🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trò Chơi Và Thú Tiêu Khiển Của Người Huế - Trần Đức Anh Sơn
Ebooks
Nhóm Zalo
TRÒ CHƠI VÀ THÚ TIÊU KHIỂN CỦA NGƯỜI HUẾ
NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
Số 9 - Ngõ 26 - Phố Hoàng Cầu - Q.Đống Đa - TP.Hà Nội VPGD: Số 347 Đội Cấn - Quận Ba Đình - TP Hà Nội ĐT: (024). 66860751 - (024). 66860752
Email: [email protected] | Website: nxbdantri.com.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản:
BÙI THỊ HƯƠNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
LÊ QUANG KHÔI
Biên tập: Nguyễn Thị Thủy
Vẽ bìa: Nguyễn Mạnh Cường
Sửa bản in: Lê Tùng Dương
Trình bày: Vũ Lê Thư
In 2.000 cuốn, khổ 14x20.5 cm tại Công ty TNHH In Tiến Bộ Địa chỉ: 175 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Số xác nhận đăng ký xuất bản số: 1707-2018/CXBIPH/4- 61/DT
Quyết định xuất bản số: 1707-4/QĐXB/NXBDT do NXB Dân trí cấp ngày 10/10/2018
Mã ISBN: 978-604-88-6224-4. In xong, nộp lưu chiểu năm 2018
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH OMEGA VIỆT NAM (OMEGA PLUS)
Trụ sở chính: Tầng 5, Tòa nhà số 14 Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội
Tel: (024) 3233 6043
VP. TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Tel: (028) 38220 334 | 35
www.omegaplus.vn | https:
//www.facebook.com/groups/congdongomega
Tổng Quan
S
au hơn 1,5 thế kỷ được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Ðàng Trong, đến cuối thế kỷ XVIII, Huế trở thành kinh đô vương triều Tây Sơn (1788 - 1802) và sau
đó là kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945). Ở một nơi từng được tán tụng “... mặt đất thì non sông tươi đẹp, biển cả thì sóng nước mênh mông... đàn ông khá cương cường, đàn bà hơi mềm mại, trai thì trọng đức dũng cảm tài lương, gái thì quý nết đoan trang cần kiệm...”1, lại được tiếp nhận những tinh hoa của
đất nước tụ hội về bởi vị thế của một kinh đô, xứ Huế2, trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVI đến đầu XX, xứng đáng là chốn đô hội của cả nước. Việc nhà Nguyễn chọn Huế để định đô trong gần 1,5 thế kỷ đã làm nảy sinh nơi đây lớp người thượng kinh và theo đó là một lối sống kinh kỳ. Ðiều này góp phần tạo nên những nét đặc sắc trong lối sống, cách ứng xử, cũng như trong việc thưởng ngoạn và tiêu khiển của người dân xứ Huế.
1. Dương Văn An, Ô châu cận lục (Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 44.
2. Các địa danh: Huế, xứ Huế có trong tiểu luận này được sử dụng để chỉ vùng đất trước kia là thủ phủ của cả xứ Đàng Trong trong hơn 1,5 thế kỷ (1636 - 1788), sau đó là kinh đô của hai vương triều: Tây Sơn (1788 - 1802) và Nguyễn (1802 - 1945), trải dài từ nam Quảng Trị đến bắc Hải Vân (vùng đất này gần như tương ứng với địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay), chứ không bó hẹp trong phạm vi thành phố Huế đương đại, với tư cách là một đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sự tồn tại và phát triển của các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế bắt nguồn từ sự du nhập các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ rồi cải biên cho phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường và hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mới. Nhiều trò chơi dân gian của người dân Ðại Việt xưa, đã theo bước chân của những lớp dân Nam tiến, có mặt ở Huế ngay từ khi mảnh đất này còn là “Ô châu ác địa”. Trong giai đoạn đầu, những trò chơi ấy vẫn mang đậm dấu ấn từ những trò vui của cư dân châu thổ sông Hồng. Ðó là những trò chơi gắn với các lễ hội dân gian, được nhà nước đứng ra tổ chức để mua vui cho thiên hạ trong các dịp lễ lượt như: đua ghe, đấu vật, đu tiên... Ðiều này thể hiện khá rõ qua một đoạn ghi chép của Nguyễn Khoa Chiêm trong sách Nam triều công nghiệp diễn chí: “Lại kể năm Cảnh Trị thứ 10, Nhâm tý, tháng 2 (đúng ra là năm Dương Ðức thứ nhất, 1672 - T.Đ.A.S.)1 chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần - T.Đ.A.S.) nhàn hạ, triệu trai gái xã Hạ Lan tới trước gác Quyển Bồng, bày cuộc chơi đùa làm vui: đánh cờ người, đá cầu, xích đu. Có thể nói là một thắng hội. Khi ấy các quan liêu, dân bách tính trai già gái trẻ, dắt con ôm cháu, cùng tới xem chơi, không thể đếm xiết”.2
1. Tác giả Trần Đức Anh Sơn.
2. Dẫn theo: Lê Nguyễn Lưu, “Nhân tố và đặc điểm của văn hóa Huế”, Huế đẹp Huế thơ, NXB Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 21.
Về sau, nhiều thú vui xuất xứ từ nơi thôn dã, được tầng lớp trên trong xã hội mới tiếp nhận và cải biên cho phù hợp với lối sống quyền quý của họ. Từ đó tạo nên những trò chơi và thú tiêu khiển theo lối Huế, được đánh giá là phong phú, độc đáo và mang sắc thái riêng, khi so sánh với những các trò chơi và thú tiêu khiển ở các vùng khác của Việt Nam. Mặt khác, tầng lớp trên trong xã hội cũng là những người khởi xướng các các trò
chơi và thú tiêu khiển mới như: thưởng thức ca nhạc cung đình, thả thơ, uống trà... Giới quý tộc và quan lại ở cố đô Huế đã học hỏi, bắt chước những trò chơi được ghi chép trong sách vở viết về đời sống cung đình Trung Hoa, rồi cải chế ít nhiều, tạo thành những trò chơi hay thú tiêu khiển mới để phục vụ cho nhu cầu giải trí của giai cấp mình như: đầu hồ, xăm hường... Theo thời gian, nhiều trò chơi cung đình đã vượt khỏi chốn cung cấm, lan ra phố phường và thôn xóm ngoại thành, được tầng lớp bình dân tiếp nhận, rồi cải biên hoặc bổ sung một vài chi tiết cho phù hợp với địa vị và lối sống của họ. Cũng có những thú vui không rõ do ai khởi xướng nhưng lại được người Huế, từ sang đến hèn, chấp nhận thưởng thức.
Ðến thời thuộc Pháp, nhiều trò chơi có nguồn gốc châu Âu, được du nhập vào Huế như: domino, billard, bài Tây... cùng tồn tại với những trò chơi có từ trước. Ngoài ra, một số trò chơi truyền thống cũng có những thay đổi cho phù hợp xu thế của thời đại: ví dụ trò thả thơ, thay vì dùng thơ chữ Hán các đời Ðường - Tống - Minh bên Tàu, người ta chuyển sang dùng thơ chữ Nôm của Trần Tế Xương, Tản Ðà, Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vy... để thả thơ; hay như trò tài bàn, mạt chược, vốn du nhập từ Trung Quốc, nguyên thủy chỉ có 136 quân cờ, sau phát sinh thêm bốn “bộ hoa”, gồm các quân cờ: mai-lan-cúc-trúc; xuân-hạ-thu- đông; tổng-đồng-vạn-sách; hoa-nguyên-hỷ-hợp, nâng tổng số quân cờ thành 152.
Trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế luôn có hai thuộc tính: dân dã và bác học; dân gian và cung đình.
Chẳng hạn như trò thả diều: con diều Huế vốn gốc gác từ những con diều đơn sơ của đám con nít nơi thôn quê; về sau được người lớn phát triển thành con diều có hình dáng phức tạp hơn; cuối cùng, nó được lớp người thượng kinh biến thành những nhân vật của bộ môn “múa rối trên không”, dựa theo nhân vật trong các tích tuồng xưa, với kỹ thuật tinh xảo và lộng lẫy sắc màu. Hay như trong bộ môn ca Huế, có khi ca từ bắt nguồn từ
những bài ca dao, những bài vè trong dân gian, nhưng cũng có những làn điệu, những khúc ca có ca từ là những bài thơ do các thi sĩ chuyên nghiệp, hay các bậc thức giả sáng tác như bài Phẩm tiết, do công chúa Mai Am sáng tác, bài Tứ đại cảnh, do vua Tự Ðức đặt ra. Có nơi, có lúc mặt này trội hơn mặt kia, nhưng rất khó tách bạch rõ ràng, ngược lại, các mặt này thường đan xen, bổ sung cho nhau, tạo nên những nét đặc thù trong các trò giải trí ở Huế.
Những thú vui ở Huế, ngoài mục đích tiêu khiển, giải trí, còn nhằm để khoa trương tài nghệ, óc thẩm mỹ tinh tế, sự tinh xảo, khéo léo và cả tri thức, học vấn của người dự cuộc. Ðể thỏa mãn thú đỏ đen hay thử vận hên xui, ngoài những trò cờ bạc diễn ra trong các sòng tổ tôm, tứ sắc... người Huế còn tìm đến các trò thả thơ, đố thơ, nơi mà sự uyên bác quyết định sự thắng thua chứ không phải là tính sát phạt. Tương tự, người ta tìm đến các hội bài chòi, bài thai là để được thưởng thức những câu hò, giọng hát, để đắm mình trong không khí rộn ràng của cuộc vui hơn là để thử vận may rủi.
Một đặc điểm khác trong các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế là dường như có một sự phân định vô hình trong việc tổ chức và thưởng ngoạn giữa những lớp người có địa vị khác nhau trong xã hội: đầu hồ là một trò chơi phổ biến trong cung vua, phủ chúa, nhưng không thấy lan truyền trong dân gian. Người ta cũng chỉ thấy trò thả thơ, đố thơ diễn ra nơi các vương phủ và thành phần tham dự đều là những bậc phong lưu, có học vấn chứ không phải là những tay trọc phú lắm tiền ít chữ. Cũng chưa bao giờ có một quan chức nào, dù là võ quan, so tài trong các sới vật đầu năm ở các hội làng, cho dù họ là người đã từng tỉ thí trong các kỳ thi võ do triều đình tổ chức. Ðiều này là hệ quả của sự khác biệt địa vị, học vấn và tình hình kinh tế của từng bộ phận dân cư trong xã hội.
Ở Huế có những thú vui dành cho đám đông như: đua ghe, thả diều, đấu vật... song cũng có nhiều thú giải khuây chỉ dành cho
một nhóm người, thậm chí một người như: thưởng trà, đánh cờ hay sưu tầm cổ vật… Có những trò chơi nhằm phô diễn sức mạnh cơ bắp như: đua ghe, đấu vật…; có thú vui dùng trí như đánh cờ, hay khoe tài học vấn như thả thơ, đố thơ…; có trò chơi thể hiện sự khéo léo như chơi đầu hồ, hay khoe sự sáng tạo như làm diều và thả diều; nhưng có thú vui lại thể hiện một ước mơ về học vấn cho bản thân và gia đình như đổ xăm hường hay thể hiện một khát vọng liên lạc giữa cõi dương với cõi âm, giữa hư với thực như trò cầu tiên.
Thú vui xứ Huế không chỉ phong phú về dạng thức, loại hình mà còn hợp thời, hợp cảnh. Dương Văn An trong Ô châu cận lục từng viết: “Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca”.1 Không ai thả diều hay du thuyền trên sông Hương vào những ngày mưa dầm gió bấc, cũng như các cuộc trà chỉ thực sự mang đến cho ẩm khách cảm giác khinh khoái trong những ngày đông giá rét, chứ không phải trong những trưa hè oi bức. Thiên nhiên và thời tiết vừa giúp vào việc sản sinh ra các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế, đồng thời, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm diễn ra các cuộc vui ấy.
1. Dương Văn An, Ô châu cận lục (Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 47.
Có một cảm nhận khác khi tìm hiểu về các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế là có nhiều trò vui gắn liền với những dòng sông. Ðó là dòng Hương Giang ở Huế; là sông Bồ Ðiền ở Quảng Ðiền, là dòng Ô Lâu ở Phong Ðiền, là vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lăng Cô... ở vùng duyên hải phía đông. Những trò đua ghe, đua trải, các cuộc vui trong các cuộc lễ cầu ngư; thú đi câu, ca Huế trên sông, ngủ đò... đều gắn liền với sông nước và cả những trò vui, tuy trên cạn, nhưng lại có gốc gác gắn bó với sông nước như
hát tập chèo, hò bả trạo... Ngay như thú thả diều cũng thế. Ðừng tưởng cánh diều bay lượn trên bầu trời kia thì không có quan hệ gì với sóng nước của những dòng sông xứ Huế. Vị trí được các tay chơi diều ưa thích là những bãi đất ven sông, vì ở những nơi này mới có một khoảng không thoáng đãng để nâng bổng cánh diều. Dòng sông xanh, bầu trời xanh và cánh diều đủ màu sắc đang vi vu giữa hai tấm phông xanh tự nhiên kia sẽ trở nên lộng lẫy hơn, quyến rũ hơn. Vì thế mà trong những trưa hè cháy bỏng, ngang qua cầu Trường Tiền hay cầu Phú Xuân, người ta thường thấy những cánh diều chao lượn trên bầu trời, in bóng xuống dòng Hương trong xanh. Sông Hương đã đọng lại trong tâm thức người dân xứ Huế một tình cảm dịu dàng, quyến rũ, thì cũng in dấu lên những trò tiêu khiển ở Huế như nguồn cội của niềm hứng khởi và lạc thú, mà thiếu nó, hẳn những thú vui của miền đất này sẽ không trọn vẹn và phong phú đến vậy.
Theo tôi, có thể tạm phân các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế thành ba nhóm nhỏ, dựa trên quy mô tổ chức và số người tham dự cuộc tiêu khiển.
- Những trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng như các trò: đua ghe, vật võ, đu tiên...
- Những trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm như: ngâm vịnh,đối họa thi văn,thưởng thức ca múa nhạc, thưởng trà, thả thơ, đố thơ, đổ xăm hường, đầu hồ, hay các trò cờ bạc khác như: tứ sắc, bài xẹp, tổ tôm, kiệu, tài bàn, mạt chược...
- Những trò giải trí và tiêu khiển mang tính cá nhân như: chơi non bộ, chơi hoa kiểng, chơi chim, chơi sách, chơi cổ vật, ngủ đò...
Tuy nhiên, sự phân định này chỉ có tính tương đối vì có những thú vui xếp vào nhóm này hay nhóm kia đều được. Ví dụ: uống trà có thể là thú vui của một người nhưng khi có một nhóm người thường xuyên tụ họp để thưởng trà, bình thơ thì thú vui đã mang tính tập thể, hội nhóm; hay như trò chơi đầu hồ, khi
một người chơi thì ngoài mục đích thư giãn, đó còn là việc tập luyện tính kiên trì, khéo léo của cá nhân, nhưng khi có hai hay ba người cùng tham gia thì trò này đã mang tính hội nhóm và cần phải có luật chơi để phân định thắng thua...
Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng
ĐUA GHE
T
rò đua ghe, đua trải diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðó là một trong những là trò chơi và cũng là môn thể thao tồn tại lâu đời, có mặt ở
Thuận Hóa từ buổi đầu người Việt theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi và vẫn tiếp diễn trong các lễ hội, các dịp kỷ niệm hằng năm hiện nay. Những ghi chép của các tác giả: Dương Văn An, Nguyễn Khoa Chiêm, Lê Quý Ðôn về vùng đất Thuận Hóa xưa đều có nói về việc người dân nơi đây tổ chức đua ghe trong các dịp xuân về hay trong các lễ hội, hoặc do phủ chúa đứng ra tổ chức nhân một dịp đại lễ nào đó. Sau này, việc tổ chức đua ghe ở Huế thường gắn liền với các lễ hội nông nghiệp hay ngư nghiệp. Người dân ở các làng quê thường tổ chức đua ghe trước khi bước vào vụ mùa mới, như là một phần của những hoạt động mang tính tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng được phong đăng hòa cốc.
Đua ghe trên sông Hương. Ảnh: Đào Hoa Nữ.
Chiếc ghe đua xứ Huế thường là loại ghe thân dài; lườn ghe đan bằng cật tre; mũi và lái cong vút. Ngày trước, thân ghe chỉ được phủ lớp dầu rái màu nâu để chống thấm nước. Về sau, chiếc ghe đua được sơn vẽ nhiều màu hơn. Hầu như mỗi thôn, làng đều có
chiếc ghe đua và một đội đua, tuyển chọn từ những tráng đinh khỏe mạnh, dẻo dai nhất. Vài tuần trước khi diễn ra cuộc đua, đội đua được tập trung để bắt đầu tập luyện nhằm đạt đến sự nhuần nhuyễn của toàn đội và tăng cường sức bền bỉ, dẻo dai cho từng thành viên. Việc luyện tập chủ yếu vào ban đêm và thực hiện ở trên cạn, thường là nơi đình làng. Thời gian này cũng là lúc người ta hạ thổ chiếc ghe có từ những mùa đua trước, bấy lâu vẫn được cất giữ ở nơi cao ráo trong đình, để sửa chữa, tu bổ hay trang trí lại, chuẩn bị cho cuộc đua mới. Khi việc luyện tập trên cạn đã khá nhịp nhàng, người ta hạ thủy chiếc ghe vừa tu sửa xong để đội đua tập chèo trên sông, trên phá một vài lần, trước khi vào hội. Với dân chúng, sự thú vị của trò đua ghe đã bắt đầu ngay từ những ngày tập luyện này. Họ kéo đến xem đội đua luyện tập, phụ họa theo tiếng hô giữ nhịp của đội đua. Mấy người phụ nữ còn lo việc nấu các món ăn, úy lạo đội đua để bồi bổ sức khỏe cho họ. Người ta luôn luôn làm một lễ
cúng ghe rất trang trọng trước khi đưa ghe gia nhập hội đua. Ngày đua đến, những chiếc ghe đủ màu sắc, từ các thôn làng tập hợp về một quãng sông, cùng những đội đua mặc đồng phục, sẵn sàng bước vào cuộc tranh tài. Hai bên bờ sông, dân chúng tụ tập đông đúc, luôn miệng hò reo cổ vũ cho đội nhà trong tiếng trống dồn dập, náo nức. Cuộc đua thường diễn ra từ sáng sớm, đến giữa trưa thì chấm dứt. Mỗi lượt tranh tài, đội đua phải bơi đủ “ba vòng, sáu tráo” trên một khúc sông được giới hạn bởi hai cọc tre tươi làm cọc tiêu, gọi là vè, trước khi lái chính tháo mái chèo mang lên bờ nộp cho ban giám khảo. Mỗi cuộc đua thường có bốn giải thưởng:
- Giải cúng:là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua đầu tiên vào buổi sáng. Phần thưởng của giải cúng là một mâm cau trầu và một chai rượu.
- Giải phá: là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua cuối cùng vào buổi chiều. Phần thưởng của giải là một lá cờ đỏ, không có hiện vật kèm theo. Lá cờ này vốn là biểu tượng của cuộc đua, sẽ được đội thắng mang về treo trong đình làng như một niềm vinh dự của đội đua làng ấy.
- Giải tam liên thắng: là giải thưởng dành cho đội nào về nhất ba lần trong một cuộc đua. Phần thưởng thường là một con bò để xẻ thịt ăn mừng.
- Giải nhất, nhì, ba: là giải thưởng dành cho ba đội có thành tích cao nhất trong cuộc đua. Phần thưởng bằng tiền mặt, tùy theo thứ hạng mà số tiền mặt được thưởng nhiều hay ít.
Đua ghe ở Cầu Ngói Thanh Toàn. Ảnh: Nguyễn Phong.
Ðua ghe là một trò giải trí mang tính đồng đội cao, vừa giúp vào việc rèn luyện sức khỏe, vừa để giúp vui cho cộng đồng. Ðó cũng là một phần trong các hoạt động lễ hội thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp của người dân xứ Huế. Một số làng ngư nghiệp ven phá Tam Giang như các làng: Thai Dương Thượng thượng giáp (xã Hải Dương), Thai Dương Thượng hạ giáp (xã Thuận An), Hòa Duân (xã Phú Thuận)... cũng tổ chức các cuộc đua ghe trong dịp lễ cầu ngư.
Hiện nay, vào các dịp kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế (26.3) và Quốc khánh (2.9), chính quyền thường tổ chức đua ghe trên sông Hương như một hoạt động thể thao chào mừng các sự kiện này. Còn tại Cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy), dân địa phương thường tổ chức đua ghe trong chương trình Hương xưa làng cổ để hưởng ứng các kỳ Festival Huế từ năm 2004 đến nay. Là thú vui, đồng thời là hoạt động thể thao lành mạnh, nên các cuộc đua ghe thường niên trên sông Hương và ở Cầu Ngói Thanh Toàn luôn thu hút đông đảo dân chúng và du khách đến xem và cổ vũ nhiệt thành.
Ậ
VẬT VÕ
Một trong những nơi có truyền thống vật võ nổi tiếng nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế là làng Sình, tên chữ là Lại Ân (nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang). Làng Sình nằm bên ngã ba sông, nơi con sông Bồ hợp lưu với sông Hương trước khi xuôi về phá Tam Giang để thông ra biển. Ðây là một làng nghề, chuyên làm tranh mộc bản để thờ cúng. Ðối diện làng Sình, bên kia sông là làng Thanh Phước, nơi có ngôi đền, thờ một phù điêu Champa, từng được triều Nguyễn sắc phong là Kỳ Thạch phu nhân chi thần. Nơi đây còn có vết tích một trại thủy quân thời các chúa Nguyễn. Khi mới đến Ðàng Trong, để tăng cường sự phòng thủ mặt đông cho thủ phủ, chúa Nguyễn đã lập nơi đây một xưởng đóng thuyền và một trại thủy binh đêm ngày luyện tập võ nghệ và nghề sông nước. Những hoạt động của trại thủy binh đã mang đến cho vùng này một truyền thống vật võ còn lưu truyền đến nay. Trước tiên, người ta tổ chức đấu vật trong lực lượng thủy binh nhằm tuyển chọn những người có sức khỏe, để lên rừng tìm gỗ đóng thuyền, để đương đầu với kẻ thù lúc cận chiến. Sau thời các chúa Nguyễn, các sới vật ở làng Sình được tổ chức hàng năm nhằm tuyển chọn và tưởng thưởng những thanh niên có lòng can đảm, sức mạnh và mưu trí, để lên rừng lấy cây vang, cây hòe về chế màu; xuống biển lấy vỏ sò, vỏ điệp về nung thành bột, đem trộn với hồ, quét lên giấy dó để in tranh.
Hội vật tổ chức ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Sới vật được đắp bằng đất, ngay trước sân đình. Tuy diễn ra ở làng Sình nhưng hội vật thu hút nhiều võ sĩ đến từ những vùng phụ cận như: Vĩnh Lại, Quy Lai, Dương Nỗ, Thanh Phước... Có cả những võ sĩ từ các làng quê ven biển như Thuận An, Hải Dương... đến đua tài.
Hội vật diễn ra trong một ngày. Sau khi vị tiên chỉ trong làng đọc lời khai cuộc và công bố luật lệ hội vật, người ta đốt lửa trong một chiếc đèn thăng thiên làm bằng vải theo nguyên lý
hoạt động của một khinh khí cầu, rồi thả nó bay lên trời, báo hiệu hội vật bắt đầu.
Hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang). Ảnh: Trần Tuấn Anh.
Sau hiệp đấu khai hội mang tính nghi thức của hai bậc lão trượng trong làng là cuộc đua tài của thiếu nhi, kế đến mới là các hiệp đấu của người lớn. Người nào thắng liên tiếp ba đối thủ thì được dự vòng bán kết buổi chiều. Buổi chiều ai thắng được ba trận thì sẽ được vào vòng chung kết. Người vật bị đối phương nhấc bổng lên hoặc làm cho “lấm lưng trắng bụng” thì thua trận và bị loại trực tiếp, không được tham dự trận đấu thứ hai mà phải đợi đến sang năm mới được so tài trở lại.
Các lão đấu thủ thi đấu ở hội vật làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền). Ảnh: Nguyễn Phong.
Các nam đấu thủ thi đấu ở hội vật làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền). Ảnh: Nguyễn Phong.
Các nữ đấu thủ thi đấu ở hội vật làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền). Ảnh: Nguyễn Phong.
Ngoài hội vật làng Sình, trên địa bàn Thừa Thiên Huế còn có hội vật ở làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) cũng là nơi quy tụ khá nhiều tay vật từ các địa phương khác đến dự hội. Mỗi địa phương có một trường phái, một phong cách đấu vật riêng, chứng tỏ xứ Huế là một nơi giàu truyền thống vật võ. Truyền thống đó vẫn được duy trì tới nay, như là một hoạt động thể thao và là trò giải trí được công chúng ưa thích.
ĐU TIÊN
Ðu tiên là một trò vui có gốc gác từ miền Bắc, được du nhập vào Thuận Hóa từ rất sớm. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất tị, năm thứ 8 niên hiệu Ðại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)... mùa
xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hằng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trái, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng
Chạp năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về”.1 Chuyện này xảy ra chỉ sau khi người Chiêm cắt đất Ô, Lý cho Ðại Việt chưa đầy 60 năm, mà lại thành lệ đến nỗi người Chiêm biết mà phục sẵn chờ bắt người mang về, chứng tỏ trò chơi này rất hấp dẫn dân chúng và được tổ chức thường xuyên ngay từ buổi đầu họ đặt chân đến đây.
1. Ngô Sĩ Liên, Ðại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch của Viện Sử học), Quyển 7, Tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967, tr. 150.
Ở nhiều vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đánh đu là một trò chơi phổ biến trong những ngày Tết với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau. Song phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, vẫn được gọi là đu tiên, gồm một cặp thanh niên nam nữ cùng lên đu so tài. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng như trong câu ca:
Nhún mình như thể nhún đu
Càng nhún càng đẹp, càng đu, càng mềm1
1. Nguyễn Thành Luông - Nguyễn Thị Thanh Bình, Văn hóa dân gian cổ truyền. Những phong tục lý thú, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 65.
Những cuộc đu tiên ở Huế vẫn được tổ chức cho đến trước năm 1945. Trong các dịp lễ lượt quan trọng, chính phủ Nam triều thường tổ chức các cuộc đu tiên ở trước Phu Văn Lâu để mua vui. Mỗi dịp như thế, người ta thường dựng từ 2 - 3 cây đu. Thời này, giá đu đã làm bằng gỗ, rất vững chắc, nhưng cánh đu và đòn đu thì vẫn làm từ những gốc tre đực. Cánh đu và đòn đu liên kết với nhau bằng những đoạn tre đập dập và được bện lại nhằm tăng độ đàn hồi cho đòn đu, giúp động tác nhún mềm mại và uyển chuyển hơn. Giải thưởng trong các cuộc đu lúc này là bằng tiền và người ta không còn treo chiếc khăn hồng cho các tay đu đoạt lấy như trước. Phần lớn các tay đu bấy giờ là nam giới, hiếm khi có nữ giới tham gia, vì phụ nữ Huế lúc ấy đã theo nếp gia phong Nho giáo, khác với phụ nữ thời các chúa Nguyễn, say trò đu tiên đến độ bị người Champa đến rình bắt mà không hay biết. Vì thế mà tính chất lãng mạn, quyến rũ của trò đu tiên đã phôi pha dần.
Đu tiên ở làng Phước Yên
(xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền). Ảnh: Nguyễn Phong.
Bay bổng trên đu. Ảnh: Nguyễn Phong.
Ngày nay, trò đu tiên đã được tái hiện trở lại ở một số địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) và tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cứ vào dịp Tết Nguyên đán đến, người dân địa phương thường tổ chức đu tiên trong các ngày mồng Ba, mồng Bốn và mồng Năm Tết.
THẢ DIỀU
Thả diều là một trong những trò giải trí có sức sống lâu đời ở Huế. Cũng như ở miền Bắc, chơi diều lúc đầu chỉ là một trò chơi của trẻ em. Bọn trẻ đã tạo ra những con diều cung, diều phên hay diều dơi rất đơn giản. Chúng dùng giấy vàng mã hay giấy dó dán lên những khung tre hình cánh cung, đính vào đấy hai dải giấy để làm đuôi. Vậy là đã có một con diều để tung lên trời cao
g y ậy ộ g với bao niềm mơ ước và đam mê thơ dại của chúng. Người ta không biết được những người lớn ở Huế đã tham gia vào trò chơi này từ khi nào, cũng như vì sao từ những con diều đơn giản về cả tạo hình lẫn màu sắc, bỗng nhiên ở Huế, dưới thời Nguyễn, lại xuất hiện những con diều công, diều phụng rực rỡ, được chế tác bằng các chất liệu khác trước với một trình độ cao về nghệ thuật tạo hình cũng như kỹ thuật thả diều.
Ông Cottenceau Philippe, một người Pháp chuyên nghiên cứu về diều và là hội viên Câu lạc bộ diều Au fil de Vents, sau nhiều năm đi tìm tòi, khảo cứu và học kỹ thuật làm diều ở Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam, đã cho rằng nghệ thuật diều Huế bắt nguồn từ Trung Hoa. Có thể những viên quan nhà Nguyễn trong các chuyến đi sứ sang Trung Quốc đã tiếp thu kỹ thuật chế tác và cách thức trang trí các con diều của Trung Quốc rồi truyền dạy cho những người chơi diều ở Huế. Tuy chưa tìm được những tư liệu lịch sử nói về vấn đề này nhưng khi so sánh các con diều thời Thanh còn lưu lại ở Trung Hoa với các con diều Huế, người ta thấy có sự tương đồng về kỹ thuật, chất liệu và hình thức trang trí. Chỉ riêng những con diều làm theo đề tài hiện đại như diều máy bay, diều tên lửa... thì mới có sự khác biệt. Trong khi đó, con diều Huế lại khác xa với con diều ở đồng bằng Bắc Bộ ở tất cả các phương diện: tạo hình, trang trí, chất liệu... Ðiều này góp phần làm sáng tỏ câu hỏi: tại sao trong suốt mấy trăm năm tồn tại, con diều Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, dù của trẻ con hay của người lớn, cũng gói gọn trong vài kiểu dáng đơn giản và dường như không được tô màu, trong khi chỉ trong mấy chục năm cuối thời Nguyễn, con diều Huế đã có những bước phát triển nhảy vọt về tạo hình, màu sắc và đề tài trang trí.
Dưới thời Bảo Ðại (1926 - 1945), Phủ Doãn Thừa Thiên thường tổ chức những cuộc thi diều trong các dịp lễ hàng năm. Bấy giờ trong làng diều Huế đã xuất hiện những tên tuổi nổi tiếng như: Nguyễn Văn Bân, Ðoàn Chước, Trần Văn Ðông, Ưng Sừng, Ưng
Hạng... Những người này đã dùng các loại chất liệu mới để cải
tiến con diều và nâng cao nghệ thuật thả diều: dùng vải thay cho giấy để phủ cánh diều; dùng vải bện dây thả diều thay cho dây bện bằng cật tre trước đây. Ngoài ra họ còn tham khảo các loại sáo diều từ miền Bắc để chế nên các bộ sáo cho con diều Huế. Vào thời điểm này, con diều Huế đã được vẽ màu, chủ yếu là hai cặp màu: xanh trắng hoặc đỏ vàng.
Vào những năm 1935 - 1940, nghệ nhân Ưng Sừng là người đầu tiên tạo ra những con diều bướm nhiều màu sắc, hiện vẫn còn phổ biến ở Huế.
(Cố) Nghệ nhân làm diều Nguyễn Văn Bê.
Ảnh: Lê Quang Hoàng.
Những người chơi diều ở Huế đã tập hợp nhau lại trong một tổ chức có tên là Hội Cầu Phong. Năm 1973, hội này được đổi tên thành Hội Thừa Phong. Sau ngày đất nước thống nhất, Hội Thừa Phong chấm dứt hoạt động nhưng những thành viên trong hội vẫn tiếp tục chơi diều riêng lẻ. Ðến năm 1983, Câu lạc bộ diều Huế ra đời, thành phần chủ yếu là những hội viên của Hội Thừa
Phong trước đây, tiếp nối nghệ thuật chế tác và kỹ thuật thả diều của các lớp nghệ nhân tiền bối.
Diều Huế phong phú về màu sắc và hình dáng: diều bướm, diều công, diều phụng, diều rồng, diều rít (rết), máy bay, tên lửa... Có cả những con diều được làm ra dựa theo các điển tích xưa như: đại bàng cắp công chúa (truyện Thạch Sanh), các nhân vật trong truyện Tấm Cám, gà chọi, chèo bẻo đánh quạ, phượng hoàng sinh con... Những con diều này do một người hoặc một nhóm người phối hợp thả lên không trung rồi dùng dây điều khiển để chúng diễn tả các tích tuồng như những nhân vật trong một vở múa rối. Các nghệ nhân đã biến thả diều từ một trò giải trí bình thường thành bộ môn nghệ thuật độc đáo, được nhiều người tôn vinh là “nghệ thuật múa rối trên không”.
Diều Đại bàng cắp công chúa. Ảnh: Đào Hoa Nữ.
Chơi diều ở Huế là một thú vui được nhiều người hưởng ứng. Trẻ em thì chơi những con diều đơn giản do chúng tự làm nên; còn người lớn, đặc biệt là lớp người quyền quý thường bỏ tiền thuê các nghệ nhân làm những con diều đẹp, cầu kỳ để chơi hoặc để biểu diễn trong các dịp lễ lượt hội hè. Thú vui ấy nay
vẫn được tiếp tục và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế.
BÀI CHÒI VÀ CÁC TRÒ CHƠI TỪ BỘ BÀI TỚI
Tết đến, thú vui được người Huế nói riêng, người Việt nói chung, quan tâm nhiều nhất là các trò cờ bạc, đỏ đen, dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những trò chơi đó là bài chòi.
Bài chòi có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung trong những ngày Tết và mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất. Ở Huế, lối chơi bài chòi có nét khác biệt so với lối chơi bài chòi ở Bình Ðịnh và Quảng Nam. Sự khác biệt ấy thể hiện ở nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một cuộc bài. Người ta đến với bài chòi trong dịp năm mới không phải vì say mê trò sát phạt, mà chỉ là dịp để thử vận hên xui trong ngày đầu năm và để được đắm mình trong không khí rộn ràng, đầy lạc thú từ những điệu hò dí dỏm, những giọng cười sảng khoái và cả niềm hy vọng thắng cuộc nho nhỏ mà trò chơi này mang lại.
Trò chơi bài chòi dựa trên một bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là bài tới. Cũng như những nơi khác ở miền Trung, bộ bài tới ở Huế có ba pho: văn, vạn, sách và ba cặp bài yêu. Pho văn gồm các con bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các con bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách có các con bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp bài yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết.
Pho văn trong bộ bài tới (trái) và pho vạn trong bộ bài tới (phải). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Pho sách trong bộ bài tới (trái) và ba cặp bài yêu trong bộ bài tới (phải). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Các con bài được in trên giấy bản dài 12 cm, rộng 3 cm, rồi phết lên giấy cứng một mặt nhuộm xanh hoặc đỏ. Tên gọi và hình vẽ các con bài rất lạ lùng và kỳ bí. Có người cho là các hình vẽ này vừa mang dấu ấn của bùa chú, vừa phảng phất nét u uất của
văn hóa Champa, lại vừa pha phách những kiểu thức trang trí của người Thượng. Người ta khắc hình lên khuôn gỗ, bôi mực lên và in. Ðó cũng là một lối in tranh trên giấy dó mà người dân ở làng Sình, một làng ngoại ô ở phía đông bắc kinh thành Huế, dùng để in tranh thờ cúng, bán trong các dịp lễ Tết, cúng giỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng bộ bài tới và lối chơi bài chòi có gốc gác từ Bình Ðịnh, nơi trò chơi này rất phổ biến và các điệu hò bài chòi vô cùng phong phú.1
1. Trò chơi bài chòi phổ biến ở các tỉnh miền Trung Việt Nam từ Khánh Hòa cho đến Quảng Bình, nhưng Bình Định được coi là cái nôi của nghệ thuật bài chòi. Ngày 25.8.2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt
Nam đã công nhận nghệ thuật bài chòi của 9 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và thành phố Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Ngày 7.12.2017, tại kỳ họp thứ thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam”, đã được chính thức ghi tên vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội bài chòi ở Cầu Ngói Thanh Toàn (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Anh hiệu hô bài chòi ở Cầu Ngói Thanh Toàn.
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Tết đến, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay ở nơi họp chợ của một làng quê, người ta dựng lên mười một cái chòi bằng tranh tre. Chính giữa là một chòi lớn hình lục giác dành cho những người tổ chức cuộc chơi, gọi là chòi trung ương. Hai bên chòi trung ương có mười chòi nhỏ, mỗi phía năm chòi, là nơi các chân bài ngồi dự cuộc chơi. Vào cuộc chơi, một người trong ban tổ chức giữ chân chạy cờ, thường được gọi là anh hiệu, gióng một hồi trống, dõng dạc mời các tay chơi lên chòi, cùng lúc ban nhạc gồm kèn, trống, đàn nhị, sênh... cử một bản hòa tấu mở đầu cuộc chơi. Anh hiệu buông dùi trống, vội vàng đem cờ ngân - cờ thay thế cho số tiền đặt cược trong một hội - đi bán cho mỗi chủ chòi. Bán xong cờ ngân đến lượt hai người phụ việc mang một ống tre đựng các con bài đến các chòi để mời chủ chòi lấy năm con bài. Người ta dùng bộ bài tới gồm 56 con bài (không sử dụng hai cặp bạch tuyết và nọc đượng). Các con bài được dán vào một thẻ tre có phần trên to và dẹp, phần dưới nhỏ và tròn. Mỗi chòi, kể cả chòi trung ương đều được năm thẻ, còn một thẻ dùng cho anh hiệu đi chợ - mở đầu cuộc chơi. Phát bài xong, người chạy cờ đằng hắng một tiếng rồi hô: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ: con...”. Anh ta xướng tên con bài đi chợ bằng tiếng ngân dài chen lẫn tiếng trống gõ, tiếng đàn cò réo rắt. Người nào có con bài thứ hai đúng với tên con bài đi chợ vội vã hô lên và rút kèm một con bài khác đưa cho anh chạy cờ. Rồi một câu hò khác được vang lên. Cứ như thế cho đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo cạnh chòi mình, miệng hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!”, để thông báo con bài mà anh hiệu vừa hò trùng với con bài cuối cùng trên tay mình, nghĩa là đã có người thắng cuộc, thì ván bài kết thúc. Người chạy cờ vội vã mang đến cho chòi của người vừa tới một lá cờ đuôi nheo, giắt lên mái chòi, để cho nó bay phần phật trong làn gió xuân ấm áp, rồi bắt đầu ván khác. Người ta chỉ chơi 10 ván là xong một hội. Phần tiền của ván thứ
11 là phần thưởng cho ban tổ chức. Kết thúc một hội, người ta mang các lá cờ ngân đến bán lại cho chòi trung ương để lấy tiền.
Ngày Tết, người Huế thường tụ họp chơi bài tới với nhau. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Ðược một cờ coi như huề (hòa) vốn. Hai, ba cờ trở lên coi như vận đỏ đầu năm đã đến gõ cửa. Cái hấp dẫn của thú chơi bài chòi là ở giọng hò của anh hiệu. Ðó phải là một người thật vui, thật tếu, giỏi ứng đối mới điều khiển nổi trò vui này. Anh ta là linh hồn của cuộc vui, vừa là người bày trò, kiêm luôn diễn viên hát tuồng để mua vui cho mọi người. Vì lẽ đó mà sân đình khi có hội bài chòi luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng nhạc vang xa đến tận thôn cùng ngõ hẻm, đủ sức hấp dẫn các cụ ông cụ bà, đám trẻ con, người lớn đến với cuộc vui này.
Một biến thể của trò chơi bài chòi là bài ghế, hiện rất phổ biến trong các hội xuân ở những làng quê phụ cận Huế. Bài ghế chơi
tương tự bài chòi, nhưng người ta không làm từng chòi nhỏ mà làm một cái trại lớn, hay có thể sử dụng hội quán, đình làng để tổ chức, rồi xếp ghế thành hình chữ U. Ban tổ chức ngồi ở đáy chữ U. Hai cánh chữ U là hai phe. Mỗi phe năm người. Sau khi phát các con bài cho các thành viên trong cuộc chơi, anh hiệu lấy một con bài bất kỳ để đi chợ và tiến trình cuộc chơi diễn ra tương tự lối chơi bài chòi. Nhưng sau đó ai tới thì ván sau họ được quyền “đi chợ”. Người ta chỉ chơi có 8 ván trong một hội bài. Hai ván còn lại dành cho ban tổ chức. Có một điều khác với bài chòi là ở trò chơi này người ta sử dụng tất cả 60 quân bài. Con nọc đượng tượng trưng cho dương vật của đàn ông và con bạch tuyết ám chỉ âm vật của phụ nữ cũng được sử dụng và chúng có những câu hò rất độc đáo và dí dỏm. Những câu hò ấy luôn là động lực hấp dẫn người dự cuộc.
Người Huế còn sử dụng bộ bài tới để sáng tạo nên nhiều trò chơi khác nhau như: bài thai; bài nọc; bài đôi; bài phu...
- Bài thai: So với chơi bài chòi, bài thai ít rộn rã hơn, nhưng cũng không kém phần thú vị. Ðó cũng là một trò chơi mượn giọng hò làm phương tiện mua vui như bài chòi. Ðiệu hò này gọi là hò thai. Trò chơi do một người đứng ra tổ chức gọi là nhà cái. Nơi chơi bài thai thường là một ngã tư giữa hai lối xóm. Người tổ chức chơi bài thai đem một chiếc chiếu bông trải dưới bóng gốc cổ thụ đầu xóm. Giữa chiếu có đặt một tấm giấy rộng, dán trên bìa cứng, kẻ 30 ô vuông. Trong mỗi ô vuông là một con bài lấy từ một nửa bộ bài tới. Nhà cái giữ lại nửa kia, cũng 30 con giống như những con bài trên ô vuông. Vào cuộc chơi, nhà cái bí mật đặt một con bài thai vào một cái dĩa1, lấy chén úp lên trên rồi bắt đầu hò thai. Câu hò có nội dung liên quan đến tên con bài thai, để các tay chơi theo đó mà đặt cược. Ðợi người chơi đặt cược xong, nhà cái mở cái chén, trình con bài thai ra, giải thích ý nghĩa câu hò ứng với con bài đã hò. Ai đoán trúng sẽ được số tiền gấp tám lần số tiền đặt cược. Nếu sai số tiền đó thuộc về nhà cái. Cái hay của bài thai là ở những câu hò, tuy ứng tác nhưng rất thâm trầm, ý nhị khiến người chơi phải có trí thông
minh, biết xét đoán câu hò để đặt cược cho trúng. Mỗi con bài phải được chuẩn bị vài ba câu hò khác nhau để đánh đố người chơi, song chúng phải hợp lý khi giải thích cho tên con bài thai. Ví như khi thai con bài liễu, nhà cái sẽ hò: “Thiếp đừng nhắc cảnh gia đình mà trăm hờn ngàn giận. Chàng ra đi cũng muốn lui về thăm con viếng vợ, nhưng chàng về chưa được vì mặt trận đương dàn. Em ở nhà nuôi thầy dưỡng mẹ, cứ tạm gác một thời gian. Ðợi ngày quân thù rút hết, nước lặng thành yên chàng về”. Câu hò này cũng nói về nỗi day dứt của kẻ chinh phu vì không gánh vác việc nhà, để người vợ nơi hậu phương phải đem thân bồ liễu đảm đương việc gia đình. Nhà cái đã mượn chữ bồ liễu thường dùng để chỉ phận nữ nhi, ấy để thai con bài liễu. Hay như khi thai con bài xơ, nhà cái sẽ hò: “Thương nhớ dạng chồng ruột như tơ vày một trăm múi, chàng ra đi em nuôi thầy dưỡng mẹ, em cứ nguyện một lòng vô cúi ra lòn. Thương khuyên cùng chàng đừng có ham chơi chốn gác tía lầu son. Nhớ cảnh quê nhà làm thuê cắt mướn chớ để vợ con tồi tàn”. Câu hò nói đến cảnh bần hàn, xơ xác của một gia cảnh có chồng ham rượu chè, đàn đúm, tức ám chỉ con bài xơ. Cũng nhờ sự hấp dẫn của những câu hò trí tuệ như thế nên đám bài thai không mấy lúc thưa người.
1. Dĩa: từ địa phương, chỉ “đĩa”(BT).
- Bài nọc: Nếu bài thai, bài chòi mượn câu hò để giải trí trên phương tiện là những quân bài trong bộ bài tới, thì bài nọc lại sử dụng ngay cái vỏ vật chất là những hình trang trí trên các quân bài để chơi. Bài nọc là một trò chơi có tính may rủi, do vậy nó mang nặng tính sát phạt nhất trong các trò giải trí từ bộ bài tới. Lối chơi này thường được các cụ già ưa thích. Bởi lẽ họ không còn đủ sức để ra đến đình làng hò reo với đám chơi bài chòi, nên yên phận ở ngay trong nhà, cùng với các ông bạn vong niên, nay cũng đã gần đất xa trời, kiếm trò vui xuân. Chơi bài nọc rất đơn giản. Thông thường có từ sáu đến tám người tham gia, trong đó
có một người làm nhà cái. Các con bài được xếp một nọc ở giữa chiếu rồi mọi người lần lượt bốc. Nhà cái bốc sau cùng. Ai được điểm cao hơn nhà cái thì được nhà cái chung tiền gấp đôi số tiền đặt cược. Trên các con bài tới hoàn toàn không có số, vì vậy người ta quy định các nút trong đầu chim, đầu người, đồng tiền... là một điểm. Ðiểm cao nhất cho mỗi lần chơi là chín điểm, quá chín điểm là bù; thấp nhất là sáu điểm, ai chưa đủ sáu điểm mà không bắt thêm bài thì bị phạt tiền.
- Bài đôi: Bài đôi cũng là một trò chơi sử dụng bộ bài tới, được người dân làng Triều Thủy (xã Phú An, huyện Phú Vang), một ngôi làng nhỏ nằm ở đông nam thành phố Huế, thường tổ chức vào những ngày xuân.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi bài đôi: một số ý kiến cho rằng tên bài đôi xuất phát từ chữ đôi bài hay cặp bài, vì khi chơi, người ta sử dụng bộ bài gồm 24 đôi/ cặp và một con bài lẻ; một số người cao tuổi thì cho rằng tên bài đôi xuất phát từ chuyện se duyên đôi lứa trong những cuộc chơi, rồi sau đó nhiều đôi trai gái nên vợ thành chồng.
Ðể chơi bài đôi, người ta sử dụng 49 con bài, gồm 24 cặp: ầm, tử, mỏ, bồng, hương, gối, xe, tuyết, tám giây, tám tiền, liễu, giày, sưa, sáu hột, sáu tiền, rún, gióng, voi, gà, nghèo, trường ba, trường hai, trò, nọc đượng và chỉ một con bài quăn.
Số bài này được chia đều cho bảy người chơi. Một ván bài được tính từ khi chia bài đến khi xuất hết bảy con bài.
Bài đôi là loại bài đối kháng tập thể, do đó cần phải xuất bài sao cho khéo léo từ nước thứ nhất cho đến nước cuối cùng của một ván bài để giành thắng lợi. Theo quy ước, bài đôi được tính từ lớn xuống bé: cao nhất là con ầm, giá trị là 12 điểm (hay nút); kế đến là tử (11 điểm/ nút); mỏ (10 điểm/nút); các con bài: gối, xe, bạch tuyết (đều chín điểm/nút); các con bài: tám giây, tám tiền (đều tám điểm/nút); các con bài: liễu, giày, sưa (đều bảy điểm/
nút); các con bài: sáu tiền, sáu hột (đều sáu điểm/nút); rún (năm điểm/nút); các con bài: voi, gióng (đều bốn điểm/ nút); các con bài: trường ba, gà, nghèo (đều ba điểm/nút); trường hai (hai điểm/nút); các con bài: trò, bồng, hương, nọc đượng, quăn (đều một điểm/nút). Các con bài có số nút bằng nhau sẽ được tính ngang nhau, nhưng nếu tay cái hoặc tay trên (được tính theo chiều ngược chiều quay của kim đồng hồ) xuất bài thì xem như con bài đó được tính thắng.
Trong bài đôi, vì con ầm là quân bài lớn nhất nên phải đi theo luật, tức là phải đi theo các nước thứ nhất, thứ ba, thứ năm và nước cuối. Nhưng muốn xuất con ầm ở nước thứ năm thì nước tiếp sau nó phải có một đôi. Còn các con bài khác thì xuất nước nào cũng được.
Bài đôi có hai kiểu đối chọi: đối chọi theo từng đôi hoặc theo từng con bài một, tùy theo nhà cái thách đối.
Nhưng dù đối chọi theo kiểu nào thì số nút của con bài vẫn là điểm căn cứ để phân thắng bại.
Ðể chọn người thách đối trong ván bài đầu tiên, các tay chơi để úp bộ bài ra giữa hội và tổ chức bốc cái. Người bốc được con bài lớn nhất sẽ cầm cái, được chia bài cho hội và có quyền thách đối. Cuối mỗi ván bài, tay chơi nào có con bài nổi sau cùng sẽ cầm cái cho ván bài kế tiếp.
Cách tính thắng bại của một ván bài đôi:
+ Tay chơi nào có một quân bài nổi thì xem như ván bài đó hòa.
+ Tay chơi nào có hai quân bài nổi thì thắng được một tay chơi khác.
+ Tay chơi nào có ba quân bài nổi thì thắng hai tay chơi khác.
+ Ăn trắng: Khi một trong các tay chơi có cả bảy quân bài nổi và mỗi tay chơi bị thua ít nhất hai quân bài. Số điểm thắng sẽ được tính gấp đôi.
+ Ăn xúc: Khi người thách đối xuất thành công đôi hương, được tính gấp đôi ăn trắng.
+ Ăn đền: Khi tay chơi xuất quân bài ầm không đúng luật để cho đối phương ăn xúc thì tay chơi này phải chịu thua cả hội bài.
- Bài phu: Bài phu cũng dùng các con bài trong bộ bài tới để chơi, nhưng chỉ sử dụng tối đa là 16 cặp bài. Trước khi chơi, người ta lựa ra 16 cặp bài, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, gồm: ầm, tử, mỏ, xe, gối, liễu, tám tiền, tám giây, sáu hột, sáu tiền, gióng, giày, sưa, voi, trường ba, trường hai.
Theo luật chơi bài phu, nếu có đủ bốn người chơi thì sử dụng cả 16 cặp bài này. Nếu chỉ có ba người chơi thì bỏ bớt các cặp: sáu tiền, gióng, giày và sưa, để cho mỗi tay chơi luôn có tám con bài.
Chơi bài phu giống như chơi bài tam cúc, tức là ra bài theo ba cách: bộ ba, cặp đôi và nước một. Bộ ba thì có ‘bộ ba thượng’ gồm các con bài: ầm, thái tử, đỏ mỏ; ‘bộ ba xe’ gồm: xe, liễu, tám tiền và ‘bộ ba đất’ gồm: voi, trường hai, trường ba. Cặp đôi thì cứ hai con giống nhau là kết thành một đôi. Mấy con bài dư ra thì đánh nước một. Ai ra bài lớn thì ‘ăn’ các người khác và được giành quyền làm cái. Nếu bài ra giống nhau thì người làm cái được ăn. Hết ván bài, ai có nhiều bài ăn sẽ giành phần thắng. Nếu chơi bài chòi hay bài tới thường chỉ nhờ vào sự hên xui, thì chơi bài phu phải tính toán cao thấp rất nhiều.
Từ bộ bài tới chung cho cả vùng đất miền Trung, người Huế đã sáng tạo nhiều trò chơi, mỗi trò mỗi vẻ, làm phong phú thêm cho những trò vui ngày Tết.
Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm
NGÂM VỊNH VÀ ĐỐI HỌA THƠ VĂN
L
à kinh đô nên Huế là nơi gặp gỡ của nhiều văn nhân, thi sĩ từ khắp mọi miền đất nước. Bản thân các ông vua nhà Nguyễn như vua Thiệu Trị, vua Tự Ðức cũng là những
thi sĩ có bút lực đáng kinh ngạc. Vua Thiệu Trị từng nổi tiếng với Thần kinh nhị thập cảnh thi vịnh (神京二十景詩咏), viết về 20 cảnh đẹp hàng đầu của kinh đô Huế. Hoặc như vua Tự Ðức, sinh thời từng viết đến 4.000 bài thơ chữ Hán, 600 bài văn, khoảng 100 bài thơ chữ Nôm. Trong các ông hoàng, bà chúa nhà Nguyễn, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh và ba cô em gái của hai ông là Trọng Khanh, Thúc Khanh, Quý Khanh, là những gương mặt sáng giá trong làng thi ca Huế hồi thế kỷ XIX. Những người này cùng với các thi hữu, vốn là quan lại đương triều hay nho sinh các tỉnh tụ hội về, đã lập nên các thi xã để cùng sinh hoạt văn chương thi phú. Những thi xã như Tùng Vân thi xã (do Tùng Thiện Vương sáng lập), Ðông Sơn thi tửu hội (do Ðoàn Hữu Trưng sáng lập), Hương Bình thi xã (do Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng lập)... là những thi xã nổi tiếng được đời sau biết đến. Gắn liền với những thi xã là những địa danh như Ký Thưởng viên, Thỉnh Nguyệt đình, Lộc Minh đình... là nơi lui tới thường xuyên của các bậc văn nhân, thi sĩ chốn thần kinh. Từ những buổi sinh hoạt văn chương ấy, nhiều tập thơ danh tiếng đã ra đời như Thương Sơn thi tập (của Tùng Thiện Vương), Diệu Liên thi tập (của công chúa Mai Am, tức Thúc Khanh), Lộc Minh thi tập (của Ưng Bình Thúc Giạ Thị)... Ngay như Cao Bá Quát, tác giả hai câu thơ: “Ngán thay cái mũi vô duyên. Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An” để chê thơ của các thi
hữu trong Tùng Vân thi xã, về sau, cũng tham gia thi xã này và để lại nhiều bài thơ cả Hán lẫn Nôm, đặc biệt là văn ca trù. Ðiều này chứng tỏ sinh hoạt thơ văn, đối vịnh trong các thi xã là một hoạt động tiêu khiển được giới thi sĩ và các bậc học thức bấy giờ ưa chuộng. Họ tập hợp nhau lại, chọn những chủ đề lý thú rồi cùng làm thơ theo lối xướng họa. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho cách làm thơ này là bài Hòa Lạc ngâm do ba anh em Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Tương An Công cùng sáng tác. Bài thơ có đoạn mở đầu như sau:
Trời nam vừa thuở thanh bình
Non hùm bặt dấu, biển lành lặng tăm
Ngày hôm rằm, tiết hè đương tạnh
Vâng chiếu rồng, tuần hạnh Thuận An
Pháo đài bảy tiếng sấm vang
Thuyền chèo tách nước, cờ phan cuối trời...
Trong đó, hai câu đầu là của Tùng Thiện Vương, hai câu tiếp do Tuy Lý Vương sáng tác còn hai câu sau là của Tương An Công. Cứ thế mà tiếp diễn đến hết bài thơ.
Một chuyện khác, cũng nói lên nét độc đáo, thú vị trong sinh hoạt của các thi xã. Ðó là vào năm 1951, xuất phát từ ý tưởng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, chủ nhân ông của Hương Bình thi xã, lúc này đã 75 tuổi: “Sao không làm thơ điếu lúc còn sống mới được thưởng thức hết chứ”1, những thi hữu trong thi xã đã tổ chức một lễ sanh điếu (lễ tế sống) thi ông Ưng Bình Thúc Giạ. Họ làm thi phú, văn tế, câu đối mang đến phúng điếu Ưng Bình Thúc Giạ Thị nơi đình Lộc Minh suốt cả mùa xuân năm ấy.2
1. Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 73-74.
2. Tôn Nữ Hỷ Khương, Sách đã dẫn, tr. 74.
THƯỞNG THỨC CA MÚA NHẠC
Một trong những thú vui tiêu biểu của xứ Huế, có từ thời Nguyễn, nay vẫn tồn tại và phát triển là thú thưởng thức ca múa nhạc.
Huế là kinh đô của hai triều đại phong kiến, trong đó thời gian trị vì của nhà Nguyễn kéo dài gần 1,5 thế kỷ nên dấu ấn mà triều đại này để lại cho Huế quá lớn; không chỉ là cung điện, lăng tẩm, đàn miếu mà cả trong lĩnh vực văn nghệ và thưởng thức văn nghệ, trong đó có ca múa nhạc cung đình và ca Huế.
Nghệ thuật ca múa cung đình ra đời ở Huế vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Tương truyền, Đào Duy Từ (1572 - 1634) là người đã lập ra Hòa Thanh thự dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên cầm quyền (1613 - 1635), tập hợp các nghệ nhân vào ba đội chuyên trách nhạc, hát và múa để phục vụ triều đình chúa Nguyễn trong các dịp lễ lạt được tổ chức thường kỳ ở Đàng Trong, cũng như để phục vụ cho nhu cầu giải trí của các chúa và hoàng gia họ Nguyễn. Đào Duy Từ đã tiếp thu nghệ thuật múa cung đình từ Thăng Long và nghệ thuật múa dân gian, múa tôn giáo, múa trên sân khấu tuồng... của cư dân Đàng Trong bấy giờ, đồng thời sáng tác thêm một số điệu múa để truyền dạy và biểu diễn ở Hòa Thanh thự.
Vào đầu triều Gia Long (1802 - 1820), triều đình cho thành lập hai đội ca múa, gọi là đội Tiểu nam và đội Tiểu hầu, mỗi đội có một người đứng đầu là Chánh ca và 184 diễn viên được tuyển
chọn từ những người giỏi nghệ thuật hát múa. Đến năm 1804, vua Gia Long cho lập Việt Tương thự, đứng đầu là Thự trưởng và 121 diễn viên thuộc bộ môn hát bội và ca múa nhạc để phục vụ nhu cầu nhạc lễ của triều đình và biểu diễn ca múa nhạc cho vua và hoàng gia thưởng ngoạn.
Năm 1820, vua Minh Mạng cho đổi Việt Tương thự thành Thanh Bình thự. Nhà vua cũng thành lập ra đội Nữ nhạc với 50 thành viên để phục vụ ở điện Phụng Tiên, nơi phái nữ trong nội cung tế lễ các tổ tiên triều Nguyễn. Đội nữ nhạc cũng được dùng để múa dâng rượu ở các dịp đại khánh trong cung. Vua Minh Mạng còn cho lập ra một đoàn tuồng thuộc Thanh Bình thự, để trình diễn trong những dịp đại lễ. Đoàn tuồng này sau phát triển và trình diễn cho đến ngày triều Nguyễn cáo chung.1
Năm 1889, vua Thành Thái lại đổi tên Thanh Bình thự thành Võ Can đội. Vua còn lập ra đội Đồng Ấu với 20 trẻ trai, và tập luyện cho chúng các lễ nhạc trong cung để làm dự bị cho Võ Can đội. Vua Khải Định sau này (1916 - 1925) lại tuyển thêm 50 đồng nam vào đội Đồng Ấu.2 Đến thời Bảo Đại (1926 - 1945), các nghệ sĩ ca múa nhạc cung đình Huế lại được tổ chức thành một đội, gọi là đội Ba Vũ.3
1. Thanh Bình thự hiện vẫn còn ở đường Chi Lăng (phường Phú Cát, Huế). Vào các ngày 16 tháng 3 và 16 tháng 7 âm lịch hàng năm, các nghệ sĩ ca múa nhạc truyền thống ở Huế đều tổ chức lễ giỗ Tổ ngành hát tuồng ở đây.
2. Trịnh Bách, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn Việt Nam, Tài liệu đánh máy, Huế, 2001, tr. 1.
3. Hiện nay, đội Ba Vũ được gọi là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, đặt tại Duyệt Thị Đường trong Hoàng Thành Huế, thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ca múa nhạc thời Nguyễn gồm múa cung đình, và nhạc cung đình (nhã nhạc) được triều đình thành lập, duy trì để biểu diễn phục vụ cho nhà vua, hoàng gia, triều thần nhà Nguyễn thưởng lãm trong các dịp tế lễ như: lễ đền vua Đinh, lễ tế Văn Miếu, lễ kỵ ở Thế Tổ Miếu, lễ Thánh thọ, lễ Vạn thọ, lễ tế Giao, lễ Tịch điền, lễ Thiên thu, lễ Thiên xuân, lễ Hưng quốc khánh niệm, các lễ Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh của các vua, lễ tiếp sứ thần, lễ kết hôn của hoàng tử, công chúa...1
Nghệ thuật múa cung đình thời Nguyễn rất phong phú và đặc sắc, với nhiều điệu múa, nhiều loại hình, màu sắc, phong cách thể hiện đa dạng, độc đáo, như: múa Trình tường lập khánh (múa liễn), múa tế Giao, múa Tứ linh, múa Lân mẫu xuất lân nhi, múa Song phụng (phụng vũ), múa Lục cúng hoa đăng, múa Bát dật, múa Nữ tướng xuất quân, múa Tam tinh chúc thọ, múa Bát tiên hiến thọ, Phiến vũ (múa quạt), múa Đấu chiến thắng Phật, múa Tam quốc - Tây du, múa Lục triệt hoa mã đăng (mã vũ), múa Bài bông, múa Liệt vũ, múa Thanh hoa chi, múa Hồng hoa chi, Huỳnh hoa chi, múa Tiên đào quả vũ...2
1. Võ Quê, “Nghệ thuật múa cung đình Huế”, Tài liệu đánh máy, Huế, 2005, tr. 2.
2. Võ Quê, “Nghệ thuật múa cung đình Huế”, Tài liệu đánh máy, Huế, 2005, tr. 3.
Song hành với múa cung đình là nhạc cung đình Huế (nhã nhạc). Nhạc cung đình dưới triều Bảo Đại, được cơ cấu thành ba đội/ đoàn, để phục vụ cho các dịp lễ hội của triều đình. Cụ thể gồm:
- Đội Tiểu nhạc, tức là đội Hòa Thanh, còn được gọi là Nhạc Chánh Đại Nội hay đội Nhạc Ngự Liễn. Đội có 15 nhạc công luân phiên, 10 người lập thành ban nhạc và 5 người để dự phòng khi cần
thay thế. Dàn nhạc gồm có: một đàn tam huyền, một đàn nhị, một đàn tỳ bà, một đàn nguyệt, hai quản, một sinh tiền, một phách đơn, một tam âm thanh la, và một trống bản trong tay điều khiển của vị đội trưởng. Cái trống có eo, đánh dọc, gọi là bồng cổ, sẽ cùng với đội Tiểu nhạc tấu khúc Ai khi có tang lễ trong cung. Một cái mõ sừng trâu (câu giốc) được thêm vào với đội Tiểu nhạc và cái bồng cổ khi đánh khúc Bằng trong các dịp kỵ giỗ ở các miếu. Đội Tiểu nhạc phục vụ tất cả lễ lớn nhỏ của triều đình, thí dụ như: đăng quang, đại triều, tế Giao, Nguyên đán, kỵ, yến... Quan trọng nhất là đội nhạc này lúc nào cũng phải đi liền với ngự liễn của hoàng đế trong mọi trường hợp.
- Đội Đại nhạc, hay đội Kỳ cổ. Đội này gồm các nhạc công sử dụng một trống lớn (đại cổ), hay một khánh đá lớn hình chữ L (ly khánh/bác khánh), một dàn 12 cái khánh đá nhỏ hình chữ L (hiệu khánh/biên khánh), một cái chuông đồng lớn (bác chung), một dàn 12 chuông nhỏ (tiểu chuông/ biên chung), bốn trống nhỏ (tiểu cổ), bốn chập chõa, và bốn kèn bầu. Khi tế Nam Giao, dàn Đại nhạc có thêm một nhạc cụ bằng gỗ hình thang ngược gọi là lệnh chúc, dùng để đánh báo hiệu cho các ban nhạc những lúc đổi giai thoại của buổi lễ. Trong các đại lễ ở sân điện Thái Hòa, chuông và trống lớn trên Ngọ Môn cũng phụ họa với dàn Đại nhạc để khai lễ. Dàn Đại nhạc chỉ được dùng trong các đại lễ như: đăng quang, tế Giao, kỵ hưởng, đại triều, Nguyên đán...
- Đội Ba Vũ là đội ca vũ nhạc lễ được thành lập vào thời kỳ cuối của triều Nguyễn. Đội có hơn 200 thành viên, với 64 diễn viên múa bát dật văn và 64 diễn viên múa bát dật võ. Tất cả nghệ sĩ
của hai ban nhạc và đội Ba Vũ dưới triều Bảo Đại đều là nam giới. Các Đồng ấu lúc này nhiều người đã lớn lên, và gia nhập đội Ba Vũ. Đội Nữ nhạc cũng ít hoạt động hơn.
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung (tháng 8.1945), ca múa nhạc cung đình Huế cũng lâm vào thời kỳ thoái trào, và có lúc dừng hoạt động hẳn. Mãi cho đến cuối thập niên 1990, những hoạt động phục hồi ca múa nhạc cung đình Huế mới được chú ý, với
mục đích tái hiện để phục vụ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, từ năm 2001, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức phục hồi nghiên cứu, biểu diễn và truyền dạy ca múa cung đình và nhã nhạc, đồng thời tiến hành lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nhã nhạc là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì nhã nhạc triều Nguyễn đã được phục hưng, được truyền dạy cho các thế hệ nhạc công trẻ của xứ Huế và biểu diễn thường xuyên phục vụ du khách đến thăm Huế và công chúng ở Huế.
Năm 2003, UNESCO công nhận Nhạc lễ cung đình Việt Nam (Nhã nhạc triều Nguyễn) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nhã nhạc được tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị. Theo đó, ca múa nhạc cung đình Huế cũng được hồi sinh mạnh mẽ.
Trình diễn Nhã nhạc cung đình tại Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế.
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Múa Vũ phiến tại Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Múa Lục cúng hoa đăng tại Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Múa Lân mẫu xuất lân nhi tại Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế.
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Hiện nay, hằng ngày tại Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế, ca múa nhạc cung đình vẫn được biểu diễn thường xuyên để phục vụ du khách. Trong các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay, nhã nhạc triều Nguyễn nói riêng, ca múa nhạc cung đình Huế nói chung, luôn là những tiết mục chủ đạo, được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật chính thức của Festival. Ca múa nhạc cung đình Huế còn thường xuyên đi biểu diễn ở nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ… và được khán giả quốc tế đánh giá rất cao.
Ngoài việc thưởng ngoạn các vở tuồng, các điệu múa cung đình trong các nhà hát của triều đình như Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, vốn được coi là một món “độc quyền” của vua chúa bởi quy mô và mức độ tốn kém của các loại hình nghệ thuật này, ở Huế còn có một thú vui khác rất được những người thuộc tầng lớp thượng lưu tán thưởng. Ðó là thú thưởng thức ca nhạc Huế.
Ca nhạc Huế là sự kết hợp của nhã nhạc và ca Huế. Ðó “không phải là loại nhạc dân gian, vì nó chỉ được giới quyền quý hoặc trong cung đình sử dụng..., là loại quan nhạc chứ không phải dân nhạc” (Nhận xét của GS. Trần Văn Khê).1
1. Dẫn theo: Tôn Nữ Hỷ Khương, Sách đã dẫn, tr. 74.
Trình diễn ca nhạc Huế tại Xung Khiêm Tạ ở lăng vua Tự Đức. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Nhiều vị vua, nhiều ông hoàng, bà chúa và quan lại trong triều như vua Tự Ðức, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Tương An Công, Mai Am công chúa, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Công Trứ... đã đặt nhạc, viết ca từ cho các điệu ca Huế. Những người
này trực tiếp góp phần vào việc sản sinh ra một thú giải trí được công chúng lớp trên yêu thích vào thời ấy, cũng chỉ có họ mới có đủ điều kiện tài chính và có đủ trình độ để thưởng thức thứ quan nhạc giàu tính bác học này.
Thú vui này xuất phát từ Hoàng cung, trước hết, dành riêng cho vua và hoàng gia, sau lan ra các phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa và đình thần, rồi mới trở thành một thú vui của các bậc tao nhân mặc khách trước khi phổ biến rộng rãi trong công chúng như hiện nay. Ca nhạc Huế có thể được tổ chức trong các phủ đệ theo kiểu ca nhạc thính phòng hay trong các khoang đò trên sông Hương trong những đêm trăng thanh gió mát.
Ðêm ca nhạc Huế thường diễn ra ở một vương phủ hay một tư dinh nào đó. Chủ nhân mời một ban nhạc gồm năm, sáu nhạc công với bốn, năm ca nhi đến đàn ca xướng hát trong một thính phòng nho nhã, xinh xắn, có bày biện đối liễn, thi họa, hoa và cây kiểng; có rượu, trà và vài món đồ nhắm cùng của dăm bảy khán giả am tường và đam mê ca nhạc Huế.
Thưởng thức ca Huế trên sông Hương.
Ảnh tư liệu của CLB Ca Huế Sông Hương.
Thú vị nhất là được thưởng thức ca nhạc Huế trên sông Hương. Người ta thuê một con đò, hoặc nếu đông người thì dùng hai con đò ghép thành một chiếc bằng, trải chiếu hoa, mời ban nhạc, ca sĩ và bằng hữu xuống đò trong một đêm trăng. Con đò ngược dòng Hương, rời khỏi chốn thị thành ồn ào, huyên náo, đi tìm một bến nước bình yên, tĩnh lặng mới buông neo để bắt đầu một đêm vui. Phần đầu chương trình, các nhạc công và ca sĩ thường biểu diễn những bài bản thuộc điệu Bắc với giai điệu rộn ràng, tươi vui như: Phú lục, Cổ bản, Lộng điệp, Lưu thủy... Sau đó là những bài bản trang trọng, uy nghiêm như Long ngâm, hay những bản nhạc không buồn, không vui như Tứ đại cảnh. Ðêm
càng về khuya, không gian càng yên tĩnh, sâu lắng, ấy là lúc những điệu: Nam ai, Nam bình, Quả phụ, Tương tư khúc... ai oán, buồn thương nhưng gợi cảm được cất lên giữa trời đêm lồng lộng. Cái cảm giác bồng bềnh, chơi vơi trên sóng nước, được lời ca, tiếng đàn chắp cánh, lại có chút men rượu kích thích khiến tâm hồn người nghe như đang phiêu lãng đến tận cung Hàn. Thi thoảng, theo yêu cầu của khán giả, ca sĩ biểu diễn một khúc chầu văn trong âm thanh réo rắc của cây đàn nhị, đàn tranh; trong tiếng gõ lách cách của cặp sênh; tiếng rung leng keng của những chiếc tách trà trong tay ca sĩ, khiến không gian trong khoang đò chợt nhuốm màu ma thuật, đồng bóng, còn hồn người thì ngất ngây, nửa như say, nửa như tỉnh. Cái đam mê huyền hoặc mà người ta cảm nhận được từ thú vui này phát sinh từ bầu không khí đặc biệt ấy. Ðôi khi, người ta cũng biểu diễn những điệu lý, điệu hò dân gian để đêm ca nhạc trên sông Hương được thêm phần phong phú, hấp dẫn.
Ngày nay, thú nghe ca Huế không còn là trò giải trí “độc quyền” của lớp trên mà trở thành một thú vui hấp dẫn nhiều du khách đến thăm Huế. Hàng đêm, những con thuyền đầy ắp lời ca tiếng
nhạc vẫn xuôi ngược trên dòng Hương, như là một hình ảnh đáng yêu của đời sống văn hóa nơi miền đất sông Hương, núi Ngự.
THƯỞNG TRÀ
Người Việt Nam ở vùng nào cũng biết uống trà. Uống trà là dịp để bằng hữu tụ họp với nhau đàm đạo văn chương, luận bàn thế sự, hay chỉ để tán ngẫu những chuyện vui buồn đã qua. Có khi, cuộc trà được bày ra trước một cuộc vui như là một nghi thức giao tiếp. Ðôi lúc, nó là phần kết của một tiệc rượu, vừa để giải khát, vừa để giải tửu (tiền tửu, hậu trà). Ở Huế, việc uống trà, tuy chưa phải một thứ tôn giáo như Trà đạo của Nhật Bản, hay được nâng thành một thứ nghệ thuật giàu triết lý như ở Trung Hoa, nhưng nó thực sự là một thú vui tao nhã, cầu kỳ và công phu.
Nhiều người Huế coi việc uống trà không chỉ để giải khát, theo họ đó thực sự là một lạc thú tinh thần. Dưới thời Nguyễn, trong nhiều gia đình quyền quý, việc uống trà được nâng thành một thú tiêu khiển. Người ta có nhiều cách uống trà tùy vào thời điểm, địa điểm và tính chất của một cuộc trà. Với người Huế, uống trà cũng là một nghệ thuật giàu chất trí tuệ, thẩm mỹ và biểu cảm. Ngày xưa, người ta đã từng đánh giá tính cách, quan niệm sống, trình độ và khả năng nhận thức thẩm mỹ cũng như tâm trạng hay tình cảm của con người qua việc uống trà.
Xứ Huế đã một thời là kinh đô của một quốc gia phong kiến. Trong cái bề dày văn hóa phủ trên mảnh đất Thuận Hóa xưa có một phần là sản phẩm của giai cấp phong kiến. Thú uống trà nằm trong phần đó! Không ai trong chúng ta xa lạ với việc uống trà, bởi vậy nước ta là một trong những nơi sản sinh ra cây chè - loại cây quyết định việc hình thành thú vui thanh đạm và tao nhã này.
Người ta đã tìm ra trên 40.000 cây chè hoang mọc trên những vùng đất “mây trắng vờn chân ngựa, nhấp nhô đá tai mèo” ở Hà Giang, Lào Cai... nơi có những cây chè đại thụ, thọ trên 300 tuổi mà vẫn rừng rực nhựa sống, vẫn đủ sức tạo cho đời những búp chè thanh tân, quý giá để làm tăng sự hấp dẫn của thú uống trà. Ở đâu, người ta cũng “biết” uống loại trà: Hồng Đào, Thanh Tân, Phú Thọ, Bắc Thái, trà tuyết Hà Giang... Song hầu như chỉ ở Huế, chuyện uống trà của người Việt mới được nâng thành một cái thú tiêu khiển. Điều này có căn nguyên của nó. Bấy giờ, vì là đất thượng kinh, xứ Huế đã sản sinh một tầng lớp quý tộc. Họ là những người trong hoàng tộc hay lớp Nho sĩ phong kiến hóa, tức là những quan chức trong triều Nguyễn cùng con cháu của họ. Tầng lớp này đã tạo ra những thú vui vừa khác với dân gian lại vừa không giống với những thú vui tương đồng của giới quý tộc ở Bắc Hà trước đây. Có chuyện này là do bấy giờ, giai cấp phong kiến nhà Nguyễn cố tạo ra những khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội... so với các triều đại trước, nhất là đối với triều đại Lê - Trịnh. Nhưng sự khác biệt này lại dựa trên những chuẩn
mực của Trung Hoa, tuy có cải biến đôi phần cho phù hợp với phong thổ và con người xứ Huế. Chính điều này khiến việc uống trà nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung ít nhiều mang ảnh hưởng từ Trung Hoa. Tuy nhiên giữa lối uống trà Huế và lối uống trà Tàu vẫn có những dị biệt, từ quan niệm, phong thái uống trà đến cách thiết trí trà thất và nghi thức thực hiện.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói chuyện về thú uống trà Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Người Huế cũng chú ý đến khía cạnh y học và lạc thú trong uống trà, song không lấy đó làm điều câu nệ. Uống trà theo kiểu Huế thể hiện lối ứng xử, hành vi giao tiếp và cả ân tình giữa người với người. Người Huế uống trà trong trà thất nho nhã, ấm cúng; uống trong phòng khách, cũng có thể uống trà giữa những vườn cây trĩu quả mà bất kỳ lúc nào, ẩm khách cũng có thể với tay hái một vài loại quả để nhấm nháp hay tận hưởng mùi hương của vô vàn loại hoa quanh họ. Cao hứng trà chủ có thể vừa cầm chén trà, vừa mời khách đi dạo trong vườn để vãn
cảnh, ngắm hoa. Thi thoảng, chủ và khách còn tức cảnh vịnh thơ hay ngâm nga đôi câu thơ của tiền nhân mà họ tâm đắc. Nếu người Nhật coi trọng việc tổ chức trà thất, người Trung Hoa chú ý việc chọn trà, coi đó là những yếu tố quyết định tính hấp dẫn, lôi cuốn của thú uống trà, thì người Huế lại đặt những điều đó xuống hàng thứ yếu. Tùy khách, tùy thời mà người ta có những lối uống trà thích hợp. Một cuộc trà là một dịp gặp gỡ để đàm đạo văn chương, luận bàn thế sự, để hàn huyên và nhắc lại những sự kiện vừa đi qua đời họ.
Điều đặc biệt là trong uống trà của Huế luôn luôn có kèm các thức ăn nhẹ. Người Huế uống trà với mứt gừng, kẹo mè xửng, mạch nha, kẹo đậu phụng... có khi chỉ với một cục đường phèn. Vị chát của trà sẽ có thêm vị ngọt, vị bùi của đường và mứt bánh bổ khuyết. Hương trà hòa quyện với mùi thơm của đậu phụng, gừng, mạch nha khiến nó đậm đà hơn, quyến rũ hơn. Phụ nữ Huế vốn khéo tay trong nghệ thuật làm mứt bánh nên việc mời khách dùng trà với các sản phẩm do họ làm ra, ngoài việc tỏ sự quý khách còn để phô bày tài nghệ nữ công gia chánh của họ.
Ngày xưa, tầng lớp quý tộc ở Huế uống trà cầu kỳ và công phu lắm. Họ tạo ra và tuân thủ một cách nghiêm ngặt những nghi thức rườm rà và vô cùng quan trọng. Một cuộc trà gọi là đầy đủ và đúng điệu phải đủ các yếu tố: Phòng trà, đồ trà, trà và nước trà, tuần trà và thời gian uống trà.
- Phòng trà: Buổi mạn trà thường được tổ chức trong một trà thất xinh xắn, trang nhã. Đó là một gian phòng biệt lập hay một khoảng không gian yên tĩnh và trang trọng nhất trong gia đình. Trên tường là vài bức tranh thủy mặc, dăm ba bài thơ chữ Hán hay vài đôi câu đối khuôn mình trong những bức liễn, một kệ sách, vài pho tượng cổ. Chính giữa trà thất được trải chiếu và kê một cái trường kỷ, cạnh bên là vài chậu hoa hay đôi giò phong lan treo lủng lẳng cửa sổ để tăng thêm sự thi vị cho cuộc trà. Đôi lúc, buổi uống trà được tổ chức trong vườn, dưới tán một cây lớn. Bộ đồ trà bày trên một bàn đá lớn ở giữa, xung quanh là
những đôn sứ dành cho ẩm khách. Một bên là bể cá kiểng có những hòn non bộ được tạo dáng lạ lùng, kỳ bí, một bên là những vườn hoa với những nụ hồng, cẩm chướng, đồng tiền... đang khoe sắc. Tất cả như một bức tranh nhiều màu, nhiều vẻ, ở đó, sự hài hòa của cảnh vật sẽ hội nhập với không khí buổi mạn trà và cái thần của con người để tạo ra một thực cảnh rất ngoạn mục.
- Đồ trà: Dụng cụ cần thiết cho một cuộc trà bao gồm hỏa lò, siêu nấu nước, hũ đựng nước lạnh, ấm trà và bộ đồ trà hoàn chỉnh có đủ bốn món: dầm (dĩa bàn nhỏ đựng chén tống); bàn (dĩa đựng những chén tốt); tống (còn gọi là chén tướng, là loại chén lớn để chuyên trà); tốt (hay gọi quân, chén nhỏ để uống), chiếc ấm đất, hũ đựng trà, than củi, trầm hương. Với người sành điệu, chắc chắn không thể thiếu bình thuốc lào với dĩa đèn dầu phụng. Cũng cần phải nói thêm rằng, ấm chén trà vốn đa dạng và tùy lúc, tùy cảnh mà chọn lựa và sử dụng cho phù hợp. Mùa xuân dùng xuân ẩm, mùa hạ có hạ ẩm, mùa thu thì nhường chỗ cho thu ẩm, đông về lại cần đông ẩm. Hoặc uống một người thì có độc ẩm, hai người thì có song ẩm và “đại trà” thì phải dùng đến ngưu ẩm. Song chẳng mấy khi có cuộc trà ngưu ẩm, bởi “cái thú uống trà... không thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà...”.1
1. Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 124.
Bộ đồ trà Mai hạc hiệu đề chữ Phúc. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Ảnh: Lê Văn Kiên.
Bộ đồ trà Mai hạc hiệu đề Ngoạn ngọc. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.
Ảnh: Lê Văn Kiên.
Từng bộ đồ trà được vẽ vời, trang trí theo những điển tích riêng như đồ trà Tô Vũ mục dương, Nhất chẩm tùng phong... Đặc biệt ở Huế có bộ trà nổi tiếng - đồ trà Mai hạc. Bộ đồ uống trà làm bằng sứ ký kiểu, có vẽ hình con chim hạc đứng bên gốc mai già và hai câu thơ viết bằng chữ Nôm:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen
Tương truyền đó là bộ ấm chén mà Nguyễn Du mang từ Trung Quốc về nhân lần ông đi sứ sang Trung Quốc vào năm Quý dậu (1813). Về sau người ta đã dựa theo motive này để trang trí cho hàng loạt đồ sứ men lam Huế. Chén trà Huế làm theo kiểu “mắt
trâu - lật đật”, có đáy tròn và nặng nên có ngoại lực tác động vào thì chúng dao động như con lật đật nhưng cuối cùng luôn trở lại vị trí thăng bằng. Người ta cho rằng việc các vua chúa nhà Nguyễn và tầng lớp quý tộc ở Huế thích dùng đồ trà “mắt trâu - lật đật” là vì họ có ý coi chúng là biểu tượng sự vươn dậy và lớn mạnh của dòng họ Nguyễn trước mọi biến cố thăng trầm của dòng họ và lịch sử.
- Trà và nước pha trà: Trước hết xin nói về trà. Người Huế xưa tuy không công phu trong việc chọn trà như người Trung Quốc, song cũng có những loại trà được pha chế, chọn lựa thật tinh tế, cầu kỳ, như trà tước thiệt, trà cạp quần, trà ướp Tĩnh Tâm - một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh. Vào buổi chiều tà, người ta sai gia nhân chèo thuyền trên hồ Tĩnh Tâm, mang trà bỏ vào những nụ sen rồi lấy dây buộc lại. Mờ sáng hôm sau, người ta lại chèo thuyền đến, lấy trà ra rồi đem pha uống. Thật là cầu kỳ làm sao. Trong dân gian cũng có nhiều loại trà: Chính Thái, Sinh Thái, B’lao, Mai Hạc... mỗi loại uống vào mỗi giọng khác nhau
ạ ạ g g ọ g
bởi cách thức sao tẩm và các loại hương vị phụ gia dùng trong pha chế.
Nước để pha trà xem ra cũng lắm công phu. Vua chúa nhà Nguyễn thường sai nô tỳ chèo thuyền trên các hồ sen lúc sáng sớm để hứng các giọt sương đêm còn đọng trên lá đem về làm nước pha trà, hay lấy nước trong những mạch nước đá ngầm trên núi cao, nếu không thì cũng dùng loại nước mưa hứng giữa trời để pha trà.
Bàn trà, trà cụ và mứt bánh để thưởng trà trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
- Tuần trà: Bước vào một cuộc trà, chủ nhân ngồi về bên phải để tiện việc pha trà và khách được xếp ngồi ở phía trái. Công việc nhóm lò luôn được chủ nhân đảm nhiệm và được coi là công việc thích thú nhất. “Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính”.1 Lúc nhóm lò, người ta bỏ thêm ít trầm. Sau vài phút, than bốc lửa, quyện với khói trầm làm căn phòng trở nên u tịch, ấm cúng. Siêu nước
được đặt lên và những câu chuyện bắt đầu nở như ngô rang. Trà chủ tự tay pha trà, đó cũng là cái thú riêng của những kẻ tự nhận là trà nô. Nước trà được rót vào chén tống, để cho lóng cặn rồi mới chuyên ra chén tốt mời khách. Khi chuyên trà, không bao giờ được rót cạn nước mà luôn giữ lại trong bình một phần nước cốt dành cho ấm sau. Nhờ đó mà luôn giữ được đậm đà cho đến nước cuối. Lúc tuần trà đầu tiên được nâng chén cũng là lúc bình thơ, vịnh cảnh bắt đầu. Hương trà cùng mùi trầm, mùi thơm của mứt bánh hòa với nhau làm hấp dẫn trà hữu, vừa làm cho tinh thần họ sảng khoái, trí óc minh mẫn và thi hứng nồng nàn chợt đến.
1. Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 128.
Thưởng trà trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Lê Gia Hòa.
Người xưa có nhiều cách uống trà: uống một người gọi là u (trầm mặc); uống hai người gọi là thắng (vui tươi); uống ba
người gọi là thích (thích thú); uống bốn người gọi là tứ (ban ân). Thời gian uống trà không cố định, có thể buổi sớm, cũng có khi vào buổi chiều và lâu mau tùy ý. Uống trà là một thú vui thanh đạm và cầu kỳ của người Huế xưa. Nó được hình thành từ lối
sống thượng kinh và được tiếp nối bởi nhiều thế hệ mà thành nếp, thành một thú tiêu khiển thanh cao và là một nét son trong văn hóa ẩm thực xứ Huế.
Người Huế uống trà không chỉ để thưởng thức hương vị của trà. Họ còn lưu tâm đến nội dung các cuộc mạn trà và nét đẹp nghệ thuật của loại hình, dáng kiểu, họa tiết trang trí trên đồ trà và phong cách bài trí trà thất. Vua quan nhà Nguyễn đã sai người sang Trung Quốc đặt làm những bộ đồ uống trà nổi tiếng bằng sứ men lam như bộ đồ trà Giáp tí niên chế do các sứ thần mang về năm 1804; đồ trà Tự Đức niên chế... Và trong cái thú uống trà, còn có cái thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nét bút tài hoa trên ấm chén, bình thơ văn và nghiền ngẫm sự tích lưu lại trên đó. Mới hay cái chuyện “trà dư, tửu hậu” ở Huế cũng công phu, cầu kỳ và hấp dẫn nhường nào!
THẢ THƠ
Thả thơ cũng là một trò giải trí tao nhã của tầng lớp trí thức ở kinh đô Huế thuở trước. Ðó là lối đánh bạc bằng trí tuệ, bằng sự nhanh trí và vốn kiến thức uyên thâm của tầng lớp nho sĩ đất thần kinh, xứng danh là trò đánh bạc bác học. Tham dự trò này chủ yếu là giới trí thức, quan lại có học vấn. Gọi là thả thơ hay đánh thơ đều được. Bởi chỉ cùng một chuyện cờ bạc bằng thi ca, nhưng nhìn vào động tác thực hiện thì gọi là thả, mà xét đến tính chất đỏ đen thì gọi là đánh. Huế là đất văn vật nên người ta thích dùng từ thả thơ để gọi tên trò chơi này.
Cái hay của thú thả thơ là người ta dùng văn chương để giải trí. Người thắng cuộc là những kẻ có hai niềm vui cùng một lúc: vui vì được bạc và vui vì đã khoe được với thiên hạ tài thi phú và vốn hiểu biết sâu sắc của mình. Tuy nhiên, trò đời cũng lắm cái
y g
trớ trêu. Có khi, những kẻ ít chữ hơn, mới tập tễnh bước vào giới văn chương chữ nghĩa lại là kẻ thắng cuộc. Họ thắng cuộc bằng sự suy đoán thơ ngây, thô lậu của mình nhưng lại được vận may trông đến. Còn những bậc thức giả, do quá tự tin vào tài năng và
sự suy đoán của mình nên lắm lúc thua đau. Ðó cũng chính là cái độc đáo, cái thú vị đầy tréo ngoe của thú thả thơ.
Ngày trước, ở Huế, một số địa chỉ như: phủ Tuy Lý vương, phủ bà Chúa Nhứt (Mỹ Lương công chúa), Quốc Sử Quán... là những nơi tao ngộ của những bậc phong lưu đam mê chuyện “sát phạt
lịch thiệp” này. Ðó là những nơi thả thơ tài tử, không chuyên nghiệp nên các câu thơ dùng để thả không phải do họ đích thân chuẩn bị, mà thường mua của những người chuyên làm các câu thơ đố ấy. Một trong những nơi thường bán các câu thơ thả là phủ Lạc Biên bên Gia Hội.
Lá thơ để thả rất thô sơ, được làm từ giấy bổi, cỡ 10 cm x 35 cm. Trên mảnh giấy đó người ta ghi theo thứ tự từ dưới lên trên. Ðầu tiên là câu thơ thả. Ðây là một câu thơ không trọn vẹn, vì có một chữ không được viết ra mà thay vào đó là một vòng tròn. Chẳng hạn, người ta chọn câu thơ Ðường: Bạch nhật y sơn tận (白日依山 盡) làm câu thơ thả và chữ thả là chữ “tận” (盡), thì câu thơ sẽ được viết thành: Bạch nhật y sơn O (白日依山O). Tiếp theo là các chữ dành cho người chơi chọn lựa để thay vào vị trí còn để trống, gọi là chữ thả. Thường có năm chữ để thả. Ðó là những chữ có cùng một chức năng ngữ pháp với chữ đã thay bằng dấu O nhưng khác nghĩa, khi thay vào câu thơ thả sẽ làm câu thơ có một nghĩa khác. Trong trường hợp trên, những chữ được ghi có thể là: lạc (落), xuất (出), nhập (入)... và chữ tận (盡) của câu thơ gốc. Và trên cùng là chữ giải, tức là đáp án, chỉ một chữ duy nhất, được lấy từ câu thơ thả (chẳng hạn trong ví dụ trên là chữ (盡). Những mảnh giấy sau khi được ghi chép đầy đủ như trên sẽ được cuốn vào một que tre, cuốn từ dưới lên, sao cho chữ giải phải nằm trong cùng, chỉ lộ ra khi nhà cái công bố. Người ta bó những chiếc “que thơ” này thành từng bó để bán cho người tổ chức cuộc thả thơ.
Người ta thường thả thơ vào ban đêm, trên một chiếc chiếu trải nơi hiên của một phủ đệ, nha sở nào đó. Phía trên có một, hai chiếc đèn lồng, ngay giữa chiếu là nhà cái, ngồi cùng bó que thơ. Khách thả thơ thì tụ tập ngoài sân và không hạn chế số người. Gọi là thả thơ, nhưng thường thì người ta để câu thơ thả trên chiếu và mở ra một cách chậm rãi vì sợ thả mạnh thì chữ giải sẽ lộ mất.
Thơ được chọn thường là Ðường thi, Tống thi, hay Minh thi, nhưng phần nhiều là Tống thi và Minh thi, vì Ðường thi có nhiều người biết. Những câu thơ được chọn phải có xuất xứ rõ ràng và nhà cái thường phải mang theo các tập thi tuyển có câu thơ được chọn, để chứng minh tính chính xác của chữ giải, mỗi khi có người thắc mắc. Tỷ lệ đặt cược là đặt một ăn ba. Thả xong câu này thì rút câu khác. Phía trước những nơi thả thơ thường có hàng quán bán đồ ăn thức uống phục vụ khách chơi. Ðôi khi những người dự cuộc cũng góp tiền để nhờ người trong phủ lo giùm đồ ăn thức uống để có chút bồi dưỡng sau những cuộc vui khuya khoắt.
Những người đứng ra tổ chức cuộc thả thơ, tức nhà cái, thường là những nho sĩ nghèo, nhàn nhã, muốn dùng tri thức của mình để kiếm tiền, để giải trí và kết thêm tình bằng hữu với những nhà nho tứ xứ. Vài tháng họ tổ chức thả thơ một lần do yêu cầu của bạn bè, hoặc do muốn khuây khỏa tinh thần. Nhưng cũng có những người thả thơ chuyên nghiệp. Họ là những tay giang hồ,“tay cầm bầu rượu túi thơ” đi “phiêu lãng tang bồng” khắp nơi. Có khi họ đi một mình, có khi đem theo vợ con hoặc tình nhân rày đây mai đó. Ðến những nơi thích hợp, họ mượn huyện đường hay tư dinh của những chức sắc địa phương để tá túc và tổ chức thả thơ, khi xong việc, lại đi nơi khác.
Nơi tổ chức thả thơ trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Du khách thả thơ trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Thú vị nhất, có lẽ là những đêm thả thơ trên sông Hương. Thường thì vào những đêm trăng thanh gió mát, người ta dùng đò kết thành những chiếc bằng lớn, đủ chỗ cho vài chục người lên xuống, tụ tập vui chơi. Trên bằng có rượu, trà, hoa trái và cả
một ban ca kỹ phục vụ ca Huế. Nhà cái trải chiếu ở giữa bằng, đốt thêm dăm dĩa đèn dầu phụng để các “con bạc” quan sát cho tường, rồi mở túi thơ bên mình bốc ra một câu. Ban nhạc hòa tấu khúc ca thuộc điệu Bắc, bắt đầu một đêm thả thơ trong sự rộn rã, vui tươi.
Trước khi có cuộc thả thơ, những nhà cái chuyên nghiệp thường bỏ hàng tháng trời để chuẩn bị. Họ lục lọi trong mớ sách cũ, lựa vài cuốn thơ của những thi sĩ nổi tiếng Trung Hoa và Việt Nam, rồi đọc một cách chậm rãi, kỹ lưỡng. Họ đọc liên tục từ ngày này sang ngày khác, chọn những câu thơ hay và ghi vào cuốn sổ, cạnh đó họ ghi thêm những chữ sẽ được dùng để thả sau này. Khi cuốn sổ đã dày đặc những câu thơ chọn, người ta không đọc nữa, quay sang nghiền ngẫm ý tứ từng câu, từng chữ rồi duyệt lần cuối cùng trước khi viết vào mảnh giấy bổi. Trong chuyện chọn thơ để thả, nhà cái có nhiều ngón nghề. Họ thường chọn những bài thơ ít ai biết đến của các tác giả nổi tiếng để ra đố. Sở học mênh mông như biển, mấy ai đọc hết thơ của thiên hạ để dự cuộc đánh bạc bằng văn chương. Người ta cũng chọn những câu thơ có cách dùng chữ không đắt để ra đề nhằm để “trị” những tay chơi sành sỏi và uyên thâm. Hạng người này có tài thi phú, thuộc nhiều thơ văn nhưng lại mắc chứng ngông của nhà nho, chỉ chăm chú vào những từ rất đắt để thả, mà bỏ qua những chữ tầm thường. Kết quả là đôi khi những kẻ thi tài kém cõi hơn nhưng lập dị, không thích dự vào những chữ người ta đánh nhiều quá nên chọn chữ khác để thả và “trúng quả”, trong khi bao bậc anh hào vì chủ quan nên cháy túi. Cái thú vị của trò thả thơ là ở chỗ ấy. Ðó là chưa kể mỗi khi tiếng thơ được mở, kẻ được bạc cứ ngâm lui, ngâm tới câu thơ thả, giờ đã đầy đủ ý nghĩa, như để nhấm nháp niềm vui thắng lợi, còn người thua tiền thì lại tạm lui vào một góc, nhâm nhi chén rượu, lắng nghe vài khúc cổ nhạc hay một điệu ca Huế để giải khuây chờ ván khác.
ĐỐ THƠ
Có một trò khác cũng liên quan đến chuyện thi văn, nhưng sự thắng thua không dựa trên học vấn uyên thâm và thi tài của người dự cuộc, mà nhờ vào óc suy luận và sự láu lĩnh của người chơi. Ðó là trò chơi đố thơ. Trò chơi này thường do các phú hộ, các hiệu buôn khởi xướng. Ðó vừa là một trò giải trí, vừa là cách để người ta quảng cáo thương hiệu và uy thế của gia tộc mình. Trò chơi này có gốc gác Trung Hoa, thường được các đại gia trong khu phố Tàu bên Gia Hội tổ chức.
Vào ngày đầu tháng hay nhân dịp khai trương một tiệm buôn nào đó, chủ hiệu đem treo trước ngõ một chiếc lồng đèn có đề thơ và ra điều kiện: sau một tháng ai giải được câu thơ (hay bài
thơ) ấy sẽ được thưởng. Nếu sau một tháng, không ai có lời giải đúng, chủ nhân sẽ giải đáp và thay vào đó một chiếc lồng đèn có câu thơ khác, tiếp tục mời người dự giải.
Nơi tổ chức đố thơ trên lồng đèn trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Câu thơ đố đề trên lồng đèn trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Những người tham gia trò này thường không phải là những người có học vấn cao hay sở đắc “túi thơ” của thiên hạ, vì rằng câu thơ đề trên chiếc lồng đèn kia, tuy là thơ của một đại thi hào, nhưng lại được sử dụng cho mục đích khác, xem ra rất ngô nghê, thô lậu. Ðã mang danh kẻ sĩ, mấy ai chấp nhận cái trò đoán mò vớ vẩn ấy. Vì thế kẻ thắng trong các cuộc đố thơ như thế thường là những người có trí thông minh nhưng bị người đời coi là khôn vặt.
Dưới đây là hai trong số những câu thơ từng được đề trên lồng đèn để đố mà một nhân chứng của thuở ấy còn nhớ được.
- Nhất bộ nhất bái đáo Hàn sơn (一步一拜到寒山). Ðố là con gì?
Câu thơ này gợi lại tích Hồng Hài Nhi, vì ngoan cố không chịu quy phục, nên bị Ðức Quan Thế Âm phạt tội, bằng cách đi một bước, phải lạy một lạy, cho đến núi Hàn Sơn. Hình ảnh này
giống như con tôm đang di chuyển, vừa búng vừa nhảy, nên lời giải của nó là con tôm.
- Nhân diện bất tri hà xứ khứ (人面不知何處去). Ðố là con gì?
Ðây là hai câu kết trong bài thơ Ðề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ, đời Ðường. Hai câu này được giải thích như sau: Nhân diện bất tri hà xứ khứ, có nghĩa là có kẻ có mặt giống người, không biết đã đi đâu. Trong môn số đề, là một trò đánh bạc ăn theo trò chơi xổ số, cây đào và con khỉ lại chung với nhau một con số, nên cây đào cũng chính là con khỉ. Kẻ có khuôn mặt giống người cũng ngụ ý con khỉ. Vậy lời giải của câu này là con khỉ.
Với cách ra đố và giải đố như thế, những kẻ chính danh khó mà tham dự trò này. Nhưng đó cũng là một trò chơi được ưa thích ở Huế xưa vì trong thiên hạ có kẻ này, người khác, chẳng ai giống ai. Trí lực và sở thích của họ cũng vậy.
ĐẦU HỒ
Ðầu hồ (投壺) là một trò chơi có nguồn gốc từ Trung Hoa. Đầu (投) nghĩa là ném; hồ (壺) nghĩa là cái bình. Trò chơi này được mô tả khá chi tiết (cùng với 20 hình vẽ minh họa) trong cuốn Nhật dụng bách khoa toàn thư xuất bản tại Ðài Loan năm 1935.1 Theo sách này, bộ dụng cụ chơi đầu hồ gồm một chiếc bình cao cổ làm bằng đồng, đường kính miệng khoảng 3 tấc2, cao khoảng 1 thước đựng đầy hạt đậu nhỏ, hai bên miệng bình có gắn hai cái tai, là những chiếc ống nhỏ, không có đáy và một bộ tên gồm 12 chiếc, mỗi mũi tên dài 2 thước 4 tấc. Người chơi đứng cách chiếc bình một khoảng bằng 2,5 chiều dài mũi tên và tìm cách ném những mũi tên lọt vào miệng bình. Ngày trước, mỗi người chơi chỉ được ném tối đa là bốn mũi tên. Về sau, luật có thay đổi, nếu người chơi ném trúng một lượt tên thì giữ quyền ném mũi tên kế tiếp, đến khi nào ném trật ra ngoài thì mới ngưng lượt. Nếu một người ném trúng 12 lần liên tiếp thì gọi là toàn hồ, được tôn là hiền (giỏi). Nếu không vào trọn 12 mũi tên một lượt thì ai đạt
g g ọ ộ ợ ạ 120 điểm trước sẽ là người thắng cuộc. Nếu có nhiều người cùng đạt 120 điểm thì người nào còn tên nhiều sẽ thắng.
1. Nhật dụng bách khoa toàn thư (chữ Hán), Thương vụ ấn thư quán phát hành, Ðài Bắc, 1935, tr. 5330-5335.
2. Kích thước dùng trong sách này theo hệ thống đo lường Trung Hoa: 1 thước = 10 tấc = 40 cm.
Đầu hồ của Trung Hoa thời Minh (1368 - 1644).
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Một nghiên cứu của Isabelle Lee đăng trên nguyệt san The Oriental Ceramic Society, tựa là Touhu: Three Millennia of the Chinese Arrow Vase and the Game of Pitch-Pot1 (Đầu hồ: Ba thiên niên kỷ của chiếc bình đựng mũi tên Trung Hoa và trò chơi ném
tên vào bình), cho biết trò chơi đầu hồ xuất hiện ở Trung Hoa vào thời nhà Chu (1122 - 249 trước CN); trở nên phổ biến vào thời kỳ Xuân Thu (770 - 476 trước CN) và liên tục phát triển và cách tân bởi nhiều triều đại Trung Hoa, cho đến đời Thanh (1644 - 1911) mới chấm dứt. Đây là trò chơi có nguồn gốc lâu đời và tồn tại dài nhất trong lịch sử Trung Hoa.
1. “Touhu: Three Millennia of the Chinese Arrow Vase and the Game of Pitch-Pot”, Lecture given by Isabelle Lee on October 8th 1991, Transactions of The Oriental Ceramic Society, Volume 56, 1991 - 1992. The Oriental Ceramic Society in Association with Azimuth Editions London, 1993, pp. 13-27.
Nhiều nguồn sử liệu thời thượng cổ của Trung Hoa như: Lễ ký, Sử ký, Tả truyện, Tấn thư, Hậu Hán thư...; nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, thi phú, khảo cứu… của các tác giả vô danh và hữu danh trong lịch sử Trung Hoa đã phản ánh và miêu tả trò chơi nổi tiếng này.
Theo sách Lễ ký, được viết ngay sau khi nhà Chu kết thúc, đầu hồ là trò chơi ở các tiệc rượu trong giới quý tộc và chư hầu của nhà Chu. Thay vì tổ chức thi bắn cung trong khi uống rượu, họ đã phát minh ra trò ném những mũi tên vào những chiếc bình, trước đó, dùng để đựng rượu. Ai ném lọt nhiều mũi tên vào miệng bình thì được quyền mời rượu người khác. Ai không ném trúng thì phải chịu phạt, không được từ chối lời mời uống rượu của người chiến thắng. Theo sách Lễ ký, đầu hồ thường xuất hiện trong các đại tiệc của triều đình. Nơi tổ chức cuộc chơi thường là sân chầu. Nếu thời tiết không thuận lợi thì chơi trong nhà. Thời điểm chơi đầu hồ thường vào buổi tối. Lễ ký chép rằng chơi đầu hồ là một cách thể hiện đức hạnh.
Từ Trung Quốc, trò chơi đầu hồ lan truyền sang Nhật Bản vào thời nhà Đường (618 - 906); sang Triều Tiên vào thời kỳ Joseon (1392 - 1910) và sang Việt Nam vào thời Nguyễn (1802 - 1945). Hiện tại, Bảo tàng Shoso-in (Nara, Nhật Bản), Bảo tàng Cố cung và Bảo tàng Hoam (Seoul, Hàn Quốc), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Huế, Việt Nam) đều đang trưng bày những bộ đầu hồ cổ, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Đầu hồ của Triều Tiên thời Joseon (1392 - 1910). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Vào thời Nguyễn, đầu hồ là trò chơi khá phổ biến rất được giới vương giả, quyền quý ưa chuộng. Richard Orband, nguyên công sứ Trung Kỳ thời thuộc Pháp, đã có một bài viết trên BAVH vào năm 1917 giới thiệu về những chiếc đầu hồ bằng pháp lam ở lăng Tự Ðức và xem đó là những cổ vật độc đáo, hiện thân của các trò tiêu khiển trong cung đình Huế xưa.1 Theo Richard Orband, trò chơi này thường được tổ chức trong hoàng cung Huế hay các phủ đệ của những hoàng thân, quan lại triều Nguyễn.
1. R. Orband, “Les Ðâu Hô du tombeau de Tu Ðuc”, BAVH, No. 2, 1917, p. 105.
Khác với cách chơi đầu hồ của người Trung Hoa, người Nhật Bản và người Hàn Quốc, cách chơi đầu hồ ở Huế không ném mũi tên trực tiếp vào miệng bình mà ném gián tiếp thông qua một vật bằng gỗ, thường gọi nôm na là con ngựa (có người gọi là con cóc), đặt ở khoảng trống giữa người chơi và chiếc bình. Như vậy, cách chơi đầu hồ ở Huế khó hơn rất nhiều so với cách chơi nguyên thủy ở Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên.
Người Huế, khi chơi đầu hồ, cần có sự tính toán chính xác để mũi tên phải gõ vào con ngựa, rồi mới bật ngược để lọt vào miệng bình nhờ lực đàn hồi. Một bộ dụng cụ chơi đầu hồ ở Huế xưa gồm ba món chính: chiếc bình, những mũi tên và con ngựa.
Cách chơi đầu hồ ở Huế xưa. Đồ họa: Trần Nam Anh.
- Chiếc bình: Bình không đáy, dáng như một chiếc nậm đựng rượu, có thể làm bằng đồng, bằng sứ hay bằng gỗ. Chiếc bình được đặt trên một chiếc đế có bốn chân, trong lòng chiếc đế này có đặt chiếc trống nhỏ, bịt da một mặt, để khi mũi tên lọt vào miệng bình, rơi xuống đáy thì đầu mũi tên sẽ gõ lên mặt trống, phát ra những tiếng: binh! binh! báo hiệu thắng lợi. Trong một vài trường hợp, người ta còn gắn thêm vào hai bên cổ chiếc bình lớn hai chiếc bình có hình dáng tương tự nhưng nhỏ hơn, bên trong những chiếc bình nhỏ này có chứa một ít hạt ngũ cốc phòng khi tên lọt vào sẽ cắm xuống lớp ngũ cốc mà không bật trở ra. Trong khi ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, chiếc bình chơi đầu hồ chỉ được làm bằng đồng thì chiếc bình chơi đầu hồ ở Huế được làm bởi nhiều chất liệu khác nhau. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang trưng bày hai chiếc đầu hồ làm bằng gỗ, hai chiếc làm bằng pháp lam nạm ngọc và một chiếc bình bằng sứ ký kiểu vẽ rồng năm móng. Đây là những hiện vật luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách tham quan bảo tàng.
- Mũi tên: Tên làm bằng gỗ, dài khoảng 65 cm - 80 cm, một đầu tròn, một dầu dẹp, ở giữa thon nhỏ, nên có sự đàn hồi. Bộ tên trong trò chơi đầu hồ ở Huế gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
- Con ngựa: Là một mảnh gỗ hình bầu dục, dài 40 cm, rộng 25 cm, cao 5 cm. Ðây là vật để những mũi tên sẽ gõ vào rồi bật ngược lên, trước khi bay về phía miệng bình.
Ngoài ra, còn có thêm cái ống gỗ đựng những thẻ nhỏ để tính điểm cho những lần ném thẻ lọt vào miệng bình. Có bao nhiêu mũi tên thì có bấy nhiêu thẻ.
Vào dịp xuân về hay những lúc rảnh rỗi, các quan lại, hoàng thân triều Nguyễn thường tổ chức chơi đầu hồ nơi các phủ đệ. Sau một tuần rượu, lúc bầu không khí đã trở nên hứng khởi, thì trò chơi đầu hồ được bắt đầu. Chủ nhân cuộc rượu, cũng là người tổ chức cuộc vui, ngỏ lời: “Thưa quý khách, sau khi được mời quý khách dùng chén rượu nhạt đầu xuân, nay chúng tôi dâng lên một cái bình xấu xí và vài ba mũi tên cong queo để quý vị giải trí”. Thông thường, khách cũng ý nhị đáp lại: “Kính thưa quý chủ nhân, chúng tôi đã được dùng rượu ngon và những món ăn tuyệt trần, nay lại được tham dự một trò giải trí tao nhã và quý phái, hẳn vinh dự đó lớn quá. Chúng tôi không dám nhận lời”. Gia chủ khiêm nhường và kiên nhẫn nhắc lại lời mời cho đến lúc tất cả cùng cử tửu chúc sức khỏe, coi như chấp thuận lời mời. Ấy là lúc trò chơi bắt đầu.
Sau khi công bố cách thức và thể lệ cuộc chơi, mỗi người dự cuộc đều nhận được bốn mũi tên, làm bằng gỗ táo hay gỗ dâu, có một đầu dẹp, đầu kia thon tròn, có sức đàn hồi rất lớn. Người chơi đứng cách con ngựa gỗ chừng ba bước chân rồi lần lượt ném bốn mũi tên, sao cho nó phải gõ vào con ngựa, bật lên, rồi bay lọt vào miệng bình là được một điểm và được nhận một chiếc thẻ tính điểm. Người nào chưa có lệnh mà ném tên đi hoặc đứng không đúng chỗ quy định sẽ không được tính điểm và không phát thẻ.
Người nào được ba thẻ là thắng cuộc. Họ sẽ được quyền mời rượu mọi người mà không ai có quyền từ chối, đồng thời, họ được tiếp tục điều khiển cuộc chơi. Ðể cuộc chơi thêm phần
ngoạn mục và sinh động, người ta thường mời một ban nhạc đến giúp vui. Ban nhạc thường chơi một bản nhạc, có tên là Ðầu hồ, để phụ họa cho cuộc so tài.
Theo nhiều nguồn tư liệu và lời thuật của một số nhân chứng thời Nguyễn, thì vua Tự Ðức (1848 - 1883) và vua Bảo Ðại (1926 - 1945) là hai ông vua chơi đầu hồ rất giỏi. Vua Bảo Ðại không chỉ ném tên lọt vào miệng chiếc bình lớn, mà những mũi tên còn lọt vào hai chiếc bình nhỏ gắn trên cổ chiếc bình lớn. Một chiếc bình kiểu này hiện vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Du khách chơi đầu hồ trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Đầu hồ là một trò chơi tao nhã, không nặng tính ăn thua, sát phạt, nên được giới quyền quý, thức giả ở Huế xưa ưa chuộng.
Ổ Ờ
ĐỔ XĂM HƯỜNG
Ðổ xăm hường là một trò chơi tao nhã, có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng rất được người Huế ưa chuộng. Thoạt tiên, trò chơi này xuất phát từ trong cung, về sau phổ biến trong dinh thự của các vương tôn, công tử và quan lại triều đình nhà Nguyễn, rồi mới lan truyền ra dân gian.
Xăm có nguồn gốc từ chữ thiêm (籤) nghĩa là cái thẻ. Hường là cách đọc trại từ chữ hồng (紅), nghĩa là màu hồng, do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm ( 洪任), là tên của vua Tự Ðức nên phải kiêng. Ðổ xăm hường là trò chơi gieo các hột súc sắc (còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu) để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Chính tên gọi của các quân cờ đã thể hiện cái nho nhã của trò chơi với tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa.
Một bộ xăm hường gồm ba món chính: bộ thẻ (xăm), sáu hột súc sắc và chiếc tô sứ sâu lòng để gieo súc sắc (đổ hột). Ngày trước, người chơi phải nhọc công để tìm cho được một chiếc tô sứ men lam làm từ đời Minh - Thanh bên Tàu để tiếng đổ hột mới thanh và vang xa. Riêng bộ thẻ thì tùy mức độ sang hèn của chủ nhân mà được làm bằng ngà voi, xương thú hay cật tre.
Trong điện Hòa Khiêm ở lăng Tự Ðức vẫn còn lưu giữ một bộ xăm hường làm bằng ngà voi, chạm trổ rất đẹp, vốn là vương bảo của vua Tự Ðức. Chủ nhân Ngọc Sơn công chúa từ đường ở đường Nguyễn Chí Thanh vẫn còn lưu giữ được một bộ xăm
hường khác làm từ đời vua Ðồng Khánh (1885 - 1889). Ngày nay, các bộ xăm hường bán ở chợ Ðông Ba thường được làm bằng xương, cũng chạm trổ cầu kỳ nhưng các chữ Hán được
thay bằng các hình vẽ có màu sắc lòe loẹt và những dấu chấm màu đỏ. Ngoài ra cũng cần phải kể đến chiếc hộp để cất những chiếc xăm và các con súc sắc. Ðó là những chiếc hộp làm bằng
gỗ quý bên ngoài có các hình trang trí bằng sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ. Như thế mới tương xứng với những “ông trạng, ông nghè” làm bằng ngà, được cất giữ trong hộp.
Bộ xăm hường phục chế theo nguyên mẫu bộ xăm hường của vua Tự Đức dùng trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006).
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Trò chơi đổ xăm hường trong Đêm Hoàng Cung ở Đại Nội Huế (Festival Huế 2006). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.
Mỗi bộ xăm hường có 63 chiếc thẻ. Thẻ cao nhất là thẻ trạng nguyên (1 thẻ), có giá trị là 32 điểm. Tiếp theo gồm: 1 thẻ bảng nhãn và 1 thẻ thám hoa (16 điểm/thẻ); 4 thẻ hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm/thẻ), 16 thẻ cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ tú tài (1 điểm/thẻ).
Trò chơi dùng sáu hột súc sắc, mỗi con có sáu mặt khắc các dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, trong đó, mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác được tô màu đen. Khi chơi, người ta gieo/đổ/thả cả sáu con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ
vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là hường (xem Phụ lục 5b).
Số người tham dự trò chơi xăm hường có thể là bốn, năm hay sáu người. Tùy theo số người chơi mà định ra các luật lệ như: bán trạng, mua trạng và định mức độ ăn thua. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà định ra cách thức cướp trạng khi thẻ này đã về tay người khác, hay cách lấy các thẻ tương ứng với một thẻ có số điểm cao hơn nhưng đã thuộc về người khác, trước khi người thứ hai đạt được thẻ đó. Khi số thẻ được lấy hết có nghĩa một ván cờ đã kết thúc và người ta dựa vào số thẻ có ở từng người để xác định kẻ thắng người thua.
Ðiều thú vị là hoàn toàn không có tính sát phạt trong trò chơi đổ xăm hường mà chủ yếu nhờ vào sự may rủi. Người ta thường chơi xăm hường trong những dịp đầu xuân, vừa để giải trí trong ba ngày Tết, vừa để thử vận hên xui của mình trong một năm, hơn là để thỏa mãn thú đỏ đen như những trò cờ bạc khác. Thậm chí, mỗi khi đổ được lục phú hường, đoạt tất cả các thẻ có trong cuộc chơi và được nhân đôi số điểm có trên tất cả các thẻ, thì thay vì vui mừng, người Huế lại lo âu. Nguyên do là vì họ cho rằng khi cái may đạt đến tột đỉnh thì kế tiếp sẽ gặp điều xui xẻo. Đây chính là điều thú vị trong lối suy nghĩ và thái độ ứng xử của người Huế.
Trò đổ xăm hường phản ánh khát vọng đỗ đạt, nếp nghĩ và lối sống của người Huế nên được người Huế ưa chuộng. Vì thế, trò chơi này mới lan truyền sâu rộng nơi mảnh đất cố đô và vẫn tồn tại cho đến bây giờ.
CỜ TƯỚNG VÀ CÁC BIẾN THỂ CỦA CỜ TƯỚNG
Ở Huế, chơi cờ tướng là một trong những môn giải trí được nhiều người ưa thích. Bộ cờ tướng có 32 quân cờ được tô hai
màu: đỏ và trắng hoặc đỏ và xanh. Mỗi màu có 16 quân cờ, gồm: một tướng, hai sĩ, hai tượng, hai xe, hai pháo, hai mã và năm tốt.
Trước đây người Huế thường chơi cờ tướng ở nhà bằng hữu. Lúc rảnh rỗi, họ mời nhau đến nhà, bày bàn cờ tướng, vừa chơi cờ, vừa thưởng trà. Ngoài hai đấu thủ, là hai người chơi chính, còn có những người đứng ngoài, vừa xem, vừa cổ vũ, thậm chí vừa bày nước cờ cho người trong cuộc mỗi khi đấu thủ đang bí nước.
Bàn cờ tướng với 32 quân cờ: tướng (2), sĩ (4), tượng (4), xe (4), pháo (4), mã (4), tốt (10), chia làm 2 phe. Ảnh: Internet.
Ngày nay, người Huế thường tụ tập chơi cờ ở các quán café, trong các công viên, với nhiều bàn cờ và nhiều người tham gia cùng lúc. Có những quán café như Café Mây ở đường Đinh Tiên Hoàng, mở cửa từ lúc 6 giờ sáng đến 9 giờ đêm, với hàng chục bàn cờ tướng để phục vụ khách đến uống café đánh cờ.
Các công viên lớn ở Huế như Công viên Tứ Tượng, Công viên Nguyễn Văn Trỗi, hay những khoảng xanh ven bờ sông Hương, sáng thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần thường có các vị cao niên đến tập thể dục. Tập xong họ bày bàn cờ tướng, đấu với nhau vài ván rồi mới trở về nhà tiếp tục nhịp sống thường ngày.
Riêng trong các dịp Tết Nguyên đán, thì các câu lạc bộ cờ tướng ở Huế thường tổ chức thi đấu cờ người, cũng là hình thức đánh cờ tướng, nhưng thay vì dùng các quân cờ bằng gỗ, bằng xương, bằng nhựa…, thì người ta dùng người làm các “quân cờ”. Các quân cờ thường là các em thiếu niên, gồm 32 người, chia làm hai phe, mặc trang phục binh lính và quan lại thời xưa, chân quấn xà cạp hay đi hài cỏ, đầu đội nón dấu hoặc mão quan tướng, trên lưng áo có gắn miếng vải (hoặc giấy) khi tên các quân cờ (tướng - sĩ - tượng - xe - pháo - mã - tốt). Màu trang phục hai phe khác nhau để phân biệt. Bàn cờ được kẻ trên một khoảnh sân rộng, thường là sân đình, sân chùa. Riêng ở thành phố Huế thì nơi tổ chức đấu cờ người thường là Công viên Thương Bạc, vào chiều ngày mồng Ba Tết âm lịch hàng năm.
Hai đấu sĩ ngồi trên hai cái chòi tre cao, dựng ở hai bên “sân cờ” để tiện quan sát mà điều binh khiển tướng trong cuộc cờ. Cuộc cờ người thường diễn ra trong năm ván, có trọng tài điều khiển
và ghi điểm. Phe nào thắng ba ván là thắng chung cuộc, được nhận phần thưởng là tiền mặt và cờ luân lưu của ban tổ chức hội đấu cờ người.
Ngoài lối đánh cờ tướng thông thường theo luật chơi cờ tướng của người Trung Quốc, nghĩa là khởi đánh từ đầu ván với đầy đủ 32 quân cờ, người Huế còn chơi cờ thế, tức là chơi những ván cờ tàn, trên bàn cờ chỉ còn năm hoặc sáu quân cờ mà thôi. Ðó là những ván cờ trí tuệ và người chơi thường là những tay chuyên nghiệp, chuyên đánh độ để ăn tiền.
Thi đấu cờ người. Ảnh: Internet.
Ngoài ra, từ các quân cờ trong bộ cờ tướng, người ta còn tạo ra các lối chơi khác như: cờ chồng, cờ quân, cờ oi… là những lối chơi phổ thông, có số người tham gia đông hơn các ván cờ tướng phổ dụng. Người lớn, trẻ em đều có thể tham gia những cuộc cờ này trong bầu không khí ấm áp, thân mật của gia đình, làng xóm.
- Cờ chồng là trò chơi sử dụng bộ cờ tướng để chơi, trong đó các quân cờ của người thắng chồng lên các quân cờ của người thua. Ðây là một trong những trò chơi rèn luyện trí thông minh và rất được người Huế ưa chuộng. Trò chơi này dùng bộ cờ tướng gồm 32 quân cờ nhưng chỉ khắc chữ trên một mặt. Số người chơi thường là số chẵn: hai hoặc bốn người.
Vào cuộc chơi, người chơi úp các quân cờ trên mặt chiếu hay mặt bàn, trộn đều, rồi xếp thành vòng tròn. Sau đó, người chơi sẽ “bốc xăm” để chọn người bốc cờ trước, cũng là người đi nước cờ đầu tiên.
Theo quy định, giá trị của các quân cờ theo thứ tự từ lớn đến nhỏ lần lượt là: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Nếu hai quân cờ đều cùng chức danh, thì quân cờ tô màu đỏ có giá trị lớn hơn quân cờ tô màu trắng. Ví dụ: tướng đỏ lớn hơn tướng trắng... Nếu trong một nước, các quân cờ xuất ra đều cùng chức danh, cùng màu, chẳng hạn đều là quân xe đỏ, thì quân cờ của người ngồi