🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trên Con Đường Tơ Lụa Nam Á Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn a https://thuviensach.vn Mục lục 1. Lời nói đầu 2. Chương I - Vùng đất Bangladesh đôn hậu và sự tôn sùng Bin Laden của người Pakistan 3. Chương II - New Delhi và những câu chuyện nhỏ 4. Chương III - Kabul và hệ lụy từ những cuộc nội chiến 5. Chương IV - Đất phật Bamyan 6. Chương V - Vàng son một thuở Herat 7. Chương VI - Xuôi về kinh đô phật giáo ấn độ 8. Thay lời bạt - Ru mẹ về yên ả chiều quê https://thuviensach.vn Lời nói đầu Không hẳn chỉ những ngày rằm lớn, mỗi khi buồn hay gặp những chuyện không hay trong cuộc sống mẹ tôi lại đến chùa. Trong ký ức của tôi, ngôi chùa tuổi thơ luôn đẹp đẽ với cây Bồ Đề to gốc xanh lá đứng reo giữa trời xanh và tán của cây rộng lớn đến mức dường như ôm cả mái chùa được lợp bằng lá dừa vào lòng vuốt ve. Những lần chơi dưới gốc cây Bồ Đề tỏa mát quanh năm, ngọn gió thổi qua làm cây vặn mình răng rắc cũng đủ khiến tôi chết khiếp bởi tưởng tượng ra một thế lực vô hình nào đó đang hiện hữu quanh mình. Mẹ tôi dạy rằng, mỗi lúc con sợ sệt điều gì đó, hãy nhắm mắt lại và niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Dù khả năng hấp thụ của trẻ thơ chẳng là bao nhưng từ đó, câu chú ấy như một niềm tin mà tôi cố vận vào mình để giải quyết mọi vấn đề diễn ra trong cuộc sống. Mùa hè năm 1986, tôi lại sống trong kỷ niệm khi bộ phim Tây Du Ký được trình chiếu. Mỗi khi nghe bản nhạc dạo đầu bộ phim, tôi luôn phải bỏ dở việc đang làm, xin phép mẹ chạy sang nhà hàng xóm kế bên xem ké. Tôi vẫn thuộc lòng đoạn hát: “Thấp thoáng chân mây biết phương nào, thấp thoáng chân mây xa tít mù, về Thiên Trúc còn quá xa, bao khó khăn vượt qua…” Và cứ mỗi mùa hè trôi qua, tôi lại cảm nhận thêm thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải: Người giỏi bao giờ cũng khó khăn trên con đường đi của mình bởi xu thế nịnh hót luôn được ưa thích. Khi gặp phải khó khăn, Tề Thiên Đại Thánh luôn nhờ sự giúp đỡ của các vị Tiên, Phật giống như con người lúc bế tắc tìm đến Phật Pháp để lấy lại niềm tin. Với tôi, dù mỗi tôn giáo có nguồn gốc hình thành, tâm linh, đấng tối cao hay cơ cấu tổ chức khác nhau nhưng chung quy cơ bản vẫn là khơi dậy tính thiện trong mỗi con người bởi thiện và ác chỉ có ranh giới mong manh như sợi chỉ. Biết tôi yêu thích con đường tơ lụa, em gái Khải Đơn tặng tôi quyển sách Muôn dặm không mây của bà Tôn Thư Vân để làm bạn tâm giao. Tôi say mê đọc quyển sách ấy trong hành trình 25 ngày Thái https://thuviensach.vn Lan, Madagascar và Mauritus sau khi nghỉ việc, mặc kệ điện đóm ở Madagascar rất chập chờn. Thú vị ở sự trùng khớp đến 95% với những cung đường tôi đã đi qua dù rằng trước đây chưa từng đọc quyển sách ấy, giúp tôi nhìn lại quá khứ và hiện tại các thành phố Nam Á nằm trên con đường tơ lụa từ khi tôi đặt chân đến quốc gia Nam Á đầu tiên là Ấn Độ vào ngày 6/2/2008. Đồng thời, đó còn là động lực để thôi thúc bước chân tìm hiểu cuộc sống của người bản địa trong thời loạn lạc chiến tranh ở Afghanistan bởi cụm từ “loạn lạc chiến tranh” tôi chỉ nghe qua lời kể của mẹ mà chưa từng được trải nghiệm bao giờ. Khi thời gian lướt qua để lại vài nếp nhăn trên khuôn mặt, tôi cần lắm “giá trị” của những chuyến đi hơn là cái háo hức chinh phục rồi bồng bột tháo chạy như thời tuổi trẻ. Như tên gọi của nó, con đường tơ lụa do những người Trung Hoa sáng lập có từ những năm 220 trước Công nguyên để giao thương tơ, lụa và gấm đến các quốc gia lân cận. Điểm bắt đầu là các thành phố Hàng Châu, Phúc Châu và Bắc Kinh – những nơi nổi tiếng trong việc sản xuất tơ lụa từ việc nuôi tằm lấy kén. Không chỉ sản xuất phục vụ cho hoàng đế và giai cấp quý tộc, người Trung Hoa còn muốn giao thương mặt hàng gấm, lụa của mình đến các quốc gia lân cận như Mông Cổ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lạc đà là phương tiện vận chuyển lúc bấy giờ trên con đường rong ruổi của thương gia qua những vùng đất lạ lẫm về văn hóa. Rome – kinh đô văn hóa sáng chói của người La Mã trong thời cổ đại là điểm đến thèm muốn nhất của đoàn thương gia Trung Hoa trong việc mở rộng thị trường sau các quốc gia Đông Á lân cận đã đi qua. Thành phố Tây An (bấy giờ là Trường An) là điểm tập kết đầu tiên của đoàn người tơ lụa để vượt Trung Á áp sát bờ Địa Trung Hải và từ đây sẽ vượt biển đến Rome vào những năm 30 trước Công nguyên. Con đường tơ lụa còn được gọi là con đường Đông – Tây với nhiều ý nghĩa sâu xa bởi không chỉ tơ lụa mà trên con đường đó còn hình thành việc giao thương các mặt hàng quý giá lúc bấy giờ, những nền tôn giáo và văn hóa hòa quyện vào nhau. Không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại, con đường tơ lụa còn có ý nghĩa về mặt quân sự khi các hoàng đế La Mã, các vị vua Hồi giáo, triều đại nhà Đường Trung Quốc, đế chế Ba Tư và Ottoman, Thành Cát Tư Hãn, https://thuviensach.vn vương triều Mughal đều sử dụng con đường Đông – Tây để cất vó ngựa chinh yên của mình trong việc mở mang bờ cõi. Phật giáo bắt nguồn từ phía Đông Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 trước Công nguyên sử dụng con đường tơ lụa để truyền bá đạo của mình đến các vùng lân cận vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Những vị tu sĩ theo phương pháp tu khổ hạnh quảng bá đạo Phật bằng cách đi ngược lại với người Trung Hoa trên con đường tơ lụa. Theo quy luật sống còn của thời gian, con đường tơ lụa dài khoảng 6.437km đã dần biến mất, rơi vào quên lãng và nó chỉ thật sự sống lại vào thế kỷ 19 khi nhà địa lý học người Đức Ferdinand von Richthofen cho ra đời những quyển sách viết về con đường thương mại cổ xưa có giá trị trong nhiều lĩnh vực. Trong 6.437km của con đường tơ lụa, UNESCO chỉ công nhận di sản văn thế giới ở đoạn từ Tây An đến dãy núi Thiên Sơn nằm giữa biên giới hai nước Kyrgyzstan – Trung Quốc bởi nó giữ lại vết tích giao thoa văn hóa trên con đường ấy, đặc biệt là những động Phật được khắc vào trong các hang núi sâu. Việc tìm lại những thành phố nào nằm trên con đường tơ lụa ở vùng đất Nam Á được các nhà khoa học lần theo vết tích Phật giáo bằng cách xác định đâu là kinh đô hay trường dạy Phật giáo nằm ngoài Ấn Độ. Ngài Trần Huyền Trang là người có công rất lớn giúp các nhà khoa học tìm lại con đường tơ lụa ngày xưa bằng việc đánh dấu các thành phố đã đi qua trong quyển nhật ký ghi lại của Ngài trên đường đi học đạo từ Tây An qua Thiên Trúc. Con đường ấy bây giờ có khi cũng đã biến mất, lúc lại bị chia năm xẻ bảy ra nhiều khúc khác nhau bởi các con đường nhựa hiện đại, hoặc có khi chỉ là con đường đất hoang tàn xơ xác… trên nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng khi được bước chân đi trên những con đường ấy, lòng tôi luôn rộn ràng như tuổi 13 và cứ mơ màng xa xôi về hình ảnh đoàn thương gia với lạc đà cùng với túi hàng gồ ghề trên lưng băng qua cái nắng, cái gió hay cái lạnh thấu xương của sa mạc hoang vu rộng lớn để đến Istanbul, Rome và Venice. Họ đã cất tiếng ca ú a ú ờ để xua đi nỗi nhớ nhà, quyết tâm đến được những vùng đất mới lạ khi năm tháng dần trôi qua trên những cung đường https://thuviensach.vn quanh co có khi chạy cuốn hút vào những dãy núi xa mờ lẫn vào trong chân mây… https://thuviensach.vn Chương IVùng đất Bangladesh đôn hậu và sự tôn sùng Bin Laden của người Pakistan Mùa đông năm 2011, tôi đến Bangladesh để thực hiện cung đường tơ lụa theo các chặng: Dhaka – Bagerhat – Khulna – Paharpur – Puthia. Trong thời cổ đại, Paharpur từng là kinh đô Phật giáo lớn khi ngài Tôn giả Anan đến đây giảng kinh với rất nhiều trường dạy kinh được xây dựng sau đó. Ngôi đền linh thiêng Somapura Mahavihara được xây dựng vào năm 770 được xem là nhân chứng còn sót lại cùng thời gian khi Phật giáo đi theo con đường tơ lụa để quảng bá tôn giáo của mình trên vùng đất Bengal. Trái tim nồng sưởi ấm vùng đất “lạnh” img395 Những chiếc xe đạp lôi ở Bangladesh Không thể tìm được người nói tiếng Anh hỗ trợ, tôi đành nhờ anh cảnh sát điều khiển giao thông trên đường phố bắt giùm một chiếc xe lôi để đến một vài điểm tham quan trong thành phố Dhaka. Tôi nhớ mãi điệu bộ của tôi và anh xe lôi trẻ tuổi Manun lúng ta lúng túng dùng “ngôn ngữ cơ thể” để diễn tả khoảng cách từ chỗ đang đứng đến các điểm tham quan… Những hình ảnh thật đáng yêu! Dhaka từng là vùng đất vàng son của vương triều Hồi giáo Mughal hùng mạnh ở Ấn Độ nổi tiếng với ngôi mộ tình yêu vĩnh cửu Taj Mahal. Trong thời trung cổ (1605 – 1627), Dhaka có tên gọi là Jahangir Nagar (thành phố của vua Jahangir), được đặt bởi vị vua Jahangir với biệt danh “nhà chinh phục thế giới”. Thủ đô Bangladesh chính thức mang tên Dhaka vào năm 1630 và từng là trung tâm thương mại về lụa muslin nổi tiếng của vùng Nam Á. Có lẽ, Bangladesh là quê hương của cây dhaka (cây gièng gièng), một https://thuviensach.vn loại cây cổ thụ có hoa màu đỏ trông rất giống hoa gạo, nên cái tên Dhaka ra đời từ đó. Cũng có thể, tên Dhaka được đặt để tri ân Nữ thần Dhakeshwari trong Hindu giáo đã bảo hộ cho thành phố. Trên chiếc xe lôi của anh Manun, tôi len lỏi trong những ngõ hẹp để đi tham quan những vết tích vương triều Mughal để lại ở Dhaka như pháo đài Lallbagh, thánh đường Hồi giáo Saat, cung điện màu hồng Ahsan Mazil. Những tảng sa thạch đỏ ở pháo đài Lallbagh hay cung điện Ahsan Mazil biến thiên màu sắc theo ánh sáng mặt trời luôn là kiến trúc tuyệt tác riêng biệt của vương triều Mughal trong thời trung cổ và không thể lẫn vào đâu khi so sánh với những kiến trúc khác của thế giới. Tôi cũng ghé qua ngôi đền Dhakeshwari có tuổi đời hơn 800 năm và là ngôi đền Hindu linh thiêng nhất ở Bangladesh. Nhìn tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của Manun và đôi chân anh cố gắng đạp đều đặn theo guồng quay của bánh xe, tôi có một chút “xót xa” trong lòng. Nhưng tôi không thể tìm được phương tiện di chuyển khác bởi xe lôi là phương tiện hữu hiệu nhất ở đây. Dhaka đôi khi được gọi là thành phố của những thánh đường Hồi giáo bởi quanh co trong những ngõ hẹp khoảng vài block nhà là những cột tháp cao liên tục xuất hiện. Mật độ giao thông bắt đầu tăng tốc khi nhịp kim nhích dần trên chiếc đồng hồ đeo tay. Hiện tượng kẹt xe bắt đầu nhộn nhịp trên những nẻo phố. Khác với hình ảnh của các thành phố Nam Á khác, những đoàn xe lôi nối đuôi nhau ở các ngã tư hay một giao lộ nào đó cắt ngang những con hẻm nhỏ. Anh nhân viên bán vé ở pháo đài Lallbagh cho tôi biết, ở Dhaka có khoảng 400.000 chiếc xe lôi hoạt động mỗi ngày. Nó tạo nên nét riêng “đáng yêu” và đôi khi du khách hay gọi là “thành phố của những chiếc xe lôi” hay “trung tâm xe lôi của thế giới”. Ngồi trên chiếc xe lôi của anh Manun vi vu qua những đường phố ở Dhaka, tôi lại nhớ đến hình ảnh đáng yêu của Sài Gòn với những chiếc xích lô hơn hai thập niên trước… img399 Pháo đài Lallbagh ở Dhaka, Bangladesh Trước chuyến đi, tôi nhận được câu hỏi phỏng vấn từ cô nhân viên Đại sứ quán khi xin visa đến Bangladesh: “Anh đến đó làm gì khi đó là vùng đất không an toàn?” Cùng với những thông tin về cộng đồng https://thuviensach.vn Hồi giáo từ các trang báo hay trên Internet khiến tôi luôn nghĩ rằng Bangladesh là một vùng đất rất “lạnh”! Mùa đông đã đến trong thành phố Dhaka, nhưng nó không lạnh như tôi từng nghĩ khi ở Việt Nam. Buổi sáng và tối không khí se lạnh, để rồi buổi trưa nắng vàng hanh xuyên qua từng góc phố. Dhaka còn có những trái tim nồng sưởi ấm “cái lạnh Hồi giáo” trong trái tim tôi. Manun cố gắng vượt qua đám tang trong một con hẻm nhỏ để đưa tôi đến ngôi chùa Phật giáo sớm. Ngay lập tức, Manun được một người lớn tuổi trong đoàn gọi lại để giáo huấn về nghi lễ. Nhìn cách lễ phép của Manun khi lắng nghe giáo huấn, hay cúi đầu xin lỗi khiến tôi “chột dạ” bước đến xin lỗi phụ cho Manun. Một vài cuộc biểu tình đã xảy ra trên đường phố Dhaka. Tôi nhìn đoàn người biểu tình trật tự hô vang khẩu hiệu mà có suy nghĩ khác hơn về người Bangladesh. Đó không phải là hình ảnh ném đá, chửi thề hay chọi bất cứ vật gì của nhóm người khiêu khích vào cảnh sát ở những quốc gia tiên tiến, giàu có mà tôi từng chứng kiến. Ở nơi đó, tôi còn giữ lại hình ảnh đáng yêu trong ký ức của mình những trái tim nồng ấm giúp đỡ tôi đến tận răng khi dặn dò nhà xe đón đưa tôi cho đúng giờ để không lỡ chuyến bay, hay tụm lại thành đám đông bảo vệ tôi sau khi nghĩ nhầm anh phục vụ nhà hàng ức hiếp và chặt chém giá do sự bất đồng ngôn ngữ, hoặc tặng miễn phí những miếng bánh pitha truyền thống ngọt ngào để thử qua… Tôi đi thẳng ra sân bay sau khi trở về Dhaka từ Puthia. Tôi đã thất hứa khi không đủ thời gian ghé lại Dhaka để thăm Manun. Tôi còn nợ Manun một lời xin lỗi! img403 Tuần hành ở thủ đô Dhaka, Bangladesh Thủ phủ Khulna Tôi đi xe buýt đến thủ phủ Khulna khi trời nhá nhem tối, chưa rành đường sá, hầu hết người bản xứ chỉ nói tiếng Hindi, tưởng rất khó khăn tìm nơi nghỉ ngơi, giao tiếp vậy mà không phải vậy. Thấy tôi bỡ ngỡ hỏi đường bằng tiếng Anh, mấy người bán hàng đã ngớ ra, bỏ công việc xúm nhau bàn bạc xì xào, họ túa ra đi tìm người biết tiếng Anh giúp tôi. Sự giúp đỡ nhiệt tình đến mức làm cho tôi có cảm giác nghi ngại. Anh Nahid (người có thể nói tiếng Anh ở đây) đề nghị lấy https://thuviensach.vn ô tô riêng chở tôi đi Bagerhat. Tôi giải thích muốn đến Bagerhat bằng cách đi của chính tôi là xe buýt địa phương, anh ta hướng dẫn tỉ mỉ, sau đó gọi xe lôi đưa tôi đến khách sạn mà tôi cần tìm, dặn dò tôi khi đến nơi hãy gọi điện thoại báo cho anh ta biết. Cảm giác lo ngại dần tan đi. Tôi dần nhận ra người dân ở đây giúp tôi bằng cả trái tim. Trên xe buýt, một hành khách biết tiếng Anh giúp tôi trả tiền xe buýt, ân cần dặn dò lơ xe thả tôi đúng chỗ vì “con đường của những ngôi thánh đường” cách trung tâm thị trấn 2km. Bagerhat dày đặc thánh đường nằm dọc ven hai bên con đường lớn và rải rác trong bán kính 1km. Tất cả mang đậm kiến trúc Tughlaq. Đó là sự pha trộn giữa kiến trúc Thổ – Ấn. Phần thân các công trình mang phong cách của người Ấn hay còn gọi là phong cách Mughal. Tường được ốp đá sa thạch đỏ láng mịn và chạm khắc hoa văn trang trí. Phần mái vòm bên trên các kiến trúc lại mang phong cách của người Thổ với hình dáng đặc trưng là mái vòm hình oval như một nửa của quả địa cầu màu trắng tinh khôi (mái vòm Mughal thường cao đến 2/3 khối cầu). Bác xe lôi hiền từ đưa tôi len lỏi qua những con đường nối chồng chéo nhau trong một khu làng xanh mát bóng cây đến cụm thánh đường. Những câu chào hỏi nồng ấm của bác xe lôi với người dân trên đường làng quanh co như truyền sang tôi sự dịu êm của cảm giác về quê chứ không còn là du khách. Ẩn trong lùm cây là những ngôi nhà “cây nhà lá vườn” rất đặc trưng của Bagerhat: hàng rào là những chiếc lá chuối khô bện lại với nhau, mái nhà là những tàu lá dừa xếp chồng lên nhau, vách che chắn bởi những tấm phên tre. Trong không gian Bagerhat tôi như đi ngược về ký ức tuổi thơ và không gian sinh thái yên bình của miền quê Nam Bộ thời chưa công nghiệp hóa. img407 Thánh đường Hồi giáo 60 mái vòm bằng đá ở Bagerhat, Bangladesh Vào giữa thế kỷ 15, vua Nasiruddin Mahmud Shah của Bangladesh cử giáo sĩ Khan Jahan thay mặt vua truyền đạo Hồi xuống phía Nam. Từ năm 1442 đến 1459, giáo sĩ này xây nhiều thánh đường Hồi giáo ở vùng này. Hiện nay, toàn huyện Bagerhat có 7.815 thánh đường. Có những thánh đường được xây dựng hoàn chỉnh nhưng https://thuviensach.vn cũng có cái dở dang thì Jahan đã qua đời. Nổi bật trong số đó, còn bền vững với thời gian là thánh đường Shait Gambuj, là thánh đường bằng đá đẹp nhất của vùng Nam Á được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo tiếng Hindi, Shait Gambuj có nghĩa là “60 mái vòm” đúng với hiện trạng thánh đường hiện nay. Trên mái có 60 mái vòm hình oval, bên trong cũng có đúng 60 cột nâng mái vòm, vách tường chạm khắc hoa văn theo phong cách Bengal. Đâu đó vang vọng ê a ngân dài những câu kinh Quran. Dù không hiểu được lời kinh nhưng phút chốc tôi bỗng thấy tâm hồn nhẹ nhõm trong không gian và âm thanh trầm ấm. Lăng mộ giáo sĩ Khan Jahan nằm trên ngọn đồi cách Shait Gambuj khoảng 2km. Vẫn theo kiến trúc Tughlaq, lăng mộ không dùng sa thạch nhưng sơn màu đỏ huyền bí. Gần mộ là một hồ nước trong veo bao phủ bởi cánh rừng nguyên sinh. Dọc theo bờ hồ có bày bán những món snack chế biến một cách rất “điệu nghệ” và hương vị rất đặc trưng. Đối với người Nam Á nói chung và Bangladesh nói riêng, món snack là loại đặc sản. Gạo rang nổ nhưng không có bơ như bắp rang bơ ở Việt Nam. Tùy theo khẩu vị của người ăn, người bán sẽ cho một loại nước sốt, một ít hành tây tím sống xắt nhỏ và hương liệu. Người bán sẽ gói giấy lại và lắc đều tay một cách sành điệu để tất cả được hòa quyện vào nhau. Một chút thơm thơm, giòn giòn của gạo rang, một chút nồng ấm của nước sốt cà ri, một chút cay nồng của hành tây… tất cả tạo nên một hương vị rất riêng và rất ngon. Những cột bụi bốc lên cao trên những con đường chưa được tráng nhựa khi một chiếc xe nào đó vội lướt qua. Trên các lề đường, người ta lại ồn ào đổ những túi quần áo ra mua bán khi chiều xuống. Tiếng trả giá, tiếng cười í ới sôi nổi mua bán khắp nơi. Mua bán theo dạng đổ đống trên lề đường luôn là điểm đặc trưng của các thành phố Nam Á mà tôi đã có dịp đi qua. Ít nhiều, các thành phố ở Bangladesh vẫn sạch hơn các thành phố Ấn Độ. Tôi muốn thoát ra sự ồn ào và khói bụi của thành phố Khulna, tìm đến một nơi nào đó yên tĩnh trong lành của miền quê khi buổi chiều đang đến… Bầu trời cuối ngày nhiều mây hơn và chúng gối đầu nằm lên nhau https://thuviensach.vn về phía chân trời. Đâu đó một vài tiếng kêu chíp chíp của những cánh chim đang trên đường tìm về tổ ấm… img411 Món snack nức tiếng của người Bangladesh Tôi ngồi lặng im trên bãi đất trống phía dưới chân cầu và miên man ngắm nhìn dòng sông Rupsha đang lặng lờ trôi. Những cây bắp hay một vài luống khoai được trồng ở những bãi đất bồi hai bên bờ sông, trông giống như sông Hồng đang những ngày mùa nước cạn. Các mảng bê tông còn tươi màu xi măng trên chiếc cầu Rupsha nối liền hai bờ như minh chứng cho việc Khulna đang trở mình để trở thành thành phố công nghiệp lớn thứ ba ở đất nước Bangladesh sau thủ đô Dhaka và thành phố Chittagong. Khulna cũng là thành phố nổi tiếng với các trường đại học trong việc đào tạo về các ngành kỹ thuật, y học và công nghệ nhựa của Bangladesh. Những cánh đồng hoa cải dọc theo đường cứ rung rinh cánh khi một làn gió nào đó lướt qua. Tôi cứ hít hà và giẫy giụa trong hơi thở trong veo của đất trời. Màu vàng của những cánh đồng hoa cải cũng nhạt dần theo những tia nắng. Xa xa, một lão nông dân vẫn còn cặm cụi chắt chiu thu hoạch những hạt lúa đang chín vàng bên đồng hoa cải. Bắt đầu từ Miến Điện trở lên, người ta lại thích sử dụng dầu cải hoặc dầu hướng dương trong nấu nướng thay cho sử dụng dầu dừa và dầu đậu phộng. Những cánh đồng hoa cải vàng ươm cứ trải dài trên những cánh đồng và gối đầu lên nhau khoảng 2 tháng/vụ. Buổi sáng mùa đông, người Bangladesh lại thích ăn những chiếc bánh mì roti được chiên trong dầu hơn là được nướng hay áp chảo. Lượng dầu trong bánh giúp tiêu hóa lâu hơn và giữ cơ thể ấm áp. Roti nhìn giống như một cái bánh tiêu hơn chiếc bánh mì. Nó được nhào nặn từ bột mì và dùng thanh ống tre cán dẹp ra thành hình tròn. Để nhanh gọn phục vụ khách hàng vào buổi sáng, những chiếc roti được đặt lên những chiếc chảo tròn bằng gang cho áp chảo để bột chín và phồng lên hoặc được chiên với dầu. Việc sử dụng bếp gas cũng giúp người bán giải quyết vấn đề nhanh hơn so với việc đốt củi nhóm than. Dầu cải còn được sử dụng khá nhiều trong việc nấu cà ri dù chay hay mặn. Cách thức nấu cà ri của https://thuviensach.vn người Bangladesh cũng khá đơn giản. Thịt gà được lựa chọn nhiều nhất trong các nguyên liệu để nấu cà ri như: bò, cá, cừu… Tôi ghé qua những cánh đồng hoa cải đang đong đưa trong gió để chụp hình. Bangladesh là quốc gia đi lên từ nền văn minh lúa nước và thực phẩm chính trong các bữa ăn chính là cơm, người Bangladesh vẫn còn thiếu rất nhiều thông tin để cải thiện việc canh tác nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Một bác nông dân tốt bụng ngắt những bông lúa đang chín, quấn lại tặng tôi. Năm mới đang đến, chúng có ý nghĩa: sức khỏe, hạnh phúc và thành công. img415 Bác nông dân thắt bông lúa tặng tôi ở Khulna Khách sạn nơi tôi ở gần nhà ga tàu lửa. Những chuyến tàu đêm lại hụ còi và xình xịch lăn bánh trong ánh đèn đêm. Cuộc đời con người cứ như những chuyến tàu, cứ đi về phía trước và đôi khi cũng không biết đi về đâu. Rồi một ai đó sẽ tự hỏi mình: đâu là bến dừng cuối cùng? Trong giấc ngủ chập chờn, tôi lại mơ thấy nụ cười hiền hậu của bác nông dân đang gặt lúa bên những cánh đồng hoa cải vàng ươm. Bên kia cánh đồng, gió vẫn lao xao… Thánh tích Phật giáo Somapura Mahavihara Điều làm tôi sợ nhất trên chuyến tàu từ Khulna đến Paharpur là không biết xuống ga nào bởi tàu chỉ thông báo bằng ngôn ngữ Bengal. Nỗi lo lắng được giải tỏa nhờ anh cảnh sát ga tàu dẫn tôi đến ký gửi cho một gia đình cũng xuống ga Paharpur. Những cánh đồng hoa cải vàng ươm rồi cũng mất hút và biến mất trong tầm mắt của tôi khi tàu lăn bánh. Tàu trở nên náo nhiệt hơn bởi người mua kẻ bán với tiếng rao và những chiếc thúng được đội trên đầu, nhưng âm thanh ồn ào đó vẫn không át được tiếng xình xịch lăn bánh của đoàn tàu trên ray và đôi khi qua những khúc quanh co âm thanh xình xịch lại trở thành những tiếng kêu ken két. Cũng giống như nông thôn Ấn Độ, những người phụ nữ Bangladesh vẫn trung thành với những bộ sari truyền thống khi di chuyển đó đây và lịch sử của bộ sari là điều làm tôi luôn thích thú khi tìm hiểu về nền văn minh https://thuviensach.vn sông Hằng: nó từng được miêu tả hay xuất hiện trong điêu khắc nghệ thuật từ những năm 2.800 – 1.800 trước Công nguyên. Gia đình xuống cùng ga Paharpur ngồi phía đối diện với tôi. Bà mẹ mua cho tôi một gói snack rất ngon mà tôi đã từng thử qua ven bờ hồ khi thăm thú thánh đường Hồi giáo Bagerhat nhưng chưa biết tên. Việc nhơi nhai các loại snack là nét văn hóa truyền thống của người Bangladesh. Mùa đông đang ca vũ khúc của mình với màn sương mong manh khi đất trời đang thời khắc giao thoa giữa ánh sáng và bóng đêm. Bên kia chân cầu, những trái cam đỏ màu da trên các quầy hàng như ánh lửa hồng nhỏ nhoi nhóm lên trong màn sương mờ ảo. Anh chủ khách sạn trẻ đang nấu một nồi nước xông hơi theo cách truyền thống cho vợ anh đang bị cảm với vật liệu chính gồm lá xả và gừng tươi. Cuộc đời anh yên phận với một số vốn khá khá kiếm được sau thời gian đi hợp tác lao động sáu năm ở Dubai được dồn vào một khách sạn nhỏ đón những bước chân lữ khách dọc đường, một cô vợ hiền thấm nhuần tâm linh Hồi giáo và một đứa con trai nối dõi tông đường đã được ba tuổi. Nhưng câu chuyện của anh qua bếp lửa hồng cho tôi cảm nhận rằng tấm lòng của anh vẫn còn đau đáu với quê hương khi nghĩ về lớp người trẻ Bangladesh mong muốn rời khỏi đất nước của mình để được đổi mới cuộc sống mà điểm đến được yêu thích là Malaysia. Lúc đầu tôi nghĩ, tâm hồn anh bình lặng như những ngọn lửa liu riu trên bếp, nhưng không, ngọn lửa ấy vẫn còn bừng lên xáo động khi một cơn gió đông nào đó thổi qua. Là quốc gia lấy nền nông nghiệp làm mũi nhọn kinh tế, nhưng việc làm nông của người dân luôn thất bát do những trận ngập mặn thường niên đến từ vịnh Bengal. Các nhà đầu tư nước ngoài ít chọn Bangladesh là điểm đến bởi họ cho rằng chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn bởi những khoản thuế, đặc biệt hơn, chính sách đó thay đổi xoàch xoạch làm nhà đâu tư chưa thật sự an tâm bởi không có độ bền nhất định. Không có khoản ngân sách từ việc thu hút nhiều đầu tư nước ngoài, chính phủ Bangladesh không thể làm gì hơn trước những cơn lũ và ngập mặn do thiên tai mang lại làm ảnh hưởng nặng nề đến mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của mình dù luôn biết rằng vị trí quốc gia của mình nằm thấp hơn mực nước biển và cần phải có sự cải tiến về cơ sở hạ tầng mới ngăn https://thuviensach.vn chặn được tình trạng đó. Ánh lửa vẫn bập bùng trên bếp, những ngọn gió đông đang thổi qua, nó không lạnh nhưng có một chút ngậm ngùi thương cảm, tôi cảm nhận được hương vị ấy… Ngọn tháp Somapura Mahavihara vẫn hiên ngang thách thức cùng với thời gian khi tôi đến nơi. Trong màn mưa đông mỏng manh, ngọn tháp như thì thầm kể tôi nghe về tâm linh Phật giáo được lan truyền trên cung đường tơ lụa trên vịnh Bengal. Phật tử luôn tin rằng vùng đất Naogaon là nơi ngài Tôn giả Anan đến đây thuyết pháp đầu tiên để rồi cho đến tận năm 770, vị vua Devapala thấm nhuần tư tưởng Phật giáo đáng kính đã cho xây dựng ngôi bửu tháp sau khi chinh phục vùng đất Varendra. Tôi lang thang trong khu khảo cổ học có diện tích 110.000m2 với cấu trúc là một tứ giác khổng lồ với mỗi cạnh dài 275m để tìm lại vết tích khi nơi đây từng là kinh đô Phật giáo lớn nhất của vùng Nam Á với 177 địa điểm nhỏ là các tịnh xá, bảo tháp, đền thờ và trường dạy kinh nằm bên trong. Điều làm tôi lạ lùng nhất khi ngắm nhìn những điêu khắc còn sót lại trên ngọn tháp trung tâm, đó là hình ảnh của tiên nữ Apsara của nền văn minh Khmer được tìm thấy, những tượng Phật được điêu khắc theo kiến trúc truyền thống của nền văn minh Phật giáo Java Indonesia, là những hình ảnh linh vật truyền thống trong Phật giáo được tạc theo kiến trúc Phật giáo Miến Điện… Somapura Mahavihara luôn khác biệt với những kinh đô Phật giáo khác mà tôi từng nhìn thấy trong lần đến Ấn Độ đầu tiên, nó là trung tâm sự giao thoa đan xen của các nền văn hóa Đông Nam Á và Nam Á trên con đường tơ lụa. img423 Vết tích Phật giáo ở cụm đền Somapura Mahavihara, Bangladesh img426 Nét điêu khắc tuyệt đẹp còn sót lại ở cụm đền Somapura Mahavihara, Bangladesh Mùa đông năm 2012, tôi lại tìm đến vùng đất Nam Á khi visa được cấp từ Đại sứ quán tại Hà Nội với thời hạn được lưu trú tại đây đúng https://thuviensach.vn 12 ngày theo lịch trình tôi nộp để được đi trên con đường tơ lụa ở Pakistan qua các chặng Lahore – Islamabad – Taxila – Peshawar – thung lũng Swat. Cung đường này ngài Trần Huyền Trang đã đi qua và ghi lại trong quyển nhật ký của mình sau khi đã qua Afghanistan xuôi về Thiên Trúc. Ngôi nhà cuối đời của Bin Laden Những ngày mùa đông rét mướt ở Pakistan dường như “lạnh” hơn trong trái tim tôi khi quốc gia Pakistan được rất nhiều người nhận xét là vùng đất cực đoan Hồi giáo. Sự cực đoan đó được tỏ rõ qua việc họ tôn sùng ông Bin Laden như một vị Thánh sống trong thời hiện đại khi những bộ kinh Quran chỉ được xem là giáo lý cổ xưa hơn là những hành động thực tế được rút ra từ bộ kinh ấy. Ngày 02/05/2011 như là vết cắt xước qua tim những người Pakistan khi ông bị người Mỹ hạ nhanh trong vòng 15 phút. Người ta kêu gào chính phủ trong nỗi đau vì không bảo vệ được ông và cách để thời gian chữa lành vết sẹo trong tim là họ không bao giờ nhắc tên ông và cũng không chỉ cho ai biết ngôi nhà cuối đời của ông nằm ở đâu trên vùng đất Abbottabad với những ngọn núi tuyết bao phủ quanh năm. Islamabad đang vào mùa đông, nhiệt độ ban đêm là 2 độ C và buổi sáng chìm ngập trong sương mù. Từ khách sạn trên đường số 73, khu G9-3, tôi tìm xe buýt đến thành phố Abbottabad. 98% biển báo giao thông hay các công sở ở đây có hướng dẫn bằng tiếng Anh nhưng ít người nói được tiếng Anh. Có rất ít du khách, người nước ngoài ở Pakistan. Trong 10 ngày lưu lại xứ sở này, tôi chỉ gặp một người Slovakia. Bù lại người dân rất hiếu khách. Một nhóm công nhân kiếm người biết tiếng Anh giúp tôi. Họ bắt giùm tôi chiếc taxi và giải thích: “Giá tuk tuk (còn gọi là rickshaw) và giá taxi như nhau, đi taxi cho nhanh để đến bến xe Pir Wadhai, từ đây bắt xe buýt để đi đến thành phố Abbottabad.” Biết tôi muốn đến thị trấn Bilal, ông bán vé xe kéo tôi lại gần, hỏi nhỏ: “Nói thật đi, có phải là tìm kiếm ngôi nhà cuối đời của ông Bin Laden không?” Ông ta cười thật to với đôi mắt đầy bí ẩn… Cũng giống các thành phố Nam Á khác, việc nhồi https://thuviensach.vn nhét trên xe thật kinh hoàng, chiếc xe 12 chỗ nhét đến 20 người, chưa kể lượng người đu đeo, ngồi trên mui. Đường khá xấu, nhỏ hẹp và có nhiều chốt kiểm tra bởi Abbottabad gần với biên giới Afghanistan và Ấn Độ là khu vực nhạy cảm về mặt quân sự. Tôi dựa vào thành lan can bằng sắt của cửa sổ trên xe để ngủ gà ngủ gật. Thỉnh thoảng, mở mắt tôi thấy đoàn xe xếp hàng dày đặc ở lối vào các cây xăng dù còn mở cửa hay đã đóng. Tôi hỏi những người trên xe về chuyện này. Rất may, có anh Alli biết tiếng Anh vui vẻ trả lời: “Pakistan đang mùa đông, xăng dầu hay gas rất quý hiếm. CNG (công ty trực thuộc chính phủ Pakistan cung cấp xăng dầu và gas) sẽ ngưng cung cấp xăng dầu vào ba ngày tới và giá nhiên liệu sẽ tăng vào đầu năm mới. Những bác tài cố gắng đổ đầy trước khi giá tăng. Tuy nhiên, một số cây xăng lại đóng cửa gây nên tình trạng như thế này…” Tôi mừng rơn, hỏi thăm về ngôi nhà của Bin Laden. Những đôi mắt của họ bỗng long lên nghiêm trọng. Anh Alli gằn giọng hỏi tôi có thích ông Osama Bin Laden không. Tôi lấp lửng: “Bin Laden nổi tiếng khắp thế giới và mọi người đều biết đến ông ta…” Alli dịu giọng chia sẻ: “Đối với người Pakistan, Bin Laden là một vị cha, một vị thánh. Chúng tôi đã không bảo vệ được, để ngài chết trên vùng đất này. Đó là nỗi đau…” Tôi cố gắng phân bua: “Abbottabad là thành phố rất đẹp, tôi muốn đến đó ngắm cảnh. Nếu được phép, tôi muốn có bức ảnh ngôi nhà như là kỷ niệm đẹp với đất nước Pakistan.” Họ lại xì xầm và cái nhìn bớt hằn học hơn. Anh Irshad, một thanh niên Pakistan cùng đi trên xe, nhìn tôi cười bí hiểm. Xe đến thành phố Abbottabad sau ba giờ hành trình… Mọi người cùng xuống xe, tôi lại hỏi thăm đường đến ngôi nhà Bin Laden. Đáp lại là những câu trả lời lạnh lùng: “Không biết.” Anh Irshad ngắt nhẹ vào tay tôi và đi về phía trước. Chờ anh Irshad đi một đoạn, tôi đi theo. Cứ thế anh đi phía trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Qua những khúc đường quanh co, khuất hẳn bến xe, chúng tôi mới đi song https://thuviensach.vn song với nhau. Tôi hỏi anh Irshad: “Bạn biết ngôi nhà cuối đời của ông Bin Laden chứ?” Anh Irshad giải thích: “Đó là ngôi nhà hai tầng nằm ở thị trấn Bilal của thành phố Abbottabad rộng khoảng 208m2. Phong tục ở phía Bắc Islamabad gia đình giàu có thường xây một hàng rào bằng gạch. Ngôi nhà đó cũng rào gạch, được cho là của một thương gia vàng bạc người Afghanistan nhưng thời gian ông ta ở Afghanistan nhiều hơn là ở Abbottabad. Chẳng ai biết Bin Laden dọn vào ở khi nào. Nhưng cứ mỗi buổi sáng có chiếc xe màu đen chạy ra và mỗi buổi chiều lại chạy vào. Thời gian còn lại ngôi nhà cứ đóng cửa im ỉm.” Thấy tôi chú ý, anh Irshad hào hứng kể: “Ngôi nhà chẳng cho ai vào thu rác. Rác được để ngoài cổng và những người dọn rác lại lấy đi. Những nhà gần đó tò mò quan sát, chỉ thấy những đứa trẻ nô đùa ngoài sân. Internet và điện thoại không phát triển ở vùng đồi núi này, có lẽ quân đội Mỹ phát hiện ra ngôi nhà này bởi nó phát sóng và nhận sóng nhiều nhất.” Tôi nôn nóng đề nghị gọi taxi đến đó, anh Irshad nói: “Cam đoan với bạn không taxi nào nhận lời…” Tôi lần lượt gọi ba chiếc taxi nhưng họ đều từ chối. Anh Irshad cũng gọi và nói chuyện bằng tiếng địa phương, nhưng tài xế vẫn lắc đầu, anh phải cố gắng thuyết phục rất lâu mới được đồng ý. Lối vào ngôi nhà quanh co như vào một đường làng, qua ba đến bốn khúc cua ổ gà đầy nước. Xe dừng, tôi hăm hở tiến về ngôi nhà, anh Irshad ngăn lại: “Đừng đến gần, hãy chụp ảnh từ xa và cố gắng càng nhanh càng tốt.” Tôi nấn ná, đưa máy ảnh nhìn ngắm dãy đất trống chỉ còn lại dấu vết nền móng của ngôi nhà, anh Irshad tỏ vẻ tức giận: “Bạn không phải là người bạn tốt. Bạn hứa là chụp một tấm ảnh duy nhất nhưng tại sao ở lại đây khá lâu?” Xa xa có ba người đàn ông đứng tuổi đang cầm gậy tiến đến chúng tôi với vẻ mặt hậm hực, chúng tôi vội vàng nhanh chóng rút lui. Trên xe, anh Irshad giải thích với tôi: “Hai ngày sau khi người Mỹ tấn công, thông tin mới được công bố. Nhiều người hiếu kỳ đổ xô đến đây. Chính phủ cho đập ngôi nhà đó đi. Xây dựng nhiều ngôi nhà khác chung quanh và đưa dân về đây lập thị trấn mới. Tôi ngạc nhiên biết rằng anh Irshad sống gần ngôi nhà đó. Sau những cái ôm chia tay thắm thiết, anh dặn: “Bạn viết gì thì cứ viết nhưng đừng đưa ảnh tôi lên https://thuviensach.vn mạng. Nếu bức ảnh được phát tán, cuộc sống của tôi sẽ bị đe dọa. Người Pakistan thuộc dạng 50/50, yêu thích bạn họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì bạn thích, khi bạn chọc vào nỗi đau, họ lại sẵn sàng giết chết bạn. Đừng bao giờ nói xấu về Bin Laden, đừng tranh luận về tôn giáo khi bạn đang ở Pakistan.” img433 Tác giả tại ngôi nhà bị chính phủ đập đi của Bin Laden Chợ phiên Islamabad Cũng như ở Bangladesh, mỗi một thành phố ở Pakistan từng nằm trên con đường tơ lụa xa xưa luôn cho tôi những câu chuyện không thể quên mà qua những câu chuyện đó tôi hiểu rằng thế giới vô cùng rộng lớn như một sa mạc hoang vu nào đó mà đoàn người lạc đà chỉ là những cái bóng liêu xiêu rồi biến mất vào trong sự bao la vũ trụ. Họ chỉ để lại sự vương vấn cho đời như những cánh hoa bồ công anh bung nở khi mùa xuân đến và chỉ khi nào người ta chứng kiến tận mắt thì mới hiểu được nét đẹp qua những vũ điệu ban đêm của những sợi tơ bồ công anh ở một góc tối sáng nào đó trên con phố nhỏ. con đường tơ lụa ngày xưa đã biến mất, nhưng tôi lượm lặt trên con đường thương mại cổ xưa ấy những giá trị văn hóa luôn tồn tại với thời gian. Tôi hay bị đánh thức bởi những chú quạ ríu rít tiếng kêu vào mỗi buổi sáng ở Islamabad. Dường như chúng làm tổ đâu đó trên một cành cây mọc cạnh ngay khách sạn. Ông mặt trời luôn ngủ muộn trong chiếc chăn ấm của mình là các khối mây vô hình dáng vào những ngày mùa đông. Islamabad được phủ đầy những bóng cây xanh trên những trục đường chính và khá sạch sẽ. Khác với những thủ đô khác, Islamabad không chia thành các quận mà chia thành từng khu và được ký hiệu theo chữ cái alphabet. Những khu này nằm song song với đại lộ chính Faisal với các bộ ngành và kết thúc đại lộ là thánh đường Hồi giáo mang tên Faisal. Tại trung tâm Islamabad, rất khó tìm ra những ký hiệu để tôi nhận biết đây là một thành phố thuộc khu vực Nam Á bởi ẩn thoáng trong https://thuviensach.vn những hàng cây xanh trên những quả đồi là những khu chung cư được xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Yên bình, nên Islamabad phù hợp cho việc nghỉ dưỡng. Mặt khác, Islamabad là điểm trung chuyển khá lý tưởng trên trục đường đến thung lũng Swat được ngắm nhìn dãy Himalaya chạy ngang vẫn còn phủ đầy tuyết vào mùa hè và những hồ nước xanh màu ngọc bích nằm vắt vẻo qua những đồi thông. Tầng lớp giàu có ở Pakistan đổ xô đến đây mua đất và xây cất lên những biệt thự xa hoa nằm yên tĩnh dưới những hàng cây. Mùa hè rồi cũng qua, các ông chủ biến những biệt thự thành khách sạn “tạm thời” không đóng thuế cho những du khách lỡ bước đến đây. Chỉ cần bước đến vùng ngoại ô của Islamabad, những đặc trưng của các thành phố Nam Á lại tái hiện rõ mồn một: Mua bán trên mọi lề đường với những mặt hàng chất đống diễn ra trong bầu không khí vô cùng sôi động, những chiếc xe buýt, xe tải đầy màu sắc, chất người cao ngất trên mui và bấm còi inh ỏi dọc ngang khắp phố, và người ta tự do thải rác xuống những bãi rác to đùng trên những dòng sông nước đen kịt… img437 Thánh đường Hồi giáo Faisal ở thủ đô Islamabad, Pakistan Noel chỉ mới qua vài ngày và năm mới của phương Tây đang đến, nhưng trên đường phố của thủ đô Islamabad không thấy bất cứ một tín hiệu nào chào đón sự kiện này. Anh Mohamed – tiếp tân khách sạn nơi tôi đang ở chia sẻ: “Trong kinh Quran có câu: Không có thánh thần nào khác ngoại trừ Thánh Allah và các thiên sứ của Ngài. Chúng tôi chỉ có niềm tin duy nhất vào Thánh Allah và chỉ tổ chức những sự kiện lớn chào đón những gì liên quan đến Ngài. Noel và năm mới là của người phương Tây. Năm mới của chúng tôi dựa theo con trăng và lịch cổ của người Ba Tư, thường rơi vào tháng 3 được gọi là Nowruz…” Điều duy nhất làm tôi khá ngạc nhiên về Pakistan bởi nó khá tương phản với lời nói của anh Mohamed, trong khi các nước đậm chất Hồi giáo Ba Tư ở khu vực Trung Đông thực hiện ngày nghỉ cuối tuần là thứ Năm và thứ Sáu thì ở Pakistan ngày nghỉ cuối tuần vẫn là thứ Bảy và Chủ nhật? Anh Mohamed tiếp tục giải thích: “Trước https://thuviensach.vn đây chúng tôi vẫn thực hiện ngày nghỉ cuối tuần là thứ Sáu. Tuy nhiên, do mở rộng về kinh tế để cạnh tranh với Ấn Độ, chính phủ quyết định đổi sang ngày nghỉ vào Chủ nhật cho phù hợp.” Tôi lang thang đến chợ phiên cuối tuần lớn nhất Islamabad nằm ở góc đại lộ Agha Shani. Giống như các ngôi chợ Hồi giáo khác, những ông chủ của các quầy hàng là nam giới. Những thứ rau củ, hoa quả tươi ngon nhất được chắt chiu dung dưỡng dành cho ngày Chủ nhật. Chợ nhóm họp từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ chiều vào những ngày mùa đông, mùa hè sớm hơn một tiếng và kết thúc muộn hơn một tiếng. Những chiếc xe hơi, taxi và dòng người đi bộ dường như đổ dồn về góc đường Shani, bởi ai cũng cần có nhu cầu về rau quả để chuẩn bị thức ăn cho cả tuần sau. Bãi đậu xe chẳng còn một chỗ trống. Trước đây, chợ chỉ chuyên bán các mặt hàng rau củ quả. Do nhu cầu gần đây, nên chợ đã mở thêm các gian hàng phục vụ cho việc mua sắm những vật dụng cần hàng ngày như: ly, chén… Dòng người đến chợ theo thời gian ngày càng đông hơn, nhu cầu ăn uống trong lúc đi mua sắm là cần thiết, nên ban quản lý cũng đã mở thêm các quầy hàng bán thức ăn nhanh. Dù mở thêm các quầy hàng mới, nhưng chợ vẫn thực hiện phương châm lúc mới mở: nói đúng giá các mặt hàng. Một số người buôn bán không đúng “tiêu chuẩn” của chợ như quần áo và các loại hạt rang, không được phép mua chỗ ngồi bên trong chợ thì phục vụ khách hàng bằng cách đổ đống ven theo các đường đi bên ngoài chợ. img441 Một góc chợ phiên Islamabad Khác hẳn bất cứ một ngôi chợ nào trong các quốc gia tôi đã đi qua, chợ ở Pakistan chủ yếu bán vải vóc lụa là hoặc một số vật dụng cần thiết trong trang trí nhà cửa. Chợ bán rau củ hoa quả và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày chỉ được nhóm phiên vào mỗi cuối tuần. Đến hẹn lại lên, chợ phiên cuối tuần luôn tấp nập bởi kẻ bán, người mua. Vào ngày cuối tuần, mọi con đường ở Islamabad đều dẫn đến https://thuviensach.vn chợ phiên và trong tôi chợ phiên ấy mang bản sắc văn hóa đậm đà của người Ba Tư. Những ngọn gió đông trở mình trong đêm Peshawar Tôi đến Peshawar sau hai tiếng ngồi xe từ Islamabad. Cô nhân viên hãng xe Daewoo từ chối bán vé xe cho chặng tiếp theo từ Peshawar vào thung lũng Swat do chưa có giấy phép thông hành được cấp bởi quân đội. Tôi muốn vào thung lũng Swat thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa bởi năm xưa đoàn lạc đà thương gia đã ven theo đường mòn quanh co trong các hẻm núi để băng qua dãy núi Hindu Kush chạy dài từ Kabul đến Pakistan. Thung lũng Swat được xem như là điểm tập kết trung gian trên con đường tơ lụa từ Afghanistan đến Pakistan và phong cảnh thiên nhiên nơi đây tuyệt đẹp. Nằm ở biên giới giữa ba nước Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan nên Swat là vùng cấm đối với du khách nước ngoài. Tôi giải thích và đưa visa Pakistan cho cô xem: visa chỉ được lưu trú đúng 12 ngày thì làm sao tôi có thể xin kịp giấy phép trong khi theo quy định chờ ít nhất 7 ngày mới có thể nhận được. Cô nhẹ nhàng trả lời tôi: Hãng xe Daewoo uy tín nhất Pakistan luôn lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu trong việc kinh doanh, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hãng nếu phát hiện ra việc đi “lậu” vào Swat. Cô giúp tôi bằng cách hướng dẫn đến bến xe địa phương để mua vé đi vào Swat và chuyến đi này mang tính chất “hên xui” nếu bị quân đội phát hiện. Trạm kiểm tra thứ nhất tôi qua được khi họ chỉ nhìn mặt sơ sài số người đang hiện diện trên xe qua ô cửa sổ. Trạm thứ hai, anh quân đội leo thẳng lên xe và yêu cầu mọi người đưa lên trước mặt tấm hộ chiếu hoặc giấy chứng minh tùy thân. Tôi bị phát hiện ngay bởi hộ chiếu của tôi quá khác biệt với hộ chiếu của người Pakistan rằn ri những chữ Urdu phía trước. Tôi bị mời xuống xe dù anh tài xế năn nỉ phụ hãy cho tôi một cơ hội đi vào Swat. Anh quân đội cao ráo với nước da bánh mật vui vẻ giải thích cho tôi hiểu mối nguy hiểm luôn rình rập bên trong Swat bởi không ai có thể phân biệt đâu là Taliban, đâu là người Afghanistan hay Pakistan lương thiện bên trong thung lũng ấy. Giấy phép chỉ cấp cho các công ty du lịch lữ hành nếu muốn vào trong đó bởi người ta hiểu địa https://thuviensach.vn hình bên trong thung lũng và biết cách xử lý khi xảy ra sự cố, nghĩa là tôi phải mua tour và chờ 7 ngày sau mới được đi tour vào trong thung lũng. Anh tử tế bắt hộ chiếc xe buýt để tôi quay lại và căn dặn tài xế chở đến khách sạn quen, giá rẻ mà người chủ có thể nói tiếng Anh để hỗ trợ bởi Peshawar là một thành phố chưa bao giờ im tiếng súng. Ông chủ khách sạn độ chừng 50 tuổi reo mừng khi biết tôi đến từ Việt Nam. Vừa điền tên vào sổ, ông cho tôi biết ông từng có một năm sống tại Việt Nam. Tôi ngạc nhiên khi nghe đề nghị hãy để ông giữ hộ chiếu của tôi cho đến ngày tôi rời khỏi Peshawar. Ông giải thích: Thế chú em trước khi đến đây không biết rằng Peshawar là một tỉnh biên giới nổi tiếng buôn bán vũ khí qua biên giới Afghanistan!? Bên kia Peshawar là thủ phủ Taliban thuộc Afghanistan. Loạn lạc ở Peshawar không chỉ đến từ phiến quân Taliban mà còn là những viên đạn lạc đến từ các băng đảng giang hồ thanh toán lẫn nhau bởi vũ khí được bán một cách công khai tự do ở Peshawar. Gần đây nạn bắt cóc đòi tiền chuộc là vấn đề nan giải của chính quyền tỉnh Peshawar. Những ngọn gió đông đang trở mình trong bóng đêm, tôi cảm thấy lạnh quá! Ông Waqas, người chủ khách sạn, gọi với theo khi tôi định bước ra ngoài, tôi cho ông biết muốn băng qua đường đến khu chợ đêm nằm đối diện với khách sạn mua một chút gì đó ăn tối. Ông khoác vai tôi và cùng đi đến một nhà hàng được ông đánh giá hương vị ăn được, giá bình dân nằm cạnh khu chợ đêm. Xem tôi như đứa em trai nhỏ đang ở trên vùng đất nguy hiểm cần được bảo vệ che chở, ông quên mất hành động khoác vai là một điều cấm kỵ ở quốc gia Hồi giáo. Đêm đó, tôi không sao ngủ được và bên ngoài ô cửa sổ vẫn là ngọn gió đông liêu xiêu đi hoang giữa những ánh sao đêm. Lang thang qua những vùng miền miên viễn xa xôi mà chúng tìm thấy sự tự do trong bao la đất trời, chưa bao giờ từng tự hỏi mình được sinh ra từ đâu nhưng chúng đã làm cho tôi rét cóng và bơ vơ trong chiếc mền cũ kỹ của khách sạn với giá 5 USD/phòng. Sáng hôm sau, tôi đến Ủy ban Peshawar và vẫn hy vọng Phòng Nội vụ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cấp giấy thông hành sớm cho phép tôi vào thung lũng Swat. Dù được sự trợ giúp nhiệt tình của anh Ullah – người làm trong Phòng Nội vụ – nhưng tôi vẫn phải chờ https://thuviensach.vn ít nhất ba ngày sau mới có giấy phép được cấp bởi quân đội Pakistan. Không có nhiều thời gian ở Pakistan, tôi quyết định bỏ Swat đi Lahore bằng chuyến xe buýt lúc 14 giờ của hãng xe Daewoo – Hàn Quốc. Với thời gian rảnh rỗi trong lúc chờ xe đi Lahore, tôi ghé qua khu phố cổ, pháo đài Bala Hisar cùng bảo tàng Peshawar để tìm hiểu lại con đường tơ lụa cổ xưa đi cùng với Phật giáo lưu truyền đến đây. Peshawar dường như rất yên bình nằm dọc theo dòng sông Bara, một nhánh của dòng sông Kabul và được ngọn núi Shahji-ki Dheri với những đám mây luôn ngủ hững hờ trên đỉnh bao quanh, nhưng bên trong lòng phố cổ lại là những ngọn sóng cồn cào không dứt. Khu phổ cổ Peshawar vẫn nhộn nhịp như thời xa xưa khi từng là trung tâm kinh tế sầm uất trên con đường tơ lụa ở vùng đất Phật từng có tên gọi Gandhara. Tôi lang thang đi tìm những gì giao thoa văn hóa trên con đường tơ lụa còn sót lại ở Peshawar bằng việc đi vòng quanh và ngắm pháo đài Bala Hisar. Trong tiếng Ba Tư, Bala Hisar có nghĩa là “độ cao” và tên pháo đài cũng đã chứng minh về sự vĩ đại của nó trong thời cổ đại với chiều cao của những bức tường thành là 27m và rộng trên diện tích độ chừng 60.000m2. Trong quyển sách Peshawar – thành phố pháo đài lịch sử được xuất bản năm 1995, giáo sư Ahmad Hasan Dani cũng là tác giả quyển sách có đoạn viết rằng: Năm 630, ngài Huyền Trang đi ngang và ghé qua Peshawar, ông đã vào bên trong pháo đài và đó cũng chính là nơi ở của hoàng gia. Tôi đến tháp đồng hồ Ghanta Ghar để hiểu rằng chiếc đồng hồ nằm trên nóc tháp là chiếc đồng hồ thứ hai trong cặp đồng hồ độc nhất vô nhị dùng làm quà tặng cho Nữ hoàng Elizabeth khi tiểu lục địa Ấn Độ còn là thuộc địa của người Anh. Một vài người thả bộ và dừng chân ở tháp Chowk Yadgar sau một phiên chợ đông đúc, họ thầm lặng bên khuôn viên nhỏ nhắn tưởng nhớ đến những người Pakistan đã nằm xuống trong cuộc chiến với người Ấn Độ vào năm 1965. Bên trong ngôi thánh đường Hồi giáo Mahabat Khan được xây dựng từ năm 1630 bằng việc cắt và ghép những tảng đá cẩm thạch trắng lớn là những câu kinh ê a không dứt của một thầy tu nào đó. Dù không là tôn giáo của tôi, nhưng câu kinh trầm bổng luôn làm tôi cảm thấy nhẹ lòng, mọi thứ dường như vứt lại bên ngoài, chỉ còn lại sự linh thiêng huyền bí giữa không gian và thời gian. Kiến trúc mặt tiền ngôi thánh đường tuyệt đẹp, nó gợi nhớ sự oai hùng trên vó ngựa chinh yên https://thuviensach.vn trên đường đi mở cõi của vị Hoàng đế điển trai Shah Jahan nhưng vẫn nặng lòng yêu thương thủy chung với Hoàng hậu Mumtaz mà người ta luôn ca tụng đó là tình yêu bất diệt. Bảo tàng Peshawar Tôi đi giữa lòng khu chợ Khwani ở khu phố Qissa mà nghĩa của Khwani là “người kể câu chuyện” để hít hà hương thơm gia vị, ngắm nhìn sắc màu của thảm, thưởng thức những cây trái mùa đông hay tìm được những món quà lưu niệm nhỏ xinh được làm từ da của những chú trừu. Bất chợt giựt mình khi tôi được các anh bán hàng lôi vào con hẻm nhỏ nằm sâu trong những dãy nhà phố để chào bán các loại vũ khí cá nhân mà theo các anh giải thích có thể trang bị tự vệ cho bản thân. Tôi thoái thác bằng cách giải thích không kịp chuyến xe đến Lahore nếu phải đứng đây khá lâu chọn cho mình món vũ khí ưng ý. Bảo tàng Peshawar mang đến cho tôi sự thích thú với những món cổ vật được thu thập trên con đường tơ lụa xưa kia gồm tranh, gốm sứ và các tượng Phật. Thu hút tôi ở bảo tàng Peshawar chính là bàn chân, sợi tóc của Đức Phật mà nó chính là biểu tượng Phật giáo trên vùng đất Gandhara ngày xưa hay nói một cách ngắn gọn hơn là nghệ thuật Gandhara. Nghệ thuật Gandhara chú trọng nhiều đến việc điêu khắc bàn chân và đầu của tượng Phật thường được mạ vàng bên ngoài. Qua các tác phẩm, bàn chân Đức Phật luôn được diễn tả rất to, đầy đặn và các nghệ nhân tin rằng đó chính là kích thước thật ngoài đời của Ngài. Sự đầy đặn và to lớn về kích thước được diễn giải là sự cao quý của một vị thánh nhân theo quan điểm của người xưa. Trên tất cả các ngón chân của Đức Phật đều có khắc hình chữ Vạn với ý nghĩa mang đến sự tốt lành. Giữa bàn chân là một bánh xe nhiều nan tượng trưng vòng Pháp Luân cũng là giáo lý của Phật giáo xoay chuyển không dừng và cũng là mặt trời đang soi rọi cho chúng sinh vượt qua bể khổ. Trên gót chân của Ngài được điêu khắc một vòng hoa sen với ý nghĩa thanh tịnh và thuần khiết, phía trên hoa sen là một chỉa ba tượng trưng cho chân lý, bất diệt và tối cao. Điển hình trong nghệ thuật Gandhara khi tạc đầu tượng Phật là đôi mắt có hình quả hạnh nhân luôn xếch về https://thuviensach.vn đuôi mắt và có con ngươi trong mắt. Vầng trán rộng thể hiện sự thông thái và đôi tai lớn thể hiện sự phúc hậu trường tồn. Con mắt thứ ba giữa trán Đức Phật còn gọi là “bạch hào” được các nghệ nhân thực hiện khéo léo rõ nét bởi đó là biểu tượng cho thấy Ngài có khả năng nhìn được mọi sự việc diễn ra trong tương lai lẫn quá khứ. Tóc của Ngài được điêu khắc theo kiểu dợn sóng với ý nghĩa sự phóng khoáng tha thứ cho các Phật tử của mình lầm lỡ trong cõi trần đời. Nghệ thuật Gandhara ảnh hưởng nhiều nghệ thuật Hellenistic của người Hy Lạp theo dấu chân chinh phạt của ngài Đại đế Alexander cùng với con cháu của mình lạc đến vùng Nam Á. Hình ảnh Đức Phật qua các bức tượng phảng phất hình ảnh các vị thần trong những bộ kinh sử Hy Lạp trên các đồng tiền cổ. img454 img458 Những tượng Phật cổ quý giá còn sót lại trên con đường tơ lụa trong bảo tàng Peshawar Lahore – kinh đô vàng son của đế chế Mughal hùng mạnh Từng được đi xe buýt chất lượng cao ở một số quốc gia tiên tiến khác, nhưng tôi phải khâm phục cách quản lý của người Hàn Quốc khi liên doanh với Chính phủ Pakistan thành lập công ty vận tải tại đây. Với câu slogan “Dream Journey – chuyến đi mơ ước”, hãng xe Daewoo khiến tôi có cảm giác là đi máy bay hơn là đi xe buýt. Một trang web được thành lập để khách có thể mua vé, check-in và đặt số ghế ngồi trên xe. Từ cách đưa hành khách ra ga số mấy, tag và biên nhận hành lý, nhận hành lý ở quầy nào… giống như là một chuyến bay đang vận hành. Bên trong xe, một cuốn tạp chí mang tên Hamani Manzilen được xuất bản hàng tháng luôn đặt trước mặt hành khách để đọc giải trí. Hộp bánh được thiết kế chuyên nghiệp phát cho hành khách nhấn mạnh biểu tượng Daewoo giống như các hãng hàng không áp dụng trên đường bay ngắn. Cứ một tiếng đồng hồ, cô tiếp viên đi phục vụ nước một lần và cho phép hành khách có nhiều sự lựa chọn khác https://thuviensach.vn nhau về thức uống. Cứ khoảng một tiếng rưỡi, anh tài xế lại thông báo với hành khách số kilômét đoạn đường đã đi qua, còn khoảng bao lâu sẽ đến thành phố tiếp theo. Ngôn ngữ được thông báo bằng hai thứ tiếng: Urdu và tiếng Anh. Thật ấn tượng! Tôi đến Lahore sau sáu tiếng đi xe từ Peshawar. Lahore đang những ngày mùa đông, nhiệt độ ban đêm xuống chỉ còn 8 độ. Mặc cho đội quân xe tuk tuk bao lấy tôi và nói tiếng Anh khá sõi, nhưng tôi vẫn thoát ra ngoài bến xe để tìm một tuk tuk khác. Tôi đưa tên khách sạn cần đến trong khu phố cũ để anh tuk tuk đang trờ xe đến chở đi. Dù không biết tiếng Anh, nhưng anh ta cứ kêu tôi lên xe và sẽ thoả thuận giá cả sau. Cái nháy mắt của một anh tuk tuk khác nói sõi tiếng Anh với anh ta khiến tôi hiểu rằng tôi sẽ bị “chém” về giá cả. Trời tối, tôi cũng không định hình được khoảng cách xa như thế nào. Anh tuk tuk đưa ra giá 1.200 rupee, cò kè qua lại, tôi đạt thỏa thuận 1.000 rupee. Anh tài xế tuk tuk lại không biết đọc chữ, nên cũng không biết khách sạn của tôi nằm ở đâu. Anh ghé vào một tiệm ăn ven đường để hỏi thăm có ai biết tiếng Anh giúp tôi. Chị Salah, một nhân viên ngân hàng đang dùng bữa trong tiệm, sau khi giới thiệu với tôi đôi điều, nét giận dữ thể hiện trên khuôn mặt chị khi biết rằng anh tuk tuk sẽ nhận từ tôi 1.000 rupee. Chị cao giọng bằng ngôn ngữ địa phương. Anh này cũng không vừa gì khi hầm hố gân cổ cãi lại. Mọi người xúm lại đông đúc để xem. Tôi cũng không hiểu họ nói gì, nhưng qua thái độ và cử chỉ tôi đoán ra rằng chị đang bênh vực cho tôi. Chị quay qua giải thích với tôi: Giá từ đây vào khu phố cũ chỉ 300 rupee mà anh ta lại lấy của tôi đến 1.000 rupee! Chị Salah nói: “Tôi không biết khách sạn của bạn nằm ở đâu, nhưng tôi đã hướng dẫn anh ta tìm một khách sạn giá rẻ, an toàn để bạn tiện đường đi lại ở khu phố cũ. Khi đến nơi hãy gọi điện thoại cho tôi và chỉ trả 300 rupee cho anh tuk tuk.” Anh ta đưa tôi đến khách sạn sạch đẹp chỉ dành cho người Pakistan với giá chỉ 10 USD. Tôi tip 100 rupee nhưng anh kiên quyết không nhận. Anh ta ra dấu hiệu cho tôi hiểu rằng, chính chị Salah không cho phép anh ta nhận thêm bất cứ đồng nào. Trong mắt tôi, chị Salah đã là một “đại sứ du lịch”. https://thuviensach.vn Rảo bước trên những nẻo đường Lahore trong một ngày lạnh giá, tôi luôn nhận được những lời chào, cùng với những đôi bàn tay gọi mời vào sưởi ấm quanh bếp than hồng được đốt từ lá và củi khô. Một tình cảm ấm áp đã len lỏi giữa những con người không cùng chung màu da và tiếng nói trên vùng đất xa lạ. Người Pakistan luôn có câu nói: Nếu Islamabad là một cái đầu nóng thì Lahore chính là trái tim nồng ấm bởi vùng đất này từng là một trong những kinh đô vàng son của đế chế Mughal hùng mạnh (1584 – 1598) và đã đi vào bài thơ nổi tiếng của nhà thơ người Anh John Milton viết vào năm 1670 với đoạn: “Agra và Lahore, hai kinh đô rực rỡ của đế chế Mughal vĩ đại.” img463 Ấm nồng giữa Lahore trong những ngày mùa đông Một Lahore chói sáng nghệ thuật trong lịch sử trung cổ khi Hoàng đế Aurangzeb cho xây dựng pháo đài Lahore, thánh đường Hồi giáo Badshahi, cổng chào Badshahi và khu vườn Shalimar theo kiến trúc chảy tràn Ba Tư luôn soi bóng mình xuống dòng sông chảy qua lòng phố được đặt tên Ravi nhằm tôn vinh Nữ thần Durga, nữ thần chiến thắng của cái thiện trên cái ác. Người Pakistan luôn có lý lẽ của mình khi gọi Lahore là cái nôi văn hóa, nghệ thuật bởi thành phố lớn thứ hai ở Pakistan quá giàu tính lịch sử do sự giao thoa văn hóa trên con đường tơ lụa cổ xưa giữa Hindu, Phật giáo, Hy Lạp cổ đại, Hồi giáo, người Sikh và người Anh. Vùng đất giàu có Lahore được đặt tên để tôn vinh Thần Lava con trai của Thần Rama trong những bộ kinh sử Ramayana và ngài Huyền Trang đã ghi vào quyển nhật ký của mình khi đến đây vào năm 630: “Một thành phố rộng lớn với hàng nghìn hộ sinh sống, là vùng đất nằm về phía Tây sát biên giới vương triều Cheka, nơi dòng sông Indus đổ vào sông Beas và cũng là vùng đất tôn nghiêm của các vị Bà La Môn.” Hoàng đế Aurangzeb, người con thứ ba của vị Hoàng đế Shah Jahan và Hoàng hậu Mumtaz ngự trị Lahore từ năm 1658 đến năm 1707 đã thực hiện nghiêm khắc luật Hồi giáo qua bàn tay thép mặc cho những người Lahore tâm quá thấm nhuần tôn giáo Hindu có kêu gào phản đối. Nhưng nếu được sống lại một lần nữa, những người https://thuviensach.vn Lahore xưa sẽ ngả mũ chào trước những công trình đồ sộ còn sót lại vẫn luôn có giá trị lịch sử dù thời gian trôi biền biệt mãi mãi không bao giờ quay lại chốn xưa. “Cái nôi văn hóa nghệ thuật” ở Lahore còn được xác định qua hàng trăm bảo tàng với những bộ sưu tập đồ sộ mà các bảo tàng Phật giáo ở các quốc gia khác luôn thèm muốn và Bảo tàng Lahore là một trong những bảo tàng đáng xem khi tôi muốn tìm hiểu Phật giáo. Trên các bức tường ở lối vào bảo tàng treo những bức tranh theo nghệ thuật Sadequain để tôn vinh họa sĩ người Pakistan Sadequain Naqqash với trường phái vẽ tranh rất riêng và có tầm ảnh hưởng từ thập niên 1940 đến nay. Bên trong bảo tàng là những mẫu vật về cách trang trí một cánh cửa nghệ thuật với những hoa văn điêu khắc rất đặc trưng trên gỗ của vương triều Mughal và người Sikh, là những bức tranh quý giá có niên đại khoảng 100 năm trở lại của vương triều Mughal, người Sikh và người Anh, là những nét điêu khắc trên đá của nền văn minh thung lũng sông Indus, nghệ thuật Gandhara, nét văn hóa của người Tây Tạng hay người Nepal, là những bức tranh Phật giáo được vẽ theo nghệ thuật Pahari xuất phát từ những ngọn núi cao trong dãy Himalaya. img467 Pháo đài Lahore, Pakistan Buổi sáng là những tia nắng trong veo len lỏi qua thánh đường Hồi giáo mà nơi đó chỉ có ê a những câu dài sám hối cho những tội lỗi trần gian. Những câu kinh ấy được truyền âm dẫn nhập qua từng bức tường sa thạch đỏ bên trong thánh đường tạo thành âm thanh rền vang như thức tỉnh loài người thoát khỏi u mê, rời xa những cám dỗ thường tình của cuộc sống. Việc truyền âm qua các vách ngăn của bức tường thành còn có tác dụng truyền và nhận tin giữa những người lính với nhau khi kinh đô bị kẻ thù tấn công. Các thánh đường Hồi giáo trung tâm được xây dựng dưới thời của các vương triều Mughal luôn có điểm khác biệt như thế. Buổi sáng tinh mơ luôn khởi đầu cho nhiều hoạt động mà ở thánh đường Hồi giáo con người sẽ tìm thấy sự “trong trắng” trong những câu kinh Quran để lấy đó làm kim chỉ nam cho hành vi mang tính nhân văn của mình. https://thuviensach.vn Buổi chiều khi những tia nắng đã đủ “mạnh”, chúng phản chiếu lên các bức tường thành vững chãi của pháo đài Lahore được xây dựng từ những khối sa thạch vàng. Người Lahore sẽ soi rọi vào chiếc gương ấy để thấy được sức mạnh cả dân tộc mình đi cùng với lòng quyết tâm trước vó ngựa cùng đế giày của quân thù. Sắc màu Pakistan Với mọi người, Ấn Độ luôn là nền văn hóa đại diện cho “sắc màu” Nam Á, nhưng với tôi: Trong các quốc gia Nam Á đã đi qua, Pakistan là quốc gia thể hiện rõ nhất phần “sắc màu” đặc trưng của vùng Nam Á. Sắc màu nổi bật của những chiếc khăn, bộ sarong, áo truyền thống shalwar kameez như những đốm lửa hồng trên từng góc phố sưởi ấm mùa đông rét mướt. Bỏ qua mặt hàng gia vị đầy màu sắc đặc trưng như các quốc gia Nam Á khác, sắc màu Nam Á ở Pakistan còn thể hiện trong các khu chợ qua thực phẩm ăn uống, vật dụng hàng ngày như: thực phẩm, trái cây, dép, dây thừng, chỉ may, hoa văn dán tường... Mọi thứ dường như có sắc màu riêng cho chính chúng và tôi như lạc trong thế giới của những bức tranh được vẽ bởi chính mình lúc còn bé khi rảo quanh các khu chợ. Anh Khan – chủ một quầy hàng vải trong chợ Azam cho biết: “Người Pakistan ăn mặc rất sắc màu, đặc biệt những gam màu nổi. Tùy từng mùa trong năm mà họ sẽ chọn gam màu để may áo. Khăn choàng là vật quý giá nhất đối với người nữ, đẳng cấp giàu hay nghèo cũng được xác định qua chiếc khăn này và chúng cũng thể hiện sắc màu khác nhau theo từng mùa.” Công nghiệp vải và sợi được xem là ngành công nghiệp xương sống ở Pakistan sau nông nghiệp. Là ngành nghề truyền thống nên chỉ cần len lỏi qua những ngõ hẹp trong các khu chợ, tôi luôn bắt gặp những máy dệt thủ công hay nhuộm vải của tư nhân. Sự ăn mặc màu sắc đặc trưng theo mùa của người Pakistan cũng khiến những người thợ may và thợ nhuộm nhỏ lẻ ăn nên làm ra. Chỉ cần bước qua năm quầy hàng quần áo, sẽ xuất hiện một quầy hàng chuyên may, sửa và nhuộm với những dụng cụ luôn sẵn sàng phục vụ. Khách hàng cũng chẳng cần phải đợi lâu: chỉ cần 10 đến 30 phút, sẽ nhận được những mặt hàng đã yêu cầu sửa hay nhuộm. https://thuviensach.vn Anh Syed – thợ nhuộm nổi tiếng ở chợ Azam chia sẻ: “Khăn choàng là vật được nhuộm nhiều nhất trong ngày. Khoảng một tháng người nữ nhuộm khăn một lần. Chỉ cần khoảng 20 phút sau khi nhuộm (10 phút nhuộm và 10 phút phơi khô), họ sẽ có một chiếc khăn với màu sắc mới. Để được màu ưng ý, họ thường đem mẫu vật gốc đến đây. Mỗi một chiếc khăn nhuộm màu đơn thường có giá 50 PKR (khoảng 10.000 đồng), nhuộm đa sắc giá sẽ cao hơn. Những người giàu có thường yêu cầu nhuộm khăn màu sắc đơn giản, nhưng họ lại chú trọng đến hoa văn được vẽ trên khăn. Việc này đòi hỏi kỹ năng khéo léo của người thợ…” Với một ngày làm việc liên tục nhuộm khăn đông đúc khách hàng, anh Syed có thể kiếm được khoảng 10 USD. Anh Syed cho biết thêm: “Hầu hết thiếu niên đều chọn nghề nhuộm để học việc bằng cách phụ giúp những thợ nhuộm có tiếng trong các khu chợ. Khi chính thức bước vào đời, họ thường chọn nghề dệt làm hành trang cho cuộc sống. Cứ tiếp nối theo truyền thống, 90% lao động trong các nhà máy dệt đều không được đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp.” Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền công nghiệp dệt của Pakistan có phần chững lại khoảng vài năm trở lại đây trước áp lực cạnh tranh quá lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Những máy móc trong các nhà máy vẫn còn quá lạc hậu, cũ kỹ và tình trạng giá xăng dầu không ổn định hay thiếu hụt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tiếng nước trong nồi nhuộm đang réo sôi, anh Syed pha bột màu vào đấy. Chiếc đũa tre trong đôi tay anh lại nhảy múa trên chiếc khăn đang chuyển màu… Với tôi cả sắc màu Pakistan dường như nằm trong đôi tay ấy. https://thuviensach.vn Chương IINew Delhi và những câu chuyện nhỏ Những kẻ lữ hành khác rỉ vào tai tôi, nếu Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE) đóng vai trò là người cha khi giải quyết công ăn việc làm cho một số người Afghanistan thì Ấn Độ lại là người mẹ cung cấp thức ăn hàng ngày cho những đứa con ở vùng đất bị từ chối. Đại sứ quán Afghanistan luôn nhẹ nhàng trong việc cấp visa cho người Ấn Độ. Sau chuyến đi Madagascar, tôi khăn gói quả mướp quay lại Ấn Độ với hành trình hơn một tháng tại đây để thực hiện ước mơ kết nối tất cả con đường tơ lụa trên vùng đất Nam Á. Trở lại New Delhi img476 Cổng chào tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ Tôi trở lại thủ đô New Delhi vào ngày 12/04/2015. Câu hỏi đầu tiên tôi nhận được từ anh trưởng phòng visa Afghanistan tại New Delhi: “Tại sao muốn đến Afghanistan, đó là một quốc gia không an toàn cho khách du lịch!” Tôi nhanh nhảu trả lời: “Tôi muốn được đi lại trên cung đường tơ lụa ngày xưa!” Anh đẩy hộ chiếu tôi ra và nói: “Bạn hãy đến Đại sứ quán Việt Nam nằm ở khúc quẹo cuối con đường này, yêu cầu họ làm giấy xác nhận đồng ý cho bạn đi thì tôi mới tiến hành làm thủ tục visa cho bạn.” Tôi đẩy lại hộ chiếu vào bên trong và tiếp tục trình bày: “Lạy Trời, Đại sứ quán Việt Nam không ai làm chuyện đó đâu. Tôn giáo của tôi là Phật giáo, tôi muốn được đến các kinh đô Phật giáo thời cổ đại. Tôi đã từng đến kinh đô Phật giáo thời cổ đại ngoài Ấn Độ như Kandy ở Sri Lanka, Taxila ở Pakistan, Paharpur ở Bangladesh. Ở Afghanistan từng có hai kinh đô Phật giáo là Djeladabad và Bamyan. Tuy nhiên, Djeladabad là thủ phủ của Taliban nên tôi https://thuviensach.vn không thể đến, riêng Bamyan vẫn có phiến quân Taliban ở một vài đoạn đường, nhưng tôi sẽ cố gắng. Hãy trao cho tôi cơ hội đó.” Vừa nói, tôi vừa trình qua các visa tôi có cho anh ta xem. Anh ta lại tiếp tục đẩy hộ chiếu ra và yêu cầu tôi đến Đại sứ quán Việt Nam, tôi lại đẩy vào. Cầm hộ chiếu của tôi trên tay, anh ta do dự và hỏi tôi: “Bạn biết gì về con đường tơ lụa ngày xưa ở Afghanistan?” Tôi đáp: “Có hai nhánh chính đổ vào Afghanistan từ các quốc gia Trung Á. Từ Uzbekistan và Tajikistan, con đường tơ lụa đổ vào và hợp nhất thành nhánh chính tại Bamyan. Từ Iran và Turkmenistan, con đường tơ lụa đổ vào và cũng hợp thành nhánh chính tại Bamyan. Từ Bamyan, đoàn người ngựa tiến về Pakistan để đến Ấn Độ, một quốc gia được xem là “viên ngọc gia vị” của Nam Á về thương mại. Đó là lý do tại sao tôi muốn đến Bamyan.” “Bạn đã làm tôi xiêu lòng rồi đấy! Lệ phí visa 80 USD và năm ngày sau đến lấy.” Anh ta mỉm cười với tôi. Trong một lần đi công tác miền Tây với anh bạn người Nhật. Tôi được kể cho nghe về chuyến công tác của anh tại Ấn Độ với sơ kết: Một đất nước đa dạng về văn hóa, dơ bẩn không thể tưởng tượng và con người rất là khủng khiếp. Bỏ qua tình trạng dơ bẩn của Ấn Độ và con người Ấn Độ (ở đâu mà không có người tốt, kẻ xấu), tôi bắt đầu chú ý đến nền văn hóa Ấn Độ. Ấn Độ có tên cổ là Thiên Trúc, là nơi sinh trưởng ra bốn tôn giáo lớn trên thế giới: Hindu giáo (Ấn Độ giáo), Phật giáo, Kỳ Na giáo và Sikh giáo. Nền văn minh Ấn Độ được hình thành trên cái nôi “văn minh Ấn Hà” từ năm 1500 – 1200 trước Công nguyên và trải qua rất nhiều thời kỳ: thời đồ đá, thời đồ đồng, thời tiền cổ, trung cổ, cận đại, thuộc địa, hiện đại… Tôi đến Ấn Độ – Nepal theo lịch trình: Mumbai – New Delhi – Agra – Lumbini – Kathmandu vào những ngày cuối đông đầu xuân 2008. Trễ hơn 20 phút so với thời gian dự kiến, máy bay đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji của Mumbai. Vừa ra khỏi ống lòng, liếc nhìn đồng hồ đúng 12 giờ đêm Việt Nam và là 10 giờ 30 phút tại Ấn Độ. Vừa làm thủ tục nhập cảnh trong lòng tôi vừa thầm nguyện cầu cho gia đình và bạn bè được bình an trong năm mới. Tôi đến khách sạn YMCA nằm ở khu phố cũ Mumbai nhưng https://thuviensach.vn khách sạn từ chối tiếp nhận do tôi chưa đổi tiền rupee để trả tiền phòng. Mặc dù tôi nài nỉ người quản lý giữ trước của tôi 100 USD, hôm sau tôi sẽ đi đổi tiền rupee nhưng họ cũng từ chối. Được một anh địa phương tự nguyện dẫn đường đến dãy khách sạn bình dân nằm cách YMCA khoảng 200m tôi đã chọn được khách sạn qua đêm với giá 20 USD/đêm và ông chủ chấp nhận giữ cọc của tôi 100 USD. Khách sạn nằm trong khu chung cư và đường vào khách sạn phải lên một dãy cầu thang. Chuyện đáng tiếc xảy ra khi anh dẫn đường đòi tôi tiền tip. Tôi quay sang bảo rằng: Anh tự động giúp tôi, sao giờ lại như thế, nếu anh muốn lấy tiền tip thì phải lấy từ ông chủ khách sạn. Tôi quay sang ông chủ khách sạn nói: Ông hãy giúp tôi giải quyết vấn đề này, nếu không tôi sẽ tìm khách sạn khác. Ông ta bèn bước lại nói chuyện với “người đưa đường” bằng một tràng tiếng Hindi. Anh ta đành bỏ đi và không quên buông lại những câu chửi thề bằng tiếng Anh. Ấn Độ “ấn tượng” trong tôi ngày đầu tiên như thế. Trở về khách sạn sau một ngày rong chơi ở Mumbai, tôi thanh toán tiền phòng để mai đi sớm lên New Delhi nhưng ông chủ khách sạn đã tự động đi đổi 100 USD của tôi với tỉ giá thấp hơn nhiều so với ngân hàng sáng nay. Đành chấp nhận như thế! Chuyến bay của tôi đi New Delhi vào lúc 9 giờ 30 phút sáng. Không giống như các sân bay quốc tế khác, sân bay nội địa của Mumbai tách riêng ra hẳn với sân bay quốc tế và khoảng cách từ trung tâm Mumbai đến sân bay nội địa là 15km. Tôi đón taxi phía trước nhà nghỉ và thỏa thuận được giá 200 rupee cho chuyến đi ra sân bay. Xe đang bon bon trên đường thì bác tài xế quay lại nói với tôi: Anh phải trả thêm cho tôi 200 rupee, giá tôi thỏa thuận với anh lúc đầu chỉ là giá chở hành lý của anh thôi. Thấy thái độ cương quyết của tôi, bác tài xế cho xe lăn bánh tiếp với thái độ càu nhàu và chửi gì đó lầm thầm trong miệng, tốc độ taxi dường như bắt đầu chậm lại để câu giờ cho trễ chuyến bay. Do không đọc kỹ mã ký hiệu chuyến bay nên tôi đi lộn vào nhà ga của hãng hàng không Ấn Độ thay vì Jet Airways. Nhanh chóng tôi quay lại hỏi anh bảo vệ nhà ga nếu đi bằng taxi từ đây đến nhà ga của Jet Airways mất bao nhiêu tiền, anh ta đáp là 50 rupee. Tôi ngoắc taxi thì được báo giá là 150 rupee. Cò kè qua lại, chúng tôi đi đến giá cuối cùng là 100 rupee. https://thuviensach.vn Không giống như Mumbai, thủ đô New Delhi rợp bóng cây xanh bên đường từ sân bay vào trung tâm thủ đô và đặt rất nhiều tượng Thánh Gandhi. Khác hẳn với các con đường mặt tiền lớn của thành phố New Delhi, các con đường nhỏ nối liền với đường lớn dơ không thể tả: hàng đống rác nhếch nhác, bò và quạ lang thang, phân bò nhiều vô số kể… và khu Main Bazaar nơi tôi đang ở cũng không ngoại lệ. Những người bạn của tôi luôn cho rằng hương vị cà ri của người Ấn rất ngon, rất đậm đà nhưng tôi không thể ăn được dù nhiều lần cố thử hương vị nức tiếng của gói cà ri nị mà ngày xưa mẹ tôi thường gọi có hình ảnh một người đàn ông Ấn với bộ râu mép và màu da ngăm. Các quầy tạp hóa ở khu Main Bazaar chủ yếu vẫn bán khoảng 50 loại bột cà ri hoặc các nguyên liệu để chế biến cà ri, trong đó không thể thiếu ớt khô. Thức ăn sáng của người Ấn Độ chủ yếu là cà ri và bánh mì chapati nên trên quầy bán thức ăn sáng không dưới 10 loại cà ri. Có lẽ, khu phố Main Bazaar là nơi sinh sống của tầng lớp lao động nên các loại cà ri được bày bán trên các quầy hàng ăn sáng thường là cà ri rau củ. Người Ấn Độ ăn bốc và chỉ dùng tay phải khi ăn, bàn tay ấy thoăn thoắt vừa xé bánh mì chapati vừa quện các hạt đậu trong dĩa cà ri vào miếng bánh. Tôi sợ hương vị cà ri đến mức không dám tiếp xúc nhiều với họ bởi vẫn còn đó thoang thoảng mùi cà ri bám vào những ngón tay vệ sinh không kỹ. Những bữa ăn “cứu sống” thân thể của tôi trong những ngày ở Ấn Độ thường là bánh ngọt cùng các loại trái cây. Buổi chiều, tôi đến ngọn tháp Qutub Minar do vua Hồi giáo Qutub Ud Din Aybak xây dựng vào đầu thế kỷ 12. Ông chỉ hoàn thành được tầng một của tháp với chiều cao 28,93m và các triều đại sau đó xây dựng và tu sửa hoàn chỉnh như ngày nay. Ở Ấn Độ, sau kỳ quan Taj Mahal và pháo đài đỏ, Qutub Minar thu hút rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài bởi những nét điêu khắc tuyệt đẹp về những câu kinh Quran trên cột đá sa thạch đỏ. Chuyện đáng tiếc lại xảy ra khi tôi quay về nhà trọ, chạy một khoảng đường, ông tài xế xe tuk tuk dừng lại chỉ vào một con hẻm ngoằn ngoèo và hướng dẫn: Chỉ cần băng vào con hẻm này, đi bộ khoảng 100m nữa là anh sẽ tới khu Main Bazaar. Tin lời ông, tôi một mình đi vào con hẻm đó, nhưng không tìm thấy khu phố tôi đang ở. Hỏi thăm người địa phương thì biết rằng khu Main Bazaar cách đây 4km nữa và tôi phải https://thuviensach.vn tốn tiền cho chiếc tuk tuk khác để về Main Bazaar. Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện của những bạn Singapore và Malaysia khi nói về tính cách người Ấn: “Tính cách của người Ấn giống như là Thần rắn Ananta Shesha luôn đi cùng với Thần Vishnu trong truyền thuyết Hindu giáo. Thần rắn ấy nhiều đầu xoay xở khắp các phương kể cả có thể quay cắn người đối diện dù trước đó đầu phía trước của nó luôn tỏ ra ngọt ngào…” Mùi hương đậm đà của cà ri, sự nhếch nhác trong các hẻm nhỏ hay những trận cãi vã kịch liệt với cánh tài xế xe tuk tuk… của bảy năm về trước luôn làm tôi chưa có cảm hứng để quay lại Ấn Độ. Tôi vẫn biết, “nền văn hóa sông Hằng” là nền văn minh lớn, đa dạng, trải dài từ Nam lên Bắc hay từ Đông qua Tây. Ngay cả, ngày Tết cổ truyền của họ không trùng ngày và giống nhau ở từng bang bởi mỗi bang đều có sắc màu tâm linh rất khác nhau. Những gì thuộc về “văn hóa sông Hằng” đã lẩn trốn một cách vô hình vào đâu đó trong những ngăn ký ức, để rồi tôi chẳng buồn khơi chúng thức giấc trong những cuộc tán gẫu với bạn bè. img484 Qutub Minar – biểu tượng sức mạnh của vương triều Mughal tại New Delhi, Ấn Độ Trong thời gian chờ đợi nhận visa Afghanistan, tôi lại mải miết thực hiện hành trình đi theo dấu chân của ngài Dalai Lama xa tít trên vùng Kashmir. Tôi nhắn với anh trưởng phòng visa sẽ nhận visa trễ do phải đi một vài địa điểm khác và cũng chẳng biết làm gì ở New Delhi bởi đây là lần thứ hai quay lại. Anh cười và trả lời tôi qua điện thoại: “Cho thêm thời gian suy nghĩ có quyết định đi Afghanistan hay không, nên nhớ nơi đó là vùng trũng chiến tranh!” Nhờ ông chủ và anh nhân viên hàng không tốt bụng, tôi đã quay lại New Delhi từ Srinagar bằng bản hộ chiếu photo. Tôi nhận visa Afghanistan trễ hơn bốn ngày so với dự kiến ban đầu. Những cơn gió lành lạnh sớm mai của những ngày trước đã biến mất, chỉ có những giọt nắng lung linh đang nhảy múa trên con phố Main Bazaar. Chúng cầm tay nhau hòa tấu lên những giai điệu trong https://thuviensach.vn bản giao hưởng mùa hè nóng bỏng với nốt cao đỉnh điểm là 50 độ C vào buổi trưa. Tôi nhớ lại đêm đầu tiên đến Muscat, Oman, anh tài xế taxi Nuwan nói với tôi rằng, nhiệt độ ở Oman có thể lên đến 54 – 55 độ C vào mùa hè, tôi vẫn còn bán tín bán nghi về nhiệt độ ấy. Nhưng hôm nay, ở Ấn Độ tôi tin rằng, anh Nuwan nói đúng bởi bên kia vịnh Ả Rập chỉ toàn những đụn cát chạy dài về phía chân trời. Nếu với người Oman, kahwah là nước uống đặc trưng giải nhiệt mùa hè hay khi đi vào sa mạc, thì người Ấn lại chọn giải pháp khác: ăn một chiếc bánh tiêu chiên và uống một ly nước cam vào buổi sáng, cơm trắng ăn cùng yaourt không đường vào buổi trưa và buổi tối mới là bữa ăn chính trong ngày. Những viên đá nhỏ trở thành xa xỉ phẩm, chúng vội tan nhanh để lại những vị thanh tao thơm tho mùi cây trái trong những ly nước giải khát. Những quả lựu óng ánh màu đỏ tươi luôn quyến rũ những kẻ lữ hành đang khát cháy cổ họng mỗi khi bình minh đến và nó là ly nước ép giải nhiệt hiệu quả và đắt giá nhất trong các loại. Trong những ngày tôi ở Ấn Độ, Nepal bị những trận động đất nối tiếp xé nát quảng trường Durbar ở Kathmandu đến thương tâm. Ở mọi nơi, tận trong các hang cùng ngõ hẹp New Delhi, người ta chỉ nói và bàn tán những câu chuyện về sự tàn phá quá khắc nghiệt của thiên nhiên. Những quán ăn, cửa hàng… đều mở tivi thường trực để xem những bản tin về cái chết đầy nước mắt không được báo trước. Những làn điệu dân ca Dohori cùng với vũ điệu Rudra Tandava từ Thần Shiva của người Nepal đang tắt lịm dần trên những dãy núi Himalaya. Dù từng được các chuyên gia cảnh báo nhưng không ai mảy may nghĩ rằng nó đến quá sớm. Vốn dĩ xưa kia, tiểu lục địa Ấn Độ là quần đảo tách rời và nằm chơi vơi ngoài Ấn Độ Dương. Những hoạt động âm thầm trong lòng đại dương khiến tiểu lục địa càng xích lại và khăng khít với đại lục. Một phần của tiểu lục địa bị tách rời và đẩy trôi xa đến tận châu Phi tạo thành những hòn đảo đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Khi nhắc đến Ấn Độ, người ta thường thêm tiếp đầu ngữ “tiểu lục địa” phía trước như một cách nhấn mạnh về vị trí địa lý của nó trước khi gắn vào đất liền. Nepal là điểm tiếp giáp của https://thuviensach.vn tiểu lục địa Ấn Độ vào đại lục. Mối lương duyên ấy tạo thành những cơn sóng cuồng thịnh nộ cùng với việc đẩy những dãy núi từ trong lòng biển dâng cao để tạo thành dãy núi Himalaya huyền thoại ngày nay. Sự vận động trong lòng đất và đại dương diễn ra không ngừng nghỉ và những cơn giận dữ của chúng đã xé toạc Kathmandu một cách không thương tiếc. Giống như bao kẻ lữ hành khác, tôi thường lui tới quán cà phê Kathmandu nằm đoạn giữa trên con phố Main Bazaar trong những ngày này. Một banner đã được giăng trước mặt tiền quán: “Lợi nhuận chúng tôi có được sẽ được chuyển về đóng góp xây dựng lại quê hương Nepal.” Tôi luôn thấy ấm lòng mỗi khi đến đây và đọc những dòng chữ ấy, dù rằng số tiền tôi có thể đóng góp cho quán cà phê nhỏ bé này chẳng đáng bao nhiêu. Quán cà phê Kathmandu vô tình trở thành “lữ quán hội ngộ” cho những người yêu thích chủ nghĩa xê dịch. Nơi đây, những kẻ lữ hành dù có tinh quái, ma mị đến mấy đều phải im lặng vài giây để tưởng niệm cho những gì đang xảy ra ở Nepal. Mọi người có thể chia sẻ mọi thứ về Nepal qua những ly trà sữa màu vàng nâu, những chiếc bánh nóng hòa quyện trong từng giọt cà phê thơm, những quyển sách hay… trong bầu không khí vô cùng trang nghiêm pha lẫn nỗi xót xa… Câu chuyện bắt nguồn từ nỗi nhớ… “Con đường Main Bazaar và cả Ấn Độ đã thay đổi quá nhiều, đã 20 năm rồi đấy con ạ!” Một bà mẹ bắc ghế ngồi đối diện và mở đầu câu chuyện với tôi như thế. Trên tay bà vẫn nắm chặt chiếc gậy màu gỗ mun đen và đôi mắt ngó xa xăm về cuối con đường, nơi có những giọt nắng buổi sáng vàng ươm đang vuốt ve nóc thánh đường Hồi giáo đã xỉn màu với lớp bụi thời gian. Như phép lịch sự khi giao tiếp với một người xa lạ nào đó, tôi chẳng hỏi tên và tuổi của bà nhưng theo đoán chừng, bà khoảng 70 tuổi đến từ “thành phố thiên thần” Los Angeles, Mỹ. Tôi mời bà ly trà sữa được pha chế theo cách truyền thống của người Ấn, nhưng bà từ chối và nói rằng mình vừa uống xong. Bà chỉ muốn ngồi đây đôi lát để ngắm lại con đường. Dĩa Pad Thai được tôi cuộn vào miệng nhanh hơn khi có người trò chuyện. Nhấm nháp từng giọt cà phê sáng, tôi cùng bà sống trong https://thuviensach.vn kỷ niệm xen lẫn với hiện tại cho lần đầu đặt chân đến đây. Với tôi chỉ 7 năm, nhưng với bà đã là 20 năm. Bà nói đúng, con đường Main Bazaar đã thay đổi khá nhiều sau ngần ấy thời gian. Những đống rác to đùng hay những bãi phân bò đã được những người lao công dọn dẹp vào mỗi buổi tối. Những cửa hàng tiện ích mọc lên nhiều hơn xen lẫn với các cửa hàng lưu niệm. Những ngõ hẹp vòng vèo từ con đường ấy dẫn vào các nhà trọ bình dân cho khách du lịch hay người bản địa trọ qua đêm để bắt kịp những chuyến tàu cũng đã sạch sẽ hẳn ra. Nơi gần cuối con đường, ngã ba vòng xoay đầy rác ấy đã hoàn toàn khác hẳn. Nhiều quán cà phê cao tầng mọc lên để rồi những buổi chiều khi thời tiết dịu hơn, tôi hay chui lên đấy uống cà phê và ngắm nhìn dòng người đầy màu sắc trong bộ trang phục truyền thống sari với mái tóc dài tết bím đang tấp nập lướt qua phố. Nam Á luôn có tiếng nói riêng trong “sắc màu”, bởi đó là vùng đất mà nền công nghiệp dệt và nhuộm rất phát triển để xuất khẩu các mặt hàng vải, lụa, áo quần may sẵn đi khắp thế giới. Tôi chẳng dại gì mang quá nhiều áo quần trong hành lý của mình khi đến Ấn Độ. Tôi có thể chọn mua một vài chiếc áo thun hay những chiếc quần jean được bày bán khắp nơi với giá rẻ để thay đổi hàng ngày. Người ta nói rằng, Ấn Độ là quốc gia có hiện tượng mù sương quanh năm bởi chúng được tạo thành từ sự luân chuyển giữa không khí trên cao và những hạt cát nằm trên mặt đất. Bạn cũng sẽ không bao giờ thấy mây bay giữa bầu trời trong xanh dù đang là mùa hè nóng bức. Những cụm mây trắng chỉ xuất hiện nhiều khi Ấn Độ chuẩn bị vào mùa mưa và khoảng thời gian đó tương đối ngắn ngủi trong năm. Trên con phố nhỏ, khi hoàng hôn đến đậm hơn, những làn khói mù bay trong không khí lại trốn lẫn vào những ánh đèn đêm. Ẩn thoát trong bóng đêm lãng đãng khói sương là tiếng lách cách vòng quay xe đạp của một ông lão nào đó với chiếc khăn quấn quanh phần dưới cơ thể đang cố đưa khách hàng của mình đến nhà ga tàu lửa trung tâm. Đôi vai ông run run và thỉnh thoảng lạc bánh khi chiếc xe chẳng theo ý mình bởi nó đã quá cũ kỹ. https://thuviensach.vn Mọi thứ dường như đều thay đổi, nhưng nhà ga xe lửa trung tâm nằm ngay đầu đường Main Bazaar vẫn vậy. Nó vẫn tiếp đón dòng người đen kịt với những bước chân rầm rập đến đây dù sáng hay đêm. Nó vẫn là trung tâm phân phối sự ồn ào náo nhiệt của kẻ đến, người đi xen lẫn trong tiếng huýt còi liên tục của các anh cảnh sát. Trong sự huyên náo ấy, tôi vẫn tìm thấy một chút gì rất đặc trưng của người Nam Á nói chung và Ấn Độ nói riêng: những kiện hàng to tướng được gói bằng những tấm vải cột chặt bởi dây thừng và được cõng vác trên đôi vai của thân chủ. Những chiếc bánh làm quà tặng luôn đặt trong những chiếc hộp tươm tất và tất cả nằm trong túi xách được dệt bằng lưới màu xanh rất riêng. Người Nam Á luôn bận bịu vì hành lý cồng kềnh của mình khi di chuyển! Người Đông Nam Á vốn ngại béo phì, còn với người Nam Á, “mập” là sự thịnh vượng mà không phải ai cũng có thể có được. Người phụ nữ giàu có về tinh thần lẫn vật chất, con đàn cháu đống phải là người có thân hình phốp pháp. Hình dáng Nữ thần Mahakali luôn soi rọi và ở trong tim những người phụ nữ Ấn Độ! Những chiếc bánh truyền thống quá ngọt cũng là nguyên nhân khiến việc tăng cân càng nhanh chóng hơn. Chủ nhà sẽ hài lòng nếu bạn đến chơi nhà với quà là hộp bánh trên tay. “Tao nhớ Ấn Độ quá con trai ạ!” Bà nói với tôi sau khoảng 5 phút im lặng. Tôi hỏi bà: “Thế bà đã tìm thấy những gì ở Ấn Độ mà khiến bà mang nỗi nhớ ấy suốt 20 năm qua?” “Tao tìm thấy rất nhiều điều thú vị trong hành trình ba tháng ở đây. Mày biết đấy, những gì ở Ấn Độ, tao không bao giờ tìm thấy trên đất Mỹ.” Bà trả lời tôi với đôi mắt màu xanh trong và đôi mi màu vàng óng dường như đang lơ đãng và chìm dần vào quá khứ xa xôi… Đó là những bản trường ca trên vó ngựa oai hùng của các vương triều Mughal trên đường mở cõi lấy lại những vùng đất tưởng chừng như mãi mãi thuộc đế chế Ba Tư. Cột tháp Jam được dựng lên ở tỉnh Ghor, Afghanistan như là minh chứng về sự kiêu hãnh của những vị hoàng đế điển trai trên gót giày https://thuviensach.vn chinh phạt của mình nối liền dãy đất từ Bangladesh qua đến Afghanistan thành một lãnh thổ thống nhất. Trên con đường tơ lụa từ Âu – Á trong thời trung cổ để đổi lấy những gia vị quý hiếm chỉ có tại Ấn Độ, những kiến trúc, đền đài, lăng tẩm, sân vườn của các nền văn hóa khác nhau lại lưu lạc đến đây. Chúng tạo thành sự riêng biệt và đóng đinh cho “dấu ấn” của các vương triều Mughal. Các kiến trúc ấy mang hơi thở của người Ba Tư trong các sân vườn rộng lớn bao quanh đền đài, một chút đong đưa đầy quyến rũ của đế chế Ottoman trên các mái vòm, những câu kinh Quran điêu khắc đầy tính nghệ thuật của người Hồi giáo đến từ bán đảo Ả Rập trên các bức tường, hay một vài vết tích của người La Mã trên những hàng cột chạy dài đến xa tít khỏi tầm mắt trong những công trình, hoặc một ít cổ xưa của vương triều Pagan, Miến Điện trong các ngôi đền nhỏ nằm quanh các ngôi đền chính, là những bức tranh của nền văn minh sông Hoàng Hà của văn hóa Trung Hoa được bày trí trong các cung điện… Nhìn tổng thể, chúng là những phần tử kết hợp với nhau một cách khéo léo, uyển chuyển nhịp nhàng để tạo nét tinh hoa trong các công trình. Người Ấn không gọi các vương triều Mughal là những người sao chép “kiến trúc Tughlaq” của người Thổ được thịnh hành và lan truyền qua các quốc gia khác từ đầu thế kỷ 15, bởi trong tổng thể ấy luôn có những “dấu ấn” nhất định: những bông hoa đầy màu sắc bằng đá quý được sắp đặt theo lề lối khác hẳn, những tảng đá cẩm thạch trắng được chồng chất trên những viên sa thạch màu đỏ. Chúng tạo thành một nét rất riêng không lẫn vào đâu khi nói về nghệ thuật Mughal. Dĩ nhiên, câu hỏi của tôi quá bất ngờ, nên bà cũng khó khăn lôi ra những kỷ niệm trên vùng ký ức từ Đất Phật để kể hết cho tôi nghe những gì bà đã có tại đây. Tôi cũng như thế, chỉ khi nào nhìn lại hình ảnh trong khoảng không gian riêng tư nhất định, tôi mới có thể say sưa và tìm thấy những gì trong vùng trời kỷ niệm đã được cất giữ trong trí não. “Trong ánh sáng vàng tan loãng và lan dần, theo nhịp điệu lắc lư của chân lạc đà qua từng đụn cát ở Rajasthan, hoàng hôn đến thật yên bình mày ạ! Một con chim ưng nào đó cất tiếng kêu não nùng https://thuviensach.vn trên đôi cánh đằm thắm không chút chao nghiêng khiến người ta gặm nhấm nỗi cô đơn và suy nghĩ về cuộc đời khi ánh sáng đang dần chuyển qua màu đỏ tím một góc trời. Người ta săn bắt chim ưng nhiều lắm để bán nó qua các quốc gia Hồi giáo Ả Rập nằm bên kia eo biển mà nơi đó chim ưng luôn được xem như biểu tượng của sức mạnh…” Bà đang kể cho tôi nghe về những trải nghiệm mà bà từng có trước đây… Đó là cái nhìn “lạnh lùng” mang một chút “căm phẫn” trên đôi mắt của những cư dân vùng Kashmir khi nói về Ấn Độ. Với họ, người Ấn đến đây với quân đội hùng mạnh nhằm cốt yếu giữ lấy chủ quyền của vùng đất lạnh giá hơn là những gì mà họ đã và sẽ xây dựng để Kashmir ngày càng rực rỡ. Họ không cần những gì liên quan đến chính quyền Ấn Độ bởi họ cũng đã có một bộ máy chính quyền vững chắc nơi đây. Đơn giản nhất, văn hóa người Kashmir quá khác biệt với văn hóa người Ấn và họ muốn sống trong nền văn hóa đó! Đó là ngày mà bà tham dự buổi nói chuyện của ngài Dalai Lama với các tín đồ Phật giáo để được nghe câu trả lời thông minh nhưng không kém phần “chân thật” từ sâu thẳm trong tâm hồn ngài. Một kẻ “cắc cớ” hỏi rằng: “Nếu ngày nào đó, khoa học chứng minh ra rằng tôn giáo luôn đi ngược một cách “khó chịu” với khoa học, liệu ngài có thay đổi niềm tin tôn giáo?” Ngài đã trả lời rằng: “Tôi sẽ kiểm chứng lại tất cả các tài liệu, văn bản, phương pháp chứng minh… vào ngày đó, nếu đó là sự thật, tôi sẽ thay đổi niềm tin tôn giáo!” Đó là ngày bà tham dự một đám cưới truyền thống của người Hindu ở vùng quê xa xôi và nhận ra sự biến mất của những gì thuộc về nghi thức ở một đám cưới xa hoa tại các thành phố lớn. Nơi đó các nghi lễ Baraat (chú rể đến nhà cô dâu bằng ngựa và hát một khúc hát tỏ tình), Varmala (đeo tràng hoa lên người cô dâu và chú rể) và Satphere (chú rể và cô dâu đi vòng quanh đám lửa đọc kinh bảy lần) vẫn còn tồn tại và được bảo tồn suốt thời gian qua. Mọi người sẽ ca hát và khiêu vũ suốt đêm để chúc mừng cho một mối lương duyên đã được kết nối bền vững. https://thuviensach.vn Đó là những ngày bà lang thang trong các phiên chợ để hít hà hương thơm của các loại gia vị vô cùng bắt mắt trong sắc màu được đặt trên quầy hàng hay đi tìm hiểu kỹ nghệ nhuộm vải trong các con ngõ hẹp luôn xôn xao ở vùng Punjab. Rồi trong những tháng chay của người Ấn, bà đắm chìm trong món palak paneer với màu xanh đậm tuyệt đẹp hòa quyện trong hương thơm của các loại thảo mộc mà trước đó khi nhìn, bà tưởng chừng như không ăn được. Đó là những ngày bà lang thang xuôi về phương Nam, bà nhận ra rằng nó quá khác biệt với vùng đất phương Bắc trên kia bởi tâm linh Hồi giáo đã phủ khắp. Trên mảnh đất phương Nam, con đường tơ lụa bắt đầu tập hợp lại để vượt biển đến các hòn đảo còn lại nằm trên Ấn Độ Dương thuộc vùng Nam Á và kiến trúc Tughlaq của người Thổ lại thể hiện rõ nét trong các công trình xây dựng bằng đá và gạch thông thường. Nhấm nháp từng giọt, tôi than phiền với bà về tình trạng nhếch nhác ở Ấn Độ. Bà đáp trả tôi bằng nụ cười ấm áp: “Chấp nhận nó đi con trai ạ, đó là hình ảnh văn hóa đặc trưng từ tiểu lục địa Ấn Độ trải dài lên vùng Trung Đông. Hãy chấp nhận sự nhếch nhác đó như cách các bà mẹ người Anh dạy dỗ những bé gái vừa mới chào đời. Họ sẽ trao cho bé gái một đồng xu đính vào chiếc vòng đeo cổ. Mặt trước của đồng xu là hình ảnh một vị nữ thần hộ mệnh cho bé gái, mặt sau lại trống rỗng và có chút sần sùi. Các bà mẹ luôn giải thích cho bé gái hiểu rằng, mặt trước chính là tương lai và mặt sau là quá khứ. Nó còn là hình ảnh của cuộc sống vợ chồng với những ưu và khuyết điểm của người bạn đời. Không ai hoàn hảo trong cuộc đời này và hãy chấp nhận một khi bước vào cánh cửa hôn nhân. Hãy bỏ qua sự nhếch nhác ấy, đi tìm những gì tiêu biểu và rực rỡ nhất của nền văn minh sông Hằng…” Bà đã khuyên tôi như thế! Bảy năm trôi qua, dĩ nhiên cánh tài xế tuk tuk đã “hiền lành” hơn nhiều so với trước. Họ được tập huấn nhiều lần bởi lực lượng cảnh sát và chỉ được cấp giấy phép hành nghề cùng bộ đồng phục màu vàng xám hay màu xanh dương khi đã đạt loạt bài thi căng thẳng. Tôi tự vệ bằng cách tìm mua một chiếc áo thun có in hàng chữ “I https://thuviensach.vn love India – tôi yêu Ấn Độ” để khoác trên người. Cánh tài xế tuk tuk luôn ngạc nhiên khi thấy tôi mặc chiếc áo ấy. Trong tiềm thức, họ luôn nghĩ rằng, ít ai sẽ quay lại Ấn Độ bởi những gì đang hiện hữu tại đây, đặc biệt là du khách phương Tây. Lần ấy, ở New York, tôi vào một cửa hiệu thời trang ở Đại lộ số 5 để xem qua thiết kế mới của một số nhãn hàng trong mùa Thu Đông. Cô bán hàng vừa đon đả vừa rỉ vào tai tôi khi tôi ngắm nghía chiếc áo in hình Taj Mahal phía trước ngực: “Mày đã đi Ấn Độ chưa? Tao đến một lần và thề không bao giờ quay lại nữa! Mọi thứ rất kinh khủng!”, hay như bà cô người Bỉ sống tại Brussels mà tôi ở cùng nhà nghỉ tại Srinagar tiết lộ: “Anh trai ruột của tao thề rằng không bao giờ quay lại Ấn Độ mày ạ!” Đôi mắt ngờ nghệch tỏ vẻ không tin với câu hỏi từ các bác tài xế: “Mày thật sự yêu Ấn Độ à?!” Tôi từ tốn giải thích: “Ông biết đấy, chính vì yêu Ấn Độ nên tôi đã quay lại. Bảy năm trước tôi luôn cãi vã với đám tài xế, gần như ngày nào cũng có. Một ngày nếu không có cãi vã, tôi thề sẽ ăn cơm không ngon.” Câu nói ấy như làm họ xấu hổ và rồi họ hơi ngượng ngùng im lặng chở tôi đi. Dĩ nhiên, trước khi xuất phát, tôi luôn hỏi ông chủ khách sạn số tiền phải trả cho đoạn đường di chuyển. Trong suốt hành trình một tháng ấy, tôi chưa từng cãi vã với những tài xế tuk tuk và đôi khi tôi còn nhận giá rẻ hơn những gì ông chủ khách sạn mách bảo trước đó. Việc di chuyển bằng xe buýt cũng khá thuận tiện ở Ấn Độ, tuy nhiên tôi không thích nhìn cảnh những khối thịt được dồn lên trên một chiếc xe nhỏ bé đầy hơi người. Tôi chia sẻ với bà mẹ người Mỹ như thế… Và tiếp tục bằng sự cảm thông Thành phần trí thức Ấn Độ luôn than phiền về sự bất công của chính phủ ở các thành phố lớn như Mumbai, New Delhi mà họ đang sinh sống. Họ gọi đó là những thành phố “không công bằng” giống như người Mỹ hay gọi các thành phố của tiểu bang Texas là “những thành phố mỉa mai hay xỉa xói” để nói về sự phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và người da đen. Những vị bác sĩ, luật sư… xuất thân từ thành phần nghèo khổ trong xã hội, dù có giỏi đến mấy https://thuviensach.vn cũng không thể nào nhận được mức lương cao hơn hay được đề bạt lên vị trí cao hơn so với những thành phần xuất thân từ những dòng dõi giàu có. Sự chênh lệch, phân chia đẳng cấp ấy, không chỉ xuất hiện trong thành phần trí thức, mà còn cả trong giới lao động kỹ thuật và tay nghề. Đó là hệ quả lâu dài người Anh để lại khi Ấn Độ từng là thuộc địa suốt 89 năm và cho đến nay vẫn là quốc gia nằm trong “Khối thịnh vượng chung” của họ. Những người trí thức ấy luôn kể cho tôi nghe những nỗi niềm của họ khi lập nghiệp tại các thành phố lớn. Một cách đơn giản nhất mà tôi có thể nhìn thấy sự phân chia ấy là những ngôi nhà. Sự xa hoa trong các biệt thự, đường đi được mua riêng đứt đoạn trên hè phố… của những vị bác sĩ xuất thân từ tầng lớp thượng lưu so với những chung cư ọp ẹp về diện tích và cũ kỹ của thành phần bác sĩ còn lại. Giấy phép hành nghề tại phòng khám tư gia luôn là vấn đề khó khăn với những bác sĩ nghèo khó. Như một hệ quả từ sự phân chia giai cấp, những người trẻ Ấn Độ ít khi phấn đấu bởi phía trước họ là rào cản khó lòng vượt qua. Động lực không nhiều nên họ chỉ nhàn nhàn và tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu lao động sang các quốc gia Ả Rập để tích lũy tiền bạc, mở quán bán hàng gì đó và cưới vợ… Cuộc đời họ chỉ thế. Tôi kể cho bà nghe những gì tôi biết được trên đường đi… Bà mẹ người Mỹ giã từ tôi đi sau câu chuyện dài dòng buổi sáng. Bóng bà liêu xiêu, chầm chậm cùng với gậy trong tay tan dần trong những hoa nắng đang nhảy múa cuối con đường. Dẫu bà không nói, nhưng tôi vẫn biết rằng bà đang đi tìm ký ức một thời khi cùng ông đến đây. Ông đã qua đời trong cơn bạo bệnh cách đây 5 năm! Gần đó, anh thanh niên người Ấn trẻ tuổi vẫn cần mẫn vắt ra những gì tinh túy nhất từ các quả cam và quả lựu bằng chiếc cối của mình. Người Ấn không thích nước ép có đường, họ vẫn thích uống vị ngọt tự nhiên của cây trái lẫn trong chút vị mằn mặn của muối qua đầu lưỡi. Cũng giống như bà cô người Bỉ ở cùng khách sạn với tôi trong những ngày tại Srinagar, tôi cũng học được nhiều điều mới hơn sau mỗi lần quay lại. Quan trọng nhất trong những điều mới ấy chính là: https://thuviensach.vn Tôi có thể ăn bất cứ món nào của người Ấn sau khi bị mất bịch chà bông nửa kí lô tại Jammu. Tôi đã vượt qua được “nỗi sợ” của 7 năm về trước… https://thuviensach.vn Chương IIIKabul và hệ lụy từ những cuộc nội chiến Anh nhân viên hàng không kiểm tra thủ tục giấy tờ của tôi rất nghiêm ngặt và sau khi tôi trả lời ổn một số câu hỏi anh mới tiến hành làm thủ tục check-in. Cái “ổn” được anh giải thích là tôi phải có vé máy bay ra khỏi Afghanistan sau 12 ngày rong chơi ở đó bởi anh không muốn tôi gánh chịu những nguy hiểm bất ngờ trong trường hợp “nếu”. Tôi vẫn nhớ nụ cười hiền hậu của anh trên khuôn mặt đặc trưng của người Ấn với lời giải thích: Bạn thật sự muốn đi Afghanistan chứ? Hãng hàng không chúng tôi luôn muốn quan tâm đến khách hàng của mình và vẫn còn kịp đưa ra lời khuyên hữu ích trước khi bay bởi đó là một trong những vùng đất chết. Kabul non trẻ Những trận động đất nối tiếp vẫn đang xảy ra ở thủ đô Kathmandu, Nepal khiến kế hoạch bay của các hãng hàng không Ấn Độ bị đảo lộn bởi phải sắp xếp lại đội tàu bay. Chuyến bay của tôi từ New Delhi đến Kabul bị trễ hai tiếng so với giờ bay được ghi trên thẻ máy bay. Là hãng hàng không tư nhân, nhưng SpiceJet rất biết trấn an và chiều chuộng khách hàng của mình khi bị trễ chuyến bằng việc phát một phiếu ăn mà mỗi người nhận được từ cửa hàng gần đấy: một chiếc bánh hamburger và hộp nước trái cây nhỏ. Vừa nhơi nhai chiếc bánh, tôi nhìn mọi người Afghanistan xung quanh tôi, ánh mắt họ có một sự “là lạ” trong đó mà tôi không thể giải thích được. Sự là lạ ấy được tôi cho rằng: tôi khác biệt với họ về màu da, mái tóc lẫn chiều cao, ngôn ngữ, chiếc quần lửng trên người thay vì những bộ áo truyền thống của vùng đất Nam Á được gọi là shalwar kameez hoặc những bộ áo chùng dài truyền thống dishdasha của người Ả Rập và quan trọng hơn tôi đến đất nước đang có chiến tranh của họ với mục đích gì. https://thuviensach.vn Tôi mải mê ngắm nhìn một Kabul nho nhỏ xa xa nằm trong thung lũng qua ô cửa sổ máy bay, anh trung niên tên Abdul Qudos ngồi kế bên khều nhẹ vào tay tôi chỉ ra ngoài ô cửa sổ máy bay nằm phía đối diện. Hình ảnh đập vào mắt tôi là những ngọn núi thuộc dãy Hindu Kush nối đuôi nhau phủ tuyết trắng chạy dài. Mùa đông mới vội đi qua và mùa xuân đang đến, những đám tuyết kia chưa kịp tan và chúng trắng muốt như lúc sinh ra do sự kết tinh của những hạt nước trong veo được tạo thành từ sự giao thoa giữa đất và trời. Khi ngày hè đi qua, trong sự long lanh của mình chúng phản chiếu ánh nắng chiều tạo thành những đốm sáng bảy sắc cầu vồng trên những ô cửa sổ máy bay. Dãy núi Hindu Kush cũng là nơi để các nhà địa lý xác định được ranh giới giữa Trung Á và Nam Á và nó chạy dài đến đầu phía Bắc Pakistan tạo thành thung lũng Swat tuyệt đẹp mà người Pakistan thường đến đây nghỉ mát vào mùa hè. Anh lại chỉ cho tôi con sông Kabul nằm xa xa ở đầu thành phố đang cuồn cuộn sóng từ nơi xuất phát và trở nên hiền hòa hơn khi chảy qua lòng thành phố. Khó khăn lắm tôi mới nhận ra dòng chảy của sông Kabul khi nó len lỏi qua lòng phố non trẻ bởi nó hòa tan và chở nặng những khoáng chất giàu có từ lòng đất nên màu xám đục của sông hòa lẫn vào sắc màu của phố. Tôi quay qua hỏi anh những người Afghanistan hiện diện trên máy bay là thành phần giàu hay nghèo ở Kabul. Anh chia sẻ với tôi, trong chuyến bay ấy có khoảng 5% là người Ấn Độ, còn lại là người Afghanistan. Họ là những người khá giả sống sót lại sau những cuộc chiến ở Afghanistan, họ nói tiếng Anh rất tốt bởi họ đang là những thương gia hoạt động trên thương trường quốc tế ở ba quốc gia Afghanistan – Pakistan – Ấn Độ. Sự khá giả ở đây được hiểu theo khái niệm riêng của người Afghanistan khi quốc gia này có 35% dân số không có việc làm và 36% có cuộc sống thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu. Họ là những thương gia trẻ biết nắm bắt cơ hội khi nhận thấy tâm linh và nhu cầu về đá quý của người Ấn Độ ngày càng cao trong xã hội hiện đại mà cách thể hiện sự giàu có của họ là qua những chiếc cà rá trên tay hay sự rực rỡ một bên cánh mũi, một dấu ấn ấn tượng giữa trán, một trái tai bên phải hay bên trái lóe sáng. Những người Afghanistan ở Kabul đến Ấn Độ mang theo lượng đá quý được khai thác lậu và ngược lại họ mang những nhu yếu phẩm cần thiết cho https://thuviensach.vn cuộc sống quay trở lại quê hương, đặc biệt là chiếc bình ắc quy nhỏ. Điều làm tôi thắc mắc là tại sao mặt hàng đá quý có thể lọt qua cửa khẩu hải quan một cách dễ dàng, anh Qudos cười cho tôi biết: Ở một quốc gia đang loạn lạc chiến tranh đồng tiền luôn là nguồn gốc cơ bản khởi đầu câu chuyện. Tình huống tôi gặp ở cửa khẩu hải quan khi ra khỏi Afghanistan để quay về Ấn Độ luôn làm tôi nhớ về anh Qudos như kỷ niệm khó quên trên chuyến bay ấy. Các anh nhân viên hải quan nhận ra khuôn mặt và hình dáng khác biệt của tôi trong dòng người đang xếp hàng dài để làm thủ tục xuất cảnh. Họ ưu ái bằng cách tách tôi ra khỏi đám đông và tôi phải trả 10 USD theo yêu cầu cho cái mộc nhanh chóng đóng vào hộ chiếu chưa đến một phút. Trong tôi, giá trị chuẩn xác của đồng tiền không chỉ hiện diện ở các quốc gia đang loạn lạc chiến tranh mà vẫn và luôn xuất hiện ở các quốc gia thời bình mà chỉ khi tuổi đời càng đi qua, tôi mới nhận ra và hiểu giá trị đích thực của nó. Một chút nhợn nhạo xảy ra trong lúc máy bay đang giảm độ cao hạ cánh. Tay và chân tôi đổ mồ hôi liên tục khi cảm giác đang rơi tự do xuất hiện. Tôi cố trấn an tinh thần bằng việc nhắm mắt lại không nhìn qua ô cửa sổ mà nơi đó hình ảnh liên tục trôi qua rớt dần xuống bên dưới. Tôi cũng hiểu với những gì đang diễn ra xung quanh bởi sân bay Kabul là một sân bay thuộc dạng nguy hiểm do thung lũng Kabul được bao bọc bởi dãy núi Hindu Kush nằm ở độ cao 1.800m so với mực nước biển và đường băng sân bay khá ngắn. Tôi nhập cảnh nhanh chóng với một câu hỏi duy nhất từ anh nhân viên: Đến Afghanistan với mục đích gì? Việc tôi cần làm là tìm văn phòng đại diện của Bộ Nội vụ tại sân bay để được cấp thẻ du lịch. Chiếc thẻ du lịch nho nhỏ màu trắng được cấp từ Bộ Nội vụ rất quan trọng bởi một khi đã đến Afghanistan, du khách có thể bị lực lượng công an xét hỏi bất cứ lúc nào, ở đâu và họ muốn biết du khách thật sự đến đây vì mục đích du lịch hay liên quan đến những vấn đề khác. Những thương gia người Ấn đến làm ăn tại Kabul cũng đều xin visa dưới dạng du lịch. Văn phòng đại diện Bộ Nội vụ đóng cửa sớm hơn giờ dự kiến và anh công an sân bay đã hướng dẫn tôi xin trực tiếp tại Bộ Nội vụ nằm trong thủ đô Kabul. https://thuviensach.vn Trong lúc chờ đợi nhận hành lý, anh Abdul Qudos ngỏ ý với tôi là hãy về nhà anh ấy để trọ miễn phí trong những ngày ở Kabul bởi anh cho rằng tôi đang chơi trò quá mạo hiểm khi đến đây du lịch một mình. Tôi phân vân và nhớ lại lời anh trưởng phòng visa ở sứ quán Afghanistan: Khi đến Afghanistan, đừng tin vào bất cứ ai bởi không thể nào phân biệt được đâu là thường dân, đâu là phiến quân Taliban hay nhà nước Hồi giáo IS mới nổi lên gần đây. Tôi từ chối lời đề nghị của anh bằng cách lảng sang chuyện khác với câu hỏi: Tôi thấy có rất nhiều máy bay quân sự nhỏ hoạt động liên tục ở sân bay, vậy nhiệm vụ của nó là gì? Anh Qudos cho tôi biết đó là những chiếc máy bay quân sự của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc y tế… để cứu trợ cho những người xấu số đang nằm trong vùng Taliban chiếm đóng và kiểm soát. Ở Afghanistan, chỉ còn lại ba thành phố tương đối an toàn là: Kabul, Herat và Bamyan mà việc di chuyển đến các thành phố này bằng phương tiện hàng không là an toàn nhất. Taliban hay IS vẫn chưa có vũ khí hiện đại đến mức bắn được máy bay đang bay ở tầm cao. Dù rất muốn tìm hiểu truyền thống sinh hoạt của người Hồi giáo bên trong ngôi nhà của họ và cảm nhận từ trái tim tôi mách bảo anh Abdul Qudos là người tốt, nhưng lo sợ về các nguy cơ có thể xảy ra vẫn còn khi những lời cảnh báo luôn vo ve bên tai, lý trí khiến tôi từ chối lời đề nghị của anh. Một chút thất vọng trên khuôn mặt Abdul Qudos rất đặc trưng của người Trung Á hơn là Nam Á! Sau cái ôm hôn truyền thống của người Hồi giáo chỉ dành cho đối tượng được xem như người nhà bằng cách cạ má vào nhau hai lần, anh hướng dẫn tôi một số điểm tham quan ở Kabul và cách nào để sống sót ở thành phố đầy rẫy nguy hiểm. Từ thời cổ đại, Kabul đã từng in dấu chân của ngài Alexander Đại đế khi ông mở rộng bờ cõi trên vùng đất Viễn Đông. Gió ngựa chinh yên sau đó của các hoàng đế La Mã, Trung Hoa, các vị vua Hồi giáo, đế chế Ba Tư và Ottoman, đế quốc Mông Cổ… đều soi bóng rũ mình trên dòng sông Kabul dậy sóng. Trong thời lịch sử cận hiện đại, Afghanistan từng là vùng đất mơ ước của Vương quốc Anh, Hà Lan và Liên Xô khi có nguồn khí đốt, dầu lửa tiềm năng được thiên nhiên ban tặng trải dài từ Iran sang nằm rải rác dưới các chân núi trong sa mạc. Afghanistan luôn là chiếc cầu nối “khát máu” khi thời https://thuviensach.vn gian đi cùng với giai đoạn lịch sử lướt qua bởi những cuộc chiến giành lấy quyền lực bao gồm cả cuộc chiến nha phiến mà Afghanistan từng là một trong những vùng trũng của châu Á. Khi lịch sử đi qua, đất nước này lại có thêm những hậu duệ mới do người xưa để lại và khuôn mặt của người Afghanistan rất đa dạng, nó không giống những người Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Maldives, Bhutan hay vùng đất Lahore của Pakistan mà tôi nhìn thấy trước đây. Chiều cao, sống mũi, độ to của mắt, màu da và sải chân đi là những đặc điểm cơ bản bên ngoài để tôi có thể phân biệt đâu là người Trung hay Nam Á, anh bạn sinh sống tại Srinagar đã chỉ tôi như thế. Trong ngày đầu tiên đến Kabul, tôi cảm nhận Afghanistan là vùng đất Trung Á hơn Nam Á và ảnh hưởng nhiều văn hóa của người Ba Tư mà quốc ngữ Dari của người Ba Tư được chọn song hành với quốc ngữ Pashto trong hơn 40 ngôn ngữ tại Afghanistan đã nói lên điều đó. Tôi chia sẻ với anh Abdul Qudos những gì tôi đọc qua trong tư liệu như một lời cảm ơn sự quý mến tôi để anh có thể một phần nào đó yêu thêm quê hương của mình mà đôi khi để định nghĩa quê hương thật khó. Tôi theo chân anh Qudos băng bộ khoảng 1km để thoát ra ngoài tìm taxi vào trung tâm thành phố. Sân bay quốc tế Kabul khá nhỏ và được bảo vệ rất nghiêm ngặt với lực lượng quân đội bố trí dày đặc. Theo tôi quan sát, hành khách phải trải qua sáu trạm kiểm soát chặt chẽ mới đến được khu vực cách ly ra máy bay. Tôi hiểu rằng, sân bay là đầu mối quan trọng trong giao thông phục vụ cho mục đích quân sự và dân sự. Chiến sự ở Afghanistan có thể diễn ra bất cứ lúc nào bởi nguy cơ tiềm ẩn đang rình rập bên ngoài hàng kẽm gai dã chiến sơ sài bao lấy sân bay. Anh Qudos giúp tôi bắt taxi để vào nhà trọ Salsal nằm giữa đoạn công viên Shahr-e Naw và siêu thị Chelsea với giá 10 USD. Qudos giải thích, nếu là những thương gia Ấn Độ hay một người xa lạ nào đó cái giá sẽ là 20 USD từ sân bay vào trung tâm. Cũng như các quốc gia khác, cánh tài xế taxi sân bay bao giờ cũng nói tiếng Anh tốt và ông tài xế có bộ râu trắng dài luôn muốn biết tại sao tôi đến Afghanistan và câu trả lời của tôi đi kèm nụ cười: Đi chơi! Taxi màu vàng luôn là điểm đặc trưng của Kabul mà hầu hết chúng là những chiếc xe cũ rích có hiệu VAZ 2101 được Liên Xô sản xuất từ những năm 1970 còn sót lại. Người https://thuviensach.vn Afghanistan rất yêu chuộng nhãn hiệu Toyota của Nhật và gần đây một số công ty taxi đã nhập về vài loại xe đã qua sử dụng từ Pakistan và Ấn Độ với giá biến thiên từ 6.000 – 8.500 USD/chiếc. Con số 8.500 Mỹ kim luôn là niềm mơ ước xa xỉ đối với cuộc sống của người Afghanistan. Ông cười ha hả với bộ râu trắng đong đưa trong gió khi chia sẻ với tôi. Trong nụ cười sang sảng ấy lặng lại một chút nỗi buồn sâu thẳm trong tim. Kabul cồn cào dậy sóng Anh chủ nhà trọ Salsal tên Abas còn trẻ nói tiếng Anh khá tốt do từng có thời gian đi hợp tác lao động Dubai 10 năm. Anh cho tôi biết, nhà trọ hiện chỉ còn phòng đôi với giá 20 USD/ đêm, phòng đơn với giá 10 USD/đêm ngày mai mới có do anh bạn người Cộng hòa Czech sẽ về nước sớm hơn dự kiến. Nhà trọ Salsal là nơi để các gia đình từ những vùng bị Taliban chiếm đóng đến đây ở trọ trong thời gian dài để tìm cuộc sống mới ở Kabul nên phòng đơn rất hiếm. Anh cho biết thêm và giới thiệu tôi nên đi gặp các bạn đồng hành bao gồm một người Mỹ và một người Czech ở tầng 3 và tầng 4 nhà trọ mà họ đã đến trước tôi 3-4 ngày. Trong đêm đầu tiên đến Kabul, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt nghiêm trang của anh với câu nói: Vùng đất Afghanistan nguy hiểm rình rập từng ngày, các bạn nên đi gặp và bảo vệ cho nhau trong thời gian ở đây. Tôi gặp anh bạn người Mỹ ở đầu cầu thang khi đi ra ngoài kiếm một chút gì đó bỏ bụng cho buổi tối. Cái bắt tay mừng rỡ vừa thực hiện xong lại chuyển thành sự hững hờ đến nghi ngờ trên khuôn mặt anh bạn người Mỹ có mái tóc để dài màu vàng hạt dẻ được quấn trong chiếc băng đô theo kiểu cao bồi vùng miền Tây nước Mỹ. Những hình xăm dày đặc trên cánh tay được che kín dưới chiếc áo khoác jean dày. Anh phải nhờ chủ nhà trọ Salsal thuê một hướng dẫn viên nói tốt tiếng Anh để hướng dẫn anh đi loanh quanh thủ đô. Ngoài Kabul anh cũng không dám đi đâu bởi một vài người trên phố cũng hăm dọa giết khi biết anh là người Mỹ. Cũng giống như tôi, anh bạn người Mỹ đến Afghanistan cũng chỉ muốn biết cuộc sống của người dân trong thời loạn lạc chiến tranh như thế nào. https://thuviensach.vn Tôi đến phòng 302 sau bữa cơm tối để tìm hiểu thêm về cách di chuyển để tham quan trong những ngày ở Afghanistan từ anh bạn Cộng hòa Czech. Denis vừa trở về sau khi ghé một vài tiệm tạp hóa để mua thức ăn tối. Qua cái nhìn đầu tiên, tôi cảm nhận khuôn mặt của Denis mang đậm nét người Đông Âu nhưng rất khác biệt với người Nga. Denis chia sẻ, anh sinh ra ở Slovakia, nhưng sau đó chuyển đến Praha sinh sống và nhập tịch ở Cộng hòa Czech. Trong thời gian đi xuất khẩu lao động theo nguồn nhân lực cấp cao trong lĩnh vực IT tại Dubai với thời gian ba năm, anh muốn khám phá hết vùng đất Nam Á qua những kỳ nghỉ hè thường niên và Afghanistan là lãnh thổ cuối cùng khi hợp đồng làm việc tại Dubai vừa mới kết thúc. Rất tự nhiên và chủ động theo văn hóa phương Tây, vừa ăn anh vừa chia sẻ với tôi những vấn đề rắc rối mà anh gặp phải trong ba ngày ở Kabul và sự nguy hiểm đó làm anh chán chường, không còn động lực và muốn rời khỏi Afghanistan ngay lập tức để quay về Dubai nối chuyến đến Praha. Cuộn tròn những mẩu bánh mì dài naan truyền thống của người Afghanistan với những miếng dưa leo mỏng xắt dài rồi quẹt vào hộp cá mòi, Denis kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện của anh trên đường đến Bagram Airfield nằm cách thủ đô Kabul độ chừng khoảng 40km. Yêu thiên nhiên và muốn tận hưởng không khí trong lành, nên theo khuyến cáo của người địa phương Denis tìm đến vùng Bagram để tham quan những ngọn núi cao phủ đầy tuyết trắng chưa kịp tan trong ánh nắng xuân khi mùa đông mới vừa đi qua mà theo Denis, Praha của anh không được bao bọc những dãy núi tuyết xinh đẹp như thế. Để tiết kiệm chi phí, anh tìm đến bến xe địa phương và đi cùng những người bản xứ trên chuyến xe buýt đó. Dọc đường đi, trên những triền núi cao, thành phố Kabul xinh đẹp nhỏ nhắn nằm yên bình trong lòng thung lũng Denis đưa máy chụp hình thực hiện vài tấm ảnh. Ngay lập tức, những người ngồi trên xe áp giải và yêu cầu tài xế chạy thẳng xe đến đồn biên phòng nằm trên đường đi cách thủ đô độ chừng 10km. Ánh mắt Denis trở nên tức giận khi nhớ về một ngày trong đồn biên phòng và anh thốt lên: Kabul yên bình từ trên cao nhưng thật sự trong lòng đang dậy sóng cồn cào đến đáng sợ. https://thuviensach.vn Anh bạn người Mỹ Ricky xuất hiện và lắng nghe câu chuyện. Chỉ độ chừng 5 phút sau, Ricky bỏ đi bởi trong căn phòng trọ độ 6m2, ánh mắt của anh chủ nhà và Denis cũng chẳng mấy thân thiện với Ricky. Denis vẫn còn một chút trẻ con với một đống thức ăn đang đưa vào miệng, nhưng cố cởi áo để tôi xem vết tích trên người anh khi bị giam lỏng một đêm trong đồn biên phòng để biết là anh đã chụp ảnh những gì vào chiếc máy Nikon kia. Họ tịch thu tất cả những dụng cụ điện tử bên trong ba lô Denis kiểm tra mặc cho Denis đưa hộ chiếu và thẻ du lịch để minh chứng mục đích của mình. Bánh ngọt trong ba lô trở nên vô cùng quý giá vào thời khắc khó khăn bởi những anh công an chẳng cấp cho Denis thực phẩm. Muỗi và côn trùng rừng núi liên tục tấn công vào da thịt Denis trong một đêm bị giam lỏng và vết cắn của chúng trên tấm lưng, cánh tay của Denis đang sưng tấy và tạo mủ. Vốn liếng ngôn ngữ Dari mà Denis học được từ những người bạn Iran trong những ngày sống ở Dubai không giúp được gì khi các anh công an chỉ nói ngôn ngữ Pashto. Họ phóng thích Denis vào 9 giờ sáng ngày hôm sau khi kiểm tra các thiết bị điện tử của Denis không tìm thấy nguy cơ tiềm ẩn cho việc khủng bố xảy ra và anh phải tự vận động bắt xe buýt quay lại Kabul. Denis khuyên tôi nên mua bộ áo truyền thống của người Afghanistan có tên gọi perahan tunban được may cách điệu từ bộ áo shalwar kameez vốn được coi là bộ quần áo mẫu mực cho người nam của vùng Nam Á và chiếc khăn choàng đầu patus để cải trang thành người Afghanistan. Denis cho rằng, việc trở thành người Afghanistan bất đắc dĩ rất thuận lợi cho tôi trong những ngày ở đây bởi nạn bắt cóc du khách để chuộc tiền hay bị bắt cho mục đích chính trị rất thường xuyên ở quốc gia Afghanistan đang trong loạn lạc chiến tranh. Denis đã nguôi ngoai nỗi buồn khi tôi đưa ra kế hoạch cùng nhau đến thánh địa Phật giáo Bamyan từ Kabul, anh vứt bỏ ý định đổi vé quay lại Dubai vào sáng mai bằng câu hỏi: “Ngày mai bạn sẽ làm gì?” Tôi cho biết sẽ đi dạo một vòng thủ đô Kabul bởi tôi mới đến đây ngày đầu tiên. Denis ngáp vắn thở dài cho biết anh sẽ ngủ lấy lại sức bởi anh mới từ đồn biên phòng trở về Kabul chiều nay. Anh hẹn tôi 3 giờ chiều ngày mai dẫn tôi đến Bộ Nội vụ để xin thẻ du lịch bởi giá trị của nó rất lớn khi xuất cảnh. Không có thẻ đó, hải quan sân bay có thể hạch hỏi đủ điều, thậm https://thuviensach.vn chí không cho phép xuất cảnh bởi nghĩ rằng đến Afghanistan vì mục đích khác hơn là mục đích du lịch. Denis cũng cho rằng, dường như văn phòng đại diện Bộ Nội vụ tại sân bay đã đóng cửa do quá ít du khách đến Afghanistan và anh sẽ giúp tôi bởi biết nó nằm ở đâu trong thành phố Kabul và giá taxi chính xác đi đến đó là bao nhiêu. Anh chủ nhà trọ Salsal rất quan tâm đến khách hàng của mình bằng việc chạy lên hỏi thăm Denis sau khi biết sự cố. Chúng tôi nhận được món quà lưu niệm từ anh là chiếc vòng đeo tay bằng nhựa có màu đỏ, đen, xanh như quốc kỳ với dòng chữ lớn Afghanistan có màu trắng trên đó và đó cũng là màu sắc của quốc kỳ Afghanistan. Giống như quốc kỳ ở các quốc gia Hồi giáo khác với màu xanh dương, đỏ, trắng và đen làm màu chủ đạo và bốn màu ấy được lấy ra từ bài thơ nổi tiếng của nhà tiên tri Safi-u-ddin Al Hali mà mỗi màu sắc mang một ý nghĩa khác nhau: màu xanh dương với ý nghĩa tương lai xán lạn giàu có, màu đỏ là sự huyền bí của Thánh Allah, màu đen là sự tối tăm trong quá khứ bởi những cuộc chiến và màu trắng là sự hành động của quốc gia tinh khôi và liêm khiết. Vẫn là bốn màu chủ đạo ấy nhưng thuộc vùng đất Nam Á nên quốc kỳ của Afghanistan có ý nghĩa khác về màu đỏ và đó là máu của những người Afghanistan đã đổ xuống cho những cuộc chiến giành lấy hòa bình. Phù hiệu to trên quốc kỳ là ngôi thánh đường Hồi giáo Abdul Rahman màu trắng hướng về thánh địa Mecca tượng trưng cho sự hoạt động trong sáng, liêm khiết dưới sự soi sáng của Thánh Allah và màu xanh dương với ý nghĩa tương lai xán lạn giàu có từ nền nông nghiệp vốn là mũi nhọn kinh tế chủ đạo của Afghanistan. Anh Abas giải thích cho chúng tôi hiểu thêm. Sau đó, tôi được biết rằng anh Abas không tặng chiếc vòng đeo tay cho anh bạn Ricky, điều đó cũng thể hiện phần nào thái độ hay tình cảm người Afghanistan với người Mỹ. Mùa xuân đong đưa quyến rũ bên ngoài cửa sổ bằng những hoa mận vừa bung những cánh mỏng tang. Chúng e ấp, ỏn ẻn và rung rinh giữa mùa xuân đầu tiên cũng như là mùa xuân cuối cùng của cuộc đời trong những cơn gió đêm khá lạnh. Những sợi tơ trời từ các cụm hoa bồ công anh gần đấy cứ lượn lờ như các nàng tiên trắng đang nô đùa giữa không gian. Nỗi sợ đang đến và chúng đang https://thuviensach.vn lớn dần, lớn dần bên trong trái tim. Tôi cố gắng trấn an bằng cách liếm láp hương vị mùa xuân qua làn không khí trong veo của dãy núi Hindu Kush hay lắng tai nghe tiếng vỗ vào một gành đá nào đó của dòng sông Kabul cuộn sóng. Những chiếc bóng hút dần và biến mất trên phố trả lại sự thì thào trong im lặng của bóng đêm. Một chút kiêu hãnh từ bản năng đang trở về mà tôi nhận ra đó là sự lì lợm để vượt khó... Tôi không thể nào ngủ được trong đêm đầu tiên đến Afghanistan. Sự cố trước khi đến thánh đường Abdul Rahman img516 Một góc đường phố thủ đô Kabul vào buổi sáng Ông mặt trời đã vươn vai thức giấc bằng những tia nắng óng vàng lung linh qua những hàng cây bạch dương nhỏ trồng dọc theo phố. Một vài người Afghanistan trên đường phố huýt sáo và chỉ trỏ chiếc quần lửng tôi đang mặc trên người. Tôi nhoẻn miệng cười và cho rằng họ đang trầm trồ về chất lượng hàng tơ lụa tốt của chiếc quần. Trong tôi, Kabul mang kiến trúc của một thành phố Trung Á hơn là thành phố Nam Á với những dãy phố chạy thẳng tắp, không có hiện tượng mua bán lề đường và những hàng bạch dương thẳng ngọn cũng là dấu hiệu giúp tôi nhận biết điều đó. Buổi sáng tinh mơ, trong cái lạnh se se của mùa xuân, những anh thanh niên trẻ lại thong dong đến các công trường xây dựng bằng những chiếc xe đạp tầm vông khá cao, khá cũ và một ai đó lướt nhanh qua tôi với chiếc thúng trên đầu là những chiếc bánh có màu vàng đo đỏ trông giống bánh cam Việt Nam và trên tay là chiếc bình nho nhỏ mà theo tôi đoán là bình cà phê. Họ muốn đến công trường nhanh để kịp bán cho những công nhân chuẩn bị vào ca. Qua khúc quẹo trên đường đến thánh đường Hồi giáo Abdul Rahman lớn nhất và tâm linh nhất ở Kabul, hình ảnh Nam Á lại hiện ra trong tôi với những chiếc xe ba gác đẩy chất đầy hàng rau, cây trái quả tụm vào nhau buôn bán. Tôi hiểu rằng đó là những ngôi chợ tự phát phục vụ cho tầng lớp lao động bình dân. Một vài ông lão buôn bán hạt rang trên phố ngoắt tôi vào khiển trách vì chiếc quần lửng. Bằng ngôn ngữ hình thể, ông lão với khuôn mặt phúc hậu giải thích cho tôi hiểu rằng Kabul như ý https://thuviensach.vn nghĩa của nó là vùng đất linh thiêng của Thánh Allah, nơi mọi người đến để xưng tội, vì vậy đến đây thăm viếng cần phải tôn trọng Ngài. Vừa nghe ông giải thích, tôi cười thầm trong bụng về suy nghĩ “ngu ngơ” của mình sáng nay khi vài người trên phố huýt sáo và chỉ trỏ vào chiếc quần tôi mặc. Tôi hứa với các ông sẽ đổi một chiếc quần khác vào ngày mai. “Nhập gia tùy tục” là những gì tôi hiểu và phải tuân thủ trên đường đi. Ai đó đã từng nói với tôi rằng “Thử qua một loại hương vị thức ăn ở một nơi chốn mới mà bạn đang đến là cách để cơ thể bạn hòa vào nền văn hóa ẩm thực địa phương”, tôi mua ủng hộ các cụ một ít hạt rang để nhóp nhép trên đường đi và cũng để hối lỗi. Dù là vùng đất Nam Á, nhưng do sâu đậm văn hóa Trung Á nên người Afghanistan thường mua những hạt rang ăn cho vui miệng trên những chuyến xe, uống trà trong các buổi tiệc hay những cuộc tán gẫu với bạn bè trong quán cà phê nào đó. Hướng dương, hạt dẻ, hạnh nhân và quả hồ trăn rang khô là bốn loại hạt lai rai khoái khẩu của người Afghanistan. Trong bốn loại hạt, tôi thích nhất hạt hạnh nhân với hương vị beo béo, nhiều năng lượng và nó là loại hạt nổi tiếng nhất của vùng đất Nam Á. Ở Afghanistan có ba loại cây hạnh nhân được trồng và sử dụng cho những mục đích khác nhau: hạnh nhân ngọt được chế biến thành hạt rang và là thực phẩm phụ có trong các loại bánh kẹo, hạnh nhân đắng chứa nhiều loại acid độc hại nhưng sử dụng một ít trong việc nấu nướng sẽ làm hương vị món ăn ngon hơn và hạnh nhân mamra được chiết xuất ứng dụng nhiều trong công nghệ dệt vải và mỹ phẩm làm đẹp. Việc ăn vặt các loại hạt rang hay đưa chúng vào những bữa tiệc trà cũng phần nào xác định đẳng cấp của người Afghanistan. Tokhmeh là hỗn hợp hạt dành cho thành phần lao động còn khó khăn trong cuộc sống gồm các loại: hướng dương, dưa hấu, bí đỏ, bí đao, dưa lưới, trong khi những người giàu có thường dùng hỗn hợp ajil gồm hạt dẻ, hạnh nhân, hồ trăn, nho khô và các loại kẹo ngọt. Hình ảnh những ngôi nhà được xây dựng trên triền núi cao theo dạng bậc thang không còn quá xa lạ, nhưng tôi muốn ghi lại khoảnh khắc ấy ở Kabul bởi những ngôi nhà có sắc màu lạ lẫm theo truyền thống của người Nam Á. Ba anh thanh niên xuất hiện phía sau và https://thuviensach.vn trước mặt yêu cầu tôi bỏ máy ảnh vào ba lô và đi theo họ. Hai cánh tay tôi bị nắm chặt bởi hai anh thanh niên như sợ tôi bỏ trốn và phía trước là một anh dẫn đường. Tôi đang bị áp giải đến doanh trại quân đội gần nhất nằm đối diện bên kia đường. Anh quân nhân gác cửa lên đạn khẩu AK47 và chĩa thẳng họng súng vào người tôi khi vừa đến doanh trại quân đội. Khoảng cách giữa tim tôi và ngọn súng chỉ độ chừng hai gang tay. Đầu óc mụ mị lùng bùng những thứ gì đó mà tôi không hiểu rõ và tôi nghĩ đến cái chết đang quá gần trong giây phút này. Quán tính điều khiển người tôi lúc này và làm răm rắp theo những tiếng hét lớn dõng dạc yêu cầu giơ tay lên và đưa ba lô cho anh kiểm tra. Nhìn chiếc khăn patus truyền thống của người Afghanistan sọc đỏ trắng đang quấn quanh cổ anh quân nhân để chống lại cái lạnh buổi sáng mùa xuân, tôi bất chợt rùng mình rồi lơ lửng với các câu hỏi miên man trong đầu. Với người Afghanistan, chiếc khăn patus là vật bất ly thân mà những người trong khối Nam Á nhìn vào đó để biết được một ai đó đến từ đâu và những chiến binh Taliban luôn quấn nó trên đầu với đường sọc xen kẽ giữa hai màu trắng đỏ hoặc đen và trắng. Đó là hình ảnh ấn tượng mà tôi đã xem qua từ các clip trên mạng khi tìm hiểu Taliban. Hình ảnh chiếc khăn patus ngập tràn trong tâm trí và tôi phải xác định bằng câu trả lời xác đáng: Tôi đang ở doanh trại quân đội và người đối diện với tôi có khuôn mặt rõ ràng chứ không phải ẩn mình trong chiếc mặt nạ màu đen. img521 Ở Kabul chưa có hiệu sách, sách được bán trên lề đường img524 Ông lão nghèo vá giày nơi góc phố Kabul Tôi bị áp giải vào bên trong doanh trại, trải qua ba đợt kiểm soát gắt gao với thái độ ôn hòa hơn. Anh quân nhân vẫn giữ chiếc ba lô trên tay trái và dí khẩu súng vào phần hông lưng tôi bằng tay phải. Bên trong những bức tường cao chạy dài là một khoảng trống rộng lớn với những phòng ban nằm theo hình chữ U và cạnh đấy là ngôi thánh đường Hồi giáo cổ xưa với rêu phong trên những viên đá màu https://thuviensach.vn đỏ theo kiến trúc Mughal. Đó là vết tích còn sót lại khi Kabul từng là kinh đô của vương triều Babur từ năm 1526 đến 1530 sau những cuộc nội chiến đẫm máu. Doanh trại đang được xây dựng lại với rất nhiều công nhân mặc đồng phục của chủ đầu tư nào đó đang làm việc bên trong. Các anh công nhân nhìn tôi với đôi mắt lạ lẫm bởi tôi đang bị dí khẩu súng ở phía sau lưng như là một phạm nhân. Tôi được đưa đến căn phòng nho nhỏ nằm cuối dãy hành lang trên tầng bốn dường như vừa diễn ra cuộc họp nội bộ đầu buổi sáng. Tiếp tôi là anh Trung úy trẻ tuổi nói tiếng Anh rất tốt. Anh Trung úy khoát tay ra lệnh cho anh quân nhân đi đâu đó để buổi làm việc được bắt đầu. Tôi kể lại cho anh nghe những gì đã xảy ra với tôi trong buổi sáng nay và chốt lại câu chuyện bằng câu nói: “Tôi hiểu những gì Afghanistan phải gánh chịu như là một nỗi đau không tên bởi chiến tranh, tôi biết Kabul non trẻ cần được bảo vệ như thế nào trong thời loạn lạc. Tôi chấp nhận bị kiểm tra khi mọi người nghi ngờ bởi không ai có thể phân biệt đâu là thường dân hay Taliban, IS trong dòng chảy xã hội ở đây. Nhưng tôi không thể chấp nhận hành động phỉ báng không tôn trọng du khách. Người Afghanistan đối xử với du khách như thế sao và sự nhân văn hành xử giữa những người anh em trong bộ kinh Quran kia có còn ý nghĩa nữa không?” Anh im lặng không nói gì. Anh xem kỹ tấm visa Afghanistan nằm trong hộ chiếu và xoa dịu tôi bằng câu nói: “Bạn đi du lịch nhiều quá!” Tôi lấy tất cả máy ảnh và điện thoại cho anh xem bên trong chứa đựng những gì mà không chờ đến lúc anh yêu cầu. Anh mượn thiết bị điện tử của tôi để sang phòng khác kiểm tra. Tôi cười thầm trong bụng vì chỉ đúng một phút sau anh đã trả lại cho tôi: thẻ nhớ trong máy ảnh của tôi hơn 2.000 tấm ảnh, một phút vừa đủ cho tất cả tấm ảnh hiện lên máy tính chứ không đủ thời gian xem qua hết các hình ảnh. Anh đã tin tôi là người đến Afghanistan để du lịch và việc kiểm tra chỉ là việc thực hiện cho đúng quy trình. Anh Trung úy trẻ tuổi nồng nhiệt đến bắt tay tôi với lời xin lỗi chân thành. Anh dặn dò tôi: “Kabul rất non trẻ cần được bảo vệ, chính vì vậy có rất nhiều doanh trại quân đội nằm trong lòng thủ đô. Việc https://thuviensach.vn chụp hình doanh trại quân đội ở Afghanistan là điều cấm kỵ. Tốt nhất trong những ngày ở Kabul chỉ lang thang đi dạo, ngắm nhìn mọi việc đang diễn ra xung quanh mình chứ không nên chụp hình.” Anh cũng khuyến cáo tôi không nên đến bức tường thành cổ kính Bala Hissar nằm ở phía Nam thành phố dưới chân núi Kuh-e Sherdarwaza được xây dựng từ thế kỷ 5 rất có ý nghĩa với người Afghanistan bởi dưới bức tường cổ còn sót lại tại pháo đài Bala Hissar là xương và máu đã đổ rất nhiều cho những cuộc chiến có từ thời trung cổ kéo dài đến thời lịch sử cận hiện đại. Theo anh, người Afghanistan sống tại khu vực đó rất cực đoan, bảo thủ và họ thường xích chó cắn hay ném đá nếu một ai đó lia máy chụp ảnh qua ngôi nhà của họ. Bên kia đường, ông lão bán hàng cơm cùng một số người khác vẫn chờ tin tức. Trong hơi thở hổn hển bởi nhịp tim vẫn chưa trở lại tần số, tôi kể lại những gì đã xảy ra mà có thể những người đáng kính sẽ không hiểu do khác biệt ngôn ngữ, nhưng tôi nhận được sự lo lắng, đồng cảm trong những ánh mắt có màu xanh nhạt. Ông lão chủ quán cơm với bộ râu dài trắng toát ôm tôi vào lòng vỗ về rồi ra ký hiệu cho tôi đi tiếp đến thánh đường Abdul Rahman không còn xa ở phía trước và vẫn không quên nhắc nhở tôi không nên chụp ảnh khi đến đó. Tháng 10 năm 2010, tôi có xem bản tin nói về 33 người thợ mỏ sống sót sau sự cố sập hầm mỏ San Jose nắm ở phía Bắc Chile. Gần 70 ngày sống ở độ sâu 688m dưới lòng đất, 33 người thợ mỏ phải chống lại số phận nghiệt ngã cho cuộc đời mình. Trong sự bế tắc do định mệnh đưa đến, chiếc phao cứu sinh cho 33 sinh mạng chính là niềm tin vào Chúa Trời dù rất nhiều người trong số đó không thuộc lấy được một câu kinh Thánh bởi cuộc sống của họ luôn bận rộn tìm mọi cách mưu sinh thoát khỏi đói nghèo. Tôi nghĩ đến hình ảnh đó khi vừa đặt chân đến quảng trường Pashtunistan nhìn thấy hai cột tháp vươn cao trên bầu trời xanh. Thánh đường tâm linh Abdul Rahman chính là chiếc cầu nối giúp người Kabul gây dựng niềm tin trong cuộc sống sau quá nhiều mất mát từ những cuộc nội chiến. Trước đây, khi mới thành lập, những phiến binh Taliban tuyên bố: Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo đúng nghĩa https://thuviensach.vn không lẫn tạp vào bất kỳ tôn giáo nào khác hiện diện nơi đây. Minh chứng cho lời nói ấy, Taliban đã cho nổ bom hai tượng Phật lớn được điêu khắc vào vách núi ở Bamyan. Nhưng lời tuyên bố ấy có vẻ không đúng khi họ đập phá tất cả nơi chốn tâm linh của người Aghanistan. Từ vô cảm trước những biến động của xã hội, những người Kabul chuyển qua sống trong nỗi sợ hãi đi cùng với bế tắc cuộc sống sau các cuộc nội chiến tiếp theo có sự can thiệp của quân đội Mỹ. Sự kiệt quệ về kinh tế khiến nhà nước Afghanistan vẫn không đủ tiền để xây dựng một ngôi thánh đường đủ rộng khi ngày càng nhiều người tìm đến nơi chốn tâm linh để tiếp nhận niềm tin vượt khó. Được khởi công vào năm 2001 nhưng công trình bị tạm dừng vì nội chiến, tên thánh đường Hồi giáo Abdul Rahman nhằm tưởng nhớ người thương gia giàu có của Kabul đã dùng tiền của mình hoàn thành công trình vào năm 2009 với sức chứa 10.000 người đến cầu nguyện trong cùng một lúc. Bên trong thánh đường còn là trường dạy kinh và có một thư viện rộng lớn chứa 150.000 quyển sách. Tôi không được phép vào bên trong bởi trang phục không phù hợp. Nỗi sợ vẫn còn đang đeo bám những người Kabul nên thánh đường Hồi giáo Abdul Rahman được lực lượng quân đội và công an bảo vệ nghiêm ngặt. Ngay cả với người bản địa, để vào được bên trong cầu nguyện họ phải trải qua cuộc kiểm tra gắt gao ở lối chính vào ngôi thánh đường. img531 Tượng Phật lớn trong vách núi đã bị Taliban phá vỡ Vấn nạn ma túy ở Kabul Nhớ lời anh Abas dặn dò, tôi quay trở lại khách sạn để nhờ anh bắt hộ taxi đến bảo tàng quốc gia Kabul nằm trên đoạn đường ra sân bay. Theo anh Abas, việc di chuyển bằng xe buýt ở Kabul khá thuận tiện, tuy nhiên vẫn không an toàn bởi anh e sợ những vụ đánh bom quả cảm luôn xảy ra. Ngay cả việc di chuyển bằng taxi, anh cũng khuyến cáo nên nhờ anh hỗ trợ do anh biết được tài xế taxi nào là thường dân Afghanistan chính hiệu. Một khi còn ở Afghanistan, không tin bất cứ một ai. Chỉ còn độ chừng 800m là đến khách sạn, tôi nghe tiếng ai đó gọi với theo “Hello, come in please, xin chào, https://thuviensach.vn mời vào”. Bên trong căn phòng nhỏ ven mặt tiền đường kinh doanh thiết bị máy văn phòng, anh trung niên tên Abdul vui mừng khi biết tôi đến từ Việt Nam. Anh cố gắng tìm trong ký ức của mình để thốt ra cụm từ “xin chào” bằng tiếng Việt mà thời gian trôi anh đã quên mất khi không còn sử dụng. Tôi giúp anh tìm lại kỷ niệm thơm tho đẹp đẽ trong khoảng thời gian bảy năm là sinh viên học chung với các bạn Việt Nam ở thủ đô Moscow, Nga. Tôi mời anh điếu thuốc mang từ Việt Nam sang để xã giao mở đầu câu chuyện, anh đẩy tay tôi và ra ký hiệu nên cho điếu thuốc trở vào bao. Anh cười, “Ở Afghanistan, không ai hút thuốc lá như thế, người Afghanistan chỉ hút loại thuốc này”. Vừa nói anh vừa rút ra từ túi áo khoác một miếng giấy nhỏ. Bên trong đó là một lớp nilon khá nhàu bao lấy chất dẻo có màu nâu sậm vàng. Anh hỏi tôi có muốn thử qua không, tôi lắc đầu từ chối lia lịa bởi tôi nhận ra chất dẻo trên tay anh là một loại thuốc phiện được chiết xuất từ hoa anh túc mà những người Nam Á hay gọi là ganja. Trong tiếng Phạn của nền văn minh Hindu, ganja có nghĩa là cỏ, tuy nhiên trong tiếng lóng từ ganja được hiểu là ám chỉ người nào đó là tín đồ thuốc phiện. Khi mùa xuân về, từ phía Bắc Ấn Độ trải dài lên Trung Á, hoa anh túc mọc hoang dại thành từng khóm đủ sắc màu trắng, đỏ và hồng nhạt trên những đám cỏ xanh tuyệt đẹp đang chuyển mình sinh sôi sau mùa đông rét mướt. Hoa anh túc là một trong những biểu tượng mùa xuân trên vùng đất Trung Á và nét đẹp của nó từng được miêu tả trong những tác phẩm nghệ thuật của nền văn minh cổ đầu tiên – nền văn minh Lưỡng Hà thuộc Iraq ngày nay vào năm 4.000 trước Công nguyên hay những điêu khắc trên gốm sứ Ba Tư sau này. Tôi hớp qua ngụm trà xanh (chai), đó là loại trà song hành cùng trà đen (qymaq) được xem là những loại trà truyền thống của người Afghanistan khi tiếp khách để lắng nghe câu chuyện của anh Abdul về loài hoa anh túc. Chiết xuất morphin từ hoa anh túc để trị hen suyễn, một số bệnh bao tử và đường ruột cùng với bệnh con ngươi mắt đã được những người Minoan thuộc nền văn minh hàng hải biển Aegean ghi nhận vào năm 3.650 – 1.400 trước Công nguyên. Morphin ngày càng có giá trị hơn khi các nhà khoa học thấy được công dụng của nó và https://thuviensach.vn vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay trong các cuộc đại phẫu vết thương phục vụ trong quân y. Khi kiểm soát toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ và Afghanistan, người Anh phát triển cây thuốc phiện trên vùng đất này với mục đích chiết xuất lấy morphin phục vụ cho quân đội. Lợi nhuận quá cao từ việc trồng nha phiến khiến phong trào trồng cây anh túc lan rộng từ Nam Á đến vùng đất tam giác vàng thuộc biên giới ba nước Thái – Lào – Miến Điện. Nhấm nháp hớp trà xanh, tôi hỏi anh Abdul: “Có bao nhiêu phần trăm dân số ở Afghanistan khoái khẩu hương vị thuốc phiện?” “Hãy đi về cây cầu Pul e Sukhta bắc qua dòng sông Kabul để thấy cả một thế hệ trẻ của Afghanistan đã bị hủy hoại như thế nào bởi nha phiến. Nhưng Linh cũng đừng đến, đó là khu vực không an toàn khi tập trung tất cả những gì gọi là tệ nạn xã hội ở Kabul. Bên dưới gầm cầu là những con nghiện không còn lý trí, khuôn mặt vật vờ sẵn sàng tấn công bất cứ ai mà họ nhận ra rằng không đồng cảm xúc với họ để cướp bóc những gì có trên người nhằm mua chất trắng tiếp nối cuộc sống. Rồi đến một ngày không còn gì nữa, họ ngủ sâu không buồn thức giấc trong cái gió cơn mưa rét mướt của mùa đông. Bên dòng sông Kabul, dưới chân cầu Pul là nơi chốn mà con nghiện tìm đến để kết thúc cuộc đời. Nơi đó con người không được sinh ra nhưng lại là nấc thang cuối cùng để bước lên thiên đường và có hơn 1.000 người nghiện ngập đã song hành cùng nàng tiên trắng đi xa mãi mãi. Họ đã quên những gì đáng quên của cuộc sống địa ngục trần gian. Không chỉ có người già tìm đến cái chết trắng, tỉ lệ nghiện ngập ở lớp trẻ Afghanistan ngày nay cũng rất cao. Họ tìm đến nàng tiên trắng rất sớm với hy vọng nhanh chóng hóa kiếp ra khỏi Afghanistan bởi không còn lối thoát. Đi đâu về đâu khi quốc gia này không có cảng biển để rong ruổi ra khơi tìm cuộc sống mới. Pakistan nằm về phía Nam và phía Đông vẫn là vùng đất không an toàn và chẳng một người Afghanistan nào yêu thích quốc gia đó vì một lý do rất riêng. Cả Iran ở phía Tây, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc ở phía Bắc đều đóng cửa biên giới nghiêm khắc với người Afghanistan. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài đến đây thì lấy đâu ra công ăn việc làm khi chúng trưởng thành. Cuộc sống trở nên bế tắc và đó là những gì chiến tranh để https://thuviensach.vn lại. Nhưng cuộc chiến đâu có kết thúc để người dân Afghanistan còn đoàn kết lại để xây dựng đất nước, nó vẫn đang tiếp diễn bởi Taliban trước đây và IS sau này.” Tôi thắc mắc về số lượng nha phiến ở đâu vào thị trường Afghanistan bởi trước đó không lâu tôi đã từng đọc qua thông tin trên mạng mà các bài viết cho rằng Afghanistan đã giảm dần sản xuất nha phiến. Anh Abdul cười hả hả cho rằng thông tin tôi đã đọc là sai và nhấn mạnh: “Tôi là người con của đất nước Afghanistan, ngoại trừ khoảng thời gian 7 năm sinh sống tại Moscow, thời gian tôi sinh sống ở Kabul cũng đã hơn 40 năm. Tôi hiểu Kabul và biết những gì đang diễn ra trên đất nước mình. Tôi muốn kể những gì thật nhất cho Linh nghe, nhưng nếu muốn có nguồn thông tin chính xác và khách quan nhất, Linh có thể tham khảo thêm nhiều người biết nói tiếng Anh!” Marjah là một thị trấn nhỏ nằm trong thung lũng Arghandab thuộc tỉnh Helmand là vùng trũng nha phiến của Afghanistan. Helmand nằm về phía Nam Afghanistan trên trục đường liên quốc gia để đến tỉnh biên giới Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Việc trồng cây hoa anh túc ở Marjah là nghề nông nghiệp truyền thống lâu đời và chất lượng thuốc phiện ở Marjah rất ngon bởi nó đạt cả hai điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Trong thập niên 1950 và 1960, với mục đích hạn chế trồng cây anh túc bằng việc thay đổi cơ cấu cây trồng khác, chính phủ Mỹ hỗ trợ tỉnh Helmand xây dựng lại hệ thống tưới tiêu có thể cung cấp nước trên diện tích 1,5 triệu km2. Sau cuộc nội chiến vào năm 2001, diện tích trồng hoa anh túc tại Marjah tăng lên nhanh chóng và Taliban chiếm lấy Helmand làm thủ phủ cho mình. Những người nông dân chân lấm tay bùn ở Marjah chấp nhận giải pháp sống chung cùng lũ bởi những cánh đồng hoa anh túc sẽ được bảo kê bởi Taliban và việc trồng nha phiến mang lợi nhuận rất cao so với việc canh tác những loại cây nông nghiệp nào khác. Người nông dân vẫn ý thức rằng, nàng tiên trắng như một loại virus khó trị, chúng tàn phá cơ thể và trí óc cả một thế hệ trẻ của Afghanistan, nhưng sức mạnh đồng tiền quá lớn. Trên 1.000m2, thay vì trồng bông vải chỉ thu lợi nhuận được 1.500 USD/mùa, nông dân có thể kiếm được 7.000 USD/vụ trên cùng diện tích đó khi trồng hoa anh https://thuviensach.vn túc. Ngoài việc nhận được 20% lợi nhuận khi chia chác với nông dân canh tác, Taliban còn là những người buôn bán vận chuyển heroin đi khắp nơi trên thế giới. Đó là nguồn thu nhập để sống và dành cho chi phí hoạt động của tổ chức Taliban. Không ai có thể ước tính được diện tích trồng nha phiến ở Helmand là bao nhiêu bởi hình phạt rợn người mà Taliban luôn áp dụng cho những ai tò mò muốn tìm hiểu thủ phủ của mình. Những tin đồn đang lan truyền ở Afghanistan, Taliban đang mở rộng diện tích trồng nha phiến của mình sang tỉnh biên giới Kandahar sát biên giới Pakistan. Vùng đất từ Helmand kéo dài sang Kandahar được gọi là “Trăng lưỡi liềm vàng” theo hình dáng hai vùng đất đó nối liền nhau khi được vẽ trên bản đồ. “Trăng lưỡi liềm vàng” là nỗi sợ ghê rợn cho các thương gia từ thung lũng Swat muốn sang Kabul giao thương với sáu tiếng ngồi xe và cung đường ấy ngày nay chỉ dành cho tầng lớp người nghèo Afghanistan của tỉnh Kandahar lên Kabul để làm giấy tờ cần thiết mà mạng sống của họ phó mặc cho số Trời. Tôi chia tay anh Abdul bằng câu hỏi khó mà phải hồi lâu sau anh đành thú nhận sự thật với tôi trong sự bẽn lẽn mắc cỡ trên khuôn mặt. “Biết rằng, tác dụng của chất trắng rất nguy hiểm, tại sao anh vẫn sử dụng nó hàng ngày?” Anh Abdul rụt rè xen lẫn một chút bối rối: “Tôi là người không chơi chất trắng nhưng là người phân phối nó đến con nghiện để kiếm thêm thu nhập. Linh nghĩ đi, Kabul quá non trẻ nhưng chẳng có nhà đầu tư nào đến đây thì làm sao tôi có thể nuôi cả gia đình mình dù biết rằng đó là việc làm chẳng hay chút nào. Việc cung cấp chất trắng tiếp tay phá hủy cả một thế hệ trẻ với nhiều mơ ước xây dựng lại đất nước, đi ngược với đạo đức kinh doanh, nhưng tôi phải làm gì đây khi cuộc sống bế tắc bởi loạn lạc chiến tranh!” Thảo nào, anh quá rành đường đi nước bước con đường trắng ở Afghanistan. Câu hỏi không có câu trả lời đang chạy qua đầu tôi: Nếu tôi được sinh ra ở Afghanistan, tôi sẽ làm gì để mưu sinh, chấp nhận ở lại nơi chốn mình sinh ra hay thoát khỏi quê hương để đổi mới cuộc sống bằng mọi cách. Bảo tàng quốc gia Afghanistan https://thuviensach.vn Anh Abdul bắt hộ tôi chiếc taxi quen biết để tôi đến bảo tàng quốc gia Afghanistan nằm cách trung tâm khoảng 9km và nhờ vậy tôi khỏi phải tốn công quay trở lại nhà nghỉ Salsal. Kabul là điểm trung chuyển của con đường Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Á để quảng bá và ngược lại cũng là điểm trung chuyển của con đường tơ lụa từ Bamyan đi về Pakistan để vào Ấn Độ. Những gì còn sót lại ở bảo tàng quốc gia Afghanistan là tư liệu tốt nhất giúp tôi tìm hiểu những gì thuộc về phạm trù văn hóa đã giao thoa nhau ở đây. Năm 630 sau Công nguyên, ngài Huyền Trang đã ghé lại Kabul và ghi lại những gì ông biết trong quyển nhật ký:“Kabul lúc bấy giờ có tên gọi là Kaofu mà tên Kaofu được đặt bởi một trong năm chi người Nguyệt Chi sinh sống trong các vùng đồng cỏ khô cằn thuộc miền đông khu vực lòng chảo Tarim thuộc Tân Cương, Cam Túc và Kỳ Liên Sơn của Trung Quốc ngày nay. Họ đã vượt dãy núi Hindu Kush để vào thung lũng Kaofu sinh sống vào thế kỷ 1. Kaofu là kinh đô của vị Đại đế Kujula Kadphises mộ Phật giáo từ năm 45 đến tận thế kỷ 3 trên vùng đất rộng lớn. Ngôn ngữ đế chế Quý Sương sử dụng lúc bấy giờ là sự pha lẫn giữa Hy Lạp và Ấn Độ được gọi là ngôn ngữ Ấn – Âu hay Đại Hạ.” Không ai ghé thăm bảo tàng ngoài tôi, bên ngoài cánh cửa bảo vệ các anh công an đang ngồi trò chuyện cùng nhau trong hơi thở se lạnh của mùa xuân. Tôi thích thú đọc qua lịch sử của bảo tàng được gói ghém trong tấm bảng to dựng ngay ở lối vào để hiểu được những món cổ vật bên trong được sống sót như thế nào trong khói lửa chiến tranh. Bảo tàng được thành lập vào năm 1919 dưới triều đại vua Amanullah Khan với 100.000 cổ vật được trưng bày bên trong thể hiện những gì tinh túy nhất của nền văn minh Trung Á. Cuộc nội chiến năm 1989 đã làm mất đi 70%, đặc biệt những món đồ cổ có nhiều niên đại được làm bằng vàng thật hay nhủ vàng. 30% hiện vật còn lại được chính phủ cho vào những chiếc hũ to chôn dưới mỏ vàng Bactrian và sau đó ký gửi cho ngân hàng trung ương Afghanistan vì cảm thấy không an tâm. Tháng 3/1994, bảo tàng lại hứng chịu một đợt pháo kích nặng do bảo tàng là nơi tạm thời cho quân đội đóng quân. Những mảng tường dài cùng những vết tích cháy xém loang lổ trên thân vẫn được chính phủ Afghanistan giữ nguyên sau khi xây dựng bảo tàng mới. Nó chạy https://thuviensach.vn dài bên cạnh phòng trưng bày hiện vật mới xây lại như là một nhân chứng tố cáo tội ác chiến tranh. Được ngắm nhìn những hiện vật tuyệt đẹp như các bức tranh hoàn mỹ, tượng Phật được điêu khắc tinh xảo... còn sống sót sau chiến tranh, tôi vô cùng cảm phục tinh thần làm việc một cách thầm lặng của 71 nhân viên bảo tàng sau đợt pháo kích. Họ gom tất cả các hiện vật bị hư hỏng bởi pháo đạn đưa về khách sạn Kabul phân loại ra từng món và liệt kê chi tiết vật liệu nào đã tạo ra từng món đồ quý giá ấy để các chuyên gia dễ dàng sửa chữa hay trùng tu sau này. Quý giá nhất trong các hiện vật ấy chính là chiếc ngà voi Bagram có niên đại từ thế kỷ 2 với hai tượng Phật được điêu khắc tinh xảo theo nghệ thuật Bactria trên thân ngà. Miếng ngà voi được người Anh thu được trong cuộc nội chiến 1989 và trả lại cho bảo tàng vào tháng 7/2012. Tôi thong dong một mình lắng nghe nhịp điệu bước chân giữa những tác phẩm nghệ thuật vô cùng sống động trên tầng hai của bảo tàng. Các anh bảo vệ nhiệt tình hướng dẫn cho tôi tham quan các phòng, cho phép chụp hình nhưng đôi mắt vẫn theo dõi sát sao hành động của tôi. Có thể, các anh ngai ngái trong lòng những hiện vật tuyệt đẹp sẽ bị du khách cầm nhầm bởi chúng quá đẹp và làm say mê bất kỳ ai lỡ bước đến đây. “Kho bạc Bagram” Chỉ là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Bagram, tỉnh Parwan, cách thủ đô Kabul độ chừng 64km, nhưng trong thời cổ đại Bagram đã có một cái tên khá đặc biệt “Kho bạc Bagram”. Cái tên kiêu hãnh đó không ngụ ý rằng Bagram là vùng đất nhỏ giàu có mà những thương gia muốn ám chỉ về địa lý của nó. Bagram là điểm dừng chân của đoàn người lạc đà trên con đường tơ lụa năm xưa để chuẩn bị vượt núi cao đến Bamyan. “Kho bạc Bagram” được hiểu là tại thị trấn đó, mọi người có thể mua bán và trao đổi những mặt hàng quý hiếm có giá trị trên con đường tơ lụa: đó là những chiếc ngà voi quý giá có nguồn gốc từ Ấn Độ, chiếc hộp sơn mài từ nhà Hán Trung Hoa, sản phẩm thủy tinh có nguồn gốc La Mã đến từ Ai Cập và Syria, các bức tượng nhỏ từ Hy Lạp cổ đại theo phong cách Pompeia, sản phẩm đồ bạc có nguồn gốc Địa Trung Hải. Đến thế kỷ https://thuviensach.vn 2, Bagram còn có tên gọi khác “Thị trấn của những con voi” bởi những chiếc ngà voi quý hiếm từ Ấn Độ đến Bagram được các nghệ nhân chế biến lại bằng phương pháp thủ công để điêu khắc trên thân ngà. Những tác phẩm được điêu khắc trên thân ngà chính là đỉnh cao của nền nghệ thuật Bagram. Một phần diện tích nhỏ ở khu khảo cổ học Bagram đã bị những tên trộm đào bới trước khi Hiệp hội Khảo cổ học người Pháp phối hợp với chính phủ Afghanistan khai quật từ năm 1936 – 1946. Bên dưới lớp đất cát phủ bóng bụi thời gian là cung điện của vị Hoàng đế Ca Nị Sắc Vương và các hoàng đế kế nhiệm đến đây nghỉ mát vào mùa hè. Những vết cháy xém của các viên gạch trên đống đổ nát điêu tàn được các chuyên gia nhìn nhận là sự đốt phá cung điện mùa hè của Hoàng đế Ba Tư Sasanian sau khi chiếm thành đoạt lũy. Một thị trấn nhỏ nằm gần bên cung điện được giải thích là sự thiết lập lại Bagram sau khi Hoàng đế Hephthalite quản lý vùng đất này. Giá trị mà các nhà khoa học tìm thấy ở cung điện mùa hè chính là 2 gian phòng chứa những cổ vật quý báu như người xưa đã từng ca ngợi về Bagram: những chiếc hộp sơn mài từ Trung Hoa, những tượng đồng theo nghệ thuật Graeco-Roman, Bactria và Gandhara, bộ sưu tập về kính màu của người La Mã, những chiếc bình được làm từ khoáng pocfia trộn với thạch cao tuyết hoa thiết kế theo nghệ thuật Graeco-Roman, những đồng tiền điêu khắc các vị thần trên mặt. Việc khai quật Bagram còn có ý nghĩa về sự giao thoa văn hóa Đông − Tây trên con đường tơ lụa ở vùng đất Nam Á và vương triều Kushan là đỉnh cao của nghệ thuật khi cả trường phái Bactria, Gandhara và La Mã xích lại gần nhau hơn. Trường phái Graeco Roman chỉ xuất hiện trên những vùng đất ven Địa Trung Hải, rất hiếm hoi trên vùng đất Nam Á, nhưng ở Bagram người ta đã ngửi thấy hương thơm của nó. Giá trị đích thực trong cuộc khai quật Bagram là các nhà khoa học đã tìm thấy miếng ngà voi có niên đại từ thế kỷ 2 được các nghệ nhân điêu khắc trên đó 2 tiên nữ Apsara đang nhảy múa thuộc nền văn minh sông Hằng. Miếng ngà voi chính là điểm sáng chói của của trường phái Bagram song hành cùng với ba trường phái nghệ thuật khác ở Vương quốc Kushan: Bactria, Gandhara và Mathura. https://thuviensach.vn Trường phái Bagram có từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 2 còn được gọi là Nagarahara – Arachosia. Những nghệ nhân làm nghề trang trí hoa văn trên gốm sứ, điêu khắc trên ngà voi được gọi là những người làm nghề tự do. Họ có thể là một người hoặc cả một gia đình. Những chiếc ngà voi được đun sôi rất lâu để chúng mềm ra và tiến hành cán mỏng. Để việc điêu khắc được trơn tru, các nghệ nhân tiến hành mài mảnh ngà voi cho thật láng bề mặt bằng đá. Trên một miếng ngà, các nghệ nhân không khắc hơn ba hình ảnh. Nội dung điêu khắc trên ngà biến thiên đa dạng tùy thuộc những gì người chủ sở hữu muốn vẽ, có thể là bông hoa, hoa văn nghệ thuật, hình ảnh một ai đó... tuy nhiên những tác phẩm nghệ thuật lớn thường vẽ về những biểu tượng liên quan đến các tôn giáo đang hiện diện ở Bagram. Sau khi điêu khắc được thực hiện xong, miếng ngà voi được đánh bóng lại để các nghệ nhân kiểm tra nét điêu khắc đã in sâu vào thân ngà hoặc chỉnh sửa nội dung lần cuối trước khi đi nhuộm màu. Màu xanh dương và màu đỏ thường được các nghệ nhân sử dụng nhấn mạnh nội dung đã vẽ và màu đỏ hay màu đen sẽ làm nền xung quanh. Màu đỏ son và màu chàm cũng thường được các nghệ nhân sử dụng tô đậm nội dung chính của tác phẩm trong thế kỷ 2. Tôi say mê ngắm nhìn những gì thuộc quốc bảo Afghanistan mà quên mất giờ ăn trưa đang đến. Mặt trời luôn có sức mạnh của mình với vạn vật và khi đã lên cao những tia nắng ấm áp đã thổi bay cái lạnh lẽo của làn gió mùa xuân. Cuộc chiến giữa gió và mặt trời vẫn chưa đến hồi kết thúc bằng phản ứng đỏng đảnh của gió với cái khô hanh khó chịu trên bờ môi. Những gốc cây oliu trong khuôn viên bảo tàng vẫn rì rào hát tình ca trong cơn gió xuân cùng với đám hoa bồ công anh nằm bên dưới đang vào mùa. Làn sóng trắng được tạo thành từ sự mong manh của bồ công anh dập dềnh gợn cuốn khi một cơn gió lạ nào đó đi qua. Lẫn trong lời thì thầm mùa xuân của vạn vật là tiếng kêu lảnh lót trong không gian yên tịch của chim sâu đang tìm mồi. Trong khoảnh khắc thời gian như đang lắng đọng, âm thanh như một tiếng sóng gào dữ dội trên bãi biển vắng mà tôi nghe rõ mồn một từng cung bậc của chúng. https://thuviensach.vn Các em học sinh đang tan trường mà theo tôi dự đoán ngôi trường tiểu học đó nằm không xa bảo tàng. Một vài đám bụi màu đỏ đang lốc tự nhiên theo gió trên con đường dẫn đến ngôi trường. Trong đồng phục màu xanh dương, các em trong sáng vô tư đùa giỡn không bợn chút lo nghĩ những biến cố đang xảy ra quanh cuộc sống. Giữa bão táp chiến tranh, giáo viên tình nguyện, những bộ đồng phục, sách vở bút mực và ba lô là những gì mà tổ chức nhân đạo thuộc Liên Hiệp Quốc có thể làm để gieo những hạt giống tri thức vào tâm hồn với niềm hy vọng đó là cánh cửa cuộc đời của các em trong tương lai. Các em xôn xao khi thấy chiếc máy ảnh trên tay tôi và tự động xếp hàng chụm đầu vào nhau để được chụp hình. Thân thương lắm khi những mái đầu chụm vào nhau để xem lại hình ảnh của mình vừa được chụp. Các em vẫn theo chân tôi đến phía trước cung điện hoàng gia Darul Aman nằm cách bảo tàng độ 500m để đến bến xe buýt quay về nhà. Tìm hiểu thêm tôi mới biết rằng, những bác tài xe buýt không lấy tiền vé xe và các em tự lập đến trường mà không cần người nhà đưa đón. Trong sự rối bời của cuộc sống và hòa bình đang còn viễn chinh ở nơi nào đó xa xôi, thế hệ người đi trước đặt trọn niềm tin vào những mầm xanh tương lai. Đọng lại trong tôi hình ảnh những em học sinh là cặp mắt lạ kỳ của em học sinh trong nhóm với mái tóc xoắn rậm. Một đôi mắt sáng tinh khôi xen lẫn sự nhân từ bao dung trong đó. Em không nhận những viên kẹo thơm để chia tay từ tôi như các bạn trang lứa khác mà chỉ đứng lặng nhìn tôi bên dưới tán dù quầy hàng bán các loại nước giải khát. Chờ các bạn của mình đã lên xe buýt về nhà, em đến gần bên tôi nhờ chụp cho em hai tấm ảnh: một mình và cùng với tôi. Em bẽn lẽn đỏ hai vành tai xem lại chân dung của mình qua hai tấm ảnh và bước lên chuyến xe buýt kế tiếp với cánh tay nhỏ bé vẫy chào qua ô cửa sổ. Tôi men theo đường mòn vào công viên nhỏ nằm dọc theo đường Darul Aman để đi tắt đến cung điện hoàng gia Darul Aman. Một vài con nghiện nằm vật vờ dưới những cây oliu bên trong công viên làm tôi thoáng giật mình. Một Darul Aman hoang tàn trên ngọn đồi cao mà nơi đó chỉ còn lớp bụi thời gian rêu phong bám lại trên những mảng tường thành trong tiếng lao xao hoang vu của gió. Người xưa kể rằng, cung điện hoàng gia của vua Amanullah Khan được xây https://thuviensach.vn dựng vào những năm 1920 tuyệt đẹp khi mùa đông về. Darul Aman như một lâu đài theo kiến trúc Tân cổ điển của người Pháp trong câu chuyện cổ tích thần tiên nằm giữa vùng tuyết trắng bao la dựa đầu vào dãy núi Hindu Kush kiêu hùng cũng phủ màu trắng toát. Từng là biểu tượng của Kabul nhưng nét xưa lối cũ nay còn đâu khi tôi đặt chân đến đây. Xung quanh cung điện Darul Aman là những cuộn kẽm gai đã rỉ sét ngăn cách du khách bởi chỉ cần chạy nhảy hay giậm chân mạnh, bên trong cung điện có thể sập bất cứ lúc nào. Chính phủ Afghanistan nhiều lần cũng thực hiện trùng tu gián đoạn nhưng không đủ kinh phí. Nhưng liệu rằng, sau khi trùng tu để trở về hình dáng ban đầu vốn có, nó có an toàn nữa không bởi nguy cơ một cuộc nội chiến lần nữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người Afghanistan vẫn muốn nó tồn tại theo kiểu cách hoang tàn đổ nát để tố cáo tội ác chiến tranh. img548 Lâu đài Darul Aman ở Kabul, Afghanistan Những ngọn gió lao xao Denis với khuôn mặt vẫn còn ngái ngủ đang chờ tôi ở cửa nhà trọ Salsal để cùng đi đến Bộ Nội vụ làm thẻ du lịch cho tôi. Tôi kể lại cho anh nghe những gì đã xảy ra với tôi trong sáng nay ở doanh trại quân đội. Denis tỏ vẻ khó chịu khi nghe câu chuyện và cho biết: đó là lý do tại sao anh muốn rời Afghanistan tức khắc. Tôi thong dong ngắm nhìn một Kabul non trẻ lớn lên từng ngày với rất nhiều cao ốc đang mọc lên. Denis liến thoắng chỉ cho tôi đặc điểm từng khu một khi taxi lướt qua. Sự nhiệt tình của Denis làm tôi có cảm nhận anh ta quá rành Kabul dù chỉ đến trước tôi hai ngày, nó rất khác cách du lịch của tôi nói riêng hay châu Á nói chung với cách đi du lịch của Denis và châu Âu. Việc làm thẻ du lịch khá nhanh và sau khi kết thúc chúng tôi rảo bước để đến ngôi chợ tự phát mà Denis cho biết giá rau quả ở đây khá rẻ so với khi mua gần nhà trọ. Khi đi ngang doanh trại quân đội, bất chợt, một anh quân nhân lăm le khẩu súng trên tay tiến về phía chúng tôi yêu cầu kiểm tra hộ chiếu. https://thuviensach.vn Denis nhìn tôi lắc đầu ngao ngán và ném cái nhìn hằn học về phía anh ta. Tôi từ tốn giải thích với chiếc thẻ du lịch trên tay: “Chúng tôi chỉ là những du khách vừa đến Bộ Nội vụ để làm thẻ du lịch.” Denis nói bâng quơ khi anh quân nhân trả lại hai hộ chiếu: “Ở Afghanistan, ai cũng có thể kiểm tra du khách, kể cả là một thường dân!” Tôi phá loãng bầu không khí căng thẳng trên đoạn đường còn lại bằng câu hỏi: “Tối nay mình sẽ ăn gì?” Denis phá ra cười sau câu hỏi đó: “Vẫn là rau cải, đồ hộp và bánh mì, nhưng có lẽ tối nay tôi sẽ chuyển qua bánh mì tròn hoặc hình chiếc quạt thay cho loại bánh mì truyền thống naan. Những chiếc bánh mì tròn hay bánh mì hình chiếc quạt chứa nhiều bột mì thơm và ngon hơn hẳn loại naan.” img552 Bánh mì truyền thống của người Afghanistan Chiếc bánh mì tròn được gọi là taftan, chiếc bánh mì to hình quạt có tên gọi barbari và cả hai có nguồn gốc từ Iran. Denis hỏi trong lúc lựa chọn hoa quả làm tôi giật mình: “Linh có phân biệt đâu là người Afghanistan và phiến quân Taliban trong dòng chảy xã hội ở Kabul không? Hai hôm trước khi đi một vòng Kabul, tôi có tiếp xúc và trò chuyện với hai người nam bản địa, dường như họ là phiến binh Taliban đào ngũ. Tôi cũng không chắc lắm và việc này cần phải hỏi người địa phương mới xác thực được họ có phải là Taliban hay không.” Dường như vẫn ám ảnh về hai người đàn ông mà anh cho rằng là Taliban nên Denis rất thận trọng trên đường quay lại nhà nghỉ Salsal. Anh ra hiệu cho taxi dừng lại phía trước công viên phủ đầy cây cổ thụ cao to rồi thả bộ qua khỏi khách sạn hơn 500m và quay lại biến nhanh vào bên trong cánh cửa nhà nghỉ được canh gác bằng anh bảo vệ trẻ nói tiếng Anh bập bẹ. Denis giải thích hành động của mình: “Khuôn mặt tôi rất Tây nên rất dễ phân biệt ở Kabul, đâu biết được nếu hai người Taliban đang theo dõi ở một góc nào đó và bắt cóc tôi.” https://thuviensach.vn Chúng tôi trò chuyện với anh Abas tại quầy tiếp tân với câu hỏi bằng cách nào có thể phân biệt giữa thường dân và Taliban. Anh từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi của Denis bằng cụm từ “Tôi không biết” vì sợ rằng những bài báo sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của anh sau này. Anh chỉ giải thích đại khái: “Phiến quân Taliban thường là những con nghiện thuốc phiện rất nặng nên khuôn mặt của họ rất vật vờ. Họ không tắm gội, cũng không cắt tóc cạo râu để trông giống các vị Thánh được nhìn thấy trong các bức họa. Trông bề ngoài họ rất bẩn thỉu dơ dáy, nhưng cặp mắt của họ rất khát máu với những chỉ máu đỏ xuất hiện trong tròng mắt. Việc họ bị điều khiển bởi ma túy để giết đồng loại không một chút gớm tay như là cơn nghiện thứ hai đi song hành với ma túy.” Những ngọn gió vẫn chưa đi ngủ, chúng lao xao bên ngoài tấm màng lưới ô cửa sổ nhỏ và lắng nghe câu chuyện chúng tôi. Tôi hỏi Denis: “Bạn nghĩ sao về phiến quân Taliban và nhà nước Hồi giáo mới IS?” Denis ngao ngán lắc đầu: “Tôi đến Afghanistan cũng vì muốn tìm hiểu về họ đấy, nhưng bây giờ tôi thích lặng nhìn và tìm hiểu những bước thăng trầm của cuộc sống người Afghanistan trong loạn lạc chiến tranh hơn. Một điều tôi hối tiếc vào lúc này chính là không mang các loại thuốc tây đến đây tặng cho những người nghèo. Thuốc tây vẫn luôn là vật phẩm quý hiếm ở Afghanistan.” Chúng tôi không thể mua được chiếc vé máy bay từ Liên Hiệp Quốc để đến Bamyan. Denis bảo tôi cho anh ta một ngày suy nghĩ để quyết định có đến Bamyan hay không. https://thuviensach.vn Chương IVĐất phật Bamyan Denis hỏi tôi: “Đoạn đường từ Kabul đi Bamyan sẽ đi ngang qua tỉnh Nagarahara đã bị Taliban chiếm đóng với mọi nguy hiểm đang rình rập ngày đêm. Thật sự là Linh muốn đến Bamyan chứ? Tại sao tự làm khó mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mình?” “Tôi không còn cơ hội để quay trở lại nơi đây. Tôi là một Phật tử và từng có ước mơ được đặt chân đến tất cả các kinh đô Phật giáo bên ngoài Ấn Độ. Sáng sớm mai tôi sẽ đi Bamyan một mình nếu bạn không tham gia.” Tôi trả lời dứt khoát với nụ cười cương quyết trên môi. img559 Bamyan - Kinh đô Phật giáo vàng son, nơi con đường tơ lụa dừng chân ở Afghanistan Gian nan đường đến Bamyan Tôi kể Denis nghe những gì tôi đã đọc qua về Bamyan: Không chỉ tìm về vùng đất lịch sử với kinh đô Phật giáo sáng chói, ở Bamyan còn có thiên nhiên tuyệt đẹp bởi thung lũng Bamyan nằm ở độ cao 2.550m được một phần dãy núi Hindu Kush kéo dài về hướng Tây bao phủ với tên gọi núi Baba. Sự khơi dậy hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã có kết quả khi Denis đồng ý xuất phát đến Bamyan vào 6 giờ sáng mai. Chúng tôi vẫn biết để đến Bamyan từ Kabul nên xuất phát từ lúc 4 giờ sáng bởi thời điểm đó đến đoạn Nagarahara thì phiến quân Taliban vẫn còn đang ngủ nên sẽ an toàn hơn, nhưng cái lạnh mùa xuân vào lúc đất trời giao thoa giữa bóng tối và bình minh cùng việc thích ngủ nướng vào buổi sáng sớm đã lấn áp nỗi sợ của chúng tôi. Anh chủ nhà trọ Salsal bắt hộ chúng tôi chiếc taxi để đến bến xe đi Bamyan. Chúng tôi chỉ có một ba lô nhỏ cho mỗi người với các vật dụng đủ dùng cho ba ngày dự kiến ở Bamyan. Bến xe Charika đi https://thuviensach.vn Bamyan đúng nghĩa là bến xe tự phát nằm ở góc đường nào đó mà tôi không nhớ tên. Tôi chỉ nhớ đối diện với bến xe là công viên Bala nơi từng có cung điện mùa hè của vua Amir Abdur Rahman từ năm 1880 – 1901. Cung điện mùa hè theo kiến trúc người Ba Tư trên ngọn đồi vẫn còn đó nhưng nó hoang tàn đến mức xót xa. Có hai dạng xe đến Bamyan mà chiếc nào chiếc nấy cũ xì về hình dáng lẫn nội thất bên trong: xe Toyota 8 – 12 chỗ và xe 4 chỗ VAZ 2101. Ông tài xế taxi 4 chỗ chào mời chúng tôi khi trên xe đã được hai người. Chúng tôi quyết định đi bằng xe 4 chỗ bởi chỉ mất khoảng 4 tiếng là đến được Bamyan so với 6 – 8 tiếng cho loại xe 8 – 12 chỗ dù giá vé đắt gấp 2,5 lần. Hơn nữa, đây là thời điểm Taliban đã thức giấc, đi bằng xe nhỏ có thể chạy nhanh hơn trong những cung đường núi thay vì việc phải ì ạch leo dốc của những chiếc xe 12 chỗ có động cơ cũ kỹ. Đi khoảng 10km khỏi Kabul, mọi người trong xe bàn tán với nhau bằng ngôn ngữ Pashto với vẻ mặt lo lắng khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Anh tài xế taxi dừng xe dọc đường ba lần để tìm người nói tiếng Anh hỗ trợ. Cuối cùng có một em sinh viên đón xe dọc đường giúp chúng tôi trao đổi tiếng Anh. Theo em sinh viên, có hai cung đường từ Kabul để đến Bamyan. Hướng thứ nhất, sẽ đi qua tỉnh Wardak và sẽ đến Bamyan độ khoảng 5 tiếng ngồi xe. Hướng thứ hai sẽ đi qua tỉnh Parwan, leo núi với độ cao 2.900m và đến Bamyan khoảng 9 tiếng ngồi xe. Hướng thứ nhất khoảng cách khá ngắn, nhưng khá nguy hiểm bởi phải đi qua vùng Taliban chiếm đóng là tỉnh Nagarahara khoảng 60km. Chúng tôi yêu cầu anh tài xế đi theo hướng thứ hai cho an toàn và đồng ý trả thêm một khoảng chi phí phụ trội. Anh lắc đầu từ chối bởi anh và hai người còn lại trong xe muốn đến Bamyan sớm nhất vì lý do cá nhân. Anh cho chúng tôi quyết định: đi tiếp hoặc dừng lại. Sau 3 phút hội ý, tôi và Denis quyết định đi tiếp bởi không muốn tắt lịm niềm đam mê khi đã đến Afghanistan. Khá nhanh nhạy trong xử lý tình huống, anh tài xế taxi dừng lại một quán bán hàng ở thị trấn nhỏ và yêu cầu chúng tôi mua chiếc khăn truyền thống để quấn trên đầu và chiếc áo của người Afghanistan để mặc. Theo anh giải thích, từ trên núi cao nhìn xuống, các phiến quân Taliban sẽ nhầm tưởng chúng tôi là người bản địa. Chỉ cần nhìn thấy mọi người đều có súng trên đôi vai của mình dù ra đồng canh tác hay chăn gia súc, chúng tôi ngầm hiểu rằng xe đang đi vào vùng Taliban chiếm đóng. Chúng tôi khuyến cáo https://thuviensach.vn bác tài chạy xe càng nhanh càng tốt. Nhịp tim mỗi lúc càng nhanh theo nhịp lăn bánh xe. Ngày ở Kabul, tôi không thích khi gặp phải cảnh sát, nhưng bây giờ tôi lại muốn được gặp cảnh sát càng nhiều càng tốt. Chỉ có thế mới khiến tôi giảm nhịp đập tim vì biết rằng mình đang đi vào khu vực do nhà nước Afghanistan quản lý. Tôi trấn an tinh thần của mình bằng việc ngắm nhìn phong cảnh xung quanh. Xe đang lao đi trên con đường quanh co qua các hẻm núi đá bạc màu thuộc tỉnh Nagarahara. Trong ánh nắng vàng ươm của buổi sáng mai, những dãy núi bạc màu dọc đường đi có màu sắc đẹp lạ lùng theo từng giọt nắng đong đưa. Tôi biết rằng tôi đang đi trên con đường tơ lụa ngày xưa xuyên qua dãy núi Hindu Kush. Chỉ có chăng sự khác biệt về quá khứ và hiện tại trên con đường tơ lụa là sự trải nhựa để nối liền mạch giao thông kinh tế văn hóa thay cho một con đường mòn nhỏ với những hạt bụi từng phủ bám. Mùa xuân đang đến mang lại sự bình yên của con người trong bầu trời xanh trong rồi thỉnh thoảng bị che khuất bởi những dãy núi cao, mùa xuân đọng lại trên cánh hoa mận hoa đào hoang dại nở trắng toát rung rinh bên bờ suối róc rách được tạo thành từ dòng chảy của tuyết tan trên dãy núi Hindu Kush. Khoảnh khắc quá im lặng khi không một ai trên xe thốt lên lời nào và ngoài kia trên mảnh ruộng nho nhỏ nằm sát chân núi, ông lão bơ vơ giữa đất trời khoác trên người chiếc chăn ấm cũ màu đang hò hét để hai con lừa mang nặng trên mình chiếc cày đi đúng lối. Âm thanh hò hét của ông vang dội vào đá núi rồi mất hút vào vùng xoáy tĩnh mịch không gian. Ông bất chấp mọi hiểm nguy đang rình rập xung quanh bởi trên núi cao là lực lượng Taliban chiếm đóng. Khẩu súng AK trên vai ông như một thách thức với những tai họa có thể đến bất cứ lúc nào. Một vài người Afghanistan nói với tôi rằng, bọn Taliban cũng còn một chút tính người trong hình hài một con mãnh thú nếu người Afghanistan chấp nhận sống chung với chúng và coi đó là một phần thực thể không thể tách rời với gia đình mình. Chúng chỉ thật sự “điên” lên khi trên núi cao không còn gì để đưa vào bao tử. Mọi chuyện không thành vấn đề nếu những nông dân chia sẻ với chúng một ít thành phẩm sau một vụ thu hoạch trong một đêm tối trời nào đó. Với người nông dân chân lấm tay bùn, việc chắt chiu những https://thuviensach.vn thành phẩm trên mảnh ruộng nhỏ trong các thung lũng là cách nuôi sống gia đình và hành động của Taliban là hành động của một tên cướp không hơn không kém. Những cuộc đọ súng đã từng diễn ra để chống lại hành động cướp không hay ho gì và sau những chiến trận như thế, những người Afghanistan phát hiện rằng lực lượng Taliban không nhiều vũ khí như chúng từng tuyên bố trên các phương tiện truyền thông và trang bị một cây súng tự vệ là việc làm đầu tiên khi bám trụ lại tỉnh Nagarahara. Băng sau xe gồm ba người trong đó có tôi, Denis và ông chú ngồi cạnh tôi có khuôn mặt khá giống người Mông Cổ. Những nếp nhăn trên trán khi thời gian đi qua hay những vệt tàn nhang trên má vì cái lạnh ở độ cao gần 3.000m vẫn không che được nụ cười phúc hậu của ông. Mắt ông vẫn đăm đăm về phía bên trái, trên đỉnh núi cao của dãy Hindu Kush. Thỉnh thoảng ông ra ký hiệu với nụ cười tươi cho chúng tôi hiểu rằng: đi qua đoạn đường độ khoảng 80km thuộc tỉnh Nagarahara, nhiệm vụ của hành khách còn phải quan sát mọi thứ xung quanh để báo lại cho tài xế xử lý nếu xảy ra tình huống xấu. Bằng điệu bộ ngôn ngữ cơ thể, ông giúp chúng tôi hiểu thêm Taliban chỉ chiếm dãy núi bên trái đối diện với con đường tơ lụa ngày nay bởi họ thường thực hiện bắn tẻ vào bánh xe cho nổ lốp rồi thực hiện bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc hoặc xả súng vào ai đó nếu chống cự, nếu chiếm bên phải dãy núi họ rất khó để bắn tẻ và tài xế hiện nay đang bị đè nặng hai vai vì đang chuyên chở chúng tôi. Với người Afghanistan khi qua đoạn đường, nếu lỡ bị dính chấu Taliban thì việc đưa tiền để chuộc có thể nhẹ gánh hơn rất nhiều so với người nước ngoài, chưa kể việc chúng tôi là người nước ngoài còn bị Taliban sử dụng cho mục đích chính trị khác. Trọng trách đưa chúng tôi đến nơi an toàn đang là tâm lý đè nặng lên trái tim anh tài xế lúc này. Ông giải thích tiếp, bất kỳ xe khách nào chạy cung đường Kabul – Bamyan đều phải có khẩu súng trong xe. Việc đầu tiên khi xe bị nổ lốp bởi Taliban, tài xế phải nổ súng chỉ thiên báo hiệu để những cư dân đang sinh sống rải rác dọc đường chạy đến tiếp ứng, nếu đoạn đường quá vắng khẩu súng sẽ giúp tài xế bảo vệ mình khi Taliban đủ thời gian hạ sơn. https://thuviensach.vn Thỉnh thoảng, để thư giãn trên đoạn đường căng thẳng, ông chú moi từ chiếc áo khoác ra bọc nilon nho nhỏ trong đó chứa chất bột dẻo màu xanh. Đôi tay ông vân vê chất bột sền sệt thành những viên tròn từ từ đặt vào trong miệng giữa hàm răng dưới và môi. Tò mò hỏi tôi được ông giải thích đó là cách hút thuốc truyền thống của người Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan được gọi là Naswar. Loại thuốc Naswar được Cha xứ Ramon Pane người Tây Ban Nha phát minh vào 1493 để phục vụ những thủy thủ đoàn tàu đi tìm vùng đất mới. Việc sử dụng Naswar được người châu Âu tán dương bởi nó không có khói thuốc làm ảnh hưởng người đối diện và ô nhiễm môi trường, ngoài ra theo các nghiên cứu khoa học, việc sử dụng Naswar ở liều lượng nhất định còn có tác dụng chữa triệu chứng đau nửa đầu. Theo con đường tơ lụa từ Tây sang Âu, Naswar đã đến vùng đất Nam Á và theo thời gian người bản địa xem sử dụng Naswar là nét văn hóa truyền thống. Chỉ cần 5 phút đặt Naswar vào miệng, lượng nicotin sẽ tan và gây cảm giác cho người sử dụng. Ở Afghanistan, người sử dụng phân biệt thành hai loại Nas và Naswar do cách chế biến mỗi loại khác nhau dù nguyên liệu chính vẫn là những sợi thuốc lá khô và phẩm màu xanh. Những người thích hương vị đậm đặc thì sử dụng Nas với nguyên liệu chế biến gồm sợi thuốc lá, bột vỏ cây bách xù, dầu mè và nước. Naswar hương vị nhẹ hơn được chế biến từ sợi thuốc lá, bột hương chanh, bột chàm, bột bạch đậu khấu, dầu, hương vị bạc hà và nước. Việc sử dụng Naswar giảm nhẹ túi tiền cho những con nghiện, một hộp 15gr giá chỉ độ chừng 10 Afs (khoảng 3.000 đồng). Tuy nhiên, gần đây chính phủ Kazakhstan cho rằng Nashwar thật sự không còn nguyên thủy như lúc đầu mà bên trong nó còn có chất gây ảo giác tác động nhiều đến hệ thần kinh nên đã ngưng giao thương Naswar. Con đường trở nên xấu dần khi len lỏi qua giữa những khe núi. Rất nhiều đoạn chưa được tráng nhựa và những cột khói lại bốc lên cao khi có một chiếc xe honda Win nào đó lướt qua. Bóng người mất hút chỉ còn lại hình dáng chiếc khăn patus bay trong nắng gió. Bên con suối nhỏ, những người nông dân cần cù chăm chú trìu mến những chú lừa đang uống nước và gặm cỏ gần đó. Nó đã quá mệt nhọc sau phiên cày bừa đầu buổi sáng nay. Thiên nhiên bên ngoài tuyệt https://thuviensach.vn đẹp với những hình thù lạ kỳ của đá được phân cắt từ lòng đất sâu và trồi lên từ vùng đất bán sa mạc. Những đốm tuyết trắng trên các đỉnh núi phản chiếu ánh mặt trời tạo thành những đốm pháo hoa chợt sáng rồi chợt tối. Chiếc máy chụp ảnh của Denis không thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp ấy bởi ông chú kế bên đã ngăn chặn và ra ký hiệu cho Denis hiểu rằng đây vẫn còn là vùng đất của Taliban và việc chụp ảnh sẽ rất dễ bị Taliban phát hiện trên xe còn có những du khách. Con suối lớn phía trước vẫn ồ ạt dòng chảy xiết của mình để ngăn cách thị trấn nhỏ chính là Bagram ngày xưa. Dòng nước đỏ ngầu mang nhiều những khoáng chất khi nó đã xa rời nguồn từ những đám tuyết đang tan chảy trên dãy núi Hindu Kush. Sự ồ ạt của dòng chảy như một cơn lũ muốn cuốn phăng tất cả những gì cố vượt qua nó. Một anh trung niên vẫn cố bám trụ trên dòng chảy, điều khiển và hướng dẫn người cùng những chú lừa ven theo lối nào để qua lại an toàn. Nét lo lắng lại hiện ra trên khuôn mặt anh tài xế và ba người trên xe chụm đầu vào nhau để thảo luận một vấn đề nào đó bằng tiếng địa phương. Anh tài xế nhấn ga mạnh băng băng vượt dòng thác đổ mặc cho những làn nước bắn mình lên cao, văng xa rồi đổ nhào xuống dòng suối đục màu. Âm thanh nước rơi vang lớn mồn một trong những tiếng gào thét sỉ vả của nhiều người đang ngồi ngắm dòng chảy bên bờ thác. Lẫn trong âm thanh mắng chửi là những tiếng động mạnh từ dưới lườn xe do sự va chạm vào những tảng đá lớn mà anh tài xế không thể nhìn thấy do chúng được làn nước đục mờ bao phủ. Anh tài xế vẫn nhấn mạnh ga đạp thẳng xe về phía trước. Qua thị trấn Bagram, không một ai trên xe giải thích với chúng tôi điều gì. Vẫn là tiếng gió rít qua bên ngoài ô cửa rồi mất hút vào trong âm thanh xình xịch của bốn chiếc vỏ tiếp xúc mặt đường khi xe đang được đẩy đi hết tốc lực. Dường như âm thanh động cơ đã không còn êm dịu như trước đây sau khi va chạm vào những tảng đá lớn. Mọi người trên xe đang bàn ra tán vào tình trạng động cơ nhưng dường như anh tài xế khuyến cáo mọi người đừng bận tâm. Denis quay sang thều thào với tôi: “Tôi không thể nào tưởng tượng ra cảnh xe bị hư động cơ giữa rừng núi hoang vu và trên đoạn https://thuviensach.vn