🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Tên sách : TỪ YÊN-BÁI ĐẾN CÁC NGỤC THẤT : HOẢ-LÒ, CÔN-NÔN, GUY-AN Tác giả : HOÀNG-VĂN-ĐÀO Nhà xuất bản : SỐNG MỚI Năm xuất bản : 1957 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : Xuân Huy Kiểm tra chính tả : Max Phạm, Nguyễn Thị Linh Chi Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 20/08/2019 https://thuviensach.vn Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG Cảm ơn tác giả HOÀNG-VĂN-ĐÀO và nhà xuất bản SỐNG MỚI đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. https://thuviensach.vn MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU I. Con đường sắt máu II. Ngục-thất Yên-Bái III. Ngục-thất Hà-nội (Maison Centrale) IV. Ngục-thất Côn-Nôn V. Trên đường tiến đến Guy-an (Guyane Française) VI. Ngục-thất thuộc-địa (Pénitentiaires Coloniaux de Cayenne) VII. Chút ít lịch-sử về Guy-An (Guyane Française) VIII. Ngục-thất đặc-biệt I-ni-ni (Ets Pénitentiaires spéciaux du Territoire de l’Inini) 1) TRỒNG TỈA 2) ĐỐN CỦI VÀ TÌM GỖ QUÝ 3) ĐÃI CÁT SẠN TÌM VÀNG IX. Ngục-thất Ăng-ghi 1) CON ĐƯỜNG XƯƠNG MÁU 2) MỘT CUỘC TRẢ THÙ ĐẪM MÁU X. Trên đường tranh đấu XI. Thực-dân khóc XII. Một vài mẩu chuyện về vượt ngục 1) PHÁ NÚI TÌM KIM-CƯƠNG 2) MUA BÁN NÔ-LỆ XIII. Sau cuộc thế-chiến thứ hai kết-liễu XIV. Phụ-lục thi văn 1) BỊ BẮT VÀO GIAM TẠI NGỤC-THẤT HÀ-NỘI NĂM 1929 https://thuviensach.vn 2) CẢNH NHÀ TÙ 3) TẮM 4) HÁT NÓI 5) GỬI CHO CHỒNG TRONG NGỤC 6) ĐỀ BÀI PHI-LỘ BÁO « TIẾNG CƯỜI » 7) THAY LỜI VỢ TẶNG QUẠT CHO CHỒNG BỊ GIAM TRONG NGỤC 8) SÀ-LIM-OÁN (I) 9) SÀ-LIM OÁN (II) https://thuviensach.vn HOÀNG-VĂN-ĐÀO TỪ YÊN-BÁI ĐẾN CÁC NGỤC THẤT : HOẢ-LÒ, CÔN-NÔN, GUY-AN Nhà xuất-bản SỐNG MỚI 90/2, đường Cao-Thắng, SAIGON https://thuviensach.vn LỜI NÓI ĐẦU Tám-mươi năm Pháp-thuộc là một đại quốc-sỉ còn ghi chép trên lịch-sử nước nhà, mặc dầu trên thực-tế cơn ác-mộng ấy đã trôi qua một cách nặng nề ảo-não. Ngày nay ngọn Quốc-kỳ Việt-Nam độc-lập rực-rỡ cao phất từng không đã xóa tan những đám mây đen đòi phen gieo-rắc cảnh u-ám trên non sông Hồng-Lạc ; cả quốc-dân đang vui mừng rũ bỏ xiềng-xích nô-lệ đã đặt lên cổ chúng ta, đang nô-nức vươn mình tiến bước trên con đường dân-tộc tự-chủ. Vinh-diệu thay ! Thiêng-liêng thay ! giờ phút mọi người cùng trang nghiêm tự-hào xứng-đáng là kẻ thừa-kế tổ-tiên đã gìn-giữ bờ cõi trong muôn thủa. Trong giờ phút ấy, nếu chúng ta trầm-mặc truy-niệm quá-khứ, hẳn không ai quên được nỗi đau-thương của chín năm binh-lửa (1945-1954) và phải liên tưởng đến cuộc đấu-tranh giành chủ-quyền, âm-thầm nhưng mãnh liệt, kín-đáo nhưng sâu-xa, mà dân-tộc theo đuổi trong suốt thời-kỳ đô-hộ Tây-phương. Bao hy-sinh ! Bao xương-máu ! Bao thế hệ xử-dụng vào cuộc đấu tranh đáp lời kêu gọi của non sông, khảng-khái dâng mình cho Tổ-quốc ! Chúng ta khao-khát những điều ấy, vì chúng ta biết rằng không phải trong một ngày mà nền độc-lập hiện-hữu của nước nhà xây dựng nổi ! chúng ta mang ơn nặng ở quá khứ nặng-nề kia, trong đó dù muốn dù không, cuộc đấu-tranh dân-tộc còn rành rành in dấu. Trong hồi gần đây, các sách chép cận-đại có nhắc đến cuộc chống Pháp từ Phong-trào Cần-vương đến Việt-Nam Quốc-dân-Đảng ; việc biên-soạn hoặc vì tính-cách tác-phẩm, hoặc vì dụng-ý của tác-giả, hoặc vì thiếu chứng liệu không cung-ứng cho trí hiếu học đủ các tình-tiết. Vì lẽ đó một phần không nhỏ, những sự đau-khổ hay kỳ-thú của lớp chiến-sĩ đồng thời với chúng ta chưa được viết ra đầy đủ. Điền bổ sự thiếu sót đó là việc có nhiều văn hữu muốn làm, sở dĩ đến nay chưa thành chỉ vì không có minh-chứng và tài liệu về các sự-kiện xác-thực. Đại khái chúng ta thường biết rằng, sau sự https://thuviensach.vn tan vỡ của mấy phong-trào đấu-tranh gần nhất có hàng vạn chiến-sĩ bị người Pháp đầy ra Côn-Nôn (nay gọi là Côn-Sơn) hoặc lưu đầy tới một nơi ở phía bên kia trái đất, nhưng rồi chẳng ai hiểu rõ số phận họ ra sao ; ôm một khối hùng tâm tráng-chí chết mòn-mỏi ở đó rồi chăng, hoặc còn sống cũng thở hút chung bầu không-khí với chúng ta, nhưng « hình thì còn mà bụng chết đòi nau » rồi chăng ! Nghi-vấn đó đã làm cho bao tâm-hồn khắc-khoải ! Những đêm trường canh vắng, gió lạnh lọt màn thưa, bao từ-mẫu hiền-thê đã gạt giòng lệ khi nghĩ tới người chiến-sĩ tắm gió nằm mưa trong cảnh lao-tù, bấm đốt tay mấy độ : năm đã chầy, tháng đã lụn, mà kẻ ở nơi chân trời góc biển nào thấy vân mòng gì đâu ? Đến những bạn đồng-tâm đồng chí của họ, vì lẽ này hay lẽ khác còn lọt lưới quân thù, sống trong nguy-hiểm nhưng vẫn không sao quên được những ai đương phải thu mình, vì cùng một lý-tưởng với mình : Xa hơn thế, trong quốc-dân trừ những kẻ cam phận làm tâu-cẩu cho cừu nhân, ai không có lúc nhắc tới bọn người đang quằn-quại trong gông cùm vì số phận của giống nòi. May mắn thay ! Tháng giêng năm 1955 một số chiến-sĩ Yên-Bái bị lưu đầy từ năm 1930 tại Guy-An (Guyane Française) được trở về nước nhà, tôi hân-hạnh được gặp, các bạn ấy đã vui lòng cung cấp thêm tài-liệu để tôi viết nên tập : « TỪ YÊN-BÁI ĐẾN CÁC NGỤC-THẤT HÀ-NỘI, CÔN-NÔN VÀ GUY-AN » này, nhằm mục-đích cung cấp thêm tài-liệu bổ-khuyết các văn-phẩm cùng loại này đã xuất-bản từ trước. Chúng tôi luôn-luôn tôn-trọng sự thật trong khuôn-khổ văn-nghệ. Viết tại Sài-gòn tháng 10 năm 1957 HOÀNG-VĂN-ĐÀO https://thuviensach.vn I. Con đường sắt máu « Chết đi ! Chết đi ! để lại cái gương hy-sinh phấn-đấu cho người sau nối bước ». Không thành công thời cũng thành nhân ». Đó là lời một vị anh-hùng dân-tộc lúc ấy đương làm lãnh tụ V.N.Q.D.Đ. nói với các đồng-chí của ông trong một phiên họp kín dự tính cuộc khởi-nghĩa năm 1930. Lệnh động-viên được ban hành, các chiến-sĩ V.N.Q.D.Đ. khắp nơi đều nhiệt-liệt hoan-hỉ, kẻ mài gươm, người rũa mác, nhiều chiến-sĩ lại tự-động bỏ tiền riêng mua sắm súng đạn Âu-châu do một tổ chức chuyên buôn bán bí mật tại thương khẩu Hải-phòng. Mồng 9 tháng giêng năm Canh-Ngọ (9-2-1930), một ngày đầu xuân đẹp, dưới làn mưa phùn gió nhẹ, trên đất bắc đồng-bào còn đương say-sưa với tiết xuân, thời các nữ chiến-sĩ cách-mạng đã bí-mật từ những làng Xuân Lũng, Tiên-Kiên, Võng-La (Phú-Thọ) quẩy từng gánh bom, súng đạn, đao, kiếm trên phủ những mớ rau hoặc mớ cám đến tỉnh-lỵ Yên-Bái trên những chuyến xe-lửa sớm tinh sương ; những võ-khí ấy được cất giấu ngay xung quanh trại con-gái (trại dành riêng cho gia-đình binh-sĩ Việt-Nam ở) cả đến những tấm băng đeo tay, những cờ hiệu của cuộc khởi-nghĩa cũng đều do bàn tay của các nữ chiến sĩ ấy may sắm. Các chiến-sĩ lãnh-đạo cùng hàng-ngũ Tiện-Y quân cũng tuần-tự tới Yên-Bái, mỗi người phân tán mỗi nơi chờ giờ khởi sự. Tối hôm ấy, trong một khu Rừng-Sơn cạnh tỉnh-lỵ Yên-Bái, đứng trước cảnh-vật lặng-lẽ và trang-nghiêm như lắng nghe một mệnh-lệnh trọng-đại sắp ban-hành. Phó Đức-Chính vận binh phục chỉ-huy đạo quân cách-mạng ra lệnh cho các đồng-chí nội đêm ấy phải giết sạch quân thù, chiếm kỳ được Yên-Bái để kéo về hợp lực với đạo quân Hưng-Hóa tiến đánh Sơn-Tây. Tiện-Y quân và binh-sĩ trong thành hợp làm một do sĩ-quan Ngô Hải Hoằng phụ-trách, tay đều đeo băng « Việt-Nam cách-mạng quân » cầm khí https://thuviensach.vn giới sẵn-sàng theo mật-lệnh phân công từ trước, lẻn vào thành đến các yếu điểm đã định chờ hiệu lệnh của cấp chỉ-huy. Nhưng trước giờ khởi sự, một biến cố đã xẩy ra, nguyên có một tên gián-điệp của địch mật báo tình hình với với viên đội Pháp là Quy-Nê-Ô, Quy-Nê-Ô liền dẫn vào trình với Lơ-Ta-Công, chỉ-huy trưởng các đạo quân Yên-Bái, Lơ-Ta-Công liền đi tuần, nhòm vào trong các trại con gái thấy đều vắng bóng người, Lơ-Ta-Công cho là binh-sĩ ta đã tụ-họp nhau một nơi nào vắng-vẻ để đánh bạc thưởng Xuân, nhưng Lơ-Ta-Công không khỏi nghi ngờ, liền ra mật-lệnh thu hết khí-giới cất vào kho khóa kỹ. Đúng một giờ đêm, một tiếng bom nổ chuyển đất long trời, phá tan bầu không-khí im-lặng mịt-mù đen-tối bao phủ tỉnh-lỵ Yên-Bái, báo hiệu cuộc khởi-nghĩa bắt đầu. Lòng căm-thù và lòng yêu nước sùng-sục như dầu sôi lửa cháy, lính canh bị giết, kho súng bị phá, chỉ trong mười phút sau, các trại binh dưới đồi và các công-sở, cách-mạng quân đã chiếm đóng hoàn-toàn, thực-dân bị giết gần hết. Tiếng hưởng-ứng hô vang ở hai trại Cô-Năm và Cô-Sáu (trại lính khố xanh). Lá cờ V.N.C.M.Q.G phất phới tung bay trên mặt thành Yên-Bái. Nhưng còn mấy trại binh trên đỉnh đồi, địch-quân nhờ được lợi-thế tranh-sơn, nã súng bắn xuống như mưa, khiến cho cách-mạng quân không thể nào tiến lên được, mặc dầu đã phải hy-sinh rất nhiều. Năm giờ rưỡi sáng (10-2), địch-quân bắt đầu phản công kịch-liệt, cách-mạng-quân chiến đấu rất anh-dũng, nhưng dần dần không thể chống cự lại được với lục, không-quân của địch tiếp viện từ Hà-nội tới. Cách-mạng-quân cơ-hồ bị bao vây kín trong các trại. Nhận thấy thế nguy, cấp chỉ-huy liền ra lệnh mở-đường máu dẫn cách-mạng quân rút vào rừng áp dụng phương-pháp du-kích chiến. Rút vào rừng, anh em phân tán từng nhóm để dễ bề phục-kích. https://thuviensach.vn II. Ngục-thất Yên-Bái Xử-dụng du-kích chiến được một thời-gian, lương-thực cũng như khí giới không thể tiếp-viện được, đường rừng loanh-quanh, cảnh rừng bát-ngát mông-mênh, anh em chia tay. Nhóm chúng tôi năm người, ba bạn là sĩ-quan trại-binh Pháp Yên-Bái, sống giữa thiên-nhiên, đói ăn măng non, trái cây, khát uống nước suối, ngủ trên cành cây cao, vật lộn với muỗi rừng với vắt, đề phòng mãnh-thú luôn luôn quanh-quẩn bên mình. Để bảo vệ, chúng tôi mỗi người chỉ còn giữ được một khẩu súng trường và non trăm viên đạn. Sau một thời-gian cầm-cự, một buổi sớm chim muông bắt đầu rời tổ ấm, năm chúng tôi tiến bước trên con đường hẻm giữa khu rừng hoang, đầy rẩy những hoa thơm cỏ lạ, phấp-phới những cánh bướm rừng đủ mầu sắc lượn quanh, thình-lình một sơn-nữ từ trong khúc đường quẹo hiện ra, sau giây phút bỡ-ngỡ, nàng đã hỏi chúng tôi bằng tiếng Kinh (tiếng Việt-Nam) rất rõ-ràng và biết chúng tôi là người đồng-hương, nàng khẩn-khoản mời về nhà. Về nhà nàng, chúng tôi mới biết tên nàng là Nga, thân-phụ nàng là một nhà nho, nguyên quán ở tỉnh Hưng-Yên, là đồng-chí của cụ Tán-Thuật. Sau khi chống Pháp bị thất-bại ở Bãi-Sậy, thân-phụ nàng thay họ đổi tên, lánh mình đến địa-phương thổ-dân này làm nghề dạy học và đã qua đời cách đây sáu năm. Mẹ nàng tuy người Thổ, nhưng rất hiền-hậu, trong tuổi thơ-ngây nàng được thân-phụ dạy học chữ Hán rất nhiều. Qua một đêm nghỉ-ngơi dưỡng sức, sớm sau chúng tôi cáo từ mẹ con nàng ra đi. Nàng sửa-soạn một bữa cơm tiễn hành và tặng chúng tôi mỗi người một gói lương khô ; nàng còn khẩn-khoản yêu-cầu cho phép được hướng-dẫn chúng tôi ra khỏi khu rừng rậm bao-la này. Từ biệt thân-mẫu, Nga cùng chúng tôi ra đi, qua ba ngày đêm vô sự, sáng ngày thứ tư chúng tôi đã gặp phải một toán binh tuần-tiễu Pháp, sau một hồi giao tranh kịch-liệt, đạn hết người ít, kết quả chúng tôi bị thiệt mạng https://thuviensach.vn ba người, trong đó có Nga. Còn lại ba người bị quân Pháp bắt về, tống vào ngục thất Yên-Bái. Nơi đây chúng tôi, những chiến-sĩ bại trận đã gặp nhau, trừ một số trốn thoát. Mắt nhòa lệ khóc nước, tiếp theo lại giạt-rào khóc đồng-chí, khóc Nga, một bông hoa rừng thơm ngát của đất nước, một giọt máu cuối cùng của họ Đào, một nhà cách-mạng tiền-bối. Rồi đây, bà mẹ của nàng nghĩ sao đến người con gái độc-nhất thân-yêu của mình một sớm ra đi không trở lại. Kẻ chiến bại, kẻ thù bất cộng đới thiên của Thực-dân, nên từ ăn đến ở, thực-dân đã đối xử với chúng tôi tàn-nhẫn và dã-man hơn cả tù-phạm trộm cướp. Vì tỉnh nhỏ, số sà-lim (Cellule) trong ngục-thất có ít, nên chỉ những anh nào chúng xét ra là quan trọng nhất, mới nhốt vào sà-lim ; còn lại, chúng nhốt chung vào một trại, ăn, ngủ, đại tiểu tiện cả ở đấy, cửa đóng kín mít suốt ngày đêm, trừ khi đưa cơm, hoặc gọi ra thẩm-vấn và mỗi ngày hai giờ quét dọn. Mặc dầu bị giam riêng từng người ở sà-lim hay giam tập-trung ở trại, chúng tôi đều bị Thực-dân cùm hai chân suốt ngày đêm, không-khí ô-uế nặng-nề khó thở, xung quanh ngục-thất đều do lính Lê-Dương canh gác rất nghiêm-mật. Còn ăn, cơm gạo hẩm lẫn sạn, với cá khô kinh-niên, rau muống hoặc rau cần già, một xu mười mớ. Thế mà suốt ngày đêm còn phải cung-ứng máu cho rệp, muỗi, chấy, rận. Nhưng mặc dầu, ở vào hoàn-cảnh tàn-ác khắt khe nào, chúng tôi vẫn sống trong tinh-thần cách-mạng, không kêu-van, không khúm-núm, cùng nhau ca-hát, ngâm khúc chiến-thắng ở thế-hệ tương-lai. Bị giam ở ngục-thất Yên-Bái, gồm 195 chiến-sĩ cách-mạng Quốc-gia, trong số có hai-mươi-hai nữ chiến-sĩ. Nguyễn Thị-Bắc (chị ruột Nguyễn Thị-Giang) cũng ở trong số này, phòng giam riêng trước trại giam chúng tôi, cảm thấy các chị lúc nào cũng tỏ thái độ vui-tươi, tinh-thần rất cao-đẹp. https://thuviensach.vn Hỏi cung chúng tôi, tiên-thẩm là nhân-viên phòng Chính-trị Sở Mật Thám Pháp, bọn chó-săn thính-mũi và tàn-ác nhất của chế-độ Thực-dân, chúng đã áp-dụng những hình-phạt dã-man của khoa-học tối-tân để tra tấn hành-hạ chúng tôi, bắt người này phải nhận đã giết tên quan một, người kia đã giết tên quan hai, quan ba, phá kho súng, v.v… để khép vào án tử-hình càng nhiều càng tốt. Bàn giấy và phòng tra tấn của Mật-Thám, chúng đặt ngay tại một phòng giam lớn trong Ngục-thất. Cách tra-tấn phổ-thông nhất là quay điện vào những nơi hiểm và trói chặt chân tay treo dốc ngược lên sà nhà rồi đánh ; riêng phần phụ-nữ, thời chúng ít đánh, nhưng lại dùng cách tra-tấn dã-man và độc-ác hơn, nghĩa là lột trần truồng rồi quay điện vào những chỗ hiểm. Sau khi thẩm-vấn xong, hồ-sơ được chuyển sang Hội-đồng Đề-Hình (Commission Criminelle), Hội đồng cứu-xét hồ-sơ, thấy trường-hợp nào nghi-ngờ, liền trao trả cho Mật-Thám xét lại và tra-tấn thêm. Hội-đồng Đề Hình lập phiên tòa công-khai tại Yên-Bái xử chúng tôi nhằm ngày 28 tháng 3 năm 1930, bị-cáo kỳ này có 51 người, bị kết án từ 20 năm khổ-sai đến chung-thân. Vị anh-hùng dân-tộc và các chiến-sĩ khác sẽ xử ở một phiên nhóm Hội-đồng Đề-Hình sau. https://thuviensach.vn III. Ngục-thất Hà-nội (Maison Centrale) Sau phiên tòa của Hội-đồng Đề-Hình, chúng tôi 51 anh em được đưa từ Yên-Bái về tạm giam tại Ngục-thất Hà-nội, mà mọi người đều quen gọi là « Nhà pha Hỏa-Lò », sở dĩ có tên gọi này, là vì ngục-thất ấy thiết lập tại phố Hỏa-Lò, tên của 36 phố-phường thời thực-dân chưa đô-hộ. Ngục-thất Hà-nội là ngục-thất trung-ương, của cả hai xứ bảo-hộ : Trung và Bắc, nên quy-mô rất vĩ-đại, tổ-chức rất quy-củ và ngăn-nắp. Ngục-thất chia ra làm nhiều trại giam : - Trại giam phạm-nhân chưa thành án thuộc thẩm-quyền phòng Dự thẩm hay Biện-lý cuộc, ngực phạm-nhân đeo số có chữ « J » hay « P » ở hàng đầu. - Trại giam những phạm-nhân chống án từ các tỉnh giải về. - Trại giam những phạm-nhân đã thành án chờ ngày phát-vãng đi các tỉnh gần hay xa, tùy theo án nặng nhẹ. - Trại giam chính-trị-phạm. - Trại giam phạm-nhân đàn-bà. - Trai giam trẻ em phạm pháp. - Trại giam những người can án thiếu nợ. - Trại giam những phạm-nhân chính quốc hay ngoại-quốc. Ngoài số trại giam tập-trung kể trên, còn có ngót một trăm sà-lim (cellule), mỗi sà-lim bề dài 2 thước, ngang hai thước trong có đặt một cái sàn, mặt bằng gỗ lim thật dầy, chân sàn bằng sắt, cuối sàn đặt một cái cùm sắt ; sàn rộng một thước dài hai thước, vừa chỗ cho một người nằm. Ngoài cái sàn ra còn có một cái bô để dùng cho phạm-nhân đại tiểu tiện. Ngoài cửa sổ để thông hơi, cửa cài bị đóng kín suốt ngày đêm trừ ngày hai buổi đưa cơm và quét dọn 1. Ngót trăm sà lim chia ra làm bốn khu : https://thuviensach.vn - Khu A và B giam những phạm-nhân bị án cấm-cố, những phạm-nhân có tính-cách quan-trọng trong thời-gian còn đương cứu-xét, hoặc những phạm-nhân vị phạm kỷ-luật nhà tù. - Khu C giam những phạm-nhân chính-quốc hay ngoại-quốc can trọng tội. - Khu D dành riêng cho những phạm-nhân bị kết án tử-hình, chờ ngày bản án được duyệt-y hay giảm. Ngoài các trại giam và mấy khu sà-lim, còn có những phòng : phòng Lục-sự, phòng thuốc, phòng đóng sách và chứa sách, phòng cắt may quần áo cho phạm-nhân, phòng hớt tóc, phòng làm đồ gỗ, đồ đan và lò rèn. Về Ngục-thất Hà-nội được ít ngày, thời các đồng-chí của chúng tôi : chiến-sĩ Hưng-Hóa, Lâm-Thao, Vĩnh-bảo, Phu-Dực, Kiến-An, Hà-Nội, Hải phòng cũng lần-lượt về Ngục-thất này, do các Hội-đồng Đề-Hình Phú-Thọ, Hải-Dương đã kết án giải đến ; nơi tập-trung của các đại gia-đình chiến-sĩ cách-mạng, gồm đủ mặt Bắc, Trung, Nam. Trừ một số chiến-sĩ mà Thực-dân kêu là yếu-nhân bị giam vào khu sà-lim riêng biệt, còn đa số chúng tôi đều được giam chung với nhau trong một trại giam rộng lớn. Từ ăn đến mặc cùng chung số-phận như thường-phạm, nhưng tương đối được sạch-sẽ hơn ngục-thất các tỉnh nhỏ, hơn nữa gia-quyến được vào thăm và tiếp-tế lương thực mỗi tháng một kỳ. Tuy là nơi tạm trú ít lâu đợi Hội-đồng Bảo-hộ duyệt-y bản án, rồi phát vãng đến một nơi xa-xăm góc biển chân trời nào chưa biết, nhưng chúng tôi, anh em tự-động cắt đặt nhau luân phiên quét dọn, giữ vệ-sinh chung, bảo vệ trật-tự, học hỏi, thảo-luận chính-trị, vận động thông tin-tức với các đồng-chí bị giam trong sà-lim và các bạn chưa hay không bị bắt giam. Thú giải-trí độc-nhất là là đánh cờ, làm thơ và bình thơ. Ngục-thất Hà-nội, riêng đối với một số anh em chúng tôi không xa lạ gì, chúng tôi đã ở đây một thời-gian sáu tháng, sau vụ Ba-Danh (Bazin) tên trùm thực-dân mộ phu Bắc-Hà bị ám-sát chiều 30 tết năm Kỷ-Tỵ (1929). https://thuviensach.vn Nguyên từ năm 1928-1929, nông-dân Bắc-Việt vì thời-tiết không thuận-hòa, mùa màng bị thất bát, vì thực-dân và phong-kiến bóc-lột, người dân lâm vào cảnh-ngộ đói-khó cơ-hàn. Lợi dụng dịp đau-khổ ấy, một số thực-dân ở Đông-Dương lập phòng mộ-phụ khắp nơi Bắc-Việt, tuyển mộ dân công không phân biệt nam nữ, miễn là có sức khỏe đủ làm nô-lệ cho chúng, đem đến các miền đất đỏ cao nguyên miền Nam Nam-Việt, Tân-Thế-Giới (Nouvelles Hébrides), nơi đây ruộng đất hoang-vu, rừng rú âm u, khí-hậu độc dữ. Đem đến những nơi đây để phá rừng làm thành khoảnh đất rộng bao-la trồng cây cao-su để lấy mủ. Mộ nhân-công, trừ các khoản chi phí, chủ mộ còn được hưởng lợi trên ba trăm bạc mỗi người. các bạn thử hồi tưởng ba-trăm bạc vào những năm 1928-1929 giá-trị biết là bao ! Bởi món lợi to lớn ấy, tên trùm mộ phu Bắc Việt Ba-Danh mới tuyển một số tay sai người Việt lãnh chức cai mộ, mỗi người phu mộ được là chúng được hưởng hai ba mươi đồng bạc hoa-hồng. Muốn mộ được nhiều phu, lĩnh được nhiều hoa-hồng của chủ, bọn cai đã lần đến từng thôn, xóm thuộc tỉnh Hưng-Yên, Hải-Dương, Nam-Định, Hà-Nam, Ninh-Bình, Thái-Bình, Thanh-Hóa, Nghệ-An là những tỉnh đương bị nạn nhân-mãn lâm vào cảnh túng đói cực kì. Ngoài những sự dụ dỗ khéo-léo, dối trá lừa-gạt, bọn cai mộ còn bí-mật dùng thuốc mê để bắt-cóc người, khiến dư luận dân chúng từ Nghệ-An trở ra đến các tỉnh Trung-châu Bắc-Việt hết sức xôn-xao, lo-ngại và phẫn-uất, khiến Nguyễn Văn-Viên và Nguyễn Thái-Trác, hai đảng viên V.N.Q.D.Đ. ám-sát tên trùm thực-dân Ba-Danh để trừ mối hại cho dân nước. Từ ngày mồng 2 Tết năm Kỷ-Tỵ (1929), chúng tôi thứ tự bị tên trùm Mật-thám Ác-Núc (Arnoux) khám nhà và bắt giam vào Ngục-thất Hà-nội. Đã hiến thân cho Tổ-Quốc, đáp lời gọi của non sông, thời chuyện vào tù ra khám có nghĩa gì với con người làm cách-mạng, nhưng thực-dân thì quan-niệm rằng, đảng cách-mạng Việt Nam đã bí-mật ám sát Ba-Danh, thời rất có thể một ngày kia sẽ giết Đờ-Mông-Pơ-Da, Pát-Ky-Ê Rô-Banh, v.v… https://thuviensach.vn nên Toàn-quyền Pát-Ky-Ê hạ lệnh cho Ác-Núc tra xét cho ra manh-mối vụ ám-sát quan-trọng này. Để êm dịu tình hình và dư-luận chính-quốc, Ác-Núc chăng lưới vây bắt đảng-viên V.N.Q.D.Đ. theo tài-liệu báo cáo của tên phản đảng là B.T.M. Rút cuộc tên Ác-Núc và đồng bọn không đưa ra ánh sáng được thủ-phạm giết Ba-Danh. Ác-Núc bèn bắt một chàng thư-sinh là Lê-ông Sanh tức Tế Xuyên, một nhà viết báo có tên tuổi ở trên đất Việt Nam tự do hiện nay. Ác-Núc tuyên bố đã bắt được thủ-phạm, nhưng cách sáu tháng sau Nguyễn Văn-Viên đã bị bắt vì lý-do là đảng viên V.N.Q.D.Đ. Anh Viên can đảm tự nhận là đã giết Ba-Danh để trừ hại cho dân chúng đồng bào của anh. Anh Nguyễn-Văn Viên đã tự tử trong sà-lim sau khi khai cung xong với Bơ-Rít (Brides), chánh Hội-đồng Đề-Hình. Lê-Ông-Sanh được tha bổng trước phiên tòa Đại Hình ít ngày sau. Sau vụ bắt V.N.Q.D.Đ. ngày 9. 2. 1929 Toàn-Quyền Pát-ki-ê (Pasquier) ký Nghị-Định thành lập Hội-đồng Đề-Hình gồm những nhân-viên sau đây : Chánh Hội-Đồng : Brides Thanh-tra hành-chính chính-trị Phụ-thẩm : Tholance Đốc-lý Hà-nội, Nicolas Biện-lý, Guet Đại-Úy, H.Đ.Đ.H. lập văn-phòng thẩm-vấn ngay tại một phòng lầu trên trong Ngục-thất, phòng ấy là nơi đã giam nhà đại cách-mạng Phan Bội-Châu bị bắt về nước hồi 1925. Chúng tôi lần lượt vào ngục-thất này đã gây một ảnh-hưởng, một nhộn nhịp cho nhà ngục vĩ-đại này. Tất cả những phạm-nhân giam tại sà-lim được chuyển sang các trại giam khác, để nhường chỗ lại cho chúng tôi thay thế chiếm cả hai khu A và B là 70 sà-lim. Đặc biệt là cửa chớp phía sau cũng bị bịt kín suốt ngày đêm, cửa cái thì bị bịt thêm một lần nữa bằng những chiếc mền cũ và đặc-biệt hơn nữa, mỗi khi những thường-phạm phải vào sà-lim chúng tôi để quét dọn hoặc đưa cơm, đều phải cởi bỏ hết quần áo ; trong sà lim ngoài quần áo, thuốc hút, không được để thêm một thứ gì. Nhưng mặc dầu, suốt ngày đêm có lính Lê-Dương và giám-thị canh phòng nghiêm-mật, thế mà chúng tôi mua chuộc được cảm-tình với bọn đầu https://thuviensach.vn trâu mặt ngựa ấy, nên anh em vẫn thông tin-tức cả trong lẫn ngoài được, chia xẻ thực phẩm cho nhau do gia-quyến hàng ngày tiếp tế. Và đặc-biệt nhất là thú bình thơ, làm thơ. Thơ văn rất nhiều, nhưng tiếc rằng đã quá lâu ngày lại vì cuộc đời luôn luôn bị báo động gian-nguy, nên bị quên lãng rất nhiều, nhưng tôi cũng cố gắng nhớ lại 5, 3 bài ghi vào phần phụ dưới tập (Ký-Sự) này để cống hiến bạn đọc. Trong những ngày bị giam cầm ở Ngục-thất Hà-nội, tôi cũng nên ghi lại đây một kỷ-niệm rất cao-quý, là đã nhận được những tặng phẩm của anh em sinh-viên trường Cao-đẳng Hà-Nội gửi tặng, giới phụ-nữ thời cử Đại biểu đến thăm và tiếp-tế cho những anh em chúng tôi mà những gia-quyến ở xa không thể đến luôn Hà-Nội thăm nom được. Các đồng-chí ở ngoài cũng tìm đủ cách thông báo tin-tức và yên ủi chúng tôi một cách rất chu-đáo. Sau sáu tháng làm việc của H.Đ.Đ.H. một số lớn anh em xét không đủ bằng-cớ được tha về, còn lại 75 người H.Đ.Đ.H. đưa ra Tòa Án phố Hỏa-Lò Hà-Nội, xử phiên công-khai vào ngày 3-7-1929, kết tội 27 người từ 2 năm đến 5 năm tù ; 25 người từ 5 năm đến 20 năm cấm cố lưu đầy và thêm cái án mỗi người 5 năm biệt xứ. Trong số có 2 án xử vắng mặt là các ông Nguyễn Thái-Học và Nguyễn khắc-Nhu còn lại 23 người bị kết án tù treo hoặc tha bổng. Cuối tháng 7-1929, một buổi tối mùa thu ảm-đạm, anh em chúng tôi được lệnh sắp sửa quần áo lên đường, 27 người được phát vãng đến các ngục-thất Phú-Thọ, Yên-Bái, Tuyên-Quang, Hà-Giang, Lai-Châu Lao-kay. 25 người giải đi Hải-Phòng đáp tầu lưu đầy ở Côn-Nôn. Kết liễu vụ án V.N.Q.D.Đ. sau ngày giết tên Thực-dân Ba-Danh. https://thuviensach.vn IV. Ngục-thất Côn-Nôn Một buổi tối cuối tháng 4-1930, chúng tôi lớp đầu 51 người chiến bại đêm Yên-Bái bị xích tay hai người một đi giữa hai hàng lính Lê-Dương súng ống nghiêm-chỉnh, từ ngục-thất Hỏa-Lò tiến ra Ga phố Hàng Lọng Hà-Nội, lên một toa xe lửa riêng, cửa toa bị đóng kín mít, tiến về phía Hải-Phòng. Đến Hải-Phòng, bị lùa xuống một khoang hầm tầu lớn chạy bể. Ngày cũng như đêm, hầm tối mù-mịt, 51 người chỉ có một chiếc thùng dùng để đại tiểu tiện, mà trong suốt thời-gian lênh-đênh trên mặt bể, chúng không hề cho thay thùng, nên nước giải cùng phân chẩy tràn lênh-láng vào cả người và quần áo chúng tôi. Vì bị dây xích oan-nghiệt, người nọ giằng sang người kia, nên ngồi cũng không được, mà nằm cũng không xong. Cửa lại bị đóng kín, không-khí thay đổi không có, ăn uống lại thiếu thốn khổ-cực, nên ai nấy đều bị nhức-mỏi và mệt lả. Qua bốn ngày, tầu cập « Vũng-Tầu » (Cap Saint Jacques) chúng tôi được chuyền sang một chiếc tầu khác chở ra Côn-Nôn. 8 giờ tối ngày 30 tháng 4 năm 1930 tầu cập bến Côn-Nôn (nay đổi làm Côn-Sơn). Côn-Nôn là một quần-đảo lớn nhỏ gồm 14 đảo, đảo quan-trọng và lớn thứ nhì là đảo « Bãi-Hạnh », những đảo rải-rác là hòn Bông-Lang, Chắc Lớn, Chắc-Nhỏ, Tài-Lớn, Tài-Nhỏ, Hòn-Nghé, Hòn-Trọc, Hòn Tre-Lớn, Hòn Tre-Nhỏ, Hòn Vọng, v.v… Côn-đảo lớn và Côn-đảo nhỏ dính liền nhau bởi một cái eo, người ta gọi là « cửa hòn Đầm ». Diện-tích toàn quần-đảo là 5.152 mẫu tây, mà diện-tích Côn-Đảo lớn chiếm 2/3 trong toàn quần-đảo. Quần-đảo nằm về phía nam Vũng-Tầu cách độ 97 hải-lý và cách cửa sông Cửu-Long độ 45 hải-lý. https://thuviensach.vn Trung-tâm-điểm Côn-Nôn ở vào tây-kính-độ 1600-30’-10’ và nam-vĩ độ 80-40’-37’. Côn-Nôn được người Việt-Nam bước chân đến vào thời Trịnh-Nguyễn tương tranh, quy tụ nhau lập thành làng An-Hải. Năm 1773, Nguyễn-Ánh (vua Gia-Long) bị nhà Nguyễn Tây-Sơn đuổi đánh phải vượt sóng chạy trốn ra Côn-Nôn, và tạm ẩn lánh tại làng An-Hải. Năm 1897, Côn-Nôn trở thành một nơi lưu đầy phạm-nhân của Chính phủ Pháp tại Đông-Dương. Côn-Nôn người Pháp gọi là « Poulo Condore » là do họ đã phiên âm theo tiếng Mã-Lai « Pulao Kandur » ; vì trước khi người Pháp đến, đã có một thời người Mã-Lai đến ở đảo này. Tầu cập bến Côn-Nôn, lính áp giải lùa chúng tôi lên bờ dẫn đến « Khám-Đường số 2 », cánh cửa sắt dầy sơn đen kịt khép lại, xung quanh khám bao kín bằng những vách đá cao xanh. Tới sớm ngày sau, Giám-thị vào điểm danh, rồi phát cho mỗi người một miếng gỗ nhỏ bằng gói thuốc-lá để ghi số tù, một chiếc chiếu manh và một bộ quần áo vải xanh mỏng. Đến bữa ăn, thời cũng vẫn gạo hẩm, cá-mắm đã mục có dòi bọ và một chút rau mà đến heo cũng không buồn ăn, nhưng lại có bao giờ được ăn no ; vì lẽ Giám-Đốc Ngục-thất đã cùng Giám-thị thông đồng nhau ăn bớt rồi. Đã vậy, mỗi bữa cơm trước khi ngồi vào ăn, thùng cơm và thức ăn còn bị Giám thị thọc ba-tong vào khuấy lộn lên, để xem trong đó có giấu diếm vật gì chăng ? Bị nhốt chặt trong khám suốt ngày đêm, mỗi ngày hai buổi chỉ được ra chơi ngoài sân trại giam có 15 phút. Cách ít tháng sau, các đồng-chí của chúng tôi do các Hội-Đồng Đề Hình đã kết án, lại tiếp tục đưa lên đây, có cả một số ít những đồ đệ của Mác can vụ Nghệ-Tĩnh ; tổng số đến hai ngàn người, chiếm cả trại-giam số 1 và số 2. Hai trại giam này, nguyên trước là trại giam các tù-nhân thường-phạm, https://thuviensach.vn nay bị chuyển đi trại giam khác ; nơi đây trở thành trại giam riêng, dành cho chính-trị-phạm. Cuối năm 1930, một trận bão lớn đã tàn phá Côn-đảo, vách tường sụp đổ, cây cối bị gẫy ngổn-ngang, chúng tôi bị bắt đi đập đá để kiến-thiết lại khám-đường. Hai trại giam rộng lớn ngăn ra làm 6 trại giam nhỏ, nhưng không hề trại nào có sàn, chúng tôi đều phải trải chiếu nằm dưới nền si-măng, lại đôi khi còn bị đánh đập tàn-nhẫn, nên mắc bịnh sốt-rét và bệnh-tê rất nhiều. Ngục thất có phòng thuốc, có nơi cho bệnh-nằm, do Bác-sĩ người Việt-Nam làm Giám-đốc, nhưng hỡi ôi ! mỗi khi bịnh-nhân đến xin thuốc, nếu xét là bệnh nhẹ Bác-sĩ, liền tặng cho mấy cái « cặc bò » đuổi về, nếu xét bệnh nặng, thời cho uống một liều thuốc xổ, đặc-biệt bệnh tê-liệt thời cho xoa bóp dầu long não và bắt uống nước trà thay cháo. Nằm trên nền xi-măng, ốm đau không thuốc không cả hớp cháo, lại còn nếm cặc-bò, hỏi làm sao mà sống được ? Nhưng không thể rõ số anh em bị chết là bao nhiêu ? Vì sáu trại giam xa cách nhau, lại bị nghiêm cấm không được tiếp-xúc với nhau. Mỗi tuần-lễ chỉ được phép tắm và giặt có 15 phút đồng-hồ. Đời sống bi-đát đến thế là cùng, nhưng chúng tôi cũng được yên-ủi phần nào, mỗi khi nhận được phong thư hoặc gói thực-phẩm hay thuốc-men của gia-quyến hoặc các đồng-chí từ lục-địa gửi đến nhưng ai-oán thay ! tất cả đều bị tháo tung ra khám xét rất kỹ-lưỡng, và đến khi trao đến tay chúng tôi, thời các thứ tiếp-tế đó chỉ còn được một phần trong số đã gửi đến ; nếu gửi tiền, thời mỗi tháng chúng chỉ phát cho một đồng bạc để mua thuốc hút hoặc thực phẩm qua trung-gian là người Tùy-phái mua hộ với một giá cắt cổ. Mặc dầu đứng trước cảnh-thế vô nhân-đạo, sống trong địa-ngục đau-thương, chúng tôi vẫn thản-nhiên vui-vẻ, đoàn-kết cùng nhau, mỗi đêm trước khi đi ngủ đều cùng nhau học-tập nghiên-cứu tổ-chức cuộc nói chuyện về chính-trị, thường thường xung đột ý-kiến rất nhiều với một số tín-đồ của Mác. Nhưng không một ai không tin-tưởng nuôi hy-vọng ở tương-lai, một ngày không xa, Quốc-gia Việt-Nam sẽ độc-lập. https://thuviensach.vn Về thường-phạm, bị phân ra từng toán ; toán đi chăn nuôi săn sóc trâu bò, toán đi chăn nuôi vịt, toán phụ-trách trông coi nuôi nấng chim bồ câu, toán đi đốn củi đốt than, toán làm rẫy trồng rau, mít, dừa, và nhất là chuối thời nhiều vô kể, toán phụ-trách việc chài lưới, v.v… Chính-trị-phạm hay thường-phạm cũng vậy, nếu ai vì phạm kỷ-luật nhà tù, nhẹ thời nhốt vào sà-lim một thời-gian bị cùm hai chân lại, nếu nặng, thời hai tay bị xích quặt ra sau lưng, chân bị cùm tréo, phạm lỗi nặng hơn nữa, thời bị nhốt vào hầm đá chật-chội tối tăm, hầm nhỏ đủ nhốt một người, hầm lớn năm ba người, hai chân bị cùm suốt ngày đêm, mỗi bữa được phát một bơ nước lã và hai nắm cơm bằng hai trái cam con. Chế-độ ngục-tù hà-khắc đến cực-điểm, cho nên mỗi năm vào mùa thuận giòng xuôi gió là thế nào cũng có hàng chục vụ thả bè vượt ngục, mặc dầu lương khô cùng bè-mảng chẳng có ra gì ; nhưng họ cũng cố nhất quyết ra đi, một là tới đất liền, hai là làm mồi cho cá cũng cam tâm. https://thuviensach.vn V. Trên đường tiến đến Guy-an (Guyane Française) Bị bạc-đãi hành-hạ và khổ-cực vô cùng dưới chế-độ lao-tù Thực-dân, nhưng được ở trong một hòn đảo của đất nước ; nơi đây lại đã ghi bao kỷ niệm đau thương ! đã đầy-đọa bao chí-sĩ cách-mạng Việt-Nam như Phan Tây-Hồ, Huỳnh-Thúc-Kháng, Ngô-Đức Kế, v.v… Nơi đây cũng đã chôn vùi hàng ngàn chiến-sĩ cách-mạng từ ngày người Pháp đặt nền đô-hộ nước ta, như Hồ-Văn-Mịch, Nguyễn-Thành, Nguyễn-An-Ninh, v.v… Nhưng một buổi sớm đầu tháng 5-1931, Thực-dân đã bắt chúng tôi 335 người phải rời bỏ hòn đảo này, áp-giải xuống tầu « Martinière » vượt sóng tiến ra khơi. Đưa chúng tôi đi đâu thật là bí-mật. Có bạn cho là chúng đưa đi đầy ải ở một nơi xa-xăm khác, có bạn cho rằng chúng đưa về Lao-Bảo hay Lai châu để giết dần cho bõ ghét, lại có bạn mơ-tưởng hão-huyền cho là được ân-xá ! Giấc mộng quê-hương lại bùng phát khởi trong đầu óc mọi người. Người nào mà lại không nhớ đến song-thân, người hiền-thê và lũ con thơ dại hằng ngày mắt nhòa lệ đứng tựa cửa ngóng tin từ nơi góc biển chân trời đưa lại, cầu trời khấn phật dun-dủi đưa đến một sự may-mắn phi-thường, đưa những đứa con thân-yêu của Tổ-Quốc ấy trả về với gia-đình. Mộng tàn, thực-trạng chua-chát đã đến, khi con tầu « Martinière » cập bến Vũng-Tầu, lính Pháp đã áp-giải xuống tầu thêm hai trăm phạm-nhân từ Bắc, Trung đến, cộng với số phạm-nhân từ Côn-Nôn về là 535 người, trong số có hai trăm chiến-sĩ Yên-Bái, còn 335 là thường phạm, được lính áp-giải cho biết, là đem đi đầy ở Guy-an (Guyane Française) thuộc nam Mỹ-Châu (Amérique du Sud). Tầu bắt đầu rời Cáp-sanh-dắc là ngày 15-5-1931, chúng tôi bị nhốt chặt trong một khám-đường bọc sắt bồng-bềnh trên đại-dương, cảnh-tượng https://thuviensach.vn không khác một bầy heo đem xuất cảng. Súc-vật xuất cảng, chúng còn được nằm yên, và còn được hãng xuất cảng săn-sóc đến sức-khỏe đến ăn-uống, để họ khỏi bị thiệt hại một khi có đôi ba con bị chết ; trái lại chúng tôi chân bị cùm tay bị xích, bị sóng đánh vật xuống dựng lên như trái ban-lông, quằn-quại dưới gót giầy đinh, dưới làn roi vọt của bọn lính đánh giặc thuê da-đen. Bởi vậy nhiều anh em bị mệt lả ốm nặng, nhưng phải cố gượng-gạo, anh em thuốc men săn-sóc lẫn nhau, để tránh tầm con mắt cú vọ của bọn lính sát nhân. Tuy vậy chuyến đi này cũng mất hai đồng-bào (thường-phạm) bị liệng xác xuống Thái-Bình Dương. Con tầu đã chuyển sang Đại-Tây-Dương, để chuẩn-bị sẵn-sàng đối phó khi đặt chân lên đất Guy-An, chúng tôi liền cử một ủy-ban đại-diện gồm các anh : - Nguyễn-Đắc-Bằng, nguyên Chỉ-Huy phó Mặt-trận Hưng-hóa – Lâm Thao. - Giáo Duyên, Giáo Phú, nguyên cảm-tử-đội Thái Bình. - Nguyễn Văn-Liêm, Trần Tử-Yến, Mai Duy-Xứng, nguyên đội quyết tử ném bom Hà-Nội. - Vũ-Mô, nguyên Hộ-vệ-quân-đoàn Lâm-Thao. - Lê-Sửu, nguyên chiến-đấu-viên Yên-Bái. - Nguyễn-Tường, Trần Ngọc-Uẩn, nguyên quân-đoàn Vĩnh-Bảo. Để đảm-nhiệm mọi việc có liên-quan đến tinh-thần cũng như vật-chất của anh em. Tầu « Martinière » đã sắp đến Guy-An, bấm đốt tay đã trên bốn-mươi ngày bị nhốt trong khám sắt bồng-bềnh trên hai Đại-dương, mà chỉ có một lần, một lần thôi, chúng cho anh em được lên bong tầu hóng gió, khi tầu cập bến Hạ-Uy-Di, xứ mà người ta ca ngợi là nơi mơ-mộng thần tiên. Mỉa mai thay ! bốn tiếng « mơ mộng thần tiên » đối với những kẻ bị áp-bức, bị chân xiềng tay xích như chúng tôi, những người dân vong quốc ! https://thuviensach.vn VI. Ngục-thất thuộc-địa (Pénitentiaires Coloniaux de Cayenne) Sau khi được lên bong tàu hít thở khí trời tại Hạ-Uy-Di, toàn thể chúng tôi đều mong-muốn và cầu-nguyện con tầu sớm cập bến xứ Guy-An, dầu sao trên mặt đất cũng còn được dễ chịu hơn dưới ngục tối hầm tầu « Martinière ». Lòng mong-muốn ấy đã thành sự thật, hồi 4 giờ chiều ngày 30-6-1931 tầu « Martinière » đã cập bến Cay-En (Cayenne). Nhưng phải đợi đến tám giờ sáng ngày 1-7-1931 sà-lúp mới kéo sà-lan đến đón chúng tôi đổ bộ. Bước lên bờ, hân hạnh đầu tiên là được đạo binh Thuộc-địa rất đông đảo, súng ống chỉnh-tề ra tiếp đón, dồn từng tốp lên ba chiếc xe ca-mi-ông ọp-ẹp tiến về « Pénitentiaires Coloniaux de Cayenne », chúng tôi kêu là « Khám-Đường Thuộc-địa Cay-En số 1 ». Ngoài Khám-Đường Thuộc-địa số 1, Guy-An còn có một khám-đường lớn nữa, là « Pénitentiaires Coloniaux de Saint Laurent ». « Khám-Đường Thuộc-địa số 1 » là nơi 533 người chúng tôi tập trung, nằm dựa theo mé biển, cách Thủ-đô Cay-En vào khoảng hai cây số ngàn, khám-đường xây cất theo hình chữ Môn, khoảng giữa để một sân rộng lớn, làm nơi cho phạm-nhân ra phơi nắng mỗi buổi sáng, khám xây bằng đá xanh, mái lợp tôn. Ngoài khám-đường, còn có nhà ở, văn-phòng của Chúa ngục, nhà viên-chức, nhà bồi bếp và bót lính canh. Xung quanh khám-đường bao bọc bức thành xây đá xanh, bề cao 2 thước rưỡi rất kiên-cố, không khác gì lối kiến-trúc Ngục-thất Hỏa-Lò Hà-Nội. Tất cả những phạm-nhân ở các Thuộc-địa Pháp bị Tòa Án Pháp xử vào trọng tội đều phải lưu đầy đến Guy-An, bị giam cầm ở hai Ngục-thất kể trên ; riêng ở Pháp-quốc thời những phạm-nhân bị Tòa kết án từ 7 năm trở lên đều phải phát-vãng lưu đầy đến đây cả. https://thuviensach.vn Người Việt-Nam bị lưu đầy đến xứ Guy-An này lần đầu tiên vào năm 1922. Trong số phạm-nhân bị lưu đầy ấy có mười chính-trị-phạm thuộc phong-trào cách-mạng do Lương-Ngọc-Quyến và Đội-Cấn khởi-nghĩa ở Thái-Nguyên ngày 31-9-1917. Lớp người ấy đến nay chỉ còn sống sót lại một người đã được tha ra ở ngoài lấy vợ người bản xứ, chuyên nghề canh nông làm kế sinh-nhai ở Cay-En. Tại Khám-đường Thuộc-địa, chúng tôi được Bác-sĩ khám sức khỏe, thử nước tiểu và phân, chích thuốc phòng ngừa bệnh sởi, bệnh dịch… Vấn-đề ăn uống hàng ngày mỗi người được : - 700 gam gạo - 200 gam thịt hay cá tươi hoặc cá mặn - 500 gam rau tươi hay rau khô - 15 gam muối - 20 gam mỡ hay dầu - 5 gam nước mắm hay mắm đặc - 5 gam trà Chiếu điều-lệ thời như vậy, nhưng thực ra không bao giờ được ăn uống no đủ, vì bè lũ Giám-thị và tay sai của chúng xén bớt ăn chặn mất nhiều ; thì ra chế-độ ngục-thất Thực-dân ở đâu cũng vậy cả. Còn mặc, mỗi năm mỗi người được phát : - 2 bộ quần áo vải gai xanh - 2 đôi giầy lính (Brodequin) - 1 cái màn - 1 cái mền nỉ rộng - 2 đôi sà-cạp (bandes molltières) - 2 mũ bằng rơm - 2 chiếc chiếu - 2 áo bơ-lui bằng nỉ. Đó là y-phục phạm-nhân thuộc vào hạng « Transporté Asiatique de l’Inini » khác với y phục về hạng « Transporté du Pénitentiaires Coloniaux » https://thuviensach.vn mặc pi-ja-ma sọc đỏ. Còn hình-phạt thời Ngục-thất Thực-dân nào cũng vậy, cũng đánh đập tàn-nhẫn, cũng phạt cùm ở sà-lim, ở cát-sô, phạm trọng tội như giết người, vượt ngục… thời bị ra xử trước Tòa Án bản xứ. Còn cách đối xử, chúng tôi nhận thấy với anh em thường-phạm, Thực dân không quan tâm mấy, riêng đối với chúng tôi, Thực-dân coi là bọn phiến-loạn nguy-hiểm, nên chúng hết sức đề-phòng và đối-xử tàn-nhẫn. Trong những ngày tạm trú ở Khám-đường Thuộc-địa, chúng tôi không phải làm việc. Thời-kỳ này chúng cho là phạm-nhân còn ở trong vòng làm quen với khí-hậu Guy-An. https://thuviensach.vn VII. Chút ít lịch-sử về Guy-An (Guyane Française) Vào cuối thế kỷ thứ 15, ông Kha-Luân-Bố (Christophe Colomb) người Tây-Ban-Nha đã tìm ra quần-đảo Antilles (1492-1493), tầu buồm của ông Kha-Luân-Bố bỏ neo ngoài khơi đảo Cuba, lên Haiti đảo Dominique ; Kha Luân-Bố cũng đã ghi vào bản-đồ trong khi thám-hiểm Mỹ-Châu lần thứ hai. Qua năm 1499, một người Tây-Ban-Nha khác tên là Vénézuela để chân lên Nam-Mỹ và cũng đã lấy tên mình đặt cho xứ Vénézuela hiện nay. Kế tiếp người Tây-Ban-Nha đua nhau đến ở rải rác Trung-Mỹ và Nam Mỹ-Châu, họ đem cả gia-quyến và bạn bè đến đây sinh cơ lập nghiệp. Riêng về người Anh, Hà-Lan và Pháp thì chiếm lãnh Guy-An (Nam Mỹ-Châu) vào khoảng bán thế-kỷ thứ 17, xen vào phần đất của Vénézuela và Cabral. Theo lịch-sử truyền khẩu của thổ-dân Guy-An thời chủ phần đất Guy An hồi ấy là một khách phiêu-lưu người Tây-Ban-Nha, sau một tháng đánh bạc với một tay buôn lậu Quốc-tế người Pháp tại Cay-En, người Tây-Ban Nha ấy bị thua bạc gần nửa tỷ quan, nên bằng lòng nhường lại đất Guy-An cho người Pháp đổi lấy chiếc tầu buồm và mười kiện hàng hóa. Người Tây Ban-Nha này rời qua bên kia sông Ma-rê-ni để rồi vài năm sau lại bán phần đất đai này cho người Hà-Lan. Guy-An thuộc Pháp thuộc nam Mỹ-châu là một cao-nguyên trên xích đạo giáp với xứ Guy-An thuộc Hà-Lan và Ba-Tây (Brésil), một mặt giáp Đại-Tây-Dương. Thời bấy giờ Guy-An quá độ hoang-vu, vì bộ-lạc thổ-dân khi thấy người da-trắng đến, họ liền kéo nhau lánh vào miền rừng núi âm-u. Diện-tích Guy-An thuộc Pháp là 91.000 cây số vuông, người Pháp bắt buộc phải nhờ đến bọn chuyên-môn buôn người qua Phi-châu mua mọi da đen đem về làm nô-lệ ở Guy-An ; đồng thời lại đề-nghị với Chính-Phủ Pháp cho thiết lập Ngục-thất ở Cay-En (Cayenne) là Sanh-lô-răng (Saint-Laurent) để đem phạm nhân từ Chính-quốc và các thuộc-địa tới giam để lấy nhân- https://thuviensach.vn công kiến-thiết xứ Guy-An, thêm với một số lớn người Trung-Quốc đến sinh cơ lập nghiệp, với một số dân các đảo lân cận đến. Phạm-nhân bị lưu đầy đến đây, khi mãn hạn tù cũng không được trả về xứ sở. Nhân-số hiện nay đã tăng lên tới 37.000 người. Thủ-đô xứ Guy-an là Cay-En (Cayenne) dân-số có 11.700 người, đương tiến trên con đường kiến-thiết mạnh-mẽ, nhà cửa xây cất theo kiểu Âu, đường xá mở mang rộng lớn, nhất là về phương-diện văn-hóa Pháp tiến triển rất mạnh. Thuộc miền xích-đới và nhiệt-đới, nên khí-hậu nóng và mưa nhiều, nhiều khi mưa to luôn hai ba ngày mới dứt. Tại Cay-En (Thủ-đô) hàn-thử biểu chỉ 25 độ tháng giêng, và qua tháng chín thời 27 độ. Khí-hậu giống như tháng tư tháng năm ở Sài-gòn và Nam-Vang. Tiếng nói của thổ-dân vẫn giữ tiếng bản-xứ, gọi là « Créole », tiếng Anh có một số ít nói được, còn tiếng Pháp đa số nói thông mỗi khi phải giao-thiệp với người da trắng. Thổ-dân chuyên về nghề nông, cấy lúa, trồng bắp, sắn (củ mì), khoai lang, khoai môn, mía để cất rượu gọi là Tafia hay là Rhum, chuối dùng còn thừa, thường xuất cảng sang Pháp. Sắn (củ mì) là món ăn chính của dân bản xứ. Ngoài thổ-sản trên, còn có nhiều mỏ vàng và nhiều thứ gỗ rất quý giá. Các nhu cầu như vải, thuốc-men, da thuộc và các đồ cần-thiết khác đều từ ngoại-quốc tải vào ; dân địa-phương chẳng có một thứ công-nghệ gì đáng kể ! Từ 1947, Guy-An đã trở thành một Hành-tỉnh của Pháp, dân bản-xứ trở nên công-dân Pháp, đã có Nghị-sĩ tại Quốc-hội Pháp, có đôi người ra làm quan Tòa, Bác-sĩ, Y-sĩ, v.v… lại thành lập cả chính-đảng, trụ-sở tại Ba-lê. Dân chúng được hưởng tự-do bình-đẳng hoàn-toàn, đôi khi thấy họ thường dùng máy phóng-thanh đứng trước dân chúng diễn-thuyết chỉ-trích những điều nhầm lẫn của Chính-Phủ. https://thuviensach.vn VIII. Ngục-thất đặc-biệt I-ni-ni (Ets Pénitentiaires spéciaux du Territoire de l’Inini) Sau thời gian dưỡng sức tại khám-đường Thuộc-địa thủ-đô Cay-En đúng một tháng, đầu tháng 8-1931, chúng tôi 533 phạm-nhân từ Côn-Nôn đến được lệnh Chánh-quyền Pháp cho lính áp giải đến I-ni-ni (Territoire de l’Inini). Đồng bằng ở Guy-An chiếm độ 1/5 diện-tích toàn xứ ; còn lại 4/5 gồm rừng già và cao-nguyên, phần đất hoang-vu này gọi là I-ni-ni. I-ni-ni được bao bọc bởi các xứ Guy-An thuộc Hà-Lan và Ba-Tây, ranh giới cách nhau bằng những con sông bề rộng độ chừng hai ba trăm thước. Sự sinh-hoạt hàng ngày cũng như tiếng nói của hai vùng Guy-An và I ni-ni khác hẳn nhau, bởi vậy nhà cầm quyền Pháp đã tách rời I-ni-ni ra khỏi Guy-An lập thành một bộ-phận riêng biệt. I-ni-ni là một vùng rừng rậm bao-la, nên rất nhiều thú dữ, đặc-biệt là rắn-độc thời nhiều vô kể, có những con to lớn đến đỗi mỗi khi lướt qua nơi nào là cây to đều bị gãy răm-rắp, làm thành một vệt đi rất lớn ; bởi vậy mà ít người dám liều mạng bén mảng đến gần rừng I-ni-ni. Nhưng I-ni-ni lại rất nhiều tài-nguyên, đặc-biệt là vàng và gỗ quý. Giữa một khu rừng rậm bao-la hoang-phế ấy, không một túp lều tranh, thực-dân đã vất chúng tôi xuống đó, trao cho đủ dụng cụ phá rừng, cuốc đất, đổ nền, để kiến-thiết nên một dẫy 15 cái trại, vách ván mái lợp gỗ, xung quanh căng dây thép Gai rất khít cao 3 thước 50. Nơi đây đã kiến tạo nên một ngục-thất mới, quy-mô rất vĩ-đại để giam cầm chúng tôi, 533 tên nô-lệ da vàng từ thuộc-địa Đông-Dương đến. Khám-Đường mới này được Chính-quyền Pháp tại Guy-An đặt tên là : « Etablissements Pénitentiaires Spéciaux du Territoire de l’Inini ». https://thuviensach.vn Khám-Đường cửa mở suốt ngày, duy tối đến phải đóng kín khóa kỹ, xung quanh do lính da đen rạch-mặt (Sénégalais) vác súng canh gác cẩn mật. Mỗi trại giam chúng nhốt 50 phạm-nhân, ngoài trại giam phạm-nhân còn có nhà riêng của Chúa-ngục, nhà Giám-thị, nhà lính gác ở, nhà bếp, nhà thuốc. Sau khi khám-đường kiến tạo xong, chúa-ngục chia chúng tôi làm hai tốp : 100 phạm-nhân gồm những người ốm yếu được phát đủ dụng cụ và hạt giống đi phá rẫy dọc theo con sông Ma-rê-ni lấy đất trồng tỉa ; còn lại bao nhiêu thời bắt đi vào rừng đốn cây làm củi. 1) TRỒNG TỈA Dọc theo sông Ma-rê-ni, đất pha đất sét, bùn lầy và lá cây rụng lâu ngày thành phân mục, nên đất trở nên rất tốt. Chúng tôi những đứa con lạc lõng vong-quốc Việt-Nam bị đầy-đọa đến đây, nơi rừng thiêng nước độc, bao-la hoang-phế nầy để trồng rau cung-ứng cho cả nhân-dân xứ Guy-An, vì thổ-dân rất lười, hơn nữa họ cũng không thích ăn rau. Chúng tôi không ai bảo ai, đều cố gắng trồng trọt, trước hết là để cung-ứng chất-tươi cho hơn năm trăm anh em xấu số, đồng-bào của chúng tôi, hiện đương bị đầy-đọa ở nơi thâm-sơn cùng-cốc này. Thời-gian qua, thấm thoắt đã sáu tháng, ruộng rẫy trồng rau của chúng tôi đã thu được kết quả khả quan. Khoai-lang, một thứ khoai đặc-biệt không đâu có, to lớn dị thường, một củ khoai mà cân nặng từ trăm gam đến hai ký. Khoai mỡ có củ nặng đến sáu kí, củ cải đỏ cũng to lớn dị kỳ, có củ cân nặng từ ba đến năm trăm gam, cải bắp thì lớn bằng ôm tay, dưa-leo lớn trông không khác gì những trái bí-đao bên ta, cà-chua, sà-lách và các thứ rau khác cũng to lớn không kém. Tất cả số hoa-lợi này đều do lính gác kiểm-soát hàng ngày, số thu lượm được chúng đều cân rồi ghi vào sổ, đem phân phát cho phạm-nhân mỗi khẩu-phần mỗi ngày ba-trăm gam, lính mỗi tên hai kí, còn Chúa-ngục và Sĩ- https://thuviensach.vn quan thời vô hạn định. Chúng tha hồ dùng, dùng không hết, chúng đem bán lại cho lái-buôn chở về bán ở Sanh-lô-răng hay đổi lấy rượu ở Cay-En. Không những anh em chúng tôi được ăn rau tươi hàng bữa, lại còn được ăn mướp-hương ở Việt-Nam, chuyện thật ly-kỳ và thú-vị đặc-biệt. Vậy tôi xin ghi lại đây để cống-hiến đồng-bào một chút kỷ-niệm đời tù đầy của chúng tôi tại I-ni-ni. Nguyên có một đồng-chí của chúng tôi, anh Trương-Văn (người Tầu lai Việt) vốn tính cẩn-thận, khi ở Côn-Nôn anh thường dùng « SƠ-MƯỚP » để mỗi khi ở công-xưởng ra, anh lấy sơ-mướp để kỳ-cọ trong việc tắm-rửa. Đến khi từ giã Côn-Nôn, anh không quên nhét một ít Sơ-Mướp vào « Ruột Tượng » mang theo sang Guy-An. Một bữa, anh đem sơ-mướp ra suối tắm, tình cờ Trương-Văn tìm thấy trong sơ-mướp còn sót lại hai hột, anh vui mừng quá nhảy lên trao lại cho chúng tôi, mỗi người nâng-niu hoan-hỷ, ai nấy đều nhẩy lên reo-mừng vì cả xứ Guy-An này không đâu có giống mướp : Hơn nữa, nó còn là một vật kỷ-niệm, một thứ rau duy-nhất chỉ có ở nước Việt-Nam thân-yêu của chúng ta. Hai hạt mướp ấy chúng tôi đem trồng ngay sau sân trại giam, không ai bảo ai, ai cũng như ai, đều săn-sóc vun-sới tưới-bón, nâng-niu quả-báu hơn vàng ; thấm-thoắt 45 ngày qua, đúng vào ngày mồng 1 tháng 5 năm 1932, bẩy trái mướp lứa đầu được ngắt xuống, anh em toàn trại chuyền tay nhau nâng-niu coi như một vật quý nhất trong đời mình, rồi đem phân phát mỗi trại đều nhau. Muốn được cùng hưởng hương-vị quê-hương một cách đồng đều. Trại chúng tôi đem xắt thiệt nhỏ bỏ vào một soong lớn nấu với thịt heo, hương thơm ngào-ngạt tỏa ra khắp trại, một bữa cơm thật đặc-biệt ngon lành. Và cùng từ đấy cả xứ Guy-An đều được thưởng thức một món rau mới « MƯỚP HƯƠNG VIỆT-NAM » do đoàn chiến-sĩ cách-mạng Yên-Bái đem đến. 2) ĐỐN CỦI VÀ TÌM GỖ QUÝ https://thuviensach.vn Mỗi ngày chúng tôi một đoàn gồm 50 người bị bọn lính rạch mặt lùa vào rừng sâu đốn cây làm củi, và phải bó lại đội lên đầu, chứ không được gánh ; mà phải đốn và gánh làm sao cho đủ số 50 thước củi mỗi ngày. Nếu số củi bị thiếu thì thế nào năm bẩy anh em trong số sẽ phải chịu sự hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, hoặc bị chúng trói lại treo ngược lên sà nhà và cho uống nước muối. Đoàn khác hàng trăm phạm-nhân chúng tôi phải len-lỏi vào rừng sâu tìm « CÂY HƯỜNG » cho thực-dân, do bọn lính rạch mặt da đen kìm giữ và thúc đẩy. Mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần-lễ. Hàng chín mười ngày cũng nên, nên phải đem theo cơm khô và muối ớt, còn khát thời đã có nước suối thiếu gì. Vậy cây hường là thứ cây gi mà Thực-dân lại bắt tìm tòi như vậy ? Cây hường là thứ cây khó tìm nhất trong các loại cây ở các khu rừng xanh hiểm trở ở Nam Mỹ-châu. Trong thớ gỗ cây hường phảng-phất có một mùi thơm như hoa hường (hoa hồng), thớ gỗ đã mịn-màng mà sắc gỗ thời mầu hồng, có chất dầu « linalol ». Chất này rất cần thiết trong công-nghệ chế tạo dầu thơm ; bởi vậy cây hường bán được giá rất đắt trên thị-trường Âu-Châu. Muốn cho xuất cảng được nhiều và thu được nhiều lợi, thực-dân bắt chúng tôi phải lặn-lội vào các rừng sâu tìm cây hường, hạ cây hường rồi bào ra, để cho việc vận-tải dễ dàng, xuất-cảng thuận-lợi. Nhất là từ ngày hãng nước-hoa COTY ở Pháp phát triển kỹ-nghệ làm nước-hoa to tát, thời cây hường lại được tiêu thụ rất nhiều và giá bán lại rất cao ; cây hường ở Guy An trở thành món hàng độc-quyền cho hãng COTY. Cây hường càng lâu năm bao nhiêu thời dầu thơm càng nhiều, mà giá bán lại càng đắt ; nhưng càng bán được nhiều, chúng thu được nhiều lời bao nhiêu, thời thực-dân lại càng xua chúng tôi vào sâu những rừng già hoang vu đầy gai góc dây leo chằng-chịt, đầy rắn-độc và thú-dữ bấy nhiêu, để tìm cho bằng được những cây hường đã sống lâu năm. Theo lời khuyên-nhủ của thổ-dân, chúng tôi ai nấy đều phải chuẩn-bị mang theo bên mình một ít « ngải-tím » để ngậm, trừ bịnh chói nước vật-vã và « ngải-vàng » để hút nọc rắn độc, nhờ thế nên cũng đỡ được nguy-hiểm đến tính-mạng phần nào ! https://thuviensach.vn Một lần, trong một chuyến đi tìm cây hường, đoàn chúng tôi bị lạc vào rừng hoang khi tới ngả rẽ của con sông Ma-rê-ni, mà đoàn lại bị cạn hết lương-thực sáu bẩy ngày ngược theo giòng sông I-ta-ni. Bọn lính da đen và lính rạch mặt phải săn nai hay bất cứ con thú nào vô phước để chúng giết thịt nướng ăn. Bọn lính độc-ác ấy liền lựa trong đoàn chúng tôi lấy hai người coi bộ ốm yếu nhất, rồi chúng bắt gắp thăm để lấy một người ; kẻ bất hạnh ấy là anh T. ; Anh phải ra ngồi gốc cây kêu giọng the-thé bắt-chước giọng nai con kêu mẹ để dụ nai cha hay nai mẹ đến, hoặc có khi cọp hay gấu đến không biết chừng, để cho bọn lính bắn xơi thịt. Anh T. bắt buộc phải ra ngồi gốc cây từ sớm, the-thé kêu vang như tiếng nai con lạc mẹ, kêu mãi đến khoảng tám giờ, thì một con nai rất lớn chạy đến, nhưng lại có cả một con cọp đen to lớn như con bò mộng cũng đến, ngồi sừng-sững nhìn anh T. cách chừng ba-mươi thước trở lại. Thấy nai và cả cọp, anh T. lạnh buốt gáy, thần hồn mê loạn, ngồi thu hình cứng đờ như gỗ, đá, nhưng giây phút anh tỉnh trí, vì đã có một lần những người thổ-dân đã căn dặn anh : « Nếu khi gặp cọp mà sơ ý quờ tay hay đứng dậy thời tất bị cọp chồm lên vồ tức-khắc ; nhưng nếu bình-tĩnh ngồi yên không cử-động, thời đời sống còn được kéo dài thêm ít phút, mà may ra còn có cơ-hội cứu-nguy ». May mắn sao cho anh T., nai và cọp đến, bọn lính thấy kịp, mười hai phát súng nổ, nai và cọp cùng bị hạ, T. thoát chết, thoát vì cọp vồ hay thoát vì viên đạn vô-tình của lính cũng thế ! Ngoài cây hường, phạm-nhân còn phải đi tìm những loại cây gỗ quý, như cây « VOA-BA », dùng để thay ngói lợp nhà, cây « TIM » dùng để đóng đồ đạc trong nhà, cây « CO-CO-LA » dùng làm cột nhà rất thẳng và rất tốt, cây « BA-LA-TA » làm giây cột. Ở Guy-An không có ngói, nên nhà phải lợp bằng tôn hay ván cây, nhà nào lợp bằng cây « VOA-BA » là nhà ấy coi bộ giầu có. https://thuviensach.vn Rừng ở I-ni-ni lại còn một thứ cây rất lạ, thổ-dân kêu là « BẪY CHIM », thớ gỗ có vằn hoa như da rắn, ngoài vỏ cây thời tiết ra một thứ nhựa tựa như keo đặc, vô phúc cho những con chim nào bay qua vướng vào thân cây ấy, thời con chim ấy chỉ còn một nước là chờ chết khô, hoặc làm mồi cho rắn cho trăn mà thôi. Tìm cây hường, đoàn chúng tôi vừa anh em cách-mạng, vừa thường phạm đã bị bỏ xác trong rừng già hơn 70 người. tính trung-bình thì cứ hai ba ngày là có một người phải ngã gục vì rắn vì cọp, hoặc vì hộc máu mồm sau một cơn sốt-rét mười lăm phút ; mà cho mãi đến ngày nay người ta cũng vẫn chưa tìm ra căn-nguyên chứng-bệnh sốt-rét kỳ-quái ấy. Có người bảo đó là do ở con ruồi bông (một loài ruồi lớn ở Nam-Mỹ giống như con nhặng thường cắn trâu ở bên ta). Theo lời thổ-dân ở vùng Ma-Na, thì tại nạn-nhân chân dẵm phải loài nấm « CỎ HUYẾT ». Tục truyền : « Cách đây vào khoảng 12.000 năm, khi Nam Mỹ-châu còn dính liền với Phi-Châu bởi đất Át-lăng-tít (Atlantide) có một giống ngựa rừng lông đỏ như huyết trên đầu có u, loài ngựa này tinh-khôn và lại có linh-tính dị thường. Một ngày nọ, trời bỗng nổi giông tố, mưa to gió lớn ròng-rã suốt bẩy ngày đêm, cùng lúc ấy hàng chục núi-lửa đã từ lâu âm-ỷ bỗng nhiên phun lửa một cách dữ dội, khói tỏa mù trời. « Từ các đồi, rừng hoang, từng đoàn ngựa, voi, cọp, sư-tử, gấu thi nhau cuốn đuôi chạy nhắm hướng Nam Mỹ-Châu tẩu thoát tránh nạn ; nhưng loài ngựa đã nhanh chân hơn, nên dẫn đầu. Hàng triệu con chạy, chạy thâu đêm suốt sáng bỏ cả ăn uống, qua ngày thứ tám, đoàn ngựa đó đã tiến đến vùng cao-nguyên thuộc phần đất Guy-An này, thì phần đất Át-lăng-tít bị nổ tung, và chìm xuống đáy bể Đại-tây-dương, Phi-châu và Nam Mỹ-Châu tách làm đôi, chỉ còn lại quần đảo Ô-Ro (Aurores) hiện giờ. « Đoàn ngựa đó vì chạy mệt quá, nên sau khi ghé xuống bờ sông Ma Na uống nước, thời đều bị ngã gục chết hết. Chỗ xác ngựa chết lâu ngày mọc lên một thứ cỏ mầu đỏ như huyết, loài cỏ huyết khi nước ngập chết, https://thuviensach.vn sinh ra thứ « nấm huyết độc ». Loài nấm này là một vị thuốc độc mạnh nhất không thuốc nào bằng, ai nhầm phải thì chỉ nội trong mười năm phút là thân-thể sưng vù và bầm tím, rồi hộc máu ra chết liền ». 3) ĐÃI CÁT SẠN TÌM VÀNG Vàng, vàng trong nước suối, vàng lẫn vào cát ở hai bên bãi con sông, vàng chìm trong đất sỏi ở các đồi cao, ở khe đá. Vàng ở khắp nơi I-ni-ni, Guy-An thuộc Pháp. Từng đoàn người dân xứ Guy-An ngược những giòng sông Ma-rô-ni, Ma-Na, Approvagne, Oyapek để đãi cát sỏi tìm « VÀNG ». Tìm được vàng sau bao ngày lặn-lội lăn-lóc bên bờ suối, trong kẹt đá, trên khắp đồi cao, trong rừng già ; người ta đã xách từng túi vàng về Cay-En bán cho các lái buôn Trung-Hoa. Theo giá vàng thời ấy (1931-1932) chỉ có 17 quan tiền Pháp một gờ-ram. Theo số thống kê, thời năm 1931 tổng số vàng tìm được đem bán tại Cay-En là 4.500 kí-lô. Bán được vàng, họ mua lương-thực, sắm thêm dụng cụ cần-thiết ăn chơi phè-phỡn, nghỉ ngơi ít ngày, rồi lại cất bước ra đi tìm vàng ; cũng có một số ở lại Cay-En đánh bạc, uống rượu, ăn chơi tiêu xài cho bằng hết tiền, rồi mới chịu ra đi. Lặn-lội lăn-lóc, chịu bao cảnh gian-khổ để tìm vàng, mong được làm nhà triệu-phú, nhưng nào đã ai thực hiện được giấc mộng ! Rốt cuộc, vàng và người đều chôn vùi ở đất Guy-An ! Giá vàng đương ở mức 17 quan một gờ-ram bỗng vụt cao lên 170 quan. Viên Toàn-quyền Guy-An liền hạ lệnh cho Chúa-ngục bắt phạm-nhân chúng tôi phải đi « đãi cát sạn tìm vàng ». Đoàn chúng tôi cùng bọn lính mọi đen rạch mặt áp giải tiến về phía đông nam ngã ba sông Ma-rê-ni và I-ta-ni đến vùng cao-nguyên cao trên năm trăm thước, chúng tôi gọi là « Trường-xà », vì hình-thế cao-nguyên này trông giống như một con rắn lớn nằm ngó ra bể. Tại đây rừng thưa dần, ít https://thuviensach.vn gai góc nhưng bị nhiều dây leo chằng-chịt như ở rừng « Thập-Tuyệt », nơi nguy-hiểm đã vào khó ra. Từ Trường-xà hàng trăm ngọn suối quanh năm đổ xuống rừng Thập Tuyệt. Có những ngọn suối chảy róc-rách chen từng kẹt đá, chảy quanh vực sâu lượn giữa các cổ-thụ, có những ngọn suối nước xô nhau tuôn xuống bắn tung-tóe lên như muôn ngàn hạt kim-cương lấp-lánh dưới ánh mặt trời ; lại có những ngọn suối mà tiếng nước chẩy ngân lên vang dội, nghe gầm-gừ như đàn cọp, báo đang ngáy ngủ. Chúng tôi lựa một ngọn suối tương đối lớn, nước chảy từ-từ, mầu nước xanh lơ, hai bên bờ có bãi cát rộng ; chúng tôi liền đặt tên thơ mộng cho cái suối đó là « Thanh-tuyền ». « Thanh-tuyền » là nơi được coi có nhiều vàng nhất chảy dọc theo Ma rê-ni. Dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, hai bên bờ suối những mảnh vàng vụn phản chiếu lên long lanh, giữa giòng suối những mảnh vàng vụn lắng xuống trông như một giải « lụa vàng », bề ngang rộng độ nửa phân tây. Chúng tôi chia nhau thành từng tốp, tốp đãi cát dựa theo bờ, tốp đắp bờ ngăn nước ở mấy chỗ có eo, dùng thủy-ngân để quấn mạt vàng cho dễ, tốp thì lần theo kẹt đá, dùng búa tay đập từng viên đá nhỏ có óng-ánh mạt vàng. Vàng nặng nên lắng xuống rất mau, nếu thùng cát nào có vàng. Phải năm bẩy thùng cát vo đi lọc lại, chúng tôi mới có được một hai ly vàng. Nước suối lạnh giá như băng, chúng tôi phải đứng ngâm nửa thân mình dưới nước, ngày nào cũng từ sáng đến tối, chỉ được nghỉ mười lăm phút vào hồi 12 giờ trưa để ăn cơm. Trên đầu thì mòng-đỏ, mòng-xanh, mòng-vàng hàng đàn bay lượn như đàn ong vỡ tổ, chỉ chờ cơ-hội mà cái đầu chúng tôi quên lắc-lư như kiểu các bà bên nước ta lên đồng hầu thánh, là chúng đáp ngay xuống bâu vào cổ, xiên ngay vòi vàng vào những lỗ chân lông hút máu một cách say-sưa, và chờ cho chúng tôi phải nghỉ tay đập chết mới thôi, chứ chúng nhất quyết không chịu buông tha. Ngoài mòng, lại còn giống muỗi vàng đánh hơi rất tài tình, mỗi khi ngửi thấy hơi người là chúng bay đến hàng đàn tủa như cơn giông tố sắp https://thuviensach.vn đến. Hai cánh tay dơ lên để đãi cát, mà chỉ chừng hai mươi giây đồng-hồ thôi, là chúng tôi đã có ngay một khúc tay bằng muỗi vàng như nghệ. Đến nước đó, thì chỉ còn một cách là dìm mình xuống lòng suối mới mong cứu vãn được tình-thế nguy-nan mà thôi. Bởi thế, hai cánh tay chúng tôi cứ phải lắc đi lắc lại để đãi vàng, mà đầu cũng cứ phải dao động luôn luôn. Cứ làm việc ròng-rã như thế suốt trong một tuần lễ, mới được đoàn khác đến thay. Chúng tôi được đem vàng về cân nộp cho Chúa ngục, và được phép nghỉ xả hơi hai tuần. Chính-quyền Pháp bỏ vào túi riêng bao nhiêu không biết, nhưng căn-cứ trên giấy tờ, thời mỗi tuần-lễ chúng gửi về chính-quốc từ 50 đến 60 ki-lô vàng do phạm-nhân chúng tôi kiếm được. Được một gờ-ram vàng đem về nộp, phạm-nhân sẽ thoát được mười hèo mây quật túi-bụi lên đầu lên cổ, và đôi khi còn bị Chúa-ngục huýt chó bẹc-giê ra ngoạm cổ vật ngã xuống, cắn đến tử thương. Rất tiếc là các anh em thường-phạm không chịu nghe lời khuyên can của chúng tôi, biết giữ-gìn nhân cách, chỉ quen tính ngông-cuồng ương-bướng, làm ít chơi nhiều, số vàng thường kiếm được rất ít, nên một số bị bỏ mạng. Xác chết được chúng đem ra làm mồi nhử cọp, để bắn cọp lột lấy da đem bán một giá rất đắt, bù vào số tiền bị thiếu hụt của chúng : không được vàng được da cọp cũng thế ! Đứng trước cảnh tàn-bạo dã-man, khủng-khiếp rùng-rợn, chúng tôi đã nhiều lần bàn tính với nhau tìm một biện-pháp để thoát khỏi tai-nạn « đãi cát sạn tìm vàng ». Thì bỗng một hôm, anh T. nẩy ra một sáng-kiến tìm vàng ngay ở những đống phân của chim bồ câu, may ra bớt đau-khổ một khi có lệnh bắt đi bòn vàng. Nguyên một hôm, chúng tôi đương ngồi đập nhỏ những viên đá từ trên núi đem về trong sân nhà một Giám-thị người Pháp, anh T. để ý thấy đôi chim bồ-câu đứng mổ gạo cạnh chúng tôi, nhưng cặp mắt của chúng vẫn hướng về đống đá vụn bên cạnh chúng tôi. Anh T. liền lấy gạo nhử chúng https://thuviensach.vn đến gần đống đá vụn, và chú ý theo dõi, thời lạ thay ! chúng không mổ gạo, mà lại mổ những tấm vàng lóng-lánh, bồ-câu ăn vàng. Chúng tôi bèn cùng nhau phác định một kế-hoạch làm sao có được một đàn chim bồ-câu để huấn-luyện cho chúng biết cách đi tìm vàng thay thế cho chúng tôi. Nhưng việc cốt-yếu là làm thế nào cho có được một đội quân chim bồ-câu hùng-hậu ở trong trường-hợp tù-tội giữa nơi rừng hoang cô-tịch bao-la bát-ngát này ? « Tham vàng » chúng tôi liền áp dụng tâm-lý của loài người vào tên Giám-thị Pháp là chủ-nhân trên năm-mươi con chim bồ-câu. Đem vàng nhử hắn, chúng tôi thuyết phục được. Hắn bằng lòng bán đứt cho chúng tôi một đôi chim câu với giá một trăm năm chục gam vàng, với điều-kiện là phải trả trước 50 gờ-ram, còn thiếu lại một trăm gờ-ram được trả góp dần, và hắn lại còn bằng lòng cho phép chúng tôi được toàn quyền xử-dụng cả bầy chim câu của hắn nữa. Chúng tôi liền bắt tay vào việc, trước hết lấy sái thuốc phiện do một anh bồi tiệm thuốc của một tên giám-thị Pháp trao cho, đem sái ấy nấu lên thành nước, lấy một phần nước ấy trộn lẫn với gạo và bụi vàng và một phần pha vào nước, rồi cứ đúng năm giờ chiều chúng tôi đem cho bầy chim ăn uống no say để tập cho chúng quen dần. Nhưng trước hết đem thí-nghiệm cho đôi chim câu của chúng tôi mua được, thời thấy rất có kết-quả, vì cứ đúng năm giờ là cặp chim bay đến quanh-quẩn bên cạnh chúng tôi. Thấy có kiến hiệu, chúng tôi liền đem kế-hoạch ra thi-hành cho cả đàn chim, trong ít ngày sau, cũng thấy có kết quả ; nghĩa là chiều nào cũng vậy, sau khi tiếng kiểng nhà tù báo hiệu năm giờ, thời cả bầy chim không thiếu mất một con nào cả, đều xúm lại bên cạnh chậu nước của chúng tôi. Chúng tôi phân công : một tốp chuyên lo việc quét dọn chuồng cho sạch sẽ để lấy phân, một tốp lo chuẩn bị đồ ăn và canh chừng đúng giờ mới cho chúng dùng, một tốp đi tìm vàng đem bầy chim câu đi theo và trông nom chúng. Quả thật, chúng tinh mắt và lanh-lẹ, bay lên đồi hoặc xuống bãi cát tìm vàng vụn để ăn một cách dễ dàng hơn người nhiều. https://thuviensach.vn Hàng ngày trừ năm ba con về chậm, còn cả bầy chim thường bay về rất đúng giờ. Nhưng số vàng đàn chim nhặt về, kết quả vẫn kém người nhiều, nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi tìm vàng ; nhưng đàn chim chim cũng đã giúp đỡ cho chúng tôi đỡ vất-vả cùng mệt-nhọc một phần nào ! Trong thời-gian bị giam cầm ở đây đã có hai-mươi anh em trốn thoát, trong số có bẩy chiến-sĩ cách-mạng đồng-chí của chúng tôi là các anh : Giao Bằng, Quế, Cai Rủ, Thống, Giám (Bắc-Việt), Chứ (Nghệ-An), Hoạt (Quảng Nam). Và đến nay chúng tôi cũng vẫn không được tin-tức gì về số phận của các bạn ấy cả. https://thuviensach.vn IX. Ngục-thất Ăng-ghi Dù ở trong hoàn-cảnh đau-thương tột bậc, chúng tôi vẫn phải luôn-luôn tỏ ra cho người ngoài không thể khinh-khi, vì mang danh là cách-mạng của một quốc-gia có trên bốn ngàn năm lịch-sử vẻ-vang. Hàng ngày mỗi buổi tối anh em đều tổ-chức cuộc nói chuyện, tranh-luận và các vấn-đề chính-trị, học tập thêm văn-hóa, tu-dưỡng đạo-đức, giữ vững tinh-thần, mọi sinh-hoạt trong nhà giam đều được phân công trách-nhiệm rõ-rệt ; nên dần dần bọn thống-trị ở đây bắt đầu kính-nể, thổ-dân cũng tỏ tình thiện-cảm, không còn có sự hiểu lầm chúng tôi là bọn sát-nhân trộm cướp như khi mới đến đất này. Số phạm-nhân từ các thuộc-địa, từ chính-quốc phát vãng đến Guy-An mỗi ngày mỗi nhiều. Toàn-quyền Guy-An liền ra lệnh di chuyển hết thẩy những phạm-nhân 2gồm cả chính-trị-phạm đến Ngục-thất Ăng-ghi, ngục thất dành riêng cho phạm-nhân Thuộc-địa Đông-Dương. Ăng-ghi, vị-trí thuộc phía bắc phần đất I-ni-ni,cách Thủ-đô Cay-En gần một trăm cây số, nơi đây là khu rừng thiêng nước độc, nơi đây chưa hề có dấu chân người. Sao lại có cái tên Ăng-ghi (Crique d’anguilles). Là vì vùng này có loài cá lạch, thân dài mà mỏ cũng dài, mình tròn như con lươn. Đặc-biệt giống lươn này có chất điện trong thịt, nếu ai đụng phải nó, tức khắc bị điện giật. Giống lươn điện này sống trong một cái đầm rộng mênh-mông, lăn lác mọc đầy, thông ra một cái rạch tiếp với sông Sin-na-ma-ri, cửa rạch trở ngang mặt thị-trấn nhỏ Ru-A (Roua). Ngục-thất giam chúng tôi được thiết-lập trên bờ rạch có giống lươn điện này, nên mệnh danh là « Ngục-thất Ăng-ghi ». Ngục-thất ở giữa, ngoài căng giây thép gai chằng-chịt, truyền điện, xung quanh là nhà Chúa-ngục, tư-thất các sĩ-quan và trại lính bao vây. 3 https://thuviensach.vn Thủ-đô Cay-En cũng gọi ngục-thất Ăng-Ghi là ngục-thất đặc-biệt, vì vị-trí của nó ở quá cách biệt, chỉ tiếp-xúc được với thị-trấn Ru-A và Cay-En bằng xuồng máy mà thôi. Phân khu Ăng-Ghi đặc dưới quyền cai-trị của một viên Đại-úy Pháp chỉ-huy một đại-đội lính Lê-Dương nắm trọn quyền sinh sát trong tay, muốn giết một phạm-nhân nào, y chỉ sai viên Thư-ký thảo một bức công-văn báo cáo với viên Toàn-quyền ở Cay-En với hai chữ : « CHẾT BỆNH », thế là xong đời ! Việc làm ở nơi đây cũng vẫn như công việc làm ở ngục-thất I-ni-ni, cũng vẫn tốp vào rừng kiếm cây hường, gỗ quý, tốp làm rẫy trồng rau, tốp đi tìm vàng. Hàng tuần có xuồng máy tải về Cay-En, rồi chở lương-thực và thuốc-men trở lại. Nhưng sự thực, lương-thực và thuốc-men phạm-nhân được hưởng thụ bao nhiêu ? Ăn vẫn thiếu, ốm chết người mà chúng chỉ thí cho viên ký-ninh vàng đã mốc, mà hình-phạt thời đặc-biệt khủng-khiếp vô cùng. Anh nào lười hay ương-bướng là bị chúng đánh cho đến kỳ ốm đòn, rồi trói chặt vào một cây cột dài đem ra đầm cắm cột xuống cho lươn điện giật cắn đến chết ; mà đã xong đâu ! chúng còn kéo xác lên làm mồi để câu cá sấu đầy dẫy ở khắp các sông ngòi. Thường thường một xác người câu được hai con cá sấu, hay ít nhất cũng được một con. Đem về lột lấy da, bán cho các lái buôn Trung-Hoa, mỗi tấm da giá trung-bình là 70 quan, nếu được hai tấm da, chúng thu được 140 quan, với số 140 quan chúng sẽ mua được một gờ-ram VÀNG. 1) CON ĐƯỜNG XƯƠNG MÁU Tiếng súng Lư-Cầu-Kiều nổ, báo hiệu một cuộc xâm-lăng của Đế-quốc Nhật-bản vào lãnh-thổ Trung-Hoa. Thực-dân Pháp bắt đầu lo đến số-phận tồn vong của các thuộc-địa mình, liền ra lệnh cho các Chính-phủ cai-trị Thuộc-địa phải chuẩn bị đề-phòng các dân-tộc bị-trị nổi lên chống đế-quốc. https://thuviensach.vn Tại Guy-An, Pháp dự định làm một con đường xuyên I-ni-ni nối liền khu La-Phô với khu Ăng-Ghi xuyên qua Sanh-Ti (Saint Tigre) thẳng về Cay-En, con đường chiến-lược của Pháp. Con đường mới này dài khoảng ba trăm cây số ngàn, và sẽ là con đường đá lớn thứ nhì của Guy-An, vì từ trước đến nay Guy-An chỉ có độc một con đường đá ven biển mà chỉ hạng xe du lịch mới chạy qua được mà thôi. Vậy con đường mới Pháp bắt đầu làm đây, việc khai-thác miền rừng I ni-ni sẽ được dễ-dàng, các lâm-sản được chuyển vận ra tầu bể mau lẹ. Nhưng điều quan-trọng hơn hết là nhờ con đường mới này, lực-lượng võ trang của Pháp sẽ khỏi lo bị bắt sống trọn ổ, một khi có chiến-tranh lan tràn tới. Bởi vậy chính-quyền Pháp tại Guy-An đã huy-động tất cả các sắc phạm-nhân : Đen, trắng, đỏ, vàng trong bốn ngục-thất, gồm cả số phạm nhân bị phạt nhốt trong « hầm-đá, hầm-gạch » để thực-hiện chương-trình trên. Riêng số phạm-nhân ngục Ăng-Ghi được chia làm 12 kíp, mỗi kíp 50 người, sáu kíp từ La-Phô đi qua hướng đông-bắc, còn sáu kíp thời từ bờ sông Sin-Na-Ma-Ri đi lại, và sẽ gặp nhau trên bờ sông Ma-Na để cùng kiến thiết cầu cuối cùng của chương-trình. Ngục Ăng-Ghi được làm trụ-sở trung ương của cấp chỉ-huy, tiếp-tế lương-thực và dụng-cụ. Công-tác bắt đầu là phải dọn con đường thông suốt từ La-Phô qua Sanh-Ty. Phạm-nhân mỗi người được phát đủ dụng-cụ cần-thiết tùy công-tác từng kíp. Một kíp đi trước rẫy cỏ, chặt những dây gai chằng-chịt như tấm lưới thép, tiếp một kíp đi sau lôi những thứ ấy vứt bỏ sang hai bên lề đường, kíp thứ ba tiến tới hạ những cây to, kíp thứ tư cưa thân cây ra thành khúc dài hai thước, hai kíp chót thì cuốc, rẫy làm cho sạch-sẽ con đường. Vì gai góc nhiều quá, nên quần áo phạm-nhân đều bị rách mướt, họ phải ở trần-truồng như con nhộng để làm việc ; quần áo dành để tối mặc cho sạch sẽ và đỡ lạnh. https://thuviensach.vn Khí-hậu ẩm-thấp oi-bức lạ-lùng, bị cây-cối um-tùm làm cho ánh mặt trời không làm sao lọt xuống được. Khát ư ! xuống suối mà uống, nước suối thời đầy dẫy rễ cây, lá cây rừng già rụng xuống, lạnh như băng tuyết và độc chết người. Bữa ăn thời dùng cơm khô hoặc cơm nắm, nếu ai muốn gia-vị thời cứ việc đi ngắt lá-chua, trái-đắng ở rừng chấm với muối ớt, với khô mà xơi. Bắt đầu có vài ba người ngã gục, bụng sình lên như cái trống, xác vất xuống sông, lạch làm mồi cho cá sấu. Phạm-nhân da trắng con dân của Mẫu-quốc, quần áo có đủ nên không bị cởi trần truồng, khác với phạm-nhân thuộc-địa, mỗi tên có một sợi giây chuyền bằng đồng đeo cổ, ghi rõ tên tuổi và quốc-tịch, bọn lính da đen cũng vì nể họ hơn, nhưng rắn độc và thú dữ thời chúng không phân biệt mầu da, gặp cơ-hội là chúng xơi tuốt. Ban đầu, mỗi tuần xẩy ra vài mạng bị rắn độc, cọp, sư-tử vồ, làm cho mọi người sợ hãi, dần về sau, người ta quen vì cực khổ quá, nên không còn ai để ý đến những tin kinh-khủng ấy nữa ! Để khủng-bố tinh-thần, bọn lính da đen dùng lưỡi-lê xiên qua bụng một vài phạm-nhân bị ốm đau mà không làm việc được một cách tận lực, đem dìm xuống suối cho lươn-điện rỉa. Công việc đương tiến-hành thời đột-nhiên phát-sinh một bệnh dịch kỳ quái, trước hết người bệnh bị nóng hầm, mắt đỏ ngầu, rồi đi tiểu nước đỏ như máu. Không cứ phạm-nhân, cả lính da trắng da đen đều bị. Ngày nào ca-nô máy cũng phải chở xác phạm-nhân và lính về Cay-En. Một Bác-sĩ Pháp được phái đến, nhưng ông ta cũng chẳng rõ là bệnh gì, vội-vã về Cay-En để mổ khám tử-thi nghiên-cứu tìm thuốc ngăn-ngừa, nhưng kết-quả vẫn vô hiệu. Thời gian trôi qua, thuốc chẳng thấy người vẫn cứ chết, cho mãi đến năm 1938 khi viên Toàn-Quyền mới của Guy-An là ông Masson de Saint Félix nhân thấy số phạm-nhân Guy-An bị sút mất đi nhiều quá, nhất là số lính coi phạm-nhân cũng bị hao hụt rất nhiều, nên ông ra lệnh đình chỉ việc phá rừng làm con đường này. https://thuviensach.vn Tính ra con đường ấy mới làm xong được 7, 8 cây số, mà số phạm nhân phải bỏ mình gần năm trăm người, tính bổ đồng mỗi cây số phải hy sinh bẩy mươi mạng người. Tôi còn nhớ một tên lính da đen rạch mặt đã nói trắng-trợn với chúng tôi rằng : « Khẩu-hiệu của Ngục-thất Guy-An là phải làm cho phạm-nhân biết làm việc bằng chân tay, làm việc cho mệt nhừ, cho ê-ẩm thân xác ; có như thế, chúng mới im cái mồm nói chính-trị, xúi giục dân chúng làm loạn… CON ĐƯỜNG XƯƠNG MÁU ! » 2) MỘT CUỘC TRẢ THÙ ĐẪM MÁU Năm giờ sáng một ngày cuối năm 1939, sương mù còn phủ kín cả khu rừng già Ăng-Ghi, bỗng phát lên một hồi còi báo động. Cửa ngục bị kiểm-soát khóa cẩn-thận, súng lớn súng nhỏ lô-nhô chĩa nòng vào các trại giam, phạm-nhân đều rùng-rợn cho là mình sẽ bị hóa kiếp hết. Một lát sau, giám-thị và lính đến ập vào các trại giam khám xét rất kỹ lưỡng, chúng không quên đập lên đầu lên mặt phạm-nhân mỗi người mười hèo. Rồi bắt đầu một cuộc điểm danh, kết cục khiếm diện một phạm-nhân là « NĂM ĐẮC ». Sở dĩ có cuộc khám-xét này là vì lính tuần tìm thấy phía sau trại giam C, một xác chết là một tên ách Pháp, một bộ-hạ đắc-lực nhất của viên Đại Úy Chúa-ngục Ăng-Ghi. Tử-thi tên Ách, mắt bị móc mắt, ruột bị lòi ra, máu đã khô xám lại, cây súng lục cũng biến mất chỉ còn lại cái bao da. Tên Ách Pháp bị giết, Năm Đắc đã vượt ngục, tin ấy không có gì làm ngạc-nhiên cho lắm đối với anh em phạm-nhân ngục-thất Ăng-Ghi. Năm Đắc đã giết tên Ách Pháp, Năm Đắc đã vượt ngục, nguyên-nhân vụ ấy xẩy ra như sau này : Nguyên từ sau khi bãi việc làm con đường mới, phạm-nhân ngục nào được trả về ngục ấy, phạm-nhân ngục-thất Ăng-Ghi lại tiếp-tục công-tác cũ, https://thuviensach.vn và lại cắt đặt thêm một kíp chuyên-môn đi đánh cá ở sông để cống hiến cho chúa-ngục. Các sông quanh vùng Ăng-Ghi có nhiều loại cá nước ngọt như cá mè, cá gáy, cá rô như ở bên ta, đặc-biệt là tôm thời rất lớn. Trưởng ê-kíp lưới cá là Năm Đắc, nguyên là một tay anh chị can-đảm có tiếng ở Sài-gòn, được cử hướng dẫn một số phạm-nhân cứ đến đêm đi lưới cá, phải lưới thâu đêm để lấy tôm, cá tươi cho Chúa-ngục nhắm rượu, và gia-đình hắn xơi, phần còn dư thời Chúa-ngục làm nước mắm hoặc cao cá như loại « bouillon viande », vì Chúa-ngục đã sống nhiều năm ở Đông Dương, y đã lấy đến ba lần vợ Việt và Miên, nên y rất thích dùng nước mắm. Mỗi buổi sáng cá lưới về đều phải đệ-trình tên Ách Pháp (tên Ách bị Năm Đắc giết), một thủ-túc rất thân-tín của Chúa-ngục, để tên ấy kiểm-điểm trước rồi mới dâng lên Chúa-ngục. nhưng mỗi lần kiểm-soát như vậy, Năm Đắc phải vi-thiềng trước cho y vài con cá tươi thật ngon, nếu không thời đầu y lắc-lư, môi y sìa ra, tay y thời luôn-luôn ve-vẩy cái đuôi cá sấu, Năm Đắc sẽ lập tức bị ăn đòn túi-bụi. Một buổi sáng lưới cá về, theo như thường lệ, Năm Đắc bưng rổ cá lên trình tên Ách Pháp, tên Ách ấy lấy gậy tre khuấy lộn trong rổ cá, rồi y moi lên một con cá gáy rất to, con cá nay chết, hai bên mang nó đã sẫm lại, mà Anh Năm đã sơ ý không biết. Tên Ách liền rang chân đạp thật mạnh trúng giữa bụng anh Năm, Năm Đắc nằm chết giấc ngaybên cạnh bàn giấy của tên Ách. Tên Ách liền bưng rổ cá hất ra ngoài sân, rồi truyền lệnh cho tên gác bắt trọn ê-kíp lưới cá về ngục xiềng chân lại đợi lệnh của y. Còn Năm Đắc, tên Ách dẫn vào lớp nhà sau của y chói chặt chân tay lại, rồi rút ngược lên sà nhà, y đánh anh Năm đến nỗi không còn biết đau, rồi hạ xuống sai bồi da đen lấy nước mắm đổ vào hai lỗ mũi anh Năm làm cho Năm nghẹt thở, chết đi sống lại đến hai mươi lần ; thế mà y còn chưa tha, lại còn truyền cho em trai của y tiểu tiện vào hai lỗ mũi anh Năm nữa. https://thuviensach.vn Tên Đại-úy Chúa-ngục thời ngồi uống rượu mạnh cười hả-hê nói với bồi bếp : « Chúng nó dám khinh tao, cá đã chết như vậy mà còn dám đem về cho Sếp nó ăn, nó khinh tao là mọi à ! đánh cho chết cái quân ngu-xuẩn nầy ! » Năm Đắc được trở về trại giam, mặt anh sưng vù lên và toàn thân mọng lên như trái bồ-quân, nằm mê-man bất tỉnh ; anh em đồng-hội đồng-thuyền phải lấy nước muối thoa bóp, tìm ngải băng bó những vết thương. Ngót một tháng trời Năm Đắc mới tập-tễnh đi lại được. Từ đó, không còn thấy Năm Đắc vui-vẻ đùa-nghịch như trước nữa, nét mặt lúc nào cũng đăm-chiêu, gần như pho tượng đá. Chúng tôi ai nấy đều nghi-ngờ Năm Đắc, con người ngang-tàng gan-dạ này tất đang trù tính một mưu-toan kế-hoạch ghê-gớm phi-thường gì đây ! Một ngày kia tấn kịch ghê-gớm đẫm máu ấy đã xẩy ra, tên Ách tây bị giết. Năm Đắc vượt ngục, lính tráng bổ vây tìm kiếm khắp nơi không thấy tung-tích. Chúng tôi đã mừng cho Đắc trả được thù, không những là thù riêng của anh, mà còn là thù chung cho tất cả anh em đồng số-phận, đồng cảnh-ngộ như anh. Cách tuần-lễ sau, chúng tôi lại bắt đầu đi làm việc như thường lệ, khi tiến sâu vào rừng rậm, nhận thấy chiếc áo xanh rách nát, với nhiều vết máu loang dưới đất, và trên các ngành cây bị gẫy, nơi ấy cách xa ngục-thất Ăng Ghi độ 15 cây số. Năm Đắc đã bị thú rừng hại rồi ! không còn nghi-ngờ gì nữa ! Tin ấy được loan truyền, toàn-thể anh em phạm-nhân ngục-thất Ăng-Ghi đều nhỏ lệ cảm-thương mến-tiếc Năm-Đắc, và đều nhịn một bữa cơm trưa để chia buồn và tưởng-niệm một người anh-hùng trong giới giang-hồ hảo-hớn, một người cùng chung một giòng máu Lạc-Hồng. https://thuviensach.vn X. Trên đường tranh đấu Chủ-trương của Thực-dân Pháp ở xứ Guy-An là phải giữ lại tất cả những phạm-nhân bị lưu đày trong xứ, để có nhân-công khai-thác thuộc-địa Guy-An, mặc dầu phạm-nhân được ân-xá hay mãn hạn tù đày ; bởi vậy có một số phạm-nhân người Việt-Nam đã được ân xá, một số đã mãn hạn lưu đày, đã ra khỏi khám-đường, nhưng vẫn phải bắt buộc ở trên phần đất Guy An thuộc Pháp, để lập gia-đình sinh sống đồng-hóa với dân bản-xứ, số ấy không ít. Nên cuối năm 1934 đầu năm 1935 chúng tôi toàn thể phạm-nhân Việt-Nam tổ-chức một cuộc tuyệt-thực kéo dài hàng tháng để phản-đối nhà cầm quyền Pháp phải trả lại những người Việt đã mãn án tù đày được trở về xứ. Cuộc tuyệt-thực sở dĩ kéo dài được là vì chúng tôi đã dự bị lương-thực từ trước. Tiếp theo vụ « tuyệt-thực » phản-đối Chính-quyền Pháp ở Guy-An, Chính-phủ « Mặt Trận Bình-Dân » Pháp lên nắm chính-quyền cũng ân-xá hoặc ân-giảm một số phạm-nhân, và ra lệnh cho được trở về Đông-Dương. Bởi vậy nên hồi năm 1935 đã được một số ngót 30 anh em vừa chính trị và thường-phạm được đáp tầu trở về xứ sở. Tiếp đến 1936-1937-1938, Triều-đình Huế và Cao Miên cũng gửi văn thư đòi Chính-phủ Pháp phải trả lại Việt-Nam và Cao-Miên những phạm nhân đã được ân-xá hoặc mãn án. Một việc không may xảy đến ! đại-chiến thứ hai bùng nổ, nên suốt thời-gian bẩy năm trời, mặc dầu đã mãn án tù đày, nhưng không một ai được trở về quê-hương xứ sở. Bắt buộc phải ở lại xứ mọi-rợ Guy-An, các bạn đồng hội đồng-thuyền của chúng tôi đã tự-hào một đời sống thích nghi tương-đối dễ chịu. Các bạn, người ra làm việc cho Chính-quyền địa-phương, người lo việc buôn bán, người trồng trọt chăn-nuôi, tùy năng-lực và sở-trường của từng bạn, và hầu hết các bạn của chúng tôi đã lấy vợ người thổ-dân da đen. Phụ-nữ Guy-An rất yêu-mến người Việt, vì người Việt biết nhiều nghề-nghiệp, siêng năng https://thuviensach.vn làm việc, hơn nữa người Việt lại rất lễ-độ, xã-giao khéo-léo ; trái lại, người đàn ông bản xứ đã dốt nát lại lười biếng, ngỗ ngược say sưa tối ngày. Không những được giới phụ-nữ kính mến, đồng-bào chúng ta còn gây được uy-tín và mến-phục của cả dân chúng địa-phương và giới chính-quyền Pháp nữa ! https://thuviensach.vn XI. Thực-dân khóc Ngày 1-9-1939 quân-đội Đức xâm-chiếm Ba-Lan, tháng 4-1940 quân đội Đức áp-dụng chiến-thuật chớp nhoáng đánh chiếm Đan-Mạch và Na-Uy, tháng 5 chiếm luôn Bỉ-Lợi-Thì và Hòa-Lan, đầu tháng 6 quân Anh đại-bại phải rút chạy thoát thân ở Dunkerque. 14 tháng 6 năm 1940, Kinh-đô Ba-Lê thất-thủ, Thống-chế Pháp là Pétain phải cầu hòa. Nước Pháp đã bại trận, các giới Pháp trên phần đất Guy-An đều khóc sướt mướt, cờ Tam-tài được treo rủ khắp nơi. Trên phần đất Guy-an này, hoàn-cảnh người Pháp hiện tại có khác gì số-phận của chúng tôi, cũng là một phường « vong quốc » như nhau ; nhưng nào họ có biết thương ! biết cảm ! Họ vẫn đè đầu đè cổ chúng tôi, vẫn hành hạ như thường lệ và còn đề-phòng gắt-gao, sợ chúng tôi nổi lên chống đối. Thực-dân khóc ! Nhưng chúng tôi mừng ! Mừng được nghỉ xả hơi vài ngày và được tổ-chức tiệc tùng để làm lễ cầu nguyện cho nước Pháp, được phép tổ-chức cuộc săn bắn để ăn bữa cơm ngon lành. Khí-giới cuộc săn là chiếc « NÁ », ná này chế theo nửa kiểu Việt-Nam nửa kiểu Cay-En. Khác với ná Việt-Nam ở chỗ ná này có một « ổ chứa tên » từ 3 đến 8 mũi, và lên giây ná rất nhẹ-nhàng, không phải dùng gắng sức như lối kéo cung bên ta ; mỗi lần phóng mũi tên chỉ phải nắm một chốt nhỏ bẻ về phía sau, là giây ná bị một cái móc kéo băng về phía người mình và móc cái mấu trên con cò gỗ. Mũi tên thứ nhất phát ra, thì tức thời mũi tên thứ nhì chạy lên ổ nằm chờ để bắn tiếp. chúng tôi mệnh danh là « NÁ LIÊN THANH ». Kết-quả cuộc săn được một con nai cái rất lớn, tổ-chức thành bữa tiệc rất linh-đình. Tiệc xong, những tay anh chị, những tay chuyên-môn cờ bạc bị án lưu đầy sang đây, họ tổ-chức một cuộc đỏ đen sát phạt nhau. https://thuviensach.vn Nguyên ngạch Giám-thị ở Guy-An này theo thường lệ họ chỉ ở đây có 18 tháng, rồi được trở về Pháp hay chuyển sang các thuộc-địa khác, nhưng nếu muốn lưu lại một hạn nữa, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, thời đương-sự phải làm đơn xin thêm. Giám-thị được hưởng đủ thứ do chính-quyền cung cấp ; có một điều là hầu hết giám-thị ngục-thất ở các thuộc-địa Pháp đều là người dân đảo Cóc. Vợ họ thường là đàn bà da đen thuộc các giống dân Sê nê-ga-le, Ma gát, Mác-ti-ních, Bắc-phi và có một số ít là đàn bà Pháp lai Tàu, lai Việt, lại Mên từ Pháp, từ Bắc-phi hay từ Đông-Dương theo chồng đến. Những đàn bà và trẻ con này họ thường nói đến hai ba thứ tiếng, nhưng không biết viết. Đặc-tính của giới phụ-nữ me-tây này là lỗ-mãng, cờ-bạc và ăn chơi đàng-điếm. Chàng đi gác, nàng ở nhà tụm năm tụm ba bài bạc, vào những ngày giữa tháng hay cuối tháng họ sát phạt nhau còn có giới hạn ngày và đêm ; nhằm những ngày đầu tháng lương thời họ chơi cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Khi vợ mỏi lưng thời đợi chồng đi gác về thay, ngồi đánh ngay không kịp thay quần áo, nếu anh chàng mệt thì nằm vật ngay xuống bên cạnh ngáy vang trời, nàng tức khắc vào thay thế, không một lời nặng nhẹ nhau ! Loại bài mà họ thường hay đánh là : dì-dách, cạc-tê, băn-cô, xổ đề, bài cào nhưng thích chơi nhất hồi bấy giờ là « dì-dách ». Cờ bạc không phân giai-cấp, một khi giám-thị thiếu chân thời triệu thỉnh đến các phạm-nhân, bồi bếp, phạm-nhân làm việc trong các văn phòng. Vì số phạm-nhân này họ có nhiều tiền bằng cách : bán đồ ăn dư, làm đơn hộ, viết thư mướn, làm báo-cáo giúp giám-thị, v.v… Mà có nhiều tiền ở nơi đây cũng không biết tiêu khiển vào món gì được, ngoài sự cờ bạc hay mua dâm ở các mụ me-tây. Các tay phạm-nhân Việt-Nam chuyên nghề cờ bạc ấy cao tay và lại ghê-gớm vô cùng. Họ lập thành một nhóm để bóc-lột giới me tây, nghĩa là ban đầu họ thả cho các me-tây được ít nhiều, rồi sau họ mới tổng tấn công, vét cho bằng hết tiền của các me. Cần tiền để gỡ, các me hỏi vay, họ liền vui https://thuviensach.vn vẻ cho vay liền. thế là các me bị nợ phạm, món nợ ấy được trả góp, nhưng biết bao nhiêu năm mới hết ! Các tay phạm-nhân cờ bạc ấy họ nhắm vào những me cờ bạc thua tháy nhất để tấn công « tống-tình ». Họ cho hẳn các me, để đền đáp lại cho họ một vài giờ ân ái thầm lén. Rồi thành thói quen, mỗi khi các me cần tiền là chạy đến họ, miễn trả ơn lại cho họ một cách xứng đáng là được rồi, anh mất của kia nàng chìa của nọ, có gì là lạ ! Các ông chồng bị mọc sừng đâm ra ghen tương nên thường xẩy ra những vụ chém giết tình địch, cái vòng luẩn-quẩn oan-nghiệt ấy diễn mãi không ngừng ! https://thuviensach.vn XII. Một vài mẩu chuyện về vượt ngục Sau cái chết của tên Ách Thực-dân, và sau vụ tuyệt-thực tranh-đấu của toàn-thể anh em phạm-nhân, từ chúa-ngục đến bọn thuộc-hạ của y tại ngục thất Ăng-Ghi trở nên băn-khoăn lo-lắng ; biết đâu rằng Năm Đắc này đi, chẳng có Năm Đắc khác thay thế ! nên chúng cũng bỏ bớt tính hung-ác dã man khát máu phần nào ! Trên thực-tế tựu trung phạm-nhân với bọn chúng, hai bên vẫn ngấm-ngầm giữ miếng nhau, không-khí ngục-thất được đôi phần dễ thở. Để đề-phòng vụ hạ sát thứ hai có thể có, chúa-ngục lựa mười phạm nhân bị tình-nghi có óc tổ-chức và chủ-mưu bạo-động đưa về Cay-En để thuộc quyền nhà chức-trách ở Thủ-đô định đoạt. Đến Cay-En, chúa-ngục và các công-chức xô nhau xem mặt và cân nhắc từng người, chê bai ốm yếu, hệt như kiểu mặc-cả mua heo mua gà ngoài chợ. Cuối cùng chúng trao cho tên đại-diện chúa-ngục Ăng-Ghi một số tiền thù-lao, nhưng không rõ là bao nhiêu ? Mười phạm-nhân thời chúng phân phát đi làm bồi bếp cho các viên-chức Pháp, vì mười anh ai cũng biết nói tiếng Pháp. Trong số có anh H. bạn thân của tôi được chọn làm phụ bếp cho một viên quan hai Pháp, y có vợ là một gái Trung-hoa, nhà vợ chồng y cũng ở làng Trung-Hoa. Dân số ở Thủ-đô Cay-En gần phân nửa là người Trung-Hoa, mà 2/3 là dân Hải-Nam và Triều-châu, 1/3 là người Quảng-Đông. Theo lời những người Trung-Hoa già cả nhất ở xứ này thuật lại thì người Trung-Hoa đến Cay-En này từ khi chưa có bóng người Pháp đến đây. Nguyên thuở ấy, có một đoàn thuyền buôn Hải-Nam bị gió bão đánh giạt vào bờ biển Cay-En, thuyền bị chìm nhưng người đều thoát được lên bờ… Cay-En khi ấy còn là một xóm nhỏ nghèo-nàn, không quán tiệm ; nhóm người phiêu-bạt này bèn gom-góp số của cải còn lại trong mình họ, rồi giao- https://thuviensach.vn tiếp với thổ-dân trao đổi thực-phẩm, rồi nhà cửa được dựng lên thành những cửa hàng nho-nhỏ để đón tiếp những thổ-dân từ các miền rừng núi lại. Thời-gian qua, họ lấy vợ người thổ-dân, sinh con đẻ cái, trở thành một nhóm người đông đảo pha trong huyết-thống của hai dân-tộc Hoa-An. Đến khi người Pháp đặt quyền đô-hộ trên phần đất Nam Mỹ-châu này, để mở mang Cay-En thành một Thủ-đô, Pháp bắt người Trung-Hoa phải rời cách xa Cay-En hai cây số, bên mặt con đường cái từ Cay-En đến Sanh-Lô Răng, lập thành một làng Trung-Hoa có độ năm trăm nóc nhà chia làm hai xóm bởi một con đường làng trải đá sỏi đỏ. Nhà cất khít nhau theo lối phố trệt lụp xụp, cái cao cái thấp, xen vào một vài cái nhà lầu. Tại đây được coi là nơi nghỉ mát Á-Đông của Cay-En. Nhờ có vị-trí nên thơ, liễu rũ bên hồ, sen rừng mọc đầy đầm nước, hằng ngàn cây điệp, cây vông chen lấn nhau rắc những cánh hoa đỏ như son xuống khắp mái nhà. Mái nhà ở đây lợp bằng tôn hay gỗ Voa-ba, sẫm mầu như gỗ ở Thủ-dầu-Một. Thủ-đô Cay-En trở nên một thị-trấn buôn bán như các thị-trấn nhỏ khác, đủ các tiệm : tiệm nước, tiệm tạp-hóa, nhà hàng, tiệm giầy dép, quần áo, v.v… Các tiệm thực-phẩm đều do người Trung-Hoa nắm hết. người Bắc phi hay người Si-ri thời chuyên bán hàng vải và đồ thêu, còn thổ-dân thì chỉ mở vài ba quán nhỏ lặt-vặt sống đỡ qua ngày. Dưới vòm trời trên khắp lục-địa, không nơi nào vắng bóng người Trung-Hoa, có tới 12 triệu 50 vạn người. Chính-phủ Trung-Hoa gọi là « kiều bào hải ngoại ». Đáng phục và cũng đáng sợ thay ! Vợ chồng viên quan hai Pháp ngụ tại làng Trung-Hoa, nên anh H. của chúng tôi được theo về ở đấy, nhờ số vàng dành-dụm được, anh bỏ ra một phần lo-lót với viên Quan Hai mất hai lượng, nên được viên Quan Hai cho phép anh đi lại tự do mua bán thong thả trong làng Trung-Hoa này, và luôn tiện ủy thác cho anh giao-thiệp đặt mối buôn lậu cho y. Vợ y lại là người Quảng-Đông, anh H. cũng nói được ít nhiều tiếng Quảng-Đông, hơn nữa nàng cũng cảm-thông với anh là người đồng chủng, nên nàng đối với anh rất https://thuviensach.vn có cảm tình : « Hàng ngày ngoài giờ đi chợ mua thực-phẩm và đồ dùng cho chủ, anh còn được đi lại thong thả chơi bời trong làng mà chủ của anh không hề ngờ vực ». Nhân cơ-hội, H. bèn quyết định tìm cách vượt ngục, vì chỉ có con đường vượt ngục, mới có tự-do hoàn toàn, mới có cơ-hội được trở về quê hương xứ sở, hai tiếng « Quê Hương » luôn luôn ám-ảnh trong đầu óc anh. Anh H. liền bầy tỏ ý-kiến với C. một đồng-chí, một phạm-nhân, một người bồi như anh. Được C. đồng tình, trước hết hai người hoạch định hướng đi, ngả đường duy nhất là vượt biên-giới Guy-An thuộc Pháp để qua Ba-Tây hoặc Guy-An thuộc Hà-Lan ; rồi từ đó tìm đường sang Âu-Châu hay Hoa-Kỳ, nhưng ngả này nguy-hiểm lắm, mười kẻ ra đi chỉ được một người thoát. Hai người chuẩn bị thực-phẩm, ở Cay-En món ăn chính của thổ-dân là củ sắn (khoai mì), sắn ở đây được coi như là gạo ở bên ta. Sắn và khoai mỡ sau khi lột hết vỏ, đem ngâm nước lạnh suốt 24 tiếng đồng hồ cho hết nhựa, rồi người ta đem nạo nhỏ thành bột, bỏ vào chảo rang thật khô, đem cất vào hủ hay hộp đậy nắp bao giấy thật kín. H và C. mua bột sẵn rồi gói thành từng bao nhỏ lén cất giấu vào hang đá trong rừng rất cẩn thận, tiếp đến việc mua sắm dụng cụ, thuốc men và thêm lương-thực, dòng dã mất ngót tháng trời. Công việc khó khăn vẫn là vấn-đề tìm đường đi và phải học thêm tiếng nói của thổ-dân, vì Guy-An không phải một xứ hoàn-toàn chỉ có Tây, Tàu, lính da đen và phạm-nhân, Guy-An còn có thổ-dân, dân cổ nhất trong số dân-tộc cổ-lỗ của Nam-Mỹ. Nhiều bộ-lạc ở rải-rác trong rừng sâu, họ không có chữ, chỉ vẽ những hình gì mà họ cần diễn tả mỗi khi họ cần. Vậy nếu người ngoài không biết chút thổ-ngữ, mà gặp họ sẽ bị giết ngay để tế « thần gió ». Nếu gặp bọn mọi ăn thịt người lấy sọ làm đồ chơi cho trẻ con thời lại nguy-hiểm hơn nữa ! Thổ-dân ở Guy-An đã kể cho chúng tôi nghe chuyện mọi ăn thịt mọi ở đây như sau này : https://thuviensach.vn Mỗi khi có một ông chúa ở bộ-lạc mọi ăn thịt người sang chơi thăm một ông chúa cùng ở bộ-lạc mọi ăn thịt người khác, tức thì ông chúa mọi này đánh cho mấy tiếng cồng báo hiệu gọi tất cả dân mọi trong bộ-lạc mình cai-trị đến một công-trường đã định. Giữa công-trường đốt một đống lửa to. Dân mọi đứng sắp hàng một xung quanh. Ông chúa mọi, vị khách quý được mời ra kén chọn lấy một tên dân mọi mà vị chúa ấy thích, tức thì tên mọi khốn-nạn được lôi ra trói chặt chân tay vào một cây cột đã được chôn trước gần đống lửa, tên mọi khốn-nạn ấy run sợ đến cực điểm, trái lại, thân-quyến tên mọi khốn-nạn ấy và toàn thể dân mọi trong bộ-lạc lại vỗ tay reo mừng long trời dậy đất, vang động cả một khu rừng. Tên mọi khốn-nạn ấy trước hết được sẻo những miếng thịt mà ông quý-khách thích nhất đem nướng trên đống lửa hồng, để hai ông chúa xơi, còn dư thời đến phần dân mọi lần lượt vào sẻo nướng ăn một cách rất ngon lành. Ăn cho bằng hết, trơ lại bộ xương vất đó. Trước đống lửa hồng, mùi thịt người nướng khét ghê rợn bọn mọi ấy ôm nhau nhẩy múa cuồng loạn. Biết bao sự lo-sợ khủng-khiếp ! nhưng ý định đã quyết, hành-lý thu xếp đã xong, thừa một đêm tối trời vào cuối mùa thu 1940, H và C. rời khỏi nhà viên Quan Hai Pháp để bắt đầu dấn thân vào rừng thẳm. Ra đi, H. và C. lại phải đổi hướng, bao sự tính-toán trước bị đảo lộn hết, vì không hiểu một biến-cố gì đã xẩy ra, quân lính được lệnh tuần-tiễu mọi mặt một cách nghiêm mật : « H. và C. buộc lòng phải đi về hướng Tây Nam, vượt sông Si-na-ma-ri, sông Ma-na tiến đến ngã ba sông I-ta-ni và Ma-ro-ni. Tới đó vượt qua sông I-ta-ni là sang địa-phận Guy-An thuộc Hà Lan, con đường ấy dài độ ba trăm cây số ». Khốn nỗi ! Đi rừng mà lại không có « kim chỉ nam » thì khó lòng mà tránh khỏi lạc được, nhưng làm sao được ở cái xứ man-mọi này, có tiền mà cũng không thể tìm ra. Chỉ tin vào kinh-nghiệm của C. là người mà anh em chúng tôi đã tặng cho cái danh-hiệu là « chúa I-ni-ni ». Suốt thời-gian mười ngày đầu không có gì lạ ! Ngày đi đêm nghỉ, tránh những con đường mòn mỗi lần phải băng qua con đường mòn là mỗi lần hồi-hộp, phải nghe-ngóng dò-dẫm kỹ càng trước khi băng qua, cả những lối https://thuviensach.vn đi rất nhỏ hẹp cũng vậy, đôi khi phải nằm sấp ép mình để lắng tai nghe ngóng rất thận-trọng, e sợ nhất là bọn Cập-rằng ngục-thất chăng lưới đuổi theo. Sáng ngày thứ 11, H và C. bị lạc trong giữa khu rừng già, không biết là hiện đang ở đâu ? Trước mặt, một rừng toàn giống cây gai góc và cây leo chằng-chịt như một bức trường-thành chắn mất cả lối đi ; nhưng hai chàng nhận thấy mình không lạc hướng, thì cứ nhìn những cây thuộc hướng đông bắc thì khô nứt, mà những cây thuộc hướng tây-nam thời xanh rêu, vì hướng mặt trời lặn tất nhiên ánh nắng ít hơn, nên cây cối ẩm ướt phải mọc rêu ; nhưng muốn tiến tất phải vòng qua cánh rừng gai ước lượng dài tới 50 cây số. Hai chàng bàn tính với nhau hồi lâu rồi đồng-ý tiến theo men rừng gai góc đi lên hướng bắc. Nhưng lại rủi làm sao ! đi mới được độ mươi cây số thì thình-lình C. phát lên cơn sốt nóng đến cực độ. Chúng tôi bắt buộc phải hoãn cuộc hành trình, vì bệnh C. càng ngày càng nặng, thuốc uống không chuyển. H. đành phải tìm một cây rất cao lớn trong rừng, chặt cành kiếm lá tạm làm chòi trú ẩn ít ngày trên cành cây đợi cho C. bình-phục. Lương thực còn, nhưng khốn nỗi khắp trong vùng không tìm đâu ra suối, nước uống không có, cổ họng như khô cháy, thất vọng và thất vọng ! H lang thang suốt ngày, thời may thay ! anh đã tìm thấy nước uống ở trong một thứ cây cỏ rừng, mà ở trong ngành lại có chứa đựng rất nhiều nước, uống vào mát mẻ vô cùng. Yên được vấn-đề nước uống, lại lo đến vấn đề thiếu lương-thực vì hai anh không trù-liệu đến những ngày ốm đau lại phải nghỉ lại đến mười ngày, H. và C đành tính đến biện-pháp phải rút bớt lại khẩu phần. Sang ngày sau, bệnh C. đã thuyên-giảm nhiều, hai anh lại bắt đầu lên đường, và cách 15 ngày sau H. và C. đã tiến đến con sông I-ta-ni, biên giới Guy-An Pháp – Guy-An Hà-Lan. Con sông I-ta-ni hẹp có thể bơi qua được nhưng C còn bệnh chưa khỏi hẳn, nên anh không lội, mà ở lại lâu biên-giới còn ở trên địa-phận thuộc https://thuviensach.vn Pháp, thời e bọn lính tuần Pháp chẳng để yên, nên hai anh đành thuê thuyền quá giang. Đặt chân lên trên thuộc địa Hà-Lan, hai chàng tưởng mình đã thoát nạn, giấc mộng quê-hương trở lại ám-ảnh trong đầu óc hai chàng. Nhưng ai oán thay ! Cảnh-sát Hà-Lan đã đến thộp cổ hai chàng, vì luật-lệ bắt phải có đủ giấy tờ hợp-lệ và còn phải có người bảo-đảm. Giấy tờ không, ai người bảo đảm, hơn nữa lại có công-văn của Chính-quyền ở Guy-An thuộc Pháp gửi đến tróc-nã. Cảnh-sát xét đúng hình-dáng hai chàng vượt ngục, chính-phủ Hà-Lan liền tống cổ H. và C. xuống ca nô của Pháp phái đến, đưa về ngục thất Thuộc-địa số 1 Cay-En. Tại ngục-thất thuộc địa số 1 Cay-En, chúa ngục ban cho H. và C. mỗi người một cái gông bằng gỗ đeo trên cổ, và thêm một món quà nữa là cái xiềng sắt nặng hàng 10 cân nối liền vào chân hai chàng để nhất cử nhất động phải có nhau, lại còn phải nhốt vào sà-lim kín mít. Bẩy ngày sau, H. và C. được đưa ra trước Tòa-Án Cay-En, xử chồng thêm một cái án « Khổ-sai chung thân » nữa, mặc dầu có Luật-sư biện-hộ. Đúng lý thì sau khi Tòa-án đã xử rồi, phạm-nhân được đi làm ngoài như thường lệ, trái lại, chúa ngục lại muốn hành hạ xác thịt hai chàng cho thật đau-khổ. Vẫn gông trên cổ và xiềng chân, chúa ngục bắt H. và C. xay trấu (cối xay lúa như cối xay lúa ta do lái buôn Trung-hoa cung cấp) tối ngày, trừ bữa ăn trưa. Qua sang ngày thứ tư, chúa ngục lại đổi sang một hình thức phạt khác, bắt H. và C, phải đi làm công-tác « đổi thùng » ở ngục-thất, ở các nhà công chức của chính-phủ ở Cay-En. Tuy không mệt-mỏi như công-tác xay trấu, nhưng mùi thực-dân thời thực là khổ cho hai lỗ mũi quá. Thực-dân đã gián tiếp thúc đẩy hai chàng đổi thùng mưu toan đến một cuộc vượt ngục nữa. Qua ít ngày, chúa ngục bỗng nẩy ra ý-kiến tu bổ lại ngục-thất Cay-En cho thêm thập phần chắc-chắn, bởi vậy. H. và C. được nghỉ việc đổi thùng, tham-gia vào công-tác phá núi lấy đá, mò kiếm san-hô dưới bể để làm vữa. https://thuviensach.vn Trong số gần hai vạn phạm-nhân, chúa ngục chia một nửa đi phá núi lấy đá xanh, còn một nửa được chở lên trên một trăm chiếc sà-lan ra bể cậy san-hô về nung thành vôi trộn với đá tán nhỏ thay si-măng sửa lại ngục, H. và C. hai chàng ở trong đoàn phạm-nhân vượt biển ấy. Vùng san-hô nằm cách bờ bể Đại-tây-dương (mé Nam Mỹ) lối hai ngàn thước về hướng bắc Cay-En, cách Cay-En hơn một trăm cây số, song song với Thị-trấn Sin-na-ma-ri, nằm chặn giữa đường Cay-En đi Sanh-Lô-Răng. Tầu dắt sà-lan khởi hành hồi 3 giờ khuya, 7 giờ sáng tới nơi. Phạm nhân bắt đầu nhẩy ùa xuống bể, mỗi người mang theo một cây sà-beng để bẩy san-hô lên, những chiếc ca-nô trên tầu được hạ xuống nước, mỗi chiếc chở một tiểu-đội lính chạy bao quanh để làm nhiệm-vụ canh gác. Sóng bể cuộn-cuộn, nước bể lạnh thấu xương, nên nhiều phạm-nhân không chịu thấu, phải nhoi đầu lên, liền bị hèo mây của lính trên ca-nô đập xuống túi-bụi. Một vài kẻ xấu số không biết bơi lội bị sóng bể vô tình cuốn đi mất tích. San-hô sắc như dao, cậy được một khối san-hô là hai cánh tay bị sứt mẻ, máu chảy đầm-đìa, vô phúc anh nào bị làm ở chỗ san-hô mọc cạn, nước ngập chưa khỏi đầu, thì không được trèo lên sà-lan nghỉ đôi chút, cứ phải đứng suốt buổi trên những ngọn san-hô nhọn hoắt đau buốt tới tim gan. Bị uất-ức và tuyệt-vọng, một số phạm-nhân da đen đã buông xuôi hai tay phó cho sóng bể cuốn đi, thoát địa ngục trần-gian, kiếp sống nô-lệ, trút linh hồn trên biển cả bao la ! 1) PHÁ NÚI TÌM KIM-CƯƠNG Qua năm 1942, khi nghe tin ở Ba-Tây tìm được kim-cương trong các núi lửa đã tàn, bọn thống-trị ở Guy-An nôn-nao cả lên, ôm ảo-vọng sẽ thành triệu-phú. Họ liền phát họa một chương-trình tìm kim-cương và sẽ tiến hành ngay khi mùa mưa chấm dứt. https://thuviensach.vn Địa-điểm tìm kim-cương là dẫy núi Tu-Muc Hu-Mac dài trên hai trăm cây số, cao tám trăm thước, nằm vắt mình trong rừng già về tận I-ni-ni. Đầu ở sông I-ta-ni, con sông làm biên-giới ngăn đôi thuộc-địa Pháp – Hà, cuối tận sông O-ya-pok, biên-giới ngăn đôi Pháp – Ba-Tây. Trước hết thực-dân huy-động một đoàn phạm-nhân khỏe mạnh bắt xung-phong đến trấn giữ giẫy núi, phòng có kẻ đến nẫng tay trên ; đồng thời phá cây bạt cỏ dựng lên hàng trăm cái trại giam một cách gấp rút ; xung quanh trại chăng dây thép gai hẳn-hòi. Ngoài công-tác trên, phạm-nhân còn phải phá rừng làm thành rẫy để trồng rau, đậu, v.v… theo kế hoạch tự-túc trường-kỳ. Hàng ngày tầu bể tới lui rộn-rịp vận-tải lương thực và khí-cụ phá núi rừng để tìm kim-cương. Thời-gian qua, mùa mưa dứt, trước ngày đi phá núi Tu-Muc Hu-Mac, chúa ngục cho phạm nhân nghỉ-ngơi ít ngày ăn uống no đủ, để đủ sức khỏe mà làm việc, phạm-nhân nào bị bệnh nhẹ được săn-sóc thuốc men và đến ngày khởi hành được khám sức-khỏe lại một lần nữa, ai bị yếu quá được ở lại. Công việc dự-bị xong xuôi, chúng bắt đầu tải các phạm-nhân gồm đủ màu da bằng sà-lan do tầu lớn kéo vào sông Ma-rê-ni đến I-ta-ni rồi đổ bộ lên rừng, tiến đến các trại đã được dựng cất vừa xong dưới chân núi Tumuc Humac. Phạm nhân da đen, da trắng, da vàng cùng ở lẫn lộn để coi chừng với nhau, xung quanh trại có lính Lê-dương canh gác rất nghiêm mật. Sau khi được nghỉ-ngơi mười ngày dưỡng sức, phạm-nhân bắt đầu làm việc, tiếng chim quốc hòa với tiếng búa tạ phá núi vang chuyển một góc trời, hết ngày này qua ngày khác, thấm thoát đã bẩy tháng trời qua, mùa mưa to đã kéo đến, mà kim-cương vẫn không tìm thấy một hạt nào ! Phạm-nhân thời có đến hàng ngàn người bị ngã nước sốt-rét, hàng trăm người chết vì tai-nạn bị cây ngã trúng, đá đè vì giống muỗi to như ong đốt. Nên cực chẳng đã, chúa ngục phải cho phạm nhân nghỉ việc trở về Cay-En. Thật là đáng buồn cười ! Nghe thấy người ta tìm được kim-cương, mình cũng vội-vàng đi tìm kim-cương, không cần đến cả kỹ-sư mỏ nữa ! https://thuviensach.vn 2) MUA BÁN NÔ-LỆ Sau chuyến đi tìm kim-cương, được trở về ngục Cay-En hai anh bạn chí thân của tôi H. và C. lại bí-mật mưu toan một cuộc vượt ngục thứ hai, nhưng lần hai anh bạn tôi tính toán cẩn-thận, dự-bị chu-đáo, nhất là về phương-diện giấy tờ thì lại hợp lệ, do một thương-khách Trung-Hoa, một Mạnh-thường-quân đã chuẩn bị sẵn-sàng cho hai anh trốn sang Ba-Tây (Brésil) theo như ý muốn. Một sớm kia thừa cơ-hội được đi làm ngoài, H. và C. liền trốn thoát đến làng Trung-Hoa để cáo-biệt vị Mạnh-thường-Quân, nhận giấy tờ và vật dụng, thì may-mắn sao ! Ông bạn Trung-Hoa cho biết : Có một người bạn đồng-hương của ông làm đầu-bếp dưới một thương thuyền Hà-lan hiện cập bến Cay-En. Thể lời yêu-cầu của ông, nên người đầu bếp đã nhận lời có thể giấu được cả hai người dưới tầu, mà chỉ sáng hôm sau là tầu sẽ nhổ neo rời bến Cay-En đi Tinh-Châu (Singapour). Là người Việt-Nam mà được ghé bến Tinh-Châu, thời trên con đường tiến về quê hương rất là thuận-tiện, tránh được sự phải vượt rừng núi qua Ba-Tây vừa vất-vả và nguy-hiểm ; H. và C. mừng rỡ vô cùng. Ông bạn Trung-Hoa lại còn cho biết : ông vừa thân tặng người bạn đầu bếp ấy một con « Cù-lần » lông trắng. Người ở rừng gọi giống này là « lão cù », vì giống này thường sống tới trăm tuổi, lông nó dùng trị cầm máu và thổ-huyết rất công-hiệu. Rủi thay ! Đến phút cuối cùng, cục-diện lại xoay sang một thế khác, vì người đầu-bếp lại chỉ nhận chở được một người, còn một người phải đợi lại chuyến sau, tầu này cập bến Cay-En mỗi tháng một lần. H. và C hai anh nhường nhau, rốt cuộc, C. cương-quyết nhường H đi trước, vì cảm thương bạn sức-lực quá yếu-đuối bạc-nhược hơn mình. Cảm-động đến rơi lệ, nghẹn-ngào buổi chia tay, H và C. cùng ông bạn già Trung-Hoa nâng chén tống biệt, H. thổn-thức không nói nên lời, gạt lệ theo người đầu-bếp lẻn trốn xuống tầu. https://thuviensach.vn Dưới tầu, anh đầu-bếp Trung-Hoa đã giấu H. trong đống bao-bố cạnh bếp, nơi làm việc của ông làm cho H. nhiều phen bị nghẹt thở, thêm phần sóng gió có tiếng là dữ-dội ở Đại-tây-dương, anh H. của tôi bị vật lên vật xuống, nôn-ọc mửa tháo đến tận mật-xanh mật-vàng. Sợ bị tiết-lộ, anh bạn đầu bếp phải trao cho H. một mảnh vải xanh dặn phải quấn bụng cho thật chặt và lại trao thêm cho một trái chanh tươi để hút nước từ từ, mười phút sau, quả nhiên H. thấy dễ chịu không bị nôn-mửa như trước nữa ! Bị ẩn mình trong bao bố lâu, phần bị nghẹt thở, phần bị sóng vỗ, nên H. trở nên mệt lả. Đã yên đâu ! tầu thỉnh-thoảng lại bị báo-động, kinh-khủng hết hồn, vì đương trong thời đại-chiến thứ hai, tầu ngầm Đức hoạt-động trên khắp Đại-dương. Trên đường về Tinh-Châu, tầu phải ghé đảo Mác-ti-ních (Martinique) để chở mật-mía rồi mới xuyên kênh Pa-na-ma (Panama) ra Thái-bình dương. Ngày thứ tư tầu tới Mác-ti-ních, cập bến ở đấy một ngày để ăn hàng. Buổi chiều hôm ấy anh đầu-bếp kéo H. từ trong bao bố ra, rồi bảo cho H. biết rằng : « Tầu này sắp bị nhà đương-cuộc trên đảo xuống khám xét, vì ở Cay-En có trên mười phạm-nhân mới trốn nên đã đánh điện-tín đi nhờ khám các tầu mới rời bến Cay-En ». Nghe xong H. chết điếng người, nhưng anh bạn đầu-bếp lại lộ vẻ vui mừng vỗ vai bảo H. anh đã nghỉ được cách giấu được H. có thể thoát lưới, miễn là khi tầu cập bến Tinh-Châu H. phải có tiền trả công cho anh ta là được. Đã đến nguồn-cơn nông-nổi nước này, bắt buộc H. phải ưng-thuận. Anh bạn đầu bếp quý-báu của chúng tôi liền dẫn anh H. vào buồng ngủ của anh ta, mở nắp chiếc rương to trống rỗng, rồi đẩy H. vào nằm tròn trong đó, may sao ! cái rương của anh bếp lại có một vài kẹt hở, nên H. không đến nỗi bị nghẹt hơi, nhưng dần dần bóng tối bao phủ, cửa bị đóng kín, không-khí lọt vào ít nên anh bị nghẹt hơi. Nghe phía ngoài thấy im-lặng, anh khẽ đẩy https://thuviensach.vn nắp rương mong hút chút ít không-khí, nhưng ác-hại thay ! rương đã bị khóa rồi, H. đành nằm im, người anh mỗi lúc mệt lả dần, gần như bất tỉnh. H. thiếp đi, lát sau anh giật mình thấy cảm-giác như chiếc rương vừa bị có người nhắc bổng lên và bị khiêng đi ; mà thật, sự thật đã sẩy đến ! người ta đã khiêng anh vất lên một chiếc bọc phủ kín mít và chở anh đi. Hơn một tiếng đồng-hồ sau, nghe thấy tiếng động-cơ ngừng, nắp rương được mở ra, người ta lôi H ra, kéo anh từ trên chiếc xe ca-mi-ông xuống mặc dầu anh đã bị nhốt trong rương ngót 10 tiếng đồng-hồ đến bất tỉnh, bị xe chạy lồng-lộn nằm vất-vả trong rương, thể xác và tinh-thần anh hầu như gần tan rã ! Nhưng cuộc đời đau-khổ trước cảnh thực-tại đã hiện ra. H. đã đương đứng giữa hàng trăm tên mọi da đen quây kín, một tên da trắng người Pháp đến nắm đầu lôi anh sềnh-sệch đến trước bàn giấy tên Thư-ký da đen bắt H. cung khai tên tuổi, nghề nghiệp, v.v… ? Chỉ tay vào người H. tên Pháp bảo : « Đắt quá, con khỉ ốm này mà tên Tầu kia nó bán cho tao đến 150 quan ; nếu vài tháng sau mà tên này chết, thời tao lỗ vốn bỏ mẹ ! » Anh H. tôi đứng ngẩn người ra đến đỗi tên Thư-ký phải tặng cho anh hai cái bạt-tai, tâm-trí anh mới trở về hiện tại cung khai lý-lịch. Thì ra H. đã bị ông bạn đầu-bếp « Con trời » kia bán cho một sở trồng mía ở Mác-ti-ních với giá 150 quan, mà lúc lừa anh chui vào rương là lúc mà bọn buôn nô-lệ đã trả thành giá. Khai lý-lịch xong, tên Thư-ký truyền : « Mày là tên tù vượt ngục, nay chủ đây mua về để làm cu-ly vác mía và làm vườn, nếu mày làm biếng sẽ bị chủ trả lại về ngục-thất Cay-En và mày sẽ bị bắn nát sọ ». Y lại tiếp : « Bây giờ mày về trại đằng kia, ăn ở chung với cu-ly, cặp rằng bảo sao làm vậy, siêng-năng thời vài năm nữa sẽ được ăn lương, nhưng miễn mày đừng có chết trước từ đây tới ba năm sau ». Về trại, ăn bốc, uống nước suối theo như dân nô-lệ mua từ các nơi về đây. Ngày hai buổi ra rừng hốt lá mía, vác mía đã chặt rồi, hoặc lau những https://thuviensach.vn thùng cây chứa đường chưa lọc ; ngày chủ-nhật thời phải cắt phiên nhau đến sơn quét dọn nhà cho chủ sở mía và các thày, chú trong sở. Rượu và rượu ! dân da đen từ già chí trẻ ở rừng mía này đều uống rượu mía làm thú tiêu-khiển độc nhất mỗi buổi tối. Chúng uống rượu suốt đêm rồi nhảy troi troi với nhau theo nhịp trống kèn, ồn-ào như một đạo quân hồi xưa khi sắp ra trận. Có khi chúng ăn cắp cả cồn 90 độ trong bệnh-viện hoặc ăn trộm rượu trong các xe ca-mi-ông (xe ở đây đều chạy máy bằng rượu) đem pha thêm nước suối để uống. Uống rượu, ăn cắp rượu là một sự thường của chúng. Chúng nói với nhau bằng nhiều thứ tiếng, nhưng tựu trung, ai cũng phải biết ít nhiều tiếng Pháp để nhận mệnh-lệnh của các thày, chú sở mía. Chung sống với bọn mọi đen, anh H. của chúng tôi không uống rượu, nhưng bị chúng cứ đè ra đổ rượu vào, dần dà anh H. cũng trở thành người biết uống rượu. Mỗi khi đêm tàn canh lụn, nằm vắt tay dựa bọn mọi da đen, mộng tàn rượu tỉnh, anh lại chạnh nhớ đến ông bạn Mạnh-thường-Quân Trung-Hoa và các bạn đồng-hội đồng-thuyền của anh, C. đã thoát cảnh ngục-thất chưa ? Và nhất là ông bạn quý « đầu bếp » kia đã lợi-dụng lòng tốt của người đồng-hương ở Cay-En, y đã đem bán bao nhiêu người để làm nô lệ rồi ? Anh phát rùng mình ! H. tưởng mình đã sống lùi lại hàng mấy thế kỷ, thời phong kiến, nô-lệ bị xiềng xích, làm tôi mọi cho các Tù-trưởng và Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Sống trong đời tù ở Guy-An tuy rất cực-khổ, nhưng anh H. của chúng tôi còn cảm thấy dễ chịu hơn, vì còn có các anh em là người cùng một huyết-thống, cùng một tiếng nói quây-quần xung quanh an-ủi anh, nâng-niu nhau khi anh bị hắt-hủi, bị tật bệnh, thương-yêu và chia-xẻ ngọt bùi, cay đắng với anh ; bây giờ anh phải sống trơ-trọi quá ! Cả một khu rừng mông mênh bát-ngát này mà chỉ có một mình anh là người Việt-Nam đương phải sống chung đụng với bọn mọi đen vô-tri vô-giác này. Sống giữa thế-giới man-rợ ròng rã suốt một thời-gian đăng-đẳng 18 tháng trời, một buổi chiều kia, viên chủ sở mía cho gọi anh H. đến bàn giấy https://thuviensach.vn bảo anh rằng : - Anh là thằng dân ốm-yếu oắt con, không được việc gì hữu-ích, ông không muốn dùng nữa ! Rồi ông ta nói : - Bây giờ mày muốn đi đâu ? Lẽ dĩ-nhiên là anh H. xin ông cho anh được trở về quê-hương xứ sở, nhưng ông đã mỉm cười một cách chế ngạo. thế rồi, tuần lễ sau anh H. được mãn nguyện trở về quê hương xứ-sở của anh : Ngục-thất Guy-An. Và lý đương nhiên, lão chủ sở mía ở đảo Mác-ti-ních được hoàn lại một số tiền mà hắn đã phải bỏ ra khi trước để mua tên nô-lệ là anh H. Bước chân xuống tầu chở về Guy-An, H. yên chí là sẽ bị đánh đập tàn nhẫn và lại còn phải đưa ra Tòa-án xử ít nhất cũng được chồng thêm một cái án khổ-sai chung-thân nữa ! Nhưng trái lại, khi tầu cập bến Sanh-Lô-Răng, anh được đưa vào giam ở ngục ấy và chúa ngục Sanh-Lô-Răng xin cho anh được ở lại, vì ngục Sanh-Lô-Răng đương cần một số phạm nhân biết ra khơi lưới cá, mà phạm-nhân người Việt vốn có tiếng thiện nghệ trồng trọt và lưới cá, và lại còn siêng-năng hơn mọi phạm-nhân các thuộc địa khác. Ác hại thay ! anh H. của chúng tôi lại không khéo về nghề lưới cá ngoài biển khơi một tý nào cả. Viên chúa ngục Sanh-Lô-Răng đã thất-vọng về anh, nhưng đã trót lỡ, nên y đành phải cho H. làm một công-tác đặc-biệt mổ những con cá to đã lưới được để lấy gan dùng vào kỹ-nghệ ép dầu. Nhưng việc mổ cá lấy gan là cả một nghệ-thuật vì phải mổ thế nào cho buồng gan được nguyên vẹn ? Nhờ tài khéo-léo nên anh H. của chúng tôi đã thành công trong việc mổ cá ; không những anh mổ đã khéo lại còn nhanh nhẹn dị thường. https://thuviensach.vn XIII. Sau cuộc thế-chiến thứ hai kết-liễu Tháng 8 năm 1945, cuộc thế-chiến thứ hai kết-liễu. Đồng-Minh đã giải phóng cho nước Pháp, tướng De Gaulle đã lên nắm giữ chính-quyền. Chính quyền Pháp ở Guy-An mở tiệc ăn mừng cười đùa nhẩy múa một cách khoái trá. Lên cầm quyền nước Pháp, chính-phủ De Gaulle đã làm được một việc hợp thời, ban hành sắc-lệnh ân-xá phạm-nhân, những phạm-nhân ở chính quốc mà còn cả phạm-nhân ở các thuộc địa cũng được phóng-thích và được huy-hoàn xứ sở. Nhưng mãi đến năm 1953 mới có một số 30 chính-trị-phạm và thường phạm gồm người Việt và Miên bị lưu-đày từ 1922-1931 tại Guy-An được Chính-phủ Pháp đưa về Đông-dương cho ngân-quỹ Quốc-gia Việt-Nam đài thọ. Chúng tôi tuy chưa được trở về xứ sở, còn phải ở lại trên phần đất Guy An ; nhưng đã được thoát vòng ngục khám sống cuộc đời tự-do không bó buộc. Để giải-quyết vấn-đề sinh-lý, xã-hội, đa số anh em đã lập gia-đình, lấy vợ người thổ-dân, người chuyên lo buôn bán, người làm tiểu công nghệ, làm thợ thuyền, làm rẫy trồng rau, trái sắn, v.v… một số ra làm công-chức cho chính-quyền địa-phương. Gây cho địa-phương một nền kinh-tế thịnh-vượng, nên chính-quyền Pháp tại Guy-An hết sức kính-nể, được hưởng những đặc quyền như các ngoại-kiều khác. Cuối 1954, tất cả anh em phạm-nhân Đông-dương được chính-phủ Guy-An cho phép trở về xứ sở. Mọi người đều thu xếp gia-đình, lo đủ giấy tờ hợp-lệ chờ tầu chở về Đông-Dương. Nhưng không hiểu vì lý-do gì mà khi con tầu cập bến Cay-En, Chính-phủ Pháp lại chỉ cho phép xuống tầu về xứ có 51 người cùng 3 phụ nữ, 11 trẻ em thuộc gia-đình của 3 anh em trong số 51. Trong số này có cả người Miên và anh em thường-phạm riêng số chiến sĩ Yên-Bái có 7 người. Nhưng không may ! khi tầu về đến Cô-lom-bô (Colombo) thì chiến-sĩ Trần-ngọc-Uẩn, nguyên quán Cổ-âm (Hải-Dương), https://thuviensach.vn bị bệnh mất, nhưng chúng tôi đã vận-động xin phép khâm-liệm đưa được thi-hài anh về chôn cất tại Thủ-đô nước Việt-Nam tự-do này do con tầu cập bến Sài-Gòn ngày 22 tháng 1 năm 1955. 4 Viết thiên Ký-sự đến đây tôi không khỏi ngậm-ngùi tưởng-niệm đến những chiến-sĩ đã bỏ mình nơi trận-địa, trong các lao tù, trên đoạn-đầu-đài và hiện tại trên đất Guy-An cũng còn hơn hai trăm người mà không hiểu vì lý-do gì không được trở về quê-hương xứ-sở ! Đáp tiếng gọi của non sông, hy-sinh xương máu cho Tổ-quốc, Tổ-quốc đã độc-lập ! Mà nắm mồ hoang không người nhắc-nhở ! không hương khói ! Người sống-sót còn bị bơ-vơ ở nước ngoài. Mỉa-mai thay ! Số phận người chiến-sĩ cách-mạng Quốc-gia Việt Nam ! Viết tại Sài-gòn tháng 10 năm 1957 Nghĩa-Viên HOÀNG-VĂN-ĐÀO https://thuviensach.vn XIV. Phụ-lục thi văn 1) BỊ BẮT VÀO GIAM TẠI NGỤC-THẤT HÀ-NỘI NĂM 1929 Việc cả ai hay hóa chuyện đùa, Cơ đồ này đến thế này ru ! Thanh-danh chạy được ba kỳ báo, Nhân-vật trở ra một lũ tù ! Hàn gắn đành mong ngày tái tạo, Bẽ-bàng riêng để thẹn ngàn thu. Biết bao tâm-huyết ! Bao công của ? Nghĩ đến nguồn cơn lệ muốn khô. (NHƯỢNG-TỐNG) 2) CẢNH NHÀ TÙ Hàng vạn con người áo một mầu, Khác nhau con số chẳng đều nhau, Xưa nay vẫn có câu bình-đẳng, Bình-đẳng là đây nọ phải cầu ! (NHƯỢNG-TỐNG) 3) TẮM Vùng-vẫy mình trong bể nước đầy, Kỳ-kỳ cọ-cọ chẳng rời tay ; Ông tây cứ bảo mình yêu nước, Ừ, chẳng yêu sao lại thế này ! (NHƯỢNG-TỐNG) Nhượng-Tống là biệt-hiệu của Văn-sĩ kiêm Thi-sĩ Hoàng Phạm-Trân, sinh năm Ất-Tỵ (1905), là giòng-giõi nho-gia nguyên-quán tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam-Định, người rất thông-minh lỗi-lạc, https://thuviensach.vn Xếp bút lồng cầm bút sắt, Nhượng-Tống là ký-giả xuất sắc của Thực Nghiệp Dân-báo tại Hà-Nội, cùng các ông Phạm Quế-Lâm, Phạm-tuấn-Tài lập nên Nam-Đồng Thư-Xã tại đường Ngũ-xã Hà-nội năm 1925, Thư-xã chuyên xuất-bản những tập sách nhỏ có tính-cách cách-mạng bán với giá phổ-thông, mục-đích để truyền-bá tư-tưởng cách-mạng trong đại chúng. Thư-xã của ông rất được quốc-dân hoan-nghênh nhiệt-liệt. Năm 1927, Nhượng-Tống cùng với một số thân-hữu lập nên một chính đảng là V.N.Q.D.Đ. Nhượng-Tống là một Ủy-viên trong Trung-Ương Đảng Bộ, giữ trọng trách Trưởng-ban biên soạn sách báo để huấn-luyện đồng-chí và tuyên truyền trong quảng-đại quần-chúng. 1929, Nhượng-Tống bị Hội-Đồng Đề-Hình kết án 10 năm cấm-cố lưu đầy ra Côn-Nôn, năm 1936 anh được ân-xá. Về lục-địa, anh tiếp-tục sự-nghiệp cách-mạng, và cũng không quên phụng-sự cho văn-chương, anh đã biên dịch và soạn thảo những tác-phẩm rất có giá-trị như : « Mái-Tây », « Trang-Tử Nam-Hoa Kinh », « Ly-Tao », « Khuất-Nguyên », « Treo Cổ Hoàng-Diệu », « Hai Bà Trưng », « Phất cờ nương-tử », v.v… 1949, Nhượng-Tống đã bị ám-sát tại phố chợ Hôm Hà-nội. Quốc gia mất một chiến-sĩ cách-mạng chân-chính, một văn, thi-sĩ lỗi-lạc tài ba. 4) HÁT NÓI Mưỡu : Trông người lại ngẫm đến ta, Nín đi đứt ruột, nói ra nghẹn lời. Than ôi ! Cũng một kiếp người, Tủi thân trâu ngựa thiệt đời thông-minh. Nói : Trâu cầy ngựa cưỡi, https://thuviensach.vn Nghĩ thân mình thêm tủi lại thêm thương, Cũng thông-minh tai mắt một phường, Người mắc ách, kẻ giong cương, kỳ quái chửa ? Thà rằng thể-phách như trâu, ngựa, Khổ nỗi tâm-hồn khác cỏ cây. Nhìn giang-sơn khi quắc mắt lúc cau mày, Tưởng nông-nỗi đắng cay lòng tráng-sĩ. Nước đời cay đắng bao nhiêu vị ? Giống ươn hèn càng nghĩ lại càng thương ! Bảo nhau ta phải tự-cường. (PHẠM-TUẤN-TÀI) 5) GỬI CHO CHỒNG TRONG NGỤC Rầu-rĩ canh trường trống điểm ba, Trước hiên ngồi tựa bóng trăng tà. Quốc kêu thảm phá tan hồn điệp, Ve hót sầu chia nát ruột hoa ; Đối bóng luống thương con bóng lẻ, Tiếc xuân lại sợ cái xuân già. Muốn lên đến tận Hằng-Nga hỏi, Chừng kiếp tu xưa chửa trọn à ! (Chị PHẠM-TUẤN-TÀI) 6) ĐỀ BÀI PHI-LỘ BÁO « TIẾNG CƯỜI » Tất cả anh em bị giam trong khu sà-lim A quyết định ra một tờ báo bí mật là « TIẾNG CƯỜI » phát hành lưu động trong trại giam. Bộ biên-tập gồm tất cả các đồng-chí hiện bị giam cầm ; thể-lệ là mỗi người phải làm bốn câu thơ. Dưới đây là bài phi-lộ của anh Phạm-tuấn-Tài : Sà-lim chật ních báo ra đời, https://thuviensach.vn Góp với anh em một tiếng cười ; Cười mặn, cười chua, cười chát sịt, Cười này chỉ bán nửa chinh thôi ! Nhưng công việc không thành vì không thể vận-động được bút, giấy… Vì vậy anh Trương-văn-Tấn biệt hiệu « Đa tiếu » làm bài thơ dưới đây để kết thúc : Đa-tiếu từ nay sẽ nhịn cười, Cười vài ba tiếng đủ vui thôi ! Cười ra nước mắt cười chi mãi ! E nữa sà-lim lụt ngất trời. 7) THAY LỜI VỢ TẶNG QUẠT CHO CHỒNG BỊ GIAM TRONG NGỤC Gạt lệ đưa anh chiếc quạt này, Khi buồn cầm đến để vui tay ; Xua con muỗi đói đang rình đốt, Đuổi cái ruồi hôi chực quấy rầy ; Phong lại nhớ-nhung lời ước cũ, Mở ra phe-phẩy đỡ cơn may, Tình em gửi quạt khi phong mở, Gạt lệ đưa anh chiếc quạt này. (GIÁO PHÁC Sơn Tây) 8) SÀ-LIM-OÁN (I) Đầy ám-ngục hơi sầu ảm-đạm, Nát tâm-bào lửa hận cháy gan. Một mình lăn-lóc trên sàn, Đắng cay nước mất nhà tan thân tù, Trong cửa kín sớm trưa chẳng biết, Ngoài đồng-bào sống chết không hay, https://thuviensach.vn Than ôi ! Nông nỗi nước này, Đòi phen hồn ngất máu say vì thù, Lòng héo-hắt cơm bơ nước gáo, Thân võ-vàng xiêm áo tả tơi, Nghiến răng muốn đập tan trời, Tủi thân nô-lệ căm loài dã-man ; Giận cho kẻ tham vàng phụ nghĩa, Đem anh em bán rẻ cho người. Bạc đen chi mấy thói đời, Nước non đành để cho người chủ-trương, Cơ thành bại nát gan tráng-sĩ Cuộc hưng vong ráo lệ anh hùng, Thương thay con cháu Lạc-hồng, Vì đâu cá chậu chim lồng xót xa ! Hồn tinh-vệ bao giờ lấp bể ? Công dã-tràng thương kẻ đồng tâm, Giọt sầu lã chã khôn cầm. Dao oan-nghiệt cắt ruột tầm đòi cơn Ngoài song sắt mưa buồn gió thảm, Bên tường nghe tiếng bạn thở than, Vì đâu nên cuộc dở-dang ? Vì đâu sẩy nghé tan đàn thảm thương ? Lòng rầu rĩ canh trường khó nhắp, Đêm năm canh thổn-thức đòi cơn, Hỡi ai dạ sắt gan vàng ? Cùng nhau trong hội đoạn-trường là đây ! (THẨM-CHI) Thẩm-Chi tức Cả Vấn, giòng-giõi nho-gia, nguyên quán tại làng Nhân Mục (Làng Mọc) tỉnh Hà-Đông. Sinh vào buổi quốc-biến gia-vong ; gác bút nghiên, Thẩm-Chi lao mình vào cuộc đời hiệp-sĩ mã-thượng giang-hồ, một chiến-sĩ cách-mạng Quốc-gia bị Thực-dân kết án phạt giam cấm-cố trong sà- https://thuviensach.vn lim Ngục-thất Hỏa-Lò Hà-Nội về tội bắt được hai lần mang súng lục không giấy phép. Thẩm-Chi đã gặp chúng tôi trong Ngục-thất Hỏa-Lò Hà-Nội năm 1929, cảm-thông nhau trong cảnh « cơm bơ nước gáo, một mình lăn lóc trên sàn », Thẩm-Chi đã viết nên bài « sà-lim-oán » này. Cuối 1929, Thẩm-Chi mãn án cấm-cố, ra mở quán bán chữ viết câu đối thuê tại phố cửa nam Hà-Nội, lấy tên quán là « MẠC NHÂN-CƯ » làm nơi liên-lạc đồng-chí các tỉnh với « HIỆP-THÁI ĐOÀN », một đoàn trong V.N.Q.D.Đ. Thẩm-Chi tức Cả-Vấn đã kế tiếp nối gót các bậc tiền-bối của anh lên đoạn-đầu-đài nhỏ máu hồng nhuộm giang-san Hồng, Lạc thêm tươi thắm. Và dưới đây tôi xin sao lục thêm một bài « SÀ-LIM-OÁN » nữa, mà tác-giả là anh Phạm-tuấn-Tài làm trong những ngày bị giam cầm trong sà lim tại Ngục-thất Hỏa-Lò Hà-Nội năm 1929. Vì quá lâu ngày, tôi bị quên mất ít câu, xin quý-vị độc-giả miễn thứ. 9) SÀ-LIM OÁN (II) Ngoài song sắt mưa rào gió rựt, Trong sà-lim ruột thắt lòng đau ; Ai ơi ? Có biết cơ mầu ? Thân này hỏi với ngục sâu tội gì ? Xót nòi giống cớ chi đeo vạ ? Tiếc non sông ai chả một lòng. Can chi bới vết tìm lông ? Làm cho rẽ Lạc chia Hồng chưa thôi ! Thần công-lý bên trời lẩn mất, Quỷ văn-minh chật đất làm càn, Biết đâu mà tỏ nỗi oan ? Đã đầy đọa nước lại tan-nát nhà. Nơi cố-lý mẹ già mong-mỏi, https://thuviensach.vn Chốn tha-hương vợ dại càng lo ! Con thì trứng nước ngây thơ, Nhà không có nóc bây giờ cậy đâu ? Ơn chín chữ cao sâu đã lỡ, Nợ ba-sinh hương lửa chưa tròn ! Đạo thường lỗi cả với con. Ôi thân đến thế thân còn ra chi ! Bịt hai mắt tường vi bốn mặt, Bó hai chân cùm chặt bốn phương. Tháng ngày nhốt một gian buồng, Nước non thu lại một chuồng ngựa trâu, Miệng chưa trải cá rau oan trái, Mũi chưa quen cứt đái phong trần ; Sói hùm kề gửi chiếc thân, Biết bao thảm-nhục với quân bạo-tàn ? Thảm nhất lúc dao hàn cắt ruột, Thảm nhất khi lửa nhiệt đốt da ! Trông người mắt đã đổ hoa, Mặt mình nào có một ma nào nhìn ! Thảm nhất lúc mong tin chẳng có ! Thảm nhất khi ngửa cổ trông trời ! Trông trời nào thấy đâu trời ! Ngoài hàng song sắt một vài lá rung. Thảm nhất lúc soi khung kính mốc, Thảm nhất khi thấy nước da chì. Râu ria như đuổi xuân đi, Ôi thân đến thế còn gì là thân ! … … … Thảm những lúc làm quen với chuột, Thảm những khi ngồi suốt cả đêm. … … … Nhục những lúc thày cay quan quản, https://thuviensach.vn Mở cửa vài lục soát trước sau ; Giang sơn nào có gì đâu ? Cái thìa đôi đũa cũng thân đem trình. Nhục nhất lúc một mình với bóng, … … … Giang sơn này hỡi giang sơn ? Thề kia dù lỗi, hương tàn còn thơm. (PHẠM-TUẤN-TÀI) Phạm-tuấn-Tài sinh quán tại Nam-Định, là một Giáo-sư trẻ tuổi trường Đỗ-hữu-Vị Hà-Nội. Năm 1925 cùng với ông anh ruột là Phạm-quế-Lâm và văn-sĩ Nhượng Tống lập nên « Nam-Đồng Thư-xã » tại khu Ngũ-xã Hà-Nội. Năm 1927 cùng với một số thân-hữu lập nên chính đảng V.N.Q.D.Đ. Năm 1928 bị Pháp tình-nghi phải đổi lên dậy trường Pháp-Việt tỉnh Tuyên-Quang. Đến Tuyên-Quang anh liền bí-mật hoạt-động cho đảng, thành lập được Chi-bộ ở đây, văn-sĩ Lan-Khai và cụ Cử-nhân Ngô-thúc-Địch đều ở trong Chi-bộ này. Năm 1929 bị Hội-đồng Đề-hình Hà-Nội kết án 15 năm tù cấm-cố lưu đày ra Côn-Nôn. Năm 1936 được ân xá về Hà-Nội, nhưng Phạm-tuấn-Tài đã bị vi-trùng lao ăn nát hai buồng phổi, nên anh đã tạ thế tại quê nhà cách vài tháng sau. https://thuviensach.vn – HẾT – https://thuviensach.vn TỦ SÁCH TINH-HOA Của nhà SỐNG-MỚI xuất-bản ĐÃ XUẤT-BẢN : - GIAI THOẠI VĂN-CHƯƠNG V.N của THÁI-BẠCH - TRẠNG-TRÌNH NGUYỄN-BỈNH-KHIÊM của THÁI-BẠCH - HỌC-LẠC của NGUYÊN-TỬ-NĂNG - PHẠM-HỒNG-THÁI của TÔ-NGUYỆT-ĐÌNH - BỐN VỊ ANH-HÙNG KHÁNG-CHIẾN MIỀN NAM, quyển I và II của THÁI-BẠCH - 72 LIỆT-SĨ HOÀNG-HOA-CƯƠNG của NGUYÊN-TỬ-NĂNG - CUỘC BÚT CHIẾN GIỮA PHAN-VĂN-TRỊ VÀ TÔN-THỌ TƯỜNG của THÁI-BẠCH - NGUYỄN-ĐÌNH-CHIỂU của THÁI-BẠCH SẮP XUẤT-BẢN : MỘT VÀI NHẬN XÉT MỚI VỀ HỒ-XUÂN HƯƠNG của VŨ-BÌNH Sẽ lần-lượt xuất-bản những Tác-phẩm giá-trị gom-góp tất cả TINH-HOA của Đất Nước https://thuviensach.vn Giấp phép số 2133-XB 7-12-57 Của Nha Thông-Tin Nam-Phần Tổng phát-hành NAM-CƯỜNG GIÁ phổ-thông : 80$ https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Notes [←1] Mỗi khi giám-thị hoặc lính gác điểm danh hay kiểm soát do một cửa sổ con bằng 2 bàn tay nằm ở giữa cửa cái. https://thuviensach.vn