🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Về Bản Tính Người
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
VỀ BẢN TÍNH NGƯỜI Tác giả: Edward O. Wilson Dịch giả: Phạm Anh Tuấn Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Thế Giới - 2014 —★—
ebook©vctvegroup
09/07/2019
https://thuviensach.vn
Dù những lập luận này về bản tính người có vẻ trừu tượng và khó hiểu, nhưng điều ấy không đủ căn cứ để cho rằng chúng sai. Ngược lại, điều dường như không thể xảy ra ấy là cho đến nay những gì rất nhiều triết gia sáng suốt và uyên thâm bỏ qua thì lại có thể là rất rõ ràng và dễ hiểu. Và bất chấp những khổ não mà những nghiên cứu ấy gây ra cho chúng ta thì chúng ta vẫn có quyền nghĩ rằng mình đã được đền đáp xứng đáng, không chỉ xét về lợi ích thu được mà còn cả niềm vui thích, nếu như, nhờ đó chúng ta có thể làm giàu kho kiến thức của mình về những chủ đề có tầm quan trọng không kể xiết như thế.
Hume, Một nghiên cứu về nhận thức của con người
[An Inquiry Concerning Humnan Understanding]
https://thuviensach.vn
Lời nói đầu cho lần xuất bản năm 2004
Liệu có chủ đề nào quan trọng hơn [chủ đề][1] bản tính người? Nếu chủ đề này có thể được hiểu thực thấu đáo, thì loài người chúng ta sẽ được định nghĩa chính xác hơn, và những hành động của chúng ta sẽ được dẫn dắt một cách thông tuệ hơn. Vào những năm 1970, khi tôi viết Về bản tính người [On Human Nature] đã có hai quan niệm về thân phận con người [human condition] đang thống trị tư tưởng phương Tây. Các nhà thần học, cùng hầu hết tín đồ của các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham[2] ngoại trừ những tín đồ có đầu óc tự do nhất, đều xem con người như những thiên thần sa ngã ở trong những cơ thể động vật đang chờ được cứu chuộc và hưởng sự sống vĩnh hằng. Theo quan điểm của họ, bản tính người là một sự hòa trộn những thiên hướng thiện và ác mà chúng ta phải nhờ cậy đến các trước tác của những nhà tiên tri ở vùng Trung Đông thời cổ đại[3] để phân định.
Trái lại, hầu hết các nhà trí thức, dù có khuynh hướng tôn giáo hoặc không, đều ngờ vực liệu có cái gì gọi là bản tính người. Theo họ thì bộ não chỉ là một tấm bảng trắng, một cỗ máy được điều khiển bởi một vài xúc cảm cơ bản, nhưng mặt khác nó lại là một chiếc máy tính đa năng có thể tạo ra trí tuệ [cá nhân] hoàn toàn từ sự trải nghiệm và sự học hỏi cá nhân. Đa số trí thức trong những năm 1970 đều tin rằng văn hóa là sự phản ứng học hỏi tích lũy trước môi trường và trước sự ngẫu nhiên của lịch sử.
Trong khi đó, một quan điểm khác, quan điểm tự nhiên luận[4], đang ngày càng chiếm uy thế. Tuy vẫn còn ở hình thức sơ khởi, nhưng quan điểm này cho rằng bộ não và khả năng trí tuệ là hoàn toàn có nguồn gốc sinh học và đã được cấu trúc hóa ở mức độ cao thông qua tiến hóa bằng chọn lọc tự
https://thuviensach.vn
nhiên. Bản tính người tồn tại, nó bao gồm những khuynh hướng cảm xúc phức tạp và những thiên hướng học tập thường được gọi một cách dễ dãi là bản năng. Những bản năng này được tạo ra qua hàng triệu năm khi con người là những người săn bắt-hái lượm trong thời kỳ Đồ đá cũ. Hệ quả là những bản năng này vẫn còn mang dấu vết cổ sinh học của chủng loài người. Như vậy, bản tính người rốt cuộc chỉ có thể được hiểu nhờ sự giúp đỡ của phương pháp khoa học. Văn hóa tiến hóa trong quá trình phản ứng đáp lại những hiện tượng ngẫu nhiên của môi trường và lịch sử, như kinh nghiệm thông thường của chúng ta thừa nhận, nhưng đường đi của nó lại chịu sự điều khiển nặng nề của những khuynh hướng bẩm sinh trong bản tính người. Quan niệm này được tóm lược trong một môn học mới mẻ là sinh học xã hội [sociobiology]; môn học này, khi được vận dụng vào con người, được đặt lại tên là tâm lý học tiến hóa [evolutionary psychology] (nhưng tuy vậy vẫn là sinh học xã hội).
Sinh học xã hội người đặt ra những câu hỏi: Các bản năng của con người có thể là gì? Chúng kết hợp với nhau như thế nào để tạo nên bản tính người? Cho đến những năm 1970 những câu hỏi cũ có tính then chốt này hiếm khi được giải quyết như một vấn đề trong sinh học. Cụ thể là, hai câu hỏi này, chưa bao giờ được nghiên cứu theo bất kỳ cách thức hiệu quả nào với tư cách là phạm vi của hai môn học khác nhau căn bản nhưng đều mang tính quyết định và có khả năng chồng chéo nhau trong ngành sinh học. Môn thứ nhất là khoa học thần kinh [neuroscience], cần thiết cho việc giải thích khả năng trí tuệ là gì và bộ não tạo ra nó như thế nào. Môn thứ hai là sinh học tiến hóa [evolutionary biology], được coi là bắt buộc phải có để giải thích tại sao bộ não lại hoạt động theo cách thức kỳ cục này mà không phải theo cách thức nào đó khác trong số nhiều cách thức ta có thể hình dung được. Tóm lại, câu
https://thuviensach.vn
hỏi hóc búa về bản tính người, như tôi và một vài người khác nhận thấy vào thời kỳ ban đầu này, chỉ có thể được giải quyết nếu như những lý giải khoa học thâu gồm được cả cái như thế nào [the how] (môn khoa học thần kinh) lẫn cái tại sao [the why] (môn sinh học tiến hóa) về hoạt động của bộ não, và làm sao cho hai trục lý giải này ăn khớp với nhau.
Vẫn còn những điều cần cật vấn về cách tiếp cận bản tính người theo thuyết tự nhiên luận. Con người có thể được trời phú cho những bản năng, và những bản năng này rốt cuộc có thể sẽ được hiểu thấu đáo, nhưng cụ thể những khuynh hướng phát triển tinh thần đó đã định hình văn hóa như thế nào? Vấn đề này bí ẩn hơn so với hình dung của hầu hết các nhà tư tưởng. Nếu văn hóa đã tiến hóa trong hàng nghìn năm dưới ảnh hưởng của một bản tính người mang tính chất sinh học, thế thì điều tương đương là bản tính người ít nhất phần nào đã tiến hóa trong suốt hàng trăm nghìn năm, thời gian mà ở đó người hiện đại [modern human species[5]] và những tổ tiên trực tiếp của họ thuộc giống Người [genus Homo] đã sống quần cư, đã biết cách lấy được lửa, phát minh ra công cụ, hoàn thiện ngôn ngữ, và kết quả của điều này là sự bùng phát lan rộng của chủng loài Người này [tức loài người cách đây hàng trăm nghìn năm] ở các lục địa và quần đảo trên khắp Trái đất. Sự tiến hóa đồng thời của gien và văn hóa, sự kết hợp mang tính hiệp lực của hai hình thức tiến hóa này là không thể tránh khỏi. Nhưng, cho đến nay chúng ta mới biết rất ít về cách thức vận hành thực sự của quá trình đồng tiến hóa giữa gien và văn hóa.
Về bản tính người - trong lần tái bản này được giữ nguyên hình thức của lần xuất bản đầu tiên - đề cập đến tất cả những vấn đề nói trên. Để cung cấp một bối cảnh đầy đủ hơn, sẽ là hữu ích nếu tôi giải thích mình đã đi đến chỗ quyết định viết cuốn sách này trong thời gian từ 1977 đến 1978 như thế nào.
https://thuviensach.vn
Trong sự nghiệp khoa học của tôi cho đến thời điểm đó, trải dài ba thập kỷ, tôi đã tập trung vào nghiên cứu sinh học của loài kiến. Dĩ nhiên tôi đã bị ấn tượng bởi tính chất phức tạp và sự chính xác của bản năng đã dẫn dắt cuộc sống của loài côn trùng này (một số nhà phê bình đã phải thừa nhận rằng tôi quá bị ấn tượng). Ngoài ra, sau khi đã chuyên tâm vào nghiên cứu tính đa dạng sinh học, tôi còn bị cuốn hút vào ngành nghiên cứu đại cương về sự tiến hóa và tính chất liên quan của môn này đối với sinh học quần thể [biology of populations[6]]. Vào cuối những năm 1950 tôi đã chú ý đến một mối liên hệ - giờ đây nhìn lại thì mối liên hệ đó dường như là hiển nhiên - rằng các xã hội đồng thời cũng là những quần thể, và do đó nhiều thuộc tính của chúng có thể được phân tích theo đúng những kiểu được áp dụng phổ biến hơn trong di truyền học và sinh thái học quần thể [ecology of populations[7]]. Trong cuốn Các xã hội côn trùng (The Insect Societies, xuất bản năm 1971), tôi đã đề xuất rằng có thể xây dựng một ngành học nhất quán thuộc lĩnh vực sinh học từ sự tổng hợp của [nghiên cứu] hành vi xã hội và [nghiên cứu] sinh học quần thể. Môn học mới mẻ này, tôi gợi ý tên gọi cho nó là sinh học xã hội [sociobiology], lần đầu tiên sẽ gắn kết sự hiểu biết về các loài côn trùng sống quần cư và các loài động vật có xương sống sống quần cư:
Có thể tóm tắt thật ngắn gọn triển vọng đầy lạc quan của môn sinh học xã hội như sau: Bất chấp mối liên hệ xa nhau về phát sinh loài [phylogenetic] giữa loài động vật có xương sống và loài côn trùng và [bất chấp] sự khác nhau về hệ thống truyền thông mang tính cá thể và phi cá thể giữa loài này với loài kia, hai nhóm động vật này đã phát triển những hành vi quần cư tương đồng nhau về mức độ phức tạp và hội tụ với nhau ở nhiều chi tiết quan trọng. Sự kiện này cho thấy một
https://thuviensach.vn
hứa hẹn đặc biệt rằng môn sinh học xã hội rốt cuộc có thể xuất phát từ những nguyên lý đầu tiên của sinh học quần thể và sinh học hành vi đồng thời có thể được phát triển thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, hoàn chỉnh. Lĩnh vực nghiên cứu này được kỳ vọng rằng sau đó sẽ làm gia tăng nhận thức của chúng ta về những đặc tính hành vi xã hội chỉ có ở loài vật xét như đối lập lại với những đặc tính của hành vi xã hội ở con người. (Các xã hội côn trùng, trang 460).
Hình vẽ sau mô phỏng sơ đồ được đề xuất vào năm 1971 về sự trùng khớp của các môn khoa học có liên quan với nhau.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Các tham số về tiến hóa và sinh thái học
được trích từ Các xã hội côn trùng (trang 459).
Năm 1975, tôi đã mở rộng quan niệm về lĩnh vực nghiên cứu được vạch ra trong Các xã hội côn trùng để bổ sung nhóm động vật có xương sống. Thành quả có được là cuốn Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới [Sociobiology: The New Synthesis], một cuốn sách dày 697 trang được trình bày dưới hình thức hai cột chữ mô tả lý thuyết [sinh học xã hội] dựa trên sự xem xét toàn bộ kiến thức về mọi loài sinh vật xã hội đã biết cho tới lúc đó, từ vi khuẩn sống thành đàn và động vật ruột khoang cho tới côn trùng rồi động vật có xương sống và con người. Phần viết về nhóm sinh vật không phải là con người là một thành công trong giới nghiên cứu sinh học. Trong một cuộc thăm dò dư luận năm 1989, các quan chức và thành viên của Hiệp hội Quốc tế về Tập tính của Động vật đã chọn Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới là cuốn sách quan trọng nhất của mọi thời đại viết về tập tính động vật, thậm chí còn suýt đánh bại cuốn sách kinh điển năm 1872 của Darwin, Tiến hóa xúc cảm ở con người và loài vật [Evolution of Emotions in Man and Animals].
Nhiều nhà khoa học và cả những người khác nữa đã cho rằng sẽ tốt hơn nếu tôi dừng lại ở loài hắc tinh tinh [chimpanzee], chưa kể người Homo sapiens[8] dừng lại trên phương diện động vật học [zoology] của ranh giới trung lập giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Nhưng tôi không thể cưỡng nổi thách thức và sự phấn khích, cho nên trong chương cuối “Con người: Từ sinh học xã hội tới xã hội học”, tôi đã bước qua ranh giới nghiêm ngặt này:
Bây giờ chúng ta hãy xem xét con người trên tinh thần tự do của lịch sử
https://thuviensach.vn
tự nhiên, như thể chúng ta là những nhà động vật học từ một hành tinh khác đang hoàn thành một danh mục các loài xã hội trên Trái đất. Với cách tiếp cận vĩ mô này thì các ngành khoa học nhân văn và khoa học xã hội rút gọn lại thành các chuyên ngành của sinh học; lịch sử, tiểu sử và văn chương hư cấu là những tiểu luận nghiên cứu về phong tục học; nhân học và xã hội học cùng nhau tạo thành môn sinh học xã hội về một giống linh trưởng độc nhất.
Vâng, tôi đã nói thế, và bây giờ tôi vẫn có ý như thế. Chúng ta là loài sinh ra từ sinh quyển của Trái đất như một loài sinh vật đã thích nghi trong số nhiều loài khác; và cho dù ngôn ngữ và nền văn hóa của chúng ta có tuyệt vời thế nào, cho dù trí tuệ của chúng ta có phong phú và tinh tế đến đâu, khả năng sáng tạo của chúng ta có lớn đến thế nào, thì quá trình tinh thần vẫn là sản phẩm của một bộ não được tạo thành do chiếc búa của chọn lọc tự nhiên nện lên cái đe của tự nhiên. Những khả năng và đặc tính của bộ não người mang những dấu vết về nguồn gốc của chúng. Các nền văn hóa có thể liên tục bay vút lên ngày càng cao hơn, có thể suy tưởng về những khởi đầu của thời gian và những tầm với xa nhất của vũ trụ trong quá trình chúng khám phá, nhưng các nền văn hóa sẽ không bao giờ thực sự thoát khỏi sự ràng buộc. Nếu không, chúng ta đã chẳng dùng thuật ngữ “các môn khoa học nhân văn” để bao hàm việc nghiên cứu về những hiện tượng rất đặc biệt nói trên như là cái khiến loài chúng ta trở thành con người ngày nay.
Một vài học giả trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn đang sẵn lòng xem xét nhận thức này hoặc họ đã trình bày nhận thức này dưới những hình thức khác nhau. Điều có vẻ hợp logic là sinh học nên có tác dụng như là bộ phận nền móng trụ đỡ các lĩnh vực liên quan, giống như vật lý đối với hóa học (do đó mới có lĩnh vực hóa lý học) và cả hai lĩnh vực này đến lượt chúng
https://thuviensach.vn
lại trở thành nền móng đối với sinh học. Tôi nghĩ rằng môn sinh học xã hội sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các ngành học vấn lớn, hoặc ít ra cũng cung cấp một “bộ công cụ” hữu ích cho việc phân tích hành vi người.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học xã hội và học giả khoa học nhân văn lại bàng quan hoặc xem quan niệm trên như là một sự xâm phạm có tính thù địch từ một ý thức hệ ngụy biện và không thể chấp nhận nổi. Điều khiến tôi ngạc nhiên - tôi thừa nhận rằng tôi đã ngây thơ - ấy là sự tranh cãi này đã nhanh chóng được thổi phồng lên, và rồi người ta đã bắt đầu nghe thấy những lời chỉ trích gay gắt.
Trên thực tế, có lẽ không có thời điểm nào tồi tệ hơn quãng giữa những năm 1970 để giới thiệu môn sinh học xã hội người. Chiến tranh Việt Nam, cuộc xung đột bị căm ghét nhất trong lịch sử nước Mỹ, may mắn thay đang đi đến hồi kết thúc. Ngoài ra, người ta dường như đã nhìn thấy chiến thắng trong cuộc đấu tranh vì các quyền công dân, mặc dù chiến thắng vẫn còn lâu mới được đảm bảo. Nền dân chủ Mỹ, theo cái cách ầm ĩ và cồng kềnh của nó, lại đang chứng tỏ nhuệ khí. Nhưng tình trạng ồn ào này có mặt tiêu cực ở chỗ nó cung cấp cơ hội cho chủ nghĩa cực đoan. Tâm trạng thời thượng trong giới học thuật là ngả theo cánh tả cách mạng. Các trường đại học tinh hoa đã bịa ra khái niệm chính trị phải đạo[9], do áp lực của các trường xung quanh và nguy cơ sinh viên biểu tình. Trong không khí như vậy thì chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội là ổn nhất. Các cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa là ổn nhất. Chế độ ở Trung Quốc và Liên Xô là ổn nhất, ít nhất là về mặt hệ tư tưởng. Ra khỏi văn phòng chủ nhiệm khoa là chủ trương ôn hòa bị khinh bỉ. Những người có tư tưởng chính trị bảo thủ trong lòng bức bối nhưng hầu hết không dám nói ra. Những giáo sư thuộc phái tả cấp tiến và những khách mời là các nhà hoạt động, những người hùng trong khuôn viên đại học, nhắc đi
https://thuviensach.vn
nhắc lại câu kinh cầu nguyện này: giới quyền uy đã bỏ quên chúng ta, giới quyền uy đã ngăn chặn sự tiến bộ, giới quyền uy là kẻ thù. Quyền lực đúng là đã thuộc về nhân dân - nhưng với một sự méo mó kiểu Mỹ. Bởi vì những người lao động bình thường vẫn tiếp tục duy trì thái độ bảo thủ và e sợ trong suốt cuộc cách mạng chẳng đi đến đâu này, cho nên giai cấp vô sản kiểu mới xuất hiện trong cuộc đấu tranh giai cấp không thể là ai khác ngoài sinh viên. Và, do không thể hình dung được trong tương lai mình sẽ là người môi giới chứng khoán, quan chức chính phủ hay nhà quản lý đại học cho nên nhiều sinh viên đã tỏ thái độ đồng tình.
Trong giới hàn lâm mà lúc này đã bớt phần kinh viện, vấn đề chủng tộc giống như chất phóng xạ, có thể gây nguy hiểm chết người cho bất cứ ai động tới mà không có sự thận trọng cực độ. Bàn về sự di truyền của chỉ số thông minh [IQ] và hành vi người là những sự vi phạm có thể bị trừng phạt. Bất cứ ai dám nhắc đến những chủ đề này theo bất kỳ cách nào mà không phải là sự lên án có tính công thức thì đều có nguy cơ bị gọi là người phân biệt chủng tộc. Bị lên án là kẻ phân biệt chủng tộc trong con mắt của cộng đồng, ngay cả khi sự lên án này hoàn toàn không đúng, cũng đã đủ lý do để bị đuổi khỏi trường đại học. Nhưng chuyện này hầu như không bao giờ xảy ra bởi các giảng viên đại học đủ khéo léo và nhút nhát để hoàn toàn tránh xa những chủ đề ấy, ít nhất là ở nơi công cộng. Ngay cả các cuộc trò chuyện riêng tư cũng đều thận trọng và kín đáo.
Gốc rễ của sự ác cảm này đã ăn sâu và, gạt sự quá khích của những năm 1970 sang một bên, đã có nền tảng vững chắc. Thuyết Darwin xã hội [social Darwinism] và ưu sinh học [eugenics], ra đời từ sự hôn phối giữa cái không xứng được gọi là sinh học và hệ tư tưởng cực hữu của những người theo thuyết tiên thiên [nativism][10] đã gây ảnh hưởng tai hại tới các môn khoa
https://thuviensach.vn
học tự nhiên trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Chúng đã được Liên Xô khuyến khích trong những năm 1930, thời kỳ trước khi thuyết của Lamarck[11] được chấp nhận tại nước này, đồng thời là nền tảng cho những hành động tàn bạo của Đức Quốc xã trong những năm 1930 và 1940. Một phần vì phản đối sự lạm dụng môn sinh học theo cách nói trên, và một phần cũng là do những thành công trong phòng thí nghiệm của thuyết hành vi [behaviourism] đang là trào lưu chiếm ưu thế trong tâm lý học, nên các nhà khoa học xã hội đã tránh xa khái niệm về bản năng và dùng di truyền học và thuyết tiến hóa để giải thích hành vi con người. Cho mãi tới tận những năm 1970, cách giải thích bộ não giống như tấm bảng trắng[12] đã bảo vệ được khoa học xã hội và khoa học nhân văn trước những cuộc tấn công ồ ạt của sinh học và chiếu cố coi chúng là hai trong sô ba ngành lớn của học vấn.
Vì thế khắp nơi người ta đều không coi sinh học xã hội như là một nguồn tri thức, như tôi từng hy vọng, mà coi chúng giống như mối đe dọa cho thế giới quan coi bộ não giống như tấm bảng trắng. Tệ hơn nữa, một bộ phận nhỏ nhưng có tiếng nói thẳng thắn trong giới trí thức tinh hoa đã coi đó như một mối đe dọa cho hệ tư tưởng của Marx. Trong khi bác bỏ sinh học xã hội, các nhà phê bình này thành công trong việc định nghĩa lại khái niệm này [sinh học xã hội] theo một cách hoàn toàn mới mẻ và gây hiểu lầm. Theo cách hiểu của phương tiện truyền thông đại chúng thì sinh học xã hội là một lý thuyết cho rằng hành vi của con người được quyết định bởi các gien hoặc ít ra chịu ảnh hưởng lớn từ các gien, chứ không phải nhờ học tập mà có. Dĩ nhiên, phát biểu đó giờ đây được xem là đúng và vào những năm 1970 đã có rất nhiều bằng chứng ủng hộ phát biểu này. Nhưng bất chấp những bằng chứng được đưa ra, đó không phải là cách hiểu ban đầu của sinh học xã hội hoặc các nhà khoa học ngày nay cho là mình hiểu. Sinh học xã hội là một
https://thuviensach.vn
môn khoa học, là nghiên cứu có hệ thống về cơ sở sinh học của mọi hình thức tập tính xã hội ở các sinh vật, trong đó có con người. Khi xem xét sinh học xã hội như một tập hợp những lý thuyết được thừa nhận, thì môn học này thậm chí bao gồm cả khả năng bộ não là tấm bảng trắng, đồng thời cũng thừa nhận rằng để làm phẳng những yếu tố bẩm sinh để có một bộ não như vậy thì đòi hỏi rất nhiều bước tiến hóa liên quan đến một số lượng lớn các gien. Nói cách khác, lý thuyết về [bộ óc như một] tấm bảng trắng căn bản đã là một quan niệm mang đậm nét của môn sinh học xã hội, dẫu rằng quan điểm này không đúng.
Tranh cãi do môn sinh học xã hội gây ra, bắt nguồn từ sự kết hợp nói trên giữa sự hiểu sai, sự ngờ vực và oán giận, từ đầu đã khiến tôi tin rằng mình đã không giải thích thỏa đáng mối liên quan của môn khoa học này với nhận thức về hành vi của con người. Chương cuối của Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới đáng lẽ phải được trình bày dài cỡ một cuốn sách, đồng thời đi sâu hơn vào di truyền học hành vi, cần bàn đến vấn đề văn hóa một cách thuyết phục hơn, và để tổng quát hơn nữa thì cần phải bàn đến một số vấn đề thuộc triết học và xã hội mà sinh học xã hội đã nêu ra. Trọng tâm của chương này cũng cần bàn đến những ý kiến phản bác chính đã phát sinh hoặc còn có thể phát sinh từ ý thức hệ chính trị và tín ngưỡng tôn giáo. Do đó, vào năm 1977 tôi đã bắt tay vào viết cuốn sách các bạn đang cầm trên tay, cuốn Về bản tính người, hầu cố gắng đạt được những mục đích khác nhau nói trên. Tôi cảm thấy thanh thản khi cuốn sách này được hầu hết mọi người hoan nghênh, và hiện nay nó vẫn được phát hành rộng rãi.
Edward O. Wilson
Lexington, Massachusetts, Hoa Kỳ
https://thuviensach.vn
Tháng Sáu năm 2004
https://thuviensach.vn
GỢI Ý ĐỌC THÊM:
Những cuốn sách sau đây, được viết cho đông đảo độc giả, nằm trong số những cuốn sách ghi lại quá trình phát triển trong lĩnh vực sinh học xã hội người (thường được gọi là tâm lý học tiến hóa) trong hai mươi lăm năm sau khi Về bản tính người được xuất bản.
Alcock, John. The Triumph of Sociobiology [Thành tựu của môn sinh học xã hội]. New York, Oxford University Press, 2001.
Barkow, Jerome H., Leda Cosmides và John Tooby. The Adapted Mind [Trí khôn thích nghi]. New York, Oxford University Press, 1992.
Degler, Carl N. In Search of Human Nature: The Decline and Revival of Darwinism in American Social Thought [Đặt lại vấn đề về bản tính người: Sự khước từ rồi khôi phục lại thuyết Darwin trong nhận thức xã hội Mỹ]. New York, Oxford University Press, 1991.
Segerstråle, Ullica. Defenders of the Truth [Những người biện hộ cho sự thật]. New York, Oxford University Press, 2000.
https://thuviensach.vn
Lời nói đầu cho lần xuất bản thứ nhất
Về bản tính người là cuốn thứ ba trong bộ ba tác phẩm được tôi triển khai khi không ý thức được bất kỳ một trình tự logic nào cho đến khi cuốn sách gần hoàn thành. Chương cuối của Các xã hội côn trùng (1971) được tôi đặt nhan đề là “Triển vọng cho một môn sinh học xã hội thống nhất”. Trong chương đó tôi đã đề xuất rằng những nguyên lý của sinh học quần thể và động vật học so sánh đã từng rất hữu hiệu trong việc giải thích những hệ thống cứng nhắc của các loài côn trùng sống quần cư, thì nay có thể vận dụng đúng từng điểm một vào động vật có xương sống. Tôi đã nói rằng sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ giải thích được cả các quần thể mối lẫn các bầy loài khỉ rhesus bằng cùng một tập hợp tham số duy nhất và một lý thuyết định lượng duy nhất. Không thể cưỡng lại thách thức đầy thuyết phục do chính mình đặt ra, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu những tài liệu đồ sộ và tốt nhất về tập tính xã hội của động vật có xương sống và viết Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới (1975). Ở chương cuối có nhan đề “Con người: Từ sinh học xã hội đến xã hội học”, tôi đã đưa ra luận điểm rằng những nguyên lý sinh học lúc bấy giờ dường như đang được vận dụng với kết quả khá khả quan cho động vật nói chung thì cũng có thể mở rộng một cách có lợi sang khoa học xã hội. Gợi ý này đã tạo ra nhiều sự quan tâm và tranh cãi đặc biệt.
Kết quả là Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới ra mắt đã khuyến khích tôi tìm hiểu nhiều hơn về chủ đề hành vi người, và tôi bị cuốn hút vào rất nhiều cuộc hội thảo và trao đổi thư từ với các nhà khoa học xã hội. Tôi bắt đầu tin chắc hơn bao giờ hết rằng rốt cuộc đã đến lúc phải lấp khoảng trống ngăn cách hai khái niệm về văn hóa [văn hóa hiểu theo nghĩa của khoa học tự
https://thuviensach.vn
nhiên và văn hóa hiểu theo nghĩa của khoa học xã hội và nhân văn] và rằng, sinh học xã hội đại cương, một lĩnh vực chỉ đơn giản là mở rộng sinh học quần thể và lý thuyết tiến hóa sang lĩnh vực tổ chức xã hội [của con người], là công cụ thích hợp cho nỗ lực này. Về bản tính người được viết nhằm khảo sát luận điểm nói trên.
Nhưng, không thể coi cuốn sách thứ ba này là một cuốn sách giáo khoa hay một tập hợp các tài liệu khoa học theo cách hiểu thông thường. Giải quyết vấn đề hành vi con người một cách có hệ thống nghĩa là phải coi mọi hành lang trong mê cung trí tuệ con người như một đề tài tiềm tàng và do đó, phải xem xét không chỉ các môn khoa học xã hội mà còn cả các môn khoa học nhân văn nữa, trong đó có triết học và chính quá trình phát kiến khoa học. Do vậy, Về bản tính người không phải là một cuốn sách khoa học thuần túy; nó là một cuốn sách nghiên cứu về khoa học và về việc các môn khoa học tự nhiên có thể xâm nhập sâu thế nào vào hành vi con người trước khi chúng sẽ được biến đổi thành một cái gì đó mới mẻ. Cuốn sách xem xét tác động hỗ tương mà việc lý giải hành vi con người theo quan điểm tiến hóa đích thực tất yếu gây ra cho các môn khoa học xã hội và nhân văn. Bạn đọc có thể đọc Về bản tính người để thu thập thông tin về hành vi và sinh học xã hội được tôi cẩn thận chứng minh bằng tài liệu. Nhưng cốt lõi của cuốn sách này là một khảo luận mang tính lý luận về những hệ quả sâu sắc sẽ được suy ra khi lý thuyết xã hội rốt cuộc cũng bắt gặp bộ phận thuộc khoa học tự nhiên có liên quan nhất với lý thuyết ấy.
Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khen chê trái chiều về những luận điểm nói trên như đã từng xảy ra với các phần bàn về hành vi con người trong cuốn Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới. Với đôi chút nhún nhường dành cho những người mà vì đức tin nên chỉ có lựa chọn duy nhất là phản đối, tôi
https://thuviensach.vn
những muốn nói điều sau đây với những ai có xu hướng đọc cuốn sách này mà không có óc phê phán, như thể đang đọc một sản phẩm khoa học đã được thử thách: tôi có thể dễ dàng sai lầm - trong bất cứ một kết luận cụ thể nào, trong những hy vọng cao quý về vai trò của các môn khoa học tự nhiên, và trong niềm tin tưởng mạo hiểm đặt cược vào thuyết duy vật khoa học. Sự dè dặt này không phải khiêm tốn giả tạo, mà là một cố gắng nhằm duy trì lợi thế của môn sinh học xã hội. Kiên quyết vận dụng lý thuyết tiến hóa vào mọi khía cạnh tồn tại của con người sẽ chẳng đi đến đâu nếu bản thân tinh thần khoa học dao động, nếu những quan niệm không được xây dựng thông qua những thử thách khách quan và do đó sẽ có nguy cơ sụp đổ. Các môn khoa học xã hội vẫn còn quá non trẻ và chưa đủ mạnh, còn bản thân lý thuyết tiến hóa thì vẫn chưa thật sự hoàn thiện, cho nên những phát biểu được xem xét tại đây hãy còn chưa thể trở thành chân lý. Nhưng tôi tin chắc rằng bằng chứng hiện hữu đang ủng hộ những phát biểu đó và nhờ đó chúng ta có thể đặt lòng tin lớn hơn vào công cuộc nghiên cứu sinh học, vốn là điều làm nên sức thuyết phục chủ yếu của bản trình bày này.
Tôi may mắn có được những người bạn và đồng nghiệp đã dành cho tôi sự giúp đỡ và lời khuyên vô cùng hữu ích trong quá trình chuẩn bị cuốn sách này. Dĩ nhiên không phải mọi cái tôi viết ra họ đều đồng ý, và tôi xin được miễn cho họ trách nhiệm về những sai sót vẫn còn tồn tại trong cuốn sách. Sau đây là tên của họ: Richard D. Alexander, Jerome H. Barkow, Daniel Bell, William I. Bennett, Herbert Bloch, William E. Boggs, John T. Bonner, John E. Boswell, Ralph w. Burhoe, Donald T. Campbell, Arthur Caplan, Napoleon A. Chagnon, George A. Clark, Robert K. Colwell, Bernard D. Davis, Irven DeVore, Mildred Dickeman, Robin Fox, Daniel G. Freedman, William D. Hamilton, Richard J. Herrnstein, Bert Hölldobler, Gerald Holton,
https://thuviensach.vn
Sarah Blaffer Hrdy, Harry J. Jerison, Mary-Claire King, Melvin Konner, George F. Oster, Orlando Patterson, John E. Pfeiffer, David Premack, W. V. Quine, Jon Seger, Joseph Shepher, B. F. Skinner, Frank Sulloway, Lionel Tiger, Robert L. Trivers, Pierre van den Berghe, Arthur W. Wang, James D. Weinrich, Irene K. Wilson, Richard W. Wrangham.
Như đã từng giúp tôi trong những cuốn sách trước, Kathleen M. Horton đã giúp tôi tìm kiếm thư mục và đánh máy các bản thảo của cuốn sách này. Sự giúp đỡ của cô đã giúp cho cuốn sách của tôi chính xác và hiệu quả hơn tới mức hẳn tôi sẽ e ngại không dám đo lường.
Chương 1 bao gồm các phần được tương đối giữ nguyên trong các bài báo trước đây của tôi: “The Social Instinct”, Bulletin of the American Academy of Arts and Sciences, 30: 11-24 (1976) [“Bản năng xã hội”, Bản tin của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ, 30: 11-24 (1976)] và “Biology and the Social Sciences”, Daedalus, 106(4): 127-140 (1977) [“Sinh học và các môn khoa học xã hội”, tập san Daedalus, 106(4): 127-140 (1977)]; Chương 5 và 7 bao gồm hầu hết nội dung của bài báo “Human Decency Is Animal” [“Sự lịch sự lễ phép của con người là thuộc tính của động vật”] đăng trên tạp chí Times ngày 12 tháng 10 năm 1975; và Chương 4 và 8 bao gồm một vài phần lấy từ Chương 27 của cuốn Sinh học xã hội: Sự tổng hợp mới. Xin cảm ơn các nhà xuất bản đã cho phép đăng lại các tài liệu này. Trích dẫn từ tác phẩm của những tác giả khác đã được Nhà xuất bản Trường Đại học California (University of California Press), Nhà xuất bản Trường Đại học Chicago (University of Chicago Press) và Tập đoàn xuất bản Macmillan cho phép; những trích dẫn cụ thể được nêu trong phần chú thích thư mục.
https://thuviensach.vn
Chương 1. Nan đề
Những câu hỏi then chốt mà theo triết gia vĩ đại David Hume[13]là có tầm quan trọng không kể xiết, đó là: tinh thần [của con người] hoạt động như thế nào, và hơn nữa tại sao nó lại hoạt động theo cách này mà không theo cách khác, câu hỏi xuất phát từ hai mối quan tâm nói trên là: bản tính tối hậu của con người là gì?
Chúng ta thường xuyên quay trở lại chủ đề này với một cảm giác ngần ngại, thậm chí sợ hãi. Bởi nếu bộ não là một cỗ máy gồm mười tỉ tế bào thần kinh và tinh thần có thể được giải thích ở phương diện nào đó giống như hoạt động tổng gộp của một số lượng có hạn những phản ứng điện và hóa học, thì những giới hạn sẽ hạn chế khả năng của con người - con người chúng ta có bản chất sinh học và linh hồn của chúng ta không thể bay tự do. Nếu loài người đã tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên theo thuyết Darwin, thì chính sự ngẫu nhiên trong di truyền và tính tất yếu của môi trường, chứ không phải Chúa, đã tạo nên các loài. Người ta có thể tìm kiếm vai trò của Thượng đế ở nguồn gốc của những đơn vị cơ bản của vật chất, ở những hạt quark[14] và các lớp electron (Hans Küng[15] đã đúng khi hỏi các nhà vô thần rằng tại sao lại có cái gì đó thay vì chẳng có cái gì cả) chứ không phải ở nguồn gốc các loài. Dù chúng ta có tô điểm cho kết luận trần trụi nói trên bằng bất kỳ hình ảnh ẩn dụ nào đi nữa, nó vẫn cứ là di sản triết học của lĩnh vực nghiên cứu khoa học thế kỷ trước [thế kỷ 19].
Dường như không có con đường vòng nào để tránh được phát biểu phải thừa nhận là chẳng hấp dẫn nói trên. Nhưng nó là giả thuyết quan trọng đầu tiên cho mọi nghiên cứu nghiêm túc về thân phận con người. Không có nó
https://thuviensach.vn
thì các môn khoa học nhân văn và khoa học xã hội chỉ là tập hợp những mô tả hạn chế về các hiện tượng bề ngoài, giống như thiên văn học mà không có vật lý, sinh học mà không có hóa học, và toán học mà không có đại số. Nhờ phát biểu này mà bản tính người có thể được trình bày công khai như là đối tượng của nghiên cứu hoàn toàn duy nghiệm, sinh học có thể giúp ích cho giáo dục mang tính khai phóng [liberal education] và sự tự nhận thức của con người mới có thể được làm cho thực sự phong phú lên rất nhiều.
Nhưng trong chừng mực mà thuyết tự nhiên luận mới [new naturalism] là đúng, thì sự theo đuổi thuyết này dường như chắc chắn làm nảy sinh hai nan đề lớn liên quan đến phạm vi tinh thần [của con người]. Nan đề thứ nhất là không có một chủng loài nào, kể cả loài người, sở hữu một mục đích vượt ra ngoài phạm vi những bắt buộc mà lịch sử di truyền của loài tạo ra. Có thể các loài có tiềm năng tiến bộ về vật chất và tinh thần rất lớn nhưng chúng lại thiếu một mục đích nội tại hoặc thiếu sự dẫn dắt của những tác nhân nằm ngoài môi trường trực tiếp của chúng hoặc thậm chí thiếu một đích tiến hóa mà cấu trúc phân tử của chúng tự động điều khiển chúng hướng tới. Tôi tin rằng trí tuệ của con người được tạo ra theo cách, đó là khóa nó chặt bên trong sự ràng buộc mang tính nền tảng nói trên và buộc nó phải lựa chọn công cụ thuần túy sinh học. Nếu bộ não tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên, thì ngay cả khả năng lựa chọn khiếu thẩm mỹ và những đức tin tôn giáo cụ thể ắt đã ra đời từ cùng một quá trình có tính cơ giới như vậy [mechanistic]. Chúng hoặc là những sự thích nghi trực tiếp trước môi trường có được từ quá hình tiến hóa của tổ tiên loài người trong quá khứ hoặc nhiều nhất là những cấu trúc thứ cấp được tạo dựng thông qua những hoạt động sâu sắc hơn, khó nhận ra hơn từng mang tính thích nghi, hiểu theo nghĩa sinh học nghiêm ngặt của từ này.
https://thuviensach.vn
Vậy thì, bản chất của luận cứ nói trên là bộ não tồn tại bởi vì nó thúc đẩy sự sống sót và sự nhân bội các gien điều khiển việc lắp ráp của bộ não. Trí tuệ của con người là một công cụ duy trì sự sống sót và sinh sản, còn nhận thức lý tính chỉ là một trong nhiều biểu hiện khác nhau của trí tuệ. Steven Weinberg đã chỉ ra rằng hiện thực vật lý vẫn tiếp tục bí ẩn đối với ngay cả các nhà vật lý, bởi tính không chắc chắn của nó vẫn nằm ngoài khả năng hiểu biết của trí tuệ con người. Chúng ta có thể đảo ngược lại nhận thức này bằng một lưu ý đầy sức thuyết phục rằng trí năng không được tạo ra để hiểu được những nguyên tử hoặc thậm chí để hiểu được chính bản thân nó, mà là để thúc đẩy sự sống sót của các gien người. Người biết suy nghĩ thì đều biết rằng cuộc đời của mình, theo một cách thức không thể hiểu nổi nào đó, được định hướng bởi sự phát sinh cá thể sinh học [biological ontogeny], một trật tự những giai đoạn của cuộc đời ít nhiều cố định. Người đó cảm thấy và có thể chắc chắn một điều rằng rốt cuộc mình sẽ không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn với tất cả sự nghị lực, sự sắc sảo, tình yêu, niềm kiêu hãnh, nỗi giận dữ, niềm hy vọng và lo âu vốn làm nên đặc điểm của loài. Các nhà thơ đã định nghĩa chân lý này giống như một bi kịch. Yeats[16] gọi đó là sự xuất hiện của sự minh triết:
Dù lá cây nhiều nhưng rễ cội chỉ một;
Đi qua trọn những tháng ngày vô tâm thời trẻ
Giỡn lá đùa hoa dưới ánh mặt trời;
Giờ chân lý là tôi héo hắt này đây.[17]
Tóm lại, nan đề thứ nhất là chúng ta không có được một đích đến cụ thể nào cả. Loài người thiếu một cái đích nằm ngoài bản chất sinh vật của nó. Có thể loài người trong một trăm năm nữa sẽ tìm ra cách dung hòa công nghệ và
https://thuviensach.vn
chinh trị, giải quyết được các cuộc khủng hoảng năng lượng và vật liệu, ngăn chặn được chiến tranh hạt nhân, và kiểm soát được sự sinh sản. Thế giới ít nhất có thể hy vọng vào một hệ sinh thái bền vững và một dân số được nuôi dưỡng tốt. Nhưng sau đó là gì? Những người có học ở khắp nơi đều muốn tin rằng vượt ra ngoài những nhu cầu vật chất là sự phát huy và hiện thực hóa tiềm năng cá nhân. Nhưng phát huy nghĩa là gì, và tiềm năng có thể được thực hiện cho những mục đích gì? Những niềm tin tôn giáo cổ truyền đã bị xói mòn, không hoàn toàn bởi vì những phản chứng đã làm bẽ mặt những huyền thuyết nền tảng của các niềm tin ấy, mà còn bởi người ta ngày càng nhận thức rõ rằng niềm tin thực sự là những cơ chế giúp con người sống sót. Tôn giáo, cũng như những thiết chế khác của con người, tiến hóa nhằm kéo dài sự tồn tại và tầm ảnh hưởng của những người thực hành tôn giáo. Chủ nghĩa Marx và những tôn giáo thế tục khác hầu như chỉ hứa hẹn sự thịnh vượng về vật chất và một sự chạy trốn hợp pháp khỏi những hệ quả của bản tính người. Những tôn giáo này còn được tiếp thêm sức mạnh bởi mục đích vĩ cuồng tập thể. Nhà quan sát chính trị người Pháp Alain Peyrefitte có lần đã nói những lời ngưỡng mộ về Mao Trạch Đông rằng “người Trung Quốc đã tìm thấy niềm vui khi yêu bản thân từ ông ấy. Âu cũng là điều tự nhiên nếu thông qua họ, ông ấy đã yêu chính bản thân mình”. Bằng cách đó ý thức hệ chịu khuất phục những kẻ điều khiển giấu mặt - các gien - và cả những xung năng cao cả nhất, mà nếu như ta xem xét chúng kỹ hơn thì chúng dường như lại biến cải thành hoạt động mang tính sinh học.
Những nhà lý luận xã hội bi quan hơn ở thời đại của chúng ta, như Robert Heilbroner, Robert Nisbet và L. S. Stavrianos, đã coi nền văn minh phương Tây và toàn nhân loại nói chung đang ở trong nguy cơ suy tàn trông thấy. Cách lập luận của họ dễ dàng dẫn đến một cách hình dung về những xã
https://thuviensach.vn
hội hậu ý thức hệ mà trong đó con người sẽ liên tục thoái hóa theo hướng chỉ biết đến những đam mê vật chất. “Ý chí quyền lực sẽ không biến mất hoàn toàn”, Gunther Stent viết như vậy trong cuốn The Corning of the Golden Age [Bình minh của thời đại hoàng kim],
“nhưng sự phân bố cường độ của ý chí quyền lực sẽ bị biến đổi quyết liệt. Ở một đầu của dải phân bố này sẽ là thiểu số những người mà công việc của họ là duy trì nguyên vẹn công nghệ để giữ cho số đông luôn ở mức sống cao. Ở phần giữa của dải phân bố sẽ có một kiểu người phần lớn thất nghiệp và đối với họ sự phân biệt giữa cái thực và cái ảo tưởng vẫn tiếp tục có ý nghĩa... Họ sẽ tiếp tục quan tâm đến thế giới này và tìm kiếm sự thỏa mãn khoái lạc xác thịt. Ở đầu kia của dải phân bố sẽ là một kiểu người hầu như không đủ khả năng làm việc, đối với họ thì ranh giới giữa cái thực và cái tưởng tượng sẽ gần như tan biến, ít nhất là trong chừng mực phù hợp với sự sống sót về thể xác của họ.”
Như vậy nguy cơ ẩn tàng trong nan đề thứ nhất là sự tan biến nhanh chóng những mục đích siêu nghiệm mà các xã hội có thể sử dụng nguồn lực của mình để đạt tới. Những mục đích ấy, đích thực là những cuộc chiến vì đạo lý, đã biến mất dần; chúng lần lượt biến mất như những ảo ảnh khi chúng ta tiến tới gần chúng hơn. Để tìm kiếm một luân lý mới mẻ dựa trên một định nghĩa chân xác hơn về con người, nhất thiết phải nhìn vào bên trong con người, phải mổ xẻ cơ cấu của cái tinh thần và vạch lại lịch sử tiến hóa của nó. Nhưng nỗ lực đó, tôi dự đoán, sẽ mở ra nan đề thứ hai, đó là chúng ta buộc phải có sự lựa chọn trong số những tiền đề đạo đức tồn tại cố hữu trong bản chất sinh vật của con người.
Đến đây cho phép tôi trình bày thật ngắn gọn cơ sở của nan đề thứ hai,
https://thuviensach.vn
đồng thời những luận cứ chứng minh cho nan đề này tôi xin tạm hoãn đến chương tiếp theo mới trình bày: bộ não có những khả năng bẩm sinh về kiểm duyệt và thúc đẩy động cơ, những khả năng này tác động rất mạnh đến tiền đề đạo đức [ethical premises] mà chúng ta không hề biết; từ những nền tảng này, luân lý đã tiến hóa như là bản năng. Nếu nhận thức này là đúng, khoa học có thể sớm có khả năng nghiên cứu ngay chính nguồn gốc và ý nghĩa những giá trị của con người, nơi khởi nguồn toàn bộ những tuyên bố về đạo đức và hầu hết sự thực hành chính trị.
Bản thân các nhà triết học, hầu hết đều thiếu một cách nhìn mang tính tiến hóa, đã không dành nhiều thời gian cho vấn đề này. Họ xem xét những quy tắc của các hệ thống đạo đức bằng cách quy chiếu tới những hệ quả chứ không phải nguồn gốc của chúng. Theo cách đó, John Rawls[18] đã mở đầu cuốn Lý thuyết công bằng [A Theory of justice, (1971)] đầy ảnh hưởng của mình bằng một phát biểu được ông xem là đúng đắn: “Nếu chỉ tính trong một xã hội thì các quyền tự do bình đẳng liên quan đến tư cách công dân được coi là cố định; các quyền được đảm bảo bằng công lý thì không phụ thuộc vào sự mặc cả chính trị hoặc những toan tính về lợi ích xã hội.” Robert Nozick[19] cũng mở đầu cuốn Tình trạng vô chính phủ, nhà nước và xã hội không tưởng [Anarchy, State, and Utopia (1974)] bằng một phát biểu kiên quyết tương tự: “Các cá nhân có những quyền, và có những điều mà không một người nào hoặc một nhóm người nào được phép xâm phạm đến họ (mà không vi phạm các quyền đó). Những quyền đó chắc chắn và có ảnh hưởng sâu rộng tới mức chúng đặt ra câu hỏi về chuyện nhà nước và các viên chức của nó được phép làm gì, nếu không muốn nói là không được phép làm gì.” Hai tiền đề này hơi khác nhau về nội dung, và chúng dẫn đến hai cách giải quyết khác nhau căn bản. Rawls cho phép kiểm soát xã hội khắt khe nhằm đảm bảo một phương
https://thuviensach.vn
thức càng chặt chẽ càng tốt trong việc phân phối công bằng những phần thưởng của xã hội. Nozick thì coi xã hội lý tưởng là một xã hội được cai trị bởi một nhà nước tối giản, chỉ có quyền bảo vệ công dân của nó khỏi bạo lực và sự lừa đảo, và sự phân phối bất bình đẳng những phần thưởng của xã hội là hoàn toàn được phép. Rawls bác bỏ quan niệm coi nhà nước phải được cai trị bởi giới tinh hoa [meritocracy]; Nozick thì chấp nhận quan niệm coi chế độ này là đáng mong muốn ngoại trừ trong trường hợp các cộng đồng địa phương tự nguyện quyết định thử nghiệm với chủ nghĩa quân bình [egalitarianism]. Giống như mọi người khác, các nhà triết học đánh giá phản ứng xúc cảm của mình trước những khả năng lựa chọn khác nhau như thể họ đang thỉnh một lời sấm bí ẩn.
Lời sấm ấy nằm ở các trung khu cảm xúc sâu thẳm trong não bộ, gần như chắc chắn là ở bên trong hệ viền [limbic][20], một mạng lưới phức tạp gồm những nơ ron thần kinh và tế hào tiết ra hoóc môn nằm ở ngay bên dưới phần phụ trách “tư duy” của vỏ não. Phản ứng xúc cảm của con người cùng những thói quen đạo đức thông thường hơn dựa trên những xúc cảm đó đã được lập trình ở một mức độ đáng kể bởi sự chọn lọc tự nhiên qua hàng nghìn thế hệ. Thách thức của khoa học là phải đánh giá được tính chặt chẽ của những ức chế do lập trình nói trên gây ra, phải tìm ra nguồn gốc của những sự ức chế đó trong bộ não và giải mã ý nghĩa của chúng bằng cách tái tạo lại lịch sử tiến hóa của tinh thần. Công việc này sẽ là sự bổ sung hợp logic cho công cuộc nghiên cứu quá hình tiến hóa của văn hóa.
Thành công của nghiên cứu sẽ làm nảy sinh nan đề thứ hai, có thể được phát biểu như sau: Những vùng nào [trong não] điều khiển khả năng kiểm duyệt và kích thích động cơ mà ta nên tuân theo còn những vùng nào như thế nên bị ngăn chặn hoặc chế ngự? Những vùng điều khiển này chính là cốt lõi
https://thuviensach.vn
của bản tính người. Chúng, chứ không phải niềm tin vào sự tồn tại tách rời của linh hồn, mới là cái phân biệt chúng ta với chiếc máy điện toán. Vào một thời gian nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ phải quyết định xem mình mong muốn tiếp tục tồn tại với bao nhiêu phần là người - hiểu theo nghĩa căn bản mang tính sinh học của từ [con người] - bởi vì, chúng ta buộc phải lựa chọn một cách hữu thức trong số những vùng điều khiển xúc cảm mà ta được kế thừa [về mặt di truyền]. Lập biểu đồ cho số phận của con người có nghĩa là chúng ta buộc phải chuyển dịch từ sự kiểm soát vô thức dựa trên những thuộc tính sinh học của người sang sự điều khiển nghiêm ngặt dựa trên hiểu biết sinh học.
Bởi những vùng điều khiển bản tính người bắt buộc phải được khảo sát nhờ vào những thứ phản ánh chúng được sắp xếp một cách phức tạp, cho nên chúng [những vùng điều khiển ấy] là một vấn đề dễ đánh lừa, luôn là cái bẫy của nhà triết học. Cách duy nhất để tiến lên là nghiên cứu bản tính người như là một bộ phận của các môn khoa học tự nhiên, cố gắng kết hợp khoa học tự nhiên với khoa học xã hội và nhân văn. Tôi không quan niệm rằng có một đường tắt mang tính ý thức hệ hoặc hình thức chủ nghĩa nào. Sinh học thần kinh không phải là môn có thể học khi quỳ dưới chân một đại sư. Những kết quả của lịch sử di truyền không thể được lựa chọn bởi các cơ quan lập pháp. Trên hết, vì sức khỏe thể chất của chính bản thân chúng ta, nếu không vì bất cứ gì khác, chúng ta không được phép phó mặc triết học đạo đức cho nhà thông thái thuần túy. Mặc dù tiến bộ của con người có thể được hiểu bằng trực giác và sức mạnh ý chí, nhưng chỉ có tri thức duy nghiệm thụ đắc được một cách khó khăn về bản chất sinh học của con người mới cho phép chúng ta đưa ra được lựa chọn tối ưu trong số nhiều tiêu chí gắt gao về quá trình tiến bộ đó.
https://thuviensach.vn
Bước phát triển quan trọng ban đầu trong cách phân tích trên sẽ là sự kết hợp giữa sinh học và các môn khoa học xã hội khác nhau - tâm lý học, nhân học, xã hội học và kinh tế học. Mãi cho tới gần đây hai lĩnh vực này mới thấy rõ được tầm quan trọng của nhau. Kết quả đã tạo ra một sự pha trộn có thể tiên liệu được giữa những mối ác cảm, hiểu lầm, hăng hái thái quá, xung đột cục bộ và những sự thương lượng. Có thể tổng kết tình hình này bằng cách nói rằng sinh học ngày nay đang trong tư thế như là môn học đối lập lại với khoa học xã hội. Bằng cách dùng chữ “môn học đối lập” [antidiscipline] tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ đối nghịch đặc biệt thường tồn tại khi các lĩnh vực nghiên cứu ở cấp độ tổ chức gần nhau bắt đầu tương tác với nhau lần đầu tiên. Đối với môn hóa học thì môn học đối lập là vật lý đa vật thể [many-body physics]; sinh học phân tử đối lập với hóa học; sinh lý học đối lập với sinh học phân tử; và các cặp đối lập cứ thế phát triển với đặc điểm chuyên môn và độ phức tạp ngày càng tăng.
Trong lịch sử sơ khởi điển hình của một lĩnh vực, những nhà nghiên cứu bao giờ cũng tin vào tính chất mới mẻ và độc nhất vô nhị của chủ đề mình nghiên cứu. Họ dành trọn đời cho những thực thể và mẫu hình đặc biệt và trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu họ không tin rằng những hiện tượng này có thể được quy giản thành những định luật đơn giản. Thành viên của lĩnh vực nghiên cứu đối lập thì lại có một thái độ khác. Sau khi đã chọn cho mình đề tài chính là các đơn vị nằm ở cấp độ tổ chức thấp hơn, chẳng hạn [lĩnh vực] nguyên tử chứ không phải là [lĩnh vực] phân tử, thì họ tin rằng lĩnh vực tiếp theo trước hết có thể và buộc phải được phát biểu lại bằng các định luật của chính họ: hóa học thì [được phát biểu lại] bằng những định luật của vật lý, sinh học thì bằng các định luật của hóa học, cứ như thế tiếp tục xuống dưới. Mối quan tâm của họ mang tính lý thuyết tương đối hẹp, và có tính
https://thuviensach.vn
mạo hiểm khám phá. P. A. M. Dirac[21] khi bàn về lý thuyết nguyên tử hydro, có thể đã nói rằng những hệ quả của lý thuyết sẽ bộc lộ như ở môn hóa học đơn thuần. Một số nhà nghiên cứu hóa-sinh vẫn tiếp tục bằng lòng với niềm tin rằng sự sống “chẳng qua chỉ là” những hoạt động của các nguyên tử và phân tử.
Dễ thấy tại sao mỗi lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng đồng thời là một lĩnh vực nghiên cứu đối lập. Một mối quan hệ đối nghịch có thể xảy ra là bởi vì những người nghiên cứu hai lĩnh vực có cấp độ gần kề nhau trong cùng một chuyên ngành - chẳng hạn lĩnh vực nguyên tử đối lập lại với lĩnh vực phân tử - thoạt đầu đều quyết tâm trung thành với những phương pháp và quan niệm ban đầu khi tập trung vào nghiên cứu ở cấp độ cao (trong trường hợp này là lĩnh vực phân tử). Theo tiêu chuẩn ngày nay thì một nhà khoa học hiểu theo nghĩa rộng có thể được định nghĩa là một người nghiên cứu về ba chủ đề: lĩnh vực nghiên cứu của người đó (hóa học, trong ví dụ đã trích dẫn), lĩnh vực nghiên cứu đối lập ở cấp độ thấp hơn (vật lý), và đề tài nghiên cứu mà chuyên môn của người này là lĩnh vực nghiên cứu đối lập (những khía cạnh hóa học của sinh học). Lấy một ví dụ thứ hai cụ thể hơn, một chuyên gia có hiểu biết rộng về hệ thần kinh thì rất giỏi về cấu trúc các tế bào thần kinh đơn lẻ, nhưng anh ta còn hiểu cơ sở hóa học của các xung điện đi qua tế bào và giữa các tế bào, đồng thời anh ta hy vọng có thể giải thích được cách các tế bào hoạt động cùng nhau để tạo ra những kiểu mẫu sơ đẳng của hành vi. Một nhà khoa học thành công là người giải quyết rốt ráo mỗi cấp độ riêng rẽ trong ba cấp độ của các hiện tượng xoay quanh chuyên ngành của anh ta.
Thoạt đầu, sự đối lập lẫn nhau giữa các lĩnh vực gần kề luôn gay gắt và mang tính kế thừa, nhưng theo thời gian nó lại mang tính chất hoàn toàn bổ sung cho nhau. Hãy thử xem xét nguồn gốc của môn sinh học phân tử. Vào
https://thuviensach.vn
cuối những năm 1800, nghiên cứu tế bào bằng kính hiển vi (tế bào học) và nghiên cứu các quá trình hóa học xảy ra bên trong và xung quanh các tế bào (môn hóa-sinh) đã phát triển với tốc độ rất cao. Mối quan hệ giữa các lĩnh vực đó ở thời kỳ này khá phức tạp, nhưng nói chung phù hợp với lược đồ lịch sử mà tôi vừa trình bày. Các nhà tế bào học phấn khích trước bằng chứng ngày càng nhiều về một cấu trúc tế bào phức tạp. Họ giải thích vũ điệu phối hợp bí ẩn của các nhiễm sắc thể trong quá trình phân chia tế bào và bằng cách này họ đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của môn di truyền học hiện đại và phương pháp thực nghiệm trong môn sinh học phát triển [experimental developmental biology]. Mặt khác, nhiều nhà hóa-sinh vẫn tiếp tục hoài nghi về ý tưởng có quá nhiều cấu trúc tồn tại ở cấp độ hiển vi. Họ cho rằng các nhà tế bào học đang mô tả những vật nhân tạo được “chế” ra bằng phương pháp cố định và nhuộm tế bào để quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Mối quan tâm của họ hướng tới những vấn đề “căn bản” hơn về bản chất hóa học của chất nguyên sinh, nhất là lý thuyết mới cho rằng sự sống được dựa trên các enzyme[22]. Các nhà tế bào học đáp trả lại với sự khinh miệt đối với bất kỳ quan niệm nào cho rằng tế bào là một “túi đựng những enzyme”.
Nói chung, nhà hóa-sinh cho rằng nhà tế bào học hoàn toàn không biết gì về hóa học nên không thể hiểu được quá trình căn bản nói trên, trong khi đó nhà tế bào học lại coi các phương pháp của nhà hóa học là không thích hợp đối với các cấu trúc đặc thù của tế bào sống. Việc khôi phục lại di truyền học Mendel vào năm 1900 rồi sau đó là việc làm sáng tỏ vai trò của nhiễm sắc thể và gien lần đầu đã thúc đẩy một chút về cái nhìn tổng hợp [giữa môn tế bào học và hóa sinh học]. Các nhà hóa-sinh do không nhìn thấy một phương cách trực tiếp nào để giải thích di truyền học cổ điển nên rốt cuộc đã bỏ qua
https://thuviensach.vn
sự tổng hợp này.
Cả hai phe về bản chất đều đúng. Môn hóa-sinh giờ đây đã lý giải hầu hết cấu trúc tế bào bằng thuật ngữ riêng, nhằm chứng minh cho những khẳng định cường điệu nhất của nó ở thời kỳ đầu. Nhưng trong khi đạt được kỳ tích này, chủ yếu là từ năm 1950, môn hóa-sinh đã biến đổi phần nào thành lĩnh vực nghiên cứu mới về sinh học tế bào, lĩnh vực này có thể được định nghĩa là môn hóa-sinh nhưng cũng đồng thời giải thích cho sự sắp xếp cụ thể trong không gian cấu trúc xoắn ốc của ADN và các protein trong enzyme. Tế bào học đã thúc đẩy sự phát triển của một chuyên ngành hóa học và sử dụng hữu hiệu một bộ phương pháp kỹ thuật mới, trong đó có phương pháp tạo điện di [electrophoresis], phương pháp sắc ký [chromotography], phương pháp ly tâm chênh lệch tỉ trọng [density-gradient centrifugation] và tinh thể học tia X [X-ray crystallography]. Đồng thời, tế bào học cũng biến đổi thành môn sinh học tế bào hiện đại. Được sự giúp sức của kính hiển vi điện tử có thể phóng đại vật thể nghiên cứu lên hàng trăm nghìn lần, xét trên phương diện triển vọng và ngôn ngữ, thì nó đã có khuynh hướng đồng quy với môn sinh học phân tử. Cuối cùng, di truyền học cổ điển, bằng cách chuyển đối tượng nghiên cứu từ ruồi giấm và chuột sang vi khuẩn và virus, đã sáp nhập môn hóa-sinh để trở thành di truyền học phân tử.
Sự tiến bộ trong phần lớn môn sinh học đã được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa những quan điểm và phương pháp kỹ thuật khác nhau ra đời từ sinh học tế bào và hóa sinh học, [một bên là] lĩnh vực nghiên cứu còn bên kia là lĩnh vực nghiên cứu đối lập. Tác động qua lại giữa hai lĩnh vực này là một sự thắng lợi cho chủ nghĩa duy vật khoa học. Thắng lợi này làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về bản chất của sự sống và cung cấp tư liệu chuyên ngành có sức thuyết phục hơn mọi tưởng tượng của nền văn minh
https://thuviensach.vn
thời tiền-khoa học [prescientific culture].
Tôi cho rằng chúng ta sắp lặp lại chu trình này khi kết hợp môn sinh học với khoa học xã hội và hệ quả là hai mảng của đời sống trí tuệ phương Tây rốt cuộc sẽ gặp nhau. Theo truyền thống, môn sinh học chỉ tác động đến khoa học xã hội theo cách gián tiếp thông qua những biểu hiện về mặt công nghệ, chẳng hạn như những lợi ích của y học, những thuận lợi và khó khăn chồng chéo của cấy ghép gien và các kỹ thuật di truyền học khác, và bóng ma tăng trưởng dân số. Mặc dù có tầm quan trọng thực tiễn to lớn, nhưng chúng vẫn không đáng kể trong mối tương quan với nền tảng khái niệm của các môn khoa học xã hội. Việc xem xét theo tập quán đối với “sinh học xã hội” và “những vấn đề xã hội trong sinh học” trong các trường đại học của chúng ta đang đặt ra một số thách thức trí tuệ to lớn, nhưng các cách xem xét này không phản ánh cốt lõi của lý thuyết xã hội. Cốt lõi này là cấu trúc bí ẩn của bản tính người, một hiện tượng có bản chất sinh học và đồng thời cũng là tiêu điểm chính của các ngành khoa học nhân văn.
Người ta quá dễ bị lôi cuốn vào quan điểm đối lập: khoa học chỉ có khả năng tạo ra một vài kiểu thông tin, tuyên bố này quá lạnh lùng, một phương pháp Apollo rõ ràng[23] sẽ chẳng bao giờ tương quan với một suy nghĩ kiểu Dionysus, và rằng cống hiến toàn tâm cho khoa học sẽ loại bỏ bản tính con người. Trong khi phát biểu về sắc thái của phản ván hóa [counterculture], Theodore Roszak đã gợi ý về một bản đồ của tâm trí “như là một phổ những khả năng có thể xảy ra, tất cả đều thực sự được hòa vào nhau, ở một đầu, ta có ánh sáng mạnh, chói sáng của khoa học; ở đây chúng ta tìm thấy ‘thông tin’. Ở chính giữa chúng ta có những màu sắc nhục cảm của nghệ thuật; ở đây chúng ta tìm thấy hình thái thẩm mỹ của thế giới. Ở tít đầu bên kia, chúng ta có những sắc tối, mờ mờ của trải nghiệm tôn giáo, nhạt dần thành
https://thuviensach.vn
những bước sóng vượt ra ngoài tầm của mọi khả năng tri giác; ở đây chúng ta tìm thấy ‘ý nghĩa’.”
Không, chúng ta tìm thấy ở đây chủ nghĩa ngu dân! Và một sự đánh giá thấp kỳ lạ về những gì trí tuệ có thể làm được. Những màu sắc nhục cảm và những tông màu tối được tạo ra bởi sự tiến hóa về di truyền của các mô thần kinh và giác quan của chúng ta; coi chúng chỉ như đối tượng của nghiên cứu sinh học tức là chỉ đơn giản nhắm tới cái đích quá thấp.
Trọng tâm của phương pháp khoa học là sự quy giản những hiện tượng được tri giác thành những nguyên lý cơ bản, có thể kiểm chứng được. Sự thanh nhã - chúng ta hoàn toàn có thể gọi là vẻ đẹp - của mọi sự khái quát hóa khoa học cụ thể sẽ được đo bằng tính đơn giản liên quan tới số lượng những hiện tượng mà nó có thể giải thích. Ernst Mach, một nhà vật lý và là người đi tiên phong trong số các nhà thực chứng logic [logical positivism], đã tóm được ý tưởng này bằng một định nghĩa: “Khoa học có thể được coi như là một vấn đề tối giản bao gồm sự trình bày đầy đủ nhất những sự kiện tiêu phí tư duy ở mức ít nhất có thể.”
Mặc dù quan niệm của Mach có sức mê dụ không thể phủ nhận, nhưng sự quy giản thô thiển chỉ mới là một nửa quá trình khoa học. Nửa còn lại bao gồm việc xây dựng lại tính phức tạp bằng một sự tổng hợp mở rộng dưới sự kiểm soát của những định luật vừa mới được chứng minh bằng cách phân tích. Việc tái cấu tạo này làm bộc lộ sự tồn tại của những hiện tượng mới mẻ. Khi người quan sát chuyển sự chú ý từ một cấp tổ chức này sang cấp tổ chức tiếp theo, như từ vật lý sang hóa học hoặc từ hóa học sang sinh học, thì anh ta trông đợi tìm thấy sự tuân thủ tất cả các định luật của các cấp độ ở bên dưới. Nhưng việc tái cấu tạo những cấp tổ chức ở phía trên lại đòi hỏi phải xác định rõ sự sắp xếp của những đơn vị thấp hơn và điều này đến lượt nó lại
https://thuviensach.vn
sản sinh ra sự phong phú và cơ sở của những nguyên lý mới mẻ bất ngờ. Việc xác định này bao gồm sự kết hợp cụ thể những đơn vị, cũng như những cách sắp xếp cụ thể về không gian và lịch sử của toàn bộ các đơn vị cấu thành đó. Hãy thử xem xét ví dụ đơn giản sau đây rút ra từ lĩnh vực hóa học. Phân tử amoniac bao gồm một nguyên tử nitơ mang điện tích âm liên kết với ba nguyên tử hydro mang điện tích dương (nằm ở ba đỉnh của một tam giác). Nếu nguyên tử bị nhốt cứng tại một vị trí thì phân tử amoniac sẽ có điện tích trái dấu ở mỗi đầu (một mômen lưỡng cực), điều này tưởng như mâu thuẫn với các định luật đối xứng của vật lý nguyên tử. Nhưng, phân tử đó lại tìm ra cách cư xử hợp thức: nó trung hòa mômen lưỡng cực bằng cách cho nguyên tử nitơ tiến lui qua tam giác của các nguyên tử hydro với tần số ba mươi tỉ lần trong một giây. Tuy nhiên, sự đối xứng như vậy lại không xảy ra trong trường hợp của phân tử đường kính [sugar] và các phân tử hữu cơ lớn khác, bởi vì chúng quá lớn và quá phức tạp về cấu trúc cho nên không thể tự đảo chiều chuyển động. Chúng phá vỡ nhưng không hủy bỏ các định luật của vật lý. Tính chuyên biệt này có thể không gây chú ý nhiều cho các nhà vật lý nguyên tử, nhưng những hệ quả của nó lại tác động ngược trở lại tới toàn bộ lĩnh vực hóa hữu cơ và sinh học.
Hãy xét một ví dụ thứ hai gần hơn với chủ đề của chúng ta, lấy từ lĩnh vực tiến hóa của đời sống xã hội côn trùng. Vào Kỷ Trung sinh, cách đây khoảng 150 triệu năm, những con ong bắp cày cổ xưa đã phát triển tính trạng thể đơn lưỡng bội [haplodiploidy][24] để tự xác định giới tính, theo đó trứng được thụ tinh thì sinh ra con cái còn trứng không được thụ tinh thì sinh ra con đực. Phương pháp kiểm soát đơn giản này có thể là một sự thích nghi đặc thù cho phép con cái lựa chọn giới tính cho con của nó theo bản tính của những côn trùng mồi mà chúng có thể đánh bại. Cụ thể, con mồi nhỏ hơn có
https://thuviensach.vn
thể được chia cho con ong đực con, con đực cần ít protein hơn cho sự phát triển của chúng [so với con cái]. Nhưng dù nguyên nhân ban đầu là gì đi nữa, đơn lưỡng bội là kết quả của một sự tiến hóa hoàn toàn ngẫu nhiên khiến cho những côn trùng này phát triển lên hình thái cao hơn của đời sống có tính xã hội. Lý do là đơn lưỡng bội làm cho các con ong cái non có liên hệ gần gũi với nhau hơn so với giữa ong mẹ với các ong cái con, như vậy các con ong cái có thể bị mất khả năng di truyền vì trở thành một nhóm vô sinh chuyên hóa cho việc nuôi nấng ong cái khác. Những con cái vô sinh có nhiệm vụ nuôi anh chị em của chúng là đặc điểm thiết yếu của tổ chức có tính xã hội ở côn trùng. Bởi mối liên kết với đơn lưỡng bội, đời sống có tính xã hội của côn trùng hầu như chỉ giới hạn ở ong bắp cày và họ hàng gần gũi của chúng trong số các loài ong và kiến. Ngoài ra, hầu hết các trường hợp đều có thể được phân loại theo chế độ mẫu quyền, nghĩa là ong chúa kiểm soát các đàn ong cái [là con của nó] hoặc chế độ chị em, nghĩa là những con ong cái vô sinh kiểm soát các con ong cái đẻ trứng. Xã hội ong bắp cày, ong mật và kiến đã tỏ ra thành công đến mức chúng thống trị và làm thay đổi hầu hết môi trường sống trên cạn của Trái đất. Trong những khu rừng ở Brazil, tổng số lượng của chúng chiếm hơn 20% trọng lượng của toàn bộ động vật trên cạn, tính cả giun tròn, chim tu căng và báo đốm đen. Ai có thể đoán được rằng toàn bộ điều này xuất phát từ sự hiểu biết về tính đơn lưỡng bội?
Sự quy giản [hay hoàn nguyên] là công cụ truyền thống của phân tích khoa học, nhưng nó cũng gây e ngại và phật ý. Nếu hành vi của con người có thể được quy giản và quyết định ở mức độ đáng kể bằng các định luật sinh học, thế thì ở trong một chừng mực nào đó nhân loại dường như bị bớt đi tính chất độc nhất và bớt đi tính chất “người”. Một vài nhà khoa học xã hội và học giả trong các ngành khoa học nhân văn đã sẵn sàng gia nhập một âm
https://thuviensach.vn
mưu như vậy, họ đơn độc từ bỏ bất kỳ lĩnh vực nào của họ trước đây. Nhưng quan niệm này, đánh đồng phương pháp quy giản với triết học của sự thu nhỏ, là hoàn toàn sai lầm. Các định luật thuộc về một chủ đề là không thể thiếu đối với môn học ở cấp trên nó, chúng thách thức và cưỡng ép một sự tái cấu trúc hiệu quả hơn về mặt tinh thần, nhưng chúng là không đầy đủ trong phạm vi những mục đích của ngành ấy. Sinh học là chìa khóa để hiểu bản tính con người, và các nhà khoa học xã hội không thể bỏ qua các nguyên lý đang ngày càng trở nên chặt chẽ của nó. Nhưng khoa học xã hội có tiềm năng phong phú hơn nhiều về nội dung. Rốt cuộc chúng sẽ hấp thu những quan niệm phù hợp của môn sinh học và tiếp tục đeo bám những quan niệm ấy. Sự nghiên cứu đích thực về con người, vì những lý do vượt lên trên thuyết loài người là trung tâm, chính là con người.
https://thuviensach.vn
Chương 2. Di truyền
Chúng ta đang sống trên một hành tinh có sự đa dạng hữu cơ đến kinh ngạc. Kể từ khi Carolus Linnaeus[25] bắt đầu quá trình phân loại chính thức vào năm 1758, các nhà động vật học đã lập danh mục cho khoảng một triệu loài động vật và đặt cho mỗi loài một cái tên khoa học, một vài đoạn trong một tập san khoa học, và một chỗ nho nhỏ trên các giá trưng bày ở bảo tàng này hoặc bảo tàng khác trên khắp thế giới. Nhưng bất chấp nỗ lực phi thường này, quá trình khám phá hầu như mới chỉ bắt đầu. Năm 1976, một dạng sinh vật chưa từng được biết đến có hình dạng một con cá mập khổng lồ dài 14 feet[26] và nặng 1.600 pound[27] bị người ta bắt được khi nó định nuốt mỏ neo của một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ ở gần Hawaii. Cũng vào quãng thời gian đó, các nhà côn trùng học tìm thấy loại ruồi ký sinh hoàn toàn mới trông giống như những con nhện to màu đỏ hung và chúng chỉ sống trong tổ của loài dơi bản địa ở New Zealand. Mỗi năm những người phụ trách bảo tàng phân loại hàng nghìn giống mới thuộc các loài côn trùng, động vật chân giáp, sâu ăn lá, động vật da gai, giun đuôi chổi (priapulid), động vật chân chẻ (pauropod), trùng siêu roi (hypermastigote) và các sinh vật khác sưu tầm được trong những chuyến thám hiểm trên khắp thế giới. Những dự đoán dựa trên khảo sát tập trung vào những môi trường sống đặc trưng cho thấy tổng số các loài động vật nằm trong khoảng từ ba triệu đến mười triệu. Sinh học, như nhà tự nhiên học Howard Evans đã diễn đạt ở nhan đề của một cuốn sách gần đây, là nghiên cứu sự sống “trên một hành tinh còn ít được biết đến”[28].
Hàng nghìn loài trong số đó có tính xã hội cao. Những loài phát triển
https://thuviensach.vn
nhất trong số đó tạo thành cái mà tôi từng gọi là ba đỉnh tháp của tiến hóa xã hội ở động vật: san hô, động vật hình rêu và những động vật không xương sống hình thành tập đoàn khác; các loài côn trùng sống quần cư, trong đó có kiến, ong bắp cày, ong mật và mối; và các loài cá sống theo đàn, chim và động vật có vú. Các loài sinh vật sống quần cư thuộc ba đỉnh tháp này là những đối tượng chính của lĩnh vực nghiên cứu sinh học xã hội mới mẻ, vốn được định nghĩa là môn nghiên cứu có hệ thống về cơ sở sinh học của tất cả hình thái hành vi xã hội ở mọi sinh vật, bao gồm cả con người. Công cuộc này có những căn nguyên lâu đời. Hầu hết những thông tin cơ bản và một số ý tưởng quan trọng nhất của nó bắt nguồn từ tập tính học, ngành nghiên cứu toàn bộ những kiểu mẫu hành vi của sinh vật trong điều kiện tự nhiên. Những người đi tiên phong trong lĩnh vực tập tính học là Julian Huxley, Karl von Frisch, Konrad Lozenz, Nikolaas Tinbergen cùng một vài người khác và hiện nay một thế hệ mới gồm rất nhiều nhà nghiên cứu sáng tạo và có nhiều công trình hữu ích đang tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này. Tập tính học vẫn tiếp tục quan tâm nhiều nhất tới những mẫu hành vi đặc thù thể hiện ở mỗi loài, cách những mẫu hành vi này giúp động vật thích nghi với các thách thức đặc biệt ở môi trường sống và các bước mà một mẫu hành vi này chuyển sang một mẫu hành vi khác khi loài này xuất hiện sự tiến hóa về di truyền. Tập tính học hiện đại ngày càng được liên kết với những nghiên cứu về hệ thần kinh và tác dụng của hoóc môn tới hành vi. Các nhà nghiên cứu tập tính học ngày càng đi sâu vào những quá trình liên quan đến phát triển, thậm chí cả những quá trình liên quan đến học tập, lĩnh vực trước đây gần như thuộc độc quyền của môn tâm lý học, đồng thời họ đã bắt đầu bổ sung con người vào các loài được nghiên cứu cẩn thận nhất. Tập tính học vẫn tiếp tục nhấn mạnh tới cá thể riêng biệt và sinh lý học của những cơ thể sống.
https://thuviensach.vn
Môn sinh học xã hội, trái lại, là một ngành kiến thức mang tính lai ghép rõ rệt hơn, nó kết hợp sự hiểu biết của tập tính học (nghiên cứu tự nhiên học về những mẫu ứng xử trọn vẹn), sinh thái học (nghiên cứu về các mối quan hệ giữa các cá thể sống với môi trường của chúng) và di truyền học để rút ra những nguyên lý chung về đặc tính sinh học của toàn bộ các xã hội. Điều thực sự mới mẻ ở sinh học xã hội là cách nó rút ra từ tập tính học và tâm lý học những dữ kiện quan trọng nhất về tổ chức xã hội rồi tái sắp xếp các dữ kiện đó trên cơ sở của sinh thái học và di truyền học được nghiên cứu ở cấp độ quần thể để chứng minh cách các nhóm sống quần cư thích nghi với môi trường thông qua sự tiến hóa. Chỉ trong vài năm gần đây, sinh thái học và di truyền học mới đủ độ tinh vi và vững chắc để cung cấp một nền tảng như vậy.
Sinh học xã hội là một môn học phần lớn dựa trên sự so sánh giữa các loài động vật sống quần cư. Mỗi dạng sống đều có thể được xem như một thực nghiệm về sự tiến hóa, một sản phẩm của hàng triệu năm tương tác giữa các gien và môi trường. Bằng cách xem xét cẩn thận rất nhiều thực nghiệm như thế, chúng ta đã bắt đầu xây dựng và kiểm chứng những nguyên lý chung đầu tiên về tiến hóa xã hội có thể di truyền. Giờ đây chúng ta đủ khả năng để có thể vận dụng sự hiểu biết khái quát này vào nghiên cứu về con người.
Để đồng thời quan sát con người cùng với hàng loạt những loài xã hội khác nữa, các nhà sinh học xã hội xem xét con người như thể được nhìn qua một ống kính viễn vọng từ một khoảng cách xa hơn thông thường và tạm thời bị thu hẹp về quy mô. Họ cố đặt con người vào vị trí phù hợp trong một cuốn catalô về các loài xã hội trên Trái đất. Họ đồng ý với Rousseau[29]rằng “Để nghiên cứu cơ thể người, chúng ta cần nhìn ở khoảng cách gần trong
https://thuviensach.vn
tầm tay, nhưng để nghiên cứu con người nói chung thì cần phải nhìn từ xa.” So với thuyết loài người là trung tâm [anthropocentrism] của các môn khoa học xã hội thì cách nhìn vĩ mô này có những ưu điểm nhất định. Trên thực tế, không có thói tật trí tuệ nào gây nhiều sự méo mó hơn là thuyết loài người-là-trung-tâm ngang ngược tự chuộng mình này. Điều này khiến tôi nhớ lại Robert Nozick đã bày tỏ quan điểm của mình hài hước như thế nào khi ông xây dựng một luận cứ ủng hộ thuyết ăn chay. Con người, ông nhận xét, biện minh cho việc ăn thịt bằng những lý lẽ cho rằng các loài vật mà chúng ta giết thấp kém hơn chúng ta quá nhiều về mặt cảm năng và trí năng nên không thể đem ra so sánh được. Vấn đề được suy ra là, giả sử đại diện của một loài ở ngoài trái đất thực sự ưu việt hơn đến thăm Trái đất và vận dụng ngay chính các tiêu chí nói trên, thì họ sẽ không ngần ngại ăn thịt chúng ta mà chẳng hề thấy lương tâm cắn rứt. Vì cùng lý lẽ như chúng ta, các nhà khoa học của loài ngoài trái đất này có thể sẽ thấy con người chẳng có gì đáng chú ý, với trí tuệ yếu kém, cảm xúc chẳng có gì đặc biệt, tổ chức xã hội thì phổ biến ở các hành tinh khác. Điều khiến chúng ta thấy tủi hổ là sau đó họ lại tập trung vào loài kiến bởi vì những sinh vật nhỏ bé này, nhờ khả năng quyết định giới tính bằng hình thức đơn lưỡng bội và hệ thống đẳng cấp kỳ lạ của những con kiến cái[30], mới là những tác phẩm thực sự tân kỳ của Trái đất đối với dải Ngân hà. Chúng ta có thể tưởng tượng họ tuyên bố trong nhật ký thế này: “Một đột phá khoa học đã xuất hiện; rốt cuộc chúng ta đã phát hiện ra những sinh vật có tính xã hội sinh sản đơn lưỡng bội có kích thước từ một đến mười mi li mét.” Sau đó các vị khách có lẽ sẽ giáng đòn sỉ nhục cuối cùng như sau: để chắc chắn rằng họ [những người ngoài trái đất] đã không đánh giá thấp chúng ta [con người], họ sẽ tái tạo con người trong phòng thí nghiệm. Giống như nhà hóa học muốn kiểm tra đặc điểm cấu
https://thuviensach.vn
trúc của một hợp chất hóa học nghi vấn thì họ phải tổng hợp nó từ những thành phần đơn giản hơn, cũng vậy, các nhà khoa học ngoài trái đất sẽ cần phải tổng hợp một hoặc hai sinh vật có hình dạng giống con người [hominoid][31].
Kịch bản khoa học viễn tưởng này cung cấp những gợi ý cho định nghĩa về con người. Những tiến bộ ấn tượng gần đây của các nhà khoa học máy tính trong thiết kế trí thông minh nhân tạo đưa ra trắc nghiệm sau đây về con người: cái gì cư xử như người thì là người. Hành vi người là một thứ có thể xác định chính xác vô tư, bởi vì không phải tất cả những con đường tiến hóa tiến đến nó đều đã có thể được vượt qua đồng đều như nhau. Quá trình tiến hóa không trao toàn bộ quyền năng cho văn hóa. Nhiều nhà marxist trung thành với truyền thống, một số lý thuyết gia về lĩnh vực học vấn và một tỉ lệ còn đáng ngạc nhiên hơn gồm các nhà nhân học và xã hội học đang có một quan niệm sai lầm cho rằng có thể khuôn định được hầu hết mọi hình thức ứng xử xã hội thành bất kỳ hình thức nào. Các nhà vị môi trường học cực đoan lấy tiên đề coi con người là sản phẩm do chính văn hóa tạo ra: “văn hóa tạo ra con người”, từ công thức này có thể suy ra rằng “muốn có con người thế nào thì hãy tạo ra văn hóa tương xứng như thế ấy”. Tiên đề của họ chỉ đúng một nửa. Mỗi cá nhân đều được khuôn định nên bởi sự tương tác giữa môi trường của anh ta, đặc biệt là môi trường văn hóa, với những gien tác động tới hành vi xã hội. Mặc dù chúng ta đứng ở giữa hàng trăm nền văn hóa của thế giới và thấy chúng dường như có thể biến đổi ở mức độ vô cùng lớn, nhưng toàn bộ mọi phiên bản của hành vi có tính xã hội ở con người chỉ chiếm một tỉ lệ cực nhỏ so với cách tổ chức [sinh vật] được biết của các loài xã hội, thậm chí còn là một tỉ lệ còn nhỏ hơn nữa so với những tổ chức mà ta có thể dễ dàng hình dung ra nhờ sự giúp đỡ của thuyết sinh học xã hội.
https://thuviensach.vn
Câu hỏi quan trọng giờ không phải liệu hành vi xã hội của con người có được quyết định bởi di truyền hay không; mà là: nó được quyết định tới mức nào. Nhiều bằng chứng tích lũy, giờ đây cụ thể hơn và thuyết phục hơn so với hầu hết chúng ta - thậm chí ngay cả với các nhà di truyền học - có thể tưởng tượng ra, cho thấy rằng di truyền có ảnh hưởng rất lớn tới hành vi xã hội của con người. Tôi sẽ đi xa hơn với phát biểu rằng, hành vi xã hội của con người dứt khoát bị quyết định bởi di truyền.
Mặc dù nói vậy, nhưng hãy để tôi đưa ra một định nghĩa cụ thể về một tính trạng được quyết định bởi di truyền. Đó là một tính trạng khác với những tính trạng còn lại, chí ít nếu xem xét nó như kết quả của sự có mặt của một hoặc nhiều gien biến dị. Điểm cốt yếu là sự ước định khách quan về ảnh hưởng di truyền đòi hỏi phải có sự so sánh hai hoặc nhiều hơn hai tính trạng của cùng đặc tính. Nói rằng đôi mắt xanh được thừa hưởng [theo di truyền] mà không tiếp tục phát biểu cho rõ hơn, thì chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì mắt xanh là sản phẩm của sự tương tác giữa gien và môi trường phần lớn mang tính sinh lý học dẫn tới sự hình thành màu sắc cuối cùng cho hai mống mắt. Nhưng, nói rằng sự khác nhau giữa mắt xanh và mắt nâu hoàn toàn hoặc phần nào dựa trên những sự khác nhau về gien thì đó lại là một phát biểu có ý nghĩa bởi vì có thể kiểm tra được phát biểu này và diễn giải nó theo những quy luật của di truyền học. Sau đó là tìm kiếm những thông tin bổ sung: bố mẹ, anh chị em, con cái và họ hàng xa hơn có mắt màu gì? Những dữ kiện này được đem so sánh với chính mô hình đơn giản nhất của di truyền Mendel[32] nếu dựa trên hiểu biết của chúng ta về sự nhân bội tế bào và sinh sản hữu tính thì mô hình này đòi hỏi sự hoạt động của chỉ hai gien mà thôi. Nếu dữ kiện thích hợp thì những sự khác nhau [nói trên] được giải thích dựa trên hai gien. Nếu không thích hợp thì chúng ta áp dụng những lược đồ ngày
https://thuviensach.vn
càng phức tạp hơn. Chứng ta sẽ áp dụng số lượng tăng dần các gien và những phương thức tương tác phức tạp hơn, cho đến khi tìm ra một sự án khớp chặt chẽ ở mức độ hợp lý. Trong ví dụ vừa nêu, sự khác nhau chủ yếu giữa mắt xanh và mắt nâu trên thực tế là dựa trên hai gien, mặc dù có tồn tại những sự biến đổi phức tạp khiến cho chúng bớt phần thích hợp cho ví dụ giáo khoa lý tưởng. Trong trường hợp những tính trạng phức tạp nhất thì hàng trăm gien sẽ có liên quan và mức độ ảnh hưởng của chúng thông thường chỉ có thể được đo lường một cách sơ sài với sự giúp đỡ của những phương pháp toán học tinh vi. Nhưng nếu chúng ta tiến hành phân tích một cách thích đáng thì sẽ chẳng còn nhiều hoài nghi về sự tồn tại của di truyền và ảnh hưởng của nó.
Về bản chất thì hành vi xã hội của con người có thể được đánh giá giống như cách trên, đầu tiên là so sánh với tập tính của các loài khác và sau đó, khó khăn và mơ hồ hơn rất nhiều, là bằng những nghiên cứu về sự biến đổi giữa những quần thể người với nhau cũng như trong nội bộ các quần thể người. Bức tranh về tất định luận di truyền hiện ra rõ rệt nhất khi chúng ta so sánh những loài động vật chính được đặc tuyển với loài người. Con người có chung một số tính trạng phổ biến nhất định với đa số loài vượn và khỉ ở châu Phi và châu Á, những họ hàng tiến hóa còn sống gần gũi nhất với chúng ta căn cứ trên cơ sở giải phẫu học và hóa-sinh học.
❖ Nhóm xã hội có quan hệ giao phối thường có số lượng thành viên trưởng thành gồm từ mười đến một trăm, không bao giờ chỉ là hai như với hầu hết các loài chim và loài khỉ đuôi sóc hoặc lên tới hàng nghìn như với nhiều loài cá và côn trùng.
❖ Con đực cao lớn hơn con cái. Đây là một đặc điểm có ý nghĩa đáng kể
https://thuviensach.vn
trong nhóm của khỉ và vượn ở Cựu Thế giới cũng như nhiều loài động vật có vú khác. Khi nghiên cứu đồng thời nhiều loài thì số lượng trung bình con cái kết đôi với những con đực “thắng cuộc” tương ứng sát với sự chênh lệch về kích thước giữa con đực và con cái. Nguyên tắc sau đây là có lý: sự cạnh tranh giữa các con đực để giành con cái càng lớn thì kích thước lớn càng có nhiều lợi điểm và mọi nhược điểm đi kèm càng giảm bớt tầm ảnh hưởng. Đàn ông không cao lớn hơn đàn bà nhiều lắm; về phương diện này chúng ta giống với loài hắc tinh tinh. Khi vẽ đồ thị sự khác nhau về kích thước giữa hai giới tính ở con người trên đường cong dựa trên những loài động vật có vú khác, thì số lượng đàn bà trung bình trên mỗi đàn ông “thắng cuộc” được dự đoán là lớn hơn một nhưng nhỏ hơn ba. Dự đoán này là sát với thực tế; chứng ta biết rằng con người là một loài đa thê ở mức độ vừa phải.
❖ Hành vi của trẻ em được định hình sau một thời gian dài rèn luyện trong xã hội, trước tiên là qua những mối liên kết gần gũi nhất với người mẹ, sau đó thông qua mối tương tác ngày càng tăng với các trẻ khác cùng độ tuổi và cùng giới tính.
❖ Trò chơi có tính xã hội là một hoạt động được phát triển mạnh, bao gồm trò chơi sắm vai, sự gây gấn vô hại [mock aggression[33]], tìm hiểu về giới tính và khám phá thế giới xung quanh.
Những thuộc tính nói trên cùng những thuộc tính khác nữa giúp ta nhận dạng được nhóm gồm khỉ Cựu Thế giới[34] vượn người [great ape] và con người. Không thể quan niệm rằng con người có thể hòa nhập với những tổ chức có nguồn gốc khác hẳn của các nhóm xã hội hóa như cá, chim, linh dương hoặc loài gặm nhấm. Con người có thể chủ động bắt chước những cách sắp xếp như vậy, nhưng nó giống như một tác phẩm hư cấu được trình
https://thuviensach.vn
diễn trên sân khấu, đi ngược lại những phản ứng xúc cảm sâu sắc và sẽ không có cơ may tiếp tục tồn tại quá một thế hệ. Việc nghiêm túc áp dụng hệ thống xã hội của một loài không thuộc bộ linh trưởng, dù chỉ xét trên những nét đặc trưng khái quát nhất, là điều điên rồ hiểu theo nghĩa đen. Những nhân cách sẽ nhanh chóng biến mất, những mối quan hệ sẽ tan rã và sự sinh sản sẽ chấm dứt.
Ở cấp độ phân loại tiếp theo tinh vi hơn, loài người khác biệt rõ rệt so với loài khỉ Cựu Thế giới và loài vượn trên nhiều phương diện chỉ có thể được giải thích bởi tập hợp những gien chỉ có ở người. Dĩ nhiên, điểm này nhanh chóng được thừa nhận bởi ngay cả những nhà vị môi trường [environmentalist] hăng hái nhất. Họ sẵn sàng đồng ý với nhà di truyền học vĩ đại Theodosius Dobzhansky rằng “hiểu theo một nghĩa nào đó thì trong tiến trình tiến hóa của con người các gien đã nhượng bộ tính ưu việt của chúng cho một tác nhân phi sinh học hoặc siêu hữu cơ [superorganic] hoàn toàn mới, [đó là] văn hóa. Tuy nhiên, đừng nên quên rằng tác nhân này lại hoàn toàn phụ thuộc vào kiểu di truyền [genotype][35] của con người.” Nhưng vấn đề này bí ẩn và đáng lưu ý hơn thế nhiều. Có những đặc điểm xã hội xuất hiện trong tất cả các nền văn hóa mà nếu xem xét kỹ thì chúng là dấu hiệu nhận ra loài người nhưng đồng thời cũng là đặc điểm để phân biệt với những loài động vật khác - chúng đúng là đặc trưng cho con người cũng chẳng khác gì đôi cánh sặc sỡ là đặc trưng cho một con bướm Argynnis hoặc tiếng hót cầu kỳ là đặc trưng cho một con chim hét [wood thrush]. Năm 1945, nhà nhân học George P. Murdock đã liệt kê những đặc điểm ghi nhận được từ mọi nền văn hóa được ghi chép trong môn lịch sử và môn dân tộc học, như sau:
Thang tuổi [age-grading], các môn điền kinh, làm đẹp bản thân, lịch,
https://thuviensach.vn
rèn luyện thói quen sạch sẽ, tổ chức cộng đồng, nấu ăn, hợp tác lao động, vũ trụ quan, tán tỉnh, nhảy múa, nghệ thuật trang trí, bói toán, sự phân chia lao động, việc đoán giải mộng, giáo dục, thuyết mạt thế [eschatology], đạo đức, thực vật - dân tộc học [môn học nghiên cứu về nền văn hóa và cách sử dụng cây cỏ của một dân tộc], phép tắc xã giao, chữa bệnh bằng tâm linh, tiệc tùng gia đình, tạo ra lửa, văn hóa dân gian, những húy kỵ về thực phẩm, nghi thức mai táng, vui chơi, điệu bộ, tặng quà, cai trị, chào hỏi, kiểu tóc, tính hiếu khách, làm việc nhà, vệ sinh, những cấm kỵ về loạn luân, những nguyên tắc thừa kế, đùa cợt, quan hệ họ hàng, đặt tên theo quan hệ họ hàng, ngôn ngữ, luật lệ, tục mê tín dị đoan, yêu thuật, hôn nhân, những bữa ăn trong ngày, thuốc men, đỡ đẻ, những hình phạt, các tên riêng, chính sách dân số, chăm sóc trẻ sơ sinh, những tập quán khi mang thai, quyền sở hữu, tôn thờ sinh vật siêu nhiên, những thói quen tuổi dậy thì, nghi thức tôn giáo, luật cư trú, những hạn chế liên quan đến tình dục, quan niệm về linh hồn, phân biệt đẳng cấp, phẫu thuật, chế tác công cụ, buôn bán, thăm hỏi nhau, dệt vải, kiểm soát thời tiết.
Ít có thuộc tính nào trong số những thuộc tính gắn kết [cộng đồng] nói trên có thể được giải thích như là kết quả tất yếu của đòi sống xã hội phát triển hoặc trí tuệ cao. Thật dễ hình dung những xã hội không phải của con người mà thành viên của chúng thậm chí thông minh hơn và được tổ chức phức tạp hơn xã hội của chúng ta nhưng lại thiếu đa số những phẩm chất vừa được liệt kê. Hãy xem xét những khả năng vốn có trong xã hội các loài côn trùng. Những con côn trùng thợ vô sinh[36] có tính hợp tác và vị tha hơn con người và chứng bộc lộ khuynh hướng rõ rệt hơn về phân chia đẳng cấp và phân công lao động. Nếu loài kiến được trời phú thêm bộ não biết lập luận
https://thuviensach.vn
tương đương với bộ não của chúng ta, chúng có thể ngang hàng với con người. Xã hội của chúng sẽ bộc lộ những đặc tính sau đây:
Thang tuổi, những nghi thức của bộ râu[37], liếm thân thể, lịch ghi năm tháng, tục ăn thịt, xác định đẳng cấp, những luật lệ về đẳng cấp, những nguyên tắc thiết lập bầy đàn, rèn luyện thói quen sạch sẽ, nhà trẻ cộng đồng, hợp tác lao động, vũ trụ quan, sự tán tỉnh, phân chia lao động, kiểm soát kẻ lười biếng, giáo dục, thuyết mạt thế, đạo đức, phép tắc xã giao, chết tự nguyện, làm ra lửa, những cấm kỵ về thực phẩm, sự tặng quà, sự cai trị, chào hỏi, những nghi thức làm đẹp, tính hiếu khách, chốn ăn ở, điều kiện vệ sinh, những cấm kỵ về loạn luân, ngôn ngữ, việc chăm sóc ấu trùng, luật lệ, thuốc men, những nghi thức trưởng thành, sự bắt chước lẫn nhau, những tầng lớp chuyên phục vụ chăm sóc, vợ chia đàn, trứng bổ dưỡng, chính sách dân số, sự vâng lời [kiến] chúa, những luật lệ về cư trú, quyết định giới tính, những tầng lớp kiến lính, quan hệ chị em, phân biệt địa vị, kiến thợ vô sinh, giải phẫu, chăm sóc cộng sinh, chế tác công cụ, trao đổi, thăm viếng, kiểm soát thời tiết.
Và còn những hoạt động khác nữa quá xa lạ đến nỗi chỉ mô tả chúng bằng ngôn ngữ của loài người cũng đã là việc khó khăn. Ngoài ra nếu loài kiến còn được lập trình để loại bỏ sự xung đột giữa những bầy đàn và để bảo vệ môi trường tự nhiên thì chúng sẽ có khả năng tồn tại lớn hơn con người và hiểu theo nghĩa rộng thì các hoạt động của chúng sẽ mang tính đạo đức cao hơn [so với đạo đức của con người].
Về bản chất, nền văn minh không phải chỉ giới hạn ở các giống khỉ thuộc họ người [hommoid]. Hoàn toàn ngẫu nhiên[38] mà nền văn minh được gắn cho các loài động vật có vú không lông đi lại bằng hai chân và cho những
https://thuviensach.vn
phẩm chất chỉ có ở bản tính con người.
Freud[39] nói rằng Chúa Trời có lỗi vì đã tạo ra một tác phẩm tồi và không ổn định. Nếu xét ở chừng mực vượt ra khỏi điều ông định nói thì đúng là vậy: bản tính người chỉ là một mớ hỗn tạp được làm từ rất nhiều thứ ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng, giả sử chỉ một phần nhỏ những đặc điểm đặc trưng cho loài người bị lấy đi, thì kết quả hầu như chắc chắn đó sẽ là một mớ lộn xộn không đủ để phân biệt con người. Con người không thể chịu đựng nổi việc bắt chước hành vi của ngay cả những họ hàng gần gũi nhất trong số các loài linh trưởng Cựu Thế giới. Giả sử do sự thỏa thuận chung trái thói nào đó mà một nhóm người toan bắt chước một cách rập khuôn những phương thức tổ chức xã hội đặc biệt của loài hắc tinh tinh[40] và loài khỉ gorilla[41], thì nỗ lực của họ sẽ nhanh chóng sụp đổ và họ sẽ quay lại với những hành vi đậm chất người.
Điều cũng đáng nghiên cứu, đó là, nếu con người bằng cách nào đó được nuôi dạy ngay từ lúc sinh ra trong một môi trường không có ảnh hưởng văn hóa, thì khi đó họ sẽ xây dựng từ đầu những yếu tố căn bản của đời sống xã hội con người. Trong thời gian ngắn, những yếu tố ngôn ngữ mới sẽ được phát minh và văn hóa của họ sẽ được làm cho phong phú lên. Robin Fox, nhà nhân chủng học và là người đi tiên phong trong lĩnh vực sinh học xã hội, đã phát biểu giả thuyết sau đây bằng những từ ngữ rõ ràng nhất có thể. Ông ước đoán rằng, giả định chứng ta thực hiện thí nghiệm độc ác theo truyền thuyết liên quan đến vua Ai Cập cổ đại Psammetichus và vua James đệ tứ của Scotland, hai vị này được cho là đã nuôi một số trẻ em bằng cách điều khiển từ xa, trong sự biệt lập hoàn toàn về mặt xã hội với những người lớn tuổi hơn chúng. Liệu những đứa trẻ đó có học cách nói chuyện được với nhau hay không?
https://thuviensach.vn
Tôi không nghi ngờ rằng chúng có thể nói chuyện được và, về lý thuyết, nếu có đủ thời gian, chúng hoặc con cháu chúng sẽ phát minh và phát triển một ngôn ngữ bất chấp việc chúng chưa bao giờ được dạy một ngôn ngữ nào. Hơn nữa, ngôn ngữ đó, mặc dù hoàn toàn khác so với mọi ngôn ngữ chúng ta biết, sẽ có thể được các nhà ngôn ngữ học phân tích dựa trên cùng một cơ sở như các ngôn ngữ khác và cũng có thể dịch được sang tất cả các ngôn ngữ đã biết. Nhưng tôi muốn đẩy vấn đề này xa hơn nữa. Nếu cặp Adam và Eva mới này có thể sống sót được và sinh con đẻ cái - tuy vẫn ở trong tình trạng biệt lập hoàn toàn với mọi ảnh hưởng văn hóa - khi đó rốt cuộc họ sẽ tạo ra một xã hội có những luật lệ về quyền sở hữu, những nguyên tắc về loạn luân và hôn nhân, những tập quán cấm đoán và húy kỵ, những phương pháp giải quyết tranh chấp ít gây đổ máu nhất, niềm tin về cái siêu nhiên và những tập quán liên quan đến nó, một hệ thống địa vị xã hội và những cách thức biểu thị địa vị, những nghi lễ trưởng thành dành cho người trẻ tuổi, những tập quán tán tỉnh trong đó có sự trang điểm của phụ nữ, những phương thức làm đẹp mang tính biểu trưng nói chung, những hoạt động và hiệp hội dành riêng cho đàn ông mà đàn bà không được tham gia, chơi bài bạc theo kiểu nào đó, một nền sản xuất công cụ và vũ khí, thần thoại và truyền thuyết, nhảy múa, ngoại tình, giết người theo nhiều cấp độ, tự tử, tình dục đồng giới, chứng tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần và các chứng rối loạn thần kinh, và những người hành nghề y lợi dụng chúng hoặc chữa trị chúng, tùy thuộc những chứng bệnh này được nhìn nhận theo cách nào.
Những đặc điểm căn bản trong hành vi xã hội của con người không chỉ tiếp tục duy trì tính chất đặc trưng [chỉ thuộc về con người] mà trong một
https://thuviensach.vn
chừng mực hạn chế chúng có thể còn được so sánh với đặc điểm hành vi của các loài vật giống với con người nhất trong toàn bộ các loài có vú và đặc biệt là với các loài linh trưởng khác. Theo logic, một vài tín hiệu được dùng để bộc lộ hành vi có nguồn gốc từ tổ tiên xưa kia vẫn còn được bộc lộ ở loài khỉ Cựu Thế giới và loài vượn người. Vẻ mặt của loài hắc tinh tinh có những sự tương đồng với điệu bộ nhăn nhó do sợ hãi, mỉm cười, thậm chí cười thành tiếng [ở người]. Sự giống nhau rõ ràng này chính là mẫu hình được trông đợi sẽ giải thích cho nghi vấn loài người có tổ tiên là loài linh trưởng Cựu Thế giới, một dữ kiện có thể chứng minh được, và có lẽ sự phát triển hành vi xã hội của con người vẫn tiếp tục giữ lại dù chỉ ở mức độ nhỏ sự ức chế di truyền, giả thuyết rộng hơn này hiện đang được xem xét.
Địa vị của loài hắc tinh tinh xứng đáng nhận được sự quan tâm sâu sắc. Hiểu biết ngày càng nhiều của chúng ta về loài khỉ thông minh nhất này đã làm xói mòn phần lớn tính giáo điều thiêng liêng về sự độc nhất vô nhị của con người. Loài hắc tinh tinh trước hết giống con người rõ rệt ở các chi tiết giải phẫu và sinh lý học. Ngoài ra, con người và hắc tinh tinh cũng rất gần gũi ở cấp độ phân tử. Các nhà hóa-sinh Mary-Claire King và Allan C. Wilson đã so sánh các protein được mã hóa bởi các gien tại 44 ổ gien [locus] và tìm thấy rằng tổng cộng những sự khác nhau giữa hai loài này [người và hắc tinh tinh] tương đương với khoảng cách di truyền tách biệt giữa các loài ruồi giấm gần gũi nhất và [con số tổng cộng này] chỉ lớn hơn từ 25 đến 60 lần so với tổng số những sự khác nhau giữa người da trắng, người da đen châu Phi và người Nhật Bản. Hai nhánh hắc tinh tinh và con người có thể mới tách ra cách đây 20 triệu năm, một quãng thời gian tương đối ngắn xét trên thời gian tiến hóa.
Theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của con người thì sự chậm phát triển
https://thuviensach.vn
trí năng của loài hắc tinh tinh nằm ở cấp độ trung gian. Bộ óc của chúng chỉ bằng một phần ba bộ óc của chúng ta, còn thanh quản của chúng có hình thù như loài khỉ nguyên thủy và điều này ngăn cản chúng phát âm rõ ràng ngôn ngữ của con người. Nhưng người ta có thể dạy giao tiếp cho mỗi cá thể hắc tinh tinh với sự giúp đỡ của con người thông qua ngôn ngữ ký hiệu của người Mỹ hoặc bằng cách gắn lên bảng những ký hiệu bằng nhựa thành các chuỗi kế tiếp nhau. Con hắc tinh tinh thông minh nhất trong số đó có thể học được từ vựng gồm hai trăm từ tiếng Anh và những quy tắc cú pháp sơ đẳng[42] cho phép chúng tạo ra những câu chẳng hạn như “Mary đưa tôi quả táo” và “Lucy thọc lét Roger”. Lana, một con hắc tinh tinh cái do vợ chồng Rumbaughs huấn luyện tại Trung tâm nghiên cứu linh trưởng Yerkes ở Atlanta, trong một cơn giận dỗi đã từ trong phòng ra lệnh cho những người huấn luyện nó bằng ngôn ngữ ký hiệu, “Đồ cứt xanh”[43]. Sara, một con hắc tinh tinh cái do David Premack huấn luyện đã ghi nhớ được 2.500 câu và sử dụng được nhiều câu trong số đó. Những con hắc tinh tinh học giỏi như vậy có thể hiểu được những chỉ dẫn phức tạp như “Nếu đỏ trên xanh (không phải là ngược lại) thì hãy lấy đỏ (chứ không phải xanh)” và “Hãy đút quả chuối vào cái xô, quả táo vào cái đĩa”. Chúng đã sáng tạo ra những cách diễn đạt mới như “chim nước” để chỉ con vịt và “quả uống” để chỉ quả dưa hấu, về bản chất giống hệt những tập ngữ mà những người phát minh ra tiếng Anh đã tình cờ nghĩ ra được.
Loài hắc tinh tinh không hề giống với trẻ em trên phương diện sáng tạo cũng như điều khiển ngôn ngữ. Ngoài ra, không có bằng chứng về tính sáng tạo ngôn ngữ đích thực ở loài tinh tinh: không có con hắc tinh tinh thiên tài nào thực hiện được điều tương tự như việc kết hợp câu “Mary đưa cho tôi quả táo” và “Tôi thích Mary” thành sự trình bày phức tạp hơn “Việc Mary
https://thuviensach.vn
đưa cho tôi quả táo là lý do vì sao tôi thích cô ấy”. Con người có trí năng lớn hơn rất nhiều so với trí năng của loài hắc tinh tinh. Nhưng, khả năng truyền đạt bằng những biểu trưng và cú pháp là điều nằm trong tầm nhận thức của loài khỉ hình người [ape][44]. Nhiều nhà động vật học giờ đây nghi ngờ sự tồn tại ranh giới tách biệt về ngôn ngữ không thể vượt qua giữa các loài vật và con người. Giờ đây không còn có thể nói, như nhà nhân học hàng đầu Leslie White đã nói vào năm 1949, rằng hành vi của con người là hành vi mang tính biểu trưng và hành vi mang tính biểu trưng là hành vi của con người.
Một sự cách biệt lớn khác nữa gần đây đã được vượt qua là khả năng tự nhận biết bản thân [self-awareness]. Khi Gordon G. Gallup, một nhà tâm lý học, cho các con hắc tinh tinh nhìn vào gương trong hai hoặc ba ngày, chúng đã thay đổi từ chỗ coi hình phản chiếu của mình như một kẻ xa lạ sang chỗ có khả năng nhận ra đó là chính bản thân chúng. Lúc này chúng bắt đầu sử dụng gương để khám phá những bộ phận cơ thể mà trước đó không thể tiếp cận được. Chúng làm điệu bộ nhăn mặt, nhặt những mẩu thức ăn bị giắt ở răng và mím môi để thổi bóng. Khỉ và vượn[45] chưa bao giờ làm được hành vi như vậy khi được người ta đưa gương cho, mặc dù Gallup và những người khác đã thử nghiệm lại nhiều lần. Khi các nhà nghiên cứu nhuộm một phần mặt các con hắc tinh tinh được gây mê thì sau đó chúng còn cho thấy bằng chứng thuyết phục hơn rằng chúng có khả năng tự nhận ra chính mình. Chúng dành nhiều thời gian hơn với những chiếc gương, chăm chú xem xét những thay đổi trong diện mạo của mình và ngửi các ngón tay chúng đã dừng để chạm vào những chỗ có sự thay đổi.
Nếu khả năng ý thức về bản thân và khả năng truyền đạt ý tưởng với những sinh vật thông minh khác là có thật, thì liệu những phẩm chất khác
https://thuviensach.vn
của trí tuệ con người có phải là quá xa xôi? Premack đã suy nghĩ tới những hệ lụy của việc dạy khái niệm về cái chết của cá nhân cho những con hắc tinh tinh, nhưng ông đã do dự. Ông đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu,
giống như con người, con khỉ sẽ sợ chết và sẽ đối phó với sự nhận thức này một cách kỳ cục như con người chúng ta?... Mục tiêu mong muốn không chỉ là truyền đạt sự hiểu biết về cái chết mà quan trọng hơn là tìm ra cách để đảm bảo chắc chắn rằng phản ứng của khỉ hình người [dã nhân] sẽ không phải là nỗi sợ hãi cái chết, điều mà, ở trường hợp con người, đã dẫn đến việc phát minh ra nghi thức, thần thoại và tôn giáo. Chừng nào tôi còn chưa thể bình thản nêu ra được những bước đi cụ thể trong việc dạy khái niệm cái chết, tôi sẽ không có ý định phổ biến nhận thức về nó cho loài khỉ hình người.”
Thế còn cuộc sống xã hội của loài hắc tinh tinh thì sao? Chúng được tổ chức kém tinh vi hơn rất nhiều thậm chí so với những người săn bắt-hái lượm[46] những người có hình thái tổ chức kinh tế đơn giản nhất trong toàn bộ loài người[47]. Nhưng những sự tương đồng rõ rệt là có thật. Loài khỉ hình người sống thành những bầy đông tới 50 con trong đó những nhóm nhỏ hơn được hình thành ngẫu nhiên sẽ tách ra và tái nhập thành những tổ hợp cá thể không tồn tại ổn định, thậm chí chỉ kéo dài ngắn ngủi vài ngày. Các con đực có phần cao lớn hơn con cái ở mức độ gần giống như con người, và chúng chiếm vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc cai trị. Các con non được ở gần mẹ trong nhiều năm, đôi khi cho đến khi chúng trưởng thành. Những con hắc tinh tinh trẻ tiếp tục sống thành bầy đàn trong thời gian dài; các cá thể đôi khi thậm chí nhận nuôi lũ em của chúng khi con mẹ chết.
Mỗi bầy chiếm giữ một phạm vi sinh sống [khoảng hơn 30 km2]. Sự gặp
https://thuviensach.vn
gỡ giữa các đàn sống cạnh nhau hiếm khi xảy ra và nếu có thì thường là trong trạng thái căng thẳng. Vào những dịp chạm trán như thế, những con cái đang động đực hoặc những con khỉ mẹ còn trẻ đôi khi di chuyển giữa các bầy. Nhưng vào những dịp khác thì hắc tinh tinh có thể tranh giành lãnh địa một cách hung dữ. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Gombe Stream ở Tanzania, nơi Jane Goodall tiến hành nghiên cứu nổi tiếng của bà, những nhóm con đực của một bầy xâm phạm chỗ sinh sống của một bầy nhỏ hơn gần đó, chúng tấn công và đôi khi làm bị thương những kẻ tự vệ. Rốt cuộc cư dân ở đó đành từ bỏ mảnh đất của chúng cho kẻ xâm lược.
Giống như người nguyên thủy, hắc tinh tinh chủ yếu lượm trái cây và những loài cây cỏ khác để làm thức ăn, còn săn bắt chỉ là thứ yếu. Chế độ ăn uống [giữa hai loài này] có sự khác biệt về tỉ lệ. Nếu xét tổng thể, các xã hội săn bắt-hái lượm [ở người] lấy trung bình 35% calo từ thịt tươi thì con số này ở hắc tinh tinh chỉ là 1-5%. Và trong khi người nguyên thủy bắt con mồi có kích thước bất kỳ, kể cả những con voi nặng gấp trăm lần trọng lượng của người, thì hắc tinh tinh hiếm khi tấn công con thú nào lớn hơn một phần năm trọng lượng của một con đực trưởng thành. Có lẽ hình thức đáng chú ý nhất của hành vi giống con người ở hắc tinh tinh là việc sử dụng những thủ đoạn thông minh và có tính hợp tác trong lúc săn mồi. Thông thường chỉ những con đực trưởng thành mới có ý định đuổi theo những con thú - đây lại là một đặc điểm khác giống với con người. Khi một nạn nhân tiềm năng, chẳng hạn một con khỉ lông đen hoặc khỉ đầu chó non được chọn, con hắc tinh tinh ra hiệu ý định của mình bằng những sự thay đổi đặc biệt trong tư thế, cử động và biểu lộ nét mặt. Những con đực khác đáp lại bằng cách chuyển sang nhìn chằm chằm vào mục tiêu. Chúng ở trong tư thế căng thẳng, tóc hơi dựng lên và trở nên im lặng - một sự thay đổi đáng chú ý theo quan điểm của con
https://thuviensach.vn
người, bởi hắc tinh tinh thường là những con vật ồn ào nhất trong các loài vật. Trạng thái cảnh giác bị phá vỡ bởi một cuộc săn đuổi bất ngờ, diễn ra gần như đồng thời.
Những kẻ đi săn có một chiến lược chung, đó là trà trộn vào một nhóm khỉ đầu chó rồi cố gắng chộp một con nhỏ nhất bằng động tác đột ngột bật thân mình lên và lao tới. Một chiến lược khác nữa là bao vây và lén đi theo nạn nhân, thậm chí ngay cả trong lúc nạn nhân lo lắng lảng ra xa chỗ khác, ở khu bảo tồn Gombe Stream, một con hắc tinh tinh đực kiên trì, được đặt tên là Figan, đã đi theo một con khỉ đầu chó vị thành niên cho tới khi con khỉ đầu chó này trèo lên một thân cây cọ để trốn. Trong khoảnh khắc, những con hắc tinh tinh đực khác lúc trước đang nằm phục trong tư thế chuẩn bị ở khu vực lân cận bỗng đứng bật dậy tiến tới chỗ đó để nhập cuộc đuổi bắt. Vài con dừng lại dưới gốc cây nơi con khỉ đầu chó đang chờ đợi cơ hội thoát thân, trong khi các con khác tản ra dưới gốc những cây gần đó, những chỗ mà con khỉ đầu chó có thể chọn làm đường tẩu thoát. Con khỉ đầu chó liền nhảy sang một cây thứ hai, lập tức những con hắc tinh tinh đang phục sẵn bên dưới bắt đầu leo nhanh về phía nó. Con khỉ đầu chó rốt cuộc liền tìm cách thoát thân bằng cách nhảy xuống mặt đất từ độ cao hơn 6 mét rồi chạy tới chỗ đàn của nó ở gần đó để tìm sự che chở.
Sự phân phối thịt con mồi cũng mang tính hợp tác kèm theo những sự đối xử thiên vị xin-cho. Con hắc tinh tinh đang xin ăn áp sát mặt vào xác con mồi hoặc vào mặt kẻ đang ăn thịt, mắt nhìn chằm chằm. Nó có thể vươn tay ra để chạm vào miếng thịt hoặc cằm hay môi con hắc tinh tinh đang ăn dở, hoặc chìa một bàn tay ra, lòng bàn tay để ngửa vào phía dưới cằm con kia. Đôi khi con đực đang giữ con mồi đột nhiên di chuyển ra chỗ khác. Nhưng thường thì nó đồng ý cho phép các con khác cắn trực tiếp luôn vào thịt con
https://thuviensach.vn
mồi hoặc dùng tay rứt ra từng miếng nhỏ. Trong một vài trường hợp những con đực thậm chí còn xé thịt ra thành nhiều miếng nhỏ đưa cho những con đang xin ăn. Đây là một cử chỉ nhỏ nhặt xét theo tiêu chuẩn của con người về lòng vị tha, nhưng đó là một hành động vô cùng hiếm hoi ở loài vật - một bước tiến hóa lớn, ta có thể nói như vậy, đối với loài khỉ hình người[48].
Cuối cùng, loài hắc tinh tinh cũng có một nền văn hóa sơ đẳng. Trong 25 năm nghiên cứu các bầy sống tự do tại những khu rừng châu Phi, nhóm các nhà động vật học từ châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã phát hiện được một danh mục đáng kinh ngạc công dụng của công cụ trong đòi sống của loài khỉ hình người. Nó bao gồm dùng que và cây non làm vũ khí tự vệ chống lại loài báo; ném gậy, đá và một số loại thực vật trong lúc tấn công khỉ đầu chó, người và những con hắc tinh tinh khác; dùng que để khoét rộng miệng tổ mối và dùng thân cây đã tước bỏ lá rồi chẻ đôi ở đoạn giữa để “câu” con mối; dùng que để thăm dò những chiếc hộp không nắp; và dùng “bông” làm bằng lá cây nhai nát để hút nước trong những lỗ ở thân cây.
Học hỏi và chơi đùa có tầm quan trọng sống còn đối với việc lĩnh hội những kỹ năng sử dụng công cụ. Nếu những con hắc tinh tinh con lên hai tuổi không được tạo cơ hội chơi đùa với những cái que thì ở độ tuổi sau đó khả năng giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của những cái que sẽ bị giảm đi. Nếu có cơ hội chơi đùa với các vật, thú con bị nuôi nhốt sẽ có tiến bộ thông qua một sự trưởng thành tương đối ổn định về kỹ năng. Dưới hai tuổi chúng chỉ đơn thuần chạm hoặc cầm các vật mà không có ý định táy máy sử dụng các vật đó. Khi lớn tuổi hơn chúng ngày càng hay sử dụng một vật để ném hoặc chọc một vật khác, đồng thời tiến bộ hơn trong giải quyết những vấn đề đòi hỏi sử dụng công cụ. Một sự tiến bộ tương tự cũng xảy ra trong những quần thể sống hoang dã ở châu Phi. Những con sơ sinh mới sáu tuần tuổi đã
https://thuviensach.vn
nhoài mình ra khỏi vòng tay mẹ để dùng tay vuốt ve lá cây hoặc cành cây. Những con non lớn hơn một chút thì thường xuyên dùng mắt, môi, lưỡi, mũi và bàn tay để xem xét môi trường và thỉnh thoảng vặt lá cây để vẫy. Trong giai đoạn phát triển này, chúng tiến bộ theo từng bước nhỏ trong hành vi sử dụng công cụ. Người ta thấy một con non tám tháng tuổi cho thêm những cọng cỏ vào trong mớ đồ chơi của nó - nhưng chỉ nhằm mục đích cọ chúng vào những thứ khác, vào những viên đá hoặc vào mẹ nó chẳng hạn. Đây là mẫu hành vi duy nhất có liên hệ với “câu mối” - theo đó con khỉ khích cho lũ mối chạy lên vật [chúng cầm trên tay] rồi nhanh chóng ăn hoặc liếm sạch những con mối đó. Trong lúc chơi, những con khỉ con khác cũng nhặt những cọng cỏ, tước bỏ lá rồi nhai cho giập hai đầu của cọng cỏ dài để làm dụng cụ câu.
Jane Goodall đã thu được bằng chứng trực tiếp về hành vi bắt chước diễn ra trong quá trình truyền dạy những cách làm truyền thống nói trên [làm dụng cụ câu mối]. Bà đã quan sát lũ khỉ con nhìn những con lớn sử dụng công cụ, sau đó chúng nhặt công cụ lên mà sử dụng sau khi những con lớn đã đi ra chỗ khác. Có hai lần bà quan sát thấy một con khỉ ba tuổi chăm chú quan sát trong lúc mẹ nó dùng lá cây chùi phân ở đít. Sau đó, con khỉ con liền nhặt lá cây rồi bắt chước những động tác nói trên ngay cả khi đít nó không bẩn.
Loài hắc tinh tinh có khả năng phát lĩnh các kỹ thuật và dạy cho những con khác. Sử dụng que để dò những hộp thức ăn không nắp là một ví dụ điển hình. Phương pháp này được một hoặc vài cá thể tại khu bảo tồn Gombe Stream phát minh ra rồi sau đó rõ ràng đã được phổ biến trong bầy bằng cách bắt chước. Một con cái ở nơi khác đến nấp trong bụi cây quan sát những con khác đang cố gắng mở hộp. Khi đến thăm lần thứ tư, con này bước ra chỗ đất
https://thuviensach.vn
trống, nhặt một chiếc que rồi bắt đầu chọc vào hộp.
Mỗi hành vi sử dụng công cụ được ghi lại ở châu Phi chỉ giới hạn trong một số quần thể hắc tinh tinh nhất định, nhưng đều được phổ biến hầu như liên tục trong phạm vi sinh sống của quần thể. Đây đúng là mẫu hình người ta trông đợi rằng có lẽ hành vi này cũng lan rộng giống như một hình thức văn hóa. Những tấm lược đồ về cách loài hắc tinh tinh sử dụng công cụ do nhà động vật học người Tây Ban Nha Jorge Sabater-Pi lập ra có thể được đưa vào một chương về văn hóa nguyên thủy [nói chung] trong một cuốn sách giáo khoa nhân học mà không cần phải ghi chú [rằng thật ra đây là nói về loài hắc tinh tinh]. Mặc dù hầu hết bằng chứng cho thấy phát minh và truyền dạy cách thức sử dụng công cụ đều qua cách gián tiếp, nhưng vấn đề được gọi ra là loài khỉ hình người đã vượt qua được cái ngưỡng của tiến hóa văn hóa và quan trọng hơn, bằng cách ấy chúng đã đi tiếp vào địa hạt của con người.
Sự giải thích nói trên về đòi sống của loài hắc tinh tinh nhằm xác lập điều tôi coi là một điểm căn bản về thân phận của con người: rằng theo những thước đo tiến hóa thông thường và những tiêu chí cơ bản của tâm lý học thì chúng ta không đơn độc, chúng ta cũng có một loài “em trai”. Điểm giống nhau giữa hành vi xã hội của con người và của hắc tinh tinh, khi kết hợp với những dấu vết giải phẫu và sinh-hóa đầy thuyết phục về phân nhánh di truyền gần đây, tạo thành một tập hợp bằng chứng quá rõ rệt đến nỗi không thể bác bỏ và coi đó là điều ngẫu nhiên. Giờ đây tôi tin rằng những điểm giống nhau đó phần nào dựa vào việc hai loài sở hữu những gien giống hệt nhau. Nếu phát biểu này chứa đựng sự thật nào đó, thì vấn đề càng cấp bách hơn là trong tương lai phải có sự bảo tồn và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về loài hắc tinh tinh và những loài khỉ lớn khác cũng như các loài khỉ Cựu Thế giới
https://thuviensach.vn
và các loài linh trưởng bậc thấp hơn. Một hiểu biết thấu đáo hơn về các loài động vật này cũng có thể cho chúng ta một bức tranh rõ ràng hơn về những thay đổi từng bước của di truyền đã dẫn đến mức độ tiến hóa mà chỉ con người mới chiếm lĩnh được.
Đến đây, để tóm tắt luận cứ: những đặc điểm chung của bản tính người dường như có giới hạn hoặc mang tính đặc thù [của loài] khi được đặt trên tấm phông lớn gồm tất cả các loài sinh vật khác. Các bằng chứng bổ sung cho ta thấy rằng các dạng rập khuôn ở hành vi con người là giống với động vật có vú, thậm chí cụ thể hơn nữa là giống với [hành vi tương tự như vậy] loài linh trưởng giống như dự đoán dựa trên cơ sở của thuyết tiến hóa chung[49]. Loài hắc tinh tinh có các chi tiết của đời sống xã hội và các thuộc tính trí tuệ giống chúng ta đến mức có thể được xếp gần như ngang hàng với con người trong một số lĩnh vực nơi đã có thời người ta cho rằng mọi so sánh [giữa linh trưởng với người] đều không thích hợp. Những dữ kiện này phù hợp với giả thuyết hành vi xã hội của con người dựa trên một nền tảng di truyền - cụ thể hơn, hành vi của con người được tổ chức bởi một số gien có chung với các loài gần gũi và một số gien khác chỉ loài người mới có. Cũng chính những cơ sở lập luận này dường như gây bất lợi cho giả thuyết cạnh tranh từng thống trị khoa học xã hội trong nhiều thế hệ, cho rằng loài người đã thoát khỏi sự ràng buộc với các gien của mình tới mức hoàn toàn bị ràng buộc bởi văn hóa [cultural-bound].
Chúng ta hãy tiếp tục theo đuổi vấn đề trên theo cách có hệ thống. Điểm cốt lõi của giả thuyết di truyền là nhận định có nguồn gốc trực hệ từ thuyết tiến hóa Tân Darwin, cho rằng những đặc điểm của bản tính người mang tính thích nghi trong thời gian loài người tiến hóa và các gien sau đó lan rộng trong quần thể nào ưu tiên các cá nhân mang những gien đó để thúc đẩy
https://thuviensach.vn
khuynh hướng phát triển những đặc tính ấy ở họ. Tính chất thích nghi chỉ đơn giản là nếu một cá nhân biểu hiện những tính trạng thích nghi được thì cá nhân đó có cơ may truyền được gien của anh ta đến thế hệ kế tiếp lớn hơn. Lợi thế khác nhau giữa các cá nhân, hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt nhất, được gọi là tính thích nghi về di truyền. Tức thích nghi di truyền có ba thành phần: khả năng sống sót của cá nhân tăng lên, khả năng sinh sản của cá nhân tăng, và khả năng sống sót và sinh sản của những họ hàng gần gũi có chung các gien giống nhau bởi cùng chung dòng dõi tăng lên. Bất cứ sự cải thiện trong bất kỳ yếu tố nào, hoặc trong bất kỳ sự kết hợp nào giữa chúng, đều dẫn đến tính thích nghi lớn hơn về di truyền. Quá trình này, được Darwin gọi là chọn lọc tự nhiên, mô tả một vòng tròn khép kín của quan hệ nhân quả. Nếu sự sở hữu những gien nào đó khiến cho các cá nhân có khuynh hướng tạo nên một đặc điểm cụ thể, chẳng hạn một kiểu phản ứng xã hội nào đó, và đặc điểm này mang khả năng thích nghi ưu việt hơn, khi đó các gien ấy sẽ được đại diện nhiều hơn ở thế hệ tiếp theo. Nếu chọn lọc tự nhiên được duy trì liên tục qua nhiều thế hệ, những gien được ưu tiên sẽ lan truyền trong quần thể và ”đặc điểm” sẽ trở thành “đặc trưng” của loài. Nhiều nhà sinh học xã hội, nhân học và cả những người khác nữa đã mặc nhiên công nhận bản tính người được quyết định bởi sự chọn lọc tự nhiên theo cách này.
Tuy nhiên, một yếu tố lạ lùng đang làm cho sự phân tích thêm khó khăn, đó là có thể vận dụng lý thuyết sinh học xã hội vào hành vi thuần túy văn hóa cũng như hành vi bị kiềm chế bởi di truyền. Môn sinh học xã hội gần như thuần túy liên quan đến văn hóa là điều có thể xảy ra. Nếu con người chỉ được phú những bản năng sơ đẳng nhất là bản năng sống sót và sinh sản, cùng với một khả năng cảm thụ văn hóa, thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phải học nhiều dạng hành vi xã hội khác để làm tăng tính thích nghi về sinh học.
https://thuviensach.vn
Nhưng, tôi cho rằng, số lượng hành vi bắt chước văn hóa này là có giới hạn, và có những phương pháp để phân biệt sự bắt chước này với những hình thức có cấu trúc rõ rệt hơn của tính thích nghi sinh học. Cách phân tích này sẽ đòi hỏi phải áp dụng thận trọng những phương pháp trong sinh học, nhân học và tâm lý học. Trọng tâm của chứng ta sẽ nhằm vào sự gần gũi giữa sự thích nghi của hành vi xã hội ở con người với lý thuyết sinh học xã hội, và tập trung vào những bằng chứng của ức chế di truyền quan sát được ở cường độ và tính chất tự động của những thiên hướng bẩm sinh mà con người bộc lộ trong khi phát triển hành vi [xã hội] này.
Giờ cho phép tôi diễn đạt lại phát biểu cốt lõi trên dưới một hình thức có phần dứt khoát và thú vị hơn: nếu các thành phần di truyền nằm trong bản tính người không bắt nguồn do chọn lọc tự nhiên, thế thì thuyết tiến hóa chính thống sẽ gặp rắc rối. Ít nhất thì thuyết tiến hóa lẽ ra cũng phải được thay đổi thì mới mong giải thích được hình thức thay đổi di truyền mới mẻ trong các quần thể. Do đó, một mục tiêu phụ của môn sinh học xã hội là tìm hiểu xem liệu thuyết tiến hóa về bản tính người có phù hợp với thuyết tiến hóa thông thường hay không. Khả năng thất bại của nỗ lực này khiến cho những nhà sinh học ưa phiêu lưu cũng chợt thấy thấp thoáng sự chỉ trích không mấy dễ chịu, một vết rạn trên lớp băng mỏng.
Chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng hầu hết tiến hóa di truyền trong hành vi xã hội người đều đã xảy ra trong suốt năm triệu năm trước khi có nền văn minh, khi loài người gồm những quần thể săn bắt-hái lượm sống rải rác và ít khi thay đổi chỗ ở. Mặt khác, tiến hóa văn hóa phần lớn đã xảy ra kể từ khi nông nghiệp và thành thị xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm. Mặc dù một kiểu tiến hóa di truyền nào đó vẫn tiếp tục diễn ra ở giai đoạn sau này, đoạn chạy nước rút xét về mặt lịch sử, nhưng nó chỉ hình thành một tỉ lệ nhỏ
https://thuviensach.vn
những đặc điểm của bản tính người. Hiểu theo cách khác, người săn bắt-hái lượm nếu còn sống sót đến nay thì có thể sẽ khác biệt đáng kể về mặt di truyền so với người tại các quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng người ta đã chứng minh là không phải như vậy. Vấn đề được suy ra là, môn sinh học xã hội có thể được trắc nghiệm một cách trực tiếp nhất trong những nghiên cứu về các xã hội săn bắt-hái lượm và các xã hội làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc vào thời trước khi có chữ viết. Kết quả là, môn nhân học chứ không phải môn xã hội học hoặc kinh tế học mới là môn khoa học xã hội gần gũi nhất với môn sinh học xã hội. Chính ở môn nhân học, người ta mới có thể theo đuổi một cách trực tiếp nhất thuyết di truyền học về bản tính người.
Sức mạnh của một lý thuyết khoa học được đo bằng khả năng nó làm biến đổi một số lượng nhỏ những quan niệm có tính tiên đề thành những dự đoán cụ thể về những hiện tượng quan sát được; theo cách như vậy mô hình nguyên tử của Bohr[50] đã giúp cho hóa học hiện đại ra đời, còn hóa học hiện đại thì giúp tái tạo môn sinh học tế bào. Hơn nữa, giá trị của một lý thuyết được đo bằng phạm vi mà những dự đoán của nó cạnh tranh thành công so với những lý thuyết khác trong việc giải thích các hiện tượng; hệ nhật tâm của Copernicus đã chiến thắng hệ [địa tâm] của Ptolemy, sau một cuộc đấu tranh ngắn ngủi. Cuối cùng, một lý thuyết gia tăng tầm ảnh hưởng và uy tín trong giới khoa học khi nó tập hợp một lượng ngày càng lớn những sự kiện thành những sơ đồ lý giải dễ nhớ và tiện lợi, và khi những sự kiện mới được phát hiện phù hợp với yêu cầu của lý thuyết: trái đất hình tròn là đáng tin cậy hơn trái đất hình dẹt. Những dữ kiện có tầm quan trọng thiết yếu cho tiến bộ của khoa học có thể thu được hoặc bằng thí nghiệm hoặc thông qua quan sát và đúc kết từ những hiện tượng tự nhiên không bị xáo trộn. Khoa học luôn tiến bộ một cách tương đối gần như theo kiểu dích dắc và nắm bắt những cơ
https://thuviensach.vn
hội vậy.
Trong trường hợp thuyết tiến hóa di huyền về bản tính người, nếu thuyết này từng được coi là một bộ phận của khoa học đích thực thì chúng ta đã có thể lựa chọn một số nguyên tắc tốt nhất từ môn sinh thái học và di truyền học, những môn mà bản thân chúng được dựa trên thuyết nói trên, rồi vận dụng chúng một cách cụ thể vào sự tổ chức xã hội của con người. Thuyết này không những bắt buộc phải lý giải nhiều sự kiện đã biết theo cách thuyết phục hơn những cách lý giải truyền thống, mà còn phải nhận ra những kiến thức mới mà trước đó các môn khoa học xã hội không tưởng tượng ra nổi. Hành vi được lý giải theo cách như vậy nên là những hành vi mang tính phổ biến nhất và ít mang tính duy lý nhất trong danh mục hành vi của con người, tức là bộ phận được tách xa nhất khỏi ảnh hưởng của tư duy thường ngày và những thăng trầm gây nhiễu của văn hóa. Nói cách khác, chúng nên được hiểu là có liên quan đến những hiện tượng sinh học mang tính bẩm sinh ít có thể được bắt chước bằng văn hóa.
Đó là những yêu cầu nghiêm khắc phải áp đặt cho môn học non trẻ là sinh học xã hội người, nhưng những yêu cầu này có thể được biện minh một cách thích đáng. Sinh học xã hội xâm nhập vào các môn khoa học xã hội nhờ những thành tích của các môn khoa học tự nhiên, và thoạt đầu là nhờ một lợi thế bất công thuộc về môn tâm lý học. Nếu những quan niệm và phương pháp phân tích của khoa học “cứng”[51] có thể hoạt động thích hợp và lâu bền, thì sự phân chia giữa hai nền học vấn, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn, sẽ chấm dứt. Nhưng nếu như chúng ta muốn thay đổi quan niệm của mình về bản tính người, thì những quan niệm đó buộc phải dựa trên những chân lý khoa học chứ không phải theo một giáo điều mới mẻ chúng ta hằng ao ước.
https://thuviensach.vn
Những khám phá khác nhau của sinh học xã hội theo phương thức sâu sắc hơn, một số khám phá đủ lý do để tồn tại vững chắc còn số khác thực ra vẫn mang tính chất tư biện, là chủ đề của sáu chương tiếp theo trong cuốn sách này. Tạm thời, để minh họa cho phương pháp [của cuốn sách này], cho phép tôi giới thiệu hai ví dụ cụ thể.
Những húy kỵ loạn luân nằm trong số những điều phổ quát nhất trong hành vi xã hội của con người. Ở đâu cũng vậy, cấm kỵ quan hệ tình dục giữa anh em trai với chị em gái và giữa cha mẹ với con cái được thực hiện thông qua những biện pháp trừng phạt mang tính văn hóa. Nhưng ít nhất, ở trường hợp húy kỵ anh em trai - chị em gái, có tồn tại một hình thức bắt buộc tuân thủ sâu xa hơn, ít mang tính duy lý hơn: một sự ác cảm tình dục phát triển tự phát giữa những người sống cùng nhau khi một hoặc tất cả đã lên sáu tuổi. Những nghiên cứu tiến hành tại những kibbutz[52] ở Israel, nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong số đó do Joseph Shepher tại Đại học Haifa thực hiện, đã cho thấy rằng sự ác cảm giữa những người cùng độ tuổi không phụ thuộc vào quan hệ huyết thống thực sự. Trong 2.769 cuộc hôn nhân được ghi lại, không có cuộc hôn nhân nào giữa các thành viên của nhóm cùng độ tuổi cùng sống trong một kibbutz từ lúc sinh ra. Thậm chí không một trường hợp nào được ghi nhận về hoạt động tình dục khác giới bất chấp sự thực là những người trưởng thành sống trong các kibbutz không bị phản đối điều này. Nếu sự loạn luân dưới bất kỳ hình thức nào xuất hiện với tần suất thấp dù ở những xã hội có phần cởi mở thì cũng đều là nguồn cơn của những tủi hổ và buộc tội. Nhìn chung, sự giao cấu giữa mẹ-con trai là điều gây ác cảm nhất, sự giao cấu giữa anh em trai-chị em gái phần nào ít bị ác cảm hơn và sự giao cấu cha-con gái ít gây ác cảm nhất. Nhưng mọi hình thức này đều bị cấm đoán, ở Hoa Kỳ hiện nay, một trong những hình thức khiêu dâm được coi là gây căm
https://thuviensach.vn
phẫn nhất là sự việc mô tả quan hệ giao cấu giữa cha và con gái chưa đến tuổi trưởng thành.
Những húy kỵ loạn luân đem lại lợi thế gì? Một cách giải thích được ưa thích của các nhà nhân học là: húy kỵ loạn luân bảo tồn tính toàn vẹn của gia đình bằng cách tránh sự nhầm lẫn về vai vế có thể xảy ra do tình dục loạn luân. Một giải thích khác bắt nguồn từ Edward Tylor và được Claude Lévi Strauss[53] xây dựng thành một lý thuyết nhân học hoàn chính trong cuốn sách quan trọng đầu tiên của ông Những cấu trúc của quan hệ họ hàng, đó là húy kỵ loạn luân tạo điều kiện dễ dàng cho sự trao đổi phụ nữ[54] giữa các nhóm xã hội trong lúc thỏa thuận mua bán. Chị em gái và con gái, theo cách nhìn này, không phải được dùng cho việc giao cấu mà được dùng để gia tăng quyền lực.
Trái lại, cách giải thích thịnh hành của sinh học xã hội lại coi sự toàn vẹn gia đình và sự trao đổi cô dâu như là những sản phẩm phụ hoặc nhiều nhất cũng chỉ là những yếu tố đóng góp thứ yếu. Cách giải thích này giúp nhận dạng một nguyên nhân mang tính cấp bách hơn, sâu xa hơn: đó là hậu quả sinh lý nặng nề do giao phối cận huyết [inbreeding] gây ra. Một số nghiên cứu của các nhà di truyền học đã chứng minh rằng ngay cả sự giao phối cận huyết giữa các thế hệ tương đối xa cũng khiến những đứa trẻ sinh ra bị suy giảm kích thước cơ thể, giảm khả năng phối hợp cơ bắp và giảm sút hiệu quả học tập. Hơn một trăm gien lặn đã được phát hiện là nguyên nhân gây ra bệnh về di truyền thể đồng hợp tử [homozygous][55] một dạng chủ yếu do giao phối cận huyết gây nên. Một nghiên cứu phân tích dân cư Mỹ và Pháp đã cho kết quả là ước tính mỗi cá nhân mang trung bình bốn khả năng tử vong liên quan đến gien: bốn gien dứt khoát gây tử vong nếu toàn bộ gien ở tình trạng gien đồng hợp tử lặn, tám gien gây tử vong nếu 50% trong số
https://thuviensach.vn
chúng ở tình trạng gien đồng hợp tử hoặc, nếu theo phương pháp số học thì là sự kết hợp tương ứng giữa những tác động gây tử vong và anh hưởng tới sức khỏe. Những con số cao thế này, vốn đặc thù ở các loài vật, cho thấy giao phối cận huyết mang lại một rủi ro chết người. Trong 161 đứa trẻ được sinh ra bởi những phụ nữ Tiệp Khắc[56] có quan hệ tình dục với cha, anh em trai hoặc con trai của họ thì 15 trẻ đã chết ngay khi sinh ra hoặc chết trong năm đầu tiên của cuộc đời và hơn 45% mắc các khiếm khuyết cơ thể hoặc trí tuệ khác nhau trong đó có chứng chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng, hội chứng lùn, các dị dạng ở tim hoặc não, câm điếc, phình đại ruột kết và những bất thường ở đường tiểu tiện. Ngược lại, một nhóm 95 đứa trẻ được chính những phụ nữ đó sinh ra trong các mối quan hệ không phải là loạn luân thì tính trung bình đều bình thường như mọi người nói chung. Năm đứa trẻ chết trong năm đầu đời, không có đứa trẻ nào mắc những khiếm khuyết về trí tuệ và chỉ năm trẻ có những dấu hiệu bất bình thường rõ rệt về cơ thể.
Những biểu hiện bệnh học do giao phối cận huyết chính là sự chọn lọc tự nhiên dưới hình thức khắc nghiệt và rõ ràng. Thuyết di truyền học quần thể sơ đẳng dự đoán rằng bất kỳ khuynh hướng hành vi nào nhằm tránh sự loạn luân, dù biểu hiện ở mức độ dễ thấy hay phức tạp, đều lan truyền trong những quần thể người từ rất lâu. Ưu điểm của giao phối xa [outbreeding] lớn đến nỗi nó có thể được cho là đã mang lại sự tiến hóa về văn hóa. Tính toàn vẹn và tác dụng đòn bẩy của gia đình trong thương lượng giải quyết xung đột quả thực có thể là kết quả may mắn của giao phối xa, nhưng có khả năng đó là những phương sách được chọn ngẫu nhiên, là sự thích nghi văn hóa thứ cấp, lợi dụng sự không thể tránh khỏi của giao phối xa vì những lý do trực tiếp liên quan đến sinh học.
Trong số hàng nghìn xã hội đã tồn tại trong lịch sử con người thì chỉ một
https://thuviensach.vn
vài xã hội gần đây nhất mới có sự hiểu biết nào đó về di truyền. Họ có rất ít cơ hội để có những tính toán suy lý về những tác động tiêu cực của giao phối cận huyết. Những hội đồng bộ lạc không tính toán được tần suất của gien và gánh nặng đột biến[57]. Bản năng ngăn chặn mối quan hệ tình dục giữa các cá nhân vốn trước đó đã hình thành những mối quan hệ khác nào đó - cái “linh cảm” khuyến khích những hình phạt mang tính nghi thức chống lại sự loạn luân - hầu hết là vô thức và không thể lý giải được bằng tư duy suy lý. Sự ngăn chặn mối quan hệ theo kiểu như vậy được thấy ở những đứa trẻ Israel là ví dụ mà các nhà sinh học gọi là một nguyên nhân cận kề [proximate] (nguyên nhân gần); trong trường hợp này, sự ngăn chặn trực tiếp về mặt tâm lý là nguyên nhân gần của húy kỵ loạn luân. Nguyên nhân sâu xa được suy ra từ giả thuyết sinh học là: loạn luân sẽ dẫn đến sự tổn thất tính thích nghi di truyền. Sự thực là những đứa trẻ ra đời do loạn luân thì sau này ít để lại hậu duệ hơn. Giả thuyết sinh học này phát biểu rằng những cá nhân có khuynh hướng di truyền khả năng ngăn chặn mối quan hệ loạn luân hoặc tránh sự loạn luân thì đóng góp nhiều gien hơn cho thế hệ tiếp theo. Chọn lọc tự nhiên có lẽ đã được mài giũa theo những cách thức tương tự trong hàng nghìn thế hệ, và bởi lý do này mà con người bằng trực giác đã tránh sự loạn luân bằng nguyên tắc đơn giản, mang tính bản năng ấy là ngăn chặn quan hệ. Để diễn đạt ý tưởng này dưới hình thức giản dị nhất, sao cho thừa nhận nhưng tạm thời tránh bị sa vào giải thích quá trình phát triển có tính can thiệp, đó là con người được dẫn dắt bởi một bản năng dựa trên các gien. Một quá trình như vậy được thấy rõ ở trường hợp quan hệ tình dục giữa anh chị em, và khả năng xảy ra ở những loại húy kỵ loạn luân khác là rất lớn.
Hôn nhân cùng đẳng cấp [hypergamy] là tập quán phụ nữ lấy đàn ông có của cải hoặc địa vị ngang hoặc lớn hơn mình, ở con người và hầu hết những
https://thuviensach.vn
loài động vật có tập quán xã hội thì những con cái ngoi lên địa vị cao hơn bằng việc chọn bạn giao phối. Tại sao lại có khuynh hướng tình dục này? Manh mối quan trọng đã được Robert L. Trivers và Daniel E. Willard đưa ra trong công trình nghiên cứu mang tính tổng quát về sinh học xã hội. Họ nhận thấy ở động vật có xương sống nói chung, đặc biệt là chim và động vật có vú thì những con đực to lớn khỏe mạnh giao phối với tần suất tương đối nhiều trong khi những con đực nhỏ bé yếu hơn thì không hề giao phối chút nào. Nhưng, hầu như tất cả các con cái đều giao phối thành công. Ngoài ra, sự thực là những con cái trong tình trạng thể chất tốt nhất thì đẻ ra con khỏe mạnh nhất và những con non đó thường phát triển thành những cá thể to lớn, cường tráng nhất. Trivers và Willard sau đó đã quan sát thấy rằng, theo thuyết chọn lọc tự nhiên, những con cái nếu là những con khỏe mạnh nhất có khả năng sẽ đẻ ra một tỉ lệ con đực non cao hơn, bởi vì các con đực đó sẽ có kích thước lớn nhất, giao phối thành công nhất và đẻ ra số lượng con tối đa. Khi thể trạng của con cái xấu đi, chúng sẽ dần dần chuyển sang sinh con giống cái bởi vì lúc này sinh con giống cái là sự đầu tư an toàn hơn. Theo thuyết chọn lọc tự nhiên, những gien đem lại chiến lược sinh sản này sẽ lan rộng trong quần thể và gây bất lợi cho những gien thúc đẩy những chiến lược khác.
Chiến lược này tỏ ra có hiệu quả. Ở loài linh dương và con người, hai loài được nghiên cứu trong mối liên quan tới vấn đề cụ thể nói trên, điều kiện môi trường bất lợi cho những con mẹ có chửa có liên hệ với tỉ lệ tăng mất cân đối sự ra đời của những con cái. Dữ liệu lấy từ chồn, lợn, cừu và hải cẩu cũng dường như phù hợp với dự đoán của Trivers-Willard. Có lẽ cơ chế trực tiếp là xu hướng tử vong cao của các bào thai đực trong những điều kiện bất lợi, một hiện tượng xảy ra ở nhiều loài có vú đã được chứng minh bằng
https://thuviensach.vn
nhiều tài liệu.
Thay đổi tỉ lệ giới tính trước khi sinh dĩ nhiên là một hành động hoàn toàn phi lý; trên thực tế nó liên quan đến sinh lý học. Mildred Dickeman, một nhà nhân học, đã kiểm chứng thuyết này khi nghiên cứu hành vi hữu thức. Bà đã đặt câu hỏi phải chăng tỉ lệ giới tính sau khi sinh đã được thay đổi bằng tập tục giết bé gái sơ sinh theo cách sao cho phù hợp nhất với chiến lược sinh sản. Dường như đúng là như vậy. Ở Ấn Độ thời tiền thuộc địa của Anh, việc những cô gái vươn lên địa vị xã hội cao hơn bằng cách lấy đàn ông có địa vị cao hơn đã được hợp pháp hóa bằng tập tục và tôn giáo khắt khe, trong khi đó tục giết bé gái sơ sinh được các đẳng cấp thượng lưu thực hành thường xuyên. Những người theo đạo Sikh[58] của bộ tộc Bedi[59], đẳng cấp thầy tu cao nhất ở Punjab, được gọi là Kuri-Mar, tức người giết trẻ em gái. Họ đã giết hầu hết các bé gái sơ sinh và tập trung nguồn lực nuôi dạy các bé trai để sau này chúng lớn lên sẽ lấy phụ nữ thuộc đẳng cấp thấp hơn. Ở Trung Quốc trước cách mạng, tập tục giết bé gái sơ sinh được nhiều tầng lớp xã hội thực hiện phổ biến, điều này về cơ bản gây ra những tác động giống như ở Ấn Độ - tức là một dòng chảy những phụ nữ vươn lên. Về địa vị xã hội đi kèm những khoản hồi môn, một sự tập trung cả của cải lẫn phụ nữ trong tay một tầng lớp trung lưu và thượng lưu nhỏ, và sự gần như loại bỏ những đàn ông nghèo nhất ra khỏi hệ thống sinh sản. Vấn đề còn lại là phải xem liệu mẫu hình này có được lan rộng trong các nền văn hóa của con người hay không. Tạm thời thì sự tồn tại của dù chỉ một vài trường hợp vẫn gợi ra ý tưởng rằng cần phải xem xét lại những hiện tượng nói trên với mối lưu tâm nghiêm ngặt tới cách giải thích sinh học.
Phụ nữ kết hôn cùng đẳng cấp và tập tục giết bé gái sơ sinh không tự nó khiến cho người ta coi là những phương pháp hợp lý. Thật khó lòng lý giải
https://thuviensach.vn
ngoại trừ xét chúng giống như một khuynh hướng mang tính chất kế thừa nhằm tối đa hóa số lượng con để cạnh tranh với những thành viên khác trong xã hội. Nghiên cứu theo hướng này, tiên phong bởi Dickeman, nếu được mở rộng sang những xã hội khác thì sẽ giúp kiểm chứng phát biểu nói trên một cách chặt chẽ hơn. Nếu được kiểm chứng thành công, ta có thể hi vọng phát biểu này sẽ làm sáng tỏ việc trí tuệ đã thôi thúc con người lựa chọn một tiến trình hành động phức tạp từ vô số quá trình mà về nguyên tắc là bỏ ngỏ cho sự lựa chọn bằng lý trí.
Bản tính người có thể được xem xét bằng những phương pháp khác, có liên quan trực tiếp hơn với tâm lý học. Ngoài ra, so với hành vi mang tính chất cá nhân chủ nghĩa [individualistic] và tính “trí tuệ” nhiều hơn thì cả hành vi phi duy lý [irrational] lẫn hành vi mà ta thấy phổ biến [ở các loài] có lẽ có tính kháng tốt hơn trước những tác động méo mó do sự thiếu hụt về văn hóa [cultural deprivation] và chúng dường như ít chịu ảnh hưởng bởi vùng thùy trán [frontal lobes[60]] và những trung khu thần kinh cao cấp hơn khác của não - những trung tâm đầu não của tư duy duy lý dài hạn. Khả năng dễ xảy ra hơn là hành vi thuộc loại đó [hành vi phi duy lý và mang tính phổ quát] bị ảnh hưởng nhiều bởi hệ viền[61][limbic system], phần vỏ não có dấu tích tiến hóa cổ xưa và nằm gần trung khu điều khiển vận động của não bộ. Do những vùng điều khiển kiểm soát cấp cao hoặc thấp hơn trong não ở chừng mực nào đó tách biệt với nhau về mặt giải phẫu, nên chúng ta thường thấy thi thoảng có những người vì lý do này hay lý do khác bị tổn thương các khả năng tư duy duy lý nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động tốt ở cấp độ bản năng.
Những người như vậy là có thật. Trong công trình nghiên cứu về những bệnh nhân tại các cơ sở dành cho người chậm phát triển trí tuệ, Richard H.
https://thuviensach.vn
Wills đã nhận dạng được hai kiểu người khác biệt rõ rệt. “Những người chậm phát triển về mặt văn hóa” [cultural retardates] có trí tuệ thấp hơn trí tuệ bình thường rất nhiều, nhưng hành vi của họ vẫn giữ lại rất nhiều những thuộc tính chỉ có ở người. Họ giao tiếp với những người phục vụ và với nhau bằng ngôn ngữ, và họ bước đầu học được nhiều hành vi tương đối phức tạp như hát một mình hoặc hát theo nhóm, nghe đĩa nhạc, xem tạp chí, làm những công việc đơn giản, tự tắm rửa, chải chuốt đầu tóc, hút thuốc lá, đổi quần áo, trêu chọc hoặc dẫn dắt người khác, và tự nguyện bày tỏ thiện ý. Nhóm thứ hai, “những người chậm phát triển không có văn hóa”[62] [noncultural retardates], tiêu biểu ở họ là sự suy giảm đột ngột và bi thảm về năng lực. Họ không thực hiện được bất kỳ một hành vi nào vừa được liệt kê. Sự trao đổi giữa họ với những người khác ít bao hàm những gì có thể được gán cho là sự giao tiếp của con người. Như vậy, hành vi văn hóa dường như là một chỉnh thể tâm lý được não sử dụng hoặc não đã từ chối nó bằng một bước đi phi thường đơn nhất. Nhưng, những người chậm phát triển không có văn hóa lại vẫn tiếp tục duy trì nhiều hành vi mang tính “bản năng” nhiều hơn, những hành vi cá nhân phức tạp mà ta có thể nhận ra ở động vật có vú. Họ giao tiếp bằng những biểu lộ của vẻ mặt hoặc những âm thanh đầy xúc cảm, kiểm tra và điều khiển các đồ vật, dùng tay thủ dâm, quan sát những người khác, ăn cắp, chiếm giữ một vùng lãnh địa nhỏ, tự vệ và chơi đùa, cả một mình lẫn theo nhóm. Họ thường xuyên tìm kiếm sự tiếp xúc cơ thể với những người khác; họ bày tỏ tình cảm yêu mến hoặc nài xin tình cảm yêu mến bằng những động tác được biểu lộ rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Hầu như không có sự phản ứng nào của họ là bất bình thường hiểu theo nghĩa sinh học. Số phận chỉ đơn thuần từ chối những bệnh nhân này gia nhập thế giới văn hóa thuộc về lóp vỏ ngoài của não[63].
https://thuviensach.vn
Bây giờ hãy cho phép tôi thử giải đáp câu hỏi quan trọng nhưng tinh tế về việc hành vi xã hội biến đổi về mặt di truyền trong phạm vi loài người đến mức độ nào. Sự thực rằng hành vi của con người tuy vậy lại có cấu trúc dựa trên sinh lý học và liên quan đến loài động vật có vú xét trong những sự lệ thuộc gần gũi nhất gợi ý rằng hành vi của con người đã từng bị phụ thuộc vào sự tiến hóa về di truyền cho tới tận gần đây. Nếu điều này đúng, thì sự biến đổi di truyền tác động tới hành vi có thể thậm chí vẫn tiếp tục diễn ra dai dẳng trong kỷ nguyên văn minh. Nhưng điều này không có nghĩa là sự biến đổi như vậy giờ đây đang tồn tại.
Có hai khả năng xảy ra và cả hai đều có thể hiểu được. Khả năng thứ nhất, trong khi đạt tới tình trạng hiện tại, loài người đã dùng cạn kiệt khả năng biến đổi di truyền của mình. Một tập hợp những gien tác động tới hành vi xã hội, và chỉ một tập hợp duy nhất mà thôi, đã sống sót sau chặng đường dài từ thời tiền sử. Đây là quan điểm được ngầm ủng hộ bởi nhiều nhà khoa học xã hội, và cả những trí thức cánh tả trong khuôn khổ những ý thức hệ chính trị nhắm tới những câu hỏi như vậy. Họ thừa nhận rằng con người đã từng tiến hóa, từng chỉ tới mức độ trở thành một loài đồng nhất, biết nói bằng ngôn ngữ, sản sinh ra văn hóa. Vào nhiều thời điểm lịch sử, nhân loại đã trở thành thứ đất sét tuyệt diệu trong bàn tay của môi trường. Lúc này chỉ có sự tiến hóa văn hóa mới có thể diễn ra. Khả năng thứ hai là, ít nhất vài sự biến đổi di truyền nào đó vẫn tiếp tục tồn tại. Nhân loại có thể đã ngừng tiến hóa, hiểu theo nghĩa rằng phương thức sinh học cũ kỹ là chọn lọc tự nhiên đã buông lơi sự kìm kẹp của nó, nhưng loài người vẫn tiếp tục có khả năng tiến hóa cả về di truyền lẫn văn hóa.
Độc giả nên lưu ý rằng cả hai khả năng nói trên - sự quyết định hoàn toàn của văn hóa hay quyết định chung giữa văn hóa và di truyền đối với khả
https://thuviensach.vn
năng biến đổi trong phạm vi loài - đều phù hợp với quan điểm sinh học xã hội tổng quát về bản tính người, cụ thể là quan điểm cho rằng hầu hết những đặc điểm đặc trưng cho hành vi của con người đều đã tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên và ngày nay chúng chịu sự ức chế bởi những tập hợp gien riêng biệt.
Sau khi đã trình bày những khả năng nói trên theo cách thức giáo khoa như vậy, giờ đây tôi buộc phải bổ sung là có bằng chứng rõ ràng rằng có một tỉ lệ quan trọng sự biến đổi hành vi của con người dựa trên những sự khác biệt về di truyền giữa những cá nhân. Không thể phủ nhận là có những sự đột biến gây tác động tới hành vi. Trong số những thay đổi về thành phần hóa học của các gien hoặc cấu trúc và cách sắp xếp các nhiễm sắc thể, người ta đã nhận diện được hơn ba mươi sự thay đổi gây tác động tới hành vi, một số là do những rối loạn thần kinh, số khác là do sự suy giảm trí thông minh. Một trong những ví dụ gây tranh cãi nhất nhưng đồng thời cung cấp nhiều thông tin nhất, đó là đàn ông mang nhiễm sắc thể XYY. Nhiễm sắc thể X và Y quyết định giới tính ở người; sự kết hợp XX đem lại kết quả là một nữ giới, XY là một nam giới. Gần 0,1% dân số ngẫu nhiên có thêm nhiễm sắc thể Y tại thời điểm thụ thai và những cá nhân XYY này đều là nam giới. Những nam giới XYY lớn lên đều trở thành những người đàn ông cao lớn, đại đa số cao hơn 1,8 m. Ngoài ra, thông thường đời họ kết thúc trong nhà tù hoặc bệnh viện dành cho những người gây tội ác do mất trí. Thoạt đầu người ta tưởng rằng nhiễm sắc thể thừa đó đã gây ra hành vi mang nhiều tính gây hấn hơn, tạo ra cái mà trên thực tế là một loại tội phạm do di truyền. Tuy nhiên, một nghiên cứu thống kê rất nhiều dữ liệu từ Đan Mạch của nhà tâm lý học Herman A. Witkin và cộng sự ở Đại học Princeton đã dẫn đến một cách lý giải ôn hòa hơn. Đàn ông XYY được thấy không có tính gây hấn hơn người bình thường, cũng không bộc lộ bất kỳ mẫu hành vi cụ thể nào phân
https://thuviensach.vn
biệt họ với những cư dân Đan Mạch còn lại. Sự lệch lạc duy nhất được phát hiện thấy là một trí thông minh thấp hơn mức thông thường. Cách giải thích chi li nhất lý do tỉ lệ đàn ông XYY bị vào tù cao hơn đơn giản vì họ ít khéo léo hơn trong việc tránh không để người ta phát hiện. Tuy nhiên, cần phải thận trọng. Công trình nghiên cứu duy nhất này đã không loại trừ khả năng thừa hưởng di truyền những hình thái cụ thể hơn của khuynh hướng bẩm sinh ở nhân cách tội phạm.
Trên thực tế, người ta đã nhận diện được những sự đột biến quả thực làm biến đổi những đặc điểm cụ thể của hành vi. Hội chứng Turner[64] xuất hiện khi chỉ một trong hai nhiễm sắc thể X được chuyển giao[65] dẫn tới không chỉ sự suy giảm trí tuệ nói chung mà làm sút kém đặc biệt nghiêm trọng khả năng ghi nhớ những hình thù và định hướng trái phải trên bản đồ hoặc những biểu đồ khác. Hội chứng Lesch-Nyhan[66] do ảnh hưởng từ một gien lặn duy nhất, gây ra cả sự suy giảm trí tuệ lẫn một khuynh hướng mất kiểm soát là tự véo hoặc giật cơ thể của chính mình, kết quả là tự làm mình tổn thương. Nạn nhân của những rối loạn di truyền nói trên và những rối loạn di truyền khác nữa, chẳng hạn như chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng, cung cấp cơ hội tuyệt vời cho ta hiểu biết nhiều hơn về bản tính người. Hình thức phân tích mà nhờ đó ta có thể nghiên cứu các cơ hội nói trên một cách hữu ích nhất được gọi là môn giải phẫu di truyền [genetic dissection]. Sau khi một bệnh xuất hiện, bất chấp những thận trọng về y khoa, căn bệnh có thể được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm xác định chính xác bộ phận nào trong não bị biến đổi để tìm ra những hoóc môn cùng những tác nhân hóa chất khác điều tiết sự biến đổi đó sao cho không đụng chạm gì tới thực thể bộ não. Như vậy, nhờ sự bất hoạt của một số bộ phận của nó, người ta có thể vẽ biểu đồ cả cỗ máy. Và chúng ta cũng tránh bị rơi vào cái bẫy tình cảm chủ nghĩa của việc gọi thủ
https://thuviensach.vn
tục này là nhẫn tâm; đó là cách chắc chắn nhất để tìm ra một cách chữa bệnh bằng nội khoa cho chính những cán bệnh nói trên.
Hầu hết các đột biến nào biểu hiện rõ rệt để có thể phân tích dễ dàng như dị tật Turner và Lesch-Nyhan thì cũng đều gây ra những khiếm khuyết và bệnh tật. Điều này cũng xảy ra ở các loài vật và loài cây giống như ở con người và hoàn toàn có khả năng xảy ra. Để hiểu tại sao, hãy nghĩ tới sự giống nhau giữa di truyền và cấu tạo tinh tế của một chiếc đồng hồ. Nếu một chiếc đồng hồ bị biến đổi do ta ngẫu nhiên lắc hoặc đập nó, thì giống như thành phần hóa học nào đó trong cơ thể ngẫu nhiên bị biến đổi do một sự đột biến, cũng vậy, hành động nói trên chắc chắn sẽ làm suy giảm thay vì cải thiện tính chính xác của chiếc đồng hồ.
Tuy vậy, tập hợp những ví dụ đầy sức thuyết phục nói trên vẫn bỏ ngỏ những điều cần cật vấn về biến đổi di truyền và quá trình tiến hóa của hành vi xã hội “bình thường”. Thông thường, những đặc tính phức tạp như hành vi đều chịu ảnh hưởng bởi nhiều gien, mỗi gien đó chỉ góp một tỉ lệ nhỏ vào sự kiểm soát tổng thể. Những “đa gien”[67] này không thể được nhận diện theo cách thông thường bằng cách phát hiện và lần theo những sự đột biến làm thay đổi chúng. Người ta buộc phải đánh giá chúng một cách gián tiếp bằng những phương pháp thống kê. Phương pháp được dùng phổ biến nhất trong di truyền học hành vi là so sánh các cặp song sinh cùng trứng với các cặp song sinh khác trứng. Cặp song sinh cùng trứng có nguồn gốc từ một trứng duy nhất được thụ tinh nằm trong dạ con. Hai tế bào được tạo ra từ sự phân tách đầu tiên của trứng, chúng không dính vào nhau để bắt đầu quá trình hình thành một bào thai mà lại tách rời nhau để phát triển thành hai bào thai độc lập. Bởi vì cặp song sinh có nguồn gốc từ hai tế bào giống nhau, mang cùng một nhân và một bộ nhiễm sắc thể duy nhất cho nên chúng giống hệt nhau về
https://thuviensach.vn
mặt di truyền. Trái lại, cặp song sinh khác trứng có nguồn gốc từ hai trứng tách rời nhau chỉ đơn giản tình cờ đi vào trong bộ máy sinh sản và được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau vào cùng một thời điểm. Chúng tạo ra những bào thai gần gũi nhau về mặt di truyền giống như cặp anh chị em được sinh ra vào những năm khác nhau.
Các cặp song sinh cùng trứng và khác trứng cung cấp cho chúng ta một thí nghiệm tự nhiên có đối chứng. Đối chứng nằm ở tập hợp các cặp song sinh cùng trứng: mọi sự khác biệt ở hai thành viên ắt phải do môi trường (loại trừ khả năng xảy ra sự đột biến hiếm hoi và hoàn toàn mới mẻ). Những khác biệt giữa hai thành viên của một cặp song sinh khác trứng có thể do di truyền, môi trường hoặc sự tương tác nào đó giữa di truyền và môi trường. Nếu xét một tính trạng cụ thể, chẳng hạn chiều cao hoặc hình thù của mũi, tính bình quân nếu các cặp song sinh cùng trứng chứng tỏ là gần bằng với nhau hơn so với các cặp song sinh khác trứng cùng giới tính, thì những khác biệt giữa hai loại song sinh này có thể được coi là bằng chứng đầu tiên cho thấy trong chừng mực nhất định đặc điểm đó chịu ảnh hưởng từ di truyền. Sử dụng phương pháp này, các nhà di truyền học đã coi di truyền có liên quan đến sự hình thành một số tính trạng có tác động tới các mối quan hệ xã hội: khả năng về con số, khả năng nói lưu loát, trí nhớ, thời điểm học nói, đánh vần, cấu trúc câu, kỹ năng tri giác, kỹ năng tâm lý - vận động, tính tình hướng ngoại - hướng nội, tình dục đồng giới, tuổi của hoạt động tình dục lần đầu tiên, và một số hình thức nhất định của chứng loạn thần kinh chức năng và chứng rối loạn tâm thần, trong đó có hành vi hưng phấn - trầm cảm [maniac-depressive] và tâm thần phân liệt.
Trong những kết quả nói trên có một cái bẫy khiến ta thấy chúng bớt mang tính chất khẳng định. Các cặp song sinh cùng trứng thường được cha
https://thuviensach.vn
mẹ đối xử giống nhau nhiều hơn so với các cặp song sinh khác trứng. Chúng thường được cho ăn mặc giống nhau, được chăm sóc cùng nhau trong thời gian lâu hơn, được cho ăn theo cùng một cách, v.v. Như vậy, vì thiếu vắng những dữ kiện khác thì khả năng có thể xảy ra là sự giống nhau lớn hơn của các cặp song sinh cùng trứng xét cho cùng có thể là do yếu tố môi trường. Tuy nhiên, có những phương pháp kỹ thuật mới mẻ, tinh vi hơn để có thể xem xét yếu tố bổ sung này. Một phương pháp tinh vi như vậy đã được nhà tâm lý học John C. Loehlin và Robert C. Nichols sử dụng để phân tích lai lịch và thành tích của 850 cặp song sinh tham gia kỳ thi Học bổng Tài năng Quốc gia [National Merit Scholarship] năm 1962. Không chỉ những sự khác biệt giữa các cặp song sinh cùng trứng và các cặp song sinh khác trứng, mà cả môi trường sống của các đối tượng lúc họ còn nhỏ đều được nghiên cứu và đánh giá cẩn thận. Kết quả cho thấy rằng việc các cặp song sinh cùng trứng nói chung được đối xử giống nhau nhiều hơn không đủ để giải thích cho sự giống nhau lớn hơn của họ về những năng lực chung, những đặc điểm tính cách, hoặc thậm chí lý tưởng, mục tiêu và mối quan tâm hướng nghiệp. Kết luận được rút ra là: hoặc sự giống nhau này phần lớn dựa trên sự gần gũi về di truyền, hoặc nếu không phải vậy thì có những nhân tố môi trường đã tác động nhưng các nhân tố này các nhà tâm lý học vẫn chưa nhận ra.
Cảm tưởng chung của tôi về những thông tin hiện có là: người homo sapiens là một loài động vật thông thường xét trên phương diện chất lượng và tầm ảnh hưởng của tính đa dạng di truyền tác động lên hành vi. Nếu sự so sánh này là chính xác, thì tính thống nhất về tinh thần của loài người đã bị giáng cấp từ địa vị của một giáo điều xuống chỗ là một giả thuyết có thể trắc nghiệm được.
Tôi cũng tin rằng chúng ta sẽ sớm có khả năng nhận diện được thêm
https://thuviensach.vn
nhiều gien gây ảnh hưởng tới hành vi. Nhờ có tiến bộ về công nghệ nhận diện những khác biệt nhỏ nhặt nhất trong những hợp chất hóa học được quy định bởi các gien, nên hiểu biết của chúng ta về những chi tiết tinh tế của sự di truyền ở con người đã tăng vọt trong 20 năm qua. Năm 1977, nhà di truyền học Victor McKusick và Francis Ruddle công bố trên tạp chí Science (Khoa học) rằng họ đã phân biệt được 1.200 gien; trong số đó, 210 gien đã được xác định vị trí trên một nhiễm sắc thể cụ thể và ít nhất một gien có mặt trong một trong hai cặp nhiễm sắc thể của 23 cặp nhiễm sắc thể. Hầu hết các gien đó về căn bản đều tác động về mặt đặc điểm hóa sinh hoặc đặc điểm giải phẫu có ảnh hưởng tối thiểu tới hành vi của con người. Song, một số gien tác động tới hành vi theo những cách thức quan trọng và một vài sự đột biến về hành vi có liên hệ mật thiết với những thay đổi đã biết về hóa - sinh. Ngoài ra, những sự kiểm soát hành vi khó nhận thấy được biết đến là sự kiểm soát có kết hợp với những thay đổi về mức độ hoóc môn và chất dẫn truyền tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh. Các chất enkephalin[68] và endorphin được phát hiện gần đây đều là những chất giống như protein với cấu trúc tương đối đơn giản, chúng có thể tác động sâu sắc tới tâm trạng và tính khí. Chỉ một sự đột biến duy nhất làm thay đổi bản chất hóa học của một hay cả hai chất nói trên cũng có thể làm thay đổi cá tính của người mang đột biến đó, hoặc chí ít cũng làm thay đổi khuynh hướng phát triển ở người đó một cá tính này thay vì cá tính khác trong cùng một môi trường văn hóa đã cho. Như vậy, vấn đề có thể là, và theo đánh giá của tôi thậm chí là chắc hẳn, chúng ta sẽ sớm vẽ được bản đồ vị trí của các gien trên những nhiễm sắc thể có tác động gián tiếp tới những hình thái hành vi phức tạp nhất. Những gien đó không chắc đã quy định những mẫu hình cá biệt của hành vi; sẽ không có bất kỳ sự đột biến nào [về gien] để giải thích cho một thói quen tình dục hoặc cách ăn mặc cá biệt. Điều có khả năng xảy ra hơn đó là các gien liên quan
https://thuviensach.vn