🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuyển Tập Truyện Ngắn Xuân Quỳnh
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Table of Contents
Mục lục
Ông Nội Và Ông Ngoại
Người Cô Của Bé Hương
Bà Tôi
Bến Tàu Trong Thành Phố
Người Làm Đồ Chơi
Thầy Giáo Dạy Vẽ
Bà Bán Bỏng Cổng Trường Tôi
https://thuviensach.vn
Mục lục
Ông Nội Và Ông Ngoại
Người Cô Của Bé Hương
Bà Tôi
Bến Tàu Trong Thành Phố
Người Làm Đồ Chơi
Thầy Giáo Dạy Vẽ
Bà Bán Bỏng Cổng Trường Tôi
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Ông Nội Và Ông Ngoại
Từ bé đến giờ Minh chỉ biết có ông nội, chưa bao giờ Minh gặp ông ngoại cả. Ông ngoại ở xa lắm, đâu như tận Sài Gòn kia.
“Nội là trong, ngoại là ngoài – Có lần bà Viện hàng xóm giảng cho Minh như thế – Ông nội đẻ ra bố còn ông ngoại thì đẻ ra mẹ, bố bao giờ cũng gần hơn mẹ, bởi thế ông nội gần hơn ông ngoại”.
Bà Viện nói thế mà có vẻ đúng. Ông ngoại thì ở xa tít tắp, mà nếu có ở gần chắc ông ngoại cũng không yêu Minh bằng ông nội.
Ông nội lúc nào cũng gần gũi Minh. Những buổi tối ngồi uống trà, ông ôm Minh ngồi trên lòng và kể cho Minh nghe bao nhiêu là chuyện. Ông hay kể về thành phố Hà Nội trước kia. Hà Nội khi ông còn là “anh vệ quốc” trong trung đoàn Thủ đô, khác Hà Nội bây giờ nhiều.
Ông yêu thành phố Hà Nội lắm, ông bảo, “ở trong nhà lâu lại nhớ phố”, bởi vậy ông rất thích đi chơi chỗ này, chỗ kia trong thành phố, thường là ông dẫn Minh đi theo. Ông kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ ngày xưa, không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn kem. Cái món kem dừa ở bờ hồ là Minh thích nhất, vừa thơm vừa mát lạnh. Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói, tưởng kem nóng, nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười.
Cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại mua cho Minh bao nhiêu thứ: kẹo, bánh, đồ chơi, có khi ông còn nhặt cho Minh cả những vỏ ốc biển nữa.
Vừa nhận những món quà ông cho, Minh vừa hỏi chuyện ông dồn dập:
https://thuviensach.vn
- Biển có xa không ông?
- Xa lắm.
- Có rộng không ông?
- Rộng lắm.
- Thế có bơi được không?
- Không, vì biển chỉ thấy có một bờ thôi, bờ bên kia không trông thấy đâu cả.
- Thôi Minh – bố Minh đưa mắt nhìn Minh và mắng – Con để ông nghỉ ngơi đã nào! – Rồi bố quay ra nói với ông:
- Ông mặc nó, ông cứ đi nghỉ đi cho khỏe, ông chiều nó quá rồi nó hư ra đấy.
- Thôi đi, tôi không mệt, anh mặc ông cháu tôi. – Ông kéo Minh vào lòng, xoa xoa lên cái đầu húi cua của Minh và cười vui vẻ – Cháu đích tôn của tôi đấy! Khi nào cháu lớn cháu nuôi ông nhỉ?
Những lúc như thế Minh thấy gần gũi ông nội hơn cả bố. Minh yêu ông lắm, mà không biết làm thế nào cho ông biết điều đó. Thấy ông âu yếm quá, Minh vừa cảm động lại vừa ngượng. Minh bèn lùa những ngón tay nhỏ xíu lên mái tóc ông và nói:
- Cháu nhổ tóc sâu cho ông nhé…
Ông ngoại hẳn không thể yêu Minh bằng ông nội được. Cả nhà không ai biết ông ngoại là người như thế nào. Ngay cả mẹ Minh cũng không rõ về ông ngoại lắm. Vì ông ngoại đi từ ngày mẹ Minh còn rất bé. Lúc bấy giờ mẹ Minh ở với cụ ngoại. Ông bảo đi vào Nam một thời gian làm ăn, có tiền rồi lại ra với mẹ Minh. Thế rồi đất nước chia cắt, ông ngoại không về nữa.
https://thuviensach.vn
Bây giờ mỗi lần kể về ông ngoại, mẹ Minh chỉ còn nhớ là ông có hai cái răng khểnh trước cửa. Người ông cao lớn lắm. Bao nhiêu năm trời mẹ không hề nhận được tin tức gì về ông. Mãi tới khi Sài Gòn giải phóng, có người vào Nam ra, cầm thư của ông ngoại đến cho mẹ, mẹ mới biết là ông còn ở Sài Gòn. Mẹ đọc thư ông mà cứ khóc rưng rức. Không hiểu có chuyện gì đã xảy ra với ông ngoại. Minh cứ quanh quẩn bên mẹ và lo lắng:
- Mẹ ơi, thư ông ngoại buồn lắm à?
- Không, vui lắm con ạ!
“À, ra vui mà mẹ cũng khóc! Mẹ giống như cái kem lạnh mà lại bốc khói”. – Minh nghĩ vậy lại thấy buồn cười.
Hè năm nay Minh được mẹ đưa vào thăm ông ngoại. Trước khi lên đường, ông nội mua cho Minh bao nhiêu là bánh kẹo để dự trữ ăn dọc đường. Ông sắp vào túi của Minh cả mấy quyển truyện mà Minh vẫn thích đọc. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, ông còn chạy theo đưa cho Minh một cái kem và dặn Minh:
- Cháu vào thăm ông ngoại rồi mau về với ông, ông nhớ cháu lắm đấy. Cháu về bất cứ lúc nào cũng có ông ở nhà sẵn sàng đợi cháu.
Ông giơ cao tay vẫy Minh mãi. Minh cũng vẫy ông, vừa vẫy vừa quay lại nhìn về phía sân ga, bóng ông nội nhỏ dần và khuất sau một dãy nhà cao. Cổ Minh nghẹn lại, cứ như là nước mắt ở trong cổ đang trào ra ấy! Muốn khóc quá!
Đường đi thăm ông ngoại xa thăm thẳm, qua bao nhiêu cầu phà, rừng núi, qua bao nhiêu bờ biển, làng, phố. Nơi nào Minh cũng thấy như đã quen biết từ trước rồi, vì ông nội ở nhà vẫn thường kể cho Minh nghe về những miền đất như thế.
https://thuviensach.vn
Xe dừng lại ở Huế một ngày. Dòng sông Hương xanh trong vắt, đúng như ông nội kể – và gió cầu Tràng Tiền thì mát ơi là mát. Có điều những nơi vua chúa ở ngày xưa thì không đẹp và lớn như Minh vẫn thường nghĩ. Cung điện gì mà còn thấp và xấu hơn cái cung thiếu nhi ở Hà Nội. Minh muốn chạy về ngay để nói cho ông nội nghe nhận xét đó của Minh. Nhưng ông nội đã xa quá rồi!
- Mẹ ơi, bao giờ mẹ với con lại về Hà Nội?
- Thăm ông ngoại xong thì về.
- Con chả muốn thăm ông ngoại nữa đâu, con muốn về ngay kia.
- Ấy chết, đừng nói thế con, con không thương nhớ ông à? Con không biết là ông đang mong gặp con à?
- Ông đã yêu con bao giờ đâu, ông đã biết con bao giờ đâu mà ông mong gặp con.
- Có chứ, ông biết con và rất yêu con, vì con là con của mẹ.
Nghe mẹ nói thế Minh không cãi lại nữa, nhưng Minh vẫn thấy như có điều gì vô lý ở bên trong. Tại sao Minh và ông ngoại không hề quen biết nhau lại có thể nhớ và thương yêu nhau được. Rốt cuộc, Minh vẫn chỉ thấy yêu và nhớ có ông nội.
Xe lại chạy, qua đèo Hải Vân. Mây ùa cả vào cửa xe. Xe chạy qua vùng Tháp Chàm cũ. Hẳn những Tháp Chàm ấy đã có từ lâu lắm rồi (theo như lời ông nội kể). Lâu lắm mà vẫn đứng đấy, nhìn về bốn phía, Minh vẫn có cảm giác những Tháp Chàm kia vẫn ngó theo…
Giá như có ông nội đi cùng, ông nội đã kể cho Minh nghe bao nhiêu chuyện ở dọc đường.
https://thuviensach.vn
Xe tới Sài Gòn vào một buổi chiều nắng gay gắt.
Nhà ông ngoại hẹp và kẹt giữa hai ngôi nhà to cao. Đứng xa, trông như một cái răng kẹ bị ép giữa hai cái răng bàn cuốc. Mẹ Minh rụt rè bấm chuông, còn Minh thì ghé mắt nhìn qua khe cửa, thấy một ông cụ tóc bạc phơ, người gầy đét, lòng khòng ra mở cửa. Mẹ ôm choàng lấy ông và nghẹn ngào:
- Bố ơi, con đây!
- Mẹ con thằng Minh vào với ông đấy à? Ông nắm lấy vai mẹ lẩy bẩy, mái tóc ông rung lên và lưng ông như còng xuống. Ông cười và nước mắt cứ giàn dụa – Tao nhận được thư, lúc nào tao cũng mong mẹ con mày vào.
Ông nắm lấy tay Minh và kéo Minh lại gần ông, Minh thấy hơi sờ sợ. Trông ông mỏng manh như một cái bóng chứ không phải là người thật. Ông chẳng to lớn như mẹ kể chút nào. Nếu như ông không có hai cái răng khểnh trước cửa thì chắc chắn là Minh không đoán ra ông. Ông nói lơ lớ giọng miền Nam, ông dùng nhiều chữ mà Minh không hiểu. Sau Minh phải nhờ mẹ cắt nghĩa mới hiểu hết được. Ví dụ: bệnh viện thì ông gọi là nhà thương; bác sĩ ông gọi là đốc-tờ; bồi dưỡng ông gọi là tẩm bổ; người tốt ông gọi là người có đức hạnh v.v…
Mẹ bảo những từ ấy là những từ cổ, ở Hà Nội không ai còn dùng nữa, nhưng vì ông đi vào trong này đã lâu rồi nên không biết những từ mới ở ngoài Bắc đã thay đổi…
Dầu sao thì Minh vẫn thấy xa cách với ông ngoại, mặc dù ông vẫn chăm sóc và chiều chuộng Minh từng tí một. Minh thoáng cần cái gì là ông làm ngay cho Minh, thấy Minh nhìn vào cái cốc là ông đi lấy nước cho Minh uống, thấy Minh cứ lì xì không nói và nhìn ra đường phố là ông vội vàng chống ba-toong dẫn Minh đi chơi… đi chơi nhưng mà không có ăn kem đâu, chỉ loanh quanh ngoài phố rồi lại về, gặp ai quen ông chỉ vào Minh và
https://thuviensach.vn
giới thiệu: “Thằng cháu tôi đấy”, ông cứ làm như gặp được người quen thì Minh vui ấy, ông không nhớ ra là những người quen đó chỉ có quen với ông thôi. Còn đối với Minh thì ai cũng lạ, cái gì cũng lạ. Minh thấy chán quá, lại càng nhớ Hà Nội. Lại nói đến cái món đồ chơi của ông ngoại cho nữa chứ. Đó là cái xe giép bằng sắt, có hai súng máy lắp đá lửa ở trên xe, khi vặn khóa rồi thả cho xe chạy, thì hai khẩu súng bắn ra những tia lửa nhỏ xíu. Minh cũng thích chiếc xe này đấy, nhưng giả thử nó mới thì thích hơn nhiều. Đằng này xe lại cũ quá rồi, lắm chỗ đã bong lớp mạ trắng và bắt đầu rỉ.
- Sao ông bảo yêu con mà lại cho con một cái xe cũ như thế nhỉ? – Có lần Minh hỏi mẹ như vậy với một giọng trách móc ông ngoại.
- Này con đừng có nói thế, ông không yêu con sao ông toàn nhường thịt, cá cho con ăn thôi.
- Ông chả bảo với mẹ là ông thích ăn cà. Với lại ông bảo ông thích ăn đầu cá vì bao nhiêu mắm muối nó ngấm cả vào đó là gì.
- Con chả hiểu gì về ông cả.
Thấy mẹ nói như trách móc, vả lại Minh trông mắt mẹ hoe hoe đỏ, Minh không gây thêm chuyện nữa. Bữa cơm ăn chỉ có ông và mẹ nói chuyện với nhau còn Minh thì ngồi nghe và im lặng, không như những bữa cơm ở Hà Nội, cứ mỗi lần ông nội nói ra câu nào là cả nhà lại cười vui vẻ. Ông ngoại hỏi mẹ về những phố, những làng mà bây giờ không còn tên như thế nữa, chẳng hạn như:
“Cái phố mụ đầm Đờ-măng bây giờ có vui không? Làng La Khê ta vẫn còn dệt vân, dệt the chứ? Chợ Đơ bây giờ thế nào? v.v…”.
Ông còn hỏi về nhiều người ông quen biết, có những người ngay cả mẹ Minh cũng không biết nữa. Mẹ Minh kể cho ông nghe những đổi thay của Hà Nội, của làng quê ông đã ở, về những người sống kẻ chết ông đã quen.
https://thuviensach.vn
Ban đêm ông bảo Minh nằm với ông cho vui. Giường ông rộng, nhưng miếng đệm mút lại hẹp và mỏng chỉ trải vừa một người nằm, ông gối một bọc quần áo rách. Chăn màn ông vàng khè và hôi hám. Ông để Minh nằm lên miếng đệm, còn ông nằm ra ngoài chiếu, sát trong tường.
- Sao ông không nằm đệm? – Minh rụt rè hỏi.
- À, vì ông thích nằm chiếu cho mát. Khí hậu trong này nóng bức lắm. Cháu ngủ đi.
Ông nói vậy rồi hai ông cháu im lặng. Hình như ông cũng không ngủ được…
Đã sắp hết một tháng kể từ ngày mẹ con Minh vào thăm ông ngoại. Mẹ bảo sắp hết phép, phải về. Minh cũng thấy nhơ nhớ ông ngoại.
Ông ngoại tiễn mẹ con Minh ra bến xe, trước khi mẹ con Minh lên xe, ông rút cái bút máy trong túi áo ra đưa cho Minh và nói:
- Ông chỉ còn cái bút này quý nhất ông cho cháu, cháu giữ lấy để viết thư cho ông. Ông già rồi, chả biết chết lúc nào, dùng cái bút này nó phí đi!
Đó là cái bút Pilôt nắp mạ vàng, bút đã cũ lắm rồi, màu nắp đã bạc và xây xước cả.
Ông ngoại còn nói theo;
- Cái xe giép ông cho cháu ấy, ông cũng đã dành từ lâu rồi, từ khi nghe tin mẹ cháu đẻ con trai, ông đã mua cái xe ấy, nhưng chả biết nhờ ai gửi cho cháu được, ông vẫn để chờ cháu đấy.
Bây giờ Minh mới hiểu ra là tại sao cái xe giép ấy nó lại cũ. Minh còn hiểu thêm là ông rất nghèo. Trước kia ông làm người giữ sách ở thư viện Sài Gòn, nhưng rồi sau ông bị ho lao, ba năm trời nằm trong bệnh viện làm
https://thuviensach.vn
phúc, chả có ai chăm sóc. Bây giờ ông già yếu quá rồi, chỉ quanh quẩn bán dần đồ đạc trong nhà để sống tạm.
Ông sống có một mình, bà dì ghẻ của mẹ Minh đã bỏ ông khi ông ốm đau…
Khi xe sắp chạy, cả mẹ và ông đều rân rấn nước mắt. Mẹ bảo:
- Thôi ông về, trời sắp mưa rồi kìa. Sang năm con lại cho cháu vào thăm ông.
Nhưng ông ngoại vẫn đứng đó: xe bắt đầu chuyển bánh, trời đổ cơn mưa. Minh thấy ông giương cái ô đen. Ông đứng lẫn giữa bao nhiêu người và xe cộ. Xe chạy xa dần, rồi quặt vào một góc phố. Minh chỉ còn thấy chiếc ô đen giơ lên cao rồi khuất hẳn. Minh quay sang nhìn mẹ: Mẹ im lặng, nước mắt giàn dụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất! Bây giờ ông lại về một mình với căn phòng hẹp, với chăn màn cũ, vá. Minh thấy thương cả cái ô đen vừa khuất sau góc phố.
- Mẹ ơi, thế bây giờ ai nuôi ông?
- Bác con, bác con sắp chuyển công tác vào trong này để nuôi ông ngoại.
- Bao giờ con lớn con cũng nuôi ông ngoại. – Minh nói đến đây rồi rúc đầu vào lòng mẹ khóc thút thít.
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Người Cô Của Bé Hương
Đây là người cô mà bé Hương chợt nhớ tới trong một buổi ra chơi, chuyện trò với các bạn. Chả là bạn nào cũng khoe rằng có liên quan đến một người tài giỏi nhất trên đời.
- Tớ có một người anh lái máy bay, anh ấy rất giỏi – Bạn Tâm khoe – anh ấy bay cao lắm và biết được trên trời có những gì. Khi mưa, anh ấy ở trên cơn mưa nên không bị ướt. Khi nắng, máy bay anh ấy là sát thành phố, có thể thấy rõ cả cái nhà anh ở và trông rõ cả tớ nữa. Anh ấy mỉm cười vẫy tớ, có khi còn ném cả thư cho tớ nữa.
- Thế trong thư, anh cậu viết những gì? – Bạn Loan hỏi.
- Trong thư anh ấy bảo: “Tâm ơi, anh trông thấy em rồi đấy. Em đang xách chai nước đi đổ dế kìa. Em đang vẫy anh phải không?”.
- Sao? Thế thư đâu?
- Tớ bỏ quên ở nhà rồi.
- Thế thì bọn tớ chẳng tin đâu. – Tất cả đều cười, làm Tâm ức quá phát khóc lên được.
- Còn tớ, tớ có một người chú lái tàu thủy kia. Chú ấy thường kể cho tớ nghe bao nhiêu là chuyện ly kỳ ở tận dưới đáy biển, lại còn mang cả quà về cho tớ nữa: Rất nhiều vỏ ốc đẹp, những cây san hô màu đỏ, màu trắng nhé, lạ lắm!
https://thuviensach.vn
Loan lấy trong cặp ra một chiếc vỏ ốc màu hồng, đưa cho các bạn xem, ai cũng khen là đẹp. Loan lại còn bảo:
“Ghé tai vào chiếc vỏ ốc là nghe thấy biển nó nói chuyện với mình. Biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ còn hay hơn cả chuyện mà chú tớ đã kể cho tớ nghe”. Các bạn tranh nhau áp sát tai vào vỏ ốc nhưng chẳng ai nghe thấy gì ngoài tiếng u… u… nhè nhẹ. Riêng Hương thì Hương lại nghe thấy cái vỏ ốc nó nói:
“Cô Thu u… u… Cô Thu… u… u…”. Mặt Hương bỗng sáng lên rạng rỡ: - Tớ nghe thấy rồi đấy, biển nó đang nói chuyện với tớ đấy.
- Nó nói gì? Nói gì?... – Bao nhiêu con mắt tò mò chăm chú nhìn vào Hương.
- Nó gọi: “Cô Thu… Cô Thu…”
- Cô Thu là ai thế?
- Cô Thu là cô của tớ, cô ấy làm y tá ở một bệnh viện ngoài Hà Nội. Cô ấy giỏi lắm! Giỏi hơn cả anh của bạn Tâm và chú của bạn Loan kia.
- Sao? Ai bảo ấy thế? – Loan bĩu môi.
- Bố tớ. Bố tớ thường nói chuyện với các chú bạn bố tớ là “Người mà hiểu được mọi người là người giỏi nhất”. Thế mà cô tớ thì lại rất hiểu mọi người, nhất là những người ốm. Người ốm không cần nói gì mà cô tớ cũng hiểu được người ấy đau ở chỗ nào, cần những cái gì - Mẹ tớ bảo thế.
- Thế cô ấy có hay viết thư cho ấy không?
- Không. Chắc là cô tớ bận. Với lại tớ cũng chưa viết thư cho cô tớ bao giờ. Thế mà tớ không nghĩ ra. Từ mai trở đi tớ phải luôn viết thư cho cô tớ mới được.
https://thuviensach.vn
Và từ hôm sau đó, Hương bắt đầu viết thư cho cô Thu. Một việc thật là mới mẻ và thích thú. Hương không còn thấy buồn chán và sợ hãi mỗi khi bố mẹ đi vắng cả, nhốt Hương ở nhà một mình với con mèo con. Mọi khi thì Hương nói chuyện với con mèo. Nhưng nói mãi cũng chán! Vì nó chẳng
biết nói chuyện lại với Hương mà chỉ biết meo meo thôi. Bây giờ thì Hương đã có người để mà trò chuyện rồi. Hương viết thư cho cô Thu, nhất định cô Thu sẽ viết thư cho Hương. Cô Thu sẽ hiểu Hương. Hương sẽ kể cho cô Thu những chuyện Hương bị oan ức. Ví dụ như chuyện: “Hôm nọ Hương lấy nước hoa rửa mặt cho búp-bê, tự nhiên má hồng của búp-bê bị thôi ra nhem nhuốc. Thế là mẹ mắng Hương là “đồ phá hoại”. Hương có cố tình phá hoại đâu, Hương chỉ muốn cho em bé vừa sạch vừa thơm thôi. Chẳng may nó thế!”. Bây giờ thì phải viết một lá thư cho cô Thu kể về chuyện các bạn ở lớp Hương đã.
Thư thứ nhất:
Cô Thu ơi, bạn Tâm lớp cháu nói rằng bạn ấy có một người anh lái máy bay. Còn bạn Loan lại khoe chú bạn ấy lái tàu thủy. Các bạn ấy nhất định cho rằng anh và chú các bạn ấy là những người giỏi nhất vì biết được bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển. Cháu thì cháu lại nghĩ rằng cô còn giỏi hơn vì cô biết được hết những ý nghĩ của người ốm và chắc là cả ý nghĩ của người không ốm nữa cô nhỉ. Ý nghĩ tức là những điều không nói ra (bố cháu bảo thế), mà những điều không nói ra thì chẳng có hình thù gì nên mới khó chứ. Đằng này là những thứ trên trời như mây, nắng, gió, mưa… Những thứ dưới biển như cua, cá, san hô… thì đều có thể nhìn thấy được. Với lại phi công hay thuyền trưởng thì thế nào chẳng có lúc ốm. Khi ốm lại phải nhờ những người y tá chữa cho. Thế thì cô chẳng giỏi hơn họ là gì. Chắc ở chỗ cô cũng có những phi công hay thuyền trưởng bị ốm.
Thư thứ hai:
Cô Thu ơi, cháu chưa gặp cô bao giờ, thế mà cháu lại nhớ cô ghê cơ! Nhất là cái hôm mẹ cháu nhổ răng cho cháu, đau đau là. Lúc bấy giờ cháu
https://thuviensach.vn
cứ nghĩ “Nếu như cô Thu mà nhổ thì chắc là cháu không đau đâu”. Mẹ cháu nhổ răng cho cháu xong rồi mẹ cháu ném cái răng lên nóc nhà. Mẹ cháu bảo răng hàm dưới thì ném lên nóc nhà còn răng hàm trên thì vứt gầm giường, làm như vậy cái răng thay sau sẽ mọc chóng hơn. Có đúng không cô?.
Thư thứ ba:
Cô Thu ạ, con mèo của cháu nó chẳng biết nói chuyện gì cả mà chỉ biết kêu meo meo thôi. Nó dại lắm, hôm qua nó đùa với cái vỏ chai bia, thế là cái vỏ bia đè lên mình nó, nó kêu tướng lên. Cháu phải “cứu” nó đấy.
Thư thứ tư:
Hôm nay cháu ức lắm cô ạ, con Duyên học cùng lớp cháu ấy nó đổi mất cái ngòi bút mới của cháu. Có hôm nó còn nhổ nước bọt vào chỗ ghế cháu ngồi. Nó ghê lắm! Cháu bỏ nó rồi.
Thư thứ năm:
Cô Thu ơi, cháu và bạn Duyên hết bỏ nhau rồi. Cô có biết tại sao chúng cháu lại chơi với nhau không? Hôm nay mẹ cháu cùng cháu sang nhà bạn Duyên chơi. Trong lúc mẹ cháu nói các thứ chuyện với mẹ bạn Duyên thì tự nhiên cháu và bạn Duyên cùng sờ tay vào một tờ giấy. Bạn ấy vò tờ giấy và bảo “tờ giấy nó kêu này”, cháu bảo “ừ nhỉ”, thế là hai đứa lại chơi với nhau. Bây giờ bạn ấy ngoan rồi. Bạn ấy cho cháu mượn đồ chơi, còn cháu thì cho bạn ấy hạt dưa.
Thư thứ sáu:
Ơi giời ơi, cô Thu có biết không? Hôm nay cháu suýt chết. Buổi sáng, cháu ở nhà một mình, đang chán quá, cháu nghe thấy tiếng cười đùa của bọn trẻ con hàng xóm nhà cháu. Cháu nghễn cổ nhìn qua cửa kính và nhe răng ra cười với chúng nó thế là một thằng trong bọn nó ném đánh choang một cái vào mặt cháu, may mà còn có lớp kính, nên chỉ vỡ kính cửa thôi.
https://thuviensach.vn
Sao nó ác thế hở cô? Cháu có làm gì nó đâu! Ác có phải là một bệnh không? Và có thể chữa cho khỏi ác được không cô? Bây giờ thì mẹ cháu đã lấy những miếng gỗ che tất cả kính cửa sổ lại. Thế là nó chẳng ném được cháu và cháu cũng chẳng nhìn ra ngoài được nữa.
Thư thứ bảy:
Hôm nay mẹ cháu đọc hết cả những thư cháu viết cho cô, vì cháu để trong ngăn kéo bàn cháu mà chưa kịp gửi. Vả lại cháu chưa hỏi mẹ cháu địa chỉ của cô. Mẹ cháu cứ bảo là cháu chỉ viết những chuyện vớ vẩn, làm phiền cô thôi. Mà cô thì còn bận nhiều việc, sao mẹ cháu lại nói thế nhỉ? Cháu toàn viết những chuyện thật cả chứ có chuyện nào vớ vẩn đâu. Chắc cô chẳng nghĩ như mẹ cháu. Cô còn hiểu được cả những điều người ta không nói ra kia mà. Vậy cô sẽ hiểu cháu.
Thư thứ tám:
Cô ơi, cô viết thư cho cháu đi và cô cho cháu cả một cái ảnh của cô nữa nhé. Cháu cứ nghĩ là cô hay mặc áo màu hồng. Cô tươi cười. Cô biết nhiều chuyện để kể cho người ốm nghe. Cô lại biết tiêm không đau nữa, phải không cô?
Bây giờ, trong ngăn kéo của Hương có tới trên dưới mười lá thư Hương viết cho cô Thu. Thư không có địa chỉ, ngày tháng gì và chẳng bao giờ gửi đi đâu.
Đúng là bé Hương có người cô tên là Thu, làm y tá ở Hà Nội thật. Cô không hoàn toàn giống như Hương tưởng tượng. Cô làm ở bệnh viện nhi, năm nay cô hai mươi tám tuổi. Cô hay mặc áo kẻ và áo màu sẫm chứ không mặc áo hồng như Hương nghĩ. Vì cô đang có con nhỏ, mặc như vậy cho đỡ bẩn. Cô là một y tá chăm chỉ, biết làm tròn bổn phận. Những tối không phải trực ở bệnh viện, cô xin được chân giữ trật tự ở nhà hát thành phố để kiếm thêm tiền nuôi con nhỏ. Làm ở nhà hát, ngoài việc xé vé, đưa khán giả vào
https://thuviensach.vn
đúng chỗ ngồi thì cô không để ý đến gì hết. Cô ít khi quan tâm đến buổi diễn. Thường thì vào quãng chín giờ, giờ nghỉ giải lao của buổi diễn là cô Thu về nhà. Khi đó cô đã xong nhiệm vụ.
Cuộc sống của cô Thu cứ từ nhà đến bệnh viện, đến nhà hát rồi lại về nhà, đều đặn như vậy. Không vui cũng không buồn.
Hôm nay bỗng cô Thu nhận được một phong bì dày cộp, trong đó có những lá thư của bé Hương do mẹ Hương ghi địa chỉ và gửi cho cô. Đọc thư, cô rất vui và cảm động. Cô không ngờ cái con bé Hương, khi theo bố mẹ vào Sài Gòn mới có hai tuổi, bé tí xíu, chẳng biết gì, thế mà bây giờ đã viết thư cho cô, nhớ đến cô, nghĩ cho cô bao nhiêu điều tốt đẹp. Ôi, những nét chữ to tướng không đều hàng ấy mang tới cho cô bao nhiêu là niềm vui. A, ra lâu rồi mãi bận công việc, cô chẳng để ý là mình có vui không. Hôm nay cô vui, cô mới biết là mọi khi mình chưa vui. Nhưng cô chỉ là một người bình thường với bao nhiêu điều thiếu sót. Cô chưa được như điều bé Hương vẫn nghĩ. Từ nay trong công việc làm của cô, trong cuộc sống hàng ngày của cô đều có đôi mắt đen tròn của bé Hương dõi theo cô. Đôi mắt ấy có gì giống như những đôi mắt của những bệnh nhân bé bỏng của cô cầu cứu cô trong những lúc khát, lúc đau.
Từ đó cô cảm thấy ở nơi nào cũng có điều gì đợi chờ cô. Điều gì đấy thì cô không biết nhưng cô chỉ cảm thấy trong đó mang theo cả niềm vui và sự khám phá. Khi ở bệnh viện, cô cảm thấy được cái đau và cái vui của những bệnh nhân bé nhỏ. Nghe tiếng thở, cô biết được các em thức hay ngủ. Nhìn vào đôi mắt, cô biết được các em muốn gì.
Ở nhà hát, cô chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối những buổi diễn hay. Cô tìm đọc nhiều chuyện để kể cho những người ốm bé bỏng của cô vượt qua những cơn đau. Nhìn làn môi héo hắt mỉm cười, đôi mắt mệt nhọc ló ra dưới lần chăn trắng nhìn cô đầy lòng biết ơn và yêu mến, cô cảm thấy cô được trả lại niềm vui còn lớn hơn niềm vui cô mang đến cho các bạn nhỏ ốm đau kia.
https://thuviensach.vn
Sau những buổi trực đêm trở về, lòng cô trong suốt, nhẹ nhõm. Cô cảm thấy cô nghe được cả tiếng gió hát, lá thở trên các vòm cây.
Ôi tuổi thơ thật là kỳ diệu! Những em bé xanh xao nằm trên giường bệnh kia đủ sức mạnh truyền lại niềm vui cho cô. Và con bé Hương bé tí xíu mà lại ở xa xôi thế cũng biết quả quyết tin vào điều tốt đẹp, để rồi điều tốt đẹp ấy trở thành sự thực.
Tới kỳ nghỉ phép năm, nhất định cô Thu sẽ đi Sài Gòn để thăm anh chị và bé Hương của cô. Bây giờ cô có thể gặp mặt bé Hương mà không xấu hổ. Cô sẽ mặc chiếc áo màu hồng như Hương vẫn tưởng tượng.
Nghĩ vậy, cô Thu liền viết cho Hương một lá thư kể công việc của cô cho Hương nghe và hứa sẽ vào thăm Hương trong kỳ nghỉ phép tới. Cô không quên bỏ vào phong thư một tấm hình đẹp nhất của cô.
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Bà Tôi
Bữa ăn bà thường ngồi đầu nồi, lấy đũa cả đánh tơi cơm ra rồi xới. Bà xới cho bà bát cơm trên, sau mới xới cho cả nhà và cho tôi. Khi ăn, bao giờ bà cũng ăn sau. Mùa hè bà bảo là phải quạt một chút cho mát, mùa rét thì bà bảo bà phải nghỉ một tí cho đỡ mệt rồi bà mới ăn. Bà ăn rất ít, thường thì chỉ hai lưng, một lưng cơm, một miếng cháy. Trong lúc ăn, bà hay để ý đến tôi, nếu tôi có vẻ thích ăn món gì thì bà lại ít ăn món ấy. Có khi bà cần chan một ít nước dưa hoặc ăn với một vài quả cà pháo là xong bữa.
Lại còn chỗ nằm của bà thì rất đơn giản: một miếng ván hay một cái chõng nhỏ cũng đủ để bà ngủ ngon (mặc dù bà rất tỉnh ngủ).
Suốt những năm thơ ấu, tôi thường ngủ cạnh bà. Tôi còn nhớ là bà nằm rất ít chỗ, có khi bà chỉ nằm nghiêng suốt đêm bên lề cái phản hẹp, còn tôi thì vùng vẫy xoay xở gần hết cả phản. Khi ấy tôi cũng không hiểu là do bà tôi bé nhỏ hay là bà quen nằm hẹp như vậy.
Bố mẹ tôi đi làm cả ngày, chỉ có bữa ăn, sáng sớm và chiều tối là đầy đủ cả gia đình. Trong bữa ăn, mẹ tôi thường trao đổi với bà về giá cả chợ búa, còn bố tôi thì thỉnh thoảng kể chuyện về cơ quan của bố tôi v.v… Hàng ngày chỉ có tôi và bà tôi là ở gần nhau và hay chuyện trò với nhau nhiều nhất. Tôi đi học một buổi, về lại quanh quẩn nhặt rau, lấy muối giúp bà, xâu kim cho bà vá quần áo. Khi ngồi khâu, bà hay kể cho tôi nghe bao nhiêu là truyện: Truyện Kiều, Truyện Nhị Độ Mai… những truyền vần, bà thường thuộc từ đầu đến cuối. Có lúc bà lại kể chuyện về bố tôi, hồi bố tôi còn bé hay đau ốm như thế nào, bà đã phải nuôi bố tôi vất vả như thế nào v.v… Bà kể đi kể lại những chuyện như vậy làm tôi cũng thuộc làu đến nỗi nếu như bà kể câu trước là tôi có thể tiếp câu sau được.
https://thuviensach.vn
Mấy lần bố tôi bắt gặp bà đang kể chuyện cho tôi nghe, bố tôi nhăn nhó gắt bà: “Bà chỉ lẩm cẩm”. Bà tôi mỉm cười và thôi không nói nữa.
Có hôm tôi nghe thấy bố tôi phàn nàn với mẹ tôi là: “Bà độ này lẩm cẩm quá, nói nhiều mà lại hay quên!”. Mẹ tôi công nhận: “Đúng đấy, ai lại hôm nọ bà vừa rửa bát mà quên không khóa máy nước! Ở nhà tập thể, chung đụng với nhau, người ta nói cho rát cả mặt!”
Gia đình tôi ngày càng thêm va chạm giữa bố mẹ tôi với bà tôi. Đầu tiên là những chuyện vặt rồi qua đi, rồi lặp lại. Mỗi lần lặp lại thì chuyện càng to và càng nặng nề hơn. Đấy là một lần bà đi chợ, bị mất cắp cái phiếu thực phẩm. Mẹ tôi nói bâng quơ:
– Thế là tháng này nhịn! Nước mắm chẳng có, thịt cá cũng chẳng có! Lấy tiền đâu ra mà mua thực phẩm chợ đen!
– Tôi đâu muốn thế, – bà tôi nói một cách ăn năn – chẳng may thôi. Thực ra tôi cũng đã đề phòng kẻ cắp rồi, tôi vẫn giữ khư khư lấy cái túi áo để tem phiếu, ai biết đâu lúc đưa tay ra trả tiền hàng rau thì nó rút mất. Phòng kẻ ngay chứ phòng thế nào được kẻ gian.
– Đề phòng gì! – Bố tôi day diết. – Bà thì cần giữ gìn gì cho gia đình. Bà có làm ra tiền đâu mà bà biết xót.
Nghe vậy, bà tôi tái mặt đi rồi bỗng nổi cáu lên đùng đùng:
– A, ra là bây giờ anh cậy làm ra tiền nên anh có quyền mắng tôi! Phải, bây giờ tôi già rồi, tôi không làm được ra tiền nữa nên anh khinh tôi. Anh có biết đâu ngày xưa tôi đã ở vậy nuôi dạy anh nên người. Biết bao nhiêu là khó nhọc.
– Ai đẻ con ra mà chả phải nuôi. – Bố tôi cãi.
https://thuviensach.vn
– Trời cao đất dày ơi! – Bà tôi khóc, – tôi không ngờ anh lại bạc như thế. Có con như thế này còn khổ tâm hơn là không có con! Thôi, từ nay anh hãy coi như anh không có mẹ. Để tôi đi đàng nào tôi đi…
Tôi nhìn bà, nhìn bố mẹ, lòng thấy sợ hãi khổ sở mà không biết làm thế nào. Tôi khóc òa lên. Cả nhà im dần. Bà ôm tôi vào lòng, lau nước mắt cho tôi, nước mắt bà lại càng ròng ròng.
Tối hôm ấy bà trằn trọc không ngủ, tôi biết hết nhưng cứ nằm yên giả vờ ngủ. Rồi bà dậy xếp dọn đồ đạc của bà: vài bộ quần áo, một cái khăn len đã cũ mà thỉnh thoảng bà mới chít, một hộp đồ khâu (trong đó có ba cái kim, hai cuộn chỉ và nhiều vụn vá các màu), hai cái lược – một lược thưa, một lược bí. Bà xếp tất cả những thứ đó vào trong một cái túi du lịch đã cũ. Nhìn những đồ đạc ít ỏi và tầm thường của bà, tôi cứ tấm tức khóc thầm. Tôi nghẹn ngào bật dậy nói:
– Bà ơi, bà thu xếp đồ đạc để làm gì thế bà?
– À, bà về Vĩnh Tuy chơi vài hôm con ạ. Bà về nhà bà Hai Tuất, em gái bà ấy.
– Bà đừng đi đâu, đừng đi đâu, – tôi chạy lại nắm chặt cánh tay bà, – bà ở đây với cháu kia.
Bà ôm tôi an ủi:
– Con đi ngủ đi. Bà chỉ đi vài hôm cho nó khuây khỏa rồi lại về. Con đừng lo.
Sáng hôm sau, bà vẫn dậy sớm nấu cơm như thường lệ. Cả nhà ngồi im lặng lẽ, chẳng ai nói với ai câu gì. Ăn xong, bố mẹ tôi đi làm, còn tôi thì đi học. Trong khi học tôi rất sốt ruột, chỉ mong chóng hết giờ để về nhà sớm, may ra còn gặp bà. Nhưng khi về tới nhà thì bà tôi đã đi rồi. Cửa phòng đã
https://thuviensach.vn
khóa. Tôi đứng trước cánh cửa im lìm mà muốn gào lên khóc. Vừa lúc đó có bác Toàn hàng xóm gọi tôi vào bảo:
– Bà cháu xuống Vĩnh Tuy chơi rồi, chìa khóa bà gửi bác đây này.
Tôi mở khóa vào nhà, thấy trên bàn học của tôi có một quả trứng gà và hai múi bưởi, bên cạnh là một tờ giấy có ghi dòng chữ rất to và nắn nót của bà: “Bưởi và trứng gà bà phần con. Cơm bà ủ ở trong chăn và canh ở ngoài chạn”. Tôi gục mặt xuống bàn khóc nức nở, tôi cảm thấy bà tôi chẳng muốn về đây nữa.
Chiều. Bố mẹ tôi về, tôi kể lại mọi chuyện rồi lại khóc. Mẹ tôi bực mình mắng tôi:
– Đồ dở hơi! Bà đi chơi thì việc gì mà phải khóc.
– Con sợ bà không muốn ở đây nữa.
– Bà muốn ở đâu mặc bà! – Bố tôi quát: – Câm ngay, không tao cho mấy roi vào đít bây giờ.
Từ hôm ấy bố mẹ tôi phải dậy sớm, bố xách nước còn mẹ thì nấu cơm. Khi đi làm, mẹ mang theo tem phiếu để đi chợ. Những ngày ấy bố mẹ tôi hay gắt gỏng với nhay y như mỗi người ở một “phe” ấy. Mọi khi có bà tôi ở nhà thì mình bà một “phe”, còn bố mẹ tôi ở một “phe”.
Vài hôm sau khi đi, bà tôi có về thăm tôi, mang quà cho tôi rồi lại đi ngay. Bà bảo bà còn đang bận bóc lạc thuê cùng với bà Hai Tuất. Có việc làm cũng đỡ buồn, lại kiếm được tiền để sinh sống. Từ đó thỉnh thoảng bà lại lên thăm tôi và lần nào cũng mang quà cho tôi, khi thì nắm táo, khi thì mấy quả ổi hoặc chùm dâu gia v.v…
Có lần bà mang về bao nhiêu là bánh bỏng xếp trong túi ni-lông, mà không hiểu sao, bà chỉ lấy ra cho tôi hai cái. Bà hỏi về học hành, về ăn uống
https://thuviensach.vn
của tôi. Bà dặn dò tôi phải để ý đến thời tiết nóng lạnh mà mặc quần áo đề phòng bị cảm. Tôi vâng dạ cho qua rồi lại mải đi chơi.
Dần dần tôi cũng quen biết nếp sống trong gia đình không có bà. Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ đến bà nhưng không còn cảm thấy khổ sở như ngày bà mới đi nữa.
Một đêm trời nóng, tôi lên sân thượng chơi (những đêm trời nóng, hầu hết ở nhà tập thể này đều lên sân thượng cho mát). Tôi nghe thấy bác Thái nói nhỏ với cô Nghĩa:
– Này, cô có biết không, hôm nọ tôi nhìn thấy bà thằng Minh đi bán bỏng ở tàu điện đấy.
– Đời nào có chuyện ấy, – cô Nghĩa nói, – hay chị trông nhầm. Bà cụ ấy là đàng hoàng lắm. Con giai, con dâu đều là cán bộ cả, gia đình hòa thuận. Cụ ấy thương con quý cháu. Vả lại ông con giai duy nhất, bố thằng Minh ấy, đời nào để cho bà cụ đi bán bỏng như vậy. Cụ gần tám mươi tuổi rồi còn gì.
– Thì chính mắt tôi trông thấy mà lại. – Bác Thái nói quả quyết. – Tôi nhìn rất gần và lại nghe rõ cả tiếng nói của cụ nữa. Khi tàu đỗ, cụ đi dọc theo thành tàu, cầm gói bỏng giơ lên và chào mời: “Các ông, các bà ơi, mua bỏng cho tôi. Ông ơi mua hộ tôi, bà ơi mua hộ tôi đi!” Mà trông cụ hồi này tiều tụy thật, lưng còng thêm nhiều, tóc bạc trắng xóa và nước da thì xấu xấu là! Nhìn người già quả thực không ai lại hình dung được người ấy ngày xưa lại có nhan sắc! Thế mà ngày còn trẻ cụ là người có nhan sắc và nết na lắm đấy. Tội nghiệp! Biết đâu bây giờ lại khổ! Cũng may là hôm đó cụ không nhìn thấy tôi, vả lại tôi cũng có ý lánh mặt, sợ cụ gặp người quen, cụ tủi.
Thì ra bà tôi lâu nay vẫn đi bán bỏng ngoài bến tàu. Khổ thân bà quá! Bà ơi, cháu thương bà lắm. Bà có nghe thấy tiếng cháu gọi thầm bà không?
https://thuviensach.vn
Lúc này bà làm gì, ở đâu? Sao bà không về với cháu đi bà!
Ôi, tôi như nhìn thấy bà tôi đang len lỏi đi dọc các toa tàu, giơ gói bỏng lên trước mặt hành khách nài nỉ: “Ông ơi, bà ơi mua bỏng giúp tôi đi!”. Nhưng con tàu vô hình cứ mang các hành khách chạy đi, để lại bà tôi tóc bạc, lưng còng, đứng chơ vơ giữa hai vệt đường ray… Chính tôi, tôi cũng vô tình như con tàu, tôi chẳng để ý gì đến bà tôi, tôi chỉ nghĩ đến những con quay, những quả bóng của tôi thôi! Nhiều lúc bà tôi đến chơi, mới ngồi với bà được một tí, tôi đã vội bỏ đi với những trò chơi của tôi rồi! Không, không thể để thế được. Tôi đã mười hai tuổi, lớn rồi, tôi cũng có quyền bàn chuyện nghiêm chỉnh với bố mẹ tôi chứ! Nghĩ rồi, tôi chạy ào xuống nhà. Tôi thấy mẹ tôi đang rửa bát, còn bố tôi đang xách nước lên.
– Bố mẹ ơi, – tôi gọi giục giã, – bố mẹ vào cả đây con có chuyện này muốn nói với bố mẹ.
– Thằng này hôm nay lạ thật. – Bố tôi nói. – Có chuyện gì mà quan trọng vậy?
– Thì con cứ nói đi, – mẹ tôi nói, – mẹ vừa rửa bát vừa nghe cũng được. – Không, cả mẹ nữa, mẹ vào đây con mới nói.
Mẹ tôi vào, nhìn tôi lo lắng:
– Hay con có chuyện gì ở lớp?
– Không.
– Hay con đánh nhau với bạn nào?
– Không. Chuyện nhà ta kia. Bố mẹ ơi, bố mẹ có thương bà không?
– Sao tự nhiên con lại hỏi thế? – Bố tôi hỏi lại tôi. – Mà bà làm sao kia mà thương?
https://thuviensach.vn
– Bà chẳng làm sao cả. Bà đi bán bỏng ở bến tàu ấy, người ta bảo thế. Bố mẹ có biết không?
– Biết, – bố tôi có vẻ lúng túng, – nhưng thế thì sao.
– Còn sao nữa! – Tôi nghẹn ngào: – Bà già rồi. Sao bố lại để bà như thế? Khổ thân bà!
– Bố có bắt bà phải thế đâu, – mẹ tôi trả lời thay cho bố, – vì bà thích thế chứ.
– Thích ư? Con chắc là bà chẳng thích đâu. Đời nào bà lại thích đi bán bỏng hơn ở nhà với con, với bố mẹ. Bà yêu thương bố mẹ và con lắm kia mà. Ôi, con cứ nghĩ đến những ngày nắng, ngày rét mà bà thì già thế, bà sao chịu nổi, bà ốm rồi bà chết như bà Thìn bên cạnh ấy thì sao. – Nói đến đây tôi òa lên khóc. – Ước gì bây giờ con đã lớn để con nuôi được bà!
Bố mẹ tôi lặng lẽ nhìn tôi rồi lại nhìn nhau. Bố tôi đặt một bàn tay lên vai tôi rồi nói:
– Thôi con nín đi. Bố hiểu rồi. Con nín đi con!
Tôi cảm thấy giọng bố tôi hơi run và bàn tay nóng ran của bố truyền hơi nóng sang vai tôi. Mẹ tôi cũng nghẹn ngào:
– Con nói đúng, bố mẹ có lỗi với bà. Con đi ngủ đi, sáng mai bố mẹ sẽ xuống Vĩnh Tuy đón bà về đây. Gia đình ta lại sum họp như trước.
Tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ, lên giường nằm nhưng không làm sao chợp mắt được. Tôi cảm thấy phấp phỏng, vừa lo lại vừa vui. Chỉ sáng mai thôi, tôi lại được sống cùng với bà như trước. Nhưng nói dại, không hiểu sáng mai bà tôi có còn gặp được tôi không? Bà tôi vẫn thường hay nói với tôi: “Bà sống được ngày nào hay ngày ấy. Người già như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào”.
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Bến Tàu Trong Thành Phố
Sau những buổi học về, Hưng thường chỉ quanh quẩn ở nhà. Một phần vì mẹ sợ Hưng ra đường lỡ đánh bạn với đứa hư, một phần chính vì Hưng cũng ít đòi đi chơi kia. Bọn bạn chín mười tuổi cùng lứa tuổi với Hưng thường thích đi chơi đá bóng, đào dế ngoài công viên, có đứa thì thích đi hết gốc cây nọ đến gốc cây kia, lấy súng cao-su bắn những quả bàng, quả sấu cho nó rụng xuống rồi nhặt ăn. Bao giờ bọn chúng cũng đi ba bốn đứa trở lên. Đi chơi thì phải có bạn chứ. Vậy mà Hưng chẳng có đứa bạn nào ở gần tiện rủ đi. Những đứa cùng nhà tập thể với Hưng phần nhiều là bé quá hoặc lớn quá không cùng chơi với Hưng được. Chỉ thỉnh thoảng Hưng theo bố mẹ đi đến chơi nhà người quen của bố mẹ thôi. Tuy vậy Hưng cũng chẳng lấy thế làm buồn. Sau khi làm bài ở nhà, trò chơi của Hưng thường là vẽ: Những chiếc xe tăng, máy bay, con ngựa, con chim được tô bằng bút chì màu xanh đỏ rực rỡ. Hưng thích nhất là vẽ tàu thủy, những con tàu thủy các màu vừa nhả khói vừa lướt trên mặt nước. Hưng chưa trông thấy tàu thủy thật bao giờ. Hưng vẽ vậy là theo mẫu những con tàu trong phim, trong sách. Nhà Hưng ở trong phố, xa sông; Hưng chưa bao giờ ra bãi sông chơi và cũng chẳng biết rằng trong thành phố mình vẫn có một bến tàu thủy.
Có lần cô Lạc, bạn mẹ, đến chơi, thấy Hưng đang ngồi ở góc nhà hý hoáy vẽ một mình, cô nói với mẹ:
- Chị nên có thêm một cháu nữa cho thằng Hưng nó có anh có em, nó vui.
- Đông con, các cháu nó khổ ra – mẹ nói – thằng Hưng nhà tôi tuy rằng không có em, nhưng anh thì cháu cũng có rồi đấy.
https://thuviensach.vn
Anh của Hưng tên là Hà, cái người anh khác mẹ mà bố mẹ Hưng vẫn thường nhắc đến còn Hưng thì chưa gặp bao giờ. Hưng chẳng biết lý do vì sao mẹ của Hà không cùng sống với bố Hưng nữa, chỉ có điều Hưng không thích cái anh Hà ấy tí nào. Có lần Hưng trông thấy trong ví của bố có tấm ảnh chụp hình một cậu bé đang cười, mặt tròn, hai cái răng cửa to tướng mà mắt thì lại xếch. Những người mắt xếch là dữ lắm chứ chả chơi đâu. Hưng nhớ có những lần Hưng được bố dẫn đi xem tuồng: Những ông tướng trong tuồng thường là mắt xếch, mặt vằn vèo đen đỏ; các ông ấy thường gầm gừ hoặc thét lên thật là dữ tợn. Cái anh Hà ấy chắc chả hiền đâu. Vậy mà bố mẹ có vẻ quý mến anh ấy lắm. Bố mẹ nhắc đến anh ấy luôn đã đành, thỉnh thoảng bố mẹ còn đi thăm. Và thường mua quần áo, giày dép gửi cho Hà theo địa chỉ:
Người nhận: Lê Thị Mai
Số nhà… Phố…
Tỉnh Thái Bình
(Gửi cho con Trung Hà)
Mấy hôm nay nhà Hưng rộn rịp như sắp Tết. Bố mẹ Hưng bảo là chuẩn bị đón anh Hà về. Bố dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà. Bố kê thêm một cái bàn nhỏ cạnh bàn học của Hưng, đóng thêm một cái đinh to trên tường cạnh cái
đinh của Hưng vẫn treo cặp. Mẹ thì giặt chăn chiếu và khâu thêm một cái gối đặt sát cái gối của Hưng ở trên giường.
Chiều hôm sau, Hưng theo bố mẹ ra tàu thủy để đón Hà.
Lần đầu tiên Hưng biết thế nào là bến tàu thủy: Một ngôi nhà xây cao chống chếnh vừa làm nơi bán vé vừa là chỗ đợi của khách đi tàu. Một khoảng sân gạch rộng và phẳng trên mặt đê với dăm ba chiếc ghế đá kê sát hàng rào sắt, quay mặt ra sông. Không hiểu cái hàng rào ấy có ích gì, chỉ
https://thuviensach.vn
vài thanh sắt dài chạy ngang, những khe chắn trống huếch, trẻ con tha hồ chui ra chui vào hoặc trèo lên trèo xuống.
Mẹ bảo bây giờ là tháng bảy, đang mùa nước, cho nên nước lên mấp mé chân rào. Mặt sông đục ngầu, rộng mênh mông. Đôi khi có những chiếc tàu, thuyền chạy qua ở phía xa, trông chỉ bằng chiếc lá cây nhỏ xíu.
Mẹ ngồi trên ghế đá, đăm đăm nhìn ra mặt sông, còn bố thì luôn xem đồng hồ và đứng lên ngồi xuống. Một tiếng còi tàu vọng lại, con tàu trắng đang từ xa tiến tới. “Tàu Thái Bình về rồi kìa”. Bố mẹ Hưng đứng dậy đi nhanh ra phía ấy. Con tàu cứ thong thả như chẳng biết sốt ruột, gần bến rồi mà nó còn chưa chịu vào cứ vùng vằng mãi như đứa trẻ đang dỗi. Mãi rồi con tàu cũng ghé sát được vào bờ. Cái đầu tàu vừa được hạ xuống thì mọi người trên tàu đã chen lấn nhau. Họ làm như không lên ngay thì con tàu lại chạy và mang họ đi mất ấy. Tiếng la mắng, tiếng gọi nhau í ới… Hình như trong đám đông dưới tàu có người đang gọi bố mẹ Hưng. Đấy là một người phụ nữ trạc tuổi mẹ Hưng, mặc áo sơ mi hồng, một tay xách túi du lịch, tay kia dắt một cậu bé chừng mười ba, mười bốn tuổi đang bước xuống cầu tàu. Bố Hưng vội chạy lại đỡ cái túi trên tay người đàn bà; mẹ Hưng dắt cậu bé ấy lại, nói với Hưng:
- Kia là dì Nhung, dì của anh Hà con, và đây là anh Hà, con làm quen với anh đi!
Nói rồi mẹ lại quay về phía dì Nhung hỏi han tíu tít. Qua câu chuyện giữa dì Nhung và bố mẹ, Hưng được biết: “Mẹ của anh Hà được nhà nước cho đi học ở Liên Xô, nên mẹ anh nhờ dì Nhung đưa anh lên ở với bố mẹ Hưng.” Hưng chẳng thích tí nào. Từ nay Hưng chẳng còn phải là đứa được chiều chuộng, yêu quý độc nhất ở trong nhà nữa. Vả lại cái anh Hà ấy ngoài con mắt xếch ra thì nước da lại đen nhẻm, trông còn chán hơn cả trong ảnh nữa kia!
https://thuviensach.vn
- Em Hưng đây hở má? – Hà rụt rè hỏi (Hà gọi mẹ Hưng là má để phân biệt với tiếng gọi mẹ mà Hà vẫn gọi mẹ đẻ ra Hà).
- Ừ, các con đưa nhau đi trước.
Hà ngượng nghịu nắm lỏng cổ tay Hưng dắt đi, Hưng rút nhẹ tay ra nhưng vẫn đi bên Hà mà không nói một tiếng nào.
Hà đã xin được vào học ở một trường phổ thông Hà Nội. Mọi việc dường như đã ổn nhưng mẹ Hưng lo lắng thấy anh em Hưng vẫn chưa hoàn toàn cởi mở với nhau.
Hàng ngày, khi đi học về, ngoài giờ làm bài, Hà thường giúp má rửa rau, vo gạo, chạy ra đầu phố mua vài thứ lặt vặt. Còn Hưng thì nhặt rau, quét nhà v.v…
Có một hôm Hưng chạy chơi đâu về, thấy một vết mực loang trên cái tranh con tàu thủy để trên bàn mà Hưng vừa mới vẽ, tô màu cẩn thận. Hưng nghĩ ngay là anh Hà cố ý đánh đổ mực vào tranh. Hưng chộp lấy tờ tranh vò nhàu đi rồi òa lên khóc; Hưng khóc vì tiếc tranh thì ít, vì ức thì nhiều.
- Làm sao thế con? – Mẹ hỏi.
- Anh Hà… – Hưng vừa nói vừa nức nở – Anh Hà đánh đổ mực ra tranh của con!
- Không phải đâu! – Mẹ Hưng nói – Không phải đâu, tại con mèo đấy. Ban nãy con mèo nó làm đổ mực tung tóe, anh Hà đã lau bàn và lọ mực, nhưng tranh của con thì không lau được.
- Không phải tại con mèo đâu. – Hưng đổ riệt cho Hà – Tại anh Hà đấy! - Tại con mèo!
- Tại anh Hà!
https://thuviensach.vn
- Hưng! – Mẹ Hưng đột nhiên quát lên, chưa bao giờ Hưng thấy mẹ giận như vậy. Rồi mặt mẹ bỗng buồn bã hẳn đi, mắt mẹ rơm rớm – Hưng, tại sao con lại nghĩ ác về anh con như vậy?... Tại sao con lại như vậy? Mẹ thật là khổ tâm… Con phải xin lỗi anh con.
Đến chiều, khi con mèo về ăn cơm, Hưng trông thấy chân mèo có dính tí mực, Hưng biết là mình đã nghĩ oan cho anh Hà, nhưng vừa tự ái vừa ngượng nên Hưng vẫn lẳng lặng chẳng nói gì.
Đêm ấy nằm cạnh Hà, Hưng rất khó ngủ và hình như anh Hà cũng thế. Hưng cố gắng lấy can đảm làm lành trước.
- Anh nhớ nhà à?
- Ừ.
- Nhưng mẹ anh đi xa rồi, có ở nhà đâu mà nhớ.
- Vẫn nhớ chứ, anh nhớ mẹ anh những ngày mẹ còn ở nhà, anh nhớ cái nhà của anh nữa.
- Nhà anh có cây táo không?
- Không, nhà anh ở thị xã nên không có cây cối, nhưng quê ngoại anh thì có. Những ngày nghỉ, mẹ anh thường đưa anh về quê ngoại chơi. Ở đây vườn rộng mênh mông, không chỉ có táo đâu mà còn nhiều thứ khác nữa: cam này, chanh này, nhót này, hồng xiêm này… Cứ Tết đến là cam chín đỏ rực lên ấy, tha hồ mà ăn. Lại còn các thứ hoa nữa chứ: hoa hồng, hoa ngâu, hoa nhài, hoa mẫu đơn… À, mà cái hoa súng không ở trong vườn đâu nhé, nó mọc trên mặt nước ao kia.
- Mà sao lại gọi là hoa súng nhỉ.
- Chắc là cái nụ nó giống như viên đạn.
https://thuviensach.vn
- Súng khác, đạn khác chứ!
- Thì súng phải có đạn mới bắn được. Nó liên quan đến nhau mà. - Giống viên đạn thì chả đẹp.
- Đấy là lúc nó chưa nở thôi, nó nở ra thì chúa lắm nhé. Nó xòe ra ở giữa ao như cái đèn bằng thủy tinh màu… À mà anh phải nói thế này Hưng mới hiểu được: Cánh của nó như những lát thạch mỏng màu hồng, màu tím, tươi sáng. Trông chỉ muốn ăn thôi… Khi nào mẹ anh về, anh sẽ dẫn em đến quê ngoại anh để xem cái hoa súng nhé.
- Thế chúng mình lại đi bằng cái tàu thủy trắng đã đưa anh đến đây ấy à?
- Ừ, đi tàu thủy tiện lắm. Quê ngoại anh ở bãi sông. Anh thường hay ra sông tắm, xem thuyền buồm, tàu thủy qua lại…
Hưng nghe tiếng nói của anh Hà xa dần, Hưng buồn ngủ rồi… Hưng thiếp đi và mơ thấy những cây cam trĩu quả, đỏ rực lên trong ngày Tết, những bông hoa súng bừng lên trên mặt ao, những con tàu và những cánh buồm bồng bềnh trôi trên dòng sông xa lắc…
Từ hôm đón anh Hà về, nhiều lần mẹ đã định cho Hưng và Hà đi chơi ngoài bến tàu, mẹ không dám để cho hai anh em ra sông mà không có người lớn đi kèm, nhưng mẹ bận đi làm. Mẹ cứ áy náy mãi. Cho tới hôm nay, mẹ phải làm liền hai ca đêm ở bệnh viện để có một ngày nghỉ, dẫn hai anh em đi.
- Bây giờ đã sang mùa xuân, nước sông rút xuống thấp để nhường chỗ cho những vạt ngô xanh mướt mọc trên bãi cát dài và rộng. Nếu các con đi xuống dưới bãi ngô kia tức là xuống lòng sông đấy. – Mẹ nói vậy.
- Lòng sông mà không có nước hả mẹ?
https://thuviensach.vn
- Vì bây giờ không phải là mùa nước. Bao giờ đến mùa nước, nước sẽ dâng lên tràn ngập hết bãi này.
- Thế sao người ta lại trồng ngô ở bãi, nước ngập ngô thì sao?
- Người ta đã tính rồi con ạ. Đến khi thu hoạch ngô xong xuôi rồi, nước mới lên.
- Nếu chúng con ở dưới kia mà nước lên tức là chúng con ở đáy nước má nhỉ! Anh Hà nói.
Mẹ gật đầu cười rồi bảo:
- Hai con chạy xuống bãi chơi đi, để dép ở đây mẹ trông cho.
Hai anh em chân đất chạy ùa xuống bãi cát và cảm thấy mình là thủy thần đang bơi lượn dưới sông. Bụi cát mờ ảo như nước quấn quít xung quanh vừa chạy vừa giả vờ ngã, vừa lăn lộn ra đến tận mép nước, tiếng cười bạt đi trong gió. Những tòa lâu đài được hai đứa đắp lên bằng cát luôn luôn bị sóng đánh tan đi. Xa quá rồi, nhìn về bờ thấy mẹ chỉ bé bằng cái bánh mì.
- Mẹ ơ… ơi… ơ… ơi…!
- Má ơ… ơi!… ơ ơi!
Hai anh em giơ tay vẫy gọi, chắc là mẹ chẳng nghe thấy, nhưng mẹ cũng đưa nón vẫy vẫy…
“Tu tu… út”. Tiếng còi tàu vang trên những đợt sóng vỗ ào ạt. Một con tàu trắng đang nhổ neo sắp ra đi… Hưng tự nhiên cảm thấy nôn nao trong lòng. Hưng tưởng như sắp phải xa Hà. Một ngày nào đấy rồi Hà lại lên con tàu kia về Thái Bình để Hưng ở lại một mình với những cái tranh vắng vẻ của Hưng. Nghĩ đến chuyện cái tranh bị đổ mực, nhớ lại đôi mắt rưng rưng của mẹ, Hưng lại càng thấy thương Hà! Hưng chỉ muốn Hà ở đây mãi mãi
https://thuviensach.vn
để Hưng sửa chữa lỗi lầm ấy, để thương Hà nhiều hơn. Bỗng tự nhiên Hưng buột ra tiếng gọi:
- Anh Hà ơi.
- Gì thế?
- Anh ở đây với em, với má mãi nhé!
- Mãi thì chắc là chả được đâu. Nhưng anh còn ở đây lâu, năm năm kia mà.
- Em biết rồi! Nhưng cuối cùng anh vẫn ở xa em, anh đi rồi em chơi với ai? Chẳng lẽ em ra bãi sông một mình, em chạy một mình, em cười một mình à? Chán lắm!
- Hay là khi nào mẹ anh về, anh sẽ nói với mẹ anh xin chuyển công tác lên đây. Hai đứa ở gần nhau, má sẽ cho anh với Hưng ra bãi sông luôn. Chúng mình sẽ chơi với nhau mãi.
Chợt Hưng bậm môi cúi đầu xuống rồi ngẩng lên, mếu máo: - Anh Hà ơi, anh đừng giận em nhé!
- Giận cái gì kia? – Hà ngơ ngác.
- Về cái chuyện đổ lọ mực ấy.
- À… mà anh có nhớ chuyện ấy đâu. Thôi chúng mình về đi kẻo má đứng lâu một mình, má buồn…
Hai anh em nắm tay nhau chạy về phía bờ. Đằng sau là con tàu trắng đang đi xa dần. Gió mùa xuân thổi phần phật trên những vạt ngô xanh mướt.
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Người Làm Đồ Chơi
Bác bên cạnh nhà tôi là một người làm đồ chơi bằng bột màu rất tài. Tôi không hiểu bác về đây từ bao giờ, chỉ biết khi tôi sinh ra, lớn lên đã thấy bác ở phố này và tóc đã bạc rồi. Bác sống một mình. Người ta bảo ngày xưa bác đã từng theo một gánh hát tuồng đi lưu lạc nhiều nơi. Vợ con bác đều đã mất từ lâu. Giờ thì bác già rồi không còn ý định lập gia đình nữa.
Tôi thì tôi cảm thấy bác không sống một mình, vì bác luôn luôn có những người bạn do bác làm ra: những ông Quan Công, ông Trương Phi, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…, rồi những con gà, con vịt, con rồng các màu rực rỡ. Chưa bao giờ tôi thấy bác có vẻ buồn. Bác thường vừa làm vừa hát tuồng
hoặc nói chuyện với các nhân vật của bác.
Buổi tối tôi hay sang chơi nhà bác, xem bác nhào bột, pha màu. Mỗi khi thấy tôi sang, bác rất vui: Bác cho tôi chọn một trong những con đồ chơi mà tôi thích nhất. Bác kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện, nhất là chuyện về những nhân vật đồ chơi của bác. Bác bảo: “Vịt với gà tuy khác giống nhưng lại rất thương yêu nhau vì loài vịt đều là con nuôi của loài gà. Từ ngày xưa, vịt tuy hiền và tốt nhưng lại rất vụng, chỉ biết đẻ trứng mà chẳng biết ấp và nuôi con. Gà thấy vậy liền nhặt những quả trứng của vịt về ấp cùng với trứng của mình. Vịt con nở ra ngơ ngác giữa chị em gà con. Vịt con cũng theo mẹ con gà đi kiếm ăn, nhưng khi gặp hồ nước thì lao xuống ngụp lặn. Gà mẹ lồng lộn trên bờ lo cho con chết đuối, trong khi vịt con vẫn bình thản bơi đi… Sau rồi mẹ gà con vịt cũng quen cái cảnh sinh hoạt tách rời nhau, nhưng gà vẫn thương vịt và vịt vẫn biết ơn gà”. Khi rõ lai lịch câu chuyện, tôi nhìn con vịt và con gà bằng bột của bác cắm cạnh nhau, dáng vẻ nhìn nhau rất âu yếm.
https://thuviensach.vn
Bác còn kể chuyện về Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, Quan Công và Trương Phi đánh nhau với Tào Tháo… Bác thường hát cho tôi nghe câu hát mà bác bảo là trong vở tuồng “Trương Phi hồi cổ thành”:
… Lao xao… a… sóng vỗ ngọn tùng…
Gian nan là nợ a… anh hùng phải vay…
Điệu hát thật là buồn và hùng tráng.
Ở ngoài phố, ngọn cái sào nứa buộc cái chổi xuể cắm đồ chơi của bác dựng chỗ nào là chỗ đó các bạn nhỏ xúm xít lại. Không chỉ xem đồ chơi mà các bạn còn muốn xem cách làm các đồ chơi ấy. Từ những ngón tay đen xạm và thô nháp của bác dần hiện ra những con rồng đang leo, đang múa, những con vịt ngây thơ chậm chạp, những con gà tinh nhanh, chăm chỉ… Ai xem cũng không biết chán. Tôi được cái may mắn hơn các bạn là biết rõ lai lịch những đồ chơi ấy. Cho nên chắc chắn là tôi thích chúng hơn các bạn nữa kia.
Ngày tháng cứ qua đi như vậy, bác Nhân rất vui, vui với đồ chơi bác làm ra, đó là những cái cầu nối liền bác với bao bạn nhỏ.
Mỗi buổi chiều đi bán hàng về bác lại kể cho tôi nghe là đồ chơi của bác được các bạn nhỏ thích thú như thế nào. Tôi nhớ nhất một chuyện bác kể: “Có chú bé nhìn đồ chơi của bác một cách rất thèm đến phát khóc mà không dám hỏi mua. Sau bác biết chú chỉ có hào rưỡi, đồ chơi của bác thì những hai hào. Thế là bác liền bán rẻ cho chú năm xu…”
Mấy năm gần đây, những đồ chơi của bác không được đắt hàng như trước. Ở cổng công viên, bên cạnh nơi bác vẫn hay đứng bán hàng, có thêm mấy hàng đồ chơi bằng nhựa.
Đồ chơi bằng nhựa ngày càng nhiều, nhất là từ khi giải phóng Sài Gòn. Súng ống, máy bay, xe tăng toàn bằng nhựa. Lại có những thằng người cưỡi
https://thuviensach.vn
xe máy phóng như bay cũng bằng nhựa. Các con lợn, gà, voi, khỉ đều bằng nhựa. Đồ chơi bằng nhựa, gián không gặm được đã đành mà còn tha hồ đánh rơi cũng không vỡ.
Không hiểu các bạn nhỏ có thích đồ chơi đó không nhưng chắc chắn là bố mẹ các bạn rất thích cho nên hay mua cho các bạn, vì nó bền.
Tôi thì tôi không thích những đồ chơi bền, vì bền quá thì cũ và xấu, thế là mình chán. Vậy nên tôi vẫn cứ thích bằng bột màu của bác Nhân hơn. Đồ chơi đó luôn luôn được làm lại. Và mỗi lần được làm lại, nó lại mang một dáng vẻ mới, sinh động lạ lùng!
Bác Nhân càng ngày càng ế hàng, có những ngày chỉ bán được bốn, năm con đồ chơi. Một hôm bác bảo tôi:
- Bác sắp về quê đây, cháu có nhớ bác không?
- Có. Nhưng bao giờ bác lại ra?
- Bác về mãi. Về làm ruộng ở quê.
- Thế bác không làm đồ chơi nữa à? – Tôi ngơ ngác hỏi bác.
- Có, nếu cháu thích, thỉnh thoảng bác sẽ làm gửi cho cháu. – Thấy tôi cứ bần thần đứng đó, bác lại nói – Tuy vậy, thỉnh thoảng bác cũng có thể ra chơi thăm cháu.
Không muốn để bác biết là tôi sắp khóc, tôi cố gắng tỏ ra bình thản: - Thế bao giờ bác về?
- Ngày kia.
- Đừng, bác đừng về. Bác ở đây làm đồ chơi bán cho chúng cháu.
https://thuviensach.vn
- Bác cũng muốn thế lắm chứ, nhưng cháu biết đấy, độ này chả còn mấy người mua thứ đó nữa.
- Cháu mua.
- Nhưng cháu làm sao mua được tất cả đồ chơi bác làm ra hàng ngày? - Cháu sẽ rủ các bạn cháu mua.
- Cháu tôi! – Bác cảm động ôm lấy tôi – Cháu chẳng hiểu gì cả! Cháu chỉ nên nhớ một điều là bác không muốn xa cháu, xa các bạn nhỏ như cháu, nhưng hoàn cảnh bác nó thế, cần phải thế. Bác già rồi, không thể sống một mình mãi được. Hiện bác còn một người cháu ở quê, anh ấy đã có vợ con, không còn bố mẹ, họ hàng thân thuộc chẳng còn ai nên muốn đón bác về, trước là chú cháu được gần gũi, sau là trông nom gia đình cho anh ấy, anh bảo chú cũng như cha, anh muốn được trông nom săn sóc bác lúc tuổi già. Còn một ít bột, màu, bác sẽ nặn và bán nốt trong ngày mai.
- Nếu như bán chưa hết thì ngày kia bác có về không?
- Cũng về. Vì thực ra không phải bác chỉ muốn bán hết hàng mà bác muốn được gặp gỡ các khách hàng nhỏ bé của bác trong ngày mai.
Không nói thêm được gì nữa, tôi chạy vụt về nhà, vì rằng nếu đứng đó thêm, tôi sẽ khóc òa lên mất. Bao nhiêu điều lộn xộn diễn ra trong tôi: “Những con gà, con vịt, những ông tướng bằng bột màu rực rỡ… Những câu chuyện mà bác Nhân thường kể cho tôi nghe, rồi điệu hát tuồng hùng tráng và buồn bã… Ngày mai, chỉ còn ngày mai nữa thôi. Cháu cũng muốn được thấy bác vui vẻ như những lần bác đắt hàng nhất trở về”. Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt được. Chờ cả nhà ngủ rồi, tôi vùng dậy lấy con lợn đất của tôi, đập ra và đếm được hơn mười đồng cành cạch. Tôi cất số tiền vào ngăn cặp sách rồi lại lên giường nằm. Sáng hôm sau đi học, tôi nói với một số bạn thân cùng lớp đầu đuôi câu chuyện về bác Nhân và tôi muốn các bạn
https://thuviensach.vn
giúp tôi bằng cách chia món tiền ấy ra mua giúp cho tôi những đồ chơi của bác. Tôi yêu cầu các bạn giữ bí mật điều này.
Chiều, tôi nôn nóng qua nhà bác mấy lần chờ “kết quả”. Mãi bác vẫn chưa về! Cuối cùng tôi trông thấy bác tất tả từ đầu phố, nét mặt rạng rỡ, tay bác cầm cái sào nứa còn cắm hai con đồ chơi: Một con gà và một ông Trương Phi. Vừa trông thấy tôi, bác đã nói như reo lên:
- Bác bớt lại hai cái này để làm quà cho cháu. Hôm nay bác bán hết hàng, giá còn nữa bán cũng hết. Thì ra vẫn còn nhiều bạn nhỏ thích đồ chơi của bác. Thế mà bác cứ tưởng những đồ chơi nhà quê ấy chẳng còn ai để ý nữa rồi. Giá mà cháu được thấy những con mắt đen láy láy nhìn theo bàn tay bác nặn đồ chơi thì cháu mới hiểu được là bác đã vui như thế nào. Có chú nhóc mua tới ba, bốn con nữa kia. Chúng cứ tấm tắc khen là đẹp, là lạ! Ngày hôm nay thật là kỳ lạ! Khi về quê bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán. Nghe nói trẻ ở nông thôn còn thích thứ này hơn cả trẻ thành phố…
Rồi bác giả vờ vuốt râu, co chân theo thế múa tuồng, hát hai câu bác vẫn thường hát:
… Lao xao… a… sóng vỗ ngọn tùng…
Gian nan là nợ a… anh hùng phải vay…
Cho mãi tới bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ những con đồ chơi bằng bột màu rực rỡ với cái điệu hát tuồng hùng tráng và buồn bã ấy.
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Thầy Giáo Dạy Vẽ
Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi. Thầy dạy chúng tôi cách đây đã mười bảy năm, khi đó chúng tôi mới học lớp 5, mà thầy thì mái tóc đã bạc phơ …
Tuần trước, vào một buổi tối, có hai người bạn học cũ đến thăm tôi: Châu – họa sĩ và Hiền – kỹ sư một nhà máy cơ khí. Châu hỏi tôi:
- Cậu có nhớ thầy Bản không?
- Nhớ chứ! Thầy Bản dạy vẽ bọn mình hồi nhỏ phải không?
- Đúng rồi. Thầy mới mất hôm đầu tháng. Mình có đến dự đám tang, nhưng không kịp đến báo cho các cậu. Thầy về hưu đã lâu; những năm cuối, thầy yếu mệt nhiều, vẫn ở trên căn gác xép với một cô cháu gái …
Tôi sững sờ nhớ lại hình ảnh của thầy Bản. Đã lâu lắm tôi không gặp lại thầy, trừ một lần, đạp xe qua phố, tôi thấy thầy đứng xếp hàng trước một quầy hàng dầu hỏa. Nếu gặp, chắc thầy cũng không nhận ra tôi: Thầy dạy nhiều lớp, nhiều học trò và môn học một tuần chỉ có một tiết.
Hồi ấy, thầy bao nhiêu tuổi, tôi không rõ. Chỉ biết là thầy dạy học đã lâu, nhiều cô giáo, thầy giáo trong trường từng là học trò của thầy.
Thầy ăn mặc theo kiểu xưa: bộ com-lê đen đã cũ lắm, nhưng chiếc cà-vát vẫn luôn thắt chỉnh tề trên cổ. Thầy thường đội mũ nồi, bộ râu mép rậm lấm tấm bạc, đôi giày cũ và chiếc cặp da nâu cũng đã sờn rách.
https://thuviensach.vn
Thầy luôn đăm chiêu, nhưng hiền hậu. Chẳng bao giờ thầy cáu giận, gắt gỏng chúng tôi. Cũng chẳng bao giờ thầy bỏ một tiết lên lớp nào, kể cả những hôm thầy yếu mệt, sốt cao, giọng run run.
Các cô giáo, thầy giáo trong trường kể rằng: thầy là một trong những họa sĩ học khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bạn học của thầy, hầu hết đều đã trở thành những họa sĩ tên tuổi, có người nổi tiếng cả ở nước ngoài, riêng thầy Bản chỉ là một giáo viên dạy vẽ bình thường ở một trường cấp hai.
Thầy dạy chúng tôi kẻ chữ, vẽ cái sọt giấy, lọ mực, viên gạch, thỉnh thoảng mới có một bài “vẽ tự do”: cảnh chùa, hoặc lao động ở vườn trường. Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ. Nhưng thú vị hơn cả là những câu chuyện của thầy. Thầy thường nói say sưa với chúng tôi về hội họa, về màu sắc và đường nét, về cái thế giới thứ hai, thế giới rực rỡ, kỳ lạ của những bức tranh, những cánh cửa mở tới những khu vườn tốt lành và đẹp đẽ. Có những lần, thầy đưa chúng tôi về nhà thầy chơi, về gian gác hẹp xếp đầy sách vở và tranh ảnh. Thầy đưa chúng tôi xem những quyển tranh của các bậc danh họa. Thầy cũng cho chúng tôi xem những bức tranh thầy vẽ, những bức tranh nhỏ, vẽ rất tỉ mỉ những bình hoa nhiều màu, những ngôi nhà, những em bé hàng xóm… Thầy vẽ chậm, vẽ kỹ, không hiểu có đẹp không, những tranh của thầy ít được mọi người chú ý. Chúng tôi có đi hỏi, nhưng chẳng thấy có mấy ai biết đến tên họa sĩ Nguyễn Thừa Bản.
Chẳng hiểu vì thầy không có tài hay không gặp may, tuy thầy rất yêu hội họa, dành hết sức lực và tiền bạc cho nó. Vợ con thầy đều đã mất từ lâu, thầy bảo giờ đây nguồn vui của thầy chỉ là công việc và các em học sinh. Chúng tôi đều rất quý và thương thầy.
Có lần, thầy đến lớp, vẻ nghiêm trang, xúc động, thầy nói với chúng tôi:
https://thuviensach.vn
- Ở triển lãm mỹ thuật thành phố, người ta có bày một bức tranh của tôi… – Thầy mỉm cười rụt rè khẽ nói thêm – Các em đến xem thử…
Chiều hôm ấy, mấy đứa chúng tôi – trong đó có Châu và Hiền – rủ nhau đến phòng triển lãm. Trong gian phòng chan hòa ánh sáng, bức tranh của thầy Bản treo ở một góc. So với những bức tranh to lớn sang trọng khác, bức tranh của thầy thật bé nhỏ, trong một chiếc khung cũ. Bức tranh vẽ rất cẩn thận một lọ hoa cũ, mấy quả cam, những cánh hoa vàng rơi trên mặt bàn… Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy. Chúng tôi ngồi xuống cạnh bàn ghi cảm tưởng của người xem: Chẳng thấy ý kiến nào khen ngợi hoặc nhắc đến bức tĩnh vật của thầy giáo chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi thấy thầy Bản cũng đến, thầy đi lại trong phòng triển lãm, nhìn người xem rồi lại nhìn về cái tranh của mình, bồn chồn, hồi hộp. Rồi sau cảm thấy đứng mãi ở đấy không tiện, thầy lại lóc cóc ra lấy xe đạp, đạp đi.
Càng thương thầy, chúng tôi càng giận những người xem vô cùng. Nảy ra một ý, chúng tôi bàn khẽ với nhau, rồi mở quyển sổ ghi cảm tưởng, chúng tôi thay nhau viết:
“Trong phòng triển lãm này, chúng tôi rất thích bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản!”.
“Bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản rất đẹp. Họa sĩ là một người có tài năng và cần cù lao động. Kính chúc họa sĩ mạnh khỏe, v.v…”.
Rồi chúng tôi ký những cái tên giả dưới các ý kiến đó. Ngoài mấy đứa chúng tôi, không ai biết việc này.
Vài hôm sau, thầy Bản đến lớp. Bối rối vì cảm động, thầy báo tin:
- Các em ạ… bức tranh ở triển lãm của tôi… cũng được một số người thích… Họ có ghi cảm tưởng… Ban tổ chức có đưa cho tôi đọc… tôi có ghi lại…
https://thuviensach.vn
Thầy húng hắng ho, rồi nói thêm, vẻ ân hận:
- Bức tranh ấy tôi vẽ chưa được vừa ý… Nếu vẽ lại, tôi sẽ sửa chữa nhiều…
Thương thầy quá, chúng tôi suýt òa lên khóc. Bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi đã lớn lên, đã làm nhiều nghề khác nhau, có người là cán bộ quân đội, có người là công nhân, Hiền trở thành kỹ sư và tôi làm nghề viết báo. Chỉ có Châu là họa sĩ. Tuy còn trẻ, Châu đã có nhiều tác phẩm, được quần chúng và đồng nghiệp đánh giá cao… Nhưng Châu và chúng tôi chẳng hề quên thầy Bản. Không chỉ làm cho chúng tôi yêu hội họa, thầy còn là một tấm gương về sự cần cù, lòng trong sạch, tình yêu thương trân trọng với công việc bình thường của mình.
Thầy không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng như các bạn của thầy, nhưng đối với chúng tôi, hình ảnh hiền hậu khiêm nhường của thầy đáng quý trọng biết bao.
Có lẽ đến phút cuối của cuộc đời, thầy cũng không biết rằng: Chính chúng tôi – những học trò nhỏ của thầy – đã viết vào quyển sổ cảm tưởng trong kỳ triển lãm ấy. Bây giờ, thầy Bản không còn nữa!
Tối ấy, ngồi với nhau, chúng tôi nhắc nhiều và nhớ nhiều đến thầy… Thưa thầy giáo dạy vẽ kính yêu!
Viết những dòng này, chúng em muốn xin thầy tha lỗi cho chúng em và muốn lần nữa được thưa với thầy rằng: Chúng em biết ơn thầy, mãi mãi biết ơn thầy…
https://thuviensach.vn
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN XUÂN QUỲNH
Xuân Quỳnh
www.dtv-ebook.com
Bà Bán Bỏng Cổng Trường Tôi
Trước cổng trường tôi có nhiều hàng quà: ô mai, kẹo bánh, ổi, táo và hàng bỏng ngô.
Mỗi lần đến trường sớm hoặc khi ra chơi chúng tôi thường ra mua quà vặt. Mỗi đứa thích ăn một thứ nhưng nói chung là chúng tôi hay mua bỏng ngô. Vì bỏng ngô là rẻ nhất lại ăn được lâu. Bà bán bỏng tóc bạc phơ, lưng
hơi còng, bà rất hiền hậu. Bà bán hai đồng một bơ bỏng như mọi hàng, bà lại còn cho thêm vài hạt. Hàng của bà hết rất sớm, thường là giữa giờ ra chơi, nếu không mua nhanh thì không có bỏng ăn. Vậy nên mỗi lần chạy ào từ trong lớp ra là nhiều đứa chúng tôi xông thẳng đến bà, chen nhau tíu tít:
– Bán cháu hai đồng.
– Bán cháu…
– Bán cháu, cháu đến trước kia…
Chúng tôi làm bà cứ cuống quýt cả lên. Tuy vậy bà rất vui vì đắt hàng. Bà bán hàng rất chăm chỉ, hầu như không vắng mặt ở cổng trường tôi bao giờ. Trời nóng thì bà phe phẩy cái quạt nan, còn trời rét thì bà co ro thu mình trong miếng vải nhựa cũ
Có một hôm, thằng Tòng béo ở lớp tôi tung ra một tin:
– Này các cậu ơi, bà bán bỏng bị ho lao.
– Sao cậu biết? – Tôi hỏi.
https://thuviensach.vn
– Thì tớ ở gần nhà bà ấy mà. Ban đêm thấy bà ấy ho khiếp lắm. Tớ nghe có đứa nói bà ấy ho ra cả máu đấy.
– Eo ơi kinh quá! – Một bạn gái nói. – Thế ho lao có lây không?
– Lây quá đi chứ, lây bằng đường hô hấp. Ví dụ bà ấy thở hoặc nói chuyện với mình. Mình hít phải thế là bị ngay.
– Thế có chữa được không?
– Chữa khó lắm. Bệnh này là có thể chết nữa đấy.
– Sợ nhỉ. Nếu ăn bỏng của bà ấy thì có lây không?
– Lây chứ. Vì khi bà ấy rang bỏng thế nào bà chả thở vào đấy. – Các cậu ơi, mai đừng mua bỏng của bà ấy nữa.
Tin ấy không chỉ lan truyền ở lớp tôi mà còn sang cả các lớp khác. Bà hàng bỏng vắng khách dần. Cuối cùng chỉ còn những bạn nhỏ qua đường hoặc những bạn quanh đấy chưa biết tin ấy là mua bỏng của bà mà thôi. Khi chúng tôi đi qua, bà cứ mời chào mà chả đứa nào chịu mua. Lắm buổi, hết giờ học, tôi ra về thấy bà vẫn còn ế một túi ni-lông bỏng to tướng, mặt bà ỉu xìu chả buồn mời chào chúng tôi.
Thế rồi bà không bán bỏng ở cổng trường chúng tôi nữa. Chả biết bà bán ở đâu. Chúng tôi không để ý. Chúng tôi lại chuyển sang mua ô mai, táo dầm…
Một hôm mẹ tôi sai tôi ra chợ mua mớ rau, tôi bỗng gặp bà bán bỏng, trông bà gầy nhiều, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới, bà chống gậy và đeo một cái bị đi vào hàng cơm, bà lấy trong bị ra một cái bánh mì khô và nói gì nho nhỏ với bà hàng cơm, nghe không rõ. Tôi chỉ nghe tiếng quát mắng to tướng của bà hàng cơm:
https://thuviensach.vn
– Nướng nhanh lên mà đi cho khuất mắt. Trông người chả ra người, như con gà rù thế kia mà ám hàng người ta thì làm sao người ta bán được…
Bà bán bỏng lật đật đến gần bếp lò run rẩy nhét cái bánh mì vào phía dưới lò. Chứng kiến tất cả cái cảnh ấy tự nhiên tôi tháy thương bà quá. Tôi chạy lại gần bà, ấn vội vào tay bà số tiền mẹ tôi đưa mua rau rồi chạy vụt về. Tôi về nhà kể lại với mẹ tôi mọi việc, mẹ tôi không mắng tôi về việc ấy mà lại trách tôi chuyện khác kia. Mẹ bảo:
– Con giúp đỡ người nghèo là đúng, nhưng con thử nghĩ xem, với số tiền mua rau ấy bà già chỉ sống được một bữa, còn bữa sau thì sao? Đáng lẽ trước kia con và các bạn con đừng tung cái tin “bà bán bỏng ho lao” ra thì chắc bà vẫn sống được tử tế. Đằng này, vô tình con và các bạn con đã hại bà ấy. Các con chưa hiểu được đâu. Chưa hiểu được một người già mà phải đói khát thì khổ đến thế nào… Mẹ còn nói nhiều nhiều nữa nhưng thấy tôi rân rấn nước mắt nên mẹ thôi. Mẹ lại đưa tiền cho tôi đi mua rau.
Hôm sau đến lớp tôi kể cho các bạn nghe mọi sự việc, kể cả chuyện mẹ tôi đã mắng tôi như thế nào. Các bạn nghe mà ai cũng bùi ngùi cảm thấy mình có lỗi, bỗng có bạn lên tiếng:
– Thế ai bảo cậu Tòng là bà ấy ho lao?
– Ai bảo? Ai bảo?… – Tất cả nhao lên như muốn lên án Tòng. – Tớ cũng chẳng nhớ. – Tòng trả lời yếu ớt. – Tớ nghe thấy thế. – Cậu nghe chưa chính xác mà đã nói. Cậu ác thế! Ác thế!
– Khổ thân bà ấy. – Một bạn nói. – Làm thế nào để giúp bà ấy bây giờ? Hay là góp tiền lại đem cho bà ấy.
– Làm thế chẳng được đâu. – Tôi nói. – Mẹ tớ bảo là khi bà ấy ăn hết số tiền mình cho thì bà ấy lại đói. Hay là khi nào tớ gặp bà ấy tớ sẽ bảo: “Bà
https://thuviensach.vn
cứ bán bỏng đi chúng cháu lại mua cho bà” mà tất cả chúng mình phải mua của bà ấy kia, bảo cả bọn lớp khác nữa.
– Ừ, phải đấy! – Một bạn nói. – Tất cả chúng mình đều mua. – Tất cả.
– Tất cả. – Các bạn đồng thanh tán thành. Có bạn lại còn đề ra mình sẽ ăn sáng bằng bỏng.
Thế nhưng suốt mấy hôm tôi để ý tìm bà bán bỏng mà chả thấy bà đâu. Có một đêm tôi đi xem kịch với bố tôi về, hai bố con rẽ vào một hàng phở định ăn phở, tôi thấy một người đội nón rách ngồi co ro thu mình trong tấm vải nhựa cũ, áp lưng vào mặt tường phía ngoài là nấu phở. Bố tôi bảo:
– Đấy con xem, mình đi xem về còn được ăn phở, trong khi có người vừa đói vừa rét chẳng có chỗ nằm phải ngồi ở ngoài phố trước lò nấu phở cho đỡ rét. Bố tôi đưa tôi năm đồng bảo tôi mang cho người đó.
– Này bác ơi, – tôi gọi, – cháu cho bác tiền đây này.
Người ấy đẩy cái nón về phía sau và ngửa mặt lên nhìn tôi. Tôi chợt nhận ra bà là bà bán bỏng. Bà đưa bàn tay run run ra nhận mấy đồng của tôi mà nét mặt bà lại ngỡ ngàng thảm hại. Hình như bà hơi ngạc nhiên là bà không xin mà tôi lại cho bà. Bà cứ nói đi nói lại:
– Cảm ơn, cảm ơn cậu. Thật là phúc đức quá!
Cổ tôi nghẹn lại một nỗi hối hận không thể quên được. Tôi nhớ đến lời dặn của các bạn trong lớp, rồi nói với bà:
– Bà ơi, trước bà bán bỏng ở cổng trường cháu sao bây giờ bà không bán nữa.
– Ế lắm, cậu ạ, không ai mua cho nên tôi khổ sở thế này.
https://thuviensach.vn
– Thế bây giờ bà lại bán đi. Cháu mua cho. Các bạn cháu cũng sẽ mua cho bà.
– Cậu nói thật hay nói đùa thế?
Bà nhìn tôi bỡ ngỡ, đôi mắt bà như mờ đi, mái tóc bạc lòa xòa trước trán.
– Cháu nói thật đấy bà ạ, các bạn cháu nó bảo lâu nay không có bỏng của bà nó thèm lắm đấy.
– Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu – bà lại lặp lại câu nói ban nãy. – Thật là phúc đức quá! Phúc đức quá!
https://thuviensach.vn