🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Văn Hóa Việt Nam Với Đông Nam Á
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : VĂN-HOÁ VIỆT-NAM VỚI ĐÔNG-NAM-Á Tác giả : NGUYỄN-ĐĂNG-THỤC
Nhà xuất bản : VĂN-HOÁ Á-CHÂU
Năm xuất bản : 1961
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : Thanhbanhuu, doraemin,
ThaoPham, Quach trang, Thanhbanhuu,
quynhchau, seira.tran, mocklov
Kiểm tra chính tả : Mạc Tú Anh, Vũ Thị Diễm Tuyết, Trần Trung Hiếu, Lê Mỹ Hương, Lưu Nguyễn Thị Hợp, Trần Ngô Thế Nhân, Trương Thu Trang
Biên tập chữ Hán – Nôm : Blue
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 21/06/2018
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn tác giả NGUYỄN-ĐĂNG-THỤC và nhà xuất bản VĂN-HOÁ Á-CHÂU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
THAY LỜI TỰA
ĐỊA-LÝ VĂN-HÓA Á-CHÂU
DANH-TỪ ĐÔNG-NAM-Á
ĐỊA-LÝ NHÂN-VĂN
Phi-luật-Tân (Philippine)
Anh-đô-nê-di hay Nam-dương quần-đảo (Indonesie)
Liên-Bang Mã-Lai (Malaisie)
Thái-Lan (Thailande)
Miến-Điện (Birmanie)
Lào (Laos)
Cao-Miên (Cambodge)
Việt-Nam
ĐẶC-TÍNH VĂN-HÓA CHUNG ĐÔNG-NAM-Á
Lịch-sử Văn-hóa Đông-Nam-Á
Cổ-sử Văn-hóa bản-sứ
Sự tiếp xúc với văn hóa Ấn-độ Trung-hoa
Phù-Nam
Champa
Thế lực Mã-Lai và quần-đảo
Thế lực Java
Bán-đảo Đông-dương với sự gặp-gỡ của hai nền văn-hóa Ấn-Hoa Sự bành trướng của giống Thái
Thái-tộc với sự thành lập các quốc gia Siam và Lào
https://thuviensach.vn
Vạn Tượng
Cuộc Nam-tiến của Việt-Nam
KHU-VỰC ĐÔNG-NAM-Á VỚI CUỘC GẶP GỠ ĐÔNG TÂY CẬN ĐẠI
Xã hội Nông-nghiệp với Xã hội Công-thương
ĐÔNG-NAM-Á ĐỨNG TRƯỚC CUỘC CÁCH-MỆNH KỸ-NGHỆ ÂU-TÂY CẬN-ĐẠI
TINH-THẦN TAM-GIÁO TRONG VĂN-HÓA VIỆT-NAM và ĐÔNG NAM-Á
Tín-ngưỡng của Nho-giáo
Tín-ngưỡng của Lão-giáo
Tín-ngưỡng của Phật-giáo
Thiền-Tôn với Vấn-đề Đồng-nguyên Tam-giáo
Tinh-Thần Truyền-Thống Việt-Nam
KẾT-LUẬN
THƯ-TỊCH YẾU-LƯỢC
https://thuviensach.vn
NGUYỄN-ĐĂNG-THỤC
VĂN-HOÁ VIỆT-NAM với
ĐÔNG-NAM-Á
VĂN-HOÁ Á-CHÂU
https://thuviensach.vn
CÙNG MỘT TÁC-GIẢ
- Đại-Học (Tứ Hải – Hànội 1949)
- Triết-lý nhân sinh Nguyễn-công-Trứ (Nha Tổng Giám-Đốc Thông Tin – Hànội 1950)
- Tinh-thần Khoa-học Đạo-học (Việt-Nam Văn-Hóa Hiệp-Hội – Hànội 1953)
- Dân-Tộc tính (Văn-hóa-vụ – Saigon 1956)
- Lịch-sử triết-học Đông-Phương cổ-đại Trung-Hoa (Tập I, II) (Linh Sơn – Saigon 1956)
- Lịch-sử triết-học Đông-Phương cổ-đại Ấn-Độ (Tập III) (Đông phương – Saigon 1959)
- Triết-lý văn-hóa Việt-Nam khái-luận (Văn-Hữu Á-Châu – Saigon 1959) - Triết-học Đông-Phương (Bộ Quốc-gia Giáo-Dục, in lần thứ nhất 1958, in lần thứ hai 1960)
- Democracy in traditional Vietnamese society (Departement of National Education Republic of Vietnam – Saigon 1960)
- Vietnamese Humanism (University of Hawaii Press – 1961)
https://thuviensach.vn
VĂN-HÓA VIỆT-NAM VỚI ĐÔNG NAM Á CỦA GIÁO-SƯ NGUYỄN ĐĂNG-THỤC DO HỘI VIỆT-NAM NGHIÊN-CỨU LIÊN-LẠC VĂN HÓA Á-CHÂU XUẤT-BẢN LẦN THỨ NHẤT IN XONG NGÀY 12-4- 1961. NGOÀI 2000 BẢN TRÊN GIẤY THƯỜNG CÒN IN THÊM 200 BẢN TRÊN GIẤY BLANG FIN, KHÔNG BÁN.
https://thuviensach.vn
Vị-trí địa-lý Việt-Nam tại Đông-Nam-Á
https://thuviensach.vn
THAY LỜI TỰA
CÓ dư-luận cho rằng rồi đây một thị-trường chung sẽ phải thành hình cho khu-vực Đông-nam-Á-Châu. Sự liên-kết kinh-tế sẽ cho phép mỗi quốc gia trong khu-vực thêm nhiều may mắn tự-tồn và phát-huy. Một ý-kiến đẹp cần được đón nhận và nghiên-cứu.
Nhưng trên bình-diện quốc-tế, tổ-chức chính-trị, kinh-tế, quân-sự, tự bản chất mang nhiều mâu-thuẫn, nhiều dị-biệt nội-tại, và thường do nhu cầu tương-đối nhất thời đòi hỏi tạo ra, nên không đủ đảm bảo cho sự liên kết lâu dài mong muốn.
Cuốn « Văn-Hóa Việt-Nam với Đông-Nam-Á » nhằm một tham vọng nhỏ :
- nghiên-cứu và trình-bày đại-cương một vài dữ kiện địa-lý, nhân chủng, lịch-sử, kinh-tế nhất là triết-lý và tôn-giáo, đã cùng chung đúc nên đặc-tính con người Đông-Nam-Á nói chung. Để chứng tỏ rằng, khu-vực này, tự ngàn xưa vốn có những điểm đồng-quy nhất là trong ngoại-phát của tinh-thần xử thế tiếp vật.
- góp phần gây một ý-thức mãnh-liệt về tầm quan-trọng của thực-chất văn-hóa và vai trò quyết-định của nó trong cuộc tranh đấu không ngừng của mỗi quốc-gia qua các thời-đại.
Đúng theo nguyên-tắc quá-khứ đảm bảo tương-lai, mọi dự-tính tương tự như một thị-trường chung cho Đông-Nam-Á, đều phải xây-dựng trên những yếu-tố căn-bản văn-hóa, vốn đã là mối giây thông-cảm và liên-lạc cho khu-vực từ nhiều thế-kỷ.
Tác-giả cũng muốn phát-biểu ý-kiến rằng, mọi đề-nghị nhằm đoàn-kết các dân-tộc thuộc khu-vực để bảo-tồn và tô-điểm cho tinh-thần văn-hóa truyền thống, chống lại hăm dọa của mọi trào-lưu khuynh-đảo bất cứ từ đâu tới, sẽ gặp ở dân-tộc Việt-Nam một niềm hân-hoan đón tiếp và nhiệt tình cộng-tác. Người Việt-Nam vốn có tâm-hồn dung-hợp, và sống trong
https://thuviensach.vn
mối tình lân bang kính trọng tư-tưởng và tập-quán người khác. Người Việt Nam chỉ có một tự-hào và một sinh-lực : đồng-hóa tinh hoa văn-hóa các dân-tộc bạn.
Giáo sư Nguyễn-đăng-Thục có đầy-đủ thẩm-quyền để hầu chuyện văn hóa với đồng-bào trong nước cũng như các bậc thức-giả miền Đông-Nam Á. Uy-tín của Ông trong nhiều năm tháng trao đổi ý-kiến với đồng-bào cũng như trong những cuộc xuất-ngoại để hội-ý với các nhân-vật ở Ấn-độ, Tích-lan, Đài-loan, Nhật-bản, Miến-điện v.v… chứng thực điều đó.
Viết mấy giòng thô thiển này, tôi không dám đề tựa hay giới-thiệu một nhà văn-hóa độc-giả đã biết, mà chỉ để cảm-thông với tác-giả và Quí-vị đọc cuốn sách này.
Saigon, ngày 6 tháng 4 năm 1961
LÊ-THÀNH-TRỊ
Tiến-Sĩ Triết-Học
Tổng thư-ký
Hội Việt-Nam Nghiên-Cứu
Liên-Lạc Văn-Hóa Á-Châu.
https://thuviensach.vn
ĐỊA-LÝ VĂN-HÓA Á-CHÂU
XƯA nay đã có biết bao nhiêu quan-điểm về vấn-đề văn-hóa Đông phương và Tây-phương. Có thể nói lịch-sử cận-đại chỉ chạy chung quanh vấn-đề ấy mà thôi. Có quan-điểm cho Đông-phương là Đông-phương mà Tây-phương là Tây-phương, hai bên không thể gặp nhau, như văn-hào Anh-Cát-Lợi viết :
East is East and West is West
Never the twain can meet.
Đây là một quan-điểm phổ-thông hơn hết trong dư-luận thế-giới.
Có quan-điểm lại cho không phải vấn-đề tinh-thần nhân-loại có Đông hay có Tây mà là vấn-đề vật-chất với tinh-thần, như thi-hào Ấn-Độ viết :
Man is man and machine is machine
Never the twain can meet.
(Người là người và máy móc là máy móc, hai đàng không thể gặp nhau).
Lại cũng còn nhiều quan-điểm khác như kẻ thì cho văn-hóa Đông phương thì tĩnh mà văn-hóa Tây-phương thì động, hay là văn-hóa Đông phương bảo-thủ, văn-hóa Tây-phương tiến-hóa v.v… Rồi cứ theo cái đà luận-điệu bao-biện « vơ đũa cả nắm » như phương-ngôn Việt-Nam thường
nói, người ta dần dần coi Đông và Tây như hai danh-từ, hai khái-niệm trừu tượng đứng biệt lập hẳn lên như hai cá-thể lơ lửng giữa không trung « chân không bén đất, cật không bén trời » không còn liên-quan gì đến lịch-sử hay địa-lý, khí-hậu, nghĩa là không có quan-hệ với không-gian và thời-gian, trong đó nhân-loại sống còn sinh-hoạt. Nếu hai danh-từ Đông-phương và Tây-phương đối với chúng ta còn có được ý-nghĩa gì thiết-thực, không phải là hai khái-niệm trừu-tượng mơ hồ thì chúng ta không thể xét chúng ly-khai đoạn-tuyệt với con người thực-tế, con người bằng da bằng thịt luôn luôn sinh-hoạt ở trong những điều-kiện thời-gian và không-gian, trong hoàn-
https://thuviensach.vn
cảnh lịch sử, địa-lý, khí-hậu và xã-hội. Đông-phương với Tây-phương tóm lại chỉ là các trạng-thái sinh-hoạt khác nhau của một nhân-loại biết yêu biết ghét, biết tìm hiểu và biết sống theo những lý-tưởng nó đã tìm hiểu và tin. Những trạng-thái sinh-hoạt ấy trước hết ngụ ý nghĩa sống còn và tiến-hóa, Nhân-loại không thể sống còn và tiến-hóa được nếu nó không thích-ứng điều-hòa được trước hết với hoàn-cảnh thiên-nhiên, với khí-hậu và địa-lý, không để cho chúng tiêu-diệt. Đây là một điều tiên-quyết khi chúng ta muốn tìm hiểu hay so-sánh Đông-Tây vì Đông-Tây là hai phương-diện sinh-hoạt của nhân-loại ở hai hoàn-cảnh địa-lý khí-hậu khác nhau trên mặt đất kể từ khi có nhân-loại hiện ra.
Bởi vậy mà nghiên-cứu văn-hóa Á-Châu, trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu chính cái địa-bàn sân khấu trên đó nhân loại Á-Châu kể từ lúc khởi thủy của lịch-sử đã phô diễn những hoạt-động giao dịch với thiên nhiên, từ các nhóm người nhỏ ở các khu-vực dần dần mở rộng ra các khu vực lớn của lục-địa Á-Châu và trở nên những khối nhân-loại vĩ-đại hàng triệu, gồm nhiều ngôn-ngữ khác nhau với chủng-tộc khác nhau vậy. Loài người sinh-hoạt trong một hoàn-cảnh thực-tế nào, ắt phải chịu ảnh-hưởng sâu xa của hoàn-cảnh, và những ảnh-hưởng đầu tiên ấy, chắc hẳn đã in dấu khá thâm sâu vào cá-tính văn-hóa và văn-minh của nó sau này, nếu chẳng phải đã quyết-định một phần lớn vào khuynh-hướng riêng biệt của từng hoàn-cảnh, từng khu-vực văn-hóa như khu-vực Đông với Tây, hay Trung Hoa với Ấn-Độ.
Lương-Khải-Siêu từng viết :
« Cực hàn cực nhiệt chi địa, kỳ nhân cùng nhật chi lực, dĩ ứng phó thiên-nhiên giới chi tiến bách, do thả bất cập, dĩ cổ văn-minh chi lịch-sử, độc khởi ư ôn đới. Phù khốc nhiệt chi thời, sử nhân tinh-thần hôn trầm, dục dữ thiên-nhiên lực tương-tranh nhi bất khả đắc.
« Nghiêm hàn chi thời, sử nhân tinh thần, tiều tụy dữ thiên nhiên lực tương để đại kịch, nhi cánh vô dư lực dĩ cập kỳ tha. Nhiệt đới chi nhân, đắc y thực thái dị, nhi bất tư tiến thủ. Hàn đới chi nhân, đắc ý thực thái nan, nhi
https://thuviensach.vn
bất năng tiến thủ. Duy cư ôn đới giả, hữu tứ thời chi biến thiên, hữu hàn thử chi đại tạ, cẩu phi lao lực, tắc bất túc dĩ tự cấp. Cẩu năng lao lực, diệc tất đắc kỳ báo thù. Tỉ văn-minh chi quốc dân, sở dĩ khởi ư bắc bán-cầu, chi đại nguyên dã. » 1
Nghĩa là :
« Đất rét quá hay nóng quá, người ta phải dùng hết sức hàng ngày để đối phó với sự bức bách tiêu-mòn của thiên-nhiên, mà cũng còn không kịp. Bởi thế mà lịch-sử văn-minh chỉ bắt đầu ở nơi ôn-đới. Thời tiết quá nóng khiến cho người ta tinh thần mờ ám, muốn cùng với sức thiên-nhiên tranh thắng mà không được.
« Thời-tiết quá lạnh khiến người ta tinh-thần tiều-tụy, cùng với sức thiên-nhiên chống cự kịch liệt quá đến nỗi không còn thừa sức để lo việc khác nữa. Nhân-dân miền nhiệt-đới, có được sự ăn mặc dễ dàng, mà không nghĩ đến sự tiến-thủ nữa. Nhân dân miền hàn đới khó khăn mới có được ăn mặc thì không thể tiến-thủ được. Duy chỉ có ở miền ôn-đới, bốn mùa biến thiên, có nóng có lạnh đắp đổi lẫn nhau, nếu không lao lực thì không đủ để tự cung-cấp, nếu có thể lao-lực thì cũng có được sự đền bù. So sánh dân-tộc các nước văn-minh thì thấy nguồn gốc chính bắt đầu ở phía bắc bán-cầu vậy ».
Trên đây họ Lương cũng đồng tình với các nhà nhân-văn-học hiện-đại mà xác-nhận ảnh-hưởng trọng đại của hoàn-cảnh địa-lý khí-hậu vào cách thức sinh-hoạt và tư-tưởng của nhân-loại. Đành rằng nhân-loại thích-ứng với hoàn-cảnh khác với cầm-thú ở chỗ không hoàn-toàn thụ động mà luôn luôn phản-động lại tìm biến-đổi thiên-nhiên, lợi-dụng nguyên-liệu để tăng
cường cho sự sống, do đấy mà chỉ có nhân-loại mới sáng tạo được văn hóa với văn minh. Nhưng dù sao ngay từ bước đầu, ảnh-hưởng của khí-hậu địa lý quyết-định chiều tiến-hóa của nhân-loại ở các khu-vực Đông hay Tây. Bởi vậy mà muốn tìm hiểu chiều khác nhau ấy để cải-thiện lẫn nhau, chúng ta cần phải xét tới hoàn-cảnh địa-lý, khí-hậu vậy.
https://thuviensach.vn
Hoàn-cảnh địa-lý, khí-hậu của văn-minh Đông-Tây khác nhau ở ngay từ nguồn gốc khởi phát. Văn-minh Đông-phương ở khu-vực Trung-Hoa hay Ấn-Độ đã nẩy-nở tại lưu-vực các dòng sông lớn giữa lục-địa chạy dài không gián đoạn từ ôn-đới xuống nhiệt đới, còn văn-minh Tây-phương ở khu-vực Hy-Lạp hay La-Mã đã sinh trưởng ở nơi hải-đảo hay bán-đảo chính giữa ôn-đới hầu như cách biệt với lục-địa. Do đấy mà ngay từ bước đầu nhân-loại Tây-phương đã hướng về đường thông-thương để phát-triển, còn nhân-loại Đông-phương hướng về đường canh-mục. Canh-mục dựa vào thiên-nhiên để sinh sống, mà thông-thương thì phải tranh thắng với trở ngại thiên-nhiên, trước hết là sóng biển ngăn cách đảo nọ sang đảo kia. Ở ngay bước đầu ấy, chúng ta có thể thấy nẩy nở những tính-tình khác khác nhau như hiếu động và hiếu tĩnh và đồng thời quan niệm khác nhau về sự vật. Tây-phương quan-niệm Người với thiên nhiên đối-lập nhau, thù nghịch nhau như hai thế-giới cách biệt bằng một cái hố bất khả xâm-phạm : vật và tâm.
Trái lại Đông-phương lại quan-niệm Thiên-Địa-Nhân, ba « tài » quán thông, thế-giới là một hòa-điệu thái-hòa. Về điểm này, thi hào Ấn, R. Tagore đã viết rất bóng bẩy :
« Chúng ta có thể nhìn một con đường ở hai phương-diện khác nhau : Một là chúng ta có thể nhìn ở con đường ấy như là cái gì nó làm xa cách chúng ta với vật ta mong muốn. Và như thế thì mỗi bước chúng ta đi trên con đường ấy là một bước đường tranh-thủ bằng sức lực chống đối với các chướng ngại vật. Hai là người ta cũng có thể xem con đường kia như con đường giắt ta đến mục-đích của chúng ta, và ở trong quan-điểm này thì con đường kia là thành phần thuộc về mục-đích, nó đã là bước đầu thắng-lợi của chúng ta. Trong khi đi trên đường chúng ta chỉ thu lượm được những gì nó tự-nhiên cống-hiến cho chúng ta. Quan-điểm thứ hai này là quan-điểm của Ấn-Độ nhìn thiên-nhiên. Điều cốt-yếu đối với chúng ta là chúng ta với thiên-nhiên hòa-hợp. Người ta có thể tự duy trì là vì những ý tưởng của mình có chỗ hòa hợp với sự vật. Nếu người ta có thể lợi dụng những mãnh lực thiên nhiên cho mục tiêu của mình là chỉ vì năng lực của mình hòa-hợp
https://thuviensach.vn
với thế-lực đại-đồng. Rút cục thì sự nỗ-lực của người không có thể bao giờ trái nghịch với mục-đích biểu-hiện ra ở thiên-nhiên.
« Thiên-nhiên ở Tây-Phương theo cảm-tưởng thông-thường trái lại chỉ thuộc về giống vô tri-giác cầm-thú. Người ta tưởng như thấy có một sự đứt đoạn không giải-thích nổi ở ngay tại chỗ khởi điểm của nhân-tính. Đối với Tây-phương, tất cả cái gì thấp kém trên cầu thang tiến-hóa thì chỉ là thiên nhiên và tất cả cái gì mang dấu thành-tựu về tri-thức hay đạo-đức là thuộc về nhân-loại. Khác nào người ta xếp đặt bông hoa và nụ hoa vào hai phạm trù riêng biệt, và người ta gán cái đẹp cho hai nguyên-lý mâu-thuẫn và khác-biệt. Tinh-thần Ấn-Độ trái lại, không từng ngần-ngại thừa nhận sự thân-thuộc giữa người với thiên-nhiên và sự liên-tục trong sự tương-quan của mình với vạn-vật.
« Đối với Ấn-Độ, lý đồng-nhất tính căn-bản của tạo-hóa không phải là một đề-tài suy luận triết-học. Cứu-cánh của đời sống là thực-hiện cái đại hòa-điệu trong tình-cảm và trong hành-vi. Bằng tâm niệm và tinh-thần cung-kính, và bằng sự quy-chế hóa đời sống, Ấn-Độ đã tu sửa tâm hồn để cho tất cả đều có một ý-nghĩa tâm-linh. Đối với nó, đất, nước và ánh sáng, hoa, trái, không phải chỉ là những hiện-tượng vật-lý người ta lợi-dụng để rồi bỏ đi. Chúng là những vật cần-thiết cho nó để đạt tới lý tưởng hoàn toàn cũng như trong một bản nhạc thì mỗi một thanh âm đều hướng vào toàn bộ cộng-đồng. Ấn-Độ đã cảm-thông bằng trực giác cái thực-tại cốt-yếu của vũ-trụ đối với chúng ta có một ý nghĩa sống còn, chúng ta phải ý-thức lấy cho đầy đủ và thiết-lập với vũ-trụ những quan-hệ khiến cho chúng ta thực hiện được cái thực-tại ấy trong tinh-thần tương-ái, với một bầu lạc-cảm, an hòa, quảng-đại chứ không phải chỉ có sự khích-động của khoa-học tò mò hay là của sự cầu lợi vật-chất ». 2
« Tất cả những nhận-định trên đây của thi-hào Tagore đối với khuynh hướng truyền-thống của văn-hóa Ấn-Độ có thể thích-hợp hoàn-toàn cho văn-hóa Trung-Hoa. Cái điểm xuất-phát của văn-hóa Ấn-Độ, nhìn vũ-trụ là một đại hòa-điệu để rồi tìm thực-hiện ở tâm-hồn đến chỗ quân-bình toàn diện thì cũng chính là cái điểm xuất phát ở văn-hóa truyền-thống Trung-
https://thuviensach.vn
Hoa như viết trong bộ kinh tối cổ là Kinh Dịch. Mở đầu, kinh Dịch viết : 各 正性命保合太和乃利貞 3
« Các chính tính-mệnh, bảo hợp thái hòa nãi lợi trinh.
« Trong vũ trụ, mỗi vật riêng biệt đều giữ cái đường tiến-hóa của bản tính cho ngay chính, bảo vệ và hòa-hợp với hòa-điệu đại-đồng thì lợi-ích lâu dài ». 2
Và Khổng-Tử tuy là một nhà luân-lý chính-trị thực-tiễn, nhưng cũng không mãn-nguyện với tri-thức hay tình-cảm về cái thực-tại của vũ-trụ ấy mà còn nhằm thực-hiện nó ở tại tâm-hồn đến cảnh-giới lạc-cảm đầy đủ. Cho nên Ngài nói ở Luận-ngữ :
« Biết đạo không bằng yêu đạo
Yêu đạo không bằng vui đạo »
« Tri chi bất như hiếu chi 知之不如好之 4
Hiếu chi bất như lạc chi 好之不如樂之 ».
Không cần chứng-minh dài lời, chúng ta chỉ cần biết rằng tuy văn-hóa Ấn-độ và Trung-Hoa có nhiều điểm khác nhau, một đàng thì nặng về thần bí, một đàng thiên về thực-tế, nhưng cả hai đều chung một khởi-điểm căn bản, là tin vào cái gì truyền-thống trường-cửu ở vũ-trụ và thế-giới. Tất cả
hiện-hữu đều nằm trong cái truyền-thống ấy, và cái thực-tại truyền-thống ấy linh-động không phải là vấn-đề lý-thuyết mà là một vấn-đề thực-hiện phải sống bằng sự tu sửa tự bên trong tâm hồn, để ảnh hưởng ra ngoài nhân quần xã-hội và thiên-nhiên, và đồng-thời sự hoạt-động ở xã-hội và thiên-nhiên phải đi đến mục-đích tu sửa tâm hồn, mở rộng nhân bản đến quân bình toàn diện.
Truyền thống ấy là một tín ngưỡng do địa-lý, khí-hậu từ lúc khởi-thủy đã ấn định vào tâm-não của dân-tộc Á-Châu. Chúng không quen nhìn sự vật trong vũ-trụ đối-lập cái nọ với cái kia mà từ cá-nhân đến đoàn-thể, từ bộ-lạc đến quốc-gia, thiên-hạ, từ nhân-loại đến thiên-nhiên, chúng cầu tìm
cái dòng sáng-tạo cộng thông liên-tục để mà thể-hiện. Bởi vậy mà các biên-
https://thuviensach.vn
giới chính-trị hay kinh-tế, chủng-tộc hay dân-tộc, giai-cấp quí-tộc hay bình dân, tâm hay vật chỉ có ý-nghĩa tương-đối và luôn luôn biến-hóa. Nếu Vật hòa vào Tâm hay Tâm hòa với Vật thì không còn là hai phạm-trù đối-lập mâu-thuẫn là vì Á-Châu đã tín-ngưỡng vào cái gì truyền-thống, cái gì trường-cửu linh-động như một nguồn sống đại-đồng vô-hạn trôi chẩy không ngừng, ngày đêm bất chỉ bên trong thế-giới biểu-hiện ra hai phương diện Vật và Tâm.
Sinh sinh chi vị dịch
Sống Sống hoài gọi là biến dịch
hay là : Thiên địa chi đại đức viết sinh 天地之大徳曰生 (Cái đức lớn nhất của trời đất là nguồn sống). 5
Cái nguồn sống sáng-tạo, sinh sinh ấy mà Á-Châu lấy làm thực-thể truyền-thống, trường-cửu của vũ-trụ thiên-biến vạn-hóa chính đã do cái địa-lý và khí-hậu của lục-địa mênh mông, cây cỏ tươi tốt gợi ra và in sâu trong tâm-hồn nhân-dân nông-nghiệp Á-Châu.
« Người trồng cấy lúa hành-động với cách-thức tương-tự những nghi thức ma-thuật hay tôn-giáo ; những hành-động của nó không có một hiệu quả tức thì. Gặp thời-tiết nhất định trong năm, do vị-trí các ngôi sao đã vạch ra cho nó, nó bắt đầu làm đất, một công việc kỳ lạ không trông thấy
kết-quả cụ-thể ngay. Trong đám đất đã xới lộn ấy, nó đã đặt những củ hay hạt giống ăn được mà có lẽ nó cần dùng để nuôi thân. Sau đấy, một khi đã làm xong những động-tác tập-truyền ấy, nó đợi chờ.
« Nó bảo vệ các khoảnh đất đã cấy hay đã gieo ấy bằng hàng rào và ngăn-cản các giống vật khác không quấy nhiễu sự nẩy nở của các mầm mống kia. Nó tự bảo vệ một cách tiêu-cực. Một vài tháng sau, nó thu hoạch gấp bội kết-quả của những vật nó đã đặt xuống đất.
« Công việc của người chăn nuôi súc-vật thì khác hẳn, súc-mục bốn chân, và nhất là cừu, sinh sống cũng như người và sinh đẻ dưới mắt nó cũng một lối. Sự sinh-sản của mục-súc như vậy thì ít có vẻ bí-hiểm so với đất-đai. Nhưng nó cần có sự trông nom và can-thiệp luôn luôn của người.
https://thuviensach.vn
Mỗi ngày phải trông nom, coi sóc, dắt đi cho ăn uống ; phải che chở chúng chống với thú dữ và chống với người khác đến phải chiến-đấu. Phải lo cho chúng thức ăn : du-mục di-chuyển để tìm cỏ và thức ăn nước uống cần-thiết cho súc-vật. Phải nghĩ hộ cho nó và trông nom một cách tích-cực.
« Người ta đã có thể tưởng-tượng sự khác nhau về tính-tình Tây phương và Viễn-đông khi qui về sự biện-biệt giữa mục-đồng, nông-phố. Tính-tình Tây phương là tính tình của mục-đồng, tính tình của Đông phương là tính-tình của nông-phố ». 6
Và tác giả trên đây kết-luận vũ-trụ quan khác nhau của tính-tình mục đồng Tây-phương và tính-tình nông-phố Đông-phương :
« Trung-Hoa và Ấn-Độ xưa, dung-hòa nhân-loại với vũ-trụ, đã đối-lập cái mà chúng ta gọi là phiếm-thần với nhị-nguyên căn-bản của Âu-châu thời cổ. Sản-phẩm của sự phát-triển nền văn-minh nô-lệ cổ xưa, kể từ thời kỳ-tích Hy-lạp, quan-niệm nhị-nguyên ấy sẽ là dụng cụ tinh-thần chính của tư-tưởng Tây-phương. Nhưng cái văn-hóa ấy, coi con người như cái máy đã sớm khích-động ra những sự phản-động lại. Ở phương-diện luân-lý, sự phản-động chính đã là sự khôi-phục lại bản tính thiêng-liêng nhân-loại và sự phân-biệt hẳn nhân-loại với động-vật khác. Sự khôi phục ấy bành-trướng rất mạnh với giáo-lý Giáng-sinh, cơ-bản của đạo Cơ-Đốc. Ngôi sáng-tạo và chúa-tể vũ trụ, Thượng-Đế xuống làm người và để tham gia và khôi-phục lại nhân-tính ».
Quan-niệm phiếm-thần trong văn-hóa truyền-thống Á-Châu không phải có ý-nghĩa duy-vật, kéo nhân-tính thoái-hóa xuống hàng vô-tri giác và cầm thú, mà trái lại như đã nói ở trên, nó tin vào một lý-tính trường-cửu, truyền-thống bản-tính siêu nhiên và tồn-tại trong cái hệ-thống « Tam Tài » Thiên, Địa, Nhân.
Thành tính tồn tồn đạo nghĩa chi môn. 成性存存道義之門 Thành-tựu cái bản-tính trường-cửu là cửa ngõ cho đạo-lý và cho nghĩa-lý. 7
https://thuviensach.vn
Bản tính trường-cửu, bản-ngã tâm-linh hay là nhân-vị thiêng-liêng đều là những danh-từ để nói về cái nguyên-lý siêu-nhiên trong cái hệ-thống Tam Tài nhất nguyên là Thiên Địa Nhân, trong đó nguyên-lý siêu-nhiên đứng ở trên bình-diện biểu-hiện của lương nguyên tâm vật mâu thuẫn đối đãi. Chừng nào chúng ta quan-niệm thế-giới hiện-hữu chỉ có vật-chất với tinh-thần xung-đột, mâu thuẫn với nhau, mà chúng ta tìm cách giải-quyết sự mâu-thuẫn ấy bằng cách lấy tinh-thần diệt vật-chất hay lấy vật-chất diệt tinh-thần, nghĩa là chúng ta giản-dị hóa bằng cách trừ bỏ một phương-diện đi, ấy là chúng ta đã giải-quyết trong sự ngu-muội không tưởng, vì như thế thì hết cả thế-giới sinh-thành hiện-hữu.
Ông Trần-đức-Thảo, trước đây ở Paris đã lên tiếng bênh-vực triết-lý Mác-Xít, muốn nhờ triết-học Mác-Xít để phục-hưng triết-lý nhân-bản truyền-thống Đông-phương. Trong đầu óc trí-thức duy-vật của ông, ông đã ngộ nhận bộ mặt nhất nguyên bề ngoài của triết-lý Mác-Xít mà cho nó giống với quan-niệm nhất nguyên Tam Tài cố-hữu Á-Châu. Cho nên ông đã viết :
« Tư-tưởng Đông-phương từ xưa đến nay không phân-biệt vật-thể và tinh-thần, tự-nhiên và ý-niệm, vậy hiểu một cách dễ dàng phương-pháp duy-vật biện-chứng, chưng bầy cuộc biến-chuyển từ Vật-Sinh-Tâm. Chủ nghĩa Mác-Xít tương-phản với hình-thức văn-minh Âu-Tây, đã gặp nội dung thiết thực ở Đông-phương, mà Đông-phương trở nên cách-mạng lại gặp trong hình thức Mác-Xít một cách phục-hưng tinh-thần cựu-truyền trên lập-trường nhân-bản phổ-biến ». 8
Sở dĩ tư tưởng Đông-phương không phân lý Vật với Tâm là vì không nhìn sự-vật bằng con mắt trí-thức, cho nên Tâm với Vật chỉ là hai phương diện biểu-hiện của một thực-thể siêu-nhiên. Vật với Tâm cũng như Âm với Dương, mà ở trong Dương có Âm và trong Âm cũng có Dương (Âm trung chi Dương, Dương trung chi Âm). Nhưng Âm-Dương hay Vật-Tâm không phải hai khái-niệm trí-thức bản-nhiên mâu-thuẫn, vì mâu-thuẫn thì không thể gặp nhau mà tiêu-diệt lẫn nhau. Vậy nếu có cuộc sinh-thành biện-chứng mâu thuẫn là vì sự mâu-thuẫn ấy chỉ là ảo-ảnh của trí-thức mê-muội lấy sự
https://thuviensach.vn
biểu-hiện ảo-hóa làm thực-tại tuyệt-đối. Vật tự nó không thể sinh được tâm mà tâm cũng không sinh được vật, chừng nào vật với tâm ly-khai đoạn tuyệt với cái thực-thể siêu-nhiên nguyên-thủy. Muốn sinh-thành thì tất phải có sự hòa-hợp, đã hòa-hợp thì không còn xung-đột mâu-thuẫn. Vậy ở bình diện mâu-thuẫn, đối-đãi của vật-tâm thì không thể sinh-thành. Cái khả-năng sinh-thành phải thuộc về cái Lý Duy-Nhất sáng-tạo ở trên bình-diện mâu thuẫn, đối đãi, Âm-Dương hay Vật-Tâm.
Vì không hiểu cái lý uyên-thâm ấy, cho nên chủ-nghĩa duy-vật biện chứng muốn giải-quyết sự mâu-thuẫn của thế-giới bằng một sự lấy Vật mà trừ bỏ Tâm. Tâm là cái bóng của Vật thì làm gì còn có sự sinh-thành biện chứng nữa. Vậy nếu thực-tại còn là thực-tại vận-động biện-chứng thì biện chứng ấy không có thể là duy-vật được. Đã duy-vật thì hết biện-chứng mà đã biện-chứng thì không phải là duy-vật. Biện chứng mâu-thuẫn là theo
quan-điểm trí-thức của chúng ta, còn ở tại bản thể siêu-nhiên thì cuộc sinh thành tạo-hóa tự nó không có gì là mâu-thuẫn biện-chứng cả. Chúng ta không có thể quan-niệm lý mâu-thuẫn biện chứng như là một nguyên-lý tuyệt-đối mà chỉ là hình-ảnh cách-thức biểu-hiện của một cái lý siêu-nhiên ở ý-thức nhân-loại hiện-tại.
Bởi vậy mà triết-lý nhất-nguyên Mác-Xít duy-vật thực không phải là bạn đồng-minh của Đạo-học truyền-thống Á-Châu, vì một đàng thì phản truyền-thống, một đàng căn-bản truyền-thống, một đàng duy-vật, một đàng siêu-nhiên, một đàng chỉ quan-niệm có biến-đổi, một đàng tin vào Bản-thể Lý-tính tồn-tại trường-cửu.
Chủ nghĩa Mác-Xít vốn là sản-phẩm của hoàn-cảnh địa-lý khí-hậu Tây-phương xuất-hiện ra giữa trạng-huống giai-cấp tương-tranh của xã-hội công nghệ « giao-tranh-lợi », mà giá trị con người không hơn gì một cái máy. Chủ-nghĩa Mác-Xít tưởng có thể giải-quyết được sự mâu-thuẫn ấy bằng chế-độ xã-hội thống-trị độc-tài của giai-cấp vô sản diệt trừ giai-cấp tư-bản ở phương-diện chính-trị. Làm như thế vì chủ-nghĩa Mác-Xít ở phương-diện tư-tưởng đã giải-quyết sự mâu-thuẫn bằng cách lấy « Vật sinh Tâm ». Nhưng « Vật sinh Tâm » hay « Tâm sinh Vật » thì cũng chỉ là
https://thuviensach.vn
những hệ-thống khái-niệm hợp-lý tĩnh-chỉ không thích-hợp với tinh-thần « sinh-sinh bất tức » của văn-hóa truyền-thống Đông-phương. Cho nên chỉ có « đồng thanh mới tương ứng, đồng khí mới tương cầu » ; như lời cổ-nhân Á-Châu đã tuyên-bố từ hơn hai nghìn năm về trước.
https://thuviensach.vn
DANH-TỪ ĐÔNG-NAM-Á
Danh-từ Đông-Nam-Á phổ-thông gần đây ở thế-giới, nhất là từ sau thế-chiến thứ II là một danh-từ nặng về ý-nghĩa chính-trị kinh-tế hơn là ý nghĩa văn-hóa. Như thế vì nhiều lẽ. Lý-do thứ nhất là vì đấy là những đất thuộc-địa cũ của các cường-quốc Âu-Tây, nhân-dân còn lạc-hậu đối với tổ chức xã-hội tối-tân, lại tương-đối còn thưa, và là một kho nguyên-liệu chưa khai-thác, khá phong-phú.
Lý-do thứ hai là vị-trí địa-lý ớ chính đầu mối giao-thông giữa Đông Tây và thế-giới, lại là một yếu-điểm chiến-lược có thể làm lệch thế quân bình của thế-giới.
Lý-do thứ ba là vì, so với Ấn-Độ và Trung-Hoa, khu-vực Đông-Nam Á không phải nơi sáng-tạo ra một nền văn-hóa cổ-kính độc-đáo, mà chỉ là thâu-thái ảnh-hưởng văn-hóa của Ấn-độ và Trung-Hoa. Nhưng nếu tinh thần đồng-hóa không phải là một đặc-tính sáng-tạo, thì chính văn-hóa Trung-Hoa hay văn-hóa Ấn-Độ hiện nay cũng chẳng còn đức-tính sáng-tạo đầu tiên của xã hội Hạ, Thương hay của xã-hội A-li-an (Aryen) thuần-túy nguyên-thủy nữa. Cái đáng quí, đáng-phục của văn-hóa Trung-Hoa hay văn-hóa Ấn-Độ ngày nay chính là ở cái khả-năng đồng-hóa được với văn hóa Bách-Việt miền Nam-Hoa hay là với văn-hóa Dravidien miền Nam-Ấn. Vậy khả-năng đồng-hóa để tái-tạo, để sinh-tồn tùy theo hoàn-cảnh địa-lý khí-hậu chính cũng là một đặc-tính văn-hóa của nhân-loại, chẳng kém gì cái khả-năng sáng-tạo đầu-tiên vậy.
Thực vậy, khu-vực Đông-Nam-Á sẵn mang ở bản-thân nó về phương diện địa-lý tính-cách phức-tạp, sai-thù, gián-đoạn của những hải-đảo hay bán-đảo, khác hẳn với tính-cách lục-địa của Trung-Hoa, Mông-cổ hay Ấn Độ, Ba-Tư. Nếu địa-lý ở đâu cũng vẫn quyết-định khuynh-hướng cho nhân văn thì nhân-văn Đông-Nam-Á là nhân-văn hải-đảo, chắc hẳn là khác-biệt với nhân-văn của lục-địa vậy.
https://thuviensach.vn
Theo nghĩa phổ-thông hiện nay, khu-vực Đông-Nam-Á giới-hạn vào trong cái ô vuông mỗi bề dài chừng 4000km, bao gồm các nước thuộc chung về khí hậu gió mùa của miền nhiệt-đới. Tất cả có tám nước mới độc lập về chính-trị (trừ Thái-lan) và có một ngôn-ngữ riêng làm môi-giới cho văn-hóa dân-tộc của mình : 1) Phi-luật-Tân. 2) Anh-đô-nê-di hay Nam dương. 3) Mã-lai. 4) Thái-lan. 5) Miến-điện. 6) Lào. 7) Cam-bốt và 8) Việt Nam.
Nay hãy lược qua vị-trí địa-lý và nhân-văn của từng nước kể trên, trước khi nói về lịch-sử văn-hóa.
https://thuviensach.vn
ĐỊA-LÝ NHÂN-VĂN
Phi-luật-Tân (Philippine)
Quần-đảo ở Đông-Nam-Á-châu về phía Tây Thái-bình-dương, gồm hơn 7.000 hải-đảo lớn nhỏ, quây-quần chung-quanh ba đảo lớn nhất là Luzon, Mindanao và Palaouan. Diện-tích tổng-cộng là 299.404km. Dân số tổng-cộng 22 triệu. Dân xứ gốc-tích Negritos tương-tự dân Phi-châu, ngày nay còn lại chừng 30.000 ở phía Nam đảo Mindanao. Về sau có những bộ tộc Mã-lai du-nhập đến. Dưới sự thống-trị Y-pha-Nho hơn ba thế-kỷ, kể từ 1521 Magellan là người Âu đầu tiên khám-phá thấy, lấy tên vua Philippe II đặt tên cho quần-đảo, nhân-dân đa-số theo Cơ-đốc giáo. Còn lại 10% vẫn chống lại văn-minh cận-đại, ấy là những bộ-tộc Jgorots Bon-toes, Jfuegos. Ngoài ra đoàn-thể Hoa-kiều có tới 300.000 rất thế-lực.
- Ngôn-ngữ chính-thức là tiếng Phi, một ngành tiếng Mã-lai.
- Tín ngưỡng : Gia-tô khoảng 18 triệu tín-đồ. Hồi giáo ngót 1 triệu. Vật-linh giáo (Animiste) độ nửa triệu.
- Kinh-tế nông-nghiệp : thóc, gạo và sữa, đường.
- Nguyên-liệu chính : mỏ vàng.
Anh-đô-nê-di hay Nam-dương quần-đảo (Indonesie)
Quần đảo Nam-dương gồm có các đảo Sumatra, Java, Madura, các đảo nhỏ La Sonde, các đảo Mo-luques, Célèbes và Borneo, tất cả vào 3.000 đảo, phân giới-hạn Ấn-độ-dương với Thái-bình-dương đứng giữa Châu-Á và Châu-Úc.
Diện-tích tổng-cộng độ 1,5 triệu km.
Dân-số tổng-cộng hơn 80 triệu.
Phần lớn nhân-dân thuộc về giống Mã-lai, nhưng chia ra thành những bộ-tộc khác biệt : bộ-tộc Sonda và Java ở đảo Java, Bali ở Bali. Bộ-tộc bản-
https://thuviensach.vn
xứ có dân Batak Dayak. Ngoài ra còn có ba triệu Hoa-kiều rất có thế lực về thương-nghiệp.
Ngôn-ngữ chính-thức là Bahasa gốc Anh-đô-nê-điêng bên cạnh 200 thổ-ngữ khác nhau tuy cùng gốc.
Tín ngưỡng, phần lớn là Hồi-giáo 87%, hơn 1 triệu Gia-tô và 2 triệu Tin-lành. Ngoài ra còn 1 triệu Phật-giáo, và Ấn-độ giáo phát-triển ở đảo Bali.
Vật-linh giáo có tới 5 triệu.
Kinh-tế nông-nghiệp ; Quần-đảo gia-vị, với rừng gỗ bát-ngát, Caoutchouc, nguyên-liệu rất phong-phú chưa khai thác mấy : quặng mỏ thiếc, dầu nhớt, than đá v.v…
Liên-Bang Mã-Lai (Malaisie)
Liên-bang Mã-lai gồm các tiểu-bang ở trên bán đảo Đông-dương, phía Nam nước Thái-lan, gồm cả Penang lẫn Malaca.
Diện-tích tổng-cộng là 131.287km với dân-số tổng-cộng là hơn 6 triệu, gồm chủng-tộc Mã-lai 48% phần nhiều là công-chức, nông-dân, ngư dân, Hoa-kiều 39% công-thương, Ấn-độ 11% với độ 40 hay 50.000 thuộc bộ-tộc bản-xứ bên trong nội-địa.
Ngôn-ngữ là tiếng Mã-lai và tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Ấn.
Tín-ngưỡng gồm có Hồi-giáo với 3 triệu tín-đồ Ấn-độ giáo của phần lớn dân Ấn di-cư, Phật-giáo của dân Tích-lan và Miến-điện di-cư, Hoa-kiều vẫn giữ tín-ngưỡng truyền-thống của họ. Còn thổ dân vẫn giữ tín-ngưỡng Vật-linh cố hữu.
Sinh-hoạt kinh-tế, có rừng gỗ chiếm 74% đất đai. Nông-nghiệp và mục-súc. Kỹ-nghệ quặng thiếc và caoutchouc.
Thái-Lan (Thailande)
https://thuviensach.vn
Lãnh-thổ giáp-giới phía Bắc với Lào, phía Đông với Cam-bốt, phía Tây với Miến-điện, phía Nam với Mã-lai và vịnh Xiêm-la cùng vịnh Bengale ở Ấn-độ dương.
Diện-tích tổng-cộng 514.000km2, phần lớn đồng bằng châu-thổ sông Menam
Dân-số tổng-cộng 21 triệu, gồm phần chính là chủng-tộc Thái 75%, Mã-lai 50%, Hoa-kiều 20%.
Tín-ngưỡng là Phật-giáo tiểu-thừa hiện là quốc giáo với 95% nhân dân tổng-số là tín-đồ. Các thổ-dân miền núi vẫn giữ tín-ngưỡng Vật-linh.
Sinh-hoạt kinh-tế căn-bản là nông-nghiệp, ngư-nghiệp.
Miến-Điện (Birmanie)
Lãnh-thổ ở vào miền Nam lục địa Á-châu, phía Tây giáp-giới với Ấn độ, phía Đông giáp-giới Trung-hoa, Lào và Thái-lan.
Đất rừng núi, diện-tích 677.950km2.
Dân số tổng-cộng là 20 triệu, thuộc về chủng-tộc : Birman giòng dõi Mông-cổ có chừng 15 triệu. Karen : 1.700.000. Shan : 1.450.000. Chin : 360.000. Kachin : 200.000. Ngoài ra còn có Hoa-kiều : 400.000, Ấn-kiều : 900.000.
Hai đô-thị lớn là Rangoon (Kinh-đô) Mandalay và Moulmein.
Ngôn-ngữ chính-thức là tiếng Birman cùng gốc-tích với tiếng Thái là Hoa-Tạng.
Tôn-giáo ở đây là Phật-giáo tiểu-thừa, nhân dân 84,3% rất sùng-tín đến nỗi danh-từ Miến như đồng-nghĩa với danh-từ con Phật. Ngoài ra còn có hơn 5% tín-ngưỡng Vật-linh ; 4% Hồi-giáo ; 4% Ấn-độ giáo. Sinh-hoạt kinh-tế ở đây cũng căn-bản là nông-nghiệp với thổ-sản là thóc gạo và rừng gỗ.
https://thuviensach.vn
Lào (Laos)
Lãnh-vực ở vào khoảng giữa bán-đảo Đông-dương, phía Bắc giáp Trung-hoa, phía Tây giáp Việt-Nam, phía Nam giáp Cam-bốt, phía Tây giáp Miến-điện và Thái-lan. Đây là một miếng đất chạy dài theo chiều Bắc Nam dọc hữu-ngạn sông Mê-kong.
Diện-tích : 237.000 km2.
Dân-số : 1.655.000, thuộc về Thái với một vài bộ-tộc giống Anh-đô nê-di và Tầu trên núi.
Hao-kiều 12.000 và Việt-kiều 15.000. rải rác khắp xứ.
Ngôn-ngữ chính-thức là tiếng Lào.
Tỉnh lớn là kinh-đô Luang Prabang và tỉnh Vientiane.
Sinh-hoạt kinh-tế trên cơ-sở nông-nghiệp với thổ-sản lúa gạo và gỗ rừng.
Tôn-giáo ở đây là Phật-giáo tiểu-thừa dựng làm quốc-giáo với 80% nhân-dân là tín-đồ. Bộ-tộc thiểu số vẫn giữ tín-ngưỡng vật-linh cố-hữu.
Cao-Miên (Cambodge)
Phía Nam giáp vịnh Siam, phía Đông giáp-giới Thái-lan, phía Bắc giáp-giới Lào, phái Tây và Tây Nam giáp-giới Việt-Nam.
Đây là một thung-lũng vĩ-đại giữa hai dẫy núi Dang-Rek phía Bắc và Cardamones phía Nam có sông Mékong chạy qua với Biển-hồ Tống-lê-sáp phía Đông-Bắc.
Diện-tích : 172.511 km2.
Dân-số : 4.710.000 mà 90% thuộc về giống Khmer, với thiểu số Hoa kiều 214.968 Việt-kiều 247.916 với bộ-tộc Chan 85.000 và vài bộ-tộc nhỏ khác trong rừng núi.
Ngôn-ngữ chính-thức là tiếng Khmer cùng họ với tiếng Thái.
https://thuviensach.vn
Tỉnh lớn có Kinh-đô Phnom-penh, với tỉnh Battambang, và Kampot.
Sinh-hoạt kinh-tế căn-bản là nông-nghiệp với thổ-sản thóc gạo và gỗ rừng. Ngư-nghiệp còn ấu trĩ.
Tôn-giáo chính-thức là Phật-giáo tiểu-thừa với 75.000 tu-sĩ, và hầu hết nhân-dân đều là tín-đồ trừ 2% là tín-đồ Hồi-giáo.
Việt-Nam
Phái Bắc giáp-giới với Tàu, phía Tây giáp-giới với Lào, Cao-Miên, phía Nam và Đông là biển Trung-Hoa và Vịnh Bắc-kỳ, lãnh-thổ Việt-Nam gồm hai Châu-thổ của sông Mékong ở Nam-Việt và Châu-thổ của sông Hồng-Hà ở Bắc-Việt, nối liền với nhau bằng một giải bờ biển dài lượn hình chữ S từ Mống-cáy đến Hà-tiên.
Diện-tích tổng-cộng là 334.334 Km2.
Dân-số tổng-cộng 26.800.000 hầu là thuộc giống Việt ở bờ biển và Châu-thổ, với một số bộ-tộc thiểu-số ở miền núi, như Thái, Khmer, Mọi, Mèo, Mán, Bahuar…
Hiện nay hai kinh-đô là Saigon và Hanoi với một cố-đô là Huế.
Sinh-hoạt kinh-tế căn-bản là nông-nghiệp với sản-xuất thóc-gạo, Caoutchouc, ngư-nghiệp cũng khá thịnh.
Nguyên-liệu kỹ-nghệ là than và muối. Ngôn-ngữ là tiếng Việt từ Bắc chí Nam. Tôn-giáo truyền thống là Tam-giáo dung-hòa cả Phật-giáo đại thừa, Luân-lý Khổng-giáo với thờ phụng tổ-tiên, và Lão-giáo với Ma-thuật Vật-linh. Từ thế-kỷ XVI có Thiên-Chúa giáo và gần đây ở miền Nam, một khuynh-hướng điều-hòa tín-ngưỡng theo tinh-thần Tam-giáo xưa kia đã tái hiện lôi cuốn một số khá lớn tín-đồ vào đạo Cao-Đài.
https://thuviensach.vn
ĐẶC-TÍNH VĂN-HÓA CHUNG ĐÔNG-NAM-Á
Trên đây là giới-thiệu sơ-lược về địa-lý nhân-văn các thành phần họp thành khu-vực Đông-nam-Á. Chúng ta cũng đã nhận thấy đặc tính riêng của từng địa-phương với tính-chất chung của toàn thể khu-vực. Về nhân-số cũng như về thổ-sản thì Đông-Nam-Á cũng phong-phú có thể ví với Ấn-độ hay Trung-hoa, nhưng về tính đặc-thù của dân-tộc và văn-hóa thì Đông Nam-Á lại khác với hai lục-địa trên. Địa-lý phân chia một cách tự-nhiên ấy đã ảnh-hưởng vào sự phát triển hay sự bảo-tồn của một số lớn chủng-tộc tính sai biệt khác nhau, cùng ngôn-ngữ và tín-ngưỡng, tổ-chức xã-hội chính-trị khác nhau. Nhưng trong sự khác nhau ấy vẫn ngấm-ngầm có một đồng-nhất tính của toàn-khối. Đồng nhất tính về khí-hậu thời-tiết gió mùa, đồng-nhất tính về cơ-sở kinh-tế nông-nghiệp lúa gạo của mô-thức văn-hóa thảo-mộc (Civilisation du végétal) đồng-nhất tính về nhân-văn cộng-đồng ở tổ-chức xã-thôn, làng xóm với tục-lệ chung, đồng-nhất tính về tinh-thần ở sự bảo-tồn những tín-ngưỡng truyền-thống cổ xưa căn-cứ vào tín-ngưỡng vật-linh nguyên-thủy với quan-niệm hợp-nhất đại vũ-trụ với tiểu vũ-trụ, vật với tâm. Tất cả những yếu-tố ấy hợp lại để đem cho khu vực Đông-Nam-Á một thực-tại riêng biệt không phân về địa-lý văn-hóa ngõ hầu duy trì trong thế-giới hiện-đại sự độc-lập chính-trị kinh-tế nó đã ý-thức và nỗ-lực bảo vệ trải qua lịch-sử ngàn năm, đồng thời phát-triển đặc-tính văn-hóa theo tinh thần « đồng qui thù đồ » Bhinneka Tunggal Jka (Unité dans la diversité) (Sutasoma – thi-sĩ Java) mà góp phần xây-dựng để cống-hiến vào hương hỏa chung của văn-minh thế-giới
Đối với cái sứ-mệnh lịch-sử vĩ-đại, thử hỏi dân-tộc Việt-Nam cùng với các dân-tộc khác trong khối Đông-Nam-Á này trước kia, đã thực hiện được gì và hiện nay đang và sẽ tìm hướng vào con đường nào để tiến-triển.
Lịch-sử Văn-hóa Đông-Nam-Á
https://thuviensach.vn
Nhìn về quá khứ, lịch-sử Đông-Nam-Á chúng ta có thể nhận thấy ba thời-kỳ là thời-kỳ chưa chịu ảnh-hưởng của hai khu vực Hoa-Ấn, thời kỳ tiếp-thu văn-hóa Ấn-Hoa và thời-kỳ xúc-tiếp ảnh-hưởng Âu-Tây.
Cổ-sử Văn-hóa bản-sứ
Đông-Nam-Á không phải là đất man-di như sách Tàu thường nói đến trước khi có sự tiếp-xúc với văn-hóa Trung-hoa hay Ấn-độ. Nhân-loại Đông-Nam-Á trước khi gặp Trung-hoa, Ấn-độ đã sống có tổ-chức đoàn-thể khá cao, sẵn-sàng biến-hóa các tài-liệu ngoại-lai thành văn-hóa của mình.
Nó đã sáng-tạo ra tháp Borabudur ở Java Đế-thiên Đế-thích (Angkor) ở Cao-miên, chùa Pagan ở Miến-điện, hay Đình Lý-bát-Đế ở Bắc-Việt sản phẩm kiến-trúc không hẳn là mô-phỏng hoàn-toàn mà là sản-phẩm hòa hợp tài khéo riêng của dân-tộc với tài-liệu mượn ở ngoài. Những khai quật khảo-cổ ở Đông-Nam-Á đã khiến nhà địa-lý nhân-văn Pháp Robequain tự hỏi không biết Nam-dương quần-đảo có phải là một trong các nơi chôn nhau cắt rốn của nhân-loại (un des berceaux de l’humanité) không ? Người tiền-sử Java cũng đồng thời với người tiền-sử Bắc-kinh. Đủ tỏ rằng loài người xuất-hiện ở Đông-Nam-Á rất sớm. Kể từ có di-tích nhân-loại đầu tiên ấy cho đến thời-kỳ Tân-thạch-hệ Néolithique và Thanh-Đồng (Bronze) trải qua hàng ngàn năm đã từng có nhiều làn sóng di-dân từ ngoài biển tràn vào lục-địa Á-châu. Bộ-tộc Úc-châu, bộ-tộc Mã-lai, bộ-tộc Bắc-sơn Hòa bình đều đã có mặt ở khắp cõi Đông-Nam-Á trên hải-đảo cũng như miền Nam lục-địa Trung-hoa Ấn-độ. Những bộ tộc Mã-lai, mệnh danh là Anh đô-nê-điêng vào khoảng 2500 đến 1500 trước T.C. chính là tiên-tổ các dân Miến, Xiêm, Việt, Mã-lai, Phi ngày nay. Một vài thế-kỷ trước kỷ-nguyên Thiên-Chúa người ta thấy sự thịnh-vượng của văn-hóa Đông-sơn Hồng-hà, với trống đồng Thanh-hóa lan-tràn sang Lào, Miến-điện và Nam-dương, vì trống-đồng ấy là di-tích đặc biệt của Văn-hóa Đông-sơn. Trên mặt trống người ta thấy phản-chiếu tất cả đời sống sinh-hoạt của bộ-tộc sơ-thủy : nền bà giã gạo bằng chầy, chiến-sĩ đội-lốt chim nhẩy múa theo điệu sáo khèn với trống để làm lễ mừng việc sinh hay đưa vong-hồn người chết.
https://thuviensach.vn
Thời-kỳ Thanh-đồng là thời mà truyền-thống Việt-Nam lấy làm triều đại đầu tiên Hồng-Bàng trước khi bị Hán-tộc thôn-tính. Vua Hùng-Vương, cai trị với tướng-văn Lạc-hầu, tướng võ Lạc-tướng trong một xã-hội nông nghiệp tổ-chức thành làng : Có đình, có miếu sau lũy tre xanh chẳng khác gì cái làng Mã-lai ở Nam-dương dưới ngòi bút Vlekke mà Lean Bruhat đã trích-dẫn trong « Lịch sử Anh-đô-nê-di » như sau :
« Nhìn đàng xa cái làng hiện ra như một mảnh rừng ở giữa cánh đồng lúa. Nhà cửa rải-rác trong vườn và bụi cây. Mỗi nhà với một vựa thóc được bao bọc bằng một hàng rào và một hàng rào cây nữa bao bọc lấy tất cả làng. Cửa sơ-sài mở ra đường xóm và đường cái. Theo nghĩa rộng thì làng gồm cả ruộng đất ao cá, rừng lân-cận và đất hoang thuộc sở-hữu của làng ». 9
Đấy cũng là hình-ảnh một làng Việt-Nam hiện thời mà nguyên-lai xuất tự tổ-chức Lang thời-cổ xưa vậy. Nhân-dân Việt thời ấy đã biết cầy cấy, đào mương dẫn thủy, đắp đê ngăn lụt để cấy hai mùa thóc. Tín-ngưỡng nông nghiệp về thần Đất và thần lúa gây nên tục hội đầu Xuân trai gái hát giao duyên đối đáp ngày nay hãy còn.
Pierre Gourou, tác-giả quyển L’Asie – (éd. Hachette) có nhận-xét chung về sắc thái nhân-văn riêng biệt của Đông-Nam-Á trước khi chịu ảnh hưởng Ấn-độ Trung-hoa như sau :
« Có nhiều nét nhân-văn đặc-biệt cho tất cả Đông-Nam-Á. Ở đây người ta thấy di-tích của một nền văn-minh Đông-Nam-Á hay Hải-đảo.
« Trước hết là nhà cửa cao cẳng. Ngoài biên-giới Đông-Nam-Á ít thấy có kiểu nhà như thế. Một nét đặc-biệt nữa là cách chế-tạo cá tôm thành bột hay nước mắm sau khi đã ngấu rất được nhân-dân Đông-Nam-Á thưởng thức mà dân Á-Châu khác không dùng.
« Một di-tích của văn-hóa tiền-sử thuộc về tính-chất hải-đảo là tục ăn trầu, rất phổ-thông ở dân Việt mà dân Tàu không biết, cho phép ta xác-định giới hạn của những kỷ-niệm hải-đảo còn rất mạnh. Tục ấy đi đôi với tục
https://thuviensach.vn
nhuộm răng. Tục nhai trầu lan khắp miền duyên-hải phía Nam Á-châu, từ Việt-Nam đến Ấn-độ ». Trang 290
« Báo Le Temps ngày 5-3-1927 sau khi giới-thiệu công-trình khảo-cổ của Cô Colani ở Bắc-Việt có kết-luận về địa-lý tiền-sử miền ấy như sau :
« Người ta thấy di-tích của hai nền văn-hóa :
« 1. Văn-hóa Hòa-bình Đông-sơn do dân đẽo-đá Hòa-bình và dân mài đá Bắc-sơn đại-diện, cho tới nay chỉ đã gặp thấy ở vùng lân-cận Trung Châu. Những dân ấy đã định-cư ở hai miền trên và đã trải qua nhiều thế-hệ kế-tiếp. Các ông Evans và Van Stein Callenfels đã lại thấy văn-hóa ấy ở đất Pinang tại bán đảo Malacca, và tại đảo Java. Vậy thì đấy là một nền văn hóa trọng-đại trước đây không ai biết đã được công-trình của Cô Colani và trước đây của ông Mausuy khám-phá.
« 2. Văn-hóa tân-thạch-hệ. Người ta thấy một số di-tích ở miền biên giới châu-thổ Bắc-Việt. Không có gì chứng thực rằng ở đây đã từng có cơ sở lâu dài, Cô Colani thấy những di-tích ấy trong ba hang-động, mỗi hang động thuộc địa-phận một tỉnh khác nhau và lân-cận biên-giới Bắc-Việt. Công-cụ đặc-biệt thời tân-thạch-hệ ở Đông-Nam-Á là cái rìu có mộng tra cán Ông Hein-Geldern đã phát ra lược-đồ khu-vực bành-trướng rộng lớn của văn-hóa này, người ta thấy ở bờ sông Hằng (Gange) tại Đài-loan, ở miền Nam dẫy núi Hi-mã-lạp-sơn và ở tại bán-đảo Malacca. Văn-hóa sơ thủy nhất của hai nền văn-minh ấy đều gặp thấy ở bên trong tỉnh Hòa-bình, trình-độ tiến-bộ nhất ở tại Ban-Mou trong tỉnh Sơn-la.
« Như thế đủ thấy cả hai nền văn-hóa thời tân-thạch-hệ với thời Thanh-đồng đều là cơ-sở chung của khu vực Đông-Nam-Á này vậy. Cho nên bước vào kỷ-nguyên Thiên-Chúa, như Claude A. Buss đã kết-luận tổng quát nhân-dân Anh-đô-nê-di đã biết cày ruộng đắp bờ dẫn-thủy nhập-điền, thuần hóa trâu bò, vui trò chơi gà chọi, lợn hay trâu chọi và bắt đầu dùng kim-khí. Họ khéo nghề đẽo gỗ, dệt vải và làm đồ gốm. Họ là thủy-thủ đi biển, có hiểu ít nhiều về thiên-văn. Họ sinh-sống trong các nhà bằng gỗ và làm quần áo bằng sợi cây. Họ tín-ngưỡng vật-linh và thờ tổ-tiên. Họ công-
https://thuviensach.vn
nhận cho phụ-nữ một địa-vị ưu-tú trong gia-đình, và ngăn rào nhà họ và làng họ, Dần-dần họ phát triển một bộ luật-lệ xã-hội ». 10
Sự tiếp xúc với văn hóa Ấn-độ Trung-hoa
Trên lục-địa Á-Đông, ở Trung-hoa hay Ấn-độ kể từ cổ thời Thiên chúa 2.000 – 1.500 năm, đã xuất-hiện trào-lưu di dân từ trung-bộ A-tế-A, phía Tây-Bắc đi sang hướng Đông-Nam. Cho nên rất sớm chúng ta đã thấy ở Trung-Hoa văn-hóa Tây-Chu đột-nhập vào trung-nguyên Hồ-Nam và dần dần tràn xuống miền Nam sông Dương-tử để đồng hóa với văn-hóa Sở Việt, rồi đi thẳng xuống khu-vực Đông-Nam-Á. Ở Ấn-độ, còn sớm hơn nữa văn-hóa Veda của dân Aryen cũng từ Tây-Bắc đột-nhập vào lưu-vực Ấn-độ hà, rồi đi xuống lưu vực sông Hằng mà đồng-hóa với văn-hóa bản-xứ của dân Dravidien đề rồi lan-tràn ra miền hải-đảo và bán-đảo Đông-Nam-Á
Chắc-chắn rằng văn-hóa Ấn-độ đã du nhập vào Đông-Nam-Á sớm hơn văn-hóa Trung-Hoa du nhập vào Bắc-Việt, vì từ thế-kỷ III Tr. T.C. vua A-dục (Acoka) là một ông vua mộ Phật đã gởi sứ-giả và giáo-sĩ Phật-giáo sang-xứ Suvarnabhumi : (Đất vàng) có lẽ là xứ Miến-điện. Và Kinh Jatakas chứa đầy những truyện thủy-thủ vượt bể bằng thuyền buồm dưới sự hộ-vệ tinh-thần của Phật Định-Quang. Chính ở ngoài lưu vực sông Hằng mà các thủy-thủ Ấn đã đi tìm vàng, gia-vị, trầm-hương và dầu-thơm để cung-cấp cho Âu-Tây đang tiêu-thụ.
Sự giao-dịch với thế-giới La-Mã càng ngày càng thịnh, điều ấy đã được chứng-minh bằng di tích đồng tiền của triều-đại Antooain và Marc Aurele tại Óc-eo gần bờ biển miền Tây Việt-Nam. Sử ký Tầu có chép một phái-bộ sứ thần của vua Marc-Aurèle tới Trung-Hoa qua Bắc-Việt. Địa-lý học của Ptoléméc còn ghi tên đất Chersonèse d’Or để chỉ vào bán-đảo Mã lai.
Trong sự thịnh-vuợng ấy nẩy nở những quốc-gia đầu tiên trên đường giao-thông ở Đông-Nam-Á. Đầu kỷ-nguyên có triều-đại Phù-Nam xuất hiện ở Châu-thổ sông Mékong do một cuộc hôn-phối giữa một người Bà-
https://thuviensach.vn
la-môn với một công-chúa bản-xứ, rồi đến triều-đại Lâm-Ấp tại kinh-đô Huế bây giờ là nước Chàm sau này. Các dân-tộc bản-xứ này cũng như dân Việt trước thời-kỳ đô-hộ của Hán-tộc, đã có một trình-độ văn-hóa để tổ chức đời sống kinh-tế và xã-hội của họ. Họ cầy ruộng trồng lúa ở các thửa có dẫn thủy, biết thuần-hóa trâu bò. Họ lại có tài thủy-thủ biết chế tạo thanh-đồng, sắt và vàng. Họ thờ phụng tổ-tiên và thần-xã bàn thờ đặt ở trên đồi cao phảng-phất tín-ngưỡng căn-bản của Ấn-độ trước thời du-nhập của dân Aryen với văn-hóa Veda. Văn-hóa Ấn-độ thực ra lan xuống Đông Nam-Á không theo cách đế-quốc thực dân mà là một sự truyền-bá êm-đềm do tay các nhà sư hay Bà-la-môn Phật-giáo với Bà-la-môn giáo tuy ở Ấn-độ cạnh-tranh xung-đột mà khi truyền sang cõi Đông-Nam-Á như trên bán đảo Đông-dương, ở đất Chàm thì cả hai đều phát-triển bên cạnh nhau. Đủ tỏ các tôn-giáo ấy, khi du-nhập vào các xã-hội khác đã có biến-hóa thích-ứng với tín-ngưỡng bản-xứ cho nên mới nẩy nở phong phú như chúng ta thấy. Đấy là manh-nha tinh-thần điều-hòa hợp-hóa là bản-sắc của văn-hóa Đông Nam-Á rồi vậy.
Phù-Nam
Nước Phù-Nam phát-triển với cuộc thông thương quốc-tế, chẳng bao lâu trở nên một thế-lực chính-trị hùng cường đầu tiên ở Vịnh Tiêm-la, vì là độ đường trên con đường giao-dịch giữa Trung-Hoa và Ấn-độ, thế-lực thủy-quân của Phù-Nam mà kinh-đô đóng ở Prei Veng bây giờ, hải cảng là Oc-eo tiếp-nhận thương-thuyền của Trung-Hoa, Ấn-Độ và La-Mã dưới triều-đại Fan Che-man đã chinh-phục cả lưu-vực sông Menam và phía Bắc bán-đảo Mã-lai. Vào thế-kỷ III, nước Phù-Nam đặt liên-lạc ngoại-giao với nước Ngô ở Nam-Kinh bên Tầu. Phái-bộ ngoại-giao Tầu còn ghi lại ở sử sách rằng :
« Ở Phù-Nam có những thành-thị có tường bao-bọc, có đền đài và nhà cửa để ở. Nhân-dân đen và xấu, tóc xoăn, đi chân không. Tính-tình giản-dị và không ăn cắp trộm bao giờ. Họ làm ruộng, gieo một năm gặt ba năm. Họ thích khắc trạm đồ trang sức. Đồ dùng của họ để ăn đều bằng bạc. Họ đóng
https://thuviensach.vn
thuế bằng vàng, bạc, trân châu, dầu thơm. Họ có sách vở, và có kho tàng chứa sách và đồ vật quí. Chữ viết của họ giống với chữ viết của rợ Hồ ở Trung-bộ A-tế-A ».
Dưới triều-đại Jayavarman khoảng thế-kỷ thứ V thứ VI là thời cực thịnh của thế-lực Phù-Nam. Người ta thấy phát-triền đồng-thời cả ba tín ngưỡng Si-va, Vich-nou và Phật tiểu-thừa. « Nhân dân buôn bán đồ vàng bạc và tơ lụa. Họ đúc vòng, xuyến bằng vàng, và bát đĩa bằng bạc. Các ông lớn mặc đồ gấm-vóc, kẻ nghèo khoác một mảnh vải. Nhà vua ở trên lầu, đi ra cưỡi voi, cùng với Phi-tần và quần-thần. Dân quê không đào giếng, mà có một bể nước chung. Để tiêu-khiển, họ xem chọi gà, lợn. Họ không có nhà tù ».
Nhưng rồi thế-lực Phù-Nam không chống-đối nổi với thế-lực Khmer chiến-sĩ hung-tợn đang bành trướng ở trên bờ Mékong phía trên. Đến thế kỷ thứ VII thì Phù-Nam sau năm trăm năm hùng cường ở Đông-Nam-Á đã bị thế-lực Khmer tiêu-diệt.
Champa
Phía Đông nước Phù-Nam là nước Champa, hay Chàm, Hời, mà kinh đô khởi-thủy đặt ở Lâm Ấp tức Huế bây giờ. Về sau người Tầu gọi là Chiêm-thành.
Khi bắt đầu lịch-sử Chiêm-Thành, vào thế-kỷ thứ III sau Thiên-Chúa thì nhóm người Chàm đã Ấn-độ hóa rồi. Giòng-dõi Chàm là con cháu của thần-linh Civa một thần-linh của dân-tộc Dravidien miền Nam Ấn-độ đẻ ra tôn-giáo Civa. Tên vua của họ như Gangaraja (415) hay Indravarman III (959) đủ nhắc nhở đến quê-hương Ấn-độ. Tôn giáo chính-thống của họ là thờ-phụng Civa, mà đền thờ chính dựng ở Mi-sơn (Quảng-Nam bây giờ). Đền thờ Linga tối cổ dựng vào khoảng 400 tại Mi-Sơn. Còn một đền thờ chinh nữa của dân Chàm là Po-Nagar ở Nha-Trang thờ Dương-khí của Civa. Nhưng đồng-thời Phật-giáo cũng thịnh-hành. Vua Indravarman II cũng mang tên hiệu là Parama-buddhaloka, có thiết dựng năm 875 ở Đông-
https://thuviensach.vn
dương (Quảng-Nam) một ngôi chùa Phật-giáo thờ đức Phật Thế-tự-tại vương, Quan-Âm Bồ-tát (Avalokicvara).
Về địa-lý, thì Chiêm-Thành gồm có bốn tỉnh lớn đều mang tên Ấn-độ là : phía Bắc Amarâvati (Quảng-Nam) mà kinh-đô đầu tiên là Indrapura, Trà-Kiệu. Ở giữa là tỉnh Vijaya (Bình-định) kinh-đô là Cha-bàu. Ở phía Nam là tỉnh Kanthara (Khánh-hòa, Nha-trang) và Panduranga mà đô-thị là Kajupura (Phan-rang và Bình-thuận). Ở thời Trung-cổ có hai họ chính phân-chia thế-lực Chiêm-thành ; phía Bắc ở Quảng-Nam có họ « Cây Cau ». Danh-từ Phạn-ngữ (Sanscrit) là Narikela và Kramukavamca.
Đất đai Chiêm-Thành nghèo-nàn, nhưng kéo lại ở chỗ là đầu mối giao-thông đường biển của Á-Đông. Do đấy mà một thời thịnh-vượng. Dân thủy-thủ làm giầu bằng thương-mại và giặc cướp. Từ thế-kỷ VII đến X họ kiểm-soát thị-trường gia-vị giữa Nam-dương và Tầu, và thương-hải tơ-lụa giữa Tầu và Ba-tư. Họ xuất cảng sang Tầu và Ba-tư ngà voi trầm hương.
Chiêm-Thành dưới triều-đại Phạm-Văn, một người Tầu phiêu-bạt đã dùng lực-lượng Chàm chống nhau với Hán-tộc vào thế-kỷ thứ II để chiếm lại quận Nhật-Nam (Thừa-thiên, Quảng-trị, Quảng-bình) rồi đến 605 mới bị quân-đội Tùy Dương-Đế đánh lấy lại. Dưới triều-đại Jaya Indravarma I vào 960 mới triều-cống nhà Tống bên Tầu để liên-kết ngoại giao trước một thế lực mới của người Việt dựng nên ở Bắc-Việt độc-lập với Tầu, và trải qua Đinh, Lý, Trần, Lê liên-tiếp có cuộc chiến-tranh giữa Chiêm-Thành và Việt-Nam, một mặt, và một mặt khác Chiêm-Thành với một thế-lực cũng mới mọc ở phía Tây là thế-lực Khmer.
Chiêm-Thành bị hai thế-lực trên và, một thế-lực thứ ba mới mọc ở Đông-Nam vào cướp phá Po-Nagar năm 784 đến 787. Kết cục Chiêm Thành đã bị tiêu-diệt bởi sức Nam-tiến của dân Việt.
Thế lực Mã-Lai và quần-đảo
Đồng-thời với Chiêm-Thành, thì ở bán-đảo Mã-lai cũng xuất-hiện những bang-quốc nhờ các đường giao-thông trên bộ môi-giới giữa vịnh
https://thuviensach.vn
Bengale và vịnh Xiêm-la. Trong các bang-quốc thịnh-vuợng có Langkasuka mà sử-sách Tầu có ghi nhận những liên-lạc ngoại-giao vào năm 515. Người ta nhận thấy đồng-thời có ba tín-ngưỡng bên cạnh nhau là Bà-la-môn giáo, Phật-giáo và Đạo giáo.
Rồi thế-lực di-chuyển sang hải đảo Java và Sumatra, vì lợi thế cho sự thông-thương đường biền qua eo-biển La Sonde, và Malacca. Vào thế kỷ VII-VIII, nước Tầu nhà Đường đã gởi một phái-đoàn thương mại xuống miền Nam-dương. Đế-quốc Ba-tư ở Bagdad cũng mới thành-lập sự buôn bán tơ lụa với Tầu cùng phát-triển hơn lên qua Trung-bộ A-tế-A, và thương-mại gia-vị cũng phồn thịnh với các hải-cảng Nam-dương. Kỹ-thuật hàng-hải cùng tiến-bộ với dân Arabes cho nên từ eo biển Ba-tư qua La Sonde và Malacca đến Quảng-Đông, sự giao-dịch thông-thương trên biển trở nên sầm-uất vào thế-kỷ thứ VIII sau Thiên-Chúa. Chính vì những điều kiện kinh-tế quốc-tế thịnh-vượng ấy mà thế-lực Crivijaya, bành-trướng trên bờ biển Đông-Nam đảo Sumatra chung quanh đô-thị Palembang. Thuyền buồm theo gió mùa từ biển Trung-Hoa chạy tới. Nhà sư Tầu Nghĩa-Tĩnh qua Ấn-độ tìm sách Phật, khi qua tới Palembang có tả không-khí mộ Phật ở đấy vào năm 671 rằng : « Ở đấy có hơn một ngàn Sư Phật-giáo đem hết tinh-thần vào sự nghiên-cứu và hành-thiện. Họ nghiên-cứu tất cả vấn-đề cũng như ở Ấn-độ vậy ».
Với sự thịnh-vuợng của Crivijaya, họ Jayanâca vào cuối thế-kỷ thứ VII bắt đầu đi chinh-phục xứ Malaya và phía Tây đảo Java, để nắm trọn quyền kiểm soát hai con đường thông-thương hàng-hải giữa Ấn-độ và Trung-Hoa thời ấy là eo-biển Malacca và La Sonde, củng cố uy-thế hàng hải cho đế-quốc trong sáu thế-kỷ. Sau những cuộc chiến-thắng, để khải
hoàn vua Jayanâca của đế-quốc Crivijaya năm 684 đã thiết-dựng một công viên phía Tây Palembang, và khắc bia kỷ-niệm tỏ ý cầu chúc cho giá-trị của sự-nghiệp này cùng tất cả sự-nghiệp thiện khác tràn ngập ra khắp chúng-sinh mở cho chúng con đường khải-ngộ. Đế-quốc tiếp-tục phát triển, nối liên-lạc ngoại-giao với Trung-Hoa, và bành-trướng cả sang bán-đảo Mã-lai để thiết-dựng ở Ligor một ngôi chùa Phật Đại-thừa. Sự phát-triển
https://thuviensach.vn
Đại-thừa Phật-giáo là một sự-kiện lịch-sử tinh-thần trọng-đại nhất của thời thịnh-vượng ấy. Đại-học Phật-giáo Nalanda ở xứ Bengale khích-khởi lên sự nẩy-nở trung-tâm Phật-học khắp cõi Đông-Nam-Á. Nhưng Phật-giáo ở đây có khuynh-hướng hòa-hợp với Ấn-độ giáo và tín-ngưỡng tổ-tiên truyền thống của nhân-dân bản-xứ, bằng chứng là Phật-giáo đặc biệt chú-trọng vào vấn-đề siêu-sinh tịnh-độ hay chiêu-hồn người chết. Chính cái khuynh hướng dung-hòa hợp hóa với các tín ngưỡng địa-phương ấy đã khởi hứng ra những tác-phẩm nghệ-thuật của Java như tác-phẩm Boro-boudour chẳng hạn. Tháp Boroboudour đã xây-dựng vào năm 772 hiện là một biểu-thị nghệ-thuật tối-cao của thiên tài Anh-đô-nê-di khéo thích-ứng với hoàn cảnh và truyền-thống của mình những kiểu-mẫu văn-hóa Ấn-độ.
Ngôi tháp vĩ-đại này bằng đá có bực chạy vòng quanh một ngọn núi thiên-nhiên, thực ra không phải một đền thờ chính-thức mà chỉ là tượng trưng trái núi vũ-trụ nổi hiện tại trung-tâm thế-giới và trình-bầy ra qua hàng ngàn nét trạm khắc tất cả Vũ-trụ Đại-Thừa. Nó là kiểu mẫu một ngôi « Vua-Thế-giới » (Cakravartin). Pho-tượng đứng ở trên đỉnh vừa tượng trưng cho Mahadeva : Thượng-đế lẫn Cailendra « Núi vua » là nguyên-lý quân chủ của triều-đại ; danh hiệu « Núi vua » cũng chính là danh-hiệu xưa kia của các triều-đại ở Phù-Nam.
Đế-quốc Crivijaya tiếp-tục nắm giữ địa-vị bá-chủ trên biển, kiểm-soát các eo-biển Đông-nam-Á cho đến eo đất Kra trên bán-đảo Mã-lai. Nhà địa lý Ba-tư Abù Zayd Hasan viết vào năm 916 rằng :
« Đô-thị Za-ba (Java) đối-diện với Trung-hoa. Hai bên xa cách nhau độ một tháng đường biển, và ngắn hơn nữa nếu gặp gió thuận. Vua xứ ấy tự xưng là Maharaja, vừa là chúa-tể một số lớn hải-đảo rải-rác trong khoảng rộng hơn 6 ngàn cây số. Chính từ hải-cảng ấy mà thuyền bè qua lại với vịnh Aman. Nhà vua Maharaja ở trên một cái đảo phì-nhiêu. Tiếng gà gáy buổi rạng-đông thì có tiếng đáp lại khắp cả một miền hàng trăm dặm vì làng mạc liên-tiếp như không bao giờ hết cả ».
https://thuviensach.vn
Thế lực Java
Triều-đại Cailendra của đế-quốc Crivijaya ở Sumatra, từ thế-kỷ thứ VIII đã dồn triều-đại thờ Civa của Saujaya xuống đảo Java ở gần Malang. Ở đây dần-dần với sự suy nhược của thế-lực Sumatra, một thế-lực Mataram bắt đầu nẩy nở. Lịch-sử ngoại-giao nhà Đường bên Tàu còn ghi chú về tình-hình quốc-gia Mataram mới phục-hưng ở Java như sau :
« Họ làm thành quách bằng gỗ lợp lá gồi. Họ có giường nằm bằng ngà và chiếu bằng tre. Xứ này sản-xuất đồi mồi, vàng, bạc, sừng tê-giác và ngà… Họ có chữ viết và biết thiên-văn… »
Thành-tích văn-hóa quốc-gia Mataram là 156 ngôi đền Prambanan xếp chung quanh sáu điện thờ chính mà điện thờ Civa một thần-linh Ấn-độ giáo bao trùm tất cả với những sự-tích Ramayana (Tập trường-ca anh-hùng Nam-tiến của Ấn-độ xưa) khắc lên tường.
Toàn-thể hợp thành một lăng-tẩm có di-tích của nhà vua và danh-thần, mỗi vị phối với một ngôi thần-linh trong hàng chư-vị Bà-la-môn. Quá-trình dung-hòa tín-ngưỡng ở đây đưa đến một sự thờ-phụng Civa của Bà-la-môn giáo với Phật, mà sự thực tục thờ-phụng Civa-Bouddha chỉ là tục thờ phụng tổ-tiên cố-hữu dưới hình-thức phù-chú thần-bí ma-thuật. Căn-cứ vào văn bia người ta nhận thấy các giáo-phái chính phổ-thông trong nhân-dân Java thời này là tín-đồ Civa, tín-đồ Phật và đạo-sĩ khổ-hạnh cũng như người ta đã thấy cùng một khuynh-hướng tín-ngưỡng dung-hòa ấy ở Cam bốt bấy giờ.
Triều-đại oanh-liệt cuối cùng của Java là Mojopahit do họ Vijaya đã khéo xử-dụng thế-lực quân Nguyên xuống chinh-phục hải-đảo làm chính thế-lực của mình để dẹp một cuộc nội loạn đồng-thời thống-nhất Java, bành-trướng bá-chủ ra khắp quần đảo Nam-dương đến bán-đảo Mã-lai, từ thế-kỷ XIII đến XIV. Thế-lực hàng-hải Mojopahit bấy giờ còn rộng lớn hơn cả Anh-đô-nê-di hiện nay,liên-lạc thông-thương với nhà Minh bên Tàu và thế-giới Hồi-giáo, Ấn-độ, Ba-tư. Tinh-thần văn-hóa rực rỡ của Java thời ấy đã phản-chiếu vào thi-phẩm trứ danh « Sutasoma » của Tantular với khẩu-
https://thuviensach.vn
hiệu : « Bhinneka Tunggal Ika », (Đồng nhất trong sai biệt) đáng đại-diện cho tinh-thần văn-hóa chung tất cả khu-vực Đông-nam-Á.
Rồi đến sự du-nhập của Hồi giáo, sau khi bá-chủ cả Ấn-độ lẫn Ba-tư đã tràn xuống Nam-dương dần-dần thay thế cho Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Nhưng Hồi-giáo ở đây không phá-hủy những cái đã có từ trước đi. Theo lịch-trình tiến-hóa của Đông-nam-Á, Hồi-giáo ở đây đã bao trùm lấy các tín-ngưỡng khác mà không tiêu-diệt, đồng-hóa các hình-thức lễ-nghi tập-tục vật-linh. Phật-giáo, và Ấn-độ giáo. Ở Java người ta chứng-kiến những giáo-đường Hồi-giáo kiến-trúc theo kiểu Ấn độ và những ngôi mộ Hồi-Hồi điêu-khắc đề-tài Ấn-độ. Văn-hóa truyền-thống đã thấm-nhuần thâm-sâu vào tâm-hồn nhân-dân bản xứ, khiến cho Hồi-giáo ở đây mất tính cách cuồng-tín như ở các xứ Ả-rập đã sản-xuất ra nó vậy.
Người Java vẫn thường tự-hào có một quá khứ vẻ-vang rực-rỡ và văn hóa Java cũng đã tràn-lan đến Phi-luật-tân, Đài-loan, miền Nam Việt-Nam, Cam-bốt và bán-đảo Mã-lai. Con đường vòng-cung theo các quần đảo là con đường phát-triển của nền văn-hóa ấy và sự giao-dịch thời ấy giữa Java và Trung-hoa. Ấn-độ phần nhiều có thuyền-bè thông-thương. Tuy rằng các triều-đại vua chúa Java mang nặng ảnh-hưởng của Ấn-độ, từ việc đặt tên hiệu cho đến niên-kỷ. Nhưng văn-hóa Java vẫn cố giữ một màu sắc riêng biệt do sự tổng-hợp Bà-la-môn và Phật với đặc-tính truyền-thống của dân tộc, và sau này khi Hồi-giáo có tiếng là thiên-tín cực-đoan mà cũng gọt bớt sắc cạnh để đồng-hòa với tinh-thần địa-phương.
Người ta bảo rằng Java là tiêu-biểu cho toàn thể Nam-dương, điều đó không ngoa. Nếp sống của dân chúng ở đây đồng theo một nhịp cho nên dân-tộc Java được coi như một khối bất phân. Người Java cũng như nông dân Bắc-Việt rất tha thiết với đất-tổ quê-cha. Đấy là ý-thức căn-bản vô cùng vững mạnh tạo nên mối giây liên-lạc truyền-thống là lý-do tất-yếu của tinh-thần đoàn-kết. Tính chất quần-cư, ảnh-hưởng của những dân-tộc từ lục-địa miền Bắc đem đến và thấm-nhuần sâu xa vào đây giúp cho hình ảnh của đồng quê Java trở nên một hình-ảnh rõ-rệt có tổ-chức. Tại các làng mạc nhà cửa của nông-dân rất sơ-sài, tường bằng lá hay bằng gỗ gồm có một
https://thuviensach.vn
gian kê một chiếc giường. Nền nhà là đất nện phẳng, trong góc có bếp đun bằng mấy hòn đá làm đầu rau. Nhà nào cũng có một khung-cửi để dệt những chiếc Sarong, thừa để bán. Ngoài lúa người ta còn trồng thêm ngô, và nhà nào cũng có một vườn rau nhỏ, trồng dừa, chuối, chăn nuôi một ít súc-vật. Mỗi nhà trung-bình chỉ có độ hai mẫu tây đất và ruộng, nếu ai có hơn thế là được coi như giàu. Khi mùa gặt đến nhà nọ sẽ đến làm giúp nhà kia, có khi nhiều nhà cùng đến giúp một lượt và sau cứ tuần-tự mà chủ nhân phải làm trả lại. Dân quê có vẻ nghèo, ít khi dám ăn thịt và trứng vì những thứ ấy còn để bán lấy tiền. Nhờ trời năm nào có nhiều mưa thì được mùa, và sự lo-lắng thường xuyên của nông-dân phần lớn là vấn-đề nước để cày cấy.
Sống trong hoàn-cảnh như thế nên dân Java rất quí ruộng đất, và sửa sang rất tỉ-mỉ. Họ rất chất-phác như dân quê các nơi khác ít suy-nghĩ xa xôi, mọi việc đều nhờ trời. Họ chỉ mong an-cư lạc-nghiệp trong làng xóm với đồng ruộng để thờ phụng thần-linh qua các nghi-thức pha trộn của các tôn-giáo. Cho nên phần đông dân Java theo đạo Hồi nhưng vẫn thờ các thần-linh khác mà không sợ trái với giáo-lý thánh Kinh Co-ran. Thí-dụ họ tin rằng vị thần trông nom về đồng ruộng là nữ thần Devi-Chri vợ của thần Vichuou, nên dân Nam-dương đã thiết-lập những am-thờ để phụng-sự. Trước khi làm ruộng và sắp đến ngày gặt, họ mang hoa quả ra cúng vị-thần ấy để cầu phong-đăng hỏa-cốc, và xin phép gặt lúa.
Cổ tục Java vẫn được dân chúng nhất là nông-dân tin thờ triệt-để, từ việc đẽo cái cày cũng phải theo đúng nếp cũ. Quanh bờ ruộng họ cắm hàng sáo, khi gió thổi tiếng sáo cất lên, dùng để xua đuổi các tà-thần để các ác thần này không xâm-phạm đến nữ-thần Devi-Chri.
Bán-đảo Đông-dương với sự gặp-gỡ của hai nền văn-hóa Ấn-Hoa
Như chúng ta thấy vào những thế-kỷ trước sau kỷ-nguyên Thiên-chúa các nền văn-hóa phương Bắc ở lục-địa Trung-hoa và Ấn-độ là văn-hóa Khổng-giáo hay văn-hóa Veda đã đồng-hóa xong với văn-hóa Bách-việt
https://thuviensach.vn
phương Nam Trung-hoa hay văn hóa Dravidien phương Nam Ấn-độ, và tiếp-tục tràn xuống Đông-nam-Á, một mặt theo đường biển, một mặt theo đường bộ mà bán-đảo Đông-dương chính là nơi hai trào-lưu đụng-độ, gặp gỡ giao tranh trong cuộc giao-thiệp giữa dân Việt với dân Chàm, khi hòa khi chiến, kết-quả là sự hoàn-thành cuộc Nam tiến của Việt-nam.
Nhưng cuộc Nam-tiến của dân-tộc Việt-Nam không phải lẻ-loi hay có trước cuộc Nam tiến toàn-thể của các dân-tộc Á-Châu từ trong lục-địa đi xuống miền Nam, xô tới các Châu-thổ miền phì-nhiêu của các dòng sông để làm cơ-sở cho các dân-tộc : đấy là vận-mệnh của dân-tộc Khmers Birman, Thái v.v…
Sự xô-đẩy đầu tiên về phương Nam ấy là của đoàn-thể Khmers nó đã tiêu-diệt nước Chân-lạp và Phù-nam ở Nam-Việt này vậy. Rồi đến thế-kỷ thứ IX dân-tộc Miến hay Birman theo giòng Irrwaddy đi xuống Trung-châu : Mandalay, Ava, Pagan, Prome, Pegu, Rangoon.
Thế-kỷ thứ X, Việt-tộc giải-phóng khỏi ách đô-hộ của Tàu dần-dần men theo duyên-hải xuống trung-châu Đồng-nai. Thế kỷ thứ XIII cuộc di dân Thái tộc từ nội-địa phía Tây-nam Trung-Hoa đi xuống bán-đảo Ấn-độ Chi-na, trở nên dân-tộc Siam, Lào ngày nay.
Trước hết là cuộc Nam-tiến của dân-tộc Cao-miên hay Khmer. Sào huyệt của nhóm này ở Trung-nguyên giữa dòng sông Meman và Mékông.
Khoảng thế-kỷ thứ VI triều đại Khmer là Bhavarman bắt đầu chinh phục đất Phù-Nam. Đến triều-đại Jayavarman, thế-kỷ VII chinh-phục đất Lào đến tận Vân-Nam. Những tài-liệu tiếng Sanscrit và Khmer cho biết về thời-đại này, dân-tộc Khmer có một tổ-chức cai-trị chặt chẽ với một hệ thống quan-liêu hùng hậu. Đời sống tôn-giáo là thờ-phụng thần Vishnu Civa, tượng trưng sự phối-hợp hai nguyên-lý sáng tạo vũ-trụ, ở hình-thức Linga coi như Quốc-giáo. Các đại anh-hùng-ca Ấn-Độ Ramayanna và Mahabharata lấy làm cơ-sở văn-học nghệ-thuật. Vào thế-kỷ VIII thì Cambodge chia làm hai quốc-gia, Thủy-chân-Lạp và Lục Chân-lạp. Thời kỳ này bị thế-lực Java chi-phối cho nên một di-tích chứng-minh ở tại
https://thuviensach.vn
Siemriap lần đầu tiên hiện-diện của pho-tượng Quan-âm Bồ-tát là thần-linh của tinh-thần Phật-giáo Đại-thừa (Mahayana). Đầu thế-kỷ thứ IX một vị vua trị vì Java tới kinh-đô Indrapura ấy là vua Jayavarman II – Sự thờ phụng « Thượng-đế-Vua » được thi-hành trong một điện thờ trên đỉnh núi thiên-nhiên hay giả-tạo, ở tại trung-tâm Kinh-đô và coi như trục của thế giới : ở đấy có sự thông-cảm giữa Thượng-đế và nhà vua. Cái quan-niệm đền thờ là núi còn cổ xưa hơn tục thờ thần Civa (thần sáng hóa của Ấn-độ giáo). Người ta thấy tín-ngưỡng ấy ở tất cả văn-hóa nguyên-thủy cổ-sơ của Á-Châu từ Mesopotamie đến Ấn-độ và từ Đông-Nam Á-Châu đến Trung Hoa. Nước Phù-Nam có ngọn đồi linh là Ba Phnom, ở Java họ Cailendra và Vua-Núi. Đối với vua Khmer, sự thờ phụng ấy cũng có một ý-nghĩa chung với thần-thoại Bạch-Tượng của các vua Phật-giáo Tiểu-thừa. Trải qua hàng thế-kỷ, nhiệm vụ của mỗi vua là dựng lên một ngôi Điện-Núi để bảo-vệ tượng-trưng Linga chứa đựng cái « Ngã tinh-linh » của mình. Vua là Thượng-Đế mà ngôi-đền ấy được cung-dâng ngay khi còn sống. Đấy là lăng-tẩm của ông ta khi chết đi. Do tục ấy mà nẩy-nở rất nhiều điện thờ mà dân Cam-bốt lấy làm hãnh-diện.
Sau Jayavaman II thì đến họ Indravarman I (877-89) là người thống nhất Cam-bốt, mà uy-thế lan từ Châu-Đốc đến Tây Bắc Ubon. Yacovarman I (889-900) dựng ngôi đền Angkor lấy làm kinh-đô nước Cambodge trong vòng hai thế-kỷ.
Angkor ngày nay vẫn là một trong một số ít kỳ-quan nghệ-thuật của thế-giới. Qua những văn-bia chúng ta có thế biết đại-khái tinh-thần văn-hóa của cấp lãnh-đạo dân-tộc Khmers như Coedes, trường Viễn-Đông bác-cổ đã diễn giải :
« Nhà vua hiện như một thần-linh ở trần-thế. Ngự trị đối với y là ăn ngôi báu cũng như người quan cai-trị ăn tỉnh-thành của mình. Nguồn-gốc của tất cả quyền-thế, nhà vua bảo vệ luật-pháp và trật-tự, hộ-vệ tôn-giáo, bảo-vệ lãnh-thổ, phân phát đất đai cho nông dân cầy cấy, dưới vua, quyền hành tập trung vào tay quí tộc, vương-hầu cùng huyết-thống và các họ giáo sĩ tập-truyền theo mẫu-hệ. Các hàng quí-tộc lấy nhau trong họ, lập thành
https://thuviensach.vn
một giai-cấp riêng-biệt tuy cũng là người như mọi người dân khác. Các cấp-trật lập-thành một tổ-chức hành-chánh đông-đúc.
« Cũng như ở các nước khác trong Đông-Nam-Á, Tôn-giáo đặc-biệt về cái tinh-thần dung-hòa tổng-hợp. Đạo Civa, đạo Phật, đạo Vishnou sống chung cạnh nhau, có lúc đạo này ưu-thế có lúc đạo kia, tùy theo sở thích của nhà vua. Sự hợp-hóa ấy biểu-thị ra nghệ-thuật và văn-chương giải-thích cơ-cấu của xã-hội là ở Ấn độ thì đạo Bà-la-môn liên-kết với trật-tự xã-hội, ở đây chỉ là một tôn-giáo của triều-đình, không ảnh-hưởng đến đại-chúng, vẫn trung-thành với tín-ngưỡng tổ tiên và chư-vị thần-linh. Nhưng rồi chính những tín-ngưỡng truyền-thống ấy thấm-nhuần vào văn-hóa quí-tộc. Các ngôi điện-đài chứng minh sự hỗn-hợp thân-mật giữa tín-ngưỡng tổ-tiên và tư-tưởng từ Ấn-độ sang. Các ngôi đền-đài ấy do các vua chúa dựng lên để phụng sự chính tôn-giáo của mình và để thờ chính tổ-tiên mình nữa : tượng thần Civa, Vishuou, Harihara, Lakshmi, Parvati, Bồ-tát ở trong các điện-đài ấy biểu-thị phần lớn các vua chúa dưới sắc thái thần-linh mà khi chết đi linh-hồn họ sát nhập vào.
« Nghệ-thuật Khmer đến chỗ tuyệt-đích với kiểu tượng-trưng của đền Bayon, giữa Ankor Thom.
« Ở bàn thờ chính giữa có một pho-tượng vĩ-đại bằng đá hình-dung đức Boudharaja, tương-đương của Phật-giáo với ngôi « Thượng-đế-vua » của đạo Civa, và là hình-ảnh điển-thánh phong-thần của vua khai sáng. Một vòm vàng bao trùm, chung quanh có năm chục vòm nhỏ chồng-chất lên nhau thành một khối hỗn-độn đáng chú-ý. Tất cả đều có bốn mặt tượng bồ tát Quan-Âm khổng-lồ với nụ cười thần-bí, biểu-thị quyền-thế nhà vua che chở bốn phương của lãnh-vực. Từ đền Bayon chạy ra năm con đường lát đá đến năm cửa vĩ-đại : Những đường ấy, bao-lơn hình rắn thần Nagas là để tượng-trưng cho cái cầu vồng ma-thuật nối địa-giới với thiên-đường. Tuy nhiên nét đáng chú-ý nhất là những cảnh sinh-hoạt thân-mật trong gia đình mà lưỡi đục của nhà điêu-khắc đã pha trộn với những sự-tích anh-hùng ca lịch-sử, trên tường đá tại hành lang : chỗ này cảnh đi câu đồi-mồi, chỗ kia
https://thuviensach.vn
một chàng đi săn dương cung để bắn vào con trâu, chỗ khác đám đông người xúm quanh một cảnh chọi gà, trạm trổ rất hiện thực ».
Vương-quốc ấy thịnh-vượng suốt thời Trung-cổ, từng trao đổi sứ-thần với nhà Nguyên bên Tầu, Chinh-Đông với Chiêm-thành, Chinh-Tây với Xiêm-la. Nhưng tiền xây cất đền đài với chiến-tranh làm kiệt-quệ tài sản, làm nhân-dân chán-nản, đã là nguyên-nhân suy-nhược của Vương-quốc Khmer. Một yếu-tố mạnh nhất làm cho triều-đại Khmer yếu-hèn lại là Phật giáo Tiểu-thừa ở đây đóng vai như Hồi-giáo ở Java. Phật-giáo Tiểu-thừa phát-triển ở Ceylan vào thế-kỷ XII đã ăn sâu tại Miến-điện, tràn vào lưu vực Menam và Mékong. Ngay cuối thế-kỷ XII đã có một Hoàng-tử Khmer sang học Phật ở Tích-lan. Một thế-kỷ sau, mỗi một làng Khmer đều có một ngôi chùa hay một ngôi tháp của nó, mỗi người ai nấy tìm giải-thoát cho mình.
Phía tây, Xiêm-la vào đánh chiếm lấy đất Bat-tambang, Stung-Treng ; Phía Đông, hết Chàm vào đánh lại đến Việt-Nam, khi Việt-Nam xuống tới Đồng-nai. Và tới đầu thế-kỷ XIX thì Cam-bốt thừa-nhận cả sự bảo-hộ của triều-đình Huế lẫn triều-đình BangKok.
Sự bành trướng của giống Thái
Chủng-tộc Thái bao-hàm một khu-vực rộng lớn trong lục-địa Á-Châu, từ Brahmapoutre đến bể Trung-Hoa và từ Cao-nguyên sông Dương-tử đến Vịnh Xiêm-la. Họ phát-tích từ Tây-Nam nước Tầu. Dựng nên một quốc-gia Nam-chiếu rất hùng-mạnh, đóng đô ở Đại-lý đất Vân-Nam, và đến thế-kỷ thứ VIII tràn xuống miền Nam vào trung-châu Hồng-Hà (Bắc-Việt) và trung-châu sông Irrawaddy Miến-Điện, trung-châu sông Menam nước Siam. Các nhóm thái-tộc thiết-lập giữa giống Khmers, giống Môn và giống Birman. Vào thế-kỷ XIII nhiều quốc-gia Thái đã nẩy-nở lấn cả thế-lực Khmer lẫn Birman, là bang quốc Lào, Shan và Siam.
Khi quân Nam-chiếu tràn vào lưu vực sông Irrawaddy ở đất Miến điện, mục đích để liên-kết với Tây-tạng và Đồng-Minh của chúng, thì
https://thuviensach.vn
chúng chiếm phá kinh-đô Pyu, một quốc-gia Phật-giáo cực-thịnh đầu-tiên của xứ Miến-điện. Theo sử-ký nhà Đường thì :
« Vòng thành kinh-đô Pyu dài một trăm dặm, xây bằng gạch men xanh, có hào, và mười hai cổng thành có tròi gác ở các góc. Nhân dân gồm hàng mấy vạn gia-đình, nhà cửa lợp bằng chì và thiếc. Có hơn một trăm ngôi chùa Phật, trang-sức bằng vàng bạc và họa-phẩm sặc-sỡ, dải thảm thêu. Thanh niên ở chùa đến năm hai mươi tuổi, học kinh Phật xong rồi mới vào đời. Nhân-dân ham yêu sự sống và sợ sát-sinh. Họ không có dùng đến dụng-cụ hình-phạt như cùm xích chi hết. Chỉ có tội giết người là phạt tử-hình. Họ không dùng mỡ, dầu mà chỉ có nến sáp ong thơm. Họ dùng tiền bằng bạc hình vành nửa mặt trăng. Họ buôn bán với các nước lân-cận và cung-cấp hàng vải trắng và chum vại bằng đất sét nung. Họ có một thứ âm nhạc đặc-biệt và vũ-điệu rất tinh-vi đã khởi hứng cho một bài thơ của Bạch-Cư-Dị ».
Sau khi vương-quốc Pyu bị Nam-chiếu tiêu-diệt, thì bộ-tộc Môn và Birman kế-tiếp dựng nên Vương-quốc Pagan mà di-tích đền chùa Phật-giáo còn nổi tiếng thế-giới ngày nay cũng như cổ-tích Angkor vậy. Từ biên-giới Hoa-Tạng đi xuống, dân Birman học được thuật chiến tranh của Nam chiếu, bắn nỏ cưỡi ngựa, trồng cấy dưới đồng và trên bậc đồi. Từ thế-kỷ VII họ đã thu-nhận được của Bắc Ấn, Phật-giáo Đại-thừa. Phật-giáo sang đây đã trà-trộn với phù-chú ma-thuật. Pagan do nhà vua họ Pynbya cho xây dựng vào năm 849. Đấy là trung-tâm của Vương-quốc triều Anawrahta (1044-77), Nhà vua này đã có công mở rộng Birmanie từ Bhamo đến cửa bể Martaban và từ bờ biển Arakan xuống Bắc bán-đảo Mã-lai, đem lại một nền kinh-tế phong-phú về nông-nghiệp cho xứ-sở. Nhưng sự-nghiệp trọng yếu đối với một dân-tộc sùng tín là việc du-nhập Phật-giáo tiểu-thừa thay cho Đại Thừa. Chính nhà vua từ Đại-thừa cũng chuyển sang Tiểu-thừa. Sự kiện này đem lại sự hợp-tác với bộ-tộc Mon mà văn-hóa cao hơn dân Birman bấy giờ vì vị-trí của chúng cho chúng luôn luôn xúc-tiếp với miền Nam Ấn-độ. Trung-Tâm của Mon ở tại Thaton, cửa sông Sittang. Họ chiếm cứ cả đất Siêm ngày nay là hạ lưu sông Menam, đặt kinh-đô của quốc-gia
https://thuviensach.vn
tại Dvaravati. Nhưng Phật giáo đem từ Thaton vào mãi Miến-điện bấy giờ cũng do miền Nam Ấn Conjeveram truyền sang, vốn trà trộn cả Đại-thừa với phù-chú, đồng thời có cả tín-ngưỡng cổ-xưa về thờ thần Nat với Naga. Chùa Shwezigon dựng vào năm 1059 có cả bàn thờ ba-mươi bẩy thần Nát mà sự thờ cúng là tục Miến-điện của tín-ngưỡng vật-linh phổ-thông khắp cả Đông-Nam-Á.
Sau Phật-giáo Thaton đến Phật-giáo Tích-lan. Và các nhà cải-cách tôn-giáo Miến-điện bấy giờ đã biến Phật-giáo này thành một tôn-giáo thực đại-chúng chứ không còn của quí-tộc thiểu-số nữa. Từ Miến-điện, Phật giáo này truyền sang Siam, Cambodge và Laos và ở đâu nó cũng cảm-động đến đại-chúng một cách thâm-trầm. Hiện-tượng này thật trọng-đại vì nhờ tinh-thần dân-chủ của Phật-giáo này mà Hồi-giáo không thâm-nhập vào được khu-vực trên đây như là nó đã ảnh-hưởng vào bán-đảo Mã-lai và quần-đảo Nam-dương vì ở đây đạo Bà-la-môn cũng như Phật-giáo Đại-thừa chỉ ảnh-hưởng vào triều-đình mà thôi.
Nhưng rồi các vua của Pagan về sau quá ươn hèn, cùng với nhân-dân quá mơ tưởng cảnh trời siêu-nhiên, nên quân Nguyên đã tràn vào kinh-đô Pagan năm 1277. Từ đấy về sau thế-lực Pagan lụn bại, phải chờ đến thế-kỷ XV, XVI mới lại phục hưng và thống-nhất Miến-điện cận-đại.
Thái-tộc với sự thành lập các quốc gia Siam và Lào
Sau khi quân Nam-Chiếu nổi lên quấy phá Bắc-Việt và Bắc-Miến, định dựng nên một đế-quốc Thái gồm Vân-Nam, Bắc-Miến, Xiêm, Lào và phía Tây Bắc-Việt thì bị nhà Đường đem đại quân xuống đánh bại. Sự tan tác của Nam-Chiếu càng làm cho cuộc Nan-tiến của dân Thái mạnh thêm. Sau một thời-gian, ý-thức dân-tộc Thái bị phát xuất với Nùng-trí-Cao khi họ Nùng ngự-trị miền núi non Hoa-Nam và đóng-đô ở Đại-lý (Vân-Nam) để tam phân đỉnh-túc với nhà Tống bên Tàu và nhà Lý bên Việt-Nam. Chiến-tranh tiếp diễn, ý-đồ của họ Nùng lại thất-bại. Bị Trung-hoa dồn ép, Thái-tộc chuyển dịch xuống miền Nam. Cũng thời đó, Hồi-giáo từ Nội-
https://thuviensach.vn
Mông Tân-Cương tràn vào Cam-Túc xuống tận Vân-Nam, gây thêm khó khăn cho dân-tộc Thái trong sự cạnh-tranh phạm-vi ảnh-hưởng. Đó là lý-do tất-nhiên của cuộc di-cư tuần tự này theo với sự đổi thay tình-trạng ở nguyên-quán của họ. Sau đó các bộ-tộc khác ở Trung-hoa và Tây-tạng cũng tiếp-tục đi xuống miền Nam. Khi người Pháp chiếm Bắc-Việt và người Anh chiếm Miến-điện, các bộ-lạc Mèo, Mán, Lolo v.v… vẫn còn đang lẻ tẻ di
chuyển xuống.
Các nhóm Thái bèn dựng cơ-sở giữa người Khmer, người Mon và người Birman. Đến thế-kỷ XIII cuộc đảo lộn xã-hội gây nên bởi những chiến tranh của quân Nguyên làm nẩy nở các quốc-gia Thái lấn vào các đế quốc cũ của dân-tộc Khmer, hay Birman đang suy tàn. Trong các nhóm
Thái định-cư chỉ có nhóm Thái ở Siam gặp được điều-kiện thuận-tiện là lưu-vực Menam phì-nhiêu, mở cửa thông ra bể, có những yếu-tố cho sự thịnh-vượng. Nhóm Thái ở Lào lại bị giam vào những thung-lũng khô-khan và núi-non hiểm-trở.
Vào giữa thế-kỷ XIII, hai lãnh-tụ Thái đánh đuổi quan cai-trị Khmer ở đô thị Sukhothai trên thượng-lưu sông Menam và dựng ở đấy kinh-đô của một vương-quốc. Vị-trí địa-lý của Sukhothai, trung-tâm ảnh-hưởng của văn-hóa Khmer, Mon và Birman đã là nơi phát-tích của văn-hóa Siêm-la hay Thái-lan. Ở đấy dân Siam đã đồng-hóa được truyền-thống tôn-giáo chính-trị nghệ-thuật của các nước láng-giềng và thích-ứng tài riêng, đồng thời bảo-thủ lấy cơ-cấu tổ-chức xã-hội của mình giống với xã-hội Mongol : một quí-tộc quân-nhân là người giống Thái thống-trị đại chúng nhân-dân và nô-lệ là dân bản-xứ. Dân Siam đã học được lối viết của dân Khmer. Vua Siam bây giờ là Rama Khamhèng (1280-1318) mở rộng biên-giới lãnh-vực của Sukhothai đến Luang-Prabang, Pegu trên đất Miến-điện và Ligor trên bán-đảo Mã-lai. Một bài bia năm 1292 ghi công trạng vua Khamhèng như sau :
« Sinh thời vua Rama Khamhèng, đô thị Sukhôthai rất thịnh-vượng. Dưới sông có cá, trên ruộng có lúa, vua không đánh thuế thần-dân. Dọc đường nhân-dân lũ lượt qua lại, đánh bò đi bán, cưỡi ngựa đi mua. Kẻ
https://thuviensach.vn
muốn buôn bán voi hay ngựa cứ việc làm. Kẻ muốn buôn bán vàng bạc cũng cứ việc làm.
« Nếu có một người dân, một ông quan, một ông tướng bệnh đau, chết hay mất thì nhà của ông cha y, quần áo, voi, gia đình, vựa lúa, nô tì, vườn cau và trầu đều giao lại đầy đủ cho con cái y. Nếu người dân, các quan, hay các tướng bất-hòa với nhau, nhà vua cho điều-tra thật sự và giải-quyết một cách hết sức công-bình. Vua không vào bè với kẻ ăn cắp hay kẻ giấu diếm. Vua thấy gạo của người không tham, thấy của cải của người không tị.
« Kẻ nào cưỡi voi đến tìm nhà vua để xin che chở, vua giúp đỡ liền. Người ngoại-quốc không có voi, ngựa, nô tì, vợ, bạc, vàng nhà vua ban cho, và mời ở lại tự coi như ở chính tại nước mình. Nếu bắt được chiến-sĩ hay tù-binh đối phương với vua, vua không giết, không đánh đập. Bên cạnh cổng thành có treo một quả chuông : nếu một người dân trong nước có điều gì khiếu nại hay điều gì thương-tổn đến tinh-thần, và muốn tỏ bầy cùng vua thì không khó khăn chi cả, chỉ phải đánh chuông lên. Mỗi khi vua Rama Khamhèng nghe thấy tiếng gọi, vua bèn hỏi han người khiếu-nại về sự tình và xét-xử rất công-minh. »
Trong khi vua Rama Khamhèng thiết dựng thế-lực Siam-la ở trung-bộ bán-đảo Ấn-độ Chi-na thì một tướng Lào lập nên một nước Lan-Na, kinh đô đặt ở Chieng-Mai (1296) tại phía Bắc Siam-la, và hai nước kết-giao thành một đồng-minh các tướng Thái.
Vua nối nghiệp Rama Khamhèng là Lư Thai, một ông vua bác học « trị vì với mười điều giáo-lý của nhà vua. Vua biết thương tất cả thần dân, vua tha thứ tất cả những kẻ không tốt với mình. Lý do nhà vua thúc-ước tâm-trí của mình, và không nổi giận dù có khi đáng giận, ấy là nhà vua muốn thành một đức Phật và dẫn giắt tất cả chúng-sinh vượt qua bể trầm luân ».
Từ một giòng-dõi chiến-sĩ Nam-Chiếu trở nên một đức Bồ-tát từ-bi, phải chăng hoàn-cảnh địa-lý khí-hậu nhiệt-đới đã chuyển hướng tất cả nhuệ khí vũ-dũng vào bên trong thành lòng nhân-từ thụ-động như thế ? Bởi vậy
https://thuviensach.vn
mà sứ mệnh xây-dựng nước Siêm-la cận-đại tân-tiến phải vào tay họ Ramadhipati, thiên-đô xuống gần đầu mối giao-thông với bên ngoài là Ayuthya và Bangkok, mở ra một kỷ-nguyên mới cho lịch-sử nước Siam, bằng sự phục-hưng phong-tục Thái cố-hữu của thời Nam-Chiếu, dung-hòa với Luật-pháp trong Kinh Manu của Bà-la-môn giáo, và sáng-lập ra Hiến Pháp Siêm-la được dùng mãi đến triều Chulalongkorn gần đây (1910).
Văn-hóa Siam không tinh-tế bằng văn-hóa Khmer. Kinh-đô lịch-sử Ayuthia kém xa kinh-đô Angkor về nghệ-thuật. Nhưng dân-tộc Siam-Thái là một dân-tộc có khả-năng đặc biệt. Họ đến đâu là học hỏi ngay chính kẻ họ đánh bại. Họ cũng mang lại cho bản-xứ một hình-thức văn-hóa mới, ấy là Phật-giáo Tiểu-thừa của Tích-lan mà họ đã tin tưởng một cách nhiệt thành khi mới xúc tiếp với Miến-Điện. Chúng ta đã thấy ông vua cuối cùng của Sukhothai là Lu-Thai mộ-đạo Phật đến cho đi mời ở Tích-lan một nhà sư tiểu-thừa danh tiếng để cùng chủ-tọa một hội-nghị Phật-giáo và tự nguyện cắt tóc làm sư. Tiếng Pali trở nên tiếng bác-học của Siam, và tăng
già Siam đã như là một chi-nhánh của Tăng-già Tích-lan. Từ nước Siam, Phật-giáo Tiểu-thừa truyền-bá sang Cam-bốt và thay thế cho tín-ngưỡng Ấn-độ và Phật-giáo Đại-Thừa thời Angkor.
Vạn Tượng
Phía Đông-Bắc nước Siam, đồng thời với kinh-đô Ayuthia có một nước Lào xuất-hiện ở kinh-đô Vạn-Tượng. Sự thống-nhất quốc-gia của Lào, dựa vào sông Mékong là một lịch-trình chậm chạp, vì địa-thế không thuận-tiện : một con sông lớn có nhiều thác không tiện giao thông, một hàng cao nguyên dứt đoạn vì núi và suối, khiến cho địa-thế phân chia làm nhiều khu cách biệt độc-lập.
Vào thế-kỷ XIV, kinh-đô Sukhothai bị kinh-đô Ayuthia kiêm-tính, nhân cơ-hội Fa-Ngum một ông vua Lào dựng nên thống-nhất quốc-gia, lên ngôi ở Luang-Prabang, làm vua nước Vạn-tượng. Ông vua này từng du-học ở Angkor, bèn mời một phái đoàn nhà sư và thợ Khmer sang Lào. Đấy là
https://thuviensach.vn
bắt đầu nền văn-hóa Khmer và Phật giáo Pali Tiểu-Thừa lan tràn vào cao nguyên Mé-kông vậy.
Con vua Fa-Ngum nối ngôi cha, tự xưng là « Tướng lãnh ba trăm ngàn dân Thái », nhưng kỳ thực giữa các tiểu-vương vẫn có sự cạnh-tranh khiến cho nước Lào không bao giờ thực hiện được một chủ quyền thống-nhất mạnh-mẽ. Vả lại lịch-sử Lào lại luôn luôn phải chiến-tranh chống đỡ, một mặt với Việt-Nam (1479), một mặt với Siam-la và Miến-điện. Còn trong nước thì ba tiểu-bang nội-chiến với nhau là Luang-Prabang, Vien-tiane, Champassak cho đến khi tiểu-bang Champassaak bị sát-nhập vào Siam, Vientiane bị tàn phá và Luang-Prabang xin sự che chở của Việt-Nam.
Cuộc Nam-tiến của Việt-Nam
Lịch sử Nam-tiến của dân-tộc Việt nằm ở trong định mệnh chung của toàn thể lưu-dân di-chuyển từ lục-địa xuống bờ biển Đông-Nam trước sự dồn ép của các thế-lực phương Bắc. Đây là lịch-sử của một dân-tộc hơn là một lãnh-thổ. Một dân-tộc thì cái điểm trọng-đại tiên-quyết là ý-chí chung sống của nó, ý muốn sinh-tử cộng-tồn trước hết, trải qua không gian thời gian biểu-thị ra ở việc làm, ở sự-nghiệp, ở người, ở vật, đấy là văn-hóa của một dân-tộc vậy. Trước khi tiếp-xúc với văn-hóa Ấn-độ Veda và văn-hóa Tàu Khổng-Nho, thì xã-hội Việt-Nam ở đất Giao-Châu tức lưu-vực Hồng Hà, theo các cổ-học sử-gia kết-luận, đã có tổ-chức riêng về đời sống tập-thể khác với Tàu, với Ấn. Sách « Giao-Châu ngoại-vực ký » chép rằng :
« Đời xưa, khi nước Giao-Chỉ chưa chia ra thành quận huyện, thì lãnh thổ chia ra những cánh đồng gọi là « lạc điền » ; trong những cánh đồng đó, nước lên xuống theo thủy-triều, dân cư cày bừa những ruộng ấy để sinh nhai, cho nên người ta gọi những dân đó là dân Lạc. Các Lạc-tướng và Lạc hầu cai trị các quận huyện. Ở các huyện có Lạc tướng. Dưới đời Hán, mỗi Lạc-tướng lĩnh một cái ấn đồng có giây chằng màu lục ». Và giáo-sư
Maspero, căn-cứ vào đoạn văn ấy, so sánh những chế-độ của dân man-rợ
https://thuviensach.vn
hiện ở phía Nam nước Trung-hoa để kết-luận về cái xã-hội Việt-Nam trước khi chịu ảnh-hưởng văn-hóa Tàu.
« Xã-hội đó có tính-cách phân đẳng-cấp và phong-kiến, giống như dân Thái và Mường ở miền Đà-giang và những miền núi giáp-giới Bắc-bộ Ai lao.
« Người Lạc bình-dân không hay di-chuyển, và thành-lập ra từng đoàn-thể nhỏ gồm một vài làng đặt dưới quyền cai-trị của những Lạc-tướng thuộc về thế-tộc. Những Lạc-tướng giữ quyền về tôn-giáo, dân-chính và binh-bị. Cũng như các Chao-din người Thái bây giờ ở thượng-lưu sông Đà, những Lạc-hầu chia cho các Lạc-tướng là họ hàng con cháu họ, những làng mạc đó, tức là những kế thừa thái-ấp nhỏ. Những Lạc-hầu nào mà có đất đai to gần bằng một huyện đời nhà Hán phải phụ thuộc Lạc-vương.
« Tương-đối ra về phương-diện vật-chất thì cũng khá tiến-bộ. Dân ở Bắc-bộ Việt-Nam xưa kia cầy ruộng không dùng cầy và trâu, mà dùng toàn cuốc làm bằng đá mài. Có khi họ đã biết cấy một năm hai mùa và nếu thực ra họ đã biết lợi dụng được mực nước sông lên xuống để cho nước vào ruộng, thì họ cũng đã là những nhà làm ruộng giỏi. Còn về binh khí, họ có những cung lớn độ vài thước cao để dùng bắn mũi tên tẩm thuốc độc. Phải thề và dấu kín cách chế thuốc độc bí mật. Họ cũng biết đúc đồng để làm đầu mũi tên, cách chế tạo nói trên phải theo một lễ-nghi có tính-cách tôn giáo. Muốn làm đầu tên thì phải đúc lại những đồ bằng đồng. Các cụ già gõ đồ đồng để xem tiếng, và chỉ nhận những đồ đồng nào có tiếng thích-hợp thôi.
« Họ hay ưa vẽ lên mình, bím tóc ra đàng sau gáy và chít khăn, cũng như bây giờ con cháu họ hãy còn theo. Cái tục ăn trầu cũng thấy nhiều người theo ; cả tục ruộm răng nữa mà người Tầu cho là kết-quả tự-nhiên của tục ăn trầu mà ra.
« Ta không biết mấy về tôn-giáo và phong-tục đời đó. Cũng như các dân-tộc ở về phía Đông-Nam Á-Châu, tôn-giáo của dân Việt đời xưa có tính-cách nông-nghiệp ; một đại-hội về mùa xuân, mà trai gái được tự-do
https://thuviensach.vn
vui đùa, đánh dấu ngày tân-xuân cho phép làm những công việc đồng áng đầu tiên, và có những tiểu-lễ mà các văn-sĩ Tầu đã ghi được ở thế kỷ XI rất tỉ mỉ. Hội đó vẫn còn tồn-tại ở xã-hội Thái trên thượng-du và hiện còn lại ít nhiều di-tích dưới đồng bằng.
« Lễ ăn hỏi phải có tặng-phẩm như trầu cau, tục này người Thái vẫn còn theo. Những nhà chức trách Tầu ở thế-kỷ thứ III không làm cách nào trừ hết được cái tục anh em chồng lấy chị em dâu, còn tồn-tại ở phía Tây Bắc-bộ Việt-Nam bây giờ. ». 11
Đấy là một xã-hội có cá-tính riêng biệt khác với xã-hội Tầu, nhất là theo quan-niệm Chu-lễ của Khổng-Nho, là một xã-hội phụ-hệ, quyền ưu thế của phái Nam thuộc người cha còn ở xã-hội Lạc-Việt vẫn là xã-hội mẫu-hệ quyền ưu-thế của phụ-nữ thuộc về giòng mẹ. Việc hai vị liệt-nữ họ Trưng đứng lên phất cờ khởi-nghĩa đầu tiên đủ chứng-minh địa-vị ưu-tú của phụ-nữ trong xã-hội Lạc-Việt.
Và xã-hội chất phác ấy, tín-ngưỡng vật-linh, tôn-giáo nông-nghiệp đã phải va chạm với thế-lực hùng-mạnh từ phương Bắc xuống, đế-quốc nhà Tần hay đế-quốc nhà Hán.
Rồi trải qua ngót ngàn năm Lạc-Việt đã bị Bắc thuộc. Quyền đô-hộ lúc đầu còn rộng rãi, về sau ngày càng chặt chẽ, muốn sát nhập Việt-Nam vào bản-đồ Trung Quốc, trái hẳn với nguyện-vọng thâm-thiết của nhân-dân, thường bộc-phát ra những cuộc quật-khởi tuyệt-vọng vì quả bất dịch chúng, đủ tỏ rằng nhân-dân Lạc-Việt chịu đựng sự đô-hộ của Tầu một cách bất đắc-dĩ. Ngay từ đầu sự bất-bình ấy đã đẩy một số dân Lạc-Việt miền gần biển bỏ đi ra ngoài biển, theo chiều gió mà di-cư xuống các hải-đảo ở Đông-Nam-Á. Bác sĩ W.F. Stutterheim trong một khảo-cứu gửi tự Nam dương cho tạp-chí Indochinoise tháng 6-1928 có xác-nhận rằng :
« Vào khoảng kỷ-nguyên trước T.C. dân miền mà ngày nay gọi là Ấn Độ Chi-na một phần đã lan-tràn sang quần-đảo Đông-Ấn, mở ra một thời kỳ mới trong lịch-sử hải-đảo này. Dân mới đến đã mang vào kỹ-thuật dẫn thủy của họ áp-dụng vào việc trồng lúa ; kỹ-thuật này đã thông-dụng ở tại
https://thuviensach.vn
xứ-sở nguyên-quán của họ. Họ còn thiết-dựng một chính-phủ nông-dân với một chế-độ xã-hội giống hệt với chế-độ họ vốn đã có từ trước. »
Lại cũng có kẻ không muốn hợp tác với chế-độ đô-hộ của Tầu, bỏ lên rừng núi để tìm cách cầm cự trường-kỳ, cho nên từ hai bà Trưng cho đến Ngô-Quyền đã có nhiều cuộc quật-khởi thất-bại.
Phần lớn ở lại Trung-châu, tìm học-hỏi thêm ở văn-hóa Trung-hoa, thâu hóa của Tàu để pha trộn với của mình, không quên mục-đích tối cao là giải-phóng khỏi ách đô-hộ ngoại-lai. Ông Aurousseau, trường Viễn-Đông Bác-Cổ viết rằng :
« Phong tục xã-hội phong-kiến Việt-Nam đã bị chính-sách Tàu biến đổi một cách sâu-xa. Phương-pháp cai-trị ấy để lại cho Việt-Nam lòng ham-chuộng và nhu-cầu về chế-độ bền vững. Chính trong trật-tự xã-hội mới sáng-tạo ấy mà về sau nước này tìm thấy được sức mạnh để đánh đuổi các ông thày đã dạy bảo nó ». 12
Sự thực cái ý-chí chung sống độc-lập, có chủ quyền chính-trị quốc-gia của dân Lạc-Việt không bao giờ từ chối cái hay cái đẹp của người, cái chính nghĩa vương-đạo ở văn-hóa Trung-Hoa cũng như ở các văn-hóa khác đã đến với nó. Nhưng nó chống đối đến cùng những tham-vọng đế-quốc thực-dân bất chính của Tàu qua các triều-đại Hán, Đường, Nguyên, Tống, Minh, Thanh. Bởi thế mà người Việt xưng-tụng văn-hóa Trung-Hoa, nhưng đồng-thời không quên ý-chí độc-lập của mình mà đứng lên chống đối âm mưu chính-trị muốn chi-phối và sát-nhập Bắc-Việt vào bản đồ Trung-quốc.
Lịch sử chứng-minh có hai đặc-tính căn-bản khác nhau trong lịch trình truyền-bá văn-hóa của Trung-hoa và Ấn-độ vào khu-vực Đông-nam Á. Sự truyền-bá của Ấn-độ thì luôn luôn êm đềm, còn sự truyền-bá của Trung-hoa thường đi đôi với võ-lực. Và sự thực văn-hóa Ấn-độ đã thâm nhập vào cả hai mặt Đông-Bắc hay Tây-Nam dẫy núi Hoành-sơn phân đôi bán-đảo Ấn-Độ Chi-na, trước khi văn-hóa Tây-chu vượt khỏi lưu-vực Hoàng-Hà Dương-tử tràn xuống phía Nam dẫy núi Ngũ-Lĩnh là biên-giới thiên-nhiên ngăn Phiên-Ngung, Giao-Châu với lục địa Trung-hoa.
https://thuviensach.vn
Ngay từ thời Sĩ-Nhiếp đầu kỷ-nguyên Thiên-Chúa, theo như lời trong bức thư của Viên-Huy (207) từ Giao-Châu gửi về Tàu nói :
« Anh em Sĩ-Nhiếp đều chia ra các quận, mỗi người hùng-trưởng một châu, rộng đến vạn dậm, uy-nghiêm tôn kính không có ai hơn. Khi ra vào chuông khánh vang lừng đủ mọi nghi-vệ thổi sáo, đánh trống. Xe ngựa đầy đường. Những người Hồ đi theo hai bên xe đốt hương thường thường có đến vài mươi… ». 13
Đấy là phong-tục tôn-giáo chính-trị giống như ở xã-hội Ấn-độ với tôn giáo Bà-la-môn thời xưa. Đủ tỏ ảnh-hưởng văn-hóa Ấn-Độ hay Dravidien đã sẵn có ở Giao-Châu rồi trước khi xúc-tiếp với Trung-Hoa. Khảo-cứu về sự bành-trướng của Phật-giáo Ấn-độ ra ngoài đất Ấn, Bác-sĩ Migot gần đây cũng kết-luận như Trần-văn-Giáp rằng :
« Theo dư-luận điển-hình thì chính Trung-Hoa đã tiếp-thụ Phật-giáo ở Ấn-độ rồi đem sang Trung-Việt Bắc-Việt. Điều ấy chỉ có một phần đúng và những sự liên-lạc chiến-tranh hay ôn-hòa vô kể giữa hai nước chắc hẳn đã có kết quả đem cho người Việt tôn-giáo của kẻ chiến-thắng là Phật-giáo Đại-Thừa. Nhưng những khảo-cứu mới đây đã chứng tỏ rằng đấy không phải con đường độc-nhất. Người ta chú-ý đến con đường bể truyền thẳng từ Ấn-Độ sang.
« Giữa thế-kỷ thứ III và thứ VI kỷ-nguyên T.C. ở Việt Nam là thời toàn thịnh của Phật-giáo Ấn do các nhà sư hay giáo-sĩ Ấn, Nguyệt-Thị, Khương Cư, đem tới, và danh-tiếng của Phật-giáo Việt-Nam đã lớn rộng đến nỗi học-giả Tần Mậu-Bác (170) muốn học Phật phải sang đất Giao Châu. Sự du-nhập ấy là do đường bể và có nhiều giáo-đồ tiếp-tục theo con đường ấy, rất được tín-đồ Việt-Nam hoan-nghênh. Các nhà du-lịch cũng như lái buôn cũng có công giúp vào sự du-nhập hòa-bình ấy. Không phải chỉ các người bình-dân mà các học-giả cũng nhiều đã tìm dịch kinh sách Ấn-Độ.
« Vào năm 580 bắt đầu cuộc du-nhập Phật-giáo lần thứ hai, lần này do từ bên Tàu sang dưới ảnh hưởng của Ti-ni-da-lưu-chi (Vinitaruci), Ông này
https://thuviensach.vn
là một người Bà-la-môn ở miền Nam Ấn, từng tập-luyện khoa Thiền-học ở các chùa bên Tầu. Ngành Thiền-tông là một tông-phái quan-trọng của Đại Thừa Phật-giáo. Ông ta được cả một lớp tổ-thiền kế tiếp.
« Thế-kỷ thứ IX, một thế-kỷ rực rỡ của Phật-giáo thì ở Việt-Nam có nhiều bậc sư trứ-danh đến truyền-bá một khoa Thiền thuần-túy hơn trước và gần với giáo-lý của vị Tổ sáng-lập là Bồ-đề Đạt-Ma.
« Đến năm 969, vua khai-sáng triều-đại Việt-Nam độc-lập là họ Đinh đã tổ-chức hệ-thống giáo-phẩm mà lãnh-tụ là một nhà sư Phật-giáo và đấy là bắt đầu một thời-đại rất thịnh-vượng của Phật-giáo Việt-Nam. Dưới triều-đại nhà Lê, Trần, chùa-chiền và tăng-già mọc lên khắp nước, Phật giáo lan rộng nhờ sự ấn-loát kinh-sách Đại-thừa đem ở Tầu sang. Phật-giáo không còn là một tôn-giáo riêng của bình-dân và có nhiều tài-liệu chứng minh tôn-giáo được ưu-đãi vì sự bảo-hộ nâng-đỡ của chính-quyền. Ảnh hưởng ưu-thắng ấy tồn-tại trong khoảng năm trăm năm. Vào thế-kỷ XV thì một sự đối-lập xuất-hiện chống với Phật-giáo ấy là Khổng-giáo do giai-cấp Nho-sĩ đại-diện, và sự đối-lập ấy rất rõ rệt trong thời Việt-Nam bị nhà Minh đô-hộ. Sau đấy Phật-giáo cũng còn thịnh ở thế-kỷ XVI nhưng triều-đình bấy giờ không nâng đỡ Phật-giáo để bênh vực giai-cấp quí-tộc, trí-thức Khổng Nho hay Đạo-sĩ ». 14
Một điều đáng chú-ý là trong thời kỳ đô-hộ, nhà thống-trị hẳn phải thống-trị cả tinh-thần lẫn vật-chất bằng cách giáo-hóa tinh-thần văn-hóa Khổng-giáo của mình cho nhân-dân. Tại sao Phật-giáo lại nẩy nở, phát triển mạnh và liên tiếp, thậm chí có nhà sư Việt danh-tiếng bên Tầu như Nhật-Nam tăng hay Duy-Giám Pháp-sư, giảng kinh trong cung vua nhà Đường ? Vấn-đề này René Grousset tác-giả lịch-sử Á-Đông đã trả lời rất chính xác : « Trong thời gian dài ấy, nước Việt bị Tầu-hóa rất thâm sâu, nhận kinh-sách và chữ viết Tầu, Phật giáo Tầu và luân-lý Khổng. Nhưng việc Tầu-hóa ấy là việc của giới trí-thức. Quốc dân bảo vệ tiếng-nói giao chỉ của mình, truyền-thống và phần lớn phong-tục của nó, thành-thử có sự thấm-nhuần mà không có sự vong-bản, mất dân-tộc tính. » 15
https://thuviensach.vn
Thực cũng mỉa mai, giới trí-thức thời bình thì phản dân-tộc để tranh nhau địa-vị, thời biến thì bỏ dân tộc mà chạy lấy thân. Cho nên các nhà vua khai-sáng là những người cảm-thông sâu-xa với nguyện-vọng dân-tộc, vì dân-tộc mà tranh-đấu, vì dân-tộc mà hy sinh, việc đầu tiên là phục hưng lại văn-hóa dân-tộc, như Đinh-tiên-Hoàng, khi dành độc-lập rồi liền phục hưng ngay Phật-giáo và Đạo-giáo đi đôi với Khổng-giáo lấy tinh-thần Tam giáo làm Quốc-học. Vì tinh-thần Tam-giáo là tinh-thần tổng-hợp không độc-tôn Khổng-giáo như ở bên Tầu, đấy chính là tinh-thần văn-hóa dân-tộc vậy. Nay muốn biết cái tinh-thần của văn-hóa chế-độ Lý Trần thế nào, như Nguyễn-trọng-Thuật đã viết ở Nam-Phong số 167, nên đọc những lời chỉ dụ của hai vua nhà Trần như sau này. Đời Minh-tôn hoàng-đế, các quan triều là Lê-bá-Quát, Phạm-sư-Mạnh, muốn thay đổi chế-độ theo Tàu. Ngài nói : « Nam Bắc khác nhau, quốc gia đã tự có hiến-chương riêng rồi 國家 自有成憲南北各異 »
Đời Nghệ-tôn Hoàng-đế, Ngài thường nói : « Tiền triều ta lập quốc đã tự có pháp-độ riêng chứ không theo của nhà Tống. Bởi vì Nam Bắc đều tự chủ lấy nước mình, không nên phóng chép của nhau. Duy từ niên-hiệu Đại trị (1358-69) nhân bọn thư-sinh chấp-chính, họ không hiểu cái ý sâu lập pháp của tổ-tôn, bèn đem cả phép cũ mà đổi dựa theo như tục Tầu, như là những việc về y-phục ca-nhạc, còn nhiều việc khác nữa. Vậy từ nay việc chính-trị buổi đầu nhất-thiết phải tuân theo về điển-lệ năm Khai-Thái (1324-1329). Coi đó thì biết văn-hoá Lý, Trần khác với của Tống, mà cái sự-nghiệp Lý Trần không phải ngẫu-nhiên đâu ». 16
Như thế đủ chứng-minh rằng các nhà khai-quốc Việt-Nam thường ý thức cái nguyện-vọng của nhân-dân, cái động-cơ thúc-đẩy dân Việt-Nam muốn làm Việt-Nam, tức là cái ý-chí độc-lập, tự-do vậy. Điều ấy, trí-thức Việt-Nam hiện nay có người không nhận, hay không biết, nhưng học-giả Pháp đã sớm nhận-thức, cho nên ông Demieville, năm 1924 đã viết :
« Ngay buổi đầu những triều-đại dân-tộc của Việt-Nam đề cao Đạo giáo và nhất là Phật-giáo. Khi vua Đinh-tiên-Hoàng năm 971 dựng hệ thống cấp-trật quan-chức, ông đặt giáo-phẩm của Đạo-giáo hay Phật-giáo
https://thuviensach.vn
vào hàng cao bên cạnh quan văn và quan võ. Năm 1007 vua Long-Đĩnh nhà Tiền-Lê xin của nhà Tống một bộ kinh Phật cùng với chín sách cổ-điển của Nho giáo. Ảnh hưởng Phật-giáo càng mạnh dưới triều nhà Lý (1010- 1225). Vua sáng lập Lý-thái-Tổ đã học Phật trong một ngôi chùa. Một khi lên ngôi, ông bèn kiến-tạo lại tất cả đền, chùa trong nước. Vua kế-nghiệp Lý-thái-Tôn sai sứ sang Tàu thỉnh kinh Phật và kinh Đạo và xây nên nhiều thư-viện để lưu-trữ. Cùng một chính-trị tôn-giáo dưới thời nhà Trần : người ta thấy Trần-nhân-Tôn nhường ngôi để làm sư (1293) và người kế-vị Trần Anh-Tôn sau khi nhường ngôi, và trước-tác hai mươi quyển về Đại-tạng với chính máu của mình (1319) ». 17
Các triết-lý tam-giáo ấy mà các triều-đại độc-lập lấy làm ý-thức dân tộc ngay bước đầu mới thoát-ly khỏi ách đô-hộ của Tàu đã biểu-hiện rõ rệt sáng sủa vào tác-phẩm nghệ-thuật danh-tiếng Việt-Nam là Chùa Một-Cột mà ý-nghĩa tượng-trưng đã điều-hoà thích-ứng một cách thần-tình thuần nhất ba phương-diện của văn-hoá Đông-Nam-Á.
- Vạn-hữu thần của Bà-la-môn.
- Tu, tề, trị, bình của Khổng-giáo.
- Từ-bi bác-ái của Phật bà Quan-Âm,
tất cả qui vào một mối : đứng trong hiện-thực mà vẫn siêu-nhiên, « ở bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn », thể-hiện đúng lý-tưởng của nhà thơ Java đã nói trên kia :
« Unité dans la diversité : Đồng-nhất trong sai biệt ». Chính cái tinh thần điều-hoà thích-ứng của Chùa Một-Cột này thời cận-đại lại vẫn còn biểu-hiện ra ở tác-phẩm nghệ-thuật kiến-trúc của nhà thờ Phát-Diệm dung hoà văn-hoá truyền-thống với văn-hóa Thiên Chúa.
Nhưng tất cả biểu-thị nghệ-thuật Việt-Nam không có gì đáng so sánh với nghệ thuật các nước Đông-nam-Á được, về phẩm cũng như về lượng. Bởi vì Việt-Nam nghèo-nàn, luôn luôn bị đe doạ ngoại-xâm, cho nên chưa từng có một giai-cấp thống-trị quí-tộc sa-sỉ quá độ, để cho phép có được những công cuộc xây-dựng vĩ-đại bằng mồ-hôi nước mắt của dân.
https://thuviensach.vn
Nhưng tinh-thần văn-hoá còn biểu-thị ra cái ý-thức dân-tộc ở hành-vi của nhà Lý muốn đòi lại biên giới tự nhiên là dẫy Ngũ-lĩnh của Nhà Tống ở mặt Bắc, và đất Quảng-bình, Quảng-trị, Thừa-thiên ở mặt Nam đã mất cho Chàm thời đô-hộ.
Cái ý-thức dân-tộc ấy cũng lại diễn-tả ra ở hành-vi anh-dũng của nhà Trần, quân-dân nhất-trí một mình đánh đuổi quân Nguyên hung-dữ không cho đổ xuống miền Đông-Nam-Á. Cái tinh-thần Văn-hoá dân-tộc ấy lại biểu-thị ra cử-chỉ anh-hùng nhân-đạo của chúa Lam-Sơn.
Làm việc trọng vì nhân vì nghĩa, cốt sao cho được yên dân. Cất quân hỏi tội, cứu đời, trước hết trừ loài tàn bạo.
Nước nhà Đại-Việt
Một nước Văn-minh
Cõi bờ sông núi phân chia
Phong-tục Bắc Nam sai khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần dựng nên tổ-quốc
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi chúa một phương.
Dù mạnh yếu có lúc không đều
Mà hào-kiệt chưa đời nào thiếu.
(Bình Ngô Đại-cáo)
Và công-thần Nguyễn-Trãi, quân-thần một dạ :
Thương người như thể thương thân…
…Của tuy tơ-tóc, nghĩa cân ngàn trùng
Của là muôn sự của chung
Sống không, thác lại tay không có gì ?
Ở sao cho có nhân nghì !
(Gia-huấn ca.)
Cái tinh-thần Văn-hoá dân-tộc ấy còn biểu-thị ở cử chỉ anh-hùng áo vải đánh đuổi quân Thanh :
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công-trình.
https://thuviensach.vn
(Ngọc-Hân)
Cũng như nó đã biểu-thị ở ý-chí thống-nhất Giang-sơn, đoàn-kết dân tộc của Chúa Nguyễn Gia-Long thời cận-đại vậy.
Nhưng đặc-biệt và đáng cho thế-giới chú-ý là sự-kiện thay thế hẳn văn-hoá Chiêm-Thành trên bán-đảo Ấn-độ Chi-na ngày nay, khiến cho Reginald Le May tác-giả The culture of South-East-Asia, công-nhận rằng :
« Trên bản đồ Á-châu có một dẫy núi chạy dài xuống xương sống An Nam ở Ấn-độ Chi-na và dẫy núi ấy đánh dấu biên-giới hay đường phân hai giữa văn-hoá Trung-Hoa và văn-hoá Ấn-độ. Tất cả cái gì ở về phía Bắc và phía Đông dẫy núi ấy về văn-hóa đều bắt gốc ở Trung-Hoa. Tất cả cái gì ở phía Tây và phía Nam đều bắt gốc ở Ấn-độ. Và hai bên không từng trộn lẫn hay xung-đột ». 18
Sự thực có trộn lẫn và có xung-đột, cho nên mới có văn-hoá Việt-Nam trên đất xưa kia là lãnh-vực của văn-hoá Chàm và văn-hoá Phù-Nam và Khmer hay Thuỷ-Chân-Lạp. Chính-đấy là điểm sở-trường của văn-hóa Việt-Nam. Văn-hóa là kết quả sự điều-hoà thích-ứng của xã-hội nhân-loại với hoàn cảnh thiên-nhiên. Vì nhân-loại trong cuộc sống còn không phải hoàn-toàn thụ-động hoàn cảnh thiên-nhiên, cũng không phải hoàn-toàn chống đối, hoàn-toàn chủ-động với thiên-nhiên. Nó vừa phải thích-ứng, vừa phải điều-hoà, cho nên giữa hai thái-độ « Mạnh được yếu thua » « Khôn sống bống chết » dân-tộc Việt-Nam đã sớm ý-thức được một đường lối riêng biệt của mình, ấy là cái triết-lý ngụ ở câu cách-ngôn hết sức phổ thông và bình-dân : « Khôn cũng chết mà dại cũng chết, biết thì sống ». Biết là biết điều-kiện lịch-sử (Trời thời) điều-kiện địa-lý khí-hậu (Đất lợi) và điều-kiện tâm-lý nhân-dân (Người hoà) mà nhà hiền-sĩ Việt-Nam trước sự tấn công của các thế-lực Âu-Tây vào Đông-Nam-Á đã dặn lại con cháu :
Trời thời Đất lợi lại Người hoà.
Khu-vực Đông-Nam-Á vốn là khu-vực gặp-gỡ của hai nền văn-hoá, mà chỗ gặp-gỡ mạnh-mẽ nhất là bán-đảo Ấn-độ Chi-na. Văn-hoá nào tồn tại và sinh-trưởng được ở đấy tất phải có cái sức điều-hoà thích-ứng bền-bỉ
https://thuviensach.vn
dẻo-dai. Văn-hoá Ấn-độ thiên-trọng về tình-cảm, mơ-màng và siêu-thực. Những ngọn tháp Hời đứng cô-liêu trên đỉnh núi, xa với đô hội náo-nhiệt đua tranh, đủ chứng-minh sự thích-ứng điều-hoà với hoàn-cảnh địa-lý khí hậu của người Chàm không thể lâu bền. Một giải đất eo-hẹp, ép vào một bên núi cao, một bên biển cả, không đủ làm cơ-sở cho một nền văn-hoá nông-nghiệp được, nếu có sự cạnh-tranh của một văn-hóa cũng nông nghiệp như văn-hoá Việt-Nam, sẵn có cơ-sở trung-châu Hồng-hà, lại tiếp thụ được của Trung-Hoa cái tinh thần thực-tiễn, lý-trí và nghị-lực. Xã-hội Việt-Nam cơ-bản là làng-mạc, lấy « đình trung điếm sở » làm mục-tiêu sinh-hoạt có tinh-thần xã-hội dân-chủ. Cho nên cùng một lễ nghi tôn-giáo nông-nghiệp mà Lễ-Động-Thổ ngày đầu năm để khởi sự làm ruộng đất, ở bên Tầu thì nhà vua ban đất cho chư-hầu về làm Lễ mà ở Việt-Nam thì tự nền anh bô-lão mỗi làng lấy đất làm Lễ lấy cho làng mình. Mỗi làng đều có cái đình làm đầu mối quan-hệ xã-hội ; quan-hệ tinh-thần và quan-hệ vật chất ở cả một chỗ. « Sống ở làng sang ở nước » cái ý-thức quần-cư lạc nghiệp quê cha đất tổ. « Sống về mồ về mả không sống về cả bát cơm », ấy là ý-thức muốn phát-triển tập-thể, đi đến đâu mang theo cả một cơ-sở để định-cư và có thể coi như những đồn-luỹ tiền phong của một nền Văn-hoá. Người Chàm thiên về siêu-thực cho nên các công-trình kiến-trúc chỉ là kết quả một ý-thức có vẻ thụ-động, vì thế mà những sản-phẩm văn-hoá chỉ dùng để tô-điểm cái thiên-nhiên sẵn có sự hùng-vĩ cho thêm phần bí-ẩn. Những ngọn tháp Hời có đồ sộ nhưng kém ích-lợi cho nhân-sinh thực-tế. Đấy là ý-tưởng siêu thoát nhờ cái ảo-lực ma-thuật của thiên-nhiên ngụ trong tôn-giáo khiến người Chàm quan-niệm cuộc đời là phụ-thuộc hay quá tạm-bợ. Vậy từ hoàn-cảnh địa-lý khí-hậu, tính-tình, từ điều-kiện sinh-hoạt đến ý-thức, người Chàm đại-diện cho một vai trò không thích-ứng với hoàn-cảnh. Một xứ bờ biển cần phải xúc-tiếp cởi mở giao-thông, một dân tộc nông-nghiệp thì cần phải có châu-thổ đồng điền, ấy là cái lý tất-nhiên. Trái với lý ấy thì sớm chầy sẽ bị đào-thải. Cho nên dân Việt đã nỗ-lực vượt khỏi miền Trung trên đường Nam tiến, không lấy đất Chàm làm mục-tiêu, mà chính là miền Đồng-Nai mới là lẽ sống của xã-hội nông-nghiệp.
https://thuviensach.vn
Tây-phương không đường tới :
Bắc lộ khó nẻo qua
Đường Nam phương thấy đó chẳng xa,
Thì những sợ nhiều quân Đá-Vách.
(Nguyễn-cư-Trinh « Sãi-Vãi »)
Đáng lẽ dân-tộc Chàm phải sớm biết điều ấy, lấy Đồng-Nai Châu-thổ làm cơ-sở bảo-tồn trước khi đem quân tấn công Việt-Bắc. Họ đã làm trái hẳn. Nhưng nhà Nguyễn với tầng lớp sĩ-phu sáng suốt như Nguyễn-cư Trinh đã biết, nên đã thành công.
Nhà địa-lý nhân-văn J. Sion viết :
« Cuộc bành-trướng của dân Việt-Nam là một đồng-hoá thật sự. Tính cách đó giải-thích vì sao người Việt bành-trướng chậm, nhưng rất chắc chắn. Cao-miên và Lào đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù đem về làm nô-lệ, lại có một giai-cấp quí-phái thống-trị dân đen, cho nên có cướp được đất cũng dễ mất ngay.
« Mục-đích của người Việt lại khác. Họ không cần bắt nô-lệ, họ làm lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất cày ruộng.
« Nhiều khi chiến-tranh chỉ là để xác-nhận một tình-thế sẵn có. Dân Việt bành-trướng một cách ôn-hoà, sinh-cơ lập-nghiệp rồi binh mới tới sau. Trước khi Việt-Nam sát-nhập đất Nam-kỳ về mình, người Việt đã lập ở đó những tổ-chức ; những đám người di-cư đã xây-dựng làng xóm hay là tới ở chung với người Cao-miên rồi lần lần nắm quyền-hành.
« Cuộc bành-trướng thi-hành bằng cách đưa đến những đám người liên-tiếp, đủ các hạng người : dân cày không có ruộng, những người tù tội, những người trốn-tránh chế-độ, hay là những quân cướp muốn chuộc tội. Cũng có khi chính-phủ thu-thập những người đó rồi đưa xuống những miền mới chiếm, hay là lập những đồn-điền tận biên-thùy để phòng-bị lân-bang tới đánh. Những đám người đó có quan-lại cai-trị và lập-thành làng mạc.
https://thuviensach.vn
« Cuộc bành-trướng của các đám bình-dân Việt đã là sức mạnh của Việt-Nam, cũng như ở Trung-Hoa. Cuộc di-dân đã biến-hoá đất Nam-kỳ thành một xứ hoàn-toàn Việt-Nam cũng như đất Bắc-kỳ. Ngay dưới mắt ta trong cảnh thái-bình, cuộc bành-trướng đó vẫn tiếp-tục khắp đất Cao-miên và đất Lào ». 19
Cái sức Nam-tiến ấy cũng được ngọn bút của nhà bác-cổ học Aurousseau dẫn-chứng rất tinh-tường và kết-luận :
« Những yếu-tố, những sức mạnh có thể tiêu-diệt một quốc-gia mới thành-lập, đều vô hiệu-quả trước sức sống mãnh-liệt của người Việt-Nam.
« Dân-tộc Việt-Nam chiếm-đoạt các đồng-bằng Bắc-bộ ngay từ cuối thế-kỷ thứ ba trước Tây-lịch. Xã-hội Việt-Nam trở nên phồn-thịnh tại đó. Lần-lần các làn sóng người di-cư tiếp-tục tràn-lan mãi về phía Nam, để tới một điểm xa nhất trong cuộc bành-trướng mà người Bách-Việt khởi từ thế kỷ thứ bốn trước Tây-lịch.
« Người Việt tới Trung-phần Trung-bộ ngay cuối thế-kỷ sau. Tới đây dân-tộc Chiêm-thành chặn họ lại một thời-kỳ khá lâu. Người Việt vẫn giữ được cái đà bành-trướng như một sức mạnh ầm-ỹ, và sau một cuộc tiến triển, sau nhiều năm chinh-chiến, đã thắng được kẻ thù Chiêm-thành vào năm 1471 để tiến mãi về phía Nam, tới Qui-Nhơn cuối thế-kỷ thứ 15, tới Sông-Cầu 1611, Phan-Rang 1653, Phan-Thiết 1697, Sài-gòn 1698, Hà-tiên 1714. Cuối cùng trong nửa đầu thế-kỷ 18, người Việt thực-hành xong công cuộc bành-trướng của dân-tộc, và chiếm trọn đất-đai Nam-bộ hiện-thời ». 20
Và Đại-uý Gosselin trong L’Empire d’Annam có nhận-chân tính-cách thống-nhất của dân-tộc Việt-Nam như sau :
« Hết thảy các sử-gia có nhiệt-tâm tìm sự thật đều phải công-nhận rằng : Khi để chân lên đất Việt-Nam, người Pháp đã phải đụng-chạm với một dân-tộc thống-nhất, thống-nhất một cách không thể ai ngờ tới, từ các miền cao-nguyên thượng-du Bắc-Việt cho đến biên-giới Cao-Miên, thống nhất về đủ các phương-diện nhân-chủng, cũng như chính-trị và xã-hội ».
https://thuviensach.vn
Xem như thế thì dân-tộc Việt-Nam ngày nay với một lãnh-thổ chạy dài từ ải Nam-quan xuống mỏm Cà-mâu, với một dân-số trên hai mươi triệu, với một nền văn-hóa thuần-nhất, ngôn-ngữ thuần-nhất, đã là đại-biểu cuối cùng và duy-nhất của Việt-tộc. Cái vận-mệnh đặc-biệt ấy của dân-tộc Việt Nam không phải là một sự ngẫu-nhiên. Cái sứ-mệnh lịch-sử của nó là một phần do giang-san, hay là điều-kiện khách-quan về kinh-tế địa-dư, chế-độ xã-hội, phong-tục, ngôn-ngữ tập-trung lại mà ngấm-ngầm ấn-định.
https://thuviensach.vn
KHU-VỰC ĐÔNG-NAM-Á VỚI CUỘC GẶP GỠ ĐÔNG TÂY CẬN ĐẠI
Đông-phương và Tây-phương từ lâu đã từng xúc-tiếp giao-dịch như di-tích khai-quật ở Oc-Eo cửa bể Cửu-Long đã chứng-thực. Nhưng cuộc gặp-gỡ và tiếp-xúc thực trở nên sâu rộng là kể từ sau cuộc cách-mệnh kinh tế và chính trị ở Âu-Tây thế-kỷ XIX vậy.
Theo sử Tầu thì 166 sau Thiên-Chúa đã có người lái buôn La-Mã qua Trung Hoa, đi ngang đất Việt-Nam bấy giờ là Giao-Châu. Đời Tam-Quốc bên Tầu, khoảng 266 sau Thiên-Chúa cũng có lái buôn La-Mã đến kinh-đô Giao-Châu. Nhưng thực ra thì suốt thời Trung-cổ, Thượng-cổ người Âu Tây chưa biết rõ Á-Đông lắm. Sau cuộc chiến-tranh Thập-Tự-quân, người Âu mới bắt đầu tiếp-xúc nhiều với người Á, việc buôn-bán trao-đổi hàng hóa mới phồn-thịnh. Và kể từ đấy bọn lái buôn A-Rập đứng trung-gian giữa Ấn-Độ, Trung-Hoa với Âu-Châu, để đem phẩm-vật sang Âu-Châu như hương-liệu, gia-vị, ngọc-ngà, tơ-lụa, đồ gốm, đồ thêu, thảm v.v… Bọn này đi hai con đường, đường bộ từ Hắc-Hải qua Trung-bộ Á-Châu để tiếp nối vào « con đường lụa » (route de la soie) đến nước Tầu ; đường thủy qua các hải-đảo Đông-Nam-Á, Ấn-Độ-Dương đến Hồng-Hải sang cảng Alexandrie bên Ai-Cập để rồi chuyên-chở sang thành Venise qua Địa Trung-Hải.
Thế kỷ XIII người Ý-Đại-Lợi (Italie) là Marco-Polo, chu-du sang Trung-Hoa ở lại 17 năm, làm quan với triều nhà Nguyên, có đi ngang qua Việt-Nam để tới Chiêm-Thành. Về nuớc ông có viết bộ Đông-Phương Kiến-Văn-Lục nói đến xứ Bắc-kỳ, khoa-trương sự phồn-thịnh và mỹ-lệ của người Á-Châu khiến cho người Âu-Châu rất chú-ý.
Chừng nào người A-Rập làm chủ Địa-Trung-Hải phía Đông thì việc buôn-bán càng ngày càng trọng-đại và phát-triển không ngừng giữa thiên hạ Địa-Trung-Hải với Á-Châu hay là như bấy giờ người ta thông-dụng là «
https://thuviensach.vn
đất Ấn » (Les Indes). Nhưng bắt đầu từ thế-kỷ XI, người Thổ-Mông (Turc Mongol) theo sang đạo Hồi (Islam), bắt đầu cướp thế-lực của người A-Rập. Từ những đồng cỏ phía Nam và Đông Nam bể Caspienne (Cat-sờ-biên) nổi lên, dân Thổ-Mông này ngự-trị tất cả xứ Syrie (Si-ri) và Trung-bộ Á-Châu từ thế-kỷ XV. Họ xâm-nhập cả vào Âu-Châu, cướp Constantinople (Công tăng-ti-nốp) năm 1453. Ai-Cập bấy giờ còn trong tay người A-Rập, nhưng dân Turcs (Thổ-Nhĩ-Kỳ) sửa-soạn xâm-chiếm, và các đoàn giặc bể của họ đe dọa tất cả thuyền buôn giao-dịch giữa Ai-Cập với Venise và Gêne ở Ý Đại-Lợi (Italie). Do đấy mà việc buôn bán giữa Âu-Châu với các đất Ấn bị đoạn-tuyệt. Việc buôn bán ấy không những làm thiệt-hại giới thương nghiệp, nó còn trực-tiếp ảnh-hưởng vào đời sống của đại-chúng nhân-dân nữa. Theo Kermack trong The Epansion of Britain (tr. 667) thì :
« Các nông-dân thời Trung-cổ không biết dùng những rễ, củ như củ cải đỏ để nuôi mục-súc mùa rét. Vì thế mà một phần lớn mục-súc ấy phải làm thịt đi khi các đồng cỏ biến chìm dưới tuyết, và người ta phải muối thịt để ăn suốt mùa rét. Như vậy suốt cả Châu-Âu người ta cần dùng gia-vị rất nhiều, xưa kia vẫn mua ở Á-Đông, để muối thịt và giữ cho thịt muối có hương-vị. Giữ một con đường thông với các Đảo-Gia-Vị (Iles des épices) là một điều tối trọng-yếu bấy giờ vậy ».
Nhưng có còn con đường nào khác để đi sang đất Ấn không ? Theo thuyết dạy ở trường học bấy giờ của Pomponius Mela (50 sau T.C.) chủ trương trái đất gồm có nhiều lục-địa chung-quanh là biển, người ta có thể đi đến đất Ấn vòng quanh Phi-Châu. Nhưng thủy-thủ bấy giờ tin rằng, vượt quá giới-hạn ở phía Nam là sẽ gặp tai-họa của thủy-thần nổi giận. Bởi vậy mà cuộc hành-trình không dễ thi-hành. Phải mất ngót một thế-kỷ, thủy-thủ Bồ-Đào-Nha mới hoàn-thành. Trước họ hãy vượt eo-biển Gibraltar để đánh đuổi quân Maures A-Rập ra khỏi lãnh-thổ của họ. Kế đến họ đi xa hơn chút nữa về phương Nam, tìm kiếm những mảnh vàng vụn ven biển Côte-d'Or (bờ biển vàng), sau hết họ đi lùng bắt nô-lệ da đen. « Lùng bắt nô-lệ, điểm thêm vàng, ngà voi và hồ-tiêu, đấy là mục-tiêu của dân Bồ khám phá đất Phi-Châu. » (Spéar : Master Mariners p.65). Đến khi quân Thổ-Mông
https://thuviensach.vn
(Turc) chiếm Constantinople (Công-tăng-ti-nốp) thì dân Bồ chưa vượt khỏi đất Gambie ở Phi-Châu. Ba mươi năm sau họ mới tới Congo. Năm 1486- 1487 Diaz mới vượt khỏi Hảo-Vọng-Giác (Cap Bonne Esperance). Cuối thế-kỷ XV (1498), thuyền buôn Bồ-Đào-Nha do Vasco de Gama vòng quanh Hảo-Vọng-Giác, căng buồm chạy thẳng sang quần-đảo Gia-Vị, tức là đất Ấn vậy.
Mặt khác, Espagne (I-pha-nho) khuyến-khích thủy-thủ của mình, theo thuyết của Toscanelli dạy rằng trái đất tròn, người ta có thể tìm đến « quần đảo Gia-Vị » bằng con đường phía Tây. Năm 1492 Colomb căng buồm dạt tới bờ biển Trung-Mỹ, tưởng đấy là « quần-đảo Gia-Vị » nên đã đặt tên là đất Ấn miền Tây. Cách đấy hai mươi năm sau Magellan dẫn một phái đoàn vòng phía Nam-Mỹ, vượt qua Thái-Bình-Dương mênh-mông để dạt tới bờ biển Á-Châu. Đất Ấn chính-thức là Đông-Ấn mới thực tới nơi, bằng con đường phía Tây. Thế là Thái-Bình-Dương, Đại-Tây-Dương và Ấn-Độ Dương mới được chinh-phục.
Từ đấy về sau mở ra một kỷ-nguyên mới cho sự tiếp-xúc giữa Đông phương với Tây-phương, tiếp-xúc bằng đường bể, mà Đông-Nam-Á đứng trung-gian vậy.
Từ khi Vasco de Gama tìm qua Hảo-Vọng-Giác người Bồ-đào-Nha mới thiết-lập Tổng-Đốc-Phủ ở thành Goa bên Ấn-Độ làm nơi căn-cứ cho việc buôn bán. Magellan vâng lệnh Vua Espagne (1519) từ Nam Mỹ-Châu vào Thái-Bình-Dương, tìm tới quần-đảo Phi-Luật-Tân, rồi thì người Âu mới kế-tiếp theo nhau sang phương Đông. Sau khi lấy được Malacca, người Bồ-Đào-Nha sai sứ sang Tiêm-La và nhiều lần đến viếng bờ-biển Việt Nam.
Vào cuối thế-kỷ XVI người ta thấy có một người Bồ-Đào-Nha và một người Y-Pha-Nho giúp việc tại triều-đình Cao-Mên. Đến thế-kỷ XVII người Âu mới bắt đầu giao-thiệp với Việt-Nam một cách tiếp-tục. Những người đến lúc đầu là vì mối lợi kinh-tế, hoặc vì mạo-hiểm phiêu-lưu, hoặc nữa vì việc truyền-giáo, vì bấy giờ ngoài đạo Gia-Tô, người Âu cho tất cả
https://thuviensach.vn
là vô-thần mê-tín. Tựu-trung sự gặp gỡ giữa Đông-phương và Tây-phương bắt đầu bằng sự buôn bán và truyền-giáo.
Xã hội Nông-nghiệp với Xã hội Công-thương
Trải qua hơn hai thế kỷ, sự có mặt của các người Âu hoạt-động ở các vị-trí ven bể và ở các hải-cảng không ảnh-hưởng gì vào nền-móng kinh-tế của các xã-hội Âu-Châu dựng trên cơ-cấu nông-thôn. Âu-Tây bấy giờ chưa cơ-khí-hoá hãy còn thuần thuộc tính-chất thương-mại, không có gì để bán cho Á-Châu, vì sản-phẩm của họ là sản-phẩm thủ-công, không có thể cạnh tranh được với sản-phẩm cũng thủ-công nhưng khéo-léo hơn của Á-Châu. Trái lại họ đến để mua hơn là để bán. Họ mua các chất gia-vị quí-báu kia, họ chưa có ý muốn chiếm đất-đai, mà đặt quyền kiểm-soát, đường giao thông thương-mại quốc-tế nhờ có một số căn-cứ chiến-lược. Nhưng thiếu người và tài-liệu, nước Bồ-Đào-Nha bấy giờ không thực-hiện nổi nhiệm-vụ ấy và hơn nữa không đủ tư-cách xây-dựng nên một đế-quốc ở Á-Châu, trên ba chân vạc Goa, Malacca và Ma-cao, nghĩa là toàn-thề Đông-Nam-Á. Thế-kỷ XVI, XVII, ngoài việc buôn bán có đem lại thêm một việc mới nữa là cuộc chiến-tranh Thập-Tự chống với Hồi-giáo ở các quần-đảo Đông Nam-Á mà quân Bồ-Đào-Nha với quân Y-Pha-Nho đã điều-động với sắt lửa.
Việc thất-thủ Vương-quốc Malacca và việc tiêu-trừ dân Hồi-giáo khỏi địa-điểm ấy đã thiên-dịch nền thương-mại của dân Hồi sang phía Bắc đảo Sumatra và một phần Tây Java. Do đấy mà triều-đại Achel và Bantam nổi lên, còn các vua chúa bản-xứ của Malacca xưa rút về Johore, tiếp-tục tranh đấu chiếm lại kinh-đô cũ của họ. Japara nhiều phen tấn-công vào Malacca, trung-tâm thương-mại của quần-đảo bấy giờ. Đứng trước ba bề bốn bên thù-địch, quân Bồ-Đào-Nha nhờ vào khí-giới tinh-nhuệ, nhất là trọng-pháo và hải-quân đã cầm-cự nổi, nhưng lại thất-bại đối với nền kinh-tế của Hồi giáo.
https://thuviensach.vn
Nhưng thực-tế mà nói thì bấy giờ phần lớn thương-mại ở quần-đảo là do tay người Tầu và người Ấn nắm cả, họ đến đấy trao-đổi đồ-gốm, vàng bạc và tiền của Tầu, hàng-sa, vải, san-hô và ngọc-thạch của Ấn-Độ, lấy hồ tiêu gia-vị, dầu-hồi, thiếc, và gỗ thơm. Muốn có hồ-tiêu và thiếc là hàng hóa người Tầu đòi-hỏi, vương-quốc Achel và Bantam theo đuổi một chính sách bành-trướng lãnh-thổ. Khoảng 1607-36, thế-lực Achet bá-chủ bờ bể phía Bắc và Tây-Bắc đảo Sumatra với một phần bán-đảo Mã-lai. Thế lực Bantam bành trướng hai bên eo-biển La Sonde. Tuy-nhiên thương-nghiệp phát-triển như thế mà ở đảo Java nội-địa nông-nghiệp lại phục-hưng lên cơ
hồ lấn-át cả hoạt-động ở ven biển. Kể từ 1582 Mataram đã chinh-phục khắp lãnh-thổ phía Đông và ở Trung-bộ đến mãi Cheribon tại bờ biển. Y bèn chinh-phục nốt các đô-thị phồn-thịnh trên bờ biển mà đô-thị chính là Sourabaya rất phong-phú thời bấy giờ, nhờ buôn bán giao-dịch với các đảo Moluques và Borneo. Các đô-thị thương-nghiệp cạnh-tranh lẫn nhau nên không sao liên-hiệp đặng với nhau để chống nổi thế lực của Mataram, cho nên tất cả các đô-thị thương-nghiệp đều bị thất-thủ.
Song sự phục-hưng một quốc-gia thống-nhất ở trong nội-địa đảo Java trên cơ-sở kinh-tế nông-nghiệp phong-kiến không có gì vững-vàng bền vững. Nhà vua cố biến các Vương-quốc Chư-hầu thành quí-phái của triều đình bằng liên-hệ hôn-nhân, nhưng triều-đại Mataram cũng không vì đấy
mà tránh khỏi sự suy-vong. Bởi vì sự thống-nhất ấy bị sự cạnh-tranh phá hoại của các liên-đoàn buôn-bán Hòa-Lan đang phát-triển ở bên ngoài. Người Bồ-Đào-Nha chỉ tập-trung vào eo-biển Malacca, chưa để ý đến eo biển La Sonde bấy giờ là một con đường thứ hai dẫn đến « đảo Gia-vị ». Chính do con đường này mà các thế lực cạnh-tranh đột-nhập vào khu-vực Đông-Nam-Á. Trước hết là người Anh, sau cuộc thắng trận thủy-quân Y Pha-Nho Armada, bèn tổ-chức liên-đoàn Đông-Ấn mà đại-biểu đến lập cơ sở ở tại Bantam ba năm sau.
Năm 1596 người Hòa-Lan cũng xuất-hiện ở tại đấy. Năm 1601, họ thắng một trận thủy-quân quyết-liệt với người Bồ-Đào-Nha ngoài khơi Bantam, và dựng nên một liên-đoàn Đông-Ấn liên-hiệp gọi tắt là V.O.C. nó
https://thuviensach.vn
sẽ diệt hết đối-phương cạnh-tranh. Năm 1605 người Bồ-Đào-Nha bị đuổi ra khỏi đô-thị Amboine và nơi đây trở nên trung-tâm hoạt-động của người Hòa-Lan, ở đảo Moluques. Coen chiếm Jakarta năm 1619 cho xây ở đấy một thành-trì đặt tên là Batavia, Chẳng bao lâu người Anh cũng phải bỏ cơ sở của mình trên đảo Java cho người Hòa-Lan và sau khi Malacca thất-thủ (1641) thì một mình liên-đoàn Đông-Ấn Liên-Hiệp V.O.C bá-chủ tất cả thị trường. Tuy vậy mà liên-đoàn cũng không phải thế-lực độc-nhất về đất-đai và kinh-tế. Nó chỉ có một số căn-cứ ở Java, Sumatra, Moluques và trên bán-đảo Mã-Lai, cho phép nó kiểm-soát một phần nào thị-trường gia-vị. Phần thương-mại của nó trên quần-đảo so với hoạt-động của người Á-Châu còn kém xa. Nhưng các yếu-tố mới bắt đầu xuất hiện, chính-sách độc quyền Gia-vị ở Moluques do liên-đoàn Đông-Ấn thi-hành làm cho sự thịnh-vượng của các đảo ấy suy-sụp, lôi cuốn các vương-quốc vào vòng thế-lực của nó. Năm 1641 bắt đầu sự bành-trướng thế-lực Hòa-Lan trên quần-đảo Nam-Dương và sự diệt-vong các thế-lực vương-quốc bản-xứ vậy. Thế-lực công-ty thương-nghiệp Liên-đoàn Đông-Ấn trước hết độc-quyền các đường giao-thông trên biển Đông-Nam-Á và chinh-phục các đô-thị ở bờ-biển, sớm chầy chi-phối tất cả thế-lực chính-trị nội-địa của các xã-hội kinh-tế nông-nghiệp, vì một bên lưu-động đổi mới tiến-bộ về kỹ-thuật, một bên định-cư bảo-thủ.
Tình-hình ấy cũng diễn ra trên bán-đảo Đông-Dương hay Ấn-độ Chi na. Kể từ thế kỷ XVI người Âu gọi phần đất Việt-Nam từ sông Linh-giang trở vào Đường trong là Cochinchine, và phần đất từ Linh-giang trở ra Đường-ngoài là Tonkin hay Tonquin. Chữ Cochinchine do chữ Cauchi china tiếng Y-pha-nho và Caoci-Cina tiếng Ý-Đại-Lợi mà ra, nguyên từ chữ Tàu Kiaotche (Giao-Chỉ) rồi sau thêm vào chữ China (Tàu). Như thế chữ Cochin-China có nghĩa là đất Cochin ở Tàu có phân-biệt với đất Cochin ở Ấn-độ trên bờ biển Malabar thuộc Anh. Còn chữ Tonkin là phiên-âm chữ Đông-kinh tức là Thăng-long hay Hà-nội vậy.
Người Âu-Châu đến đông-đảo ở Việt-Nam vào thời Nam-Bắc phân tranh xẩy ra trong cuộc Nam-tiến của dân-tộc. Hai chúa Nguyễn, Trịnh bấy
https://thuviensach.vn
giờ còn tôn-thờ sự thống-nhất trên danh nghĩa vì dân-tộc qua vua Lê đứng làm hư-vị. Hai Chúa đều muốn cậy vào thế-lực ngoại-quốc để tranh-dành chính-nghĩa thống-nhất dân-tộc, nên đã đối-đãi niềm-nở với người Âu-châu đến buôn bán giao-dịch thời ấy.
Người Bồ-đào-Nha đã đến Đông-dương trước cũng như ở Nam Dương quần-đảo, và họ thân-cận ngay được với Chúa Nguyễn hơn. Ngoài việc đem bán binh-khí, súng đại-bác, vật-liệu để làm thuốc súng, lại còn có một người Bồ tên là Jean de la Croix tới Đường-trong năm 1615 lập lò đúc súng gần Huế bây giờ.
Thế-kỷ XVIII chúa Nguyễn đã muốn lợi dụng khoa-học của Âu-Tây nên dùng nhiều giáo-sĩ Gia-Tô giúp việc ở triều-đình. Chúa Hiền dùng giáo-sĩ Da Costa làm thầy thuốc, Chúa Minh dùng giáo-sĩ De-Arnedo để dạy toán học và các giáo-sĩ Bồ, Sama, Pirès, de Lina để dạy thiên-văn cùng toán-lý. Chúa Võ dùng giáo-sĩ người Đức về việc thiên-văn toán-lý và ngự y. Người Bồ-đào-Nha tiếp-súc với Việt-Nam xứ Đường-trong lấy Hội-an (Faifoo) làm căn-cứ giao-dịch. Ở đấy đã có người Tàu, người Nhật buôn bán từ lâu rất là sầm-uất. Hàng năm vào khoảng đầu năm Âm-lịch các tàu bè Trung-Hoa hay Âu-Tây từ Trung-Hoa, Nhật-Bản, Phi-Luật-Tân hay Malacca chở đến đồ sứ, giấy, kim-khí, lưu-huỳnh, diêm-sinh, chè, bạc thoi, binh-khí, dạ nỉ, vải vóc và mua sản-vật bản-xứ đem đi như tơ lụa, gỗ mun, trầm hương, quế, hồ tiêu, thóc gạo. Trao đổi xong sau 6, 7 tháng tàu bè lại kéo neo ra đi.
Sau người Bồ-đào-Nha đến người Hòa-Lan. Ban đầu Chúa Nguyễn đối đãi tử-tế, nhưng về sau thấy họ có ý giúp Chúa Trịnh thì sinh lòng ác cảm nên người Hòa-lan phải bỏ đi.
Ở Đường-ngoài, Chúa Trịnh không dùng giáo-sĩ mà chỉ mong đợi được võ-lực Âu-Tây giúp trừ diệt đối phương là chúa Nguyễn. Chúa Trịnh cho người Hòa-Lan lập thương-quán ở Hiến-Nam hay là Phố-Hiến tỉnh Hưng-Yên. Ít lâu sau người Hòa-Lan lại được lên Kẻ-Chợ là Hà-nội để
https://thuviensach.vn
buôn bán. Bấy giờ trong hậu-cung vua Lê-Thần-Tôn, người ta thấy một bà Phi người Hòa.
Năm 1637, phái-đoàn Hartsingh của Hòa-Lan đến thông-thương. Chúa Trịnh sai quan đón tiếp lên Kẻ-Chợ (Hà-nội) cho yết-kiến để yêu-cầu giúp đánh Chúa Nguyễn ở Đường-trong.
Vua Lê-thần-Tôn lại viết thư ngoại-giao với công-ty Hòa ở Batavia, đô-thị Ấn-Hòa để yêu-cầu giúp đỡ. Chúa Trịnh-Tráng cũng viết thơ cho chủ-nhân thương-quán Hòa ở Đài-Loan để cầu thân.
Năm 1642 Chúa phái sứ-bộ sang Batavia và chỉ được người Hòa hứa hẹn vì họ e mất lòng với Chúa Nguyễn Đường-trong.
Còn về việc binh-khí thì bấy giờ Chúa Nguyễn Đường-trong nhờ người Bồ-Đào-Nha, Chúa-Trịnh Đường-ngoài nhờ người Hòa-Lan, người Anh.
Tuy biết võ-lực cơ-khí người Âu-Tây bấy giờ đáng kính-sợ và thường trông mong họ giúp đỡ về khoa-học, vua chúa Việt cũng cương-quyết tỏ cho họ biết ý-chí độc-lập tự-chủ của mình. Năm 1641 người Hòa ở Hội-An tự-tiện giết một đứa đầy-tớ Việt bị ngờ ăn-cắp, quan Trấn-Thủ Quảng-Nam bèn đốt cả hàng-hóa và đồ-đạc của thương-quán Hòa ; vàng bạc và cái gì không đốt được thì quăng xuống biển, có bẩy thương-nhân bị giết, hai người được đưa về Batavia để thuật lại cho đồng-bang của họ biết. Công-ty Ấn-Độ Hòa-Lan bèn quyết đem võ-lực để đối phó, phái 5 chiếc tầu, 152 thủy-thủ, 70 lính ; đến nơi, một viên thủ-lĩnh Van Liesvelt lên bộ, bị lính của Chúa đánh giết chết với 10 tên lính. Viên thủ-lĩnh khác là Van Linga sai giết 20 người Việt đã bắt được ở các xóm chài-lưới với 107 người ở các làng duyên-hải rồi xuôi buồm ra Bắc.
Cuối năm 1643 đầu 1644, ba chiếc tầu Hòa-Lan dưới quyền chỉ-huy của Pierre Back từ Sumatra sang Việt-Nam không biết để đánh trả thù Chúa Nguyễn hay để giúp Chúa Trịnh. Khi đến Vịnh Cửa-Hàn, gập mấy chiếc thuyền chiến của Chúa Thượng-Vương do Thế-Tử Dũng-Lễ-Hầu tức Hiền Vương sau này, bấy giờ Trấn-Thủ Quảng-Nam chỉ-huy vây đánh. Hai bên
https://thuviensach.vn
đánh nhau kịch-liệt, chiếc tầu lớn của người Hòa bị bốn chiếc ghe của người Việt xông vào đập gẫy bánh lái, phá hủy cột-buồm và bám chặt vào mạn tầu. Viên thuyền-trưởng thấy nguy, không còn hy-vọng thoát được phải tự đốt mà chết. Hai chiếc tầu kia chạy trốn, một chiếc bị đuổi theo va nhầm vào đá tan vỡ, bẩy người thoát chết, thi-hài của người tử-trận đều bị cắt mũi. Cuộc thắng trận thủy-chiến với người Hòa này được giáo-sĩ Alexandre de Rhodes khen ngợi rằng :
« Người Hòa được kinh-nghiệm một cách thiệt thòi cho họ rằng, mấy chiếc ghe Việt có thể đánh thắng được những tầu lớn của họ. Với tầu lớn ấy họ đã tưởng làm chủ-nhân ông trên mặt biển rồi ! ! ».
Trong thời-gian ấy, người Bồ ở Đường-trong cũng như người Hòa, người Anh ở Đường-ngoài có giúp Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh về khí-giới đạn-dược để đổi lấy thổ-sản nông-nghiệp, chứ về quân lính tầu-bè dự vào trận mạc nội-chiến thì không thấy nói đến. Vậy mà các Chúa cũng vẫn nghi-kỵ họ, vì Chúa xứ nào cũng sợ một nước Âu-Châu giúp bên địch của mình. Về sau cả hai bên đều không thấy họ giúp đỡ mình được như ý muốn cho nên các Chúa mới lần-lần lạt tình giao-thiệp. Thái-độ thay đổi ấy rất có ảnh-hưởng đến việc buôn-bán và truyền-giáo của người Âu bấy giờ và sau này.
Các Vua Chúa bấy giờ mở cửa giao-dịch thông-thương rất có lợi, vì triều-đình độc-quyền thương-mại quốc-tế, và ý-thức-hệ Khổng-giáo hay Bà-la-môn giáo đều miệt-thị và cấm-giới việc thương-mại đối với tín-đồ. Bởi vậy mà tư-bản tư-nhân không tiến-triển.
Dưới triều Võ-Vương, luật định rằng : Thuyền buôn Thượng-Hải, Quảng-Đông khi đến nạp thuế 3.000 quan, khi đi nạp 300 quan. Thuyền buôn Phúc-Kiến đến nạp 2.000 quan, đi nạp 300 quan. Tầu Âu-Châu đến nạp 8.000 quan, đi nạp 800 quan ; tàu Macao, Nhật-Bản đến nạp 4.000 quan, khi đi nạp 400 quan. Tầu Tiêm-La, Phi-Tuật-Tân đến nạp 2000, đi nạp 200. Thuyền tầu không có hàng hóa thì không cho cập bến, thuyền-tầu giấu số hàng-hóa sẽ bị tịch-thu cả thuyền lẫn hàng hóa.
https://thuviensach.vn
Xem thế các Chúa bấy giờ được lợi lớn trong sự giao-dịch với bên ngoài. Và nếu cứ tiếp-tục một cách bình-thường thì sẽ nẩy-nở ở xã-hội nông-nghiệp phong-kiến một giai-cấp tân tư-sản như ở Âu-Tây để biến xã hội nông-nghiệp sang xã-hội công-kỹ-nghệ một cách dễ-dàng vậy. Các Vua Chúa Đường-trong bấy giờ hình như cũng đã tiến dần-dần đến con đường ấy, cho nên năm 1744 khi người lái Friel đến Huế xin thông-thương, Chúa Võ-Vương có gởi hai thiếu-niên Việt là Hiến và Lương để theo học tiếng Bồ-Đào-Nha là thứ tiếng Âu thông-dụng nhất ở Việt-Nam bấy giờ.
Năm 1778 khi Charles Chapman một nhân-viên công-ty Ấn-Độ của Anh đến yết-kiến Vua Thái-Đức Nguyễn-Văn-Nhạc. Vua ngỏ ý muốn nhờ vị Toàn-quyền Bengale phái sang một người để dạy binh-lược cho dân mình, vì Vua có ý chinh-phục xứ Cao-Mên, bán-đảo Đông-dương cho đến Tiêm-La, xứ Bắc-Việt. Chapman xin để trả lời sau khi trình lên thượng-cấp. Như vậy đủ thấy ở Việt-Nam các Vua Chúa đều đã ý-thức vận-mệnh của nước mình, muốn bảo-tồn độc-lập không những phải mở cửa giao dịch với Âu-Tây mà còn phải canh-tân về kỹ-thuật kinh-tế nữa vậy.
Tuy-nhiên ngoài tài-năng khoa-học mà người Việt hâm-mộ ở người Âu, về phương-diện thuần-phong mỹ-tục thì phần nhiều người Âu đại-diện ở Á-Châu bấy giờ cho văn-hóa Âu-Tây không lấy gì làm xứng đáng. Bọn buôn-bán thì ghen-tị, tranh-dành, mưu-mô hại lẫn nhau vì quyền-lợi kinh tế. Những việc sô-sát ẩu-đả thường xẩy ra. Giáo-sĩ Alexandre de Rhodes mục-kích những chuyện đánh lộn giữa người Pháp và người Bồ, đấu gươm với nhau chí-tử, có thuật lại rằng, những người bản-xứ trông thấy sự giận
dữ ấy nói với ông rằng họ chưa từng thấy một việc dã-man như thế bao giờ. Rồi Giáo-sĩ có kết-luận với người Âu rằng : « Vậy các ngài nghĩ thử khi thấy người Âu-Châu chúng ta, thì người Việt họ nói thế nào ? »
Không phải chỉ người khác quốc-tịch hay xung-đột nhau mà người một nước cũng thế. Theo văn-kiện thư-tịch của các thương-quán để lại, người ta sẽ thấy rất nhiều việc như thế. Các giáo-sĩ đối đãi với nhau, cùng mang một sứ-mạng truyền-giáo mà hội Gia-Tô cùng với Hội Ngoại-quốc tranh nhau ráo-riết về khu-vực giảng-dụ tuyên-truyền, giáo-sĩ Bồ hết sức
https://thuviensach.vn
vận-động ngăn-trở công-việc của các vị đại-diện Tòa-Thánh. Việc chia-rẽ ấy bắt đầu giữa người Âu-Châu, rồi lôi-cuốn dần-dần cả người bản-xứ nữa. Cách ăn ở như thế không làm tăng thể-diện cho người Âu-Châu, nhất là đối với người Việt-Nam nói riêng và người Đông-Nam-Á nói chung đều chuộng đạo-đức và luân-lý cao-thượng của các nền văn-hóa tinh-thần. Ngày nay, người Âu-Châu cũng nhận rằng đó là một trong những nguyên nhân chính-yếu khiến cho việc buôn-bán thông-thương có khi bị gián-đoạn, kém thịnh-vượng và đã gây ra những việc cấm đạo Thiên-Chúa sau này. Một bằng-chứng hiển-nhiên cho tinh-thần hiếu-học và sẵn-sàng đồng-hóa của người Việt bấy giờ đối với văn-hóa Âu-Tây là việc sáng-chế ra chữ quốc-ngữ theo mẫu tự La-Tinh. Các giáo-sĩ đến Việt-Nam phải lo học tiếng bản-xứ để giao-thiệp và truyền-giáo cho con chiên. Thấy cách ghi-chép tiếng ấy là chữ Nôm khó, họ bèn mượn chữ La-Tinh chắp thành vần theo thổ-âm. Công-việc ấy do nhiều giáo-sĩ người Bồ-Đào-Nha, người Y-Pha Nho, người Ý-Đại-Lợi, người Pháp-Lan-Tây thực-hành rồi thay đi đổi lại nhiều phen mới thành chữ quốc-ngữ ngày-nay, thay-thế được hoàn-toàn chữ Nôm và chữ Hán. Hai người có công lớn nhất trong việc này là Alexandre de Rhodes và Pigneau de Behaime. Các giáo-sĩ chỉ nhằm mục đích truyền-giáo tiện-lợi, dân Việt thấy một lợi-khí truyền-thống tư-tưởng học-thuật đã không ngần-ngại gì mà thâu-hóa chữ viết cho toàn-quốc.
Người Âu-Châu đến Việt-Nam lúc đầu hầu hết thuộc về hai hạng lái buôn và giáo-sĩ đã viết sách về những sự mắt thấy tai nghe ở Việt-Nam bấy giờ, cho ta còn thấy hình-ảnh một xã-hội giao-thời giữa cơ-cấu nông nghiệp với cơ-cấu công-thương trước cuộc tấn-công dồn-dập của cuộc cách-mệnh cơ-khí Âu-Tây sắp-sửa chinh-phục thế giới. Nay chỉ cần đơn-cử
ra đây đoạn văn người Âu-Châu đương-thời đã mô-tả đô-thị Saigon, hiện nay tập-trung các mối giao-dịch quốc-tế, cách đây hơn thế-kỷ trước khi bị đế-quốc Âu-Châu đô-hộ. Lời văn trích-dịch của Jean Silvestre trong tác phẩm (« L’Empire D’Annam » mà tác-giả đã trích-dịch lại của người lái buôn Anh tên là Finalayson :
https://thuviensach.vn
« Tuy không còn là kinh-đô nữa (Gia-Long thống-nhất Nam-Bắc xong, thiên đô vào Phú-Xuân Huế làm kinh-đô), nhưng thành phố này vẫn làm cho du-khách phải ngạc-nhiên. Chúng tôi không ngờ ở miền xa-xôi này lại có một thị-tứ to và rộng như vậy. Thành phố ở bên trái sông Saigon (đi từ biển vào). Khi chúng tôi xuống bến, đi hàng mấy hải-lý mà chưa hết nhà cửa. Nhà đều làm sát nhau và theo hàng rất đều. Đường-sá rất rộng. Có rất nhiều lạch, hai bên bờ đều là nhà cả, thuyền bè đi lại như mắc cửi. Cách đặt phố-xá ở đây còn phong-quang thứ-tự hơn nhiều kinh-đô Âu-Châu.
« Thành phố Saigon là trung-tâm thương-mại của cái tỉnh giầu này. Một vài người Trung-Hoa ở nước họ sang đây buôn bán rất lớn, nhưng người « Cochinchinois » nghèo cho nên không sao buôn-bán như người Trung-Hoa được. Những cửa hiệu ở Saigon có đủ mặt hàng : đồ-xứ Ton quin (Bắc-Việt), quạt, thuốc, pháo, hương, giấy… tóm lại rất nhiều hàng hóa Trung-Hoa.
« Dân cư rất đông-đúc.
« Sự phát-triển của thành-phố này và của một vài thành-phố bên cạnh (Chợ-Lớn) đã tiến một bước khá mạnh với chính-sự thanh-liêm nhưng cực kì nghiêm-khắc của ông Khâm-Sai Tả-Quân Lê-Văn-Duyệt. »
Lại theo Trịnh-Hoài-Đức trong Gia-Định Thống-Chí thì :
« Đất Gia-Định rộng lớn phì-nhiêu, sản-xuất đủ mọi sản-phẩm, dân-cư phong-phú không bao giờ lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Người Gia Định quen ăn tiêu phung-phí, trong miền Gia-Định rất ít người giầu có, vì cớ không ai chịu dành dụm để làm giầu cả.
« Nhân-dân ở đây khinh rẻ tiền của, nhưng rất mộ công-lý. Nền bà thì yểu-điệu và phần nhiều có nhan-sắc. Từ Bắc chí Nam, họ có tiếng là đẹp hơn cả. Họ phần nhiều thọ hơn nền ông. Những người đã cao tuổi thường vẫn tráng-kiện, chứ không cằn-cỗi khô-khan.
« Khi cõi Gia-Định mới thuộc triều-đình nước Nam, thì nhân-dân miền này gồm có những người Annam miền Trung di-cư vào, người Trung-
https://thuviensach.vn
Hoa, người Mã-Lai thường gọi là Chà-Và. Phong-tục mỗi giống đều khác nhau, người An-Nam thì theo phong tục Giao-Chỉ.
« Học-trò và thường-dân, nền-ông cũng như nền-bà để tóc xõa xuống vai, mặc áo cánh ngắn, không có sẻ ở hai bên, cài khuy ở giữa.
« Ở xứ này người ta không biết đến quần, nền-ông thì dùng một miếng vải quấn ngang lưng và vắt qua mông (khố). Nền-bà thì dùng một miếng vải quấn-quanh sườn (váy). Nhà cửa đều thấp và nhỏ. Nhưng từ năm 1680 (đời Lê-Ai-Tôn) trở đi, người ta ăn-mặc theo kiểu nhà Minh. Các quan văn võ đều ăn-mặc theo Kiểu Minh-triều. Nhà cửa đồ dùng thường-nhật đều giống đời Minh, và những phong-tục miền Bắc đều gác bỏ.
« Người Gia-định rất là thuần-hậu với khách lạ. Khi có người lạ tới nhà, chủ nhà bao giờ cũng mời ăn trầu, uống trà, và sau cùng dùng cơm. Mà bữa cơm đãi khách bao giờ cũng thịnh-soạn, bất-luận là khách thân hay sơ, hay chỉ là một người lạ mặt. Miễn là khách lạ đến chơi nhà là chủ nhân ân-cần tiếp đãi. Vì thế cho nên một người viễn-phương tới đây rất ít khi phải lo ăn. Tuy-nhiên phong-tục thuần-hậu này có một điểm không hay. Bọn vô-lại, bất-lương, vô-gia-cư hầu như được mọi người ủng-hộ khuyến khích, thành ra chúng càng ngày càng tệ-nhung.
« Các nhà Nho ở Gia-định có tiếng là hay chữ. Họ ưa dùng và thường dùng sách vở, quần áo đồ dùng ở Trung-hoa đưa sang, và họ chỉ học văn chương xứ đó.
« Hồi xưa chỉ các quan và các nhà giàu mới đi giày. Ngày nay khác hẳn. Phong-tục Tàu càng ngày càng ảnh-hưởng xứ này, cả đến bọn gia nhân sai bảo trong nhà cũng đi giày.
« Xứ này có rất nhiều sông, lạch. Vì thế cho nên trong 10 người thì có 9 người biết bơi lội. Thủy-quân Gia-định có tiếng là thiện-chiến.
« Nhà ở Gia-định phần lớn là lợp ngói. Ở bến Saigon tàu, thuyền thương-mại ra vào tấp-nập. Không một thương-cảng nào trong nước có thể so-sánh nổi với Gia-định. Dân Gia-định vì thế rất thạo nghề buôn bán.
https://thuviensach.vn
« Trái hẳn với dân tỉnh Gia-định, người miền Vĩnh-Thanh (Vĩnh-long và An-giang) có tính cần kiệm. Họ cần-cù làm ăn : cấy lúa và trồng hoa quả. Nhân-dân miền này phong-tục cực-kỳ thuần-hậu. Ai-ai cũng có ruộng có vườn. Không ai là nghèo thiếu ăn, thiếu mặc. »
Và lời ca-tụng cuộc sinh-hoạt của nhân-dân nông-nghiệp thuần-phong mỹ-tục của Phan-thanh-Giản khi trọng-trấn Nam-kỳ thời Tự-Đức không hẳn là ngoa-ngôn mỹ-tự vậy :
« Trời Nam vận mở lâu đài.
Ra bình trị đến năm ngoài ba trăm
Đời an trên dưới ca ngâm
Sĩ say dạo vị, nông ham cày bừa. »
https://thuviensach.vn
ĐÔNG-NAM-Á ĐỨNG TRƯỚC CUỘC CÁCH MỆNH KỸ-NGHỆ ÂU-TÂY CẬN-ĐẠI
Phan-Thanh-Giản khi đi sứ sang Âu-Tây đã tả cảm-tưởng về quang cảnh xã-hội Âu-Tây như sau :
Bá ban xảo diệu tề Thiên Địa
Duy hữu tử sinh tạo hóa quyền.
Dịch :
Trăm món khéo tay tày thợ Tạo.
Duy còn sống chết chịu thua Trời
Và đến khi về nước cũng đã sớm cảnh-tỉnh.
Từ ngày đi sứ tới Tây-kinh
Thấy việc Âu-Châu phải giật mình
Kêu tỉnh đồng bang mau kịp bước
Hết lời năn-nỉ chẳng ai tin ;
Trải qua lịch-sử xã-hội nhân-loại những khuôn-khổ kinh-tế cũng như chế-độ chính-trị luôn-luôn thay đổi mở rộng. Sức sản-xuất của xã-hội càng phức-tạp, sự giao-dịch trao đổi càng chằng chịt. Tuy-nhiên cho tới khoảng thế-kỷ XVI thì ở Âu-Tây những tiến-bộ cũng chỉ thấy trong vòng chi-tiết so với các khu-vực khác trên thế-giới không có chi cách-biệt khác nhau lắm. Vấn-đề Đông-Tây bấy giờ chưa thành vấn-đề, Giữa kinh-tế cổ-xưa sơ-thủy, kinh-tế phong-kiến nông-nghiệp với kinh-tế thủ-công, nếu có sự khác nhau thì chẳng qua chỉ ở chi-tiết chứ về tính-chất không có chi khác nhau hẳn. Ở các giai-đoạn ấy đời sống kinh-tế còn trong phạm-vi chật-hẹp, sản-xuất và mậu-dịch còn thua kém, thủ-tục còn đè nặng, và thêm vào đấy một qui-chế nghiêm-khắc chuyên-chế cấm đoán những phát minh và sáng-kiến của tư nhân. Động-cơ kinh-tế thì hẳn là sự cầu thỏa-mãn các nhu-cầu sinh-tồn, song sự dục-cầu ấy chỉ chính-đáng khi nào thích-hợp với luân-thường đạo lý và quyền-lợi của đoàn-thể do chính-quyền đại-diện nắm giữ.
https://thuviensach.vn