🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuổi 20 - Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn
Ebooks
Nhóm Zalo
TUỔI 20 - NHỮNG NĂM THÁNG QUYẾT ĐỊNH CUỘC ĐỜI BẠN
Bản quyền tiếng Việt © Công ty Cổ phần Sách Alpha
Xin đừng hoang phí tuổi 20!
20 – lứa tuổi của tự do, khát khao kiếm tìm những điều mới mẻ, những cuộc gặp gỡ, những khám phá thú vị; 30 – lứa tuổi của công việc, hôn nhân và cuộc sống gia đình. Đó là quan niệm thường thấy ở rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Và thế là, suốt những năm tháng tuổi 20, bạn mải mê vui chơi, mải mê khám phá mà không có chút định hướng nào cho công việc và cuộc sống của mình sau này. 30 tuổi – bạn chợt giật mình nhìn lại và cảm thấy hoang mang về mọi thứ. Bạn chưa có bất cứ thứ gì trong tay − sự nghiệp, tài sản và một gia đình hạnh phúc của riêng. Lúc này bạn mới vội vàng tìm kiếm một công việc, yêu và cưới vội lấy một người mà tình cảm chẳng hề sâu sắc, tích góp để đến gần cuối đời mới đủ tiền làm nhà – một cuộc sống vội vàng, buồn tẻ và thiếu định hướng cho tương lai. Lúc này, bạn mới ngoái nhìn lại, hối hận và tự nhủ: “Mình đã làm gì? Mình đã nghĩ gì lúc đó nhỉ?”, “Mình thật sự muốn thay đổi lại những điều mà mình đã nghĩ và đã làm ở tuổi 20”.
Cuốn sách Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn là một cẩm nang hướng dẫn tâm hồn cho các bạn trẻ lứa tuổi 20 để vượt qua những quan niệm sai lầm rằng, “ta có thể làm bất cứ điều gì”, “ta còn rất nhiều thời gian”, hay “đến 30 tuổi rồi hãy cưới vợ, tậu trâu, làm nhà”.
Cuốn sách được chia thành ba phần: công việc, tình yêu, trí não và cơ thể. Trong từng phần, bạn sẽ được trải nghiệm các tình huống cụ thể, những cách thức suy nghĩ của những con người trong độ tuổi 20. Trong phần “Công việc”, bạn sẽ thấy rằng công việc trong độ tuổi 20 gần như là những công việc mang tính hệ quả nhất về nghề nghiệp mà bạn sẽ có. Bạn sẽ hiểu vì sao những mối quen sơ lại có thể có tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp của mình đến thế hay việc tích lũy vốn sống quan trọng đến nhường nào để giúp bạn tìm kiếm được những công việc tốt hơn và đúng với mong muốn hơn. Trong phần “Tình yêu”, bạn sẽ hiểu được vì sao các lựa chọn quan hệ tình
cảm trong những năm tháng tuổi 20 có lẽ còn quan trọng hơn các lựa chọn công việc. Bạn sẽ có những khám phá thú vị về việc sống thử chưa chắc đã là một quyết định đúng đắn dành cho hai người sắp kết hôn, hay việc bạn hoàn toàn có thể tự lựa chọn gia đình cho bản thân mình chứ không phải như quan niệm sai lầm mặc định rằng: “bạn không thể chọn gia đình cho mình mà chỉ có thể chọn bạn bè”. Trong phần “Trí não và cơ thể”, bạn sẽ hiểu được bộ não vẫn tiếp tục phát triển trong những năm 20 tuổi của mình vẫn đang nhào nặn bạn thành người lớn như thế nào, cũng như khi cơ thể bạn trong giai đoạn này bắt đầu bước vào những năm tháng tràn trề nhựa sống nhất. Những gì bạn học được và trải nghiệm trong độ tuổi 20 sẽ gắn chặt vào trí não của bạn và quãng thời gian này chính là cơ hội tốt nhất để bạn điều chỉnh trí não, thay đổi cách bạn suy nghĩ và phản ứng trước các sự vật, sự việc.
Thông điệp xuyên suốt cuốn sách này là hãy bắt đầu sống cuộc sống của bạn và tự chịu trách nhiệm về nó ngay từ bây giờ. Đừng tin vào những lời nói dối rằng tuổi 20 của bạn là độ tuổi của tự do và mơ mộng, mọi thứ đều sẽ diễn ra một cách êm đềm. Một công việc vô nghĩa và các kết nối ngẫu nhiên sẽ không mang lại điều kiện cần thiết để xây dựng danh tiếng của bạn, xác lập những gì bạn quan tâm hay nhớ đến trong tương lai.
Xin đừng lãng phí những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời bạn để làm những điều vô nghĩa. Vì vậy, nếu bạn vẫn đang trong độ tuổi này, hãy bắt đầu chuẩn bị trau dồi và bồi đắp những thiếu sót cũng như kinh nghiệm cần có ngay từ bây giờ. Nếu đã trải qua giai đoạn này, xin hãy giúp những người đang và sẽ bước vào giai đoạn này định hướng được trước những “ngã tư đường đời” đầy thông tin nhiễu động và sự bối rối khi phải lựa chọn và bước tiếp. Bởi những điều này sẽ có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong sự nghiệp, hôn nhân và hạnh phúc sau này của bạn – những con người của độ tuổi 20.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách vô cùng bổ ích này!
Tháng 9 năm 2014
Công ty Cổ phần Sách Alpha
Gửi thế hệ Y1 1
Tuổi 20 - Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn là cuốn sách dành cho những người trong độ tuổi 20. Các bậc phụ huynh cho rằng cuốn sách này là dành cho họ. Đồng nghiệp nghĩ rằng tôi viết cuốn sách này cho những nhà trị liệu và học giả khác. Khi những người trong độ tuổi 20 hỏi tôi, “Độc giả của cô là ai?”, họ có vẻ thực sự ngạc nhiên, nhưng cũng rất thích thú, khi tôi trả lời, “CHÍNH LÀ BẠN!”
Nhiều người có vẻ ngạc nhiên bởi thay vì nói về những người trong độ tuổi 20, tôi thích nói chuyện với họ hơn. Tôi đã chán cảnh người lớn xúm lại bàn luận về những người ở độ tuổi dưới 30. Những người trong độ tuổi 20 cũng là người trưởng thành và họ xứng đáng được tham gia vào cuộc nói chuyện về chính cuộc đời họ. Văn hóa đại chúng khiến ta tin rằng thanh niên tuổi 20 quá ngầu, quá khù khờ, lười nhác hoặc quá tẻ nhạt để tham gia vào cuộc nói chuyện kiểu này, nhưng điều này không đúng. Văn phòng của tôi, các khoá học đại học và cao học của tôi đầy những người trong độ tuổi 20 tha thiết muốn có ai đó cùng họ thảo luận về cuộc đời của mình một cách đích thực và hiểu biết. Trong cuốn Tuổi 20 - Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn, tôi sử dụng các nghiên cứu và kinh nghiệm điều trị để xua tan những ngộ nhận về độ tuổi 20: rằng 30 là độ tuổi 20 mới, rằng ta không thể chọn gia đình cho mình, rằng làm gì đó muộn hơn nhất thiết là phải làm nó tốt hơn. Nhưng có lẽ điều hoang đư ờng nhất chính là quan niệm những người trong độ tuổi 20 chưa đủ hiểu biết để quan tâm đến những thông tin này hay khả năng thay đổi cuộc sống của họ.
Những người trong độ tuổi 20 ở thế kỷ XXI – thế hệ Y – không phải là những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số, lập gia đình và được đảm bảo sự nghiệp sớm và nhanh chóng. Họ đang làm những công việc bấp bênh nhất và về nhà vào tối muộn, ở chung với những bạn cùng phòng khó đoán thay vì những người thân yêu. Và thế hệ Y không phải là thế hệ X –
thế hệ đầu tiên trì hoãn toàn bộ chuyện gia đình và sự nghiệp. Họ đang học được từ anh chị em và đồng nghiệp thuộc thế hệ X rằng có những mặt trái của việc đẩy lùi quá xa những mốc quan trọng trong cuộc đời sang tuổi 30 và 40. Họ thấy được những áp lực mà nhiều người thuộc thế hệ X đang phải gánh chịu – và họ muốn có những lựa chọn khác.
Xu hướng đã chuyển từ “Tôi ổn định quá sớm” sang “Tôi bắt đầu quá muộn” và thế hệ Y đang tìm cách đi đúng hướng. Tuy nhiên, khi những mong đợi quá lớn gắn với thế hệ Y gặp phải cuộc Đại Suy thoái, “việc đi đúng hướng” đã trở nên quá xa vời. Tuy vậy, thay vì luyến tiếc những gì mà nền kinh tế – hay cha mẹ – đã làm cho mình, thế hệ Y đã sẵn sàng và đang chờ đợi ai đó hỏi họ. “Bạn sẽ làm gì?”
Từ khi cuốn Tuổi 20 - Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn được xuất bản vào tháng 4 năm 2012, số độc giả đông đảo nhất và tốt nhất của cuốn sách là những người trong độ tuổi 20 thuộc thế hệ Y. Tôi đã nhận được nhiều tin nhắn cảm động từ các bậc cha mẹ, chẳng hạn như “Điều duy nhất tôi mong muốn trong Ngày của mẹ 2 năm nay là con tôi sẽ đọc cuốn sách của cô.” Hay từ những người trong độ tuổi 30, “Tôi ước rằng sách của cô được xuất bản khi tôi vẫn đang tuổi đôi mươi.” Nhưng những lời thổ lộ thẳng thắn nhất và nhiều nhất đến từ những người trong độ tuổi 20, qua e mail, Facebook hay Twitter đã cho tôi biết rằng một cuốn sách dành riêng cho họ có ý nghĩa đến thế nào. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao những người trong độ tuổi 20 này lại chưa từng có cảm giác được trò chuyện cùng?
Chúng ta có thể quy trách nhiệm cho các điều kiện văn hóa hiện tại, ở đó những người trong độ tuổi 20 phần lớn được bảo trợ và bị “ra rìa”, nơi danh tính của họ thường là con của những người thuộc thời kỳ bùng nổ dân số hơn là chính bản thân con người họ. Nhưng có lẽ cũng là do tôi được thấy một khía cạnh của những người trong tuổi 20 mà phần lớn mọi người không thấy được.
Tôi làm việc với khách hàng trong độ tuổi 20 đầu tiên muốn tham gia tâm lý liệu pháp vào năm 1999 và trong hơn 10 năm tôi gần như không làm gì ngoài việc lắng nghe những người thuộc thế hệ Y nói hàng ngày, sau những cánh cửa đóng kín. Những người trong tuổi 20 ngày nay có thể bị coi là những kẻ chia sẻ quá nhiều, nhưng những gì họ viết trên blog, Facebook và Twitter còn đầy đủ hơn những gì họ nói khi đến văn phòng tôi. Vì vậy tôi biết những điều mà phần lớn mọi người không biết về những người trong độ tuổi 20 – và tôi thậm chí còn biết những điều mà những người ở độ tuổi này không hề biết về bản thân họ.
Nghe có vẻ khác thường, nhưng những người thuộc thế hệ Y cảm thấy nhẹ nhõm và thậm chí là mạnh mẽ hơn, khi ai đó có can đảm mở đầu một cuộc nói chuyện về bản thân họ và về thực tế mà họ sợ phải đề cập đến. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các khách hàng – và độc giả – không sợ bị hỏi những câu hỏi khó; điều họ thật sự sợ hãi là họ sẽ không bị hỏi những câu hỏi khó ấy. Khi những người trong độ tuổi 20 nghe tôi nói, phản ứng thường thấy nhất không phải là “Không thể tin được là cô lại nói vậy,” mà là “Tại sao không ai nói với tôi điều này sớm hơn?”
Những năm tháng tuổi 20 của bạn có ý nghĩa rất quan trọng. 80% những thời điểm có tính định hình nhất cuộc đời là trước năm 35 tuổi. 2/3 tăng trưởng lương cả đời diễn ra vào 10 năm đầu sự nghiệp. Hơn một nửa trong chúng ta sẽ kết hôn, hoặc đang hẹn hò, hoặc sống với bạn đời tương lai trước năm 30 tuổi. Tính cách thay đổi nhiều nhất trong những năm tháng tuổi 20, hơn bất kỳ giai đoạn nào trước hoặc sau đó. Não bộ kết thúc giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất vào độ tuổi 20. Khả năng sinh sản của phụ nữ mạnh nhất ở tuổi 28.
Thế hệ Y và cha mẹ, nhà lãnh đạo hay giáo viên hoặc bất cứ ai quan tâm đến vấn đề này, cuộc trò chuyện này thì cuốn sách này là dành cho bạn.
Lời tựa
Trong một nghiên cứu hiếm hoi về sự gia tăng của tuổi thọ, các nhà nghiên cứu ở Đại học Boston và Đại học Michigan đã tìm hiểu hàng tá những câu chuyện đời được những người thành đạt và nổi tiếng viết lúc cuối đời. Họ quan tâm đến “các trải nghiệm hệ quả trong suốt cuộc đời”, hay những tình huống và con người có ảnh hưởng mạnh nhất đến cuộc đời về sau. Mặc dù các sự kiện quan trọng xuất hiện trải dài từ khi con người sinh ra đến khi chết đi, nhưng những sự kiện quyết định những năm tháng phía trước tập trung nhiều nhất trong giai đoạn tuổi 20.
Khi ta rời gia đình hay trường học, trở nên độc lập hơn cũng là lúc xuất hiện sự tự sinh, thời kỳ mà những gì ta làm sẽ quyết định ta trở thành người như thế nào. Thậm chí có vẻ như thời kỳ trưởng thành là khoảng thời gian kéo dài của các trải nghiệm hệ quả tự truyện – nên càng nhiều tuổi, ta càng định hướng cuộc đời nhiều hơn. Điều này không đúng.
Ở độ tuổi 30, các trải nghiệm mang tính hệ quả bắt đầu chậm dần. Quá trình học hỏi đã kết thúc, hoặc gần kết thúc. Ta đã đầu tư thời gian vào sự nghiệp hoặc không. Ta, hoặc bạn bè của ta, có thể đang xây dựng các mối quan hệ và lập gia đình. Ta có thể đã sở hữu nhà cửa hoặc có những trách nhiệm khác khiến việc chuyển hướng trở nên khó khăn. Với khoảng 80% những sự kiện quan trọng nhất trong đời xảy ra trước năm 35 tuổi, ở độ tuổi 30 hoặc hơn chúng ta phần lớn tiếp tục hoặc sửa chữa những bước đi của mình trong những năm độ tuổi 20.
Điều trớ trêu là độ tuổi 20 có thể không cảm nhận được tất cả những ảnh hưởng mang tính hệ quả đó. Ta dễ dàng cho rằng những trải nghiệm quan trọng của cuộc đời bắt đầu bằng những thời điểm quan trọng và những cuộc gặp gỡ thú vị, nhưng sự thật không phải thế.
Các nhà nghiên cứu trong cùng đề tài này tìm ra rằng phần lớn những sự kiện quan trọng và bền vững – những sự kiện dẫn đến việc có hay không có thành công trong sự nghiệp, của cải cho gia đình, hạnh phúc cá nhân – phát triển qua nhiều ngày, nhiều tuần hay nhiều tháng chứ ít có tác động mạnh tức thì nào. Tầm quan trọng của những trải nghiệm này vào thời điểm đó chưa hẳn đã rõ ràng, nhưng khi ngẫm lại, các đối tượng nhận ra rằng những sự kiện này đã định hình tương lai của họ một cách mạnh mẽ. Cuộc đời của chúng ta được quyết định phần lớn bởi những khoảnh khắc có ảnh hưởng sâu rộng ở độ tuổi 20 mà có khi ta còn không nhận ra được.
Cuốn sách này viết về việc nhận ra những khoảnh khắc mang tính định hình ở độ tuổi 20 ấy. Nó viết về lý do tại sao tuổi 20 của bạn lại đóng vai trò quan trọng và làm thế nào để tận dụng tối đa khoảng thời gian này.
Khi Kate bắt đầu tham gia trị liệu tâm lý, cô đang làm công việc phục vụ bàn, đã sống chung – và cãi nhau – với bố mẹ cô được hơn một năm. Bố cô đã gọi đến để đặt lịch cuộc hẹn trị liệu đầu tiên cho cô. Cả hai đều đoán rằng các vấn đề rắc rối giữa cha và con gái sẽ nhanh chóng được đưa lên thảo luận trước tiên. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất là Kate đang lãng phí những năm tháng tuổi 20 của mình. Lớn lên ở thành phố New York, 26 tuổi và đang sống ở Virginia, cô vẫn chưa có bằng lái xe, dù điều này hạn chế các cơ hội việc làm dành cho cô và khiến cô cảm thấy mình chỉ là một hành khách trong chính hành trình của đời mình. Việc Kate thường xuyên muộn giờ hẹn với tôi cũng liên quan một phần đến chuyện đó.
Khi tốt nghiệp đại học, Kate đã hy vọng được trải nghiệm những năm tháng rộng mở của độ tuổi 20, điều mà bố mẹ đã luôn tích cực khuyến khích cô. Bố mẹ cô kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học vì họ muốn cùng nhau đi châu Âu và trong những năm đầu thập niên 1970, đối với gia đình hai bên, điều này là không thể tha thứ. Họ đi hưởng tuần trăng mật ở Ý và quay trở lại khi mẹ cô mang thai. Bố Kate dùng tấm bằng kế toán để mưu sinh trong khi mẹ cô bận rộn nuôi dưỡng 4 đứa trẻ và Kate là đứa nhỏ nhất trong số
đó. Cho đến thời điểm này, Kate đang dành những năm tháng tuổi 20 để bù lại những gì bố mẹ cô đã bỏ lỡ. Cô cho là mình nên tận hưởng khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời này, nhưng ng ược lại, cô hầu như chỉ cảm thấy căng thẳng và lo âu. “Những năm tháng tuổi 20 của tôi thật đáng sợ”, cô nói “Không ai bảo cho tôi biết rằng nó sẽ khó khăn đến thế này.”.
Kate lấp đầy tâm trí mình bằng những bi kịch của độ tuổi 20 nhằm sao lãng bản thân khỏi tình hình thực tại của cuộc đời mình và có vẻ cô cũng muốn điều tương tự trong những giờ trị liệu tâm lý. Khi đến các buổi trị liệu, cô tháo đôi giày Toms, xắn ống quần jeans và cập nhật cho tôi về dịp cuối tuần. Các cuộc trò chuyện của chúng tôi thường rất “đa phương tiện” khi cô lôi e-mail và ảnh ra để khoe với tôi và tiếng chuông tin nhắn luôn xuất hiện trong các buổi trị liệu của chúng tôi với những tin tức thời sự nóng hổi nhất. Đâu đó giữa các cập nhật cuối tuần của Kate, tôi phát hiện ra rằng: Cô nghĩ mình có thể thích làm công việc gây quỹ và hy vọng sẽ tìm ra được thứ mình muốn làm vào tuổi 30. “30 tuổi là tuổi 20 mới,” cô nói.
Tôi quá tâm huyết với độ tuổi 20 để có thể khiến Kate, hay bất kỳ người nào khác trong độ tuổi này, lãng phí thời gian của họ. Là một chuyên gia trị liệu tâm lý lâm sàng với chuyên môn trong lĩnh vực phát triển của người trưởng thành, tôi đã thấy vô số những người trong độ tuổi 20 dành quá nhiều năm sống mà không có tầm nhìn. Điều tệ hơn nữa chính là những giọt nước mắt của những người trong độ tuổi 30 hay 40 vì họ đang phải trả một cái giá quá đắt – trong sự nghiệp, tình cảm, con cái, kinh tế – vì đã thiếu tầm nhìn trong những năm tháng tuổi 20. Tôi yêu mến Kate và muốn giúp đỡ cô, nên tôi đề nghị cô phải đến đúng giờ. Tôi cắt ngang những câu chuyện về cuộc hẹn hò mới nhất để hỏi thăm tình hình bằng lái xe và tìm việc làm của cô. Có lẽ điều quan trọng nhất là Kate và tôi đã tranh cãi rằng việc trị liệu tâm lý – và những năm tháng tuổi 20 của cô – nên diễn ra như thế nào.
Kate tự hỏi liệu cô có nên dành vài năm trị liệu tâm lý để giải quyết mối quan hệ với bố mình hay không, hay là sử dụng số tiền và thời gian đó cho tấm vé tàu lửa Eurail xuyên châu Âu trên hành trình tìm kiếm bản thân mình. Tôi chẳng bầu chọn cho ý tưởng nào cả. Tôi bảo Kate rằng trong khi hầu hết các chuyên gia tâm lý đều đồng tình với Socrates rằng “Cuộc đời chưa được tìm hiểu thì chẳng đáng sống”, thì có một câu trích dẫn ít nổi tiếng hơn của chuyên gia tâm lý người Mỹ tên là Sheldon Kopp có lẽ lại quan trọng hơn: “Cuộc đời chưa sống qua thì chẳng đáng tìm hiểu.”
Tôi giải thích rằng mình sẽ thật vô trách nhiệm nếu cứ ngồi im nhìn những năm tháng nền tảng nhất của cuộc đời Kate diễu qua như thế. Chúng tôi sẽ thật khinh suất nếu chỉ tập trung vào quá khứ của Kate trong khi tôi biết rằng tương lai của cô đang bị đe dọa. Thật không công bằng khi bàn về cuối tuần của cô trong khi chính những ngày trong tuần mới làm cô không vui. Tôi cũng thực sự cảm thấy rằng mối quan hệ giữa Kate và bố mình sẽ chẳng thể thay đổi được cho đến khi nào cô có điều gì mới mẻ hơn.
Không lâu sau các cuộc trò chuyện này, Kate đến văn phòng tôi và ngồi sụp xuống ghế. Cô trông rất kích động và giàn giụa nước mắt, thật không hề giống cô khi bình thường, cô nhìn ra cửa sổ và lắc lắc chân đầy lo lắng khi kể tôi nghe về bữa ăn xế sáng chủ nhật với 4 người bạn thời đại học. Hai người đến thị trấn để tham gia một hội thảo. Một người vừa trở về từ Hy Lạp sau khi thu âm những bản đồng dao cho bài luận văn nghiên cứu. Một người khác thì dẫn theo vị hôn phu. Khi cả nhóm ngồi với nhau, Kate nhìn quanh và cảm thấy mình lạc lõng. Cô muốn những gì bạn bè mình đang có – một công việc, một mục tiêu hay một người bạn trai – vì vậy cô dành cả ngày còn lại để tìm kiếm trên Craigslist 3 . Hầu hết các công việc (và đàn ông) đều không có vẻ gì thú vị. Với những người có vẻ thú vị thì cô bắt đầu nghi ngờ rằng mình sẽ chẳng bao giờ có được. Kate đi ngủ với cảm giác gần như bị phản bội.
Trong văn phòng tôi, cô kể, “Những năm tháng tuổi 20 của tôi đã trôi qua quá nửa. Khi ngồi ở nhà hàng đó, tôi nhận ra rằng mình chẳng có gì đáng để kể. Chẳng có bản sơ yếu lý lịch ra hồn. Người yêu cũng không. Tôi thậm chí chẳng biết mình đang làm gì ở đây nữa”. Cô với lấy mẩu khăn giấy và òa khóc. “Tôi thật sự rất tin vào cái ý niệm rằng việc xác định rõ đường đời của mình đang được đánh giá quá cao. Giờ đây, tôi lại ước gì mình đã… tôi không biết nữa… sống có mục đích hơn.”
Vẫn chưa có gì là quá trễ, nhưng cô cần phải bắt đầu thay đổi ngay. Vào thời điểm quá trình trị liệu tâm lý của Kate kết thúc, cô đã có căn hộ riêng, bằng lái xe, một người bạn trai và là người gây quỹ cho một tổ chức phi lợi nhuận. Thậm chí mối quan hệ của cô và bố cũng đang được cải thiện. Trong buổi trị liệu cuối cùng, Kate cảm ơn tôi đã giúp cô bắt kịp được cuộc đời. Cô nói rằng cuối cùng cô cũng cảm thấy mình đang sống.
Những năm tháng tuổi 20 là thực tại và nên được sống như vậy. Thứ văn hóa “30 tuổi là tuổi 20 mới” bảo với chúng ta rằng những năm tháng 20 tuổi chẳng hề quan trọng. Freud từng nói “Tình yêu và sự nghiệp, sự nghiệp và tình yêu… tất cả chỉ có vậy thôi” và những điều này đang hình thành chậm hơn trước đây.
Vào thời bố mẹ Kate đang trong độ tuổi 20, một người 21 tuổi thông thường đã kết hôn và đang chăm sóc con nhỏ. Chuyện học hành kết thúc ở trung học hoặc có lẽ là đại học, các bậc phụ huynh trẻ tập trung kiếm tiền và chăm sóc nhà cửa. Vì thời đó, thu nhập của một người thường đã đủ nuôi cả gia đình nên đàn ông đi làm nhưng đa phần phụ nữ thì không. Những người đàn ông hay phụ nữ có công việc có thể làm trong lĩnh vực đó suốt đời. Thời đó, giá nhà trung bình ở Mỹ khoảng 17.000 đô-la. Ly dị và thuốc tránh thai vừa bắt đầu trở thành xu hướng mới.
Rồi sau đó, trong quãng thời gian một thế hệ, một cuộc chuyển biến văn hóa to lớn đã diễn ra. Tràn ngập thị trường là các sản phẩm tránh thai thân thiện với người dùng và các công sở cũng ngập tràn nữ giới. Bước vào thiên
niên kỷ mới, chỉ khoảng một nửa những người trong độ tuổi 20 kết hôn trước tuổi 30 và thậm chí còn ít hơn số này quyết định sinh con, khiến những năm tháng tuổi 20 trở thành thời đại của sự tự do mới tìm thấy. Ta bắt đầu nghe thấy quan điểm rằng có lẽ việc học đại học quá tốn kém và không còn quá cần thiết nữa, tuy nhiên việc học cao học lại thực sự cần thiết và trong cả hai trường hợp đều có một khoảng thời gian dành cho việc “tạm nghỉ.”
Trong suốt hàng trăm năm, những người trong độ tuổi 20 đã chuyển dịch trực tiếp từ chỗ là những thanh thiếu niên sang người trưởng thành, và chỉ trong vài thập kỷ, một thời kỳ phát triển mới đã mở ra. Những người trong độ tuổi 20 như Kate hoang mang không biết mình nên làm gì với khoảng thời gian này.
Những năm tháng tuổi 20 có thể được coi là giai đoạn lỡ cỡ. Một bài báo năm 2001 của tạp chí Economist đã giới thiệu “Nền kinh tế tiểu thư Jones” và một trang bìa năm 2005 của tạp chí Time đã giật dòng tít lớn “Gặp gỡ những người lỡ cỡ”, cả hai đều chỉ ra rằng những năm tháng tuổi 20 ngày nay được xem là những năm tháng khả dụng được bôi trơn bằng nguồn thu nhập khả dụng. Đến năm 2007, giai đoạn tuổi 20 được gán cho cái tên những năm tháng phiêu lưu – giai đoạn để lang thang đây đó. Các nhà báo và các nhà nghiên cứu khắp nơi đều bắt đầu đặt cho những người trong độ tuổi 20 những biệt danh ngớ ngẩn như trẻ-trưởng-thành, người-tiền-trưởng thành và thanh-niên-đang-trưởng-thành.
Một số người nói những năm tháng tuổi 20 là thời niên thiếu kéo dài, trong khi một số khác lại gọi đó là giai đoạn bắt đầu trưởng thành. Cái gọi là thời gian biểu thay đổi của giai đoạn trưởng thành này đã giáng cấp những người trong độ tuổi 20 xuống thành “những-người-không-hẳn-là-người lớn” vào lúc mà họ cần phải tham gia nhiều nhất. Những người trong độ tuổi 20 như Kate đã bị cuốn vào cơn lốc của những cường điệu và hiểu lầm,
phần lớn trong số này đã tầm thường hóa cái thực ra là thập niên định hình rõ nhất cuộc đời trưởng thành của chúng ta.
Tuy nhiên, thậm chí ngay cả khi chối bỏ những năm tháng tuổi 20 này, ta vẫn phải công nhận sức ảnh hưởng của chúng chúng. Những năm tháng tuổi 20 chưa bao giờ trở thành hệ tư tưởng của thời đại nhiều đến thế. Văn hóa đại chúng tập trung đến mức gần như ám ảnh vào những năm tháng tuổi 20 đến độ như thể những năm tháng này là những gì duy nhất tồn tại. Những đứa trẻ nổi tiếng và những đứa nhóc đời thường, tất cả đều dành tuổi trẻ của chúng để hành động như thể chúng 20 tuổi, trong khi đó những người lớn trưởng thành và những bà nội trợ thực thụ thì lại ăn vận và trang điểm trông như mới 29 tuổi. Người trẻ trông già đi còn người lớn lại trông trẻ hơn, kéo cái gọi là tuổi thọ của người trưởng thành thành một chuyến du ngoạn những năm tháng tuổi 20 dài dằng dặc. Thậm chí một từ mới – tuổi trẻ bất biến – đã được tạo ra để miêu tả cách sống tương tự, với cùng một mức độ, từ thời niên thiếu đến khi qua đời.
Đây là một thông điệp mâu thuẫn và nguy hiểm. Ta bị dẫn dụ để tin rằng những năm tháng tuổi 20 không quan trọng, tuy nhiên, với việc tán dương và gần như ám ảnh với độ tuổi 20 này, hầu như chẳng có gì nhắc nhở chúng ta về bất kỳ điều gì khác quan trọng trong cuộc đời này nữa. Điều này khiến quá nhiều người hoang phí những năm tháng nhiều biến đổi quan trọng nhất cuộc đời trưởng thành và phải trả giá cho điều đó trong những thập niên về sau.
Quan điểm văn hóa của chúng ta về những năm tuổi 20 cũng giống như thói hoa mỹ phi lý kiểu Mỹ ngày xưa. Những người ở độ tuổi 20 trong thế kỷ XXI đã lớn lên cùng niềm đam mê công nghệ số, bong bóng nhà đất và sự bùng nổ của phố Wall. Các công ty mới thành lập tự huyễn hoặc bản thân rằng những trang web đẹp đẽ sẽ sản sinh ra tiền bạc và nhu cầu; các cá nhân thì không biết chính xác lượng chất béo và năng lượng đi kèm trong những đồ ăn nhanh; các chủ sở hữu nhà đất đặt hy vọng quá lớn vào những căn
nhà từng được đánh giá cao; các nhà quản lý tài chính ảo tưởng thị trường sẽ luôn trên đà đi lên. Người trưởng thành ở tất cả các độ tuổi đã để cho cái mà các nhà tâm lý học gọi là “niềm lạc quan phi thực tế” – cái ý tưởng rằng sẽ chẳng có gì tồi tệ xảy đến với bạn – đánh bật logic và lý trí. Người trưởng thành ở mọi địa vị đều thất bại khi làm bài toán này. Giờ đây, những người trong độ tuổi 20 đang được sắp đặt để trở thành một bong bóng khác sẵn sàng nổ tung.
Trong văn phòng mình, tôi đã được chứng kiến điều đó.
Cuộc đại khủng hoảng và hậu quả tiếp diễn của nó đã khiến những người trong độ tuổi 20 trở nên ngây thơ, thậm chí là tan vỡ. Những người trong độ tuổi 20 giờ đây có học vấn nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Rất nhiều công việc khởi điểm đã được chuyển ra nước ngoài khiến những người trong độ tuổi 20 càng thêm khó khăn để có được một vị trí chắc chắn tại quê nhà. Với nền kinh tế hẹp dần và dân số bùng nổ, tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Vị trí thực tập không lương nay được xem là công việc khởi điểm. Khoảng 1/4 những người trong độ tuổi 20 không có việc làm và 1/4 khác chỉ làm việc bán thời gian. Những người trong độ tuổi 20 có việc làm được trả lương kiếm được ít hơn so với những người trong độ tuổi 20 những năm 1970 sau khi lạm phát được điều chỉnh.
Do các công việc ngắn hạn đã thay thế những sự nghiệp lâu dài ở Mỹ, nên một người trong độ tuổi 20 thường sẽ nhảy việc liên tục trong giai đoạn này. 1/3 trong số đó sẽ chuyển nhà trong bất kỳ năm nào, thậm chí xa cả gia đình và bạn bè cũng như rải sơ yếu lý lịch ở khắp nơi. Khoảng 1/8 trong số này sẽ quay về nhà sống cùng bố hoặc mẹ, ít nhất một phần vì lương bổng bị cắt giảm, dẫn đến việc họ không thể tự chi trả cho cuộc sống. Ngoài ra, các khoản nợ học phí đại học đang đến hạn, với số lượng sinh viên nợ hơn 40.000 đô-la đã tăng lên gấp 10 lần trong 10 năm qua.
Có vẻ như ai cũng muốn trở thành một người trong độ tuổi 20, ngoại trừ chính bản thân những người đang ở trong độ tuổi đó. Lại một lần nữa, “30 tuổi là tuổi 20 mới” đang bắt đầu gây ra một phản ứng mới: “Hy vọng là không phải vậy!”.
Hàng ngày, tôi làm việc với những người trong độ tuổi 20 cảm thấy bị lừa gạt trắng trợn bởi quan niệm rằng những năm tháng này sẽ là những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời họ. Mọi người tưởng tượng rằng trị liệu tâm lý cho những người trong độ tuổi 20 là lắng nghe những chuyến phiêu lưu và rủi ro của những kẻ vô lo và đúng là có phần như vậy thật. Nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín, các khách hàng của tôi lại có nhiều điều đáng ngại để kể:
Tôi thấy mình như đang trôi giữa đại dương bao la. Như thể tôi có thể bơi theo bất kỳ hướng nào nhưng tôi lại không thấy đất liền ở đâu cả, vì thế tôi chẳng biết đường nào để đi.
Tôi thấy mình cứ phải tiếp tục thả mồi nhử và đoán xem cái gì sẽ mắc câu.
Tôi không ngờ rằng có lúc mình sẽ khóc trong phòng vệ sinh ở công ty hàng ngày như thế.
Những năm tháng tuổi 20 là một cách nhìn hoàn toàn mới về thời gian. Đó là một khoảng thời gian dài và cả một núi việc cần phải xảy ra bằng cách nào đó.
Chị tôi 35 tuổi và độc thân. Tôi sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra với mình.
Tôi rất mong ngóng được giải phóng khỏi những năm 20 tuổi của mình.
Tốt hơn hết là tôi không nên vẫn đang làm việc này ở tuổi 30. Đêm qua, tôi đã cầu nguyện mong sao có thể chắc chắn về dù chỉ một điều nào đó trong đời mình.
Có 50 triệu người trong độ tuổi 20 tại Mỹ, hầu hết họ đang sống trong tình trạng bất ổn đáng kinh ngạc chưa từng thấy. Nhiều người không biết họ sẽ làm gì, sống ở đâu, hay sẽ quen ai trong hai hay thậm chí là 10 năm tới. Họ không biết khi nào họ sẽ hạnh phúc hoặc khi nào sẽ trả được các hóa đơn. Họ tự hỏi liệu mình nên trở thành nhiếp ảnh gia, luật sư, nhà thiết kế hay nhân viên ngân hàng. Họ không biết mình còn cách mối quan hệ tình cảm như mong muốn của mình chỉ vài ngày thôi hay nhiều năm nữa. Họ lo lắng về việc liệu họ sẽ có gia đình hay không và liệu cuộc hôn nhân của họ có bền vững? Đơn giản nhất, họ chẳng biết liệu cuộc đời họ có ổn hay không và không biết bản thân cần phải làm gì.
Tình trạng bất ổn định khiến ta lo âu và sự sao lãng chính là thứ thuốc phiện trong thế kỷ XXI. Chính vì thế, những người trong độ tuổi 20 như Kate sẽ bị dụ dỗ và thậm chí là được khuyến khích để ngó lơ và trở thành những kẻ lỡ cỡ, để nhắm mắt lại và mong đợi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình. Một bài báo năm 2011 trên tạp chí New York tuyên bố “những đứa trẻ này thật ra khá ổn” và giải thích rằng tuy những người trong độ tuổi 20 ngày nay đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II, nhưng họ vẫn đầy lạc quan. Bài báo giải thích rằng với âm nhạc trực tuyến miễn phí, “bạn không cần phải có tiền để mua một bộ sưu tập đĩa hát vĩ đại”. Facebook, Twitter, Google và các ứng dụng miễn phí “đã khiến cuộc sống dựa trên khoản ngân sách nhỏ bé của bạn trở nên thú vị hơn”, bài báo cam đoan.
Có một câu thành ngữ rằng “hy vọng là bữa sáng ngon lành nhưng lại là bữa tối dở tệ”. Tuy hy vọng là một trạng thái tinh thần hữu ích có thể giúp nhiều người trong độ tuổi 20 đang bị đè nén có thể rời khỏi giường mỗi sáng, thì vào cuối ngày họ lại cần nhiều hơn chủ nghĩa lạc quan đơn thuần bởi vào cuối những năm tuổi 20, nhiều người sẽ muốn có nhiều hơn là chỉ những bộ sưu tập đĩa hát và các trò tiêu khiển.
Thậm chí còn thuyết phục hơn nhiều so với các buổi trị liệu với những người trong độ tuổi 20 đang gặp khó khăn, chính là các buổi trị liệu với những người lỡ cỡ đầu tiên, giờ đây đã ở độ tuổi 30 và 40, tôi ước rằng họ đã làm một số điều khác đi. Tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi đau thật sự khi có người nhận ra rằng cuộc đời mình sẽ không khác đi mấy. Ta nghe nói rằng “30 là tuổi 20 mới”, nhưng – dù có suy thoái hay không – với công việc, tình yêu, trí não và cơ thể thì tuổi 40 chắc chắn không phải là tuổi 30 mới.
Nhiều người trong độ tuổi 20 cho rằng cuộc đời sẽ nhanh chóng ổn định sau tuổi 30 và có lẽ vậy. Nhưng đó vẫn sẽ là một cuộc đời khác. Ta hình dung rằng nếu không có gì xảy ra trong những năm tháng tuổi 20 thì sau đó mọi chuyện vẫn có thể diễn ra trong những năm 30 tuổi. Ta nghĩ rằng bằng cách né tránh phải đưa ra các quyết định lúc này, ta vẫn giữ được mọi lựa chọn cho tương lai – nhưng việc không lựa chọn cũng chính là một lựa chọn.
Khi còn quá nhiều việc cần phải làm, trong những năm tháng tuổi 30, ta sẽ phải chịu áp lực lớn để bước tiếp, kết hôn, chọn một thành phố để sinh sống, kiếm tiền, mua nhà, tận hưởng cuộc sống, học cao học, khởi nghiệp, thăng tiến, tiết kiệm tiền để dưỡng già, có hai hay ba đứa con trong một khoảng thời gian ngắn hơn xưa. Nhiều điều trong số này không tương thích với nhau và như các nghiên cứu bắt đầu cho thấy gần đây, đơn giản là khó khăn hơn nhiều khi phải thực hiện tất cả những việc này cùng một lúc trong những năm 30 tuổi.
Cuộc đời không kết thúc ở tuổi 30 nhưng nó sẽ mang lại cảm giác rất khác biệt. Sơ yếu lý lịch chắp vá không liền mạch trước đây phản ánh sự tự do của những năm tháng tuổi 20 bất chợt có vẻ đáng ngờ và đáng xấu hổ. Cuộc hẹn hò tử tế đầu tiên sẽ chẳng dẫn đến nhiều mộng tưởng lãng mạn về “nửa kia” nữa, mà dẫn đến những tính toán về thời điểm sớm nhất có thể kết hôn và có con.
Đương nhiên, với nhiều người điều này có thể xảy ra và với việc đứa con đầu lòng chào đời, các cặp đôi trong độ tuổi 30 thường nói về mục tiêu và ý nghĩa mới của cuộc đời. Đó cũng có thể là cảm giác hối tiếc sâu sắc và đau đớn: biết rằng sẽ rất khó khăn để chu cấp cho con mình những thứ mà giờ đây họ ước mình có thể; thấy rằng các vấn đề về khả năng sinh sản và nỗi kiệt sức hoàn toàn đang án ngữ trên con đường xây dựng gia đình mà giờ đây họ mong muốn; nhận ra rằng họ sẽ gần 60 tuổi khi con mình vào đại học và có lẽ đã 70 tuổi tại đám cưới của chúng; nhận ra rằng có thể họ sẽ không bao giờ biết mặt cháu mình.
Các bậc phụ huynh như bố mẹ của Kate rất chủ tâm bảo vệ con mình khỏi vết nhơ khủng hoảng tuổi trung niên của họ – nỗi hối tiếc của họ khi ổn định cuộc sống quá sớm – đến mức những phụ huynh này không nhìn thấy được một kiểu khủng hoảng tuổi trung niên hoàn toàn mới đang tiến đến. Khủng hoảng tuổi trung niên hậu thiên niên kỷ là việc nhận ra rằng trong khi đang bận rộn đảm bảo mình đã không bỏ lỡ bất kỳ điều gì, ta lại xếp đặt để chính mình bỏ qua một số thứ quan trọng nhất. Đó là nhận ra rằng làm việc gì đó muộn hơn không có nghĩa là làm tốt hơn. Có quá nhiều người trong độ tuổi 30 và 40 thông minh và đầy thiện chí khá đau lòng khi họ phải dành cả phần đời còn lại để bắt kịp cuộc sống vốn bị bỏ lỡ. Họ nhìn chính mình – và nhìn tôi đang ngồi ở phía bên kia phòng làm việc – và nói về những năm tháng tuổi 20 của họ, “Tôi đã làm gì lúc đó? Tôi đã nghĩ gì lúc đó?”
Tôi khuyến khích những người trong độ tuổi 20 hãy giành lại những năm tháng của mình, địa vị của người trưởng thành và tương lai của mình. Cuốn sách này sẽ cho họ thấy vì sao họ nên làm thế và họ có thể làm điều đó như thế nào.
Trong những trang tiếp theo, tôi muốn thuyết phục bạn rằng tuổi 30 không phải là tuổi 20 mới. Không phải vì những người trong độ tuổi 20 ổn định cuộc sống muộn hơn bố mẹ mình ngày xưa. Hầu như mọi người đều đồng ý
rằng sự nghiệp và tình yêu đến muộn hơn, ít nhất là do ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như vì họ có thể. Tôi muốn thuyết phục bạn rằng tuổi 30 không phải là tuổi 20 mới chính vì chúng ta đang ổn định cuộc sống muộn hơn trước đây. Điều này không khiến những năm tháng tuổi 20 trở thành khoảng thời gian vô dụng, vô nghĩa mà là một giai đoạn phát triển đẹp đẽ chỉ có một lần.
Trong hầu hết các lĩnh vực của quá trình phát triển, giai đoạn quyết định là khoảng thời gian ta dễ dàng phát triển và thay đổi, khi mà chỉ cần một sự tiếp xúc mở mang đơn giản cũng có thể dẫn đến biến đổi đáng kể. Trẻ con có thể chẳng cần nỗ lực mà vẫn học được bất kỳ ngôn ngữ nào chúng được nghe trước tuổi lên 5. Chúng ta phát triển thị giác trong giai đoạn từ 3 đến 8 tháng tuổi. Các giai đoạn quyết định này chính là cánh cửa mở ra các cơ hội để việc học hỏi diễn ra nhanh chóng. Sau giai đoạn đó, mọi thứ không còn dễ dàng như vậy nữa.
Những năm tháng tuổi 20 chính là giai đoạn quyết định sự trưởng thành.
Đây là những năm tháng ta có thể bắt đầu cuộc đời mà ta mong muốn một cách dễ dàng nhất. Và bất kể ta làm gì đi nữa, thì những năm tháng tuổi 20 là một điểm cong – sự cải tổ vĩ đại – giai đoạn khi các trải nghiệm ta có sẽ ảnh hưởng một cách không cân đối đến cuộc đời trưởng thành mà ta sẽ sống.
Trong các phần mang tên “Công việc”, “Tình yêu” và “Trí não và cơ thể”, chúng ta sẽ được biết về bốn giai đoạn quyết định riêng biệt – nhưng liên quan mật thiết với nhau – mở ra trong những năm tháng tuổi 20. Trong phần “Công việc,” ta sẽ tìm hiểu vì sao những công việc trong độ tuổi 20 tuổi gần như là những công việc mang tính hệ quả nhất về kinh tế và nghề nghiệp mà ta sẽ có – mặc dù chúng có vẻ không mấy hấp dẫn. Trong phần “Tình yêu”, chúng ta sẽ hiểu được vì sao những lựa chọn quan hệ tình cảm trong những năm tháng tuổi 20 có lẽ còn quan trọng hơn các lựa chọn công việc. Và trong phần “Trí não và cơ thể”, ta sẽ hiểu được trí não vẫn đang
phát triển trong những năm 20 tuổi của ta vẫn đang nhào nặn ta thành người lớn như thế nào, cũng như khi cơ thể của ta trong giai đoạn này bắt đầu bước vào những năm tháng màu mỡ nhất.
Các nhà báo có thể đặt câu hỏi với các tiêu đề như “Độ tuổi 20 thì sao?” và “Tại sao họ không chịu trưởng thành?”, nhưng thực ra những năm tháng tuổi 20 chẳng có gì bí ẩn. Chúng ta biết những năm tháng đó diễn biến ra sao và những người trong độ tuổi 20 ở khắp nơi đều xứng đáng được biết điều đó.
Trong các chương sau đây, tôi kết hợp giữa nghiên cứu mới nhất về sự phát triển của người trưởng thành với những câu chuyện chưa từng kể trước đây của các khách hàng và sinh viên của tôi. Tôi sẽ chia sẻ những gì mà các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học, các nhà thần kinh học, các nhà kinh tế học, các chuyên viên quản trị nhân sự và các chuyên gia dân số biết về sức mạnh đặc biệt của những năm tháng tuổi 20 cũng như cách chúng định hình cuộc đời của chính bản thân tôi. Cùng lúc đó, tôi sẽ thách thức những nhận thức sai lầm do ảnh hưởng của truyền thông gây nên cho những năm tháng tuổi 20 và cho thấy rằng hiểu biết chung của xã hội về giai đoạn này thường sai lầm ra sao.
Chúng ta sẽ hiểu được vì sao những người mà ta gần như không quen biết, chứ không phải những người bạn thân nhất của ta, mới là những người giúp cải thiện cuộc đời ta một cách mạnh mẽ nhất. Chúng ta sẽ thấy rằng gia nhập vào môi trường công việc sẽ khiến ta cảm thấy tốt hơn thay vì tệ hơn như thế nào. Chúng ta sẽ hiểu được lý do mà sống chung không hẳn là cách tốt nhất để kiểm chứng một mối quan hệ tình cảm. Chúng ta sẽ hiểu được rằng tính cách ta thay đổi trong những năm tháng tuổi 20 nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước hay sau đó. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta chọn lựa gia đình cho mình chứ không chỉ bạn bè như thế nào. Chúng ta sẽ hiểu rằng sự tự tin tăng lên không chỉ từ trong ra ngoài mà còn từ ngoài vào trong. Chúng ta sẽ thấy những câu chuyện kể về bản thân mình sẽ ảnh hưởng như
thế nào đến những người ta hẹn hò và các công việc ta sẽ làm. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách tìm hiểu vì sao câu trả lời hay nhất cho câu hỏi “Tôi là ai?” không phải là một cuộc khủng hoảng danh tính kéo dài mà là một hay hai mảnh của cái gọi là vốn sống.
Không lâu trước đây, những người trong độ tuổi 20 như bố mẹ Kate đã cùng nhau bước xuống lễ đường trước khi suy nghĩ tường tận xem bản thân họ là ai. Họ đưa ra những quyết định lớn nhất cuộc đời trước khi bộ não của họ biết phải đưa ra quyết định như thế nào. Giờ đây, những người trong độ tuổi 20 ở thế kỷ XXI có cơ hội xây dựng cuộc đời mà họ mong muốn – cuộc đời mà ở đó công việc, tình yêu, bộ não và cơ thể có thể cùng nhau vận hành. Nhưng điều này không đến cùng tuổi tác hay chủ nghĩa lạc quan. Như Kate đã nói, cần có chủ đích và một vài thông tin hữu ích nếu không ta sẽ bỏ lỡ nó. Và lâu nay, thật khó để tìm thấy chúng.
Một đồng nghiệp của tôi đã ví những người trong độ tuổi 20 như những chiếc máy bay rời thành phố New York để đến nơi nào đó ở phía Tây. Ngay sau khi cất cánh, một thay đổi nhỏ trong hành trình sẽ tạo nên khác biệt giữa việc hạ cánh ở Seattle hay ở San Diego. Nhưng một khi máy bay đã gần đến San Diego, chỉ cần một cú ngoặt lớn, nó sẽ lại chuyển hướng bay về phía Tây Bắc.
Cũng như vậy, trong những năm tháng tuổi 20, chỉ một biến chuyển nhỏ cũng có thể thay đổi đáng kể cuộc đời ta trong những năm 30 tuổi và sau đó. Những năm tháng tuổi 20 là giai đoạn hỗn loạn và lơ lửng trên không. Nhưng nếu có thể tìm ra cách điều hướng, dù mỗi lần chỉ một chút, ta vẫn có thể tiến xa hơn và nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời. Đây là giai đoạn then chốt khi những việc ta làm – và những việc ta không làm – sẽ có ảnh hưởng to lớn trong suốt nhiều năm trời và thậm chí nhiều thế hệ sau.
Vì vậy hãy bắt đầu ngay thôi. Đã đến lúc rồi!
Phần I. Công việc
Vốn sống
Con người không tự trưởng thành.
Họ phải trải qua tôi luyện.
— Kay Hymowitz,
nhà bình luận xã hội
Không phải từ lúc sinh ra ta đã có tất cả,
mà phải nỗ lực từng chút để hoàn thiện mình.
— Mary Antin, nhà văn
Helen đến điều trị bởi cô đang “gặp khủng hoảng về danh tính”. Cô bỏ công việc trông trẻ, quay sang tập yoga rồi lại tiếp tục trông trẻ, chờ đợi cái mà cô gọi là “tia chớp trực giác”. Helen lúc nào cũng trông như đã mặc sẵn đồ đến lớp luyện tập dù không biết cô có thực sự sẽ đến đó hay không; có một thời gian lối sống tùy tiện của cô khiến bạn bè, những người đã bước vào “thế giới thật” hoặc đang học cao học, phải ghen tỵ. Trong một thời gian, cô đã tận hưởng cuộc sống một cách vô cùng thoải mái.
Nhưng chẳng lâu sau, công cuộc tìm kiếm danh tính nội tại của Helen khiến cô mệt mỏi. Ở tuổi 27, cô cảm thấy như chính những người bạn từng khát khao những chuyến phiêu lưu của cô đang thương hại cô. Họ đang thăng tiến, trong khi cô vẫn đang đẩy xe đưa những đứa trẻ của người khác đi dạo.
Bố mẹ của Helen đã tuyên bố cụ thể về mục tiêu Đại học Tri-Delt và dự bị y khoa. Họ quyết định như vậy dù Helen là một nhiếp ảnh gia tài năng mong muốn được theo học ngành nghệ thuật – và cũng không thích tham gia hội nữ sinh. Từ học kỳ đầu tiên, Helen đã ghét các lớp dự bị y khoa và
đạt kết quả học tập không mấy khả quan. Cô ghen tỵ với những người bạn được đọc các tài liệu thú vị và tìm kiếm mọi cơ hội tham gia hoạt động nghệ thuật ngoại khóa. Sau 2 năm chật vật với môn sinh học và dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho những gì mình thực sự yêu thích, Helen chuyển sang ngành nghệ thuật. Bố mẹ cô nói, “Con sẽ làm gì với ngành đó cơ chứ?”
Sau khi tốt nghiệp, Helen thử sức với công việc nhiếp ảnh tự do. Khi sự bấp bênh của công việc bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hóa đơn điện thoại, cuộc đời nghệ sĩ dần mất đi ánh hào quang của nó. Không có bằng dự bị y khoa, không có tương lai rõ ràng trong công việc nhiếp ảnh, hay thậm chí là điểm số khả quan trong những năm đại học, Helen không biết phải bước tiếp ra sao. Cô muốn tiếp tục theo đuổi con đường nhiếp ảnh nhưng không biết phải làm thế nào. Cô bắt đầu trông trẻ, kiếm sống qua ngày. Năm tháng qua đi và bố mẹ cô thường nói, “Thấy chưa, bố mẹ đã bảo rồi.”
Hiện Helen hy vọng rằng một bước lùi thích hợp hay một cuộc nói chuyện đúng đắn khi trị liệu hoặc trao đổi với bạn bè có thể thực sự hé lộ về bản thân cô. Theo cô, sau đó cô có thể bắt đầu cuộc sống. Tôi nói với cô rằng tôi không chắc và một khoảng thời gian dài suy ngẫm về bản thân thường phản tác dụng cho những người trong độ tuổi 20.
“Nhưng ai ở tuổi này mà chẳng vậy ạ”, Helen nói.
“Như thế nào cơ?” Tôi hỏi.
“Bị khủng hoảng ấy ạ”, cô trả lời.
“Ai nói vậy?” Tôi hỏi.
“Cháu không biết. Ai chả nói vậy. Trong sách cũng viết thế”.
“Tôi nghĩ cháu đã hiểu nhầm về khủng hoảng danh tính và làm thế nào để thoát khỏi nó,” tôi nói. “Cháu đã nghe nói về Erik Erikson bao giờ chưa?”.
Erik Salomonsen là một anh chàng người Đức tóc vàng, mẹ cậu có tóc màu tối và cậu chưa từng biết mặt bố. Vào ngày sinh nhật thứ ba của Erik, mẹ cậu thành hôn với một bác sĩ khoa nhi. Ông nhận Erik làm con nuôi. Từ đó cậu có cái tên mới là Erik Homburger. Họ nuôi lớn cậu theo truyền thống của người Do Thái. Tại đền thờ, Erik bị trêu chọc vì làn da trắng của mình. Ở trường, cậu bị trêu chọc vì là người Do Thái. Erik thường cảm thấy bối rối khi không biết mình là ai.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Erik mong muốn trở thành họa sĩ. Anh đi du lịch vòng quanh châu Âu, tham gia các lớp học vẽ và đôi khi phải ngủ dưới gầm cầu. Ở tuổi 25, anh quay lại Đức và trở thành một thầy giáo dạy mỹ thuật, học phương pháp dạy học Montessori, lấy vợ và lập gia đình. Sau khi dạy lũ trẻ những kiến thức rất cơ bản về phân tâm học, Erik được con gái của Sigmund Freud là Anna phân tích tâm lý và anh học tiếp để đạt được tấm bằng ngành Phân tâm học.
Ở tuổi 30, Erik và gia đình chuyển đến Mỹ. Ở đây, anh trở thành một nhà phân tích tâm lý và nhà lý luận phát triển nổi tiếng. Anh dạy ở Harvard, Yale, Berkeley; viết vài cuốn sách và đoạt một giải Pulitzer. Để ám chỉ cảm giác của một người không có cha và thành công bằng chính khả năng của mình, anh đổi tên thành Erik Erikson, nghĩa là “Erik, con trai của chính mình.” Erik Erikson được biết đến nhiều nhất nhờ đặt ra thuật ngữ “Khủng hoảng danh tính” vào năm 1950.
Tuy sinh ra ở thế kỷ XX nhưng Erik đã sống cuộc đời của một người đàn ông thế kỷ XXI. Anh lớn lên trong một gia đình có nhiều sự pha trộn. Anh phải đối mặt với những câu hỏi về danh tính văn hóa. Anh dành cả tuổi thanh niên để đi tìm chính mình. Vào thời điểm mà vai trò của người lớn cũng sẵn có như những bữa tối xem tivi, trải nghiệm của Erik cho phép anh hình dung rằng khủng hoảng danh tính là, hoặc ít nhất nên là, một điều
thường gặp. Anh cảm thấy rằng không thể vội vã tìm kiếm danh tính thật sự và vì vậy anh ủng hộ một quãng thời gian trì hoãn để tuổi trẻ có thể khám phá một cách an toàn mà không gặp rủi ro hay cản trở nào. Với một số người, đó là quãng thời gian học đại học. Với số khác như Erikson, đó là một chuyến đi lang thang hoặc du lịch một mình. Dù là cách nào, anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự lập. Erikson nghĩ rằng tất cả mọi người nên tạo ra cuộc đời của chính mình.
Helen và tôi trò chuyện về cách Erikson đi từ khủng hoảng danh tính đến giải Pulitzer. Đúng, anh đã đi du lịch khắp nơi và ngủ dưới chân cầu. Đó mới là một phần của câu chuyện. Anh còn làm gì nữa? Ở tuổi 25, anh dạy mỹ thuật và theo học các lớp giáo dục. Ở tuổi 26, anh bắt đầu theo học Phân tâm học và gặp những người có tầm ảnh hưởng. Đến năm 30 tuổi, anh đã lấy được bằng phân tích tâm lý và bắt đầu sự nghiệp làm giáo viên, một nhà phân tích, một nhà văn và một nhà lý luận. Erikson đã có một khoảng thời gian gặp phải khủng hoảng danh tính trong suốt tuổi trẻ. Nhưng trong quá trình đó, anh cũng đã thu được thứ mà các nhà xã hội học gọi là vốn sống.
Vốn sống là tập hợp những tài sản cá nhân. Đó là những khả năng cá nhân mà ta tích cóp theo thời gian. Đó là những gì ta đầu tư cho chính bản thân mình, những gì ta làm đủ tốt hoặc đủ lâu để chúng trở thành một phần của ta. Một phần vốn sống này được đưa vào sơ yếu lý lịch, chẳng hạn như bằng cấp, nghề nghiệp, điểm số và kinh nghiệm. Những vốn sống khác mang tính cá nhân hơn, chẳng hạn cách ta nói, hoàn cảnh xuất thân, cách ta giải quyết vấn đề, bề ngoài của ta. Vốn sống là cách ta phát triển bản thân, từng chút theo thời gian. Quan trọng nhất, vốn sống là thứ ta mang vào thương trường của người trưởng thành. Nói một cách ẩn dụ, đó là thứ tiền tệ ta sử dụng để mua công việc, các mối quan hệ và những gì ta muốn.
Những người trong độ tuổi 20 như Helen nghĩ rằng khủng hoảng là cái trước mắt cần đối phó còn vốn sống là chuyện sau này. Nhưng trên thực tế, khủng hoảng và vốn sống có thể – và cần – được xử lý song song, giống
như với Erikson vậy. Các nhà nghiên cứu từng tìm hiểu cách con người xử lý khủng hoảng danh tính đã phát hiện ra rằng những cuộc đời chỉ để tích cóp vốn sống và không gặp khủng hoảng nào – chỉ làm việc mà không khám phá – đem lại cảm giác cứng nhắc và tầm thường. Mặt khác, nhiều khủng hoảng hơn vốn sống cũng là một vấn đề. Khi khái niệm khủng hoảng danh tính bắt đầu phổ biến tại Mỹ, bản thân Erikson đã cảnh báo việc dành quá nhiều thời gian vào những “nhầm lẫn xa vời”. Anh lo ngại rằng sẽ có nhiều người trẻ tuổi “có nguy cơ trở nên không phù hợp.”
Những người trong độ tuổi 20 dành thời gian để khám phá và đồng thời có can đảm đặt ra các cam kết trong cả quá trình sẽ hình thành cái tôi mạnh hơn. Họ có lòng tự trọng cao hơn, kiên nhẫn và thực tế hơn. Con đường tìm đến cái tôi này còn liên quan đến nhiều kết quả khả quan, bao gồm nhận thức rõ hơn về bản thân, hài lòng với cuộc sống hơn, kiểm soát căng thẳng tốt hơn, lập luận chặt chẽ hơn và giữ được cá tính riêng – những phẩm chất mà Helen muốn có.
Tôi khuyến khích Helen tìm kiếm một chút vốn sống. Tôi gợi ý rằng cô nên bắt đầu bằng cách tìm kiếm những công việc có thể ghi được vào sơ yếu lý lịch.
“Đây là cơ hội để cháu được vui vẻ,” cô phản đối. “Để cháu được tự do trước khi phải đối mặt với cuộc sống thực.”
“Vui vẻ ở chỗ nào? Cháu đến gặp tôi vì cháu đang cảm thấy khổ sở.” “Nhưng cháu được tự do!”
“Cháu tự do như thế nào? Ban ngày cháu rảnh rỗi trong khi hầu hết những người cháu biết đều đang làm việc. Cháu đang sống trong túng thiếu. Cháu chẳng làm được gì với khoảng thời gian ấy.”
Helen trông có vẻ nghi ngờ, như thể tôi đang cố gắng thuyết phục cô rời khỏi tấm thảm tập yoga và nhét chiếc cặp tài liệu vào tay cô. Cô nói, “Chắc
cô là một trong những người học xong đại học là lên thẳng cao học.”
“Không phải. Thực ra, tôi đã vào được một trường cao học tốt hơn rất nhiều nhờ những gì tôi từng làm sau khi học xong đại học.”
Helen cau mày.
Tôi suy nghĩ chốc lát rồi nói. “Cháu có muốn biết tôi đã làm gì sau khi học xong đại học không?”
“Có, cháu muốn biết,” cô nghi ngờ.
Helen đã sẵn sàng lắng nghe.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc cho Outward Bound. Đó là một công việc hậu cần nhàm chán. Tôi sống ở một khu căn cứ trên dãy núi Blue Ridge và dành hơn nửa năm lái xe tải tới những vùng xa xôi hẻo lánh, mang theo món yến mạch trộn và nhiên liệu cho những nhóm sinh viên lấm lem, hốc hác trong những chuyến đi phượt. Tôi có những kỷ niệm cực kỳ vui vẻ khi lái những chiếc xe 15 chỗ dọc các đoạn đường đất gồ ghề với tiếng nhạc phát ra xập xình từ radio. Thường tôi là người ngoài duy nhất mà những nhóm này gặp trên đường trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Các sinh viên luôn tỏ ra vui vẻ khi thấy tôi vì tôi nhắc họ nhớ rằng cuộc sống vẫn đang tiếp diễn đâu đó ngoài kia.
Khi cơ hội được làm trợ giáo xuất hiện, tôi lập tức nắm lấy nó. Tôi đã đi qua khắp các ngọn núi ở Bắc Carolina, Maine và Colorado, khi cùng các cựu chiến binh, lúc cùng các CEO ở Phố Wall. Tôi đã dành cả một mùa hè dài nóng nực ở cảng Boston trên một chiếc thuyền buồm không mui dài hơn 9m với một nhóm nữ sinh trung học.
Chuyến đi yêu thích của tôi – chuyến đi tôi đã dẫn đầu hơn chục lần – là một chuyến thám hiểm bằng xuồng trong 28 ngày chạy dọc sông Suwannee, cách vùng nước đen và rừng cây bụt mọc ở đầm lầy Okefenokee ở Georgia
hơn 560km, qua vùng phía Bắc Florida, tới bãi biển đầy cát ở Vịnh Mexico. Các sinh viên trong những chuyến đi xuồng này là những thanh niên phạm tội. Đó là cụm từ chính thức dành cho những đứa trẻ hay được gọi một cách không chức thức là “lưu manh”. Đây là những thanh thiếu niên hoặc ở thành thị hoặc ở các vùng nông thôn xa xôi đã từng phạm tội: trộm cướp, hành hung, quấy rối và buôn bán ma túy – tất cả chỉ trừ giết người. Họ đang thi hành án trên dòng sông này cùng với tôi.
Công việc này không những có ý nghĩa mà còn rất thú vị. Tôi đã học được cách chơi bài gian lận từ những đứa trẻ thường xuyên ra vào các trại giam. Mỗi tối, sau khi chúng đã chui vào túi ngủ, tôi ngồi bên ngoài lều và đọc to những câu chuyện kể lúc nửa đêm từ những cuốn sách nhiều chương, chẳng hạn như Đảo giấu vàng. Tôi thường được thấy những đứa trẻ này sống đúng với lứa tuổi của mình, nhảy xuống sông vui đùa, những phiền não trước đây dường như tan biến. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống cũng chẳng bao giờ rời xa. Khi chỉ mới khoảng 24 tuổi, tôi đã phải nói với một cô bé từng phạm tội – một bà mẹ 2 con mới 15 tuổi – rằng mẹ của cô bé đã mất vì AIDS trong khi cô bé đang chèo thuyền dọc sông Suwannee.
Tôi nghĩ rằng công việc của mình tại Outward Bound sẽ chỉ kéo dài một hoặc hai năm. Trước khi kịp nhận ra, tôi đã đánh mất gần 4 năm. Một lần, trong thời gian nghỉ, tôi đến thăm thành phố nơi có trường đại học của tôi trước đây và thấy cô giáo hướng dẫn của mình. Tôi vẫn nhớ cô đã nói, “Thế còn trường cao học thì sao?” Đó là liều thuốc thực tế cho chính tôi. Tôi thật sự muốn học cao học và đang dần chán cuộc sống ở Outward Bound. Cô giáo của tôi nói rằng nếu tôi muốn thì tôi phải làm điều đó. “Em đang chờ đợi gì kia chứ?” Cô hỏi. Có vẻ như tôi đang chờ ai đó thúc giục tôi phải tiến bước. Và tôi đã làm vậy.
Quang cảnh buổi phỏng vấn tâm lý học lâm sàng thường đầy những sinh viên sáng láng mới tốt nghiệp với những cặp tài liệu bằng da mới toanh và những bộ đồ thùng thình. Khi đến đó, tôi cũng mặc một bộ đồ như vậy và
mang theo cặp tài liệu. Cảm thấy có phần lạc lõng do đã dành nhiều năm trong rừng, tôi nhét đầy trong cặp tài liệu những bài viết học thuật của khoa có thể sẽ phỏng vấn tôi. Tôi đã sẵn sàng để nói chuyện một cách đầy thông thái về những thử nghiệm lâm sàng của họ và giả vờ tỏ vẻ đam mê những nghiên cứu mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ làm.
Nhưng chẳng ai muốn nói về những điều ấy cả.
Hầu như lúc nào cũng vậy, những người phỏng vấn sẽ liếc qua lý lịch của tôi và bắt đầu một cách hào hứng “Hãy kể cho tôi nghe về Outward Bound!” Mọi người trong khoa sẽ giới thiệu bản thân với tôi bằng cách nói, “Vậy bạn là cô gái đến từ Outward Bound!” Những năm sau này, dù là trong những lần phỏng vấn tình trạng cư trú, tôi cũng dành phần lớn thời gian trả lời câu hỏi về những gì xảy ra khi những đứa trẻ chạy trốn ở nơi hoang dã, hoặc liệu có an toàn không khi bơi trong một dòng sông có cá sấu. Thật sự là phải đến khi lấy được bằng tiến sĩ từ trường Berkeley, tôi mới bắt đầu được biết đến vì một điều gì đó khác.
Tôi kể cho Helen vài câu chuyện về tôi. Tôi nói rằng những năm tháng tuổi 20 có tiềm lực khác với đại học. Với một số người, cuộc sống là chăm chỉ cố gắng vào nhóm sinh viên xuất sắc Phi Beta Kappa hoặc đạt được bằng Ivy League. Thông thường hơn thì cái tôi và sự nghiệp không được gây dựng từ ngành học đại học và điểm tổng kết, mà từ những mảnh ghép vốn sống – và tôi lo ngại rằng Helen không có được gì cả.
Sẽ chẳng có ai bắt đầu buổi phỏng vấn Helen cho công việc tiếp theo của cô bằng cách nói, “Hãy kể cho tôi nghe về việc làm bảo mẫu!” Điều này khiến tôi ngập ngừng. Nếu Helen không nhanh chóng kiếm chút vốn sống thì tôi biết rằng cô có thể sẽ có một cuộc sống không hạnh phúc và bán thất nghiệp.
Sau khi nghe tôi thuyết phục về việc tìm kiếm một công việc nghiêm chỉnh, Helen nói rằng chỉ vài ngày nữa cô sẽ bắt đầu làm việc ở một quán cà phê.
Helen cũng nói rằng cô được mời phỏng vấn làm “nhân viên thời vụ” ở một xưởng làm phim hoạt hình công nghệ số và cô không có ý định tham gia buổi phỏng vấn đó. Làm việc ở một quán cà phê có vẻ “sành điệu và không bó buộc”. Bên cạnh đó, cô nói rằng cô không chắc chắn về việc “chỉ đi làm vì bắt buộc phải đi làm” và “về cơ bản là làm ở phòng văn thư” trong xưởng làm phim.
Khi Helen nói về kế hoạch làm việc tại quán cà phê, tôi cố không tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi đã từng chứng kiến cái mà một khách hàng khác của tôi gọi là “giai đoạn Starbucks” xuất hiện nhiều lần. Những gì tôi biết về tình trạng bán thất nghiệp của những người trong độ tuổi 20 và về vốn sống cho tôi biết rằng Helen chuẩn bị đưa ra một quyết định sai lầm.
Không lúc này thì lúc khác, hầu hết những người trong tuổi 20, bao gồm cả tôi hồi lái xe tải, cũng từng bán thất nghiệp. Họ làm những công việc quá đơn giản so với trình độ của mình hoặc chỉ làm bán thời gian. Một số những công việc này là sự thay thế hữu ích. Chúng giúp ta thanh toán hóa đơn khi ta đang học lấy bằng GMAT hoặc đang cố gắng học xong cao học. Giống như Outward Bound, một số trường hợp bán thất nghiệp có thể tạo ra vốn sống còn đáng quý hơn mọi thứ khác.
Nhưng bán thất nghiệp không phải phương tiện cứu cánh. Đôi khi nó chỉ là cách để ngụy tạo rằng ta đang không làm việc, chẳng hạn như điều khiển thang trượt tuyết hoặc chạy việc vặt cho một giám đốc. Mặc dù những công việc kiểu này có thể đem lại niềm vui nhưng chúng cũng là dấu hiệu để các nhà tuyển dụng tương lai nhận ra giai đoạn mất phương hướng của bạn. Mặc dù có bằng cấp đại học nhưng theo sau đó là quá nhiều những công việc tạm thời, khó giải thích được, tại các cửa hàng bán lẻ và quán cà phê. Tất cả khiến bạn có vẻ đang bước lùi. Những công việc như vậy có thể ảnh hưởng đến lý lịch của ta, thậm chí là cuộc đời của ta.
Càng mất nhiều thời gian để đặt chân vào một công việc chính thức, ta càng có nhiều khả năng trở nên “khác biệt và mất giá trị”, như một nhà báo từng
viết. Nghiên cứu về thanh niên trong độ tuổi 20 bán thất nghiệp cho thấy những người bán thất nghiệp ít nhất trong vòng 9 tháng thường trở nên chán nản và mất động lực hơn so với bạn đồng trang lứa – thậm chí là so với những bạn đồng lứa thất nghiệp. Nhưng trước khi chúng ta quyết định liệu thất nghiệp có phải là lựa chọn thay thế tốt hơn so với bán thất nghiệp hay không, hãy xem xét điều này: Thất nghiệp trong độ tuổi 20 có liên quan đến nghiện rượu và chán nản ở tuổi trung niên, thậm chí ngay cả sau khi đã có việc làm đều đặn.
Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra. Tôi đã thấy những người trong độ tuổi 20 thông minh và thú vị né tránh những công việc ở thế giới thực chỉ để vật vờ qua những năm tháng bán thất nghiệp. Trong suốt thời gian đó, họ trở nên quá mệt mỏi đồng thời xa lánh tất cả để tìm được thứ gì đó thực sự khiến họ hạnh phúc. Những ước mơ của họ ngày càng xa vời khi người khác bắt đầu đối xử với họ như với cái bảng tên họ đang đeo.
Các nhà kinh tế học và xã hội học tán thành rằng công việc trong độ tuổi 20 có ảnh hưởng lớn đến thành công trong sự nghiệp lâu dài của chúng ta. Khoảng 2/3 tăng trưởng tiền lương trong cuộc đời ta diễn ra trong 10 năm đầu tiên của sự nghiệp. Sau đó, gia đình và tài sản thế chấp cản đường ta đến với những bằng cấp cao hơn, quyết định chuyển nhà và lương sẽ tăng chậm hơn. Ở trong độ tuổi 20, ta cảm thấy còn nhiều thời gian phía trước để kiếm nhiều tiền hơn. Những dữ liệu mới nhất từ Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy, tính trung bình, tiền lương đạt cao nhất – và sau đó ổn định – ở độ tuổi 40.
Trong khi thời gian trôi qua rất nhanh, những người trong độ tuổi 20 với suy nghĩ rằng họ vẫn còn thời gian để từ từ chấm dứt tình trạng thất nghiệp hay bán thất nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội tiến lên. Dù tình hình có thuận lợi đến đâu, có lẽ những người thành đạt muộn vẫn sẽ không bao giờ có thể lấp đầy được khoảng trống giữa họ và những người bắt đầu sớm hơn. Điều này khiến nhiều người ở tuổi 30 và 40 cảm thấy như thể cuối cùng họ đã phải
trả một cái giá khá đắt đến không ngờ cho chuỗi công việc tùy tiện ở độ tuổi 20. Trung niên là khi ta nhận ra rằng không thể thay đổi những lựa chọn ở tuổi 20 nữa. Rượu chè và trầm cảm có thể bắt đầu ở giai đoạn sau này.
Trong nền kinh tế hiện nay, rất ít người đến tuổi 30 mà chưa từng bị bán thất nghiệp. Vậy người trong độ tuổi 20 phải làm gì? May mắn là không phải tình trạng bán thất nghiệp nào cũng như nhau. Tôi luôn khuyên những người trong độ tuổi 20 hãy chọn công việc mang lại nhiều vốn sống nhất.
Tôi lắng nghe Helen từ đầu đến cuối. Sau đó, tôi bảo cô rằng làm việc ở một quán cà phê có thể có vài lợi ích, chẳng hạn như đồng nghiệp thoải mái hay được giảm giá đồ uống. Thậm chí công việc này còn có thể cho mức lương cao hơn nhân viên thời vụ. Nhưng nó chẳng đem lại cho cô chút vốn sống nào. Trên những quan điểm về vốn sống mà Helen cần, rõ ràng xưởng phim có lợi thế hơn cả. Tôi khuyến khích Helen đến buổi phỏng vấn và nghĩ công việc thời vụ này không phải là một công việc nhàm chán, mà là sự đầu tư cho giấc mơ của cô. Bằng cách học hỏi về thế giới nghệ thuật số và tạo các mối quan hệ trong ngành, cô có thể đầu tư vốn sống cho mình theo nhiều cách khác nhau.
“Có lẽ cháu nên chờ đợi một cơ hội tốt hơn xuất hiện?” Helen hỏi.
“Nhưng cơ hội tốt hơn không tự nhiên xuất hiện. Có vốn sống tốt là cách để cháu đạt được cơ hội tốt hơn,” tôi nói.
Chúng tôi dành những buổi tiếp theo để giúp Helen chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Điểm số không quá xuất sắc khi học dự bị y khoa, cùng với phản ứng gay gắt của cha mẹ đối với ngành nghệ thuật khiến cô cảm thấy bất an về sự nghiệp. Nhưng có một điều tôi vẫn chưa đề cập về Helen, đó là cô là một trong những khách hàng dễ mến nhất của tôi. Quá trình học đại học của cô không hoàn hảo, nhưng Helen có tất cả những ưu điểm không thể hiện được trên sơ yếu lý lịch. Cô rất hòa đồng. Cô giỏi truyền đạt và
nhanh trí. Cô làm việc chăm chỉ. Tôi dám chắc rằng nếu Helen đến buổi phỏng vấn thì tính cách của cô có thể giúp cô tiến xa hơn.
Helen và giám đốc tuyển dụng đã có một buổi nói chuyện thoải mái về trường dự bị y khoa, nhiếp ảnh tự do và về việc vợ ông cũng theo học ngành nghệ thuật ở trường của Helen. Hai tuần sau, Helen bắt đầu làm việc tại xưởng phim. Sáu tháng sau, cô chuyển từ công việc làm thời vụ sang công việc bàn giấy. Sau đó, một đạo diễn đã dành vài tuần ở văn phòng của Helen, để quyết định rằng Helen sẽ là một trợ lý quay phim lý tưởng. Cô được cử đến Los Angeles, nơi cô đang làm phim điện ảnh. Đây là những điều cô kể về năm tháng tuổi 20 của mình, về những vốn sống hiện đang giúp đỡ cô:
Tôi sẽ chẳng bao giờ tin được và có lẽ đây không phải là điều hay nhất nên nói cho những người vẫn đang đi học. Nhưng thật sự là từ khi tốt nghiệp, chưa một ai hỏi về điểm trung bình của tôi cả. Trừ khi bạn đang muốn đi học cao học. Họ cũng không quan tâm bạn có chọn “nhầm” ngành học hay không.
Tôi đã suy nghĩ về câu hỏi của cha mẹ mình: “Con định làm gì với ngành nghệ thuật chứ?” Giờ đây, tôi thấy câu hỏi đó thật vô nghĩa. Trong số những người tôi quen biết, không ai thực sự biết họ muốn làm gì khi tốt nghiệp cả. Những gì mọi người đang làm hiện tại, thậm chí họ còn không biết đến khi còn học đại học. Một người bạn của tôi, một nhà nghiên cứu sinh học biển, đang làm việc tại một viện hải dương. Một người khác đang học cao học khoa nghiên cứu bệnh dịch. Còn tôi theo ngành kỹ thuật điện ảnh. Thậm chí, chúng tôi còn không biết đến sự tồn tại của những công việc này khi tốt nghiệp.
Tôi ước mình đã làm nhiều hơn trong những năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi ước mình đã nhảy việc hoặc tìm nhiều việc đa dạng hơn. Tôi ước mình đã thử nghiệm – với công việc – theo cách mà tôi cảm thấy giờ đây ở tuổi gần 30, tôi không thể làm được nữa. Tôi cảm thấy có
nhiều áp lực bên trong muốn tôi phải tìm ra một cách nào đó, nhưng suy nghĩ về việc này khiến tôi mệt mỏi và chẳng đem lại kết quả gì. Điều tôi học được là bạn không thể lên kế hoạch cho cả cuộc đời. Cách duy nhất để tìm hiểu xem mình phải làm gì là phải làm – một điều gì đó.
Bất cứ khi nào nhận được tin tức về Helen, tôi lại băn khoăn không hiểu cuộc đời của cô hiện giờ sẽ khác đến thế nào nếu cô quyết định làm việc tại quán cà phê. Quãng thời gian bán thất nghiệp vui vẻ và vô lo của cô có lẽ sẽ nhanh chóng trở thành một trải nghiệm đáng buồn và xa lạ. Nó có thể sẽ kéo dài hơn cô nghĩ, khi những người trong độ tuổi 20 khác bắt đầu đi làm, tại một xưởng phim chẳng hạn.
Dĩ nhiên, cô sẽ không làm việc ở quán cà phê mãi mãi. Nhưng cô cũng sẽ không được một đạo diễn để mắt đến, vì bất kỳ đạo diễn nào đến uống cà phê cũng sẽ chỉ coi cô là một người bán hàng, chứ không phải là một người có liên quan đến ngành điện ảnh. Mọi thứ đều bắt đầu từ đó. 5 hay 10 năm sau, sự khác biệt giữa Helen tại quán cà phê và Helen trong ngành điện ảnh số sẽ trở nên rất rõ rệt. Rõ rệt một cách đáng buồn. Cuộc đời của Helen tiến triển khi cô sử dụng vốn sống mình đã có để đạt được vốn sống tiếp theo mà cô muốn – và chẳng hại gì khi cô và vợ của giám đốc tuyển dụng học cùng trường cả.
Đó gần như là cách mọi việc diễn ra.
Những mối quen sơ
Những người gắn chặt trong một nhóm gắn bó khăng khít có thể sẽ không bao giờ ý thức được sự thật rằng cuộc đời của họ thực sự không phụ thuộc vào những gì xảy ra bên trong nhóm, mà vào những yếu tố nằm ngoài nhận thức của họ.
— Rose Coser, nhà xã hội học
“Đồng ý” là cách bạn có được công việc đầu tiên, công việc tiếp theo, bạn đời và thậm chí là con cái của bạn. Dù có chút lo lắng, dù có nằm ngoài vùng an toàn của bạn, nói đồng ý có nghĩa là bạn sẽ làm điều gì đó mới, gặp những người mới và tạo ra khác biệt.
— Eric Schmidt,
giám đốc điều hành Google
Cách đây vài mùa hè, một chiếc thùng lớn xuất hiện trước nhà tôi. Địa chỉ trả lại ghi trên thùng là một nhà xuất bản lớn ở New York. Chiếc thùng được gửi đến cho tôi.
Tôi đang chuẩn bị cho hai khóa học mùa thu và đã đặt mua một số sách giáo khoa để xem qua. Nhưng khi mở cái thùng ra, thay vì sách giáo khoa tôi thấy có khoảng 100 cuốn sách bìa mềm – truyện hư cấu, phi hư cấu, sách học thuật, sách bán chạy. Hóa đơn bên trong đề tên một biên tập viên. Tôi đặt thùng sách ở giữa bàn ăn và những người bạn đến nhà tôi đều hỏi về nó: Làm sao tôi có thời gian đọc nhiều thế? Tôi mất trí rồi à? Chẳng ai thỏa mãn với lời giải thích của tôi “Nó được gửi đến qua đường bưu điện và tôi không hiểu tại sao”.
Một thời gian sau, tôi thử tìm cách liên lạc. Tôi gửi e-mail cho biên tập viên trên hóa đơn, thông báo cho cô biết rằng tôi đang giữ thùng sách mà đáng ra phải được gửi cho cô. Cô phát hiện ra rằng những cuốn sách đó đã được gửi
nhầm cho tôi, nhưng lại bảo tôi hãy cứ giữ chúng. Tôi cảm ơn cô và chúng tôi e-mail qua lại về việc chọn sách giáo khoa. Vài tháng sau, cô hỏi tôi có muốn viết lời mở đầu cho một cuốn sách cô đang biên tập hay không. Tôi nhận lời ngay. Trong buổi tiệc thịt nướng sau đó ở nhà tôi, thùng sách lớn vẫn ở trên bàn ăn. Tôi bảo bạn bè hãy mang về nhà bất cứ tựa sách nào mà họ thấy thú vị. Đây là một câu chuyện khá thú vị.
Khoảng một năm sau khi thùng sách xuất hiện, tôi bắt đầu muốn tự mình viết một cuốn sách. Công việc và các lớp học của tôi đầy những người trong độ tuổi 20 thực sự muốn và cần được giúp đỡ để tiến lên phía trước. Tôi hình dung ra một cuốn sách chứa mọi thứ tôi biết về độ tuổi 20, từ kinh nghiệm dạy học, nghiên cứu và điều trị, một cuốn sách mà những người trong độ tuổi 20 ở mọi nơi đều có thể đọc.
Tôi mượn mẫu đề xuất in sách từ một đồng nghiệp, rồi bắt đầu thực hiện dự án này trong thời gian rảnh. Khi hoàn thành đề xuất, tôi đề nghị biên tập viên nọ đưa ra ý kiến của cô. Cô đọc rồi nhanh chóng giới thiệu tôi với những người có quan tâm. Không lâu sau, cuốn sách đã tìm được nhà xuất bản.
Tôi chưa từng gặp biên tập viên với thùng sách gửi nhầm hay nhà xuất bản tiếp nhận sách của mình. Tôi chỉ mới gặp người đồng nghiệp đã cho tôi mượn bản đề xuất làm mẫu đúng một lần. Không ai có lý do gì để thiên vị tôi và công việc là công việc nên chẳng ai làm vậy cả. Cuốn sách này, cũng như hầu hết những gì xảy ra khi bạn trưởng thành, hình thành nhờ cái gọi là sức mạnh của những mối quen sơ.
Sức mạnh của những mối quen sơ
Khoảng 10 năm qua, đã có nhiều bàn luận về nhóm thành thị, hay gia đình tạm thời, trở nên quan trọng khi những người trong độ tuổi 20 dành nhiều thời gian tự lập hơn. Các bộ phim và hài kịch tình thế ca ngợi giá trị của những nhóm bạn này, niềm vui khi có một nơi mà ta có thể chia sẻ bánh bí
ngô mua ở cửa hàng khi ta không thể về nhà trong ngày Lễ Tạ ơn, cảm giác tuyệt vời khi có một nhóm bạn thuộc về mình.
Không thể phủ định rằng những người bạn này đóng vai trò ủng hộ quan trọng đối với nhiều người trong độ tuổi 20 và họ mang lại những khoảng thời gian vui vẻ. Về cơ bản, bạn thân thời đại học của những người trong độ tuổi 20, nhóm bạn thành thị, là những người ta gặp mặt vào cuối tuần. Ta trút bầu tâm sự về những buổi hẹn hò tồi tệ hay những lần chia tay khi cùng đi ăn và uống bia.
Tuy nhiên, khi tập trung tất cả sự chú ý vào nhóm bạn của mình, nhiều người trong độ tuổi 20 đã tự hạn chế bản thân khi chỉ tụ tập với bạn bè có tính cách giống mình. Một số gần như chỉ luôn liên hệ với đúng một vài người. Dù nhóm bạn này giúp ta tồn tại, nhưng họ không giúp ta phát triển. Nhóm bạn quen thuộc có thể mang súp đến cho ta khi ta ốm, nhưng chính những người ta không quen thân – những người chưa từng gia nhập nhóm bạn với ta – mới nhanh chóng và mạnh mẽ thay đổi cuộc đời ta theo hướng tốt đẹp hơn.
Trong một công trình nghiên cứu có trước Facebook hơn 25 năm, nhà xã hội học kiêm giáo sư trường Stanford, Mark Granovetter, đã thực hiện một trong những nghiên cứu đầu tiên và nổi tiếng nhất về mạng xã hội. Granovetter tò mò về cách các mạng lưới thúc đẩy dịch chuyển xã hội, về cách mà những người trong cuộc đời đưa ta đến với các cơ hội mới. Khi khảo sát những công nhân ở ngoại ô Boston mới thay đổi công việc, Granovetter phát hiện ra rằng bạn thân và gia đình – được cho là những người sẵn sàng giúp đỡ ta nhất – không phải là những người có vai trò quan trọng nhất khi ta tìm việc. Thay vào đó, hơn 3/4 số công việc mới đến từ mối liên hệ với những người mà ta chỉ “thỉnh thoảng” hay “hiếm khi” gặp. Phát hiện này đưa Granovetter đến chỗ viết một nghiên cứu mang tính đột phá với tựa đề Sức mạnh của những mối quen sơ, liên quan đến giá trị đặc biệt của những người không thân quen.
Theo Granovetter, không phải mọi mối quan hệ – hay liên hệ – đều được tạo ra như nhau. Một số chỉ ở mức quen sơ, một số thân thiết và sức mạnh của mối liên hệ sẽ tăng theo thời gian và trải nghiệm. Ta ở bên ai đó càng lâu thì mối liên hệ càng mạnh, vì nhiều khả năng ta sẽ có những trải nghiệm và bí mật chung. Thuở nhỏ, các mối liên hệ mạnh mẽ là gia đình và bạn thân. Ở độ tuổi 20, các mối liên hệ mạnh mẽ phát triển bao gồm cả những nhóm bạn thành thị, bạn cùng phòng, người yêu và những người bạn thân khác.
Những mối quen sơ là những người ta từng gặp, hoặc có chút liên hệ, nhưng hiện tại đang không thân quen. Có thể họ là những đồng nghiệp ta ít nói chuyện cùng hay những người hàng xóm ta mới chỉ chào hỏi qua. Chúng ta đều có những người quen mà ta vốn định đi chơi cùng nhưng chưa bao giờ làm vậy; những người bạn chúng ta đã mất liên lạc từ nhiều năm trước. Các mối quen sơ cũng có thể là sếp cũ hoặc giáo sư dạy ta trước đây và bất kỳ ai chưa được ta coi là bạn thân.
Nhưng tại sao một số người được ta coi là bạn thân, còn số khác thì không? Một thế kỷ nghiên cứu về xã hội học – và hàng nghìn năm tư duy phương Tây – cho thấy rằng “sự tương đồng sinh ra mối liên hệ.” Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã cũng do sự giống nhau, “yêu thích những gì giống mình.” Từ sân trường cho đến phòng họp, con người có xu hướng tạo quan hệ thân thiết với những người giống mình nhất. Vì vậy, những mối liên hệ vững chắc – như nhóm bạn thành thị hay thậm chí là mạng xã hội trực tuyến – là tiêu biểu cho một nhóm gắn bó chặt chẽ. Một nhóm người với những điểm tương đồng.
Bây giờ ta hãy bàn đến cái mà một nhà xã hội học khác, Rose Coser, gọi là “nhược điểm của những mối liên hệ gắn bó,” hay những người bạn thân hạn chế bản thân chúng ta như thế nào. Những mối liên hệ gắn bó cho chúng ta cảm giác thoải mái và quen thuộc, nhưng ngoài việc ủng hộ, chúng không cho ta được gì nhiều. Thường những người bạn này lại quá tương đồng với
ta – thậm chí là cũng đang mắc kẹt quá giống ta – nên không thể mang lại cho ta bất cứ điều gì ngoài sự cảm thông. Thường họ cũng không biết gì nhiều hơn ta về công việc hay các mối quan hệ.
Các mối quen sơ đem lại cảm giác khác biệt, hoặc trong vài trường hợp, theo đúng nghĩa đen, họ quá xa lạ để có thể trở thành bạn thân của ta. Nhưng đó chính là điểm mấu chốt. Bởi không thuộc một nhóm người ta đã biết từ trước nên những mối quen sơ giúp ta tiếp cận những thứ mới mẻ. Họ biết những người và những điều mà ta không biết. Thông tin và cơ hội lan tỏa nhanh hơn, xa hơn qua các mối quen sơ hơn là qua bạn thân, bởi các mối liên hệ không sâu sẽ ít bị trùng mối quan hệ với ta hơn. Những mối quen sơ giống như những cây cầu bạn không thể thấy hết từ đầu này sang đầu kia, vì vậy bạn cũng không biết chúng sẽ dẫn tới đâu.
Điều quan trọng không chỉ ở chỗ những người mà chúng ta quen biết những ai và biết những gì. Cách chúng ta giao tiếp với họ cũng quan trọng. Bởi những nhóm gắn bó khăng khít thường sẽ quá giống nhau nên họ có xu hướng sử dụng lối giao tiếp đơn giản mã hóa, được gọi là lối nói hạn chế. Lối nói hạn chế ngắn gọn nhưng không đầy đủ, phụ thuộc vào những câu nói thông tục, nói tắt, lời ít ý nhiều trong nhóm. Những người thích nhắn tin đều biết FTW (For the win) nghĩa là “tuyệt vời”, cũng như các doanh nhân đều biết JIT (Just in time) là viết tắt của “vừa kịp lúc.”
Nhưng các thành viên trong nhóm không chỉ có chung từ lóng hay vốn từ vựng. Họ còn có chung giả định về nhau và về thế giới. Có thể họ từng học cùng trường hay có chung quan điểm về tình yêu. Dù điểm chung là gì thì việc dành nhiều thời gian với họ có thể hạn chế những người, những điều chúng ta biết, cách ta nói chuyện và cuối cùng là cách ta suy nghĩ.
Mặt khác, những mối quen sơ buộc chúng ta phải giao tiếp khác đi, sử dụng cái được gọi là lối nói chi tiết. Không như lối nói hạn chế giả định sự tương đồng giữa người nói và người nghe. Lối nói chi tiết không giả định rằng người nghe cùng có lối suy nghĩ đó hoặc có cùng thông tin đó. Chúng ta
cần phải cẩn thận hơn khi nói với những người ta chỉ quen sơ. Điều này đòi hỏi suy nghĩ và sắp xếp lời nói tốt hơn. Sẽ ít có những cụm từ nhấn mạnh chẳng hạn như “cậu biết đấy” hơn và câu nói thường sẽ hoàn chỉnh hơn. Dù đang nói về quan điểm về công việc hay tình yêu, ta cũng phải nói đầy đủ. Bằng cách này, những mối quen sơ sẽ thúc đẩy và thậm chí đôi khi bắt buộc chúng ta phải lớn lên và thay đổi.
Hãy lắng nghe câu chuyện về Cole và Betsy.
Cole rời trường đại học và tiến vào những năm tháng tuổi 20 một cách háo hức và hối hả. Theo học chuyên ngành kỹ thuật, anh dành những năm học đại học để giải các phép tính trong khi mọi người khác dường như đều đang tận hưởng cuộc sống. Những năm tháng tuổi 20 là cơ hội để Cole vui vẻ tận hưởng. Anh chọn một công việc không quá nổi bật trong một công ty toàn những giám định viên, anh thích đến và rời khỏi chỗ làm mà không phải nghĩ quá nhiều về công việc. Anh dọn đến một căn hộ với một đám bạn nam mà anh từng gặp, một vài người trong số đó chưa từng học đại học. Sau vài năm, họ trở thành nhóm bạn thành thị của Cole:
Chúng tôi cùng ngồi, uống bia và nói về việc chúng tôi ghét làm việc đến thế nào hay thị trường nghề nghiệp tệ ra sao. Chúng tôi chẳng muốn làm gì. Chúng tôi nói những gì mà cả nhóm đều biết rõ và tán đồng. Không ai trong số họ nghĩ về một nghề nghiệp thực sự, vì vậy tôi cũng chẳng buồn để tâm tới nó. Tôi đoán bạn có thể nói rằng tôi là một phần của một nhóm sành điệu. Tôi chẳng suy nghĩ gì ngoài trận bóng rổ tiếp theo hay bất kỳ điều linh tinh gì khác. Tôi nghĩ ai cũng như vậy bởi đó là điều mà tất cả những người tôi quen biết đang làm.
Đôi khi tôi cũng nghe kể về ai đó mà tôi biết từ thời đại học đang kiếm được rất nhiều tiền, bắt đầu khởi nghiệp hoặc có công việc tuyệt vời tại Google hay một nơi tương tự như vậy. Và tôi nghĩ, “Tên đó ư? Thật không công bằng. Tôi phải học hành chăm chỉ vào những năm đại học trong khi hắn học ngành nhân chủng học.” Cứ như thể việc cậu ta đang làm nên gì đó
ở tuổi 20 trong khi tôi đang vất vưởng một cách vô nghĩa. Tôi không muốn thừa nhận điều này, nhưng sau một thời gian, tôi lại muốn trở thành một người giống vậy, đang làm một điều gì đó cho cuộc đời mình. Chỉ là tôi không biết phải làm như thế nào.
Chị gái của Cole kéo anh đến bữa tiệc sinh nhật lần thứ 30 của bạn cùng phòng với cô. Không thoải mái khi xung quanh toàn những người lớn tuổi hơn và thành đạt hơn mình, Cole giết thời gian bằng cách nói chuyện với một nhà điêu khắc trẻ, một khách hàng của tôi tên là Betsy.
Betsy đã chán việc hẹn hò với cùng một kiểu người. Dường như khi cô vừa chia tay một người bạn trai “chẳng có gì tốt đẹp,” cô bắt đầu hẹn hò với một anh chàng khác cũng y như vậy. Cuối cùng, Betsy đến trị liệu để kiểm tra xem tại sao cô lại bị thu hút bởi kiểu đàn ông này hết lần này tới lần khác. Nhưng hiểu rõ hơn về điều này cũng chẳng thay đổi được sự thật rằng cô tiếp tục gặp gỡ những anh chàng vui tính và chẳng có tham vọng gì. “Tôi chẳng thể có được một buổi hẹn tử tế,” cô nói.
Betsy cũng như Cole, không muốn ở lại bữa tiệc nữa. Cô đã gặp chủ nhân bữa tiệc ở một lớp đạp xe trong nhà vài năm trước mà từ đó đến nay đã từ chối thư mời điện tử của cô ấy. Với mong muốn làm quen với những người mới, lần này Betsy đã đồng ý. Cô bắt taxi đến bữa tiệc và tự hỏi điều gì khiến cô phải chịu đựng điều này.
Khi gặp Cole, Betsy thấy thật ấn tượng, nhưng cũng thật bối rối. Cole rõ ràng thông minh và có học, nhưng dường như anh đang bỏ phí những điều đó. Họ đã hẹn hò ăn tối với nhau vài lần. Sau khi ngủ lại một đêm, thấy Cole thức dậy lúc 11 giờ sáng và vớ lấy ván trượt, Betsy cảm thấy bớt lạc quan hơn.
Điều cô không nhận ra là từ khi ở bên nhau, Cole đã lấy lại chút động lực cũ. Anh thấy được cách cô muốn hoàn thiện các tác phẩm điêu khắc của mình thậm chí là vào cuối tuần, cách cô và bạn bè hào hứng tụ tập với nhau
để nói về các dự án và kế hoạch của mình. Anh nhắm đến một thông báo trên Craigslist về một công việc kỹ thuật đầy thử thách tại một công ty mới khá tên tuổi, nhưng anh cảm thấy lý lịch của mình quá kém cỏi để đi xin việc.
Cole nhớ ra rằng một người bạn thời trung học của anh, người anh gặp gỡ mỗi năm khoảng một lần, làm việc tại công ty này. Anh liên hệ với người này để hy vọng nhận được lời giới thiệu tốt. Sau vài buổi phỏng vấn với nhiều người trong công ty, anh được trao vị trí đó. Giám đốc tuyển dụng cho biết Cole được chọn vì ba lý do: bằng kỹ thuật cho thấy anh biết cách làm việc chăm chỉ cho các dự án kỹ thuật, tính cách của anh có vẻ phù hợp với nhóm và người bạn đồng lứa đảm bảo về khả năng của Cole được nhiều người trong công ty yêu mến. Theo giám đốc, phần còn lại, anh có thể học thêm từ công việc.
Điều này đã tác động lớn đến con đường sự nghiệp của Cole. Anh học về phát triển phần mềm tại một công ty cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu. Vài năm sau, Cole trở thành giám đốc phát triển tại một công ty mới khác ở vào thời điểm này, vốn sống anh thu nhận được tại công ty trước đã có thể có giá trị.
Khoảng 10 năm sau, Cole và Betsy kết hôn. Betsy điều hành một phòng tranh hợp tác. Cole trở thành giám đốc công nghệ thông tin. Họ sống hạnh phúc và rất biết ơn người bạn thời trung học của Cole và người bạn đã gửi lời mời điện tử. Những mối quen sơ đã thay đổi cuộc sống của họ.
Khi tôi khuyến khích những người trong độ tuổi 20 khai thác sức mạnh của những mối quen sơ, thường có rất nhiều lời phản đối: “Tôi ghét giao thiệp” hoặc “Tôi muốn tự tìm việc” hay “Đó không phải phong cách của tôi” là phản ứng thường thấy. Tôi hiểu, nhưng điều đó không thay đổi sự thực rằng khi chúng ta tìm việc, những mối quan hệ hay các cơ hội, những người chúng ta ít biết rõ nhất sẽ là những người có ảnh hưởng nhất. Những điều mới mẻ dường như luôn đến từ bên ngoài vòng tròn của bạn. Và những
người trong độ tuổi 20 không biết sử dụng những mối quen sơ của mình sẽ tụt lại so với những người khác như câu chuyện dưới đây:
Giao thiệp, sử dụng các mối quan hệ hay là gì đi nữa, đều không phải điều xấu. Tôi chưa từng quá lo lắng về điều này, nhưng tôi có vài người bạn luôn tỏ ra căng thẳng về việc làm ở vị trí được họ hàng quen biết giúp. Tôi làm việc cho một trong ba công ty hàng đầu trong ngành và tôi chỉ biết đúng một người thật sự tìm được việc ở đây mà không dựa vào ai cả. Tất cả đều vào đây nhờ sự quen biết.
Tôi vô cùng ghét việc phải gọi điện cho những người mình không biết. Nhưng bố tôi gặp một người tại một bữa tiệc, người này từng làm tại công ty tôi đang làm bây giờ và ông đã nói rằng tôi rất quan tâm đến ngành thời trang. Cuối cùng tôi gọi cho người này để lấy thông tin và ông ta đã giúp gửi lý lịch của tôi đi. Đó là cách tôi có được buổi phỏng vấn.
Tôi muốn làm việc tại một bệnh viện và luôn chờ họ thông báo tuyển người, nhưng chẳng bao giờ thấy. Cuối cùng, tôi gọi cho một người bạn làm ở đó. Tôi đã chần chừ vì không biết liệu điều này có sai trái không và liệu tôi có làm phiền cô ấy không. Nhưng ngay lập tức, cô ấy cho tôi tên của một người tại bệnh viện để liên hệ. Khi tôi gọi tới, họ đang chuẩn bị thông báo tìm người. Tôi đã nhận được công việc ấy trước khi họ kịp đưa ra thông báo. Mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong một ngày. Đặc biệt là khi bạn sẵn sàng nỗ lực.
Có thể đôi khi mọi người nghĩ, “Tôi không biết ai cả, trong khi người ta có đủ các mối quan hệ,” nhưng họ sẽ ngạc nhiên về những mối quan hệ chưa khai phá mà họ có. Mạng lưới bạn bè từ thời đại học và trung học có thể rất hữu ích và nếu không có mạng lưới chính thức thì hãy tìm đến nhóm Facebook hay LinkedIn của trường bạn. Hãy nhìn qua xem mọi người đang làm ở đâu. Nếu có ai đang làm công việc bạn muốn, hãy gọi điện hoặc e
mail cho họ để xin một buổi “phỏng vấn lấy thông tin.” Đó là điều mà mọi người cuối cùng đều sẽ làm.
Phần lớn những người trong độ tuổi 20 đều mong có cảm giác cộng đồng. Họ bám vào những mối quan hệ chặt chẽ mà họ có để cảm thấy kết nối hơn. Đáng tiếc là chỉ quan hệ với một nhóm người thực ra có thể làm tăng cảm giác xa cách, bởi chúng ta – và nhóm bạn của ta – sẽ trở nên thiển cận và tách biệt. Một thời gian sau, cảm giác ban đầu rằng mình là một phần của nhóm sẽ biến thành cảm giác tách rời với thế giới lớn hơn.
Tính liên kết thực sự không nằm ở việc nhắn tin cho bạn thân vào lúc một giờ sáng, mà là tìm đến những mối quen sơ có thể tạo ra khác biệt trong cuộc đời ta, dù chúng không nhất thiết sẽ làm điều đó. Khi những mối quen sơ có ích cho bạn, những cộng đồng quanh ta – thậm chí là cộng đồng người trưởng thành mà những người trong độ tuổi 20 đang trong quá trình thận trọng tiến tới – sẽ giảm bớt độ khó dò và nhàm chán. Đột nhiên, thế giới có vẻ nhỏ lại và dễ định hướng hơn. Càng hiểu về cách mọi thứ hoạt động, ta càng cảm thấy mình trở thành một phần của nó.
Giúp đỡ, hỗ trợ nhau là cách mọi việc bắt đầu. Hãy lấy Benjamin Franklin làm ví dụ.
Hiệu ứng Ben Franklin
Cuối những năm 1700, Benjamin Franklin là một chính trị gia cấp quốc gia tại Pennsylvania. Ông muốn lôi kéo một nhà lập pháp về phía mình và đã viết những điều sau đây trong cuốn tự truyện:
Tôi không… định tranh thủ sự giúp đỡ của ông ấy qua việc thể hiện sự kính trọng một cách hèn kém, nhưng sau một thời gian, tôi đã làm theo cách này. Khi biết ông ấy có một cuốn sách hiếm và thú vị, tôi đã viết thư thể hiện mong muốn được đọc qua cuốn sách đó và hy vọng ông ấy đồng ý cho tôi mượn vài ngày. Ông ấy gửi cho tôi ngay lập tức và sau khoảng một tuần tôi trả lại cuốn sách với một lá thư khác thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình. Khi chúng tôi gặp nhau lần tiếp theo ở Nghị viện, ông ấy đã nói chuyện với tôi (trước đây ông chưa từng làm vậy) với thái độ vô cùng lịch sự. Sau khi
ông tỏ ra sẵn sàng giúp tôi, chúng tôi đã trở thành bạn tốt và duy trì tình bạn cho đến khi ông ấy qua đời. Đây là một ví dụ khác về tính xác thực của một câu châm ngôn cổ tôi từng được biết, “Những người từng giúp đỡ bạn sẽ sẵn sàng giúp bạn một lần nữa, hơn là những người mà chính bạn đã từng giúp đỡ.”
Chúng ta nghĩ rằng nếu người ta thích mình thì họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ bởi đây là cơ chế của các nhóm bạn thành thị. Nhưng hiệu ứng Ben Franklin và những nghiên cứu thực tiễn sau đó đã cho thấy điều này là ngược lại khi áp dụng với những người ta không biết rõ.
Khi những người quen sơ giúp đỡ chúng ta đồng nghĩa với việc họ đã bắt đầu thích chúng ta. Sau đó, nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục giúp đỡ ta trong tương lai. Franklin quyết định rằng nếu ông muốn thuyết phục ai đó đứng về phía mình thì ông cần phải xin họ giúp đỡ. Và ông đã làm như vậy.
Hiệu ứng Ben Franklin cho thấy, mặc dù thái độ ảnh hưởng đến hành vi nhưng hành vi cũng có thể hình thành thái độ. Nếu giúp đỡ ai đó, ta dần tin rằng mình thích người đó thì ta sẽ giúp đỡ nhiều hơn nữa và tiếp tục như vậy. Là một biến thể khá sát với cái gọi là kỹ thuật đặt chân lên bậc cửa, hay chiến lược đề ra những yêu cầu nhỏ trước khi đưa ra những đòi hỏi lớn hơn, hiệu ứng Ben Franklin cho thấy một lần giúp đỡ tạo nên nhiều lần giúp đỡ và qua thời gian, những lần giúp đỡ nhỏ sinh ra những ân huệ lớn hơn.
Điều thường không được thảo luận về hiệu ứng Ben Franklin là câu hỏi mà những người trong độ tuổi 20 thường tự hỏi: Tại sao một người – đặc biệt có thể là lớn tuổi hoặc thành đạt hơn – ban đầu lại chấp nhận giúp đỡ? Làm thế nào Franklin đặt được chân lên bậc cửa với lần giúp đỡ đầu tiên ấy?
Rất đơn giản. Thật tuyệt khi làm người tốt. Có một “sự phấn khích của người giúp đỡ” khi họ thể hiện lòng tốt. Trong nhiều nghiên cứu, chủ nghĩa vị tha có liên hệ với niềm hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ – miễn là nghĩa cử của chúng ta không đem lại gánh nặng. Phần lớn mọi người đều nhớ lại
lúc khởi nghiệp, khi được những người xa lạ giúp đỡ. Do vậy, họ duy trì thiện ý hướng đến những người trong độ tuổi 20. Một phần của quá trình lớn lên và già đi một cách có ích là giúp đỡ người khác. Được những người trong độ tuổi 20 cậy nhờ sẽ là cơ hội để họ làm việc tốt và cảm thấy vui vẻ – trừ khi những gì được yêu cầu là quá sức đối với họ.
Đôi khi những người trong độ tuổi 20 sẽ tìm đến những mối quen sơ với nguyện vọng công việc không thực sự rõ ràng, với hy vọng là các chuyên gia có thể định hướng giúp họ nên làm gì với cuộc đời mình. Kiểu giúp đỡ này có thể không quá sức so với khả năng của những người thành đạt khác, nhưng lại là gánh nặng với lịch làm việc hay vai trò của họ. Điều này đơn giản sẽ tốn nhiều thời gian để viết một e-mail dài trả lời câu hỏi nên theo đuổi bằng cao học gì. Và một mối quen sơ không hẳn là người nên đưa ra lời khuyên liệu bạn nên làm công việc xã hội hay trở thành ca sĩ nhạc đồng quê.
Như một cán bộ nhân sự từng nói với tôi, “Có những người hẹn gặp tôi để tìm hiểu về những vị trí sẽ cần tuyển người trong tương lai ở công ty tôi. Khi đến, họ làm thế này…” Cô dựa lưng vào ghế và khoanh tay. Sau đó cô nói tiếp, “Lúc đó tôi nghĩ, ‘Bạn là người đề nghị buổi gặp mặt này. Hãy đưa ra những câu hỏi thông minh. Đừng chỉ hỏi tôi đã làm ở công ty được bao lâu để có chuyện mà nói, chờ đến khi tôi khuyên bạn nên làm gì với cuộc đời mình’.”
Hãy xem xét kỹ hơn lời yêu cầu giúp đỡ của Franklin. Ông không cử một người đưa thư mang đến cho nhà hành pháp kia một cuộn giấy da có ghi “Đi ăn súp đậu phộng ở quán rượu không?” – có lẽ lá thư này ở thế kỷ XVIII tương đương với e-mail có tiêu đề “Cà phê không?” hay “Gặp nhau nói chuyện chút đi?” Franklin biết rằng đề nghị kiểu này có vẻ mơ hồ một cách nguy hiểm đối với một giáo sư bận rộn. Ông có chủ tâm – và có chiến lược – hơn thế nhiều.
Franklin đã nghiên cứu mục tiêu của mình và phát hiện ra lĩnh vực chuyên môn của nhà hành pháp. Ông thể hiện mình là một người nghiêm túc với nhu cầu thích hợp. Ông khiến bản thân mình trở nên thú vị và biến mình thành người có liên quan. Ông đưa ra đề nghị muốn được giúp đỡ rất rõ ràng: mượn một cuốn sách.
Ngày nay, tôi khuyên bạn nên sử dụng phương pháp này khi muốn đề nghị những người bạn chỉ quen sơ viết thư giới thiệu, đề xuất hay giới thiệu bạn với ai đó, hoặc một cuộc phỏng vấn lấy thông tin đã lên kế hoạch kỹ: Hãy làm mình trở nên thú vị. Hãy biến mình thành người liên quan. Nghiên cứu kỹ để biết chính xác mình cần hay muốn gì. Sau đó, hãy đề nghị điều đó một cách lễ phép. Một số mối quen sơ của bạn sẽ từ chối, nhưng sẽ nhiều người đồng ý hơn bạn nghĩ. Con đường nhanh nhất để đạt được một điều mới mẻ là một cuộc điện thoại, e-mail, một thùng sách, một ân huệ, một bữa tiệc sinh nhật 30 tuổi.
Tôi từng nhận được một chiếc bánh quy may mắn có câu NGƯỜI THÔNG MINH TỰ TẠO NÊN MAY MẮN CHO MÌNH. Có lẽ điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể làm để tạo ra may mắn ở độ tuổi 20 là nói đồng ý với những mối quen sơ hoặc cho họ lý do để đồng ý với ta. Nghiên cứu cho thấy mạng lưới xã hội của chúng ta thu hẹp ở tuổi trưởng thành, do công việc và gia đình trở nên bận rộn và rõ ràng hơn. Thậm chí và đặc biệt là khi chúng ta nhảy việc, chuyển nhà, đổi bạn cùng phòng và dành cuối tuần lang thang quanh thành phố – thì đây là thời gian để bạn tìm các mối quan hệ, không chỉ với những người cũ, nói những câu chuyện cũ như công việc dở đến thế nào hay thời nay chẳng thể tìm đâu ra đàn ông tốt, mà hãy tìm những người có quan điểm khác biệt một chút. Những mối quen sơ là những người sẽ làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn ngay lúc này – và sẽ tiếp tục như vậy trong những năm tiếp theo – nếu bạn có can đảm nhận ra mình muốn gì.
Những nhận thức thiếu suy xét
Tính bất định sẽ luôn là một phần của quá trình chịu trách nhiệm. — Harold Geneen, doanh nhân
Tuổi trẻ không phải để tìm kiếm sự thừa nhận của người khác mà là để tìm kiếm những cách thức mới nhằm trực tiếp đối mặt với những gì thực sự quan trọng.
— Erik Erikson, nhà phân tâm học
Ian nói với tôi rằng những năm tháng tuổi 20 của cậu giống như ở giữa đại dương, giữa một vùng nước lớn không xác định. Cậu không thấy đất liền, nên không biết cần đi về hướng nào. Cậu cảm thấy choáng ngợp trước viễn cảnh mình có thể bơi đến bất kỳ đâu hoặc làm bất kỳ điều gì. Cậu cũng đồng thời cảm thấy tê liệt trước sự thực rằng cậu không biết điều nào trong số những điều bất kỳ được coi là lựa chọn đúng đắn. Mệt mỏi và vô vọng ở tuổi 25, cậu nói rằng cậu đang đạp nước tại chỗ để có thể sống sót.
Khi nghe Ian nói, tôi cũng bắt đầu cảm thấy có chút vô vọng.
Như các nhà tâm lý học nói, tôi cố gắng “nắm bắt được rằng khách hàng của mình đang ở đâu”, nhưng so sánh ẩn dụ của Ian là một vấn đề thực sự. Khi tôi tưởng tượng cảnh mình cũng ở ngoài đại dương cùng với cậu, với quá nhiều phương hướng có vẻ rất giống nhau, tôi cũng không thể tìm ra giải pháp.
“Người ta thoát khỏi đại dương như thế nào?” Tôi hỏi Ian, để xem cậu có biết cách ngừng đạp nước hay không.
“Tôi không biết,” cậu nói, quay đầu khi đang suy nghĩ chăm chú. “Tôi nghĩ là cần chọn một hướng và bắt đầu bơi. Nhưng tôi lại thấy vô định và chẳng
biết nên đi hướng nào. Tôi thậm chí còn không biết liệu mình có đang hướng về một cái gì đó không. Vậy tại sao lại sử dụng hết năng lượng để đi sai đường? Tôi đoán tất cả những gì tôi có thể làm là hy vọng ai đó sẽ đến trên một con thuyền hay một thứ đại loại như vậy,” Ian nói, gần như đã nhẹ lòng.
Có một nỗi khiếp sợ nhất định đi cùng với câu nói “Cuộc đời của tôi phụ thuộc vào tôi”. Thật đáng sợ khi nhận ra rằng không có phép màu nào cả, bạn không thể chỉ chờ đợi, không ai có thể thực sự cứu thoát bạn và tự bạn phải làm một điều gì đó. Không biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình – hoặc ít nhất là không có chút khái niệm nào về việc cần làm tiếp theo – là cách bảo vệ mình khỏi nỗi sợ ấy. Đó là sự kháng cự vì không muốn thừa nhận rằng các khả năng không phải là vô tận. Đó là một cách giả vờ rằng hiện tại chẳng hề quan trọng. Bối rối trước các lựa chọn chẳng khác gì hy vọng rằng sẽ có cách để sống mà không cần chịu trách nhiệm.
Thay vì chịu trách nhiệm, Ian hy vọng ai đó sẽ đến, vực cậu dậy và đưa cậu đến một hướng đã xác định. Điều này vẫn luôn xảy ra. Có lẽ Ian sẽ nhảy lên thuyền với một nhóm bạn hoặc cô bạn gái nào đó. Cậu sẽ đi theo họ một thời gian và lơ đãng khỏi cuộc đời của mình thêm một thời gian nữa. Nhưng tôi biết điều này sẽ kết thúc như thế nào. Một ngày cậu sẽ thức dậy ở một mảnh đất xa lạ, làm một công việc hoặc ở một nơi không hề liên quan đến Ian. Cậu sẽ ở cách xa cuộc sống mà cậu đột nhiên nhận ra là mình thèm muốn.
Với ẩn dụ về đại dương, Ian đang tự lừa mình rằng chẳng có cuộc đời nào mà cậu muốn sống cả. Điều đó giống như cậu không có quá khứ hay tương lai và chẳng có lý do gì để đi hướng này hay hướng khác. Cậu không suy nghĩ về những năm tháng mình từng sống từ trước tới giờ và cũng chẳng nghĩ về những năm tháng trước mắt. Như cậu nói, điều này khiến cậu không thể hành động. Bởi Ian không biết rằng những người trong độ tuổi 20
tự đưa ra quyết định của mình đều hạnh phúc hơn những người còn đang đạp nước, cậu tự làm mình bối rối. Điều này rất dễ mắc phải.
Ian dành thời gian bên những người không quyết đoán. Tại cửa hàng xe đạp mà cậu làm việc, bạn bè cậu quả quyết rằng cậu chưa cần ra quyết định vội – “Chúng tôi cũng vậy mà!” họ hào hứng. Trong giờ làm, họ bàn bạc rất nhiều về việc không bao giờ ổn định và phản bội bản thân, nhưng họ lại ổn định với tình trạng bán thất nghiệp và phản bội tương lai của chính mình. Tôi ngờ rằng Ian đang ở văn phòng của tôi vì bằng cách nào đó cậu biết rằng những cuộc trò chuyện kia đầy những lời dối trá không chủ đích.
Khi Ian tìm đến cha mẹ để xin lời khuyên về cuộc đời mất phương hướng của mình, cậu lại phải nghe những lời nói dối khác. Cha mẹ cậu nói, “Con là tuyệt nhất! Không có điều gì là không thể!” Họ nhắc cho cậu nhớ rằng cậu có thể làm mọi thứ một khi đã quyết tâm. Họ không hiểu rằng sự khuyến khích thiếu rõ ràng này chẳng có ích gì. Nó không mang đến sự can đảm mà là sự bối rối.
Những người trong độ tuổi 20 như Ian được nuôi lớn bằng những mệnh lệnh mơ hồ – “Hãy theo đuổi những giấc mơ của mình!”, “Hãy vươn đến những vì sao!” – nhưng thường họ không biết làm thế nào để làm được những điều đó. Họ không biết làm thế nào để đạt được những gì mình muốn, hoặc thậm chí họ cũng chẳng biết mình muốn gì. Như Ian nói, gần như tuyệt vọng, “Mẹ tôi nói với tôi và tất cả mọi người nghĩ rằng tôi tuyệt vời đến thế nào và bà tự hào về tôi ra sao. Tôi chỉ muốn nói: ‘ Vì cái gì cơ chứ? Chính xác thì điểm mạnh của con là gì?’”
Thay vì mù quáng tin vào lời khen của mẹ, từ lâu Ian đã cảm thấy những lời của bà quá chung chung và không có nhiều ý nghĩa. Cậu cảm thấy bị lừa – và có lý do để chứng minh cho suy nghĩ đó. Cuộc sống không phải là vô hạn và Ian cũng vậy. Những người ở độ tuổi 20 thường nói họ ước mình có ít lựa chọn hơn, nhưng tại thời điểm này, Ian không có nhiều lựa chọn như
mọi người nói. Và cậu càng chờ đợi để bắt đầu thì lựa chọn của cậu sẽ càng ít đi.
“Tôi muốn cậu quay lại vào tuần sau,” tôi nói. “Khi cậu quay lại đây, chúng ta sẽ thoát khỏi đại dương ấy. Đó không phải là một phép ẩn dụ đúng. Thay vào đó, chúng ta sẽ đi mua mứt”.
Có một nghiên cứu kinh điển trong ngành tâm lý học mang tên thí nghiệm mứt. Thí nghiệm này được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Sheena Iyengar tại Đại học Stanford, người đã nảy ra ý tưởng rằng cửa hàng tạp hóa sẽ là nơi lý tưởng để tìm hiểu cách con người đưa ra các lựa chọn. Những trợ lý nghiên cứu của Iyengar giả làm người bán mứt và đặt các mẫu mứt trên bàn ăn thử tại một cửa hàng có nhiều thực khách sành ăn. Trong một điều kiện thí nghiệm, 6 vị mứt sẽ được bày để khách hàng nếm thử: đào, anh đào đen, nho Hy Lạp đỏ, cam, kiwi và sữa đông vị chanh. Một điều kiện thí nghiệm khác là trong 24 vị mứt được đưa ra có 6 vị nêu được trên và 18 vị khác. Ở cả hai trường hợp, khách hàng nếm thử mứt có thể dùng phiếu mua hàng để mua một hộp mứt với giá thấp hơn.
Phát hiện quan trọng của nghiên cứu là trên bàn có 24 mẫu thử thu hút nhiều sự chú ý hơn nhưng kết quả lại ít người mua hơn. Khách hàng kéo đến rất đông, nhưng phần lớn trở nên choáng ngợp và không hề mua loại mứt nào. Chỉ 3% số khách hàng đến bàn bày 24 mẫu thử thực sự mua mứt. Ngược lại, những khách hàng đến bàn có 6 vị mứt dễ dàng quyết định nên mua lọ mứt nào và khoảng 30% trong số họ đã mua mứt.
Tuần tiếp theo, tôi kể cho Ian về thí nghiệm mứt và nói ra băn khoăn của mình rằng liệu cậu có cảm thấy bị choáng ngợp trước những khả năng lựa chọn đầy tham vọng của cuộc đời hay không.
“Tôi có cảm thấy bị ngợp trước suy nghĩ rằng tôi có thể làm mọi thứ với cuộc đời mình,” cậu nói.
“Vậy thì hãy cụ thể nhé. Hãy nói về việc chọn mứt,” tôi đề nghị. “Tôi đang ở bàn bày 6 mẫu mứt hay là 24 mẫu đây?” cậu hỏi.
“Đó là một câu hỏi xuất sắc. Tôi nghĩ rằng một phần của việc ra quyết định ở độ tuổi 20 là nhận ra rằng chẳng hề có cái bàn bày 24 vị mứt nào cả. Đó là chuyện hoang đường.”
“Tại sao đó lại là chuyện hoang đường?”
“Những người trong độ tuổi 20 nghe mọi người nói rằng họ đang đứng trước một chuỗi những lựa chọn vô tận. Nghe mọi người nói rằng cậu có thể làm bất cứ điều gì hay đi bất cứ đâu cũng giống như đang ở trong đại dương mà cậu miêu tả. Nó giống như đang đứng trước cái bàn bày 24 mẫu mứt. Nhưng tôi chưa từng gặp người nào trong độ tuổi 20 mà có trong tay 24 lựa chọn thực sự khả thi. Mỗi người chỉ có một chiếc bàn bày nhiều nhất là 6 mẫu.”
Ian ngây người nhìn tôi, vì vậy tôi tiếp tục.
“Cậu đã dành hơn hai thập kỷ để định hình bản thân. Cậu đã có kinh nghiệm, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, bằng cấp, cản trở và cả ưu tiên. Cậu không phải vừa mới bước chân vào cuộc đời, hay như cậu nói, là vào đại dương. 25 năm qua đều có ý nghĩa. Cậu đang đứng trước 6 vị mứt và cậu biết mình thích vị kiwi hay anh đào đen hơn.”
“Tôi chỉ muốn mọi chuyện tốt đẹp,” Ian nói. “Tôi chỉ muốn mọi việc thuận lợi.”
“Cậu đang làm mọi thứ mơ hồ,” tôi thách thức. “Cậu đang trốn tránh không muốn biết những gì mình đã biết.”
“Vậy cô nghĩ rằng tôi đã biết mình nên làm gì?”
“Tôi nghĩ là cậu biết điều gì đó. Tôi nghĩ rằng có những hiện thực. Hãy bắt đầu từ đó.”
“Vậy đây giống như câu hỏi xổ số.”
“Câu hỏi xổ số là gì vậy?” Tôi hỏi.
“Cô biết đấy,” Ian tiếp lời, “đó là khi ta tự hỏi ta sẽ làm gì với cuộc đời mình nếu ta thắng xổ số. Khi đó ta sẽ biết mình thực sự muốn làm gì.”
“Đó không phải câu hỏi đúng,” tôi phản đối. “Đó không phải là hiện thực. Câu hỏi xổ số có thể khiến cậu suy nghĩ về những gì cậu sẽ làm gì khi tài năng và tiền bạc không còn quan trọng nữa. Nhưng thực tế là chúng quan trọng. Câu hỏi mà những người ở tuổi cậu cần hỏi bản thân là họ sẽ làm gì với cuộc sống nếu không trúng xổ số. Cậu có thể làm tốt điều gì để trang trải cho cuộc sống mà cậu mong muốn? Và cậu sẽ yêu thích điều gì đủ để không ngại làm việc đó dù ở hình thức nào trong vài năm tới?”
“Tôi không biết gì về những điều ấy cả.”
“Không thể như vậy được.”
Trong vòng vài tháng sau, Ian kể cho tôi về những trải nghiệm của cậu ở chỗ làm và ở trường. Trong một khoảng thời gian dài, tôi chỉ lắng nghe. Ian nói và chúng tôi cùng nghe những gì cậu nói. Sau một thời gian, tôi suy ngẫm về những thông tin cụ thể tôi nghe và quan sát được. Thuở nhỏ, cậu thích vẽ. Tuổi thơ cậu thích chơi LEGO và xây dựng. Cậu bắt đầu với chuyên ngành kiến trúc, nhưng không hoàn thành vì nó cho cậu cảm giác quá xưa cũ. Cậu lấy bằng chuyên ngành khoa học nhận thức vì thích công nghệ và tri giác. Tôi thấy Ian nói rất dễ dàng về mơ ước tạo nên một vài sản phẩm nào đó.
Cuối cùng, Ian suy nghĩ về mọi lựa chọn có vẻ khả dĩ với cậu. Cậu sắp xếp 6 vị mứt rõ ràng, 6 điều cậu có thể sẽ làm tiếp theo.
“Tôi có thể tiếp tục làm ở cửa hàng xe đạp, nhưng công việc này đang giày vò tôi. Tôi biết đó không phải là việc đúng đắn để làm. Quản lý của tôi đang ở tuổi 40 và điều này khiến tôi rất băn khoăn…”
“Tôi có thể đi học luật. Bố mẹ tôi luôn nói rằng tôi nên làm vậy. Nhưng tôi không muốn làm bài thi nhập học trường luật và tôi ghét phải đọc sách hay viết lách. Tôi đoán nếu học trường luật thì tôi sẽ phải đọc và viết rất nhiều…”
“Hiện giờ rất nhiều công việc thiết kế đang được thực hiện trên mạng, điều này khiến tôi thấy thú vị. Đó là điểm chung giữa thiết kế và công nghệ khiến tôi thấy hứng thú. Tôi đã gửi hồ sơ theo một chương trình thực tập thiết kế kỹ thuật số ở D.C. vài năm trước. Đó là một công ty thu nhận nhiều nghiên cứu sinh, phát triển và giới thiệu họ. Tôi muốn tham gia nhưng không được nhận…”
“Tôi có thể theo học tiếng Ả Rập và làm gì đó trong ngành quan hệ quốc tế chẳng hạn và có thể được cử đi nước ngoài làm việc. Nhưng đó mới chỉ là một ý tưởng. Hồi trước tôi có đăng ký một lớp nhưng chưa bao giờ đến học…”
“Tôi có thể đi thăm bạn thân ở Campuchia để kéo dài thời gian, nhưng bố mẹ tôi đã ngán đến tận cổ trò đó của tôi rồi…”
“Tôi có thể đến St. Louis và dành thời gian bên bạn gái cũ. Lúc nào cô ấy cũng xem Grey’s Anatomy 4 và nói rằng chúng tôi nên học khóa học sau cử nhân. Nhưng tôi chỉ học có hai lớp khoa học cấp độ khó khi học đại học và cũng không đạt điểm cao lắm. Dù sao điều này nghe có vẻ rất tệ, nhưng tôi thậm chí còn không thể giải quyết vấn đề với cô ấy cho đến khi tôi xử lý xong chuyện công việc này.”
(Đặt công việc lên trên tình yêu. Tôi đã từng nghe điều này từ những người trong độ tuổi 20 – đặc biệt là đàn ông trong độ tuổi 20 – nhiều lần trước
đây)
Bằng cách suy nghĩ về những lựa chọn thực sự của mình, Ian gặp phải phiên bản tuổi 20 của thứ mà nhà phân tâm học Christopher Bollas gọi là hiểu biết thiếu suy xét. Những hiểu biết thiếu suy xét là những điều chúng ta đã biết về mình nhưng bằng cách nào đó đã quên đi. Chúng là những giấc mơ chúng ta bỏ quên, hay những sự thật chúng ta nhận biết được nhưng không nói ra. Chúng ta có thể sợ phải thừa nhận với người khác những hiểu biết thiếu suy xét này bởi chúng ta sợ những gì họ sẽ nghĩ. Thậm chí còn thường xuyên hơn là chúng ta sợ hãi về ý nghĩa của những hiểu biết thiếu suy xét này đối với bản thân và cuộc đời của chúng ta.
Ian lấy cớ rằng không biết phải làm gì là điều khó khăn nhất, nhưng thật ra trong thâm tâm, tôi nghĩ cậu hiểu rằng đưa ra quyết định về điều gì đó là lúc sự bất an thực sự bắt đầu. Sự bất an còn đáng sợ hơn chính là mong muốn một điều gì đó nhưng không biết làm thế nào để có được nó. Đó là làm việc vì một điều gì đó dù chẳng có gì là chắc chắn. Khi đưa ra lựa chọn, chúng ta phải đối mặt với công việc vất vả, thất bại và đau khổ. Đôi khi ta thấy mọi chuyện dễ dàng hơn khi không biết, không phải lựa chọn và không phải làm gì.
Nhưng sự thực không phải vậy.
“Ian, ngày đầu tiên gặp tôi, cậu nói mình đang ở giữa đại dương. Tôi có ấn tượng rằng cậu không muốn làm gì cụ thể cả, giống như cậu chẳng biết mình muốn gì. Cậu không để bản thân mình biết được những suy nghĩ của chính mình. Cậu có muốn một điều. Cậu muốn thử sức trong lĩnh vực thiết kế kỹ thuật số.”
“Tôi không biết…” Ian thoái thác.
Sau đây là những câu hỏi mà khả năng không nhận thức của Ian đã đưa ra.
“Nhưng tôi không biết làm thế nào để có một công việc trong lĩnh vực thiết kế kỹ thuật số...”
“Tôi biết,” tôi nói.
“Vậy nếu tôi bắt đầu và rồi thay đổi quyết định thì sao?”
“Vậy cậu sẽ làm một công việc khác. Đây không phải lọ mứt duy nhất mà cậu được mua.”
“Nhưng nếu thử sức và thất bại thì tôi sẽ mất cơ hội đó. Lựa chọn đó sẽ biến mất.”
“Nó sẽ không biến mất. Cậu sẽ biết rõ về nó hơn. Nhưng quan trọng là: Cậu có thể kiếm sống không? Cậu sẽ thích công việc chứ? Đó là những điều cậu cần phải tìm hiểu.”
“Tôi thấy lo lắng khi nghĩ rằng mình cần biết điều này liệu có thành công hay không nếu tôi thử. Tôi cảm thấy an toàn hơn khi không đưa ra lựa chọn nào cả.”
“Không lựa chọn không hề an toàn. Hậu quả là cậu chỉ bị đẩy thêm xa hơn trong tương lai, khi cậu đến tuổi 30 hay 40.”
“Tôi luôn nghĩ rằng bố mẹ sẽ nói tôi nên làm việc gì danh giá hơn, như ngành luật chẳng hạn. Hoặc tôi nghĩ mình nên làm gì đó thú vị hơn ví như tiếng Ả Rập. Tôi không muốn cuộc đời mình là một lọ mứt. Như vậy thật nhàm chán.”
“Đó cũng là điều cản trở cậu nhận ra mình biết những gì và hành động ra sao,” tôi nói. “Nó được gọi là tính chuyên chế của những lời khuyên.”
Tôi sẽ trở lại với Ian sau.
Trên Facebook, cuộc đời tôi phải trông tốt đẹp hơn! Cái tốt nhất chính là kẻ thù của cái tốt.
— Voltaire, nhà văn kiêm triết gia
Nếu chúng ta chỉ muốn được hạnh phúc thì rất đơn giản; nhưng nếu chúng ta muốn được hạnh phúc hơn người khác thì điều đó gần như luôn khó khăn, vì thực sự họ không hạnh phúc như chúng ta nghĩ.
— Charles de Montesquieu,
nhà văn kiêm triết gia
“Tôi nghĩ tôi đang bị suy nhược thần kinh,” Talia nói rồi òa khóc.
“Suy nhược thần kinh,” tôi nói. Thậm chí tôi còn chưa từng gặp mặt cô. “Cô có thể cho tôi biết nó trông như thế nào không?”
Talia ngắt lời tôi bằng một chuỗi từ ngữ và tiếng nức nở.
“Tôi tốt nghiệp đại học gần hai năm trước. Vì một lý do ngớ ngẩn, tôi ra trường và nghĩ rằng tôi đang chuẩn bị bắt đầu cuộc đời mình. Trong gần 15 năm, tôi đã khiến mình phát điên với chủ nghĩa hoàn hảo và tôi coi cuộc sống chưa định hình sau đại học là lối thoát khỏi những khổ sở này. Đáng buồn là những đêm tiệc tùng liên miên và sự tự do được làm bất cứ điều gì mình muốn lại không tuyệt vời như tôi tưởng.”
“Sau vài tháng, tôi sống cuộc đời cô đơn và buồn thảm ở San Francisco. Phần lớn bạn bè tôi đã chuyển đến nhiều vùng trong cả nước và người bạn thân mà tôi đang sống cùng đột nhiên thay đổi. Tôi cảm thấy mình đang suy sụp. Tôi không ngủ được. Lúc nào tôi cũng khóc. Mẹ tôi nghĩ rằng tôi cần uống thuốc.”
Tôi nghe cô nói thêm.
“Và đáng ra đó phải là những năm tháng tuyệt nhất đời tôi!” Talia than thở. “Vậy sao?” Tôi hỏi.
“Vâng,” cô nói, lần này có vẻ không chắc chắn lắm.
“Theo kinh nghiệm của tôi, đó là quãng thời gian bất an nhất và là một trong những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời.”
“Tại sao chẳng có ai nói với tôi như vậy?!”
“Có lẽ cũng không mấy ích lợi, nhưng giờ tôi đang nói với bạn đấy thôi,” tôi nói.
“Tôi cảm thấy như mình là một thất bại tồi tệ,” Talia tiếp tục. “Khi còn đi học, tôi luôn có một công thức. Thật dễ dàng để tìm ra mình cần phải làm gì, vì thế tôi biết mình đang đứng ở đâu. Tôi biết là mình đang làm đúng khả năng. Đôi khi, tôi nghĩ rằng mình nên học cao học bởi như vậy nghe có vẻ tốt hơn. Chắc hẳn, tôi lại có thể tiếp tục đạt những điểm A. Tôi không biết làm thế nào để đạt điểm A trong những năm tuổi 20. Tôi cảm thấy tôi đang thất bại lần đầu tiên.”
“Điểm A trong những năm tuổi 20 nghĩa là gì chứ?” Tôi hỏi.
“Tôi không biết. Đó chính là vấn đề. Tôi cảm thấy mình không nên trở nên kém cỏi hơn.”
“Kém cỏi hơn cái gì?”
“Tôi đã nghĩ rằng cuộc đời phải thật rộng lớn, tùy cô định nghĩa rộng lớn là gì. Rộng lớn là những điểm A khi tôi còn đang đi học. Sau đó, tôi nghĩ có lẽ là tìm được một công việc hoặc một chàng trai tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng cuộc đời của mình phải thật HOÀNH TRÁNG! Tình yêu của tôi phải tràn đầy
những điều tuyệt vời. Công việc của tôi khiến người ta trầm trồ. Nhưng không. Không hề. Không có điều nào trong số đó trở thành hiện thực.”
“Dĩ nhiên là không,” tôi nói.
“Nhưng hãy nhìn vào Facebook mà xem! Đó đáng ra phải là những ngày tháng huy hoàng của tôi!”
Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết số giờ hàng tuần mà tôi dành để nghe mọi người nói về Facebook. Rất nhiều khách hàng của tôi cảm thấy rằng cuộc sống của họ trên Facebook bị đánh giá, thậm chí bị xét nét từng ngày từng giờ. Họ miễn cưỡng thừa nhận rằng họ dành nhiều giờ để đưa ảnh lên mạng và bình luận, ghé thăm Facebook hàng ngày. Họ hình dung xem các bạn gái cũ của mình sẽ phản ứng thế nào với diện mạo hiện tại của họ. Họ tự hỏi liệu những cô gái xấu tính họ từng biết có nghĩ là giờ họ có những người bạn sáng láng hay không. Một trong những khách hàng của tôi tự cười vào cách mà cậu gọi Facebook của mình là một phương tiện “quảng bá bản thân.” Khi khách hàng thổ lộ về thói quen dùng Facebook, họ cảm thấy như họ là những người duy nhất làm vậy.
Facebook và các trang mạng xã hội khác có khả năng giúp con người cảm thấy mình được kết nối và bớt cô đơn hơn. Khoảng 90% số người sử dụng nói rằng họ dùng Facebook để giữ liên lạc với những người quen biết đã lâu và 50% đã tìm ra những thông tin quan trọng về bạn bè theo cách này. Điều này có thể đặc biệt hữu ích trong những năm tháng tuổi 20 bởi như Talia nhấn mạnh, đó là những năm tháng bao la nhất cuộc đời. Facebook có thể giúp cuộc sống của những người trong độ tuổi 20 cảm thấy liên kết hơn và bớt tùy tiện đi. Vậy tại sao lại có nhiều người bí mật và công khai ghét Facebook như vậy?
Với nhiều người, Facebook được dùng để quan sát bạn bè hơn là tìm kiếm . Nghiên cứu cho thấy, trung bình người sử dụng Facebook dành nhiều thời gian kiểm tra Facebook của bạn bè hơn là thêm thông tin vào trang của
mình. Những người ghé thăm Facebook nhiều nhất – thường là nữ giới gửi, chia sẻ ảnh và xem các cập nhật trạng thái – sử dụng trang này với mục đích “giám sát xã hội”. Các giám sát viên này thường không liên lạc hay giữ liên lạc với bạn bè nhiều bằng việc theo dõi họ. Và các khách hàng của tôi nói đúng: Có sự đánh giá và xét nét. Trong một nghiên cứu, gần 400 người tham gia đã kiểm tra các trang Facebook được dựng lên và đánh giá các chủ sở hữu trang web về mức độ thu hút, chỉ để quyết định rằng những người có vẻ ngoài đẹp nhất là những người có bạn bè sáng láng nhất.
Bất chấp những hứa hẹn mang tính cách mạng của mình, Facebook có thể biến cuộc sống hàng ngày của chúng ta thành đám cưới mà chúng ta đều đã từng nghe nói đến: đám cưới mà cô dâu chọn những người bạn xinh đẹp nhất, chứ không phải những người bạn thân nhất, làm phù dâu. Nó giống như một cuộc thi về mức độ nổi tiếng, nơi mà được Thích mới là điều quan trọng, là tuyệt nhất. Bạn đời của ta trông như thế nào quan trọng hơn là cách họ cư xử. Cuộc chạy đua kết hôn đã bắt đầu và chúng ta phải luôn thông thái. Đó có thể là nơi không phải để là chính mình, mà là để ra vẻ .
Thay vì là một phương tiện để giữ liên lạc, Facebook giống như một phương tiện để theo kịp hơn. Tệ hơn là giờ chúng ta lại thấy cần phải theo kịp không chỉ bạn thân và hàng xóm, mà với cả hàng trăm những người khác với những cập nhật máy móc luôn nhắc nhở ta rằng cuộc đời nên huy hoàng như thế nào.
Gần đây, một khách hàng 26 tuổi nói với tôi, “ Tất cả bạn bè tôi đều đã có con. Điều này khiến tôi thấy tụt hậu.” Về mặt thống kê điều này có vẻ là không thể. Vì vậy tôi: “Trong số những người cô đã từng đề cập đến ở các buổi trị liệu trước đây, những ai đang sắp có con?” Cô nói: “À, không phải những người bạn ấy. Chỉ là một số trong 900 người khác mà tôi sẽ chẳng bao giờ nghe nói đến nếu không cập nhật trên Facebook.” Hoặc một khách hàng nam đã nói với tôi, “Tôi cảm thấy khá hài lòng về con đường sự
nghiệp của mình cho đến khi nhìn lên Facebook và thấy mọi người đang làm những gì.”
Phần lớn những người trong độ tuổi 20 đều biết thật vô bổ khi so sánh cuộc đời họ với những trang web cập nhật của người nổi tiếng, nhưng họ lại coi những hình ảnh và cập nhật trên Facebook bạn bè là thật. Chúng ta không nhận ra rằng phần lớn mọi người đều đang che giấu các vấn đề của mình. Việc đánh giá thấp những gì mà những người trong độ tuổi 20 khác đang phải trải qua cũng giống như so sánh xã hội theo chiều đi lên, khi mà cuộc đời không quá hoàn hảo của ta trở nên thấp kém khi so sánh với cuộc đời “hạng sang” mà có vẻ mọi người đang có. Điều này khiến những người trong độ tuổi 20 như Talia không cảm thấy được tiếp sức và kết nối, mà là vô dụng và đơn độc.
Khi Talia lên mạng, những công việc cô thấy trên Craigslist không ăn nhập gì với những bữa tiệc và cuộc sống cô thấy trên Facebook. “Nó khiến tôi thấy chán nản và bế tắc vì tôi không đi giúp đỡ trẻ mồ côi như mọi người khác,” cô nói.
“Cô có muốn giúp đỡ trẻ mồ côi không?” Tôi hỏi.
“Tôi muốn phát huy tiềm năng của mình.”
“Giúp đỡ trẻ mồ côi liên quan gì đến tiềm năng của cô ? Cô có hứng thú hay có kinh nghiệm trở thành nhà hoạt động nhân đạo không?”
“Cũng không hẳn.”
Tìm kiếm danh vọng và tính chuyên chế của những lời khuyên
Mỗi người lại có một mong muốn cố hữu để được phát huy tiềm năng của mình, cũng như cách mà một hạt đấu trở thành cây cao. Vì ta không phải quả đấu và sẽ không trở thành cây sồi nên ta sẽ băn khoăn không biết chính xác phát huy tiềm năng nghĩa là gì. Một số người trong độ tuổi 20 có những
ước mơ quá nhỏ bé, không hiểu rằng những lựa chọn ở tuổi này rất quan trọng và trên thực tế sẽ tạo hình những năm tháng về sau. Những người khác lại mơ quá cao, được tiếp thêm sức mạnh bởi những ảo tưởng về khả năng vô hạn hơn là bởi kinh nghiệm. Một phần của việc nhận ra tiềm năng của mình là nhận thấy những khả năng và hạn chế nhất định của bản thân để phù hợp với thế giới xung quanh như thế nào. Chúng ta cần nhận ra tiềm năng thực tế của mình nằm ở đâu.
Phát triển theo hướng tiềm năng của bản thân là điều mà nhà lý luận phát triển Karen Horney gọi là cuộc tìm kiếm danh vọng. Bằng cách nào đó ta tìm hiểu thế nào là lý tưởng, thay vì thế nào là thực tế. Có thể ta sẽ cảm thấy sức ép phải trở thành kỹ sư trước khi ta hiểu được chính xác điều này đòi hỏi những gì. Hoặc cha mẹ nói nhiều hơn về việc ta nên trở thành người như thế nào, hơn là chúng ta thực sự là người như thế nào. Hoặc Facebook chỉ ra rằng cuộc đời của ta trong những năm tháng tuổi 20 đáng ra phải tuyệt vời hơn. Theo đuổi những lý tưởng đó khiến ta trở nên xa lạ với sự thực về bản thân và thế giới.
Đôi lúc khách hàng của tôi không rõ họ đang phát triển theo hướng tiềm năng của mình hay đang trong quá trình tìm kiếm danh vọng. Nhưng thường quá trình tìm kiếm danh vọng rất dễ xác định. Bất kỳ cuộc tìm kiếm danh vọng nào cũng đều bắt nguồn từ cái mà Horney gọi là tính chuyên chế của những lời khuyên. Khi lắng nghe những gì Talia nói, khó mà không nhận ra những từ “nên” và “đáng ra” xuất hiện rải rác trong những câu nói của cô: Công việc đáng ra phải thật tuyệt vời! Đáng ra cô phải học cao học. Cuộc đời cô đáng ra phải tuyệt vời hơn.
Những lời khuyên có thể giống như những tiêu chuẩn cao hoặc mục tiêu khó với, nhưng chúng không phải là một. Các mục tiêu dẫn dắt ta từ bên trong, nhưng lời khuyên là những đánh giá khiến ta tê liệt từ bên ngoài. Mục tiêu mang lại cảm giác của những giấc mơ có thực, trong khi lời khuyên đem đến bổn phận mang tính áp bức. Lời khuyên tạo ra sự phân
chia sai lầm giữa hoặc đạt được lý tưởng hoặc thất bại, giữa hoàn hảo hay ổn định. Tính chuyên chế của những lời khuyên thậm chí còn đẩy ta đến chỗ mâu thuẫn với lợi ích của chính mình.
Trái ngược với những gì ta thấy và nghe được, phát huy tiềm năng thường không diễn ra ở độ tuổi 20 – nó diễn ra ở độ tuổi 30, 40 hay 50. Và bắt đầu quá trình ấy thường có nghĩa là làm những gì trông có vẻ không ổn lắm, chẳng hạn như lái xe tải giao món yến mạch trộn hay chọn một công việc khởi đầu. Như một khách hàng trong độ tuổi 20 đang kinh doanh ngoại tệ nói, “Đây là những năm mà tôi phải chăm chỉ hết sức, đúng không?” Hay như một khách hàng khác làm báo chí hỏi rằng: “Chắc là tôi sẽ phải pha cà phê cho những người chức cao hơn mình ở văn phòng, ít nhất là đến khi tôi 30 tuổi, phải không?”
Đúng vậy.
Talia và tôi dành thời gian nói về cái gì là thực . Tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Lương khởi điểm trung bình cho sinh viên tốt nghiệp đại học vào khoảng 30.000 đô-la và mức nợ học phí trung bình của sinh viên cũng vào khoảng đó. Chỉ khoảng một nửa số sinh viên mới tốt nghiệp đang làm những công việc yêu cầu bằng đại học. Mối nguy hiểm của việc thất nghiệp quá lâu. Cuộc sống thật sự của bạn bè cô như thế nào.
Với những món nợ học phí và các vấn đề tài chính từ thuở nhỏ, Talia cần một công việc – dù có hoành tráng hay không đi chăng nữa – và cô hiểu điều đó. Cô cũng cần tìm cách thỏa mãn với bản thân mà không cần những điểm A, vì thật may và cũng không may rằng, những ngày tháng ấy đã qua.
Công sức của Talia khi học đại học không phải là công cốc. Vào thời điểm khi nhiều người gặp khó khăn khi tìm việc thì cô nhanh chóng được thuê làm phân tích marketing. Công việc của cô vất vả, nhưng cô cảm thấy những va chạm giữa bản thân và công việc giúp cô bộc lộ tiềm năng thật sự của mình. Ở trường, Talia rất giỏi làm theo hướng dẫn, nhưng trong công
việc, cô trở thành người hướng dẫn của chính bản thân. Sự thoải mái trong giao tiếp phát triển qua những buổi họp, những cuộc nói chuyện qua điện thoại và cô thấy mình thật sự có khiếu điều phối nhóm và các dự án. Nằm vật ra ghế sau một ngày dài ở công ty không phải là những gì cô mong đợi trong những năm tháng tuổi 20, nhưng cô thấy hạnh phúc hơn và thành công hơn bao giờ hết.
Đây là cách mà cô giải thích sự thay đổi đó:
Trong một thời gian dài, tôi lo lắng rằng mình đang bán rẻ bản thân hoặc không phát huy tiềm năng của mình vì đã không theo học Fulbright hay cao học, dù tôi biết rằng những điều đó sẽ chẳng làm tôi hạnh phúc. Tôi biết tôi không thực sự muốn làm những điều đó. Nhưng tôi cảm thấy rằng những điều mình đang làm chẳng là gì vì nó không phải là những điều tuyệt vời mà tôi thấy người khác đang làm. Tôi biết tôi cần ngừng việc lo lắng về chuyện đáng ra cuộc sống phải trông như thế nào, bởi nó chẳng hề đẹp đẽ.
Tôi ngừng suy nghĩ về việc liệu những gì tôi đang làm có thấp kém so với tôi hay không. Tôi học cách không lo lắng về việc làm thế nào để tiến lên mức cao hơn và chỉ tập trung vào công việc hiện tại. Nếu họ sẵn sàng để tôi làm việc, tôi sẽ sẵn sàng thử. Tôi nghĩ rằng chính việc tôi chưa từng cảm thấy mình giỏi hơn những người xung quanh và chỉ tập trung học hỏi rồi nhận kết quả là những gì giúp tôi đạt đến những điều tốt hơn ở công ty.
Tôi nghĩ bạn có thể nói rằng tôi đã học được cách khiêm tốn. Tôi thấy rằng sự vĩ đại đến từ việc đầu tư vào những gì tôi có, từ việc tham gia vào những gì ở trước mắt. Tôi đã khám phá được một lĩnh vực công việc mà tôi chưa từng nghĩ đến và tôi đã học được cách trân trọng khả năng của mình. Tôi can đảm, tự tin và kiên nhẫn hơn nhiều. Cho đến lúc này, những năm tháng tuổi 20 của tôi là một sự thức tỉnh tuyệt vời. Tôi thậm chí còn thấy biết ơn về sự thay đổi nội tại mà tôi đã trải qua.
Cuộc tìm kiếm danh vọng của Talia có thể đã chấm dứt ở trường và ở nơi làm việc, nhưng gần hai năm sau, tính chuyên chế của những lời khuyên lại tiếp tục diễn ra sau giờ làm việc. Mỗi tối, cô thường ngồi ở nhà và nhấn chuột xem hình những bữa tiệc mà cô bỏ lỡ. Cô xin lỗi bạn bè vì không thể đi chơi nhiều hơn, dù cô ngày càng chán việc phải dành các buổi cuối tuần nói chuyện với những người bạn say xỉn. Một buổi chiều, cô đến gặp tôi và khóc, trông khá giống lần đầu tôi gặp cô với gương mặt đầy nước mắt.
“Đáng ra tôi phải đang du lịch ở Pháp hay đâu đó, trong ba năm chẳng hạn?” cô hỏi, vừa giận dữ vừa bối rối.
“Có thể… nhưng có thể là không ,” tôi nói chậm rãi, cố gắng lý giải xem điều gì có thể gây ra chuyện này. Với chiếc áo may đo và túi xách nhỏ xíu, trông Talia không giống như cô sẽ tận hưởng du lịch trong vòng ba năm. Và cô lấy đâu ra tiền chứ?
“Đến Pháp ba năm có phải điều cô muốn mình đang làm không ?” Tôi hỏi.
“Không,” cô sụt sịt, “nhưng đáng ra tôi phải có cuốn Ăn, Cầu nguyện và Yêu 5 của riêng mình chứ?”
Vì đã từng nghe cụm từ “đáng ra” này trước đây nên tôi trả lời như mọi khi: “Bạn biết đấy, Elizabeth Gilbert đã là một nhà văn nhiều năm trước khi phát hành cuốn sách dựa trên những chuyến du lịch sau vụ ly dị của mình. Du lịch và viết lách cho cuốn Ăn, Cầu nguyện và Yêu bao gồm cả quá trình khám phá bản thân, nhưng đó là nghề của cô ấy. Khi nào có ai đó cho bạn vài trăm nghìn đô-la để nhìn ngắm thế giới thì chúng ta hãy nói tiếp.”
“Đúng vậy,” cô vừa cười vừa khóc. “Điều này có viết trong cuốn sách. Tôi quên mất.”
“Tại sao giờ cô lại hỏi về điều này? Cô có muốn đi nghỉ ở Pháp không?” Talia khóc lớn hơn. “Không, sự thật là… tôi chỉ muốn về nhà.”
“Ồ. Vậy hãy nói về điều đó .”
Khi tôi hỏi về từ “chỉ” trong “chỉ muốn về nhà,” Talia nói rằng cô cảm thấy về nhà có nghĩa là “từ bỏ” hoặc “chọn cách giải quyết nhẹ nhàng.” Bạn bè cô không hiểu nổi tại sao cô lại muốn rời khu cảng và quay lại Tennessee. Bố cô, người đã tìm được bản thân mình sau những chuyến đi, nói rằng đây là cơ hội phiêu lưu của cô. Bất kỳ khi nào cô tỏ ra muốn về nhà, ông sẽ hỏi, “Tại sao con lại muốn làm vậy chứ?”
Bố của Talia đã chuyển đi xa khỏi quê hương, vì vậy Talia lớn lên ở Nashville mà không ở cùng ông bà. Vào các dịp nghỉ lễ, bạn bè thuở nhỏ của cô trình diễn tài năng với anh chị em của họ ở sân sau và được bà thưởng tiền. Cô và các chị em chỉ có những ngày im lặng ở nhà. “Thật buồn,” cô nói. “Tôi muốn con mình biết mặt ông bà chúng.”
Lần này, chúng tôi trò chuyện về những gì thực tế, không phải về tỷ lệ thất nghiệp và những công việc khởi đầu, mà về điều gì là chân thực đối với Talia. Tôi nói với cô rằng cuộc sống trưởng thành được xây dựng không phải từ ăn, cầu nguyện và yêu, mà từ bản thân mỗi người, địa điểm và sự việc: chúng ta ở cùng ai, chúng ta sống ở đâu và chúng ta làm gì để kiếm sống. Chúng ta bắt đầu cuộc sống với bất cứ điều gì trong số đó mà chúng ta biết.
Talia đang tận hưởng công việc phát triển trong mảng marketing và giờ đây cô đã có cái nhìn rõ ràng về vị trí của mình. Điều này rất đáng khích lệ. Vào thời điểm mà nhiều người trong độ tuổi 20 mong muốn có một nơi để gọi là nhà và không biết trong 10 năm tới họ sẽ ở đâu, việc chọn được một vị trí đã là vô cùng hữu ích. Dù chuyển về sống gần gia đình hay xây dựng cuộc sống ở thành phố mình yêu mến, chúng ta nên coi trọng việc mình đang ở đâu.
“Một vài người bạn của tôi xuất thân từ đây,” Talia nói một cách đầy ghen tỵ. “Họ có thể lái xe về nhà và ăn tối với bố mẹ bất kỳ khi nào họ muốn. Tôi
nhớ các em của tôi. Tôi ước gì mình cũng có thể làm vậy. Nghe thật tuyệt.” “Tại sao các em gái của cô lại được ở Nashville?”
“Ồ, chúng là chị em song sinh. Thật ra chúng đã tốt nghiệp đại học rồi. Nhưng chúng không quan tâm ai nghĩ gì cả.”
“Vậy chúng được quyền nổi loạn và được ở nhà.”
“Đúng vậy. Cô thấy buồn cười không?” Talia cười pha lẫn sự buồn bã. Sau đó, cô cúi người về phía trước và nói với giọng trầm thấp hơn, nói cho tôi điều có vẻ như là bí mật của cô. “Hôm trước, tôi ngồi trên xe buýt và tự nhủ: Có khi mình đã làm điều đó rồi. Có lẽ đây chính là cuộc phiêu lưu vĩ đại của mình. Có lẽ chính là nó đây rồi .”
“Điều đó có đáng sợ không?” Tôi hỏi và không hiểu ý của cô. “Nếu đây là cuộc phiêu lưu lớn nhất trong đời cô?”
Cô thở dài và gần như hét lên, “ Không ! Điều đó có nghĩa là tôi có thể về nhà.”
Tôi ngồi im khi Talia tiếp tục khóc. Tôi nghĩ về những gì mình thấy khi nhìn cô. Tôi thấy một cô gái trẻ đã khám phá được một chút, làm việc chăm chỉ và thu nhận được một vài vốn sống quý giá. Giờ cô cảm thấy mình không được phép mang chúng về nhà.
Bạn bè của Talia đã vô hiệu hóa những sự thực về cô bằng cách cho rằng tìm kiếm vẫn tốt hơn là tìm được, bạn bè tốt hơn gia đình và những cuộc phiêu lưu tốt hơn là trở về nhà. Tôi không thể nghĩ ra một nguyên nhân hợp lý giải thích tại sao Talia không thể quay lại Nashville. Tôi hỏi xem ý nghĩ này đến từ đâu.
“Bố tôi. Và bạn bè tôi ở đây.”
“Bạn bè cô không muốn có một nơi để gọi là nhà ư?”
“Có. Nhưng họ nói tôi quá trẻ để nói vậy. Họ nghĩ là quá sớm.” “Quá sớm?” Tôi hỏi.
“Họ nói, ‘Ôi, cậu dễ thương thật.’ Với họ, ổn định nghĩa là chấp nhận . Nhưng tôi đến căn hộ của họ và hàng xóm của tôi, chỉ ngồi và phân loại những anh chàng mà cô ấy từng hẹn hò. Cô ấy vẫn đang suy nghĩ xem cần phải làm gì cho sự nghiệp. Cô ấy vẫn đang quyết định liệu có nên thi lấy điểm GRE 6 hay không. Tôi nhìn và xung quanh chỉ là một đống đồ nội thất chẳng mấy ăn nhập. Và cô ấy đã ở tuổi 30 rồi! Tôi biết nói thế này thật xấu tính, nhưng tôi nghĩ là… cô ấy chẳng hạnh phúc chút nào… tôi hy vọng mình sẽ không trở thành như vậy.”
“Cô muốn cuộc đời của mình như thế nào ở những năm 30 tuổi?”
“Tôi muốn sống ở Nashville, có thể là làm về marketing, có thể là quản lý nhãn hàng. Hy vọng là tôi đã gặp được ai đó và có một gia đình. Tôi thấy mình thuộc về Nashville dù có thế nào đi nữa.”
“Vậy cô ở đây làm gì?” Tôi hỏi.
“Ai cũng nói rằng tôi nên khám phá thế giới ngoài kia. Nhưng tôi đã làm vậy rồi. Giờ tôi chỉ muốn về nhà” Talia than thở.
“Vậy là cô thấy bị bắt buộc phải kéo dài điều này.”
Talia bắt đầu tự hỏi liệu quay lại Nashville có phải là cách giải quyết nhẹ nhàng hay ở thời điểm này, cô đang chọn cách khó khăn hơn. “Tại sao tôi phải tốn biết bao nhiêu tiền của để sống ở đây? Tại sao tôi lại cố gắng gặp được ai đó cách xa nơi tôi muốn ở?” cô hỏi.
“Những câu hỏi rất hay,” tôi nói.
Talia bắt đầu lên mạng tìm việc ở Nashville. Cô vừa bỏ lỡ một tin đăng tuyển ở một công ty marketing. “Hẳn công việc sẽ tuyệt lắm,” cô nói. “Tôi sẽ rất thích nhưng vị trí ấy hết hạn tuyển rồi.”
“Hãy cứ gọi đi,” tôi nói. “Có thể hết hạn vì họ đang ngồi xử lý một chồng đầy những lý lịch không có gì nổi bật. Hãy xem cô có biết ai có người quen ở công ty ấy không.”
Cuối tuần đó, Talia gọi đến hủy buổi gặp của chúng tôi, nói rằng cô đang trên đường đến Nashville cho một buổi phỏng vấn. Tuần tiếp đó, cô đi vào văn phòng của tôi và nói, “Tôi có tin tốt.”
Talia tận hưởng vài tuần cuối cùng trong thành phố và thậm chí còn thấy luyến tiếc trường đại học và những năm tháng sau đại học ở California. Nhưng khi cô sang thông báo cho cô hàng xóm 30 tuổi về công việc mới ở Tennessee, cô này đã chế nhạo rằng chẳng mấy chốc Talia cũng sẽ phải lập gia đình và sinh con thôi. Sau đó, cô ta đóng sầm cửa trước mặt Talia và khóc òa sau cánh cửa.
Talia rón rén quay về căn hộ của mình. Cô đã sẵn sàng tiếp tục cuộc sống của mình.
Cuộc sống tùy chỉnh
Chấp nhận cuộc sống với những mảnh rời rạc là một trải nghiệm về sự tự do của người trưởng thành, tuy nhiên những mảnh rời rạc này cần phải dính chặt ở đâu đó, hy vọng là ở một nơi có thể cho phép chúng phát triển và tồn tại.
— Richard Sennett, nhà xã hội học
Danh tính của một người không nằm ở hành vi của người đó… mà là ở khả năng kéo dài một câu chuyện nhất định.
— Anthony Giddens, nhà xã hội học
Các buổi gặp với Ian không tiến triển suôn sẻ. Giống như những người trong độ tuổi 20 khác khi hứa làm bất kỳ điều gì, Ian lưỡng lự khi đối mặt với hiện tại. Một cuộc sống đầy những khả năng vô tận khiến cậu cảm thấy như một gánh nặng choáng ngợp và khó định hướng, nhưng cũng là một ảo tưởng tự do. Khái niệm “bất kỳ điều gì” nghe có vẻ vô tận và thú vị, trong khi trái lại, thiết kế kỹ thuật số nghe có vẻ hạn chế và nhàm chán. Khi chúng tôi bàn về việc hướng đến nghề thiết kế kỹ thuật số, Ian ngần ngại. Cậu không muốn “nhận một công việc văn phòng và làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày như tất cả mọi người.”
Ian đang âm thầm tìm kiếm danh vọng. Cậu không chịu nhiều áp lực từ tính chuyên chế của những lời khuyên nên làm gì bằng những lời khuyên không nên làm gì. Cuộc đời của cậu không dành để đạt các điểm A hay thậm chí là nhu cầu nhận ra tiềm năng của mình, ít nhất không phải theo lối thông thường. Tính rập khuôn không phù hợp với cậu. Cuộc tìm kiếm của Ian là cám dỗ của sự khác biệt, vì vậy cậu cho thấy cái được gọi là triệu chứng chung của tuổi trẻ: “sợ hãi phải rập khuôn.” Nếu chọn một công việc, cậu sẽ
không muốn đó là một công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Cuộc đời của cậu cần phải độc nhất vô nhị.
Tôi không hoàn toàn phản đối.
Sự khác biệt là một phần căn bản của cái tôi. Ta phát triển nhận thức rõ hơn về bản thân bằng cách gia cố những ranh giới giữa bản thân và người khác. Tôi là tôi vì tôi khác biệt với những người xung quanh. Cuộc đời của tôi có ý nghĩa vì nó không diễn ra y hệt như cuộc đời người khác. Sự khác biệt góp phần hình thành nên con người. Nó tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta.
Nhưng khác biệt thường đơn giản. Giống như cách dễ nhất để giải thích về màu đen là nói rằng nó ngược với màu trắng, thông thường, điều đầu tiên ta biết về bản thân không phải là bản chất của chúng ta – mà là cái không phải là bản chất của ta. Ta định nghĩa mình không phải thế này, không phải thế kia, như cách Ian nhanh chóng nói rằng anh không muốn ngồi bàn giấy cả ngày. Nhưng tự xác định bản chất của mình không thể dừng ở đó. Danh tính hay sự nghiệp không thể xây dựng được từ những gì bạn không muốn. Ta phải chuyển từ một cái tôi tiêu cực, hay cảm nhận về những gì không phải là mình, thành cái tôi tích cực, cảm nhận về bản chất của chính mình. Điều này cần có sự can đảm.
Để dũng cảm hơn trong việc xác định bản chất của mình, cần đến sự quả quyết. Ian cần thay đổi từ việc nói về những điều cậu sẽ không làm sang những gì cậu sẽ làm. “Chống lại điều gì đó thường đơn giản,” tôi nói. “Nhưng cậu tán thành điều gì?”
Với Ian, khẳng định tức là tuân theo. Với việc bắt đầu một sự nghiệp, cậu hình dung rằng mình sẽ chấp nhận nhiều thập kỷ luôn giữ nguyên trạng. Đồng ý với một thứ cụ thể cũng giống như từ chối một cuộc sống thú vị và không giới hạn. Thực tế thì ngược lại. Nếu Ian không đồng ý với bất kỳ thứ gì thì cuộc đời của cậu sẽ trở nên nhạt nhòa và hạn chế.
Khi ngồi cùng Ian, đôi khi tôi nghĩ tới một phụ nữ 31 tuổi làm cùng tôi. Cô kể với tôi rằng trong những năm tháng tuổi 20, cô đổi màu tóc thường xuyên như đổi việc: tím nhạt khi trực điện thoại ở trung tâm chăm sóc sắc đẹp, vàng nhạt khi làm thư ký thời vụ, đỏ đậm khi làm ở Mystery Shopping, nâu hạt dẻ khi làm ở trường mẫu giáo. Khi đính hôn, cô chia sẻ rằng cô định bỏ công việc gần đây nhất. Cô nói, “Tôi không thể chịu được sếp của tôi. Tôi phải lên kế hoạch cho đám cưới, tuần trăng mật, thời gian sinh con và nhiều thứ khác.” Khi tôi hỏi hôn phu của cô, một giáo viên tiểu học, nghĩ gì về việc trở thành lao động chính duy nhất cho một gia đình đang lớn dần, cô nhún vai một cách lo lắng.
Và khách hàng này lại khiến tôi nghĩ về một phụ nữ 39 tuổi từng nói với tôi, “Vào thời điểm này trong đời, nếu muốn đi làm, trả tiền cho người trông trẻ và cả ngày không ở bên con cái, tôi cần một công việc thật thú vị và lương cao. Nhưng tôi chẳng thể tìm được công việc nào như vậy. Trong những năm tháng 20 tuổi, tôi không thật sự giải quyết được vấn đề tôi sẽ làm công việc gì. Trong những năm tuổi 30, tôi sinh con. Chúng tôi cần tiền và tôi phải làm việc. Nhưng cô sẽ chẳng tin là tôi đã bị từ chối những công việc như thế nào đâu. Tôi đi tìm việc và người ta nhìn tôi như thể, ‘Tại sao đến giờ cô vẫn chưa làm gì cả?’ Tôi ước ai đó đã khuyên tôi suy nghĩ về lý lịch của mình nhiều năm về trước.”
Hay tôi nghĩ về khách hàng nam 44 tuổi của mình với đứa con mới chào đời, anh nói với tôi, “Cô biết đấy, nếu tôi có một chuyên gia tâm lý hẳn hoi hồi tôi còn trong những năm 20 tuổi thì có lẽ tôi đã bắt đầu sự nghiệp trước tuổi 35 và lập gia đình trước tuổi 40. Nếu cô vẫn làm công việc này trong vòng 20 năm nữa thì tôi sẽ gửi con trai của mình đến chỗ cô.” Khi tôi hỏi anh ta muốn tôi nói gì với con trai mình, anh ta trả lời, “Hãy nói rằng chẳng ai có thể dễ dàng có được một sự nghiệp tuyệt vời ở tuổi 30. Hãy bắt đầu ở tuổi 20.”
Với suy nghĩ về những khách hàng này, trong vòng nhiều tháng sau, những buổi nói chuyện của tôi với Ian ít nhiều đi theo hướng:
Tôi nói, “Cậu cần khẳng định một điều gì đó.”
Và Ian nói, “Nhưng khẳng định một điều cũng giống như mất mọi thứ khác.”
Hoặc Ian nói, “Tôi không muốn chấp nhận một thứ bình thường.”
Và tôi sẽ nói, “Tôi không nói về việc ổn định. Tôi nói về việc bắt đầu. Những người trong độ tuổi 20 chưa bắt đầu sẽ chỉ có những lý lịch trống trơn và không có mối quan hệ nào. Họ sẽ phải chấp nhận ổn định ở những mức thấp hơn mà thôi. Điều này có gì khác biệt cơ chứ?”
Sau những cuộc đối thoại này, Ian liếc xéo tôi. Sau đó, cậu xắn gấu quần và tiến ra cửa về phía xe đạp của mình.
Ian và tôi phải có được sự thống nhất tương đồng. Đại dương chẳng có hiệu quả với tôi. Lọ mứt không có tác dụng gì với cậu. Chúng tôi cần một phép ẩn dụ mà cả hai cùng tán đồng. Sau nhiều buổi nói chuyện miễn cưỡng một cách thân thiện, Ian chạy vội đến từ bến xe buýt, kêu ca về việc phải chờ đợi một bộ phận xe đạp mà bưu điện chưa gửi đến. Với mong muốn ngừng gây áp lực cho cậu, tôi nói chuyện vô thưởng vô phạt với Ian. Tôi hỏi tại sao cậu không lấy bộ phận mà cậu cần từ cửa hàng cậu làm việc. Đó là khi Ian bảo tôi rằng xe đạp của cậu được đặt làm và bộ phận mà cậu cần phải được đặt hàng riêng.
Tôi tò mò. Tôi biết chiếc xe là phương tiện đi lại chính của Ian, nhưng tôi cũng biết cậu không đi xe đường dài hay xe địa hình. Tôi hỏi tại sao cậu lại muốn một chiếc xe đặt làm. Cậu giải thích rằng cậu cũng không nhất thiết cần một chiếc xe như vậy, nhưng cậu cảm thấy một chiếc xe như thế này sẽ phản ánh những gì cậu muốn thể hiện cho thế giới.
Giờ thì chúng tôi đã tìm ra thông tin quan trọng.
Tôi hỏi Ian chiếc xe đạp đặt làm cho biết gì về cậu, so với một chiếc sản xuất đại trà có thể mua ở bất cứ đâu và thậm chí còn dễ bảo dưỡng hơn. Cậu nói rằng chiếc xe thể hiện cảm xúc của cậu rằng cậu muốn trở thành một sản phẩm với những bộ phận khác nhau, một thứ không thể xác định được chỉ bằng một nhãn hiệu. Mong muốn có một chiếc xe đặt làm của Ian phản ánh chân thực những gì cậu muốn cho bản thân mình. Cậu muốn cuộc sống của mình khác lạ và phức tạp – và tuyệt vời. Nhưng việc cậu đang tìm kiếm giải pháp ở một cửa hàng cho thấy nhiều điều về việc những năm tháng tuổi 20 của cậu sẽ đi về đâu. Ian có quan điểm đúng đắn nhưng lại thấy dễ dàng tùy chỉnh một chiếc xe đạp hơn là cuộc đời mình.
Trong kinh doanh và văn hóa, chúng ta đã chuyển từ sản xuất đại trà sang tùy chỉnh đại trà. Trước đây, tiến bộ có nghĩa là tạo ra những thiết bị giống nhau nhất với chi phí thấp nhất để đạt lợi nhuận cao nhất. Giờ thì chúng ta mong đợi có thể biến đổi hàng hóa và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình. Máy tính cá nhân là do cá nhân định rõ và thực sự mang tính cá nhân. Các ứng dụng và vỏ di động thông minh được thiết kế riêng khiến điện thoại của mỗi người trở nên độc đáo. Một công ty sản xuất áo phông theo đơn đặt hàng khuyến khích khách hàng khẳng định thương hiệu của chính mình. Với thương mại điện tử và marketing ngang hàng, chúng ta đã bỏ qua kích cỡ dành cho tất cả mọi người để dành ưu ái cho “thị trường đồ độc.” Các công ty và nhân viên marketing tận dụng khái niệm cuộc sống sáng tạo mà nhiều người như Ian muốn nhưng lại không rõ làm thế nào để đạt được nó: “Hãy để họ tận hưởng phong cách sống!”
Ian cần phải áp dụng những gì mình biết về lắp ráp xe đạp để biết cách sắp xếp các mảnh cuộc đời. Tôi hỏi Ian cách lắp ráp một chiếc xe đạp hàng đặt. Cậu nói rằng cậu đến cửa hàng xe đạp để chọn khung và bánh xe. Khung xe được làm theo số đo và nhu cầu đạp xe của cậu. Sau đó, cậu trình bày cụ thể những gì mình thích với từng bộ phận và nhận được chiếc xe theo đúng ý.
Khi cậu dần trang bị xong cho chiếc xe, nó có nhiều chức năng và đặc biệt hơn. Điều này khiến cậu tốn thời gian và tiền bạc, nhưng Ian đã tận hưởng quá trình đó. Chiếc xe đại diện cho một điều quan trọng: Đó là sáng tạo của riêng cậu.
“Vậy là xe đạp tùy chỉnh hợp với cậu,” tôi nói.
“Vâng.”
“Và nó đặc biệt,” tôi nói.
“Đúng vậy!”
“Nó cho cảm giác chân thực và khác biệt. Thậm chí là cảm giác không hạn chế theo một khía cạnh nào đó bởi cậu có thể tiếp tục thay đổi nó sau này.”
“Vâng, chính xác.”
“Nhưng cậu bắt đầu với một vài bộ phận tiêu chuẩn. Cậu không thực sự sáng tạo lại bánh xe.”
“Không,” cậu nói và cười. “Tôi không làm thế.”
Tôi đề nghị Ian xem xét rằng có lẽ đó chính là một cuộc sống chân thực và độc đáo. Ở thế kỷ XXI, sự nghiệp và cuộc sống không thể được tạo ra từ dây chuyền sản xuất. Ta phải tự mình sắp xếp các mảnh ghép lại. Cuộc sống của Ian có thể cá nhân hóa và thay đổi, nhưng sẽ cần thời gian và nỗ lực – và cậu có thể phải bắt đầu bằng một vài bộ phận phổ thông. Tạo dựng một cuộc sống đặc biệt không có nghĩa là chối bỏ những lựa chọn này, mà nó xuất phát từ việc đưa ra những lựa chọn. Cũng như chiếc xe đạp vậy.
Ian có thể hình dung việc xây dựng một cuộc đời bằng từng công việc hoặc từng mảnh vốn sống. Điều này có vẻ bớt cứng nhắc – và bớt đáng sợ – hơn
là cảm thấy như bước tiếp theo của cậu sẽ quyết định vĩnh viễn cuộc đời của cậu về sau.
“Vậy cậu sẽ xây dựng trên nền móng nào?” Tôi hỏi.
“Ý cô là với công việc ấy ạ?” Ian hỏi.
“Cậu cần phải làm việc. Cuộc đời cần công việc.”
“Mỗi phần khác nhau trong con người tôi muốn làm những việc khác nhau.”
“Đúng, tôi hiểu,” tôi nói. “Vậy cậu sẽ bắt đầu với phần nào?” Ian thở dài. “Tôi không biết.”
“Cậu không biết?” tôi hỏi. “Thiết kế kỹ thuật số thì sao?”
“Thực ra gần đây tôi đã gửi đơn xin một vài công việc tương tự,” cậu ngượng ngùng nói. “Nhưng tôi thậm chí còn không được mời phỏng vấn. Tôi nghĩ rằng tôi có thể dễ dàng tiến bước một khi đã quyết định muốn làm gì. Một công việc văn phòng có vẻ không tệ, đặc biệt là khi tôi nhận ra mình còn không kiếm được một việc như thế.”
Tôi lắng nghe trong khi Ian nói.
“Tôi vẫn nghĩ về công ty ở D.C.,” cuối cùng cậu nói. “Cô biết đấy, công ty mà tôi nói có chương trình thực tập thiết kế kỹ thuật số. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ được nhận. Rõ ràng là vậy.”
“Tôi không thấy điều này có gì rõ ràng. Hãy nói về hồ sơ của cậu,” tôi nói.
Sau vài lần tham gia hội đồng tuyển dụng, tôi cũng biết khá nhiều về việc tại sao một người ở độ tuổi 20 lại được chọn cho một vị trí mà nhiều người thèm muốn. Tôi đã đọc qua hàng trăm hồ sơ xin việc và thấy những con số
trên đó không được quan tâm, trong khi những lá thư tìm việc và những bài luận màu sắc lại dễ dàng nổi bật. Tôi đã thấy một ứng viên được nhận vào cao học chỉ bởi buổi phỏng vấn kéo dài 15 phút trong khi những người khác thì không.
Một điều mà tôi học được từ đó là một câu chuyện thú vị ở độ tuổi 20 sẽ tiến xa hơn so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong đời. Kết thúc đại học và lý lịch còn thiếu kinh nghiệm, vì vậy cách kể câu chuyện cuộc đời là một trong số ít những điều hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Là một người trong độ tuổi 20, cuộc đời họ có nhiều tiềm năng hơn là kinh nghiệm. Những người có thể kể một câu chuyện thú vị về bản thân họ và những gì họ muốn sẽ gây ấn tượng hơn những người không làm được điều này.
Hãy nghĩ về số hồ sơ xin việc mà Giám đốc tuyển dụng và các chương trình cao học nhận được. Vô số giấy tờ với những dòng in hoa chẳng hạn như Chuyên ngành Sinh học; 3,9; Đại học Tennessee; Cao đẳng Cộng đồng Piedmont; điểm GMAT 7 720; Đội bóng rổ; 2,9; Hướng dẫn viên trong trường; Chuyên ngành tiếng Pháp; Chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật; Đại học Washington; Sinh viên Xuất sắc; điểm GRE 650. Giữa những thông tin này cần xuất hiện một vai chính. Một câu chuyện thú vị cần được hình thành. Nếu lý lịch chỉ là những dòng liệt kê thì nó không thuyết phục.
Nhưng một câu chuyện thú vị là như thế nào?
Nếu bước đầu trong việc tạo lập một danh tính chuyên nghiệp là khẳng định những mối quan tâm và khả năng của mình thì bước tiếp theo là xác nhận một câu chuyện về những mối quan tâm và khả năng đó. Lối kể chuyện mà ta có thể đem tới buổi phỏng vấn hay những buổi hẹn hò. Dù bạn là nhà trị liệu hay là người phỏng vấn thì một câu chuyện cân bằng giữa tính phức tạp và chặt chẽ sẽ mang lại dấu ấn riêng. Những câu chuyện quá đơn giản đem lại cảm giác thiếu kinh nghiệm và không đầy đủ. Nhưng những câu chuyện
có vẻ quá phức tạp lại ám chỉ sự thiếu tổ chức bên trong, điều mà nhà tuyển dụng không muốn.
Tôi hỏi Ian xem cậu đã nói gì về bản thân vào lần gần đây nhất cậu gửi hồ sơ ngành thiết kế cho chương trình trực tiếp. Cậu nói rằng đã viết gì đó về việc thức cả đêm hồi trung học để thiết kế cuốn kỷ yếu của lớp. Ian nói rằng bài luận của cậu là “Chống chủ nghĩa hiện đại và thể hiện sự thông thái” nhưng cậu gặp khó khăn khi giải thích cho tôi. Tôi đề nghị cậu thử lại một thứ gì đó mạch lạc và thông minh, một câu chuyện có bố cục rõ ràng hơn. Ian phản đối ý tưởng này, hình dung ra một bài luận nhàm chán rập khuôn theo lý lịch của cậu. Vấn đề là bởi dù các trường học và công ty cần tính độc đáo và sáng tạo, nhưng họ còn cần phương thức giao tiếp và lý lẽ của ta hơn.
Dù bạn nộp đơn vào công ty hay trường học nào, cũng sẽ có một cuộc đấu trí diễn ra. Nhà tuyển dụng muốn nghe một câu chuyện hợp lý về quá khứ, hiện tại và tương lai. Những gì bạn từng làm có liên quan như thế nào đến những gì mà hiện bạn đang muốn làm và làm thế nào để điều đó đưa bạn đến với ước mơ của mình? Mọi người đều nhận ra rằng phần lớn ứng viên không thật sự biết sự nghiệp của mình sẽ như thế nào. Thậm chí, những người cho rằng họ biết cũng thường thay đổi suy nghĩ của mình.
Như một giám đốc nhân sự từng nói với tôi, “Tôi không mong đợi người ta nói rằng ước mơ của họ là làm việc ở đây mãi mãi. Tôi nghi ngờ điều đó. Không ai biết được 5 năm sau họ sẽ ở đâu. Tuy nhiên, gánh nặng của các ứng viên cho thấy rằng làm việc ở đây có ý nghĩa nhiều hơn việc họ chỉ muốn có một công việc, hay tòa nhà này cách nơi họ sống có hai tòa nhà.” Cuộc sống không cần phải theo một đường thẳng, nhưng như giám đốc này nói, nó cần phải có ý nghĩa.
“Ian, cậu lại như vậy rồi,” tôi nói. “Cậu đang làm rối câu chuyện của mình vì cậu không muốn gắn bó với bất kỳ điều gì, chứ chẳng nói đến việc điều