🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Từ Hạt Cát Đến Ngọc Trai - Marcus Aurelius Ebooks Nhóm Zalo LỜI NÓI ĐẦU CUỐN SÁCH CỦA TRÍTUỆ Marcus Aurelius - tác giả của tác phẩm Triết học kinh điển Suy ngẫm(1) - là một vị hoàng đế của La Mã cổ đại, đồng thời cũng là một nhà triết học nổi tiếng trong lịch sử. Ngay từ nhỏ, Aurelius được hưởng nền giáo dục toàn diện, tinh thông tiếng La tinh và Hi Lạp, từng học qua triết học, pháp luật, hội họa và là một trong những nhân vật đại diện cho phái Khắc Kỉ (Stoicisme). Khi còn trẻ, ông đã tham gia vào chính trị và 3 lần giữ chức Tổng tài của đế quốc La Mã. Năm 161 TCN, ông lên ngôi hoàng đế La Mã ở tuổi 40. Nhờ sự kiên quyết của mình, ông đã cùng với anh trai là Lucius Verus lên ngôi, trở thành vị đồng hoàng đế đầu tiên trong lịch sử La Mã. Trong những ngày tháng nắm quyền, Marcus Aurelius không hề tỏ ra cao ngạo hay sử dụng quyền lực bừa bãi, mà nghiêm cẩn chấp chính, một lòng vì nước vì dân. Khi tại vị, ông đã ban hành nhiều điều luật cải cách, xóa bỏ những quy định bất hợp lí, được dân chúng vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ. Ngoài ra, để dân chúng nơi biên cương cũng được hưởng thái bình, ông nhiều lần thân chinh dẫn quân đi dẹp loạn, cuối cùng đổ bệnh rồi qua đời ngay chính trong doanh trại. Marcus Aurelius chưa bao giờ vì bận rộn triều chính mà từ bỏ việc suy ngẫm và viết lách, hễ có thời gian là ông đọc sách, ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ của bản thân, sau này những tư liệu quý giá ấy đã được ông tổng hợp lại và viết nên tác phẩm kinh điển Suy ngẫm. Có người từng thắc mắc, tại sao cuốn tùy bút của một vị hoàng đế La Mã lại có thể trở thành sách gối đầu giường của nhiều Tổng thống, thậm chí còn được yêu thích không nỡ rời tay như vậy. Thực ra nếu đọc Suy ngẫm, bạn sẽ hiểu được đây không chỉ đơn giản là một cuốn sách ghi lại những cảm nhận, cảm xúc vu vơ. Từ chuyện bạn bè đến người thân, từ những chuyện nhỏ nhặt đời thường đến vũ trụ bao la, tất cả đều phản ánh trí tuệ của Marcus Aurelius. Có người nói ông đã dùng chính linh hồn mình để viết nên kiệt tác này. Từng câu văn, dòng chữ đều toát lên phẩm cách cao thượng, dũng cảm, nhân hậu, khiêm tốn của một bậc vĩ nhân. Đọc Suy ngẫm cũng tựa như được tắm trong đại dương chân lí, mang tới cho bạn những ích lợi không ngờ. Trong cuốn sách mà quý độc giả đang cầm trên tay đây, chúng tôi xin được giới thiệu tác phẩm kiệt xuất vang danh thiên cổ này. Với hình thức trình bày mới lạ, cuốn sách đã chọn lựa những đoạn kinh điển nhất trong Suy ngẫm, qua đó đúc rút ra không ít bài học từ những triết lí sâu sắc đó. Hi vọng quý độc giả có thể thông qua cuốn sách này gạn lọc được cho riêng mình những “giọt trí tuệ” làm phong phú thêm thế giới tâm hồn. PHẦN 1 > RỘNG LÒNG TIẾP THU TRÍTUỆCỦAMỌI NGƯỜI Là một vị minh quân của đế quốc La Mã hùng mạnh, Marcus Aurelius đã dùng văn phong khiêm nhường để viết khúc mở đầu tác phẩm Suy ngẫm, thể hiện phẩm chất ưu tú trong việc sẵn lòng học hỏi từ người khác. Tuy ở trên ngai vàng cao quý, quyền lực nắm trong tay, nhưng ông không hề sao nhãng việc tự kiểm điểm mình, tinh thần đó thực sự đáng để chúng ta phải học tập. ● Những phẩm chất tốt đẹp của người thân chính là tài sản vô cùng quý giá ● Có thêm nhiều thầy giỏi, bạn hiền ● Dùng lí trí để làm chủ cuộc đời ● Tránh xa than phiền ● Lạc quan đối mặt với cuộc sống 1 NHỮNG PHẨMCHẤTTỐT ĐẸP CỦA NGƯỜITHÂN CHÍNH LÀ TÀISẢN VÔ CÙNG QUÝ GIÁ Nguyên văn Từ ông nội Verus II, ta học được phẩm chất đạo đức vĩ đại và cách kiềm chế sự giận dữ. Từ danh tiếng và những hồi ức về cha, ta hiểu được thế nào là khiêm tốn và quả cảm. Từ mẹ, ta học được sự tôn kính, chân thành, nhân ái. Ta không chỉ từ bỏ những thói xấu mà còn từ bỏ cả những ý niệm xấu xa cũng như cách sống xa xỉ để sống một cách giản dị. Từ cụ nội, ta hiểu được việc không nên thường xuyên ra vào các ngôi trường công cộng(1), mà hãy tìm riêng cho mình một gia sư tốt; đồng thời hiểu được rằng trong một số việc, con người ta không nên tiếc tiền bạc để có được cho mình điều phù hợp và tốt đẹp nhất. LỜI VÀNG Ý NGỌC Kế thừa những phẩm chất tốt đẹp từ người thân trong gia đình Các cuộc điều tra nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn và vô cùng quan trọng đối với con người, không khí gia đình hòa hợp thì con cháu trong nhà cũng thường có tài năng và sự nghiệp xán lạn. Nhiều người thường coi nhẹ vai trò của người thân, cho rằng “Muốn thành công thì nhất định phải học cách trở thành người thành công”, vì thế mà bỏ qua những ưu điểm của chính những người trong gia đình mình. Là một vị hoàng đế vĩ đại, Marcus Aurelius không hề đề cập việc “Tôi đã học được những gì từ người khác” trong phần mở đầu của Suy ngẫm, bởi ông biết chính gia đình mới là nhân tố quyết định làm nên bản thân ông ngày hôm nay. Cũng chính nhờ những phẩm chất ưu tú học được từ cha mà ông mới có thể trở thành một bậc minh quân. Ken Olsen - Tổng giám đốc, đồng thời cũng là người sáng lập Công ty máy tính DEC (Digital Equipment Corporation) của Mĩ, từng được tạp chí Happiness bình chọn là “Doanh nhân thành công nhất nước Mĩ”. Ban đầu, khi công ty mới thành lập, chỉ có vỏn vẹn vài nhân viên, nhưng Olsen cùng các cộng sự của mình đã không ngừng nỗ lực; sau 30 năm, công ty trở thành người khổng lồ dẫn đầu trong ngành điện tử. Khi nói đến bí quyết thành công, Ken Olsen luôn nhắc đến cha mình, ông nói: “Cha tôi tuy là kĩ sư nhưng ông không có bằng cấp gì mà chỉ học dở dang rồi đi làm luôn. Do ông có trong tay vài bằng chứng nhận quyền phát minh, nên đã trở thành một nhân viên kinh doanh. Một lần, ông giới thiệu sản phẩm của công ty cho khách hàng, nhưng khi nhận thấy rằng sản phẩm đó không hề thiết thực đối với vị khách ấy, ông ngược lại còn khuyên khách đừng mua. Chuyện này đến tai sếp, tuy bị một trận rầy la nhưng ông lại được mọi người khen ngợi. Từ cha mình, tôi hiểu được ý nghĩa đích thực của hai chữ THÀNH TÍN.” Cũng giống cha, Ken Olsen có những thói quen tốt trong cuộc sống như không hút thuốc, uống rượu; hơn nữa, trong công việc ông rất có nguyên tắc, luôn đối đãi chân thành với bạn bè cũng như nhân viên dưới quyền. Chính nhờ những phẩm chất tốt đẹp ấy mà Ken Olsen đã khiến cho công ty ngày một lớn mạnh hơn. Tài sản của Marcus Aurelius Bài học quan trọng Chúng ta cần phát hiện ra những ưu điểm của các bậc trưởng bối trong gia đình, bởi ai cũng khó tránh khỏi có những khiếm khuyết nhất định, nhưng nếu chỉ luôn nhìn thấy những điểm thiếu sót thì tâm hồn ta sẽ ngày càng trở nên nhỏ mọn. Nếu chúng ta yêu quý người thân và mong muốn hòa thuận với gia đình thì hãy giữ thái độ cầu thị, khiêm nhường, tìm kiếm những phẩm chất đáng quý để học tập và phát huy. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể không ngừng tiến bộ. Nguyên văn Từ thầy giáo của mình, ta biết rằng không nên gia nhập vào bất cứ phe phái nào trong những cuộc đấu đá, cũng đừng bao giờ can dự vào những trận tranh giành của các phe phái trong những cuộc đấu đá đó. Từ thầy, ta cũng học được tình yêu lao động, tu tâm dưỡng tính, tự làm việc của mình, không can thiệp vào việc của người khác cũng như không tùy tiện tin vào những lời đồn thổi. Từ Fronto, ta học được rằng quan sát chỉ là sự đố kị, ngụy biện và giả dối của kẻ bạo chúa; hiểu được rằng những kẻ được coi là giới thượng lưu lại thường thiếu lòng nhân từ và tình yêu đồng loại. Từ Catulus, ta hiểu được rằng khi bạn bè than thở, cho dù là những điều vô lí đi chăng nữa thì cũng đừng làm ngơ mà hãy cố gắng giúp họ bình tĩnh lại, và phải luôn chuẩn bị sẵn sàng những lời tốt đẹp để dùng khi cần khuyên nhủ ai đó, tựa như mối quan hệ giữa Domitius và Athenodotus mà người đời vẫn hằng ca tụng vậy. Từ ông ấy, ta cũng hiểu được cách yêu thương con mình bằng cả trái tim. Từ anh trai Severus, ta hiểu được cách yêu thương người thân của mình, yêu chân lí, yêu chính nghĩa. Từ anh ấy, ta biết đến Thrasea, Helvidius, Cato, Dion và Brutus. Từ anh ấy, ta tiếp thu tư tưởng dùng chế độ pháp luật giống nhau cho tất cả mọi người, thực thi chế độ bình đẳng về quyền lợi và tự do ngôn luận, cũng như quan niệm tôn trọng hết sức có thể quyền tự do của những người bị thống trị bởi vương quyền. LỜI VÀNG Ý NGỌC Tình bạn càng bền vững thì cơ hội thành công càng lớn Người xưa có câu “Ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè”, có thể thấy, con người sẽ khó có thể thành công nếu thiếu sự giúp đỡ của bạn bè. Chúng ta cần tình bạn, không phải là mong cầu lợi ích từ bạn, mà phải thật lòng đối xử với bạn, đồng thời học tập những ưu điểm của bạn để biến chúng thành ưu điểm của mình. Từ những suy ngẫm của Marcus Aurelius, có thể nhận thấy ông vô cùng coi trọng tình bạn và hết lòng với tình bạn đó. Ông học được từ bạn cách nhìn nhận, quan sát sự vật, sự việc trong cuộc sống, học cách yêu thương gia đình, quý trọng chân lí. Hơn nữa ông còn nắm được bí quyết giữ gìn tình bạn: Khi bạn bè than phiền, nhất định phải kiên nhẫn và lắng nghe. Thái độ nên có với tình bạn là: Không tính toán những thứ mình nhận được, nhưng nhất định phải coi trọng việc cho đi. Có câu chuyện về tình bạn rằng: Hai người bạn đang tranh cãi rất gay gắt, một người còn bị bạn đấm cho một quả, anh liền viết trên cát: “Hôm nay tôi bị bạn đánh”. Sau đó, hai người họ qua sông, người bị đánh rớt xuống sông, được người kia cứu sống, anh ta bèn khắc lên một tảng đá: “Hôm nay tôi được bạn cứu sống”. Người bạn kia thấy vậy thắc mắc, anh bèn giải thích: “Khi bị bạn bè làm tổn thương, tôi viết lên cát, vì tôi biết rằng gió sẽ thổi cát đi; khi bạn bè có ơn với tôi, tôi sẽ nhớ kĩ trong lòng.” Qua câu chuyện này có thể thấy rằng, một tình bạn vĩ đại sẽ chẳng hề so tính thiệt hơn. Người biết quý trọng và giữ gìn tình bạn mới có được sự tôn trọng và thành công trong cuộc sống. Chân lí về tình bạn Tình bạn không có nghĩa là ai cũng có thể làm bạn, càng đông càng vui; điều quan trọng nhất là giữa những người làm bạn với nhau có cùng chí hướng hay không, có ảnh hưởng tốt đến nhau hay không. Quản Ninh chọn bạn Quản Ninh thời nhà Hán, từ nhỏ đã rất thích học, ông thường cùng bạn là Hoa Hâm ngồi chung bàn đọc sách. Lần nọ, ngoài đường có xe đi qua, Hoa Hâm liền buông sách chạy ra ngoài xem. Quản Ninh bèn chia đôi bàn, ngồi tách khỏi Hoa Hâm và bảo Hoa Hâm rằng: “Cậu không phải là bạn của tôi.” Trong mắt Quản Ninh, người không thể tĩnh tâm đọc sách, dễ dàng bị thế giới bên ngoài tác động như Hoa Hâm thì không phải là người đáng để ông kết giao. ↓ Một lần, Quản Ninh và Hoa Hâm cùng ra đồng trồng rau, chợt nhìn thấy có một thỏi vàng trên đồng, Quản Ninh không chút động lòng, tiếp tục cuốc đất, còn Hoa Hâm lại nhặt thỏi vàng lên ngắm nghía một hồi rồi ném đi. Có thể thấy, Quản Ninh luôn một lòng tĩnh tâm học hành, không hề bị tiền bạc làm lóa mắt, còn Hoa Hâm vẫn bị tạp niệm ảnh hưởng. Từ đó, hai người tuy vẫn học cùng nhưng không còn thân thiết nữa. Bài học quan trọng Có người thường cảm thấy tự ti vì ít bạn, thực ra có nhiều bạn cũng chưa hẳn là tốt, quan trọng là những người bạn đó có xứng đáng để kết giao hay không. Có câu “Gặp hoạn nạn mới biết lòng nhau”, nếu khi bạn gặp khó khăn mà những người bạn vẫn luôn ở bên giúp đỡ thì tình bạn đó mới thực sự đáng quý. Đời người gặp được một tri kỉ hiểu lòng ta là đã đủ, nếu có một người bạn có thể trở thành tri kỉ thì sẽ chẳng còn gì phải tiếc nuối nữa. Nguyên văn Từ Apollonius, ta hiểu được sự tự do của ý chí và sự kiên định với mục tiêu đã chọn; hiểu rằng bất cứ lúc nào cũng phải dựa vào lí trí chứ không phải thứ gì khác; hiểu rằng ngay cả trong nỗi đau khổ mất con hay sự giày vò của bệnh tật cũng phải trấn tĩnh như thường. Từ Apollonius, ta cũng nhìn thấy một người vừa kiên định lại vừa linh hoạt, một tấm gương sáng về việc luôn giữ được sự trầm tĩnh lạ thường mỗi khi khuyên bảo người khác; đồng thời cũng là người rất tỉnh táo, không hề kiêu ngạo bởi những kinh nghiệm phong phú và kĩ năng khéo léo khi giải thích các nguyên tắc triết học của mình. Ta cũng học được cách làm thế nào để lấy được cảm tình từ những người bạn đáng kính mà bản thân không hề cảm thấy tự ti, hoặc học cách làm ngơ trước họ. Từ Diognetus, ta học được rằng đừng bao giờ khiến bản thân phải bận rộn chỉ vì những việc nhỏ nhặt, không tin những lời của thầy bói hay đạo sĩ, xóa bỏ những yếu tố ma quỷ hay những thứ tương tự; học cách không sợ hãi cũng không say mê chiến tranh; học cách lắng nghe người khác nói; học cách tiếp cận triết học. Từ Rusticus, ta lĩnh ngộ được rằng tính cách của một con người cần được rèn giũa và sửa đổi, hiểu rằng không được để mình bị cuốn vào những cuộc thi hùng biện, không viết những thứ để đầu cơ trục lợi, không nhắc nhở những điều vụn vặt, không thể hiện mình học rộng biết nhiều hay đem những việc làm từ thiện ra để khoe khoang; học được cách tránh lối viết câu chữ đẹp đẽ mà sáo rỗng; không mặc loại quần áo để mặc khi ra ngoài những khi ở nhà hay làm những việc tương tự; học cách viết thư với văn phong giản dị, chân thật, như kiểu bức thư mà Rusticus gửi cho mẹ ta vậy. Đối với những người dùng lời lẽ để xúc phạm hay có lỗi với ta, nếu họ đã có ý hòa giải thì hãy vui vẻ chấp nhận. Từ Rusticus, ta cũng học được cách đọc kĩ lưỡng, tỉ mỉ, không thỏa mãn với những lí giải bề ngoài, không tùy tiện vào hùa với những người luôn miệng thao thao bất tuyệt. Ta cũng phải cảm ơn Rusticus vì đã cho ta biết đến tư tưởng của Epictetus, những tri thức đó đều là do ông ấy đã thu lượm và truyền thụ lại cho ta. LỜI VÀNG Ý NGỌC Rộng lòng đón nhận như trăm sông đổ vào biển lớn chính là cảnh giới cao nhất của việc làm người Thời Hi Lạp cổ, có một vị đại sư học vấn uyên bác, rất được mọi người kính trọng. Một người học trò của ông sau khi đã khổ công học tập thì tự cho rằng mình đã nắm được hết mọi chân lí, bèn nói với sư phụ rằng: “Con đã đọc hết tất cả các tác phẩm của tiên triết, cũng hiểu được vô số đạo lí, vậy theo thầy liệu sau này con có thành đạt không?” Đại sư đáp: “Sau này, việc gì của con cũng không thành.” Người học trò ngạc nhiên hỏi: “Tại sao vậy ạ? Chẳng lẽ con học như vậy vẫn chưa đủ sao? Nếu như học chân lí rồi mà vẫn không thành công thì con đọc những sách ấy có ích gì chứ!” Đại sư cười nói: “Nếu chỉ dựa vào trình độ của con bây giờ thì quả thực không có hi vọng gì để thành công cả. Một người tuy bụng chứa đầy kinh luân nhưng nếu không nhận ra được những nhược điểm của bản thân, thì khi bị người khác chỉ trích, phê bình, nhất định sẽ không thể chấp nhận được; khi gặp phải khó khăn, trở ngại, nhất định sẽ chán nản bi quan. Thực ra, con đọc bao nhiêu sách không quan trọng, cái chính là con có một trái tim rộng mở hay không.” Marcus Aurelius từ nhỏ đã được giáo dục rất tốt, có thể nói là học vấn uyên thâm, lại là hoàng đế La Mã, hoàn toàn có quyền thỏa sức làm theo ý của mình, nhưng ông lại luôn giữ thái độ khiêm nhường, thừa nhận “phẩm cách” của mình “cần rèn giũa và sửa đổi”. Một người không ngừng học hỏi, lại có tâm hồn khoáng đạt, chấp nhận mọi thử thách như vậy thì sao có thể không được người đời tôn trọng chứ? Lí trí là nguồn gốc của chân lí Khái niệm lí trí mà chúng ta vẫn nói đến là để chỉ một kiểu thái độ nhìn nhận sự vật, sự việc và cuộc sống, là năng lực khống chế cảm xúc và điều chỉnh tâm lí. Hai yếu tố chính của lí trí Tự nhận thức về bản thân Không nhận thức được rõ bản thân mình thì sẽ có thể trở thành người tự cao tự đại, tự huyễn hoặc về bản thân. Vì vậy, vừa phải thấy được ưu thế, lại vừa phải nhận thức rõ nhược điểm của mình, đồng thời tìm mọi cách để lấy ưu điểm bù đắp cho thiếu sót. Nhận thức về thế giới bên ngoài Nên đối xử thế nào với thế giới xung quanh? Chúng ta phải nắm vững một điều: Đừng để bị chi phối bởi những cảm xúc phi lí trí, học cách dùng quan điểm toàn diện để nhìn nhận vấn đề. Hãy thử lí giải những thứ mình không hiểu, và nghi ngờ những quan niệm được tất cả mọi người thừa nhận. Bài học quan trọng Con người sống cảm tính, không thể nào xử lí tất cả mọi việc bằng lí trí một cách tuyệt đối mà không mang chút tình cảm cá nhân nào. Điều chúng ta cần làm không phải là trở thành người máy mà là học cách suy luận, vứt bỏ thói quen nhìn nhận sự việc một cách phiến diện. Ví dụ như khi tranh cãi với người khác, bạn hãy thử nghĩ: Nếu mình là anh ta thì nên nói như thế nào? Điều đó chứng tỏ thói quen suy luận của bạn đã ngày một trưởng thành hơn. Nguyên văn Từ Claudius Maximus, ta học được cách kiểm soát bản thân, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì, trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi bệnh tật cũng vẫn vui vẻ như thường, phẩm chất đạo đức là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự ngọt ngào và tôn nghiêm, giải quyết ổn thỏa những việc trước mắt mà không một lời than vãn. Ta nhận thấy tất cả mọi người đều tin rằng, suy nghĩ của một người như thế nào thì sẽ được thể hiện trong lời nói của họ như thế ấy, không có ác ý nào ẩn chứa bên trong. Maximus chưa từng thể hiện sự ngạc nhiên hay hoảng sợ trước bất cứ việc gì, ông chẳng bao giờ vội vã cũng chẳng từng chậm trễ, chưa hề thấy mông lung hay chán nản, ông không bao giờ mượn tiếng cười để che giấu nỗi bất an, mặt khác cũng không quá cuồng tín hay đa nghi. Ông quen làm việc thiện, luôn khoan dung và tránh phạm phải lỗi lầm. Ông để lại ấn tượng về một người vô cùng ngay thẳng chính trực, không ngừng học hỏi để cải thiện bản thân. Ta cũng nhận thấy rằng: Chưa thấy ai phản ánh rằng đã từng phải chịu sự miệt thị của ông hay dám tự nhận mình là người tốt hơn ông. Ông còn là người hài hước, có năng khiếu đem lại niềm vui cho mọi người. LỜI VÀNG Ý NGỌC Người có thể thay đổi thế giới không phải là người biết nói mà là người biết làm Chúng ta thường hay than vãn vì những việc nhỏ nhặt, ví dụ như bưu điện làm thất lạc bưu kiện cần gấp, hay chỉ vì một chuyện nhỏ mà bị cấp trên la mắng. Nhìn bề ngoài thì dường như những chuyện vụn vặt ấy chẳng liên quan gì đến hành động của chúng ta, do đó mà nguyên nhân của chúng đều là “số đen”. Tuy nhiên, khi chúng ta đã quen than phiền thì không chỉ khiến bạn bè xa lánh mà bản thân ta còn có thể mất đi những cơ hội tốt. Một sinh viên tốt nghiệp đại học được tuyển vào một công ty lớn làm nhân viên Marketing. Các nhân viên trong phòng Marketing sau khi thảo luận và sửa chữa, cuối cùng đã hoàn thành bản kế hoạch Marketing, đưa sản phẩm mới của công ty ra thị trường một cách thuận lợi, đây quả là chuyện đáng chúc mừng. Nhưng khi sản phẩm được bày bán thì phát hiện thấy trong câu quảng cáo sản phẩm có một lỗi rất nhỏ, song lại vô cùng nghiêm trọng: Số điện thoại dịch vụ khách hàng bị sai. Giám đốc biết chuyện nổi trận lôi đình, lập tức triệu tập các trưởng phòng đến họp kiểm điểm. Trưởng phòng Marketing họp xong về thông báo: Hủy buổi liên hoan mừng thắng lợi, tất cả nhân viên phòng Marketing đều phải chịu phạt, cắt tiền thưởng. Cả phòng ai nấy đều rất bực bội, không ngớt kêu ca, thật không công bằng, chỉ vì tài liệu tuyên truyền mắc lỗi, hơn nữa cũng chẳng phải do tất cả mọi người gây ra, tại sao bây giờ lại đều phải chịu phạt? Cậu sinh viên mới ra trường không nói một lời mà chỉ yên lặng suy nghĩ, cậu cảm thấy vẫn còn có thể cứu vãn được tình hình, bèn bắt tay vào viết một bản báo cáo kế hoạch sửa chữa, giảm thiểu thiệt hại cho công ty. Kiến nghị của cậu nhanh chóng được tiếp nhận, còn cậu thì chưa tới nửa năm sau đã trở thành trưởng phòng Marketing. Nhiều người cảm thấy vô cùng kinh ngạc trước chuyện này, nhưng họ không phát hiện ra một điều, cậu nhân viên mới chân ướt chân ráo vào đời này đã nắm được một nguyên tắc quan trọng để thành công: Nói ít, làm nhiều. Mỗi người đều sẽ gặp phải vô số khó khăn trên đường đời, rất ít người có thể tránh xa phiền muộn, sống cuộc sống an nhàn không vướng bận. Vì thế, khi đối mặt với những chuyện phiền phức vụn vặt, nếu có thể thì hãy cố gắng không than vãn, thay vào đó là bình tâm nghĩ cách giải quyết, điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn than vãn rất nhiều. Bí quyết không than phiền – Từ hạt cát đến ngọc trai ➊ Có cậu thanh niên nọ, tự cho rằng mình rất có tài, nhưng khi ra ngoài xã hội thì mãi mà cậu ta vẫn chưa tìm nổi công việc lí tưởng cho mình. Cậu ta cho rằng mình chưa gặp được người biết trân trọng tài năng và cảm thấy vô cùng thất vọng. Hôm ấy, cậu bị cấp trên la mắng, liền tức giận bỏ việc, cuối cùng đến bên bờ biển, trong lòng tràn đầy nỗi tuyệt vọng, định dầm mình xuống nước tự vẫn. Đúng lúc ấy, có một cụ già đi ngang qua, trông thấy vậy liền ngăn cậu lại và hỏi han sự tình. Cậu than thở: “Ông trời thật quá bất công, cháu sống còn có ý nghĩa gì đâu!” ➋ Cụ già cúi xuống vốc lên một nắm cát rồi rắc xuống đất, nói: “Cháu hãy nhặt từng hạt cát mà ta vừa rắc xuống lên đi.” Cậu thanh niên thốt lên: “Sao mà làm được ạ?” Cụ già lại lấy từ túi ra một viên ngọc trai rồi vứt xuống đất, nói: “Thế nếu ta bảo cháu nhặt viên ngọc lên thì chắc cháu làm được chứ?” Cậu thanh niên đáp: “Chuyện đó thì đương nhiên là được ạ!” Cụ già cười nói: “Vậy thì khi cháu vẫn còn là một hạt cát, đừng kì vọng người khác nói chuyện với mình như với một viên ngọc trai.” Bài học quan trọng Chẳng ai vừa sinh ra đã là một viên ngọc trai, bất cứ ai muốn trở thành ngọc trai cũng đều phải trải qua rất nhiều nỗ lực, thậm chí là đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt nữa. Khi bạn chưa được người khác xem như một viên ngọc trai, thì hãy coi mình như một hạt cát. Đừng than vãn cuộc đời không công bằng, thay vào đó hãy nhìn nhận một cách đúng đắn những lời chỉ trích, phê bình của người khác, cố gắng thầm lặng để từng bước, từng bước một làm tốt mọi chuyện. Cứ như vậy, rồi sẽ có một ngày, người khác cũng sẽ nhận ra bạn là viên ngọc trai vô giá. Nguyên văn Ta cảm ơn Thượng đế vì đã cho ta tổ tiên tốt, cha mẹ tốt, chị em tốt, thầy giáo tốt, bạn bè tốt và tất cả những điều tốt đẹp khác... Sức khỏe của ta không được tốt trong một thời gian dài, dù chưa đến mức như Benedicta hay Theodotus, song từ khi được đắm mình trong tình yêu thì bệnh tật của ta đã được chữa khỏi. Tuy ta không có được khí chất như Rusticus, nhưng ta cũng chưa phải hối hận vì bất cứ việc gì mình đã làm. Tuy mẹ ta mất sớm, nhưng trong những ngày tháng cuối cùng, bà luôn có ta kề bên. Khi ta muốn giúp đỡ những người cần sự giúp đỡ, hay vào bất cứ tình huống nào khác, ta đều thấy mình có đủ khả năng làm những chuyện đó. Còn riêng bản thân ta chưa bao giờ cần đến sự báo đáp của bất cứ ai được ta giúp đỡ. Ta có một người vợ vô cùng hiền dịu, mẫu mực và hết lòng yêu thương, chăm sóc cho ta. Con ta cũng được dạy dỗ bởi rất nhiều thầy giáo xuất sắc. Từ những giấc mơ và nhiều cách khác, ta tìm ra các loại cây thuốc chữa chứng ho ra máu và chóng mặt... Khi ta yêu thích Triết học, ta không bị rơi vào tay những nhà ngụy biện, không bị lãng phí thời gian vào những tác phẩm lịch sử hay kiểu lí luận Tam đoạn luận; cũng không bị sa đà vào việc tìm hiểu về Thiên đường, bởi tất cả những việc kể trên đều phải có vai trò của thần linh hay vận mệnh giúp đỡ. LỜI VÀNG Ý NGỌC Thái độ quyết định tất cả Ngay từ phần 1, Marcus Aurelius đã luôn nhìn nhận mọi thứ với một trái tim biết ơn vô hạn, ông có được nguồn cảm hứng dồi dào từ bạn bè và người thân, cảm thấy cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Từ đó có thể thấy vị hoàng đế La Mã này là một người luôn giữ thái độ lạc quan, tích cực trong cuộc sống, điều ấy khiến ông không bao giờ sợ hãi dù có gặp phải bất cứ khó khăn nào. Vào thời cổ đại, có vị quốc vương nọ, một đêm ông mơ thấy núi non đổ sụp, đất đai nứt toác, nước cạn khô, hoa lá tàn rụng. Sau khi tỉnh dậy, ông liền kể lại giấc mơ cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu mặt biến sắc, thốt lên: “Không tốt rồi! Núi lở báo hiệu non sông sắp mất, nước cạn báo hiệu dân chúng sắp tạo phản, vì thuyền đại diện cho quân vương, nước đại diện cho dân chúng, nước cạn thì thuyền không thể đi được nữa, cũng có nghĩa là bách tính muốn lật đổ nhà vua. Hoa tàn báo hiệu những ngày tươi đẹp không còn bao lâu...” Quốc vương nghe vậy thì lập tức vì lo sợ mà đổ bệnh, bệnh tình ngày một trầm trọng hơn. Một hôm, một vị đại thần đến thăm quốc vương, nghe kể lại chuyện giấc mơ thì cười nói: “Tâu quốc vương, đó là điềm lành! Núi lở, trở thành đất bằng, chỉ việc thiên hạ thái bình. Nước cạn, báo hiệu rồng vàng sắp xuất hiện, Người chính là thiên tử, là rồng vàng! Còn hoa tàn, dân gian có câu “Hoa tàn mới có quả ngọt”, chứng tỏ bao công lao trị vì đất nước của Người sắp có thành quả tốt đẹp.” Quốc vương nghe xong, mừng rỡ vô cùng, bệnh tình cũng theo đó mà nhanh chóng thuyên giảm. Ngụ ý của câu chuyện này cũng giống như thái độ sống của Marcus Aurelius vậy, chỉ có thái độ sống lạc quan, tích cực mới tạo nên được cuộc sống hạnh phúc. Khi đối diện với khó khăn, nếu chỉ biết than thân trách phận, đổ lỗi cho người khác thì khó có thể vượt qua được những khó khăn, trở ngại ấy. Thủ tướng Anh Churchill từng nói: “Đừng chỉ nghĩ mãi về việc vì sao mình thất bại, nếu bạn luôn nhớ đến những giờ phút huy hoàng nhất của mình thì chẳng có trở ngại nào bạn không thể vượt qua được.” Cốc nước vơi một nửa hay vẫn còn một nửa Bậc thầy về nghệ thuật thành công - Napoleon Hill từng nói: “Giữa người với người chỉ có một sự khác biệt rất nhỏ, nhưng sự khác biệt nhỏ ấy lại tạo thành sự khác biệt rất lớn! Sự khác biệt rất nhỏ đó chính là thái độ sống tích cực hay tiêu cực, còn khác biệt lớn chính là thành công và thất bại.” Một người lạc quan nhìn thấy nửa chai nước sẽ nói: “Ôi, hóa ra vẫn còn nửa chai nước, mình thật may mắn!” Một người bi quan khi nhìn thấy nửa chai nước sẽ nói: “Sao lại chỉ còn có nửa chai nước thế này? Thật là đen đủi!” Thái độ sống lạc quan sẽ khiến bạn tự tin gấp bội, dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ tìm ra được cách giải quyết, cho dù có phải đối mặt với trở ngại và thất bại cũng không hề sợ hãi. Thái độ sống tiêu cực chỉ khiến bạn chán nản buồn bã, dù chỉ là chuyện đơn giản đi nữa cũng không làm tốt được. Cuộc đời cứ như vậy rơi vào vòng tuần hoàn ác tính. Bài học quan trọng Không ai có thể có được một cuộc sống thuận buồm xuôi gió đến hết cuộc đời, bởi đường đời vốn luôn đầy rẫy chông gai và bất trắc. Việc chuẩn bị một tâm thái tích cực, không có nghĩa là chúng ta bỏ qua, hoàn toàn không quan tâm tới những khó khăn, hay thậm chí trốn chạy, mà là khiến chúng ta chủ động chuẩn bị một trạng thái tốt nhất để sẵn sàng đương đầu và giải quyết vấn đề. Người thực sự thành công là người luôn biết rõ mình cần phải làm gì để giải quyết vấn đề, chứ không phải ngồi một chỗ và ca thán. PHẦN 2 > SUY NGHĨTHÔNGMINH Là bậc quân vương, Marcus Aurelius tài trí mà hiền đức; còn khi là một học giả thì ông lại càng chứng tỏ được tài năng của mình. Trong phần này, chúng ta sẽ được lĩnh hội vô số tư duy triết học cũng như thái độ của ông với cuộc sống, tất cả đều lấp lánh ánh sáng của trí tuệ. ● Thu phục lòng người ● Sống vì bản thân ● Có mục đích rõ ràng trong mọi chuyện ● Trân trọng cuộc sống hiện tại ● Tư duy dẫn lối cuộc đời 1 THU PHỤCLÒNG NGƯỜI Nguyên văn Khi bắt đầu ngày mới, ta luôn tự nhủ với chính mình: Ta sẽ gặp những kẻ tọc mạch, những kẻ vong ơn bội nghĩa, những kẻ ngạo mạn, những tên lừa lọc, đố kị và tự cô lập bản thân. Chúng nhiễm phải những thói xấu đó là do chúng không biết thế nào là thiện, thế nào là ác. Tuy nhiên, ta là người biết bản chất của thiện và ác, biết thiện là những điều tốt đẹp, ác là những thứ xấu xa. Ta biết bản tính của những kẻ làm việc ác thực ra cũng giống với ta, chúng ta không chỉ có da và máu giống nhau, chúng ta còn có một phần trí tuệ và thiên tính như nhau. Ta sẽ không để bất cứ ai trong số chúng làm hại, vì dù là ai cũng không thể làm điều ác với ta, ta cũng không thể trút giận hay thù hận lên những kẻ là đồng loại của mình. Bởi lẽ, từ khi sinh ra, vận mệnh của chúng ta là phải hợp tác với nhau, như tay với chân, như môi với răng. Thế nên, chống lại nhau chính là chống lại vận mệnh, cũng chính là tự loại bỏ mình, tự chuốc phiền não cho bản thân. LỜI VÀNG Ý NGỌC Cho dù đối phương là ai cũng hãy thử thân thiện với họ Marcus Aurelius mặc dù là đấng quân vương cao quý song vẫn nhận thức được một cách sâu sắc như vậy về vấn đề giao tế trong xã hội, quả thực là một điều đáng quý. Dân gian có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tính cách, thói quen, sở thích, khiếm khuyết của mỗi người đều không ai giống ai. Khi giao tế với người khác, chúng ta thường chọn kết bạn với những người mình thích, lánh xa những người không thích. Nhưng Marcus Aurelius đã đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác biệt – thu phục tất cả mọi người, bất kể đối phương là ai, dù cho đó là người xung khắc với mình như nước với lửa đi nữa thì cũng vẫn phải thân thiện với họ. Dale Carnegie, nhà văn nổi tiếng người Mĩ và là tác giả cuốn Đắc nhân tâm đã từng mở lớp luyện kĩ năng giao tiếp, giúp cho những người không dám nói trước đám đông có được dũng khí phát ngôn. Nhiều người có tính cách hướng nội, cô lập sau khi tham gia lớp học của ông đã có sự tiến bộ đáng kể, có người còn có thể diễn thuyết lưu loát trước đám đông. Một phóng viên đã phỏng vấn Carnegie: “Kết quả lớn nhất ông thu được khi mở lớp luyện kĩ năng giao tiếp là gì?” Người phóng viên này vốn tưởng rằng Carnegie sẽ nói: Tôi vui vì đã giúp những người khó khăn trong giao tiếp khắc phục được nhược điểm của mình. Song câu trả lời của Carnegie hoàn toàn khác với dự đoán của anh ta: “Thu hoạch lớn nhất của tôi đó là kết bạn với rất nhiều người. Ban đầu, khi mới mở lớp, tôi từng do dự, thậm chí nghi ngờ bản thân mình liệu có thể giao lưu được với nhiều người như vậy không, nhưng giờ tôi thấy rất vui vì có thể hòa hợp với họ. Anh phải hiểu rằng, mục đích của tôi khi mở lớp học này không phải là khiến họ học được gì từ tôi mà là trong quá trình giảng dạy, khiến họ cảm nhận được sự ấm áp của tình người...” Không ngờ việc làm quen được với nhiều người lại khiến Carnegie vui mừng đến vậy. Rất nhiều người thành đạt đều không bao giờ than vãn vì “phải thân thiện với người mình không thích”, bởi họ hiểu một đạo lí là: Ai cũng có khuyết điểm, song họ vẫn có điểm đáng học hỏi. Những người giỏi giao thiệp đều biết nên tận dụng ưu điểm của đối phương như thế nào, và kết giao với nhiều người khác nhau thì sẽ thu hoạch được những thứ khác nhau. Vậy thì sao chúng ta không thử học tập Marcus Aurelius, đối xử với mọi người xung quanh với thái độ khoan dung và tích cực hơn nhỉ? Bí quyết giao thiệp với người khác Bất lợi của việc sống quá bảo thủ Nếu sống quá bảo thủ, ta sẽ có tâm lí bài trừ đối với mọi sự vật ở thế giới bên ngoài, không những khó lòng giao du với người khác mà còn có thể khiến tư tưởng dần trở nên lạc hậu do không sẵn lòng đón nhận những điều mới lạ. Vì vậy, nếu bạn có thói quen coi thường người khác, hãy thử tự hỏi bản thân: Có phải thực sự họ chẳng có điểm gì tốt hay không? Bài học quan trọng Người có thể dễ dàng nhận ra được ưu điểm của người khác thực sự là rất hiếm có, bởi họ ít bị cảm xúc chi phối, lại có lòng khoan dung, nên nhất định sẽ có tấm lòng rộng mở mà người bình thường khó có được, họ có thể thu hoạch được rất nhiều qua những mối quan hệ xã hội, dù chưa chắc họ đã là người thành công nhưng chắc chắn sẽ được nhiều người nhớ đến. Nguyên văn Bạn có lỗi với bản thân, với linh hồn của chính mình, và bạn sẽ không có cơ hội để vinh danh lại bản thân lần nữa. Sinh mệnh của mỗi người chỉ có một, thế nhưng sinh mệnh của bạn thì lại đã sắp kết thúc, ấy vậy mà linh hồn của bạn vẫn không chịu soi sáng cho chính mình mà lại đem hạnh phúc của bạn gửi lại cho một linh hồn khác. Đừng quá quan tâm đến chuyện người khác đang nghĩ gì, rất hiếm khi một người bị coi là không hạnh phúc, trong khi những kẻ không quan tâm đến tiếng nói của trái tim mình mới chính là những người bất hạnh. LỜI VÀNG Ý NGỌC Hạnh phúc chính là sống cho bản thân mình Hạnh phúc là gì? Đó là câu hỏi xem chừng vô cùng đơn giản mà lại không hề dễ trả lời, bởi mỗi người lại có định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Nhưng với Marcus Aurelius, hạnh phúc chính là yêu quý bản thân mình. Cảm thấy may mắn vì sự tồn tại của mình, không quan tâm đến suy nghĩ của người khác chính là niềm hạnh phúc lớn nhất. Một chàng thanh niên có ước mơ từ nhỏ là được bay lượn như chú chim nhỏ trên bầu trời, vì vậy, cậu quyết trở thành phi công. Song khi cậu học đến trung học thì lí tưởng ấy bỗng trở nên khó trở thành hiện thực, bởi cha cậu cho rằng làm phi công không có tương lai, ông khuyên con trở thành luật sư tiếp bước cha. Cậu nghĩ ngợi hồi lâu, làm luật sư cũng không tồi, có cha lót đường sẵn cho mình, chắc chắn tương lai muốn thành công trong ngành luật sư cũng không phải là chuyện khó, nhưng như vậy thì sau này sẽ chẳng bao giờ được bay lượn trên bầu trời nữa. Cuối cùng, cậu quyết định từ bỏ cơ hội vào học khoa Luật để chuẩn bị thi vào Học viện Không quân. Nhưng phần kiểm tra sức khỏe trước khi thi đã khiến cậu phải chịu cú sốc lớn về mặt tinh thần - cậu bị mù màu. Theo quy định, người bị mù màu không thể trở thành phi công được, như thế cũng có nghĩa là ước mơ của cậu tan vỡ từ đây. Trước sự đùa giỡn của số phận, cậu vô cùng đau khổ nhưng vẫn không chịu từ bỏ ước mơ. Cậu bỏ nhà, thuê một chiếc xe cũ nát để nghiên cứu nguyên lí vận hành máy, qua đó làm thuê kiếm tiền. Vài năm sau, cậu lái chiếc máy bay cá nhân của chính mình bay lên bầu trời. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, cậu nói: “Tôi từ bỏ nghề luật sư được bao người ngưỡng mộ là vì tôi tin rằng không ai có thể ngăn cản được tôi bay lên bầu trời, Học viện Không quân không ngăn được, chứng mù màu cũng vậy. Tôi không cảm thấy tiếc nuối gì, bởi tôi đã sống cho chính bản thân mình.” Sống cho bản thân mình - trong suy nghĩ của nhiều người là điều không tưởng, vì dưới áp lực cuộc sống, công việc mà ta làm có thể không phải là điều ta yêu thích nhất. Ta không thể chọn cha mẹ, cũng không thể chọn công việc, nhưng chắc chắn chúng ta có thể chọn thái độ sống phù hợp với mình. Nếu thích đọc sách, bạn đừng bao giờ vì công việc bận rộn mà từ bỏ sở thích của mình. Nếu thích du lịch, bạn cũng đừng lấy cớ rằng mình “không có thời gian” để đi đâu đó ngắm nhìn thế giới. Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời nhiều khi chỉ đơn giản là trong lúc bận rộn vẫn có thể tận hưởng cuộc sống của bản thân. Niềm hạnh phúc của sự tự do Bài học quan trọng Theo đuổi ước mơ không có nghĩa là từ bỏ mọi thứ ta có ở hiện tại. Việc chúng ta phải làm là không bỏ cuộc, cho dù có khó khăn đến thế nào cũng phải mỉm cười đối mặt với nó; dù có đau khổ đến đâu cũng cần phải vươn tới hạnh phúc. Có người sống một cuộc sống bình thường hết quá nửa cuộc đời, tới khi đã hơn 60 tuổi mới dùng tiền lương hưu của mình ra khởi nghiệp, song lại tạo nên kì tích trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh của Mĩ, ông chính là nhà sáng lập của KFC - Harland Sanders. Nguyên văn Gặp phải những chuyện ngoài lề có khiến bạn phân tâm không? Hãy bỏ ra chút thời gian để học thêm những điều mới lạ, tốt đẹp và ngừng việc đi vòng tròn lại. Nhưng bạn nhất định phải tránh việc bị dẫn qua một con đường khác. Bởi lẽ, những người bị cuộc sống làm cho mệt mỏi cũng chính là những người phiêu bạt, họ không có mục đích dẫn đường cho mỗi hành động của mình, nói cách khác, tất cả mọi tư tưởng, suy nghĩ của họ đều không có mục đích. Bạn nhất định phải ghi nhớ câu nói này: Cái gì là bản chất tổng thể, cái gì là bản chất của tôi, chúng liên hệ với nhau như thế nào, bản chất của tôi là tổng thể hay một phần của tính chất nào; không ai cấm bạn nói hoặc làm những chuyện phù hợp với bản chất của mình (bạn là một phần trong đó). LỜI VÀNG Ý NGỌC Những kế hoạch có mục đích rõ ràng chính là bí quyết của thành công Trong Vật lí có một từ vựng gọi là “entropy”, ban đầu nó được vận dụng trong nhiệt lực học. Nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking trong cuốn Lược sử thời gian đã giải thích “entropy” một cách hình tượng như sau: Có thể hiểu “entropy” là “càng ngày càng không có trật tự”, ví dụ như một căn phòng không được quét dọn thì sau một thời gian dài, chắc chắn sẽ cực kì bừa bộn. Có những người mà cuộc sống của họ cũng giống như “entropy” vậy, ngay từ đầu đã không có kế hoạch gì cho cuộc sống, không có mục đích rõ ràng, cũng không quan tâm đến bất cứ điều gì, kết quả là cuối cùng mới nhận ra càng ngày càng có nhiều vấn đề nảy sinh, thậm chí nghiêm trọng đến mức bản thân họ cũng không tài nào giải quyết được. Chúng ta thường hay than thở cuộc sống quá vất vả mà không hề nghĩ rằng, thực ra chúng ta có thể làm cho cuộc sống của mình dễ thở hơn bằng việc quy hoạch lại tất cả. Doanh nhân nổi tiếng người Mĩ Henry Ford có thói quen là bất kể chuyện gì cũng đều ghi lại ở một trang trong cuốn sổ nhỏ, giải quyết xong việc gì là xé trang đó đi, cứ như vậy cho đến khi cuốn sổ mỏng dần hay bị xé hết. Ông nói: “Có một lần, tôi phát hiện trên bàn mình có một xấp giấy dày, mỗi tờ lại là một chuyện rất đau đầu, không phải ngày một ngày hai là giải quyết được, tôi rất sốt ruột, thậm chí còn hay nổi nóng nữa. Sau đó tôi nhận ra có nổi nóng cũng không giải quyết được việc gì, bèn sắp xếp những tờ giấy đó lại theo thứ tự từ dễ đến khó, sau đó bắt đầu gọi điện, tìm người giải quyết, kết quả không đến ba ngày sau, xấp giấy đó đã chuyển chỗ sang sọt rác. Có thể thấy, trong nhiều vấn đề, việc giải quyết được hay không không nằm ở chỗ khó hay dễ mà là làm như thế nào.” Kinh nghiệm của Henry Ford cho chúng ta bài học quý báu, nếu bạn cũng gặp phải vấn đề tương tự trong công việc, chẳng phải cũng có thể giải quyết được như vậy sao? Làm bất cứ chuyện gì cũng phải có thói quen lên kế hoạch và biết được mục đích của nó, khi kẻ địch còn chưa hay biết gì mà ta đã chuẩn bị sẵn sàng thì phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về ta. Cuộc sống và công việc cũng giống như vậy, đều phải có kế hoạch cụ thể. Có người nói: “Trời khi mưa khi nắng, ai biết được mấy năm sau chúng ta sẽ như thế nào?” Diễn viên hài nổi tiếng Jim Carrey trước khi thành danh cũng từng gặp phải vô vàn thất bại, nhưng trong túi anh luôn để một tờ giấy ghi con số “10 triệu đô” và tự nhắc nhở bản thân: Trong vòng 5 năm, nhất định mình phải kiếm được số tiền này. Thực tế, không tới 5 năm, anh đã kiếm được số tiền đó và trở thành ngôi sao nổi tiếng của Mĩ. Từ đó có thể thấy, có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống và công việc chính là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công và hạnh phúc. Bài học quan trọng Thực ra lập kế hoạch không hề khó như chúng ta tưởng tượng, có khi chỉ cần vạch ra vài điểm đơn giản là được. Làm vậy có hai mục đích: Một là có sự ước lượng về những việc phải làm, không vì chuyện này mà quên chuyện kia hay lâu ngày quên mất; hai là nếu thời gian định trước có thay đổi thì có thể điều chỉnh lại ngay, không quá bị động, lãng phí thời gian. Nguyên văn Dù bạn định sống đến ba ngàn năm hay hàng vạn năm thì vẫn phải nhớ kĩ một điều: Thứ con người ta mất đi không phải là cuộc sống khác mà là cuộc sống hiện tại của họ; con người ta không sống cuộc sống nào khác mà chính là cuộc sống hiện tại mà họ đang mất đi. Sinh mệnh ngắn nhất và dài nhất cũng trở nên tương đồng là vì thế. Tuy cái mất đi không hề giống nhau, nhưng đối với tất cả mọi người, hiện tại đều giống nhau. Vì vậy, những buồn bã, mất mát chỉ đơn giản là một khoảnh khắc mà thôi. Bởi lẽ, con người ta không thể nào đánh mất quá khứ và tương lai, cho nên thứ mà họ không có thì ai mà lại có thể cướp đi từ tay họ được? Bạn nhất định phải ghi nhớ hai điều sau: Một là tất cả những thứ đến từ vĩnh hằng đều chỉ là hình thức, là vòng tuần hoàn, chuyện mà một người có thể nhìn thấy trong một trăm năm, một nghìn năm hay vô hạn đi nữa thì đối với người ấy, đó cũng chỉ là một chuyện mà thôi; hai là người sống thọ và người vắn số đều mất đi cùng một thứ giống nhau. Vì thế, thứ duy nhất có thể bị cướp khỏi tay ta chính là hiện tại. Nếu đúng là như vậy, tức là mỗi người chỉ có thể có được hiện tại, thì người đó sao có thể mất đi thứ mà họ chưa từng có bao giờ? LỜI VÀNG Ý NGỌC Trân trọng hiện tại mới có thể sở hữu tương lai Có một chú tiểu ngày nào cũng dậy sớm quét những chiếc lá rụng trong sân chùa. Mùa thu đến, lá vàng rụng đầy sân, ngày nào chú tiểu cũng mệt bở hơi tai mới quét sạch được đám lá. Chú nghĩ mãi mà không tìm ra cách nào để công việc nhẹ nhàng hơn. Một hôm, có vị hòa thượng nói với chú tiểu: “Sao trước khi quét, cậu không lấy hết sức rung cây, lá vàng rụng hết xuống, chẳng phải ngày hôm sau sẽ không phải cực khổ nữa ư?” Chú tiểu mừng rỡ vô cùng, đây đúng là cách hay, chú bèn lấy hết sức rung cây rồi mới quét dọn. Ngày hôm sau thức dậy, chú tiểu không tin nổi vào mắt mình, sân chùa lại đầy lá rụng. Lúc này, một vị hòa thượng khác bước đến và nói với chú: “Cây cối sinh trưởng theo quy luật, lá rụng cũng vậy, chiếc lá ngày mai mới rụng thì hôm nay sẽ không rời khỏi cành.” Chú tiểu cuối cùng cũng hiểu được đạo lí: Có những chuyện không thể làm trước được, việc duy nhất ta có thể làm chính là nắm chắc hiện tại trong tay. Từ rất nhiều năm trước, Marcus Aurelius đã lĩnh ngộ được đạo lí triết học đầy sâu sắc “Trân trọng cuộc sống hiện tại”, có thể thấy ông quả là một bậc anh tài nhìn xa trông rộng. Con người ngày nay dung nạp rất nhiều thứ vào đầu, từ những việc chưa làm xong hôm qua đến những chuyện hóc búa phải giải quyết hôm nay, rồi cả những chuyện ngày mai có thể gặp phải nữa, đó là những thứ không ai có thể tránh được. Vậy phải làm thế nào mới không bị động, vội vàng? Thực ra rất đơn giản, đó chính là hôm nay thì phải làm việc của ngày hôm nay, không nghĩ ngợi chuyện hôm qua, cũng không phiền não vì chuyện ngày mai. Thái độ sống như vậy mới có thể khiến chúng ta có được thu hoạch, nếu ta không quên được thất bại của hôm qua, cũng không bỏ qua được phiền não của ngày mai thì sao có thể làm tốt chuyện hôm nay? Hãy hết lòng sống vì hôm nay, như vậy chẳng những có thể xóa bỏ nỗi muộn phiền của hôm qua mà còn có thể chắp cánh cho tương lai bay xa, vậy hà cớ gì chúng ta lại không chọn? Bài học quan trọng Trân trọng cuộc sống hiện tại không có nghĩa là trốn tránh những khó khăn trong quá khứ hay tương lai mà là đặt gánh nặng trong tâm hồn xuống, giải quyết những việc hiện tại, không lo nghĩ những chuyện có thể xảy ra trong tương lai. Nếu mỗi ngày chúng ta đều làm phép trừ cho “phiền muộn”, dù là mỗi ngày giải quyết một chuyện thôi thì cuộc sống cũng sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn. Hãy nhớ kĩ: Lãng quên hôm qua và ngày mai chính là để có thể sống thanh thản ngày hôm nay. Nguyên văn Trong cuộc sống của con người, chỉ chớp mắt thời gian đã trôi đi, thực thể luôn nằm trong dòng chảy, tri giác chậm chạp, kết cấu của cả cơ thể dễ dàng bị phân rã, linh hồn là một vòng xoáy, bí mật của vận mệnh không thể lí giải được, danh tiếng không được quyết định bởi sự phán đoán thông minh. Tóm lại, tất cả những thứ thuộc về cơ thể chỉ là một dòng chảy, những thứ thuộc về linh hồn chỉ là một giấc mơ, sinh mệnh là một trận chiến, là chốn dừng chân của một người khách qua đường, mọi danh tiếng của người ấy rồi cũng sẽ bị bỏ lại sau lưng và dần rơi vào quên lãng. Vậy thì mỗi người phải dựa vào thứ gì để được dẫn đường chỉ lối? Chỉ có Triết học mà thôi. Mà Triết học thì lại nằm ở chỗ mà sự linh thiêng trong trái tim mỗi người được che chở để không bị tàn phá và tổn thương, tránh những nỗi đau và niềm vui, không làm những chuyện vô bổ, hơn nữa, không bao giờ giả dối và lừa gạt, đồng thời không mong cầu người khác làm hay không làm bất cứ chuyện gì. Ngoài ra, cần đón nhận tất cả những việc xảy đến, tất cả những thứ thuộc về mỗi người, cho dù đó là gì thì cũng coi như chúng đến từ nơi ta đến. Cuối cùng, chờ đợi cái chết với tâm trạng vui vẻ, không coi cái chết là thứ gì khác mà chỉ là sự phân giải của những nguyên tố sinh học tạo nên mọi thứ. Nếu trong quá trình một sự vật không ngừng biến đổi, mà bản thân nguyên tố lại không chịu bất cứ tổn hại nào thì vì sao con người lại phải lo lắng về sự biến đổi và phân giải của các nguyên tố cấu thành? Bởi cái chết là phù hợp với lẽ tự nhiên, mà những thứ phù hợp với lẽ tự nhiên đều không phải là cái ác. LỜI VÀNG Ý NGỌC Trí tuệ lớn nhất nằm ở việc tư duy Từ đoạn văn trên của Marcus Aurelius, có thể thấy, ông có thái độ vô cùng tôn kính đối với Triết học, đồng thời dùng Triết học để tư duy, thuật lại những hiểu biết của mình về những hiện tượng tự nhiên như sinh, lão, bệnh, tử. Ông coi “cái chết” là giai đoạn mà ai cũng nhất định phải trải qua trong cuộc đời, do đó hãy thản nhiên đối mặt với nó. Cảnh giới đó dường như chỉ tồn tại trong một vài tác phẩm kinh điển. Thực ra mỗi người lại có kiến giải của riêng mình về vạn vật vạn sự trên đời, bất kể những kiến giải đó có mối liên hệ với nhau hay không thì chúng cũng đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Có người sẽ nói: “Tôi chỉ quan tâm liệu có nuôi sống được cả nhà hay không, chứ không cần phải nghĩ ngợi hay tư duy gì cả.” Dù bạn làm nghiên cứu hay kiếm tiền, muốn thành công thì cũng đều phải dựa vào khối óc của mình. Điều mà Marcus Aurelius muốn nhắn nhủ với chúng ta chính là: Trong cuộc sống, ta không thể ngừng tư duy, nếu không sẽ đồng nghĩa với việc tự phong tỏa bản thân. Ở New York có một cậu bé bán báo, nhưng trong thành phố này đâu đâu cũng có người bán báo, khách hàng lại thường cố định, vì thế mỗi tháng cậu chẳng kiếm được bao nhiêu. Cậu bèn nghĩ ra một cách rất hay, đó là đến ga tàu, chờ đến khi có nhiều người đợi tàu liền phát hết số báo cho họ, vừa phát vừa nói: “Mọi người cứ đọc trước đi, nếu thấy hay thì trả tiền cho cháu.” Một lát sau, cậu lại đi thu báo về. Mọi người thấy cậu bé còn nhỏ, bản thân mình cũng đã đọc báo, không trả tiền thì không hay lắm, hơn nữa một tờ báo cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, thế nên chẳng ai trả lại báo cả. Cứ như vậy, thu nhập hàng tháng của cậu bé từ bán báo cao gấp nhiều lần so với những người bán báo khác. Thật đúng là “nghề nào cũng có nhân tài”, đến cậu bé bán báo cũng tìm ra được cách bán hàng hiệu quả đến thế. Nếu chúng ta lúc nào cũng chăm chăm làm việc mà không suy nghĩ xem nên làm thế nào cho tốt hơn thì có lẽ cả đời này, ta cũng sẽ chỉ mãi bận rộn mà không có chút hi vọng thành công nào. Tính tất yếu của tư duy Bài học quan trọng “Nước chảy không thối, ngõng cửa không mọt”, não của chúng ta cần liên tục tư duy, có vậy mới khiến cuộc sống trở nên thuận lợi hơn. Thực ra khó khăn không hề đáng sợ, đáng sợ là khi đối mặt với khó khăn chỉ biết than vãn mà không biết suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết. Có thể chúng ta không suy nghĩ, tư duy về cội nguồn của vạn vật như các triết gia nhưng nhất định phải tư duy về cuộc sống của chính mình. PHẦN 3 > LỜI NHẮC NHỞ CỦA CUỘC ĐỜI Trong phần này, Marcus Aurelius không chỉ có những lí giải về vạn vật mà còn thổ lộ những nỗi niềm trong công việc và học tập. Những lời nhắc nhở với ngụ ý sâu sắc đó sẽ mở ra cho cuộc đời chúng ta cánh cửa rộng lớn của trí tuệ. ● Hiệu quả là trên hết ● Luôn tìm ra mặt tốt của mọi việc ● Tôi suy nghĩ, tức là tôi tồn tại ● Nhìn nhận quan điểm của người khác một cách đúng đắn ● Yêu công việc của mình ● Tin sách, chẳng thà không có sách ● Dành thời gian cho việc quan trọng nhất ● Học cách kiềm chế cảm xúc 1 HIỆU QUẢ LÀ TRÊN HẾT Nguyên văn Chúng ta không nên chỉ nghĩ về việc sinh mệnh của chúng ta đang hao phí từng ngày từng giờ, thời gian còn lại ngày càng ít ỏi, mà còn nên suy nghĩ đến một việc khác, đó là: Một người cho dù có sống được lâu hơn chút nữa thì cũng không dám chắc rằng khả năng lí giải của người ấy còn đủ để có thể tiếp tục lĩnh ngộ được về sự vật, còn đủ nỗ lực để có thể thu lượm được tri thức về thần và người cũng như khả năng tư duy. Bởi trước khi các chức năng như bài tiết, trao đổi chất, ăn uống, tưởng tượng hay các chức năng tương tự bước vào thời kì thoái hóa thì anh ta đã sớm bắt đầu có biểu hiện của chứng lú lẫn tuổi già; trong khi những năng lực như năng lực điều khiển bản thân, năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn nghĩa vụ, năng lực phân tích rõ ràng các sự vật sự việc, năng lực xét đoán xem một người liệu có tạ thế ngay lúc đó hay không... lại cần có trí tuệ được rèn luyện, mà trí tuệ ấy thì từ lâu đã không còn minh mẫn nữa. Vì thế, chúng ta nhất định phải tranh thủ thời gian, không chỉ vì chúng ta đang ngày càng tiến gần hơn đến cái chết, mà quan trọng hơn còn là vì khả năng quan sát và lí giải sự vật của chúng ta sẽ sớm tiêu tan. LỜI VÀNG Ý NGỌC Dùng thời gian có hạn để làm những việc có ích Marcus Aurelius không chỉ nhận thức được sự hữu hạn của sinh mệnh mà còn có những suy ngẫm về ý nghĩa của sinh mệnh: Đời người ngắn ngủi, đừng mơ mơ hồ hồ mà hãy biết tận dụng thời gian để cảm nhận về thế giới xung quanh. Thời gian công bằng với tất cả mọi người, có người dùng sinh mệnh của mình để tạo nên vô vàn kì tích khoa học, có người lại chỉ biết ngày ngày sống vô vị, nhàm chán. Ở đây chúng ta không thảo luận về ý nghĩa của cuộc đời mà chỉ đề cập quan điểm “tận dụng thời gian một cách hiệu quả”. Có hai sinh viên nọ chơi với nhau, ngày ngày cùng đi học, cùng chơi bóng, thân thiết vô cùng. Sau khi tốt nghiệp, một trong hai người dễ dàng thi đậu cao học, người bạn kia cảm thấy vô cùng khó hiểu, bèn thắc mắc: “Mấy năm nay tớ thấy cậu có để tâm học hành bao giờ đâu, sao lại thi đậu được cao học? Chẳng lẽ cậu thông minh hơn tớ ư?” Người bạn bèn cười đáp: “Trước giờ tớ không hề nghĩ mình thông minh hơn cậu. Tuy ngày nào chúng ta cũng làm những việc giống nhau, nhưng tớ biết tận dụng thời gian. Ví dụ như khi chúng ta cùng lên lớp nghe giảng, cậu có thể thỉnh thoảng ngồi thả hồn theo gió, còn tớ thì vừa nghe giảng, lại vừa ghi nhớ và suy nghĩ. Đến lúc thi cử, tuy chúng ta không đến nỗi nước đến chân mới nhảy mà vẫn cùng lên thư viện ôn bài, nhưng cậu có thể cười đùa với các bạn khác, còn tớ lại tự định cho mình trong một tiếng phải đọc được bao nhiêu trang sách, tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Ngay cả trong tình yêu cũng vậy, tớ nói rõ với bạn gái rằng tớ làm chuyện gì cũng phải sắp xếp trước, không bao giờ lãng phí thời gian, thế nên kể cả khi hẹn hò, tớ cũng đề cao hiệu quả y như vậy...” Chú trọng hiệu quả có thể nói là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Nếu chúng ta không rèn luyện thói quen làm việc có hiệu quả cao thì cho dù là học tập hay làm việc đều không thể có được thành tích vượt trội. Một vị hoàng đế nắm quyền lực trong tay còn hiểu đạo lí này, vậy chúng ta có lí do gì để thời gian trôi đi vô nghĩa? Bí quyết nâng cao hiệu quả làm việc Tinh thần sảng khoái: Tinh thần phải ở trong trạng thái tốt thì mới có thể nâng cao hiệu quả làm việc. Vì thế, chúng ta cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lí, đừng cố làm việc trong khi tinh thần mệt mỏi. Định sẵn kế hoạch: Rèn thói quen lên kế hoạch đơn giản cho mỗi ngày. Trước tiên, hãy liệt kê những việc cần làm, sau đó phân rõ thứ tự trước sau. Làm vậy có thể tránh cho công việc bị rối loạn, giảm khả năng mắc lỗi. Học cách quyết đoán: Nếu bạn có thói quen làm việc chậm chạp, lề mề, hãy thử tự đặt cho mình một hạn định, ví dụ như việc A nhất định phải hoàn thành trong vòng nửa tiếng. Cứ như vậy, dần dần tác phong làm việc tự nhiên sẽ trở nên nhanh nhẹn, quyết đoán. Việc hôm nay chớ để ngày mai: Những việc có thể làm xong hôm nay thì đừng bao giờ để đến ngày mai, vì rất có thể ngày mai bạn sẽ gặp phải nhiều rắc rối hơn. Giảm bớt những rắc rối đang có chính là cách hiệu quả để tiết kiệm thời gian. Bài học quan trọng Giấc ngủ tốt có thể giúp cơ thể nạp đầy năng lượng, vì thế, chúng ta không thể hi sinh thời gian nghỉ ngơi để kéo dài thời gian làm việc hòng tăng năng suất được. Cách làm đúng đắn là một ngày cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng, trưa nghỉ ngơi một chút. Nếu không có điều kiện nghỉ trưa thì bạn cũng có thể nghỉ một lát trên bàn làm việc, như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả làm việc buổi chiều. Ngoài ra, nhất định phải chú ý đến chất lượng giấc ngủ, đừng nghĩ ngợi chuyện công việc trong thời gian nghỉ ngơi, tâm không tạp niệm thì mới có được giấc ngủ tốt. Nguyên văn Chúng ta cũng nên chú ý đến điều này: Ngoài những sự vật được sinh ra theo lẽ tự nhiên, những sự vật cùng xuất hiện với chúng cũng có sức hấp dẫn rất lớn đối với con người. Ví dụ, khi trên bề mặt bánh mì đang nướng xuất hiện những vết nứt, tuy những vết nứt ấy không nằm trong mục đích tạo hình của thợ bánh mì, nhưng theo ý nghĩa nào đó thì chúng vẫn rất đẹp, kích thích sự thèm ăn của con người bằng cách đặc biệt của mình. Hay như trái sung, khi chín cũng bị nứt ra; trái ô liu khi sắp chín nẫu cũng có vẻ đẹp rất đặc biệt. Bông lúa uốn câu, con sư tử chớp mắt, bọt mép sùi ra từ mõm lợn rừng, và còn rất nhiều sự vật khác nữa, nếu con người để tâm quan sát chúng, tuy sẽ phát hiện ra chúng không đủ đẹp nhưng vì chúng là kết quả của các sự vật do tự nhiên tạo thành nên vẫn có tác dụng làm đẹp cho bản thân chúng, khiến tâm trạng con người vui vẻ... Rất nhiều việc kể trên rồi sẽ xuất hiện, chúng không thể khiến cho tất thảy mọi người đều cảm thấy vui vẻ mà chỉ làm vui cho những người thực sự hiểu về tự nhiên và những tác phẩm của tự nhiên. LỜI VÀNG Ý NGỌC Thế giới này không hề thiếu cái đẹp, quan trọng là bạn có đôi mắt tìm ra cái đẹp hay không Trong mắt Marcus Aurelius, thế giới này rốt cuộc có diện mạo như thế nào? Ông nhìn những vết nứt của bánh mì và trái sung cũng thấy đẹp, nhìn thấy trái ô liu chín nẫu, bông lúa uốn câu, con sư tử chớp mắt... Tất cả đều là những cảnh tượng hài hòa và không hề hiếm gặp, nhưng tại sao chúng ta lại không để ý đến? Điều này có liên quan đến trạng thái tinh thần của mỗi người. Nếu có tinh thần sảng khoái thì cho dù chỉ là những thứ vốn bị người đời bỏ lơ và xem thường, ta cũng sẽ thấy được sức quyến rũ độc đáo tỏa ra từ chúng. Có một chàng trai, do thuyên chuyển công việc mà phải chuyển đến Seattle - Mĩ. Seattle là thành phố có tiếng mưa nhiều, một năm có đến 5 tháng trời thường xuyên mưa phùn lất phất, chàng trai vừa từ Florida đầy nắng gió đến nên không quen với kiểu thời tiết ở đây. Ngày ngày, cậu nhìn bầu trời xám xịt mà thấy não lòng, vì thế nhiều lần cậu đã cố gắng xin chuyển về bộ phận cũ. Cuối cùng, thậm chí cậu còn định thôi việc nữa. Sau khi nộp đơn xin thôi việc, Tổng giám đốc liền gọi chàng trai lên nói chuyện, biết lí do thôi việc của cậu là do không thích thời tiết ở Seattle, Tổng giám đốc hỏi: “Tại sao cậu lại ghét trời mưa?” Chàng trai trả lời: “Tôi thích trời nắng, trời mưa đi ra ngoài rất bất tiện, chỗ nào cũng ướt nhẹp, nhìn đã thấy phiền rồi.” Tổng giám đốc cười nói: “Khi tôi mới thuyên chuyển đến Seattle cũng là mùa mưa, nhưng tôi lại thấy nó đẹp vô cùng. Nhất định là cậu chưa từng ngồi uống cà phê và ngắm thế giới bên ngoài lung linh huyền ảo qua lớp kính mờ nước, đó quả thực là tác phẩm tuyệt diệu của trường phái ấn tượng. Mỗi sớm tỉnh dậy, việc tôi thích nhất chính là mở cửa sổ, vì không khí sau mưa cực kì trong lành.” Nghe lời miêu tả của Tổng giám đốc, chàng trai cúi đầu, không hiểu tại sao từ trước tới giờ anh lại chưa hề quan sát thế giới bằng góc nhìn như thế. Sau này, anh đã chọn ở lại Seattle và tạo dựng sự nghiệp cho mình ở thành phố mưa này. Thói quen tìm ra mặt tốt đẹp của mọi sự vật, sự việc không chỉ thể hiện khả năng thẩm mĩ đặc biệt mà còn là cách rất tốt để nhanh chóng làm quen với hoàn cảnh mới và sự thay đổi tâm trạng. Nếu bạn cảm thấy cuộc sống không như ý hay đau khổ vì chuyện gì đó, hãy ngồi xuống và ngắm nhìn xung quanh, có thể tâm trạng bạn sẽ tốt hơn và biết đâu lại tìm ra được cách giải quyết vấn đề. Thay đổi tâm trạng trong 5 phút Bài học quan trọng Có câu “Không chuyện gì là không thể vượt qua được”, có những chuyện ban đầu chúng ta cảm thấy rất khó, nhưng nhiều năm qua đi, khi nghĩ lại thì thấy những chuyện ấy không có gì đáng để nhắc đến. Khó khăn có lúc khiến ta sợ hãi, mất dũng khí đối diện với đời, nhưng chỉ cần học cách điều chỉnh suy nghĩ và tâm trạng thì sẽ có thể dễ dàng vượt qua chúng. Nguyên văn Hippocrates sau khi chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân cũng nhiễm bệnh và qua đời. Các nhà chiêm tinh tiên đoán được cái chết của rất nhiều người nhưng rồi định mệnh cũng mang họ đi. Alexander, Pompeius và Caius Caesar sau khi san bằng nhiều thành phố dưới gót chân giày xéo của hàng ngàn binh mã, cuối cùng cũng phải từ giã cõi đời. Heraclitus sau khi nghiên cứu về ngọn lửa trong vũ trụ, cuối cùng chết vì bệnh phù thũng, khi chết bùn đất lấm khắp mình. Những con rận hủy hoại Democritus, những kẻ vô lại khác giết chết Socrates. Điều ấy có ý nghĩa gì? Bạn lên thuyền, thuyền chạy; cập bến, bạn xuống thuyền. Nếu con thuyền đi tới một cuộc sống khác thì chẳng cần đến thần linh nữa, dù ở đâu cũng vậy. Nhưng nếu con thuyền hướng đến một nơi mọi thứ đều vô tri vô giác, bạn sẽ chẳng còn phải chịu đau khổ hay vui sướng, cũng chẳng còn chịu sự cầm tù của thể xác nữa. Ở đó, cơ thể càng hèn kém thì đối tượng mà nó phục vụ lại càng ưu việt, bởi đối tượng ấy là lí trí và thần tính, còn cơ thể chỉ là bùn đất và cái chết. LỜI VÀNG Ý NGỌC Thế giới tâm hồn mới là giá trị của chủ thể Nếu có người hỏi bạn: Khi cơ thể bạn sắp về với cát bụi, sinh mệnh sắp đến hồi kết thúc, bạn có thể nói được giá trị của cuộc đời mình ở đâu không? Câu hỏi này rất khó trả lời, bởi định nghĩa về giá trị của mỗi người không hề giống nhau. Marcus Aurelius cho rằng giá trị của con người không nằm ở thân xác mà ở tinh thần của chúng ta, điều này rất giống với quan điểm của triết gia vĩ đại Descartes, ông đưa ra ý tưởng “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” để trả lời cho câu hỏi “Giá trị là gì”. Có một nhóm sinh viên đến Vatican tham quan Nhà thờ Thánh Peter nổi tiếng thế giới, ai cũng trầm trồ trước vẻ tráng lệ và sự hùng vĩ của kiến trúc. Đúng lúc ấy, thầy giáo bỗng hỏi: “Lúc này các em đang nhìn thấy gì?” Một sinh viên đáp: “Em nhìn thấy kì tích trong lịch sử kiến trúc của loài người.” Một sinh viên khác nói: “Em nhìn thấy lịch sử, thấy hình bóng những người công nhân xây dựng đang vất vả làm việc.” Những câu trả lời đó đều chưa làm thầy giáo vừa ý. Cuối cùng, một sinh viên nói: “Cái em nhìn thấy không phải là nhà thờ, mà là hình ảnh sống động của Da Vinci, Michelangelo và Raphael. Khi em chạm vào mỗi viên gạch nơi đây, dường như em đang trò chuyện với các bậc đại sư.” Câu trả lời này khiến thầy giáo mỉm cười hài lòng. Đúng vậy, Nhà thờ Thánh Peter là công sức của biết bao nghệ sĩ, từng bức tường, từng viên gạch nơi đây đều là tác phẩm của họ, dù từ lâu họ đã không còn trên cõi đời này nhưng di sản mà họ để lại vẫn khiến cho hậu thế phải nghiêng mình ngưỡng mộ trước nghệ thuật thời kì Phục Hưng. Đây chính là giá trị tinh thần, giá trị trường tồn mặc cho sự tiêu tan của xác thịt. Trong thời đại vật chất ngày nay, chúng ta khó có thể biết được điều gì là vĩnh hằng, là trường tồn với thời gian. Người ta đề xướng theo đuổi niềm vui nhất thời mà bỏ qua sự tu dưỡng tinh thần, nhưng những người thực sự có trí tuệ lại luôn suy nghĩ: “Ta phải làm gì để không sống hoài sống phí?” Không nhất thiết phải khiến đời sau nhớ đến thì sự tồn tại của chúng ta mới có ý nghĩa, quan trọng là ta có mong muốn được tư duy, suy nghĩ hay không. Nếu chúng ta có thể nhìn thế giới bằng con mắt của Aurelius thì cuộc sống sẽ ngày càng thêm phong phú. Giá trị của vĩ nhân Bài học quan trọng Không mấy người có thể lưu danh sử sách và được người đời sau nhớ đến. Vốn dĩ chỉ có một số ít người có thể trở thành vĩ nhân, nhưng chúng ta không thể vì thế mà từ bỏ nỗ lực tạo nên giá trị tinh thần. Tồn tại không phải vì người khác mà là vì chính bản thân ta. Nguyên văn Khi bạn không có ý định lấy phúc lợi xã hội làm mục tiêu của tư tưởng, thì đừng lãng phí thời gian còn lại của mình trên đời này để nghĩ cho người khác. Bởi lẽ, khi bạn có suy nghĩ như vậy, bạn sẽ mất đi cơ hội làm những việc khác. Người này đang làm gì, tại sao lại làm thế? Anh ta nói gì, nghĩ gì, tranh luận điều gì? Chú ý đến những điều kể trên sẽ khiến chúng ta bỏ qua việc quan sát những sức mạnh chi phối chính bản thân mình. LỜI VÀNG Ý NGỌC Thành công không phụ thuộc vào ý kiến của người khác mà chính nhờ sự nỗ lực của bản thân ta Bị người khác bàn luận là chuyện khó tránh khỏi, chẳng khác gì việc chúng ta cũng đi bàn luận về người khác vậy. Có lúc, chúng ta sẽ cảm thấy vui sướng vì được khen ngợi, có lúc buồn bã vì bị chê bai. Vậy phải ứng xử thế nào với ý kiến của người khác? Đáp án là giữ vững lập trường của mình, ý kiến của người khác chỉ dùng để tham khảo mà thôi. Trong suy nghĩ của Marcus Aurelius, ngoài những việc liên quan đến phúc lợi xã hội thì cần hỏi ý kiến của người khác, còn lại đều nên tự mình quyết định, không nhất thiết phải lãng phí thời gian vào việc phán đoán suy nghĩ của người khác. Có một học giả nổi tiếng người Đức, khi còn trẻ ông không được coi trọng, chẳng những sống bừa bãi mà ông còn từng vào tù nữa. Nhưng đến năm 30 tuổi, ông bỗng tỉnh ngộ, bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu văn học. Quả nhiên trời không phụ lòng người, năm 36 tuổi, ông đã công bố tác phẩm của riêng mình, còn trở thành giáo sư của đại học Frankfurt. Khi đến trường đại học, ông nhận ra những lời phê bình về mình còn nhiều hơn cả lời khen ngợi. Báo chí địa phương công khai những vết nhơ của ông thời trẻ, nhiều giáo sư trong trường tỏ ý không bằng lòng, thậm chí có người còn nói: “Trường đại học là nơi thiêng liêng, sao có thể cho hạng người như vậy lẫn vào được, thật chẳng ra làm sao cả!” Trước những lời chỉ trích nặng nề ấy, vị học giả này vô cùng bối rối, ông tỏ ý muốn rời trường. Hiệu trưởng biết chuyện nói: “Tôi tưởng là chuyện gì ghê gớm lắm, hóa ra chỉ là vài người ghen ghét ông! Ông không biết những kẻ không bị ghen ghét đố kị là những kẻ vô dụng sao? Hơn nữa, chẳng phải học sinh rất thích nghe ông giảng ư? Tại sao ông phải để tâm đến những người chẳng liên quan gì với mình?” Lời thầy hiệu trưởng khiến ông bừng tỉnh, ông liền cười nói: “Đúng thế! Khi tôi chẳng chút tiếng tăm, sao chẳng ai đến chê bai, chỉ trích? Càng nhiều người đố kị với tôi chứng tỏ tôi càng thành công!” Nhiều khi chúng ta cảm thấy phiền muộn, không biết phải làm sao, chính là vì ta đã quá để tâm đến ý kiến của người khác. Có lúc người khác nói ta không làm được, ta liền thất vọng, chán nản mà bỏ cuộc. Nếu đó là quy luật tự nhiên thì thế giới này sao lại có được những phát minh như của Edison, càng không có tàu hỏa của Stephenson, cũng chẳng thể sản sinh ra những kì tích khiến bao người kinh ngạc được. Có thể thấy rằng những gì người khác nói không quan trọng, bất kể người ấy có ý tốt hay xấu, chúng ta cũng đều phải giữ vững mục tiêu của mình, chỉ có vậy mới đạt được thành công. Đối mặt với ý kiến của người khác như thế nào Bài học quan trọng Muốn thành công phải kiên trì, mà sự kiên trì thì lại bắt nguồn từ sự tự tin. Nếu chúng ta có lòng quyết tâm trước sau như một thì nhất định phải tin vào khả năng của mình, đừng bao giờ xem thường bản thân, một người xem thường chính mình sẽ chẳng bao giờ được người khác thừa nhận và khen ngợi. Nguyên văn Đừng miễn cường làm việc, đừng coi thường lợi ích xã hội, đừng quyết định mà chưa suy nghĩ kĩ, đừng phân tâm, đừng vờ như học vấn đầy mình mà đánh mất đi tư tưởng của chính mình, cũng đừng trở thành người nói nhảm hay bận rộn suốt ngày. Hãy để vị thần trong trái tim bạn trở thành người bảo hộ cho mình; hãy là một người có sinh mệnh, một người đàn ông đủ trưởng thành để tham gia chính trị, là một người La Mã, một người thống trị. Người thống trị ấy cũng giống như một người đang chờ đợi được đánh thức khỏi cuộc sống để chấp nhận vị trí của mình, không cần thề ước cũng không cần người khác làm chứng. Đồng thời, người ấy cũng vui vẻ, không cần sự giúp đỡ hay an ủi của người khác. Cứ thế, người ấy hoàn toàn có thể đứng vững một mình mà không cần người khác phải nâng đỡ. LỜI VÀNG Ý NGỌC Làm những việc mình thích mới có thể đạt được thành công Nhiều người có một đặc điểm chung là “Làm nghề nào, ghét nghề ấy”, đổi không biết bao nhiêu việc mà vẫn không tìm ra nghề vừa ý, có người lại không hay đổi việc nhưng suốt ngày than vãn: “Công việc của tôi chán ngắt, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả.” Marcus Aurelius đã giúp chúng ta đưa ra giải pháp: Đã làm việc thì phải tự nguyện, nếu không thì dù bận bịu hay kêu ca thế nào cũng đều là vô nghĩa. Vậy phải làm thế nào để công việc trở nên thú vị? Có hai thanh niên cùng xin ứng tuyển vào một công xưởng sản xuất xe hơi. Ban đầu, họ chỉ được làm công việc lắp ráp 12 tiếng mỗi ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Một thời gian sau, một trong hai cậu thanh niên nói: “Tôi không muốn lãng phí cuộc đời vào công việc vô vị này nữa.” Người kia nói: “Công việc này tuy mệt nhưng nhìn thấy những chiếc xe do chính tay mình lắp ráp được xuất xưởng, tôi cảm thấy có thành tựu đấy chứ!” Cậu thanh niên thứ nhất vẫn quyết ý ra đi, còn người kia tiếp tục ở lại. 5 năm sau, cậu thanh niên bỏ đi mặc dù đã đổi qua rất nhiều công việc khác nhau nhưng sự nghiệp vẫn không có gì khởi sắc. Một hôm, cậu gặp lại người bạn làm cùng công xưởng ngày nào, người ấy nay đã trở thành quản đốc, chuẩn bị thăng chức lên giám đốc. Nhiều người sẽ nghĩ: Lắp ráp linh kiện ô tô là công việc vô cùng buồn tẻ, cũng giống như máy móc làm những việc lặp đi lặp lại, hơn nữa cứ làm như vậy thì có ý nghĩa gì? Nhưng người thanh niên kia đã tìm thấy niềm vui trong công việc đó, lại không ngừng tiến bộ, vì thế sự nghiệp đương nhiên sẽ ngày càng thuận lợi. Đường Tuấn - “Vua làm thuê” nổi tiếng Trung Quốc đã từng nói: “5 năm đầu mới đi làm, đừng bao giờ đề nghị ông chủ tăng lương mà hãy xem liệu mình có thể học thêm được điều gì không.” Trên con đường sự nghiệp, chỉ có người kiên trì và yêu công việc mới giành được thành công. Có thể vì những lí do khách quan mà ta không thể làm việc mình yêu thích nhất, nhưng điều đó không ngăn ta tìm ra niềm vui trong công việc hiện tại. Chỉ có làm việc mình thích mới có thể phát huy năng lực tiềm tàng của bản thân, thế nên, khi bạn thấy công việc của mình vô vị, hãy tĩnh tâm suy nghĩ: Công việc này thật sự chẳng có chút ý nghĩa nào không? Những người biết tận hưởng niềm vui trong công việc Tuy công việc bận rộn, phức tạp nhưng tôi thấy rất vui vì có thể chia sẻ nỗi lo với mọi người. Tuy phải phơi mình dưới nắng gió, vô cùng mệt mỏi nhưng tôi cảm thấy tự hào vì xây nên những tòa nhà chọc trời từ bãi đất bằng. Tuy phải làm việc từ sáng sớm, công việc vất vả nhưng tôi thấy vui vì đã đem lại cho mọi người một môi trường xanh, sạch, đẹp. Tuy phải nghe điện thoại liên tục và đau đầu vì nhiều vấn đề nhưng tôi cảm thấy được an ủi vì đã giải đáp được rất nhiều thắc mắc cho khách hàng. Bài học quan trọng Được làm công việc mình yêu thích là điều rất may mắn, nhưng nếu không được như vậy thì cũng đừng than thân trách phận. Bạn hãy tiếp tục tìm kiếm công việc mình mơ ước, nếu không được thì hãy cố gắng tìm niềm vui trong công việc hiện tại. Dù làm vậy không khiến sự nghiệp có khởi sắc nhưng ít nhất cũng có thể giúp bạn thay đổi tâm trạng, bởi tâm trạng tốt có thể mang lại vô số cơ hội cho bạn. Nguyên văn Trong cuộc sống, có thể bạn phát hiện ra có những sự vật tốt hơn cả chính nghĩa, chân lí, tiết chế và nhẫn nại, đồng thời phát hiện ra những sự vật còn tốt hơn cả cảm giác tự thỏa mãn trong tâm hồn mình, cảm giác ấy có thể khiến bạn hành động đúng đắn theo lí trí cho dù trong tình huống bạn không được lựa chọn đi chăng nữa. Tôi có thể nói rằng, nếu bạn gặp được những điều tốt đẹp hơn ấy thì hãy dốc hết tâm sức để theo đuổi và tận hưởng niềm vui trong những thứ mà bạn cho là tốt đẹp ấy… Vì thế, theo tôi, bạn phải chọn những thứ tốt đẹp hơn ấy, đồng thời kiên trì theo đuổi chúng – thường thì bạn sẽ coi những thứ có ích là những thứ tốt đẹp hơn, vậy thì, nếu chúng có ích như lí trí bạn mách bảo thì hãy theo đuổi chúng; nhưng nếu chúng chỉ có ích theo cảm tính bạn thì phải từ chối chúng, đừng để sự kiêu ngạo dẫn đường cho phán đoán của mình mà hãy nghiên cứu bằng phương pháp đúng đắn hơn. LỜI VÀNG Ý NGỌC Không dễ dàng tin lời người khác mới có được những kiến giải độc đáo Triết gia nổi tiếng của Hi Lạp cổ Aristotle từng có câu nói nổi tiếng như sau: “Tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi càng yêu chân lí.” Ông chính là học trò của học giả nổi tiếng Plato. Vào thời ấy, quan điểm học thuật của Plato được được đánh giá rất cao, nhưng trong quá trình nghiên cứu, học tập, Aristotle phát hiện ra những quan điểm của mình có phần khác với thầy. Ông kiên quyết giữ quan điểm của mình, cuối cùng giành được sự đồng thuận của không ít người, tạo dựng nên một phân nhánh của riêng mình trong giới học thuật Hi Lạp, được mệnh danh là một trong “Tam hiền” (“Tam hiền” của Hi Lạp gồm Socrates, Plato, Aristotle). Thực ra, điều này chính là những điều mà Marcus Aurelius từng nói: Nếu bạn phát hiện ra chân lí tốt hơn những điều mà mọi người thường công nhận thì hãy kiên trì đến cùng. Trước đây có một vị học giả người Mĩ đến tham quan trường học ở một quốc gia nọ. Ông phát hiện thấy kỉ luật trong lớp học ở đó cực kì tốt, giáo viên giảng bài, học trò đều ngồi ngay ngắn nghe giảng, còn rất lễ phép giơ tay xin phát biểu ý kiến nữa. Mỗi khi có bạn phát biểu xong, học trò ngồi dưới lại đồng loạt vỗ tay. Thấy vậy, vị học giả thốt lên: “Trẻ em ở đây thật tuyệt vời, 10 năm nữa các em nhất định vượt qua trẻ em Mĩ, tới lúc đó, quốc gia này cũng sẽ vượt qua Mĩ, trở thành cường quốc số một thế giới.” Nhưng 10 năm đã trôi qua, lời dự đoán ấy vẫn chưa trở thành hiện thực. Tại sao? Chính là do chế độ giáo dục của nước này đã gián tiếp giết chết khả năng sáng tạo của trẻ em. Những kiến thức mà thầy cô giảng trên lớp được các em tiếp thu hoàn toàn, khi kiểm tra cũng không có gì thay đổi, đáp án đúng chỉ có một mà thôi. Vì thế mà tuy học trò ở đây làm bài rất tốt nhưng tư duy lại thiếu sự sáng tạo, khó hình thành kiến giải của riêng mình, cứ như vậy, khoa học kĩ thuật của đất nước họ cũng khó có được sự phát triển đột phá. Tương tự như vậy, nếu trong học tập và làm việc, chúng ta không tìm tòi thay đổi, không nảy sinh những quan điểm riêng biệt mà luôn suy nghĩ rập khuôn, cứng nhắc thì cũng khó lòng thành công được. Có câu “Tin sách, chẳng thà không có sách” chính là nhấn mạnh ý đó, chúng ta không những phải học cách tiếp thu kiến thức mà còn phải hiểu cách tạo ra kiến thức. Rèn luyện tư duy sáng tạo Bài học quan trọng Chúng ta không chủ trương hùa theo đám đông, điều ấy không có nghĩa là phải có thái độ nghi ngờ đối với bất cứ chuyện gì, mà nó có nghĩa là trong học tập và làm việc, chúng ta cần phải hình thành thói quen “Tôi cho rằng”. Làm một người có chính kiến thì mới có thể thành công, nếu không ta chỉ mãi sống cuộc đời bận rộn qua ngày mà thôi. Nguyên văn Hãy vứt bỏ mọi thứ, chỉ giữ lại ít thứ mà thôi; ngoài ra, hãy nhớ rằng: Mỗi một người đều tồn tại trong thời điểm hiện tại, hiện tại là thứ không thể phân chia được, còn những giai đoạn khác trong cuộc đời ta nếu không phải đã qua đi thì là vẫn chưa xác định được. Vì thế, thời gian tồn tại của mỗi người đều rất ngắn ngủi, ta sống trong một góc nhỏ trên Trái đất, danh tiếng tồn tại lâu dài nhất sau khi chết cũng chỉ hữu hạn, thậm chí danh tiếng đó chỉ có thể được lưu truyền bởi lớp lớp hậu thế thương xót ta mà thôi. Những người đó rồi cũng nhanh chóng chết đi, họ thậm chí không biết đến bản thân mình chứ đừng nói đến những người sớm đã không còn trên cõi đời này nữa. Khi bạn làm công việc trước mắt của mình, bạn phải tôn trọng lí trí, tinh thần sảng khoái, chuyên tâm làm việc, không phân tâm vì bất cứ chuyện gì, giữ gìn phần thuần khiết trong tâm hồn bạn như thể cuộc đời bạn vậy. Nếu bạn kiên trì làm được điều này, không sợ hãi trước bất cứ dục vọng nào, thỏa mãn những hoạt động phù hợp với bản chất mình, thỏa mãn với sự chân thành và dũng cảm trong từng câu từng từ bạn nói ra, thì bạn sẽ có thể sống hạnh phúc. Không ai ngăn cản được bạn khỏi điều này. LỜI VÀNG Ý NGỌC Nắm bắt được trọng điểm mới có thể làm nổi bật điều đặc biệt “Dạo này bận lắm” đã trở thành câu cửa miệng của người hiện đại, dường như bận rộn đã trở thành chủ đề chính trong cuộc sống. Mọi người bận đến vậy, phải chăng những người bận rộn ấy đều là những người thành đạt? Thực ra, “bận” có thể phân làm hai kiểu, một kiểu gọi là “bận không đâu”, nghĩa là làm việc không có mục đích, kết quả là mọi việc chẳng những không được xử lí tốt mà ngược lại còn loạn hơn lên; kiểu thứ hai là “bận có trọng tâm”, nghĩa là nắm rõ mức độ nhanh chậm, nặng nhẹ của công việc để phân bổ thời gian hợp lí. Một nhân viên bán hàng nọ luôn lặng lẽ làm việc. Một hôm, do điều động nhân sự mà người ấy trở thành trợ lí giám đốc. Vì khi còn bán hàng, doanh số bán hàng của anh ta không được tốt nên chẳng được mấy người xem trọng. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh ta lại một bước được thăng chức lên trưởng phòng nhân sự. Nhiều người thắc mắc, thậm chí có người còn nghi ngờ anh ta chạy chọt, móc nối quan hệ để thăng tiến, còn có lời đồn đại anh ta là họ hàng thân thích của Chủ tịch Hội đồng quản trị nữa. Một hôm đang họp thì Chủ tịch Hội đồng quản trị bỗng bảo anh ta đưa sổ ghi chép cho mọi người chuyền tay xem. Mọi người vô cùng bối rối, hóa ra, anh ta có thói quen hàng ngày đều liệt kê ra những việc phải làm rồi sắp xếp theo mức độ cần thiết của công việc đó, cứ làm xong một việc lại lấy bút gạch đi. Chủ tịch nói: “Thói quen này không có gì đặc biệt, nhưng nếu kiên trì làm vậy hàng ngày thì nhất định có thể trở thành một nhân viên xuất sắc. Nói về năng lực, anh ta không phải người giỏi nhất; nói tới thông minh tài trí, anh ta cũng chẳng hơn người nào ngồi đây, nhưng anh ta lại kiên trì làm được điều mà rất ít người có thể làm được.” Quan điểm của Aurelius về “Làm việc” hoàn toàn trùng hợp với người nhân viên bán hàng đó. Thời gian và sức lực của mỗi người đều có hạn, những người thực sự có năng lực nhất định sẽ lợi dụng thời gian có hạn để làm được càng nhiều việc hơn. Để nâng cao năng suất làm việc, họ thường dành thời gian cho việc quan trọng nhất. Chỉ có nắm vững trọng điểm cốt yếu mới có thể giải quyết nhanh chóng vấn đề. Vì vậy, khi chúng ta bị bối rối trước nhiều vấn đề, hãy tự hỏi mình: Trước mắt chuyện gì là quan trọng nhất? 1 ngày của 2 nhân viên Bài học quan trọng Có người nói “Kế hoạch chỉ là kế hoạch, thực tế luôn có thể thay đổi”. Quả thực, có những tình huống mà chúng ta dù dự tính thế nào cũng không thể chính xác được, nhưng cái tốt của kế hoạch là khi gặp phải chuyện xảy ra bất ngờ, chúng ta đã chuẩn bị sẵn tâm lí, biết ngay chuyện gì có thể để làm sau, chuyện gì bắt buộc phải giải quyết ngay, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, không hề lộn xộn. Nguyên văn Cơ thể, tâm hồn, lí trí: Cảm xúc thuộc về cơ thể; sở thích thuộc về tâm hồn; nguyên tắc thuộc về lí trí. Ấn tượng về hình thức có được qua hiện tượng – thậm chí năng lực này các loài động vật cũng có thể có được. Bị thôi thúc bởi một chuỗi những dục vọng – thứ vừa thuộc về động vật hoang dã lại vừa thuộc về loại đàn ông tự biến mình thành đàn bà, tựa như một bạo chúa Phalaris hay Nero... Cho dù mọi người không ai tin rằng anh ta có một cuộc sống đơn giản, khiêm tốn và thỏa mãn, nhưng anh ta cũng không bao giờ cảm thấy giận dữ vì bất cứ ai, cũng không đi chệch khỏi quỹ đạo đó cho đến cuối cuộc đời. Vì thế, một người nên rời khỏi cuộc đời này một cách thuần túy, an tĩnh và vui vẻ, không có bất kì sự cưỡng ép nào mà yên tâm tuyệt đối với cuộc đời mình. LỜI VÀNG Ý NGỌC Biết kiềm chế mới có được nhiều cơ hội Theo Marcus Aurelius, một người trưởng thành và khiêm nhường, sẽ không bao giờ giận dữ vì bị người khác hiểu lầm. Điều đó có nghĩa là, người thực sự thành công thì nên biết cách kiềm chế bản thân. Điều này nói thì dễ nhưng làm lại khó vô cùng. Đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà tâm trạng lại không tốt thì khó tránh khỏi nổi giận vô lí. Nếu muốn có được nhiều cơ hội và mối quan hệ hơn nữa thì bắt buộc ta phải học cách kiềm chế. Có một cậu bé tính tình rất xấu, hơi chút là đỏ mặt tía tai, lớn tiếng lí luận, hơn nữa lại hay mắc lỗi, những đứa trẻ quanh đó đều không muốn làm bạn với cậu ta. Hôm đó, cha đưa cho cậu một túi đinh lớn và nói: “Bắt đầu từ hôm nay, mỗi lần nổi nóng con hãy đóng một cái đinh lên cột.” Ngày đầu tiên, cậu bé phát hiện ra mình đóng tất cả 37 cái đinh thì vô cùng kinh ngạc. Cha cậu nói: “Giờ thì con biết tính khí mình xấu thế nào rồi chứ, vậy con hãy thử cố gắng bớt đi số đinh phải đóng mỗi ngày nhé!” Ngày hôm sau, cậu bé cố gắng kiềm chế cảm xúc, chỉ phải đóng 27 cái đinh, ngày thứ ba số đinh chỉ còn là 17 cái, một tuần sau thì chỉ còn 1 cái. Nhìn thấy thành tích mình đạt được, cậu bé phấn khởi lắm, cha cậu lại nói: “Từ ngày mai, cứ mỗi một ngày không nổi nóng, con hãy nhổ đi một cái đinh.” Mấy tháng sau, cuối cùng thì cậu bé cũng đã nhổ được hết chỗ đinh đã đóng. Trong quá trình đó, cậu trở nên điềm đạm, ôn hòa, khi gặp chuyện không còn nông nổi như trước mà đã biết bĩnh tĩnh tìm ra cách giải quyết. Những bạn nhỏ trước đây sợ cậu cũng đã kết bạn lại với cậu. Thực ra cách mà cha dạy cậu bé cũng được vận dụng rất nhiều trong việc trị liệu tâm lí, nhiều bác sĩ tâm lí đã sử dụng phương pháp tương tự để khiến những người tính tình nóng nảy học cách bình tĩnh lại. Kì thực, quá trình giao tiếp với người khác còn tốt hơn nhiều việc đóng đinh vào cột. Nếu bạn không học được cách kiềm chế bản thân, không nổi nóng thì cũng là mỉa mai người khác, cứ như vậy thì dần dần sẽ khiến bạn trở thành một người “gai góc đầy mình”, không ai dám lại gần. Khi thời đại mà các “mối quan hệ” trở thành viên gạch lót đường cho thành công thì cách đối nhân xử thế của chúng ta cũng phải đi kịp với thời đại, một người khiêm tốn, ôn hòa, thấu hiểu lòng người sao có thể không được mọi người yêu mến và chào đón chứ? Bí quyết kiềm chế cảm xúc Để đầu óc được nghỉ ngơi - dừng hoạt động Khi bạn cảm thấy mình sắp nổi nóng, hãy lập tức chuyển hướng chú ý. Ví dụ, khi bạn bực bội với đồng nghiệp vì chuyện sắp xếp thời gian hoạt động của công ty không như ý, hãy thử xóa bỏ thông tin đó ra khỏi đại não, để đầu óc bình tĩnh lại. Bởi có những chuyện chỉ cần qua thời gian thì sẽ chẳng đáng cho ta phải bực mình nữa. Thay đổi môi trường Đặt một chậu xương rồng cạnh máy tính có thể giúp bạn tránh bức xạ, đặt vài cành hoa cạnh đầu giường để hương thơm theo ta vào giấc ngủ. Nếu bạn phát hiện ra dạo này tính khí mình rất khó chịu, hãy thử thay đổi môi trường xung quanh, ví dụ như đặt một chậu hoa hay đồ chơi trên bàn làm việc, thay đổi chỗ để sô-pha trong phòng khách ở nhà. Cảm giác mới lạ do thay đổi môi trường đem lại có thể giảm bớt những chuyện bực bội, không vui trong lòng. Tự ám thị Trước khi nói ra những lời giận dữ, hãy có thói quen tự nhắc mình: Bình tĩnh, nhất định phải bình tĩnh. Lặp đi lặp lại vài lần thường sẽ có hiệu quả. Bởi sự kích động đôi khi làm lu mờ sự tỉnh táo của lí trí, điều chúng ta cần làm là nhân thời điểm ấy, trao quyền kiểm soát cho lí trí. Bài học quan trọng Tính khí khó chịu đến mấy cũng có thể sửa đổi được, quan trọng là phương pháp thay đổi có thích hợp hay không. Ngoài ra, chúng ta cũng nên điều chỉnh tâm trạng của bản thân, đôi lúc phiền muộn không phải do tính khí mà do tâm trạng gây ra. Ví dụ, nhìn thấy đồng nghiệp có cơ hội thăng tiến, so với việc bực bội với người ấy, chẳng thà thành tâm chúc mừng họ, đồng thời khích lệ bản thân tiếp tục cố gắng hơn nữa. PHẦN 4 > NHỮNG SUY NGẪMTRONG NGHỊCH CẢNH Ai cũng phải vượt qua giông bão để giành được thành công, trên con đường tiến lên phía trước, chúng ta khó tránh khỏi bị khó khăn cản trở. Rốt cuộc nên đối diện với khó khăn bằng thái độ như thế nào? Bạn có thể tìm thấy đáp án trong phần này. ● Nghịch cảnh mang lại sức mạnh cho con người ● Đi tìm sức mạnh tâm hồn ● Đừng để những lời khen ngợi làm mờ mắt ● Tạo nên cuộc sống không than vãn ● Nhìn nhận ý kiến của người khác một cách lí trí ● Làm việc thiện trong khả năng cho phép ● Dừng việc tự giày vò bản thân ● Không ngừng học tập ● Chú ý sự liên kết giữa các sự việc 1 NGHỊCH CẢNH ĐEMLẠISỨCMẠNH CHO CON NGƯỜI