🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vũ Bằng - Các Tác Phẩm Mới Tìm Thấy Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Table of Contents Cá ngựa! Cá ngựa! Không đó thì đây Chuyện mười lăm năm cũ Láng ban đêm Ngoảnh lại trông xuân Mực Nước Nhật với trăng mùa thu Xiên lình Vinh nhục của mụ mối Nghệ thuật hát bội ở Phù Tang Tam Đảo Geisha Vụ đi thề ở đền Bạch Mã Thời kỳ thứ nhất Việt Nam lấy ba tỉnh ở Chân Lạp Năm 1940 đã hết Chén trà tàu đầu xuân Hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế Công dụng lớn lao của chiếu bóng về phương diện xã hội và mỹ thuật Ngày mai chiếu bóng sẽ ra sao? Sự mê tín chung quanh những quái thai1 Ma cà-rồng1 Một vài sân vận động nữa! Một vài bể bơi nữa! Sau những nạn giết người bằng thuốc Trừ nạn lang băm lang bổ Phê bình Phương Tây trả lời Khi những bà sư tử Hà Đông tức giận Cuộc đời lên voi xuống chó của vua diêm Tuồng cổ có còn hy vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? https://thuviensach.vn Rabindranath Tagore từ trần Cây chaumoolgra không có gì là lạ! Gió mùa thu, lá vàng rụng bay... Nạn khan giấy, một nguy cơ không nhỏ cho làng văn và làng báo ở đây Hội chợ Nữu Ước năm 1939 Đi xem kỹ nghệ và tiểu công nghệ Bắc Kỳ 450 ngàn triệu về việc quốc phòng Nữu Ước phen này liệu có bị ném bom không? Hết hội chợ triển lãm Hà Nội 1941 Bổng, quán quân xe đạp 1933-1934 Con sên leo dốc Xuân không có tuổi Tết năm nay có gì lạ? Thiên đường của báo chí Con đường đầy ánh sáng Mấy ý nghĩ về Trời Ấn Độ huyền bí Săn rể, tậu rể, lùng rể, bán đấu giá rể đây! Dưới bóng mặt trời không có gì lạ! Đồ Sơn Vụ lụt sông Mississippi Những nạn động đất Gốc tích xe hoa và hoa giấy trong các chợ phiên Dân cư và thành thị Algérie Tết cùng Có hải quân mạnh chưa đủ, còn cần cả hải thương... Cô Kiều không hề lẫn chữ tội với chữ công Một nhân vật thời chiến quốc: Kinh Kha Xuân già Nhân ngày 2 Mai là ngày giỗ Nguyễn Văn Vĩnh Gánh chung việc nghĩa liều ra mặt https://thuviensach.vn Quốc kỳ Từ việc dùng Việt ngữ trong kỳ thi sơ học bổ túc đến việc soạn sách giáo khoa cho các trường Sẵn sàng để đợi Lấy máu trong tim ra để vẽ tranh Nghệ sĩ trước những sự cải cách của đất nước cần phải làm gì ngay? Cứ cho họ uống! De Gaulle cần phải kể tội De Gaulle trước! Hà Nội có gì lạ? Ba bức thư thượng khẩn ta lại gửi cho ta bức thư thứ nhất Bức thư thượng khẩn thứ hai ta lại gửi cho ta Cần kiệm liêm chính 1946 https://thuviensach.vn Đôi lời dẫn giải Cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trong tay là một sưu tập những tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) do tôi tìm được, phần lớn từ cuối năm 2000. Tôi vốn không phải là một chuyên gia về tác giả Vũ Bằng, song việc tôi làm tập sách này không hẳn là sự tình cờ. https://thuviensach.vn Hồi cuối năm 2000, khi tôi được mời đi thăm và đọc tài liệu tại Đại học California ở Berkeley, Hoa Kỳ, mối quan tâm chính của tôi là đi tìm tác phẩm của tác gia Phan Khôi (1887-1959). Khi ấy sự hiểu biết của tôi về báo chí chữ Việt trước 1945 còn khá ít ỏi; để tìm dấu tích tác gia mình định tâm tìm, tôi chúi đầu vào nhiều tờ khác nhau (cố nhiên tất cả đều là đọc trên bản chụp microfilm, do thư viện các đại học ở Mỹ mua bản chụp các sưu tập báo Việt từ nguồn lưu trữ của Pháp). Và một trong những điều ngẫu nhiên đã xảy ra: Với không ít tờ báo cũ, tôi không thấy dấu tích bài đăng của Phan Khôi nhưng lại thấy bài vở của nhiều tên tuổi quen thuộc khác, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Kim Lân... và tất nhiên, Vũ Bằng. Cũng xin nhắc lại rằng vào năm 2000 ấy, đối với làng văn chính thống ở ta, tên tuổi Vũ Bằng như là vừa được đưa từ bóng tối ra ánh sáng. Trước đó, trường hợp Vũ Bằng nằm chung trong số những tác giả đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975, do vậy chỉ một số tác phẩm của ông được in lại một cách dè dặt. Thế rồi có một sự việc gây đột biến: những thông tin hé lộ ra rằng Vũ Bằng là một chiến sĩ tình báo được "bên ta" cài vào nằm vùng trong vùng "quân địch" suốt thời gian kháng chiến, – đã mau chóng làm thay đổi hẳn thái độ đối xử từ phía dư luận chính thống đối với tác gia này. Một loạt tác phẩm riêng lẻ của ông được tái bản. Đồng thời, ngay trong năm 2000, một Tuyển tập Vũ Bằng gồm ba tập được biên soạn và ra mắt rất nhanh. Sau đấy ít năm nữa, một bộ sách mang nhan đề Toàn tập Vũ Bằng cũng đã được in ra. Thế nhưng, hầu hết những tác phẩm của Vũ Bằng mà tôi sưu tầm được từ cuối năm 2000 kia, hoàn toàn nằm ngoài các bộ sách đó! Bạn đọc có thể lấy làm ngạc nhiên về điều ghi nhận tôi vừa kể. Song những ai hiểu biết thực trạng nghiên cứu và biên khảo ở ta hiện https://thuviensach.vn nay, hẳn đã lường trước được tình trạng đó. Ở nơi nào khác, với mặt bằng nghiên cứu và mặt bằng xuất bản hoạt động theo những chuẩn mực cao, các tuyển tập của các tác gia chỉ có thể là kết quả của việc nghiên cứu và hệ thống hoá toàn bộ sự nghiệp trứ thuật, sáng tác của tác gia ấy; do vậy, trong các bộ tuyển tập, toàn tập hoàn toàn không thể thiếu những mảng tác phẩm đáng kể của họ. Vì thế tôi rốt cuộc phải soạn những tác phẩm của Vũ Bằng mà tôi sưu tầm được từ tám chín năm trước thành một cuốn sưu tập riêng. Do chỗ không phải là người nghiên cứu chuyên về tác gia này, tôi chỉ có thể đưa ra một sưu tập những tác phẩm tôi tìm thấy chứ không thực hiện một loại công trình "bổ di" cho những cuốn tuyển đã có. Tất nhiên, tôi cũng sẽ không lặp lại những gì đã được đưa vào các cuốn tuyển đã có. Trong chừng mực nhất định, tôi cũng có lưu ý tìm thêm đọc thêm về tác giả này và đã thấy những nguồn tác phẩm khác nữa. Chẳng hạn, chùm tác phẩm mà người ta cho là đầu tay của Vũ Bằng, – không phải quá khó để tìm ra chúng, nếu người ta thực sự muốn tìm chứ không chỉ thốt ra vài ba thán từ thật sến để mị người đọc. Tôi đã toan đưa vào sưu tập này truyện Con ngựa già và loạt tác phẩm Vũ Bằng đăng báo Đông tây ở Hà Nội hồi 1931- 1932, song nghĩ lại, thấy chỉ nên kê một danh mục để các nhà biên khảo chuyên về tác gia này đi khai thác1. Trong sưu tập này, ngoài một phóng sự của Vũ Bằng đăng năm 1938 trên tuần báo Dư luận, và một phóng sự Vũ Bằng viết cùng với Tam Lang đăng năm 1946 trên nhật báo Kiến quốc, còn lại đều là các bài vở ký Vũ Bằng hoặc Tiêu Liêu đăng trên tuần báo Trung Bắc chủ nhật, từ 1940 đến 1945; trong số này, tôi chỉ bỏ qua loạt bài Bàn về tiểu thuyết và thiên hồi ký Cai, – hai tác phẩm này sau https://thuviensach.vn khi đăng Trung Bắc chủ nhật đã in thành sách riêng, và gần đây, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã sưu tầm và đưa in lại2. Tôi cũng chỉ lấy các bài mà tác giả ký là Vũ Bằng hoặc Tiêu Liêu, không lấy các bài ký các bút danh khác, được biết cũng là của Vũ Bằng, như Thiên Tướng chẳng hạn. Điều mà tôi muốn lưu ý nhất ở các tác phẩm của Vũ Bằng trong sưu tập này, là ý nghĩa đáng kể về tư liệu. Đây không chỉ là các tác phẩm mà còn là những tư liệu, thậm chí là loại tư liệu hiếm, quý, về nhiều phương diện khác nhau. Vì hầu hết các bài trong sưu tập này đều rút từ Trung Bắc chủ nhật, xin nói chút ít về tờ tuần báo này. Ban đầu, tên gọi của nó là Trung Bắc tân văn chủ nhật, tức là một ấn phẩm ra hằng tuần của nhật báo Trung Bắc tân văn (tờ nhật báo này ban đầu là chi nhánh của tờ Lục tỉnh tân văn ở miền Trung và miền Bắc, chủ nhiệm là E. Schneider, chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh, hoạt động từ 1913 đến 1941); người quản lý tờ tuần báo này là Dương Phượng Dực. Khi Trung Bắc tân văn đóng cửa, tuần báo này đổi tên là Trung Bắc chủ nhật, người đứng chủ trương là Nguyễn Doãn Vượng; từ số 257 chủ nhiệm là Nguyễn Văn Luận. Tính ra tờ này ra được 262 số, từ 3.3.1940 đến 16.9.1945.3 Có thể nói, trong mặt bằng báo chí tiếng Việt đương thời ở miền Bắc, Trung Bắc chủ nhật là tờ tuần báo văn hoá xã hội phổ thông. Tờ tuần báo này là nơi giới thiệu khá nhiều tác phẩm của những nhà văn "tiền chiến lớp sau" như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hồ Dzếnh, Kim Lân, Bùi Hiển, Tam Kính, v.v... Song phần dành đăng sáng tác thơ văn dù sao cũng ít hơn so với các nội dung tri thức văn hoá xã hội, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của các giới trung lưu trong thị dân đương thời. Do vậy, nhiều cây bút đa năng, có thể dịch thuật kiến thức Âu Tây, lại cũng có thể biên khảo tư liệu Á Đông cổ https://thuviensach.vn truyền, đã quần tụ chung quanh tuần báo này, đáng kể nhất là những nhà văn, nhà báo kỳ cựu như Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất (ông này bị trục xuất từ Nam Kỳ ra Bắc), Doãn Kế Thiện, v.v... Vai trò của Vũ Bằng trên Trung Bắc chủ nhật, trong phần lớn thời gian tồn tại của tuần báo này, có thể hiểu như là thư ký toà soạn (điều này là đoán nhận qua nội dung báo chứ không thấy ghi rõ ràng trên manchette báo). Vai trò này không chỉ thể hiện ở việc chèo lái toà soạn, ở việc sắp xếp nội dung bài vở các số báo, mà còn bộc lộ ở chính một phần đáng kể các bài báo của Vũ Bằng. Chẳng hạn, mục "Không đó... thì đây" ở hầu hết các số báo từ tháng 9 đến hết năm 1940, điểm các sự kiện thời sự văn hoá xã hội từ lớn đến nhỏ được các báo hàng ngày nêu trong tuần lễ trước đó; hoặc các loại bài dẫn nhập các số báo mang tính chuyên đề. Bạn đọc sẽ thấy trong sưu tập này khá nhiều bài Vũ Bằng viết nhằm mở đầu hoặc kết thúc những ý kiến, những chùm tư liệu của nhiều tác giả khác nhau xung quanh mỗi chuyên đề của từng số báo: số về vùng Láng ngoại ô Hà Nội, số về mùa thu, số về văn hoá Nhật Bản, số về Thái Lan, số về hội Lim, số về chiếu bóng, số về tuồng, số về nạn mê tín dị đoan, số về nạn lang băm, số về hội chợ, số về báo chí, số về nạn lụt, v.v... Chính việc phải ứng phó với các loại đề tài kiến thức phổ thông về văn hoá xã hội trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu hiểu biết ngày càng rộng của cư dân trung lưu đô thị, đã buộc một cây bút vốn ban đầu chỉ tự thấy có khiếu viết văn và yêu thích vẻ năng động của nghề báo đã phải tự mở rộng không ngừng tầm hiểu biết của mình, phải tự xác định và tự bồi bổ một quan niệm trước các vấn đề xã hội, chính trị, văn hoá đương thời. Vũ Bằng thuộc thế hệ người Việt thứ hai hoặc thứ ba bước vào nghề báo, khi mà nghề báo và nghề văn vẫn chưa tách hẳn khỏi nhau;4 thể tài mà ông viết thạo và viết hay, thường vẫn là các loại https://thuviensach.vn bài có chất phóng sự, ký sự, nơi mà những khám phá về các nét cụ thể của đời sống người Việt chừng như có sự ăn nhập tuyệt vời với văn mạch, với ngôn từ của tác giả. Những phóng sự về nghề mai mối, về tật ghen tuông của những "sư tử Hà Đông", về chuyện kén rể, v.v... trong sưu tập này cho thấy điều đó. Lần theo ngòi bút làm báo của nhà văn Vũ Bằng, chúng ta sẽ có dịp trải nghiệm lại thậm chí cả những ấu trĩ về nhận thức của nhân loại ngay trong thời đại của khoa học, trên những đề tài như về những quái thai, về ma-cà-rồng... vốn đã từng một thời ám ảnh dư luận nhiều nước văn minh. Lại cũng có sự việc rất sáng sủa, vì thuộc lĩnh vực văn hoá, nhưng lại nảy ra dưới tác động của những sự kiện lịch sử tiêu cực; nói cụ thể, đó là một số hoạt động văn hoá những năm 1940, sau khi quân phát xít Nhật vào Đông Dương, như triển lãm tranh của hoạ sĩ Fujita, triển lãm hàng mỹ thuật Nhật Bản ở Hà Nội,... trong thời gian ấy Vũ Bằng cũng viết không ít bài về văn hoá Nhật, dịch thuật một số tác phẩm văn học Nhật. Theo suy nghĩ của tôi thì những hoạt động đó, mặc dù đương thời đã diễn ra được là do sự có mặt của cái thế lực đã bị tiến trình lịch sử lên án và phủ định, nhưng những hoạt động văn hoá đó vẫn đọng lại ý nghĩa giao lưu văn hoá tốt đẹp. Đọc lại những trang Vũ Bằng viết hoặc dịch về đề tài này thời ấy, ta chỉ thấy nội hàm về những đặc sắc đáng quý trọng trong văn hoá của một dân tộc. Thậm chí trong một truyện võ hiệp về hận thù đã kết thúc bằng sự giải toả thù hận. Có một chùm bài viết nữa của Vũ Bằng khiến tôi truy tìm chăm chú hơn hẳn các loạt bài khác, ấy là chùm bài về thời sự xã hội chính trị những năm 1945-1946. Vì sao vậy? Có lẽ vì từ rất lâu rồi, để minh chứng phản xạ của giới nhà văn Việt Nam đối với các biến cố xã hội 1945-1946 trong và ngoài nước, giới nghiên cứu mới chỉ có được rất ít, quá ít tài liệu cụ thể. Trong những cuốn giáo trình văn https://thuviensach.vn học sử của Đại học Sư phạm hoặc Đại học Tổng hợp Hà Nội soạn hồi những năm 1960-1970, chỉ thấy người ta dẫn ra tuỳ bút Vô đề của Nguyễn Tuân hoặc bút ký Đường vô Nam của Nam Cao. Mà ở cả hai bài ký ấy người ta chỉ đọc thấy thái độ của nhà văn chứ hầu như không thấy bóng dáng đời sống sự kiện hiện thực đương thời. Vậy mà trên Trung Bắc chủ nhật chỉ trong năm 1945, ta sẽ thấy có trên một chục bài thuộc loại nói trên của Vũ Bằng. Các sự kiện quốc tế như tin Hitler tự tử, nước Đức quốc xã sụp đổ, phe Đồng Minh thắng lợi và kết thúc thế chiến thứ hai; các sự kiện ở ngay trên đất này như quân Nhật ở Đông Dương làm đảo chính, quân Pháp thua chạy, vua Bảo Đại lập nội các cho "Việt Nam Đế quốc", rồi Cách mạng tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, – bấy nhiêu sự kiện đều ít nhiều có hồi âm trong các bài báo thời ấy của Vũ Bằng. Ngày nay, bằng vào đó, chúng ta có thể coi ông như một trong những nhân chứng của các biến cố lớn ấy, hơn nữa, là một trong những nhân chứng hiếm hoi và nặng ký. Quả vậy. Có thể nói, nhờ ngòi bút đưa tin kiểu phóng sự của ông, ngày nay ta mới biết có những hoạt động xã hội của giới nghệ sĩ ở Hà Nội như biểu diễn lấy tiền ủng hộ binh sĩ bị thương; hoặc triển lãm tranh "cổ động nền độc lập" ngay sau khi thực dân Pháp bị tước quyền cai trị ở xứ mình; những thảo luận về quốc ca và quốc kỳ cho một nước Việt độc lập; việc đặt vấn đề dùng hoàn toàn Việt ngữ trong giáo dục phổ thông; việc đặt vấn đề cải cách chương trình dạy ở trường mỹ nghệ, v.v. Cũng chỉ nhờ ngòi bút nhà văn làm báo này, ta mới biết có những va chạm Việt-Pháp trong cư dân ở ngay những ngày "hậu thực dân" đầu tiên. Chỉ nhờ ngòi bút nhà văn làm báo ghi nhanh, ta mới còn biết có những nét của biến thiên lịch sử vụt thoáng qua rất nhanh: học giả Trần Trọng Kim trong vai trò thủ tướng; việc khôi phục Hà Nội trong quy chế một thành phố của nước Việt Nam độc lập; việc Hà Nội khôi phục đền Trung Liệt thờ https://thuviensach.vn những bậc quản thủ đã tử tiết vì thành phố... Kịp đến khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được dựng lên, ta đã thấy Vũ Bằng lên tiếng khá sớm; tất nhiên ông không ở trong nhóm sáng lập Văn hoá Cứu quốc, những ý kiến của ông, từ một chỗ đứng khác, vẫn nhấn vào ý thức "nhận đường" của người trí thức trước vận mệnh dân tộc, trước những vấn nạn sống còn của một nhà nước mới, một chế độ mới. Hai bài báo của Vũ Bằng sau sự kiện 2.9.1945 trên hai số cuối của tuần báo Trung Bắc chủ nhật cho thấy tình cảm trách nhiệm rõ rệt của nhà văn. Là một sưu tập có tính chất lư liệu nên tôi giữ nguyên tất cả giọng văn và những đoạn kiểm duyệt của nhà cầm quyền cũ. Trên đây là đôi điều mang tính chất thuyết minh về những bài báo và tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng do tôi sưu tầm được và công bố lại trong tập sách này. Như đã nói từ đầu, tôi không phải là chuyên gia về tác giả Vũ Bằng. Dựa vào những gì mà một số nhà báo hoặc nhà phê bình đã viết về Vũ Bằng, tôi cho rằng việc nghiên cứu về tác gia này mới chỉ đạt được những kết quả ít ỏi. Tập sách này, – hầu như chỉ gắn với việc theo dõi hoạt động của ngòi bút Vũ Bằng trên một tờ tuần báo ở Hà Nội những năm 1940-1945 – là một nỗ lực khá hạn chế, mong góp một phần rất nhỏ vào việc làm rõ các phạm vi hoạt động và cống hiến của ông. Rất mong nhận được sự nhận xét góp ý của bạn đọc và đồng nghiệp trong giới sưu tầm nghiên cứu về sưu tập này. Hà Nội, những ngày đầu xuân Mậu Tý 2008 LẠI NGUYÊN ÂN https://thuviensach.vn Cá ngựa! Cá ngựa! Phóng sự I. Một cuộc hội họp rất quan trọng ở trước "săm"1 Ngọc Hà... Tôi đứng giữ thế thủ. Một! hai! ba! Nếu thằng khốn nạn giở tay, tôi phải vặn cổ nó từ đằng trước ra đằng sau cho chết. Nó không muốn chết, vì nó không giở tay. Tôi ôn tồn bảo nó: – Từ lần sau, anh muốn hỏi ai điều gì thì phải lễ phép hơn một chút, nghe không? Nó dịu nét mặt lại. Nó nhe răng ra cười. Tôi đỡ sợ. Thì ra thằng khốn nạn ấy không phải là quân cướp giựt như tôi vừa tưởng. Nó chỉ là một người lương thiện như anh. Hãy để tôi thuật lại chuyện từ đầu. Lúc ấy gần hai giờ sáng. Trận mưa rào vừa ngớt hạt, làm bóng loáng con đường nhựa dài dằng dặc từ sở ông Bảy đến vườn rau Dốc Thuỵ. Tôi và hai người bạn khác, cởi áo ra khoác ở vai, đi chuệnh chà chuệnh choạng về trại Ku-ku ở gần nhà bia Ô Mền. Rượu mạnh và bước nhảy lúc mười hai giờ đêm vừa đây làm chúng tôi hoa mắt. Vừa đi vừa nói chuyện, chúng tôi bước khỏi nhà "Tây cụt" cách chuồng ngựa Champenoise độ mươi bước thì một người trẻ tuổi quần ta, áo tây, đầu đội một cái mũ nồi xanh lét, đứng ở trong một cái hàng rào https://thuviensach.vn tiến ra. Nó không to lớn. Nó trạc độ 30 tuổi. Nó trông hiền lành. Nhưng lúc ấy khuya lắm. Không một người nào khác cả. Bóng tối đem đến những cái bí mật rùng mình. Đằng xa, một con chim bìm bịp cầm canh hoà với tiếng cú kêu lạnh ngắt. Thì làm sao tôi lại không có quyền nghi ngờ gã kia là một đứa bất lương? Nó hỏi tôi: – Có phải bác là bác Điển không? Thằng này có lẽ tưởng tôi là bồi làm ở một cái nhà tây gần đấy. Bác bếp! Bác bồi! Bác phu xe! Nhưng mà thôi, cũng được đi! Tôi theo chủ nghĩa xã hội, tôi chủ trương sự "đấu tranh giai cấp"! Điều đáng giận là nó hỏi tôi, bằng một con mắt trâng tráo. Thằng khốn nạn! Tôi đã trả lời nó, cũng như những người khác cần phải trả lời nó, nếu ở vào trường hợp của tôi. Con mắt nó đỡ láo. Mặt nó đỡ vênh lên. Nó xử nhũn: – Thì tôi hỏi bác có phải là bác Điển không, chứ gì mà ngậu xị lên thế? Không thể được. Này này, mày mà nói một câu nữa thì bỏ đời mày. Tôi đã tính nhẩm trong óc cách đấm một cái mà thằng kia phải quỵ. Nhưng nhà nó có hồng phúc. Ngay lúc ấy tôi vụt nhớ ngay ra nó là một người quen. Những người không biết võ mà gặp một đối thủ khoẻ mạnh thường vụt có cái trí nhớ đặc biệt đó. Tôi cố sức nhớ kỹ. Thì ra, đó là người tài xế của một vị bác sĩ tôi quen, mới hai tháng trước đã chữa cho tôi khỏi sốt. Xin lỗi độc giả tôi lầm. https://thuviensach.vn Bệnh thương hàn của tôi, không phải vì bác sĩ chữa mà khỏi, nhưng chính nó khỏi tự nhiên. Nếu nó không khỏi tự nhiên, bài phóng sự này không có. Vì nếu bác sĩ chữa cho tôi hết bệnh có lẽ tôi hết thở. Vậy bác sĩ ấy là một bác sĩ xoàng. Nhưng ngài sống rất đàng hoàng... tuỳ từng lúc... nghĩa là tuỳ theo sự được hay thua cá ngựa. Khắp Hà Thành và Cảng, còn ai không biết ngài là một tay "tơợc-phít"2 có danh? Ngài có can đảm đem cái gia tài bạc vạn cá với một con ngựa tốt. "Sau ta là nạn ngập lụt". Dân An-nam mình cũng có nhiều người theo chủ nghĩa vô chính phủ như Nietzsche, chứ không? Vậy, bác sĩ của tôi, đánh cá nhiều khi rất mạnh. Nhờ cái mạnh ấy, các "tơợc-phít" khác sẽ bỏ nhà mà dọn đến ở nhà pha. Bác sĩ tôi không thế. Thần tài đến chơi với vợ chồng ngài luôn. Tôi đã lắm lúc muốn đem giầu cau đến phòng khám bệnh của vợ chồng bác sĩ, xin nhập môn... để học lấy nghề cá ngựa. Trời ơi là trời! Thì vừa nghĩ như thế, thấy ngay bác sĩ. Ngồi trên một cái ô-tô nhọn hoắt đằng sau như một điếu xì gà, bác sĩ ngồi chúi trong một góc đệm như ẩn núp một người nào. Bên cạnh một người đàn ông khác đương rỉ tai bác sĩ nói một việc gì quan trọng. Cái ô-tô đỗ đó ở trước cửa săm Ngọc Hà. Thì ra, "thằng khốn nạn" của tôi đánh xe đưa bác sĩ lên đó, để bác sĩ ngồi trên xe, rồi xuống hỏi thăm bác Điển. Vậy thì bác Điển là ai? https://thuviensach.vn Một trận phong ba trong cái óc! Lập tức tôi nghĩ ngay ra một cái án ngoại tình... vợ thua cá ngựa, đành đem thân vàng ngọc hiến cho một ông lắm của để lấy tiền gỡ gạc ở trường đua. Mà, tối nay, được tin một người bạn thân tín báo cho biết rằng người vợ đáng kính cẩn đã cắm sừng vào trán mình, bác sĩ đánh cá ngựa vội vã bảo tài xế mở hết máy chiếc xe Ford tám ngựa để bắt cho được gian phu dâm phụ. Thôi, tôi hiểu hết cả rồi. Bác Điển, – cái tên mà anh tài xế vừa trâng tráo hỏi tôi, – chỉ có thể là người đã chim bác sĩ bà mà thôi! Đích lắm. Một cái ô-tô tắt hết cả đèn đỗ ở cửa một nhà săm, người tài xế trâng tráo đi tìm một người đàn ông, hai ông âu phục ngồi im thin thít ở trong xe hòm đóng kín, như chờ đợi... Các ngài bảo đó không phải là một cái "mi-dăn-sen"3 để diễn một tấn bi hài kịch "bắt vợ ngoại tình" thì còn có thể là cái gì? Bạn đọc! hãy cùng tôi chứng kiến cái tấn kịch sầu lòng đó. Gió lạnh lùng. Đường vắng. Trong sự im lặng rùng rợn, ở Bách Thú đưa ra hai tiếng chuông ngân dài ra và chết đi rồi lại ngân dài ra: hai giờ. Tiếng chuông đó lúc báo hiệu một cái chết thảm khốc ở trong những bài tuồng rùng rợn của Sa-sĩ-bỉ.4 Chúng tôi đã toan khóc thương cho người đàn bà nhẹ dạ, vì cá ngựa mà phải đem tim ra hiến mũi dao con. Đích lắm rồi: Tôi chờ trông thấy máu. Chứ không ư? https://thuviensach.vn Ba giờ sáng. Ở săm không có một người đàn bà nào đi ra cả. Mà cũng chẳng có một người đàn ông nào đi ra cả. Mấy thằng bồi phòng ngồi hút thuốc lào vặt, nói chuyện với nhau về "phỉnh lậu" với "phỉnh vàng"5 Tôi lại gần họ nói chuyện. Đêm ấy, săm Ngọc Hà không có khách. Không có khách? Lạ! Thế thì bác sĩ đợi ai? Đợi ai? Một ngọn gió bay qua như khóc cái âu sầu của đêm tối. Ba giờ mười lăm. Chiếc xe Ford tám ngựa, sơn mùi cánh chả vẫn đứng "không kèn không trống" ở trước cửa săm Ngọc Hà. Ông bác sĩ cùng với bạn vẫn thì thầm. Mà "thằng khốn nạn" của tôi vẫn trâng tráo đi tìm bác Điển. Tôi đã toan thương cho ba người đàn ông ấy phải dãi gió dầm sương suốt cả đêm ở dọc đường. Thì, bỗng đâu, ở đường Bách Thú đi lên ba cái xe "con lợn". Người ngồi xe thứ nhất hát tây. Người ngồi xe thứ nhì ngủ gật. Người ngồi xe thứ ba lầm rầm như cố đạo đọc kinh. Hôm ấy là thứ bảy: bọn này chắc đi chè chén hay ở xóm chị em về nhà. Cánh cửa ô-tô mở đánh xình. Người bạn bác sĩ nhảy xuống đất nhanh như cái cắt. – Xe! Dừng lại! Bác sĩ ra hiệu. Ba cái xe dừng lại. Và ba người ở trên xe bước xuống. Thôi chết! Một trận huyết chiến sẽ xảy ra ở chỗ này. Tôi cầm chắc người tài xế sẽ ra tay trước nhất. Quả không sai. Bước lên xe, người tài xế ra tay vặn lái... Sau một câu chuyện rất đơn giản, ba người khách đi xe móc túi trả tiền xe https://thuviensach.vn rồi cùng bước lên ô-tô với bác sĩ và người bạn của ngài. Bom! hai cái đèn pha loé sáng. Ông hát tây lúc nãy phàn nàn: – Gớm! Mệt quá! Ông ngủ gật: – Thôi tôi xin về. Ông cầu kinh: – Con Paladin ở cuộc đua thứ nhất kỳ này hỏng. Có lẽ con Rageur xơi cuộc đua thứ nhì... Ô-tô mở máy giở hết cả "sức ngựa" chạy về đường Carnot. Thì ra cái án ngoại tình là cái án sống trong tưởng tượng của tôi. Bác sĩ Hoàng Văn X... còn có một việc đáng quan tâm hơn... vợ. Đó là con ngựa. Mà cái "mi-dăn-sen" vừa rồi chỉ là để lấy "chuy-ô"6 cho cuộc đua lớn ngày mai. Tôi không cần phải dài lời. Độc giả đã biết ba người vừa đi xe đó là ba ông "dô-kề"7. Bác Điển của tôi là một trong ba vị anh hùng đó. Có ai, trong một cái vé số Đông Dương, đã để ý đến một bức vẽ vẽ một người đàn bà bịt mắt dẫm chân lên trên một cái bánh xe có hai cái cánh trắng như bông? Bánh xe ấy là bánh xe của thần tài. Người đàn bà bịt mắt có ý nghĩa là sự may rủi. https://thuviensach.vn Tôi muốn xin hội đồng xổ số từ sau sấp đi sẽ chữa bánh xe đó ra là một cái vó ngựa thi. Như thế sẽ ý nghĩa hơn. Vì, hiện giờ đây, một cái vó ngựa thì được người ta chú ý nhiều hơn là một cái bánh xe, – dù bánh xe ấy là bánh xe thần của Bát Tý Na Tra đi nữa. Thực vậy. Cá ngựa! cá ngựa! cá ngựa! Từ kỳ sau, ngươi hãy sống lại cho ta xem những đoạn đời kỳ lạ của ngươi. Ta sẽ thuật lại cho độc giả yêu quý của ta để cho họ biết rõ một lối chơi vui hơn đánh bạc mà thần rủi may đã lắm khi tỏ ra rằng bất lực bất tài. Ngươi sẽ kể hết, kể hết, nghe không? Và ngươi sẽ không quên cả những người vì ngươi đã đày đoạ, hiện giờ đây, đương nằm ép rệp ở trong xà-lim u tối. Ta là một người bàng quan! II. Cô Kiều chơi cá ngựa Trường đua. Một giải đất mông mênh, cỏ xanh dợn như rồng xanh uốn khúc. Hàng rào gỗ trắng như bạc (đồng). Cổng ngõ quét một thứ vôi hồng, trông từa tựa như vàng mới trá. Đó đây, một vài cái thống trồng cây, nhác trông ngỡ mấy cái đỉnh trong những lăng tẩm chốn kinh kỳ gió bụi. Ngài đi vài bước nữa sẽ thấy "pa đốc"8 – nơi cân ngựa. Cuộc đua này cân năm con chạy ba; cuộc đua khác, cân mười ba mà chạy bảy. Ba bước chân nữa, ta đã đến "ghi sê"9 mua vé. A! thưa độc giả, tôi có lời xin các ngài đây. Nãy giờ, có phải không, tôi có vẻ một con người vật chất. Rõ xấu. Nhưng, xin chớ cười nhau: Tôi là một nhà phóng sự viết văn... "suyrêalít"10! Một buổi chiều chủ nhật, vui bước lên chơi trên Quần Ngựa, các ngài cứ thử nhìn cái quang cảnh trường đua một lát mà coi: cái mà nó đánh vào mắt các ngài trước nhất không phải là trường đua rộng https://thuviensach.vn rãi hay đẹp đẽ. Mà là sự xa hoa thở ra tiền của những người, – ôi! lắm của, quăng từng tập giấy bạc vào những cái cửa ghi-sê, không phàn nàn. Tôi đã ngốt lên, khi thấy tiền bạc tràn ngập một cách rất thi vị ở chốn ăn chơi đó. Cỏ xanh, tường đỏ, chậu cây vàng, trước mắt tôi lắm lúc đã hoá cả ra tiền. Cái tường bạc vạn tuế! Thưa các ngài, tờ báo xã hội nào hò hét với Chánh phủ Bình dân rằng dân ta nghèo khổ là tờ báo khôi hài hay nhất. Tiền, vâng chỉ là tiền. Người ta kể chuyện rằng trường đua là một hội họp của khách phong lưu xa mã. Bên Pháp và Anh, đàn bà đến đó để khoe khoang những bộ áo mới may, mà đàn ông là để giở những lối xã giao nịnh gái. Ở đây, tôi đã được trông hết cả rồi. Mặt phấn ố hoen, cô gái nhà ai lấy gấu quần nhầu nát để quét bực "ti-buyn"11; cạnh chỗ ghi-sê, ông phán ở sở nào không biết, đương thích cánh một bà đài các, để tranh vào trước, mua 10 lần một cái jumelé 4x6?12 Lịch sự là một chữ thừa. Ở những nơi bạc bịp hay cò con, khách chơi nào cũng lấy tâm trí để thoả tâm trí, – như lời Balzac. Nghĩ về tiền nhiều quá, kết cục người ta khổ vì tiền. Cũng như cặp trai gái mê nhau, những ước ao chăn loan đệm thuý, mà rút cục đến phải yêu nhau trên một tấm giường gỗ mọt! Hỡi khách đi đánh cá ngựa! Tôi xin hỏi có ai người không mê tín dị đoan không? – Miễn là ta được. https://thuviensach.vn Một nhà cộng sản chính tông mà đánh cá ngựa, tôi đoan chắc cũng ước mong có trời. Để phù hộ cho con ngựa mình chơi về nhất. Trời, vì vậy, thành ra cái phao để cho những người sắp chết bám vào. Mà cũng vì vậy, thành ra không phải người đánh cá ngựa nữa, nhưng là... trời đánh. Trời đánh, thánh dạy... Vì chính thánh cũng dạy người ta đánh cá. Thưa các bà, tôi chẳng phải là đứa vô tôn giáo như các bà tưởng tượng đâu. Đánh cá ngựa mà trông ở trời, phật, thần, thánh, ừ thôi, thế cũng tạm được đi! Vì cái óc dân mình đánh chết cũng chưa hết tin rằng trời phật là hai vị tối cao đã xếp đặt cả những công việc trong trần giới. Tôi đã thấy các bà đi đánh cá ngựa ngày mai, hôm nay ra thì thà thì thụp lễ ở đền Hàng Trống. Cô tiểu thư muốn cho con Pommard được nhất ở trong giải des Pins xin quẻ thẻ cầu may; bà cụ thân sinh ông ký L. ở Finances,13 vì thua luôn cá mấy kỳ, gội đầu sạch sẽ để "ăn chay nằm mộng". Y như những con chiên, đi trẩy hội La Mecque,14 hay những bà tín đồ của cái nạn Phật giáo, tiết xuân đầm ấm, nhẹ lướt con thuyền đi trẩy hội chùa Hương. A-di-men lạy đức Chúa Lời chúng tôi là kẻ có tội. Lạy đức Phật ngồi trên tam bảo, con là người đánh cá ngựa thua! Những cái đó tuy vậy chưa làm cho ta giận lắm. Điều đáng giận nhất một số người đánh cá, ấy là cái nhẫn tâm bắt một người đã chết phải đứng dậy ra trường đua chơi hộ mình. Tôi cần phải kể sự tích một đôi câu tóm tắt. https://thuviensach.vn Người đã chết ấy, không phải Quan Công đã nổi tiếng vì biết xem tướng con Xích Thố! Không phải Châu Xương, người ấy cũng chẳng phải là người đã vẽ ra tranh "La chevauchée des Walkyries".15 Người ấy chỉ là Vương Thuý Kiều, đời Gia Tĩnh, triều Minh vậy. Truyện rằng: Kiều là một cô gái giăng hoa, một buổi du xuân, ăn giọng với anh chàng Kim Trọng. Gia biến. Bán mình. Làm nhà thổ. Rồi lại về với chàng Kim. Suốt trong 300 trang thơ mỹ miều của Nguyễn Du, tôi cá một cái giải triple évent16 với người nào tìm thấy cô Kiều đi ngựa, chơi ngựa, hay đã làm lái ngựa. Không. Vậy chẳng hiểu làm sao nhiều người hiện giờ đây, cứ mỗi buổi tối thứ bảy, lại phụ cô Kiều sống lại, để báo cho mình cách đánh cá ngày mai? Hãy cùng tôi vào nhà ông Th. Một buổi chiều thứ bảy. Cơm xong, ông chúi mũi vào một quyển sổ "bà đầm" viết chi chít những số, những tên, những chuồng! Bà ngồi bên cạnh, nhìn ngọn bút chì của ông gạch những tên Pompéi, Wanda, Hirondelle, Rose Marie với một con mắt lơ đãng u buồn, vì mấy kỳ nay thần may rủi đã phụ lòng vợ chồng bà, mà riêng bà, bà thua mất một bát họ17 ngót nghìn của nhà cái, là bà Tham H... Tối nay buồn. Bà Th. nhắm con mắt vào cái ngày mai mù mịt. Ông chồng vẫn cắm cúi tính sổ như đương làm sổ "anh-văng te"18 cho một hãng buôn to; bà vợ, lục ngăn kéo rút lấy một quyển Kiều bìa đỏ, giơ lên áp vào sống mũi, suỵt soạt mấy cái rồi lầm bầm khấn lạy "lục bộ" cái ả "đĩ ngựa" – nói theo lối Nam Kỳ – của triều Minh, ứng cho một quẻ thực hay, để bà biết, ngày mai đây, trong cái giải double-évent, con ngựa nào được mà con ngựa nào không được. Ông chồng gác bút chì, ghé nhìn vào trang Kiều mà bà vợ vừa lật ra. Đôi tay trắng mịn run lên vì cảm động. Hai cái đầu xanh cúi https://thuviensach.vn xuống. Bà vợ đọc bằng một giọng du dương như đàn bà con gái hồi 1924 đọc văn "Khóc chồng": Áo xanh đổi lấy cà sa, Pháp danh đổi lại tên ra Trạc Tuyền. Người chồng gật đầu ra vẻ một nhà thông thái đương tìm một cái "ê-qua-xông" (équation), nhưng không nói gì. Bà vợ, quấn quyển Kiều lại cầm tay, đọc khẽ lại câu văn ban nãy: – Áo xanh... áo xanh... à, thôi tôi hiểu rồi. Ngày mai, double évent có bảy ngựa chạy trong số đó có Promesse mà tên cưỡi nó lại bận áo xanh. Còn "cà sa lại đổi tên ra Trạc Tuyền... Cà sa lại đổi"... Bà vợ tán: – Cà sa có lẽ là màu nâu. Dô-kề cưỡi con Brin d’amour vẫn mặc áo màu nâu. Thế thì, chắc đánh con Promesse "suya" (sur) con Brin d’amour tất được. – Tán Kiều ra thế thì xoàng quá. Theo tôi, cà sa là chỉ một vị tu hành. Vị tu hành thì đầu trọc. Vậy ta tìm một tên dô-kề nào đầu trọc mà đánh, tất thế nào cũng phải ăn. – Biết kiếm ra thế nào được anh đầu trọc? Dô-kề hết thảy đều húi rẽ hay chải phi-lu-dốp. – Cũng phải... Cà sa... Cà sa. À! phải! Tôi nghĩ ra rồi. – Ông Th. vỗ vào đùi kêu đét. Một tia chớp loé ra. – Cà sa, mợ ơi! Thôi đích là cái chuồng Casa... nova rồi. Tôi phải đánh con ngựa ở chuồng ấy là con Passion mấy được. Tán rộng, đã gọi là tán rộng, thì thế nào mà lại không nghĩa lý? Tôi không phải là một nhà viết báo chuyên bàn việc thế giới. Nên https://thuviensach.vn rất khâm phục hai vợ chồng ông Th. Nhưng tôi sẽ nói, tôi lại khâm phục một người hơn thế: cô Kiều. Vì lần ấy, cô Kiều nói đúng. Giải double évent, hai vợ chồng bà Th. đánh con Promesse (suya) Passion (4x5) được hai trăm tám mươi hai đồng sáu hào bốn xu. Ôi! mỉa mai của may rủi! Double évent, mà bói Kiều, tán ra được như thế, đã là điều hãn hữu. Cô Kiều, không ngờ lại là một kỳ tài, có phép nhiệm bằng mười thế nữa. Cô chỉ nói hai câu rất nhỏ, mà lại còn chỉ bảo được cho người ta đánh triple évent nữa ư? Đây này, câu chuyện. Ông P.Đ., chủ một xưởng gỗ lớn ở Hà thành, một hôm, thấy người ta bói Kiều, đánh được, cũng viết giấy mượn tôi một quyển truyện bất hủ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Cũng suỵt soạt, cũng khấn lục bộ cô Kiều với Mã Giám Sinh. Giai tay trái, gái tay phải. Này này, trông tôi giở: Sương in tuyết ngựa câu ròn, Cỏ pha màu áo, nhuộm non da trời. Một cuộc bàn tán của mấy tay sành sỏi trong nghề. Sương in tuyết? Đích là Boule de neige! Huống hồ, người cưỡi nó lại mặc áo màu xanh da trời. Nên họ nhất định lấy Boule de neige vây xuống tất cả những ngựa chạy giải tư, để đánh triple évent. Hôm sau trên trường đua, ông P.Đ. có bao nhiêu vốn liếng đem ra cúng cả vào cái triple évent. Nhưng hỏng ngay từ cuộc đầu, vì có lẽ cô Kiều hôm ấy không thiêng, nên con Boule de neige đã bị con Libellule hạ một cách đích đáng. Ông P.Đ. ví có muốn thắt cổ hôm đó cũng không còn tiền để mua lấy một cuộn dây thừng ba xu nữa. "Đúp" và "tờ-ríp" xong rồi, bây giờ đến "duy-mơ-lê". https://thuviensach.vn Người anh hùng, bói Kiều, lần này là một kẻ cũng theo đòi nghiên bút. Than ôi, tôi xin tự giới thiệu một cách rất ai oán: người ấy là tôi vậy. Hôm ấy, tôi tập dấn thân vào trong trận chiến tranh của may rủi. Muốn biết nghề, phải làm nghề, tôi theo đúng lời của người hiền, phải vậy không, các ngài? Vậy, trước khi lên chuồng đua, tôi cũng bắt chước những người đi trước. Thế là tự tri. Tôi cầm một quyển Kiều, sáng rõ tinh sương, nghĩa là bụng còn thanh khiết, ra giữa trời mà vái lạy hoàng thiên, rồi kính cẩn mở lấy một trang tay trái: Bốn bề bát ngát xa trông, Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia, Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. Tôi hút thuốc lào. Tôi bóp đầu nghĩ ngợi. Cô Kiều đã dốc hết cả bầu tâm sự mà nói chuyện với tôi đêm ấy. Thưa các ngài, cô Kiều là một gái nói ra có lắm ý tứ thâm trầm. Tôi nghĩ... Tôi hút thuốc lào!... Tôi lại nghĩ!... Có phải: Cát vàng là con Pompéi của chuồng Nguyễn Huy Hợi, jockey mặc áo màu vàng, mà bụi hồng là con Wanda, ở chuồng Casabianca, người cưỡi mặc áo đỏ? Vậy nhất định cái jumelé ngày mai sẽ nghĩa là: Cát vàng x Bụi hồng Pompéi x Wanda Wanda hồi ấy nhất đàn ngựa hạng B. Mà con Pompéi chưa có tiếng như bây giờ. Tôi đoán thiên hạ sẽ đổ xô nhau mà đánh Wanda x Pompéi. Nhưng đối với tôi thì phải hết nhé! Đời nào tôi dại. Mai https://thuviensach.vn tôi sẽ đánh: Pompéi x Wanda. Nhất là Pompéi lại đeo số 1. Nửa tình, nửa cảnh... hai nửa chẳng là một, là gì? Ấy thế!... Chỉ cần ngược một chút, nếu con ngựa mà người ta tưởng chỉ có thể về được nhì mà rồi nó về được nhất, thì phải biết!...19 Tôi khôn thực. Câu ấy quả là câu sấm. Giải jumelé kết cục: Pompéi sur Wanda đúng như nhời tôi đoán. Tôi ăn một cách rất nhũn nhặn: một trăm hai mươi đồng. Thưa cụ Nguyễn Du là người đã sáng chế ra cô Kiều! Cụ thực là ông Trạng Trình thứ hai, có cái tài biết trước rằng hôm ấy, giờ ấy, giải ấy có những con ngựa ấy chạy. Cụ làm bốn câu văn kia không phải là để làm một cái quốc hồn quốc tuý như ông Phạm Quỳnh đã nói. Tôi bảo cụ chỉ là một tơợc phít. Ngày xưa cụ làm Truyện Kiều thì ra chỉ cốt để bàn về đua ngựa, như mấy tờ báo hàng ngày năm trước. Xin cụ nhận cái bắt tay cảm tạ của một bạn đồng nghiệp về "cá ngựa" là tôi! Lại một cái ví dụ nữa. Cụ Bảng B. là một người đánh xóc đĩa ngồi đã mòn không biết bao nhiêu là chiếu của con nhà người ta. Lên trường đua hôm ấy, cụ thấy cái pari jumelé trước (nhất nhì) là 3x4, chẳng hay cụ lẩm nhẩm nói với mình những thứ tiếng lăng nhăng gì không biết, cụ hích vào mạng mỡ một ông bạn già: – Bác cứ đánh cho tôi. Thể nào cũng được. Rồi cụ Bảng và ông bạn chung nhau tiền mà lại đánh vào 3x4 nữa. Ấy thế mà được thật. Chết chưa? Cụ bảo là nước bạc rền20 đấy! Ngờ nghệch, lắm khi lại ăn người. https://thuviensach.vn Ở Quần Ngựa, tôi đã thấy, như ở giữa cuộc đời, những anh khôn quá lại thành ra hỏng bét. Chữ tài liền với chữ tai. Ở đây, tôi lại bái phục cụ Nguyễn Du thêm một lần. Các ngài muốn hỏi vặn tôi chăng? Này, nghe tôi kể: Chủ nhật ấy, chuông đồng hồ chưa đánh hai giờ, đường Thuỵ Khuê và Bách Thú đã tấp nập những ô-tô và xe kéo. Vẩn vơ ở trong vườn ông Bảy, một người đàn bà tay mang một cái hộp Nhật Bản xinh xinh và một cái ô hoa đào, đi đi lại lại ở chung quanh hồ để hết xem chuồng khỉ lại sang xem chuồng nhím. – Họ đi đâu mà đông thế, hở ông? – Họ đi đánh cá ngựa, thưa bà. Vừa ở tỉnh lạ về Hà, hai chữ "cá ngựa" như gợi trí tò mò bà khách lạ. Bà theo con đường dốc Thuỵ đi lên. Ồ! đẹp! Ồ! đông! Ồ! lạ! Một đồng. Ông cho cái vé. Bà khách lạ vào chơi quần ngựa. Thấy mọi người đi lại ghi-sê mua vé, bà cũng lảng vảng lại xem. Rồi, thưa các ngài, trong mình người ta, dù đàn bà hay đàn ông, ai cũng có một con lợn ngủ. Con lợn ấy bỗng thức dậy; bà khách lạ giở hào bao ra lấy tiền mua vé. Vừa may, cuộc đua ấy có bán cả vé pari jumelé. Bà mua văng ngay con số một sẽ nhất, mà con số hai sẽ nhì. Chơi hú hoạ đó thôi! Đã chết ai chưa nào? Không chết ai thực. Vì, hôm đó, con Picador (số 1) lại bắt đầu sung sức mà con Passe Partout (số 2) vừa mới trội lên. Thành thử con số 1 về nhất mà con số 2 về nhì thật! Cả làng đánh con Quadrant của chuồng Nguyễn Huy Hợi và con Peiping của chuồng Hợp Ký. Hai con này về ba, tư. Thành ra bà https://thuviensach.vn khách lạ xơi ngon ơ hơn nghìn đồng. Hôm sau tôi hỏi thăm ra thì bà khách lạ này vốn ở Lao Kay về Hà Nội lần thứ nhất. Mà cũng đánh cá ngựa lần thứ nhất. Từ đó nhẫn nay21, đường xa thẳm như buộc chân bà khách lạ, trường đua vắng hẳn bóng tri âm, bạn đánh cá nhìn đã mòn con mắt, nhưng cùng với nghìn bạc kia, bà khách nọ của ta: Một đi từ biệt trường đua, Có về đâu nữa, đất Hà từ đây! III. Nausicca, mày giết chết cha tao nhé! Năm 1932, hồi ấy, làm phóng viên cho một tờ báo hàng ngày, tôi xin thú thực là chưa để chân lên Quần Ngựa. Hàng tuần, cứ đến chiều thứ bảy thì một phong thư ở hội đua lại gửi đến tận tay tôi. Uể oải giở ra, lần nào tôi cũng thấy hai tờ giấy đánh máy: một tờ nói rõ về những giải ngày mai, còn tờ thứ hai thì là lời bàn con nào sẽ được nhất ở cuộc Gargantua hay con nào sẽ hỏng ở cuộc đua Desportes... Bức thứ hai thường ký tên là Dô-kề. Nhưng sự thực là của hội đua ngựa viết. Viết ra để gợi cái tính tò mò của các người đọc báo, nghĩa là làm quảng cáo cho hội đua. Các báo hàng ngày, hồi ấy, thôi tha hồ mà đăng vào trang ba và trang tư, ấy là chưa kể báo Đông Pháp có bữa lại đăng lên trang nhì là khác. Mới biết các ông chủ báo hàng ngày ở nước này khinh lợi thực! Đăng quảng cáo cho trường đua mà không cần lấy một đồng xu nhỏ! Nhưng chính lúc quảng cáo nhiều như thế, hội đua ngựa lại vắng khách đến chơi. Hồi ấy, dân mình chưa ham cái thú chơi ngựa, và chưa chịu vứt tiền đi lắm, tuy rằng các báo hàng ngày https://thuviensach.vn quảng cáo hoài một cách vô tình cho hội cá ngựa. Xảy ra một vụ đánh bạc ầm lên ở Hà thành. Trường đua mở một cuộc xổ số Cash-swep. Một đồng một vé, giải độc đắc ăn 400\$, ai muốn chơi thì chơi! Mọi người xô nhau đánh. Vì người mình thua kém gì thì thua kém, chứ đánh bạc thì quyết chẳng kém mũi nào. Thú vị nhất là người nào mua vé Cash-swep lại có quyền vào cửa không phải trả tiền, hôm xổ số ở trường đua! Bà Liên ở sau hội chợ là một người trong những người đó. Thần tài, trong một tháng ấy, đã gõ cửa vào nhà những hai lần. Lần thứ nhất vào dịp mở số Tombola. Bà Liên trúng số độc đắc, được một cái ô-tô hơn hai nghìn. Là một người làm ăn buôn bán cần cù chẳng cần đến ô-tô làm gì cả, bà muốn bán lại. Nhưng trước khi để lại, chẳng nhẽ lại không biết mùi cái ô-tô của mình hay sao? Bà hãy vặn22 đi chơi cái đã. Hôm ấy mở số Cash swep. Bà lên chơi Quần Ngựa để cho biết trường đua và nhân thể để xem cái vé của mình mua có cái nào trúng không. Trường đua! trường đua! Hồi ấy trường đua chưa đông khách như bây giờ. Nhưng nói thế không phải là để nói rằng chưa có những công tử, tiểu thư lên đó để thả tình thi tứ. Này là một cậu có cái áo smoking, khoe khoang cái quần rayé, này là một cô mặc áo kiểu hoa khế hoa sen khoe những nét lồi lõm ưa nhìn trong thân thể. Đối với bọn này, trường đua là một chỗ "trưng xướng". Nhưng không ai cấm họ, mỗi lúc ngựa về, cũng la cũng hét, cũng cười rộ, cũng tiu nghỉu buồn rầu như đi đưa đám tình nhân. Làm như thể mình là tay chơi sành sỏi lắm. Bà Liên khác thế. Bà cần sự hồi hộp ở trường đua như anh và tôi. Không đến thì thôi, chứ đã đến thì phải chơi! Nhưng biết chơi ra thế nào? Bà ta bèn hỏi một người đứng cạnh. Cái ông bạn nhất thời kia lại tưởng bà hỏi đánh double vào cuộc đua nào. Ông ta bèn trả lời gọn là kỳ 4 và kỳ 5. Bà Liên nghe nhầm là nên đánh con số 4 và https://thuviensach.vn con số 5, liền vào ghi-sê mua luôn vé 4x5. Ngờ đâu con 5 ở cuối thứ năm hôm đó là con Nausicca, đã lâu chỉ bì bà bì bạch lạch đà lạch đạch (như ông đốc tờ Chương) và về bét hoài; hôm ấy, sắp chạy, trời lại đổ mưa rào. Nausicca vốn là một con ngựa già, chịu được mưa gió, nên cứ thế là phóng một mạch về... trúng cử nghị viên – tôi muốn nói là con Nausicca về nhất. Tiếng hò! Tiếng hét! Tiếng than phiền! Tất cả trường đua, từ tribune đến pelouse__23 đều thua cuộc. Vì dù rằng có nhiều người cá trúng cuối trên là con 4, nhưng cuối sau thì ai ai cũng chọn con 3, con 2, con 6, thành thử cuộc double évent hôm đó chỉ có một mình bà Liên được cuộc. Hồi ấy hãy còn ít người chơi. Nếu phải bây giờ, cái double évent ấy, phải ăn đến hai nghìn đồng là ít. Bà Liên chỉ ăn có hơn bốn trăm đồng. Nhưng vào hồi ấy, thế đã là một cái "cá" ăn to, nên tất cả trường đua đều lác mắt trông bà Liên mang số bạc khá đồ sộ kia lên ô-tô về. Trong khi ấy, bọn công tử và tiểu thư ở tribune23 bấm chí nhau mà nhìn một cách thèm thuồng, có kẻ lại chán nản giơ hai tay lên trời mà kêu: "Nausicca! mày giết chết cha tao nhé!" và có anh tiếc của nằm lăn ra bãi cỏ, như muốn ăn vạ với hội đua. Từ đó, lòng tham của các khách chơi sôi nổi như nước triều hôm. Già trẻ lớn bé xô nhau đến đánh cá, những tưởng kiếm bạc ngàn, nhưng đời người dễ mỗi lúc người ta được may mắn như bà Liên và bà lái ở Lao Kay về Hà Nội? Các báo hàng ngày được tin, nay một người thụt két, mai một người tự tử, mỗi ngày một tỉnh ngộ dần ra, và không làm quảng cáo cho hội đua ngựa nữa. Nhưng hơi muộn. IV. Mẹ ơi, con hết vốn rồi. Con ơi, mẹ cũng đến ngồi nhà pha https://thuviensach.vn 1932-1938. Sáu năm trời, bao nhiêu cuộc đổi thay ở trên trường đua ngựa. Và bao nhiêu người đánh cá méo môi sò, vì bị thua cay. Này là một ông bán ba cái nhà ở Cột Cờ vì những con Raspoutine với Solitaire; này là một bà xơi đã lắm con Rayon d’Espoir, nhưng ăn hết lương chồng và cơm con, vì đã ngộ tưởng con Velleda II to lớn và mịn lông tất phải khoẻ dai và có nước rút lớn. Sự tưởng tượng giết người! Cô ơi, cô tưởng cứ con ngựa nào dài đuôi mà đánh cá, thì cô sẽ dễ chịu ư? Không! Nghề chơi cũng lắm công phu, cô ạ. Mà sở dĩ nhiều người bị thân tàn ma dại vì cá ngựa cũng chỉ vì lấy trường đua làm một cái sòng bạc to được phép mở công nhiên, ấy là chưa kể Nhà nước lại còn đắp điếm, bù trì cho là khác. Họ thua là tự họ. Nhà nước và hội đua mở ra cái thú chơi này, có bắt họ đến chơi đâu? Mà đã nói đến Hội đua và Nhà nước, tôi đố ai tìm được một lẽ cỏn con gì để phàn nàn được đấy! Bút tôi như muốn ngừng. Đã cho Quần Ngựa là một sòng bạc lớn, những người đánh cá tất phải tin ở đỏ đen. Tôi đã biết những người bói Kiều. Tôi đã biết những người đi lễ các đền chùa để cầu may. Tôi đã biết những bà cụ "ăn chay nằm mộng". Hôm nay, tôi xin dắt các ngài đến chơi một người bạn tiêu biểu cho một hạng đàn ông tin đen đỏ ở trên trường đua ngựa. Một căn nhà vào hạng trung lưu. Đấy, các ngài xem, chủ nhân của nó là một ông tham Công chính, có cái vẻ gì là vẻ Đình Dù đâu.24 Vậy mà, xin nói ngay là ông đó tin dị đoan lắm nhé! Hai kỳ trước đây ông ấy mượn két25 của sở một số tiền nhũn nhặn là 150 đồng để lên gỡ gạc. Thua cay! Mà tiền thì cuối tháng này phải trả. Các ngài có biết ông ta làm thế nào không? Thưa các ngài, ông ấy về bắt vợ mặc áo tân thời cẩn thận, đánh phấn vào, bắt đi... Xin đừng có những ý nghĩ bi quan mà tưởng là ông bắt vợ ông đi... khách. Việc ấy có thể được lắm, nhưng đâu đã vội đến thế. https://thuviensach.vn Ông Tham tôi chỉ bắt vợ đi lên quần ngựa (không nói bóng)26 mà thôi. Để đánh. Mà không đánh không được. Vì ông tin rằng thần tài hay đãi kẻ khù khờ, và đàn bà sẽ có may hơn. Đàn bà chẳng may hơn tí gì cả. Nhưng ông Tham của chúng ta không thế. Gọt cho trọc đầu ông đi, ông Tham vẫn cứ tin ở dị đoan, nên tuần sau ông lại cho con đi. Một cô con gái mới 12 tuổi, sự đời chưa biết mà vô tình đã bị bố vỡ lòng cho biết những bài học hay... về ngựa. Cho mới biết những sách giáo khoa của nha học chính dạy con trẻ chớ nên đánh bạc, lắm khi vô dụng lạ. Nhưng ông Tham không nản, tuy cô con gái của ông đánh cũng thua. Làm sao bây giờ? Con thua mà vợ cũng thua? Thì về nhà mời bà mẹ đi bói cho một quẻ cầu tài. Rồi mời mẹ đi gỡ cho một buổi. Thần phật chắc hẳn sẽ độ cho các cụ già vì các cụ ra vào cửa phật luôn. Và nhất là bởi các cụ già... chay tịnh! Có ai đã trông thấy những ngày chủ nhật, trên những chuyến xe điện đi lên Bưởi, một bà cụ già, cái khăn vải đỏ cầm tay, ngồi nói chuyện hết về con Risque-Tout lại đến con Gigolette? Các cụ ấy đi đánh cá ngựa. Mà đánh cá máu mê như bọn trẻ. Có khi hơn! Tôi đã thấy những cụ già, chỉ còn đợi đông đủ con cháu là yên lòng nhắm mắt đi về với tổ tiên, mà trên quần ngựa, cũng lê đôi guốc lộc cộc, sổ cái ruột tượng màu xanh, rồi giơ cái bàn tay gân guốc ra vốc từng vốc hào để chung với các bà, các mợ, đáng tuổi cháu dâu và chắt dâu mình. Các cụ ấy, như ngọn lửa lòng hãy còn bùng bùng cháy mạnh, nói chuyện cá ngựa rất sốt sắng, nào con số 1 nào con số 3, và cũng biết những thành tích của con Quaker hay về đường ngắn mà khô, con Limier có nước rút rất tài, nhưng phải cái tội chỉ hay về đường lội. Tôi đã trông thấy ở quần ngựa những bộ áo nâu bạc vai, cái quần vải láng ống thấp ống cao, những đôi guốc long sơn, https://thuviensach.vn những cái ruột tượng bạc màu của các cụ sắp về cõi thọ. Còn gì đau đớn cho bằng những con mắt trẻ lại phải nhìn thấy những vẻ mặt phờ phạc, lo buồn, những cái trán mồ hôi tuôn xối làm bệt những mớ tóc trắng như sương tuyết. Các cậu bé cô bé đứng ở đầu này của cuộc đời, mỗi khi mách nước không trúng bị bố mẹ mắng cho tàn tệ: Chỉ được cái bẻm mép! Chỉ được cái láo thì không ai bằng! Tin miệng trẻ ranh có ngày chết! Thành ra những lúc đánh thua, bị bố mẹ mắng, cái cô bé cậu bé ấy tiu nghỉu, cũng cần phải chửi rủa lầm bầm, nài nọ kìm cương, hay nài khác gian, "chỉ được cái nghề bán giải". Như vậy, chưa chán. Ở quần ngựa, chán hơn hết là các bà các cô bị thua, phờ phạc mặt mày, phấn rơi ra từng mảng, cái quần mỏng mảnh ví có rách cũng không đủ tinh thần để biết. Mê ngựa! Người ta đã thấy nhiều người đi làm "người ngựa" để lấy tiền gỡ gạc ở trường đua. Bọn này mê ngựa hơn mê chồng và mê trai. Trong óc, họ ghi đủ những đức tính khoẻ và dai của ngựa. Nhưng không ghi những đức tính ấy của chồng. Tôi nghi rằng các bà các cô ấy cũng như "anh tài tử chơi chim" của La Bruyère,27 nghĩ ngợi về ngựa nhiều quá, đêm nằm cũng thấy mình hoá ra ngựa cả! Thành thử chỉ khó nhọc các ông chồng có những bà vợ mê ngựa và mê cá ngựa. Tôi xin thề rằng nếu tôi có vợ như thế thì tôi... đã chết từ bao giờ rồi. Vì chỉ những lời nheo nhéo bên tai, trong khoảng đêm trường, bàn về... ngựa cũng đủ làm cho tôi hết ngủ. Và, cứ như thế mãi, thân tôi rồi đến như con nhái bén. Còn gì? V. Con chó mực, người đàn ông và miếng thịt https://thuviensach.vn Hôm nay, tôi xin kể cho độc giả nghe một câu chuyện về cá ngựa vừa làm sôi nổi dư luận các bà tham, bà đốc và các bà vợ tây ở Hà thành, chuyện mợ Xa. Bà con phố Hàng Bát lấy làm lạ về chuyện mợ Xa rục rịch dọn về Thanh Hoá ít lâu nay, chủ nhật trước lại đổi ý kiến, lấy một người tây lai bán máy. Chuyện như sau này. Mợ Xa là một gái con nhà thế phiệt nhưng vì dại trai nên gặp phải bước lỡ lầm. Mợ hút thuốc lá, mợ nhảy đầm, cuộc đời lên ngựa xuống xe làm cho mợ đã quá một lần gặp quá một ông nhân ngãi. Đến ông đốc Xa là người tình thứ năm, mợ tìm được chốn yên thân, mợ nhất định "cai" hết cả các thứ chơi để làm một người vợ biết bổn phận, một người vợ tốt, một người vợ trong khuôn mẫu. Một người vợ lẽ. Vì ông đốc Xa đã có vợ cả ở Thanh. Mợ tuy là lẽ mọn, nhưng sống với chồng một cuộc đời đầy đủ trong ba năm trời với ông đốc ở giữa Hà thành văn vật. Mà ở trong Thanh thì bà vợ cả ông đốc và thân phụ ông Đốc là cụ Kiểm Hai vẫn không hay chuyện gì. Bỗng mấy tháng nay, ông đốc Xa nhận được hết thư này thư khác của "ông via" gửi tới. Thôi! Thúc ông đã biết việc này rồi, Sinh và Kiều phen này, nếu không đến nỗi phải cúi đầu trước cửa công, thì ít ra cũng nhừ đòn một chuyến và nhạn nam én bắc chớ không còn mong gì sum họp nữa. Không đâu. Việc chưa đến nỗi nào. Thúc ông tân thời, không biết nghe ai hót chuyện đã biết cả chuyện trăng gió của con. Nhưng ông kín chuyện lắm. Ông viết thư khuyên con "không nên say đắm nguyệt hoa" và ngỏ ý nếu chuyện "lấy con hai đã ăn sâu quá lắm rồi thì cũng nên lấy người ta, tội nghiệp!" Nhưng vợ chồng mới lấy nhau chớ nên vì mê nhau quá mà hao phí nhiều tiền. Ông già kia lại nghĩ thương con dâu cả của mình, bèn ngỏ ý với con trai nên https://thuviensach.vn thu xếp cho mợ hai về ở Thanh mấy tháng để mợ cả ra ngoài Hà Nội rồi cứ "cắt tua" nhau như thế, mỗi người ở vài tháng hầu hạ đức ông chồng bác sĩ. Hôm nay, bác sĩ về kể hết cả đầu đuôi với vợ hai. Khóc lóc, nũng nịu, ôm ấp. Sau hết, mợ hai cũng nghe lời. Và hứa trong năm hôm nữa, mợ sẽ thu xếp xong để về Thanh với Thúc ông để cho người vợ cả ra thu xếp! Mợ hai phải thu xếp thật. Vì mợ ở riêng, không phải ở chung với chồng. Cái lối đàn bà nửa ra nhân ngãi, nửa ra gái "a-bon-nê"28 mà lại! Bàn ghế mợ bán. Tủ áo mợ bán. Xe nhà mợ bán. Con chó Nhật yêu của mợ, Lily, mợ cũng bán nốt lấy 30 đồng, thành ra lúc rũ tay mợ có một cái vốn hơn ba trăm, những mong về Thanh Hoá thì đem ra buôn bán hay làm ăn gì đó. Thì câu chuyện cá ngựa tự nhiên ở đâu đến làm tan nát cuộc đời của mợ. Mợ Hai vốn là một người rất ghét cờ bạc. Từ bé, có lẽ mợ không ngồi đến bàn bạc bao giờ. Trên trường đua cũng vậy, mợ không hề biết ngựa chạy ra thế nào, giải ăn như thế nào. Ấy thế mà mợ hỏng cả cuộc đời vì cá ngựa. Mà nguyên do chỉ tại một giấc mê vô nghĩa. Mợ Hai từ trước đến nay rất tin mộng. Mà mộng, từ trước đến nay, bao giờ cũng có một con chó mực làm chủ động. Con chó mực cắn người, ở trong nhà có người ốm; con chó mực gãy răng, trong nhà có người chết; con chó mực nhảy lên vui mừng, trong nhà có việc mừng. Mợ nghiệm đúng lắm. Lần này, có ba trăm bạc trong tay, mợ cũng nằm mộng thấy con chó mực. Mợ thấy như thế này: Mợ đến một chốn ồn ào những tiếng người cười nói. Con chó mực ở đâu tiến lại với một người đàn ông đã già. Người đàn ông ấy rút ở bọc ra một miếng thịt nướng thơm lừng giơ ra cho con mực ăn xong lại lấy miếng khác https://thuviensach.vn đưa cho ăn và cứ như thế mãi. Mà con mực ăn nhưng vẫn không tỏ vẻ vui mừng, ngoe nguẩy cái đuôi một lúc nào. Giấc mộng ấy làm mợ Hai băn khoăn đến sáng. Mợ đoán nhiều lắm. Sáng hôm sau, một cô bạn đến chơi, cầm một chương trình cá ngựa, mợ lấy xem, và, có trời hiểu mợ đã đoán giấc mộng làm sao, chiều chủ nhật ấy mợ lên trường đấu mã. Đánh. Đánh lần đầu. Và không biết đánh cá thế nào, mợ cứ hỏi những bạn quen và thấy họ bảo sao thì đánh thế. Và mợ thua. Thua ngót 50 đồng, mợ tái mặt đâm lo, gỡ gạc đến sáu giờ chiều thì món tiền ba trăm nọ chỉ còn trơ 80 đồng. Ngày xưa, trong những cuộc chơi đố chữ, những giấc mộng hoang đường đã làm hại nhiều người. Bây giờ, có bao nhiêu người cũng đã chết vì những giấc mộng, ở trên trường đấu mã? Tôi đã biết nhiều người như thế! Nhưng không vụ nào làm cho tôi cười thầm bằng vụ mợ đốc Xa. Thì ra mợ đốc Xa đoán giấc mộng của mợ như thế này: người đàn ông kia là ông chủ quần ngựa, con chó kia là... mợ, mợ đương sống cuộc đời bình tĩnh thì tự nhiên có người đem thịt đến nhử miệng mèo – à, miệng chó, – mời ăn. Thì tội gì chẳng ăn, – mợ nghĩ. Mợ nghĩ thế là lầm. Con chó kia, sau khi thua cá ngựa, đã mở mắt mợ, – tiếc thay, hơi muộn. Mợ không phải là con chó. Mợ là người đàn ông trong giấc mộng, có thịt, tự nhiên đem đến mời chó xơi. Mà con chó, thì tôi không phải dài lời nói. Mợ Hai hôm ấy buồn tha thiết. Mợ về nhà, gặp chồng, không nói gì. Mợ không dám về Thanh nữa. Và người đàn bà định hoàn lương đó, ngày lại ngày, thành ra bị sa ngã, và một đêm trăng đẹp, người ta thấy đi chơi bước một với một người cai tây. https://thuviensach.vn Đó là một chuyện khác. Bây giờ, người ta chỉ biết mợ Hai không lên cá ngựa lần nào nữa. Mợ lấy chồng tây rất sung sướng, nhưng mợ buồn, lúc nào cũng buồn bã ủ ê như thương tiếc một giấc mộng vui tươi đã vỡ. Tôi cũng buồn. Chẳng muốn viết tiếp thêm thiên phóng sự này làm chi. VŨ BẰNG Dư luận, Hà Nội, 27.6.1938; 4.7.1938; 11.7.1938; 25.7.1938; 1.8.1938; 22.8.1938; 26.9.1938. https://thuviensach.vn Không đó thì đây Dưới đề mục này, thường đặt ở đầu các số Trung Bắc tân văn chủ nhật trong năm 1940, Vũ Bằng viết dưới bút danh Tiêu Liêu, đề cập đến các chuyện thời sự trong tuần trước. Các kỳ đăng tập hợp được, tôi xếp chung thành một bài lớn, nhưng có ghi xuất xứ của từng kỳ đăng báo. (Chú thích của người sưu tầm) Thứ hai Vì lúc này nước Pháp không thể cung cấp hộ như trước nữa, nên Đông Dương phải chịu lấy món tiền về hải lục không quân, mà riêng xứ Nam Kỳ phải trả 2 triệu 200 nghìn đồng về việc đó. Số tiền đó, kiếm đâu ra? Báo Effort bàn nên đánh thuế những anh chàng nhiều vợ. Hay! Nhưng sao lại bất công như thế, chỉ đánh những anh nhiều vợ mà thôi? Tôi tưởng ta nên bàn với Chính phủ ở đây đánh thuế cả những ả nhiều chồng, và nếu cần thì đánh thuế cả những anh chàng chị chàng đã lớn tuổi mà không có vợ có chồng nào cả. Những hạng sau này là hạng "trốn nợ" không muốn đẻ con giúp nước. Còn hạng đàn ông nhiều vợ, tôi tưởng không những đáng thưởng mà thôi, trái lại, lại còn nên khuyến khích là khác nữa. Vả lại, nhiều vợ, cái kiếp anh đàn ông đã khổ lắm lắm rồi, bây giờ lại đánh thuế nữa thì tội nghiệp cho họ quá! Thứ ba và Thứ Tư https://thuviensach.vn Ở Biên Hoà, Nguyễn Văn Xòn 57 tuổi, mù cả hai mắt, có một người vợ trẻ mê một chú tên là Xuông. Một hôm, Xòn đi chơi về nghe thấy tiếng Xuông với tiếng vợ mình ở trong phòng, Xòn giận quá, xông vào phòng và tóm được cả đôi gian phu dâm phụ, đâm vào hông và bụng bị thương khá nặng. Mù cả hai mắt mà tóm được cả gian phu dâm phụ, Nguyễn Văn Xòn thực là tài. Mà xem như thế thì lắm khi có con mắt cũng chẳng làm gì cả... Xem như chuyện anh thầy bói sáng ở Ninh Bình mới đây thì biết. Lý Đ. ở phố Phúc Sơn đương bị bệnh tình day dứt một hôm tìm đến một ông lốc cốc (chết) tử chết tiệt để xem. Ông này sáng cả đôi mắt hùng hồn phán cho con bệnh biết rằng ông ta bị ma Mường làm, nếu không chữa ngay lập tức thì còn ba hôm nữa chết. Lý Đ. không nhịn được cười và cũng không nhịn được tức, sẵn gậy của thầy bói đấy, bèn giả vờ như bị ma Mường làm thực, đánh đá lung tung và hơn nữa, cứ đầu thầy bói mà phang lia lịa. Sau thấy có một cuốn sách chữ Hán để đó, Lý Đ. bắt anh thầy bói sáng kia phải đọc mấy chữ để xem thì té ra là... Thưa các ngài, anh thầy bói sáng ấy cúi xuống lạy con bệnh và thú thực rằng mình chỉ là một anh... hàng phở thất học từ năm lên một! Anh thầy bói sáng nọ, thoát nạn phen này, làm gì mà chẳng muốn chọc đôi con mắt cho đui để nói và làm "bách phát bách trúng" như Nguyễn Văn Xòn trong Biên Hoà. Thứ Năm và Thứ Sáu Hôm 22, hai quan viên là B. và T. cao hứng vào chơi nhà đào H. ở Bắc Giang và hát xong định đánh bài "tẩu mã" nhưng không được, hai vị quan viên nọ bị cô đầu xé rách áo tan tành và đành phải cởi https://thuviensach.vn trần trùng trục như Hứa Chử và mang một mối hận thiên thu ra về. Bị cô đầu đánh rồi lại bị cô đầu lột áo quần, cái nghề quan viên ở đất này rõ là bị coi thường và bị "bóc lột" quá, còn chờ gì mà không họp nhau lại thành ái hữu để "củng cố" cô đầu và đối phó lại với họ những khi bị "lột"? Thứ Bảy Cụ Lê Chúc, quán làng Phúc Lộc thuộc phủ Diễn Châu ở Nghệ An nhờ trời phù hộ đã được 50 tuổi, nhưng vẫn chưa có cậu con trai nào để nối dõi sau này. "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", ông bèn bàn với cụ bà lấy một ả hầu non đấm bóp, nhưng chết một cái cụ bà lại hay ghen, thành thử hợp ước vẫn chưa bao giờ ký cả. Tức mình, cụ Lê Chúc bèn đi ăn thịt chó cho hả giận và ở cửa hàng thịt chó, cụ gặp một cô hàng rượu thật ngon, – ngon cả người và ngon cả rượu. Cụ bèn dùng lối đại tấn công chớp loáng tán luôn và chỉ ít câu sau, ở một cái "nô-pốt" kia, cụ và cô đã chung sống một cuộc đời tươi đẹp và phóm phém. Bất ngờ cụ bà biết. Và rình đúng lúc cụ ông say đương ngâm câu: "Còn giời, còn nước, còn non, Còn cô bán rượu, anh còn say sưa", thì bà cụ xông vào hét lên ba tiếng và xé quần xé áo cụ ông trần ra như nhộng. Vừa giận, vừa xấu, cụ Lê Chúc về nhà nhất định bắt chước luôn những anh quá khích hồi trước ở các nước, tuyệt thực để phản đối chánh phủ, – cái chánh phủ "ma phăm".1 Ba ngày liền cụ không ăn gì cả mà chánh phủ vẫn không chịu nhượng bộ, cụ Lê Chúc tức quá bèn lên gác ba từng thiết lễ cúng tổ đường và cha mẹ xong, quẳng bát hương thờ tổ xuống gác và treo cổ lên xà nhà tự tử. Tự tử? Thế mới rắc rối to. Muốn tránh tội bất hiếu, nên bàn với vợ lấy vợ lẽ cho mình có con. Ông già Chúc đã chẳng có con thì https://thuviensach.vn chớ lại chết quách nữa, thành ra bất hiếu một lần không muốn lại muốn bất hiếu hai lần. Và biết đâu đấy? chẳng bất hiếu ba lần, bất hiếu bốn lần, vì ông ta để những hai vợ ở lại trên trần thế... bồ côi bồ cút. Chỉ nên lấy làm lạ sao ông già kia lại vớ vẩn đập bát hương thờ tổ trước khi treo cổ lên xà nhà? Người ta nghi rằng ông già Chúc không biết câu hát "Gái kia chồng chẳng nằm cùng; Tức giận đùng đùng ném... chó xuống ao", nên mới làm một cái cử chỉ... bất hiếu thứ năm như thế! Nghĩ mà buồn! TIÊU LIÊU Trung Bắc tân văn chủ nhật, Hà Nội, số 30 (22.9.1940) Thứ hai Vừa rồi quan Thống sứ Bắc Kỳ vừa gửi một tờ thông tư nhờ các quan đầu tỉnh để ý đến lối dùng chữ đề biển của các nhà trồng răng. Theo điều nhận thấy của ngài thì một số nhà trồng răng Khách và ta, muốn quảng cáo cho cửa hàng của họ, đã dùng những chữ to quá, – như chữ nha y sĩ (chirugien dentiste) chẳng hạn – để cốt bịp bọn người. Quảng cáo như vậy là nói phét. Quảng cáo như vậy là lạm dụng. Không thể được nữa, cái lối quảng cáo đó phải trừ cho tiệt hết đi. Thứ ba Thấy tờ thông tư như thế, nhiều người lấy làm lo cho những ông lang băm lang bổ ở đây, không giỏi chữa bệnh, nhưng giỏi làm những quảng cáo dùng toàn những chữ "đao to, búa lớn". Tuy vậy, ta phải nhận rằng cái lối quảng cáo đó, các ông lang ta độ này đã thấy đỡ rồi, nhưng một hạng người nói phét mới đây lại https://thuviensach.vn hiện ra và làm cho người ta khổ vì những thứ quảng cáo kêu vang như sấm nổ (hay một chữ cũng na ná thế). Đó là những ông văn sĩ của những nhà xuất bản "ma chơi" tự mình viết những quảng cáo ca tụng mình. Mà những quảng cáo đó như thế nào? – Đây là một tác phẩm mà dịch giả, ông Mỗ, đã không cầm được nước mắt khi chữa lại épreuves.2 – Đây là một cuốn truyện mà chính tác giả, ông Mỗ cũng phải nhận là hay nhất trong những tác phẩm mình đã viết... – Cuốn văn mà ông Mỗ dịch đây là một cuốn tiểu thuyết mà chính ông Mỗ đã phải nhận là hay nhất... ... Tuồng như là ông Mỗ dùng để làm unité3 đo sự hay dở của văn chương nước khác y như lúc nhỏ ta đã học: "Le litre est l’unité des mesures de capacité"4 vậy. Thứ tư Nghề văn bằng quảng cáo hay ho được đến thế, ta cũng nên lấy làm mừng. Duy chỉ có những ông bán dầu "cù là" trên xe lửa phen này thật là tha hồ mà lo, – lo có một bọn người trong xã hội xưa nay vẫn có tiếng là có ăn học ra tranh mất cái nghề: "Dầu cù là... nào! Trong uống ngoài xoa, mua một biếu một, các người chớ có bỏ lỡ một dịp may hiếm có!" Thứ năm Xã Cự Linh, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh vừa xảy ra một chuyện thầy dạy võ vụt một gậy vào đầu Nguyễn Xuân Tảo tức thì người trò ấy trở vào nhà thương được ba ngày thì chết. Nhiều người đọc kiếm hiệp nghe thấy tin này đều lấy làm hồi hộp và đã đi hỏi dò cho kỳ được cái tên thầy võ kia đã đánh cái https://thuviensach.vn miếng gì mà hay thế, hay hơn cái miếng "kim kê sao nguyệt hoãn" ở trong truyện kiếm hiệp và võ hiệp vẫn đăng trên các báo hàng tuần và hàng ngày nữa. Thứ sáu Nói đến chuyện võ hiệp và kiếm hiệp tung phép lên trời và thả ra những cái hồ lô biết bay, ta không thể quên nói đến tàu bay Nhật ở quân đội Quảng Đông hôm 23 đây, bay lượn ở trên đất Bắc Kỳ. Các máy bay ấy không định bay đến địa phận Hà Nội. Còi báo động kéo lên hai bận gần như liên tiếp nhau. Bận thứ nhất từ 12 giờ 15 đến 12 giờ 47 phút; bận thứ hai từ 12 giờ 55 đến 2 giờ kém 15 mới lại có còi báo hết. Thành phố Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Giang, Hà Đông, Bắc Ninh đều có báo động và nhốn nháo cả lên. Mọi nhà đều đóng cửa. Nhưng có một điều rất đáng phàn nàn là ở Hà Nội và các tỉnh khác một số đông đàn bà con trẻ và cả đàn ông nữa, không biết trọng trật tự, cứ đứng nghễu nghện ra giữa đường mà cười nói om sòm, có ông lại nghếch mũi lên trời để xem "Dựt-pổn phi ký" là khác nữa. Họ không sợ? Họ không sợ mất mũi của họ, cái đó đã đành rồi, nhưng họ có biết đâu rằng họ làm như thế tức là làm hại cả đến sự trật tự chung. Nói tóm lại, bao nhiêu việc đáng tiếc đó sở dĩ xảy ra chẳng qua là vì những người ấy không biết gì cả; họ không biết bom đạn tai hại như thế nào. Và cũng bởi họ điếc. Điếc không sợ súng! Thứ bảy Sáu giờ sáng hôm 24.9.1940, lại có còi báo động, từ 6 giờ kém 5 đến 8 giờ rưỡi hết. Và luôn hai hôm 25 và 26.9.1940 cũng lại có còi báo động nữa. Sở dĩ có còi báo động luôn như thế là vì có phi cơ Nhật Bản bay lượn ở trên thành phố Hải Phòng và đến gần Hà Nội. https://thuviensach.vn Theo đúng hợp ước, quân Nhật đã tới Hải Phòng ngày thứ năm 26.9.1940. Lúc báo này lên khuôn, tình thế đã yên. Sự hiểu nhầm đáng tiếc đã dàn xếp xong: những xe bò đồ đạc đem đi lánh nạn đã lại lù lù dẫn về, những ông quần soóc giắt dao găm và những bà búi tóc ngược mặc giả làm đàn ông hùng dũng tợ... chạy về quê trốn tránh đã lần lượt kéo nhau ra tỉnh để làm ăn như thường. Mà cả các cô trốn nhà đi lánh nạn với trai ở... phòng ngủ cũng đã về với bố mẹ anh em ở nhà. Đó là điều nên mừng nhất! TIÊU LIÊU Trung Bắc tân văn chủ nhật, Hà Nội, số 31 (6.10.1940) Thứ hai Sang đến tuần lễ vừa qua tình hình trong nước ta đã yên lắm, không còn như tháng trước. Ngày 7 Octobre, các trường công đã mở cửa để đón học trò. Phố xá lại sáng sủa như thường. Cảnh buôn bán lại sầm uất. Quân lính còn lại ở Lạng Sơn đã trở về. Theo đúng hợp ước, phi cơ Nhật đã đến trường bay Gia Lâm và quân Nhật đã đóng ở Hải Phòng. Những người bị nạn bom ở đó đã được làm lễ an táng chu tất lắm. Các quan chức Nhật nói sẽ đền tiền cho những người bị nạn bom nổ ở Hải Phòng. Hải Phòng lại sống trong một không khí yên vui ngày trước. Khắp mọi nơi, người hiếu kỳ đều muốn đến xem cái thành phố nhộn nhịp kia và những hiệu cao lâu, những cửa hàng buôn bán lại được dịp làm ăn sầm uất. Cố nhiên là có nhiều nhà lợi dụng lúc này để đầu cơ. Những bọn đầu... trộm đuôi cướp lúc này không hoành hành được mấy tý bởi vì họ đã bị liệt vào bọn "thành tích bất hảo" và đem đi an trí một chỗ rồi. Nhưng ai đã đi qua Hải Phòng, nhất là vào hồi này, thì cũng đều phải nhận rằng https://thuviensach.vn bọn "chạy" hoành hành dữ quá: chúng nó ăn cắp một cách rất công nhiên đến nỗi bắt không xuể nữa. – Đó là vì túng đói mới phải sinh ra như thế, cái đó đã đành rồi, nhưng ta không thể không nhận rằng chúng nó mà hư hỏng như thế cũng tại vì lười biếng. Cho nên ai thì không biết, chứ riêng tôi thì tôi cho cái nạn "chạy" đó, lúc này hơn cả bao giờ, ta phải trừ cho thật tiệt đi! – Bắt bỏ tù? Vô ích! – Cho lên nhà trừng giới để dạy dần dần? Chưa chắc đã có kết quả đâu! Âu bằng, từ giờ trở đi, ta cứ xin nhà chức trách thi hành một chính sách rất gắt gao mà thực tế vì tôi nghĩ rằng dù xấu đến đâu, dù đến nghiện thuốc phiện là khó bỏ nhất, mà cứ thẳng tay để trị thì đâu cũng vào đó hết. Một nước muốn tiến không thể do dự được. Vậy kể từ bọn chạy trở đi ta phải thi hành một lối trừng trị rất gay go là vì bắt được tên ăn cắp nào lần thứ nhất thì bắt nó vén tay lên để ta tràm một chữ "cược" vào là tốt nhất. Đến lần thứ hai, nếu như nó không chừa, ta tràm hai chữ "cược" vào ngực, mà nếu nó vẫn không chừa nữa thì cái hình phạt cuối cùng lúc ấy sẽ giở ra là ta lấy ngay cái trán nó mà tràm hai chữ "cược". Có gọi là đến chết cũng không rửa được nhục nhé! Mà chúng ta, chúng ta, lúc ấy, dại gì mà thấy một người có ba chữ "cược" khắc toét toè loe trên trán, chúng ta lại chẳng đưa hai tay vào túi mà đề phòng quân "chạy"!... cho những đồ vật hay tiền bạc trong túi ta đừng chạy đi? Thứ ba https://thuviensach.vn Theo các báo Pháp thì năm nay có lẽ không có phần thưởng của Hàn lâm viện Goncourt tặng cho các văn sĩ Pháp. (Kiểm duyệt bỏ) Vả lại, từ khi ông Rosny ainé5 tạ thế, thì chỉ còn có chín ông Hàn trong viện Hàn lâm Goncourt mà thôi, chín ông này lại ở rải rác khắp nước Pháp. Ông Sacha Guitry hiện ở Paris, các ông René Benjamin, Lucien Descaves và Rosny jeune cũng ở tại những miền bị chiếm. Ông Leo Largnier thì ở tại quận Gard. Ông Léon Daudet hiện ở gần Limoges, ông Jean Ajalbert ở Cantal, còn Ông Roland Dorgeles thì hiện ở Marseille. Ông Francis Carco, hiện ở Nice, viết rằng: "Phải có chiến tranh và những sự thay đổi như thế này thì các văn sĩ và nghệ sĩ mới nhớ nơi cố lý". Thật là một câu nói đượm một vẻ buồn triền miên cho số phận con nhà cầm bút và ta thấy đầy một tấm lòng thương xót nhau, mến yêu nhau. Nhưng đó là nói về văn sĩ Pháp. Còn văn sĩ ta? Văn sĩ ta trong lúc thế giới đương trải nạn chiến tranh thảm khốc, nhờ trời vẫn được bình yên, chưa được gột rửa khối óc và biết đến "lòng thương" là thế nào nên chỉ ra công mà chiến... thuốc phiện ở những tiệm hút công khai và nói khoác nếu không phun ra những nọc căm tức và đố kỵ! Thuốc phiện dăm ba điếu vào rồi, họ coi trời bằng vung cả, và bất cứ nói đến một kẻ có tiếng tăm nào, họ cứ dương cái mắt trắng dã, vêu cái môi thâm hay hất cái đầu bù bù mà "xổ toẹt" cả, chỉ bởi một lẽ những kẻ có tiếng ấy không vào một "cờ-lăng"6 với họ. Họ có biết đâu làm như thế là bỉ ổi? là hèn? là thấp kém? Cái tài của người ta, phải đâu chỉ ở chỗ quảng cáo thật trơ, mà cũng không do ở chỗ "hạ" người khác xuống. "Hạ người khác xuống thì trời lại nâng họ lên cao" câu ấy đã viết ở Sấm truyền,7 họ đã từng ngã vào mấy trang truyện ngắn của Stephan Zweig8 sao lại còn không biết. Cho nên dù tôi sợ https://thuviensach.vn chiến tranh đến thế nào đi nữa mặc dầu, tôi cũng cứ phải nhận rằng chiến tranh tuy vậy cũng đã làm ích cho văn sĩ và nghệ sĩ không phải nhỏ. Biết bao giờ cho mấy ông văn sĩ chỉ biết nằm tiệm kia mở mắt mà nhìn thấy sự thay đổi ở Âu châu? Thứ tư Thiếu tướng Nishiharo được cử sang Đông Dương trong khi đang giữ chức giám đốc trường đại binh bị nên không thể ở lâu được Đông Dương. Vì vậy, chính phủ Nhật đã cử nguyên soái Sumita sang đây giữ chức trưởng đoàn phái bộ Nhật. Nguyên soái Sumita là giám đốc trường trọng pháo (Ecole de l’Artillerie lourde) đã từng làm uỷ viên quân sự tại toà đại sứ Nhật ở Paris từ năm 1933 đến năm 1938. Thứ năm "Ông Vũ Đình Song một điền chủ giàu có nhất xã Trường Loát, phủ Nghĩa Hưng (Thái Bình) đã từng đi lính đóng cai và làm hộ phố Sầm Nứa, nay về quê làng, muốn đem tiền mua lấy chức công danh trong dân xã. Hồi tháng Mai năm nay, thấy trong tổng khuyết chân chánh tổng, ông Song quyết ra tranh cử, nhưng khi đã đầu đơn rồi thì có phó tổng Trần Hữu Chương ra tranh. Biết không đủ lực lượng đối với người tranh mình, ông Song mới nghĩ cách đem tiền ra lo chạy, thì vừa có ông Võ Văn Lý ngỏ ý muốn giúp ông. Theo lời ông Song thì ông Lý nói có quen một viên giáo sư có thế lực, có thể chạy được chức ấy. Ông Song cùng Lý đến nhà viên giáo sư ấy. Viên này bảo ông nạp bằng cấp của nhà binh phát cho và 2.000 đồng để lo chạy. Nhận tiền rồi viên ấy bảo ông cứ về nhà đợi, đến kỳ bảo cử sẽ ra và không cần mua cử tri nữa. Ông Song mong đợi đã mòn con mắt, cho đến tháng sau, ông lại nhận được thiếp của phó tổng Trần Hữu Chương mời ăn khao, vì y đã trúng cử Chánh tổng. Ông Song bèn cùng ông Lý tới nhà viên giáo sư hỏi thì viên ấy nói một giọng lạnh lùng là Song https://thuviensach.vn kém với chánh tổng Chương, không thể lo được, còn số bạc hẹn hôm sau đi Hà Nội về sẽ trả. Đến kỳ hẹn, ông Song lại đến hỏi thì viên ấy nói đã giao cho ông Lý trả 1.000 đồng còn 1.000 đồng nữa sẽ trả sau. Ông Song có đơn kiện, nhà chức trách đương tra xét..." Xuất 2.000 đồng bạc để mua một chức chánh tổng! Xì! Rõ đã đứt ruột (ruột người và ruột... tượng) chưa? Cái tính di truyền ham danh chuộng tước của người mình, in vào trong óc mỗi người rất sâu, cho đến ngày nay đã chung đụng với những người văn minh mãi mãi rồi mà cũng không sao rửa sạch, thật là đáng tiếc. Cho nên đọc xong cái tin trên, những người hữu tâm không thể không khỏi buồn rầu. Họ bảo: Phải chi tên Vũ Đình Song đó xuất số tiền ấy làm việc ích chung thì đáng khen biết bao nhiêu. Tiếc vì y có cái não ham chuộng hư vinh nên mới có kẻ gãi nhắm chỗ ngứa mà toan gạt, kẻ đi phỉnh vẫn là vô lương tâm mà người xuất tiền mua danh cũng đáng một bài học vậy. Phải lắm. Phải lắm. Nhưng ông bạn hữu tâm không biết cho rằng cái lỗi đó không phải chỉ riêng của kẻ mua danh. Nếu ta cần kể tội thì ta phải kể tội cái óc dân mình trước đã, ở đình trung không có một chức tước: không sang; ở tỉnh lỵ không có tiếng quan phán quan tham: không gớm. Sự tiến của dân tộc vì đó mà cứ thụt lùi dần bởi vì người ta không biết bổn phận là thế nào, giá trị làm người là thế nào. Họ chỉ cần có một cái tiếng thôi cũng như anh giàu hà tiện chỉ cần được kêu là giàu là đủ chứ có cần gì ăn ở cho đầy đủ bao giờ đâu? Tôi tưởng rằng một người như Vũ Đình Song ít ra cũng còn dám bỏ tiền ra để người khác tiêu hộ, dù là hắn mắc bệnh hư danh. Chứ những kẻ chôn tiền ở thôn quê thì mới thực là những hạng người đáng cho ông bạn hữu tâm của tôi nhiếc móc om sòm vậy. https://thuviensach.vn Thứ sáu Ít lâu nay, không cần phải để ý gì cho lắm, ai ai đọc báo hàng ngày thảy đều thấy... rùng mình. Không, không phải vì một ngày Đức đem đổ 120.000 kilos bom hạng nặng xuống đảo Anh-cát-lợi đâu, nhưng rùng mình bởi chính những việc ở nước ta: ít ngày lại có một vụ đổ máu, mà không phải đổ máu thường đâu, mà lại đổ máu gớm ghiếc, tưởng tượng như xưa nay chưa từng có. – Ở Thái Bình, hồi 2 giờ đêm 29.9.1940, một vụ giết người rất tàn bạo, kẻ bất hạnh bị chém chi chít tới 18 nhát dao khắp mặt như băm bầu, cổ bị ghì bóp sưng to. – Giữ cháu gái không cho về với chồng con, bà phủ Huê Sài Gòn bị cháu rể chém chết. Thủ phạm đâm vợ hàng mấy chục nhát dao xong đi đến nhà hội đồng nộp mình. – Ông Hoàng Đình Kỳ thư ký toà Khâm, Huế, cầm dao mổ bụng tự tử vì tình hay bị ai... ám sát? – Ở Bắc Ninh: Vào nhà đè bạn xuống chọc tiết mà mồm vẫn cười và nói: "Tôi giết anh đấy!" – Ở Hưng Yên: Một ông già 71 tuổi đang ngủ bị con trai chặt đầu xách bỏ hòm bởi vì "Để cho bố tôi sống sợ lộ thiên cơ, nên giết đi cho nó tiêu thoát". Tôi đan cử mấy vụ án mạng gần đây để độc giả biết chơi chứ quả thực ít lâu nay những vụ án mạng như thế thực nhiều và thực khiếp; cần nói những người lớn bị ảnh hưởng vì những tin đổ máu rùng rợn đó thế nào, chứ cứ nói riêng về đàn bà và con trẻ thì tai hại không thể nào tả hết. Thần kinh họ bị hỏng lần lần. Họ sống luôn luôn ở trong sự kinh khủng và có kẻ sẽ đâm ra sợ lẫn đồng bào mà họ tưởng là hạng uống máu người không tanh. https://thuviensach.vn Nguyên do vì đâu? Mặc ai muốn nói gì thì nói chứ tôi thì tôi nhất quyết rằng: bao nhiêu những sự ghê gớm đó đều một phần lớn do chiến tranh thế giới mà ra cả. Những kẻ sát nhân sở dĩ dám làm những việc rùng mình như thế, chính là bởi tự thần kinh họ bị rối loạn. Về thời này, vả lại, những báo hàng ngày ở đây, ít lâu nay lại có cái thói là hay "trương" to những vụ ám sát dữ tợn lên quá, thành thử những kẻ hơi bất đắc chí một chút, hơi phiền lòng một chút đều muốn bắt chước những người đi trước mà làm những việc dữ tợn bằng thế hay hơn thế trước khi chịu chết. Các ông làm báo hàng ngày ở đây tất không bằng lòng. Nhưng sự thực là vậy. Mà chứng cớ chắc chắn là việc xử tử tội nhân ở nhà pha Pháp và các thuộc địa ít lâu nay, chính chánh phủ cũng cấm không cho các báo tường thuật lại làm gì cho ghê rợn. Ngay chính những người đến xem xử tử ở nhà pha cũng không được nữa bởi vì sắc lệnh cấm xử tử ở những nơi có người đi qua lại và người ta phải xử tử những phạm nhân ở nhà pha. Thế thì không hiểu tại sao, trong khi không được tường thuật những vụ xử tử, các báo hàng ngày lại không biết thế mà cứ đem phóng đại những vụ án mạng ghê gớm mà tôi đã nói trên kia lên mặt báo làm gì cho kinh hồn? Thứ bảy Nói thế mà thôi, chứ trong khi độc giả vẫn còn thích những chuyện kiếm hiệp đánh nhau giết nhau thật quái ác và xem những tin vấy máu ở trên mặt báo chương, mà trong khi ấy thì tờ báo vẫn phải sống vì độc giả thì còn biết làm sao? Chao ôi, thật là khó giải quyết, cho nên câu chuyện này ở trong Nam đã làm đầu cho một cuộc cãi lộn giữa hai bạn đồng nghiệp Pháp, Nam. Bạn đồng nghiệp Pháp viết: https://thuviensach.vn "Gần đây báo chí quốc âm, thứ nhứt các báo hàng ngày, hình như để dành những cột báo cho các vụ án mạng và cướp giật một cách dài rộng. Hết hai phần ba tờ báo đều để tán dương (!) các vụ án mạng và sự tàn ác của bọn côn đồ với những cái tít sắp chữ thật to! Cách làm quảng cáo lạ lùng, dành riêng cho hành động và cử chỉ của hạng người đáng đem ra cột trụ xử giảo, có thể gây nên ảnh hưởng rất có hại!" Y như chúng tôi đã đoán, bạn đồng nghiệp hằng ngày ở trong Nam không bằng lòng. Và tức thì, một cây bút có tài, Nam Dân, bèn trả lời lại: "Công việc ấy có hại hay không? đã có độc giả xem xét phẩm bình. Song chúng tôi xin phép nhận ra rằng: Một hai khi nó cũng có lợi nữa. Lợi cho thám tử đỡ phải mất công tìm tòi, nã tróc hung phạm, lợi cho công chúng đồng bào bớt được mối nguy". Tuy xưa nay vẫn kính phục cây bút của Nam Dân, tôi, lần này cũng không thể chịu những lời bạn nói là hoàn toàn là phải. Nếu bạn không giận, thì tôi sẽ nói thêm rằng: Những lời bạn nói chỉ toàn là phách lối. Không kể bạn là một người biết kính trọng nghề nghiệp làm gì, chứ thực quả một số lớn báo hàng ngày "trương lo" những vụ án mạng rùng rợn đó chỉ là vì lợi mà thôi. "Du sang à la une" – vẩy máu trên trương nhất – chỉ là một cách thần tình để đập vào thị hiếu của độc giả, ở nước nào cũng vậy mà! Chỉ có một điều đáng phàn nàn là ở Pháp, ở Anh, ở Ý cái lối "du sang à la une" đã bị người ta chán lắm rồi thì nước ta đổ xô vào. Thành thử nghề báo hiện giờ muốn tranh cạnh nhau chỉ tranh cạnh ở chỗ "làm to chuyện" như thầy phù thuỷ (chalartan) mà thôi, chứ còn những ý kiến mới lạ, những cách tài tình để dẫn đạo cho quần https://thuviensach.vn chúng thì người ta không để ý làm gì hết. Đó là họ không thèm nghĩ đến, cái đó đã đành rồi. Nhưng một mình, nghĩ một mình đến tương lai báo hàng ngày ở xứ ta mà cứ mãi mãi như thế này, người ta lo một ngày những ông chủ báo sẽ đến thành phù thuỷ, mà người đọc báo sẽ thành ra lũ tà, – mà chúng tôi đã nói tới trong số báo kỳ này. TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 32 (13.10.1940) Thứ hai Ở chỗ này, trong số trước, tôi đã nói tới các "báo hàng ngày phù thuỷ" vấy máu trên trương nhất để lấy độc giả cho nhiều: [...] đó "ăn người" [...] Tưởng là họ giữ độc quyền "ăn" món ấy mà thôi, không ngờ vừa đây ở Camphamine, bác Chính không chịu kém, cũng nhất định lấy máu để "xơi" người nữa. Chuyện xảy ra như sau này: Bác cả Khuyên ở phố Cẩm Phả goá chồng và có bốn con, đã lâu không định "bước đi bước nữa". Bác Chính thấy thế, không chịu, bắt bác phải theo mình. Bác cả Khuyên vẫn khăng khăng. Tức thì bác Chính chạy tới giằng con dao ở tay bác Khuyên ra rồi kề một ngón tay lên bàn thịt chặt đứt phăng ngay một đốt. Máu phun ra, bác Chính rỏ những giọt máu ở chỗ tay đứt vào một miếng thịt, tưởng bác Khuyên sẽ xiêu lòng, không ngờ bác Khuyên lại mắng cho một trận tàn tệ và đưa cái đốt tay của bác Chính lên trình hộ phố. Thế là bác Chính vấy máu đã không ích gì cả mà lại để một tiếng cười. Bác định tranh cái độc quyền [...] của các báo "hàng ngày phù thuỷ" ở đây sao được? https://thuviensach.vn Thực là một bài cảnh cáo cho những ông định lấy máu ra doạ người và định xơi người về "máu", chỉ có những "báo hàng ngày phù thuỷ" ở đây "xơi" được, chứ không phải là một món ăn chung cho mọi người, thì chớ có lăm le... Thứ ba ...mà nhỡ! Sự thực, ai cũng biết máu nuôi sống người ta. Nhưng chắc ít người biết rõ rằng ăn được máu nhiều thì bổ lắm. Chứng cớ: người ốm, các vị bác sĩ vẫn cho uống thuốc máu bò, những ông rượu chè, muốn không hư chân huyết, vẫn pha rượu với máu dê để uống. Tuy vậy, vẫn không bổ được bằng máu người, cho nên ma-cà rồng chỉ ròng đi hút máu người, mà ngay những ông sét ty9 hút máu của con nợ cũng phì nộn lắm. Đó là mới nói về xác thịt. Chứ những "nhà báo phù thuỷ" hàng ngày ăn nhiều máu người, lại có một cái lợi khác rõ ràng hơn: tinh thần họ minh mẫn, trí khôn họ sáng láng, họ dịch những tin Arip, Havas, những tin sở cẩm một cách thần tình lắm, những nhà báo bình thường không thể theo sao cho kịp. Này nhớ: "L’avion appareilla", tôi đố các ngài họ dịch là gì? – Cái tàu bay đỗ xuống! "On a volé 12 plateaux de bois" phải dịch là "Người ta ăn cắp 12 cái mâm bằng gỗ" chứ đừng có dịch là "Người ta ăn cắp 12 phiến gỗ" mà họ cười cho thì... khổ! Lắm lúc ngồi mà nghĩ kỹ thì cái ông nào đó muốn nói với bạn bè: "Các bác xơi cơm tự do đi chứ! Người nhà cả đây mà" – mà diễn ra là: "Oh! c’est la maison" cũng chưa phải hẳn là người không thông minh. Mà ông nghị nọ muốn tỏ là vợ mình đi đâu không biết mà nói rằng: "Ma femme est partie sans laisser d’adresse" – cũng không phải là người xoàng đâu. Thứ tư https://thuviensach.vn Chỉ có anh Trần Văn Đọc ở tổng Phương Tra (Hưng Yên) xoàng thôi bởi vì anh này thù vặt. Nguyên anh ta chẳng biết xích mích với Trần Văn Cổng chuyện gì, anh ta lừa lúc Cổng ngủ trưa, lại không mặc quần, anh ta bèn cầm dao lại... xẻo phắt cái ngọc hành của bạn. May con dao ấy lại cùn, nên Cổng chưa mất hẳn. Cổng đã lập tức được chở đi nhà thương buộc thuốc, và ở trên giường bệnh thể nào chẳng phải nói một mình rằng: "Thì, mình cãi nhau với nó bằng miệng thì nó có thù nó vả vào miệng mình mới phải, chứ thằng đồ tồi sao lại tự nhiên phạt "cái kia" của mình mà rắp tâm định thiến cụt nó đi? Oan uổng cho nó thật!" Thật chẳng khác gì chuyện lý trưởng xã Tược Cước (Hưng Yên) tên là Nguyễn Văn Thách bị dân tiêu lạm tiền công mà lại đi rong làng và ra tận đình gọi tên thần hoàng làng ra chửi! Rõ thực quít làm cam chịu. Ông thần hoàng làng có tội gì? Lý trưởng Thách thực đáng phải bãi chức quá vì tội "danh không chính, hành không thuận". Hay lại vì tên y là Thách, y muốn làm quấy thế để khách dân làng Tược Cước có làm gì nổi y không? Nếu thế thì thực y dại lắm. Thứ năm ... dại cũng như cậu Trần Văn Nghi ở phủ Hoài Đức (Hà Đông) vậy. Đêm hôm mới đây, nhà Ô. Thất người làng Thôn (phủ Hoài) có lập đàn làm chay và đón bác Bất người làng đến cúng. Cậu Trần Văn Nghi đến xem và chẳng biết trong khi cướp của bố thí ra sao, cậu Nghi bị bác Bất cầm gậy tầm xích đâm thủng bụng, máu chảy ra rất nhiều. https://thuviensach.vn Đồ cúng là để cúng thánh, thánh không ăn thì đã có bác Bất ngồi rình ở đó từ chập tối ăn... hộ vì bác Bất cũng là một chúng sinh, cũng cần ăn cần uống, thế mà sao cậu Nghi lại dại dột xông vào cướp mất mấy nắm bỏng, mấy cái kẹo bột của bác ta? Bác Bất không phải là thèm ăn háu uống như con Mực con Vàng đâu, nhưng bác giữ thế là giữ cho thánh đấy, để thánh phù hộ bác đừng... chết đói. Thế là phải chứ làm sao mà bố mẹ cậu Nghi lại còn thưa kiện bác? Ừ, chắc pháp luật sẽ kết tội bác thực nặng đấy, nhưng cần gì? Bác cứ được thánh thương là đủ. Ăn ở như thế, bác Bất chắc chắn sẽ được thánh phù hộ đến mấy đời... và chắc sẽ được người nhà cậu Nghi đời đời nhắc đến tên luôn, và cầu phật cầu thánh cho sống mãi chứ đừng lăn quay ra chết! Thứ sáu Nói đến chuyện chết sống lại nhớ đến chuyện "sống lâu lên lão làng" ở trong Nam Kỳ. Tại làng Long Thới quận Tiểu Cần hạt Trà Vinh, hồi 8 giờ rưỡi sáng thứ bảy vừa rồi, các vị hương chức làng họp đủ mặt để nghênh tiếp M. Bohn, chánh chủ tỉnh Trà Vinh, thay mặt chánh phủ Đông Pháp, ân tứ khuê bài danh dự cho ông Nguyễn Nhiêu Thăng thọ được 128 tuổi. Mặc dầu các bạn đồng nghiệp trong Nam đã đến phỏng vấn ông già và thuật lại rằng ông vẫn khoẻ mạnh như thường, tôi cũng không chịu nhận rằng ông già kia đã sướng. Đã đành rằng một người bị trời bỏ quên chưa "ăn gỏi’ mà được [...] khuê bài danh dự thì cũng sướng đời thực đấy, nhưng cứ nghĩ đến cái tuổi 128 thì riêng tôi, tôi cũng đã "sốt ruột" rồi. Ở đời, người ta chỉ có bốn cái sướng mà chỉ những người trẻ trung khoẻ mạnh mới được tận hưởng mà thôi. Trời cho thọ được đến độ https://thuviensach.vn bảy mươi, những cái đó kém cả: ăn kém, ngủ kém, [...] tiêu hoá kém, thế mà ông già Thăng lại sống đến 128 tuổi thì còn được hưởng cái gì, nếu không là chỉ ngồi lù lù một chỗ để thèm hay để trông người khác hưởng? Ấy là tôi chưa kể ở lắm gia đình có những con cháu thấy ông bà sống độ sáu bảy mươi đã kêu: "Sống mãi! Sống sốt cả ruột lên" và cầu chúc cho chóng chết là khác nữa. Tôi không biết rõ những cảm tưởng của ông già sống 128 năm kia về những cuộc dâu bể ở đất nước này ra thế nào và những ý nghĩ của ông về cuộc đời này ra sao, chứ tôi thì thấy cái cuộc đời cứ một mực kéo dài mãi ra thế nó nhàm quá lắm. Cứ một cái "chán" là cũng đã làm cho ta không "hả" rồi. Huống chi họ lại cứ phải trông thấy những con cháu ở chung quanh, đứa mất đi, đứa còn lại, đứa mới đẻ, đứa đi xa, mà ta thì ta cứ sống bình tĩnh như không chuyện gì xảy ra hết trọi! Thứ bảy Bình tĩnh mãi được thế nào được? Ở đời, xưa nay vẫn thế, bao giờ cũng có luật thừa trừ: ác lắm thì khổ nhiều, hôm nay khổ thì mai sướng, mà hôm nay bình tĩnh tất mai thế nào cũng xảy ra chuyện làm phiền lòng mình chơi. Như mới đây, câu chuyện hai anh em Mạc Công Bình và Mạc Công Tĩnh ở huyện Kim Động, Hưng Yên vậy. Y như tôi nói ở trên kia, hai anh em Bình, Tĩnh sống với nhau một cuộc đời thực bình tĩnh. Bình tĩnh mãi, trời nào mà có để cho yên, nên sáng hôm 4 Octobre, Bình, Tĩnh mất bình tĩnh ngay: họ cãi nhau rầm lên một trận, Bình túm tóc Tĩnh xoắn lại, Tĩnh cắn bả vai Bình... Thế rồi thì một buổi sáng kia người ta thấy Mạc Công Bình thắt cổ lủng lẳng ở trên xà nhà. https://thuviensach.vn Ôi chao! thế mà bình tĩnh... Bố mẹ đặt cho hai con cái tên Bình và cái tên Tĩnh, chắc tưởng cuộc đời bình tĩnh lắm đây, biết đâu lại có ngày nay, đã chẳng bình tĩnh lại còn sinh ra giết chóc. Cho mới biết, ở đời này, lém lắm chẳng làm gì, mà sinh con, nuôi con, đặt tên cho con những tên hay quá cũng chẳng làm gì nốt. Ông đẻ con và mong cho nó hiền? Nó sau này ác hơn hết cả mọi người. Nhiều khi tên là Hiếu mà bất hiếu vô cùng, người tên là Thọ thì chết yểu, mà chúng ta chẳng đã thất vọng chán ra rồi đấy ư? Những bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, những bà Hồng Ngọc, những cô Tạ Thị Ngà Hương phần nhiều chính lại có những cái sắc và cái đức trái hẳn với cái tên của họ. Tôi chịu ông nào đấy đã nói được câu "Cái áo không làm thành thầy tu" đấy nhé! Chủ nhật Câu nói này, ít lâu nay, người ta nghe thấy nói tới luôn trong Thanh Hoá, sau khi xảy ra việc lôi thôi cái vé độc đắc giữa người có vé là ông Trần Văn Lạng với ông huyện Thạch Thành rất yêu quý của chúng ta. Chính người trúng số là Lãng thế mà tấm vé ấy lại bị thừa Cầu đánh tráo mất, may nhờ quan trên minh xét mới khám thấy ở nhà riêng ông huyện Nguyễn Văn Hiền huyện Thạch Thành, do người cậu ông là Tôn Thất Linh phải chịu phép tòi tấm vé ấy ra. Dư luận tỉnh Thanh rất xôn xao về vụ này; người ta cho rằng người thủ mưu đánh tráo tấm vé này có lẽ chính là ông huyện Thạch Thành, vì theo lời M. lý Lãng nói thì ngay khi được tin báo trúng số https://thuviensach.vn 10 vạn, ông huyện Thạch Thành có bảo phải chia đôi cho ông một nửa; M. lý Lãng xin "vi thiềng" một vạn biếu quan nhưng quan không nghe. Đến khi vé bị đánh tráo rồi, ông huyện lại gọi đến doạ rằng nếu không trúng số 10 vạn mà nhận chằng thì sẽ bị tù là khác! Đó là dư luận. Riêng tôi thì tôi cho đó chỉ là một chuyện vu cáo một người trung thực là ông huyện Nguyễn Văn Hiền mà thôi. Chẳng qua là người thấy ông huyện Hiền hiền quá nên người ta muốn bắt nạt, gắp lửa bỏ bàn tay vậy. (Kiểm duyệt bỏ) Ông không những muốn trừ cho tiệt những quân đó đi mà thôi, ông lại còn muốn giữ gìn cho ông lý Lãng khỏi sa vào tay những quân khốn nạn đó nên ông mới cất hộ tấm vé số tại nhà riêng của ông ta để cho quân cướp trắng mắt ra, có lập trăm mưu nghìn kế ra chăng nữa cũng không xơ múi gì. Theo như dư luận, ông huyện Thạch Thành có bảo ông Lãng đưa 5 vạn cho ông. À đã thế thì được! Đã khoẻ nói thế thì phen này ông kiện ông Lãng về danh giá và xin bồi thường 5 vạn cho mà xem! Để coi trước sau 5 vạn ấy có thoát khỏi tay ông không nào. Chỉ phiền một cái là ở đây lại còn có công lý nên ông huyện Hiền còn phải nghĩ ngợi xem sao đã! Trong khi ấy thì có tin ông lý Lãng đã đi lĩnh 10 vạn bạc kia rồi... Trời hại con người ta thực! TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 33 (20.10.1940) https://thuviensach.vn Thứ hai Cái tình mẫu tử, bất cứ ở xứ nào cũng được người ta truyền tụng và cho là đẹp nhất. Còn có ai thương con bằng mẹ? Thế mà... Vừa rồi đây, báo Điện tín trong Nam mới thuật lại rằng tại trường đua ngựa ở Chợ Lớn, một đứa trẻ bị lạc đi bơ vơ khóc mếu. Hỏi nó thì mới biết rằng nó đi lên trường đua với má nó, nhưng vì má nó ham mê ăn thua nên bỏ nó đi lạc như vậy, không biết ở đâu mà tìm. Một bạn đồng nghiệp trong Nam phê bình tin này đã dùng hết lời nặng nhẹ để sỉ vả người mẹ máu mê kia. Cái máu mê của một số đàn bà ở trường đua nó bốc lên ngùn ngụt tới độ nào, ta hãy khoan nói vội, đợi đến khi nào Trung Bắc chủ nhật ra số đặc biệt Cá ngựa với đàn bà sẽ biết. Nhưng hiện giờ thì ta, ta có thể biết rõ rằng ông bạn đồng nghiệp của tôi ở trong Nam nóng nảy quá, vì ông không biết rằng từ xưa đến nay những chuyện để lạc con như thế vì chuyện thua được cờ bạc chỉ là chuyện thường mà thôi. Biết bao nhiêu người đàn bà từ trước đến nay vì ham mê cờ bạc quá, không những để lạc con, lại để lạc ngay chính mình họ... vào những con đường mà ta có thể gọi một cách hơi xược là những con đường không đẹp đẽ? Những người đàn bà này đã bỏ quên nhiều thứ quý báu hơn nhiều, họ bỏ quên những cái liền ngay người họ còn chẳng ngại huống chi là đứa con. Xin đừng nói nặng người đàn bà nọ ở trường đua Chợ Lớn làm gì, tội nghiệp! Thứ ba https://thuviensach.vn Có tội nghiệp, ta chỉ nên tội nghiệp cho những kẻ đã chết rồi mà thôi, bởi những người đã chết là những người vắng mặt, mà bao giờ những người vắng mặt cũng là những người mang lỗi. Mới đây, ở trong Nam, một tờ báo do một bạn thanh niên ở Bắc vào chủ trương có đăng giùm quảng cáo ở các báo hàng ngày tên những người phụ bút. Cái đó không hề gì cả, nhưng chỉ quái lạ là sao, ở trong những người phụ bút giúp việc cho tờ báo đó lại có một người đã chết! – Ai? – Vũ Trọng Phụng! Nói giấu vong linh ông Phụng, tôi không hiểu làm sao ông đã mất rồi, nay mai đã đến ngày giỗ đầu rồi, mà người ta vẫn cứ để tên ông lên báo làm mối lợi cho người ta. Bộ người ta cho là ở Sài Gòn, độc giả không biết ông Vũ Trọng Phụng đã mất rồi sao chớ? Lừa độc giả, cái đó độc giả sẽ bảo cho kẻ đi lừa sau, nhưng lừa một người đã chết rồi, ai cãi được? Ở chốn suối vàng, ông Phụng nếu biết tin này, chắc phải tức giận tràn hông, mà nếu quả ông nói được, tất ông phải lấy ngón tay trỏ gí vào mặt kẻ lợi dụng tên ông mà rằng: – Anh em thực không để cho tôi yên một chút nào. Muốn bịp bợm gì thì bịp bợm, nhưng tôi đã chết rồi thì thôi, đừng có lôi tôi vào với các anh. Tôi thực không hiểu các anh là người hay những con kền kền? Nếu thực là người thì ai lại đi nỡ "kiếm tiền" bên những xác chết, thây ma như vậy? Thứ tư https://thuviensach.vn Đó là câu chuyện tiền. Tiền bao giờ cũng đi đôi với tình. Vậy tôi xin kể một câu chuyện tình nghe chơi. Tối 16 Octobre, bác Vũ Viết Tư ngụ ở hộ Nam Xuyên nhặt được ở nền nhà một bức thư nặc danh nói xấu và doạ giết bác nếu bác nhất định cưới cô Trần Thị Vượng. Dưới bức thư có vẽ một con dao găm đâm thủng một trái tim và một cái sọ người. Cái sọ người ấy nghĩa gì? Ý hắn để làm cho Tư sợ, nhưng bác Tư sợ hay không, không biết, ta hãy biết cử chỉ của người viết thư nặc danh nọ đáng làm ta sợ vô cùng vậy! Không phải sợ hắn ta dám giết người, nhưng sợ là sợ hắn ta đã nghĩ ra một việc vô lý như thế để doạ người và nhất là sợ cho những người nói xấu có những cái lưỡi sao mà kinh thế! Vừa rồi, có một anh tù người Thổ-nhĩ-kỳ, bị đày ra ở đảo Imrali, tự lấy dao cắt quách lưỡi mình. Và trước khi "hành hình" cái lưỡi ấy, anh đã viết cho người bạn anh mấy dòng chữ rằng: "Tôi đã nói xấu anh, tôi có lỗi, vậy tôi xin tự phạt lấy tôi". Cái anh chàng viết thư nặc danh cho bác Vũ Viết Tư giống anh tù nọ vô cùng. Giống về chỗ nói xấu nhưng phải một cái khác chút xíu là đáng lẽ anh ta tự phạt lấy mình, "hành hình" cái lưỡi anh ta thì phải, đàng này anh ta lại doạ "hành hình" người khác thì mới kỳ cục chớ! Cái bộ như thế, ai là người sợ? Người ta có sợ là sợ cho anh chàng nặc danh nào đó rồi lại chịu theo số phận với ba anh Chè, Hưng, Hải ở Thái Bình mà thôi. Câu chuyện ba anh chàng này xảy ra như sau này: Ông giáo Vũ Ngọc Chiểu dạy học ở trường làng Hưng Nhân, huyện Hưng Nhân. Mới đây có kẻ thù dán giấy nhảm vào trường ông dạy học rồi đi báo quan. Nhưng nhà chuyên trách xét ra, ông bị kẻ nào định tâm hại https://thuviensach.vn ông, nên đã mở cuộc điều tra. Trước đây, ông giáo Chiểu có bị ba người làng Hưng Nhân là Hải, Chè, Hưng sinh chuyện lôi thôi và đã kiện nhau. Vậy có lẽ nhân cớ đó mà họ đặt ra chuyện này. Có thực hay không chuyện ấy? Ta phải đợi quan trên xét xử. Nhưng ngay tự giờ ta có thể cứ quả quyết nói rằng nếu quả ba tên Chè, Hưng, Hải vu cáo cho ông giáo Chiểu thì không khi nào họ lại thèm bắt chước anh tù ở Thổ-nhĩ-kỳ mà cắt quách cái lưỡi đi đâu. Bởi vì nếu họ cắt lưỡi họ thì sau này ở tù ra họ còn lấy cái gì để nói xấu những người khác nữa? Thứ năm Nói đến chuyện lưỡi, tôi lại nhớ đến một ông đứng ở mặt xã hội mãi đâm chán, một hôm nhảy sang phái chính trị nghịch với phái xã hội để làm báo. Ông này thay đổi chính kiến vì cơm ăn áo mặc, cái đó mặc kệ ông ta, không ai cần can thiệp. Tức một cái là ông ta có chí lớn thay đổi chính kiến của mình rồi chưa đủ, lại thay đổi cả chính kiến của cổ nhân. Chuyện cái lưỡi mà bảo là của Ésope? Không thể được. Ông bắt Socrate phải nhận là chuyện ấy của mình. Ông làm tình làm tội cổ nhân khổ sở nên thành ra một bạn đồng nghiệp ở đây, trong hai cột báo, đã phải nói ròng về chuyện lưỡi. Lưỡi! Lưỡi! Ai còn lạ gì nó nữa. Không xương, nó vẫn lắt léo tự xưa mà... Tôi đã nói tới cái bọn người nằm ở tiệm đưa đẩy ngọn lưỡi để vu cáo những người vắng mặt. Cái bọn ấy, cứ kể về phương diện vô sỉ tưởng đã nhất đời rồi, không ngờ vừa đây ở trong Vinh một bọn người lại đưa đẩy ngọn lưỡi vu cáo để làm cho chết người và chiếm mất cái giải quán quân của họ. https://thuviensach.vn Ông Nguyễn Bá Xý ở Đô Lương cho con gái là Phượng Thuý lấy cậu Châm làm việc ở Sài Gòn. Trước khi phải đi xa, Châm dặn vợ ở nhà phải gìn vàng giữ ngọc cho hay, bất ngờ tuần lễ vừa rồi, bỗng nhiên, Phượng Thuý tiếp được ba cái thơ của chồng ở Sài Gòn gửi về thoá mạ cô bởi vì có người vào nói cho chàng biết là hình như cô có ngoại tình ở Bắc. Thấy mình bị vu oan một cách vô lý, cô Phượng Thuý ra sông Rang trẫm mình và hai hôm sau đó xác cô nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ghê chưa, độc giả! là cái lưỡi người ta? Tôi tưởng ta chẳng nên đợi cho những người vu cáo tự xử như người tù Thổ-nhĩ-kỳ mà lắm lúc chúng ta, ta cần phải cắt lưỡi những anh "lưỡi rắn", "lưỡi dài" hay nói láo đi cho rảnh... Thứ sáu Nói thế để mà chơi thôi, chứ sự thực xẻo thế nào được lưỡi của họ. Những người vu cáo đó bao giờ cũng vẫn nhơn nhơn sống cũng như những bà mụ tội lỗi tày trời vẫn "làm những thiên thần" (faisenses d’anges) mà vẫn sống nhăn răng ra vậy. Theo bạn đồng nghiệp Dân Hiệp thì toà tiểu hình Sài Gòn vừa rồi có xử một vụ phá thai: Anh Học hồ nghi đứa con trong bụng vợ là Thị Nhị, không phải là con anh ta, nên bắt thị uống thuốc phá thai. Rủi lối xóm biết, nên việc này ra toà. Toà làm án hai vợ chồng ấy mỗi người sáu tháng tù treo và khuyên họ lại ăn ở với nhau như cũ. Người bạn tôi kết luận rằng: Thật thì tôi không tài và không dám bình phẩm cách xử đoán của các quan thẩm phán, nhưng lấy theo lý luận mà xét thì cái án đó còn nhẹ quá. Một đứa trộm cướp vì miếng ăn đành đang tay giết người thì đành kết án nặng nề. Chớ https://thuviensach.vn còn hai vợ chồng anh Học đã giết con ruột mình, mà không viện được lẽ gì cứng cát để chữa mình, sao thưởng họ có sáu tháng tù án treo? Đáng lẽ cho hai vợ chồng anh đó đi hứng gió Côn Lôn vài năm mới phải. Rồi kỳ hẹn cho họ, nếu trong ba năm nữa mà không có đứa con khác thì sẽ bị tăng án lên gấp hai. Mà người nào bán thuốc phá thai cho anh Học cũng đáng lãnh thẻ để mà ở nhà đá và mặc áo xanh. Vì người đó là đồng loã. Thứ bảy Nói đến chuyện án, toà, ta không thể không nhớ tới câu chuyện nàng dâu, bố chồng mới xảy ra ở Quảng Nam. Ông già Bùi K. ở ấp C. T. 65 tuổi, có con trai lấy thị T. và có hai con. Hôm vừa rồi, thị D., con gái ông K. và thị T. con dâu ông K. có chuyện bất bình, cãi nhau inh ỏi. Dân làng kéo đến xem tới nghìn người. Trước hết mấy hương hào cho gọi thị T. lên hỏi trước, thì thị khai là có một cái nồi bị em chồng là thị D. làm hỏng nên hai bên xô xát. Nhưng sau không biết thị T. nghĩ thế nào lại khai: bố chồng thị hàng ngày thường chòng ghẹo thị và những ngày chồng thị đi vắng, ông K. còn toan hãm hiếp thị. Hương chức xô lại đánh ông già bốn đêm tàn nhẫn, khiến cho ông không ngồi dậy được, kết cục ông ta phải bán hết cả đồ đạc trong nhà để đút lót và làm tờ thú mới xong. Theo dư luận, thì có lẽ thị T. vì ghét bố chồng nên vu oan nên những chuyện tày trời như thế. Câu chuyện phải trái ngay gian chưa biết thế nào, nhưng nếu quả như dư luận, bà nàng dâu nọ vu oan cho bố chồng thực, thì ta lại càng thêm sợ cho cái lưỡi người ta nhiều lắm. https://thuviensach.vn Ít lâu nay, người ta thường khởi xướng lên cái thuyết nàng dâu bị bố mẹ chồng hành hạ và tỏ ý thương xót những người nàng dâu nhiều lắm, và cố tìm một cách giải quyết có lợi cho những người nàng dâu ấy. Hay là vì cái thuyết ấy giải quyết xong rồi nên những người nàng dâu bây giờ đã được phần trên, nên trả thù lại bố mẹ chồng, và trước khi trả thù mẹ hãy trả thù bố chồng trước đã? TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 34 (27.10.1940) Thứ hai Người ta đồn rằng ở đây có một ông văn sĩ không ưa "đi mây về gió" nhưng lại thích gió, nên lúc nào cũng vẽ ở trên bài mình một cái thuyền và đề chữ "gió đã lên". "Gió đã lên, cố mà sống cho nguy hiểm", đó là câu nói của cổ nhân. "Sống cho nguy hiểm" chẳng biết có ích gì không, chứ tôi thì tôi thấy "gió đã lên" nguy hiểm đã hẳn rồi. Chứng cớ là vừa mới có gió hanh lên một cái thì những vụ hoả tai đã thấy xảy ra luôn. Trong một ngày 26, hai đám cháy: một đám ở chợ Vị Hoàng (Nam Định) thiêu mất 30 gian nhà ra tro, thiệt hại hơn 1.000 đồng. Một đám ở sau ga Hàng Cỏ Hà Nội (có ảnh ở ngoài bìa),10 thiêu mất ngót 200 nóc nhà. Thiệt hại hơn 20.000 đồng. Hình như có mấy đứa trẻ bị thiệt mạng trong vụ này. Nguyên do? Cũng như hầu hết các vụ hoả hoạn ở đây, nguyên do chỉ tại người ta bất cẩn. Mùa này là mùa hanh, cái gì cũng khô lại, kể cả người ta nữa. Người ta đứng gần lửa, lắm lúc cũng có thể bén lửa mà cháy, huống chi là rơm và gỗ... Thế mà người ta có lấy làm quan hệ tí nào đâu, người ta cứ coi thường nên người ta đã từng thấy cái cảnh của bao nhiêu năm trời làm lụng bị thần hoả ra tay tiêu huỷ. Thật là thảm đạm. Ngọn gió hanh và tính bất cẩn, thủ phạm những https://thuviensach.vn vụ hoả hoạn, đã làm hại bao nhiêu gia đình, thế mà cứ mỗi mùa gió hanh đến với ta, ta vẫn phải lấy làm lạ sao người ta vẫn không cẩn thận hơn một chút nào, mà các ông văn sĩ sầu thu vẫn không chịu bớt ca tụng gió hanh đi và đáng lẽ viết "Gió đã lên, cố mà sống cho nguy hiểm", sao họ không chịu đổi ra thế này mà in thật lớn trên mặt báo: "Gió đã lên, ngọn lửa nguy hiểm lắm, cố mà giữ nhà cho... cẩn thận"! Thứ ba Giữ nhà cho cẩn thận là để cho khỏi cháy, chứ đừng tưởng là để cho khỏi mất cắp mất trộm đâu. Sự thực, ta phải nhận rằng từ khi trong nước xảy ra những chuyện lôi thôi, chánh phủ cho bắt những người "thành tích bất hảo" đi chỗ khác thì những vụ cướp trộm cũng có đỡ đi chút ít. Duy có những vụ ăn cắp vặt thì vẫn thấy luôn luôn. Các báo hàng ngày ở đây vừa đăng một chuyện ăn cắp vặt ở Hàng Bồ: một mụ trạc 40 vào nhà nọ đưa một đồng bạc giấy mua hàng. Trong khi cô bé bán hàng mở ngăn rút để lấy tiền trả lại thì khách cứ nói huyên thiên: "Cô ạ, vừa đây, tôi cũng mở tủ như thế này này, rồi chẳng hiểu để rơi ra đất bao nhiêu giấy bạc và kẻ gian nhặt được". Miệng thì nói, nhưng hai tay khách lại mó vào ngăn kéo của nhà hàng. Ăn cơm xong, bà chủ hàng ra điểm lại tiền, thì thấy mất 260 đồng. Bốn tờ báo hàng ngày đăng tin ấy hầu hết đều phóng đại lên với cái đầu đề đại để như thế này: "Người đàn bà ấy đã dùng thôi miên thuật hay là bùa yêu?" Khiếp chửa! Bí mật chửa? Nhưng chết một cái, sự bí mật ấy lại ở ngay bài tường thuật của các báo ấy mà các ngài không biết. Mụ đàn bà ấy, tôi biết rõ lắm, không có gì là bí mật cũng như cái lối ăn cắp của mụ ta. Mụ ta giả vờ vào mua hàng. Lòng bàn tay https://thuviensach.vn mụ có dính hồ. Lúc người bán hàng mở ngăn rút để trả lại tiền, mụ sờ vào ngăn rút và khi nói "tôi để rơi ra đất bao nhiêu giấy bạc" thì mụ cầm giấy bạc ở trong ngăn kéo và vò lại: thể nào giấy bạc cũng dính vào lòng bàn tay mụ. Mụ cố làm tối tăm mặt mũi người ta và lấy tiền trong lúc người ta không ngờ nhất. Đoạn, mụ giả tảng xin một chén nước uống và thắt lại thắt lưng: chính lúc ấy mụ bỏ tiền vào túi, nhưng không lúc nào miệng mụ ngớt chửi rủa những quân ăn cắp! Ấy, chuyện chỉ có thế, chứ mụ có bùa yêu hay thôi miên thuật gì đâu. Hoạ chỉ có các ông phóng viên phóng đại chuyện ra; có thuật... cái thuật nói phét, cái thuật làm to chuyện. Thứ Tư ... Làm cho tôi lại nhớ đến một câu chuyện cổ nói về bốn ông ngồi nói phét với bà con. Một ông nói: – Tôi, tôi đã trông thấy một con cá to lắm, to đến nỗi người ta phải làm một cái đó dài năm thước thì mới bắt được nó vào trong. – Thế đã lấy gì làm lạ. Con cá mà tôi đánh được chui vào cái đó 5 thước không vừa, đến nỗi nó phải gấp đôi người lại. Ông thứ ba nói khoác ghê hơn: – Thế đã to. Nhưng con cá tôi trông thấy thì gấp đôi người lại ở trong đó không đủ, nó phải xoáy trôn ốc lại! Đến lượt ông thứ tư. Ông thứ tư không nói gì. Mọi người hỏi làm sao? Ông nói: – Tôi không nói vì con cá của tôi to quá, không biết thế nào mà nói. Lúc vớt được cá lên tôi không thấy cái đó đâu, thì ra con cá của tôi nó đã nuốt cái đó vào trong bụng. Đó là chuyện đời xưa. Đời nay, một tờ báo hàng ngày ở đây vừa mới đăng tin rằng: "Dân chài lưới ở Camphamine đánh được một con cá song to gần bằng con ngựa! https://thuviensach.vn Họ phải chọc thủng hai mép, tròng thừng to vào, như xỏ mũi trâu". Khiếp, nói mà kinh. Một con cá song to bằng con trâu, con ngựa thì có lẽ dân chài đánh được nó phải có một cái lưới to ít ra là bằng cả một cái đồn Camphamine, mà cái sanh để luộc cá phải to bằng một trăm lần cái sanh luộc bắp cải trong truyện cổ. Chắc ông phóng viên nào đó viết cái tin con cá song không phải là một trong số bốn ông nói phét trên kia! Một người bảo tôi rằng: – Hay là ông phóng viên nọ lầm chăng? Chứ cá song đời nào lại to thế được? Hay là cá nhà táng vậy? Tôi cười mà bảo bạn rằng: – Ông bảo cá nhà táng chứ không phải cá song! Xì! Không phải! Ông phóng viên kia nói đúng. Cá song thực đấy, bởi vì cá song ăn được, chứ cá nhà táng thì để táng ai vào mồm nó cho xuể, trừ những người nói phét ra? Thứ năm Nói đến chuyện nói phét, tôi lấy làm buồn rầu mà lại phải hỏi một câu sáo vô cùng: "Bao giờ nhà nước mới dán một thứ tem vào miệng những anh nói phét để đánh thuế lấy tiền giúp nước trong những giờ khó khăn như giờ này?" Nói thế để đùa chơi, chứ thực dán tem vào miệng thế nào cho xuể được những anh nói phét. Cũng như những người đồn tin nhảm, những anh nói phét ở đâu cũng có nhan nhản ra: họ làm ra dáng cái gì họ cũng thông thạo, họ làm ra dáng cái gì cũng biết, kỳ thực họ chẳng biết cóc khô gì cả. Như mới đây ở Nam thành, chiều 18 Octobre, ngót 200 học trò và nhiều thợ nhà máy đã trốn giồng đậu11 chỉ vì một bọn phao đồn tin nhảm. Họ phao đồn tin gì, các bạn có biết không? Họ đồn rằng nếu cứ giồng đậu vào là chết. https://thuviensach.vn Giồng đậu cho lê dân, sở Y tế cốt tránh bệnh đậu mùa, mà lại phao là hễ tiêm thì chết, các ngài có bao giờ thấy một sự dốt nát như thế không? Nói phét mà bị đánh thuế vào miệng, ừ thì đã đành rồi, nhưng những anh phao đồn tin nhảm ở Nam thành, thì các ngài thử nghĩ họ nên đánh thứ thuế gì hay đánh thế nào cho họ chừa đi? Thực lắm lúc cũng tiếc sao người mình lại bỏ cái lối vả vào miệng những người làm lỗi và lấy roi đánh quắn đít những người ấy cho họ chừa lỗi đi! Thứ sáu ... Bởi vì sao họ lại không biết rằng lời nói quan hệ đến tính mạng của con người ta ở đời. Tôi đã nói tới chuyện lời nói giết người. Sự thực người ta đôi khi chỉ vì nói chơi một câu mà hại cả một đời người là khác. Tên Chấn người xã Phúc Nhạc, thuộc phủ Yên Khánh, đã có vợ cả mà lại còn muốn lấy thêm vợ lẽ, bèn đem trầu cau đến hỏi cô T. Về nhà Chấn được hai hôm thị T. bỏ nhà đi với hai người đàn ông lạ mặt. Ông bố đẻ thị T. lẩn tránh. Sau mãi Chấn mới biết rằng cô T. đã có chồng ba năm rồi nhưng vì chồng cô đi xa, ông tưởng chết rồi nên nhận lời gả cho Chấn làm vợ lẽ. Chấn, chú rể biết, tức quá, định đi đâm đầu tự tử, nhưng sau có nhiều người can gián lại thôi. Ai ai cũng trách bố đẻ cô T. dám đem con ra làm một câu nói chơi và lấy chuyện cưới xin là chuyện đùa, không quan trọng. Ông già kia biết đâu rằng hôn nhân ở nước ta không thể coi là chuyện đùa. Nếu muốn đùa thì sang Mỹ bởi vì dân Mỹ, như báo Esti Kurir (Budapest) đã nói và do báo Tây dịch lại thì họ coi hôn lễ là https://thuviensach.vn thường và trai gái lấy nhau ra Đốc lý làm lễ cưới, chỉ mặc có cái "may-ô" to bằng cái mụn hay là chiếc sơ-mi-dét12 trần mà thôi. Thứ bảy Chán chuyện cho đời! Tình duyên, sao có kẻ coi là thường được nhỉ! Mà sao có người lại cho nó là chuyện quan hệ đến có thể giày xéo được cả lên luân lý, coi chữ tình nặng hơn nghĩa sinh thành, hay đội người tình lên đầu để cho nó đánh chửi mẹ như câu chuyện nhà mô phạm ở Đông thành13 vừa đây? Nhà mô phạm ấy, ở phố Maréchal Foch, kết duyên với một cô gái tân thời. Vợ chồng quấn quít, mỗi ngày ả lại lộng quyền thêm, được đàng chân lân đàng đầu, ả coi bà mẹ nhà mô phạm chẳng ra sao cả: "Mẹ cậu ác lắm, tôi không chịu được". Biết bao nhiêu lần đã xảy ra ở trong nhà những vụ cãi lộn, con dâu đánh mẹ chồng! Hôm vừa đây, nhà giáo đi dự hội điền kinh vắng nhà, lại xảy ra một trận cãi lộn dữ hơn, nàng dâu nắm tóc bà già đánh lấy đánh để và quai mồm ra chửi "con mụ già" nghĩa là con mụ đã đẻ ra nhà giáo, nuôi cho ăn học để đi làm rồi lại lấy cho nó một con vợ "thừa" nhan sắc nhưng mà "thiếu" gia đình giáo dục. Kỳ trước ở mục này, tôi đã nói tới một chị nàng dâu đã đánh bố chồng ở Quảng Nam. Kỳ này, một chị nàng dâu nữa lại đánh mẹ chồng nữa, thật là vừa đủ đôi để kết quá, kết cho cái luận đề xã hội tiểu thuyết của các ông văn sĩ viết về mẹ chồng nàng dâu và cứ thường kêu rấm rứt là nàng dâu cực quá. Chủ nghĩa cá nhân thắng thế đấy! Các cô nàng dâu đã được phần trên rồi! Thôi thế là cái trách nhiệm của các ông đã xong, các ông từ giờ không cần phải viết về mẹ chồng nàng dâu nữa nhé. Để thì giờ mà xoay chiều chủ nghĩa, các ông ơi! https://thuviensach.vn TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 35 (3.11.1940) Thứ hai Số báo này là số Mùa cưới. Lẽ cố nhiên là trai cưới gái hay là gái cưới trai, chứ không thể nào khác được. Vậy không lý nào tôi lại không nói tới đôi trai gái ở Sông Hương là cô P.T.N.L. và ông tai mắt nọ, – hình như là một giáo sư thì phải, – yêu nhau rồi phụ nhau, cái đó là thường lắm. Nếu đôi kia cũng chỉ có thế rồi thôi thì cũng chẳng ai nói tới làm gì; chết một cái là sau khi bị tình nhân phụ bạc rồi, cô P.T.N.L. lại viết bài đăng rùm ở trên các báo kể tội của tình nhân và trưng hết cả những bức thư mà tình nhân cô đã viết khi hãy còn ở Pháp. Đọc bài của cô P.T.N.L., không ai khỏi ngậm ngùi cho cô và trách cử chỉ không chung tình của người đàn ông nọ. Nhưng người ta cũng không khỏi trách tờ báo đã đăng bức thư nọ lên, bởi vì báo đó há lại không biết rằng làm như thế tức là làm tiêu danh ông giáo sư phụ tình. Ông đỗ cao, còn trẻ mà nhà lại có, cứ đem mảnh bằng ra đã có khối vợ theo, thế mà báo giới làm hại ông như thế thì để cho... không cô nào dám lấy ông này hay sao? Vì vậy tôi cho là cô P.T.N.L. tác giả bức thư kia là một người rất đanh ác, thâm hiểm, nhưng thủ phạm sự hại người đó chính là mấy tờ báo đã đăng lá thư kia vậy. Tờ báo nào đâu phải là một lá thư tình? Không, họ buôn một cái tình đau khổ đấy! Nếu họ không buôn, thì đời nào ta lại thấy một sự kỳ quặc từ xưa chưa từng thấy đó. Mà có P.T.N.L. chắc phải mua một con tem mà gửi những lời trách móc kia cho kẻ phụ tình, và nhờ đấy, cô sẽ không vạch áo cho người xem lưng vậy. https://thuviensach.vn Các tờ báo đã giúp cô P.T.N.L. đăng thư ấy, thực đã làm hại nhà giây thép sáu đồng xu tem! Thứ ba Cho nên tôi không phục các báo kia cũng như tôi đã không phục cô P.T.N.L. vậy. Trái lại, tôi lại phục cô gái Mỹ hơn. Cũng như cô P.T.N.L., cô gái Mỹ bị tình phụ, cô mang tình nhân cô ra... toà. Và anh chàng nọ đã phải đền 200 đồng đô-la. – 200 đô-la mà được à? Anh làm tan nát một đời tôi đó. Phải 300 đồng tôi mới chịu. Té ra cái tình của cô chỉ đáng giá có thế thôi. Nói mà chơi, chứ phục cô gái Mỹ nọ thì phục làm sao cho được? Cô đã làm rẻ giá cái việc quan hệ nhất của người đời, cô đã làm cho đàn bà không nghĩa lý ở trước mặt bọn nam nhi vậy. "Nếu tôi ở địa vị cô với cô P.T.N.L., tôi sẽ làm khác thế. Tôi không viết thư trách móc trên mặt báo, tôi không mang kẻ phụ tôi ra toà. Nhưng tôi đem mạng kẻ kia đập vào cái lỗ trong quả tim tôi" – Ý kiến đó của bạn đồng nghiệp trong Nam thực là hay, nhưng chết! làm thế không được, ta sẽ bị... pháp luật làm tội ngay. Bây giờ, tôi mới nhớ ra rằng pháp luật vẫn chưa có cách nào để bảo vệ cho những người đàn bà khờ dại và mơ mộng cả! Thứ tư Nhưng pháp luật có cách trị tội những người đánh bạc. Ít lâu nay việc lùng bắt của Ty Mật thám Nam Kỳ, Sài Gòn rất gắt gao nên vừa đây tại Thủ Dầu Một vừa túm được một sòng bạc rất lớn, riêng kể về tiền mặt có tới hơn 10.000 đồng. Rất nhiều bà bị bắt. https://thuviensach.vn Chẳng hiểu các bà này có bắt chước cô P.T.N.L. viết thơ đăng báo để than trách Sở Mật thám tự nhiên đến làm mất cả sự tự do chơi bời của mình hay không? Đăng báo! Đăng báo! Đăng báo bây giờ đã thành ra cái dịch. Khi trong nước đương cần lo đến sự tiết kiệm, người ta đăng báo chọn màu áo vụ rét này. Người ta thích nói bất cái gì trên mặt báo. Nhưng bà mụ ở Nam thành tất không thích báo đăng việc này của mụ ta. "Đêm hôm 28, hồi 2 giờ 30, người ta xe vào nhà thương một người đàn bà tên là Hoàng Thị Giậu 44 tuổi quán làng Mai Xá huyện Mỹ Lộc, người đàn bà này đẻ khó. Bà mụ nọ lấy dao cắt từ cổ trở xuống, chỉ còn có cái đầu đứa hài nhi trong bụng mẹ. Làm xong việc táo bạo ấy, mụ vội bảo người nhà xe bác Giậu đi nhà thương và dặn đừng nói gì đến mụ cả, "kẻo người ta đăng báo thì rầy rà lắm". Cái nạn bà mụ ở thôn quê giết oan những trẻ sơ sinh đến lần này là mấy vạn, triệu rồi? Hội "Bảo trợ phụ nữ" tưởng nên để ý đến việc này và nên tìm cách phổ thông sự học cho đàn bà nhà quê. Thứ năm Bởi vì, nói thực, đàn bà sở dĩ có người làm việc ác đức như thế chính vì tại ít học mà đâm ra làm liều. Bà mụ nọ đã là một chứng cớ dốt mà làm liều. Tôi xin kể một thiếu phụ nữa làm liều vì ngu dốt cho mà xem. Ở Phủ Lý, Nguyễn Thị Tý người xã Nhân Giả thuộc tổng Công Xá phủ Lý Nhân goá chồng sáu năm nay, bỗng tự dưng có chửa rồi đẻ ra một đứa con. Sợ mang tiếng đẻ hoang rất xấu, thị đem gói đứa con vô tội và đem vùi vào giữa đống phân ủ ở ngoài vườn, chung quanh nhào bùn nhét kín. https://thuviensach.vn Đã lỡ chửa thì đẻ, mà đẻ thì phải nuôi; thị Tý đang tay làm việc nhẫn tâm kia chỉ bởi tại ngu dốt quá. Ả sợ xấu hổ một cách vô lý làm sao, nếu có học một chút đời nào lại làm như thế. Thứ sáu ... Làm như thế, thực chẳng khác gì một ông chi chi đó nhân dịp cụ Phan chết,14 viết ở trên báo một câu kính viếng rằng: "Bây giờ cụ mất đi, chúng tôi xin tiếp tục làm nốt cái công việc bỏ dở của cụ, tức là cái việc thực hành chủ nghĩa "Pháp – Việt đề huề" vậy". Chết chưa! Nhũn nhặn chưa? Mà cũng dơ đời chưa? Tôi xin nghiêm trang nói với các ngài rằng: cái ông đã viết những lời kính viếng cụ Phan đó không phải là một người vừa đâu. Nhưng là một ông chủ báo... Và bốn năm trước đã đi đưa thư tín cho một tờ báo hàng ngày ở đây! Thứ bảy Người tài thì hay nhũn nhặn. Mà kẻ nào kém lại hay "trưng sướng". Có người sẽ cãi lại tôi rằng: – Anh không nghe thấy nói đó sao? Chỉ nên nghe lời ta nói chứ đừng theo việc ta làm, mà lại! Chính thế! Tôi có lời xin lỗi ông Thái Lan đương lấy La -tinh, Hy-lạp, A-lơ-măng và tiếng Ma-la-bà để cải cách chữ nước ta. Và tôi lại có lời xin lỗi luôn cả mấy ông [...] ra sách dạy người khác tiếng Ăng-lê bằng một phương pháp thực hành rất dễ hiểu đến nỗi chính các ông tác giả cũng mù tịt không hiểu là gì cả! https://thuviensach.vn TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 36 (10.11.1940) Thứ hai Vừa đây, ở Huế, vừa xảy ra một việc rắc rối mà pháp luật cũng không biết phân xử ra thế nào. Ông tham Đ.X.Đ. để vợ ở riêng đã lâu ngày, một hôm bỗng nhiên thấy vợ đẻ con. Ông Tham không nhận. Nhưng bà tham nói chính là con của chồng vì bà bảo rằng ông có lần đem ô-tô đến đưa bà đi chơi Thuận An hứng... gió. Nhưng ông tham lại bảo chỉ đi chơi thôi chứ tuyệt nhiên không ăn nằm với vợ và yêu cầu quan toà cho thề ở điện Hòn Chèn (Huế). Cuộc đi thề ấy chưa định vào hôm nào cả. Nhưng, ngay tự bây giờ, ta đã phải lấy làm lạ không biết ông tham nghĩ thế nào mà lại bắt vợ đi thề... Con bà tham đẻ với ông hay với ai thì trừ người đàn bà và người đàn ông ra, còn có người nào biết được dù người ấy là thánh đi nữa. Ăn nằm với nhau, đó là một việc ô uế mà!... Thánh nào chứng giám cho người ta! Vì vậy, cái việc này, tôi cho thề ở trước cửa thánh là ngạo mạn thánh vô cùng. Bộ người ta cho thánh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ấy và nhòm lỗ khoá buồng những cặp vợ chồng, trai gái hay sao chớ? Tôi tưởng trong những trường hợp giống trường hợp này, đáng nhẽ hỏi thánh ta chỉ nên hỏi khoa học mà thôi. Chết một nỗi khoa học hiện giờ chưa biết chắc thử máu đứa trẻ kia, liệu có thể chắc chắn được rằng nó là con người đàn ông nào hết. Câu chuyện này, nói cho thực, nó nhiêu khê be bét vô cùng. Thế nhưng chung quy cũng chỉ tại ông tham hay nhiễu sự, chứ từ xưa đến nay, có người đàn ông nào cùng ở cảnh ngộ với ông lại đem những https://thuviensach.vn việc như thế ra phải trái bao giờ. Bởi vì người đàn ông khôn lắm, từ lâu đã biết rằng phàm lấy phải người vợ đa tình thì: Có chồng càng dễ chơi ngang, Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai? Con ai, mà chưa ly dị với vợ, thì cũng là con mình cả, có trốn được đàng trời. Ông tham ơi, thôi đừng lôi thôi nhiều chuyện nữa. Nếu quả như ông quyết phải biết rõ thực hư phải trái thì chỉ còn một cách là làm như ở chuyện tiếu lâm của người mình, nghĩa là đợi cho đứa bé kia khôn lớn rồi hỏi nó xem trong khi mẹ nó có thai thì thấy ai hay ra vào... Thứ ba ... Chứ đi thề, ví dụ thánh có ứng vào đó chăng nữa, thì hỏi có làm gì? Chẳng cứ bây giờ, tự lâu, đi thề đã là một cái phong trào vô nghĩa rồi. Nội một tuần lễ vừa qua đã có tới ba đám doạ đem nhau đi thề ở đây. (Chúng tôi sẽ có bài riêng về chuyện đi thề ở đền Bạch Mã giữa hai hiệu buôn to ở Hà thành). Nhưng thử hỏi từ xưa tới nay, kẻ gian cũng như người hiền, có ai vì đi thề mà bị thánh vật chết như họ đã thề đâu? Nhất là "thề trai thề gái" thì lại càng không đáng kể. Ông thạc sĩ thề với cô P.T.N.L. nếu học thành tài về mà không lấy cô thì chết hộc máu ra. Bây giờ, học đã thành tài rồi, về nước, ông hối hôn cô nọ đó, hỏi ông có chết hộc máu ra đâu? Thề trai thề gái, chao ôi, nó toàn một loạt là thề cá trê chui ống, cũng như thề cô đầu với quan viên vậy: Đôi ta đá tạc vàng ghi, Vàng thì Mỹ Ký, đá thì tổ ong. https://thuviensach.vn Đôi ta thề núi hẹn sông, Núi trong bể cạn, sông trong bàn cờ... Đó, họ thề ron rỏn mà không làm sao hết. Thế thì bà tham Đ.T.Đ. sao lại rồ dại mà không dám nhận lời của ông chồng mà đi thề đại ở trên đền Hòn Chén có được không? Cái "ca" của bà này thực lạ. Thứ tư ... Bà tham này không già mồm bởi vì một lẽ rất dễ hiểu bà không phải là gái đĩ...15 Nhưng cái bà vợ ông Nguyễn Kim Nhung ở Vinh thì quả thực đã già mồm. Bà có tính ưa đi xem hát, bà lại có cái tính ưa kép hát giỏi trai, nên ít lâu nay bà thấy lòng bà mênh mông buồn như một khúc Trường tương tư. Thế là bà tương tư kép Phùng Huệ người ở tỉnh Thừa Thiên, bà mê kép về giọng hát cung đàn và bà mê kép cũng vì kép có những điệu như khêu gợi... Bà bèn ngã vào tay kép. Không, bà không phải là đao, nhưng bà muốn lấy kép để kép ca những bản "Tam ban triều điển" cho bà nghe, và việc ấy đã không bịt qua mắt chồng bà là ông Nguyễn Kim Nhung. – Này, tôi bảo cho mình biết, tôi không phải là một người trăng gió bướm ong đâu. Người kép hát đó là chồng cũ của tôi, mình hãy cho tôi tự do đi theo người ấy, kẻo tôi ở mãi ở đây không sống được. Ông Nguyễn Kim Nhung, trước bà vợ già mồm như thế, vui vẻ trả lời: – Được, tôi sẽ không ngăn giữ và tôi chúc cho mình sẽ gây được hạnh phúc với người đàn ông ấy. https://thuviensach.vn Đoạn, ông đãi vợ trăm bạc để đi theo người chồng cũ mà kỳ thực là mới kia. Thật là một cử chỉ lịch sự và quân tử. Đàn bà, – hình như có một ông văn sĩ Nga đã nói, – cũng như thể con chim trời vậy: nó đi rồi nó đến. Ông Nguyễn Kim Nhung để cho vợ đến rồi đi như thế, đã đành là làm một cái cử chỉ triết nhân rất đáng khen, nhưng chẳng hiểu những người hay ghen và giết vợ ngoại tình, nếu không cho ông là điên dại thì sẽ cho ông là gì? Thứ năm Bởi vì các bạn đọc báo hàng ngày tất đã biết rằng những ông giết vợ dạo này nhiều lắm. Không yêu mình, giết. Không yêu mình nữa, giết. Giết chết người rồi mình cũng chết như cả Mâu bị chém hôm mới đây, các ông đó cho là thường quá, thậm chí có người nói rằng "giết vợ là một phong trào" làm cho những đàn bà "táy máy" cũng hơi... kinh kinh một chút. Nhưng những bà vợ kế thì vẫn không kinh kinh một chút nào: họ vẫn cứ ghen tuông vô lối với những người đã chết, họ cứ hành hạ con chồng và cái án dì ghẻ con chồng to nhất gần đây chính là chuyện vợ ông bá tước De... hành hạ con chồng vậy. Hai vợ chồng ông này ở Paksé với một đứa con của người vợ trước lên tám tuổi. Đứa bé này bị người dì ghẻ hành hạ một cách cực dã man: bố và dì ghẻ nuôi cho nó một bà thầy Anh-cát-lợi để dạy múa và dạy võ, đến nỗi mỗi khi nó tập võ, láng giềng hàng xóm và những người đi qua lại đều phải lè lưỡi mà khóc thầm cho đứa trẻ. Người ta can thiệp thì ông bá tước kia trả lời gọn lỏn rằng: – Việc nhà tôi, việc gì tới các ông? Việc ra đến toà, người dì ghẻ trả lời: https://thuviensach.vn – Tôi có làm gì nó đâu. Tôi thuê thầy dạy nó tập võ, và nếu nó có bị tập một cách hơi khác thường một chút, đó chỉ là tại tôi bảo bà thầy của nó dạy nó một cách riêng cho nó không lùn người. Câu nói dễ nghe thay, nhưng chết một cái là với cái môn võ của bà hầu tước và của bà thầy ấy mà cứ tập đều đều mãi, đứa bé tám tuổi kia không sống được; nên bộ ba (hai vợ chồng hầu tước và bà thầy) đã bị thộp ngực hết và giam cầm một chỗ. Lên tám tuổi, đứa bé kia "bị" học võ mỗi ngày đi bộ ba bốn cây số để xem chân có khoẻ không, thì bà này, không biết bà bị giam cầm ba tháng hay ba năm gì đó, sẽ có thấy "tỉnh" người ra chút nào hay chăng? Người ta nói rằng bà hầu tước này là người Anh. Chẳng biết, với chuyện này, bà có thấy tỉnh ngộ ra rằng người Anh "trăm phần trăm" ít làm những việc dã man như thế hay không? Thứ sáu (Kiểm duyệt bỏ) Thứ bảy Ông bạn Thạch Phi chán đời đã phải vỗ bụng mà than: – Cái máu mê cờ bạc của người mình đến như vậy thì thực là hết chỗ nói. Thực chẳng khác gì hai anh lính thuỷ trong câu chuyện của Anatole France đang đánh thò lò ở trên tàu, bỗng bị tàu chìm, may được con cá voi ra cứu, chở hai chàng lên lưng, thế mà sau một lát ngồi trên lưng cá voi được tỉnh hồn, hai anh lại giở thò lò ra đánh y như lúc còn ngồi trên tàu vậy. https://thuviensach.vn Thì ra những người ham mê cờ bạc trừ khi chết đi mới hết đánh, chứ còn sống là họ vẫn còn đánh như thường. Riêng người mình, có lẽ đến chết cũng không chừa. Người ta kể chuyện có anh ham mê bài bạc đến nỗi khi nghe vợ con rầy rà quá, anh ta phát cáu lên nói rằng: "Nhất sinh tao chỉ lấy một chuyện đánh bài đó làm cái thú ở đời, nếu không cho tao đánh nữa thì để tao chết quách đi cho xong, và đến chừng tao chết rồi thì mẹ con bay chỉ đốt một bộ bài xuống âm phủ cho tao là được rồi, không cần phải dọn mâm dọn bàn cúng nữa!"16 TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 37 (17.11.1940) Thứ hai Kỳ tuyển lính khố xanh tại trại giám binh Phú Thọ vừa rồi, viên lý trưởng xã T.L. huyện Thanh Thuỷ cũng có mang dân đinh đi tuyển. Ra tỉnh, thấy nhiều gái đẹp, không giữ nổi lòng dục, lý trưởng T.L. mò đến xóm bình khang và cái việc phải xảy ra đã xảy ra: y bị bệnh phong tình rất nặng và phải đón – không phải "ông vua thuốc phong tình" ở Hà thành, nhưng một ông lang ở vùng Nam về điều trị. – À, tưởng là gì chứ cái này, tôi chỉ cho một nhát thuốc bảy ngày thì khỏi hẳn. Người bệnh khỏi hẳn bệnh thực, nghĩa là không đau nữa, không ốm nữa mà cũng không... sống nữa. Người nhà lý trưởng T.L. thấy thế giữ ngay ông lang băm lại và giải đến các nhà chức trách. https://thuviensach.vn