🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vén Màn Bí Mật Những Chiến Thuật Sản Xuất Made In China Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Tên sách: NHÀ MÁY GIA CÔNG TOÀN CẦU – Vén màn bí mật những chiến thuật sản xuất “Made in China” Tên gốc: Poorly made in China - An insider's account of the tactics behind China's production game Tác giả: Paul Midler Người dịch: Lê Thanh Lộc Tủ sách Toàn cầu hóa - NXB Thời đại © 2010 The Happiness Project #5 Thực hiện bởi Bún và laithanhtuan Thư viện ebook (tve-4u.org) Thời gian hoàn thành: 04/2015 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Có bổ sung Lời nói đầu, Dẫn nhập, Lời bạt cùng Lời cám ơn theo ấn bản Revised and Updated 2009. PHI LỘ “Cuốn du ký lôi cuốn về thế giới sản xuất của Trung Quốc này làm người đọc sợ hãi, háo hức và vui nhộn. Không chỉ là người hướng dẫn am tường ở trung tâm vô hình của nền kinh tế toàn cầu, Midler còn là nhà quan sát cảm thông và sắc sảo về đất nước, con người và những thách thức của Trung Quốc. Đáng đọc”. - PIETRA RIVOLI, tác giả cuốn The Travel of a T-Shirt in the Global Economy “Midler đưa chúng ta thâm nhập một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, phát hiện những gì có thể - và đôi khi thật sự - bất ổn khi các công ty Mỹ chuyển sản xuất tới Trung Quốc. Làm việc ngay trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc, ông có lợi thế chứng kiến mọi cuộc đấu trí giữa các hãng sản xuất và nhà nhập khẩu. Ông cho chúng ta gặp những nhân vật có thật và tường thuật những gì đang diễn ra ở Trung Quốc hiện nay với một cảm tình pha lẫn hoài nghi. Qua cuốn sách này, ta khám phá nhiều chuyện ngạc nhiên và buồn cười về cuộc sống và kinh doanh ở Trung Quốc - nơi làm ra hàng hóa gần như cho mọi người trên hành tinh này sử dụng”. - SARA BONGIORNI, tác giả cuốn A Year Without ‘Made in China': One Family's True Life Adventure in the Global Economy Đó là một thế giới đảo lộn trong đó nhà sản xuất không nghĩ gì hơn là thao túng chất lượng sản phẩm để tiết kiệm vài xu, nơi mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài khôn ngoan trước đó bị đối tác của mình lợi dụng, nơi mà toàn bộ cơ sở sản xuất đôi khi tan biến vào không khí. Khi ông tới Hoa Nam sau khi được đào tạo lại, lúc hoạt động chế xuất lên tới cao điểm, Paul Midler, cao học quản trị kinh doanh trường Warton, nói thạo tiếng Quan Thoại, được một số công ty nước ngoài - từ các nhà nhập khẩu xà phòng và dầu gội giá rẻ người Mỹ tới nhà buôn kim cương Bỉ, hãng tái chế giấy vụn ở New York - yêu cầu giúp đỡ trong nền kinh tế mới này. Những sự việc bất ngờ đã xuất hiện nhanh chóng cùng với công việc làm ăn và những bài học văn hóa. Cuốn sách này là một cuộc nô đùa đầy ấn tượng xuyên qua khu vực chế xuất của Trung Quốc. Câu chuyện đi theo Midler từ dự án này tới dự án khác, phát hiện những thách thức kinh doanh và văn hóa, đồng thời lột trần những trò mèo vờn chuột nguy hiểm diễn ra giữa các công ty Trung Quốc và đối tác nước ngoài. Một câu chuyện kinh doanh hấp dẫn, vừa hài hước vừa sâu sắc, câu chuyện thật này vén bức màn che nền kinh tế Trung Quốc đang lên, cho ta một cái nhìn sát sườn vào môi trường hỗn độn trong đó nhiều sản phẩm tiêu dùng của chúng ta được sản xuất. Cuốn sách này là câu chuyện đi tìm vàng thời hiện đại với những hậu quả của nó, sử biên niên của một thế lực kinh tế đang lên và đường cong tăng trưởng dốc ngược của nó. Thú vị và sâu sắc, quyển sách phát hiện mức độ mà văn hóa tác động tới những thỏa thuận kinh doanh, và cuối cùng ngụ ý rằng chúng ta có thể phải quan tâm tới nhiều việc hơn là những sản phẩm thất bại đơn thuần. --- Biết vài câu hỏi thì tốt hơn là biết mọi câu trả lời. -James Thurber Dụng binh đánh giặc là hành động dối trá: Thông thường, nếu có thể tấn công thì giả như không thể tấn công, muốn đánh nhưng giả như không muốn đánh, muốn hành động ở gần nhưng giả như muốn hành động ở xa, muốn hành động ở xa nhưng lại giả như muốn hành động ở gần. Lấy lợi mà dụ kẻ tham, chiến thắng kẻ loạn, phòng bị kẻ có thực lực, tránh kẻ thù mạnh, khiêu khích kẻ hay giận dữ. Địch khinh thường thì làm chúng thêm kiêu, địch nhàn hạ thì làm chúng vất vả, địch đoàn kết thì làm chúng ly tán. Tấn công kẻ thù lúc chúng không phòng bị, hành động khi chúng không ngờ tới.[1] -Tôn Vũ (Chiến lược gia được biết đến là Tôn Tử) Điều kiện cần nhất để có suy nghĩ đúng là cảm nhận đúng, điều kiện cần nhất để hiểu được một nước xa lạ là nếm ngửi nước đó. -T.S Eliot LỜI NÓI ĐẦU Phải qua một con đường dài lắt léo để đem những hàng hóa mà chúng ta tiêu thụ từ các xưởng ở Trung Quốc đến các kệ hàng tại Hoa Kỳ. Không có bản đồ nào vẽ con đường này; không có quy định nào; các bản hợp đồng và thỏa thuận cũng không thường xuyên được tôn trọng; không có cảnh sát trên con đường cao tốc về thương mại này. Không ngạc nhiên khi kết quả của các thiếu sót mang tính hệ thống như vậy dẫn đến một loạt các vụ bê bối sản xuất. Nào là mê-la-min độc hại trong các sản phẩm sữa, nào là sơn chì trên đồ chơi trẻ em và vô số trường hợp khác đã được ghi nhận trên báo chí toàn cầu. Trong câu chuyện sinh động này, Paul Midler đồng hành với chúng ta trên con đường thương mại quốc tế lắt léo, cho chúng ta thấy những gì đã bị làm sai tại Trung Quốc ngày nay bằng cách đưa chúng ta đến thăm vô số nhà máy ẩn danh. Ông giới thiệu cho chúng ta rất nhiều doanh nhân phương Tây đã đến Trung Quốc bởi sự hấp dẫn của việc thuê ngoài. Trong quá trình này, ông tiết lộ những mối nguy hiểm của một nền kinh tế thiếu minh bạch; ông cho chúng ta thấy người Trung Quốc sắc bén cỡ nào, và quan trọng không kém, người Mỹ lại sẵn lòng cả tin đến mức nào. Đối với tôi, là một chuyên gia Trung Quốc[2]trong hơn ba mươi năm, đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi trên kệ mà trong đó vạch trần đầy những thủ đoạn và tội lỗi sai trái: “Đúng vậy! Thực tế chính là thế đó”. Midler là một trung gian đi làm thuê, một người môi giới kiếm sống bằng cách kết nối các nhà nhập khẩu Mỹ với các nhà cung cấp Trung Quốc, và ông giám sát việc thực hiện các thỏa thuận nhằm đảm bảo đạt được sự hài lòng giữa hai bên. Các chuyên gia quản lý người Mỹ có rất ít, nếu họ thực sự có, hứng thú đối với các giao dịch tẻ nhạt và không rõ ràng, và do đó vai trò của Midler là người trung gian, đàm phán và kiểm tra là không thể thiếu đối với nhiều người. Qua nhiều năm đàm phán (có vẻ tẻ nhạt) về các sản phẩm như nồi gốm, giàn giáo và đồ nội thất kiến trúc (tôi chỉ liệt kê rất ít trong số các hàng hóa mà ông đã thương thảo, những mặt hàng mà ông đã mô tả trong sách mà thôi), ông đã đạt được hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế và xuất khẩu Trung Quốc. Những hiểu biết của ông đưa chúng ta đến trung tâm của xã hội Trung Quốc theo cách khác lạ; những hiểu biết này là những kho báu thực sự trong cuốn sách của ông. Trung Quốc là nhà của Midler. Ở đó, mà không phải một nơi nào khác, chính là cuộc sống của ông. Ở đó, ông kiếm sống nhờ biết cách khiến mọi việc được hoàn tất, một kỹ năng mà thậm chí các chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiệp nhất cũng không có. Những hiểu biết như vậy không bị giới hạn trong một danh mục hàng hóa nào hay bị bó hẹp trong một khu vực bao gồm những sản phẩm nhất định nào cả. Hơn thế, đúng theo bản chất, những hiểu biết đó phải toàn diện. Những thứ hiện hữu trong kinh doanh cũng sẽ hiện hữu trong các lĩnh vực khác của đời sống, từ tình bằng hữu cho đến chính trị. Vì vậy, chúng ta phải đọc cuốn sách của Midler ở hai cấp độ. Ban đầu, Poorly Made in China có vẻ là một bản kể lể đơn thuần và có chút phiêu lưu về những chuyến đi và những tai nạn bất tận của ông với các thương gia Trung Quốc và các nước khác, mỗi người đều muốn giành phần hơn người khác. Chuyện kể đầu tiên trong sách là dự án của tác giả về sản xuất xà phòng và dầu gội đầu cho chuỗi cửa hàng giảm giá của Mỹ. Có lẽ đó không phải là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng nó có những kịch tính như trong một cuốn tiểu thuyết hồi hộp. Người kể cò cưa tới lui, xoay quanh những vấn đề nhỏ trong sản xuất như việc làm mỏng chai nhựa (dùng để đóng gói dầu gội đầu giá rẻ) một cách bí ẩn. Nhà máy trong câu chuyện này đã rất hoang mang vì khách hàng cứ khăng khăng vào những điều cơ bản, chẳng hạn như các đặc tính của sản phẩm phải trước sau như một, không được thay đổi. Trong khi đó, bên phía nhập khẩu Mỹ trong câu chuyện này đã gần như phát điên lên vì lo rằng việc nhập khẩu một thành phần lỗi của sản phẩm có thể khiến ông thua lỗ hàng triệu đô-la vì mất hợp đồng. Là một hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc nhiều năm trước, tôi đã trải qua rất nhiều trường hợp về các hành vi vô đạo đức và gây phiền phức, dọc theo dòng sự kiện mà Midler mô tả trong cuốn sách này, thậm chí tôi còn nhận ra chính mình trong những sự việc đó nữa cơ. Sự tương đồng có thể được rút ra từ những thỏa thuận về tài khóa và tiền tệ của chính phủ mà Trung Quốc đã có với các nước khác, và thậm chí từ cả các cuộc đàm phán hiệp ước vốn là một phần của nó. Nếu bạn có những hiểu biết vững chắc như của Midler, nhiều bí ẩn của Trung Quốc có thể bị bật mí. Nếu bạn không có những hiểu biết đó, bạn sẽ thấy mình lênh đênh trên biển, nhanh chóng trôi xa khỏi điểm đến mà bạn đã nhắm trong tâm trí. Ở cấp độ thứ hai, cuốn sách của Midler không hẳn là một cuốn sách kinh doanh về Trung Quốc, mặc dù nó là cuốn phải đọc đối với bất kỳ nhà kinh doanh nào, vì nó là một bản mô tả, chắc chắn là thông qua ngôn ngữ thương mại, chỉ kể về Trung Quốc, với một số hiểu biết khó kiếm về làm thế nào để đi đúng hướng giữa những dòng chảy mơ hồ và đan xen chằng chịt của nước này. Trong câu chuyện được kể khá nhanh này, chúng ta sẽ gặp một số nhân vật có thật. Giang Tỉ là chủ sở hữu bí ẩn của công ty chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp mà từ đó Bernie, một nhà nhập khẩu người Syria gốc Do Thái từ New York, hy vọng mua được dầu gội và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho các chuỗi cửa hàng giảm giá của Mỹ. Bà là một người phụ nữ Trung Quốc luôn cật lực để đạt thành tựu, và bà có những tham vọng khớp với sự gian xảo của mình. Bà sẵn lòng được hiểu biết, nhưng lại gần như không thể biết rõ. Bà thể hiện sự ranh ma khủng khiếp khi cắt giảm phần lợi nhuận biên vốn đã nhỏ nhoi của Bernie bằng cách đưa ra khoản tăng giá vào phút chót. Khi thỏa thuận sắp được ký, cũng người phụ nữ cứng rắn ấy, người đã theo đuổi một thỏa thuận tàn bạo, giờ đây lại đang giật giật tay áo của Midler và điệu đà nói về mối quan hệ sâu sắc giữa nhà máy của mình và việc kinh doanh của khách hàng. Sinh viên học về lịch sử Trung Quốc có thể nhớ lại Hội nghị Washington (1920-1921), hội nghị này có mục đích giải quyết một số vấn đề an ninh ở vùng Thái Bình Dương. Đại biểu của Hoa Kỳ ở lại đến nửa đêm với người đồng cấp Trung Quốc, người mà ông xem là một người bạn tốt, và cố gắng để đạt được thỏa hiệp về nhiều vấn đề. Nhưng sau đó ông lại bị người này lên án không thương tiếc trong các phiên họp chung là chủ nghĩa đế quốc hút máu và dối trá. Dù sao thì các cuộc đàm phán cũng đạt được tiến triển và một số hiệp ước khá tốt đẹp đã thực sự được ký kết, nhưng đây là một ví dụ điển hình về hai phương pháp tiếp cận đối lập nhau lại, bằng cách nào đó, có thể cùng tồn tại trong các cuộc đàm phán của Trung Quốc. Midler đã xuất sắc khi tiết lộ những sắc thái văn hóa này, và cuốn sách cung cấp bài học cho tất cả ai phải làm việc với Trung Quốc. Trong cuốn sách này, chúng tôi gặp rất nhiều doanh nhân Mỹ bị sự tham lam khống chế nhưng lại quá ngây thơ. Đến Trung Quốc, họ không biết gì trừ những điều họ đã nghe, rằng nước này là nơi thảm đỏ đón chào, họ lặp lại vô số những lời sáo rỗng về Trung Quốc hiện đại: nào thìnền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; rồi tương lai là đây; rồi thì công ty chúng ta phải mở rộng sản xuất ở đây không thì sẽ tiêu tùng, và có lẽ quan trọng nhất là kinh doanh ở Trung Quốc dễ như bỡn. Rốt cuộc thì không cần đối phó với những công đoàn khó chịu, hoặc với các quy định nhà nước; các rào cản đối với hoạt động kinh doanh thì nhỏ xíu đến mức ngạc nhiên. Bạn nói chuyện trực tiếp với các ông chủ, bắt tay, và thế là xong thỏa thuận. Như một phép màu, ca-ta-lô của công ty bạn đột nhiên đầy các loại hàng hóa mới và rẻ đến sững sờ. Dĩ nhiên, đó chỉ là ảo tưởng, là loại ảo vọng được cả các doanh nhân lẫn các chính trị gia chia sẻ. Tổng thống Richard Nixon và cố vấn của ông Henry Kissinger gần như chẳng biết gì về Trung Quốc, nhưng vẫn giao cho nước này một vai trò trung tâm trong chiến lược ngoại giao của họ. Tất cả dường như đều lần đầu đến Trung Nguyên: người Hoa mê hoặc du khách nước ngoài bằng vẻ tinh tế và những chỉ đạo thực tiễn. Dĩ nhiên, vẫn còn đó những điểm lấn cấn, như khi Nixon giới thiệu với nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông niềm hy vọng về một cái nhìn toàn cảnh của thế giới, không chỉ xem xét các mối quan hệ song phương giữa hai nước họ, mà còn xem xét động lực liên quan đến Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Xô và tất cả các quyền lực khác. Mao “vỗ vào mặt” Nixon, nói rằng ý tưởng đó thật nhàm chán và không quan trọng. Những kỳ vọng của hai bên trong các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt này rõ ràng là khác nhau, và các tài liệu ngoại giao thỏa thuận kể từ đó có vẻ mơ hồ, đến mức gần như vô nghĩa. Các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên phức tạp và căng thẳng như mối quan hệ giữa các nhà nhập khẩu Mỹ và các nhà cung cấp Trung Quốc của họ. Người Hoa thể hiện kỹ năng phi thường trong việc thao túng nhận thức và cảm xúc của nước ngoài, như chúng ta thấy trong cuốn sách này, và họ cũng chơi trò gây sợ hãi về chuyện đưa ra được những câu hỏi có ý nghĩa. Khi lần đầu đến thăm nhà máy sản xuất dầu gội đầu, Midler trải qua một buổi nói chuyện dông dài về việc phải rửa tay cẩn thận, mặc áo và đội mũ tiệt trùng… trước khi bước vào khu vực sản xuất. Hoàn toàn ấn tượng, có vẻ chuyên nghiệp và tạo cảm giác tự tin. Midler theo bản năng giữ mồm giữ miệng trong chuyến thăm đầu tiên, và sau đó biết được rằng một khi hợp đồng đã ký kết và tiền đã chuyển đi, những nghi lễ này sẽ rơi rụng và không còn hiệu lực. Một phần cuốn sách Midler chính là nhằm nhận ra rằng rất nhiều điều diễn ra ở Trung Quốc là giả tạo. Thông qua một câu chuyện ngụ ngôn về kinh doanh có tính giải trí và giáo dục, Midler cho phép chúng ta thấy được điều đó. Tôi nhớ có một lần đi cùng một người nguyên là phát ngôn viên của Hạ viện trong một chuyến thăm Trung Quốc. Mặc dù tôi nghĩ rằng mình đã có nhiều trải nghiệm phong phú, tôi đã chưa từng trải qua một dịp nhã nhặn đến công phu như vậy. Xe chở chúng tôi đi trước và theo sau là xe cảnh sát cùng với đèn chớp và còi báo động. Đó là một màn trình diễn vô nghĩa, nhưng nó đã làm được điều kỳ diệu là tôn lên cái tôi của những người trong đoàn tùy tùng bên phía chúng tôi. Trên đường đi, người ta mở sẵn những cánh cổng được chỉ định đặc biệt trên những phố nhất định, để chúng tôi có thể thấy được những phân khu riêng toàn “hoa đào nở mùa xuân” hoàn hảo, hay Vườn địa đàng chốn Trung Hoa. Đây là những khu phố hoàn hảo mà những người dân Trung Quốc bình thường không thể mơ đến. Nơi này là quyền lợi mà Đảng dành cho tầng lớp thượng lưu. Các bãi cỏ bên trong khu này là hoàn hảo; đài phun nước nhẹ nhàng; phòng mát mẻ, yên tĩnh và thoải mái tương đương với các phòng thuộc loại tốt nhất ở phương Tây. Vị gia chủ dường như biết trước mọi mong muốn của chúng tôi; đồ ăn thì quá sức tuyệt. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực sự thấy gì ở Trung Quốc? Quanh quẩn trong sự đón tiếp như vậy, không ngạc nhiên khi phái đoàn Mỹ đã chứng tỏ mình dễ bảo. Chất vấn là trò đá quả bóng qua lại, mà tất cả chúng tôi - những vị khách - cảm thấy trách nhiệm là không được phá hỏng mọi thứ, khiến các vị gia chủ của chúng tôi xấu mặt. Điểm lấn cấn duy nhất trong chuyến thăm chính thức này là khi tôi đặt một câu hỏi mà tôi nghĩ là thú vị cho ngoại trưởng. Tôi nói Mông Cổ là một thuộc địa của triều Thanh (1644-1912) mà Trung Quốc bây giờ công nhận là một quốc gia độc lập. Đồng thời, Đài Loan, mà nhà Thanh đã cai trị một phần, lại được tranh luận sôi nổi là hoàn toàn thuộc về Trung Quốc ngày nay. Làm sao giải thích mâu thuẫn này? Vị ngoại trưởng đã nổi giận và bác bỏ câu hỏi của tôi là không đáng trả lời. Tôi cảm thấy một chút tội lỗi vì đã xù lông trong chuyến đi, nhưng rồi tôi nghĩ: Những viên chức cao cấp phải làm gì ngoài việc trả lời các câu hỏi khó? Phần còn lại của nhóm tin rằng tôi đã vượt quá giới hạn cư xử đúng mực, nhưng chắc không phải lỗi lầm gì - vị ngoại trưởng đã hiểu đúng về tôi và sau đó đã cử một đồng nghiệp dành hơn hai tiếng để giải thích các quan điểm chính trị. Loại sự cố này là điển hình trong rất nhiều cuộc gặp Trung - Mỹ, cho dù vấn đề là về dầu gội rẻ tiền hay an ninh quốc gia. Đoàn đại biểu Mỹ cảm thấy buộc phải hạn chế chất vấn và lòng vòng quanh cái vấn đề họ cần thảo luận. Lịch sự là tốt, nhưng sự thiếu cởi mở hiện hữu có thể đem lại hy vọng gì về mối quan hệ kinh tế và chính trị ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc? Một trong những khía cạnh đáng lo ngại hơn về cuốn sách này là bằng chứng rằng các công ty không tuân thủ lời hứa của họ. Hợp đồng ở Trung Quốc có thể đàm phán lại vô số lần, ai cũng biết thế. Bên mua người Mỹ mong đợi sản phẩm của họ được sản xuất đúng cách và nhận ra rằng người ta chỉ tuân thủ những chỉ dẫn đại khái. Các nhà sản xuất thực hiện những thay đổi đơn phương đối với hàng hóa mà không thảo luận gì và hy vọng rằng sẽ không ai để ý. Tại một thời điểm trong câu chuyện, sau khi nhà máy dầu gội đầu bất ngờ thay thế rất nhiều loại mùi hương trong hợp đồng bằng hương hạnh nhân chung chung và bị phát hiện, Tỉ chẳng nói gì ngoài việc viện cớ ngây thơ rằng cái mùi hương thay thế dù rẻ hơn nhưng cũng có vẻ thơm mà. Tôi đã từng cải tạo một phòng tắm trong một ngôi nhà thời Edward bừa bộn ở thành phố Providence, bang Rhode Island. Tôi vẫn cố gắng giữ nguyên các tính năng như hiện trạng ban đầu. Trong đó, tôi đã lắp một bộ gồm vòi tắm và vòi sen bằng đồng thau, với nhãn đen trắng bằng men (“nóng” và “lạnh”). Chúng được sản xuất ở Trung Quốc, và được sao chép một cách đại tài với phong cách chính xác, nhưng tôi ngờ là chỗ có số của nhà cung cấp ống nước Mỹ và Anh bị cạo đi. Chúng hoạt động tốt trong khoảng sáu tháng. Sau đó, chỗ ráp vòi bắt đầu rơi ra, vòi sen rụng rời, các van lỏng lẻo, mọi thứ rã tung. Sản phẩm này đã bị “sản xuất kém chất lượng tại Trung Quốc”. Cuối cùng tôi phải thay vào đó một bộ không có gì đặc sắc, do Mỹ sản xuất vào cuối thế kỷ XX, không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ của tôi, nhưng ít nhất nó phục vụ tốt việc tắm rửa. Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là về chất lượng kém cỏi của những sản phẩm Trung Quốc. Một trong những chủ đề rộng hơn của sách là về những kẻ đã hứa một đằng làm một nẻo. Đây là một cuốn sách về khả năng gây hoang mang và gian trá của người Hoa. Sách nói về chiêu trò, chiến lược và chiến thuật. Nó nhắc nhở tôi về nhiều vấn đề quan trọng mà mối quan hệ Mỹ - Trung phải đối mặt, và đặc biệt là nó đã cho tôi nhớ lại năm 1982 và thỏa thuận năm đó của Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Điểm mấu chốt của các cuộc đàm phán sau đó là tuyên bố của Trung Quốc rằng chính sách “cơ bản” của họ đối với Đài Loan vẫn là giữ hòa bình cho hòn đảo này. Phía Mỹ coi đây là tuyên bố từ bỏ vũ lực và đã đồng ý hạn chế bán vũ khí trong tương lai. Nếu phía Mỹ hiểu được tiếng Hoa tốt hơn, họ đã có thể nhận ra rằng, trong tiếng Quan Thoại, một “nguyên tắc cơ bản” thường chỉ để làm tiền đề cho một ngoại lệ. Giống như trong tiếng Pháp en principe, tuyên bố của Trung Quốc mà có chữ “về cơ bản” nên được coi như không có nhiều ý nghĩa, nó chỉ để bóng gió về quy tắc nào sắp bị phá vỡ (do hoàn cảnh đặc biệt, một cách tự nhiên). Và chỉ cần nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm. Mặc dù chính sách của quốc gia được cho là hòa bình, việc chế tạo vũ khí của Trung Quốc trong những năm gần đây phát triển chưa từng có về cả quy mô và phạm vi. Việc dự đoán về một Trung Quốc đang lên có thể là tiêu cực, nhưng đây không nhất thiết phải là một cuốn sách tiêu cực. Midler rõ ràng là có một tình cảm sâu sắc, dù là gián tiếp bày tỏ, đối với Trung Quốc và người Hoa. Không ai có thể đạt được tầm hiểu biết về một nền văn hóa phức tạp như vậy mà không có sự đồng cảm với nơi này. Midler đã sống ở Trung Quốc trong nhiều năm; ông sử dụng tiếng Hoa dễ dàng, và trên thực tế, ông không có quê hương nào khác. Có vẻ như ông cũng chẳng muốn có quê hương nào khác. Với bằng cao học tại một trường kinh doanh ưu tú, ông có thể trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở phố Wall. Ông đã dành nhiều năm phát triển sự nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa sinh; thay vào đó, hẳn là ông đã có thể đóng góp cho khoa học trong cùng thời gian đó. Nhưng ông đã chọn con đường Trung Quốc, và làm vậy, ông đã giúp chúng ta hiểu được nước này, dù chỉ hiểu thêm một chút. Người ta có thể học hỏi được rất nhiều về cách cả Trung Hoa hoạt động bằng cách làm chủ một phần nhỏ ở nước này, bởi vì các mô hình thể chế và hành vi không thay đổi nhiều dù nơi làm việc của bạn là một tàu du lịch hoặc một nhà máy sản xuất dầu gội và các sản phẩm tương tự. Kiến thức và bản năng là có thể trao và nhận. Đó là lý do tại sao tôi hy vọng cuốn sách này sẽ có độc giả, không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp, mà còn trong cộng đồng ngoại giao, học giả và những người khác đang phải làm việc với Trung Quốc, cũng như là những người bình thường muốn biết thực ra Trung Quốc là gì, ở mức độ cơ bản. Arthur Waldron Lauder Professor[3]về Quan hệ Quốc tế Đại học Pennsylvania Bryn Mawr, bang Pennsylvania DẪN NHẬP Cuốn sách này thoạt đầu chỉ là một bài báo viết cho trường Wharton Business trong cuộc khủng hoảng chất lượng năm 2007. Đây là năm mà thức ăn cho vật nuôi bị phát hiện nhiễm mê-la-min, lốp xe sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu nổ banh, và các bậc phụ huynh người Mỹ lo lắng về sơn chì trong đồ chơi của con em họ. Bài báo tôi viết một phần là để bác bỏ lời cáo buộc rằng chính các nhà nhập khẩu Mỹ phải chịu trách nhiệm về những sự cố trên do đã nhập hàng dỏm từ Trung Quốc. Sau nhiều năm làm việc với các nhà sản xuất Trung Quốc, tôi đã có một sự hiểu biết về tình hình hơi khác một chút. Tôi thấy rằng các công ty Mỹ đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình, nhưng không lại các nhà công nghiệp Trung Quốc ranh ma, những người thường xuyên thao túng quy cách sản phẩm để mở rộng lợi nhuận biên. Các chủ xưởng Trung Hoa chơi chiêu. Họ sản xuất cho khách hàng một sản phẩm chất lượng khi khởi sự và dần dần rút bớt các thành phần chính (nếu không, họ thay thế đầu vào kém hơn). Những thay đổi này không bao giờ được công bố, và người mua thường không nhận ra các thay đổi này. Suy giảm chất lượng hàng ngày càng nhiều và tinh tế, và các nhà nhập khẩu không hề biết chuyện gì đang diễn ra cho đến khi các sản phẩm này bị phát hiện. Tôi gọi nó là “nhạt phai chất lượng” (hay “chất lượng bốc hơi”), và nó dùng để phần nào giải thích cho lý do tại sao chất lượng dường như giảm dần cùng lúc, và trên nhiều lĩnh vực. Bên ngoài Trung Quốc, ít người biết rằng việc này cứ tiếp diễn, và nhiều độc giả Mỹ của bài viết này đã bị hoàn toàn bất ngờ. Nhưng những người làm việc trong ngành công nghiệp biết rõ hơn, và những người trong cuộc cho rằng tôi đã chưa đi đủ xa. “Câu chuyện của ông về chất lượng hàng Trung Quốc vẫn chưa là gì cả”, người ta nói với tôi. “Ông nên nghe những gì đã xảy ra với chúng tôi!” Các phản ứng khác nhau đối với bài báo - sự xác nhận từ những người trong nhiều ngành công nghiệp ở một bên và sự ngờ vực ở một bên - đã khiến tôi tin rằng cần viết rộng ra. Trước giờ tôi chưa bao giờ viết cái gì dài hơn một bài báo; tuy vậy, người ta đã giao cho tôi một hợp đồng viết sách. Càng viết, tôi càng nhận ra rằng có nhiều điều khác để nói về chủ đề Trung Quốc nói chung. Cuốn sách mà bạn đang có trong tay chỉ là một vài câu chuyện, giai thoại ghi nhận từ một công việc ở nước ngoài. Các sự kiện đã được lựa chọn vì có tính giải trí; cùng lúc, tôi đã cẩn thận chọn lựa bối cảnh mà tôi nghĩ là phù hợp với những trải nghiệm đó. Nên lưu ý là trong lần đầu đến Trung Quốc, tôi không có định kiến nào. Trên thực tế, ngay từ đầu tôi đã có sự lạc quan. Tuy nhiên, theo thời gian, những trải nghiệm nhất định khiến tôi phải nghĩ khác, và cuối cùng tôi đã xác định được lối nghĩ của mình. Khi đặt mục tiêu viết Poorly Made in China, tôi nghĩ thế này: Nếu tôi có thể tái hiện một ít những gì tôi đã thấy, có lẽ những người khác cũng có thể đồng cảm. Khi được yêu cầu tóm tắt cuốn sách này, tôi có xu hướng làm đại khái bằng cách nói rằng nó chỉ đơn giản là viết về việc văn hóa quan trọng thế nào. Văn hóa có thể tác động đến phát triển kinh tế vĩ mô - sự nổi lên của Trung Quốc chắc chắn có phần đóng góp của một số yếu tố văn hóa nhất định - và trên một quy mô nhỏ hơn, văn hóa (cùng sự hiểu biết về văn hóa) có thể tạo thuận lợi hoặc cản trở thành công ở cấp độ giao dịch. Cuốn sách này ít nhất sẽ giúp xua tan suy nghĩ của một số người rằng việc kinh doanh tại Trung Quốc cũng giống như kinh doanh ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Một lời phàn nàn về cuốn sách này là trong khi nó làm nổi bật một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nó không đưa ra bất kỳ giải pháp nào. Tôi thấy tò mò rằng một số người sẵn sàng chấp nhận một cuốn sách về chủ đề văn hóa chỉ khi có sẵn giải pháp của tác giả trong đó. Bất kể Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề gì, hay phần còn lại của thế giới hiện đang phải đối phó với vấn đề gì, chúng ta không thể có giải pháp nếu không thông qua đối thoại - và chúng ta không thể đối thoại trước khi chúng ta có một số hiểu biết cơ bản về vấn đề. Cuốn sách này nên được xem là một lời giới thiệu sơ khởi. Nó không bao giờ có nghĩa là một kết luận, dưới bất kỳ ý nghĩa nào, mà chỉ là một sự khởi đầu. SẢN XUẤT KÉM CHẤT LƯỢNG Ở TRUNG QUỐC 1. HÔ BIẾN! Trung Quốc sản xuất mọi thứ trên đời, và trong quá trình đó, cũng tạo ra đủ mọi mùi có thể tưởng tượng. Khi đi qua nhiều nhà máy của họ, bạn bắt gặp nhiều mùi như thế: mùi khói nồng nặc của những thứ keo dán giày da, mùi đậm đà của những chiếc lọ sứ nung trong lò khí đốt, mùi chua của chất dẻo polypropylene nóng chảy và phun ở nhiệt độ cao… Mỗi quy trình chế tạo là một kinh nghiệm khứu giác riêng, và nếu bạn làm việc trong ngành chế xuất đủ lâu, bạn chỉ cần dùng cái mũi cũng có thể đoán biết mình đang đứng ở nhà máy loại nào. Trong những năm tôi làm việc ở miền nam Trung Quốc, tôi đã viếng thăm một số lượng nhà máy vượt ngoài sức tưởng tượng của mình. Điều khá kỳ lạ là ít khi tôi gặp người chủ xưởng nào có chút mảy may phiền muộn vì các mùi đó, mặc dù chúng tấn công vào các giác quan, có khi mạnh đến choáng váng. Tại một xưởng chế tạo hôi nồng không chịu nổi, tôi đứng ở cổng với ông chủ, nhìn ra cánh đồng bao trùm trong làn bụi trắng. Sau lưng chúng tôi không xa, các công nhân đang nhúng những ống thép không rỉ vào một bồn hóa chất. Đó là quy trình mạ kền. Tôi thực sự có thể nếm vị kim loại trong miệng, và mũi tôi bất giác nhăn lại. “Hôi quá”, tôi nói. Ngay khi nói xong, tôi hối hận đã bình phẩm, dù có phần mong mỏi ông chủ xưởng đồng ý. Ông ném điếu thuốc ra xa và quay về phía tôi rồi nói: “Người ngoại quốc các ông, các ông tới Trung Quốc và than phiền về ô nhiễm, tôi thật tình không hiểu tại sao”. Rồi ông khoát tay về phía phong cảnh xung quanh. “Đối với tôi, chỗ này có mùi tiền”. Với nhiều người ở Trung Quốc đang mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, các luồng gió công nghiệp này tương quan với những cơ hội kinh tế tốt hơn. Còn các ngóc ngách nghèo nàn hơn ở nước này, nơi có mùi vị thơm tho hoặc chẳng có mùi gì cả, thì đó lại là những chỗ chỉ đáng thương hại chứ không có gì đáng mơ ước cả. Bất kỳ đâu mà công việc giám sát nhà máy đưa tôi tới, tôi luôn chú ý đến những mùi khác nhau, chủ yếu là vì đây là dự án đầu tiên của tôi. Xưởng này sản xuất cái mà người Hoa gọi là hóa phẩm nhật dụng - những sản phẩm tiêu dùng như xà phòng, dầu gội và kem thoa tay. Xưởng King Chemical nằm ở vùng quê, dưới chân một ngọn đồi lớn. Khi tới xưởng vào một ngày nắng ráo, với mùi thơm của những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp tràn ngập không khí, tôi nghĩ: Hóa ra một xí nghiệp bóc lột lao động lại có mùi thế này đây. Mùi thơm ngọt ngào như hương hoa được nhận ra lập tức. Bạn ngửi thấy nó ở ngân hàng và tiệm tạp hóa, thực tế là ở bất cứ đâu. Nó là mùi hương phổ biến tạo hương thơm cho xà phòng và dầu gội khắp Hoa Nam. Xưởng do một phụ nữ nhỏ nhắn, quyến rũ điều hành; chị khăng khăng đòi tôi gọi chị bằng biệt danh Giang Tỉ. Đó là một cái tên thân mật - Giang là tên, và Tỉ tức là một “bà chị”. Tỉ cho biết chị bắt công nhân gọi như thế vì chị muốn được công nhân xem như một người đáng ngưỡng mộ và kính phục. Tỉ giải thích rằng chồng chị không thể gặp chúng tôi trong cuộc tham quan này vì ông ta có công việc ở ngoài thành phố. Thay cho ông ta là một đám các quản đốc. “Đây. Ông phải mặc cái này trước khi chúng ta đi vào trong”. Tỉ đưa cho tôi một áo bờ-lu trắng và những cái bao giày bằng vải, chờ tôi mang vào xong rồi mới tròng một cặp bao lên đôi bốt đen cao gót của chị. Phải cẩn thận như vậy để giữ vệ sinh môi trường, Tỉ giải thích. Bản thân các nhà chế tạo Trung Quốc thường không quan tâm tới chuyện sạch sẽ, nhưng đây là một doanh nghiệp quan trọng trong công nghiệp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Vệ sinh cũng là đề tài trong cuộc nói chuyện giữa tôi với Bernie, người đưa tôi đi làm nhiệm vụ bất thường này. Trước khi chọn công ty này làm nhà cung cấp, Bernie đã thử chế tạo dòng sản phẩm của mình ở một địa điểm khác với kết quả tai hại. Một chuyến hàng lớn đã bị nhiễm khuẩn khiến công ty lỗ nặng. Những chuyện như vậy, ông cảnh cáo, không thể xảy ra nữa. Các nghi thức chuẩn bị càng tăng thêm sự mong đợi, và tôi nóng lòng bước chân vào trong nhà máy. Qua kính cửa sổ, tôi có thể thấy những gì được chờ đợi. Bên trong có vẻ tất bật, và tôi để ý thấy công nhân trong đó cũng mặc đồ trắng. Kế đó chúng tôi rửa tay. Các quản đốc đi theo cuộc tham quan này cũng sắp hàng trước một dãy bồn thay phiên nhau rửa tay. Trong chiếc bờ-lu trắng, kỳ cọ lên tới khuỷu tay, trông họ như một toán bác sĩ sắp vào phòng phẫu thuật. Kỳ cọ xong, tôi bước tới cửa, nhưng một bàn tay đã chặn tôi lại. Người nào đó chụp một chiếc mũ trắng lên đầu tôi. Với một nghi thức cuối cùng, các cánh cửa bật ra và mở rộng cho chúng tôi đi qua. Xưởng chế tạo hoạt động như một tổ ong, và với tư cách là người không quen với loại hoạt động này, tôi cố gắng tìm hiểu người ta làm việc ra sao. Công nhân đang bận rộn sản xuất một thứ nước thơm xoa tay, tôi thấy vậy, và tôi theo dõi những chai màu hồng xuôi theo dây chuyền sản xuất. Một số công nhân rót đầy các chai, trong khi những người khác hoặc đậy nắp hoặc lau sạch chúng. Tôi yêu cầu được xem kỹ một thành phẩm và được đưa cho một chai lấy từ thùng giấy đã xếp đầy hàng. Chữ in trên chai bằng tiếng Hoa. Công ty này chế tạo sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho thị trường trong nước. Công ty của Bernie sẽ là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của nó. Khi chúng tôi đi theo một dây chuyền sản xuất, những cái đầu vốn đã cúi thấp càng cúi thấp hơn khi chúng tôi tới gần, có thể thấy nhịp độ làm việc đang tăng nhanh. Ở chỗ nào chúng tôi lượn lờ chậm bước, có vẻ như công nhân nín thở. Trong đoàn tham quan này, chẳng ai bận tâm đến chuyện mình đang làm cho công nhân lo lắng, hoặc nếu có thì họ cũng bất cần. Tôi quan sát một thiếu phụ để tóc ngắn đang lấy một chai ra khỏi băng chuyền. Cô lau chùi cái chai như bị ám ảnh và không để nó đi theo băng chuyền cho tới khi cô có một chai thay thế. Tôi cố tiếp xúc bằng mắt với công nhân, nhưng không ai chịu nhìn tôi. Ngay cả những người bị cuộc tham quan làm rộn ít hơn hình như cũng biết là đang bị quan sát. Một công nhân vặn nắp chai đang vặn như múa. Kế bên cô là một công nhân có nhiệm vụ sắp chai vào thùng giấy. Thay vì ném chai vào thùng, cô nâng niu từng chai bằng hai tay - gần giống cử chỉ cung kính khi người Hoa đưa danh thiếp. Người yêu cầu tôi thực hiện cuộc viếng thăm này là một nhà nhập khẩu và chỉ biết là tôi sống ở Trung Quốc. Chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau một lần. Ông ta bất ngờ gọi điện thoại cho tôi và các chỉ thị của ông rất mơ hồ. “Nhìn kỹ xung quanh”, Bernie nói. Ông muốn tôi lưu ý bất cứ gì có vẻ không bình thường. Khi không thấy gì bất thường lắm, tôi vờ đặt vài câu hỏi. “Các vị sử dụng bao nhiêu công nhân?” tôi hỏi. Tỉ gật đầu như thể đó là một câu hỏi chính đáng. “Hai trăm”, chị ta nói. Tôi không đếm, nhưng hình như số công nhân xung quanh đâu có nhiều như vậy. “Chừng nào công nhân nghỉ?”, tôi hỏi tiếp. Chị nói rằng họ nghỉ tay để ăn trưa và ăn chiều. Tôi hỏi mỗi tháng họ nghỉ bao nhiêu ngày. Chị nói hầu hết chỉ nghỉ một ngày mỗi cuối tuần. Không còn câu hỏi nào nữa, tôi bảo chị rằng mình rất có ấn tượng với xưởng sản xuất này. Chị khen tiếng Quan thoại của tôi và nói rằng Bernie đã may mắn khi tìm ra tôi. Chị hy vọng chúng tôi sẽ cộng tác với nhau nhiều hơn sau lần thăm viếng này, và chị đi xa đến mức gợi ý rằng có nhiều điều chị có thể học hỏi từ người như tôi. Dù còn xa lạ với giới sản xuất, tôi đã sống ở Trung Quốc một số năm, và ít nhất cũng đủ cho tôi hiểu tình hình: Khi bạn nói điều tốt đẹp, bạn được khen tặng lại đủ điều. Nhiều việc trong xưởng được làm bằng tay và, tôi nhận thấy, đôi khi bằng chân. Chúng tôi tới chỗ công nhân bơm kem thoa tay vào chai. Chiếc máy được dựng đứng để người thợ có thể vận hành bằng chiếc cần đạp ở trên sàn. Khi khởi động, đầu phun áp suất rót chế phẩm đầy chai. Nhưng người công nhân ngồi ở chỗ này hình như canh thời gian không giỏi lắm, vì mặt trước đồng phục của chị dính đầy chất kem đó - chắc là do rót không đúng hạn mức. Tôi dừng lại một lúc và theo dõi sát hơn khi nữ công nhân này rót đầy chai. Hình như cô ta vừa mới được huấn luyện vì có cái gì đó thiếu sót từ cách thực hành. Nó hơn hẳn sự bồn chồn lo lắng, tôi nghĩ. Hình như lần đầu cô ta làm công việc này. Đúng lúc đó tôi cảm thấy sức ép của một bàn tay trên khuỷu tay tôi. Đó là Tỉ, cho biết rằng đã đến lúc rời đi. Cử chỉ đó của chị ta hơi vội vàng, tôi nghĩ, nhưng tôi đã hiểu đúng ý nghĩa của nó - ý muốn chấm dứt cuộc thăm viếng. Tôi đã từ một thành phố khác bay tới đây để thăm nhà máy này, và cuộc tham quan chưa kéo dài lắm. Tôi có cảm giác phải chấm dứt quá nhanh một cuộc vui chơi trong công viên giải trí. Tôi vừa bắt đầu có một hình dung về nhà máy này thì cửa ra đã mở và chúng tôi lại đứng trong ánh nắng. “Chúng tôi sẽ đưa ông tới sân bay”, Tỉ nói. Rồi Tỉ đưa tôi tới một phòng chờ gần văn phòng của Tỉ, và tôi được mời một cốc trà xanh hòa tan. Sau khi ngồi trong phòng chờ một lúc, tôi tự hỏi người ta có quên tôi không. Công nhân đi tới đi lui, và không ai chú ý tới tôi. Tôi nhìn qua những điều ghi chép được và nhận thấy tôi có rất ít cảm nhận, không có cảm tưởng nào thật sự rõ rệt. Khi có người tới bảo tôi rằng tài xế đến trễ, tôi hiểu điều đó có nghĩa là họ không biết chắc anh ta ở đâu. Vẫn còn tò mò về nhà máy này, tôi nghĩ tôi có thể quay lại để nhìn nó một lần chót. Thậm chí chắc cũng không ai để ý là tôi đã bỏ đi, và có lẽ có cái gì đó để học lóm bằng cách nhìn những người lao động này khi họ bớt e dè chuyện bị các quản đốc theo dõi. Nhà máy nằm ngay sau văn phòng, trên một con đường dốc nhỏ. Bên ngoài không có ai và chỉ có tiếng gió thổi nhẹ từ sườn đồi xuống. Đó là một khung cảnh điền viên thanh bình. Tôi nghĩ nếu cuộc viếng thăm nhà máy này biến thành một nhiệm vụ thường xuyên, tôi sẽ không phản đối. Khi tới xưởng máy, tôi đến bên một cửa sổ và áp mặt vào tấm kính. Bỗng chốc tôi tưởng tôi đã đi lạc. Tôi có tới nhầm khu nhà không? Tôi nhìn qua cửa sổ lần nữa. Hình như đúng chỗ rồi, nhưng nhà máy vắng ngắt. Nơi lúc nãy có khoảng 50 hay 60 công nhân, bây giờ chỉ có một ông già với một cây chổi trong tay. Ông thấy tôi đứng ở cửa sổ và đã đi lại cửa cái, như thể để mời tôi vào, nhưng rồi ông suy nghĩ lại, quay lưng, và vội vã đi vào một cánh cửa sau. Có chuyện quái quỷ gì vậy? Áp trán gần tấm kính, tôi nhìn xuống đồng hồ tay. Mới hơn ba giờ. Nhà máy Trung Quốc không có truyền thống ngủ trưa, và Tỉ đã nói cả xưởng chỉ nghỉ để ăn trưa rồi để ăn tối. Tôi nghe tiếng giày lốc cốc trên mặt đường phía sau tôi. Ý định ban đầu vốn hay ho giờ nhanh chóng biến thành một tình huống tế nhị. Hốt nhiên tôi cảm thấy có tội, như thể bị bắt gặp đang làm việc phi pháp, nhúng mũi vào việc không phải của mình. Tôi biết xin lỗi sao đây, và tôi có thể giải thích như thế nào những gì tôi nhìn thấy - hay đúng ra là những gì tôi không nhìn thấy? Chỉ vì xấu hổ, người ta có thể nổi giận vì việc tôi bỏ đi lung tung. Tiếng giày đi tới nhanh kêu to hơn cho tới khi tôi không thể làm bộ như không nghe thấy. Lọc cọc - lọc cọc. Tôi quay lại, trông chờ chuyện tệ hại nhất. Thay cho một bộ mặt giận dữ, Tỉ đang gượng cười, một nụ cười mở rộng cho tới khi giống như nhăn mặt. Tỉ gần như hết hơi khi tới bên tôi. “Công nhân đang nghỉ ngơi”, chị nói. Đó là một kiểu nói kết thúc, như khi ở Mỹ người ta nói mình có việc phải giải quyết. Bạn không được hỏi đó là việc gì. Khái niệm nghỉ ngơi ở Trung Quốc là bất khả xâm phạm, và càng thêm tầm quan trọng khi nói điều đó với người nước ngoài. Người Hoa đã làm việc cực nhọc hàng nghìn năm. Nếu người ta nói họ cần thở lấy sức thì không cần giải thích thêm gì nữa. “Chúng ta quay lại thôi”, Tỉ nói và lặng lẽ dẫn đường. Tìm cách giải thích việc vừa xảy ra, tôi cảm thấy như thể vừa xem một màn ảo thuật và thấy một con voi to biến mất. Các công nhân đó đã đi đâu là một bí ẩn. Không thấy họ ở đâu cả và không thể làm gì hơn là dụi mắt và tự hỏi việc đó đã diễn ra như thế nào - hoặc tại sao. Làm thế nào một xưởng chế tạo có thể hoạt động sôi nổi trong một lúc rồi sau đó biến mất? Tối đó tôi điện thoại cho Bernie. Tôi e ngại. Nhất định cái trò hô biến này không thể nào xảy ra ở Mỹ, và nói chuyện đó với ông chắc chỉ có thể biến tôi thành một kẻ điên rồ. Ít nhất, việc đó cũng biến tôi thành kẻ mang tin xấu. Tôi đã quyết định là tôi sẽ tường thuật cuộc thăm viếng nhà máy - nhưng chỉ đại khái thôi. Có những chi tiết khác cũng đáng để cung cấp. Tôi sẽ cho ông ấy biết tất cả về cuộc thăm viếng, nhưng tôi sẽ loại phần cuối cùng ra vì dù sao người ta đâu có giả định là tôi phải nhìn thấy nó. “Họ có vẻ bận rộn không?”, ông hỏi. Hóa ra đó là điều duy nhất ông quan tâm trong khi thảo luận - tình trạng bận rộn chung ở công xưởng. Tôi đã quyết định kể cho ông nghe chi tiết về đoạn cuối cuộc hành trình. Ông không chỉ tin những gì đã xảy ra mà còn cười lớn. Chính ông đã tới nhà máy đó mấy tuần trước và đã nghi ngờ rằng một trò tương tự cũng đã được sắp đặt để lừa ông. Ông không buồn phiền chút nào. Hoàn toàn ngược lại, ông nói rằng những gì tôi báo cáo là tin tốt. Tôi thú thật là mình không hiểu. Những gì diễn ra trong ngày đó làm tôi không yên tâm, và tôi nghĩ: Bất cứ xưởng chế tạo nào sẵn sàng đi xa như vậy để làm ra vẻ bận rộn chắc hẳn đã có sẵn một ít trò bịp bợm nữa. Nhưng Bernie không nhìn vấn đề theo cách đó. Ông đã hình dung là nếu công ăn việc làm ít như vậy, và họ đã nỗ lực nhiều như vậy, thì điều đó có lợi cho công ty của ông - ông có thể ép giá thành xuống thấp hơn. Tôi thấy thú vị về cách Bernie nhìn vấn đề khác tôi. Ông thấy rằng nhà máy này đã hành xử đáng khen. Nếu họ có động cơ như vậy, ông cũng có thể hưởng lợi từ sự tập trung hoàn toàn của công ty này, điều đó cũng có nghĩa là chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn. “Hãy cho tôi biết, kho hàng có đầy không?” “Kho hàng?” Bernie đã không có yêu cầu đặc biệt về kho hàng trước cuộc thăm viếng của tôi, nhưng đó là một phần của chuyến tham quan. Tôi bảo ông rằng tôi nhớ nó khá trống trải. Ông yêu cầu tôi ước lượng số kiện hàng, và tôi bảo ông rằng chỉ có chừng 50 kiện chứ không thể hơn. “Tuyệt vời”, ông nói. “Họ sẽ rất cần làm ăn với tôi”. 2. RẮC RỐI LÀ NGHỀ CỦA TÔI Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh năm 2001, tôi trở lại Trung Quốc nơi tôi đã kinh qua phần lớn sự nghiệp. Có lý do riêng khiến tôi thấy chốn này thu hút mình - tôi hết sức tự nhiên thoải mái ở châu Á - nhưng cũng có một lý do thuộc về công việc. Nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch đầy biến động, và kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng không giống bất cứ nước nào khác. Có mặt ở đó, tôi thấy mình đang ở trung tâm của một thời điểm và địa điểm có một không hai, thậm chí có tính lịch sử. Khi còn là sinh viên, tôi đã học lịch sử và ngôn ngữ Trung Quốc, và trong thời gian soạn luận án MBA ở trường Wharton, tôi đã có thêm một bằng về kinh doanh ở Đông Á. Cho nên chuyện tôi sẽ quay lại Trung Quốc có vẻ là đương nhiên. Tôi đã làm việc ở đó vài năm, và còn nói được cả tiếng Hoa. Dù nền tảng học vấn của tôi có thể thích hợp cho công việc trong ngành chế xuất, nhưng chỉ nhìn sơ qua khu vực này cũng thấy rằng tôi ở đang trong một vùng đất mới. Xuất khẩu đã đóng góp đáng kể cho phép màu kinh tế Trung Quốc, thế mà không có giáo trình nào trong trường kinh doanh hay những cuộc tranh luận không chính thức đề cập tới phần lý thú và quan trọng này của nền kinh tế. Các bạn học của tôi đã xông ra theo đuổi những nghề truyền thống trong ngành ngân hàng đầu tư, tư vấn quản lý, hoặc vốn cổ đông tư nhân. Có nền tảng đào tạo về tài chính, chính tôi gần như cũng xuôi theo con đường đó. Lúc đó tôi muốn lập nghiệp ở Hoa Nam, nơi tập trung hoạt động sản xuất và tôi đã tìm kiếm mọi lý do để tham dự. May mắn thay, tôi đã không phải tìm kiếm lâu. Dù tôi không biết nhiều về tình hình sản xuất, nhiều người biết còn ít hơn tôi. Những nhà nhập khẩu Mỹ vừa và nhỏ ào ạt gia nhập thương trường, và tôi được coi như người có thể giúp họ làm ăn. Các nhà nhập khẩu Mỹ đã liên hệ với tôi, nhưng điển hình là họ chỉ làm thế sau khi kế hoạch của họ bắt đầu đổ vỡ, sau khi họ đã thử và sử dụng hết những khả năng lựa chọn khác. Một lý do khiến họ chậm yêu cầu giúp đỡ là tính ngạo mạn, nhưng - như sau này tôi mới hiểu - cũng vì các nhà chế tạo Trung Quốc có thói quen làm như mọi việc đều có vẻ dễ dàng. Trong mọi trường hợp, những nhà nhập khẩu liên hệ với tôi thường là đã sức cùng lực kiệt. Họ đã tuyệt vọng, và có những lúc tôi cảm thấy mình giống như Philip Marlowe trong một truyện trinh thám của Raymond Chandler. Tôi không có văn phòng với cửa kính mờ, nhưng khách hàng tìm tới tôi theo kiểu cách ngẫu nhiên tương tự. Họ tìm sự giúp đỡ để đi trên những con đường chông chênh ở Trung Quốc. Như ai đó đã nói, Trung Quốc là một thế giới ngược đời, và kiếm việc làm là chuyện dễ; việc đầy ra đấy. Tôi không có công việc được mô tả rõ ràng. Tôi đảm trách những chuyện cần chỉnh đốn. Điển hình là sau khi mọi chuyện đã rối beng, tôi mới được yêu cầu sắp đặt lại cho trật tự, giải quyết cho êm thắm, dàn xếp cho ổn thỏa. Khách hàng gọi và giữ kín chi tiết. Thường khởi đầu với “Tôi có một công việc cho ông”, rồi tôi lún sâu vào mà không nhận thấy. Rắc rối là nghề của tôi. Trước đây tôi không biết tôi sẽ làm những công việc đó bao lâu, nhưng tôi hình dung sẽ cần một thời gian. Ý định của tôi là nhận bất cứ việc gì tôi gặp, và thay vì giao thiệp với một, hai công ty lớn, tôi sẽ giúp một số lớn những nhà nhập khẩu vừa và nhỏ. Vì tôi cố ý tạo cho mình một cơ hội học hỏi nên ý tưởng về sự đa dạng linh tinh này có sự quyến rũ nhất định. Nhờ quan hệ với những công ty nhỏ, tôi có thể thu thập kinh nghiệm rộng lớn hơn liên quan tới nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tôi sẽ có nhiều nguồn thông tin hơn, và điều này sẽ giúp tôi cảm nhận tốt hơn về những gì đang diễn ra trong bộ phận bí hiểm nhưng quan trọng của nền kinh tế toàn cầu này, có thể nói như vậy. Có lẽ rốt cuộc, tôi tưởng tượng, tôi còn có thể rút ra một ít kết luận. Sau khi kế hoạch xà phòng và dầu gội được khởi động, tôi nhận được điện thoại của Howard, một nhà kinh doanh đồ trang trí nội thất. Howard đã có một công việc làm ăn trôi chảy trong nhiều tháng, nhưng rồi ông mất liên lạc với nhà cung cấp. Ông chưa bao giờ thực sự đích thân tới Trung Quốc, điều này làm ông thêm lo lắng, nhưng lúc đó ông không hề thấy cần đi. Công việc đang trôi chảy dễ dàng. Rồi, một tuần nọ, khi ông sắp đặt hàng, nhà sản xuất biến mất. Không ai trả lời điện thoại hay thư điện tử của ông. Đây là một trường hợp mất tích. Không hiểu sao các nhà sản xuất ở Hoa Nam rất sợ điện thoại. Họ cũng không đặc biệt giỏi giao thiệp bằng thư từ. Căn cứ theo khối lượng giao dịch lớn mà các nhà máy này thực hiện với các nhà nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, đó là một thói quen đặc biệt khó giải thích. Howard nghĩ tới chuyện tồi tệ nhất khi không thể tiếp xúc với nhà cung cấp của ông, nhưng tôi bảo ông đừng lo, chưa cần lo lắng. Bỏ chút công sức thăm dò, cuối cùng tôi đã tìm được ông chủ công ty đó. Dù tôi đã liên lạc được với Kevin bằng điện thoại, ông ta còn e ngại và không cung cấp tin tức về trường hợp của Howard. Theo yêu cầu của Howard, tôi hỏi Kevin tôi tới xưởng sản xuất của ông ta có được không. “Mời ông tới”. “Chiều thứ ba có được không?” “Hãy gọi tôi khi ông tới thành phố”. “Nhưng phải mất hai giờ lái xe. Thứ ba có được không?” “Hãy gọi tôi khi ông tới”. Đây lại là một trong những thói quen dễ thương nữa của họ: Các nhà chế tạo ở Hoa Nam cũng không thích hẹn trước. Họ thích mọi chuyện tự phát. Họ không thích cam kết bất cứ chuyện gì. Bị trói chặt vào một thời điểm và địa điểm cụ thể có nghĩa là một nhà công nghiệp có thể mất một cơ hội quan trọng. Nghĩa là có thể hối tiếc. Ngày thứ Ba tôi thuê một chiếc xe và tới xưởng sản xuất, nó ở gần thành phố Triều Châu ở phía đông tỉnh Quảng Đông, cách cái xưởng dầu gội chỉ một vài giờ xe. Tài xế vốn là người Hồ Nam, phải dừng lại mấy lần để hỏi thăm đường, và mỗi lần như vậy một đám mây bụi vàng lớn lại chụp lên chúng tôi và chiếc xe. Trung Quốc có nhiều khu chế xuất, và Triều Châu tập trung mua bán đồ gốm sứ. Người ta nói nó là trung tâm gốm sứ đã hàng nghìn năm do trong đất ở khu vực này có một chất gì đó đặc biệt. Khi chúng tôi vào thị trấn, tôi để ý thấy nhiều cửa hiệu nhỏ có những đống đất mịn ở trước cửa hoặc hai bên cửa hàng. Nhà máy sản xuất ở Hoa Nam thường được xây dựng dọc những con đường chính, nhưng đường đi tới xưởng của Kevin rẽ xuống một con đường hẹp. Chỗ của ông ta được xây dựng như một pháo đài; thay vì cổng sắt kéo như hầu hết các nhà máy khác, xưởng của ông ta có một tường gạch cao và một cửa thép đồ sộ ở lối vào. Tôi thấy chuông cửa và nhấn gọi. Chó bắt đầu sủa và sủa mãi tới khi có người tới suỵt cho chúng im. Kevin ngoài đời có vẻ thân thiện hơn khi nói điện thoại nhiều, và ông ta xin lỗi vì tôi phải lái xe đi xa. Ông hỏi tôi tìm ra chỗ này có khó không. Kế đó ông tự giới thiệu, nói rằng ông từ Los Angeles tới. “Ông là người Mỹ?” “Không. Tôi là người Hoa”. “Ông đã định cư ở Hoa Kỳ?” “Không”, ông nói. Ông thích kiểu trao đổi lấp lửng này và nói với tôi về Los Angeles với cái cười ranh mãnh trên mặt. Tôi bảo ông ta rằng tôi hơi hoang mang. Từ lời ông giải thích sau đó, tôi có thể hiểu rằng ông chỉ đi nước ngoài cho vui - và cũng không phải nhiều lần. Giọng nói của ông cho thấy rằng ông là người Hoa bản địa, và ông xác định rằng ông chưa bao giờ thực sự sống ở Nam California. Tôi hỏi vậy tại sao ông gọi đó là quê nhà, và ông chỉ trả lời bằng giọng mơ màng: “Tôi yêu Los Angeles”. Người nào chưa sống lâu ở Trung Quốc khó mà hiểu được người ta có thể hiểu lầm ý định với thực tế tới mức độ nào. Xưởng của Kevin làm đồ gốm, và loại thường được sản xuất nhất là một kiểu nhái đồ Ý trông có hơi hướm đồ cổ, giá như không được tô màu sặc sỡ và phủ men trong. Những món đồ vừa ra khỏi dây chuyền sản xuất, và Kevin đưa cho tôi coi. Một món có chữ “Italianate” kết hợp luôn trong kiểu dáng. Nhìn quanh xưởng, tôi hiểu rằng kiểu mới này bỗng dưng được ưa chuộng ở Hoa Kỳ. Chúng tôi lần ngược qua các quy trình trong xưởng, đi từ khu vực các món đồ được hoàn tất tới công đoạn người thợ vẽ bằng tay những chiếc bình đã khô. Những cô gái có vẻ quá trẻ so với công việc ngồi trên băng gỗ và kiên nhẫn tô màu bằng những chiếc cọ dài. Tôi nhìn gần hơn và có thể thấy mỗi món đồ có một hình phác họa. Công nhân đựng màu trong những cái bát nhỏ, hoặc trong những đĩa nông tương tự thứ nghiên dùng viết chữ Hán, mỗi lần vẽ với một ít màu. Tất cả nữ công nhân ngồi hai bên một chiếc bàn dài, hai hàng đối diện nhau. Họ lặng lẽ làm việc với nhịp độ thư thả, và tôi nghĩ phòng làm việc này có phong cách của một lớp hội họa. Riêng trong một góc - cách xa các cô gái ở mấy chiếc bàn dài - là một cậu bé ốm nhom tay cầm một con dao mổ. Chúng tôi dừng lại một lúc và theo dõi cậu ta dùng khí cụ này cắt ra một khối bọt xốp màu vàng. Sau khi cắt ra một miếng nhỏ, cậu ta thổi bay những mảnh vụn và thử công trình của mình bằng cách nhúng cái cục đó vào một khay mực. Rồi cậu ta nhấn cái khối đó lên một tờ giấy lớn, cho thấy nét phác họa của một hình trang trí bông hoa. “Đây là công việc khó nhất trong xưởng. Không phải ai cũng làm được”. Các khối bọt xốp được dùng để in hình phác họa sẽ được tô màu trên những món đồ gốm, và hình ảnh phải được khắc ngược. Thật ấn tượng, và tôi bắt đầu lấy chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ trong xách tay ra. Tôi nghĩ gởi những bức ảnh về cho Howard là một ý tưởng hay. “Rất tiếc”, Kevin nói. “Không được chụp ảnh”. Rồi tôi hiểu ra Kevin có ý thức đề phòng. Ông ta đưa tôi trở lại văn phòng và mời tôi ngồi. Trên bàn làm việc của ông có hai màn hình máy tính từ đó ông có thể thấy toàn bộ xưởng sản xuất. Tôi chú ý tới hệ thống này, và với những bộ điều chỉnh, ông cho tôi thấy cách ông có thể thay đổi các góc máy thu hình và phóng to, thu nhỏ. Ông nói ông cần giám sát những người lao động, và ông giải thích rằng nhân viên của ông không được phép rời khỏi cơ sở sản xuất. Nhiều cơ xưởng đã có những chính sách đó, nhưng Kevin còn đi xa hơn bằng cách giữ thẻ căn cước của nhân viên để an toàn hơn. “Tại sao phải có những biện pháp an ninh đó?”, tôi hỏi. “Chúng tôi có nhiều bí mật”, Kevin nói. Ông còn phải duy trì kiểm soát những chuyện khác nữa. Ông giải thích rằng trong xưởng sản xuất không có hơn một phần tư công nhân có chung một quê quán. Ông nói khi quá nhiều công nhân đồng hương thì các nhóm sẵn sàng âm mưu hơn. Một bí quyết khác của ông là thuê nhiều lao động hơn mức cần thiết. Khi có đủ việc cho mọi người, công nhân thấy người ta cần họ và có khuynh hướng đòi hỏi này nọ. Khi không có đủ công việc, công nhân nỗ lực hơn để chứng tỏ là mình xứng đáng. Kevin yêu cầu tôi theo ông tới một phòng trưng bày. Đồ gốm ở đây đủ thứ kiểu cọ. Trong khi một số món gây cho tôi cảm tưởng là kiểu Mỹ, những món khác có vẻ châu Âu hoặc thậm chí Trung Đông hơn. Sự pha tạp các kiểu này biến bộ sưu tập hàng mẫu của nhà máy giống một tiệm bán hàng phế thải. Đang có một vụ giao hàng, và Kevin hướng sự quan tâm tới những người vừa đến. Có ba người, và họ mang vào những mẫu hàng gồm lọ và đèn. Kevin chú ý tới một món, một chiếc đèn có màu đồng. Ông lập tức xem xét nó kỹ lưỡng rồi rứt bỏ cái nhãn hàng, ông chụp một tấm hình. Tôi hỏi Kevin, những người giao hàng có phải là nhân viên của ông không. Ông nhìn tôi với vẻ mặt tinh quái. “Không, họ là do thám của tôi”. Khi nói thế, ông cẩn thận nhìn tôi, đo lường phản ứng của tôi như ông đã làm lúc nãy khi ông bảo tôi rằng ông từ Los Angeles tới. Kevin giải thích rằng ông cho đủ hạng người lùng sục mẫu hàng trong vùng. Ở đây có quá nhiều xưởng sản xuất tập trung nên có thể làm việc đó. Tôi tưởng tượng công nhân trong một số xưởng chế tạo lén đưa mẫu hàng ra để được một ít tiền, hoặc mẫu hàng có thể bị đánh cắp ngay trên xe tải trước khi xuất khẩu. Mẫu mã mới có giá trị lớn với Kevin. Nếu ông thấy một mẫu mã mà ông thích, ông chụp ảnh và gởi cho khách hàng. Nếu có người đặt hàng, ông có thể yêu cầu một nhà máy khác sản xuất hoặc sao chép sản phẩm đó và tự mình sản xuất. Ông không chú trọng lắm đến việc sản xuất hàng điện khí, ông nói, nên chiếc đèn này là thứ ông sẽ đặt làm gia công. Tôi chưa từng gặp người nào giống như Kevin. Ông ta có tài mê hoặc một cách ranh ma, và trong chuyện này ông ta giỏi hơn người khác. Ông ta đề phòng bằng cách nhốt công nhân của mình sau một bức tường cao - vì ông ta không muốn bí mật của mình xì ra ngoài - nhưng lại hăm hở tìm cách chiếm đoạt bí mật của đối thủ cạnh tranh. Nhái kiểu mẫu là hoạt động lan tràn ở Trung Quốc, và chuyện này khiến các nhà sản xuất hành động một cách lạ lùng. Tôi đã gặp một nhà sản xuất những kiểu giày “mượn” từ châu Âu. Công ty này sợ đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc ăn cắp những kiểu mới có của họ. Nhân viên của hãng sản xuất được cho cơ hội mua một đôi giày mà họ sản xuất (với giá hạ), nhưng họ không được phép đem giày ra khỏi nhà máy trong vòng một năm - trước khi kiểu giày đó được thị trường biết tới nhiều hơn. Ở Trung Quốc, cách hành xử như Kevin là điều dễ hiểu, và hầu hết mọi người sẽ nói rằng ông ta cẩn thận như vậy là khôn ngoan. Và với việc hăng hái tìm kiếm mẫu mã độc đáo của người khác, một số người sẵn sàng coi ông ta là sáng suốt. Suy cho cùng, nhà máy của ông ta đã bán những gì ngoài đất và nước tô màu và men? Vô số nhà máy trong vùng có thể chế tạo cùng một thứ sản phẩm với cùng một giá, nếu không rẻ hơn. Vấn đề của Howard, thân chủ điên rồ của tôi, té ra là ông ta không có mẫu mã độc quyền riêng. Những nhà nhập khẩu khác từ Hoa Kỳ đã đặt làm những mẫu hàng mới đáng chú ý, và Kevin nóng lòng nắm lấy các mối hàng đó. Kevin nói rằng ông ta muốn giúp Howard, nhưng ông ta ở trong hoàn cảnh khó khăn. Ông ta không thể bán mẫu mã độc quyền của những nhà nhập khẩu Mỹ cho người khác cũng ở Hoa Kỳ. Ông ta không nói ra nhưng tôi có cảm tưởng là ông ta sẵn sàng bán một số mẫu mã đó nếu Howard ở một thị trường khác. Cuối cùng, Kevin nói rằng ông ta chỉ có thể cung cấp cho Howard những sản phẩm có trong kho hàng của mình. Một số mẫu mã đã lỗi thời, nhưng có thể thích hợp với dòng sản phẩm của Howard. “Tôi còn chọn lựa gì được nữa?” Howard bảo tôi. “Tôi hết hàng bán rồi”. Trong lần thăm viếng sau, tôi xem xét kỹ mẫu gốm, và căn cứ theo lượng bụi trên các món đồ, hình như chúng đã nằm trong kho từ hai tới ba năm. Các món này đã được sản xuất cho những nhà nhập khẩu khác, và dưới đáy có những mã vạch cho những nhà bán lẻ cụ thể. Một mã vạch cho TJ Maxx, một chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn. Nếu các mẫu hàng này không còn hợp thời nữa, tôi nghĩ, có lẽ TJ Maxx không bận tâm chuyện các nhà cung cấp Trung Quốc của họ bán chúng cho người khác. Nhưng thế thì một khách hàng như Howard được hưởng lợi gì nếu ông mua một thứ hàng hóa lỗi thời. Chuyện tệ hại nhất về món đồ gốm mà Kevin muốn bán là giá cao. Một nhà nhập khẩu như Howard lẽ ra chỉ trả khoảng một phần tư giá bán lẻ, nhưng ông đã trả gần 50%. Gần như chắc chắn là Howard đã trả nhiều hơn giá ông có thể trả khi TJ Maxx hạ giá hàng trong lần bán cuối mùa để khóa sổ. Những nhà nhập khẩu có cung cấp mẫu mã riêng được nhà sản xuất Trung Quốc tính giá thành thấp. Họ được cung cấp với giá hời một phần vì những nhà nhập khẩu nhỏ hơn đã trả nhiều hơn. Khi một số công nhân trong xưởng của Kevin đóng gói hàng hóa cho Howard, tôi thấy một số món hàng có khiếm khuyết, và tôi cảm thấy không yên tâm về triển vọng kinh doanh của Howard. Howard thất vọng nhưng cam chịu. Lượng hàng của ông không đủ thuê người thiết kế kiểu mẫu riêng và do đó ông cảm thấy phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất. Howard cũng lặp đi lặp lại rằng ông đang cần gấp, và có thứ gì ông cũng lấy. Chúng tôi cất hàng và gởi đi cho Howard. Thêm vài chuyến hàng nữa và Howard gặp rắc rối. Như dự đoán, giá tính cho ông quá cao. Một nhà nhập khẩu hàng gốm sứ không thể mua sản phẩm chỉ với giá một nửa giá bán lẻ mà sống được. Kevin biết điều đó nhưng cứ đẩy giá lên cao hơn. Khách hàng lớn được giảm giá; khách hàng nhỏ trả nhiều hơn. Đó là cách thức kinh doanh ở Trung Quốc, và như về sau tôi hiểu được, đây là mô hình kinh doanh hiệu quả về mặt kinh tế cho các nhà chế tạo Trung Quốc. Khách hàng lớn được giảm giá không chỉ vì họ mua nhiều mà vì họ cung cấp những mẫu mã mới. Các mẫu mã này sau đó được chuyển cho những nhà nhập khẩu nhỏ, những người chịu bị ép giá. 3. “CHỈ CẦN ÔNG ĐƯA HÀNG MẪU LÀ XONG!” Những người mới xâm nhập giới sản xuất Trung Quốc lần đầu thường kinh ngạc vì những gì họ thấy. Tưởng tượng những kiến trúc công nghiệp đồ sộ với rác rưởi và tiếng ồn, họ mong thấy một cái gì gây cảm hứng cho tiểu thuyết của Charles Dickens, hay bộ phim Thời Hiện đại của Charlie Chaplin. Thật ra, môi trường lao động không đến nỗi ngột ngạt, và chính các công trình kiến trúc cũng có kiểu dáng đơn giản. Những dấu hiệu phổ biến của công nghiệp lại không thấy tồn tại ở nhiều công ty; thực tế là có ít ống khói và không có tiếng còi nhà máy. Ở Hoa Nam, công trình xây dựng điển hình là hình hộp nhiều tầng bằng bê-tông cốt thép, thứ kiến trúc khiến ta nghĩ tới những dự án gia cư. Những tòa nhà này dáng vẻ công nghiệp là nhờ khuynh hướng đi theo từng cặp. Xưởng sản xuất có vẻ đơn sơ hơn, và công trình sinh đôi với nó - cái có màu sắc sặc sỡ - là nhà ở tập thể của công nhân. Ăn ở trong những khu chật chội, công nhân bảo tồn không gian và đồng thời giữ chăn màn, quần áo của họ sạch sẽ bằng cách treo chúng ngoài cửa. Trên đường lái xe từ xưởng gốm của Kevin gần Triều Châu tới Sán Đầu nơi có nhà máy King Chemical, tôi đã đi qua một số công trình xây dựng từng cặp như vậy. Không có gì đặc biệt mời mọc, nhưng dù sao tôi vẫn tự hỏi trong mỗi cơ ngơi đó người ta sản xuất cái gì. Đôi khi bạn có thể biết một công ty sản xuất cái gì do tên của nó, hoặc ít ra bạn có thể thấy một số đầu mối, như từ “thép” hay “nhựa” trên một biển hiệu bên đường. Nhưng với hầu hết những xưởng sản xuất này, chuyện gì diễn ra sau những bức tường của chúng thường là một bí ẩn. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi ngẫu nhiên dừng lại và bước vào một trong những nhà máy Trung Quốc này? Tôi yêu cầu tài xế cảm phiền làm theo ý tôi. Anh ta liếc xéo tôi, không nói gì, rồi chậm rãi nhún vai. Chúng tôi vừa đi qua một xưởng sản xuất thì tôi yêu cầu anh ta dừng lại. Một nhân viên bảo vệ ngồi trong chốt canh bên cổng đi ra. Anh ta đi tới phía cửa của tài xế, và tôi nghiêng người xuống để có thể nhìn thấy anh ta. “Shenme shi?” anh ta hỏi, muốn biết công việc của tôi. “Tôi chỉ muốn biết ở đây các ông sản xuất cái gì”. Anh ta nhìn kỹ tôi rồi hỏi tôi có phải là khách hàng không. Đó là một câu hỏi tự nó trả lời. Nếu tôi là khách hàng thì tôi đã biết họ làm gì rồi. Và vì tôi không biết… Người bảo vệ nhấc điện thoại lên và nói lí nhí với một người nào đó. Tôi thấy trên tường chốt canh nhỏ bé của anh ta có treo một cây dùi cui và một khẩu súng. Để điện thoại xuống, anh ta châm một điếu thuốc nhưng không nói gì. Tôi đứng phía ngoài, trong khi người tài xế tắc-xi lái xe ra khỏi cổng, hướng tới con đường chính như thể dự trù một cuộc rút lui nhanh khi cần. Một ít phút im lặng trôi qua, rồi một người đàn ông to béo mặc áo lao động màu nâu từ nhà máy xuất hiện. Ông ta nhanh nhẹn đi tới cổng, hai tay vung vẩy. “Hoan nghinh! Hoan nghinh!” Ông ta nói. “Xin chào! Xin chào!” Ông ta nắm tay phải của tôi bằng cả hai bàn tay mập mạp và chai sần. Ông ta lắc tay tôi lâu hơn cần thiết, lâu đến mức khó chịu, và tôi bỗng cảm thấy cần giải thích. “Tôi chỉ đi ngang qua xưởng của ông thôi”, tôi nói. “Không có gì”, ông nói. “Tôi chỉ muốn biết…” “Xin vào ngồi chơi một lát”. “Tôi chỉ muốn hỏi ông một câu”. “Nhất định rồi”, ông nói. “Chúng ta sẽ đàm luận về chuyện đó”. Khi có dính líu với chuyện làm ăn, lòng hiếu khách của người Hoa có thể khiến ta ngạt thở. Tôi cố giải thích là tôi chỉ đi qua khu vực này trên đường về khách sạn. Nói cách khác, tôi tò mò nhưng đúng là tôi không sẵn sàng đi lệch lộ trình chính quá xa. Vào văn phòng của ông nghĩa là trò chuyện lê thê, rồi ông có thể mời tôi uống trà, hoặc cố đưa tôi đi ăn, và tôi thì không có thì giờ. Ông có thể cho biết ông sản xuất thứ gì thôi được không? “Ái ui!”, ông ta kêu to như thể bị đập trúng một gậy. Nét mặt tôi có lẽ gợi ý sự yếu đuối hoặc thương hại, vì kế đó ông tóm lấy tay tôi và lôi tôi vào trong. Trước đó đã lo ngại là tôi có thể bị đuổi ra khỏi dinh cơ này, bây giờ tôi hoang mang tự hỏi có bao giờ tôi được phép rời khỏi nơi đây không. Vì xưởng sản xuất này đặt ở một nơi hẻo lánh, có thể giả định hợp lý là ông chủ xưởng không có dịp tiếp nhiều vị khách tình cờ. Dù vậy, ông vẫn xin lỗi về tình trạng vô trật tự ở chỗ này. Ông tỏ vẻ thật thà bối rối, như thể ông cho rằng một ngày nào đó người lạ có thể bất ngờ xuất hiện tại xưởng của ông mà không cần báo trước. Rất nhiều người đã từ nước ngoài tới Trung Quốc để săn lùng hàng hóa; chắc chắn những cuộc viếng thăm tình cờ như vậy là bước kế tiếp không thể tránh. Ông yêu cầu tôi ngồi trong văn phòng của ông, và tôi cố thuyết phục ông thay vì vậy hãy đi tham quan xưởng sản xuất. Đây không phải là chỗ trưng bày. Đúng ra đó là một chỗ nhếch nhác, và tôi nhận thấy các ghế dài và ghế đẩu được đóng dính với nhau bằng những miếng gỗ. Dọc một bức tường cáu bẩn, bên một dãy ghế dài, một trong những người thợ đã viết một chữ Hán giống nhau nhiều lần. Chính, chính, chính, chính, chính, chính, chính … Trong tiếng Hoa, đó có nghĩa là “đúng”, và đó là một chữ gồm đúng năm nét. Hình như những người thợ đã dùng chữ cổ này để ghi nhớ số món đồ mà họ đã làm được. Đó là một phương pháp đếm giống cách người Mỹ vẽ bốn đường thẳng đứng tiếp theo là một đường chéo để tính con số năm - kiểu vạch bạn hay thấy trong phim khi một người tù ghi dấu trên tường để đếm số ngày trôi qua. Cuối cùng, tôi đã biết họ sản xuất cái gì. Công ty này chuyên làm những bức tượng nhỏ bằng nhựa tổng hợp. Sản phẩm của họ được xuất khẩu, dù công ty của họ không tự chuyên chở món hàng mà bán cho một công ty thương mại có hợp đồng với người mua ở nước ngoài. Trong kho hàng có cả trăm thùng giấy bồi chất đống dọc một bức tường, tất cả đều ghi cùng một điểm đến: Long Beach, California. Lúc này công ty không sản xuất. Tôi hỏi họ có thể mở một thùng để xem thành phẩm không. Một công nhân dùng một chiếc chìa khóa cắt đại băng kéo dán trên một thùng hàng. Ông chủ xưởng lấy đưa tôi coi một tượng nhỏ trong khi theo dõi phản ứng trên mặt tôi. Tôi thấy đó là một tượng Chúa Giáng sinh, và ở phía trước và dọc theo chân bức tượng có hai chữ: Feliz Navidad. Tôi ngạc nhiên khi thấy ghi chữ Tây Ban Nha. “Tây Ban Nha văn”, tôi nói. Trong tiếng Hoa, “Tây Ban Nha văn” và “Tây Ban Nha quốc” đọc gần giống nhau. “Bất thị Tây Ban Nha. Không phải Tây Ban Nha”, ông nói. “Đây là hàng xuất khẩu đi Mỹ”. Hình như ông chủ xưởng cho rằng chữ viết trên sản phẩm là tiếng Anh. Ở chân sản phẩm có một nhãn xuất xứ - MADE IN CHINA (Sản xuất tại Trung Quốc). Sản phẩm này chắc chắn là dành cho thị trường người Mỹ La tinh ở Hoa Kỳ, và tôi tự hỏi sao nó lại được sản xuất ở xa như vậy. Chắc chắn là chi phí lao động ở Mexico khá thấp, và vì ở gần thị trường như vậy, chi phí vận chuyển phải rẻ hơn. Sự phối hợp và liên lạc cũng phải dễ hơn. Đây là một sản phẩm, tôi nghĩ, đáng lẽ được đóng dấu dưới đáy là: HECHO EN MEXICO (Sản xuất tại Mexico). “Cho lễ Giáng sinh”, tôi nói. Ông chủ xưởng gật đầu một cách hoang mang về lời nhận xét này. Có vẻ như ông không biết mình chế tạo cái gì. Tôi thấy chuyện này kỳ quái, nhưng rồi ông nêu lên những chi tiết khác. “Ông thích nó không?” ông hỏi. “Vâng, đẹp lắm”. “Ông muốn thảo luận giá cả chớ?” Tôi nghĩ vì rõ ràng là tôi chỉ đi ngang qua, tôi không nhất thiết thuộc về thị trường thứ hàng hóa này. “Chúng tôi có thể làm ra sản phẩm theo yêu cầu của ông”, ông nói. Tôi giải thích rằng không những là tôi không liên quan tới tặng phẩm theo mùa, thậm chí tôi còn không phải nhà nhập khẩu. Lời của tôi không có công dụng làm ông chủ nản lòng chút nào, ông hứa là ông sẽ giúp đỡ. Ông nói ông có một hợp đồng chế tạo mà chúng tôi có thể sử dụng, và ông biết một công ty xuất khẩu, một công ty có thể giúp đưa sản phẩm ra khỏi nước. Hơn nữa, nếu cần một đại lý vận tải, ông sẽ giới thiệu cho. Chi trả dễ dàng: chỉ cần đặt cọc, và việc sản xuất có thể bắt đầu. “Chúng tôi có thể làm mọi thứ ông cần”, ông nói. “Chỉ cần ông đưa hàng mẫu là xong!” Nhiều người vẫn còn cho rằng phải có những quan hệ đặc biệt mới có thể sản xuất bất cứ thứ gì ở Trung Quốc, nhưng thực ra không hề có những kẻ hợm mình trong lĩnh vực chế xuất. Như một người hồ lì ở Las Vegas sung sướng giải thích luật chơi súc sắc cho một con bạc mới, các nhà sản xuất Trung Quốc tỏ ra sẵn lòng bỏ thì giờ thuyết minh cho người mới tới cách khởi sự ra sao. Các ông chủ xưởng sản xuất hiểu rằng trước hết họ cần tóm được một khách hàng nếu họ muốn thực hiện những lợi ích lâu dài. Khởi sự hoạt động chế xuất không phải việc khó. Nhất định sẽ có những thử thách, nhưng ít khi ở lúc bắt đầu. Các nhà chế tạo Trung Quốc cố gắng hết sức, nếu như phải làm ra vẻ làm ăn với họ là chuyện dễ dàng. Và với nhiều người mới vào nghề chế xuất, ông chủ nhà máy kiêm luôn vai trò ông thầy giáo. Sau khi bước tới cửa sổ để xem chiếc xe còn chờ ở cổng không (nó vẫn chờ), tôi giải thích với ông chủ nhà máy rằng tôi cần phải đi. Ông gói ghém một số hàng mẫu. “Mấy cái này miễn phí”, ông nói. Tôi cố phản đối, nhưng ông kiên quyết. “Ông có thể tặng bạn bè”. Các nhà công nghiệp Trung Quốc vô cùng lạc quan, và họ tặng hàng mẫu hú họa cứ như gởi thư bằng cách bỏ vào chai thả xuống biển. Như số phận đã đưa tôi tới cửa nhà ông, ai biết được các hàng mẫu này sẽ rơi vào tay ai. Nhiều nhà nhập khẩu đã tới Trung Quốc, và một trong những câu hỏi mà nhiều người tự hỏi là: Sao lại là Trung Quốc? Tại sao các nhà nhập khẩu không tìm tới những thị trường khác? Câu trả lời thường được đưa ra nhất là chi phí lao động thấp, nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện; lao động sản xuất trong những nền kinh tế khác thực tế là rẻ hơn. Tốc độ và sự tiện lợi là hai yếu tố quan trọng khác mà Trung Quốc thực hiện đặc biệt tốt. Các xưởng chế tạo Trung Quốc có thể nhận bất cứ sản phẩm nào và đưa nhanh vào sản xuất (“Chỉ cần ông đưa hàng mẫu là xong!”), và họ tỏ ra sẵn sàng và hào hứng đến độ khó tin để bắt đầu một quan hệ. Nhiều nhà nhập khẩu mới đang đổ tới Trung Quốc không nhất thiết phải có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế trước. Trong một số trường hợp họ là nhà buôn lẻ và nhà phân phối đã quyết định loại bỏ những đại lý trung gian trước đây từng cung cấp hàng hóa cho họ. Những người khác thì từ những ngành hoàn toàn không liên quan. Nhiều người đã bỏ nghề chuyên môn để nhảy vào ván cờ thương mại. Kinh doanh ở Trung Quốc không đòi hỏi giấy phép kinh doanh đặc biệt hoặc chứng nhận gì. Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc không đòi hỏi thử nghiệm hoặc tiêu chuẩn chuyên môn, và nhà buôn đã tới - và thường ở lại - đơn thuần bằng visa du lịch - thứ có thể gia hạn không mấy khó khăn. Hàng nghìn kẻ tay mơ xuất hiện tại những sự kiện như Hội chợ Quảng Đông - triển lãm thương mại lớn nhất Trung Quốc - chẳng thể nào biết rõ những gì đang diễn ra. Rào cản nhập khẩu đã được nới lỏng, và việc du nhập những công cụ công nghệ nhất định tỏ ra có ích. Máy tính nối mạng giúp tìm các xưởng sản xuất dễ hơn. Những trang mạng như Alibaba.com quảng cáo cho những nhà máy trước kia không ai biết. Ngoài ra, lượng đặt hàng tối thiểu cũng được hạ thấp để dễ bề khởi sự một công cuộc làm ăn. Cơ sở hạ tầng cũng có một vai trò. Với nhiều người mới thử làm ăn với Trung Quốc, việc họ có thể ở tại một khách sạn năm sao trong một số thành phố chỉ với 50 USD một đêm có ý nghĩa lớn. Các khách sạn này không thể so tiện nghi sang trọng với London hoặc Hong Kong, nhưng chúng chắc chắn tiện nghi hơn những gì bạn có thể có được ở Hoa Kỳ với giá gấp nhiều lần. Cơ sở hạ tầng của những nền kinh tế khác có khả năng cạnh tranh kinh doanh với Trung Quốc không được kiểm soát; cho nên dù hoạt động chế tạo ở các nước đó có giá rẻ, chi phí ăn ở, đi lại có thể rất cao. Lữ khách kinh doanh tới Trung Quốc nhận thấy các cuộc du hành của họ tốn ít hơn họ tưởng nhiều. Các nhà chế tạo Trung Quốc cho các nhà nhập khẩu mọi lý do để khởi sự. Họ duy trì chi phí trang thiết bị thấp và miễn phí dịch vụ trợ giúp khởi lập sản xuất. Một nữ thân chủ mà tôi cộng tác - một nhà phát minh - đã định tìm đến một công ty thiết kế kỹ thuật Mỹ để chế tạo nguyên mẫu của bà với giá 60.000 USD khi một xưởng chế tạo ở Trung Quốc nói họ sẽ làm công việc đó với giá dưới 4.500 USD. Giá thành hạ thấp như thế được đề nghị để khuyến khích bắt tay làm ăn với nhà cung cấp này. Ngay cả khi một sản phẩm phải sản xuất ở Hoa Kỳ với cùng chi phí tính theo đơn vị, ở Trung Quốc cũng tiết kiệm được đáng kể trong giai đoạn đầu. Chỉ tiết kiệm khởi lập thôi cũng giúp các nhà chế tạo kinh doanh thắng lợi, dù các nhà nhập khẩu liên quan phải hiểu rằng những mồi nhử như vậy tương đương với những lời rao hàng chỉ tốn nước bọt hoặc những cơ hội tốt đẹp đến mức không có thật. Mọi thứ về Trung Quốc được xây dựng để kéo khách hàng vào cửa, và những nhà nhập khẩu lần đầu tới đây nhận xét rằng họ quá ngạc nhiên về sự trọng vọng mà họ nhận được. “Họ đối đãi với tôi như một ông vua”, một nhà nhập khẩu đã nói với tôi khi giải thích mối quan hệ lúc đầu với nhà cung cấp ngọt ngào ra sao. Dù những mối quan hệ sản xuất có khuynh hướng dần dần trở nên khó khăn, gần như lúc nào buổi đầu cũng đầy hứa hẹn. Các nhà nhập khẩu hưởng ứng sự bợ đỡ và tâng bốc - dù rằng họ không nhận thấy - nhưng chỉ thế thôi thì kinh doanh không thắng lợi. Những quan ngại về rủi ro kinh doanh đè nặng quá trình ra quyết định. Những gì nhà nhập khẩu cần biết trước khi chuyển việc kinh doanh tới Trung Quốc là nền kinh tế này có an toàn không. Một nhân tố đóng góp quan trọng là nhận thức đang thay đổi về Trung Quốc: Đây là một môi trường rủi ro thấp. Trên thế giới còn có những nền kinh tế mà những nhà nhập khẩu có thể chuyển ngân bằng điện chuyển tiền rồi thấy rằng cả người nhận và tiền đều biến mất. Những nhà nhập khẩu tới Trung Quốc nói với những nhà nhập khẩu khác rằng chuyện này chưa từng xảy ra. Các xưởng sản xuất đều giao hàng, và chuyện gian lận trắng trợn ít có hơn những nơi khác trên thế giới. So với những nền kinh tế khác, Trung Quốc được coi như thánh địa. Châu Mỹ La-tinh vẫn là nơi phổ biến chuyện tội phạm chuyên nghiệp bắt cóc người. Ở những nước khác, ít nhất có thể tin tưởng là hành lý của bạn sẽ bị đánh cắp. Việt Nam, kế bên Trung Quốc - và có chi phí lao động thấp hơn - là một trong những thị trường mà chuyện ăn cắp vặt là việc bình thường. Nhà kinh doanh tới Trung Quốc không cần lo lắng chuyện bị bắn, bị siết cổ hoặc bị quấy rầy bằng cách nào khác. Trung Quốc không nhất thiết là nơi an toàn nhất thế giới cho người Hoa, nhưng an toàn cho người nước ngoài đi lại vì chuyện làm ăn, đặc biệt vì người bản xứ hiểu rằng họ không được quấy rầy những người “khách nước ngoài” quan trọng của nước họ. Nhiệm vụ cả nước là xây dựng nền kinh tế, và người ta mặc nhiên hiểu rằng phải đối đãi với người nước ngoài theo cái cách khuyến khích họ trở lại và đầu tư nhiều hơn. Khác hơn những nước khác, Trung Hoa đại lục - ít ra là bề ngoài - có vẻ tuân thủ pháp luật. Dù trên đường phố đầy người, không thấy có những dấu hiệu tệ nạn xã hội đi kèm. Có lẽ là do người ta nhận thức rằng chính phủ đang làm mọi cách có thể để biến Trung Quốc thành một điểm đến hấp dẫn. Ở Thượng Hải, một số lớn cảnh sát được triển khai trên đường phố để giảm tới mức tối thiểu những tội vi cảnh như đi bộ bất chấp luật lệ giao thông. Ở Quảng Châu và những thành phố khác, chính phủ cấm xe gắn máy - nếu như sự có mặt của chúng làm cảnh quan thêm hỗn loạn hoặc kém văn minh. Du khách tới lần đầu thấy ngay sự khác biệt là không có hình vẽ bậy bạ trên tường hai bên đường hoặc dấu hiệu bạo lực lộ liễu. Trung Hoa đại lục có vẻ yên bình, một sự kiện đáng ngạc nhiên nếu đối chiếu theo những tin tức về biểu tình và tham nhũng. Khi cộng tác với một số nhà nhập khẩu trong nhiều năm, tôi gặp nhiều người cho biết họ bị lôi cuốn theo sức cám dỗ làm kinh doanh ở Trung Quốc như thế nào. Những nhà nhập khẩu đã đi thăm những nơi khác đã không thu xếp để đạt được lợi nhuận có tiếng tương tự. Thí dụ, khi từ Đài Loan trở về, bạn bè và gia đình hay hỏi “Thái Lan ra sao?” Với những người ở nhà, quá nhiều việc diễn ra ở Đông Á rất mơ hồ, nhưng ít có nhầm lẫn về Trung Quốc. Nước này đã nổi tiếng. Những nhà nhập khẩu đã tới Trung Quốc được gia đình và bạn bè ở nhà coi là anh hùng: Họ đã tiếp bước những người khai phá trong lịch sử. Dẫu Marco Polo đã mất nhiều năm tìm đường tới Viễn Đông, nay cuộc hành trình có thể chỉ mất chưa tới một ngày. Đối với những kẻ phiêu lưu, Trung Quốc là cơ hội đầu tư có lợi. Trung Quốc chiếm một vị trí trong ý thức chung của phương Tây. Danh tiếng của nó đã được Marco Polo tạo lập trong thế kỷ XIV. Nước này vẫn còn gợi hứng cho nhiều tưởng tượng mà ít nơi có được. Và điều thật sự quan trọng với người trong giới kinh doanh là họ có thể trở về Mỹ và tuyên bố rằng họ đã tới và thành công ở Trung Quốc. Những nhà nhập khẩu là con người, và cùng với tiền bạc, họ muốn danh giá. Họ muốn khoe khoang mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Trung Quốc kỳ lạ nhưng không quái dị. Người Hoa không mặc quần áo bản địa, họ không chải bới nhiều kiểu tóc hoặc đội nhiều thứ khăn, mũ hoặc mặc áo dài, họ không mang dép. Họ không có thói quen ngồi dưới đất. Người Hoa không cúi lạy hay yêu cầu khách có cử chỉ khác lạ, và mọi người có thái độ phi tôn giáo dễ chịu. Dù có những ngày lễ, những cuộc họp mặt không bị gián đoạn vì những cuộc cầu kinh thường xuyên. Người Hoa theo truyền thống, nhưng không cuồng tín. Họ không vẽ mặt hay xăm mình hoặc xuyên thủng thân thể. Những truyền thống bản địa nhiều màu sắc như vậy thú vị cho khách du lịch lắm, nhưng người đi làm ăn không phải khách đi nghỉ mát. Sự hấp dẫn văn hóa này phần nào là do toan tính có ý thức của người Hoa để dễ hấp dẫn người Tây phương hơn và tỏ ra tân tiến hơn. Tỏ vẻ hiện đại và tinh tế là tăng thể diện, và nhiều người Hoa làm mọi cách để tỏ ra thoải mái trong một thế giới đang toàn cầu hóa nhanh. Các ông chủ nhà máy chế tạo ăn mặc giống đối tác kinh doanh người nước ngoài của họ - quần tây, áo sơ-mi cổ đứng và giày da - và họ đặt cho mình những cái tên tiếng Anh. Bất kể việc Trung Quốc khăng khăng là có một nền văn hóa hợp nhất từ hàng nghìn năm trước, không có nước nào trên thế giới mà công dân lại tự đặt cho mình một tên thay thế bằng tiếng Anh nhiều như vậy và hào hứng như vậy. Ở những nơi như Nhật Bản, Ấn Độ và Mexico, bạn phải học cách đọc đúng tên của những người mà bạn cộng tác làm ăn. Chuộng ngoại thì cũng được thôi, nhưng tính quái lạ không tạo ra sự tin tưởng trong kinh doanh. Chữ viết Trung Quốc trông khá khác lạ nên một số du khách ngạc nhiên, và thực phẩm cũng khác thường - họ ăn bằng đũa. Nhưng về lâu về dài, những khác biệt đó không làm người ta kinh ngạc. Rốt cuộc thì Trung Quốc cũng quen thuộc như Phố Hoa kiều, hay gần như vậy. Nhà nhập khẩu quan tâm tới môi trường chính trị hơn mọi chuyện khác. “Trung Quốc không còn là Cộng sản chứ?”, các khách hàng thường hỏi, cố hiểu hoặc chấp nhận môi trường có vẻ hoạt động tự do nhưng vẫn được kiểm soát kỹ lưỡng. Họ lo ngại về một chế độ có tính chuyên chế, và chế độ đó nghĩ sao về kinh doanh. Các quan chức chính phủ Trung Quốc có thể làm bất cứ việc gì họ muốn, bất cứ lúc nào họ muốn. Chính khái niệm kiểm soát chính trị tuyệt đối làm người ngoài lo ngại. George Orwell đã thuyết giảng về những nguy hiểm của chế độ chuyên chế, cảnh báo rằng trong một thế giới như vậy sẽ không có lòng trung thành, trừ lòng trung thành với Đảng; sẽ không có tiếng cười, trừ tiếng cười chiến thắng với kẻ thù bị đánh bại. “Nếu bạn muốn có một hình ảnh của tương lai”, Orwell nói, “bạn hãy tưởng tượng một chiếc giày bốt giậm trên một gương mặt con người - vĩnh viễn”. Ở Trung Quốc đúng là có một chiếc giày bốt, nhưng nó được chế tạo bên ngoài Quảng Châu. Nó có 96 kiểu và 8 màu khác nhau và thời gian chuẩn bị sản xuất là 45 ngày. Khoảng 3.500 đôi vừa vặn trong một công-te-nơ 40 foot, và bạn không cần có quan hệ đặc biệt với ông chủ xưởng để bắt đầu sản xuất. Có chút không may là tác giả của cuốn tiểu thuyết 1984 [George Orwell] không sống tới ngày nay để thấy chế độ chuyên chế hoạt động tốt ra sao trong nền kinh tế toàn cầu. Đặt hàng lần đầu ở Trung Quốc dù sao cũng là việc dễ dàng. “Chỉ cần ông đưa hàng mẫu là xong!” 4. PHÓ CHỦ TỊCH HỘI HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO “Anh đã giữ chỗ trước phòng Suite như tôi yêu cầu chứ?” Bernie, nhà nhập khẩu xà phòng và dầu gội, vừa tới Sán Đầu, và chúng tôi có kế hoạch gặp Tỉ và anh chồng A-Min tại Khách sạn Regency chiều nay. Để tạo không khí chung cho những cuộc thương lượng quan trọng theo dự định của Bernie, ông đã yêu cầu tôi tìm tiện nghi khách sạn cao nhất có thể được. Khách sạn này đã biến toàn bộ tầng lầu cao nhất thành một gian sang trọng duy nhất, tôi bảo Bernie. Họ gọi đó là “President Suite”, và nó thường không cho thuê mà chỉ dành cho các quan chức Đảng Cộng sản và những nhân vật quan trọng khác. “Có vẻ tuyệt lắm”, Bernie nói. “Cố thu xếp cho bằng được nhé”. Chỉ sau nhiều thúc ép, khách sạn mới cho tôi biết giá của toàn bộ tầng lầu; họ cho thuê trên 2.000 đô-la một đêm. Hiển nhiên là quá đắt, nhưng khi tôi cho ông giám đốc biết tại sao chúng tôi quan tâm tới phòng này hơn hết, ông đề nghị phục vụ không tính phí. Các giám đốc khách sạn ở Hoa Nam thường như vậy. Nếu họ nghĩ bạn đang giúp nền kinh tế địa phương, họ giảm giá mọi thứ. Trước khi Tỉ và anh chồng tới, Bernie giới thiệu tôi với công ty Johnson Carter của ông.[4] Công ty này chưa bao giờ sản xuất thứ gì ở Hoa Kỳ như tôi giả định. Nó là một công ty ảo. Và do đó, nó không thuộc những công ty trực tiếp đưa việc làm của người Mỹ ra nước ngoài. Bernie đã tự tạo cơ hội cho mình trên cơ sở tìm sự dễ dàng trong hoạt động sản xuất ở nước ngoài. Ông cho tôi xem danh mục hàng hóa của công ty trong khi chúng tôi chờ ở dưới nhà. Johnson Carter sản xuất nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác nhau. Xem lướt qua danh mục, tôi thấy một số món hàng quen thuộc, trong đó có loại nước xà phòng dùng cho phòng tắm - một mặt hàng chúng tôi vừa bắt đầu sản xuất chai và in nhãn. Có ba loại nước xà phòng tắm. Chúng tôi có một loại màu tía, mùi nho, nhãn hiệu Galaxy Grape. Một loại khác màu đỏ tên Crazy Cherry. Và công thức màu hồng được bán dưới tên Bursting Bubblegum. Nhãn hiệu của ba loại này được tô điểm bằng những bong bóng hí họa những bộ mặt tươi cười. Lật thêm nhiều trang nữa, tôi thấy hàng chục sản phẩm khác. Johnson Carter có một loạt chất dưỡng tóc, keo giữ tóc và kem dưỡng da. Cũng có nhiều loại nước xà phòng khác nhau. Một dòng sản phẩm đựng trong chai có dạng vỏ sò. Một thứ khác trong chai tròn có bơm. Một biểu ngữ trên đầu một nhãn hiệu viết: “Ái chà! Chỉ 99 xu!” Xà phòng thì quảng cáo “Thêm 55% - Miễn phí!” Tỉ và A-Min tới khách sạn, và chúng tôi được đưa tới phòng chính trên tầng thượng, ở giữa phòng có một chiếc dương cầm lớn. Rèm được kéo lên cho thấy quang cảnh một thành phố yên tĩnh. Rất ngạc nhiên, Tỉ đã tới khách sạn này nhiều lần nhưng chị ta bảo không biết dãy phòng rộng lớn này. Chúng tôi chưa kịp ngồi, Bernie đã hỏi có ai muốn xem danh mục hàng hóa mới của ông không. Tỉ bảo rất muốn, và hỏi nhiều câu trong khi xem nhanh các trang. Đó là một tập sách quảng cáo cho khách hàng tương lai ở Hoa Kỳ, nhưng Tỉ xem đó như một cẩm nang sản xuất. “Chúng tôi có thể sản xuất tất cả những thứ này”, Tỉ nói. “Tuyệt vời”, Bernie nói. Rồi Tỉ hỏi về một ít sản phẩm mới. Phía trước một số chai là hình ảnh của trái cây. Tỉ biết rằng sản phẩm trái táo được cho là có mùi tương tự, nhưng chị hỏi về chiếc chai có hình quả mơ. Một chai khác có hình quả bơ gợi ra những câu hỏi khác. Ở Hoa Nam người ta không quen thuộc những thứ quả này. Tuy vậy, Tỉ nói rằng sẽ không mất nhiều thời gian để làm y chang và gởi hàng mẫu tới New York, nơi Johnson Carter đặt trụ sở. Bernie dẫn đường tới một chiếc trường kỷ màu kem, và chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế bành đặt cách xa nhau trong gian phòng lớn. Chúng tôi ngồi cách xa đến nỗi mọi người phải hét to mới nghe được. Chuyện làm ăn sắp bắt đầu nghiêm chỉnh, và thương lượng giá cả là lý do chính đưa Bernie trở lại Trung Quốc. Tỉ nói đã nhận được thư của Bernie liên quan tới những mục tiêu giá, và chị vui mừng là xưởng sản xuất có thể đáp ứng. Có lúc tôi chợt nghĩ rằng ý tưởng gặp nhau ở một khung cảnh xa hoa như thế này là sai lầm. Bernie muốn ép giá thấp. Dù chúng tôi được sử dụng tiện nghi miễn phí, điều này lại khiến cho Bernie có vẻ giàu có. Tôi nghĩ thế này thì Tỉ và A-Min khó chấp thuận giá thấp, nhưng hiệu quả hoàn toàn trái ngược đã xảy ra. Họ hăng hái xúc tiến mọi việc. “Bảo họ tôi có những kế hoạch lớn cho xưởng sản xuất của họ”, Bernie nói. Tỉ và chồng chị nghe và mỉm cười. Khi xuống dưới nhà, Bernie mang một thùng hàng mẫu to ra hành lang. Dù ông quả quyết là ông không cần giúp đỡ, Tỉ và chồng chị cũng nâng cái thùng vào xe của họ. Chúng tôi đi qua một số xưởng sản xuất trên đường từ Sán Đầu tới ngoại ô thành phố. Bernie để ý thấy các bảng quảng cáo bên đường không chào hàng nước ngọt, thuốc lá hoặc những sản phẩm tiêu dùng khác, mà phần lớn là cơ giới nặng. Tại một giao điểm trên đường đi có nhiều bảng quảng cáo chen chúc, trong số này có không ít cái chào hàng máy phun chất dẻo. Công ty King Chemical của Tỉ và A-Min cũng có liên quan tới công nghiệp chất dẻo chút ít. Có lúc nó đã sản xuất các thành phần bằng chất dẻo cho những công ty đồ chơi trong khu vực. Ít lâu sau khi chuyển sang cung ứng chai và nắp chai chất dẻo cho công nghiệp mỹ phẩm, công ty đã tiến tới xây dựng một doanh nghiệp chuyên vô chai sản phẩm làm đẹp. Đó là cách King Chemical dần dần nâng cao giá trị. Con đường tới xưởng sản xuất đầy đầu máy kéo công-te-nơ 40 foot, những chiếc thùng dài chất đầy sản phẩm chế biến cho xuất khẩu. Chiếc Honda bốn cửa của chúng tôi tranh đường với những chiếc máy kéo đó, cũng như với xe tải hạng nặng, xe buýt và tắc-xi. Một ít xe con khác đi trên đường chủ yếu lại là ô-tô sang trọng đắt tiền. Dù người ta nói nhiều về một giai cấp trung lưu đang nổi lên ở Trung Quốc, ô-tô tư nhân tương đối ít thấy. Nhận xét về giao thông, Bernie không tin được chỗ này nhộn nhịp đến thế. Ông cảm thấy quá tải. Chúng tôi chưa đi được nửa đường tới xưởng thì ông hỏi tôi: “Làm sao ông có thể sống ở đây?” Tôi cười, không phải vì tôi đã quen với giao thông ở Trung Quốc từ lâu, mà vì đó là lời bình phẩm của người đang yêu cầu tôi giúp đỡ. Sự thật là tôi gọi đây là nhà. Ở đây tôi thấy thoải mái. “Ở đây có lúc thế này lúc thế khác”, tôi nói. Thò tay vào túi áo khoác, Bernie lấy vé máy bay ra. Ông sẽ rời Quảng Châu trong vài ngày nữa. Thành phố đó là nơi tôi sống. Còn Sán Đầu, nơi đặt xưởng sản xuất, cách 50 phút máy bay. Bernie nhìn chiếc vé và trong một giây ra vẻ hoang mang. “Cho tôi hỏi ông một câu”, ông nói, nét mặt bỗng nhiên ra vẻ nghiêm trọng. “Dĩ nhiên”. “Này, Canton là chỗ quái nào thế?” “Canton là tên cũ của Quảng Châu”. Thành phố này từng là thương cảng rất quan trọng trong hơn một nghìn năm, và là điểm tiếp xúc duy nhất trong mấy trăm năm giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Chuyện thành phố này chú trọng đến thương mại không có gì mới mẻ; thực ra, đó là lịch sử lặp lại. Tôi muốn cho Bernie biết vài chi tiết, nhưng khi cảm thấy đó là một bài học lịch sử, ông đổi đề tài. Du khách lại tỏ ra hiểu biết hơn về Trung Quốc. Còn giới sang đây làm ăn chỉ coi chỗ này là bối cảnh để họ giao dịch kinh doanh. Bernie ít kiên nhẫn với những thông tin mà ông coi là không thích hợp. Đối với ông, những bài học văn hóa về địa phương hoặc con người rất giống tạp âm, chỉ khiến chuyện làm ăn thêm rối rắm chứ chẳng được tích sự gì. Trong cặp tài liệu của Bernie có một xấp đơn đặt hàng đang giải quyết, cũng như một số đơn đặt hàng tiềm năng quan trọng. Ông tập trung vào chuyện đó. Ông muốn biết King Chemical có thể sản xuất những gì và họ có thể đạt được một số mục tiêu giá cả nào đó không. Ngoài ra, ông còn muốn biết về thời gian giao hàng và chất lượng có đạt tiêu chuẩn không. Các nhà nhập khẩu ít khi cần biết về lịch sử, cũng giống như họ không buồn quan tâm tới dữ liệu về xu thế kinh tế vĩ mô. Gần tới chỗ rời xa lộ để rẽ vào đường phố đưa tới xưởng sản xuất, chúng tôi vượt qua một xe tải chở heo. Bernie là người Do Thái theo Chính thống giáo, và ông chú ý tới chiếc xe, chỉ tay về hướng nó. Thoạt tiên tôi tưởng nó khiến ông bất bình, nhưng thay vì vậy nó làm ông thích thú. “Ông có thấy không?” Ông cười, hỏi. “Một con heo đang ‘nhảy’ một con khác”. Tôi cố quay đầu lại nhìn chiếc xe tải mà chúng tôi vừa vượt qua, nhưng chỉ thấy là nó chở quá tải. Tỉ đã thấy Bernie trở nên sôi nổi như thế nào và hỏi ông “có thích heo không”. Từ chỉ con vật này trong tiếng Quan Thoại là trư, phát âm gần giống “Do Thái” [Jew] trong tiếng Anh, nên đã gây một lúc bối rối. Bernie đoán rằng Tỉ hỏi về tôn giáo và những sự kiêng kị trong ăn uống của ông. Trong lần thăm viếng trước - khi tôi chưa tham gia, Bernie đã mấy lần từ chối lời mời tới xưởng sản xuất ăn tối, viện cớ có một số thực phẩm ông không ăn được. Do tầm quan trọng của lễ lạt và tiệc tùng theo nghi thức xã giao trong quan hệ làm ăn ở Trung Quốc, chuyện đó gây một ít lúng túng nhưng đã không trì hoãn những cuộc đàm phán giữa hai công ty. Thực sự chuyện đó làm tôi ngạc nhiên. Đã sống nhiều năm ở Trung Quốc, tôi đã tiếp thu văn hóa đủ để tin rằng từ chối lời mời có liên quan với chuyện làm ăn là vô lễ. Người Hoa không phân biệt công việc làm ăn với quan hệ cá nhân cùng mức độ như người Tây phương, và quan niệm “thể diện” của họ đòi hỏi một số đáp ứng nhất định từ đối tác. Từ chối lời mời có thể bị hiểu lầm. Một số thói quen của Bernie cũng làm tôi lúng túng. Dù cũng là người Do Thái, tôi không triệt để tuân thủ luật lệ, và dù tôi hiểu đôi điều về tập quán Chính thống giáo, Bernie có những thói quen khác thường. Khi ra khỏi phòng tắm, tôi thấy ông vòng tuột tay qua đầu trong khi miệng nói lầm bầm. Thoạt tiên tôi nghĩ có gì đó không ổn, và hỏi xem đã có chuyện gì. Ông giải thích đó là một lời cầu nguyện ngắn, mà ông đọc sau khi ra khỏi phòng vệ sinh. Đội khăn, mũ gì cũng được chứ không nhất định phải vòng tay qua đầu. Ông cần che đầu mỗi khi đọc kinh. Thêm một chuyện nữa mà tôi không hiểu là ông ta không đội mũ kippa như những người đàn ông Do Thái Chính thống giáo khác… “Đó là tập quán Syria”, ông nói. Đó là lần đầu tiên ông cho tôi biết ông thuộc về cộng đồng Do Thái Syria nổi tiếng, và việc này ít nhất giải thích được đôi điều. Dù sao, với đối tác kinh doanh người Hoa của Bernie, đọc kinh thầm bằng tiếng Hê-brơ, ống tay áo vắt ngang đầu, lịch sự từ chối một số thức ăn - tất cả những điều này có thể được cộng chung với hàng chục cách cư xử khác biến ông thành kỳ dị. Nhưng những chuyện này đã không làm họ bớt hăng hái với cơ hội liên quan tới làm ăn. Sau khi suy nghĩ kỹ, Bernie muốn đi thăm lại xưởng sản xuất. Ông chưa trở lại xưởng từ lần thăm viếng đầu tiên, và ông nhắc lại mối bận tâm trước đó là công nhân vẫn còn dán nhãn lên chai nhựa bằng tay. Ông bảo đã thấy một máy dán nhãn tại một xưởng chế tạo khác, và ông muốn King Chemical mua một máy. Tỉ bảo đảm với ông rằng công nhân có thể dán nhãn đủ nhanh và dán nhãn bằng tay cũng có cái lợi là chính xác hơn. Nếu công nhân dán nhãn không đủ nhanh, xưởng chỉ cần thuê thêm người. Máy này đắt tiền, Tỉ giải thích, và lao động ở Trung Quốc thì rẻ. “Nhưng cho họ biết rằng đơn đặt hàng sẽ lớn”, Bernie nói. Tỉ nói: “Làm ơn bảo Bernie đừng lo”. Nhưng đây không phải là chuyện năng suất. Bernie đã hình dung xưởng chế tạo có vẻ tân tiến hơn. Ông nói: “Tôi không thể đưa khách hàng tới một xưởng chế tạo trông như ở thời Trung Cổ”. Khi Tỉ hiểu rằng Bernie chỉ lo nghĩ về chuyện cái xưởng trông ra sao, khách hàng sẽ nghĩ gì, Tỉ trao đổi với chồng vài cái liếc mắt và họ nói với nhau bằng thổ ngữ một lúc. Họ cùng chậm rãi gật đầu. Chị ta bảo thật ra họ đã nghĩ tới chuyện lúc nào đó sẽ mua một máy dán nhãn, và họ sẽ lắp đặt một chiếc. Ý tưởng máy dán nhãn trước đây không làm vợ chồng chị quan tâm, cũng không thỏa mãn yêu cầu tùy tiện của Bernie về một loại thiết bị nào đó. Tuy nhiên, ý tưởng một cái máy như vậy có thể gây ấn tượng với khách hàng của Bernie hình như đã gãi đúng chỗ ngứa. oOo Trong khi thương lượng giá cả với Tỉ và A-Min, Bernie nói tới tên của những khách hàng mà ông đang giao dịch. Tôi biết các công ty này - đó là một số những cửa hàng dược phẩm, siêu thị và cửa hàng giá rẻ lớn nhất ở Hoa Kỳ. Tỉ và A-Min chưa bao giờ nghe tới các tên này, dù họ sẽ sớm hiểu đủ tầm quan trọng của các cửa hàng bán lẻ này trong thị trường Mỹ. Bernie giải thích rằng ông cần giá thấp. Nếu không đạt được một số mục tiêu giá, ông sẽ không thể ký kết được một số hợp đồng có lượng hàng hóa rất lớn. Mục tiêu giá của một số sản phẩm đã quá thấp rồi, Tỉ nói. Món hàng nào cũng cò kè bớt một thêm hai, và bàn cãi khung giá cho thứ nước xà phòng tắm thôi đã mất gần hai giờ đồng hồ. Tỉ và A-Min gợi ý là cần giá cao hơn, chỉ vì họ có xưởng sản xuất nhỏ. “Chúng tôi ít tiền”, Tỉ nói bằng tiếng Anh nặng giọng. Nên giữ giá thấp, Bernie nói, và ông ca tụng cơ hội làm ăn lớn. Việc định giá có thể là một thách thức trước mắt, ông nói, nhưng xưởng sản xuất có thể làm tốt cho chính nó, và nỗ lực đó sẽ có ích. “Tôi hy vọng thế”, Tỉ nói có vẻ buồn buồn. Bernie ca tụng những mối quan hệ trong ngành công nghiệp của ông. Ông nói người cộng tác của ông là những người Do Thái Syria, họ có quan hệ với tất cả những chuỗi siêu thị, tiệm tạp hóa và cửa hàng giá rẻ lớn. Một thời chỉ mua bán trong khu vực New York, người Syria đã làm ăn trên thị trường quốc tế từ lâu. Chủ nhân của một số chuỗi cửa hàng bán lẻ là con cháu người Syria, và những người khác tiếp tục mua ở các cửa hàng bán lẻ này. Đó là lời rao hàng mà bất cứ người Hoa nào cũng nói được - một hứa hẹn cơ hội làm ăn có thể thực hiện qua “quan hệ cá nhân”. Tỉ và chồng chị cố hiểu Bernie và những gì ông nói. Họ không hiểu tiếng Anh, nhưng vẫn cứ chăm chú nghe từng lời. Bernie tiên đoán rằng chỉ trong một ít năm nữa, ông sẽ có một trong những công ty mỹ-dược phẩm lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là một tuyên bố táo bạo, nhưng khi nghe tôi dịch lại, Tỉ và chồng cũng có vẻ hy vọng như Bernie vậy. Bernie cố giữ không khí cuộc họp mặt nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng ông cố tỏ ra hài hước, nhưng hầu như không phải lúc nào cũng thành công. Dù không hiểu những lời nói đùa của ông, Tỉ và A-Min cũng cười theo khi ông cười. Có một lúc Tỉ hỏi về một số công thức của chất dưỡng tóc. Bernie nói rằng ông không trả lời được, và sẽ bàn lại vấn đề này sau. “Bảo họ rằng tôi chỉ là ông chủ”, Bernie nói. Đó không phải là một ý kiến mà người theo Khổng giáo có thể hiểu được. Ở Trung Quốc, không giám đốc công ty nào có thể thú nhận sự dốt nát rành rành như vậy. Chắc chắn ông chủ không được nói rằng mình chỉ là người đứng đầu công ty. Tối đó, khi chúng tôi xuống xe ở khách sạn, Bernie bảo Tỉ và A-Min rằng có lẽ một ngày nào đó sẽ thuê hẳn dãy phòng trên tầng thượng khách sạn. “Sẽ có đủ phòng cho tất cả chúng ta ngụ ở đó”, ông nói. Bernie đang vui, và ông ngạc nhiên vì công việc tiến triển tốt. Trong hành lang khách sạn, ông bốc đồng choàng tay ôm A-Min, anh này gần như bị thân hình hộ pháp, nổi u của ông nuốt chửng. Bernie cười và nói riêng với tôi: “Xem này, anh ta bé quá. Gần như tôi có thể bỏ anh ta vào túi”. Chị ta nhìn tôi, chờ nghe câu dịch. Tôi yêu cầu Bernie nói một câu khác. “Bảo anh ta rằng anh ta như thằng em út của tôi. Nói đi, bảo anh ta thế đi”. A-Min nghe và nhe răng cười ngây ngô. Không phải là cái cười bẽn lẽn của người tránh một lời khen, mà là vẻ mặt hàm ý rằng có lẽ anh đã nói giống như vậy nếu anh nghĩ tới trước. “Bảo Bernie rằng tôi cũng cảm thấy như thế”, A-Min nói. Thả A-Min khỏi vòng tay thô lỗ của mình, Bernie choàng tay quanh cổ Tỉ. Tóc Tỉ chải cao, khiến chị ta có vẻ cũng cao như chồng mình. “Bảo cô ta, giá như tôi chưa có vợ”. Thấy Bernie cười vì chính câu nói đùa của mình, Tỉ hỏi ông vừa nói gì. Đó là một câu nói mà tôi không biết phải làm gì với nó, và tôi bối rối đến nỗi không thốt nên lời. “Ông ấy nói ông ấy mong muốn cộng tác với quý vị”. Tỉ nói được tiếng Anh rất ít, nhưng nhân cơ hội này trả lời thẳng Bernie. “Tôi cũng vậy”, Tỉ bảo ông. Sau khi khách ra về, Bernie bảo giờ là lúc hai chúng tôi làm quen với nhau kỹ hơn. Đây là một thói quen kỳ cục của người Mỹ - làm việc trước và chỉ sau đó mới để thì giờ tìm hiểu bạn làm việc với ai. Ở Trung Quốc, người ta làm khác. Trước hết bạn gặp và tìm hiểu người nào đó, và chỉ lúc đó bạn mới bàn công việc. Trong quầy rượu của khách sạn, Bernie gọi một chai Black Label. Một cô hầu rượu mặc bộ áo bó sát mang chai rượu và một xô nước đá bằng thép không rỉ tới. Tôi gắp mấy cục nước đá trong khi ông rót uýt-ki ra. “Vụ làm ăn này sẽ rất to”, ông nói. Chuyến đi là một thành công, ông tuyên bố rồi cho biết là rất ngạc nhiên khi mọi việc tiến triển êm xuôi. Cuối cùng, xưởng sản xuất đã đáp ứng gần như mọi thứ mà ông yêu cầu. “Vợ tôi sẽ không tin chuyện đó”, ông nói. Bernie cho tôi biết về gia đình ông, về những đứa con đã lớn, và về một trong những đứa con trai cũng đang làm việc trong doanh nghiệp của ông. Trong khi uống rượu, Bernie bắt đầu viết nguệch ngoạc những con số trên một tập giấy nháp mà ông lôi trong túi xách ra. Ông nhìn các ghi chú của mình và chỉnh lại kính. “Cho tôi hỏi ông một chuyện. Sao họ có thể làm thứ này rẻ thế?” Đó là một câu hỏi lý thú vì dầu gội là thứ hàng nhập khẩu vào Mỹ ít có khả năng được lựa chọn nhất. Thành phần chính của nó là nước, khiến nó vô cùng nặng và do đó tốn tiền chuyên chở. Công-te-nơ 40 foot có giới hạn trọng lượng cho nên hàng chưa chất đầy thì đã đủ mức cho phép. Với một chai dầu gội giá 30 xu ở Trung Quốc, chúng tôi dự trù phải trả thêm 15 xu chỉ cho cước phí vận tải đường biển. Bây giờ Bernie nói rõ ra. “Tôi biết công việc này thế mà vẫn cứ không hình dung nổi”, ông nói. Ông đánh dấu từng món trên tờ giấy. “Chai chất dẻo… bơm… nhãn… chế phẩm - họ không thể làm ra bất cứ thứ gì trên các đơn hàng này. Sao có thể như vậy được?” Đó cũng là một bí mật với tôi. Nhà máy này hình như có động cơ để làm việc với ông, tôi gợi ý. Có lẽ thế là đủ lý do rồi. Cái ý tưởng là nhà máy hết sức cần cộng tác với bản thân ông - có vẻ quyến rũ Bernie. Ông yên lặng nhìn qua tờ giấy một lúc nữa. Những nhà nhập khẩu khác mà tôi đã cộng tác cũng có phản ứng tương tự lúc khởi sự kế hoạch của họ ở Trung Quốc. Người nào ở lại Hoa Kỳ cũng cảnh báo họ về những khó khăn sẽ gặp khi kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng vừa ra khỏi cửa, họ đã chứng minh nghi ngờ như vậy là sai lầm. Bernie không hoang mang mà chỉ tự hào về sự thành công của mình. Các nhà nhập khẩu sẽ tới Trung Quốc và có cảm giác này. Họ không chỉ xoay xở tìm đường mà còn đơn thân độc mã xung trận. Chai uýt-ki và nước đá hết nhanh. Cô hầu rượu tới và tiếp tế nước đá cho chúng tôi. Cô ốm và cao, tóc dài bóng mượt, và Bernie nhận xét về chiếc áo bó sát của cô. Đó là đồng phục của khách sạn, dựa theo truyền thống nhưng vẫn hiện đại, và nó bổ sung rất khéo cho hình dáng của cô gái. Khi cô đi rồi, Bernie hỏi tôi có hẹn hò gì với những cô gái địa phương không. Tôi bảo ông đúng là tôi có hẹn hò với một phụ nữ Trung Quốc, Maria, ở Quảng Châu. Ông đảo mắt. Ông nói đó là chuyện mà ông thích “được giúp đỡ”, chỉ phải cái là ông không quen biết cô gái độc thân nào là người Do Thái. Ông chỉ biết những người Syria gốc Do Thái. Trước đây tôi đã nghe nói về cộng đồng này. Hiệp hội của họ đặc biệt chặt chẽ, một thứ hội tam điểm của thương nhân. Sau này tôi mới biết nhiều nhóm thương nhân khác hoạt động ở Trung Quốc gắn bó với nhau do quan hệ chủng tộc chặt chẽ tới mức độ nào. Người Nga liên kết với nhau, thương nhân Ả Rập cũng vậy. Ngay cả những người Nhật mà tôi thấy ở những cuộc triển lãm thương mại cũng có vẻ giống như các băng đảng Yakuza. Các nhóm này thường có tinh thần đoàn thể và liên kết chặt chẽ với nhau. Họ luôn là người mua bán tinh ranh với một ý thức chợ búa, và theo bản năng, họ biết cách trao đổi. Các nhóm này thường liên kết với nhau vì họ phải làm thế - đó là cách họ thu thập thông tin thị trường. Không có sách giáo khoa hướng dẫn hay trường học nào dạy cách giao thiệp với các nhà cung cấp nước ngoài. Có những mánh khóe phải học, và để tránh những trò bịp bợm (hoặc để tham gia những trò đó), một thương nhân thành công phải biết sử dụng một loại cơ sở hiểu biết nào đó. Học từ kinh nghiệm của những người kỳ cựu thì ít hao tốn hơn là học từ chính những sai lầm của mình. Bernie tự hào về hiệp hội Syria gốc Do Thái của mình và ông nói về cộng đồng này một cách kính trọng. Kế đó ông làm tôi bất ngờ khi giải thích rằng không phải lúc nào ông cũng mộ đạo. Khi còn trẻ, ông đã rời bỏ cộng đồng và chỉ trong cuộc sống sau này mới tỉnh ngộ phần nào. Mãi đến sau khi trở nên ngoan đạo, ông mới tìm được đường vào thương trường quốc tế. Bernie coi trọng việc cho tôi biết xuất thân của ông. Gần hết chai uýt-ki, ông kể cho tôi nghe vụ làm ăn đầu tiên của ông ta. Khi còn đi học, ông đã có ý tưởng buôn bán đồng hồ. Ông lên xe lửa rời Brooklyn - nơi ông sống - tới Manhattan và tìm được một tiệm kim hoàn bán đồng hồ giá hời. Ông tìm được một tiệm khác bán hộp đựng hấp dẫn (“Hộp làm tôi tốn tiền nhiều hơn đồng hồ”), rồi ông tới một người đàn ông hàng xóm biệt danh là Mark Thợ In (“Chúng tôi gọi ông ta như vậy”) và đặt làm một số chứng chỉ in trên giấy da. “Tôi cho in danh thiếp và tự xưng là Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ người nghèo”, Bernie nói, “và tôi bảo họ rằng tôi được phép đặc biệt bán trả góp. Như ông biết đó, thời kỳ đó không ai bán chịu, đặc biệt không có trong khu vực tôi đem những chiếc đồng hồ đó tới. Tất cả những gì họ phải làm là trả khoản tiền góp đầu tiên, tôi bảo họ. Họ có thể gởi ba khoản trả góp kia cho tôi bằng thư”. “Đồng hồ bán giá 180 USD, và mỗi lần trả góp 45 USD. Nhưng trọn gói, tôi tốn không tới 20 USD, cho cả đồng hồ, hộp và giấy chứng nhận”. Bernie nhấp một hớp rượu và nhìn xem tôi có chú ý không. “Như ông thấy, những gã mua đồng hồ của tôi đó, tất cả bọn chúng đều tưởng tượng chúng sẽ quịt ba lần trả góp kia. Nhưng rốt cuộc, tôi đã có lời ngay trong lần trả góp đầu tiên rồi”. Câu chuyện này có vẻ đã được kể hàng triệu lần, và tôi biết một phần mục đích là tạo một ấn tượng nhất định. Ông đóng vai người thầy giáo, nhà thông thái, người khôn ngoan đường phố, có thể dạy cho người hiểu biết rặt sách vở, người tốt nghiệp trường kinh doanh biết thế giới thực tế hoạt động ra sao. Nhưng cùng lúc ông cũng đưa ra một luận điểm về chiến lược kinh doanh, về cách sử dụng tính tham lam trong một vụ giao dịch có lợi cho bạn như thế nào. Câu chuyện này đã tạo được ấn tượng, và sẽ làm tôi nhớ mãi khi Bernie và tôi tiếp tục cộng tác trong kế hoạch kinh doanh xà phòng và dầu gội. 5. “GIỜ MỚI BIẾT!” King Chemical đã mua chiếc máy dán nhãn mới như Bernie yêu cầu và đặt nó trong gian phòng nơi trước đây công nhân dán nhãn bằng tay. Thiết bị mới rất hiện đại. Làm bằng thép không rỉ, nó có một màn hình máy tính điều khiển bằng cảm biến và nhiều đồng hồ với nút bấm. Dù có vẻ như chính xác, chiếc máy này lại cần sự chăm sóc thường xuyên, và đến khi người vận hành nhận thấy cần phải điều chỉnh thì một số lớn chai lọ đã bị loại bỏ, và chai thường ra khỏi máy với những chiếc nhãn méo mó, lệch tâm và nhăn nheo. Khi nhãn xấu, xưởng phải gỡ ra khỏi chai, nhưng cũng còn sử dụng được. Quá trình gỡ nhãn cần giẻ lau và dung môi, và tốn thì giờ. Vì món thiết bị bóng loáng mới tinh này, người ta phải lập cả những toán lao động để sửa chữa những chai lọ dán nhãn xấu. Tỉ thường lớn tiếng phàn nàn về chiếc máy mới, bảo nó chẳng được tích sự gì ngoài chuyện tăng chi phí cho nhà máy. Vấn đề truyền đạt thông tin đã sớm gây một số khó khăn về chất lượng. Một trong những lộn xộn đầu tiên có liên quan tới nhãn mới. Johnson Carter chế tạo một thứ xà phòng nước có mùi thơm nhẹ tên là “Pinky Fresh”. Nhãn này phải được sao chép trực tiếp từ một file gởi từ New York tới. Vì những lý do kỹ thuật, bộ phận mỹ thuật của xưởng đã gặp trục trặc khi tái tạo nhãn, và khi nhãn được in ra, người ta đọc thấy “Prinky” thay vì “Pinky”. Trong những tháng đầu, gần như ngày nào tôi cũng có mặt ở xưởng để sắp đặt mọi việc. Nói chuyện với các quản lý xưởng bằng tiếng Hoa, đôi khi chúng tôi nói về sữa tắm hoặc xà phòng nước, nhưng sau một thời gian tôi nhận thấy công nhân trên dây chuyền không biết các mô tả này. Một sáng, tôi hỏi một công nhân: “Xà phòng nước đâu rồi?” Câu hỏi của tôi chỉ gây ra một cái nhìn trân trối. Tôi phải nhắc lại câu hỏi để người công nhân thú nhận là anh ta không hiểu khi nghe tôi nói đến cụm từ “xà phòng nước”. Hy vọng khơi gợi một sự liên tưởng, tôi nói nó là thứ có mùi như kẹo cao su. Anh ta cười tôi. “Chúng tôi không sản xuất kẹo cao su”, anh ta nói. “Chúng tôi sản xuất hóa phẩm nhật dụng”. Tỉ và tôi nói chuyện với nhau về cuộc trao đổi này. Tỉ đề nghị tôi tham khảo mã số. Mỗi sản phẩm Johnson Carter có một mã số năm chữ số đi kèm. Các số này được in trên phiếu sản xuất, và chúng cũng được ghi bên hông thùng giấy. “Ông có biết tôi có thể tìm số 23515 ở đâu không?” Tôi hỏi một công nhân kho hàng. Không lỡ một nhịp, ông ta chỉ tới một đống kiện hàng. Tôi thử một số khác. “Còn số 23528?” Ông ta lại chỉ tới một hướng khác, không chút do dự. Ông ta biết chính xác mỗi kiện hàng nằm ở đâu trong kho, nhưng như những công nhân khác trong xưởng, ông không có ý niệm nào về những thứ chúng tôi đang sản xuất. Không thể hỏi bất cứ công nhân nào về tình trạng của dầu gội, hoặc keo dưỡng tóc hay sữa tắm. Họ không nghĩ tới những sản phẩm mà chúng tôi sản xuất bằng những từ ngữ đó. Một lý do họ không biết những từ này là họ chưa bao giờ gặp các sản phẩm này trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhiều công nhân ở xưởng này chỉ có trình độ giáo dục tiểu học, phần lớn tới đây từ những ngõ ngách nông thôn cách xa hàng trăm hay hàng nghìn dặm, nơi cả gia đình họ sống nhờ một phần nhỏ từ số tiền họ làm ra từ hoạt động sản xuất. Trước khi tới làm việc tại nhà máy, họ không biết “keo xịt tóc” là gì. Phần đông từ nhỏ tới lớn chưa dùng dầu gội. Một số thách thức mà chúng tôi đã đương đầu trong lĩnh vực sản xuất liên quan tới khoảng trống trong kinh nghiệm sống này. Chuyện này được thấy rõ trong những nhà hàng địa phương nơi những người hầu bàn được đưa từ thôn quê tới. Nhân viên phải khó nhọc học cách làm việc hoặc để hiểu những điều cơ bản ở nhà hàng, một phần vì họ chưa bao giờ được ai phục vụ. King Chemical có những công nhân chẳng biết xà phòng nước là gì. Thứ chúng tôi chế tạo là mặt hàng một đô-la, thứ mà bạn có thể gặp trong những cửa hàng giảm giá khắp Hoa Kỳ. Dù đó là một sản phẩm rẻ tiền, người tiêu dùng cũng mong đợi nó làm tròn chức năng. Công nhân Trung Quốc nào coi đây là một thứ gần với hàng xa xỉ không thể thấy vấn đề hệ trọng với một cái vòi xịt bị hỏng. Khi vòi xịt bắt đầu hỏng, họ có khuynh hướng nghĩ: Thế thì đã sao? Bạn vẫn có thể vặn nắp ra và lấy xà phòng. Rất dễ quên rằng Trung Quốc còn là một nền kinh tế đang phát triển. Sự kiện khó chịu này rất dễ thấy ngay ở những thành phố lớn như Quảng Châu. Trong những cao ốc văn phòng ở đó, có những vị khách không hiểu thang máy hoạt động ra sao. Khi muốn đi lên, họ có thể ấn nút đi xuống vì họ thấy buồng thang máy ở tầng trên và họ muốn nó đi xuống tới chỗ họ. Rồi có những người sốt ruột ấn cả hai nút lên và xuống, tưởng rằng làm vậy cho họ có gấp đôi cơ hội chiếm một buồng thang máy. Trong những buổi sáng đi từ khách sạn ở Sán Đầu tới xưởng chế tạo, tôi tự đi xe tới, nhưng vì không có dịch vụ tắc-xi ở vùng thôn quê, xưởng thường cung cấp phương tiện đưa tôi về. “Đấy, ông thấy không?” Người lái xe chỉ hai người đàn bà trung niên đang toan qua đường. Anh ta dứ dứ một ngón tay về phía họ và nói đùa rằng họ không có ý thức tìm tới vạch qua đường dành cho người đi bộ. “Thứ dân chi giáo thái đê hạ. Trình độ giáo dục của người dân quá thấp”, anh nói, nhấn mạnh tiếng thái, như thể hàm ý rằng chắc là có một mức độ dốt nát nào đó, nhưng những người dân ở đây thực sự đã đẩy xa giới hạn dung thứ. Anh bảo tôi trước đây anh lái xe trong quân đội, và anh tự hào đặc biệt về khả năng lái xe của mình. Những người lái xe khác trên đường không được đào tạo chuyên môn, anh chỉ rõ; họ chỉ là thường dân. Và những người hoàn toàn không lái xe, họ là tai họa thực sự cho xã hội. Người lái xe của xưởng là một anh chàng mảnh khảnh, nhã nhặn, và anh biết tôi thích những lời bình phẩm ngắn của anh về sinh hoạt quanh Sán Đầu. Một buổi chiều, anh ngoắc ngoắc ngón tay chỉ một cậu bé đi bộ ẩu. Giao thông đang nhộn nhịp, và thằng bé nhảy ra trước đầu một chiếc xe tải, làm người lái hoảng hốt đạp thắng gấp. Đứa bé đứng giữa hai làn xe ngược chiều lướt qua vùn vụt, những chiếc xe chỉ cách nó một tấc. “Trung Quốc nhân bất úy tử”, anh nói. “Người Hoa không sợ chết” - Nói nghe khiếp thật, nhưng tôi đã nghe tài xế tắc-xi ở Hoa Nam lặp đi lặp lại câu này nhiều lần. Họ vừa nói vừa lắc đầu, đôi khi cười lặng lẽ một mình. Tôi coi đó là một vấn đề phối hợp hơn là nỗi sợ hãi. Một buổi sáng, khi đứng bên một quầy giải khát nhỏ gần một xưởng chế tạo, tôi theo dõi một người đi xe đạp đi tới cái xưởng mà tôi đang tham quan. Từ hướng ngược lại, một người đi xe đạp khác đang đi xuống cùng một làn xe. Vì không có ai xung quanh, cả hai thoải mái phóng xe giữa con đường vắng. Người đi tới xưởng đã lái xe hơi lệch về phía trái tim đường, và anh ta nghĩ là anh ta sẽ trở về phía phải. Anh ta bắt đầu chuyển hướng thì bỗng nhiên đổi ý. Tôi quan sát khi hai chiếc xe lảo đảo trong một lúc lưỡng lự và dự đoán, và đúng lúc chúng sẽ vượt qua nhau, hai người lái vẫn chưa tìm được cách giải quyết. Giống như phim chiếu chậm. Dù không có chướng ngại vật nào trên đường, họ đụng nhau một cách khó tin - ầm! Thật tức cười nhưng không khỏi khiến ta buồn. Tại xưởng chế tạo, chúng tôi cũng chịu đựng thử thách tương tự. Ở chỗ mà một vấn đề có thể được xác định và giải quyết nhanh, công nhân lại không chọn cách phối hợp với nhau. Trừ phi có người can thiệp và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể - thậm chí cho nhiệm vụ tầm thường nhất - thì không việc gì xong cả. Khi đó là những sản phẩm chế tạo cho các công ty nước ngoài, công nhân không thích gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Có lẽ họ cảm thấy họ không có đủ kinh nghiệm sống riêng để tự phán đoán. Họ ngần ngại chứng tỏ trình độ giáo dục nghèo nàn của mình. Sợ tỏ ra ngốc nghếch, họ không thể tránh làm những điều biến họ thành khôi hài không kém. Khi sống ở Hoa Nam, có lẽ bạn sẽ nghe những câu chuyện hớ hênh về phẩm chất từ những nhà nhập khẩu khác. Một chuyện được đồn đại có liên quan tới một nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ đặt một nhà chế tạo Trung Quốc làm giày. Khi giày tới Thổ Nhĩ Kỳ, người ta thấy một cây đinh đóng vào từng chiếc giày chân trái. Đầu đinh ló ra khỏi đế giày hơn hai phân. Nhà nhập khẩu này đã đưa cho xưởng chế tạo một đôi giày mẫu và nói rằng ông muốn những đôi giày làm “đúng y như vầy”. Chỉ có vấn đề là một đế giày có đóng một cây đinh để máng lên giá trưng bày. Công nhân ở xưởng chế tạo không nghĩ là nên hỏi thêm cho rõ về cây đinh. Họ tưởng tượng, “hẳn là ở Thổ Nhĩ Kỳ người ta thích giày như vậy - với một cây đinh trong đế giày chân trái”, và họ thực hiện đơn đặt hàng chính xác như thế. o0o Một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi với xưởng sản xuất dầu gội trong ít tháng đầu là dọn dẹp sạch sẽ chỗ này. Trước khi có tôi can dự, công ty Johnson Carter đã nhận một chuyến hàng lớn từ một nhà cung cấp khác và lô hàng bị nhiễm khuẩn. Sản phẩm trị giá mấy trăm nghìn đô-la đã bị vất bỏ. Tỉ và tôi gặp nhau bàn chuyện vệ sinh. Một trong những mối quan ngại là nước nhiễm bẩn. Nước trong thành phần xà phòng và dầu gội lấy từ đường ống cấp nước địa phương, và Trung Quốc nổi tiếng về vấn đề ô nhiễm nước. Xưởng ở cách những luồng nước đen đặc dầu thải và những chất gây ô nhiễm khác chỉ một nghìn mét. Tỉ trấn an tôi rằng sẽ không có vấn đề gì trong lĩnh vực này, hệ thống tinh lọc nước của họ sẽ bảo đảm nước không bị nhiễm khuẩn. Với ám ảnh về vi trùng trong đầu, tôi phát hiện một công nhân đang mang chai nhựa đi qua sàn sản xuất. Sáu chai tất cả, mỗi tay ba chai, với một ngón tay thọc vào mỗi chai rỗng. Tôi giải thích với Tỉ tại sao đây có thể là một vấn đề. Tỉ bảo tôi rằng chị ta hiểu và sẽ chỉnh đốn tình trạng đó. “Tôi sẽ bảo công nhân không được thọc ngón tay vào chai khi có ông ở xưởng sản xuất”, Tỉ nói. “Khi tôi ở xưởng à? Chuyện đó không liên quan gì với việc tôi có ở xưởng hay không”. Tỉ không coi vấn đề ngón tay trong chai là quan trọng tí nào, dù chị ta chứng tỏ là hiểu biết về khoa học và mầm bệnh. Tất cả chai của xưởng được tiệt trùng trước khi đưa vào sản xuất, và xưởng còn có đèn cực tím đặt khắp xưởng - trong khu vực rót chai và trong phòng đóng gói - trong nỗ lực giảm vi khuẩn trong môi trường. Cuối cùng tôi nhận thấy, đèn cực tím thật ra chỉ để “làm màu”, cũng như áo bờ-lu và mũ trắng. Các quản lý xưởng không bao giờ chịu khó mặc áo bờ lu và đội mũ, và sau lần đầu tôi thăm xưởng, tôi cũng không bao giờ được yêu cầu mặc áo, đội mũ. Khi tôi cho Bernie biết chuyện ngón tay trong chai, ông bối rối. “Tôi hy vọng ít nhất họ cũng có rửa tay”, ông nói. Vì phòng tắm không có xà phòng, tôi bảo ông là ít có khả năng đó. “Đáng lẽ họ phải luôn luôn rửa tay”, ông tức giận nói. “Bảo họ, đặc biệt là khi họ ra khỏi phòng tắm”. Bây giờ tới phiên Tỉ tức giận khi nghe nói thế. Tất cả số công nhân đó rửa tay nhiều lần như vậy có nghĩa là phải cung cấp một lượng lớn xà phòng. “Và tất cả số xà phòng đó lấy ở đâu ra?” Tỉ hỏi. “Tôi không biết”, tôi nói. “Nhưng chúng ta làm việc trong một xưởng sản xuất xà phòng mà”. “Tôi đã nghĩ tới chuyện đó rồi. Các ông muốn chúng tôi trả tiền xà phòng”. Johnson Carter sẽ trả tiền xà phòng, tôi gợi ý, rồi tôi mang một thùng sản phẩm của chúng tôi từ kho hàng ra và để mấy chai gần mỗi bồn rửa mặt trong xưởng. Nguyên một thùng xà phòng lỏng làm Johnson Carter tốn không tới 10 đô-la, nhưng cũng không quan trọng gì. Hai tuần sau khi tôi đem xà phòng ra, mực chất lỏng trong chai không thay đổi. Không ai sử dụng cả. Ít tuần sau lần nói chuyện vệ sinh, tôi thấy một quản đốc nhà máy khạc nhổ trên sàn xưởng. Chuyện này không phải là không phổ biến trên đường phố ở Hoa Nam, và chỉ vì chúng tôi không ngớt nói chuyện giữ vệ sinh công xưởng mà nó trở thành xung khắc. Về chuyện này, Tỉ tỏ ra hiếu chiến. “Các ông không thể mong tôi ép buộc công nhân phải cư xử theo cách khác”, Tỉ nói. Chị ta che chở lỗi lầm của công nhân, lo bảo vệ họ hơn lo bất cứ tác động nào khác tới công việc làm ăn. Dù sao, Tỉ vạch rõ, khạc nhổ trong xưởng cũng không có hại như trong phòng đóng gói. Theo Tỉ, ít nhất việc đó cũng không xảy ra trong khu vực vô chai vốn nhạy cảm hơn. Dù chuyện này đúng, chúng tôi cũng có những vấn đề trong khu vực vô chai. Kem thoa tay của Johnson Carter quá đặc nên không thể truyền bằng hệ thống bơm chân không, do đó công nhân dùng một cái môi lớn bằng chất dẻo để rót. Khi công nhân chuyển sản phẩm từ một thùng nhựa lớn tới chiếc máy vô chai, lúc nào họ cũng làm quy trình này rối tung lên. Tôi đã quan sát một công nhân truyền hỗn hợp này. Phần thân trên của anh khuất trong một cái bình lớn, rồi anh ngẩng lên, mặt mũi lốm đốm chất kem này. Nếu kem tiếp xúc với mặt anh ta, thì vi trùng trên mặt đã tiếp xúc với sản phẩm. Tôi đã chụp hình gởi cho Bernie, ông chỉ trả lời rằng ông muốn tôi “lo việc đó”. Vấn đề có vẻ dễ giải quyết, nhưng xưởng sản xuất chống lại mọi chỉ dẫn trong lĩnh vực này. Keo dưỡng tóc chúng tôi sản xuất ở xưởng này có màu lục. Một hôm, tôi nhận thấy người công nhân vô chai thứ keo này mắc bệnh ngoài da. Hai bàn tay anh bị cái chất nhân tạo bóng loáng kia bao phủ, và dưới lớp màu lục lờ mờ, tôi có thể thấy da tay anh đang bong ra. Những mảng nhỏ thịt sống lộ ra, và không cần là thầy thuốc da liễu bạn cũng thấy là da anh bị nhiễm trùng. “Chắc là chúng ta phải làm một cái gì đó”, tôi nói với Tỉ, cố tỏ ra bình tĩnh, dù chuông báo động đang reo trong đầu tôi. Chị ta không thấy vấn đề quan trọng. “Tại sao?”, Tỉ hỏi. “Đó có thể là một vấn đề y tế?” “Nhưng công nhân không làm gì sai. Đó chỉ là phản ứng dị ứng”. Cố nhấn mạnh vấn đề, tôi gợi ý là người công nhân đó có thể làm hư hỏng sản phẩm. Tỉ xoay quanh lập luận này. “Sao anh ta có thể làm hỏng sản phẩm khi sản phẩm đó đã gây hại cho anh ta?” Hoàn toàn nghiêm chỉnh về điểm này, Tỉ bổ sung cho lập luận của mình rằng vì công nhân đó đã bị tổn hại, anh ta đáng được thưởng bằng cách được giữ chỗ làm. Đưa anh ta đi khỏi vị trí vô chai có thể bị coi là sự trừng phạt, hoặc có thể biến thành chuyện mất thể diện. Như Tỉ đã chứng minh, anh công nhân này không cố ý làm hại ai. Nói cách khác, tốt hơn nên giữ hai bàn tay bị nhiễm trùng của anh ở vị trí vô chai. Đừng bận tâm tới công việc, hoặc người tiêu dùng. Chị ta quan niệm đó là “việc làm đúng”. Vấn đề an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng cũng như an toàn của người lao động không lay chuyển được chị, vì thế tôi thử nhấn mạnh tới ảnh hưởng đối với quyền lợi kinh doanh chung. Chế tạo một sản phẩm không có khuyết điểm về phẩm chất có ý nghĩa kinh tế lớn, tôi gợi ý. Suy cho cùng, nếu có người thấy xưởng sản xuất hoạt động trong tình trạng thiếu vệ sinh như vậy, đó sẽ là một ác mộng trong quan hệ công chúng. Tỉ không thích sự việc theo chiều hướng này. Bấy giờ chị ta nhướng mày nhìn tôi. “Sao có người biết được?”, Tỉ hỏi. Chị nhìn kỹ tôi, cố xác định tôi có phải là một thứ đe dọa ngầm nào đó không. Những người duy nhất biết chuyện bàn tay tróc da của anh công nhân là các lao động trong xưởng, ban giám đốc và tôi. Nhất định là không ai trong xưởng đi nói chuyện gì với người khác. Trong lịch sử hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, có người lao động nào đệ trình một báo cáo như vậy không? Tôi muốn ngụ ý gì? Thật đáng thất vọng khi thấy xưởng sản xuất không quan tâm cải thiện chất lượng vì chính lợi ích của mình. Việc duy nhất phải làm là gợi ý sự thiệt hại trực tiếp trong kinh doanh. “Bernie có thể sẽ quan tâm”, tôi nói. Công ty Johnson Carter là cái gốc chuyển hàng triệu đô-la tới Trung Quốc. Suy nghĩ của người đứng đầu công ty này có sức nặng. Tỉ nói sẽ xem xét chuyện anh công nhân bị tróc da tay, nhưng chỉ khi nào Bernie đã biết chuyện và ông ta nhất quyết đòi giải quyết vấn đề này. o0o Chồng Tỉ - A-Min - tìm được tôi khi tôi sắp rời khỏi xưởng. Dù đã quá buổi chiều, trông anh như vừa thức dậy. Mi mắt anh, bình thường sùm sụp, cho anh cái vẻ mệt mỏi trường kỳ sau trận say túy lúy. “Anh thích uống rượu không?”, anh nói. Đó là một tuyên bố, một đề nghị. Tôi đã tới xưởng được một thời gian, và A-Min xác định đây là lúc chúng tôi đi chơi và uống rượu với nhau. Rượu là một phần quan trọng trong sinh hoạt ở nhà máy. Rượu được sử dụng phần nào như kỹ xảo liên kết, và trong giao dịch, rượu thường giúp phá bỏ sự giả tạo bề ngoài. Rượu giúp người tham dự xác định người nào đó có thật sự cần tới một hợp đồng với giá nào đó để xúc tiến công việc hay không. Uống rượu ở Trung Quốc là một cuộc tỷ thí mà chỉ những người khỏe mạnh mới sống sót. Bạn phải hiểu rằng khi bạn cộng tác với một ông chủ xưởng thành công, rất có thể bạn phải chiến đấu với một bợm nhậu. Và vì những cuộc nhậu này thường dính với karaoke - loại có “nữ tiếp viên” - nên cũng có thể bảo đảm là bạn giao lưu với một tay tán gái hạng nặng. “Anh có thích karaoke không?” là một tuyên bố khác gợi ý đêm đó chúng tôi sẽ tới đâu. Phần lớn các khách sạn bốn và năm sao trong khu vực có quán karaoke, loại mà bạn thuê một phòng có trường kỷ và ti-vi màn hình rộng với những phụ nữ ăn mặc khêu gợi phục vụ được trả thù lao để bầu bạn và hát cùng. Chúng tôi gặp hai người bạn của A-Min, cùng trong giới sản xuất - những người địa phương bảo thủ gần như chỉ nói bằng thổ ngữ, và căn phòng mà A-Min quyết định chúng tôi sẽ tới uống rượu nằm ngay trong khách sạn của tôi. Chúng tôi vừa ngồi xuống trong phòng riêng, hơn một chục cô gái sắp hàng trình diện như trong một cuộc thi sắc đẹp. Đây là những cô gái sẽ được trả tiền theo giờ. Công việc của họ là rót rượu và hát. Không phải tất cả phụ nữ làm việc ở những chỗ như vầy sẽ về nhà với một người khách, dù ai cũng nghĩ vậy. Thỉnh thoảng chính phủ đàn áp hoạt động dâm ô trụy lạc, và cấm quan chức có nhân tình, nhưng hình thức đặc biệt này thì được để yên. Vì đây là sinh hoạt chỉ dành cho đàn ông, đương nhiên là Tỉ bị gạt ra, và tôi chỉ có thể tự hỏi Tỉ có biết chút gì về cuộc đi chơi này không. A-Min gạ gẫm một cô gái mà anh đã chọn, và tôi nhớ lại một trong những lần đầu tôi tới một phòng karaoke. Đã nhiều năm rồi, và nhóm doanh nhân đó chủ yếu gồm người Đài Loan. Một người đàn ông tán tỉnh cô gái ngồi bên cạnh anh ta, và cô ta cưỡng lại. Cô chỉ chiếc nhẫn vàng trên ngón tay người đàn ông. “Anh có vợ rồi”, cô nói giọng phản đối. “Ai có vợ?” “Anh!” Cô nói. Rồi cô lại chỉ chiếc nhẫn trên ngón tay. “Ai? Thằng này hả?” Anh nói, đưa ngón tay đeo nhẫn lên. “Đúng, nó có vợ”, anh nói. Rồi anh lần lượt đưa những ngón khác lên và ngọ nguậy. “Nhưng thằng này không có vợ, và thằng này không có vợ, và thằng này không…” Cô gái cười rúc rích và đập lên vai anh ta, nói anh hư lắm. Thật ra, mọi thứ dính dáng với karaoke là một trò giả bộ. Đàn ông tóm lấy mi-crô và tự cho mình là ngôi sao nhạc pop. Họ hát trong khi những cô nhân tình thuê bám lấy họ và vỗ tay khi họ hát xong. Chính gian phòng cũng là sự lừa dối, được làm như thể đó là phòng khách trong nhà ai đó. Phần lớn hành động ở những chỗ này nhắm tới tình dục, nhưng cánh đàn ông cố làm ra vẻ mình đang tỏ tình với các cô gái, và về phần mình các nữ tiếp viên tỏ ra dè dặt. Hình thức karaoke này đặc biệt giả tạo, và khi bạn ở trong một tình huống như vậy, chỉ còn một cách là giả vờ vui vẻ. Nhận thấy tôi không hăng hái tán chuyện với cô gái của mình, A-Min hỏi tôi có sao không. Tôi nói tôi vẫn ổn, rồi chộp ly rượu chúc mừng anh và cái đám đông nho nhỏ do anh tổ chức. Rất dễ nghĩ xem chuyện sản xuất là một khoa học khô khan, nhưng quan hệ đối nhân xử thế cũng có phần quan trọng. Trong những tình huống tương tự, có những người nước ngoài vui vẻ đưa người bạn karaoke về nhà - vì công việc. Nhưng khi giao dịch với các ông chủ nhà máy, tôi dần hiểu rằng việc tung hứng để ăn cánh với nhau không phải lúc nào cũng là kế sách vẹn toàn. Trong một kế hoạch làm ăn khác, tôi nhớ một nhà chế tạo đã mời mọi người một điếu thuốc trong lần sơ kiến như thế nào. Nhà nhập khẩu mà tôi cộng tác nhận điếu thuốc và được mồi lửa, trong khi tôi từ chối. Trong khi chúng tôi thảo luận những khả năng hợp tác, tôi để ý thấy nhà nhập khẩu lóng ngóng với điếu thuốc. Ông ta thường gạt tàn và có lúc lại ho. Cuối cùng, tôi hỏi ông có biết hút thuốc thật không. “Giờ mới biết!” Ông nói. Đó là lần đầu ông ta kinh doanh ở Trung Quốc, và ông phấn khích. Công việc êm xuôi, và ông có vẻ tự hào đã hy sinh buồng phổi của mình vì công việc. Thật sự đó là việc mà các ông chủ nhà máy thích nhìn thấy. Họ muốn những người khách nước ngoài tham gia những hoạt động mà thường những người này không làm - hút thuốc, uống rượu nhiều, ăn những món mà họ biết khách có thể thấy lạ, như côn trùng và nội tạng của gia súc. Tất cả đều là thành phần của quá trình giao lưu văn hóa. Đó là cách đưa đối phương vào tròng. Nếu ông chủ xưởng có thể làm cho một người không hút thuốc dễ dàng chấp nhận một thói xấu như vậy, bạn cứ tưởng tượng nhà nhập khẩu có thể chấp thuận những điều kiện nào khi xem xét hợp đồng sản xuất. Uống vài cốc rượu cũng là ý tưởng hay, nhưng tôi cảm thấy mình đã ở lại quá lâu. A-Min đã say và đã bắt đầu sờ soạng cô gái. Khi anh ta biến mất trong lòng cô ta, tôi coi đó là ám hiệu để tôi trốn đi. Khi bước ngang qua anh, tôi thấy đầu anh gục xuống; anh đã nôn trên tấm thảm. Một trong những ích lợi khi rời phòng karaoke sớm là không phải thức dậy với dư vị khó chịu. Khi tôi rời khách sạn sáng hôm sau, đầu óc tôi sáng suốt và sẵn sàng giải quyết nhiều vấn đề ở nhà máy hơn. Trên đường đi tìm tắc-xi, tôi thấy một chiếc xe trong bãi đậu mà tôi nhận ra ngay. Đó là chiếc Honda bốn cửa đã đưa chúng tôi tới đêm qua. Không thể lầm lẫn được; tôi nhận ra biển số, và có một món đồ chơi quen thuộc ở kính sau. Có lẽ A-Min đã gục tại khách sạn và ngủ chung phòng với một cô tiếp viên karaoke cho có bạn. Khi tới xưởng, tôi bị Tỉ dồn vào tình thế khó xử. “Đêm qua thế nào?” Tỉ hỏi. “Đêm qua à?” Thế ra chị ta biết chúng tôi đi chơi. Có lẽ chị cũng biết chồng chị không về nhà. “Ừ, đêm qua. Các ông có vui không?” “Cũng được”. Tỉ mỉm cười và chờ tôi lấp đầy khoảng trống bằng chi tiết. Tỉ không nói tới karaoke hay những cô gái khêu gợi. Tỉ cố tỏ ra ngây thơ, nhưng điều đó càng làm chị ta có vẻ đang moi tin tức. “Ai ở đó với ông?” Tỉ hỏi. Chị ta không biết có ai ở đó. “Có vài người”, tôi nói. Chị ta lại mỉm cười, và lần này sự im lặng càng khó chịu. Tỉ có vẻ hy vọng tôi sẽ để lộ bí mật, và tôi nghĩ, nếu chị là người đàn bà hay ghen thì bề ngoài lại chẳng có vẻ gì như thế. Có lẽ chị ta đang tìm kiếm bằng chứng, dù nhỏ nhặt, để phản đối chồng. Có vẻ như tôi ở trong tình thế có thể làm ơn cho Tỉ. Và ơn huệ có thể được đền đáp… Về phe với Tỉ có một giá trị nào đó, tôi nghĩ. Chúng tôi đã làm nhiều việc cần thực hiện ở xưởng sản xuất, và đã có nhiều chống đối từ phía Tỉ. Tôi suýt bị cám dỗ, nhưng cuối cùng lương tri bảo tôi không nên dính dáng vào chuyện này. Thường thì Tỉ là người nói chuyện mập mờ, và bây giờ đến lượt tôi. Tôi bảo chị ta tôi không ở lại lâu lắm. Đó là sự thật, và chuyện có mặt sớm tại xưởng khiến tôi đáng tin hơn. Tỉ không nói tới chuyện này nữa, nhưng vẫn nghiền ngẫm nó. Chị ta có giận tôi vì tôi không chịu nói hay không, tôi không biết, nhưng công việc ở King Chemical chắc chắn không dễ hơn chút nào. 6. HỘI HÓA TRANG HOANG DÃ CỦA THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU Vì tốn nhiều thì giờ ở nhà máy, cuối cùng tôi đã thuê một phụ tá - một người có thể trả lời điện thoại, tưới cây cảnh và thanh toán hóa đơn khi tôi vắng nhà. Tina là người gốc Hồ Nam, và dù mất cơ hội học đại học, cô đã tự bù đắp nhiều hơn bằng cách tự học. Nhiều người ở Hoa Nam khoe mình có bằng đại học Anh ngữ thực tế không nói được thứ tiếng này. Dù không được tới trường và ít tiếp xúc với người nước ngoài, Tina đã có thể tự học đọc và nói tiếng Anh lưu loát đến khó tin. Cô tò mò một cách tự nhiên về thế giới rộng lớn, và thậm chí cô còn có nhiều ý kiến thực thà và thú vị về đề tài Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã có thói quen cùng đi ăn trưa khi tôi có mặt ở thành phố, và trong một số dịp như vậy chính tôi lại là người thu nhận những hiểu biết sâu sắc bất ngờ. Người dân Hoa Nam vốn quen thuộc với môi trường ẩm ướt. Dù mưa giữ chân nhiều người ở trong nhà, ở Quảng Châu mưa lại đưa người ta ra phố. Khi chúng tôi đi trên vỉa hè, che chung cây dù quá khổ của tôi và bàn chuyện sẽ đi ăn ở đâu, đầu nhọn của một cây dù đi ngược chiều đã cắt sượt qua gò má tôi. Tôi lầm bầm đau đớn, và Tina thấy tôi sờ mặt. “Đáng lẽ ông phải đòi người đó bồi thường”, cô nói, trước cả khi xem xét vết thương của tôi. Người gây thương tích cho tôi đã đi từ lâu. “Tôi không sao mà”, tôi nói, tay vẫn sờ chỗ mặt đau nhói. “Nhưng nếu người nào gây thiệt hại, họ phải bồi thường”. Cô đề ra một nguyên tắc. Tina là một cô gái quê, người tới thành phố chưa lâu, và dù cả hai chúng tôi gọi Quảng Châu là nhà, cô vẫn coi tôi gần như họ hàng xa, một đồng hương ở nước ngoài. “Vậy một cái mặt trầy xước đáng giá bao nhiêu?” Tôi tò mò hỏi. “Ba hoặc bốn trăm nhân dân tệ”, cô nói không một chút do dự. Cô biết tỷ giá hiện hành. Khoảng 50 USD. Công nhân nhà máy thu nhập bình quân độ 100 USD một tháng, và nhân viên văn phòng kiếm được gần 300 USD một tháng. Đó là một số tiền khá lớn. “Nhất định họ không trả đâu. Người ta sẽ chạy mất”. “Ông có thể bắt họ lại”, Tina nói. “Đừng cho họ đi”. Cô chỉ cho tôi cách giữ người bằng cách nắm chặt dây đeo túi tiền. Tôi không thể hình dung mình lại làm được việc đó, nhưng tôi hiểu một phương pháp như vậy có thể hiệu quả ra sao. Người có lỗi sẽ có lý do để dàn xếp tại chỗ vì dính dáng tới cảnh sát có thể đưa tới kết quả khó dự đoán, không đáng mong muốn. Giữ người để buộc dàn xếp có lẽ không bao giờ có hiệu quả ở một nơi như Hoa Kỳ, tôi bảo Tina. Hậu quả sẽ là một cuộc cãi cọ om sòm ngay tức khắc. Điều khá trớ trêu, chính vì người Hoa không thích bạo động cho nên hành vi thô bạo như vậy có thể là cách giải quyết tranh chấp, và người ta biết chuyện tính toán và thương lượng bồi thường tại chỗ quan trọng như thế nào. Trong lúc ăn trưa, tôi để ý thấy hai người đi xe máy thu xếp một tai nạn xe cộ ngay bên đường. Họ không để cảnh sát dính vào, và họ đã giải quyết sự tranh chấp khá êm thắm. Để đạt thỏa thuận, phải tính tới sự phân định trách nhiệm, mức thu nhập của mỗi bên và định mức độ thiệt hại tài sản. Tôi bảo Tina rằng theo dõi họ thương lượng thật là thú vị, và tôi thật sự có ấn tượng với chuyện họ không cần nhờ cậy tới bên thứ ba. Có lẽ người Hoa không có sự lựa chọn nào khác hơn là tự giải quyết tranh chấp, tôi đoán thế, vì họ không tìm được cách giải quyết chính thức. Tina thì nói ngược lại. Cô bảo họ không làm phiền tới người trung gian như đại lý bảo hiểm hoặc luật sư vì họ tự thấy có thừa sức xử lý công việc riêng của mình. o0o Ở Quảng Châu, tôi sống trong một chỗ có thể được coi là khu dành riêng cho ngoại kiều, dù cộng đồng người nước ngoài chỉ là một thiểu số trong tổng số dân cư. Thiên Hà, như khu này được gọi, ở gần ga xe lửa phía đông, nơi đưa hành khách tới Hong Kong, và là địa điểm của những dự án xây dựng nhà cao tầng và khu thương mại. “Càng ngày chúng ta càng giống Thượng Hải”, một hôm một người láng giềng của tôi nói khi cho biết số ngoại kiều trong khu vực này đang tăng lên. Bà bình luận đúng, và sự liên tưởng tới Thượng Hải là sự đề cập hiển nhiên tới số ngoại kiều ở đó. Sự có mặt của người Tây phương được coi là dấu hiệu hiện đại hóa ở Quảng Châu. Những người láng giềng của tôi có thói quen nói tới làn sóng nhập cư của người nước ngoài trong mọi câu chuyện liên quan với giá bất động sản đang tăng. Và liên quan tới những thái độ này, tôi thấy tôi nhận được nhiều cử chỉ ân cần nho nhỏ. Cửa thường được mở chờ tôi, và một người hàng xóm nhất định nhường chuyến tắc-xi cho tôi không phải là việc bất thường - dù ông ta đã chờ lâu mới có xe. Một số người gán cách cư xử đó cho tính hiếu khách của người Hoa, nhưng đồng thời khiến các ngoại kiều cảm thấy giống như đang sống ở nước thuộc địa. Khi Trung Quốc còn nghèo, cách cư xử như thế còn có lý, điều thú vị là không biết những thái độ như thế sẽ kéo dài được bao lâu. Nhà tôi nằm trên một đường phố gọi là Long Khẩu - nghĩa đen là “miệng rồng”. Như thể cái tên này chưa đủ mang lại điềm lành (không như đồng loại của nó ở phương Tây, rồng Trung Quốc tượng trưng nhân từ và may mắn), khu gia cư này được đặt tên “Eton 18”, và biểu trưng của nó cho thấy một quả bóng gôn với hai cây gậy bắt chéo ở trung tâm. Khu phố này không liên quan gì đến trường nội trú Eton nổi danh của Anh, cũng không ở gần sân gôn nào. Số 18 được thêm vào có lẽ vì người dân Quảng Châu nghe êm tai. Con số này đồng âm với câu “phát tài”. Nhưng tôi sống ở đó vì những tiện nghi chứ chẳng phải vì những kết hợp may mắn nào. Các tòa nhà của khu phức hợp này đều cao hơn 30 tầng; có một bể bơi; chúng tôi có cả một cái hồ nhỏ với những con cá vàng bơi gần một cây cầu gỗ kiểu cổ. Rõ ràng đó là khu chung cư đẹp nhất thành phố, và chuyện đáng kể nhất về chỗ này là một số lớn cư dân là nhân viên của cơ quan truyền thông lớn nhất Trung Quốc - Tân Hoa Xã. Đó là cơ quan thông tin do chính phủ sở hữu và điều hành. Các nhà báo trong tòa nhà tôi ở là chủ sở hữu những căn hộ đó - họ được cơ quan cấp cho. Tài sản này tới tay chính phủ thông qua quan hệ cửa sau. Các nhà kinh doanh bất động sản cần được chính phủ chấp thuận cho xây dựng khu liên hợp, và thế là họ dành riêng một số đơn vị nhà ở cho chính phủ. Công chức - cũng như cảnh sát và quân đội - vẫn thường được sử dụng những tài sản quan trọng. Đó là một đặc quyền thay cho tiền mặt, và dù người ta cho rằng các nhà báo nhận những căn hộ này hẳn phải sống ở đó, thực tế thì nhiều người đã cho thuê lấy tiền và tìm một chỗ rẻ hơn. Chủ nhà của tôi làm ký giả cho Tân Hoa Xã và sống ngay bên kia đường trong một căn hộ thuê rẻ hơn phân nửa tiền tôi trả cho ông ta. Những dàn xếp như vậy có thể bị coi là hoạt động kinh doanh vô đạo đức ở những nước khác, nhưng không phải ở Trung Quốc nơi mà chuyện có qua có lại là một quy tắc ngoại lệ. Các nhà báo ở Hoa Kỳ, dĩ nhiên, gần như đã thệ nguyện sống nghèo khó để theo đuổi nghề nghiệp, và phần thưởng cho họ có lẽ là sự nhìn nhận rằng họ đã cung cấp sự kiểm soát có ý nghĩa đối với hoạt động của chính phủ. Dù sao đó cũng là một trong những lợi ích của một nền báo chí tự do. Ở Trung Quốc, nếu bạn nói những chuyện tốt và giữ kín những bí mật của chính phủ, phần thưởng sẽ rất ngọt ngào, và bạn có thể được một mức sống cao, nếu bạn muốn. Một buổi tối, tôi nghe tiếng la hét bên ngoài nhà. Thoạt tiên tôi nghĩ đó là một cuộc tranh tài thể thao quốc tế trên truyền hình và Trung Quốc đã ghi được một bàn thắng quan trọng. Khi sự om sòm kéo dài, tôi nhìn ra và thấy một nhóm nhỏ tụ tập trên đường vì một chuyện gì khác. Họ là những người biểu tình từ khu vực lân cận kéo tới, và họ đứng trước một tòa nhà trụ sở văn phòng chính quyền địa phương. Đám đông gồm đàn ông và phụ nữ, và một số là vợ chồng; họ tức giận về một con đường sắp được xây dựng gần nhà họ. Tôi theo dõi một lúc khi họ hô khẩu hiệu. Họ không được tổ chức kỹ lưỡng, và có người trong đám bảo tôi rằng họ chỉ nghe nói về dự án con đường mới hồi sáng nay. Người biểu tình ở Trung Quốc nói chung là bức xúc bội phần. Họ tức giận vì bất cứ vấn đề gì họ phải gánh chịu, nhưng rồi họ cũng thất vọng vì họ có làm gì cũng vô ích. Khi những người biểu tình này biết về con đường được xây dựng gần nhà họ thì đã quá muộn. Kế hoạch đang được xúc tiến, và không có chuyện ngưng lại. Trong một nước dân chủ, công dân có những khả năng lựa chọn điều hướng các lực lượng chính trị. Họ có thể thành lập những tổ chức quanh một mục tiêu chung, thu thập và phổ biến những dữ kiện có ý nghĩa cho phép mọi người đạt tới những kết luận hợp lý. Họ có thể bàn cãi, tranh luận, nêu lên một nhận thức, vận động với các chính trị gia, bỏ phiếu - bất cứ việc gì. “Rồi kế tiếp sẽ là gì?” Tôi hỏi một người đàn bà đang đứng xem. “Chẳng có gì cả”, bà nói. “Chẳng có gì cả à?” Tôi mong một lúc nào đó sẽ có người trong tòa nhà đi ra và bảo mọi người giải tán và về nhà. Người đàn bà giải thích rằng văn phòng chính quyền giờ này đã đóng cửa. Dĩ nhiên nó đã đóng cửa. Đã muộn rồi. Tất cả những người phản đối giận dữ đã la hét trước một ngôi nhà trống - và tệ hơn nữa là họ cũng biết điều đó. Trung Quốc ghi nhận trên 30.000 vụ biểu tình riêng rẽ mỗi năm. Hầu như chỉ một ít vụ được báo chí tường thuật. Các vụ tập trung biểu tình gần như luôn luôn có tính chất địa phương, và hầu hết tàn rụi ngay khi bắt đầu. Một lý do để tự kiềm chế là người biểu tình không thể biết chắc hành động của họ có thể được ai quan tâm. Một mặt, sự ồn ào có thể khiến những quan chức chính phủ cấp cao hơn giải quyết tình hình. Mặt khác, nó có thể khiến quan chức địa phương bắt người biểu tình đôi chịu nhiều chuyện tệ hại hơn bằng một cách nào đó. Ở khu vực thương mại trung tâm của thành phố, tôi biết một loại phản đối khác đang diễn ra. Chính phủ đã loan báo rằng một nhà máy điện sẽ được xây dựng kế bên một tổ hợp dân cư. Những người đã mua căn hộ nghĩ rằng họ chỉ được cho biết chuyện này sau khi đã đầu tư tiền bạc vào đó là không công bằng. Nhiều chủ nhà trong tổ hợp treo những biểu ngữ màu đỏ thẳng đứng từ bao lơn để phản đối. Thông điệp được ngụ ý trên các biểu ngữ này là một số quan chức địa phương tắc trách, lơ là nhiệm vụ. Lúc đó là mùa hè ở Quảng Châu, và nhiệt độ đang tăng cao. Một số quan chức hình như đã cảm thấy áp lực, họ chờ tới lúc trời đặc biệt nóng, và tới ngày thứ Sáu, họ cắt điện toàn bộ tổ hợp. Suốt những ngày cuối tuần, những cư dân đáng lẽ sống vui trong căn hộ cao tầng được điều hòa không khí, đầy đủ tiện nghi lại phải giam mình trong không khí nóng bức. Thông điệp rõ ràng: Bất mãn hả? Hãy ngồi trong căn hộ ngột ngạt của anh mà suy ngẫm. Gần như được gợi ý, nhóm người tụ họp gần cao ốc tôi ở đã ngừng la hét. Không làm được gì, đám đông từ từ giải tán. Một ít người nặng nề lê bước, phần lớn lặng lẽ lẻn đi. Đó là những người trưởng thành, nhưng họ có vẻ giống những thiếu niên vừa được nhắc nhở một cách đau đớn rằng quyền hạn của họ rất hạn chế, nếu không phải là hoàn toàn không tưởng. o0o Người ta nói Quảng Châu là một thành phố cấp hai. Đó là một thứ bậc nhằm liệt thành phố này vào mới phát triển. Nhưng trong thực tế, nó từng là một trung tâm thương mại quốc tế từ lâu trước khi những trung tâm đô thị khác được biết đến. Những thành phố “trưng bày” của Trung Quốc - Thượng Hải và Bắc Kinh - thu hút báo chí nhiều hơn, nhưng khi Trung Quốc bắt đầu thoát ra khỏi thời kỳ u ám và cô lập sau cuộc Cách mạng Văn hóa, miền nam đã đi những bước đầu tiên. Bị núi non tách khỏi phần đất nước còn lại, trong nhiều thế kỷ Hoa Nam đã phát triển những cơ hội thương mại với thương nhân từ xa tới. Và vì ở gần Hong Kong nơi có nền kinh tế vẫn luôn mạnh khỏe, Quảng Châu lại sẵn sàng lấy đà bay bổng. Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Làm giàu là vinh quang”, ông đã làm thế từ tỉnh Quảng Đông ở phía nam, nơi có thành phố Quảng Châu. Nếu chuyện giải phóng năng lực kinh doanh bị dồn nén quá mức cũng giống như việc châm mồi lửa cho nền kinh tế, thì que diêm khai hỏa chính là khu vực ở gần Quảng Châu. Trong thời hiện đại, Quảng Châu là một cơ sở hấp dẫn những thương nhân hiện đại, chỉ vì ở đây có đủ loại nhà máy khác nhau. Từ thành phố, có thể tới hầu hết những nhà máy bằng xe trong vòng 90 phút. Thượng Hải cũng có hàng hóa sản xuất đa dạng tương tự; nhưng khu vực sản xuất lại nằm trong vòng bán kính mất gần bốn giờ xe chạy. Chỉ vì lý do này, Quảng Châu thu hút một số nhà buôn bách hóa lớn hơn - những nhà nhập khẩu buôn bán “một chút cái này, một chút cái kia”. Hội chợ Quảng Châu được tổ chức trong thành phố một năm hai lần, càng tăng thêm sức hấp dẫn của thành phố này với tư cách một cơ sở cho nhà nhập khẩu. Một thành phố vốn đã phát triển nhanh trong những thời kỳ bình thường, Quảng Châu cứ hai lần một năm lại là chủ nhà của những triển lãm thương mại lớn nhất thế giới. Hội chợ Quảng Châu là một triển lãm kéo dài nhiều tuần và bao hàm mọi phạm vi chế xuất chính. Khi hội chợ được tổ chức, thành phố tràn ngập du khách nước ngoài. Các nhà nhập khẩu hầu như từ mọi nước trên thế giới kéo đến, đông tới mức gần như không thể tìm ra một chiếc tắc-xi hoặc một bàn ăn nào trống trong nhà hàng vào những kỳ hội chợ. Vì lý do này, nhiều người nước ngoài sống ở thành phố này ghét hội chợ. Họ tổ chức đi chơi xa ra khỏi thành phố khi diễn ra hội chợ, nếu không họ cũng đóng cửa, ở trong nhà như chờ một trận bão. Tôi thật sự thích hội chợ và tham dự mỗi khi có thể. Đó là cơ hội để quan sát nhanh những sự thay đổi trong công nghiệp, và cũng là dịp gặp những gương mặt mới. Làn sóng những lữ khách kinh doanh bất ngờ đổ vào đã nạp thêm năng lượng cho thành phố, và những người mới tới này mang theo họ tinh thần lạc quan có thể sờ thấy được. Hầu hết du khách tới xem triển lãm là những nhà nhập khẩu vừa và nhỏ, cũng như những công ty đang khai thác hầu hết những gian hàng trưng bày đều không lớn lắm. Trung Quốc làm sản phẩm cho những thương hiệu lớn, có tên trong danh sách Fortune 500, nhưng sản phẩm cho các loại công ty này không được trưng bày tại Hội chợ Quảng Châu. Đây là cuộc triển lãm thương mại cho tất cả các sản phẩm “khác” mà Trung Quốc sản xuất. Cuộc triển lãm thương mại này nghiêng mạnh về phía những nhà sản xuất nhỏ hơn. Nó cũng là một khối nam châm lớn thu hút những nhà nhập khẩu lần đầu. Thay vì bay đi khắp nước để tham quan hàng chục nhà máy tiềm năng, những nhà nhập khẩu tương lai thấy rằng hội chợ này là cơ hội thuận tiện để gặp nhiều nhà sản xuất một lúc. Với những người chỉ muốn biết những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, cuộc triển lãm cung cấp nhanh một cái nhìn tổng thể. Những nhà buôn kinh nghiệm đã hiểu biết về Trung Quốc thường xem cuộc triển lãm thương mại này chỉ dành cho những kẻ khờ. Các nhà sản xuất cũng có khuynh hướng suy nghĩ giống như vậy nên định giá ở hội chợ cao hơn những lúc khác. Những công ty nhập khẩu nào đã tốn nhiều thì giờ và nỗ lực tranh đấu với những đợt tăng giá xuất xưởng cảm thấy bực tức với những nhà buôn mới, nhỏ hơn, vừa tham gia thị trường và sẵn sàng trả giá cao hơn cho thứ hàng hóa tương tự. Trước nhà triển lãm có một biểu ngữ màu đỏ to, mỗi bên mắc vào một cột cao những quả bóng chứa khí hê-li. Tôi tới hội chợ vào buổi sáng và bị một người đàn ông và vợ ông chặn lại. Họ muốn được chụp hình ở đó, và tôi đã giúp họ. Họ từ Venezuela tới, họ cho tôi biết sau khi tôi chụp ảnh cho họ, và tôi không cần hỏi đây có phải là lần tham quan đầu tiên của họ không. Những nhà nhập khẩu nào đang cố thương lượng giá cả hợp lý trong khi tranh đấu để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cao hơn hiếm khi có vẻ sung sướng như cặp vợ chồng này. Số gian hàng tại Hội chợ Quảng Châu đang tăng nhanh, ngay cả khi người ta nói có nhiều nhà máy đang giải thể. Có một lý do liên quan với số đại lý đang tăng. Đối với nhiều người trung gian loại này, hội chợ không phải là trở ngại kinh tế lớn - trong hầu hết các trường hợp, chi phí để có chỗ cho một gian hàng nhỏ thường không đáng kể. Nhiều du khách nước ngoài không nghĩ họ là đại lý; không gian trưng bày của họ không khác gì các nhà máy sản xuất. Một số những nhà trưng bày lớn nhất trong một số gian triển lãm lại về những công ty thương mại. Họ tập trung một số lớn sản phẩm trong một hạng mục nhất định. Tôi dừng bước tại một gian hàng như vậy - một công ty phần cứng chế tạo hàng nghìn sản phẩm riêng rẽ. Một nhà nhập khẩu có một cửa hàng phần cứng nhỏ - hoặc có lẽ một vài cửa hàng như vậy - có thể tới và chọn hàng như trong một nhà kho. Công ty thương mại này đã tạo được một thương hiệu nhỏ cho mình, với kiểu chữ màu cam và đen hấp dẫn, để bất cứ nhà buôn lẻ nào cũng có thể cho rằng nó đại diện cho sản phẩm của một thương hiệu nổi tiếng. “Ông có sản xuất thứ nào trong số này không?” Tôi hỏi một đại diện của công ty thương mại đó, người hóa ra là giám đốc công ty. Khá tự hào, ông ta nói có - ông sản xuất tất cả các sản phẩm trong gian hàng của mình. Có những sản phẩm bằng chất dẻo, và những món khác làm bằng kim loại. Một số dụng cụ được chế tạo chính xác, nhưng những món khác rõ ràng là được sản xuất theo quy trình đúc gang. Những quy trình khác nhau hàm ý những nhà cung cấp khác nhau, nhưng ông chủ này nói rằng ông sở hữu 23 nhà máy riêng biệt. Đó là một lời tuyên bố buồn cười, vì tôi thừa biết chỉ để cho một nhà máy duy nhất hoạt động trơn tru thì những ông chủ nhà máy đều mệt bở hơi tai. Tôi còn biết một nhà công nghiệp cố xoay xở điều hành hai xưởng sản xuất. Ý tưởng cho rằng bất cứ ai cũng có thể quản lý thành công 23 nhà máy riêng biệt là phi lý, và lúc này ông ta đang bỏ ra trọn một tuần trong lịch trình làm việc bận rộn của mình để ngồi bắt tay người lạ trong một hội chợ. Dù sao tôi cũng biết lý do một số người tuyên bố như vậy - đó là vì các công ty thương mại này muốn các nhà nhập khẩu có cảm tưởng họ đang đi thẳng tới nhà sản xuất. Nhiều gian hàng nhỏ tại Hội chợ Quảng Châu - có hàng nghìn gian như thế - tập trung vào những sản phẩm có thể bảo đảm cho họ thu lại được tiền đầu tư cho cuộc triển lãm thương mại. Họ chú trọng mạnh mẽ vào những sản phẩm dễ mua ngẫu hứng, và nhìn đâu bạn cũng thấy người ta bán những đồng phỉnh đánh bạc, gạt tàn thuốc, máy bán kẹo cao su, cũng như hàng chục công ty bán hộp nhựa đựng đĩa CD. Người mua thường phấn khích trong lần đi xa đầu tiên đến nỗi họ đặt hàng trước cả khi xác định họ có thể thật sự làm gì với những thứ họ đem về nhà. Cuộc triển lãm giống như một tiệm tạp hóa quốc tế, một lễ hội hóa trang hoang dã của thương mại toàn cầu, và rất nhiều chuyện mặc cả tại chỗ đã diễn ra. Thường người trưng bày khởi đầu với giá cao, mong đợi là khách hàng sẽ muốn giảm giá nhanh. Những người khác thích hỏi người mua tiềm năng: “Thị trường của ông ở đâu?” Khách hàng từ Pháp tới không được chào giá như người từ Nga tới. Kiểu mua bán “thị trường của ông ở đâu” làm nhiều khách hàng điên tiết vì họ nghi ngờ rằng có lẽ họ không đạt được giá thấp nhất dành cho người khác. Chủ nhà máy rất giỏi đánh giá khách hàng, và họ học cách “bắt bài” này từ những người bán rau cải trong nhiều chợ thực phẩm tươi sống ở Trung Quốc. Họ có khuynh hướng tính giá đắt hơn cho những khách hàng có khả năng trả nhiều tiền hơn. Không có thứ gì là “giá Trung Quốc” duy nhất với bất cứ sản phẩm nào. Giá nào cũng bán, và nhà sản xuất thu gom bất kể. Phân biệt đối xử trong việc định giá không phải là chuyện mới mẻ trong kinh doanh, nhưng đó là tập quán gắn liền với những công ty tiếp thị, không phải với nhà sản xuất. Người mua mong đợi xưởng sản xuất làm ra sản phẩm có cùng một giá cho mọi người, nhưng ở Trung Quốc thì không như vậy. Nhà nhập khẩu bực mình vì bị đánh giá một cách thô bạo và có thể bị bất lợi trong việc thương lượng giá cả do xuất thân của họ. Tôi đi ngang một gian hàng trong khi một người đàn ông cao lớn mặc áo kẻ ô vuông đang trả giá mua những cây cọc sắt. Tiếng Anh của ông ta nặng giọng, và ông ta nói rất to bằng giọng cộc cằn. Tôi dừng lại theo dõi trong khi ông ta và người chủ nhà máy thử sức nhau. “Bao nhiêu? Bao nhiêu?” Nhà nhập khẩu cao giọng, ông ta tỏ ra giận dữ. Chủ nhà máy nhìn xuống đôi giày của nhà nhập khẩu trước khi chào giá: “1,60 đô-la”. “Giá đó không được”, nhà nhập khẩu nói. Có lớn tiếng cũng không làm ông chủ nhà máy nao lòng. “Tôi mua số lượng lớn”, nhà nhập khẩu hứa hẹn. Giọng ông ta nặng, và ông ta phát âm “số nượng nớn”. Lúc nào các nhà nhập khẩu cũng phóng đại sức mua lên với hy vọng được giảm giá vì mua nhiều. Cả người mua lẫn người bán đều không phải là dân một nước nói tiếng Anh, thế mà cả hai đều nói tiếng Anh. Họ cũng đặt giá bằng đô-la. Nhà cung cấp hạ giá một ít xu. “Không! Số nượng nớn! Công-te-lơ 40 foot!” Có lúc trông nhà cung cấp có vẻ chán nản và liếc nhìn bảng giá. Ông ta lấy máy tính ra và bấm vài con số. Rồi ông ta đưa ra cái có vẻ là giá cuối cùng. “Tôi bán cho ông 1,39 USD”, ông nói. “Được”, nhà nhập khẩu nói. “Tôi muốn đặt 200 cái”. “200? Chỉ 200 thôi? Ông đã nói ông mua một công-te-nơ 40 foot. 200 cái thì có là bao. Không đầy một công-te-nơ 20 foot”. “Đúng vậy”, người mua nói. “Nhưng trước hết tôi cần hàng mẫu, không phải sao?” Khi đi qua khu đồ gia dụng, tôi gặp một nhà nhập khẩu đang tranh luận với một nhà cung cấp. Dù họ đang cãi nhau việc gì thì họ cũng gặp khó khăn vì hàng rào ngôn ngữ. “Ông cần giúp đỡ không?” Tôi hỏi nhà nhập khẩu có vẻ đang thất vọng. Nghe giọng nói, tôi đoán ông ta là dân Đông Âu. Ông ta giải thích là đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục xưởng chế tạo đừng trưng bày sản phẩm của ông trong gian hàng của họ. Ông chỉ một chồng hộp trên đó có một bộ sưu tập bộ đồ ăn bằng sứ. Nó được trang trí bằng những mẫu hình màu vàng nhạt và màu lục. Ông giải thích là ông từ Ba Lan tới, và ông bán các món hàng này khắp châu Âu. “Sản phẩm này là của ông?” “Phải”, ông nói. “Ông đưa kiểu mẫu cho xưởng sản xuất?” “Phải, kiểu mẫu nguyên bản là của tôi. Tôi có khách hàng tại cuộc triển lãm này”, ông nói. “Nếu họ thấy sản phẩm của tôi ở đây, họ sẽ biết chỗ tôi sản xuất ra chúng”. Ông lo ngại là nhà máy có thể bán sản phẩm của ông trực tiếp cho khách hàng của ông. Dù nhà máy này đã không làm việc đó, khách hàng của ông cũng có thể biết ông trả bao nhiêu tiền. Vì đủ thứ lý do, ông muốn giấu kín nhà cung cấp của mình. Nữ đại diện của nhà máy khăng khăng nói rằng bà không làm gì sai, rằng công ty của bà có quyền trưng bày những mẫu sản phẩm họ đã làm ra. Nếu họ không được trưng bày hàng mẫu của mình, làm sao họ có thể tìm chuyện làm ăn? Những thương hiệu nổi tiếng không trưng bày tại Hội chợ Quảng Châu vì sợ thương hiệu có thể bị xâm phạm qua việc bán hàng giả. Tuy sản phẩm của những nhà nhập khẩu nhỏ hơn cũng tìm đường tới triển lãm này, nhưng các nguyên tắc chung đó vẫn được áp dụng. Về điểm này, các nhà máy thường tôn trọng mong muốn của khách hàng. Khi lưu ý một số điều đó với nhà cung cấp, tôi lại làm cho đại diện nhà máy bức xúc. Thấy phản ứng của bà ta, nhà nhập khẩu phát hoảng. “Thôi được. Tôi không muốn làm gì khiến họ nổi giận”, ông nói. Rồi người đàn ông tìm cách xin lỗi nhà cung cấp, dù ông không làm gì sai, và tôi cảm thấy buồn cho ông ta hơn. Đó là chuyện tôi sẽ thấy xảy ra nhiều hơn - nhà nhập khẩu khiếp sợ nhà cung cấp của mình, dù nhà nhập khẩu được coi là khách hàng. Điển hình tệ hại nhất của hiện tượng kỳ quái này được mọi người biết với trường hợp Mattel. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã làm cho danh tiếng của công ty này bị tổn hại nặng nề khi cung cấp đồ chơi nhiễm chì trong sơn. Một vụ thu hồi quy mô đã diễn ra trước hết ở Hoa Kỳ, và khi tình hình lắng dịu, các quản trị viên của Mattel đã tới Bắc Kinh để xin lỗi chính phủ Trung Quốc - vì sự tổn hại họ đã gây cho nền công nghiệp này. Chuyện này cho thấy tầm vóc đích thực của trí khôn Trung Quốc khi mà các nhà sản xuất làm ăn ẩu tả đến mức sử dụng cả chất độc hại nhưng rồi lại được kẻ bị họ gây hại phải xin lỗi. Một khách hàng người Đức của tôi tên Norbert yêu cầu tôi nghiên cứu những thiết bị cơ giới nặng giúp ông. Ông muốn tôi tìm một nhà cung cấp xe nâng và máy đào, một nhà cung cấp có thể cho ông làm đại diện độc quyền ở Đức và Áo. Một nhà sản xuất xe nâng hai tấn hỏi tôi: “Thị trường nào?” Tôi nói xong là ông ta từ chối ngay. Ông bảo là mình đã có thỏa thuận độc quyền với một đại lý ở các nước đó. Tôi đi khỏi gian hàng này chưa được năm mươi bước thì ông ta đã đuổi theo tôi và thì thầm đề nghị tôi gọi lại cho ông ta sau khi triển lãm kết thúc. “Có thể dàn xếp theo cách nào đó”, ông nói, và tôi hình dung là nhà nhập khẩu đang giữ độc quyền lúc đó đang quanh quẩn trong cuộc triển lãm và đại diện nhà máy không muốn bị bắt quả tang hoặc ông ta không muốn các đồng nghiệp biết chuyện ông ta đang mưu tính. Tôi đã giúp thân chủ người Đức có được độc quyền cho một sản phẩm khác ở Đức và Áo. Công việc êm xuôi trong hơn hai năm thì tôi nhận được thư của nhà máy đó. Rõ ràng là họ không biết mình đang gởi thư cho ai, và họ thông báo năm tới sẽ trưng bày tại một triển lãm thương mại ở Hanover của Đức! Khi tôi chất vấn đại diện nhà máy, ông ta giả bộ ngây thơ. Ông ta khăng khăng bảo công ty của thân chủ tôi vẫn giữ độc quyền ở Đức và Áo. Dù vậy, thân chủ tôi vẫn phản đối. Nếu chúng tôi vẫn giữ độc quyền, ít nhất chúng tôi phải được cho biết về kế hoạch triển lãm ở Đức chứ? Giám đốc nhà máy giải thích rằng việc họ tham dự hội chợ thương mại không có gì sai trái. Họ chỉ có dự định trưng bày tại cuộc triển lãm. Đúng là họ sẽ tới địa bàn kinh doanh của chúng tôi, và đúng là sẽ có khách hàng Đức tại cuộc triển lãm, nhưng nhà cung cấp đâu đã làm gì không đúng - ít ra là chưa. Nhiều nhà nhập khẩu đang bắt đầu gặp khó khăn ở Trung Quốc, và một số đã dọa sẽ đưa việc làm tới nơi khác. Việt Nam đang trở thành một điểm đến mới khả dĩ cho hoạt động sản xuất, và Ấn Độ có vẻ là một triển vọng đặc biệt đáng chú ý. Khi một nhà cung cấp tại Hội chợ Quảng Châu báo giá cao quá đáng, tôi phản đối, và trong một lúc bối rối, đã nói bóng gió rằng một ngày nào đó khách hàng nước ngoài sẽ tỉnh ngộ và bỏ đi. “Một ngày gần đây chúng tôi sẽ tới Ấn Độ”, tôi nói. Nghe nói thế, nhà công nghiệp tươi nét mặt hẳn lên, và ông ta vớ quyển sổ đặt hàng. Lật nhanh những tờ giấy than hồng quá khổ, ông ta chỉ một tờ. “Đây là khách hàng của tôi. Ông ta ở Ấn Độ”, ông nói. Ông lật nhanh mấy trang nữa và chỉ một tờ khác. “Đây cũng vậy - từ Ấn Độ!” Ông tự hào về các khách hàng Ấn Độ và vì đã phản công câu nói bóng gió của tôi quá tuyệt vời. Chuyện những nhà buôn từ Ấn Độ này tìm đường tới Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Ông ta ngụ ý giá ở Trung Quốc vẫn còn thấp. Số nhà nhập khẩu đang tăng lên khắp thế giới làm cho các nhà cung cấp này thêm táo bạo. Làm sao người ta có thể thuyết phục họ rằng có gì đó sai trái trong cách hoạt động kinh doanh của họ khi số lượng đặt hàng cứ tăng lên và chính các đối thủ cạnh tranh cùng nhau hò reo tới Trung Quốc? Các nhà máy đang làm tất cả những gì có thể để lôi kéo các nhà nhập khẩu. Một khi nhà nhập khẩu thật sự đã chọn Trung Quốc thì rất khó chuyển đổi thị trường. Và muốn chuyển thì chuyển đi đâu? Nói về Ấn Độ cũng vô nghĩa như nói tới việc chuyển sản xuất tới những nơi quanh Đông Nam Á. Không tính chi phí lao động và ngay cả tỷ suất hối đoái, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tính hết mọi đường, và tiện lợi về sản xuất mà Trung Quốc cung ứng đã quan trọng đến nỗi nó buộc nhà nhập khẩu phải chấp nhận rất nhiều hạn chế. o0o Du khách nước ngoài dễ dàng vào hội chợ, nhưng người bản xứ có thể phải dùng thủ đoạn. Trừ phi bạn là nhà trưng bày, bạn phải có thư mời của một nhà cung cấp, hoặc bạn phải được đưa vào với tư cách thông dịch viên có khách hàng nước ngoài đi kèm. Tina muốn biết về hội chợ, và việc cô không được vào cửa tự do chính là động lực khiến tôi tìm cách đưa cô vào. Chúng tôi dự định gặp nhau ngày hôm sau và cùng vào hội chợ. Những tiếng động ban mai của thành phố lôi tôi ra khỏi giường không chút khó khăn. Những tiếng động đầu tiên tìm đường vào nhà tôi là từ những dự án xây dựng kế bên, gần như trước khi hầu hết mọi người trong cao ốc định thức dậy rất lâu. Trong khi tôi còn say ngủ, tiếng nện đều đặn từ một công trình đã bắt đầu. Coong… coong… coong… coong. Cách đó một khoảng, tiếng vù vù từ một công trường xây dựng thứ hai đã bắt đầu. Đó là một lưỡi cưa đang cắt kim loại, một âm thanh cho tôi biết rằng hãy còn sớm. Thật ra, đó là dấu hiệu thông báo tôi nên ngủ tiếp. Reeét. Reeét. REEÉT… Con đường trước cao ốc của tôi đã được biến thành đường một chiều, và những người đi xe gắn máy nhất định lái xe ngược chiều phải nhiều phen lúng túng. Tài xế tắc-xi rất thích bắt chẹt những người lái xe hai bánh thiếu kinh nghiệm này ở những khúc đường hẹp. Tiếng còi the thé của họ khuyến khích những tài xế khác. Khi tiếng còi lên cao tới một cường độ nhất định, đó là dấu hiệu rõ ràng rằng tới lúc phải di chuyển. Và vào lúc âm thanh từ một trường học kế cận vang lên. Người ta có cảm giác như cả thành phố bật dậy và chuyển động, dù chỉ mới bảy giờ rưỡi. Tiếng hô tập thể dục tính nhịp rất chính xác của các sinh viên vang vọng qua khoảng trống giữa những tòa nhà cao tầng ở khu này - những âm thanh dội lại nghe the thé và hung hăng. Các sinh viên hét to như đang tập quân sự, và trong khi mơ màng nửa thức nửa ngủ, tôi hình dung họ đang tấn công theo đội hình với lưỡi lê tưởng tượng trong tay. Hưưưưự! Hưưưưự! Hưưưưự! Đó là sự náo nhiệt của một nền kinh tế đang lao tới, âm ba của tốc độ tiến triển. Không bao giờ tôi cần phương tiện báo thức nào bên giường ngủ. Những âm thanh cấp bách từ sớm tinh mơ là đồng hồ báo thức hàng ngày của tôi. Tại Hội chợ Quảng Châu, hàng trăm người Hoa đứng chờ sau một hàng rào kiểm soát. Sinh viên đang học tại trường ngoại thương trong thành phố cầm những tấm bảng viết bằng nhiều thứ tiếng ghi chữ “thông dịch viên”, trông khá thất vọng - trông họ giống người tị nạn chính trị hoặc trẻ mồ côi đang hy vọng một mái nhà. Để đưa Tina qua đám đông và vào hội chợ, tôi phải trình giấy căn cước, và chúng tôi phải xác nhận rằng cô là thông dịch viên của tôi. Tina trình căn cước của mình, và cô được chụp ảnh. Ảnh được gắn vào một tấm thẻ nhựa mà cô phải đeo quanh cổ. Chúng tôi trả “phí thông dịch viên” xấp xỉ 30 USD cho cái thẻ đó và đi vào gian triển lãm chính. Hy vọng của tôi là Tina có thể học được điều gì đó từ cuộc triển lãm, và mục đích tôi dành cho cô là thu thập một số ca-ta-lô hàng hóa cho một thân chủ quan tâm tới gạch men lát sàn. Công việc này không mất thì giờ, và nếu có thể, nhiệm vụ nhỏ này sẽ cho cô có thêm ý thức về mục đích trước khi cô có cả ngày thoải mái khám phá hội chợ. Trong một gian gần đó, tôi tìm đường tới khu vực đồ gốm, và trong một lối đi chính, tôi thấy tên một công ty quen thuộc. Đó là xưởng sản xuất của Kevin, nhà công nghiệp đã cố làm tôi tin rằng ông ta từ Los Angeles tới. Gian hàng của ông ta cao rộng. Tôi bước vào và thấy ông vừa từ giã hai người khách tham dự triển lãm. Họ có vẻ là người Trung Đông. “Ông nói chuyện với họ bằng tiếng Ả Rập ư?” Tôi hỏi. “Tôi có nhiều khách hàng ở Trung Đông”, ông nói. Ông nhấn mạnh rằng ông chỉ biết một ít từ. Nhưng tôi vẫn có ấn tượng mạnh, tôi luôn ngạc nhiên khi nghe ai ở cuộc triển lãm nói chuyện bằng một thứ tiếng khác hơn tiếng Anh hoặc tiếng Hoa. Không đúng như những lý thuyết gia về quan hệ quốc tế tiên đoán, người Hoa đang thực sự từ bỏ thói quen cũ để học ngoại ngữ. Những học giả quảng bá “thuyết bá quyền” khăng khăng nói rằng thế giới đang nói tiếng Anh chỉ vì Hoa Kỳ là cường quốc chính trị và kinh tế mạnh nhất. Các nhà lý thuyết này nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của Trung Quốc đang tăng - do đó thế giới sẽ chuyển sang tiếng Hoa. Nhưng chuyện này không diễn ra ở Trung Quốc, ít nhất là không diễn ra trong giới chế xuất. Nhà nhập khẩu - những người có mọi lý do trên đời để học thứ tiếng này - đang bỏ qua cơ hội. Thay vì vậy, đại diện của các nhà sản xuất lại đang học ngôn ngữ của khách hàng. Chuyện này phần nào là do những động lực kinh tế đơn giản. Có thể tìm một thông dịch viên toàn thời gian ở Trung Quốc với mức lương chỉ 300 USD một tháng. Người Tây phương phải chịu quá nhiều phí tổn rồi. Do đó, những nền kinh tế kém phát triển hơn phải gánh vác chuyện giải quyết bất đồng ngôn ngữ thì hợp lý hơn. Có một lý do nữa để người Hoa học các ngôn ngữ của thế giới trước khi thế giới biết nói ngôn ngữ của họ. Chuyện này có liên quan với những kỹ năng cần có để học tiếng Quan Thoại. Tiếng Hoa có hàng vạn chữ, chỉ có thể nhớ được bằng cách học thuộc lòng. Dù một số người lập luận rằng người nói tiếng Hoa học tiếng Anh cũng khó như người Mỹ học tiếng Hoa, ít nhất người Hoa cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc nhồi nhét thông tin. Mức độ kỹ năng cần thiết để nói lưu loát tiếng Quan Thoại đã biến người Hoa thành cái máy thủ đắc ngôn ngữ. Gần như lúc nào người Mỹ cũng cảm thấy ái ngại khi học tiếng Hoa hơn là ngược lại. Tôi vừa bắt đầu tự hỏi Tina đang xoay xở ra sao thì cô gọi tôi bằng điện thoại di động. Hình như cô đang bối rối, như đang gặp khó khăn. Cô đang khóc và nói nghe không rõ. Tôi hỏi cô đang ở đâu trong hội chợ, và khi tôi tìm ra thì cô đang khóc sướt mướt với ba người bảo vệ đứng gần bên. Tina giải thích rằng cô đã bị bắt, và cô bảo tôi một trong các nhân viên an ninh đã tóm lấy cô. “Cô đã làm gì?” “Không làm gì cả”, cô nói. Tôi hỏi cô có cho họ xem thẻ thông dịch viên không, cái thẻ cho phép cô vào hội chợ. Cô nói có. Tôi yêu cầu một nhân viên bảo vệ giải thích. Anh ta chỉ nói rằng anh ta có quyền giữ ai thì giữ, và Tina không có bất cứ đặc quyền cho dù cô được phép vào hội chợ này. Các tay bảo vệ không có vẻ gì hối lỗi, và sự xuất hiện của tôi báo hiệu chấm dứt sự cố. Trung Quốc không phải là nước kỳ thị chủng tộc, nhưng có sự ngăn cách giữa hai giai cấp - người giàu và người nghèo. Đó không phải là một hệ thống giai cấp mà đúng ra là sự ngăn cách xã hội học - một sự phân biệt tùy tiện dựa trên cơ sở thu nhập và giáo dục. Tina trông có vẻ là người nghèo, và những người bảo vệ nhìn bề ngoài trông cũng thế thôi. Lý do gì họ ngăn chặn Tina thì có trời mới biết, nhưng có thể đó là vì họ thấy ở Tina có gì đó giống họ. Nhân viên bảo vệ an ninh kiếm được đồng lương vào loại thấp nhất ở Trung Quốc, và do hoàn cảnh xuất thân khiêm tốn, chắc họ thấy rằng Tina không có những quan hệ tốt lắm, rằng cô là một trong số ít người có mặt tại cuộc triển lãm thương mại này để tìm thêm cơ hội - cũng như họ. Tina chưa kể hết câu chuyện của cô. Hồi sáng sớm, cô đã ghé qua các nhà cung cấp gạch lát sàn, nhưng ít ai chịu cho cô ca-ta-lô hàng hóa. Cư xử thế thật làm mất mặt. Cô đã cho các nhà trưng bày xem danh thiếp và thẻ thông dịch viên, nhưng họ không động tâm. Tina không nói tại sao họ không cho cô tài liệu quảng cáo, nhưng không khó đoán lắm. Họ nghĩ rằng cô không đáng cho họ bỏ công. Họ nghĩ rằng cô không quan trọng và cho cô tài liệu tiếp thị là uổng phí. Sự hắt hủi như vậy làm Tina mủi lòng, và các tay bảo vệ kia cũng cảm thấy như vậy trước khi xông vào cô như một bầy chó hoang. Nghe cô kể lại chuyện này và thấy cô bức xúc, tôi bỗng nổi giận. Tôi đã làm việc với đủ hạng nhà sản xuất, và chưa bao giờ họ đối xử với tôi như vậy. Họ đã tiêu những khoản tiền kha khá để trưng bày tại cuộc triển lãm thương mại này, và khi tôi từ chối danh mục hàng hóa của họ, họ cứ đẩy chúng cho tôi, thậm chí còn nhét vào túi xách của tôi. Thông thường, chỉ cần thấy những dấu hiệu mơ hồ nhất của một cơ hội làm ăn là họ nhảy xổ vào. Tôi biết rõ dạng đại diện nhà máy này. Cũng giống các tay bảo vệ kia, vấn đề của họ là họ thấy một chút bản thân họ trong Tina. Họ biết rằng cái cô lập họ chỉ là một chút may mắn, hay có lẽ một mối quan hệ cá nhân nhỏ mọn nào đó. Họ nhìn cô và nghĩ - nếu không cơ may quan hệ thì cút xéo… Lúc đó vẫn còn sớm nhưng Tina nói cô muốn về. Cuộc triển lãm là một tai họa, và tôi cảm thấy buồn. Toàn bộ ý tưởng đưa cô đến hội chợ là mở rộng sự hiểu biết của cô. Cô ham hiểu biết và lâu nay vẫn bị nhắc nhở rằng có những hạn chế đối với hoài bão của cô. Thật là không công bằng. “Tôi có ý này”, tôi nói. Tina vẫn còn khóc, mắt nhìn xuống tấm thảm đỏ. “Tôi nghĩ cô nên trở lại chỗ các nhà trưng bày gạch lát và nói với họ một câu chuyện khác. Lần này nói với họ rằng cô làm việc với một người nước ngoài, một người hết sức ngu ngốc”. Nói vậy cũng không xa sự thật; dù sao tôi cũng cảm thấy mình ngu vì đã đưa Tina vào một tình huống làm cô lúng túng. Nhưng nếu cô bỏ cuộc thì còn tệ hơn nữa. Tina đưa lưng bàn tay lau nước mắt và nhìn tôi xem tôi nói thật hay đùa. “Bảo họ sao chứ?” Cô hỏi. “Bảo họ rằng cô làm việc cho một người nước ngoài hết sức ngu ngốc”, tôi nói. “Một người Mỹ, một người có thể bị lừa dễ dàng”. Cô biết mục đích của tôi, nhưng đó không phải là kiểu cách của cô. Đó cũng không đúng là một quan điểm Khổng giáo. Tôi gợi ý là cô nên gác qua một bên mọi sự tôn trọng cô có thể dành cho tôi - đây chỉ là mưu mẹo mà thôi. Chuyện này làm được với tinh thần quyết không đầu hàng, tôi gợi ý, và tôi bảo Tina rằng cô có thể xem đây là một thí nghiệm. Bạn trai của cô là một nhà hải dương học chuyên làm những thí nghiệm trên biển. Vì vậy cô phần nào hào hứng với ý nghĩ kiểm tra một giả thuyết. Có lẽ một phương pháp khác sẽ sinh ra một kết quả khác. Sau một lúc tự trấn tĩnh, cô đồng ý cô sẽ trở lại đó thử một lần nữa. Xế chiều đó chúng tôi gặp lại nhau. Lần này cô vui vẻ hơn. Khi có điều gì làm Tina vui thích, gò má cô nhô lên, và khi cô thật sự thích thú, trông cô như đang cố nín cười. “Không có vấn đề gì chứ?” Tôi hỏi. “Không”, cô nói và bật cười to. “Tôi đã bảo họ rằng tôi làm việc cho một người nước ngoài ngu ngốc”. Cô cho tôi xem tất cả những ca-ta-lô hàng hóa mà đại diện các nhà máy đã cho cô. Hai túi xách đầy. Tina mở một túi và cho tôi xem một số tài liệu tiếp thị. Cô nói rằng các đại diện công ty mà cô đã nói chuyện đã cho cô những thứ này không chút ngần ngừ sau khi cô giải thích “tình hình” của cô rõ ràng hơn một chút. Ý tưởng móc nối được với một khách hàng nước ngoài ngây thơ tỏ ra có sức cám dỗ phi thường đối với các vị đại diện công ty này, và nó đã đánh bật bất cứ thành kiến nào của họ dành cho Tina. Thật vậy, chiến thuật này hiệu quả đến nỗi nhiều tuần sau triển lãm này, các hãng gạch men vẫn tới tấp gọi điện cho cô.