🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Thúy Kiều - Nguyễn Du
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : TRUYỆN THÚY KIỀU – NGUYỄN DU
ĐOẠN-TRƯỜNG TÂN-THANH
Hiệu khảo : BÙI KỶ và TRẦN TRỌNG KIM
Nhà xuất bản : TÂN VIỆT
235, Phan thanh Giản – Saigon
Năm xuất bản : IN LẦN THỨ TÁM
------------------------
Nguồn sách : Thích Đức Châu
Đánh máy : Zadd3l, hhongxuan, danguyen, princess0917, danguyen, Harmony, quyche, Uyên Bùi, lovelysnake289, kimtientang, Bellchan
Kiểm tra chính tả : Phạm Thị Kiều Quyên, Quân Nguyễn Tiến, Ngọc Hân, Hải Hải, Thành Phú Võ, Hoàng Anh, Nguyễn Ngọc Anh, Minh Ánh Đặng, Thư Võ
Biên tập chữ Hán-Nôm : Dương Nhật Xuân
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 27/04/2018
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn các tác giả BÙI KỶ, TRẦN TRỌNG KIM và nhà xuất bản TÂN VIỆT đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
TỰA
LÝ-THUYẾT PHẬT-HỌC TRONG TRUYỆN KIỀU CÁI THUYẾT NHÂN-QUẢ
CÁI THUYẾT NHÂN-QUẢ DIỄN RA TRONG TRUYỆN KIỀU GIÁ-TRỊ TRUYỆN KIỀU
I. TÊN NHỮNG ĐẤT NÓI TRONG TRUYỆN
II. HAI BÀI TỰA BẰNG HÁN-TỰ
A. BÀI THỨ NHẤT
B. BÀI THỨ NHÌ
III. BÀI THƠ CỦA ÔNG PHẠM QUÍ THÍCH
TRUYỆN THÚY KIỀU
I
II
III
IV
V
VI
VII
VIII
IX
X
XI
XII
https://thuviensach.vn
CỔ VĂN VIỆT NAM
NGUYỄN DU
Truyện THÚY KIỀU
(ĐOẠN-TRƯỜNG TÂN-THANH)
BÙI KỶ và TRẦN TRỌNG KIM HIỆU-KHẢO IN LẦN THỨ TÁM
Chữa lại rất kỹ và rất đúng với
bản nôm cổ và thêm bài nói về lý
thuyết Phật-học trong Truyện Kiều
SÁCH GIÁO-KHOA
TÂN VIỆT
https://thuviensach.vn
TỰA
Quyển truyện Thúy Kiều này là một quyển sách kiệt-tác làm bằng quốc-âm ta. Người trong nước từ kẻ ngu-phu ngu-phụ cho chí người có văn-học, ai cũng biết, ai cũng đọc, mà ai cũng chịu là hay. Một quyển sách có giá-trị như thế, mà chỉ hiềm vì các bản in ra, có nhiều bản không giống nhau, rồi có người lại tự ý mình đem chữa đi, chữa lại, thành ra càng ngày càng sai-lầm nhiều thêm ra. Mới đây những bản in bằng quốc-ngữ, tuy có dễ đọc và dễ xem hơn trước, nhưng chưa thấy có bản in nào thật chính đáng, những điều sai-lầm vẫn còn như các bản chữ nôm cũ, mà chữ quốc ngữ viết lại không được đúng, và những lời giải-thích cũng không kỹ-càng lắm. Chúng tôi thấy vậy, mới nhặt-nhạnh các bản cũ, rồi so-sánh với các bản mới để hiệu-chính lại cho gần được nguyên-văn. Chúng tôi lại hết sức tìm-tòi đủ các điển-tích mà giải-thích cho rõ-ràng, để ai xem cũng hiểu, không phải ngờ điều gì nữa.
Hiện nay tập nguyên-văn của tác-giả làm ra thì không tìm thấy nữa, chỉ có hai bản khác nhau ít nhiều, là bản Phường, in ở phố hàng Gai, Hà-nội, và bản Kinh của vua Dực-tông bản Triều đã chữa lại.
Bản Phường là bản của ông Phạm Quí Thích đem khắc, in ra trước hết cả. Ông hiệu là Lập Trai, người làng Huê-đường (nay đổi là làng Lương đường) phủ Bình-giang, tỉnh Hải-dương, đỗ tiến-sĩ về cuối đời Lê, cùng với tác-giả là bạn đồng thanh đồng khí, cho nên khi quyển truyện này làm xong thì tác-giả đưa cho ông xem. Chắc cũng có sửa-đổi lại một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả. Vậy nên chúng tôi thiết-tưởng rằng lấy bản Phường làm cốt, thì có lẽ không sai-lầm là mấy. Còn những chỗ mà bản Kinh đổi khác đi, hoặc những câu mà về sau người ta sửa lại, thì chúng tôi phụ-lục cả ở dưới, để độc-giả có thể xem mà cân-nhắc hơn kém. Lại có một vài chữ người ta muốn đổi đi, nhưng không đúng với các
https://thuviensach.vn
bản nôm cũ, thì chúng tôi cũng thích xuống dưới, chứ không tự tiện mà đổi nguyên-văn đi. Chủ-ý của chúng tôi là muốn giữ cho đúng như các bản cũ, chứ không muốn làm cho hay hơn.
Truyện Thúy Kiều này nguyên lúc đầu tác-giả nhan là : « ĐOẠN TRƯỜNG TÂN-THANH 斷腸新聲 » Sau nghe đâu ông Phạm Quí Thích đổi lại là : « KIM, VÂN, KIỀU TÂN-TRUYỆN 金雲翹新傳 ». Nhưng vì trong truyện chỉ có Thúy Kiều là vai chính, còn Kim Trọng và Thúy Vân là vai phụ cả. Nếu đề như vậy, thì e không hợp lẽ. Vả chăng tục thường gọi là truyện Kiều, thì chi bằng ta cứ theo thói thường mà nhan là Truyện Thúy Kiều, rồi ở dưới đề thêm tên cũ « ĐOẠN-TRƯỜNG TÂN-THANH », gọi là để tỏ cái ý tồn cổ.
Song đấy là nói về phần hình-thức ở bề ngoài, còn về phần tinh-thần văn-chương trong truyện Thúy Kiều, thì sau này chúng tôi sẽ đem ý-kiến riêng mà bày-tỏ ra đây, họa may có bổ-ích được điều gì chăng. Vậy trước hết xin lược-thuật cái tiểu-sử của tác-giả để độc-giả hiểu rõ tác-giả là người thế nào.
Tác-giả húy là Du 攸, tự là Tố-như 素如, hiệu là Thanh-hiên 清軒, biệt hiệu là Hồng-sơn Liệp-hộ 鴻山獵戶, quán tại làng Tiên-điền, huyện Nghi xuân, tỉnh Hà-tĩnh, con thứ bảy ông Hoàng-giáp Xuân-quận-công Nguyễn Nghiễm, làm thủ-tướng Lê-triều. Bác ruột là ông Nguyễn Huệ cùng anh là ông Nguyễn Khản đều đỗ tiến-sĩ, làm quan đồng thời. Ông Nguyễn Khản làm đến Lại-bộ Thượng-thư, sung chức Tham-tụng. Còn người anh thứ hai là Điều-nhạc-hầu, húy là Điều, làm Trấn-thủ Sơn-tây. Cả nhà, cha con, chú bác, anh em, đều là người khoa-giáp, làm quan to đời nhà Lê.
Tố-như tiên-sinh là con bà trắc-thất, người huyện Đông-ngạn, tỉnh Bắc-ninh, tên là Thấn 殯. Bà sinh được bốn người con trai tên là Trụ 伷, Nệ 儞, Du 攸 (tức là tiên-sinh) và Ức 億. Tiên-sinh sinh vào ngày nào, thì nay
https://thuviensach.vn
ta không rõ, chỉ biết vào năm ất-dậu là năm Cảnh-hưng thứ 26 (1765), nghĩa là vào đời Lê-mạt.
Xem gia-thế nhà tiên-sinh, thì tiên-sinh là dòng-dõi một nhà thế-phiệt trâm-anh đệ-nhất trong nước lúc bấy giờ. Không rõ tiên-sinh thụ-nghiệp ai, có lẽ là học-tập phụ-huynh trong nhà. Tiên-sinh thủa còn trẻ thiên-tư dĩnh ngộ, năm 19 tuổi đã đỗ ba trường, tức là đỗ tú-tài.
Tiên-sinh là người có khí-tiết, gặp khi trong nước có biến, nhà Nguyễn Tây-sơn dấy lên, nhà Lê bại-vong, tiên-sinh đã nhiều phen lo-toan sự khôi phục, nhưng vì sự không thành, bỏ về quê ở, lấy sự chơi-bời săn-bắn làm vui thú. Trong vùng chín-mươi-chín ngọn núi Hồng-lĩnh không có chỗ nào là chỗ tiên-sinh không đi đến. Phải thời quốc phá gia vong, tiên-sinh đã toan bỏ việc đời ra ngoài tai, đem cái thân-thế mà vui với non sông. Ấy là cái chí của tiên-sinh đã định như thế, nhưng đến khi vua Thế tổ Cao-hoàng bản Triều đã thống-nhất được giang-sơn, có ý muốn thu-phục lòng người miền Bắc, xuống chiếu trưng-triệu những nhà dòng-dõi cựu-thần nhà Lê ra lục dụng. Tiên-sinh phải triệu ra làm quan, hai ba lần từ-chối không được. Năm Gia-long nguyên-niên (1802), tiên-sinh phải ra làm tri-huyện huyện Phù
dực, (nay thuộc tỉnh Thái-bình). Được ít lâu bổ đi Tri-phủ Thường-tín. Sau tiên-sinh cáo bệnh xin về. Đến năm Gia-long thứ năm (1806) lại phải triệu vào Kinh thụ chức Đông-các học-sĩ. Năm thứ tám (1809) bổ ra làm Cai-bạ (tức là Bố-chính) Quảng-bình. Năm thứ 12 (1813) thăng lên làm Cần-chính điện học-sĩ, sung chức chánh-sứ sang cống Tàu. Đến khi về, được thăng Lễ bộ Hữu-tham-tri. Năm Minh mệnh nguyên-niên (1820) lại có chỉ sai tiên sinh đi sứ Tàu lần nữa, nhưng chưa kịp đi thì phải bệnh mất.
Sách Chính biên Liệt-truyện chép rằng : khi tiên-sinh phải bệnh nặng, không chịu uống thuốc. Lúc gần mất, sai người sờ tay chưn xem còn nóng hay lạnh. Người nhà nói đã lạnh cả rồi. Tiên-sinh nói rằng : được ! Nói xong thì mất, không có một lời nào dặn dò đến việc sau. Tiên-sinh mất vào
https://thuviensach.vn
này mồng 10 tháng 8 năm canh-thìn là năm Minh-mệnh nguyên-niên (1820), thọ được 56 tuổi.
Cứ theo lời chép trong truyện, thì tiên-sinh làm quan hay bị quan trên đè-nén, không được thỏa chí của mình, cho nên thường buồn-rầu không vui. Đối với nhà vua thì chỉ giữ hết bổn-phận, chứ không hay nói-năng điều gì. Có khi vua đã quở rằng : « Nhà nước dùng người, cứ ai hiền-tài thì dùng, không phân-biệt gì Nam với Bắc cả. Ngươi đã làm đến chức á-khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức-trách của mình, có lẽ đâu lại cứ rụt-rè sợ-hãi chỉ vâng vâng, dạ dạ, hay sao ? » – Mấy lời ấy làm bằng-chứng rõ-ràng cái bụng bất-đắc-dĩ của tiên-sinh phải ra làm quan. Tuy thế, nhưng không khi nào tiên-sinh bỏ cái chức-trách của mình, như khi ra làm Cai-bạ coi hạt Quảng-bình, tiên-sinh nghĩ mình đã giữ việc trị dân, thì phải hết lòng làm việc lợi dân, cho nên người thời bấy giờ đều khen tiên-sinh là người giỏi nghề cai-trị.
Tiên-sinh là một người học rộng, kiến-thức nhiều, tinh-thông cả binh thư võ-nghệ và lại giỏi nghề cầm, kỳ, thi, họa. Tính người khiêm-cẩn, ít nói, hay xem sách, không hay khoe-khoang, cách ăn-ở trong nhà bao giờ cũng rất giản-dị đơn-sơ. Không những tiên-sinh là người thâm nho-học, mà lại đạt được cả Đạo-học và Phật-học, thường có những cái tư-tưởng siêu-việt, không bó-buộc mình ở chỗ tầm-thường trước mắt, bo bo ở chỗ hiếu danh hiếu lợi như những người khác. Chắc là người có học-lực như tiên-sinh thì trong lòng bao-quát biết bao nhiêu là tình là ý, nhưng đối với người ngoài thì tiên-sinh hay giữ-gìn kín-đáo, không muốn ganh-đua với những phường « giá áo túi cơm » làm gì. Bởi thế cho nên người chép truyện cho rằng tiên sinh là người bề trong có ý tự-phụ, mà bề ngoài thì làm ra mặt thật-thà cẩn thận. Câu ấy tuy có ý chê tiên-sinh, nhưng thật là lời nói đúng với cái tâm lý của tiên-sinh. Mà cái tâm-lý ấy chính là cái tâm-lý của phần nhiều những bậc hơn người, biết mình có cái giá-trị riêng, thì cứ giữ cái địa-vị riêng của
https://thuviensach.vn
mình, còn đối-đãi với mọi người, thì chỉ lấy sự bình-thường mà thù-tiếp cho êm chuyện.
Tiên-sinh làm ra văn-thơ và sách-vở hoặc bằng hán-tự, hoặc bằng quốc-âm cũng nhiều. Những sách bằng hán-tự thì có :
- Thanh-hiên tiền-hậu-tập 清軒前後集 ;
- Bắc-hành thi-tập 北行詩集 ;
- Nam-Trung tạp ngâm 南中雜吟 ;
- Lê-quí kỷ-sự 黎季紀事 ;
Những sách ấy đều có giá-trị cả, nhưng nay mất-mát đi, chưa tìm được mấy.
Khi tiên-sinh đi sứ Tàu về, có để lại bộ Bắc hành thi-tập và làm ra quyển truyện Thúy Kiều, nhan là Đoạn-trường tân-thanh. Trong tập Bắc hành thi-tập của tiên-sinh, có lắm bài vịnh những danh-nhân bên Tàu, như vịnh Khuất Nguyên. Hạng Vũ, Tần Cối, v.v… Những bài thơ ấy có lắm câu khảng-khái mà bi-đát.
Bài vịnh Khuất Nguyên có câu :
尊國三年悲放逐
Tồn quốc tam niên bi phóng trục.
楚辭萬古擅文章
Sở từ nạn cổ thiện văn-chương.
魚龍江上無殘骨
Ngư long giang thượng vô tàn cốt.
杜若洲邊有眾芳
Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương.
Lại có câu :
後世誰人憐獨醒
Hậu thế thùy nhân liên độc tỉnh.
https://thuviensach.vn
四方何處用孤中
Tứ phương hà xứ dụng cô trung.
Bài vịnh Hạng Vũ thì có câu :
及識敗亡非戰罪
Cập thức bại vong chi chiến tội.
空勞智力與天爭
Không lao tri lực dử thiên tranh.
古今無那英雄淚
Cổ kim vô ná anh-hùng lệ.
風雨空聞叱咤聲
Phong vũ không văn sất sá thanh.
Bài vịnh Phạm Tăng có câu :
但得此心無負楚
Đản đắc thử tâm vô phụ Hán.
不知天命已歸劉
Bất tri thiên mệnh dĩ quy Lưu.
Bài vịnh Tràng-sa (Giả Nghị) có câu :
立談不展平生學
Lập đàm bất triển bình sinh học.
事職何妨至死悲
Sự chức hà phường chi tử bi.
天降奇才無用處
Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ.
日斜異物有歸時
Nhật tà dị vật hữu quy thì.
Bài vịnh Thiếu-lăng (Đỗ Phủ) có câu : 異代相憐空洒淚
https://thuviensach.vn
Dị đại tương liên không sái lệ.
一窮至此豈工施
Nhất cùng chí thử khỉ công thi.
Bài vịnh Tần Cối có câu :
是非盡屬千年事
Thị phi tận thuộc thiên niên sự.
笑罵何妨一假身
Tiếu mạ hà phường nhất giả thân.
如此錚錚真鐵漢
Như thử tranh tranh chân thiết hán.
奈何靡靡事金人
Nại hà mị mị sự kim nhân.
Bài vịnh Thăng-long có câu :
千年巨室成官道
Thiên niên cự thất thành quan đạo.
一片新成沒故宮
Nhất phiến tân thành một cố cung.
Hai câu thơ này thật là tiếng than, tiếng khóc của một người cựu-thần đi qua chỗ Kinh-thành của tiền Triều đã bị phá-hoại. Tiên-sinh là dòng-dõi quan nhà Lê, gặp phải khi thời-thế đã biến-đổi phải ra làm quan với triều Nguyễn, lại đi qua chỗ giang-sơn cũ, lòng nào là lòng chẳng chua-xót !
Thơ của tiên-sinh, bài nào cũng ngụ cái ý buồn-rầu, thật là :
Rằng hay thì thực là hay.
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào !
Song những bài thơ ấy làm bằng hán-văn cả, và chẳng qua là nhân cái ngẫu-hứng một lúc mà làm ra, không phải chỗ tiên-sinh chú-ý để giãi-bày tâm-sự của mình như ở trong truyện Thúy Kiều. Vậy có xem truyện Thúy
https://thuviensach.vn
Kiều thì mới hiểu được cái tâm-sự và cái tài văn-chương bằng quốc-âm của tiên-sinh.
Truyện Thúy Kiều không phải là một truyện tự tiên-sinh tưởng-tượng mà đặt ra, tiên-sinh thấy có một tiểu-thuyết của Thanh-tâm tài-nhân, văn chương thật là tầm-thường, nhưng trong bộ sách ấy có truyện một người đàn-bà sắc tài rất mực, khôn-ngoan đủ điều, lại có lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa, mà chỉ bị những bước gian-truân, khổ-sở, phải hoa trôi bèo giạt, thật là đáng thương cho ai mà lại đáng giận cho « Hóa-nhi sao khéo đa-đoan », đem chữ tài chữ mệnh mà trêu-ghẹo người hồng-nhan ! Song truyện dù hay đến đâu mặc lòng, mà câu văn non-nớt, lời-lẽ không đậm-đà, thì cũng là truyện bỏ đi. Bởi thế cho nên bộ tiểu-thuyết ấy là bộ sách ngày nay không mấy người xem đến nữa.
Nhân bộ tiểu-thuyết tầm-thường ấy mà làm thành một tập văn-chương kiệt-tác là bởi Tố-như tiên-sinh có cái cảm-tình riêng, và cái thiên-tài đem tiếng nước nhà mà thêu-dệt nên được những lời cẩm-tú. Tại làm sao trong tiểu-thuyết Tàu thiếu gì truyện hay mà tiên-sinh không dịch, lại dịch bộ tiểu-thuyết ấy ? Là tại tiên-sinh thấy cái cảnh-ngộ của cô Kiều đối với cái cảnh-ngộ của tiên-sinh hình như là :
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa.
Cho nên tiên-sinh mới dụng tâm lấy truyện Thúy Kiều mà bày-tỏ ra cho hết mọi tình mọi ý của mình. Cũng vì vậy mà tiên-sinh nhan quyển truyện này là, Đoạn-trường tân-thanh, nghĩa là : « Tiếng than-khóc mới về nỗi đau lòng ». Nghĩ kỹ bốn chữ Đoạn-trường tân-thanh, thì tưởng cũng đủ rõ được cái tâm-sự của tiên-sinh. Tiên-sinh dịch, nhưng chỉ chọn lấy những đoạn cốt-tử mà thôi, còn thì tiên-sinh thay đổi đi và bỏ bớt những chỗ rườm-rà thô-tục, hoặc những chỗ gớm-ghê dơ-bẩn, như đoạn Tú-bà dạy Thúy-Kiều, và đoạn báo ân báo oán, là tiên-sinh chỉ nói lược qua mà thôi ; cho nên so
https://thuviensach.vn
quyển truyện Thúy Kiều với bộ tiểu-thuyết Tàu, thì quyển sách của tiên-sinh thanh-nhã và có văn-vẻ hơn nhiều lắm.
Tố-như tiên-sinh thấy nàng Kiều là một bậc người đa tình đa cảm ; mà tình với cảm tuy là hai cái dây oan nó trói-buộc người ta vào trần-lụy, nhưng cũng vì có tình có cảm mới thật là người, không thì cùng với cỏ-cây có khác gì đâu. Vậy đa tình với đa cảm là hai cái đặc-tính của những bậc thanh-tao phong-nhã. Tiên-sinh với nàng Kiều tuy sinh không đồng thời, ở không đồng xứ, nhưng cũng là một thanh, một khí, cho nên đọc đến truyện nàng Kiều là động mối thương-tâm.
Hữu tình ta lại gặp ta
thì sao lại để hững-hờ mà ngảnh mặt làm thinh đi được. Huống-chi hai chữ tài với mệnh đã không phải là một nỗi bất bình riêng của bạn má hồng, tất là bạn nam-nhi thường cũng nhiều khi vì chữ tài với chữ mệnh mà thất điên bát đảo. Tiên-sinh là một người trung-thần mà gặp buổi Lê suy, cũng như Kiều là một người trinh-nữ gặp cơn gia biến. Dù tiên-sinh muốn trung với Lê-hoàng, song nhà đổ một cây gỗ chống sao cho nổi, khác gì Kiều muốn thủ nghĩa với Kim Trọng, song chuộc cha thế phải bán mình. Bạch-diện đối với hồng-nhan đã chịu chung một số kiếp, thì quyển truyện Kiều có phải là chỉ để than người bạc-mệnh mà thôi, hay là để cho tác-giả nhân đó mà tự than mình nữa ? Thiết-tưởng tiên-sinh cũng nghĩ :
Lời rằng bạc-mệnh cũng là lời chung.
Cho nên than người bạc-mệnh, tức là than thân mình. Vậy lấy truyện Kiều mà xét tâm-sự của Tố-như tiên-sinh thì tưởng không lầm được.
Vì chữ mệnh nó oái-oăm, cứ hay bắt-buộc người ta vào những cảnh bất-đắc-dĩ, như bắt Kiều phải bỏ Kim Trọng mà chịu bước giang-hồ, bắt tiên-sinh phải quên nhà Lê mà theo phù tân quân. Kiều vì gia biến phải bước chưn ra đi, tiên-sinh phải khi nhà Lê bại-vong phải ra làm quan với
https://thuviensach.vn
Nguyễn-triều, hai bên cũng một lòng cay-đắng chua-xót như nhau, cho nên :
Dùng-dằng khi bước chưn ra,
Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bảy lần.
Được như tiên-sinh đi làm quan, một thời phú-quí, giá ai đã lấy làm vinh, mà tiên-sinh thì tự lấy làm bùi-ngùi tủi thẹn. Thẹn là thẹn vì nỗi làm thân trượng-phu đã không thể dọc ngang cho thỏa chí tang-bồng, thì sao không bắt-chước được như Hải-thuyền-sư 1lúc bấy giờ, đành mượn cửa Không mà làm một người dật dân triều Nguyễn. Vì thời-thế bắt-buộc, khiến tiên-sinh không giữ được cái nghĩa trung-thần bất sự nhị quân, thì dù có
Bó thân về với Triều-đình,
Hàng thần lơ-láo, phận mình ra đâu.
Không hàng thần cũng như hàng thần, cho nên tiên-sinh có ý tự ví mình như một người đàn-bà bạc-mệnh, vì thế bất-đắc-dĩ, phải bán mình mà phụ nghĩa cố-phu. Đã nói thất tiết, thì thân nghìn vàng với thân bảy thước có khác gì nhau ? Bởi thế cho nên làm quan thì làm quan, chứ
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì ?
Mà có vui nữa, thì cũng :
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri-âm đó mặn-mà với ai ?
Vì cái cảm-tình ấy, cái tư-tưởng ấy, cho nên chung thân tiên-sinh làm quan thường hay buồn-rầu, mà cũng không lúc nào bàn-bạc điều gì. Tiên sinh có ý muốn làm như Từ Nguyên-trực về với Tào mà thề không bài mưu định kế cho Tào. Nhưng tiên-sinh là người kín-đáo, người ngoài không rõ, mới cho tiên-sinh buồn-rầu về quan trên đè-nén, và tính hay sợ-hãi, cho nên không dám nói-năng gì cả. Thiết-tưởng một người như tiên-sinh sợ gì ai,
https://thuviensach.vn
mà ai đè-nén được. Chẳng qua là ở vào thời-đại chuyên-chế, tiên-sinh biết theo cái đạo minh-triết : chấp kinh cũng phải có khi tòng quyền, cho nên
Cũng liều nhắm mắt đưa chưn,
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu ?
Vả chăng người đời xu danh trục lợi, đã dễ mấy kẻ tri-âm, mà dám đem bày-tỏ cái tâm-sự của mình, vậy nên tiên-sinh cứ
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Miễn là cho qua chuyện đời thì thôi. Ấy là cái tâm-sự của tiên-sinh đã đem gửi vào tập truyện Thúy Kiều để hậu thế ai có con mắt tinh đời, thì soi xét đấy, mà thở dài thay cho một người tài-tình, tiết-nghĩa, sinh không gặp thời, phải đày-đọa ở chốn phong-trần, để tấm lòng son-sắt mai-một đi mất.
Bởi thế nên khi tiên-sinh sắp mất, có khẩu-chiếm hai câu rằng :
不知三百餘年後
Bất tri tam bách dư niên hậu
天下何人泣素如
Thiên-hạ hà nhân khấp Tố-như
Vậy nay ta đọc truyện Kiều, mà có « khóc người đời xưa », thì những người thức-giả hẳn không ai cho ta « khéo dư nước mắt » nữa.
*
Đấy là phần tâm-sự của Tố-như tiên-sinh. Còn về nhân-vật trong truyện Kiều, thì vì cái cảnh-ngộ một người mà miên-man ra đến các hạng người, làm thành ra quyển truyện ấy hình như quyển tiểu-sử cả một xã-hội vậy. Từ ông quan cho đến tên lính-lệ, từ người lương-thiện cho chí những phường tàn-bạo gian-ác : nào người văn-học nho-nhã, nào người chơi-bời phóng-túng, nào người giang-hồ vùng-vẫy, không có mặt nào là mặt tiên sinh không vẽ rõ cái chân-dung ra. Hạng người nào ra hạng người ấy, lời ăn tiếng nói, cử-chỉ hành-động không có cái gì là không giống nhau như đúc.
https://thuviensach.vn
Tả ra được như thế, thì không những là Tố-như tiên-sinh có cái đặc tài hơn các nhà văn-sĩ, mà tiên-sinh lại là một nhà tâm-lý-học rất tinh-thâm, thấu suốt được nhân-tình thế-thái, soi rõ đến cái khuất-khúc hóc-hiểm ở trong lòng người ta. Ai thế nào tiên-sinh đem bày ra thế, mà tả người nào cũng có cái khí linh-hoạt rất mạnh, khiến cho khi ta đọc truyện Thúy Kiều, ta tưởng-tượng như là những người ấy có ở trước mặt ta, đi lại, nói-năng như thật vậy.
Một nhà trung-hậu thật-thà, giữ nền-nếp, một hạng người trung-lưu đất thành-thị là nhà Vương viên-ngoại. Hai cô con-gái thì
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Nhưng cô Vân thì :
Khuôn trăng đầy-đặn, nét ngài nở-nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Cái đẹp của cô Vân là cái đẹp phúc-hậu, vẻ người được phong-lưu phú-quí, chứ không phải là cái đẹp sắc-sảo mặn-mà của cô Kiều, như :
Làn thu-thủy, nét xuân-sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Cũng là tả cái đẹp mà cái đẹp của cô Kiều tươi quá, thắm quá, hình như là cái mối sầu, cái dây oan đã phục sẵn ở trong cái đẹp đó rồi. Đã đẹp hơn người mà lại khôn-ngoan đủ điều như cô Kiều thì thật là ít có. Nhưng đấy là cái mồi của Khuôn-xanh để nhử người bạc-mệnh, chứ ở cái đời tầm thường này, làm chi có những của quí-hóa ấy mà lại để cho hoàn-toàn được.
Có cô Kiều tất phải có Kim Trọng là một bậc tài-tình nho-nhã, thì mới thật xứng đôi. Song ở cõi trần này, những người như Thúy Kiều với Kim Trọng mà nhân-duyên được mỹ-mãn thì chẳng hóa ra bốn chữ : Càn-khôn khuyết niết 乾坤缺齧 của cổ-nhân lại không đúng hay sao ? Cho nên Hóa-
https://thuviensach.vn
công chỉ để cho Kiều được gặp Kim một chốc-lát, rồi bắt phải chia-phôi nhau ra, để cho cứ phải tưởng-vọng suốt đời, hình như cái tưởng-vọng là cái cực-điểm của đời người ta vậy. Nếu không, sao lại có thằng bán tơ gây nên chuyện phong-ba, đến nỗi nhà họ Vương tan-nát ; sao lại có bọn nha-lệ tàn ác, ông quan bất nhân ăn tiền, để cho Kiều phải bán mình chuộc cha ? Ở
đoạn này, tác-giả chỉ lược qua cái chuyện thằng bán tơ tiêu xưng, mà tả rõ cái thói dã-man của bọn sai-nha nhũng-nhiễu người lương-thiện, là có cái ý hàm-súc để cho người ta đọc đến khắc hiểu cái chính-sách của những bọn quan-lại tàn-nhẫn. Tuy Tố-như tiên-sinh giữ ý, không nói gì đến quan, nhưng lại mượn lời Chung-công nói rằng :
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Thì đủ rõ là bất cứ đời nào, cái thế-lực đồng tiền vào đâu cũng lọt.
Xét cho kỹ, một người lương-thiện bị vu-thác, thì phận-sự người làm quan là phải thân oan cho kẻ vô tội, chứ sao lại vị ba trăm lạng mà làm cho người ta tan cửa nát nhà, làm cho một người thiếu-niên thục-nữ phải bán mình chuộc tội cho cha, mất cả danh, cả tiết, mà chịu đày-đọa ở trong bể trầm-luân. Không rõ những người có cái trách-nhiệm ấy nghĩ ra thế nào ?
Cứ cái lý-tưởng của người Á-đông ta, thì chữ mệnh độc-địa thật ; song cứ thực lý mà suy, thì cái bước long-đong của nàng Kiều là căn-nguyên cái nghiệp của nàng đã định trong sổ đoạn-trường, mà cái mối đầu là tại cái chính-sách đổi trắng thay đen của người xử kiện thủa ấy. Chỗ này Tố-như tiên-sinh có ý muốn kết một cái án tru-tâm cho kẻ đương lộ lúc bấy giờ. Về sau ông Tam-nguyên Yên-đổ có bốn câu thơ rằng ;
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ !
Đời trước làm quan cũng thế a ?
Tưởng đã là khám-phá lắm. Có lũ sai-nha ấy, có ông quan ăn tiền ấy, tất phải có mụ Tú-bà, gã Mã Giám-sinh với gã Sở Khanh, thì cái kết-quả sổ đoạn-trường mới ứng nghiệm. Kiều bị một mụ giầu với hai tên bợm đem
https://thuviensach.vn
dập liễu vùi hoa vào chỗ hôi-tanh, làm cho đang « phong gấm rủ là » phải ra « dày gió dạn sương », thật là :
Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đền phong-trần, cũng phong-trần như ai !
Nhưng Kiều có phải là người phải phong-trần mà chịu phong-trần đâu ! Khốn-nạn thay thân mang lấy nghiệp, lại khư khư giữ lấy chữ tình, thành ra cứ phải đày-đọa mãi, « hết nạn ấy đến nạn kia » cho đến đoạn-trường hết kiếp mới thôi !
Kiều ở thanh-lâu gặp Thúc-lang là người hào-phóng, biết quí ngọc yêu hoa, đem Kiều ra khỏi chỗ lửa nồng. Nhưng Thúc lại là người nhu-nhược, sợ vợ hơn sợ cha, để đến nỗi Kiều phải bước gian-nan, làm con đời, con ở. Trong đoạn này, Tố-như tiên-sinh tả rõ một ông nghiêm-phụ trong xã-hội ta, nghiêm nhưng vẫn từ, thấy con làm bậy thì giận, biết người có nết thì thương ; một ông quan biết phân-biệt tình với lý, biết « yêu vì nết trọng vì tài », muốn cho gia-đình người ta được hòa-hợp, không nỡ để cho kẻ tài tình phải bước gian-truân, thật là một kẻ đáng làm quan phụ-mẫu thời cổ ; một bà mẹ vợ tầm-thường như Hoạn-bà chỉ biết chiều con mà không có lương-tâm ; một người vợ hay ghen mà lại nham-hiểm, hí-lộng người chồng với vợ lẽ như đàn con trẻ.
Kiều một mình bơ-vơ như chiếc lá giữa dòng :
Nơi thời lừa-đảo, nơi thời xót-thương.
Sau lại gặp được Giác-duyên là một người từ-thiện chân tu, thôi thì tưởng mình đã phải nhiều điều cay-đắng như thế, chi bằng đem gửi mình vào chốn Thiền-môn cho trọn quả-kiếp. Ngờ đâu lại gặp Bạc-bà, thật là vãi « nam-mô một bồ dao găm », cùng với Bạc Hạnh, « cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người ». Kiều lại phải bán về châu Thai đi ở thanh-lâu lần nữa.
Tiếc thay nước đã đánh phèn,
https://thuviensach.vn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.
Nhưng kiếp phong-trần có chìm phải có nổi, Kiều có về châu Thai mới gặp Từ Hải, tự-hồ như đang đứng chỗ sương-mù u-ám, bất thình-lình trông thấy cái ánh-sáng mặt trời. Một người đi một quãng đường trong mười năm, khi phong gấm rủ là, khi hoa trôi bèo giạt, khi lầu xanh, khi gác tía, đột nhiên vào đến vòng giáo tuốt gươm trần, vẫy-vùng như cá xuống nước, rồng ra bể, thật là Khuôn-thiêng để dành cho khách má-đào được một lúc nguôi hờn hả giận.
Kiều là một người cũng yêu, cũng ghét, cũng tức, cũng giận như mọi người, chứ không phải là bậc trên loài người, cho nên việc báo ân báo oán là việc đắc chí nhất trong đời Kiều. Giá đem so vào bậc hơn người, thì cái bụng Kiều cũng hơi hẹp-hòi thật, nhưng Kiều là người đàn-bà bị biết bao nhiêu là nỗi uất-ức, tích-lũy đã lâu ngày, phải cho được một lúc như thế, thì dẫu xuống sông Tiền-đường cũng mát mặt kẻ hồng-nhan. Đến tay hào-hiệp như Ngũ Tử Tư đời xưa còn không khỏi cái lỗi đánh vào mả vua Sở, huống chi Kiều là một phụ-nhân thì cũng không nên trách. Vả chăng Kiều biết tha Hoạn-thư, tưởng cũng là người có lượng. Chỉ tiếc một điều, Kiều đem giết bọn Khuyển, Ưng, thì khí quá, vì bọn ấy là lũ tôi-tớ, chẳng qua là người ta chỉ đâu đánh đấy mà thôi. Đến bọn ấy mà Kiều không tha, thì sao lại không tầm-nã cho được những người nhũng-nhiễu về việc can án tiêu xưng ngày trước, để cho trong sự báo ân báo oán đó có một điều bỏ sót, mà lại là một điều ai nghe thấy cũng tức-giận hơn cả.
Cô Kiều dẫu có khôn-ngoan thật, nhưng « vẫn chưa thoát khỏi nữ-nhi thường tình ». Kiều còn muốn về cố-hương, còn muốn về ngôi mệnh-phụ, cho nên mới xui Từ về hàng, để đến nỗi một người dọc ngang như Từ phải mắc lừa Hồ-công. Xem như vậy thì câu « Nhi-nữ tình trường, anh hùng khí đoản » thật đúng lắm và thật nên lấy làm răn lắm.
https://thuviensach.vn
Xui Từ về hàng là Kiều muốn lập một cách an thân, chứ không phải là có ý làm hại Từ. Chẳng qua là gặp phải Hồ Tôn Hiến là một tay làm tướng dùng cách quỉ-quyệt, để đánh lừa kẻ đã hàng mà lập công. Hồ lại không phải là tay phong-nhã, lúc đã phá được Từ, bắt Kiều vào thị yến, đến lúc tỉnh rượu, chữa thẹn đem nàng gán cho thổ-quan. Giá lúc đó, Hồ kiếm cách chu-toàn đưa Kiều về cố-hương, thì sông Tiền-đường sao đến nỗi làm mồ bạc-mệnh !
Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
Tay khá-khá như Hồ Tôn Hiến còn không biết lân-hương tích-ngọc, trách gì những đồ như Mã Bất Tiếu với Sở Khanh !
Đến sông Tiền-đường là Kiều hết kiếp. Cứ như thế siêu-thoát về cung « Ly-hận » để thương, để tiếc cho người đời sau, còn hơn là sống lại để vơ vét lấy cái vui-thú gượng ở cõi trần-tục. Nhưng theo cái lý-thuyết của nhà Phật thì cái nghiệp này hết, có cái nghiệp khác tiếp theo. Cái nghiệp khác ấy tốt hay xấu lại do cái sự hành-vi của mình mà thành ra. Việc Kiều tái-hợp với Kim Trọng là cái chứng-thực của cái lý-thuyết ấy.
Đoạn tái-hợp này cũng dịch theo trong bộ tiểu-thuyết tàu mà lại là một đoạn văn kết-cấu rất kỳ. Ai đọc đến chỗ Kim, Kiều gặp nhau thì chẳng đoán rằng một đôi giai-nhân tài-tử, hẳn là loan phượng sánh duyên. Đến khi thấy hai người « đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ » cùng hưởng chung một cái thú rất thanh rất nhã, thì thật là một truyện không ai đoán trước được. Kiều nói với Kim Trọng rằng :
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững, lại dày cho tan.
Thì rõ là Kiều đã hiểu được cái ái-tình khác hẳn người thường. Thân Kiều còn gì là trinh nữa, song thỉ-chung Kiều vẫn một lòng giữ nghĩa với Kim Trọng. Trong khi bảy nổi ba chìm, ngờ đâu lại gặp người cũ. Đến khi
https://thuviensach.vn
tái-ngộ, nỡ nào lại bày trò nhơ-nhuốc, đem cánh hoa tàn để tặng người nước-non. Vậy « khép cửa phòng thu » chính là Kiều để tỏ lòng trinh-bạch với chàng Kim, mà lại là một cách tự xử rất cao.
Truyện một người đàn-bà tài sắc như nàng Kiều, mà lại bị những bước gian-truân đày-đọa như thế, ai đọc đến mà chẳng thương tâm. Truyện đã não-nùng thảm-thiết, mà văn lại tài-tình mĩ-lệ như văn của Tố-như tiên sinh, thì tưởng trong các truyện của ta không có truyện nào sánh với truyện Thúy Kiều được.
Một tiếng nói hồ-đồ và bề-bộn như quốc-âm ta ngày trước mà Tố-như tiên-sinh làm thành một tập văn-chương rất hay và rất có khuôn-phép. Lời văn thật là thanh-nhã, sung-thiệm, hùng-hồn và hàm-súc, phép văn thì khai, thừa, chuyển, hợp, rất có qui-củ. Khởi đầu tiên-sinh dùng hai câu thơ
Trăm năm trong cõi người ta.
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Lấy hai chữ tài với chữ mệnh mà nói thay mặt người kim cổ, lời nói ít mà bao-quát được nhiều ý-tứ.
Lung đã nói chữ tài chữ mệnh, kết lại nói đến chữ tài chữ mệnh, như :
Có đâu thiên-vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi-dào cả hai ?
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
… … …
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lối làm văn của ta như thế, thật là khởi thúc đắc pháp. Lối văn « dư ba » như hai câu sau này :
Dưới dòng nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt-tha.
https://thuviensach.vn
Thì thật là khéo lắm. Trong khi ngẫu-nhĩ Kim với Kiều gặp nhau, rồi mỗi người đi một ngả, làm văn đến chỗ ấy là sơn cùng thủy tận. Tiên-sinh thêm hai câu ấy thật « văn hữu dư ba », làm cho câu văn không tẻ, mà lại hay hơn, đẹp hơn lên.
Lại như khi Kiều đi thanh-minh về, tâm-tình vơ vẩn, nghĩ đến người gặp-gỡ, mà chuyển sang nói Kim Trọng cùng là người chung một tình chủng, tiên-sinh dùng hai câu
Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai gỡ mối tơ-mành cho xong.
Lấy chữ « đố ai » mà chỉ Kim Trọng thì thật là khéo chuyển.
Tiên-sinh lại khéo dùng những chữ đôi như : dập-dìu, lơ-thơ, êm-đềm, nao-nao, v.v… mà khiến cái điệu câu thơ lúc mau, lúc khoan, lúc thương nhớ, lúc buồn-rầu, nó hình-dung ra được. Lắm câu thơ chỉ hay vì cái âm hưởng những tiếng của tiên-sinh dùng, như câu :
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa-mai.
Đọc lên thật là nhẹ-nhàng êm-ái, nghe như tiếng đàn cầm văng-vẳng bên tai vậy. Tả cái phong-cảnh êm-đềm thì như thế, mà tả cái đường-sá khi khu thì như câu :
Vó câu khấp-khểnh, bánh xe gập-ghềnh.
Có phải đọc đến câu ấy, tưởng như nghe thấy tiếng chưn ngựa bước, tiếng bánh xe đi, ở chỗ đường trường không ?
Tả cái lời khoan-hòa dịu-dàng của người đàn-bà như :
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao ?
Nghe câu ấy, khác nào nghe tiếng người mỹ-nhân nói ngọt-ngào như rót vào tai vậy.
https://thuviensach.vn
Tả cái cảnh vội-vàng lật-đật thì như :
Đùng-đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng-trần như bay.
Tả cái trạng-thái của một người đa tình đa cảm trong lúc đang ngơ ngẩn về sự mình trông thấy, và trong lòng còn chứa-chan những cái cảm tình sầu-muộn, mà dùng câu :
Lòng thơ lai-láng bồi-hồi
thì thật là rõ-ràng lắm.
Tả cái ý mong-mỏi khao-khát của người thiếu-niên tương-tư, như : Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Thật đã là tế-nhị lắm, phi tay đại tài không đặt được câu văn như thế.
Lấy một chữ, một câu thơ, mà vẽ những cái vô hình ra đúng như hệt, thì tưởng trong làng văn của ta chưa từng có ai bằng Tố-như tiên-sinh. Đến những cái cảm-tình như là : buồn, giận, thương-nhớ, sợ-hãi, không cái gì là tiên-sinh không tả ra một cách rất phân-minh. Tiên-sinh có cái tài là dùng một chữ hay là một cái cảnh nào để gợi cái tâm-tình của tiên-sinh định tả ra. Người đàn-bà lưu-lạc, ngồi một mình nhớ nhà :
Song sa vò-võ phương trời,
Nay hoàng-hôn đã, lại mai hôn-hoàng.
Hai chữ « hoàng-hôn » và « hôn-hoàng » láy đi láy lại, thật là gợi ra một cái cảnh sầu-muộn hôm nào cũng một màu, một vẻ như thế, thì không gì rõ hơn được nữa. Lại như khi hai vợ chồng đang yêu-mến nhau, mà một người phải đi xa, lấy vầng trăng mà tả cái cảnh hai người cùng một lòng thương-nhớ, như là
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
https://thuviensach.vn
Thì thật là hay vô cùng và khéo vô cùng.
Tả cái cảnh sợ-hãi như là :
Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường-sá, phần thương dãi-dầu.
Thì tưởng không có cái sợ nào hơn cái sợ của một người đàn-bà trẻ tuổi mà giữa ban-đêm phải bơ-vơ một thân, một mình, ở chỗ đường xa quãng vắng.
Tả cái tiếc của người giai-nhân bị vào tay phường lái-buôn như câu :
Tiếc thay một đóa trà-mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Mà tiếc người hiệp-sĩ bị sa-cơ thất thế như câu :
Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa-cơ cũng hèn.
Văn mà tả được cái cảm-tình đâu ra đấy như thế, thì ai cũng phải cho là hay.
Trong truyện Thúy Kiều lại có những lúc bực-bội về nỗi phong trần, hoặc chua-cay về cái số-kiếp mà than-thở ra những lời chán-ngán như :
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh-đênh đâu nữa cũng là lênh-đênh.
Hay là :
Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
Hay là :
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng-nhan phải giống ở đời mãi ru.
https://thuviensach.vn
Hay là :
Ăn-năn thì sự đã rồi, v.v…
Những câu ấy ngày nay thành ra như câu tục-ngữ, không ai là người không biết. Lại có khi tức-giận đến phát bẳn lên mà chửi. Mà trong lối văn có gì khó bằng dùng tiếng chửi là tiếng thô-tục hơn cả, thế mà nghe câu :
Chém cha cái số hoa-đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.
thật là tự-nhiên lắm. Cái số không ra gì, đã gỡ ra được, rồi nó lại buộc vào, thì đáng giận thật, cho nên nghe tiếng chửi ấy không lấy làm thô mà lại cho là hay, là vì nó ngụ cái ý chua-xót ở trong.
Tả cái ý mỉa-mai về sự điên-đảo trong cuộc đời, thì có gì chua-xót bằng câu :
Chút lòng trinh-bạch từ sau cũng chừa.
Đến sự trinh-bạch mà cũng phải xin chừa, thì cuộc đời xấu-xa là dường nào !
Từ khi Kiều phải bước chân ra đi, nào ở thanh-lâu, nào lấy Thúc-sinh, nào lấy Từ Hải, nhưng không lúc nào là lúc quên Kim Trọng. Mà mỗi một lúc Tố-như tiên-sinh tả cái nhớ của Kiều ra một khác.
Lúc đầu, mới đi ở thanh-lâu :
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống hãy rày mong mai chờ.
Khi đã bị Sở Khanh đánh lừa rồi phải ra tiếp khách :
Nhớ lời nguyền-ước ba-sinh,
Xa-xôi ai có biết tình chăng ai.
Khi về hỏi liễu Chương-đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay
https://thuviensach.vn
Khi ở với Thúc-sinh :
Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non-nước, nào lời sắt-son.
Khi ở với Từ Hải :
Tiếc thay chút nghĩa cũ-càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
Duyên em dù nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng, tay mang.
Kiều đối với Kim Trọng là người non-nước từ lúc đầu về sau, vì thế, vì cảnh, mà phải nương-tựa vào Thúc-sinh với Từ Hải. Nhưng khi nhớ Thúc sinh thì chỉ có câu :
Săn bìm chút phận con con,
Khuôn duyên biết có vuôn tròn cho chăng.
Thật là tỏ ra cái cảnh người lẻ-mọn.
Còn như nhớ Từ Hải thì :
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Thật là mong-mỏi một người anh-hùng vẫy-vùng trong khoảng không gian. Ấy cũng là một ý tả cái nhớ, mà tả ra được như thế, tác-giả đã có công cân-nhắc từng chữ lắm.
Có chỗ tiên-sinh chỉ dùng những chữ nhỡn-tự thật là tài, như hai câu này :
Người mà đến thế thời thôi,
… … …
Người đâu gặp-gỡ làm chi.
https://thuviensach.vn
Lấy một tiếng « mà » và một tiếng « đâu » tả rõ ra được một người quá-khứ, một người hiện-tại, thật là khéo lắm.
Đến cái lối tả nhân-vật và tả cảnh của tiên-sinh thì rất là gọn-gàng, chỉ vắn-tắt độ vài ba câu, chứ không tỉ-mỉ kéo dài kể rõ hết cả mọi cái mảy may, thế mà tả cái gì là nổi hẳn cái ấy lên. Là bởi tiên-sinh khéo dùng lối hoạt-họa, chọn cái hình-dáng nào rõ thật nổi, rồi tìm một vài chữ thật đúng mà tả ra, hễ đọc qua là nhận ngay được cái chân-tướng.
Tả các vai người, thì người nào vẽ hệt người ấy.
Như Kim Trọng là một bậc người phong-lưu nho-nhã thì :
Đề-huề lưng túi gió trăng.
… … …
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.
Mã Giám-sinh thì :
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn-nhụi, áo quần bảnh-bao,
Tú-bà thì :
Thoắt trông nhờn-nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy-đà làm sao !
Sở Khanh thì :
Một chàng vừa trạc thanh-xuân,
Hình-dong chải-chuốt, áo-khăn dịu-dàng.
Từ Hải thì :
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Tả người thật thì thế, tả người thấy trong giấc chiêm-bao thì : Sương in mặt, tuyết pha thân,
https://thuviensach.vn
Sen vàng lãng-đãng như gần như xa.
Thật rõ là người trông-thấy trong khi mơ-màng giấc mộng.
Còn ai tính-nết thế nào, khẩu-khí làm sao, tiên-sinh cũng tả ra được như vẽ cả. Một người đàn-bà đa sầu đa cảm như nàng Kiều, mở miệng ra đã có tiếng sầu, tiếng oán rồi, như :
Đau-đớn thay phận đàn-bà !
Lời rằng bạc-mệnh cũng là lời chung.
Hay là nằm nghĩ-ngợi những cái lo cái buồn :
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh !
Hay là đang lúc vui-vẻ mà nghĩ đến cái buồn :
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm-bao.
Tú-bà, thì :
Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
thật là khẩu-khí một mẹ giầu.
Sở Khanh :
Hãy xem có biết mặt này là ai.
rõ là khẩu-khí thằng xỏ-lá.
Từ Hải :
Bỏ chi cá chậu chim lồng mà chơi,
… … …
Anh-hùng đoán giữa trần-ai mới già,
… … …
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.
Thật là khẩu-khí một người hiệp-sĩ « dọc ngang nào biết trên đầu có ai ».
https://thuviensach.vn
Đến cách tả cảnh thì tưởng không ai làm thế nào tả được gọn gàng, rõ ràng hơn Tố-như tiên-sinh. Như tả chỗ mả Đạm Tiên :
Nao-nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho-nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè-sè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Đọc bốn câu thơ ấy thì hình như ta trông-thấy bức tranh sơn-thủy treo trước mặt vậy.
Tả cái cảnh tươi-tốt cuối mùa xuân :
Cỏ non xanh tận chưn trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Tả cảnh mùa thu :
Long-lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Tả cảnh chỗ hoang-vắng :
Xập-xè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
… … …
Cuối tường gai-gốc mọc đầy.
Mỗi một cảnh chỉ có độ bốn câu thơ là cùng, thế mà tả được không thiếu không thừa, cảnh nào ra cảnh ấy. Cứ như cái lối văn của ta thế là hay lắm. Văn tả cảnh thiết-tưởng không nên rườm-rà lắm, phải để cho cái tưởng-tượng của độc-giả cũng có phần vào cái đẹp, cái thú đó, thì mới là hay.
Phàm cái văn hay phải như mùi hoa thơm, ngửi đến thì ngào-ngạt bát ngát, làm thành ra có cái thú-vị không thể hình-dung ra được. Lại cũng như tiếng đàn hay, đánh lên nghe sao đằm-thắm say-sưa, làm cho người ngồi
https://thuviensach.vn
nghe phải « khi vò chín khúc, khi chau đôi mày ». Thiết-tưởng văn của Tố như tiên-sinh cũng như thế, cho nên ai cũng phải lấy làm hay. Phần thì hay về cái ý-nghĩa hàm-súc, dồi-dào, phần thì hay về cái âm-hưởng véo-von, đậm-đà. Bởi cái văn hay như thế, cho nên ai cũng muốn đọc, mà càng đọc càng thấy hay, càng muốn đọc mãi, không bao giờ chán. Đến những người ít học, như chị vú em, anh làm mướn, đọc không hiểu ý-tứ gì mà cũng thích đọc. Tưởng không phải là chỉ tại những người ấy thấy người ta đọc mà bắt chước, nhưng có phần là tại đọc lên, nghe hay như nghe khúc hòa-nhạc cho nên mới thích đọc. Vậy nên người mình dễ không mấy người là không biết truyện Thúy Kiều. Cũng vì Tố-như tiên-sinh nhân thấy cái cảnh-ngộ đoạn trường của một khách má đào mà làm ra bộ Đoạn-trường tân-thanh để khóc người bạc-mệnh, có ý để than thân mình, cho nên câu văn mới thấm-thía say-sưa như thế.
*
Một đời nàng Kiều phải bao nhiêu cái mối sầu, cái dây oan, là tóm-tắt lại trong mấy lời của bà sư Tam-hợp :
Thúy Kiều sắc-sảo khôn-ngoan,
Vô duyên là phận hồng-nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư-khư mình buộc lấy mình vào trong.
Trong truyện Kiều thỉ-chung chỉ có chữ tình, cay-đắng chua-xót vì tình, mà thanh-cao tao-nhã cũng vì tình, cho nên sư nói
Tu là cỗi phúc, tình là dây oan.
Lời sư dạy thật phải lắm, nhưng chỉ phải cho những nhà tu-hành mà thôi, còn người phàm đã có thân là phải có tình. Chữ tình đây không phải như tình-dục mà người ta thường nói, cũng không phải chỉ nói riêng về tình-duyên của giai-nhân tài-tử.
https://thuviensach.vn
Tình là nói chung cả cái lòng thương cha nhớ mẹ, lòng yêu chồng, yêu con, lòng thương nhân-loại, lòng ham-mến cái thật, cái hay, cái đẹp, lòng khao-khát những cái tao-nhã thanh-cao. Trung-thần, hiếu-tử, liệt-nữ, kỳ nam, phàm những công-việc động-địa kinh-thiên đều bởi chữ tình mà ra cả. Cô Kiều chỉ vị có tình, cho nên biết thương cha, biết thương chồng, trong khi lưu-lạc giang-hồ cũng nhiều lúc sung-sướng mà không lúc nào trong lòng được hả-hê. Vị có tình mà mắc lừa Sở Khanh, có tình mà xui Từ Hải về hàng, cũng vị có tình mà nhảy xuống sông Tiền-đường.
« Tình là dây oan » cũng như « chữ tài liền với chữ tai một vần ». Tài với tình vẫn đi đôi với nhau. Người ta ở đời, may mà có tài-tình, cũng không may mà có tài-tình : có tài-tình là có cái hơn người, nhưng cũng vị tài-tình mà phải nếm đủ mùi chua-cay hơn người. Có tài-tình cho nên mới phải những bước phong-trần ; song càng phong-trần bao nhiêu lại càng thanh-cao bấy nhiêu, hình như hai chữ phong-trần chỉ để dành riêng cho những bậc hay bị trời xanh đánh ghen, chứ những kẻ dung-phu tục-tử thì sao cho xứng-đáng.
Bởi những lẽ ấy, cho nên Tố-như tiên-sinh lấy cái lý-tưởng của Phật học mà kết-thúc truyện Kiều. Người ta :
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Tiên-sinh khuyên người ta hãy giữ lấy tấm lòng trong-sạch, dẫu có phải phong-trần, cũng không nên đổi lòng thay dạ, ấy là cái thiện-căn ở sẵn đó rồi. Lời kết-luận ấy rất có ý-nghĩa, khiến cho ai đọc đến cũng phải ngẫm-nghĩ.
*
https://thuviensach.vn
Đấy là nói những nhân-vật và văn-chương trong truyện Thúy Kiều là thế. Bây giờ hỏi rằng quyển truyện ấy có luân-lý gì không ? Thiết-tưởng một người đàn-bà con-gái đang « phong gấm rủ là » mà bị cơn gia biến, biết bỏ mình để giữ cho trọn đạo hiếu, và trong lúc lưu-lạc giang-hồ mà vẫn giữ được lòng tiết-nghĩa như nàng Kiều, thì dẫu ở đời nào, nước nào, ai cũng phải kính-phục. Tuy trong truyện có tả những cảnh thanh-lâu, những phường tàn-ác, nhưng có đem bày-tỏ những cảnh xấu-xa, dơ-bẩn ấy ra, thì mới rõ cái nỗi đoạn-trường của một bậc gia-nhân đáng thương, đáng xót là bao nhiêu ; làm cho người xem truyện sinh ra mối lòng thương, lòng giận. Thương là thương cái số-kiếp con người ta hay phải lắm điều chìm-nổi khắt-khe ; giận là giận một xã-hội hiếm-hoi cái thiện-tính, lương-tâm, để đến nỗi những kẻ liễu-yếu đào-thơ phải những bước gớm ghê chua-xót. Có cái lòng thương ấy, thì người ta mới muốn làm những điều từ-thiện ; có cái lòng giận ấy, thì người ta mới mong-mỏi, muốn sửa-đổi việc đời cho thành ra có cái xã-hội hay hơn, đẹp hơn. Đọc một quyển sách mà nảy ra được những cái cảm-tình mật-thiết với loài người như thế, thì quyển sách ấy chắc là không phải không có luân-lý. Thế mà nói đến truyện Kiều, thì có nhiều người chê là truyện tà-dâm, nhảm-nhí. Những người ấy, một hạng là tính nông-nổi, không chịu mất công mà nghĩ-ngợi cho ra lẽ phải trái ; một hạng là bọn giả đạo-đức, chỉ ưa luân-lý ở cửa miệng. Hạng này có lẽ nhiều lắm, mà lại hay chê-bai hơn cả.
Cứ như thiển-kiến của chúng tôi thì nàng Kiều không phải là người tà dâm ; xem như khi tái-hồi với Kim Trọng mà khăng-khăng giữ một niềm không chịu đem cánh hoa tàn mà đãi người tình-chung, thì thật là nàng biết trọng sự trinh-tiết lắm. Nàng có nặng về đường tình-ái thật, nhưng cái tình ái mà trong-sạch thì có điều gì là dở ? Vả làm người, trừ những kẻ trơ như mộc-thạch, chỉ biết ăn, biết ngủ, thì ai là người đã khỏi cái nợ tình-ái ? Tình-ái mà như nàng Kiều trước sau biết nặng về lời nước non, biết lấy « hiếu làm trinh », biết nhân, biết nghĩa, thì sao lại cho là không có luân-lý
https://thuviensach.vn
được ? Lại còn một lẽ nữa, là tác-giả tuy có nhận rằng người ta ai cũng có số-mệnh, ai cũng phải đeo lấy cái nghiệp của mình, nhưng vẫn để cho người ta được tự mình làm điều lành, điều phải, khiến ông Trời phải cân nhắc lại mà đền-bù cho được sự thảnh-thơi yên-nhàn ; nghĩa là dẫu có số mệnh mặc lòng, người ta làm điều lành, điều phải thì có thể đổi dở ra hay được.
Như thế, thì quyển truyện Thúy Kiều lại chẳng phải là quyển sách có luân-lý lắm hay sao ? Nói rút lại, trong truyện Thúy Kiều trước sau chỉ có hiếu với nghĩa là hơn cả, còn những kẻ bạc-ác tinh-ma thì :
Càng cay-nghiệt lắm, càng oan-trái nhiều.
Ta nay cứ xem truyện Thúy Kiều, không phải là chỉ vì văn hay, ý sâu mà thôi, nhưng lại vì những điều nhân, nghĩa, trí, tín nữa, thật là quyển sách rất có luân-lý, rất thanh-nhã vậy.
Hà-nội, mùa hạ, năm ất-sửu (1925)
TRẦN TRỌNG KIM
https://thuviensach.vn
Nhân có câu chuyện nói về đạo Phật trong Truyện Kiều, thiết-tưởng nên đem vào đây để độc-giả hiểu rõ mọi ý-nghĩa.
https://thuviensach.vn
LÝ-THUYẾT PHẬT-HỌC TRONG TRUYỆN KIỀU
Truyện Kiều là một truyện ai cũng thích đọc là vì lời văn rất hay, rất thấm-thía, đọc không bao giờ chán. Nhưng có một điều ít khi người ta nghĩ đến, là quyển truyện ấy dịch theo quyển tiểu-thuyết chữ nho lấy cái thuyết phổ-thông của đạo Phật nói về nhân-quả làm tông-chỉ. Tôi nói là cái thuyết phổ-thông vì rằng chính cái thuyết nhân-quả (Karman) trong đạo Phật có nhiều ý-nghĩa rất khó, không thể đem mà bàn ở đây được.
https://thuviensach.vn
CÁI THUYẾT NHÂN-QUẢ
Theo cái thuyết phổ-thông nói về nhân-quả trong đạo Phật, thì hai chữ nhân và quả rất là nặng, và người ta thường lấy thuyết ấy mà giải-thích mọi việc ở trong thế-gian này. Người ta cho là ở đời bất cứ việc gì hay dở, lớn nhỏ, đều là cái quả của một cái nhân tự mình đã tạo-tác ra.
Cái thuyết nhân-quả cốt ở chữ nghiệp, bên nhà Nho gọi là chữ mệnh. Chữ nghiệp đây không có nghĩa như bên nhà Nho thường dùng để chỉ công việc của người ta làm, như là sự-nghiệp, công-nghiệp, nghệ-nghiệp hay nghiệp-nông, nghiệp-thương v.v… Chữ nghiệp của nhà Phật là dịch theo cái nghĩa tiếng phạm Karman, tức là những việc đã làm kiếp trước kết-thành cái quả kiếp sau.
Theo cái lý-thuyết ấy, thì sự-sống, sự chết của vạn vật chỉ là sự ẩn hiện, thân-khuất của cái phần bất sinh bất diệt ở trong vạn vật mà thôi, chứ không phải là một sự hết hẳn. Cho nên mới có câu rằng :
Thác là thể-phách, còn là tinh-anh.
Phàm là cái hình-hài là phần vật-chất, thì tất-nhiên phải thay-đổi luôn, có có, không không, không có gì là thường-định. Còn cái phần bất sinh bất diệt, thì ta có thể gọi là tinh-anh, là thần-thức hay là linh-hồn của vạn vật, nó cứ luân-lưu ẩn-hiện theo cái lẽ nhân-quả nhất-định. Bởi thế mà thành ra có chữ luân-hồi, tức là chết đi, lại sinh ra, sinh ra lại chết đi, chìm-nổi lăn lộn mãi ở chỗ phong-trần cặn-đục.
Khi cái thần-thức ở trong một cái hình-hài thoát ra, là đeo lấy một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy là cái kết-quả của những công-việc mình đã làm ở kiếp vừa hết ; mình lại mang cái nghiệp ấy mà hiện ra kiếp khác để hưởng thụ hay chịu lấy cái phúc hay cái họa đúng với cái nghiệp ấy. Nghĩa là việc của mình đã làm ra ở kiếp trước, lập-thành cái nhân cho đời hiện-tại, mà đời hiện-tại là cái quả của việc mình đã làm ra ở kiếp trước. Bởi vậy trong sách
https://thuviensach.vn
NHÂN-QUẢ có câu nói rõ rằng : « Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị ; dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị 欲知前世因,今生受者是,欲 知來生果,今生作者是 », nghĩa là muốn biết cái nhân ở kiếp trước, thì xem sự hưởng-thụ ở đời này thì biết ; muốn biết cái quả kết-thành ở kiếp sau thì xem cái việc làm ở kiếp này thì biết.
Nhân nào quả ấy, hết quả này lại đeo cái nhân đã gây nên mà có cái quả khác. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu, cứ luân-chuyển mãi như thế ở trong cõi hồng-trần.
Nhân-quả với nghiệp thành ra như cái nợ mình vay, cứ vay vay, trả trả mãi không hết. Cái nghiệp cũng thế, có cái nghiệp nặng, có cái nghiệp nhẹ. Mỗi cái nghiệp là cái quả của kiếp trước và lại làm cái nhân cho kiếp sau, rồi cứ mãi thế, trừ khi nào tu được thành Phật, gỡ hết cái nghiệp-chướng, thì cái thần-thức mới vào được chỗ tĩnh--tịch thường-định.
Theo cái lý-thuyết ấy, thì phàm phúc hay họa là ở tự mình gây ra cho mình. Mình đã có cái hoàn-toàn tự-do mà làm việc thiện hay việc ác, thì mình lại có cái hoàn-toàn trách-nhiệm về những việc ấy. Ông trời là đấng thiêng liêng giữ cái công-lệ ở trong vũ-trụ cho đúng, tựa như ông quan tư pháp cứ theo pháp-luật mà định thưởng-phạt cho công-bằng, không có tây vị ai cả, và không có thể cho họa làm phúc, hay phúc làm họa được. Vậy nên có câu rằng :
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
https://thuviensach.vn
CÁI THUYẾT NHÂN-QUẢ DIỄN RA TRONG TRUYỆN KIỀU
Cái thuyết nhân-quả của Phật học là thế. Đem cái thuyết ấy mà so với một đời nàng Kiều, thì thấy không có chỗ nào là không đúng.
Cô Kiều là con nhà tử-tế, có nền-nếp, có tài, có sắc, học-hành thông minh, biết điều nhân-nghĩa phải trái. Thật là « Đầu xanh chưa tội-tình gì ». Thế mà ngay từ bước đầu, bước vào cuộc đời là gặp rặt những nỗi đoạn trường, là tại sao ? Tại cô có cái nghiệp rất nặng, cho nên cái tên của cô đã đứng ở trong sổ đoạn-trường rồi.
Cô đã có cái nghiệp nặng nằm sẵn ở trong mình. Cho nên từ lời nói cho chí tiếng đàn đánh ra, đều có cái giọng đau-đớn, sầu-khổ. Người đã có cái nghiệp như thế, tất là đa tình đa cảm. Hai cái đó là cái mồi vô hình, cái dây vô tướng, để nhử người ta vào những chỗ đúng với cái nghiệp của mình.
Cô đa cảm cho nên đi Thanh-minh, người khác trông-thấy mả cô Đạm Tiên thì không ai để ý đến, mà cô trông-thấy thì động lòng, đứng lại hỏi cho biết chuyện. Biết chuyện rồi cô lân-la than-khóc vì nỗi hồng-nhan bạc mệnh. Cô đa tình, cho nên khi mới trông-thấy chàng Kim Trọng lần đầu mà đã dan-díu mối tơ-tình, để về sau trong mười mấy năm trời, đeo lấy bao nhiêu nỗi sầu-khổ.
Cái khởi duyên một đời cô Kiều, tác-giả đã báo trước cho độc-giả biết ở giấc chiêm-bao sau khi đi Thanh-minh về.
Việc tình-duyên đang dở-dang, thì tình-nhân phải gọi về quê xa. Việc tình chưa xong, việc nghĩa tiếp đến. Không dưng, cha mắc tụng-đình, cửa nhà tan-nát.
Bao nhiêu cái cơ-hội lúc ấy xoay cả vào một việc làm cho cô Kiều phải đi đến chỗ đau-khổ. Nếu không thì việc Kim Trọng về quê hoãn lại mấy ngày, sao đến nỗi Kiều phải bán mình chuộc cha ? Mà đã phải đi vào con
https://thuviensach.vn
đường ấy, sao không gặp ai, mà lại gặp Mã Giám-sinh. Nhưng cái dây nghiệp-chướng cứ mỗi lúc một thắt chặt lại, bắt phải như thế. Người nào vào cái tròng ấy, muốn cựa-cạy thế nào cũng không gỡ ra được.
Nỗi đau đớn của nàng Kiều làm lây đến người đọc truyện của nàng. Người ta càng biết rõ cái lòng hiếu-thảo của nàng, càng trông-thấy nàng cố sức vật-lộn với cái số-mệnh bao nhiêu, thì lại càng đau-khổ với nàng bấy nhiêu, và lại càng sợ-hãi về cái nghiệp duyên nó thắt-buộc người ta ghê gớm quá.
Có người nói rằng việc chẳng may của cô Kiều là một sự ngẫu-nhiên, chứ lấy gì mà bảo là nghiệp duyên ?
Vậy xin hỏi lại rằng ngẫu-nhiên là cái gì ? Chẳng qua khi ta trông-thấy một việc gì, mà ta không hiểu căn-duyên từ đâu, thì ta lấy hai chữ ngẫu nhiên (le hasard) mà nói cho xuôi chuyện. Ngẫu-nhiên tức là không biết, chứ không có nghĩa gì cả. Theo đạo Phật thì ở đời không có cái gì là không có cái nhân-duyên (loi de causalité), mà cái nhân-duyên ấy kết-thành cái nghiệp.
Cái phần tốt, phần hay của nàng Kiều là ở chỗ dù khổ-sở thế nào, cũng giữ được cái tâm trong-sạch, cái bụng nhân-nghĩa và cái sức cố-gắng mà phấn-đấu với nghiệp-chướng của mình. Cái giá trị của con người ta ở đời cốt ở chỗ ấy, mà cái nhân-cách của con người ta có rõ-rệt ra, là cũng ở chỗ ấy.
Cũng có khi cô Kiều biết là : sống đục sao bằng thác trong ; đã toan liều thân cho khỏi sự dơ-bẩn. Nhưng cái nghiệp mình nó chực sẵn ở đấy, khi nào nó để cho trốn thoát được, cho nên muốn chết cũng không được. Bởi vậy tác giả lại đem cô Đạm Tiên đến báo cho Kiều biết một cách rất rõ ràng :
Rỉ rằng : « Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn-trường được sao ?
https://thuviensach.vn
Số còn nặng nợ má đào,
Người dù muốn quyết, trời nào đã cho !
Hãy xin hết kiếp liễu-bồ,
Sông Tiền-đường sẽ hẹn-hò về sau ».
Cái nghiệp đã định đến đâu mới hết, thì cứ phải đi cho đến cùng, chứ không sao trốn được. Chẳng khác gì người có tội phải đi đày trong một hạn đã định, nửa chừng người kia có muốn trốn, quan tư-pháp không cho trốn, bắt phải chịu hết tội, mới tha.
Cái thuyết nhân-quả và cái nghiệp của nhà Phật gần giống như cái thuyết định-mệnh (déterminisme) của triết-học phương Tây. Nhưng chỉ khác ở chỗ cái định-mệnh của nhà Phật do ở tự mình định ra, chứ không phải tự ở sức ngoài sai-khiến. Thành-thử cái thuyết nhân-quả vẫn để cho mình có cái hoàn-toàn tự-do. Mình phải theo cái nghiệp tự mình gây ra cho mình, chứ không phải là cái nghiệp tự đâu gây ra mà bắt mình phải chịu.
Vì cái nghiệp nó buộc cô Kiều chặt-chẽ như thế, cho nên cô phải chịu những sự đắng-cay, như gặp Sở Khanh đánh lừa, bị Tú-bà bắt ra tiếp khách. Thôi thì « cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh ». Đến khi gặp được Thúc lang, tưởng là thoát khỏi chỗ lửa nồng, ai ngờ lại bị Hoạn-thư hành-hạ. Trốn nhà Hoạn-thư đi ở chùa, tưởng là trút được nợ trần-duyên, không may lại gặp bọn họ Bạc đem về châu Thai. Cứ hết chìm lại nổi, nổi rồi lại chìm. Ở châu Thai gặp được Từ Hải, trong mấy năm nguôi nguôi, nhưng lại nghĩ đến việc binh đao hại người, xui Từ về hàng. Ngờ đâu lại bị Hồ Tôn Hiến đánh lừa, đem gả cho thổ-quan, giắt nàng đến sông Tiền-đường là chỗ vùi lấp cái thân bèo-bọt.
Cứ chuyện thực, thi đến chỗ sông Tiền-đường là hết đời Kiều. Nhưng nếu đời cô đến đó là hết, thì cái nghĩa chữ nghiệp không rõ là cái nghiệp ấy hết lại đến cái nghiệp khác, mà mỗi cái nghiệp là do việc đã làm trước mà thành ra. Vậy nên tác-giả làm nối thêm đoạn tái-hợp và đem lời bà sư Giác-
https://thuviensach.vn
duyên nói chuyện với bà Tam-hợp để định rõ chỗ nghiệp nọ chuyển tiếp sang nghiệp kia.
Việc cô Kiều được hưởng-thụ cái nghiệp khác, đã rõ ra ở lời cô Đạm Tiên báo mộng cho cô Kiều khi ở sông Tiền-đường mới vớt lên. Đạm Tiên nói :
Rằng tôi đã có lòng chờ,
Mất công mười mấy năm thừa ở đây.
Chị sao phận mỏng đức dày,
Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai !
Tâm thành đã thấu đến Trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân,
Âm-công cất một đồng cân đã già.
Đoạn-trường sổ, rút tên ra,
Đoạn-trường thơ, phải đem mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng-thụ về lâu,
Duyên xưa đầy-đặn, phúc sau dồi-dào !
Cái nghĩa mười hai câu thơ ấy chứng rõ là cái nghiệp xấu của cô Kiều đến sông Tiền-đường là hết, mà từ đó về sau là theo cái nghiệp khác.
Cái nghiệp khác của cô tốt, là vì cái lòng của cô tốt. Bởi thế sư Tam hợp nói rằng :
Xét trong tội-nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình-ái, khỏi điều tà-dâm.
Lấy tình thâm, trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời.
Hại một người, cứu muôn người,
Biết đường khinh-trọng, biết lời phải chăng.
Thửa công-đức ấy ai bằng,
https://thuviensach.vn
Túc-khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi !
Khi nên Trời cũng chiều người,
Nhẹ-nhàng nợ trước đền-bồi duyên sau.
Khi cô Kiều còn đang phải chịu cái nghiệp xấu trước, thì từ lời nói đến tiếng đàn, cái gì cũng có cái giọng sầu-khổ đau-đớn. Thế mà khi cô đã trút hết cái nghiệp trước, bước sang chịu cái nghiệp khác, thì trong lòng thư thái, không bồn-chồn như trước nữa. Ngay tiếng đàn cô đánh ra lúc ấy, người ta nhận ra rằng :
Xưa sao sầu-thảm, nay sao vui-vầy ?
https://thuviensach.vn
GIÁ-TRỊ TRUYỆN KIỀU
Cổ-nhân có câu rằng : « Văn dĩ tái đạo 文以載道 », nghĩa là : Văn dùng để chở đạo. Quyển truyện Kiều là quyển sách dùng lời văn rất hay để truyền rộng một cái lý-thuyết triết-học, thì có phải là sách trái luân-lý như có nhiều người đã thường nói không ? Cái lý-thuyết ấy có đúng với chân-lý hay không, điều đó xin để các nhà học-giả nghị-luận, ta không nói ở đây làm gì. Có một điều mà tôi muốn các độc-giả lưu-ý xét cho kỹ, là cứ như ý tôi, thì truyện Kiều bày-tỏ một cách rất rõ ràng cái thuyết nhân-quả của nhà Phật. Quyển sách ấy lại làm cho người nào xem, mà hiểu rõ cái tâm-tình của người đóng vai chính trong truyện, thì ai cũng động lòng thương. Thương con người khôn-ngoan, hiếu-nghĩa mà cứ gặp phải những bước gian-truân.
Cái lòng thương ấy làm nảy ra cái lòng từ-bi bác-ái muốn làm điều lành, điều phải, muốn cứu người trong lúc hoạn-nạn. Một quyển sách có cái ảnh-hưởng hay như thế, có phải là sách nhảm, trái với luân-lý không ? Hay là vì có chuyện người con-gái đi nói chuyện với tình-nhân, vì có chuyện nói đến chỗ thanh-lâu mà bị rìu-búa của các nhà mô-phạm, và cho là sách không nên xem ?
Dạy luân-lý có được phép đem cái xấu, cái bẩn, bày-tỏ ra, để người ta trông-thấy mà tránh, hay là chỉ được phép dùng cách khô-khan vô vị, nói những câu phải làm như thế này, làm như thế nọ mà thôi ?
Tôi tưởng dạy luân-lý không bằng gì cách làm cho xúc-động cái tâm, cái trí của người ta, khiến cho người ta nhân đó mà nghĩ ra việc làm điều lành điều phải. Huống chi xem truyện Kiều, ta lại có lòng kính-trọng một người đàn-bà yếu-đuối biết lấy cái tâm trinh-bạch từ-mẫn mà chống-chọi với bao nhiêu những sự độc-ác dơ-bẩn nó cứ cố làm cho mình chìm-đắm đi. Nhờ có cái tâm ấy mà đứng vững được ở chỗ phong-ba, đầy những ma-quỉ ;
https://thuviensach.vn
nhờ có cái tâm ấy mà cái nhân-cách của con người ta mới thành ra tôn-quí rõ-rệt.
Vũ-trụ xoay-vần, vạn vật biến-đổi, cái hình-hài của người ta cũng phải theo cái công-lệ ấy. Nhưng người ta mà biết giữ cái tâm để làm chỗ căn-cứ, để đối đầu với sự vô thường của vạn vật, thì có phải là cái tâm của ta quí hơn cả vạn vật và lên trên cả vạn vật không ?
Tài với tình tự nó vốn có cái giá-trị, nhưng nếu không có cái tâm để làm chỗ nương-tựa, thì tài với tình thường hay làm cho ta xiêu-đổ. Tôi tưởng chỗ ấy là chỗ tác-giả rất lấy làm chú-ý, cho nên mới kết-thúc truyện Kiều bằng hai câu thơ :
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Cái lý-thuyết tôi vừa nói đó rất rõ-ràng ở trong các kinh truyện của nhà Phật. Ai đã đọc qua cũng hiểu ngay được.
Có người nói rằng : Nguyễn Tố-như tiên-sinh dịch ra truyện Kiều, là một nhà thâm nho nay lại nói tiên-sinh theo Phật-học, thì cho là không đúng sự thực.
Nguyễn Tố-như tiên-sinh không những đã hiểu rõ cái tư tưởng của Phật học ở trong truyện Kiều mà thôi, tiên-sinh còn làm bài « Văn-tế Thập loại chúng sinh » 2cũng theo đúng cái tư-tưởng ấy. Vậy tôi dám chắc rằng tiên-sinh là một người học rộng, tinh-thông cả Nho-học và Phật-học.
Người đời thường lấy cái ý hẹp-hòi cho Nho với Phật là hai cái học trái nhau, vì thấy chỗ thực-hành Nho thì chú-trọng ở chỗ xử thế, mà Phật thì chú-trọng ở chỗ xuất thế, rồi nhiều người nhân đó mà bài-xích lẫn nhau. Kỳ thực về đường lý-thuyết, hai bên có chỗ rất tương đồng với nhau. Xem như ở đầu sách Đại-học nói rằng ; « Minh minh đức 明明德 », nghĩa là làm sáng cái đức sáng, mà sách nhà Phật thì nói : « Minh tâm kiến tính », nghĩa là
https://thuviensach.vn
làm cho sáng cái tâm-trí để thấy rõ cái bản-tính. Hai bên lời nói tuy khác, nhưng ý-nghĩa vẫn là một. Cũng vì có chỗ tương đồng như thế, cho nên những danh-nho đời xưa, những người theo phái Nho-học của Chu Hối-am đời Tống và phái Nho-học của Vương Dương-minh đời Minh đều là người hiểu rõ cái lý-học của Nho và của Phật cả. Vậy nói rằng Nguyễn Tố-như tiên-sinh là người tinh thâm Nho-học và Phật-học không phải lời nói ngoa.
Ai xem Truyện Thúy Kiều, nên hiểu thấu cái tông-chỉ trong sách ấy, thì không những đã thưởng-thức lời văn hay mà lại thấy những ý-nghĩa cao-xa, rất bổ-ích cho tâm-tình.
Trần trọng Kim
https://thuviensach.vn
Sau này thêm cái biểu chỉ tên những đất nói trong truyện để độc-giả xem cho dễ hiểu. Và lại in hai bài tựa quyển ĐOẠN-TRƯỜNG TÂN THANH làm bằng chữ nho của hai người đồng thời với Tố-như tiên-sinh, cùng bài thơ của ông Phạm Quí Thích đề đầu quyển KIM VÂN KIỀU TÂN TRUYỆN. Mấy người ấy là bạn thân của tiên-sinh, cho nên chúng tôi nghĩ nên đem vào đây để giử lấy dấu-tích cũ và dịch ra quốc-âm để độc-giả dễ xem.
https://thuviensach.vn
I. TÊN NHỮNG ĐẤT NÓI TRONG TRUYỆN
1. Bắc-kinh, quê Vương Thúy Kiều.
2. Lâm-thanh, thuộc tỉnh Sơn-đông, chỗ Mã Giám-sinh khai gian là quê mình.
3. Lâm-chuy, thuộc tỉnh Sơn-đông, chỗ Tú-bà với Mã Giám-sinh mở thanh lâu.
4. Vô-tích, thuộc tỉnh Giang-tô, quê Thúc-sinh (Thúc-sinh theo thân-phụ sang buôn-bán ở Lâm-chuy).
5. Châu Thai, thuộc tỉnh Chiết-giang, chỗ Kiều bị Bạc Hạnh đem bán cho chủ thanh-lâu, rồi sau gặp Từ Hải.
6. Việt-đông, tên một huyện thuộc tỉnh Phúc-kiến, quê Từ Hải. 7. Hàng-châu, thuộc tỉnh Chiết-giang, chỗ Từ Hải làm giặc. 8. Sông Tiền-đường, con sông chảy qua Hàng-châu, tỉnh Chiết-giang. 9. Nam-bình, thuộc tỉnh Phúc-kiến.
10. Phú-dương, tên huyện thuộc tỉnh Chiết-giang ở gần sông Tiền-đường.
https://thuviensach.vn
II. HAI BÀI TỰA BẰNG HÁN-TỰ
A. BÀI THỨ NHẤT
Dịch nghĩa
Trong trời đất đã có người tài-tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm-kha bất bình. Tài mà không được gặp-gỡ, tinh mà không được hả-hê, đó là cái căn-nguyên của hai chữ đoạn-trường vậy. Thế mà lại có kẻ thương-tiếc tài-tình, xem thấy việc, trông-thấy người, thì còn nhìn thế nào được mà không thở-than rền-rĩ !
Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình, tình chung-chú vào đâu, chính là chung-chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên
https://thuviensach.vn
phàm người đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa lòa nửa sáng, sống chết trong vòng áo-mũ, trong cuộc no-say, dù có gặp cái cảnh thanh-nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy !
Còn đến bậc tuyệt thế tài-tình, mặt ngọc vẻ hoa, lòng gấm miệng vóc, ngâm thơ liễu nhứ 3, nổi tiếng đài gương, vịnh phú ngô-đồng 4, khoe tài án bút, nếu một bậc quán tuyệt thiên-thu 5 như thế, lại gặp được bậc chân chính tài-nhân, kết-duyên tác hợp 6, khi thơ ngâm hoa nở, khi đàn gảy trăng lên, nguồn ái-ân trọn nghĩa trăm năm, truyện phong-lưu chép thành một lục, người đương vào cái cảnh ấy đã không gặp phải nỗi khảm-kha bất bình, thì người truyền lại việc ấy còn phải đặt ra truyện Đoạn-trường tân thanh làm gì !
Chỉ vì dịp may dễ lỡ, việc tốt thường sai, tiếng hoàn lặng ngắt, còn trơ bóng trúc lung-lay, mặt ngọc vắng tênh, chỉ thấy hoa đào hớn-hở. Có tài mà không gặp được tài, có tình mà không hả được tình, tài-tình đã tuyệt thế, gặp toàn bước khảm-kha, há không phải là con Tạo đang tay ách người quá lắm ru ? Ấy chính là truyện Đoạn-trường tân thanh vì đấy mà làm ra vậy.
Truyện Thúy Kiều chép ở trong lục Phong-tình, ta không cần bàn làm gì. Lục Phong-tình cũng đã cũ rồi, Tố-như-tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương-tiếc đến những nỗi trắc-trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc-âm, đề là Đoạn-trường tân thanh, thành ra cái lục Phong-tình thì vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng đoạn-trường thì lại là cá tiếng mới vậy.
Trong một tập thỉ-chung lấy bốn chữ « Tạo-vật đố tài » tóm cả một đời Thúy Kiều : khi lai-láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc ; khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu-tao ; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi ; khi đất nổi ba đào, cửa-nhà tan-tác ; khi lầu xanh, khi rứng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chưn ; khi kinh-kệ, khi can-qua, mùi từng-trải
https://thuviensach.vn
nghĩ càng tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy.
Xem chỗ giấc mộng đoạn-trường tỉnh dậy mà căn-duyên vẫn gỡ chưa rồi ; khúc đàn bạc-mệnh gảy xong, mà oán-hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục-kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm-thía ngậm-ngùi, đau-đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn-trường tân thanh cũng phải.
Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng : Tố-như-tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút-lực ấy. Bèn vui mà viết bài tựa này.
*
Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố-như-tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một ; người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông-lụy của bọn tài-tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy.
Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê-kệch, không đủ sánh với bức giao-thiên, song đủ tỏ ra rằng cái nợ sầu của hai chữ tài tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở đằng sau quyển Tân thanh của Tố-như-tử, cùng làm một khúc đoạn-trường để than-khóc người xưa.
Tháng hai, niên-hiệu Minh-mệnh, viết ở Thán-hoa-hiên đất Hạc-giang.
Tiên-phong,
Mộng liên-đường chủ-nhân
https://thuviensach.vn
B. BÀI THỨ NHÌ
Dịch nghĩa
Có người hỏi ta rằng : Thúy Kiều có người thực không ? Ta đáp lại rằng : Không biết. Người ta lại hỏi rằng : Thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều ? Ta đáp lại rằng : Từ lúc mờ-mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự-nhiên biến-hóa không ai dò được manh-mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nắng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào cứ giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến. Vì
https://thuviensach.vn
thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn-ngang những biến-cố ở trước mắt, chồng-chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để chép ra, như những truyện anh-hùng, truyện phong-tình, truyện trung-thần, liệt-nữ, truyện đạo-sĩ, ni-cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh-ngộ lịch-duyệt của bản-thân mà thôi. Truyện Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.
Kiều ngẫu-nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh-minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả ; cả đến lúc bị hãm ở thanh-lâu, lúc đối-chất ở phủ-đường, lúc đã đâm đầu xuống tiền-đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu-nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm-ly, vừa ủy-mĩ, vừa đốn-tỏa, vừa giải-thư, vẽ hệt ra một người tài-mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch-duyệt của người ấy có lâm-ly, ủy-mĩ, đốn-tỏa, giải-thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì Thúy Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy.
Khổng-tử nói rằng : « Tiểu-tử sau không học kinh Thi, kinh Thi có thể xem-xét được biến-cố, có thể hưng-khởi được lòng người, có thể biết lẽ ở đời, có thể hả-hê được những nông-nỗi uất-ức ở trong lòng ». Mạnh-tử có nói rằng : « Ai khéo đọc kinh Thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời, không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ-nhân mà hiểu được, thế là được ». Ai đọc truyện Kiều mà hiểu được ý những lời nói ấy, thì cái người mà ta gọi là Thúy Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp được vậy.
Tháng hai năm Mậu-tí, niên-hiệu Minh mệnh, viết ở Cẩm đàm trang thứ.
https://thuviensach.vn
Phong-tuyết
Chủ-nhân Thập-thanh-thị
https://thuviensach.vn
III. BÀI THƠ CỦA ÔNG PHẠM QUÍ THÍCH 7
佳人不是到前唐
Giai-nhân bất thị đáo Tiền-đường.
半世煙花債未償
Bán thế yên hoa trái vị thường.
玉面豈應埋水國
Ngọc diện khỉ ưng mai thủy-quốc.
冰心自可對金郎
Băng tâm tự khả đối Kim-lang.
斷腸夢裏根緣了
Đoạn-trường mộng lý căn duyên liễu ;
薄命終琴怨恨長
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
一片才情千古累
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy.
新聲到底為誰傷
Tân thanh đáo để vị thùy thương.
Chính cụ Phạm Quí Thích 8 lại tự dịch luôn ra quốc-âm :
Giọt nước Tiền-đường chẳng rửa oan,
Phong-ba chưa trắng nợ hồng-nhan.
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
Gót ngọc khôn đành giấc thủy quan.
Nửa gối đoạn-trường tan giấc điệp
Một dây bạc mệnh dứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài-tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế-gian.
https://thuviensach.vn
TRUYỆN THÚY KIỀU
MỤC LỤC
I. Lung khởi : Tài với mệnh ghét nhau. – Gia-thế và tài sắc chị em Kiều.
II. Thanh minh chị em Kiều đi chơi xuân. – Thấy mả Đạm Tiên. – Gặp Kim Trọng. – Kiều vơ-vẩn nghĩ những sự trông thấy lúc ban ngày. – Đạm Tiên ứng mộng ra thơ đoạn-trường. – Kiều tỉnh dậy nghĩ mộng-Triệu mà lo buồn.
III. Kim Trọng tương-tư Kiều. – Đi thuê nhà ở vườn Thúy. – Bắt được Kim thoa, Kim và Kiều gặp nhau, hai bên giao-ước lấy nhau. – Được ngày cha mẹ đi vắng, Kiều sang nhà Kim Trọng. – Đến đêm cha mẹ chưa về, hai bên thề-nguyền cùng nhau. – Kim Trọng phải về hộ tang chú.
IV. Vương viên-ngoại mắc nạn. – Kiều phải bán mình chuộc cha. – Mã Giám-Sinh đến mua Kiều. – Vương-ông được tha về, thương con, muốn tự tử. – Kiều dặn Vân thay lời, đền nghĩa cho Kim Trọng.
V. Mã Giám-sinh đón Kiều về trú-phường. – Giám sinh đem Kiều về Lâm-chuy. – Kiều vào nhà thanh-lâu. – Tú-bà ra oai, Kiều đâm cổ, toan tự vẫn. – Đạm Tiên báo mộng. – Tú-bà dỗ Kiều. – Kiều ở lầu Ngưng-bích. Kiều mắc lừa Sở Khanh. – Tú-bà bắt Kiều phải ra tiếp khách. – Tú-bà dạy Kiều những nghề nguyệt hoa.
VI. Kiều gặp Thúc-sinh được hoàn-lương. – Bị Thúc-công đem cáo cửa quan. – Kiều khuyên Thúc sinh về nhà thăm vợ cả. – Hoạn Thư căm giận ở nhà. – Thúc-sinh về nhà không dám nói sự thật mình. – Thúc sinh đi, Hoạn Thư lập mưu bắt Kiều. – Sai Khuyển, Ưng đến Lâm-chuy bắt Kiều về Vô-tích. – Thúc sinh đến Lâm-chuy, tưởng Kiều chết, mời thầy đánh đồng thiếp đi tìm hồn Kiều
https://thuviensach.vn
VII. Khuyển, Ưng đem Kiều về nộp Hoạn-bà. – Hoạn-bà cho Kiều sang hầu hạ Hoạn Thư. – Thúc sinh về, Hoạn Thư bắt Kiều ra hầu rượu. – Hoạn Thư cho Kiều ra ở Quan-âm các. – Thúc sinh lẻn ra nói chuyện với Kiều, bị Hoạn Thư bắt được.
VIII. Kiều sợ trốn đi đến ở Chiêu-ẫn am với Giác-duyên. – Giác-duyên biết chuyện của Kiều, đem gởi Bạc-bà, bị Bạc Hạnh đem bán về châu Thai.
IX. Kiều gặp Từ Hải kết duyên vợ chồng. – Từ Hải đi làm giặc, cho người về đón Kiều. – Kiều báo ân báo oán. – Giác duyên từ tạ ra về. – Từ Hải xưng hung ở phía hải-tần. – Hồ Tôn Hiến dùng mưu đánh Từ. – Từ nghe Kiều định giải binh ra hang, bị Hồ tập binh đánh phá ; Từ tử trận. – Hồ ép Kiều lẩy thổ-quan. – Kiều gieo mình xuống sông Tiền-đường.
X. Giác duyên gặp sư Tam-hợp nói chuyện Kiều. – Giác-duyên thuê thuyền đón-vớt Kiều.
XI. Kim Trọng trở về, biết chuyện gia biến nhà Kiều. – Kim Trọng đón ông bà họ Vương về nhà và thuê người đi tìm Kiều. – Kim Trọng kết duyên với Thúy Vân. – Kim Trọng thi đỗ, bổ đi làm quan ở Lâm-chuy, hỏi được tin Kiều. – Kim được cải-nhậm về Nam-bình, đi qua Hàng-châu biết rõ Kiều đã trầm mình ở sông Tiền-đường.
XII. Kim Trọng lập đàn chiêu-hồn ở bờ sông Tiền-đường, gặp Giác duyên nói rõ sự tình. – Giác-duyên đem cả nhà họ Vương về am ; cha con, anh em, vợ chồng gặp nhau. – Thúy Kiều tạ từ sư-trưởng, theo cả nhà về quan-nha, một nhà đoàn-tụ.
I
1. Trăm năm, trong cõi người ta, 9
Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau. 10
Trải qua một cuộc bể dâu, 11
Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng.
https://thuviensach.vn
Lạ gì bỉ sắc, tư phong, 12
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. 13 Kiểu thơm 14 lần giở trước đèn,
« Phong-tình cổ-lục »15 còn truyền sử xanh. 16 Rằng : năm Gia-tĩnh triều Minh,
10. Bốn phương phẳng-lặng, hai Kinh 17 vững-vàng. Có nhà viên-ngoại 18 họ Vương,
Gia-tư nghỉ 19 cũng thường thường bậc trung. Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho-gia.
Đầu lòng hai ả Tố-nga, 20
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh-thần, 21
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. 22 Vân xem trang-trọng khác vời,
20. Khuôn trăng đầy-đặn, nét ngài nở-nang. 23 Hoa cười, ngọc thốt 24, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Kiều càng sắc-sảo mặn-mà,
So bề tài sắc, lại là phần hơn.
Làn thu-thủy, nét xuân-sơn, 25
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Một hai nghiêng nước nghiêng thành, 26 Sắc đành đòi một, tài đành họa hai. 27
Thông-minh vốn sẵn tính trời,
30. Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm,
Cung, thương, làu bậc ngũ-âm, 28
Nghề riêng ăn đứt hồ-cầm 29 một trương. Khúc nhà tay lựa nên chương, 30
https://thuviensach.vn
Một thiên bạc-mệnh lại càng não nhân. Phong-lưu rất mực hồng-quần, 31
Xuân-xanh xấp-xỉ tới tuần cập kê. 32
Êm-đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai. 33 II
Ngày xuân con én đưa thoi, 34
40. Thiều-quang chín chục 35 đã ngoài sáu-mươi. Cỏ non xanh tận chưn trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. 36 Thanh-minh, trong tiết tháng ba,
Lễ là Tảo-mộ, hội là Đạp-thanh. 37
Gần xa nô-nức yến anh, 38
Chị em sắm-sửa bộ-hành chơi xuân.
Dập-dìu tài-tử, giai-nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nen. 39 Ngổn-ngang gò đống kéo lên, 40
50. Thoi vàng-vó rắc, tro tiền-giấy bay. 41 *
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ-thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu-khê,
Lần xem phong-cảnh có bề thanh-thanh. Nao-nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. Sè sè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ, nửa vàng, nửa xanh. Rằng : « Sao trong tiết Thanh-minh.
60. « Mà đây hương-khói vắng tanh thế mà ? »
https://thuviensach.vn
Vương Quan mới dẫn gần xa :
« Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca-nhi.
« Nổi danh tài sắc một thì,
« Xôn-xao ngoài cửa, hiếm gì yến-anh. « Phận hồng-nhan có mong-manh,
« Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên-hương. 42 « Có người khách ở viễn phương,
« Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi, « Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
« Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ ! 43 « Buồng không lạnh ngắt như tờ,
« Dấu xe ngựa đã rêu lờ-mờ xanh.
« Khóc-than khôn xiết sự tình,
« Khéo vô duyên bấy 44 là mình với ta ! « Đã không 45 duyên trước chăng mà,
« Thì chi chút ước 46 gọi là duyên sau. « Sắm-sanh nếp tử, xe châu, 47
« Vùi nông 48 một nấm, mặc dầu cỏ hoa. « Trải bao thỏ lặn, ác tà, 49
80. « Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm ! » Lòng đâu sẵn món 50 thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa : 51 « Đau-đớn thay, phận đàn bà !
« Lời rằng bạc-mệnh cũng là lời chung. « Phũ-phàng chi bấy Hóa-công ! 52
« Ngày xanh 53 mòn-mỏi, má hồng phôi-pha, « Sống làm vợ khắp người ta,
« Hại thay 54 ! thác xuống làm ma không chồng ! « Nào người phượng chạ loan chung,
https://thuviensach.vn
90. « Nào người tích lục, tham hồng là ai ? 55 « Đã không kẻ đoái, người hoài,
« Sẵn đây ta kiếm 56 một vài nén hương. « Gọi là gặp-gỡ giữa đường,
« Họa là người dưới suối vàng 57 biết cho ». Lầm-dầm khấn-khứa 58 nhỏ to,
Sụp ngồi, đặt cỏ 59 trước mồ, bước ra. Một vùng cỏ áy 60, bóng tà,
Gió hiu-hiu thổi một và bông lau. 61
Rút trâm 62 sẵn giắt mái đầu,
100. Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần. 63 Lại càng mê-mẩn tâm-thần,
Lại càng đứng lặng tần-ngần chẳng ra. 64 Lại càng ủ-dột nét hoa, 65
Sầu tuôn đứt nối, châu sa 66 vắn dài ! Vân rằng : « Chị cũng nực cười,
« Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa ! » Rằng : « Hồng-nhan tự nghìn xưa,
« Cái điều bạc-mệnh có chừa ai đâu.
« Nỗi-niềm tưởng đến mà đau,
110. « Thấy người nằm đó, biết sau 67 thế nào ? » Quan rằng : « Chị nói hay sao,
« Một lời là 68 một vận vào khó nghe ! « Ở đây âm-khí nặng-nề,
« Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa ». Kiều rằng : « Những đấng tài-hoa,
« Thác là thể-phách, còn là tinh-anh.
« Dễ hay 69 tình lại gặp tình,
« Chờ xem, ắt thấy hiển-linh bây giờ ».
https://thuviensach.vn
Một lời nói chửa kịp thưa,
120. Phúc đâu trận gió cuốn cờ 70 đến ngay. Ào ào đổ lộc, rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều. Đè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành-rành. Mặt nhìn, ai nấy đều kinh,
Nàng rằng : « Này thực tinh-thành 71 chẳng xa. « Hữu tình ta lại gặp ta,
« Chớ nề u-hiển, 72 mới là chị em ». Đã lòng hiển-hiện cho xem,
130. Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời. Lòng thơ 73 lai-láng bồi-hồi,
Gốc cây, lại vạch một bài cổ thi.
Dùng-dằng nửa ở, nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần. Trông chừng thấy một văn-nhân,
Lỏng buông tay khấu 74, bước lần dặm băng. Đề-huề lưng túi gió trăng. 75
Sau chưn theo một vài thằng con con, Tuyết in sắc ngựa câu dòn, 76
140. Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời. 77 Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình. Hài văn lần bước dặm xanh, 78
Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao. 79 Chàng Vương, quen mặt ra chào,
Hai kiều 80 e-lệ nép vào dưới hoa.
Nguyên người quanh-quất đâu xa,
https://thuviensach.vn
Họ Kim tên Trọng, vốn nhà trâm-anh. 81 Nền phú-hậu, bậc tài-danh,
150. Văn chương nết đất, thông-minh tính trời. 82 Phong-tư tài-mạo tuyệt vời. 83
Vào trong phong-nhã, ra ngoài hào-hoa. Chung-quanh vẫn đất nước nhà,
Với Vương Quan, trước vẫn là đồng thân. 84 Vẫn nghe thơm nức hương lân,
Một nền Đồng-tước, khóa xuân hai Kiều. 85 Nước non 86 cách mấy buồng thêu. 87 Những là trộm dấu, thầm yêu, chốc mòng. 88 May thay giải-cấu tương phùng. 89
160. Gặp tuần đố lá 90, thỏa lòng tìm hoa. Bóng hồng 91 nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan, thu cúc, mặn-mà cả hai. 92
Người quốc-sắc, kẻ thiên-tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập-chờn cơn tỉnh, cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn 93 khôn. Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo. 94 Dưới dòng nước chảy trong veo. 95
170. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt-tha. 96 *
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi, chiêng đà thu-không. 97 Gương Nga98 chênh-chếch dòm song, Vàng gieo ngấn nước 99, cây lồng bóng sân. Hải-đường lả ngọn 100 đông-lân,
https://thuviensach.vn
Giọt xuân gieo nặng, cành xuân la-đà. 101 Một mình lặng ngắm bóng nga, 102
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời :
« Người mà 103 đến thế thời thôi,
180. « Đời phồn-hoa cũng là đời bỏ đi. « Người đâu 104 gặp-gỡ làm chi,
« Trăm năm biết có duyên gì hay không ? » Ngổn-ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu 105 ngụ trong tính-tình. Chênh-chênh bóng nguyệt xế mành, 106 Tựa ngồi 107 bên triện, một mình thiu-thiu. Thoắt đâu thấy một tiểu-kiều,
Có chiều phong-vận, có chiều thanh-tân. Sương in mặt, tuyết pha thân, 108
190. Sen vàng 109 lãng-đãng 110 như gần như xa. Rước mầng 111, đón hỏi dò-la :
« Đào-nguyên 112 lạc lối đâu mà đến đây ? » Thưa rằng : « Thanh, khí 113, xưa nay, « Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên ? « Hàn-gia 114 ở mái tây thiên. 115
« Dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu. « Mấy lòng hạ cố đến nhau,
« Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
« Vâng trình hội chủ 116 xem tường,
200. Mà xem 117 trong sổ đoạn-trường 118 có tên. « Âu đành quả kiếp nhân-duyên, 119
« Cũng người một hội, một thuyền đâu xa ! 120 « Này mười bài mới 121, mới ra,
« Câu thần lại mượn bút hoa vẽ-vời ».
https://thuviensach.vn
Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy, đủ mười khúc ngâm. Xem thơ nấc-nở 122 khen thầm :
« Giá đành tú-khẩu, cẩm-tâm 123, khác thường ! « Ví đem vào tập đoạn-trường,
210. « Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai ! » Thềm hoa, khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình.
Gió đâu sịch 124 bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm-bao. Trông theo nào thấy đâu nào,
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây. 125 Một mình lưỡng-lự canh chầy,
Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh ! Hoa trôi, bèo giạt 126, đã đành,
220. Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi ! Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi,
Nghĩ đòi cơn, lại sụt-sùi đòi cơn.
*
Giọng Kiều rền-rĩ trướng loan,
Nhà huyên 127 chợt tỉnh, hỏi : « Cơn-cớ gì ? 128 « Cớ sao trằn-trọc canh khuya. 129
« Màu hoa lê hãy dầm-dề giọt mưa ? » 130 Thưa rằng : « Chút phận ngây-thơ,
« Dưỡng sinh đôi nợ 131 tóc tơ chưa đền. « Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
230. « Nhắp đi, thoắt thấy ứng liền chiêm-bao. 132 « Đoạn-trường là số thế nào,
« Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia.
https://thuviensach.vn
« Cứ trong mộng-triệu mà suy,
« Phận con thôi có ra gì mai sau ! »
Dạy rằng : « Mộng-triệu cứ đâu ? 133
« Bỗng không mua não chuốc sầu, nghĩ nao ! » Vâng lời khuyên-giải thấp cao,
Chưa xong điều nghĩ, đã dào mạch Tương. 134 Ngoài song thỏ-thẻ oanh vàng,
240. Nách tường bông liễu bay sang láng-giềng. 135 Hiên tà gác bóng nghiêng-nghiêng,
Nỗi riêng, riêng chạnh 136 tấc riêng một mình. III
Cho hay là giống hữu tình, 137
Đố ai gỡ mối tơ-mành cho xong !
Chàng Kim từ lại thư-song,
Nỗi nàng canh-cánh bên lòng biếng khuây. 138 Sầu đong càng khắc càng đầy, 139
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê ! 140
Mây tần 141 khóa kín song the,
250. Bụi hồng lẽo-đẽo 142 đi về chiêm-bao. Tuần 143 trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ-tưởng mặt, lòng ngao-ngán lòng. Buồng văn hơi lạnh như đồng,
Trúc se ngọn thỏ 144, tơ chùng phím-loan. Mành tương 145 phơn-phớt gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình. « Ví chăng 146 duyên nợ ba sinh. 147
« Làm chi những thói khuynh-thành trêu ngươi ? » 148 *
Bâng-khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
https://thuviensach.vn
260. Nhớ nơi kỳ-ngộ, vội dời chưn đi. Một vùng 149 cỏ mọc xanh-rì,
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu ! Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi-lô 150 hiu-hắt như màu khơi-trêu. Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều, 151
Xăm xăm đè nẻo Lam-kiều 152 lần sang. Thâm nghiêm, kín cổng, cao tường,
Cạn dòng lá thắm 153, dứt đường chim xanh. 154 Lơ thơ tơ liễu buông mành,
270. Con oanh 155 học nói trên cành mỉa-mai. Mấy lần cửa đóng, then cài,
Dẫy 156 thềm hoa rụng biết người ở đâu ? Tần-ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh, chợt thấy mái sau có nhà. Là nhà Ngô-việt 157 thương-gia,
Buồng không để đó, người xa chưa về. Lấy điều du học, hỏi thuê,
Túi đàn, cập sách, đề-huề 158 dọn sang. Có cây, có đá, sẵn sàng,
280. Có hiên Lãm-thúy 159, nét vàng chưa phai, Mầng thầm chốn ấy chữ bài.
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây !
Song hồ 160 nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông. Tấc gang đồng tỏa nguyên phong, 161 Tịt-mù nào thấy bóng hồng 162 vào ra. *
Nhận từ quán khách lân-la,
https://thuviensach.vn
Tuần trăng thấm-thoắt nay đà thèm hai. 163 Cách tường phải buổi êm trời,
290. Dưới đào dường có bóng người thướt-tha. Buông cầm, xóc áo, vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh. Lần theo tường gấm 164 dạo quanh,
Trên đào nhác thấy một cành kim-thoa.
Giơ tay vói lấy về nhà :
« Này trong khuê-các, đâu mà đến đây ?
« Gẫm âu người ấy, báo này,
« Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm ! » Liền tay ngắm-nghía, biếng nằm,
300. Hãy còn thoang-thoảng hương trầm chưa phai. 165 Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm-tòi ngẩn-ngơ.
Sinh đà có ý đợi-chờ,
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng :
« Thoa này bắt được hư không,
« Biết đâu Hợp-phố 166 mà mong châu về ? » Tiếng Kiều nghe lọt bên kia :
« Ơn lòng quân-tử sá gì của rơi.
« Chiếc thoa nào 167 của mấy mươi,
310. Mà lòng trọng nghĩa, khinh tài, xiết bao ! » Sinh rằng : « Lân-lý ra vào,
« Gần đây, nào phải người nào xa-xôi.
« Được rày nhờ chút thơm rơi,
« Kể đà thiểu-não lòng người bấy nay !
« Bấy lâu mới được một ngày.
« Dừng chưn, gạn chút niềm tây 168 gọi là ».
https://thuviensach.vn
Vội về thêm lấy của nhà,
Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông. Bậc mây 169 dón bước ngọn tường,
320. Phải người hôm nọ rõ-ràng, chăng nhe ? Sượng-sùng giữ ý rụt-rè,
Kẻ nhìn rõ mặt 170, người e cuối đầu. Rằng : « Từ ngẫu-nhĩ 171 gặp nhau.
« Thầm trông, trộm nhớ, bấy lâu đã chồn. 172 « Xương mai, tính đã rủ mòn, 173
« Lần-lừa, ai biết hãy còn hôm nay !
« Tháng tròn như gửi cung mây, 174
« Trần trần một phận ấp cây đã liều ! 175 « Tiện đây xin một hai điều,
330. « Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng. 176 Ngần-ngừ nàng mới thưa rằng :
« Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ-phong. 177 « Dù khi lá thắm, chỉ hồng, 178
« Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. « Nặng lòng xoát liễu, vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa ! »
Sinh rằng : « Rày gió, mai mưa,
« Ngày xuân đã dễ tình-cờ mấy khi ! « Dù chăng xét tấm tình si,
340. Thiệt đây mà có ích gì đến ai ?
« Chút chi gắn bó một hai,
« Cho đanh, rồi sẽ liệu bài mối-manh. « Khuôn thiêng 179 dù phụ tấc thành, « Cũng liều bỏ quá xuân-xanh một đời. « Lượng xuân 180 dù quyết hẹp hòi,
https://thuviensach.vn
« Công đeo-đuổi chẳng thiệt-thòi lắm ru ! » Lặng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến, nét thu ngại-ngùng. 181 Rằng : « Trong buổi mới lạ-lùng,
350. « Nể lòng, có lẽ cầm lòng cho đang ! « Đã lòng quân-tử đa mang,
« Một lời, vâng tạc đá vàng thỉ-chung ».182 Được lời như cởi tấm lòng,
Giở kim-thoa 183 với khăn hồng, trao tay. Rằng : « Trăm năm cũng từ dây,
« Của tin, gọi một chút này làm ghi ». Sẵn tay khăn gấm, quạt quì, 184
Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.
Một lời gắn-bó tất-giao, 185
360. Mái sau dướng có xôn-xao tiếng người. Vội-vàng lá rụng, hoa rơi,
Chàng về viện sách 186 nàng về lầu trang. Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm-thía, dạ càng ngẩn ngơ. Sông Tương một giải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia. 187 Một tường tuyết trở 188 sương che,
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng.
*
Lần lần ngày gió đêm trăng,
370. Thưa hồng rậm lục 189 đã chừng xuân qua. Ngày vừa sinh-nhật ngoại gia,
Trên hai đường, dưới nữa là hai em. Tưng-bừng sắm-sửa áo xiêm,
https://thuviensach.vn
Biện dâng một lễ, xa đem tấc thành. 190 Nhà lan thanh-vắng một mình,
Ngẫm cơn hội-ngộ đã đành hôm nay.
Thì-trân 191 thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn-thoắt dạo ngay mái tường. Cách hoa, sẽ dặng tiếng vàng,
380. Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông. 192 « Trách lòng hờ-hững với lòng,
« Lửa hương chốc để lạnh-lùng bấy lâu. « Những là đắp nhớ đổi sầu,
« Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm ».193 Nàng rằng : « Gió bắt, mưa cầm,
« Đã cam tệ với tri-âm bấy chầy.
« Vắng nhà, được buổi hôm nay,
« Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng ».
Lần theo núi giả 194 đi vòng,
390. Cuối tường dường có nẻo thông mới rào. Xắn tay mở khóa động đào. 195
Rẽ mây trong tỏ lối vào Thiên-thai.
Mặt nhìn mặt, càng thêm tươi, 196
Bên lời vạn phúc, bên lời hàn-huyên. 197 Sánh vai về chốn thư-hiên,
Góp lời 198 phong-nguyệt, nặng nguyền non sông. Trên yên, bút-giá thi-đồng, 199
Đạm-thanh một bức tranh tùng 200 treo trên. Phong sương 201 được vẻ thiên-nhiên, 400. Mặt khen 202 nét bút, càng nhìn càng tươi. Sinh rằng : « Phác-họa vừa rồi,
« Phẩm đề, xin một vài lời thêm hoa ».
https://thuviensach.vn
Tay tiên gió táp mưa sa, 203
Khoảng trên, dừng 204 bút thảo và bốn câu.
Khen : « Tài nhả ngọc phun châu,
« Nàng Ban, ả Tạ 205 cũng đâu thế vầy !
« Kiếp tu xưa ví chưa dày,
« Phúc nào nhắc 206 được giá này cho ngang ! » Nàng rằng : « Trộm liếc dung-quang,
410. « Chẳng sân ngọc-bội 207, thời phường kim-môn. 208 « Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
« Khuôn xanh 209 biết có vuông tròn mà hay ? « Nhớ từ năm hãy thơ-ngây,
« Có người tướng-sĩ đoán ngay một lời. 210
« Anh-hoa phát tiết ra ngoài,
« Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài-hoa.
« Trông người lại ngắm 211 đến ta,
« Một dày, một mỏng, biết là có nên ? ».
Sinh rằng : « Giải-cấu 212 là duyên,
420. « Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. « Ví dù giải-kết 213 đếu điều,
« Thì đem vàng đá mà liều với thân ».214
Đủ điều trung khúc 215 ân cần,
Lòng xuân phơi-phới, chén xuân tàng-tàng. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài. 216
Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng, nàng mới kíp dời song-sa. 217
*
Đến nhà vừa thấy tin nhà,
430. Hai thân còn giở tiệc hoa 218 chưa về.
https://thuviensach.vn
Cửa ngoài rủ vội rèm the,
Xăm-xăm băng lối 219 vườn khuya một mình, Nhặt thưa, gương giọi đầu cành, 220
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh 221 hắt-hiu. Sinh vừa tựa án thiu-thiu, 222
Giở chiều như tỉnh, giở chiều như mê. Tiếng sen khẽ động giấc hòe, 223
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. 224
Bâng-khuâng đỉnh Giáp 225, non Thần, 226 440. Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ-màng. Nàng rằng : « Khoảng vắng đêm trường, « Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. « Bây giờ rõ mặt đôi ta,
« Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm-bao ? » 227 Vội mầng làm lễ rước vào,
Đài sen 228 nối sáp, song đào 229 thêm hương. Tiên thề cùng thảo một trương, 230
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi. Vầng trăng vằng-vặc giữa trời,
450. Đinh-ninh hai miệng, một lời song song. 231 Tóc tơ căn-vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng 232 đến xương. Chén hà 233 sánh giọng quỳnh-tương, 234 Dải hà hương lộn 235, bình gương 236 bóng lồng. Sinh rằng : « Gió mát trăng trong,
« Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam ; « Chày sương chưa nện cầu Lam, 237 « Sợ lần-khân quá ra ra sờm-sỡ chăng ? » Nàng rằng : « Hồng diệp xích thằng, 238
https://thuviensach.vn
460. « Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri. « Đừng 239 điều nguyệt nọ, hoa kia,
« Ngoài ra, ai lại tiếc gì với ai ». 240
Rằng : « Nghe nổi tiếng cầm đài, 241
« Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ ». 242 Thưa rằng : « Tiện-kĩ 243 sá chi !
« Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng ». Hiên sau treo sẵn cầm-trăng,
Vội-vàng sinh đã tay nâng ngang mày. 244 Nàng rằng : « Nghề mọn riêng tay,
470. « Làm chi cho bận lòng này lắm thân ? » 245 So dần dây vũ, dây văn, 246
Bốn dây to nhỏ theo vần cung, thương. 247 Khúc đâu Hán, Sở, chiến-trường,
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau. Khúc đâu Tư-mã Phượng-cầu, 248
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng ! Kê Khang này khúc Quảng-lăng, 249
Một rằng Lưu-thủy, hai rằng Hành-vân. 250 Quá quan này khúc Chiêu Quân, 251
480. Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư-gia. Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời ;
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm-sập như trời đổ mưa. 252 Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ-ngẩn sầu. Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
https://thuviensach.vn
Rằng : « hay thì thật là hay,
490. « Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào ! « Sô chi những bậc tiêu-tao, 253
« Dột lòng mình cũng nao nao lòng người ? » 254 Rằng : « Quen mất nết đi rồi,
« Tẻ vui, thôi cũng tính trời biết sao ! « Lời vàng vâng lĩnh ý cao,
« Họa dần dần bớt, chút nào được không ». Hoa hương càng tỏ thức hồng. 255
Đầu mày, cuối mắt, càng nồng tấm yêu, Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
500. Xem trong âu-yếm có chiều lả-lơi. Thưa rằng : « Đừng lấy làm chơi,
« Dẽ cho thưa hết một lời đã nao !
« Vẻ chi một đóa yêu đào, 256
« Vườn hồng, chi dám ngăn rào chim xanh. « Đã cho vào bậc bố-kinh, 257
« Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu. « Ra tuồng trêu Bộc, trong dâu, 258
« Thì con người ấy ai cầu làm chi !
« Phải điều ăn xổi ở thì,
510. « Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày ! « Ngẫm duyên kỳ-ngộ xưa nay,
« Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương. 259 « Mây mưa đánh đổ đá vàng, 260
« Quá chiều nên đã chán-chường yến-anh. « Trong khi chắp cánh, liền cành, 261 « Mà lòng rẻ-rúng đã dành một bên ! « Mái tây để lạnh hương nguyền,
https://thuviensach.vn
« Cho duyên đằm-thắm ra duyên bẽ-bàng. « Gieo thoi 262, trước chẳng giữ giàng, 520. « Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai ? « Vội chi liễu ép hoa nài,
« Còn thân còn một đền-bồi có khi ». 263 Thấy lời đoan-chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể, thêm vì mười phân. Bóng tàu vừa nhạt vẻ ngân, 264
Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào. 265 Nàng thì vội trở buồng thêu,
Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.
*
Cửa sài 266 vừa ngỏ then hoa,
530. Gia-đồng vào gửi thư nhà mới sang. Đem tin thúc-phụ từ-đường, 267
Bơ vơ lữ-thấn 268 tha-hương đề-huề. Liêu-dương cách trở sơn khê,
Xuân-đường kíp gọi sinh về hộ tang. Mảng tin xiết nỗi kinh-hoàng,
Băng mình lẻn trước đài-trang tự tình. Gót đầu mọi nỗi đinh-ninh, 269
Nỗi nhà tang-tóc, nỗi mình xa-xôi : « Sự đâu chưa kịp đôi-hồi, 270
540. « Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ. « Trăng thề còn đó trơ trơ,
« Dám xa-xôi mặt, mà thưa-thớt lòng. « Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông, « Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy ! 271 « Gìn vàng, giữ ngọc, cho hay,
https://thuviensach.vn
« Cho đành lòng kẻ chưn mây, cuối trời ». 272 Tai nghe ruột rối bời bời,
Ngập ngừng 273, nàng mới giãi lời trước sau : « Ông tơ gàn-quải 274 chi nhau,
550. « Chưa vui sum-họp đả sầu chia-phôi ! « Cùng nhau trót đã nặng lời,
« Dẫu thay mái tóc, dám rời lòng tơ ! « Quản bao tháng đợi, năm chờ,
« Nghĩ người ăn gió, nằm sương, xót thầm. 275 « Đã nguyền hai chữ đồng-tâm,
« Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. 276 « Còn non, còn nước, còn dài,
« Còn về, còn nhớ đến người hôm nay ! » Dùng-dằng chưa nỡ rời tay,
560. Vầng đông, trông đã đứng ngay nóc nhà. Ngại-ngùng một bước, một xa,
Một lời trân-trọng 277, châu sa mấy hàng. Buộc yên, quảy gánh, vội-vàng,
Mối sầu xẻ nửa, bước đường chia hai. Buồn trông phong-cảnh quê người, Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa. 278 Não người cữ gió, tuần mưa,
Một ngày nặng gánh tương-tư một ngày. IV
Nàng còn đứng tựa hiên tây,
570. Chín hồi vấn-vít như vầy mối tơ. Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi-giạt thắm, liễu xơ-xác vàng. 279 Tần-ngần dạo gót lầu-trang,
https://thuviensach.vn
Một đoàn mầng thọ ngoại-hương mới về Hàn-huyên 280 chưa kịp dãi-dề,
Sai-nha bỗng thấy bốn bề xôn-xao :
Người nách thước, kẻ tay dao,
Đầu trâu, mặt ngựa, ào-ào như sôi.
Già giang 281 một lão một trai,
580. Một dây vô-lại buộc hai thâm tình. Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh, 282
Rụng-rời giọt liễu, tan-tành gối mai. 283 Đồ tuế-nhuyễn 284, của riêng tây,
Sạch-sành-sanh vét 285 cho đầy túi tham. Điều đâu ai buộc, ai làm ?
Này ai đan dập, giật giàm bỗng dưng ? 286 Hỏi ra, sau mới biết rằng :
Phải tên xưng-xuất 287 tại thằng bán tơ. Một nhà hoảng-hốt 288 ngẩn-ngơ,
590. Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây. Hạ từ, van lạy 289 suốt ngày,
Điếc tai lân-tuất, phũ tay tồi-tàn. 290
Giường cao 291 rút ngược dây oan,
Dẫu là đá 292 cũng nát gan, lọ người !
Mặt trông đau-đớn rụng-rời,
Oan này còn một kêu Trời, nhưng xa ! 293 Một ngày, lạ thói sai-nha,
Làm cho khốc-hại chẳng qua vì tiền.
*
Sao cho cốt-nhục vẹn-tuyền,
600. Trong khi ngộ-biến 294 tùng quyền, biết sao ? Duyên hội-ngộ, đức cù-lao, 295
https://thuviensach.vn
Bên tình, bên Hiếu 296, bên nào nặng hơn ? Để lời thệ hải minh sơn, 297
Làm con trước phải đền ơn sinh-thành. 298 Quyết tình, nàng mới hạ tình :
« Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha ! » Họ Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha-dịch, lại là từ tâm ;
Thấy nàng 299 hiếu trọng tình thâm,
610. Vì nàng, nghỉ cũng thương thầm xót vay. Tính bài lót đó, luồn đây,
Có ba trăm lạng, việc này mới xuôi.
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng qui-liệu 300 trong đôi ba ngày. Thương lòng 301 con trẻ thơ-ngây,
Gặp cơn vạ gió, tai bay bất kỳ ! 302
Đau lòng 303 tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên ! Hạt mưa 304 sá nghĩ phận hèn,
620. Liệu đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân. 305 Sự lòng ngõ với băng-nhân, 306
Tin sương 307 đồn-đại, xa gần xôn-xao. Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn-khách, tìm vào vấn danh. Hỏi tên, rằng : « Mã Giám-sinh » ;
Hỏi quê, rằng : « Huyện Lâm-thanh cũng gần ». Quá niên 308 trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn-nhụi, áo quần bảnh-bao. Trước thầy, sao tớ xôn-xao,
630. Nhà băng đưa mối, rước vào lầu-trang.
https://thuviensach.vn
Ghế trên ngồi tót sỗ-sàng, 309
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm 310 tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa 311 mấy hàng ! Ngại-ngùng dín gió 312 e sương,
Ngừng 313 hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày. Mối càng vén tóc, bắt tay ;
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. 314 Đắn-đo cân sắc, cân tài,
640. Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ. Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng, khách mới tùy cơ dặt-dìu.
Rằng : « Mua ngọc đến Lam-kiều,
« Sính-nghi, xin dạy bao nhiêu cho tường ». 315 Mối rằng : « Đáng giá nghìn vàng,
« Dớp nhà 316, nhờ lượng người thương dám nài ! ». Cò-kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá 317 vâng ngoài bốn trăm. Một lời thuyền đã êm giầm, 318
650. Hãy đưa canh-thiếp 319, trước cầm làm ghi. Định ngày nạp thái vu qui,
Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong !
Một lời cậy với Chung-công,
Khất-từ tạm lĩnh Vương-ông về nhà.
*
Thương tình con trẻ, cha già,
Nhìn nàng, ông những máu sa, ruột dàu : « Nuôi con những ước về sau,
« Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi. 320
https://thuviensach.vn