🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Cổ Dân Gian Nga - Alexander Afanasyev Ebooks Nhóm Zalo TRUYỆN CỔ DÂN GIAN NGA NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ Số 9 - Ngõ 26 - Phố Hoàng Cầu - Q.Đống Đa - TP.Hà Nội VPGD: Số 347 Đội Cấn - Quận Ba Đình – TP Hà Nội ĐT:(024). 66860757 - (024). 66860752 Email: [email protected] Website:nxbdantri.com.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: BÙI THỊ HƯƠNG Chịu trách nhiệm nội dung: LÊ QUANG KHÔI Biên tập: Vũ Thị Thu Ngân Bìa: Tú Ngô Trình bày: Vũ Lê Thư Sửa bản in: Thùy Chi In 2.000 cuốn, khổ 14x20.5 tại Công ty Cổ phần in và Thương mại PRIMA Địa chỉ: 722 Phúc Diễn, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội Số xác nhận đăng ký xuất bản số: 216-2022/CXBIPH/11– 09/DT Quyết định xuất bản số: 348/QĐXB-NXBDT do Nhà xuất bản Dân trí cấp ngày 28 tháng 2 năm 2022 Mã ISBN: 978–604-356-007-7. In xong, nộp lưu chiểu năm 2022. CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH OMEGA VIỆT NAM (OMEGA PLUS) VP HN: Tầng 3, số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội Tel: (024) 3722 6234 VP TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh Tel: (028) 38220 334 | 35 TỦ SÁCH ĐỜI NGƯỜI Tinh tuyển cho người Việt Thư ngỏ Q uý độc giả thân mến, Trong suốt cuộc đời mỗi người, từ lúc sinh ra, trưởng thành đến khi già đi, chúng ta luôn có những cuốn sách đi cùng như những tri kỷ thầm lặng. Sách, nguồn kinh nghiệm sống, hiểu biết và minh triết kết tinh của nhân loại cũng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà để gắn kết các thế hệ với nhau. Kho tàng tri thức của nhân loại rộng lớn vô tận. Chắc hẳn trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, không ít lần chúng ta đặt ra câu hỏi: Cuốn sách nào cần nhất lúc này? Đã có rất nhiều danh mục khuyến đọc với nhiều tiêu chí lựa chọn, theo thể loại, chủ đề, theo các nhu cầu cụ thể... nhưng nếu từ cái nhìn nương theo suốt cuộc đời một con người, hẳn danh mục những cuốn sách cần thiết sẽ phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Với lý do đó, Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) quyết định xây dựng Dự án Tủ sách Đời người, với sự tư vấn, phản biện và đóng góp từ các học giả, nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, các nhà xuất bản, những người xuất thân và sinh trưởng trong những gia đình có nề nếp đọc sách cũng như những người có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt. Không giới hạn ngôn ngữ gốc, quốc gia - châu lục, thời điểm ra đời, Dự án đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách có giá trị trường tồn với các tiêu chí quen thuộc, phổ biến, dễ tiếp nhận đối với đại chúng, được hệ thống hóa nương theo nhu cầu của các thế hệ độc giả Việt. Tủ sách Đời người hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong mọi gia đình, bao gồm các sáng tác dân gian; các tác phẩm văn học kinh điển; sách phát triển bản thân; sách về văn hóa – giáo dục, lịch sử – tư tưởng; sách về lối sống, phong tục – tập quán, nghi lễ truyền thống của người Việt.. Bên cạnh việc lựa chọn phong cách thiết kế mới mẻ, đồng bộ, thân thiện, phù hợp để làm món quà tinh thần bạn đọc trao tặng cho nhau và phù hợp với các tủ sách gia đình... chúng tôi đồng thời nỗ lực lựa chọn nguồn văn bản chất lượng, uy tín; bổ sung giá trị gia tăng cho ấn phẩm như minh họa, phụ bản... Tuy nhiên, việc tuyển chọn một danh mục như vậy là một cao vọng vượt quá khả năng của riêng chúng tôi hay bất cứ một cá nhân nào. Do đó, song song với việc xây dựng Ban Cố vấn chuyên môn, chúng tôi mong chờ sự đóng góp từ tất cả quý độc giả, những người xem việc đọc là hoạt động thiết thân trong hành trình phát triển nhân cách con người. Mọi góp ý xin gửi về [email protected]. Chúng tôi trân trọng ghi nhận và cảm ơn mọi ý kiến đóng góp quý báu từ độc giả. Mong rằng, Tủ sách Đời người ra đời sẽ cùng các tủ sách khác của Omega Plus đưa những tri thức hữu ích đến cộng đồng, khơi gợi nguồn cảm hứng đọc, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho các thế hệ độc giả Việt. Xin chân thành cảm ơn! BAN BIÊN TẬP TỦ SÁCH ĐỜI NGƯỜI Ô Lời tựa ng nội tôi – Nguyễn Bân, sinh năm 1923, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống làm nghề thầy thuốc chữa bệnh nổi tiếng ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp bậc thành chung ở một trường dân lập do người Pháp mở ở Huế thời đó và là học trò của những nhà giáo như Trần Đình Đàn, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt... Cuộc đời ông có một thời gian dài gắn bó với ngành văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian, vì vậy, ông có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết và là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học dân gian. Truyện cổ dân gian Nga là một trong số những tác phẩm được ông tôi dịch từ tiếng Pháp vào năm 1991. Suốt cả tuổi thơ lớn lên bên ông, những câu chuyện ông kể, những tập bản thảo được ông viết tay và chỉnh sửa cẩn thận đã trở thành một phần ký ức thân thương trong tôi. Sau ngày ông mất, tôi mới có cơ hội để thực hiện được một trong những điều ông mong muốn lúc còn sống, đó là in tập truyện này thành sách (có bổ sung một số truyện được ông dịch thêm vào năm 1999) – như một món quà, một kỷ niệm ông để lại cho hậu thế. Thêm một mùa xuân nữa vắng bóng ông nhưng trong lòng đại gia đình, ông vẫn luôn hiện hữu như một huyền thoại – vững vàng, ấm áp, trìu mến và đầy thân thương. Hà Nội, 02/ 2022 NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO Lời giới thiệu T ruyện kể dân gian là một phần tinh hoa của dân tộc. Truyện rất gần gũi với mọi lứa tuổi, với mọi lớp người vì nó bao hàm những tình tiết đời thường đồng thời lại hàm chứa những triết lý rất sâu sắc về cuộc sống. Dân tộc Nga, một dân tộc có bề dày lịch sử, có những truyện kể dân gian được truyền từ đời này sang đời khác. Nhà văn Alexander Nikolayevich Afanasyev (1826-1871) đã có công sưu tập và chọn lọc truyện kể của dân tộc mình. Vì thế, người ta gọi ông là “người đãi cát tìm vàng”. Tôi dịch cuốn sách Truyện cổ dân gian của ông từ bản dịch tiếng Pháp vào tháng 10 năm 1991. Trân trọng giới thiệu đến người đọc! Dịch giả NGUYỄN BÂN Người lính và nhà vua N gày xưa, ở một vương quốc nọ, có một người nông dân sinh hạ được hai người con trai. Trong một lần tuyển quân, người anh trúng tuyển, được vào quân đội, anh đã phục vụ nhà vua hết mình, và chỉ vài năm sau, anh may mắn được thăng đến cấp tướng. Trong một lần tuyển quân khác, người em cũng được tòng quân. Người ta cạo trọc đầu anh tân binh1 và tình cờ anh được bổ sung vào đúng trung đoàn do người anh của mình chỉ huy. Người anh biết đó là em trai mình nhưng anh ta không thèm đoái hoài đến người em và lạnh lùng nói: - Ta chẳng biết cậu là ai cả. 1. Ở nước Nga thời xưa, khi mới vào quân đội, tân binh phải cạo trọc đầu (ND). Một hôm, anh lính đứng gác cổng trước nơi ở của vị tướng là anh trai mình. Vị tướng này mở tiệc chiêu đãi các sĩ quan và quan chức của địa phương. Thấy người anh ăn chơi phung phí trong khi mình thì nghèo rớt mùng tơi, anh lính ôm mặt khóc nức nở. Thấy thế, các vị khách đi qua bèn hỏi: - Tại sao anh khóc? - Thưa các ngài, anh lính trả lời, tôi không khóc sao được? Anh tôi làm tướng, quyền cao chức trọng, giàu sang, nên chẳng thèm đếm xỉa gì đến tôi cả; tôi tủi thân nên khóc. Các vị khách đem chuyện đó kể lại với vị tướng. Người anh liền nổi giận: - Các ngài đừng tin cái thằng lính quèn đấy, thằng hỗn xược nói láo! Sau bữa tiệc, để cho em mình một bài học đích đáng, vị tướng quyết định phạt người em ba trăm roi và thuyên chuyển lên biên ải. Hết sức phẫn nộ, người lính bỏ trốn, mang theo cả quân phục. Sau mấy ngày đường, người lính lạc vào một cánh rừng già, cây cối ken dày, chưa có vết chân người. Anh đoán là không ai rượt đuổi được mình nữa nên ở lại đó, đi kiếm hoa quả, rễ cây, bắt cá ở suối để ăn. Cùng lúc đó, nhà vua tình cờ đi săn qua khu rừng này, có cả đoàn tùy tùng đông đảo tháp tùng. Họ thả đàn chó săn ra, thổi còi inh ỏi, thúc ngựa chạy mỗi người một ngả. Bỗng một con nai xuất hiện, chạy ngang qua trước mặt nhà vua như một trận gió. Nhà vua chưa kịp đối phó, con nai đã nhảy tõm xuống suối, bơi qua bên kia bờ rồi trốn vào rừng. Nhà vua cho ngựa vượt qua suối, phi nước đại đuổi theo con nai. Nhưng con nai đã mất hút, binh sĩ thì tụt lại khá xa. Nhà vua bị lạc vào khu rừng rậm, không có lối ra. Loanh quanh mãi, trời đã sắp tối, đang lúc nhà vua mệt lả thì ngài bỗng gặp anh lính nọ. Anh hỏi: - Xin chào ngài, ngài từ đầu đến đây? - Tôi đi săn, chẳng may lạc vào rừng, xin anh chỉ đường giúp. - Nhưng ngài là ai? Người lính hỏi lại. - Tôi là người hầu cận của nhà vua. Trời tối rồi, ngài cứ yên tâm ngủ ở góc rừng này với tôi. Sáng mai tôi sẽ chỉ đường cho ngài ra. Hai người đi tìm chỗ ngủ qua đêm. Họ thấy đằng xa có túp lều, người lính bảo: - Lạy Chúa, tốt quá, Chúa đã ban cho chúng ta một nơi nghỉ chân. - Cả hai người chui vào lều, thấy một mụ già đang ngồi trong đó. - Xin chào bà. - Chào anh lính, mụ già chào lại. - Chúng tôi bị lạc đường, bà có gì cho chúng tôi ăn uống với, anh lính nói. - Già này chẳng có gì cả, nếu có thì cũng chỉ vừa đủ để già này ăn mà thôi. - Bà nói dối, anh lính vừa nói vừa sục sạo mọi nơi trong túp lều. Chao ôi, mụ già có đủ mọi thứ: thức ăn đầy nổi, rượu hàng chục chai, rất nhiều. Cả hai người ngồi vào bàn ăn uống no nê, rồi trèo lên gác để ngủ. Người lính bảo nhà vua: - Ngài hãy tự cứu mình trước, Đức Chúa Trời sẽ cứu ngài sau. Chúng ta phải thay nhau gác để ngủ. Họ bốc thăm. Nhà vua phải gác đầu tiên. Người lính cho nhà vua mượn kiếm, định chỗ cho nhà vua đứng canh ở cửa bước lên gác, dặn nhà vua phải luôn cảnh giác, tỉnh táo lắng nghe, nếu có gì nghi ngờ thì gọi anh lính dậy ngay lập tức. Dặn dò xong, anh lính đi ngủ, nhưng anh lại nghĩ: - Ông này chắc là chưa bao giờ chịu khổ vì mới bị lạc đường mà ông ta đã nản chí. Ông ta mệt, chắc là không thức được, ta phải ra xem thôi. Ngồi yên một chỗ, thấm mệt, nhà vua ngáy khò khò. Anh lính thấy thế thì nói to: - Tại sao ngài lại gật gù thế? Ngài ngủ rồi à? Nhà vua ú ớ - Không đâu, tôi thức đấy chứ. - Cảnh giác nhé, anh lính lại dặn. Sau mười lăm phút, nhà vua lại ngủ gật. - Ngài lại ngủ rồi à? Ông bạn? Tại sao vậy? Anh lính hơi xẵng giọng. - Không, không, nhà vua liền chối ngay. - Nếu lần này ngài còn ngủ nữa thì chớ có trách tôi nhé. Nhưng chỉ mươi lăm phút sau, nhà vua đã lại khuỵu xuống đất, ngủ say như chết. Người lính vội vùng dậy, mắng nhà vua: - Canh gác như thế hả? Mười năm đi lính, tướng quân của tôi chưa bao giờ tha thứ cho ai có kiểu canh gác như thế cả. Ngài chưa được rèn luyện chu đáo, điều ấy đã rõ rồi. Tôi đã tha thứ cho ngài hai lần, đến lần thứ ba thì không thể được đâu... Ngẫm nghĩ một lát, người lính ra lệnh: - Thôi, cho ngài đi ngủ, để tôi canh gác cho. Nhà vua vừa đặt lưng thì đã ngủ say, chẳng biết trời đời gì nữa, còn anh lính thì đứng canh gác, tay cầm lưỡi kiếm y như hồi anh ta còn tại ngũ vậy. Bỗng có tiếng còi thổi ngoài đường, tiếng vó ngựa chạy lóc cóc, bọn cướp tràn vào túp lều. Mụ già đứng dậy đón bọn cướp, nói thì thào: Chúng ta có hai “vị khách” đang ngủ đêm. - Được lắm. Suốt đêm nay, chúng tôi đã lùng sục khắp mọi nẻo đường nhưng chẳng có món hàng nào cả. Đây quả là của quý có một không hai. Nhưng nào! Mụ hãy cho bọn tôi ăn uống đã chứ! - Ừ, bọn mày cứ tự do, mụ già vừa nói vừa soạn thức ăn và rượu ra bàn. Một thằng cướp nói: - Nhanh lên! Chúng bay đâu! Các vị khách ngủ ở đâu cả, hở mụ? - Trên gác, bà già đáp lại gọn lỏn. - Được rồi, tôi sẽ thanh toán với hai vị khách này. Một thằng cướp khác nói, tay cầm con dao găm, leo lên gác. Nhưng khi nó vừa ló đầu thì người lính đã dùng lưỡi kiếm phứt đầu nó nhẹ nhàng, không hề có một tiếng động. Người lính kéo xác tên cướp lên chạn đứng chờ tên khác. Những tên cướp ngôi ăn uống bên dưới đợi mãi, chẳng thấy gì, không hiểu tại sao, bèn cử tên thứ hai lên xem xét; vừa ló đầu, hắn bị anh lính giết ngay tức khắc, không kịp kêu lên một tiếng. Cứ như thế, hết thằng này đến thằng khác, cả băng cướp hung hãn bị anh lính tiêu diệt hết. Sáng hôm sau, khi mới tỉnh giấc, thấy xác chết đầy gác, nhà vua kêu lên: - Ủa! Này anh lính, chúng ta rơi vào nơi nào đây? Người lính bèn kể lại đầu đuôi sự việc cho nhà vua nghe, rồi cả hai người bước xuống nhà. Vừa thấy mụ già, anh lính quát: g g y ụ g q - Mụ già xảo quyệt kia! Mụ cả gan đưa bọn cướp đến đây để sát hại hai ta. Hãy mang tiền của bọn cướp mang về ra đây cho ta! Mụ già sợ quá run bắn lên, vội mở hòm đầy vàng bạc châu báu. Người lính lấy ba lô, túi quần, túi áo của mình đựng của cải quý giá và nói với nhà vua: - Ngài hãy lấy đi, của phi nghĩa cả mà. - Anh bạn ơi! – Nhà vua nói nhỏ nhẹ – Tôi chẳng cần những thứ ấy đâu. Nhà vua của tôi chẳng thiếu cái gì, và tôi đây, nếu có, cũng nhiều hơn lắm lắm. - Đó là quyền của ngài. Người lính vừa nói vừa dẫn nhà vua ra khỏi cánh rừng, đến tận đường cái: - Ngài cứ đi theo con đường này, khoảng vài giờ sau ngài sẽ đến kinh đô thôi. - Tạm biệt, nhà vua nói, anh đã giúp tôi tai qua nạn khỏi, tôi nhớ ơn anh mãi mãi. Anh hãy đến gặp tôi, tôi sẽ làm cho anh giàu có, sung sướng. - Không được! Anh lính nói, tôi là lính đào ngũ, nếu tôi tới kinh đô, họ sẽ cùm tôi lại ngay. - Anh lính này, chẳng có gì nguy hiểm đầu, anh cứ yên tâm. Nhà vua rất quý mến tôi; tôi chắc rằng một khi nghe tôi kể lại về lòng dũng cảm của anh, không những nhà vua tha tội cho anh mà còn ban thưởng cho anh nữa là khác. - Làm thế nào để gặp được ngài? - Anh cứ đến thẳng cung điện nhà vua ở. - Được, ngày mai tôi sẽ đến. ợ g y Theo lời chỉ dẫn của người lính, nhà vua rảo bước, nhảy lên ngựa, phi nhanh trên con đường cái. Vừa tới kinh đô, nhà vua hạ lệnh cho các đồn lớn nhỏ, các doanh trại quân đội, khi thấy người lính đi qua, phải nghênh tiếp trọng thể. Hôm sau, khi người lính vừa tới đồn đầu tiên, binh sĩ ở đây đã bận đồng phục, bồng súng chào như đón một vị tướng. - Cái gì lạ thế? Người lính ngạc nhiên hỏi, lễ đón tiếp này dành cho ai thế? Dành cho anh đấy, binh sĩ trả lời. Anh lính bèn mở ba lô của mình ra, vốc một nắm vàng, bạc thưởng cho binh sĩ đồn ấy. Anh lại tiếp tục đi; ở những ngã ba, ngã tư đường, ở đâu anh cũng gặp binh sĩ bồng súng chào, anh lại lấy vàng bạc ra thưởng cho họ. Anh lại nghĩ thầm: - Lạ thật! Cái ông hầu cận nhà vua mà lại có uy quyền đến thế ư? Chắc ông ta đã rêu rao ta là ta có rất nhiều tiền của rồi chăng? Không khéo lại rách việc mất. Vừa đi vừa lo; anh đến cung điện nhà vua lúc nào không biết. Binh sĩ sắp thành hai hàng chỉnh tề, mang găng tay trắng toát, đứng hai bên bồng súng chào anh sau một tiếng hô dõng dạc của vị chỉ huy. Nhà vua bước xuống thêm, vẫn ăn mặc bộ đồ đi săn hôm nọ, tươi cười đón anh. Anh đã nhận ra nhà vua, cảm thấy trong người dễ chịu hơn, tự nhủ: - A, phải rồi, chính cái ông ấy là nhà vua; mình đã đối xử với nhà vua không chút khách sáo, suốt một đêm, mà mình chẳng thấy phiền hà gì cả. Nhà vua cầm tay anh, khen ngợi anh trước binh sĩ vì anh đã cứu nhà vua tai qua nạn khỏi rồi chỉ định anh làm tướng bảo vệ cho nhà vua. Đồng thời nhà vua cũng không quên cách chức anh trai của người lính vì tội cậy có quyền cao chức trọng mà bỏ cả tình anh em ruột thịt. Mèo và cáo N gày xưa, anh nông dân nọ có nuôi một con mèo, nhưng nó lại hay ăn vụng, đã vậy lại còn rất xảo quyệt. Anh nông dân đã nhiều lần răn đe nó, nhưng chẳng ăn thua gì. Sau khi đã suy nghĩ kỹ, anh bắt con mèo bỏ vào bị, buộc túm lại, mang thả vào rừng, chỉ mong rằng sau này anh chẳng gặp lại nó nữa. Con mèo đi lang thang khắp rừng. Một hôm, nó chui vào lều của người gác rừng, nhảy lên mái nhà, sống một cách nhàn hạ. Khi thấy đói, mèo chạy vào rừng bắt chim, bắt chuột. Khi đã chén no nê, mèo lại nhảy lên mái, ngủ khì, chẳng phải lo lắng gì. Một sáng đẹp trời, mèo đi dạo chơi, gặp một nàng cáo. Cả đời chưa hề thấy mèo, cáo tự nhủ: - Ta ở rừng này từng ấy năm mà chưa khi nào gặp con vật giống như vậy cả. Cáo đến lễ phép chào mèo, rồi hỏi: - Anh bạn, anh là ai? Kẻ nào dẫn anh đến xứ sở của chúng ta? Cái tên đáng ngợi ca của anh là gì? Mèo xù lông, trả lời ngạo mạn: - Ta ấy à? Ta là Bá tước Cụ lớn Mèo, biết không? Ta từ rừng Xibia tới đây, được cấp trên bổ nhiệm đến làm quan cai trị vùng này, nghe chưa? - Xin kính chào Bá tước Cụ lớn Mèo, cáo nói nhũn nhặn, tôi chưa được vinh dự biết ngài, nhưng chẳng hề chỉ, xin kính mời Bá tước đến nhà tôi ở tạm. Tất nhiên mèo đồng ý ngay. Nàng cáo dẫn mèo về hang của mình, chiêu đãi mèo những món mồi loại đặc sản. Nàng cáo thân mật hỏi: - Bá tước Cụ lớn Mèo, ngài đã có phu nhân chưa? Hay ngài còn sống độc thân? - Tôi còn sống độc thân, mèo trả lời. - Còn tôi đây, nàng cáo nói tiếp, tôi là gái chưa chồng, chúng ta hãy cưới nhau đi, có được không? Mèo chấp thuận. Họ cưới nhau và tiệc tùng linh đình. Sáng hôm sau, nàng cáo mò vào rừng bắt mồi mang về cho mèo xơi, còn mèo thì vẫn nằm ngủ ở hang cáo. Giữa đường, cáo gặp sói, sói liền tán tỉnh: - Này cô em, thời gian qua cô em đi đâu? Người ta đi tìm cô em mà chẳng thấy tăm hơi. - Đồ hỗn xược, Cáo mắng vỗ mặt ngay, đừng có trêu ghẹo ta! Bây giờ ta chẳng phải là cô em nữa đâu, ta đã lấy chồng rồi, phải gọi ta là bà, nghe chưa? - Cô đã lấy chồng rồi à? Xin lỗi nhé, à... mà bà, bà...bà.. - Mày có biết vị quan vừa mới được đức vua bổ nhiệm đến cai trị xứ ta không? Vị quan ấy từ Xibia tới, ông ấy là Bá tước Cụ lớn Mèo – Ngày nay ta đã là phu nhân của Bá tước Cụ lớn Mèo rồi. - Tôi chưa hề biết chuyện ấy, bà lớn Bá tước ạ, sói vừa nói vừa tỏ vẻ sợ sệt, tôi có thể đến tận nhà để ra mặt Bá tước Cụ lớn Mèo được không? - Ô! Chẳng tiện lắm đâu, cáo trả lời vênh váo, Bá tước Cụ lớn Mèo là người hơi khó tính. Kẻ nào làm phật ý ngài thì phải coi chừng, Bá tước Cụ lớn Mèo vô ăn tức khắc đấy. Chi bằng sói hãy đi lùng bắt cho được một cừu non, mang đến làm lễ vật, gọi là tỏ lòng tôn kính ngài Bá tước Cụ lớn Mèo. Nhưng ta dặn, cần đề phòng mọi tai họa: Đặt lễ vật xong, sói phải núp chỗ thật kín, đừng cho Bá tước Cụ lớn Mèo thấy, nguy hiểm lắm đấy. Nghe xong, sói vội vàng đi lùng bắt cừu non. Còn nàng cáo lại tiếp tục đi tìm mồi, gặp chú gấu, gấu liền trổ tài tán tỉnh: - Anh chào cô em, cô em đẹp quá, lại có duyên nữa! - Đừng có hỗn xược với ta! Cáo mắng, nay ta không phải là cô nữa đâu, ta đã lấy chồng rồi, phải chào ta bằng bà lớn kia. - Xin lỗi, vậy chồng bà là ai vậy? Gấu khúm núm hỏi lại. Đó là một vị quan từ rừng Xibia tới để cai quản xứ này, vị quan ấy gọi là Bá tước Cụ lớn Mèo, các trịnh trọng giới thiệu. - Tôi có thể đến trình diện trước ngài Bá tước Cụ lớn Mèo được không? - Ồ! Chẳng tiện đâu. Ngài bá tước hơi khó tính. Kẻ nào dám cả gan làm ngài phật ý, ngài về ăn thịt ngay tức khắc. Chi bằng gấu hãy đi bắt một con bê, mang đến dâng lên ngài Bá tước Cụ lớn Mèo để tỏ lòng tôn kính ngài. Nhanh nhanh lên nhé! Sói cũng sẽ mang cừu non đến làm lễ vật đó. Nhưng gấu phải giấu mình vì nếu Bá tước Cụ lớn Mèo thấy được, thì hãy coi chừng. Gấu liền hộc tốc đi tìm bắt bê. - Hôm sau, sói mang đến một cừu non, lột da, rồi đứng lặng đăm chiêu; gấu cũng vừa đến kịp, kéo theo một con bê. - Chào anh bạn gấu, sói chào trước. - Chào chú sói, chú đã thấy Bà lớn Cáo và chồng bà ta đến đây chưa? - Chưa, tôi đứng chờ đây đã khá lâu. - Chú hãy đến gặp trước đi, gấu giục. - Không, không, anh có đi thì đi, anh can đảm hơn tôi. - Tôi cũng chịu thôi, sợ lắm, gấu từ chối. Bỗng từ đầu một chú thỏ xuất hiện. Gấu gọi to: - Mày đi đâu đấy? Thằng tai to! Hả? Thỏ sợ quá, định bỏ chạy. - Thằng nhóc con, mày đừng chạy, đứng lại tao bảo, sói nói dịu ngọt hơn. Mày có biết Bà lớn Cáo ở đâu không? - Thưa có ạ, thỏ trả lời, có vẻ yên tâm hơn. Mày đến thưa với Bà lớn Cáo rằng tao và anh gấu đợi vợ chồng bà đã lâu, để dâng quà biếu: một cừu non và một con bê, gọi là tỏ lòng tôn kính Bá tước Cụ lớn Mèo, nghe chưa? Thỏ chạy thục mạng đến nhà cáo. Sói và gấu đi tìm chỗ ẩn núp. Gấu nói: - Tôi sẽ trèo lên cây gần đây thôi. - Tôi chẳng biết trèo cây, đi đâu bây giờ, anh gấu ơi! Giúp tôi với! Giúp tôi với! Anh tìm giúp tôi một chỗ ấn núp, tôi van lạy anh! Gấu bảo sói chui vào bụi rậm gần đấy, rồi lấy lá khô lấp lên cho sói; đoạn gấu trèo lên cây cao, mắt đau đáu nhìn xem vợ chồng cáo đã đến chưa. Trong lúc đó, thỏ đã chạy thẳng đến hang cáo, gõ cửa, nói không ra hơi: - Sói và gấu bảo tôi đến báo với vợ chồng bà lớn rằng họ đã mang một cừu non và một con bê đến để chúc mừng và tỏ lòng tôn kính Bá tước Cụ lớn Mèo, mong ông bà đến ngay cho. Cáo lớn giọng quát: - Cút đi! Đồ thằng dài tai! Ta sẽ đến ngay. Vợ chồng cáo-mèo dắt tay nhau đến điểm hẹn. Gấu ở trên cây, nói với sói: - Này chú sói, họ sắp đến rồi; Bá tước Cụ lớn Mèo cũng bé thôi, chẳng đáng sợ lắm đâu. Vừa tới nơi, mèo nhảy ngay lên lưng con bê, xù lông, dùng móng và răng xé thịt, vừa nhai nhồm nhoàm vừa càu nhàu: - Sao ít quá thế này? Ít quá! Gấu ngồi trên cây, tự nhủ: - Tuy nó không lớn, nhưng quả là một tay ăn thịt đã quen, có tài ăn thịt. Bốn con bê cũng chưa chắc thỏa mãn được nó; không khéo nó ăn thịt cả ta nữa đấy. Trong lúc đó, sói rất muốn nhìn Bá tước Cụ lớn Mèo, nhưng khổ một nỗi là hai mắt đã bị lá khô che lấp. Sói bèn lấy tay hất lá khô đi để nhìn trộm. Nào ngờ mèo nghe tiếng lá khô sột soạt trong bụi cây gần đó, tưởng là chuột, liền nhảy lên sói, dùng móng quặp vào mồm sói. Đau quá, mất hồn bạt vía, sói vùng chạy thục mạng. Mèo cũng hoảng, không biết chuyện gì, liền nhảy lên cây, gặp ngay chú gấu. Gấu tự nhủ: - Nó đã bắt được hơi của ta rồi, khốn thay. Không có đủ thì giờ để tụt xuống cây, gấu nhảy ào xuống, nhưng nhờ có Chúa phù hộ mà chỉ bị bong gân. Vừa chạm đất, gấu chạy thục mạng, không dám quay mặt lại. Nhân lúc lộn xộn, cáo thét sau lưng gấu: - Các ngươi chạy đằng trời! Quan Bá tước Cụ lớn Mèo sẽ rượt đuổi bắt bọn mày và thịt hết. Từ đó, các loài vật ở cánh rừng này đều sợ oai quyền của Bá tước Cụ lớn Mèo, sợ luôn cả Bá tước Phu nhân Cáo. Đội vợ chồng cáo mèo ăn của biếu không lúc nào hết. Chĩnh vàng N gày xửa ngày xưa, ở vương quốc nọ, có hai vợ chồng vừa già, vừa nghèo khó, nghèo đến rớt mùng tơi. Sau một thời gian dài ốm nặng, bà vợ qua đời. Đó là một đêm đông băng giá, không ai chịu nổi. Ông già bèn đi tìm gặp láng giềng, người quen biết, nhờ họ giúp ông đào huyệt; nhưng vì họ biết ông nghèo khổ, nên ai cũng tìm cách từ chối. Ông già chỉ còn cách đến nhờ cậy vị giáo trưởng trong làng, là người có thể giúp ông ta được. Nhưng hiềm một nỗi là vị giáo trưởng này rất tham lam và vô liêm sỉ. - Thưa cha, ông già nói, tôi đến đây van lạy ngài vì Chúa giúp đỡ tôi mai táng bà vợ quá khốn khổ của tôi. - Ông có gì để trả tiền cho lễ mai táng không? Phải trả tiền trước đã, nghe không? Ông già? Vị giáo trưởng giao ước. - Nói thật với cha, hiện nay tôi chẳng có gì cả. Khi nào tôi có tiền, tôi xin trả lại cha, đây quả là lời nói của một người nghèo khổ nhưng rất thật thà. Lạy Chúa! Vị giáo trưởng bỏ ngoài tai lời thỉnh cầu ấy, nói tỉnh khô: - Ông đừng tưởng rằng mọi việc đều ổn thỏa trong lúc ông không có một xu nào. Nghe vậy, ông già tự nhủ: - Đã mức này thì ta cũng chẳng cần; ta đến nghĩa địa, tự đào lấy huyệt và ta mang vợ ta đến mai táng cũng trọn tình nghĩa vợ chồng, việc gì đâu mà phải nhờ cậy ai. Ông già cầm cuốc xẻng ra nghĩa địa, đào huyệt. Lúc đầu, ông lấy búa đập vỡ lớp băng đóng trên mặt đất, cào hết băng, dùng xẻng đào đất. Ông đào, đào mãi, bỗng lộ ra một cái chĩnh đầy tiền vàng óng ánh. Ông già mừng rỡ vô cùng: - Chúa đã cứu ta, đã trả công cho ta, thế là ta có tiền để làm lễ tang cho vợ ta tử tế rồi. Ông già nghỉ tay, ôm chĩnh vàng về nhà. Từ đó, mọi việc đều trôi chảy, êm đẹp. Một số người đột nhiên tình nguyện đến tiếp tục đào huyệt, đóng áo quan và khâm liệm cho bà vợ ông. Ông sai chị con dâu đi mua rượu ngon, thức ăn để soạn mâm cỗ ra trò. Còn bản thân ông đến tận nhà vị giáo trưởng, mang theo một đồng tiền vàng. Vừa thấy ông già đến trước thêm, vị giáo trưởng đã trợn mắt quát tháo: - Lão đến đây làm gì? Ta đã nói với lão nhiều lần rồi đừng có vác mặt đến đây khi trong túi không có tiền. - Dạ thưa cha, ông già trả lời, xin ngài bớt giận. Xin ngài hãy cầm lấy đồng tiền vàng này, ngài ban ơn đến làm lễ rửa tội cho bà lão nhà tôi, không khi nào tôi lại quên ơn ngài. Vị giáo trưởng chộp ngay đồng tiền vàng, bỏ vào túi áo, đổi thái độ, tỏ vẻ thân tình, lịch sự, nhã nhặn: - Sáng sớm, ông già thân mến ạ, ông hãy tin tôi, mọi việc đều hoàn tất tốt đẹp. Lạy Chúa! Ông già cúi chào ra về. Vị giáo trưởng nói nhỏ với vợ: - Ông già này quý hóa thật! Người ta đồn rằng ông ta nghèo rớt mùng tơi, thế mà ông ta lại biếu tôi cả đồng tiền vàng. Trong đời làm giáo trưởng của tôi, tôi đã phục vụ nhiều đám tang cho lắm kẻ quyền quý giàu sang, nhưng tôi chưa hề được ai trả ơn cho tôi hậu đến như thế. Vị giáo trưởng tập hợp các thầy giảng đến làm nghi lễ để rửa tội cho bà lão và cho mai táng trang nghiêm. Sau lễ mai táng, ông già mời vị giáo trưởng đến xơi cỗ. Khách và chủ ngôi vào bàn, trên đã dọn sẵn các chai rượu ngon, các món ăn đặc biệt. Vị giáo chủ ngốn hết khoảng bốn suất ăn, rồi dạo quanh bàn nhìn ngó một cách thèm thuồng. Sau khi đã ăn uống no say, khách khứa đã ra về hết, vị giáo trưởng mới đứng dậy cáo từ. Ông già tiễn chân giáo trưởng ra tận ngoài sân. Thấy đã vắng người, giáo trưởng hỏi nhỏ ông già: - Ông bạn già ơi! Hãy xưng tội cho ta biết, chớ để lương tâm cắn rứt, phải thật thà với ta, với Chúa: Tại sao ông chóng giàu đến thế? Hử? Mới vài hôm trước đây thôi, ông còn nghèo khổ hết chỗ nói mà sao bây giờ ông có lắm của đến như vậy? Hãy xưng tội với ta đi, ông già thân mến của ta! Ông có giết ai không? Hoặc có cướp giật của ai không? - Dạ thưa cha, lạy Chúa tôi, ông già vừa làm dấu vừa hốt hoảng kêu lên, tôi sẽ nói hết sự thật cho ngài nghe. Tôi chẳng trộm cướp của ai, chẳng giết hại ai cả; một chĩnh vàng đã lọt vào tay tôi một cách bất ngờ. Và ông già kể hết đầu đuôi câu chuyện được vàng của ông cho vị giáo trưởng nghe. Vị giáo trưởng, sau khi được biết hết sự thật, máu tham càng bốc lên cao. Trở về nhà, y tâm niệm: - Hừ! Một lão già bần tiện, bỗng chốc lại ngồi trên vàng bạc. Ta sẽ tìm đủ mọi cách lấy cho được chĩnh vàng này. Ông ta bèn tâm sự với vợ, hỏi ý kiến bà ta - Bà nó ơi! Tuồng như nhà ta còn có một con dê đực phải không? - Vâng ạ. - Tốt quá! Tôi hôm nay, ta sẽ sắp xếp việc này cho gọn. Khi vừa tối, vị giáo trưởng dắt con dê đực vào nhà, chọc tiết, lột da, lấy đôi sừng và cả bộ râu nữa; giáo tưởng khoác bộ da dê lên người rồi giục bà vợ: - Bà lấy kim chỉ, may lại cho tôi kẻo nó tuột mất, cắm luôn cả sừng và bộ râu lên cho tôi nữa nhé. Đến nửa đêm, giáo trưởng đến trước túp lều của ông già nọ, đứng dưới cửa sổ, gõ cửa rồi cào vào thêm. Ông già nghe tiếng động, vùng dậy, hốt hoảng hỏi: - Ai đó? - Yêu tinh đây! - Lều này là thánh địa, ngươi không được bước vào, ông già hét to, làm dấu thánh và đọc kinh lầm rầm. - Này lão già kia, nghe đây! Làm dấu thánh và niệm kinh chẳng giúp ích gì cho lão đâu. Nhược bằng đem chĩnh vàng trả lại cho ta. Ta đã nghĩ đến công lao của lão rồi; ta đã chỉ cho lão nơi có chôn chĩnh vàng, ta chỉ bớt cho lão chút ít để lão mai táng vợ lão mà thôi, tại sao lão dám cả gan chiếm đoạt của ta? Ông già nhìn qua cửa sổ, thấy có đôi sừng và cả bộ râu, nghĩ thầm: - Đúng là yêu tinh rồi, nó trở lại đòi chĩnh vàng thì đời ta chẳng khi nào giàu có được nữa, nhưng thôi, ta đành trả lại cho nó để được yên vui. Ông vội ôm chĩnh vàng chạy ra cửa vứt xuống thềm, rồi chạy trở vào đóng sầm cửa lại, vừa sợ vừa run lập cập. Vị giáo trưởng ôm lấy chĩnh vàng chạy trốn. Vừa tới nhà, giáo trưởng thở hổn hển nói với vợ: - Đó, chĩnh vàng đó, bà thấy không? Bà mang cất giấu vào chỗ thật kín và an toàn cho tôi, rồi bà lấy con dao ra cắt hết chỉ may cho tôi, để tôi kịp vứt cái da dê, sừng và của bộ râu nó nữa, kẻo có người thấy được thì nguy to. Nghe lời, bà vợ lấy dao ra cắt chỉ, nhưng khi và vừa đụng dao vào thì máu phun ra như xối. Giáo trưởng kêu la thảm thiết: - Ôi! Đau, đau quá! Bà vợ thử cắt chỗ khác, cũng thế thôi, máu lại phun ra, vì cái da dê đã dính chặt vào người của giáo trưởng mất rồi. Họ làm tất cả mọi cách, thậm chí mang chĩnh vàng trả lại cho ông già nọ, nhưng đã quá muộn. Một điều quá rõ ràng: Chúa đã trừng phạt tên giáo trưởng tham lam. Công chúa ếch N gày xưa, một ông vua sinh được ba hoàng tử đều đã đến tuổi lấy vợ. Nhà vua nói: - Hỡi các con thân yêu của ta! Các con hãy tự làm lấy mỗi người một chiếc cung và dùng một mũi tên để bắn. Người con gái nào nhặt được mũi tên của ai thì sẽ là vợ của người ấy; nếu chẳng có ai nhặt được mũi tên của mình thì người ấy phải sống độc thân suốt đời. Hoàng tử thứ nhất bắn một mũi tên, người con gái của một vị quận công nhặt được; hoàng tử thứ hai bắn một mũi tên, con gái của một vị tướng nhặt được; hoàng tử thứ ba, chàng Ivan, bắn một mũi tên thì một con ếch sống dưới ao ngậm mũi tên ở miệng, mang đến trả cho người bắn cung. Hai hoàng tử đầu vô cùng sung sướng, trái lại, hoàng tử Ivan thì khóc than sướt mướt: - Làm sao tôi lại có thể sống với một con ếch được, sống với nhau trọn đời có phải là chuyện dễ dàng gì đâu, quả thật là xa vời. Dù đã khóc hết nước mắt, nhưng vì đó là lệnh truyền của vua cha nên Ivan đành phải lấy ếch làm vợ. Lễ cưới cho cả ba đôi vợ chồng đều được tổ chức trọng thể, theo đúng nghi thức. Riêng nàng ếch được người ta đặt ngồi trên một chiếc mâm đẹp bằng vàng. Từ đó, cả ba đôi vợ chồng sống với nhau thuận hòa. Một hôm, vua cha yêu cầu cả ba nàng dâu mỗi người phải dâng lên một chiếc áo để biết được ai là người thêu thùa giỏi nhất. Trước lệnh đó, Ivan hoảng hốt, khóc nức nở: - Nàng vợ ếch của tôi thì làm gì được, thiên hạ sẽ chế cười nàng và tôi nữa. Trong lúc ấy, nàng ếch cứ nhảy, rồi kêu ộp ộp, oạp cạp. Chờ chồng mình ngủ say, nàng lột cất tấm áo da ếch, trở thành một cô gái xinh đẹp, gọi: - Các nữ tỳ của ta đâu rồi? Trước sáng ngày mai, hãy may cho ta một chiếc áo như những chiếc áo mà cha ta mặc. Trong chốc lát, các nữ tỳ đã cắt may xong một chiếc áo đẹp tuyệt vời. Cô gái cầm chiếc áo, xếp lại ngay ngắn, đặt trên đầu giường ngủ của hoàng tử Ivan; xong đâu đấy, cô gái lấy áo da ếch khoác áo lên người, như chẳng có việc gì xảy ra cả. Khi tỉnh dậy, hoàng tử ngạc nhiên, vui mừng dâng áo lên vua cha. Khi chàng đến nơi, vua cha đang nhận quà của hai vị hoàng tử trước. Khi nhận áo của hoàng tử đầu, vua cha chê: - Áo này ta chỉ để cho người nghèo mặc vì họ phải chui rúc trong lều rách. Hoàng tử thứ hai cũng dâng lên vua cha một chiếc áo, vua cha phán: - Áo này ta chỉ có thể dùng để đi tắm. Sau khi ngắm nghía và mặc thử chiếc thứ ba, vua cha trầm trồ: - Áo này ta sẽ mặc trong ngày lễ Thánh Giê-su! Cả ba hoàng tử cúi chào vua cha và ra về. Hai hoàng tử đầu nói nhỏ với nhau: - Chúng ta chê bai vợ của Ivan là phạm sai lầm rồi. Nó không phải là con ếch đâu, đó chắc là một cô gái có phép lạ. Vua cha lại yêu cầu ba nàng dầu mỗi người phải dâng lên một ổ bánh mì để biết được ai là người nấu nướng giỏi nhất. Hai chị dâu đầu lại nhạo báng cô em dâu ếch, nhưng họ vẫn cho một con hầu bí mật đến dò xét cách làm bánh của nàng. Biết được âm mưu của hai chị dâu mình, nàng ếch giả vờ lấy bột nhồi cho thật nhuyễn, chọc thủng một lỗ trên miệng lò nướng rồi trút tất cả bột vào trong lò. Con hầu liền chạy về báo cho hai người chị dâu; họ liền bắt chước cách làm bánh của người em dâu. Nàng ếch nhận thấy hành động đánh lạc hướng của mình đã có hiệu quả, liền lấy bột trong lò ra, trát lỗ hổng trên miệng lò lại, không để lại vết tích gì. Nàng trèo lên sân thượng, cởi áo da ếch ra, gọi: - Các nữ tỳ của ta đâu rồi! Trước sáng ngày mai hãy nướng cho ta một ổ bánh như những ổ bánh cha ta ăn vào ngày Chủ nhật và ngày lễ. Các nữ tỳ nướng bánh xong, cô gái liền sắp lên đĩa, bí mật để ở đầu giường chồng mình rồi lấy áo da ếch khoác lên mình như cũ. Khi thức dậy, hoàng tử thấy bánh liền mang dâng lên vua cha. Khi chàng đến nơi, vua cha đang nếm thử bánh của hai hoàng tử đầu dâng lên, do vợ họ làm ra theo cách của nàng ếch mà con hầu đã dò xét được, cho nên bánh vừa xấu lại vừa dở. Vua cha sai mang bánh của cả hai người xuống nhà bếp, vì không thể dùng được. Khi hoàng tử Ivan dâng bánh lên, vua cha nếm thử, khen ngay: - Loại bánh này có thể dùng ăn trong ngày lễ Thánh, ngon thật, ngon thật! Sau lần ấy, vua cha lại nảy ra ý định tổ chức một buổi vũ hội để xem thử trong ba nàng dâu, cô nào nhảy đẹp nhất. Quan khách đã đến đông đủ, hai nàng dâu đầu cũng đã có mặt, nhưng hoàng tử Ivan và nàng ếch vẫn chưa đến. Ivan tự nhủ: - Ta đi đâu bây giờ với nàng ếch của ta? y g g Rồi chàng khóc than. Nàng ếch đến bên cạnh, an ủi: - Đừng khóc nữa, chàng cứ ăn mặc thật là đẹp đến dự vũ hội đi, em sẽ đến ngay, chàng đừng lo gì hết. Đã yên tâm, hoàng tử Ivan đến vũ hội. Nàng ếch liền lột áo da ếch, hiện ra với áo quần đẹp tuyệt vời. Ivan vui mừng khôn xiết. Mọi người vỗ tay tán thưởng: - Ôi! Đẹp quá! Đẹp quá! Mọi người ngồi vào bàn tiệc; nàng ếch ăn thịt thiên nga rồi lấy xương luồn vào tay áo bên phải, nàng nhấp một ngụm rượu rồi đổ nốt vào tay áo bên trái. Hai người chị dâu thấy vậy bèn bắt chước làm theo. Cuối bữa tiệc, mọi người đều đứng dậy để nhảy. Vua cha cho phép hai nàng dâu lớn mở đầu cuộc khiêu vũ, nhưng cả hai đều nhường cho nàng ếch. Nàng liền cầm tay Ivan cùng nhảy; nàng xoay người bên này, xoay người bên kia, uyển chuyển, nhịp nhàng như một nàng tiên. Nàng vẫy tay áo bên phải, tức thì sông núi hiện lên như bức tranh; nàng vẫy tay áo bên trái, một bầy chim đủ màu sắc bay ra, hót líu lo. Quan khách trầm trồ khen ngợi. Vũ hội tạm thời chấm dứt để giải lao. Khi vũ hội tiếp tục, hai người chị dâu cùng chồng ra nhảy tiếp, họ bắt chước nàng ếch. Họ vung tay áo bên phải: xương gà tung ra làm bẩn hết áo của quan khách; họ lại vung tay áo bên trái: rượu lại vung vãi ra cả bốn phía, quan khách bị ướt hết áo quần. Vua cha bất bình, nói to: - Thôi, đủ rồi, đủ lắm rồi! Vũ hội kết thúc. Hoàng tử Ivan trở về cung của mình trước, thấy cái áo da ếch, chàng liền nhặt lên và châm lửa đốt. Nàng ếch trở về sau, tìm chẳng thấy áo da ếch đâu nữa, buồn rầu nói: - Chàng Ivan thân yêu của em, chàng đã thiếu nhẫn nại rồi; chỉ còn ba ngày nữa thôi là em sẽ thuộc về chàng mãi mãi, nhưng từ hôm nay em phải vĩnh biệt chàng. Chàng hãy tìm em ở xứ sở xa lạ, nơi chân trời cuối đất. Nói xong, nàng ếch biến mất. Suốt năm trời, Ivan thương tiếc nàng vô hạn. Không khỏi nhớ thương, hoàng tử xin vua cha và hoàng hậu gia ân cho phép chàng đi tìm vợ thân yêu của mình. Đi được mấy ngày đường, chàng thấy một túp lều hướng mặt vào phía rừng, lưng quay về phía chàng. Chàng cất tiếng: - Lều ơi! Lều ơi! Hãy quay mặt lại với ta. Túp lều liền quay mặt lại với hoàng tử; chàng bước vào, gặp một bà lão. Bà hỏi: - Hoàng tử Ivan, hoàng tử đến đây để làm gì? - Bà hãy cho tôi ăn uống đã, tôi sẽ nói cho bà nghe. Hoàng tử được bà lão cho ngủ trọ. Chàng nói: - Bà lão ơi! Tôi đi tìm nàng công chúa ếch xinh đẹp đây. - Con ơi! Con đến quá muộn rồi. Năm trước đây, nàng nhắc đến con luôn, nhưng bây giờ thì hỏng cả rồi. Từ lâu ta đã không gặp lại nàng nữa. Con hãy đến nhà bà chị thứ hai của ta, bà ấy biết rõ tin tức về nàng hơn ta nhiều. Sáng hôm sau, hoàng tử lại tiếp tục lên đường, đến một túp lều khác và gọi: - Lều ơi! Lều ơi! Hãy quay mặt lại với ta. Túp lều liền quay mặt lại, hoàng tử bước vào, gặp một bà lão khác. Bà lão hỏi: - Hoàng tử Ivan đi đâu thế? - Tôi đi tìm nàng công chúa ếch xinh đẹp, bà ạ. - Hoàng tử đến chậm mất rồi. Cô ấy không nhớ tới hoàng tử nữa đâu, cô đã hứa hôn với một người khác rồi, lễ thành hôn sẽ tiến hành nay mai thôi. Hiện giờ cô ấy đang ở với bà chị cả của tôi, hoàng tử hãy đến ngay đi, nhưng phải cẩn thận đấy; khi hoàng tử đến gần, nàng sẽ biến thành con quay cuộn chỉ bằng vàng. Chị tôi cuốn sợi chỉ bằng vàng cho con quay xong, bà ấy sẽ cất vào một cái hòm. Hoàng tử cứ việc lấy chìa khóa mở hòm, đập vỡ con quay, đưa mũi nhọn cho con quay ra đằng sau, cán con quay ra đằng trước, nàng sẽ xuất hiện ngay. Khi bước tới túp lều của bà lão thứ ba, hoàng tử thấy bà ta đang cuốn chỉ bằng vàng vào con quay. Bà bỏ con quay vào hòm và để chìa khóa ngay bên cạnh. Hoàng tử Ivan làm đúng như lời bà già trước đã dặn, thì bỗng thấy nàng công chúa xuất hiện, nàng nói: - Hoàng tử, sao chàng đến muộn thế! Em suýt nữa thì đã đã kết hôn với một người khác. Nàng bèn lấy tấm thảm bay của bà lão, mời hoàng tử cùng lên ngôi, rồi cả hai bay lên trời như đôi chim vậy. Khi người chồng chưa cưới của nàng tới và nhận ra cô dâu của mình đã đi mất, chàng bèn cưỡi ngựa theo sau. Chàng đuổi mãi đuổi mãi, nhưng tấm thảm của họ đã bay tới tận nước Nga, nên chàng đành trở về. Hoàng tử Ivan và nàng công chúa xinh đẹp đã trở về kinh đô của mình. Từ đó, họ sống với nhau rất hạnh phúc. Anh thợ thuộc da N gày xưa, gần Kiev, có một con rồng yêu quái đòi thành phố này phải nộp cống bằng cách lần lượt mỗi gia đình phải mang cho nó một cô con gái đẹp nhất. Sau đó nó xé xác người con gái và ăn ngay. Dần dà, đến lượt con gái của nhà vua phải chịu hy sinh. Người ta thấy nó mang nàng về sào huyệt nhưng không xé xác để ăn, vì nó thấy nàng có sắc đẹp tuyệt trần nên muốn lấy nàng làm vợ. Mỗi khi đi săn mồi, nó dùng những súc gỗ to và nặng để lấp cửa ra vào đề phòng nàng chạy trốn. Nhưng công chúa có đem theo một con chó bé xíu, luôn ở bên cạnh công chúa trong ngục tối. Vì vậy, công chúa có thể viết thư gửi cho nhà vua và hoàng hậu, đồng thời nhà vua và hoàng hậu cũng có thể gửi thư cho nàng. Một hôm, nhà vua viết thư cho công chúa dặn: “Con hãy tìm hiểu xem ai là kẻ khỏe hơn con rồng yêu quái này.” Từ đó, công chúa tỏ vẻ chiều chuộng con yêu quái hơn và lựa dịp hỏi nó điều ấy. Nhưng nó không chịu thổ lộ và giữ điều bí mật ấy khá lâu. Mãi về sau con rồng mới cho công chúa biết rằng ở thành phố Kiev chỉ có một người khỏe hơn nó mà thôi, đó là chàng Nikita, anh thợ thuộc da. Công chúa bèn viết thư cho nhà vua biết điều đó. Nhà vua liền sai người đi tìm chàng Nikita, anh thợ thuộc da, nhờ anh giải phóng cho nàng và tìm cách diệt trừ con quái vật. Khi nhà vua đến gặp, anh đang làm việc, hai tay cầm mười hai tấm da. Anh sợ quá, run lẩy bẩy đến nỗi cả mười hai tấm da bị rách toạc hết. Nhà vua và hoàng hậu khẩn khoản mãi, nhưng anh vẫn không chịu nhận lời vì anh nhận thấy đó là một việc làm đầy mạo ị ậ ậ y ộ ệ y ạ hiểm và quá sức. Cuối cùng, người ta tập trung năm nghìn trẻ em đến nhà anh khóc lóc van xin, mục đích làm cho anh mềm lòng. Thấy bọn trẻ khóc lóc, Nikita cũng khóc theo. Anh quyết định đi đánh giết quái vật. Anh lấy năm tấm sợi gai, nhúng vào nhựa rái, bọc lấy thân mình để phòng quái vật cấu xé mất xác. Khi anh đến chỗ quái vật ẩn náu, nó đã dùng những vật cản không cho anh vào và nó không chịu xuất hiện. Nikita bèn hét to: - Mày hãy ra đánh nhau với ta, nếu không ta sẽ phá hủy sào huyệt của mày. Vừa hét, anh vừa dùng búa phá cửa ra vào. Thấy không có cách nào khác, cái chết đã kề bên, con rồng liền nhảy ra và đánh nhau với Nikita. Cuối cùng, Nikita đã đánh ngã được quái vật. Nó van xin: - Hỡi chàng hiệp sĩ, đừng có giết ta. Ở thành phố này không có ai khỏe hơn chúng ta đâu. Chúng ta nên chia đôi vùng đất này, anh một nửa, còn tôi một nửa. - Được, nếu vậy thì hãy vạch biên giới đi, anh thợ thuộc da trả lời. Anh Nikita làm một chiếc cày nặng năm nghìn tấn, buộc con rồng vào và bắt nó kéo để xới lên một luống cày bắt đầu từ thành phố Kiev. Khi kéo chiếc cày khổng lồ đến bờ biển, con rồng nói: - Vùng đất này đã được chia đôi rồi đấy, anh Nikita đã bằng lòng chưa? - Biên giới trên mặt đất thế là đã rạch ròi, nhưng chưa được đâu, Nikita phản bác lại, chúng ta phải vạch cả biên giới ở mặt biển nữa, nếu không về sau mày lại nói rằng ta lấn mặt biển của mày. Con quái vật mình rồng đành phải chịu tiếp tục kéo cày tận giữa biển cả. Nhân khi đó Nikita nhấn chìm nó xuống biển. Đường cày ấy đến ngày nay vẫn còn, dài dằng dặc. Người ta cày cấy hai bên, không hề động chạm đến nó. Những người không biết nguồn gốc của nó thì gọi đó là một trường thành. Còn Nikita, anh thợ thuộc da, chẳng đòi hỏi ân huệ gì của nhà vua, anh trở về vui với nghề thuộc da của mình. Những câu trả lời thông minh C ó một anh lính đã từng chiến đấu suốt hai mươi lăm năm trời nhưng chưa hề gặp được nhà vua. Khi anh được giải ngũ về quê hương, nếu có người hỏi về điều vinh dự đó, thì anh đành chịu. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè liền mỉa mai anh cay độc: - Chao ôi! Hai mươi lăm năm đi lính mà chẳng thấy được nhà vua, thế mà cũng gọi là đi lính! Cảm thấy khổ nhục quá, anh quyết định lên đường đi tìm gặp cho được nhà vua. Thế là anh đến tận kinh đô, vào thẳng cung điện. Nhà vua hỏi: - Nhà ngươi muốn gì? Anh lính kia? - Muôn tâu bệ hạ - anh lính trả lời, tôi đã phục vụ dưới cờ của bệ hạ và đức Chúa suốt hai mươi lăm năm trời, nhưng tôi chưa hề có diễm phúc gặp được bệ hạ. Hôm nay, tôi vào đây để được thấy bệ hạ. - Tưởng chuyện gì, nếu thế thì tùy anh, nhà vua vui vẻ nói. Anh lính đi vòng quanh nhà vua ba lần, vừa đi vừa ngắm nghía. - Trẫm có làm vừa lòng nhà ngươi không? - Muôn tâu, có ạ! - Bây giờ trẫm hỏi nhà ngươi: Trời xa đất bao nhiêu? - Ôi! Xa, xa lắm chứ, muôn tâu bệ hạ, xa đến nỗi khi nào trên ấy có sấm dậy dưới này mới nghe được. - Thế thì đất có rộng không? Nhà vua hỏi tiếp. - Phía này thì Mặt trời mọc, phía kia thì Mặt trời lặn, thế là đất rất, rất rộng. - Đất rộng nhưng có sâu không? - Có, sâu lắm lắm, vì ông nội tôi chết từ năm ngoái, lúc chín mươi tuổi, người ta đã chôn ông tôi xuống đất, đến năm nay ông tôi vẫn chưa về được. Nhà vua bèn tống anh lính vào ngục tối, rồi hạ lệnh: - Ta sẽ cho mang vào đây ba mươi con ngỗng, nhà ngươi hãy nhổ ở mỗi con ngỗng một cái lông, nhà ngươi hãy xoay xở lấy.1 1. Có câu tục ngữ: “Qui a mange loie du roi, cent ans après en rend la plume”, nghĩa là ai nợ nhà vua cái gì trăm năm sau vẫn phải trả lại. Nhà vua nói câu này có ngụ ý như thế. (ND) Hôm sau, nhà vua cho vời vào cung ba mươi nhà buôn giàu có rồi đặt ra cho họ những câu hỏi nói trên. Các nhà buôn suy nghĩ đến nát óc, nhưng chẳng ai trả lời được. Nhà vua hạ lệnh tống ngục cả ba mươi nhà buôn kia. Thấy họ bị tống ngục, anh lính hỏi: - Hỡi các nhà buôn dũng cảm, tại sao các ông bị nhốt ở đây? - Đầu đuôi như thế này – một nhà buôn trả lời, nhà vua hỏi chúng tôi: “Trời có xa đất không? Đất có rộng không? Có sâu không?” nhưng chúng tôi dốt nát quá nên không thể trả lời được. - Các ông mỗi người tặng cho tôi một nghìn rúp – anh lính nói, tôi sẽ trả lời cho các ông xem. - Được thôi, được thôi, các nhà buôn đồng thanh nói, miễn sao anh giúp chúng tôi thoát khỏi ngục tối đáng sợ này là tốt rồi. Sau khi đã nhận đủ số tiền, anh lính bèn nói lại cho các nhà buôn cách trả lời nhà vua. Hôm sau, nhà vua cho gọi các nhà buôn và anh lính đến; nhà vua hỏi lại từng câu, các nhà buôn đều trả lời trôi chảy; nhà vua rất bằng lòng và trả lại tự do cho họ. Nhà vua ngoái lại hỏi anh lính: - Anh lính kia, anh đã nhổ lông ngỗng chưa? - Muôn tâu bệ hạ, có ạ, tôi nhổ cả cái lông bằng vàng nữa là khác. - Anh có ở xa đây lắm không? - Muôn tâu, đứng ở đây mà chẳng thấy được làng tôi, thế là xa lắm chứ ạ! - Ta ban thưởng cho ngươi một nghìn rúp, cầm lấy, chúc nhà ngươi lên đường may mắn. Anh lính trở về nhà, sung sướng vô cùng, sống một cuộc đời chân thật và giàu có. Thằng xảo quyệt N gày xưa, có một bà lão có hai người con trai một người đã chết sớm, còn một người thường hay đi ngao du rất xa. Một hôm, có người lính gõ cửa xin bà lão trú chân qua đêm. - Cứ vào! Anh từ đâu đến? – Bà lão hỏi người lính. - Tôi là Nicola, mới từ trên trời xuống đây. - Ồ! Tốt quá! Tôi cũng có một thằng con chết đã mấy năm, có khi nào anh gặp nó ở trên đấy không? - Có, có chứ. Chúng tôi ngủ cùng một phòng mà, người lính trả lời. - Có thật thể không anh? Bà lão ngập ngừng, nửa tin, nửa ngờ. - Anh ấy đang chăn hạc trên ấy, bà ạ. - Ồ! Anh lính ơi! Chắc thằng con tôi khổ vì mấy con hạc lắm, phải không? - Bà nói đúng đấy. Cái nòi nhà hạc bao giờ cũng hay rúc bụi lũi bờ. - Áo quần của nó chắc đã sờn cũ hết cả rồi còn gì. - Bà ơi! Áo quần anh ấy đã rách như xơ mướp. - Tôi có để dành cho nó bốn mươi mét vải và mười đồng rúp; nhà anh làm ơn mang giúp lên đó cho nó, có được không? Được thôi, anh lính trả lời. * Một thời gian sau, người con trai đi ngao du trở về. - Con chào mẹ ạ, con đã về đây. - Này, trong lúc mày vắng nhà, bà lão kể lể, có anh lính tên là Nicola, từ trên trời xuống đây và có biết thằng em khốn khổ của mày, cả hai cùng ngủ chung một phòng, mẹ đã gửi cho nó bốn mươi mét vải và mười đồng rúp, nhờ anh Nicola mang hộ. - Nếu vậy, con xin thưa với mẹ rằng những thứ mẹ gửi cho em con đều đã đi đời nhà ma cả rồi. Nay con sẽ đi khắp thiên hạ, nếu con không tìm ra được người nào ngốc hơn mẹ, con sẽ phạt mẹ. * Sau khi từ biệt mẹ già, gã con trai đến một làng nọ, đứng trước sân một lãnh chúa; hắn thấy một con lợn nái đang đem đàn con đi ăn. Hắn liền quỳ xuống vái lạy. Bà vợ lãnh chúa đứng trên cửa sổ nhìn thấy cảnh tượng lạ lùng ấy, bảo nữ tỳ: - Mày hãy xuống hỏi anh chàng ấy làm cái trò gì vậy? Nữ tỳ vâng lời chạy xuống sân hỏi: - Này! Anh kia! Tại sao anh lại đi vái lạy con lợn nái thế? - Cô em lên thưa với bà lãnh chúa rằng con lợn nái này đích thị là chị ruột của vợ tôi. Cô em có biết không, sáng mai tôi sẽ tổ chức lễ cưới vợ cho thằng con tôi, nên tôi mời con lợn nái và đàn con đến dự lễ đó thôi. Sau khi nghe nữ tỳ nói lại, bà lãnh chúa quát: - Đồ ngốc! Ai lại đi mời con lợn nái và cả bầy con đi dự đám cưới bao giờ. Chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Mày vào lấy cái áo choàng của ta, bảo lấy xe thắng hai con ngựa để mẹ con lợn nái của ta đi dự đám cưới cho đẹp mặt ta, nghe chưa? Gia nhân thực hiện lệnh của bà lãnh chúa và giao cả xe, ngựa và cả bầy lợn cho anh ta; anh ta liền nhảy lên xe, đánh thẳng về nhà mình. Đi săn về, lãnh chúa được vợ đón tiếp niềm nở, bà ta vừa nói vừa cười hớn hở: - A, phu quân yêu quý của em, phu quân không ở nhà để cùng chia vui với em. Một anh chàng ngốc đi ngang qua đây, vái lạy con lợn nái nhà ta và cả đàn con của nó. Anh ta nói rằng con lợn nái nhà ta đích thực là chị ruột vợ của anh ta, rồi khẩn khoản xin phép cho con lợn nái và đàn con được đi dự lễ cưới vợ cho con anh ta, với tư cách là mẹ đỡ đầu. - Tôi biết rồi, lãnh chúa cắt ngang, bà đã đồng ý rồi phải không? - Vâng, em đã đồng ý rồi. Không những thế em còn cho anh ta mượn cả áo choàng, xe và ngựa nữa đấy. - Anh chàng ấy là ai vậy? Nó từ đâu đến? - Em chẳng biết nữa, phu quân ạ. - Anh chàng ấy không ngốc đâu, chính bà mới ngốc. Nói xong lãnh chúa đùng đùng nổi giận vì người ta đã lừa dối vợ mình, lập tức dùng ngựa phi nước đại để đuổi kịp anh chàng nọ. Khi cảm thấy lãnh chúa đã đuổi gần kịp, gã xảo quyệt liền cho xe ngựa rúc trốn vào cánh rừng rậm gần đó, rồi ra chính giữa đường, vứt mũ xuống đất, ngồi lên trên. - Này! Lãnh chúa hét, thằng râu xồm kia! Mày có thấy người nào đánh chiếc xe ngựa chạy qua đây không? Trên xe có con lợn nái và cả đàn con nữa đấy. - Vâng, dạ thưa ngài có ạ, mới chạy qua đây một chốc thôi. - Nó chạy hướng nào? Ta phải đuổi kịp nó. - Đuổi nó, ngài chẳng gặp nguy hiểm gì đâu, nhưng đường này lắm ngã ba, ngã tư, tôi e ngài sẽ lạc đường mất vì chắc ngài không quen đường này. - Mày cưỡi ngựa của ta đuổi nó, bắt về đây cho ta, được không? Can đảm lên nào! Nhanh lên! Lãnh chúa giục rối rít. - Thưa ngài, không được đâu, vì tôi có con chim quý chụp dưới chiếc mũ này. - Chẳng việc gì, ta sẽ giúp mày. - Ngài chớ để chim bay mất đó. Chim này đắt tiền lắm. Nếu để sống, ông chủ sẽ giết tôi mất. - Con chim giá bao nhiêu? Lãnh chúa hỏi. - Ít nhất cũng đến ba trăm rúp, thưa ngài. - Nếu chim bay mất, ta đền cho, lo gì. - Không được đâu, thưa ngài ạ, vì ngài chỉ hứa suông thế thì chẳng có gì bảo đảm cả. Lãnh chúa ngập ngừng một chút, nói: - Mày đa nghi quá. Thôi ba trăm rúp đây, cầm lấy, lên ngựa đuổi ngay cho kịp. Thằng xảo quyệt nhét tiền vào túi, lên ngựa, phi nước đại vào rừng; vị lãnh chúa thì cứ khư khư đè giữ chiếc mũ, sợ chim bay mất. Lãnh chúa đợi, đợi mãi; mặt trời đã sắp lặn mà chẳng thấy tăm hơi anh chàng đâu cả. Lãnh chúa tự nhủ: - Ta thử xem trong chiếc mũ này có chim hay không? Nếu quả thật có chim thì thế nào nó cũng trở lại gặp ta, nếu không có gì cả, thì ta mắc mưu nó rồi. Lãnh chúa giở mũ ra xem... Chẳng có gì cả! - Thằng khốn, lãnh chúa lẩm bẩm, chính thằng này đã lừa vợ ta, nó lại lừa luôn cả ta nữa. Lãnh chúa chán ngán, vừa nhổ nước bọt, vừa đi bộ về nhà. Trong lúc đó, gã xảo quyệt đã về tới nhà từ lâu. Hắn nói: - Mẹ ạ, tốt lắm, bây giờ con xin chịu tội với mẹ. Hóa ra trên thế gian này có khối người còn ngu ngốc hơn mẹ nhiều. Để tạ tội với mẹ, con đem về tặng mẹ một chiếc xe, ba con ngựa, ba trăm rúp, một con lợn nái và cả bầy lợn con. Thằng ăn trộm N gày xưa, có đôi vợ chồng nọ lấy nhau sinh được một đứa - con trai tên là Ivan. Ông bà ra sức làm việc, ăn tiêu tằn tiện để nuôi nấng Ivan cho đến lúc khôn lớn. Ông bà già bảo: - Này, con trai yêu dấu của bố mẹ, bố mẹ đã vất vả làm lụng nuôi con cho đến ngày nay, từ nay về sau, con hãy cố gắng làm lụng để nuôi dưỡng bố mẹ cho tử tế để báo hiếu. - Thưa bố mẹ, Ivan trả lời, bố mẹ đã có công nuôi con từ tấm bé, bố mẹ tiếc gì mà không tiếp tục nuôi con đến lúc con có ria mép. Ông bà già nghe theo lời Ivan, rồi bảo: - Này, con yêu dấu của bố mẹ, nay con đã có ria mép rồi, con hãy làm việc để nuôi bố mẹ nhé! - Thưa bố mẹ, Ivan trả lời, bố mẹ đã bỏ công nuôi con đến lúc có ria mép, thì nay bố mẹ tiếc gì mà không nuôi con đến lúc có bộ râu hoàn chỉnh. Ông bà già lại làm theo lời thỉnh cầu của Ivan, rồi bảo: - Con yêu quý của bố mẹ, bây giờ râu của con đã khá dài, con hãy làm việc phụng dưỡng bố mẹ cho tử tế nhé! - Thưa bố mẹ, bố mẹ đã không tiếc công của nuôi con đến bây giờ, con không dám quên ơn to lớn ấy, con xin bố mẹ vui lòng tiếp tục nuôi con đến lúc con có râu tóc bạc phơ, như thế có hay hơn không? Bị Ivan chống chế nhiều lần, ông bà già rất bất bình, buộc lòng kêu kiện việc này lên vị lãnh chúa địa phương. Lãnh chúa cho gọi Ivan đến mắng: - Đồ ăn cháo đá bát, tại sao mày từ chối nuôi bố mẹ mày? - Thưa ngài, Ivan cung kính trả lời, tôi biết lấy gì nuôi bố mẹ tôi bây giờ. Ngài bảo tôi đi ăn trộm à? Từ bé đến giờ tôi đã biết lao động là cái gì đâu, bây giờ thì đã quá muộn rồi, dạ thưa ngài xét cho. Lãnh chúa bảo: - Mày hãy tự cứu lấy mày. Cho phép mày được đi ăn trộm, nhưng mày phải nuôi dưỡng bố mẹ mày tử tế, đừng để bố mẹ mày đến quấy rầy ta lần nữa, nghe chưa? Nói xong, vị lãnh chúa được báo rằng phòng tắm đã chuẩn bị xong, nên ông ta vội vàng đi tắm. Lúc đó, trời đã tối. Tắm xong, lãnh chúa gọi: - Bây đâu, mang vào đây cho ta đôi giày vải, nào, nhanh lên! Nghe gọi, Ivan liền chạy vào, tháo đôi giày da cho lãnh chúa và đưa đôi giày vải cho ông ta. Làm xong, Ivan ôm đôi giày da về nhà, nói với bố: - Bố hãy bỏ đôi dép rách đi và lấy đôi giày da của lãnh chúa mà dùng. Sáng hôm sau, lãnh chúa tìm không thấy đôi giày da liền cho gọi Ivan đến, chỉ trán đe dọa: - Chính mày đã lấy trộm đôi giày da của ta! - Thưa ngài, tôi không biết, điều đó chẳng làm cho tôi quan tâm đâu. - A! Thằng lếu láo, lãnh chúa nổi giận, tại sao mày dám cả gan trộm giày của ta? - Dạ, thưa ngài, Ivan bình tĩnh trả lời, ngài không nhớ rằng chính ngài đã cho phép tôi được đi ăn trộm để nuôi bố mẹ tôi, nên tôi không dám làm trái mệnh lệnh của ngài. - Nếu thế thì ta cho phép mày ăn trộm con bò đen của ta đang kéo cày ngoài đồng kia kìa; nếu được, ta sẽ thưởng cho mày năm trăm rúp, nếu không, ta sẽ đánh cho mày một trăm roi cày. - Dạ, xin vâng lệnh ngài, Ivan khúm núm. Ivan liền chạy về nhà, trộm một con gà trống, vặt trụi lông và hộc tốc chạy thẳng ra cánh đồng. Anh ta lên đến luống cày cuối cùng, lật một tảng đất, đặt con gà trụi lông xuống hốc, lấp lại, rồi ngồi rình trong một bụi cây gần đó. Khi cày đến luống đất đó, những người thợ cày vô tình lật đúng tảng đất khi nãy; con gà trống trụi lông được tự do, chạy thục mang từ luống cày này sang luống cày khác. - Ai đã chôn sống con quái vật này xuống đây! Những người thợ cày vừa hét to vừa chạy đuổi bắt kỳ được con gà. Thừa cơ hội ấy, Ivan nhảy đến chiếc cày, chặt đuôi một con bò nhét vào mồm một con bò khác, rồi tháo ách cho con thứ ba, dẫn nó về tận nhà. Sau khi đuổi bắt con gà chẳng được, bọn thợ cày trở lại: con bò đen đã mất tích, một con khác lại bị đứt đuôi. Họ nói với nhau: - Này các bạn ơi! Trong lúc chúng ta ham đuổi bắt con gà nọ thì con bò này đã nuốt chửng mất con bò đen; đồng thời nó lại cắn đứt luôn cả đuôi con bò kia, thật quái ác! Sợ hãi quá, bọn thợ cày rủ nhau đến trước mặt vị lãnh chúa xin chịu tội: - Lạy xin lãnh chúa, một con bò của ngài đã nuốt mất một con bò của ngài. - Đồ mạt kiếp, lãnh chúa nổi giận, chửi mắng, đời nào bò lại nuốt bò. Gọi thằng Ivan lại đây. Được gọi, Ivan đến cúi chào lãnh chúa. Lãnh chúa hỏi: - Mày đã ăn trộm bò của ta? - Dạ thưa vâng ạ. - Bò đâu rồi? - Thưa ngài, tôi đã chọc tiết nó, lột da đem ra chợ bán, còn thịt tôi đem về nuôi dưỡng bố mẹ già, theo như mệnh lệnh của ngài. - Hoan hô! – Lãnh chúa vỗ tay khen. – Đây, năm trăm rúp đây, mày hãy nhận lấy. Bây giờ ta thách mày ăn trộm con ngựa tốt của ta, chuồng của nó có ba lớp cửa, sáu bộ khóa chắc chắn. Nếu mày trộm được ta thưởng một nghìn rúp, bằng không ta cho mày hai trăm roi quất ngựa. Ivan trả lời: - Thưa ngài, việc đó xong ngay. Đêm hôm đó, Ivan lẻn vào phòng ngủ của lãnh chúa, luôn qua phòng để trang phục, bận áo và đội mũ của lãnh chúa vào, ra đứng ở sân thượng rồi gọi to: - Bây đâu! Lấy yên cương đóng vào ngựa tốt, dắt nó ngay đến cho ta. Nghe gọi, bọn gia nhân tưởng đó là lãnh chúa, vội mở cả sáu bộ khóa và cả ba lớp cửa, giục nhau đóng yên cương cho ngựa, dát ngựa đến trước thêm. Ivan vội nhảy lên lưng ngựa, lấy chân thúc vào hông ngựa, rồi mất hút. Hôm sau lãnh chúa hỏi: - Ngựa của ta đâu rồi? Biết ngựa đã bị trộm, lãnh chúa cho gọi Ivan đến và nói: - Mày đã trộm ngựa tốt của ta, phải không? - Dạ thưa ngài vâng ạ. - Nó đầu rồi? - Bán mất rồi. - Mày gặp may mới trộm được ngựa của ta. Ta thưởng cho mày nghìn rúp đây, cầm lấy. Bây giờ ta thách mày trộm vị giáo trưởng ở tu viện đi. - Ngài thưởng cho tôi bao nhiêu? - Hai nghìn rúp, được không? - Dạ được ạ. - Nếu mày không trộm được thì sao? Lãnh chúa hỏi lại. - Thưa ngài, tôi xin trả lại ngài tất cả. Giao ước xong, lãnh chúa liền gọi cho giáo trưởng, dặn dò: - Cần cảnh giác nhé, ban đêm, khi ông làm lễ cầu kinh, chớ có nhắm mắt. Ivan sẽ đến cõng trộm ông đi đấy. Giáo trưởng là người già lụ khụ, nghe nói thế, sợ quá, nên không tài nào ngủ được. Buổi tối, ông vẫn cầu kinh trong tu viện. Đến nửa đêm, Ivan mang theo cái bao, gõ cửa. Giáo trưởng hỏi: - Ngươi là ai? - Ta là thiên thần, Trời sai ta xuống đây đưa ngài lên thiên đường; ngài hãy ngồi vào trong cái bao này để ta mang đi ngay. Nghe nói vậy, giáo trưởng vội vào ngồi ngay trong cái bao. Thằng ăn trộm buộc túm cái bao lại, đặt lên lưng và leo lên tháp chuông. Một hồi, giáo trưởng hỏi: - Sắp tới thiên đường chưa? - Sắp tới rồi đó, yên tâm! Đoạn đường đầu thì êm ái dễ chịu nhưng vì xa nên phải hơi lâu một chút, đoạn đường sau, tuy ngắn, nhưng lại hay xóc, khó chịu đấy. Khi Ivan leo lên tới những bậc cầu thang trên cùng, hắn bị vấp chân, ngã nhào; giáo trưởng lăn theo, đau đến nhừ xương. Giáo trưởng tự nhủ: - Phải rồi, thiên thần nói đúng thật, đoạn đường đầu tuy lâu nhưng lại êm ái, đoạn đường sau tuy ngắn, nhưng lại hay xóc. Ta chưa từng gặp tai họa nào như thế này ở trần gian. Ivan an ủi giáo trưởng: - Hãy nhẫn nại! Ngài sẽ được cứu vớt. Nói xong, hắn dùng hết sức mình treo cái bao lên hàng rào, gần cổng ra vào, bên trên để hai cái gậy, có treo cái biển đề mấy chữ: “Ai qua đây mà không dùng gậy đánh vào bao ba lần thì sẽ bị giáo trưởng khai trừ ra khỏi giáo hội”. Vì vậy, những ai qua đây đều lấy gậy đánh vào bao ba lần. May quá, lãnh chúa ngang qua, hỏi: - Cái bao đựng gì thế? ự g g Rồi ông cho hạ cái bao xuống, giáo trưởng chui ra. - Tại sao ông bị nhốt ở đây. Lãnh chúa hỏi. Tôi đã kịp tin trước cho ông rồi mà! Ông bị ốm đòn cũng đáng đời, tôi chỉ tiếc mấy nghìn đồng rúp của tôi mà thôi. Anh thợ gốm A nh thợ gốm ngủ gà ngủ gật trên chiếc xe chở đầy bát đĩa của mình. Nhà vua cho xe đuổi kịp, nói: - Chúc nhà du hành bình an! Anh thợ gốm quay đầu lại, từ tốn: - Xin cảm ơn! - Chắc nhà ngươi buồn ngủ lắm, phải không? Nhà vua hỏi. - Muôn tâu bệ hạ, đúng ạ. Bệ hạ chớ có sợ kẻ nịnh hót mà nên sợ kẻ hay ngủ gật. - Nhà ngươi quả là kẻ có dũng khí, trẫm thích những kẻ như nhà ngươi. Xà ích! Hãy cho xe đi chậm lại. Nào, nhà ngươi cho trẫm biết nhà ngươi làm nghề gốm bao lâu rồi? - Muôn tâu bệ hạ, từ lúc còn trẻ măng cho đến bây giờ, như bệ hạ đã thấy đấy, thần đã đứng tuổi rồi. - Nhà ngươi làm có đủ nuôi con cái không? - Muôn tâu bệ hạ, thần chẳng cấy cày, chẳng chăn nuôi gì nhưng cũng không đến nỗi phải đói rách. - Thế là tốt lắm, nhà vua nói, nhưng chỉ có điều đó thôi nhà ngươi cũng chưa tránh hết được những điều không lành. - Muôn tâu bệ hạ, có chứ, đó là sự thật, thần có ba điều bất hạnh. - Ba điều gì thế? Nhà vua hỏi. - Một là hàng xóm tồi, hai là vợ dại, ba là bản thân lại ngu ngốc. - Nhà ngươi hãy nói cho trẫm biết trong ba điều đó, cái nào tệ hại nhất? - Muôn tâu bệ hạ, hàng xóm tôi thì có thể chuyển đi, vợ dại thì ly hôn miễn là nó chịu nuôi con, còn sự ngu ngốc thì không thể vứt đi đâu cả, nó vẫn cứ nằm trong đầu. - Nhà ngươi nói đúng. Nhà ngươi có đầu óc suy nghĩ đấy. Hãy nghe trẫm đây, trẫm muốn cùng nhà ngươi trao đổi sòng phẳng. Khi nào có bầy ngỗng từ nước Nga tới đây, nhà ngươi hãy vặt hết lông chúng cho trẫm.1 1. Xem ở truyện Những câu trả lời thông minh. (ND) - Thần xin tuân lệnh, nếu cần thần xin vặt hết, không chừa một chiếc lông nào. - Được rồi, chờ trẫm một tí, hãy cho trẫm xem bát đĩa của nhà ngươi. Anh thợ gốm dừng xe lại và bày la liệt hàng hóa của mình. Nhà vua xem kỹ, rồi chọn ra ba chiếc đĩa vừa ý. - Nhà ngươi hãy làm cho ta loại đĩa này, được không? - Bệ hạ cần bao nhiêu? - Khoảng mười xe đầy. - Bệ hạ cho biết hạn đến ngày nào? - Một tháng. - Thế thì thần có thể làm để dâng lên bệ hạ mười lăm xe; thần xin tải đến nộp ở kinh đô. Thế là việc trao đổi xong xuôi. - Cảm ơn, nhà vua gật đầu. - Nhưng xin bệ hạ cho biết địa điểm giao hàng ở đâu? - Tại một hiệu buôn Nhà vua trở về kinh đô, ban sắc lệnh từ nay trở đi nhà vua chỉ tiếp khách bằng loại bát đĩa của anh thợ gốm mà thôi, còn các loại bằng vàng, bạc, đồng thì xếp lại hết, không dùng nữa. Sau khi làm đủ số bát đĩa, anh thợ gốm dùng xe chở tới kinh đô để dâng nộp lên nhà vua. Dọc đường, một lãnh chúa đến gần hỏi: - Anh bán tôi mua cho, anh bạn? - Xin sẵn sàng, thưa ngài. - Anh hãy bán cho tôi tất cả nhé! - Không được đâu, đây là hàng đặt trước mà. Việc gì? Anh có bị ràng buộc gì đâu, miễn là anh chưa nhận tiền cọc. Giá bao nhiêu? Nói đi! - Mỗi thùng chứa hàng ngài mua thì đong lại đầy tiền bấy nhiêu. - Ồ! Thế thì đắt quá! Anh bạn ơi! - Nếu vậy thì cứ một thùng tiền ngài lấy hai thùng hàng, được chưa? Thưa ngài? Cả hai bên đều thỏa thuận, việc mua bán như thế là sòng phẳng rồi. Họ trao hàng, đong tiền, đong tiên, rồi lấy hàng... Tiền càng nhiều thì hàng càng nhiều. Lãnh chúa cạn túi, trở về nhà lấy thêm tiền. Họ lại tiếp tục lấy hàng, lấy tiền, nhưng hàng vẫn không hết. - Bây giờ thì làm thế nào? Anh bạn? Lãnh chúa hỏi. - Tôi chẳng chờ ngài được đâu, anh thợ gốm nói, mặc kệ ngài. Tôi không hẹp hòi với ngài đâu, nếu ngài kéo được xe của tôi đến tận cái sân kia kìa thì tôi xin biếu ngài tất cả hàng, lại trả tiền cho ngài nữa là khác. Lãnh chúa chần chừ, xấu hổ, nhưng vì ông ta tiếc tiền lại chẳng có cách nào khác hơn. Người ta tháo ngựa ra khỏi xe, anh thợ gốm nhảy lên xe ngồi. Như đã giao ước, lãnh chúa đứng vào giữa hai càng xe, cắm đầu cắm cổ kéo. Còn anh thợ gốm thì ngồi trên xe ca hát, lãnh chúa thì thở hổn hển, bở cả hơi tai, ngoảnh lại hỏi: - Tôi kéo xe anh đến đâu đây? - Đến cái sân kia kìa, anh thợ gốm đưa tay chỉ trỏ. Anh ta lại huýt sáo vui vẻ, giọng nói của anh vang vọng đến tai nhà vua đang đợi anh trước cửa hiệu buôn. - Trẫm chào nhà ngươi, nhà vua nói, nhà ngươi đến đúng lúc quá, may mắn quá! - Xin đa tạ bệ hạ. - Con gì kéo xe cho nhà ngươi thế? Nhà vua ngạc nhiên hỏi. - Muôn tâu bệ hạ, đó là một cái đầu ngu ngốc. - A, nhà ngươi thật là thông minh, nhà ngươi đã bán hàng được giá. Nói xong, nhà vua nhìn lãnh chúa, hạ lệnh: - Nhà ngươi là lãnh chúa, nhưng lại ngu ngốc quá. Nhà ngươi hãy cởi áo, cởi giày, cởi mũ ra, đưa tất cả cho anh thợ gốm dùng. Anh ta biết bán hàng. Tuy anh ta phục vụ cho trẫm còn ngắn ngủi nhưng đã có công lớn. Còn lãnh chúa, nhà người không đủ tư cách giữ chức của mình nữa. Nói xong, nhà vua quay trở lại hỏi anh thợ gốm: - Đàn ngỗng ở nước Nga đã tới chưa? - Muôn tâu bệ hạ, rồi ạ. - Anh đã vặt hết lông chúng chưa? - Muôn tâu, rồi ạ, thần đã vặt trụi hết lông cả đàn rồi. Người con gái thông minh C ó hai anh em, một giàu, một nghèo. Họ cùng du ngoạn với nhau: người nghèo cưỡi con ngựa cái, người giàu cưỡi con ngựa thiến, kéo theo một chiếc xe. Trời tối, họ cùng nghỉ chân ở một quán trọ. Đêm ấy, con ngựa cái của người nghèo đẻ một chú ngựa con. Vì không ai biết, nên nó lăn lóc xuống dưới gần xe của người giàu. Sáng sớm, người giàu đánh thức người nghèo dậy và nói: - Dậy mà xem, hôm qua chiếc xe của tôi vừa đẻ được một chú ngựa con. Người nghèo ngồi dậy, không chịu, cãi lại: - Xe thì đời nào đẻ được ngựa con, đó là ngựa của tôi đẻ đấy. - Nếu vậy thì nó phải nằm gần mẹ nó chứ, người giàu phản bác. Hai anh em cãi nhau mãi, không ai chịu ai, họ đành phải đem việc tranh chấp ấy nhờ quan chức địa phương xét xử. Người giàu đút lót cho các quan tòa, nên họ bênh cho người giàu. Nhưng người nghèo quyết định dùng lý lẽ để thắng cuộc. Cuối cùng, vụ kiện cáo phải đệ trình lên nhà vua phán xét. Nhà vua bèn gọi cho cả hai bên nguyên bị đến, rồi nêu lên bốn câu hỏi: - Cái gì nhanh nhất, mạnh nhất? Cái gì béo nhất? Cái gì êm nhất? Cái gì đáng yêu nhất? Nhà vua giao hẹn trong ba ngày, suy nghĩ thật kỹ, đến trả lời. Người giàu đào óc suy nghĩ mãi nhưng chưa có được một câu trả lời nào cả, bèn tìm mẹ đỡ đầu hỏi. Mụ này thấy người giàu đến đột ngột hỏi: - Sao con buồn thế? - Nhà vua ra cho con bốn câu hỏi, ngài lại giao hẹn trong ba ngày phải đến trả lời, nay đã hết hạn, con vẫn chưa trả lời được câu nào cả, nguy quá. - Câu hỏi gì? Con hãy nói cho mẹ nghe thử nào! - Mẹ ơi, đó là cái gì nhanh nhất, mạnh nhất? - Khó gì đâu, bố đỡ đầu của con có con ngựa cái hay sổ chuồng, chỉ cần quất một roi thôi nó sẽ chạy kịp cả thỏ. - Câu thứ hai là cái gì béo nhất? - Mẹ có con lợn nuôi gần năm nay, nó béo đến nỗi không đứng dậy được nữa. - Câu thứ ba là cái gì êm nhất? - Trời ơi! Có thế mà đành chịu à? Rơm trải giường là êm nhất. - Thứ tư là cái gì đáng yêu nhất? - Thằng cháu yêu của mẹ, chứ ai nữa? - Cảm ơn mẹ, người giàu nói, mẹ đã gỡ bí cho con, không đời nào con quên ơn mẹ. Người nghèo trở về nhà khóc lóc thảm thiết; con gái anh ta, mới bảy tuổi, hỏi: - Cha thân yêu, tại sao cha lại khóc? - Con ơi! Không khóc sao được. Nhà vua nêu cho cha bốn câu hỏi mà suốt đời có lẽ cha không trả lời được, nguy quá! - Những câu hỏi gì thế, hở cha? - Con gái thân yêu của cha, đó là cái gì khỏe nhất, nhanh nhất? Cái gì béo nhất? Cái gì êm nhất? Cái gì đáng yêu nhất? - Cha cứ đến trả lời với nhà vua rằng: Giá cả là khỏe nhất, nhanh nhất; đất đai là béo nhất vì nó có thể nuôi sống được cây cỏ và muôn loài vật; bàn tay êm nhất vì mọi người nằm ngủ bao giờ cũng lấy bàn tay kê đầu; giấc ngủ là đáng yêu nhất; chắc chắn như thế là đúng, cha ạ! Đúng ba ngày sau, cả hai anh em đều đến yết kiến nhà vua. Sau khi nghe hai người trả lời, nhà vua hỏi người nghèo: - Nhà ngươi tự tìm lấy câu trả lời hay có ai bày cho? - Muôn tâu bệ hạ, thần có đứa con gái bảy tuổi, nó bày cho. - Con bé này thông minh thật! Bây giờ trẫm giao cho nó sợi tơ này, nhà ngươi đem về cho nó dệt, sáng mai mang lại cho trẫm một chiếc khăn có viền hoa văn thật đẹp. Người nghèo trở về nhà, buồn rầu khôn xiết, đưa sợi tơ cho con gái và nói: - Con ơi! Nhà vua muốn con dùng sợi tơ này dệt một chiếc khăn đẹp. - Đừng lo buồn cha ạ, đứa con gái vừa nói vừa bẻ một cuống chổi quét nhà, đưa cho cha và dặn: - Cha cầm cuống chối này đến yêu cầu nhà vua gọi một người thợ có thể dùng cuống chổi này làm cho con một khung cửi để con kịp dệt khăn cho nhà vua. Người nghèo làm theo lời dặn của con gái. Nhà vua đưa cho anh ta một trăm năm mươi quả trứng rồi bảo: - Nhà ngươi mang trứng về bảo con gái cho ấp để sáng mai đem lại cho trẫm một trăm năm mươi gà con. Người nghèo trở về nhà, càng lo buồn hơn: - Con ơi! Lần này thì phải tai họa thôi, chúng ta không thể nào tránh khỏi. - Cha ạ, cha đừng quá lo. Nói xong, cô gái đem luộc cả một trăm năm mươi quả trứng, dùng để ăn tối, ăn sáng, rồi nói với cha: - Cha cứ đến tâu lên nhà vua rằng một trăm năm mươi con gà mới nở đang cần thức ăn; phải toàn là hạt kê loại trồng trong một ngày. Vừa cày bừa, vừa gieo hạt, vừa thu hoạch và tuốt cả hạt, nội trong ngày nay phải có; loại hạt khác, giống gà này không ăn được đâu. - Sau khi nghe người nghèo kể lại, nhà vua lại ra điều kiện: - Nhà ngươi về nói với con gái rằng sáng mai nó phải vào cung điện yết kiến trẫm nhưng không đi bộ cũng không đi ngựa, không mặc quần áo cũng không ở truồng, không được đi tay không cũng không được mang quà biếu. Trên đường trở về nhà, người nghèo nghĩ rằng lần này thì con gái anh đành phải chịu thôi, thế là hết hi vọng. - Cha ạ, cha đừng nản chí, cô gái nói, cha đi tìm mấy anh thợ săn, mua cho con một chú thỏ và một con chim cun cút đang sống. Người nghèo làm theo lời con gái dặn. Sáng sớm, cô gái chỉ khoác một tấm lưới, cầm con chim cút, cưỡi lên con thỏ rồi đi đến cung điện nhà vua. Nhà vua đang chờ ở cổng cung điện. Cô cúi chào rồi tặng cho nhà vua con chim chút, nhưng nhà vua vừa đưa tay ra đón quà thì ôi thôi, vù... con chim đã bay mất. Nhà vua hỏi: - Được rồi, câu trả lời này trẫm chấp nhận. Bây giờ trẫm hỏi thêm, cha ngươi nghèo như vậy thì hai cha con sống bằng cách nào? - Muôn tâu bệ hạ, cha tôi sẽ đi câu cá trên cạn chứ không buông lưới xuống nước; còn sẽ lấy áo đựng cá mang về nấu ăn. - Đồ lếu láo! Cút đi! Nhà vua mắng, có đời nào cá lại sống trên cạn, cá ở dưới nước chứ. - Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ là người quang minh. Xin hỏi bệ hạ, có đời nào một chiếc xe ngựa lại đẻ ra ngựa con không? Chính ngựa cái mới đẻ ra ngựa con được. Nhà vua liền giao ngựa con cho người nghèo và ân thưởng cho cô bé. Khi cô đến tuổi lấy chồng, nhà vua cưới cô và cô trở thành hoàng hậu. Chúa tể cáo và chú sói N gày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng già. Một hôm, ông nói với bà: - Bà nó ơi! Hãy nướng bánh cho tôi ăn để tôi đi câu cá nhé! Sau một buổi ngồi câu may mắn, ông già trở về với chiếc xe đầy ắp cá. Dọc đường, ông ta gặp một con cáo nằm cuộn tròn. Ông ta liền xuống xe, đến gần con vật, nhưng nó vẫn bất động, như đã chết rồi. Ông già tự bảo: “Quả là món quà quý cho bà lão đây.” Ông ta nhặt con cáo đặt lên xe, rồi cuốc bộ, dắt xe sau lưng. Nhân cơ hội ấy, cáo nhẹ nhàng vứt ra khỏi xe từng con cá một, từng con cá một. Khi đã hết nhẵn cá trên xe, con cáo cũng chuồn luôn. - Bà nó ơi! Ông già gọi to, tôi tặng cho bà một cái cổ áo lông đẹp tuyệt vời. - Đâu rồi? - Ngoài kia, trên xe chở đầy cá ấy. Bà già liền bước tới chiếc xe: chẳng có cổ áo lông và cũng chẳng có cá... Bà già liền xăng giọng: - Quỷ tha ma bắt ông đi cho rảnh! Ông chớ có ranh ma! Nếu có thể, ông chặt luôn cả đầu của tôi rồi. Ông lão lúc này mới hiểu ra rằng con cáo đã giả vờ chết. Ông rất buồn rầu vì sự thật này. Trong lúc đó, con cáo nhặt từng con cá nằm rải rác dọc đường và rất khoái chí. Bỗng một chú sói xuất hiện: - Chào ông bạn. - Chào ông bạn, cáo chào lại. - Hãy biếu tôi con cá nào! - Ông bạn hãy đi câu, rồi tha hồ mà nhậu. - Tôi chẳng biết câu! - Tôi câu giỏi lắm. Nào! Ông bạn hãy đến con sông đang đóng băng, thò đuôi xuống một lỗ hổng, cá sẽ đến ăn, nhưng nhớ phải chờ lâu lâu một chút, nếu không, ông bạn chẳng có gì đâu. Nghe lời cáo, chú sói liền đến một con sông đóng băng, thò đuôi xuống một lỗ hổng. Nên nhớ rằng đang là mùa đông, sói ngồi đó suốt đêm, cái đuôi của nó đã bị đóng băng. Nó thử rút cái đuôi ra khỏi lỗ hổng nhưng chẳng ăn thua gì. Nó thầm nghĩ: - Ô là là! Cá nhiều thật đấy, nhưng mình không thể đứng dậy được nữa rồi”. Vừa lúc đó, có mấy người đàn bà đi lấy nước. Thấy con vật, họ kêu lên: - Sói! Sói! Họ chạy đến và dùng mọi thứ có trong tay đánh cho sói một trận nhừ tử. Sói nhảy dựng lên, giãy đành đạch, vặn vẹo, rồi cũng rút được đuôi ra khỏi cái lỗ hổng và chạy thục mạng. Sói nghĩ thầm: “Tao sẽ cho mày biết tay, thằng cáo khốn kiếp.” Một khi đã chén hết mớ cá, con cáo lại thèm muốn những thứ khác, nên nó lại đi ăn cắp vặt. Nó chui vào một căn lều, ở đó có mấy bà nội trợ đang làm bánh xèo. Nó liền thò mõm vào cái thùng nhào bột, bị trượt chân, rồi bỏ chạy với cái mõm dính đầy bột. Dọc đường, nó gặp lại sói, bị sói trách móc: - Mày bày cho tao câu cá nên tao đã bị một trận đòn nhừ tử. Cáo liến thoắng: - Ôi! Ông bạn của tôi ơi! Ông chỉ mất máu mà thôi, còn tôi, tôi mất luôn cả óc vì người ta đã đánh tôi tàn bạo, nên tôi chỉ có thể bò lê bò lết như thế này đây. - Có thật thế không? Sói hỏi lại, nếu vậy thì ông bạn cứ trèo lên lưng tôi để tôi cõng cho. Cáo trèo lên lưng sói, cùng lên đường. Cáo thì thầm: - Đứa bị đánh lại phải cõng đứa không bị đánh, đứa bị đánh lại phải cõng đứa không bị đánh. - Ông bạn vừa nói gì vậy? Sói hỏi lại. - Tôi nói rằng ông bị đòn đau đang cõng tôi cũng bị đòn đau. - Không ai có thể nói đúng hơn thế nữa, ông bạn ạ. Cáo rủ rê: - Bạn sói, chúng ta hãy làm lều để ở, có được không? - Đồng ý. - Tôi sẽ làm lều bằng vỏ cây, cáo nói tiếp, còn ông bạn thì làm lều bằng nước đá nhé. Cả cáo và sói lao vào thi công, rồi cả hai đều vào ở túp lều của mình. Mùa xuân đến, trời ấm dần, túp lều của sói tan ra thành nước. Sói nói: - A! Ông bạn của tôi ơi! Ông bạn lại đánh lừa tôi lần nữa, tôi sẽ phải ăn tươi nuốt sống ông thôi. - Này, lại đây, cáo bình tĩnh nói, xem thử ai nhai xương ai bây giờ. Nói xong, cáo dẫn sói đi vào rừng sâu. Đến một cái hố sâu rồi nói: - Nhảy qua được bên kia hố, ông bạn sẽ nhai xương tôi, nếu không, tôi sẽ nhai xương ông bạn đó. Sói nhảy, bị rơi tõm xuống hố - A! Ông bạn đã kiếm được chỗ ở tốt rồi đó. Cáo nói xong rồi bỏ đi. Nó mang theo một thanh gỗ dùng cán bột, gõ cửa, xin nghỉ qua đêm tại nhà của một nông dân. Chủ nhà nói: - Nhà tôi đã quá chật chội rồi! - Tôi không làm phiền ông đâu. Tôi sẽ nằm ngủ trên chiếc ghế dài, đuôi tôi quặt xuống dưới ghế và để thanh cán bột dưới lò sưởi. Cuối cùng, chủ nhà cho cáo nghỉ lại. Cáo ngủ trên chiếc ghế dài, đuôi quặt xuống dưới ghế, thanh cán bột để dưới lò sưởi. Tinh mơ, Cáo dậy đốt cháy thanh cán bột rồi hỏi chủ nhà: - Thanh cán bột của tôi đâu rồi? Ông chỉ cần bồi thường cho tôi một con ngỗng là được. - Người nông dân khốn khổ đành chấp nhận đền một con ngỗng. Cáo vô lấy, rồi vừa đi vừa hát nghêu ngao: Trên đường rong chơi lêu lổng Ta chỉ có khúc gỗ tròn Đánh đổi được một con ngỗng Thật là son! Tốc! Tốc! Tốc! Cáo gõ cửa nhà khác. - Ai đó? – Chủ nhà hỏi. - Tôi đây, tôi là cáo, ông vui lòng cho tôi ngủ nhờ qua đêm. - Nhà tôi đã quá chật chội rồi. - Tôi không làm phiền ông đâu, tôi nằm ngủ trên chiếc ghế dài, đuôi quặt xuống dưới ghế, và nhốt con ngỗng dưới lò sưởi. Dậy rất sớm, cáo tóm cổ con ngỗng, vặt hết lông, ăn tươi nuốt sống rồi hỏi chủ nhà: - Con ngỗng của tôi đâu rồi? Tôi chỉ cần một con ngan để bồi thường là đủ. Chủ nhà đành phải đền cho cáo một con ngan. Cáo liền vô lấy, vừa đi vừa hát nghêu ngao: Trên đường rong chơi lêu lổng Ta chỉ có khúc gỗ tròn Đánh đổi được một con ngỗng Lại thêm một chú ngan ngon. Tốc! Tốc! Tốc! Cáo gõ cửa nhà thứ ba. - Ai đó? - Tôi đây, tôi là cáo, ông vui lòng cho tôi ngủ nhờ qua đêm. - Nhà tôi đã quá chật chội rồi. - Nhà tôi đã quá chật chội rồi. - Tôi không làm phiền ông đâu, tôi nằm ngủ trên chiếc ghế dài, đuôi quặt xuống dưới ghế, và nhốt con ngan dưới lò sưởi. Cuối cùng, chủ nhà cũng đồng ý. Cáo vào nằm ngủ trên chiếc ghế dài, đuôi quặt xuống dưới ghế, ngan thì nhốt dưới lò sưởi. Nó dậy rất sớm, tóm cổ con ngan, vặt hết lông rồi ngốn hết. Ăn xong, cáo hỏi: - Con ngan của tôi đâu rồi? Ông chỉ cần đền cho tôi cô gái nhỏ của ông là được. - Người chủ nhà tội nghiệp đành mang đứa con gái thân yêu của mình giao cho cáo. Nó liền cho cô vào túi mang đi, hát nghêu ngao: Trên đường rong chơi lêu lổng Ta chỉ có khúc gỗ tròn Đánh đổi được một con ngỗng Lại thêm một chú ngan ngon Còn thêm cô gái xinh đẹp Ôi! Thật là vui! - Ai đó? - Tôi đây, tôi là cáo, ông vui lòng cho tôi ngủ nhờ qua đêm. - Nhà tôi đã quá chật chội rồi. - Nhà tôi đã quá chật chội rồi. - Tôi không làm phiền ông đâu, tôi nằm ngủ trên chiếc ghế dài, đuôi quặt xuống dưới ghế, và để cái túi dưới lò sưởi. Chủ nhà cho cáo vào. Nó ngủ trên ghế dài, đuôi quặt xuống dưới ghế, cái túi đặt dưới lò sưởi. Chủ nhà liền mở túi cho cô gái ra ngoài rồi thay thế vào đó một con chó. Từ sáng sớm, cáo đã dậy và ra đi. Nó gọi: - Này! Bé gái của ta ơi! Hãy ca hát đi! Tức thì con chó nhảy ra, gầm gừ. Cáo sợ quá, vứt cái túi, rồi bỏ chạy. Trên đường bỏ trốn, cáo gặp một con gà trống đậu ở khung cửa sổ. Nó liền nói: - Chú gà trống ơi! Chú gà trống ơi! Nghe ta tâm sự đây: Chú có đến bảy mươi cô gà mái để bồ bịch, chú quả là một tay tài hoa. - Gà trống vừa nhảy xuống, cáo liền vô lấy và nhai ngấu nghiến. Hoàng tử và tên nô bộc N gày xưa, nhà vua nọ có một người con trai. Đó là một chàng thanh niên dũng cảm, tính nết khác hẳn với vua cha vốn là một kẻ hám của. Ông ta chỉ biết bằng mọi cách làm cho kho báu của mình ngày càng nhiều hơn mà thôi. Một hôm, nhà vua gặp một cụ già mang theo nhiều chồn, cáo, hải ly... - Đứng lại! Lão già kia! Lão từ đâu đến? - Muôn tâu bệ hạ, lão sinh ra ở một làng khác, nhưng bây giờ lão đang làm việc cho Người Rừng. - Lão làm cách nào để bắt được những con vật này? - Người Rừng giăng bẫy, những con vật khờ dại này đã bị bắt sống. - Lão hãy nghe đây! Ta sẽ cho lão ăn uống thỏa thích và cả tiền bạc nữa nhưng phải chỉ cho ta biết bẫy đặt ở những nơi nào. Bị mua chuộc, cụ già liền chỉ cho nhà vua biết những nơi đặt bẫy. Tức thì nhà vua ra lệnh bắt giam Người Rừng trong một tháp ngục bằng sắt. Xong xuôi, nhà vua sai đặt bẫy của mình vào những nơi mà cụ già đã chỉ điểm. Bị giam hãm trong ngục tối, Người Rừng leo lên tận mái, nhìn qua cửa sổ để thấy được quanh vùng. Bỗng thấy hoàng tử đang dạo chơi gần đó, có đông đủ kẻ hầu người hạ, Người Rừng bèn gọi to: - Hoàng tử hãy giải thoát cho tôi, tôi sẽ hậu tạ! - Tôi làm gì được bây giờ? - Hoàng tử hãy đến gặp hoàng hậu và nhờ bà bắt chấy trên đầu cho mình. Hoàng tử hãy tựa đầu vào gối hoàng hậu và nhân lúc bà đang tìm bắt chấy, hãy nhẹ nhàng rút chiếc chìa khóa ngục nằm trong túi của bà, rồi đến đây giải thoát cho tôi. Hoàng tử làm đúng theo lời dặn ấy. Khi đã lấy được chiếc chìa khóa từ trong túi áo của hoàng hậu, hoàng tử bèn chạy ra vườn, vót một mũi tên, đặt lên chiếc nỏ, rồi bắn mũi tên đi rất xa. Hoàng tử ra lệnh cho bọn gia nhân chạy đi nhặt mũi tên mang về trả lại cho mình. Nhân cơ hội chẳng có ai nhìn ngó tò mò, hoàng tử mở cửa ngục và giải thoát cho Người Rừng. Được tự do, Người Rừng liền đi bẻ gãy tất cả bẫy của nhà vua. Chẳng bắt được con vật nào, nhà vua đùng đùng nổi giận và kết tội hoàng hậu đã dùng chìa khóa giải thoát cho Người Rừng. Ông ta cho vời các cố vấn, tướng lĩnh, các quan đại thần với mục đích bàn luận nên chọn một trong hai hình thức trừng phạt hoàng hậu: chém đầu hoặc lưu đày. Thấy vậy, hoàng tử rất đau buồn, rồi chàng đến thú tội với vua cha rằng chính chàng mới là thủ phạm. Nhà vua rất lo lắng. Nên xử lý con trai mình như thế nào đây? Xử tử ư? Không thể được rồi. Thế là người ta quyết định buộc hoàng tử phải đi phiêu lưu, nay đây mai đó, phải đối chọi với mọi cơn gió chướng, nồng nực có, lạnh giá có, phải sống trong mọi thời tiết khắc nghiệt khi trời đổi mùa hè sang thu... Rồi người ta giao cho chàng một cái túi, lại có thêm một tên nô bộc đi theo. Cả hai người cùng lên đường. Sau một đoạn đường dài, họ gặp một cái giếng. Hoàng tử bảo: - Hãy đi lấy nước - Không, tên nô bộc trả lời. Họ lại tiếp tục đi, đi rất xa hơn nữa và lại tìm thấy một cái giếng khác. - Hãy đi lấy nước! Hoàng tử sai tên nô bộc. Nó trả lời: - Không! Hai người lại cùng đi thêm một quãng đường dài nữa và đến gần cái giếng thứ ba. Tên nô bộc vẫn không vâng lệnh. Vì vậy, hoàng tử phải tụt xuống giếng để lấy nước. Bất thần, tên nô bộc đậy ngay nắp giếng lại rồi nói: - Nếu ngài muốn ra khỏi giếng này, ngài phải làm nô bộc, cho ta làm Hoàng tử. Bị cưỡng ép, hoàng tử đành phải thỏa thuận điều đó với sự giao ước bằng máu của mình. Hai người đổi quần áo cho nhau rồi cùng lên đường. Đến một vương quốc xa lạ, họ vào bệ kiến nhà vua, tên nô bộc đi trước, hoàng tử theo sau. Được nhà vua chiêu đãi, tên nô bộc được ngồi ăn uống trên bàn tiệc, nói với nhà vua: - Muôn tâu bệ hạ, thần khẩn thiết xin bệ hạ buộc tên nô bộc của thần xuống bếp phục vụ. Bị đối xử như một kẻ đầy tớ, hoàng tử phải vác củi đun, cọ rửa xoong chảo. Sau một thời gian dài, hoàng tử đã có thể nấu những món ăn ngon đặc biệt. Nhà vua rất hài lòng, lại có cảm tình với hoàng tử và trả công bằng những đồng tiền vàng. Thấy thế, bọn đầu bếp phật ý, chỉ chờ cơ hội đẩy hoàng tử đi nơi khác. Một hôm, hoàng tử nướng chiếc bánh ngọt trên lò. Bọn đầu bếp tẩm thuốc độc vào chiếc bánh. Khi nhà vua vào ngôi ăn, cầm con dao định cắt bánh ra, thì tên bếp trưởng liền chạy tới cảnh báo: - Xin hoàng thượng chớ cầm chiếc bánh này! Rồi hắn tuôn ra những lời vu cáo độc địa. Nhà vua liền cắt một miếng bánh, quẳng xuống đất cho con chó quý của mình ăn. Chó lăn đùng ra chết. Nhà vua buộc hoàng tử phải bồi thường rồi phán xét một cách khủng khiếp: - Tại sao nhà ngươi lại cả gan làm chiếc bánh có tấm thuốc độc? Ta sẽ dùng cực hình đối với nhà ngươi. Hoàng tử trả lời: - Muôn tâu bệ hạ, thần tuyệt đối chẳng liên quan gì đến việc này cả. Đây chắc là sự ghen ghét hèn hạ của bọn đầu bếp mà thôi vì bọn chúng thấy bệ hạ cho thần hưởng nhiều đặc ân. Nhà vua liền ân xá cho hoàng tử và gia ân cho hoàng tử nhận chức quan đánh xe ngựa cho nhà vua. Một lần, chàng đánh xe ngựa dẫn bầy ngựa đi uống nước. Người Rừng đến gặp và nói: - Chào người con trai của nhà vua. Hãy đến nhà tôi chơi! - Tôi chỉ sợ đàn ngựa của tôi sẽ bỏ chạy tứ tung mà thôi. - Anh cứ đến đây, chẳng việc gì đâu, Người Rừng thúc giục. Nhà Người Rừng ở ngay gần đó. Ông ta hỏi người con gái đầu lòng: - Hoàng tử là người giải thoát cho cha, con sẽ tặng gì cho hoàng tử? - Thưa cha, con sẽ tặng ngài một tấm thảm có phép lạ. Chàng đánh xe ngựa trở về với tấm thảm vừa được tặng. Anh ta thấy đàn ngựa vẫn còn đó. Anh liền trải tấm thảm ra: thức ăn, đồ uống bày ra la liệt. Hôm sau, chàng đánh xe ngựa lại dẫn ngựa đi uống nước. Người Rừng xuất hiện, nói: - Anh hãy đến nhà tôi chơi. Chàng đánh xe ngựa được dẫn vào nhà. Người Rừng hỏi người con gái thứ hai: - Còn con, con sẽ tặng gì cho người con trai của nhà vua? - Thưa cha, con sẽ tặng ngài chiếc gương soi có thể nhìn thấy được mọi thứ mà mình mong ước. Hôm sau, Người Rừng lại xuất hiện lần nữa, dẫn hoàng tử vào nhà rồi hỏi cô gái út: - Con định tặng gì cho người con trai của nhà vua? - Thưa cha, con sẽ tặng ngài cây sáo thần kỳ, mỗi khi thổi lên nó có thể cuốn hút bao nhiêu là nhạc công và ca sĩ. Từ đó, chàng đánh xe ngựa có đời sống sung túc, đồ ăn thức uống đầy đủ; anh ta lại có thể biết hết, thấy hết mọi điều trên thế gian và có cả lời ca tiếng nhạc réo rắt suốt ngày đêm. Chẳng có gì hơn thế nữa. Còn bầy ngựa thì thế nào? Thật kỳ diệu: chúng béo khỏe, đẹp đẽ và nhanh nhẹn. Thấy vậy, nhà vua liền khoe với con gái mình rằng Thượng đế đã ban cho mình một chàng đánh xe ngựa tuyệt vời. Thật ra, từ lâu, công chúa xinh đẹp đã để mắt xanh đến chàng đánh xe ngựa rồi; quả là trai tài gái sắc. Nhưng nàng lại tò mò muốn biết tại sao bầy ngựa của chàng trai ngày càng đẹp hơn, khỏe hơn và nhanh nhẹn hơn so với những bầy ngựa khác. Rồi nàng tự nhủ: “Ta phải đi xem thử cái anh chàng này làm cách nào mới được”. Thế là nhân lúc chàng đánh xe ngựa dắt ngựa đi uống nước, nàng đột nhập phòng riêng của chàng. Mới lướt mắt qua chiếc gương soi, nàng đã hiểu hết mọi sự, và mang đi chiếc thảm, chiếc gương và cây sáo. Trong lúc đó, một tai họa đã ập đến quốc vương này. Một con quỷ bảy đầu đến hăm dọa và đòi cưới công chúa. “Nếu không lấy được nàng, ta sẽ chiếm cả vương quốc”, nói xong, con quỷ liền bài binh bố trận. Tuyệt vọng, nhà vua ban bố lệnh khẩn cấp trong toàn vương quốc, cho gọi các hoàng tử, các dũng sĩ trở về, và hứa nếu ai giết được con quỷ bảy đầu sẽ được chia một nửa lãnh thổ của vương quốc và được cưới công chúa làm vợ. Nghe lệnh, các hoàng tử, dũng sĩ liền tập hợp và lên đường đi trừ khử con quỷ, trong đó có cả tên nô bộc. Còn anh đánh xe ngựa thì cưỡi một con ngựa còm và thất thểu theo sau. Người Rừng đến gặp và hỏi: - Anh đi đâu vậy? - Tôi đi đánh giặc. - Với một con ngựa tồi tàn như thế ư? Anh chẳng đi xa được đâu! Thế mà cũng gọi là người đã từng đánh xe ngựa! Hãy đến nhà tôi! Người Rừng dẫn anh đánh xe ngựa về nhà, mời anh một cốc rượu trắng. Anh ta uống liền một hơi. Người Rừng hỏi: - Anh thấy khỏe chưa? - Nếu có một khối nặng một nghìn cân, tôi có thể hất lên cao đến chín tầng mây rồi tôi lấy đầu đỡ lấy mà chẳng thấy đau đớn gì cả. Người Rừng lại mời anh ta uống thêm một cốc rượu trắng nữa, rồi hỏi: - Bây giờ sức mạnh anh thế nào rồi? - Nếu có một khối nặng một tấn rưỡi, tôi có thể tung lên cao tận chín tầng mây. Người Rừng lại rót đầy cốc thứ ba, hỏi: - Bây giờ thì sức mạnh anh đến đâu? - Tôi có thể nhấc một cái cột cao tận mây xanh và có thể bắt cả vũ trụ này lộn ngược như chơi. Người Rừng lại dùng rượu ở một thùng khác, rót đầy cốc, rồi bảo anh ta uống. Anh ta cảm thấy sức mạnh của mình có giảm đi chút ít mà thôi. Người Rừng dẫn anh đến trước thềm rồi thổi một hồi còi với vẻ tự tin. Tức thì một con ngựa chiến đen nhánh phi nước đại tới nơi, hai lỗ mũi phụt ra lửa, khói phun ra ở tai, những tia lửa chớp dưới vó của nó. Khi đến gần bậc thêm, con ngựa quỳ xuống. Người Rừng nói: - Đây là con ngựa chiến của anh. - Rồi Người Rừng tặng thêm cho anh một quả chùy sắt và một cây roi thúc ngựa. Anh cưỡi ngựa chiến và xông lên đối mặt với quân địch. Bỗng anh nhận thấy tên nô bộc của mình đang leo lên một cây cao và khóc lóc thảm thiết vì quá sợ hãi. Anh dùng cây roi thúc ngựa quất cho nó mấy roi rồi quay lên đánh địch. Anh tả xung hữu đột, giết chết rất nhiều tên giặc, và chém chết con quỷ bảy đầu. Nhờ có chiếc gương thần kỳ, công chúa đã thấy tất cả mọi sự việc vừa xảy ra. Nàng vội vàng đến gặp kẻ chiến thắng rồi hỏi: - Chàng muốn ban thưởng gì? - Một cái hôn, ôi! Người đẹp. Chẳng thẹn thùng gì cả, trái tim đập rộn ràng, công chúa ôm hôn người chiến thắng đánh “Chụt” một tiếng thật to mà toàn quân ai cũng nghe được. Hoàng tử thu giấu con ngựa chiến rồi biến mất. Khi trở về phòng riêng của mình, chàng ngồi bất động, như chàng chưa hề ra chiến trường bao giờ cả. Còn tên nô bộc thì rêu rao khắp chốn: - Chính tôi, tôi là người đã chôn vùi con quỷ bảy đầu. Nhà vua cho nghênh tiếp y với những nghi thức rất trọng thể, hứa gả công chúa và mở đại tiệc để chiêu đãi y. Nhưng công chúa không khờ dại. Nàng đau buồn và cảm thấy nhức nhối trong tim. Tên nô bộc bẩm lên nhà vua: - Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ hãy cấp cho thần một chiếc thuyền để thần đi tìm thầy thuốc chữa bệnh cho ông chúa. Nhà vua đồng ý mọi đòi hỏi của tên nô bộc và hạ lệnh cho anh đánh xe ngựa cùng đi theo để sai phái. Cả hai người nhổ neo và lênh đênh trên mặt biển một thời gian. Tên nô bộc ra lệnh đan một chiếc bị, bỏ người đánh xe ngựa vào trong rồi quẳng xuống nước. Chiếc gương thần kỳ báo tin dữ cho công chúa. Nàng liền lên xe và đến bờ biển. Gặp được Người Rừng đang ngồi đan lưới, nàng nói: - Hỡi người tốt bụng! Hãy mau mau cứu giúp tôi, tên nô bộc độc ác đã dìm chết hoàng tử rồi! - Được thôi, tôi sẵn sàng phục vụ. Chiếc lưới này vừa đan xong. Công chúa phải cầm lấy và tự tay mình bủa lưới xuống nước sâu. Và công chúa đã vớt được hoàng tử, dẫn chàng về cung điện nhà vua và tâu lên hết mọi sự thật. Một đại tiệc được chiêu đãi và hôm sau là lễ cưới. Chẳng phải chuẩn bị gì lâu vì nhà vua chẳng thiếu thứ gì. Còn tên nô bộc, chẳng hay biết gì, mang về một đống thuốc linh tinh. Khi y vừa tới cổng thì bị tóm cổ. Mặc dù y xin tha tội nhưng cũng phải chịu lưu đày. Lễ cưới rất vui. Tất cả các quán rượu, quán cà phê đều mở cửa chiêu đãi trong tám ngày liền cho khách qua đường. Tôi đã từng được dự lễ cưới ấy, được uống rượu và uống bia thỏa sức. Con đẻ và con ghẻ N gười nông dân nọ cưới một người vợ kế. Bà này góa chồng, đã có một con gái. Người nông dân cũng có con gái của đời vợ trước. Thế là cả hai người đều có con gái đẻ và con gái ghẻ. Người vợ kế là một mụ đàn bà xấu tính, thường năn nỉ chồng: “Ông hãy mau mau đem con gái của ông vào ở tại cái lều trong rừng. Nó lo xe sợi len là được rồi”. Biết làm sao bây giờ! Bị quấy rầy mãi, không chịu nổi, cuối cùng người nông dân đành dẫn con gái đẻ của mình vào trú tại một căn lều trong rừng sâu. Ông trao cho con gái một viên đá để lấy lửa, một nắm bùi nhùi để nhen lửa và một túi lương thực rồi dặn: “Đây là dụng cụ lấy lửa, chớ để lửa tắt. Con hãy nấu lấy mà ăn, lo xe sợi len và nhớ chốt cửa lều cho thật chặt”. Trời vừa tối. Người con gái đỏ lửa, chuẩn bị bữa ăn cho mình. Không biết từ đâu, một con chuột nhắt xuất hiện và xin cô gái cho nó một thìa nhỏ thức ăn. - A! Con chuột xinh xắn của ta, hãy làm cho ta đỡ cô đơn, ta sẽ cho mày thật nhiều thức ăn. Sau khi đã chén no nê, chuột nhắt liền biến mất. Nửa đêm, một chú gấu đột nhập căn lều. - Này! Cô gái! Hãy tắt lửa đi. Chúng ta sẽ chơi trò trốn tìm. Chuột nhắt liền nhảy lên vai cô gái, nói thì thầm: - Chớ có sợ hãi. Cô hãy tắt lửa đi rồi chui xuống dưới bếp mà trốn. Còn tôi, tôi sẽ nhảy nhót và rung chuông. Cô gái và chuột nhắt liền thực hiện mẹo đó. Chú gấu đuổi chuột nhắt, nhưng không tài nào chộp được. Nó gầm gừ, ném theo những que củi, nhưng chẳng hiệu quả gì. Khi đã thấm mệt, gấu tuyên bố: “Cô gái ơi! Chẳng ai sánh kịp cô trong trò chơi trốn tìm này. Để thưởng cho cô, sáng mai tôi sẽ đưa đến cho cô một đàn ngựa kéo theo một cỗ xe chờ đầy của báu”. Sáng hôm sau, bà vợ nói với chồng: “Ông hãy vào rừng xem đứa con gái xấu xí của ông đã xe được bao nhiêu sợi len rồi”. Người chồng ra đi. Còn bà ta thì ngồi chờ chồng mang về nắm xương tàn của cô con gái. Bỗng có tiếng chó sủa: - Gâu! Gâu! Gâu! Ông bố và cô gái đang dẫn về nhà một đàn ngựa, kéo theo một cỗ xe chở đầy của báu. - Chớ có nói dối, con chó kia! Đó chẳng qua là những mảnh xương tàn va đập vào thành xe mà thôi, bà vợ cải chính. Vừa lúc đó, cổng mở. Đàn ngựa lao vào sân. Trên cỗ xe chở đầy của báu, ngồi trên xe là cô gái và ông bố. - Nào!, bà vợ nói, ông hãy dẫn con gái của tôi vào rừng một đêm, thế nào sáng mai nó cũng mang về nhà hai bầy ngựa và hai cỗ xe chở đầy của báu. Người chồng liên dẫn đứa con gái của vợ mình vào trú tại túp lều trong rừng, cung cấp đầy đủ mọi thứ: đá lấy lửa, thức ăn... Tối đến, cô nướng bánh để ăn. Chuột nhắt xuất hiện, cầu khẩn cô ta cho miếng bánh. Cô gái mắng: - Cút đi! Đồ bẩn thỉu. Rồi cô dùng thìa ném theo. Chuột nhắt chạy trốn. Cô gái ăn ngốn ngấu một mình rồi nằm co trong góc lều. Đến đêm, chú gấu xuất hiện và nói: - Này! Cô là ai? Chúng ta thử chơi trò trốn tìm nào! Cô gái sợ quá, hai hàm răng đánh lập cập, nói không nên lời. - A! Cô gái đó à? Gấu nói, cô hãy cầm lấy quả chuông này và chạy nhanh lên. Ta sẽ chộp được ngay lập tức. Cô gái cầm quả chuông, tay run lẩy bẩy nên quả chuông kêu leng keng không ngừng. Chuột nhắt liền báo ngay: - Hỡi cô gái độc ác kia, cô chẳng sống được nữa đâu. Hôm sau, bà vợ liền giục ông chồng đi vào rừng ngay: - Chắc rằng con gái tôi sẽ dẫn về hai bầy ngựa và hai cổ xe chở đầy của báu cho mà xem. Ông chồng ra đi. Bà vợ chực sẵn ở cổng. Bỗng có tiếng chó sủa: - Gâu! Gâu! Gâu! Con gái của bà đang trở về với nắm xương tàn của mình; những mảnh xương va đập vào nhau, còn ông chủ thì ngồi trên chiếc hòm trống rỗng. - Mày chớ có nói láo! Con gái ta đang dẫn về nhà những con ngựa và những cỗ xe đầy ắp của báu. Vừa tới cổng, ông chồng giao chiếc hòm cho bà vợ. Bà ta liền mở nắp ra, bà ta chỉ thấy những mảnh xương, nên bà ta van trời kêu đất thảm thiết. Hôm sau, bà ta chết vì điên cuồng và sầu muộn. Còn ông chồng thì sống hạnh phúc với con gái của mình. Về sau, cô gái đã kiếm được người chồng xứng đáng. Nàng Vát-xi xinh đẹp N gày xưa, ở một vương quốc nọ, có một nhà buôn. Sau mười hai năm lấy vợ, ông ta chỉ sinh hạ được một cô con gái mà thôi, đó là nàng Vát-xi xinh đẹp. Khi mới lên tám, nàng đã mồ côi mẹ. Cảm thấy chẳng sống được bao lâu nữa, bà gọi con gái lại gần, lôi ở dưới gối ra một con búp bê, giao cho con rồi dặn dò: - Con gái bé bỏng của mẹ! Hãy nghe đây! Con nhớ lấy điều cực kỳ quan trọng mà mẹ dặn sau đây và cố gắng thực hiện cho đúng. Mẹ sẽ qua đời, vì rất yêu thương con nên mẹ để lại cho con búp bê này. Con phải luôn giữ nó bên cạnh mình và tuyệt đối không cho ai biết. Mỗi khi con gặp điều không may, con hãy cho búp bê ăn rồi yêu cầu nó cho con một lời khuyên. Một khi được sống lại, búp bê sẽ mách cho con biết cách thoát khỏi cảnh khó khăn. Nói xong, bà mẹ ôm hôn con gái rồi trút hơi thở cuối cùng. Sau khi vợ chết, nhà buôn khóc than một thời gian, rồi ông nghĩ đến chuyện lấy vợ kế. Chẳng thiếu gì cô gái muốn lấy ông, nhưng chỉ có một người đàn bà góa có thể vừa lòng ông mà thôi. Bà góa này không còn trẻ nữa, bà đã có hai con gái, xấp xỉ tuổi với Vát-xi. Bà ta là một người nội trợ giỏi giang đồng thời cũng là một bà vợ đảm đang. Nhà buôn bèn cưới bà ta, nhưng chẳng bao lâu, ông phát hiện ra rằng mình đã phạm sai lầm: bà ta không phải là bà mẹ tốt đối với con đẻ của mình. Vát-xi là cô gái đẹp nhất vùng, cho nên mẹ ghẻ và hai cô em sinh ra ghen tị, tìm cách đày ải cô bằng cách giao cho cô làm những