🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tướng Navarre Với Trận Điện Biên Phủ
Ebooks
Nhóm Zalo
Tướng Tướng NAVARRE Với Trận Điện Biên Phủ
Jean Pouget
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Mục lục
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10 (Đoạn kết)
Jean Pouget
Tướng NAVARRE Với Trận Điện Biên Phủ
Chương 1
Nguyên bản tiếng Pháp “Nous étions à Dien Bien Phu”,
Nhà xuất bản Presses de la Cité
Buổi vỡ lòng
Ngày 11 tháng 5 năm 1953, tôi đang đóng quân ở Tây Đức thì nhận được công điện: “Pouget được làm sĩ quan tùy tùng của Tổng chỉ huy Đông Dương”
Từ đó trở đi, tôi được theo tướng Navarre trong các chuyến đi công tác liên tục tại Đông Dương. Tôi được ngồi ngay bên cạnh tướng quân trên máy bay và trong xe ô tô. Trong phòng họp báo cáo tình hình chiến sự có một chiếc ghế dành riêng cho tôi, đặt sát cửa ra vào. Cánh cửa được khép kín ngay sau lưng tôi bên ngoài có treo biển “Họp bàn chiến sự. Tuyệt mật”.
Trong những buổi chiêu đãi chính thức, tôi được báo trước một chỗ ngồi. Nhiều khi vô tình tôi được nghe những lời tướng Navarre bộc lộ từ đáy lòng. Tôi được cất giữ những hồ sơ mật ngoài bìa ghi rõ “tuyệt đối dành riêng cho Genechef” (tức tổng tư lệnh, viết tắt).
Tại Sài Gòn, tôi sống ngay trong cơ quan Tổng chỉ huy của tướng Navarre. Bàn giấy của tôi trấn ngay phía cửa ra vào. Tướng Navarre cùng ăn cơm với tôi trên một chiếc bàn, giáp mặt nhau.
Giữa đám đông nhân viên các cục, các ban, tôi là người gần gũi tướng quân nhất, có thể nhận xét vị tổng chỉ huy khi ông ngồi lặng lẽ một mình. Tôi cũng là người được chứng kiến một cách bất lực và thầm lặng tất cả những nỗ lực của tướng quân trong công tác miệt mài. Tôi đã theo dõi trên khuôn mặt Đại tướng một khuôn mặt hoàn toàn bộc lộ không cần che đậy trước mắt tôi tất cả cuộc đẩu tranh riêng tư chống lại sự hoài nghi và lo lắng, mà khi đứng trước mặt công chúng ông đã phải che giấu dưới nụ cười làm ra vẻ tin
tưởng và những câu chù lạc quan trong những bản thông báo do ông soạn thảo.
Chúng tôi rời Paris đi Tokyo trong cuộc hành trình tới Viễn Đông trên chiếc máy bay mang tên Constellation vào hồi 22 giờ 30 phút cất cánh từ sân bay Orly. Chuyến bay chở rất ít hành khách và chỉ có hai người đáp xuống Sài Gòn là tướng Henri Navarre và viên sĩ quan tùy tùng là tôi.
Tướng Henri Navarre mới chỉ được biết tin được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương được chín ngày. Trong suốt một tuần, ông phải bù đầu rối bận vì những cuộc thăm hỏi tìm hiểu tình hình, nghe những lời khuyên do chính tướng quân yêu cầu hoặc bắt buộc phải nghe. Chỉ tới lúc trên máy bay, tướng quân mới được rảnh rang thoát khỏi những cuộc đón tiếp bạn bè, những người đến cầu cạnh và nhũng cú điện thoại thăm hỏi. Trong máy bay tướng quân ngồi trầm lặng, đầu ngoẹo về một phía, hai ngón của bàn tay phai chống vào má, một động tác quen thuộc giúp ông tập trung tư tưởng.
Bất chợt cô chiêu đãi viên bằng một giọng ngọt ngào báo tin máy bay đang vượt qua đỉnh Núi Trắng. Lúc đó, tướng quân mới chợt bừng tỉnh cơn suy nghĩ. Ông bắt đầu nói chuyện với tôi, nhưng vẫn cứ như nói một mình. - Số mình thật lắm chuyện bất ngờ. Từ ngày tốt nghiệp trường Cao đẳng quân sự Saint Cyr, sự nghiệp của mình toàn hướng về các chiến trường Đức và châu Âu. Đúng là mình cũng có tham gia các chiến dịch ở Syrie và Ma rốc, nhưng chủ yếu vẫn là ở Alsace và ở Đức. Làm đủ mọi việc: quân báo, tham mưu rồi chánh văn phòng lực lượng Pháp chiếm đóng Tây Đức. Mình đã tưởng sẽ yên vị giữ mãi chức Tổng tham mưu trưởng lục quân khối NATO khu vực Trung Âu.
Thế mà đùng một cái lại được chọn làm Tổng chỉ huy ở Viễn Đông. Quả là không tưởng tượng nổi.
Mình đang được các đồng minh ở châu Âu hiểu rõ và tín nhiệm. Mình cũng đang say mê làn sương mù sông Rhin, cái giá băng vùng châu thổ miền Bắc, vẻ nên thơ của khu rừng Đen trên đất Đức… Thế mà nay lại phải cầm quân
trong cái nóng bỏng ở Sài Gòn.
Rồi tướng quân lắc đầu như muốn lộ vẻ khó thông và nói:
- Có lẽ, đến chín mươi phần trăm là mình sẽ ngã gục ở đó mất. Nói xong câu đó, Đại tướng xoay người nhìn thẳng vào tôi. Thì ra không phải ngài suy tưởng một mình mà là nói chuyện với tôi. Do đó, tôi mới dám hỏi lại:
- Vậy thì, thưa Đại tướng, tại sao ngài lại chấp nhận sang Đông Dương? Buột miệng xong tôi mới biết thật là một câu hỏi ngớ ngẩn. Thế nào mà chẳng được trả lời một câu chung chung là: “vì nhiệm vụ quân nhân” hoặc “vì vinh dự của trọng trách”. Nhưng tướng Navarre không trả lời ngay. Ông chần chừ, có lẽ đang muốn tìm một câu trả lời nào không có vẻ công thức. Cuối cùng thay cho câu trả lời trực tiếp ông đã kể lại cho tôi nghe cụ thể câu chuyện đã “bị chỉ định sang Đông Dương” như thế nào.
Hồi tháng 5 năm 1953, Đại tướng Henri Navarre đang ở Đức thì nhận được điện thoại của Thủ tướng Réne Mayer từ Paris gọi tới. Hai vị biết nhau từ hồi tướng Navarre làm chánh văn phòng các lực lượng Pháp chiếm đóng Tây Đức và ngài Réne Mayer làm Cao uỷ Pháp phụ trách các vấn đề Đức và Áo khi tướng Navarre chuyển sang chỉ huy một sư đoàn Pháp ở Constantine, Algerie, thì ngài Mayer cũng là nghị sĩ đại biểu tỉnh Constantine thuộc Pháp. Vì vậy đã thân càng thêm thân.
- Thưa tướng quân, theo đề nghị của tôi, ngày mai Chính phủ sẽ họp và ra quyết định cử ngài làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương.
Lúc này, tướng De Lattre đã qua đời. Tướng Raoul Salan được cử lên thay cũng đã trở về Pháp từ nhiều tháng nay. Người ta đã tiến cử một loạt các vị tướng khác như Valluy, Morlierès, Magnan, Cherrieres… và nhiều vị nữa, nhưng tất cả đều bị loại bỏ, bởi vì, người thì bị coi là “tả” quá, người lại bị coi là “hữư” quá. Tướng Navarre là người vừa mới được giới thiệu, xếp cuối cùng trong danh sách đề cử. Đúng là khi được báo tin, tướng Navarre đã vin vào nhiều lý do để khước từ, nhưng ngài Thủ tướng vẫn khăng khăng nói:
- Này ông bạn ạ. Nếu tôi báo trước cho ông biết tin này thì… điều đó không phải để hỏi ý kiến ông đâu. Tôi đã quyết định rồi. Tôi biết ông rõ đến mức đủ để hiểu rằng, ông không từ chối một trọng trách đầy khó khăn nguy hiểm như thế này.
Năm đó, tướng Navarre 55 tuổi. Ông đã từng là sĩ quan từ năm 1916, giữa cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng, tướng quân vẫn giữ ý kiến, ông chưa được chuẩn bị chút gì cho nhiệm vụ này.
Sở trường của ông, sở thích của ông và cả cuộc đời binh nghiệp của ông đã hướng ông vào các vấn đề thuộc địa cũ kỹ, một căn bệnh bị nhiễm độc do thiếu được chăm sóc đã chuyển thành ung thư.
Bệnh hoại thư đang ngày càng lan đến những tế bào lành của cơ thể. Có lẽ phải cắt bỏ. Tướng Navarre đã nói như vậy với Thủ tướng Mayer và tự coi mình không đảm đương được chức vụ này.
Nhưng Thủ tướng nói:
- Đây không còn là vấn đề thuộc địa nữa. Nhiệm vụ tôi giao phó cho ông không phải là để thiết lập lại chủ quyền của Pháp ở nơi này? Chúng ta đã sa lầy suốt sáu năm trong vụ việc Đông Dương, những tài nguyên quân sự đang kiệt quệ, chính trị đang rối ren. Chúng ta phải tìm ra một giải pháp tháo gỡ trong danh dự. Chính do ông hiểu biết sâu sắc các vấn đề chính trị của châu Âu và chưa biết gì mấy về các vấn đề thuộc địa lại giúp ông nhìn nhận sự việc bằng cặp mắt mới mẻ.
Tôi đề nghị ông đi ngay Sài Gòn sau khi thu xếp xong hành trang, tìm hiểu tình hình tại chỗ rồi trở về báo cáo. Tôi hạn cho ông một tháng. Cần phải hành động gấp.
Trước khi lên đường, tướng Navarre hối hả tìm gặp Thống chế Juin, người kỳ cựu nhất trong quân đội, được coi là bậc lão thành có nhiều kinh nghiệm, có thể đưa ra những lời khuyên tốt. Nghe tướng Navarre giãi bày tâm sự xong, Thống chế Juin thẳng thừng đáp lại như tác phong vốn có:
- Dứt khoát, đây là một cú… gay go cho ông đấy. Nhưng dù sao cũng phải có một người dám tận tụy lao vào.
Tướng Navarre hỏi lại:
- Tình hình quân sự đã tuyệt vọng rồi hay sao, thưa Thống chế! Thống chế Juin đáp:
- Tôi không thể nghĩ một cách tuyệt đối như vậy. Không tình hình chưa đến mức không còn hy vọng. Tất nhiên, trước hết phải giải quyết là vấn đề chính trị. Ta phải có một đường lối kiên quyết và kiên trì. Với điều kiện phải không ngừng đẩy mạnh nỗ lực trong hai năm. Hai năm đó, có thể đạt được việc phát triển quân đội các quốc gia liên kết trong xứ Đông Dương, có được các lực lượng vũ trang người bản xứ để Việt Minh hiểu rằng họ không có cơ hội giải quyết tình hình bằng biện pháp quân sự. Đó là điều tôi đã trình bày trong bản báo cáo trình Chính phủ sau chuyến đi thị sát của tôi hồi đầu năm. Ông sẽ đọc bản báo cáo này.
Thống chế tóm tắt bản báo cáo đệ trình Chính phủ Pháp sau chuyến đi thanh tra Đông Dương từ ngày 15 tháng 2 đến ngày 7 tháng 8 như sau: “Nếu để mất Thượng Lào sẽ dẫn đến những hậu quả không sao kể hết về mặt chính trị… Từ đó, cộng sản sẽ có thể thâm nhập vào Thái Lan mà không gặp khó khăn trở ngại nào. Chính phủ Bang Kok sẽ có thể sụp đổ như một toà lâu đài làm bằng những quân bài, trước sức ép của cộng sản. Chính phủ Campuchia cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến hậu quả là công cuộc bình định ở Việt nam sẽ lại bị đảo lộn.
Đặt trường hợp việc bảo vệ Thượng Lào được bảo đảm chắc chắn, thì phải… hướng các nỗ lực vào vùng đồng bằng Bắc kỳ. Trên thực tế, dù cho người ta có nói hay viết gì đi nữa thì vùng đồng bằng này vẫn chưa bao giờ được bình định hoàn toàn. Năm 1951 đã có nhận định rằng đây là một vùng bị mọt ruỗng không chỉ riêng về mặt chính trị, mà còn cả về mặt quân sự. Bởi vì Việt Minh đã có thể huy động đa số trai tráng trong vùng vào du kích, trang bị vũ khí cho họ. Trong khu vục do ta phụ trách dù càn đi quét lại liên tục kết quả vẫn là số không. Trong vòng một năm qua, về mặt chính trị thì con số những thôn xóm do ta thật sự kiểm soát thường xuyên, chưa được chọn 12%”.
Cuối cùng, Thống chế kết luận:
- Ông đừng tự huyễn hoặc mình. Chiến dịch 1953-1954 sẽ khó khăn đấy. Trước hết ông cần phải tránh giao tranh với Việt Minh ở vùng đồng bằng bằng đủ mọi cách. Mặc dù trong khu vực này ta có ưu thế hơn Việt Minh về máy bay, pháo binh, xe bọc thép, Việt Minh vẫn có điều kiện thuận lợi hơn. Đó là vì, đồng bằng Bắc kỳ hiện nay đang bị các đơn vị bộ đội địa phương Việt Minh làm cho mọt ruỗng. Những đơn vị tại chỗ này có thể làm tê liệt hậu phương của chúng ta, nhằm hỗ trợ cho chủ lực Việt Minh từ bên ngoài, đang sung sức, nguyên vẹn, lại được Trung Quốc giúp đỡ trang bị sẽ tiến công mạnh mẽ vào quân Pháp. Ông phải tìm cách giành lại thế chủ động. Từ ngày tướng De Lattre qua đời, ta không còn giữ được thế chủ động nữa. Ông cũng sẽ phải giành lại thế tiến công vì tiến công là biện pháp tốt nhất để phòng ngự…
Tướng Navarre và tôi tiếp tục đi dạo rồi dừng lại trước một quầy hàng trong sân bay. Một người Italy đứng trong quầy đang rao bán các khăn quàng dệt bằng tơ lụa. Anh ta tận dụng tất cả vốn liếng ngoại ngữ, cố mời chúng tôi mua hàng. Vì tâm trí đang còn đặt vào nhiều chuyện khác, chúng tôi bất giác bị thu hút vào lời mời của anh ta. Tay tôi sờ vào các khăn voan trong khi tướng Navarre vẫn tiếp tục câu chuyện; ông cho biết vài hôm sau thì ông nhận được lời mời của Tổng thống tới điện Elysée theo nghi lễ khá đầy đủ đã ấn định trong những chương trình tiếp khách của Tổng thống Vincent Auriol. Tổng thống nói với tướng Navarre:
- Hội đồng bộ trưởng trong phiên họp cuối cùng đã quyết định cử tướng quân làm Tổng tư lệnh Đông Dương; việc đề cử này đã trình lên tôi là Tổng thống khối Liên hiệp Pháp. Tôi đã đồng ý với Thủ tướng cho tướng quân đi Đông Dương khảo sát tình hình soạn báo cáo trình Chính phủ về các biện pháp thích ứng nhằm phục hồi sức mạnh cho Đông Dương. Tướng quân sẽ trực tiếp báo cáo với tôi sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Liền sau đó Tổng thống chuyển giọng, nói với tướng Navarre một cách thân mật theo ngôn ngữ xứ Languedoc:
- À! Tướng quân này? Tôi biết rất rõ cụ thân sinh ra tướng quân. Cụ là giáo sư Navarre, thầy học của tôi đấy! Thật tình, càng tưởng nhớ tới cụ, tôi càng sung sướng và tự hào được trao nhiệm vụ này cho tướng quân. Làm sao từ chối được nhiệm vụ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm? Tất nhiên một vị tổng tư lệnh không chấp hành mệnh lệnh máy móc như một thiếu úy. Nhưng, làm sao từ chối được một sứ mệnh mà tất cả mọi người đều nói là mạo hiểm, nhưng danh dự cá nhân lại thúc giục phải chấp nhận? Làm sao từ chối được khi các bộ trưởng, các nguyên soái, thủ tướng, tổng thống đều mời chào thúc ép, buộc phải chấp nhận.
Cũng như làm thế nào từ chối được lời mời của người bán khăn quàng. cứ nài ép mua chiếc khăn mà mình không thích?
- Đây là một chức năng trang điểm cho quý bà, quý cô, quý tiểu thư, mời các ngài mua tặng vợ con hoặc bạn tình (kèm theo một cái nháy mắt và một nụ cười tinh quái). Xin các quý vị mua ngay cho. Giá rẻ. Tôi nói thật giá. Chỉ có một ngàn Franc. Tôi cam đoan phu nhân ở nhà sẽ hài lòng. Hoặc cứ để lại cho tôi địa chỉ. Tôi sẽ gửi đến tận nơi. Khăn rất hợp thời trang. Đúng mốt Paris cũng như Roma…
Cả tướng Navarre và tôi đều mua mỗi người một chiếc khăn quàng. Sau đó, tôi đã quên phắt người bán hàng thì cũng là lúc tôi nhận được thư của vợ. Cô vợ tôi cảm ơn chồng vì đã mua tặng chiếc khăn nhưng cũng nói rất thật là chiếc khăn nom rất lố lăng nên không bao giờ cô quàng cả!
Trong cuộc hành trình tiến đến chiến trường Đông Dương Sài Gòn đối với tướng Navarre chỉ là một chặng dừng chân nóng nực và nghẹt thở có những bữa tiệc chiêu đãi và những buổi lễ chào đón nghi thức, được ấn định trong thời gian biểu tính toán chi li đến từng phút. Tướng quân không bộc lộ ra ngoài một nét gì tỏ vẻ sốt ruột, nhưng rõ ràng trong lòng ông bực bội vì đã làm ông mất thời giờ.
Vẻ hào nhoáng trong bọ lễ phục của những tên lính gác các dinh thự, vẻ xa hoa lộng lẫy trong phòng làm việc và phòng tiếp khách vẻ trịnh trọng quá đáng của các nhà ngoại giao Pháp và nét nhăn nhó khó hiểu trên gương mặt
Thủ hiến Sài Gòn Nguyễn Văn Tâm, tất cả mọi vật mọi người đều không nói lên được một điều gì có liên quan đến cuộc chiến tranh mà tướng quân sẽ phải đảm đương.
Chúng tôi nghỉ tại trụ sở làm việc cũ của tướng Salan. Đó là một biệt thự to lớn, kiến trúc theo kiểu thuộc địa có hàng hiên và nhiều cột chống, mà trước đó tướng Leclere đã trưng thu, đặt đại bản doanh.
Vừa rảnh việc là tướng Navarre rút ngay về phòng riêng. Cuộc hành trình đi Hà Nội được ấn định vào tám giờ sáng ngày hôm sau.
Còn tôi, tôi rất yêu thành phố Sài Gòn. Tôi yêu cái dáng vẻ đường bệ của những công sở và những đại lộ. Tôi yêu cái náo nhiệt của cuộc sống sôi động tại Chợ Lớn. Tôi yêu những mái nhà tranh ở ngoại thành và ở thị trấn Gia Định mà tôi đã từng sống trong những tháng đầu tiên khi tôi đặt chân tới đây lần trước. Tôi đã đi xuyên qua thành phố trong đoàn công xa có hàng rào lính cưỡi mô tô bảo vệ, đi qua đại lộ nào đó mà lần này tôi không nhận ra được nữa.
Vì vậy, ngay sau khi vừa tới Sài Gòn cùng với tướng Navarre, khi ông lui vào phòng riêng của mình thì tôi vội trút bỏ bộ quân phục, mặc chiếc quần dân sự, áo sơ mi trắng - đó là trang phục của “chủ đồn điền” - rồi bước qua cổng sắt có lính gác đêm đang hé mở, đi nhanh ra đường phố mang tên tướng De Gaulle.
Khu phố hành chính chìm trong những vòm lá cây rậm rạp mọc trong vườn, được bố trí bên trong những con đường ngang dọc đều đặn như bàn cờ đang trở nên tĩnh mịch vì trời đã tối khuya. Trên những vỉa hè rộng và dài, những người đi bộ đã thưa thớt. Tới một nơi có con đường đất nhỏ chạy ngoằn ngoèo trên đám cỏ dại, một người phu xe vắng khách đang ngồi trong bóng tối. Nhìn thấy tôi, anh chỉ vào chiếc đệm trắng của chiếc xích lô, ra hiệu mời chào. Tôi đồng ý và nói bằng tiếng Việt:
- Di vé, mao len?(1)
Những tiếng này, tôi vẫn thường xuyên nghe thấy trên đường phố có xe kéo, nhớ lại không khó khăn gì. Nhưng phát âm theo kiểu Pháp và phát đi từ cổ
họng cửa những người Âu, đã trở thành méo mó, không thật chính xác. Phải có thêm địa điểm và thời điểm mới thật rõ nghĩa.
- Di vé, mao lên?
Người phu xe đáp ứng theo cử chỉ, điệu bộ, thái độ của khách ngồi trên chiếc xe đẩy bằng xe đạp. Hẳn anh ta đang đoán nghĩ đây là một ông sĩ quan Tây, diện bộ đồ của chủ đồn điền. Vẻ mặt trắng trẻo, hồng hào thế này thì hẳn là từ bên Pháp mới đến. Nhưng vẻ nhàn nhã lại như mách bảo rằng ông ta đã sang đây lần thứ hai rồi. Ông ta không cho địa chỉ nơi cần đến. Có nghĩa là muốn đi dạo mát. Hẳn là một khách sộp, hào phóng hơn các bà đầm da trắng ngồi trên xe với đồ đạc hành lý nặng nề mà cò kè từng một hai đồng. Ông ta nói “đi nhanh lên” nhưng có vẻ như chẳng vội gì cả.
Người phu xe đội nón nở nụ cười tiếp nhận câu nói của tôi. Anh đạp từ từ theo con đường thẳng trước mặt. Trên đường phố vẫn còn vang lên tiếng gõ lách cách của người bán phở đêm. Bóng lá hàng cây me có quả rất chua mọc hai bên đường che lấp cả ánh đèn điện thành phố. Thỉnh thoảng, người phu xe lại rẽ ngoặt theo góc thước thợ vào một đường phố khác, những đường phố đã từng được mang tên các nhà truyền giáo như Pellerin hoặc các vị đô đốc trở thành thống đốc của thời chinh phục thuộc địa như Richaud. Tới một công viên, chúng tôi nghe thấy ở cuối đường phố văng vẳng tiếng đàn, tiếng hát, tiếng kêu, tiếng cười rú của đàn bà bị kích thích. Người phu xe nói bằng một thứ tiếng Pháp ngô ngọng:
- Tôi biết chỗ có con gái xinh lắm. Tốt lắm!
- Không! Để tôi yên.
Người xích lô dừng chân trên bàn đạp. Tôi ra hiệu dừng xe trước một gánh phở rong. Lúc mới chập tối, tôi được dự cùng với tướng Navarre bữa tiệc chiêu đãi toàn các món ăn nấu theo kiểu Pháp. Nhưng tôi chỉ nhấm nháp qua loa vì hoàn toàn không hợp với khí hậu Sài Gòn. Bây giờ tôi cảm thấy đói bụng.
Tôi ngồi chen lẫn với đám bồi bếp đã hết giờ phục vụ tại các dinh thự người Âu, và đám phu xe xích lô đêm ăn một bát phở nóng, rưới thêm nước mắm
và điểm thêm ớt màu đỏ. Mùi vị không đâu có được của phở Sài Gòn, thịt bò được ninh rất lâu trong những chiếc nồi cổ lỗ sĩ đến hàng trăm năm, được coi là món ăn thích thú của dân địa phương.
Tôi lại được ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi cá khô và ẩm trên da thịt những người dân lao động, đồng thời lại được cảm nhận vẻ duyên dáng và tinh tế, vẻ châm biếm lộ liễu hoặc kín đáo vẻ căm giận hoặc yêu mến mà họ che giấu dưới vẻ bẽn lẽn.
Sau khi thưởng thức xong món phở tôi bước lên xích lô và lúc đó tôi lại hồi tưởng đến một kỷ niệm cũ, mặc kệ người phu xe muốn đưa đi đâu cũng được. Xe đã tới phố Mayer, trên đường đi Đa Kao, một khu phố dài có nhiều căn hộ giống nhau ở hai bên đường mỗi hộ có hai hoặc ba phòng, tiếp nối theo chiều sâu của gian nhà phía trước mặt là khu vườn nhỏ, phía sau cùng là bãi đất bùn lầy dùng làm sân. Tôi có một người bạn cũ tên là Diệu, ở căn hộ trước kia mang biển số 114. Nếu anh ta còn ở đây thì chắc giờ này vẫn còn thức vì gần như anh ta chẳng ngủ đêm bao giờ. Cánh cổng gỗ vẫn còn mở to như thường lệ.
Tôi đi qua khu vườn nhỏ, rộng vài mét, rồi đẩy cửa ra vào. Gian phòng hẹp như xưa, gần như chỉ có một chiếc sập gụ đã sẫm màu và nhẵn bóng. Phía giữa sập đặt một bàn đèn thuốc phiện, hai bên là hai mảnh chiếu cói. Diệu đứng sát tường nhà hầu như không nhìn thấy vì anh mặc bộ đồ đen, nói vọng ra:
- Vào đi, đại úy tôi đang chờ ông.
Lúc này tôi mới nhìn thấy gương mặt anh dưới ánh sáng ngọn đèn thuốc phiện. Đôi mắt anh sau cặp kính gọng kim loại lóe lên niềm vui: anh thích thú được gặp lại tôi hay được bất ngờ tìm thấy tôi? Tôi quen biết Diệu từ năm 1948.
Tôi được biết ít nhiều về cuộc đời anh, ghi trong hồ sơ cảnh sát. Dần dà, chúng tôi trở thành đôi bạn ràng buộc với nhau bằng những sợi dây liên hệ không đàng hoàng chỉ gặp nhau vào lúc tối đêm, hai bên cùng giữ bí mật cho nhau trong sự tin cậy lẫn nhau.
Diệu được gọi là “nhà hiền triết” không phải vì anh có văn bằng triết học mà là do những nhận xét khôn ngoan ít khi bộc lộ ra ngoài. Tôi được biết, sau khi anh được giải thoát khỏi nhà tù Nhật Bản vào năm 1945, hầu như anh không bao giờ bước chân ra khỏi căn hộ của mình ở phố Mayer. Anh đọc rất ít, hầu như không bao giờ hỏi người khác, chỉ ngủ ban ngày, thức ban đêm vậy mà không hiểu sao biết rất rõ tình hình Sài Gòn từ trong các dinh thự đến những nếp nhà tranh. Những tin tức thu lượm được, anh giữ riêng cho mình, thỉnh thoảng cũng trao đổi với một người bạn thân nhằm phát biểu một quan niệm về một lĩnh vực chính trị nào đó hoặc một dự đoán về một chiến dịch quân sự. Nhưng Diệu không làm nghề tình báo gián điệp vì anh coi đó là một nghề nguy hiểm, phù phiếm và thô bạo. Nhà hiền triết này chỉ ăn một bát cơm với mười gam ma túy đủ để giữ thăng bằng nhịp sống và bán lại cho bè bạn vài điếu thuốc phiện hảo hạng trị giá vài đồng bạc còm giá rẻ. Khách hàng của anh phần lớn là các sĩ quan lính thủy từ những tàu chiến đậu trên sông Sài Gòn tìm đến. Vài ông chủ đồn điền người Pháp cũng biết địa chỉ của anh.
Thỉnh thoảng lại có một người Việt nam đến nằm trên sập nhà anh, hầu như bất động, không nói câu gì. Đây là một nơi tạm nghỉ giao tranh, một nơi nương náu, trú ẩn như trong các nhà thờ thời Trung Cổ. Việt Minh lên án ma túy rất nghiêm khắc hơn là đạo lý Phương Tây. Nhưng tại đây, người nào cũng chỉ chìm đắm trong giấc mơ của người đó, không làm phiền người bên cạnh.
Trong gian phòng này người ta thường bắt gập một trung tá hải quân Pháp ngồi đọc một tập thơ. Còn người viết nằm trên sập cứ việc hút thuốc, chẳng suy nghĩ gì cả. Sáng sớm hôm sau, xe xích-lô lại tới, chở khách hút đi các ngả khác nhau.
Năm 1950, tôi đã qua một đêm cuối cùng tại Sài Gòn với Diệu trong gian phòng này. Lần này gặp anh, tôi hỏi:
- Ông đang chờ tôi à? Sao ông biết được rằng tôi đã trở lại đây? Diệu nở nụ cười rạng rỡ của một người như vừa tìm được của giấu kỹ:
- Anh đến bằng máy bay buổi trưa nay đúng không? Tướng Navarre thấy Sài Gòn thế nào? Chắc ông khổ vì nắng nóng. Phòng tiếp tân ở chỗ ông rất nóng vòi nước tắm hoa sen lại gặp trục trặc. Anh có muốn dùng một hai điếu thuốc phiện không? Tôi rất vui sướng được tự tay chuẩn bị mồi thuốc cho anh.
Diệu nói tiếng Pháp rất thạo, bằng một âm điệu thánh thót như hát của những người An nam cộng với ngữ điệu miền Tây Nam nước Pháp là nơi đã từng là phiên dịch trong xưởng thuốc súng ở Angoulême, hồi chiến tranh 1914- 1918.
Trong khi chúng tôi nằm dài trên chiến chiếu, Diệu tiếp tục nói: - Mãi đến tám giờ sáng mai anh mới bay đi Hà Nội cơ mà. Còn đủ thời giờ. Ma túy không quyến rũ tôi và tôi đặc biệt rất ghê sợ, không muốn làm nô lệ cho nghiện ngập. Nhưng tôi thích môi trường chung quanh bàn đèn, hương vị toả ra từ khói thuốc phiện, vẻ tĩnh mịch trong căn phòng sau một ngày căng thẳng vì cuộc sống.
Trước kia, tôi thường đến đây cùng với Jacqueline một vài lần. Cô là con gái một quan chức thuộc địa người Pháp say mê đất nước này và một phụ nữ gia đình quyền quý người Nam tại Trung Kỳ. Cô không bao giờ hút thuốc phiện, dù chỉ ướm thủ trên môi. Cô hay kể cho tôi nghe thời thơ ấu nghỉ hè trong dinh thự quan lại của ông bà cô tại Huế, hoặc những câu chuyện cổ tích dân gian nước Lào mà những người hầu đã kể lại cho bố cô là một quan cai trị tại Viêng Chăn. Cô cũng dịch sang tiếng Pháp câu hò mà người “nhà quê” thường hát ví von khi cấy lúa và cả những câu chuyện bậy bạ mà những người dân trên đường phố thường bịa ra để chế giễu những người da trắng. Từ khi trở về Pháp tôi có gửi cho cô khoảng hai ba lá thư.
Chừng như đoán được dòng suy tưởng của tôi, con người ranh ma này nói luôn:
- Anh có biết cô Jacqueline B. đã đi lấy chồng rồi không? Ừ, lấy cậu M. con trai nhà hàng xuất- nhập khẩu. Đẹp đôi, nhiều tiền, nhưng không có con. Cô ta buồn lắm. Họ vừa trở về Pháp. Nghỉ ba tháng ở Vai d Isère và Paris. Tôi
sẽ cho anh số điện thoại.
Tôi lảng sang chuyện khác:
- Tình hình chính trị hiện nay như thế nào? Miền Nam có vẻ như chưa yên ổn, chưa bình định xong.
- Ồ đại úy ơi! Đó là chuyện chính trị, anh đừng bao giờ dính vào đó. Tuy nhiên, trong câu chuyện trao đổi giữa hai chúng tôi, thỉnh thoảng Diệu của tôi cũng nói về cuộc chiến tranh Đông Dương, nhất là ở miền Nam Việt nam, trước tình hình tranh cử đang khá sôi nổi. Các giáo phái: Cao Đài ở Tây Ninh, Hoà Hảo ở Mỹ Tho, những dân quân Thiên Chúa giáo của trung tá Le Roy tại các tỉnh cũ chung quanh Sài Gòn đang tranh giành nhau ngoạm lấy những miếng bánh ngon nhất của lúa gạo Nam Bộ. Còn Việt Minh thì đang trấn giữ vùng đầm lầy rộng lớn ở khu vực Đồng Tháp Mười và một chiến khu trong rừng ở phía Bắc Biên Hoà.
Diệu nói thêm:
- Bảy Viễn, tướng giặc Bình Xuyên đã duy trì được quyền lực ngay tại Sài Gòn-Chợ Lớn, đã thiết lập được an ninh trật tự chung quanh việc mở sòng bạc kiếm tiền. Nhưng cũng chẳng có điều gì cần phàn nàn cả, bởi vì hiện nay tướng Viễn đang chăm chú vào việc kinh doanh. Ngài Lê Văn Viễn đã thay đổi cách thức làm giặc cướp. Việc tống tiền hiện nay thay bằng việc biết nộp thuế một cách có lý có kiểm soát, chính thức và… biết hợp pháp.
Dưới ánh đèn dầu lạc, Diệu chậm rãi nhào nặn sái thuốc phiện bằng một chiếc kim nhọn làm bằng bạc. Anh đưa ra nhận xét, không thay đổi giọng nói:
- Nhìn chung thì việc bình định cũng có đôi chút kết quả.
Chỉ đến khi Diệu nói hết câu, tôi mới nhận ra sự châm biếm trong nín lặng. Nhưng rồi lại nói tiếp như giải thích:
- Đường xá được tự do đi lại. Chủ nhật, có thể từ Sài Gòn đi tắm biển ở Vũng Tàu hoặc đi săn bắn ở Đà Lạt. Chúng tôi đã thiết lập được một “tạm ước” để sống không cần thương lượng cũng chẳng cần hội họp. Tình thế có vẻ như vững hơn năm 1947. Bây giờ là chuyện kinh doanh. Hoà bình trong
tờ giấy bạc.
Được hơ nóng trên ngọn lửa, viên thuốc phiện bắt đầu cháy phát ra những tiếng xèo xèo. Diệu lại nói:
- Đất Nam Kỳ ngày nay ít quan tâm đến chính trị. (Diệu là một trong số rất ít dân Sài Gòn còn dùng từ Cochinchine, có nghĩa là Nam Kỳ, trong khi những người khác đều gọi là Nam Việt nam). Vận mệnh của chúng tôi là do miền Bắc định đoạt. Nhưng tôi không biết tình hình Bắc kỳ ra sao. Chỉ biết là ở Trung Quốc, sáu trăm triệu dân đang sống dưới chế độ cộng sản. Ở đây, chúng tôi vẫn còn vài tháng nữa.
Tôi quay trở về nhà nghỉ. Bảy giờ sáng hôm sau tôi đã thấy tướng Navarre đứng trong vườn chờ đợi giờ khởi hành. Ông nói với tôi:
- Một đêm kinh khủng! Nóng quá đi mất. Tôi không chợp mắt được chút nào. À mà này anh đã nói với viên quản lý dinh thự của tướng Salan là vòi hoa sen trong phòng tắm bị hỏng chưa?
- Thưa tướng quân, đã!
Tướng Navarre nhìn tôi một cách tò mò.
Ông vốn không ưa tính đuểnh đoảng trong công việc phục vụ. Nhưng ông đổ lỗi tất cả cho khí hậu nóng nực.
Đến buổi trưa chúng tôi tới Hà Nội.
Trên sân bay Bạch Mai chói chang ánh nắng mặt trời những binh sĩ mặc bộ đồ ra trận lập hàng rào danh dự đón chào. Hà Nội nghênh đón Tổng tư lệnh Navarre theo đúng nghi lễ đã tiến hành tại Sài Gòn. Chỉ khác một điều, binh sĩ không mặc lễ phục. Cũng không phải là đội Cảnh vệ mà toàn là lính chiến đấu, thắt lưng đeo đầy băng đạn, súng sẵn sàng nhả đạn. Chỉ nhìn thấy vài bộ lễ phục màu trắng trong số các quan chức dân sự người Việt..
Đoàn xe chúng tôi xuyên qua sân bay, trên con đường đầy bụi, hai bên có những bốt gác rào kẽm gai những lô cốt tua tủa nòng súng tự động. Chung quanh lô cốt là những binh lính cởi trần, mặc quần cộc đang tắm nắng, bình thản chẳng quan tâm gì đến đoàn công xa đi qua trước mặt.
Vào đến trung tâm thành phố, trên những đại lộ trồng cây toả bóng mát
chúng tôi bắt gặp những chiếc xe taxi phủ đầy bụi. Hà Nội là thủ đô của chiến tranh Đông Dương. Cuộc sống chợ búa, buôn bán lùi sâu trong những phố nhỏ có người Hoa sinh sống làm ăn, hoặc chỉ thể hiện trong những tủ kính phố Paul Bert.
Đoàn xe đua chúng tôi tới khu hành chính của Pháp gồm một loạt biệt thự xây theo kiểu thuộc địa có những công viên rợp bóng cây xanh. Đây là một quần thể do tướng De Lattre trước kia có sáng kiến quy hoạch nhằm làm cho Hà Nội có vị trí tương xứng với tầm vóc. Tuy nhiên, dinh Toàn quyền cũ trước kia gọi là lâu đài Puccini thường dùng làm dinh thự của các quan cai trị hàng đầu của Pháp ở Đông Dương, nay đã trao lại cho Thủ hiến Nguyễn Văn Trị, khâm sai đại thần, gọi là món quà của nước Pháp tặng Nhà nước Việt nam của Bảo Đại.
Vì vậy, ông Letourneau sáng nay mở tiệc chiêu đãi chào mừng Tổng tư lệnh mới đến tại trụ sở cơ quan đại sứ quán Pháp. Bữa cơm được dọn trong phòng ăn nhỏ hẹp. Khách mời không nhiều, dĩ nhiên có mặt tướng Salan đang giữ chức quyền Tổng tư lệnh, tướng Allard Tổng tham mưu trưởng, tướng Linarès Tư lệnh chiến trường Bắc bộ, cuối cùng là hai tướng Dodelier và Cogny tư lệnh các chiến trường.
Tháng 5 là tháng nóng nhất. Chúng tôi uống nước giải khát có đá, đựng trong những chiếc cốc dài do các chủ khách sạn người Hoa dọn tiệc mang đến.
Đại úy Saint Julien đã từng là sĩ quan tùy tùng của Thống chế De Lattre, nay chuyển sang làm thư ký riêng cho Bộ trưởng Letourneau, giữ nguyên một bộ đồ ăn “theo kiểu Pháp” trong ngôi nhà này.
Linarès cùng đến với Salan. Mọi người đã quen thuộc với dáng cao cao kiểu quí tộc của ông.
Từ hơn hai năm nay ông đã đáp máy bay, hoặc ngồi trên xe Jeep, hoặc đi bộ bằng đôi chân dài của người sĩ quan pháo thủ, tới thăm các đồn bốt, khen thưởng trấn an, cổ vũ các binh lính chiến đấu suốt từ Lai Châu tới Phát Diệm. Các bác sĩ buộc ông nghỉ ngơi nhưng ông từ chối. Sau những chuyến
đi vất vả này người ta thường nhìn thấy ông xuất hiện ban đêm trong bộ đồ thường phục của chủ đồn điền, tại các hộp đêm có ca sĩ và gái điếm trong thành phố, chăm chú lắng nghe giọng hát của một cô gái lai Âu. Vì tướng Navarre là bạn học cùng một khoá tốt nghiệp với tướng Linarès nên Linarès đã ôm chặt lấy vai Navarre, gọi Tổng tư lệnh bằng tên nhỏ một cách thân mật:
- Ôi! Anh bạn Henri thân mến! Mình nghe tín cậu đang chỉ huy ở Fontainebleau cơ mà? Sang cái đất chết tiệt này làm gì?
- Mình cũng đã từng ngạc nhiên như cậu đấy!
Tướng Navarre kể lại vắn tắt câu chuyện được chỉ định sang Đông Dương như thế nào.
Trong khi đó, tướng Salan, sau khi trao đổi vài câu với Bộ trưởng Letourneau, tỏ ve hoàn toàn hờ hững không muốn nghe tướng Navarre nói. Còn Linarès thì ngồi vắt vẻo ngay trên tay vịn của chiếc ghế bành rộng rãi mà tướng Navarre đang ngồi, chăm chú lắng nghe người bạn cùng khoá, rồi hỏi lại:
- Nhưng mà cậu sang đây có một mình thì xoay sở thế quái nào được. Cậu đã biết, bọn mình chuồn hết cả rồi. Không phải chỉ có Salan với mình, mà cả các tham mưu trưởng Allard và Dulac với hầu hết các trưởng ban. Điều đó cũng bình thường và đã được dự kiến từ trước vì bọn mình đã sang đây cùng với De Lattre. Nhiệm kỳ đã kéo dài tới ba mươi mốt tháng, có người tới ba mươi ba tháng. thế là đủ bào mòn một con người rồi quá niên hạn được ấn định rồi. Này anh bạn già? Cậu đã biết rõ rồi đấy, mình không có nhiều thời gian để tổ chức một bộ máy mới. Tướng Valluy là người nghĩ rằng sẽ được chỉ định, có khuyên mình chọn Bodet làm phó và Gambiez làm tham mưu trưởng. Vài ngày nữa họ sẽ tới đây Bodet thì được rồi. Hắn là một phi công đứng đắn, đã biết rõ đất nước này. Còn Gambiez làm tham mưu trưởng thì cần phải suy tính lại. Hắn không thể thay Allard được đâu. Nghe này hồi De Lattre mới đến Hà Nội, Gambiez đã là tham mưu trưởng rồi. Vừa nhìn thấy Gambiez, ông vua “Jean” đã nói ngay: “Sao? Anh làm gì ở đâu? Tham mưu
trưởng cơ à? Này ông cố đạo, nghe tôi nói đây? Với cái mồm cha cố của anh tôi sẽ cử anh đi Bùi Chu. Phát Diệm chỉ huy ở đó. Nếu trong vòng ba tháng anh không làm tròn nhiệm vụ, tôi sẽ tống khứ anh. Mười lăm ngày sau Gambiez phải rời khỏi chức tham mưu trưởng để đi Phát Diệm…
Tướng Navarre không nói gì. Tướng Linarès hỏi tiếp bằng một giọng nghiêm chỉnh:
- Thế ai sẽ thay tôi làm Tư lệnh Bắc kỳ?
Tướng Navarre cũng nghiêm chỉnh đáp lại:
- Tôi hy vọng là anh đã dự kiến người thay thế rồi. Còn nếu anh để tôi tự quyết định thì tôi cũng khó tìm chọn được nhiều người. Ở Paris, hình như không ai còn thích hợp được với chức vụ tổng tham mưu trương chiến trường Đông Dương. Còn ở đây thì người nào yên vị người ấy rồi. Langlade, Leblanc, Bondis không thể rời khỏi các chiến trường hiện đang phụ trách. Ở Lào cũng đang thiếu người chỉ huy. Còn ở Bắc kỳ sau anh chỉ còn có Cogny, nhưng mới chỉ là thiếu tướng và hãy còn quá trẻ để chỉ huy một trăm hai lăm ngàn quân.
Linarès chăm chú nghe không nói chen ngang. Chờ Navarre nói hết ông mới nhìn thẳng vào Navarre, nói khẽ nhưng rất rành rọt bòi vì ông vẫn có thói quen bộc lộ thẳng thừng quan điểm của mình:
- Đừng! Henri! Đừng chọn Cogny. Nó là một thằng tồi. Hãy hỏi Salan xem. Nhưng Salan lộ rõ vẻ không muốn bắt chuyện. Ông ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành lơ đãng nhìn về phía công viên bên ngoài. Tôi có cảm giác thái độ đó làm tướng Navarre phật ý. Ông nói với tướng Linarès: - Thế đấy? Các anh ra đi, bỏ lại tất cả các vị trí trống rỗng, không có người phụ trách. Thế rồi. anh lại khuyên tôi không nên sử dụng một con người đang cần để phụ trách một vị trí chỉ huy rất khẩn thiết, một con người thích ứng và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, cũng không tiến cử cho tôi người nào.
Linarès đứng lên đi ra bàn rượu, rót một cốc Whisky nhẹ và vẫn không trả lời. Navarre tiếp tục nói:
- Vài phút nữa Cogny sẽ tới đây. Tôi không biết anh ta nhưng qua lời Bộ trưởng Letourneau thì Cogny là một chỉ huy năng nổ. Vả lại Cogny tình nguyện ở lại thêm một nhiệm kỳ. Nếu anh không giới thiệu cho tôi một người nào khác, hoặc ở đây hoặc ở Pháp thì khi gặp Cogny tôi sẽ báo tin sẽ giao chiến trường Bắc kỳ cho anh ta chỉ huy.
Salan tiếp tục mơ màng. Linarès tiếp tục uống tùng ngụm nhỏ. Letourneau chen vào câu chuyện bằng một giọng nói vui vẻ và một nụ cười làm dịu bầu không khí:
- Tướng Linarès bao giờ cũng nói những câu gay gắt hợp với tính khí chiến đấu của ông. Nhưng mà thôi, thưa các ngài theo tôi thì tướng Cogny đúng là có một. Vài điều đáng chê trách nhưng dù sao đây cũng là một vị tướng có khả năng.
Câu chuyện về Cogny kết thúc. Tướng Navarre quay sang phía tôi, nói: - Anh ra cổng đón tướng Cogny rồi dẫn vào phòng làm việc của tôi. Tướng Cogny đã gặp tướng Navarre. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai người. Sau khi gặp nhau xong, tôi thấy cả hai người đều tươi cười vui vẻ bước ra khỏi phòng làm việc. Tróng Cogny mặc bộ quân phục mùa hè bằng vai kaki, quần cộc, áo sơ mi ngắn tay, cầm trong tay chiếc mũ mềm gắn phù hiệu pháo binh và chiếc gậy chống to tướng.
Khi bước ra cửa phòng làm việc trước khi tới ngưỡng cửa phòng khách trong đó có đội ngũ của ê-kíp De Lattre vẫn đang ngồi nói chuyện, tướng Cogny dừng lại và nói to với tướng Navarre, cốt để mọi người cùng nghe thấy: - Thưa Đại tướng, xin đa tạ ngài đã tin cậy tôi. Tôi xin đảm bảo ngài sẽ không hối tiếc sau khi trao nhiệm vụ này cho tôi.
Ngày 25, tướng Cogny dọn lên Hà Nội. Sau khi được tướng Allard báo tin đã gửi điện về Paris để có quyết định của Bộ Quốc phòng Pháp, tướng Cogny đáp lại bằng một giọng rắn rỏi:
- Tôi đồng ý ở lại tiếp tục công tác. Nhưng phải được đền bù xứng đáng. Cuộc mặc cả công xá đã xong. Trong phòng làm việc quét vôi màu đỏ mà trước kia tướng Salan đặt bàn giấy tại một nhánh của dinh thự mang tên
Norodom ở Sài gòn, tướng Allard tự tay thảo một bức điện gửi Chính phủ Pháp đề nghị nâng thiếu tướng Cogny lên cấp trung tướng. Tướng Navarre và tôi ở lại Hà Nội cho tới ngày 24 tháng 5. Tiết trời quả thật rất nóng và ẩm.
Trong phòng tôi, hơi ẩm thoát ra từ vách tường và cả gạch lát sàn. Thi thoảng có những cơn dông ập đến nhưng cũng không giải phóng được hết sự nóng nực. Sau những buổi tiếp khách đến chào và làm việc chính thức ngay từ ngày đầu mới tới, lúc này tướng Navarre bắt đầu rảnh rỗi. Sau khi được tướng Salan cho biết sẽ bàn giao công tác tại Sài Gòn chứ không phải ở đây tướng Navarre quyết định đi thăm một số nơi tìm hiểu một số địa phương và tiếp xúc với các sĩ quan ở đó. Khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là Zano hoặc thượng du) và Bắc Lào đã từng là những khu vực có hoạt động chiến sự chủ yếu trong các chiến dịch trước. Tên các địa danh Lai Châu, Nà Sản, Sầm Nưa, Cánh đồng Chum đã chiếm hàng đầu trong các thông báo chiến sự và phòng tin báo chí. Cuộc chiến đấu phòng ngự tuyệt vọng ở Mường Khoa đã thu hút sự chú ý của mọi người.
Cứ điểm Mường Khoa được xây dựng trên ba quả đồi bố trí theo hình tam giác giữa nhánh sông Nậm Hu chảy xuống Luang Prabang và nhánh sông Nậm Bạc chảy đi Mường Sài, bị tiến công đêm 13 tháng 4. Đại úy Teulier với ba trăm quân lính đã chống giữ được tới ba mươi nhăm ngày.
Báo chí phương Tây gọi đây là một chiến công lịch sử. Còn Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles thì ca ngợi đây là một “tinh thần cố thủ” theo phương châm: “Không lùi một thước đất, không bỏ rơi một con người cho chủ nghĩa cộng sản”. Pháo đài nhỏ bé xây dựng trên đất Lào này được thế giới tự do coi là cột mốc cuối cùng không đê chủ nghĩa cộng sản vượt qua.
Quả thật, nếu Mường Khoa giữ được tám ngày nữa thì Việt Minh sẽ mất thể diện. Nhưng trong đêm 17 rạng ngày 18 tháng 5, cả ba qua đồi này đã bị quân lính của trung đoàn 148 Việt Minh đánh chiếm.
Tướng Navarre muốn tận mắt nhìn thấy trận địa này. Ông chi thị cho tướng Linarès đưa một sĩ quan tham mưu tới để trả lời các câu hỏi do ông đề ra.
Sáng ngày 21 tháng 5, tướng Navarre cùng chúng tôi ngồi trên một chiếc máy bay Dakota, lượn trên vùng trời thượng du.
Cầm một tập bản đồ địa hình trong tay, tướng Navarre ngồi ngay trong chiếc ghế của lái phụ, bên cạnh lái chính, trong phòng lái đặt ở phía mũi máy bay. Sĩ quan tham mưu Boisredon và tôi ngồi ở phía sau. Tiếng động cơ nổ ầm ĩ rất khó nói chuyện. Tôi trầm ngâm nhìn ra ngoài trời. Đôi cánh máy bay màu bạc đung đưa nhẹ nhàng giữa những đám mây màu trắng và mặt đất phủ cây rừng màu xanh thẫm như một tấm thảm len trải rộng.
Đột nhiên, tôi thấy một quầng lửa kỳ lạ khoan thủng một chiếc cánh. Tôi hiểu ngay đó là một mảnh đạn phòng không vừa mới bắn lên, chỉ cách khoang chứa chất đốt vài centimet. Hai tiếng nổ tiếp theo làm thủng sàn khoang sau. Ngay từ phát nổ đầu tiên Boisredon đã lập tức nằm soài trên sàn, chân duỗi thẳng cẳng, hai tay ôm chặt lấy đầu. Tôi nhay bổ vào buồng lái, thấy tướng Navarre đang đánh dấu trên bản đồ vị trí ổ súng trọng liên đặt dưới đất căn cứ vào vệt lửa đạn từ phía dưới bắn lên. Thợ máy lập tức kiểm tra. Vết thủng không có gì nghiêm trọng, nhưng dù sao cũng phải hạ cánh khẩn cấp. Mười phút sau, chúng tôi bay tới Nà Sản.
Tổng tư lệnh Navarre đột ngột “rơi” xuống giữa cứ điểm như một viên đá ném xuống mặt đất đang ngủ yên. Sở chỉ huy Nà Sản lập tức gọi điện thoại tới các đồn bốt chung quanh. Chỉ vài giây sau các đường dây đã truyền tin này tới mọi người ở vành ngoài cứ điểm. Một chiếc Jeep phóng thật nhanh tới chiếc máy bay bị thương. Trung tá Berteil chỉ huy cứ điểm Nà Sản, nhảy vội xuống xe, chạy đến trình diện. Lúc này tướng Navarre vẫn chưa biết viên sĩ quan trong bộ quần cộc áo sơ mi ngắn tay, dáng người hơi khô, đã được giữ lại để đảm đương một chức vụ quan trọng tại Tổng hành dinh đặt tại Sài Gòn và sau này trở thành phó ban tác chiến của ông. Trong số sĩ quan tại Nà Sản hôm đó. Ông chỉ mới quen có thiếu tá Vaudrey với bộ mặt thanh niên rám nắng, bộ giò rắn rỏi của người leo núi, được coi là một chuyên gia vùng thượng du. Thiếu tá Vaudrey đã báo cáo rành rọt với tướng Navarre về toàn bộ diễn biến chiến dịch năm trước, những khó khăn của binh lính, những
cảnh đẹp của xứ Thái, và nói một cách say sưa về dân tộc Thái. Trong cuộc gặp mặt hôm đó tại Nà Sản có ba sĩ quan: Vaudrey sau này chết vì tình, Berteil thất bại vì quá kiêu căng, còn Boisredon thì được lên cấp tướng.
Hai giờ sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên một chiếc máy bay khác, vẫn quan sát như cũ. Tướng Navarre mang theo từ Nà Sản nhiều suy nghĩ. Từ nay, ông đã hiểu thế nào là một cuộc chiến tranh vùng rừng núi, trong một địa hình mà ông đã nhìn thấy tận mắt và đã hiểu rõ hơn.
Để tiến quân từ lưu vực sông Hồng tới lưu vực sông Mêkông, xứ Thái hoặc Thượng Lào, đối phương phải chọn một trong hai con đường giao thông đã được làm theo địa hình. Con đường phía Nam từ Mộc Châu đi Sầm Nưa, cao nguyên Trấn Ninh, Cánh đồng Chum dẫn đến Viêng Chăn. Con đường phía Bắc qua Điện Biên Phủ đến Luang Prabang, Mường Khoa và lưu vục sông Nậm Hu.
Công binh của tướng Giáp có thể thay đổi hình thức chiến đâu, nhưng không thể thay đổi được địa hình vẫn buộc phải tiến theo hai con đường này. Những chiến dịch tiến công năm 1952, 1953 đã chứng minh rõ điều đó. Giai đoạn đầu của chiến dịch được tiến hành trong mùa thu 1952. Ngay sau khi vừa chấm dứt mùa mưa, nhiều tiểu đoàn chủ lực của Việt Minh đã từ nơi đóng quân bí mật ở Phú Thọ, giữa hai con sông Hồng và sông Thao tiến vào xứ Thái, đập đổ hệ thống đồn bốt nho bé làm nhiệm vụ bình định của Pháp, như những lâu đài bằng cát biển sụp đổ dưới lớp sóng.
Tướng Salan lúc đó đã bị “bất ngờ một nửa” vì tính chất mãnh liệt của cuộc tiến công này. Trước mặt các nhà báo tướng Navarre đã tuyên bố về “phòng tuyến sông Đà” nhưng thật lòng chẳng tin tưởng gì về các phòng tuyến này. Vì vậy ông đã phải vội vã xây dựng thêm một cứ điểm phòng ngù chung quanh đường băng có thể cho phép các máy bay vận tải loại Dakota hạ cánh. Tập đoàn cứ điểm này được gọi là căn cứ lục - không quân Nà Sản, là nơi tập trung các đơn vị nhỏ bị thất lạc trong rừng rậm và được tăng cường thêm bằng những đơn vị từ đồng bằng sông Hồng đưa tới bằng máy bay.
Cứ điểm Nà Sản nằm liền trục đường giao thông số 41, có thể ngăn cản không cho các đoàn xe vận tải chở hàng tiếp viện của Trung Quốc qua lại trên đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên. Là thủ phủ của xứ Thái, thị xã Lai Châu cũng được tăng thêm lực lượng phòng thủ. Các vị trí phòng ngự vành ngoài đều được củng cố thêm. Suy cho cùng vị trí này chưa thật vững chắc lắm nhưng dù sao cũng đủ làm cho đối phương phải ngần ngại tiến công. Có thể, tướng Giáp cũng hiểu Lai Châu nằm quá xa tầm với, còn Nà Sản ở ngay ven đường. Vì vậy, đã thử tiến công Nà Sản nhưng đã không thành công.
Vì vậy, trước khi mùa mùa bắt đầu, lại bùng nổ giai đoạn thứ hai của chiến dịch, hướng về phía Thượng Lào. Cùng trong lúc làm một con đường mới từ Tạ Khoa đi Sơn La, tránh con đường 41 ra; Việt Minh đã chuẩn bị các căn cú xuất phát từ Mộc Châu và Điện Biên Phủ. Từ bảy năm nay Việt nam vẫn đang ủng hộ giúp đỡ một Chính phủ dân chủ của Pathet Lào đứng đầu là Hoàng thân Souphanuvông. Đây là lúc Việt Minh cần phải bám chân trên một mảnh đất Lào để thúc đẩy cách mạng Lào tiến triển.
Với hướng tiến công mới này, Nà Sản không trở ngại lắm đối với Việt Minh. Chỉ cần bao vây, vô hiệu hoá Nà Sản là đủ. Còn Lai châu thì ở mãi đầu cùng xứ Thái. Đèo Văn Long đứng đầu lực lượng thân Pháp hiện nay không dũng cảm bằng Đèo Văn Tri đã từng làm tướng giặc và là ông nội của Đèo Văn Long.
Từ tháng 4 năm 1952, các đoàn quân Việt Minh hầu như xuất phát cùng một lúc trên hai tuyến đường lên Tây Bắc. Từ Điện Biên Phủ những tiểu đoàn chủ lực được bộ đội địa phương đi trước dẫn đường tiến theo con đường phía Bắc. Trước của ngõ thung lũng Nậm Hu: cứ điểm Mường Khoa cố chống cự được vài tuần, quá mức chờ đợi. Nhưng trên đường từ Mường Khoa đến sát Luang Prabang, Việt Minh hầu như chỉ gặp khó khăn về vận chuyển tiếp tế.
Từ năm 1952, lúc mới chi là thiếu uý, Salan đã đóng quân trong vùng này nên ông hỏi rất rõ những con đường mòn ở đâu. Trong cuộc tiến quân của Việt Minh năm 1953, tướng Salan lúc đó là quyền chỉ huy Trưởng tư lệnh Đông Dương quyết định lui quân về tập trung tại kinh đô Vương quốc Lào
được bảo vệ bằng hai trăm kilômét rừng rậm vây quanh. Mùa mưa đang tới. Trong bẩy mươi ngôi chùa ở Luang Prabang, khói hương bay nghi ngút để cầu mưa. Tổng tư lệnh Salan (2) đi thị sát các công trình phỏng ngự rồi nói chuyện rất lâu với một vị sư già mắt đã mù nhưng vẫn còn sáng suốt, có thể đoán được tương lai hậu vận. Sau đó, tướng quân ra đi, có vẻ yên tâm.
Trên tuyến đường tiến công từ hướng Nam hoạt động của Việt Minh có thể gây nhiều rủi ro nguy hiểm lâu dài. Những chiếc xe tô vận tải Molotova do Liên xô sản xuất có thể đi được đến tận Mộc Châu. Vị trí phòng ngự đầu tiên của Pháp đặt tại Sầm Nưa là một tỉnh lỵ. Trung tá Maxim Maieplate chỉ huy một doanh trại có một nghìn bẩy trăm quân, phần lớn thuộc quân địa phương.
Nhưng không ai hiểu rằng Sầm Nưa khó có thể chống lại một cuộc tiến công của Việt Minh.
Tháng 2 năm 1953. Thống chế Juin là Tổng thanh tra quân đội đã lên thăm các công trình phòng ngự Sầm Nưa. Trước vẻ bi quan của Thống chế Juin, tướng Salan đưa ra phương án nếu Việt Minh tiến công thì sẽ rút ngay khỏi Sầm Nưa để bảo toàn lực lượng. Công việc bảo vệ Viêng Chăn được tổ chức tại Cánh đồng Chum gần Xiêng Khoảng cách Viêng Chăn một trăm năm mươi kilômét. Bộ tộc Mèo ở đây đều nằm dưới quyền một tộc trưởng tên là Tu Bi làm nghề buôn thuốc phiện. Trên cao nguyên này có một đường băng cất cánh, hạ cánh cho loại máy bay Dakota, nằm giữa cứ điểm phòng ngự kiên cố.
Cuộc rút bỏ Sầm Nưa đối với Pháp là một cuộc rút lui thất bại, nhưng đã được dù liệu từ trước. Ngày 12 tháng 4 khi những đơn vị xung kích đầu tiên của Việt Minh còn cách Sầm Nưa hai ngày đường đi bộ, Salan đã ra lệnh di tản Sầm Nưa ngay lập tức.
Trong đêm đen được soi sáng bởi những đám cháy phát đi từ những tiếng nổ phá huy các kho tàng, trung tá Maxim Maìeplate với đôi chân ngắn của mình dẫn đầu các đại đội tháo chạy.
Tám ngày sau chỉ còn lại được khoảng hai trăm hai mươi người tả tơi hỗn
độn kéo về Cánh đồng Chum. Số còn lại: vừa mới chạm trán với các đơn vị bộ đội địa phương của Việt Minh hoạt động trong dẫy núi Mương Sơn đã vội chạy vào rừng rồi tan biến hết. Nhiều tuần sau, những người của Tu Bi đã thu nhặt được khá nhiều sĩ quan Pháp bị rơi rụng chạy vào các bản Mông hoặc lạc trên đỉnh núi. Riêng Maleplate bị liệt vào danh sách mất tích.
Một tháng sau khi phát động chiến dịch Thượng Lào, tướng Giáp đã chiếm được Xiêng Khoảng nhưng không đủ sức để đánh chiếm hoặc bao vây Cánh đồng Chum. Trong lưu vục sông Nậm Hu, bộ đội Việt Minh cũng dừng lại trước tuyến phòng ngự Luang Prabang.
Như vậy là Salan đã có phương án đúng. Sau khi rút khỏi Sầm Nưa, Salan đã làm cho tuyến đường vận chuyển tiếp tế của Việt Minh kéo dài trên mấy trăm kilômét đường rừng núi. Ban tham mưu của Salan đã trở nên già dặn khi viết “Quãng đường xa mà Việt Minh phải hành quân trên địa hình rùng núi này đòi hỏi phải mất tám ngày đi bộ. Nêu trung bình mỗi dân công mang theo từ hai muơi đến hai mươi nhăm ki lô gạo một người, thì suốt dọc đường họ đã ăn hết mười lăm kilô, chỉ còn lại mỗi người từ sáu đến chín ki lô gạo tiếp tế cho bộ đội. Có thể từ đó suy ra số dân công cần phải huy động”.
Tướng Salan hồi đó còn dựa vào một đồng minh nữa là thời tiết. Ông viết “Trong phương án phòng ngự, ban chỉ huy Pháp đã tính đến mùa mưa và cho rằng Việt Minh sẽ buộc phải rút quân chậm nhất vào những ngày đầu tháng 5”.
Lúc tướng Navarre và tôi bay trên vùng trời này đã là ngày 21 tháng 5 năm 1953. Trong chuyến bay về Hà Nội, chiếc Dakota chở chúng tôi đã cẩn thận bay cao để đảm bảo an toàn. Trong khoang lái, tướng Navarre vẫn trầm ngâm suy nghĩ. Vùng rùng rậm ông bay qua đang ẩm ướt vì những trận mùa đầu mùa. Việt Minh đã bắt đầu hướng về phía trung du để lại những cán bộ chính trị lại vùng thượng du để làm công tác dân vận gieo mầm và bí mật ủ men trong suốt mùa mưa.
Cù điểm Nà Sản nằm trên đường 41 giữa hai tuyến tiến công của Việt Minh, trở thành một tên lính gác vô tích sự.
Tướng Navarre đã rút ra được nhiều kết luận từ niềm suy tư của mình. Ông nhận định việc rút quân khỏi Sầm Nưa là một bằng chứng cụ thể, nói lên rằng ta không thể tiến hành được một cuộc vận-động-chiến trong địa hình rừng núi. Những đơn vị quân đội của chúng ta, cho dù đó là những binh lính người địa phương đi nữa, cũng quá nặng nề, có thói quen ăn uống theo đồ hộp mang sẵn trong người, đi giầy vừa với bàn chân, hành quân phải dùng xe ôtô, tác chiến phải có hoả lực yểm trợ. Trong khi đó, các tiểu đoàn chủ lực Việt Minh đã có bảy năm trong nghề. Họ đi chân đất, ăn hai bát cơm một bữa, thức ăn là măng rừng, tiến công vào ban đêm. Tướng Navarre buộc phải thừa nhận, biện pháp duy nhất để bảo vệ không gian chiếm lĩnh là phải áp dụng chiến lược “con nhím”, tổ chức các cứ điểm phòng ngự thật kiên cố để tự bảo vệ. Chiến lược “con nhím” co mình lại để phòng ngự không mang lại chiến thắng nhưng cũng đảm bảo được sự tồn tại để chở thời cơ. Phải chăng, một phần là phải lo bảo toàn lực lượng theo kiểu “con nhím”?
Những diễn biến thời cuộc vẫn bám chặt suy tư của tướng Navarre. Khi về đến sân bay Bạch Mai, tướng Navarre được báo cáo, đã tìm thấy trung tá Maleplate còn sống trong một bản Mông. Một chiến máy bay được lệnh đi đón Maleplate, đưa về Hà Nội.
Trong trụ sở làm việc của tướng Salan hiện vẫn giữ chức Tổng tư lệnh, chưa bàn giao cho tướng Navarre, những người thân cận rất ít.
Salan không có ai tâm sự, ngoài vợ ông và vài nhà sư già trông nom những ngôi chùa nghi ngút khói hương. Lúc này, ông rất khó nghĩ vì không thể đối xử với Maleplate theo lôgic thông thường và duy nhất. Ông phải áp dụng biện pháp như thế nào đối với Maleplate đây? Maxim Maleplate là một đòng đội của ông từ thời thanh niên và người ta thường rỉ tai nhau thầm thì rằng Salan với Maleplate là bạn đường theo cùng một phe phái.
Người lính già thuộc lực lượng bộ binh thuộc địa Maleplate quả là một dân quê có sức khỏe nên đã sống sót được suốt một tháng trong rừng rậm mà không mất tinh thần. Nhưng Maleplate vẫn phải chịu trách nhiệm về sự hoảng loạn trong cuộc lui quân đã làm tan rã toàn đơn vị do ông chỉ huy.
Dư luận hồi đó đã bàn tán rùm beng về chuyện này. Khi dư luận vừa mới tạm lắng xuống thì người chịu trách nhiệm là Maleplate lại vụt xuất hiện trở lại, có thể sẽ thức tỉnh những lời phê bình chỉ trích, có nguy cơ tổn hại đến Salan trong những ngày cuối cùng ở Đông Dương.
Tất nhiên sự rủi ro đối với với Maleplate không lớn lắm. Chưa bao giờ quân đội Pháp xử bắn một đại tá. Các đại tá phạm lỗi, nặng nhất, cũng thường chỉ bị thải hồi, đưa về Pháp giữa một nhiệm kỳ.
Tướng Salan, thường được gọi là “Quan cai trị”(3) ngồi suy nghĩ trong phòng làm việc khép kín.
Sáng nay, ngay trước khi ra khỏi nhà riêng bên bờ hồ Tây để đi làm, tướng Salan trong bộ quân phục chỉnh tề đã đặt đĩa quả và thắp hương trước tượng Phật bằng đồng trên bàn thờ Phật chiếm cả một góc phòng khách của ông. Tại Pháp, dư luận báo chí hồi đó phê phán nghiêm khắc Salan. Hai nhà báo Lucien Bodard và Max Clos của tờ Nước Pháp buổi chiều và tờ Thế giới cùng cho rằng Salan phải chịu trách nhiệm về việc rút bỏ Sầm Nưa. Bây giờ thời tiết đang ủng hộ ông. Mùa mưa đã tới. Việt Minh đã rút khỏi Lào. Salan đang chuẩn bị cãi lại những lời buộc tội trước khi rời khỏi sân khấu Đông Dương.
Trên chiến trường Cánh đồng Chum và Luang Prabang, Salan đã phát động những chiến dịch mang tên các loài hoa, gọi là “cuộc hành quân Myosotis” và “cuộc hành quân Mimosa”. Dọc những con đường mòn lầy bùn, bộ binh Lào và lính dù Pháp đang tiến dần theo những dấu vết của địch. Ngày 15 tháng 5 Salan đã cho chụp ảnh ông theo đội quân hậu bị tiến vào Xiêng Khoảng.
Buổi trưa ngày 22 tháng 5, tướng Salan từ trụ sở làm việc tại Hà Nội trở về nhà riêng. Với gương mặt thanh thản và giọng nói bình tĩnh ông chỉ thị cho văn phòng chuẩn bị một loạt huân chương và gửi giấy mời quan khách đến dự tiệc Cocktail.
Đúng 19 giờ trước mặt đông đủ chức sắc Hà Nội cả dân sự lẫn quân sự, là lễ gắn huy chương thưởng công cho trung tá Maleplate. Qua là một lễ khen
thưởng lỳ lạ! Maleplate được thưởng huy chương không phải vì thắng trận mà chỉ cốt để đánh lừa dư luận là đám thượng lưu tập hợp trong phòng này. Chiếc “Chiến công bội tinh”, gắn cho Maleplate được mang đến cùng một lúc với chai rượu sâm-banh.
Buổi lễ thưởng công rực rỡ hào nhoáng bởi số đông quan khách sang trọng tới dự, nhưng khá buồn tẻ. Một cô gái Pháp chưa chồng, vừa già, vừa xấu hình như muốn sử dụng vóc người cao lớn quí tộc như một sự thách thức, cứ sán lại gần Tổng tư lệnh Navarre, càng làm cho ông sợ hãi, chỉ có Linarès là người duy nhất dám đánh bạt cô ta. Sau khi cô gái già đã lánh đi nơi khác, tướng Linarès bèn kéo tướng Navarre ra một chỗ, nói nhỏ:
- Ông tìm một chánh văn phòng à? Tôi sẽ chọn cho. Đó là đại tá Revol xuất thân là sĩ quan bộ binh thuộc địa đã bổ túc chính trị tại Paris. Tôi nghĩ anh ta sẽ đáp ứng được ý muốn của ông.
Tướng Salan được hỏi ý kiến, cũng đồng ý với nhận xét của tướng Linarès. Thế là đại tá Revol được cử làm chánh văn phòng của tướng Navarre ngay lập tức.
Chánh văn phòng của Tổng tư lệnh là một người phức tạp, khó gợi mở. Tôi nghĩ, ông thường che giấu sự thiếu hiểu biết của mình về cuộc chiến tranh này cũng như ông vẫn che giấu tính khí nóng nảy hung hãn của ông dưới một vẻ ngoài khắc khổ.
Trong bữa cơm tại Sứ quán Pháp, tướng Navarre và tôi lại ngồi đối diện nhau, vì Bộ trưởng Letourneau đã quay về Pháp hôm trước, khi được tin chính phủ Réne Mayer vừa sụp đổ.
Mười bảy tháng trước đây, ông Letourneau đã có quyết định thay tướng De Lattre làm Cao uỷ Đông Dương. Bây giờ làm Bộ tướng các nước liên kết, ông có vẻ muốn thúc đẩy chính phủ xúc tiến cuộc chiến tranh. Ông là một người chân thật, trung thực, nhân hậu, không thiếu đầu óc sáng suốt và giàu trí tưởng tượng. Ông cũng là người dám hy sinh và vì thế đã được nhiều người tín nhiệm. Ngày 22 tháng 5 năm 1953 ông đã rời Hà Nội với một sự vui vẻ bộc lộ khá lõ, và không bao giờ quay trở lại đây nữa.
Như vậy là chỉ còn lại tướng Navarre và tôi trong gian nhà này. Đến bữa ăn, tướng Navarre không nói câu nào vì có đông người hầu bàn bên cạnh. Ông chỉ kêu rên vì trời nóng. Khi vừa ăn xong ông lập tức kéo tôi ra vườn hóng mát.
Đến buổi chiều, tướng Navarre đáp một chiếc máy bay Morane nhỏ bé đi Hải Dương. Tướng Cogny đang đợi ông ở đó. Tướng Navarre vừa tới nơi đã được tướng Cogny dẫn luôn vào Sở chỉ huy, tại đó đã chuẩn bị sẵn một buổi “báo cáo tình hình” trong gian phòng treo kín bản đồ.
Với dáng vẻ vội vã, tôn kính, lễ phép, tướng Cogny triển khai tất cả sự hấp dẫn của mình để chinh phục Tổng tư lệnh mới. Đúng là lúc nào muốn, Cogny cũng có thể tỏ ra cám dỗ được cấp trên. Trước kia, ông đã được tướng De Lattre ưa thích, ~éo về làm chánh vàn phòng rồi làm cục trưởng các cơ quan dân sự và quân sự, những De Lattre bao giờ cũng để Cogny ở xa một khoảng cách. Đối với tướng De Lattre, Cogny là một sĩ quan cấp dưới có những ham thích tầm thường, không thể để vuột quá mức cho phép được.
Thỉnh thoảng, vào giờ nghỉ trưa, nếu có ai đó ví dụ như Royer hoặc Dannaud muốn tìm gặp Chánh văn phòng Cogny vì một việc cần kíp thì De Lattre giơ tay ngăn lại nói bằng một câu đôn hậu:
- Đừng quấy rầy. Cứ để ông ta đi kiếm một cái hôn. Việc đó sẽ làm cho ông ta thêm thông minh.
Đến 5 giờ chiều Cogny mới quay về nhiệm sở, tươi tỉnh, sung sức. Cogny là người đã làm việc lâu trong các văn phòng chính trị, cho nên quen biết nhiều người, nhiều việc. Trên thực tế, ông thong thạo nhiều lĩnh vực, trừ có lĩnh vục tác chiến do không được De Lattre giao cho phụ trách. Vì thông minh nên Cogny cũng hiểu rõ điều đó. Hồi còn làm tư lệnh chiến trường đồng bằng đặt sở chỉ huy ở Hải Dương người ta thường nhìn thấy ông trên sân bãi, trên đường phó, trong buồng giấy và trong các hộp đêm. Ông khôn khéo không bao giờ tự chỉ huy một chiến dịch nào mà thường tin cậy giao cho các phó của mình là các đại tá Vannuxen, Castries, Gilles và vài đại tá có tham vọng khác. Từng người được trao nhiệm vụ, tự tìm lấy quyền lợi của
mình trong đó. Cái quyết định của một trận đánh, không phải chỉ nhờ ở sự thông minh.
Khi tiếp chuyện tướng Navarre ở Hải Phòng thì Cogny không còn là “ông tướng vùng đồng bằng” nữa mà đã là người chỉ huy chiến trường toàn bộ Bắc kỳ. Ông đã được tướng Navarre chỉ định vào chức vụ này. Ông muốn tỏ cho quan thầy mới của mình biết ông là người xứng đáng với chức vụ đó ông biết rõ vấn đề của mình và đã dễ dàng trinh bày trước Tổng tư lệnh Navarre tình hình khu vực mà ông phụ trách. Cogny hoạt bát nói:
- Vùng châu thổ sông Hồng, thực tế là một khu tam giác đông dân, có nhiều ruộng nước, nhiều sông ngòi, tiếp giáp với bở biển. Con đường nối liền Hà Nội với Sài Gòn là một trục bộ giao thông có tính chất sống còn. Từ năm 1951 ta đã bị mất dân trong khu vục này. Trong khi ta dồn quân tiến đánh Hoà Bình thì Việt Minh đưa nhiều tiểu đoàn chủ lực thâm nhập vùng châu thổ: tiến đánh các đồn bốt, phá hủy hạ tầng cơ sở chính trị của ta.
Cho tới nay Việt Minh có tới bảy mươi ngàn quân chính quy biên chế thành các đơn vị tiểu đoàn và đại đội đang tung hoành khắp nơi, làm cho vùng đồng bằng của ta mọt ruỗng. Ba trung đoàn chủ lực của Việt Minh, cụ thể là các trung đoàn 42, 46, 50 gồm tổng cộng chín sư đoàn tự do ra, vào vùng đồng bằng không gì ngăn trở nổi. Vành đai phòng thủ bê tông mà tướng De Lattre có sáng kiến xây dựng bằng một loạt đồn bốt ngoại vi che chở cho vùng châu thổ, thục tế đã trở thành ảo tưởng, chẳng khác gì dùng tấm lưới sắt để ngăn nước. Ba mươi tiểu đoàn chủ lực của ta đã phải chôn chân trong các đồn bốt này mà cũng chẳng làm được việc gì ra trò. Trong khi đó lại phải huy động thêm ba mươi tiểu đoàn nữa dùng vào việc bảo vệ các cứ điểm trọng yếu và cả việc thường xuyên phải đi càn quét bình định. Như vậy phần lớn tiềm lực của ta đã phảii sử dụng một cách lãng phí vào việc chiếm đóng, tiếp tế, bảo vệ. Đúng là ta có ưu thế về máy bay, pháo binh có thể tạo ra một lưới lửa đạn chéo khắp vùng đồng bằng, nhưng không đạt kết quả mong muốn. Còn việc xây dựng một đội quân người Việt cho chính quyền Bảo Đại thì mới chỉ đang trong thời kỳ thai nghén. Cho tới nay mói chỉ có được một
binh đoàn cơ động gồm các tiểu đoàn khinh quân trang bị nhẹ vừa mới thành lập, đang cần huấn luyện thành thạo trong các khu vực bình ổn và tôi luyện dần trong chiến đấu. Hiện nay, những tiểu đoàn này đang nằm ở vùng Phát Diệm và Bùi Chu.
Trong vùng châu thổ, tương quan lực lượng đang tạm thời cân bằng. Nhưng ở bên ngoài, tình hình có thể nghiêm trọng tại Phú Thọ, Thanh Hoá hiện nay Việt Minh có một lực lượng tác chiến chủ lực được trang bị tốt do Trung Quốc giúp đỡ. Lực lượng tác chiến này có tới năm sư đoàn bộ binh: sư đoàn 308 và sư đoàn 312 được coi như hai mũi lao xung kích của tướng Giáp, sư đoàn 320 và sư đoàn 304 đang thâm nhập vào vùng đồng bằng, sư đoàn 316 đang hướng các hoạt động về phía xứ Thái ở Tây Bắc và Lào. Bắt đầu từ tháng tư năm nay, phát hiện thêm sư đoàn 351, gồm hai trung đoàn pháo binh, một trung đoàn pháo cao xạ, một trung đoàn công binh. Lực lượng tác chiến này của Việt Minh hiện nay đang nằm im trong vùng đóng quân ngoài tầm đánh phá của ta, nhưng sẽ có thể tung ra hoạt động từ tháng 10. Trong khi đó, hiện nay ta mới chỉ có sáu binh đoàn cơ động và tám trung đoàn dù.
Ở khu vực Tây Bắc, hiện quân ta đang chiếm đóng Lai Châu và Nà Sản. Lai Châu là lãnh địa của Đèo Văn Long, có thể tung biệt kích đi phá hoại hậu phương của Việt Minh. Những về mặt quân sự, Lai Châu rất yếu. Đó là một địa điểm vây quanh đều là núi cao bốn phía và chỉ có một sân bay nhỏ. Chỉ một trung đoàn 148 của Việt Minh cũng có thể đánh chiếm Lai Châu. Cho nên phải tính đến chuyện rút bỏ địa điểm này. Còn Nà Sản lại chẳng có giá trị gì về chính trị cũng như về quân sự, cũng nên tính đến chuyện thay Nà Sản bằng một cứ điểm khác. bởi vì ta không thể bỏ được xứ Thái. Chúng ta phải chọn trong vùng Tây Bắc một căn cứ dễ phòng ngự, dễ tiến công, có thể từ đó tung biệt kích khắp nơi và toả khắp Lai Châu. Chỉ có duy nhất một địa điểm có thể đáp ứng tất cả mọi điều kiện này: đó là thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ.
Chú thích:
(1) Đi về mau lên
(2) Salan đã học và nói được tiếng Lào
(3) Trong đợt công tác đầu tiên tại Đông Dương từ 1924 đến 1937, Salan là một sĩ quan cấp uý đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cai trị hành chính ở Việt nam và Lào
Jean Pouget
Tướng NAVARRE Với Trận Điện Biên Phủ
Chương 2
Kế hoạch Navarre
Tướng Navarre chưa vội trả lời. Ngày 23 tháng 5 năm 1953, tướng quân đáp máy bay dân sự trở lại Sài Gòn. Trong ba ngày khảo sát nghiên cứu tình hình Bắc bộ, ông đã nhận thức được cuộc chiến tranh này không giống bất cứ cuộc chiến tranh nào mà ông đã trải qua hoặc hình dung tới. Ông đã được sống trong bầu không khí nóng nực đến ngột ngạt tại Hà Nội, đã hít thở bầu không khí mọt ruỗng ở vùng châu thổ sông Hồng, đã ước lượng trên đôi cánh máy bay khoảng không gian vùng Tây Bắc.
Ông đã cảm thấy trong những con người mà ông đã gặp sự trống rỗng về tinh phần mà duy nhất chỉ có nhiệm vụ bó buộc mới làm cho họ thôi nản trí. Ông cũng bắt đầu hiểu biết sự hiện diện của lực lượng tác chiến chủ lực của Việt Minh, tựa trên cơ sở góp nhặt từng người lính, từng khẩu súng, xây dụng tổ chức trong suốt bảy năm qua.
Ông biết, mấy tháng mưa sắp tới sẽ là thời gian tạm thời ngưng chiến. Nhưng sau mùa mưa, ông sẽ phải đối mặt với tướng Giáp trên chiến trường Bắc bộ. Ông cũng đã cảm thấy một phần lo ngại khi nhìn thấy toàn bộ đội ngũ “ra đi” lộ rõ vẻ vui mừng được trở về Pháp.
Tại Sài Gòn, những buổi tiệc chiêu đãi tiếp tục được tổ chức tại nhà hàng Càu Vồng nổi tiếng có nhiều món ăn Âu và ở cả Chợ Lớn, nơi có những món ăn Tàu của người Hoa. Tiệc tùng kéo dài cho tới cuối tháng. Trong khi đó ở Tổng hành dinh đặt tại doanh trại Demares, các sĩ quan tiếp tục lập các hồ sơ tổng kết các trận đánh: thống kê các trang bị nội thất, đánh giá tình trạng nhà ở để bàn giao cho ông chủ mới. Hàng ngày, trong phòng làm việc
treo đầy bản đồ. Tướng Navarre đều đặn nghe báo cáo tình hình chiến sự. Ông cũng nghiên cứu kỹ bản kiến nghị đệ trình Bộ trưởng quốc phòng do người tiền nhiệm là tướng Salan soạn thảo từ ngày 19 tháng 3 năm 1953, trong đó ghi rõ:
“Đối với một kẻ địch đã được trang bị mạnh đang có trong tay không chỉ lực lượng du kích thường trực mà cả một đội quân chính quy thật sự, ta phải có một lực lượng cơ động tác chiến ít nhất cũng ngang bằng về khả năng chiến đấu và trội hơn về quân số. Để có thể tiến hành một cuộc chiến mang lại chiến thắng cuối cùng có thể sẽ diễn ra trận chiến trường Bắc bộ, ta phải:
- Hoàn toàn bình định vững chắc tất cả các vùng chiếm đóng, ngăn chặn triệt để các tiềm năng kinh tế, quân sụ, chính trị của các khu vực này, không để lọt vào tay Việt Minh.
Tuần tự tiến đánh các mặt trận thứ yếu, nhằm vào các khu vực có những nguồn lợi kinh tế đang tạo điều kiện cho Việt Minh tiến hành chiến tranh và duy trì chế độ chính trị.
- Tổ chức và hoàn tất việc huấn luyện chiến đấu cho mọi lực lượng cơ động, không bị ràng buộc, phụ thuộc vào việc chiếm đóng”.
Phân tích này quả là chính xác, giải pháp này quả là hợp lý. Đây cũng là kết quả của một thử nghiệm cụ thể. Năm 1951-1952 Pháp cũng đã thử bẻ gẫy lực lượng cơ động tác chiến chủ lực của Việt Minh, tạo điều kiện cho việc hoàn tất bình định, nhưng đã gặp thất bại. Bây giờ cần phải đổi lại. Trước hết là bình định xong các vùng chiếm đóng ở đồng bằng rồi sau đó mới tập trung toàn bộ lực lượng tiêu diệt các sư đoàn chủ lực Việt Minh trên chiến trường Việt Bắc. Phải chăng lực lượng cơ động chủ lực của Việt Minh là nguyên nhân hay là kết quả đang làm cho vùng chiếm đóng ở đồng bằng bị “thối ruỗng”?
Ngày 28 tháng 5 năm 1953, chiếc tàu biển Marseillaise, được coi là con tàu mới nhất và sang trọng nhất trên tuyến đường hàng hải Viễn Đông nổ máy rời bến cảng Sài Gòn trong bầu không khí náo nhiệt. Tướng Salan và tất cả đội ngũ các sĩ quan thân cận đều đứng trên boong tàu. Khi con tàu đã rời
bến, tướng Linarès là người duy nhất giơ tay vẫn chào tướng Navarre. Vị tổng tư lệnh mới nhậm chức cảm thấy hoàn toàn đơn độc. Hôm nay đã là ngày thứ hai mươi kể từ khi ông được bổ nhiệm và là ngày thứ tám kể từ khi ông đặt chân tới Việt nam. Nhiệm vụ của ông là phải nghiên cứu “thật minh mẫn” để tìm ra một giải pháp đệ trình chính phủ. Tất cả khoán gọn trong một tháng. Tối nay, một mình trên đất Đông Dương, ông cảm thấy tất cả sức nặng của trách nhiệm đè nặng trĩu đôi vai.
Ở Paris vẫn chưa thành lập được chính phủ mới cuộc khủng hoảng kéo dài. Ngày hôm qua, ông Paul Reynaud từ chối, không đồng ý được đề cử. Bộ trưởng Letourneau đã rời khỏi Đông Dương, cũng chẳng để lại một người nào có đủ thẩm quyền ký các giấy tờ nhân danh Cao uỷ. Nhưng, cả ông Réne Mayer lẫn ông Letourneau đều quan tâm trả lời các thư và điện của Tổng tư lệnh Navarre từ Đông Dương gửi về, tỏ thái độ thông cảm và nhiệt tình, hoặc tỏ ra bất lực và nuối tiếc. Đông Dương không phải là vấn đề được theo dõi thường xuyên. Chẳng có ai chỉ huy cuộc chiến tranh này.
Thế nhưng, chiến tranh tự nó vẫn cứ tiếp tục.
Ngay lập tức, tướng Navarre thấy cần phải vận hành guồng máy chiến tranh khổng lồ của Tổng chỉ huy: đó là ban tham mưu liên quân và các lực lượng lục quân. Được sự giúp đỡ của của tham mưu trưởng Allard đang đột ngột đề nghị ở lại thêm vài ngày và tân tham mưu trưởng Gambiez vừa mới đến, tướng Navarre bắt đầu ra sức vận dụng. Suốt một tuần liên tục, với gương mặt căng thẳng, ý chí vươn cao, ông hỏi chuyện các trưởng ban, các tư lệnh binh chủng, các tham mưu trưởng, đi thăm các cơ quan, công binh xưởng kho tàng; thải hồi những người vô tác dụng và bổ sung các vị trí còn thiếu người. Chỉ trong vòng một tháng, đã có sáu mươi sĩ quan lần lượt bị trả về Pháp. Việc củng cố tổ chức được tiến hành một cách lạnh lùng, không chút nể nang chiếu cố, các phóng viên báo chí cũng vấp phải một bức tường kín như bưng.
Không còn ai nhìn thấy Tổng tư lệnh ở đâu cả.
Tướng Navarre rất ghê sợ cái kiểu đưa tin có dụng ý xấu của báo chí đệ trình
chính phủ. Tất cả khoán gọn trong một tháng. Tối nay một mình trên đất Đông Dương, ông cảm thấy tất cả sức nặng của trách nhiệm đè trĩu đôi vai. Ở Paris vẫn chưa thành lập xong Chính phủ, cuộc khủng hoang chính trị vẫn kéo dài. Nhưng ở đây chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Từng ngày từng giờ. Tổng chỉ huy Navarre liên tục nhận được các báo cáo tình hình chiến sự, các bức điện tối khẩn đề nghị tăng thêm viện binh các thống kê đau buồn về tổn thất. Trong những vùng rừng núi và đầm lầy các binh sĩ đang chờ đợi tướng quân có những quyết định nhanh chóng, hoặc là ra lệnh chiến đấu như thế nào hoặc là báo tin sẽ chi viện ra sao.
Ngay khi tới đây tướng Navarre cũng đã nghiên cứu tập hồ sơ về việc thành lập một đội quân của chính quyền Bảo Đại, đội quân người Việt trong xứ Đông Dương liên kết với Pháp. Tuy nhiên, mặc cho Pháp dày công soạn thảo kế hoạch và Mỹ ra sức viện trợ quân sự cái đội quân bản xứ người Việt này vẫn chỉ là một cơ thể to xác mà không có linh hồn. Trước tướng Navarre, tướng De Lattre cũng đã hiểu rõ vấn đề này. De Lattre đã thề sẽ thực hiện thành công nhưng rốt cuộc cũng chẳng đạt được một bộ quân phục nào ra hồn từ phía Bảo Đại. Navarre không có được ánh hào quang như De Lattre. Ông là một vị tướng thuần túy quân sự vào loại nhất của phương Tây.
Ngay khi mới tới Việt nam, tướng Navarre đã nghiên cứu tập hồ sơ về việc thành lập một đội quân của chính quyền Bảo Đại, tìm hiểu các giai đoạn trong việc phát triển đội quân này. Tướng Navarre đã gặp tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng, tại trụ sở Bộ Quốc phòng đặt trên đại lộ Gallieni, giữa đoạn đường từ thành phố Sài Gòn đầy mầu sắc phương Tây đến Chợ Lớn đượm nét châu Á.
Nguyễn Văn Hinh là một người Việt lai Pháp, con trai của đốc sứ Nguyễn Văn Tâm được thừa hưởng hai nền văn hoá: một trăm phần trăm huyết thống Việt nam một trăm phần trăm văn hoá Pháp. Từ thời thơ ấu Nguyễn Văn Hinh đã được theo học ở Pháp, sau đó vào trường không quân. Trong chiến tranh, Hinh là phi công lái máy bay trinh sát rồi thành lập gia đình với một cô gái Pháp ở miền Nam nước Pháp. Là người Việt nhập quốc tịch Pháp sĩ
quan lực lượng không quân Pháp, năm 1949 Hinh được điều động đi phục vụ tại Đông Dương với nhiệm kỳ một năm. Tướng De Latour, Tư lệnh chiến trường Nam Bộ đã rút Hinh ra khỏi hàng ngũ quân đội Pháp, đưa vào đội quân Bảo Đại. Tướng De Lattre, Tổng chỉ huy Đông Dương, đã cất nhắc Hinh lên chức vụ cao nhất. Đế trợ giúp Hinh, tướng De Lattre đã cử trung tá Bertin làm phó cho viên tướng người Việt hãy còn non trẻ này. Bertin có dòng máu Pháp và được hưởng thụ văn hoá Việt. Bertin làm phiên dịch cho Hinh, bởi vì Hinh mang họ tên Việt nam nhưng lại không nói thạo tiếng Việt vì sinh sống ở Pháp từ thủa bé. Bertin đã chỉ dẫn cho Hinh, góp ý với Hinh, trợ lực cho Hinh, và bí mật dạy Hinh học tiếng Việt, một ngôn ngữ rất khó học.
Nguyễn Văn Hinh hãy còn trẻ năng động, thông minh và thực tế. Hơn nữa, Hinh lại dễ thu hút tình cảm của mọi người do bề ngoài dễ gần, dễ chịu. Ông ta có mọi đức tính để thành đạt, chỉ trừ một điều: ông không coi nước Việt nam là Tổ quốc của mình, chiếc mặt nạ ái quốc mà ông khoác lên người rất khó thích nghi cũng như chiếc áo dài mỏng tang kiểu Việt nam khoác lên thân hình to lớn phương tây của cô đầm Pháp vợ ông.
Mặc dù Pháp xây dựng kế hoạch và Mỹ giúp đỡ vật chất, quân đội Việt nam trong tay Hinh vẫn như một cái xác to lớn không có hồn.
Khi ra khỏi trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội của Hinh, tướng Navarre ghi trong sổ tay: “Điều kiện thứ nhất, các nước liên kết với Pháp nhất định phải thật sự tham gia cuộc chiến tranh này. Điều kiện này chỉ có thể được thực hiện nếu các nước liên kết nhận thức rõ họ chiến đấu vì các mục đích quốc gia, và tình cảm này phải được dân chúng, nhất là những người theo chủ nghĩa dân tộc, thật sự chia sẻ, kể cả những người hiện đang đứng trong hàng ngũ Việt Minh, cũng như những người đang chờ thời”.
Trước tướng Navarre, tướng De Lattre cũng nhận định như vậy. Tướng De Lattre đã từng thề chiến thắng chủ nghĩa chờ thời bạc nhược và phải tìm cách quản lý những sĩ quan trong từng khoá tốt nghiệp. Trong cuộc đấu tranh này ông đã dốc toàn tâm, toàn lực, nhất định giành thắng lợi. Bài diễn văn
tướng De Lattre đọc tại trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, mà thư ký riêng của ông là Dannaud đã mất tám ngày soạn thảo trong một gian phòng ở bệnh viện Grand, thật sự là một tác phẩm, một lời kêu gọi tâm huyết, khơi gợi trí thông minh, niềm tự hào dân tộc, rất xúc động tới mức làm rơi nước mắt những thính giả… là người Pháp. Nhưng hồi đó De Lattre vẫn không được Bảo Đại cung cấp cho một thanh niên học sinh trung học nào chịu mặc quân phục.
Navarre không có được ánh hào quang toả sáng như De Lattre. Đầu óc máy móc của ông chỉ thích ca ngợi tính chính xác dựa trên những phân tích tình báo(1) lạnh lùng, chỉ muốn thừa nhận những dữ liệu kỹ thuật của vấn đề, những số liệu của nhu cầu, những thời gian biểu hoạt động. Đó là tất cả sự tinh thông của một tổng tư lệnh. Tướng Navarre cũng thường hay ghi chú những điều kiện chính trị và tâm lý bên cạnh những cột dài về số lượng xe cộ, dù nhảy, khẩu phần dã chiến, trong những đề nghị gửi lên chính phủ coi đó là những yếu tố nhằm thực hiện thắng lợi các kế hoạch đề ra. Ông là một điển hình của loại tướng lĩnh thuần túy nhất trong giới quân sự phương Tây.
Ở cách Sài Gòn một ngàn hai trăm kilômét, giữa trung tâm bí mật của Việt Bắc, có lẽ tướng Giáp cũng bắt đầu nghiên cứu tính cách đối thủ “mới” của mình. Theo phân tích biện chứng, đối thủ mới này cũng chẳng khác gì lắm so với các đối thủ cũ. Đằng sau vẻ bề ngoài: phục vụ Tổ quốc Danh dự Kỷ luật bên trong hoàn toàn trống rỗng.
De Lattre cũng vậy. Sở dĩ De Lattre được trao thêm nhiệm vụ chính trị, kiêm thêm chức Cao uỷ, chỉ vì ông là một quân nhân tốt. Ngược lại, tướng Giáp được giữ chức Tổng tư lệnh trước hết vì ông là một nhà hoạt động chính trị. Tướng Giáp chỉ huy các chiến dịch quân sự đúng quá rồi, nhưng trước hết ông là một uỷ viên đày uy tín trong Bộ Chính trị điều khiển chiến tranh. Tướng Giáp không sợ tướng Navarre, bỏi vì tướng Giáp đứng cao hơn, chứ không ngang tầm với tướng Navarre.
Trong khi đó, tướng Navarre chưa có thời gian để tìm hiểu đối thủ của mình và cũng có thể ông chỉ chưa nghĩ đến chuyện tìm hiểu đối thủ. Hơn nữa theo
tướng Navarre thì một quân nhân không bao giờ nhân cách hoá kẻ địch của mình. Kẻ địch là một chủ thể và cần phải căm ghét, tấn công tiêu diệt, thanh toán. Tướng Navarre rất có cảm tình với tướng Nga xô Zukov. Nếu lúc nào đó tướng Navarre có nghĩ đến tướng Giáp hoặc ông Hồ, thì nhất định đó không phải là những tình cảm thù ghét. Vì vậy để giải thích thế nào là Việt Minh, tướng Navarre chỉ nhận định chung chung: đó là địch thủ, trừu tượng và không nhân cách hoá. Trong vùng châu thổ sông Hồng, nhận xét tại chỗ tính năng của những lô cốt bê-tông, nghiên cứu tại chỗ địa bàn hoạt động cho những chiến dịch sắp tới, ông hỏi rất nhiều và chỉ đưa ra vài mệnh lệnh ngắn gọn.
Trong chuyến đi trên khắp các nẻo đường chiến trường Bắc bộ này, hai vị tướng đã nhiều lần trực tiếp đối thoại với nhau. Tướng Cogny, xuất thân là một sĩ quan pháo binh thiên về phòng ngự tĩnh tại. Tự coi là người biết rõ vùng đồng bằng này, tướng Cogny cho biết sẽ tổ chức lại trận tuyến, rút bỏ các đồn bốt kém tác dụng, tăng cường các cứ điểm quan trọng, tập trung binh lực và bảo vệ “vùng đồng bằng của mình” bằng một lưỡi lửa pháo binh và không quân mãnh liệt. Tướng Navarre xuất thân là kỵ binh, đề xuất những phương án phòng ngự cơ động linh hoạt bằng cách tháo gỡ sự “chôn chân” của các đơn vị chiếm đóng, tổ chức các đơn vị cơ động làm lực lượng dự trữ, tán thành cách tiến công để phòng ngự bằng cách tổ chức những cuộc tập kích bằng lính dù vào vùng hậu phương của Việt Minh, như cuộc nhảy dù xuống Lạng Sơn vào ngày 26 tháng 6 năm 1953.
Khi Tổng tư lệnh rời Hà Nội thì “ê-kíp mới” có vẻ như đã được gắn chặt với nhau. Những “bất đồng nội bộ” đã hoà hợp dần trong hy vọng chiến thắng: Bởi vì những bất đồng và chống đối chỉ có thể phát sinh từ những thất bại. Vả lại, tướng Cogny không phải là người thuộc đội “đồng ca trong nhà thờ”. Cụm từ “đồng ca trong nhà thờ” thường được dùng để gọi những người dựa dẫm vào nhau để tiến lên. Tướng Cogny cũng không bao giờ chen vào một ê-kíp trong đó có các thành viên chen vai thích cánh để phục vụ một ông chủ hoặc vì một mục đích nào đó.
Tướng Navarre không bao giờ tin tưởng ở những đội ngũ gọi là “cánh hẩu” do ghê sợ những “đội đồng ca trong nhà thờ”. Ông chỉ tin vào những khả năng của các ban tham mưu. Có lẽ tướng Cogny mong chờ sự thân mật ngoài lề công việc sẽ dẫn đến sự tin cậy. Vẻ lịch sự, lạnh nhạt của tướng Navarre mới chỉ tạo cho Cogny có được sự tín nhiệm về tâm tính, chứ không phải về khả năng của mình.
Trên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn tướng Navarre ghé qua Viêng Chăn trong chốc lát. Tướng Gilles đang giữ chức Quyền tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Lào, tỏ ra thờ ơ với cảnh đẹp thanh bình ở đây. Mặc dù chung quanh tướng Gilles là một đội ngũ lính dù vững chắc, ông vẫn buồn chán vì phải sống xa Sài Gòn và không được tham dự các hoạt động quân sự ở đồng bằng Bắc bộ.
Trong khi đó, Thủ tướng Lào là Hoàng thân Xuvanna Phuma lại bày tỏ một cách rất nhiệt tình với Tổng tư lệnh Navarre là Chính phủ Lào muốn Tổng tư lệnh cử tới Viêng Chăn một vị tư lệnh chính thức để chỉ huy các lực lượng trong khối Liên hiệp Pháp đóng tại Lào.
Thái độ thờ ơ chểnh mảng dù không nhiều lắm của tướng Gilles và các sĩ quan trong Bộ Tư lệnh của ông đặt trụ sở tại thành phố nhỏ bé như một thị trấn này, đã chọc vỡ tính dè dặt của các vị đại thần Lào, là những người luôn coi việc gì cũng quan trọng. Chí còn có một vị tướng duy nhất có thể đáp ứng sự mong mỏi của ông hoàng Phuma. Đó là tướng Gardet, hiện đang làm phó cho tướng Bondis ở Sài Gòn, thường được sử dụng như một nhân viên đại diện cho Bộ Tư lệnh tham dự các nghi lễ chính thức thường diễn ra rất nhiều tại đây.
Tướng Navarre quyết định cử Gardet thay Gilles làm Tư lệnh chiến trường Lào để tướng Gilles được trở về với các hoạt động chiến đấu. Bây giờ, chỉ còn chuyến đi thăm Campuchia là hoàn tất chương trình. Nhưng dự án này đã bị hủy bỏ.
Tại Campuchia, Quốc vương Norodom Sihanuk đang trị vì, Cao uỷ Risterrucci đang cai trị, tướng Langlade đang chỉ huy toàn bộ lãnh thổ. Bộ ba
này thi thoảng có gặp nhau, nhưng không bao giờ thích thú, người nào cũng bị ràng buộc chặt chẽ vào tầm quan trọng của nhiệm vụ và nghi lễ. Tướng Langlade, được coi là “người lính Châu Phi” và “đại lãnh chúa”, đang trải rộng kho tàng về tính dũng cảm và lòng kiên nhẫn của mình để duy trì một mức độ uy quyền nào đó trên đầu các binh sĩ, cao uỷ Risterrucci thì thường hay thở dài, tưởng nhớ tới thời kỳ mà các viên toàn quyền cai trị các thuộc địa có uy quyền lớn hơn vua có thể trao vương miện và vứt bỏ vương miện của quốc vương những nước phụ thuộc vào Pháp. Còn Quốc vương Sihanuk thì đang bực tức. Nhà vua được cựu Toàn quyền Gauthier đặt lên ngai vàng từ thủa còn là một hoàng tử Khmer nhỏ bé, do tính nết ngoan ngoãn, dễ bảo.
Thế mà nhiều tháng, nhiều năm gần đây lại cứng đầu cứng cổ đòi cho Campuchia được độc lập hoàn toàn “trong khối Liên hiệp Pháp”, theo một qui chế tương tự như Ấn Độ trong khối Thịnh vượng chung của Anh. Những yêu sách này đã làm náo động những thành viên chính phủ cứng rắn muối bảo vệ tính vững chắc của Hiến pháp nước Pháp.
Từ một năm nay Sihanuk đã trực tiếp nắm trong tay các công việc hành chính của vương quốc và quyền chỉ huy quân đội hoàng gia Campuchia. Nhà vua tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Khơ me Issarak và lực lượng Sơn Ngọc Thành.
Những cuộc tuần du của nhà vua tới các tỉnh làm thức tỉnh cả tinh thần quân chủ lẫn tinh thần dân tộc của nhân dân. Những phần tử chống đối đã chịu khuất phục và đang thúc đẩy quốc vương đòi độc lập.
Đức vua nói với các nhà chức trách Pháp:
- Trên toàn bộ đất nước Campuchia của chúng tôi không có quá ba người, kể cả tôi, tán thành khối Liên hiệp Pháp.
Bực tức trước sự trì trệ của Pháp, nhà vua quyết định đưa vấn đề Campuchia ra trước công luận quốc tế: ông đã đi Mỹ, Nhật Bản vận động các nước lên tiếng ủng hộ Campuchia độc lập nhưng không đạt kết quả. Ngày 14 tháng 6 nhân một chuyến đi thăm các tỉnh thuộc khu vực biên giới, ông đi luôn sang
Thái Lan rồi đọc một bài diễn văn, tỏ thái độ quyết tâm tự đi đày ở Thái Lan cho tới khi giành được độc lập hoàn toàn cho Vương quốc Campuchia. Nước Campuchia đứng trước nguy cơ trở thành một nước chống Pháp. Tại Paris, Chính phủ Pháp náo động. Cố vấn ngoại giao Pháp tại Sài Gòn là ông Raymond Offroy tới tấp gửi điện mật mã, thông báo tình hình Campuchia với Tổng tư lệnh Navarre. Trong một bản thông điệp dài tới hai nghìn từ chọn lọc và bóng bẩy theo ngôn ngữ ngoại giao, Bộ Ngoại giao Pháp tố cáo Sihanuk gây ra tình hình nghiêm trọng, đòi áp dụng các biện pháp trừng phạt và gửi tới Sihanuk những lời đe doạ bằng các từ ngữ văn hoa. Cùng trong lúc đó, tùy viên quân sự đại sứ quán Pháp ở Thái Lan cũng thương lượng một cách mềm dẻo. Kết quả là Sihanuk không được triều đình Thái Lan tiếp đón, mọi lời khuyên đều là ông nên trở lại kinh đô Campuchia, nơi tất cả mọi người đã quên những lời tuyên bố của ông tại Thái Lan rồi. Cuộc trốn chạy của Sihanuk sang Băng Cốc kết thúc trước khi Chính phủ Pháp quyết định huy động bộ máy chiến tranh ngoại giao đòi Thái Lan trục xuất Sihanuk về Campuchia.
Thay vì ra oai sấm sét, Tổng tư lệnh Navarre kín đáo gửi tới ông vua nhỏ bé những lời bày tỏ thiện cảm với đất nước và sự dũng cảm của nhà vua. Sihanuk tự tay viết thư trả lời: “Tôi xin phép được gửi tới tưởng quân lá thư này để nồng nhiệt cảm tạ tướng quân đã can thiệp tại Paris để cho Campuchia được độc lập hoàn toàn”
Trong suốt thời gian tiến hành công tác ngoại giao đứt quãng này, tướng Navarre không ngừng nghĩ đến nhiệm vụ chính của mình. Ông chỉ còn mười lăm ngày nữa để tổng hợp các ý niệm do ông suy nghĩ hoặc do người khác đóng góp vào bản kế hoạch hành động, phân tích các hậu quả, thống kê các nhu cầu, ấn định các thời gian thực hiện. Trước khi kết luận, ông muốn gặp lại một lần nữa những cán bộ cấp cao dưới quyền, cho họ những huấn thị mới, củng cố các vị trí trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh và tiến hành một vài cải cách.
Ngày 17-6-1953 có một cuộc họp quan trọng tại Sài Gòn để nghe Báo cáo
tình hình và góp ý kiến để xây dựng bản kế hoạch chiến lược. Tham dự có đô đốc Auboyneau, tướng Bodet, tướng Lauzin (vừa mới tới giữ chức Tư lệnh các lực lượng không quân Đông Dương) cùng với các tư lệnh chiến trường: Bondis, Langlade, Leblanc, Cogny, Gardet. Nếu đến cuối buổi họp vào lúc xế chiều, hội nghị chuyển sang phần thảo luận các đề án trong tương lai, nhưng vẫn chưa góp được ý kiến vào bản kế hoạch mang tên Navarre, là vì cho tới giờ phút đó bản kế hoạch chiến lược này vẫn chưa soạn thảo xong. Tuy nhiên nội dung thiết yếu vẫn được sử dụng để soạn thảo bản huấn thị số một được Navarre ký vài ngày sau đó.
Trong bản báo cáo tường trình tướng Navarre nhận xét những điều tai nghe mắt thấy từ ngày đặt chân tới Đông Dương. Các mệnh lệnh không được chấp hành hoặc thi hành sai lệch, bí mật các hoạt động quân sự không được giữ kín, phần lớn các đơn vị đều chôn chân trong các đồn bốt rào dây kẽm gai để phòng ngự, không được tung đi tác chiến tiến công, việc huấn luyện quân sự cần phải tiến hành lại theo chương trình thích hợp, không có đủ sĩ quan chỉ huy trong các đơn vị lục quân. Hải quân vừa không hiện đại vừa không hiệu lực, hệt như một bà đầm già ngồi suy tư bên cạnh tấm ảnh chân dung đô đốc Rigaul de Genouilly, thời kỳ tung hoành chinh phục các thuộc địa. Lực lượng không quân cũng lạc hậu, các phi công lái những chiếc máy bay cánh quạt đang mơ tưởng có trong tay những loại phản lực ở Reims hoặc ở Mong de Marsan. Lực lượng viễn chinh nằm chết gí. Cần phải thay đổi các thói quen cũ. Đang thiếu một ngọn lửa… Bản báo cáo tường trình của tướng Navarre có thể sẽ khởi động lớp tro tàn nhưng vẫn cứ thiếu một làn gió thổi để tia lửa trong than bùng cháy.
Tướng Navarre đặt tất cả những hy vọng của ông trong cuộc tranh luận sắp tới với hội động chính phủ tại Paris.
Ngày 28-6-1953 bản kế hoạch chiến lược đã viết xong. Cô thư ký của tướng Navarre là Léone Mougenot lập tức đánh máy ngay sau khi tướng Navarre sửa chữa xong bản viết. Toàn bộ dày tới hai mươi nhăm trang đánh máy mang tên “Giác thư của tướng Navarre về tình hình Đông Dương”, kèm theo
một hồ sơ dày cộm những văn bản ghi chú và phụ lục: Buổi tối, tôi gửi một bức điện cho Thủ tướng Joseph Laniel, báo tin Tổng tư lệnh Navarre sẵn sàng trở về Paris vào đầu tháng 7 để báo cáo tình hình hoàn thành nhiệm vụ”. Ngày hôm sau, tôi nhận được điện trả lời, ngắn gọn và bất ngờ. Trong điện, ông Laniel viết: “Tôi ngạc nhiên khi thấy mới sau một tháng, Tổng tư lệnh đã nghĩ đến chuyện trở về Paris. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, vắng mặt tại Đông Dương là không đúng lúc”(2).
Chỉ riêng tướng Navarre khi đọc bức điện này đã không bật cười. Ông tự tay thảo điện trả lời, nói rõ lý do tại sao lại về Paris. Trong khi đó, ông Laniel ở Paris cũng đã nghe người tiền nhiệm Navarre là Salan báo cáo. Ông lại gửi điện báo tin cho phép Tổng tư lệnh Navarre được trở về Paris trong vài ngày tới.
Chúng tôi ở lại Paris một tháng. Tiếp theo ánh nắng mặt trời của Sài Gòn, từ ngày 4 tháng 7 năm 1953 khi đặt chân tới sân bay Orly, chúng tôi đã nhìn thấy đám mây buồn tẻ của mùa thu, dù được gọi là một mùa đẹp. So với múi giờ Sài Gòn thì chúng tôi chậm mất bốn giờ nhưng căn cứ vào lịch đón tiếp tướng Navarre thì vẫn còn sớm hơn một giờ. Tôi không biết rõ, bốn giờ qua ở Đông Dương đã xảy ra những diễn biến gì ảnh hưởng tới thời cuộc.
Trước khi lên đường đi Đông Dương, tướng Navarre đã được Thủ tướng hồi đó là Réne Mayer đảm bảo là không bổ nhiệm chức Cao uỷ Đông Dương trước khi Tổng tư lệnh Navarre trình bày bản kế hoạch chiến lược. Tuy vậy, từ tháng 4 đã ban hành một nghị định tổ chức lại cơ quan đại diện của Pháp tại Đông Dương, bằng cách tách các công việc chính trị và hành chính của Cao uỷ khỏi các nhiệm vụ chỉ huy quân sự do Tổng tư lệnh đảm nhiệm. Nhưng ngay khi tới thị sát tình hình tại chỗ, tướng Navarre cho rằng Tổng tư lệnh Đông Dương vẫn phải có thêm một số quyền hành chính trị. Ông đã trình bày điều này trong thư cá nhân gửi cựu Thủ tướng Réne Mayer và ông Mayer đã hứa sẽ chuyển ý kiến này tới Thủ tướng mới, đồng thời cũng nhấn mạnh, ông hoàn toàn tán thành quan điểm của tướng Navarre.
Ông Joseph Laniel ngay khi nhậm chức Thủ tướng đã nắm trong tay Bộ Các
nước liên kết và gửi tới Tổng tư lệnh Navarre một cơ quan đại diện có thẩm quyền ký các giấy tờ thuộc phạm vi chức trách của Cao uỷ. 11 giờ ngày 4 tháng 7 tướng Navarre tới Orly, mang theo một bản nghiên cứu theo yêu cầu của chính phủ. Đây là bản nghiên cứu mà từ Tông thống Cộng hoà, Thủ tướng chính phủ, Thống chế Tổng thanh tra quân đội đến các quan chức cấp thấp…, đều tuyên bố sẽ dùng làm cơ sở để thảo ra một đường lối chính trị một đường lối tiến hành chiến tranh và một kế hoạch tác chiến. Ngồi trên xe từ sân bay Orly về nhà riêng tại phố Georges Ville, tướng Navarre nghe qua đài thu thanh đặt trong ô tô, lời bình luận nhận xét, hết chính phủ này đến chính phủ khác những đường lối chủ trương vẫn cứ khác nhau. Đến buổi trưa, tờ báo nói công bố bản tuyên bố ngày 3 tháng 7 của chính phủ công nhận trao trả độc lập cho các nước liên kết và mời những nước này ký với Pháp những bản hiệp định song phương để gia nhập khối Liên hiệp Pháp. Ngay trong ngày hôm đó, Nội các chính phủ đã chỉ định ông Dejean, đại sứ Pháp tại Tokyo làm Tổng cao uỷ toàn Đông Dương. Tôi đến Bộ Các nước liên kết đặt trụ sở làm việc tại toà nhà số 78 phố Lille để thu lượm các tin tức về Đông Dương, thấy nhiều cơ quan làm việc còn trống rỗng. Đại tá Brebisson được cử làm người quản lý toà nhà này cho tôi thoải mái chọn một phòng làm việc dành cho Tổng tư lệnh Navarre trong thời gian ông ở Pháp. Với giờ sau tôi mới thấy ông Marc Jacquet vừa được chỉ định làm Quốc vụ khanh phụ trách các nước liên kết tới. Ông báo tin muốn giữ đại tá Brebisson làm việc tại Đông Dương nhưng Brebisson từ chối.
Tướng Navarre thản nhiên trước việc ông Dejean được chỉ định làm Tổng Cao uỷ Đông Dương, trùm lên trên chức vụ Tổng tư lệnh quân đội toàn Đông Dương của Navarre. Tướng Navarre không sợ ông Dejean. Bởi vì, ngài đại sứ vừa được cử làm Cao uỷ Dejean xuất thân chỉ là một nhân viên văn thư lưu trữ trong Cục Tình báo Bộ Chiến tranh. Đây là một viên chức được cấp trên rất tin cậy giao cho giữ chìa khoá tủ sắt đựng các hồ sơ tuyệt mật. Là một công chức dân sự làm việc trong Bộ Chiến tranh, ông Dejean đã
được tận dụng tư cách dân sự để làm đại sứ Pháp ở Berlin hồi trước chiến tranh, nhưng thực tế là làm công tác tình báo. Nhiệm vụ hồi đó của ông là gửi những bức điện ngoại giao, với tư cách là của đại sứ Pháp ở Đức về Bộ Ngoại giao Pháp, đặt địa chỉ ở Quai d Orsay Paris, nhưng thực chất là gửi về cho Cục Quân báo Bộ Chiến tranh của Pháp. Sau khi từ Đức trở về Pháp, ông Dejean được làm việc trong Văn phòng Thủ tướng Paul Reynaud. Ông là một người siêng năng lễ phép, soạn thảo các văn bản rất hoàn hảo.
Ông Paul Reynaud có nhiều án tướng tốt đẹp về nhân viên tận tụy trung thành nên đã đề nghị ông Dejean giữ chức vụ và chiếm lĩnh toà lâu đài của Tổng Cao uỷ Pháp ở Đông Dương.
Tổng tư lệnh Navarre không lo ngại về cá nhân Tổng Cao uỷ, nhưng lo ngại về chức vụ và thẩm quyền của cơ quan Tổng Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, lúc này các chính quyền thân Pháp ở Campuchia, Lào, Nam Việt nam đã thiết lập quan hệ cấp đại sứ với Pháp. Đại diện Pháp ở từng nước này được gọi là Cao uỷ. Nay lại có thêm một Tổng Cao uỷ toàn Đông Dương, đặt trụ sở tại Phủ Toàn quyền cũ, tức là dinh Norodom tại Sài Gòn, thực hiện tất cả mọi uy quyền và thừa hưởng tất cả gia tài của các viên Toàn quyền cũ. Cần phải nêu lên một tấm gương của Anh quốc. Ngài Malcolm Mac Donald là Tổng Cao uỷ toàn bộ các nước trong khối Thịnh vượng chung của Anh ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng ông không đặt trụ sở làm việc ở Singapore ngại làm phiền cả Chính phủ liên bang Malaixia lẫn đại sứ Anh quốc. Ông làm việc tại Bukit Serene, cách thủ phủ Singapore khoảng mười dặm, trong một toà nhà tiện nghi và kín đáo. Ở Đông Dương Phủ Cao uỷ Pháp đã đặt trụ sở tại Đà Lạt, buộc Bảo Đại phải chuyển xuống Sài Gòn sự việc này có thể làm cho Quốc trưởng Bảo Đại bực tức. Bây giờ, trụ sở Tổng Cao uỷ Pháp lại đặt tại dinh Norodom tức Phủ Toàn quyền cũ. Có thể coi đó là bước đầu để làm cho chính quyền Bảo Đại tham chiến cùng với Pháp được chăng?
Ngay trong cuộc họp đầu tiên giữa hai người với nhau tại trụ sở Bộ Các nước liên kết, tướng Navarre đã bộc lộ những thắc mắc này với ông Dejean. Sau cuộc nói chuyện, tôi thấy tướng Navarre bước ra ngoài phòng khách vẻ
mặt buồn rầu. Tôi hỏi lý do, tướng Navarre cho biết ông Dejean đã không nghe theo những ý kiến đóng góp của tướng Navarre.
Tháng 7 này cũng là khoảng thời gian tôi rất bận việc vì phải đi thăm nhiều nơi, nghe thuyết trình, tham gia các buổi họp, bàn bạc công việc và dự các bữa cơm giao dịch. Tôi chỉ có thể ngồi một mình trong phòng làm việc vào lúc bảy giờ sáng nhưng lúc đó cũng lại phải cập nhật tình hình diễn biến hằng ngày tại Đông Dương và buổi tối khuya lại phải giải thích tình hình trước tấm bản đồ. Còn tướng Navarre thường có mặt vào lúc 8 giờ, nghe các báo cáo đọc các bức điện Đến 9 giờ ông mới thực sự bắt tay vào công việc chính.
Trong thời gian này, có hai sự kiện quan trọng. Đó là cuộc họp các tham mưu trưởng ngày 6 tháng 7 và cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng ngày 24 tháng 7. Ngoài những cuộc gặp riêng rẽ với các bộ trưởng, các tham mưu trưởng và Tổng thanh tra quân đội, chính tại hai cuộc họp quan trọng này tướng Navarre sẽ phải thuyết minh bản kế hoạch chiến lược mang tên ông. Nội dung bản “Kế hoạch Navarre” như thế nào?
Bản kế hoạch này đã được xây dựng trên cơ sở giác thư mà tướng Navarre đã đệ trình chính phủ, gồm bốn vấn đề: những mục đích của cuộc chiến tranh, cách tiến hành chiến tranh, kế hoạch tác chiến, những phương tiện cần thiết để thực hiện thắng lợi kế hoạch chiến lược.
Ngay trong trang đầu tiên tướng Navarre đã viết: “Những điều tôi dự kiến chỉ có thể thực hiện được trong chừng mức viện trợ của Trung Quốc cho Việt nam giữ ở qui mô như hiện nay. Nếu viện trợ này tăng ồ ạt và nhất là nếu có một sự can thiệp trục tiếp của Trung Quốc bằng những lực lượng lục quân và không quân thì toàn bộ bản kế hoạch chiến lược này phải làm lại”.
Trung Quốc bắt đầu viện trợ cho Việt nam từ năm 1950. Vào thời kỳ bấy giờ, sự viện trợ này là một thực tế đặt diều kiện cho việc giải quyết chiến tranh Đông Dương. So sánh tình hình bán đảo Triều Tiên với bán đảo Đông Dương hồi đó, ta thấy tướng Mỹ Mac Arthur đã bị đánh bại trên sông Áp Lục bởi các đơn vị Chí nguyện quân Trung Quốc; các binh đoàn Lepage và
Chartron của Pháp bị đánh tan ở giữa Cao Bằng và Lạng Sơn bởi các đơn vị Việt Minh được Trung Quốc giúp đỡ huấn luyện và trang bị vũ khí. Hai sự kiện này còn nóng hổi trong ký ức mọi người.
Nếu không có sự can thiệp của Trung Quốc, cuộc chiến tranh Đông Dương sẽ là một cuộc thử sức có thể tìm lối thoát bằng một giải pháp tay đôi giữa Pháp với Việt nam. Nhưng nếu Trung Quốc can thiệp, sự viện trợ của Trung Quốc cho Việt nam không phải chỉ là vấn đề thay đổi tương quan lực lượng giữa hai bên tham chiến là Pháp và Việt nam mà còn nâng vấn đề lên tầm quốc tế.
Sau giai đoạn mở đầu đó, hai phần đầu của kế hoạch Navarre đề cập những vấn đề chính trị: định nghĩa mục đích chiến tranh và đường lối tiến hành chiến tranh. Đó là hai vấn đề hoàn toàn thuộc về chính phủ. Vai trò của giới quân sự chỉ là thực hiện kế hoạch tác chiến theo những huấn thị của chính phủ. Từ hồi chiến tranh thế giới thứ nhất. Tổng thống Pháp Clemenceau đã từng tuyên bố có tính chất châm ngôn: “Chiến tranh là chuyện rất nghiêm trọng tới mức không thể giao phó cho giới quân sự”. Vậy mà, cho mãi tới nay, vẫn chưa có một nhà chính trị có trách nhiệm nào của Pháp định nghĩa những mục đích cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương là gì, không một thành viên chính phủ nào đưa ra những chỉ thị đúng đắn để tiến hành chiến tranh, buộc tướng Navarre phải đưa ra trước những kiến nghị xây dựng kế hoạch tác chiến. Ông đã giải thích những kiến nghị này, và để cho chính quyền quyết định.
Đối với chính phủ, áp dụng “kế hoạch Navarre” có nghĩa là chọn lọc, ban bố, cụ thể hoá bằng các đạo luật, các chỉ thị các mệnh lệnh. Tôi không tìm thấy cả trong trí nhớ lẫn trong các tài liệu, một dấu tích nào chứng tỏ Chính phủ Pháp lúc đó đã làm như vậy. Những người cầm quyền không có lỗi, mà chính là do qui chế làm việc hồi đó đã tỏ ra không có khả năng.
Về “những mục đích của cuộc chiến tranh”, tướng Navarre kiến nghị ba điểm, gắn liền với những cách thức tiến hành chiến tranh.
Một là giữ các nước liên kết trong khuôn khổ khối Liên hiệp Pháp. Mục đích
thành lập khối Liên hiệp Pháp đã được ấn định trong các hiệp định ký kết giữa Pháp với từng nước liên kết năm 1949, nhưng theo tướng Navarre “chỉ có thể thực hiện được bằng một chiến thắng quân sự, hoặc ít nhất cũng bằng những thắng lợi đủ mức tạo điều kiện thuận lợi cho Pháp trong những cuộc thương lượng có khả năng được tiến hành giữa Pháp với Việt Minh.
Hai là lặp lại tư tưởng của tướng De Lattre đã làm hài lòng Mỹ: “Xây dụng Đông Dương thành một con đập chắn lớp sóng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế”. Tướng Navarre viết: “Trong trường hợp này, phải thục hiệp càng nhanh càng tốt việc thay quân đội Pháp tại Đông Dương bằng quân đội các nước liên kết, trao trả các nước này nền độc lập hoàn toàn không hạn chế, và thúc đẩy họ tham gia vào cuộc đấu tranh chung, cùng với các nước có liên quan như Mỹ, Anh, Australia…”
Ba là, rút toàn bộ các lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương về nước một cách đơn giản và thuần túy. Tướng Navarre viết: “Đây là một hành động quân sự khó khăn nếu không được đảm bảo bằng các thoả thuận thoả đáng với Việt Minh”. Kế hoạch hành động này của tướng Navarre xuất phát từ ý tưởng đầu tiên, và phù hợp với những lời căn dặn rất chung chung mà ông Réne Mayer hồi đang giữ chức Thủ tướng đã nói với tướng Navarre khi cử tướng Navarre đi Đông Dương: “Tướng quân phải đi tới chỗ tạo ra được tình huống để chúng ta có thể thương lượng với Việt Minh trong những điều kiện tốt, thuận lợi cho chúng ta”.
Tướng Navarre đã nêu lên những nét lớn về các hoạt động quân sự, và không đi vào chi tiết.
Tức là, trong giai đoạn đầu tiên tiến hành vào Thu-Đông 1953-1954, Tổng tư lệnh dự định xây dựng một lực lượng chủ lực tác chiến gồm những đơn vị lớn có khả năng đối chọi với các sư đoàn Việt Minh, và phát triển các đội quân của các nước liên kết sẽ thay thế quân đội Pháp tại Đông Dương.
Ông cho rằng đến năm sau tức 1954-1955 sẽ có thể tiến công Việt Minh, để chứng minh cho Việt Minh biết, Pháp có thừa khả năng giải quyết vấn đề bằng quân sự, nhằm buộc Việt Minh ngồi vào bàn thương lượng.
Phần bốn, cuối cùng là xin tăng cường các phương tiện để thực hiện kế hoạch chiến lược. Đó là bản hoá đơn.
Trong bản kế hoạch chiến lược rất đại cương này, dĩ nhiên tướng Navarre chưa một lần đề cập tới Điện Biên Phủ. Mặc dù đã dự kiến từ lâu nhưng kế hoạch đánh chiếm Điện Biên Phủ như thế nào vẫn chưa từng được nghiên cứu. Có lẽ, tướng Navarre đã tự mình quyết định chiếm lĩnh thung lũng này nhưng chưa nói ra một lời nào cả. Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tình báo của ông đã dạy ông là, ngay trong các cơ quan cấp chính phủ cũng không thể bảo vệ được bí mật. Thống chế Juin trong thư ngày 29 tháng 9 năm 1953 gửi tướng Navarre cũng đã viết: “Chú ý giữ bí mạt các hoạt động quân sự. Đừng tiết lộ quá nhiều với bất cử ai”. Qua những báo chí mà tướng Navarre ngày nào cũng đọc, ông càng thấy phải giữ bí mật. Chính vì hai lẽ đó, địa danh Điện Biên Phủ đã không một lần được nói đến trong các bản trình bày miệng cũng như trong văn bản của tướng Navarre.
Ngày 6 tháng 7, trong cuộc họp các tham mưu trưởng ba quân chủng gồm có tướng Blanc thuộc lục quân, tướng Fay thuộc không quân, đô đốc Nomy thuộc hải quân, đặt dưới sự chủ toạ của Thống chế Juin, đã được biết đến bản kế hoạch chiến lược mang tên Navarre. Mỗi người dự họp đều có một bản sao giác thư của Navarre gửi chính phủ, được nghe chính Tổng tư lệnh Navarre trình bày và được đặt nhiều câu hỏi. Trong bản báo cáo ngày 8 tháng 7 đệ trình Bộ trưởng các nước liên kết, thư ký cuộc họp viết: “Hội đồng các tham mưu trưởng cho rằng, trong các giải pháp do tướng Navarre trình bày tại cuộc họp ngày 6 tháng 7, thì việc trao độc lập hoàn toàn cho các nước liên kết trong khuôn khổ khối Liên hiệp Pháp là giải pháp duy nhất cần thục hiện”.
Đưa ra nhận định này, các chuyên viên quân sự đã tính đến khả năng đang mong đợi và có thể được là sự giúp đỡ nghiêm chỉnh của các nước hên kết “trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chung chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”. Các tham mưu trưởng cũng nhất trí tán thành những biện pháp chính trị do tướng Navarre đề xuất, coi đó là tạo điều kiện cho việc thực hiện
kế hoạch quân sự.
Tuy nhiên, Hội đồng các tham mưu trưởng cũng cho biết, họ đã không thảo luận đề nghị tăng viện của tướng Navarre ghi ở phần 4 bản kế hoạch, với lý do không có thời gian nghiên cứu. (Trong đề nghị này, tướng Navarre yêu cầu lục quân cung cấp thêm 12 tiểu đoàn bộ binh, một cụm pháo binh có thể chuyển vận bằng máy bay đổ bộ đường không, một tiểu đoàn công binh, và bảy trăm bốn mươi ba sĩ quan, hai ngàn năm trăm mười ba hạ sĩ quan để bổ sung cho các đơn vị hiện đang thiếu chỉ huy; yêu cầu không quân cung cấp thêm hai trăm máy bay vận tải C47, hai mươi máy bay ném bom B26; yêu cầu hải quân cung cấp thêm một tàu sân bay, một thông báo hạm hoặc một tàu khu trục có trang bị pháo 138 mm, hai tàu đổ bộ, một tàu vận tải). Những yêu cầu này nằm trong phần 4, kết thúc bản kế hoạch chiến lược.
Ngày 17 tháng 7, ý kiến các tướng lĩnh tham mưu được chuyển lên Bộ trưởng. Trong báo cáo gửi cấp trên, họ thừa nhận việc yêu cầu tăng viện là đúng đắn, có nghiên cứu kỹ và mong mỏi những phương tiện này sẽ được đưa sang Đông Dương trước ngày 1 tháng 10, tức là trước thời hạn mà tướng Navarre yêu cầu hai tháng.
Riêng với lục quân, việc thoả mãn yêu cầu về nhân sự của tướng Navarre có thể dẫn đến nhiều tác động vì số sĩ quan và hạ sĩ quan cần đưa sang Đông Dương quá đông “có thể phải động viên một phần, hoặc phải huy động lực lượng trù bị” nếu còn muốn duy trì những “nguồn lực đã được ấn định vì lợi ích của phương Tây” nghĩa là còn phải đóng quân ở Đức.
Không quân cũng ngán ngẩm. Với đề nghị liên quan đến máy bay vận tải Dakota C47, số phi công có thể đưa sang Việt nam được, nhưng còn số máy bay thì phải chờ xin Mỹ. Về số máy bay ném bom loại nhẹ B26, có thể đưa sang đủ hai mươi chiếc nhưng thiếu thợ máy. Hải quân có thể đáp ứng được yêu cầu sau khi điều chỉnh. Nhìn chung, ý kiến này có thể đáp ứng những yêu cầu của tướng Navarre. Mọi việc chỉ còn chờ sự quyết định của chính phủ. Ngày 24 tháng 7, Tổng thống Cộng hoà Pháp triệu tập cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng tại điện Elysée.
Tôi cắp cặp đi theo tướng Navarre. Tổng thống Auriol là người rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ bí mật, dặn mọi người không được ghi chép và lệnh cho tôi rời khỏi phòng họp trước khi tướng Navarre bắt đầu báo cáo. Dù sao tôi cũng được đọc bản tường trình của tướng Navarre, được xem cả những dòng chữ ông đã ghi thêm bằng bút chì bên lề bản báo cáo và chính tôi đã được đánh máy bản báo cáo này để đưa cho ông Mons, thư ký thường trực Hội đồng Quốc phòng một bản.
Tuy tôi không được dự họp nhưng sau đó đã được nghe thuật lại. Khi đề cập vấn đề Lào, tướng Navarre cho rằng nếu Lào bị tiến công thì đó là vấn đề đau đầu nhất. Theo tướng quân, Bắc Lào là nơi đặt kinh đô, chỉ có ý nghĩa chính trị, không có lợi ích gì về quân sự. Ông đề nghị chính phủ quyết định một giải pháp hai điểm: Thứ nhất là gây sức ép ngoại giao để Việt Minh không tiến công Bắc Lào; thứ hai là, nếu Việt Minh tiến đánh Bắc Lào thì cho phép ông không dấn thân vào việc bảo vệ khu vực này để khỏi bị mất quyền chủ động, ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự dụ định tiến hành vào tháng 10 sắp tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bidault là người phản ứng rất mạnh, đòi “không được bảo vệ Lào” vì nước này là “nước đầu tiên và duy nhất” ngày 3 tháng 7 năm 1953 đã tuyên bố nhận lời mời gia nhập khối Liên hiệp Pháp và một trong những đặc điểm của khối này là “phòng thủ chung”. Bộ trưởng Quốc phòng Pleven ít gay gắt hơn nhưng cũng ít rõ ràng, dứt khoát, nói chính phủ không thể ban bố những chỉ thị như vậy nếu không tự làm mất uy tín của mình. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc bảo vệ Lào đòi hỏi có nhiều phương tiện quân sự rất quan trọng mà như tướng Navarre nhận xét, Lào chỉ là một mục tiêu rất ít giá trị chiến lược. Còn ông Pierre de Chevigné, Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng thì tuyên bố là “không thể hứa hẹn đảm bảo điều gì cả”. Ông “đang nghiên cứu các đề nghị” để rồi “xem xét sẽ đáp ứng như thế nào”.
Cuối cùng, Tổng thống Cộng hoà Pháp kết thúc cuộc họp bằng mấy câu nói với tướng Navarre.
- Các thành viên Hội đồng Quốc phòng cám ơn tướng quân về kết quả đạt được. Ngay bây giờ, tướng quân có thể quay trở lại Sài Gòn. Chính phủ sẽ báo cho tướng quân biết quyết định của chính phủ sau.
Tướng Navarre đã mang theo một cảm tưởng khá hài lòng về những cuộc nói chuyện ở Paris.
Việc thảo luận về tăng viện đôi khi mang dáng dấp của những cuộc mặc cả bủn xỉn khiến tướng quân đã phải xem xét lại những con số đề nghị và rút bớt những khoản chi cho việc bổ sung cán bộ khung. Nhưng mặt khác, các ban tham mưu của ba quân chủng đều biểu thị nhiệt tình ủng hộ.
Ngoại trưởng Bidault vừa từ Mỹ trở về có vẻ như đã đạt được kết quả nhiều hơn là những lời tuyên bố hữu nghị. Thủ tướng Edgare Faure cũng không có những ý kiến bác bỏ nữa. Mỹ sẽ trả tiền. Kế hoạch chiến lược mang tên Navarre đã có những cổ phần. Địa danh Lạng Sơn từng hai lần để lại kỷ niệm cay đắng trong lịch sử thuộc địa của Pháp thì trận tập kích dù vừa qua được coi như một thắng lợi, được in đậm trên đầu trang báo. Mọi người đã nghĩ đến chuyện nghỉ hè.
Tướng Navarre nói với tôi:
- Chúng ta đi về thôi!
Tôi hiểu tướng quân nói câu đó như mọi người đều nói sau một chuyến đi vất vả: “Chúng ta về nhà đi thôi”. Có nghĩa là, không lúc nào tướng quân không nghĩ đến những con người đang chiến đấu ở một nơi cách xa những phòng làm việc trải thảm tại Paris tới 12.000 kilômét.
Ngay hôm chúng tôi vừa quay lại Sài Gòn, một cơn dông ập xuống vào lúc 7 giờ tối. Nước mưa trút xuống thành phố gây úng ngập các khu phố thấp, cống rãnh…
Đến 11 giờ đêm, tôi đội mưa chạy đến nhà Diệu, người bạn cũ của tôi. Phố xá vắng ngắt. Nước mưa từ những cây cao trút xuống thấm qua bộ quần áo vải thô quyện vào mồ hôi, làm da thịt tôi dính chặt vào quân áo. Đêm Sài Gòn vang rộn tiếng ễnh ương kêu.
Nhà hiền triết vẫn còn thức, đang nằm một mình bên khay đèn. Anh đưa cho
tôi một mảnh vải màu sắc rực rỡ để quấn ngang người như chiếc xarông của người Campuchia, thay bộ quần áo ướt sũng. Sau khi đã thay xong quần áo, tôi nằm dài trên phản gỗ bên cạnh anh. Giữa hai chúng tôi là một quyển sách mở to, anh đang đọc dở dang lúc tôi đến. Đó là tập hai cuốn “Lịch sử Cách mạng Pháp 1789” của nhà xuất bản Michelet, bìa bọc da màu xanh lá cây chữ mạ vàng. Cuối trang 390, Diệu ghi hàng chữ: “Khó mà thống kê được hết những nhà chính trị đã qua đời vì quá say sưa lý luận, cứ tưởng rằng lý thuyết có thể dẫn dắt được thế giới đi theo”.
Mãi tới quá khuya Diệu vẫn còn nói với tôi về chủ nghĩa Mác biện chứng. Chú thích:
(1) Tướng Navarre đã một thời gian làm Cục trưởng tình báo quân sự. (2) Joseph Laniel là Thủ tướng chính phủ mới thành lập, không biết hoặc đã quên là cựu Thủ tướng Réne Mayer cùng với Tổng thống đã trao nhiệm vụ cho Navane “thời hạn là một tháng” để khảo sát tình hình Đông Dương rồi về Paris báo cáo.
Jean Pouget
Tướng NAVARRE Với Trận Điện Biên Phủ
Chương 3
Việt Minh chuẩn bị tiến công
Tháng 8 và tháng 9, mưa rơi trên toàn cõi Đông Dương, chỉ trừ có dải đất dài và hẹp vùng bờ biển miền Trung, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn che chắn cho Huế và Đà Nẵng trước những đợt gió mùa. Mưa rơi hàng giờ có khi suốt cả ngày.
Nước mưa tràn ngập ruộng đồng rừng núi, biến những lớp bụi thành bùn sâu làm những con đường mòn trở thành dốc trượt patanh. Cả một thế giới cá và ếch tràn lên mặt đất. Những con rùa to tướng cổ dài và mềm oặt với cái đầu giống như mỏ vẹt thò ra khỏi mai, cố bò lên mặt đường và mặt để nhưng lại bị trượt xuống. Những vết nấm mốc huy hoại sợi vải, thấm vào da người, thành những nốt đỏ dễ ngứa giống như rôm sảy và nốt đậu mùa.
Chiến tranh như đang ngủ li bì. Nhưng nó vẫn sống, vẫn đang thở phập phồng vẫn có mặt ở khắp mọi nơi. Bởi vì hai tháng mùa mưa là mùa chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, không cản trở “cuộc chiến tranh nhỏ”. Trong khi những trận mưa rào giảm dần thì cơn sốt chiến trận của con người lại tăng lên, Bộ Tổng chỉ huy ở cả hai phía đều chuẩn bị hoạt động.
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Tướng Giáp đã và sẽ còn giữ quyền chủ động chiến dịch. Tương quan lực lượng cơ động hai bên và chiến thuật mà tướng Giáp sẽ áp dụng đảm bao cho ông chiến thắng. Ông còn có thuận lợi ở chỗ có quyền chọn địa điểm tiến công theo ý muốn của mình. Ông cũng đang nghiên cứu kế hoạch và chuẩn bị lực lượng. Tại vùng trú quân ẩn kín ở miền Trung du Bắc kỳ, các sư đoàn Việt Minh phấn khởi trước những thắng lợi vừa qua, đang ra sức tập
luyện cho những trận chiến đấu mới.
Tướng Henri Navarre quay trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 7. Ông lại đắm chìm trong thực tế hối hả của cuộc chiến tranh, bù đầu đọc các bức điện, trong khi tại các cơ quan cấp Bộ bên Pháp vẫn đang nghiên cứu bản kế hoạch chiến lược dài hạn của tướng Navarre trong không khí ôn hoà.
Tướng quân chỉ có sáu mươi ngày chuẩn bị để đối phó với tám tháng tiến công của Việt Minh. Chắc chắn đối phương sẽ tiến đánh bằng sức mạnh chưa từng thấy kể từ ngày bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt. Trước hết, Tổng tư lệnh Navarre phải tập trung quân, tổ chức lại lực lượng dự bị để đối phó với tất cả các mặt trận trên một chiến trường rộng tới 750.000 kilômét vuông.
Với tính năng nổ và tác phong tỉ mỉ đôi khi làm điên đầu những người giúp việc, tướng Navarre quyết định xây dựng các tiểu đoàn chủ lực cơ động bằng cách rút tỉa từng trung đội đang bị dính chặt vào hàng ngàn đồn bốt nhỏ lẻ được phản ánh trên tấm bản đồ Đông Dương bằng hàng ngàn những mũi đinh đánh dấu nhiều màu sắc. Những tiểu đoàn cơ động được xây dựng từ những binh lính rút khỏi những ruộng nước khi được tổ chức, tăng cường và huấn luyện sẽ trở thành những binh đoàn cơ động, rồi trong vòng một năm sẽ là những sư đoàn hoàn chỉnh có khả năng đối chọi với các sư đoàn chủ lực của tướng Giáp.
Tại những vùng ổn định nhất, tức là những nơi mà đồn bốt chỉ làm nhiệm vụ bình định khi cần thiết, quân đội Bảo Đại sẽ thay chân quân Pháp. Với đội quân thay thế này cũng phải tổ chức trang bị huấn luyện, bố trí cán bộ vực nó lên.
Đồng thời, tướng Navarre cũng chỉ thị tiến hành, và kiểm soát việc tiến hành các hoạt động ở khắp mọi nơi có thể hoạt động khi thấy cần thiết. Tướng quân dự tính đến mùa khô sẽ tiến hành các hoạt động lớn ở Trung Kỳ, ở Thượng Lào, Luang Prabang, Cánh đồng Chum mặc dù mưa nhưng vẫn có thể cải thiện được các vị trí của Pháp. Còn ở Bắc kỳ thì phải luôn luôn chống lại sự thâm nhập của Việt Minh đang làm cho vùng đồng bằng
trở nên một ruỗng.
Từng giờ, từng giờ, tướng Navarre chăm chú đọc các bản tin tức tình báo của Ban 2(1) và các bản dịch những tin tức nghe lén được từ các đài địch. Ông theo dõi cẩn thận sự chuẩn bị và những ý định của đối phương, với hy vọng có thể cản phá hoặc ngăn chặn bằng các hoạt động phòng ngừa.
Tướng quân cảm thấy không được để mất một phút nào. Ngay từ ngày 24 tháng 7 khi mới tan cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, vừa ra khỏi điện Elysée, tướng Navarre đã điện cho đô đốc Abogneau phải “ký ngay huấn thị chuẩn bị cho chiến dịch mùa mưa”, để lệnh cho cấp dưới thi hành.
Bản huấn thị này tướng Navarre đã soạn thảo từ tháng 6 ở Sài Gòn và xem lại khi về Paris. Nhìn chung, đó là bản huấn thị đề phòng địch tiến công. Hãy còn quá sớm để có thể biết được kế hoạch tiến công của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Việt Minh những chúng tôi cũng đã có thể ước tính được lực lượng và dự kiến khả năng hoạt động của họ. Có ba nguy cơ rõ rệt: Một là, ngay khi mở màn chiến dịch, tướng Giáp có thể tập trung tiến đánh vùng đồng bằng Bắc kỳ. Hai là cùng trong lúc tiến đánh đồng bằng, có thể mở thêm một mũi tiến công phối hợp đánh vào miền Trung Đông Dương, cắt đứt Đông Dương làm hai ở chiến trường đánh thông từ Vinh sang Thà Khẹt. Ba là, cuối cùng có thể mở một mũi tiến công nữa đánh lên Thượng Lào theo những con đường mòn đã sử dụng để hành quân năm trước. Cùng trong lúc đặt ra những giả thiết chính và phụ như trên, bản huấn thị cũng nghiên cứu các biện pháp đề phòng nhằm cản trở những mũi tiến công của Việt Minh, hoặc ít, hoặc nhiều. Đây mới là lúc tướng Navarre liên hệ tới Điện Biên Phủ lần đầu tiên. Nhằm cản phá sự uy hiếp của Việt Minh đối với Thượng Lào và Luang Prabang (mà trong bản tường trình gửi chính phủ ông đã nhấn mạnh kinh đô Lào là mục tiêu “chán nhất” nhưng vẫn cần phải được bảo vệ) tướng Navarre chỉ thị cho các Tư lệnh Bắc kỳ và Lào phải nghiên cứu phối hợp tiến hành mọi hoạt động đề phòng, bằng cách bất ngờ chiếm lĩnh Điện Biên Phủ biến thung lũng này thành một căn cứ lục - không quân. Trong một cuộc họp ngày 31 tháng 7 năm 1953, tướng Cogny là Tư lệnh Bắc
kỳ phát biểu ý kiến của mình trước đông đủ mọi người. Trên cương vị tư lệnh Bắc kỳ, tướng Cogny không chịu trách nhiệm bảo vệ Luang Prabang. Theo quan điểm của ông việc chiếm đóng Điện Biên Phủ là một thung lũng lớn nhất miền Tây Bắc mới thật sự đáng quan tâm, vì có Điện Biên Phủ trong tay sẽ nắm được nhiều lợi thế mà ông đã nhiều lần đánh giá. Trước hết là vì lợi ích chính trị của xứ Thái, việc chiếm đóng Điện Biên Phủ có thể tạo lá chắn để bảo vệ Lai Châu và cũng có thể tiếp nhận Lai Châu khi cần rút bỏ địa điểm trống trải và biệt lập ở tận đầu cùng thượng nguồn sông Đà. Điện Biên Phủ cũng là điểm có thể đón nhận lực lượng từ Nà Sản rút về, vì từ lâu mọi người đã tính đến việc rút bỏ cái đồn canh vô ích này nhưng chưa có dịp và điều kiện thực hiện.
Tướng Cogny cũng đã nghiên cứu và nhận định việc chiếm đóng Điện Biên Phủ sẽ là một hành động tiếp theo việc rút bỏ Nà Sản. Những đơn vị cuối cùng ở Nà Sản không rút được bằng máy bay sẽ đi theo đường bộ rút về thung lũng Điện Biên Phủ. Tướng Cogny còn phác hoạ giai đoạn cuối của cuộc hành quân rút khỏi Nà Sản bằng một chuỗi hoạt động liên tiếp và tập trung. Cánh quân chính có thể xuất phát từ Lai Châu theo con đường mòn Pavie, trong khi lính dù được thả xuống các điểm vành đai như Mường Phăng, Tuần Giáo, Bản Cang để yểm trợ. Giai đoạn cuối cùng là “tổ chức phòng ngự” cứ điểm Điện Biên Phủ trên cơ sở xây dựng những cứ điểm, mỗi cứ điểm do một tiểu đoàn quân trấn giữ, có hệ thống lưới lửa đan kết với nhau, không cho địch tiến đến gần sân bay, liền sau đó xây dựng thêm các cứ điểm phòng ngự trên các mỏm đồi phía Đông có trận địa pháo, cối. Đây là ý tưởng nảy mầm cho các dự án trong tương lai.
Cogny kết luận trong ban tường trình gửi Tổng tư lệnh Navarre: “Tôi đề nghị ngài cho lệnh rút bỏ ngay Nà Sản. Chỉ có biện pháp duy nhất là rút bỏ Nà Sản mới cho chúng ta có được số quân cần thiết để chiếm đóng Điện Biên Phủ”.
Vấn đề khẩn cấp lúc này là rút bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản đã được nghiên cứu từ thời tướng Salan. Ngay khi vừa nhậm chức Tư lệnh Bắc kỳ, tướng
Cogny cũng đã đề nghị. Nhưng hồi đó, nhiều người còn lo ngại xảy ra rủi ro khi rút quân nên đã phản bác. Đến đầu tháng 7 năm 1953, theo lệnh của tướng Navarre dự án này mới lại được nghiên cứu trở lại. Nay chỉ còn chờ một quyết định dứt khoát.
Ngay từ buổi bình minh sáng thứ hai, ngày 3 tháng 8, tướng Navarre đã rời Sài Gòn, thoát khỏi những bữa tiệc tùng chiêu đãi hội hè chào mừng ngài Tổng Cao uỷ mới đến. Cuối buổi sáng, chúng tôi đã bay tới Hà Nội, ngay trước cơn dông vào buổi trưa. Tướng Cogny có mặt ngay tại chân cầu thang máy bay. Cuộc đón tiếp rất nồng nhiệt như tấm thảm đỏ trải dưới chân. Từ sau chiến công nhảy dù đánh úp các kho tàng của Việt Minh ở Lạng Sơn đến nay hai người mới lại gặp nhau. Báo chí và dư luận đang ca ngợi ê-kíp mới, có vẻ như đang dẫn dắt đội quân viễn chinh Pháp ra khỏi sự đờ đẫn trước kia, và nay đã có thể tiến công mỗi lần đối phương sơ hở. Đó là điều dễ hiểu, kế hoạch Navarre đã được Paris tiếp nhận, và tháng lợi của Cogny ở Lạng Sơn cũng đang được biết đến.
Hai người cùng ca ngợi lẫn nhau nhưng chưa nhiệt liệt lắm. Phải chờ đến ngày kia, khi tướng Cogny được Tổng tư lệnh Navarre gắn Huy chương Chiến công trước lễ duyệt binh các tiểu đoàn dù đã đánh úp Lạng Sơn lúc đó hai người mới ôm hôn nhau đúng nghi thức.
Tướng Navarre đến Hà Nội để tổ chức việc rút quân khỏi Nà Sản. Suốt buổi chiều hai vị tướng cùng ngồi làm việc với ban tham mưu trong thành Hà Nội, một doanh trại xây dựng từ lâu tối tăm và ẩm thấp. Cho mãi đến đêm khuya, mới có quyết định dứt khoát giữa những cơn mưa như trút nước. Đội quân đóng tại Nà Sản sẽ di tản về Hà Nội bằng máy bay. Như vậy là lúc này chưa chiếm đóng Điện Biên Phủ như tướng Cogny đề nghị. Tiếu đoàn bộ binh số 3 gồm toàn lính Thái là đơn vị cuối cùng bảo vệ sân bay Nà Sản không thể đưa lên máy bay được sẽ rút vào rừng, gia nhập các đội biệt kích hoặc sẽ… biến mất? Thời gian di tản được quyết định sau khi bộ phận theo dõi tình hình thời tiết báo cáo thời điểm thuận lợi nhất, như các thầy bói thời xưa thường đoán ngày lành tháng tốt cho các vị tướng xuất
quân đi đánh trận.
Buổi tối, tướng Navarre dự cơm do Thủ hiến Trí mời rồi rút về biệt thự dành riêng cho ông, lúc này tâm trí ông mới được nghỉ ngơi. Ông đã quyết định rút bỏ Nà Sản, đồng thời cũng đã rút bỏ sự hoài nghi khỏi đầu óc và sự lo ngại khỏi trái tim.
Tất cả ý chí và khả năng của ông trong lúc này tập trung vào việc điều hành cuộc di tản. Ông đã ngủ được một giấc thanh thản. Tám giờ sáng hôm sau tướng Cogny đến gặp, để dẫn ông đi thị sát chuỗi đồn bốt trên đường Phủ Lý, bảo vệ vùng đồng bằng ở mặt phía Tây.
Hai vị tướng cùng ngồi một xe. Ngay lập tức, tướng Cogny lại nghĩ đến Nà Sản. Ông đang lo ngại. Ông nhớ đến những rủi ro mà các sĩ quan tham mưu, căn cứ vào những yếu tố không thuận lợi đã trình bày trong những lá phiếu thăm dò ý kiến. Nhìn thấy vẻ đăm chiêu, lo lắng của Cogny, Tổng tư lệnh Navarre ngạc nhiên và rồi cũng bối rối theo. Ông hỏi Cogny, liệu có xuất hiện những yếu tổ mới nào dẫn đến việc hoãn rút bỏ Nà Sản vào một dịp khác không? Không! Cogny vẫn luôn luôn muốn rút bỏ Nà Sản, nhưng mà… Sự quanh co tế nhị của Cogny về vấn đề Nà Sản ông đã tự viết ra trong thư đề ngày 2 tháng 7 gửi Navarre. Có thể nói, đây là một tác phẩm tinh vi có những đoạn nổi bật đáng lưu trữ làm hồ sơ tài liệu về tính cách con người ông. Cogny viết:
Trong khi thông báo với Đại tướng về những thuận lợi trong việc chuyển quân từ Nà Sản về Điện Biên Phủ, tôi vẫn lưu ý ngài là cuộc hành quân di tản này, ngược lại cũng có những khó khăn nguy hiểm
Nếu tôi nghiêng về giải pháp chờ đợi thời cơ, đó là vì tôi nghĩ rằng, tự đi vào canh bạc, chuốc lấy những rủi ro không tránh khỏi.
Mãi ba tuần sau đó, sau khi đã cân nhắc rất lâu những may mắn có thể, tôi mới đi đến chỗ quyết định đề nghị ngài cho lệnh di tản. Tướng Bodet sẽ nói với ngài là chính ông đã thấy tôi nghiên cứu kỹ vấn đề và tôi đã biểu lộ niềm vui rất cao khi ông cho tôi biết, ngài muôn xem xét lại.
Tôi cũng đã đoán được sự ngạc nhiên của ngài khi không thấy tôi nêu lên
điểm cuối cùng trong bản nghiên cứu của tôi đệ trình ngài. Đó là một thiếu sót chắc chắn chưa được bổ khuyết, nhưng phù hợp với ý muốn của tôi, muốn được thể hiện tất cả trách nhiệm của tôi truởc ngài, phần nữa tôi cũng được yên tâm vì đã không làm phiền ngài”.
Phải chăng, đây chỉ là những do dự, ngần ngại chính đáng mà bất cứ người nào có tinh thần trách nhiệm cao cũng suy nghĩ trước khi hoạt động? Điều rất rõ là tướng Cogny là người có trí thông minh sâu sắc. Ông có những phân tích mạnh mẽ, rõ ràng, kiên quyết, nhưng lại dao động lắc lư sau khi có quyết định. Phải chăng đó là sự yếu đuối trong tính cách của ông. Trong phần lớn cuộc đời hoạt động của mình, tướng Cogny toàn làm việc trong văn phòng Bộ hoặc các cơ quan khác. Ông đã quá quen thuộc với những thủ thuật những quanh co uẩn khúc những do dự dè dặt trong các hoạt động chính trị, sự co giãn trong thái độ kỳ cục của ông riêng với vấn đề Nà Sản, ông đã dự liệu trước rồi. Thất bại hay thành công: ông đã đề nghị rút bỏ Nà Sản trước khi có lệnh cấp trên đó sao? Nếu thất bại, ông đã trình bày những rủi ro khi có lệnh rút và những điều ông trình bày rõ ràng đã chứng tỏ là những suy nghĩ đúng. Tùy theo từng trường hợp, ông sẽ đưa từng loại hồ sơ lập luận ra đối chứng.
Những biến động trong ý nghĩ kiểu như thế này, tướng Cogny đã bày tỏ trước khi thực hiện cuộc nhảy dù đánh úp Lạng Sơn mang tên cuộc hành quân “Con chim nhạn”. Đó là tập hồ sơ “thắng lợi” mà ông đã đưa ra trình bày trước các nhà báo, hồi tháng 6, tháng 7.
Ông tiếp tục đi theo những con đường như thế này trong việc trình bày những quan điểm khác nhau của ông đối với nhiều ẩn ý trong luận điệu phù hợp với tính phức tạp và tầm quan trọng không lường trước được của trận đánh.
Trước khi đoán biết kết quả việc di tản Nà Sản, có nhiều lý do chính đáng để lo ngại. Thời tiết xấu trong mùa này có thể cắt đứt việc vận chuyển đường không hoặc làm chậm nhịp độ bốc quân lên máy bay một cách nguy hiểm. Tướng Giáp, được cấp báo kịp thời có thể có thời gian điều quân tới bao vây,
tiến công đánh chiếm tập đoàn cứ điểm đã quá suy yếu không thể chống cự nổi và chưa rút hết quân để không thể trở thành một mục tiêu không thú vị nữa.
Những dè dặt của Cogny sau khi đã có quyết định rút bỏ Nà Sản là điều rất dễ hiểu. Lần này, những do dự đó đã trở thành vô ích. Dù sao thì đã quyết định rồi những biện pháp đề phòng cũng đã dủ liệu rồi, chi còn mong vận may sẽ đến.
Trước giờ “G”, một hoặc hai tiểu đoàn dù đóng tại Hà Nội được lệnh sẵn sàng bay lên Nà Sản.
Đây là một biện pháp nghi binh, nhằm đánh lừa mạng lưới tình báo của Việt Minh trong thành phố cho rằng “Pháp chuẩn bị tăng cường Nà Sản” để truyền tin tình báo này tới cấp trên. Trên thực tế những chiếc máy bay Dakota đầu tiên hạ cánh sảng ngày 7 tháng 8 xuống Nà Sản có chở theo một số lính dù “mũ bê-rê đỏ”. Có điều, khi bay trở về Hà Nội, chiếc máy bay nào cũng chật lèn quân.
Nhịp độ rút quân được tiến hành với mốc từ năm mươi đến một trăm chuyến bay một ngày trong thời gian đầu. Đột nhiên, ngày 10 tháng 8 thời tiết đột ngột xấu, không cho phép máy bay tới gần hoặc hạ cánh trong vùng thượng du. Cuộc di tản phải dừng lại. Mọi người lo ngại nếu tướng Giáp được biết tin, nhất định sẽ điều động các tiểu đoàn chủ lực tới tiến công. Nà Sản đang bị suy yếu vì rút quân sẽ là mồi ngon. Nhưng đến ngày hôm sau, thời tiết lại tốt dần. Chiếc cầu hàng không tiếp tục được duy trì và đến ngày 12 thì kết thúc cuộc di tản. Chiếc máy bay cuối cùng chỉ chở theo vài người còn lại đã cất cánh trên đường băng hoang vắng mà không có dấu hiệu nào chứng to Việt Minh có mặt.
Tuy nhiên, phía Việt Minh cũng có những tổ chức quan sát theo dõi vị trí Nà Sản. Chiều ngày 6 tháng 8, nhóm trinh sát của Việt Minh đã nhìn thấy những lính “mũ nồi đỏ” từ máy bay Dakota bước xuống sân bay Nà Sản. Họ nghĩ rằng Pháp tăng cường cho cứ điểm. Đến chiều hôm sau, trinh sát Việt Minh phát hiện thấy có cả những viên chức dân sự gia đình vợ con và có cả lính
Thái từ Nà Sản bước lên máy bay. Đến tối ngày 8 tháng 8 thì Việt Minh không còn nghi ngờ gì nũa: một cầu hàng không đã được thiết lập, Pháp đang di tản Nà Sản. Do trục trặc về kỹ thuật, đến tối ngày 9 tháng 8 bức điện đầu tiên từ trạm thông tin của Việt Minh ở khu vực Nà Sản mới được gửi đi, báo tin quân Pháp rút. Khi những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Nà Sản thì vị trí này đã trống rỗng.
Trong lúc đó, tướng Cogny tổ chức một cuộc họp báo tại Hà Nội. Ông đích thân trình bày bản thông báo thắng lợi, lúc nghiêm nghị lúc tươi cười, lúc thân mật, lúc dối trá, ông luôn luôn tỏ ra hấp dẫn quyến rũ được người nghe. Ông còn cường điệu những rủi ro ghê gớm mà ông đã chấp nhận, và pha trò khi nói đến chuyện ông đã đánh lừa được Việt Minh.
Lucien Bodard là phóng viên tờ Nước Pháp buổi chiều ngồi ngay trên hàng ghế đầu, trong chiếc ghế bành của vị trưởng lão. Nhưng, trong giới báo chí, ông không hề được công nhận là người đứng đầu. Tại trụ sơ cơ quan báo chí tại Hà Nội, có hai biệt thự tiện nghi, gồm cả quán rượu sàn nhảy, phòng tắm vòi hoa sen, giường nghỉ, tạo ra một khung cảnh tự do thoải mái rất đáng yêu. Trụ sở này được coi như một cái chốt ngoài vòng cương toả. Báo chí tha hồ đến đây thu thập các tin tức được thông báo chính thức, và có thể moi móc cả những nguồn tin mật. Do thông thạo tình hình Đông Dương, có nhiều kinh nghiệm, lâu năm trong nghề và cũng có tài nũa, Bodard nổi lên như một “lãnh tụ” làng báo, có trách nhiệm trước hàng triệu bạn đọc. Ông thường khai tâm, dạy lớp vỡ lòng cho các đặc phái viên, khuyên bảo các phóng viên thường trú, dạy cách đánh tin điện. Tướng De Lattre thường dành ưu tiên cho Lucien Bodard.
Đối với tướng De Lattre thường được gọi là “vua Jean” những sự kiện thực tế thường kém giá trị hơn những sự mô tả bên ngoài. Một trận đánh không rõ rệt có thể trở thành một chiến thắng nếu biết cách tuyên truyền rùm beng. Ngược lại, một chiến thắng sẽ không được công nhận nếu chẳng ai biết đến. Các chính phủ thay nhau cầm quyền ở Pháp đều theo dõi dư luận thông qua giới báo chí.
Vì vậy, tướng De Lattre đã trực tiếp phụ trách và giữ độc quyền thông báo tin tức chiến sự với báo chí.
Ông cũng to ra ưu ái với Bodard. Nhà báo này được quyền xộc thẳng vào phòng làm việc của Tổng tư lệnh De Lattre vào bất cứ lúc nào được một chỗ ngồi trong chuyên cơ của De Lattre và một ghế ngồi trong các cuộc họp hạn chế. Lucien Bodard là nhà báo được biết tình hình chiến sự đầu tiên- ngoài ra còn được biết cả những dự định, những phương án bí mật, những sự kiện không thể được tiết lộ. De Lattre thường hay xét người căn cứ vào dáng vẻ bên ngoài. Nhà báo Lucien Bodard có vóc dáng cục mịch, quần áo xộc xệch đầu tóc bù xù, nhưng theo De Lattre ông lại giấu kín bên trong một tinh thần năng động và một lá cờ Tổ quốc ba màu nhỏ bé.
Còn Tổng tư lệnh Navarre thì chỉ tin tưởng vào giá trị thực chất của sự kiện đáng ghi vào ịch sử một cách trung thực, không thể thay đổi. Ông thường nói:
- Hoặc là tôi sẽ thành công và sẽ được báo chí bốc lên tận mây xanh, hoặc là tôi sẽ thất bại và sẽ bị dìm xuống tận đáy bùn.
Khi tôi nài nỉ ông tiếp các nhà báo, ông vẫn không đồng ý vì cho rằng đây chỉ là những con người có tâm hồn hời hợt. Dù có ý thức hay dù vô ý, họ vẫn dễ đánh lừa dư luận. Ông nói thêm: “Vả lại, tôi rất sợ họ viết về tôi”. Tại Sài Gòn những người có vai vế trong giới báo chí cũng chỉ được gặp tướng Navarre qua những trung gian không chính thức, không chịu trách nhiệm, chỉ được biết tình hình chiến sự qua những thông báo chính thức, khô khan, và chỉ tìm hiểu những ý định của Tổng tư lệnh sau khi các cơ quan bao mật đã kiểm duyệt chặt chẽ.
Trong thòi kỳ đầu tiên giới báo chí cũng đã có điều kiện thuận lợi để làm việc với vị Tổng tư lệnh mới. Từ ngày Thống chế De Lattre qua đời, Bodard đã được chứng kiến sự thiếu thống nhất trong quân đội viễn chinh Pháp, mới đầu chỉ biết một phần, do Bodard không thích tướng Salan. Khi tới Hà nội thay Salan: tướng Navarre cũng đã vài lần tiếp các nhà báo. Trong những cuộc tiếp xúc này tướng Navarre thường tỏ ra gian dị, thẳng thắn, khiêm tốn.
Ông không có gì để nói ngoài mấy nét đại cương về sự cần thiết phải giành lại thế chủ động chiến dịch. Thế cũng đủ để ê-kíp mới thoát ra khỏi sự so sánh giữa tinh thần tiến công của Tổng tư lệnh mới với tinh thần nhẫn nhục phòng ngự của người cầm quân cũ. Salan đã đọc được những lời bình luận này trên đường trở về Pháp. Ông rất bực tức, đã viết một bức thư chua chát gửi Navarre. Từ đó trở đi, Navarre gần như ác cảm với giới báo chí.
Buổi tối ngày 5 tháng 8 sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng “Con nhạn” nhảy dù đánh úp kho tàng Việt Minh ở Lạng Sơn, tướng Navarre đã cho mở một tiệc rượu chiêu đãi các nhà báo. Ông đã chìa bàn tay lạnh nhạt, hờ hững bắt tay từng người, nhăn mặt điểm một nụ cười xã giao lạnh tanh như cốc nước giải khát ướp đá mà người hầu bàn Hoa kiều vừa mang lại. Ông đã khôn khéo trả lời các câu hỏi mà không hề tiết lộ một chút gì về thân thế, về ý định, về bất cứ một chuyện gì vượt ra ngoài phạm vi mẩu giấy thông báo chính thức.
Tan tiệc khách mời nghiến răng ra về. Vậy mà ngay buổi tối hôm đó, cơ quan kiểm duyệt của Navarre còn cắt xén tất cả những tin, bài của họ, kể cả những câu ca ngợi Tổng tư lệnh mới.
Sáng sớm ngày 7 tháng 8 năm 1953 trong lúc bắt đầu thiết lập cầu hàng không tới Nà Sản và sân bay Bạch Mai hãy còn sương ẩm, chúng tôi rời Hà Nội bay vào Sài Gòn. Ngày hôm sau chúng tôi lại cùng đi với Tổng Cao uỷ tới Lào và Campuchia trình thư uỷ nhiệm tới các Quốc vương nước này. Đây là một hành trình dễ chịu. Máy bay đưa chúng tôi thẳng một mạch từ thế kỷ 20 đến nền văn minh xa xưa của châu Á. Tôi tham gia tốp sĩ quan tháp tùng vị chúa tể là Tổng Cao uỷ toàn quyền Đông Dương tới thăm các vị hoàng đế những nước chư hầu, vấn đề này không phải ai cũng hài lòng.
Vị đại diện cao nhất của Pháp ở Đông Dương cũng cảm thấy bị đặt trong một tình thế khó khăn. Trong khi đặt trụ sở tại dinh Norodom ở Sài Gòn với vẻ đồ sộ của thủ đô toàn Liên bang, có vẻ như ông đã đi đôi ủng của các Toàn quyền cũ. Nhất định, ông không có tư tưởng càng không có uy thế và quyền lực như quan Toàn quyền cũ, nhưng dưới con mắt của người châu Á,
óng vẫn phải chịu đựng một cách oan ức tình cảm không hài lòng và sự đắng cay, chua chát của các xứ thuộc địa cũ, nay được gọi là các nước liên kết với Pháp.
Hoàng đế An nam Bảo Đại là người có phản ứng đầu tiên theo cách riêng của mình.
Trước mặt các quan chúc Pháp, Bảo Đại vẫn thường tỏ ra giản dị, cởi mỏ theo những nguyên tắc xã giao phương Tây. Khi Tổng Cao uỷ Dejean đến Buôn Ma Thuộc thăm Bảo Đại, lúc đó Cựu vương đang ở trong một ngôi nhà nghỉ mát làm bằng gỗ, náu mình trong một thái độ thanh bình cao cả đượm màu sắc thiêng liêng của nghi lễ triều đình.
Với khung canh này, khó mà trông mong vào một sự hợp tác tin cậy. Bảo Đại thường bộc lộ với những người Pháp thân cận nhất:
- Các ông nghĩ thế nào nếu như đại sứ Hoa kỳ ở Pháp lại ở trong điện Elysée là Phủ tổng thống Cộng hoà Pháp, viện cớ ông là đại diện của một nước giàu nhất và mạnh nhất thế giới phương Tây.
Từ ngày trở về Việt nam, Bảo Đại chỉ ở Sài Gòn vài giờ trong tháng. Ông cho rằng, Quốc trưởng như ông thì phải ở trong dinh Norodom, tức Phủ Toàn quyền cũ. Nay trụ sở này thuộc về Tổng Cao uỷ, vì vậy Bảo Đại đã lên Tây Nguyên, còn gọi là “Hoàng triều cương thổ” tức đất đai của nhà vua, và cũng phần nào của riêng mình. Ông thường ở lâu nhất trong ngôi nhà làm bằng gỗ, vẫn dùng làm nơi tạm trú lúc đi săn. Đó là một toà biệt thụ bốn phòng xây dùng trên một quả đồi nhỏ bên cạnh hồ Buôn Ma Thuật giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Các ghế ngồi đều lót da thú trên tường treo đầy những đầu con vật đã săn bắn được, trên giá có nhiều vũ khí hiếm thấy. Hoàng đế chỉ sống với vài cận thần, lặng lẽ chờ đợi những diễn biến thời cuộc trong một cuộc sống hoàn toàn nhàn hạ. Hằng ngày, mãi tới gần buổi trưa Ngài mới thức dậy đọc sách báo nghe nhạc, xem các báo cáo gửi tới đệ trình. Đến nửa đêm, Ngài mới lên chiếc xe ôtô Cadillac có thể bỏ mui, hoặc đi bộ vào rừng săn bắn thú hiếm, với chiếc mũ đội đầu có gắn đèn soi chạy pin. Thi thoảng Ngài bỏ nhà đi vào rừng suốt mấy ngày cùng với một hoặc
hai người bạn để tìm bắn voi có sừng và bò tót. Bảo Đại không bao giờ mệt mỏi trên những con đường mòn trong rừng trong những chuyến đi săn. Ngài ăn cơm nắm với cá khô uống nước suối, ngủ bất kể chỗ nào, trong túp lều đầy chấy rận và ám khói đen của người Thượng, hồi đó còn gọi là một cách miệt thị là người Mọi.
Bảo Đại không thiếu tinh thần can đảm và đầu óc thông minh. Ông hiểu rất rõ, ông không tượng trưng cho một sức mạnh năng động nào trong nước Việt nam sôi đọng này. Nhưng ông nghĩ, ông đại diện cho truyền thống. Trong khi lánh xa Việt Minh và lánh xa cả Pháp ông tin rằng sau này sẽ giữ được một vai trò trung gian hoà giải giữa đôi bên.
Sau hết nền độc lập của Việt nam mà nước Pháp đã tuyên bố trong văn bản ngày 3 tháng 7 năm 1953 mà Tổng Cao uy Dejean lãnh sứ mệnh trao cho Bảo Đại, liệu có khác gì bản Tuyên ngôn độc lập mà chính Nhà vua đã tuyên đọc tại Huế từ ngày 11 tháng 3 năm 1945. Bản Tuyên ngôn này nói rõ:
Chính phủ Việt nam tuyên bố: “Bắt đầu từ ngày hôm nay Hiệp ước Bảo Đại ký kết với Pháp chính thức huy bỏ và nước Việt nam giành lại mọi quyền độc lập”. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Bảo Đại yêu cầu các cường quốc Đồng minh công nhận nền độc lập của Việt nam. Trong thư gửi De Gaulle, ông viết: “Chúng ta có thêm dễ dàng hoà giải và trở thành những người bạn của nhau nếu các ngài từ bỏ mưu toan trở lại làm chủ chúng tôi”. Sự thừa nhận về mặt quốc tế này có lẽ Bảo Đại đã gần đạt được, nhưng cuộc cách mạng đã bùng nổ. Vua Bảo Đại đã “thoái vị”. Ba ngày sau, Hồ Chí Minh tiến vào Hà Nội đã trao cho ông vua thất sủng danh hiệu “Cố vấn tối cao của Chính phủ” phải chăng để trấn an phương Tây.
Tám năm đã trôi qua. Chiến tranh vẫn kéo dài, không hy vọng có thể giải quyết được bằng một giải pháp quân sự. Trong thời điểm có thể thương lượng đàm phán này có khả năng người ta sẽ tìm đến Cựu hoàng để hợp nhất hai miền Nam, Bắc Việt nam. Trong lịch sử An nam đã có tiền lệ.
Nhưng Bảo Đại không phải là Gia Long. Ông không có tham vọng để tạo thành ý chí, không có niềm tự hào để tạo thành sức mạnh chinh phục toàn bộ
lãnh thổ triều đình. Vả lại ông bỏ mặc tất cả.
Ngày 1 tháng 8, Bảo Đại đáp chiếc máy bay cá nhân đi sang thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp để nghỉ ngơi.
Sau khi Cựu hoàng An- nam bỏ đi rồi. Tổng Cao uỷ Dejean chọn Lào là nước thứ hai trong chuyến thăm xã giao. Đây là miếng ăn mềm nhất, và ngài Tổng Cao uỷ đã chọn miếng này để đáp lại sự ngúng nguẩy của ông vua bé nhỏ nước Campuchia láng giềng. Chặng đầu cuộc hành trình là Viêng Chăn, được coi là thủ đô hành chính của Chính phủ Lào. Chúng tôi được Thái tử Savông tiếp đón, bởi vì Quốc vương Vivanông Vông đã đi Pháp nghỉ mát từ ngày 22 tháng 5 mãi đến nay vẫn chưa về. Nhà vua lợi dụng thời gian ở Pháp để đàm phán tay đôi với Chính phủ Pháp nhằm ký kết những hiệp định song phương tiếp theo bản Tuyên bố ngày 3 tháng 7 của Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Lào. Cuộc đàm phán về Lào được tiến hành ở Paris vì Viêng Chăn không có tầm vóc chính trị. Chuyến thăm của Tổng Cao uỷ Pháp tại Viêng Chăn thuần túy theo nghi thúc. Nhưng cuộc đón tiếp tại Luang Prabang vẫn do Thái tử Savông chủ trì đã đem đến cho chúng tôi những vinh dự rất thắm thiết.
Thời tiết xấu. Chiếc Dakota chuyên cơ phải bay thấp dưới mây, dọc theo sông Mêkông, viên phi công cố chọc thủng mây đen do đợt gió mùa đưa tới để bay tới kinh đô Lào. Đi máy bay là cách duy nhất hồi đó để tới được kinh đô Lào vì thành phố này không có con đường bộ nào nối với thế giới bên ngoài. Luang Prabang vào thời điểm này coi như biệt lập trong không gian, không thay đôi theo thời gian, thủ phủ Vương quốc Lào như nằm ở đầu cùng thế giới tự do.
Những chiếc xe Cadillac nặng nề của Nhà vua chờ sẵn chúng tôi ở sân bay cũng có dáng vẻ khác thường. Những con quái vật sắt thép này từ các xí nghiệp ôtô General Motors ở Mỹ đã được đưa tới đây bằng máy bay. Đàn quái vật ôtô uể oải chạy vào thành phố trên những con đường đất lồi lõm, với tốc độ ngang với những con ngựa trong nước.
Những khu phố lầy lội đều nằm giữa những khu vườn trồng cây anh túc có
nhựa thuốc phiện đang nở những bông hoa màu đỏ, trắng, vàng trong khung cảnh không vội vã, mặc dù đang là giờ phút mua bán ngoài chợ. Đàn ông đi bộ uể oải la cà giữa những thùng đựng trái cây, những lồng chim, những súc vật bị trói đem đi bán. Đàn bà dân tộc Lô-lô mặc áo thêu sặc sỡ như nữ thần, chằm chằm nhìn đoàn xe chở chúng tôi đi qua. Đàn ông chắp tay cúi chào chúng tôi tùy theo kiểu cách của từng người. Các cô gái mặc váy dài, ngực nịt chật trong nếp áo màu, thêu chỉ vàng, đôi vai để trần nhìn chúng tôi mỉm cười vô cớ.
Hôm nay là sáng chủ nhật. Nhưng đối với người dân Luang Prabang tươi cười, thanh bình cởi mở, ngày nào cũng là chủ nhật. Khi rời khỏi đất nước Lào, tôi không hề nghĩ rằng sáu tháng sau tôi lại đến Đông Dương để bảo vệ các đường biên giới của vương quốc này. Nhưng ngày hôm nay, khi nghĩ về Mường Sài bị Việt Minh bao vây và đang đi tới chỗ sụp đổ, tôi cho rằng tôi đã không chiến đấu vì các hiệp định mà tôi không hề biết. Tôi chỉ chiến đấu vì một cái gì đó cao quý hơn, vì một ngọn lửa leo lắt, vẫn được thắp sáng một cách lạ lùng trước những trận gió lịch sử, những biến động trong thế kỷ chúng ta, mà tôi đã từng nhìn thấy sự toả sáng trong thành phố nằm ở tận cùng thế giới này.
Tại Campuchia, bản Tuyên bố ngày 3 tháng 7 của Pháp trao trả độc lập cho nước này chẳng làm thay đổi tình hình một chút nào cả. Norodom Sihanuk vẫn đòi Pháp phải trao cho Campuchia mọi quyền hành không hạn chế, kể cả quyền chỉ huy trực tiếp các lực lượng vũ trang. Việc ngài Tổng Cao uỷ Dejean đến thăm kinh đô Phnôm Pênh có nguy cơ bị coi như một sự khiêu khích.
Sihanuk không thể làm gì khác hơn là phải tiếp Dejean, nhưng đã đón tiếp với tất cả triều đình để phô trương uy lực. Vị đại diện tối cao của nước Pháp được nhà vua cho phép triều kiến ngay tại cung vua, trong chính điện có đặt ngai vàng.
Đi sau ông Dejean mặc lễ phục màu trắng là tướng Navarre trong bộ quân phục vải ka ki. Đoàn khách người Pháp đi giữa hai lớp hàng rào các cận thần
và bộ trưởng Khmer đeo các loại huân chương, huy chương tiến về phía nhà vua người trên ngai vàng, đặt trước bình phong cũng bằng vàng. Những người hầu trong cung đình dưới sự điều khiển của quan đại thần phụ trách lễ tân mời các quan chức Pháp ngồi xuống hai hàng ghế đặt hai bên ngai vàng. Với kiểu xếp đặt như thế này khó trao đổi với nhau những câu chuyện tâm tình thầm kín giữa chủ và khách.
Dejean trình bày lý do tới Campuchia. Đó là để trình thư uỷ nhiệm. Nghe nói như vậy, nét mặt Đức vua vẫn lạnh như ngọc thạch. Bộ trưởng Dejean cầm giấy trong tay thể hiện rõ vẻ bói rối của mình. Về phía triều đình Campuchia, không một bộ trưởng nào, một cận thần nào đụng đậy mi mắt. Dejean cố tỏ vẻ nằn nì. Điều quy định của triều đình có nguy cơ bị sụp đổ.
Đột nhiên ông vua nhỏ bé đứng phắt dậy làm viên quan đại thần phụ trách lễ tân bói rối ra mặt.
Nhà vua kéo Dejean và Navarre vào sau tấm bình phong với dáng vé kích động. Lính hầu lập tức khiêng chiếc bàn gập vẫn dùng để chơi bài và ghế ngồi đến. Nhà vua, Tổng Cao uỷ, Tổng tư lệnh ngồi chung quanh chiếc bàn phủ thảm xanh. Dejean đặt lên bàn thư uỷ nhiệm hãy còn để trong phong bì, tỏ vẻ cầu xin nhà vua đón nhận. Đến lúc đó Đức vua mới nói.
- Ông Tổng Cao uỷ, ông làm tôi ngạc nhiên đấy, ông là người đã được chính phủ duy nhất của các ông chỉ định làm người đại diện cho nước Pháp, đến đây yêu cầu được tiếp nhận. Nhưng các ông đã quên là Pháp và Campuchia đã cùng trao đổi đại sứ với nhau rồi. Ông đại sứ Risterrucci đã trình thư uỷ nhiệm của Chính phủ Pháp. Tôi đã chấp nhận sau khi đã tham vấn về tư cách cá nhân của ông đó. Ông Risterrucci thích hợp với tôi. Tôi thấy không có lý do gì để công nhận thêm một vị đại sứ thứ hai nữa.
Dejean hoàn toàn mất hết vẻ đường bệ của mình. Ông nói lí nhí mấy câu rồi cố đẩy chiếc phong bì có thư uỷ nhiệm về phía Quốc vương Campuchia. Vua Campuchia lại đẩy chiếc phong bì về phía Tổng Cao uỷ. Cuối cùng, sau nhiều lần đun đi đẩy lại, Sihanuk đành cầm lấy chiếc phong bì có in Quốc huy Pháp rồi hờ hững đưa cho một tên thị vệ. Dejean vùa ghi được một bàn
thắng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc hẳn ông phải mở hội ăn mừng. Vài ngày sau, Tổng Cao uỷ về Pháp cưới vợ, trong lúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương từ từ thức giấc. Mặc dù vẫn đang còn những trận mưa tháng 8, quân đội Pháp vẫn cố tiến hành một sỏ hoạt động nhằm cải thiện các vị trí trước khi chiến dịch lớn xảy ra vào mùa khô.
Tại miền trung Trung Kỳ, lợi dụng những ngày đẹp trời, tướng Leblanc mở một cuộc tập kích bất ngờ theo kiểu diều hâu vồ mồi, đánh vào căn cứ Việt Minh ở ngay cửa ngõ thành phố Huế. Nhưng ông đã cất vó hụt. Trong lưới không có cá. Trung đoàn 95 Việt Minh vẫn lọt lưới sau vài trận đụng độ nhỏ. Giữa tháng 8, nỗ lực của Pháp hướng vào Phan Thiết ở cửa ngõ Liên khu. Cuộc hành quân Concarneau đã rơi vào khoảng trống. Cuộc tiến công này do đại tá Berteil chỉ huy. Thời tiết lúc này rất nóng. Tiểu đoàn bộ binh thuộc địa lính da đen người Senegal phải lùng sục các cồn cát để tìm Việt Minh nhưng không thể. Đến 10 giờ sáng binh lính đòi nước uống. Trên toàn bộ lãnh thổ Đông Dương không chỗ nào có cát mà lại có nước. Vì vậy phải dùng máy bay thả dù xuống cho đám lính những thùng nước giải khát mua của xí nghiệp rượu bia và nước đá từ Sài Gòn.
Tại Lào, lính Pháp từ Mường Sài và Phông Xa Lỳ mở những cuộc tiến quân thăm dò về phía Mường Khoa và càn quét thung lũng Nậm Hu. Trên trục giao thông Xiêng Khoảng-Sầm Nưa, lính Pháp chiếm được Bản Ban. Những cuộc hành quân này cho phép Pháp ngăn chặn được Việt Minh bám chân trên hai trục đòng giao thông tiến đánh Lào.
Trong vùng đồng bằng Bắc kỳ, Từ sáng sớm ngày 5 tháng 8 đã mở màn cuộc hành quân Tarentaise. Những tiểu đoàn khinh quân lính bản xứ đã thay thế các tiểu đoàn thuộc lực lượng viễn chinh Pháp ở vùng Bùi Chu, đi đầu cuộc hành quân càn quét. Đây là thử nghiệm đầu tiên để rút kinh nghiệm. Vì vậy, chiến trường được chọn trong khu vực có những điều kiện thuận lợi nhất để dành thắng lợi. Bùi Chu là một tỉnh có nhiều người theo đạo Thiên chúa, quyền hành chính thực tế nằm trong tay giám mục địa phận. Hầu hết mỗi làng đều có một nhà thờ, đứng đầu là một linh mục. Các tiểu đoàn trang bị
nhẹ, gọi là tiểu đoàn khinh quân, phần lớn binh lính đều là thanh niên đi đạo. Trung tá Đồng là sĩ quan đầu tiên được củ làm chỉ huy lực lượng cơ động duy nhất gồm toàn lính bản xứ, đích thân chỉ huy cuộc hành quân càn quét. Đi theo sau là các nhóm bình định sẵn sàng quản lý các khu vực được “giải phóng” khỏi sự kiểm soát của Việt Minh.
Từ ngày 1 tháng 9 không còn một đơn vị lính Pháp nào đóng tại Bùi Chu nữa. Trách nhiệm dân sự và quân sự trong địa phận hoàn toàn chuyển giao cho chính quyền Bảo Đại.
Tướng Navarre theo dõi cuộc hành quân với một sự quan tâm đặc biệt. Ông đã soạn thảo các kế hoạch xây dùng một quân đội tương lai cho chính quyền người Việt thân Pháp: với sự năng nổ, nhiệt tình. Ông cũng ấn định một phần thời gian biểu thay quân. Vấn đề còn lại là thử xem đội quân này có đối đầu được với Việt Minh không. Không có thử nghiệm này, sẽ không có giải pháp rút lui.
Câu trả lời cho thử nghiệm này đến nhanh chóng.
Ngay từ thượng tuần tháng 12, một hoạt động sôi nổi về chiến tranh du kích đã bùng nổ sớm hơn thường lệ tại vùng tứ giác Hung Yên ở phía Đông Hà Nội. Vùng này vẫn là nơi ẩn náu từ xưa của trung đoàn Việt Minh 42. Nhờ sự mưu trí của trung đoàn trưởng cánh quân này hầu như luôn luôn thoát khỏi những cuộc càn quét. Từ năm 1951, trung đoàn đã phát động một cuộc thi đua yêu nước bằng các hoạt động đánh mìn phá hoại, phục kích…, trong toàn khu vực.
Ngày 5 tháng 9, trung đoàn chiếm gọn một đồn binh cách thị trấn Kẻ Sặt có 5 kilômet do hai trung đội bộ binh địa phương đóng giữ. Đến ngày 9, vẫn trung đoàn này lại đánh tiếp một cứ điểm lớn hơn cũng ngay gần Kẻ Sặt, do một tiểu đoàn lính Mường trấn giữ tiêu diệt nhanh chóng ba trung đội. Ngày 14, cứ điểm Lệ Khu bị đánh chiếm. Một cụm pháo 105 mm cùng với ba xe tăng tạm trú trong đồn này đêm hôm đó cũng bị Việt Minh phá hủy.
Ngày 22 tháng 9 Bộ chỉ huy Pháp quyết định mở một chiến dịch lớn, mang tên Brochet, kéo dài đến tận ngày 10 tháng 10, cố càn quét tiêu diệt trung
đoàn Việt Minh “lẩn như ma” này. Cơ quan báo chí ở Hà Nội tung ra một bản thống kê số thiệt hại của Việt Minh. Trong mười tám ngày liên tục chiến đấu Pháp đã huy động 17 tiểu đoàn bộ binh có nhiều xe bọc thép pháo binh, không quân, hải quân yểm trợ diệt 672 Việt Minh bắt sống 569 tù binh, nhưng phía Pháp cũng có 121 binh sĩ thiệt mạng, 621 người bị thương. Căn cứ vào tương quan lực lượng về binh lực, hoả lực, nhiều người cho rằng, trong cuộc càn quét này chính Việt Minh mới là người chiến thắng. Mỗi làng do Việt Minh kiểm soát biến thành một pháo đài, phía Pháp phải dùng xe tăng mở đường xung phong đánh chiếm, các ngả đường nhỏ dẫn vào làng đều gài mìn và cạm bẫy. Chiến tranh du kích lan rộng khắp tỉnh Hưng Yên.
Cùng trong lúc đó, dường như muốn chứng tỏ rằng mình vẫn giữ thế chủ động, ngay trong vùng đồng bằng là khu vực Pháp chiếm ưu thế Việt Minh mở cuộc tiến công đánh vào Bùi Chu. Từ ngày 20 tháng 9 nhiều đơn vị Việt Minh thuộc hai trung đoàn chủ lực 46 và 50 đã thâm nhập sâu, vượt qua những mắt lưới phòng ngự của các tiểu đoàn khinh quân do Pháp huấn luyện. Đêm nào Việt Minh cũng tiến công và chiếm được trung bình mỗi đêm một đồn bốt. Trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 10, Việt Minh tiến công vào khu vực có bốn tiểu đoàn khinh quân đang co cụm để bảo vệ lẫn nhau nhừ đàn gà trong đêm tối. Kết quả là: 200 lính khinh quân bị chết và bị thương, 200 người bị mất tích. Nhưng phải chờ đến ngày 18 tháng 10 mới thật sự xuất hiện một kỷ lục thuộc loại này: trong số 3 tiểu đoàn khinh quân bị đánh ở gần Vạn Lý chỉ có 8 lính bị chết và 25 bị thương, nhưng có tới 424 binh sĩ bị mất tích với gần 500 vũ khí và 16 điện đài.
Ngày 29 tháng 9, tướng Navarre tới thị sát sở chỉ huy của trung tá Đồng đang chỉ huy lính khinh quân càn quét trong khu vực Bùi Chu. Việt Minh đã mở một loạt cuộc tiến công liên tiếp trong ba đêm trước, buộc Bộ chỉ huy Pháp phải rút một số binh đoàn cơ động đang tham gia chiến dịch Brochet về ứng cứu cho Bùi Chu. Nhưng bất cứ điểm nào quân Pháp kéo tới cũng không bắt liên lạc được với lính khinh quân.
Tướng Navarre lại quay trở về Hà Nội. Ngay buổi tối hôm đó ông cùng với
tướng Cogny nghiên cứu tập hồ sơ tình báo do Ban 2 đệ trình: những tin tức thu lượm được đều nghiêm trọng.
Mãi tới trung tuần tháng 9, kế hoạch tiến công của Việt Minh vẫn mới chỉ là những giả thuyết dựa theo phán đoán của Cục Quân báo Pháp. Càng phán đoán nhiều khả năng tiến công của tướng Giáp, càng bộc lộ nhiều nguy cơ về phía quân đội viễn chinh Pháp. Tướng Giáp đã chọn những phương án nào. Nhằm vào những điểm nào?
Cho mãi tới những tuần cuối cùng của mùa hè 1953, chúng tôi mới dần dần thu lượm được một số tin về những dụ định của đối phương. Tại Sài Gòn, trung tá Guibaud là trưởng Ban 2 tập hợp tất cả những thông tin mà các cơ quan tình báo đã thu lượm được trên toàn lãnh thổ Việt nam. Guibaud nghiên cứu, phân tích sàng lọc, vạch kế hoạch theo dõi. Nguồn tin chủ yếu của chúng tôi là nghe trộm điện, đài Việt Minh vì đó là những tin tức thường xuyên, chắc chắn thời sự nhất.
Việt Minh có ba khoá mã khác nhau để đánh các điện mật. Mật mã tác chiến của Việt Minh hầu như rất khó giải nếu dựa vào kỹ thuật phương Tây. Còn mật mã dùng trong các bức điện chính trị thì thỉnh thoảng chúng tôi vẫn giải được, dù đối phương có thay đổi mã số. Mật mã dùng trong các bức điện yêu cầu cung cấp hậu cần thì mỗi năm mới thay đổi một lần vào quãng cuối tháng 9 đầu tháng 10. Đây là loại mật mã chúng tôi dễ giải nhất, thường được sử dụng để lập các biểu đồ, các thống kê. Chỉ vài ngày sau khi đối phương thay đổi mã số, nhóm giải mã của chúng tôi đặt tại một biệt thự vô danh ở Đà Lạt đã có thể tìm được cách giải. Chúng tôi thu được và giải được nhiều bức điện mật mã xoay quanh các mệnh lệnh, các báo cáo về hậu cần của Việt Minh.
Chính vì vậy cho nên chúng tôi đã giải được những điện mật về việc Trung Quốc viện trò ồ ạt nhiều súng tự động cho Việt Minh và những vũ khí này được nhập vào các kho hậu cần ở Lạng Sơn.
Đại đội công bỉnh cùng nhảy dù theo tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 xuống Lạng Sơn trong trận đánh úp ngày 17 tháng 7 đã phá hỏng được hàng ngàn tấn vũ
khí đang chất đống trong các hang động. Có bức điện mật, ra lệnh chuẩn bị “khẩu phần đặc biệt”.
Có nghĩa là sẽ có cố vấn Trung Quốc tới. Những báo cáo về việc bố trí kho tàng lương thực theo từng cung đường, giúp chúng tôi biết được đối phương đang chuyển quân sẽ đi theo những tuyến đường nào số quân là bao nhiêu. Những bức điện mật mà chúng tôi đã giải mã được, đã cho chúng tôi biết trước về điểm và hướng tiến công sắp tới của Việt Minh.
Nhờ tổng hợp các nguồn tin khác nhau, chúng tôi được biết khá chỉ tiết về lực lượng chủ lực cơ động tác chiến của Việt Minh, về số quân, cách biên chế tổ chức, trang bị, phương thức tác chiến, hệ thống cung cấp tiếp tế, thậm chí biết được cả họ tên và tính cách một số cán bộ chỉ huy đơn vị. Hơn nữa, chúng tôi còn biết được quan điểm tiến hành chiến tranh từ đó suy ra kế hoạch tác chiến của họ.
Trong lúc này, thành phố Sài Gòn đang mê say bởi những vụ buôn tiền và các thú ăn chơi chỉ bị lôi cuốn nhẹ nhàng theo nhịp thở của chiến tranh. Còn tại Hà Nội nơi thường tổ chức những cuộc diễu binh mừng thắng trận và những tiếng hò hét của lính chiến cũng vẫn không sao rũ bỏ được sự buồn chán dính chặt như hơi ẩm đọng trên tường nhà. Vào những giờ trước bữa cơm tối phòng trà tiệm nhảy mang tên Normandie thường chật ních người, hầu hết là quan chức dân sự và sĩ quan không quân tụ tập trong căn phòng bé nhỏ. Trong vài ba hộp đêm, các nhạc công Philippin và gái điếm từ Đài Loan tới biểu diên như một cái máy, không chút hào hứng. Thi thoảng, lại nhìn thấy hai hoặc ba sĩ quan sơ cấp vội vã đi ngang qua thành phố trong lúc đêm khuya để trở về nơi đóng quân tại các đồn binh nhỏ lẻ. Trong tiếng cười của họ có vẻ như bị kích thích giả tạo và thú vui nhưng không vui mà họ vùa tìm đến chỉ là để tìm sự quên lãng.
Trong những ký ức, những tài liệu mà tôi thu lượm được, và cả những bức thư tôi viết hồi đó đều bộc lộ sự lo ngại thể hiện sự lo lắng nặng nề trong các buổi hội ý tại cơ quan tham mưu rồi lan đến các binh lính, tăng dần theo nhịp độ phát hiện được kế hoạch tiến công sắp tới của tướng Giáp.
Những dấu hiệu đầu tiên của ý đồ tiến công là những huấn thị từ Bộ chỉ huy tối cao Việt Minh gửi cho các chỉ huy sư đoàn. Những tài liệu này chỉ thị cho các sư đoàn, trong thời gian mùa hè phải luyện cho bộ đội tập chiến đấu trên địa hình bằng phẳng, đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự kiên cố trên địa hình đó với lực lượng bộ binh được yểm trợ bằng pháo binh và súng phòng không. Ngoài ra còn luyện tập tác chiến trên đường phố. Một số đơn vị như sư đoàn 312 đã di chuyển địa điểm, tìm đến những nơi có địa hình bằng phẳng để tập luyện.
Cùng trong khoảng thời gian này, Bộ chỉ huy và cơ quan các sư đoàn đã được sắp xếp lại, cán bộ được tăng cường, quân số được bổ sung bằng các thành phần tốt nhất rút từ các đơn vị bộ đội địa phương đưa lên. Theo nhận định của thiếu tá Levain, trưởng Ban 2 tại Hà Nội thì trong mùa hè năm 1953 các sư đoàn của tướng Giáp đều nhận được huấn lệnh “thuần túy hướng về đồng bằng”.
Một dấu hiệu quan trọng nữa là hoạt động của các đại đội trinh sát thuộc các đơn vị lớn của Việt Minh. Những đại đội này có nhiệm vụ trinh sát chiến trường, vận động nhân dân và các đơn vị bộ đội địa phương chuẩn bị cho hoạt động sắp tới của các sư chủ lực.
Từ tháng 9 năm 1953, đại đội trinh sát của sư đoàn 312 đã bám chân trên trục đường Vĩnh Yên, Phúc Yên hướng về Hà Nội.
Đại đội trinh sát của sư đoàn 308 hoạt động trên trục Lục Nam - Bắc Ninh. Đại đội trinh sát của sư đoàn 320 hoạt động tại Bắc Phủ Lý, trong vùng Tây Nam khu vực đồng bằng.
Cuối cùng, vào nửa cuối tháng 9, các sư đoàn đã tập trung đầy đủ tại các vị trí tập kết ở vành ngoài vùng đồng bằng, phía sau các đại đội trinh sát. Cùng lúc này, tại khu vực Phủ Nho Quan và Bắc Thanh Hoá xuất hiện lực lượng đầu tiên gồm hai sư đoàn hình như có nhiệm vụ thâm nhập vùng đồng bằng.
Một lực lượng thứ hai gồm các sư đoàn 308, 312 và sư đoàn pháo 351 đóng ở khu vực phía Bắc đồng bằng: giữa hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên. Trong bản phân tích hồi tháng 9, trung tá Guibaud viết:
“Lực lượng cơ động tác chiến của địch tập trung ở vành ngoài đồng bằng đã được nghỉ ngơi, củng cố tổ chức, sẵn sàng giáng cho chúng ta những đòn đáng gờm. Tất cả tin tức thu lượm được đều khẳng định mục tiêu chính của đối phương sẽ là vùng đồng bằng Bắc kỳ…”
Guibaud phán đoán, trong giải đoạn đầu của chiến dịch, tướng Giáp sẽ cho sư đoàn 320 thâm nhập những vùng hậu cứ của Pháp ở đồng bằng. Sư đoàn này xuất phát từ Phủ Lý sẽ tiến vào Hưng Yên gặp trung đoàn 42. Có thể sư đoàn 304 cũng sẽ tiến vào vùng Bùi Chu, Phát Diệm là khu vực đã có hai trung đoàn độc lập 46 và 50 chiếm đóng, cũng dễ dàng hình dung được những gì sẽ xảy ra trong vòng hậu phương của chúng ta (tức quân Pháp) do sự phối hợp của chiến tranh du kích được tiến hành bởi mười tám tiểu đoàn chủ lực đang phân tán thành từng đơn vị nhỏ, hoạt động phá hoại, cắt đứt các tuyến đường giao thông, tập kích các đồn bốt nhỏ lẻ mà không một đồn bốt nào có khả năng cầm cự được vài giờ. Các căn cứ không quân của chúng ta cũng có thể bị tiến đánh.
Tôi đã quan sát gương mặt tướng Cogny khi tóm tắt hình hình, báo cáo với Navarre. Cả hai vị tương đều đứng trước tấm bản đồ treo trên tường phòng làm việc của Tổng tư lệnh tại Hà Nội. Hai vị đang đứng với nhau thì tôi bước vào đưa tướng Navarie ký bức điện báo cáo với Chính phủ Pháp mà tối nào tướng Navarre cũng gửi về Paris, tóm tắt tình hình trong ngoài dự kiến kế hoạch hôm sau.
Tướng Cogny đang nói, thỉnh thoảng lại khua tay trên tấm bản đồ: - Sau một tháng đối phương phát động cuộc chiến tranh du kích với cường độ hiện nay vẫn chưa lường hết được, tôi không thể đảm bảo chắc chắn cho việc tự do vận chuyển, ngoại trừ một hoặc hai trục lộ giao thông chính. Tuy nhiên đến tháng 11 này hoặc chậm hơn một chút, lực lượng địch ở mặt Bắc gồm 308, 312, 351 có thể sẽ sẵn sàng tiến công Vĩnh Phúc và Bắc Ninh nhằm tiến về Hà Nội hoặc về Hải Dương, cắt đứt đường số 5 nối liền Hà Nội với Hải Phòng. Căn cứ vào giả thuyết này và dù không bi quan tôi vẫn có nhiệm vụ phải nghĩ đến chuyện cho di tản khỏi Hà Nội nếu không có các
phương tiện cần thiết để chiến đấu ngăn chặn Việt Minh.
Cho tới hôm nay, tôi vẫn nghĩ rằng Cogny hồi đó đã nhìn nhận đúng. Ông được coi là người của đồng bằng. Ông sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh có trận tuyến nếu Việt Minh cũng mạo hiểm tiến hành chiến tranh chính quy. Thế nhưng, muốn như vậy thì tướng Cogny phải có đủ các phương tiện chiến tranh của toàn lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Tướng Cogny đã đề nghị, muốn “giữ được đồng bằng Bắc kỳ” thì phải có trong tay 8 binh đoàn cơ động, trong khi trên toàn lãnh thổ Đông Dương mới có 7 và nếu Hà Nội thất thủ thì đó chẳng phải là mở đầu cho sự sụp đổ đó hay sao? Tướng Navarre không muốn mạo hiểm bằng cách chỉ sử dụng một lá bài bởi vì tướng Giáp còn có thể tiến công ở nhiều địa điểm khác và đã bộc lộ rõ các phương án này.
Để tiến đánh xứ Thái và Thượng Lào, tướng Giáp đã có một sư đoàn hoàn chỉnh chuyên trách khu vực này. Đó là sư đoàn 316 trong đó có tiểu đoàn 910 đang chiếm lĩnh Điện Biên Phủ. Sau cuộc diễn tập thành công hồi mùa xuân vừa qua, sư đoàn này đang sẵn sàng tiến quân lên vùng thượng du. Mục tiêu đầu tiên của sư đoàn 316 là Lai Châu, chỉ cần sử dụng một trung đoàn 910 cũng đủ để đánh chiếm thị xã này. Rồi, không vội vã có thể đến tháng 5, các tiểu đoàn trong sư đoàn mới tiến đánh Luang Prabang, Xiêng Khoảng. Viêng Chăn.
Tại khu vực nam Thanh Hoá, sư đoàn 325 cũng chuẩn bị hành quân mở chiến dịch. Sau khi vượt dãy Trường Sơn mà sư đoàn đã mở được những cửa đột phá Đông-Tây, sư đoàn này sẽ tiến về Thà Khẹt, mở một con đường tiến quân dễ dàng xuống phía Nam, tới Campuchia, Tây Nguyên rồi từ đó có thể tiến xuống khắp Nam Kỳ.
Cuối cùng, các lực lượng vũ trang Liên khu 5 có tới bốn trung đoàn chủ lực, đã bắt đầu mở những hoạt động trinh sát ở khu vực Bắc và Đông cao nguyên, đánh chiếm Tây Nguyên, nơi được coi như một bao lơn khống chế Nam Kỳ và Campuchia.
Đó là đại cương sự phán đoán của cơ quan tình báo Pháp về kế hoạch tổng