháng 4/1786 (tháng 3 ÂL.) Ánh sai Hoàng Tiến Cảnh, Nguyễn Văn Nhàn, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Định, Trương Phúc Luật, đem quân ra núi Giang Khảm đóng một chục chiến thuyền.
Quân Chà Và (Mã Lai) đánh Xiêm. Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân đem thuỷ binh dẹp tan.
Nguyễn Huệ diệt họ Trịnh ở Bắc
Ở Bắc, ngày 19/10/1782 (13/9/Nhâm Dần) Trịnh Sâm mất (Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô Thì Chí, bản dịch Ngô Tất Tố, nxb Phong trào văn hoá Sài Gòn, 1969, t. 27). Lập con thứ là Trịnh Cán, 5 tuổi, con Đặng Thị Huệ lên ngôi, có Hoàng Tố Lý (tức Huy quận công Hoàng Đình Bảo) làm phụ chính.
Ngày 28/11/1782 (24/10 Nhâm Dần) (Hoàng Lê, t. 37), quân Tam phủ (lính Thanh-Nghệ tức kiêu binh) đảo chính, theo âm mưu của Trịnh Khải (tức Trịnh Tông), con trưởng Trịnh Sâm. Tam phủ giết Tố Lý, bỏ Trịnh Cán, lập Trịnh Khải.
Tháng 12/1782 (tháng 11 ÂL.) Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An, là thuộc tướng của Tố Lý, vượt biển vào Quảng Nam theo Nguyễn Nhạc, được Nhạc tin dùng, phong chức đô đốc.
Quân Tam phủ cậy công làm loạn ở đất Bắc.
Nguyễn Hữu Chỉnh xui Nguyễn Nhạc nên nhân cơ hội chiếm Phú Xuân.
Ngày 25/5/1786 (28/4 Bính Ngọ) (Hoàng Lê, t. 77), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ thống lĩnh thuỷ bộ tiến đánh Phú Xuân: Nguyễn Hữu Chỉnh, tả quân đô đốc; Võ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc), hữu quân đô đốc; Nguyễn Lữ, thuỷ quân. Quân Trịnh thua to.
Ngày 31/5/1786 (4/5/Bính Ngọ) chiếm được Phú Xuân, Huệ còn lưỡng lự, Chỉnh xui tiến quân ra Bắc (Hoàng Lê, t. 81).
Nguyễn Huệ để Nguyễn Lữ giữ Phú Xuân, đem quân ra Bắc. Viết thư về bẩm Nguyễn Nhạc. Nhạc không băng lòng, gửi người chận lại, nhưng tới nơi, Huệ đã vượt biển đi rồi.
Tháng 7/1786 (tháng 6 ÂL.), Nguyễn Huệ tiến đánh Thăng Long. Đinh Tích Nhưỡng đại bại ở Lỗ Giang (Sơn Nam)
Hoàng Phùng Cơ đại bại ở sông Thúy Ái. Sáu người con đều tử trận
Nguyễn Huệ tiến thẳng đến bến Tây Long, Trịnh Khải ra trận chỉ huy. Tây Sơn đốt ống phun lửa xông vào, quân Trịnh tan vỡ.
Ngày 21/7/1786 (26/6 Bính Ngọ) Nguyễn Huệ vào Thăng Long. (Liệt truyện, II, t. 538).
Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây thì bị bắt, cắt cổ tự vận, ngày 22/7/1786 (27/6 /Bính Ngọ) (Hoàng Lê, t. 82).
Nguyễn Huệ vào Thăng Long, được vua Lê Hiển Tông gả Ngọc Hân công chúa.
Ngày 3/8/1786 (10/7/Bính Ngọ) Nguyễn Huệ đưa đồ sính lễ: Hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn.
Ngày 4/8/1786 (11/7/Bính Ngọ) làm lễ rước dâu (Hoàng Lê, t. 103)
Ngày 10/8/1786 (17/7/Bính Ngọ) vua Lê Hiển Tông mất (Hoàng Lê, t. 105). Lê Duy Kỳ lên ngôi, hiệu là Chiêu Thống.
Nguyễn Nhạc hay tin Huệ diệt xong Trịnh, sợ em cậy công kiêu ngạo, không kiểm soát được; tức tốc ngày đêm ra Thăng Long. Ở lại 10 ngày.
Hai anh em cùng rút quân về Nam. Bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại.
Chỉnh sợ, chạy theo đến Nghệ An. Huệ cho ở lại giữ Nghệ An cùng với Nguyễn Văn Duệ.
Trở về Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc xưng là Trung Ương hoàng đế, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương trấn đất Gia Định, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, trấn đất Thận Hoá.
Anh em Tây Sơn bất hoà
Nguyễn Ánh trở về Gia Định
Mùa đông, 1786, anh em Tây Sơn bất hoà. Nguyễn Huệ đem quân đánh, Nguyễn Nhạc gọi đô đốc Đặng Văn Trấn ở Gia Định về cứu.
Đặng Văn Trấn để Trần Tú giữ Gia Định, đem quân về đến Tiên Châu (Phú Yên) thì bị quân Nguyễn Huệ bắt được. Nguyễn Huệ vây Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc phải lên thành kêu khóc, Nguyễn Huệ thương tình rút quân về.
Tháng 2-3/1787 (tháng 1 Đinh Mùi), Bồ Đào Nha sẵn sàng giúp Ánh quân đội và 56 thuyền chiến đậu ở thành Goa (Ấn độ). Vua Xiêm không bằng lòng, Ánh phải từ chối.
Tháng 3-4 (tháng 2 ÂL.), Tống Phước Đạm, Nguyễn Đô, Tống Phước Ngọc,
Nguyễn Văn Thiệm đến yết kiến. Tống Phước Đạm báo tin anh em Tây Sơn bất hoà, Gia Định đơn yếu, đánh được và trình bầy sách lược tấn công.
Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ giữ Gia Định cùng với thái bảo Phạm Văn Tham.
Ngày 13/8/1787 (1/7 Đinh Mùi) Nguyễn Ánh viết thư tạ từ vua Xiêm, đang đêm xuống thuyền đem cung quyến về nước, trú ở Hòn Tre. Sai Võ Di Nguy và Phạm Văn Nhân trông nom cung quyến ở Phú Quốc.
Thuyền Nguyễn Ánh đến Long Xuyên.
Nguyễn Văn Trương, Chưởng cơ Tây Sơn, đem 300 quân tinh nhuệ và 15 chiến thuyền về theo, Ánh trao chức Khâm Sai Chưởng Cơ, quản đạo Tiên phong Thuỷ dinh Trung quân.
Nguyễn Văn Trương chiếm đồn Trà Ôn [Vĩnh Long].
Nguyễn Văn Nghiã đem quân sở bộ đến giúp, được trao chức Chưởng cơ.
Tháng 10-11/1787 (tháng 9 ÂL.) Nguyễn Ánh đến cửa Cần Giờ. Nhiều đạo quân theo giúp.
Nguyễn Lữ, hay tin, lui về Lạng Phụ [Biên Hoà], đắp luỹ đất để giữ. Phạm Văn Tham giữ vững Sài Gòn, quân Nguyễn không thể hạ được.
Tống Phước Đạm bèn giả thư Nguyễn Nhạc gửi Nguyễn Lữ sai giết Phạm Văn Tham vì tội làm phản, rồi bỏ thư vào nhà Tham. Tham sợ quá, kéo cờ trắng, đem quân đến Lạng Phụ. Lữ nhìn thấy cờ trắng tưởng Tham đã ra hàng, vội chạy về Quy Nhơn rồi chết. Phạm Văn Tham ở lại chống đỡ.
Tướng Tây Sơn Nguyễn Kế Nhuận đem 10 chiến thuyền đến hàng, Ánh phong cho làm Hữu quân khâm sai bình Tây đô đốc.
Nguyễn Văn Quân thắng Tây Sơn ở Ba Lai [Định Tường] tiến đóng Mỹ Tho.
Phạm Văn Tham tiến đánh Mỹ Tho, Nguyễn Đăng Vân (hàng tướng Tây Sơn) bị bắt, bị giết.
Quân Nguyễn thắng nhiều trận, nhưng Phạm Văn Tham vẫn kiên trì chống giữ.
Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhì
Ở Bắc, Trịnh Lệ [con chúa Trịnh Doanh (1740-1767)], em ruột Trịnh Sâm, trước đã mưu cướp ngôi anh; nay thấy Nguyễn Huệ về Phú Xuân, bèn nổi lên tranh quyền với Trịnh Bồng [con chúa Trịnh Giang (1730-1740), Bồng là chú của Lệ]. Vua Lê Chiêu Thống bất đắc dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, dựng lại phủ chúa như cũ.
Họ Trịnh trở lại chuyên quyền, Lê Chiêu Thống gọi Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp. Trịnh Bồng thua chạy. Bỏ đi tu. Nguyễn Hữu Chỉnh được phong chức Đại Tư Đồ.
Dẹp xong họ Trịnh, Chỉnh mưu việc giữ từ sông Gianh trở ra, như thời chúa Trịnh thủa trước. Nguyễn Huệ gọi về, không về, Huệ sai Võ Văn Nhậm ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô, theo Nguyễn Hữu Chỉnh lên đóng ở Mục Sơn (Yên Thế). Nguyễn Hữu Chỉnh thua trận, bị bắt về Thăng Long hành tội.
Giết Chỉnh rồi, Nhậm tìm vua Chiêu Thống không được, bèn tôn Lê Duy Cẩn làm Giám quốc.
Tháng 4-5/1788 (tháng 3 Mậu Thân) lại nghe tin Võ Văn Nhậm chuyên quyền ở Bắc, Nguyễn Huệ tức tốc ra Thăng Long, bắt giết đi. Chiêu Thống chạy sang Tầu.
Nguyễn Huệ để Ngô Văn Sở ở lại giữ Thăng Long, rồi về Phú Xuân.
Tại Pháp, ngày 28/11/1787, Bá Đa Lộc ký với de Montmorin hiệp ước cầu viện ở Versailles.
Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định
Tháng 5/1788 (tháng 4 ÂL.) Võ Tánh đem quân về giúp. Tánh người Bình Dương. Anh là Võ Nhàn, thuộc tướng của Võ Thanh Nhơn. Khi Nhơn bị giết, Nhàn họp quân Đông Sơn chống lại, bị bắt và bị giết. Võ Tánh tụ đảng ở Gò Công hơn vạn người, phục kích đánh Tây Sơn.
Võ Tánh, Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhơn được Tây Sơn coi là ba anh hùng.
Nguyễn Ánh phong Võ Tánh làm Khâm Sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiên phong, đem công chúa thứ hai của Hưng tổ là Ngọc Du (chị/em Nguyễn
Ánh) gả cho.
Cục diện quân sự của Nguyễn Ánh, từ khi có Nguyễn Văn Trương (Tây Sơn) và Võ Tánh về giúp, thay đổi hoàn toàn.
Tháng 6/1788 (tháng 5 ÂL.) Nguyễn Ánh sửa đắp đồn luỹ, cùng làm với các tướng sĩ. (Thực Lục I, t. 233).
Tháng 7/1788 (tháng 6 ÂL.) Ánh cho Mạc Tử Sinh (con Mạc Thiên Tứ) làm lưu thủ Hà Tiên. Lấy Nguyễn Văn Nhân làm khâm sai cai cơ vệ Thần Sách (Công binh và Pháo binh), dinh Trung quân.
Tháng 8/1788 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Ánh cử đại binh tiến đánh Gia Định.
Ngày 7/9/1788 (8/8 Mậu Thân), quân Nguyễn chiếm lại thành Gia Định. Phạm Văn Tham dàn hàng rào chống cự từ chợ Điều Khiển đến chợ Khung Dung. Võ Tánh đem quân đi vòng phiá nam Đồng Tập Trận [ở ngoại thành Sài Gòn] đánh thẳng vào Bến Nghé, chặn nẻo sau. Quân Phạm Văn Tham tan vỡ. Phạm Văn Tham lui giữ Hàm Luông [Vĩnh Long] rồi Ba Xắc [Ba Thắc, An Giang?].
Nguyễn Ánh sai người đến dụ hàng. Tham không chịu hàng, đắp thành đất ở hai bên bờ sông Ba Xắc, bày chiến thuyền chống giữ.
Nguyễn Ánh vào thành Sài Gòn, để Tôn Thất Hội chỉ huy trận điạ. Tháng 10/1788 (tháng 9 ÂL.) đón cung quyến từ Phú Quốc về. Chấm dứt giai đoạn lưu vong. Bình định miền Nam.
Nguyễn Văn Thành được bổ làm Tổng nhung dinh Trung quân.
Sai Trịnh Tân Tài và Chu Văn Quan đi Hạ Châu (Singapor) mua súng đạn, lưu hoàng và diêm tiêu. Sai Nguyễn Thái Nguyên phụ trách bộ Lại; Phan Thiên Trúc Nguyễn Bảo Trí, bộ Hộ; Tống Phước Đạm, bộ Binh; Ngô Hữu Hựu, bộ Hình.
Tuy chưa có bộ Lễ và bộ Công, nhưng Ánh đã lập vệ Thần Sách, tức là Công binh và pháo binh, do Nguyễn Văn Nhân điều khiển.
Phan Như Đăng, Trần Đại Luật, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu, và Hoàng Minh Khánh, làm Hàn Lâm Viện chế cáo (báo trình, luật,
tắc). Lê Xuân Minh, Lê Phúc Mão, Hồ Phúc Uẩn, Vũ Công Chấn, Hồ Văn Định và Hoàng Văn Đệ lập Hàn Lâm Viện.
Khai khẩn đất hoang. Sửa sang luật pháp. Thành lập một triều đình vững chắc. Tháng 11/1788 (tháng 10 ÂL.) ra lệnh cấm đánh bạc. Tổ chức lại quân đội. Bắt đầu đặt phủ binh. Lập sổ đinh. Lấy một nửa tráng đinh làm phủ binh, kết thành đội, thập (10), ngũ (5).
Theo chính sách “không việc thì đi cày ruộng, có việc thì làm binh” của nhà Đường (chứ không phải do Bá Đa Lộc nghĩ ra, như Faure viết sau này).
Tháng 11/1788 Võ Di Nguy được thăng chức quản Nội thuỷ thuỷ Trung thuyền.
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh
Ở Bắc, Lê Chiêu Thống chạy sang Tầu cầu cứu. Vua Càn Long sai là Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng chia quân làm bốn đạo tiến đánh Thăng Long, Ngô Văn Sở lui về Tam Điệp, cấp báo Nguyễn Huệ.
Ngày 22/12/1788 (25/11/Mậu Thân) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, niên hiệu Quang Trung.
Tháng 2/1789 (tháng 1 Kỷ Dậu), Quang Trung đại phá quân Thanh: Sầm Nghi Đống chết. Tôn Sĩ Nghị chạy về Tầu. Lê Chiêu Thống chạy theo.
Quang Trung sai con là Quang Thùy và Võ Văn Dũng giữ Bắc Thành. Quang Bàn giữ Thanh Hoá.
Nguyễn Văn Duệ giữ Nghệ An, rồi trở về Thuận Hoá.
Quang Trung xây dựng kinh đô ở Nghệ An, đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô, đắp thành luỹ, đặt kho tàng, dùng trọng binh coi giữ.
Tóm tắt việc Bá Đa Lộc cầu viện Pháp
Như trên đã nói, theo Thực Lục, tháng 8/1783 (tháng 7 Quý Mão), nghe tin Bá Đa Lộc ở Chân Bôn (Chantabun, Xiêm), Nguyễn Ánh sai người đến mời, trao hoàng tử Cảnh, 3 tuổi, cùng với quốc ấn cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Nhưng Bá Đa Lộc còn ở lại trong vùng này suốt năm 1774. Đến khi Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm tháng 1-2/1785, Nguyễn Ánh thua to, bầy
tôi chỉ còn lại 10 người, lúc đó mới khẩn cấp giục Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh (5 tuổi) sang Tây.
Cuối tháng 2/1785, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh tới Pondichéry (Ấn Độ).
Tháng 7/1786, Bá Đa Lộc từ Pondichéry đem hoàng tử Cảnh, 6 tuổi, đi Pháp. Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm, Hồ Văn Nghị trở về Vọng Các.
Tại Pháp, ngày 28/11/1787, Bá Đa Lộc ký với de Montmorin hiệp ước cầu viện Versailles.
Ngày 18/5/1788, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh từ Pháp về tới Pondichéry. Việc thi hành hiệp ước cầu viện gặp khó khăn vì Conway, toàn quyền Pháp ở Pondichéry, chống. Sau cùng chính vua Louis XVI, theo báo cáo của Conway, đổi ý, lệnh cho Conway không giúp Nguyễn Ánh.
Tháng 7/1789, Bá Đa Lộc trở về tay không với hoàng tử Cảnh, 9 tuổi. Vua sai Tôn Thất Hội đem binh thuyền ra cửa Cần Giờ đón.
Trong suốt thời gian này, Nguyễn Vương viết nhiều thư gửi Hội thừa sai Macao hỏi tin con, nhưng hầu như ông không nhận được tin tức gì cả.
Ở Pháp, ngày 14/7/1798, quân cách mạng phá ngục Bastille. Phe bảo hoàng trong đó có Hội thừa sai phải chạy sang Anh.
Chương 3: Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777-1802 (II)
Phần 2 (tiếp theo)
Nguyễn Vương thu phục Gia Định
Cuối năm 1788, Nguyễn Vương đã chiếm được Sài Gòn và phần lớn đất Gia Định nhưng Phạm Văn Tham vẫn còn cầm cự ở Vĩnh Long và An Giang.
Vương sai Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương họp nhau đánh Phạm Văn Tham ở Hổ Châu [An Giang]. Phạm Văn Tham rút về Ba Xắc [Ba Thắc, An Giang?]. Thế cùng, phải ra hàng.
Toàn bộ Gia Định về tay Nguyễn Ánh.
Tháng 4/1789 (tháng 3 ÂL.) xây hai thành Cá Dốc [Dốc Ngư] và Vàm Cỏ [Thảo Câu] là hai nơi xung yếu, cổ họng của Sài Gòn, sai Nguyễn Văn Thành trấn giữ.
Vương rất chú trọng đến Vệ Thần Sách (Công binh và Pháo binh): sai Tôn Thất Huyên cai quản các đội ban trực tiền vệ Thần sách dinh Trung quân; Tôn Thất Chương ban trực hậu, Phạm Văn Nhân ban trực tả, Tô Văn Đoài ban trực hữu.
Tháng 7/1789 (tháng 5 nhuận) Vương bàn định đánh Tây Sơn. Nhưng nghe tin Nguyễn Huệ ở Thuận Hoá đã đóng nhiều chiến hạm, đang định đánh vào Nam, lại thôi.
Bắt đầu đặt chức quan Điền tuấn (trông coi nông nghiệp), dùng 12 người trong Hàn Lâm Viện chế cáo (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, vv…) trông coi việc mở mang canh nông, khai phá đất hoang cho bốn dinh: Phiên Trấn (Gia Định), Trấn Biên (Biên Hoà), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long), Trấn Định (Định Tường), khuyến khích dân trồng trọt, người nào không thích nghề nông thì vào phủ binh. Lập trường võ bị, chọn những người có khả năng chiến đấu trong quân ngũ, cho luyện tập trở thành quân tinh nhuệ.
Tháng 8-9/1789 (tháng 7 ÂL.) hàng tướng Phạm Văn Tham bị kết tội liên lạc với Nguyễn Huệ để khôi phục lại miền Nam, bị giết.
Tháng 9-10/1789 (tháng 8 ÂL.) sai đóng hơn 40 chiến thuyền lớn, hơn 100
thuyền đi biển.
Cải tổ nội các: Lập thêm bộ Lễ, Nguyễn Thái Nguyên coi, Nguyễn Bảo Trí, bộ Lại, Nguyễn Đô, bộ Hộ.
Tháng 11-12/1789 (tháng 10 ÂL.) đại duyệt binh tướng sĩ các dinh ở Đồng Tập Trận (ngoại ô Sài Gòn).
Chỉ định các tướng lãnh chỉ huy các đạo, các dinh, các chi… trong toàn bộ quân đội.
Sai dinh Trấn Biên mua đường cát, mỗi năm 10 vạn cân, có sẵn, để đổi cho người Tây Dương lấy đồ binh khí.
Cải tổ binh thuyền.
Ngày 22/4/1790 (ngày Kỷ sửu, 9/3 Canh Tuất), đắp thành đất Gia Định, Tôn Thất Hội trách nhiệm cùng với Trần Văn Học (Liệt truyện II, t. 77-282).
Nguyễn Vương mua súng đạn, đóng tầu, xây dựng thành quách
Tháng 5-6/1790 (tháng 4 ÂL.) Lê Văn Quân chủ trì bàn việc xuất quân, Nguyễn Văn Thành can không được. Nguyễn Vương sai Lê Văn Quân làm tư lệnh, Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành, tiên phong, tiến đánh Bình Thuận. Chiếm được.
Lê Văn Quân tiến đánh Diên Khánh, thua to, lui về giữ thành Hưng Phúc. Vua về Gia Định.
Tháng 6/1790, một số lính Pháp theo giúp Nguyễn Vương, được nhận chức cai đội. Hai năm sau nhiều người bỏ đi. Chỉ Chaigneau và Vannier ở lại đến đầu đời Minh Mạng.
Tháng 11/1790 (tháng 10 ÂL.) bắt đầu lập đồn điền, cấp trâu bò, điền khí và hạt giống, khai phá đất hoang. Đặt thái y viện. Dựng kho hoả dược. Tháng 12/1790 (tháng 11 ÂL.) sai Cai cơ Võ Di Nguy coi đóng một chiến thuyền lớn và 15 thuyền đi biển.
Tháng 1/1791 (tháng 12/ Canh Tuất) sửa đắp thành đất Gia Định. Sai Trần Vũ Khách đi Giang Lưu Ba (Jakarta, thủ đô Indonesia) tìm mua đồ binh khí.
Lập xưởng thuỷ sư, từ bờ sông Tân Bình đến bờ sông Bình Trị, trên ba dặm,
thuyền đi biển, thuyền chiến (hình thức như thuyền buôn, không mui mà nhỏ) thuyền ô (sơn đen nên gọi là ô thuyền), thuyền son (sơn đỏ gọi là chu thuyền), thuyền lê (đầu đuôi thuyền đều chạm vẽ gọi là
lê thuyền), đều đậu ở đó.
Tháng 2/1791 (tháng 1 Tân Hợi) định lệ hàng năm duyệt binh.
Lê Văn Quân từ khi thua trận, cáo bệnh, vua vời không đến, bị đình thần kết án. Tự vận.
Tháng 3/1791 (tháng 2 ÂL.) nhân dịp người Bồ Đào Nha tên là Chu Di Nô Nhi đến buôn bán, Nguyễn Ánh gửi thư cho quốc vương Bồ mua binh khí (1 vạn cây súng chim, 2.000 cỗ súng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân, 2.000 viên đạn).
Gián điệp qua lại luôn, tin tức Tây Sơn, không việc gì là không biết.
Ngày 25/5/1791 (23/4 Tân Hợi) Minh Mạng ra đời, con phi thứ hai Trần Thị, con gái tham tri bộ Lễ Trần Hưng Đạt. Sau này, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Trương… sẽ là thầy dạy.
Đóng hơn 100 chiếc chiến thuyền.
Tháng 11/1791 (tháng 10 ÂL.) lập đền Hiển Trung, thờ các công thần, theo vua từ Vọng Các.
Năm Tân Hợi 1791 (không rõ tháng) Nguyễn Ánh bí mật sai người cầu Đặng Đức Siêu, cựu thần chúa Nguyễn, không ra giúp Tây Sơn. Siêu lẻn vào Gia Định, hiến kế đánh Tây Sơn, trở thành quân sư, luôn luôn bên ở mình Nguyễn Ánh. Tất cả những chiến dịch sau này, phần lớn do Đặng Đức Siêu làm cố vấn.
Tháng 2/1792 (tháng 1 Nhâm Tý) đóng năm hiệu thuyền Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến và Huyền Hạc.
Nguyễn Ánh sử dụng chiến thuật gió mùa: Hàng năm, khi gió nồm thổi, thuỷ quân thuận chiều gió ra đánh, hết gió quay về.
Sai đắp thành Mỹ Tho, góc thành đắp như dáng hoa mai, chu vi 499 trượng. Hai bên sửa soạn chiến tranh
Tháng 4-5/1792 (tháng 3 ÂL.) vua Xiêm viết thư muốn “liên kết” để đánh Quang Trung. Bởi vì Quang Trung đã đem quân đánh Vạn Tượng, quân Xiêm thua to.
Nguyễn Ánh hay tin Nguyễn Huệ đã sửa soạn hai, ba mươi vạn binh thủy bộ để đánh Gia Định. Quân bộ qua Lào đánh Nam Vang, tiến vào sau lưng Sài Gòn. Thuỷ quân vào Côn Lôn, chiếm Hà Tiên, rồi theo đường Long Xuyên, Kiên Giang đánh mặt trước Sài Gòn.
Tháng 5-6/1792 (tháng 4 ÂL.), Nguyễn Ánh tổ chức phòng vệ.
Tháng 6/1792, Quang Trung đem 30.000 đánh Lào rồi xuống Cao Mên, nhưng lại rút về (thư của LM Le Labousse, 16/6/1792, Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine III, t. 223).
Trong lúc tình hình sôi bỏng, những người lính Pháp theo giúp từ 1790 chuẩn bị rút lui.
Tháng 6/1792, phần lớn những người Pháp đều bỏ đi hoặc bị đuổi vì kỷ luật. Bá Đa Lộc cũng muốn xin về. [Thư của Lavoué gửi Létondal, viết tại Lái Thiêu ngày 16/6/1792. Thư Le Labousse gửi Létondal, viết từ biên giới Cambodge ngày 17/6/1792. Thư Bá Đa Lộc gửi Boiret ngày 20/6/1792 (Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine III, t. 295-297)].
Tháng 6-7/1792 (tháng 5 ÂL.), Nguyễn Huệ liên kết với 40 thuyền Tề Ngôi (giặc biển, người Tầu) tấn công miền Bình Khang, Bình Thuận.
Tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL.) cai đội Ôlivi (Olivier de Puymanel) được thăng chức Vệ Uý ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách.
Trận Thị Nại 1792
Được tin gián điệp cấp báo Nguyễn Nhạc đóng nhiều thuyền chiến đậu ở cửa Thị Nại, sửa soạn chinh phạt Gia Định, Nguyễn Ánh quyết định đánh trước.
Lệnh cho tướng sĩ các dinh Tiên Phong và Chấn Võ chuẩn bị lương thực khí giới hành quân. Định ngày thử chiến hạm ở biển (thuyền đại hiệu và thuyền ô sai, 128 chiếc).
Để Tôn Thất Huy, Võ Tánh và Tống Phước Đạm giữ Sài Gòn. Biết Thị Nại không phòng bị, Nguyễn Ánh, xuất quân từ cửa Cần Giờ, gặp
gió nam thổi mạnh.
Các tướng thống lĩnh: Quản Tiên phong dinh Nguyễn Văn Thành, Trực tả Phạm Văn Nhân; giám quân Trung quân Nguyễn Văn Trương hộ giá, tiến thẳng tới Thị Nại.
Sai quân tinh nhuệ phóng hoả đốt thuỷ trại.
Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành đi thuyền Long [Long Phi] và thuyền Phụng [Phượng Phi], đánh thẳng vào. Đô đốc Thành bỏ chạy. Quân Nguyễn chiếm được 5 thuyền lớn, 30 thuyền đi biển, 40 thuyền sai, ba chiếc thuyền của Tề Ngôi.
Trận này chỉ có 10 ngày, chiến thắng lớn đầu tiên của Nguyễn Ánh, từ khi về Gia Định, khiến Quang Trung nổi giận. Hịch Quang Trung (sẽ đăng trong chương sau) chỉ trích sự thua trận này.
Ngày 27/8/1792, Quang Trung truyền hịch cho quan, quân, dân hai vùng Quảng Ngãi và Quy Nhơn: sẽ san bằng Gia Định.
Chưa kịp tiến quân, Quang Trung băng hà ngày 16/9/1792.
Quang Toản, 10 tuổi, lên ngôi, hiệu Cảnh Thịnh. Cậu ruột là thái sư Bùi Đắc Tuyên làm phụ chính.
Ở Pháp, vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette lên đoạn đầu đài. Nước Pháp rơi vào thời đại Kinh Hoàng (La Terreur). Số người bị giết ước lượng 100.000, trong đó có khoảng 17.000 bị lên máy chém.
Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn lần thứ nhất, 1793
Sau khi Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Ánh lại được tin triều đình Quang Toản và Nguyễn Nhạc nghi kỵ nhau, bèn quyết định đánh Quy Nhơn.
Thuỷ binh là điểm cốt yếu của quân Nguyễn.
Tháng 2-3/1793 (tháng 1 Quý Sửu) Nguyễn Ánh sai đóng thêm các thuyền đại hiệu (tầu chiến): Long ngự, Long thượng, Long hưng, Long Phi, Bằng phi, Phượng phi, Hồng phi, Loan phi, Ưng phi. (Chắc là sửa lại các tầu Phượng Phi và Bằng Phi, vì đã có từ năm 1785).
Tháng 3-4/1793 (tháng 2 ÂL.) sai Phạm Văn Nhân làm phó tướng Tả quân
kiêm Tri Tàu vụ.
Tháng 4-5/1793 (tháng 3 ÂL.) lập hoàng tử Cảnh (13 tuổi) làm Đông Cung.
Dựng nhà Thái học. Đặt một đông cung phụ đạo [Bá Đa Lộc] và 2 đông cung thị giảng [Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định].
Tháng 5-6/1793 (tháng 4 ÂL.) đem đại binh đánh Quy Nhơn, để Đông cung ở lại giữ Gia Định cùng phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân và Giám quân Trung dinh Tống Phước Đạm.
Bộ binh do Tôn Thất Hội thống lãnh, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành trực thuộc,
tiến đánh Phan Rí.
Cai cơ trấn Thuận Thành là Nguyễn Văn Chấn (Vannier) và Nguyễn Văn Hào; Chưởng cơ đạo Ba Phủ là Cổ và điều khiển Cường, đem quân Man (người Thượng) theo đường bộ tiến đánh Phan Rang.
Nguyễn Ánh xuất quân ra cửa Cần Giờ. Nguyễn Văn Trương và Võ Di Nguy tiên phong, Võ Tánh hộ giá. Phan Thiên Phúc, bộ Hộ và tham tri Nguyễn Đức Chí trông thuyền lương.
Tháng 6-7 (tháng 5 ÂL.) Nguyễn Ánh đến Phan Rang, sai Nguyễn Kế Nhuận đánh bảo [bảo là thành đất, rất vững] Mai Nương, quân Tây Sơn bỏ chạy.
Nguyễn Ánh đến Nha Trang, sai Vũ Văn Đắc và Nguyễn Văn Lượng đánh bảo Hoa Bông, Tây Sơn bỏ chạy, chiếm được phủ Diên Khánh. Nguyễn Ánh đóng ở vụng Hòn Khói. Võ Tánh chiếm phủ Bình Khang.
Bộ binh của Tôn Thất Hội đánh bảo Phan Rí, chiếm được Bình Thuận.
Thuyền Nguyễn Ánh đến cửa Xuân Đài. Sai Võ Tánh đánh bảo La Thai [La Hai], Phạm Văn Điềm thua chạy. Võ Tánh chiếm được Phú Yên.
Nguyễn Ánh tiến đến Thị Nại, Võ Tánh chiếm các bảo ở chợ Thị Nại.
Tháng 7-8 (tháng 6 ÂL.) Võ Tánh thắng trận cầu Tân Hội, tiến đánh cánh đồng Bình Thịnh.
Nguyễn Nhạc sai con là Nguyễn Bảo đem quân tinh nhuệ và voi đực ra tiếp
chiến.
Bộ binh Tôn Thất Hội cũng vừa tới.
Nguyễn Bảo đặt liền đồn trại từ Thổ Sơn đến Úc Sơn để chống cự.
Nguyễn Ánh dặn Tôn Thất Hội giả vờ tấn công từ gò Phú Quý, rồi đến đêm cùng Nguyễn Văn Thành lặng lẽ vượt Kỳ Sơn, hợp với Võ Tánh đánh sau lưng.
Nguyễn Bảo không ngờ, quân và voi toán loạn.
Nguyễn Ánh sai Vũ Văn Lượng đánh bảo Úc Sơn, phóng lửa đốt trại. Lê Văn Duyệt đem quân trên núi đánh xuống, quân Tây Sơn thua to.
Nguyễn Bảo và Đào Văn Hổ phải lui quân về thành Quy Nhơn.
Nguyễn Nhạc sai đô đốc Đẩu đem 4000 quân tinh nhuệ giữ bảo Khố Sơn, ở núi Càn Dương, phủ mới của Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Ánh thân đốc cấm binh đi đánh, nhưng không thể tiến được.
Bèn sai Nguyễn Đức Xuyên tới trước thành khuyến dụ, quân lính nghe theo không bắn nữa, nhờ Trần Công Hiến làm nội ứng, gây loạn trong thành, mới hạ được.
Nguyễn Ánh tập hợp các đạo quân của Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành vây Quy Nhơn, hạ lệnh dùng “hoả xa đại bác” (đại bác của người Tây có bánh xe di động), quân trong thành còn 10.000, Nguyễn Nhạc cố giữ, không thể hạ nổi.
Tháng 9/1793 (tháng 8 ÂL.), Nguyễn Nhạc cầu cứu Phú Xuân, triều đình Cảnh Thịnh (quyền hành trong tay Bùi Đắc Tuyên vì Quang Toản còn bé) cử đại binh do Thái uý Nguyễn Văn Hưng (hay Phạm Công Hưng), hộ giá Nguyễn Văn Huấn, đại tư lệ Lê Trung, đại tư mã Ngô Văn Sở, đem 17.000 bộ binh, 80 thớt voi, cùng đô đốc Hổ và chưởng cơ Thiêm đem hơn 30 chiến thuyền, đến cứu viện.
Nguyễn Ánh liệu đánh không lại, phải rút quân về Diên Khánh. Nguyễn Ánh đắp thành Diên Khánh, vị trí địa đầu
Tháng 10/1793 (tháng 9 ÂL.), Thực Lục ghi: “Ngự giá về Diên Khánh. Thấy thành đất Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là Diên Khánh (tức tỉnh lỵ Khánh Hoà ngày nay. Thành cao 1 trượng, chu vi hơn 510 trượng, mở sáu cửa, đông và nam đều một cửa, tây và bắc đều hai cửa, trên cửa có lầu, bốn góc có cồn đất)”. (Thực Lục I, t. 299).
Hai người trực tiếp xây thành được ghi trong Liệt Truyện:
“[Tôn Thất] Hội cùng đạo binh họp lại bao vây [Quy Nhơn], giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp Diên Khánh.”(Liệt Truyện II, t. 78).
“Mùa hạ năm Quý Sửu [1793, Vũ Viết Bảo] theo đi đánh Quy Nhơn, đến khi về, đắp thành Diên Khánh (…) Năm [Gia Long] thứ tư [Bảo] đem quân cùng với các quân sửa đắp kinh thành [Huế]“ (Liệt truyện II, t. 321).
Diên Khánh sẽ là nơi xẩy ra những đợt xung phong khốc liệt khi Trần Quang Diệu vây đánh thành. Vị trí quan trọng và sự vững bền của thành Diên Khánh, sẽ được phía Pháp nhận công là thành này do Olivier de Puymanel xây (sẽ nói đến sau).
Trong thành Quy Nhơn, các tướng Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Văn Huấn, sau khi Nguyễn Ánh rút, bức bách Nguyễn Nhạc. Vua Thái Đức uất ức mà chết.
Triều đình Cảnh Thịnh phong Nguyễn Bảo, con Nguyễn Nhạc, làm Hiếu công, ăn lộc một huyện, Nguyễn Bảo uất hận. Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại giữ thành Quy Nhơn.
Tháng 11/1793 (tháng 10 ÂL.) Nguyễn Ánh trở về Gia định. Để Nguyễn Văn Thành giữ Diên Khánh. Đổi Vệ Thần Sách thành Quân Thần Sách, tức là mở lớn hơn.
Tháng 12/1793, sai cai đội Quàng Nói Vè, đội trưởng Pa Đơ Chê (đều người Tây) sang thành Cô Á [Goa, Ấn Độ] và xứ Mã La Kha [Malacca] để tìm mua đồ binh khí.
Là người thích xây dựng, Nguyễn Ánh tự học, bên cạnh lại có những chuyên viên kiến trúc như Tôn Thất Hội, Trần Văn Học, Vũ Viết Bảo… những người đóng tầu giỏi như Đỗ Thanh Nhơn, Võ Di Nguy… nhất là từ năm
1793 (không rõ tháng), Nguyễn Ánh có thêm một chuyên gia mới, sẽ trở thành bộ trưởng bộ Công chánh sau này: Trần Văn Thái, cai bạ kiêm bộ Công của Tây Sơn về quy thuận, ông là người giỏi việc đóng thuyền. Mùa thu Bính Thìn (1796), ông cùng Võ Di Nguy, kiêm quản cả doanh ngũ thuỷ “phàm chỉ bảo cách thức đóng các thuyền đều do ở tay Thái cả”. Trần Văn Thái giữ bộ Công, đến năm Gia Long thứ 8, đổi thành Công bộ Thượng thư, thống quản thuỷ quân đến khi mất. (Liệt truyện II, t. 474).
Tháng 12/1793, Nguyễn Ánh triệu Nguyễn Văn Thành về Gia Định. Theo lệ các chúa Nguyễn, Vương bắt con phải tập việc cai trị và giữ thành, nên sai Đông Cung Cảnh (13 tuổi) trấn Diên Khánh, vị trí địa đầu chống với Tây Sơn. Vương sai các thày dạy Bá Đa Lộc, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu và các tướng: Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành hộ tống Đông cung. Đến tháng 2/1794, Chưởng dinh hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức cũng xin ở lại Diên Khánh để giúp Đông cung. Nguyễn Ánh sai quân đóng thêm thuyền chiến và đúc thêm binh khí, lấy cai đội Nguyễn Văn Khiêm làm phó Vệ uý vệ túc trực quân Thần Sách, sai đến Diên Khánh phò Đông Cung. Như vậy, hoàng tử Cảnh ở Diên Khánh với trọn bộ tổng tư lệnh quân đội và các quan đại thần là thầy dạy học. Những luận điệu sau này cho rằng Bá Đa Lộc chỉ huy và giữ thành Diên Khánh chỉ là ảo tưởng.
Trần Quang Diệu vây thành Diên Khánh
Thành Diên Khánh sẽ là nơi xẩy ra chiến trận khốc liệt giữa hai bên.
Tháng 4/1794 (tháng 3 ÂL.) triều đình Cảnh Thịnh (tức thái sư Bùi Đắc Tuyên vì Cảnh Thịnh còn nhỏ) sai thái uý Nguyễn Văn Hưng và tổng quản Trần Quang Diệu đem quân thủy bộ vào Quy Nhơn.
Được gián điệp báo tin, Nguyễn Ánh truyền cho Đông Cung phòng bị. Hoàng tử Cảnh tâu lương ở Diên Khánh chỉ đủ ăn một tháng. Vua sai Nguyễn Văn Thành chở lương ra cứu ứng, đường thuỷ bị ngược gió, phải sai Nguyễn Văn Tánh, lưu thủ Bình Thuận, chở 3000 phương gạo đi đường bộ suốt ngày đêm ra cứu.
Thái úy Tây Sơn Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 quân bộ đánh Phú Yên, quân Nguyễn phải rút lui.
Tháng 5/1794 (tháng 4 ÂL.) Trần Quang Diệu đem thủy binh vào cửa biển Nha Trang, bộ binh của Nguyễn Văn Hưng cũng tiến đến Bình Khang, họp
quân ba mặt vây thành Diên Khánh. Vây mấy ngày liền, súng trong thành bắn ra như mưa, quân Tây Sơn bị thương rất nhiều nhưng thành kiên cố không thể tiến vào được.
Nguyễn Ánh thân chinh cử thuỷ binh giải vây: Tôn Thất Hội tiên phong, Võ Tánh tập hậu, Võ Di Nguy, hộ giá. Trần Đức Khoan, Nguyễn Văn Mỹ và Nguyễn Kỳ Kế coi lương.
Nghe tin đại binh Nguyễn Ánh đến, Trần Quang Diệu rút về Quy Nhơn, Nguyễn Văn Hưng lui về Phú Yên.
Tháng 6/1794 (tháng 5 ÂL.), quân Nguyễn chiếm lại được một số thành và đất đã mất: Tiêu Cơ, Mai Nương (Phan Rang), Phú Yên.
Tháng 7/1794 (tháng 6 ÂL.) Vương lại sai Vệ Uý Phan Văn Triệu, Ôlivi (Olivier de Puymanel), Trần Văn Tín, Lê Văn Duyệt, Cao Văn Lý… cùng bộ thuộc, đến giúp Đông Cung.
Nguyễn Ánh thấy chưa thể đánh được thủy binh của Tây Sơn, bèn sai Tôn Thất Hội và Võ Tánh đem tất cả thuyền về đậu ở cửa Xuân Đài.
Tháng 7-8/1794 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Ánh rút quân về Diên Khánh. Sai sửa sang đắp lại thành Diên Khánh.
Tháng 8-9/1794 (tháng 8 ÂL.), cho Đông Cung trở về Gia Định. Tháng 9-10/1794 (tháng 9 ÂL.) Vương cũng đem quân về Gia Định. Để Võ Tánh ở lại giữ Diên Khánh.
Trần Quang Diệu vây Diên Khánh lần thứ nhì
Tháng 10-11/1794 (tháng 10 ÂL.) Trần Quang Diệu và Lê Trung lại đem quân thủy bộ đánh Phú Yên. Nguyễn Long và Võ Văn Lượng lui về giữ Bình Khang. Võ Tánh nhận trấn giữ cả hai mặt. Tháng 11-12/1794 (tháng 11 ÂL.) Vương ban thưởng cho Võ Tánh và quân sĩ.
Vương sửa đắp quách ở ngoài bốn mặt thành Gia Định.
Giám quân Trung dinh Tống Phước Đạm mất, ông đã có công lớn giúp Đông Cung giữ thành Diên Khánh năm 1793.
Vương bắt đầu đặt chức Giám thành sứ (cai quản việc phòng giữ kinh thành).
Tây Sơn đánh Bình Khang. Nguyễn Ánh biết chủ ý Tây Sơn là đánh Diên Khánh, dặn Võ Tánh phòng thủ, sai Nguyễn Văn Tánh từ Bình Thuận đem quân tiếp viện Diên Khánh, rồi sai Nguyễn Huỳnh Đức điều bộ binh cùng Nguyễn Văn Thành làm phó, tiến ra Phan Rang.
Trần Quang Diệu trực chỉ đánh Diên Khánh. Lê Trung đánh Du Lai chặn đường tiếp viện của quân Nguyễn từ Bình Thuận.
Tháng 1-2/1795 (tháng 12 Giáp Dần), Trần Quang Diệu cắt đứt đường lấy nước vào thành Diên Khánh. Võ Tánh đánh được. Trần Quang Diệu sai quân lăn sát trèo lên thành, bị súng bắn chết rất nhiều, sai đắp luỹ cao vây bốn mặt thành. Võ Tánh cố giữ. Diệu đánh rất gấp.
Trong thành thiếu muối, tướng sĩ ăn uống rất khổ. Nguyễn Ánh gửi thư dặn Tánh kiên quyết giữ, đợi mình chuẩn bị xong ghe thuyền sẽ tiến quân tiếp viện.
Sai TônThất Hội đóng quân ở Bà Rịa để điều khiển các đạo quân chống giữ.
Lê Trung đánh Phan Rí. Nguyễn Huỳnh Đức lui về Phố Hài (huyện Tuy Lý, Bình Thuận)
Nguyễn Ánh ra lệnh cho Nguyễn Huỳnh Đức về giữ Ma Li (huyện Yên Phước, Bình Thuận), Còn Nguyễn Văn Thành và thuộc bộ phải ở lại Phố Hài để chống địch.
Tháng 2-3/1795 (tháng 1 Ất Mão) Nguyễn Ánh sai Đặng Trần Thường, tán lý binh vụ đến Bà Rịa họp cùng Chưởng tiền quân Tôn Thất Hội để trù hoạch chiến lược.
Vương sai Tôn Thất Hội đem nghìn quân chở súng đạn đến Phố Hài và Phan Thiết, họp cùng các đạo tiên phong, ngăn quân địch.
Lê Trung đánh Phố Hài. Nguyễn Văn Thành chạy về Bà Rịa.
Nguyễn Ánh hay tin, lập tức sai giám thành sứ Tô Văn Đoài bắt Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành về Gia Định, lột hết quân đội, giao cho Tôn Thất Hội thống lãnh giữ Ma Li. Rồi gửi mật dụ cho Võ Tánh: “Đợi thuỷ sư tiến đến Cù Huân (gần huyện Vĩnh Xương, Khánh Hoà) thì sẽ đánh úp,
một trận có thể thành công”.
Tháng 3-4/1795 (tháng 2 ÂL.) sai Vệ uý ban trực tuyển phong hậu quân Thần sách là Ôlivi (Olivier de Puymanel) sang Hồng Mao (Ấn độ) mua binh khí.
Để Đông cung trấn giữ Gia Định, có Tả quân Phạm Văn Nhân, Giám thành sứ Tô Văn Đoài, Lễ bộ Nguyễn Đô, Tham mưu Nguyễn Thái Nguyên, Hộ bộ Phan Thiên Phúc, Hình bộ Nguyễn Văn Nghị, trợ giúp.
Nguyễn Ánh thân chinh đem thuỷ binh cứu Diên Khánh.
Nguyễn Văn Trương thống lãnh thuỷ binh Tiền, Hậu, Trung quân. Tôn Thất Hội thống lãnh bộ binh tiến đánh Phan Thiết. Trương Phúc Luật điều khiển thủy binh các vệ tiến đánh kho Phan Rang, cướp gạo.
Thuỷ binh Tây Sơn từ Vũng Diên đến, Tống Viết Phước phá được, chém đầu đô đốc Nguyễn Văn Sĩ, được thăng chức Chưởng Cơ.
Tháng 4-5/1795 (tháng 3 ÂL.) Vương tha tội và phục chúc cho Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành: sai Đức đi theo Tôn Thất Hội, Thành ngự giá.
Nguyễn Vương ra cửa biển Cần Giờ, Tôn Thất Chương, Trương Phúc Luật đi tiên phong, tới Cam Ranh, quân Tây Sơn bỏ chạy.
Vương đến cửa Cù Huân. Trần Quang Diệu, Lê Văn Lợi, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Thận, Trần Viết Kết vẫn vây thành Diên Khánh.
Sai Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt lên bờ, đóng đồn, bắn đại bác để trong thành biết.
Còn đại quân thẳng tiến đến Chử Châu (Phú Yên), xem xét tình hình, chia quân chặn đường về của Tây Sơn, rồi Vương kéo về qua vụng Hòn Khói.
Sai Nguyễn Văn Đắc đánh bảo Lập Trường, chém được đô đốc Gia và binh bộ Tiến, chiếm được Bình Khang. Đắc được phong Chưởng Cơ. Nguyễn Ánh về đóng ở Cù Huân.
Trần Quang Diệu đặt nhiều đồn trại ở Khố Sơn chống lại.
Lê Trung bắt đầu thiếu lương thực, muốn lui giữ Phan Rang, báo tin cho
Trần Quang Diệu, Nguyễn Ánh bắt được, liền sai Nguyễn Văn Đắc và Nguyễn Công Thái ngầm qua sông Phan Rang đặt đồn ngăn chặn, Nguyễn Văn Đắc tiến đánh kho lương Mai Nương, Tây sơn đem quân và voi đến, quân Nguyễn phải lui về Ba Ngòi.
Tôn Thất Hội đóng quân ở sông Luỹ (Bình Thuận) đánh nhau với Lê Trung, thắng thế. Lê Trung lui quân về sông Cạn (Bình Thuận).
Nguyễn Ánh tập trung quân đội giải vây Diên Khánh.
Tháng 6-7/1795 (tháng 5 ÂL.), Võ Tánh đang đêm mở cửa thành đánh ra, đốt trại của Lê Văn Lợi đặt bảo để giữ từ núi Sĩ Lâm đến cầu Hoa Bông.
Phú Xuân có loạn, Trần Quang Diệu rút quân về
Nguyên do: Quang Toản còn nhỏ, quyền hành trong tay thái sư Bùi Đắc Tuyên, Tuyên sai Ngô Văn Sở ra trấn Bắc Thành, thay Võ Văn Dũng. Võ Văn Dũng từ Bắc Thành về, gặp Trần Văn Kỷ (quân sư của Quang Trung ngày trước, bị Tuyên đầy ra trạm Mỹ Xuyên), kể tội Tuyên chuyên quyền. Dũng về Phú Xuân, mưu cùng Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Văn Huấn, giết Bùi Đắc Tuyên, triệu con là Đắc Thuận ở Quy Nhơn và Ngô Văn Sở ở Bắc về, giết cả. Trần Văn Kỷ trở lại làm phụ chính.
Tháng 8-9/1795 (tháng 7 ÂL.) Trần Quang Diệu vẫn giữ Khố Sơn, đồn luỹ vững không thể phá được. Nhờ lính tuần Tây Sơn là Nguyễn Danh Nho đầu hàng, dẫn đường tắt cho quân Nguyễn, đang đêm bò lên đánh úp, phóng lửa đốt vào, phá liền 12 đồn đất của Tây Sơn.
Nguyễn Ánh tiến đánh Chử Châu (Phú Yên). Trần Quang Diệu rút về Quy Nhơn.
Nguyễn Ánh vào thành Diên Khánh.
Trần Quang Diệu (vợ ông là Bùi Thị Xuân, cháu họ Bùi Đắc Tuyên) đem quân về Phú Xuân, “hỏi tội” vua tại sao giết hại đình thần. Quang Toản phải dàn xếp, phong Trần Quang Diệu làm Thiếu Phó, Nguyễn Văn Huấn làm Thiếu Bảo, Võ Văn Dũng làm Tư Đồ, Nguyễn Văn Danh làm Tư Mã: đó là tứ trụ triều đình.
Tháng 9-10/1795 (tháng 8 ÂL.) Nguyễn Ánh sửa lại thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng. Để Tôn Thất Hội ở lại trấn giữ.
Tháng 10-11/1795 (tháng 9 ÂL.) Nguyễn Ánh về Gia Định.
Tháng 11-12/1795 (tháng 10 ÂL.) sai phó tướng tả quân Phạm Văn Nhân làm phụ đạo Đông Cung. Việc này có thể là hệ quả của việc: Trần Đại Luật dâng sớ xin chém đầu Bá Đa Lộc vì “cậy công bảo hộ đông cung, có ý kiêu ngạo”.
Phong cho Võ Tánh làm Khâm sai chưởng hậu quân dinh Bình Tây đại Tướng quân.
Ở Pháp, thành lập Chấp Chánh Hội Nghị (Directoire) do 5 hội viên cầm quyền (26/10/1795- 9/11/1799).
Chương 3: Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777-1802 (III)
Phần 2 (tiếp theo)
Trận Thị Nại, 1801, Võ Di Nguy tử trận
Tháng 1-2/1801 (tháng 12/Canh Thân) Nguyễn Ánh vẫn chưa giải vây được Bình Định mà cửa biển Thị Nại thuỷ quân Võ Văn Dũng vẫn đóng giữ chặt.
Tháng 2-3/1801 (tháng 1/Tân Dậu), Vương sai Nguyễn Văn Thành tiết chế các đạo bộ binh.
Trần Quang Diệu vẫn vây chặt thành Bình Định mấy vòng.
Ban đêm Võ Tánh mở cửa thành ra đánh đốt trại địch, quân Tây Sơn bỏ chạy, nhưng sáng sớm lại trở lại vây đông hơn.
Đặng Đức Siêu đã dâng chiến thuật đánh hoả công, nay dụng cụ cho chiến thuật đã làm xong.
Vương mật định hôm 28/2/1801 (16/1/Tân Dậu), cất quân đánh úp. Để Phạm Văn Nhân giữ Cù Mông. Vương thân chinh đem thuỷ quân tiến phát.
Nửa đêm hôm ấy, qua Tiêu Cơ, Nguyễn Văn Trương tiên phong, bắt được lính tuần của Tây Sơn, biết khẩu hiệu, Trương cho thuyền nhỏ lẻn vào Tiêu Ki, chèo qua thuyền lớn của địch, đến miếu Tam Toà, chém được đô đốc Trà, đốt rất nhiều thuyền địch. (Liệt truyện, II, t. 147)
Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt đem đại binh vừa đến, đánh nhau kịch liệt với quân Võ Văn Dũng từ giờ Dần (6 giờ sáng) đến giờ Ngọ (12 giờ trưa).
Võ Di Nguy bị bắn chết.
Lê Văn Duyệt mặc kệ, cứ xông lên, cuối cùng, đến giờ Thân (4 giờ chiều) lọt vào được vào cửa biển, dùng đuốc hoả chiến, hợp chiều gió, phóng hoả đốt thuyền đại hiệu. Võ Văn Dũng thua chạy, thuyền Tây Sơn bị đốt cháy gần hết.
Trận Thị Nại 1801 là võ công lớn nhất của Nguyễn Ánh.
Làm xoay đổi hẳn cục diện chiến tranh.
Trong trận này có ba người Pháp tham dự là cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier) quản tầu thuyền hiệu Phượng Phi; Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) quản thuyền Long Phi, và Lê Văn Đăng (de Forcanz), quản tầu Bằng Phi, đi theo Trung quân do Tống Phước Lương điều khiển. (Thực Lục, t. 407). Họ sẽ còn tiếp tục các chiến dịch Quảng Nam và Phú Xuân. Công trạng họ như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu sau.
Sau khi thua trận Thị Nại, Võ Văn Dũng thu thập tàn quân hợp lại với Trần Quang Diệu, sai Tư khấu Định giữ Thạch Tân [biên giới Bình Định-Quảng Ngãi], đô đốc Nguyễn Văn Ngữ giữ Đạm Thuỷ [Nước Ngọt, Bình Định], đô đốc Võ Văn Sự giữ Tân Quan [Quảng Ngãi].
Thắng trận Thị Nại, nhưng Nguyễn Vương vẫn không giải vây được Quy Nhơn.
Ngày 20/3/1801 (ngày Quý Sửu 6/2/Tân Dậu) hoàng tử Cảnh mất vì bệnh đậu mùa tại Gia Định, ở tuổi 22. Vương sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu giữ Gia Định.
Ở mặt trận Phú Yên, Phạm Văn Điềm chiếm bảo Hội An. Nguyễn Đức Thiện, Trần Văn Trạc, Phạm Tiến Tuấn lui giữ Xuân Đài. Vương sai Nguyễn Đức Xuyên và Tống Viết Phước ra đánh, Tây Sơn rút quân về.
Nguyễn Văn Trương chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam, 1801
Tháng 3-4/1801 (tháng 2 ÂL.) Vương sai Nguyễn Văn Trương đem thuỷ binh ra đánh Quảng Ngãi, Quảng Nam cùng với các vệ quân Thần Sách của Phan Văn Đức, vệ Phấn Dực Trung quân Tống Phước Lương, vệ Thuận Võ Vương Văn Học và các chúa tầu hiệu Phượng Phi, Long Phi, Bằng Phi là bọn Nguyễn Văn Chấn (Vannier), Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) và Lê Văn Lăng (De Forcanz) đều thuộc quyền (Thực Lục, t. 432).
Tháng 4-5/1801 (tháng 3 ÂL.), Nguyễn Văn Trương tiến đến cửa biển Cổ Lũy [Quảng Ngãi] đánh phá kho Trà Khúc, đô đốc Tuấn bỏ chạy.
Phá được Trà Khúc, Nguyễn Văn Trương tiến vào cửa biển Đại Chiêm, chiếm Hội An và Phú Triêm. Hoàng Văn Tự đem binh bản bộ tiếp ứng, bắt được 24 thớt voi Tây Sơn. Đại đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Xuân và trấn
thủ Văn Tiến Thể giữ ải La Qua, bị Nguyễn Văn Trương đánh úp, thua chạy, thu được 80 khẩu đại bác.
Nguyễn Văn Trương chiếm lại dinh Quảng Nam.
Nguyễn Vương sai Phạm Văn Nhân quản ba chiếc thuyền đại hiệu tiến vào Đà Nẵng, kiêm quản cả tướng sĩ các thuyền hiệu Long Phi, Phượng Phi, Bằng Phi để cùng sách ứng.
Cho tham quân tượng dinh Lê Nguyên, quê Quảng Nam theo Nguyễn Văn Trương điều khiển, dặn Trương chọn nơi hiểm yếu đặt ba bảo theo hình tam giác, sau bảo có Trường Giang (sông lớn nối cửa Đại Chiêm với Tam Kỳ) để thuỷ bộ tiếp ứng được nhau (Thực Lục, t. 434).
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng sai đặt đồn bảo liên tiếp ở Phú Hoà, cầu Đông Giang, cầu Tân Hội, chống lại.
Nguyễn Vương sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Khiêm tiến đánh, thắng, bắt được đô đốc Nguyễn Bá Phong, nhưng Vệ uý vệ ban trực tả là Võ Văn Tài trúng đạn chết.
Nguyễn Vương vào đến cầu Tân Hội [Quảng Ngãi].
Tây Sơn nhiều lần đánh bảo Vân Sơn, Nguyễn Văn Thành sai Lê Chất chống đỡ.
Phạm Văn Điềm tấn công Phú Yên: Nguyễn Long giữ đồn La Thai, Lưu Tiến Hòa giữ bảo Hội An, cả hai thua trận, Hòa bị giết. Long chống không nỗi để mất quân lương, bị tội.
Hoàng tử thứ hai là Hy mất, nguyên giữ chức cai đội, đi theo quân, ở tuổi 20. Sai đưa về Gia Định chôn cất.
Trong hai tháng ở mặt trận, Nguyễn Vương chết hai con trai. Quyết định bỏ Quy Nhơn đánh Phú Xuân
Nguyễn Vương xuất quân từ tháng 5-6/1800 (tháng 4 ÂL.), trong gần một năm, vẫn chưa giải vây được Bình Định.
Võ Tánh và Ngô Tòng Châu bị vây từ tháng 1/1800, trong một năm rưỡi.
Thành Bình Định gần hết lương, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây càng chặt.
Vương sai người mật báo cho Võ Tánh nên phá vòng vây ra hội với đại binh. Tánh trả lời: Liều chết giữ tới cùng. Tất cả quân chủ lực của Tây Sơn hiện ở đây, hoàng thượng nên lợi dụng đánh Phú Xuân (Liệt truyện II, t. 108). Đặng Đức Siêu và Trần Văn Trạc [tham thi bộ Hình, Liệt truyện chép Chạc] cũng khuyên vua nên đánh Phú Xuân hiện đang bỏ trống. Đặng Đức Siêu biết rõ địa hình Phú Xuân, dâng chiến thuật: “Chia quân thuyền làm hai đạo: một đạo đánh cửa Tư Hiền, một đạo đánh cửa Noãn Hải (cửa Thuận An)” (Liệt truyện II, t. 188). Vương mới quyết.
Trận Phú Xuân, 1801
Ngày 5/6/1801 (ngày Canh Ngọ 24/4 Tân Dậu), Vương thân chinh đốc thuỷ quân ra cửa Thị Nại.
Ngày 7/6/1801 (ngày Nhâm Thân 26/4 Tân Dậu) thuyền vua tới Cù Lao Chàm. Gọi Nguyễn Văn Trương tới Đà Nẵng chờ lệnh.
Tống Viết Phước, Trần Văn Trạc giữ Quảng Nam.
Ngày 8/6/1801 (ngày Quý Dậu 27/4/Tân Dậu) Vương tới Đà Nẵng họp với các tướng.
Vương quyết định đánh Phú Xuân theo chiến lược của Đặng Đức Siêu: Thuỷ quân tiến làm hai đạo; một vào cửa Eo (cửa Thận An); một vào cửa Tư Dung (tức Tư Hiền).
Ngày 9/6/1801 (ngày Giáp Tuất 28/4/Tân Dậu) chia cắt nhiệm vụ: Nguyễn Văn Trương và Phạm Văn Nhân tiến ra cửa Eo. Hoàng Văn Tự và Bạch Văn Đoài đem binh voi theo đường bộ Cu Đê. Thuyền vua tiến đóng ở vụng Chu Mãi.
Ngày 11/6/1801 (ngày Bính Tý 1/5/Tân Dậu), đại binh tiến vào cửa Tư Hiền.
Vua Cảnh Thịnh đã sai phò mã Nguyễn Văn Trị và đại đô đốc Trần Văn Tạ giữ núi Quy Sơn (Linh Thái), cho đóng cọc gỗ dưới lạch sông để ngăn quân Nguyễn.
Lê Văn Duyệt và Lê Chất đi tiên phong. Quân Tây Sơn ở trên cao bắn đại bác xuống, quân Nguyễn đánh suốt ngày không tiến được. Đến đêm, mới sai
quân ngầm đội mấy chục thuyền chiến, vượt bãi cát vào phá Hà Trung, phía sau lưng địch, chia quân theo đường lạch, nhổ cọc mà tiến.
Ngày 12/6/1801 (ngày Đinh Sửu 2/5/Tân Dậu) Vương thân đốc quân đến bến đò Trừng Hà, Lê Văn Duyệt bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách. Quân Nguyễn tiến đến cửa Thuận An.
Vua Cảnh Thịnh đem đại quân ra cửa Thuận An chống với quân Nguyễn Văn Trương và Phạm Văn Nhân, nhưng chưa giao chiến, đã bỏ chạy.
Ngày 13/6/1801 (ngày Mậu Dần, 3/5/Tân Dậu) Nguyễn Vương vào Phú Xuân.
Cảnh Thịnh chạy ra Bắc. Vương sai Lê Chất đem bộ binh đuổi theo, Lê Chất (nguyên hàng tướng Tây Sơn) khua trống đi thong thả, để Quang Toản thoát, bị gọi về. Nhưng Nguyễn Ánh lờ đi, không bắt tội.
Được tin Phú Xuân bị tấn công, Trần Quang Diệu sai đại đô đốc Trương Phúc Phượng và các tướng đem đại binh đi đường núi về cứu Phú Xuân; nhưng bị người Man [người Thượng] đánh lừa, dẫn đi quanh co, hết lương thực, Trương Phúc Phượng đầu hàng ở Tả Trạch nguyên. Quân Tư khấu Định đến Cao Đôi gặp quân của Lê Văn Duyệt và Lê Chất, giao chiến, thua trận, Định chết ở đất Man. Các đạo quân khác bị bắt cả.
Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Trương đem thuỷ binh tiến đánh Linh Giang (sông Gianh), chặn đường lui của Tây Sơn. Phạm Văn Nhân giữ cửa Thuận An, Phan Văn Triệu và Tống Phước Châu giữ Tả Trạch nguyên và Tam ải.
Ra lệnh ai bắt được Tây Sơn thì trọng thưởng, che giấu thì xử tử. Lê Văn Duyệt, Lê Chất chiếm lại Quảng Ngãi
Tống Viết Phước tử trận
Tháng 6/1801, mặc dù Tây Sơn đã mất cả Quảng Nam lẫn Phú Xuân, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vẫn vây siết Bình Định.
Không những thế, Trần Quang Diệu còn muốn chiếm lại Quảng Nam, bèn sai đô ngu Nguyễn Văn Giáp, đại đô đốc Lê Danh Phong, đô đốc Nguyễn Văn Khôn, tham đốc Hồ Văn Tú, đem hơn 7000 quân và 40 thớt voi, ra đóng ở Lương Châu và Phố Hoa, tiến đến Điện Bàn, chiếm lại Quảng Nam.
Tống Viết Phước xin cứu viện. Nguyễn Vương hạ lệnh phải giữ thành, không ra đánh đợi viện binh. Rồi sai Lê Văn Duyệt thống lính bộ binh cùng Lê Chất quay về Quảng Nam và sai Tống Viết Phước đem thuỷ binh về cứu Bình Định. Lê Chất và Lê Văn Duyệt tới Quảng Nam, Nguyễn Văn Giáp bỏ chạy.
Sau khi chiếm lại được Quảng Nam, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất và Tống Viết Phước, đem quân đánh xuống Quảng Ngãi.
Đại binh của Tống Viết Phước, Lê Văn Duyệt, Lê Chất đến Quảng Ngãi, bắt được Nguyễn Văn Khôn, Hồ Văn Tự, ở bảo Trà Khúc, giải về Kinh.
Trần Quang Diệu nghe tin Trà Khúc mất, thân hành cùng với Lê Danh Phong, Từ Văn Chiêu, đem quân, voi ra Tân Quan [Quảng Ngãi] đặt đồn trại dọc núi chống giữ.
Lê Văn Duyệt tiến đóng đồn ở Thanh Hảo [Quảng Ngãi] đắp lũy dài phòng bị.
Tống Viết Phước đem thuỷ binh vào cửa Sa Huỳnh [Quảng Ngãi] thắng các trận My Sơn và Cung Quăng, tiến tới Bức Cốc [tức Hang Dơi ở Bến Đá Bình Định] thì bị phục binh Tây Sơn giết chết.
Đại đô đốc Lê Danh Phong, thuộc tướng của Trần Quang Diệu, giữ Tân Quan đầu hàng. Quân Nguyễn chiếm xong Quảng Ngãi.
Trong dịp thăng thưởng tướng sĩ tháng 7/1801, có ba người Pháp Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (Vannier), Lê Văn Lăng (de Forcanz) vẫn quản các thuyền hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, được thăng từ cai đội lên cai cơ (TL, t. 451).
Thăng Nguyễn Văn Trương làm Khâm sai Chưởng Trung quân Bình Tây đại tướng quân quận công. (TL, t. 452).
Đồng thời, Nguyễn Vương bắt đầu chuẩn bị đánh ra Bắc. Sai giám thành cai đội Nguyễn Văn Yên đến Động Hải ngắm đo luỹ Trấn Ninh (tức trường luỹ Động Hải), xem khắp tình thế từ núi Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, vẽ bàn đồ (lũy dài 5.120 trượng) (TL, t. 453).
Sai khâm sai thuộc nội cai đội Ba La Di (Barisy) đi Hạ Châu (Singapore) tìm mua súng đạn. (TL, I, t. 456)
Sai đắp đường quan từ Phú Xuân đến Động Hải (Trấn Ninh).
Ngày 30/8/1801 (22/7 Tân Dậu) Vương đi Quảng Bình, xem hình thế lũy Trấn Ninh, chia đồn đặt súng chống giữ.
Tháng 8-9/1801 (tháng 7 ÂL.) Quân Nguyễn giữ từ Thạch Tân [Quảng Ngãi] đến sông Gianh có khoảng 4 vạn người, ở Quy Nhơn có hơn 3 vạn (TL, t. 453).
Trần Quang Diệu chiếm lại Quy Nhơn
Võ Tánh, Ngô Tòng Châu tử tiết
Trong khi đại quân của Lê Văn Duyệt, Lê Chất và còn bị kẹt ở Quảng Ngãi, chưa tiến được, thì Võ Tánh và Ngô Tòng Châu, hết lương thực, không thể cầm cự.
Thành Bình Định bị Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng bao vây từ tháng 1/1800 đến tháng 6/1801, là một năm rưỡi. Đã phải giết cả ngựa, voi để ăn. Thế cùng, Võ Tánh đưa thư, mật tính với Nguyễn Văn Thành liều chết đánh ra, nhưng phút chót thấy mưu bị lộ, không làm nữa. Bàn với Ngô Tòng Châu, nộp thành rồi chết.
Ngô Tòng Châu uống thuốc độc tự tử ngày 5/7/1801 (25/5/Tân Dậu). Võ Tánh chôn cất cho Ngô Tòng Châu. Sai lấy củi khô chất dưới lầu bát giác, viết thư cho Trần Quang Diệu, khuyên tướng sĩ không có tội, không nên giết hại, rồi phóng lửa tự đốt, hôm đó là ngày 7/7/1801 (27/5/Tân Dậu).
“Tính chết vì nghiã, Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy thương chảy nước mắt ra, lấy lễ thu chôn, tướng sĩ ở trong thành, giặc không giết hại ai cả. Rồi các tướng sĩ ấy lần lượt ra về.” (Liệt truyện II, t. 110).
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng ngay sau khi vào thành Bình Định, sai đắp một luỹ ngang ở Vân Thê để chặn đường quân Nguyễn vận lương cho Thị Nại. Lại sai Phạm Văn Điềm ra đánh Phú Yên.
Tháng 9-10/1801 (tháng 8 ÂL.) Trần Quang Diệu Võ Văn Dũng đánh Hoa An, Hoa Lộc, chiếm đường tiến đánh Phú Yên. Quân Nguyễn Văn Thành bị thiệt hại nặng.
Tháng 10-11/1801 (tháng 9 ÂL.), Trần Quang Diệu và Từ Văn Chiêu đem 18.000 quân tinh nhuệ lên đóng ở địa phận Thanh Hảo [Quảng Ngãi] trực
diện với quân Lê Văn Duyệt và Lê Chất.
Ở mặt trận Phú Yên, Nguyễn Văn Thành đánh nhau với Võ Văn Dũng. Dũng sai Nguyễn Văn Trí đem 700 quân tiếp viện, Trí bỏ Tây Sơn, theo Nguyễn Văn Thành.
Từ Quảng Ngãi, Trần Quang Diệu nghe tin Võ Văn Dũng bại trận ở Phú Yên, bèn đem quân trở về bảo Lĩnh Vạn, để Từ Văn Chiêu ở lại chống với Lê Văn Duyệt ở Thanh Hảo.
Võ Văn Dũng chiếm được bảo Khôi Diêu (Lò Vôi), đắp luỹ đất từ Tháp Cải đến Sản Sơn. Nguyễn Văn Thành đánh úp, thắng được.
Tháng 12/1801 (tháng 11 ÂL.), ở mặt trận Quảng Ngãi, đại đô đốc Tây Sơn Lê Đình Chính ra hàng ở Thanh Hảo. Lê Văn Duyệt sai đóng gông giải về kinh, được tha. Chính dâng bản đồ 13 đạo thừa tuyên ở Bắc Hà.
Ở Phú Xuân, Nguyễn Vương tiến hành việc chuẩn bị đánh ra Bắc. Sai Tống Phước Lương đem binh thuyền ra sông Gianh hợp với Đặng Trần Thường.
Lại sai hữu tham tri bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu đem hai cơ Kiên Châu và Thiện Châu cùng hơn 390 người ty Công bộ về Gia Định đóng 200 thuyền ô, thuyền sai [thuyền đi nhiệm vụ] và thuyền chiến.
Sai Tăng Quang Lưu đi Hà Tiên nấu luyện diêm tiêu để sung quân dụng.
Sai chúa tầu Phượng Phi là Nguyễn Văn Chấn (Vannier) và chúa tầu Bằng Phi là Lê Văn Lăng (de Forcanz) chở 15.000 phương gạo từ Quảng Nam đến quân thứ Thị Nại (Thục Lục I, t. 474).
Trận Trấn Ninh, 1802
Ở mặt Bắc, tháng 12/1801 (tháng 11 ÂL.) Nguyễn Văn Trương đóng ở Động Hải [tức Trấn Ninh, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình] được thám tử báo tin đại binh Tây Sơn từ Thăng Long sắp vào, bèn dâng sớ xin thêm quân.
Vua Cảnh Thịnh cùng em là Quang Thuỳ cử đại binh thủy bộ 30.000 người vào đánh. Quang Thuỳ vì con vợ thứ, nên là em, nhưng nhiều tuổi hơn Quang Toản, tính can trường, được Quang Trung cho làm trấn thủ Nghệ An từ 1789. Bùi Thị Xuân, phu nhân tướng Trần Quang Diệu cũng đem 5000 quân bản bộ đến giúp.
Tư lệ Đinh Công Tuyết làm tiên phong, đụng độ với quân Đặng Trần Thường ở Hoành Sơn. 200 binh Nguyễn đầu hàng, Đặng Trần Thường rút về bảo Thanh Hà [huyện Bố Trạch, Quảng Bình].
Đinh Công Tuyết tiến đóng đồn Bụt Sơn, Thiếu tế Nguyên đóng đồn ở Pháp Kê, Tổng quản Siêu đóng đồn ở Ba Đồn. Đặng Trần Thường lại lui quân về Ngoã Dinh (Dinh Ngói) [huyện Bố Trạch, Quảng Bình].
Nguyễn Vương quyết định thân chinh, để quốc thúc (chú vua) Tôn Thất Thăng giữ Phú Xuân, cùng Nguyễn Văn Khiêm quản quân ngự lâm và các đội Thần sách. Nguyễn Công Hà và Nguyễn Hữu Chính giữ cửa Thận An.
Nguyễn Vương đến đóng ở Động Hải (Trấn Ninh).
Tháng 1/1802 (tháng 12/ Tân Dậu), Vương triệu Phạm Văn Nhân (đang giữ cửa Thận An) đến hành tại (chỗ vua đóng quân).
Tây Sơn đánh Ngõa Dinh, Đặng Trần Thường lui về Động Hải. Tình hình quân Nguyễn khá khẩn cấp.
Vừa lúc đó, binh thuyền Tống Phước Lương đến cửa Nhật Lệ. Tây Sơn tiến đến luỹ Trấn Ninh.
Lúc đó mặt trận Bình Định cũng đăng găng, Nguyễn Văn Thành dâng mật sớ nói Trần Quang Diệu liều chết giữ thành không thể đánh được, mà lương quân ở Thị Nại đã gần hết. Vua bèn sai Nguyễn Hữu Chính chở 25.000 phương gạo ở kinh ra giúp.
Tháng 2/1802 (tháng 1/Nhâm Tuất) Nguyễn Vương đang đóng ở Động Hải [Trấn Ninh].
Vua Cảnh Thịnh sai Nguyễn Quang Thùy và tổng quản Siêu đem bộ binh đánh Trấn Ninh. Còn Tư lệ Đinh Công Tuyết, đô đốc Nguyễn Văn Đằng, đô đốc Lực, kết hợp với hơn trăm thuyền của Tề Ngôi (giặc biển theo Tây Sơn) bày thủy trận ở cửa Nhật Lệ.
Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Trương điều bát thuỷ binh ra biển tham chiến. Còn Phạm Văn Nhân và Đặng Trần Thường chống giữ mặt bộ.
Quân Tây Sơn tấn công Trấn Ninh. Bám sát như kiến bò lên. Quân Nguyễn từ trên núi thả đá xuống, Tây Sơn chết rất nhiều. Quang Toản muốn rút
quân. Bùi Thị Xuân nắm cương ngựa giữ lại. Bà cưỡi voi xuất trận, cảm tử thúc quân đánh từ sáng đến trưa, không lui (Liệt truyện, II, t. 570, Thực Lục, t. 479).
Thủy quân của Nguyễn Văn Trương nhờ gió bắc thuận, cướp được 20 chiến thuyền địch ở cửa Nhật Lệ.
Thấy thủy binh thua, bộ binh rối loạn, Quang Toản chạy về Đông Cao (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Văn Kiên đầu hàng.
Biết thuyền lương Tây Sơn còn đậu 50 chiếc ở sông Gianh, Tống Phước Lương và Nguyễn Văn Vân [con Nguyễn Văn Trương] đón đánh, bắt được hết cả thuyền lương và 700 quân. Quân Tây Sơn tan vỡ. Thượng thư Nguyễn Thế Trực, đô đốc Trần Văn Mô, tham đốc Bùi Văn Ngoạn, thiếu tể Nguyên đều bị bắt.
Đại thắng, Nguyễn Vương bàn rút quân về Phú Xuân. Các tướng đều muốn thừa thắng tiến ra Bắc, Nguyễn Vương nói: “Trong bọn giặc chỉ có Trần Quang Diệu là ghê nhất”. Diệu chưa trừ xong không nên khinh tiến” (Thực Lục, I, t. 480). Ngày 15/2/1802 (ngày Ất Dậu 13/1/Nhâm Tuất) Nguyễn Vương về tới Phú Xuân.
Mặt nam, quân Nguyễn, vẫn không hạ được thành Bình Định.
Tháng 4/1802 (tháng 3 ÂL.), tình thế Tây Sơn ở trong thành càng ngày càng khẩn cấp. Nghe tin đại binh thua trận Trấn Ninh, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các tướng sĩ Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Điềm, Lê Văn Hưng hơn 80 người và 3000 quân thiện chiến đem 86 thớt voi đực ban đêm bỏ Quy Nhơn, theo đường Lào, về Nghệ An (TL, t. 499).
Nguyễn Vương đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định.
Tháng 5/1802 (tháng 4 ÂL.), Vương sửa đắp hoàng thành (Huế) (TL, t. 487). Vua Gia Long ra Bắc
Theo lời khuyên của Đặng Đức Siêu (tham tri bộ Lễ) và Trần Văn Trạc (tham tri bộ Hình), Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long trước khi tiến đánh Thăng Long.
Ngày 31/5/1802 (ngày Canh Ngọ 1/5 Nhâm Tuất) lập đàn ở đồng An Ninh tế
trời đất cáo về việc đặt niên hiệu.
Ngày 1/6/1802 (ngày Tân Mùi 2/5 Nhâm Tuất) kính cáo liệt tổ. Đặt hiệu là Gia Long. Ban ấn cho Quốc thúc quận công Tôn Thất Thăng. Thăng chức cho các tướng sĩ: Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhân, Phạm Văn Nhân tước quận công.
Cho Đô thống chế Tả dinh quân Thần Sách là Lê Văn Duyệt làm khâm sai Chưởng Tả quân bình Tây tướng quân, đổi Tả đồn quân Ngự Lâm làm Hậu quân.
Cho Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân bình Tây tướng quân, vv… Truyền hịch 6 điểm cho dân Bắc Hà. Định 8 điều quân chính.
Cử Trịnh Hoài Đức đi sứ Thanh, đặc gia chức Thượng thư: Trịnh Hoài Đức làm thượng thư bộ Hộ.
Ngày 20/6/1802 (ngày Canh dần 21/5/Nhâm Tuất, vua rời Kinh sư, cho hoàng tử thứ tư (Minh Mạng), 11 tuổi, đi theo, chinh phục Bắc Hà.
Ngày 22/6/1802 (ngày Nhâm Thìn 23/5/Nhâm Tuất, đến An Lạc (Quảng Trị).
Ngày 25/6/1802 (ngày Ất Mùi 26/5/Nhâm Tuất) đến Động Hải (Trấn Ninh, Quảng Bình).
Ngày 26/6/1802 (ngày Bính Thân 27/5/Nhâm Tuất) đến Thanh Hà.
Sai Đặng Trần Thường theo đường thượng đạo đánh úp Hoành Sơn (Đèo Ngang).
Nguyễn Văn Trương điều khiển thủy binh. Lê Văn Duyệt điều khiển bộ binh, đi đường trung đạo. Nguyễn Văn Xuyên đem voi qua sông Gianh. Tham tri bộ Hộ Nguyễn Hữu Đồng chở lương.
Thuỷ binh của Nguyễn Văn Trương đến cửa Ròn (Quảng Bình) đô đốc Nguyễn Văn Ngũ và Nguyễn Văn Lục thua chạy, tiến lấy được dinh Hà Trung.
Lê Văn Duyệt chiếm đồn Đại Nại (sở lỵ huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh)
Ngày 30/6/1802 (ngày Canh Tý 1/6 Nhâm Tuất) vua ngừng ở Hà Trung [theo Đại Nam Nhất thống chí, thì Hà Trung ở Thanh Hoá, mà tháng 6/1802, vua Gia Long chưa thể đến Thanh Hoá, vậy Hà Trung này có lẽ là dinh Hà Trung, ở Hà Tĩnh hay Nghệ An chăng?]
Thuỷ binh tiến vào cửa biển Hội Thống, đổng lý Nguyễn Văn Thận thua trận.
Bộ binh tiến đến trấn Nghệ An, bắt được Nguyễn Lân con Nguyễn Nhạc (TL, t. 499), chiếm được đồn Tiên Lý (phủ Diễn Châu, Nghệ An).
Ngày 3/7/1802 (ngày Quý Mão 4/6/Nhâm Tuất) vua đến thành Nghệ An. Thiếu uý Đặng Văn Đằng, đô đốc Đào Văn Hổ đến hàng.
Quân tiền đạo tiến đến Thanh Hoa (Thanh Hoá), bắt được con Nguyễn Huệ là đốc trấn Quang Bàn, đổng lý Nguyễn Văn Thận (TL, I, t. 499). Tư mã Nguyễn Văn Tứ đem quân trốn đi.
Đăng Trần Thường đến hành tại, dâng tù bắt được: Con Nguyễn Huệ là Thất, tham đốc Phạm Văn Điềm, đô đốc Nguyễn Văn Ngũ. Sai giết cả. (TL, I, t. 499).
Sai Hoàng Văn Toản, Trịnh Ngọc Trí và Tôn Thất Liêm rước Từ cung [ở Gia Định] về kinh (TL, t. 499).
Phó đô Thống chế Tả dinh Võ Văn Doãn và Chánh thống Tiền đồn Lê Đức Định bắt được Thiếu Phó Trần Quang Diệu trên đường thượng đạo Nghệ An (TL, I, t. 499).
Ngày 13/7/1802 (ngày Quý Sửu 14/6/Nhâm Tuất) vua đến Thanh Hoá.
Bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy và 19 người dân làng Ngọ Xá (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) bắt được Tư đồ Võ Văn Dũng. Sai đóng xiềng giam lại.
Lê Văn Duyệt chiếm Tam Điệp, tới Thanh Hoa Ngoại (tức Ninh Bình), đô đốc Tài đầu hàng.
Ngày 16/7/1802 (ngày Bính Thìn 17/6/ Nhâm Tuất) vua tới Ninh Bình.
Thủy binh của Nguyễn Văn Trương thu phục Sơn Nam Hạ, Trương ở lại trấn giữ.
Ngày 17/7/1802 (ngày Đinh Tỵ 18/6/Nhâm Tuất) vua đến Sơn Nam Thượng (Hà Nội), đô đốc Lê Văn Hoà, hiệp trấn Tín đầu hàng.
Ngày 20/7/1802 (ngày Canh Thân 21/6/ Nhâm Tuất) vua Gia Long vào thành Thăng Long.
Vua Cảnh Thịnh đã bỏ chạy trước cùng với các em là Quang Thuỳ, Quang Duy, Quang Thiệu, tư mã Nguyễn Văn Dụng, tư mã Nguyễn Văn Tứ, đô đốc Tú qua sông Nhị Hà đến Xương Giang (thuộc Bắc Ninh), đêm trú ở chùa Thọ Xương. Dân thôn mưu cướp. Quân đi theo tan vỡ. Quang Thùy thắt cổ tự tử, độ đốc Tú và vợ tự tử. Tất cả bị đóng cũi đưa về Thăng Long (TL, I, t. 504).
Ngày 24/10/1802 (ngày Bính Thân 28/9 Nhâm Tuất) vua rời Thăng Long, để Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc Thành.
Ngày 27/10/1802 (ngày Kỷ Hợi 1/10 Nhâm Tuất) đến Thanh Hoá yết lăng miếu ở núi Thiên Tôn.
Ngày 10/11/1802 (ngày Quý Sửu 15/10 Nhâm Tuất), vua Gia Long về đến Phú Xuân.
Đặng Đức Siêu làm bài ca Hồi loan cửu khúc.
Trần Quang Diệu bị bắt
Tháng 7/1802, phó đô thống chế Tả dinh Võ Văn Doãn và chánh thống Tiền đồn Lê Đức Định bắt được Thiếu Phó Trần Quang Diệu trên đường thượng đạo Nghệ An.
Thực Lục chép: “Diệu từ Quy Nhơn đem đồ đảng chạy trốn, chui rừng lội suối, gặp các sách Man có ai ngăn giữ thì ra sức đánh gỡ mà qua, trong khoảng vài tháng lương thực cạn hết, quân lính hao tan. Đến sách Quy Hợp, chợt gặp quan quân, tướng sĩ giặc đều mỏi, không thể đánh được. Diệu bèn bị bắt. Bắt được đồ đảng là bọn Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Mân và 76 thớt voi đực. Tin thắng trận báo lên. Vua sai Lê Văn Duyệt đóng xiềng giam lại, dặn không được tự tiện giết. Sau Văn Chiêu ốm, sai giết” (TL, I, t. 499).
“Ngày Quý Sửu [14/6/Nhâm Tuất, tức ngày 13/7/1802] xa giá đến Thanh Hoa [Thanh Hoá]… Bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy và 19 người dân làng Ngọ Xá (thuộc huyện Nông Cống) bắt được tư đồ giặc là Võ Văn
Dũng và 3 người đồ đảng, giải đến hành tại. Sai đóng xiềng giam lại”. (TL, I, t. 500).
Liệt Truyện chép hơi khác:
“Bộ quân của Lê Văn Duyệt, Lê Chất đến sông Thanh Long cướp kho Kỳ Lân. Trấn thủ Nghệ An ngụy là Nguyễn Văn Thận, hiệp trấn Nguyễn Triêm, thuỷ quân thống lĩnh Đại, thiếu uý Đăng bỏ thành chạy đến đồn Tiên Lý (tức thành phủ Diễn Châu), Triêm tự thắt cổ chết, Thận chạy đến Thanh Hoá. Quang Diệu từ Quy Hợp xuống Hương Sơn (Nghệ An), nghe thấy Nghệ An đã phá, bèn qua Thanh Chương sang sông Thanh Long, những người đi theo dần dần tản đi cả. Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống; Văn Dũng cũng bị thổ dân Nông Cống (Thanh Hoá) bắt giải. Đại binh đến Thanh Hoá, ngụy đốc trấn là Quang Bàn và Thận cùng Đằng đều xin hàng.” (Liệt truyện II, t. 570-571).
Liệt truyện chép: “Diệu và vợ”, trong khi Thực Lục không nói gì đến Bùi Thị Xuân.
Thực Lục thường vắn tắt kể các dữ kiện, chép những gì thực chính xác. Còn Liệt Truyện kể chuyện, đôi khi có suy đoán thêm.
Vì vậy, việc bắt được Bùi Thị Xuân còn là một tồn nghi. Chưa chắc Bùi Thị Xuân đã bị bắt, bởi trong Thực Lục cũng như Liệt Truyện không thấy nói đến việc Trần Quang Diệu gặp Bùi Thị Xuân ở đâu và chỗ nào.
Số phận vua, quan, tướng lãnh Tây Sơn bị bắt
Sau đây là danh sách những người bị bắt từ tháng 6/1801 đến tháng 7/1802:
Lê Văn Duyệt bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách ở mặt trận Phú Xuân (TL, I, t. 441).
Các em của Quang Toản là: Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện và hơn 30 người đàn bà con gái bị đem nộp lấy thưởng, ở Quảng Bình (TL, I t. 442).
Nội hầu Lê Văn Lợi, Thiếu úy Văn Tiến Thể, Phụ chính Trần Văn Kỷ, Thượng thư bộ Lại Hồ Công Diệu… ra hàng. Vương để Nguyễn Thiếp trở về Nghệ An (TL, I, t. 444).
Đóng cũi Nguyễn Quang Cương, Tham lĩnh Ngoạn, Tham lĩnh Tuân giải về Bình Định. Còn Nguyễn Quang Tự, Nguyễn Quang Điện, phò mã Nguyễn
Văn Trị bị giải về Gia Định, rồi sai giết đi. (TL, I, t. 446).
Tháng 6/1801, bắt được Nguyễn Văn Khôn, Hồ Văn Tự, ở bảo Trà Khúc [Quảng Ngãi] đem giải về Kinh. (TL, I, t. 449).
Tháng 11-12/1801 (tháng 10 ÂL.) phụ chính Trần Văn Kỷ đã ra hàng, tìm cách liên lạc với vua Cảnh Thịnh, bị giết. (TL, I, t. 470)
Tháng 12/1801 (tháng 11 ÂL.) “Phá huỷ mộ Tây Sơn Nguyễn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu, 31 người, đều bị lăng trì cắt nát thây” (TL. I. t. 473)
Ra bố cáo: “Bắt được con cái tướng tá của Nguyễn Văn Huệ nhiều không kể xiết (…) Nay đã phá huỷ mồ của vợ chồng giặc Huệ, bêu đầu phơi xác. Đồ đảng của chúng bắt được cũng đều giết hết” (TL. I, t. 473).
Tháng 4/1802 (tháng 3 ÂL.) Nguyễn Văn Vân bắt được ba người con của Nguyễn Nhạc là Thanh, Hán và Dũng, đem nộp, sai giết cả. (Thực Lục, I, t. 485).
Tháng 6/1802, bắt được Nguyễn Lân con Nguyễn Nhạc, ở Nghệ An. (TL, t. 499)
Ngày 3/7/1802, thiếu uý Đặng Văn Đằng, đô đốc Đào Văn Hổ đến hàng ở Nghệ An. (TL, I, t. 499).
Bắt được con Nguyễn Huệ là đốc trấn Quang Bàn và đổng lý Nguyễn Văn Thận ở Thanh Hoá (TL, I, t. 499). Tư mã Nguyễn Văn Tứ đem quân trốn đi.
Đặng Trần Thường dâng tù bắt được: con Nguyễn Huệ là Thất, tham đốc Phạm Văn Điềm, đô đốc Nguyễn Văn Ngũ. Sai đem giết. (TL, I, t. 499)
Tháng 7/1802, Phó đô thống Tả dinh Võ Văn Doãn và Chánh thống Tiền đồn Lê Đức Định bắt được Thiếu phó Trần Quang Diệu trên đường thượng đạo Nghệ An (TL, I, t. 499).
Ngày 13/7/1802, bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy và 19 người dân làng Ngọ Xá (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) bắt được tư đồ Võ Văn Dũng. Sai đóng xiềng giam lại (TL, I, t. 500).
Ngày 20/7/1802 (ngày Canh Thân 21/6/ Nhâm Tuất) vua Gia Long đến thành Thăng Long. Ra lệnh: “Những kẻ có nhận quan chức của giặc ra thú
thì được miễn tội, gần thì hạn 3 ngày, xa thì hạn 5 ngày. Nếu quá hạn mà không ra thú, bị người ta bắt được thì làm tội. Những tàn quân của giặc mang theo binh khí trốn về, thì lập tức phải đến cửa quân trao nộp, nếu cất giấu thì xử theo quân pháp”. (TL, I, t. 503)
Vua Cảnh Thịnh bỏ chạy cùng với các em là Quang Thùy, Quang Duy, Quang Thiệu và tư mã Nguyễn Văn Dụng, tư mã Nguyễn Văn Tứ, đô đốc Tú, đến Xương Giang (thuộc Bắc Ninh). Quân đi theo tan vỡ. Quang Thùy thắt cổ tự tử. Đô đốc Tú và vợ tự tử. Tất cả bị đóng cũi đưa về Thăng Long. (TL, I, t. 501, Liệt truyện, II, 571)
“Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), bắt được con Nhạc là Văn Đức, Văn Lương, cháu là Văn Đâu (con Văn Đức) đều đem chém ngang lưng. Bấy giờ dòng giống Tây Sơn không còn sót một người nào nữa” (Liệt truyện II, t. 571).
Hành hình
Tháng 11-12/1802 (tháng 11/Nhâm Tuất) làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày 30/11/1802 (ngày Quý Dậu, 6/11 Nhâm Tuất) tế thiên điạ.
Ngày 1/12/1802 (ngày Giáp tuất, 7/11 ÂL.) tế hiến phù (dâng những người bắt được) ở Thái Miếu. Thực Lục viết:
“Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ, áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác. (Dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (sau đổi là Vũ Khổ) năm Minh Mạng thứ 2, đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi. Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cái trong ngoài” (TL, I, t. 513).
Trong bài chiếu gửi toàn dân, có nói rõ tên chức của các quan tướng bị giết: “Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ, Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng.” (TL, t. 533).
Bè lũ đầu sỏ ở đây có thể hiểu là một phần hay toàn bộ những người bị bắt đã kể trên. Tướng bị bắt nhưng xét “vô danh” như Đô đốc Đinh Công Tuyết, cũng “không nỡ giết”.
Trên nguyên tắc, người đầu hàng không bị tội, trừ khi, trước đã hàng, sau theo lại Tây Sơn, như thái bảo Phạm Văn Tham, phụ chính Trần Văn Kỷ, tham đốc Phạm Văn Điềm, đô đốc Nguyễn Văn Ngũ, đều bị giết. Cũng không thấy tên bà Bùi Thị Xuân. Vậy có thể bà đã trốn thoát.
Chương 4: Tác phẩm của John Barrow (1764-1848)
“Olivier de Puymanel “là một nhà kiến thiết và là người tổ chức quân đội Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn”. Wikipédia Việt, ghi: “Olivier de Puymanel là người giám sát thi công toà thành bát quái, theo thiết kế của kỹ sư người Pháp, Théodore Lebrun”, ông “đã huấn luyện cho hơn 50.000 quân Nguyễn, còn Jean-Marie Dayot thì lo về thuỷ quân”.
Những điều đã được truyền tụng khắp nơi trên thế giới, đã trở thành “sự thực”, cho đến ngày nay là: “Puymanel là cha đẻ các thành trì xây theo kiểu Vauban tại Việt Nam trong thế kỷ XIX”, “Bá Đa Lộc đã bỏ tiền riêng ra mua tầu và khí giới, mướn người, đem các “kỹ sư”, “sĩ quan” Pháp về xây dựng quân đội Nguyễn Ánh, ông còn là “thầy dạy” Nguyễn Ánh về mọi mặt, chiến lược, cai trị, vv…”
Tất cả những “thông tin” loại này thoát thai từ sự xác định của các sử gia thuộc địa, cách đây hơn 100 năm, rằng: Bá Đa Lộc và những “sĩ quan” Pháp đã giúp Gia Long “dựng lại cơ đồ”. Đã đến lúc chúng ta cần phải khảo sát lại những “công trạng” này. Đâu là sự thực? Đâu là huyền thoại?
Học giả Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên viết những dòng xuyên tạc lịch sử nước mình, theo đúng quan niệm thực dân trong cuốn Cours d’Histoire Annamite, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1875.
Những học giả Pháp như Maybon, Cadière, có lối viết của họ, chúng ta sẽ nghiên cứu sau, đều đồng thanh trách Đại Nam Thực Lục không nhắc nhở đủ đến công trạng của những người Pháp này.
Vậy chúng ta cần phải điều tra xem Thực Lục và Liệt Truyện thiếu sót ở chỗ nào.
Công việc đầu tiên là tìm xem những tác giả Tây phương đương thời viết gì về giai đoạn này.
John Barrow và cuốn A Voyage to Cochinchina (Chuyến đi Nam Hà) Một trong những tác phẩm sớm nhất của người ngoại quốc viết về giai đoạn