🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Viết Gì Cũng Đúng
Ebooks
Nhóm Zalo
ANTHONY WESTON
VIẾT GÌ CŨNG ĐÚNG
Bản quyền tiếng Việt © 2012 Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG – XÃ HỘI
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Lời giới thiệu
(Cho bản tiếng Việt)
Độc giả thân mến,
Có một câu cách ngôn nổi tiếng rằng “Chân lý sinh ra trong tranh luận” và cũng chết đi trong đó. Nếu chúng ta hiểu biết về cách thức lập luận và vận dụng nó phù hợp thì cuộc tranh luận có thể giúp ta làm sáng tỏ chân lý. Ngược lại, nếu ta lập luận bằng mọi cách chỉ cốt để bảo vệ những định kiến đã có sẵn thì chân lý sẽ chết chìm trong những trận luận chiến kéo dài. Bởi vậy, để cuộc tranh luận hay diễn thuyết thành công, điều cốt yếu là phải đưa ra được những lập luận logic, có cơ sở hợp lý.
Tại Việt Nam, chưa có cuốn sách nào thật sự ngắn gọn mà vẫn đầy đủ và dễ hiểu hướng dẫn người đọc các phương pháp biện luận hiệu quả, hữu dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bởi vậy, chúng tôi lựa chọn xuất bản và giới thiệu bộ sách về biện luận nói chung và tranh luận nói riêng với hy vọng sẽ mang đến cho các bạn những kiến thức bổ ích và dễ dàng áp dụng, giúp bạn thành công trong công việc và cuộc sống.
Viết gì cũng đúng của Athony Weston là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách này. Tác giả đưa ra nghệ thuật viết và cách thức lập luận sắc bén, thông qua các nguyên tắc cụ thể được giải thích và minh họa đầy đủ, ngắn gọn. Đây được xem như cuốn giáo khoa thư nổi tiếng, đã được dịch sang 8 ngôn ngữ ‒ vẫn là lựa chọn đầu tiên với những ai tìm kiếm một cuốn sách hướng dẫn dễ hiểu về cách đưa ra các lập luận vững chắc.
Tiếp theo Viết gì cũng đúng, chúng tôi sẽ xuất bản cuốn Cãi gì cũng thắng – một cuốn sách thực sự lôi cuốn về cách tư duy phản biện và tranh luận sắc sảo, đặc biệt thích hợp với những ai có nhu cầu rèn luyện và nâng cao khả năng thuyết trình, thuyết phục.
Hy vọng bộ sách sẽ là người bạn đồng hành cùng bạn chinh phục con đường tư duy sắc sảo nhất. Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả.
Hà Nội tháng 12/2011
CÔNG TY SÁCH ALPHA
Lời tựa
Quyển sách này giới thiệu ngắn gọn về nghệ thuật viết và đánh giá những lập luận, đồng thời bám rất sát mục tiêu này. Tôi nhận ra rằng hầu hết sinh viên và tác giả thường chỉ cần một danh sách vài dòng ghi nhớ và nguyên tắc chứ không cần giải thích, giới thiệu dài dòng. Do đó, quyển sách này được xây dựng xoay quanh một số nguyên tắc nhất định, được giải thích và minh họa đầy đủ nhưng rất ngắn gọn. Đây không phải một quyển sách giáo khoa mà là một quyển sách nguyên tắc.
Tôi nhận ra rằng hầu hết giáo viên có thể cũng muốn giới thiệu một quyển sách nguyên tắc kiểu này để sinh viên tham khảo và tự tìm hiểu, ngõ hầu tránh lãng phí thời gian trong lớp. Một lần nữa tôi cần phải nhắc lại rằng tiêu chí ngắn gọn rất quan trọng vì mục tiêu của cuốn sách này nhằm giúp sinh viên dễ dàng viết một bài luận hay đánh giá một lập luận, nhưng các nguyên tắc cần phải dựa trên giải thích đầy đủ để giáo viên chỉ cần yêu cầu sinh viên xem Nguyên tắc 6 hay Nguyên tắc 16 hơn là phải viết cả một đoạn giải thích bên lề bài viết của sinh viên. Ngắn gọn mà đầy đủ ‒ đó là tiêu chí mà tôi theo đuổi.
Quyển sách này cũng có thể được sử dụng trong chương trình học chuyên về lập luận. Tất nhiên, cần phải đưa thêm nhiều bài tập và ví dụ được trình bày rất đầy đủ trong những quyển sách có sẵn khác. Tuy nhiên những quyển sách đó cũng cần được hỗ trợ bởi quyển sách này vì mục đích của nó là tập hợp những nguyên tắc đơn giản để kết hợp các lập luận vững chắc lại với nhau. Có rất nhiều sinh viên hoàn thành khóa học về biện luận mà chỉ biết cách “bắn hạ” (hay đôi khi cũng chỉ “bắn trúng”) những ngụy biện nhất định. Họ thường xuyên không thể giải thích tại sao những lập luận đó không đúng hay đưa ra lập luận của riêng mình. Lý luận phi chính thức có thể làm tốt hơn thế: quyển sách này là một nỗ lực đưa ra cách thức làm điều đó.
Xin hoan nghênh các ý kiến nhận xét và phê bình của quý bạn đọc.
ANTHONY WESTON
Tháng 8 năm 1986
Giới thiệu
Tại sao phải tranh luận?
Một vài người nghĩ rằng tranh luận chỉ đơn thuần là nêu lên những định kiến có sẵn theo một cách khác. Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người cho rằng những cuộc tranh luận thường khó chịu và vô vị. Trong một cuốn từ điển, người ta định nghĩa “tranh luận” là “tranh cãi”. Theo cách hiểu này, chúng ta thường nói rằng hai người đang “tranh cãi” nghĩa là đang đấu đá bằng mồm. Việc này diễn ra thường xuyên đến mức người ta cũng phải công nhận nó. Nhưng đó không phải là tranh luận.
Trong quyển sách này, “đưa ra một lập luận” có nghĩa là đưa ra những lý do hay bằng chứng để hỗ trợ một kết luận. Ở đây, lập luận không chỉ đơn thuần là phát biểu về một quan điểm nào đó và cũng không đơn thuần là một cuộc tranh cãi. Lập luận là những nỗ lực sử dụng lý lẽ nhằm chứng minh quan điểm của mình. Tranh luận cũng không vô vị; thực tế nó rất quan trọng và hấp dẫn.
Đầu tiên, tranh luận quan trọng bởi đó là cách để tìm ra quan điểm nào đúng hơn. Không phải tất cả các quan điểm đều đúng. Một vài kết luận dựa trên nền tảng của lý lẽ vững chắc trong khi những kết luận khác được hỗ trợ kém hơn nhiều. Nhưng thường thì chúng ta không thể kết luận cái nào là cái nào. Chúng ta cần phải nêu ra nhiều lý lẽ cho nhiều kết luận khác nhau và sau đó đánh giá những lập luận đó để xem xét chúng vững chắc thế nào.
Theo cách hiểu này, tranh luận là một quá trình thẩm tra. Chẳng hạn, một số triết gia và nhà hoạt động xã hội tuyên bố rằng hình thức trại nuôi động vật lấy thịt gây ra đau khổ cho động vật, vì thế đó là điều phi lý và thiếu đạo đức. Phát biểu đó có đúng không? Bạn không thể trả lời bằng định kiến của mình được. Có rất nhiều vấn đề liên quan ở đây. Thí dụ như chúng ta có bị ràng buộc đạo đức với những loài khác không hay nó chỉ xấu xa khi con người là chủ thể chịu đựng đau khổ? Con người sẽ sống ra sao nếu thiếu thịt? Một vài người ăn chay đã sống rất lâu. Liệu điều này có nghĩa là chế độ ăn chay thì lành mạnh hơn? Hay nó không hề có liên quan gì khi xét đến việc nhiều người ăn thịt cũng sống lâu? (Bạn có thể tiếp tục suy nghĩ vấn đề này bằng cách đặt ra câu hỏi liệu phần trăm người ăn chay sống lâu có nhiều hơn không.) Hay ngược lại có thể là những người sống lành mạnh có xu hướng trở thành người ăn chay? Tất cả những câu hỏi này cần được suy xét rất cẩn thận và những câu trả lời thoạt đầu đều chưa rõ ràng.
Lập luận cũng quan trọng vì một lý do khác. Một khi chúng ta đi đến kết luận với những lý lẽ hỗ trợ đầy đủ, lập luận là cách chúng ta giải thích và bảo vệ kết luận đó. Một lập luận tốt không chỉ đơn thuần lặp lại những kết luận. Thay vào đó, nó cung cấp những lý lẽ và bằng chứng để người khác có thể tự đưa ra quyết định. Thí dụ như nếu bạn tin rằng chúng ta cần phải thay đổi cách nuôi và sử dụng động vật, bạn cần phải đưa ra những lập luận để giải thích cách thức bạn đi tới kết luận đó. Đó là cách bạn thuyết phục người khác: đưa ra những lý lẽ và bằng chứng đã thuyết phục bạn. Có quan điểm vững
vàng không phải là một sai lầm. Sai lầm chính là bạn không có gì ngoài những quan điểm. Hiểu rõ sự khác biệt giữa bài văn và bài luận
Những nguyên tắc trong tranh luận không mang tính tùy ý; nó có mục đích nhất định. Tuy nhiên, sinh viên (cũng như một số tác giả khác) không phải lúc nào cũng hiểu mục tiêu đó khi được giao viết bài luận – và nếu bạn không hiểu nhiệm vụ, bạn khó có thể làm tốt nhiệm vụ đó. Rất nhiều sinh viên khi được yêu cầu bảo vệ quan điểm trong một số vấn đề đã viết rất tỉ mỉ quan điểm của mình nhưng không nêu ra bất kỳ lý do thực sự nào để chứng minh rằng quan điểm của họ là đúng. Họ đang viết một bài văn, không phải một bài luận.
Đây là hiểu lầm thuộc về bản chất. Ở bậc trung học, các học sinh tập trung học những chủ đề khá rõ ràng và không mang tính tranh luận. Bạn không cần tranh luận chuyện Hiến pháp Hoa Kỳ quy định ra ba nhánh cầm quyền trong chính phủ hay Shakespeare viết vở Macbeth. Bạn chỉ cần nắm vững những thực tế này và bài viết của bạn chỉ cần lặp lại chúng.
Các sinh viên bước vào đại học với suy nghĩ mọi chuyện sẽ tương tự như thế ở một cấp cao hơn. Tuy nhiên, rất nhiều chương trình ở bậc đại học – đặc biệt là những chương trình yêu cầu sinh viên phải viết – lại nhắm vào mục tiêu khác. Những chương trình này liên quan đến cơ sở niềm tin của chúng ta; chúng yêu cầu sinh viên phải thẩm tra niềm tin và tìm cách bảo vệ quan điểm của họ. Những vấn đề thảo luận trong chương trình đại học thường không rõ ràng và chắc chắn. Đúng là Hiến pháp quy định ba nhánh cầm quyền trong chính phủ nhưng liệu Tòa án tối cao có nên có quyền phủ quyết đối với hai nhánh kia không? Đúng là Shakespeare viết vở Macbeth nhưng vở kịch đó có ý nghĩa gì? Những lý lẽ và bằng chứng có thể được đưa ra cho những câu trả lời khác nhau. Các sinh viên được yêu cầu phải học cách tự suy nghĩ để thiết lập quan điểm riêng một cách có trách nhiệm. Khả năng bảo vệ được quan điểm của mình là một thước đo cho kỹ năng đó và cũng là lý do tại sao các bài luận lại rất quan trọng.
Thực tế, như nội dung từ Chương 7 đến Chương 9 sẽ giải thích, để viết một bài luận tốt, bạn sẽ phải sử dụng các lập luận vừa như một công cụ thẩm tra vừa là cách thức để giải thích cũng như bảo vệ kết luận của mình. Bạn phải chuẩn bị bài viết của mình thông qua nghiên cứu những lập luận từ góc nhìn của các bên đối lập. Sau đó, bạn sẽ phải đưa ra các lập luận trong bài viết của mình để bảo vệ kết luận bạn đưa ra và đánh giá nghiêm túc một vài lập luận từ góc nhìn của các bên đối lập.
Dàn bài
Quyển sách này bắt đầu bằng việc thảo luận những lập luận tương đối đơn giản và cuối cùng hướng đến cách viết một bài luận hoàn chỉnh.
Từ Chương 1 đến Chương 6 trình bày cách hình thành và diễn đạt những lập luận ngắn. Một lập luận
“ngắn” đơn thuần đưa ra các lý do và bằng chứng một cách ngắn gọn, thường chỉ trong vài câu hoặc một đoạn văn.
Chúng ta bắt đầu với những lập luận ngắn vì một số lý do. Lý do thứ nhất là vì những lập luận này rất phổ biến. Thực tế, nó phổ biến đến nỗi trở thành một phần trong hội thoại thường nhật. Lý do thứ hai là những lập luận dài thường là sự diễn giải của các lập luận ngắn hay một chuỗi các lập luận ngắn được kết nối với nhau. Nếu bạn học cách viết và đánh giá những lập luận ngắn trước, bạn có thể mở rộng kỹ năng của mình sang những bài luận.
Lý do thứ ba nên bắt đầu với những lập luận ngắn vì những lập luận này là ví dụ minh họa tốt nhất cho các hình thức lập luận phổ biến và những lỗi điển hình trong lập luận. Trong những lập luận dài, việc tìm ra vấn đề chính thường khó hơn. Do đó, dù rằng một vài nguyên tắc có vẻ rất hiển nhiên khi được đề cập đến, hãy nhớ rằng bạn đang hưởng lợi từ những ví dụ đơn giản. Những nguyên tắc khác đủ khó để đóng vai trò quan trọng ngay cả trong những lập luận ngắn.
Chương 7, 8 và 9 chuyển sang bàn đến vấn đề viết luận. Chương 7 trình bày bước đầu tiên: nghiên cứu vấn đề. Chương 8 phác họa những điểm chính trong một bài luận và Chương 9 thêm vào những nguyên tắc cụ thể để viết bài luận. Tất cả những chương này đều dựa trên những gì được thảo luận từ Chương 1 đến Chương 6. Đừng bỏ qua phần đầu và nhảy ngay sang những chương về cách viết bài luận dù rằng bạn tìm đọc quyển sách này cho mục đích đó. Quyển sách này đủ ngắn để đọc xuyên suốt đến Chương 7, 8 và 9 và khi đến những chương này bạn đã được trang bị những công cụ cần thiết để sử dụng chúng một cách hiệu quả. Các giảng viên có thể chỉ định sinh viên đọc từ Chương 1 đến Chương 4 vào đầu học kỳ và sau đó là từ Chương 6 đến Chương 9 vào thời điểm viết bài luận.
Chương 10 bàn về những ngụy biện, những lập luận sai lạc. Chương này tổng hợp tất cả những lỗi chung được thảo luận trong các phần khác của quyển sách và kết thúc bằng một danh sách liệt kê rất nhiều lập luận sai lạc đầy cám dỗ và phổ biến đến nỗi có cả tên riêng cho mỗi loại. Phần Phụ lục nêu ra một số nguyên tắc xây dựng và đánh giá các định nghĩa.
1. Hình thành một lập luận ngắn
Vài nguyên tắc chung
Chương 1 đưa ra một số nguyên tắc chung để hình thành một lập luận ngắn. Từ Chương 2 đến Chương 6 sẽ thảo luận những kiểu lập luận ngắn cụ thể.
1. Phân biệt tiền đề và kết luận
Bước đầu tiên trong việc hình thành một lập luận là hỏi, bạn đang cố chứng minh điều gì? Kết luận của bạn là gì? Hãy nhớ rằng kết luận là lời phát biểu mà bạn phải đưa ra lý lẽ để chứng minh. Những lý lẽ bạn đưa ra dưới hình thức phát biểu được gọi là tiền đề.
Hãy xem xét phát biểu hài hước sau của Thủ tướng Anh Winston Churchill:
Hãy là một người lạc quan. Trở thành người khác cũng không ích gì.
Đây là một lập luận bởi vì Churchill đưa ra một lý do để trở thành người lạc quan: tiền đề của ông là “Trở thành người khác cũng chẳng ích gì.”
Tiền đề và kết luận của Churchill khá hiển nhiên nhưng ngược lại cũng có những kết luận không hề dễ phát hiện cho đến khi có chỉ dẫn rõ ràng. Sherlock Holmes đã phải giải thích một trong những kết luận chính của mình trong tập truyện “Chuyến phiêu lưu của ngọn lửa bạc” như sau:
Con chó nằm trong chuồng ngựa nhưng khi có người lẻn vào trộm ngựa, nó đã không sủa. Như vậy, hiển nhiên đó là người mà con chó biết rất rõ…
Holmes có hai tiền đề. Tiền đề thứ nhất rất rõ ràng: con chó không sủa người khách. Tiền đề thứ hai là một thực tế chung mà Holmes giả định rằng chúng ta đều hiểu loài chó: chó chỉ sủa người lạ. Hai tiền đề này đứng chung ngụ ý rằng người khách đó không phải người lạ.
Khi bạn sử dụng lập luận như một công cụ thẩm tra như đã mô tả trong phần Giới thiệu, đôi khi bạn có thể bắt đầu với việc đưa ra kết luận mà bạn muốn bảo vệ. Trước hết, hãy đưa ra kết luận đó một cách rõ ràng. Nếu bạn muốn đứng về phe thủ tướng Churchill và bảo vệ quan điểm rằng chúng ta thực sự nên trở thành những người lạc quan, hãy nói một cách dứt khoát. Sau đó hãy hỏi bản thân bạn có những lý do nào để đi đến kết luận đó. Những lý do nào bạn có thể đưa ra để chứng minh rằng chúng ta nên trở thành người lạc quan?
Danh tiếng của Thủ tướng Anh Churchill có thể hấp dẫn bạn: Nếu Churchill nói rằng chúng ta nên là
người lạc quan, bạn và tôi là ai để có thể đôi co với ông ấy chứ? Tuy nhiên, kiểu lập luận này sẽ không đủ vững chắc vì chắc chắn từng có rất nhiều những nhân vật nổi tiếng khác đã khuyến nghị chủ nghĩa bi quan. Bạn cần phải tự suy nghĩ về nó. Suy nghĩ lại xem lý do nào khiến bạn cho rằng chúng ta cần phải trở thành người lạc quan?
Có thể bạn đưa ra ý tưởng trở thành người lạc quan sẽ giúp chúng ta có nhiều năng lượng hơn để làm việc thành công trong khi những người bi quan thường bị đánh bại và thậm chí thất bại ngay khi còn chưa bắt đầu. Do đó, bạn có một lý do chính: Những người lạc quan thường có nhiều khả năng thành công và đạt được mục tiêu của mình hơn. (Có lẽ đây cũng là những gì Churchill ngụ ý trong phát biểu trên.) Nếu đây là lý do của bạn, hãy nói một cách dứt khoát.
Một khi đã đọc xong quyển sách này, bạn sẽ có danh sách những hình thái khác nhau của lập luận. Hãy sử dụng chúng để phát triển tiền đề của bạn. Ví dụ, để bảo vệ một lập luận quy nạp, hãy xem Chương 2. Chương này sẽ nhắc nhở bạn cần đưa ra một chuỗi những ví dụ để làm tiền đề và sẽ cho bạn biết bạn cần phải tìm loại ví dụ nào. Nếu kết luận của bạn đòi hỏi một suy luận như những gì được giải thích trong Chương 6, những nguyên tắc được thảo luận trong chương này sẽ cho bạn biết bạn cần những loại tiền đề nào. Bạn có thể sẽ phải thử những lập luận khác nhau trước khi tìm ra một lập luận thật sự hiệu quả.
2. Trình bày ý tưởng theo thứ tự tự nhiên
Những lập luận ngắn thường được viết trong một hay hai đoạn văn. Hãy đặt kết luận lên trước, theo sau là những lý lẽ, hoặc trình bày những tiền đề của bạn trước rồi cuối cùng rút ra kết luận. Trong mọi trường hợp, hãy trình bày những ý tưởng theo thứ tự thể hiện dòng suy nghĩ của bạn một cách tự nhiên nhất. Hãy xem lập luận ngắn dưới đây của Bertrand Russell:
Mọi điều xấu xa trên thế giới đều xuất phát từ khuyết điểm đạo đức cũng như từ sự thiếu thông minh. Nhưng loài người từ trước tới giờ vẫn chưa tìm ra phương pháp nào để nhổ tận gốc những khuyết điểm đạo đức… Ngược lại, trí thông minh có thể dễ dàng được cải thiện thông qua các phương pháp mà tất cả những người thầy có năng lực đều biết. Do đó, cho tới khi một nguyên tắc giảng dạy đạo đức nào đó được tìm ra, sự tiến bộ chỉ có thể được tìm thấy thông qua cải thiện trí thông minh chứ không phải là đạo đức .
Mỗi phát biểu trong đoạn văn này đều dẫn đến phát biểu tiếp theo hết sức tự nhiên. Russell bắt đầu bằng việc chỉ ra hai nguồn gốc của cái xấu trên thế giới: “những khuyết điểm đạo đức” – theo cách ông gọi – và sự thiếu thông minh. Sau đó ông tuyên bố rằng chúng ta không biết cách sửa chữa “những khuyết điểm đạo đức” nhưng chúng ta biết cách sửa chữa sự thiếu thông minh. Do đó, – hãy lưu ý rằng cụm từ “do đó” đánh dấu kết luận của ông một cách rất rõ ràng – sự tiến bộ sẽ phải xuất phát từ việc cải thiện trí thông minh.
Từng câu trong đoạn lập luận này đều nằm rất đúng vị trí. Vẫn có rất nhiều cách đặt vị trí sai. Sẽ ra sao nếu Russell nói thế này:
Mọi điều xấu xa trên thế giới đều xuất phát từ khuyết điểm đạo đức cũng như từ sự thiếu thông minh. Cho tới khi một nguyên tắc giảng dạy đạo đức nào đó được tìm ra, sự tiến bộ chỉ có thể được tìm thấy thông qua cải thiện trí thông minh chứ không phải là đạo đức. Trí thông minh có thể dễ dàng được cải thiện thông qua những phương pháp mà tất cả những người thầy có năng lực đều biết. Nhưng loài người từ trước tới giờ vẫn chưa tìm ra phương pháp nào để nhổ tận gốc những khuyết điểm đạo đức.
Đoạn văn này chứa đựng chính xác những tiền đề và kết luận tương tự nhưng theo một trật tự trình bày khác và cụm từ “do đó” đã bị loại bỏ trước câu kết. Giờ đây, lập luận này khó hiểu hơn rất nhiều. Những tiền đề không gắn kết với nhau một cách tự nhiên và bạn sẽ phải đọc đoạn văn này hai lần chỉ để tìm ra kết luận ở đây là gì. Đừng trông chờ vào sự kiên nhẫn của người đọc.
Hãy lường trước việc phải sắp xếp lại lập luận của mình nhiều lần để tìm ra đâu là trật tự tự nhiên nhất. Những nguyên tắc thảo luận trong quyển sách này sẽ giúp bạn làm điều đó, không chỉ để biết bạn cần tiền đề nào mà còn biết làm thế nào để sắp xếp những tiền đề của bạn theo một trật tự tự nhiên nhất.
3. Bắt đầu từ những tiền đề đáng tin cậy
Dù bạn có lập luận từ tiền đề đến kết luận hay như thế nào, kết luận của bạn sẽ không vững chắc nếu tiền đề không vững chắc.
Không ai trên thế giới ngày nay thực sự hạnh phúc. Do đó, có vẻ như loài người không được sinh ra để có hạnh phúc. Sao chúng ta lại mong chờ thứ mà chúng ta không bao giờ tìm thấy?
Tiền đề của lập luận này là phát biểu rằng không ai trên thế giới này ngày nay thực sự hạnh phúc. Hãy tự hỏi mình liệu phát biểu này có đúng hay không. Có thật là không ai trên thế giới ngày nay thực sự hạnh phúc hay không? Ít nhất tiền đề này cần được bảo vệ và có nhiều khả năng nó không đúng. Do vậy, lập luận này không thể chứng minh rằng loài người không được sinh ra để có hạnh phúc hoặc chúng ta không mong chờ hạnh phúc.
Đôi lúc bắt đầu từ những tiền đề đáng tin cậy sẽ dễ dàng hơn. Bạn có thể dẫn ra những ví dụ nổi tiếng hay những nhân vật danh tiếng đồng tình với tiền đề đó. Một vài trường hợp khác lại khó hơn. Nếu bạn không chắc về độ tin cậy của một tiền đề, bạn có thể cần phải làm một số nghiên cứu và/hoặc đưa ra một lập luận ngắn để bảo vệ tiền đề đó. (Chúng ta sẽ quay lại thảo luận về đề tài này trong những chương sau, đặc biệt là trong Nguyên tắc A2 ở Chương 7.) Nếu bạn nhận ra mình không đủ lý lẽ để bảo vệ tiền đề của mình thì tất nhiên bạn cần phải từ bỏ tất cả và bắt đầu lại bằng một tiền đề khác!
4. Hãy cụ thể và chính xác
Hãy tránh sự trừu tượng, mơ hồ cũng như những thuật ngữ tổng quát. Câu “Chúng tôi đã hành quân nhiều giờ liền dưới ánh nắng mặt trời” tốt hơn cả trăm lần so với câu “Đó là một quãng thời gian dài lao động cần cù.” Từng câu từng chữ cũng nên chính xác. Những giải thích quá hoa mỹ sẽ khiến tất cả mọi người – thậm chí cả người viết – bị lạc trong màn sương mù của câu từ.
KHÔNG NÊN:
Đối với những người nắm vai trò chủ yếu trong việc thi hành nghĩa vụ phân biệt với những người nhận tránh nhiệm lãnh đạo, mô hình chung có vẻ như là lời đáp lại cho nghĩa vụ viện dẫn của cương vị lãnh đạo. Đó là bổn phận đi đôi với địa vị trong cộng đồng xã hội cũng như nhiều đơn vị nhỏ hơn trong cộng đồng đó. Sự tương đồng hiện đại gần nhất là việc các công dân bình thường phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, trừ phi các lãnh đạo cấp cao của bộ máy Ai Cập không cần đến tình trạng khẩn cấp để kêu gọi nghĩa vụ hợp pháp.
NÊN:
Trong xã hội Ai Cập cổ đại, dân thường có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. 5. Tránh dùng ngôn từ cảm xúc
Đừng cố làm cho lập luận của bạn trông có vẻ hay bằng cách nhạo báng hay bóp méo bên phản biện. Nhìn chung, mọi người tán đồng một quan điểm vì những lý do nghiêm túc và chân thật. Cố gắng tìm hiểu quan điểm của họ – và hãy cố gắng làm điều đó thật đúng – cho dù bạn thậm chí hoàn toàn không đồng ý. Ví dụ một người nghi ngờ công nghệ mới không phải muốn “quay trở về thời đồ đá” và một người tin vào sự tiến hóa không quả quyết rằng bà của cô là một con khỉ. Nếu bạn không thể hiểu được tại sao một người lại có quan điểm mà bạn đang công kích, chẳng qua là bạn chưa hiểu người đó đấy thôi.
Tóm lại, hãy tránh sử dụng từ ngữ mà chức năng duy nhất chỉ là tạo ra cảm xúc. Đây gọi là “ngôn từ cảm xúc.”
Do đã để cho hệ thống đường sắt chuyên chở hành khách từng một thời là niềm tự hào của mình bị lu mờ vào quên lãng một cách đáng xấu hổ, nước Mỹ chắc chắn vì danh dự sẽ khôi phục lại chúng ngay bây giờ!
Đây được cho là một lập luận ủng hộ việc khôi phục dịch vụ đường sắt chuyên chở hành khách. Nhưng nó không đưa ra bằng chứng nào cho kết luận này mà chỉ đưa ra đầy rẫy những ngôn từ cảm xúc – những từ này lặp đi lặp lại chẳng khác nào một chính trị gia đang trả bài. Liệu có phải đường sắt chuyên chở hành khách “bị lu mờ” vì “nước Mỹ” đã bỏ rơi nó hay không? Điều gì “đáng xấu hổ” trong chuyện này? Rất nhiều định chế “một thời đáng tự hào” đã rơi vào tình trạng hỗn loạn mà rốt
cuộc – chúng ta đâu có nghĩa vụ phải khôi phục lại tất cả. Có nghĩa gì khi nói nước Mỹ “chắc chắn vì danh dự” sẽ làm điều đó? Có phải đã từng có chuyện đưa ra lời hứa và thất hứa? Bởi ai?
Tôi tin chắc rằng sẽ có rất nhiều chuyện để bàn khi nói về chủ đề khôi phục đường sắt chở khách, nhất là trong kỷ nguyên mà chi phí kinh tế và môi trường cho đường cao tốc đang trở nên nặng nề hơn. Vấn đề ở đây là lập luận này không nói lên điều đó. Nó để cho những ngụ ý kèm theo của từ ngữ nói lên tất cả và do đó không làm gì cả. Chúng ta kết thúc ở chính nơi chúng ta bắt đầu. Khi đến phiên bạn, hãy bám vào các bằng chứng.
6. Sử dụng thuật ngữ nhất quán
Những lập luận dựa vào mối quan hệ rõ ràng giữa các tiền đề và giữa tiền đề với kết luận. Vì lý do đó, chỉ sử dụng một bộ thuật ngữ cho mỗi ý tưởng là điều rất quan trọng.
KHÔNG NÊN:
Nếu bạn nghiên cứu những nền văn hóa khác thì bạn có thể nhận ra tính muôn màu muôn vẻ trong các phong tục tập quán của loài người. Nếu bạn đã hiểu sự đa dạng trong các tập quán xã hội thì bạn sẽ hoài nghi về phong tục của chính bạn. Nếu bạn không biết chắc về những gì bạn đang làm thì bạn sẽ trở nên khoan dung hơn. Do đó, nếu bạn mở rộng kiến thức của mình trong lĩnh vực nhân chủng học thì nhiều khả năng bạn sẽ chấp nhận người khác và tập quán khác mà không phê phán gì.
NÊN:
Nếu bạn nghiên cứu những nền văn hóa khác thì bạn có thể nhận ra tính muôn màu muôn vẻ trong các phong tục tập quán của loài người. Nếu bạn đã nhận ra tính muôn màu muôn vẻ trong các phong tục tập quán của loài người thì bạn sẽ đặt câu hỏi về phong tục của chính bạn. Nếu bạn đặt câu hỏi về phong tục của chính bạn, bạn sẽ trở nên khoan dung hơn. Do đó, nếu bạn nghiên cứu những nền văn hóa khác thì bạn sẽ trở nên khoan dung hơn.
Hãy lưu ý trong cả hai phiên bản, mỗi câu đều có dạng “Nếu X, thì Y.” Nhưng giờ đây hãy nhìn vào những điểm khác nhau.
Phiên bản thứ hai (“Nên”) rất rõ ràng – bởi vì vế Y của mỗi tiền đề chính là vế X của tiền đề tiếp theo. Vế Y của tiền đề đầu tiên chính là X của tiền đề thứ hai, vế Y của tiền đề thứ hai chính là X của tiền đề thứ ba, và cứ như vậy. (Quay trở lại và nhìn xem!) Đó là lý do vì sao lập luận này rất dễ đọc và dễ hiểu: nó tạo thành một dạng xâu chuỗi.
Trong phiên bản đầu tiên (“Không nên”) dù rằng vế Y của tiền đề đầu tiên chỉ phỏng chừng là vế X của tiền đề thứ hai, vế Y của tiền đề thứ hai chỉ phỏng chừng là vế X của tiền đề thứ ba và cứ như vậy.
Ở đây từng vế X và Y được viết như thể tác giả luôn tham khảo từ điển đồng nghĩa mỗi khi có cơ hội. Thí dụ cụm “Khoan dung hơn” ở tiền đề thứ ba được viết thành “nhiều khả năng chấp nhận người khác và tập quán hơn” trong câu kết. Kết quả là, lập luận này đã mất đi mối liên hệ hiển nhiên giữa các phần khiến nó trở nên ít rõ ràng và thuyết phục hơn. Người viết thì có dịp thể hiện bản thân còn người đọc – những người không biết trước được cấu trúc của lập luận ngay từ đầu – chỉ trở nên lúng túng.
7. Sử dụng một nghĩa duy nhất cho mỗi thuật ngữ
Một vài lập luận chuyển nghĩa của thuật ngữ này sang thuật ngữ khác để giành chiến thắng. Đây là ví dụ kinh điển về lối nói lập lờ:
Phụ nữ và nam giới khác nhau về thể chất và cảm xúc. Hai giới tính này không “bình đẳng” và do đó luật pháp không nên ngụy tạo rằng chúng ta bình đẳng!
Lập luận này ban đầu trông có vẻ hợp lý nhưng có sự khác biệt giữa nghĩa của hai thuật ngữ “bình đẳng” trong tiền đề và kết luận. Đúng là hai giới tính này không “bình đẳng” về thể chất và cảm xúc theo nghĩa “bình đẳng” ở đây chỉ đơn giản là “giống nhau”. Tuy nhiên thuật ngữ “bình đẳng” trước pháp luật không có nghĩa là “giống nhau về thể chất và cảm xúc” mà là “có quyền và cơ hội như nhau.” Nếu được sắp xếp lại với hai nghĩa khác nhau của từ “bình đẳng” để làm rõ hơn, lập luận đó sẽ như sau:
Phụ nữ và nam giới không giống nhau về thể chất và cảm xúc. Do đó, phụ nữ và nam giới không có quyền và cơ hội như nhau.
Phiên bản này của lập luận đã không còn lập lờ bằng từ “bình đẳng” nữa nhưng vẫn không phải là một lập luận vững chắc; nó chỉ là một lập luận nguyên bản không thỏa đáng mà giờ đây tính không thỏa đáng đã bị lật tẩy. Một khi lối nói lập lờ bị xóa bỏ, kết luận của lập luận trên không được hỗ trợ mà cũng không liên quan gì đến tiền đề. Không có lý do nào cho thấy những khác biệt về thể chất và tình cảm có liên quan gì đến quyền và cơ hội.
Đôi khi, chúng ta cố gắng nói lập lờ bằng cách biến một từ chính yếu trở nên mơ hồ. Hãy theo dõi cuộc hội thoại sau đây:
A: Tất cả mọi người đều ích kỷ!
B: Nhưng còn John thì sao? Hãy nhìn cách anh ấy cống hiến bản thân cho con mình kìa! A: Anh ấy chỉ làm những gì anh ấy thực sự muốn làm – đó vẫn là ích kỷ!
Ở đây nghĩa của từ “ích kỷ” thay đổi từ phát biểu đầu tiên sang phát biểu thứ hai của A. Trong phát
biểu đầu tiên, chúng ta hiểu “ích kỷ” mang nghĩa cụ thể: tham lam, hành vi tự cho mình là trung tâm, theo định nghĩ thông thường của “ích kỷ”. Trong câu trả lời của A trước sự phản đối của B, A đã mở rộng ý nghĩa của từ “ích kỷ” bao hàm cả hành vi dường như không ích kỷ bằng cách mở rộng định nghĩa của từ này gồm cả phạm trù “làm những gì bạn thực sự muốn làm.” A chỉ bảo vệ và giữ lại được từ “ích kỷ”; chứ không giữ được ý nghĩa ban đầu của từ.
Một cách hay để tránh lối nói lập lờ là định nghĩa cẩn thận những thuật ngữ chủ chốt khi bạn giới thiệu chúng. Sau đó, hãy chắc rằng bạn chỉ sử dụng chúng theo nghĩa bạn đã định ra từ trước! Bạn có thể cũng cần định nghĩa những thuật ngữ đặc biệt hoặc những từ ngữ kỹ thuật. Hãy xem phần Phụ lục để tham khảo các thảo luận về quá trình và những cạm bẫy trong định nghĩa.
2. Lập luận bằng ví dụ
Lập luận bằng ví dụ có nghĩa là đưa ra một hay nhiều ví dụ cụ thể để hỗ trợ một lập luận quy nạp.
Phụ nữ thời kỳ xa xưa thường lấy chồng từ khi rất trẻ. Juliet trong vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare thậm chí còn chưa tới mười bốn tuổi. Ở thời Trung cổ, tuổi mười ba là độ tuổi thông thường để lập gia đình đối với một phụ nữ Do Thái. Và trong thời kỳ Đế quốc La Mã, rất nhiều phụ nữ La Mã kết hôn lúc mười ba hay trẻ hơn.
Lập luận này quy nạp từ ba ví dụ ‒ Juliet, phụ nữ Do Thái thời Trung cổ và phụ nữ La Mã thời kỳ Đế quốc La Mã – đi đến kết luận “nhiều” hay hầu hết phụ nữ thời kỳ xa xưa. Để diễn đạt hình thái lập luận này rõ ràng nhất, chúng ta có thể liệt kê những tiền đề một cách tách bạch với kết luận được đặt ở dòng cuối cùng:
Juliet trong vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare thậm chí còn chưa tới mười bốn tuổi. Phụ nữ Do Thái thời Trung Cổ thường kết hôn ở tuổi mười ba.
Rất nhiều phụ nữ La Mã trong thời kỳ Đế quốc La Mã kết hôn lúc mười ba tuổi hay trẻ hơn. Do đó, phụ nữ thời kỳ xa xưa lấy chồng từ khi rất trẻ.
Thường thì tôi hay viết những lập luận ngắn theo cách này để xem chính xác những lý lẽ này hoạt động ra sao.
Khi nào những tiền đề như vậy đủ sức chứng minh một lập luận quy nạp?
Tất nhiên, có một yêu cầu là các ví dụ phải chính xác. Hãy nhớ lại Nguyên tắc thứ 3: Một lập luận phải bắt đầu từ một tiền đề đáng tin cậy! Nếu Juliet không phải mười bốn tuổi hoặc nếu hầu hết phụ nữ La Mã hay phụ nữ Do Thái không kết hôn ở tuổi mười ba thì lập luận này sẽ yếu đi rất nhiều và nếu không có tiền đề hỗ trợ nào đúng thì ở đây không có lập luận nào đúng cả. Để kiểm tra những ví dụ của một lập luận hay tìm ra những ví dụ tốt cho lập luận riêng của mình, bạn có thể sẽ cần tiến hành một số nghiên cứu.
Nhưng giả định rằng những ví dụ đều chính xác, quy nạp từ những ví dụ này vẫn là một công việc rắc rối. Chương 2 sẽ cung cấp cho bạn một danh sách ngắn gọn nhằm đánh giá lập luận bằng ví dụ ‒ của bạn lẫn của người khác.
8. Sử dụng nhiều ví dụ
Một ví dụ duy nhất đôi khi chỉ có thể được sử dụng cho mục đích minh họa. Chỉ nêu ví dụ về Juliet có thể sẽ minh họa cho hôn nhân thời xưa. Nhưng chỉ với một ví dụ thì không hỗ trợ gì cho lập luận quy nạp. Phải cần nhiều hơn một ví dụ.
KHÔNG NÊN:
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền bầu cử.
Do đó, phải có đấu tranh phụ nữ mới giành được các quyền bình đẳng cho mình. NÊN:
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền bầu cử.
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền học đại học và cao đẳng.
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền bình đẳng trong công việc.
Do đó, phải có đấu tranh phụ nữ mới giành được các quyền bình đẳng cho mình.
Trong lập luận quy nạp về nhóm những vấn đề nhỏ nhặt, tốt nhất nên cân nhắc toàn bộ hay hầu hết các ví dụ. Một lập luận quy nạp về tất cả tổng thống Mỹ từ sau thời kỳ Kennedy nên nhắc đến tất cả các vị tổng thống. Tương tự như vậy, lập luận rằng quyền của phụ nữ đều từ đấu tranh mà có cũng nên bao gồm tất cả hay hầu hết những quyền quan trọng.
Những lập luận quy nạp về nhóm vấn đề lớn hơn đòi hỏi chọn ra một “mẫu thử”. Chắc chắn chúng ta không thể liệt kê tất cả phụ nữ thời xa xưa đã kết hôn sớm; thay vào đó, lập luận của chúng ta cần đưa ra một vài phụ nữ làm đại diện cho số còn lại. Việc cần bao nhiêu ví dụ tùy thuộc vào tính đại diện của những ví dụ đó, đó là điểm mà Nguyên tắc 9 sẽ đề cập. Nó cũng phụ thuộc một phần vào quy mô của nhóm mà chúng ta lập luận quy nạp. Những nhóm lớn thường đòi hỏi nhiều ví dụ hơn. Phát biểu rằng “thị trấn của bạn đầy ắp những người xuất chúng” đòi hỏi nhiều bằng chứng hơn phát biểu “bạn của bạn là những người xuất chúng”. Tùy thuộc vào việc bạn có bao nhiêu người bạn, thậm chí chỉ hai hay ba ví dụ cũng có thể đủ để chứng minh rằng bạn của bạn là những người xuất chúng. Tuy vậy, trường hợp thị trấn của bạn lại khác. Ngoại trừ nó quá nhỏ bé, còn không, để chứng minh thị trấn của bạn đầy những người xuất chúng, bạn cần đưa ra nhiều ví dụ hơn.
9. Sử dụng những ví dụ mang tính đại diện
Thậm chí một số lượng lớn những ví dụ cũng có thể đại diện sai cho nhóm lập luận quy nạp. Chẳng hạn, nhiều ví dụ về phụ nữ La Mã không thể đại diện cho phụ nữ nói chung vì phụ nữ La Mã không
nhất thiết đại diện cho phụ nữ ở những vùng khác trên thế giới. Lập luận cũng đòi hỏi phải bao gồm phụ nữ từ những vùng khác.
Tất cả mọi người trong khu vực tôi ở đều ủng hộ McGraw trở thành tổng thống. Do đó, McGraw chắc chắn sẽ thắng.
Lập luận này rất yếu vì một khu vực dân cư khó lòng đại diện cho toàn thể người dân đi bầu. Một khu vực dân cư sung túc có thể ủng hộ một ứng cử viên không được những người khác yêu mến. Những sinh viên trong làng đại học thường ủng hộ những ứng viên đạt thành tích kém ở các khu vực khác. Bên cạnh đó, chúng ta thậm chí ít khi có được bằng chứng tốt từ những người hàng xóm. Nhóm những người đặt bảng hiệu trong sân nhà và dán đề can lên xe của họ (và thường thì bãi cỏ của những người này nằm trong các con đường xe cộ qua lại hay thậm chí họ thường lái xe và/hoặc đậu ở những địa điểm dễ gây chú ý) có thể đại diện sai cho toàn thể khu dân cư.
Một lập luận vững chắc cho phát biểu “McGraw chắc chắn sẽ thắng” đòi hỏi một mẫu thử đại diện cho toàn bộ dân chúng tham gia bỏ phiếu. Không dễ dàng xây dựng một mẫu thử như vậy. Những chiến dịch lấy ý kiến công chúng xây dựng các mẫu thử rất cẩn thận. Đã có một bài học đáng nhớ về việc chọn người tham gia khảo sát. Vào năm 1936, tờ Literary Digest tiến hành cuộc khảo sát lấy ý kiến công chúng trên quy mô lớn lần đầu tiên để dự đoán kết quả cuộc tranh cử tổng thống giữa Roosevelt và Landon. Những cái tên được chọn ra đây cũng là cách ngày nay người ta vẫn hay sử dụng, thường được lấy từ danh bạ điện thoại và danh sách xe hơi đăng ký trước bạ. Số lượng người khảo sát chắc chắn không hề nhỏ: hơn 2 triệu “phiếu bầu” đã được kiểm. Cuộc khảo sát dự đoán chiến thắng sẽ thuộc về Landon. Tuy nhiên, Roosevelt lại chiến thắng một cách dễ dàng. Khi nhìn lại sự kiện này, rất dễ thấy được vấn đề nằm ở đâu. Vào năm 1936, thành phần được lựa chọn chỉ là những người sở hữu điện thoại và xe hơi. Mẫu thử đó rõ ràng nghiêng về phía những cử tri giàu có sống ở nội thành ‒ những người ủng hộ Landon hơn.
Kể từ đó, các cuộc khảo sát dần được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những lo lắng về tính đại diện của các mẫu thử, đặc biệt với những mẫu thử nhỏ. Giờ đây gần như chắc chắn ai cũng có điện thoại nhưng không ít người có nhiều hơn một cái điện thoại; rất nhiều người khác có số điện thoại không được liệt kê trong danh bạ; một vài số điện thoại đại diện cho cả một hộ gia đình nhiều cử tri và nhiều số điện thoại chỉ đại diện cho một cử tri; vài người không muốn nói chuyện với những người làm công tác khảo sát; và những vấn đề tương tự. Ngay cả khi thận trọng chọn lựa mẫu thử thì những mẫu đó cũng có thể không mang tính đại diện. Chẳng hạn, rất nhiều những cuộc khảo sát quy mô và uy tín nhất cũng đã cho kết quả sai trong lần bầu cử tổng thống năm 1980.
Tính đại diện của bất kỳ mẫu thử nào luôn luôn không chắc chắn ở một khía cạnh nào đó. Hãy lường trước sự nguy hiểm này! Hãy tìm ra những mẫu thử đại diện cho cả tổng thể trong lập luận quy nạp. Nếu bạn muốn biết trẻ em xem truyền hình nhiều mức nào, đừng chỉ khảo sát học sinh lớp ba tại ngôi
trường công ở địa phương. Nếu bạn muốn biết người dân ở các quốc gia khác nghĩ gì về Hoa Kỳ, đừng chỉ hỏi những du khách.
Hãy nghiên cứu! Thí dụ như Juliet chỉ là một người phụ nữ. Liệu cô có đại diện được cho phụ nữ vào thời kỳ và khu vực cô sống hay không? Chẳng hạn, trong vở kịch của Shakespeare, mẹ của Juliet nói với cô:
Hãy nghĩ đến chuyện hôn nhân đi, con gái;
Những cô gái trẻ hơn con, những cô gái cao quý, ở chốn Verona này,
Đều đã trở thành mẹ cả rồi.
Nếu ta nhớ không lầm, bằng tuổi con bây giờ, ta đã làm mẹ con từ lâu rồi,
Trong khi đó, con ta bây giờ vẫn lẻ loi chưa chồng…
(1.3.69-73)
Đoạn kịch này cho thấy việc Juliet kết hôn ở tuổi mười bốn không phải trường hợp ngoại lệ; thực tế; kết hôn ở tuổi mười bốn có vẻ như đã quá trễ rồi.
Khi xây dựng những lập luận riêng của mình, đừng chỉ dựa vào những ví dụ “nảy ra trong đầu mình.” Những ví dụ mà bạn nghĩ ra vào thời khắc đang chú ý đến vấn đề nhiều khả năng thường mang tính thiên kiến. Một lần nữa, hãy đọc sách, hãy suy nghĩ cẩn thận để tìm ra một mẫu thử thích hợp và hãy giữ cho bản thân mình trung thực thông qua việc lường trước những ví dụ đối lập (Nguyên tắc 11).
10. Thông tin nền tảng là cốt yếu
Chúng ta thường cần thông tin nền tảng trước khi đánh giá một nhóm ví dụ.
Bạn nên sử dụng Slapdash Services. Hiện đang có hàng tá khách hàng sống trong khu vực của bạn hoàn toàn hài lòng về dịch vụ của chúng tôi!
Slapdash có thể thực sự có “hàng tá” khách hàng “hoàn toàn” hài lòng sống trong khu vực của bạn – mặc dù kiểu phát biểu này thường không đi kèm bằng chứng – nhưng bạn cũng cần cân nhắc xem có bao nhiêu người trong khu vực của bạn đã dùng thử Slapdash. Nếu có một nghìn người đã sử dụng thử Slapdash và có “hàng tá” người hài lòng thì thực tế “hàng tá” khách hàng hài lòng đó chỉ chiếm 2,4% trong số tất cả khách hàng. Hãy thử dùng dịch vụ của hãng khác.
Đây là một ví dụ nữa:
Khu vực “Tam giác Bermuda” ngoài khơi Bermuda là một địa điểm nổi tiếng. Nơi đây, rất nhiều tàu bè và máy bay đã biến mất một cách bí ẩn. Chỉ trong vòng một thập kỷ qua đã có hàng tá vụ biến mất.
Không nghi ngờ gì điều đó. Nhưng “hàng tá” trên tổng số bao nhiêu con tàu và máy bay bay ngang qua khu vực này? Hàng chục hay hàng chục nghìn? Nếu chỉ là vài tá con tàu hay máy bay đã biến mất trên tổng số hai mươi nghìn chẳng hạn, thì tỷ lệ biến mất ở khu vực Tam giác Bermuda có thể chỉ ở mức bình thường hay thậm chí dưới mức bình thường – chắc chắn không có gì bí ẩn.
Hãy xem xét đến việc chúng ta thường mua xe hay chọn trường sau khi đã tham khảo lời khuyên của vài người bạn hay nhớ đến vài kinh nghiệm cá nhân. Việc nghe chuyện chị dâu của ai đó đã có một khoảng thời gian tồi tệ cùng chiếc Volvo đủ để ngăn chúng ta không mua một chiếc Volvo – dù rằng Báo cáo Người tiêu dùng có thể chỉ ra rằng nhìn chung những chiếc Volvo rất đáng tin cậy. Chúng ta đã cho phép một ví dụ sinh động chiến thắng một báo cáo tổng kết được so sánh cẩn thận dựa trên hàng ngàn những ghi chép về con số sửa chữa. Richard Nisbett và Lee Ross gọi đây là kiểu lập luận “người mà”, giống như trong câu “Tôi biết một người mà hút ba gói thuốc một ngày và sống đến 100 tuổi” hay “tôi biết mội người mà đã từng có một chiếc Volvo nhưng hóa ra chiếc xe chỉ là món đồ đồng nát.” Đây gần như luôn luôn là một kiểu ngụy biện. Như Nisbett và Ross đã chỉ ra, việc “một chiếc xe hóa ra chỉ là món đồ đồng nát” chỉ khiến tỷ lệ sửa-chữa-thường-xuyên thay đổi rất nhỏ.
Để đánh giá một nhóm ví dụ, chúng ta cần xem xét đến tỷ lệ nền tảng. Tương ứng với điều đó, khi một lập luận đưa ra những con số về tỷ lệ hay phần trăm, thông tin nền tảng liên quan thường phải bao gồm con số cụ thể. Các vụ trộm xe trong khu đại học có thể tăng 100% nhưng nếu nó có nghĩa là có hai chiếc xe bị trộm thay vì một chiếc thì cũng không có gì thay đổi nhiều cho lắm.
Đây là ví dụ cuối cùng:
Sau một kỷ nguyên khi các trường đại học thể dục thể thao bị tố cáo lợi dụng sinh viên vì đã đánh rớt các sinh viên này khi khả năng chơi thể thao của họ đã hết, những vận động viên đại học giờ đây đã tốt nghiệp với tỷ lệ cao hơn. Ở rất nhiều trường, tỷ lệ tốt nghiệp của những người này là hơn 50%.
Năm mươi phần trăm ư? Khá ấn tượng nhỉ! Tuy nhiên, con số này dù ban đầu trông có vẻ thuyết phục nhưng không thực sự nói lên vấn đề chính ở đây.
Đầu tiên, dù “nhiều” trường đã có hơn 50% vận động viên tốt nghiệp, vẫn còn nhiều trường khác chưa làm điều đó – do vậy con số này không bao gồm những trường lợi dụng các vận động viên nhiều nhất – điều đã khiến mọi người lo ngại từ ban đầu.
Thứ hai, sẽ rất có ích nếu biết được tỷ lệ tốt nghiệp “hơn 50%” đó so với tỷ lệ tốt nghiệp của tất cả sinh viên cùng một trường như thế nào. Nếu nó thấp hơn rất nhiều, có thể những vận động viên vẫn đang bị lợi dụng.
Cuối cùng và quan trọng nhất, lập luận này không hề đưa ra bất kỳ lý do nào để chúng ta tin rằng tỷ lệ tốt nghiệp của các vận động viên đại học đang thực sự được cải thiện – bởi ở đây không đưa ra bất kỳ con số so sánh nào với tỷ lệ trước đó. Có thể chúng ta có ấn tượng rằng tỷ lệ tốt nghiệp của các vận động viên đại học đã từng thấp hơn nhưng nếu không biết tỷ lệ trước đây thì không thể nói được điều gì!
11. Cân nhắc các phản ví dụ
Hãy kiểm tra các lập luận quy nạp bằng cách đặt câu hỏi liệu đây có phải là những phản ví dụ hay không.
Chiến tranh Peloponnesus bắt nguồn từ tham vọng thống trị Hy Lạp của người Athen. Chiến tranh Napoleon bắt nguồn từ tham vọng thống trị châu Âu của Napoleon.
Chiến tranh thế giới thứ II bắt nguồn từ tham vọng thống trị châu Âu của những người theo chủ nghĩa Phát xít.
Do đó, nhìn chung, chiến tranh bắt nguồn từ tham vọng thống trị lãnh thổ.
Tuy nhiên, có phải tất cả mọi cuộc chiến đều bắt nguồn từ tham vọng thống trị lãnh thổ? Hay có thể lập luận quy nạp này đã đi quá xa những ví dụ mà nó nêu ra?
Trên thực tế, có những phản ví dụ. Thí dụ các cuộc cách mạng có những nguyên nhân rất khác nhau. Nội chiến cũng vậy.
Nếu bạn có thể nghĩ tới các phản ví dụ chống lại lập luận quy nạp mà bạn đang bảo vệ, hãy điều chỉnh lập luận của bạn. Chẳng hạn, nếu những lập luận trên là của bạn, bạn có thể đổi câu kết thành “những cuộc chiến giữa các chính quyền độc lập bắt nguồn từ tham vọng thống trị lãnh thổ.” Thậm chí kết luận này cũng còn quá tổng quát nhưng chí ít còn dễ bảo vệ hơn kết luận trước đó.
Trong những trường hợp khác, bạn có thể tranh luận với phản ví dụ giả định. Vài người có thể phản đối rằng Chiến tranh Thế giới thứ I có thể không bắt nguồn từ tham vọng thống trị lãnh thổ mà từ hệ thống hiệp ước phòng thủ chung và những mưu đồ chính trị khác, xuất phát từ sự nổi dậy của giới thượng lưu châu Âu, hoặc cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Đông Âu, hoặc những cuộc nổi dậy khác được ghi nhận trong lịch sử. Tất nhiên, kết quả tiếp theo sau ví dụ này là, bạn có thể phải hoàn toàn từ bỏ ý kiến của mình hoặc có thể tiếp tục nhưng lúc này lập luận của bạn đã không còn chắc chắn. Tuy nhiên, vẫn có thể có câu trả lời khác: những phản ví dụ giả định đó thực sự vẫn phù hợp với lập luận quy nạp của bạn. Bạn có thể lập luận rằng rốt cuộc tham vọng của các thế lực châu Âu muốn thống trị châu lục này là động cơ của hệ thống hiệp ước phòng thủ chung và những
mưu đồ khác chính là cái đã khơi mào cuộc chiến. Và không phải cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ ách thống trị bất công lúc bấy giờ đó sao? Ở đây, thực tế là bạn đang cố diễn dịch lại phản ví dụ thành một ví dụ khác. Sự thách thức ban đầu với kết luận của bạn trở thành một bằng chứng khác hỗ trợ cho kết luận này. Bạn có thể thay đổi hoặc không thay đổi cách diễn đạt kết luận của mình: Trong bất kỳ tình huống nào, bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn về kết luận của mình và bạn đã được trang bị để đối phó với những phản bác về sau.
Cũng nên nghĩ tới những phản ví dụ khi bạn đang đánh giá lập luận của người khác. Hãy đặt câu hỏi rằng liệu kết luận của họ có cần phải điều chỉnh hay giới hạn lại hay không, liệu có khi nào những kết luận đó bị bác bỏ hoàn toàn hay không, hay liệu một ví dụ đối lập giả định nào đó có thể được diễn dịch lại như một ví dụ hỗ trợ khác. Những nguyên tắc này áp dụng cho bất kỳ lập luận nào của người khác cũng như áp dụng cho chính bạn. Khác biệt duy nhất là bạn có cơ hội điều chỉnh lập luận quy nạp quá mức của mình.
:
3. Lập luận bằng phép loại suy
Có một ngoại lệ trong Nguyên tắc 8 (“Sử dụng nhiều ví dụ”). Lập luận bằng phép loại suy không sử dụng nhiều ví dụ để hỗ trợ một lập luận quy nạp mà dựa trên một sự việc hay ví dụ cụ thể để lý luận rằng vì hai ví dụ đó giống nhau, do đó chúng có thể được suy ra tương tự như nhau.
Thí dụ, dưới đây là lập luận của một người làm công tác điều hành y tế tuyên bố rằng mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ:
Mọi người đem xe của mình đi bảo dưỡng và kiểm tra vài tháng một lần mà không phàn nàn gì. Vì sao họ không chăm sóc bản thân mình giống
như vậy?
Lập luận này cho rằng kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giống như bảo dưỡng xe hơi định kỳ. Xe hơi đòi hỏi sự chăm sóc như thế nếu không sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bác sĩ Beary tuyên bố rằng cơ thể chúng ta cũng như vậy.
Mọi người biết rằng họ nên mang xe của mình đi bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ (nếu không sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng).
Cơ thể con người cũng giống như những chiếc xe (bởi vì cơ thể con người cũng có thể nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được kiểm tra thường xuyên).
Do đó, mọi người cũng nên mang cơ thể của mình đi “bảo dưỡng” và kiểm tra định kỳ.
Hãy lưu ý từ in nghiêng “giống” ở tiền đề thứ hai. Khi một lập luận nhấn mạnh vào sự giống nhau giữa hai sự việc, đó rất có thể là một lập luận theo phép loại suy.
Dưới đây là một ví dụ phức tạp hơn.
Hôm qua, một câu chuyện thú vị đã xảy ra ở Roma có liên quan đến Adam Nordwell, một đầu bếp người Mỹ gốc Chippewa. Ngay sau khi đáp máy bay từ California trong trang phục bộ tộc, Nordwell nhân danh người da đỏ ở Mỹ tuyên bố rằng ông này đang sở hữu nước Ý bằng “quyền phát hiện” theo cách mà Christopher Columbus đã làm ở châu Mỹ. “Tôi tuyên bố ngày hôm nay là ngày tôi phát hiện ra nước Ý,” Nordwell nói. “Columbus có quyền gì mà phát hiện ra Châu Mỹ khi đã có người định cư ở đó hàng ngàn năm chứ? Đó là quyền hiện tại tôi có để đến Ý và tuyên bố quyền phát hiện của mình với đất nước của bạn.”
Nordwell cho rằng “phát hiện” ra nước Ý của ông cũng giống như “phát hiện” ra châu Mỹ của Columbus, chí ít là theo cùng một cách: Cả Nordwell và Columbus đều tuyên bố phát hiện ra một đất nước đã được cư dân định cư ở đó hàng thế kỷ trước. Do đó, Nordwell khẳng định mình có “quyền” đó để tuyên bố với nước Ý như Columbus đã làm với châu Mỹ. Nhưng tất nhiên, Nordwell chẳng có quyền gì với nước Ý cả. Do đó, Columbus không có quyền gì để tuyên bố với châu Mỹ.
Nordwell không có quyền gì để tuyên bố nước Ý nhân danh dân tộc khác chứ đừng nói đến “quyền phát hiện” (bởi cư dân Ý đã định cư ở đó hàng thế kỷ trước rồi).
Tuyên bố quyền của Columbus với Châu Mỹ bằng “quyền phát hiện” cũng giống như tuyên bố của Nordwell đối với nước Ý (cư dân châu Mỹ cũng đã định cư hàng thế kỷ trước rồi).
Do đó, Columbus không có quyền gì khi tuyên bố châu Mỹ nhân danh người khác chứ đừng nói đến “quyền phát hiện.”
Làm cách nào chúng ta đánh giá những lập luận bằng phép loại suy?
Tiền đề đầu tiên của lập luận bằng phép loại suy đưa ra tuyên bố về một ví dụ được sử dụng như hình mẫu tương tự. Hãy nhớ Nguyên tắc 3: hãy chắc chắn rằng tiền đề này là đúng. Ví dụ đúng là xe hơi cần bảo dưỡng và kiểm tra thường xuyên để tránh không nảy sinh những lỗi nghiêm trọng hoặc đúng là Adam Nordwell không thể tuyên bố quyền với nước Ý nhân danh những người Chippewa.
Tiền đề thứ hai trong lập luận bằng phép loại suy tuyên bố rằng ví dụ đưa ra trong tiền đề thứ nhất giống với ví dụ mà từ đó sẽ rút ra kết luận. Đánh giá tiền đề này khó hơn và sẽ cần một nguyên tắc riêng.
12. Phép loại suy đòi hỏi sử dụng những ví dụ tương đồng có liên quan
Phép loại suy không đòi hỏi ví dụ sử dụng như hình mẫu phải giống chính xác với ví dụ trong kết luận. Rốt cuộc thì, cơ thể chúng ta không chỉ giống những chiếc xe. Chúng ta là da và thịt chứ không phải là kim loại, chúng ta tồn tại lâu hơn. Các hình mẫu tương tự đòi hỏi sự tương đồng có liên quan. Việc chiếc xe được làm ra từ chất liệu gì không liên quan đến quan điểm của bác sĩ Beary; lập luận của ông là về việc bảo dưỡng những hệ thống phức tạp.
Một khác biệt liên quan giữa cơ thể người và những chiếc xe là cơ thể chúng ta không cần “bảo dưỡng” định kỳ theo cách mà xe hơi cần. Xe hơi cần bảo dưỡng định kỳ để thay thế hay bổ sung phụ kiện hoặc những dung dịch nhất định: thay dầu, bơm nước hay thay bộ chế hòa khí mới và tương tự. Cơ thể chúng ta không cần điều đó. Việc thay thế những phụ kiện hay dung dịch hiếm khi xảy ra và giống với phẫu thuật hay truyền máu hơn chứ chắc chắn không phải “bảo dưỡng” định kỳ. Dù vậy, nhiều khả năng đúng là chúng ta cần kiểm tra định kỳ nếu không nhiều vấn đề sẽ nảy sinh mà không bị
phát hiện. Nhưng như vậy, lập luận tương tự của vị bác sĩ này chỉ đúng một phần. Phần “bảo dưỡng” là một hình mẫu tương đồng kém dù rằng phần kiểm tra lại mang tính thuyết phục.
Tương tự như vậy, nước Ý thế kỷ XX không giống châu Mỹ thế kỷ XV. Thí dụ, tất cả trẻ em đi học đều biết đến nước Ý thế kỷ XX trong khi phần lớn thế giới vào thế kỷ XV không biết về châu Mỹ. Nordwell không phải là một nhà thám hiểm và một chiếc máy bay thương mại không phải chiếc tàu Santa Maria.
Tuy nhiên, Nordwell cho rằng những khác biệt này không liên quan gì đến phép loại suy của ông cả. Nordwell chỉ đơn thuần muốn nhắc chúng ta rằng thật điên rồ khi tuyên bố quyền với một nước đã có người dân định cư ở đó. Chuyện vùng đất đó có được lũ trẻ đang theo học ở các trường trên thế giới biết đến hay không hay cách thức “nhà phát hiện” đến được vùng đất đó đều không quan trọng. Một câu trả lời thích hợp hơn có thể là thiết lập quan hệ ngoại giao như chúng ta đang làm ngày nay, nếu bằng cách nào đó vùng đất và cư dân Ý được phát hiện. Đó chính là quan điểm của Nordwell và theo cách này, phép loại suy của ông tạo thành một lập luận rất đúng đắn.
Hãy xem một trong những lập luận nổi tiếng nhất sử dụng phép loại suy để chứng minh sự tồn tại của Đấng tạo hóa trên thế giới. Lập luận này tuyên bố rằng chúng ta có thể phỏng đoán sự tồn tại của Đấng tạo hóa từ trật tự và cái đẹp của thế giới cũng giống như chúng ta có thể phỏng đoán sự tồn tại của một kiến trúc sư hay thợ mộc khi thấy một ngôi nhà đẹp và được xây dựng chắc chắn. Viết lại theo hình thái tiền đề-kết luận như sau:
Những ngôi nhà đẹp và được xây dựng chắc chắn phải có những “người chế tạo”: các nhà thiết kế và thợ xây thông minh.
Thế giới cũng giống như một ngôi nhà đẹp và được xây dựng chắc chắn.
Do đó, thế giới phải có một “người chế tạo”: một nhà thiết kế và một người thợ xây thông minh, đó là Chúa.
Một lần nữa, ở đây không cần thiết phải có nhiều ví dụ; lập luận này mong muốn nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa thế giới với một ví dụ khác, ngôi nhà.
Dù rằng chúng ta không chắc lắm chuyện thế giới có thực sự tương đồng với ngôi nhà hay không. Chúng ta cũng biết chút đỉnh về căn nguyên của những ngôi nhà. Nhưng những ngôi nhà là một phần của tự nhiên. Thực tế, chúng ta biết rất ít về cấu trúc tổng quát của tự nhiên hay chuyện tự nhiên có thể có những căn nguyên nào. David Hume đã thảo luận về lập luận này trong quyển Những đối thoại về tôn giáo tự nhiên và đặt câu hỏi rằng:
Liệu một phần của tự nhiên có thể trở thành nguyên tắc cho cả tổng thể?... Hãy suy nghĩ xem nó khác
xa [thế nào] khi so sánh những ngôi nhà với cả vũ trụ, và từ sự tương đồng giữa chúng trong vài trường hợp, rút ra phỏng đoán rằng có sự tương đồng trong căn nguyên của chúng. Sự mất cân đối quá lớn đó phải ngăn việc so sánh và phỏng đoán chứ?
Thế giới này khác một ngôi nhà chí ít ở điều này: ngôi nhà là một phần của một tổng thể lớn hơn – là thế giới, trong khi bản thân thế giới (vũ trụ) là phần lớn nhất của tất cả các tổng thể. Do đó, Hume cho rằng vũ trụ không có sự tương đồng liên quan đến ngôi nhà. Những ngôi nhà thực tế ngụ ý đã có những “người chế tạo” nằm ngoài phạm vi của chúng nhưng – theo hiểu biết của chúng ta – vũ trụ là một tổng thể chứa đựng căn nguyên ngay bên trong nó. Phép loại suy này do đó là một lập luận tồi. Một kiểu lập luận khác chắc hẳn sẽ cần thiết nếu muốn phỏng đoán sự tồn tại của Chúa từ bản chất của thế giới.
4. Lập luận bằng phép căn cứ
Không ai có thể trở thành chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta không thể nếm tất cả các loại rượu trên thế giới để quyết định loại nào là ngon nhất. Chúng ta không thể biết phiên tòa xử Socrates thực sự như thế nào. Chúng ta không chắc có thể tai nghe mắt thấy những gì đang diễn ra ở cơ quan lập pháp, ở Sri Lanka hay ngoài không gian. Thay vào đó, chúng ta phải dựa vào những nguồn khác – những người ở vào hoàn cảnh tốt hơn, những tổ chức hay tài liệu tham khảo – để hiểu được chúng ta cần biết gì về thế giới. Chúng ta cần cái gọi là “lập luận bằng phép căn cứ”.
X (một nguồn thông tin có hiểu biết) tuyên bố Y.
Do đó, Y đúng.
Thí dụ:
Marcos ‒ một người bạn của tôi, nói rằng rượu
Hy Lạp là thứ rượu ngon nhất trên thế giới.
Do đó, rượu Hy Lạp là thứ rượu ngon nhất trên thế giới.
Nhưng dựa vào người khác cũng có thể là một hành động nguy hiểm. Mỗi người đều có thiên kiến riêng của mình. Những chủ thể căn cứ giả định có thể dẫn chúng ta đi sai đường hay chính họ đã đi sai đường hoặc có thể bỏ qua những phần quan trọng của bức tranh lớn. Một lần nữa chúng ta phải kiểm tra danh sách yêu cầu mà những lập luận bằng phép căn cứ cần thỏa mãn.
13. Nên ghi rõ nguồn
Các tuyên bố không được bảo vệ trừ khi chúng được trích dẫn từ những nguồn thích hợp. Tất nhiên, một vài tuyên bố có căn cứ quá hiển nhiên nên không cần chứng minh gì nữa. Thường thì không nhất thiết phải chứng minh rằng dân số của Mỹ là 200 triệu người hay nàng Juliet yêu chàng Romeo. Tuy nhiên, một con số chính xác về dân số Mỹ hay con số về tỷ lệ tăng trưởng dân số cần phải được trích dẫn. Tương tự như vậy, nên trích ra vài dòng của Shakespeares để chứng minh nàng Juliet chỉ mới mười bốn tuổi.
KHÔNG NÊN:
Một lần tôi đọc được rằng có những nền văn hóa mà trang điểm và quần áo hầu hết là chuyện của nam
giới.
Nếu bạn lập luận về việc liệu đàn ông và phụ nữ khắp nơi có bắt chước theo kiểu vai trò giới tính như ở Mỹ hay không, thì đây là một ví dụ liên quan – một ví dụ nổi bật về những vai trò giới tính khác nhau. Nhưng chắc hẳn đó không phải là kiểu khác biệt mà tự bản thân bạn đã trải nghiệm. Để giúp lập luận này vững vàng, bạn cần quay trở lại tìm nguồn căn cứ, kiểm tra lại một lần nữa và trích dẫn nó.
NÊN:
Carol Beckwith trong “Niger’s Wodaabe” (National Geographic 164, số 4 [tháng 10, 1983]: trang 483- 509), viết rằng đối với một số tộc người nói tiếng Fulani Tây Phi như Wodaabe, trang điểm và quần áo hầu hết là chuyện của nam giới.
Cách thức trích dẫn khác nhau – bạn có thể cần một quyển sổ tay hướng dẫn cách thức trích dẫn để tìm ra cách thức phù hợp với mục đích của bạn – nhưng tất cả đều bao gồm một nguyên tắc cơ bản: đầy đủ để tự bản thân những người khác có thể dễ dàng tìm ra nguồn đó.
14. Tìm những nguồn đáng tin cậy
Nguồn trích dẫn cần đủ điều kiện đưa ra tuyên bố. Cục Thống kê đủ điều kiện để đưa ra tuyên bố về dân số Mỹ. Các thợ máy xe đủ điều kiện để nói về chất lượng của những chiếc xe khác nhau, bác sĩ đủ điều kiện để nói về vấn đề y học, nhà môi trường học đủ điều kiện nói về ảnh hưởng của ô nhiễm đối với môi trường. Những nguồn này đủ điều kiện vì họ có kiến thức và thông tin thích hợp.
Khi thông tin hay kiến thức của một chuyên gia không rõ ràng ngay tại thời điểm nói, một lập luận phải giải thích ngắn gọn về chúng. Thí dụ, lập luận trích dẫn từ Nguyên tắc 13 có thể cần được giải thích nhiều hơn:
Carol Beckwith trong “Niger’s Wodaabe” (National Geographic 164, số 4 [tháng 10, 1983]: trang 483-509), viết rằng đối với những tộc người nói tiếng Fulani Tây Phi như Wodaabe, trang điểm và quần áo hầu hết là chuyện của nam giới. Beckwith và một đồng nghiệp ngành nhân chủng học của mình đã sống với người Wodaabe trong hai năm và chứng kiến nhiều điệu nhảy mà đàn ông phải dùng lông chim dài, tô vẽ mặt và làm trắng răng. (Bài viết của cô cũng bao gồm nhiều hình ảnh.) Phụ nữ Wodaabe sẽ xem màn trình diễn của đàn ông, nhận xét và chọn ra bạn tình cho mình, người mà theo họ là đẹp nhất – theo đàn ông ở đây, điều này là hoàn toàn tự nhiên. “Vẻ đẹp của chúng tôi khiến cho phụ nữ muốn có chúng tôi,” một người nói.
Một người đã sống với người Wodaabe trong hai năm thực sự đủ điều kiện để viết về những tập quán hàng ngày của bộ tộc này. Lưu ý rằng Beckwith cũng lần lượt trích dẫn những lời nói của người dân vì cuối cùng tất nhiên những chuyên gia đáng tin cậy nhất khi bàn về tập quán của người Wodaabe chính
là bản thân những người Wodaabe.
Một nguồn đáng tin cậy không cần phải phù hợp với hình mẫu chung của “chủ thể căn cứ” và người phù hợp với hình mẫu chung của chúng ta về một chủ thể căn cứ có thể thậm chí không phải là một nguồn đáng tin cậy.
KHÔNG NÊN:
Hôm nay, hiệu trưởng trường Đại học Topheavy phát biểu trước phụ huynh và các phóng viên về việc đề cao trao đổi ý tưởng tự do trong các lớp học ở đây.
Hiệu trưởng của một trường đại học có thể chỉ biết rất ít về những gì diễn ra trong các lớp học. NÊN:
Bảng đánh giá tất cả các chương trình học dành cho sinh viên trong ba năm trở lại đây ở Đại học Topheavy của Ủy ban thẩm định cho thấy, chỉ có 5% sinh viên trả lời “có” khi được hỏi liệu các lớp học ở Topheavy có khuyến khích việc trao đổi ý tưởng tự do và sôi nổi hay không. Từ đó suy ra, các lớp học ở trường Topheavy hiếm khi khuyến khích việc trao đổi ý tưởng tự do và sôi nổi.
Trong trường hợp này, sinh viên là nguồn đáng tin cậy nhất.
Lưu ý rằng chủ thể căn cứ của lĩnh vực này không đồng nghĩa với việc họ có thể làm chủ thể căn cứ của những lĩnh vực khác.
Einstein là một người theo chủ nghĩa hòa bình; do đó, chủ nghĩa hòa bình là điều đúng đắn.
Einstein là một thiên tài trong ngành vật lý không có nghĩa rằng ông là một thiên tài trong ngành triết học chính trị.
Tất nhiên đôi khi, chúng ta phải dựa vào những chuyên gia mà kiến thức của họ hơn hẳn chúng ta nhưng cuối cùng vẫn không thể đạt đến trình độ hoàn hảo. Thí dụ, chính phủ đôi khi cố gắng hạn chế thông tin về những gì đang diễn ra ở vùng chiến sự hay trong một phiên tòa chính trị. Thông tin tốt nhất chúng ta biết được đôi khi chỉ là những thông tin chắp vá thông qua những tổ chức đấu tranh vì quyền con người như Amnesty International. Nếu bạn phải dựa vào thông tin của một chuyên gia với kiến thức không hoàn hảo, hãy thừa nhận vấn đề này. Hãy để thính giả và độc giả quyết định liệu có chấp nhận được việc thà có thông tin từ nguồn không hoàn hảo còn hơn là không có thông tin gì cả.
Cuối cùng, hãy cẩn thận với những người “ra vẻ” chuyên gia chuyên nói về những vấn đề mà có khi chính họ cũng không hề biết gì cả. Nếu một quyển sách tuyên bố “được viết ra như thể tác giả là một
con ruồi đậu trên bức tường của căn phòng được canh giữ nghiêm ngặt nhất Lầu Năm Góc,” bạn có thể đoán rằng cuốn sách đó chứa đầy những phỏng đoán, chuyện tầm phào, tin đồn và những thông tin không đáng tin cậy (tất nhiên là trừ khi tác giả thực sự là một con ruồi đậu trên bức tường của căn phòng được canh giữ nghiêm ngặt nhất Lầu Năm Góc). Tương tự như vậy, những người giảng dạy tôn giáo thường tuyên bố rằng một số tập quán là sai vì nó trái ngược với ý muốn của Chúa. Chúng ta nên đáp lại rằng Chúa nên được nhắc đến một cách cẩn trọng hơn. Không dễ biết được ý muốn của Chúa nhất là khi Chúa nói quá nhẹ nhàng đến nỗi có thể lẫn lộn giữa “giọng nói tĩnh lặng nhỏ nhẹ” đó với những định kiến cá nhân có sẵn trong bạn.
15. Tìm những nguồn khách quan
Những người lâm vào cảnh yếu thế nhất trong các cuộc tranh luận thường không phải là nguồn thông tin giá trị nhất cho những vấn đề liên quan. Đôi khi thậm chí họ còn không nói đúng sự thật. Người bị cáo buộc trong một phiên tòa hình sự được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, nhưng chúng ta hiếm khi hoàn toàn tin vào lời tuyên bố vô tội của người này mà không xác nhận lại với những nhân chứng khách quan khác. Nhưng ngay cả khi người này sẵn lòng nói ra sự thật mà họ chứng kiến, nguồn thông tin này cũng không hoàn toàn đầy đủ. Sự thật mà một người trung thực nhìn thấy vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi thiên kiến. Chúng ta có xu hướng nhìn thấy cái chúng ta mong được thấy: Chúng ta chú ý, ghi nhớ, và chuyển giao những thông tin chứng minh cho quan điểm của mình và không hào hứng lắm nếu bằng chứng lại chỉ theo hướng khác.
Đừng chỉ dựa vào Tổng thống nếu vấn đề là tính hiệu quả của chính sách điều hành. Đừng chỉ dựa vào chính phủ để có những thông tin tốt nhất về tình trạng nhân quyền ở những quốc gia mà chính phủ ủng hộ hay chống đối. Đừng chỉ dựa vào nhóm hưởng lợi từ một phía của một vấn đề đang gây tranh cãi mà lấy làm thông tin chung cho toàn bộ vấn đề đó. Đừng chỉ dựa vào nhà sản xuất một sản phẩm để có được thông tin tốt nhất về sản phẩm đó.
KHÔNG NÊN:
Quảng cáo của pin Energizer tuyên bố rằng Energizer tốt hơn những loại pin khác rất nhiều. Do đó, Energizer tốt hơn hết thảy những loại pin khác.
Nguồn căn cứ nên mang tính khách quan. Thông tin tốt nhất về hàng tiêu dùng đến từ những tạp chí người tiêu dùng và các cơ quan đánh giá độc lập bởi vì những cơ quan này không dính dáng gì đến nhà sản xuất và phải đáp ứng người tiêu dùng bằng những thông tin chính xác nhất họ có được.
NÊN:
Tạp chí Báo cáo Người tiêu dùng đã kiểm tra rất nhiều loại pin và không tìm ra sự khác biệt nào giữa chúng cho dù kiểm tra với bất kỳ công dụng nào (xem “Pin nào tốt hơn?” – Báo cáo Người tiêu dùng,
số tháng 12, 1999, trang 51-3). Do đó, Energizer không tốt hơn nhiều so với những loại pin khác.
Tương tự như vậy, những người bảo trì và thợ máy là nguồn thông tin tương đối khách quan. Một tổ chức như Amnesty International là nguồn thông tin khách quan về tình trạng nhân quyền ở những nước khác vì nó không ủng hộ hay chống đối chính phủ cụ thể nào. Trong những vấn đề mang tính chính trị, khi sự bất đồng cơ bản nằm ở những con số thống kê, hãy tìm các cơ quan chính phủ độc lập như Cục Thống kê hay những trung tâm nghiên cứu của các trường đại học hay các nguồn thông tin độc lập khác.
Hãy chắc chắn rằng nguồn thông tin thực sự độc lập chứ không phải là một nhóm lợi ích cải trang dưới một cái tên nghe có vẻ độc lập. Hãy kiểm tra nguồn tiền tài trợ cho những nguồn thông tin này; hãy kiểm tra nguồn xuất bản khác; và hãy kiểm tra giọng điệu trong bản báo cáo trích dẫn hay quyển sách đó. Ít nhất, hãy thử xác nhận lại bất kỳ những phát biểu nào nghi ngờ dựa trên những nguồn thiên lệch. Những lập luận vững chắc đều trích dẫn nguồn (Nguyên tắc 13); hãy tra cứu các nguồn đó. Hãy bảo đảm rằng bằng chứng được trích dẫn chính xác và không sai lệch về ngữ cảnh, và kiểm tra những thông tin xa hơn có thể có liên quan. Khi đó bạn đã có thể tự mình trích dẫn những nguồn đó.
16. Kiểm tra chéo các nguồn
Khi các chuyên gia bất đồng với nhau, bạn không thể chỉ dựa vào bất kỳ ai trong số họ. Trước khi bạn trích dẫn lời của một người hay tổ chức nào đó, bạn nên kiểm tra để bảo đảm rằng ý kiến của những người này cũng được đồng tình bởi những chuyên gia có uy tín khác. Thí dụ một điểm mạnh trong các báo cáo của Amnesty International là chúng thường được chứng thực bởi báo cáo từ các tổ chức giám sát nhân quyền khác. (Một lần nữa, chúng thường mâu thuẫn với báo cáo của chính phủ nhưng như chúng ta đã biết, chính phủ thì thường hiếm khi khách quan!)
Các chủ thể căn cứ thường đồng tình chính trên những vấn đề có căn cứ cụ thể. Chẳng hạn, việc đàn ông Wodaabe dành rất nhiều thời gian cho quần áo và trang điểm là một tuyên bố có căn cứ cụ thể và cơ bản là không quá khó để xác minh. Nhưng với những vấn đề lớn và vô hình hơn, rất khó để tìm ra những chủ thể căn cứ đồng tình. Trong rất nhiều vấn đề triết học, khó lòng trích dẫn bất kỳ ai như một chủ thể căn cứ mà không bị phản bác. Aristotle không đồng tình với Plato, Hegel không đồng tình với Kant. Bạn có thể sử dụng những lập luận của họ nhưng không thể thuyết phục được một triết gia nào nếu bạn chỉ đơn thuần trích dẫn kết luận của một triết gia khác.
17. Công kích cá nhân không làm mất đi giá trị của một nguồn
Một giả thiết có thể không còn đáng tin nữa nếu không được cập nhật, không khách quan hay không được đồng tình rộng khắp. Ngoài các nguyên nhân này, những kiểu công kích khác không làm chủ thể này mất đi giá trị.
Những công kích này thường được gọi là ngụy biện công kích cá nhân: công kích vào tính cá nhân của chủ thể căn cứ chứ không phải khả năng riêng biệt của người đó khi đưa ra tuyên bố về vấn đề của họ. Nếu một người hạ thấp chủ thể căn cứ chỉ vì họ không thích người đó – không thích những người theo trào lưu chính thống hay người Nhật hay phụ nữ đồng tính hay người giàu có hay bất kể điều gì đi nữa – nhiều khả năng họ đang mắc phải sai lầm này. Thông thường, quốc tịch, tôn giáo, xu hướng giới tính… của một người không liên quan gì đến độ tin cậy về những chủ đề có căn cứ nằm trong chuyên môn của họ.
KHÔNG NÊN:
Không có gì ngạc nhiên khi nhà thiên văn học Carl Sagan tuyên bố rằng có thể tồn tại cuộc sống trên sao Hỏa – Rốt cuộc thì, ông này nổi tiếng là một người theo thuyết vô thần. Tôi không tin câu nói của ông này chút nào.
Sagan là một nhà thiên văn học. Ông cũng là người thiết kế ra các máy thăm dò liên hành tinh và đã từng thực hiện nhiều cuộc khảo sát rộng rãi về chủ đề cuộc sống trên sao Hỏa. Dù rằng ông cũng tham gia vào những cuộc thảo luận công khai về chủ đề tôn giáo và khoa học, nhưng không có lý do nào chứng minh rằng quan điểm của ông về tôn giáo ảnh hưởng đến nhận xét khoa học của ông về cuộc sống của người sao Hỏa. Nếu bạn không thích kết luận của ông, hãy cứ chỉ trích nó trực tiếp.
5. Lập luận về nguyên nhân
Có phải các cơn lạnh gây cảm lạnh không? Có phải vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh không? Quan hệ tình dục thường xuyên có làm giảm (như mọi người đã từng nghĩ) hay kéo dài tuổi thọ (như một vài người giờ đây nghĩ thế) hay rốt cuộc không có ảnh hưởng gì? Vậy còn việc luyện tập thể dục thường xuyên thì sao? Đâu là nguyên nhân khiến suy nghĩ của người này thoáng hơn người kia? Điều gì khiến con người trở thành thiên tài? Ai làm cho bạn mất ngủ? Tại sao người này ủng hộ Đảng Cộng hòa còn người kia ủng hộ Đảng Dân chủ?
Có vô số câu hỏi về nguyên nhân và hệ quả ‒ cái gì gây ra cái gì. Đó là những câu hỏi thiết yếu. Hệ quả tốt là cái chúng ta muốn có; hệ quả xấu là cái chúng ta muốn ngăn ngừa. Đôi khi chúng ta cần tìm ra ai hay cái gì đã gây ra việc đó để có thể tán dương hay đổ lỗi. Và đôi khi chúng ta làm điều đó chỉ để hiểu thế giới này rõ hơn.
Bằng chứng để tuyên bố đâu là nguyên nhân thường nằm trong sự tương quan giữa hai sự việc hay nhiều loại sự việc. Thí dụ, hãy giả định rằng bạn đang tự hỏi vì sao một vài người bạn của bạn lại có suy nghĩ cởi mở hơn những người khác. Bạn nói chuyện với họ và khám phá ra rằng hầu hết những người có suy nghĩ cởi mở cũng thường xuyên đọc sách – họ đọc sách báo, tiểu thuyết hay những tài liệu khác – trong khi những người có suy nghĩ ít cởi mở hơn lại ít đọc sách hơn. Nói cách khác, bạn khám phá ra rằng có một sự tương quan giữa việc “thường xuyên đọc” và “có suy nghĩ cởi mở”. Cuối cùng, bạn có thể kết luận rằng những người thường xuyên đọc sách sẽ có suy nghĩ cởi mở hơn.
Những lập luận từ sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả được sử dụng rộng rãi trong y học và khoa học xã hội. Để biết liệu ăn bữa sáng đầy đủ có cải thiện sức khỏe hay không, các bác sĩ tiến hành một nghiên cứu để xác định xem những người thường ăn sáng đầy đủ có sống lâu hơn những người không làm điều đó hay không. Để biết liệu việc đọc có thực sự giúp một người có suy nghĩ cởi mở hơn không, một nhà tâm lý học có thể sáng chế ra một bài kiểm tra mức độ cởi mở trong suy nghĩ và khảo sát thói quen đọc sách, đưa bài kiểm tra này cho một vài mẫu thử đại diện trên tổng thể khảo sát và kiểm tra tỷ lệ những người chăm đọc có suy nghĩ cởi mở.
Những bài kiểm tra bài bản như thế này thường xuất hiện trong các lập luận của chúng ta cũng như lập luận bằng phép căn cứ: Chúng ta dựa vào chủ thể căn cứ là những người đã làm bài kiểm tra, nghiên cứu lý lịch và hỏi thăm đồng nghiệp của họ để chắc chắn rằng họ đáng tin cậy và khách quan. Tuy nhiên, chúng ta có nghĩa vụ phải đọc và báo cáo những nghiên cứu của họ một cách cẩn thận để cố gắng đánh giá chúng theo cách tốt nhất trong khả năng của mình.
Những lập luận cá nhân về nguyên nhân có xu hướng lựa chọn ví dụ kém cẩn thận hơn. Chúng ta có thể lập luận từ một vài vụ việc nổi bật trong kinh nghiệm cá nhân hay từ kiến thức của bạn bè hay thậm chí từ lịch sử. Những lập luận này thường mang tính chất ước đoán – nhưng cũng có những
trường hợp tương tự đến từ bác sĩ hay chuyên gia tâm lý. Đôi khi, rất khó để biết đâu là nguyên nhân đâu là kết quả. Chương này nêu ra những nguyên tắc cho bất kỳ lập luận về nguyên nhân nào và sau đó đề ra một danh sách nhắc nhở những cạm bẫy có thể có trong việc đi từ tương quan đến nguyên nhân.
18. Giải thích vì sao nguyên nhân dẫn đến hệ quả
Khi cho rằng A gây ra B, chúng ta thường không chỉ tin rằng A và B có liên quan với nhau mà còn cho rằng “có thể hiểu được” việc A gây ra B. Những lập luận tốt không chỉ đưa ra mối tương quan giữa A và B: chúng còn giải thích vì sao có thể hiểu được lý do A gây ra B.
KHÔNG NÊN:
Hầu hết những người bạn có suy nghĩ cởi mở của tôi đều hay đọc; hầu hết những người bạn có suy nghĩ ít cởi mở hơn của tôi đều không như vậy. Do đó, việc thường xuyên đọc sách dẫn đến việc bạn sẽ có suy nghĩ cởi mở hơn.
NÊN:
Hầu hết những người bạn có suy nghĩ cởi mở của tôi đều hay đọc; hầu hết những người bạn có suy nghĩ ít cởi mở hơn của tôi đều không như vậy. Có vẻ như càng đọc nhiều, bạn càng đối mặt nhiều hơn với những ý tưởng mới đầy thách thức, những ý tưởng khiến bạn ít tự tin hơn về những gì mình đang có. Việc đọc cũng kéo bạn ra khỏi thế giới thường nhật và cho thấy cuộc sống này có thể có nhiều khác biệt và có nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, thường xuyên đọc sách có thể dẫn đến việc bạn sẽ có suy nghĩ cởi mở hơn.
Lập luận này có thể cụ thể hơn nhưng nó không lấp đầy một vài mối quan hệ quan trọng giữa nguyên nhân và hệ quả.
Nhiều lập luận bài bản và mang tính thống kê về nguyên nhân – thí dụ như trong y học – cũng phải cố lấp đầy những mối quan hệ giữa nguyên nhân và hệ quả để dẫn đến kết luận. Các bác sĩ không dừng lại với việc chứng minh ăn bữa sáng đầy đủ tương quan với sức khỏe được cải thiện; họ cũng muốn biết tại sao ăn bữa sáng đầy đủ lại có thể cải thiện sức khỏe.
Bác sĩ N. B. Belloc của Phòng Thí nghiệm Dân số Con người thuộc Bộ Y tế California và bác sĩ
L. Breslow của Bộ Y tế Phòng ngừa và Xã hội tại trường Đại học California, Los Angeles đã theo dõi mối quan hệ giữa tuổi thọ và sức khỏe với những thói quen có lợi cho sức khỏe cơ bản trên 7.000 người trưởng thành trong vòng 5 năm rưỡi. Họ phát hiện ra rằng ăn một bữa sáng đầy đủ có tương
quan với việc tuổi thọ được kéo dài hơn. (Xem Belloc và Breslow, “Mối quan hệ giữa tình trạng cơ thể và những thói quen sức khỏe,” tạp chí Preventive Medicine 1 [Tháng 8 năm 1972]: 409-21.) Có vẻ như đúng là những người ăn bữa sáng đầy đủ có được nhiều dưỡng chất cần thiết hơn những người bỏ bữa sáng hay chỉ ăn nhẹ với cà phê. Cũng có vẻ như bắt đầu một ngày mới với bữa ăn ngon sẽ giúp việc trao đổi chất ở những bữa ăn sau hiệu quả hơn. Do đó, dường như ăn bữa sáng đầy đủ mang lại sức khỏe tốt hơn.
Lưu ý rằng lập luận này không chỉ giải thích nguyên nhân dẫn đến hệ quả như thế nào mà còn trích dẫn nguồn và giải thích tại sao đó là một nguồn đáng tin cậy.
19. Đề xuất nguyên nhân khả dĩ nhất
Hầu hết các sự việc đều có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra. Do đó, chỉ tìm ra một nguyên nhân khả dĩ là không đủ; bạn phải tiến đến việc cho thấy đâu là nguyên nhân khả dĩ nhất. Luôn có khả năng rằng Tam giác Bermuda thực sự là nơi ở của những thế lực siêu nhiên đang cố gắng bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi sự xâm phạm của con người. Chuyện đó là có thể! Nhưng lời giải thích về sức mạnh siêu nhiên hoàn toàn không khả thi khi so sánh với những giải thích khác khả dĩ hơn cho sự biến mất của tàu bè và máy bay: các cơn bão nhiệt đới, những mô hình gió và sóng không dự đoán trước được và còn nhiều phỏng đoán khác nữa (nếu thực sự có gì đó không bình thường về Tam giác Bermuda – hãy nhớ Nguyên tắc 10). Chỉ khi những giải thích thông thường không thể bao quát được sự kiện, chúng ta mới bắt đầu cân nhắc đến những giả thuyết thay thế khác.
Tương tự như vậy, luôn có khả năng con người trở nên cởi mở hơn hay chí ít là bao dung hơn chỉ bởi vì họ đã quá mệt mỏi với việc tranh cãi. Có lẽ họ chỉ muốn “dĩ hòa vi quý”. Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra! Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng không có nhiều người như thế. Hầu hết mọi người đều có quan điểm riêng và đều giữ chúng khư khư; việc trông thấy mọi người “lầm đường lạc lối” khiến họ rất day dứt. Do đó, chuyện những người bao dung thì suy nghĩ cũng thoáng hơn có vẻ chắc chắn hơn nhưng “thường xuyên đọc sách” vẫn là một nguyên nhân khả dĩ.
Làm sao chúng ta biết được lý giải nào là khả dĩ nhất? Hãy sử dụng quy tắc “ngón tay cái” cho câu hỏi này: chọn ra những lý giải tương thích với niềm tin có cơ sở vững chắc nhất của chúng ta. Khoa học tự nhiên là một cơ sở vững chắc; cũng giống như hiểu biết thông thường của chúng ta về tính cách của mọi người. Tất nhiên, lý giải có vẻ như đúng nhất dựa trên những niềm tin có cơ sở vững chắc hiện tại vẫn có thể sai. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó. Những niềm tin có cơ sở vững chắc là những điểm khởi đầu đáng tin cậy nhất mà chúng ta có.
Đôi khi những bằng chứng bổ sung là cần thiết trước khi quả quyết chấp nhận bất kỳ lý giải nào. Cần có nhiều bằng chứng hơn khi những lý giải “tự nhiên” cạnh tranh lẫn nhau đều vừa vặn với những bằng chứng có sẵn. Nguyên tắc 20-23 giải thích một vài hình thức lý giải cạnh tranh lẫn nhau phổ biến nhất.
20. Những sự kiện tương quan không nhất thiết liên quan
Một vài sự kiện tương quan chỉ là ngẫu nhiên.
Mười phút sau khi uống loại thuốc đắng chữa bệnh mất ngủ của bác sĩ Hartshone, tôi đã chìm vào giấc ngủ say. Do đó, loại thuốc đắng chữa bệnh mất ngủ của bác sĩ Hartshone đã giúp tôi ngủ.
Ở đây sự kiện cần được lý giải là việc “tôi chìm vào giấc ngủ”. Bởi vì việc tôi chìm vào giấc ngủ có tương quan với việc tôi uống loại thuốc đắng chữa bệnh mất ngủ của bác sĩ Hartshone, lập luận kết luận rằng uống loại thuốc đắng đó chính là nguyên nhân giúp tôi dễ ngủ. Tuy nhiên, mặc dù loại thuốc đắng chữa bệnh mất ngủ của bác sĩ Hartshone có thể giúp tôi ngủ, tôi cũng có thể tự mình chìm vào giấc ngủ. Có thể nó không liên quan gì đến loại thuốc đắng cả. Có thể vì tôi quá mệt và tôi uống thuốc đó ngay trước khi tôi chìm vào giấc ngủ.
Bác sĩ Hartshone có thể sẽ có cơ hội để lý giải việc này tại tòa. Chúng ta cần tiến hành một cuộc thí nghiệm có kiểm soát với một nhóm người sử dụng thuốc đắng và một nhóm không sử dụng. Nếu những người sử dụng thuốc đó dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn những người không sử dụng thì có thể kết luận rằng loại thuốc đó có thể có giá trị làm thuốc. Nhưng chỉ bản thân tương quan không chứng minh được mối quan hệ nhân-quả. Sự tăng giảm độ dài của những chiếc áo phụ nữ nhiều năm trời tương quan với sự tăng giảm của chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones nhưng ai lại nghĩ rằng cái này là nguyên nhân của cái kia chứ? Thế giới này đầy rẫy những trường hợp ngẫu nhiên.
21. Những sự kiện tương quan có thể có chung một nguyên nhân
Một vài sự kiện tương quan không có mối liên hệ nhân ‒ quả nhưng đại diện cho hai hệ quả của một nguyên nhân khác nào đó. Thí dụ có thể việc “thường xuyên đọc sách” và việc “có suy nghĩ cởi mở” đều có chung nguyên nhân thứ ba nào đó: do học đại học chẳng hạn. Việc “thường xuyên đọc sách” bản thân nó không dẫn đến chuyện “có suy nghĩ cởi mở”: thay vào đó, học đại học có thể dẫn đến hệ quả có suy nghĩ cởi mở (có thể vì người đó được tiếp xúc với nhiều quan điểm khác nhau) và cũng giúp một người trở nên hay đọc sách. Bạn có thể cần phải khảo sát bạn bè mình một lần nữa và tìm ra người nào đã học đại học!
Truyền hình đang hủy hoại đạo đức của chúng ta! Truyền hình ngày nay đầy bạo lực, nhẫn tâm và trụy lạc – và hãy nhìn xung quanh chúng ta xem!
Ở đây ám chỉ rằng “sự vô đạo đức” trên truyền hình tạo ra “sự vô đạo đức” trong đời sống thực. Tuy nhiên, ít ra rất có khả năng cả hai “sự vô đạo đức” của truyền hình hóa và “sự vô đạo đức” của đời sống thực đều được gây nên bởi nhiều nguyên nhân chung cơ bản hơn như sự đổ vỡ của các giá trị truyền thống, sự thiếu vắng các trò giải trí có tính xây dựng, v.v… Hoặc hãy xem xét ví dụ sau:
Trong 20 năm trở lại đây, trẻ em ngày càng xem truyền hình nhiều hơn. Cũng trong giai đoạn này, điểm số kiểm tra đầu vào đại học ngày càng giảm sút. Xem truyền hình đang hủy hoại đầu óc của chúng ta.
Điều được ám chỉ ở đây là việc “xem truyền hình” chính là nguyên nhân khiến điểm số kém. Sẽ hữu ích hơn nếu bắt đầu lập luận này bằng cách giải thích chính xác vì sao “xem truyền hình”, điều được cho là nguyên nhân, lại dẫn đến hệ quả này (Nguyên tắc 18). Trong trường hợp này, vẫn có những lý giải khác ít ra cũng có thể chấp nhận được. Có thể có nguyên nhân gì đó hoàn toàn khác gây nên sự giảm sút trong điểm số – sự giảm sút chất lượng các trường học chẳng hạn – ám chỉ rằng hai xu hướng tương quan đó không liên quan gì với nhau (Nguyên tắc 20). Một lần nữa, một nguyên nhân chung nào đó có thể đã dẫn đến hệ quả của cả việc “xem truyền hình” và “điểm số sụt giảm”. Nhanh lên – hãy tự mình nghĩ ra ba hay bốn khả năng có thể!
22. Không sự kiện nào trong hai sự kiện tương quan là nguyên nhân của sự kiện kia
Mối tương quan cũng không định ra phương hướng trong quan hệ nhân quả. Nếu A tương quan với B, A có thể gây ra B – nhưng B cũng có thể gây ra A. Thí dụ tương quan ám chỉ rằng truyền hình hủy hoại đạo đức của chúng ta cũng có thể ám chỉ rằng đạo đức xuống cấp của chúng ta đang hủy hoại truyền hình. Do đó nhìn chung, một kiểu lý giải khác cần được thẩm tra.
Vấn đề này thậm chí ảnh hưởng đến những nghiên cứu cấp tiến nhất về các mối tương quan. Các nhà tâm lý học có thể thiết kế ra một bài kiểm tra về “suy nghĩ cởi mở” và một cuộc khảo sát về “thói quen đọc”, đưa bài kiểm tra đó cho mẫu thử đại diện của tổng thể khảo sát và sau đó kiểm tra tỷ lệ những người thường xuyên đọc sách có suy nghĩ cởi mở hay không. Giả dụ có một mối tương quan tồn tại. Nó vẫn không chứng minh được việc một người hay đọc sách dẫn đến việc người đó suy nghĩ cởi mở. Ngược lại, một người có suy nghĩ cởi mở thay vào đó có thể dẫn đến việc họ hay đọc! Sau cùng, những người có suy nghĩ cởi mở lại thường tìm đọc sách ngay từ đầu. Đây là một lý do vì sao việc giải thích quan hệ giữa nguyên nhân và hệ quả lại rất quan trọng. Nếu bạn có thể lấp đầy những quan hệ hợp lý từ A đến B mà không phải từ B đến A thì có nhiều khả năng A dẫn đến B hơn là ngược lại. Dù vậy, nếu B có thể dẫn đến A cũng hợp lý như A có thể dẫn đến B thì bạn không thể kết luận được nguyên nhân đi theo hướng nào – hay có lẽ nó đi theo cả hai hướng.
23. Những nguyên nhân có thể rất phức tạp
Một số người cho rằng những con đường có lối đi ưu tiên dành cho người đi bộ nguy hiểm hơn những con đường không có bởi vì một vài lối đi có vẻ có liên quan đến nhiều vụ tai nạn. Hãy nhớ lại Nguyên tắc 22 rằng chúng ta cần cân nhắc khả năng mối quan hệ nhân-quả xảy ra theo chiều hướng ngược lại. Có lẽ, theo một cách nói khác, các vụ tai nạn dẫn đến việc phát minh các lối đi ưu tiên đó. Rốt cuộc thì quy định này không tự nhiên xuất hiện: người ta đặt nó ở những nơi thường xảy ra tai nạn. Nhưng không nhất thiết những lối đi này giải quyết được vấn đề. Những nơi nguy hiểm chỉ có thể trở nên ít
nguy hiểm hơn nhưng không đột ngột trở nên an toàn.
Hơn nữa, một khi có quy định vẽ vạch sơn băng ngang đường vì lý do an toàn, nhiều người sẽ sử dụng nó hơn. Do đó chúng ta có thể suy luận rằng số người liên quan đến các vụ tai nạn tại những địa điểm này sẽ tăng mặc dù tỷ lệ tai nạn giảm.
Rõ ràng câu chuyện này rất phức tạp. Một đánh giá sai lầm về an toàn đóng vai trò quan trọng ở đây, đặc biệt là nếu tỷ lệ tai nạn không giảm nhiều như chúng ta mong đợi. Cùng lúc đó, chúng ta không nên quên rằng những lối đi này thường đặt chính xác ở chỗ tai nạn thường xảy ra. Một lần nữa, những nguyên nhân không nhất thiết phải là cái này hay cái kia; đôi khi câu trả lời là “cả hai”.
Nhiều câu chuyện nhân quả rất phức tạp. Có thể một lần nữa, việc đọc giúp suy nghĩ của bạn thoáng hơn nhưng Nguyên tắc 22 chỉ ra rằng nhiều khả năng suy nghĩ cởi mở sẽ khiến mọi người đọc nhiều hơn. Có thể ăn một bữa sáng đầy đủ giúp cải thiện sức khỏe của bạn nhưng cũng có thể những người khỏe mạnh có xu hướng ăn một bữa sáng đầy đủ từ ban đầu. Đừng nói quá kết luận của bạn. Hiếm khi chúng ta có thể đưa ra một và chỉ một nguyên nhân. Những lập luận nhân-quả quan trọng vì thậm chí việc tìm ra một nguyên nhân cũng rất hữu ích. Chỉ biết rằng ăn bữa sáng đầy đủ có tương quan với sức khỏe tốt hơn và nhiều khả năng dẫn đến việc có sức khỏe tốt hơn cũng có thể đủ lý do để chúng ta ăn những bữa sáng đầy đủ hơn.
6. Suy luận
Hãy xem lập luận sau:
Nếu không có những yếu tố may rủi trong đánh cờ thì đánh cờ chỉ là một trò chơi thuần kỹ năng. Không có những yếu tố may rủi trong đánh cờ.
Do đó, đánh cờ chỉ là một trò chơi thuần kỹ năng.
Giả định tiền đề của lập luận này là đúng. Nói cách khác, giả định rằng đúng là không có những yếu tố may rủi trong đánh cờ thì đánh cờ chỉ là một trò chơi thuần kỹ năng. Từ đó bạn có thể kết luận chắc chắn rằng đánh cờ chỉ là một trò chơi thuần kỹ năng. Không có lý gì thừa nhận sự đúng đắn trong những tiền đề này mà lại bác bỏ kết luận.
Những lập luận kiểu này gọi suy luận. Suy luận (nếu đúng bài bản) là một lập luận mà theo đó nếu các tiền đề đúng thì kết luận cũng phải đúng. Những suy luận đúng bài bản được gọi là lập luận có căn cứ.
Suy luận khác với những kiểu lập luận khác mà chúng ta đã xem xét cho đến thời điểm này vì trong những kiểu lập luận kia thậm chí một số lượng lớn những tiền đề đúng cũng không bảo đảm kết luận là đúng (dù rằng đôi khi chúng làm kết luận nghe có vẻ rất khả dĩ). Trong những lập luận phi suy diễn, không thể tránh được chuyện kết luận vượt ra khỏi tiền đề ‒ đó chính là điểm mấu chốt của lối lập luận bằng ví dụ hay theo phép căn cứ, v.v… – trong khi kết luận của một suy luận có căn cứ chỉ làm rõ hơn những gì đã có sẵn trong các tiền đề.
Trong đời thực, tất nhiên chúng ta cũng không thể luôn chắc chắn về tiền đề, do đó các kết luận của suy luận trong đời thực vẫn có vài lỗ hổng (đôi khi là rất nhiều!). Nhưng dù gì, khi có những tiền đề vững chắc, các hình thức suy luận là rất hữu ích. Và thậm chí ngay cả khi những tiền đề không chắc chắn, sử dụng hình thức suy luận một cách hiệu quả có thể sắp xếp thành một lập luận đúng, đặc biệt khi viết một bài luận. Chương này trình bày sáu hình thức suy luận phổ biến với những ví dụ đơn giản đi kèm trong từng phần. Từ Chương 7 đến Chương 9 sẽ quay trở lại cách sử dụng những hình thức này trong các bài viết luận.
24. Khẳng định luận (modus ponens)
Sử dụng những chữ cái p và q đại diện cho các mệnh đề, hình thức suy luận có căn cứ đơn giản nhất là Nếu [mệnh đề p] thì [mệnh đề q].
[Mệnh đề p].
Do đó, [mệnh đề q].
Hay ngắn gọn hơn là:
Nếu p thì q.
p.
Do đó, q.
Hình thức này có tên gọi là Khẳng định luận (hình thức “cho”: cho p, nhận q). Lấy p thay thế cho “không có những yếu tố may rủi trong đánh cờ” và q thay thế cho “đánh cờ chỉ là một trò chơi thuần kỹ năng,”ví dụ dẫn nhập của chúng ta tuân theo Khẳng định luận (kiểm tra lại xem).
Thường một lập luận theo hình thức này hiển nhiên đến nỗi không cần phải viết lại chúng dưới dạng một khẳng định luận chính thức.
Vì những người lạc quan nhiều khả năng thành công hơn những người bi quan, bạn nên trở thành những người lạc quan.
Lập luận này nên được viết lại như sau:
Nếu những người lạc quan nhiều khả năng thành công hơn những người bi quan, bạn nên trở thành những người lạc quan.
Những người lạc quan nhiều khả năng thành công hơn những người bi quan.
Do đó, bạn nên trở thành người lạc quan.
Nhưng lập luận này rõ ràng hoàn hảo đến nỗi không cần viết lại chúng theo cách thức trên. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, viết theo dạng Khẳng định luận sẽ hữu ích.
Nếu thiên hà của chúng ta có hàng triệu hành tinh có thể ở được, thì dường như sự sống có thể tiến hóa ở nhiều hành tinh khác chứ không chỉ ở trái đất này.
Thiên hà của chúng ta có hàng triệu hành tinh có thể ở được.
Do đó, dường như sự sống có thể tiến hóa ở nhiều hành tinh khác chứ không chỉ ở trái đất này.
Để phát triển lập luận này, bạn phải giải thích và bảo vệ cả hai tiền đề của nó và những tiền đề này đòi hỏi các lập luận khá khác nhau (vì sao?). Sẽ rất hữu ích nếu tuyên bố hai tiền đề này rõ ràng và tách bạch ngay từ ban đầu.
25. Nghịch đoạn luận (modus tollens)
Hình thức suy luận có căn cứ thứ hai là Nghịch đoạn luận (“hình thức rút: rút q, rút ra p): Nếu p thì q.
Không q.
Do đó, không p.
Ở đây “Không q” đơn giản đại diện cho việc chối bỏ mệnh đề q hoặc là đại diện cho phát biểu “q không đúng.” Tương tự đối với trường hợp “không p”.
Hãy nhớ lại lập luận của Sherlock Holmes đã được thảo luận ở Nguyên tắc 1:
Con chó nằm trong chuồng ngựa nhưng dù có người lẻn vào lấy một con ngựa ra, con chó vẫn không sủa. Hiển nhiên đó là người mà con chó biết rất rõ…
Lập luận của Holmes là một Nghịch đoạn luận:
Nếu con chó không biết rõ người khách, thì con chó sẽ sủa.
Con chó không sủa.
Do đó, con chó biết rõ người khách.
Để viết lại lập luận này bằng những ký hiệu, bạn có thể dùng k thay cho “Con chó không biết rõ người khách” và b cho “Con chó sủa.”
Nếu k thì b.
Không b.
Do đó, không k.
“Không b” thay thế cho “Con chó không sủa,” và “không k” thay thế cho “việc con chó không biết rõ người khách là không đúng,” hay “Con chó biết rõ người khách.”
Nhà thiên văn học Fred Hoyle đã vận dụng một Nghịch đoạn luận thú vị. Ông viết như sau:
Nếu vũ trụ già vô tận, sẽ không còn hydro sót lại vì hydro đều đặn được chuyển hóa thành heli trong vũ trụ và đây là quá trình một chiều. Nhưng thực tế, hầu hết trong vũ trụ toàn là hydro. Do đó, vũ trụ chắc chắn phải có một điểm khởi đầu xác định.
Để biến lập luận của Hoyle thành những ký hiệu, sử dụng i thay cho “Vũ trụ già vô tận” và h thay cho “Không còn hydro sót lại trong vũ trụ.”
Nếu i thì h.
Không h.
Do đó, không i.
“Không h” thay cho “việc không còn hydro sót lại trong vũ trụ là không chính xác” (hay “Vũ trụ có hydro”); “không i” thay cho “việc vũ trụ già vô tận là không đúng.” Hoyle tiến đến việc đưa ra câu kết: “Vì vũ trụ không già vô tận, nó chắc chắn phải có một điểm khởi đầu xác định.”
26. Tam đoạn luận giả thuyết
Hình thức suy luận có căn cứ thứ ba là Tam đoạn luận giả thuyết:
Nếu p thì q.
Nếu q thì r.
Do đó, nếu p thì r.
Ví dụ:
Nếu bạn nghiên cứu (study) những nền văn hóa khác thì bạn có thể nhận ra (realize) tính muôn màu muôn vẻ trong các phong tục tập quán của loài người.
Nếu bạn đã nhận ra (realize) sự đa dạng trong những tập quán xã hội thì bạn sẽ đặt câu hỏi (question) về phong tục của chính bạn.
Do đó, nếu bạn nghiên cứu (study) những nền văn hóa khác thì bạn sẽ đặt câu hỏi (question) về phong
tục của chính bạn.
Dùng những chữ cái in đậm đầu của các từ trong ngoặc để đại diện cho những mệnh đề trong phát biểu sau, chúng ta có:
Nếu s thì r.
Nếu r thì q.
Do đó, nếu s thì q.
Tam đoạn luận giả thuyết hợp lý với bất kỳ số lượng tiền đề nào một khi mỗi tiền đề có dạng “Nếu p thì q” và q là một trong những tiền đề trở thành p của tiền đề tiếp theo. Thí dụ, theo Nguyên tắc 6, chúng ta đã cân nhắc một lập luận với hai tiền đề trước đó và cũng với một với tiền đề thứ ba:
Nếu bạn hoài nghi (question) về phong tục của chính bạn thì bạn sẽ trở nên khoan dung (tolerant) hơn.
Từ tiền đề này và hai tiền đề trước, bạn có thể kết luận một cách có căn cứ rằng “Nếu s thì t” bằng Tam đoạn luận giả thuyết.
Lưu ý rằng Tam đoạn luận giả thuyết đưa ra một mô hình tốt nhằm giải thích mối quan hệ giữa nguyên nhân và hệ quả (Nguyên tắc 18). Kết luận liên kết một nguyên nhân với một hệ quả trong khi những tiền đề trước giải thích những bước đệm ở giữa.
27. Tam đoạn luận tuyển
Hình thức suy luận có căn cứ thứ tư là Tam đoạn luận tuyển:
p hoặc q.
Không p.
Do đó, q.
Thí dụ, hãy xem lập luận của Bertrand Russell được thảo luận trong Nguyên tắc 2:
Hoặc chúng ta hy vọng tiến bộ bằng cách cải thiện đạo đức (morals) hoặc chúng ta hy vọng tiến bộ bằng cách cải thiện trí thông minh (intelligence).
Chúng ta không thể hy vọng tiến bộ bằng cách cải thiện đạo đức (morals).
Do đó, chúng ta phải hy vọng sự tiến bộ bằng cách cải thiện trí thông minh (intelligence). Một lần nữa, dùng chữ cái in đậm làm ký hiệu, lập luận trên trở thành:
m hoặc i.
Không m.
Do đó, i.
Có một điểm phức tạp ở đây. Trong tiếng Anh, chữ “hoặc” có thể có hai nghĩa. Thường thì phát biểu “p hoặc q” có nghĩa là ít nhất p hoặc q đúng và cũng có thể cả hai đều đúng. Đây gọi là nghĩa “bao hàm” của từ “hoặc” và đây cũng là nghĩa được thừa nhận trong lý luận logic. Đôi khi, dù chúng ta sử dụng từ “hoặc” theo nghĩa “riêng biệt” mà trong đó “p hoặc q” có nghĩa là hoặc p hoặc q đúng chứ không phải cả hai. Thí dụ câu: “Hoặc họ sẽ đến bằng đường bộ hoặc họ đến bằng đường biển,” ám chỉ họ sẽ không đến bằng cả hai con đường cùng một lúc. Trong trường hợp này, bạn có thể suy ra rằng nếu họ đến bằng đường này thì họ sẽ không đến bằng đường kia.
Tam đoạn luận tuyển có giá trị căn cứ bất chấp nghĩa nào của từ “hoặc” được sử dụng (bạn kiểm tra thử xem!). Nhưng bạn có thể suy ra gì khác (nếu có) từ phát biểu như “p hoặc q” – đặc biệt là có hay không chuyện bạn có thể kết luận “không q” nếu bạn cũng đã biết p – phụ thuộc vào nghĩa của từ “hoặc” trong tiền đề “p hoặc q” cụ thể mà bạn đang xem xét. Hãy cẩn thận!
28. Song quan luận
Hình thức suy luận có căn cứ thứ năm là Song quan luận:
p hoặc q.
Nếu p thì r.
Nếu q thì s.
Do đó, r hoặc s.
Nói một cách cường điệu thì một “Song quan luận” là một quyền chọn giữa hai lựa chọn mà cả hai đều đem lại kết quả xấu. Chúa Jesus đã đặt ra một song quan luận theo kiểu này cho những tín đồ giáo phái Pharisee khi những người này công khai thách thức uy quyền của ngài:
Ngài trả lời bọn họ, “Ta cũng sẽ hỏi các ngài một câu hỏi; giờ nói cho ta nghe, John được rửa tội từ Thiên đàng hay từ con người?” Những người này thảo luận với nhau rằng, “Nếu chúng ta trả lời ‘từ
Thiên đàng’, hắn sẽ nói ‘Tại sao các ngài không tin ông ấy?’ Nhưng nếu chúng ta trả lời ‘từ con người’, tất cả mọi người sẽ ném đá chúng ta vì họ tin rằng John là một nhà tiên tri.” (Luke 20: 3-6)
Theo lý luận logic, tình huống nan giải của những người Pharisee như sau:
Hoặc chúng ta nói John được rửa tội từ Thiên đàng (heaven) hoặc từ con người (men). Nếu chúng ta trả lời “từ Thiên đàng”, chúng ta sẽ bị buộc tội (blame) không tin ông ấy.
Nếu chúng ta trả lời “từ con người”, chúng ta sẽ bị ném đá (stone) vì đã sỉ nhục niềm tin mà mọi người dành cho ông ấy.
Do đó, hoặc chúng ta bị buộc tội (blame) không tin ông ấy hoặc chúng ta sẽ bị ném đá (stone) vì đã sỉ nhục niềm tin mà mọi người dành cho ông ấy.
Và viết lại theo ký hiệu như sau:
h hoặc m.
Nếu h thì b.
Nếu m thì s.
Do đó, b hoặc s.
Do đó, người Pharisee đủ lý trí để biết phải từ chối trả lời và cũng cho phép Chúa Jesus từ chối trả lời như Chúa đã dự tính.
Trong trường hợp này, cả hai kết quả đều xấu nhưng trong trường hợp khác cả hai kết quả đều có thể tốt hay đơn thuần chỉ là trung lập.
Hoặc chúng ta đi xem xiếc hoặc chúng ta đi trượt băng.
Nếu chúng ta đi xem xiếc, chúng ta sẽ có một kỷ niệm lý thú.
Nếu chúng ta đi trượt băng, chúng ta cũng sẽ có một kỷ niệm lý thú.
Do đó, chúng ta sẽ có một kỷ niệm lý thú.
Theo đúng kỹ thuật thì chúng ta phải kết luận “Hoặc chúng ta sẽ có một kỷ niệm lý thú hoặc chúng ta sẽ có một kỷ niệm lý thú” nhưng kết câu này một lần là quá đủ.
29. Phản chứng luận (Reductio ad absurdum)
Đây là một chiến thuật suy luận xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt dù, đúng ra mà nói, nó chỉ là một phiên bản của Nghịch đoạn luận. Đây là Phản chứng luận hay một “phép suy ra/rút gọn từ sự vô lý.” Người ta lập luận dùng “phản chứng” (đôi khi người ta gọi là “bằng chứng không trực tiếp”) nhằm chứng minh kết luận của họ bằng cách cho thấy rằng kết luận ngược lại dẫn đến sự vô lý: một kết quả ngớ ngẩn hoặc mâu thuẫn. Không còn lựa chọn nào, lập luận theo kiểu này đề nghị chấp nhận kết luận mà nó đưa ra.
Để chứng minh: p.
Giả định kết luận đối lập: Không p.
Lập luận rằng từ giả định đó chúng ta phải đi đến kết luận: q.
Cho thấy rằng: q là sai (mâu thuẫn, ngớ ngẩn, vô lý).
Kết luận: rốt cuộc p phải đúng.
Hãy nhớ lại lập luận về Đấng tạo hóa ở Nguyên tắc 12. Cần có người để tạo ra một ngôi nhà đẹp và thế giới cũng giống ngôi nhà – nó cũng cần trật tự và đẹp đẽ. Do đó, phép loại suy suy ra rằng thế giới cũng phải có một Đấng tạo hóa. Nguyên tắc 12 trích dẫn lời của David Hume rằng thế giới không có liên quan tương đồng đến một ngôi nhà đủ để phép lập luận loại suy này có thể thành công. Trong Phần V cuốn Đối thoại của Hume cũng nhắc đến một Phản chứng luận cho phép loại suy này. Đoạn văn đó được viết như sau:
Giả định rằng thế giới có Đấng Tạo hóa cũng giống như một ngôi nhà có người xây nên. Giờ khi những ngôi nhà không hoàn hảo, chúng ta biết phải đổ lỗi cho ai: thợ mộc và thợ nề ‒ những người đã xây dựng chúng. Nhưng thế giới cũng không hoàn hảo. Do đó, có vẻ như Đấng Tạo hóa tạo ra thế giới cũng không hoàn hảo. Nhưng bạn có thể xem đây là một kết luận rất vô lý. Tuy nhiên, cách duy nhất để tránh sự vô lý đó là từ chối giả định ban đầu dẫn đến nó. Do đó, thế giới không có một Đấng Tạo hóa như một ngôi nhà.
Viết theo hình thức Phản chứng luận, lập luận trên sẽ như sau:
Để chứng minh: Thế giới không có Đấng Tạo hóa như một ngôi nhà.
Giả định kết luận đối lập: Thế giới có một Đấng Tạo hóa như một ngôi nhà.
Lập luận rằng từ giả định đó chúng ta phải đi đến kết luận: Đấng Tạo hóa không hoàn hảo (vì một
ngôi nhà không hoàn hảo).
Nhưng: Chúa không thể không toàn hảo.
Kết luận rằng: Thế giới không có một Đấng Tạo hóa như một ngôi nhà.
Tất nhiên không phải ai cũng thấy rằng ý tưởng Chúa không toàn hảo là một điều “vô lý” nhưng Hume biết rằng những người theo đạo Thiên Chúa mà ông đang tranh cãi sẽ không chấp nhận tuyên bố này.
30. Suy luận trong vài bước
Rất nhiều những suy luận có căn cứ là sự kết hợp giữa các hình thức đơn giản được giới thiệu từ Nguyên tắc 24 đến 29. Ở ví dụ dưới đây, Sherlock Holmes đưa ra một suy luận đơn giản để mở mang trí óc cho bác sĩ Watson trong khi nhận xét về vai trò liên quan của quan sát và suy luận. Holmes bất ngờ đưa ra nhận xét rằng Watson nhất định đã tới một bưu điện sáng hôm đó và hơn nữa ông này còn gửi một bức điện tín ở đó. “Đúng!” Watson trả lời trong kinh ngạc, “Cả hai điểm đều đúng! Nhưng tôi thú thật là tôi không thấy anh khi đến đó.” Holmes trả lời như sau:
“Bản thân chuyện này cũng đơn giản thôi… Tôi quan sát thấy trên mu giày anh có dính một ít đất màu đỏ. Đối diện Bưu điện đường Wigmore, người ta đang đào đường và đất vương vãi khắp nơi và nếu anh đi vào thì sẽ không thể tránh nó được. Loại đất đó có màu đỏ đặc trưng mà không ở đâu trong khu vực này có được. Do đó, đa phần là quan sát. Phần còn lại là suy luận.
[Watson]: “Vậy làm sao anh suy luận ra chuyện bức điện tín?”
[Holmes]: “Tại sao ư? Tất nhiên tôi biết anh không viết bất kỳ lá thư nào vì tôi ngồi đối diện anh cả buổi sáng. Tôi cũng thấy trong ngăn bàn đang mở của anh một con tem và một đống bưu thiếp dày cộm. Anh đến bưu điện làm gì ngoại trừ gửi một bức điện tín chứ? Loại trừ tất cả các yếu tố khác thì kết luận đó chắc chắn phải đúng.”
Viết lại suy luận của Holmes thành những tiền đề rõ ràng hơn, chúng ta có:
1. Mu giày của Waston có dính một ít đất màu đỏ.
2. Nếu mu giày của Waston có dính một ít đất màu đỏ thì chắc chắn ông đã từng đến Bưu điện đường Wigmore sáng nay (vì chỉ ở đó mới có loại đất đỏ đó và khó lòng tránh khỏi việc dẫm lên chúng).
3. Nếu Waston đã từng đến Bưu điện đường Wigmore sáng nay, ông hoặc là gửi một lá thư, mua tem hay bưu thiếp hoặc gửi một bức điện tín.
4. Nếu Watson đến bưu điện để gửi thư, ông đã phải viết thư sáng nay.
5. Watson không viết lá thư nào sáng nay.
6. Nếu Watson đến bưu điện để mua tem hay bưu thiếp, ông sẽ không thể có đầy những con tem và bưu thiếp trong ngăn kéo bàn mình trước đó.
7. Watson đã có đầy những con tem và bưu thiếp trong ngăn kéo bàn mình.
8. Do đó, Watson đã gửi một bức điện tín tại Bưu điện đường Wigmore vào sáng nay.
Giờ đây chúng ta cần bẻ nhỏ lập luận này ra thành một chuỗi những lập luận có căn cứ theo các hình thức đơn giản đã trình bày từ Nguyên tắc 24 đến 29. Chúng ta có thể bắt đầu với một Tam đoạn luận giả thuyết:
2. Nếu mu giày của Waston có dính một ít đất màu đỏ thì chắc chắn ông đã từng đến Bưu điện đường Wigmore sáng nay (vì chỉ ở đó mới có loại đất đỏ này và khó lòng tránh khỏi việc dẫm lên chúng).
3. Nếu Waston đã từng đến Bưu điện đường Wigmore sáng nay, ông hoặc là gửi một lá thư, mua tem hay bưu thiếp hoặc gửi một bức điện tín.
A. Do đó, nếu mu giày của Waston có dính một ít đất màu đỏ thì chắc ông đã hoặc là gửi một lá thư, mua tem hay bưu thiếp hoặc gửi một bức điện tín sáng nay.
(Tôi sẽ dùng A, B,… để thay cho kết luận từ những lập luận đơn giản để từ đó có thể dùng như những tiền đề và rút ra các kết luận xa hơn.) Với A và 1, chúng ta có thể sử dụng Khẳng định luận:
A. Nếu mu giày của Waston có dính một ít đất màu đỏ thì chắc chắn ông hoặc là đã gửi một lá thư, mua tem hay bưu thiếp hoặc gửi một bức điện tín sáng nay ở Bưu điện đường Wigmore.
1. Mu giày của Waston có dính một ít đất màu đỏ.
B. Do đó, Watson hoặc là đã gửi một lá thư, mua tem hay bưu thiếp hoặc gửi một bức điện tín sáng nay ở Bưu điện đường Wigmore.
Hai trong số ba khả năng dưới đây có thể bị loại bỏ bằng cách dùng Nghịch đoạn luận. 4. Nếu Watson đến bưu điện để gửi thư, ông đã phải viết thư sáng nay.
5. Watson không viết lá thư nào sáng nay.
C. Do đó, Watson không đi đến bưu điện để gửi thư.
và:
6. Nếu Watson đến bưu điện để mua tem hay bưu thiếp, ông sẽ không có đầy những con tem và bưu thiếp trong ngăn kéo bàn mình.
7. Watson đã có đầy những con tem và bưu thiếp trong ngăn kéo bàn mình.
D. Do đó, Watson không đến bưu điện để mua tem hay bưu thiếp.
Cuối cùng, chúng ta gom tất cả lại:
B. Watson đã hoặc là gửi một lá thư, mua tem hay bưu thiếp hoặc gửi một bức điện tín sáng nay. C. Watson không đi đến bưu điện để gửi thư.
D. Watson không đến bưu điện để mua tem hay bưu thiếp.
8. Do đó, Watson đã gửi một bức điện tín tại Bưu điện đường Wigmore vào sáng nay.
Suy luận cuối cùng là một Tam đoạn luận tuyển mở rộng. “Loại trừ tất cả các yếu tố khác thì kết luận đó chắc chắn phải đúng.”
7. Viết một bài luận
A. Nghiên cứu vấn đề
Bây giờ, chúng ta chuyển từ việc viết những lập luận ngắn sang viết những lập luận dài hơn – từ lập luận trong đoạn văn thành lập luận trong bài luận. Một bài luận thường là sự giải thích tỉ mỉ một lập luận ngắn hay một chuỗi những lập luận ngắn được kết hợp lại trong một bài viết có quy mô hơn. Nhưng quá trình suy nghĩ và xây dựng một bài luận rất khác so với một lập luận ngắn.
Ba chương tiếp theo trình bày ba giai đoạn của việc viết một bài luận. Chương 7 nói về Nghiên cứu vấn đề, Chương 8 đề cập tới Những điểm chính của bài luận và Chương 9 là thực sự Viết một bài luận. Những nguyên tắc trong các chương này được đặt ký hiệu A, B hay C.
Phần Giới thiệu phân biệt hai công dụng chính của lập luận: để nghiên cứu tìm ra giá trị của một luận điểm và để bảo vệ luận điểm đó một khi bạn đã đạt được thành quả. Bước đầu tiên là nghiên cứu. Trước khi bạn có thể bắt đầu viết một bài luận, bạn phải làm sáng tỏ vấn đề và tự mình suy nghĩ ra tất cả các luận điểm.
A1. Nghiên cứu những lập luận trên tất cả các mặt của vấn đề
Một vài người đã đề xuất “kế hoạch quà tặng” cho các trường tiểu học và cấp hai. Theo kế hoạch này, số tiền thuế được cấp cho các trường công sẽ được chia đều cho các bậc phụ huynh dưới dạng “phiếu quà tặng.” Sau đó, họ có thể dùng những phiếu này để chuyển cho những ngôi trường họ chọn bao gồm cả các trường tư và trường dòng. Chính phủ sẽ điều tiết các trường cạnh tranh nhau nhằm bảo đảm rằng tất cả đều đạt chuẩn tối thiểu nhưng mọi người được tự do chọn lựa bất kỳ trường nào mà họ thích miễn sao đạt các tiêu chuẩn trên.
Giả sử bạn được giao viết một bài luận về chủ đề “kế hoạch quà tặng”. Đừng bắt đầu lao vào lập luận bảo vệ ý kiến đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn. Đâu có ai hỏi bạn về ý kiến xuất hiện đầu tiên của bạn. Người ta yêu cầu bạn đi đến một kết luận có đầy đủ thông tin và kết luận đó phải được bảo vệ bằng những lập luận vững chắc. Điều đó mất thời gian!
Đầu tiên, hãy tìm ra đâu là lập luận vững chắc nhất của từng bên theo luận điểm riêng của mình. Hãy đọc những bài báo hoặc nói chuyện với những người có quan điểm khác nhau.
Lập luận vững chắc nhất của bên ủng hộ phiếu quà tặng chắc hẳn là vì “tự do lựa chọn”. Kế hoạch phiếu quà tặng được tuyên bố là sẽ đưa ra phạm vi lựa chọn trường rộng hơn hiện tại và người ta sẽ không phạt phụ huynh nào chọn trường này thay vì trường khác (đây cũng là cách hệ thống hiện tại đang làm, mọi người đều phải đóng thuế để duy trì các trường công ngay cả khi con cái họ không học
ở những trường này). Lập luận chính chống lại những người ủng hộ phiếu quà tặng có vẻ thuộc về lý lẽ: trường công lập phản ánh thế giới thực, chúng ta phải học cách sống hòa hợp và coi trọng những người không giống chúng ta cũng như với những người mà có thể chúng ta không chọn đi học chung nếu chúng ta có quyền lựa chọn. Các trường công được tuyên bố là nơi tạo ra những công dân dân chủ.
Khi bạn xem xét vấn đề này, bạn sẽ tìm ra những lập luận ủng hộ hoặc chống lại những tuyên bố trên. Bạn cũng sẽ bắt đầu hình thành những lập luận của bản thân. Để đánh giá những lập luận này, hãy sử dụng các nguyên tắc từ Chương 1 đến Chương 4. Hãy thử những hình thức lập luận khác nhau, nghĩ ra một lập luận tốt nhất có thể cho mỗi bên và sau đó phê bình những lập luận này, sử dụng các nguyên tắc đã học.
Hãy nghĩ tới lập luận bằng phép loại suy. Chúng ta đã bao giờ thử cái gì đó giống với hệ thống phiếu quà tặng trước đây chưa? Có lẽ: dù không được trả phiếu quà tặng, những trường cao đẳng và đại học đang cạnh tranh với nhau cũng cung cấp nhiều chương trình giáo dục tốt; do đó hệ thống các trường tiểu học và cấp hai đang cạnh tranh với nhau cũng có thể có những kết quả tương tự. Nhưng hãy chắc rằng đây là một ví dụ tương đồng có liên quan. Thí dụ, hiện tại rất nhiều trường cao đẳng và đại học được tài trợ bằng tiền thuế và do đó, ít ra là trên lý thuyết, những trường này cũng đáp ứng dân chủ. Liệu một hệ thống không có những trường công có cung cấp chương trình giáo dục tốt cho mọi người không? Liệu nó có giúp nhiều người thuộc nhiều thành phần có cơ hội tiếp xúc với nhau không?
Có thể những trường theo kế hoạch phiếu quà tặng có nhiều điểm tương đồng có liên quan hơn với những trường tư và trường dòng. Ở đây bạn cũng cần một vài lập luận từ các ví dụ hay từ chủ thể căn cứ. Những trường tư và trường dòng hiện tại tốt hơn hệ thống trường công thế nào? Liệu chúng có đào tạo ra những con người hòa đồng với những người khác không?
Các suy luận cũng có thể hữu ích. Dưới đây là Tam đoạn luận giả thuyết:
Nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì các trường sẽ tranh giành học sinh với nhau.
Nếu các trường tranh giành học sinh với nhau thì họ sẽ dùng quảng cáo và chiêu thị để khuyến khích phụ huynh “tham quan chọn trường.”
Nếu phụ huynh được “tham quan chọn trường” thì nhiều phụ huynh sẽ chuyển con mình từ trường này sang trường khác.
Nếu nhiều phụ huynh chuyển con mình từ trường này sang trường khác thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.
Do đó, nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.
Như Nguyên tắc 26 đã chỉ ra, tam đoạn luận giả thuyết thường có thể được sử dụng theo cách này để giải thích mối quan hệ giữa những nguyên nhân và hệ quả. Nó cũng có thể được dùng để tìm ra mối quan hệ đó là gì trong trường hợp bạn không chắc liệu có mối quan hệ nào hay không.
A2. Thẩm tra và bảo vệ tất cả tiền đề của từng lập luận
Khi những tiền đề của một lập luận được đem ra thẩm tra, bạn cũng cần phải lường trước những lập luận cho chúng.
Giả sử bạn đang xem xét tam đoạn luận giả thuyết vừa mới đề cập ở trên. Bạn biết rằng nó là một lập luận có căn cứ; kết luận thực sự theo đúng những tiền đề đưa ra. Nhưng bạn vẫn phải chắc chắn rằng những tiền đề đó đúng. Để tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề, bạn cần tiến hành một bước nữa: Bạn phải cố gắng nghĩ ra những lập luận bảo vệ cho bất kỳ tiền đề nào đáng ngờ.
Một lập luận bảo vệ tiền đề thứ hai (“Nếu các trường tranh giành học sinh với nhau thì họ sẽ dùng quảng cáo và chiêu thị để khuyến khích phụ huynh ‘tham quan chọn trường.’) có thể dùng phép loại suy như sau:
Khi các cửa hàng cạnh tranh giành khách hàng, họ cố gắng đưa ra lời mời chào và dịch vụ đặc biệt để biến cửa hàng của mình trở nên thu hút hơn so với đối thủ cạnh tranh và quảng cáo rầm rộ để mang lại nhiều khách hàng mới cũng như kéo khách hàng cũ trở lại. Sau đó những cửa hàng khác cũng sẽ phản ứng bằng cách đưa ra lời mời chào và dịch vụ đặc biệt khác. Khách hàng sẽ bị kéo từ cửa hàng này sang cửa hàng nọ và ngược lại; họ tin rằng họ có thể mua được những món hời nhất bằng cách đi nhiều cửa hàng. Các trường cạnh tranh với nhau cũng cùng một hình thức như vậy. Mỗi trường sẽ quảng cáo và đưa ra đề nghị đặc biệt của mình và các trường khác sẽ có hành động phản ứng tương tự. Các phụ huynh sẽ vòng vòng đi chọn trường như những người mua tạp hóa hay khách hàng trong các trung tâm mua sắm.
Không phải tuyên bố nào cũng cần bảo vệ nhiều. Có thể dễ dàng xác nhận tiền đề đầu tiên của tam đoạn luận giả thuyết (“Nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì các trường sẽ tranh giành học sinh với nhau”) mà không cần tranh cãi nhiều: đây chính là toàn bộ ý tưởng của kế hoạch phiếu quà tặng. Tuy nhiên, tiền đề thứ hai thì cần một lập luận bảo vệ và tiền đề thứ tư cũng vậy (“Nếu nhiều phụ huynh chuyển con mình từ trường này sang trường khác thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.”) Bạn cũng có thể phải lần lượt bảo vệ tiền đề của những lập luận đó. Trong lập luận của tiền đề thứ hai vừa nêu ra ở trên, bạn có thể đưa ra một số ví dụ cho thấy rằng các cửa hàng thực sự cần đưa ra những lời mời chào đề nghị đặc biệt và quảng cáo rầm rộ để đối phó với áp lực cạnh tranh nặng nề.
Bất kỳ tuyên bố nào đáng ngờ sẽ cần ít nhất là một lập luận bảo vệ. Không gian vốn thường giới hạn những gì bạn có thể nói. Với giới hạn không gian hoặc thời gian, hãy chỉ tranh luận cho các tuyên bố
quan trọng và gây tranh cãi nhất của bạn. Tuy nhiên, thậm chí trong trường hợp đó, hãy trích dẫn ít nhất một bằng chứng nào đó hay một chủ thể căn cứ cho bất kỳ những tuyên bố nào khác còn mang tính tranh cãi.
A3. Xem xét và cân nhắc lại các lập luận khi chúng bắt đầu rõ nét
Nguyên tắc A1 và A2 phác thảo một quá trình. Bạn có thể cần phải thử rất nhiều kết luận khác nhau – thậm chí là những kết luận đối lập – trước khi bạn tìm ra một quan điểm được bảo vệ bởi những lập luận vững chắc. Thậm chí sau khi bạn đã quyết định kết luận nào mình muốn bảo vệ, bạn cũng có thể phải thử nhiều hình thức lập luận khác nhau trước khi tìm ra hình thức hiệu quả nhất. Nhiều khả năng là lập luận ban đầu của bạn sẽ phải được cải thiện. Rất nhiều nguyên tắc từ Chương 1 đến Chương 6 minh họa cách thức cải thiện và mở rộng các lập luận ngắn: bằng cách thêm vào ví dụ để sử dụng phép lập luận bằng ví dụ (Nguyên tắc 8), bằng cách trích dẫn và giải thích điều kiện của một chủ thể căn cứ (Nguyên tắc 13 và 14) và còn nhiều cách khác. Đôi khi bạn sẽ không thể tìm ra đủ ví dụ, do đó bạn sẽ phải thay đổi cách thức tiếp cận (hoặc thay đổi suy nghĩ!). Đôi khi trong quá trình tìm kiếm chủ thể căn cứ để bảo vệ cho tuyên bố bạn muốn đưa ra, bạn nhận ra rằng hầu hết các chủ thể đều có quan điểm đối lập (nhiều khả năng bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ) hay ngay cả những người đáng tin cậy nhất có khi cũng không đồng tình với nhau (và khi đó bạn chẳng thể dùng phép lập luận bằng căn cứ được; hãy nhớ lại Nguyên tắc 16).
Hãy cứ thong thả và cho bản thân bạn thêm thời gian. Đây là giai đoạn dễ dàng xem xét lại lập luận của bạn và một chút thời gian thử nghiệm cũng rất đáng giá. Bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình mà không phải chuốc lấy sự xấu hổ và đôi khi bạn thực sự vẫn phải làm như thế. Với một số người viết, đây là phần thỏa mãn và sáng tạo nhất trong quá trình viết lách. Hãy sử dụng nó thật tốt!
8. Viết một bài luận
B. Những điểm chính của bài luận
Giả sử bạn đã đi đến một kết luận mà bạn cho rằng mình có thể bảo vệ một cách thích đáng. Giờ đây bạn cần tổ chức bài viết của mình để nó có thể bao quát tất cả những vấn đề cần bao quát và để bạn có thể trình bày lập luận của mình một cách hiệu quả nhất. Hãy lấy ra một tờ giấy nháp lớn và một cây bút chì; bạn sắp chuẩn bị dàn bài của mình.
B1. Giải thích câu hỏi
Bắt đầu bằng việc viết lại câu hỏi mà bạn đang trả lời. Sau đó giải thích nó. Vì sao nó quan trọng? Cái gì phụ thuộc vào câu trả lời? Nếu bạn đang soạn một đề xuất cho chính sách hay hành động trong tương lai như kế hoạch phiếu quà tặng, hãy bắt đầu bằng cách cho thấy hiện tại chúng ta đang có vấn đề. Vì sao những người khác cũng chia sẻ mối lo này của bạn hay quan tâm đến những ý tưởng thay đổi của bạn? Điều gì khiến bạn lo ngại?
Hãy cân nhắc đến “khán giả” của bạn. Nếu bạn đang viết cho một tờ báo hay một bài thuyết trình trước công chúng, khán giả của bạn có thể không nhận biết được vấn đề hay quy mô của vấn đề. Công việc của bạn là làm cho họ nhận ra nó. Việc lặp lại vấn đề có thể hữu ích ngay cả khi nó không phải là điều gì mới mẻ. Hành động đó giúp định vị đề xuất của bạn – vấn đề gì bạn đang cố giải quyết? – và nó có thể nhắc nhở những người đã nhận ra vấn đề nhưng không quan tâm đến tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, nếu bạn đang viết một bài luận học thuật, đừng cố nhắc lại chiều dài lịch sử đằng sau vấn đề đó. Hãy suy nghĩ xem giáo sư mong chờ bạn cung cấp bao nhiêu thông tin nền tảng.
Để chứng minh mối quan tâm của mình đối với một câu hỏi hay một vấn đề cụ thể, bạn có thể phải tận dụng những giá trị và tiêu chuẩn chung. Đôi khi những tiêu chuẩn này đơn giản và không mang tính tranh cãi. Nếu bạn có một đề xuất về an toàn giao thông, bạn chắc chắn sẽ thấy rằng mục tiêu của nó quá hiển nhiên và không mang tính tranh cãi. Không ai thích tai nạn giao thông cả. Những lập luận khác có thể sử dụng những tiêu chuẩn được chia sẻ trong một nhóm cụ thể, chẳng hạn như những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp hay tiêu chuẩn thể chế hoặc những tiêu chuẩn hành vi của sinh viên do trường quy định. Chúng có thể sử dụng Hiến pháp Mỹ và những tư tưởng chính trị chung như tự do hay công bằng. Chúng có thể sử dụng những giá trị đạo đức chung như tính bất khả xâm phạm của mỗi con người và sự quan trọng của quyền tự trị và phát triển cá nhân cũng như sử dụng những giá trị xã hội bao quát hơn như sự tò mò về vẻ đẹp và trí tuệ.
B2. Đưa ra một tuyên bố hay một đề xuất rõ ràng
Nếu bạn đưa ra một đề xuất, hãy cụ thể! “Điều gì đó cần được thực hiện” không phải là một đề xuất
thực sự. Bạn không cần nói rõ thêm điều gì. “Mọi người đều nên ăn sáng” là một đề xuất cụ thể nhưng cũng quá đơn giản. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tranh luận rằng Mỹ cần thiết lập một kế hoạch phiếu quà tặng, để lý giải ý tưởng cơ bản ban đầu sẽ cần nhiều chi tiết hơn, ví dụ như cách thức chi trả hoạt động thế nào... Tương tự như vậy, nếu bạn đang đưa ra một tuyên bố triết học hay bảo vệ sự cắt nghĩa của mình cho một đoạn văn bản hay sự kiện, đầu tiên hãy đưa ra tuyên bố hay sự cắt nghĩa một cách đơn giản (“Chúa tồn tại"; “Cuộc nội chiến Mỹ bắt nguồn chính từ những mâu thuẫn kinh tế”;…). Sau đó chỉ cần giải thích rõ thêm nếu cần thiết.
Nếu mục tiêu của bạn đơn thuần là đánh giá vài lập luận ủng hộ hay chống lại một tuyên bố hay đề xuất, bạn có thể không đưa ra một đề xuất của chính bạn hay thậm chí đi đến một quyết định cụ thể. Thí dụ, bạn chỉ có thể đánh giá được một dòng lập luận trong một cuộc tranh luận. Nếu thế, hãy làm rõ ngay lập tức rằng đây chính là cái bạn đang làm. Đôi khi, kết luận của bạn có thể đơn giản chỉ là những lập luận ủng hộ hay chống đối một luận điểm hay đề xuất nào đó thiếu thuyết phục. Cũng tốt thôi! Nhưng hãy làm rõ kết luận đó ngay lập tức. Hãy bắt đầu bằng câu nói, “Trong bài viết này, tôi sẽ chứng minh rằng lập luận ủng hộ quan điểm X là thiếu thuyết phục.” Nếu không, bài luận của bạn trông sẽ có vẻ thiếu thuyết phục.
B3. Phát triển đầy đủ các lập luận của bạn
Một khi bạn đã thông hiểu về tầm quan trọng của vấn đề mình đang trình bày và đã xác định chính xác bạn dự tính làm gì trong bài viết của mình, bạn đã sẵn sàng để phát triển lập luận chính của mình.
Lập kế hoạch rất quan trọng. Bài viết của bạn có những giới hạn: “Đừng rào nhiều đất hơn khả năng bạn có thể cày.” Một lập luận được phát triển đầy đủ tốt hơn ba lập luận chỉ phác họa sơ sài. Đừng sử dụng tất cả những lập luận bạn có thể nghĩ ra cho luận điểm của mình – điều này giống như chọn mười cái xô thủng thay vì một cái xô lành. (Những lập luận khác nhau không phải lúc nào cũng thích hợp!) Hãy tập trung vào một đến hai lập luận tốt nhất của bạn.
Nếu bạn đang soạn một đề xuất, bạn cần chứng tỏ nó sẽ giải quyết vấn đề mà bạn đã bắt đầu. Đôi khi chỉ cần nêu ra đề xuất đã là đủ. Nếu vấn đề là sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng do bạn không ăn bữa sáng đầy đủ, vậy thì ăn bữa sáng đầy đủ hiển nhiên là giải pháp. Tuy nhiên, nếu đề xuất của bạn là Mỹ nên thiết lập một kế hoạch phiếu quà tặng thì cần phải có một vài lập luận cẩn thận. Bạn cần phải cho thấy hệ thống phiếu quà tặng sẽ thực sự khuyến khích tự do lựa chọn, rằng sẽ có rất nhiều trường để chọn và rằng những trường này thực sự tiến bộ hơn so với các trường hiện tại. Nếu bạn phải tranh luận về nguyên nhân - hệ quả, hãy tranh luận bằng ví dụ và cứ như thế áp dụng những nguyên tắc thảo luận trong các chương trước. Sử dụng những lập luận bạn đã bắt đầu trong Chương 7.
Nếu bạn đang tranh luận để bảo vệ một tuyên bố triết học, đây là điểm bạn phát triển những lý do chính của mình. Nếu bạn đang tranh luận để bảo vệ việc cắt nghĩa của mình cho một đoạn văn bản hay một sự kiện, đây là điểm bạn giải thích đoạn văn bản hay sự kiện đó để cắt nghĩa nó chi tiết hơn. Nếu
bài luận của bạn đánh giá về một vài lập luận trong tranh luận, hãy giải thích những lập luận đó và lý do cho đánh giá của bạn. Một lần nữa, hãy nhớ đến nguyên tắc từ các chương trước. Nếu bạn bảo vệ một tuyên bố bằng phép lập luận dựa trên ví dụ, hãy chắc rằng bạn có đủ ví dụ, nhất là những ví dụ mang tính đại diện... Nếu bạn sử dụng hình thức suy luận, hãy chắc rằng nó có căn cứ và rằng bạn cũng có thể bảo vệ tất cả những tiền đề đáng ngờ.
B4. Cân nhắc những lý do phản biện
Hãy lường trước những hoài nghi. Liệu đề xuất của bạn có thể chấp nhận được không? Liệu nó có mất nhiều thời gian không? Nó đã từng được thử nghiệm trước kia chưa? Bạn có thể tìm được người triển khai nó không? Nếu đề xuất của bạn quá khó triển khai, hãy thừa nhận điều đó; nhưng hãy lập luận rằng dù sao đi nữa nó vẫn đáng để triển khai.
Hầu hết các đề xuất đều có nhiều hệ quả chứ không chỉ một. Bạn cần cân nhắc đề xuất của mình có nhược điểm gì. Hãy lường trước những nhược điểm mà người khác có thể phản biện; hãy tự mình phản biện và tìm câu trả lời cho nó. Hãy lập luận rằng ưu điểm có giá trị hơn nhược điểm (và hãy chắc rằng chúng thực sự có giá trị một khi bạn đã cân nhắc chúng!) Đúng là kế hoạch phiếu quà tặng có thể làm cho các trường học kém ổn định hơn nhưng đó chỉ là một cái giá nhỏ để đổi lại việc các trường trở nên nhanh nhạy hơn với mong muốn của phụ huynh và cộng đồng. Bạn cũng có thể lập luận rằng một vài nhược điểm có thể sẽ không trở thành hiện thực. Cuối cùng hãy sử dụng phép lập luận loại suy, các công ty không bị mất ổn định khi bị buộc phải phản ứng lại trước những thay đổi trong thị hiếu của khách hàng.
Hãy lường trước những phản biện chống lại tuyên bố hay sự cắt nghĩa của bạn. Nếu bạn đang viết một bài luận học thuật, hãy tìm kiếm những ý kiến phê bình trong các buổi học trên lớp. Một khi đã nghiên cứu vấn đề rất cẩn thận, bạn cũng sẽ tìm ra những phản biện từ việc nói chuyện với những người có các quan điểm khác nhau cũng như từ trong hiểu biết nền tảng của bạn.
Hãy sàng lọc những phản biện này, chọn ra những phản biện mạnh mẽ và phổ biến nhất và cố gắng trả lời chúng.
B5. Cân nhắc những lựa chọn khác
Đây là một nguyên tắc rất hiển nhiên nhưng thường bị xem nhẹ. Nếu bạn đang bảo vệ một đề xuất, việc chỉ chứng minh đề xuất của bạn sẽ giải quyết được vấn đề là chưa đủ. Bạn cũng phải chứng minh rằng đề xuất của bạn tốt hơn những cách thức hợp lý khác trong việc giải quyết vấn đề cùng tình huống đó.
Các bể bơi của thành phố Charlotte luôn quá đông, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Do đó, thành phố Charlotte cần phải mở thêm nhiều bể bơi!
Lập luận này rất không vững chắc theo nhiều cách. Từ “quá đông” rất mơ hồ và đề xuất này cũng vậy. Nhưng việc sửa chữa những yếu kém này cũng không giúp bảo vệ được kết luận. Có thể có nhiều cách khác để giải quyết tình trạng quá tải. Có thể các hồ bơi nên nới thời gian bơi chung để mọi người có thể phân tán vào nhiều khoảng thời gian đi bơi khác nhau. Có thể khoảng thời gian ít người đến cần được công bố rộng rãi. Có thể thời gian bơi nên được nới ra (mọi người có thể bơi vào buổi tối!). Có thể những hoạt động của các đội bơi và những hoạt động nội bộ trong hồ bơi nên được sắp xếp tránh vào cuối tuần. Hay có thể thành phố Charlotte không nên làm gì cả và để những người đi bơi tự điều chỉnh. Nếu bạn vẫn muốn tranh cãi rằng thành phố Charlotte nên xây thêm nhiều bể bơi, bạn cần phải chứng minh đề xuất của mình tốt hơn (hay ít tốn kém chi phí hơn) bất kỳ lựa chọn nào ở trên.
Tương tự như vậy, nếu bạn đang cắt nghĩa một đoạn văn bản hay một sự kiện, bạn cần phải cân nhắc những cắt nghĩa khác. Bất chấp bạn giải thích thông minh và hoàn hảo đến thế nào lý do vì sao chuyện đó lại xảy ra, một lý giải nào đó khác vẫn có thể đúng hơn. Bạn cần cho thấy những lý giải khác ít đúng hơn; hãy nhớ lại Nguyên tắc 19. Thậm chí những tuyên bố triết học cũng có những lựa chọn thay thế. Thí dụ, liệu lập luận về Đấng Tạo hóa (ở Nguyên tắc 12) có cho thấy rằng Chúa tồn tại không hay Đấng Tạo hóa tồn tại đó không đúng như tất cả những gì chúng ta nghĩ khi nhắc đến “Chúa”? Lập luận là một công việc gian nan!
:
9. Viết một bài luận
C. Viết
Bạn đã khám phá ra vấn đề và có một dàn bài. Giờ đây bạn đã sẵn sàng viết một bài luận. Hãy nhớ rằng viết một bài luận bài bản là bước cuối cùng! Nếu bạn chỉ mới cầm quyển sách và mở chương này ra, hãy suy nghĩ thử: phải có lý do gì đó chương này là chương cuối cùng chứ không phải đầu tiên. Như câu tục ngữ mà người Ai-len hay dùng để trả lời khi du khách hỏi anh ta làm thế nào để đến được Dublin là: “Nếu bạn muốn đến Dublin, đừng bắt đầu ở đây.”
Cũng nên nhớ rằng những nguyên tắc từ Chương 1 đến Chương 6 ứng dụng cho cả viết bài luận lẫn viết những lập luận ngắn. Đặc biệt xem lại những nguyên tắc trong Chương 1. Hãy cụ thể và chính xác; tránh từ ngữ cảm tính hoặc tương tự. Nội dung tiếp theo sẽ là một vài nguyên tắc cụ thể để viết bài luận.
C1. Bám theo dàn bài của bạn
Chương vừa rồi yêu cầu bạn lấy một tờ giấy nháp lớn và soạn ra một dàn bài cho bài luận của mình. Giải thích câu hỏi, đưa ra tuyên bố rõ ràng… Giờ đây hãy tuân theo dàn bài khi bắt đầu viết. Đừng lan man từ điểm này sang điểm khác, cái lẽ ra chỉ được nhắc sau đó. Nếu trong lúc viết bạn thấy bài luận của mình gượng gạo, hãy dừng lại và xem xét lại dàn bài; sau đó hãy tiếp tục bằng dàn bài mới.
C2. Giới thiệu thật ngắn gọn
Một vài sinh viên dùng cả trang đầu tiên của một bài luận bốn trang chỉ để giới thiệu về bài viết, thường thì theo những cách rất chung chung và không liên quan gì.
KHÔNG NÊN:
Các triết gia đã tranh luận về sự tồn tại của Chúa hàng thế kỷ nay…
Đây chỉ là mệnh đề thừa. Không có gì mới mẻ cả. Hãy đi thẳng vào vấn đề.
NÊN:
Trong bài viết này, tôi sẽ tranh luận về sự tồn tại của Chúa.
hoặc:
Bài viết này tranh luận rằng thông qua hệ thống phiếu quà tặng cho các trường tiểu học và trung học cơ sở sẽ dẫn đến một xã hội thiếu sự khoan dung hơn và nhiều sự cô lập hơn giữa các tầng lớp người khác nhau.
C3. Đưa ra từng lập luận một
Như một quy luật chung, hãy chỉ đưa ra một luận điểm trong một đoạn văn. Quá nhiều luận điểm trong một đoạn văn chỉ khiến độc giả bị rối và lướt qua những điểm chính.
Sử dụng lập luận chính của bạn để lập kế hoạch viết các đoạn văn. Giả sử bạn định tranh luận chống lại hệ thống phiếu quà tặng dựa trên lập luận chính rằng đi theo hệ thống phiếu quà tặng trẻ em sẽ không hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn với môi trường xung quanh chúng. Đầu tiên, hãy làm rõ dự định của bạn (Nguyên tắc B2). Sau đó hãy sử dụng tam đoạn luận giả thuyết đã được phác thảo ở phần trước:
Nếu chúng ta xây dựng một kế hoạch phiếu quà tặng thì các trường sẽ tranh giành học sinh với nhau.
Nếu các trường tranh giành học sinh với nhau thì họ sẽ dùng quảng cáo và chiêu thị để khuyến khích phụ huynh “tham quan chọn trường.”
Nếu phụ huynh được “tham quan chọn trường” thì nhiều phụ huynh sẽ chuyển con mình từ trường này sang trường khác.
Nếu nhiều phụ huynh chuyển con mình từ trường này sang trường khác thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.
Do đó, nếu chúng ta xây dựng kế hoạch phiếu quà tặng thì nhiều trẻ em sẽ không thể hình thành được những tình bạn lâu bền hay cảm thấy an toàn về môi trường xung quanh.
Hãy đưa ra lập luận này từ đầu trong một đoạn văn bắt đầu bằng “Lập luận chính của tôi là…” Bạn có thể không muốn trình bày tất cả các bước nhưng hãy cho độc giả biết bạn đang đi đâu. Sau đó, để giải thích và bảo vệ lập luận này, hãy dành cho mỗi tiền đề một đoạn văn. Đoạn đầu tiên có thể ngắn gọn vì không cần bảo vệ tiền đề đầu tiên nhiều; hãy chỉ giải thích ý tưởng về kế hoạch quà tặng. Đoạn thứ hai có thể là lập luận ngắn cho tiền đề thứ hai được gợi ý trong Nguyên tắc A2.
Hãy dựa theo mô hình này cho tất cả các lập luận khác không chỉ lập luận bằng cách suy luận. Hãy xem lại lập luận này từ Nguyên tắc 8:
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền bầu cử.
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền học đại học.
Chỉ có đấu tranh phụ nữ mới giành được quyền bình đẳng trong công việc.
Do đó, tất cả quyền của phụ nữ đều chỉ có được sau khi đấu tranh.
Một lần nữa, một bài luận tốt sẽ bắt đầu bằng việc giải thích tầm quan trọng của vấn đề, sau đó đưa ra kết luận rõ ràng và cuối cùng, hãy dành cho mỗi tiền đề một đoạn văn (đôi khi là nhiều đoạn). Trong lập luận này, một đoạn văn sẽ bảo vệ tiền đề đầu tiên bằng cách giải thích vì sao phụ nữ giành được quyền bầu cử, nhiều đoạn khác sẽ bảo vệ tiền đề thứ hai bằng cách chứng minh bằng những ví dụ rằng phụ nữ phải đấu tranh để có thể đi học đại học và cao đẳng, v.v…
C4. Làm rõ, làm rõ, làm rõ
Có thể bạn hiểu chính xác mình muốn nói gì; mọi thứ đều rõ ràng với bạn, nhưng người khác lại không hiểu gì mấy. Những điểm có vẻ có mối quan hệ đối với bạn hoàn toàn có thể chẳng liên quan gì đến người đọc bài luận của bạn. Do đó, việc giải thích mối quan hệ giữa các ý tưởng là cần thiết thậm chí ngay cả khi chúng có vẻ hoàn toàn rõ ràng với bạn. Những tiền đề của bạn liên quan với nhau như thế nào và chúng củng cố kết luận ra sao?
KHÔNG NÊN:
Có nhiều chọn lựa trường thì tốt hơn chỉ có một. Đây là một giá trị truyền thống của Mỹ. Do đó, chúng ta cần thiết lập một hệ thống phiếu quà tặng.
Liên hệ giữa việc “có nhiều trường” và “giá trị truyền thống của Mỹ” là gì? Thực tế, ngay từ đầu, tuyên bố này của người viết có vẻ sai. Theo truyền thống, nước Mỹ luôn thích một trường công duy nhất. Tuy nhiên khi giải thích kỹ càng hơn, có một ý kiến có giá trị ở đây.
NÊN:
Có nhiều chọn lựa trường thì tốt hơn chỉ có một. Đây là một giá trị truyền thống của Mỹ. Chúng ta muốn có nhiều lựa chọn xe đi lại hay các loại thực phẩm, giữa các ứng viên khác nhau cho một vị trí và giữa các nhà thờ khác nhau. Hệ thống phiếu quà tặng chỉ mở rộng nguyên tắc này đến các trường học. Do đó, chúng ta cần thiết lập một hệ thống phiếu quà tặng.
Sự rõ ràng là rất quan trọng đối với bạn cũng như độc giả của bạn. Những điểm đối với bạn dường như kết nối với nhau có thể không thực sự kết nối và bằng cách cố gắng khiến những kết nối đó rõ ràng, bạn sẽ khám phá ra rằng điều có vẻ như rất rõ ràng với bạn thực ra không rõ ràng chút nào. Rất nhiều lần tôi đã thấy sinh viên nộp những bài luận mà họ nghĩ rằng rất hoàn hảo và rõ ràng để cuối cùng khi
nhận lại họ cũng không hiểu bản thân mình nghĩ gì khi viết nó! (Điểm số của những người này chắc chắn cũng không quá cao.) Một cách kiểm tra hay chính là để bản nháp bài viết của bạn qua một bên, rồi một hai ngày sau đó đọc lại nó. Một luận điểm có vẻ rất rõ ràng tối thứ Hai có thể khiến bạn chả hiểu gì vào sáng thứ Năm. Một cách kiểm tra hay khác là đưa bài viết của bạn cho người khác đọc. Hãy khuyến khích người này thẳng thắn phê bình!
Bạn cũng có thể phải giải thích cách sử dụng những thuật ngữ chính. Bạn có thể cần đưa ra một định nghĩa chính xác hơn mức bình thường cho các thuật ngữ phổ biến vì mục đích của bài viết. Cách này rất ổn, miễn sao bạn giải thích định nghĩa mới và (tất nhiên là) bám theo nó.
C5. Chống lại phản bác bằng lập luận
Theo lẽ tự nhiên, bạn muốn phát triển những lập luận của mình một cách cẩn thận và đầy đủ, nhưng bạn cũng cần nghĩ đến những lập luận có thể xuất phát từ các bên đối lập một cách cẩn thận và chi tiết dù rằng chúng không thể hoàn toàn đầy đủ như lập luận của bạn. Giả sử bạn đang bảo vệ kế hoạch phiếu quà tặng. Khi bạn nghĩ đến những phản bác (Nguyên tắc B4) và những lựa chọn khác (Nguyên tắc B5), hãy cân nhắc xem những người khác sẽ lập luận chống lại kế hoạch của bạn như thế nào.
KHÔNG NÊN:
Ai đó có thể phản đối rằng hệ thống phiếu quà tặng là không công bằng với những người có thu nhập thấp hay trẻ em khuyết tật. Nhưng tôi cho rằng…
Tại sao có ai đó lại phản đối hệ thống phiếu quà tặng là không công bằng? Những lập luận nào (lý do, không chỉ kết luận) bạn đang phải ứng phó?
NÊN:
Ai đó có thể phản đối rằng hệ thống phiếu quà tặng là không công bằng với những người có thu nhập thấp hay trẻ em khuyết tật. Thí dụ, trẻ em khuyết tật có thể yêu cầu nhiều trang thiết bị học tập hơn trẻ em bình thường nhưng dưới hệ thống này cha mẹ chúng chỉ nhận được cùng loại phiếu quà tặng như những người khác. Cha mẹ những đứa trẻ này có thể không đủ sức lấp đầy khoảng cách đó và lũ trẻ sẽ nhận được sự giáo dục kém.
Sự phản đối liên quan đến các gia đình có thu nhập thấp theo tôi hiểu là thế này: Những gia đình có thu nhập thấp chỉ có thể gửi con cái mình đến những ngôi trường rẻ ‒ nơi không tính phí bất kỳ thứ gì ngoài phiếu quà tặng trong khi những người giàu có có thể chi trả nhiều và tốt hơn cho rất nhiều trường học. Do đó, có thể có người phản đối rằng hệ thống phiếu quà tặng chỉ đại diện cho “tự do lựa chọn” của người giàu.
Tôi sẽ trả lời những phản bác này như sau…
Giờ đây bạn đã rõ người khác phản đối điểm gì và bạn có thể cố gắng trả lời chúng một cách hiệu quả. Thí dụ, bạn có thể đề xuất những phiếu quà tặng đặc biệt cho các trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, có thể bạn thậm chí chưa từng nghĩ tới khả năng này nếu bạn không vẽ ra chi tiết những lập luận đằng sau các phản bác và độc giả của bạn chắc hẳn sẽ không hiểu công dụng của phiếu quà tặng đặc biệt này nếu bạn không đề cập đến nó.
C6. Đừng tuyên bố nhiều hơn những gì bạn đưa ra
Đừng kết thúc mà không có định kiến.
KHÔNG NÊN:
Để kết luận, mọi lý do đều có vẻ ủng hộ kế hoạch phiếu quà tặng và không phản bác nào vững chắc cả. Hiển nhiên rằng, Mỹ nên chấp nhận kế hoạch phiếu quà tặng càng nhanh càng tốt.
NÊN:
Tôi đã lập luận trong bài viết này rằng Mỹ có ít nhất một lý do tốt để chấp nhận kế hoạch phiếu quà tặng. Dù có người đưa ra phản bác, vẫn có thể chỉnh sửa hệ thống phiếu quà tặng để thích hợp với những phản bác này. Điều đó đáng để thử.
Có thể phiên bản thứ hai đã đi quá trớn khi chuyển sang một hướng khác nhưng chắc bạn thấy cách làm ở đây. Rất hiếm khi bạn trả lời thỏa mãn mọi phản bác và ngay cả khi bạn làm được chuyện đó thì những vấn đề mới cũng có thể xuất hiện vào ngày mai. “Điều đó đáng để thử” là thái độ tốt nhất.
10. Ngụy biện
Ngụy biện là những lập luận sai lạc. Rất nhiều trong số những lập luận này quá cuốn hút, do đó trở nên quá phổ biến khiến chúng thậm chí còn có cả những cái tên riêng. Điều đó đã khiến ngụy biện trông có vẻ như một chủ đề mới và tách bạch. Tuy nhiên, thực sự thì gọi một cái gì đó là ngụy biện chỉ là một cách khác để nói rằng nó đã vi phạm một trong những nguyên tắc lập luận vững chắc. Chẳng hạn, ngụy biện về “nguyên nhân sai” đơn thuần chỉ là một kết luận đáng ngờ về nguyên nhân-hệ quả và bạn có thể xem lại giải thích ở Chương 5.
Do đó, để hiểu ngụy biện bạn phải biết chúng đã vi phạm nguyên tắc nào. Chương này bắt đầu bằng việc giải thích hai ngụy biện rất tổng quát thông qua việc tra cứu ngược lại một vài nguyên tắc trong quyển sách này. Theo sau đó là một danh sách và lý giải ngắn một số ngụy biện cụ thể bao gồm tên Latin của chúng và khi nào chúng thường được dùng.
Hai ngụy biện vĩ đại nhất
Một trong những ngụy biện cuốn hút phổ biến nhất là rút ra kết luận từ quá ít bằng chứng. Thí dụ, gặp một người Lithuanian đầu tiên có tính khí nóng nảy, tôi liền đi ngay đến kết luận tất cả người Lithuanian đều có tính khí nóng nảy. Nếu một chiếc tàu biến mất ở Tam giác Bermuda, tờ National Enquirer tuyên bố Tam giác Bermuda bị ma ám. Đây là ngụy biện của việc quy nạp từ thông tin không đầy đủ.
Hãy xem xét có bao nhiêu nguyên tắc từ Chương 2 đến Chương 6 được chỉ ra chống lại kiểu ngụy biện này. Nguyên tắc 8 yêu cầu nhiều hơn một ví dụ: Bạn không thể rút ra kết luận cho toàn bộ sinh viên cao đẳng khi chỉ dựa vào bản thân bạn hay bạn cùng phòng. Nguyên tắc 9 yêu cầu ví dụ phải có tính đại diện: Bạn không thể rút ra kết luận cho toàn bộ sinh viên cao đẳng chỉ dựa vào những người bạn sinh viên của bạn ngay cả khi bạn có rất nhiều bạn bè. Nguyên tắc 10 yêu cầu thông tin nền tảng: Nếu bạn rút ra kết luận cho toàn bộ sinh viên cao đẳng dựa vào mẫu thử 30 người, bạn cũng cần xem xét tổng thể sinh viên đó lớn như thế nào (30? 30.000?). Lập luận từ chủ thể căn cứ yêu cầu chủ thể không quá tổng quát: Anh hay cô này phải có thông tin và đáp ứng đầy đủ điều kiện để biện minh cho nhận định mà bạn trích dẫn. Nguyên tắc 19 cảnh báo chúng ta không nên cho rằng chỉ vì chúng ta tìm ra một nguyên nhân khả dĩ, do đó chúng ta đã tìm ra nguyên nhân. Vẫn có những nguyên nhân khác khả dĩ hơn.
Ngụy biện phổ biến thứ hai là coi nhẹ những lựa chọn khác. Nguyên tắc 20-23 chỉ ra rằng chỉ vì hai sự việc A và B có tương quan không có nghĩa rằng A gây ra B. B vẫn có thể gây ra A; một thứ gì đó có thể gây ra cả A và B; A có thể gây ra B và B có thể gây ra A; hoặc A và B không có liên quan gì. Những lý giải khác này có thể bị coi nhẹ nếu bạn chấp nhận lý giải đầu tiên đến với bạn. Đừng vội vàng; vẫn còn nhiều những lý giải khác hơn bạn tưởng.
Thí dụ, hãy xem xét một lập luận khác về nguyên nhân:
Một cách tốt để tránh ly hôn là quan hệ tình dục thường xuyên bởi vì số liệu cho thấy những cặp vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên hiếm khi ly hôn.
Quan hệ tình dục thường xuyên có tương quan với tình trạng không ly hôn và do đó nó được coi là nguyên nhân (hay một trong những nguyên nhân) của việc không ly hôn. Nhưng không ly hôn cũng có thể dẫn tới quan hệ tình dục thường xuyên. Hay một thứ gì đó khác (tình yêu và sự cuốn hút!) có thể dẫn đến cả quan hệ tình dục thường xuyên và không ly hôn. Hay cái này là nguyên nhân của cái kia. Hay cũng có thể quan hệ tình dục thường xuyên và tại hôn không có liên quan gì với nhau hết.
Chúng ta cũng thường coi nhẹ những lựa chọn khác khi đưa ra quyết định. Hai hay ba lựa chọn xuất hiện và chúng ta chỉ xem xét những lựa chọn này. Trong bài viết nổi tiếng “Thuyết sinh tồn là một chủ nghĩa nhân đạo,” triết gia Jean-Paul Sartre kể rằng một sinh viên của ông trong thời kỳ chủ nghĩa Phát xít xâm chiếm nước Pháp trong Đệ nhị thế chiến. Sinh viên này đã phải chọn đi một chuyến hành trình nguy hiểm đến Anh để chiến đấu cùng Những người Pháp tự do hoặc ở lại với mẹ mình ở Paris để trông nom bà. Sartre vẽ ra bức tranh một người thanh niên trẻ phải chọn giữa việc mạo hiểm tất cả mọi thứ trong chuyến bay đến Anh và bỏ rơi mẹ mình hoặc cam kết với bà và từ bỏ hy vọng chiến đấu với chủ nghĩa Phát xít. Nhưng chắc chắn rằng anh này cũng có thêm những chọn lựa khác. Anh có thể ở lại với mẹ mình và vẫn làm việc cho Những người Pháp tự do ở Paris; hoặc anh có thể ở với mẹ mình một năm và đảm bảo về tình trạng của bà rồi dần dần sau đó có thể ra đi. Và chúng ta có nghĩ đến người mẹ này như một người ỷ lại và keo kiệt đến tham lam, hay có thể bà này cũng có chút lòng yêu nước và có khả năng tự lo cho bản thân mình? Liệu anh này đã từng hỏi bà muốn gì chưa? Khi đó nhiều khả năng anh sinh viên này sẽ có những lựa chọn khác.
Chúng ta cũng có xu hướng coi nhẹ những lựa chọn khác trong các vấn đề đạo đức. Chúng ta nói rằng hoặc bào thai là một con người với đầy đủ quyền mà bạn và tôi có hoặc nó chỉ là một mảng tế bào không có tầm quan trọng đạo đức nào cả. Chúng ta nói rằng hoặc việc sử dụng sản phẩm làm từ động vật là sai hoặc tất cả những công dụng hiện tại đều được chấp nhận... Tuy nhiên, một lần nữa, chắc chắn là có những khả năng khác. Hãy thử nâng số lượng lựa chọn bạn có thể xem xét, đừng thu hẹp nó lại!
Một vài ngụy biện kinh điển
Công kích cá nhân (ad hominem): công kích cá nhân chủ thể căn cứ hơn là năng lực của người này. Hãy xem Nguyên tắc 17.
Ngụy biện bất khả tri (ad ignorantiam) (dựa vào sự thiếu hiểu biết): lập luận rằng một tuyên bố là đúng vì nó đã được chứng minh là không sai. Một ví dụ kinh điển là phát biểu của Thượng nghị sĩ
Joseph McCathy khi được hỏi về bằng chứng cho lời buộc tội một người nào đó là Cộng sản:
Tôi không có nhiều thông tin về vấn đề này ngoại trừ một phát biểu chung của cục tình báo rằng không có hồ sơ nào bác bỏ những mối quan hệ Cộng sản của ông ấy.
Lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam) (dựa vào lòng thương hại): dựa vào lòng thương hại như một lập luận để được đối xử đặc biệt.
Em biết là em đã rớt tất cả các môn thi, nhưng nếu em không qua được môn này, em sẽ phải học lại vào mùa hè. Thầy phải cho em qua!
Sự tội nghiệp không phải lúc nào cũng là một lập luận tồi nhưng rõ ràng nó không phù hợp trong trường hợp đòi hỏi những đánh giá khách quan.
Kêu gọi công luận: sử dụng cảm xúc của đám đông; đồng thời lợi dụng hình ảnh một người tuân theo đám đông. “Mọi người đều làm điều này!” Kêu gọi công luận là ví dụ tốt nhất cho một lập luận bằng phép căn cứ tồi: Không có lý do nào cho rằng “tất cả mọi người” là một nguồn đáng tin cậy và khách quan.
Khẳng định hậu thức: ngụy biện suy luận theo hình thức sau đây:
Nếu p thì q.
q.
Do đó, p.
Trong phát biểu “nếu p thì q,” p được gọi là “tiền kiện” và q là “hậu thức”. Tiền đề thứ hai của tam đoạn luận giả thuyết – một hình thức có căn cứ – xác nhận (khẳng định) có căn cứ (kiểm tra lại xem). Dù vậy, khẳng định hậu thức là một hình thức không căn cứ. Không thể đảm bảo kết luận này là đúng thậm chí với những tiền đề đúng. Thí dụ:
Khi đường sá bị đóng băng, thư từ bị chậm trễ.
Thư từ chậm trễ.
Do đó, đường sá bị đóng băng.
Dù rằng thư từ sẽ chậm trễ nếu đường sá bị đóng băng nhưng cũng có thể chậm trễ vì nhiều nguyên nhân khác. Lập luận này bỏ qua những lý giải khác.
Điệp nguyên luận (begging the question): ngầm sử dụng kết luận của bạn làm tiền đề. Chúa tồn tại vì Kinh Thánh nói thế, mà tôi biết Kinh Thánh đúng vì rốt cuộc Chúa đã viết ra nó! Viết lại lập luận này dưới hình thức tiền đề-kết luận, bạn sẽ có:
Kinh Thánh đúng vì Chúa viết ra nó.
Kinh Thánh nói rằng Chúa tồn tại.
Do đó, Chúa tồn tại.
Để bảo vệ tuyên bố rằng Kinh Thánh đúng, người lập luận phát biểu rằng Chúa đã viết ra nó. Nhưng hiển nhiên nếu Chúa viết ra Kinh Thánh thì Chúa tồn tại. Do đó, lập luận này chỉ ra rằng cái nó đang cố chứng minh là đúng.
Ngụy biện quanh quẩn: tương tự như Điệp nguyên luận.
Ngụy biện nghi vấn phức hợp: đưa ra một câu hỏi hay vấn đề theo hướng mà mọi người không thể đồng ý hoặc không đồng ý với bạn mà không xác nhận một tuyên bố khác mà bạn đang cố chứng minh. Một ví dụ đơn giản như sau: “Bạn có còn tự cho mình là trung tâm như hồi đó không?” Trả lời “không” hay “có” đều xác nhận rằng bạn đã từng là người tự cho mình là trung tâm. Một ví dụ tinh vi hơn như sau: “Bạn sẽ nghe theo lương tâm của mình thay vì chạy theo đồng tiền và đóng góp cho sự nghiệp này không?” Trả lời “không” bất chấp nguyên nhân thực sự cho việc đóng góp khiến mọi người cảm thấy tội lỗi; trả lời “có” bất chấp những nguyên nhân thực sự cho việc không đóng góp khiến họ trở nên cao thượng. Nếu bạn muốn một khoản quyên góp, cách trung thực nhất là cứ hỏi xin nó.
Phủ định tiền kiện: ngụy biện suy luận theo hình thức sau đây:
Nếu p thì q.
Không p.
Do đó, không q.
Trong phát biểu “Nếu p thì q,” p được gọi là “tiền kiện” và q là “hậu thức”. Tiền đề thứ hai là một nghịch đoạn luận – một hình thức có căn cứ – phủ định hậu thức (kiểm tra lại xem). Tuy nhiên, phủ định tiền kiện biến lập luận này trở nên vô căn cứ. Kết luận không được bảo đảm là đúng thậm chí nếu những tiền đề là đúng. Thí dụ:
Khi đường sá bị đóng băng, thư từ bị chậm trễ.
Đường sá không bị đóng băng.
Do đó, thư từ không bị chậm trễ.
Dù rằng thư từ sẽ chậm trễ nếu đường sá bị đóng băng nhưng cũng có thể chậm trễ vì nhiều nguyên nhân khác. Lập luận này bỏ qua những lý giải khác.
Lối nói lập lờ: xem Nguyên tắc 7.
Nguyên nhân sai: Đây là một thuật ngữ chung dành cho những kết luận đáng ngờ về nguyên nhân-hệ quả. Để tìm ra lý do cụ thể vì sao kết luận lại đáng ngờ, hãy xem lại từ Nguyên tắc 20 đến 23.
Song đoạn luận sai: Giảm những lựa chọn xuống chỉ còn hai thường thiếu công bằng và mang tính chống đối bất chính với những người mà song đoạn luận này chống lại. Thí dụ, “Người Mỹ: thích nó hay từ bỏ nó.” Sau đây là một ví dụ tinh vi hơn từ một bài viết của sinh viên: “Vì vũ trụ không thể được tạo ra từ hư không, chắc hẳn nó đã được tạo ra từ một lực lượng sống thông minh…” Liệu có phải một lực lượng sống thông minh là khả năng duy nhất hay không? Song đoạn luận sai thường kết thúc với những từ ngữ cảm tính; tất nhiên, chúng cũng bỏ qua những lựa chọn khác.
Ngôn từ cảm xúc: xem Nguyên tắc 5.
Phi logic: rút ra một kết luận mà “không tuân theo logic” là một kết luận không có sự suy luận hợp lý từ những bằng chứng. Đây là một thuật ngữ rất chung cho những lập luận tồi. Hãy cố tìm ra cụ thể cái gì đã được cho là sai với lập luận kiểu này.
Ngụy biện “người mà”: xem Nguyên tắc 10.
Định nghĩa thuyết phục: định nghĩa một thuật ngữ theo một cách có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế thì đầy cảm tính. Thí dụ, Ambrose Bierce trong tác phẩm The Devil’s Dictionary định nghĩa “niềm tin” là “sự tin tưởng không cần bằng chứng vào điều được kể bởi những người không có kiến thức về những sự việc tương tự.” Những định nghĩa thuyết phục có thể giàu cảm xúc: thí dụ định nghĩa “bảo thủ” như “một người có cái nhìn thực tế về những giới hạn của con người.” Hãy xem phần Phụ lục cho định nghĩa.
Petition principii: từ Latin của Điệp nguyên luận.
Bỏ độc vào giếng: sử dụng ngôn từ cảm xúc làm mất uy tín một lập luận thậm chí trước khi nhắc đến nó.
Tôi tin rằng anh chưa bị thuyết phục bởi những tay đàm phán nhượng bộ, những người vẫn chưa bỏ được tật mê tín dị đoan…
Tinh vi hơn:
Không người nhạy cảm nào nghĩ rằng…
Ngụy biện nhân quả (pos hoc, ergo propter hoc) (nghĩa đen là, “sau cái này, do đó bởi vì điều đó”): xác định quan hệ nhân quả quá sớm chỉ dựa trên thứ tự thời gian. Đây một lần nữa là một thuật ngữ rất chung cho điều mà Chương 5 đã cố gắng chỉ rõ ra. Hãy lật lại Chương 5 và cố gắng tìm ra cụ thể tại sao lập luận này lại được cho là xác định quan hệ nhân quả một cách quá sớm.
Ngụy biện cá trích đỏ (red herring): giới thiệu một chủ đề không liên quan hay thứ cấp và từ đó chuyển sự chú ý từ chủ đề chính sang đây. Thường thì ngụy biện kiểu cá trích đỏ nêu ra một chủ đề mà mọi người có nhiều ý kiến mạnh mẽ đến nỗi không ai để ý rằng sự chú ý của họ đã bị chuyển hướng. Thí dụ, trong một cuộc thảo luận về sự an toàn tương đối của những cấu tạo xe khác nhau, vấn đề về những chiếc xe được chế tạo tại Mỹ là một ngụy biện cá trích đỏ.
Người rơm: chê bai một quan điểm đối lập để có thể dễ dàng bác bỏ nó; xem Nguyên tắc 5.
Ngôn ngữ chồn: thay đổi nghĩa của từ trong quá trình lập luận để có thể giữ được kết luận dù rằng nghĩa của từ này có thể bị thay đổi rất nhiều. Thường thì sự thay đổi này diễn ra dưới áp lực của một ví dụ đối lập.
A: Tất cả việc học đều là sự hành hạ.
B: Vậy còn việc học lập luận thì sao? Bạn yêu thích nó mà!
A : À, cái đó không hẳn là việc học.
Ở đây từ “học” là ngôn ngữ chồn. A đáp lại phản bác của B bằng cách thay đổi nghĩa của từ “học” thành “học là sự hành hạ.” Phát biểu đầu của A vẫn đúng nhưng chỉ với cái giá rằng nó sẽ trở nên vô giá trị (“Tất cả việc học đều là sự hành hạ.”) Hãy xem lại thảo luận về từ “ích kỷ” ở Nguyên tắc 7 và Phụ lục cho phần định nghĩa.
Phụ lục
Định nghĩa
Một vài lập luận đòi hỏi phải chú ý đến nghĩa của từ. Đôi khi chúng ta không biết được nghĩa xác định của một từ hoặc nghĩa xác định đó có thể thay đổi. Nếu kết luận của bạn là “Loài wejack là động vật ăn cỏ,” nhiệm vụ đầu tiên của bạn là định nghĩa các thuật ngữ trừ khi bạn đang nói chuyện với một nhà sinh thái học Algonquian. Nếu bạn gặp phải kết luận này ở đâu đó khác, điều đầu tiên bạn cần là một quyển từ điển.
Trong những tình huống khác, một thuật ngữ có thể được sử dụng phổ biến nhưng vẫn không rõ nghĩa. Thí dụ, chúng ta tranh luận về “tự tử có trợ giúp” nhưng không nhất thiết phải hiểu rõ nó là cái gì. Trước khi có thể tranh luận hiệu quả về nó, chúng ta cần thống nhất ý tưởng mình đang tranh luận về điều gì.
Vẫn còn một loại định nghĩa nữa cần được đưa ra khi nghĩa của từ còn được tranh cãi. Thí dụ “ma túy” là gì? Có phải rượu bia là ma túy không? Có phải thuốc lá không? Nếu đúng là nó thì sao? Chúng ta có thể tìm ra cách thức hợp lý nào để trả lời câu hỏi này không?
D1. Khi những thuật ngữ không rõ nghĩa, hãy cụ thể
Hãy bắt đầu với quyển từ điển. Một người hàng xóm của tôi nhận giấy triệu tập từ Hội đồng Lịch sử địa phương của thành phố về việc xây dựng mô hình hải đăng cao hơn một mét ở sân trước nhà cô ấy. Sắc lệnh của thành phố cấm để vật cố định trước sân trong những khu vực lịch sử. Cô này bị kéo ra trước hội đồng và yêu cầu phải tháo dỡ nó. Thông tin này trở thành một cơn sốt và được đăng lên báo chí.
Từ điển Webster đã giải quyết tình trạng này. Theo từ điển này, một “vật cố định” là cái gì đó cố định hay gắn chặt vào một tòa nhà, thí dụ như những phần phụ hay những phần cấu trúc của các căn hộ. Tuy nhiên, ngọn hải đăng có thể di chuyển được giống một món đồ trang trí bãi cỏ hơn. Do đó, nó không phải là một “vật cố định”; do đó, nó không bị cấm.
Khi những vấn đề trở nên khó khăn hơn, các quyển từ điển trở nên ít hữu dụng hơn. Các định nghĩa trong từ điển thường đưa ra từ đồng nghĩa cho một từ nào đó thực ra cũng có thể không rõ nghĩa bằng từ bạn đang cố định nghĩa. Các quyển từ điển cũng đưa ra rất nhiều định nghĩa do đó bạn phải chọn lựa định nghĩa nào phù hợp nhất. Và đôi khi những quyển từ điển sai rõ ràng. Từ điển Webster định nghĩa “nhức đầu” là “cơn đau ở đầu.” Đây là một định nghĩa quá rộng. Một vết cắn của ong hay một vết nứt ở trán hoặc mũi cũng có thể gây ra một cơn đau ở đầu nhưng đó không phải là nhức đầu.
Do đó, với một số từ, bạn cần phải đưa ra nghĩa chính xác hơn. Hãy sử dụng thuật ngữ cụ thể, rõ ràng thay vì từ ngữ mơ hồ (Nguyên tắc 4). Hãy cố gắng cụ thể nhưng không thu hẹp nghĩa của từ quá nhiều.
“Thực phẩm hữu cơ” là những thực phẩm được sản xuất mà không sử dụng nhiều phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu.
Những định nghĩa thế này gợi lên ý niệm rõ ràng trong đầu và bạn có thể tiếp tục đánh giá và thẩm tra nó. Tất nhiên, hãy chắc rằng bạn luôn bám theo định nghĩa của mình khi đi tiếp trong phần lập luận (Nguyên tắc 7; cũng nên tham khảo ngụy biện ngôn ngữ chồn, Chương 10).
Đừng sử dụng những ngôn từ cảm xúc (Nguyên tắc 5). Một điểm hay của từ điển là nó khá trung lập. Thí dụ, từ điển Webster định nghĩa “phá thai” là “hành động dùng lực kéo bào thai non ra khỏi bụng mẹ ở động vật có vú.” Đây là một định nghĩa đích thực trung lập. Từ điển không định nghĩa liệu phá thai có là một hành động đạo đức hay không.
Hãy so sánh với một định nghĩa phổ biến đến từ một bên trong cuộc tranh luận về phá thai: “Phá thai” nghĩa là “giết chết những đứa trẻ.”
Định nghĩa này mang tính cảm xúc. Những bào thai không giống những đứa trẻ và thuật ngữ “giết”quy chụp một cách không công bằng những toan tính xấu xa cho những người có dự định tốt (tuy nhiên người viết lại cho rằng những người này đã sai). Kết thúc cuộc sống của một bào thai được so sánh với việc kết thúc cuộc sống của một đứa trẻ là một tuyên bố đáng tranh cãi nhưng lập luận sẽ cho thấy điều đó chứ không đơn thuần chỉ thừa nhận nó đúng bằng định nghĩa. (Hãy tham khảo ngụy biện “định nghĩa thuyết phục,” Chương 10.)
Bạn có thể cần làm một vài nghiên cứu nhỏ. Thí dụ bạn có thể tìm ra rằng “tự tử có trợ giúp” có nghĩa là cho phép bác sĩ giúp những người còn tỉnh táo và minh mẫn sắp xếp và tiến hành cái chết của mình. Nó không bao gồm việc cho phép bác sĩ “rút dây” người khác mà không có sự đồng thuận của họ (đó là một hình thức khác của “phương pháp chết êm ái không tình nguyện” – một thể loại khác). Người ta có thể có những lý do tốt để phản đối tự tử có hỗ trợ như đã định nghĩa nhưng nếu định nghĩa đã được làm rõ từ ban đầu thì ít ra các bên tranh cãi cũng sẽ cùng nói về một thứ.
Đôi khi chúng ta có thể định nghĩa một thuật ngữ bằng cách chỉ định những bài kiểm tra hay những quy trình nào đó để quyết định liệu thuật ngữ đó có áp dụng được hay không. Đây gọi là định nghĩa toán tử. Thí dụ, đạo luật Wisconsin đòi hỏi tất cả những cuộc họp lập pháp phải được công khai trước công chúng. Nhưng cái gì được tính là “cuộc họp” cho mục đích của đạo luật này? Đạo luật đưa ra một kiểm tra toán tử như sau:
Một “cuộc họp” là bất cứ sự tụ họp nào đủ số những nhà lập pháp để quyết định một giải pháp lập
pháp là chủ đề của sự tụ họp đó.
Định nghĩa này quá hẹp để có thể định nghĩa từ “cuộc họp.” Nhưng nó hoàn tất nhiệm vụ của đạo luật này: ngăn không cho các nhà lập pháp đưa ra những quyết định quan trọng sau lưng công chúng.
D2. Khi những thuật ngữ còn mang tính tranh cãi, hãy sử dụng những tình huống rõ ràng
Đôi khi những thuật ngữ còn mang tính tranh cãi. Đó là khi mọi người còn đang tranh luận về ứng dụng thích hợp cho bản thân thuật ngữ. Trong trường hợp đó, việc chỉ đưa ra một lời giải thích là không đủ. Cần có một kiểu lập luận phức tạp hơn.
Khi một thuật ngữ còn mang tính tranh cãi, bạn có thể phân biệt ba nhóm sự việc liên quan. Một nhóm bao gồm những sự việc mà thuật ngữ này có ứng dụng rõ ràng. Nhóm thứ hai là những sự việc mà thuật ngữ này rõ ràng không có ứng dụng. Ở giữa sẽ là những sự việc mà tình trạng của nó không rõ ràng – bao gồm cả những sự việc đang được tranh cãi. Nhiệm vụ của bạn là hình thành một định nghĩa:
1. Bao gồm tất cả những sự việc mà thuật ngữ đó rõ ràng phù hợp;
2. Loại ra tất cả những sự việc mà thuật ngữ đó rõ ràng không phù hợp; và
3. Kẻ ra một đường ranh giới rõ ràng nhất giữa hai định nghĩa này và giải thích vì sao đường ranh giới này lại nằm ở đó chứ không phải nơi khác.
Thí dụ, hãy xem xét cái gì định nghĩa từ “con chim.” Chính xác một con chim là gì? Có phải một con dơi là một con chim không?
Để thỏa mãn yêu cầu 1, việc nên làm là bắt đầu với hạng mục chung chung (loài) mà thứ cần được định nghĩa thuộc về. Với chim chóc, loài tự nhiên là những động vật. Để thỏa mãn yêu cầu 2 và 3, chúng ta cần cụ thể chim chóc khác những động vật khác như thế nào (đây gọi là dấu hiệu phân biệt đặc trưng giống loài). Do đó, câu hỏi của chúng ta là: Chính xác cái gì khiến loài chim khác biệt – tất cả chim chóc và chỉ chim chóc – so với những loài động vật khác?
Việc này phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Thí dụ, chúng ta không thể vẽ ra đường ranh giới tại “khả năng bay” vì đà điểu và chim cách cụt không bay (do đó định nghĩa đề ra trước đó sẽ không bao quát tất cả chim chóc và vi phạm yêu cầu đầu tiên), còn loài ong mật blumbedee và muỗi thì lại bay được (do đó định nghĩa đề ra trước đó sẽ không bao gồm cả những động vật không phải chim và vi phạm yêu cầu thứ hai).
Hóa ra cái khiến chim khác biệt so với tất cả các động vật khác là chúng có lông vũ. Chim cánh cụt và
đà điểu có lông vũ dù chúng không bay – chúng vẫn là chim. Nhưng côn trùng thì không có lông vũ và dơi (trong trường hợp bạn đang ngạc nhiên) cũng thế.
Giờ hãy xem thử một trường hợp khó hơn: Định nghĩa “ma túy” như thế nào?
Hãy lại bắt đầu bằng một ví dụ rõ ràng. Heroin, cocaine và cần sa rõ ràng là ma túy. Không khí, nước, hầu hết thực phẩm và dầu gội rõ ràng không phải ma túy dù rằng tất cả những thứ này đều là những “chất” giống như ma túy và tất cả đều tiêu thụ hay ngấm vào cơ thể chúng ta bao gồm cả thuốc lá và rượu bia.
Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu có một định nghĩa chung nào bao quát tất cả những trường hợp của “ma túy” và không bao gồm những chất rõ ràng không phải thuốc để vạch ra một đường ranh giới rõ ràng giữa chúng không?
Một chất được định nghĩa là “ma túy” – thậm chí ngay cả bởi hội đồng tổng thống – là một vật chất ảnh hưởng đến tâm trí hay cơ thể theo một cách nào đó. Nhưng định nghĩa này quá rộng. Nó bao gồm cả không khí, nước, thực phẩm và những thành tố khác, do đó nó không thỏa mãn yêu cầu thứ hai.
Chúng ta cũng không thể định nghĩa “ma túy” như một chất bất hợp pháp ảnh hưởng đến tâm trí hay cơ thể theo một cách nào đó. Định nghĩa này có thể ít nhiều bao quát đúng nhóm vật chất nhưng nó không thỏa mãn yêu cầu thứ ba. Nó không giải thích được vì sao đường ranh giới lại nằm đó. Sau cùng thì một phần của việc định nghĩa “ma túy” từ ban đầu là để quyết định chất nào là hợp pháp và chất nào không! Định nghĩa “ma túy” như một chất bất hợp pháp đã bỏ qua mục tiêu này.
Hãy thử xem xét định nghĩa sau:
Một chất ma túy là một vật chất được sử dụng chủ yếu để thay đổi trạng thái tâm trí theo một cách cụ thể.
Heroin, cocaine và cần sa tất nhiên nằm trong định nghĩa này. Thức ăn, không khí và nước thì không bởi vì dù rằng chúng có ảnh hưởng đến tâm trí, sự ảnh hưởng đó không cụ thể và không phải là nguyên nhân chính vì sao chúng ta ăn, thở và uống. Còn với những trường hợp không rõ ràng, chúng ta hãy tiếp cận bằng câu hỏi: Liệu tác dụng chính có cụ thể và tác động vào tâm trí không? Tác dụng làm biến đổi nhận thức và thay đổi tâm trạng trông có vẻ là cái chúng ta đang quan tâm trong những tranh luận hiện tại về đạo đức khi nói đến chủ đề “ma túy”. Do đó có thể cho rằng định nghĩa này nắm bắt được kiểu dấu hiệu đặc trưng mà mọi người mong muốn tạo ra.
Chúng ta có nên thêm vào yếu tố ma túy gây nghiện không? Có thể không. Nhiều vật chất khác cũng gây nghiện nhưng không phải là ma túy – có thể thực phẩm cũng vậy. Và nếu một vật chất “thay đổi trạng thái tâm trí theo một cách cụ thể” hóa ra không gây nghiện thì sao (thí dụ như những phát biểu
của nhiều người về cần sa)? Liệu có phải do đó mà nó không phải là ma túy không? Có thể sự gây nghiện định nghĩa “việc lạm dụng ma túy” nhưng không phải bản thân “ma túy”.
D3. Đừng hy vọng định nghĩa sẽ làm thay công việc của lập luận
Những định nghĩa giúp chúng ta sắp xếp lại suy nghĩ để tập hợp các sự vật giống nhau thành nhóm và để chọn ra những điểm tương đồng và khác biệt chính. Đôi khi, sau khi từ ngữ đã được định nghĩa rõ ràng, mọi người thậm chí có thể khám phá ra rằng họ không thực sự bất đồng về vấn đề đó chút nào. Dù vậy bản thân định nghĩa hiếm khi giải quyết những câu hỏi khó.
Thí dụ chúng ta tìm cách định nghĩa “ma túy” một phần để quyết định chúng ta sẽ có lập trường thế nào về những vật chất nhất định. Nhưng định nghĩa này tự bản thân nó không thể trả lời câu hỏi này được. Thí dụ theo định nghĩa đưa ra trước đó, cà phê là một loại ma túy. Caffeine chắc chắn thay đổi trạng thái tâm trí theo những cách cụ thể. Nó thậm chí còn gây nghiện. Nhưng cà phê có vì thế mà bị cấm không? Không, bởi vì tác dụng của nó nhẹ nhàng và mang tính tích cực xã hội với nhiều người. Một vài nỗ lực cố gắng cân đo lợi ích trên tác hại là cần thiết trước khi chúng ta rút ra những kết luận.
Cần sa là một loại ma túy theo định nghĩa đã đưa ra. Liệu nó có (tiếp tục) bị cấm không? Cũng như trường hợp của cà phê, cần phải có nhiều lập luận hơn. Một vài người cũng tuyên bố rằng cần sa cũng chỉ có tác dụng nhẹ nhàng và mang tính tích cực xã hội. Giả dụ họ đúng, bạn có thể tranh luận rằng cần sa không nên bị cấm dù rằng nó là một loại “ma túy” (cũng giống cà phê). Nhiều người khác tranh luận rằng nó có những tác dụng xấu hơn rất nhiều và bên cạnh đó có khuynh hướng trở thành “cánh cổng” dẫn đến những loại ma túy mạnh hơn. Nếu họ đúng, bạn có thể tranh luận ủng hộ việc cấm cần sa dù nó có phải là ma túy hay không.
Hay có lẽ cần sa là họ hàng gần nhất của những loại thuốc chống trầm cảm và kích thích nhất định – những loại thuốc mà (hãy lưu ý) hóa ra cũng là “ma túy” theo định nghĩa đưa ra phía trên nhưng chỉ bị ra lệnh kiểm soát chứ không cấm.
Trong khi đó, rượu bia là một loại ma túy theo định nghĩa đã đề ra. Thực tế, nó là loại ma túy được sử dụng rộng rãi nhất trong tất cả các loại. Tác hại của nó rất lớn, bao gồm bệnh thận, khuyết tật bẩm sinh, chiếm phân nửa những ca tử vong trong tai nạn giao thông và hơn thế nữa. Liệu nó có nên bị giới hạn hay cấm không? Có thể, dù rằng cũng có những lập luận đối lập. Một lần nữa, câu hỏi này không được giải đáp bằng cách quyết định xem liệu rượu bia có phải là một loại ma túy không. Ở đây, tác động tạo ra sự khác biệt.
Ngắn gọn mà nói, các định nghĩa giúp làm rõ vấn đề nhưng bản thân chúng hiếm khi là những lập luận. Hãy làm rõ những thuật ngữ của bạn – biết chính xác câu bạn đang hỏi là gì – nhưng không mong chờ rằng chỉ việc làm rõ vấn đề sẽ trả lời câu hỏi đó.
Những bước tiếp theo
Đề tài của quyển sách này thường được dán nhãn “Tư duy phê phán” hay (ngày nay ít phổ biến hơn) “Lý luận phi chính thức.” Nếu bạn là một học sinh trung học hay sinh viên đại học và muốn tìm hiểu nhiều hơn về chủ đề này, hãy tìm chương trình học có giảng dạy chủ đề đó ở các trường. Nếu bạn muốn đọc nhiều hơn, bạn có thể tìm ra hàng tá sách giáo khoa cho những chương trình này ở thư viện trường dưới từ khóa “tư duy phê phán.” Hai ví dụ mang tính đại diện điển hình là quyển Tư duy phê phán của Brooke Noel Moore và Richard Parker (NXB Mayfield) và Mở cửa trí tuệ và lý luận mỗi ngày của Zachary Seech (NXB Wadsworth).
Ngành học Lý luận phi chính thức bắt đầu với những hình thức suy luận trình bày trong Chương 6 và mở rộng chúng ra thành một hệ thống ký hiệu ở phạm vi rộng và có sức mạnh hơn. Một quyển sách giáo khoa đại diện điển hình là quyển Một giới thiệu súc tích về Lý luận của Patrick Hurley (NXB Wadsworth) nhưng một lần nữa, có hàng tá quyển có sẵn (tìm với từ khóa “lý luận”). Nhiều quyển sách giáo khoa giờ đây kết hợp cả lý luận phi chính thức và chính thức. Một cái nhìn cân bằng giữa hai trường phái này là quyển Nghệ thuật lý luận của David Kelley (NXB W. W. Norton).
Với vai trò của tư duy phê phán trong đạo đức cũng như đưa ra một vài lời khuyên về cách thức để tránh bỏ qua những lựa chọn khác, hãy tìm đọc quyển sách của tôi Một hộp dụng cụ cho đạo đức thế kỷ XXI (NXB Đại học Oxford). Để có nhiều thông tin hơn về “cách thức” tư duy sáng tạo – làm sao để nghĩ ra những giải pháp hoàn toàn mới trong những tình huống dường như “bế tắc” hãy xem những tác phẩm của Edward DeBono như cuốn Cách thức tư duy (NXB Ariel/BBC).
Lĩnh vực Hùng biện học nghiên cứu về công dụng thuyết phục của ngôn ngữ, đặc biệt trong lập luận. Một quyển sách xuất sắc trong lĩnh vực này là Những mục tiêu của lập luận: Một nhà hùng biện và độc giả của Timothy Crusins và Carolyn Channell (NXB Mayfield). Nếu bạn muốn tiếp cận đến chủ đề lập luận từ góc nhìn văn học thì hãy xem quyển Vương quốc cuả hùng biện viết bởi Chaim Perelman (NXB Đại học Notre Dame).
Cụ thể về chủ đề ngụy biện (xem Chương 10), hãy đọc quyển Lý luận và hùng biện đương đại của Howard Kahane (NXB Wadsworth). Về những luận bàn lịch sử và lý thuyết về ngụy biện, hãy xem quyển Ngụy biện của C. Hamblin (NXB Methuen). Về chủ đề các phong cách trích dẫn, một quyển hướng dẫn ngắn hữu dụng là Viết với nguồn trích dẫn của Gordon Harvey (NXB Hackett). Về phong cách chung chung, chưa quyển nào sánh được quyển Những yếu tố của phong cách của William Strunk và E. B. White. Hãy để những quyển sách này trên kệ sách của bạn và đừng để chúng bám bụi!