🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuyển Tập Truyện Ngắn Alberto Moravia Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Tuyển tập truyện ngắn Alberto Moravia Tác giả: Alberto Moravia Tủ sách: Truyện ngắn – Văn học nước ngoài Nguồn: vnthuquan.net & một số trang web khác Thực hiện ebook: Zaqqaz ooO TVE Ooo Epub (02/2019): @lamtam, tve-4u.org https://thuviensach.vn GIỚI THIỆU Alberto Pincherle (Alberto Moravia)là tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học Ý thế kỷ XX. Thời niên thiếu, ông hay ốm đau, bệnh tật nên học hành dang dở và chuyển sang viết văn từ rất sớm. Năm 1925, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, ông có một khối lượng sáng tác đồ sộ, là đại diện ưu tú của chủ nghĩa hiện thực phê phán trong trào lưu văn học Ý hiện đại. Alberto là nhà văn, đồng thời ông cũng tham gia viết báo. Moravia tập trung viết các mảng đề tài mà xã hội ít đề cập đến, đây là đặc điểm nổi bật trong các sáng tác của ông, đưa ông trở thành nhà văn - nhà báo xuất sắc của văn học Ý thế kỷ XX. Một số tác phẩm của ông được dựng thành phim như Two Women, A Ghost at Noon và The Conformist. *Sống tại: Italia Sinh tại: Rome- Italia Năm sinh: 28.11.1907 Năm mất: 26.9.1990 Gia đình: Cha ông là kiến trúc sư khá giàu *Thể loại sáng tác: - Tiểu thuyết - Truyện ngắn - Luận * Sự nghiệp văn chương: Trường phái: Chủ nghĩa hiện sinh * Các sáng tác: - Mùa đông của cậu bé bệnh hoạn - Đồ vật - Những kẻ lãnh đạm - Bệnh truyền nhiễm - Aghostino - Gli Indifferenti- Time Of Indifference- Thủa thờ ơ, 1929 https://thuviensach.vn - Tham vọng không đúng chỗ- Le Ambizioni Sbagliate- Wheel Of Fortune / Mistaken Ambitions, 1935 - La Bella Vita, 1935 - L'imbroglio, 1937 - Dạ hội hoá trang- La Mascherata- The Fancy Dress Party, 1941 - La Cetonia, 1943 - L'amante Infelicide, 1943 - La Speranza Ovvero Christianismo E Communismo, 1944 - Agostino, 1944 - L'epidemia, 1944 - Due Cortigiane E Serata Di Don Giovanni, 1945 - Cô gái thành Rôma - La Romana, 1947 - La Disubbidienza - Disobedience , 1948 - Tình vợ chồng - L'amore Coniugale, 1949 - Tuần trăng mật cay đắng (1951) - Il Conformista - The Conformist -On, 1951 - I Racconti, 1952 - Racconti Romani - Roman Tales , 1954 - Ma hiện giữa trưa - Il Disprezzo- A Ghost At Noonl'epidemia, Racconti Surrealisti E Satirici, 1954 - Bitter Honeymoon And Other Stories, 1956 - Hai người đàn bà - La Ciocara, 1957 - Teatro, 1958 - Un Mese In Urss, 1958 - Nuovi Racconti Romani- More Roman Tales, 1959 - The Wayward Wife And Other Stories, 1960 - Bức hoạ trống không, 1960 https://thuviensach.vn - Claudia Cardinale, 1962 - Un'idea Dell'india, 1962 - L'uomo Come Fine - Man As An End, 1963 - L'attenzione - The Lie - Valhe, 1965 - Cortigiana Stanca, 1965 - Le Luzi Di Roma, 1965 - Il Mondo È Quello Che È, 1966 - L'intervista, 1966 - Una Cosa È Una Cosa - Command And I Will Obey You, 1967 - Il Dio Kurt, 1968 - La Rivoluzione Culturale In Cina, 1968 - Racconti Di Alberto Moravia, 1968 - La Vita È Gioco, 1969 - Il Paradiso, 1970 - Io E Lui, 1971 - A Quale Tribù Appartieni - Which Tribe Do You Belong To?, 1972 - L'amore Coniugale, 1972 - Un'altra Vita- Lady Godiva And Other Stories / Mother Love , 1973 - Cortigiana Stanca, 1974 - Al Cinema, 1975 - Boh - The Voice Of The Sex And Other Stories , 1976 - La Vita Interiore, 1978 - Un Miliardo Di Anni Fa, 1979 - Cosma E I Briganti, 1980 - Impegno Controvoglia, 1980 - Lettere Dal Sahara, 1981 - Storie Della Preistoria, 1982 https://thuviensach.vn - La Cosa E Altri Racconti - Eroottisia Tarinoita , 1983 - L'uomo Che Guarda, 1985 - L'angelo Dell'informazione A Altri Testi Teatrali, 1986 - L'inverno Nucleare, 1986 - Passegiate Africane, 1987 - Il Viaggio A Roma, 1988 Nguồn: cinet.gov.vn https://thuviensach.vn ANH QUÁ NGHÈO Tôi lấy chồng năm mười tám tuổi. Chồng tôi sáu mươi, nhưng đúng là một người mà mẹ tôi hằng mong ước cho tôi từ khi tôi còn chưa lọt lòng mẹ: một người giàu. Song, hình thức bên ngoài của ông hoàn toàn không phải như thường thấy ở những người chiếm hữu những gia sản kếch sù: không thô thiển, cục súc hoặc đầu hói, bụng to. Thậm chí trái lại. Dưới mái tóc trắng óng ánh bạc là một khuôn mặt hồng hào, trìu mến và niềm nở. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của ông là đôi mắt: đôi mắt đen, ánh mắt tắt lịm, không biểu hiện một tí tình cảm nào cả. Cái nhìn của ông bất động một cách lạ lùng, nhất là khi ông chú ý nhìn một cái gì đó (hoặc ai đó) khiến ông đặc biệt thích thú. Thay cho con ngươi là đôi kính hiển vi mà những người thợ kim hoàn thường đeo lên mắt để nhìn vàng bạc và các loại đá quý. Trong sâu thẳm của đôi con ngươi ấy không bao giờ biểu lộ sự không biết, nỗi ngạc nhiên, sự thán phục hay trí tò mò, mà bao giờ cũng chỉ là sự xét đoán không nhầm lẫn về giá trị của vật này hay vật khác hoặc (tại sao lại không kia chứ?) của một con người, về giá trị được biểu hiện trước hết bằng tiền hoặc dưới hình thức khác được chuyển thành các dạng tiền. Và lạ lùng thay, tôi đã nghĩ về điều đó không phải sau khi cưới (chẳng hạn khi hai vợ chồng thường hay đi các cửa hiệu vàng bạc và đồ cổ), mà trước khi ông xin cưới, trong thời gian ông còn đang tán tỉnh tôi. Mà săn sóc phụ nữ thì ông là người rất tận tình, ít nhất là căn cứ vào những cử chỉ bề ngoài. Nhưng nghĩ kỹ thì sự nhiệt tình đó có hơi trơ trẽn, ít nhất là xét từ góc độ của một người phụ nữ không muốn bị người ta xem như là một bình sứ cổ Trung Quốc hoặc bức tượng nhỏ của bộ lạc Maya. Song đối với tôi, một cô gái trẻ, chưa từng trải, thì sự trơ trẽn đó lại làm tôi thích thú, có tác dụng vuốt ve dây thần kinh, cho nên rốt cuộc tôi đã phải lòng ông ta. Ông ngồi trong căn phòng tiếp khách nghèo nàn và tù túng của gia đình tôi (tôi với mẹ tôi ở một căn hộ hai phòng và sống rất eo hẹp), hầu như không hề nói năng gì cả, chỉ nhìn tôi. Sau này, khi chúng tôi đã cưới nhau rồi, tôi nhận thấy rằng ông ta nhìn các vật trưng bày ở cửa hàng cũng đúng y như thế. https://thuviensach.vn Phải nói rằng tôi là một cô gái rất xinh. Nhưng căn cứ và cái nhìn của ông, vẻ đẹp của tôi hoàn toàn không hề gây ra ở ông một sự hồi hộp, bối rối nào cả, cũng không hề làm mê mẫn như đối với những người đàn ông khác. Cách thể hiện của ông là của một người biết rằng nếu muốn, anh ta có thể mua ngay đồ vật ấy và anh ta hiện đang xem xét nó chỉ là để xác định đúng giá của nó hiện nay là bao nhiêu và sau này nó có thể đem lại những ích lợi gì. Cuối cùng chúng tôi cưới nhau. Chồng tôi yêu tôi và tôi cũng yêu chồng. Trong suốt hai năm, cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể nói là hạnh phúc. Nhưng cần phải nói rõ tình yêu đó là gì và hạnh phúc đó ra làm sao. Tôi sẽ cố gắng giải thích bằng chính ngay thí dụ đó (tôi muốn nói cặp mắt của chồng). Chính mắt, chứ không phải các giác quan khác, làm sợi dây nối liền ông với thực tế, nói đúng hơn là với những đồ vật mà ông liên tục mua sắm. Mắt ông thiết lập mối liên hệ đó, củng cố nó và cuối cùng cắt đứt nó. Mối liên hệ đó thường trải qua hai giai đoạn: giai đoạn đánh giá và giai đoạn thưởng thức vật mua về. Giai đoạn đầu diễn ra trước mặt người bán, trong cửa hàng. Chồng tôi ngắm nghía rất lâu vật định mua, đứng xem không sờ mó, hoặc giả cầm lên, lăn đi lăn lại trên tay để xem cho rõ bằng hai con mắt cú mèo –toàn bộ xúc cảm của ông tập trung ở thị giác chứ không phải ở xúc giác. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn thưởng thức vật mua diễn ra ở nhà, trong phòng làm việc của ông. Đấy là một phòng rộng với một cái bàn lớn cùng nhiều cái giá đóng trên tường để đặt những đồ vật ông mới mua được. Khi mà chúng vẫn còn ở trong phòng, thì có nghĩa là ông vẫn còn đang ngắm nghía, thưởng thức chúng. Ông thưởng thức chúng như thế nào? Như một con quỷ hút máu, bằng cặp mắt mà ánh mắt đã tắt với cái nhìn bất động, ông “hút” đồ vật như hút lòng đỏ lòng trắng trứng từ cái lỗ nhỏ của quả trứng. Quả trứng đã bị hút hết trông vẫn tưởng như còn nguyên nhưng kỳ thực rỗng ruột và bị vứt ra sọt rác. Chồng tôi sau khi đã “hút” xong đồ vật dĩ nhiên là không vứt đi (còn chưa đến mức độ đó); vật ấy chỉ đơn giản là biến mất khỏi phòng làm việc. Tôi nhớ hồi trước ông có một bình sứ Hy Lạp rất đẹp trang trí những hình người màu đen trên nền đỏ. Cái https://thuviensach.vn bình đặt mãi ở trong phòng, rồi biến mất. Một thời gian sau, tôi tìm thấy nó ở trong một cái bọc. Tình yêu của chồng đối với tôi cũng hoàn toàn giống như sự say ngắm đồ vật của ông. Ông nhìn ngắm tôi không hề biết chán, lúc nào cũng nhìn suốt: trong khi ăn, trong khi ngủ, ở nhà bạn bè, ở tiệm ăn, trong nhà hát, ngoài vườn, ngoài bãi biển, trên núi, giữa đám đông ngoài phố cũng như khi ngoài chúng tôi ra không có một ai…Chính là trong cái nhìn không dứt, không còn là cái nhìn mang tính chất đánh giá lạnh lùng nữa mà là cái nhìn say sưa không biết chán đó, chứa đựng tình yêu của ông. Còn về phần tôi, tôi rất gắn bó với ông. Có lẽ tôi cảm thấy đối với ông một thứ tình cảm giống như những đồ vật vô tri vô giác cảm thấy đối với ông chủ báu vật của chúng nếu như chúng có tình cảm: đó vừa là một thứ tình cảm biết ơn, vừa là mong muốn khoe sắc đẹp, vừa là sự công nhận uy thế tuyệt đối của ông ta. Thế rồi bỗng dưng, vô duyên cớ, chồng tôi không yêu tôi nữa, hoàn toàn không nhìn tôi nữa. Chúng tôi vẫn sống như trước, nhưng ông dường như gạt tôi ra khỏi tầm mắt mình như gạt ra khỏi phòng làm việc những đồ vật mà ông đã ngắm nghía thỏa thê. Sự thật thì sự gắn bó giữa ông với tôi trong khi ấy vẫn không hề giảm đi, mà trái lại, có phần tăng lên. Cảm giác sở hữu đã mất đi. Ông bắt đầu đối với tôi như đối với một người phụ nữ gắn bó với mình bởi một sự gần gũi lâu ngày. Nói một cách ngắn gọn, tôi thôi không còn là một đồ vật đối với ông nữa, mà trở thành một con người. Người phụ nữ khác ở địa vị tôi hẳn đã lấy làm mừng, cho rằng bước chuyển đó là theo hướng tốt, rằng nó chứng tỏ mối quan hệ vợ chồng như vậy là được củng cố. Nhưng tôi thì đau khổ đến chết đi được, không biết làm thế nào. Tôi cảm thấy mình bị “thương hại”, rằng vị trí của tôi đã bị lung lay, và tôi không còn là tôi trước nữa. Vâng, vâng, đúng thế, tôi lấy làm tiếc cái thời mà tôi chỉ là một đồ vật quý, xinh đẹp được người ta mua về ngắm nghía cùng với những đồ vật khác, và thấy đáng ghét làm sao địa vị của người phụ nữ được người ta đối xử bằng những tình cảm kính cẩn và dịu dàng bình thường của con người. https://thuviensach.vn Một năm sau khi diễn ra sự hóa thân -từ đồ vật thành con người- ấy là tôi, thì chồng tôi chết. Như vậy là tôi với ông đã sống với nhau ba năm, nhưng trong đó như “người chủ với đồ vật” chỉ có hai năm. Tôi bỗng nhiên đơn chiếc, trở thành người chủ của một tài sản kếch sù và - than ôi! - hơn bao giờ hết cảm thấy mình là một phụ nữ, một nhân cách, một con người. Tôi sẽ không kể với các bạn tôi đã sống những năm từ đấy đến đây như thế nào. Hãy giở bất kỳ quyển họa báo thời trang nào, đọc qua mục phóng sự đời sống thượng lưu, bạn sẽ có ngay một khái niệm đầy đủ về tôi, về sinh hoạt của tôi, được minh họa tỉ mỉ bằng những bức ảnh kèm theo: đây là tôi đang trượt tuyết ở núi Cortina, kia là tôi đang tắm nắng ở bãi tắm bên hồ Liđô, đi săn ở Kênia, câu cá ở biển miền Nam, vui chơi trong đêm hội thời trang ở Niu Yooc, đánh “gôn” ở Kent, xem đấu bò tót ở Mađrit, còn đây tôi là một tay máu mê cờ bạc tại cái sòng bạc ở Miami, là khách du lịch đang tham quan khu khai quật ở Pecxêpôn, vân vân và vân vân. Các bạn hẳn đã thấy cảnh tôi vô số lần và có thể còn ghen tị với tôi nữa là khác, dù rằng chẳng có gì đáng ghen tị cả: vì tôi vẫn không thể nào tìm được một người yêu tôi như tôi muốn, bằng một tình yêu mà chông tôi đã làm cho tôi quen với nó. Với một ý nghĩa nào đó, tôi đã bị chấn thương suốt đời. Người ta bảo chính những quan hệ tình dục đồi bại hoặc quá sớm thường làm cho con người bị chấn thương như thế. Nói tóm lại, tôi cần người ta phải đánh giá, mua và sử dụng một đồ vật hiếm hoi, quý giá. Các phương án khác của tình yêu đều không làm tôi vừa lòng. Tiếc rằng giờ đây đối với tôi tình hình phức tạp hơn nhiều so với cái ngày hai mẹ con sống trong một căn hộ hai phòng và những người muốn đến “đánh giá, mua và sử dụng” cứ nườm nượp. Nhờ chồng, tôi đã chuyển thứ bậc sang loại người tự mình có đủ khả năng mua tất cả những gì mình muốn, nhưng trở thành vật sở hữu của ai đó thì không trở thành được nữa rồi…Ai dám cho phép mình làm một việc sa hoa dường ấy, “mua” tôi? Tôi hiểu rất rõ rằng cái nhìn mà ngày nào đã khiến tôi rùng mình phát sợ, vì nó cân nhắc một cách lạnh lùng những giá trị của tôi, cái nhìn đã buộc tôi phải yêu khi tôi còn là một cô gái nghèo, cái nhìn ấy bây giờ chỉ người nào có https://thuviensach.vn đủ sức không chỉ sở hữu tôi mà sở hữu cả toàn bộ gia tài không kể xiết này mới có được. Nói cách khác, người ấy lại còn phải muốn sở hữu tôi nữa chứ! Có nghĩa là những xác xuất của tôi bị giảm đi rất nhiều, nếu không phải nói chung chỉ còn là số không. Tôi sẽ làm thế nào đây? Không biết. Để chứng minh cho những lời tôi vừa nói, tôi xin kể lại vắn tắt một câu chuyện, về việc suýt nữa tôi có một thiên tình sử với một anh chàng trí thức trẻ mà tôi gặp cách đây ít lâu ở nhà những người bạn quen chung của cả hai chúng tôi. Trí tuệ sắc sảo của anh ta, tính nghiêm túc lạ thường, thậm chí hơi quá mức của anh ta, và điều chủ yếu là cái cách nhận xét rất mới của anh về sự việc và con người rất thu hút sự chú ý của tôi. Tôi với anh bắt đầu gặp gỡ nhau ngày càng thường xuyên hơn. Thường thường, tôi hẹn anh ta ở một quảng trường nào đó, anh ta đứng đợi tôi, tôi đi xe đến đón anh ta đi ra ngoại ô, có khi đi rất xa. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Chúng tôi không làm gì khác ngoài việc nói chuyện với nhau. Đúng hơn là anh ta nói còn tôi nghe. Anh hay nói và nói rất hùng biện, đến nỗi đôi lúc tôi tự nghĩ: nếu lời nói mà đánh giá được trọng lượng bằng vàng thì chắc chắn anh ta có thể mua nổi tôi rồi! Nhưng than ôi, anh thanh niên trí thức của tôi lại rất nghèo. Kết quả tất nhiên là anh ta đâm yêu tôi. Tôi - trong những trường hợp như thế - hiểu ngay ra điều đó căn cứ cách anh ta nhìn tôi. Nhưng cái nhìn của anh, cái nhìn nồng cháy bình thường của một kẻ đang yêu gặp phải con người tôi lạnh lẽo. Tôi cần phải thấy được trong cái nhìn của người đàn ông thể hiện sự đánh giá lạnh lùng, chính xác những giá trị của tôi, mà một cái nhìn như vậy chỉ có thể có được nếu được cổ vũ bởi một sự giàu có ghê gớm đủ sức nuốt được một cách dễ dàng cả cái vốn tài sản đồ sộ của tôi. Nói giả dụ, nếu tôi đáng giá năm tỉ, thì cái nhìn ấy phải có một sức mạnh ít nhất là ngang bằng với năm mươi tỉ. Cần nói thêm là tỉ lệ giữa sự nghèo nàn của tôi và sự giàu có của chồng tôi ban đầu lớn hơn thế nhiều. Do đó, khi anh người yêu trí thức của tôi làm một bước đầu tiên nhích lại gần tôi, không đắn đo gì cả tôi liền gạt ngay đi: https://thuviensach.vn - Không, không, tôi xin anh, chúng ta chỉ có thể là bạn với nhau thôi! Anh quá nghèo để có thể trở thành tình nhân của tôi. Việc đó xảy ra ở ngoại ô, xa thành phố. Anh ta không nói một lời, ra khỏi xe, đi bộ theo đường cái. Tôi cũng không gọi anh ta nữa. Sức mạnh của cái nhìn của anh khi anh ta định hôn tôi tính ra (than ôi!) không phải là năm mươi tỉ, mà là một số đồng bạc ít ỏi hàng tháng anh ta nhận được của cha. Thực ra tôi có thể làm với anh ta cái điều mà ngày xưa chồng tôi đã làm với tôi: tức là đánh giá anh ta để mua và sử dụng. Trên thực tế, từ này vốn tài sản của tôi có thể cho phép tôi đóng vai trò đó được. Nhưng, như tôi đã nói, cuộc hôn nhân đầu tiên đã làm chấn thương tôi rồi. Sợ rằng số phận tôi là làm một đồ vật suốt đời đi tìm chủ nhân mà không thấy. Nguồn: w3.60s.com.vn https://thuviensach.vn CATHERINA Dịch giả: Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải Đánh máy: thangkho19862001 Tôi lấy vợ năm mười tám tuổi. Liệu lúc bấy giờ tôi có thể thấy trước rằng tính tình Catêrina sẽ đổi khác như thế được chăng? Không, gì thì gì chứ cái đó thì không. Ngày ấy Catêrina là một cô gái không có gì nổi bật, tóc mềm, mượt, để ngôi thẳng. Khuôn mặt cô đều đặn, các nét cân đối, nhưng không gợi cảm, vô vị và nhợt nhạt. Toàn bộ vẻ đẹp của cô là ở đôi mắt: hai con mắt to, hơi ánh lên nhưng mềm dịu. Các đường nét cơ thể cô không phải đẹp lắm, nhưng tôi ưng cỡ người cô: bộ ngực to, mông nở, còn tay chân và vai mảnh dẻ và mềm mại như một cô bé gái. Giá trị nhất ở cô không phải là sắc đẹp mà là tính dịu hiền, nhu mì, và tôi nghĩ là tôi yêu cô vì thế. Ai không biết Catêrina những năm ấy sẽ không tưởng tượng được đây đã từng là một con người dễ thương đến chừng nào. Những động tác của cô nhẹ nhàng, uyển chuyển, trông cũng đã đủ thấy yêu. Không bao giờ có một câu to tiếng, một cái nhìn thiếu thiện chí. Trong mọi lúc và mọi việc cô đều chiều ý tôi, tin tưởng ở tôi, trước khi làm cái gì thường bao giờ cũng nhìn tôi như để xin phép. Thậm chí đôi lúc cái đó làm tôi bối rối. Đôi khi tôi trộm nghĩ: không, tôi không xứng đáng có một người vợ như thế. Một người phụ nữ biết nhẫn nhục, chịu nhịn, chung thủy và biết đối xử, niểm nở biết bao! Cả khu nhà đều biết tính nết dịu hiền, đoan trang của cô. Ở chợ, các bà nói chuyện với mẹ tôi: - Con trai bà thật có phúc… lấy vợ tiên. Đến nỗi đôi lúc tôi muốn cô đừng hiền quá như thế. Tôi hỏi đùa cô: - Catêrina, lẽ nào trong đời em chưa hề nói một câu thô tục hoặc làm một việc gay gắt bao giờ sao? – Có những khi tôi muốn cô cứ nói một cái gì hay https://thuviensach.vn làm một cái gì khác thường xem sao. Sau khi cưới, hai chúng tôi ở ngay tại ngôi nhà mẹ tôi ở trong ngõ Chinquê. Ở đó có mấy cái gác xép bỏ không. Mẹ tôi ở phòng dưới. Còn ở tầng một là hiệu bán bánh mì và mì sợi của chúng tôi. Như vậy là cả nhà cùng sống và làm việc trong một ngôi nhà. Hai năm đầu Catêrina hiền lành và ít nói như những ngày chúng tôi quen nhau, có khi còn hiền hơn nữa kia, bởi vì cô yêu tôi, và biết ơn tôi đã lấy cô, đã cho cô nhà ở và lo tạo cho cô những điều kiện tốt nhất để sống. Cô hiền lành với tôi và cả với mẹ chồng, kể cả khi cô chỉ có một mình, không ai trông thấy cô cả, cô cũng không hề đổi khác. Những buổi trưa, tôi từ cửa hàng về, đi rón rén thẳng vào trong bếp xem cô dọn dẹp, sắp xếp các việc trong bếp, trên nhà ra sao. Tôi thích đứng ngắm cô thong thả, khoan thai đi những bước nho nhỏ, nhẹ nhàng trong bếp, nấu nướng mọi thứ không hề hấp tấp, không hề nhăn nhó, bực tức, luôn luôn cẩn thận, tỉ mỉ và lặng lẽ. Như không phải cô đang đứng trước bếp ga trong bếp, mà đang đứng trước bàn thờ thánh trong nhà thờ. Tôi bèn bất ngờ chạy vào ôm chầm lấy cô. Cô hôn tôi, mỉm cười và nói bằng một giọng thanh thanh dịu dàng pha chút trách móc “Anh làm em sợ quá!” Hai năm sau khi chúng tôi cưới nhau, thấy rõ là Catêrina không có con. Bây giờ tôi khẳng định như vậy, còn khi chưa kết luận ngay được như vậy. Hai chúng tôi mong có một đứa con, mà mãi chẳng có. Lúc đầu chúng tôi bàn cãi mãi về vấn đề này trong gia đình với nhau, sau đó bảo nhau đi khám bác sĩ, hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. Catêrina chữa chạy ít lâu, tốn kém khá nhiều tiền, nhưng rốt cuộc chúng tôi thấy rằng tất cả những cái đó đều vô hiệu. “Thôi đành vậy, tôi bảo, làm thế nào được… Chẳng ai có lỗi cả… Có lẽ số phận nó như vậy”. Một thời gian có cảm tưởng như là Catêrina cũng đành lòng với việc đó. Nhưng mà ở đời không phải bao giờ cũng làm được như mình muốn –có thể cô cũng muốn “đành vậy” nhưng không được. Chính do đó mà tính tình cô bắt đầu thay đổi. Có lẽ, trước hết là sự thay đổi bề ngoài. Cái nhìn của cô, trước đây âu yếm là thế, nay trở nên cau có, môi hơi trề ra, và bên cạnh miệng xuất hiện https://thuviensach.vn hai nếp nhăn nhỏ trông ang ác. Giọng nói trước đây vang như tiếng nhạc, nay thành gay gắt. Có thể cô cũng có cố tự kiềm chế, nhưng thường thế, những thay đổi bên ngoài thể hiện lại cả ở trong tính cách. Không còn dấu vết gì còn lại của cái tính dịu dàng, nhu mì ngày trước, rồi thì ở cô sinh ra tính thù hằn, độc địa, hung hăng. Có những lúc đột nhiên câu trả lời của cô khiến tôi giật thót mình: “Anh thích hay không thích đối với em cũng thế thôi”, “Quỷ tha ma bắt…”, “Thôi, em chán lắm rồi”, “Hãy để cho em yên”. Thời gian đầu, dường như chính bản thân cô cũng ngạc nhiên về sự thô bạo của mình, nhưng rồi sau đó tự thả mình đến mức hầu như chỉ toàn nói năng kiểu như thế. Cô bắt đầu có thói quen hễ động có chuyện bực mình gì dù là nhỏ nhặt, là đóng cửa đánh sầm. Trong nhà chúng tôi chốc chốc lại nghe tiếng đóng sầm cửa. Và mỗi lần như vậy tôi có cảm giác như bị một cái tát. Trước kia cô gọi tôi bằng đủ thứ từ ngữ âu yếm mà những người phụ nữ thường dùng khi họ yêu: nào “anh thân yêu”, “anh yêu quí của em”, “cục vàng của em”. Còn bây giờ thì còn thấy “vàng” với “bạc” gì đâu nữa! Chỉ thấy: ngốc, khờ thật, đồ đểu, đồ ngu, có khi còn tệ hơn thế. Cô không chịu nổi bất cứ sự phản đối nào, có khi tôi chưa kịp mở miệng, cô đã bồi luôn: - Thôi im đi, đồ ăn hại, chẳng hiểu cái gì cả. Khi đang yên lành, chẳng có cái gì để mà cãi cọ nhau, cô cũng lại kéo tôi vào câu chuyện cãi cọ. Thật uyển chuyển và phong phú biết bao những lời lẽ xóc móc ác độc của cô! Nếu những lời lẽ ấy của cô không có tính chất xúc phạm đến như thế, có lẽ tôi chỉ ngạc nhiên mà nghĩ: ở đâu ra cái tinh xảo, cái sắc bén như thế trong ngôn ngữ của cô. Cô biết - như người ta thường nói - bắt đúng mạch: đã bao nhiêu lần tôi tự nhủ: “Cắn răng lại, đừng đối đáp gì cả, vờ như cái đó đối với mình không có nghĩa lý gì cả”, nhưng cô đều tìm được một câu nào đó đánh đúng chỗ đau của tôi, khiến tôi giận tím mặt, buộc phải nói lại. Khi thì cô nói chuyện gia đình nhà tôi: cứ theo lời cô nói thì gia đình tôi chỉ là loại “cuối hạng”, còn cô là con nhà công chức (thực ra mà nói, bố cô chỉ là một người cạo giấy ở hội đồng thị chính, cả đời chỉ kiếm đủ ngày ba bữa ăn). Khi thì cô quay sang bình phẩm hình thức bên ngoài của tôi. Một https://thuviensach.vn mắt tôi không nhìn rõ, có vết gì ở trong con mắt, như máu tụ- vậy mà cô dẩu môi lên bảo tôi: - Đừng có lại gần tôi… Trông cái mắt đến phát ghét, y như cái trứng ung vậy. Mà không có gì khó chịu hơn khi người ta bị soi mói chuyện gia đình hoặc bị đả động đến chứng tật nào đó của cơ thể. Thật vậy, tôi đã mất hết bình tĩnh, quát tướng lên. Cô đáp với nụ cười cay độc trên đôi môi nhợt nhạt: - Đấy, thấy chưa, chưa chi đã quát tháo lên rồi… Không thể nào nói chuyện được với anh. Anh chỉ biết quát tháo thôi. Một khi không biết cư xử cho đúng mực, thì đó không phảo là lỗi của tôi. Tôi không còn cách nào khác là đi khỏi nhà. Tôi đi lang thang một mình trên bờ sông Têverơ, uất ức và lủi thủi. Nhưng tôi không thể căm ghét cô. Tôi còn thương hại cô, vì tôi hiểu rằng điều đó mạnh hơn cô, ngoài ý muốn của cô, và chính cô là người khổ vì nó trước tiên. Cô đau khổ vì bệnh tình của mình, và do đó hay cáu bẳn. Điều đó đặc biệt thể hiện ở dáng đi và ánh mắt của cô: cái nhìn của cô trở nên nặng trĩu lo âu, tham lam, hung dữ như cái nhìn của một con thú đang tìm kiếm một cái gì đấy mà không thấy. Khi cô đáp lại tôi bằng sự thô bạo, trong giọng nói của cô không phải chỉ có sự giận dữ và oán ghét; không, giọng nói ấy giống như tiếng gầm gừ của con thú bị đau mà không biết vì sao lại đau, đem trút hết tất cả sự hung dữ vào những người không có tội tình gì với nó. Sự phỏng đoán của tôi về tính tình Catêrina thay đổi do không có con đã được bà mẹ cô xác nhận. Một lần nọ, sau khi nghe tôi phàn nàn, bà kể với tôi rằng hồi nhỏ trò chơi yêu thích của Catêrina là ru búp bê ngủ, và cô cứ khăng khăng đòi để cho cô trông mấy đứa em nhỏ. Khi Catêrina lớn lên, cơ thể cô phát triển đúng với tính chất một người phụ nữ phải có nhiều con, Catêrina cũng biết điều đó và chờ đợi. Nhưng mãi chẳng có con, và thế là cô không tự chủ được nữa. https://thuviensach.vn Chúng tôi sống với nhau như thế được năm năm nữa. Công việc buôn bán của chúng tôi phát đạt, mọi việc trôi chảy, nhưng tôi thì bất hạnh: tôi đâu có phải là sống. Catêrina ngày một tệ, nói năng với tôi bây giờ chỉ là nhiếc móc, xúc phạm. Hàng xóm láng giềng không còn bảo tôi lấy được vợ tiên nữa, mà bây giờ ai cũng thấy không phải là người ngợm, tiên phật gì mà là tôi rước quỉ về nhà. Bà mẹ tội nghiệp của tôi cố tìm cách an ủi tôi: có thể rồi đây - bà bảo - đứa con sẽ ra đời, và Catêrina sẽ trở lại hiền dịu như xưa. Nhưng tôi không hy vọng điều đó. Nhìn cô đi lại trong nhà, mặt nghênh nghênh, ủ dột và dữ tướng, tôi sờ sợ và nghĩ bụng một lúc nào đó cô ta có thể giết tôi, như giết một con chó dữ hóa điên xông vào cắn chủ. Tất cả cái cảnh đó như một con đường dài mà cuối đường còn chưa thấy. Tôi thường đi vơ vẩn một mình dọc theo bờ sông, nhìn xuống dòng sông và nghĩ: tôi hai mươi lăm tuổi, có thể nói là còn trẻ, hoàn toàn trẻ, mà cuộc đời tôi hầu như đã hết, không còn một hy vọng nào đối với tôi cả…Có lẽ số tôi là phải sống những ngày còn lại của đời mình với quỉ. Tôi biết rằng tôi sẽ không thể nào lìa bỏ cô ấy được, vì tôi yêu cô, và với cô, ngoài tôi ra cũng không có ai khác cả; đồng thời tôi lại cũng cảm thấy rằng nếu tôi cứ ở lại với cô thì sống cũng sẽ không ra sống. Từ những suy nghĩ ấy, lòng tôi trĩu nặng đến mức muốn nhảy xuống sông tự tử… Một đêm, tôi trở về nhà cũng không nhớ là như thế nào nữa. Tôi đi theo những bậc thang bẩn thỉu xuống bờ sông Têverơ, chọn một chỗ khuất dưới chân cầu, cởi áo vét, cuộn lại bỏ xuống đất, rồi hí húi trong bóng tối viết mấy chữ vào một mảnh giấy nhét vào bên trong áo vét. Tôi viết: “tôi tự tử vì vợ” và ký tên. Bấy giờ là vào đầu mùa đông, nước sông Têverơ dềnh lên, trông phát sợ dòng nước đen ngầu, lẩn rác và tạp chất các loại, gió lạnh thổi lại như từ trong hang. Tôi định nhắm mắt nhảy ùm xuống sông, nhưng bỗng thấy sợ. Tôi bật lên khóc.Và vừa khóc vừa quay lại, lên cầu thang chạy một mạch về nhà. Tôi vào thẳng buồng ngủ, nắm lấy tay Catêrina. Cô đang ngủ. Tôi lay cô dậy và nói: https://thuviensach.vn - Đi với tôi. Lần này cô hốt hoảng đi theo tôi không có một tiếng. Có thể cô nghĩ rằng tôi định giết cô, vì đến cầu thang cô cố gỡ ra khỏi tay tôi. Nhưng trời tối đen, xung quanh không một bóng người, tôi dùng sức ép cô xuống. Chúng tôi đi trên bờ sông - cô đi trước, tôi chỉ mặc áo sơ mi và gilê, đi sau. Đến chân cầu, tôi cho cô xem cái áo vét, lấy mảnh giấy ra, đưa cô đọc và nói: - Xem đây này, cô đã đưa tôi đến nông nỗi này đây… Catêrina, tại sao em thay đổi quá lắm vậy? Trước kia em hiền, tốt như thế mà bây giờ thật chẳng khác gì quỉ dữ… Tại sao vậy? Nghe tôi nói, cô cũng thốt nhiên khóc òa lên, ôm lấy tôi và nhắc đi nhắc lại mấy lần rằng sẽ cố tự kiềm chế. Sau đó, cô giúp tôi mặc áo vét vào, rồi hai chúng tôi đi về nhà. Tôi kể điều đó để nói rằng tôi đã tuyệt vọng đến mức nào. Nhưng Catêrina vẫn không sửa đổi tí nào.Trái lại, từ ngày ấy cô ấy còn cười giễu tôi là khôn đủ can đảm tự kết liễu đời mình. Năm 1943, sau những trận ném bom đầu tiên bà cụ tôi quyết định phải đóng cửa cửa hàng, đi về quê Vanlêcôrxa, vùng Chôcharia. Catêrina vẫn như mọi bận, khi thì đồng ý đi, khi thì lại bỗng dưng không đồng ý. Những ngày ấy, cô thật làm tôi phát điên. Tuy vậy, cuối cùng cả gia đình tôi cũng đã lên đường; chúng tôi đi nhờ một chiếc xe tải chở bột mì và thực phẩm khác đem bán ở chợ đen. Chúng tôi ngồi trong khoang sau xe, vali xếp ngay dưới chân. Nắng gay gắt. Qua Phrôzinônê, xe đến vùng đồng bằng, núi đồi đã ở lại tít phía sau, bốn bề là cánh đồng trải rộng. Nóng bức làm tôi mệt lử, và cứ thế thiu thiu ngủ. Bỗng xe dừng phắt ngay lại, tiếng người lái xe kêu to: - Máy bay… Xuống bờ ruộng tất cả đi! Còn chưa trông thấy máy bay, nhưng tiếng rít đầy sắt thép, khốc liệt, xé tai nghe đã rất gần đâu đây rồi. Ven đường có trồng một hàng bạch dương và những cây gì to cao, tiếng máy bay từ phía ấy dội lại –có nghĩa là máy bay đang ở phía sau rặng cây. https://thuviensach.vn Tôi bảo Catêrina: - Xuống mau lên. Nhưng cô nhún vai trả lời: - Tôi cứ ở lại đây. - Ơ kìa, xuống đi - tôi quát lên - cô muốn chết hả? - Tôi thế nào cũng được. Tôi nghe câu trả lời của cô khi tôi đang đứng ở dưới đường. Tôi nhảy ào xuống bờ ruộng… Và tự nhiên bầu trời như bị một đám mây đen che khuất: chiếc máy bay hiện ra. Tiếng rú của động cơ chói tai như tiếng sấm. Trong tiếng rú rít, tôi phân biệt ra tiếng một tràng liên thanh. Chiếc xe vận tải đỗ giữa đường và trên đó là Catêrina. Tràng súng liên thanh làm bốc lên một đám bụi bên đường rồi mau chóng tản đi. Chiếc máy bay bay đi, khuất sau lùm cây. Bây giờ nó lấy độ cao và như một con chuồn chuồn trắng, bay tít về xa giữa vòm trời nóng bỏng. Còn chiếc ô tô vẫn đỗ trên mặt đường. Catêrina ở trong khoang xe đơn độc một mình. Tôi chạy lại gọi cô, cô không trả lời. Tôi trèo lên xe… Cô đã chết. Thế là hai mươi lăm tuổi đầu, tôi là người góa vợ. Cuôc đời tự do, rộng mở mà tôi hằng mơ ước những lần đi lại trên bờ sông đang trải rộng trước tôi. Nhưng tôi yêu Catêrina và rất lâu không nguôi nhớ thương. Tôi thường nghĩ: cô đã đau khổ như thế nào, đã từng khắc khoải vươn tới một cái gì, tìm đến một cái gì mà tự mình cũng không biết và vì không tìm thấy nên trở thành ác nghiệt, dù không muốn thế. Nhưng cô nào có tội lỗi gì. Cuối cùng, thay cho cái mà cô đi tìm, cô đã tìm thấy cái chết. Và chúng ta đã không thể làm gì được. Catêrina đã thay đổi và đã chết vì những nguyên nhân không phụ thuộc vào cô, và vì chính những nguyên nhân mà lúc đầu tôi đã đau khổ rồi sau đó được giải thoát khỏi nó. Sự hiền dịu mà tôi đã từng yêu say đắm ở cô, cô đã nhận được như một món quà, cũng giống như tính ác nghiệt, và như cái chết. https://thuviensach.vn CA SĨ HỀ Mùa đông năm ấy, sau khi đã thử đủ nghề, tôi đi vào các tiệm ăn đệm ghi-ta cho một người bạn tôi hát. Anh bạn tên là Minôlê, có khi còn được gọi là thầy giáo vì đã có thời gian dạy môn thể dục ở trường phổ thông. Đấy là một người đàn ông to sù gần năm mươi tuổi, người anh ta không phải đơn thuần là béo mà vuông chằn chặn, mặt u ám, méo mó và thân hình nặng trịch, mỗi bận anh ta ngồi xuống ghế, ghế phải kêu lên ken két. Tôi chơi ghita một cách nghiêm chỉnh, thật lòng, ngồi ngay ngắn không uốn éo, bởi tôi là một nhạc công chứ không phải một thằng hề. Hề là anh ta – Minôlê. Anh ta bắt đầu như thể tình cờ: đứng im dựa tường, mũ sụp xuống tận mắt, hai ngón tay cái thọc vào nách, quần trễ xuống dưới rốn, còn thắt lưng da thì ôm lấy bụng dưới – trông y như một anh chàng say rượu hát nghêu ngao dưới trăng. Thế rồi dần dần hăng lên, thay bài hát cho đúng gọi là hát (anh ta nào có giọng, cũng chẳng có tai nghe), anh ta biểu diễn một màn độc thoại, hay đúng hơn, như tôi đã nói, sắm vai một anh hề. “Tủ” của anh ta là những bài hát lâm li, những bài nổi tiếng nhất mà thường khi hát lên người ta thấy xao xuyến và rung động tận cõi lòng. Nhưng qua miệng anh, những bài hát ấy không làm ai rung động mà chỉ nực cười, vì anh biết cách biến chúng thành buồn cười, theo kiểu riêng của anh. Tôi không biết con người ấy có tâm sự gì: hoặc là thời trẻ, một người phụ nữ nào đó lừa anh, hoặc bẩm sinh anh đã mang một tính cách như vậy: thích phá phách những thứ gì đẹp, tốt. Chỉ biết một điều: đây không phải là một tính cách đơn giản. Không, anh thể hiện một sự giận dữ biết chừng nào, và phải là những người khách hờ hững mải ăn kia mới có thể không nhận ra rằng không phải anh ta đang gây cười, mà đang đau đớn. Đặc biệt tức cười là khi anh ta bắt chước những điệu bộ, những cái liếc mắt của phụ nữ, giễu cợt những chỗ yếu và nhược điểm của họ. Phụ nữ họ thường làm thế nào? Mỉm cười đỏng đảnh ư? Thế là anh ta, từ dưới vành mũ sụp đưa mắt nguýt một cái như người đàn bà lẳng lơ. Đánh mông chút ít ư? Thế là anh ta để cho cái bụng nhảy một điệu tăng-gô và cái hông vuông nặng trịch lắc lư. Cất https://thuviensach.vn tiếng nói ngọt ngào ư? Anh ta bèn chun chun cái miệng phát ra một giọng kim the thé nghe đến buồn nôn. Tóm lại là anh ta không hề biết chừng mực, luôn luôn làm thái quá, và trở nên kệch cỡm, đáng ghét. Đến nước ấy, tôi ngượng tái người, vì đệm ghi-ta cho một ca sĩ hát là một nhẽ, còn hoà tấu cho một anh hề làm trò lại là chuyện khác. Tôi nhớ cách đây không lâu tôi từng đệm cũng những bài hát ấy cho một nghệ sĩ nổi tiếng hát, và tôi nghĩ buồn cho chúng bây giờ đã bị biến dạng đến mức không còn nhận ra được nữa. Có một lần tôi đã nói những điều đó ra với anh ta, trong lúc chúng tôi đi trên phố, từ tiệm ăn này sang tiệm ăn khác. “Đàn bà họ đã làm gì cậu vậy?” Thường thường, sau khi làm trò xong, anh ta trở nên trầm tư, lơ đãng như đang suy nghĩ không rõ những điều gì trong đầu. “Làm gì với tớ ấy à?” Anh ta hỏi. “Chả làm gì cả”. “Là vì - tôi giải thích - tớ thấy cậu rất lấy làm khoái chí khi nhạo báng họ”. Lần ấy anh ta lặng im không đáp và câu chuyện dừng lại ở đấy. Đáng lẽ tôi đã vứt bỏ công việc ấy từ lâu, nếu như không thấy ở đó có đôi điều có lợi: vì dù là khó tin, nhưng thực tế là với cái cung cách suồng sã rẻ tiền ấy, anh ta thu được nhiều tiền hơn vô khối đồng nghiệp của anh ta với những bài hát hay ho của họ. Hai chúng tôi thường đi vào những khách sạn không sang lắm, những tiệm, quán, lịch sự những đắt tiền mà người ta thường đến để tiêu khiển, để mua vui. Lần này, chúng tôi đang bước vào tiệm, và tôi lẳng lặng ngồi xuống ghế. Từ những dãy bàn đông chật ồ lên: “À, nghệ nhân, nghệ nhân đã đến kìa… Lại đây…” Minôlê nghiêm nghị, cau có, quần áo xộc xệch và cái nhìn càn rỡ, nhún nhảy bước về phía trước, cúi đầu: “Xin kính chào quý vị!” Cái câu “Chào quý vị” đó nghe đã buồn cười, theo kiểu riêng của anh ta, đến nỗi tất cả phá lên cười. Đến món thứ hai, trong khi người hầu bàn chạy đi chạy lại xung quanh các bàn, Minôlê tuyên bố bằng một giọng ống bơ gỉ: “Xin phục vụ các quý vị một bài hát được mọi người ưa thích: Rôdina bỏ làng ra đi… Tôi sẽ đóng https://thuviensach.vn vai Rôdina”. Bạn hãy thử tưởng tượng những quý vị khán giả kia: trông thấy anh ta đóng Rôdina, họ ngẩn người ra, tay cầm dĩa quấn mì ống xpaghetti chưa vào đến miệng, lửng lơ bên trên đĩa. Mà có phải dân thái thịt, kéo xe ba gác đâu, họ đều là người lịch sự cả: những người đàn ông mặc áo vét xanh, sẫm màu, tóc chải bóng mượt, cà-vạt có kim đính, những người đàn bà mang đồ trang sức đẹp và quý. Họ xì xào với nhau trong lúc Minôlê làm hề: “Khá thật… Thật là cừ!” Trong những trò Minôlê làm, có một chỗ trong khi đang hát, để làm cho nhân vật của bài hát trở nên buồn cười hơn, anh ta lấy mồm làm một âm thanh mà tôi không tiện nói. Thế mà các bạn có tin không: chính nhờ những chi tiết khả ố ấy mà bài hát được mọi người yêu cầu hát đi hát lại. Cần phải nói rằng Minôlê có phần nào cũng hơi choáng ngợp trước thành công kiểu đó. Anh ta ở trọ nhà một chị thợ may, trong một căn phòng có một bộ bàn ghế và tủ, tối tăm, ẩm thấp trên phố Chimara. Mỗi lần đến rủ anh ta đi, tôi đều thấy anh ta đang đứng trước gương tập thử một động tác kệch cỡm, một trò mới nào đó. Anh ta làm việc đó kiên nhẫn, tận tuỵ, như một nghệ sĩ lớn chuẩn bị cho buổi diễn; còn tôi thì ngồi trên giường xem anh ta tập cho cái bụng nhảy tăng-gô trước gương. “Liệu đã đến lúc - một hôm tôi hỏi anh ta - nghĩ ra một cái gì đó hay hơn, gây xúc động hơn không?” Anh ta trả lời: “Thấy chưa, cậu chả hiểu cái gì cả… Khi người ta ăn, người ta muốn cười vui chứ không ai muốn xúc động cả… Thế là tớ làm cho họ cười”. Một thời gian sau, vẫn để cải tiến buổi diễn, anh ta nghĩ ra trò đem một số đồ của phụ nữ như mũ bê-rê, một chiếc khăn quàng, một cái váy, bỏ vào một cái hòm con, thỉnh thoảng mặc vào để làm cho trò hề thêm nhộn. Cái tiết mục hoá trang thành nữ này của anh ta như một trò dở hơi, và tôi không thể tả hết được cảm giác của mình khi nhìn thấy anh ta đội mũ bê-rê, mặc váy trùm lên trên quần dài. Cuối cùng, không nghĩ ra được trò gì nữa, anh ta muốn tôi cũng làm hề nốt, ít nhất là bằng cách vừa đánh ghita vừa lắc lư, ngật ngưỡng. Đến đó thì tôi từ chối. Chúng tôi đến các tiệm, quán và biểu diễn ở đấy từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều, và từ tám giờ tối đến nửa đêm. Đi thành từng cụm, vài tiệm https://thuviensach.vn liền trong một ngày: lần này đi các tiệm ở mạn quảng trường Tây Ban Nha, lần khác các tiệm ở quanh quảng trường Vơnidơ, lần thì bờ sông Têverơ, lần khu nhà ga. Trên đường đi từ tiệm này sang tiệm khác, chúng tôi chẳng hề nói với nhau một lời - giữa hai chúng tôi thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Sau khi đi hết vòng, chúng tôi tôi ghé vào một quán rượu chia nhau tiền. Thế rồi, vẫn trong im lặng, tôi hút một điếu thuốc, còn Minôlê thì làm một chén rượu. Buổi chiều, Minôlê tập thể hiện vai trước gương, còn tôi hoặc là ngủ hoặc là đi xem phim. Một hôm trời chập choạng tối, sau khi đã đi một vòng các tiệm trên bờ bên này sông Têverơ, hai chúng tôi rủ nhau vào một cái quán ở đằng sau quảng trường Maxtai, để nhấm nháp tí gì cho ấm bụng hơn là để biểu diễn. Đấy là một cái phòng hẹp, dài như một hành lang, bàn ghế xếp dọc theo các bức tường, quanh bàn phần lớn là dân ít tiền đang ngồi uống rượu của nhà chủ nấu và ăn những thức ăn gói trong giấy báo mang theo. Chẳng hiểu thích thú cái gì, có lẽ là vì rỗi việc, Minôlê lại muốn biểu diễn cả ở đây. Anh ta chọn một trong những bài hát tuyệt vời nhất, rồi, với cái cách thức mà anh ta vẫn thường làm, với những cái liếc mắt và nhăn mặt, biến nó thành ra một thứ trò tồi tàn rẻ tiền không thể nào thương hại. Anh ta hát xong, một vài tiếng vỗ tay lộp bộp nhạt nhẽo vang lên, và từ sau một bàn có tiếng nói: “Bây giờ tôi sẽ hát cho mà nghe”. Tôi quay lại, thấy một anh thanh niên tóc màu sáng, mặc áo thợ bludông, rất đẹp trai, đang nhìn Minôlê bằng cặp mắt rực lửa như muốn ăn tươi nuốt sống anh ta. “Anh bạn đệm đi - anh ta nói như ra lệnh cho tôi - bắt đầu từ đầu ấy”. Minôlê nhỏ nhẹ, vờ như mệt lắm, ngồi phịch xuống chiếc ghế cạnh cửa. Anh thanh niên đưa tay ra hiệu cho tôi bắt đầu và hát. Tôi không bảo là anh ta hát hay như một ca sĩ thực thụ. Nhưng anh ta hát rất tình cảm, bằng một giọng ấm và bình tĩnh, hát như cần phải hát, như bài hát ấy đòi hỏi phải được hát như thế. Ngoài ra, như tôi đã nói, anh đẹp trai, tóc quăn thành làn sóng, đặc biệt nếu đem so với Minôlê, phục phịch và thô kệch. Anh vừa hát vừa đi quanh tiệm, mắt nhìn về phía một cái bàn có cô gái đang ngồi một mình như đang hát cho cô nghe. Câu hát cuối vừa dứt, anh https://thuviensach.vn mở lòng bàn tay về phía Minôlê như để nói: “Đấy, phải hát như thế chứ”, rồi quay trở về cái bàn có cô gái đang ngồi đợi anh. Cô lập tức choàng tay ôm lấy cổ anh. Nói thực ra, trong quán người ta vỗ tay hoan hô anh ít hơn Minôlê, mọi người không hiểu vì sao anh đứng lên hát. Nhưng tôi thì tôi hiểu, và lần này, cả Minôlê cũng hiểu. Trong lúc đệm đàn, tôi vẫn chốc chốc nhìn về phía Minôlê. Tôi thấy anh ta mấy lần đưa tay vuốt vuốt mặt, khuôn mặt bị che lấp bởi bộ tóc loà xoà, như muốn xua đuổi cơn buồn ngủ. Nhưng anh ta không giấu nổi vẻ chua chát mà chưa bao giờ tôi nhận thấy ở anh. Và cứ với mỗi câu chàng thanh niên kia hát, vẻ chua chát ấy lại càng tăng. Cuối cùng, anh ta đứng dậy, vươn vai vờ ngáp, nói: - Thôi nào, đi ngủ đi… Tớ buồn ngủ díp cả mắt lại rồi… Chúng tôi chia tay nhau ở góc phố, hẹn nhau - như thường lệ - ngày hôm sau gặp lại. Cho nên tất cả những gì xảy ra đêm ấy, chỉ sau đó tôi mới nghĩ đến. Và những gì mà các bạn sắp nghe tôi nói, chỉ là những giả thiết của tôi, không hơn. Tôi đã nói rằng, Minôlê đã bắt đầu tự kiêu, có lẽ tự cho rằng mình là một nghệ sĩ lớn, trong khi trên thực tế anh ta chẳng qua chỉ là một thằng hề mua vui cho thiên hạ khi người ta ăn uống. Việc làm của anh thanh niên tóc màu sasagn mặc áo thợ đã làm cho anh ta như rơi từ trên trời cao xuống vực. Tôi nghĩ rằng trong lúc anh thanh niên kia hát, Minôlê bỗng tự nhìn ra con người thật của mình chứ không phải con người mà anh ta vẫn tưởng từ trước đến giờ: một người gần năm mươi tuổi, to béo, vụng về, cổ quàng yếm dãi, đọc những bài thơ trẻ con. Hơn nữa, như tôi cảm thấy, anh ta đã hiểu ra rằng anh ta sẽ không thể nào hát nổi cái gì. Vì rằng anh ta chỉ xứng đáng để làm trò cười, để mua vui, nhưng chỉ biết mua vui bằng cách thoá mạ một số tình cảm con người. Mà những tình cảm ấy chính là những cái mà đời anh ta thiếu, những cái anh ta chưa từng cảm thấy bao giờ. Nhưng, tôi xin nhắc lại, tất cả những điều đó chỉ là giả thiết của tôi. Chỉ biết rằng sáng ngày hôm sau, chị thợ may chủ nhà nhìn thấy anh ta thắt cổ treo lửng lơ trên khung cửa sổ, đằng sau cái rèm, đúng nơi vẫn treo cái lồng https://thuviensach.vn vẹt. Người qua đường nhìn thấy hai cái cẳng chân đung đưa đằng sau cánh cửa. Nghi kị như bất cứ kẻ tự tử nào, anh ta khoá trái cửa bên trong lại, kê cái tủ gương chắn ngang. Chắc hẳn anh ta muốn nhìn mình một lần cuối cùng, như thường anh ta vẫn làm khi thử vai, lần này là để xem mình thắt dây vào cổ. Tóm lại là người ta phải phá cửa, tấm gương tủ đổ và vỡ. Minôlê được chôn ở nghĩa trang Vêranô, đưa tiễn anh chỉ có mình tôi, nhưng lần này không có ghita. Chị thợ may đã lắp một tấm gương mới vào tủ và tự bằng lòng là cũng đã thu về được ít tiền sau khi cắt sợi dây thừng ra thành mấy đoạn ngắn đem bán. Nguồn: vuontaodan.net https://thuviensach.vn CÁI TỦ Dịch giả: Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải Đánh máy: thangkho19862001 Tôi giết chồng vì nhầm lẫn, đúng hơn là vì đùa nghịch: tôi giơ súng lục lên nhằm vào anh, tưởng là súng không lên đạn, và bóp cò. Thậm chí tôi còn dọa: - Em bắn anh này: bùm! Cô hầu gái ngồi sau bàn nhìn tôi tủm tỉm cười, còn chồng tôi thì cười phá lên. Hóa ra, khi người ta bị bắn trúng tim thì phản xạ đầu tiên là cười phá lên. Như thế là chồng tôi cười và từ từ lụt xuống khỏi ghế, rời rã như thân hình bị chia thành nhiều mảnh. Lẽ tất nhiên là tôi bị bắt. Người ta điều tra rất lâu về quan hệ lai lịch giữa hai chúng tôi, rồi sau đó, khi xác định rõ là chúng tôi yêu nhau, thì cho tôi trắng án vì “thiếu cơ sở luận tội”. Tôi đi về tỉnh ở với bố mẹ. Tôi là con gái độc nhất. Đời tôi như thế là hỏng, một bất hạnh kinh khủng đã xảy đến với tôi… Bố mẹ tôi nói thế và nghĩ bụng thế. Mà đúng thế. Quả thực là tôi đã gặp một bất hạnh khủng khiếp, cuộc đời tôi thực sự đã hỏng, nhưng nỗi bất hạnh không phải bây giờ mới đến, nó đã đến từ nhiều năm trước, và chính bố mẹ tôi đã làm hỏng đời tôi. Từ thuở bé, tôi đã có tính rất đa sầu đa cảm. Tôi đã yêu ai là yêu ngay từ phút đầu, yêu như điên như dại. Cái cột thủy ngân đo tình cảm của tôi vọt lên cao như người lên cơn sốt. Tôi yêu hết mình, giữ trọn trái tim mình cho người mình yêu quý. Ngày ấy, người tôi yêu quý là mẹ tôi. Nói là tôi yêu mẹ vẫn còn là ít, phải nói là tôi hòa tan trong mẹ, đôi khi cảm thấy như tôi với mẹ là một và trên đời chỉ có mình mẹ mà thôi. Khi ấy tôi cho rằng mẹ tôi là người rất bất hạnh. Trên thực tế bà là người hạnh phúc - tất nhiên là theo cách riêng của mình - vì cuộc sống vợ chồng https://thuviensach.vn của bà gồm toàn những cuộc cãi cọ và làm lành xen kẽ nhau liên tục, mà cả hai đều diễn ra dữ dội như nhau. Tôi không hiểu gì cả, và khi cả nhà đang ngồi ăn bỗng nổ ra cãi nhau, thì tôi run lên vì giận và lập tức đứng về phía mẹ. Có một lần bố tôi tát mẹ tôi ngay trước mặt tôi. Cả hai mẹ con chạy ra khỏi phòng ăn vào phòng chơi của tôi ngồi với nhau. Mẹ tôi vừa khóc nức nở vừa ôm ghì lấy tôi. Thốt nhiên bà kêu lên: - Thu xếp quần áo rồi mặc áo bành tô vào đi con! Mẹ đi lấy va li. Hai mẹ con mình sẽ đi khỏi đây, mãi mãi! Và bà ra khỏi phòng. Tôi thấy xốn xang cả người, vội vã thu chọn mấy thứ đồ chơi quý nhất của mình cùng với một ít quần áo bỏ vào túi, mặc áo bành tô rồi chạy đến với mẹ. Cửa phòng ngủ của bố mẹ khép hờ, qua đó tôi trông thấy bố mẹ đang nằm trên giường, áp sát người vào nhau. Bằng một giọng ảm đạm, yếu ớt và không vui, mẹ tôi gọi tôi vào. Tôi sững sờ, cảm thấy bị hạ thấp và bị xúc phạm. Thật nặng nề trong lòng khi hiểu ra rằng tôi đã trao mình cho những bàn tay không xứng đáng một cách mù quáng, không suy nghĩ. Không biết điều gì đã xảy ra với tôi, chỉ biết rằng tôi không hề cố làm như thế, nhưng tự nhiên tôi dường như bị chia đôi: từ một người tôi trở thành hai. Cô Xinvia thực sống riêng rẽ ra, còn cô Xinvia thứ hai, sự mô phỏng thành công của cô thứ nhất thì được tôi dành để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Từ nay không ai có thể lạm dụng tính đa sầu đa cảm thái quá của tôi để lôi cuốn và nuốt chửng tôi được. Từ này không phải tôi yêu nữa mà là người khác - cô Xinvia kia - yêu. Sẽ là cô ta thất vọng, còn tôi đứng ngoài, đóng vai trò người quan sát khách quan, lãnh đạm. Từ ngày ấy, tôi không sầu khổ nữa. Sự thật thì mỗi năm trôi qua, tôi càng cảm thấy rõ rệt nỗi cô đơn của mình, vì tôi hoàn toàn không hề giao thiệp với ai cả người giao thiệp là cái cô Xinvia khác kia do tôi nghĩ ra và dành cho mục đích ấy. https://thuviensach.vn Cần phải công nhận là cô ta thực hiện chức năng của mình một cách xuất sắc. Kiên trì, năng nổ, cô ta xử sự một cách tự nhiên trong mọi tình thế. Còn phải nói! Rõ ràng hành động và làm người đứng ngoài quan sát - đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Để tránh cho bản thân khỏi gặp phải những sự sỉ nhục như kiểu sỉ nhục mà mẹ đã từng bắt tôi phải chịu, tôi tự làm tê liệt mình bằng cách chỉ quan sát xem con người khác kia sống như thế nào, còn bản thân mình thì không sống. Tôi càng ngày càng cảm thấy cô đơn, gò bó, bất lực. Cái pháo đài do tôi dựng nên để tự bảo vệ ngày càng trở nên giống với nhà tù. Một hôm, tôi được mời đến chơi một biệt thự ở ngoại ô.Trong số khách khứa có một thanh niên vẻ mặt rất nghiêm túc, một kỹ sư vận hành điện. Anh ta bắt đầu tỏ ra săn sóc tôi một cách rụt rè. Nhiều năm nay tôi sống như một tu sĩ, không quan hệ với con người. Đến lần này tôi bảo với con người kia rằng tôi không cần biết đến cô ta nữa: tôi muốn không dùng làm người trung gian, người được “ủy nhiệm” mà trở lại là chính mình, muốn yêu và được yêu. Chỉ căn cứ vào mỗi một điều là tôi đã “đốt cháy giai đoạn”, làm rung động người bạn tình rụt rè là đủ thấy lòng khao khát yêu đương trong tôi lớn đến mức độ nào. Sau khi ăn tối, anh ở lại nhà ngoài chơi bi-a. Tôi đi về phòng mình, mặc lên người bộ quần áo ngủ đẹp nhất, rồi lẻn vào phòng anh, ngồi vào trong tủ quần áo. Tôi ngồi trong tối, giữa những áo vét và cra-vát của anh, tim như ngừng đập, nín thở chờ đến lúc anh về và nằm xuống giường ngủ. Không loại trừ về mặt tiềm thức, cái tủ này đối với tôi tượng trưng cho một cái hầm tối tâm lý mà tôi tự chôn sống mình vào đó. Tôi biết rằng tôi cần phải thoát ra khỏi cái hầm tối ấy cũng như ra khỏi tủ áo và òa vào vòng tay của anh. Và sự việc đã xảy ra như vậy. Cũng trong năm ấy chúng tôi cưới nhau. Tôi yêu anh mãnh liệt. Còn anh, vốn là con người chín chắn và mực thước, yêu tôi… vừa phải. Sau một năm sống với nhau, tôi bắt đầu lo cho tình yêu của mình. Số là trong quan hệ với chồng, sự việc diễn ra với tôi cũng y như với mẹ ngày nào: tôi yêu quên mình và dần dần hòa nhập vào https://thuviensach.vn anh. Tôi trở thành tiếng vọng của anh, nói giống anh, cũng hơi pha giọng Milan (bản thân tôi là người Tôxcana), động tác cử chỉ cũng bị ảnh hưởng của anh, tôi mặc quần phăng chứ không mặc váy nữa và ăn mặc cũng từa tựa giống anh. Nhìn đằng sau, người ta có thể tưởng chúng tôi là hai anh em sinh đôi: cả hai tóc đều màu sáng cắt như nhau - tóc anh để dài hơn mức bình thường một chút, còn tóc tôi thì ngắn hơn một chút. Giả sử nếu bây giờ chồng tôi - mà tính chín chắn, dè dặt được tôi tiếp nhận như là sự lạnh lùng - bỗng diễn lại đúng cái vở của mẹ tôi hồi nào thì sao? Tôi sẽ còn lại cái gì? Điều gì sẽ xảy ra với tôi? Thế là tôi quyết định cầu cứu con người kia, cô ta bảo: ‘Cậu hãy đứng vào chỗ tớ và hành động đi. Tớ sợ.”. Đương nhiên là cô ta không phải nài, lập tức nhảy bổ vào chồng tôi như ma đói. Còn tôi tự nguyện quay về cái hầm tối của mình mà tình yêu đã gọi tôi ra khỏi đấy một thời gian. Cô ta và chồng tôi yêu nhau, còn tôi chỉ còn có việc ngồi nhìn họ. Tôi giống như một người phụ nữ bất hạnh bị đuổi ra khỏi nhà mình, đứng áp vào kính cửa sổ trong đêm tối lạnh lẽo nhìn vào các phòng cũ của mình đang sáng trưng, ấm áp, đầy đủ tiện nghi. Tôi chịu đựng cảnh đó một thời gian, sau đó quyết định: thế nào thì thế, mình phải thanh toán với cái con người kép của mình và khôi phục lại mối quan hệ trước đây với chồng! Lần này tôi không thực hiện ý định của mình, vì cô kia ngay cả đến nghe nói đến chuyện phải rút lui cũng không muốn nghe. Tôi cố lấy giọng tử tế thuyết phục cô ta, đánh vào lương tri của cô không được, hăm dọa cũng không ăn thua. Cô ta đứng giữa tôi và chồng tôi, mà không cạnh tranh được với cô ta, vì cô ta thật là lão luyện trong việc bày tỏ những mối cảm tình nồng nhiệt. Còn tình yêu của tôi dù là chân thật nhưng tế nhị, rụt rè. Một đôi lần cô ta ranh mãnh nói: - Thôi được, tớ rút lui, để cậu muốn làm gì tùy ý! Tôi run run trong một cố gắng yếu ớt, vụng về nhích lại gần chồng, nhưng chồng tôi đã quá quen thuộc với sự tro trẽn của con người kia của cô https://thuviensach.vn ta, nên không để ý thấy gì sất. Cô ta đắc thắng: - Bây giờ thì cậu thấy sự chân chất của cậu đối với anh ấy chẳng có nghĩa lý gì cả rồi chứ? Sự giả tạo của tớ thế mà hay! Cho nên, thôi, hãy để mặc hai chúng tôi! Vào một trong những ngày ấy, chồng tôi nói chuyện điện thoại với mẹ anh, có nói với bà rằng anh đang chuẩn bị đi Pari. Tôi đang ở căn phòng bên, nghe thấy anh nói: - Vâng, tất nhiên rồi, Xinvia sẽ cùng đi với con. Cô ấy quyến luyến con lắm… Lẽ nào con có thể để vợ con ở lại một mình? Cô ấy sẽ buồn nhớ và có thể đi đến chỗ tuyệt mất. Đúng là tôi đang ở một tâm trạng thất vọng không lối thoát: anh ấy đi Pari với cô ta! Còn tôi ở lại một mình một bóng, thậm chí không được cả nhìn thấy họ, quan sát họ yêu nhau. Tôi lấy hết can đảm gọi cô ta ra nói chuyện riêng một cách thẳng thắn, yêu cầu cô ta để cho tôi đi Pari với chồng. - Đối với cô như thế là đủ rồi! - Tôi nói - Bây giờ đến lượt tôi. Tôi sẽ không thuật chi tiết cuộc tranh chấp giữa hai chúng tôi, chỉ muốn nói rằng cô ta mồm mép ghê lắm và cãi cọ rất ghê, tôi phải thua xa. Do vậy mà hoàn toàn là điều bất ngờ đối với tôi khi bỗng nhiên cô ta chịu đầu hàng: - Thôi được, đi đi. Nhưng hãy nhớ rằng tớ chỉ nhường cậu trong thời gian đi Pari thôi đấy nhé. Về đến nhà cậu sẽ phải trả anh ấy lại cho tớ! Một tuần lễ ở Pari đối với hai vợ chồng tôi như là một cuộc du lịch sau ngày cưới thứ hai. Và các bạn có biết làm thế nào tôi thiết lập lại được sự gần gũi trước kia không? Rất đơn giản: tôi lặp lại cuộc gặp gỡ yêu đương lần đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi vừa đặt chân đến Pari, thuê khách sạn xong, tôi bèn kiếm cớ bảo anh đi vào phố làm gì đó, còn mình thì cởi hết quần áo, mặc bộ áo ngủ đẹp nhất vào người rồi chui vào trong tủ. Và lại hồi lâu ngồi trong cái tủ tối om, ngột ngạt, treo đầy quần áo, cái tủ bốc lên một mùi gì cũ kỹ khiến tôi cảm thấy có một ý nghĩa rất tượng trưng, gợi nghĩ về https://thuviensach.vn cái hầm tối tâm lý mà tôi đã chôn sống mình trong đó. Tôi ngồi trong tủ khá lâu. Sau đó tôi nghe tiếng chồng tôi về, gọi tôi. Tôi reo lên sung sướng, mở toan cửa tủ, lao ra ôm lấy cổ anh. Tôi hiểu rằng mình đã được cứu thoát. Nhưng chúng tôi vừa đến Ý, khi cô kia chạy ra sân bay, vừa đi bên cạnh tôi trên sân bay vừa nài: - Trả chồng tớ đây! Tôi khăng khăng từ chối. Thế là cái con phù thủy độc ác ấy (đã đến lúc đáng phải gọi cô ta như thế) sáng hôm sau trước khi ra khỏi nhà đã nói một câu mà tôi nghe thấy có chứa đựng sự hăm dọa trong đó. Tôi theo gót cô ta và thấy cô rẽ vào một cửa hiệu bán súng, mua một khẩu súng lục. Tôi lập tức đoán ngay ra âm mưu của cô ta và quyết tâm phá vỡ âm mưu đó. Khi cô ra đi vắng, tôi lẻn vào phòng, tìm lấy khẩu súng lục, rút đạn ra đem giấu đi, sau đó mới yên tâm ngồi xuống ăn cùng với chồng. Mọi việc xảy ra sau đó các bạn đã biết. Chúng tôi ngồi sau bàn ăn, tôi không rời cặp mắt đắm đuối khỏi chồng, còn cô ta, con người kia nhìn chúng tôi và tức điên lên vì ghen. Thế rồi cô ta rút súng lục ra nhắm vào anh, nói: - Em bắn anh bây giờ đây này: bùm! Tôi thậm chí chẳng cần ngước mắt lên. Cô ta giả vờ đùa, nhưng tôi thì biết rõ là thật, nhưng tôi không lo vì yên trí rằng súng không có đạn. Nhưng cô ta láu cá hơn tôi: để cho chắc chắn, phòng xa mọi sự tình cờ, trước đấy, cô ta đã lên sẵn một viên đạn vào nòng. Súng nổ và chồng tôi ngã xuống sàn chết ngay. Tôi bảo rằng phát súng nổ đó là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn, và bằng cách đó để cứu cô kia khỏi sự trừng phạt nặng nề. Tại sao tôi lại cứu cô ta? Tại vì tôi không tin abnr thân mình: ai biết được rồi đây tôi chẳng sẽ lại yêu ai đó nhiều hơn mức cần thiết! Khi ấy tôi sẽ lại cần đến cô ta. Nhưng, cứu cô ta rồi, tô tự gắn mình với một kẻ giết người, trở thành tòng phạm của kẻ đó. https://thuviensach.vn Tôi biết chắc rằng vụ giết chồng chỉ là khâu đầu của cả chuỗi xích dài những tội lỗi. Con người kia gây nên tội mà chẳng bị tội vạ gì. Trong khi đó, bố mẹ tôi kiếm cho tôi một người chồng mới. Còn chưa biết mặt nhau mà tôi đã run cho anh ta. Bởi vì tôi sẽ lại phải nhường anh ta cho cái con mụ phù thủy kia, còn bản thân mình thì chịu cảnh cô đơn hoặc lại sống trong nỗi lo sợ nơm nớp rằng một ngày kia anh sẽ bị giết ngay trước mắt tôi. https://thuviensach.vn CÔ GÁI ĐIẾM MỆT MỎI Anh ta dùng vai đóng sập cánh cửa lại rồi vừa nhìn chằm chằm về phía cô tình nhân vừa thong thả đi vào phòng. Trên đường đi tới đây, anh ta cố hình dung ra Maria Têrêza da nhợt nhạt, vú trễ, bụng xệ đi rung rung, và bộ mông đầy phè. Tóm lại là một Maria Têrêza bắt đầu hết thời, không có gì đáng tiếc nếu phải bỏ đi lúc này, khi mà anh ta không còn tiền để nuôi cô ta nữa. Trong khi anh ta hai tay đút túi quần không còn một xu, chán nản đi trên phố, cái hình ảnh được trí tưởng tượng ác độc của anh ta thêu dệt về người tình nhân tàn héo ấy đem lại cho anh thêm quyết tâm. Nhưng lúc này, ngồi trên chiếc đi-văng êm trong phòng khách, tay choàng qua người cô tình nhân đang ngồi trên lòng, anh hiểu ra rằng cái bức tranh do anh tự vẽ ra ấy chỉ nhằm mục đích làm cho anh dễ từ giã với người tình hơn. Trong khoảnh khắc, sự ác cảm đối với thân thể cô mà anh ta cố hình dung một cách ác độc là nhạt nhẽo và mất dáng, và quan trọng nhất là quyết tâm đoạn tuyệt một cách lạnh lùng với cô, đột nhiên biến mất. Mà anh ta đã chuẩn bị từ trước tất cả: “Maria Têrêza ạ, anh đến đây để nói với em rằng…”. Và cùng như trước, lần này anh ta lại muốn; anh ta cứ nhìn mãi, nhìn mãi khuôn mặt nghiêm nghị với những đường nét mảnh dẻ của cô, và thấy rằng mình đã nhầm…Khuôn mặt ấy không hề có nét gì của sự mẹt mỏi, húp híp. Maria Têrêza quấn khăn mặt quanh đầu, khuôn mặt hình trái xoan hơi dài của cô hơi ửng đỏ. Cô vừa tắm xong, đang khoát lên người một cái áo choàng ướt vì bị thấm nước, y như cái áo khoác lên người một lực sĩ đánh bốc sau trận giao chiến…Nét mặt hiền hòa của cô rạng lên một vẻ đắc thắng kín đáo…Rõ ràng cô không e thẹn về sự lõa lồ của mình, cũng không sợ tạo một ấn tượng bất lợi cho mình.(Chiếc áo choàng tụt xuống khỏi vai, nhưng cô không sửa lại. Đầu hơi cúi xuống, cô hút một điếu thuốc lá và không nghi ngờ gì về những ý định đáng thương của anh cố hình dung ra cô như một bà già còn xuân). Sự trơ trẽn, không hề cảm thấy e thẹn là gì ấy của cô dường như muốn nói rằng năm tháng cũng bất lực trước một thân thể chứa đựng ngần ấy ngọc ngà và từng được biết bao người yêu chuộng. Cô ít giống với cái hình ảnh do anh cố tình tạo nên đến nỗi anh chợt cảm https://thuviensach.vn thấy mình thật là bất hạnh. “Mình bên cạnh cô ta lần này là lần chót”, thốt nhiên anh nghĩ một cách buồn rầu và khao khát ôm chặt vào lòng tấm thân ngoan ngoãn của cô. Mặc dù không tự nhận với lòng như vậy, nhưng chắc hẳn anh sẽ còn yêu cô hơn, tha thiết hơn nhiều đồng thời thương hại hơn nhiều, (em già đi rồi, Maria Têrêza tội nghiệp của anh ạ, nhưng em còn có anh), nếu anh cảm thấy dưới bàn tay mình một làn da nhăn nheo, dúm dó hơn. Bấy giờ anh sẽ dồn cả tình yêu của mình cho người phụ nữ bất hạnh mà anh ôm trong lòng và ghì vào ngực một cách hơi khó chịu. Và thật thế, bộ ngực lép mà mỗi hơi thở lại dường như muốn lấy lại sự nở nang ngày trước, cái mông mềm mại đang đè lên đùi của anh ta, cái lưng rộng, lần lẫn thịt -tất cả đều xác nhận rằng đối với Maria Têrêza, những tháng năm đẹp nhất đã qua rồi, sắc đẹp và tuổi trẻ của em đã đến lúc tàn rồi- anh nhìn cô và nghĩ. Nhưng chỉ cần dứt cái nhìn ra khỏi thân hình mềm nhẽo của cô là anh thấy rõ trong tranh tối tranh sáng khuôn mặt sắc nét, nghiêm nghị, có điểm những vết ửng hồng của cô… Lúc ấy anh không tin vào mắt mình nữa và lại bỗng cảm thấy một cơn giận ngốc ngếch, trẻ con khi nghĩ rằng sẽ phải trao lại cho những người tình nhân khác một người phụ nữ còn rất đáng mong muốn này… Mỏi mệt, thất vọng, anh khẽ đẩy cô ra và bảo: - Thôi. Mặc quần áo vào đi. Cô đứng ngay dậy và bằng một động tác rất kịch tính, hất tung tấm áo choàng ra như đó là tấm áo bào của nữ hoàng. - Không, em sẽ không mặc - cô đáp, đoạn nói chậm lại - Tối nay chúng ta ăn tối ở nhà… Rồi thì… rồi… em sẽ có một tin mới để báo với anh. Cô mỉm cười và cảm thấy như vui mừng trước về một điều gì đấy. Nụ cười hơi ngượng nghịu, nhưng đồng thời lại có vẻ thâm trầm, như là cô đi trước anh một bước, cho anh “nghỉ” trước. Anh không kìm được, vội hỏi với giọng lo âu xem chuyện gì đã xảy ra với cô vậy. Sau khi do dự một lúc, cô trả lời rằng cô đang đợi một cú điện thoại cực kỳ quan trọng. https://thuviensach.vn “Chỉ có thế thôi ư” – anh thở phào nghĩ, như thể đúng thực là anh đã hoảng hốt rằng người tình mà anh quyết định bỏ sẽ giã từ anh trước. - Thế cái người sẽ phải gọi điện cho em là ai? - im lặng một lúc anh hỏi. - Một người đàn ông đã từng có thời rất yêu em - Maria Têrêza không trả lời ngay. - Bao giờ? - Nhiều năm về trước. - Và cô cho biết thêm là hôm qua hai người tình cờ gặp nhau ngoài đường, nhận ra nhau và nhắc lại chuyện cũ. Cô được biết rằng ông ta rất giàu có, do được thừa hưởng gia sản hay do tự mình làm nên, cô cũng không được rõ lắm. Nhưng anh đã không còn nghe cô kể nữa, vì bị chi phối bởi một sự ghen tuông dữ dội và vô nghĩa. Nghĩa là anh nghĩ, đã từng có một cô Maria Têrêza khác, một thiếu nữ trẻ, e thẹn, không có cái nụ cười mệt mỏi này trên môi, cái áo choàng này trên người, và những người khác đã yêu cô trước anh từ lâu. Anh bỗng giật mình, nghe tiếng cửa đóng sập: Maria Têrêza ra khỏi phòng. Anh ngồi bàng hoàng chừng mười phút, mười phút ấy là mười phút chờ đợi nặng nề, khắc khoải. Cuối cùng cô đã quay lại, bưng vào một khay nước chè… Trong lúc cô đặt tách chén và bánh quy ra bàn, anh không hề nói năng nửa lời. Anh im lặng, mắt vẫn không rời cô và vô tình mỉm cười, cảm thấy vụt lên trong lòng một tình cảm trìu mến do chỗ cô đã làm tất cả mọi việc một cách chu đáo, cẩn thận - không phải là một cô nhân tình nhân ngãi, mà là một cô nội trợ đảm đang. Cô hỏi anh thích pha mấy thìa đường, và anh bỗng cảm thấy rất muốn ôm chầm lấy cô. Nhưng anh chỉ đáp: - Hai thìa, em ạ, hai thìa! Nước chè đặc nóng, làm già cái lạnh siết chặt quanh người anh. Anh nhai bánh mì rán và uống nước chè từng ngụm to, mắt không rời Maria Têrêza đang cúi xuống bên ấm nước chè bốc hơi nghi ngút… Anh và cô tiếp tục im lặng, và cũng như những giọt nước trên tấm áo choàng thấm ướt mỗi lúc https://thuviensach.vn bay hơi đi, trước sức nóng của bếp lò, cơn bực mình của anh cũng dần dần tan biến. Khi hai người ngồi uống chè xong, thì trời đã tối hẳn. Nhưng họ vẫn ngồi im lặng trong cảnh tranh tối tranh sáng xam xám, với những cái cốc không trước mặt. Rồi Maria Têrêza đứng dậy, châm đèn và chuyển sang ngồi bên cạnh điện thoại mà từ đó, từ trong cái mõm đen ngòm của con nhân mã, sẽ vọng ra giọng nói thời thanh xuân của cô. Anh cũng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Góc phòng có một cái tủ đứng, anh rút một ngăn kéo ra, lơ đãng nhìn vào. Trong ngăn kéo là một tập ảnh lộn xộn như những quân bài sau khi hết ván, khi mọi thứ đã được tính toán xong xuôi. Tỏ ra thích thú, anh ngồi xuống bên cạnh. - Này nhìn này, xem này: bao nhiêu là người đàn ông đã đi trước anh - anh cầm tập ảnh đã ố vàng lên, nói, mắt ngước nhìn Maria Têrêza. Lặng im không hề tỏ ra là cô khó chịu với sự thô bạo đó, Maria Têrêza tiếp tục nhìn anh một cách bình tĩnh, thờ ơ làm anh đau đớn chẳng kém gì bị những mũi dao chọc vào vết thương còn mới. “Vậy mà, lẽ ra cô ấy không được tỏ ra hoàn toàn bình thản như vậy.” - anh bực dọc nghĩ bụng. Người khác ở địa vị cô đã giằng lấy những tấm ảnh khỏi tay anh, vội vã cất vào ngăn kéo. Bởi vì tất cả những khuôn mặt nhợt nhạt ấy đang nhìn cô như những anh tù bị giam trong ngục tối, nay được ra ánh sáng. Cô muốn chôn giấu tất cả trong cái tủ này và trong ký ức, nhưng không được. Giờ đây đối với Maria Têrêza, những anh chàng chết trôi sống lại đó gắn liền với những năm tháng họ đã từng ở bên cạnh thân thể trẻ trung của cô. Tất cả -những năm tháng đã qua và những người đàn ông- bây giờ đang nằm trên tay anh và kết tội cô, Maria Têrêza. Tội gì? Tội cô đã không còn như xưa. Các quan tòa và nhân chứng đã có mặt, có thể bắt đầu xử được rồi. Bị cáo, cô có nhận ra người này không? Ngày ấy, khi cô gặp anh ta, cô mới mười tám tuổi. Mái tóc quăn thành làn sóng của cô chải cao bên trán, cổ cồn đứng của chiếc áo ôm khít lấy cổ và cằm, bộ ngực trẻ trung, xinh đẹp bó chặt và gọn trong chiếc coó-xê, thậm chí qua rất nhiều viền đăng ten của chiếc áo mỏng của cô vẫn để lộ vẻ hồng hào, sung túc. Mông cô https://thuviensach.vn rung rung, đánh qua đánh lại dưới những nếp váy. Dáng đi cô nhanh nhẹn và rắn rỏi, những con mắt trơ trẽn không nhìn quá lên phía trên đôi giày cao cổ của cô. Trong khi đó, trong các tiệm cà phê đặc khói, dưới điệu nhạc buồn và nao người, các vũ nữ vung những cặp chân đi tất đen lên đến tận trán. Và khi ấy, cảm thấy rõ ràng rằng những viền đăng-ten dày, trắng bóc cũng không tài nào che đậy những cái đẹp của đôi chân quấn những dải băng đỏ ở sát hông. Mười tám tuổi! Má cô lúc bấy giờ còn chưa biết đến những nốt ửng đỏ, mà chỉ hồng lên vì e thẹn. Cặp môi căng mọng chưa đánh son, nhưng vẫn đỏ, vẫn quyến rũ các chàng trai. Đôi mắt vô tư còn chưa biết đến atropin[i]và lông mi giả, chỉ có những quầng tối bên dưới mắt để lộ ra ngoài nét mệt mỏi đầu tiên của sự yêu đương… Với người đàn ông này, cô đã nhảy điệu van cuối cùng và bài tăng-gô đầu tiên. Thế còn với người này? Và người này nữa? Anh cầm lên mấy bức ảnh và lần lượt giơ ra cho Maria Têrêza, hỏi cô tên và năm. Anh ta hành động lúc này như thể trước mặt anh ta là một bị cáo không chịu thú tội, cần phải đưa ra những tang vật để buộc tội. Và Maria Têrêza, đúng như một kẻ phạm tội không chịu thú tội, chăm chăm nhìn vào những khuôn mặt đã phai màu thời gian, đã quên rồi và lần lượt nói từng tên một bằng một giọng chán chường và buồn tẻ. Đây là B.. một diễn viên sân khấu, bây giờ làm nghề đóng phim, kia là một bá tước đã chết trong chiến tranh, còn đây là một chủ nhà băng không biết đã phá sản hay chết rồi, không rõ. Sau cùng, anh rút ra từ trong tập ảnh một người đàn ông phì nộn, mi mắt sùm sụp, mặc áo đuôi tôm. Thế còn đây là ai? Một người bồi bàn? Trên khuôn mặt lãnh đạm, hờ hững của cô giờ mới thấy hiện lên một thoáng bồi hồi. - Đấy là một nhà tư bản ở Milan - cô trả lời, vẻ luyến tiếc - Giàu nhất trong số đó. Và nhìn về phía xa một cách mơ mộng, cô nói thêm “Ông ta tặng tôi một tòa biệt thự đẹp, hai tầng, có vườn…” Cô mơ màng nhìn trước mặt, như trông thấy những đường nét, hình thù mỗi lúc một rõ của tòa biệt thự cũ “Vâng, vâng, nếu tôi biết giữ gìn tất cả những gì người ta đã tặng https://thuviensach.vn tôi, bây giờ tôi đã giàu có lắm” cô nói như tự nói một mình sau khi im lặng một lát. Anh không nói gì với cô cả… Những lời tiếc nuối sự giàu có đã mất đi đó anh cảm thấy thật là kinh khủng. “Cả đời chỉ biết tiêu vung cho những khoái lạc - anh nghĩ - chỉ tiếc mỗi một điều là đã thiển cận và keo cú”. Đột nhiên cô đứng dậy, kêu “rét quá” và co ro đi lại gần bếp lò, cúi lom khom bên bếp. Phiên tòa kết thúc. Bị cáo, cô có muốn nói thêm gì nữa không? Không. Vậy thì hãy đi ra đi. Cô bị xử án, phải, bị xử án phải chịu sự già nua khắc nghiệt với da mặt nhăn nheo, tóc bạc, những nhiệt tình và lạc thú tàn héo và những ký ức phôi phai. Tất cả đối với cô thế là hết: biệt thự, những tình nhân, những cuộc hội hè, những bộ quần áo mới và những nụ cười. Cô sẽ bị ngập trong đống tro tàn của quá khứ, Maria Têrêza ạ, như con tàu chìm đắm trong đêm. Anh lại lục tìm trong ngăn kéo. Có những cái ảnh Nhật trơ trẽn một cách tự nhiên do đó mà sự trơ trẽn ấy trở thành một thứ chuẩn mực bình thường, những bức ảnh khỏa thân loại thường thấy bán ở các bến cảng và những chỗ kín đáo ở ngoại ô các thành phố lớn, những tấm bưu thiếp màu đã cũ có hình những đường phố và quảng trường ở Pari, Beclin, Viên, Petecpua, ảnh của rất nhiều người mà năm tháng qua đi đã hóa điên, phá sản, mất tích hoặc bị giết hại. Còn trong ảnh, trông họ còn trẻ, đầy sức sống, họ đang đi dạo trên đường phố, đội mũ, che ô, hoặc đi xe song mã. Và cuối cùng, trong ngăn kéo có một tập thư tình viết bằng nét chữ nắn nót, cầu kỳ và bằng một thứ mực gì mờ nhạt rất lạ, tập thư được gói bằng một sợi băng vải cũng đã phai màu. Đối với những di vật ấy, anh chỉ liếc qua, còn khẩu súng lục, nhỏ xíu thì anh rút khỏi ngăn kéo, cầm trên tay. - Còn cái này của cô dùng để làm gì? - Anh hỏi. - Để tự vệ. - cô đáp không do dự, từ từ quay đầu sang bên tránh nòng súng mà anh dí đùa vào thái dương cô - Hơn nữa, em tin chắc rằng em sẽ https://thuviensach.vn chết không phải vì già - cô nói thêm với một vẻ phấn khởi cam chịu số phận. Trong giọng nói của cô có một sự tin tưởng chắc chắn. Rõ là cô, con người đi tìm kiếm các cuộc phiêu lưu nay đã mệt mỏi, thất vọng, muốn chết như những nhân vật của các vở bi kịch hiện đại. Cô chỉ còn lại cái đó: chết, như trong các tiểu thuyết trinh thám, một phòng ở một khách sạn hạng ba, rạng sáng, bàn ghế đổ liểng xiểng, chăn gối không gặp, lỗ chỗ những giọt máu, mùi nước hoa và mùi ngột ngạt qua đêm, những vết tay, một cái chết cưỡng bức. Sau đó là những dòng tin ngắn trên báo. Một kết cục như thế chờ đợi cô. Trong lúc kể những điều đó, Maria Têrêza đang nhìn người tinh chuyển sang nhìn khẩu súng lục, và cặp mắt long lanh, quyến rũ của cô tưởng như muốn cám dỗ cả bản thân cái chết… Cuối cùng, cô thôi không nói về mình nữa mà kể một câu chuyện về một người bạn gái của cô cách đây hai năm bị giết trong một tình huống rất bí ẩn. Cô cúi thấp đầu, nhìn xuống chân, rồi thở dài thườn thượt, nói bằng một giọng sầu não: - Em nữa rồi cũng sẽ phải chịu số phận như vậy. - Nghĩ gì lạ vậy, Maria! - Anh thốt lên và đút khẩu súng vào trong ngăn tủ, ngồi xuống cạnh cô, khoát tay ngang người cô. Không, anh nói, cố an ủi nhưng lại xỉa xói vào lòng cô một cách sâu cay hơn, cô sẽ chết không phải một cái chết cưỡng bức, mà sẽ chết trên giường bệnh của mình, già nua cô quạnh. Chẳng cần tự lừa dối làm gì, cô không phải là người phụ nữ bạc mệnh, những người phụ nữ bạc mệnh thời nay không có, có chăng chỉ còn gặp trong phim. Anh tìm cách xúc phạm cô bằng những lời lẽ ác độc và định ôm lấy cô, nhưng cô cố gắng giấu nỗi tức giận, cương quyết gạt anh ra. - Bây giờ anh lại còn nói những điều nhảm nhí. – cô rít qua kẽ răng. Cô đứng dậy, lấy trong tủ ra một chai cô-nhắc và một cái chén. - Phải, phải, già nua và cô độc - anh cố tình nhắc lại. https://thuviensach.vn Đáp lại, cô chỉ bình tĩnh nhún vai, nheo mắt cho khói từ điếu thuốc lá dính chặt vào môi cô khỏi bay vào mắt, và mở chai rượu ra, tự rót lấy một chén, uống. Đúng lúc ấy có tiếng chuông điện thoại nhỏ và thanh. Maria Têrêza thong thả đặt chén rượu xuống và nhấc ống nghe lên. - Ai đấy? - cô lập tức hỏi và liền thất vọng - À, thư ký của ông ta à. - Sau đó cô im bặt và nghe một cách lơ đãng, lo lắng như đang suy nghĩ để tìm những lý lẽ để thuyết phục - Có nghĩa là tôi không thể gặp trực tiếp ông ta để nói chuyện được ư? - Cuối cùng cô hỏi - Thậm chí chỉ một lúc, một phút thôi cũng không được à? - Nhưng hình như người thư ký đã bỏ máy xuống - Chỉ một phút thôi mà. - Và cô từ từ hạ ống nghe, tư lự nhìn về phía trước mặt. - Thế nào, đã đạt được cái mà cô muốn chưa? - Anh hỏi. Maria Têrêza rùng mình và ngỡ ngàng nhìn anh như mới gặp lần đầu, nhưng không trả lời gì cả. Trong chén còn lại một ít rượu, Maria Têrêza uống nốt và nhìn xuống đáy chén, nói: “ Phải làm cái gì ăn tối mới được” - và đứng dậy. Cả hai người, đầu tiên là cô, sau đến anh, ra khỏi căn phòng nồng nặc khói thuốc lá. Trong hành lang tối, anh ôm lấy vai cô, siết chặt vào mình và hôn cô. Anh cảm thấy người cô như tan ra một chút và cô trả lại cho anh cái hôn nếu không phải với tình yêu mến thì cũng là với sự dịu dàng, như một con người đang cần được an ủi tìm đến những cử chỉ mà mình quen thuộc nhất. Anh thậm chí cảm thấy rằng người cô run run. Nhưng khi họ xuống bếp và cô cúi xuống châm bếp, khuôn mặt cô thể hiện một vẻ bình thường, tư lự và nghiêm khắc. Lần đầu tiên họ ăn tối ở nhà, và anh, vốn không biết tài nấu nướng của Maria Têrêza, đinh ninh rằng sẽ được ăn một bữa ăn lạnh lẽo với những món đồ nguội mua ở cửa hàng. Thật ngạc nhiên, anh thấy Maria Têrêza xắn tay áo nấu ăn. Hình như là ở cái bếp này không nấu nướng gì bao giờ. Tường lát đá hoa trắng không có chỗ nào bị bị ố và rạn, bếp lò bên dưới chưa từng biết đến ngọn lửa là gì. https://thuviensach.vn Không có ai lấy muối, đường, hạt tiêu, ớt, hạt cải từ những cái lọ sứ đặt thành hàng trên giá; và những xoong, nồi, sanh, chảo bằng đồng, nhôm còn bóng nhoáng treo trên những cái móc như mũ treo trên mắc áo. Bếp sạch bong lạnh lẽo. Đây là một cái bếp lý tưởng có thể đem triển lãm ở các cửa hàng đồ dùng gia đình. Chỉ thiếu mỗi người máy nấu ăn với khuôn mặt bất động di chuyển những bước nhỏ tí từ chỗ này sang chỗ khác. Maria Têrêza tối hôm ấy sửa soạn bữa ăn tối một cách bình tĩnh, bằng những động tác thành thục, tự tin của người nỗi trợ. Một món súp rau thái nhỏ, bít tết rán, khoai tây, và trán miệng là món bánh kem sôcôla mà cô làm từ sáng để tủ lạnh. Ngồi sau bàn, anh lơ đãng nhìn Maria Têrêza, nét mặt tập trung, nghiêm túc hối hả đi từ bếp này sang bếp kia. Cô nhón mấy hạt muối bỏ vào nồi canh, rồi lấy thìa múc đưa lên miệng nếm thử, thử bằng chính đôi môi bôi son mà mấy phút trước vừa quyện chặt lấy môi anh ở hành lang. Trong lúc cô nấu bếp, cái áo choàng buộc hờ thỉnh thoảng lại tung ra. Anh nhìn người phụ nữ trần truồng khoác mỗi chiếc áo trên người ấy cúi xuống bên cái nồi, một tay cầm thìa, một tay cầm dĩa, dí ngực vào luồng hơi bốc lên nghi ngút, những vệt sáng hồng từ cái bếp đang cháy dọi lên bụng cô. Những ngọn đèn chiếu sáng khoảng giữa phòng, còn những viên gạch lát nền dường như thu về mọi tia sáng phản chiếu. Căn phòng như một cái hộp vuông màu trắng có hai người yêu ở trong giống như hai cái xác chết được giữ nguyên vẹn trong một tảng băng. Maria Têrêza đến và đi, còn anh vẫn ngồi sau bàn và không rời mắt khỏi cô. Anh sửng sốt và thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Từng lúc, anh nhìn xuống sàn nhà với những ô gạch hình quân cờ này, anh đã đánh mất quân nữ hoàng có khuôn mặt đẹp nghiêm nghị. Anh không phải là người đưa thư hay bác gác cổng để có thể tự rót rượu vào cốc mình cười vui và đặt bà nấu bếp mặc tạp dề trắng, tay cầm thìa nấu ngồi lên lòng. Không, đây không phải là người phụ nữ mà anh yêu. Nhưng Maria Têrêza bỗng ngồi vào bàn và không quên tự khoe tài nghệ nấu ăn của mình. Họ ngồi ăn, không nhìn nhau và hoàn toàn im lặng. Cứ xem cô nấu ăn thì có thể nghĩ rằng cô chỉ chuyên nấu nướng chứ không làm gì khác, rốt cuộc https://thuviensach.vn anh nói: - Có việc gì mà em chưa làm trong đời! - Maria Têrêza đáp bằng một giọng trầm, sâu, đầu không ngẩng lên. Ngực áo choàng ngoài của cô lại bị tung ra. Với mỗi một cử động của cô, hai vú lại động đậy như một con thú con có cuộc sống riêng của nó. Lại một lúc lâu im lặng. - Em đã nói với anh rằng cái ông mà lúc nãy em gọi điện ấy, trước kia đã từng có thời say em lắm - cuối cùng cô nói, lấy khăn lau mồm rồi đặt khăn lên trên hai đầu gối để trần - Nói đúng ra, ông ta đã là người đầu tiên… Lúc ấy em mới mười sáu tuổi. Đến đây anh lại cảm thấy một nỗi ghen tuông âm thầm, lần này có xen lẫn với một tình cảm thương hại sâu xa nhói lên. Vậy là, điều đó dù sao cũng là sự thật. Maria Têrêza mười sáu tuổi, và cô đã biết đến cái thời kỳ nở hoa của tuổi thanh niên: đã cười, đã khóc, đã nhảy, đã yêu, đã sung sướng, tận hưởng tuổi trẻ của mình. Còn lúc này cô đang thu dọn những mẩu bánh mì bằng những ngón tay run rẩy và trông cô có vẻ mệt mỏi. - Ông ta giàu không thể tả được - cô nói thêm - nhưng từ chối không cho em thậm chí một số tiền ít ỏi mà em hỏi xin. Anh nhìn cô và cảm thấy rằng anh phải lấy làm buồn, đúng như một tai họa đã xảy ra, có điều không biết là tai họa gì. - Thế có nghĩa là em cần tiền à? - im lặng một lát, anh âu yếm hỏi. Cô phá lên cười, cười to, giọng khàn khàn, khinh bỉ. - Em cần tiền à? - cô nhắc lại và cười to - Tất nhiên là cần… Cần quá đi chứ! - Nhưng để làm gì? - anh gặng hỏi - Để mua quần áo, để đi du lịch? Cô lắc đầu: không, cô cần tiền để đi khỏi thành phố đến một nơi nào đó sống giữa thiên nhiên. Cô đã mệt mỏi phải sống một cuộc sống hỗn độn này, giữa hàng đống người rồi. Cô muốn ở hẳn ở một thành phố nhỏ hoặc https://thuviensach.vn thị trấn, chẳng hạn như nơi cô sinh ra, sống một mình, trong một căn nhà nhỏ có vườn. Cô cúi đầu, lấy má quệt ngang vai trần. Nghe đến tiếng “vườn” anh cắt ngang cô và mỉm cười ngờ vực “Vườn à? Thế thì có cả hoa nữa chứ?” “Vâng - cô trả lời - có cả hoa, thế sao?” - Không, không sao cả - anh nói, đoạn đứng dậy, đi đi lại lại trong bếp. - Nhưng một khi ông ấy không muốn cho em tiền thì thôi, đành chịu không có tiền vậy - cô kết luận bằng một giọng run run và vang. Bữa ăn xong, Maria Têrêza cũng đứng dậy, thu dọn bát dĩa, thả vào chậu sứ kêu loảng xoảng…Anh đứng, buồn rầu nhìn người yêu, còn cô bẻ một cành lá nhỏ xỉa răng và nhìn dòng nước làm trôi khỏi dĩa những mẩu thức ăn thừa. Sau đó, đã khuya, anh chợt thấy cô nằm quay mặt vào tường, áp người về phía tủ như để chuẩn bị ngủ. Anh chúc cô những giấc mơ đẹp và đứng dậy định ra về. Cô đã thuộc về anh hơn hai tháng, và bây giờ, khi anh đã hết cả tiền, anh chỉ còn có cách là chia tay với cô. Nhưng đúng lúc anh bỏ tay và rút chân ra khỏi chăn, anh bỗng nhận thấy là cô khóc. Cô không nằm co lưng nữa mà nằm ngửa, như một cô bé bé bỏng hờn dỗi, lấy tay che mắt, nhưng một vệt sáng dọi lên khóe miệng rung rung nhăn nhó vì đau đớn. Cô khóc không có tiếng, đều đều và dịu êm, và nước mắt chảy giàn giụa như máu chảy từ thân thể một người bị tử thương. Anh nhìn cô, rồi gỡ tay cô ra khỏi mắt, hỏi cô làm sao vậy. Không làm sao cả, cô trả lời, cô hoàn toàn không làm sao cả, cô chỉ nghĩ lại cuộc nói chuyện điện thoại ban tối. Cô gục đầu xuống vai, bằng một động tác của người yếu đuối, suy sụp phục tùng số phận, và bướng bỉnh nhắc lại: - Không sao, hoàn toàn không có gì xảy ra cả. - Nhưng một giây sau, nhắm mắt lại như nhìn thấy mình đang đứng ở một góc phố giơ tay xin tiền bố thí, cô nói thêm “Nhưng dù sao cũng thật chua chát, lần đầu tiên trong đời phải ngửa tay xin xỏ để mà sống.” Anh không biết trả lời cô thế nào. Anh nhìn lên khuôn mặt cô đã trở nên nghiêm nghị, đanh sắc như tạc bằng đồng, nhìn đôi mắt nhắm như đang gọi https://thuviensach.vn giấc mơ, nhìn bờ vai đầy, trắng, che phủ bởi mấy đọn tóc ngắn sau gáy… Anh tưởng như cô vừa rồi không hề nói gì cả, anh nhìn thấy nết đau đớn, nghe tiếng khóc của cô. Anh nhìn cô, và cảm thấy rằng mình nhìn thấy khuôn mặt của chính cuộc đời trong khoảnh khắc thoắt lên tiếng nói, để lộ ra mình, còn bây giờ lại câm lặng và ngưng đọng. Anh nhìn cô một lúc. Sau đó, uể oải đứng dậy, đi vào buồng tắm, mặc quần áo rồi rón rén trở vào phòng. - Anh đi đây, Maria Têrêza, chào em - anh nói to. - Chào anh, cô đáp, mắt vẫn nhắm nghiền. Anh bước ra khỏi phòng ngủ, ra hành lang và xuống cầu thang. Đến trước cổng tòa nhà anh dừng lại, do dự, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ gần đâu đây vang trên những đường phố vắng. “Mười rưỡi - anh nghĩ thầm - còn có thời gian để kịp xem xi-nê”. Anh thấy thú vị thậm chí khoái trá với cái ý định đó, mà tự mình không biết rõ lý do. Giờ đây anh cảm thấy một nhu cầu khao khát chạy mau vào ngồi trong phòng tối, xem những thiên tình sử và phong cảnh những miên đất xa xôi. “Quỷ tha ma bắt, kệ xác cái cô Maria Têrêza này” - anh nghĩ và cố nén mọi nỗi buồn sâu lắng chốc chốc cứ nhói lên, anh đóng cổng lại và rảo bước đi về phía trung tâm thành phố. Nguồn: onthi.com https://thuviensach.vn CHUYỆN ĐÙA NGÀY HÈ Dịch giả: Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải Đánh máy: thangkho19862001 Vào những ngày hè, có lẽ bởi tôi còn trẻ và chưa quen cảm thấy mình là người chồng và người cha của gia đình, nên tôi luôn muốn lỉnh đi đâu đó. Mùa hè ở Rôma, những nhà giàu đóng rèm cửa từ sáng, để giữ không khí mát của đêm lại trong những căn phòng rộng rãi. Ở những ngôi nhà như thế, mọi thứ đều ổn cả: gọn gẽ, sạch sẽ, tinh tươm; sàn đá hoa, gương, tủ bóng lộn trong ánh sáng mờ; cả đến bầu không khí im lặng ở trong đó cũng có vẻ gì man mát, tối, đáng yên tâm. Muốn uống nước ư? Người ta sẽ đặt trên khay mang đến cho anh một cốc pha-lê nước chanh hoặc nước cam mát lạnh, những cục đá kêu lanh canh vui vẻ dưới thìa, đến nỗi chỉ nghe tiếng lanh canh đó cũng đủ mát ruột anh. Ở những nhà nghèo thì khác. Ngay ngày nực đầu tiên, cái nóng đã chui vào trong những căn phòng ngột ngạt và ở trong đó suốt mùa hè không chui ra. Khát nước - nhưng vòi nước ở trong bếp chỉ chảy ra một thứ nước ấm như nước canh. Trong phòng không có chỗ đi lại. Dường như mọi đồ vật - bàn ghế, giường, tủ, áo quần, bát đĩa sưng vù lên, cọ vào người anh. Mọi người chỉ mặc sơ mi không, mà người vẫn nhớp nháp mồ hôi. Thế mà nếu đóng cửa sổ lại thì chết ngạt, vì khí lạnh ban đêm không tài nào vào được, mấy căn phòng kín như hũ nút có sáu nhân mạng nằm ngủ ở trong. Mở cửa sổ ra thì đón nắng và đủ mọi thứ mùi ngoài phố: mùi xỉ than, bụi bặm, mồ hôi. Nóng lên, tính tình con người cũng khác, dễ cáu kỉnh, dễ cãi nhau chỉ vì những chuyện không đâu. Nhưng những người giàu thì rút sâu vào mấy phòng trong, còn người nghèo thì cứ ngồi chúi mặt xuống những cốc nước cáu bẩn hoặc đi hẳn khỏi nhà. Vào một trong những ngày nóng bức như thế, sau khi cãi nhau một trận với cả nhà: với vợ vì món súp mặn và nóng quá, với em rễ vợ vì hắn bênh vợ mà theo tôi hắn ta không có quyền làm như thế vì hắn không tìm được việc làm chỉ ngồi nhà ăn bám; với em vợ vì cô ta đứng về phía tôi và chỉ https://thuviensach.vn chuyện õng ẹo làm duyên; với bà mẹ vì bà cố xoa dịu tôi, với ông bố bảo: “có để cho tao ăn hay không?”; và cuối cùng với đứa con gái vì nó cứ khóc váng lên- tôi vùng dậy, giật phắt cái áo vét vắt ở lưng ghế và tuyên bố: - Các người có biết không? Tôi đã chán ngấy tất cả các người rồi. Đến tháng mười, mát mẻ, ta sẽ lại gặp nhau. Và tôi bỏ đi khỏi nhà. Cô vợ tội nghiệp, chạy xuống cầu thang, kêu với theo rằng hãy còn món xa-lát dưa chuột mà tôi vốn thích. Tôi đáp “Cô đi mà ăn”, rồi đi ra phố. Gia đình tôi ở đường Ôxtienxê. Tôi qua đường, đi về phía cầu sắt cạnh cảng sông của Rôma. Hai giờ chiều là lúc nóng nhất trong ngày. Bầu trời xanh đục đến nhức mắt. Tôi vịn vào thành cầu sắt nóng bỏng tay. Sông Têverơ bị bó giữa hai bờ, nước vàng đục, giống như một rãnh nước tù. Những bình ga, những cái lò của nhà máy khí đốt, những cái tháp chứa thức ăn ủ chua, ống chứa xăng và mái nhọn của nhà máy nhiệt điện che lấp mất đường chân trời; tưởng chừng như không phải Rôma mà là một thành phố công nghiệp nào đó của miền Bắc. Tôi đứng một lúc nhìn dòng sông Têverơ vàng, hẹp, nhìn chiếc phà đậu ở bến chở đầy ắp những bao ximăng, và bỗng phì cười là cái khúc sông bé tí này cũng được gọi là cảng như các cảng ở Giênoa hoặc Napôli, nơi có các tàu lớn ra vào. Nếu tôi thực sự muốn đi xa, thì từ cái “cảng” này, tôi có thể lên tàu đi một mạch đến Fiumichiô, ngồi ăn cá rán và ngắm trời biển. Cuối cùng tôi qua cầu, đến một khu đồng không mông quạnh ở bên kia bờ sông Têverơ. Dù tôi ở gần đây, nhưng tôi chưa bao giờ đến đây cả, và không rõ mình đi đây là đi đến đâu. Lúc đầu tôi đi theo đường nhựa, hai bên là cánh đồng không với những đống rác ngổn ngang. Sau đó, đường nhựa biến thành một con đường mòn, còn những đống rác thì đã chất lên cao như những ngọn đồi. Tôi nghĩ rằng mình đã rơi vào một nơi mà người ta đem rác của toàn thành phố Rôma đến đổ. Ở đây, một ngọn cỏ cũng không mọc, bốn bề là những giấy lộn, vỏ đồ hộp gỉ, thức ăn thừa, nắng thì như thiêu như đốt, mùi thối rữa bốc lên. Tôi do dự: đi nữa thì không muốn, https://thuviensach.vn mà quay lại thì cũng ngại. Bỗng nhiên tôi nghe thấy có ai tặc lưỡi như gọi chó. Tôi quay lại nhìn chó. Nhưng chẳng thấy con chó nào, mặc dù chỗ này đúng là nơi cho những con chó hoang. Tôi nghĩ rằng có lẽ tiếng gọi đó là gọi tôi, bèn nhìn về phía đã phát ra tiếng động. Đằng sau đống rác, tôi nhìn thấy một túp lều nhỏ. Đấy là một túp lều lợp mái tôn. Trước cửa lều là một em bé gái tóc vàng nhạt chừng tám tuổi đang đứng ra hiệu cho tôi vào. Mặt em nhợt nhạt, nhem nhuốc, mắt thâm quầng như một phụ nữ có tuổi, tóc dính đầy bụi cát, cọng rơm và bù xù như lông nhím. Em ăn mặc quá là tồi tàn: áo quần chỉ như một cái bị bằng vải mộc có bốn lỗ - hai lỗ để cho tay và hai lỗ cho chân. Khi tôi quay lại, em hỏi: - Ông là bác sĩ có phải không? - Không - Tôi đáp - Thế làm sao? Em cần gọi bác sĩ à? - Nếu ông là bác sĩ - Cô bé tiếp - thì vào đây. Mẹ cháu đang ốm. Tôi cũng chẳng giải thích với cô bé rằng tôi không phải là bác sĩ, cứ thế bước vào lều. Thoạt tiên, tôi ngỡ là mình vào một cửa hàng đồng nát ở chợ Campô đi Fiôri, vì trong nhà treo đầy áo quần, tất cũ, bát đĩa, xoong nồi, giẻ rách. Nhưng sau đó tôi hiểu ra rằng chủ nhà, vì không có bàn ghế, tủ nên treo toàn bộ gia sản của họ lên các cái đinh. Tôi phải cúi lom khom để khỏi đụng vào những đồ đạc treo lõng thõng, đưa mắt tìm xem bà mẹ cô bé nằm ở đâu. Cô bé rón rén chỉ cho tôi một đống quần áo ở trong góc. Nhìn kỹ, tôi thấy rằng cái đống quần áo rách ấy đang chăm chú nhìn tôi bằng một con mắt lấp lánh ánh sáng, còn một con mắt bị che lấp bởi mớ tóc bạc. Hình dạng của người phụ nữ này khiến tôi phát hoảng: trông chị ta như một bà già, trong khi rõ ràng là chị ta còn trẻ. Dường như hiểu được ý nghĩa cái nhìn đó của tôi, chị ta bỗng nói: - Trên đời này, bao giờ những người quen cũng gặp lại nhau, nếu như không chết. Con bé phá lên cười như thể bắt đầu một tiết mục vui nhộn, và nó ngồi xuống đất hí hoáy nghịch mấy cái ống bơ không. https://thuviensach.vn - Nhưng quả tình tôi không hề quen biết chị. - Tôi nói - Chị là ai? Mà đứa nhỏ này là con chị? Chị ta đáp: - Thì đúng rồi… Nó cũng là con anh nữa đấy… Cô bé cúi mặt cười khúc khích. Tôi cho đó là một sự đùa cợt, bèn trả lời: - Có thể là con tôi, mà cũng có thể là con ai khác nữa, biết đâu! - Không - Người đàn bà đang ngồi dưới đất nhỏm phắt dậy, chỉ tay về phía tôi - Đấy chính là con anh, chỉ có thể là con anh thôi… Đồ tồi, vô tích sự, đồ lười, đồ hèn nhát, đểu giả. Đấy, anh là thằng như thế. - Liệu mà giữ mồm giữ miệng đấy… - Tôi nổi nóng - Tôi đã bảo rằng tôi không quen biết cô. - Anh mà lại không quen biết tôi ấy à?… Không quen thế mà vẫn cứ về đây? Nếu anh không quen biết tôi, làm thế nào anh tìm được đường về nhà? - Đồ hèn nhát đểu giả, hèn nhát đểu giả - Con bé khẽ nhắc lại. Người tôi đầm đìa mồ hôi vì nóng và vì tức giận. - Tôi tình cờ đi qua đây - Tôi đáp lại. - Ái chà. - Người đàn bà tỏ vẻ giễu cợt và quay sang bảo con bé - Đưa cái túi đây… Con bé nhanh nhẹn cầm lấy cái túi nhung đen rách bẩn treo trên tường đưa cho mẹ. Người đàn bà mở túi rút ra một tờ giấy và nói: - Giấy giá thú đây: Ervira Prôetti, vợ của Ecnextô Rapenli… Anh có còn cãi được nữa không. Ecnextô Rapenli? Tên tôi đúng là Ecnextô. Tôi kinh ngạc vì sự trùng hợp. - Nhưng tôi không phải họ Rapenli. - Tôi lúng túng nói. - Không phải Rapenli hả? Còn con bé thì nhại: - Ecnextô, Ecnextô. https://thuviensach.vn Người phụ nữ đứng dậy. Tôi đoán không sai: chị ta tuy tóc đã bạc, mặt đầy nếp nhăn nhưng có thể thấy rằng chị ta còn chưa quá ba mươi tuổi. - À, thế ra anh không phải là Rapenli… - Chị ta đến gần tôi, nhìn kỹ rồi kêu - Anh là Rapenli! Thề có quỉ thần chứng giám, anh đúng là Rapenli! - Tôi hiểu, cô bị ốm. - Tôi nói - Nếu cô đồng ý, tôi sẽ ra khỏi đây. - Không gượm đã!… Đi đâu mà vội thế? Con bé khoái chí nhảy cẫng lên. Người đàn bà lại bắt đầu nói, với vẻ mỉa mai: - Ecnextô, ngài Ecnextô… bỏ vợ, bỏ nhà bỏ cửa đi suốt cả năm trời không thấy mặt mũi đâu cả… Mà anh có biết cả năm ấy vắng anh, mẹ con tôi sống thế nào không? - Tôi không biết! - Tôi gắt lên - Và cũng không muốn biết. Hãy để cho tôi đi. - Hãy bảo ba mày - chị ta hét to lên với đứa bé - xem hai mẹ con đã sống như thế nào, sống bằng gì, bảo cho ba mày biết đi! - Sống nhờ bằng của bố thí! - Con bé nhanh nhẩu đáp, và đi lại gần tôi. Phải công nhận rằng tôi bị một cú choáng. Tất cả những sự trùng hợp kia: cái tên Ecnextô, việc tôi bỏ nhà đi, và việc tôi cũng có vợ và một đứa con gái đã đánh mạnh vào tâm trí tôi, khiến tôi có cảm tưởng rằng cả tôi nữa cũng không phải là tôi mà là một người nào đó khác, đồng thời lại vẫn là tôi nhưng không phải như tôi mọi ngày. Còn chị ta thấy tôi bối rối thì quát vào mặt tôi: - Mà anh có biết những kẻ ruồng bỏ vợ con thì bị làm sao không? Bị đi tù, nghe rõ chưa, đồ vô lại, phải ngồi tù. Đến đây thì bản thân tôi cũng bỗng thấy rờn rợn. Tôi bèn lặng lẽ quay ra cửa để đi. Thì ngoài cửa đã có một người đang đứng nhìn vào nhà. Đấy là một người đàn bà gầy guộc, ăn mặc xuềnh xoàng nhưng sạch sẽ. Nhìn nét bối rối của tôi, bà ta nói: https://thuviensach.vn - Đừng nghe cô ấy… Cô ấy lẩn thẩn đấy… Cứ hễ gặp người đàn ông nào là cô ấy lại cứ tưởng tượng ra là chồng… Còn cái con nhãi con cô ấy lại cứ toan hễ gặp người qua đường nào là dẫn vào nhà, nghe mẹ quát tháo, chửi bới đủ thứ, để mà làm trò đùa… Tao lại cho mày một trận bây giờ, con ranh! Bà ta giơ tay định phát cho nó một cái, nhưng con bé tránh được vừa chạy xung quanh tôi vừa hớn ha hớn hở: - Bác ấy tin rồi, đúng không nào, bác ấy tưởng thật… Thế là bác sợ… sợ, sợ, sợ… - Envira, đây không phải là chồng cô đâu. - Người phụ nữ nhẹ nhàng bảo. Envira dường như nghe ra, im bặt bỏ đi và lại trèo lên giường ngồi. Người phụ nữ bước vào trong lều lật giở những hòn than trong lò. - Tôi nấu nướng cho hai mẹ con. - Bà ta giải thích - Đúng là họ phải sống bằng của bố thí, nhưng còn chồng thì không phải là anh ấy bỏ đi mà là chết mất rồi. Đối với tôi, thế là đủ quá rồi. Tôi lấy một trăm lia đưa cho con bé, nó cầm lấy, quên cả “xin bác”. Thế là tôi ra khỏi lều, đi thẳng theo hướng ngược trở lại: theo lối mòn, theo con đường trải nhựa, rồi qua cầu đi về phố Ôxtienxê của tôi. So với cái ngột ngạt ở trong túp lều, về nhà tôi cảm thấy mát như trong động. Và tuy bàn ghế, hòm xiểng của chúng tôi rất ít ỏi, thô sơ, nhưng dù sao vẫn còn hơn những cái đinh mà những con người bất hạnh kia dùng để treo quần áo rách của họ. Trong bếp, mọi thứ đã dọn dẹp cả rồi, vợ tôi lấy đĩa xa-lát dưa chuột để dành ra cho tôi. Tôi vừa ngồi ăn với bánh mì vừa nhìn cô ta rửa bát. Ăn xong, tôi đứng dậy, lặng lẽ hôn vào cổ cô, và chúng tôi dàn hòa với nhau. Mấy ngày sau, tôi kể lại cho vợ nghe câu chuyện túp lều và định lại đấy mấy lần nữa để xem có thể làm gì giúp con bé. Bây giờ tôi không còn sợ bị nhầm tưởng là Ecnextô Rapenli. Nhưng các bạn có tin không, tôi không tìm https://thuviensach.vn thấy túp lều cũng như người phụ nữ dở người, đứa con gái và người đàn bà gầy gò nấu cơm cho họ ăn nữa. Suốt một tiếng đồng hồ tôi đi qua đi lại giữa những đống rác, dưới nắng chang chang, mà cuối cùng phải đi về không. Tôi nghĩ là mình đi lạc đường. Còn vợ tôi thì một mực bảo rằng đấy là do tôi định bỏ cô, nhưng sau thấy hối hận nên đã nghĩ ra câu chuyện đó. https://thuviensach.vn ĐẢNG TRỘM Dịch giả: Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải Đánh máy: thangkho19862001 Vừa đến phòng khám, tôi đi thẳng đến chiếc ghế đi văng, nhưng bác sĩ ngăn tôi lại, bảo: - Hôm nay không khám nữa! Hai chúng tôi nhìn nhau. Ông bác sĩ đầu hói, đeo đôi kính dầy cộp, làm cho hai con ngươi màu xanh lơ của ông ta thêm to hơn, giống như hai xoáy nước. Mũi ông ta nhọn, ở giữa gồ lên và hơi vẹo trông tựa như một cái khoan. Bên dưới cái mũi “dò xét” ấy là hốc miệng tròn được bao quanh bởi những nếp nhăn mảnh như vết dao cạo râu. Ông bác sĩ này người cao, dáng người bệ vệ, vai rộng, đùi to. Ông ta thích ngồi vắt chân chữ ngũ, để hở bụng chân trắng, béo lẳn bên trên đôi bít tất ngắn cũn. Trông diện mạo của ông ta trông có gì đó thô kệch, thấp hèn, tuy nhiên… Nhưng thôi, hãy nhường lời cho chính ông ta. im lặng một lúc, ông ta bắt đầu nói, bằng một giọng lạnh lùng đáng ghét: - Bà chị thân mến ạ, bà chị chữa đã được tròn một năm rồi. Tôi có bổn phận phải nói cho chị biết rằng chị không có bệnh tình gì cả và không còn cần đến sự điều trị của tôi nữa. Tôi bèn cãi lại ngay: - Ông nói gì vậy, thưa bác sĩ! Tôi thấy người không ổn. Tôi bị thần kinh nặng, rất nặng mà! - Chị hoàn toàn khỏe mạnh. Điều bất bình thường duy nhất mà tôi nhận thấy ở chị là ý định quyến rũ tôi bằng mọi cách. Mà không biết đấy có phải là điều bất bình thường hay không. Chị hãy nghe tôi bảo này: chị là một người phụ nữ trẻ, đẹp, giàu có, lại không sống với chồng -một hoàn cảnh mà người ta gọi là lý tưởng. Tiếc rằng tôi không yêu chị, tôi yêu vợ tôi, mặc dù cô ấy không được trẻ đẹp như chị. Tôi cũng không định có một https://thuviensach.vn thiên tình sử lãng mạn nào cả, vì những chuyên như thế thường gây tai tiếng, rất tai hại đối với sự nghiệp công danh. Xuất phát từ những suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng chúng ta không nên gặp nhau nữa thì tốt hơn. Ông ta nói những lời đó bằng một giọng rất cương quyết, rồi đứng dậy đi những bước ngắn về phía cửa, giữa chừng dừng lại và nhắc lại: - Yêu cầu chị, yêu cầu chị! Tôi yêu cầu chị! Tôi trở về nhà như trong mơ, không có một suy nghĩ nào cả trong đầu, người bàng hoàng, không làm thế nào lấp được khoảng trống vừa được tạo ra. Khi bước qua cổng tòa nhà để lên thang máy, tôi thấy một chàng thanh niên đang đứng. Một chàng thanh niên tóc dài, để râu bình thường nhất: đầu chải ngôi giữa, tóc quăn đen xám, vắt sang hai bên, thẳng đường ngôi xuống là cái mũi diều hâu trông rất trộm, hai mắt nhỏ, cái miệng mỏng nhăn nhó có ẩn bên dưới bộ râu cằm là cái cằm nhỏ, nhọn. Cậu ta ăn mặc như mọi người: áo blu-dông lông cừu của vùng Xacđenhơ, quần bò, giầy da mỏng. Tôi với cậu ta cùng vào thang máy và cùng ra ở gần cửa phòng tôi. Chỉ lúc bấy giờ tôi mới biết: thì ra cậu ta đến gặp tôi -hỏi xem tôi có mua xà phòng thơm không (cậu ta mang một cái túi quàng vai). Tôi bảo cậu ta vào, còn mình thì đi thẳng vào phòng ngủ lấy tiền (tôi không mang tiền theo người) nhưng lúc quay lại thì thấy cậu ta đã mất hút, còn hai cái bình bằng bạc thì biến mất khỏi giá treo tường. Nghĩ một lát, tôi bèn chạy bổ theo. Cái thằng thật càn rỡ: hắn đang xuống cầu thang, không hề tỏ ra vội vã, một tay vịn thành cầu thang, tay kia đỡ lấy túi quàng vai, lại còn vừa đi vừa huýt sáo nữa! Tôi đuổi kịp hắn ta và vừa thở hổn hển vừa bảo: - Này, cậu lên phòng đã chứ? Hắn ta không chút ngạc nhiên, nhìn tôi rồi gật đầu. Lên đến phòng, tôi hỏi: - Tên cậu là gì? https://thuviensach.vn - Đômênicô. - Hắn ta đáp. Chắc hẳn các bạn còn nhớ đảng trộm nổi tiếng hồi nào chứ? Báo chí đã từng một thời viết nhiều về nó. Trong vòng mấy tháng, mười một gia đình cả thảy lần lượt bị mất trộm. Vậy mà trên thực tế chẳng có đảng cướp, đảng trộm nào cả. Chỉ có hai chúng tôi: Đômênicô và tôi. Chúng tôi hành động như sau. Tôi quen nhiều người trong giới nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh và người nước ngoài. Các phòng ở của họ thường có hai đặc điểm: ở tầng trên cùng và đêm đến không có người ở lại trông nhà. Vào ngày định đến lấy trộm, tôi gọi điện cho nạn nhân để biết kế hoạch buổi tối của họ, chủ yếu là giờ trở về nhà. Tiếp đó, mọi việc diễn ra theo quy trình đã được xác định. Tôi với Đômênicô trèo lên mái hiên nhà nào đó bên cạnh. Ở Rôma, điều đó rất đơn giản vì các cửa mái hiên thường không khóa hoặc khóa bằng những cái khóa cổ có thể luồn một cái đinh cong vào mở ra một cách không có gì khó. Hai chúng tôi nấp giữa những quần áo, chăn vải phơi trên dây và đợi đến giờ. Rồi chúng tôi nhảy từ mái hiên nọ sang mái hiên kia đến nơi đã định. Nếu cửa sổ vào phòng đóng, Đômênicô dùng xà beng bẻ doãng song sắt ra, rồi cẩn thận nậy kính, thò tay vào trong mở chốt. Tôi người bé nhỏ, nhanh nhẹn trèo vào trong nhà, còn Đômênicô đứng ngoài, bên thành cửa sổ. Tôi lấy phần lớn là những đồ lặt vặt: bức tượng xinh xinh, cái gạt tàn thuốc, một vài thứ lặt vặt, hay hay. Chúng tôi ấn tất cả những thứ lấy trộm được cùng dụng cụ đồ nghề vào trong một cái túi ta và theo lối cũ trở về nhà. Nhưng nếu kỹ thuật ăn trộm đã được chúng tôi nâng lên mức hoàn thiện, thì không thể nói như vậy về mối quan hệ giữa chúng tôi. Chúng tôi trở thành tình nhân của nhau một phần chính vì cùng là tòng phạm. Những cảm giác lo âu chung, sinh ra tình yêu, nhưng trong đáy lòng tôi chỉ cảm thấy đối với Đômênicô một sự khinh bỉ. Bề ngoài, trông cậu ta có vẻ một gã thanh niên hiện đại, nhưng về nội tâm, thực chất cậu ta chỉ là một gã tiểu tư sản phàm tục. https://thuviensach.vn Giai đoạn này của cuộc đời với tôi đặc biệt đáng nhớ bởi những đêm trăng, vì mỗi đêm như thế, ánh trăng đầy đặn chiếu sáng mái hiên nhà những người bạn bị lấy trộm của tôi. Tôi nhìn vầng trăng và suýt khóc vì sung sướng với ý nghĩ rằng cuối cùng, lần đầu tiên trong đời tôi lao vào một việc mạo hiểm thật sự. Trước đó, tôi chưa làm cái gì mạo hiểm bao giờ. Đó cũng là nguyên nhân bệnh thần kinh của tôi. Bởi vì dù làm gì đi nữa, tiền không chỉ ngăn cho tôi khỏi gặp nguy hiểm mà còn gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường tôi đi. Tôi nghĩ rằng cả những phút hiếm hoi tình yêu Đômênicô chợt lóe lên trong lòng tôi cũng gắn với cảm giác mạo hiểm đó. Ít nhất cũng là vào những ngày mà chúng tôi không thực hiện các “phi vụ”. Đúng là tôi chỉ thấy căm ghét cậu ta. Và rồi tất cả trôi đi mất, suốt đời tôi phục tùng sự điều khiển của bản năng, sự làm việc của cái đầu không đóng vai trò gì lớn lắm. Theo bản năng tôi quyến rũ ông bác sĩ tâm thần, cũng theo bản năng tôi quyết định lấy trộm ở phòng khám của ông. Tại sao lại lấy trộm của ông ta? Điều đó chỉ đến phút chót, khi cùng với Đômênicô chuẩn bị “chiến dịch”, tôi mới hiểu ra. Sau khi kể cho Đômênicô nghe câu chuyện của mình với ông bác sĩ, cuối cùng tôi thú nhận: - Chính bản thân tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình lại nghĩ ra việc lấy trộm của ông ta… Đômênicô, con người trần thế, không bao giờ thích nghĩ ngợi xa xôi, chẳng thèm để ý gì đến câu tôi nói. Nhưng rồi hầu như ngay lập tức, tôi đã tự trả lời: rõ ràng, tôi vẫn còn yêu ông ta, ông bác sĩ của mình. Việc lấy trộm thực chất chỉ là một biện pháp để khôi phục bằng cách nào đó mối quan hệ đã bị gián đoạn. Cái đêm dự định đã tới. Đấy là một đêm trăng sáng huy hoàng, những đêm như thế thường làm tôi ngây ngất. Trong lúc Đômênicô, như thường lệ, lấy xà beng bẩy cửa, tôi ngửa mặt nhìn trời. Đột nhiên -thề có trời đất tôi cảm thấy rằng vầng trăng trắng bệch như cổ chân béo mập của ông bác https://thuviensach.vn sĩ, đúng hơn, chính đó là chân ông ta! Bằng nỗ lực to lớn của ý chí mới buộc được mình dứt ra khỏi bức tranh huyền diệu ấy, tôi bước lên bậc cửa sổ, nhảy nhẹ vào phòng, nấp sau bức rèm để xem xem nên lấy thứ gì. Cuối cùng, tôi chọn hòn đá khổng tước to bằng đầu đứa trẻ con dùng để chặn giấy mà bác sĩ để trên bàn làm việc cạnh chiếc đèn. Tôi thoáng nghĩ rằng sau này có thể đóng kịch như thể tôi tìm được hòn đá bị lấy cắp trong một cửa hiệu đồ cũ và mang nó về cho bác sĩ, rồi còn sau đó sự việc sẽ xảy ra như thế nào thì tùy… Cái bàn kê ở góc phòng - Tôi nhớ rõ lắm - vừa đúng đối diện với cửa sổ. Tôi vén rèm, bước mấy bước trong bóng tối về phía cái bàn. Chợt thấy trên bàn làm việc sáng đèn: ông bác sĩ đang ngồi đấy nhìn tôi chằm chằm và nói chậm rãi: - Chào buổi tối! Có một anh chàng tên là Đômênicô đã báo trước với tôi. - Thằng đểu? - Trong lúc này đây, thằng đểu ấy đã đi xa rồi. Hắn đã chán chị, và trước khi đi, hắn có nhờ tôi nói cho chị biết là như thế. Hắn cũng bảo rằng hắn dự định bắt đầu một cuộc đời mới bằng cách mở một hiệu bán tem… Phải công nhận rằng đấy là một cách làm lại cuộc đời thật lạ… Tôi bàng hoàng cả người. Nhưng khi nhìn xuống gầm bàn, thấy bác sĩ ngồi vắt chân, để lộ cái bụng chân trắng hếu, tôi nhớ lại mặt trăng. Và bấy giờ - không biết là lần thứ mấy- tôi lại bị bản năng chi phối. Tôi lại gần đi văng, nằm xuống và nói (ông bác sĩ ở vào vị trí sau lưng tôi, như cuộc khám nghiệm thần kinh đòi hỏi phải như vậy): - Bây giờ thì anh sẽ không thể nói được rằng tôi không bị bệnh nữa nhé! Trong vòng sáu tháng, tôi đã ăn trộm mười một nhà người quen. Những đồ đạc lấy được tôi không hề đụng đến. Có lẽ cái thằng ngốc ấy tính lấy đem bán để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Nhưng cho đến ngày hôm qua, mọi thứ vẫn còn y nguyên. Một lúc lâu im lặng. Cuối cùng tôi nghe thấy một giọng nói rè rè quen thuộc. Bác sĩ nói: https://thuviensach.vn - Thế thật… Nhưng thôi, bây giờ phải đi ngủ thôi. Mai ta sẽ lại gặp nhau. Hãy gượm, để tôi xem lại sổ đã… À, phải rồi, vào lúc sáu giờ. https://thuviensach.vn ĐẸP HƠN EM Dịch giả: Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải Đánh máy: thangkho19862001 Ngày tôi còn bé, có lẽ là để khỏi đoán ra được rằng nhà tôi nghèo và con búp bê của tôi - “búp bê của con nhà nghèo” - xấu xí, mẹ tôi dạy tôi một bài hát, trong đó có câu: - Búp bê ơi! Búp bê của em đẹp làm sao! Gần đẹp hơn cả em! Đó là điều không đúng sự thật, nói đúng ra là nói dối để tự an ủi. Chúng tôi đúng là nghèo thật, nhưng về sắc đẹp thì ông trời thương gia đình tôi. Năm này sang năm khác, tôi không xấu đi mà trái lại ngày càng đẹp ra: mười lăm tuổi trông xinh hơn lúc mười tuổi, mười tám tuổi trông xinh hơn lúc mười lăm. Tôi đẹp lắm, đến nỗi một mùa hè gia đình tôi đi nghỉ mát ở biển, tôi được chọn làm hoa hậu. Trong số thành viên của ban chấm thi sắc đẹp có một nhà tư bản, một người đàn ông trung niên. Tôi cho rằng nếu tổ chức cuộc thi xấu xí thì ông ta chắc chiếm giải nhất. Ngày hôm sau, ông ta ra bãi biển chúc mừng tôi. Ông ta mặc không rõ là một cái quần bơi hay quần đùi, chân đi tất ngắn cũn cỡn đến mắt cá. Hai cái thứ ông ta mặc trên người đó lập tức đập vào mắt tôi, trông không ra làm sao cả. Trong lúc ông ta đang tung ra một tràng những lời ca tụng, ngợi khen, tôi nhìn ông ta và nghĩ: tại sao trông ông ta xấu xí đến thế nhỉ? Ông ta xấu, cái đó rõ, nhưng tại sao? Cuối cùng tôi hiểu ra: ông ta gây cảm giác về một cái gì được tạo ra một cách vụng về, không thành công, thiếu một hình thù hoàn chỉnh. Không hói, cũng không có mái tóc, ánh mắt không sáng cũng không tối, mũi không thẳng cũng không khoằm, môi không mỏng cũng không dày, vai rộng như người cao lớn vạm vỡ, nhưng chân lại ngắn cũn như một anh chàng lùn. Cả đến ngôn ngữ ông ta nói cũng là một cái gì đó giữa thổ ngữ và tiếng Ý văn chương, một thứ ngôn ngữ ngọng nghịu. https://thuviensach.vn Sau vài lần đến thăm, con người quái đản ấy dám xin cưới tôi, người đẹp được ghi sổ, làm vợ! Tôi biết rằng ông ta rất giàu, nhưng không phải điều đó đã khiến tôi nhận lời. Vấn đề là ở chỗ ông ta nói bằng giọng đầy uy quyền, còn tôi tính tình dễ bảo, nhẹ nhàng và thụ động. Khi ông ta cầm lấy tay tôi, bảo: “Tôi muốn em trở thành vợ tôi” (hãy để ý mà xem: không phải “mong sao”, “ước gì”… mà là “tôi muốn”), tôi đã không thể từ chối mà trả lời luôn: “Vâng”. Và cứ thế: ông ta luôn luôn nói “tôi muốn” còn tôi thì nhất nhất là “vâng”. Ông ta muốn rằng tôi yêu ông ta, và tôi đã yêu. Ông ta muốn tôi sống ở tòa biệt thự cách Rôma năm mươi cây, bên cạnh nhà máy của ông ta, và tôi không phản đối. Ông ta muốn tôi sống cùng với họ hàng gia đình nhà ông: ông bà, bố mẹ, hai bà chị chưa chồng, một ông em –tóm lại là cả nhà ông ta- tôi cũng chấp nhận. Cuối cùng, ông ta muốn rằng chúng tôi có con, và tôi sinh cho ông ta hai đứa. Như tôi đã nói, ông ta giàu, đúng hơn là rất giàu. Thí dụ cái biệt thự của chúng tôi, theo như ông nói, xây mất hơn năm trăm triệu. Đây không phải là kiểu nhà cổ mà các nhà giàu thường xây để đua tranh với các nhà quý tộc dòng dõi địa phương. Không phải thế, chồng tôi mê hiện đại, và biệt thự của chúng tôi có thể gọi là một cái “máy để sống” thì đúng hơn là nhà: một tầng toàn bằng kính, đá hoa và kim loại, nằm xoài giữa nền cỏ xanh như một con côn trùng có cánh khổng lồ chỉ chực tung cánh bay đi. Cảm giác đó lại càng tăng khi nhìn đến cách bố trí trong nhà. Tòa biệt thự được bố trí, sắp đặt sang trọng, nhưng trong nhà không có một đồ vật nào do bàn tay người thợ làm ra, dù là hay hay dở dở nhưng với tấm lòng. Mọi thứ ở đây được làm bằng máy, với sự chính xác, tự động tuyệt vời của máy móc. Cả đến màu vải nền cũng giống với màu sơn dân dụng trong công nghiệp hơn là những gam màu dịu nhẹ mà các họa sĩ ưa dùng. Cái cỗ “máy để sống” không chê vào đâu được đó dĩ nhiên là được trang bị bằng những cái “máy sinh hoạt” cũng không kém hoàn hảo. Chồng tôi say mê cơ khí, nên biệt thự của chúng tôi biến thành một bảo tàng máy móc đủ mọi loại. Có những máy để tiêu khiển: vô tuyến truyền hình, đài, máy https://thuviensach.vn quay đĩa, máy chiếu phim. Có những máy để ăn: bếp ga, nồi hấp, tủ lạnh, máy làm kem; những máy để giữ sạch sẽ: máy giặt, máy cọ sàn, máy cạo râu. Tầng dưới có một phòng thể thao với đủ thứ dụng cụ thể thao cần thiết, còn đằng sau nhà có một cái phòng đặc biệt: ga-ra ô tô, trong đó chồng tôi để chín chiếc: ba chiếc “lux” ba ô tô con gia đình và ba ô tô con kiểu “Fiat”. Ông ta thường xuyên thay đổi xe -loại nào cũ thôi không đi nữa, mua loại mới. Theo tôi biết, ông ta thậm chí cũng không đi hết chừng ây ô tô, chỉ say sưa đứng nhìn ngắm chúng hồi lâu, giỏi lắm chỉ đi thử một hai lần trong công viên mà thôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những chiếc ô tô, trái lại với những điều đã nói ở trên, có một hình thù hoàn chỉnh, ít nhất cũng là tôi cảm thấy như thế, do đó chúng đẹp. Mà bản thân hình thù, về phần nó, lại xuất phát từ những tính toán về sự hợp lý, về tính hiệu quả. Nói một cách ngắn gọn, những chiếc ô tô ấy không phải là thứ đồ sơ chế dở dang, mà là cái mà chúng phải có. Trong cái biệt thự sang trọng này, nơi mà mọi vật sáng loáng, mọi thứ đều hợp lý, không chê vào đâu được, ngay bên cạnh tôi là cả một loạt những con người nửa người nửa ngợm vụng về, xấu xí –đó là họ hàng nhà chồng tôi. Cũng như ông ta, họ xấu xí không phải là vì họ xấu (xin bỏ qua cho tôi cách nói ngược đời) mà là vì họ không có hình thù. Nhìn họ, có thể nghĩ rằng thiên nhiên đã chuẩn bị tao ra những thực thể con người toàn vẹn, nhưng rồi không hiểu vì sao bỗng thôi không thực hiện ý định đó đến cùng, mà tung chúng đi khắp bốn phương dưới dạng chưa hoàn chỉnh như vậy. Tôi đã có nhắc đến thứ ngôn ngữ ngọng nghịu, nửa thổ ngữ của họ; có lẽ nó phản ánh phương thức suy nghĩ không hoàn chỉnh của họ. Cũng là một sự dở dang, không xác định như vậy trong cách ăn mặc của họ: chẳng ra tỉnh chẳng ra quê, dở dở ương ương. Đáng buồn là hai đứa con tôi - một trai, một gái - giống bố, giống những người trong họ nhà ông hơn giống tôi. Một hôm chồng tôi dẫn một người bạn học cũ của ông từ Rôma về nhà chơi. Chồng tôi, như người ta thường nói, là người biết làm ăn. Ít nhất thì https://thuviensach.vn ông cũng đã giàu to. Còn ông bạn ông thì ngược lại, không biết làm ăn xoay sở gì cả, nên nghèo vẫn hoàn nghèo như hai mươi năm về trước, vẫn dạy trung học. Tôi không nghĩ rằng chồng tôi thực sự có những tình cảm thân hữu gì với con người này mà trong thâm tâm, ông coi là một kẻ khờ khạo, xúi quẩy. Chắc ông chỉ nghĩ: “anh ta đã thấy lúc mình bắt đầu trong tay có cái gì. Hãy để anh ta xem xem đến bây giờ mình đã đạt được những gì”. Người giáo viên ấy trông như thế nào? Nếu tôi gặp ông ta ở một nơi nào khác, có lẽ tôi đã không bao giờ chú ý đến ông: một con người bình thường, không có gì đặc biệt. Nhưng khi tôi bước vào phòng khách, trông thấy ông giữa những con người nửa người nửa ngợm kia, những người họ nhà chồng, tôi thầm thốt lên: “một con người đẹp làm sao!”. Nhìn gần thì thấy cái tính từ “đẹp” đó không được chính xác lắm. Ông không đẹp, ông chỉ như một con người bình thường. Chồng tôi giới thiệu ông với họ hàng nhà mình rồi dẫn ông đi xem biệt thự. Chúng tôi đi một vòng khắp nhà, chồng tôi mở cửa các phòng, ông bạn thì cứ luôn mồm: “Đẹp quá, đẹp quá, tuyệt vời”. Nhưng giọng nói của ông chứa đựng một cái gì giễu cợt. Sau khi đã đi khắp các phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp, cuối cùng chúng tôi ra sân và đi về phía ga-ra. Vừa đúng vài hôm trước chồng tôi mới mua một chiếc xe nhãn hiệu Anh tuyệt đẹp. Thế là cả ba người ngồi lên xe, đầu tiên đi vòng quanh công viên, sau đó ra đường cái. Ông giáo thì cứ cố nhấn đi nhấn lại: “Đẹp quá, đẹp quá, đẹp quá” khiến đến một lúc tôi muốn quát vào tai ông ta: “Thôi đủ rồi, đừng có nhạo nữa! Xe đúng là đẹp quá đi chứ!”. Nhưng liền ngay đó, đập vào mắt tôi là đôi tay thô kệch, to xù của chồng đặt trên tay lái, và suy nghĩ của tôi bèn theo một hướng khác. Tôi tự hỏi mình: “Mà có thể giữa những cái xấu xí của đôi bàn tay này và vẻ đẹp của xe có một mối liên hệ nào đó chăng?”. Chúng tôi quay về nhà. Mọi người trong gia đình đã tản về các phòng. Chồng tôi bảo ông cần đến nhà máy, và cáo biệt. Chúng tôi ở lại với nhau: https://thuviensach.vn ông giáo, hai đứa con tôi và tôi. Rõ ràng ông giáo có một cái gì đấy không được vui. Ông nói: - Một ngôi nhà tuyệt vời. Bao nhiêu là thứ đẹp… Nhưng chị có biết trong đó cái gì là đẹp nhất, đáng ngưỡng mộ nhất không? - Cái gì? - Đấy là chị! Lời khen hơi cổ, và thậm chí có thể không hoàn toàn thành thật, nhưng đối với tôi nó vụt gây một ấn tượng như ánh chớp trong đêm. Tôi luôn ngạc nhiên rằng tại sao có một ngôi biệt thự như thế này nhưng tôi không bao giờ cảm thấy sung sướng. Đột nhiên nghe cái chữ “thứ” mà ông giáo dùng kể ra không được thích hợp lắm đối với tôi đó, tôi bỗng tỉnh ngộ: tôi không sao có thể sung sướng, hãnh diện về những đồ vật đẹp đầy dẫy trong nhà, chính là vì bản thân tôi cũng là một thứ đồ vật, một trong nhiều đồ vật –ít nhất cũng là đối với chồng tôi! Tôi nhớ lại những chiếc ô tô sang trọng mà tôi vừa ngắm nghía và chợt nghĩ: không, tôi không phải là người nhà của tất cả những em chồng, chị chồng, cô bác, ông bà, cha mẹ, anh em họ, chị em họ này. Mái tóc đen mượt của tôi, đôi mắt xanh lơ rất đẹp, cái miệng có duyên và dáng người tuyệt diệu của tôi nói lên rằng tôi không phải là người nhà của họ, mà tôi chỉ có quan hệ họ hàng với chiếc ô tô đẹp này, tôi với nó cùng chung một giống (suýt nữa tôi nói là chung một giòng máu). Trong lúc đó, ông giáo bối rối nhìn những đứa con tôi. Tôi nói: - Hai cháu giống bố, không lấy gì làm đẹp lắm. Ông không đáp, có lẽ đồng ý với tôi. Tôi nói tiếp: - Trong nhà này đầy những đồ vật đẹp và những con người xấu. Ông giáo thở dài, lặng im một lúc rồi nói: - Tiếc rằng đặc điểm của nền văn minh của chúng ta là những đồ vật do nó tạo ra đẹp hơn nhiều so với những người sở hữu và sử dụng chúng. - Nhưng trên đời cũng có những người đẹp chứ! Tôi nghĩ về mình. Còn ông, chắc rằng cũng đang nghĩ về tôi, trả lời: https://thuviensach.vn - Thì những người ấy sẽ thôi không là người, mà trở thành đồ vật. Đứa con gái xấu xí của tôi lại gần ông. Trong tay nó là con búp bê hiện đại áo váy diêm dúa như một bà quý tộc: mặc mini-jip, chân đi giày cao gót, cổ cài nơ. - Cháu có con búp bê đẹp không này! Và tự nhiên, ông cũng không ngờ rằng chính ông đã nhắc lại câu hát ngày xưa của tôi: - Đẹp, đẹp lắm! Đẹp hơn cả cháu! https://thuviensach.vn ĐỒ GỖ Dịch giả: Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải Đánh máy: thangkho19862001 Tháng mười, sau khi quay xong bộ phim trong đó tôi lồng tiếng một vai, tôi quyết định nghỉ lại ít ngày ở nhà bố mẹ. Người tôi gầy gò, tóc sáng, mắt xanh, vẻ ngoài của tôi nom vẻ quý tộc, mặc dù tôi xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường nhất ở Măccarêzê. Ở đó, trên bìa rừng thông gần Frétgiêna có một khu nhà rộng - nơi tôi sinh ra và đến nay bố, mẹ, chị và hai em trai tôi hiện vẫn đang sống, tất cả đều là nông dân. Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi ngồi lên xe máy và chỉ một giờ đã phóng trên con lộ Aurêlia trên đường đến nhà bố mẹ. Trong nhà, mọi thứ vẫn nguyên như cũ, nếu không kể bà chị đã đi lấy chồng và cái giường của tôi đã đem cho anh rễ nên tôi phải nằm dưới sàn ở trong phòng ăn. Đã hai năm tôi không gặp lại những người trong gia đình, nhưng đừng vội nghĩ rằng tôi đã được mọi người ôm hôn và đón tôi với vòng tay rộng mở. Tất cả đều đã quen nghĩ rằng như vậy là trong nhà bớt đi một miệng ăn và nói chung thì ai chả biết tính người nông dân. Đáng lẽ phải mừng rỡ vì tôi về thì mọi người lại đi phàn nàn rằng mùa màng năm nay không được tốt lắm và dự trữ trong nhà khó lòng mà kéo được đến sang xuân. Cả đến mẹ tôi khi ôm hôn tôi cũng nói: - Mày nhất định phải ở đây với bố mẹ một tháng nhé… Tôi hiểu rằng một tháng - đó là hạn tối đa, mẹ nói thế có nghĩa là “không quá một tháng”, nên tôi vội nói để cả nhà yên tâm, rằng tôi sẽ chỉ ở chơi chừng một, hai tuần. Câu trả lời của tôi làm mọi người yên lòng ngay, và thái độ đối với tôi khác hẳn. Còn bà chị - chuyên môn đãi bôi - cố gượng bảo: - Cậu chỉ chơi ít thế thôi à? Tôi còn giả vờ khéo hơn, làm ra vẻ tin những lời bà nói là thật lòng. https://thuviensach.vn Lý do thật sự khiến tôi về đây không phải là sự nhớ nhà mà tôi đã quen từ lâu, hay nhớ cảnh đồng quê mà tôi khó chịu đến phát ghét, mà là cô Glôria, diễn viên đóng vai phụ cùng với tôi ở Chinê-chita[ii]. Glôria là một cô gái cao to, khỏe mạnh, tóc đen và mắt xanh lơ. Điểm yếu duy nhất của cô gái là cái mũi hơi to và đỏ như màu da anh chàng nghiện rượu. Nhưng cô không phải nghiện rượu, tự nhiên mũi cô như thế thôi. Có một thời tôi tán tỉnh cô, nhưng sau đó cô thôi không đến nơi hẹn gặp với tôi nữa vì, như cô tuyên bố, tôi không có địa vị. Biết nói thế nào về điều này nhỉ? Địa vị thì tôi có chứ: tôi làm ở ngành điện ảnh; nhưng cô không cho đó là địa vị. Chịu khó lắng nghe thì thấy: theo cô, có địa vị, về thực chất, nghĩa là có tiền để mà có thể sống sung sướng không cần gì địa vị. Khi chia tay nhau, tôi nói với cô: - Nào, chúng ta thống nhất với nhau nhé: cô cho rằng địa vị là tiền chứ gì? Cô ta đáp: - Vâng thì đã sao? Giả sử là như thế thì anh bảo sao nào? Đến đây tôi bèn bảo: - Còn sao nữa!… Xin chào. Hay đúng hơn là vĩnh biệt! Sau đó một thời gian, tôi được biết rằng một gã Môricôni nào đó đáng tuổi cha chú cô, nhưng giàu, đã đón cô về ở biệt thự của hắn ở Frétgiêna hoặc là vì hắn có gia đình ở Rôma, hoặc là vì hắn thích thỉnh thoảng lại ra biển chơi. Mà Măccarêzê lại ở sát ngay Frétgiêna, còn tôi thì vẫn yêu Glôria, nên tôi muốn gặp cô, chỉ để gặp lại nhau, thăm hỏi, xem xem bây giờ cô thấy sống thế đã bằng lòng chưa. Buổi sáng, khi mọi người trong nhà ra đồng hết, tôi men theo con đường mòn nhỏ ra biển, dạo quanh quẩn dọc bờ biển. Lúc đó là tháng mười, nhưng là một ngày tháng mười tuyệt đẹp mà không ai nhớ nổi có ngày nào đẹp hơn thế không. Bầu trời không một gợn mây, hồng lên trong buổi sớm, mặt trời nhô lên trên mặt biển tươi cười và phẳng lặng như gương, bãi biển chan hòa ánh sáng, còn đằng sau bãi biển là những bụi cây xanh um im https://thuviensach.vn phăng phắc. Tôi vừa đi vừa nhìn những mẩu gỗ đen, những cành cây tươi, những rễ cây vàng, những vỏ ốc trắng mà sóng dồn để lại trên cát. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn ra mặt biển vắng lặng chỉ nhấp nhô dăn ba chiếc thuyền của dân chài nghèo thả lưới xuống vùng nước gần bờ, hy vọng đánh được ít tôm cá. Tôi không đi tìm Glôria, tôi muốn cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra một cách tình cờ. Đôi lúc tôi ngồi trên bờ nghe sóng vỗ, những đợt sóng khi thì tràn vào khi thì rút ra tạo nên một tiếng rì rào nghe như tiếng người nhắc đi nhắc lại vẫn một lời khẳng định. Dưới nắng, tôi ngồi nghe như mê mẩn cái giọng nói ấy để cố hiểu xem nó nói gì với mình. Cứ thế, một hôm, lúc lội qua con lạch Arônê ngăn cách Măccarêzê với Frétgiêna, đang chăm chú nhìn xuống dưới chân để khỏi bị trượt, tôi bỗng nghe có tiếng người nói: - Kìa Mauritxiô, anh làm gì ở đây thế? Đó là Glôria. Tôi không biết làm sao lúc nãy tôi không trông thấy cô, nhưng ở cái bãi biển thường vẫn hay thế: bãi biển không người, thế rồi đột nhiên không rõ từ đâu xuất hiện một người, y như từ dưới đất mọc lên. Glôria mặc một cái quần phăng chặt, bó chẽn lấy hông khiến người ta có cảm giác sắp nứt tung, vì như tôi nói, vóc người cô đậm và chắc như một pho tượng. Nhưng cô vẫn xinh như xưa, bất kể cái mũi hơi to - cái khuyêt điểm đó đối với tôi cũng có phần dễ thương và tôi lại đâm thích. - Quả đất tròn mà… - Tôi nói lạnh lùng. Cô đáp lại với vẻ tự nhiên có phần giả vờ: - Đêm qua em nằm mơ thấy anh, lúc tỉnh dậy em nghĩ: chắc là hôm nay mình sẽ gặp anh ấy! Đấy, thế mà quả em gặp được anh rồi. Anh làm gì vậy? - Thì cô thấy đấy. Tôi lội qua lạch, ngồi xuống, chà xát hai chân vào cát cho khô. Cô lại gần tôi và hỏi với vẻ hơi bối rối: - Hay là anh qua chỗ em ăn trưa đi? - Thế còn ông ấy? https://thuviensach.vn Trên mặt cô thoáng hiện một nét u ám mà lúc bấy giờ tôi chưa rõ nguyên nhân. - Ông ấy không có ở đây đâu. - Thôi được. Chúng tôi đi men theo bờ biển về phía bãi tắm, đi hết bãi tắm rồi len lỏi giữa những dãy nhà hộp cửa đóng kín mít vào rừng thông. Ở đây vắng vẻ, những biệt thự mùa hè trống trải, những con đường mòn rợp bóng thông mất hút về phía xa. Hai chúng tôi đi theo con đường mòn ấy, vừa đi vừa nói hết chuyện này đến chuyện khác, chẳng mấy chốc đã đến biệt thự của Glôria: một ngôi nhà nhỏ màu trắng, mái rơm thoai thoải xuống tận sát mặt đất. Nhưng bên trong thì lại hoàn toàn là một biệt thự hiện đại trang bị đủ mọi tiện nghi. Tôi nhận ra rằng Glôria có cái gì đấy giấu tôi nhưng lại rất muốn tâm sự cùng tôi, bởi vì thấy cô khi thì thở dài, chốc chốc thì lại liếc nhìn tôi nhe muốn nói: “em khổ ghê lắm”. Nhưng chỉ sau khi tôi tha thiết yêu cầu và gạn hỏi ghê lắm, trong lúc hai đứa nấu bếp, cô mới kể rõ sự tình. Đã mười ngày nay Môricôni không thấy xuất hiện, sáng nay và gọi điện đến báo cho cô biết là cô đừng chờ gặp lại nữa. Glôria kể rằng Môricôni buôn rượu vang, bị sạt nghiệp sau một hợp đồng nào đó vừa bị thất bại và bây giờ bán biệt thự này cho chủ nợ của y - một gã Côntê ở đâu đấy mà cô không biết mặt. Sau ngày hôm nay Côntê bắt đầu thực hiện quyền sở hữu biệt thự này. Tôi bèn nói ngay: - Như vậy là anh ở đây không đúng lúc… Nếu em muốn, anh sẽ đi khỏi ngay. Nhưng cô vội ngăn lại: - Không, sao lại thế! Anh ở lại đây… Chính lại rất là đúng lúc. Em không thể chịu nổi cái lão Côntê này nên em không muốn tiếp hắn một mình. Glôria cố gắng tỏ ra bình tĩnh, nhưng thấy rõ là cô đang lo lắng, như một người cảm thấy không được tự tin lắm và ngờ vực điều gì. Khi hai chúng https://thuviensach.vn tôi ngồi vào bàn ăn, tôi thử gạn hỏi cô: - Thế em sẽ làm những gì nào? Cô cúi đầu đáp: - Đấy, chính đến bây giờ em vẫn chưa biết. - Đến tận bây giờ? - Thôi đừng hỏi gì em nữa. Vâng, đến tận bây giờ! Tôi nói sang chuyện khác, nhưng Glôria không nghe tôi nói mà nghĩ ngợi điều gì đó thầm kín riêng mình, không cho tôi biết. Chốc chốc cô lại nhìn ra cửa sổ như thể ngóng ai. Rõ ràng là cô đợi Côntê, thế thì sao cô lại nói cô không thể chịu nổi hắn? Chúng tôi đang ăn trái cây tráng miệng thì bỗng có hai người đàn ông đi nhanh qua cửa sổ. Glôria lập tức nhổm phắt dậy khỏi bàn: - Ông ấy đấy… Vậy mà em thì lại mải ngồi nói chuyện mãi… Mau lên, mau lên! Cử chỉ vội vã như vậy thật là khó hiểu đối với tôi. Glôria cởi bỏ cái tạp dề để làm bếp, nhanh chóng bôi son vào môi, sửa lại mái tóc và xoa phấn kỹ lưỡng lên cãi mũi đáng ghét của cô. Cô thậm chí còn hỏi tôi: - Trông em thế nào, hả anh? Và lập tức, không đợi tôi trả lời, cô chạy vọt ra phòng khách, thốt lên bằng một giọng khác hẳn, một giọng mừng rỡ giả tạo: - Xin chào mừng ngài, ngài Côntê! Ngài có khỏe không ạ? Ngài có được bình an không ạ? Từ trong bếp, tôi bước ra. Glôria bèn nói: - Đây là anh họ em… Đúng là một kẻ càn rỡ, Côntê (một gã đàn ôn chừng năm mươi tuổi có bộ mặt xám xịt, nặng như chì) đứng giữa phòng khách, hai tay vẫn đút túi áo choàng, không buồn bỏ mũ, thậm chí không thèm nhìn tôi. Không hề để ý tí nào đến chúng tôi, hắn tiếp tục nói chuyện với người mối nhà, một https://thuviensach.vn người trạc trung niên, trông có vẻ một quân nhân về hưu, có giáo dục và lịch sự hơn bản thân hắn ta nhiều. - Không cần phải kể lể dài lời… Tôi đã đánh giá ước lượng mọi thứ ở đây bằng mắt cả rồi… Phòng khách… Bốn phòng… - Cộng với phòng ngủ của đầy tớ là năm ạ - Theo ông thì đấy cũng gọi là phòng à? Thôi được rồi, phòng khác, năm phòng và một nghìn rưởi mét vuông đất. Thế phỏng? - Với lại ga-ra. - Với lại ga-ra. Và tất cả những cái đó Môricôni đánh giá là mười sáu triệu? Ông có thể giải thích cho tôi ở đâu ra mà những mười sáu triệu không? - Một khu nhà, cứ tính năm nghìn một mét vuông, thành ra bảy triệu rưỡi. - Cứ cho là như thế. Nhưng một cái nhà tồi tàn như vầy tôi đi thuê bất kỳ tốp thợ nề nào xây cho cũng chỉ tốn độ vài ba triệu. Thế còn những gì mà hơn sau triệu nữa? - Còn các thứ đồ gỗ trong nhà nữa. - Đồ gỗ nào? Ông cho tôi là thằng ngu hay sao? Bộ bàn ghế với cái tủ tòng tọc này ấy à? Chỉ có giả thử như cả cô tiểu thư này cũng kể vào bộ sa lông thì khi ấy may ra tôi mới có thể có ý kiến khác. Câu nói thô bỉ đó như mũi dao đâm vào tôi. Tôi nhìn sang Glôria. Một lần nữa tôi sửng sốt khi thấy cô mỉm cười, hơi bồn chồn, dao động một chút nhưng rõ ràng là vừa ý. Đưa tay lên sửa lại mái tóc, cô nói với vẻ đỏng đảnh: - Em đáng giá ít thế thôi ư, thưa ngài? - Thế cô cho rằng năm triệu bạc là ít à? Làm gì có người phụ nữ nào trên đời này đáng giá năm triệu? Và tất cả những lời nói đó là nghiêm chỉnh, cởi mở! Còn Glôria, thì đáng lẽ phải thấy bị xúc phạm, lại nhoẻn miệng cười. Có lẽ người mối nhà cũng https://thuviensach.vn cảm thấy như tôi, vì thấy ông ta nói một cách bực bội: - Tôi không có quan hệ gì với tiểu thư đây cả. Ngài Môricôni bán nhà có thể tính cả cô vào đây nếu ngài ấy muốn, cái đó không liên quan gì đến tôi. - À, đấy là tôi nói thế thôi, nhân tiện… Hai người tiếp tục xem nhà. Tôi với Glôria đi theo họ từ phòng này sang phòng khác, và Glôria thì vừa đi vừa ỏn ẻn, ngoáy mông, cố làm đỏm trước mặt Côntê. Còn thằng cha thô bỉ ấy thì cứ tiếp tục cái trò ỡm ờ thô bỉ của hắn: Được rồi, đồng ý sẽ trả cả mười sáu triệu nếu Môricôni nhường cả tiểu thư đây theo căn nhà. Tôi bỗng thấy buồn nôn và bỏ ra vườn. Glôria lo lắng chạy ra theo tôi. - Tại sao anh lại bỏ đi? - Tại vì nếu anh ở lại thì anh sẽ đấm vào mõm cái thằng cha Côntê này. Chẳng nhẽ em không hiểu là nó lăng mạ em hay sao? - Về chuyện đồ gỗ ấy ư? - Chứ sao! Em trở nên ngớ ngẩn thật rồi à? - Em phải lo cho tương lai của em. - Cô trả lời và bỏ mặc tôi đấy đi vào nhà. Họ còn đi một thôi một hồi nữa qua các phòng, sau đó Côntê cùng với người mối nhà chào tôi và Glôria bước ra xe đang đợi họ ở trên đường. Đó chỉ là một động tác giả, vì vừa đi đến hàng rào sắt thì Côntê quay trở lại nói với Glôria: - Xin cô cứ việc ở lại biệt thự này… Mai tôi đánh xe đến, chúng ta sẽ ăn sáng cùng nhau… Và sẽ nói tiếp giá đồ gỗ. Hắn lấy tay vuốt má cô vẻ kẻ cả, còn cô ngượng nghịu mỉm cười hàm ơn. Xe của hắn vừa ra khỏi, tôi nói: - Xin vĩnh biệt, tôi đi đây… Ấy thế mà Côntê nói cũng đúng đấy: năm triệu bạc một người phụ nữ đắt giá. Giá như tôi thì tôi chẳng bỏ ra đến năm đồng lia! https://thuviensach.vn Nghe câu đó, Glôria đỏ mặt. Đầu tiên là cái mũi sau đến hai má đỏ nhừ. Đột nhiên cô dậm chân, quát: - Anh bước đi! Bước đi! Tất cả hãy xéo hết đi, cút hết cả đi! Rồi cô chạy vào nhà, đóng sập cửa lại. Tôi nhìn quanh. Trời đã sắp tối. Bầu trời còn cháy đỏ giữa những vòm lá thông, nhưng bóng chiều xanh sẫm đã bắt đầu trùm lên chân trời hoàng hôn, và mọi ngôi nhà to nhỏ thấp thoáng giữa những lùm cây quạnh hiu không một bóng người của Frétgiêna trông rất ảm đạm. Tôi nghĩ bụng: “Thôi, vĩnh biệt Frétgiêna! Mình sẽ không bao giờ đặt chân đến đây lần nữa. Thà chết còn hơn!”. Rồi tôi tiến đến bên cửa sổ nói vọng vào: - Này, sau hai tiếng nữa, tôi sẽ đi xe máy quá rừng thông, chỗ ngã ba có quán báo ấy. Nếu cô đến, tôi sẽ đèo cô về Rôma… Rồi ra sao sẽ hay. Nhưng nhớ đấy: tôi sẽ không đợi cô một phút nào đâu! Tôi nghe từ trong nhà vọng ra, đáp lời tôi, nửa như tiếng khóc, nửa như tiếng rên. Không nói thêm câu nào, tôi quay trở ra, đi thẳng. Tôi bước nhanh theo triền sóng ngược trở về. Về đến nhà, tôi gặp cả nhà đang ăn tối. Bữa hôm nay có mì ống với giò. Tôi tuyên bố rằng tôi phải về Rôma ngay, rằng công sở có việc cần gọi tôi, và tôi nhận thấy người nhà không hề tỏ ra phiền lòng chút nào. Có lẽ ngược lại. Tôi cột chiếc vali con của mình vào sau xe máy, ôm hôn lần lượt tất cả mọi người, rồi phóng xe trên lộ Aurêlia. Đúng đến giờ hẹn, tôi đã ở trong rừng thông, giữa ngã ba gần quán báo. Glôria đã đứng đợi tôi ở đấy. Cô mặc áo măng-tô đỏ nổi rõ cả trong tối. Và khuôn mặt xinh đẹp - tuy có hơi bị thiệt thòi vì cái mũi - của cô lại trở nên trìu mến đối với tôi. Cô cũng chỉ có một cái vali con như của tôi. Không nói gì cả, tôi lặng lẽ xách chiếc vali đặt lên trên vali của tôi, cột lại. Cô ngồi lên đệm xe sau tôi, vòng tay ra trước bụng tôi, ôm chặt lấy. Tôi nghe tiếng cô cười vang rồi ghé vào tai tôi nói thầm: - Em rất sung sướng được gọi anh đi cùng. Và hôn vào tai tôi. https://thuviensach.vn Tôi lắc đầu, mở máy, và chúng tôi bắt đầu phóng. Một giờ sau, hai chúng tôi đã đến Rôm. https://thuviensach.vn ĐỒ VẬT Người dịch: Hoàng Hải “Nó ở vào một trong những phố ngang chạy từ đường Phơlamynia đến bến sông Tibrơ, cách đây hai phố”. Livia có vẻ nóng lòng muốn đến ngay phố có căn hộ đó. Cô ta nóng ruột quá đấy, Xirô nghĩ, cho dù, đây có là căn hộ mà hai người sẽ sống với nhau sau ngày cưới chăng nữa. Lòng tự hỏi nguyên nhân của sự bồn chồn quá đáng ấy mà không giải đáp được, Xirô cho xe chạy dưới làn mưa xám nhỏ hạt trên con đường nhựa láng bóng của con tàu, tới con đường ngang thứ hai, anh quặt tay lái rẽ vào: đó là một phố cũ bình thường, không đẹp không xấu, không mới không cũ, với hai dãy nhà màu vỏ bánh mì cháy, với những chiếc ôtô đỗ dọc vỉa hè, nhưng không có một cửa hàng nào. Một phố yên tĩnh! Đến trước cánh cửa phía trên treo tám biển đỏ với hai chữ “cho thuê”, Livia reo lên: - Đây rồi! Xirô dừng xe lại, họ bước xuống, đi vào gian buồng ngoài giản dị gạch lát thường, hai bên có những chậu cây bằng đất nung trang trí. Ở thang máy, Xirô hỏi cô vợ chưa cưới: - Em thấy căn hộ thế nào? - Em mới qua đây sáng nay và thấy tấm biển “cho thuê”. Cái cách tốt nhất để tìm nhà thuê là đi dạo và nhìn những tấm biển. - Thế em đã lên phòng chưa? - Chưa đâu! Em hỏi người gác nhà, bác ta bảo chỉ có thể vào xem từ hai đến bốn giờ chiều thôi. Nhưng em bảo bác ấy tả cho em nghe: đúng như mình mong muốn đấy. - Em làm sao thế? Tại sao lại bồn chồn thế? - Em không bồn chồn đâu. Em hài lòng thôi. Tìm kiếm bao lâu rồi, rốt cục bây giờ chúng mình mới hết vất vả. https://thuviensach.vn Thang dừng lại, họ bước ra ngoài. Ở đầu cầu thang chỉ có một cánh cửa sổ, bằng gỗ mộc, bản lề bằng sắt rèn, non thô sơ. Xirô nhìn tấm biển đồng, đọc: Hippôlit. - Tên nghe nhộn thật. - Anh nói giọng gay gắt - Hippôlit, tên thế đây. - Anh hỏi, sống sượng… - Có gì là lạ nhỉ? Tên anh ta là là Hippôlit. Nhưng không thấy ghi nghề gì, chức vụ gì. Anh ta là bác sĩ, hay luật sư? Mà Hippôlit chỉ là cái tên gọi thôi, anh chàng không có họ nữa sao? Xirô thấy người yêu nhún vai, anh bỗng nổi máu ghen về quyền sở hữu bộ mặt xinh xắn, thanh tú, nới cặp mắt to, chiếc mũi dọc dừa, cái miệng nhỏ hồng tươi. Anh hăm hở nói: - Cho anh hôn một cái. - Nhưng chúng mình cần phải đi xem căn phòng đã chứ. - Hôn anh một cái đã. - Không, ai lại hôn lúc này? - Livia đang còn đặt bàn tay lên nút bấm chuông thì Xirô kéo cô vào lòng ôm hôn. Hầu như đúng lúc đó cửa mở, và một thanh niên hiện ra trên ngưỡng cửa. Nom anh ta như một con gấu to nhưng có vẻ béo lùn, thô kệch, lừ đừ, với cái đầu to tròn, mái tóc rậm xoăn, cặp mắt lờ đờ buồn ngủ, mũi ngắn, miệng rộng. Hai người vội rời nhau ra: Livia có vẻ như hơi ngượng còn Xirô tỏ ra trâng tráo và thoả mãn. Người chủ nhà nhìn họ một lát rồi hỏi: - Anh chị cần gì? Anh ta có giọng nói to, rất trầm, và Xirô bỗng cảm thấy một nỗi lo ngại, một mối nguy hiểm mơ hồ. Anh nói, như để xin lỗi, nhưng thực ra để xác định rõ quan hệ của anh với Livia. - Xin anh thứ lỗi. Chúng tôi đã hứa hôn với nhau và chúng tôi đã hôn nhau ngay trước cửa phòng anh trước khi bấm chuông. Chúng tôi đến để xem căn nhà này. https://thuviensach.vn Anh thanh niên không có nhận xét gì về lời giải thích của Xirô, đưa tay cho anh bắt và nói: - Xin phép tự giới thiệu, tôi là Hippôlit. - Hân hạnh được biết anh… Còn đây là Livia. - Hân hạnh… Mọi người cùng vào. Như bỗng dưng muốn tỏ vẻ ta đây là chồng sắp cưới của Livia trước Hippôlit, Xirô liền bảo Livia: - Em xem, môi anh có dính son không? - Lúc này Hippôlit đã đóng cửa xong, quay nhìn họ nhưng không nói gì. Còn Livia thì thẹn đỏ mặt. Cô trả lời lạnh nhạt: - Không, không có gì. - Thế mà anh lại tưởng rằng… - Không có gì mà… Với lại, em có thoa son đâu. Hippôlit nói với họ, như thể chặn đứng cuộc đối đáp giữa hai người. - Đây là lối vào phòng. Lối đi hỏ hẹp như lối vào tu viện: trần hình vòm, tường quét vôi trắng. Trong đó kê một chiếc rương to, với những chiếc ghế kiểu thời Phục hưng và một chiếc đèn bằng sắt rèn. Xirô hỏi Hippôlit. - Anh là sinh viên? - Không, tôi làm về điện ảnh, tôi viết kịch bản. Livia bỗng chú ý tới câu chuyện, hỏi: - Anh cũng là đạo diễn nữa chứ ạ? Trước khi trả lời, Hippôlit nhìn cô một lát bằng cặp mắt đùng đục. Rồi anh ta nói giọng trầm trầm: - Chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ quay phim tôi viết. Bây giờ thì tôi rèn nghề bằng viết kịch bản. Không biết làm thế nào để tỏ rõ nỗi ác cảm đối với Hippôlit, Xirô tuyên bố: https://thuviensach.vn - Trong nghề làm phim, cái gì cũng dễ, hay ít ra thì cũng có vẻ dễ làm. - Thế còn anh, anh làm gì? - Học để thành kỹ sư Hippôlit mở một cánh cửa và nói: - Đây là phòng ngủ. Căn phòng nhỏ, có một cửa sổ trông ra sân thượng chạy vòng quanh tầng gác. Qua kính cửa là bầu trời xám đục của một ngày mưa… Nguồn: cinet.gov.vn https://thuviensach.vn ĐỨA BÉ Dịch giả: Miêng Khi người đàn bà trong ban cứu tế thành phố Rome mang tiền tới cho chúng tôi, cả bà ta, cũng hỏi là tại sao chúng tôi sinh chi nhiều con đến thế. Vợ tôi hôm ấy bãn tính, dấm dẳn nói toạc sự thật ra : "Nếu có tiền, chiều chiều chúng tôi cũng sẽ đi cinê... Bởi vì không có nên đi ngủ sớm. Vậy là có con". Nghe những lời đó thì bà ta kiểu cách bỏ đi, cắn chặt môi. Tôi trách nhà tôi, bởi sự thật không phải lúc nào nói ra cũng tốt, và còn phải biết mình đang nói chuyện với ai chứ. Khi còn trẻ và chưa lập gia đình, tôi thường giải trí bằng cách đọc mục tin tức của Rome trong báo, kể đủ loại bất hạnh có thể xảy tới cho người ta : trộm cắp, giết người, tự tử, tai nạn giao thông, vân vân. Và giữa những tai ương này, điều duy nhất mà tôi cho là không thể nào chịu để xảy đến cho mình, là trở thành cái mà nhà báo gọi là "trường hợp đáng thương", tức là một người gợi lên lòng thương hại của kẻ khác không vì một bất hạnh gì đặc biệt, mà chỉ vì sự hiện hữu của mình thôi! Tôi vừa nói là hồi đó còn trẻ, và chưa hiểu thế nào là nuôi nấng một gia đình đông đúc. Nhưng bây giờ, tôi nhận thấy một cách hãi hùng rằng từ từ, tôi biến thành một trong những "trường hợp đáng thương" đó. Ví dụ tôi đọc thấy: "Họ sống trong sự khốn cùng đen tối nhất..." Vậy mà hiện tại tôi đang sống trong cảnh khốn cùng đen tối nhất. Hay là: "Họ ở trong cái nhà chỉ có tên gọi là nhà". Thế mà tôi sống ở Tormarancio, với vợ và sáu con, trong một căn phòng chỉ rộng bằng tấm nệm, và khi trời mưa thì nước chảy trên đó như trên bến Ripetto. Tôi còn đọc thấy: "Khi người đàn bà bất hạnh biết là mình có bầu, bà ta vội lấy một quyết định tội lỗi là hủy diệt cái trái của cây tình yêu đó đi..." . Vậy mà cái quyết định này, vợ chồng tôi cùng đồng lòng, khi khám phá ra rằng vợ tôi có bầu lần thứ bảy. Tóm lại, chúng tôi định là khi thời tiết cho phép, chúng tôi sẽ mang đứa bé bỏ trong một nhà thờ, trông nhờ vào lòng hảo tâm của người nào bắt gặp nó đầu tiên. https://thuviensach.vn Luôn luôn nhờ các bà trong ban cứu tế ấy, vợ tôi đi sinh ở bịnh viện và khi lấy lại sức thì trở về Tormarancio với đứa bé. Bước vào căn phòng của chúng tôi, vợ tôi nói : "Nhà biết không, mặc dầu bịnh viện luôn luôn là bịnh viện, tui sẵn lòng ở lại đó hơn là về đây". Với những lời đó, đứa bé làm như hiểu được, bèn tấn công bằng những tiếng ré thủng màn nhĩ. Một cái phổi tốt, mạnh khỏe, và nó tốt giọng đến nỗi ban đêm khi nó thức giấc và bắt đầu mè nheo thì không ai trong chúng tôi ngủ lại được. Khi tháng năm tới, thời tiết bắt đầu ấm áp có thể ở ngoài mà không cần măng tô, chúng tôi đi Rome. Vợ tôi ôm chặt đứa bé vào ngực, ních cho nó đầy giẻ rách như thể sắp bỏ nó giữa đống tuyết. Và khi tới thành phố, chắc là để che giấu nỗi đau lòng, vợ tôi bắt đầu thao thao bất tuyệt, hổn hển đứt hơi, tóc tai bay trong gió, mắt lộn tròng. Khi thì bả nói về các nhà thờ khác nhau mà chúng tôi có thể bỏ đứa bé lại đó, giải thích rằng phải là một nhà thờ thường có nhiều người giàu có tới lui - bởi vì nếu đứa bé rơi vào tay người nghèo như chúng tôi thì tốt nhất là cứ giữ nó lại. Khi thì bả nói rằng phải là nhà thờ cống hiến cho bà Thánh Madone, bởi vì Thánh Madone cũng từng có một đứa con trai nên có thể hiểu được một số chuyện và sẽ nhậm lời cầu xin của bả... Sự liến thoắng này làm tôi mệt và bị khích động dữ dội. Hơn nữa là tôi không hãnh diện gì và không thích việc mình đang bắt buộc làm. Nhưng tôi không nói gì, tự nhủ thầm là phải giữ cái đầu thật lạnh, chứng tỏ mình trầm tĩnh và giúp vợ can đảm. Tôi đưa ra vài nhận xét, với mục đích chính là cắt đứt cái trò tràng giang đại hải ấy, nói : "Tôi có ý này... Nếu mình bỏ nó ở nhà thờ Thánh Pierre?". Nhà tôi hơi lưỡng lự một chút rồi nói: "Cái nhà thờ đó cứ như là một nơi bí mật quân sự... Mình có thể sẽ không bao giờ thấy lại thằng bé... Không, tui muốn thử ở cái nhà thờ nhỏ ở Condotti. Ở đó toàn là tiệm hàng đẹp đẽ... Biết bao nhiêu người giàu có tới lui... Chỗ đó tốt đấy..." Chúng tôi đi xe buýt, và giữa các hành khách khác, nhà tôi im. Thỉnh thoảng bả còn quấn đứa bé trong chăn chặt hơn, hay cẩn trọng giở hé ra để nhìn mặt nó. Thằng bé ngủ, khuôn mặt xinh xắn trắng hồng vùi trong đống https://thuviensach.vn tã lót. Quần áo nó tồi tàn như chúng tôi, và chỉ có vẻ đàng hoàng ở đôi găng tay len xanh nhạt thò ra ngoài nên cứ thể như nó muốn khoe. Chúng tôi xuống đại lộ Goldoni và tức thì vợ tôi bắt đầu cà kê dê ngỗng. Bả dừng lại trước một tiệm kim hoàn, chỉ cho tôi xem những món bày trong tủ trên tấm nhung đỏ và nói : "Nhìn mấy món đẹp quá nè ... Người ta đến khu này chỉ để mua nữ trang và bao nhiêu thứ đẹp đẽ khác... Người nghèo như tụi mình thì đừng có mạo hiểm vào đấy... Họ thì giữa cửa tiệm này và cửa tiệm khác lại vào nhà thờ cầu nguyện một lát... Họ có đầy lòng tốt... Một trong bọn họ sẽ trông thấy thằng bé và đem nó đi". Nhà tôi vừa nói vừa nhìn đồ nữ trang, ép chặt thằng bé vào ngực, mày nhíu lại như thể nói với chính mình, và tôi không dám hó hé gì. Chúng tôi vào nhà thờ: nó nhỏ xíu, tường dát đá hoa giả màu vàng, ngoài bàn thờ lớn ra còn có rất nhiều nhà nguyện. Nhà tôi tức thì tuyên bố là nó hoàn toàn khác với hình ảnh nhà tôi nghĩ, và rằng bả không hài lòng về nó chút nào. Vậy mà bả cũng chấm tay vào nươc phép và làm dấu thánh giá. Rồi, với đứa bé trong tay, nhà tôi đi chầm chậm một vòng quanh nhà thờ với vẻ bất mãn và nghi ngờ. Từ vòm nóc đổ xuống một luồng ánh sáng lạnh nhưng sống động, xuyên qua lớp kính màu. Vợ tôi đi từ nhà nguyện này đến nhà nguyện khác, thám thính hết mọi cái, ghế, bàn thờ, tranh ảnh, coi thử có tiện bỏ đứa bé lại đây không - và tôi thì lẽo đẽo theo sau cách một quãng, vừa nhìn chừng cửa ra vào. Một cô gái cao lớn ăn vận toàn đỏ, tóc vàng óng bước vô. Hơi vướng vì cái rốp chật bó, cô ta quỳ gối và sau vài giây cầu nguyện, cô làm dấu rồi bỏ đi ra, không thèm nhìn chúng tôi lấy một cái. Theo dõi mọi cử chỉ đó, vợ tôi thình lình nói : "Không, nhất quyết là không... Những người tới đây đều như cái cô đó hết, ai cũng vội vã đi vui chơi và tha thẩn trong các cửa hàng... Mình đi thôi". Và vừa nói, vợ tôi bước ra khỏi nhà thờ. Chúng tôi ngược lên gần hết Corso, bước rất nhanh, vợ đi trước, tôi theo sau, và ngang tới quãng trường Venise, chúng tôi vào một nhà thờ khác. Nhà thờ này lớn hơn cái trước nhiều, một phần chìm trong bóng râm, đầy màn trướng xếp nếp, đồ mạ vàng và hòm thánh tích đựng những quả tim https://thuviensach.vn bằng bạc sáng lấp lánh trong bóng tối. Có rất đông người và chỉ một cái nhìn thoáng qua cũng đủ biết là họ thuộc thành phần khá giả. Các bà đội mũ, các ông ăn bận chỉnh tề. Một ông linh mục đang giảng đạo, vung vẩy hai tay trên giảng đài. Thiên hạ đứng, dán mắt vào ông ta và tôi nghĩ là rất thuận tiện bởi không ai để ý chúng tôi. Tôi nói nhỏ với vợ : "Mình thử bỏ nó ở đây ?". Nhà tôi ra dấu đồng ý. Chúng tôi đi tới nhà nguyện bên cạnh, rất tối. Không có ai và có thể nói là không thể trông thấy gì ở đó hết. Vợ tôi che mặt đứa bé bằng một vạt chăn và đặt nó trên ghế như thể đặt một cái gói cồng kềnh cho tay được rảnh rang. Rồi bả quỳ xuống và cầu nguyện rất lâu, úp mặt vào lòng bàn tay. Tôi thì không biết làm gì, nhìn vớ vẩn vào hàng trăm con tim bạc đủ cỡ phủ kín tường. Cuối cùng vợ tôi đứng lên với vẻ căng thẳng, làm dấu và từ từ rời nhà nguyện. Tôi theo sau cách một quãng. Lúc đó ông cha đạo kêu to lên : "Và Chúa hỏi Pierre, con đi đâu đấy?". Tôi rùng mình với cảm tưởng ông đang hỏi mình. Nhưng khi vợ tôi sắp vén tấm trướng cửa, một giọng nói làm cả hai chúng tôi giật nẩy người : "Này bà, bà bỏ quên cái gói trên ghế". Đó là một bà vận toàn đen, một trong những kẻ mê đạo suốt ngày tiêu thì giờ trong các nhà thờ và kho đồ lễ. Vợ tôi nói : "A vâng đúng rồi, cám ơn... Tôi quên mất". Chúng tôi lấy lại cục nợ và ra khỏi thánh địa, dở sống dở chết. Ra tới ngoài, bằng một giọng của người bán hàng muốn tống bôi lôi khứ món hàng đi mà không tìm ra người mua, vợ tôi nói : "Không ai muốn nó cả, thằng bé tội nghiệp của tôi!". Tuy nhiên bả bắt đầu chạy lon ton với những bước chân giật giật từng cơn như không bén đất. Chúng tôi đổ ra quãng trường Saints-Apôtres. Nhà thờ mở cửa, và khi vào thấy nó rộng mênh mông và tối, vợ tôi thầm thì: "Đây tốt đấy". Bằng một bước cả quyết, vợ tôi tiến tới nhà nguyện ở bên, đặt đứa bé xuống băng, rồi làm như bị đất nung hai chân, bả không làm dấu, không cầu nguyện, không đặt ngay cả một cái hôn lên trán thằng bé, bước vội ra cửa. Nhưng vừa đi được vài bước thì trong nhà thờ dội lên tiếng khóc tuyệt vọng: đã tới giờ thằng bé đòi bú, nó đói. Với tiếng ré chát chúa đó, vợ tôi https://thuviensach.vn