🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Cổ Di-Gan
Ebooks
Nhóm Zalo
Thông tin ebook
Tên sách: Truyện Cổ Di Gan
Tác giả: Marie Voriskova
Dịch giả: Lê Thanh Lộc
Thể loại: Fairy
Năm xuất bản: 2006
Tạo và hiệu chỉnh ebook: Hoàng Nghĩa Hạnh Ngày hoàn thành: 02-05-2012
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Mục lục
Lời dẫn
Kalo Dant đã tới thế giới thứ bảy bằng cách nào
Charkagne làm chuyện dại dột
Con gà mái đen
Công chúa ma cà rồng
Một cuộc chiến tranh không như những cuộc chiến tranh khác Nửa người
Dilino và con quỷ
Bốn anh em
Cây đàn kỳ diệu
Randache và Youache
Thửa đất của quỷ
Công chúa núi băng
Nữ phù thủy
Angulimala khủng khiếp
Thanh gươm của Ori
Lời dẫn
Hầu hết độc giả đều khoái truyện cổ tích. Cơ bản là vì chúng đầy mơ mộng. Cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, các thứ, đều mơ mộng. Thế giới của giấc mơ giàu có và phi thường đến mức chúng đi theo ta nhiều năm sau đó, cho đến khi ta trưởng thành. Cổ tích là một phần trong suốt của văn chương, và
chỉ thứ văn chương thuần khiết nhất mới có thể viết ra những câu chuyện cổ tích tuyệt vời.
Truyện Cổ Di-gan, tập truyện mà tôi tình cờ có được trong một chuyến vét tiệm sách, là một tập truyện cổ tích đúng nghĩa. Cổ-tích, hiểu theo nghĩa đen, là những câu chuyện cổ được truyền tụng qua những cuộc hội họp cộng đồng, từ những người già sang lớp trẻ, từ những người mẹ kể cho con nghe trước lúc đi ngủ, từ người thi sĩ kể cho khán giả của anh ta sau một ngày lao động mệt nhọc. Tập truyện cổ này tràn đầy những điều huyền bí, li kỳ không kém gì bất cứ truyện cổ của quốc gia nào. Hơn thế nữa, từng trang sách lại phóng khoáng, lãng mạn và tự do đúng như bản chất của các tộc người Di gan du mục.
Như mọi câu chuyện cổ, chúng ta có ở đây những hoàng tử, công chúa, phù thủy xấu và phù thủy tốt (thay cho bà tiên trong các câu chuyện fairytale của người châu Âu). Cả những con quỉ ngu ngốc nữa. Chúng ta có những người tốt phải trải qua các cuộc phiêu lưu để đạt đến mục tiêu. Chúng ta có những
cô thiếu nữ xinh đẹp bị phù phép thành con vật và phải chờ tình yêu của mình đến giải thoát. Chúng ta thậm chí có một anh thanh niên leo lên đến tận 7 tầng trời.
Các câu chuyện được kể ra một cách dí dỏm, đầy vui thú, với nhịp độ rộn ràng như một vũ điệu bô-hê-miêng. Một giọng kể đích thực là để kể ra một cách du dương những câu chuyện phiêu lưu tuyệt vời của anh chàng Kalo Dant leo lên lưng con rồng và bay khắp cùng trời cuối đất, của trí thông minh từ một thanh niên thấp hèn đã cứu cả hai vương quốc khỏi nạn chiến tranh, của một người chủ hiệu buôn lên đường đến đỉnh núi cao nhất và băng giá nhất để cầu hôn nữ hoàng băng giá, của tiếng vĩ cầm du dương từ Lavoutta – người chăn bò, đã cứu sống một thiếu nữ khỏi bị chôn vùi linh hồn trong cành đỗ tùng vĩnh viễn. Một giọng kể không lên gân, không làm duyên làm dáng, bởi cái duyên dáng đã thấm đẫm trong từng chi tiết của câu chuyện rồi. Một giọng kể giống như một dòng suối, tuôn ra một cách hào sảng khiến người đọc hứng khởi qua từng trang sách.
Một điều hay ho nữa của tập sách này, là bởi vì tính chất tự do không câu nệ của nó. Chúng ta vẫn có sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa cái tốt và cái xấu xa, giữa trí khôn và sự ngu ngốc. Nhưng mọi thứ đã không còn cố định trong khuôn thức nữa. Mọi thứ dường như linh hoạt hơn, hoang đường hơn, bạo
liệt hơn mà xét về một nghĩa nào đó lại văn minh hơn. Ví dụ trong truyện Charkagne Làm Những Trò Ngu Ngốc, con rồng Charkagne tưởng như bắt lũ trẻ về hang để ăn thịt (giống khuôn mẫu của con rồng độc ác khè ra lửa của truyện cổ Châu Âu), nhưng hóa ra là vì nó quá u sầu nhớ nhà nên bắt bọn trẻ về chơi với nó. Về sau khi có người giải thoát bọn trẻ thì nó lại bắt công chúa về bầu bạn. Đến khi không bắt ai được nữa thì nó đã tự kỷ hết sức, đành hóa ra ba cái đầu để tự bầu bạn với nhau. Đấy, một con rồng ba đầu khè ra lửa cô đơn ủ dột.
Một ví dụ khác là Tindir Gudurn – nàng công chúa của núi băng. Nàng ta biến tất cả những kẻ cầu hôn mình thành băng. Khi có người thực hiện được yêu cầu của nàng, Tindir Gudurn đành phải lấy chồng. Nhưng nàng vẫn băng giá và độc ác. Bạn sẽ nghĩ nàng hắn sẽ làm những trò bạo ngược. Nhưng không, một khi những mảnh băng nàng mang theo người tan hết ra, nàng trở thành một phụ nữ xinh đẹp và dịu hiền. Cái ác không bao giờ tồn tại quá lâu trong những câu chuyện của người Di-gan, bởi bản tính họ luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Sự chuyển hóa từ ác sang thiện, và hành trình tiêu diệt cái ác nói chung trong tập sách rất hài hước và khiến ta vui thú.
Người Di-gan cũng không ngại ngùng gì khi đề cập đến bạo lực và những điều phi luân trong những chuyện kể của họ. Bạn sẽ bắt gặp những chi tiết khó chịu khi đọc tập cổ tích này, đại loại như một thanh niên sinh ra từ một con vật và cuối cùng trở thành một vị vua vĩ đại. Nhưng điều này càng chứng tỏ thêm bản tính tự do của người Di-gan : không có gì là không thể. Cái xấu và cái tốt có thể đến bất cứ đâu. Cái quan trọng là hành trình để cái tốt thắng thế, còn nguồn gốc thì không gì quan trọng cả. Phải chăng do đức tính phóng khoáng của một dân tộc chịu tù đày và vô tổ quốc đã khiến họ đủ mạnh mẽ để vượt qua những điều tàn bạo nhất?
Truyện cổ Di-gan hẳn nhiên là một tập truyện hấp dẫn. Có lẽ nó còn dễ tiếp cận hơn truyện cổ của nhiều quốc gia khác. Sự huyền bí của nó gợi nhớ đến Nghìn lẻ một đêm của xứ Ả Rập, sự li kỳ của nó ảnh hưởng từ Thần thoại châu Âu, và cách mà người ta kể ra nó, gọn gàng và đầy nhịp điệu, trong sáng và hào hứng, đến nỗi bất cứ ai cũng có thể đọc nó liên tục từ đầu đến cuối. Một cuốn sách mà trẻ em sẽ thấy một thế giới huyền bí mơ mộng, còn người lớn sẽ thấy sự dí dỏm và tính chất tự do.
Kalo Dant đã tới thế giới thứ bảy bằng cách nào
Ngày xưa có một thanh niên Di-gan tên Kalo Dant. Từ ngày ra đời, anh đã theo bộ lạc của mình đi khắp thế giới. Suốt thời thơ ấu, anh đã lần lượt đi thăm từng xứ lạ và, khi được hai mươi tuổi, anh đã thấy nhiều xứ đến nỗi anh tự hỏi còn có xứ nào khác nữa không. Anh tin chắc rằng rồi đây bộ lạc của anh sẽ đi tới tận cùng thế giới. Mà Kalo Dant là người trẻ tuổi hiếu kỳ, anh thích đi đây đi đó, anh luôn luôn muốn thấy chuyện mới lạ.
Một hôm, anh được biết rằng có bảy thế giới giống như thế giới của chúng ta. Rất sung sướng, anh tự nhủ: Khi mình đã đi tới tận cùng thế giới, ít ra mình cũng không phải đi trở lại. Và anh bắt đầu hỏi người này, người nọ để biết làm thế nào tới được những thế giới khác ở phía trên thế giới của chúng ta. Những người Di-gan chế nhạo anh:
- Không ai tới được những thế giới ở phía trên chúng ta, vì các vòm trời cứng như đá phân cách chúng ra.
Ngày xưa, khi Thượng đế Nhân từ giận người Di-gan và đuổi họ ra khỏi xứ, người cũng đã làm cho bầu trời tách ra xa mặt đất và vì vậy mà từ đó bầu trời rất cao.
- Mày có thấy trời cao lắm không? Người Di-gan đưa tay lên, hỏi Kalo Dant. Chỉ có chim mới bay xa được như vậy. Và ngay chim cũng sẽ gãy cánh khi đụng vòm trời.
Kalo Dant nằm ngửa trên cỏ, nhìn trời, nhai một cọng cỏ và nghĩ: Nhất định là trời cao lắm. Nhưng có những ngọn núi cao đến nỗi đỉnh núi khuất trong mây. Nếu mình leo lên núi, đầu mình có lọt vào các thế giới phía trên không? Anh thấy ý nghĩ đó hoàn toàn hợp lý. Anh không nói với ai hết và quyết định tự đi tìm một ngọn núi cao, leo lên núi và xem có thể tới thế giới kia không.
Anh gói ghém áo quần, lẻn ra khỏi trại và đi về phía một ngọn núi cao mà đỉnh núi khuất trong mây. Tới chân núi, anh bắt đầu leo lên. Sườn núi dốc đứng, Kalo Dant nhảy qua những tảng đá và rãnh núi như một con sơn dương vì anh còn trẻ và nhanh nhẹn.
Khi đã lên rất cao, anh nhìn lại mình và thấy sương trắng bao phủ tới thắt lưng. Chắc chắn là anh đã ở trong mây? Anh giang tay ra, hy vọng sờ thấy vòm trời, nhưng tay anh không đụng cái gì cứng chắc cả. Vì sương mù
không cho anh nhìn thấy rõ, anh sợ sẽ rơi xuống vực nên quyết định nghỉ ngơi một chút. Anh ngồi xuống đất, rồi anh ngủ.
Khi anh thức dậy, sương mù đã tan. Nhưng nếu cảnh vật mà Kalo Dant nhìn thấy đúng là một thế giới khác, thì thế giới đó rất trống trải và rất buồn. Không có cây cối, không có bụi rậm, không có cả một đóa hoa nhỏ - chỉ có những đỉnh núi nhọn và những mỏm đá đen sì và trần trụi.
Anh đứng dậy để đi xa thêm chút nữa thì bỗng anh thấy một cái cây! Dầu sao đi nữa, cũng có cái gì mọc được ở đây chớ! Nhưng cái cây này lạ quá! Nó mảnh khảnh, vươn thẳng lên trời. Kalo Dant ngẩng đầu nhìn nhưng không thể nào thấy ngọn cây. Không thế nào biết được cây này có lá hay nhánh không. Mình sẽ leo lên - Kalo Dant tự nhủ.
Nói là làm. Kalo Dant leo, leo mãi. Rồi anh mệt, anh dừng lại một lúc để thở. Anh ngẩng đầu lên. Quả thật trời gần như ở sát tầm tay anh. Nhưng anh vẫn không thấy ngọn cây. Ngược lại, anh thấy một thứ khác. Ngạc nhiên, anh chớp mắt, giụi đôi mắt đỏ hoạch và gần như mù vì mặt trời có vẻ sáng rực sát bên đầu anh; nhưng anh vẫn thấy vật đó. Đó là... một chiếc dép!
Một chiếc dép bình thường nhất, cũ mèm và méo mó. Nó chỉ treo lơ lửng trong không khí hay được móc vào một vật gì? Không, chiếc dép đó xỏ trong một bàn chân, một bàn chân người, một bàn chân đen đủi và trần trụi, giống bàn chân của Kalo Dant như hai anh em.
Anh ngẩng đầu cao hơn nữa và thấy một người Di-gan ngồi trong không khí. Khám phá đó làm anh yên lòng và anh nhăn mặt một cách thân thiện để chào người đồng hương. Người Di-gan kia toét miệng ra cười và nói:
- Kalo Dant, không sớm lắm đâu. Ta đã tưởng rằng không bao giờ anh tới đây được.
- Ủa, ông biết tôi sao?
- Nhất định rồi, vì ta đợi anh mà.
- Để làm gì?
- Ồ… ta biết rằng anh đã có ý định đi thăm thế giới ở phía trên chúng ta và ta đã quyết định giúp anh.
- Tại sao vậy? Kalo Dant không ngớt ngạc nhiên.
Người kia trả lời khô khan:
- Trông chừng để anh khỏi té gãy cổ thì vẫn hơn. Thật ra ta là thần hộ mạng của anh.
- Tốt quá! Vậy cánh của ông đâu?
- Chúng ta, thần hộ mạng của người Di-gan, chúng ta không có cánh trên vai như thần hộ mạng của người khác - thiên thần đen giải thích. Chúng ta có cánh ở chân.
Kalo Dant tò mò nhìn bàn chân trong chiếc dép; anh chỉ nhận thấy rằng chân của thiên thần mà như thế thì dơ quá chớ không thấy gì khác hơn.
- Cánh của ta đó!
Thiên thần đen đong đưa chiếc dép trên ngón chân cái. - Đây không phải là một chiếc dép tầm thường, dầu trông nó chẳng ra gì... Ta đã mang nó dễ đến hai ngàn năm rồi, nên nó hơi cũ. Nhưng đây là một chiếc dép thần, ta muốn đi đâu nó đưa ta tới đó, trên trời, dưới đất, và nó đi nhanh hơn chim.
- Có thể được việc cho tôi lắm - Kalo Dant nói và thở dài.
- Ta sẽ cho anh mượn chiếc dép này - thiên thần nói. Nhưng anh phải hứa với ta một điều. Ta muốn anh cỡi dép ra và ném nó đi ngay khi anh tới thế giới khác. Không có chiếc dép này, ta không làm việc được.
Kalo Dant vồn vã hứa ngay.
Thiên thần đen đưa chân ra, bảo Kalo Dant tháo dép và mang vào chân anh. Vừa xỏ chân vào dép, Kalo Dant cũng bắt đầu đi lên! Anh di lên nhanh không kịp thở... Đột nhiên, anh dừng lại. Anh cảm thấy đất liền dưới chân. Một lúc sau, anh thấy nhiều người từ bốn phía chạy tới gặp anh... Đó là những người Di-gan. Mắt của họ đen, tóc quăn thành lọn, và có nhiều trẻ con.
Kalo Dant yêu trẻ con. Anh lục túi để tìm một viên kẹo còn sót lại, một chiếc nút áo đỏ hay xanh, hoặc ít ra một mẩu giấy nhỏ... Nhưng không có gì hết. Anh bỗng nhớ lời hứa với thiên thần. Anh nhanh nhẹn cởi dép và vất nó đi.
Bọn trẻ con la hét, vui mừng và nhào lên chiếc dép vì tưởng anh cho chúng món đồ chơi. Nhưng chiếc dép thần tuột khỏi những bàn tay nhỏ bé nâu sẫm
như một con rắn và biết mất trong nháy mắt.
Bọn trẻ con thất vọng. Kalo Dant muốn giải thích sự thần diệu của chiếc dép cho chúng hiểu, nhưng anh nhận thấy chúng không hiểu được lời anh.
Những người Di-gan vây quanh anh cũng nói một thứ tiếng mà anh không hiểu. Nhưng may mắn là họ rất dễ thương. Họ vỗ vai anh, cười với anh và, cuối cùng, họ kéo anh đi.
Họ dừng chân trước một căn chòi gỗ nhỏ giữa một khu vườn cũng nhỏ xíu. Một ông già Di-gan ngồi trên một chiếc ghế dài. Ông hẳn phải già lắm, vì mặt ông đầy những vết nhăn sâu và da ông giống như một tấm giấy vàng úa. Tóc và râu ông dài, trắng như sữa, nhưng trong mắt ông long lanh ngọn lửa trẻ trung. Khi những người Di-gan dừng trước mặt ông, ông đứng đậy, mỉm cười và nói:
- Khách lạ, mừng anh đã tới đây.
- Ồ, ông biết tiếng nói của tôi? Kalo Dant rất xúc động.
- Ta sống được bao nhiêu tuổi thì nói được bấy nhiêu thứ tiếng - ông già trả lời. Và vì ta đã chín mươi chín tuổi, ta cũng nói được chín mươi chín thứ tiếng. Trừ một thứ tiếng mà ta chưa biết, những thứ tiếng nói này là toàn bộ tiếng nói trong bảy thế giới.
- Và tiếng nói mà ông chưa biết đó là thứ tiếng nói nào?
- Tiếng nói của loài chim. Đó là tiếng nói hay nhất và khó nhất. Trong một năm nữa, khi ta được một trăm tuổi, ta cũng sẽ biết tiếng nói của chim. Còn bây giờ, hãy cho ta biết anh từ đâu tới.
Kalo Dant thật thà cho biết nguyên quán và phương tiện đã đưa anh tới đây. Khi anh nói xong, ông già nói:
- Hiếu Kỳ là bậc đầu tiên của cái thang có tên là Kiến thức. Vì anh đã tới đây, anh hãy cố gắng học một thứ gì đó.
- Rất sẵn lòng - Kalo Dant trả lời. Và tôi tin rằng ông là người có thể dạy tôi được nhiều chuyện. Tôi có thể ở với ông một thời gian không? Đừng sợ gì cả, tôi không phải là miệng ăn vô dụng, tôi sẽ làm việc.
Ông già bằng lòng nên Kalo Dant ở lại nhà ông.
Sáng hôm sau, Kalo Dant thấy trong sân không còn nhiều củi lắm. Anh đề nghị ông già để anh vào rừng đốn củi.
- Không đơn giản vậy đâu, cậu nhỏ - ông già nói. Cậu phải học tiếng nói của cây cối.
- Cây cối cũng có tiếng nói ư? Kalo Dant hết sức ngạc nhiên.
- Hẳn nhiên, hẳn nhiên; nhưng tiếng nói đó im lặng lắm nên người ta không nghe được. Một số cây nói vì chúng đang sống. Những cây khác không nói nữa - đó là những cây chết mà chúng ta có quyền đốn. Ta sẽ theo cậu vào rừng để chỉ cho cậu cây nào đốn được và cây nào phải để cho nó mọc.
Họ đi vào rừng. Ông già Di-gan nói đúng! Khi ông nói với cây, một số trả lời ông, một số im lặng. Những cây không nói bị Kalo Dant đốn hạ, và trong khi anh làm việc với chiếc búa, ông già dạy anh tiếng nói của cây.
Kalo Dant sống ở nhà ông già Di-gan được một năm; anh đã học được nhiều điều. Một hôm, ông già nói với anh:
- Kalo Dant, cái gì cậu đã học được, từ nay trở đi cậu đã biết rõ. Tôi không giúp gì cho cậu được nữa, vì giờ cuối cùng của tôi đã tới. Hôm nay tôi được một trăm tuổi và bây giờ tôi biết tiếng nói thứ một trăm và cuối cùng - tiếng nói của loài chim. Cậu phải rời khỏi nơi đây và trở về nhà.
Kalo Dant buồn lắm.
- Làm sao tôi trở về được? Vì tôi đã tới đây nên đường sẽ ngắn hơn nếu tôi đi thăm những thế giới phía trên chúng ta. Tôi không muốn trở về trước khi thấy hết các thế giới đó. Ông không thể khuyên tôi một lời cuối cùng sao? Làm thế nào đi tới các thế giới kia?
- Tại sao lại không được? Ông già trả lời. Ta rất vui lòng khuyên cậu một lời cuối cùng, nhưng ta không biết nó có ích gì cho cậu không. Nếu cậu đi qua khu rừng có cây sống và cây chết, cậu sẽ gặp một bãi cỏ. Cậu ngồi đó và chờ. Nhưng ta cho cậu biết rằng nơi đó hoang vu và hiếm có người qua lại. Tuy nhiên, khi cậu thấy có người tới, chắc chắn người đó chỉ được cho cậu cách đi tới các thế giới khác.
Kalo Dant nồng nhiệt cảm ơn ông già, từ giã ông và ra đi. Anh qua khỏi khu rừng, tới bãi cỏ, ngồi xuống và đợi. Nhưng không có ai tới. Đêm xuống, Kalo Dant nằm ngủ trên cỏ. Sáng ra, anh thức dậy, nhưng vẫn không có ai
tới. Anh tiếp tục chờ hết ngày, vẫn không thấy người nào. Hôm sau cũng vậy. Ngày thứ ba, Kalo Dant đói gần chết. Anh thích thà chết hơn trở về tay không. Anh lại nằm lên cỏ và nhắm mắt. Bỗng anh nghe tiếng nói trên đầu:
- Kalo Dant, đứng dậy!
Anh hoảng hốt, đứng bật dậy và thấy một ông già cao lớn vận quần áo trắng, râu dài và cũng bạc trắng. Thấy ông, Kalo Dant vừa sợ vừa kính trọng. Anh quì xuống và cúi đầu.
- Thế ra anh đã có ý định đi thăm hết các thế giới của ta - ông già nói giọng nghiêm khắc. Tên phàm phu khốn kiếp, ngươi không nghĩ rằng sở dĩ ta đã ngăn cách các thế giới ra để những người phàm tục các người khỏi đâm sầm vào nhau, là vì ta biết ta phải làm gì sao?
Lúc đó Kalo Dant hiểu rằng anh đang ở trước mặt đấng Sáng tạo ra bảy thế giới. Anh nín thinh một lúc rồi nói:
- Thưa Đức Ông, tính tò mò xấu lắm... Nó giống như khát nước. Nếu người ta không muốn chết khát, người ta phải đào giếng. Nhiều người khôn lanh, họ biết ngay chỗ đất nào có nước, và họ có dụng cụ đào đất... Nhưng, những người khác thì khờ khạo, họ không biết gì hết và không có dụng cụ. Nhưng họ cũng khát nước. Nếu họ không có dụng cụ, họ cũng bới đất bằng tay không.
- Nói hay lắm, Kalo Dant - Thượng đế Nhân từ nói. Đúng là người phàm các ngươi rất tò mò, nhưng các ngươi có lý. Ai không hỏi gì hết thì cũng không học được gì hết; ai không tìm kiếm thì không gặp... Ngươi đã hỏi và đã tìm kiếm. Nghe cho kỹ những lời ta sẽ nói và suy nghĩ trước khi trả lời. Ta cho phép ngươi đi thăm bảy thế giới, nhưng ta sẽ không giúp ngươi trở về nhà. Khi đã tới đó rồi, ngươi phải xoay sở một mình. Bằng lòng không?
- Con bằng lòng.
Thế là Thượng đế cất tay lên. Kalo Dant bay lên không, càng lúc càng xa, càng lúc càng cao.
Cứ bay như vậy, anh tới thế giới thứ ba. Anh đi ngang đi dọc một thời gian, nhìn kỹ nó, nhưng thấy ngay là nó không mấy khác thế giới thứ nhất và thứ hai. Anh chỉ có cảm giác là thế giới thứ ba này ít người ở hơn. Ít khi anh gặp người qua lại trên đường đi. Khi tới thế giới thứ tư, anh thấy nó còn vắng vẻ hơn nữa. Ở thế giới thứ năm và thứ sáu, anh biết chắc rằng một thế giới càng
cao, càng có ít người ở.
Sau hết, Kalo Dant tới thế giới thứ bảy và cuối cùng. Anh không gặp người nào ở đó cả. Thế giới này có núi non, có những mỏm đá hoang vu và những khu rừng rậm chạy dài mút mắt và những bãi cỏ xanh tươi, trên đó có những
bầy cừu gặm cỏ, được những đàn chim đủ màu sắc canh chừng. Kalo Dant không thấy chim nhiều như vậy ở bất cứ thế giới nào phía dưới. Và cũng nhiều côn trùng. Có những đám mây côn trùng bay gần sát mặt đất, kêu vo ve và chích dữ dội, đến nỗi anh không còn sức xua đuổi chúng.
Anh tự nhủ là không muốn ở lại đây lắm và bỗng anh nhận ra rằng anh không biết làm cách nào đi khỏi nơi này. Trời nóng. Mặt trời lơ lửng rất gần đầu anh và chiếu sáng dữ dội nên cuối cùng anh phải cởi áo ra. Một lúc sau, anh cởi bỏ hết quần áo. Trần truồng như lúc mới sinh ra, anh nằm dài dưới bóng một cái cây lớn.
Bỗng anh có cảm giác là trời tối sầm lại. Anh ngước đầu lên và thấy một đám mây đỏ sẫm bay ngang qua quả cầu lửa. Trời sắp mưa - anh tự nhủ và cảm thấy nhẹ nhõm.
Quả nhiên, một lúc sau, anh thấy giọt mưa đầu tiên đập vào má. Nhưng thứ mưa này kỳ lạ quá? Nước mưa nóng đến nỗi Kalo Đant suýt bị luộc chín.
Anh chồm dậy để tìm một chỗ trốn trận mưa nóng bỏng. Cái cây mà anh tránh nắng có tàng rất rậm. Anh leo lên cây, nấp trong tàng lá của nó. Bỗng anh nghe tiếng chiêm chiếp như than van. Anh nhìn lên ngọn cây và thấy một tổ chim lớn.
Chắc là những con chim non đáng thương đang khóc – Kalo Dant thương hại, nghĩ thầm. Cơn mưa lửa này sẽ giết chúng. Anh leo lên và thấy trong tổ có bảy con chim non tuy đã khá lớn nhưng chưa mọc lông. Anh bọc tổ chim trong áo, ngồi co trong tàng cây, chờ cho mưa tạnh.
Trận mưa chấm dứt, Kalo Dant giơ tay toan lấy áo lại thì thấy một con chim lớn lông đen bay vòng trên ngọn cây. Cánh của nó rộng đến nỗi che khuất hết ánh nắng. Con chim đậu bên tổ và nói tiếng người:
- Cám ơn anh đã cứu các con tôi. Anh đã tới xứ của loài chim, và tôi là vua chim. Tôi có thể làm gì để đáp ơn anh?
- Cách tốt nhất là cho tôi biết làm sao đi khỏi chỗ này. Anh có thể chở tôi tới một trong các thế giới phía dưới, nơi có loài người sính sống không?
- Rất rủi là không được - Vua chim nói. Nhưng tôi có thể cho một thuộc hạ chở anh đi. Đó là con rồng Charkagne. Leo xuống đất đi, tôi sẽ dẫn anh gặp nó.
Khi Kalo Dant xuống tới đất, vua chim bay vòng trên đầu anh và nói: - Anh hãy rứt một chiếc lông đuôi của tôi.
Kalo Dant rứt một chiếc lông và vua chim bay lên cao, chỉ đường cho anh.
Kalo Dant tới trước một hòn núi. Trên cánh đồng, một đàn cừu gặm cỏ. Vua chim đáp xuống đất và nói:
- Đây là núi muối. Trong ruột núi này có một cái hang và Charkgagne sống ở đó. Đàn cừu anh thấy đây là của nó. Anh hãy đi tới hang và gọi tên Charkagne. Khi nó đi ra, anh ra lệnh cho nó giết hết đàn cừu. Kế đó, anh lột da, móc ruột, cắt khúc và muối thịt cừu. Rồi anh vào rừng, kiếm gỗ đóng hai chiếc thùng lớn. Anh bỏ đầy thịt muối vào một thùng, thùng kia anh đựng nước trong. Anh máng hai thùng trên một chiếc đòn dài và đặt lên gáy của Charkagne, còn anh thì ngồi giữa chiếc đòn. Và Charkagne sẽ đưa anh tới các thế giới phía dưới, ở bất cứ chỗ nào anh muốn.
- Tới cả thế giới thấp nhất chớ? Kalo Dant hỏi. Anh đã đi khá nhiều nên muốn trở về nhà.
- Vâng, tới cả thế giới thấp nhất. Nếu con rồng không chịu nghe lời, anh cho nó thấy chiếc lông của tôi, hoặc dùng chiếc lông đánh nhẹ để sai khiến nó.
Nói xong, vua chim từ giã Kalo Dant rồi bay đi.
Kalo Dant đi tới hang núi và gọi tên con rồng Charkagne. Con rồng phóng mình ra cửa hang. Trông nó rất dễ sợ. Nó dài ít nhất năm thước từ đầu tới đuôi và mũi nó phun ra lửa. Từ trước tới giờ chưa có con rồng nào sống trong thế giới chúng ta và nếu không có Kalo Dant thì có lẽ không có con rồng nào tới đây.
Khi anh chàng Di-gan thấy Charkagne, anh rất sợ. Phải nói rằng con rồng trông không đẹp mắt chút nào. Hơn nữa, nó không có vẻ vui lòng. Nhưng khi nó thấy chiếc lông chim, nó lễ phép nói:
- Tôi sẵn sàng phục vụ anh. Tôi xin chờ lệnh.
Kalo Dant ra lệnh cho nó làm như vua chim đã nói. Anh giúp nó hạ thịt bầy cừu và hai bên trở thành bạn thân. Khi đã có đủ thịt dự trữ, Kalo Dant đóng hai cái thùng, một thùng đựng đầy thịt và thùng kia đựng nước. Rồi anh ra lệnh cho con rồng mang anh xuống thế giới thấp nhất.
- Nơi đó xa lắm - con rồng rít lên phản đối. Thế là Kalo Dant lấy chiếc lông đánh nhẹ lên lưng nó. Con rồng lập tức trở nên ngoan ngoãn và cả hai lên đường.
Đường xa thật. Thoạt tiên, con rồng phải đi qua những đoạn đường dài phân cách các thế giới; kế đó, mỗi lần đi qua một thế giới nó phải mất thì giờ tìm trên các vòm trời một kẽ hở do một hòn núi cao nào đó chọc thủng. Rất may
là có đủ thịt và nước, vì con rồng cứ đói và khát luôn. Kalo Dant phải bốc một miếng thịt trong thùng và đút vào miệng nó, hoặc nghiêng chiếc thùng kia cho nó uống nước.
Khi hai chiếc thùng đã rỗng, Charkagne bắt đầu gây sự. Nó vẫy đuôi càng lúc càng nhiều hơn; Kalo Dant phải hết sức khốn đốn mới không rơi khỏi lưng nó. Khi anh hiểu Charkagne cố ý làm vậy, anh đâm sợ. Rồi anh nhớ tới chiếc lông của vua chim. Anh lấy ra và đánh nhiều lần lên lưng con rồng. Charkagne lại trở nên ngoan ngoãn lập tức và tiếp tục bay thẳng.
Nhưng chuyện gì cũng có lúc kết thúc, và một hôm, khi Kalo Dant nhìn xuống dưới, anh thấy một nơi mà anh nhận ra ngay. Đó là nơi anh bắt đầu leo lên núi. Khi Charkagne đáp xuống chân núi, Kalo Dant thở dài nhẹ nhõm. Anh nói với con rồng:
- Cám ơn. Chúng ta đã về tới nhà.
- Anh chỉ lo cho anh thôi - con rồng nổi khùng. Anh về tới nhà anh. Nhưng tôi thì không.
- Thế thì sao? Bây giờ mày chỉ phải trở về và mọi chuyện sẽ ổn thỏa. - Ừ, nhưng làm sao trở về?
- Coi, mày có cánh và mày sẽ tìm được đường về:
Charkagne hỏi:
- Anh có cho tôi thịt và nước để ăn, uống dọc đường không?
Kalo Dant thò tay gãi gáy. Tìm đâu ra số thịt mà Charkagne cần ăn dọc đường? Trong thế giới trần gian của chúng tao thịt không dễ kiếm như ở thế giới của nó. Trong thế giới của Kalo Dant, tất cả gia súc là của dân quê, và người dân quê không cho không gia súc. Khi những người Di-gan nghèo thỉnh thoảng cuỗm vài con cừu, nông dân đẩy họ ra tòa ngay. Và họ sẽ làm gì nếu Kalo Dant trộm khá nhiều gia súc của họ để con rồng ăn suốt cuộc hành trình dài? Một lúc sau, anh nói:
- Mày đợi tao ở đây. Tao sẽ đi tìm người nhà và xem có cách nào cung cấp thịt cho mày không.
Charkagne không bằng lòng:
- Tôi không muốn ở đây lâu một mình, vì tôi không thấy thoải mái chút nào ở thế giới này. Hơn nữa, tôi đang đói đến nỗi có thể ăn hết ngay cả một đàn cừu.
- Mày phải kiên nhẫn một chút. Mày thấy ở đây là núi, trong núi có một cái hang. Tao sẽ đưa mày tới đó và mày phải ngoan ngoãn chờ tao trở lại. Nhất là đừng ra khỏi hang, vì mày sẽ làm dân chúng sợ.
Charkagne vẫn không nguôi giận. Kalo Dant lấy chiếc lông dọa nó. Con rồng đi về nằm trong hang và hứa chờ Kalo Dant trở lại.
Làm sao Kalo Dant giữ được lời hứa? Chuyện sau đây sẽ cho bạn biết.
Charkagne làm chuyện dại dột
Khi trang trại Di-gan người ta biết Kalo Dant đi du lịch bảy thế giới phía trên đã trở về, mọi người đổ xô tới đón anh. Những cuộc vui, những câu hỏi, chuyện trò kể lể diễn ra không dứt. Những đống lửa cháy rất khuya, và Kalo Dant kể cho đồng bào mình nghe những chuyện anh đã gặp. Anh kể hết, có lẽ anh còn thêm thắt nữa, nhưng anh không nói gì về Charkagne. Anh cho chuyện trở về may mắn là nhờ trí khôn của anh và vì anh không nói tới con rồng, ta không nên ngạc nhiên khi anh cũng hơi quên nó. Nhưng khoảng một tuần sau, anh cảm thấy có chút hối hận. Charkagne phải nghĩ sao về anh? Có thể chẳng có gì cả, vì trong thời gian đó chắc con vật tội nghiệp đã chết đói. Nhưng trong chuyện này Kalo Dant có thể làm gì được. Những cuộc vui kéo dài đã vét sạch những tủ đồ ăn trong trại. Sau những cuộc vui như vậy, người Di-gan lúc nào cũng phải tiết kiệm khá lâu.
Nhưng Kalo Dant lo lắng là sai. Đột nhiên, những tin tức lạ lùng bắt đầu lan truyền trong vùng lân cận. Người ta nói ở dãy núi kế bên có một con quái vật chưa ai biết là con gì; ban đêm nó bắt trộm gia súc trong chuồng có rào.
Khi Kalo Dant nghe tin đó, anh hiểu ngay là chuyện gì. Anh cũng thấy hơi nhẹ nhõm khi không phải hối hận vì cái chết của con rồng. Nhưng mặt khác, nếu các chủ nông trại biết chính anh đã đưa con rồng háu ăn tới xứ này thì sẽ không dễ chịu lắm. Anh nghĩ, con rồng có xoáy của họ vài đầu gia súc thì cũng không đáng ngạc nhiên. Họ có khá nhiều. Và dầu sao thì nó cũng phải ăn.
Nhưng rồi sau đó có những tin đáng ngại hơn. Quái vật không chỉ bắt gia súc; người ta nói nó đã bắt con cái của nông dân. Nó đã bắt năm đứa trẻ, không ai biết nó đem đi đâu. Như vầy thì không được - Kalo Dant nghĩ thầm. Mặc kệ gia súc, nhưng trẻ con thì quá lắm, dầu có phải là người Di-gan hay không. Anh không chịu được sự tàn ác như vậy.
Anh vùng dậy và siết chặt chiếc lông đuôi của vua chim trong túi, anh đi tới cái hang của Charkagne. Tới nơi, anh kêu tên con rồng và cái đầu gớm ghiếc của nó xuất hiện ngay ở cửa hang, giữa các tảng đá. Khi con rồng nhận ra Kalo Dant, nó chớp mắt ngạc nhiên:
- Anh đó à? Anh có đem gia súc tới như đã hứa không?
Tại sao tao phải đem gia súc tới khi mày đã không ngần ngại tự tìm kiếm lấy?
Con rồng không tìm cách chối tội. Nó nói:
- Hẳn nhiên rồi, và tại sao lại không như vậy? Tôi phải chịu chết đói sao?
- Tao muốn cung cấp gia súc cho mày lắm - Kalo Dant nói dối.- nhưng không làm được. Và giờ tao không bằng lòng mày. Mày đã làm gì các đứa trẻ?
- Những đứa trẻ nào? Con rồng làm bộ ngây thơ, nhưng mắt nó chớp một cách đáng ngờ.
Kalo Dant lấy chiếc lông chim ra và nói:
- Mày biết những đứa trẻ nào rồi. Khi mày chỉ bắt gia súc, tao đã làm ngơ. Nhưng khi mày ăn thịt trẻ con, tao không chịu được đâu.
- Nhưng ai nói với anh rằng tôi đã ăn thịt chúng? Con rồng hỏi, giọng tức giận.
- Vậy thì chúng ở đâu?
- Anh tới mà xem - con rồng nói và tránh ra một chút để Kalo Dant vào hang.
- Kalo Dant vào và thấy một cửa hang nhỏ nữa đáy hang, có ánh sáng ban ngày lọt vào.
- Chúng đang ở đó - con rồng nói.
Nhưng Kalo Dant đã nghe tiếng chúng rồi và rất ngạc nhiên.
Anh nhìn vào và thấy ba bé trai và hai bé gái đang chơi giỡn trên cỏ, giữa những tảng đá cao che chắn xung quanh. Chỗ đó giống như một cái vực sâu mà cửa ngõ duy nhất phải đi qua cái hang của con rồng. Khi thấy Kalo Dant, bọn trẻ con bỏ chạy tứ tán.
''Thế đấy. Thật đẹp mặt cho mình - Kalo Dant nhủ thầm. Chúng không sợ con rồng còn mình thì làm chúng hoảng hốt.'' Anh ngồi xổm, ngẩn ngơ, nhìn bọn trẻ mà không nói được tiếng nào. Khi thấy anh không có ý làm hại chúng, chúng bạo dạn trở lại và tới gần anh.
- Chú muốn gì, chú Di-gan? Đứa con trai lớn nhất hỏi.
- Tôi muốn cứu các cháu - Anh trả lời.
- Tại sao vậy? Đứa bé ngạc nhiên.
- Các cháu không muốn về nhà sao? Các cháu không sợ con rồng đã bắt các cháu sao?
- Chúng cháu không sợ nó đó là một con vật dễ thương - thằng bé nói. - Nó dùng đuôi tung hứng chúng cháu - một đứa khác nói thêm:
- Nó chơi với chúng cháu và chúng cháu muốn gì nó cũng đem tới cho - đứa thứ ba nói.
- Nó đem cho chúng cháu trái cây và cả khoai lang, rồi nó phun lửa để chúng cháu nướng khoai - một bé gái giải thích.
Nghe chúng nói, anh đành nín lặng. Con rồng ở một góc hang nhăn nhó vui mừng. Sau cùng, Kalo Dant quát to:
- Nhưng tại sao mày bắt chúng?
- Vì ở một mình làm tôi nhớ nhà - con rồng nói.
Kalo Dant quay lại các đứa trẻ:
- Các cháu hư và bất hiếu lắm. Các cháu vui chơi với con rồng và vì thế mà không biết cha mẹ các cháu khóc ở nhà vì họ nghĩ là các cháu đã gặp tai họa.
Bé gái nhỏ nhất rưng rưng nước mắt:
- Tôi muốn về nhà với mẹ - nó thút thít.
- Tôi cũng vậy - đứa con gái kia cũng khóc.
- Chỉ cần nói với cha mẹ chúng cháu là chúng cháu không sao cả - một đứa con trai nói.
- Không, các cháu nên theo tôi, tôi sẽ dẫn các cháu về nhà - Kalo Dant cương quyết.
- Tôi không muốn anh đem chúng đi đâu - con rồng phản đối.
- Mày không muốn hả? Kalo Dant nổi giận, lấy chiếc lông dọa nó. Bọn con nít là của cha mẹ chúng. Ở lại đây chúng sẽ ra sao? Chúng còn phải đi học.
Nhưng chúng cháu không muốn đi học - đứa con trai lớn nhất nói. - Kalo Dant giận như điên:
- Được được, nếu muốn vậy thì cứ ở lại đây. Còn tôi, tôi sẽ đi tìm cha mẹ các cháu, cho họ biết các cháu đang ở đây và các cháu không muốn đi học. Họ cứ tự tới tìm các cháu.
Anh quay lưng, đi ra cửa hang. Con rồng lếch thếch đi theo. Nó năn nỉ:
- Dễ thương một chút đi, Kalo Dant. Để mấy đứa bé này ở lại với tôi. Tôi cần có người để thỉnh thoảng nói chuyện. Tôi không thể sống một mình ở đây.
- Không - Kalo Dant ngắt ngang. Tao sẽ tống cổ mày về nhà mày. Bây giờ tao biết chỗ tìm gia súc cho mày ăn trên đường về.
Anh về làng, thẳng tới nhà các trại chủ mất con. Đó là những người giàu nhất vùng. Kalo Dant cho mời chủ nhà tới và nói:
- Tôi biết con các ông ở chỗ nào. Nếu tôi cho các ông biết thì mỗi người có cho một con bò cái tơ không?
Các trại chủ bằng lòng. Kalo Dant nói với họ là một con rồng đã bắt các em bé và nhốt chúng trong hang của nó. Anh còn đề nghị dẫn họ tới hang. Năm người đàn ông võ trang búa, chĩa, đòn xóc; họ muốn giết con rồng. Nhưng Kalo Dant khẳng định là làm như vậy vô ích và anh có thể lo việc đó một mình.
- Nhưng anh không có vũ khí - các trại chủ ngạc nhiên.
- Có chớ - Kalo Dant cho họ coi chiếc lông chim.
Họ hết sức kinh ngạc.
- Cái gì anh định đánh thắng một con quái vật như vậy với một cọng lông chim hả?
Kalo Dant chỉ gật đầu và dẫn họ tới hang của Charkagne. Anh kêu lớn:
- Các em bé, cha các em đã tới đây!
Các đứa trẻ chạy ra, la hét vui mừng khi thấy cha chúng.
Mỗi người cha tóm lấy con mình, siết chặt trong tay. Ai cũng mừng vì tìm lại được con. Con rồng không ra mặt. Các ông cha hỏi con mình:
- Con quái vật đã bắt con ở đâu? Chúng ta sẽ giết nó.
- Ồ, không, đừng làm vậy! bọn trẻ nhao nhao. Chúng con không muốn nó chết. Nó dễ thương, nó đã chơi với chúng con.
Nhưng các trại chủ vẫn cứ muốn giết con rồng vì họ không thể để con quái vật đó bắt gia súc của họ. Charkagne ở trong hang đã nghe hết. Thình lình, nó xuất hiện. Thân mình to lớn của nó lấp kín cửa hang, nó đảo mắt và phun ra lửa, làm cho những người gan dạ nhất cũng phải sợ. Các trại chủ hốt hoảng lùi lại. Nhưng Kalo Dant tới bên con rồng và chỉ chạm nhẹ chiếc lông vào mình nó. Con vật rú lên đau đớn trở vào hang ngay. Các trại chủ vô cùng kinh ngạc.
- Tôi đã nói là tôi không cần tới các ông - Kalo Dant nói.
- Con rồng sợ tôi. Nếu, ngoài con bò cái, mỗi người các ông cho thêm một con bò đực, tôi sẽ đuổi nó đi khỏi nơi đây để nó khỏi bắt con cái hoặc gia súc của các ông.
Khi các trại chủ đã thấy con rồng, họ không còn muốn đánh nhau với nó nữa và họ sẵn sàng cho Kalo Dant như anh muốn. Họ đem con về nhà. Kalo Dant đi theo họ.
Sau đó, anh dẫn năm con bò cái tơ mập mạp và năm con bò đực tới hang. Anh đứng gần cửa hang và gọi to:
- Ra đây, Charkagne!
Con rồng bò ra; trông nó rất thiểu não.
- Đây là số gia súc mà tao đã hứa - Kalo Dant nói. Cắn cổ chúng đi rồi tao sẽ làm thịt cho mày ăn đường.
- Tôi không chịu đâu - con rồng gầm gừ.
- Cái gì, mày không muốn về nhà hả?
- Không - con rồng rên rỉ. Đừng đuổi tôi, Kalo Dant. Thế giới này tốt hơn thế giới của tôi. Tôi đã quen với nó và tôi vui lòng ở đây.
- Không thể được - Kalo Dant phản đối. Tao không muốn chọc giận mày đâu, nhưng mày không thích hợp ở thế giới này. Mày ăn nhiều quá và ở đây không có nhiều thịt như ở chỗ của mày. Ngoài chuyện đó ra, hình dạng của mày không dễ coi lắm. Người ta không muốn nhìn thấy mày và, tệ hơn nữa, mày lại thích bầu bạn và không chịu ở một mình.
- Nhưng tôi sẽ biết điều hơn - con rồng trấn an. Tôi sẽ bay đi một nơi rất xa. Anh sẽ không còn nghe nói tới tôi nữa.
- Cái đó còn làm tao lo hơn - Kalo Dant nói. Vì tao đã dẫn mày tới đây, tao có trách nhiệm về mày một phần nào, mày thấy không. Người ta có thể trách cứ tao nếu mày còn làm những chuyện điên rồ.
Nhưng con rồng cứ năn nỉ mãi và hứa rằng sẽ không bao giờ gây rối nữa, đến nỗi Kalo Dant phải thương hại. Vì vậy anh cho nó ở lại thế giới này và muốn bay đi đâu tùy ý.
- Nhưng, nghe cho kỹ - anh nói giọng nghiêm khắc - nếu khi nào tao còn nghe chuyện bậy bạ của mày, lao sẽ không tha thứ. Và vì mày không muốn trở về nhà, tao sẽ không để cho mày hết số gia súc này, nhưng tao sẽ giữ lại phân nửa.
Con rồng chấp thuận và nồng nhiệt cám ơn anh đã cho nó ở lại cái thế giới mà nó thấy là đẹp hơn thế giới của nó. Nhưng vì nó cũng đói nhiều nên nó ngốn ngấu ngay phân nửa số gia súc. Nó hứa sẽ bay đi ngay khi tiêu bớt thức ăn. Kalo Dant từ giã nó và đi về nhà với năm con bò. Thời gian sau đó không có gia súc hay trẻ con mất tích nữa. Kalo Dant bắt đầu quên Charkagne.
Nhưng ít lâu sau, một người Di-gan lang thang kể lại một tin kỳ lạ cho người trong trại nghe. Ngay khi nghe anh ta nói, Kalo Dant chú ý theo dõi. Ở một vương quốc xa xôi, nhà vua đã cho xây một cây cầu lớn trên một con sông. Công việc kéo dài nhiều năm và khi cầu xây xong, cô công chúa duy nhất của nhà vua xin đi qua cầu đầu tiên. Vua bằng lòng. Công chúa, cô thị nữ và người đánh xe qua cầu trên một chiếc xe ngựa. Họ vừa tới giữa cầu thì một con quái vật khủng khiếp dài ít nhất năm mét từ dưới nước trồi lên, dựng đứng trên cái đuôi, xông lên chiếc xe và kéo nó xuống nước với tất cả người trong xe. Con sông chảy dưới một mỏm đá và ở đó có một cái hang. Người
ta nói là con quái vật ở trong hang đó. Nhà vua hứa trọng thưởng cho người nào có can đảm đuổi con vật ra khỏi hang ổ của nó. Vài hiệp sĩ dũng cảm đã thử sức, nhưng tất cả bọn họ đã chịu chung số phận bi thảm. Người nào dám đi qua cầu cũng bị con quái vật bay qua xớt lấy và đem xuống hang của nó. Đó chỉ có thể là Charkagne, Kalo Dant nói thầm. Anh đi lấy chiếc lông đuôi
của vua chim rồi lên đường tới vương quốc kia. Tới nơi, anh xin yết kiến đức vua và nói:
- Tôi muốn cứu công chúa và tất cả những người bị con quái vật bắt trên cầu. Tôi muốn nhà vua cho tôi mượn một con ngựa và quần áo.
- Ta sẵn sàng cho anh mượn - đức vua nói. Nhưng ta không tin một người Di-gan rách rưới như anh làm được việc mà các hiệp sĩ tài ba nhất vương quốc đã thất bại.
- Xin nhà vua cứ thử và sẽ thấy - Kalo Dant nói.
Vì vậy vua ra lệnh dẫn anh chàng Di-gan tới chuồng ngựa để chọn con ngựa vừa ý. Khi thấy Kalo Dant chọn con ngựa giỏi nhất của mình, vua gật đầu và nói:
- Ta thấy anh cũng sành ngựa lắm.
Kế đó vua đưa anh vào phòng riêng của mình và chọn cho anh một bộ áo kỵ sĩ đẹp.
Kalo Dant mặc bộ áo đó rất vừa vặn nên nhà vua nói:
- Người Di-gan mà như anh thì đẹp quá. Bây giờ anh thử thời vận đi. Nếu anh cứu được con gái ta và những người kia và đuổi con quái vật đi khỏi cây cầu, anh sẽ được trọng thưởng.
Kalo Dant nhảy lên ngựa và đi tới cây cầu. Trong lúc đó tin tức đã lan nhanh: cả thành phố biết rằng lại có một hiệp sĩ sẵn sàng đương đầu với quái vật và một đám đông đã chen chúc nhau để xem chuyện sắp xảy ra.
Kalo Dant phi ngựa lên cầu; nhưng khi anh tới giữa cầu, một đầu rồng kinh khủng trồi lên khỏi mặt nước. Thân mình đồ sộ của nó dựng đứng trên cái đuôi và cả người lẫn ngựa bị kéo thẳng xuống nước sâu. Con rồng đem kẻ táo tợn mới tới sắp chung với những thứ nó đã thu thập được: công chúa, thị nữ, xà ích và năm hiệp sĩ. Tất cả còn đủ và sống nhăn, nhưng công chúa đang khóc.
- Thêm một ông này nữa, càng vui? con rồng cười ngạo.
- Nhưng Kalo Dant đã lấy chiếc lông chim trong túi ra và nói giọng nghiêm khắc:
- Charkagne, thì ra mày giữ lời hứa như vầy đây.
Con rồng vừa nhận ra anh, nó hốt hoảng:
- Anh đó à, Kalo Dant? Ngọn gió lành nào đưa anh tới đây? nó ấp úng.
- Thả ngay công chúa và những người này ra - Kalo Dant ra lệnh. Sau đó, chúng ta nói chút chuyện với nhau.
- Dầu sao đi nữa tôi cũng sẽ thả họ ra - con rồng quả quyết. - Trước hết là cô công chúa, vì cô cứ khóc luôn, không lúc nào ngừng.
- Hiệp sĩ dũng cảm - lúc đó công chúa lên tiếng - nếu chàng cứu được tôi, tôi sẽ làm vợ của chàng.
Chỉ lúc đó Kalo Dant mới nhìn tới nàng và phải nhận và nàng rất xinh đẹp. Nhưng anh lễ phép trả lời:
- Cám ơn công chúa, nhưng tôi chỉ là một người Di-gan nghèo nàn. Chính cha nàng đã cho tôi mượn con ngựa và quần áo. Ngoài những thứ đó ra, tôi không có gì cả.
Kế đó, anh quay lại những người kia:
- Các vị cứ yên tâm đi đi. Tôi còn một chuyện nhỏ cần giải quyết với con rồng.
Công chúa, thị nữ, xà ích và năm hiệp sĩ đi ra khỏi hang.
Một mình Kalo Dant ở lại với con rồng.
- Phải làm gì mày đây, Charkagne? Kalo Dant nghiêm khắc hỏi. Tao thấy rõ là không thể tin vào lời hứa của mày. Mày không bao giờ làm được gì tốt đẹp ở thế giới này; tao sẽ đuổi mày về nhà mày.
- Cho tôi thử một lần nữa đi - con rồng thiểu não năn nỉ. Tôi sẽ ngoan, tôi xin
thề.
- Tao không tin mày - Kalo Dant nói. Mày không chịu được cô đơn và chỉ trong một thời gian ngắn thôi, mày lại gây tai họa.
- Ồ, không – con rồng hứa – Anh có thể giúp tôi một việc để tôi không cảm thấy buồn và muốn bắt người nữa.
- Việc gì vậy?
- Anh có thể dùng chiếc lông chim mơn man sau tai tôi không? con rồng hỏi. Nếu anh làm vậy, tôi sẽ có thêm một cái đầu và hai cái đầu có thể nói chuyện với nhau. Như vậy tôi sẽ không buồn nữa.
- Đồng ý - Kalo Dant nói.
Anh cù sau tai con rồng và Charkagne lập tức có thêm cái đầu thứ hai. Hai cái đầu hôn nhau và một đầu nói:
- Cám ơn Kalo Dant. Nếu anh cũng cù sau tai kia, tôi sẽ có cái đầu thứ ba và chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ buồn nữa.
Kalo Dant cù sau tai kia của con rồng và một cái đầu thứ ba mọc lên lập tức. Ba cái đầu bắt đầu kháo chuyện vui vẻ và âu yếm hôn nhau. Sau đó, chúng hứa với Kalo Dant là chúng sẽ không chú ý tới loài người nữa và chỉ vui chơi với nhau thôi.
Kalo Dant xiêu lòng và cho phép Charkagne ở lại trần gian. Nhưng anh ra lệnh cho nó phải rời khỏi hang ổ ngay và đi vào núi sâu mà ở, để không ai trông thấy và không gây chuyện lôi thôi nữa. Charkagne đồng ý, Kalo Dant từ giã nó và dắt ngựa trở về lâu đài. Anh được đón tiếp như người anh hùng. Nhà vua cám ơn anh và nói:
- Con gái ta thích anh, nó muốn lấy anh làm chồng.
- Chuyện đó đẹp lắm, nhưng tôi chưa muốn lấy vợ - Kalo Dant trả lời. Nếu đức vua cho tôi con ngựa và bộ quần áo này, tôi cũng vui lắm rồi.
- Anh không ưng tôi sao? công chúa bực tức hỏi.
- Tôi đã hứa với mẹ tôi là tôi chỉ lấy một cô gái Di-gan.
- Tùy ý anh.
Công chúa vênh mặt lên và quay lưng. Nhưng nhà vua thì rất hài lòng khi chuyện này được thu xếp như vậy và ông tặng Kalo Dant một túi tiền vàng, không kể con ngựa và bộ quần áo.
Đó là lần cuối cùng Kalo Dant nghe nói tới con rồng. Nhưng nếu anh không biết gì nữa hết về con rồng, những truyện cổ khác chứng tỏ rằng không phải con rồng đã thôi gây sự. Trong một số chuyện, người ta khẳng định rằng nó có hơn ba đầu. Có thể lắm, vì sau một thời gian Kalo Dant đã làm mất chiếc lông chim, và ai mà biết được ai đã nhặt được nó và chuyện gì đã xảy ra.
Con gà mái đen
Từ đó Kalo Dant trở nên giàu có. Người ta còn nói rằng anh giàu hơn cả vua của người Di-gan. Và người ta biết rằng anh trở nên giàu có nhờ đã đuổi một con rồng đi khỏi một vùng xa xôi và cứu được một công chúa xinh đẹp; nàng
muốn lấy anh làm chồng và anh đã từ chối. Hơn nữa, sự từ chối đó còn làm cho anh được toàn thể Di-gan quí trọng. Người sung sướng nhất là mẹ anh:
- Con không lấy cô gái kiêu hãnh đó là phải, con ạ - mẹ anh nói. Tất nhiên là cô ta thích con, nhưng chuyện đó không có gì hay đâu. Con không thể dẫn cô ta về đây, vì cô ta sẽ khinh rẻ chúng ta và chuyện đó sẽ làm mẹ đau lòng lắm. Con phải lấy một cô gái Di-gan hiền hậu, và nghèo nữa, nhưng biết vâng lời và kính trọng con.
Con không quen cô gái nào cả - Kalo Dant trả lời, không phải là không khó chịu.
- Hãy nhìn quanh con một chút - mẹ anh khuyên. Tất cả những đứa con trai cùng tuổi với con đều đã lấy vợ, có con. Mẹ muốn sống khá lâu để nhìn thấy cháu. Và mẹ hứa sẽ có một đám cưới chưa từng thấy giữa người Di-gan. Con có tiền, vậy con còn chờ gì?
- Con sẽ lấy nhưng mà con không biết chọn ai - Kalo Dant nói cho qua chuyện vì anh không muốn lấy vợ lắm.
- Đi quanh một vòng rồi con sẽ thấy - mẹ anh khuyên. Dĩ nhiên là đừng chú ý lắm tới tiền bạc và nhan sắc. Con phải thích cô gái đó, nhưng việc quan trọng là cô ta phải biết tề gia nội trợ và không vênh váo quá.
Để mẹ vui lòng, Kalo Dant lên ngựa ra đi. Anh qua nhiều làng Di-gan, thấy nhiều cô gái đẹp, nhưng không gặp cô nào vừa ý.
Một hôm, anh tới một xóm nhỏ của người Di-gan. Trời gần đứng bóng và những con hẻm hẹp giữa những căn nhà tranh thấp vắng bóng người. Người Di-gan ở đây phần lớn giúp việc cho các nhà giàu và không có ai ở nhà. Kalo Dant xuống ngựa, cột dây cương ở hàng rào một căn nhà tranh và nhìn vào trong, qua cửa sổ để mở. Anh thấy một thiếu nữ đang sửa soạn bữa trưa trong phòng: cô đẹp hơn tất cả những cô gái nào Kalo Dant có thể gặp từ trước tới nay. Đôi tay nhỏ nhắn màu đồng khéo léo sắp đặt bàn ăn, và hai bàn chân trần của cô như nhảy múa khi cô nhanh nhẹn đi lại trong căn phòng. Tóc cô đen tuyền buông xõa thành búp quanh khuôn mặt tròn và tươi
tắn, đối mắt đen long lanh như hai vì sao.
Đây là người mà mình sẽ lấy làm vợ, và mình không muốn người nào khác. Anh gõ cửa. Cô gái ngẩng đầu lên, kêu nho nhỏ và lập tức biến mất. Lạ thật. Cô có thể biến đi đâu nhanh như vậy? Nhưng Kalo Dant không suy nghĩ lâu
về việc đó, anh đi tới cửa cái và đập cửa thật mạnh. Anh chờ một lúc và, vì không ai ra mở cửa, anh vặn tay nắm. Cửa không khóa, anh vào và thấy một cái sân nhỏ. Lúc đó một con gà mái tơ đen phóng ra cửa đang hé mở và hoảng hốt bỏ chạy. Kalo Dant vào căn nhà tranh: anh ở trong phòng mà anh đã thấy cô gái. Bàn ăn đã bày biện xong, nhưng cô gái đã biến mất.
Chắc cô ta ẩn nấp đâu đây - Kalo Dant nghĩ thầm và đi tìm. Căn nhà chỉ có ba phòng nhỏ, nhưng không có phòng nào có người. Nhưng cô ta có thể biến đi đâu? Anh lẩm bẩm.
Bỗng cửa mở và hai cụ già hom hem bước vào, ngạc nhiên nhìn người lạ. - Ông bà mạnh giỏi - Kalo Dant chào họ.
- Cậu cũng mạnh giỏi - ông già Di-gan trả lời. Nhưng cậu làm gì ở đây? Chúng tôi không biết cậu.
- Tôi ở xa tới - Kalo Dant trả lời. Ông Bà có cho tôi ăn được không? Tôi đói và khát.
- Rất vui lòng. Mời cậu ăn với chúng tôi.
Kalo Dant cám ơn, ngồi xuống ăn với họ. Thức ăn ngon và nhiều. Một lúc sau, Kalo Dant hỏi người nào đã nấu ăn ngon như vậy.
Ông bà cụ nhìn nhau hơi bối rối và không trả lời. Anh nhắc lại câu hỏi:
- Tôi thấy là ông bà có người nội trợ giỏi. Cô ta đâu? Xin gọi cô ta ra để tôi cám ơn về bữa ăn ngon này.
Hai ông bà lại có vẻ bối rối và sau cùng ông già đành nói: - Chúng tôi sống một mình, không còn ai cả.
- Tại sao ông bà giấu con gái hoặc cháu gái? Kalo Dant hỏi. Ông bà sợ cho
cô chăng? Tôi không ăn thịt cô ấy đâu. Tôi không phải là ăn mày, và nếu cô ấy vừa ý tôi và cô cũng thích tôi thì tôi sẽ lấy cô làm vợ.
- Nhưng chúng tôi không có con gái cũng không có cháu gái - ông già nói. Tại sao cậu lại nghĩ như vậy?
- Nhưng ai nấu bữa ăn này? Khi ông bà về tới, bàn ăn đã sẵn sàng. - Ờ, tôi cũng không biết ai sửa soạn bữa ăn - ông già nói.
- Chuyện này bắt đầu từ một tuần nay. Đúng ngọ, chúng tôi làm việc về và bữa ăn đã sẵn trên bàn. Chúng tôi rất ngạc nhiên. Hôm sau và những ngày kế tiếp cũng vậy. Chúng tôi đã quen với chuyện này, nhưng không hiểu ra sao cả.
- Không đúng vậy đâu! Kalo Dant nói lớn. Tại sao ông bà định gạt tôi?
- Chúng tôi không gạt cậu đâu - ông già nói. Thật tình chỉ có vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi không biết ai đã đem cho chúng tôi ăn mỗi ngày. Có lẽ là một thiên thần.
- Nhưng chính mắt tôi đã thấy thiên thần của ông bà! Kalo Dant nói. Hai ông bà già nhìn anh, tò mò:
- Cậu đã thấy thiên thần? Cả hai cùng hỏi.
Hai người có vẻ thật thà đến nỗi có lúc Kalo Dant đâm nghi ngờ điều anh đã thấy. Anh ngần ngừ, nói:
- Khi nhìn vào nhà, hình như tôi đã thấy một thiếu nữ.
- Trông cô ta ra sao? Hai ông bà già hỏi.
- Cô ta rất đẹp và chắc chắn là người Di-gan - anh trả lời.
- Nhưng bây giờ cô ta ở đâu? Bà già hỏi.
- Tôi không biết. Tôi đã tìm cô ta khắp nhà trước khi ông bà về và tôi không gặp ai cả.
- Có lẽ cậu đã có ảo giác - ông già nói. Chúng tôi không biết một cô gái nào
có thể tới đây cả. Chúng tôi đã già và chỉ có một mình.
- Tôi đã quên con gà mái đen - bỗng bà già đứng dậy nói. Tôi phải cho nó ăn.
Khi bà đã ra khỏi phòng, ông già nói:
- Chuyện con gà đen đó cũng lạ lắm. Chúng tôi không biết nó ở đâu ra; nó tới đây đã gần một tuần. Nó không thuộc về một nhà láng giềng nào cả, và vì không có ai nhìn nên chúng tôi giữ nó lại. Nó không đẻ một cái trứng nào, nhưng vì chúng tôi khá đủ ăn từ lúc nó ở đây nên chúng tôi chưa làm thịt nó.
Kalo Dant lắng nghe và suy nghĩ. Tuy nhiên, anh không nói gì và khi bà già trở vào nhà, anh không nói lại chuyện đó nữa. Anh kể chuyện phiêu lưu của anh và họ lắng nghe rất thích thú.
- Từ lâu rồi chúng tôi không nghe chuyện gì lý thú như vậy - ông già nói. Chúng tôi rất sung sướng là cậu đã ghé nhà này.
- Cậu hãy ở lại ăn tối - bà già đề nghị. Chúng tôi khá đủ ăn! Nếu cậu muốn, đêm nay cậu có thể ở lại đây. Tôi sẽ sửa soạn giường cho cậu ở phòng bên.
Kalo Dant nhận lời ngay.
Hai ông bà già đã ngủ say nhưng người khách của họ không ngủ được. Anh không thể ngừng suy nghĩ về sự bí ẩn kia. Nhiều giờ trôi qua và bỗng anh nghe tháp chuông của nhà thờ gần đó đổ mười hai tiếng. Nửa đêm.
Đã nửa đêm rồi, mình phải ngủ - Kalo Dant nghĩ thế. Lúc đó dường nhanh nghe có gì đó cựa quậy ở phòng bên cạnh. Anh im lặng lắng tai một lúc và tiếng động lặp lại. Anh thận trọng ngồi dậy và mở hé cửa phòng. Trăng chiếu qua cánh cửa sổ mở và anh thấy con gà mái đen đậu trên mép cửa sổ. Bỗng nó nhảy vào phòng. Ngay khi chạm đất, nó rùng mình và cô gái Di-gan xuất hiện. Cô dọn dẹp căn phòng rất nhanh, không một tiếng động. Kalo Dant nín thở nhìn cô làm việc qua khe cửa bé mở. Cô gái quét phòng, dọn dẹp bàn ăn và đột nhiên một bữa ăn sáng cho ba người hiện ra trên bàn. Lúc này tháp chuông lại điểm giờ. Cô gái cúi xuống, lượm một vật gì đó trên mặt đất. Đó là bộ lông gà. Khi cô cầm bộ lông, cô biến mất. Thay vào đó chỉ 1 có con gà mái đen.
Con gà đập cánh, nhảy lên mép cửa sổ và mất dạng.
- Thì ra là vậy - Kalo Đan nghĩ thầm. Anh khép cửa lại, nằm xuống và ngủ ngay. Hôm sau, khi từ giã chủ nhà, anh nói:
- Bà có muốn bán con gà mái đen cho tôi không? Tôi sẽ trả giá cao. Bà già Di-gan lắc đầu:
- Ta không bán được đâu, con ạ, con gà đó cũng không phải của chúng ta. Nếu người ta tới tìm nó thì sao?
- Bây giờ chắc người ta không tìm nó đâu - Kalo Dant trả lời. Bán nó cho tôi đi, tôi sẽ trả mười đồng tiền vàng.
- Chúa ơi! bà già Di-gan kêu to ngạc nhiên và mắt bà sáng lên vẻ thèm thuồng. Mười đồng vàng một con gà mái! Chuyện chưa từng thấy. Mà nó cũng không đẻ trứng nữa chớ.
- Tôi thích nó - Kalo Dant nài nỉ. Tôi sẽ đem nó theo để cho có bạn lúc đi đường.
Anh lấy túi tiền ra và đếm đủ mười đồng vàng. Bà già đem con gà tới và cám ơn rối rít trước số tiền đó. Kalo Dant đem con gà về nhà.
- Vợ chưa cưới của con đâu? mẹ anh cau mày hỏi khi thấy anh về một mình. - Tạm thời chỉ có con gà mái này thôi - Kalo Dant vừa mỉm cười vừa nói.
- Một con gà mái? Được, nó có thể có ích - bà lẩm bẩm. Mẹ sẽ nấu cho con một nồi canh.
- Không được đâu! Kalo Dant nói lớn. Mẹ không được đụng tới nó.
Anh đem con gà vào phòng riêng và đan cho nó một cái giỏ liễu. Mẹ anh lẩm bẩm là anh làm chuyện điên rồ, nhưng anh không để ý lời bà nói. Một lúc sau bà hỏi:
- Con muốn ăn gì?
- Đừng làm gì cả, không cần đâu - anh trả lời và tiếp tục đan giỏ. Đan xong, anh đi nằm nhưng không ngủ: Trước nửa đêm một chút, anh dậy và ra khỏi nhà. Anh đi vòng ra phía sau, nhìn vào phòng qua kẽ vách. Và chuyện anh chờ đợi đã xảy ra.
Đúng nửa đêm, con gà mái đen nhảy ra khỏi giỏ, rùng mình và biến thành cô gái Di-gan xinh đẹp. Cô trải xuống đất một tấm vải trắng và một bữa ăn hiện ra. Kalo Dant rón rén đi vòng trở lại và lẻn vào nhà không gây một tiếng động. Anh tới gần phía sau cô gái và ôm chặt cô. Cô vùng vẫy nhưng vô hiệu. Anh hôn cô. Cô không vùng vẫy nữa và nói:
- Thì giờ của em gần hết, anh phải để em trở thành gà.
- Anh không thả em ra đâu - Kalo Dant nói. Em sẽ là vợ anh.
- Nếu anh không buông em ra trước khi đồng hồ điểm một giờ, em phải chết. Một lão phù thủy độc ác đã biến em thành gà vì em không chịu làm vợ lão. Em chỉ trở lại hình người một ngày hai lần, lúc đúng ngọ và nửa đêm.
- Nhất định phải có cách giải phù chú đó - Kalo Dant nói.
- Cho anh biết làm cách nào để cứu em đi.
- Em chỉ có thể được giải thoát nếu có người đàn ông chịu lấy em làm vợ trong hình dạng một con gà - cô gái thở dài. Không bao giờ có người làm chuyện như vậy. Có ai chịu nổi sự chê cười của mọi người khi làm chuyện lạ đời như vậy?
- Anh không sợ mọi người đàm tiếu. Em tên gì?
- Em là Tindir Sibillona, con gái của vua Di-gan. Có lẽ anh đã nghe nói về em?
- Cách nay khoảng một năm, người ta đã bàn tán nhiều khi em mất tích.
- Em cũng biết anh. Anh là Kalo Dant, người duy nhất đi tới thế giới thứ bảy và chiến thắng một con rồng với chiếc lông chim. Có thật anh muốn cứu em không?
- Anh muốn lắm - Kalo Dant quả quyết.
Cô gái đỏ mặt sung sướng, rồi cô cúi xuống rất nhanh, lượm bộ lông gà đen trên mặt đất và con gà mái đen xuất hiện ở chỗ của cô. Cùng lúc đó, đồng hồ tháp chuông điểm một giờ.
Sáng hôm sau, Kalo Dant thức dậy, cho con gà ăn và anh cũng ăn những thứ đã được Tindir Sibillona mang tới cho anh trong đêm trước. Sau đó anh cho
con gà đậu trên vai và đi gặp mẹ.
- Con đi lên thành lấy vợ đây - anh tuyên bố.
Mẹ anh đưa hai tay lên trời:
- Nhưng con định lấy ai?
- Rồi mẹ sẽ biết - Kalo Dant mỉm cười.
Khi anh sửa soạn đi, mẹ anh bảo:
- Con đợi một chút, mẹ chuẩn bị cho con ăn sáng.
- Con đã ăn rồi. Nếu mẹ đói thì còn khá nhiều thức ăn trong phòng còn đó.
Anh thả con ngựa ra, nhảy lên yên, để con gà đứng ở phía trước rồi cỡi ngựa thẳng tới thành phố. Anh dừng trước nhà mục sư và tìm cha xứ:
- Đây là một đồng vàng. Cha có thể làm đám cưới cho tôi không? Ca xứ lấy đồng tiền, cắn thử để coi có phải tiền giả không. Rối ông nói:
- Được chớ, sao lại không? Vị hôn thê của anh là ai?
- Con gà mái này đây! Kalo Dant trả lời.
- Anh muốn lấy một con gà mái làm vợ? Ta nghĩ rằng anh không được tỉnh táo lắm.
- Nếu cha không muốn thì trả lại tiền cho tôi.
- Kalo Dant xòe tay ra, nhưng cha xứ nhanh nhẹn bỏ tiền vào túi và nói: - Đừng nóng, không nên đâu. Trước hết phải bố cáo.
- Mất bao lâu?
- Ba ngày. Anh tên gì và vị hôn thê của anh tên gì?
- Tôi là Kalo Dant và vợ sắp cưới của tôi là Tindir Sibillona.
Cha hãy công bố tên chúng tôi ngay hôm nay và ba ngày nữa chúng tôi sẽ tới làm đám cưới.
Khi anh về nhà, mẹ anh hỏi dồn dập: vị hôn thê của anh là ai? thức ăn trong phòng anh ở đâu ra?
Nhưng Kalo Dant chỉ lằm bằm và xin bà để anh yên. Tối đó anh ngủ sớm. Nhưng trong phòng kế bên, bà mẹ tò mò và băn khoăn không ngủ được. Gần nửa đêm, hình như bà nghe trong phòng con bà có tiếng lục đục. Bà lặng lẽ ngồi dậy và mở hé cửa.
Lúc đó tháp chuông nhà thờ đổ chuông nửa đêm. Bà mẹ thấy con gà đen đi ra khỏi cái giỏ và biến thành một cô gái đẹp. Kalo Dant và cô nói chuyện thì thầm một lúc. Sau đó cô gái trải một tấm vải trắng xuống đất và thức ăn hiện ra. Khi cả hai ăn xong, cô gái nói:
- Kalo Dant, tới giờ rồi, em lại phải biến thành gà.
- Chỉ còn ba ngày nữa và chúng ta sẽ ở gần nhau - anh trả lời. Cô gái cúi xuống. Cô biến mất và con gà đen xuất hiện.
Bà mẹ không còn biết mình mơ hay tỉnh. Cả ngày hôm sau bà quanh quẩn bên con nhưng không dám nói gì với anh. Bà sợ phải nói với anh chuyện bà đã thấy đêm qua, nhưng làm thinh thì khó chịu quá. Cuối cùng, bà không chịu nổi:
- Vợ sắp cưới của con tên gì? Con cái nhà ai?
- Tindir Sibillona, con gái của vua người Di-gan.
- Khi nào cô tới đây? Ta phải sửa soạn tiệc cưới chớ.
- Mẹ đừng lo - Kalo Dant trả lời. Mọi việc sẽ đúng lễ nghi. Rồi anh bỏ đi.
Nhưng tối đó, một người Di-gan từ thành phố về, kể rằng anh ta nghe có một người trong bộ lạc, chắc là một thằng điên, định lấy một con gà mái làm vợ. Hôm qua anh chàng đó đã tới nhà cha xứ, ôm vị hôn thê trên tay và yêu cầu làm đám cưới cho họ. Ai nghe tin đó cũng cười ầm, trừ Kalo Dant nhăn mặt và lập tức trở về phòng. Mẹ anh cũng bỏ đi, khóc vì xấu hổ.
Hôm sau mọi người đều biết anh chàng điên định lấy gà mái làm vợ chính là Kalo Dant. Bà mẹ tội nghiệp không dám ra khỏi nhà vì bà thấy nhục nhã quá. Nhưng chú rể tương lai thì coi thường lời chế nhạo. Anh đi khắp trại như không có chuyện gì cả, đầu cứ ngẩng cao. Mẹ anh khóc sướt mướt, đi tìm anh và hỏi:
- Chuyện người ta kể có đúng không, Kalo Dant? Con định lấy một con gà mái làm vợ thật hả?
- Vâng - Kalo Dant nhìn nhận.
- Con ơi, mẹ biết con không điên - bà mẹ tuyệt vọng nói - nhưng người ta không biết vậy. Họ chế nhạo con. Con định đi với con gà mái tới nhà thờ thật sao?
- Vâng - Kalo Dant trả lời.
Và anh quay gót, bỏ đi.
Tối đó bà mẹ quyết tâm ngăn cản chuyện điên rồ. Đứa con trai duy nhất của bà không thể kết hôn với một con gà mái. Gần tới nửa đêm, bà lặng lẽ thức dậy như đêm trước, hé cửa phòng của con và nhìn vào trong.
Đúng nửa đêm, con gà mái đen ra khỏi cái giỏ và biến thành một cô gái. Mắt bà mẹ còn sáng, nên bà thấy thứ gì đó đen đen nằm dưới đất gần cửa. Đó là bộ lông gà. Trong khi hai người trẻ tuổi mải mê tâm sự, bà thò tay qua khe cửa, lấy bộ lông và hấp tấp rút lui. Bà chạy tới đống lửa giữa trại: than còn cháy đỏ. Bà thu nhặt vội vàng vài cành khô, ném vào đống than và ngọn lửa bùng lên gần như lập tức. Thấy lửa đã cháy, bà ném bộ lông gà vào đó và nó bắt đầu cháy và bốc mùi khét.
Đúng lúc đó Tindir Sibillona thét lên đau đớn trong tay Kalo Dant. - Chuyện gì vậy? Kalo Dant lo lắng hỏi.
- Nó cháy, ôi, nó cháy! Tindir Sibillona run rẩy, rên ra - Bộ lông gà của em đâu? Thình anh cô kêu to, tuyệt vọng.
Kalo Dant nhìn xuống đất, nơi anh đã thấy bộ lông gà trước đó vài phút. Nhưng ở đó không có gì cả.
- Có ai đã đánh cắp và đem đốt nó rồi. Tindir Sibillona than thở. Em cảm
thấy nó cháy. Nếu nó cháy hết, em phải chết.
Và cô ngã xuống đất, oằn oại đau đớn.
Kalo Dant điên cuồng chạy như bay ra khỏi nhà. Anh thấy ngay ánh lửa đáng lẽ đã tắt trong đêm nên anh chạy tới đó. Anh nhận ra mẹ anh. Anh thấy bà cố đẩy bộ lông đang cháy vào sâu trong lửa.
- Mẹ làm gì vậy? anh hét to.
Anh không lưỡng lự, nhảy vào đống lửa và giẫm đạp cho nó tắt. Anh lấy bộ lông gà vừa cháy sém và trở về nhà. Bộ da của em đây anh kêu to.
Tindir nhảy bổ lên, nắm bộ lông và lập tức biến thành một con gà đen. Nó vừa trở vô giỏ vừa cục tác buồn bã. Một lúc sau, chuông đổ một giờ.
Hôm sau Kalo Dant không nói với mẹ anh một lời. Anh đi ngang qua mà như không nhìn thấy bà. Không lúc nào anh rời con gà. Anh luôn luôn vác nó trên vai. Đúng ngọ, nó lại trở thành một thiếu nữ. Anh khóa cửa phòng, ăn cùng cô và hỏi cô có khỏe không.
- Không tệ lắm - cô nói - chỉ phỏng da bên trái.
Cô vén tay áo trái và Kalo Dant thấy phía trên khuỷu tay có ba vòng đỏ như người ta dí ba vòng sắt cháy đỏ vào đó. Ở bắp chân trái cũng có những dấu như vậy.
- Em đừng buồn - anh an ủi cô. Có thể nói là em đeo ba chiếc xuyến. Khi cưới em rồi, anh sẽ mua sáu chiếc xuyến vàng để che sáu vết phỏng.
Tindir Sibillona cám ơn anh và xin anh cẩn thận để từ đó tới ngày cưới cô không gặp tai họa nào nữa.
Vả lai, mẹ của Kalo Dant cũng không dám vớ bộ lông gà lần thứ hai. Bà khóc hoài, buồn vì con trai giận mình.
Ba ngày đã qua hết. Kalo Dant ôm cái giỏ với con gà trước ngực, cưỡi ngựa lên thành phố. Phân nửa trại Di-gan đi bộ hoặc cỡi ngựa theo anh. Ai cũng muốn chứng kiến cảnh anh làm đám cưới với con gà. Chỉ mẹ anh ở laji nhà. Bà đóng kín cửa và khóc vì xấu hổ. Nhà thờ đã đầy người Di-gan và những người khác trước cả khi Kalo Dant nói chuyện xong với cha xứ. Thoạt tiên, cha xứ không chịu cử hành lễ cưới. Nhưng khi Kalo Dant đưa đồng tiền
vàng thứ hai, ông tự nhủ không nên trái ý một thằng điên. Ông mặc chiếc áo lễ sờn rách nhất và vào nhà thờ.
Kalo Dant đứng trước bàn thờ, bắt con gà ra khỏi giỏ, để nó bên cạnh anh.
Khi cha xứ nghiến răng hỏi có phải anh muốn lấy Tindir Sibillona làm vợ không bị ép buộc và tự ý, có phải anh muốn sống với cô suốt đời không, anh lớn tiếng trả lời:
-Phải.
Phía sau anh, người ta cười như điên dại. Cha xứ rảo mắt, nghiêm khắc nhìn mọi người, nhưng khi ông nhìn lại cặp tân hôn kỳ dị, ông ngây người kinh ngạc. Vì ngay khi tiếng ''Phải'' được thốt ra, con gà mái đen đã biến mất và một thiếu nữ đẹp đã đứng thay chỗ cho nó. Nàng mặc một chiếc áo cưới lộng lẫy, và khi cha xứ bình tĩnh lại, hỏi có phải nàng muốn lấy Kalo Dant làm chồng không, nàng trả lời:
- Phải.
Cha xứ phủ khăn lễ lên tay họ và chúc lành cho họ.
Kalo Dant đưa tay cho vợ vịn để ra khỏi nhà thờ, nhưng Tindir Sibillona thì thầm bảo anh lấy chiếc giỏ trước bậc thềm bàn thờ. Khi họ ra khỏi nhà thờ, người đi xem bàng hoàng chứng kiến một phép lạ nữa:
Tindir lấy chiếc giỏ ném xuống đất và một chiếc xe ngựa lộng lẫy hiện ra. Kalo Dant đóng ngựa vào xe, đỡ vợ lên xe và anh tự cầm cương. Những người Di-gan đi theo họ, reo hò vui vẻ và thán phục.
Kalo Dant dừng xe trước nhà và gọi cửa.
- Mẹ ơi, mở cửa - anh nói to. Con đem vợ con về cho mẹ đây.
Thoạt tiên, mẹ anh nhìn qua cửa sổ; nhưng khi bà thấy chiếc xe và ở trong xe là một thiếu nữ đẹp chứ không phải con gà mái, bà reo lên một tiếng vui mừng và lật đật mở cửa. Ngay sau đó họ tổ chức đám cưới theo phong tục Di-gan, một đám cưới tưng bừng có đông người Di-gan ở khắp nơi tới dự. Vua Di-gan, cha của Tindir cũng tới và cám ơn Kalo Dant đã có lòng giải cứu con ông. Ông tặng anh một món hồi môn lớn. Kalo Dant và Tindir Sibillona sống hạnh phúc cho tới ngày cuối cùng.
Công chúa ma cà rồng
Một ông vua nọ có cô con gái duy nhất, rất đẹp nhưng hơi kỳ dị. Cô nói rất ít và đi lang thang trong cung điện. Càng lớn, cô càng ngủ nhiều. Đến nỗi một buổi sáng, không có cách gì đánh thức cô dậy dược. Người ta lay cô, hứa hẹn đủ điều, cô ngủ càng say. Tuy nhiên người ta thấy là cô không chết: da mặt cô hồng hào và cô thở đều đặn.
Nhà vua gọi các thầy thuốc danh tiếng nhất tới. Họ bàn cãi, hỏi ý kiến nhau, bốc đủ thứ thuốc nhưng vô hiệu. Cô gái đẹp ngủ say sưa, không thức dậy.
Một hôm, một bà già Di-gan tình cờ tới gần lâu đài, dừng lại ở cổng để xin một chút thức ăn và quần áo cũ. Vợ của người canh cổng có lòng tốt, cho những thứ bà có. Bà già Di-gan cám ơn và khi từ giã, bà nói:
- Tôi nghe nói rằng ở đây có một công chúa ngủ không thức dậy. Nếu đó là con tôi, tôi biết phải làm gì.
- Bà sẽ làm gì? người đàn bà tốt bụng hỏi.
- Tôi sẽ đi tìm Chtara-Khengero để hỏi ý kiến - bà già Di-gan trả lời. - Chtara-Khengero là ai? Chưa bao giờ tôi nghe nói tới người có tên đó.
- Nó không phải là người, nó là một con vật. Nó sống trong rừng sâu và không phải dễ gặp. Nó có bốn mắt, hai ở phía trước và hai ở phía sau, và vì vậy mà người Di-gan chúng tôi gọi nó là Chtara-Khengero, nghĩa là Bốn Mắt. Nó không bao giờ ngủ và nó biết hết mọi chuyện. Nhưng đó là một con vật tham ăn. Nếu đức vua cho tôi hai con cừu đực béo, hai con gà trống và hai chục trứng với hai tảng bơ, tôi sẽ cố tìm Bốn Mắt để hỏi coi công chúa mắc bệnh gì.
Người đàn bà bảo bà già Di-gan đợi một lúc và đi tìm đức vua. Vua nói:
- Được, cho bà ta những thứ bà yêu cầu và nói ta sẽ cho gấp đôi nếu bà ta tìm được con vật và đem về được lời khuyên có ích.
Bà già Di-gan lấy hai con cừu đực, hai con gà trống, hai chục trứng và hai tảng bơ; bà đem phân nửa về nhà và đi tìm Bốn Mắt với phân nửa còn lại. Cuối cùng bà tìm được nó vì người Di-gan hiểu biết rừng sâu hơn người bình thường. Bà để quà dưới chân nó và hỏi phải làm gì cho cô công chúa ngủ
mê. Bốn Mắt nhìn con cừu đực, con gà trống, một chục trứng và tảng bơ rồi nói:
- Tôi muốn khuyên bà lắm, chớ sao không. Nhưng trước hết tôi muốn biết bà đã làm gì phân nửa số thức ăn này?
- Ta biết là ngươi có thể đoán biết mọi chuyện và ta không tìm cách lừa gạt ngươi - bà già Di-gan hết đường chối cãi. Nhưng ta còn con cái ở nhà và chúng cũng đói như ngươi. Ta sẽ đem tới cho ngươi tất cả những thứ nhà vua đã cho ta, nếu ngươi cho biết công chúa mắc bệnh gì. Bốn Mắt nói:
- Được, nhưng bà nên nhớ, nếu bà không giữ lời hứa, tôi sẽ không bao giờ cho bà lời khuyên bảo nữa. Công chúa là ma cà rồng. Phải có thịt và máu người. Nếu không có những thứ đó, nàng sẽ chết, và đó có lẽ là điều tốt nhất cho nàng và cho mọi người. Nhưng nếu nhà vua muốn nàng sống với bất cứ giá nào, thì ông phải đặt nàng vào quan tài, để quan tài trong nhà thờ nhỏ ở hoàng cung và mỗi đêm cho một người lính tới canh. Người lính sẽ chết trước bình minh và công chúa sẽ sống chừng nào nhà vua còn hy sinh những người lính của mình.
Bà già Di-gan cám ơn Bốn Mắt. Bà tới hoàng cung và nói lại hết cho vua nghe. Nhà vua vô cùng sầu não, nhưng rồi ông tự nhủ, thà bắt những người lính chịu chết hơn là để con mình phải chết. Vì vậy ông cho đóng một chiếc quan tài thật đẹp, đặt công chúa vào rồi để quan tài trong nhà nguyện. Sau đó nhà vua gọi những người lính cận vệ tới - đúng một trăm người - và yêu cầu một người lính tình nguyện canh giữ công chúa. Người lính canh được thưởng một bữa tiệc đế vương và hôm sau sẽ được về thăm gia đình. Dĩ nhiên, cả trăm người tình nguyện. Nhưng nhà vua chọn một trong những người vừa lòng ông ít nhất vì anh ta lé mắt. Những người lính kia ghen tị với anh ta. Nhưng lòng ghen tị của họ chỉ kéo dài tới sáng hôm sau. Khi những người lính vào nhà nguyện thay phiên cho người bạn, họ thấy anh đã chết. Tuy nhiên, không có một giọt máu. Họ thấy chuyện đó lạ lắm. Tối đó, không có ai tình nguyện nữa.
Nhà vua lại phải chọn người. Lần này là một anh lính đáng thương. Anh không được lòng nhà vua vì anh sứt môi. Anh lính tội nghiệp không thể làm gì hơn là tuân lệnh. Sáng hôm sau, khi người ta thấy anh lính canh thứ hai chết, nhà vua không còn bắt buộc được người canh đêm thứ ba nữa. Vì vậy ông ra lệnh bốc thăm: ai được chỉ định phải đi tới nhà nguyện, nếu không sẽ bị chém đầu.
Số phận rơi vào một người lính đã phục vụ nhà vua được bảy năm và sắp được về nhà. Đó là một người Di-gan có bốn đứa con. Anh bị bắt đi lính vì dáng điệu hùng dũng và vóc vạc cao lớn, bất chấp tình trạng đông con của anh. Những người tuyển mộ của nhà vua không cần biết tới tình trạng đó. Vì vậy anh lính Di-gan đã phục vụ bảy năm và đã bắt đầu tính những ngày anh còn phải phục vụ nhà vua thì - thật không may! - anh bốc trúng thăm đi canh công chúa đêm đó. Anh phí công khóc lóc, van nài một người khác đi thay anh vì dầu sao thì anh cũng gần như đã hết hạn phục vụ, nhưng dĩ nhiên là không ai muốn hy sinh. Chiều đó, anh được ăn uống như vua, nhưng anh không thấy ngon lắm vì anh nghĩ rằng có lẽ hôm sau anh sẽ gặp lại tổ tiên ở thiên đường. Vì nhiệm vụ của anh chỉ bắt đầu sau khi trời tối và vì lúc đó cũng còn sớm nên anh tản bộ một chút trong sân lâu đài và suy tư về số phận đáng buồn của mình. Bỗng anh đụng đầu một bà già Di-gan. Đó là bà già đã cho nhà vua biết công chúa là ma cà rồng. Hôm đó bà trở lại lâu đài để nhận phần thưởng còn lại mà bà không thể lấy hết một lần.
- Chào bà - anh lính thiểu não nói.
- Chào con - bà già Di-gan nhận thấy ngay là anh lính cùng nòi giống với mình. Sao mà buồn thảm vậy? Có người thân mất phải không?
- Không có người nào chết cả, nhưng có lẽ sáng mai tôi sẽ chết - anh lính thở dài.
- Nhưng con đâu có vẻ gì sắp chết - bà già cười. Một gã trai mạnh khỏe như con phải sống ít nhất một trăm năm.
Nhưng anh lính giải thích là đêm nay anh phải ở trong nhà nguyện và nói cho bà biết những người canh giữ công chúa hai đêm trước đã gặp chuyện gì. Bà già biết ngay đó là chuyện gì và thương hại cho anh lính.
- Chừng nào con phải canh công chúa - bà hỏi.
- Khi trời tối.
- Cứ đi đi, con còn thì giờ. Con cứ vào nhà nguyện, đừng sợ gì cả, trước nửa đêm thì không có chuyện gì đâu. Hãy chờ ta. Ta sẽ tới và cho con biết phải làm gì để khỏi chết.
Anh lính có lại chút can đảm, cám ơn bà già và đi tới nhà nguyện. Bà Di-gan trở về nhà ngay. Bà lấy trong phần thưởng của mình một con cừu đực, một con gà trống, một chục trứng và một tảng bơ và chạy tới chỗ Bốn Mắt.
- Đây, cái ta đã hứa với ngươi - bà nói. Nhưng ngươi còn phải nói cho ta biết cách tránh cái chết cho người lính sẽ canh giữ công chúa ma cà rồng đêm nay. Đó là một người bạn tốt và anh ta rất tử tế.
- Dễ lắm - Bốn Mắt trả lời. Anh ta phải nấp sau bàn thờ trước nửa đêm. Đúng nửa đêm, công chúa sẽ thức dậy, nhưng nếu nàng thấy không có ai, nàng sẽ nằm và ngủ lại. Lúc đó bạn của bà có thể đi ra khỏi chỗ nấp và yên ổn cho tới sáng.
Bà cám ơn và chạy tới nhà nguyện. Khi bà tới nơi thì chưa tới nửa đêm. Bà gõ cửa sổ và anh lính mở cửa.
- Thế nào? anh nôn nóng hỏi.
Bà cho anh biết lời khuyên của Bốn Mắt rồi về nhà. Lúc đó gần nửa đêm. Anh lính Di-gan ngồi co ro sau bàn thờ và chờ. Đúng nửa đêm, nắp quan tài mở ra, công chúa ngồi dậy và nhìn quanh nhưng không thấy ai hết.
- Bữa ăn tối của tôi đi đâu rồi? nàng nổi giận hét to. Chắc chắn là cha tôi đã quên tôi. Nàng biến vào quan tài và đậy nắp lại, giận như điên.
Anh lính nấp sau bàn thờ thêm một lúc nữa; khi anh thấy yên tĩnh, anh đi ra, nằm trên tấm thảm trước bàn thờ, bình thản ngủ. Sáng hôm sau, khi người ta mở cửa nhà nguyện, người ta thấy anh vẫn còn sống. Được tin đó, nhà vua rất ngạc nhiên. Ông cho gọi anh lính tới và nói:
- Kể cho ta nghe chuyện xảy ra đêm qua. Nếu ngươi nói thật, ngươi sẽ được một túi vàng đầy.
Anh lính Di-gan không phải là người lanh lợi nên anh đã kể hết. Anh chỉ giấu việc bà già đã giúp anh và anh khoe là mình đã tự tìm ra giải pháp. Vua cho anh tiền như đã hứa, nhưng ra lệnh cho anh canh giữ một đêm nữa. Anh lính Di-gan sợ quá.
- Tôi đang phục vụ những ngày cuối cùng. Tôi đã hy vọng đức vua miễn cho tôi thời gian còn lại vì tôi đã làm tròn phận sự canh giữ công chúa. Tôi rất mong được trở về nhà.
- Không được, ngươi phải đi canh đêm nay - nhà vua nói.
Nói xong, nhà vua tới nhà nguyện, giở nắp quan tài, viết vài chữ lên một mảnh giấy, để lên ngực người đang ngủ. Ông đã viết:
''Cha không quên con. Lần sau, hãy nhìn kỹ sau bàn thờ và con sẽ thấy.''
Anh lính Di-gan rất khổ sở với ý nghĩ phải thức canh một đêm nữa. Nhưng vì anh không biết việc nhà vua đã làm nên anh hơi yên lòng hơn lần đầu. Chuyện làm anh lo buồn nhất là không được về nhà. Anh rảnh cả buổi chiều để ngủ, nhưng anh thích đi loanh quanh lâu đài nên anh lại gặp bà già Di gan.
- Ta thấy là mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp - bà nói khi anh chào bà. Chừng nào con được về nhà?
- Có lẽ ngày mai - anh lính trả lời. Đức vua ra lệnh cho tôi canh giữ một đêm nữa.
- Ta không thích chuyện đó lắm. Ta hy vọng là con không kể cho vua nghe chuyện xảy ra đêm qua ở nhà nguyện.
- Đức vua có hỏi, nên tôi đã nói cho người biết - anh lính thú nhận. - Con ngốc quá! Tại sao con kể cho ông biết?
- Ông đã cho tôi tiền.
- Được, con hãy đưa ta phân nửa số tiền rồi ta sẽ tìm cách gỡ rối cho con một lần nữa.
Anh lính đưa cho bà phân nửa số tiền thưởng. Bà nói:
- Con tới nhà nguyện và chờ ta.
Một lần nữa, bà bắt một con cừu đực, một con gà trống, lấy một chục trứng và một tảng bơ và trở lại tìm Bốn Mắt.
- Cho ta biết cách cứu bạn ta một lần nữa - bà năn nỉ. Cậu ta hơi khờ. Cậu ta đã kể hết cho vua nghe và phải canh nhà nguyện đêm nay nữa. Ta sợ rằng đó là bẫy rập.
- Bà nghĩ không sai - Bốn Mắt nói. Nhà vua muốn anh ta phải chết. Nhưng nếu bà bảo anh ta trốn trong tủ đồ thánh trước nửa đêm thì không sao cả.
Bà già Di-gan cám ơn Bốn Mắt và chạy tới nhà nguyện. Bà cho anh lính biết phải trốn trong tủ đồ thánh để khỏi chết. Nhưng khi ra khỏi đó, đừng có kể
cho vua biết đó.
Anh lính hứa làm theo lời bà và nhất là giữ mồm giữ miệng. Trước nửa đêm, anh nấp trong tủ đồ thánh và nhìn qua khe cửa. Đúng nửa đêm, nắp quan tài bật tung. Công chúa ngồi dậy và nhìn quanh. Khi không thấy người nào, nàng rên xiết, tưởng rằng cha nàng vẫn quên nàng. Lúc đó nàng thấy mảnh giấy trên ngực. Ngay khi đọc xong, nàng nhảy ra khỏi quan tài và chạy tới sau bàn thờ. Dầu đã nấp kín, anh lính Di-gan vẫn sợ run. Nhưng khi không tìm được gì sau bàn thờ, công chúa trở lại nằm vào quan tài và đóng nắp một cách giận dữ. Anh lính chỉ còn phải chờ cho tới sáng. Khi người ta báo cho vua biết rằng người lính canh vẫn bình an, ông cho đòi anh tới và hỏi chuyện xảy ra đêm qua.
Nhưng lần này, anh lính giữ im lặng. Dầu nhà vua hứa hẹn đủ điều, anh vẫn làm thinh.
- Ta sẽ cho anh một túi đầy vàng nếu anh kể hết cho ta nghe - nhà vua nói.
Một túi vàng! - anh lính nghĩ thầm. Mình có thể cất một ngôi nhà đẹp và con mình có thể đi học và trở thành người có vai vế quan trọng. Anh suy nghĩ một lúc rồi bảo thầm rằng khi bà cụ mưu mẹo đã có thể khuyên bảo anh hai lần, chắc bà cũng sẽ tìm được cách đánh lừa con ma cà rồng. Và anh cũng sẽ có đủ tiền thưởng công bà. Vì vậy anh kể hết cho vua nghe.
Nhà vua lập tức cho mang túi tiền tới thưởng cho anh, nhưng nói là anh phải canh giữ một đêm nữa.
- Đây sẽ là lần chót - vua hứa. Nếu lần này anh vẫn còn sống, anh sẽ được tự do trở về nhà, sống sung sướng cho tới cuối đời. Người lính vừa đi, nhà vua tới ngay nhà nguyện và bỏ vào quan tài một bức thư cho con gái, nói rằng ông không quên cô, rằng chắc chắn người lính vẫn ở đâu đó trong nhà nguyện. Con hãy tìm kỹ và đừng bỏ dỡ trước khi tìm ra - ông nói thêm.
Vua nghĩ mình làm được một công đôi việc: Không mất túi vàng mà vẫn cho con gái có bữa ăn tối. Vì vậy ông yên lòng trở về.
Anh lính Di-gan thì không yên lòng lắm với đêm thức canh thứ ba. Anh giấu túi vàng ở một chỗ chắc chắn, nhưng anh vẫn lo sợ cho đêm nay. Nếu bà già Di-gan không thể khuyên bảo anh một lần nữa, kho tàng của anh sẽ không có ích gì lắm.
Sau khi ăn trưa, anh tới làng tìm bà. Trước hết anh nhét đầy vàng vào túi bà
để lấy lòng; nhưng khi anh thú nhận rằng đã kể hết cho vua nghe, bà nổi giận:
- Vì anh đã ngu như vậy, anh phải tự xoay sở một mình.
Nhưng khi bà thấy một đống tiền vàng lấp lánh trên bàn, bà xiêu lòng và hứa tìm cách chỉ bảo anh lần chót.
- Tối nay ta sẽ tới nhà nguyện và chỉ anh chỗ trốn.
Ngay khi anh lính về, bà thu thập thực phẩm cho Bốn Mắt và vội vã vào rừng tìm nó.
- Lại bà nữa - Bốn Mắt càu nhàu khi thấy bà. Bà còn muốn gì? Bà già đưa quà cáp ra trước rồi mới trình bày lời yêu cầu. Bốn Mắt gãi gáy.
- Lần này thì khó thật. Hôm nay công chúa sẽ đói lắm và sẽ lục lạo khắp nhà nguyện để tìm cho được bạn bà. Nếu đêm nay nàng không tìm được máu người, nàng phải chết. Chỉ có một cách có thể cứu được anh lính. Trước nửa đêm, anh phải đứng ở đầu quan tài. Khi con ma cà rồng ngồi dậy, anh phải thế chỗ nó trong quan tài và giả chết. Khi anh không mở mắt và không cử động, ma cà rồng không làm hại anh được. Nhưng nếu anh cử động thì tai họa đó. Anh sẽ bị xé xác.
Bà già Di-gan cảm ơn Bốn Mắt và chạy vội tới nhà nguyện. Anh lính đã ở đó. Bà chỉ cho anh biết phải làm gì và nhắc lại từng lời những điều anh phải làm và không được làm. Anh lính cám ơn rối rít và hứa sẽ nghe lời.
Trước nửa đêm, anh đứng trước đầu quan tài. Đúng nửa đêm, nắp quan tài bật ra, anh lấy đậy lên mình. Công chúa đọc bức thư, nhảy ra khỏi quan tài và lục lạo khắp nhà nguyện. Nàng tìm từ đầu này tới đầu kia, đi ra sau bàn thờ, nhảy vào tủ đồ thánh, lên tòa giảng, chạy khắp hành lang. Trong lúc
nàng lục lạo khắp nơi, anh lính lặng lẽ chui vào quan tài, chắp hai tay lên ngực và nhắm mắt lại... Cuối cùng, công chúa trở lại quan tài, khóc lóc và than van. Khi nàng thấy người nàng tìm nằm đó như một xác chết, nàng càng khóc dữ. Nàng đổ hàng suối nước mắt và cầu khẩn người lính mở mắt ra và ngồi dậy. Nhưng anh lính Di-gan cứ nằm yên.
- Anh lính ơi, hãy nhìn tôi - nàng nói giọng hết sức ngọt ngào. Hãy coi tôi đẹp biết bao. Nếu anh ngồi dậy, anh sẽ cứu được mạng tôi và tôi sẽ làm vợ anh.
Có lẽ anh lính rất muốn biết công chúa có thật đẹp như nàng nói không, nhưng anh không dám mở mắt và cử động. Bỗng người ta nghe đồng hồ trên tháp chuông đổ. Một giờ... công chúa thét to và ngã vật xuống đất.
Người lính chờ một lúc nữa. Khi mọi thứ đều im lặng, anh ra khỏi quan tài. Anh nhìn công chúa và thấy nàng bất động. Anh bồng nàng lên để vào quan tài và đậy nắp lại. Anh biết rằng nàng không còn làm hại anh được nữa. Kế
đó anh nằm xuống thảm trước bàn thờ và ngủ say. Sáng hôm sau, khi lính mở cửa nhà nguyện và một lần nữa thấy anh Di-gan vẫn còn sống, họ chạy đi báo tin cho vua biết. Nhưng người lính canh không đợi nhà vua đòi anh tới nữa. Anh vắt giò lên cổ chạy ra khỏi nhà nguyện. Anh chạy tới chỗ cất
giấu, lấy túi vàng vác lên vai và đi thẳng. Trên đường đi, anh dừng lại nhà bà già Di-gan, đền ơn bà trọng hậu. Rồi anh từ giã bà, mua một con ngựa để đi cho nhanh, sung sướng gặp lại vợ con mà anh không gặp mặt suốt bảy năm.
Một cuộc chiến tranh không như những cuộc chiến tranh khác
Cách nay đã lâu, qua khỏi những dãy núi rất xa, giữa hai ông vua có chuyện xung đột và ông vua nước mạnh đã tuyên chiến với ông vua láng giềng, như thường xảy ra trong những trường hợp như vậy. Thần dân của hai nước vì vậy phải chém giết nhau và ông vua nước thắng trận có lẽ đã đúng. Dĩ nhiên là ông vua nước yếu không muốn có chiến tranh lắm, không phải vì thương xót những người lính tội nghiệp của mình mà vì địch thủ có quân đội lớn mạnh hơn sẽ thắng. Vì vậy ông gởi thông điệp sau đây:
- Dân của chúng ta giết nhau thì có ích gì? Chúng ta không thể giải quyết sự bất đồng mà không cần đổ máu sao? Tại sao phải đưa thần dân tới chỗ chết không có lý do? Ta nên cho họ một công việc phải hoàn thành thì hơn: nước nào có dân chúng tỏ ra khéo léo hơn sẽ thắng.
Đề nghị này không làm ông vua nước mạnh khó chịu lắm, vì mỗi khi lâm chiến ông mất nhiều người mà sau đó ông rất cần. Nghề thủ công sẽ không phát đạt nữa và đất nước chịu đói kém và nghèo khổ trong một thời gian dài. Ông biết rằng thần dân của ông có bàn tay khéo léo và đầu óc minh mẫn. Hơn nữa, ông biết quí trọng người thông minh. Vì vậy ở hoàng cung có một nữ phù thủy là người khôn ngoan nhất nước. Bà ta là cố vấn của vua.
Vua cho gọi bà tới và nói:
- Hãy chỉ bảo ta làm sao để thắng nước láng giềng mà không cần tới chiến tranh. Hãy tìm ra một công việc mà dân của họ không làm được. Nếu dân ta tỏ ra tài giỏi hơn đối thủ, chúng ta sẽ chiếm được nước láng giềng không cần tới chiến tranh.
Nữ phù thủy suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Trong nước của đức vua có nhiều người Di-gan. Dân Di-gan là thợ rèn giỏi. Hãy ra lệnh cho họ chế tạo một chiếc xe bằng sắt, không chỉ chắc chắn mà còn phải chạy nhanh và dễ điều khiển. Dân của nước láng giềng cũng phải làm việc đó. Sau đó, vua cho tổ chức đua xe. Xe nào tới trước và chịu được sự va chạm mạnh nhất sẽ thắng.
Ý kiến này cũng không làm nhà vua khó chịu. Ông ban thưởng bà phù thủy và cho vua láng giềng biết phải chế tạo chiếc xe. Sau đó ông cho gọi tất cả thợ rèn tới và bảo người nào rèn được một chiếc xe sắt chắc chắn nhưng
đồng thời phải nhanh, nhẹ, dễ điều khiển, sẽ được trọng thưởng.
Vua nước láng giềng cũng giao phó công việc đó cho thợ rèn của mình. Một trong số thợ rèn có một thợ phụ là người Di-gan. Người học việc này là một đứa trẻ bị bỏ rơi và không có cả tên. Vả lại anh ta cũng không cần tên lắm, vì người chủ thợ rèn đã nuôi anh từ nhỏ luôn luôn gọi anh là ''đồ Di-gan''. Nhưng thằng bé khéo léo và thông minh dầu không biết đọc cũng không biết viết. Người thợ rèn đã sớm giao cho anh những công việc khó khăn nhất.
Khi người học nghề được mười tám tuổi, anh đã biết nghề hơn chủ. Nhưng anh không được một xu tiền công và người chủ cũng không muốn cấp chứng nhận lành nghề cho anh. Ông ta sợ khi đã thành người thợ lành nghề, anh thanh niên Di-gan không còn thân thiết với ông và có thể bỏ ông.
Khi người thợ rèn nghe lệnh vua, ông ta bảo vợ nấu một nồi thịt hầm thật ngon, rồi gọi anh thợ học nghề tới, bảo:
- Anh có thể một mình ăn hết nồi thịt này nếu anh rèn được cho ta một chiếc xe sắt chắc như đá, nhưng cũng phải nhanh và dễ điều khiển: Anh nghĩ có làm được không?
- Sao lại không? anh Di-gan trả lời.
Anh ngốn hết nồi thịt hầm ngay; anh còn xin bà chủ cho anh bánh mì và anh vét nồi sạch đến nỗi người ta không cần phải rửa. Kế đó anh nói:
- Thưa ông chủ, nếu ngày nào ông cũng cho tôi ăn như vầy, ông sẽ ngạc nhiên về những việc tôi có thể làm.
- Được, ngày nào anh cũng sẽ ăn như vầy và ta sẽ mua quần áo đẹp và giày mới cho anh.
- Nhưng ông cần chiếc xe đó để làm gì? anh hỏi.
- Đây là một cuộc thi để ta có thể cấp bằng chứng nhận cho anh - ông chủ trả lời.
Thế nên anh Di-gan hăng hái làm việc. Bữa trưa và bữa tối, anh ăn bằng bốn người, nhưng cả ngày anh làm việc không ngừng đến nỗi những tia lửa bắn tung tóe đầy lò rèn. Anh hát và huýt, gió vui vẻ trong khi làm việc và công việc tiến triển thấy mà thích.
Cuối cùng anh làm xong chiếc xe: Ông chủ xem xét và nhận thấy đó là một tác phẩm chưa lừng có. Thùng se trơn nhẵn, làm bằng một tấm sắt mỏng, không có một vết trầy và không một bọt khí. Gọng xe uyển chuyển và chắc chắn có thể đóng tới mười hai con ngựa và bánh xe sắt quay quanh trục nhanh như con vụ.
Người thợ rèn đóng con ngoẽo ốm ô của anh vào xe, nhưng nó kéo cái xe cũng không khó khăn chút nào. Ông ta đánh xe tới hoàng cung. Vài người thợ rèn cũng đem xe của họ tới, nhưng không có chiếc nào chắc chắn và dễ điều khiển như chiếc của anh thợ học nghề. Vua trả một số tiền lớn cho người thợ rèn. Ông ta đi mua một đống quần áo đẹp cho vợ và cho mình, nhưng chỉ nhân tiện mua ở tiệm giẻ rách một số quần áo và giày cho người thợ học nghề như đã hứa.
Nhưng anh thợ Di-gan vẫn rất hài lòng vì quần áo anh đang mặc đã rách mướp và giày thì anh chưa từng mang từ lúc ra đời tới giờ. Anh cám ơn ông chủ và, sau đó anh hỏi về bằng chứng nhận của anh.
- Sao mà gấp vậy? Anh không vui lòng ở nhà ta nên muốn ra đi sao.
- Tôi không muốn đi đâu, nhưng ông đã hứa cấp cho tôi bằng chứng nhận khi tôi chế được chiếc xe mà ông đã đem bán ở thành phố.
- Ta có nói là ta không cấp bằng cho anh đâu. Nhưng ta nghĩ rằng bây giờ không phải là lúc cháy nhà và anh có thể chờ vài ngày hoặc vài tuần để ta có đủ thì giờ!
Rồi người thợ rèn quay lưng, bỏ đi.
Anh Di-gan thở dài và trở lại làm việc. Lúc đó có một người khách vào lò rèn, yêu cầu đóng móng ngựa. Trong khi anh thợ làm việc, người khách cho biết tin tức ở thành phố. Ông nói:
- Này anh bạn, chủ anh là người thợ khéo. Ông đã chế tạo một chiếc xe sắt cho đức vua và người trong nước đã tới xem. Chuyện đó không phải là lạ. Mọi sự phụ thuộc vào chiếc xe đó, vì nhờ nó chúng ta có thể thắng cuộc chiến tranh.
- Cuộc chiến tranh nào? anh Di-gan không hiểu.
- Anh không bao giờ ra khỏi lò rèn và làm việc nhiều đến nỗi không biết chuyện gì xảy ra trên đời nữa. Người khách kể cho anh nghe sự thỏa thuận
giữa hai ông vua. Thế là anh Di-gan biết ràng đích thân đức vua đã mua chiếc xe của anh, vì nó là chiếc xe tốt nhất. Người khách cũng nói rằng đức vua muốn đóng mười hai con ngựa bạch giỏi nhất của mình cho cuộc đua xe. Cuộc đua sẽ diễn ra ở biên giới giữa hai nước. Hai chiếc xe sẽ xuất phát từ hai điểm cách đều biên giới. Chiếc nào tới trước sẽ được coi là chiếc xe nhanh nhất. Nhưng tại biên giới, hai chiếc xe phải đâm vào nhau. Sau tai nạn, chiếc nào không bị hư hỏng sẽ được coi là chiếc xe chắc chắn nhất. Chiếc xe nào đạt được cả hai thắng lợi, chủ của nó sẽ là người thắng trận.
Khi người khách đi rồi, anh Di-gan cởi bỏ chiếc tạp dề, mặc quần áo mà chủ anh mua ở thành phố, mang cả giày nữa, và ra đi. Bây giờ anh đã biết tại sao chủ anh bảo anh rèn chiếc xe và lý do ông ta cho anh ăn rất ngon trong những ngày gần đây. Chủ anh nhất định đã nhận được nhiều tiền của vua, thế mà ông ta chỉ mua cho anh quần áo rách. Tệ hơn cả, ông ta không cấp cho anh bằng chứng nhận mà ông ta đã hứa từ nhiều năm nay.
Anh Di-gan đi thẳng tới hoàng cung. Một đám đông chen chúc trên một khoảng đất rộng. Mọi người nhìn chiếc xe sắt và thán phục công trình chế tạo. Anh Di-gan thấy rõ đó là chiếc xe anh đã rèn nên. Anh thúc khuỷu tay chen vào đám đông để tới gần tác phẩm của mình. Anh lắng nghe người ta nói...
- Với cái này, chắc chắn chúng ta sẽ thắng trận - một người khẳng định. Suốt đời tôi chưa thấy chiếc xe nào đẹp bằng.
- Và ngựa của nhà vua chạy rất giỏi - một người nữa nói. Đó là người giữ ngựa của vua.
- Tôi đánh cuộc bất cứ thứ gì là với chiếc xe này, ngựa của chúng ta sẽ tới biên giới trước.
- Và chúng sẽ chạy nhanh hơn nữa nếu tôi đóng móng cho chúng - anh Di gan xen vào.
- Anh là ai? Người giữ ngựa hỏi.
- Là người học nghề thợ rèn đã đóng chiếc xe này - anh trả lời. Thế là mọi người xúm lại khen ngợi anh.
- Đức vua đã trả cho anh bao nhiêu? một người hỏi.
- Tôi không được gì cả - anh nói. Chủ tôi đã bỏ túi tất cả số tiền và chỉ mua cho tôi những thứ áo quần và giày dép này...
- Đi với tôi, anh bạn nhỏ, tôi sẽ đưa anh gặp đức vua - người giữ ngựa nói. Anh ta nắm tay anh Di-gan, dẫn anh đi gặp đức vua.
- Cậu trai này xác nhận rằng chính cậu ta đã chế tạo chiếc xe mà đức vua đã mua của chủ cậu ta, còn cậu ta thì không được gì cả - người giữ ngựa nói.
Vua nhìn hai bàn tay của anh Di-gan.
- Ta thấy rằng anh đúng là một người thợ rèn. Nếu quả thật chủ anh không trả công anh, anh hãy đi thưa với pháp quan.
- Tôi không muốn kiện cáo. Nhưng tôi nghe rằng ngựa của đức vua sẽ chạy thi. Cho phép tôi đóng móng sắt cho chúng và đức vua sẽ thấy chúng chạy nhanh hơn gió.
Nhà vua chấp thuận. Ông cho anh một túi vàng:
- Ta ứng trước một phần lương của anh.
Từ trước tới nay, chưa bao giờ anh Di-gan thấy một món tiền lớn như vậy.
Vì đức vua ban thưởng tôi trọng hậu như vậy, tôi xin hiến thêm một lời khuyên. Xin đức vua ra lệnh bọc sắt con đường ngựa sẽ chạy thi. Xe của đức vua chắc chắn sẽ tới đích trước nhất.
- Đó không phải là ý kiến dở - vua nói - nhưng cuộc đua sẽ diễn ra trong vài ngày nữa. Ai có thể chế tạo một tấm thảm sắt dài nhanh như vậy?
- Xin đức vua ra lệnh cho tất cả thợ rèn bắt đầu làm việc ngay - anh Di-gan khuyên. Nếu họ làm việc ngày đêm, chắc chắn họ sẽ làm xong đúng hạn. Nếu đức vua bằng lòng, tôi sẽ trông nom để họ làm việc nhanh và tốt.
- Anh thông minh lắm - nhà vua nói. Nếu anh muốn, anh hãy ở lại với ta. Anh sẽ là cố vấn của ta.
Anh thợ Di-gan ở lại. Ngay hôm đó, nhà vua bổ anh làm chức cố vấn thứ nhất kiêm võ quan của tổ chức thợ rèn. Anh thợ học việc cũ bấy giờ đã có tương lai xán lạn. Nhưng anh không để mất thì giờ. Anh cẩn thận đóng móng
cho những con ngựa đua của nhà vua và trông nom việc chế tạo tấm thảm sắt. Thợ rèn của cả nước đập sắt suốt ngày đêm. Trong số đó có cả người chủ cũ của anh Di-gan. Đó là người thợ chậm chạp nhất và vụng về nhất, và ông ta không nhận ra viên võ quan có quyền khiển trách ông ta nặng nề chính là anh thợ học việc cũ. Một hôm khi viên cố vấn mới của đức vua tới chuồng ngựa, anh gặp công chúa ở đó. Nàng nhìn kỹ anh và thấy anh dễ thương. Và vì nàng rất tò mò, nàng hỏi ngay anh là ai. Anh Di-gan giải thích và hỏi lại lai lịch của nàng. Công chúa ngạc nhiên:
- Tôi là công chúa mà, anh không biết tôi sao? Ngày nào đó hãy tới thăm tôi.
Anh Di-gan hứa sẽ tới. Nhưng trong lúc đó, ngày thi xe đã tới. Hai vị quốc vương, cố vấn của họ và các truyền cáo sứ gặp nhau ở biên giới hai nước. Hai vua lạnh nhạt bắt tay nhau, rồi quay lưng và ra hiệu cho các truyền cáo sứ. Kèn lệnh nổi lên cùng một lúc. Các chiến xa lập tức phóng đi...
Anh Di-gan đã được vua cho phép điều khiển những con ngựa mà anh đã đóng móng sắt. Những con ngựa bạch của đức vua chạy rất giỏi. Nhưng ngựa của đối phương, những con ngựa ô thuần chủng hăng hái, cũng không kém. Xe của đối phương cũng được chế tạo hoàn hảo và nếu không có tấm thảm sắt, có lẽ những con ngựa ô đã thắng, vì bà phù thủy tinh ranh đã cho chúng ăn kiều mạch trộn với dược thảo nên chúng có sức hăng hái man dại. Cũng phải nói rằng anh Di-gan biết cách điều khiển ngựa hoàn hảo. Chúng chạy trên thảm sắt nhanh như gió. Bà phù thủy ngồi bên cạnh vua giận run khi thấy tấm thảm sắt. Bà ta mất bình tĩnh vì đã không tìm được cách nào thông minh như vậy. Nhưng bấy giờ không còn làm gì được, những con ngựa trắng và đen đang phóng như bay tới biên giới. Rõ ràng là những con ngựa bạch sẽ về đích trước. Hai chiếc xe tới gần nhau với tốc độ chóng mặt. Quả nhiên những con ngựa bạch vượt qua biên giới trước đúng một thân xe. Nhưng những con ngựa ô cũng đã tới. Vào lúc cuối cùng, trước khi hai xe đâm vào nhau, anh thợ Di-gan nhảy xuống đất. Ngay sau đó, sắt thép gầm thét, ngân nga khi hai xe đâm vào nhau và nghiêng ngã.
Khi ban giám khảo do hai bên chọn lựa cùng khảo sát, họ phải nhìn nhận sự thật hiển nhiên: xe của vua nước mạnh gãy gọng và sút mất một bánh, còn xe kia không một vết trầy xước. Và vì nó đã tới đích trước, hiển nhiên nó là chiếc xe thắng cuộc.
Như vậy vua nước yếu đã thắng. Đối phương giận như điên, nhưng không thể nuốt lời hứa. Người thắng và kẻ bại quay về nước.
Nhưng ông vua thua cuộc giận lắm và dọa đánh đòn mụ phù thủy vì mụ đã khuyên bậy.
- Xin đức vua đừng nóng - bà phù thủy nói. Lần này tôi không thành công, nhưng tôi sẽ tìm được mưu kế khác.
Sau đó ít lâu, ba sứ giả của ông vua thua cuộc tới triều đình của ông vua nước yếu, mỗi người mang một nhánh cây.
- Vua chúng tôi gởi ba nhánh cây này tới cho ngài - sứ giả nói - và ngài phải đoán ra nhánh nào được chặt trước, nhánh nào được chặt sau và nhánh nào tươi nhất. Nếu ngài không đoán được, vua chúng tôi sẽ tuyên chiến.
Nhà vua hoảng sợ. Ba nhánh cây giống hệt nhau. Ông yêu cầu sứ giả đợi một lúc và ông đi hỏi ý kiến cố vấn của mình. Khi nhà vua giải thích xong, anh Di-gan mỉm cười, nói:
- Dễ lắm. Xin đức vua ra vườn, tôi sẽ chỉ cách đoán.
Trong vườn có một hồ cá vàng. Quan cố vấn ném ba nhánh cây xương nước. Một nhánh chìm ngay, nhánh kia chìm chậm hơn nhưng nhánh thứ ba nổi trên mặt nước.
Nhánh chìm đầu tiên đã được chặt trước, vì gỗ khô chìm dễ hơn gỗ tươi. Vì vậy, nhánh chìm chậm hơn được chặt sau và nhánh nổi còn tươi nhất.
Anh vớt các nhánh cây lên và lấy dao làm dấu. Nhà vua trở lại gặp các sứ giả, trả các nhánh cây được đánh dấu và cho họ về.
Khi đối phương thấy vua láng giềng tìm được lời giải đáp, ông ta giận lắm. Ông cho đòi bà phù thủy cố vấn tới và hét lớn:
- Vua láng giềng cũng thông minh như ngươi ? Ông ta đã đoán được.
- Ông ta không tự mình tìm ra lời giải đâu - bà phù thủy nói. Không ông vua nào trên đời có đủ trí khôn để biết được chuyện như vậy. Nhất định có người chỉ bảo ông ta. Hãy đặt cho ông ta một câu hỏi khó hơn và xem lần này ông ta làm sao thoát được.
Sau đó ít lâu, các sứ giả lại mang ba con ngựa tuyệt đẹp tới triều đình. - Vua chúng tôi bảo nói với ngài rằng ngài phải đoán xem con ngựa nào già
nhất, con ngựa nào có tuổi trung bình và con ngựa nào non nhất. Nếu ngài không đoán được, vua chúng tôi sẽ tuyên chiến.
Ba con ngựa giống hệt nhau và nhà vua rất bối rối. Ông yêu cầu sứ giả kiên nhẫn và ông chạy đi tìm cố vấn.
- Dễ đoán thôi - anh Di-gan mỉm cười.
- Anh bảo đem tới một nắm kiều mạch, một nắm đại mạch và một nắm cám. Anh để ba thứ dưới đất và nói:
- Thả ba con ngựa ra, để cho mỗi con chọn thứ nó thích. Một con ngựa đi thẳng tới nắm kiều mạch, một con chọn cám và con thứ ba, đại mạch. Con ngựa đã chọn kiều mạch là con thông minh nhất, vậy chắc chắn là con ngựa già nhất. Con ăn cám có tuổi trẻ hơn và con thích đại mạch là con khờ nhất, vì vậy cũng trẻ nhất.
Anh đánh dấu ba con ngựa và nhà vua trả chúng cho các sứ giả.
Khi bà phù thủy thấy nhà vua tìm được lời giải, bà tức mình suýt ngạt thở. Khi bình tĩnh lại, bà nói:
- Người cố vấn cho ông vua này là người hiểu biết về loài ngựa hơn cả tôi nữa. Đó chỉ có thể là một người Di-gan. Tôi phải tới đó để xem phải xử trí ra sao.
Thế nên bà phù thủy cải trang làm bà thầy bói, tới gặp ông vua láng giềng. Bà ta xin đoán tương lai cho vua. Vua đưa bàn tay trái cho bà xem. Bà cau mày:
- Đức vua nguy rồi. Trong đám thân cận của ngài có một người thông minh hơn ngài; y sẽ làm hại ngài để chiếm ngôi. Phải trừ khử y ngay, nếu không ngài khó tránh khỏi cái chết.
Nhà vua sợ lắm. Khi bà thầy bói đi rồi, ông tự hỏi ai có thể là người muốn làm hại ông. Còn ai khác hơn viên cố vấn Di-gan! Anh ta ở trong số người thân cận và thông minh hơn ông, vì anh ta chỉ bảo ông mọi chuyện. Thế nên vua ra lệnh bắt anh Di-gan nhốt vào một cái tháp. Nhưng vì ông sợ trí thông minh của anh nên ông cho gọi thợ nề tới, ra lệnh cho họ xây tường bít kín cái tháp lại. Như vậy tù nhân không thể trốn thoát, dầu anh ta có là người tinh ranh nhất. Trong khi thợ nề xây tường, công chúa nhìn qua cửa sổ và hỏi họ đang làm gì.
- Chúng tôi xây tường nhốt đệ nhất cố vấn của đức vua - thợ nề trả lời. - Có phải đó là người chế tạo chiến xa giúp chúng ta chiến thắng không? - Chính anh ta.
- Vậy tại sao các ngươi muốn nhốt anh ta?
- Đó là lệnh vua.
- Tại sao vua lại muốn giết người luôn luôn chỉ dẫn mình cách thoát khỏi mọi khó khăn?
- Chúng tôi không biết - đám thợ trả lời và tiếp tục làm việc. Công chúa bảo người thợ ở gần nàng nhất:
- Anh lại đây. Nếu anh làm cách nào có một viên gạch gỡ ra được trong bức tường bên phía cửa sổ thấp nhất, tôi sẽ cho anh chiếc nhẫn này.
Nàng cho anh ta thấy chiếc nhẫn có một viên kim cương lớn. Người đó hứa sẽ không tô hồ viên gạch.
Anh chàng Di-gan tội nghiệp không biết tại sao mình bị giam cầm. Anh suy nghĩ nát óc cũng không tìm được lý do khiến đức vua muốn giết anh. Tất cả những lời khuyên của anh đều đã phục vụ đắc lực cho đức vua!
Thình lình, hình như anh nghe tiếng động nhẹ; anh nhìn tới chỗ có cửa sổ thấp nhất ở nơi giam cầm anh và anh thấy gì? Bức tường có một lỗ hổng và có một người đang nhìn vào trong tháp. Và anh nghe một giọng nói có vẻ quen quen.
- Tôi là công chúa đây - một giọng phụ nữ dịu dàng. Tôi đem đồ ăn cho anh.
Anh Di-gan vui mừng tới gần tường, chỗ viên gạch được gỡ ra. Công chúa đưa qua lỗ hổng một đĩa thịt ngỗng nướng. Chúa ơi, ngon quá! Anh Di-gan ăn ngon lành trong khi công chúa nhìn anh với nét mặt hài lòng. Khi anh ăn xong, nàng nói:
- Chính tôi đã cho làm cái cửa nhỏ này trên tường. Tôi sẽ tới thăm anh mỗi ngày và đem đồ ăn ngon cho anh.
- Cô tử tế lắm - người tù cám ơn. Nhưng làm ơn cho tôi biết tại sao đức vua trừng phạt tôi độc ác như vậy. Tôi đâu có làm gì bậy.
- Có lẽ người nào đó đã nói xấu anh với đức vua. Cha tôi thường quyết định hơi vội vàng. Tôi không biết ông giận anh chuyện gì, nhưng tôi sẽ tìm hiểu và sẽ cố nói chuyện phải trái với ông. Từ nay tới lúc đó, anh phải sống, bằng cách này hay cách khác.
Trong lúc đó, bà phù thủy đã trở về nước. Bà nói với ông vua nước mạnh:
- Tôi đã làm cho người cố vấn của kẻ thù không còn khả năng làm hại chúng ta. Bây giờ tôi sẽ đưa ra cho ông ta một việc mà chắc chắn ông ta không làm nổi.
Sau đó ít lâu, mười hai thanh niên sang trọng và giống hệt nhau ra mắt đức vua. Một người nói:
- Hoàng tử, con trai duy nhất của vua chúng tôi, có mặt trong số mười hai người. Đức vua đoán xem người nào là hoàng tử. Nếu ngài lầm, vua chúng tôi sẽ tuyên chiến.
Bấy giờ nhà vua rất cần một lời chỉ bảo. Làm sao ông có thể đoán được người nào là con của kẻ thù trong khi mười hai người giống hệt nhau. Ông yêu cầu các sứ giả để cho ông suy nghĩ ít nhất một ngày. Các thanh niên chấp nhận và ông cho tiếp đãi họ trong hoàng cung. Sau đó ông đi tìm công chúa để cho cô biết hoạn nạn mới này. Công chúa chăm chú nghe ông rồi nói:
- Vấn đề lần này khó thật. Đáng tiếc là cha đã cầm tù cố vấn của cha. Có thể anh ta sẽ giúp cha được.
- Người ta nói với cha rằng y muốn làm hại cha - ông thở dài. - Ai đã nói thế? công chúa hỏi.
- Một người đàn bà báo rằng ta sẽ chết nếu không trừ khử một người thân cận làm cố vấn cho ta.
- Cha thấy chưa? Có thể nói rằng ông vua đã đưa những câu đố cho cha và đe dọa gây chiến với cha, cần phải trừ khử người cố vấn của cha, hơn cả cha nữa.
- Ta đã không nghĩ tới chuyện đó! Nhà vua kêu to. Ta thấy rằng ngay con gái của ta cũng thông minh hơn ta nữa.
- Có lẽ cha cũng sắp cầm tù con - công chúa chế nhạo. Con sợ rằng, nếu cha muốn trừ khử hết những người thân cận thông minh hơn cha, chắc cha sẽ cảm thấy cô đơn ngay trong nhà của mình.
Nhà vua cảm thấy rất bối rối và một lúc sau ông nói:
- Thật tình cha tin rằng cha đã hành động hơi hấp tấp... Nhưng làm sao bây giờ? Phá bỏ bức tường ư? Anh chàng khốn khổ đó hẳn đã chết đói từ lâu rồi. Có thể là chưa. Cha vẫn có thể thử xem.
Nhà vua ra lệnh phá bức tường xây quanh tháp. Ông ngạc nhiên khi người ta dẫn người tù tới: anh ta sống nhăn và không có vẻ ốm đói chút nào.
- Anh hãy tha lỗi cho ta - vua nói. Ta hối tiếc đã giam cầm anh và ta muốn chuộc lỗi nếu anh vui lòng chỉ bảo ta một lần nữa.
Rồi ông cho anh biết chuyện mười hai thanh niên. Anh Di-gan suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Hãy mời cả mười hai người dự tiệc. Thay vì muỗng nĩa bạc, hãy cho họ dùng muỗng sắt. Nếu họ phản đối, nói với họ rằng đức vua đã phải bán hết đồ vàng bạc để chế tạo chiếc xe. Người nào vẫn không chịu ăn bằng muỗng sắt người đó chính là hoàng tử. Chớ có thả anh ta ra, ngược lại phải giam anh ta thay chỗ của tôi.
- Nhưng đó là con trai duy nhất của vua láng giềng – nhà vua nói. Nếu ta làm theo lời anh, ông ta sẽ nổi giận và tuyên chiến.
- Ông ta đã đe dọa ngài khá đủ rồi - viên cố vấn nói - và, để thay đổi, nếu ngài đe dọa lại thì cũng không có hại gì cho ông ta đâu. Chính vì đó là con trai duy nhất của ông ta, nên ông ta sẽ không để người thừa kế phải chết đói trong tù, chuyện đó nhất định phải xảy ra nếu ông ta tuyên chiến, vì không ai có thể không ăn uống suốt một cuộc chiến tranh. Ngài hãy cho ông ta biết ngài sẽ thả hoàng tử ra ngay nếu ông ta đưa người đàn bà cố vấn của ông ta tới để trao đổi. Đó là mụ ác phụ đã bày ra tất cả những câu đố. Và chắc chắn chính mụ đã khuyên ngài cầm tù tôi.
- Làm sao anh biết được tất cả chuyện này? nhà vua ngạc nhiên.
- Một con chim nhỏ bay quanh tháp đã cho tôi biết, trước khi đức vua cho xây tường - anh Di-gan nói.
Dĩ nhiên không phải một con chim nhỏ mà chính công chúa đã cùng anh bày ra mưu kế đó.
Nhà vua theo lời khuyên của anh Di-gan. Ông mời mười hai thanh niên dự tiệc, cho họ ăn bằng muỗng sắt. Những người khách bất bình nói:
- Sao? Chúng tôi phải ăn bằng muỗng sắt ư? Tại sao ngài không cho chúng tôi dùng thìa nĩa xứng đáng?
- Bởi vì ta không còn thìa nĩa bạc nữa - nhà vua trả lời. Ta đã nghèo đi vì vua các ngươi không ngừng đe dọa gây chiến với ta. Ta phải nuôi một đạo quân tại ngũ rất tốn kém. Vậy thì các anh nên có gì ăn nấy. Ngay ta là vua mà cũng chỉ có một cái muỗng sắt thôi.
Các vị khách xì xào, nhưng khi đầu bếp dọn thức ăn, mùi thơm khêu gợi quá nên các thanh niên không cưỡng nỗi. Họ lần lượt cầm muỗng và thưởng thức món ăn. Chỉ có một người giữ vẻ mặt bực bội, không cầm muỗng, không nếm một miếng. Thế là đức vua đứng dậy, tức giận hét lớn:
- Có thứ gì ngon nhất thì ta đã đem mời, thế mà ngươi không thèm nếm món ăn của ta. Ngươi là hoàng tử! Nhưng ta sẽ cho giam ngươi vào một cái tháp và bít kín tường vì người đã dám xúc phạm ta. Các người khác về đi và nói lại cho vua các ngươi biết. Giải thích với ông ta rằng nếu ông không muốn con mình chết đói trong tù thì phải đưa ngay mụ cố vấn của ông tới đây. Nếu không, ta sẽ không thả hoàng tử ra.
Khi mười một thanh niên đem tin về cho vua của họ, ông giận quá nên đã cho đánh đòn mụ phù thủy. Kế đó ông ra lệnh cột bà ta lên lưng ngựa, giải đi nạp ngay cho ông vua láng giềng. Ngoài ra, ông còn gởi một xe đầy vàng ngọc để làm quà hòa giải. Ông cũng báo rằng ông sẽ không bao giờ tuyên chiến nữa và ông sẽ chung sống trong hòa bình và thân hữu, nếu vua láng giềng vui lòng thả con ông.
Đức vua của chúng ta rất sung sướng khi nhận được quà và thư của người từng là kẻ thù ghê gớm nhất từ trước tới giờ. Ông thả ngay hoàng tử ra và đối đãi như thượng khách, tiệc tùng trọng hậu đến nỗi hoàng tử không còn
hờn giận. Khi đức vua giải thích mọi chuyện, chàng phải nhận rằng cha mình đã hành động không đúng lắm và vị vua láng giềng có quyền tự vệ. Chàng hứa rằng, khi lên ngôi, chàng sẽ không gây chiến với ai cả và sẽ sống hòa
hảo với mọi người.
Nhà vua cho giam mụ phù thủy vào ngôi tháp mà người xây tường bít kín. Sau đó ít lâu, cố vấn người Di-gan cưới công chúa. Khi vua cha già và chết, anh Di-gan lên ngôi. Anh cai trị công bằng và khôn ngoan và sống hòa thuận với nước láng giềng. Hai vị vua trẻ thường thăm viếng nhau và nói với nhau rằng những người tiền nhiệm của họ đã sai lầm biết bao khi gây chiến và làm cho đất nước điêu linh. Dân hai nước rất hài lòng và mọi chuyện diễn ra tốt đẹp như trong chuyện thần tiên.
Nửa người
Ngày xưa có một người thợ rèn Di-gan. Ông có ba đứa con trai. Hai đứa con đầu cao lớn và khôi ngô, nhưng đứa thứ ba không được lực lưỡng lắm. Một bên thân của cậu như bị tê liệt. Chân phải của cậu khập khễnh, cánh tay phải
co rút và nửa gương mặt bên phải méo mó như mắc chứng co cơ. Khi thấy Yépache từ phía trái, cậu dường như không sao cả, nhưng nhìn từ phía phải, người ta thấy ngay là cậu bị tàn tật. Vì vậy người ta gọi cậu là ''Nửa Người''. Nhưng ở nhà thì người ta chỉ gọi là Yépache. Cậu bé Yépache khổ tâm vì không giống như người khác. Cậu ít nói, cô độc và không chơi với ai hết, cả với các anh cậu. Vả lại, người ta cũng không yêu cậu lắm và ít để ý tới cậu. Cậu ăn, ngủ và lớn lên như những đứa con trai cùng tuổi khác, nhưng lạ là cậu không bao giờ đau ốm. Khi các anh cậu bị ban sởi, cậu vẫn ngủ chung giường mà không sao cả.
- Nó không bao giờ mắc bệnh - mẹ cậu nói.
Dầu tàn tật nhưng cậu khỏe như vâm. Ba anh em gần như sinh một năm. Khi người anh cả hai mươi tuổi, người ta nghe tin vua của dân Di-gan định gả chồng cho cô con gái Biechka mà ai cũng khen là đẹp. Vua muốn gả cô cho chàng trai trẻ Di-gan nào chứng tỏ mình mạnh hơn hết. Chàng trai đó có thể nghèo như ăn mày, nhưng phải thật mạnh. Người ta nói là đức vua sẽ thử thách từng người cầu hôn; người thắng cuộc sẽ cưới được cô Biechka xinh đẹp.
- Cha ơi, con tin rằng đây là cơ hội tốt cho con - người anh cả nói. Con trẻ và khỏe. Con sẽ đi cầu hôn con gái vua.
- Tôi không thấy tại sao anh lại đi được - người em nói. Tôi trẻ hơn anh một tuổi và anh biết rằng tôi mạnh hơn anh.
- Nói láo!
- Thật mà!
- Dừng cãi cọ - người cha nói. Chúng bây chỉ đang chứng tỏ đứa nào to mồm nhất. Hãy chứng minh mình khỏe nhất thì hơn. Hãy vào xưởng và thử nhấc cái đe lên. Đứa nào nhấc nó lên nổi và đặt được lên vai mới là người thật khỏe và có thể đi cầu hôn công chúa…
Hai anh con trai chạy vào xưởng.. Yépache đã nghe hết, cũng lếch thếch đi
theo. Cậu muốn biết anh nào khỏe hơn.
Người anh cả nắm cái đe bằng hai tay, nhấc-lên được một chút nhưng đặt nó xuống ngay. Cái đe nặng quá.
Người em bật cười.
- Thấy chưa, anh nhấc lên còn không nổi nữa mà!
Anh tới gần cái đe, nhấc nó lên nhưng khi muốn đặt nó lên vai, anh không giữ nổi và phải buông nó xuống.
- Cha, con cũng được thử chớ?
Hai anh cậu cười rộ.
- Mày muốn nhấc cái đe hả? người anh cả hỏi giọng chế nhạo - Và mày chỉ có một tay.
- Mày tường tượng gì vậy? anh thứ hai quát mắng. Một đứa tàn tật như mày lại định làm hơn người khác hả?
- Để cho nó thử- người cha hòa giải. Ai cũng có quyền thử sức. Nhấc đi, Yépache.
Thế là đứa em út tới cái đe, nắm nó bằng bàn tay hữu dụng - bàn tay trái - và nhấc nó lên khỏi mặt đất như một chiếc lông. Rồi, rất bình tĩnh, không có vẻ gì mệt nhọc, cậu đặt cái đe lên vai.
Hai người anh nín thinh, kinh ngạc. Người cha cũng hết sức bất ngờ. Ông gật đầu và nói:
- Con mạnh thật. Ta không bao giờ ngờ nổi. Ta không biết người ta có thể tìm được người Di-gan thứ hai mạnh như con không.
Thế là Yépache hỏi:
- Cha có tin rằng con nên đi cầu hôn công chúa Blechka không?
- Chỉ còn thiếu chuyện đó thôi! hai người anh nói to, có vẻ khinh dễ. Dầu mày vượt qua được thử thách do đức vua đặt ra, công chúa cũng không ưng mày đâu.
- Chúng bây không biết gì cả - người cha thương hại đứa con út. Ba con phải hòa thuận và cùng đi thử thời vận. Nếu một đứa thành công, hai đứa kia không được ghen tị mà phải chia sẻ niềm vui với nhau cho hợp đạo lý trong gia đình.
Ba anh em lên đường tới triều đình vua Di-gan. Chiều đó, họ gặp một căn chòi gỗ trên núi. Một ông già chăn cừu ở đó. Họ lễ phép chào ông và xin ngủ nhờ.
- Được chớ - người chăn cừu nói. Cứ ngủ ở đây bao lâu cũng được. Nhưng ba cậu đi đâu vậy?
- Chúng tôi đi gặp vua Di-gan để xin cưới công chúa Biechka - người anh cả trả lời.
Như vậy, các cậu chắc khỏe lắm - người chăn cừu cười.
- Nhưng các cậu không phải là người đầu tiên xin cưới công chúa Biechka. Tôi đã thấy nhiều người đi qua đây, nhưng không người nào thành công. Vả lại, chuyện đó cũng không làm tôi ngạc nhiên, vì không có người nào đủ sức thắng được con cừu đực của tôi.
- Con cừu đực nào? người anh thứ hai hỏi.
Trong đàn cừu của tôi có một con cừu đực, nó đúng là ghê gớm. Nó to như một con bê, sừng nó đen bóng, cuộn tròn, và nó khỏe như một con bò đực. Nhiều người đã thử sức với nó và chưa ai vật ngửa nó ra được. Nếu một trong các cậu làm được việc đó, tôi không tin rằng vua Di-gan có thể đặt ra một thử thách khó khăn hơn.
- Tôi muốn thử lắm - người anh cả nói.
Và người em vội vàng nói thêm:
- Tôi cũng vậy.
- Vậy thì tới đây.
Người chăn cừu dẫn ba anh em vào chuồng cừu, gọi con cừu đen ra và mời họ thử sức với con cừu.
Người anh cả đấu sức với con cừu trước. Một cuộc đấu sức ngắn ngủi. Con
cừu đảo đôi mắt dữ lợn, phóng tới, máng địch thủ lên sừng và hất tung lên không. Anh thanh niên rơi xuống đất và nằm yên như chết.
Người em nổi giận, xông tới con cừu, nắm sừng, toan vật nó ngã ra. Con cừu vùng ra, lui lại, rồi xông tới tấn công đột ngột và người em cũng bị hất tung lên không. Anh rơi xuống và cũng nằm yên. Yépache tới coi và lo ngại, hỏi ông già chăn cừu:
- Thưa ông, họ có chết không?
Người chăn cừu lắc đầu:
- Không, họ chỉ ngất thôi, rồi họ sẽ tỉnh lại. Còn cậu? Như tôi thấy, cậu có vẻ không muốn đối đầu với con cừu của tôi, phải không? Cậu là ngươi lạ lùng, tôi chưa từng thấy ai như vậy. Mặt cậu làm sao vậy? Còn tay phải và chân phải của cậu nữa? Có phải cậu bị ngựa đá không?
- Không, tôi sinh ra như vậy. .Nhưng cái đó không ngăn tôi giải quyết với con cừu của ông.
Vừa nói xong, cậu đã phóng tới, nắm sừng con cừu và quật nó mạnh đến nỗi chân của nó cắm sâu xuống đất. Nhưng cậu lại kéo nó lên, tung lên không và con cừu rơi xuống, lưng chạm đất, bốn chân chỏng lên trời.
Ông già chăn cừu sửng sốt:
- Tôi chưa bao giờ thấy như vầy. Nhất định cậu là người mạnh nhất thế gian. Tôi thề là cậu sẽ lấy được công chúa.
Yépache thở dài:
- Biết nàng có ưng tôi không?
Và không chú ý tới con cừu, cậu dùng tay trái ôm hai người anh bất tỉnh, đem họ vào căn nhà gỗ.
Hai anh cậu tỉnh lại, nhưng sáng hôm sau họ cảm thấy còn quá yếu, không thể lên đường.
- Em sẽ đi một mình - Yépache quyết định. Khi trở về, em sẽ ghé qua đây đem hai anh theo.
Khi tới triều đình vua Di-gan, anh báo là mình tới cầu hôn công chúa. Vua nhìn Yépache và bật cười:
- Hả, một kẻ tàn tật khốn khổ như ngươi? Ngươi không biết rằng ta chỉ gả con gái cho người Di-gan mạnh nhất sao?
- Tôi không thiếu sức mạnh - Yépache trả lời. Đúng là tôi chỉ có một tay và một chân lành lặn, nhưng tôi khỏe hơn nhiều người khác.
- Được, để xem - vua nói.
Ông dẫn Yépachê tới một cánh đồng có một cối xay gió.
- Cối xay gió này không quay từ năm chục năm nay. Cánh cối xay quay không được vì rỉ sét. Nếu ngươi chỉ dùng một tay làm cho cánh chuyển động và cối quay được, ta sẽ gả con cho.
Và ông cười vì ông chắc rằng anh thanh niên tàn tật không đủ sức làm cối xay quay được. Yépache chỉ gật đầu, tiến tới cái cối xay, nắm một cánh và đẩy nhẹ. Người ta nghe tiếng kẽo kẹt. Anh đẩy một cánh khác và cốí xay bắt đầu quay. Một vòng, hai vòng, rồi cốí xay bắt đầu quay lại như chưa bao giờ ngừng.
Nhà vua sửng sốt và nhất là rất sợ. Ông không hề có ý định gả con gái cho một người tàn tật. Nhưng lời nói ra rồi không lấy lại được, dầu ta là vua. Ông cho gọi công chúa Biechka tới. Khi nàng tới, tình cờ nàng nhìn thấy Yépache từ phía trái.
- Đây là người đã làm cối xay quay được - vua nói. Anh ta muốn cười con. Và vì ta đã hứa, con phải lấy anh ta làm chồng.
Biechka nhìn cái cối xay đang quay một cách vui vẻ, nhìn lại Yépache và mỉm cười. Nhưng Yépache quay mặt lại và nàng nhìn thấy nửa mặt kia. Nàng giật mình, kêu thét lên:
- Sao? Tôi bị buộc phải lấy kẻ tàn tật ghê tởm này hả? Nàng khóc nức nở và bỏ chạy.
Vua Di-gan bối rối nói:
- Anh thấy chưa, nó không thích anh chút nào và thẳng thắn mà nói thì tôi không ngạc nhiên đâu. Anh muốn lấy nó thật chớ? Một phụ nữ mà người ta
gả cho một người chồng không vừa lòng nàng thì không phải là một người vợ tốt. Và Biechka của ta không phải là một thiên thần.
Yépache cau mày. Làm sao đây? Từ bỏ một công chúa mà anh đã chinh phục được một cách xứng đáng như vậy chỉ vì bộ mặt của anh không làm nàng vừa lòng ư? Đành rằng một người vợ khinh thị anh thì cuộc đời không phải là thiên đường, nhưng anh thấy Biechka xinh quá... Anh khó lòng tìm được đám nào khá hơn, và sống không có một người vợ thì đâu phải là sống...
- Tôi muốn lấy cô, dầu cô có thích tôi hay không. Vua đã hứa và tôi đã được cô.
- Tốt, ta giữ lời hứa - vua nói. Nhưng nếu nó làm anh khổ thì anh đừng tới than phiền với ta đó, ta đã cảnh cáo rồi.
- Tôi sẽ chú ý - Yépache lẩm bẩm.
Ngày cưới đã tới. Người Di-gan từ khắp nơi đổ tới tham dự cuộc vui Lễ lạt kéo dài cả tuần và dĩa thức ăn cũng như ly rượu của khách mời lúc nào cũng được châm đầy. Khi lễ cưới kết thúc, đức vua ra lệnh đóng ngựa vào xe. Ông từ giã con gái, cho cô một túi vàng đầy làm của hồi luôn và chúc đôi vợ chồng trẻ nhiều hạnh phúc.
Biechka khóc sướt mướt, ngồi bó gối trong một góc xe, giấu mặt trong chiếc khăn choàng và im lặng. Trong suốt tiệc cưới, cô không nói với chồng một lời. Yépache buồn lắm, nhưng vì cô dâu không nói gì, anh cũng làm thinh. Anh nhảy lên chỗ ngồi đánh xe, cầm cương và tặc lưỡi, và ngựa bắt đầu chạy nước kiệu. Họ đi qua căn nhà gỗ của ông già chăn cừu, nơi Yépache để hai người anh ở lại. Khi thấy đứa em út ngồi trên xe với một cô gái đẹp, họ tức mình lắm. Họ ghen tị. Họ thích Biechka. Về phía cô dâu, nàng nghĩ thầm: Khó tin được họ là ba anh em. Hai anh trai khôi ngô và người thứ ba tàn tật. Và người ta bắt mình lấy người đó làm chồng.
Yépache không phải người ngu nên anh đoán biết anh mình và vợ mình nghĩ gì, nhưng không để lộ ra. Anh mời hai anh ngồi trong xe và bảo Biechka lên ngồi bên anh ở chỗ người đánh xe. Nàng yên lặng vâng lời và xe chuyển bánh. Trên đường đi, hai người anh to nhỏ với nhau. Họ hỏi ý nhau làm cách nào loại bỏ Yépache và chiếm đoạt vợ anh. Người anh cả đề nghị:
- Khi tới một cái giếng, ta sẽ bảo nó dừng lại. Ta sẽ nói rằng ta khát nước. Ta sẽ bảo nó đi múc nước, ta sẽ đi theo và xô nó xuống giếng. Nó sẽ chết đuối
và Biechka sẽ thuộc về tao.
- Tại sao lại về anh? người em phản đối. Tôi mạnh gấp hai anh và dầu sao tôi cũng có cảm giác là nàng nhìn tôi.
- Mày có những ý nghĩ buồn cười quá - người anh nổi giận. Nàng đã mỉm cười với tao hai lần. Nàng thích tao hơn.
- Không, nàng thích tôi.
Hai người cãi nhau một lúc lâu. Rồi họ thấy một cái giếng.
- Ngừng lại một chút đi, Yépache - người anh cả kêu – và đi lấy nước cho chúng ta uống. Tao khát nước.
Yépache dừng xe và đi tới cái giếng. Trong khi đi, anh quay lại và thấy hai anh mình đi theo. Anh nhỏ nhẹ nói:
- Hai anh ở trên xe đi. Em sẽ đem nước về cho.
- Chúng ta sẽ giúp em kéo nước - hai người anh nói.
Một người tháo dây và người kia thả thùng xuống giếng. Họ bảo Yépache: - Bây giờ em kéo nước đi, vì em mạnh nhất.
Nhưng Yépache linh cảm hai anh mình có ý định không lành. Anh nói:
- Các anh biết rằng em chỉ có một tay, và kéo nước một tay không phải là dễ... Cả ba chúng ta có thể cùng kéo. Như vậy nhanh hơn.
Hai người anh không thể từ chối. Vì vậy cả ba cùng kéo nước. Trong khi hai anh mình uống nước, Yépache để ý nhìn họ nên họ không thực hiện ý định được. Khi trở lại xe, người em rỉ tai người anh cả.
- Cứ như vầy thì không kết quả gì đâu. Phải đợi tới đêm cho nó ngủ đã.
Họ tới một bìa rừng khi trời bắt đầu tối. Họ quyết định ngủ lại ở một chỗ rừng thưa. Biechka đem thức ăn mang theo cho ba anh em ăn. Ăn xong, Yépache và Biechka nằm gần một cây sồi lớn và hai người anh nằm xa hơn một chút. Một lúc sau Yépache đã ngủ say. Ngay khi thấy anh đã ngủ, hai người anh lặng lẽ ngồi dậy và lẻn tới chiếc xe. Họ cắt dây cương ngựa và trói
chặt Yépache vào cây sồi. Biechka thức dậy, nhìn họ hành động nhưng không nói gì. Nhưng họ đã thấy nàng không còn ngủ nữa. Khi Yépache đã bị trói vào thân cây, người anh cả nói với Biechka:
- Tôi thấy cô không ái ngại cho chồng cô chút nào. Có lẽ cô sung sướng khi không phải vướng bận anh ta.
- Đúng vậy - Biechka trả lời.
- Cả hai chúng tôi đều xứng đáng hơn thằng tàn tật - người em nói. Nếu muốn, cô có thể chọn người cô thích nhất trong hai anh em chúng tôi.
Biechka thích đề nghị này. Cô cười khúc khích nhưng không nói gì. Yépache vẫn ngủ. Hai người anh và Biechka lặng lẽ đi ra xa rồi chạy tới chiếc xe. Họ đóng ngựa vào xe, nhưng lúc này giữa hai anh em phát sinh tranh chấp. Ai sẽ ngồi trong xe với Biechka và ai sẽ đánh xe?
- Chính tôi có ý kiến trói Yépache vào gốc cây - người em tuyên bố. Vậy tôi có quyền ngồi sau với Biechka. Còn anh, anh sẽ đánh xe.
- Không, mày phải đánh xe.
- Vậy Biechka phải quyết định - người em đề nghị.
Biechka đề nghị tự nàng sẽ đánh xe.
- Hai anh ngồi sau đi, tôi đánh xe khá lắm - nàng vừa cười vừa nói.
Nàng vừa cương quyết vừa khéo nói nên hai anh em, vì muốn lấy lòng nàng, đã nhượng bộ. Họ ngồi trong xe còn nàng cầm cương.
Khi xe dừng trước lò rèn, ông thợ rèn Di-gan và vợ ra cửa để ngắm chiếc xe sang trọng và cô gái đẹp. Họ sung sướng biết mấy khi thấy các con trai họ ngồi chung xe với công chúa! Họ đoán ngay rằng cô là Biechka, con gái của vua Di-gan, nhưng họ không biết đứa con nào là người được diễm phúc làm chồng nàng.
- Các con đã bỏ Yépache ở đâu? người cha hỏi.
- Nó thất lạc dọc đường, chúng con cũng không biết như thế nào nữa - người anh cả trả lời.
- Và đứa nào trong hai con có diễm phúc chinh phụ được cô gái đẹp này - người mẹ hỏi.
Hai anh em nhìn nhau, không trả lời được, rồi họ quay sang Biechka để hỏi ý kiến của nàng. Nhưng nàng chỉ cười và nói:
- Chính tôi cũng chưa biết tôi sẽ lấy người nào làm chồng. Cả hai đều đẹp và khỏe.
- Được rồi - người thợ rèn nói. Vậy tất cả hãy vào nhà, ta phải ăn mừng.
Trong lúc ở lò rèn người ta ăn mừng hai anh em trở về với công chúa, Yépache vừa thức dậy ở trong rừng. Anh nhìn quanh, không thấy ai cả và định ngồi dậy. Chỉ lúc đó anh mới biết mình bị trói vào thân cây. Anh hiểu ngay vợ anh và hai người anh đã phản anh. Anh tức giận nhảy lên, mạnh đến nỗi cây sồi trốc gốc. Anh cũng không bỏ công bứt dây trói anh vào thân cây. Anh cứ để vậy mà đi, mang cả cây sồi trên lưng.
Tới lò rèn, anh thấy cửa sổ sáng ánh đèn, anh nghe người ta cười nói và ca hát. Anh càng giận.
- Ta sẽ dạy cho các người biết cách vui cười khi vắng mặt ta - anh hét to, tức giận.
Anh vận sức và những sợi dây trói rơi lả tả. Anh nắm cây sồi và đập nó xuống đất dữ dội đến nỗi nó đứng sừng sững trước nhà như thể đã mọc ở đó từ lâu.
Nghe tiếng ầm ĩ, người trong nhà chạy ra. Biechka nhân ra Yépache đầu tiên. Cô thét một tiếng khủng khiếp, rồi cô thấy cây sồi vẫn còn vướng những sợi dây đứt. Cô còn sợ hơn nhưng cũng rất cảm phục. Bây giờ cô mới lường được hết sức dũng mãnh của Yépache. Nhổ cả gốc một cây to như vậy và mang nó về tận lò rèn, thật là một hành động phi thường? Người phụ nữ nào có thể cầm lòng trước một người đàn ông dũng mãnh như vậy? Thế là Biechka chạy tới ôm cổ Yépache và hôn anh.
- Đây là chồng tôi! cô nói lớn.
Nhưng Yépache xua cô như xua một con ruồi và quay qua nhìn cha anh.
- Hãy cho con biết tại sao cả nhà vui mừng mà không có con? Cha không biết Biechka là vợ con sao?
- Ta đâu biết - người thợ rèn trả lời. Hai anh con nói rằng con thất lạc dọc đường.
- Vợ con không nói là họ đã ám hại con khi con đang ngủ sao? Yépache lại hỏi.
- Không, chúng ta không biết gì cả.
- Thế thì con không muốn nhìn thấy cô ta nữa – Yépache phẫn nộ. Anh quay lưng và quả quyết bỏ đi.
- Đợi em với, Yépache - Biechka rên rỉ. Cô chạy theo, kêu khóc: - Em là vợ anh, anh hãy trở lại và tha thứ cho em!
Nhưng Yépache không bỏ công quay đầu nhìn lại. Anh rảo bước và khuất dạng sau khúc quanh. Biechka ngồi bẹt xuống đất và khóc. Cả nhà xúm lại khuyên lơn cô. Riêng hai người anh thì rất hài lòng. Họ nhẹ mình khi thấy
Yépache không trả thù và bảo cô em dâu đừng đau khổ nữa. Người nào trong hai anh em được cô chọn cũng sẽ không đòi hỏi gì hơn là được làm chồng cô. Nhưng bỗng Biechka đứng dậy, lau nước mắt và nói:
- Tôi không ưng người nào cả, tôi chỉ muốn Yépache của tôi. Anh ấy xứng đáng hơn cả hai anh gộp lại một ngàn lần. Hai anh đã lừa anh ấy, còn anh ấy thì dầu đủ sức nhổ cả gốc một cây sồi cũng không thèm đụng tới một sợi tóc của các anh. Anh ấy đi đâu tôi cũng đi theo và sẽ xin anh ấy tha thứ cho tới khi nào anh ấy chịu tha thứ cho tôi.
Nàng vào nhà, xếp tất cả đồ đạc vào một túi nhỏ, từ giã cha mẹ chồng và lên đường. Nàng đã đi rất lâu... rất lâu và nàng bỗng thấy một nhân vật rất kỳ dị ở trên đường. Thoạt tiên, nàng tưởng người đó đi thụt lùi. Nhưng khi nàng đi
qua bên cạnh ông ta, nàng phát hoảng. Nàng thấy người đó có hai mặt, một phía trước và một phía sau. Ông ta cũng có bốn tay và bốn chân. Thực tế, ông ta là ''người đôi ''. Nàng định chạy trốn cho nhanh, nhưng ông ta đã thấy nàng, và ông ta hỏi:
- Cô em, đi đâu vậy?
- Chẳng đi đâu cả - Biechka cố rảo bước.
Nhưng người đó bắt kịp nàng, nắm tay nàng và nói:
- Ta bằng lòng nhất khi cô em không đi đâu cả. Cô sẽ đi với ta.
Biechka toan kháng cự nhưng ông ta ôm chặt nàng trong bốn cánh tay và bốn chân ông ta đi nhanh đến nỗi một con ngựa có lẽ cũng khó lòng theo kịp.
Ông ta đem Biechka lên một ngọn núi thủy tinh. Cung điện của ông ta ở đó. Ông ta để nàng đứng xuống đất và nói:
- Cô sẽ là vợ của ta. Ta là một pháp sư nhiều quyền uy và ta sẽ cho cô tất cả những gì cô thích.
Nhưng Biechka không muốn gì cả mà chỉ khóc. Thế nên lão pháp sư nổi giận và nói rằng lão sẽ bỏ mặc cô một mình chừng nào cô chưa đổi ý.
- Trong ba ngày nữa, khi ngôi sao đầu tiên chiếu sáng, ta sẽ trở lại để yêu cầu cô trả lời.
Còn lại một mình, Biechka đi quanh đỉnh núi thủy tinh và hiểu rằng nàng không thể nào trốn thoát nếu không có ai giúp đỡ. Núi dốc đứng và vách đá trơn nhẵn. Nàng ngồi trước cửa cung điện thủy tinh và khóc đau đớn:
- Ta bị trừng phạt như vầy vì đã chê người chồng nhân hậu.
Bấy giờ nàng hối hận đã cư xử độc ác với Yépache biết mấy! Nàng không khóc nữa nhưng hết sức buồn rầu. Nàng cất tiếng hát để ít ra cũng nghe tiếng của mình cho bớt lẻ loi. Bài hát do nàng tự đặt ra:
Thuở xưa, Biechka sống vui
Ở nhà cha mình là vua Di-gan.
Nhưng một hôm, cha gả nàng
Cho một người anh hùng dũng mãnh.
Công chúa Biechka buồn lắm
Vì người đó xấu quá
Còn các anh chàng rất khôi ngô.
Họ đã làm hại em trai để chiếm vợ.
Cho tới ngày Biechka thấy chồng mình
Nhổ gốc một cây sồi to
Nàng quên nửa mặt chồng rất xấu
Và từ đó hết lòng yêu chồng.
Yépache phẫn uất bỏ đi,
Biechka theo chàng để xin tha thứ.
Nhưng nàng đã gặp rủi ro:
Một pháp sư có hai mặt, bốn tay.
Pháp sư bốn tay và bốn chân
Đã mang Biechka lên núi thủy tinh
Cô gái đáng thương bị giam cầm
Nàng đau buồn vì mất Yépache.
Hát xong Biechka bỗng nghe một giọng nói run run trên đầu: - Bài hát của cô hay lắm! Hát một lần nữa đi. Tôi muốn học thuộc lòng.
Biechka hốt hoảng nhìn lên và thấy một con chim lông đen đậu trên một đầu cột trước lâu đài. Đó là một con chim ác là; nó nói được tiếng người vì pháp sư đã dạy nó để có người nói chuyện.
-Mày là ai? Biechka nói. Mày làm tao sợ quá.
- Đừng sợ - con ác là nói giọng ồ ề. Tôi thuộc về pháp sư nhưng tôi không thích ông ta và tôi thương hại cô. Nếu cô muốn, tôi sẽ giúp cô.
- Mày làm sao giúp tao được - nàng thở dài.
- Dạy cho tôi thuộc bài hát của cô đi và tôi sẽ bay đi tìm chồng cô. Đừng sợ gì cả, tôi sẽ tìm ra anh và tôi sẽ nói lại những lời đẹp đẽ mà cô đã dùng để ca tụng sự dũng mãnh và vinh quang của anh. Tôi chắc anh sẽ tha thứ cho cô và sẽ tới giải cứu cô.
Biechka dạy con chim thuộc bài hát của mình. Con chim rất chuyên cần và nó thuộc nhanh bài hát. Thế rồi nó giương cánh bay đi. Nó bay chỗ này, chỗ nọ và cuối cùng tìm được Yépache. Anh đang nằm ngủ dưới một gốc cây. Con ác là đậu trên một nhánh cây ngay trên đầu anh và kêu dữ dội. Nhưng Yépache không tỉnh giấc. Thế là con chim đậu ngay trên ngực anh và mổ lên mặt anh. Yépache giật mình, đuổi con chim bằng bàn tay lành lặn. Nhưng con ác là tiếp tục bay vờn quanh anh và bắt đầu hát bài ca của Biechka. Dĩ nhiên con chim hát dở hơn Biechka nhiều, nhưng Yépache cũng lắng tai nghe. Anh chăm chú lắng nghe và khi con ác là hát hết bài, anh đứng bật dậy:
- Ai đã dạy mày bài hát này, hả chim?
- Còn ai nữa nếu không phải vợ anh? Nếu anh luận giải cứu cô, tôi sẽ dẫn anh tới núi thủy tinh.
- Tao theo mày - Yépache nói.
Con ác là bay rất thấp để Yépache có thể đi theo và nó đưa anh tới núi thủy tinh. Khi Yépache thấy ngọn núi, anh hiểu rằng giải cứu vợ mình không phải là chuyện dễ. Anh suy nghĩ một lúc rồi anh yêu cầu con ác là bay lên đỉnh núi, nói với Biechka là anh đã tới tìm nàng.
Bảo cô lục lọi trong nhà pháp sư và tìm cho ra một sợi dây, một tấm khăn trải giường hay bất cứ thứ gì để làm một chiếc thang dây. Khi có vật liệu, nàng hãy bện thang ngay. Khi thang khá dài, nàng buộc chặt một đầu ở phía trên rồi ném xuống cho tôi.
Khi con ác là báo cho biết nàng phải làm gì, nàng vui mừng hớn hở. Nàng thu nhặt tất cả khăn trải giường và rèm trong lâu đài của pháp sư, không chừa lại một miếng giẻ nhỏ, cắt tất cả thành những dải dài và bắt đầu bện một chiếc thang dây. Nàng bện suốt ngày, suốt đêm, nhưng chiếc thang vẫn chưa đủ dài.
Sáng ngày thứ ba, ngày mà pháp sư sẽ tới, không còn dây vải cho nàng bện nữa. Nhưng khi nàng tung cái thang xuống chân núi, nó vẫn thiếu một đoạn. Nàng lục lọi khắp lâu đài một lần nữa nhưng không còn một khúc vải nào. Thế nên Yépache bảo con ác là nói với nàng cắt tóc để bện cho xong chiếc thang.
Biechka làm theo lời anh. Nàng cắt sát đầu hai bím tóc dài và bắt đầu hoàn tất chiếc thang. Trời đã xế chiều khi nàng làm xong. Khi nàng ném chiếc
thang xuống sườn núi, nó đã đủ dài tới chỗ Yépache. Anh bám thang, leo lên. Chiếc thang đu đưa và nhiều lần Yépache phải dừng lại để thở. Khi anh lên tới đỉnh núi thủy tinh thì trời vừa tối. Đúng lúc anh ôm chặt vợ vào lòng, ngôi sao đầu tiên cũng vừa chiếu sáng... Lúc đó lão pháp sư không biết từ đâu ra, đứng sững trước mặt Yépache và Biechka.
- Ngươi định bắt cóc vị hôn thê của ta hả? lão nói bằng giọng đe dọa.
- Nàng là vợ ta - Yépache trả lời. Chúng ta đã kết hôn trước một vị tu sĩ và ngươi không có quyền giam cầm nàng.
Lão pháp sư phá lên cười man dại.
- Ta bất chấp tu sĩ của ngươi. Người đàn bà thuộc về người nào chiến đấu để chiếm được nàng. Ta thách ngươi quyết đấu. Người thắng sẽ chiếm Biechka theo quyền của kẻ mạnh.
- Được.
Yépache buông Biechka ra, lui một bước, và chỉ lúc đó lão pháp sư mới thấy đối thủ có một tay co rút và một chân khập khểnh.
- Ngươi tưởng ta sẽ chiến đấu với một tên đẻ non sao? Lão tức giận hét to. Đi đi, đồ khốn kiếp?
- Thử một chút đi rồi sẽ biết - Yépache vừa nói vừa cười.
Và anh đánh lão pháp sư bằng tay trái. Lão không ngờ bị một đòn dữ dội như vậy. Lão sững sờ, lảo đảo và ngã từ đỉnh núi thủy tinh xuống.
Yépache ôm ngang lưng vợ anh, nàng bám chiếc thang và cả hai xuống núi nhanh như ánh chớp. Khi tới mặt đất, Yépache đi coi lão pháp sư ra sao. Lão nằm như một đống giẻ rách, chết cứng cạnh chân núi. Biechka quì trước mặt chồng và xin anh tha thứ.
- Chuyện đã qua rồi - Yépache nói. Tôi đã tha thứ cho em lúc tôi nghe con chim ác là hát bài hát của em. Có đúng là em hối tiếc chuyện đã làm. Em có muốn ở bên tôi và trung thành với tôi không? Nếu em không muốn, cứ nói thẳng và tôi sẽ đưa em về với cha em.
- Em yêu anh và em muốn ở với anh nếu anh không xua đuổi.
- Được, chúng ta đi thôi.
Yépache nắm tay vợ. Nhưng bỗng họ nghe tiếng nói run run trên đầu. Họ nhìn lên và thấy con ác là.
- Hãy cho tôi theo với. Tôi không có người thân thiết và tôi yêu mến anh chị.
Vì vậy con chim ác là đi theo họ. Nó rất biết ơn họ: mỗi khi có người yêu cầu, nó lại hát bài ca của Biechka. Nhờ vậy mà bài hát này được cha truyền con nối trong cộng đồng người Di-gan và chuyện của Yépache không bị lãng quên.
Dilino và con quỷ
Ngày xưa có một gia đình Di-gan làm nghề đốt than gồm cha, mẹ và ba đứa con trai. Hai đứa con lớn khôn lanh và khéo léo, nhưng đứa con thứ ba vụng về và ngốc nghếch. Cậu tên Dilino. Cậu luôn luôn làm chuyện quàng xiên nên không ai giao việc gì cho cậu làm nữa.
Người cha và hai đứa con lớn đốt than trong rừng. Nhưng vào một mùa đông rất lạnh, người ta cần nhiều than và ba cha con không làm hết công việc.
- Tại sao cha không bảo Dilino giúp sức chúng ta? hai người anh bất mãn hỏi.
Người cha gọi đứa con út và nói:
- Mày không thấy cả ba chúng ta làm việc sao? Trong khi đó mày nằm ưỡn ở sau bếp và không làm gì cả.
- Nhưng con muốn giúp cha lắm chớ - cậu ngốc nói. Chỉ cần cha cho biết con phải đi đâu và làm gì.
- Mày nói chuyện như thể mới sinh ra - người cha nổi giận. Còn đi đâu nữa? Thì vào rừng! Và làm gì hả? Thì đốt than!
- Được lắm - Dilino nói.
Cậu xông ra khỏi cửa, lòng đầy thiện chí.
- Đợi chút đã người cha hét. Búa và bao của mày đâu?
- Búa và bao hả? Để làm gì?
- Búa để đốn củi, bao để đựng than.
- A, đúng rồi - cậu ngốc cười lớn.
Cậu lấy một cái búa và một cái bao vắt lên vai và đi vào rừng. Cậu đi dưới tàng cây, huýt sáo vui vẻ cho tới chiều. Thỉnh thoảng cậu tự hỏi phải làm sao để có than. Cậu rất ngờ là phải đốt lửa, nhưng than ở đâu ra? Không ai giải thích cho cậu cả. Và tại sao người ta bảo cậu đem theo búa? Và bao nữa? Cậu không hiểu chuyện quái quỷ này là thế nào cả.
Trời đã về chiều mà đầu óc tội nghiệp của Dilino vẫn chưa giải quyết xong chuyện bí ẩn này. Lấy than ở đâu ra, làm sao có than? Cuối cùng, cậu thấy nhức óc quá. Cậu tự bảo: mình sẽ về nhà và đòi người ta giải thích mọi chuyện, từ đầu chí cuối. Nhưng càng gần tới nhà, cậu càng mất can đảm khi nghĩ tới lúc gặp cha và hai anh với hai bàn tay không.
- Họ sẽ mắng mỏ mình nữa, bảo mình là đồ ngu; nhưng đó là lỗi của họ - cậu lẩm bẩm. Tại sao họ không giải thích rõ mình phải làm gì?
Trong khi cau mày và lếch thếch đi như vậy, cậu thấy một thân cây rỗng trước mặt.
- Đồ mục nát cằn cỗi, đã tới lúc đốn hạ mày rồi - cậu nói to. - Mày không đáng chiếm chỗ của cây con.
Trong lúc bực mình, cậu chặt thật mạnh gốc cây già một búa. Dường như cậu nghe cái cây thở dài:
- Tao sẽ dạy cho mày thở dài! Mày rỗng ruột như một trái bầu khô; đón lấy này!
Cậu lại giơ cao búa và chặt thân cây.
Thế mà thân cây rỗng này là chỗ trú ngụ của một con quỷ. Tại sao vậy? Tôi sẽ cho bạn biết. Con quỷ này đã bị đuổi khỏi địa ngục vì đã vi phạm một số qui tắc của loài quỷ. Đích thân vua quỷ Belzébuth phạt nó phải ở trong thân cây này suốt bảy năm, bảy tháng và bảy tuần. Belzébuth nói:
- Nếu mày ở trong cây này hết thời gian bị phạt, tao sẽ vui lòng thương hại và cho mày trở về địa ngục. Nhưng nếu mày bỏ trốn trước thời hạn, mày sẽ không bao giờ được vào nhà tao nữa.
Vậy bạn hãy tưởng tượng sự bối rối của con quỷ khi nó thấy có người chặt cái cây. Nó tự nhủ: mau làm cho nó sợ, cho nó để yên cái cây của mình.
- Coi chừng! nó hét lớn. Tránh xa cái cây của ta, Ta là một con quỷ và cây này là nhà của ta. Liệu hồn ngươi đó; chặt thêm một búa nữa, ngươi sẽ thấy ngươi gặp chuyện gì.
- Ta sẽ thấy gì? Dilino không nhút nhát lắm nên hỏi lại. Nhút nhát không phải là tính nết của những người đần độn: họ cần nhiều thời gian mới cảm
thấy sự nguy hiểm.
- Ừ… ngươi sẽ thấy cái ngươi sẽ thấy - con quỷ gào thét, tự nó cũng không biết rõ lắm phải làm gì với anh chàng này. Vì nó không có quyền ra khỏi thân cây, nó khó lòng trả đũa Dilino. Nó tiếp tục lớn tiếng đe dọa:
- Cứ thử thêm nữa đi rồi ngươi sẽ thấy.
- Tại sao lại không thử? Ta thử đây.
Và Dilino chặt thân cây thêm một búa.
Con quỷ sợ thật. Nó hiểu rằng người này không sợ nó. Có lẽ đó là một người anh hùng? Hoặc một người khổng lồ? Phải cố giàn xếp chuyện này theo phương pháp hòa giải. Nó lấy giọng van nài:
- Xin nghe tôi nói, xin vui lòng tha cho cái cây của tôi. Anh cần củi, tôi sẽ cho anh thứ củi tốt nhất, muốn bao nhiêu cũng có:
- Tại sao anh lại muốn cây sồi gần mục nát này?
- Ta không cần củi mà cần than.
- Vậy thì tôi sẽ cho anh than - con quỷ hứa - và, hơn nữa, thứ than tốt nhất mà anh chưa từng thấy. Anh có bao không?
- Có đây.
- Vất cái bao vào thân cây rỗng và anh sẽ có than!
Dilino vất bao vào thân cây rỗng và khi cậu kéo bao ra, quả là bao đã đầy than. Cậu hài lòng vác bao lên vai và đi về nhà. Cái bao rất nặng nhưng may mắn là nhà không xa lắm. Vả lại cậu không phải là người ốm yếu - nếu Chúa nhân từ không cho cậu nhiều trí óc thì người không keo kiệt lắm trong việc ban phát cơ bắp. Nhưng chưa bao giờ cậu mang nặng như vậy. Cậu đổ mồ hôi dầm dề khi về tới nhà.
- Tới nhà rồi, sung sướng quá - cậu vất bao xuống đất, thở dài. Than đây, cho con ăn đi, con đói lắm.
- Ái chài! Cha cậu ngạc nhiên. Thì ra Dilino không ngốc như người ta tưởng. Nó đã đem than về thật.
Ông mở bao ra xem và kinh ngạc kêu to. Chỉ có phân nửa than trong bao màu đen, nửa kia là vàng ròng lấp lánh.
- Than lạ thật!
Hai người anh tò mò lại xem.
- Con em được than này ở đâu? Người cha hỏi.
- Con không biết - cậu ngốc trả lời, mồm đầy khoai vì cậu đang ngốn một đĩa khoai luộc mà cũng không thèm lột vỏ nữa. Con đã vất cái bao vào một thân cây rỗng và một con quỷ đã đổ than đầy bao. Nhưng con không biết chuyện này ra sao cả.
Cả nhà làm đủ mọi cách, Dilino cũng không nói gì thêm.
Từ đó, gia đình người đốt than trở nên giàu có. Khi vàng được tách ra khỏi than và đem bán, họ có tiền nhiều đến nỗi không biết dùng làm gì. Hai người anh lớn cất nhà riêng và lấy vợ. Người cha nói với Dilino:
- Tại sao con không cất nhà và lấy vợ đi?
- Một cái nhà, để làm gì? anh chàng chậm hiểu hỏi lại. Con ở đây với cha mẹ cũng sướng lắm rồi. Ai sẽ nấu ăn cho con?
- Thì vợ con chớ ai?
- Nhưng con lấy vợ ở đâu ra?
- Phải đi tìm một người vợ như các anh con vậy. Con hãy chọn một cô gái Di-gan còn trẻ và xinh, rồi ta sẽ gặp cha mẹ cô để hỏi cô cho con.
- Tốt lắm. Vậy cha hãy tới hoàng cung, hỏi con gái vua cho con đi. Người cha tỏ ra kiên nhẫn:
- Vua không gả con gái cho con đâu. Dầu con có tiền, con cũng chỉ là một người Di-gan tầm thường, còn nàng và công chúa. Con hãy chọn người bình dân như chúng ta.
- Không, con không chịu - Dilino cố đòi bằng được. Con muốn công chúa. Cha tới hoàng cung hỏi công chúa cho con đi.
- Mày là đồ ngốc. Đức vua đời nào thèm nói chuyện với tao. - Ông sẽ đuổi tao ra khỏi cửa và xua chó cắn tao.
- Chỉ còn thiếu vậy thôi – Dilino lầm bầm.
Cậu nhảy ra khỏi ghế sau bếp, xách cái búa, chạy ra khỏi nhà. Người cha hoảng sợ:
- Mày xách búa đi đâu vậy? Mày không định đi giết vua đó chớ? Quỷ thần ơi...
- Đúng là con đi tìm con quỷ đây - Dilino cười và đi thẳng. - Thằng nhỏ điên rồi - bà mẹ thở dài.
Dilino đi vào rừng, đi thẳng cái cây rỗng. Cậu vung búa lấy đà hai lần và chặt mạnh.
- Cút đi! Con quỷ gào to. Cút đi, tên phàm nhân táo tợn. Ta là quỷ đây và nếu ngươi không biến đi ngay, ngươi sẽ thấy cái chờ đợi ngươi.
- À, mây đó hả, tao biết mày rồi, tao biết tất cả chuyện dó chỉ là chuyện bịp bợm - Đilino vẫn điềm tĩnh. Chính tao đây, tao là người đã được mày cho than bữa trước. Hôm nay, tao cần cái khác. Nếu mày không cho cái tao muốn, tao sẽ phá nhà mày.
Con quỷ sợ lắm vì chỉ còn bảy tháng, bảy ngày nữa thì nó mãn hạn lưu đày. - Ngươi muốn gì? nó hỏi.
- Muốn cái gì đó làm cho không bị đả thương. Một thứ nước thần hay cái gì đó ta cũng không biết. Họ nói rằng ta là một thằng ngốc, vì vậy ta cũng không biết rõ lắm... còn mày, mày là một con quỷ và hình như quỷ thì phải khôn ngoan, vậy này phải tìm ra cái ta cần...
- Cái đó khó lắm - con quỷ rít lên. Một thứ nước thần, đâu phải có tìm là thấy...
- Được, thế thì tao sẽ phá cái lều mục nát của mày – và Dilino chặt mạnh thân cây. Cậu ta chặt mạnh đến nỗi cây sồi phải rên xiết.
- Khoan đã - con quỷ hoảng hốt gào to. Ta sẽ cho ngươi thứ nước đó. Ngươi có một cái lọ không?
- Không.
Vậy ta còn phải chế tạo cho ngươi một cái lọ trước đã - con quỷ càu nhàu. Ta sẽ có ngay một cái.
- Không sao, tao còn đủ thì giờ - Dilino nói khô khan. Cậu ném cái búa xuống đất, ngồi dựa gốc cây và chờ.
Một lúc sau, con quỷ kêu:
- Thò tay vào bọng cây mà lấy cái ngươi muốn có.
Dilino sắp thò tay ra thì bỗng nhớ đã nghe người ta nói ma quỷ mưu mô giảo quyệt lắm... Và nếu con quỷ này định lừa cậu thì sao? Cậu nói:
- Ném lọ nước thần ra đây tao sẽ bắt lấy.
- Nếu lọ nước vỡ, ngươi sẽ không có lọ khác đâu.
- Tao muốn bao nhiêu, mày sẽ cho tao bấy nhiêu. Nếu không thì không còn cây sồi này nữa.
Con quỷ trong bộng cây sồi giận run, nhưng nó phải ném lọ nước ra. Dilino khéo léo bắt lấy và trở về nhà. Cậu đi thẳng tới chỗ cha cậu.
- Cha cởi quần áo ra đi. Con đem cho cha một nước thần đây. Con sẽ xoa nước khắp mình cha và cha có thể đi gặp đức vua xin cưới công chúa cho con. Nếu vua xua chó đuổi cha chúng cũng không làm cha đau đâu vì không có gì làm cha bị thương được.
Thoạt tiên, người đốt than khăng khăng không chịu. Nhưng Dilino bướng bỉnh hơn nên ông phải chịu cậu ta để được yên thân. Khi đã được Dilino xoa nước thần khắp người, người cha đi tới hoàng cung. Nhưng lính canh không chịu mở cửa. Dầu ông mặc quần áo đẹp, họ cũng biết ngay ông chỉ là người đốt than tầm thường.
- Ông tới đây tìm gì, ông Di-gan?
- Tôi tới cầu hôn công chúa cho con trai tôi.