🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vĩnh Biệt Mùa Hè Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn VĨNH BIỆT MÙA HÈ TIỂU THUYẾT Tác giả: Nguyễn Đông Thức NXB: Nhà xuất bản Trẻ Năm xuất bản: T.11/1990 Kích thước: 20 x 13 cm Số trang: 320 Giá bìa: 6.000đ Đánh máy: hmduc44, 4DHN, Bac Nguyen, Thủy Trúc Scan sách + Đóng gói ebook: hmduc44 Ngày hoàn thành: 19.11.2014 ****** https://thuviensach.vn MỤC LỤC I Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 II Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 III Chương 1 Chương 2 https://thuviensach.vn Chương 3 Chương 4 https://thuviensach.vn 1 Tựu trường. Dường như trời luôn thật đẹp trong ngày ấy. Nắng vàng hơn, lá xanh hơn, những mái tóc đen nhánh, những gương mặt hồng hào, quần áo mới, cặp vở mới, giày dép mới, tiếng nói cười ríu rít, náo nhiệt… Ngôi trường bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, ngạc nhiên rồi mỉm cười nhận ra tất cả những thân quen lại trở về với mình. Cũng vẫn là những gương mặt ấy, nhưng hết thảy đều có vẻ “người lớn” hơn, tinh khôi hơn. Theo thông lệ, nhóm 4H đứng chờ nhau trước cổng trường. Hân đến sớm nhất. Từ ngày đầu tiên biết đi học, ngày tựu trường bao giờ cũng là một sự kiện lớn với Hân. Mọi chuẩn bị đã diễn ra trước đó nhiều ngày, nhưng không hiểu sao vào đêm trước ngày khai trường, Hân luôn trằn trọc, nôn nao. Buổi sáng ấy, bao giờ Hân cũng thức thật sớm, trước cả mẹ. Quần áo là sẵn treo trên các móc, cặp vở đặt ngay trên bàn, giày dép thì dưới chân, vậy mà Hân vẫn lục đục hồi lâu. Và, bao giờ cũng vậy, mẹ sẽ dậy, chuẩn bị bữa sáng cho Hân - dù từ lâu Hân đã biết làm việc này - rồi đưa Hân ra cổng, âu yếm chúc con một năm học mới thật tươi đẹp. Còn ba ? Hân đi xe đạp, và hôm trước ngày khai trường, bao giờ ba cũng dành một buổi để tổng kiểm tra chiếc xe sao cho thật ngon lành, an toàn. Dù chỉ là con của một gia đình viên chức bậc trung, bao giờ ngày đầu năm học, Hân cũng đến trường với những trang bị mới. Hân thấy mình hạnh phúc không thua bất cứ một đứa bạn nào trong nhóm, dù Hằng, Hoa và Hạ có giàu hơn, “cao cấp” hơn. Có lẽ, chính tình thương yêu và sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ đã là nguồn động viên vô hình thúc đẩy Hân luôn cố gắng học và trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp suốt những năm qua. Ngày tựu trường năm nay còn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt với Hân và bạn bè. Đây là ngày tựu trường cuối cùng trong đời học sinh của https://thuviensach.vn họ. Hân và các bạn bước vào lớp 12, năm cuối của cấp trung học phổ thông, để rồi chín tháng tới đây, họ sẽ chia tay mỗi người một ngả. Có thể sẽ còn có những ngày tựu trường khác với kẻ này người nọ nếu được học tiếp lên đại học, nhưng lúc ấy, làm sao tìm được cái không khí háo hức, rộn ràng của ngày tựu trường thời trung học xa xưa ? Dường như mọi người đều đã để lại rất nhiều sự hồn nhiên, vô tư của mình đằng sau hai cánh cổng trường cấp ba rồi. Mãi mãi. Hằng đến sau Hân chừng mấy phút. Mới ba tháng mà trông Hằng lạ hẳn. Mái tóc dài buông ngang vai được làm dáng bằng một cây kẹp hoa màu khá đắt tiền. Chiếc áo sơmi trắng rộng, ngắn tay, cắt đúng mode. Chiếc quần xanh đậm, cũng vậy, may rất đẹp, làm tôn hẳn đôi chân thon dài. Hằng và Hạ không chỉ đẹp nhất trong nhóm 4H mà còn trong cả lớp, và thuộc loại có tầm cỡ của cả trường. Hằng đi bộ, nhưng dáng rất phong lưu, đài các. Đúng ra, Hằng luôn đi theo xe con của ba, nhưng vì cô mắc cỡ với bạn bè, nên ba của Hằng luôn cho tài xế bỏ Hằng xuống từ ngã tư trước. Giám đốc một công ty lớn trong thành phố, ông Quang, ba Hằng, là người luôn tỏ ra mạnh dạn trong việc sử dụng những đặc quyền của mình. Ông lập luận công khai rằng ông là cán bộ có trách nhiệm cao và làm được nhiều việc quan trọng, thì đương nhiên phải được hưởng những đặc quyền tương xứng. Ông đi xe con, làm việc trong phòng riêng với đầy đủ tiện nghi cao cấp, chỉ hút thuốc 555 và uống nước suối Liên Xô…, nhưng nhờ vậy mà công việc của ông trôi chảy tốt đẹp, có hiệu quả và năng suất cao hơn, thì không có lý do gì Đảng và Nhà nước, nhân dân lại từ chối với ông những tiện nghi đó. Cái lần một tờ báo đăng ảnh một chiếc xe công đến đón con một giám đốc trước cổng trường rồi bình luận phê phán, ông Quang đọc xong bảo tài xế đến đón Hằng ngay trước cổng trường, xem thử đứa nào sẽ đăng ảnh ông cho biết. Ông tức giận nói tại sao người ta cứ ép mình theo những khổ hạnh hình thức, trong khi làm việc thì hiệu quả chẳng ra gì, còn lãng phí https://thuviensach.vn gấp bội phần. Việc gì lại đi phê bình hạ nhục một giám đốc trên mặt báo khi ông ta kết hợp trên đường đến sở cho phép con mình được theo xe đến trường ? Lần ấy, Hằng cũng đọc báo, đồng thời cũng nghe lũ bạn trong lớp xầm xì. Lựa lúc ba vui, Hằng ngỏ lời xin phép được đến trường bằng xe đạp, như bạn bè. Ông Quang nghiêm ngay nét mặt: − Ba đã nhiều lần nói với con, đường phố bây giờ chạy xe chẳng có luật lệ gì cả, mỗi lần ra đường là một lần mạo hiểm. Con là đứa con duy nhất của ba mẹ, ba không dám cho con mạo hiểm hằng ngày như vậy, khi còn có thể lo cho con. Nhiệm vụ của con là phải cố gắng học, đừng để thua sút bạn bè. Còn trong cuộc sống, con có được gì hơn bạn bè thì cứ yên tâm hưởng. Đừng mong có, và cũng đừng nên phấn đấu cho một xã hội bình đẳng tuyệt đối. Chuyện đó chỉ có trong lý thuyết và cũng chẳng kích thích gì cho sự tiến bộ của xã hội. Sự cào bằng về phân phối, đó là cái hại lớn nhất đã cào bằng luôn mọi trí tuệ và nỗ lực cá nhân. Ba là thần tượng của Hằng nhưng đồng thời cũng là người bạn lớn của cô, người mà cô có thể tranh luận rất dân chủ về nhiều vấn đề. Nên Hằng đã rất tự nhiên đặt câu hỏi với ba: − Nhưng ba là người cộng sản mà ? Ông Quang nhìn con chăm chú: − Thì sao ? Người cộng sản phải là người làm việc có năng suất và hiệu quả cao nhất. Xã hội của người cộng sản phải là xã hội phồn vinh nhất và được tổ chức cao nhất, trong đó mọi người đều có đầy đủ cơ hội để thi thố năng lực của mình, và được đối xử thích đáng tùy theo sức đóng góp. Một sự cào bằng máy móc sẽ đưa đến hậu quả trái ngược với những lập luận https://thuviensach.vn trên. Và thực tế cho thấy đất nước ta đã đói nghèo đến mức tàn mạt chỉ vì quan niệm cào bằng ấu trĩ đó. Hằng vẫn chưa chịu thua: − Nhưng như vậy tức là “ông cộng sản ba” vẫn chấp nhận có người giàu kẻ nghèo, có những giai cấp khác nhau cùng tồn tại trong xã hội ? Ông Quang nhún vai: − Có người giàu kẻ nghèo còn hơn là tất cả cùng đi ăn mày. Phải có cái trước mắt rồi mới có cái lâu dài. Chưa biết ngồi đã đòi biết chạy, thì té lộn cổ là phải rồi, đúng không cô “cộng sản con” ? Từ ngày Hằng được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản, ông Quang và cô vẫn thường gọi đùa nhau như vậy mỗi khi họ tranh luận về những vấn đề chính trị. Hằng không bao giờ tranh cãi thắng được ba. Những dẫn chứng của ông bao giờ cũng rõ ràng, đanh thép. Tất nhiên, bởi vì cô “cộng sản con” chưa có một chút xíu nào của cái gọi là “thực tế cuộc sống”. Thường phải ấm ức chịu thua, nhưng tự thâm tâm Hằng vẫn cảm thấy ở ba mình có một cái gì đó không ổn lắm. Nếu mọi điểm đều quy về năng suất và hiệu quả, thì cho tới nay, chủ nghĩa xã hội có gì là ưu việt và cần thiết đến mức không thể có con đường khác ? Và một người được nhìn nhận là rất có năng lực như ba của Hằng, thì sẽ có thể sống bất chấp rất nhiều quy định không ? Sáng nay, khi xe vừa dừng, ông Quang rút trong túi ra một xấp giấy hai nghìn đồng đưa cho Hằng, nháy mắt: − Đầu năm học thường phải tiêu nhiều. Con cầm mấy đồng này xài đỡ. https://thuviensach.vn Hằng từ chối: − Mẹ đã cho con rồi. − Thôi mà, cầm giùm ba đi mà. Mẹ con hà tiện thấy mồ ! Làm sao con đủ xài ? Ba muốn gì, con biết rồi mà… Điều này thì Hằng biết rất rõ. Ba không bao giờ muốn Hằng phải thua kém ai. Ngay từ những ngày Hằng còn nhỏ xíu, ông Quang chưa làm giám đốc, gia đình chưa khá như bây giờ, ông vẫn luôn cố gắng thực hiện điều mong muốn đó, trong khả năng cao nhất. Ông thường nói với mẹ Hằng, thua kém người khác là một mặc cảm rất nặng nề mà ông đã phải chịu suốt thời thơ ấu. Ông đã nỗ lực hết mình để con ông không còn phải mang mặc cảm ấy. Trước kia, đôi khi Hằng cũng thắc mắc khi thấy cuộc sống của nhà mình quá thuận tiện, dễ dàng. Khi cô bắt đầu lớn lên, ông Quang lên phó giám đốc rồi giám đốc, gia đình cô hầu như không còn thiếu một thứ gì gọi là phương tiện sống hiện đại. Đến nhà bạn bè chơi, cô ý thức rất rõ sự giàu có của nhà mình. Chỉ riêng bản thân cô đã đủ: cô có phòng học riêng trang bị đầy đủ, có đàn piano dù cô chỉ học cho biết với cô giáo dạy tư… Với phương châm không để cô phải thua kém ai, hầu như cô cần gì là có nấy. Có lần Hằng đánh bạo hỏi ba xem lương của ông một tháng là bao nhiêu. Ông Quang cười cười: − Chà, hôm nay lại truy đến lương của ba kia à ? Bao nhiêu hả ? Tất nhiên là cao nhất trong toàn công ty. Nhưng con nên nhớ, thời buổi này không có người nào sống nổi bằng đồng lương đâu, phải đi làm lậu, làm thêm, hay đi buôn lậu, đi bán chui, mánh mung, thu vén. Còn ba, thuộc https://thuviensach.vn diện ngoài lương, phải có bổng lộc. Đó là những thu nhập từ chức vụ đưa lại. Hằng không buông tha cho ba: − Như vậy là không công bằng, là lạm quyền, là… Ông Quang nhìn thẳng vào mắt con: − Con định nói là tham ô chứ gì ? Không, không có chuyện đó với ba đâu. Tất cả những gì ba được hưởng, đều đúng những quy định, chính thức hoặc không chính thức. Thậm chí, nếu có ngoài những quy định, thì ba cũng có một nguyên tắc: nó không hại gì đến công việc chung, đến quyền lợi của đơn vị. Không có gì là không công bằng, là lạm quyền cả. Người có những chức vụ quan trọng phải được đảm bảo đầy đủ về cuộc sống thì mới an tâm làm việc và không tiêu cực. Chính bổng lộc đã làm nhiệm vụ đảm bảo ấy, bởi chế độ lương ở nước ra quá sức kỳ cục, không giống ai. Ba chỉ mong sau này, khi con ra đời, chuyện ấy chỉ còn là chuyện đời xưa… Rồi ông Quang thở dài, xoa đầu con: − Con nên nhớ, ba có đủ hai mươi mốt năm chống Mỹ ở sau lưng. Có thể ba có nhiều quan niệm sống và làm việc hơi khác người, nhưng ba không để cho mình có lúc phải tự xấu hổ với quá khứ của mình đâu… Ba của Hằng là vậy đó. Hằng do dự chưa cầm tiền thì chú Đăng ngồi băng trước tài xế đã quay lại, cười: https://thuviensach.vn − Hằng được bố cưng quá ! Cứ lấy đi cháu, không nên từ chối lòng tốt của người khác, nhất là khi đó lại là bố mình. Chú Đăng là bạn thân của ba mẹ Hằng từ lúc họ còn ở Hà Nội. Chú vừa xin chuyển được vào thành phố công tác, và trong khi chờ được cấp nhà, chú đến ở tạm nhà Hằng đã được ba tháng nay, trong căn phòng nhỏ trên sân thượng, hằng ngày vẫn thường quá giang xe của ông Quang đi làm. Chú nhỏ tuổi hơn ba Hằng, khỏe mạnh, đẹp trai hơn, và có phong cách sống lịch lãm của người đi học ở nước ngoài nhiều năm. Mỗi sáng, lên sân thượng tưới hoa, Hằng vẫn thấy chú ở trần tập thể dục rất đều đặn, đúng giờ. Chú còn độc thân, đối xử với Hằng rất thân tình, tự nhiên. Gần đây, Hằng thấy có một điều lạ ở chú: qua những lần vô tình chứng kiến chú tập thể dục, dọc hai bên hông, thường có những vết xước nhỏ như có ai có móng tay rất sắc bấu vào. Đôi ba ngày lành lặn rồi lại nổi lên, có hôm đỏ tươi như vừa mới bị. Thắc mắc ấy, Hằng không dám hỏi ai, chỉ tự giải đáp là chắc chú có một cô bồ rất hay ghen. Và mỗi lần nghĩ đến đó, Hằng đã thấy nóng bừng mặt. Hằng vừa đưa tay cầm tiền của bố thì chú Đăng đã rút trong cặp ra một cây bút máy Parker: − Chú cũng có món này gọi là quà cho năm học mới của Hằng đây. Bảo đảm bút xịn, tốt cực kỳ đấy ! Không cần học bài, làm vẫn được như thường ! Chú Đăng nháy mắt đưa cây bút cho Hằng. Cả bốn người trong xe cùng cười. Hằng nhận bút, cảm ơn chú, và mở cửa xe, bước ra ngoài. * Gặp Hằng, Hân mừng rỡ: https://thuviensach.vn − Hằng ! Hằng ! Hai đứa cùng chạy lại, ôm chầm lấy nhau. Trong nhóm 4H, mùa hè Hằng ít được gặp bạn bè nhất. Cô có bà con ở Đà Lạt, Nha Trang và thường đi nghỉ dài ngày ở những nơi ấy. Về việc nghỉ hè, ông Quang cũng lập luận khá khác người. Đã gọi là nghỉ hè, theo ông, tức là phải nghỉ. Không có học tập, sinh hoạt gì cả. Mùa hè vừa qua, Hằng vẫn giữ đúng thói quen mà ba đã tập cho mình, tha hồ đi nghỉ ngơi, giải trí. Nước da cô rám nắng, toàn thân toát lên một sức sống trẻ trung, khỏe mạnh. Trong nhóm 4H, cô lại hơn các bạn một tuổi, nên trông người càng lớn hơn. Hân buông bạn ra, trầm trồ: − Con quỷ ! Mày lớn quá trời ! Mập nữa ! Sao hay vậy ? Hằng cười: − Dễ ợt ! Ăn, chơi, nghỉ, ngủ. Mày cũng vậy thôi chứ gì ? Hân chỉ cười, không nói. Là con gái lớn trong một gia đình chỉ sống đủ ăn, dưới Hân còn có ba đứa em, ngày thường Hân phụ giúp mẹ làm việc nhà đã không xuể, chỉ mong có được những ngày hè rỗi rảnh để đỡ đần cho mẹ, có đâu thời giờ và tiền bạc để ăn, chơi, nghỉ, ngủ như Hằng ? Thật ra, mẹ Hân không bao giờ bắt Hân làm việc nhà, nhưng tự Hân, Hân thấy không nỡ để mẹ vất vả một mình. Và cũng nhờ luôn cố gắng dành thời gian cho những công việc không tên của mẹ, Hân đã tập được thói quen làm việc giờ giấc rất chặt chẽ, chu đáo, nhanh chóng, ngăn nắp. Nghề nấu ăn của mẹ, Hân cũng được truyền đủ. Trong nhóm 4H, Hân được xem như là người đảm đang nhất. Mẹ của Hằng, Hạ, Hoa đều lấy cô làm gương để nhắc nhở con gái mình. https://thuviensach.vn Hoa thường cười Hân nhất. Mày biết nhiều chuyện, chỉ thêm cực thân. Như tao, khỏi phải lo bị ai nhờ làm chuyện gì. Chưa chắc tao không biết gì, nhưng tốt nhất là hãy cho mọi người nghĩ như vậy. Hân cũng chỉ cười khi nghe bạn nói. Cực với sướng, khôn với dại trong những chuyện như vậy, Hân không quan tâm lắm. Hạ thì nói con nhỏ này số nó rồi sẽ sướng. Nó chẳng thèm tính toán gì, chẳng muốn hơn thua với ai, nhờ vậy khỏi lo toan mệt óc, không chừng lại được trời thương. Hằng mở cặp lấy ra một tút kẹo cao su, rút một thanh mời Hân. Hân cầm nhưng không ăn, trong khi Hằng đã cho ngay một miếng vào miệng. Từ lâu, nhai kẹo cao su đã là một thói quen của Hằng, nhiều khi coi thật dễ thương mà cũng không ít lần thấy khó ưa, nhất là với con mắt của những người lạ. Mặc kệ, ai nói gì cứ nói, hằng vẫn nhai đều đều. Buồn buồn, con nhỏ con cong lưỡi thổi cho miếng kẹo trong miệng phồng ra một quả bóng nhỏ, nổ bóc bóc. Có lần, giữa giờ học của cô giáo môn Sinh năm lớp 11, người vẫn được lũ học trò nghịch ngợm gọi là “bà phù thủy áo trắng”, Hằng lơ đễnh cho nổ một quả bóng cao su trên môi. Cô giáo sững người, còn cả lớp thì cố nhịn cười, trong khi Hằng ngồi sượng trân. Bản tự kiểm của Hằng lần đó có ghi rõ: “cam kết không bao giờ ăn kẹo cao su trong giờ học nữa !”. Ánh mắt Hằng chợt sáng lên: − Ê Hân, hai con “bợm” tới kìa ! Hoa chở Hạ chạy tới, trên một chiếc Babetta xám mới toanh. Chiếc xe dừng ngay trước mặt Hằng và Hân. Cả bốn cùng cười toe toét. Nhóm 4H như vậy là đã tề tựu đủ. Diễm Hằng, Thúy Hạ, Ngọc Hoa và Cẩm Hân. Hằng giả bộ trầm trồ: https://thuviensach.vn − Chà, đầu năm học chơi xe mới, ngon há. Tính chơi nổi hả ? Hoa thật tình: − Chơi nổi cái gì ? Xe này bây giờ đâu ai thèm đi ! Hằng dài giọng: − Ờ, thì chỉ có cửa hàng trưởng mới đi thôi. Rồi mai mốt tha hồ mà dắt đi sửa. Hoa được bạn bè gọi là “cửa hàng trưởng”, vì mẹ cô có một sạp bán vải ở chợ Tân Định, mà những lúc rảnh cô vẫn thường ra ngồi bán phụ mẹ. Trong nhóm, Hoa mập mạnh, nói năng ồn ào, cười giỡn bạo nhất. Hoa được nhóm 4H phân công làm “trưởng ban đời sống” kiêm “tổ trưởng tổ bảo vệ”. Bọn con trai trong lớp phải nói là ngán mặt Hoa nhất. Hoa cong môi: − Tội gì dắt ? Có hư thì tao đạp… − Ờ, ráng mà đạp cho ốm bớt nghe cưng ! Hạ vội vàng can thiệp: − Nhỏ Hằng này vô duyên ! Đầu năm người ta có xe mới mà không biết khen một câu. − Thì mày được nó chở, mày khen đi ! https://thuviensach.vn Hân vội vàng tìm cách xoa dịu tình hình: − Bố cho tiền mua hả ? Bao nhiêu vậy Hoa ? − Tao cũng không rõ - Hoa nói - Ông anh đi mua. Hình như ba chỉ rưỡi. Hân đứng nhìn chiếc xe. Từ lâu, cô vẫn thích có được chiếc xe này. Trông nó gọn gàng, thanh lịch. Và lại rẻ. Hân không thích có những ước mơ quá cao vời. Nhưng ngay cả chiếc xe rất tầm thường với nhiều người này, Hân cũng biết còn lâu mình mới được có. Hân chưa hề dám mở miệng nói cho ba má biết về điều mong muốn này. Vả lại, Hân cũng nghĩ đó chưa phải là nhu cầu bức thiết đối với mình, ngay cả trong những năm đại học sắp đến. Hằng ném miếng kẹo cao su, kéo tay cả bọn: − Thôi, tụi mình vào trường đi. Sắp tới giờ rồi ! * Gần như cả lớp 11A2 của Hân đều lại có mặt đông đủ trong lớp 12A2 mới năm nay. Mới ba tháng mà trông ai cũng lớn hẳn lên, nhất là các chàng trai. Năm 14-15 tuổi, họ chịu thua các cô gái về tốc độ phát triển cơ thể, nhưng bắt kịp và vượt qua ở những năm sau. Hầu như tất cả đều quần áo mới tinh tươm, không chỉ vì cần một chút diện đẹp đầu năm học, mà còn vì cần phải mặc những quần áo vừa vặn hơn. Tiếng cười nói ồn ào vang lên khắp sân trường. Học sinh đã đứng tụ lại theo chỗ quy định của từng lớp, chờ đợi tiếng trống mở đầu năm học mới. https://thuviensach.vn Lễ khai trường diễn ra theo đúng nghi thức thường lệ. Hân bất chợt đưa mắt lướt nhìn toàn cảnh ngôi trường. Thời gian đi qua quá nhanh. Mới đây mà đã hai năm. Dường như hôm nay với hôm khai trường vào lớp 10 chỉ có một khác biệt duy nhất: lúc đó hầu hết những gương mặt này đều chưa quen nhau. Họ được chuyển lên từ nhiều trường cấp 2 trong quận. Giờ thì tất cả đều thân nhau, thậm chí có những người nghĩ rằng sẽ chơi với nhau đến suốt cả đời. Nhóm 4H chẳng hạn. Có ai ngờ họ đã… uống máu ăn thề, đứa nào phản bạn cho sau này bị “ống chề”. Tất nhiên, chẳng cô nàng nào dám cắt tay lấy máu. Họ quyết định thay máu bằng xirô dâu, bốn người uống chung một ly rồi áp các lòng bàn tay vào nhau, hứa sẽ kết môđen cho đến ngày đám cưới cháu ngoại còn mời nhau đi. Thời gian đi qua quá nhanh. Mới ngày nào vào học lớp 10, lớp nhỏ nhất, bọn Hân còn đứng trên cùng, gần khu vực quan khách và thầy cô nhất. Còn bỡ ngỡ trước khung cảnh rộng rãi và vẻ đẹp cổ kính của ngôi trường. Vậy mà giờ đây, họ đã đứng ở khu vực dưới cùng, bình thản và tự tin. Hân chớp mắt. Mẹ vẫn thường cười Hân là con nhỏ mít ướt, vì cái tật hay xúc động của cô. Cảm nhận rất rõ sự đi qua chớp nhoáng của thời gian, Hân chợt nghĩ chỉ chín tháng nữa thôi là mỗi người sẽ mỗi ngả. Trong khi cô hiệu trưởng đang đọc bài diễn văn thường lệ, Hạ huých tay Hân: − Ê, lớp mình hôm nay có cu cậu lính mới nào kìa ! Nhìn theo ánh mắt Hạ, Hân thấy một anh chàng lạ mặt, khá cao ráo, đang đứng ở hàng cuối, dáng điệu có vẻ lúng túng thường thấy ở một người bị lọt vào một tập thể xa lạ. Mặt mũi “con ma mới” coi bộ cũng sáng sủa, dễ coi. Tướng tá thì cao ráo, khỏe mạnh. Y ăn mặc khá tươm tất nhưng không được à la mode lắm. Đặc biệt mái tóc y cắt ngắn và dựng đứng y như một cái bàn chải. Thấy mấy cô gái quay lại nhìn, anh chàng càng lúng túng tợn, https://thuviensach.vn len lét nhìn đi nơi khác. Hạ cười khúc khích nhưng bụm miệng ngay kịp. Dù sao thì phát biểu đầu năm của cô hiệu trưởng bao giờ cũng mang một ý nghĩa “thiêng liêng” nào đó, dù năm nào cô cũng lặp lại có từng ấy chuyện. Thậm chí, Hạ nghĩ, nếu cô hiệu trưởng này có về hưu hay chuyển đi nơi khác, thì cô hiệu trưởng mới có lẽ cũng sẽ không nói khác hơn. Những học sinh lắng nghe cô một cách nghiêm túc nhất bao giờ cũng là các “em” ở các lớp mới nhất. Thời gian thường khiến người ta làm biếng nghe, nhất là nghe lại những điệp khúc cũ. Tiếng cười làm một ánh mắt đi tìm ánh mắt Hạ, và đậu lại. Ánh mắt tươi cười làm thay một lời chào, và ve vuốt gương mặt Hạ làm cô cảm thấy da mặt mình ấm lên. Đừng, Hạ không thích giữa đám đông Long nhìn mình như vậy. Long không hiểu rằng Hạ sợ nhất là những lời trêu chọc, cáp đôi của bạn bè hay sao ? Có vẻ như Long đã hiểu, và anh lại quay sang trò chuyện với Triệu. Họ là hai người bạn thân, chẳng khác gì Hân với Hạ. Sau lưng Long, Hạ nhìn thấy đủ cả nhóm “ngũ quỷ”: Ngôn, Đức, Hiển, Hùng, Thắng. Như thường lệ, băng quậy này đứng dưới cùng. Lần này, có thêm “con ma mới” đứng với họ. Ngôn hỏi anh chàng lạ mặt: − Bạn tên gì ? − Thiện. Còn bạn ? − Ngôn. Ở đâu chuyển về vậy ? − Tôi ở dưới tỉnh. Ba tôi chuyển công tác lên đây. − Tỉnh nào ? https://thuviensach.vn − Hậu Giang. − Ông già làm lớn hả ? − Cũng thường. − Thôi mà, dân trong nghề với nhau hết rồi. Ở tỉnh mà chuyển về thành phố thì không phải cỡ thường. Đúng không ? Ông già làm gì ? − Công an. − Chà, ngon há. Cấp tá hả ? − Ừ. − Trung tá ? − Không, đại tá. − Về Sở à ? − Ừ. − Làm gì ? − Không biết ? − Đại tá thì phó giám đốc là giá chót. Bạn sướng há. Đi chơi tha hồ quậy. https://thuviensach.vn − Ba tôi khó tánh lắm. Tôi mặt đồ mode còn không được nữa à. − Nói vậy thôi ! Con đại tá công an đi chơi, ai dám đụng ? Này, vô băng tụi này nghe. − Băng gì ? Ngôn chỉ đám bạn chung quanh: − Bọn mình có năm thằng, thân nhau lắm. Trong lớp tụi nó chọc, kêu bọn mình là băng “ngũ quỷ”, nhưng thật ra bọn mình là băng Bốn Mùa. − Nghĩa là sao ? − Nghĩa là suốt bốn mùa, bọn mình… thoải mái. − Í, vậy không được đâu. Ba tôi muốn tôi phải tốt nghiệp phổ thông và sau đó phải đậu vào đại học Y. − Thì lúc đó ông già chỉ cần phôn một cái là thôi chớ gì ! − Ba tôi ghét nhất là chuyện gởi gắm. − Nói vậy thôi ! Trong khi Ngôn nói chuyện với Thiện thì Hoa lại thì thầm với Hằng: − Năm nay thầy chủ nhiệm của mình trẻ mà đẹp trai quá. Nghe nói ổng còn là một nhà thơ nữa. Vậy là môn Văn năm nay chắc học đã lắm ! https://thuviensach.vn Hằng bắt chước nhân vật Tí Quạu trong truyện Xì-trum: − Tao không thích các nhà thơ ! − Ổng cũng đâu cần mày thích. Ổng có vợ con rồi mà ! − Con quỷ, sao chưa gì mày đã nắm hết lý lịch của ổng rồi vậy ? − Chứ sao ! Từ cuối năm ngoái tao đã nghiên cứu hết danh sách các thầy cô năm nay rồi, biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà. Minh, thầy chủ nhiệm, đứng một bên phía trước, khẽ đưa một ngón tay lên môi, ra dấu bảo Hoa và Hằng hãy yên lặng, làm hai cô bé đỏ bừng mặt. Năm nay Minh mới 32 tuổi, nhưng đi dạy đã được chín năm. Như nhiều sinh viên khoa Văn của trường Sư phạm, anh rất yêu thích văn học và đã tập tễnh làm thơ từ những năm còn ngồi ở ghế nhà trường. Một vài bài thơ của anh đã được đăng báo ngay từ thời ấy, và đã tạo được tiếng vang. Theo thời gian, thơ anh ngày càng nhuyễn hơn, được nhiều người biết hơn, nhưng tiếc thay, cũng theo thời gian, nó ít để lại trong lòng người đọc những rung động sâu sắc như trước. Với Minh, ngay từ lúc nghe nhiều người gọi mình là “nhà thơ” – tất nhiên trong đó có cả những lời tâng bốc phỉnh phờ – anh đã cảm thấy tự hài lòng, mà không hề nhớ cái hào quang của sự nổi tiếng đã từng giết chết bao nhiêu người đi trước. Dù sao, với một vẻ ngoài dễ coi, cao ráo, trắng trẻo, đầy nét thư sinh, trí thức, cùng với một kiến thức rộng về văn học trong và ngoài nước, một khả năng ăn nói lôi cuốn, hấp dẫn, Minh rất dễ thu hút được sự chú ý của người khác. Là một sinh viên gốc miền Trung được tuyển vào thành phố học Đại học sư phạm, ngay từ năm thứ hai, trước sức quyến rũ của thành phố, Minh đã quyết định sau khi ra trường phải ở lại nơi này bằng mọi cách. Qua kinh nghiệm của nhiều người đi trước, Minh hiểu mình chỉ có thể chọn một con https://thuviensach.vn đường: lập gia đình với một cô gái ở thành phố, và nhất thiết cô gái ấy phải là một người có gốc gác, thế lực. Những bài thơ tình ngọt ngào, đầy chất lãng mạn của Minh đã thu hút được sự ái mộ của không ít cô gái. Rồi những đêm thơ trong khuôn viên trường đại học, giúp Minh trở thành một gương mặt nổi bật trong trường, tạo điều kiện cho anh được quen khá nhiều cô gái. Và anh chọn được Cúc, cũng khoa Văn, kém anh một lớp. Cúc không đẹp so với những cô bạn gái khác, nhưng có một ưu thế không ai bằng: cô là con của một cán bộ Thành ủy có cỡ. Sự tính toán của Minh hoàn toàn chính xác: ra trường, anh được giữ lại ở thành phố, được phân công về một ngôi trường giữa trung tâm. Một năm sau, Cúc ra trường, và đám cưới của họ đã diễn ra, khá linh đình, trọng thể. Tất nhiên, Minh biết trước cái giá mà mình phải trả. Chưa bao giờ anh yêu Cúc. Nhưng anh cho rằng con người có thể sống mà không cần tình yêu, nhất là khi đã có những mục tiêu quan trọng hơn. Cần thì tình yêu cũng phải phục vụ cho mục tiêu ấy. Minh không hề nghĩ mình sẽ dừng lại vị trí của một thầy giáo cấp ba. Anh đã nghĩ tới công việc biên tập ở một tờ báo hay một nhà xuất bản. Nhưng tiếc thay, chỉ một năm sau đám cưới, lúc Cúc đang mang thai con Bi, bất ngờ ba Cúc bị tai nạn giao thông và qua đời. Hóa ra, ông đúng là một cán bộ chân chính. Những nhà cửa, xe cộ… chỉ là chế độ của Nhà nước. Ông mất đi, hầu như chẳng để lại được gì. Những quan hệ quyền thế cũng đột ngột đứt rời như hơi thở của ông. Nhà cửa, tài sản thì vợ ông và hai đứa con đầu chia nhau. Vợ chồng Minh chẳng còn được gì đáng kể, và sau đó là một sự tự lực cánh sinh đầy bi kịch… Khi biết mình được phân làm giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 này, Minh đã đi hỏi thăm cô Anh, giáo viên chủ nhiệm năm trước của lớp. Một lớp học khó nắm. Khá nhiều em ngoan, chịu khó học, nhưng cũng không ít học sinh cá biệt quậy hết biết. Như thường lệ, số cá biệt này hầu hết rơi vào https://thuviensach.vn thành phần con ông cháu cha. Chưa đến ngày tựu trường, Minh đã có danh sách ấy trong tay. Thậm chí anh đã nhờ cô Anh tham mưu để sắp xếp trước một bản sơ đồ lớp. Các nhân vật quậy bị xé lẻ tứ tán, trong đó cô Anh đặc biệt lưu ý Minh về năm chàng trai của nhóm Bốn Mùa. Nhóm 4H cũng được anh biết đến. Bốn cô gái cùng mang tên vần H đó chơi với nhau rất thân, nhưng lại thuộc loại ngoan, chịu học, có uy tín trong lớp. Hãy biết khai thác, đưa vào những vị trí chủ chốt. Tự nãy giờ, đứng bên cạnh các học sinh mới của mình, lóng nghe những câu chuyện, Minh đã đoán được hai cô bé mình vừa lưu ý đừng nói chuyện riêng đó chính là hai trong số bốn cô của nhóm 4H. Cô bé cao ráo, da dẻ hồng hào, rất đẹp. Có thể là đẹp nhất lớp. Ăn mặc đẹp và sang. Chắc là tên Hằng. Con của một giám đốc có tên tuổi trong thành phố. Không hiểu sao Minh lại nghĩ đến chuyện anh chàng nào sau này làm chồng cô bé chắc phải tốt phước lắm. Một ông thầy không nên nghĩ đến những điều nhảm nhí như vậy. Lại càng không nên ngầm chấm điểm cô học trò nào là hoa hậu của lớp. Nhưng một nhà thơ thì có quyền rung cảm trước cái đẹp chứ ? Bộ óc thi sĩ của Minh lập tức chuyển động, cho những tứ thơ chuẩn bị chào đời. Chín năm đi dạy, việc cảm thấy rung động trước một cô học sinh đẹp không phải là chuyện lạ với Minh. Nhưng anh luôn biết giữ những rung động ấy trong lòng để có dịp thì biến thành thơ. Tuy vậy, dưới mái trường, Minh vẫn là một nhà giáo nghiêm túc. Anh vẫn nhớ đến những mục tiêu quan trọng đã tự đề ra, dù bây giờ con đường để đến với chúng đã trở nên quá nhiêu khê, dịu vợi. Bài phát biểu dài lê thê, rồi những thủ tục thông lệ, cũng tới lúc chấm dứt. Học sinh từng lớp tỏa ra khỏi sân, đi về lớp của mình. Như thói quen của ngày đầu năm học, khi lần đầu tiên bước qua cửa lớp, Hân ngước mặt nhìn lên tấm bảng nhỏ kẻ tên lớp gắn trên khung cửa. 12A2. Một năm học mới đã bắt đầu. Năm học cuối cùng của đời học sinh tươi đẹp. Sẽ có nhiều khó khăn và cũng đầy ắp kỷ niệm… https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn 2 Chuyện thật bất ngờ là nhóm 4H có đến ba người cùng được bầu vào ban cán sự lớp. Hạ tiếp tục làm bí thư chi đoàn. Hân làm lớp phó lao động, thay Toàn. Còn Hằng ? Trung, lớp trưởng năm ngoái, có phần bị anh em mất tin tưởng vì điều hành lớp quá kém. Khi không ai chịu xung phong làm lớp trưởng, bỗng thầy Minh gợi ý: − Hằng làm lớp trưởng được không ? Các em thấy sao ? Cả lớp ồn ào hẳn lên. Thật không ai ngờ, nhưng… cũng có lý lắm. Hằng học giỏi, tự tin, lại xinh đẹp. Cô nói các bạn - nhất là các bạn nam - thường dễ nghe theo. Hằng từ chối nhưng không thoát. Gần như cả lớp cùng nhất trí với gợi ý của Minh. Lớp phó học tập không ai khác hơn Long. Ba năm liền, chức vụ này luôn thuộc về Long. Đó cũng là chàng trai học giỏi nhất trường, niềm tự hào của cả lớp. Bằng tuổi các bạn, nhưng trông Long có vẻ gì đó “người lớn” hơn. Có lẽ Long là con trai cả, dưới còn có hai đứa em, và một thời gian dài đã là “người đàn ông” lớn nhất trong một gia đình có cuộc sống khá chật vật. Anh học hành rất nghiêm túc và nổi tiếng là người chặt chẽ về giờ giấc. Những đức tính đó, có lẽ do Long chịu ảnh hưởng từ ba. Ông Phước, ba Long, là một thiếu tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu quân đội chế độ cũ. Mặc dù ngày giải phóng Long chỉ mới tám tuổi, nhưng nề nếp sinh hoạt trong gia đình, anh đã được ba rèn từ nhỏ. Ông Phước ra khỏi nhà là, quân phục ủi hồ cứng pli, giày da bóng lộn. Mọi thứ trong nhà ông ngăn nắp đến mức có thể nhắm mắt đi tìm đúng chỗ của từng món. Tám năm đi học tập cải tạo trở về, dường như ông càng trật tự và ngăn nắp hơn. Một trong những điều ông thường dạy Long là: muốn làm được việc, phải có nghị lực. Mà một trong những phương thức để rèn nghị lực, chính là tạo cho mình https://thuviensach.vn một thói quen tự giác tuân thủ những nguyên tắc, kỷ luật… đã đặt ra. Ông Phước cũng dạy Long những nguyên tắc sống mà ông cho là có ích trong mọi chế độ. Đó là hằng ngày phải rèn luyện thân thể. Là sống điều độ. Là luôn khiêm tốn và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Là không dối trá và luôn giữ đúng lời hứa. Là biết tự chủ trong mọi tình huống. Là tự trọng và tôn trọng mọi người… Có lẽ nhờ những nguyên tắc sống ấy mà Long luôn được thầy cô và bạn bè tin cậy, thương mến. Ngày ba ở trại cải tạo về, Long ngỡ ngàng thấy dường như ông còn khỏe mạnh hơn trước. Ông nặng cân hơn, da thịt đỏ au, rắn chắc. Có lần, từ trại cải tạo, ông đã viết cho Long: “Nghị lực làm con người dễ thích ứng với mọi tình huống, hoàn cảnh, dù xấu nhất. Con nói mẹ đừng lo cho ba, hãy tập trung sức lo cho các con. Ở đây, ba vẫn sống được. Mẹ và các con cứ yên tâm…”. Vâng, với một nghị lực đáng kể, Long đã vượt qua những khó khăn thiếu thốn của gia đình, phấn đấu trở thành một học sinh giỏi toàn diện. Việc anh được tiếp tục bầu làm lớp phó học tập là một điều không có gì đáng ngạc nhiên. Một bất ngờ khác cũng xảy ra trong giờ sinh hoạt đầu tiên để bầu ban cán sự lớp. Đến lượt bình chọn lớp phó kỷ luật, chức vụ chẳng mấy ai thích nhận, thì Ngôn đứng lên: − Tôi xin đề nghị bạn Thiện, vừa chuyển về lớp chúng ta. Bạn Thiện làm lớp phó kỷ luật là đúng rồi, vì… ba của bạn là đại tá công an. Cả lớp cười một cái ào, trong khi mặt Thiện đỏ bừng lên. Tất nhiên động cơ khiến Ngôn giới thiệu Thiện cũng không có gì lạ: nhóm Bốn Mùa quyết tâm kết nạp Thiện vào băng cho bằng được. Thiện mà được làm lớp phó kỷ luật thì thật tiện lợi cho cả nhóm. Long dè dặt: https://thuviensach.vn − Tôi chỉ hơi ngại bạn Thiện mới về chưa nắm bắt hết tình hình trong lớp chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chọn bạn Thiện, chắc chắn không phải vì ba bạn ấy là công an. Minh ủng hộ Thiện. Có những con người mình vừa gặp là đã cảm thấy có một tính cách chắc chắn, tin cậy được. Thiện là một người như vậy. Chín năm đi dạy và kể cả nhiều năm đi học của mình, Minh thấy có một điểm gần như là xu hướng chung của giới học trò: những tay ngổ nghịch lại thường được chọn làm trật tự, kỷ luật. Trong một số trường hợp, các em này khi được giao nhiệm vụ, lại trở nên đứng đắn hơn, đồng thời, vốn từng là dân quậy phá, em lại dễ nói chuyện phải trái với các bạn “đồng sự” hơn. Nhưng Minh không thích phương pháp ấy. Nó có vẻ may rủi, không phù hợp với tính cẩn thận của anh. Anh vẫn thích chọn vào chức vụ đó những học sinh nghiêm túc và quan trọng nhất, là có uy. Chỉ mới tiếp xúc, Minh đã có một nhận xét khá sơ bộ về Thiện: con cán bộ công an cao cấp, nhưng có lẽ đã được sự giáo dục tốt ở gia đình. Rất lễ phép, chững chạc, có một vẻ gì đó rất… công an. Thiện thoái thác nhiệm vụ, nhưng khi thấy cả lớp quyết tâm chọn, đành đứng lên nói: − Tôi không ngờ vừa về đây đã được các bạn tin cậy giao nhiệm vụ. Tôi chỉ có thể làm được việc này với sự giúp đỡ của thầy cô và tất cả các bạn. Mong các bạn sẽ giúp tôi để chúng ta cùng phấn đấu xây dựng một lớp học tiên tiến. Cả lớp vỗ tay ầm ĩ. Minh nheo mắt nhìn thiện. Đúng là đầy tương lai làm lãnh đạo ! https://thuviensach.vn Cũng trong giờ sinh hoạt đầu tiên ấy, Minh công bố sơ đồ lớp do anh sắp xếp. Lúc đầu, anh để các học sinh tự chọn chỗ ngồi để anh quan sát xu hướng và tiếp tục điều chỉnh bản sơ đồ mà mình đã dự tính. Có những trường hợp ngồi gần nhau là tốt, vừa thuận lợi cho việc duy trì lớp lại vừa có lợi cho bản thân người học sinh, nhưng cũng có những trường hợp nhất thiết phải điều chỉnh. Thí dụ như băng Bốn Mùa. Cả năm chàng cùng kéo nhau xuống ngồi ở dãy bàn chót. Cô Anh đã lưu ý Minh về cái “xóm nhà lá” này. Chỉ có mình Ngôn được giữ lại ngồi bên Thiện ở bàn cuối dãy giữa. Với vị trí này, Thiện sẽ quan sát được cả lớp. Cho Thiện ngồi bên Ngôn, Minh thầm mong Thiện sẽ cải hóa được cậu trưởng nhóm này, và nhờ vậy, sẽ tác động được đến cả nhóm. Ngôn có vẻ mãn nguyện. Trong lúc đó, Đức, Hiển, Tùng có vẻ bất mãn ra mặt, vì bị xé lẻ lên ngồi ở các bàn phía trên của ba dãy. Thắng thì lọt thỏm vào khu giữa lớp. Tùng khiếu nại: − Xin thầy cho em được ngồi ở bàn chót, vì em bị… viễn thị. Minh bình tĩnh: − Nếu em có giấy xác nhận của bất kỳ một bác sĩ chuyên khoa mắt nào thì thầy sẽ giải quyết. Nhóm 4H cũng bị chia cắt. Hân ngồi bàn đầu của dãy 1, bên Đức. Hoa ngồi bàn thứ hai, dãy 3. Còn Hằng, Hạ ngồi ở trung tâm lớp. Long và Hạ ngồi cùng một bàn, ở dãy giữa. Hằng ở một đầu bàn dãy 1. Như vậy là Long ngồi giữa hai người. Trừ lớp phó kỷ luật, Minh vẫn thích giữ bộ máy cán sự lớp ở vị trí trái tim của lớp. Anh hoàn toàn không hay biết một điều, mà chính cô Anh cũng không biết: giữa Long và Hạ đã nảy sinh một điều, https://thuviensach.vn rất riêng. Cô Anh không biết cũng là lẽ tất nhiên. Bí thư chi đoàn Hạ và lớp phó học tập Long quả tình có thân nhau qua sinh hoạt, học tập hằng ngày, nhưng sự thân tình ấy chưa có biểu hiện gì khác mối quan hệ với các bạn khác trong lớp. Cái điều mới mẻ rất riêng ấy chỉ mới xảy ra trong những ngày hè… Hôm ấy, một sáng Chủ nhật. Hạ đi cắt tóc. Cô diện một bộ cánh thật tươi trẻ: áo mô-đen màu đỏ, kiểu rất mới, tay lỡ. Quần jean lông chuột bó sát, mắt đeo kính mát rộng bản. Rất xinh đẹp và cũng khác hẳn cô học trò Thúy Hạ trong những ngày đến lớp. Lúc đi, Hạ được theo xe ba. Về, cô ngoắc một chiếc xích-lô vừa trờ tới. Chỉ đến khi chiếc xe dừng lại thì Hạ và người đạp xích-lô đội nón lụp xụp mới nhận ra nhau. Anh ta chính là Long. Trong khi Hạ còn đang đứng tròn xoe mắt thì thật bất ngờ, Long đạp xe chạy vụt đi. Hạ bước theo mấy bước, gọi tên Long, nhưng vô ích. Anh rẽ ngay ở ngã tư trước mặt và mất hút, bỏ lại Hạ đứng ngẩn ngơ trên lề đường. Hầu như suốt ngày hôm đó, Hạ cảm thấy ray rứt không nguôi. Đúng, cô đã biết hoàn cảnh gia đình Long có nhiều khó khăn. Trong thời gian ba Long đi học tập cải tạo, ở nhà mẹ của anh đã phải bán lần hồi từng món đồ dùng trong gia đình để nuôi ba đứa con ăn học và thăm nuôi, tiếp tế cho chồng. Long là con trai đầu lòng, chắc chắn anh phải chia sẻ gánh nặng với mẹ. Nhưng Hạ cũng biết ba Long đã về, cách đây hai năm, trước cả lúc Hạ quen Long vào năm lớp mười. Long học giỏi như vậy, Hạ vẫn nghĩ chắc là Long phải để hết thời gian vào việc học. Thật không dè… Hạ âm thầm xót xa, thương bạn, khi nhớ tới hình ảnh sau cùng của Long vào buổi sáng là cái lưng áo anh có một miếng vá lớn. Bữa cơm trưa, rồi bữa cơm chiều, thấy Hạ ăn uể oải, mặt lo nghĩ, mẹ cô gắt: https://thuviensach.vn − Con nhỏ này hôm nay sao lạ vậy ? Có ốm đau gì không ? − Thưa mẹ, không. − Vậy sao con ăn uống uể oải vậy ? Anh Vũ xen vào: − Chắc nhỏ Hạ muốn giữ eo đó mẹ. Nghỉ hè, eo hắn bự lên gần bằng eo biển Đài Loan rồi đó. Hạ nguýt anh: − Còn lâu. Eo em còn thua xa eo cô bồ anh. − Ê, chưa gì đã khai rồi. Anh có bồ hồi nào ? − Thì cái cô em thấy anh chở hoài đó. Tám chục kí là ít ! − Ba mẹ Hạ cùng bật cười. Hạ cố pha trò chọc anh Vũ để ba mẹ cùng yên tâm về mình, vì cô vẫn thường tạo không khí náo nhiệt trong những bữa ăn gia đình. Thật ra, cuộc gặp gỡ bất ngờ sáng nay với Long vẫn còn gây chấn động trong cô. Sau bữa cơm, Hạ ngồi ở xa-lông, nghe nhạc. Nhóm Modern Talking, rồi giọng ca của Lobo, đều không xua tan được cơn phiền muộn trong cô. Hạ cứ nghĩ tới Long. Chắc Long đang khó nghĩ lắm. Cô có nên đi tìm Long để nói cho ban biết rằng cô luôn quý bạn, và càng quý hơn bất cứ việc gì bạn phải làm để giúp đỡ gia đình ? https://thuviensach.vn Đúng lúc đó, Hạ nghe có tiếng chuông cửa. Rồi người giúp việc cho biết có một người bạn của Hạ đến tìm, tên Long. Hạ vội chạy ra mở cửa. Long đứng bên chiếc xe đạp, vẻ ngượng ngập: − Mình tới xin lỗi về việc sáng nay gặp Hạ mà lại bất lịch sự, bỏ chạy. Hạ thông cảm cho mình. Lẽ ra không có gì đáng để xấu hổ. Hạ mở rộng cửa: − Long vào nhà chơi. Nói thật, Hạ đang định tới thăm Long đó. Ly nước mát lạnh. Những trái nhãn cũng lạnh và ngọt lịm chân răng. Căn phòng khách với ánh đèn vàng ấm cúng. Chiếc ghế xa-lông êm ái. Hạ thay một cuộn băng Clayderman và vặn nhạc thật nhỏ. Họ ngồi im lặng và cảm thấy thật dễ chịu. Bất chợt Long cảm thấy buồn, khi nhớ lại trước kia nhà mình cũng có đủ cả những thứ tiện nghi này. Honda, tivi, pick-up, tủ lạnh… Tám năm, mẹ Long chỉ còn giữ lại được một chiếc tivi, vì tội nghiệp ba anh em Long không có gì giải trí. Bà bươn chải với nhiều loại việc khác nhau và cuối cùng dừng lại ở một tủ thuốc lá nhỏ trong khu vực gần một bến xe lớn, cho đến ngày ba Long trở về. Long vẫn biết Hạ, cũng như Hằng, là con một gia đình cán bộ có cỡ. Bà Nga, mẹ của Hạ, nằm trong ban giám hiệu trường Đại học Y dược. Ba Hạ là bác sĩ có chức vụ cao ở một bệnh viện. Cuộc sống của họ, so với những ngày đầu mới về thành phố, ngày càng phong lưu, đầy đủ hơn. Cho đến ngày Hạ quen Long năm 16 tuổi, thì hầu như cuộc sống trong gia đình cô không còn phải lo lắng một điều gì. Hạ không thể hiểu tất cả những cái có được ấy đều do vị trí quyền lực của cha mẹ mình. Cô hoàn toàn không thắc mắc vì đâu gia đình mình sống đầy đủ như vậy. https://thuviensach.vn Điều làm Long quý Hạ là cô sống với bạn bè rất tốt, không chút kiêu căng, hợm hĩnh. Họ còn phục nhau ở tài năng: Hạ chỉ kém Long môn Toán, trong khi sắc sảo hơn anh về môn Văn. Cô phụ trách tờ báo tường của lớp, đồng thời còn tập tễnh viết văn, nên được bạn bè trêu là “nhà văn nữ đang lên và sắp xuống”. Năm lớp mười, Hạ từng được chọn đi thi học sinh giỏi Văn toàn thành phố, và đứng thứ nhì. Cô rất nhạy cảm và tinh tế trong việc nhận xét một con người. Hạ nhận ra ngay là Long đang buồn. Cô lại nghĩ anh buồn vì mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Làm sao xóa được mặc cảm ấy cho bạn ? Hạ nghĩ, cách tốt nhất là hãy nói thẳng về chuyện ấy một cách bình thường, tự nhiên nhất: − Long đạp xe như vậy, mệt lắm không ? Long hơi ngập ngừng một chút: − Cũng hơi mệt. Nhưng… Long ít đạp lắm. Thỉnh thoảng chỉ Chủ nhật… Chiếc xe ấy là của ba Long. Ba mướn xe đạp để kiếm thêm tiền tiêu trong nhà, trong khi chờ tìm được việc khác hợp khả năng hơn. Mấy hôm nay ba bị bệnh nên Long phải đạp… Hạ nhìn Long bằng ánh mắt thật dịu dàng: − Có gì đâu mà Long lại mặc cảm với Hạ ? Chuyện đó cho thấy Long càng đáng quý thôi. Hạ mà có trách là trách Long một điều… − Điều gì ? − Chả lẽ Hạ không đáng được Long chở đi chơi bằng xích-lô một chuyến hay sao ? Rồi mình ngừng xe lại ăn bò bía ở gần chùa Xá Lợi, cho https://thuviensach.vn bà con lé mắt chơi ! Cả hai cùng cười khúc khích. − Dám đi không ? – Long hỏi. − Sao lại không ? − Vậy chiều mai nhé ? − Ừ, chiều mai, − Long đợi Hạ ở đầu đường nghe. − Ừ. − Mấy giờ ? − Ba giờ đi. − Rồi ! Long về rồi, Hạ mới thấy ân hận. Có phải mình đã đùa với mặc cảm của bạn mình không ? Vậy rõ ràng mình chẳng hề tôn trọng bạn. Có thể trong lúc hào hứng, Long chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng rồi sau đó… Hạ thấy không khéo mình lại vô tình làm bạn cảm thấy nặng nề thêm. Đêm ấy, Hạ cứ trằn trọc mãi. Đến gần sáng, cô mới chợp mắt được. Trong giấc ngủ, Hạ thấy mình đi tìm Long, nhưng Long cứ trốn chạy, với đôi mắt buồn buồn nhìn cô. Họ rượt nhau trên những con đường trải đầy sách, cuối cùng thì Hạ https://thuviensach.vn cũng bắt được Long, nhưng khi anh quay lại thì đó là Ngôn, với nụ cười nhăn nhở thường lệ. Hạ choàng dậy thở hổn hển, mồ hôi ướt cả áo. Sáng sớm, mới sáu giờ, Hạ lén ba mẹ đạp xe đến nhà Long. Long ở trong một khu cư xá, căn nhà không lớn nhưng có một khoảnh sân khá thoáng phía trước, với một vài chậu cây kiểng làm cảnh. Đứng ngoài cổng, Hạ nhìn thấy Long đang tập thể dục trong sân. Long ở trần, mặc quần đùi, phô thân hình cân đối, khỏe mạnh. Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy Hạ, và đi ra, định mở cổng. Hạ ngăn lại: − Thôi Long đừng mở cổng. Hạ nói chút thôi. Đi liền. − Chuyện gì vậy ? − Hạ đến để… xin lỗi Long. − Sao vậy ? - Long kêu lên. Hạ im lặng. Long thở dài: − Chiều nay không đi được à ? Đôi mắt Long buồn buồn nhìn Hạ. Hạ cúi mặt: − Không phải. Mà vì nghĩ mình làm vậy kỳ cục quá. Không giống ai, mà cũng không hay cho Long. Rủi bạn bè thấy, tụi nó cười chết… Liếc mắt thấy Long xịu mặt, Hạ nói nhanh: https://thuviensach.vn − Tốt nhất chiều nay mình cứ đi chơi với nhau bình thường được không ? Thay vì đi xe của Long, Hạ sẽ mượn xe tới rủ Long đi… Mặt Long tươi tỉnh trở lại: − Ừ. Cứ ba giờ nhé ? − Thôi, năm giờ đi, cho trời mát đã. Với lại lúc đó anh Vũ mới về. Hạ đi về, lòng nhẹ nhàng vì mình đã mang lại niềm vui cho bạn. Buổi chiều, trời dịu mát sau một cơn mưa nhỏ. Hạ xin phép mẹ đi ăn sinh nhật nhỏ bạn, rồi mượn chiếc Cub 78 của anh Vũ, nói để lấy le với bạn một buổi. Chỉ cần hứa bữa nào sinh nhật anh, Hạ sẽ rủ Hằng tới, là anh cho mượn ngay. Thế là Hạ vù xe tới nhà Long tức khắc. − Mình đi đâu đây Hạ ? − Tới nhỏ Hằng chơi đi. Lâu quá Hạ không gặp. Rủ nó đi chơi luôn. Hôm nay Hạ có giấy phép tới tám giờ lận đó. Hạ nhường tay lái cho Long. Đôi bạn nhanh chóng hòa vào dòng xe cộ trên đường phố. Hạ diện giản dị mà đẹp: áo pull vàng và một chiếc jean nhung đen. Long vẫn chơi “môđen học sinh” với chiếc sơ-mi trắng bỏ trong quần xanh đen, tiến bộ hơn nhờ một đôi bata trắng. Hạ ngồi sai tóc thơm ngát mùi dầu gội đầu hương cỏ, Long chợt bắt gặp ở mình một cảm giác gì đó thật lạ lẫm mà cũng hết sức dễ chịu. https://thuviensach.vn Họ có hơi hẫng khi được người nhà của Hằng cho biết cô đi Nha Trang chưa về. Họ càu nhàu: − Con nhỏ này cứ hè là nó biến mất. Long băn khoăn: − Bây giờ mình đi đâu ? Hạ bước lên xe: − Thôi, tùy Long tổ chức chương trình đó - Sực nhớ, cô thêm - Mà giao hẹn trước nghe: Hôm nay Hạ bao, chịu không ? Hạ đang có nhiều tiền lắm ! Lần khác hãy tới phiên Long. Long phản đối: − Không được ! Ai lại đi chơi lần đầu mà bắt con gái phải trả tiền ? Long cũng có tiền đây nè. − Hổng chịu thì thôi, đi về ! - Hạ bướng bỉnh. Long đành nhượng bộ: − Thôi được rồi. Lần sau là đến lượt Long. Hạ tươi tỉnh: − Vậy phải được không. À… Hôm nay mình có xe ngon, đi đâu xa xa chơi đi Long. https://thuviensach.vn − Văn Thánh nghe ? Hay Thanh Đa ? − Văn Thánh đi. Ở đó có bánh xèo, chả giò. Lâu rồi Hạ chưa ăn, thèm quá ! Chiếc cầu gỗ đưa đôi bạn trẻ vào khu tiểu đảo Văn Thánh. Những thân bạch đàn lả lơi chào đón. Gió thổi mát rượi, làm tóc Hạ bay bay lòa xòa trên má. Hạ hé môi ngậm mấy sợi tóc. Long bỗng thấy chân mình bước nhẹ tênh. Đôi bạn vào quán ăn, chọn một chiếc bàn nhìn ra mặt nước. Chiều êm đềm xuống. Miếng bánh xèo béo ngậy và thơm phức. Những cuốn chả giò giòn tan. Long ngồi nhìn Hạ, cảm thấy như mình đang ở trong mơ. Đôi bạn uống nước ngọt. Hạ hỏi Long uống rượu được không và thắc mắc sao bây giờ mấy ông uống rượu nhiều quá, không biết bao giờ Long sẽ cầm ly rượu đầu tiên. Long nói: − Điều đó chưa biết, nhưng ba Long sẽ không cấm, khi Long ra đời, làm việc. Trong lúc còn đi học thì thôi. − Sao ba Long lại không cấm ? Long nói ba nghiêm lắm mà ! − Đúng. Nhưng ba Long nói cũng có khi mình cần thiết phải biết uống rượu. Cái gì biết cũng tốt hơn không biết. vấn đề là không bao giờ để nó làm chủ mình hoặc làm hại mình. Tức là đừng để ghiền bất cứ cái gì. Bữa ăn trôi qua khá nhanh, nhờ cả hai đều có “tâm hồn ăn uống”. Trời đã tối hẳn, nhưng nhờ có ánh trăng, họ vẫn còn nhìn được cảnh vật chung quanh. Ngoài sông, những chiếc pêđalô hình thiên nga vẫn còn lượn lờ. Long nhìn Hạ một lúc lâu, nhìn ánh trăng nhảy múa qua những tàu dừa tỏa xuống lung linh trên tóc Hạ, và chợt nói: https://thuviensach.vn − Mình dạo một vòng trên mặt nước đi Hạ. Mới bảy giờ, còn sớm mà. Hạ cười: − Mỗi người đạp một chiếc nghe. − Cũng được thôi. Để coi ai mỏi chân cho biết. Đôi bạn ra khỏi khu vực quán. Ở chỗ ngã rẻ đi vào nhà hàng chính, Hạ chợt thấy một người trông rất giống ông Quang, ba của Hằng, đang đi bên cạnh một cô gái trẻ, đẹp, mặc áo đầm màu hồng phấn. Trời đã tối hẳn, dù có ánh trăng, nhưng chỗ đó có nhiều bóng cây, và người đàn ông quay mặt sang nói chuyện với cô gái, nên Hạ không thể xác định được. Cô xua ngay ý nghĩ đó là ông Quang, bởi giờ này ba của Hằng phải đang ở nhà dùng cơm với mẹ Hằng chứ. Vả lại, Hạ cũng đã biết mẹ Hằng. Bà còn trẻ và rất đẹp, lại sành ăn mặc, trang điểm. Mấy lần Hạ đến nhà Hằng chơi, Hạ đều thấy gia đình của bạn rất êm ấm, hạnh phúc… Con thiên nga từ từ rời bến, chở theo đôi bạn trẻ. Tiếng nước róc rách lướt. Lần đầu tiên Hạ ngồi bên cạnh một bạn trai, trong khung cảnh rất riêng tư. Cả hai cùng im lặng một lúc lâu, và rồi Hạ chủ động cất tiếng: − Thôi, bây giờ Hạ phân công Long đạp, Hạ nghỉ. Một lát nữa Hạ nghỉ, Long đạp. Được không ? Long nhẹ nhàng nói: − Với Long, Hạ muốn gì cũng được hết. https://thuviensach.vn Hạ sợ ánh mắt Long quá. Ánh mắt ấy đang gần lại, gần lại. Một cánh tay Long quàng qua vai Hạ. Hạ chỉ còn thấy có khuôn mặt Long và một chút trăng thấp thoáng phía sau. Hơi thở của Long ấm áp phả vào mặt Hạ. Dường như Hạ nghe cả tiếng tim mình đang đập rộn ràng trong lồng ngực. Chưa bao giờ Hạ gần ai như vậy. Chưa bao giờ… Long cũng chưa bao giờ được trải qua cảm giác ấy. Cuộc sống dường như không còn gì khác hơn một Hạ đang gần như thế. Hai gương mặt gần như sắp chạm nhau. Hương tóc Hạ thơm ngát. Long hôn đại vào má Hạ một cái. Như bị điện giật, Hạ hốt hoảng ngồi thẳng dậy, vuốt lại mái tóc. Long vội vã rút tay về. Hạ nói, giọng nghe khác hẳn: − Đừng, Long… − Long… xin lỗi Hạ - Long lúng túng. Hạ đã lấy lại bình tĩnh: − Không có gì đâu… Nhưng… Hạ nghĩ mình nên giữ thật đẹp tình bạn này. Long ráng giữ với Hạ nhé ? Long lẳng lặng gật đầu. Bỗng dưng Hạ thấy Long mới dễ thương làm sao. Thật nhanh, cô chồm tới mi nhẹ lên má Long: − Vậy là huề nhé. Chuyện cũ bỏ qua nghe. Đôi bạn bắt tay nhau. Hạ nói: − Thôi mình về đi. Khuya rồi. Họ ra về khi trăng đã lên quá những tàn cây. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn 3 Đoàn xe chạy như một đám phản lực cơ bay vùn vụt qua đường Đồng Khởi. Tiếng gầm rú của những động cơ xe gắn máy xoáy hết nòng xilanh nghe đinh tai nhức óc. Thiện bấu chặt yên xe, khiếp đảm trước những đường lượn vòng vèo của Ngôn, mà chỉ một tích tắc sơ hở sẽ đưa đến tai nạn chết người. Những đôi mắt của người đi đường kinh hãi nhìn họ, rồi những tiếng chửi rủa quát tháo đuổi theo. Xe của Ngôn, một chiếc 67, đang ở hàng thứ hai của đoàn xe khoảng 15 chiếc. Ngôn đang cố hết sức vượt qua chiếc DD dẫn đầu, cách mình chỉ một thân xe, vì từ đây tới mức đến chỉ còn khoảng vài trăm mét. Rạp mình trên thân xe, Ngôn quyết định sẽ vượt qua Chiến ở ngã tư Mạc Thị Bưởi, bằng tài len lách của mình, chứ nhất định không giảm bớt tay ga. Tất nhiên Chiến sẽ không để bị qua mặt dễ dàng. Tay đua nhiều kinh nghiệm này hiểu rằng chỗ dễ bị vượt qua nhất chính là ở các cua quẹo và những ngã tư, mà ai là người vừa gan dạ vừa vững tay lái hơn, sẽ thắng. Yếu tố may rủi không được tính đến, vì ngay khi chấp nhận vào một cuộc đua trên những con đường đông nghẹt xe cộ như thế này, tất cả đều sẵn sàng cho một rủi ro có thể là lớn nhất. Đúng như dự đoán của Ngôn, Chiến buộc lòng phải khựng lại sau một chiếc Vônga bất ngờ thắng lết bánh ở ngã tư để tránh một chiếc Cub 81 trên đường Mạc Thị Bưởi bên phía tay trái quẹo gấp sang Đồng Khởi ngay trước mũi xe. Như một cơn lốc, chiếc 67 của Ngôn lách qua bên phải chiếc Vônga, đâm thẳng vào chiếc Cub mà lúc ấy cũng chưa kịp bẻ hết cua. Người lái xe Cub trợn mắt khủng khiếp vì bất lực. Nhiều tiếng rú kinh hoàng vang lên. Không hiểu nhờ đâu mà đâu xe của Ngôn lại quặt qua phải một lần nữa, tránh được chiếc Cub chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng tốc độ cua lớn đã khiến chiếc 67 lao vào góc ngã tư bên phải phía trước, nơi đang có chiếc xe đạp của một phụ nữ trẻ chạy đúng tuyến trên đường Mạc Thị https://thuviensach.vn Bưởi bên phía tay phải vừa trờ tới. Lại nhiều tiếng rú vang lên. Thiện nhắm mắt lại, trong khi Ngôn quặt tay lái về bên trái. Lần này thì đã chậm. Mũi xe 67 hất mạnh bánh trước xe đạp làm người phụ nữ cùng chiếc xe văng nhào vào lề đường. Chiếc 67 lảo đảo mất mấy giây rồi chững lại, vọt tiếp. Tình huống ấy đã làm Chiến càng chậm trễ hơn, thậm chí vài chiếc xe đua chạy sau Ngôn còn vượt qua được hắn. Khi vòng qua cua Đồng Khởi, vào đường Tôn Đức Thắng, Ngôn mới ngửa mặt lên trời cười hăng hắc. Phần thắng coi như đã nằm trong tay. Chiếc xe dừng lại ngay trước bức tượng Trần Hưng Đạo, mức đến. Thiện nhảy xuống xe, lẳng lặng bỏ đi. Ngôn vội gọi giật ngược: − Kìa, Thiện ! Đi đâu vậy ? Chờ tụi nó về đủ chung độ rồi mình đi chơi tiếp chứ ! Thiện lắc đầu: − Thôi, đủ rồi. Cảm ơn mày. − Nhưng mà mày... đi đâu vậy ? − Tao quay lại coi chị ấy có bị gì không ? Ngôn đưa tay ra dấu cản Thiện: − Đừng có điên ! Người đi đường mà nhớ được mày là thằng ngồi sau thì phiền ! Không sao đâu. Tao đụng nhiều rồi, biết mà. Bà đó trầy trụa sơ sơ, còn chiếc xe cong niềng là cùng. Coi như bả xui xẻo vậy mà. Thiện nhìn Ngôn bằng ánh mắt khinh bỉ, tiếp tục bỏ đi. Ngôn nhìn theo lắc đầu, rồi thở dài, đạp máy, kè theo: https://thuviensach.vn − Nói vậy thôi ! Giận hả ? Tao tưởng mày cũng khoái tiết mục đua xe này lắm chứ. Thiện vẫn lầm lì bước. Anh bị lôi vào trò chơi này quá bất ngờ. Hai tuần ngồi bên nhau ở lớp đã giúp họ trở nên khá thân thiết. Theo đề nghị của Ngôn, họ đã xưng hô “mày, tao”. Thiện có theo Ngôn đi uống cà phê nhạc Thái Sơn một lần, và cũng có lần từ chối lời Ngôn rủ đi vũ trường, vì Thiện không biết nhảy. Thiện thấy Ngôn còn đi học mà xài tiền như nước. Sở dĩ các thành viên của băng Bốn Mùa tôn Ngôn làm trưởng băng, có lẽ một phần cũng vì mọi cuộc đi chơi của băng phần lớn đều do Ngôn chi tiền. Chiều nay, Ngôn đã đem xe tới nhà rủ Thiện đi uống nước. Cùng đi có cả Hiển, chạy một chiếc Su 100, chở theo một cô bạn gái bé loắt choắt. Uống nước xong, không biết đã cáp độ sẵn từ lúc nào, đúng bảy giờ tối là Ngôn và Hiển đã đưa hai chiếc xe đến điểm hẹn ở chân cầu Sài Gòn. Một đám xe lố nhố đã chờ sẵn. Có tiếng reo: “Ê, Ngôn Lì với Hiển Rót tới rồi kìa ! Đủ mặt rồi. Bắt đầu đi !”. Thiện chưa kịp hiểu chuyện gì thì tất cả đã đạp máy, rú ga ầm ĩ. Cuộc đua bắt đầu sau một tiếng hú dài của cả bọn. Thiện phải thú nhận là mình có khiếp sợ. Nhưng điều làm anh vẫn còn run rẩy khi bỏ đi chính là cơn giận dữ cố kềm chế. Đây là một trò chơi quá hung hãn, độc ác, mà chính anh lại bị lôi vào cuộc. Bất chấp lời khuyên của Ngôn, Thiện hấp tấp đi bộ ngược trở lại ngã tư Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi. Mới khoảng mười phút, nhưng quang cảnh đã hoàn toàn trở lại vẻ bình thường, như không hề có chuyện gì vừa xảy ra. Thiện đứng tần ngần một lúc lâu. Chẳng một ai để ý đến anh. Người phụ nữ trẻ đó ra sao rồi ? Thiện thở dài, bỏ đi. * https://thuviensach.vn Hai người ngồi trong một quán nước gần trường. Thiện ném tờ báo lên bàn, chỉ vào một cột tin: − Mày đọc đi. Mẩu tin ngắn lạnh lùng cho biết tối hôm kia, môt đám đua xe trên đường Đồng Khởi đã tông phải một chiếc xe đạp, gây chấn thương sọ não cho chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, phải đưa vào Trung tâm cấp cứu. Chị Trinh là công nhân, có một con nhỏ, chồng là bộ đội ở Campuchia. Sự việc xảy ra càng làm dư luận lên án gắt gao bọn đua xe và đòi hỏi chính quyên phải có biện pháp trừng trị mạnh mẽ hơn đối với chúng. Ngôn đọc xong, bình luận: − Bà này xui quá ! Mình đụng nhẹ hều vậy mà sao bả bị nặng dữ ? Chắc cũng mấy cha nhà báo chuyên phóng đại... Thiện bực bội ngắt ngang: − Phóng đại cái gì ? Mày chạy tốc độ cả trăm cây tông vô người ta như vậy làm sao nhẹ được ? Ngôn nhún vai: − Nói vậy thôi ! Biết làm sao bây giờ ? − Làm sao à ? Lây tiền thắng độ đó, đi đền cho người ta đi ! Ngôn nhăn mặt: https://thuviensach.vn − Tối hôm qua tao xài với tụi nó hết rồi. − Thì mày về xin tiền ở nhà... Ngôn bật cười hô hố: − Trời, mày làm như nhà tao là ngân hàng Nhà nước vậy ! Thiện thở dài: − Tao không ngờ mày lại là người vô trách nhiệm như vậy. Ngôn tròn mắt, giả giọng Maika: − Trách nhiệm là cái gì ? Thời buổi này có ai làm sai mà phải chịu trách nhiệm đâu ? Mày khùng vừa vừa thôi Thiện. Tao mà đút đầu vô bệnh viện xin đền tiền cho bả là người ta kêu công an tó tao liền ! Thiện nhìn thẳng vào mắt Ngôn: − Thí dụ tao kêu công an tó mày, có được không ? Ngôn nhìn sững lại Thiện, rồi nhếch mép: − Thì cứ làm đi. Bộ mày tưởng chỉ mình mày có người nhà là công an à ? Mà bằng chứng đâu ? Mày quên là mày cũng tham dự cuộc đua xe đó sao ? Ngôn ngừng một chút, rồi nói, giọng đanh lại: https://thuviensach.vn − Nói vậy thôi. Đừng giỡn mặt với tao. Tao chơi hết mình với bạn bè, nhưng thằng nào phản tao là mập mình đó. Cỡ nào tao cũng chơi. Tao nói trước rồi, có gì mày đừng trách. Ngôn đứng dậy, trả tiền cà phê, rời khỏi quán. Hôm đó, ngồi trong lớp, Thiện và Ngôn không nói với nhau tiếng nào. Trong lòng Thiện cứ ray rứt không thôi. Đó cũng là lần đầu tiên, trong giờ học tâm trí Thiện để tận đâu đâu. Người phụ nữ ấy có bị sao không ? Đứa con của chị ấy mấy tuổi, được ai lo, làm sao sống ? Giờ ra chơi, Hạ đến, hỏi thăm Thiện có việc gì không mà sao thấy có vẻ lo nghĩ. Thiện chối, nói chỉ hơi nhức đầu vì đêm qua thức khuya. Hạ cười cười, tỏ vẻ không tin, bỏ đi. Thiện về nhà, bữa cơm trưa nuốt cũng không trôi. Ba làm việc ở cơ quan, không về. Thiện đánh bạo xin mẹ tiền để đi thăm một người bạn thân, nhà nghèo, bị tai nạn phải nằm viện. Mẹ cho được năm nghìn. Thiện lên phòng, đập luôn con heo đất đã dành dụm được hai năm nay, được tất cả trên hai chục nghìn. Buổi chiều, Thiện đạp xe đến Trung tâm cấp cứu trên đường đi ghé mua hai hộp sữa, còn bao nhiêu tiền cho hết vào một phong bì lớn. Lay hết can đảm, Thiện vào Trung tâm cấp cứu hỏi thăm chị Ngọc Trinh đang nằm phòng nào. Được y tá trực cho biết sức khỏe Ngọc Trinh đã tạm ổn định, vừa chuyến từ phòng hồi sức ra phòng điều trị bình thường. Thiện mừng như chính người thân của mình được tai qua nạn khỏi. Nhưng rồi... Đứng trước cửa phòng điều trị, Thiện không dám bước vào, đành tìm cách hỏi thăm một chị y tá khác vừa từ trong phòng ấy bước ra: − Thưa chị, mẹ em nhờ đến thăm chị Ngọc Trinh. Xin chị chỉ cho biết chị ấy nằm ở giường nào ? Chị y tá nhìn chàng trai lễ phép bằng một ánh mắt thiện cảm: https://thuviensach.vn − Chị ấy nằm ở cái giường trong góc kia kìa. Vừa mới ngủ. Em nên để chị ấy nghỉ. Có gì, cứ đưa lại cho cô bé con của chị ấy. Mừng rơn, Thiện ngoắt cô bé đang ngồi bên giường chị Ngọc Trinh ra. Cô bé khoảng bảy, tám tuổi, người gầy gò, đôi mắt buồn buồn, nhưng mặt mũi rất sáng sủa, thông minh. − Mẹ đang ngủ, anh gởi em cái này, tí nữa đưa mẹ nhé. Thiện dúi cái túi nilông cho cô bé. − Cái này của ai vậy anh ? - Cô bé hỏi ngay. − Của các dì trong cơ quan mẹ - Thiện nói bừa. Anh cắm đầu đi như chạy ra khỏi bệnh viện. * Giờ Vật lý của thầy Lê Thanh Tùng là một giờ rất đáng ngại với những học sinh không chuẩn bị bài vở kỹ. Thầy dạy rất tận tình, hết tiết còn sẵn sàng ở lại chỉ dẫn thêm cho những bạn chưa hiểu bài. Suốt hai tiết học, giọng thầy luôn vang lên sang sảng, thật trái ngược với tầm vóc thấp bé của thầy. Rất đáng ngại vì bao giờ thầy Tùng cũng dành khoảng 15 phút đầu để kiểm tra bài tuần trước. Các học sinh được thầy gọi tên rất bất chợt, hoặc đứng tại chỗ trả lời một câu hỏi, hoặc lên bảng làm một bài kiểm tra nhỏ. Liên tiếp trong ba tuần, thầy đều gọi Ngôn, và cả ba lần Ngôn đều không trả lời được câu hỏi kiểm tra của thầy. Không hề mắc cỡ về sự yếu kém của https://thuviensach.vn mình, ngược lại, Ngôn còn có thái độ thách thức thầy Tùng. Lần thứ hai, được mời lên bảng để viết biểu thức cho tọa độ của một vật dao động điều hòa trong những trường hợp khác nhau, Ngôn đứng sựng một lúc rồi trả lời không làm được. Khi thầy hỏi tại sao không làm được, Ngôn nhún vai nói tại tuần trước thầy đã gọi em lên kiểm tra, em tưởng tuần này thầy sẽ không gọi nữa. Cả lớp cười ồ, còn mặt Ngôn thì cứ câng câng. Lần đó, Hoa đã bình luận trong nhóm 4H là có lẽ Ngôn đã bị đứt dây thần kinh mắc cỡ. Lần thứ ba, được thầy gọi lên bảng Ngôn đứng tại chỗ, nói thưa thầy đừng gọi em em không biết gì đâu. Rồi Ngôn còn thắc mắc, hỏi tại sao bao nhiêu bạn thầy không gọi kiểm tra, cứ gọi mình em. Thầy Tùng lặng người một lúc lâu mới trả lời được: − Vì em là một học sinh kém mà lại lười biếng nên tôi mới tập trung vào em để mong em cố gắng siêng năng hơn. Nhưng nếu em đã muốn vậy thì tôi sẽ không bao giờ gọi đến tên em nữa. Thậm chí nếu không muốn học giờ của tôi, em có thể nghỉ, tôi cho phép không ghi tên em vắng mặt. Được chưa ? Đã quay người đi lên bục giảng, nhưng chợt thầy Tùng đứng lại, nói thêm với Ngôn: − Học vấn là vốn quý nhất của con người. Không có nó thì dù có tiền có bạc cũng là người chẳng ra gì. Tôi muốn em hãy suy nghĩ lại trước khi quá muộn, Ngôn ạ. Ngôn nhìn thầy Tùng bằng ánh mắt lạnh ngắt. Một tuần sau, giờ Vật lý, Ngôn vẫn vào lớp. Lúc đó là khoảng mười giờ, sau giờ ra chơi. Cho học sinh ngồi xuống xong, thầy Tùng mới ngồi, và https://thuviensach.vn theo thông lệ, thầy kéo hộc bàn... Thầy hơi khựng lại, rồi cầm một tờ giấy lên đọc, mặt tái dần, bàn tay run lẩy bẩy. Cả lớp lặng ngắt như tờ. Một lúc lằu sau, khi đã trấn tĩnh được, thầy Tùng đứng dậy, đưa mảnh giấy lên và nói với tất cả lớp: − Tôi vừa nhặt được trong hộc bàn tờ giấy này, chắc chắn nhằm gởi cho tôi. Tôi xin đọc cho các em nghe. Một người nào đó đã viết như thế này. “ Ê, Lê Quốc Tùng là lùn quốc tế. Đừng có lồi mà lún, có ngày bị mất dạy nghe chưa ?”. Thầy Tùng dừng lại. Tiếng một con ruồi bay cũng có thể nghe được. − Tôi đi dạy đã gần hai mươi năm, chưa bao giờ gặp một trường hợp như vầy. Em nào viết tờ giấy này, đứng lên đi ! Cả lớp vẫn lặng thinh. − Em nào ? - Mắt thầy Tùng rực lửa, nhìn trừng trừng về phía Ngôn, tờ giấy trong tay run bần bật. Cả lớp tiếp tục lặng thinh. − Đồ hèn ! - Thầy quát, mắt vẫn trừng trừng nhìn Ngôn. Cuối cùng, thầy ngồi xuống, thở dài - Thôi được rồi, tôi sẽ không dạy nữa. Cho các em nghỉ. Rất đột ngột, Thiện đứng dậy: − Thưa thầy, đó là bạn Ngôn. https://thuviensach.vn Ngôn tái mét mặt, nhìn Thiện trân trân. Thiện vẫn bình tĩnh: − Trong giờ ra chơi, bạn ấy đã lén bỏ tờ giấy đó vào hộc bàn... Thầy Tùng không chờ Thiện nói dứt câu: − Ngôn, đứng dậy ! Mọi cặp mắt đều dồn về Ngôn. Ngôn vẫn lì lợm ngồi im. − Đứng dậy ! - Thầy Tùng gần như phải quát lên. Cả lớp càng lộ vẻ bất mãn. Có tiếng ai nói: “Đứng dậy cho rồi”. Nhóm Bốn Mùa cúi gằm mặt. Ngôn chống tay lên bàn đứng dậy. − Mời cậu đi ra khỏi lớp ! Kể từ giờ phút này, tôi đuổi học cậu. Ngôn nhếch mép: − Nói vậy thôi ! Thầy làm gì có quyền. − Đừng gọi tôi bằng thầy. Tôi không là thầy của loại người như cậu, ít nhất tôi cũng có quyền không cho cậu được vào lớp trong giờ của tôi, trong khi chờ Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đuổi học cậu. Ngôn xách cặp đi ra. Ngang qua bàn thầy, hắn đứng lại, gằn giọng: https://thuviensach.vn − Nói vậy thôi ! Còn lâu tôi mới bị đuổi học, thưa ông ! Ngôn ra khỏi lớp rồi, thầy Tùng ngã phịch xuống, hai tay ôm lấy đầu, cả lớp khổ sở nhìn nhau. Hằng đứng lên: − Thưa thầy, xin thầy đừng buồn. Ngôn là trường hợp cá biệt nhất của lớp này. Tụi em vẫn hết sức quý thầy. Mong thầy tiếp tục dạy chúng em. Long cũng đứng dậy: − Thưa thầy, em cũng mong thầy hãy vì chúng em... Thầy Tùng vuốt mặt rồi ngẩng lên nhìn cả lớp: − Thôi được rồi, các em hãy giữ lớp yên lặng, chờ thầy lên văn phòng báo cáo về trường hợp vừa qua. Thầy sẽ về ngay để chúng ta cùng tiếp tục... * Tan lớp học Anh văn buổi tối, Thiện lững thững đạp xe về. Cơn mưa dầm từ chiều đến giờ vẫn còn rơi lắc rắc, làm Thiện cảm thấy se lạnh, rong cùng lớp học thêm này, còn có một vài bạn trong lớp 12A2 của Thiện, kể cả Hạ và Long trong ban cán sự lớp. Thiện được ngồi gần Hạ, và càng ngày anh càng cảm thấy mến cô bạn bí thư chi đoàn này. Hạ luôn vui vẻ và tử tế với bạn bè, nhưng Thiện cứ cảm nhận như Hạ có một sự đối xử đặc biệt dành cho mình. Tuy nhiên, anh cũng hiểu giữa họ còn có một người khác, và trong tình bạn, người đó đã đến với Hạ trước anh. Đó là Long. Hôm nay, Thiện đến sớm, đứng trước cổng trường sinh ngữ chờ Hạ, thấy Hạ với https://thuviensach.vn Long đạp xe song song đến, miệng nói cười ríu rít, Thiện bỗng dưng thấy buồn. Suốt buổi học, anh chỉ nói chuyện nhát gừng với Hạ, và tan học là lấy xe về ngay, không chờ Long cùng đi như thường lệ. Có tiếng xe Honda nổ dòn sau lưng Thiện, nghe rất quen thuộc, rồi tiếng Ngôn cất lên khi chiếc 67 tới cặp sát bên Thiện: − Ê Thiện, dừng xe lại mày. Chiếc 67 ép đầu xe Thiện vào lề đường. Ngôn ngồi sau xe, người cầm lái là một tên lạ mặt, có vẻ lớn hơn Ngôn vài tuổi. Thiện dừng xe lại. Ngôn nhảy vội xuống xe khi chiếc 67 chưa dừng hẳn: − Xuống xe đi, thằng phản bạn ! Thiện vừa bước xuống xe thì Ngôn đã xông tới đấm vào mặt anh. Thiện gạt tay Ngôn ra: − Mày đánh tao à ? Ngôn gầm gừ: − Chứ sao ! Tao sẽ đập mày một trận cho mày nhớ đời, thằng chó ! Hai người xông vào nhau. Ngôn nhỏ con hơn, nhưng nhanh hơn, và có vẻ đã quen với trò đánh nhau. Những cú đấm của Ngôn làm Thiện đau điếng, và anh căm giận nhận ra bàn tay phải của Ngôn có mang một nắm đấm sắt. Lúc còn ở Cần Thơ, Thiện có học võ với anh công an bảo vệ cho ba. Thiện quyết phải đánh cho Ngôn biết anh không phải dễ bị ăn hiếp. Ngôn cũng hơi ngạc nhiên về sự lì đòn của Thiện. Một cú đấm của Ngôn đã https://thuviensach.vn làm Thiện bị tóe máu nơi mặt, nhưng ngược lại, Ngôn cũng bị một cú ngay hàm choáng váng. Người đi đường đã bắt đầu xúm lại. Tên bạn của Ngôn giục: − Nhanh lên Ngôn ! Giữa lúc ấy, bỗng đâu Long từ ngoài xông vào, xô dạt hai người ra: − Thiện, Ngôn, sao lại đánh nhau ? Mà... thằng Ngôn này, mày đeo bàn tay sắt để đánh bạn à ? Ngôn lại nhào tới: − Tránh ra, tao không có bạn gì với tụi bây ! Tên bạn của Ngôn vội vã dựng xe, nhảy vào vòng chiến. Không cần nói tiếng nào, nó bay tới đá vào lưng Long một cái chúi nhủi. Vừa lồm cồm gượng dậy, Long đã bị nó đánh tới tấp. Long gắng gượng chống đỡ, rồi biết mình không thể đánh lại, anh quyết định cắn răng chịu đòn, lăn xả vào ôm chặt lấy đối thủ. Cả hai cùng ngã nhào. Lúc đó, nhờ sức khỏe, Long đã có thể chống cự dễ dàng hơn với tên du đãng chuyên nghiệp. Có tiếng tu huýt vang lên chói tai. Tên cùng đi với Ngôn lập tức xô mạnh Long ra, chồm dậy, lủi vào đám đông, mất hút. Hai anh công an và vài người đội viên dân phòng chạy tới. Ngôn và Thiện vẫn còn đang đánh nhau. Máu trên mặt Thiện chảy xuống ướt cả một mảng áo trắng trước ngực. Hai anh công an vội xông vào và dĩ nhiên đã khuất phục nhanh hai cậu học trò. Cả bọn được mời về phường. Dắt xe đạp đi bên Long, Thiện nói nhỏ: https://thuviensach.vn − Sao khi nãy Long không chạy đi ? Đứng lại làm gì ? Long cười ngượng ngập: − Mình không thích bỏ bạn. Thiện ngập ngừng một chút: − Còn... Hạ đâu ? − Hạ ở sau lưng mình kìa ! Thiện quay đầu lại nhìn. Phía sau một vài người hiếu kỳ đi theo họ, là Hạ với đôi mắt đen nhánh, đang đạp xe chạy chầm chậm theo sau. Đôi mắt ấy đang nhìn Thiện, ngập ứ một nỗi lo âu thương xót. Khi thấy hai bạn và Ngôn đã bị đưa vào phường, Hạ nhìn kỹ tên phường rồi đạp xe chạy vụt đi... * Thiện đang giải bài tập Toán thì ông Trung đến ngồi gần anh: − Thiện, ba muốn nói chuyện với con một lát. Thiện buông bút xuống, hồi hộp nhìn ba: − Thưa ba, có việc gì ạ ? Ông Trung nghiêm mặt: https://thuviensach.vn − Ba vừa được báo là cách đây ba ngày, con có tham gia trong một vụ ẩu đả ngoài đường phố và bị đưa về công an phường nơi đó. Như vậy, buổi sáng thứ ba, ba thấy con bị thương tích ở mặt và con giải thích với ba là bị té xe nghĩa là sao ? Thiện lúng túng: − Dạ thưa ba... − Con tự cho phép mình được nói dối ba từ bao giờ vậy ? − Thưa ba, con... Con chỉ sợ làm bận lòng ba. Ông Trung lặng lẽ nhìn Thiện một lúc lâu, và rồi ông chợt nhận ra đứa con trai của ông đã không còn bé bỏng nữa. − Đó là một lời giải thích có lý, nhưng ba vẫn không chấp nhận - Giọng ông Trung dịu lại - Dù gì đi nữa, ba yêu cầu con phải thỏa thuận với ba một điều: con sẽ không bao giờ nói dối ba, mẹ. Con đồng ý không ? Thiện se sẽ gật đầu. Ông Trung vẫn nhìn sâu vào mắt con: − Nhưng ngoài lý do sợ làm bận lòng ba, con còn một lý do khác nữa... Thiện chỉ im lặng. Ông Trung nheo mắt nhìn và hỏi luôn một câu: − Ngôn chặn đường đánh con vì con đã thưa với thầy giáo việc nó đã làm bậy, phải không ? https://thuviensach.vn Thiện lại se sẽ gật đầu. Như vậy có nghĩa là ba đã biết hết mọi chuyện rồi. Lúc nào ba cũng trăm công nghìn việc, vậy mà mình còn làm ba phải mất thì giờ vì mình. Nhưng... lẽ nào mình có thể làm khác đi được ? Chỉ một mình mình thấy Ngôn làm việc đó, mình lại có thể im lặng được sao ? Như hiểu được ý con, ông Trung nói: − Con hành động như vậy là đúng. Trường hợp đó gọi là phản lại cái xấu, chứ không phải phản bạn. Bởi vậy, ba hơi ngạc nhiên khi nghe báo là chính con đã xin cho Ngôn được thả cùng lúc, bảo tất cả chỉ vì một sự hiểu lầm giữa bạn bè. Con muốn nói dối ba còn là vì muốn bảo vệ cho Ngôn, có phải không ? Ba rất ít trò chuyện, nhưng lúc nào cũng như đi guốc vào bụng mình. Thật ba đúng là công an loại xịn. Thiện len lét nhìn ba, gật đầu. Ông Trung thở dài: − Ba như vầy mà có thể đi bênh con một cách vô nguyên tắc hay sao ? Má con đã quá hiểu điều đó nên đã nhờ người khác đến can thiệp mà không dám cho ba biết. Con cũng hiểu ba như thế nào rồi mà. Nhưng, ba lại muốn con hiểu điều này: cái xấu cần được tém dẹp ngay từ khi còn là mầm mống. Những ai nhân nhượng với nó thường đều phải trả giá. Tại sao con lại bao che cho Ngôn ? − Con không bao che mà chỉ nghĩ chắc Ngôn vẫn còn có thể sửa đổi được. − Thế Ngôn đã bị kỷ luật về hành động vô lễ với thầy giáo chưa ? . − Dạ chưa. Hội đồng kỷ luật của nhà trường đang xét. Nhưng hổm rày, Ngôn vẫn bỏ học. Tụi con đang cho một số bạn thân của Ngôn đi vận động https://thuviensach.vn Ngôn vào lớp và xin lỗi thầy Tùng, nhưng chưa đứa nào gặp được Ngôn cả. Ông Trung im lặng một lúc, rồi đặt tay lên vai Thiện: − Thiện à, báo chí đã lên tiếng mà ba cũng đã thấy điều này: học trò ngày nay không còn kính trọng thầy cô như ngày xưa nữa. Cũng có lúc có người đã tưởng lầm sự kính trọng như thế là phong kiến. Riêng ba, ba chỉ mong con một điều: hãy luôn luôn kính yêu thầy cô như cha mẹ mình. Người nào không có hiếu với cha mẹ, không kính trọng thầy cô, người đó không thể nào làm một công dân tốt. Con hiểu ý ba không ? Ông Trung nhìn thẳng vào mắt Thiện. Thiện lẳng lặng gật đâu. Ông mỉm cười và đứng dậy: − Thôi, ba đi ra để con học. Ba rất tin con. Nhớ đừng làm gì phụ lòng tin của ba. * Theo sự phân công của cô hiệu trưởng, thầy Minh tìm đến nhà Ngôn để thuyết phục Ngôn đi học trở lại, đồng thời trao đổi với ba Ngôn để tìm một giải pháp êm đẹp nhất cho trường hợp vi phạm đạo đức nặng của Ngôn. Thầy Minh đã tần ngần một lúc lâu trước cánh cổng sắt lớn của một ngôi biệt thự nằm trên con đường yên tĩnh nhất trong quận. Nhón gót nhìn qua một ô trống trên cửa, thầy thấy trong sân đậu đầy những chiếc Honda, Suzuki đời mới và cả mấy chiếc xe con. Ánh sáng rực rỡ rồi tiếng cười nói từ sân thượng đổ xuống, cho Minh biết trên ấy đang có một bữa tiệc khá náo nhiệt. https://thuviensach.vn Cuối cùng, Minh quyết định nhấn chuông. Có tiếng chó hực sau hai cánh cổng. Rồi người giúp việc xuất hiện. Đây là lần thứ tư trong tuần Minh đến tìm ông chủ nhà mà không gặp, nên vừa thấy Minh, người giúp việc đã tặc lưỡi: − Chà, hôm nay ông ấy có nhà nhưng lại đang dự tiệc. Thôi được rồi, xin thầy vào chờ một chút, xem ông ấy có tiếp được không. Minh dắt chiếc Suzuki cà khổ của mình vào sân, vừa đi vừa hỏi: − Còn Ngôn có nhà không ? − Cậu ấy đi vắng cả tuần rồi. Người giúp việc để Minh dứng chờ trong sân, hai con bec giê to tướng nằm hai bên. Anh ta đi vào nhà một lúc sau trở lại, vẻ mặt tươi tỉnh: − Ông mời thầy vào. Một căn phòng khách cực kỳ sang trọng. Có thể nói là sang trọng nhất từ trước đến giờ mà Minh đã được bước vào. Toàn bộ nền nhà được trải thảm. Ánh sáng thiết kế hoàn hảo. Cửa kính với màn che. Hai bộ salon lớn và những vật dụng khác được bày biện bởi một bàn tay bậc thầy về trang trí nội thất. Có máy điều hòa không khí nhưng người giúp việc chỉ bật một chiếc quạt đứng gần nơi Minh được mời ngồi. Xong, anh ta lặng lẽ biến mất. Ông Quyến bước xuống cầu thang. Mặt ông hồng hào vì hơi rượu, ngày thường đã đầy đặn giờ càng căng bóng. Cái bụng tròn chật cứng trong một chiếc sơmi mỏng ngắn tay. Ông nheo mắt nhìn khi thấy Minh đứng dậy, rồi bước tới đưa tay ra bắt tay Minh: https://thuviensach.vn − Anh là chủ nhiệm lớp của thằng con tôi đó à ? Tôi đang tiếp khách mà anh lại đến không có báo trước. Thôi được, nghe nói anh đã đến đây mấy lần rồi. Vả lại, với các thầy cô giáo thì tôi luôn có chế độ ưu tiên... - Ông Quyến đưa tay lên nhìn đồng hồ - Xin dành cho anh mười phút. Mời anh ngồi. Họ cùng ngồi xuống. Ông Quyến rút trong túi ra một gói 555 mời Mình một điếu. Bật quẹt gas đốt thuốc cho Minh xong, ông mới bắt đầu nói: − Vụ thằng con tôi bị thầy... gì đó đuổi học là thế nào nhỉ ? Theo tôi biết thì giáo viên đâu có quyền đuổi học sinh ? Cái đó phải do bạn giám hiệu và Hội đồng kỷ luật. Ông thầy đó đuổi thằng Ngôn ngang xương, nó buồn bực bỏ nhà đi luôn, rủi làm gì bậy thì ai chịu trách nhiệm ? Minh lúng túng không biết trả lời như thế nào. Rõ ràng người làm chủ tình hình trong cuộc gặp gỡ này lại chính là ông chủ nhà. Anh chưa kịp nói gì thì ông Quyến đã tiếp: − Tôi làm hội phụ huynh ở trường suốt hai năm nay, và tự thấy mình cũng không đến nỗi vô tích sự. Dám chắc với thầy là không có trường nào trên cả nước này nhận được lương giáo viên đúng hạn bằng trường của thằng Ngôn. Nhưng thôi, dẹp chuyện đó, kẻo thầy lại nói là tôi kể công. Chỉ có điều tôi không hiểu tại sao con tôi lại bị đối xử thô bạo như vậy ? Nó có sai, rõ ràng rồi, và tôi sẽ bảo nó xin lỗi thầy giáo. Con người mà, Bác đã nói chỉ có chết rồi mới hết sai lầm thôi. Vấn đề là phải biết nhận lỗi. Nhưng tôi cũng được biết là ông thầy đó cứ theo trù dập nó, hạ nhục nó liên tục trước cả lớp. Tôi nghĩ nhà trường cần coi lại phương pháp sư phạm của ông ta. Thằng Ngôn con tôi, tôi biết. Tính nó thẳng thắn lắm ! Nhiều khi vì vậy mà mất lòng thầy cô... À quên nữa, sao, thầy tìm tôi có việc gì ? https://thuviensach.vn Đến lúc đó Minh mới được nói: − Như vậy chắc ông đã biết hết về mọi việc. Đúng là thầy Tùng không có quyền đuổi học Ngôn mà chỉ có quyền đề nghị. Chúng tôi muốn Ngôn làm kiểm điểm và xin lỗi thầy, nhưng suốt từ hôm ấy đến nay, em Ngôn đã bỏ học, không vào trường. Bạn bè đi tìm cũng không gặp. Ban giám hiệu cử tôi đến gặp ông để bàn việc đưa Ngôn vào học trở lại, làm kiểm điểm và xin lỗi thầy giáo, trước khi Hội đồng kỷ luật của nhà trường phải họp. Ông Quyến nhíu mày lộ vẻ suy nghĩ rồi trả lời rất nhanh: − Được rồi, thứ hai tới tôi sẽ bắt nó làm kiểm điểm nộp cho nhà trường và vào lớp xin lỗi thầy giáo. Nhờ thầy nói với các đồng chí trong Ban giám hiệu là xin miễn cho tôi việc họp hành, lúc này tôi bận quá, nội cái việc chạy tìm tiền mặt để phát lương cho các cơ quan hành chính sự nghiệp trong quận cũng đã đủ bở hơi tai rồi ! Coi như việc này tôi hoàn toàn tin tưởng vào Ban giám hiệu. Về phía thầy Tùng, một lần nữa tôi đề nghị Ban giám hiệu nên có nhắc nhở ông ấy về phương pháp sư phạm. Theo tôi biết thì nền giáo dục xã hội chủ nghĩa khác hẳn nền giáo dục phong kiến, tư sản. Mọi học sinh đều được tôn trọng... Dừng lại một lúc, ông thở dài sườn sượt: − Mà sao ông thầy đó cũng cố chấp quá ! Tụi con nít thiếu suy nghĩ, thấy sao nói vậy có vô lễ thì mình dạy cho nó biết, hơi đâu để bụng. Tôi nói vậy, phải không thầy ? Minh không biết làm gì hơn là phải gật đầu. Ông Quyến nhìn đồng hồ rồi đứng ngay dậy, choàng vai Minh, đưa anh ra cửa: https://thuviensach.vn − Vậy nhé, thầy Minh. Xin cảm ơn thầy đã chịu khó tới đây. À quên - Ông dúi cả gói 555 vào túi áo Minh - Xin biếu thầy gói thuốc hút chơi. Tôi bao giờ cũng quý trọng các thầy cô giáo. Không thầy đố mày làm nên mà ! Minh ra về, ngẩn ngơ suốt buổi. Đêm ấy, anh không thể làm được một bài thơ nào theo kế hoạch đã định nhân một ngày kỷ niệm sắp tới. * Tiếng trống báo hiệu tan trường vang lên. Thầy Tùng chậm chạp xếp sách lại. Như thường lệ, thầy hỏi cả lớp: − Còn em nào có điểm gì không hiểu hoặc chưa rõ không ? Cả lớp nhìn thầy kính phục. Suốt hai tiết “Dòng điện xoay chiều” đã được thầy giảng hết sức rõ ràng, tường tận. Từng học sinh đều có cảm giác đây là buổi giảng hay nhất của thầy Tùng từ đầu năm học tới nay, mặc dù những buổi giảng trước của thầy cũng luôn luôn kết thúc khi cả lớp đã được thông suốt. Chỉ cần một học sinh còn có điểm không rõ là thầy Tùng sẵn sàng ở lại để giảng thêm. Điều ấy cũng hiếm khi xảy ra. Về môn Lý, lớp phó học tập Long đã nhận xét là không cần phải đi học thêm. Cả lớp cùng im lặng. Nhiều bạn đã rục rịch chuẩn bị cặp vở để đi về. Bất chợt thầy Tùng nói: − Hôm nay, xin các em cho thầy thêm năm phút để nói với các em vài lời. https://thuviensach.vn Hạ, Long và Hằng trao nhau một cái nhìn lo âu. Cả ba cùng linh cảm một điều gì không hay sắp xảy ra. Một tuần đã trôi qua từ cái hôm Ngôn có hành động quá hỗn láo với thầy Tùng. Ngôn vẫn bỏ học, trong khi Ban giám hiệu vẫn giữ một thái độ im lặng khó hiểu. Trong tình hình đó, việc thầy Tùng dạy xuất thần bài “Dòng điện xoay chiều” đã trở nên một điều đây nghịch lý, bất thường. Giọng thầy Tùng cất lên rất bình tĩnh: − Các em thân mến, vừa rồi là tiết dạy cuối cùng của thầy ở lớp các em, và cũng là ở trường này. Có thể cũng là tiết dạy cuối cùng trong đời thầy. Như các em đã biết, em Ngôn, học sinh lớp này, đã phạm một lỗi lớn với thầy. Hôm qua, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp sơ bộ, và thầy rất ngạc nhiên khi thấy các em trong Ban cán sự lớp không được mời dự. Phụ huynh của Ngôn và chính Ngôn cũng vắng mặt, chỉ gởi lại một bản kiểm điểm, trong đó có lời xin lỗi thầy, mà theo thầy thấy là không thỏa đáng, làm cho lấy có. Vậy mà Ban giám hiệu chấp nhận và chỉ đề nghị mức kỷ luật cảnh cáo. Riêng thầy, thầy còn được nhắc nhở về phương pháp sư phạm của mình... Thầy Tùng nghẹn lời. Gần như cả lớp đều bồi hồi. Hằng đứng lên, sau đó cả lớp cùng làm theo cô: − Thưa thầy... Thầy Tùng đưa tay ngăn Hằng: − Thôi, các em đừng nói gì nữa. Thầy rất tiếc, nhưng không còn cách nào khác. Và thầy ôm cặp đi nhanh như chạy ra khỏi lớp. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn 4 Trăng sáng đến mức soi rõ cả bóng của Hằng và Hạ trên đường đi vào cổng tiểu đảo Đầm Sen. Trăng dát ánh vàng trên những tán lá và con đường đất đỏ, trăng lung linh óng ánh trên mặt hồ. Những con thiên nga - Ôi, lại những con thiên nga ! - tối sẫm lượn lờ trên mặt nước lấp lánh ánh vàng ấy, làm Hạ chợt quay quắt nhớ lại ngày nào với Long ở Văn Thánh. Đôi mắt to đen buồn buồn của Long lại hiện ra trước mắt cô, nặng trĩu một nỗi niềm không sao bày tỏ... Chuyện đáng buồn ở lớp 12A2 đã qua, nhưng không hề được quên trong tâm khảm mọi người. Cô hiệu phó tạm thời xuống dạy thay thầy Tùng, trong khi chờ Sở điều về một giáo sư Vật Lý mới. Cô rất cố gắng, nhưng vẫn không sao lấp được khoảng trống thầy Tùng để lại. Giờ Vật Lý trở nên nặng nề, khô cứng, và giá trị của người thầy đã vắng mặt càng thêm lấp lánh. Ngôn đã vào lớp học trở lại, nhưng hầu như bị cô lập hẳn. Nhóm Bốn Mùa xem như tan rã. Không khí trong lớp chùng lại như sau một đám tang. Công việc của Minh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chi đoàn lớp họp và chính thức phản đối việc xử lý kỷ luật quá nhẹ với Ngôn, từ đó đã đưa đến việc thầy Tùng phải bỏ dạy. Nhiều học sinh tỏ thái độ bất mãn và mất niềm tin với Ban giám hiệu qua việc xử lý này. Có lần, Hằng đã nói chuyện riêng với Minh: − Thưa thầy, nếu Ngôn không phải là con của giám đốc ngân hàng quận thì đã bị đuổi học rồi phải không ? Minh tìm cách tránh né: https://thuviensach.vn − Xin em hiểu cho Ban giám hiệu đã phải quyết định dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tạo điều kiện cho Ngôn sửa đổi trong năm học cuối cùng của bậc phổ thông. Nếu đuổi học em ấy thì coi như con đường vào đời sẽ bị cắt ngang. Cũng có yếu tố chiếu cố vì ba mẹ Ngôn đi làm suốt ngày, không có thời gian chăm sóc con cái... Hằng nhìn thẳng vào mắt Minh bằng một ánh mắt trong veo - Minh vẫn sợ cái nhìn ấy: − Nhưng không đuổi học thì ít ra cũng phải cảnh cáo và buộc Ngôn xin lỗi thầy Tùng, đồng thời Ban giám hiệu phải bằng mọi cách giữ thầy Tùng lại chứ ? Thầy là chủ nhiệm lớp tụi em, không biết thầy đã làm gì... Làm gì ? Minh đang phấn đấu để trờ thành giáo viện phụ trách cả khối 12. Anh cũng vừa được kết nạp Đảng, đang trong thời kỳ dự bị. Làm sao anh dám làm gì trái với tinh thần của Ban giám hiệu ? Nhưng làm sao anh dám xác nhận điều đó với Hằng ? Minh thở dài, vờ cúi mặt: − Thầy cũng đã có ý kiến với Ban giám hiệu đó chứ... Hằng tiếp tục truy thầy: − Thầy có ý kiến thế nào ? − Thì cũng như em vừa nói, phải có kỷ luật thích đáng hơn với Ngôn, và phải tìm cách giữ thầy Tùng ở lại... Cả hai cùng im lặng, rồi Minh cố lấy giọng thật tự nhiên: https://thuviensach.vn − Thứ bảy tới, ở công viên Đầm Sen sẽ có một đêm thơ giới thiệu các nhà thơ trẻ, trong đó có thầy. Thầy có một ít vé mời và muốn mời em đi. Không biết em có thích không ? Đêm ấy là đêm rằm, trăng đẹp lắm ! Hằng tròn mắt: − Sao thầy không rủ nhỏ Hạ ? Nó thích văn thơ lắm đó. Minh hơi sượng: − Thì em đi với Hạ. Thầy thật tình muốn mời em. Minh đã nói đúng ý của mình. Thật tình anh muốn mời Hằng, và chỉ một mình Hằng. Không hiểu sao, càng ngày anh càng cứ thấy mình phải nghĩ về Hằng, cô học trò mới 18 tuổi mà đã có vóc dáng và phong cách trưởng thành hơn các bạn. Những ngày không có tiết dạy ở lớp Hằng, Minh cảm thấy như đang bị thiếu vắng một điều gì đó rất cần thiết. Anh thường tìm cách đi qua cái lớp 12A2 mà anh làm chủ nhiệm ấy, chỉ để liếc mắt nhìn vào và được thấy Hằng. Nếu cô nhìn thấy anh và khẽ chào, mắt long lanh sáng, thì anh cảm thấy lòng nhẹ hẳn. Minh hiểu như thế là mình đã sai, rất sai, nhưng anh không có cách nào chống cự được nỗi xúc cảm của mình. Lẽ nào cái điều kinh khủng ấy - một ông thầy, mà lại là một ông thầy đã có vợ con, đi thương yêu cô học trò của mình - lại đang xảy đến với anh ? Minh tự tin cho rằng không phải điều ấy đang xảy ra. Chỉ là một thoáng rung động lãng mạn nghệ sĩ trước một vẻ đẹp tinh khôi mà thôi. Rồi tất cả sẽ qua đi khi năm học chấm dứt. Hằng cười, cái răng khểnh dễ thương đến mức khó hiểu: https://thuviensach.vn − Em dốt thơ lắm, sợ không biết thưởng thức, bị thầy cười. Nhưng thôi, để em đi với nhỏ Hạ. Nếu thầy còn vé, cho tụi em thêm hai cái... Minh còn, nhưng từ chối vì biết Hằng sẽ rủ cả ngóm 4H cùng đi. Anh chịu đựng có thêm một Hạ là đã quá đủ. Là giáo viên dạy Văn, anh biết Hạ rất giỏi môn này và theo dõi rất sát hoạt động sáng tác văn thơ của thành phố. Trong lớp, người làm anh cảm thấy thiếu tự tin nhất chính là Hạ. Cô bé rất kín đáo, nhưng nhiều lần, trong lúc giảng bài, Minh vẫn cảm thấy nhột nhạt khi bắt gặp ánh mắt Hạ chăm chú nhìn như đang đánh giá trình độ của anh. Chỉ một lần duy nhất Hạ đứng lên hỏi Minh, sau tiết dạy của anh về văn học lãng mạn 1930 - 1945: − Thầy nói văn học lãng mạn có nội dụng bạc nhược, suy đồi và có tính chất phản động, không chiếm được cảm tình của quần chúng tiến bộ, và đã bị dư luận lên án nhiều. Nhưng sao em thấy những tác phẩm của nền văn học ấy vẫn cứ tồn tại bất chấp thời gian ? Đó là câu hỏi Minh vẫn hằng sợ nhất, mỗi khi giảng đến bài Văn học lãng mạn. Trong thâm tâm anh, bài giảng khó thuyết phục nhất - cả với chính anh - cũng là bài này. Những tác phẩm thuộc dòng văn học lãng mạn 30 - 45, dù thế nào đi nữa, vẫn có một sức quyến rũ đặc biệt, và theo anh, rất khó chê về giá trị văn học. Đó là cả một kho tàng của dân tộc, nhưng năm nào anh cũng mất mấy tiết đứng trên bục giảng kết tội nó. Kết tội, nhưng trong đầu anh vẫn thuộc làu làu những bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh... của thời tiền chiến, và tự thâm tâm anh luôn phải nhìn nhận những đoạn văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy có tầm cỡ mẫu mực của các bậc thầy trong thời kỳ bình minh của nền văn học Việt Nam. Minh nói mà nghe như là ai khác đang nói: https://thuviensach.vn − Điều gì đã khiến em kết luận như vậy ? Ý nghĩa của sự tồn tại kiểu ấy, theo em là gì ? Đâu là đa số và đâu là thiểu số ? Đâu là giá trị đích thực và đâu là cái hào nhoáng phù phiếm ? Hạ không trả lời mà chỉ nói: − Cảm ơn thầy. Từ đó, không bao giờ cô đặt một câu hỏi nào với Minh nữa... Giờ thì Hằng và Hạ đang đi bên nhau, dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Hằng cười khẽ, hỏi Hạ: − Ê mày, thơ thầy Minh có hay không ? − Cũng có một vài bài được. Lúc đầu, ổng làm hay hơn, bây giờ theo tao thì hơi sút, nhiều bài chẳng có hồn gì cả ! − Sao ổng hay khoe tao những tờ báo đăng thơ của ổng ? Lúc này người ta đăng thơ ổng nhiều lắm mà. − Nhưng chắc tại lúc này ổng nổi tiếng rồi. Nhưng theo tao, thơ là một mặt hàng mà thường thường chất lượng ít đi đôi với số lượng... Ừa, mà sao ổng lại đi khoe mày thơ của ổng ? − Ừ, tao cũng không biết sao nữa. Ổng cho tao mượn cả những tập thơ chép tay của ổng nữa, mà ông gọi là thơ không đăng báo. Vậy là cũng có loại để đăng báo và loại thơ không để đăng báo nữa sao mày ? Hạ không trả lời, có vẻ trầm ngâm, liếc trộm bạn. Hằng vẫn rất hồn nhiên: https://thuviensach.vn − Tức cười lắm, Ổng đưa tao coi, rồi hỏi tao thích nhứt bài nào. Tao đâu biết nói sao, rủi nhằm bài ổng thấy là dở nhứt mà mình khen hay thì... Tao nói đại là bài nào tao cũng thích. Ồng khoái lắm ! − Mày khéo lo. Với các nhà thơ thì không có bài nào của họ là dở đâu. Văn mình vợ người mà ! − Nghĩa là sao ? − Nghĩa là bao giờ văn của mình cũng hay hơn của người khác, trong khi vợ người khác thì bao giờ coi cũng hay hơn vợ mình ! − Gì kỳ vậy ?... Ờ, hèn gì mấy ông đàn ông có vợ rồi mới hay lộn xộn hả mày ? Hạ lại không nói gì. Cô chợt nhớ tới người đàn ông trông rất giống ông Quang, trong buổi tối ngày nào ở Văn Thánh. Không hiểu sao từ ấy đến nay Hạ vẫn không thể xóa được mối nghi ngờ rằng đó chính là ba của Hằng. Rồi Hạ lại nghĩ không hiểu tại sao thầy Minh lại quá quan tâm đến việc “giới thiệu sản phẩm” cho Hằng. Thường thì các nhà văn nhà thơ bao giờ cũng muốn giới thiệu thơ văn của mình một cách đặc biệt với những người mà mình cảm thấy đồng điệu. Thầy Minh tìm thấy điều gì đồng điệu ở Hằng nhỉ ? Hằng có vẻ lo lắng: − Một hồi mày nhớ cho tao biết bài nào, câu nào hay, nghe. Ổng hỏi mà tao ú ớ nữa là kỳ lắm ! https://thuviensach.vn Họ đi qua chiếc cầu gỗ để sang tiểu đảo. Đã thấy Minh đứng chờ sẵn phía bên kia cầu. Mặt Minh sáng lên khi nhìn thấy Hằng, Hạ: − À, hai em đến đúng giờ lắm. Mời vào. − Thầy còn đợi ai nữa không ? - Hạ hỏi. Minh lúng túng: − À... không. Chỉ như vậy thôi là đã đủ cho Hạ hiểu thầy Minh chỉ đứng đó để chờ họ, nói cho đúng hơn là chờ Hằng. Trong khi đó thì Hằng hỏi, rất ngây thơ: − Cô đâu thầy ? Tụi em muốn chào cô. Minh càng lúng túng hơn: − Không... Cô không đi - Và anh cười nói một cách đùa bỡn - Hôm nay thứ bảy, tivi có tuồng cải lương. Mà cô thì vẫn thích cải lương hơn thơ của thầy. Hạ bỗng thấy mất hết cảm tình với Minh. Dù đó là sự thật, hay dù chỉ là một câu nói đùa, Hạ vẫn coi đó là một lời nói xấu vợ, người vắng mặt. Chính vì vợ tôi như vậy nên tôi buồn lắm, chúng tôi không bao giờ hiểu nhau, tôi rất cần một người cảm thông, chia sẻ... Phải vậy không, cái điệp khúc ấy ? Giờ này, phải chăng vợ thầy Minh đang ngồi coi cải lương, hay lại loay hoay với con cái, việc nhà, tạo điều kiện cho thầy đi bay nhảy, làm nghệ thuật, gặt hái những vinh quang hào nhoáng ? https://thuviensach.vn Minh đưa Hằng, Hạ vào ngồi ở một chiếc bàn gần sân khấu mà anh đã dành sẵn. Ở đó, còn có một thanh niên khác đang ngồi, chìm trong bóng tối. Anh ta mặc một bộ đồng phục thanh niên xung phong cũ kỹ. Đôi mắt anh lóe sáng theo mỗi làn đốm lửa ở đâu điếu thuốc trên môi anh cháy rực lên qua từng hơi rít. Thanh niên khẽ gật đầu chào Hạ. Nhưng khi quay qua Hằng, anh bất chợt nhìn cô, sững sờ. Môi anh chỉ khẽ mấp máy được một tiếng gì đó. Minh thích chí thấy bạn bối rối trước Hằng, chắc chắn là vì cô bé quá đẹp. Giới thiệu với hai em đây là anh Đoàn Hùng, nhà thơ thanh niên xung phong còn đây là Hằng và Hạ, hai cô học trò của tôi, rất yêu thơ. Hùng đã trấn tĩnh lại được. Anh gượng cười, cất tiếng, giọng rất trầm, ấm: − Rất hân hạnh. Bao giờ đứng trước các cô nữ sinh, tôi cũng có mặc cảm già nua và ngu dốt. Hằng và Hạ đều phải bật cười. Hạ nói: − Anh Hùng đùa hoài. Ai lại không biết anh đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn rồi mới đi thanh niên xung phong ? Hùng tròn mắt: − Trời đất, sao cô nắm lý lịch của tôi còn hơn trưởng phòng tổ chức nông trường vậy ? Minh chen vào: https://thuviensach.vn − Tôi quên giới thiệu với ông, cô Hạ này giỏi Văn nhất lớp và rất thích đọc các sáng tác mới trên báo. Chắc chắn tên tuổi của ông không xa lạ với Hạ đâu. Phải không Hạ ? − Dạ phải - Hạ chỉ đáp vắn tắt. Cô còn mải nhìn Hùng. Từ lâu cô vẫn rất thích thơ anh, những dòng thơ hồn nhiên giản dị, nhưng mạnh mẽ, quả đúng y như con người đang ngồi trước mặt cô. Hạ bỗng có ý nghĩ trêu chọc anh. − Em không ngờ có ngày lại được biết anh - Cô nói. Hùng cười mỉm: − Rồi sao ? Biết rồi... chán lắm, phải không ? Hạ lắc đầu: − Điều đó thì em chưa biết. Nhưng... Hạ bỏ lửng câu nói, đưa tay hất nhẹ mái tóc ra sau lưng, đầu lúc lắc nhè nhẹ, trông thật tinh nghịch, dễ thương. − Nhưng sao ? - Hùng hỏi. − Người ta vẫn nói là không nên biết con người cụ thể của một nhà văn nhà thơ, một khi đã yêu thích tác phẩm của ông ta. Em không hiểu câu đó có đúng không ? Hùng bật người ra sau, cười sảng khoái: https://thuviensach.vn − Đúng quá rồi chứ còn gì nữa ! Rồi anh quay sang Minh: − Đúng là các cô học trò của ông ác liệt thật ! Cuộc trò chuyện diễn ra khá vui vẻ. Nhưng không hiểu sao, Hùng hầu như không nói gì với Hằng, dù thỉnh thoảng Hạ bắt gặp anh thường nhìn trộm Hằng với một nét gì đó hơi khó hiểu cho buổi gặp mặt lần đầu tiên như thế này. Trăng đã lên cao, tỏa ánh sáng nồng nàn quyến rũ xuống cả khu vực. Đêm thơ như nhờ được trăng soi mà trở nên lôi cuốn hơn. Trong phần giới thiệu về anh, Minh lên đọc hai bài thơ tình có một bài anh cho biết là để tặng riêng các cô học trò lớp 12 của anh. Minh liếc mắt xuống phía Hằng và Hạ, Hạ hiểu ánh mắt của thầy không phải dành cho mình. Sau đó, một cô gái khác bước ra ngâm hai bài thơ khác của Minh, cũng về đề tài tình yêu. Đại khái tình yêu là một điều gì đó vô cùng riêng tư, thiêng liêng, và tác giả là người luôn sẵn sàng chết cho tình yêu nhưng lại không bao giờ tìm được một mối tình như ý. Cả bốn bài thơ của Minh đều được vỗ tay như những bài thơ khác của các tác giả trước đó. Thậm chí còn có một cô gái cầm bó hoa đồng tiền ra tặng Minh. Nét mặt Minh sáng rỡ, và lúc đó Hạ mới hiểu rằng người ta có thể sống thích thú với những thứ rất phù phiếm như những đóa hoa đồng tiền kia, chỉ trong sáng mai là đã rũ tàn. Đoàn Hùng đã làm thay đổi hẳn không khí đêm thơ khi tới phần dành cho anh, anh đã xin phép được hát một bài dân ca miền Trung, bằng một giọng địa phương rất chuẩn. Bài dân ca nói lên nỗi lòng của một anh chồng nghèo than thở về sự phụ tình của người vợ, được diễn đạt bằng lời văn hết https://thuviensach.vn sức mộc mạc nhưng lại thấm tận vào những cảm xúc bên trong của người nghe. ... Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang. Anh thấy em nửa tội nghiệp anh (đi) mang anh nuôi rày. Hồi nào em bán nước đá anh đi may, hai đứa mình chung sống (chứ) không biết ngày (rồi) mai sau. Hồi nào em bắt ốc (rồi) anh hái rau. Bây giờ em để lại mối sầu này cho qua. Hồi nào trái chuối chín cũng cén làm ba, trái cam tươi cũng cén làm bốn, nửa trái cà cũng cén làm năm. Bây giờ em lấy nẫu em en nằm, em bỏ qua (chứ) qua hiu quạnh năm canh qua một mình. Anh bây giờ khóe mắt sầu cứ rung rinh. Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình tuôn ra. Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa. Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, ôi chu choa là buồn... Khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Hằng thúc khuỷu tay vào hông Hạ, cười thích chí: − Ông này vui quá há mày ! − Ờ dân thanh niên xung phong mà ! https://thuviensach.vn Trên sân khấu, Đoàn Hùng nghiêng mình, giọng buồn buồn: − Thơ của tôi, nhất là thơ tình, thật chẳng là gì so với chất tình trong văn học dân gian chúng ta trong những bài ca dao, những điệu hò, lý... Vì thế, tôi chỉ dám đọc thơ tình cho một người duy nhất nghe, mà người đó hiện không có mặt ở đây. Xin các bạn thông cảm cho, tôi chỉ đọc hai bài thơ viết về cuộc sống của chúng tôi, những người thanh niên xung phong. Hùng đứng im và nhắm mắt lại, như để tập trung. Mọi người cùng im lặng chờ đợi. Bài thơ thứ nhất anh kể về cái chết của một cô thanh niên xung phong ở biên giới Tây Nam. Cô và nhân vật xưng “tôi” trong bài thơ vốn cùng một đơn vị, từ lâu đã yêu nhau nhưng cũng chưa dám nói. Cái chết của cô đã để lại trong anh một nỗi đau khôn nguôi. Bài thứ hai, Hùng viết về những vui buồn sau mười năm ở thanh niên xung phong tự nhìn lại. Tất cả mọi gian khổ rồi cũng qua đi, cái còn lại chính là những kỷ niệm được chắt lọc, mãi mãi sẽ theo ta đến hết cuộc đời. Sau những câu thơ quá trau chuốt và kiểu cách - thậm chí có những chỗ còn có phần lập dị, siêu thực - của Minh, những vần thơ mộc mạc, chân thành của Hùng càng trở nên có giá trị hơn. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt, Hằng và Hạ cũng vỗ, mỏi cả tay. Hùng trở thành nhà thơ được hoan nghênh nhiều nhất từ đầu chương trình đến giờ. Anh cảm động đến lúng túng trên sân khấu. Còn Minh thì có vẻ khó chịu, mất tự nhiên, Hạ để ý thấy anh đốt thuốc hút mà tay hơi run run. Hằng vô tình quay sang Minh: − Anh Hùng làm thơ hay quá phải khòng thầy ? Minh phải gật đầu: https://thuviensach.vn − Ừ, Hùng làm thơ về thanh niên xung phong thì khó ai qua được. Nhưng thơ tình thì... Hạ nhìn sững thầy mình. Minh không thấy cái nhìn ấy, nhưng anh cũng đã kịp dừng câu nói. Sao thầy lại quá tự tin như vậy, Hạ nghĩ. Hùng không thích đọc thơ tình cho mọi người nghe, không có nghĩa là thơ tình của anh dở. Thậm chí Hạ còn thuộc được vài bài thơ tình của anh, chứ thơ của thầy Minh thì không. Tự tin, hay là một cách dè bỉu ? Hạ tiếp tục nhìn thầy mình bằng một đôi mắt phán xét. Cô biết các nhà văn nhà thơ hiếm khi phục tài nhau, nhưng những lời chê bai thốt ra vào đúng lúc này thì thật không hay. Hùng đã định đi xuống, nhưng tiếng vỗ tay kéo dài đã giữ anh lại. Một cô gái cầm đóa hồng nhung chạy ào lên sân khấu, trao tặng anh. Hết sức tự nhiên, Hùng quàng tay qua vai cô gái và cúi xuống hôn thật nhanh lên má cô. Tiếng cười và tiếng vỗ tay càng dữ dội hơn. Cô gái thẹn thùng chạy xuống. Người điều khiển chương trình tươi cười tiến ra: − Trước tình cảm của khán giả như vậy, chúng tôi xin đề nghị anh Hùng phá lệ, đọc cho khán giả nghe một, hai bài thơ tình. Các bạn có đồng ý như vậy không ? Tiếng vỗ tay lại vang lên. Hùng ngần ngại một chút trước khi nói: − Tôi xin phép chỉ đọc một bài thơ nữa thôi, để tặng mối tình đầu của tôi. Điều tôi muốn nói là mỗi người trong chúng ta đều có một mối tình đầu. Hãy biết trân trọng và gìn giữ nó, bởi đó cũng sẽ là một mối tình đẹp nhất trong đời. Và anh cất tiếng đọc: https://thuviensach.vn − Khi xa em anh thắp đuốc nghìn phương soi người đẹp những Tây Thi Đắc Kỷ cũng dễ tìm duy có phiên bản của em là thất lạc. Phiên bản của người con gái đã đi qua đời anh  long lanh biển mắt buổi đầu môi hôn thiết tha gặp lại tình yêu không hề nói vẫn đầy chật buồng tim. Người ta có thể yêu nhau lan từ lúc biết yêu cho đến khi không yêu được nữa Ngày và Đêm rồi cũng theo nhau những hạnh phúc trôi qua không ngừng lại ai chà đạp tình yêu https://thuviensach.vn thì hạnh phúc chẳng còn. Khi anh không còn em Ngày và Đêm giống nhau hết sức ngày có lửa trời nóng nực đêm bện ngót đêm đen. Chào em, hạnh phúc của anh phút thoảng qua đau nhói những ngày đêm héo mòn chờ đợi cuộc sống riêng tì vết của mỗi người những nỗi buồn chen lẫn niềm vui sự đổ vỡ bất ngờ đến thế ? Khi hạnh phúc bay đi lặng lẽ cái bóng của đời ngước mắt tráo trưng anh và em lẽ nào chỉ là những chứng nhân cái o ép của đời bắt ta quay mặt lại https://thuviensach.vn bên hông đời còn bày những con diều giấy những hình nhân biết múa biết cười những nông cạn bên trong những hào nhoáng bên ngoài những sâu thẳm chỉ đời ta biết được... Tưởng như mình kết thúc ngỡ mình sẽ nguội lòng yêu lẽ đâu dễ dàng như thế nên hoài hoài nhớ nhau người ta có thể yêu nhiều lần từ lúc biết yêu cho đến khi không yêu được nữa có ai tan vỡ chẳng buồn ? Chính là anh đã mất em chính là anh đã mất phiên bản thứ hai của em không bao giờ anh còn bắt gặp https://thuviensach.vn dẫu trên đời vẫn có những Tây Thi những sắc đẹp và những con người mới anh sẽ còn ôm đến cuối đời phiên bản tình yêu em chẳng bao giờ gặp lại dẫu cho anh thắp đuốc đi tìm... Và như thế đời bình yên hay đời sóng gió hạnh phúc tầm thường hay hạnh phúc cao sang những gặt hái trong đời anh nếu mai này tính lại có lẽ nào không có mối tình em ?[1] Hùng dừng lại và đám đông phải bàng hoàng mất mấy giây. Giọng điệu của thơ đã được đổi hẳn. Sự giản dị đan kết với những suy gẫm sâu xa. Nỗi đau mất mát và sự nuối tiếc chân thật như một lời tâm sự với chính mình. Hùng bước xuống sân khấu trong tràng pháo tay cuối cùng dành cho anh. Minh bỗng hấp tấp đứng lên khi Hùng chưa kịp về lại bàn: − Hai em cứ ở lại chơi. Thầy có việc phải về gấp. https://thuviensach.vn