🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vĩ Đại Do Lựa Chọn Ebooks Nhóm Zalo GREAT BY CHOICE. Copyright © 2011 by Jim Collins and Morten T. Hansen. Bản tiếng Việt © NXB Trẻ, 2014 BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN DO THƯ VIỆN KHTH TP.HCM THỰC HIỆN General Sciences Library Cataloging-in-Publication Data Collins, James C. (James Charles), 1958- Vĩ đại do lựa chọn / Jim Collins and Morten T. Hansen ; Nguyễn Dương Hiếu, Tô Tưởng Quỳnh dịch. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2014. 416tr. ; 20,5cm. Nguyên bản : Great by choice. 1. Thành công trong kinh doanh -- Nghiên cứu trường hợp. 2. Khả năng sáng tạo trong kinh doanh -- Nghiên cứu trường hợp. I. Hansen, Morten T II. Nguyễn Dương Hiếu. III. Tô Tưởng Quỳnh. 658.409 -- dc 23 C712 MỤC LỤC Lời giới thiệu 7 Lời cảm ơn 9 1 Thịnh vượng trong thời bấp bênh 15 2 Những công ty 10x 32 3 Hành trình 20 dặm 67 4 Bắn đạn nhỏ, rồi đến đại bác 107 5 Dẫn đầu bên trên Đường Tử thần 149 6 SMaC 183 7 Kết quả của may rủi 217 Phần kết Vĩ đại do lựa chọn 261 Những câu hỏi thường gặp 265 Các nền tảng của nghiên cứu 283 Chú thích 349 LỜI GIỚI THIỆU Trong số 25 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong thế kỷ 20 theo bình chọn của Tạp chí Time thì đã có tới 2 tác phẩm của Jim Collins, đó là: “Xây dựng để trường tồn” (Build to Last) và “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great). Chưa hết, trong số 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong vòng 20 năm qua theo bình chọn của Tạp chí Forbes cũng có 2 tác phẩm của Jim Collins: “Xây dựng để trường tồn” (Build to Last) và “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great). Và trong hầu hết mọi cuộc bình chọn danh sách những nhà tư tưởng quan trọng nhất về quản trị (management thinkers) trong nhiều năm qua thì tên của Jim Collins luôn nằm ở top đầu. Tất cả những điều này cũng đủ nói lên tầm vóc và sự ảnh hưởng của Jim Collins đối với lĩnh vực quản trị cũng như đối với nền kinh thương của thế giới trong suốt hơn một thập niên qua. Năm 2007, Nhà xuất bản Trẻ và Trường Doanh Nhân PACE đã phối hợp để biên dịch và phát hành 2 tác phẩm kinh điển nói trên của Jim Collins và được đông đảo doanh nhân và những người quan tâm đến quản trị ở Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và đã được tái bản nhiều lần kể từ lần đầu xuất bản bằng tiếng Việt. 7 8 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Và nay, sau nhiều năm chờ đợi của độc giả, của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới, Jim Collins (cùng với Morten T. Hansen) đã cho ra đời một tác phẩm mới (mà theo đánh giá và kỳ vọng của nhiều chuyên gia cũng sẽ là một trong những tác phẩm kinh điển về quản trị trong thế kỷ 21), đó là: “Vĩ đại do lựa chọn” (Great by Choice). Tác phẩm này cũng được Trường Doanh Nhân PACE cho đưa vào “Tủ sách doanh trí” của trường (bao gồm những tác phẩm quan trọng nhất và kinh điển nhất về quản trị của thế giới và Việt Nam, do PACE tuyển chọn và giới thiệu). Nội dung của cuốn sách này là kết quả của một công trình nghiên cứu đồ sộ và kéo dài 9 năm do Jim Collins và Morten T. Hansen chủ trì để nỗ lực trả lời một câu hỏi quan trọng bậc nhất của các doanh nhân và các nhà quản lý trong thời đại ngày nay, đó là: Tại sao có một số công ty thịnh vượng trong tình trạng bấp bênh, thậm chí là điên đảo, trong khi các công ty khác thì không? Và với nội dung và mục tiêu như vậy, cuốn sách này càng trở nên quan trọng đối với những người đang nắm giữ số phận của doanh nghiệp ở Việt Nam trong một thời kỳ đầy bất ổn, nhiều bất trắc cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa, cả trong nước lẫn môi trường quốc tế và toàn cầu. Với những ý nghĩa và giá trị như vậy, chúng tôi, Nhà xuất bản Trẻ và Trường Doanh Nhân PACE hân hạnh giới thiệu đến Quý vị độc giả cuốn sách quý này. Sài Gòn, ngày 1/3/2014 NXB TRẺ VÀ TRƯỜNG DOANH NHÂN PACE LỜI CẢM ƠN Chúng tôi không thể hoàn thành quyển sách này nếu không có một đội ngũ tuy nhỏ nhưng đã có những đóng góp rất lớn về thời gian và trí tuệ. Chúng tôi có một nhóm trợ lý nghiên cứu tuyệt vời. Họ thông minh, ham hiểu biết, không theo lối mòn, nhưng cũng cực kỳ có kỷ luật; được làm việc với họ là cả một niềm vui. Chúng tôi muốn cám ơn những thành viên sau đây của nhóm nghiên cứu ChimpWorks: Robyn Bitner với nhiều năm đi theo lĩnh vực phân tích, Kyle Blackmer với những hiểu biết sâu sắc về sự hỗn loạn, Brad Caldwell với các phân tích về Biomet và Southwest, Adam Cederberg về việc chọn công ty và các phân tích IPO, Lauren Cujé về những cập nhật liên quan đến công ty 10X và các phân tích danh hiệu, Terrence Cummings (bí danh là Grande) đã đầu tư hàng nghìn giờ vào hàng đống việc liên quan đến dự án này, Daniel DeWispelare với phân tích về Amgen, Todd Driver với phân tích về các nhà lãnh đạo 10X và cập nhật về công ty 10X, Michael Graham về việc lựa chọn công ty so sánh và các phân tích so sánh, Eric Hagen với việc kiểm tra công thức SMaC trong danh sách IPO và những đóng góp hết sức thông tuệ, Ryan Hall với những phân tích định lượng, Beth Hartman với những phân tích về sự hỗn loạn và việc chọn công ty, Deborah Knox với phân tích về hỗn loạn ở các ngành và phân tích 9 10 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN IPO mở rộng, Betina Koski với phân tích về hỗn loạn ở các ngành, Michael Lane về việc chọn công ty so sánh và phân tích so sánh, Lorilee Linfield với những cập nhật về các công ty và nhiều năm liền nghiên cứu về SMaC, Nicholas M. Osgood với những phân tích về hỗn loạn ở các ngành, Catherine Patterson về việc chọn công ty so sánh và phân tích so sánh, Matthew Unangst với những phân tích hỗ trợ và nghiên cứu về Định luật Moore, và Nathaniel (Natty) Zola đã trở thành chuyên gia trong việc so sánh ở cặp công ty Southwest Airlines và Pacific Southwest Airlines (PSA).Về phía đội ngũ trợ lý nghiên cứu của Morten, chúng tôi cám ơn các phân tích dữ liệu của Allen, phân tích ngành của Rashid Ansari, hỗ trợ nghiên cứu của Jayne Brocklehurst, kiểm tra dữ liệu của Attrace Yuiying Chang, hỗ trợ nghiên cứu của Hendrika Escoffier, của Roisin Kelly, số liệu tài chính và phân tích các số liệu này của Chittima Silberzahn, phân tích về Microsoft và Apple của Philippe Silberzahn; phân tích số liệu của William Simpson; phân tích số liệu về việc lựa chọn công ty của Gina Carioggia Szigety; những nỗ lực phi thường và gắn bó nhiều năm liền trong việc tiến hành một phạm vi rộng lớn các nghiên cứu hết sức cần thiết của Nana von Bernuth; và phân tích dữ liệu của James Zeitler. Chúng tôi rất biết ơn các độc giả phê bình đã dành nhiều giờ để đọc các bản thảo, phê bình tác phẩm, đưa ra nhiều đề xuất và gửi thông tin qua internet về mỗi khía cạnh để tác phẩm được tốt hơn. Vì tính chân thật, sự hiểu biết sâu sắc và quan điểm của họ, chúng tôi muốn cám ơn Ron Adner, Joe T. Allison, FACHE, Chris Barbary, Gerald (Jerry) Belle, Darrell Billington, Kyle Blackmer, John M. Bremen, William P. Buchanan, Scott Calder, Robin Caperhart, Scott Cederberg, Brian Cornell, Lauren Cujé, Jeff Donnelly, Todd Driver, David R. Duncan, Joanne Ernst, Mike Faith, Andrew Feiler, Claudio LỜI CẢM ƠN 11 Fernández-Aráoz, Andrew Fimiano, Christopher Forman, John Foster, Dick Frost, Itzik Goldberger, Michael Graham, Ed Greenberg, Eric Hagen, Becky Hall, Ryan Hall, Beth Hartman, Liz Heron, John B. Hess, John G. Hill, Kim Hollingsworth Taylor, Thomas F. Hornbein, MD, Lane Hornung, Zane Huffman, Christine Jones, Scott Jones, David D. Kennedy, Alan Khazei, Betina Koski, Eva M. H. Kristensen, Brian C. Larsen, Kyle Lefkoff, Jim Linfield (cha của chú tinh tinh Lorilee), Ed Ludwig, Wistar H. MacLaren, David Maxwell, Kevin Michael James Moelter, Clarence Otis con, Larry Pensack, Jerry Peterson, Amy Pressman, Sam Presti, Michael Prouting, David P. Rea, Jim Reid, Neville Richardson, Sara Richardson, Kevin Rumon, David G. Salyers, Kim Sanchez Rael, Vijay Sathe, Keegan Scanlon, Dirk Schlimm, William F. Shuster, Anabel Shyers, Alyson Sinclair, Tim Tassopoulos, Kevin Taweel, Jean Taylor, Tom Tierney, Nicole Toomey Davis, Matthew Unangst, Nana von Bernuth, H. Lawrence Webb, David Weekley, Chuck Wexler, Dave Witherow và Nathaniel (Natty) Zola. Chúng tôi cũng muốn gửi lời cám ơn đến Constance Hale, Jeffrey Martin và Filipe Simões dos Santos vì sự quan tâm đặc biệt của họ đối với phần phương pháp nghiên cứu. Ngoài ra, chúng tôi cám ơn Salvatore D. Fazzolari, Denis Godcharles, Ben R. Leedle con, Evan Shapiro, Roy M. Spence Jr. và Jim Weddle về những trao đổi và phản hồi hữu ích. Chúng tôi cũng muốn cám ơn thư viện Transportation của Đại học Northwestern đã cho phép truy cập các báo cáo hàng năm của PSA; Betty Grebe và Carol Krismann tại thư viện Kinh doanh của Đại học Colorado William M. White; Trung tâm nghiên cứu về giá chứng khoán (CRSP), Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago về các số liệu có chất lượng cao và dịch vụ xuất sắc; Jasjit Singh về các số liệu và hiểu biết về bằng sáng chế; Dennis Bale và 12 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Laurie Drawbaugh về văn phòng lưu động; Leigh Wilbanks vì đã tham gia các cuộc thảo luận quan điểm ban đầu với chúng tôi; Alex Toll về việc hiệu đính; Alan Webber về những khoảnh khắc trò chuyện xuất sắc đã giúp lóe lên những ý tưởng chính; Jim Logan vì đã chịu đựng cái hành trình gần như bất tận này; Tommy Caldwell vì đã kiểm chứng các ý tưởng về những nhà lãnh đạo 10X ở các khía cạnh hết sức gian nan; và tất cả các tài liệu cá nhân của Jim về Band of Brothers. Morten đặc biệt cảm ơn Trường Kinh doanh Harvard, INSEAD và Đại học California-Berkeley, nơi ông đã có được những học vị trong thời gian thực hiện nghiên cứu này. Chúng tôi cũng xin cám ơn Deborah Knox vì đã biên tập cho bản thảo cuối cùng, thúc ép chúng tôi phải nhất quán và rõ ràng, liên tục đặt ra những thử thách cho các ý tưởng, và thu nhỏ để nhìn toàn cục các ý tưởng lớn đồng thời cũng phóng to để làm rõ các chi tiết. Chúng tôi cám ơn James J. Robb về sự chuyên môn trong lĩnh vực đồ họa, sự sáng tạo không giới hạn và tình bạn lâu năm của ông. Chúng tôi cám ơn Janet Brockett về những ý tưởng sáng tạo và là thiên tài trong thiết kế. Cám ơn Caryn Marooney về những hướng dẫn nhìn xa trông rộng xuyên suốt trong lĩnh vực đầy trắc trở này. Cám ơn Peter M. Moldave về những tư vấn rất tận tình và chu đáo. Cám ơn Hollis Heimbouch vì đã tin vào công trình này ngay từ đầu, dẫn dắt không mệt mỏi qua môi trường đầy thay đổi của việc phát hành và làm việc bằng một tinh thần thực sự hợp tác. Cám ơn Peter Ginsberg về việc ghi chép không gián đoạn các theo dõi để sắp xếp chúng lại với nhau thành một tập hợp đầy sáng tạo và vô thường, giúp ích cho tất cả những ai có liên quan đến công trình này. Cám ơn các thành viên trong đội ngũ ChimpWorks, những người đã giúp Jim có thể tập trung để thực hiện những dữ án lớn lao, đầy sáng tạo. Về những nỗ lực vào thời điểm ban đầu của dự án, LỜI CẢM ƠN 13 chúng tôi muốn cám ơn Brian J. Bagley, Patrick Blakemore, Taffee Hightower, Vicki Mosur Osgood và Laura Schuchat. Cám ơn Jeff Dale về quan điểm thông thái và chừng mực – anh thực sự là “lính tiên phong” của nhóm; Judi Dunckley vì đã hết sức tận tụy để có tính chính xác và rõ ràng (và cả những lo lắng rất vui nhộn của cô); Joanne Ernst vì đã hoạt động như một người chủ trì hội đồng, về khả năng vô địch trong việc phân tích các vấn đề và gọt giũa các ý tưởng của chúng tôi để chúng trở nên sắc bén hơn; Michael Lane đã có nhiều năm tận tụy trong việc không đi theo lối mòn một cách hiệu quả; Sure Barlow Toll với vai trò giám đốc điều hành và lục lọi ở mọi ngóc ngách; và Kathy Worland-Turner là cánh tay phải của Jim và đã trổ hết tài năng của cô trong việc tạo ra bạn bè và xây dựng các mối quan hệ. Cám ơn Robyn Bitner và Lorilee Linfield về những cống hiến hào hùng cho dự án vào những năm sau cùng; họ đã mang ánh sáng và năng lượng đến cho đội ngũ trong khi là những OPUR hàng đầu. Cuối cùng, chúng tôi mang ơn những người bạn đời đáng kính của mình, Joanne Ernst và Hélène Hansen, về sự ủng hộ kiên định, những lời phê bình nghiêm khắc và tính nhẫn nại cùng chúng tôi trải qua chín năm trời cho dự án này. Không có họ, không thể có được tác phẩm này. 1 THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH “Chúng ta hoàn toàn không biết tương lai sẽ ra sao.” — Peter L. Bernstein1 Chúng ta không thể đoán trước tương lai. Nhưng chúng ta có thể tạo ra nó. Hãy nhớ lại xem chuyện gì đã xảy ra trong khoảng 15 năm trở lại đây, toàn những chuyện bất ổn – trên thế giới, trong nước, trên các thị trường, trong công việc và đời sống của bạn – không ai có thể ngờ đến. Chúng ta có thể ngạc nhiên, thấy phiền toái, bị sốc, sững sờ, vui sướng, hoặc kinh sợ, nhưng ít khi nào liệu trước được. Không ai trong chúng ta có thể đoán chắc được những khúc quanh của đời mình. Cuộc sống thật bấp bênh và tương lai thì mù mờ. Điều này chẳng tốt mà cũng chẳng xấu. Nó đúng là thế, giống như trọng lực vậy. Thế nhưng nhiệm vụ thì vẫn y nguyên: ngay cả vậy, bạn phải làm sao để làm chủ số phận của chính mình. Vào năm 2002, chúng tôi đã bắt đầu một dự án nghiên cứu kéo dài chín năm để chuẩn bị cho quyển sách này, khi mà nước Mỹ thức tỉnh khỏi cảm giác sai lầm về sự ổn định, an toàn và quyền được 15 16 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN thịnh vượng. Thị trường đầu cơ giá lên dài hạn bị sụp đổ. Ngân sách chính phủ từ thặng dư bỗng chốc hóa ra thiếu hụt. Các cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 khiến người người khắp nơi nơi khiếp sợ và giận dữ; và rồi theo đó là chiến tranh. Trong khi ấy, ở khắp nơi trên thế giới, thay đổi công nghệ và cạnh tranh toàn cầu vẫn tiếp tục cuộc hành quân không mệt mỏi và đầy tính đột phá của nó. Toàn bộ những chuyện trên dẫn đến một câu hỏi đơn giản: Tại sao có một số công ty thịnh vượng trong tình trạng bấp bênh, thậm chí là điên đảo, trong khi các công ty khác thì không? Khi bị vùi dập bởi các sự kiện hỗn độn, khi bị tác động bởi các ngoại lực mạnh mẽ và thay đổi mau lẹ mà chúng ta không thể dự đoán hay kiểm soát, thì điều gì tạo nên sự khác biệt giữa những người thực hiện tốt một cách phi thường với những người thực hiện dưới mức yêu cầu hoặc quá tệ? Chúng tôi không chọn những câu hỏi này để nghiên cứu. Chính chúng đã chọn chúng tôi. Đôi khi một trong những câu hỏi cứ thộp ngay cổ họng của chúng ta và gầm gừ, “Ta sẽ không thả tay ra để mi thở chừng nào mi chưa trả lời ta!” Nghiên cứu này tóm lấy chúng tôi bởi nỗi bất an dai dẳng và sự giày vò của cảm giác dễ bị tấn công trong một thế giới ngày càng trở nên mất trật tự. Câu hỏi trên không chỉ thú vị về mặt trí tuệ mà còn liên quan đến cá nhân. Và khi chúng tôi làm việc với các sinh viên và các nhà lãnh đạo thuộc lĩnh vực kinh doanh lẫn lĩnh vực xã hội, chúng tôi cũng cảm nhận được nỗi bất an này ở họ. Trong những năm thuộc quãng thời gian này, các sự kiện diễn ra cũng chỉ củng cố thêm cảm giác bất an đó. Rồi tiếp theo sẽ ra sao? Tất cả những gì mà chúng ta biết chính là: không ai biết rồi sẽ ra sao... Thế nhưng có một số công ty và nhà lãnh đạo vẫn lèo lái cực kỳ tốt trong cái thế giới đó. Họ không chỉ phản ứng mà là sáng tạo cái THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 17 mới; không chỉ sống sót mà là chiến thắng; không chỉ thành công mà là thịnh vượng. Họ xây dựng những công ty vĩ đại có khả năng trường tồn. Chúng tôi không tin rằng cái tình trạng hỗn loạn, bấp bênh và bất ổn này là tốt; các công ty, các nhà lãnh đạo và các xã hội sẽ không thịnh vượng nhờ sự hỗn loạn. Thế nhưng họ vẫn có thể thịnh vượng trong tình trạng hỗn loạn. Để trả lời câu hỏi họ đã làm điều đó như thế nào, chúng tôi bước vào tìm kiếm các công ty khởi đầu từ vị trí yếu ớt, đã phát triển thành những công ty vĩ đại với thành tích đầy ngoạn mục. Họ đã làm được như thế trong những môi trường bất ổn, bị tác động bởi các ngoại lực mạnh mẽ, ngoài tầm kiểm soát, biến đổi nhanh, bấp bênh và tiềm ẩn sự nguy hại. Sau đó chúng tôi so sánh những công ty này với một nhóm giới hạn các công ty đã không thể trở nên vĩ đại cũng trong những môi trường cực độ ấy, sử dụng sự đối lập giữa kẻ thắng và người thua để khám phá những yếu tố tạo nên sự khác biệt đã cho phép một số người trở nên thịnh vượng trong điều kiện bấp bênh. Chúng tôi đặt biệt hiệu cho những công ty có thành tích cao được nghiên cứu này là “10X” vì các công ty này không chỉ sống sót hoặc chỉ mới thành công. Họ thực sự đã thịnh vượng. Mỗi công ty 10X đều vượt chỉ số ngành của họ ít nhất 10 lần. Nếu quý vị đầu tư 10.000 đôla vào một danh mục đầu tư của các công ty 10X vào cuối năm 1972 (giữ mức lợi nhuận đầu tư của mỗi doanh nghiệp bằng với lợi nhuận đầu tư của thị trường chứng khoán phổ thông cho đến khi nó được niêm yết ở Thị trường chứng khoán New York, Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, hoặc NASDAQ) thì đến cuối năm diễn ra nghiên cứu này (năm 2002), khoản đầu tư của quý vị đã có giá hơn 6 triệu đôla, nghĩa là tốt gấp 32 lần so với thị trường chứng khoán phổ thông.2 18 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Để nắm được phần cốt lõi nghiên cứu của chúng tôi, hãy xem một trường hợp 10X: hãng hàng không Southwest Airlines. Hãy nhớ lại mọi thứ đã tấn công vào ngành hàng không từ năm 1972 đến năm 2002: Khủng hoảng xăng dầu. Giảm bớt các quy định quản lý của Chính phủ. Xung đột lao động. Các cuộc đình công của kiểm soát không lưu. Những cuộc suy thoái làm tê liệt mọi thứ. Lãi suất tăng vọt. Không tặc. Phá sản liên tiếp. Và vào năm 2001 là cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Ấy vậy mà nếu quý vị đã đầu tư 10.000 đôla vào Southwest Airlines vào ngày 31/12/1972 (lúc đó hãy còn là một đội bay nhỏ xíu với 3 máy bay, vừa đủ đạt hòa vốn, bị các hãng hàng không lớn hơn phong tỏa nhằm tiêu diệt những kẻ mới vào nghề) thì khoản vốn 10.000 đôla này sẽ tăng lên gần 12 triệu đôla vào cuối năm 2002, một mức lãi cao hơn thị trường chứng khoán phổ thông 63 lần. Kết quả này tốt hơn cả Wal-Mart, hơn cả Intel, hơn cả GE, hơn cả Johnson & Johnson, hơn cả Walt Disney. Thật vậy, theo như phân tích của tạp chí Money, Southwest Airlines chiếm vị trí số 1 về mức lợi nhuận đầu tư trong danh sách các công ty S&P 500 được niêm yết công khai vào năm 1972 và giữ vị trí này tròn 30 năm cho đến năm 2002.3 Đấy là những kết quả hết sức ấn tượng dù có đo lường theo kiểu nào, nhưng chúng sẽ khiến quý vị kinh ngạc khi kể đến hoàn cảnh đầy giông tố, những khủng hoảng cực kỳ bất ổn và sự bấp bênh kinh niên hiện diện trong môi trường kinh doanh của Southwest. Tại sao Southwest đã khắc phục được nghịch cảnh? Họ đã làm gì để làm chủ số phận? Và họ đã làm thế nào để đạt được thành tích hàng đầu trong khi các hãng hàng không khác không làm được? Cụ thể hơn, tại sao Southwest trở nên vĩ đại trong một môi trường cực độ như vậy trong khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ, hãng Pacific Southwest Airlines (PSA), lại thất bại và không còn đáng là THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 19 đối thủ cạnh tranh nữa mặc dù có cùng một mô hình kinh doanh, trong cùng một ngành, với cùng cơ hội để trở thành vĩ đại? Chính sự đối lập này lột tả được cốt lõi vấn đề nghiên cứu của chúng tôi. Nhiều sinh viên và độc giả đã hỏi chúng tôi rằng: “Nghiên cứu này có gì khác so với nghiên cứu trước cũng về những công ty vĩ đại, đặc biệt là ở các tác phẩm Xây dựng để trường tồn và Từ Tốt đến Vĩ đại?” Phương pháp nghiên cứu giống nhau (phân tích so sánh lịch sử) và vẫn là vấn đề về sự vĩ đại. Nhưng không giống bất kỳ nghiên cứu nào trước đây, trong nghiên cứu này, chúng tôi đã chọn những trường hợp để nghiên cứu không chỉ dựa vào thành tích hay hình tượng mà còn dựa vào tính cực độ (extremity) của môi trường. Chúng tôi lựa chọn theo thành tích kèm thêm môi trường vì hai lý do. Thứ nhất, chúng tôi tin rằng tương lai vẫn là điều không thể đoán trước và thế giới vẫn sẽ bất định trong suốt phần đời còn lại của chúng ta, và chúng tôi muốn hiểu những yếu tố giúp phân biệt được các tổ chức vĩ đại, những tổ chức đã chiến thắng những xung đột cực độ, trong những môi trường như thế. Thứ hai, bằng việc nghiên cứu các công ty và các nhà lãnh đạo trong những môi trường cực độ, chúng tôi có được những nhận thức sâu sắc mà hẳn vẫn sẽ bị che giấu khi nghiên cứu các nhà lãnh đạo ở những bối cảnh yên bình hơn. Hãy tưởng tượng quý vị đang tản bộ nhàn hạ, lang thang qua những đồng cỏ ấm áp ngập tràn ánh nắng, và người đồng hành của quý vị là một nhà leo núi vĩ đại, người đã dẫn đầu những cuộc chinh phục các đỉnh núi phản trắc nhất thế giới. Có lẽ quý vị sẽ nhận thấy anh ta có đôi chút khác biệt so với người khác, ví như cảnh giác hơn trước các dấu vết, hoặc xếp đồ đạc vào ba lô cẩn thận hơn. Nhưng nhìn chung, với một ngày xuân an toàn và rực rỡ, sẽ khó lòng thấy được điều gì thực sự đã khiến nhà leo núi tài ba 20 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN này khác thường đến như vậy. Ngược lại, bây giờ hãy tưởng tượng đang ở bên sườn dốc của đỉnh Everest cũng với nhà leo núi này, chạy đua trốn khỏi một cơn bão chết người. Ở môi trường ấy, quý vị sẽ thấy rõ hơn rất nhiều điều gì đã khiến anh ta khác biệt và điều gì đã khiến anh ta vĩ đại. Nghiên cứu các nhà lãnh đạo trong một môi trường cực độ cũng giống như tiến hành một cuộc thí nghiệm khoa học hành vi hoặc sử dụng một máy ly tâm trong phòng thí nghiệm: đẩy các nhà lãnh đạo vào một môi trường cực độ, và nó sẽ tách bạch những khác biệt to lớn giữa vĩ đại và tầm thường. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm vào việc: trong những môi trường phơi bày và phóng đại những khác biệt đó thì điều vĩ đại thật sự (truly good) khác ra sao so với điều chỉ đơn thuần tốt (merely good). Trong phần còn lại của chương mở đầu này, chúng tôi sẽ vắn tắt điểm qua hành trình nghiên cứu của mình và nêu trước một số điều ngạc nhiên mà chúng tôi đã gặp phải trong hành trình ấy. (Quý vị có thể tham khảo mô tả chi tiết hơn về phương pháp nghiên cứu của chúng tôi trong phần phụ lục Các nền tảng của nghiên cứu.) Bắt đầu từ Chương 2, chúng tôi sẽ đào sâu vào những vấn đề mà chúng tôi đã học hỏi được từ cá nhân lãnh đạo các công ty này, và từ Chương 3 đến Chương 6, họ đã dẫn dắt và xây dựng công ty của mình khác như thế nào so với những công ty kém thành công hơn. Trong Chương 7, chúng tôi sẽ nói đến vấn đề mà theo chúng tôi đó là phần đặc biệt thú vị trong hành trình nghiên cứu này: nghiên cứu sự may rủi. Chúng tôi xác định sự may rủi, định lượng nó, quyết THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 21 định liệu các trường hợp công ty 10X có may rủi hơn (hoặc không), và khám phá họ làm gì khác với sự may rủi. TÌM KIẾM NHỮNG TRƯỜNG HỢP 10X Trong năm đầu tiên chúng tôi dành nỗ lực vào việc xác định tập hợp chủ yếu của các công ty 10X để nghiên cứu, tìm kiếm các trường hợp trong lịch sử đáp ứng được ba kiểm tra cơ bản: 1. Doanh nghiệp đã duy trì được những kết quả thực sự ngoạn mục trong khoảng thời gian từ 15 năm trở lên, khi so sánh với thị trường chứng khoán nói chung và khi so sánh với ngành. 2. Doanh nghiệp đã đạt những kết quả này trong một môi trường đặc biệt hỗn loạn, đầy những sự kiện không thể kiểm soát, nhanh thay đổi, bấp bênh và tiềm tàng nguy hại. 3. Doanh nghiệp bắt đầu phát triển thành vĩ đại từ một vị trí dễ bị tấn công, là doanh nghiệp trẻ và/hoặc nhỏ vào thời điểm khởi đầu hành trình 10X của mình. Từ một danh sách đầu tiên gồm 20.400 công ty, chúng tôi sàng lọc một cách có hệ thống thành 11 phân tầng để xác định những trường hợp đáp ứng mọi kiểm tra của chúng tôi. (Xem Các nền tảng của nghiên cứu: Việc lựa chọn Công ty 10X.) Vì muốn nghiên cứu kết quả cực độ ở những môi trường cực độ, chúng tôi đã sử dụng những tiêu chuẩn cực độ trong các lựa chọn của mình. Tập hợp chung cuộc các trường hợp 10X (xem bảng sau đây) đã có kết quả cực kỳ phi thường trong suốt các thời kỳ họ thành công mà chúng tôi đã nghiên cứu. 22 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN TẬP HỢP CHUNG CUỘC CÁC TRƯỜNG HỢP 10X Trường hợp 10X Thời kỳ thành công được nghiên cứu Giá trị 10.000 đôla được đầu tư* Kết quả so với Thị trường4 Kết quả so với Ngành5 Amgen 1980-2002 4,5 triệu đôla 24X 77,2X Biomet 1977-2002 3,4 triệu đôla 18,1X 11,2X Intel 1968-2002 3,9 triệu đôla 20,7X 46,3X Microsoft 1975-2002 10,6 triệu đôla 56X 118,8X Progressive Insurance 1965-2002 2,7 triệu đôla 14,6X 11,3X Southwest Airlines 1967-2002 12 triệu đôla 63,4X 550,4X Stryker 1977-2002 5,3 triệu đôla 28X 10,9X * Lợi nhuận từ cổ phiếu, cổ tức tích lũy được tái đầu tư. Đầu tư 10.000 đôla vào mỗi công ty vào 31/12/1972 và giữ cho đến 31/12/2002; nếu vào 31/12/1972 công ty không được niêm yết thì áp dụng mức lợi nhuận trung bình của thị trường chứng khoán cho đến tháng đầu tiên có dữ liệu CRSP của công ty. Nguồn của tất cả các tính toán lợi nhuận chứng khoán trong công trình nghiên cứu này: ©200601 CRSP®, Trung tâm Nghiên cứu Giá Chứng khoán. Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago. Được phép sử dụng. Bảo hộ bản quyền. http://www.crsp. chicagobooth.edu. Trước khi tiếp tục, hãy hướng đến một điểm chính trong các tình huống được nghiên cứu. Chúng tôi đã nghiên cứu các thời kỳ lịch sử của các “triều đại” đã kết thúc vào năm 2002, chứ không phải những công ty trong tình trạng hiện thời. Hoàn toàn có khả năng là vào thời điểm quý vị đọc những dòng chữ này, một hoặc nhiều THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 23 công ty trong danh sách đã va vấp, không còn vĩ đại nữa, khiến quý vị phải thắc mắc: “Nhưng trường hợp công ty XYZ thì sao? Hiện giờ trông nó chẳng có vẻ gì là một công ty thuộc dạng 10X cả.” Hãy coi nghiên cứu của chúng tôi tương đương như nghiên cứu một triều đại thể thao trong thời kỳ cực thịnh của nó. Việc thời hoàng kim của đội bóng rổ UCLA Bruins từ thập niên 60 đến 70 dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên John Wooden (với 10 lần vô địch NCAA trong 12 năm) trở nên suy tàn kể từ khi Wooden về hưu thì không khiến nó mất đi những ý nghĩa sâu sắc có được qua việc nghiên cứu đội Bruins trong thời kỳ thống trị của nó.6 Cũng với ý nghĩa này, một công ty vĩ đại có thể không còn vĩ đại nữa (xem How the Mighty Fall {tạm dịch: Người khổng lồ gục ngã như thế nào} của Jim Collins), thế nhưng điều này không xóa bỏ được thời kỳ thành công của nó trong những sách kỷ lục, và chúng tôi đã tập trung lăng kính nghiên cứu và những phát hiện của mình vào chính những thời kỳ thành công trong lịch sử ấy. SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐỐI LẬP Phương pháp nghiên cứu của chúng tôi đặt trên cơ sở một tập hợp so sánh (comparison set). Câu hỏi cốt lõi không phải là “Những công ty vĩ đại đã có cùng đặc điểm gì?” mà là “Những công ty vĩ đại có cùng đặc điểm gì giúp phân biệt được chúng với những công ty được đem ra so sánh trực tiếp?” Những công ty được đem ra so sánh là những công ty cùng ngành, có những cơ hội giống nhau hoặc tương tự trong cùng một thời kỳ như các công ty 10X, nhưng đã không thể tạo ra kết quả vĩ đại. Sử dụng một hệ thống cho điểm nghiêm ngặt, chúng tôi đã xác định một cách có hệ thống một công ty so sánh cho mỗi trường hợp 10X. (Xem Các nền tảng của nghiên 24 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN cứu: Việc lựa chọn Công ty so sánh). Khi tính theo nhóm, các công ty 10X vượt trội hơn các công ty so sánh đến hơn 30 lần (xem biểu đồ “Một nghiên cứu đối lập”).7 Sự đối lập giữa các trường hợp 10X và các công ty so sánh trong suốt thời kỳ phân tích liên quan đã dẫn đến những phát hiện của chúng tôi. Và đây là tập hợp nghiên cứu chung cuộc giữa các tình huống 10X và các công ty so sánh của chúng: Amgen với Genentech; Biomet với Kirschner; Intel với AMD; Microsoft với Apple; Progressive với Safeco; Southwest Airlines với PSA; và Stryker với Tập đoàn Phẫu thuật Hoa kỳ (United States Surgical Corporation – USSC). Ở việc chọn Apple là một công ty so sánh, chúng tôi biết rằng vào thời điểm ra mắt của quyển sách này năm 2011, Apple tượng trưng cho một trong những câu chuyện về sự trở lại ấn tượng nhất của mọi thời đại. Lăng kính nghiên cứu của chúng tôi về sự đối lập Microsoft so-với-Apple tập trung vào những thập niên 80 và 90, khi Microsoft thắng lớn còn Apple thì gần như tự kết liễu mình. Nếu quý vị mua cổ phiếu của Apple vào cuối tháng 12/1980, tháng Apple phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO – Initial Public Offering), và giữ cho đến cuối thời kỳ nghiên cứu của chúng tôi (năm 2002), khoản đầu tư của quý vị kết cuộc sẽ có thu nhập kém hơn mức thị trường chứng khoán phổ thông tới trên 80%.8 Chúng tôi sẽ bàn về sự trỗi dậy đầy kinh ngạc của Apple dưới thời Steve Jobs sau, nhưng ở đây có một điểm đáng chú ý: các công ty thực sự có thể thay đổi qua thời gian, từ công ty so sánh trở thành 10X và ngược lại. Luôn luôn có thể đi từ tốt đến vĩ đại. THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 25 Tỷ lệ lợi nhuận cổ phiếu tích lũy so với mức của Thị trường chứng khoán phổ thông Ghi chú: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ ĐỐI LẬP CÁC CÔNG TY 10X VỚI CÁC CÔNG TY SO SÁNH Các công ty 10X Điều gì giải thích cho sự khác biệt? Các công ty so sánh 1. Thu nhập cổ phiếu của mỗi công ty được giữ bằng với mức của thị trường phổ thông cho đến tháng đầu tiên công bố dữ liệu CRSP. 2. Nguồn của tất cả mọi tính toán về lợi nhuận cổ phiếu trong công trình nghiên cứu này: ©200601 CRSP®, Trung tâm Nghiên cứu Giá Chứng khoán. Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago. Được phép sử dụng. Bảo hộ bản quyền. http://www.crsp.chicagobooth.edu. CÁC DỮ LIỆU GÂY NGẠC NHIÊN Sau đó chúng tôi thực hiện một phân tích sâu về lịch sử ở mỗi cặp công ty. Chúng tôi thu thập hơn 7.000 tài liệu lịch sử để lý giải rõ ràng việc mỗi công ty đã dần tiến triển qua từng năm, kể từ lúc khởi đầu cho đến năm 2002, ra sao. Chúng tôi phân tích theo hệ thống các loại dữ liệu, bao gồm các động lực ngành, các nguồn gốc thành lập, tổ chức, lãnh đạo, văn hóa, cải cách, công nghệ, rủi ro, quản lý tài chính, chiến lược, thay đổi chiến lược, tốc độ và sự may rủi. (Xem Các nền tảng của nghiên cứu để biết thêm chi tiết về việc thu thập và phân tích dữ liệu của chúng tôi.) Chúng tôi không bắt 26 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN đầu hành trình của mình bằng một lý thuyết kiểm tra hay chứng minh; chúng tôi thích được ngạc nhiên trước các bằng chứng và buộc phải thay đổi theo những gì đã phát hiện được. Chúng tôi phát triển các khái niệm của công trình nghiên cứu này từ các dữ liệu đã thu thập được, xây dựng một khung nghiên cứu ngay từ đầu. Chúng tôi dùng giải pháp lặp, phát ra các ý tưởng nhờ vào các dữ liệu, kiểm tra các ý tưởng ấy theo bằng chứng, xem bằng chứng thực tế khác các ý tưởng ra sao, rồi thay thế các ý tưởng đó bằng những ý tưởng mới, duyệt lại, kiểm tra lại, rồi lại duyệt lại, cho đến khi toàn bộ các ý tưởng đều khớp với các bằng chứng. Chúng tôi chú trọng nhất bằng chứng theo thời gian thực của các sự kiện. Cốt lõi phân tích của chúng tôi luôn là so sánh theo thời gian các tình huống 10X với các công ty so sánh và luôn đặt câu hỏi “Khác nhau là gì?”. Phương pháp chất vấn này đã tỏ ra có tác động cực kỳ mạnh, không chỉ ở việc phát triển các nhận thức sâu sắc mà còn ở việc đập tan các huyền thoại cố hữu. Thật vậy, nhiều phát hiện đã hoàn toàn đối lập với trực giác của chúng tôi và cứ mỗi phát hiện lớn lại khiến ít nhất là một người trong chúng tôi bị ngạc nhiên. Để sơ lược trước những gì sắp đề cập, dưới đây là ví dụ về những huyền thoại bị nghiên cứu này phá vỡ. Huyền thoại cố hữu: Các nhà lãnh đạo thành công trong một thế giới đầy náo loạn là những người nhìn xa trông rộng, táo bạo, tìm kiếm mạo hiểm. THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 27 Phát hiện ngược lại: Những nhà lãnh đạo giỏi nhất mà chúng tôi nghiên cứu không có tầm nhìn xa trông rộng có thể dự đoán được tương lai. Họ quan sát những gì có hiệu quả, suy luận tại sao nó có hiệu quả, xây dựng mọi thứ dựa trên những nền tảng đã được chứng thực. Họ không liều lĩnh hơn, không táo bạo hơn, không có tầm nhìn xa trông rộng hơn và cũng không sáng tạo hơn những người được so sánh. Họ có nguyên tắc hơn, dựa vào thực nghiệm hơn và biết sợ hãi hơn người khác. Huyền thoại cố hữu: Cải cách khiến cho các công ty 10X trở nên khác biệt trong một thế giới vận động nhanh, bấp bênh và hỗn độn. Phát hiện ngược lại: Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, câu trả lời là “Không”. Đúng vậy, các công ty 10X chúng tôi đề cập đến có cải cách, rất nhiều cải cách. Nhưng bằng chứng không ủng hộ cái giả thuyết cho rằng các công ty 10X nhất thiết phải mang tính cải cách nhiều hơn các công ty kém thành công hơn được đem so sánh; và trong một số trường hợp, các 10X còn ít cải cách hơn. Bản thân cải cách hóa ra không phải là quân bài chủ mà chúng tôi trông đợi; mà quan trọng hơn đó là khả năng cân đo cải cách, pha trộn giữa sáng tạo với nguyên tắc. Huyền thoại cố hữu: Một thế giới đầy đe dọa sẽ ưu ái kẻ có tốc độ nhanh; bởi “chậm là chết”. Phát hiện ngược lại: Quan điểm cho rằng dẫn đầu trong một “thế giới nhanh” luôn đòi hỏi “những quyết định nhanh” và “hành động nhanh” – và rằng chúng ta phải luôn gắn với bản chất chung là “Nhanh! Nhanh! Nhanh!” – là con đường tốt dẫn đến sự tiêu vong. Các nhà lãnh đạo 10X suy luận được khi nào thì đi nhanh và khi nào thì không. 28 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Huyền thoại cố hữu: Thay đổi triệt để bên ngoài đòi hỏi thay đổi triệt để bên trong. Phát hiện ngược lại: Phản ứng trước thế giới đang thay đổi, các 10X đã thay đổi ít hơn so với các công ty so sánh. Chỉ vì môi trường của quý vị bị đảo lộn trước sự thay đổi sâu sắc không có nghĩa là quý vị buộc phải thay đổi triệt để bản thân mình. Huyền thoại cố hữu: Các công ty vĩ đại với thành công 10X có may mắn nhiều hơn. Phát hiện ngược lại: Nhìn chung, các công ty 10X cũng không có nhiều may rủi hơn so với các công ty so sánh. Cả hai nhóm đều có may rủi – có nhiều, cả may mắn lẫn rủi ro – nếu so về số lượng. Vấn đề quan trọng không phải là quý vị sẽ có may rủi hay không, mà là quý vị sẽ làm gì với may rủi đó. MỘT LĂNG KÍNH MỚI, MỘT CUỘC TRƯỜNG CHINH Quyển sách này là một phần của công trình nghiên cứu lớn về điều gì đã tách bạch các công ty vĩ đại với các công ty tốt, một công trình bắt đầu vào năm 1989 với nghiên cứu Xây dựng để trường tồn (được tiến hành với Jerry Porras), được tiếp tục với nghiên cứu Từ Tốt đến Vĩ đại và với phân tích Người khổng lồ gục ngã như thế nào. Tập hợp trọn bộ dữ liệu của các nghiên cứu này bao gồm quá trình tiến triển của 75 công ty, với số năm lịch sử của các công ty cộng lại là hơn 6.000 năm.9 Vì vậy, ngoài việc là một nghiên cứu đặc biệt và độc đáo, nó còn có thể được xem như là phần không thể tách rời của một hành trình dài hơn để khám phá câu hỏi “Cần phải có những gì để xây dựng một công ty vĩ đại?” THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 29 Chúng tôi xem từng cuộc nghiên cứu như việc đục lỗ và rọi ánh sáng vào một chiếc hộp đen, bên trong hộp chúng ta tìm kiếm những nguyên tắc đã tồn tại lâu đời giúp phân biệt những công ty vĩ đại với những công ty tốt. Mỗi nghiên cứu mới lại bộc lộ thêm những động lực bổ sung và cho phép chúng tôi nhìn các nguyên tắc đã được khám phá trước đây từ một góc độ mới. Chúng tôi không thể quả quyết những quan điểm mà chúng tôi đã phát hiện này “gây ra” sự vĩ đại (không ai trong các ngành khoa học xã hội có thể quả quyết tuyệt đối về những quan hệ nhân quả!), nhưng chúng tôi có thể quả quyết về các mối tương quan, được thể hiện qua những bằng chứng. Nếu quý vị áp dụng có nguyên tắc các phát hiện của chúng tôi, khả năng xây dựng một công ty vĩ đại và trường tồn của quý vị sẽ cao hơn so với khi quý vị hành xử như những công ty được đem so sánh. Nếu đã đọc Xây dựng để trường tồn, Từ Tốt đến Vĩ đại, hoặc Người khổng lồ gục ngã như thế nào, quý vị sẽ nhận thấy trong sáu chương sắp tới đây các quan điểm đã được khám phá trong những tác phẩm trên sẽ ít được bàn luận đến. Ngoại trừ một kết nối trực tiếp đến sự lãnh đạo Cấp độ 5, trong những trang sắp tới đây, chúng tôi đã cố ý không viết về các nguyên tắc như Khái niệm Con Nhím, First Who (người thích hợp trên xe buýt), các giá trị cốt lõi, BHAGs (Big Hairy Audacious Goals – các mục tiêu đầy thách thức), văn hóa mang tính chất nghi lễ (cult-like cultures), Nghịch lý Stockdale, tạo ra đồng hồ (clock building), năm giai đoạn suy thoái, hoặc bánh đà v.v... Lý do thật đơn giản: tại sao cứ mãi nói về những gì đã được thảo luận ở các quyển sách trước? Do đó, chúng tôi đã kiểm chứng các nguyên tắc trong các quyển sách trước và đã thấy rằng chúng vẫn áp dụng được trong thế giới hỗn loạn và bấp bênh. Phần cuối quyển sách (xem Những câu hỏi thường gặp), chúng tôi sẽ xử lý các 30 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN câu hỏi thông thường về vấn đề các quan điểm trong quyển sách này nối kết với các quan điểm ở các tác phẩm trước ra sao. Nhưng mục tiêu chính của quyển sách này là chia sẻ các quan điểm mới mà chúng tôi đã học được từ cuộc nghiên cứu này. Giờ đây, khi đã hoàn tất hành trình nghiên cứu, chúng tôi có cảm giác trấn tĩnh hơn nhiều. Không vì chúng tôi tin cuộc sống sẽ trở nên ổn định và có thể đoán trước một cách nhiệm màu; mà có thể nói là những tác động phức tạp, toàn cầu hóa và công nghệ đang thúc đẩy thay đổi và càng dễ bị thay đổi hơn bao giờ hết. Chúng tôi cảm thấy trấn tĩnh vì chúng tôi đã hiểu hơn phải có những gì để sống sót, lèo lái và chiến thắng. Giờ thì chúng tôi đã có thể chuẩn bị tốt hơn nhiều cho những gì không thể dự đoán được. Thịnh vượng trong một thế giới hỗn độn không chỉ là một thách thức kinh doanh. Thật ra, toàn bộ công trình của chúng tôi về cơ bản không phải về kinh doanh, mà về những nguyên tắc phân biệt tổ chức vĩ đại với tổ chức tốt. Chúng tôi tò mò khám phá điều gì làm cho các tổ chức thuộc bất kỳ dạng nào trở nên vĩ đại trường tồn. Chúng tôi dùng các công ty được giao dịch công khai để làm cơ sở dự liệu vì những công ty này cung cấp hệ thống đo lường các kết quả một cách rõ ràng và thống nhất (vì thế chúng tôi có thể chọn lựa cẩn thận các trường hợp nghiên cứu), và các dữ liệu có phạm vi rộng và dễ dàng tiếp cận. Một ngôi trường công vĩ đại, một bệnh viện vĩ đại, một đội thể thao vĩ đao, một nhà thờ vĩ đại, một đơn vị quân đội vĩ đại, một nhà dành cho người vô gia cư vĩ đại, một dàn nhạc vĩ đại, một tổ chức phi lợi nhuận vĩ đại – mỗi tổ chức đều có định nghĩa riêng về kết quả, xác định bởi mục đích cốt lõi của nó – thế nhưng tất cả vẫn phải đối diện với câu hỏi chung: cần phải có những gì để đạt được kết quả siêu việt giữa chốn bấp bênh THỊNH VƯỢNG TRONG THỜI BẤP BÊNH 31 không ngừng này. Sự vĩ đại không chỉ là một cuộc chinh phục về kinh doanh; nó là cuộc chinh phục của con người. Vì vậy, chúng tôi mời quý vị tham dự vào cuộc hành trình để học những điều mà chúng tôi đã học được. Về thách thức và nghi vấn, cứ để các bằng chứng lên tiếng. Hãy lĩnh hội điều mà quý vị thấy là có ích và áp dụng nó để tạo ra một doanh nghiệp vĩ đại – doanh nghiệp không chỉ đối phó với các sự kiện mà còn hình thành nên sự kiện. Như nhà tư tưởng quản trị có ảnh hưởng lớn Peter Drucker đã dạy rằng cách tốt nhất – thậm chí có lẽ là cách duy nhất – để dự đoán tương lai chính là tạo ra tương lai.10 2 NHỮNG CÔNG TY 10X “Chiến thắng nhờ ai đưa mọi thứ vào trật tự - người ta gọi là may mắn. Thất bại dĩ nhiên dành cho kẻ phớt lờ việc phòng ngừa cẩn thận kịp thời; đấy gọi là rủi ro.” — Roald Amundsen, Nam Cực1 Tháng Mười năm 1911, hai đội thám hiểm đã hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng cho cuộc thử thách trở thành người đầu tiên trong lịch sử hiện đại đi đến Nam Cực. Với một đội, đây sẽ là cuộc chạy đua giành chiến thắng và trở về an toàn. Với các thành viên của đội thứ hai, đây sẽ là một thất bại hoàn toàn, đến được Nam cực chỉ để thấy những lá cờ bị gió thổi phần phật của đối thủ đã cắm ở đấy 34 ngày trước, rồi sau đó là cuộc chạy đua để giành mạng sống – cuộc đua mà rốt cuộc họ đã thua khi mùa đông đến nuốt chửng tất cả. Toàn bộ năm thành viên của đội thứ hai đã bỏ mạng, lảo đảo vì kiệt sức, chịu đựng cơn đau thấu xương vì rét buốt, để rồi cuối cùng bị đông cứng đến chết như một số người đã viết trong những dòng nhật ký cuối cùng gửi cho người thân nơi quê nhà. 32 NHỮNG CÔNG TY 10X 33 Đó là một cặp so sánh gần như hoàn hảo. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo thám hiểm – Roald Amundsen, người chiến thắng, và Robert Falcon Scott, kẻ thua cuộc – tuổi tác tương đương (39 và 43) và kinh nghiệm có thể sánh ngang nhau. Amundsen đã lãnh đạo hành trình thành công đầu tiên qua Hành lang Tây Bắc và tham gia cuộc thám hiểm đầu tiên để trải qua mùa đông ở vùng Nam cực; Scott dẫn đầu cuộc thám hiểm Nam cực vào năm 1902, đi đến mốc 820 Nam. Amundsen và Scott khởi đầu hành trình đến vùng Nam cực của mình chỉ cách nhau vài ngày, cả hai đều đối mặt với một hành trình cả đi lẫn về hơn 1.400 dặm (xấp xỉ khoảng cách đi về giữa New York và Chicago) trong một môi trường bấp bênh và không khoan nhượng, nơi mà nhiệt độ có thể dễ dàng hạ xuống đến -200F ngay cả trong mùa hè và những cơn gió đầy bão tố làm thời tiết càng thêm tệ hại. Và hãy nhớ đây là năm 1911. Họ không có những phương tiện liên lạc hiện đại để gọi về trại tập trung – không radio, không điện thoại di động, không kết nối vệ tinh – và nếu họ rơi vào tình thế nguy ngập thì việc cứu nạn ở Nam cực là gần như không thể. Một người đã dẫn dắt đội mình đến chiến thắng và an toàn. Còn người kia lại đưa đội mình vào thất bại và cái chết.2 Điều gì đã khiến hai người đàn ông này khác biệt? Tại sao một người đạt được thành công ngoạn mục trong một loạt điều kiện cực độ như thế, trong khi người kia thậm chí còn không thể sống sót? Đây là một câu hỏi đầy lý thú và cũng là một ví dụ sống động cho chủ đề chung của chúng tôi. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo, cả hai đều tìm thành tựu cực độ trong môi trường cực độ. Và hóa ra là những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp 10X trong nghiên cứu của chúng tôi đã xử sự rất giống với Amundsen, còn những nhà lãnh đạo được đem so sánh thì lại xử sự giống Scott. Chúng tôi sẽ chuyển sang nói về các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong 34 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN vài trang tới, nhưng trước hết hãy bổ sung thêm một chút chi tiết về câu chuyện của Amundsen và Scott. (Để biết rõ thêm nữa về Amundsen và Scott, chúng tôi khuyên quý vị hãy bắt đầu với tác phẩm siêu việt Nơi cuối cùng trên Trái đất (The last place on earth) của Roland Huntford, một nghiên cứu so sánh đồ sộ và kỹ lưỡng về hai người đàn ông này.) BẠN LÀ AMUNDSEN HAY SCOTT? Vào những năm cuối của độ tuổi U30, Roald Amundsen đã từ Na Uy đến Tây Ban Nha để dự cuộc đi thuyền dài hai tháng nhằm lấy chứng chỉ chỉ huy. Đó là năm 1899. Trước mặt ông là cuộc hành trình gần hai nghìn dặm. Và Amundsen đã thực hiện hành trình này ra sao? Đi xe? Đi ngựa? Đi tàu thủy? hay đi tàu hỏa? Ông đi bằng xe đạp. Sau đó Amundsen trải nghiệm việc ăn thịt cá heo sống để có thể quả quyết rằng đấy là một nguồn cung cấp năng lượng. Xét cho cùng, ông lập luận, có thể một ngày nào đó ông bị đắm tàu, xung quanh chỉ toàn là lũ cá heo, vì thế ông cũng muốn biết xem mình có thể ăn chúng được hay không. Đó là tất cả những việc mà Amundsen đã làm trong những năm xây dựng nền tảng cho cuộc chinh phục, rèn luyện cơ thể và học hỏi càng nhiều càng tốt kinh nghiệm thực tiễn về những gì thực sự có hiệu quả. Amundsen thậm chí còn đi đến học tập những người Eskimo. Còn cách nào để học hỏi những gì có hiệu quả trong các điều kiện ở địa cực tốt hơn cách ở bên những người đã tích lũy được hàng trăm năm kinh nghiệm với băng giá, với cái lạnh, tuyết và gió? Ông học cách người Eskimo dùng chó để kéo xe. Ông quan sát cách người Eskimo chẳng bao giờ hấp tấp, di chuyển chậm và vững NHỮNG CÔNG TY 10X 35 vàng, tránh đổ mồ hôi quá nhiều vì có thể bị đông đá khi nhiệt độ dưới không. Ông bắt chước cách ăn mặc của người Eskimo, quần áo rộng (để giúp mồ hôi thoát hơi) và để bảo vệ. Ông thực tập có hệ thống các phương pháp của người Eskimo và tự rèn luyện mình trước mỗi tình huống mà ông hình dung mình có thể phải đối diện trên đường đến địa cực. Triết lý của Amundsen: Bạn đừng chờ đến khi gặp phải một cơn bão bất ngờ để thấy rằng mình cần phải có thêm sức khỏe và dẻo dai. Đừng chờ đến khi bị đắm tàu mới quyết định xem có nên ăn thịt cá heo sống hay không. Đừng chờ đến khi đang trên hành trình đi Nam cực mới trở thành một tay trượt tuyết và điều khiển chó siêu hạng. Bạn chuẩn bị với cường độ cao, lúc nào cũng vậy, để khi gặp các điều kiện bất lợi, bạn có thể tận dùng nguồn dự trữ sức mạnh từ sâu thẳm. Và đồng thời, bạn chuẩn bị để khi gặp các điều kiện thuận lợi, bạn có thể tấn công mạnh mẽ. Robert Falcon Scott thể hiện hoàn toàn ngược lại với Amundsen. Trong những năm tháng hướng tới cuộc chạy đua đến Nam cực, lẽ ra ông phải rèn luyện như một kẻ mắc chứng nghiện trượt tuyết xuyên đất nước và đạp xe đi nghìn dặm. Ông đã không làm thế. Lẽ ra ông phải đến sống cùng những người Eskimo. Ông cũng đã không. Lẽ ra ông phải thực tập nhiều hơn với chó, để dễ dàng chọn lựa giữa chó và ngựa. Không như chó, những con ngựa ra mồ hôi ở da vì vậy chúng bị bọc trong băng khi bị cột và vật lộn trong tuyết, và nhìn chung chúng không ăn thịt. (Amundsen đã trù tính trên đường đi sẽ giết những con chó yếu hơn để cung cấp thức ăn cho những con chó khỏe.) Scott chọn ngựa. Scott cũng đặt cược vào “những xe trượt có động cơ” chưa từng được kiểm tra đầy đủ trong điều kiện khắc nghiệt tột cùng nhất của Nam cực. Nhưng hóa ra, các động cơ của xe trượt bị vỡ nứt chỉ trong vài ngày đầu, lũ ngựa 36 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN cũng bỏ cuộc sớm và đội của ông phải ì ạch suốt hành trình bằng “sức người kéo”, tự quàng dây buộc mình vào xe kéo, vật lộn trong tuyết và kéo những chiếc xe trượt phía sau. Không như Scott, Amundsen đã xây dựng một cách có hệ thống rất nhiều các lớp đệm cho những sự kiện không thể lường trước. Khi dựng các trạm tiếp tế, Amundsen không chỉ đánh dấu một trạm đầu tiên mà ông còn cắm 20 chiếc cờ đuôi nheo màu đen (để có thể dễ dàng nhận thấy trong tuyết trắng) theo những khoảng cách bằng nhau dài hàng dặm ở cả hai bên, giúp ông có được mục tiêu hơn 10 km bề rộng trong trường hợp ông bị chệch đường trong lúc bão tố khi trở về. Để cho chặng về nhanh hơn, ông đã đánh dấu đường đi của mình ở mỗi 1/4 dặm bằng những vật dư thừa trong thùng hàng và ở mỗi 8 dặm ông lại treo cờ đen lên cột tre. Ngược lại Scott chỉ cắm một lá cờ tại trạm tiếp tế đầu tiên và chẳng để lại dấu vết gì trên con đường của mình, đặt mình vào thảm họa nếu chỉ cần một chút chệch đường. Amundsen trữ ba tấn hàng cung cấp cho 5 người khởi hành trong khi Scott chỉ trữ một tấn cho 17 người. Trong chặng cuối cùng đến Nam cực từ vĩ độ 82, Amundsen đã mang một lượng hàng cung cấp thêm đủ để dùng nếu nhỡ hết các trạm dừng và vẫn còn đủ dùng nếu có đi thêm 100 dặm. Scott thì dùng mọi thứ gần sát với tính toán của mình một cách hết sức nguy hiểm, vì vậy chỉ cần nhỡ mất một trạm cung cấp là đủ để gặp tai họa. Một chi tiết nhỏ có thể nêu bật sự khác biệt trong giải pháp của hai người: Scott chỉ đem theo một cái nhiệt kế để làm dụng cụ chính đo độ cao so với mặt nước biển và ông đã bùng nổ “một cơn giận dữ và phải lãnh chịu hậu quả” khi nó bị vỡ; trong khi Amundsen lại đem theo những bốn cái để phòng những tại nạn như thế. Amundsen không biết chính xác những gì ở phía trước. Ông không biết địa hình chính xác, độ cao so với mặt nước biển của các NHỮNG CÔNG TY 10X 37 con đường hẹp trên núi hay tất cả những chướng ngại vật mà ông có thể chạm trán. Ông và đội của ông có thể bị nghiền nát bởi một loạt những sự kiện không may. Thế nhưng ông đã thiết kế toàn bộ hành trình sao cho có thể giảm một cách có hệ thống vai trò của các ngoại lực to lớn và những sự kiện tình cờ bằng cách quyết liệt gắn chặt với khả năng có thể xảy ra của chính những ngoại lực to lớn và những sự kiện tình cờ ấy. Ông giả sử những sự kiện xấu có thể tấn công vào đội của ông ở đâu đó trên đường đi và ông chuẩn bị cho họ, thậm chí phát triển những kế hoạch để đối phó với các sự kiện bất ngờ để đội vẫn có thể tiếp tục nếu có gì đó không may xảy ra cho ông trên đường đi. Scott không tự chuẩn bị và than phiền trong nhật ký về vận rủi của mình. “Sự may rủi của chúng tôi về thời tiết thật lố bịch,” Scott đã viết như vậy trong nhật ký, và ở một đoạn khác ông viết “Thật vượt quá sức chịu đựng của chúng tôi về sự xui xẻo... Yếu tố may rủi quả là to lớn!” Ngày 15/12/1911, trong ánh mặt trời rực rỡ chiếu lấp lánh qua vùng mênh mông trắng, với một cơn gió nhẹ thổi tạt ngang và nhiệt độ là -100F, Amundsen đã đến được Nam cực. Ông và đội của mình đã cắm quốc kỳ Na Uy, “phần phật bay trong gió”, và dành tặng vùng mênh mông ấy đến đức vua Na Uy. Sau đó họ quay trở lại công việc ngay lập tức. Họ dựng lều và cột một lá thư gửi đức vua Na Uy mô tả lại thành công của họ; Amundsen đề địa chỉ trên phong thư cho Thuyền trưởng Scott (giả định Scott sẽ là người tiếp theo đến được Nam cực) như một bằng chứng bảo đảm trong trường hợp đội của ông gặp phải bất trắc trên chặng về. Ông có lẽ không thể biết rằng Scott và đội của ông ta đang dùng sức người để kéo các xe trượt tuyết, đúng 360 dặm phía sau. Hơn một tháng sau, vào lúc 6:30 chiều ngày 17/1/1912, Scott nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào quốc kỳ Na Uy của 38 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Amundsen tại Nam cực. “Chúng tôi đã có một ngày khủng khiếp,” Scott viết trong nhật ký. “Thêm vào sự thất vọng của chúng tôi là một cơn gió ngược cấp 4 đến 5 và nhiệt độ -220... Lạy Chúa, đây là một nơi dễ sợ và đủ kinh hoàng cho chúng con khi cật lực đến được đây để rồi không được nhận phần thưởng là kẻ tiên phong.” Cũng vào ngày hôm ấy, Amundsen đã đi được gần năm trăm dặm trở về hướng bắc, đến trạm tiếp tế ở vĩ độ 82 chỉ với tám ngày rất dễ dàng. Scott quay lại và nhắm trở về hướng bắc, cách căn cứ chính hơn 700 đặm bằng sức kéo của người và ngay khi thời tiết bắt đầu giao mùa. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, gió càng thổi mạnh và nhiệt độ càng giảm, trong khi nguồn cung cấp thì teo lại và mọi người phải vật lộn trong tuyết. Amundsen và đội của ông về đến căn cứ chính trong tình trạng tốt vào ngày 25/1, đúng vào ngày ông đã dự định cho hành trình. Hết nguồn cung cấp, Scott bị sa lầy vào giữa tháng Ba, kiệt sức và tuyệt vọng. Tám tháng sau, một nhóm trinh sát Anh đã tìm thấy các thi thể bị đông cứng của Scott và hai người đồng hành trong một túp lều nhỏ ở nơi xa xôi, đầy tuyết xoáy, và chỉ cách trạm tiếp tế của ông có mười dặm.3 HÀNH VI KHÁC NHAU, KHÔNG PHẢI HOÀN CẢNH KHÁC NHAU Amundsen và Scott có những kết quả cực kỳ khác nhau không phải vì họ đối diện với những hoàn cảnh cực kỳ khá nhau. 34 ngày đầu tiên trong cuộc viễn chinh của cả hai, Amundsen và Scott có cùng tỷ lệ một cách chính xác, 56%, về những ngày đẹp trời và xấu trời.4 Nếu họ đương đầu cùng một môi trường, trong cùng một năm với cùng một mục tiêu thì nguyên nhân dẫn đến thành công NHỮNG CÔNG TY 10X 39 và thất bại hoàn toàn không thể là do môi trường. Họ có những kết quả khác nhau chủ yếu là vì họ đã thể hiện những hành vi hết sức khác nhau. Cũng tương tự như vậy với các nhà lãnh đạo trong nghiên cứu của chúng tôi. Như Amundsen và Scott, các cặp đôi của chúng tôi cũng dễ bị tổn thương trong cùng môi trường và cùng thời điểm. Thế nhưng một số nhà lãnh đạo thì chứng tỏ được họ là những người 10X trong khi những nhà lãnh đạo còn lại trong cặp đôi lại không thể. “Những người 10X” là thuật ngữ mà chúng tôi dùng để chỉ những người đã xây dựng các công ty 10X. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi quan sát được rằng những người 10X có chung một tập hợp các đặc điểm hành vi khiến có thể phân biệt được họ với những nhà lãnh đạo so sánh. Trong chương này chúng tôi sẽ giới thiệu những đặc điểm đó, và ở những chương tiếp theo chúng tôi sẽ mô tả cách những người 10X của chúng tôi đã dẫn dắt và xây dựng các công ty thành công nhất quán với họ ra sao. Đầu tiên hãy nhìn những gì mà chúng tôi đã không tìm thấy ở những người 10X khi so với những người kém thành công hơn. Họ không sáng tạo hơn. Họ không có tầm nhìn xa hơn. Họ không cá tính hơn. Họ không tham vọng hơn. Họ không được vận may ưu ái hơn. Họ không thích tìm kiếm rủi ro hơn. Họ không anh hùng hơn. Họ không có khuynh hướng thực hiện những nước cờ lớn, táo bạo hơn. 40 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Phải làm rõ, chúng tôi không nói những người 10X thiếu cường độ sáng tạo, tham vọng dữ dội hoặc lòng can đảm để đặt cược lớn. Họ thể hiện tất cả những đặc điểm này, nhưng những người kém thành công hơn được đem so sánh cũng thể hiện tương tự. Vậy thì những người 10X đã làm thế nào để tạo ra sự khác biệt? Đầu tiên, những người 10X thể hiện một nghịch lý về kiểm soát và không kiểm soát. Một mặt, những người 10X hiểu rằng họ luôn đối diện với sự bấp bênh liên tục và rằng họ không thể kiểm soát cũng như dự đoán một cách chính xác những khía cạnh quan trọng của thế giới quanh họ. Mặt khác, những người 10X phủ nhận quan điểm cho rằng những lực tác động nằm ngoài sự kiểm soát của họ và những sự kiện tình cờ sẽ quyết định kết quả của họ; họ hoàn toàn lãnh trách nhiệm về chính số phận của mình. Thế là những người 10X đem quan điểm này vào cuộc sống bằng bộ ba hành vi trọng yếu: kiên định với nguyên tắc, sáng tạo theo kinh nghiệm và biết sợ hãi một cách hữu ích. Tạo sinh khí cho ba hành vi trọng yếu này là một lực tác động trung tâm: Tham vọng Cấp độ 5. (Xem biểu đồ “Sự lãnh đạo 10X.”) Những đặc điểm hành vi này, sẽ được giới thiệu ở phần còn lại của chương, có tương quan với những kết quả 10X đạt được trong các môi trường đầy hỗn độn và bấp bênh. Kiên định với nguyên tắc giữ cho các doanh nghiệp 10X theo đúng lộ trình, sáng tạo theo kinh nghiệm giữ họ đầy sức sống và nghị lực, sự thận trọng (biết sợ hãi) một cách hữu ích giúp họ sống sót, và Tham vọng cấp độ 5 mang lại động cơ thúc đẩy đầy cảm hứng. NHỮNG CÔNG TY 10X 41 SỰ LÃNH ĐẠO 10X Kiên định với NGUYÊN TẮC tới mức cuồng nhiệt THAM VỌNG cấp độ 5 SÁNG TẠO BIẾT SỢ HÃI một cách hữu ích theo kinh nghiệm KIÊN ĐỊNH VỚI NGUYÊN TẮC TỚI MỨC CUỒNG NHIỆT Vào cuối thập niên 1990, Peter Lewis, CEO của công ty bảo hiểm Progressive, phải đương đầu với một phố Wall dường như đang khá phi lý, làm trồi sụt lung tung giá cổ phiếu Progressive. Ngày 16/10/1998, cổ phiếu Progressive tăng vọt lên gần 20 đôla, tăng 18% chỉ trong một ngày. Có thay đổi lớn nào trong công ty vào hôm ấy? Không. Nền kinh tế đột nhiên chao đảo? Không. Thị trường phục hồi 18% vào hôm ấy? Không. Hoàn toàn không có sự kiện to tát nào đại loại như vậy đối với Progressive vào hôm 16/10/1998 ấy. Thế mà giá cổ phiếu của Progressive đã tăng một mức 18% đầy kinh ngạc. Và rồi vào quý tiếp theo, ngày 26/1/1999, cổ phiểu Progressive đã giảm gần 30 đôla, sụt 19% chỉ trong một ngày. Có thay đổi lớn nào trong công ty vào ngày hôm ấy? Không. Nền kinh tế đột nhiên 42 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN chao đảo? Không. Thị trường đã sụp đổ chăng? Không. Hoàn toàn không có sự kiện to tát nào đại loại như vậy đối với Progressive vào hôm 26/1/1999 ấy. Thế mà giá cổ phiếu của Progressive đã rớt 19% đầy kinh ngạc.5 Những thay đổi thất thường này một phần do quan điểm của Peter Lewis cho rằng giở trò lợi nhuận để làm thỏa mãn phố Wall (ý nói làm đẹp sổ sách để chiều lòng các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán – ND) là thiếu lương thiện. Ông từ chối chơi đẹp, không báo cho các nhà phân tích về lợi nhuận sắp tới mà nhờ đó họ có thể “dự đoán” chắc chắn hơn về chính những lợi nhuận ấy. Lewis coi hành vi này của họ là đi tắt thay vì phải phân tích sâu và điều tra thực tế. Lewis cũng bác bỏ ý kiến cho rằng một công ty phải “quản lý lợi nhuận” bằng cách dàn xếp chúng qua từng quý để không gây lo ngại trên thị trường, xem những trò bịp bợm, lừa dối kiểu như vậy là vô nguyên tắc. Nhưng điều này gây ra rắc rối. Vì Lewis từ chối cách chơi “Tôi sẽ cho quý vị biết chúng tôi thu nhập được gì và quý vị sẽ dự đoán những gì chúng tôi thu được, thế là vui cả làng”, và vì ông từ chối dàn xếp lợi nhuận, nên các nhà phân tích không thể dự đoán tin cậy về lợi nhuận của Progressive được. Như một nhà phân tích đã than phiền “Tôi cũng có thể tung đồng xu.”6 Và vì vậy, vào ngày 16/10/1998, mỗi cổ phiếu Progressive vượt quá mức kỳ vọng của các nhà phân tích là 44 cent, đẩy giá cổ phần tăng lên, và vào ngày 26/1/1999, lợi nhuận của Progressive lại giảm dưới mức kỳ vọng của các nhà phân tích là 16 cent mỗi cổ phiếu, kéo giá cổ phần hạ xuống. Nếu Lewis cứ tiếp tục từ chối cách chơi kia, giá cổ phiếu của Progressive sẽ tiếp tục tăng vọt rồi sụt giảm, và sẽ khiến cho công ty rất dễ bị tấn công bởi những kẻ mua đi bán lại. Phớt lờ rủi ro này cũng giống như một nhà thám hiểm địa cực chọn cách phớt lờ khả năng xảy ra một cơn bão dữ dội và bất ngờ NHỮNG CÔNG TY 10X 43 có thể gây chết người. Thế nhưng đầu hàng thì lại phạm phải những nguyên tắc của Lewis. Lewis đã làm gì? Ông từ chối Phương án A (phớt lờ) và Phương án B (đầu hàng) và chọn Phương án Q. Progressive trở thành công ty niêm yết chứng khoán đầu tiên công khai báo cáo tài chính hàng tháng. Việc này sẽ cung cấp cho các nhà phân tích dữ liệu hoạt động thực tế trong quý, từ đó họ có thể dễ dàng dự đoán kết quả hàng quý. Các công ty khác đã đầu hàng trò chơi dẫn dắt của thị trường, bởi họ cảm thấy họ không có sự lựa chọn, rằng họ bị giam cầm bởi ngoại lực khổng lồ ngoài tầm kiểm soát này. Nhưng Lewis đã giải phóng Progressive khỏi nhà tù đó. Ông thừa nhận rằng có tồn tại các áp lực nhưng ông đã làm giảm bớt tác động của chúng bằng nỗ lực phi thường.7 Câu chuyện này có liên quan gì đến “nguyên tắc”? Nguyên tắc, về thực chất, là sự nhất quán trong hành động – nhất quán với các giá trị, nhất quán với các mục tiêu dài hạn, nhất quán với các tiêu chuẩn hoạt động, nhất quán trong phương pháp, nhất quán qua thời gian. Nguyên tắc không như việc tổ chức kỷ luật trong quân ngũ. Nguyên tắc không như việc đo lường. Nguyên tắc không như sự tuân thủ theo cấp bậc hoặc triệt để tuân theo các quy tắc quan liêu. Nguyên tắc thật sự đòi hỏi sự độc lập về tư duy để bác bỏ những áp lực buộc phải tuân thủ theo cách mâu thuẫn với các giá trị, các tiêu chuẩn hoạt động và các tham vọng dài hạn. Với một nhà lãnh đạo 10X, hình thức chính thống duy nhất của nguyên tắc là tự nguyên tắc, tồn tại một ý chí nội tại để làm bất kỳ điều gì cần thiết nhằm tạo ra một kết quả vĩ đại, cho dù khó khăn ra sao. Những nhà lãnh đạo 10X hoàn toàn không mệt mỏi, thậm chí là điên cuồng, không hề lay chuyển trong sự tập trung của họ dành cho cuộc chinh phục. Họ không phản ứng thái quá trước các sự kiện, chịu thua trước đám đông, hoặc nắm ngay những cơ hội hấp 44 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN dẫn nhưng không liên quan. Họ có khả năng kiên trì cực tốt, kiên định với các chuẩn mực nhưng vẫn đủ tính nguyên tắc để không phản ứng thái quá (khi những chuẩn mực của họ bị vi phạm – ND). Trong các cuộc thảo luận tại nhóm nghiên cứu, chúng tôi cố gắng tìm cách tốt nhất để mô tả tính nguyên tắc mà chúng tôi đã phát hiện ở các nhà lãnh đạo 10X. Hầu hết các CEO trong giới kinh doanh đều có một mức độ nguyên tắc nào đó, nhưng các nhà lãnh đạo 10X lại thể hiện ở một cấp độ hoàn toàn khác hẳn. Chúng tôi rút ra kết luận rằng những nhà lãnh đạo 10X không chỉ nguyên tắc mà họ còn “cuồng” với những nguyên tắc đó. Quyết định phát hành các báo cáo tài chính hàng tháng của Lewis cũng tương tự như việc Amundsen đạp xe đạp từ Na Uy đến Tây Ban Nha và ăn thịt cá heo sống; cách cư xử của họ chẳng giống thông thường chút nào. Herb Kelleher của hãng hàng không Southwest hết sức tin vào việc duy trì một nền văn hóa có tinh thần hăng hái, yêu sự khôi hài và bài trừ dị đoan và có đầy những người nhiệt huyết được truyền một “tinh thần chiến binh” nổi loạn.8 Kelleher hiểu rằng dịch vụ khách hàng siêu hạng sẽ tự nhiên phát sinh khi mà người ta vui vẻ với công việc và yêu công ty của mình. Từ một hãng hàng không nhỏ ở Texas chỉ với vài chiếc máy bay phát triển thành một hãng vận chuyển lớn mang tầm cỡ quốc gia, khó khăn sẽ nhiều hơn và quan trọng hơn là việc duy trì nền văn hóa. Vì vậy, chính bản thân ông đã thể hiện như là một hình mẫu trung thành tuyệt đối với nền văn hóa này. “Cược với quý vị một chuyện,” khi Kelleher trò chuyện với tạp chí 60 Minutes, “tôi là chủ tịch duy nhất của một hãng hàng không ở Mỹ sẽ ghé qua lán bảo trì máy bay của mình vào lúc hai giờ sáng với một cái mũ hoa, khoác khăn choàng bằng lông và mặc bộ đồ màu tía.”9 Khi được đề nghị chụp hình trang bìa cho tạp chí Texas NHỮNG CÔNG TY 10X 45 Monthly, ông vận đồ trắng, không cài dây kéo áo để lộ bộ ngực trần; bức hình mô tả cảnh ông đang làm một động tác na ná như kiểu nhảy của Elvis và cạnh đó là tiêu đề “Herbie điên rồ”.10 Và khi đương đầu với cuộc giành quyền sở hữu khẩu hiệu kinh doanh (slogan) với hãng hàng không Stevens Aviation, ông không gặp CEO của Stevens tại tòa mà tại một đấu trường với hàng trăm nhân viên đang reo hò cổ vũ bằng những quả cầu tua – giải quyết vấn đề bằng một cuộc vật tay!!!11 Mọi người trong nhóm nghiên cứu đùa rằng những tật lòe loẹt của Kelleher khiến người ta liên tưởng đến câu nói của Hunter S. Thompson với ý nghĩa thay đổi một chút: khi sự việc trở nên kỳ quái, kẻ kỳ quái trở thành CEO. Nhưng nếu tập trung vào sự kỳ quái của Kelleher chỉ đơn thuần vì tính kỳ quái của ông ta thì sẽ bỏ qua giá trị của nó. Ông không kỳ quái để trở nên kỳ quái; ông hành xử theo cách nhất quán lạ lùng để cổ súy cho nền văn hóa công ty, như một diễn viên đầy ảnh hưởng, thể hiện hoàn hảo tính cách nhân vật khi đang trên sân khấu. Ông cũng là một người độc tưởng (monomaniac: người luôn bị ám ảnh bởi một ý tưởng, tư tưởng nào đó một cách quá mức – ND) trong việc xây dựng hãng hàng không Southwest, không bao giờ nghỉ ngơi trong công cuộc làm cho Southwest trở thành hãng hàng không có chi phí thấp nhất, tinh thần hăng hái nhất, thắng mọi trận chiến và mọi cuộc chiến trước các đối thủ. “Trong lúc rảnh, tôi làm việc,” Kelleher đã giải thích vào năm 1987, “bảy ngày một tuần và thường là đến 8 hoặc 9 giờ tối,” sau đó ông nghỉ ngơi trước khi đi ngủ bằng cách tiếp tục đọc hàng ngàn cuốn sách nằm khắp nơi trong nhà.12 Kelleher tựa như võ sĩ Muhammad Ali, là sự kết hợp giữa sức mạnh chết người với vẻ ngoài ầm ĩ, khôi hài. Bạn có thể cùng cười với Kelleher, giống như khi xem một buổi họp báo của Ali, nhưng bạn sẽ thấy mình nằm sóng soài nếu dám tấn 46 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN công anh ta trên vũ đài. Người ta kể rằng, Kelleher đã nói trước mặt các nhân viên của Southwest một câu hết sức hung hăng, đầy tính cạnh tranh rằng, “Nếu một người nào đó nói rằng họ sẽ đấm vào mặt chúng ta – hãy hạ gục họ, đạp lên người họ, đá họ vào hố, chôn họ trong đó và chuyển sang việc khác.”13 Cả Kelleher và Lewis, cũng như tất cả những nhà lãnh đạo 10X mà chúng tôi đã nghiên cứu, đều là những người không khoan nhượng đúng nghĩa. Họ đã bắt đầu với các giá trị, mục đích, mục tiêu lâu dài và những tiêu chuẩn hành động nghiêm ngặt; và họ có một nguyên tắc cuồng nhiệt trong việc gắn kết với những điều đó. Nếu những điều này buộc họ phải cư xử không như mọi người, họ sẽ làm. Họ đã không để những sức ép bên ngoài, hay thậm chí là các quy tắc xã hội, khiến họ đi chệch đường. Trong một môi trường bất ổn và không khoan nhượng, chạy theo sự điên cuồng của đám đông là cách tốt nhất để bị tiêu diệt. Và tại sao họ lại có một sự độc lập tư duy đến thế? Không phải vì họ có tính táo bạo cố hữu hơn những người khác, họ trơ tráo, hay gây gổ và nổi loạn hơn, mà bởi vì họ kinh nghiệm hơn, và đây chính là cốt lõi thứ hai trong ba hành vi cư xử cốt lõi của những nhà lãnh đạo 10X. SÁNG TẠO THEO KINH NGHIỆM Năm 1994, Andy Grove, giám đốc điều hành của Intel, trải qua một cuộc xét nghiệm máu thường kỳ nhưng lại nhận được một số liệu đáng lo ngại: PSA (prostate-specific antigen – kháng thể tuyến tiền NHỮNG CÔNG TY 10X 47 liệt) có chỉ số là 5, báo hiệu có thể có một khối u với kích thước bằng một viên đường đang phát triển trong tuyến tiền liệt của ông. Bác sỹ khuyên ông trước hết nên đến một bác sỹ tiết niệu. Hầu hết mọi người sẽ làm đúng như vậy, nhưng đó không phải là cách phản ứng của Andy Grove. Thay vì vậy, ông bắt đầu đọc các bài báo nghiên cứu do các nhà khoa học y khoa viết dành cho các nhà khoa học y khoa. Grove đào bới các dữ liệu. Xét nghiệm PSA thực sự thể hiện điều gì? Khoa hóa sinh có hiệu quả ra sao? Các thống kê về ung thư tuyến tiền liệt là gì và lợi cũng như hại ở mỗi lựa chọn điều trị là gì? Ông cũng đã quyết định “xét nghiệm các xét nghiệm” để kiểm tra các dữ liệu trong các tài liệu mà ông đang đọc, gửi mẫu xét nghiệm máu đến các phòng thí nghiệm khác nhau để xác định mức độ khác nhau của phòng thí nghiệm trong cuộc xét nghiệm. Chỉ sau khi làm hết tất cả những việc này, Grove mới hẹn gặp bác sỹ tiết niệu. Nhưng ngay cả vậy, Grove cũng không dựa vào các bác sỹ để lập ra kế hoạch điều trị. Sau một ca chụp MRI và chụp xương, ông lại dấn vào một chế độ tìm tòi nghiên cứu rộng hơn nữa, đi thẳng vào các nguồn tài liệu gốc, chọn lọc qua những dữ liệu cơ sở. Ông tìm được tất cả các bài viết được nêu trong thư mục của một quyển sách tham khảo về ung thư tuyến tiền liệt, ngấu nghiến chúng, sau đó tìm các bài viết khoa học đã xuất bản sau quyển sách tham khảo này khoảng từ sáu đến chín tháng, và rồi lại tìm được thêm nhiều tài liệu đã được nêu trong các ấn phẩm ấy. Grove duy trì một lịch làm việc dày đặc của một CEO vào ban ngày và chế độ nghiên cứu về tuyến tiền liệt của mình vào ban đêm, vẽ phác đồ dữ liệu, nghiên cứu các tham chiếu chéo khác nhau và cố tìm ra ý nghĩa của chúng. Qua nghiên cứu, ông biết được rằng có một cuộc chiến tri thức dữ dội ở các chế độ điều trị ung thư khác nhau. Grove nhận ra rằng rốt cuộc ông phải tự vẽ cho mình các cây phác đồ quyết định; tập trung 48 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN vào những phương trình khả thi của mình; và ra các quyết định hợp lý, dựa vào dữ liệu về kế hoạch điều trị. Sau này ông đã viết trong tạp chí Fortune rằng “Với tư cách là một bệnh nhân mà sinh mệnh và sức khỏe phụ thuộc vào việc thống nhất tư duy, tôi nhận ra rằng chính tôi phải tự làm một công việc liên quan tới nhiều chuyên môn như vậy.”14 Sau khi chọn trải qua một ca sinh thiết, xác nhận có hiện diện một khối u xâm lấn ở mức trung bình, Grove lại dùng khả năng trí óc phi thường của mình vào câu hỏi phải làm gì tiếp theo. Các điều trị ung thư thường kéo theo một kết hợp nào đó về việc cắt bạn ra (phẫu thuật), đem bạn lên nướng (xạ trị) hoặc đầu độc bạn (hóa trị); và mỗi lựa chọn đều có các tác dụng phụ, hậu quả và tỷ lệ sống sót của nó. Hơn nữa, mỗi bác sỹ có khuynh hướng thiên về một cách điều trị cụ thể, ảnh hưởng bởi chuyên ngành của mình (nếu bạn là một cái búa thì cái gì bạn nhìn cũng đều giống như đinh cả!!!). Grove tìm thấy các đề xuất về phẫu thuật truyền thống, phẫu thuật lạnh, xạ trị bên ngoài, liệu pháp hạt, bức xạ liều cao và các liệu pháp kết hợp. Lẽ thông thường hay gặp nhất là phẫu thuật, nhưng sự tham gia trực tiếp của riêng Grove vào bằng chứng đã dẫn ông đến một lựa chọn khác (một liệu pháp kết hợp xạ trị). Cuối cùng, ông nhớ lại, “Tôi đã quyết định đặt cược vào các phác đồ của mình.”15 Bây giờ có thể bạn đang nghĩ rằng, “Trời đất, thật là một kẻ ngớ ngẩn ngạo mạn! Ông ta nghĩ ông ta là ai mà dám bất chấp toàn bộ giới y học?” Nhưng hãy nghĩ theo cách này: Grove phát hiện ra rằng bản thân giới y học cũng có sự bất định và không thống nhất trong phạm vi của nó, một động lực bị khuếch đại lên bởi sự tiến triển nhanh chóng của công nghệ. Nếu như Grove chỉ bị gẫy tay, không hề có sự bất ổn về cách chữa trị và nguy cơ tử vong là zero, ông đã không phải dành hàng trăm giờ để lập ra các phác đồ dữ NHỮNG CÔNG TY 10X 49 liệu. Nhưng trước sự bất ổn hết sức to lớn và còn được nhân lên bởi những hậu quả cũng hết sức to lớn, Grove đã làm điều mà tất cả các nhà lãnh đạo 10X đều làm, trực tiếp hướng vào bằng chứng thực nghiệm. Nghiên cứu tâm lý khoa học chỉ ra rằng vào các thời điểm bất ổn, hầu hết mọi người sẽ nhìn vào người khác – các nhân vật có uy quyền, những người ngang hàng, các tiêu chí chung – để họ có những gợi ý căn bản phải làm gì.16 Các nhà lãnh đạo 10X, ngược lại, không nhìn vào tập quán thông thường để lập ra con đường cho mình trong thời kỳ bất ổn, về cơ bản họ cũng không nhìn vào những gì mà người khác làm, hoặc các chuyên gia hay học giả bảo họ nên làm gì. Họ căn bản nhìn vào bằng chứng thực nghiệm. Vấn đề ở đây không phải là việc đối lập và độc lập chỉ để đối lập và độc lập. Vấn đề ở đây là thực nghiệm hơn để làm vững chắc thêm sự độc lập về tinh thần, để xác thực bản năng sáng tạo của bạn. Bằng “thực nghiệm”, chúng tôi muốn nói đến việc dựa trên quan sát trực tiếp, thực hiện các thí nghiệm thực tiễn, và/hoặc tham gia trực tiếp với bằng chứng hơn là chỉ dựa trên ý kiến, ý tưởng nảy ra, sự hiểu biết thông thường, uy quyền hoặc các ý tưởng không được kiểm chứng. Có một nền tảng thực nghiệm giúp các nhà lãnh đạo 10X thực hiện những bước đi táo bạo, sáng tạo và giới hạn được rủi ro của chúng. Giải pháp của Andy Grove về việc điều trị bệnh ung thư của ông là không bình thường, thậm chí sáng tạo, nhưng nó được đặt vững chắc trên nền tảng bằng chứng và tính chính xác. Khi lập kế hoạch cho cuộc thám hiểm Nam cực, Amundsen dựng trại chính ở một nơi mà chưa ai từng cân nhắc một cách nghiêm túc, một nước cờ táo bạo đã đặt ông gần với Nam cực hơn 50 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN 60 dặm ngay từ đầu. Mọi người đều tin rằng McMurdo Sound là nơi tốt nhất để bắt đầu vào Nam cực. Nó đã được các nhà thám hiểm khác sử dụng và đã chứng tỏ là một nơi vững chắc để dựng trại. Nhưng Amundsen đã thấy một lựa chọn khác: Vịnh cá voi. Các nhà lãnh đạo thám hiểm khác tin rằng Vịnh cá voi là một tảng băng không vững chắc, chính vì vậy đấy sẽ là một nơi điên rồ đối với việc dựng trại. Amundsen đã thu thập các nguồn ghi chú và các bài báo từ các chuyến thám hiểm trước, bắt đầu từ chuyến đi của Ross vào năm 1841. Ông nghiền ngẫm các chi tiết, chìm đắm vào các bằng chứng, ghi chú các điểm thống nhất và sai biệt và đánh giá tất cả các lựa chọn. Ông đã lưu ý thấy được một điều rất thú vị, một điều mà những người khác đã bỏ qua chỉ đơn giản là vì họ chấp nhận sự ngờ vực thông thường dành cho Vịnh cá voi: một địa hình như hình vòm đã tồn tại nguyên vị trí suốt bảy thập kỷ. Amundsen kết luận rằng phần rào cản đặc biệt này thực ra là một vị trí vững chãi. Huntford đã viết về quyết định này như sau: “Amundsen là người đầu tiên rút ra một kết luận hiển nhiên bởi vì ông là người đầu tiên nghiên cứu các nguồn tài liệu... [Ông] là một nhân vật hiếm hoi, một nhà thám hiểm địa cực thông thái; với khả năng nghiên cứu bằng chứng và đưa ra những suy luận hợp lý.”17 Những nhà lãnh đạo 10X thường không thực hiện những bước đi táo bạo hơn những nhà lãnh đạo thành công kém hơn được đem ra so sánh; cả hai nhóm đều đặt cược lớn và, khi cần, thực hiện hành động kịch tính. Các nhà lãnh đạo 10X cũng không thể hiện sự tự tin nhiều hơn các nhà lãnh đạo được so sánh; thật ra các nhà lãnh đạo được so sánh thường hết sức tự tin là đằng khác. Nhưng các nhà lãnh đạo 10X lại có nền tảng thực nghiệm sâu sắc hơn đối với các quyết định và hành động của họ, điều này mang lại cho họ một niềm tin có cơ sở và giới hạn được rủi ro. NHỮNG CÔNG TY 10X 51 Phải chăng tất cả những điều này nhấn mạnh rằng có thực nghiệm sẽ khiến các nhà lãnh đạo 10X quyết đoán? Không hẳn. Grove hành động quyết đoán về căn bệnh ung thư của mình chỉ khi ông đã đắm chìm trong bằng chứng, cũng như Amundsen có hành động quyết đoán về việc hạ trại ở Vịnh cá voi. Các nhà lãnh đạo 10X không ưu ái việc phân tích hơn hành động; họ ưu ái chủ nghĩa thực nghiệm như là nền tảng cho những hành động quyết đoán. Tuy nghiên, mặc dù có niềm tin dựa vào thực nghiệm, các nhà lãnh đạo 10X không bao giờ cảm thấy an toàn hoặc thoải mái; thật ra, họ vẫn sợ hãi – thậm chí là kinh sợ – về những gì mà thế giới có thể ném vào họ. Vì vậy, họ chuẩn bị để đối đầu với điều mà họ sợ hãi nhất, và việc này đưa chúng ta đến hành vi cư xử cốt lõi thứ ba. SỰ SỢ HÃI HỮU ÍCH Vào đầu năm 1986, các nhà lãnh đạo Microsoft gặp gỡ giới bảo hiểm và luật sư để chỉnh sửa bản cáo bạch cho việc tung cổ phiếu ra thị trường lần đầu tiên. Các nhà bảo hiểm và luật sư đã chuẩn bị tinh thần là những kẻ mang lại u ám, tham dự vào một cuộc chiến với các nhà lãnh đạo Microsoft để mô tả thỏa đáng những rủi ro mà các nhà đầu tư phải xét đến. Nhưng thay vì gặp một vị lãnh đạo lạc quan thái quá, trình ra một bức tranh toàn màu hồng về sự thành công không ngừng, họ lại gặp ngay một TIẾN SĨ BẤT HẠNH. Steve Ballmer, lúc đó là một phó chủ tịch, thích đặt ra hết kịch bản này đến kịch bản khác những rủi ro, hiểm họa, nguy hiểm, chết chóc, tấn công làm lụn bại, vận rủi và tai họa. Cuộc đối thoại vì thế tràn ngập trong những thông tin về những khả năng, tình huống xấu nhất có thể xảy ra với công ty này. Cuối cùng, sau khi ngừng một chút để tiêu hóa hết tất cả những khả năng tiêu cực có thể xảy ra, 52 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN một trong các nhà bảo hiểm tuyên bố với Ballmer rằng, “Tôi ghét nghe ông nói vào một ngày xấu trời.”18 Ballmer trở thành Chính ủy quan ngại (tạm dịch cụm từ Commissar of Concern) dưới sự kèm cặp từ chính ông trùm sợ hãi hữu ích, Bill Gates. Ballmer đã bỏ trường kinh doanh sau đại học Stanford (Stanford Graduate School of Business) để tham gia vào cuộc phiêu lưu của bạn. Ballmer nhớ lại, ông đã tính toán về sự phát triển và kết luận rằng Microsoft cần phải thuê 17 người. Gates nổi cơn tam bành. Mười bảy người ư? Anh muốn làm phá sản công ty hay sao? Mười bảy người ư? Không hề! Mười bảy người? Microsoft sẽ chẳng bao giờ tự đưa mình vào chỗ hủy diệt tài chính! Mười bảy người? Microsoft sẽ phải nắm đủ tiền mặt trong tay để chạy được một năm – trọn một năm! – mà không có một xu tiền lãi.19 “Nỗi sợ sẽ dẫn đường cho quý vị, nhưng nó phải là âm ỉ, tiềm tàng,” Gates nói vào năm 1994. “Tôi cân nhắc đến thất bại trên cơ sở thông thường.” Ông đã treo hình của Henry Ford trong văn phòng của mình để nhắc bản thân rằng thậm chí những thành công kinh doanh vĩ đại nhất vẫn có thể bị qua mặt, như Ford đã bị GM qua mặt vào thời kỳ lịch sử đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô. Ông không ngừng lo lắng về việc ai sẽ là Bill Gates tiếp theo, một thằng nhóc trung học đồng bóng nào đó, miệt mài 22 giờ mỗi ngày trong một văn phòng bé xíu bẩn thỉu để cho ra một quả ngư lôi hủy diệt nhắm vào Microsoft.20 Gates thể hiện khía cạnh sợ hãi của mình trong cái mà sau này được biết đến với cái tên “ghi nhớ ác mộng”. Trong khoảng thời gian bốn ngày, từ 17/6 đến 20/6/1991, tài sản cá nhân của Bill Gates đã giảm hơn 300 triệu đôla do cổ phiếu Microsoft đột ngột giảm 11% khi một mẩu ghi nhớ chứa đầy các kịch bản “ác mộng” bị rò rỉ ra tờ San Jose Mercury News. Mẩu ghi nhớ ấy do chính tay Bill NHỮNG CÔNG TY 10X 53 Gates đã viết, liệt kê một loạt những lo lắng và đe dọa – về đối thủ cạnh tranh, công nghệ, tài sản trí tuệ, các vụ kiện tụng và thiếu sự ủng hộ của khách hàng của Microsoft – và tuyên bố rằng “ác mộng của chúng ta... là sự thật.” Hãy nhớ rằng vào thời điểm của mẩu ghi nhớ này, Microsoft đã nhanh chóng trở thành một đối thủ quyền lực nhất trong ngành, với Windows đang sắp trở thành một trong những sản phẩm phần mềm thống trị nhất từ trước đến nay. Bất kì ai hiểu Gates đều biết rằng mẩu ghi nhớ ấy không báo hiệu một sự thay đổi; ông luôn sống trong sợ hãi, luôn cảm thấy dễ bị tấn công, và ông sẽ vẫn như vậy. Một năm sau cái ngày của mẩu ghi nhớ ác mộng ấy, Bill Gates đã nói rằng “Nếu tôi thực sự tin chuyện này cho thấy chúng tôi là không thể đánh bại, tôi nghĩ mình sẽ đi nghỉ nhiều hơn nữa.”21 Mọi việc hoàn toàn ngược lại với John Sculley, người đã điều khiển Apple trong phần lớn kỷ nguyên so sánh từ giữa thập niên 80 đến đầu thập niên 90. Năm 1988, Apple đã có một năm tốt đẹp cực kỳ ngoạn mục. Tờ USA Today đã đưa tin, “Apple không chỉ đang bắt đầu vọt lên – nó đang bay lên phía trước nhanh hơn cả thời kỳ mà nó từng tăng vọt vào năm 1983. Ở mỗi quý trong ba quý vừa qua, doanh thu đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập ròng tăng hơn 100%. Với đà này, hãng chế tạo máy tính này sẽ kết thúc năm 1988 gấp đôi cả về doanh số bán hàng lẫn thu nhập ròng chỉ trong hai năm.” Và Sculley đã phản ứng ra sao? Liệu ông có sống trong lo sợ rằng chính thành công quá lớn này của Apple có thể báo trước một sự sụp đổ có thể xảy ra hay không? Ông đã tuyên bố một kỳ nghỉ phép kéo dài chín tuần.22 Chín tuần! Công bằng mà nói Sculley đã không định biến mất hoàn toàn trong chín tuần; ông vẫn tham dự các buổi họp hội đồng quản trị, 54 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN gặp gỡ các nhà phân tích chứng khoán, và xuất hiện ở MacWorld, ngoài những hoạt động khác. Thế nhưng, tất cả những điều ấy vẫn hoàn toàn khác với cách phản ứng của Gates trước thành công là lo lắng đến ám ảnh và đưa ra các mẩu ghi nhớ ác mộng. Cũng bài báo đó của tờ USA Today đã trích lời Sculley, “Tôi đã có đội ngũ đâu ra đấy ở đây. Mọi thứ đang phất lên. Thế thì tôi sẽ đi câu vậy.”23 Ngay năm sau, lợi nhuận trên vốn điều lệ của Apple bắt đầu giảm, từ gần 40% năm 1988 giảm còn 13% năm 1994 (vào thời điểm này Sculley đã rời Apple) rồi trở nên âm vào năm 1996. Apple tiếp tục lao xuống dốc cho đến khi Steve Jobs quay trở lại vào cuối thập niên 90.24 Quan điểm của chúng tôi không phải cho rằng một kỳ nghỉ phép là nguyên nhân khiến Apple suy sụp hay John Sculley lười biếng (khi hoàn toàn tập trung vào việc, ông có nguyên tắc làm việc phi thường); quan điểm của chúng tôi là rút ra một sự tương phản với cái tính sợ hãi hữu ích luôn được thể hiện của Gates cho dù Microsoft có trở nên thành công như thế nào đi nữa.25 Các nhà lãnh đạo 10X khác với các nhà lãnh đạo kém thành công hơn được đem ra so sánh ở cách họ duy trì tính cảnh giác cao độ trong cả thời kỳ tươi đẹp cũng như trong thời kỳ đen tối. Thậm chí trong điều kiện bình lặng, rõ ràng, lạc quan, các nhà lãnh đạo 10X vẫn liên tục cân nhắc khả năng các sự kiện có thể chống lại họ bất kỳ lúc nào. Thật vậy, họ tin rằng những điều kiện đó sẽ - với sự chắc chắn 100% - chống lại họ mà không hề báo trước, vào một thời điểm nào đó không thể dự đoán được, vào cái lúc cực kỳ bất tiện nhất. Và tốt hơn hết là họ nên phòng bị. NHỮNG CÔNG TY 10X 55 Cho dù đó là Herb Kelleher của hãng hàng không Southwest từng dự đoán 11 cuộc suy thoái sẽ xảy ra (so với thực tế là chỉ có ... 3 cuộc suy thoái vừa qua), Andy Grove của Intel “chờ cái rủi trong cái may”, Kevin Sharer của Amgen treo hình của Tướng George A. Custer (người đã đẩy toàn sư đoàn của mình vào tai ương tại Little Big Horn) trong văn phòng để tự nhắc bản thân rằng tự tin thái quá sẽ dẫn đến sụp đổ, hay Bill Gates đưa ra những mẩu ghi nhớ ác mộng tại Microsoft, các nhà lãnh đạo 10X vẫn có một khuôn mẫu nhất quán. Bằng việc tính đến hàng đống hiểm nguy có thể xảy ra, họ đặt bản thân vào một vị trí cao hơn để vượt qua nguy hiểm.26 Các nhà lãnh đạo 10X nổi bật không phải nhờ vào tự bản thân việc sợ hãi, mà nhờ vào cách họ thực hiện hành động hiệu quả từ sự sợ hãi ấy. Hành vi đa nghi sẽ có chức năng cực kỳ to lớn nếu sợ hãi được chuyển thành sự chuẩn bị bao trùm và hành động nhạy bén, bình tĩnh, đấy chính là thuật ngữ của chúng tôi “sợ hãi một cách hữu ích”. (Ở đây chúng tôi không bàn gì về vấn đề sợ hãi bệnh lý; mà chúng tôi đang muốn gọi hành vi của các nhà lãnh đạo 10X là việc chuyển sự cảnh giác cao độ thành chuẩn bị và hành động hữu ích.) Gates không chỉ ngồi đó viết ra các mẩu ghi nhớ ác mộng; ông chuyển nỗi sợ thành hành động bằng cách tạo không gian làm việc không tốn kém; thuê nhân sự tốt hơn; lập các quỹ dự trữ tiền mặt; và lao vào việc tung ra phần mềm tiếp theo để luôn đi trước một bước, rồi phần mềm tiếp theo, tiếp theo nữa. Giống như Amundsen với những nguồn cung cấp dự trữ khổng lồ, các nhà lãnh đạo 10X duy trì một vị thế tài chính thận trọng, tích trữ tiền mặt để phòng hờ những đổ vỡ không lường trước được. Như Amundsen cảm nhận được rủi ro to lớn ở việc đặt cược vào những phương pháp và công nghệ chưa được chứng minh, họ tránh những rủi ro không cần thiết có thể khiến họ rơi vào thảm họa. Như Amundsen, họ thành công 56 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN trong một môi trường hết sức bất ổn và không khoan nhượng nhờ sự chuẩn bị có chủ ý, có phương pháp và hệ thống, và luôn đặt câu hỏi “Sẽ thế nào nếu...? Sẽ thế nào nếu...? Sẽ thế nào nếu...?” Sợ hãi một cách hữu ích không chỉ ở việc tránh hiểm nguy, cố tìm ra con đường an toàn nhất và thú vị nhất trong cuộc sống; các nhà lãnh đạo 10X còn tìm cách hoàn thành một mục tiêu vĩ đại, dù đó là một mục tiêu, một công ty, một tham vọng cao quý để thay đổi thế giới, hay một khao khát được trở nên hữu ích ở mức độ cao nhất. Thật vậy, giống như một mục tiêu toàn diện của cuộc sống, họ không chỉ lo lắng về việc bảo vệ những gì họ có, mà còn về việc tạo ra và xây dựng một điều gì đó thực sự vĩ đại, to lớn hơn chính bản thân họ, và đây chính là động lực thúc đẩy đứng sau ba hành vi cốt lõi của các nhà lãnh đạo 10X. THAM VỌNG CẤP ĐỘ 5 Đầu tiên, chúng tôi thắc mắc, “Tại sao bất kỳ ai cũng sẽ làm việc với những con người này?” Ờ thì họ phần nào đó dường như quá khích: sợ hãi, chống đối, độc lập, ám ảnh, độc tưởng, làm việc đến kiệt sức và nhiều cái khác nữa. Trong những cuộc bàn luận ban đầu, chúng tôi gán cho họ cái tên PNF, viết tắt của “những kẻ kì dị thần kinh, luôn sợ hãi (paranoid, neurotic freaks)”. Vậy mà, vấn đề là họ lôi cuốn được hàng ngàn người cùng tham gia với họ vào những cuộc viễn chinh. Nếu họ chẳng là gì ngoài cái tính lập dị, ích kỷ, phản xã hội và luôn sợ hãi, thì họ không thể nào xây dựng được những tổ chức thực sự vĩ đại. Vậy thì tại sao người ta lại đi theo họ? Đó là do một dạng tham vọng có sức hấp dẫn sâu sắc: các nhà lãnh đạo 10X muốn chuyển cái tôi và cường độ của họ thành một điều gì đó lớn hơn và lâu dài hơn chính bản thân họ. Họ tham vọng, hẳn nhiên là NHỮNG CÔNG TY 10X 57 thế, nhưng vì một lý do khác ngoài bản thân họ, dù đó là xây dựng một công ty vĩ đại, thay đổi thế giới, hay đạt được một mục tiêu vĩ đại nào đó, nhưng đó hoàn toàn không phải là về họ. Năm 1992, tờ Business Week đã đăng một bài tường thuật đặc biệt về mối quan hệ giữa tiền lương của CEO và kết quả hoạt động của công ty. Dane Miller của Biomet (một trong những công ty 10X trong nghiên cứu của chúng tôi) xếp thứ nhất, đem lại giá trị trên mỗi đồng đôla tiền lương của mình nhiều hơn bất kỳ CEO nào khác. Và đấy không phải chỉ là một đốm sáng lóe lên trong một năm. Ông giữ vững vị trí trong nhóm đầu – đôi khi đứng thứ nhất, nhưng luôn gần với nhóm đầu – hơn một thập kỷ trong các bảng xếp hạng của các báo như Forbes, Business Week, và Chief Executive Magazine. Hãy nhớ, thập niên 90 là thời điểm tăng tốc khi tiền lương cho nhà điều hành bắt đầu tăng lên vùn vụt, được tiếp sức bởi các quyền chọn mua cổ phiếu sẽ khiến cho (tài sản) các CEO tăng ồ ạt nếu công ty làm ăn tốt và sẽ chỉ giảm tối thiểu nếu công ty làm ăn bết bát. Gói quyền chọn mua của Miller vào thời điểm đó là gì? Zero. Nhân viên của ông được cấp các quyền đó nhưng ông thì không. Ông trực tiếp sở hữu cổ phần của mình nên tài sản cá nhân của ông liên kết trực tiếp đến hoạt động của công ty trên phương diện đi lên và cả đi xuống.27 Nghĩa là, theo quy tắc kinh doanh, Miller có thể được xem như là một CEO bị trả lương thấp nhất thế giới. Thế nhưng Miller chẳng thấy vấn đề gì mà ông chỉ bày tỏ lòng biết ơn, bộc bạch vào năm 2000 rằng cuộc sống của ông cống hiến cho hai thứ: Biomet và gia đình. “Tôi chẳng còn muốn làm gì khác nữa trong cuộc đời mình,” Miller nói. “Tôi thực sự vui vẻ mỗi ngày và tôi không thể nào vui hơn hay háo hức hơn về việc mình làm.” Về việc là CEO bị trả lương thấp nhất thế giới nếu xét về giá trị, ông nguyền rủa ý tưởng ban tặng hàng đống quyền chọn mua cổ 58 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN phiếu chỉ với kỳ vọng đi lên. Có ý nghĩa gì ở cái việc đòi hỏi càng lúc càng nhiều hơn nữa? “Giá trị tăng thêm của việc có thêm 100.000 cổ phiếu là gì cơ chứ?” ông tỏ vẻ khinh bỉ. “Một lúc nào đó, quý vị chỉ đang thỏa mãn cái phức cảm tham lam không kiểm soát được mà thôi.”28 Trong tác phẩm Từ Tốt đến Vĩ đại, chúng tôi đã viết về các nhà lãnh đạo Cấp độ 5, những nhà lãnh đạo có một sự pha trộn đầy mạnh mẽ của sự khiêm nhường cá nhân và ý chí nghề nghiệp. Cứ mỗi chuyển tiếp từ-tốt-đến-vĩ-đại trong nghiên cứu ấy đều bắt đầu bằng sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo Cấp độ 5, người sẽ không làm người khác chú ý đến mình, cứ giữ một tiểu sử ít được biết đến và lãnh đạo bằng những tiêu chuẩn đáng chú ý hơn là gây sự chú ý cá nhân. Bề ngoài, một số nhà lãnh đạo 10X xuất hiện không như các nhà lãnh đạo Cấp độ 5. Kelleher có một cá tính như anh hề và hay khoa trương, ông thường gây sự chú ý bằng những trò khôi hài của mình. Peter Lewis cũng vậy. Khi chọn lọc trong hàng chục tập tài liệu về thời thành công của Lewis ở Progressive Insurance, chúng tôi liệt ra những dòng mô tả sau đây: “Đơn giản là lạ lùng.” “Người lập dị.” “Một sự lệch chuẩn từ một kẻ bài tín.” “Một kẻ hoang dã.” “Kẻ kỳ cục.” “Không bình thường” “Một ngôi sao rock không hề có khả năng âm nhạc.” “Vô phương giật dây bởi ông chẳng có sợi dây nào cả.”29 Trong thư hàng năm gửi đến các cổ đông, ông ký bằng một dòng quanh co “Niềm vui, Tình yêu và Hòa bình – Peter B. Lewis.” Ông sải bước vào một cuộc họp hội đồng quản trị vào một dịp Halloween với trang phục của Lone Ranger, bắn súng đồ chơi trong nền nhạc là khúc dạo đầu William Tell, một hình ảnh thích hợp để cho thấy Lewis bắt đầu tự coi mình là Người đàn ông đeo mặt nạ.30 Lewis hiện ra trên những trang nghiên cứu của chúng tôi gần giống như một gã thanh thiếu niên chỉ quan tâm đến mình, NHỮNG CÔNG TY 10X 59 được thừa hưởng công ty của gia đình và biến nó thành một nơi tổ chức tiệc theo chủ nghĩa khoái lạc như trong một bộ phim cấp B, phóng túng, dành cho thanh thiếu niên... Thế nhưng, mặc dù những nét lập dị và đôi khi là hành vi kỳ lạ, Lewis cống hiến bản thân mình cho một mục tiêu trên hết, biến Progressive thành một công ty thực sự vĩ đại.31 Và ông xây dựng công ty trở nên vĩ đại mà không có ông. Sau khi Lewis sắp đặt một cuộc chuyển giao êm ả cho người kế nhiệm vào năm 2000, Progressive tiếp tục tăng trưởng, thắng lợi trước các đối thủ, tăng giá trị cổ phiếu và duy trì một mức lợi nhuận cao.32 Lewis có một cái tôi to lớn và cái bản tính màu mè không? Có. Ông có trưởng thành không, cho nên rốt cuộc ông đã chuyển cái tôi của mình vào việc xây dựng một công ty vĩ đại mà không có ông? Có. Các nhà lãnh đạo 10X có chung một đặc điểm quan trọng nhất với các nhà lãnh đạo Cấp độ 5: họ tham vọng một cách khó tin, nhưng tham vọng của họ trước hết là vì sự nghiệp, vì công ty, vì công việc, không phải vì chính bản thân họ. Trong khi Từ Tốt đến Vĩ đại chủ yếu tập trung vào khía cạnh khiêm nhường của các nhà lãnh đạo Cấp độ 5, nghiên cứu này lại tập trung vào tính cực đoan tới mức tuyệt đối của ý chí trong những nhà lãnh đạo ấy. Đôi khi các nhà lãnh đạo 10X mô tả sự nghiệp của họ bằng những từ ngữ hết sức to tát, nhưng họ vẫn tránh bất kỳ ý nghĩa vĩ đại mang tính chất cá nhân nào. Gordon Moore, CEO của Intel từ giữa thập niên 70 đến giữa thập niên 80, vẫn giữ một tiểu sử ít người biết đến dù ông là người xây dựng công ty quan trọng nhất trong thời kỳ tăng trưởng đầu của Intel. Tuy nhiên, Moore vẫn nhìn mục đích của Intel qua những khía cạnh cực kỳ to lớn, nhận ra các vi điện tử sẽ cách mạng hóa hầu như mọi mặt xã hội ra sao. Năm 1973, chỉ mới tham gia vào lịch sử của Intel có 5 năm, Moore đã nói, “Chúng tôi 60 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN thực sự là những kẻ cách mạng thế giới ngày nay – không phải là lũ nhóc với mái tóc dài và bộ râu quai nón phá phách trường học cách đây ít năm.” Gordon Moore đã lãnh đạo với một tính cách dè dặt, thế nhưng đã xây dựng một công ty vĩ đại đóng vai trò xúc tác trong việc cách mạng hóa con đường hoạt động của nền văn minh.33 Nếu cứ tập trung vào tính cách dè dặt của Gordon Moore, hay bản tính ngoại cỡ của Lewis và Kelleher, bạn sẽ bỏ mất những điểm chính. Câu hỏi trọng tâm là, “Bạn ở trong đó để làm gì?” Các nhà lãnh đạo 10X có thể nhạt nhẽo hay màu mè, có hoặc không có sức lôi cuốn, dè dặt hoặc khoa trương, bình thường đến độ buồn tẻ, hoặc hết sức lập dị - tất cả những điều này đều không thành vấn đề, miễn là họ nồng nhiệt hướng đến một sự nghiệp vượt ngoài cả bản thân họ. Mỗi nhà lãnh đạo 10X mà chúng tôi nghiên cứu không chỉ nhắm đến mỗi việc “trở nên thành công”. Họ không định nghĩa bản thân bằng tiền. Họ không định nghĩa bản thân bằng danh tiếng. Họ không định nghĩa bản thân bằng quyền lực. Họ định nghĩa bản thân bằng sự ảnh hưởng, đóng góp và mục đích. Thậm chí ngay cả một Bill Gates tham vọng quá mức, đã trở thành người giàu nhất thế giới, cũng không bị dẫn dắt chủ yếu bởi sự thỏa mãn cái tôi của mình. Vào thời gian đầu sự nghiệp của Gates, khi Microsoft bắt đầu có được đà phát triển, một trong những bạn bè của ông đã bình luận, “Tất cả cái tôi của Bill đều đi vào Microsoft. Đó là đứa con đầu tiên của anh ta.”34 Rồi sau đó, khi đã làm việc không mệt mỏi trong cả một phần tư thế kỷ để biến Microsoft thành một công ty vĩ đại, tạo ra phần mềm đầy sức mạnh và góp phần vào hình ảnh NHỮNG CÔNG TY 10X 61 của chiếc máy tính trên từng cái bàn, ông đặt một câu hỏi với vợ mình, Melinda, “Chúng ta có thể làm điều gì tốt nhất cho số đông với những nguồn lực mà chúng ta đang có?” Và họ đã khởi sự một mục tiêu táo bạo, trong số các mục tiêu khác, đó là diệt trừ bệnh sốt rét trên toàn trái đất.35 NGƯỜI TA TRỞ THÀNH CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO 10X NHƯ THẾ NÀO? Chúng tôi tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo 10X có điểm tương đồng nào ở cách họ được nuôi nấng để có thể chuẩn bị cho họ đạt được thịnh vượng trong tình hình bất ổn hay không. Ví dụ như John Brown của Stryker, lớn lên ở vùng nông thôn Tennessee, gia đình ông đã chật vật cũng chỉ đủ cơm ăn áo mặc. “Xuất thân từ một tầng lớp khiêm tốn khiến quý vị phải tập trung vào những điều thiết yếu,” sau này ông nhớ lại. “Tôi quả có biết cuộc sống trong xó xỉnh là như thế nào [vì vậy] tôi không để nhiễm cái phô trương ầm ĩ ở việc liệu danh tiếng và của cải có đến hay không.” Có lẽ một người xuất thân từ một xó xỉnh của vùng Tennessee nghèo nàn thành một kỹ sư hóa và sau đó thành một CEO thành công sẽ phát triển một sự tự kỷ luật kiểu Amundsen để vượt qua mọi trở ngại.36 Nhưng không phải nhà lãnh đạo 10X nào cũng lớn lên trong khắc khổ. Herb Kelleher lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu vững chắc, cha làm quản lý công ty Campbell Soup luôn luôn ổn định. Ông học triết học và văn chương tại Wesleyan, tốt nghiệp hạng ưu với vai trò chủ tịch hội sinh viên, và sau đó rất xuất sắc tại trường luật NYU, cuối cùng đạt được chức vụ thư ký ở Tòa án tối cao New Jersey.37 Peter Lewis lớn lên trong một gia đình sung túc ở Cleveland, bang Ohio, và đã học trường Princeton trước khi tiếp quản việc kinh doanh của gia đình.38 62 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Hơn nữa, chúng tôi cũng thấy một số nhà lãnh đạo của các công ty so sánh đã trải qua những kinh nghiệm khắc nghiệt đầu đời. Đúng vậy, John Brown đã phải tìm đường leo ra khỏi cái xó xỉnh của mình, nhưng phía bên so sánh Leon Hirsch của công ty USSC cũng đâu phải xuất phát từ một vị trí cao ngất ngưởng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông chỉ quản lý một công việc kinh doanh thiết bị giặt khô hết sức chật vật trước khi khởi sự USSC.39 Jerry Sanders ở trường hợp công ty so sánh AMD lớn lên trong khu vực hay bị các băng nhóm quấy phá ở Chicago. Trong một tai nạn tại bữa tiệc tùng sau trận đá bóng, Sanders đã lao vào giúp một người bạn đang bị lôi kéo vào một vụ ẩu đả đường phố với một gã thủ lĩnh nhóm. Người bạn bỏ chạy ngay khi Sanders tự đưa mình vào chảo lửa. Gã du côn đã đánh Sanders vỡ mũi, gãy xương hàm, nứt sọ, dùng đồ khui bia rạch ông và ném ông vào thùng rác. Sanders mất máu nhiều đến nỗi bệnh viện đã cho mời linh mục đến để làm các nghi thức cuối cùng cho ông.40 Tóm lại, chúng tôi chẳng tìm thấy khuôn mẫu thống nhất nào về các nền móng xuất thân của các nhà lãnh đạo 10X so với các nhà lãnh đạo được so sánh. Các nhà lãnh đạo 10X có thể có thời thơ ấu khắc nghiệt, có thể có những cuộc sống đầy đặc quyền hoặc đâu đó trong tầng lớp trung bình. Chúng tôi cũng không thấy rằng họ nhất thiết phải bắt đầu như là một nhà lãnh đạo 10X; một số nhà lãnh đạo 10X đã tiến lên, phát triển khả năng lãnh đạo của mình qua thời gian. Herb Kelleher đã có những quyết định cực kỳ tồi tệ vào thời kỳ đầu của sự nghiệp, chẳng hạn việc mua Muse Air của ông. Peter Lewis đã theo một hình cung tăng trưởng đồ sộ hơn ba thập kỷ (ý nói có lúc lên lúc xuống trong sự nghiệp – ND) và cũng đã có những điều ngớ ngẩn gây thiệt hại rất lớn trong sự nghiệp. George Rathman, người sáng lập Amgen, đã không thể hiện tài NHỮNG CÔNG TY 10X 63 năng lãnh đạo 10X từ đầu. Ông không được nhận vào trường y, vì thế đã chuyển sang kế hoạch B là theo ngành hóa. Ông đã dành 21 năm trời với 3M “rất được kính trọng [nhưng] chưa bao giờ được xem là ngôi sao” (theo tờ Business Week) và sau đó gia nhập Litton Industries. Ông đã loạng choạng trước cái văn hóa mua bán hỗn loạn của Litton và sau này ông đã nhắc lại, “Tôi bỏ đi trước khi bị tống cổ.”41 Khi chúng tôi chia sẻ các hành vi cốt lõi của các nhà lãnh đạo 10X với các sinh viên, các thành viên trong nhóm nghiên cứu trước đây và các nhà phê bình, chúng tôi nhận được một loạt câu hỏi: “Các hành vi 10X cốt lõi có thể học được hay không?” “Liệu bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo 10X hay không?” “Liệu có làm được hay không nếu chỉ trở thành một 3X thay vì 10X?” “Có thực sự phải là một 10X để sống còn trong một thế giới hỗn loạn hay không?” “Các 10X có hạnh phúc không?” Và nhiều câu tương tự vậy. Chúng tôi hiểu những câu hỏi này, nhưng phương pháp nghiên cứu của chúng tôi không hướng vào việc trả lời chúng. Nói như vậy, chúng tôi tin rằng quý vị không cần phải trả lời những câu hỏi này thì mới có thể đi tiếp được. Các chương tiếp theo sẽ nói về ba hành vi 10X cốt lõi, đưa ra những phương pháp thực tiễn mà các nhà lãnh đạo xuất sắc này đã sử dụng để xây dựng công ty của mình. Nếu công ty của quý vị đã thực hiện đầy đủ những quan điểm và cách làm này, thì nhìn tổng quát nó sẽ rất giống một công ty được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo 10X. Vì vậy, hướng dẫn của chúng tôi rất đơn giản: làm việc bằng cách học hỏi và áp dụng các bài học thực tiễn về cách các 10X lãnh đạo, xây dựng một tổ chức thực sự vĩ đại để cho ra những kết quả tốt hơn, tạo ra ảnh hưởng đặc biệt và đạt đến sự thành công trong dài hạn. Có rất nhiều cá nhân thành công nhưng rất ít công ty thực sự vĩ đại tạo ra được một ảnh hưởng theo kiểu 10X. 64 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN TÓM TẮT CHƯƠNG NHỮNG CÔNG TY 10X CÁC ĐIỂM CHÍNH ⇪ Chúng tôi gọi những người thủ vai chính thắng trận trong cuộc nghiên cứu là “những nhà lãnh đạo 10X” bởi vì họ đã xây dựng được các doanh nghiệp vượt mức trung bình của ngành ít nhất 10 lần. ⇪ Sự trái ngược giữa Amundsen và Scott trong cuộc so tài hùng tráng của họ đến Nam cực là một tương đồng lý tưởng cho vấn đề nghiên cứu của chúng tôi, và là một minh họa cực kỳ có giá trị về những khác biệt giữa các nhà lãnh đạo 10X và các công ty được đem ra so sánh với họ. ⇪ Tinh tường và khắc kỷ, các nhà lãnh đạo 10X chấp nhận, không chút phàn nàn, rằng họ đương đầu với những ngoại lực ngoài tầm kiểm soát, rằng họ không thể dự đoán một cách chính xác các sự kiện, và rằng không có gì là chắc chắn; tuy nhiên họ hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng thời vận, sự hỗn loạn, hay bất kỳ yếu tố ngoại vi nào khác sẽ quyết định việc họ thành công hay thất bại. ⇪ Các nhà lãnh đạo 10X thể hiện ba hành vi cốt lõi mà khi kết hợp chúng lại sẽ làm cho họ khác biệt so với các nhà lãnh đạo của các công ty kém thành công hơn được đem ra so sánh: • Kiên định với nguyên tắc tới mức cuồng nhiệt: Các nhà lãnh đạo 10X thể hiện sự nhất quán tối đa trong hành động – nhất quán với các giá trị, các mục tiêu, các tiêu chuẩn hành động và các phương pháp. Họ hoàn toàn không ngừng nghỉ, độc tưởng, không chệch hướng trong việc tập trung vào các công cuộc chinh phục của mình. NHỮNG CÔNG TY 10X 65 TÓM TẮT CHƯƠNG • Sáng tạo theo thực nghiệm: Khi đối diện với sự bất ổn, các nhà lãnh đạo 10X căn bản không nhìn theo những người khác, theo sự hiểu biết thông thường, các nhân vật quyền lực, hay những người cùng trang lứa để tìm lối đi; họ chủ yếu nhìn theo bằng chứng thực nghiệm. Họ dựa vào quan sát trực tiếp, thí nghiệm thực tế và cam kết trực tiếp với bằng chứng hiện hữu. Họ thực hiện những nước cờ táo bạo, sáng tạo dựa trên một cơ sở thực nghiệm đúng đắn. • Sợ hãi một cách hữu ích: Các nhà lãnh đạo 10X duy trì sự cảnh giác cao độ, luôn hài hòa cao độ với các đe dọa và thay đổi của môi trường, ngay cả khi – đặc biệt khi – tất cả đều đang tốt đẹp. Họ giả định các điều kiện sẽ chống lại họ, đúng ngay thời khắc có thể là tồi tệ nhất. Họ chuyển nỗi sợ và lo lắng đó thành hành động: chuẩn bị, phát triển những kế hoạch đối phó bất trắc, xây dựng những kế hoạch và phương án dự phòng, giữ các biên độ an toàn rất lớn... ⇪ Cơ sở của ba hành vi 10X cốt lõi này là một động lực thúc đẩy: nhiệt huyết và tham vọng vì một sự nghiệp hoặc một công ty lớn hơn chính bản thân họ. Họ có cái tôi, nhưng cái tôi ấy được chuyển thành công ty và những sứ mệnh, mục tiêu của nó, chứ không phải là sự vĩ đại cá nhân. NHỮNG ĐIỀU TÌM THẤY NGOÀI DỰ KIẾN ⇪ Kiên định tới mức cuồng nhiệt với nguyên tắc không giống như tổ chức và kiểm soát nghiêm ngặt, đo lường, tuân thủ cấp trên, 66 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN TÓM TẮT CHƯƠNG gắn chặt vào sự nghiêm ngặt xã hội, hoặc tuân theo các quy tắc hành chính quan liêu. Nguyên tắc thực sự đòi hỏi sự độc lập tư duy, và khả năng luôn nhất quán khi đương đầu trước khuynh hướng đám đông và các áp lực xã hội. Cuồng nhiệt với nguyên tắc thường mang nghĩa là một người không theo khuôn phép, không chấp nhận thỏa hiệp. ⇪ Sáng tạo theo thực nghiệm đem lại cho các nhà lãnh đạo 10X một mức độ tự tin mà, đối với những người ngoài, có thể xem là sự táo bạo điên rồ; thật vậy, việc đánh giá hợp lý thực nghiệm cho phép họ vừa có những bước đi táo bạo vừa giới hạn rủi ro. Thực nghiệm không có nghĩa là không dứt khoát. Các nhà lãnh đạo 10X không ưa phân tích hơn hành động; họ ưu ái chủ nghĩa thực nghiệm như là cơ sở cho hành động kiên quyết. ⇪ Sợ hãi, cảnh giác một cách hữu ích giúp họ có được hành động sáng tạo. Bằng cách giả định các kịch bản về tình huống xấu nhất và chuẩn bị cho những kịch bản ấy, các nhà lãnh đạo 10X giảm thiểu các cơ hội để một sự kiện phá hoại hay một vận rủi khủng khiếp có thể khiến họ ngừng công việc sáng tạo của mình. MỘT CÂU HỎI CHÍNH ⇪ Xếp theo thứ tự ba hành vi 10X cốt lõi – kiên định tới mức cuồng nhiệt với nguyên tắc, sáng tạo theo thực nghiệm và sợ hãi một cách hữu ích – từ mức mạnh nhất đến yếu nhất của bạn. Bạn có thể làm gì để chuyển hành vi yếu nhất thành mạnh nhất? 3 HÀNH TRÌNH 20 DẶM Kiên định với NGUYÊN TẮC tới mức cuồng nhiệt THAM VỌNG cấp độ 5 SÁNG TẠO BIẾT SỢ HÃI một cách hữu ích theo kinh nghiệm Được tùy nghi chọn lựa, nguyên tắc là sự tự do hoàn toàn. — Ron Serino1 Giả sử bạn có cơ hội đầu tư vào một trong hai công ty, Công ty A và Công ty B. Cả hai đều là công ty nhỏ, hoạt động trong một ngành mới đang tăng trưởng nhanh, tung ra các công nghệ đột phá, phát triển nhờ vào nhu cầu tăng nhanh của khách hàng. Hai công ty có 67 68 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN cùng chủng loại sản phẩm, khách hàng, các cơ hội cũng như các mối đe dọa; đây là một cặp đôi gần như hoàn hảo. Công ty A sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 25% về thu nhập ròng trong quãng thời gian là 19 năm. Công ty B sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 45% về thu nhập ròng cũng trong cùng quãng thời gian là 19 năm ấy. Hãy ngừng lại và nghĩ xem: bạn sẽ muốn đầu tư vào công ty nào? Hầu hết mọi người, kể cả chúng tôi, sẽ đầu tư vào Công ty B nếu không có thêm thông tin nào khác. Bây giờ, hãy bổ sung thêm vài thông tin. Độ lệch chuẩn của mức tăng thu nhập ròng (con số này phản ánh mức độ không ổn định) của Công ty A trong quãng thời gian đó là 15 điểm phần trăm. Độ lệch chuẩn của Công ty B trong cùng kỳ sẽ là 116 điểm phần trăm. Công ty A sẽ duy trì một mức tăng trưởng ổn định và được kiểm soát, ở mức dưới 30% trong 16 năm trên tổng số 19 năm nhưng vẫn đạt mức tăng 20% hoặc hơn ở hầu hết mỗi năm. So với công ty A, công ty B thể hiện một kiểu tăng trưởng thất thường và khó kiểm soát hơn nhiều. Trong khoảng thời gian 19 năm, thì có tới 13 năm mà mức tăng trưởng về thu nhập ròng hàng năm của công ty B sẽ vượt quá con số 30%, dao động từ dương 313% đến âm 200%.2 Đến đây, có lẽ bạn đang ngờ rằng Công ty A hóa ra là một nơi để đầu tư tốt hơn Công ty B, mặc dù nhìn chung Công ty B phát triển nhanh hơn. Bạn hoàn toàn chính xác! Nhưng điều ngạc nhiên là tốt hơn nhiều bao nhiêu. Hãy xem biểu đồ “Giá trị của 1$ đầu tư, Công ty A so với Công ty B”. HÀNH TRÌNH 20 DẶM 69 Công ty A là Stryker và Công ty B là USSC. Mỗi đôla đầu tư vào Stryker vào cuối năm 1979 (năm công ty chào bán cổ phiếu lần đầu tiên) và giữ đến suốt năm 2002 đã tăng lên hơn 350 lần. Mỗi đôla đầu tư vào USSC trong cùng kỳ đã đem lại số lợi nhuận tích lũy thấp hơn lợi nhuận trung bình của thị trường vào năm 1998, và sau đó... nó biến mất khỏi biểu đồ. Với tất cả mức tăng trưởng phi thường của nó, USSC đã đầu hàng trước một cuộc mua lại, từ bỏ vĩnh viễn cơ hội quay trở lại làm một công ty vĩ đại.3 Công ty A $350 - $250 - $150 - $50 - Ghi chú: Giá trị 1$ đầu tư Công ty A so với Công ty B Công ty B 1. Nguồn của mọi tính toán về lợi nhuận cổ phiếu: ©200601 CRSP®, Trung tâm Nghiên cứu Giá cả Chứng khoán. Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago. Được phép sử dụng. Bản quyền được bảo hộ. www.crsp.chicagobooth.edu. HÀNH TRÌNH 20 DẶM CỦA JOHN BROWN Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên đôi chân của mình trên biển Thái Bình Dương ở San Diego, California, nhìn vào đất liền. Bạn dự định dấn thân vào một cuộc đi bộ 3000 dặm, từ San Diego đến mũi Maine. 70 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Vào ngày đầu tiên, bạn đi 20 dặm, hướng ra khỏi thị trấn. Vào ngày thứ hai, bạn đi tiếp 20 dặm. Và tiếp tục, vào ngày thứ ba, bạn đi 20 dặm, đương đầu với cái nóng của sa mạc. Trời nóng, hơn 1000 (1000F, xấp xỉ 380C – ND) và bạn muốn nghỉ ngơi trong cái lều mát mẻ. Nhưng không. Bạn trở dậy và đi 20 dặm. Bạn giữ nhịp độ đó, 20 dặm mỗi ngày. Rồi thì thời tiết mát mẻ, và bạn có được các điều kiện thời tiết dễ chịu, gió thuận, và có thể đi được xa hơn. Nhưng bạn kềm lại, điều chỉnh nỗ lực của mình. Bạn vẫn bám vào nhịp 20 dặm của mình. Rồi bạn đến dãy núi cao Colorado và bị tuyết, gió, nhiệt độ dưới 0 tấn công – tất cả những gì mà bạn muốn làm là ở lại trong lều. Nhưng bạn trở dậy, nai nịt sẵn sàng và lại tiếp tục hành trình 20 dặm của mình. Bạn vẫn giữ nguyên nỗ lực của mình – 20 dặm, 20 dặm, 20 dặm – rồi thì bạn băng đến thảo nguyên, lại vào lúc mùa xuân tuyệt vời, và bạn có thể đi 40 đến 50 dặm mỗi ngày. Nhưng bạn không làm vậy. Bạn duy trì nhịp độ của mình, vẫn mỗi cuốc 20 dặm! Và rốt cuộc bạn đến Maine. Bây giờ, hãy tưởng tượng một người khác cũng khởi hành vào cùng ngày với bạn tại San Diego. Hành trình này khiến anh ta hoàn toàn háo hức và ngày đầu tiên anh ta đi được 40 dặm. Mệt lử sau một ngày phi thường, anh ta thức dậy để thấy nhiệt độ lên đến 1000F. Anh ta quyết định nán lại cho đến khi thời tiết dịu xuống, nghĩ rằng, “Mình sẽ bù lại khi điều kiện tốt hơn.” Anh ta duy trì cách này – đi nhiều vào những ngày đẹp, nằm trong lều than thở và chờ vào những ngày xấu – khi anh ta băng qua miền Tây nước Mỹ. Ngay trước lúc đến dãy Colorado cao vút, anh ta gặp được một loạt điều kiện thời tiết thuận lợi và cứ đi liên tục, vượt 40 đến 50 HÀNH TRÌNH 20 DẶM 71 dặm mỗi ngày để bù lại thời gian đã mất. Nhưng rồi anh ta đụng phải một trận bão tuyết dữ dội vào lúc hoàn toàn kiệt sức. Nó gần như giết anh ta và anh ta đành ngồi bó gối trong lều, chờ xuân đến. Rốt cuộc mùa xuân cũng đến, anh ta ra khỏi lều, yếu ớt và loạng choạng tiến về Maine. Vào lúc anh ta đến thành phố Kansas, thì bạn, với hành trình 20 dặm không mệt mỏi của mình, đã đến được mũi Maine. Bạn thắng, thắng với một cách biệt lớn. Giờ, hãy coi Stryker như là một công ty Hành trình 20 dặm. Khi John Brown trở thành CEO của Stryker vào năm 1977, ông đã cố tâm lập một mức chuẩn về kết quả hoạt động để hướng đến sự phát triển chắc chắn: Stryker sẽ đạt mức tăng trưởng thu nhập ròng là 20% mỗi năm. Đây không chỉ là một mục tiêu đơn thuần, một mong muốn, một hy vọng, một giấc mơ, hay một tầm nhìn. Mà đây là, theo cách nói của Brown, “luật”. Ông khắc sâu “luật” này vào văn hóa công ty, biến nó thành phương cách sống.4 Brown tạo ra “Giải thưởng ống thở” cho những ai bị tụt lại phía sau; 20% là ngấn nước, và nếu bạn ở dưới ngấn này thì phải cần một ống thở. Hãy tưởng tượng khi nhận được một ống thở được lồng khung từ John Brown để treo lên tường, nghĩa là mọi người có thể thấy bạn đang trong tình trạng nguy hiểm, sắp chìm. Người ta sẽ làm việc cật lực để tránh phải treo ống thở trên tường.5 Hãy tưởng tượng bạn tham gia một buổi họp tại công ty này. Bạn bước vào phòng chính và thấy doanh thu theo khu vực được sắp xếp theo hiệu quả hoạt động. Những khu vực có doanh thu đạt Hành trình 20 dặm được xếp ngồi ở các vị trí phía trước; những khu vực có doanh thu không đạt bị xếp ngồi ở các bàn cuối phòng!6 Các cuộc họp tổng kết khu vực thường niên của Stryker bao gồm một bữa ăn sáng của chủ tịch. Những ai đạt Hành trình 20 dặm ngồi ở bàn điểm tâm của John Brown. Những ai không đạt ngồi 72 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN ở bàn khác. Brown nói “Mọi người đều được chiêu đãi như nhau, nhưng đó không phải là cái bàn mà bạn muốn ngồi.”7 Nếu khu vực của bạn bị tụt hậu hai năm liền, chính Brown sẽ lao vào “giúp đỡ”, làm việc cả ngày lẫn đêm để “giúp” bạn trở lại đúng đường. “Chúng tôi sẽ đi đến một thỏa thuận cần phải làm gì để khắc phục vấn đề,” ông chủ tịch dè dặt nói. Bạn dứt khoát sẽ có ấn tượng rằng bạn thực sự không cần sự giúp đỡ của John Brown. Theo tờ nhật báo Investor’s Business Daily, “John Brown không muốn nghe những lời xin lỗi. Thị trường tồi tệ ư? Tỷ giá hối đoái gây thiệt hại cho kết quả ư? Không phải là vấn đề.” Mô tả những thách thức mà Stryker đã đối diện ở châu Âu một phần do tỷ giá hối đoái, một nhà phân tích đã ghi nhận “Rất khó biết bao nhiêu phần trăm [của vấn đề] là từ bên ngoài. Nhưng ở Stryker, điều đó không liên quan.”8 Từ lúc John Brown trở thành CEO vào năm 1977 đến năm 1998 (khi công ty so sánh, USSC, không còn là một công ty được niêm yết công khai) và ngoại trừ một lần đạt kết quả phi thường vào năm 1990, Stryker đạt mục tiêu Hành trình 20 dặm của mình hơn 90% thời gian. Thế nhưng ngoài tất cả áp lực tự đặt ra này, Stryker cũng đặt ra một sự kiềm chế không kém phần quan trọng: trong một năm, không bao giờ đi quá xa, không bao giờ phát triển quá mức. Hãy tưởng tượng áp lực từ phố Wall buộc phải tăng trưởng khi đối thủ trực tiếp đang phát triển nhanh hơn công ty của bạn. Thật vậy, hơn phân nửa thời gian, Stryker tăng trưởng chậm hơn USSC. Theo Wall Street Transcript, một số nhà quan sát đã chỉ trích Brown đã không xông xáo hơn. Tuy nhiên, Brown đã ý thức chọn việc duy trì Hành trình 20 dặm, bất kể sự chỉ trích thúc ép ông phải làm Stryker tăng trưởng ở một mức độ nhanh hơn trong những năm bùng nổ.9 HÀNH TRÌNH 20 DẶM 73 John Brown hiểu rằng nếu muốn đạt một kết quả hoạt động chắc chắn thì phải cần cả hai phần của Hành trình 20 dặm: một cận dưới và một cận trên, một rào chắn để nhảy qua và một trần để không vượt quá, tham vọng để đạt mục đích và sự tự chủ để kiềm chế. Khó có thể tìm ra một sự trái ngược nào hoàn hảo và tuyệt đối với Stryker hơn là những mức tăng và giảm ngoạn mục của USSC. Năm 1989, USSC có doanh số là 345 triệu đôla; năm 1992 là 1,2 tỷ đôla, tương ứng với mức tăng trưởng 248% chỉ trong 3 năm. USSC theo đuổi tăng trưởng một cách hùng hổ, đặt cược vào dòng sản phẩm mới là chỉ khâu vết thương và tấn công trực tiếp với bộ phận Ethicon của Johnson & Johnson lúc đó đang kiểm soát 80% thị trường chỉ khâu. Vào thời điểm ấy, thậm chí chỉ cần chạm được 10% thị trường này là đã đem lại 40% cho doanh số USSC, nhưng người sáng lập USSC, Leon Hirsch, đã giễu cợt cái lối suy nghĩ nhỏ bé như vậy, “Tôi sẽ thất vọng nếu chúng tôi chỉ nắm được 10% [thị trường chỉ khâu] – và Ethicon sẽ hoan hỉ lắm.” USSC đã thúc ép các bệnh viện trữ hàng, nhiều đến nỗi tờ Wall Street Journal đã đưa tin rằng “Theo lời đồn về tiếng tăm tiếp thị xông xáo của USSC thì có lần một nhân viên kinh doanh do muốn đẩy mạnh số lượng hàng bán đã giấu hàng trên trần giả của một bệnh viện nhiều đến nỗi nó đã sập luôn.” Công ty cũng đạt tăng trưởng bùng nổ khi thị trường nhanh chóng tiếp nhận các thiết bị nội soi cho phẫu thuật túi mật (nội soi là một kỹ thuật giải phẫu xâm phạm tối thiểu), và thậm chí công ty còn đạt tăng trưởng hơn nữa nhờ mở rộng việc sử dụng các thiết bị nội soi sang các quy trình giải phẫu khác.10 Nhưng rồi thì đùng một cái, USSC bị đánh gục bởi một loạt giông tố. Nỗi ám ảnh từ việc cải cách chương trình chăm sóc sức 74 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN khỏe của Clinton đã tạo ra sự bất ổn và các bệnh viện bắt đầu giảm mua hàng. Các bác sĩ đã không mấy hào hứng như mong đợi trước các thiết bị nội soi mới ứng dụng cho các giải phẫu khác ngoài giải phẫu túi mật. Johnson & Johnson chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh tuyệt vời ở mặt hàng chỉ khâu, phản công mạnh mẽ, chiếm lại rất nhiều thị phần trước đây. Johnson & Johnson cũng tấn công mặt hàng nội soi chủ lực của USSC, lấy hết 45% thị phần nội địa chỉ trong 3 năm. Doanh thu của USSC rớt hẳn, và đến năm 1997 doanh thu xuống dưới các mức đỉnh của năm 1992. Vào cuối năm 1998, bị Tyco mua lại, USSC vĩnh viễn không còn là một công ty tồn tại độc lập nữa.11 HÀNH TRÌNH 20 DẶM - KHÔNG PHẢI ĐIỀU MÀ CHÚNG TÔI LƯỜNG TRƯỚC Khi bắt đầu nghiên cứu này, chúng tôi nghĩ mình có thể thấy những người chiến thắng 10X phản ứng trước một thế giới bất định, thay đổi nhanh và đầy các cơ hội mới này bằng cách theo đuổi sự tăng trưởng năng động, thực hiện những bước nhảy vọt lớn, triệt để, nắm bắt và luôn cưỡi lên những con sóng lớn kế tiếp nhau một cách thường xuyên. Và đúng vậy, họ có tăng trưởng, họ có theo đuổi những cơ hội ngoạn mục khi tăng trưởng. Nhưng các công ty so sánh lại theo đuổi sự tăng trưởng quyết liệt hơn nhiều và thực hiện những pha mạo hiểm có tính chất thay đổi triệt để và nhảy vọt ở mức độ lớn hơn nhiều so với những người chiến thắng 10X. Các công ty 10X là ví dụ điển hình cho điều mà chúng tôi quyết định gọi là khái niệm về Hành trình 20 dặm, đạt những cột mốc về kết quả thực hiện theo từng bước rất nhất quán trong khoảng thời gian dài, còn những công ty so sánh đã không như vậy. HÀNH TRÌNH 20 DẶM 75 Hành trình 20 dặm không chỉ là một triết lý sống, mà đó là các cơ chế để thực hiện kết quả hoạt động một cách cụ thể, rõ ràng, thông minh và nghiêm ngặt giúp cho bạn đi đúng hướng. Hành trình 20 dặm tạo ra hai loại lo lắng tự áp đặt: (1) lo lắng về việc không bị dao động, vẫn cam kết có kết quả hoạt động cao trong các điều kiện khó khăn, và (2) lo lắng về việc phải hãm bớt tốc độ lại trong các điều kiện thuận lợi. Ví dụ hãng hàng không Southwest tự buộc mình phải có được lợi nhuận hàng năm ngay cả khi toàn bộ ngành hàng không bị thua lỗ. Từ năm 1990 đến hết 2003, ngành hàng không Mỹ nói chung chỉ sinh lãi có 6 năm trong số 14 năm. Vào đầu thập niên 90, ngành hàng không lỗ 13 tỷ đôla và cho nghỉ việc hơn 100.000 nhân viên; Southwest vẫn có lãi và không cho nghỉ việc bất kỳ nhân viên nào. Mặc cho những khó khăn của ngành hàng không đang lan truyền như một thứ bệnh dịch kinh niên, gồm cả việc phá sản đình đám của một số hãng nổi tiếng, Southwest vẫn sinh lời đều đều trong 30 năm liên tiếp.12 Điều quan trọng không kém là, Southwest có nguyên tắc hãm bớt tăng trưởng trong những thời điểm thuận lợi để không phát triển quá khả năng của mình, nhằm bảo vệ lợi nhuận và văn hóa của hãng. Tới gần 8 năm kể từ lúc bắt đầu khai thác dịch vụ, hãng hàng không này vẫn quanh quẩn ở Texas và chỉ nhảy một chút xíu đến vùng New Orleans. Southwest vươn ra ngoài Texas theo những bước đi có chủ ý – thành phố Oklahoma, Tulsa, Albuquerque, Phoenix, Los Angeles – và cho đến gần một phần tư thế kỷ kể từ ngày thành lập vẫn không tiến đến bờ biển phía đông. Năm 1996, hơn một trăm thành phố đã hò hét đòi có dịch vụ của Southwest. Và 76 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Southwest đã mở dịch vụ ở bao nhiêu thành phố vào năm ấy? Câu trả lời là “Bốn (4)!”. (Xem biểu đồ “Hành trình 20 dặm của Hãng hàng không Southwest”)13 Thoạt nhìn, có thể bạn thấy chẳng có gì đặc biệt. Nhưng hãy dừng lại để suy nghĩ về điều này. Ở đây chúng ta có một hãng hàng không tự đặt cho mình một tiêu chuẩn về kết quả thực hiện nhất quán mà không hãng hàng không nào đạt được. Bất kỳ ai nói rằng họ sẽ có lợi nhuận mỗi năm trong gần ba thập kỷ trong ngành hàng không – ngành hàng không đấy nhé! – đều sẽ bị chế giễu. Không ai làm vậy. Thế mà Southwest đã làm. Ở đây chúng ta cũng có một công ty cổ phần sẵn lòng trì hoãn việc bàn vấn đề tăng trưởng. Có bao nhiêu nhà lãnh đạo công ty cổ phần có khả năng trì hoãn việc bàn đến một mức tăng trưởng lớn, đặc biệt là trong các thời kỳ bùng nổ khi mà các đối thủ không hề trì hoãn điều này? Thực tế là rất ít. Nhưng Southwest cũng đã làm điều đó.14 Một số người tin rằng một thế giới mang tính thay đổi toàn diện và có các nguồn lực đột phá đã không còn ưu ái những ai gắn kết với phong cách Hành trình 20 dặm. Thế nhưng thật mỉa mai là khi chúng tôi nghiên cứu ngay đúng dạng môi trường ngoài tầm kiểm soát và vận động nhanh này, chúng tôi phát hiện rằng mọi công ty 10X đều là một ví dụ điển hình của nguyên tắc Hành trình 20 dặm trong suốt thời kỳ mà chúng tôi nghiên cứu. Bây giờ, có thể bạn đang thắc mắc “Nhưng hượm đã! Bạn đang làm mọi thứ rối tung. Biết đâu các công ty 10X có thể thực hiện được như vậy bởi vì họ thành công và vượt trội đến thế. Có lẽ Hành HÀNH TRÌNH 20 DẶM 77 trình 20 dặm chỉ là kết quả hay phần thưởng của thành công, chứ không phải là hướng dẫn để thành công.” Nhưng bằng chứng cho thấy các công ty 10X đã đi theo một Hành trình 20 dặm từ sớm, rất lâu trước khi họ là những công ty lớn. Hơn nữa, mỗi công ty so sánh đều thất bại trước Hành trình 20 dặm, không thể hiện được bất kỳ điều gì gần với tính nhất quán như tại các công ty 10X. Thật vậy, đây là một trong những tương phản lớn nhất trong nghiên cứu của chúng tôi. (Xem Các nền tảng của nghiên cứu: Những phân tích về Hành trình 20 dặm.) Một số công ty so sánh không thể hiện dấu hiệu của Hành trình 20 dặm trong bất kỳ thời điểm nào của thời kỳ nghiên cứu, như với USSC, AMD và Kirschner. Một số công ty so sánh không thể hiện dấu hiệu của Hành trình 20 dặm trong những năm tồi tệ của họ, chỉ trở lại được điểm xuất phát khi rốt cuộc họ làm những người theo Hành trình 20 dặm, như với Genentech dưới thời Arthur Levinson và Apple dưới thời Steve Jobs. Các công ty so sánh khác, như PSA và Safeco, thực hiện Hành trình 20 dặm vào những năm đầu khi họ tạo ra những kết quả tốt nhất và rồi tụt hậu khi mất đi nguyên tắc. Hành trình 20 dặm của Hãng hàng không Southwest Phần 1: Kết quả thực hiện từng bước trong thời kỳ tốt và xấu – Đạt lợi nhuận mỗi năm ĐẠT KHÔNG ĐẠT Đạt lợi nhuận trong 30/30 năm 78 VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN Hành trình 20 dặm của Hãng hàng không Southwest Phần 2: Nguyên tắc để kiềm chế - Không mở rộng quá mức trong bất kỳ năm nào Số lượng các thành phố mà hãng đã mở cơ sở hoạt động Thành phố 100 thành phố hò hét đòi dịch vụ của Southwest; nhưng Southwest chỉ mở văn phòng tại 4 thành phố Kết quả Hành trình 20 dặm của Hãng hàng không Southwest Phần 3: Lợi nhuận cổ phiếu tích lũy Triệu đôla Ghi chú: 1. Giá trị của 10.000 đôla đầu tư, từ 31/12/1972 đến 31/12/2002. 2. Nguồn của mọi tính toán về lợi nhuận cổ phiếu: ©200601 CRSP®, Trung tâm Nghiên cứu Giá cả Chứng khoán. Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago. Được phép sử dụng. Bản quyền được bảo hộ. www.crsp.chicagobooth.edu.