🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Cổ Nước Nam Quyển Hạ Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM (Q2) MUÔNG CHIM Tác giả : ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC Nhà xuất bản : THĂNG LONG Năm xuất bản : 1934 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : bongmoloko, thuantran46, ThaiThaiCJ, Thuong Nguyen, little_lion, kd1995, huong.nguyenthu, Khongtennao, laithuylinh, bhp Kiểm tra chính tả : Phạm Bách, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Thị Linh Chi, Trần Khang Biên tập chữ Hán – Nôm : Đỗ Văn Huy Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 30/12/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC và nhà xuất bản THĂNG LONG đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC MÀO ĐẦU 1) CON LƯƠN VÀ CON CÁ RÔ 2) CON CÔNG VÀ CON QUẠ 3) CON GIUN KHÔN NGOAN 4) VOI NGỰA ĐUA NHAU 5) CON GIÁN VÀ CON NHỆN 6) CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI 7) CON GÀ, CON LỢN VÀ CON CHÓ 8) CON CHÈO BẺO 9) CON TÔM VÀNG 10) TẠI SAO DƠI ĂN MUỖI 11) CON THỎ VÀ CON CHÓ 12) LỪA THI TÀI VỚI NGỰA 13) TU HÚ GỌI CÔ 14) CHÀO MÀO ĂN TRỘM ĐÀO 15) CHÀO MÀO VÀ CÚ 16) CON CHANH-CHANH VÀ CON CHẢ-CHẢ 17) KHƯỚU DẠY HỌC 18) RÙA-RÙA DẠY KHÔN 19) CHÓ RỪNG VÀ CỌP 20) PHÙ DU VÀ ĐOM ĐÓM 21) HÉT ĂN GIUN 22) KIẾN, ONG CHỌI VỚI CÓC 23) DÊ ĐI KIẾM ĂN VỚI CỌP 24) DIỀU VỚI GÀ 25) CẠC CẠC KẸC KẸC 26) LÝ TRƯỞNG DIỀU HÂU 27) CON DƠI 28) TRÂU NHÀ VÀ TRÂU RỪNG 29) CON VOI VỚI CON TRÂU 30) CHUỘT VÀ MÈO 31) THẰN LẰN MỒNG NĂM 32) THẰN LẰN TRỘM CHÂN 33) CÔNG VÀ GÀ 34) CON CÔNG VÀ LÀNG CHIM 35) CÓC THI TÀI VỚI VOI 36) THUỒNG LUỒNG TỊ VỚI RÙA 37) RÙA CHƠI VỚI HẠC 38) VÀNG ANH 39) CUỐC KÊU TRĂNG 40) LÀM KIẾP CON GÌ 41) ĐEO NHẠC CHO MÈO 42) CỌP KHÔNG SỢ DÊ 43) CỌP CŨNG KHÔNG SỢ NGỰA 44) TÌNH VỢ CHỒNG NGHĨA ANH EM 45) QUẠ BẮC CẦU 46) SÁO VÀ CÒ 47) CON CHÓ VÀNG VÀ CON CHÓ ĐEN 48) MỌT VÀ TÒ VÒ 49) CHÈO BẺO VÀ ÁC LÀ 50) TRÂU CÀY TRÂU CỘT 51) TRÂU BÉO, TRÂU GẦY 52) TẠI SAO CON TRÂU KHÔNG BIẾT NÓI 53) GÀ, VỊT VÀ CHIM KHÁCH 54) THẰN LẰN VỚI RẾT 55) QUẠ ẤU HỌC 56) TU HÚ VÀ CHIỀN CHIỆN 57) TU HÚ VÀ QUẠ 58) CON BỒ CÂU VÀ CON SÁO 59) CHÂU CHẤU KIỆN VOI 60) CÁ RÔ ĐI THI 61) LÀNG CHIM KÊU LÝ TRƯỞNG 62) LÝ TRƯỞNG KHƯỚU 63) RÙA ĐỘI BIA 64) CON RẮN VÀ NGƯỜI NUÔI RẮN 65) LONG VƯƠNG VÀ CON ẾCH 66) CON CÒ TRẮNG 67) CHÓ BA CẲNG 68) CỐC VÀ CÁ 69) ĐA ĐA VÀ CÒ 70) CÁ VỚI NGAO 71) CHIỀN CHIỆN VÀ CHOI CHOI 72) CHIM SẺ VÀ CHIM XANH 73) CHÀO MÀO MUỐN LẤY CHIM XANH 74) CHÓ PHẢI ĐÒN OAN 75) QUẠ ĂN TRỘM NGÔ 76) GÀ ÔNG ĐỒ VÀ GÀ ÔNG NGHÈ 77) HAI VỢ CHỒNG CON CHIỀN CHIỆN VÀ ÔNG SƯ 78) CÁ CHÉP HÓA RỒNG 79) CON RẮN VỚI CON HỔ 80) TẶC KÈ VÀ NÒNG NỌC 81) CON NHỆN BÁO TIN 82) CON NHỆN VÀ CON RUỒI 83) RUỒI, NHẶNG VỚI NHỆN 84) VOI, CỌP THI TÀI 85) CHẪU CHÀNG CÓ CHÍ HỌC HÀNH 86) GÀ RỪNG 87) CHÂU CHẤU VỚI CÀO CÀO 88) CHÂU CHẤU ĐÁ VOI 89) CHÍCH CHÒE VÀ VÀNG ANH 90) CON THỎ, CON CHÓ VÀ CON MÈO 91) CON RUỒI VÀ CON RỆP 92) CON CUA VÀ CON CÁY 93) TU HÚ VÀ CHIM SẺ 94) MÈO MẮC LỪA CHUỘT 95) DIỀU VỚI CẮT VÀ QUẠ 96) DIỀU, QUẠ TRANH NHAU 97) KIẾN VỚI CÁ 98) ONG VẼ 99) CON LỢN ĂN NO LẠI NẰM 100) CHẼO CỜ VÀ VẸT 101) MUỖI, CHẤY VÀ ĐOM ĐÓM 102) TRANH BAY TRƯỚC, SAU 103) CON LE VÀ CON VỊT 104) CON CỐC VÀ CON ÉN 105) CON CHÓ CÓ NGHĨA 106) CON TRÂU GHEN VỚI CON CHÓ 107) ĐỆ NHẤT CÔNG THẦN 108) VỊT ĐI XIN CHÂN 109) CON CUỐC VÀ CON QUẠ 110) GÀ MÁI GÁY 111) GÀ MÁI VỚI GÀ CON 112) CON CHÓ VÀ MẶT TRĂNG 113) CÒ VÀ BỒ CÂU 114) TRỜI CHIA CỦA 115) CHIM CHÌA VÔI 116) ỐC LO CHO ỐC 117) CON MÈO 118) KIẾN MỌC CÁNH 119) CÓC ĐI THI 120) CÓC BÔI VÔI 121) CON CÓC VÀ CON CHUỘT 122) SÁO MỎ VÀNG 123) KY CÓP CHO CỌP NÓ ĂN 124) TẠI SAO CỌP ĂN THỊT NGƯỜI 125) TÔM CÁ KẾT BẠN 126) TRÊ CÓC 127) CỌP, HƯƠU, NHÍM VÀ SƯ TỬ 128) CHUỘT BẠCH VÀ HAI VỢ CHỒNG CHUỘT CHÙ ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM In lần thứ II Chương trình Việt văn 1957 của B. Q. G. G. D. LỚP ĐỆ THẤT – ĐỆ LỤC TẬP II : MUÔNG CHIM THĂNG LONG MÀO ĐẦU Quyển này là quyển thứ hai trong bộ « Truyện cổ nước nam » mà chúng tôi cho xuất bản. Trong quyển này, sưu tập riêng những truyện về các giống « Muông chim ». Kể theo phương diện ý tưởng và văn thể, thì những truyện viết đây thay đổi nhiều lối, đại để như sau này : a) Những truyện do ở các câu ngạn ngữ, phong dao xuất sản ra, hay trái lại, những truyện mà sự thúc-kết đã đúc thành câu ngạn ngữ, phong dao. b) Những truyện có thể coi như có tính-cách giải nghĩa về khoa học, nhưng khoa học cổ-lỗ bất ngoại-hồ một câu hỏi « Tại sao ? ». c) Những truyện hoang đường thuộc về thuyết « Luân hồi », người hóa ra vật, vật hóa người. d) Những truyện xưa nay tập-tục nghiệm ra cho rằng thế và thuộc về tôn giáo hay sự mê tín. e) Những truyện tương đối với cái lối gọi là ngụ ngôn của Âu-tây, lấy câu kết luận làm câu luân lý để dạy người… Mỗi lối này đáng lẽ có thể chép rời ra từng mục một. Hoặc còn có thể thu cả những truyện chuyên về một giống vật nào cho đi liên tiếp với nhau để làm một cái sử riêng cho giống vật ấy. Việc đó, và cả việc nghiên-cứu, phê-bình quyển truyện hay từng truyện một, xin để sau này, khi chúng tôi soạn được trọn bộ và có đủ thời giờ, thì chúng tôi sẽ lưu tâm đến. Hiện nay, chúng tôi chỉ mới có cái công góp nhặt, và càng nhặt được nhiều bao nhiêu, chúng tôi càng lấy làm hay bấy nhiêu. Cho nên không đợi lựa chọn gì, trong sách chúng tôi cho tập họp cả các truyện lại và sắp đặt gián đoạn mỗi lối một ít, khiến cho người đọc có thể đọc luôn hết truyện này đến truyện khác mà không đến nỗi chán nản. Chúng tôi dám mong rằng khi xem quyển truyện, độc giả hoặc thấy chỗ nào có điều sai lầm hay bỏ sót, chỉ giáo cho chúng tôi sửa chữa lại hay bổ cứu vào, thì chúng tôi được lấy làm hân hạnh lắm. Hà-nội, ngày 22 tháng 5 Năm Giáp-Tuất (3-7-1934) Ô. Nh. – NG.V.NG. 1) CON LƯƠN VÀ CON CÁ RÔ Xưa con lươn và con cá rô là một đôi bạn thân, thường năng đi lại với nhau. Một hôm, rô đi kiếm ăn, qua chỗ lươn ở, thấy lươn đương nằm chơi trong lờ. Rô hỏi rằng : « Bác thư thả nằm chơi đấy ư ? » Lươn nói : « Tôi mới dựng được cái nhà nghỉ mát. Mời bác hãy ghé vào chơi ». Rô sợ không vào. Lươn rằng : - Nhà tôi gió mát, trăng trong, Thềm cao, sân rộng, sổ song 1 bốn bề. Xin bác đừng chê ! Cá rô vẫn rụt rè đứng ở ngoài trông vào. Lươn lại rằng : - Nhà tôi cao rộng bốn bề, Bác vào nhà nghỉ không hề can chi. Xin chớ ngại gì ! Rô bấy giờ bùi tai, chui vào trong lờ. Một chốc lươn vươn mình chui ra, rủ rô cũng mau mau ra để cùng ngao du sông bể. Nhưng rô đã mắc lờ, không làm thế nào mà ra được nữa. Lươn bảo rằng : - Mình em như cá vào lờ, Khi vào thì dễ, bây giờ khó ra. Xin cố chui qua. Nghe thấy lươn hát, rô nằm trong lờ, rô khóc mãi thế nào đến hai mắt đỏ ngầu lên. Lươn thấy rô khóc, lươn bật phì cười. Rô càng khóc bao nhiêu, thì lươn càng cười bấy nhiêu, cười mãi thế nào đến hai mắt híp lại. Bởi thế mà từ đấy mắt rô lúc nào cũng đỏ ngầu mà mắt lươn bao giờ cũng ti hí. 2 2) CON CÔNG VÀ CON QUẠ Xưa con công với con quạ, hai con làm bạn với nhau thân lắm, vì hai con cùng xấu cả. Một hôm hai con ngồi nói chuyện với nhau. Quạ bảo công rằng : « Ta thử xem các giống chim trên rừng, trên núi, giống nào cũng đẹp. Này như : con phượng hoàng, cái mình nó quý giá biết bao, đến nỗi người ta thường khen : « Một cái lông con phượng hoàng bằng cả một làng chim chích ». Lại như con hạc, cái hình, cái dạng, cái chân, cái tóc nó thanh tao biết thế nào, để cho người ta phải nói : « Hạc đứng chầu Vua ; Nghìn năm tóc bạc, tuổi rùa cũng xinh ». Còn như anh em ta đây ! than ôi ! thân hình thật không còn giống nào xấu bằng nữa ! » Công nói : « Phận xấu đành vậy, chớ biết làm sao bây giờ ? » Quạ nghĩ một lúc rồi bàn rằng : « Xấu mà làm ra đẹp, cũng được chớ gì ! Bây giờ hai đứa ta thử tô điểm vẽ vời lẫn cho nhau xem có đẹp hay không ? » Công bằng lòng. Quạ bèn tô điểm, vẽ vời cho công trước. Quả nhiên cái mình, cái đuôi công lóng lánh thành có bao nhiêu sắc đẹp, đẹp hơn những giống chim khác nhiều. Đến lượt công đang ngồi tô điểm, vẽ vời cho quạ, thì chợt nghe tiếng ríu rít biết bao nhiêu chim con ở phía đông bay lại. Quạ liền hỏi : « Chúng mày đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế ? » Đàn chim nói : « Chúng tôi nghe đồn ở dưới phương nam có nơi nhiều gạo, nhiều gà, lại có cả mấy cái thây ma nữa. Chúng tôi rủ nhau đi kiếm ăn đây. Anh làm gì đấy ?… Hay ta đi một thể ». Quạ nghe nói, trong lòng háo hức muốn đi theo đàn chim kia ngay lập tức. Quạ mới nói với công rằng : « Bây giờ mà tôi ngồi đợi để anh tô điểm vẽ vời cho đẹp, thì chưa biết đến bao giờ mới xong. Thôi, hay sẵn cả đĩa mực đây, anh cứ cầm thế mà đổ lên mình tôi để tôi đi theo bọn kia, kẻo lỡ mất một dịp may kiếm ăn tốt ». Công thấy quạ bảo thế, chiều ý làm theo, cầm cả đĩa mực dốc vào mình quạ. Thành bao nhiêu lông cánh quạ toàn một màu đen như mực. Quạ bay đi kiếm ăn không còn nghĩ gì đến xấu với đẹp nữa. Nhưng đến lúc gà, gạo, thây ma phè phỡn, trở về thấy con cò trắng muốt bay qua, nó trông nó cười, quạ ngắm lại mình đen thủi đen thui gớm chết, thì lấy làm thẹn, vội bay lẫn đi nơi khác. Thành tự đó hễ thấy cò đâu, thì quạ cứ kêu : « Quạ cấu hổ ! Quạ xấu hổ ! ». Nên chi mới có câu hát rằng : « Quạ đã biết mình quạ đen, Quạ đâu còn dám mon men tới cò ». 3) CON GIUN KHÔN NGOAN Xưa có người bắt một con giun nhỏ 3làm mồi để câu cá. Khi bị chìm xuống nước, con giun thấy một con cá muốn đến đớp, mới bảo cá rằng : « Tôi với anh cùng là một loài ở một đất, nước với nhau. Nay người nó bắt tôi làm mồi để nhử anh. Phỏng anh ăn thịt tôi, tôi chết, mà anh móc vào lưỡi câu, thì anh có sống được chăng ? » Cá nghe nói không ăn giun, bỏ đi nơi khác. Người kia ngồi câu thấy mãi không được con cá nào, nghĩ bụng con giun ấy không làm mồi được, bèn lấy ra quăng đi mà kiếm cái mồi khác. Thành ra con giun khỏi chết. Bởi truyện này sau ta mới có câu hát rằng : « Khôn ngoan ai được như giun, Cá khôn mắc mẹo, người khôn mắc lừa ! » 4) VOI NGỰA ĐUA NHAU Xưa con ngựa thấy con voi chậm chạp có ý khinh lờn. Ngựa đòi thi tài với voi xem ai chạy giỏi. Lúc thi chạy đường thẳng, thì voi chạy không kém gì ngựa mấy, nhưng lúc thi chạy đường quanh, thì ngựa chạy nhanh hơn voi nhiều. Voi thua. Ngựa lên mặt. Hôm sau, voi thách ngựa thi chạy đường quanh, nhưng phải chạy sang tận hòn núi xa xa đằng trước mặt. Ngựa cho là không vào đâu, chắc ăn đứt voi cả mười phần. Nhưng chạy được một chốc, thấy có con sông, dòng nước chắn ngang, ngựa phải đứng dừng lại chưa biết nghĩ thế nào, thì đã thấy voi chạy tới nơi, voi lội xuống sông mà sang được núi bên kia. Ngựa đành phải chịu thua, và từ đấy không dám khinh voi nữa. Bởi vậy mà người ta mới có câu thường hát rằng : « Ngựa lau chau, ngựa đến bến giang, Voi đủng đỉnh, voi sang qua đò ». 4 5) CON GIÁN VÀ CON NHỆN Ngày xưa con gián và con nhện làm bạn chơi với nhau chí thân. Một hôm con nhện phàn nàn với con gián rằng : « Tôi ghét người chủ nhà này lắm. Tôi chẳng làm hại gì nó, mà hễ nó thấy cái mạng tôi giăng chỗ nào, là nó cứ ra công phá hoại. Cho nên tôi mới có câu nguyền rủa rằng : - Ta mong cho chủ tan hoang, Để ta mắc võng nghênh ngang cả nhà. « Tôi, thì tôi yêu chủ nhà này lắm. Tôi chẳng làm hại gì họ, mà họ cũng chẳng làm hại gì tôi. Dầu mỡ trong nhà tôi ăn uống tha hồ phong lưu, mà chẳng ai phiền đến tôi cả… Cho nên tôi thường có câu chúc nguyện rằng : - Ta mong cho chủ ta giàu, Để ta ăn mỡ, ăn dầu no say ». Nhện nghe nói lấy làm giận gián. Hôm khác, gián, nhện gặp nhau chuyện trò lúc lâu, nhện hỏi gián rằng : « Thế nào, độ này dầu mỡ no say thích chứ ! Tôi tưởng cái thân anh cũng khổ, chỉ rong chơi rồi nhờ vào chủ nhà mà ăn mà uống, chớ có tài nghề gì ? » Gián đáp lại : « Thì tôi vẫn biết, tôi không có cái nghề gì cả. Còn như anh, anh thật có tài nghề, có khôn ngoan, anh cứ nạo ruột anh ra mà xe tơ và giăng cái mạng tinh khéo còn ai bằng. Cái mạng này bị phá, anh giăng luôn ngay được cái mạng khác ! Chỉ hiềm rằng nhà chủ họ không biết công khó nhọc cho anh, họ lại cứ phá anh luôn, làm cho anh lắm lúc không còn chỗ mà ở, không có miếng mà ăn. Chẳng trách anh cầu cho cửa nhà họ tan hoang là phải. Nhưng khốn tôi chẳng thấy họ tan hoang tí nào, tôi chỉ thấy càng ngày, họ lại càng giàu sang như câu tôi chúc vậy. Mà cái trò họ lịch sự hơn bao nhiêu, thì họ lái phá công nghiệp của anh hơn bấy nhiêu ». Nhện nghe gián nói, lại càng tức giận gián hơn trước nhiều ! Cách đó ít lâu, nhà chủ giàu sang lịch sự, mua được một con khướu nuôi để nó hót chơi. Phải tính con khướu thích ăn gián, mà chủ cứ sai đầy tớ quơ mạng nhện xong, lại đi bắt gián làm đồ ăn cho khướu. Khi đó, cả họ nhà gián bị bắt gần hết, chỉ còn con gián kia cứ phải lẩn lút chúi ở dưới hang dưới cống không dám nho nhoe bò lên trên mặt đất hay mò mẫm ở nơi gậm chạn, đáy nồi nữa. Một hôm, nhện bắt gặp gián đang tìm đường trốn tránh, nhện liền giữ lại hỏi : « Ấy kìa chào bác ! Thế nào, độ này bác xem cái thân gián bác đã khốn khổ hơn cái thân nhện của tôi đây chửa ? Tôi tuy bị nhà chủ nó phá cái mạng, nhưng không bị nó tìm mà giết chết bao giờ, nhất là chết ở trong cái miệng của một giống chỉ có nghề tài hót mà thôi. Bác chúc nó cho nhiều nữa vào, bác cũng được cái tài nghề chúc đấy !… » Nghe nói xấu hổ, gián tụt ngay xuống miệng cống, không còn nói năng gì được nữa. Thành tự bấy giờ gián, nhện giận nhau, tuyệt giao hẳn và coi nhau đã như hằn thù vậy. 6) CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI Xưa, phải một năm Trời làm hạn hán đã năm sáu tháng không có một giọt mưa, bao nhiêu đầm, vũng, ao, chuôm đều cạn sạch. Không có nước, các loài cây cũng khô héo rũ rượi ; không có nước, các loài vật cũng nhao nhao như muốn làm loạn vậy. Có một con cóc ở trong hang sâu, nghĩ mình ngắn cổ, kêu chẳng thấu Trời, nhưng nước không có uống cóc lấy làm tức mình, giận thân, bỏ hang định lên tận Trời kêu cho Trời biết mới nghe. Đi được một đoạn, cóc gặp con ong vẽ, nó hỏi đi đâu. Cóc bảo : « Trời làm hết nước uống. Tao đi kêu Trời đây ». Ong vẽ nói : « Như loài chúng tôi chỉ sống về hoa, về tổ. Bấy lâu Trời nắng, đi hái hoa, thì hoa chẳng nở, muốn về tổ, thì nước không có. Có phải anh đi kêu Trời, thì anh cho tôi đi theo với ». Cóc bằng lòng. Cóc cùng với ong vẽ cùng đi. Đi một đoạn nữa, hai con gặp một con gà, nó hỏi : « Hai anh đi đâu ? » Cóc, ong đáp : « Trời làm đại hạn. Chúng tao đi kêu Trời đây ». Gà nói : « Như loài chúng tôi chỉ sống về bông lúa, hạt ngô, mà Trời nắng dữ mất mùa mất màng, muốn ăn không có, hạt nước khô cổ cũng chẳng tìm ra. Có phải hai anh đi kêu Trời, thì hai anh cho tôi đi theo với ». Cóc bằng lòng. Cóc cùng với ong, gà cùng đi. Lại đi một đoạn, ba con gặp một con cọp, nó hỏi đi đâu. Ba con đáp : « Trời làm tiêu khổ. Chúng tao đi kêu Trời đây ». Cọp nói : « Được đấy ! Để tao cùng đi với chúng mày ». Trời nắng lâu hay mưa dầm, tao chẳng quản ngại gì. Nhưng tao thấy chúng mày khao khát khốn khổ về nước, tao cũng thương tình, để tao đi với cho thêm bè, thêm cánh. Một đàn bốn con 5, đi mãi bao lâu mới đến cửa nhà Trời. Con cóc dặn ba con kia rằng : « Các anh hãy cứ đợi ngoài này để một mình tôi vào trước. Bao giờ tôi kêu anh nào vào thì anh ấy hãy vào, tôi không kêu thì thôi ». Rồi cóc liền nhảy vào. Cóc thấy Trời đang ngồi đánh tổ tôm 6với mấy ông Tiên. Cóc thị võ, giương oai, trợn to hai mắt, phùng to hai má, nhảy ngay vào giữa đĩa nọc ngồi chồm hổm. Trời thấy vậy giận lắm, thét lên rằng : « Mi lên đây làm gì mà hỗn láo dường này ? » Cóc chẳng nói chẳng rằng, lại càng giương mắt to thêm. Trời liền cho gọi lính ra đánh cóc. Cóc không hề sợ, ra lệnh cho ong vẽ. Ong vẽ bay vào cắn 7, bao nhiêu quân lính đau đớn chạy tán loạn cả. Trời càng giận, truyền cho Thần Sấm, Thần Sét ra đánh cóc. Cóc ra lệnh cho gà 8. Gà vào gà mổ ; Sấm, Sét hoảng hồn chạy ráo. Trời càng giận, truyền cho Thần Thiên Cẩu ra đánh cóc. Cóc vẫn cóc sợ gì, ra lệnh cho cọp. Cọp vào cọp cắn, Thiển Cẩu chạy chí chết… Trời thấy thế thua không làm gì nổi cóc, phải chịu phép nó và đấu dịu với nó rằng : « Thưa cậu ! Thế cậu muốn gì, cậu bảo cho biết ». Cóc nói : « Tôi lên đây chẳng có việc gì. Tôi chỉ muốn hỏi sao đã từ lâu Trời không mưa để cho mọi loài dưới hạ giới phải chịu khô khan khổ sở vì không có nước ? » Trời bèn gọi Vũ súy 9ra hỏi và trách Vũ súy rằng : « Chú giữ việc làm mưa, mà sao chú không chịu chăm chút để cho muôn vật dưới hạ giới nó khốn khổ, nó dám lên tận đây làm huyên náo như thế này ! » Vũ súy quỳ tâu : « Việc là việc chung thiên hạ, không riêng chi một phương nào. Thiên hạ bao la rộng rãi, mà chúng tôi chỉ có một mình coi không xuể 10, tất cũng có chỗ sót, xin Trời thẩm xét cho ». Cóc nghe tâu, gắt lên rằng : « Thôi, tôi không biết đâu cả. Trời đã chịu phép tôi, thì từ nay hễ khi nào thấy tôi kêu, tôi nghiến răng, thì phải mưa ngay 11 xuống, kẻo tôi lại lên đây làm loạn chớ chẳng tha ». Trời bảo : « Vâng, thôi mời cậu cứ về. Từ giờ tôi xin làm theo lời cậu không hề dám sai ». 12 Bấy giờ cóc mới chịu nhảy ra rủ cả ong vẽ, gà và cọp cùng về. Ngay hôm ấy, Trời mưa. Bởi sự tích này mới thành có những câu về con cóc rằng : « Có cóc khô gì đâu ? Cóc sợ gì ai ! Con cóc là cậu ông Trời, Cóc nghiến răng, chuyển động bốn phương Trời ». 7) CON GÀ, CON LỢN VÀ CON CHÓ Xưa có một nhà thật giàu có, ruộng nhiều, trâu bò lắm. Phải một hôm đến hơn mười con vừa trâu, vừa bò lạc đi đâu mất cả. Sau nhờ bà con láng diềng lùng đi tìm mãi mới lại thấy đủ. Cảm cái ơn to ấy, hai vợ chồng bàn nhau rằng : « Của ta đã mất lại tìm thấy là nhờ lòng tử tế của bà con xóm diềng cả. Vậy giờ ta phải báo ơn lại. Nếu bữa nay chưa kịp, thời bữa mai ta phải thịt một con gà, một con lợn và một con chó, rồi mời những ai đã giúp việc ta đến cơm rượu cho thật no say ». Hai vợ chồng bàn xong đi ngủ. Đêm nằm thấy ông Tổ hiện lên báo mộng rằng : « Tao nghe chúng mày định một bữa mai giết hại những ba con vật. Tao sợ chúng mầy làm điều thất đức. Vậy chúng mày mà giết chúng nó, thì phải biết hóa kiếp cho chúng nó, rồi trong nhà mới yên lành được ». Vợ chồng nghe nói, kêu với ông Tổ rằng : « Chúng con dương gian mắt thịt, không biết làm cái gì để hóa kiếp cho chúng nó. Xin cụ dạy cho… » Ông Tổ bảo rằng : « Hễ khi làm thịt gà thì phải hái lá chanh, khi làm thịt lợn thì phải thái củ hành, khi làm thịt chó thì phải giã củ riềng, mà cho thêm vào, thì hồn các con ấy mới hóa được ». Hai vợ chồng vâng vâng dạ dạ. Mà khi ông Tổ nói, con gà, con lợn, con chó, ba con đều nghe thấy tiếng, biết mình không sao tránh khỏi chết, cũng đành vậy. Nhưng ba con chỉ sợ chủ nhà quên điều ông Tổ dặn các thứ phải gia thêm vào thịt cho mau hóa kiếp, nên lúc mới sáng tinh sương, bà con ùa nhau kêu ầm lên : Gà thì : « Tục tác lá chanh ». Lợn thì ủn ỉn : « Mua hành cho tôi ». Chó thì khóc đứng, khóc ngồi : « Mẹ ơi, mẹ hỡi, mua tôi đồng riềng ». Vì truyện này mà tự đó ta ăn gà, phải có lá chanh, ăn lợn phải có hành, ăn chó phải có riềng thì ăn mới ngon mà cũng tức là để chóng hóa kiếp cho ba con vật rất có ích cho ta vậy. 8) CON CHÈO BẺO Xưa có một người, về mùa tháng mười, lúa đã gần chín, đêm nào cũng ra đồng nằm để giữ lúa. Gặp phải một đêm, có hai tên kẻ trộm rủ nhau đến cắt trộm lúa. Chúng thấy có người nằm giữ đấy rồi, không biết làm thế nào, mới bảo nhau giết chết đi. « Than ôi trời cao đất dầy ! Để cho người ấy bị tay tham tàn ! » Ai ngờ, oan hồn thì hồn hiện, hồn người chết ấy lên Thiên Đình kêu với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng liền sai quỷ sứ xuống bắt hai tên kẻ trộm lên, rồi phán rằng : « Hai đứa chúng mày siêng ăn, biếng làm chỉ lo trộm cướp của người, rồi lại còn giết người. Như tội ấy thật là to lắm ! Hai tên bây phải chết, một tên thì ta bắt làm châu chấu, còn một tên thì ta bắt làm cào cào ». Xong, Ngọc Hoàng lại phán rằng : « Còn tên giữ lúa chết oan kia, thì ta hóa kiếp cho làm con chèo bẻo ». Tên kia tâu rằng : « Bây giờ con hóa làm chèo bẻo, thì con phải làm những việc gì ? » Ngọc Hoàng phán : « Ta cho mày hóa làm chèo bẻo, một là để cho mày lại theo được cái nghiệp giữ lúa như xưa, hai là để cho mày có dịp báo thù được hai tên kẻ trộm. Bao giờ lúa chín, có châu chấu, cào cào đến ăn hại, thì ta cho mày cứ tha hồ tự do bắt nó mà ăn thịt ». Bởi sự tích này mà hằng năm cứ vào độ tháng mười gần lúa chín, thì có chim chèo bẻo bay lượn khắp mọi cánh đồng mà bắt châu chấu với cào cào. 13 9) CON TÔM VÀNG Đời xưa có người giàu có, nuôi một con mèo cực đẹp. Ông rất cưng yêu con mèo, mà con mèo cũng hết lòng với ông. Một hôm, ông cho gọi thợ bạc đến trổ một con tôm bằng vàng để làm đồ chơi. Con tôm vàng trổ khéo lắm không khác gì con tôm thiệt. Nên ông lấy làm quí mến, ngồi đứng đâu, thường vẫn đem theo. Phải một khi ông đi chơi vắng, bỏ quên con tôm vàng ở nhà, lúc trở về tìm, thì con tôm vàng mất đâu, tìm sao cũng không thấy. Ông bèn gọi con mèo đến mà bảo rằng : « Mày ở nhà, có biết con tôm vàng đâu, thì tìm ra cho được. Nếu không tìm thấy, thì tao cứ mày tao trị tội ». Con mèo thưa rằng : « Tôm vàng của ông ở đâu thì tôi không biết, nhưng tôi biết trong nhà có con chuột, tính nó hay gậm, hay tha, để tôi thử xin tra nó xem sao ». Rồi con mèo đi tìm con chuột gầm gừ hỏi rằng : « Ông chủ tao đánh mất con tôm vàng. Mày có tha đi đâu, thì phải đưa trả ngay đây, không tao cắn chết ». Con chuột run sợ nói rằng : « Con tôm vàng, thật tôi không lấy. Nhưng tôi biết, hôm qua lúc ông chủ đi vắng, người thợ bạc lẻn vào nhà lấy trộm rồi đem đi. Hay bây giờ anh với tôi, ta phải đi lấy tôm vàng về cho được ». Mèo nghe nói, vui lòng nhận đi ngay… Nhà người thợ bạc ở cách một con sông, mèo chuột phải lội qua mới sang đến nơi. Mèo thì ngồi đợi trước cửa, còn chuột chạy vào lục lọi khắp mọi nơi. Chuột khoét mau thủng một cái hòm, chui vào tìm bới, thì quả nhiên thấy con tôm vàng trong ấy. Chuột vội cắn đem ra cho mèo. Mèo lấy làm mừng lắm, ngậm con tôm vàng vào mồm. Hai con lại rủ nhau lội qua sông để về nhà. Nhưng đang lúc lội, mèo luống cuống làm sao, để cho tôm vàng sẩy rơi xuống nước. Mèo lấy làm lo sợ, nói với chuột rằng : « Con tôm vàng ở dưới đáy sông rồi ! Hai đứa chúng ta cùng không biết lặn cả. Liệu làm thế nào bây giờ đây ? » Chuột trách mèo : « Công tôi đã tìm thấy được tôm vàng, anh lại đem đánh rơi đi. Việc ấy thật là lỗi ở anh, không can gì đến tôi nữa ». Giữa lúc hai con đang ngồi than thở bàn bạc với nhau, mèo chợt thấy một con cá tự dưới sông nhảy vào bờ. Mèo nhanh chân chạy lại, bắt con cá, ngoeo ngoeo nạt nộ rằng : « Tao vừa đánh rơi con tôm vàng xuống sông. Có phải mày đã ăn mất rồi, thì mày nhả ra trả tao đây. Không thì tao cắn, tao nuốt ngay bây giờ ». Cá nghe nói, sợ hãi thưa rằng : « Con tôm vàng, lúc nãy tôi quả có bắt được ngỡ là tôm thật, tôi đã toan ăn, nhưng đến lúc gậm, thấy nó rắn quá, tôi lại nhả ra bỏ. Hiện bây giờ nó còn ở dưới đáy sông ». Con mèo vội bảo : « Thế mày phải mau lặn xuống sông lấy đem lên đây cho tao, thì tao mới tha mày ». Cá uốn mình lặn xuống sông lấy ngay được tôm vàng đem lên trả mèo. Mèo thấy tôm vàng, chẳng thèm cảm ơn gì cả, đội ngay lên đầu mà đi, vừa đi vừa bảo chuột rằng : « Tao ngậm tôm vàng vào mồm, tao lại sợ nó sẩy ra như lúc nãy thì chết. Bây giờ tao đội nó trên đầu vững vàng thế này, thì thật không còn ngại gì nữa ». Mèo nói thế, đã tưởng là khôn lắm. Nào ngờ chưa đi được mấy bước, có con quạ lượn trên không, trông thấy tôm vàng nhấp nhánh ở dưới tưởng cái gì ăn được, sà ngay xuống đớp, rồi bay lên đậu trên cành đa cao chót vót. Mèo thấy tôm vàng lại mất, hoảng hốt vừa giận vừa lo, bàn với chuột rằng : « Trước tôm vàng rơi xuống nước, ta còn sai cá lặn xuống, nó lấy lên được. Bây giờ tôm vàng ở trên ngọn cây, ta biết mượn ai bay lên đó để đem về được cho ta ». Chuột tán nhảm : « Ừ, quạ nó là loài cầm thì nó bay, mình là loại thú thì mình bay sao được ! » Mèo ngồi nghĩ thoáng một lúc, nói 14rằng : « Giả chết bắt quạ, giả chết bắt quạ ! » Thôi được rồi. Rồi mèo chạy lại mé sông, uống thật nhiều nước cho bụng căng ra. Đoạn đến nằm dưới gốc cây đa, ềnh cái bụng trắng hếu ra giả làm chết. Quả nhiên con quạ đang đậu trên cao ngậm tôm vàng không nổi, trông thấy mèo chết dưới gốc cây, vội vàng bay xuống để ăn thịt mèo. Mèo thấy quạ đến gần nhổm ngay dậy, giơ chân cào một cái thật mạnh, quạ sợ mất vía, nhả luôn tôm vàng ra bay thẳng một mạch. Mèo lại nhặt lấy tôm vàng, ngậm thật chắc vào mồm rồi ung dung đưa về cho ông chủ. Ông chủ lại thấy tôm vàng, lấy làm mừng rỡ vô cùng, và tự đó lại càng cưng yêu mèo bằng mấy trước. 10) TẠI SAO DƠI ĂN MUỖI Xưa có con muỗi với con dơi hai con có việc bất bình đi thưa nhau. Muỗi thì mướn mèo làm thầy kiện, dơi thì cầu chuột 15làm thầy cãi. Thế nào thầy kiện mèo xơi quách mất thịt thầy cãi chuột đi. Dơi mất thầy, dơi thua. Nhưng dơi không chịu, chỉ chực báo thù lại được muỗi mới nghe. Muỗi sợ, muỗi không dám thò đầu ra ban ngày, cứ đợi lúc nhá nhem tối mới vo ve bay ra. Dơi biết chừng, cũng không ra ban ngày, đợi lúc nào muỗi ra dơi cũng mới ra. Dơi ra dơi đớp thật nhiều muỗi. Dơi ăn muỗi, cái mối oán thù gây ra từ đó. 11) CON THỎ VÀ CON CHÓ Xưa có con thỏ, một hôm, lạc rừng gặp một con chó săn. Thỏ cắm đầu chạy. Chó theo vết đuổi. Hai con chạy qua ba quả núi, đến quả núi thứ tư chạy quanh hơn năm vòng. Hai con cùng mệt nhoài, không con nào chạy được nữa. Chợt có người đi cày về trông thấy, đến bắt được cả chó lẫn thỏ. Vì truyện này sau thiên hạ mới đặt câu ca rằng : « Thỏ liệt, thì chó cũng què ; Thỏ chết, chó cũng hết nghề chạy rông ! Theo đôi thì cũng uổng công ! Để cho điền phủ ngồi không ăn cùng ». 12) LỪA THI TÀI VỚI NGỰA Xưa có con lừa, nghe tiếng con ngựa có tài, một hôm, đến chơi với ngựa, và thách rằng : - Ta đây một đấng anh hùng ; Nghe ngươi tài nghệ, thử cùng thi nhau. Ngựa khinh lừa, không thèm thi, đáp lại rằng : - Anh hùng chơi với anh hùng ; Bõ chi cá chậu, chim lồng mà thi. Lừa giận lắm, cứ thách mãi. Sau ngựa phải ừ chịu. Hai con cùng ra chạy thi với nhau mấy vòng. Ngựa thì chạy nhanh như mưa tuôn, như nước chảy. Lừa ta thì lạch đạch theo đã chẳng kịp, lại còn luống cuống ngã bổ ngửa ra. Ngựa đứng lại, cười rằng : - Chừa chưa ? Chừa chưa ? Đã biết chưa lừa ! Trước kia, chỉ biết mặt nhau ; Bây giờ mới biết tài nhau một lần. Lừa nín thin thít, ngựa lại nói luôn nữa rằng : - Ta đây nào có phải như người, Bấy lâu đánh giặc đông, tây ; Cuốn mây, thổi gió, ai tầy công ta ! 13) TU HÚ GỌI CÔ Xưa phải một năm Trời làm đói kém lắm, nhà kia có hai cô cháu, không biết kiếm gì mà ăn cho đủ. Cả nhà chỉ còn được một dúm đỗ. Hai cô cháu phải đem nấu lên, rồi chia nhau lần lượt ngậm hơi cho đỡ đói. Ngậm đi ngậm lại đã bao nhiêu ngày, các hột đỗ sau cứ dần dần mòn xác đi không còn gì nữa. Phải khi cháu ngậm, hột đỗ nó trôi vào cuống họng không sao móc ra được. Thành cô không còn gì ngậm hơi, cô đói lả ra, cô chết. Cháu thấy cô chết, sinh ra buồn bực, vả, đói quá, sức đã kiệt cùng, lăn ra chết nốt. Chết rồi cái hồn hóa ra làm con tu hú. Cho nên bây giờ khi nào đến tiết mùa hè, cây kê, cây đỗ nở hạt, tu hú có lắm cái ăn, thì nó lại sực nhớ đến cô nó trước mà nó cứ kêu « cô nó » : 16 - Cô hố ! Cô hố ! Lúa đã trổ, Đỗ đã chín ; Bay về mà ăn ! Và bởi vậy sau mới có câu hát rằng : « Một miếng khi đói ; Bằng gói khi no. Kìa con tu hú : « Thưa cô » 17 nó gọi hoài ». Còn có người nói tu hú sau nhớ đến cô quá, có làm bài phụ vong linh cô nó lên. Bài phụ rằng : « Hồn vậy ! Hồn vậy ! Hồn ở nơi nào, hồn về. Hoặc, hồn ở cây xanh, Hoặc hồn ở lá đỏ, Xin hồn về áp vào con đồng : Hoàn phong phát động. Nhật bất khả quá, Dạ bất khả tri, Cấp cấp như luật lệnh ! » Hồn cô nó lên, nói rằng : - Cháu ơi ! Cháu ơi ! Cô với cháu là dấu một nhà, Ai nghĩ khi âm dương bất hòa, Cơ tạo biến ra dâu bể ! Thôi phải sao, chịu vậy. Biết nói năng chi nữa ? Cháu đã có lòng, Hồn cô đây cũng thỏa. Sau này cháu cứ nhớ cô, Đừng có quên cô là được vậy. 14) CHÀO MÀO ĂN TRỘM ĐÀO Xưa một bà Tiên ở trên trời có một vườn đào đẹp lắm. Chim chào mào lẻn vào rả rích ăn hết bao nhiêu quả. Đến hôm bà Tiên ra chơi vườn, thấy mất nhiều đào, bà cho đôi chim khách đến hỏi. Khách thưa rằng : « Mấy hôm nay, tôi chỉ thấy chào mào nó vơ vẩn ở đấy. Chắc chỉ nó ăn trộm đào thôi ». Bà Tiên nghe nói giận lắm, đến thưa với Trời. Trời liền sai cà cưỡng đi bắt chào mào lại. Chào mào kêu với Trời rằng : « Con khách nó đặt cho tôi điều gian xảo. Nó nói bâng quơ, không có bằng chứng gì cả. Nó thật đã vu cáo cho tôi. Vu phản tội đồng, xin Trời cho xét lại ». Trời thấy chào mào nói có lý. Mới phán rằng : « Dâm tắc tang, đạo tắc tích. Nay không ai bắt được nó quả tang ăn trộm đào, thì ta cũng không tra ra sao được ». Nói đoạn, Trời tha cho chào mào về. Mùa sau, đào chín, chào mào ăn quen bén mùi, lại lẻn vào vườn đào ăn trộm quả. Không ngờ bà Tiên đã cho chèo bẻo rình đấy từ trước. Nên lúc chào mào ta đang ngồi ăn đào, miệng ăn, tay lấy như của nhà mình, thì chèo bẻo tóm ngay được, nắm đầu lôi đi. Bà Tiên giận quá, liền sai bắt nó đưa lại cho Trời. Bận này thì chào mào cứ cúi đầu gục mỏ xuống, không còn dám nỏ mồm như bận trước nữa. Trời nổi lôi đình quát mắng ầm ầm : « Mày thật là một quân đã đi làm đĩ lại còn già hàm. Phen này hẳn mày không cãi được nữa. Tao phải trị cho mày biết tay mới được ». Trời liền sai con cắt ra đập vào đầu chào mào. Chào mào như không có ý sợ. Trời điên tiết, đứng phắt dậy đá thốc một cái vào đít, chào mào ngã lộn xuống hạ giới, máu chảy đỏ lòe loẹt. Bởi vậy mà từ đó chào mào vẫn còn cái đít đỏ. Nên mới có những câu tục ngữ : « Chào mào đỏ đít, Chiêm bao chào mào đỏ đít ». 18 Và bây giờ trẻ con đùa với nhau, có khi cầm hai cẳng dốc đầu xuống đất mà nói rằng : « Chào mào, mào chào ! Sao đỏ lỗ đít ». 19 15) CHÀO MÀO VÀ CÚ Xưa có con chào mào và con cú làm bạn với nhau thân thiết lắm. Hễ cú đi đâu thì gửi nhà cho chào mào trông hộ, mà chào mào đi đâu cũng giao nhà cho cú giữ hộ. Hai con giữ nhà giúp lẫn nhau rất cẩn thận không con nào mất gì bao giờ cả. Phải một khi chào mào đi vắng đâu nhiều ngày quá, cú giữ nhà hộ, sinh tính tham lam làm sao, chào mào để lại bao nhiêu hoa quả, của cải gì là cú vét thu sạch. Đến khi chào mào về đã thấy mất hết cả đồ ăn thức đựng, lại chẳng thấy cú đâu, lấy làm giận lắm muốn đi tìm cho được. Nhưng cú lỉnh mặt tài, chào mào lùng đâu cũng không thấy, đành về tổ đứng chửi : « Cha cú ! Cha cú ! » Rồi tự đó chào mào không chơi với cú nữa. Và thành tự đó chào mào kiếm ăn đâu, hễ thấy cú mon men lại, là rủ nhau từng đám đến vừa đánh, vừa chửi : « Cha cú ! Cha cú » 20 để chực đòi hỏi những của đã mất trộm khi xưa. Cú đành chịu không dám chọi lại. Và bởi truyện này, trẻ mới có câu thường hát rằng : « Chào mào ơi hỡi chào mào ! Hễ thấy con cú nơi nao đánh liền. Cú đành ngồi chịu, cú nhìn, Chào mào quấn quít giữ gìn trước sau ». 16) CON CHANH-CHANH VÀ CON CHẢ-CHẢ Xưa có hai người, một người tên là Chanh và một người tên là Chả làm bạn với nhau thật là thân thiết. Trời làm sao phải năm đói kém, nhà anh Chanh không có miếng ăn, phải đến vay nhà anh Chả ít tiền ít gạo. Anh Chả cho tử tế. Sau đến kỳ hạn anh Chả đến đòi, thì anh Chanh không chịu trả như muốn quịt nợ vậy. Chả tức mình định đi kiện, liền đến hỏi thầy vạc. Chẳng may, lại gặp phải anh háu ăn. Kiện sự chưa ra sao, đã cứ đòi : « Bạc ! bạc ! bạc ! » Chả không chịu đưa tiền, thì nó lại dọa rằng : « Chạc ! Chạc ! Chạc ! » 21 Chả tức mình, tìm đến thầy vịt. Nhưng chưa đến cổng, đã thấy thầy vịt đòi : « Kẹp ! Kẹp ! Kẹp ! » Và lúc vào tới nhà, lại thấy dọa : « Ặp ! ặp ! ặp ! » 22 Chả thấy chuyện làm vậy, đành thôi không dám kiện nữa, rồi lại hòa với Chanh vậy. Nhưng mỗi khi tức giận nhau, Chả lại đòi nợ mà kêu rằng : « Trả ! trả ! trả ! » 23 Thì Chanh lại nói đay lại : « Chanh ! chanh ! chanh ! » 24 17) KHƯỚU DẠY HỌC Xưa có một con khướu nổi danh là biết đủ các thứ tiếng. Khướu mở trường dạy học nói. Giống chim chóc theo nhau đến học đông lắm. Nhưng kể bậc giỏi hơn cả thì chỉ có ba anh là anh chim ri, anh dù-dì 25 và cả anh ngỗng mà thôi. Đến kỳ Trời mở khoa thi, bao nhiêu học trò của khướu đều đua nhau đi cả. Buổi thi xong về, tiên sinh khướu hỏi đồ đệ rằng : « Bài chi ? Bài chi ? » Dù-dì thưa rằng : « Như hà tự khả vị chi sĩ hỹ ». 26 Khướu lại hỏi : « Vô sách chi ? Vô sách chi ? » 27 Ngỗng thưa rằng : « Dã dã ! Vô ấu học ! Vô ấu học ! » 28 Chim ri nghe ngỗng nói, mắng rằng : « Tri chi vi tri chi ! Bất tri vi bất tri ! 29 Đã không biết chi nói làm gì ? » Khướu khen rằng : « Kỳ cú ! Kỳ cú ! Kỳ cú ! » 30 Ngỗng cãi lại chim ri : « Ạ a ! Vô tri dã. Ngã bất như dã ». 31 Khướu vẫn còn khen ri : « Kỳ cú ! Kỳ cú ! » Đến khi có tin về báo đã yết bảng, khướu sai ngỗng đi xem đỗ được mấy tên. Ngỗng đi xem về, thưa rằng : « Đỗ cả ! Đỗ cả ! » Khướu bảo : « Xem cho chu chi ! chu chi ! » 32 Ngỗng thưa : « Đã ! Đã ! » Khướu mừng lắm bảo rằng : « Hoan hùy ! Hoan hùy ! Hoan hùy ! » 33 18) RÙA-RÙA DẠY KHÔN Xưa có một cái đền Phượng hoàng, bao nhiêu giống chim bay đến đó, đều phải vào chầu cả. Một hôm, có con cò trắng đi ăn qua đấy, quên không vào chầu. Phượng hoàng sai lính đi bắt. Cò sợ quá, đang nghĩ đi học khôn, để hòng gỡ tội, thì may vừa gặp một con rùa, mới kể sự tình với rùa và nhờ rùa lo giúp. Rùa bảo cò rằng : « Anh đừng ngại. Buổi nay anh vào mà Phượng hoàng hạch tội, thì anh cứ thưa rằng : Vì tôi khăn trắng, áo trắng, nên tội sợ phép không dám vào ». Lúc vào chầu Phượng hoàng, cò cứ theo như lời rùa mà tâu. Phượng hoàng quát to hỏi rằng : « Ai dạy khôn mày mà mày dám nói láo ? » Cò sợ quá phải thú thực : « Bẩm, anh rùa anh ấy dạy con ». Phượng hoàng tha tội cho cò rồi gọi rùa đến mắng rằng : « Rõ cái thằng cổ rụt, đầu đen như thế kia mà dám học đòi đi làm thầy kiện vặt cho người ta ». 19) CHÓ RỪNG VÀ CỌP Xưa có một con chó rừng và một con cọp tranh nhau cai quản trong rừng, hai con cùng khoe tài, đua trí, chẳng con nào chịu kém con nào. Một hôm chó rừng bảo cọp rằng : « Mày không sao bằng tao ! Tao trèo cây được, mày không trèo được. Mày cậy hơn những gì mà dám cai quản rừng này ? » Cọp nói : « Mày mà trèo được cây, thì tao trèo cũng được, tao kém chi mày ! » Rồi hai con thách nhau ra trèo một cái cây cao và lắm lá ở giữa rừng. Chó rừng tranh trèo lên trước. Lên trên, nó đái khắp cả các cành cây, lá cây, rồi nó xuống bảo cọp rằng : « Tao trèo xong rồi đấy. Bây giờ đến lượt mày ra mà trèo đi. Thật tao xin thề mày mà trèo được trơn tru, tao xin nhường mày cai quản chốn sơn lâm này ngay ». Cọp nghe nói, chẳng thèm đáp lại, ra trèo luôn. Nhưng vừa trèo lên được nửa chừng, nước đái chó rừng ở trên lá rỏ vào mắt cọp lòa ngay lại, không trông thấy gì nữa. Cọp đành phải tụt xuống, nói rằng : « Mắt tao đui rồi ! Thôi tao chịu mày, tao xin nhường mày cai quản chốn sơn lâm này ». Cho nên tự bấy giờ người ta vẫn thường tôn chó rừng 34tên là « Chúa sơn lâm » cũng như đã tôn cọp vậy. 20) PHÙ DU VÀ ĐOM ĐÓM Một con phù du, một hôm, thấy con đom đóm có một điểm sáng ở bên mình, lấy làm lạ, mới hỏi rằng : - Đạo trời đất hơn sáu trăm phút,35 Bóng quang minh xuất, một thật chài ghê.36 Làm chi một ngọn xanh lè, Tờ mờ thắp sáng để kế bên mình ? 37 Đom đóm giảng rằng : - Bóng quang minh có sáng, có tối. Việc trời đất có ngày, có đêm ; Ngọn đèn này là cái đuốc đi đêm, Khi hôm tầm, không có không được. Hoặc là cây dầy, cỏ rậm, Hoặc là cửa đóng, mành che ; Muốn cho tỏ lối, nhằm đường, Không có lẽ đi đêm không đuốc ! Phù du vặn lý lại : - Anh sao anh nói lạ đời ! Chi chi việc trời, Mà ai không tỏ ? Mà tôi không tỏ ? Khi tôi bé nhỏ, Cho đến bây giờ ; Mặt trời còn đó trơ trơ ; Đã lên được mấy nỗi ? Đã đi được mấy nỗi ? Đang mê, đang mỏi Đang chán, đang chê ; Khi nào cho đến tai kia ? Khi nào cho tới ngang mặt ? Lẽ đâu có lẽ mặt trời tắt ? Lẽ đâu có lẽ về ban đêm ? Công đâu mà lo đi thầm ? Công đâu mà lo ngày tối ? Anh quen nói dối. Anh ưa nói dối. Lừa kẻ không hay : Đến như tôi đây, Anh lừa chi được ! Ai lừa chi được ! Đom đóm cứ đành chịu mắng, không trả lời vừa cất cánh bay vừa hát câu rằng : « Sự đời nghĩ cũng ngán thay ! Nửa đêm, nửa ngày có kẻ không tin ! » 38 21) HÉT ĂN GIUN Xưa có một tên là Giun làm nghề giữ lúa ngoài đồng. Một hôm có cha thằng Hét đến ăn trộm lúa, bị thằng Giun đánh chết. Hét căm giận, thề nguyền thế nào cũng báo thù được cho cha mới nghe. Một buổi, Hét bắt gặp Giun đuổi đánh. Giun cắm đầu, cắm cổ chạy bán sống bán chết lên trên núi. Thấy ông Bụt đang đứng đó, nó vội vàng quỳ xuống van lạy rằng : « Tôi đang có sự nguy cấp, xin ông cứu tôi với… » Bụt hỏi : « Sự gì ? » Nó nói : « Trước tôi lỡ tay giết chết cha thằng Hét, bây giờ nó thù, nó muốn giết chết tôi. Hiện nó đang đuổi tôi ở đằng sau lưng kia… » Bụt bảo : « Làm thế nào bây giờ ? Tránh đâu cho thoát được ? Hay tao hóa cho mầy thành con chim… » - Nhưng rồi nó lấy cung nó bắn thì tôi cũng không thoát được tay nó. - Ừ, thì tao hóa cho mầy làm con cá vậy. - Nhưng rồi nó lại giăng lưới nó bắt, thì tôi cũng không khỏi chết với nó được. Bụt nghĩ rồi bảo : « Lên trời không thoát, xuống nước không khỏi, thôi thì tao cho mày chôn ở dưới đất, họa may mới xong được. Tao hóa cho mày làm một con bé và dài, không chân, không cánh và lẩn lút chui luồn ở dưới đất. Vốn mày tên là Giun, thì tao cho gọi con ấy là con giun ». Thằng Giun nghe gật đầu. Ông Bụt liền hóa cho nó làm ngay con giun và con giun chui tuột ngay xuống đất. 39 Lúc Hét đến, không thấy Giun đâu, chỉ thấy ông Bụt, Hét mới lại thưa với Bụt rằng : « Thằng Giun xưa nó giết cha tôi, tôi phải đuổi nó kỳ cùng, giết được nó mới nghe. Nó chạy đàng nào rồi, ông mách cho tôi với ». Bụt bảo : « Tao đã hóa cho nó làm một con giun chui xuống dưới đất rồi ». Thằng Hét nghe nói, khóc lóc thảm thiết và như ý kêu van bắt đền Bụt rằng : « Thù cha không báo, thật là bất hiếu, mà cái lỗi ấy ở tại ông… » Bụt nghe nó nói, thương tình nghĩ cái lẽ « Oan oan tương báo » khó lòng tránh được, mới bảo nó rằng : « Ừ thì bây giờ ta hóa cho mày làm giống chim cứ lấy tên mày mà gọi là chim Hét. Rồi mày tìm Giun ở dưới đất mà báo thù vậy ». Nói xong, ông Bụt làm phép cho thằng Hét hóa ra ngay chim hét, và từ đó Hét chỉ tìm giun mà ăn lấy làm ngon lắm. Sau người ta lại thích ăn chim hét cũng cho là ngon. Bởi vậy tục ngữ mới có câu : « Muốn ăn hét, phải đào giun » là ý nói hét nó hay ăn giun, mình phải đào đất bới giun lên, hét nó xuống ăn giun thì mình mới bắt được nó. 22) KIẾN, ONG CHỌI VỚI CÓC Xưa có một người giàu, trong nhà nuôi đủ các giống vật không thiếu giống gì. Riêng một phòng bên đông, thì có những tổ bao nhiêu thứ kiến. Riêng một phòng bên tây thì có một tổ ong, quan quân rất đông. Còn ở phòng giữa thì cô độc chỉ có một chú cóc. Cóc vốn là con đại nanh, đại ác. Lúc trời gần mưa hễ kiến các tổ bò ra đi kiếm mồi, bò ra chừng nào là cóc nuốt hết chừng ấy. Mùa hoa tươi tốt, hễ ong ở tổ bay ra đi thăm hoa, bay ra con nào thì cóc cũng đớp mất con ấy. Cóc thật làm tai hại cả giống kiến lẫn giống ong không biết chừng nào mà kể. Kiến lấy thế làm giận lắm. Một hôm bảo nhau hội họp cả lại để bàn cách giữ thân, giữ nhà. Trong giống kiến, có một con eo lưng nói trước tiên rằng : « Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Các bác nghĩ sao ? Các bác cứ đem quân ra cự với nó. Chúng tôi đây dù cho yếu ớt, cũng dốc lòng xin theo ». Lại có một con dài cẳng nói rằng : « Con cóc là cậu ông Trời. Các bác không nghe thấy câu người ta vịnh cóc rằng : « Nghiến răng một cái, cơ Trời động. Tắc lưỡi ba hồi, chúng kiến lui » đó sao ?… Tôi tưởng đánh nó khó lòng được. Chi bằng ta chịu lui và cầu hòa với nó là hơn ». Kiến càng vừa nói dứt lời, thì một con kiến lửa nộ khí xung thiên, mắng lại rằng : « Anh nói lui là thế nào, hòa là làm sao ? Nếu nó nghe thấy anh nói thế nó lại không đến dỡ cửa dỡ nhà anh ngay đi ư ! Sao mà nhát gan quá lắm vậy ? Tôi xin với làng kiến : Lập tức giờ ngọ hôm nay, dân ta phải hội lại cho đủ ba muôn, ta chia ra đội ngũ chỉnh tề rồi cùng xông vào ta bắt cóc về làm thịt khao quân cho bõ ghét ». Kiến eo lưng nghe nói bằng lòng lắm, bảo kiến lửa rằng : « Bác nói phải đó. Thà rằng chết hết thời thôi, chớ đời nào ta lại chịu thua loài cóc nhái ». Kiến lửa được anh em đồng tình liền đốc thúc xuất ngay mấy muôn binh ròng, tướng mạnh rần rộ kéo thẳng vào phòng giữa. Đến nơi, thấy cóc còn đang yên giấc, kiến lửa lấy làm đắc sách, tưởng nhân lúc xuất kỳ bất ý, thì bắt được cóc dễ như chơi… Nào ngờ lúc ấy cóc đang nằm chiêm bao thấy Thần đến mách bảo rằng : - Kiến càng, kiến kệ, Kiến mẹ, kiến con. Ước chừng ba muôn, Ngày nay nó đốt. Cóc chợt tỉnh dậy thấy chúng kiến đã áp gần đến nơi. Cóc lấy làm mừng lắm, cứ lẳng lặng để cho kiến bò đến rồi đớp luôn một lúc hết tới hơn hai muôn. Còn ngót một muôn tản lạc mau mau chạy hết. Kiến lửa thất thế, tiu nghỉu lui về để chịu tội với làng kiến. Kiến eo lưng thấy thua trận, còn đang lo nghĩ, chưa biết tiến thoái làm sao, thì chợt có con kiến đen xin dâng kế rằng : « Tôi nghe ở về phòng bên tây có nước ong rất cường thịnh, quân binh tinh nhuệ, gươm giáo chỉnh tề, mạnh mẽ hơn chúng ta nhiều. Hay để tôi thử sang xin cầu cứu, họa may nước ngoài khứng giúp, thì ta đây có sợ gì ! Cóc nó không phải mặt ăn nổi được ong ». Kiến eo lưng nghe nói mừng lắm, liền làm thơ đưa cho kiến đen đem sang phòng ong ở. Chúa ong đang ngự trong cung, thấy có sứ giả nước kiến vào chầu dâng thơ, liền sai thị vệ ra lấy vào xem. Thư rằng : « Anh em tôi ; Tài hèn, sức mọn, Nhờ cậy uy linh ; Dám xin ong mình, 40 Để làm cứu viện. Cầu cho thương đến, Sức các giống ong Sang đây hội đồng Tìm mưu bắt cóc. Bằng hữu nghĩa dốc, Xin đừng ngại chi. Trả ơn, báo thù, Đôi đường một nhẽ. Thư trình ». Chúa ong xem thơ khẩn thiết, nghĩ tình ong kiến thể cùng một đoàn, vả chăng bị hại với cóc cũng đã nhiều phen, liền ưng ý xuất luôn một đàn ong mật sang hội với lũ kiến để cùng đi bắt cóc, ong làm tiên phong kiến đi hậu tập. Nhưng cóc đã không sợ kiến, cóc cũng cóc sợ ong. Lúc ong mon men vào, cóc cứ thỉnh tỉa dần, hết toán này đến toán khác, sức dài, vai rộng, gươm trường, giáo ngắn, cũng chẳng làm gì. Ong tính lại hao tổn đã đến ba bốn nghìn quân, lấy làm khiếp sợ, bèn tháo lui về. Ong lui trước, kiến cũng lui sau. Hai bên bảo nhau, đành không làm gì nổi cóc : con cóc nó vốn là cậu ông Trời ! Trời còn phải sợ nó, huống chi là loài ong với loài kiến. Lúc về tổ, kiến eo lưng truyền cho hết các giống kiến từ giờ không được làm gì khiêu khích đến ông Cóc nữa. Đâu đó phải đào hào cho sâu đắp thành cho cao, cắm chuông, cắm cừ cho chắc mà canh gác cho thật cẩn thận để giữ lấy thế thủ vậy. Biết điều khôn ngoan lắm ! Không đủ sức chống được với người, mà phải tính kế mà phòng giữ lấy thân. 23) DÊ ĐI KIẾM ĂN VỚI CỌP Xưa có con cọp ở trong bụi rậm một mình, lấy làm buồn bực lắm. Một hôm, cọp thơ thẩn dạo chơi trên rừng, giữa đường, gặp một con beo cái đàng kia đi lại. Cọp hỏi beo rằng : « Chị đi đâu đó ? » Beo đáp : « Tôi định đi kiếm một người chồng 41, kẻo ở cô độc buồn lắm ». Cọp nghe nói, lấy làm mừng rỡ, bảo rằng : « Tôi cũng thế. Tôi ở lẻ loi một mình không có gì là vui. Tôi đang muốn đi tìm bạn, thì may sao lại gặp được chị đây 42. Cái tình cảnh đôi ta thật giống nhau. Hay chị lấy tôi làm chồng có được chăng 43 ? Phải đi đâu mà tìm kiếm ai nữa ». Bảo nghe xuôi tai. Hai bên ý hợp tâm đầu, từ đó lấy nhau làm vợ, làm chồng, ăn ở với nhau không bao lâu đã đẻ được ba con nhỏ. Thêm con, miếng ăn tất phải thêm, mà cái trò cứ quanh quẩn mãi một nơi, của ăn mỗi ngày một ít đi, thành mỗi ngày một khó kiếm. Một hôm, vợ beo mới bảo chồng cọp rằng : « Ta mà cứ ở mãi đây, đến khi hết lá, hết lộc đi 44, thì rồi chết đói mất. Chi bằng ta phải tìm đường liệu kiếm chốn khác cho được dư dật miếng ăn ». Cọp chồng nghe theo beo vợ. Rồi một đoàn vợ chồng, con cái, năm muông cùng đem nhau đi kiếm ăn. Đi được một lúc, gặp một con dê. Dê lon ton bước lại nói rằng : « Chào ông ! Ông đi đâu mà đem cả bà ấy và các cô, các cậu đi theo thế ? » Cọp hỏi : « Anh đến làm chi đây mà anh chào tôi định làm gì ? » Dê nói : « Tôi thấy ông đem cả gia quyến đi qua đây, tôi chực lại, trước là để mừng ông, sau là để hỏi xem ông đi đâu, có nạp dụng được tôi, thì xin theo hầu làm một tay sai khiến ». Cọp bảo : « Chúng tao đi kiếm ăn đây. Ừ, mày có muốn theo, thì tao cũng cho theo ». Dê được nhập bọn, hớn hở vui mừng 45. Sáu con vừa đi hết khu rừng thì cọp nhanh mắt trông thấy xa xa có một con hươu. Cọp mới nói với con dê rằng : « Tao thấy con hươu đằng kia, tao muốn nếm thử cái thịt nó xem sao. Tao ăn lộc, ăn lá mãi chán lắm rồi. Giờ mày phải làm thế nào bắt được con hươu ấy lại đây cho tao. Hình như mày có quen biết hay họ hàng gì với nó thì phải ». Dê nói : « Thân tôi hèn nhỏ, một mình bắt sao cho được hươu. Hoặc có nhờ oai hùm của ông giúp vào thế nào mới xong ». Cọp bảo : « Ừ, mày đi theo tao. Hễ khi nào tao đòi hươu đến, thì mày phải ra mày chặn đường, chớ cho nó chạy thoát ». Dê vâng vâng dạ dạ. Cọp bèn thét lên đòi hươu đến. Hươu sợ, hươu chạy. Nhưng dê ra chặn đường lại. Hươu thấy dê, mới nói cùng dê rằng : « Tôi với chú, ta cùng một họ, một làng với nhau, sao chú lại nỡ ra chận đường để cho tôi phải chết về chú thế này ? » Dê nói khéo rằng : « Không, bác nghĩ lầm rồi. Tôi đến đây là để cứu bác. Bác cứ đứng lại đây nói câu chuyện, không can chi đâu mà ngại ». Hươu còn đang tần ngần chưa biết bụng dê thực giả thế nào, mới đứng lại. Thì cọp đâu thình lình đã lẻn gần tới sau lưng, nhanh như chớp. Hươu thất thần mới trách dê rằng : « Chú hại tôi ! Chú giết tôi ! Đừng giữ tôi thì tôi đã chạy thoát rồi. Bây giờ chú tính sao cho tôi đây ? » Dê uốn lưỡi nói : « Tôi tưởng ông ấy còn ở xa, ai ngờ ông ấy có phép gì mà đã tới đây mau như thế. Bác sợ ông ấy mà tôi cũng sợ ông ấy lắm. Tôi biết tính làm sao bây giờ. Bác chết đã đành, mà cái thân tôi biết đã thoát được nanh vuốt của ông ấy đâu ! » Nói xong, dê lánh sang một bên thì cọp vừa nhảy chồm ngay lên mình hươu mà cấu, mà cắn rất dữ dội. Lúc ngoắc ngoải, hươu còn ngoái cổ lại thực thà bảo dê rằng : « Thôi, tôi đành chết đây, còn chú muốn tránh cho khỏi, thì mau mau tránh đi ». Lúc hươu chết thật rồi, cọp mới xả hươu ra, chia làm ba phần và bảo dê rằng : « Đây, tao một phần, bà ấy và các cô cậu một phần, còn một phần cho mày ». Nói xong, cọp và vợ con của cọp ngồi nghiến ngấu chỉ một lúc là bao nhiêu thịt hết sạch. Còn dê cứ ngồi nhấm nháp lai nhai mãi, chỉ được tí một thôi. Cọp thấy vậy, bảo rằng : « Sao mày ăn lâu thế ? Hay tại người mày bé nhỏ ăn ít ? Hay tại mày không ưa món thịt hươu ? Để tao bảo này : Bây giờ cái phần của mày đem ra chia ba, tao ăn hai phần, còn một phần, mày ăn vị tất đã bao giờ mới hết ». Dê tiếc lắm, nhưng chẳng lẽ cãi, nói rằng : « Vâng, xin chia ». Cọp lại ngồi ăn một lúc hết luôn hai phần kia, mà dê có mỗi một phần gậm nhấm mãi như vẫn không nuốt trôi cuống họng. Cọp thấy vậy, lại bảo : « Thằng này ra không biết ăn thịt hươu rồi. Cái phần của mày vẫn còn vẻn vẹn nguyên cả. Thôi, bây giờ bà ấy và các cô cậu chưa được thêm phần nào, hãy còn thèm, mầy phải đưa đây một ít để người ta ăn đỡ ». Phải chia nữa, dê bực mình lắm, nhưng biết làm thế nào, lại bằng lòng nói : « Vâng, thì xin chia ». Chia xong, dê năn nỉ rằng : « Thôi, tôi còn ít này, ông để thong thả cho tôi nuốt với. Răng tôi yếu, tôi phải nhằn từng tí một cho dễ tiêu. Xin ông đừng chia nữa nhé ». Cọp giơ vuốt nhe nanh bảo : « Cái thằng này, mày ăn mãi không hết, người ta thấy, người ta ăn hộ cho làm phúc, lại còn lếu láo gì ! Còn ít đấy, thôi đưa đây, tao cùng ăn với mày cho nó chóng hết đi, kẻo ngứa mắt tao lắm ». Dê van lạy nói : « Thôi, tôi đã nói còn một ít đây, ông để cho tôi, ông đừng xơi nữa. Xin ông khoan tâm nghĩ lại : tôi cũng có công khó nhọc vào đấy mới được chút thịt này, bây giờ ông mà xơi hết thì tôi đói mất ». Cọp nghe nói gầm lên : « À, thằng này dở lý sự, công lênh gì mày ! Nhọc với mệt đâu đến mày ! Mầy không đưa tao ăn nốt chỗ ấy, thì tao ăn luôn cả thịt mày bây giờ ». Dê run cầm-cập vội vàng còn bao nhiêu thịt, đưa ngay cả cho cọp, rồi vừa lui, vừa nói rằng : « Vâng thì mời ông xơi nốt. Tôi xin ông tôi về ». Rồi dê cắm đầu lủi thủi bỏ đi, không dám nghĩ tới thịt người đồng hương nữa. Rõ thật đáng kiếp ! Dê hại hươu mà có ích gì cho dê ? Hay chỉ béo một nhà beo cọp ! Từ giờ có còn dám mon men chơi với cọp và mong cọp chia phần cho nữa thôi ? 24) DIỀU VỚI GÀ Con gà với con diều vốn một loài có cánh với nhau, nên lúc đầu, ăn ở với nhau rất tử tế không có việc gì cả. Nhưng sau, vì một hôm, con gà bắt được một con nhái, có hai vợ chồng con diều lại tranh. Gà cậy gần nhà, vả lại số đông, gọi nhau cả đàn, cả bọn đến đánh diều. Con diều trống chết trước. Diều mái một mình, không sao chống được với gà, cũng chết nốt. Diều con thấy diều cha, diều mẹ cùng chết, đành không làm gì nổi, chỉ giương cổ mà kêu với nhau « Eo ! Eo ! » Gà thấy vậy kêu rằng : « Thục tác ! Thục tác ! » 46 Nhưng nỗi oan ức khó bỏ qua, lũ diều con rủ nhau lên kiện gà tại nơi quan Phủ Thanh lâm là ông Vũ văn Công. Chẳng may gà lại có họ hàng bà con với Công, gọi Công bằng ông 47 nên Công không bắt tội gà, lại xử hòa cả đôi bên. Diều phải về, nhưng cảm giận lắm bảo nhau từ giờ không cậy vào ai nữa, chỉ tự mình tìm lấy cách để trị gà mà báo thù. Cái mối thâm thù kết mãi đời đời kiếp kiếp, thành đến bây giờ diều thấy gà đâu, là cũng liệng ba bốn vòng rồi đâm bổ xuống bắt gà, mà sao cũng bắt được. Và bởi có truyện này, khi người ta thấy diều đang liệng đáp xuống bắt gà, người ta thường hay nói rằng : « Diều diều ! quạ quạ ! Cha mày chết đống rạ. Mẹ mày chết đống rơm. Xuống đây tao cho cục cơm, Về đám cha, đám mẹ mày ! » Nói thế là có ý để cho diều nhớ lại truyện xưa đâm sợ mà không dám xuống bắt gà nữa. 25) CẠC CẠC KẸC KẸC Xưa có một người tên gọi là Cạc, nuôi nhiều vịt lắm. Người ấy có một đứa đầy tớ tên là Que, ngày ngày phải đem vịt ra chăn ngoài đồng. Lúc đi, lúc về, đàn vịt không chịu cùng nhau đi cho đều, con rẽ ngả, con rẽ ngang, thằng Que lấy làm tức mình, hôm nào cũng đập chết một vài chú. Sau chủ Cạc thấy vịt cứ chết dần mòn, mới hỏi Que rằng : « Sao mày cứ đập chết vịt của tao luôn thế ? » Thằng Que chối : « Vịt nó phải bịnh thì nó chết. Chớ tôi có giết vịt của ông bao giờ ». Cạc nói : « Muốn sống thì thú thực ngay đi, không tao kẹp chết bây giờ ». Đàn vịt nghe nói, lấy làm mừng lắm. Rồi nhao cả lên, con thì kêu « cạc cạc », con thì kêu « kẹc kẹc », con thì lại « que que » như muốn cầu ông chủ Cạc mau mau kẹp tên Que cho nó thú. Ông chủ nghe đàn vịt kêu thế, chắc là thằng Que đập chết vịt, liền đánh đuổi nó đi, mà nuôi thằng khác. Thành tự đó ai đi chăn vịt, thấy nó kêu « kẹc kẹc » như dọa mình, sắp bị kìm kẹp thì lại cầm sào giơ lên nói « que que » là tự khắc nó sợ, rồi nó lại « cạc cạc » như cầu cứu ông chủ đời xưa của nó vậy. 26) LÝ TRƯỞNG DIỀU HÂU Xưa một bận, làng chim khuyết lý trưởng. Quan gọi đàn chim lên, truyền phải bầu lý trưởng khác. Các ông hương hào xin bầu cho anh Cú làm lý trưởng. Quan không cho, mắng rằng : « Làm chi được cái thằng mặt cú, mặt vọ ấy ». Các ông hương hào lại xin cử anh Quạ. Quan cũng không cho, quở rằng : « Cái thằng quạc quạc ăn hôi, ăn thối ấy làm chi được ». Làng chim lại bàn bạc mãi, sau xin bầu anh Diều hâu. Quan vẫn không muốn nhận, bảo rằng : « Cái thằng con mắt như mắt diều hâu làm biết có nổi việc chăng ? » Các ông hương hào liền đồng thanh bẩm rằng : « Anh Diều, tuy vậy, ở trong làng được dân tình tín phục và việc quan xem chừng cũng thạo, xin Thượng quan y cho, kẻo không biết tìm ai được như thế nữa ». Quan phải bằng lòng cho. Diều hâu ta làm lý trưởng chưa được mấy buổi, một hôm, thấy có người đi chợ về, tay lủng lẳng xách một miếng thịt, lẻn đến cướp đi. Người kia không chịu, làm đơn lên quan kiện. Quan đòi đến hỏi. Thầy lý Diều bẩm rằng : « Hôm nay là phiên chợ, ai có thịt cũng phải đem biếu tôi. Có thằng này nó lại bướng, không chịu biếu xén gì cả. Nên tôi bắt nó cho nó biết phép mà thôi, chớ tôi đâu thèm cướp thịt của nó ». Quan nghe nói, vỗ bàn thét lên rằng : « À ! Thằng này láo ! Cái lệ người ta phải biếu thịt mày là do tự pháp luật nào ? Mày đã làm đến nhất lý chi trưởng, mà mày tham lam nhặt từng miếng thịt như thế, thì trong làng ai còn tín nhiệm mày được nữa !… Lính đâu ! Ra dét cho nó ba chục roi vào cái mỏ nó kia ! » Diều phải trận đòn đau, mỏ bẻ quằm xuống lại phải cách tuột cả lý trưởng. Thế mà cái tính đớp thịt của người. Diều đã chừa cho đâu ! Làng chim lại khuyết lý trưởng. 27) CON DƠI Một hôm, Kỳ lân là vua các giống thú đến chơi nhà Phượng hoàng là vua các giống cầm. Phượng hoàng ra lệnh đòi hết cả các giống cầm lại cho đủ mặt để chúc mừng Kỳ lân. Khi các giống đến đã đông, Phượng hoàng cho quạ ra điểm mục. Quạ bay ra vừa kêu « Chắc ấp ! Chắc ấp » vừa điểm cả lại một lượt. Thì giống nào giống ấy đều đủ mặt, duy chỉ thiếu có mỗi một anh dơi. Chờ đợi mãi lúc lâu cũng không thấy dơi đến, Phượng hoàng bèn sai lính đi tróc nã. Mọi loài đồng thanh cử con cò, nói rằng : « Cò chân cao đi mau ». Cò không chịu cãi : « Tôi tuy vậy cũng là đàn anh trong làng, xin cử một đàn em ở dưới ». Vẹt nhảy ra nói : « Vọec vọec, xin cử anh choi choi, cử anh choi choi ». - Chíc chíc, anh vẹt chỉ ăn ốc nói mò. Cử anh choi choi, anh ấy vừa đi vừa nhảy thì bao giờ cho đến nơi ? Vẹt nghe nói giận mắng rằng : « Vọec vọec, anh chích anh ấy đã nói thế, thì xin cử anh ấy đi, chắc chóng đến nơi ». Phượng hoàng cho là phải, sai chích chòe đi. Chích ra đi một chốc về, cả dơi cũng đến. Vừa trông thấy dơi, các loài chim nhao nhao lên rằng : « Bất thuận hương đảng ! Bất thuận hương đảng ! Anh dơi không ra gì cả ! Xin làng phạt anh ấy ba quan để làm gương cho kẻ khác ». Dơi không chút e sợ, ung dung nói rằng : « Các anh nói gì vậy ? Tôi có cùng làng chim với các anh đâu mà các anh bẻ tôi là bất thuận hương đảng. Chẳng tin, thử đem sổ dở ra xem… » Phượng hoàng bảo dở sổ ra xem thì quả nhiên không có tên anh dơi trong các giống cầm thật, Phượng hoàng phải tha ngay dơi và các loài chim cũng phải một bữa tẽn. Cách đó ít lâu, một hôm Phượng hoàng đến nhà Kỳ lân chơi. Kỳ lân cũng cho đòi hết mọi giống thú lại cho đủ mặt để đáp lễ mà chúc mừng Phượng hoàng. Khi các giống đến đã đông, Kỳ lân cho ễnh ương ra điểm mục. Ễnh ương nhảy ra vừa kêu « ý um, ý um » vừa điểm cả lại một lượt. Thì loài nào loài nấy có mặt cả, duy chỉ thiếu có mỗi một anh dơi. Đợi chờ mãi một lúc lâu, cũng không thấy dơi đến, Kỳ lân bèn cắt người đi gọi. Nhiều loài muốn cử con cóc, nói rằng : « Cóc nhảy xa đi chóng ». Cóc từ chối, nói : « Tôi dù sao cũng bề trên trong nước, xin cắt một anh bậc dưới ». Cáo nhảy ra nói : « Xin cử anh tam hòe ». Ngựa chạy ra bảo : « Cáo nói bậy, tam hòe nó vừa đi vừa nhăn thì bao giờ cho tới nơi ? Mà bây giờ đã trưa lắm rồi ! » Cáo nổi giận, nói rằng : « Anh ngựa anh ấy đã nói thế, xin cắt anh ấy đi bốn vó anh ấy khỏe ». Kỳ lân cho là phải, sai ngựa đi. Chốc lát ngựa về, cả dơi cũng đến theo. Trông thấy dơi, các loài thú ồn ào lên rằng : « Không tuân lệnh nước, không tuân lệnh nước. Anh dơi thật ngang ngạnh. Làng phải bắt vạ anh ấy mới được ». Dơi không hề núng động, thủng thỉnh nói : « Tôi chẳng có làng nước gì với các anh đâu, mà các anh cho tôi là ngang ngạnh, chẳng tin, dở sổ ra mà xem ». Kỳ lân đem sổ ra xem, thì quả nhiên dơi không có tên trong các giống thú, Kỳ lân phải tha ngay dơi, và các loài thú phải một buổi thẹn. Thế mới hay anh dơi là một vật khác lạ, đã phi cầm lại phi thú và phi cả nhân luân chi loại nữa. 28) TRÂU NHÀ VÀ TRÂU RỪNG48 Một hôm, có một người cày ruộng thả trâu lên ăn ở trên núi. Bỗng có một đàn trâu rừng, bò tót đến dỗ dành trâu nhà rằng : « Chúng tôi xem anh mình cũng to, sức cũng mạnh, đôi sừng vênh ngược lên thế kia, mà sao anh lại chịu để thằng bé cỏn con nó xỏ dây vào mũi, nó bắc ách lên vai, nó đem đi cày, đi bừa, mưa nắng cũng phải chịu, đói khát không dám kêu, vất vả cả đời không lúc nào là được thư nhàn sung sướng !… Sao anh không xem chúng tôi đây ăn ở với nhau từng đàn, từng lũ trên rừng xanh, núi rậm, muốn ăn thì ăn, muốn chơi thì chơi chẳng ai kiềm thúc, mà cũng chẳng sợ ai. Bây giờ thằng bé nó đã thả anh lên đây, thì anh nên theo về trên núi với chúng tôi cho nó có bầu, có bạn. Tội gì mà cho nó ràng buộc mãi cái thân như thế. Lấy tình đồng loại, chúng tôi mới bảo phải chăng cho anh nghe : Theo chúng tôi, thì khôn ; không theo chúng tôi thì chết ». Trâu nhà đáp rằng : « Các anh nói vậy cũng phải. Song mà tôi lại nghĩ thế này : Tôi ở với người, khi ăn, khi uống có một thằng chăn, lúc ngủ, lúc nằm, có một nhà rộng. Kể cũng là thanh nhàn phong lưu chớ. Còn như một ngày một buổi cày, bừa, cũng là công báo, nghĩa đền có chi là khó nhọc, có chi là khổ sở ! Người nuôi, kẻ chăn, ăn ở với mình thế, mà bây giờ mình bỏ mình đi, thì chẳng cũng ra tuồng vong ân bội nghĩa hay sao ! Còn các anh ở trên rừng xanh, núi rậm, tuy không ai cai quản, tuy không bận bịu gì, kể ra thì đáng vui thật. Song mà các anh phải dày sương, dãi gió, nay đây, mai đó, ăn không chắc bữa, uống chẳng chắc hơi, thật là bấp bênh thất thường lắm. Ấy là tôi không nói, khi gặp con hổ con beo nó rình, nó muốn xơi thịt, hay chằng gì ngay thằng bé cỏn con kia nó muốn bỏ lưới thả chó vào nó vây, thì phỏng lúc ấy các anh đi đường nào cho khỏi, tránh lối nào cho kịp ?… Thôi thì cảm ơn các anh, tôi mặc tôi, các anh mặc các anh, tôi chẳng theo các anh mà rồi cũng chết ». Nói đoạn mỗi bên đi về một đường, không chuyện trò với nhau nữa, nhưng bên nào cũng không khỏi có điều nghĩ ngợi. 29) CON VOI VỚI CON TRÂU Một hôm, một con trâu đang đi kéo gỗ trong rừng, gặp một con voi đằng kia lững thững đi tới. Trâu bèn đứng lại phàn nàn than thở với voi rằng : « Trời đã cho anh cái mình to lớn làm sao. Trời lại cho anh cái số thật là thong dong yên ổn, ngày ngày chỉ vui chơi chốn rừng xanh, cỏ rậm, muốn ăn chi thì ăn, muốn đi đâu thì đi, chẳng ai hề dám động đến mình. Anh tu bao nhiêu kiếp mà được sung sướng thế !… Còn tôi đây anh xem, cái tính tôi sinh ra đã nhút nhát, cái số tôi sinh ra lại vất vả. Người ta chỉ bắt tôi đi kéo cày, kéo bừa, kéo xe, kéo gỗ cả ngày. Cái thân tôi đòi của tôi thật là khốn khổ… ! Ước gì bây giờ tôi cũng được lực lưỡng to lớn bằng anh để tôi làm bạn với anh cho vui… » Voi nghe trâu tán dương mình, cười ngặt cười nghẹo, bảo rằng : « Anh nói lạ lùng, cái kiếp đời Trời cho to thì được to. Trời cho sướng thì được sướng, chớ ai dám bảo ước cầu mà được ! » Trâu nghe nói tủi thân, có ý buồn rũ, buồn rượi, nước mắt đâu chứa chan giàn giụa. « Người đi làm gỗ thấy con trâu đứng nói chuyện với con voi, trước còn rụt rè không dám lại gần, sau mon men trèo lên một cái cây cao gần đấy, để tay vào miệng, nói to xuống giễu con voi rằng : Đầu con voi như đít con chuột ». Voi nghe nói, ra dáng thẹn cùng con trâu, bỏ chạy vào rừng. Người kia mới xuống nhủ con trâu rằng : « Mày gàn lắm ! Can chi mà buồn ! Có voi thì voi to, không voi thì trâu lớn 49 kém cóc gì ai, mà ta suy tị ! » Trâu nghe dỗ, cho là phải, lại vui lòng ra kéo gỗ, và từ đó ngày ngày lại gia công làm giúp cho chủ, mà chủ cũng cho được ăn nhiều và nghỉ thêm đôi chút. 30) CHUỘT VÀ MÈO Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tín cẩn, nhân được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa. Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian. Nhưng chứng nào vẫn tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn. Đến nỗi người phải có câu ta thán rằng : « Chuột kia xưa ở nơi nào ? Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ? » Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng : « Chuột này vốn chuột của Thiên đình, sao Thiên đình lại thả nó xuống hạ giới ? » Trời nói : « Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khóa kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy ». Vua Bếp tâu : « Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm, chúng con thiết nghĩ : lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên Trời ở là phải ». Trời nghe tâu phán rằng : « Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể lại cho nó lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách : Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian, thì thả mèo ra, cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ mà ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng : « nghèo, nghèo, nghèo », thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi ». Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột và đem cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo lời dạy mà làm. Thành tự bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi, thì mèo cứ « gầm gừ, gầm gừ » và khi nào không bắt được chuột, thì mèo cứ ngồi kêu : « nghèo, nghèo, nghèo, nghèo… » Những lúc ấy, mèo hồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp, mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp mèo ỉa. 31) THẰN LẰN MỒNG NĂM Xưa có một người kia, cha mẹ giàu lắm, thành sinh ra cái tính siêng ăn, biếng làm, chỉ có tiêu, mà không có kiếm ra đồng nào cả. Sau lúc cha mẹ mất đi rồi, người ấy ăn tiêu thái quá, đến nỗi khánh kiệt cả gia tài mà lại còn mắc nợ nhiều lắm. Người ấy vay hết chỗ này, đến chỗ khác đâu cũng vay được, mà không trả đâu cả. Các chủ nợ đến thúc đòi luôn. Người ấy cứ khất lần. Nhưng khất nhiều lần quá mà không ai chịu, sau xin một lần cuối cùng nữa, là đến mồng năm tháng năm, thì trang trải trả hết cả mọi người. Đúng ngày ấy, các chủ nợ kéo nhau lại đòi. Nhưng lấy gì mà trả, anh ta phải chui vào bụi cây đi trốn. Rồi không biết sợ hãi thế nào, anh ta chết, cái hồn hóa làm con thằn lằn. Bởi sự tích này mà bây giờ thằn lằn cứ nhớ đến ngày mồng năm tháng năm, nhằm vào ngày Tết Đoan ngọ là trốn biệt không ai trông thấy đâu, và người ta mới có câu tục ngữ rằng : « Trốn như thằn lằn mồng năm ». 32) THẰN LẰN TRỘM CHÂN Xưa có hai vợ chồng con thằn lằn cùng ở dưới nước với hai vợ chồng con lươn. Mà lươn thì có chân, thằn lằn thì không có. Thằn lằn vẫn định lấy trộm chân của lươn, nhưng chỉ sợ nó đánh, không dám lấy. Nhân một buổi trời mưa to lắm, thằn lằn nghe lươn chồng bảo lươn vợ rằng : « Hôm nay mưa to, nước lớn, cứ để cả chân mà đi thì sợ lâu, âu là ta để chân ở nhà, cuộn đuôi lại, ta đi cho nó chóng ». Thằn lằn rình cho hai vợ chồng lươn đi khỏi, liền đến lấy trộm chân của lươn, rồi chia nhau mỗi con bốn cái đi vào lạch đạch ra dáng lắm. Nhưng hai vợ chồng thằn lằn nghĩ lại sợ lươn nó về nó đòi chân và kiện tụng lôi thôi, mới bảo nhau bỏ nước lên trên khô ở. Thành tự bây giờ thằn lằn mới có bốn chân, thằn lằn mới ở trên cạn không dám xuống dưới nước nữa và khi nào nghĩ đến lươn đòi chân, lại đâm sợ hãi mà thè lưỡi ra với nhau. 33) CÔNG VÀ GÀ Xưa có một nhà nuôi một con công, lấy làm trân trọng lắm. Nhà ấy ngày nào cũng bỏ ra bao nhiêu tiền mua ngô, mua gạo cho công ăn. Còn đàn gà, trước kia chăm nuôi bao nhiêu thì bây giờ hình như lại muốn bỏ mặc, kiếm được con sâu, con bọ nào thì ăn, chớ không hề nhìn nhỏ ỏ ê đến. Công ăn no, công béo tốt, công tự do đi lại trong vườn, nhởn nhơ đây đó, rồi bỗng một hôm, công vỗ cánh, công bay vào rừng mất. Nhà kia than tiếc vô cùng, nhưng làm gì được ! Công đi rồi, phải chăn nuôi săn sóc đàn gà vậy. Bởi vậy mới có câu ca giễu rằng : « Công ăn, công múa Kiếm đường công đi Gà ăn gà ở, Cần gì hôm mai ! » Và sau lại có câu tục ngữ rằng : « Gà ăn hơn công ăn ». 34) CON CÔNG VÀ LÀNG CHIM Một hôm làng chim hội họp cùng nhau định cất một người lên làm đàn anh để chủ trương mọi việc trong làng. Đủ mặt : nào anh diệc, anh cò, nào anh giang, anh sếu, nào anh cốc, anh vạc, nào anh hạc, anh công, cả đến anh ngỗng, anh vịt, anh di, anh sẻ, không thiếu một anh nào. Nhiều anh cất tiếng xin làng cử anh cò lên làm chủ. Anh cò nghe nói, vội vàng từ chối rằng : « Các anh coi tôi : khăn trắng, áo trắng thật không xứng đáng chút nào. Đây có anh diệc, sức dài, vai rộng, tôi xin nhường ». Diệc nghe cò nói, cũng mau miệng chối từ rằng : « Các anh đã biết : Mình tôi lẳng khẳng, tính tôi ương ương. Tôi nói chẳng ai nghe, sợ sau nó sinh ra lắm chuyện. Đây có anh công, trong nhà giàu có, quần xanh, áo tía, thật đáng làm anh, làng ta nên thuận tình bầu anh ấy ra làm việc ». Công nghe nói đến mình, lấy làm hả dạ chạy ra giữa đám, giương cánh, xòe đuôi, múa may, ưỡn ẹo, rồi thưa với làng rằng : « Làng đã bảo đến, biết tránh làm sao. Vậy những ông nào thuận tình cử tôi, thì xin ký kết vào giấy ». Công nói ra dáng tự đắc và chắc mình lắm. Không ngờ, bao nhiêu loài chim đồng thanh nói to lên rằng : « Cái đuôi anh xòe, chúng tôi chịu là đẹp thật. Nhưng cái đầu anh bé nhỏ, trông nó loắt choắt làm sao 50, anh làm đàn anh chúng tôi không được. Làng bảo thì bảo, chớ chúng tôi không thuận ». Công thấy thế, chữa thẹn nói rằng : « Việc làng đã thuận, kẻ nói thì có người nghe. Ai ngờ, người nghe thì ít mà người chê lại nhiều ». Thật tôi lấy làm xấu hổ cho tôi và cả làng chim tôi nữa. Làng chim nhao nhao không ai thèm nghe công liền giải tán tức thì. Công cụp đuôi, thu cánh, lủi vào một xó, vừa lủi, vừa kêu « xấu hổ ! xấu hổ ! » và rồi từ ngày ấy đến nay vẫn còn giữ nguyên hai tiếng kêu « xấu hổ » mãi. 35) CÓC THI TÀI VỚI VOI Một hôm cóc gặp voi, đánh đố voi rằng : « Tôi với anh, hai ta thử tài nhau xem nào ». Voi mắng : « Thi cái cóc gì mày, chớ nói mà dơ tai ». Cóc bảo : « Anh đừng cậy anh to mà khinh tôi… Này bây giờ trời đang nắng, tôi thách anh kêu sao cho trời đổ mưa xuống nào ». Voi nói : « Trời cao xa, làm gì được !… Thôi đừng nói láo ». Cóc lên giọng : « Ừ, thì để tôi làm anh xem ». Rồi cóc chép miệng, nghiến răng kèn kẹt. Một chốc, quả nhiên có trận mưa rào. Voi thấy vậy, nghĩ bụng rằng : « Rõ thật : Voi to không bằng tiếng cóc ». Rồi voi thẹn, chịu thua cóc mà lủi mất. 36) THUỒNG LUỒNG TỊ VỚI RÙA Xưa, một hôm, con thuồng luồng vào chầu tại đền vua Diêm vương. Nó thấy con Rồng, con Phượng, con Lân, con Rùa thì ngồi ở trên, còn bao nhiêu giống khác đều quì dưới đất cả. Nó nhìn đi nhìn lại, rồi ra tâu với Diêm vương rằng : « Chúng tôi thiết nghĩ nhà Vua đặt ngôi thứ không được công bình. Như anh Rồng hay co, hay duỗi, lên trời lấy nước làm mưa cho thiên hạ nhờ, anh Phượng lông cánh vẻ vang, chỉ ở với người có đạo đức, anh Lân thì có nhân, có nghĩa, gặp giống gì còn sống, không hề dày chân lên bao giờ… Ba anh ấy, Vua cho ở trên các giống chúng tôi là phải. Chớ đến như con rùa thì nào có công đức gì, mà cũng được vào một hàng với ba anh ấy ? Kể nó thật nhát gan hơn con chuột, hễ thấy người ta thì co chân, rụt cổ, hình thù trông rất khốn nạn. Tôi lại bắt được nó mấy lần ăn vụng sen trong hồ Nhà Vua, mà không muốn nói. Như tôi đây lưng dài, vai rộng, trạng mạo không kém gì anh Rồng và khi ai có tội, Nhà Vua vẫn sai tôi phải nuốt đi… Tôi có công nhường ấy, mà Nhà Vua lại cho rùa ở trên tôi, thật là ức cho tôi lắm… Kia Nhà Vua không trông : cái mai nó cong cong như thể mu gì, cái đầu nó đen sì thò lõ như thể vật gì 51. Để nó ở trên tôi bất tiện… » Diêm vương nghe tâu, phán rằng : « Ta không phải không biết thế, nhưng con rùa trạng mạo nó tuy có xấu, mà nó được cái ẩn tướng rất quí. Cái mai nó có bát quái, xem đó mà bói toán được. Nó lại không ăn uống gì mấy và hay biết cơ trời trước. Nó lại còn được cái tuổi già hơn các anh nhiều… Nên ta cho nó ở trên các anh là phải, còn ghen tị gì ! » Thuồng luồng nghe nói phải chịu, nhưng trong bụng vẫn hậm hực không phục được anh đầu đen, cổ rụt, nặng nề, chậm chạp, chịu luồn cúi dưới tấm bia hay chân hạc. 37) RÙA CHƠI VỚI HẠC Xưa có một hôm, con rùa gặp ông Bụt, mới hỏi Bụt rằng : « Tôi đứng một hàng tứ linh với con Long, con Lân, con Phượng. Tôi muốn làm bạn với chúng nó, nhưng mà con rồng thì ở trên trời cao, không mấy khi xuống đây ; con lân thì ở trong rừng xanh, không mấy khi ra đây ; con phượng thì ở nơi đan huyệt, không mấy khi lại đây ; vậy ông bảo tôi biết làm bạn với con nào cho được ? » Bụt đáp rằng : « Mày là Trời cho sống lâu, chẳng con nào bì kịp nên con nào được làm bạn với mày. Bây giờ mày muốn có bạn, thì để tao cho làm bạn với con Hạc, vì Hạc cũng sống lâu lắm. Tục ngữ thường nói : « Tóc Hạc, tuổi Rùa ». Vậy mày kết bạn với hạc là phải ». Bụt nói dứt lời, có một đàn hạc vừa bay qua đó. Bụt giơ tay vẫy. Một con hạc sà xuống. Bụt bảo hạc rằng : « Mày phải làm bạn với con rùa, kẻo để nó co ro một thân, một mình tội nghiệp ! » Hạc nói : « Tôi thì bay cao, anh rùa thì không biết bay, tôi làm bạn với anh ấy sao được ? » Bụt bảo : « Khi nào mày đi kiếm ăn thì thôi. Còn khi nào thư thả, thì mày xuống làm bạn với nó, cho nó đỡ buồn ». Hạc ép phải vâng lời, nhưng trong lòng vẫn không ưng làm bạn với rùa. Cho nên bao giờ xuống chơi với rùa, nó cũng leo lên lưng rùa đứng 52. Vì truyện này và nhiều chuyện khác mà người ta thường lầm tưởng con hạc đứng trên con rùa. 38) VÀNG ANH Đời xưa, những khi làng chim hội họp, vàng anh, cậy mình là đàn anh, khinh miệt cả loài khác. Cả làng chim lấy thế làm giận, mới làm đơn kiện lên ông Chu tước rằng : « Loài cầm chúng tôi, con quạ, con cuốc thì mặc đồ đen ; con diệc, con cò thì mặc đồ trắng ; con bói cá, con vẹt thì mặc đồ xanh ; con bìm bịp, con gà thì mặc đồ đỏ… còn sắc vàng là sắc cấm, chỉ nhà vua mới được dùng, sao vàng anh lại dám lấy sắc ấy làm đồ mặc ? Vả lại cù tu, tu hú lớn hơn chúng tôi gọi là cụ, là cô còn có lẽ phải. Chớ như vàng anh, khôn ngoan đã chẳng bằng ai, tầm vóc lại bé tỉ ti, mà dám xưng là anh cả làng, thì thật là ức cho chúng tôi quá… » Ông Chu tước cho đòi vàng anh đến hầu kiện. Vàng anh gục xuống thưa rằng : « Chúng tôi khi xưa vốn là loài người, trời bắt hóa làm chim, mà lúc hóa, thì chúng tôi mắc bận áo vàng, nên bây giờ không sao thay đổi được nữa. Vả chăng mặc sắc vàng chẳng những một mình tôi, các loài bông lau, sẻ mía cũng đều nhuộm sắc vàng cả. Còn bảo sao chúng tôi cậy là anh, thì xin thưa rằng chúng tôi nào có dám tự xưng là anh, là bác gì làng chim đâu ? Số là ở nhà chúng tôi có vợ nó vẫn quen gọi tôi là anh, thì tôi là anh với nó ở trong nhà tôi thôi… » 53 Ông Chu-tước nghe đôi bên kêu cãi xong, rồi xử rằng : « Thôi vốn xưa nay mi mặc áo vàng và vợ mi quen gọi mi bằng anh, thì ta họp hai tiếng là một mà đặt tên cho mi là Vàng anh, chớ không phải mi là anh, là chú ai cả. Còn các loài chim kia cũng thôi về làm ăn, đừng kiện tụng gì lôi thôi nữa ». 54 39) CUỐC KÊU TRĂNG Xưa có người đàn bà, chồng đi lính xa, đã lâu ngày không thấy về. Người đàn bà ấy hết lòng trông đợi, đêm rằm, mười sáu nào cũng ra giữa sân, ngửa mặt lên Cung Trăng mà khấn rằng : - Xin với Bà Nguyệt, Nhủ lòng soi xét : Khiến cho chồng tôi. Cũng tròn như bà ; Đừng sự lôi thôi Ra chiều nguyệt hoa, Nữa phụ lòng tôi. 55 Được ít lâu ; có tin rằng chồng đã bỏ mạng ở nơi chiến trường. Người đàn bà càng nghĩ càng thương chồng, bấy giờ bất cứ đêm nào cũng ra sân, trông mặt trăng mà khóc suốt năm canh, khóc mãi đến héo cả ruột, rạc cả người đi mà chết. Lúc chết, hóa ra con cuốc cuốc. Đã làm con cuốc cuốc, mà vẫn còn nhớ đến chồng mùa đông, mùa hè đêm đêm vẫn cứ trông trăng mà kêu rất thảm. Cho nên có những câu hát con cuốc rằng : « Con cuốc mà kêu mùa hè. Làm thân con gái, ai dè bù cho ? Con cuốc mà kêu mùa đông. Con cuốc thương chồng, tiếng khóc nỉ non ! » 40) LÀM KIẾP CON GÌ Xưa có một người, lúc sống ở đời, chuyên nghề làm hương và bán hương thơm lắm. Đến khi chết xuống âm phủ, Diêm vương bảo rằng : « Mày ở dương gian làm hương khéo tốt. Bây giờ ta cho mày hóa kiếp khác, lại lên dương gian. Vậy mày muốn làm kiếp gì ? Hay tao hóa cho mày làm con nhện ». Người kia thưa rằng : « Vâng, cứ theo như câu : « Trông cho ông chủ tôi sang. Để tôi mắc võng nằm ngang giữa nhà » 56. thì làm con nhện cũng an nhàn lắm. Song, tôi nghĩ : khi nhà chủ có đứa trẻ, mắc chứng đái dầm, nó bắt nhện, nướng cho ăn, thì bấy giờ nhện còn an nhàn nằm võng sao cho được ? » Diêm vương lại bảo rằng : « Thế thì cho mày hóa kiếp làm con gián mày nghĩ làm sao ? » Người kia lại thưa rằng : « Vâng cứ theo như câu : « Trông cho ông chủ tôi giàu. Để tôi hút mỡ, ăn dầu quanh năm » thì làm con gián, cũng được no nê lắm. Song tôi nghĩ khi gặp con mối, con thằn lằn nó vồ, nó nuốt gián đi thì bấy giờ gián còn dầu, mỡ no nê làm sao được ? » Diêm vương nghĩ một lúc rồi bảo : « À ! Tao nhớ sách trên dương gian chúng mày có câu : « Nam tử bất năng lưu phương bách thế, diệc đương đi xú vạn niên » 57. Mày lúc sống làm người bán hương, đã lưu được điều thơm, bây giờ hóa kiếp, tao tưởng nên cho mày làm con vật gì chỉ nghề lưu lại điều hôi thối lại thôi. Mày chớ lo, tao cho mày ở một nơi gió chẳng động, mưa chẳng ướt, lửa chẳng đến, nước chẳng vào, không ai nom ngó đến mày, không vật nào bắt bớ ăn thịt mày… chỉ có mày rúc rói ăn thịt người ta thôi… Mày nghĩ sao ? Người làm hương nghĩ được như thế, lấy làm vui vẻ, ngửa mặt lên thưa rằng : « Nếu quả được như thế, tôi xin làm, tôi xin làm ». Diêm vương liền sai quỉ sứ đem người ấy lên dương gian, tưởng cho làm kiếp gì, chẳng hóa ra kiếp con rệp. 41) ĐEO NHẠC CHO MÈO Tự bao giờ đến giờ, mèo cứ xơi chuột luôn mãi, nên chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi. Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn, chuột ta lấy thế làm giận, một hôm, mới hội cả nhau lại làm một làng chuột, để chống giữ với mèo. Thôi thật đủ khắp mặt : nào anh Chù, mùi hôi đến nỗi đã thành câu ca 58, nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt đã nên câu ví 59, nào lại ông Cống, rung rinh, béo tốt quan trường lại chấm cho ở trên ông đồ… 60 Khi làng dài răng 61đã tề tựu đông đủ cả rồi, ông Cống mới lên giọng rằng : « Cái giống quái kia sở dĩ nó chụp được anh em mình, chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ bà con ta nên mua một cái nhạc, buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng nhạc, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa ». Cả làng chuột nghe nói, dẩu mõm quật đuôi đều lấy làm phục cái câu chí lý của ông Cống và đồng thanh ưng thuận. Khi nhạc đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp, con nào, con nấy lao xao hớn hở, bảo nhau đã sắp tới ngày thoát ly được cái ách ông Miu ranh mãnh rồi. Nhưng kịp lúc hội đồng, hỏi ai dám đem nhạc đeo vào cổ mèo, thì thấy cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả. Không biết cử ai vào việc đại sự ấy, bất đắc dĩ, làng cắt ông Cống phải đi, vì chính ông Cống đã xướng lên cái thuyết đeo nhạc vậy. Ấy mới khốn ! Nhưng Cống ta trong lòng tuy nao, mà ngoài mặt làm ra bộ bệ vệ kẻ cả, nói rằng : « Tôi đây, chẳng gì, nhờ tổ ấm, cũng được vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên, ngồi trước trong làng, có đâu làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được. Trong làng ta nào có thiếu chi người ! Tôi xin cử anh Nhắt, anh ấy nhanh nhẩu chắc làm được việc ». Ấy mới hay ! Nhưng Nhắt ta trở mặt láu, cãi lý rằng : « Làng cắt tôi đi, tôi cũng xin vâng, không dám chối từ. Nhưng tôi, dù bé vậy, mà cũng còn ở chiếu trên, chưa đến nỗi nào. Ông Cống không đi, phải ; tôi đây không đi, cũng phải. Để xin cắt anh Chù, anh ấy tuy chậm, nhưng chắc chắn, làng không lo hỏng việc ». Ấy mới không có gì lạ ! Chú ta thật thà, không biết cãi sao, ụt ịt nói rằng : « Tôi là đầy tớ làng, làng sai tôi đi là phải lắm. Nhưng tôi chỉ sợ, nếu tôi đến gần mèo mà mèo thịt tôi đi, thì rồi lấy ai thay tôi mà buộc nhạc được nữa ». Chuột Cống nhanh miệng bảo : « Mèo nó vờn chúng tao, vờn các anh Nhắt kia, chớ chúng mày hôi hám như thế, thì nó bắt mà thèm vào. Thôi, cứ nhận đi ngay đi, không được nói lôi thôi gì nữa ». Chuột Chù ỳ ạch phải nhận, vác nhạc ra đi, tìm mèo thật. Khốn chưa trông thấy mèo, mới nghe thấy tiếng, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến. Nhưng sợ lệnh làng, sau đánh bạo, phải lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm vờn đến thật. Song, mèo cũng nhe nanh, giương vuốt làm cho Chù cắm đầu, vác cái thân ỳ ạch, chạy khốn, chạy khổ, về báo cho làng hay. Cả làng nghe bảo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn chẳng ai hỏi đến cái nhạc, nó bon đi đâu và bon tự bao giờ không biết. Thành tự đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi. 42) CỌP KHÔNG SỢ DÊ Một đàn dê ăn cỏ ở dưới chân núi. Có con cọp ngồi rình trong bụi cây, thấy dê quát một tràng « be, be be… », thì loài nào loài nấy sợ khiếp chạy trốn cả. Cọp thấy thế cũng sợ. Nhưng sau cọp nghĩ : « Mình là một giống oai linh, mà so với nó, mình có phần to lớn hơn nó nhiều thì mình có sợ chi… » Tuy vậy, cọp vẫn còn rụt rè không dám ra khỏi bụi. Nhưng ngồi mãi, cọp thấy dê cũng chỉ be đến có thế mà thôi. Cọp mới thử gầm lên một tiếng. Thì cọp thấy dê co quắp lại, như muốn be be mà cuống cả lưỡi be không ra hơi nữa. Biết thóp là dê nhát gan, cọp mới xồ ra vồ bắt thì thật dễ như chơi. Thành tự đấy cọp thấy dê là cọp bắt ăn, không sợ dê, khiếp dê như trước nữa. 43) CỌP CŨNG KHÔNG SỢ NGỰA Một hôm, có con ngựa đang ăn trong núi, thân thể to lớn, tính khí dữ tợn, hễ thấy loài nào, là miệng nó thét cắn ầm ỹ, chân nó hất đá lung tung, cho nên không loài nào dám đến gần nó cả. Có con cọp rình muốn bắt ngựa. Nhưng thấy ngựa cao lênh nghênh hơn mình, lại có tài nghề đá hắt giỏi, nên cọp sợ, cọp ngồi núp một xó bụi để xem ngựa dở những trò trống gì. Một lúc lâu, thấy ngựa im, chỉ phe phẩy qua cái đuôi dài, hay lắc cái cổ bờm tua tủa sang bên nọ rồi lại vắt sang bên kia. Cọp chạy đến, giả vờ như muốn xông vào bắt ngựa. Thì thấy ngựa thét thực hung mà hai chân sau đá lên thực cao. Cọp có ý sợ, lùi lại… Lại thấy ngựa im. Đợi một chốc, cọp lại chạy tới giả vờ như muốn xông vào bắt ngựa nữa, thì lại thấy ngựa thét, ngựa đá hai chân sau. Cọp ta không có ý sợ nữa. Cọp ngồi nhìn một chốc, rồi lại xông ra như muốn bắt. Thì lại thấy ngựa chỉ thét dữ với đá hai chân sau lồng lên thôi. Bận này cọp khinh hẳn ngựa, cọp nghĩ : « Ra con này không còn ngón gì lạ giở ra nữa. Nó chỉ được cái tài thét láo với đá bậy mà thôi ». Nghĩ đoạn, cọp xông vào bắt ngựa, thì quả bắt được ngay, ngựa không có cách gì mà chống lại. 44) TÌNH VỢ CHỒNG NGHĨA ANH EM Lúc mới tạo thiên lập địa. Trời sinh ra muôn vật, Trời hỏi chim gáy rằng : « Anh em hơn hay vợ chồng hơn ? » Chim gáy tâu : « Anh em ai đầy nồi nấy, Vợ chồng không thấy lìa nhau… » Trời bảo : « À ! loài mày đã cho tình vợ chồng hơn nghĩa anh em, thì tao cho từ giờ chỉ hai vợ chồng mày đi với nhau thôi ». Đoạn, Trời hỏi le le 62 rằng : « Vợ chồng hơn hay anh em hơn ? » Le le tâu : « Anh em như chân như tay ; Vợ chồng như áo cổi nay thời lìa… » Trời bảo : « À ! loài mày lại trọng nghĩa anh em hơn tình vợ chồng, tự giờ tao cho anh em họ hàng chúng mày thường đi với nhau luôn ». Thành từ đó, chim gáy đi đâu chỉ lẻ loi một đực, một cái, hai con vợ chồng, mà le le đi đầu thì từng đàn, từng lũ, đông đúc anh em. 45) QUẠ BẮC CẦU Khi Trời đầy Ngưu lang và Chức nữ mỗi người ở một bên sông Ngân hà, thì Trời gia ơn cho mỗi năm chỉ được gặp nhau có một bận vào ngày mồng bảy tháng bảy. Rứa mà trên sông Ngân, không có thuyền bè gì đi lại, Trời mới cho gọi mấy phường thợ mộc ở dưới hạ giới lên, sai bắc một cái cầu qua sông, để đến kỳ đôi bên Ngưu, Chức, đi lại với nhau cho tiện. Công trình vĩ đại mà lại không ai đứng chủ trương 63nên mấy phường thợ mộc lên không đồng ý nhau, kẻ đặt mẫu này, người ra kiểu khác, không ai chịu ai cả, thành chỉ phường này phường nọ ra công cãi nhau hết ngày ấy sang ngày khác. Bất đồ đã gần một năm, sắp đến kỳ Ngâu ông Ngâu bà được gặp nhau, mà cái cầu vẫn chưa thấy hình bóng đâu cả. Trời lấy làm giận lắm, mới bắt tội cả mấy phường thợ mộc hóa kiếp cho làm quạ, và bắt quạ năm năm cứ đến ngày hai ông bà Ngâu được gặp nhau, thì phải cả đàn, cả lũ lên sông Ngân lấy đầu ken làm cầu cho hai ông bà qua lại. 64 Các phường thợ mộc phải hóa làm quạ không dám giận Trời, nhưng lại càng giận nhau. Nên chi mỗi năm đến kỳ quạ gần phải lên bắc cầu trên sông Ngân hà, quạ lại mổ nhau, chọi nhau xơ xác cả lông đầu. Vả chăng quạ ăn uống đã không sạch sẽ, mà lông cánh lại không có gì là đẹp, nên lúc hai ông bà Ngâu bước lên đầu chúng đi, thấy đám đen ngòm, thì lấy làm ghê sợ. Ông bà mới truyền cho, năm năm cứ trước khi lên trời, thì phải nhổ những lông đầu đi cho trắng cho đẹp. Mổ nhau, đầu đã trụi, theo lệnh ấy, đầu lại trụi lần nữa, nên cứ vào độ tháng bảy là lông đầu quạ tự nhiên rụng sạch. 46) SÁO VÀ CÒ Xưa có con sáo mỏ vàng hót rất hay, nhưng không mấy khi chịu hót. Có con cò nghe tiếng, đến hỏi cưới nó về làm vợ. Khi mới về nhà cò, sáo thẹn thùng không dám hót, chỉ thường kêu « chiu chiu ». Cò tưởng nó đọc tên nó mà đọc không rõ : Tên là sáo lại đọc là chiu, mới bảo nó rằng : « Có phải tên mày, thì nói cho rõ « sáo sáo » sao lại nói « chiu chiu ». Nhưng bảo sao, nó cũng cứ « chiu chiu » chớ không « sáo sáo » được. Cò nghĩ nó nói ngọng, trong lòng đã không ưa. Đến khi các bạn bè biết có mới lấy vợ, rủ nhau đến mừng. Nghe thấy cò vợ cứ chiu chiu, cò lấy làm thẹn lắm, bảo vợ im đi đừng liến nữa. Nhưng cô vợ không thôi, lại càng chiu chiu già. Bè bạn ai nấy bật cười. Lúc bạn về rồi, cò tức quá, cò mắng sáo rằng : « Chiu cho cha mày, chiu cho mẹ mày, chiu cho cả nhà, cả họ mày ». Vợ thấy mắng, cũng cứ chiu chiu không thôi. Cò không nhịn nổi, liền kéo nó về trả cha mẹ nó lấy cớ rằng : vợ có tật nói ngọng để cho chúng bạn cười. Khi nó vừa về đến nhà, nó thấy cha mẹ nó đang tắm, nó mừng rỡ quá, mới hót luôn mấy tiếng nghe thật như rót vào tai. Bấy giờ cò biết là lầm, mới lại nằn nì kêu nó về nhà, nhưng nó không chịu về, mà cha mẹ nó cũng giữ lại không cho về. Thành cò mất người vợ hót hay. 65