🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trên Cả Giàu Có - Alexander Green
Ebooks
Nhóm Zalo
Lời giới thiệu
“Trên Cả Giàu Có ư?” – một người bạn hỏi với cái nhìn lạ lẫm khi nghe tựa quyển sách mới của tôi. “Sao lại trên cả giàu có? Chỉ cần giàu có là đủ để tôi hạnh phúc rồi.”
Thật ra cô ấy sẽ không hạnh phúc nếu chỉ giàu có không đâu.
Bạn không thể mặc danh mục đầu tư chứng khoán, lái tài khoản ngân hàng, hay ăn vàng bạc cho no bụng được. Tiền bạc không phải là đích đến, nó chỉ là phương tiện đưa ta đến đích mà thôi.
Ngay cả khi bạn có thật nhiều tiền và những thứ có thể mua được bằng tiền thì cuộc sống cũng chẳng ý nghĩa gì nếu sức khỏe bạn không tốt, không có ai để yêu thương, không bạn bè thân thiết và những sở thích cá nhân, hoặc mỗi sáng thức giấc bạn chẳng biết làm gì.
Ý tôi không phải đánh giá thấp tầm quan trọng của đồng tiền trong xã hội ngày nay. Suốt 25 năm qua, tôi là nhà tư vấn đầu tư, chuyên gia phân tích nghiên cứu kiêm cây bút về tài chính. Tôi hiểu rất rõ chúng ta nên cố gắng đảm bảo độc lập về tài chính cá nhân ở một mức độ nào đó. Tùy vào định nghĩa tự do tài chính của bạn, nó có thể là khá giàu có hoặc chỉ cần không vướng nợ thẻ tín dụng là được.
Bạn sẽ không thể khai thác hết tiềm lực bản thân hoặc sống trọn vẹn nếu suốt ngày phải loay hoay với chuyện tiền bạc.
Tiền bạc mang lại cho bạn sự thảnh thơi. Nó giải phóng bạn khỏi những thèm muốn không thể đáp ứng, khỏi công việc buồn tẻ mỗi ngày, khỏi những mối quan hệ khiến bạn ngột ngạt. Không ai tự do được nếu phải làm nô lệ cho công việc, cho chủ nợ, cho hoàn cảnh hay chi phí sinh hoạt.
Tiền sẽ định đoạt chất lượng ngôi nhà bạn sống và môi trường mà con bạn lớn lên. Khi đau bệnh, tiền sẽ cho bạn thấy sự khác biệt giữa một bác sĩ tốt và một bác sĩ tài ba. Nếu cần luật sư, bạn sẽ nhận thấy sự khác nhau giữa thứ luật sư chỉ biết trục lợi từ những vụ tai nạn và một đại diện pháp luật tốt nhất bạn có thể thuê được bằng tiền.
Giàu có là phương tiện đạt được sự bình đẳng tuyệt vời. Dù bạn là nam hay nữ, da trắng hay da màu, trẻ hay già, cao hay thấp, đẹp hay xấu, có trình độ hay không… cũng không quan trọng. Có tiền là có quyền – quả là như vậy.
Giàu có đồng nghĩa với tự do, ổn định và an tâm. Nó cho phép bạn làm những gì mình muốn, giúp đỡ những người cần giúp và những ai thân thiết nhất với bạn. Nó còn tạo điều kiện để bạn theo đuổi ước mơ và sống theo cách bạn chọn.
Tiền mang lại cho bạn phẩm giá, cho bạn nhiều hướng đi. Đó là lý do mọi người nam và nữ đều có quyền – thậm chí là trách nhiệm – phải độc lập tài chính ở một mức độ nào đó.
Nếu mối quan tâm lớn nhất trong cuộc sống của bạn hiện giờ là tiền (hoặc bạn đang thiếu tiền), thì tôi sẽ giới thiệu ngay cho bạn quyển sách đầu tay tôi viết, The Gone Fishin’ Porfolio, tác phẩm bán chạy
nhất do Thời báo New York bình chọn. Quyển sách này sẽ tiết lộ cho bạn con đường ngắn nhất, đơn giản nhất, thẳng nhất đi đến tự do tài chính.
Tuy nhiên, quyển sách bạn đang cầm trên tay không nói về sự thành công, mà về ý nghĩa cuộc sống. Trên những trang sách, tôi sẽ không đề cập đến chuyện kiếm tiền và để dành tiền, hay phương pháp tăng lợi nhuận đầu tư. Lại càng không có bất kỳ tuyệt chiêu quản lý tài chính nào cả. (Tôi biết chắc bạn có cách kiếm tiền và xài tiền của riêng mình). Thay vào đó, những bài viết này đề cập đến một khía cạnh khác: sống một cuộc đời phong phú hơn.
Cũng dễ hiểu nếu bạn thắc mắc, tôi biết gì mà chỉ cho bạn cách sống, bởi suy cho cùng, tôi có quen biết gì bạn đâu. Có thể bạn là fan hâm mộ giải bóng rổ nhà nghề NBA, hoặc có thể bạn thích trang trí nội thất hoặc là dân mê độ xe hơi cổ. Bạn sẽ thấy quyển sách này chẳng liên quan gì đến những chủ đề đó. Mà nếu tôi có cùng sở thích với bạn chăng nữa, tôi lấy tư cách gì để định nghĩa cho bạn về một cuộc sống tốt đẹp?
Câu trả lời là con người đã mất vài ngàn năm để suy ngẫm về chủ đề này. Ngay cả ý tưởng hay nhất cũng chẳng có gì mới mẻ. Tuy nhiên, không có nghĩa là đa số chúng ta biết đến những ý tưởng này.
Ở trường, bạn được học về cách giải nhiều dạng phương trình khác nhau, sự sống của một tế bào hoặc tìm nước Pháp trên bản đồ. Nhưng để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp, bạn phải tự lực cánh sinh thôi.
Nói chung, điều này có nghĩa là chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm sau nhiều biến cố. Có quá nhiều người mải theo đuổi thứ thành công phù phiếm – tiền tài, danh vọng, địa vị, của cải – nhưng khi đạt được cả rồi, họ vẫn thấy mình trống rỗng đến kỳ lạ.
Thế giới này thường bị chi phối bởi những giá trị không thật. Thay vì đi theo con đường riêng, chúng ta nhìn quanh và làm theo những gì người khác làm. Hẳn bạn cũng bị ấn tượng rằng mình phải cố gắng làm quen với nhiều người tai to mặt lớn, giành được quyền lực trong tay, sở hữu những món đồ đắt tiền hoặc được cộng đồng xem trọng. Nhưng tất cả chỉ là vẻ hào nhoáng hình thức của cuộc sống, nó rực rỡ đấy nhưng chẳng chút giá trị.
Triết gia Socrates đã nói một câu nổi tiếng rằng đời không suy ngẫm thì chẳng đáng sống. Ấy vậy mà nhiều người chúng ta chưa bao giờ ngừng lại và nghĩ xem điều gì quan trọng nhất đối với ta, điều ta thật sự sống vì nó. Đề tài nay hơi riêng tư, thật ra mỗi lần lôi ra nói cũng hơi khó khăn, ngay cả với những người ta thân thiết nhất. Nhưng nó vẫn khiến ta say mê tìm hiểu.
Những bài viết này là những suy nghĩ của tôi về những gì tạo nên một cuộc sống phong phú. Mặc dù tôi trình bày đầy đủ ý kiến cá nhân của mình, có nhiều ý tưởng hay khác trong tác phẩm mà tôi chỉ đóng vai trò là người truyền đạt lại. Tôi tham khảo triết lý sống của những bộ óc vĩ đại nhất mọi thời đại, gồm Aristotle, Plato, Epictetus, Marcus Aurelius, Chúa Giê-xu, Phật, Thomas Jefferson, Tolstoy, Gandhi, Einstein và cả Richard Feynman và Stephen Hawking.
Còn rất nhiều điều ta chưa biết hết. Thế giới này quá to lớn và phức tạp đến nỗi ta không làm khác đi được. Nhưng cũng đừng ai mù mờ
về cách sống. Thế nên ta phải tìm hiểu về những gì các danh nhân lịch sử viết về tình yêu, sự nghiệp, danh dự, niềm tin, tự do, cái chết, nỗi sợ hãi, chân-thiện-mỹ và những vấn đề quan trọng khác.
Tôi có đề cập về các chủ đề nói trên – và nhiều chủ đề khác nữa – trong những trang sách mở đang chờ bạn, kèm thêm một số sở thích cá nhân như nếm rượu, nghe nhạc Jazz, đi du lịch, thưởng thức sô-cô-la, văn học, nghệ thuật, và cả… loài chim ruồi nữa.
Tất cả nhằm mục đích truyền tải niềm vui trong quá trình khám phá sự vật, sự việc, khi bạn nhìn ngắm, lắng nghe, đọc và trải nghiệm những ý tưởng tuyệt vời đó.
Một câu trong kinh Cựu Ước đã nói lên tất cả: Trong số những thành tựu bạn đạt được, hãy giành lấy sự hiểu biết. Đó là bước đi khôn ngoan đầu tiên để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lời nói đầu
Là người đứng đầu một công ty xuất bản những ấn phẩm tài chính trị giá 45 triệu đô, tôi sống cuộc đời hết sức “cơ bản”. Tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ phương pháp giúp đội ngũ nhân viên tạo ra nhiều sản phẩm hơn, thu nhập cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn và làm nhiều khách hàng hài lòng hơn.
Tuy nhiên, cũng giống như bao người khác phải đi làm cả ngày, tôi cố gắng đi tìm sự cân bằng giữa công việc và vui chơi, giữa trách nhiệm và tận hưởng cuộc sống. Chẳng hạn, trước nay tôi thường phí phạm sáng thứ Bảy đẹp trời cho những dự án, trong khi tôi có thể ủy quyền cho người khác làm thay hoặc dời lại hôm khác. Nói sơ để bạn hiểu vì sao tôi nghĩ quyển sách bạn đang cầm trong tay lại quan trọng đến thế.
Khi chọn tác phẩm này, tôi tin rằng bạn đã biết ngoài chuyện đi làm kiếm tiền, để dành tiền và đầu tư, vẫn còn những quan niệm khác về sự giàu có. Trước tiên, chúng ta cần định nghĩa “giàu có” thật sự mang ý nghĩa gì đối với chúng ta. Tiếp theo, dù chúng ta đang giàu sang đến mức nào chăng nữa, ta phải học không chỉ cách sử dụng đồng tiền, mà còn hai tài sản quý giá khác là thời gian và sự tập trung chú ý.
Suốt hơn 20 năm làm việc với tư cách là đại diện xuất bản cho Tổ chức Tài chính The Oxford Club, tôi may mắn được cộng tác với vài “ông trùm” đầu tư thuộc hàng cộm cán. Dĩ nhiên tác giả của quyển sách này là một trong những nhân vật xuất sắc đó. Alexander Green
là “bậc thầy giàu có”, là người dẫn đường đáng tin cậy cho hàng trăm ngàn độc giả thân quen.
Hơn 10 năm trước, với mong muốn giúp người khác trở nên độc lập về tài chính, Alex đã nghỉ việc ở một ngân hàng đầu tư lớn để gia nhập Oxford Club trong vai trò Giám đốc Đầu tư. Không lâu sau, cả nước biết đến Oxford Club như một trong những tổ chức hàng đầu trong ngành, và đến nay vẫn duy trì tốt vị trí đó.
Nhờ có Alex và các quy tắc đầu tư chi tiết cùng những đề xuất của anh, tôi đã đưa ra nhiều quyết định đầu tư tài chính sáng suốt hơn bao giờ hết. Và bởi anh đang điều hành một hội đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, công việc của anh còn có ích cho biết bao con người khác nữa. Là đại diện xuất bản của Alex, có lẽ một trong những niềm vui to lớn nhất trong công việc của tôi là đọc những lời ngợi khen tới tấp gửi vào hộp thư điện tử của mình mỗi ngày. Lời khen dành cho Oxford Club này vừa được đăng trên trang web tài chính uy tín Market Watch:
Người đóng vai trò quan trọng nhất không ai khác là Chủ bút Alexander Green, người đã mang lại cho tổ chức một lịch sử thành công đáng tự hào, được thể hiện qua các danh mục vốn đầu tư khác nhau kể từ đầu năm 2001.
Peter Brimelow, tác giả The Wall Street Gurus, chủ bút tờ Hulbert Financial Digest
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trước, Alex đề xuất một ý tưởng mới cho các thành viên của chúng tôi, trong đó chuyện giàu có không được đề cập theo phương diện vật chất mà là tinh thần. Ban đầu, tôi nghĩ
chuyện này quá mạo hiểm, các đồng sự cũng thế, bởi bản chất chủ đề quá sâu sắc và dễ gây tranh cãi hơn so với những thảo luận về tài chính trước nay của chúng tôi. Có thể nhiều hội viên bảo thủ sẽ chống đối và khiến chúng tôi đi quá xa so với “bản chất kinh doanh” đơn thuần của tổ chức. Tệ hơn nữa, chúng tôi mất chi phí nhưng chẳng kỳ vọng thu lại đồng nào.
Nhưng Alex biết rằng phần khám phá tìm tòi và triết lý trong con người tôi và trong những độc giả khác cảm thấy hứng thú với đề tài này. Tôi thích ý tưởng giới thiệu đến số đông độc giả một tài năng phi thường như Alex. Vậy nên khi Alex đưa cho tôi xem ý tưởng sơ thảo, tôi không thể nào từ chối. Tôi chẳng còn nhớ gì đến những lo lắng ban đầu nữa, và phải công nhận một điều, đây sẽ là “kim chỉ nam” vô giá dẫn dắt mọi người đến sự giàu có.
Sau khi bàn bạc rất nhiều để chọn tên cho tác phẩm, chúng tôi chính thức tung ra ấn bản Spiritual Wealth (Sự Giàu Có Về Mặt Tâm Linh) đầu tiên vào tháng Hai năm 2008. Đây là một trong những nước cờ hay nhất mà tôi từng đi và ngay lập tức nó được độc giả đón nhận. Lượng phản hồi tích cực và những lời khen ngợi đổ về nhiều hơn bất kỳ xuất bản phẩm nào trước nay chúng tôi từng thực hiện.
Thông qua Spiritual Wealth, Alex khéo léo thể hiện những suy nghĩ mới mẻ của anh với bạn đọc, hướng họ đến một cuộc sống có trách nhiệm, giàu lòng trắc ẩn và sáng suốt hơn – đặc biệt tôn trọng những khác biệt về tôn giáo và xu hướng chính trị hơn bao giờ hết. Với văn phong súc tích, anh khích lệ chúng ta suy ngẫm bằng những ví dụ nho nhỏ trong thực tế và những bài học lịch sử mà ta có thể áp dụng vào cuộc sống của riêng mình, ngay tại thời điểm này.
Sau một năm đưa Spiritual Wealth đến tay bạn đọc, nhà xuất bản John Wiley & Sons đã mang 65 bài viết đầu tiên vào tuyển tập The Secret of Shelter Island: Money and What Matters (Bí Mật Của Đảo Shelter: Tiền Bạc và Những Điều Quan Trọng). Quyển sách ngay lập tức thành công vang dội và nằm trong danh sách bán chạy nhất chỉ sau vài ngày giới thiệu ra công chúng.
Sau đó, Alex tập hợp thêm hàng chục bài viết khác – cộng thêm một số tâm sự của anh – và cho ra đời tác phẩm bạn đang cầm trên tay đây. Nếu bạn cũng như các độc giả khác, bạn sẽ không chỉ thích thú đọc nó, mà còn giới thiệu nó đến bạn bè, người thân, và thường xuyên mua tặng cho những ai bạn yêu quý.
Alex nổi bật trong giới xuất bản tài chính bởi những bài viết sắc bén và gần gũi với bạn đọc. Quan điểm của anh sắc sảo, tích cực và hài hước. Quan trọng hơn cả, những lời khuyên về đầu tư của anh rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, lời khuyên của anh để có được một cuộc sống trọn vẹn cũng giá trị không kém, thậm chí còn quý giá hơn thế. Trong Trên Cả Giàu Có, Alex khiến ta phải suy ngẫm nhiều hơn về mặt kiến thức lẫn tâm hồn, nuôi dưỡng sự sáng suốt trong ta nhằm nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn, từ đó đưa ra những lựa chọn đúng đắn hơn trong cuộc sống.
Alex là bậc thầy sử dụng ngôn từ. Càng đọc những bài viết của anh, chúng ta càng thấy mình phải quan tâm hơn đến các vấn đề đóng vai trò tiên quyết trong cuộc sống của chính mình.
Bạn sẽ để ý thấy trong bài viết, anh không bao giờ bảo bạn phải làm thế này thế kia, cũng không hướng bạn vào một suy nghĩ nhất định nào cả. Thế nhưng sức thuyết phục mạnh mẽ trong từng câu chữ khiến bạn phải thừa nhận quan điểm của anh và đi theo con đường anh vạch ra, đến một cuộc sống sung túc đúng nghĩa.
Nếu bạn cũng giống tôi, mỗi khi tìm ra thứ có thể tiếp thêm cho mình năng lượng, nâng đỡ tinh thần, được sống lại lần nữa, được dẫn lối hoặc được khai sáng, hẳn bạn muốn chia sẻ nó với nhiều người khác nữa. Đó có thể là một bài hát hoặc tác phẩm nghệ thuật khiến bạn hứng khởi hoặc xúc động. Đó có thể là một mẩu chuyện ngắn giúp bạn ngộ ra nhiều điều mới mẻ, hoặc may mắn gặp được người mà bạn muốn gắn bó suốt đời. Khi những khoảnh khắc kỳ diệu như thế xảy ra, chúng ta sẽ muốn chia sẻ với người khác. Đó là những gì tôi cảm nhận về Trên Cả Giàu Có. Tôi tin bạn sẽ yêu thích tác phẩm này.
Julia Guth Giám đốc điều hành The Oxford Club
Để Cuộc Đời Bạn Lên Tiếng
Đời tôi chưa từng tò mò tọc mạch ai, nhưng vào tuần trước, một nhân viên ở hiệu sách gần Nantucket đề nghị tôi đi bộ đến tham quan
Tòa Nghị Viện cũ, một trong những nơi hội họp của phái Quaker, được xây dựng vào những năm 1700 và giờ đang tọa lạc tại số 10 đường Pine.
Do cửa trước bị khóa và không ai trả lời khi tôi gọi cửa, nên tôi đi vòng quanh nhà và nhón chân nhìn qua cửa sổ. Sau đó tôi mới biết Tòa Nghị Viện giờ không còn là bảo tàng nữa mà hiện là tư gia. May là không ai gọi cảnh sát để báo về việc có một người đàn ông trung niên dáng người cao đang dí mũi vào cửa sổ.
Ôi trời!
Tôi có mặt tại Nantucket để nghỉ ngơi sau một hội nghị đầu tư tại Mũi Cod cách đó hơn 45 cây số về phía Bắc. Đón phà đến đó khá dễ, và đi vòng vòng tham quan các khu trưng bày nghệ thuật, bảo tàng, hiệu sách là một cách hay để tận hưởng buổi chiều cuối hạ.
Hòn đảo này là một địa điểm hấp dẫn với rất nhiều di tích lịch sử. (Nếu bạn ghé thăm, đừng bỏ qua Bảo tàng Cá voi Nantucket, nơi được liệt vào danh sách “Một trong 10 nơi trên đất Mỹ bạn cần ghé thăm trước khi qua đời” của tác giả chuyên viết về du lịch Andrew Harper.) Nantucket là một trong những nơi tập trung nhiều công trình được xây trước cuộc nội chiến nước Mỹ nhất. Vẻ quyến rũ của giữa thế kỷ XIX và vẻ đẹp kiến trúc ở đây đều được bảo tồn rất tốt.
Những cư dân đầu tiên chính thức đến sống tại Nantucket là những tín đồ giáo phái Quaker. Tôi cũng xin thú nhận rằng trừ khi tôi nhìn hộp bột yến mạch hiệu Quaker, còn lại tôi ít khi để ý đến từ này. Nhưng bề dày lịch sử của họ khá hấp dẫn.
Chủ nghĩa Quaker có nguồn gốc từ Anh vào giữa thế kỷ
XVII. Các thành viên tự nhận mình là Những Người Bạn, bởi họ là “Bạn của nhau, Bạn của sự thật và Bạn của Thượng đế.”
Tuy nhiên, những nguyên tắc tín ngưỡng của họ mâu thuẫn với Nhà thờ của Anh, và vì thế mà họ bị kết tội nặng nề. Nhà lãnh đạo giáo phái, George Fox – người tin rằng tất cả chúng ta ai cũng được dẫn dắt bằng một thứ “Ánh sáng Nội tâm” và ta không cần một mục sư hay cha xứ nào làm người trung gian về tâm linh – đã sống sót qua 8 lần bị cầm tù và nhiều lần bị đánh đập.
Nhiều tín đồ giáo phái Quaker đã đến Tân Thế Giới để tìm tự do tín ngưỡng. Nhưng họ không tìm thấy, ít nhất là trong thời gian đầu. Những người thuộc Thanh giáo và đạo Tin lành ở New England, những người cũng tìm đến đây để thoát khỏi sự hành hạ, lại cực kỳ bảo thủ.
Và không chỉ vì lý do thần học. Các tín đồ giáo phái Quaker không chịu tuyên thệ. Họ không chịu tham gia lực lượng dân quân. Họ không chịu đóng thuế cho nhà thờ. Họ không chịu cởi nón ra trừ khi đang làm nghi lễ thờ cúng. Và bởi vì họ tin rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, họ từ chối không chịu cúi đầu cung kính trước quý tộc và chính quyền.
Khi hai người phụ nữ Quaker đến Boston năm 1656, Thống đốc John Endicott ra lệnh khám xét người họ để xem họ có bày trò phù thủy không. Rồi ông thả họ đi, nhưng chẳng bao lâu sau, luật cấm những người thuộc hội Những Người Bạn ra đời. Những người Quaker đầu tiên đến Boston bị “quét sạch”. Nếu họ dám cả gan quay lại, họ sẽ bị treo cổ. (Và một số đã bị như thế thật.) Ai dám liên lạc với họ cũng sẽ bị phạt.
Tuy nhiên, Nantucket là vùng đất hẻo lánh, bao dung và lâu đời. Những người Quaker ở đây muốn làm gì thì làm – và họ đã để lại dấu ấn trên hòn đảo này.
Trên đường Fair, tôi ghé thăm một nơi hội họp của phái Những Người Bạn được xây từ năm 1864 do Hiệp hội Lịch sử Nantucket bảo tồn. Đền thờ này của người Quaker nổi tiếng vì vẻ đẹp đơn giản và mộc mạc của nó. Xét về mặt thẩm mỹ, bạn sẽ thấy nó có nét tương đồng với Vương cung Thánh đường St. Peter – nhưng vẫn toát ra vẻ hấp dẫn không thể cưỡng lại.
Thế giới bên ngoài của người Quaker rất giản dị, tự nhiên, bao gồm cả sự đơn sơ và mộc mạc trong trang phục. Những cuộc hội họp thường diễn ra trong im lặng. Không khí im ắng là để mọi người hướng đến mối giao tiếp tâm linh với nhau. Khi một thành viên lên tiếng trong cuộc họp, đó là để chia sẻ “Ánh sáng Nội tâm”.
Những người Quaker tin tưởng điều gì? Mặc dù họ có gốc đạo Cơ Đốc, câu hỏi đó không phải dễ trả lời. Theo Robert Lawrence Smith, tác giả quyển A Quaker Book of Wisdom (Quyển Sách Về Quaker):
Chủ nghĩa Quaker là tín ngưỡng duy nhất thường xuyên được miêu tả bằng rất nhiều mệnh đề phủ định. Chủ nghĩa Quaker không có thần học, không có các nguyên tắc tôn giáo, không có sách kinh, không có tín điều soạn thành văn bản. Nghi lễ thờ cúng truyền thống của Quaker không có mục sư, cha xứ hay bất cứ lãnh đạo tôn giáo nào. Không có nghi thức tế lễ. Không có thánh giá hay bất kỳ biểu tượng tôn giáo nào ở những nơi hội họp hay trong nhà các tín đồ.
Lễ cưới của những người Quaker đơn giản là trao lời thề giữa cô dâu chú rể. Khi người Quaker chôn cất người chết, ít khi nào từ tang lễ được dùng đến. Không có cầu nguyện, không ai chủ trì, và chỉ vài lời cảm tạ dành cho cuộc đời của người đã khuất. Những người đưa tiễn không tin vào thế giới bên kia. Đối với người Quaker, họ tin rằng chết là hết. Điều gì đến sau vẫn còn là bí ẩn. Cuộc sống đã mang đến cho ta niềm vui và tình yêu, và thế là quá đủ.
Vào những năm 1820, số lượng người Quaker ở Nantucket giảm đáng kể. Cách mạng Mỹ và cuộc chiến năm 1812 là thảm họa cho Những Người Bạn, không phải vì số người thương vong trên chiến trường, mà là vì họ từ chối không tham chiến. Những người theo chủ nghĩa hòa bình cực đoan còn trích cả Lời chứng Hòa bình: Chúng tôi cực lực phản đối tất cả những cuộc chiến tranh, xung đột và đánh nhau với bất cứ vũ khí nào, với bất cứ giá nào, hay với bất cứ yêu sách nào.
Quan niệm này sẽ thuyết phục nếu một quốc gia sa lầy trong các cuộc chiến vô nghĩa và vô ích. Nhưng không phải cuộc chiến nào cũng vô nghĩa. Như nhà sử học Bruce Thornton đã nói, “Chủ nghĩa hòa bình là sự xa hoa nhất thời của những người có cuộc sống thanh bình nhờ lòng can đảm và chủ nghĩa quân phiệt của thế hệ đi trước.” Có lẽ hầu hết những người Quaker hiện nay sẽ tán đồng. Hơn phân nửa số người Quaker đủ tiêu chuẩn để tham gia quân đội Mỹ đã tham chiến trong chiến tranh Thế giới thứ hai, một mâu thuẫn buộc họ phải đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn.
Người ta ước tính có khoảng 120.000 người Quaker hiện nay đang sống ở Mỹ và khoảng 250.000 người sống ở những nơi khác trên thế giới. Chắc họ khó mà phát triển thành một tôn giáo lớn. Nhưng vẫn
có những vấn đề đáng để suy nghĩ ở đây. Những người Quaker tin rằng ta cần nhìn vào bên trong tâm hồn mình để tìm sự thật và dang tay giúp đỡ mọi người, rằng chúng ta cần tha thứ cho khiếm khuyết của người khác nhiều hơn và của bản thân mình ít hơn.
Họ đề cao tầm quan trọng của sự thật. Sống thành thật nghĩa là bạn không cần đấu tranh với lương tâm. Bạn không cần viện cớ bào chữa. Bạn không cần lo lắng về danh tiếng của mình. Ngoài vấn đề đạo đức, việc thành thật giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống. Như Mark Twain từng viết, nếu bạn cứ nói đúng sự thật, bạn không cần phải nhớ gì cả.
Theo đuổi sự thật nên người Quaker không bao giờ e dè với các câu hỏi khoa học. Nó đơn giản là một phần của quá trình nâng cao kiến thức. Những người Quaker còn nhấn mạnh rằng càng già chúng ta càng thông thái và thường có nhiều cơ hội chia sẻ kiến thức với những người chung quanh. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội đó.
Như George Fox nói, “Hãy để cuộc sống lên tiếng.” Người lãnh đạo của Quaker dạy rằng bản chất đích thực của bạn không phải là những gì bạn nói ra hay những gì bạn tin tưởng. Đó là cách bạn hành xử trước mặt người khác và khi chỉ có một mình – theo đó, dù xấu hay tốt, bạn đang để cho cuộc đời mình lên tiếng.
Những người Quaker thông thái luôn mang đến cho ta những bài học bổ ích. Trong nền văn hóa mà mức độ thành công được đánh giá dựa trên những gì bạn sở hữu, những gì bạn mặc, chiếc xe bạn lái, thì việc họ xem trọng đời sống nội tâm, sự đơn giản, sự thật và trầm tư mặc tưởng mang đến cho ta nguyên tắc sống tồn tại mãi với thời gian.
Học thuyết Quaker nhắc ta tập trung vào những điều cần thiết, biết sắp xếp thứ tự ưu tiên, và sống ngay thẳng. Bằng cách nào? Bằng cách làm gương… và để cuộc sống tự lên tiếng.
Di Sản Của Niềm Cảm Hứng
Tháng 1 năm 1948, Mohandas Gandhi bị một tên sát thủ người Hindu bắn 3 phát khi ông đi ngang một khu vườn ở New Delhi để đến lễ cầu nguyện buổi chiều. Ông chết ngay lập tức.
Ngày nay, người ta nhớ đến ông như một người chống chủ nghĩa thực dân, ủng hộ chủ trương phi bạo lực, tiên phong trong phong trào kháng cự dân sự, và là cha đẻ của nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Những người tin vào tầm nhìn của Gandhi áp dụng chiến thuật của ông vào phong trào đấu tranh đòi dân quyền ở Mỹ, chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, và thách thức nền chuyên chính Trung Hoa tại Quảng trường Thiên Nam Môn năm 1989.
Ông đã giành được rất nhiều thành tựu đáng kể trong vai trò lãnh đạo chính trị, đấu tranh chống lại tình trạng phân biệt đối xử, đói nghèo và hệ thống giai cấp. Ông xóa sổ các “thế lực không thể đụng đến”. Ông mở rộng nữ quyền, tự do tôn giáo và nền kinh tế tự cung. Với tất cả những điều đã làm được, Gandhi đáng được tôn kính. Thế nhưng, xét về mặt lịch sử lâu dài, siêu thánh Mahatma (“Tâm hồn vĩ đại”) này được mọi người biết đến nhiều nhất nhờ công sức đóng góp của ông cho đời sống tinh thần con người.
Gandhi chủ trương lối sống đơn giản và khiêm nhường. Ông sống bình dị, thường mặc khố và áo choàng truyền thống Ấn Độ, ăn chay trường. Ông nói không nhất thiết phải có tiền mới sống gọn gàng, sạch sẽ và thanh cao.
Ông hay tuyệt thực trong thời gian dài, có lúc là để thanh lọc cơ thể, có lúc là để biểu tình. Và ông cũng rất vui tính. Có lần khi được hỏi ông nghĩ thế nào về nền văn minh phương Tây, Gandhi đáp, “Tôi nghĩ ý tưởng đó cũng hay!”
Gandhi từng chịu nhiều khổ cực. Ông bị cầm tù nhiều lần và trong nhiều năm ở Nam Phi, nơi lần đầu tiên ông áp dụng phương pháp kháng cự dân sự với tư cách luật sư người nước ngoài, và cả ở Ấn Độ. Trong khoảng thời gian đó, ông dành thời gian viết ra những nguyên tắc chính của riêng mình. Trong số đó là:
Luật lệ của số đông không chạm được đến lương tâm con người.
Mọi bằng cấp và kiến thức bạn có về Shakespeare hay Wordsworth đều chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn không có cá tính riêng và làm chủ được suy nghĩ, hành động của mình.
Con người là kết quả của những suy nghĩ bên trong họ. Anh sẽ trở thành người như anh nghĩ.
Bạo chúa duy nhất tôi khuất phục trên đời này chính là “giọng nói yếu ớt” bên trong con người mình.
Sức mạnh không xuất phát từ năng lực thể chất. Sức mạnh có được từ ý chí bất khuất.
Tôi không muốn dự đoán tương lai. Tôi quan tâm đến hiện tại nhiều hơn.
Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tất cả chúng ta, trong cuộc sống tất bật hiện nay, có thể dành ra ít nhất vài giờ mỗi ngày để tĩnh tâm, dọn mình lắng nghe tiếng nói của sự thinh lặng khôn cùng.
Kinh nghiệm cho thấy, im lặng là một phần của việc rèn luyện tâm hồn biết tôn trọng sự thật. Xu hướng nói quá, nói giảm hay bóp méo sự thật, cho dù là khéo léo hay không, chính là điểm yếu của con người. Và sự im lặng chính là điều cần thiết để vượt qua điểm yếu đó. Một người ít nói sẽ hiếm khi buông ra những lời thiếu suy nghĩ. Anh ta sẽ cẩn trọng trong từng câu chữ.
Ta chỉ hạnh phúc thật sự khi ta khỏe mạnh thật sự, và ta chỉ khỏe mạnh thật sự khi ta kiểm soát được khẩu vị của mình. Tất cả giác
quan khác sẽ tự động vâng lời nếu bạn làm chủ được những gì nạp vào cơ thể. Và người nào kiểm soát được ngũ quan của mình, thì người đó hẳn chinh phục được thế giới.
Đã hơn 60 năm sau cái chết của Gandhi, người ta vẫn xem ông là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất thế giới. Ông cống hiến cả đời mình cho mục tiêu tìm kiếm Sự Thật – điều ông nhấn mạnh rằng chỉ có những ai khiêm tốn mới nhìn thấy – và cho rằng cuộc chiến quan trọng nhất chính là vượt qua nỗi sợ hãi và bất an của bản thân. Gandhi khẳng định, sự khác biệt giữa những gì chúng ta làm và những gì chúng ta có thể làm cũng đủ để giải quyết hầu hết mọi khó khăn.
“Ông có động lực giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, bị áp bức và giải phóng họ khỏi ách thực dân bằng bất cứ giá nào,” Tổng giám mục Desmond Tutu nói. “Để rồi ông phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Thế nhưng, ông đã để lại cho ta nguồn cảm hứng kế thừa lớn lao về sự thành thật và tình yêu thương nhân loại.”
Gandhi dạy ta về sự khoan dung và lòng yêu thương tất cả mọi người. Albert Einstein nói, “Những thế hệ sau này sẽ khó tin nổi một con người như thế từng tồn tại trên thế gian.”
Gandhi có đưa ra yêu cầu là hãy đốt những gì ông từng viết khi người ta hỏa táng cơ thể ông. Ông mong muốn cuộc đời mình chính là thông điệp để lại cho đời, chứ không phải những gì ông viết hay nói. Ông vẫn tin lời nói là vô nghĩa, chỉ có hành động mới thể hiện được những điều ta thật sự quan tâm. Hay, như câu nói nổi tiếng của ông:
Anh phải là sự thay đổi mà anh muốn nhìn thấy trên thế giới này. Điều Mới Mẻ Duy Nhất Trên Thế Giới
Trong buổi hội nghị đầu tư gần đây, một anh bạn trẻ tìm gặp tôi và nói hiện nay anh hết dám đầu tư vào bất cứ thứ gì.
“Tại sao vậy?” tôi hỏi.
“Bởi vì nước Mỹ chưa bao giờ đối mặt với tương lai ảm đạm như hiện nay,” anh nói.
Tôi không đồng ý. Như trong những năm 1930, thị trường thương mại thế giới giảm khoảng 2/3. Số lượng doanh nghiệp thất bại tăng
đến mức kỷ lục. Cứ 4 công nhân thì có 1 người thất nghiệp. Người người mất hết nhà cửa, tiền dành dụm, và cả danh dự của mình. Họ phải sống dựa vào các quỹ từ thiện. Giá cổ phiếu giảm 89% từ điểm cao nhất xuống điểm thấp nhất. Những người thợ lành nghề hay giám đốc công ty phải ra đường bán táo hay đánh giày cho khách để có tiền mua bánh mì.
Những người vô gia cư trú trong những thùng gỗ cũ và tụ lại thành khu ổ chuột có tên là “Hoovervilles”. Tên gọi này ra đời từ sự phẫn uất họ dành cho Tổng thống Herbert Hoover. Những người nông dân chịu thiệt hại nặng nhất. Giá nông sản giảm đáng kể nhưng người tiêu dùng vẫn không mua nổi.
Thiên nhiên còn giáng thêm đòn bất hạnh. Đầu năm 1930, một trận hạn hán khủng khiếp trải dài ở khu vực Đại Bình Nguyên
Bắc Mỹ. Đất trồng biến thành cát bụi và bị những cơn gió lớn cuốn đi, phủ khắp nhà cửa, trang trại. Trận bão bụi bao phủ phần lớn Kansas, Oklahoma, Texas, New Mexico và Colorado. Hạn hán triệt đường sinh nhai của hàng trăm ngàn tiểu nông. Nhiều người phải bỏ lên California tìm cuộc sống tươi sáng hơn để rồi mất tất cả trong cuộc hành trình đó.
Một thời kỳ đen tối. Nhưng đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho những gì sắp diễn ra. Đầu năm 1942, quân đội Hitler áp sát Mátxcơva. Hạm đội tàu ngầm của Đức nhấn chìm tàu chở dầu của Mỹ ngoài khơi New Jersey và Florida, ngay trước mũi người Mỹ mà chẳng ai làm gì được.
Nước Mỹ gần như không có quân đội lẫn lực lượng không quân. Hơn phân nửa lực lượng hải quân đã tiêu vong sau trận Trân Châu Cảng. Lính mới trong quân đội chỉ được trang bị súng trường gỗ. Quân Anh bị trọng thương. Và không ai có thể bảo đảm rằng cỗ máy chiến tranh Đức Quốc Xã bị ngăn lại. Thế nhưng, dân Mỹ đã đoàn kết lại, thêm phe đồng minh. Như Winston Churchill tuyên bố, “Chúng ta không thể vượt qua cuộc hành trình dài hàng thế kỷ, không thể băng núi, vượt thảo nguyên bạt ngàn, bởi ta là những viên kẹo bọc đường.”
Tôi không xem thường các vấn đề chính trị và kinh tế mà ta phải đối mặt hiện nay. Nhưng một chút lịch sử giúp ta có cái nhìn toàn cảnh. Sự sung túc thịnh vượng dễ dàng trong vài thập kỷ qua không phải lúc nào cũng hiện hữu. Nhưng người Mỹ luôn tìm ra cách đối phó với những thách thức trước mắt. Lịch sử nhắc ta nhớ về sự hy sinh vĩ đại và chiến thắng hiển hách của thế hệ đi trước.
Chẳng hạn như trong cuộc Cách mạng Mỹ, đội quân tình nguyện từ tầng lớp khố rách áo ôm của tướng Washington đã chiến đấu cả mùa đông không có quần áo ấm, đi giày rách hay thậm chí chân trần, luôn thiếu lương thực và chẳng có một mái nhà tử tế. “Hậu duệ may mắn được hưởng thành quả,” trích thư Abigail Adams viết cho chồng mình là John Adams, “sẽ không thể nào hiểu được những khó khăn mà cha ông mình đã trải qua.”
Người dân Mỹ cần phải biết – và trân trọng điều này. Thiếu kiến thức về lịch sử không chỉ là vô tâm. Nó là sự vô ơn.
Nhà sử học đoạt giải Pulitzer, David McCullough, gần đây có một bài giảng tại trường cao đẳng Ivy League. Ông hỏi khán giả bên dưới, “Có ai biết George Marshall là ai không?” Không một cánh tay nào
đưa lên. Không một cánh tay nào. Chúng ta đã quá xem thường mạng sống của những người đi trước khi không thèm biết đến sự hy sinh của họ, khi coi sự tự do ta đang có là lẽ đương nhiên, hay nghĩ rằng nước Mỹ chưa từng gặp phải hoàn cảnh khó khăn hơn hiện nay.
Đúng là nhiều người đang phải chịu đựng quãng thời gian kinh tế khó khăn nhất trong đời. Một vài người, bao gồm cả gia đình tôi, cũng có người thân phục vụ trong quân đội. Nhưng xét về mặt quốc gia, ngày xưa chúng ta còn có những lúc khó khăn hơn nhiều.
Không ai dự đoán được tương lai, nhưng lịch sử giúp ta cảm nhận được mối tương quan. Nó cho ta biết ta là ai và đã từng ở đâu. Nó mở rộng quan điểm của ta. Và những lúc ta không vươn tới được lý tưởng, nó nhắc ta nhớ người xưa đã dẫn lối cho ta như thế nào trong quá khứ… và vẫn còn dẫn dắt ta ngày hôm nay. Không có lịch sử, ta sẽ đánh mất câu chuyện – và ý nghĩa của mình. Ta sẽ quên mất mình là ai và để có được ngày hôm nay ta đã phải đánh đổi những gì. Biết về lịch sử là liều thuốc giải hiệu nghiệm cho chứng than thân trách phận và xem mình là nhất. Nó cho ta thêm dũng khí và biết khiêm nhường. Lịch sử củng cố niềm tin trong ta, và cả những gì ta sẵn sàng đứng lên bảo vệ.
Những vị cha đẻ của đất nước và cả những người anh hùng không phải là thần thánh. Chắc chắn là không. Họ là những con người bình thường đầy lỗi lầm, y như ta vậy. Có những lúc họ phạm sai lầm nghiêm trọng hay đưa ra những quyết định tồi tệ, chẳng khác gì ta. Nhưng nếu chịu dành thời gian để đọc và lắng nghe, tiếng nói của những con người thông minh và dũng cảm nhất vọng lại từ quá khứ – vượt qua hàng thế kỷ – sẽ nhắc nhở ta, dẫn đường và vực dậy tinh thần ta.
Bài học lớn của họ, đặc biệt vào những thời điểm như thế này, chính là dũng khí, lòng kiên trì và quyết đoán là điều quan trọng nhất. Phẩm chất con người làm nên tất cả. Không phải lúc nào nó cũng mang lại thành công, nhưng nó sẽ đảm bảo rằng bạn xứng đáng với thành công ấy.
Trường Đại Học Nằm Ngay Trên Kệ Sách Nhà Bạn
Vài tháng trước, một cặp vợ chồng hàng xóm ở Florida mời tôi và vợ tôi, Karen, sang tham quan căn nhà mới sửa sang lại của họ.
Cầm ly rượu trên tay, chúng tôi đi từ phòng này qua phòng khác để chủ nhà giới thiệu về những màu sắc và loại vải mới nhất, đèn và đồ đạc mới, ván lót sàn, giấy dán tường, kệ, bếp và hệ thống cửa sổ. Căn nhà rất đẹp. Nhưng vẫn còn thiếu một thứ gì đó.
Khi ra về, tôi mới nhận ra, trong nhà không có một quyển sách nào!
Sách không chỉ dùng để trang trí phòng ốc. Chúng làm căn phòng trở nên lôi cuốn, như thể có cá tính riêng. Một căn nhà không có sách giống như cơ thể không có tâm hồn. Sách là bạn, là người an ủi và tư vấn cho bạn; sách là kho kiến thức; là nguồn ý tưởng. Một bộ sưu tập sách hay vốn đã là một trường đại học rồi. Nếu tôi ghé thăm một căn nhà không có sách, tôi có cảm giác mình bị lừa.
Tại sao? Bởi vì tôi có thể nhìn vào giá sách nhà bạn chỉ trong 3 phút là có thể biết được sở thích của bạn nhiều hơn là vài bữa tối thư thả trò chuyện. Thư viện cá nhân của bạn nói lên rất nhiều thứ.
Chỉ cần liếc qua, khách sẽ biết được bạn thích văn học cổ điển hay những quyển bán chạy, lịch sử hay chính trị (hay cả hai), văn học hư cấu hay du lịch, câu cá hay chơi gôn, nghệ thuật hay sửa chữa máy móc. Mớ lộn xộn phong phú đó bộc lộ rất nhiều thứ về bạn.
Và hãy quên chuyện bỏ phiếu kín đi. Quan điểm chính trị của bạn hiện rõ rành rành trước mắt. Chẳng cần biết bạn có đủ thời gian để đọc hết tuyển tập của Chomsky hay Hayek hay không. Có ý định đọc thôi cũng đủ hiểu rồi.
Tín ngưỡng của bạn cũng nằm trên giá sách. Quyển Kinh Thánh của gia đình nói một đằng, toàn bộ “Left Behind” lại nói một nẻo. Những quyển sách của C. S. Lewis và G. K. Chesterton phảng phất chất thần học; Karen Armstrong hay Đạt Lai Lạt Ma cho thấy quan điểm chủ nghĩa thế giới.
Tất nhiên không phải ai hay đọc sách cũng đem chúng ra trưng bày. Một số người quá ngán ngẩm chuyện bê mớ sách từ nhà này sang
nhà khác. Điều này có thể dẫn đến những lựa chọn khó khăn. (Chẳng hạn bạn có thể yên lòng vứt lại Robert B. Parker. Nhưng P. G. Wodehouse? Không bao giờ.)
Có người không đọc sách và dành hết thời gian cho truyền hình cáp. Cũng may là tôi lớn lên trong thời đại mà việc xem ti-vi không mấy hấp dẫn. Cả tín hiệu đầu phát và nhận đều tệ. Lúc bé, nhà tôi đầy sách, nhưng giờ đây, bố mẹ tôi mượn sách ở thư viện là chính. Những quyển sách bố mẹ mua ngay lập tức được chuyền tay nhau đọc (nếu nó hay) hoặc bị vứt đi không thương tiếc (nếu nó dở).
Rồi đến anh bạn Jimmy của tôi, người đã tuyên bố không đụng tới giấy và vải nữa. Anh dính chặt vào thiết bị đọc sách Kindle của mình. Một món đồ điện tử tiện lợi – tôi cũng có một cái – nhưng cảm giác được cầm quyển sách thật trên tay là thứ mà tôi không thể từ bỏ. Ai lại muốn ngồi trước lò sưởi ôm thiết bị đọc sách điện tử kia chứ?
Chúng ta đều biết giá trị và niềm vui khi đọc sách. Nhưng một thư viện cá nhân còn cho ta vô số cơ hội để làm một thứ quan trọng không kém: đọc lại.
Chú tôi, Beau Puryear, nhà sử học quân đội đã dành cả đời để nghiên cứu về tính cách và thuật lãnh đạo. Sau khi phỏng vấn hơn 150 vị trung tướng và đại tướng trong hơn 40 năm, ông kết luận rằng những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất đều là những người cực kỳ ham đọc sách, không có ngoại lệ.
Trong quyển Marine Corps Generalship, ông trích dẫn một đoạn trong bài phát biểu trên ra-đi-ô của giáo sư William Lyon Phelps, thuộc Đại học Yale, vào năm 1933:
Thói quen đọc sách là một trong những nguồn tài nguyên vĩ đại nhất của loài người; và chúng ta thích đọc sách của mình hơn là sách đi mượn. Đọc sách mượn cũng giống như ta ở trọ trong chính nhà mình; ta phải giữ ý, phải khách sáo một chút. Phải không để nó bị trầy trụa, không để xảy ra việc gì khi còn giữ nó trong nhà. Không được để nó thất lạc, không được đánh dấu, không được gập trang, không được tùy tiện. Rồi một ngày nào đó, dù chuyện này cũng ít xảy ra, bạn phải mang trả lại.
Một khi sách là của bạn, bạn đối xử với nó đầy thân mật, không câu nệ. Sách là để dùng, không phải để chưng; nếu bạn không dám đánh dấu trang hay không dám úp trang sách mở xuống bàn thì tốt nhất là đừng mua. Một lý do bạn nên đánh dấu những đoạn bạn thích trong sách là để nhớ những câu nói quan trọng, dễ tra cứu, và nhiều năm sau nữa, bạn thấy như thể mình ghé thăm khu rừng nơi mình từng lưu dấu vết. Bạn sẽ vui khi đặt chân lên mảnh đất xưa, nhớ lại chuyện cũ lẫn con người bạn thời đó.
Ai cũng nên bắt đầu xây dựng thư viện cá nhân cho mình ngay từ khi còn trẻ; bản năng mong muốn sở hữu đồ vật vốn rất căn bản của con người được nuôi dưỡng mà không mang ý nghĩa xấu xa. Ai cũng nên có một kệ sách riêng, một kệ sách không có cửa chính, không có cửa sổ và cũng không khóa; mặc sức phô bày sách trước đôi tay và cặp mắt của mọi người. Một trong những cách trang trí tường đẹp nhất chính là sách; chúng phong phú đa dạng về màu sắc và họa tiết hơn bất cứ loại giấy dán tường nào, thiết kế của chúng bắt mắt hơn, và có một lợi điểm nữa là có cá tính, vì thế dù bạn ngồi trước lò sưởi một mình, những người bạn thân thiết vẫn vây quanh. Cảm giác
những quyển sách luôn nằm đó trong tầm mắt vừa hào hứng vừa dễ chịu. Bạn không nhất thiết phải đọc hết đâu.
Đương nhiên, không gì bằng những người bạn hữu hình, sống động, có thể hít thở; thói ham đọc sách của tôi không biến tôi thành người ẩn dật. Sao lại thế? Sách là của người, do người làm ra và dành cho con người. Văn học là một phần bất diệt của lịch sử, là phần tuyệt vời và bền vững nhất của tính cách. Nhưng bạn sách có lợi thế hơn bạn thật ở ngoài đời: cho phép bạn tận hưởng thế giới quý tộc bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn không thể gặp những con người vĩ đại đã qua đời, và những người vĩ đại đang còn sống chắc cũng chẳng dễ tiếp cận hơn là bao. Ngay cả bạn bè, người quen, không phải lúc nào ta cũng có thể gặp họ. Lúc thì họ ngủ, lúc lại đang đi du lịch. Nhưng trong thư viện cá nhân, bạn có thể trò truyện với Socrates, Shakespeare, Carlyle, Dumas, Dickens, Shaw, Barrie hay Galsworthy bất cứ lúc nào. Và chắc chắn với những quyển sách, bạn nhìn thấy những khía cạnh tốt đẹp nhất của họ. Họ viết cho bạn. Họ “trải lòng mình”, họ cố hết sức để làm bạn vui, để lưu lại ấn tượng tốt. Họ cần bạn như diễn viên cần khán giả, nhưng thay vì nhìn họ qua lớp mặt nạ, ở đây, bạn nhìn thấu tận tâm can họ.
Ngày nay, chúng ta bơi trong biển thông tin. Quanh ta là đủ loại dữ kiện và những sự việc vụn vặt. Tri thức nơi đâu? Trong sách.
Cộng sự kinh doanh của Warren Buffett – cũng là một nhà tỷ phú – Charlie Munger từng nói, “Trong đời, tôi chưa từng thấy người giỏi giang nào không đọc sách – chưa hề, không một ai.”
Tác giả Seth Lerer thì viết, “Chúng ta không sống với sách mà với ký ức nó mang lại: từng kỷ niệm nhỏ, những trang ta gấp lại; những
dòng ta đánh dấu.” Việc đọc đồng hành với cuộc sống. Nó giúp ta sẵn sàng. Đơn giản là thời gian không cho phép ta học mọi thứ bằng cách bước ra ngoài đời.
Cho dù bạn kiếm sách về thực hành, tâm linh, lý thuyết hay mỹ thuật, những quyển sách hay – với vẻ cám dỗ đầy bí ẩn và giá trị vượt thời gian của nó – vẫn luôn ở đó.
Đôi khi, cả những vị khách tò mò vẫn ở đó.
Giờ Đây Chúng Ta Ai Cũng Là Người Hy Lạp
Tôi đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải bằng chiếc du thuyền Royal Princess với một phái đoàn gồm những nhà đầu tư, thám hiểm và độc giả của quyển Spiritual Wealth.
Chúng tôi đang trong cuộc hành trình đi về “Chiếc Nôi Của
Nền Văn Minh”, ghé thăm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ai Cập và Rome – và có rất nhiều thời gian.
Chúng tôi bắt đầu bằng việc ghé thăm Athens tuần trước, tham quan vòng quanh thành phố và những di tích lịch sử cổ đại, tiêu thụ rất nhiều thịt xiên nướng và rượu Hy Lạp, và nhận ra giá trị đồng đô Mỹ trong nền kinh tế đồng Euro là như thế nào. (Chẳng có giá lắm đâu.)
Chúng tôi đều đã nghe, nhìn, học (và ăn) được rất nhiều thứ. Nhưng nếu có một điều ấn tượng nhất thì đó chính là chúng tôi nhận ra mình nợ những người Hy Lạp cổ món nợ ân tình to lớn đến nhường nào. Hơn 2.400 năm trước, họ đã tạo ra nền văn minh phương Tây.
Bằng cách nào? Phim truyền hình hiện đại, thi ca, văn học, thi đấu thể thao, chính trị, kiến trúc, triết học… tất cả đều do người Hy Lạp cổ phát minh. Cách họ sống, cách họ chú trọng lý lẽ, lý tưởng của họ vẫn đang định hình mọi thứ trong đời sống phương Tây.
Chất vấn lý lẽ, chủ nghĩa cá nhân, sở hữu tư nhân, sự hình thành giai cấp trung lưu, dân chủ quân đội, tự do chính trị, công bằng bình đẳng trước pháp luật, chính phủ hiến pháp, thậm chí bản thân nền dân chủ – đều là sáng kiến của người Hy Lạp cổ.
Người dân Athens đã khám phá ra cách nhìn mới về thế giới. Họ quan sát và thực nghiệm chứ không dựa vào truyền thống và mê tín.
Các ý tưởng đưa ra được nghiên cứu và kiểm tra, chứ không tự nhiên nghe nói mà tin. (Đương nhiên người Hy Lạp vẫn có những câu chuyện thần thoại sâu sắc và chi tiết. Nhưng họ không chọn tôn giáo nào cụ thể, không theo bất cứ chủ nghĩa nào, không chọn người đứng đầu giáo phái và cũng không có luật trừng phạt những ai theo dị giáo.)
Hy Lạp cổ đại có rất nhiều nhà phát minh và cải cách.
Thales vùng Mileters đã cố lý giải cho được những lực tự nhiên làm xoay chuyển vũ trụ và cũng là cha đẻ của phương pháp khoa học.
Pythagoras chứng minh được thế giới này vận hành theo những công thức toán học.
Archimedes tính được trị số pi – tỉ lệ chu vi hình tròn so với đường kính – và chứng minh được nguyên tắc đòn bẩy. (Câu nói nổi tiếng của ông, “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất này lên.”)
Euclid viết ra chuyên luận hình học, quang học và nhạc lý.
Ptolemy tìm cách phác họa thiên đường, đặt nền tảng cho thiên văn học hiện đại.
Socrates, Plato và Aristotle đã xây dựng triết học phương Tây với những câu hỏi tinh tế về siêu hình học, nhận thức luận và đạo đức học.
Alexander chinh phạt thế giới và lập ra đế chế lớn nhất trong lịch sử thời bấy giờ. Những cuộc xâm chiếm của ông thật ra cũng chỉ là
những trận cướp bóc quy mô lớn. Nhưng nhờ vậy mà ông truyền bá được văn hóa Hy Lạp vĩ đại. Hóa ra đó lại là điều tốt.
Người Hy Lạp hình thành tư tưởng tự do. Trong lịch sử, khái niệm tự do cá nhân chỉ thuộc về hoàng gia, tầng lớp quý tộc hay những chiến binh mạnh nhất. Người Hy Lạp mở rộng tự do cá nhân và tự do chính trị đến đông đảo tầng lớp nhân dân. Như Pericles viết, “Ở Athens, chúng tôi được sống đúng ý mình.” Điều này không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới thời cổ đại.
Đúng là người Hy lạp vẫn giữ chế độ nô lệ. Phụ nữ bị tước bỏ tất cả những quyền cơ bản nhất. Và tự do chính trị chỉ dành cho công dân nam. Nhưng hãy nhớ, thời đó là thời cổ đại. Đó chỉ là khởi đầu.
Có lẽ nét đặc trưng rõ ràng nhất của văn hóa Athens chính là tự do tri thức. Người Hy Lạp là những người đầu tiên lý tưởng hóa sự phát triển tư duy, không phải vì lợi ích của chính quyền hay đất nước, mà vì cá nhân.
Người ta thoải mái tranh luận mọi chuyện, về cả tín ngưỡng và chính quyền. Tính tò mò, thích đặt câu hỏi và khát tri thức của người Hy Lạp đã mang đến những thành tựu khổng lồ về logic, vật lý, toán học, thuật hùng biện và kỹ năng phân tích. Họ đã xác định lý lẽ – chứ không phải lời phán của tầng lớp quyền thế – là con đường chân chính dẫn đến sự thật.
Các nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng toán học đã giải phóng ta khỏi những câu chuyện thần thoại, phép thuật hoang đường, thay vào đó là những tiến bộ không ngờ của khoa học, công nghệ, máy móc và y dược.
Ngày nay, chúng ta cứ hay than vãn về nhịp sống dồn dập và bị công nghệ chi phối. Nhưng không ai muốn quay về thời kỳ phải chịu đựng những cơn đau kinh niên, chết sớm, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, mê tín và đau khổ ngày qua ngày như định mệnh của tổ tiên ta thời trước, và số phận của hàng tỷ người ở Thế Giới Thứ Ba thời nay.
Đúng là cũng có vô số đóng góp từ những nền văn hóa khác.
Nhưng di sản của người Hy Lạp cổ về cách lý luận, nghiên cứu và tự do cá nhân đã dẫn đến sự phát triển xuất sắc của phương tây. Như thi sĩ người Anh Percy Shelley nói, “Chúng ta ai cũng là người Hy Lạp.”
Đương nhiên, người ta không chỉ sống nhờ bánh mì. Nhờ sự chú trọng của người Hy Lạp vào lý luận và cả sự chú trọng của người theo Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo trong tín ngưỡng độc thần mà chúng ta có được bản sắc văn hóa phương Tây của ngày hôm nay. Nếu trong thế giới mà khoa học, kỹ thuật và con người không chịu sự ràng buộc của đạo đức nữa thì khi ấy, nó cũng chẳng phải là nơi đáng sống.
Tuy nhiên, để nghiên cứu khía cạnh này trong quá trình phát triển của chúng ta, chúng tôi cần đi từ Hy Lạp cổ đến Jerusalem. Rất may, đó chính là điểm dừng chân ngày mai của chúng tôi.
Tôi sẽ kể những gì tôi quan sát được trong lá thư sau… Sự Thông Thái Của Hillel
Sau 5 ngày ở Athens, quần đảo Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, vào tuần trước, chuyến hành trình tìm đến “Chiếc Nôi Của Nền Văn Minh” của chúng tôi đã dừng chân tại Haifa dọc bờ biển Địa Trung Hải của Israel.
Chúng tôi ghé thăm Nazareth và The Mount of Beatitudes bằng xe ngựa, thưởng thức một bữa ăn xa hoa – kèm rượu vang hảo hạng của người Do Thái (ai mà ngờ được?) – trên Biển Galilee. Sau đó, chúng tôi băng qua Biển Chết, đi dọc Sông Jordan và băng qua khu vực còn đang tranh cãi về chủ quyền ở mạn Tây, sau cùng chúng tôi đến Jerusalem.
Đây là một thành phố vô cùng quyến rũ với lịch sử còn lâu đời hơn cả một số châu lục. Cội nguồn của hàng chục địa danh thần thánh – và là điểm đến mỗi năm của hàng triệu khách hành hương
– Thành phố Cổ được bao bọc bởi những bức tường đã bị vây hãm, làm ô uế, đốt cháy và xây dựng lại không biết bao lần trong suốt 4.000 năm qua.
Thực tế, những người dân địa phương ở đây vẫn còn than khóc. Đến vào dịp lễ Sabbath của người Do Thái, chúng tôi dừng chân xem cảnh người người kéo nhau về Bức Tường Phía Tây và cầu nguyện, nó là dấu vết còn sót lại của khu Đền Thứ Hai đã bị quân
La Mã tàn phá vào năm 70 sau Công Nguyên. Cách đó chỉ vài bước chân là một trong những điện thờ đẹp nhất thế giới, Dome of the Rock đầy uy nghi với mái vòm dát vàng 24 ca-ra.
Gần đó là Nhà thờ Ngôi Mộ Thánh (Church of the Holy Sepulchre). Theo truyền thuyết, nó được dựng nên trên nền đất nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, chôn cất rồi phục sinh.
Thật ngạc nhiên khi nhìn tận mắt ba thánh địa thiêng liêng của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo giao thoa ở cùng một địa điểm. Dù sao thì thời đó, ba tôn giáo độc thần lớn nhất thế giới này đều có chung nguồn gốc. Do Thái giáo dựa trên kinh Cựu Ước, Cơ Đốc giáo dựa trên kinh Cựu Ước và Tân Ước, Hồi giáo dựa trên kinh Cựu Ước, Tân Ước và Qur’an.
Đương nhiên, trong suốt hơn 1.000 năm qua, lòng sùng kính đã khiến những con người nơi này luôn trong tình trạng sẵn sàng gây chiến, một lịch sử bất hạnh và buồn đau cho Miền Đất Thánh. Nhưng vẫn còn những người có cách nhìn khác hẳn. Trong một câu chuyện Talmud nổi tiếng của Do Thái kể rằng, một người ngoại giáo đã tìm đến giáo sĩ Do Thái vĩ đại Hillel (năm 80 trước Công Nguyên – năm
30 sau Công Nguyên) và hứa sẽ đi theo đạo Do Thái nếu như Hillel có thể giảng toàn bộ kinh Torah cho hắn nghe trong lúc chỉ đứng bằng một chân. Hillel đáp, “Những gì anh ghét xảy ra cho bản thân thì đừng bao giờ làm điều đó đối với người khác. Toàn bộ nội dung kinh Torah chỉ có thế, phần còn lại là lời diễn giải. Anh hãy đi về mà tự nghiên cứu.”
Hillel cho rằng, những bản diễn dịch Kinh Thánh nào khơi dậy lòng thù hận hoặc khinh khi đồng loại nơi con người – bất kể tín ngưỡng ấy là gì – đều không chính thống. Thế giới này nên học theo quan điểm của ông.
Xét về mặt tích cực, tôn giáo đặt ra cho ta những tiêu chuẩn về đạo đức. Nó cho phép ta sống với những thực tế không có lời giải thích hay những vấn đề không có giải pháp: cái chết, đau khổ, buồn thương, vô vọng, căm phẫn với bất công, nghèo đói và sự tàn bạo.
Một số người theo chủ nghĩa hiện đại cho rằng đức tin không thích ứng với triết học chủ nghĩa duy lý của người Hy Lạp cổ. Chưa hẳn. Học trò không tìm đến Socrates để học bất cứ thứ gì – ông luôn khẳng định mình không có gì để dạy cả – mà là để thay đổi tư tưởng. Như nhà sử học tôn giáo Karen Armstrong viết trong quyển The Case for God:
Socrates, Plato và Aristotle, những người sáng lập ra chủ nghĩa duy lý phương Tây thấy chuyện lý luận và những gì siêu nghiệm không hề mâu thuẫn. Họ hiểu con người luôn khao khát được nâng khả năng lý luận của mình lên, đến mức không thể giải thích thêm được nữa, mà chấp nhận sự bí ẩn chưa thể khám phá một cách kinh ngạc, sửng sốt và thỏa mãn chứ hoàn toàn không khó chịu.
Điều này chỉ khả thi khi ta trau dồi thái độ lắng nghe tích cực và chịu tiếp thu. Nó đòi hỏi ta phải dẹp bỏ hết những tranh cãi về học thuyết, mang niềm tin vào thực tế và phát triển cái Khổng Tử gọi là “cái tâm của con người”.
Con người muốn sống giàu sang và mãnh liệt. Nhưng trong đau thương, mất mát họ lại mong tìm được bình yên, thanh thản. Họ muốn cuộc sống của mình giàu ý nghĩa và một chút linh thiêng. Họ muốn tôn thờ những bí ẩn chưa giải thích được. Nhiều người tìm thấy điều này thông qua nghi lễ, cầu khấn và tập tục. Thế nhưng, tôn giáo đúng nghĩa luôn là lời kêu gọi sự thay đổi.
Hành động phản ánh suy nghĩ và niềm tin của con người. Chúng ta chẳng quan sát gì hơn hành vi bên ngoài của một người để hiểu được mức độ thành đạt bên trong con người anh ta.
Những tín ngưỡng vĩ đại từ tổ phụ Abraham của Jerusalem đã giúp hàng triệu người tìm thấy ý nghĩa từ trong đau thương và bất công. Chúng cho ta sức mạnh vượt qua thói vô tâm, tham lam, ích kỷ vốn đe dọa mọi nỗ lực ta cố gắng.
Đúng vậy, ta không bao giờ hoàn mỹ dù với tư cách quốc gia hay cá nhân. Nhưng sứ mệnh tìm đến thế giới tâm linh – cảm giác về sự siêu việt – là di sản lớn nhất mà Jerusalem để lại, món quà độc nhất dành cho phương Tây.
Những Suy Ngẫm Của Vị Vua Triết Gia
Tại Diễn đàn La Mã hai tuần trước, nhà kinh tế học kiêm nhà sáng lập FreedomFest, Mark Skousen, đã diễn thuyết về “Thuyết phục và Áp lực” – một bài nói chuyện hùng hồn về sự tự do và chịu đựng – thì một người đi ngang qua dừng lại lớn tiếng chất vấn ông.
Skousen vẫn không hề nao núng, ông chỉ đề nghị người chất vấn hãy giữ nhận định của mình đến phút chót – và điều này cũng chính đáng. Diễn đàn này là một trong những địa điểm đầu tiên trong lịch sử cổ đại nơi người dân có quyền đứng lên nêu ý kiến của mình một cách công khai, dù ý kiến đó không được nhiều người tán đồng chăng nữa.
Nhóm chúng tôi cố nhịn người chất vấn kia bởi chúng tôi đã sắp kết thúc chuyến hành trình tìm đến “Cái Nôi Của Nền Văn Minh” và, như Freud nói, người đầu tiên thốt ra lời sỉ nhục chứ không phải ném đá vào mặt người khác chính là nhà sáng lập của nền văn minh.
Ghé thăm những tàn tích này cho ta cơ hội sống lại với lịch sử La Mã, và một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của vùng đất này,
Marcus Aurelius.
Marcus là hoàng đế La Mã suốt hai thập kỷ trước khi ông mắc bệnh truyền nhiễm vào năm 180 sau Công Nguyên. Ông là người quyền lực nhất thời bấy giờ, trị vì một đế quốc trải dài từ Tây Âu đến Trung Đông và xuống tận châu Phi. Trong khoảng thời gian thống trị, ông đã bảo vệ La Mã thoát khỏi sự xâm lược của bọn người man rợ, những bộ lạc đi xâm lược, bệnh dịch ở khắp cả nước.
Thế nhưng, trong phút giây thư giãn yên tĩnh, khi bỏ bộ áo choàng của vị hoàng đế ra, ông còn là người sáng tác một trong những tác phẩm vĩ đại nhất thế giới về triết lý Stoic, được biết đến ngày nay như những Suy ngẫm của ông.
Về cơ bản, tác phẩm này là cuộc độc thoại nội tâm. Marcus viết cho riêng mình chứ không phải dành cho hậu thế. Mục đích của ông là để ngẩng cao đầu với thế giới, định nghĩa thế nào là cuộc sống tốt đẹp, và viết ra cẩm nang sống hàng ngày. Những lời của ông vẫn còn âm vang đến tận ngày hôm nay. Sau đây là một vài ví dụ:
Nếu bạn bị tổn thương vì một tác động bên ngoài, không phải vì nó làm bạn khó chịu, mà nằm ở cách bạn nhìn nhận đánh giá về nó. Và bạn có toàn quyền dẹp bỏ cách đánh giá đó ngay lúc này.
Hãy như hòn đá vẫn hiên ngang trước ngọn sóng đánh không ngừng và bọt biển trắng đọng lại quanh nó. Bạn đừng nói, “Ôi sao ta quá bất hạnh, sao chuyện này lại xảy ra với ta.” Mà hãy nói, “Ôi sao ta thật may mắn, khi mà chuyện này đã xảy ra với ta đấy nhưng ta vẫn không hề xây xát, cũng không hốt hoảng với hiện tại hay sợ hãi tương lai.”
Đừng bao giờ nghĩ xem điều gì có lợi cho mình, bởi có thể nó sẽ khiến bạn phản bội lại những gì mình tin, xem thường tính khiêm tốn, ghét bỏ mọi người, quá đa nghi, nguyền rủa người khác, gian xảo hay ham muốn những thứ không thuộc về mình.
Sự khôn ngoan và hành động chính trực luôn đi đôi với nhau.
Mỗi khi bạn thấy ai đó lầm đường lạc lối, hãy nhìn lại bản thân mình ngay, xem liệu mình có giống họ, chẳng hạn như quá coi trọng tiền bạc, danh vọng, hay điều gì khác. Kiểm tra bản thân bằng cách này có thể giúp bạn nhanh chóng quên đi sự phẫn nộ của mình.
Con người luôn khao khát tìm nơi nào đó yên lành trong đất nước mình để tịnh dưỡng, có thể dọc bờ biển, gần núi và bạn cũng đặc biệt có thiên hướng thích điều đó. Nhưng kiểu suy nghĩ ấy hơi ngờ nghệch, bởi lúc nào bạn cũng có thể tịnh tâm với chính mình nếu bạn muốn. Không nơi nào thanh bình và vô lo hơn chính tâm hồn ta.
Lòng tốt là thứ không thể chinh phục, miễn là lòng tốt ấy không vì xu nịnh hay đạo đức giả. Bởi ngay cả thứ người xấc láo nhất có thể làm gì được bạn nếu bạn tiếp tục đối xử tốt với người ta?
Cách cao quý nhất để trả thù ai đó là không bao giờ trở thành người giống họ.
Nếu có ai đó chỉ ra điều tôi đã nói hay làm sai, tôi sẵn lòng thay đổi, vì tôi đã tìm ra sự thật mà chẳng mất mát gì.
Có thể người khác sẽ hỏi: “Làm sao để có được điều đó?” Nhưng đúng ra bạn nên hỏi, “Làm sao để không màng đến điều ấy?” Người khác hỏi: “Làm sao để người kia đừng làm phiền mình nữa?” Bạn
nên hỏi: “Làm sao để không mang ý định đó nữa?” Người khác: “Làm cách nào để tôi không mất đi đứa con?” Nhưng bạn: “Làm sao để không sợ hãi nếu tôi mất đi đứa con?” Hãy thay đổi hẳn những gì bạn đang cầu nguyện và xem điều gì sẽ xảy ra.
Ở mỗi trang, Marcus Aurelius đều cho thấy sự hiểu biết phi thường và vẻ khiêm nhường, những lời ông nói vượt giới hạn không gian và thời gian. Chẳng lạ gì khi tác phẩm Suy Ngẫm của ông là một trong những tác phẩm cổ xưa nổi tiếng và được nhiều người đọc nhất.
Thông điệp ở đây rất đơn giản và rõ ràng nhưng vô cùng mạnh mẽ. Marcus coi trọng sức mạnh nội tại, phẩm giá và lòng tự trọng. Ông nhắc ta nhớ rằng cuộc sống có thể kết thúc bất cứ lúc nào, rằng ta không thể tác động quá khứ còn tương lai thì chưa biết, rằng chúng ta sẽ tốt hơn nếu dám đương đầu với tình huống khó khăn bằng giải pháp và dũng khí, rằng mục tiêu quan trọng nhất của ta chính là sứ mệnh hoàn thiện bản thân mình.
Trong suốt hơn 1.800 năm qua, những gì ông viết đã giúp hàng triệu người đương đầu với khó khăn, ham muốn, chiến thắng và thất vọng vốn xảy ra quá nhiều trong đời người.
Marcus không phí thời gian cho những lý thuyết trống rỗng hay suy đoán. Ông tin rằng để đánh giá một triết gia, không nên dựa vào những gì họ nói mà là cách họ sống.
Như ông đã viết trong Suy Ngẫm, “Bạn đừng triết lý về việc người tốt là như thế nào, hãy làm một người tốt.”
Phần 2 Giàu Có Không Đo Bằng Của Cải
Giàu có đích thực là gì?
Thống kê cho thấy đa phần người Mỹ đánh đồng giàu có với thu nhập cao. (Vì một vài lý do, con số 250.000 đô-la dường như là chuẩn mực để đánh giá mức độ “giàu có” trong thời buổi hiện nay.) Cũng dễ hiểu. Thu nhập cao hơn tạo ra cơ hội để ta sở hữu hay trải nghiệm được nhiều thứ hơn. Tuy nhiên, số tiền mà bạn kiếm được lại thường là một dấu hiệu tồi để đánh giá sự giàu có. CEO quá cố Steve Jobs của Apple, CEO Vikram Pandit của Citigroup, CEO Eric Schmidt của Google, CEO Jerry Yang của Yahoo! và CEO Larry Ellison của Oracle đều nằm trong số những người giàu nhất thế giới. Vậy mà tất cả họ đều nhận mức lương 1 đô-la một năm.
Chiêm nghiệm một chút sẽ thấy, mức độ giàu có cần được xác định bằng bảng cân đối tài sản thay vì báo cáo thu nhập. Giá trị tài sản ròng cao mới là yếu tố tạo ra độc lập về tài chính, không phải mức lương cao.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sống một cuộc đời phong phú mà không cần có quá nhiều tiền hay ổn định tài chính. Tôi biết. Tôi đã sống như thế trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học. Những ngày ấy thật vô cùng hạnh phúc, dù tôi kiếm tiền không nhiều, hầu như không có tiền để dành, lái một chiếc Volkswagen tồi tàn (dàn âm thanh thậm chí còn đáng giá hơn cả cái xe), và ở chung nhà với bạn bè, vì không ai trong chúng tôi có đủ tiền để ở riêng. Dĩ nhiên, khi còn
trẻ thì người ta dễ dàng chịu đựng sự thiếu thốn hơn. Và càng dễ hơn nữa nếu bạn chưa từng nếm trải cuộc sống sung túc.
Không ai có thể chịu đựng mãi cảnh nghèo khó, nhưng bạn cần nhiều thứ khác ngoài tiền để có cuộc sống giàu có đúng nghĩa. Như tôi đã nói, bạn cần sức khỏe tốt, vài người bạn thân, một người để yêu – chí ít là thế – để cảm thấy mình đang sống một cuộc đời tươi đẹp.
Tuy nhiên, vẫn còn một thành phần thiết yếu khác tạo nên cuộc sống sinh động: Sở thích đa dạng. Bạn càng hướng ra thế giới bên ngoài bao nhiêu, bạn càng cảm thấy yêu cuộc sống này bấy nhiêu. Đời bạn sẽ trở nên thú vị hơn. Chẳng hạn, tôi chỉ hơi thinh thích môn bóng chày thôi, nhưng tôi có thể nghe bình luận viên George Will nhận xét đầy hồ hởi về môn thể thao phổ biến khắp nước Mỹ này cả ngày không chán. Niềm đam mê của ông ấy thật dễ lan tỏa.
Tôi ngưỡng mộ các tác phẩm nghệ thuật, nhưng tôi không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Vậy nên tôi rất thích những quyển sách và tư liệu do Sơ Wendy Beckett, một nữ tu và chuyên gia nghệ thuật người Anh ghi lại. Tôi từng dành ra vài phút mỗi tối để nghiên cứu các bức vẽ trong sách của bà, quan sát và góp nhặt mọi thứ trước khi đọc chú thích của bà về tác phẩm. Lần nào cũng vậy, bà khiến tôi nhận ra những điều giản đơn trước nay tôi không hề thấy. Thế nên tôi thích.
Sau đây là những bài tùy bút tôi viết về sở thích cá nhân. Trong vài chủ đề như đọc sách và nghe nhạc, tôi có một lượng kiến thức khá tốt. Trong những mảng khác, chẳng hạn như thơ và rượu vang, tôi
chỉ là tay mơ. Và một thứ (thứ tôi không ưa) – cái tivi đần độn – khiến tôi tuyệt vọng.
Những sở thích của tôi có thể giống bạn, có thể không. Chẳng sao cả. Mục tiêu của tôi là chia sẻ với bạn vài sở thích cá nhân, biết đâu nó truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi sở thích của riêng mình.
Bạn Có Thiếu Tính Tò Mò Không?
Có thể bạn biết hàng trăm người. Nhưng có bao nhiêu người trong số ấy bạn thấy thú vị?
Những người như vậy thường làm tôi thắc mắc. Điều gì đã mang lại cho họ phẩm chất không định nghĩa nổi ấy, sức hút ấy, những đặc tính khiến ta thích được ở bên họ? Có người cho rằng nhờ họ được
giáo dục tốt, có tài, có tiền bạc cùng khiếu hài hước hay sự nổi tiếng. Nhưng tôi cho rằng nhờ vào yếu tố mà ai cũng có thể có: tính tò mò.
Người tò mò rất quan tâm đến thế giới và mọi thứ bên trong thế giới. Họ tìm kiếm những người bạn mới và những trải nghiệm kỳ thú. Họ chú ý đến những điều xảy ra và lý do tại sao.
Lấy Denny Zeitlin làm ví dụ. Zeitlin là một nghệ sĩ dương cầm chuyên trị nhạc Jazz và là nhà soạn nhạc đẳng cấp thế giới. Ông còn là chuyên gia tâm thần học lâm sàng kiêm giáo sư tâm lý trường Đại học California, San Francisco; và, trong mắt tôi, ông cực kỳ thú vị.
Tôi dám nói điều này một cách đầy tự tin ngay cả khi tôi chưa có dịp gặp ông. Mới đây tôi vô tình truy cập vào trang web của ông và mê mẩn mấy bài viết cùng những đoạn phim ngắn của ông về mọi thứ, từ thú sưu tập rượu vang, câu cá cho đến đạp xe leo núi và du lịch. Sự đam mê thầm lặng của ông trong ngần ấy lĩnh vực – chưa kể nhạc Jazz – thật đáng hâm mộ.
(Bạn có thể vào trang web www.dennyzeitlin.com mà xem. Và đừng quên bỏ ra vài phút xem clip tham quan hầm rượu và “Salt Water Adventures” – Thám Hiểm Vùng Nước Mặn – của ông.)
Zeitlin là người yêu cuộc đời này tha thiết. Thái độ sống ấy rất dễ lây lan. (Và nhân tiện nói luôn, âm nhạc của ông cũng vậy.) Ông lúc nào cũng đầy tò mò và mang trong mình khát khao học hỏi.
Dĩ nhiên, thuở thiếu thời chúng ta ai cũng thế. Nhưng nhiều khi trẻ con bị áp đặt vào vô số luật lệ và nghĩa vụ, bản năng tò mò của chúng bị ức chế. Người lớn bảo chúng phải biết thân biết phận, tránh
dính vào những chủ đề gây tranh cãi, đừng lại gần người lạ và không được đối đáp với cha mẹ, thầy cô.
Người lớn thường bảo, “Tò mò có ngày thiệt thân.”
Nhà thiên văn học Carl Sagan từng than rằng, khi đứa trẻ hỏi một câu thông minh như “Tại sao mặt trời lại hình tròn?”, thì người lớn hay đáp kiểu phủ đầu, “Chứ muốn nó hình gì, hình vuông chắc?”
(Dĩ nhiên, đa số người lớn không biết rằng trọng lực cực lớn hút mọi vật chất về lõi mặt trời tạo nên hình cầu của nó. Nhưng cũng chẳng có gì xấu hổ nếu phải trả lời, “Bố/mẹ không biết nữa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.”)
Thế là trước khi kịp lớn lên, nhiều người đã trở nên chán ngấy hoặc bảo thủ. Họ có xu hướng chỉ nói chuyện, đọc và khen ngợi những người có cùng quan điểm với mình.
Dĩ nhiên, khi một quan điểm cá nhân bị mang ra thách thức, bản năng con người là bảo vệ nó (ngay cả khi nó có thể sai). Tuy nhiên, trong quá trình làm điều này, có thể ta đã bỏ lỡ cơ hội học hỏi thêm điều mới.
Chưa kể nhu cầu sống ổn định đã đè nén bản chất tò mò trong ta. Suy cho cùng, sao phải mất công tìm hiểu vấn đề làm gì nữa khi mọi thứ đã tỏ bày?
Tiến sĩ Todd Kashdan, bác sĩ điều trị tâm lý kiêm giáo sư tâm lý học thuộc Đại học George Mason, nói rằng: thiếu tò mò là mầm mống của tình trạng rập khuôn, kỳ thị, dốt nát, làm việc cứng nhắc, tự tin thái quá và võ đoán.
Những người kém tò mò có xu hướng nhìn nhận thế giới rạch ròi đến mức cực đoan. Có người tốt/kẻ xấu. Có những lựa chọn đúng/sai. (Và đôi khi như thế thật.) Tuy nhiên mọi thứ không phải lúc nào cũng trần trụi, tách bạch. Cuộc sống này còn vô vàn những sắc xám khác nhau. Không gì thể hiện khả năng dung hòa kém cỏi bằng việc thiếu ham muốn khám phá.
Một tâm hồn đầy ắp tò mò mang đến cho ta cái nhìn từ nhiều góc độ. Thường thì những người ham khám phá cũng có khả năng phân tích tốt hơn, giải quyết vấn đề hiệu quả hơn, và nói chung, thông minh hơn.
Tính tò mò là nguồn động lực của rất nhiều nhà khoa học và thám hiểm xuất chúng. Những khám phá vĩ đại nhất của loài người đều xuất hiện khi chúng ta tuyên chiến với uy quyền áp đặt, lối mòn trong suy nghĩ hay niềm tin của bản thân mình.
Tính tò mò còn khiến nhiều người trong chúng ta – thường là mãi về sau này – cầm lấy cây đàn ghita… đi câu cá… khiêu vũ… hay đi du lịch mọi miền đất nước.
Và ta có thể luyện tập cho mình thói quen thắc mắc. Vấn đề nằm ở tầm nhận thức cao hơn. Khi bạn lên một kế hoạch gì đó, bạn có ý định thử làm điều mình chưa bao giờ làm? Khi trò chuyện với người khác, bạn có nhận ra có ý kiến nào của họ mà trước nay bạn chưa từng nghe thấy? Khi đi du lịch, có điều gì mới lạ mà bạn chưa từng để ý?
Tò mò là hành vi thiết yếu của cuộc sống. Nó chứng tỏ chúng ta quan tâm đến việc trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như năng lực cá nhân.
Chúng ta sẵn sàng làm khác đi và thử nghiệm cuộc đời mình.
Khi bạn tò mò, bạn được tiếp thêm năng lượng. Bạn đang học hỏi. Bạn không chỉ biết có chính mình và những mối bận tâm tầm thường nữa. Bạn sẽ khám phá, sẽ tìm kiếm cơ hội để làm giàu thêm cho cuộc sống.
Trên hết, quá trình theo đuổi ấy không chỉ thi vị hóa cuộc sống của bạn, chúng còn giúp con người bạn trở nên thú vị hơn.
Con Đường Chưa In Dấu Chân Người
Trong nửa đầu chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nước Mỹ, hầu hết người dân Mỹ đều kiếm sống bằng những công việc tay chân nặng nhọc như trồng trọt, khai thác mỏ, làm ruộng, khai thác rừng hoặc xây dựng. Nhưng ngày nay, chúng ta sống trong thế giới của những cao ốc văn phòng. Đa số mọi người đều rất ít làm công việc tay chân. Nếu không nỗ lực tập thể dục thì hầu như chúng ta chẳng vận động gì cả.
Tuy vậy theo bác sĩ Barry Franklin, người đứng đầu Chương trình Phục hồi Trị liệu Tim mạch của Bệnh viện William Beaumont ở Royal Oak, Michigan, “Bắt đầu từ tuổi 20, cứ mỗi năm khả năng truyền ô-xi theo đường máu từ tim đến cơ bắp của con người giảm xuống khoảng 1%. Đi bộ thường xuyên có thể tăng cường chức năng từ 10% đến 20% trong vòng ba tháng. Giống như bạn được cải lão hoàn đồng từ 10 đến 20 năm vậy.”
Nghiên cứu y học cho thấy tập thể dục giúp chống lại những cơn cảm cúm, sốt, giảm nguy cơ mắc phải những chứng bệnh mãn tính và làm chậm quá trình lão hóa. Theo trường Đại học Y học Thể thao, đi bộ trong khoảng từ 30 đến 45 phút mỗi lần, năm lần một tuần sẽ giảm nguy cơ đột quỵ đến 27%, giảm nguy cơ bị cao huyết áp đến 40%, giảm nguy cơ tử vong và mắc bệnh ung thư vú đến khoảng 50%, giảm nguy cơ ung thư ruột kết đến hơn 60%, giảm nguy cơ tiểu đường khoảng 50%, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer đến 40%, và có thể làm giảm ưu phiền một cách hiệu quả tương đương với thuốc an thần Prozac hay tâm lý trị liệu.
Lười vận động cũng nguy hại cho sức khỏe không kém gì thói quen hút thuốc – nó còn góp phần gây ra bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thấp khớp và loãng xương. Ngay cả những người gầy còm nhưng lười vận động cũng có nguy cơ tử vong và mắc bệnh cao hơn. Thế nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật, 36% người trưởng thành ở Mỹ không hề hoạt động thể chất lúc rảnh rỗi. Thật không hay chút nào, đặc biệt là khi – dù bạn sống ở đâu chăng nữa – tất cả những gì bạn cần là một ngày đẹp trời và một đôi giày thoải mái để xỏ vào.
Lợi ích của chuyện đi bộ không chỉ riêng gì về mặt thể chất. Nhiều nhà thơ, triết gia, và những thủ lĩnh tinh thần đều gắn bó với hoạt động này:
Các triết gia Nhật Bản và Trung Quốc thời cổ đại thường dạo quanh hồ, lên núi và trải lòng qua những áng thơ tuyệt tác.
Chúa Giê-xu xứ Nazareth là nhà truyền giáo rong ruổi nhiều nơi; ông đã đi suốt 40 ngày đêm băng qua vùng Judea hoang vu.
Những vần thơ lãng mạn của nhiều thi sĩ nước Anh đã ra đời trong các chuyến du ngoại vùng thôn dã.
Thomas Jefferson đã viết cho đứa cháu trai mà ông yêu mến, Peter Carr, thế này: “Cháu phải dành ít nhất hai giờ mỗi ngày để tập thể dục; vì không nên hy sinh sức khỏe cho việc học hành… Đi bộ là rất quan trọng. Đừng nghĩ đến chuyện mang sách theo. Mục tiêu của việc đi bộ là thư giãn đầu óc. Đừng bắt cái đầu mình phải suy nghĩ trong lúc đi bộ, mà hãy hướng sự chú ý đến mọi thứ xung quanh cháu.”
Người ta ước tính William Wordsworth đi bộ khoảng 273.000 km trong suốt cuộc đời mình và ông là người khởi xướng nền công nghiệp du lịch đường bộ vùng nông thôn tại nước Anh và các nước thuộc khu vực châu Âu. Những người đi đầu trong phong trào Phục Hưng Mỹ – Walt Whitman, Henry David Thoreau và Ralph Waldo Emerson – khuyến khích mọi người đi bộ đường dài mỗi ngày. Thoreau viết rằng ông có “biệt tài, cứ cho là vậy, đi lang thang”.
Trong một bức thư gửi cháu gái Jette của mình, (nhà theo chủ nghĩa hiện sinh) Soren Kierkegaard đã viết, “Đừng đánh mất niềm vui đi bộ
của cháu; mỗi ngày đi bộ, ta đều tiến gần hơn đến sức khỏe tráng kiện và tránh xa bệnh tật; đi bộ mang đến cho ta những ý tưởng tuyệt vời, và chẳng còn mối bận tâm nào ta không thể gỡ bỏ.” Wallace Stevens sáng tác thơ trong lúc ông đi bộ từ nhà đến văn phòng ở khu thương mại Hartford. Trong bài thơ “Of the Surface of Things” (Trên Bề Mặt Của Mọi Thứ), ông đã viết, “Ở trong phòng, thế giới nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Nhưng khi tản bộ, tôi thấy đời là ba hay bốn ngọn đồi và một đám mây.”
Việc đi bộ là vô cùng cần thiết, giống như những nhu cầu căn bản: ăn, thở và ngủ của con người. Nó khiến chúng ta khác biệt so với những loài động vật linh trưởng khác, thật ra là với tất cả các loài khác trên hành tinh này. Hơn 80.000 năm trước, tổ tiên người Mỹ đã bước ra khỏi châu Phi và chiếm lĩnh thế giới.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử con người, đi bộ không phải là một lựa chọn, mà là một điều hiển nhiên. Đi bộ từng là hình thức di chuyển chủ yếu của chúng ta. Nhưng ngày nay, bạn phải lựa chọn có nên đi bộ hay không. Chúng ta lái xe đến chỗ làm. Những tòa nhà văn phòng và căn hộ có sẵn thang máy. Các khu trung tâm thương mại cũng có thang cuốn. Sân bay dùng băng tải đi bộ. Trong một buổi đánh gôn, bạn toàn di chuyển bằng xe điện. Thậm chí để đi loanh quanh trong khu lân cận, bạn đã có xe Segway.
Sao ta không đi bằng hai chân? Đâu nhất thiết phải sống ở nông thôn mới làm được điều này. Thật tuyệt nếu được đi dạo trong rừng, nhưng tôi cũng rất thích được tha thẩn trên những con phố nhỏ, đặc biệt là ở những nơi như New York, Luân Đôn, hay Rome, nơi chỉ cần đi khoảng nửa dãy nhà là bạn sẽ khám phá được một điều gì đó mới mẻ.
Một chuyến đi bộ đường dài sẽ giúp bạn sống chậm lại, nhìn nhận mọi thứ, đưa bạn quay về với thời điểm hiện tại. Trong quyển Wanderlust: A History of Walking (Ngao Du Sơn Hải: Lịch Sử Của Việc Đi Bộ), tác giả Rebecca Solnit viết, “Lý tưởng thì đi bộ là trạng thái mà tâm trí và cơ thể con người hòa vào thế giới, như thể ba tính cách khác biệt tìm được tiếng nói chung, hay như ba nốt nhạc kết hợp thành một hợp âm.”
Thế nhưng trong nền văn hóa làm việc tất bật, luôn hướng đến mục tiêu mà chúng ta đang sống, một chuyến bách bộ thong thả không phải chuyện dễ dàng. Bạn phải lên kế hoạch. Và có lẽ bạn nên làm thế. Đi bộ là một hoạt động thể chất rất tốt, nó còn là thú tiêu khiển, một trải nghiệm đẹp, một sự khám phá, một cuộc tìm hiểu, một nghi thức, một cách thiền định. Nó giúp tăng cường sức khỏe và mang đến niềm vui sống.
Bác sĩ tim mạch Paul Dudley White từng nói, “Đối với một người khỏe mạnh nhưng đang buồn rầu, một chuyến đi bộ tầm 8 cây số sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn bất cứ loại thuốc thang hay phương pháp điều trị tâm lý nào trên đời này.”
Đi bộ không bao giờ nhàm chán. Nó kéo dài cuộc sống của bạn. Nó làm đầu óc bạn trở nên minh mẫn, sáng sủa, nhanh nhạy và hồi phục. Vậy thì hãy xỏ giày vào và bước ra ngoài. Bài tập thể dục lâu đời nhất nhất vẫn luôn là bài tập tốt nhất.
Họ Làm Cuộc Sống Ta Phong Phú Hơn
Tuần trước, tôi cùng vài người bạn đến thành phố Vienna nước Áo và đi thăm Belvedere – cung điện theo kiến trúc Baroque tuyệt vời vốn đang được dùng làm bảo tàng nghệ thuật.
Đại diện xuất bản của tôi, Julia Guth, rất hâm mộ họa sĩ người Áo Gustav Klimt, một họa sĩ sống vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,
từng bị cô lập bên lề xã hội nhưng giờ được xem là bậc thầy của chủ nghĩa hiện đại. Một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được trưng bày ở đây nên chúng tôi quyết định ghé xem.
Điểm nhấn là một tác phẩm được yêu thích nhất của Klimt, “Nụ Hôn”, một bức tranh có khổ 1,8m x 1,8m đẹp tuyệt vời vẽ một đôi tình nhân đang ôm hôn nhau, bao quanh họ là những tông màu óng ánh vàng, hòa lẫn các biểu tượng. Bức tranh này giờ đây xuất hiện ở mọi nơi, từ tách uống cà phê cho đến lịch treo tường, và là một trong những biểu tượng dễ nhận thấy nhất của nghệ thuật đương đại.
Tôi thích bức tranh này, nhưng một điều khác gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi. Khi nhóm chúng tôi đang trầm trồ ngắm tranh, thì một người phụ nữ trẻ trong gian phòng quay lại và bất chợt nhận ra bức tranh. Cô há hốc miệng và chầm chậm bước tới, bàn tay phải cô đặt lên chỗ trái tim trên lồng ngực. Cô đứng trước bức tranh trong vài phút. Mắt mở to và lặng im. Nửa giờ sau khi chúng tôi rời khỏi bảo tàng, cô vẫn đứng chôn chân ở đó.
Điều gì ở nghệ thuật khiến chúng ta bàng hoàng, vui sướng, suy tư và say đắm đến thế? Cũng giống như ngôn ngữ, nghệ thuật xuất hiện một cách tự phát và có mặt trong mọi nền văn hóa, từ những hình vẽ trong hang động Lascaux thời Paleolithic cho đến nghệ thuật ứng dụng thời nay.
Nghệ thuật là một hoạt động đặc trưng của loài người. Nó phân biệt chúng ta với các loài vật khác. Chắc chắn chúng ta có trí thông minh, nhưng những loài vật cũng có, ngay cả loài quạ. Chúng ta có thứ ngôn ngữ phức tạp, nhưng cá voi và cá heo cũng thế. Ngay cả cách chúng ta sử dụng công cụ cũng không phải là độc nhất. Hơn 40 năm
trước, Jane Goodall đã phát hiện thấy loài tinh tinh ở Đông Phi bắt mối ra khỏi ụ mối bằng những lá cỏ. Chúng “săn bữa tối” một cách vô cùng hiệu quả.
Nhưng chỉ riêng người hiện đại mới có ý thức về cái đẹp, có nhu cầu biểu đạt bằng từ ngữ, âm nhạc, tranh vẽ hay điêu khắc, mặc dù chưa ai thật sự hiểu lý do vì sao.
Tác phẩm nghệ thuật là những tinh hoa đẹp đẽ nhất của tâm trí con người. Chúng mở mang tầm nhìn của ta về thế giới, mang đến cho ta những trải nghiệm sâu sắc và những cảm nhận siêu phàm.
Nhưng nghệ thuật cũng có thể là mối nguy. Plato sợ rằng những tác phẩm trái đạo đức đẩy con người khỏi những gì cao cả và tốt đẹp. Trong tác phẩm Republic, ông đề nghị liên bang phải kiểm duyệt những tác phẩm nghệ thuật để bảo vệ người dân. (Đây không hẳn là ý tưởng hay nhất của ông.)
Bảo tàng là thánh đường của sự thưởng ngoạn, là nơi bạn khám phá vẻ phong phú của trí tưởng tượng và trí tuệ con người. Henry Miller từng nói, “Nghệ thuật không dạy ta điều gì khác ngoài ý nghĩa cuộc sống.” Còn Proust thì nói, “Nhờ có nghệ thuật mà thay vì chúng ta chỉ nhìn thấy một thế giới của chính mình, thì ta thấy nhiều thế giới khác nhau, và càng có nhiều nghệ sĩ độc đáo, thì càng có nhiều thế giới bày ra trước mắt ta.”
Nghệ thuật khiến bạn ngạc nhiên, giúp bạn nhìn nhận vạn vật ở góc độ mới lạ. Một tác phẩm tuyệt vời có thể mở rộng quan điểm và nâng cao trí lực của bạn. Nó có thể thanh lọc cảm xúc, giải tỏa đầu óc, khai sáng và mở rộng tâm hồn bạn.
Dĩ nhiên, những người khác nhau sẽ cảm thụ nghệ thuật một cách khác nhau. Tôi không đồng tình khi người ta cứ khăng khăng cho rằng bạn cần tán thưởng một tác phẩm vì một số lý do nào đó. Có những lý do không hợp lý khi bỏ qua một tác phẩm, nhưng yêu thích một tác phẩm thì không có gì là sai. Bạn có thể dễ dàng say mê một bức tranh phong cảnh không phải vì nó tiêu biểu cho một trào lưu hay trường phái nào đó, mà bởi nó đáng yêu hoặc thực tế. Hoặc đơn giản vì nó khiến bạn nhớ đến hình ảnh quê nhà. Có vô vàn cách để cảm thụ nghệ thuật.
Ta thường nhìn thấy trong tranh những gì ta muốn có ở ngoài đời. Tất cả chúng ta đều thích nét đẹp thiên nhiên và sự hài hòa trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể mê mẩn những tác phẩm chủ đề chiến tranh, bi kịch hay những điều xấu xa. Những điều này, âu cũng là các khía cạnh của cuộc sống.
Có những điều không thể diễn đạt đầy đủ bằng lời. Nghệ thuật sẽ biểu đạt trọn vẹn nhất tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự hài hước, niềm vui thích trong cuộc sống, vẻ dịu dàng, đức hy sinh, và cả những điềm báo về cái chết, cảm giác bối rối, xa lạ, kinh hoàng hay phiền muộn.
Các nghệ sĩ tài hoa nắm bắt được những cung bậc cuộc sống và thổi vào đó xúc cảm mãnh liệt. Họ mang đến cảm giác được công nhận và được giao tiếp giữa người này với người kia. Cảm giác ấy không chỉ đơn thuần là sự thán phục trước một điều gì đó đẹp đẽ, mới mẻ. Một nghệ sĩ vĩ đại sẽ kích thích trí tưởng tượng của chúng ta. Mọi thứ diễn ra trong tâm trí của con người.
Tuy nhiên, lý do nghệ thuật tồn tại không phải là để truyền đạt cảm xúc mà là sự thấu hiểu. Quả thật, nghệ thuật có nhiều điểm tương đồng quan trọng với khoa học. Cả hai đều là quá trình đi tìm chân lý, truy tìm bản chất sự vật sự việc và bộc lộ bản chất con người lẫn thế giới. Thành tựu trong từng lĩnh vực phụ thuộc vào sức sáng tạo phi thường của một số cá nhân xuất chúng, những người tạo ra bước tiến đầy đột phá của trí tưởng tượng về những điều chưa biết. Nếu không có nghệ thuật hay khoa học, liệu con người có hiểu hết được cuộc sống này?
Nghệ thuật thể hiện tính cá nhân – và không chỉ riêng gì người nghệ sĩ. Những gì bạn treo trên tường nhà hay trong văn phòng cho thấy mối quan tâm và đam mê của bạn. Chi tiết hơn một chút, quần áo, trang sức và cách trang điểm cũng tiết lộ bạn là ai. Tại sao hai người phụ nữ vô tình mặc hai cái váy giống nhau tham dự cùng một buổi tiệc lại cảm thấy bối rối đến vậy? Bởi vì bữa tiệc là cơ hội để mỗi người thể hiện bản thân mình. Trang phục nói lên gu thẩm mỹ và cá tính của cá nhân đó, thế nên ta khó chấp nhận khi thấy có người mặc giống mình.
Nghệ thuật không phải lúc nào cũng thiết thực. Nó giúp thỏa mãn nhu cầu mỹ cảm, vì vậy người ta thường nói “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Tuy chỉ có một số nghệ sĩ tài hoa mới tạo ra được những tác phẩm mang vẻ đẹp vĩnh hằng, hầu như đa số mọi người đều khát khao giá mà mình cũng làm ra được tuyệt tác như thế.
Điều gì khiến cho một số người có khả năng sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời đến vậy? Hầu hết các họa sĩ đều muốn tác phẩm của mình được thị trường đánh giá cao, nhưng rất ít họa sĩ lấy tiền làm động lực. Trong quyển Human Accomplishment (Thành Tựu
Con Người), Charles Murray cho rằng tất cả những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử được tạo ra dựa trên nền tảng của “hàng hóa trừu tượng” – một niềm tin cho rằng cái đẹp đích thực tồn tại, sự thật khách quan hiện diện và hay ở chỗ là nó mang giá trị độc lập với văn hóa loài người.
Ông chỉ ra rằng khi những thánh đường Gothic vĩ đại ở châu Âu được dựng nên, nhiều máng xối hình đầu thú và các vật trang trí khác được tạc phía trên cao những bức tường của thánh đường và đằng sau những gờ đắp nổi trên trần nhà. Tại sao những người thợ xây đá lại giấu tác phẩm của họ ở những nơi mà người ta không dễ gì nhìn thấy? Bởi họ tin rằng mình đang tạc tượng để Chúa chiêm ngưỡng.
Quan điểm này rõ ràng đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ vĩ đại khác. Leonardo da Vinci vẽ hồng ân Thiên Chúa. Tác phẩm của Michelangelo được trưng bày ngay trên trần nhà của Nhà nguyện Sistine. Tác giả người pháp Andre Gide từng nói, “Nghệ thuật là sự kết hợp của Chúa Trời với người nghệ sĩ, và người nghệ sĩ càng ít nhúng tay vào càng tốt.”
Một kiệt tác nghệ thuật thật sự không chỉ gắn liền với thời đại của nó hay thời đại của chúng ta, mà phải bất hủ. Chính trình độ điêu luyện này của các họa sĩ bậc thầy khiến bạn phải dừng lại trước một tác phẩm và trầm trồ, “Thật không thể tin được là con người tạo ra được cái này!”
Ai cũng thích cảm giác sửng sốt và kinh ngạc. Trong tác phẩm The Art Instinct (Bản Năng Nghệ Thuật), Dennis Dutton viết, “Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật lớn là bạn đang chứng kiến một nguồn sức
mạnh vượt trội hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng, nó vĩ đại hơn bạn rất nhiều. Cảm giác đam mê những kiệt tác nghệ thuật thật sự khiến bạn ngất ngây – khiến bạn không còn là chính mình nữa.”
Cảm giác đó hẳn đã tác động đến người phụ nữ đứng ngắm bức “Nụ Hôn” mà tôi nhìn thấy vào tuần trước. Đó là khoảnh khắc khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, thậm chí thiêng liêng nữa.
Các họa sĩ tài năng thật may mắn làm sao, họ có thể kiến tạo cái đẹp và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, với sức mạnh làm lay động lòng người, khiến ta cảm nhận giống như người phụ nữ kia. Họ làm phong phú thêm cuộc sống của tất cả mọi người.
Bạn Có Sẵn Sàng Cho Chuyến Đi Dài Ngày Sắp Tới?
Tháng 11 năm ngoái, tôi và vợ Karen làm một chuyến du lịch đến vùng Địa Trung Hải với nhóm bạn, và một ngày nọ, chúng tôi đến chân Kim tự tháp vùng Giza.
Tuy nhiên, điều đọng lại trong ký ức tôi không phải là những tảng đá hoa cương của thế giới cổ đại, hay sự uy nghiêm hùng vĩ của nhân sư, hay sa mạc bao la, mà chính là vụ tống tiền trên lưng lạc đà. Trên đường đến Kim tự tháp, hướng dẫn viên du lịch đã bảo chúng tôi hãy cảnh giác với những người bán rong địa phương. “Nhờ người khác chụp hình bạn đang đứng trước kim tự tháp sẽ tốn 1 đô-la,” anh nói. “Còn cưỡi lạc đà sẽ tốn khoảng 3 đô-la.”
Vài phút sau, khi tôi đang chiêm ngưỡng Kim tự tháp Khufu hùng vĩ thì một ông già mời tôi dạo chơi trên con lạc đà của ông. Con vật trông có vẻ bẩn thỉu, và rủi thay, nó lại đứng ngay đầu gió. Khi tôi tỏ vẻ chẳng mấy quan tâm, ông này huýt sáo ra hiệu cho con lạc đà quỳ xuống.
Tiếp theo, ông ta hộ tống tôi trèo lên yên lạc đà và huýt sáo cho con lạc đà đứng lên. Nhóm của tôi cười đùa và hò reo khi người điều khiển lạc đà dẫn tôi đến khoảng đất gập ghềnh đá cách đó khoảng 70 mét.
Thế nhưng, ngay khi vừa khuất tầm mắt của nhóm, tên nài lạc đà bắt con vật dừng lại và ngay lập tức tôi bị bao vây bởi một nhóm khoảng 8 hay 10 người Ả Rập hét vào mặt tôi đầy giận dữ bằng thứ tiếng Anh bồi và đòi tôi phải trả cho mỗi người bọn họ 20 đô-la cho lần cưỡi lạc đà này – bây giờ!
Tôi nói không và yêu cầu tên nài lạc đà đưa tôi quay trở lại chỗ cũ. Ông ta quay đi chỗ khác, tảng lờ như không nghe thấy gì. Nhóm người siết chặt vòng vây, làm ra vẻ giận dữ hơn nữa, như thể tôi lừa bọn họ để cưỡi lạc đà vậy – chưa kể nó chỉ kéo dài trong khoảng 45 giây. “Trả tiền cho tụi tao ngay!”, họ lại hét lên, tay chìa thẳng về phía tôi.
Ai cũng rơi vào ngõ cụt. Tôi sẽ không rút ví ra trước đám người tàn bạo này. Nhưng tôi lại đang ngồi ở vị trí quá cao và bị dồn ép đến mức không thể nhảy xuống. Đám người vẫn không ngừng hò hét và khoa tay múa chân. Tôi lắc đầu và cương quyết không rút ví ra, trong lòng tự hỏi không biết chuyện này sẽ dẫn đến đâu.
Ngay lúc đó, một vị khách du lịch khác đi ngang qua. Anh hiểu ngay sự tình và quát tháo đám người kia lui ra. “Ông ấy đã nói sẽ trả tiền,” người này khẳng định. “Phải để ông ta đi chứ!”
Đến nước này đám người Ả Rập kia mới dãn ra và tên nài lạc đà mới chịu dẫn tôi về chỗ cũ.
Tôi tin nhiều người sẽ nổi khùng khi lâm vào tình huống này, nhưng tôi cảm thấy nó thú vị hơn là bực bội. Tôi không thấy có gì nguy hiểm cả. Đám người ấy không dọa đánh hay khua khoắng vũ khí trong tay. Sự việc đơn thuần chỉ là dọa dẫm, tống tiền kiểu vớ vẩn và lố bịch.
Về đến nhà, tôi phát hiện bạn bè và đồng nghiệp chỉ hơi quan tâm đến những tàn tích Hy Lạp cổ đại, lịch sử của vùng Jerusalem, hay vẻ đẹp thanh khiết của bờ biển Amalfi. “Hãy kể lại cho chúng tôi nghe về vụ tống tiền trên lưng lạc đà đi,” họ nói.
Hình như đó là điểm đáng chú ý nhất của chuyến đi.
Không phải tất cả mọi chuyến đi đều thuận buồm xuôi gió. Khi kỳ vọng quá cao, mọi thứ có thể không như ý, đặc biệt là khi bạn ở một vùng đất xa lạ. Nhưng thậm chí chỉ với một biến cố nhỏ như thế cũng có thể tạo nên một câu chuyện hay. (Và éo le thay, những chuyến đi tệ hại nhất lại mang đến những câu chuyện hấp dẫn nhất.)
Tuy vậy, hầu hết những chuyến xuất ngoại của tôi không chỉ cực kỳ vui mà còn là những bài học hay nhất. Nhiều người cũng đồng tình với tôi về ý kiến này.
Trong tác phẩm “Essay Concerning Human Understanding” (Bài Luận Về Kiến Thức Con Người), John Locke cho rằng chúng ta thu nạp
kiến thức từ môi trường sống. Nếu cứ ở mãi một chỗ, bạn sẽ “hút kiệt” mọi giá trị giáo dục của nơi ấy. Để trưởng thành, bạn phải thay đổi môi trường.
Ví dụ, ở nước Anh thời Victoria, việc chu du sang nước khác không chỉ là biểu tượng của đặc quyền, mà sự “thay đổi phong cảnh” đó còn là một phần bắt buộc trong hệ thống giáo dục dành cho giới thượng lưu. Một chuyến đi khảo sát thực tế là hoạt động quan trọng nhất của chương trình đào tạo.
Đó còn là nghi thức đánh dấu sự hiểu biết hơn người về thế giới. Những quý ông thuộc dòng dõi quý tộc (tiếp theo là các quý cô) xuất phát từ vách đá trắng Dover đến lục địa châu Âu cùng gia sư riêng để khám phá thế giới cổ xưa và nền văn hóa Phục Hưng, để thấu hiểu nền văn hóa và ý tưởng cốt lõi của Văn minh phương Tây. Dĩ nhiên, sự thôi thúc muốn được chu du – để mở mang đầu óc và thoát khỏi những giới hạn quen thuộc – đã có từ xa xưa, từ khi loài người mới xuất hiện. Nó khiến tổ tiên người Mỹ rời khỏi châu Phi để đi khắp nơi trên thế giới. Nó truyền động lực cho người La Mã cổ đại đến thăm đấu trường của Verona và vệ thành của Athen. Nhà nghiên cứu sử học Philo xứ Byzantium đã liệt kê danh sách bảy kỳ quan của thế giới cổ đại vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, khát khao tìm hiểu, và dĩ nhiên, ước mơ về sự giàu có vô biên đã lôi kéo Marco Polo đến phương Đông và Columbus cùng de Soto du hành về phương Tây.
Đi đây đi đó giúp mở mang đầu óc, tăng tính khoan dung và kết nối bạn với người khác. Càng hiểu người ta càng hiểu chính mình.
Người tốt và cảnh đẹp thì ở đâu cũng có. Cứ đi, rồi bạn sẽ thích các món đặc sản, những công trình kiến trúc vĩ đại và phong cảnh làm mê đắm lòng người.
Khám phá thế giới giống như ngồi trong lớp học không bị tường vây bốn phía. Nó giúp cuộc sống bạn phong phú hơn, và còn thay đổi con người bạn. Chỉ cần bạn có lòng kiên nhẫn, tính tò mò, thêm một ít tiền là được. (Một mẹo của dân đi du lịch là chỉ mang theo phân nửa số quần áo bạn cần, còn tiền thì dằn túi gấp đôi mức đã định.)
Du lịch nước ngoài sẽ bổ sung phần kiến thức bạn còn thiếu, xua tan những định kiến trong bạn và mang đến nhiều điều ngạc nhiên vô tận. Những ai bỏ lỡ cơ hội này thật sự không biết mình đã mất đi điều gì.
Thật đáng buồn khi sống mà cứ nghĩ người nước ngoài là những kẻ lạ trang phục kỳ quái, ăn những món quái gở, nói thứ ngôn ngữ không tài nào hiểu được và lái xe sai làn đường. Như Mark Twain đã viết, “Du lịch không phù hợp với những ai mang nặng định kiến, cố chấp và có đầu óc hạn hẹp.” Du lịch nước ngoài sẽ dạy cho ta biết chấp nhận và khiêm tốn. Khi đi du lịch, bạn là người lạ. Bạn là người nước ngoài.
Con cháu bạn cũng nên khám phá, bắt đầu bằng những chuyến đi gần nhà. Từ nhiều năm trước, tôi đã chán ngấy mấy món đồ chơi mà các con tôi nhận được trong những dịp sinh nhật hay mùa Giáng sinh. Một chuyến đi – dù chỉ đến khu hội chợ trong vùng hay thị trấn bên cạnh – cũng là món quà hữu ích hơn nhiều. Đối với trẻ con, mỗi chuyến đi là một cuộc phiêu lưu. Vậy tại sao bạn không dành thời
gian và tiền bạc để góp nhặt thêm nhiều kỷ niệm đẹp thay vì đồ vật chất đống?
Không nhất thiết đó phải là một nơi sôi động, nhất là khi bọn nhóc còn nhỏ. Cứ nhắm thẳng đường chân trời mà tiến, và xem ngoài kia có gì. Du lịch mà không biết mình đang đi đâu, không có địa điểm cụ thể trong đầu, là một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc sống.
Dĩ nhiên, có rất nhiều nguồn tư liệu để bạn cân nhắc những nơi mình chưa từng đến. Một trong những nguồn yêu thích của tôi là quyển Journeys of a Lifetime: 500 of the World’s Greatest Trips (Cuộc Hành Trình Cuộc Sống: 500 Chuyến Đi Tuyệt Vời Nhất Thế Giới), một bộ sách đặc sắc do kênh truyền hình National Geographic thực hiện. Một cẩm nang bổ ích khác là quyển sách bán chạy nhất 1,000 Places to See Before You Die (1.000 Nơi Cần Đến Trước Khi Ra Đi) do Patricia Schultz viết. Đây là một cách rất hay để tìm hiểu về những nơi mà nhiều hoặc ít người biết đến. Tôi có thói quen mang quyển sách này theo bên mình trong những chuyến đi công tác để không bỏ lỡ danh lam thắng cảnh và các sự kiện nổi bật ở nơi tôi đến. (Nếu bạn không có nhiều tiền hay không thể đi du lịch nước ngoài, bạn có thể tìm đọc những quyển sách viết về đất nước nơi bạn sống.)
Nói ngắn gọn, du lịch giúp mở mang tầm mắt, làm cho nhân sinh quan của chúng ta sắc sảo hơn. Thay vì tưởng tượng mọi thứ, ta được nhìn tận mắt, đúng với bản chất của chúng. Tâm trí bạn trở nên thoáng đạt hơn, con tim bạn rộng mở hơn và quan điểm của bạn đúng đắn hơn. Và một khi tầm nhìn được mở rộng, nó sẽ không bao giờ hẹp lại như cũ.
Có những người tự đặt mục tiêu đi thăm thú hết 50 bang của nước Mỹ, hay tất cả bảy châu lục, hay một số địa điểm khác. Cũng tốt thôi. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất không phải là điểm đến, mà là cái nhìn mới mẻ của bạn về mọi thứ.
Tinh Hoa Cuộc Sống
Hôm chủ nhật, tôi tham dự một buổi biểu diễn độc tấu tại Frick Collection ở New York.
Nghệ sĩ dương cầm nhạc cổ điển Rustem Hayroudinoff, một người bạn tốt của tôi, đồng thời là một nghệ sĩ thu âm nổi tiếng, đã làm
khán giả choáng ngợp với chương trình gồm các khúc nhạc dạo và fuga của Chopin, Shostakovich, Franck và Rachmaninoff. Đám đông khán giả vô cùng xúc động trước tài năng của anh, họ đứng hết dậy tán thưởng nhiệt liệt vào cuối chương trình, nhiều người lắc đầu như thể không tin những gì mình vừa được chứng kiến. Trong bữa tối sau đó, tôi bảo Rustem rằng chưa lần nào tôi thấy anh biểu diễn xuất thần như lần này.
Tuy nhiên, ngày hôm sau tôi nhận được e-mail từ một người bạn khăng khăng cho rằng buổi hòa nhạc đó khiến anh bối rối. Nhạc cổ điển chỉ tàm tạm chấp nhận được, theo như anh chia sẻ. Nó “không có chủ đề, chỉ quanh đi quẩn lại theo một lối không thể dự đoán.”
Anh ấy không thể sai lầm hơn được nữa. Vậy mà vô số người có cùng suy nghĩ với anh, và họ chỉ hơi thích hoặc hoàn toàn không thích nghe nhạc cổ điển. Hãy nhìn vào những con số thống kê trong ngành công nghiệp âm nhạc mà xem. Nhạc cổ điển chiếm chưa đến 3% tổng doanh thu trong ngành. Những chương trình nhạc cổ điển trên truyền hình và đài phát thanh đã giảm tần suất phát sóng rõ rệt trong những năm gần đây. Số vé bán giảm sút. Có ít nhất 17 dàn nhạc giao hưởng đã phải đóng cửa trong vòng 20 năm qua.
Nhưng còn quá sớm để khai tử dòng nhạc này. Liên hiệp Dàn nhạc Giao hưởng Hoa Kỳ nhận thấy có khoảng 1.800 dàn nhạc ở Mỹ biểu diễn khoảng 36.000 buổi hòa nhạc mỗi năm, tăng hơn 30% so với hồi năm 1994. Nhiều thành phố đã hoặc đang xây những trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại. (Tôi đặc biệt thích những buổi biểu diễn ở Meyerson, Dallas.) Những cửa hàng âm nhạc trực tuyến như arkivmusic.com hầu như có tất cả các đĩa CD nhạc cổ điển từng
được phát hành. Và nhạc cổ điển giờ đây chiếm 12% doanh thu trên iTunes, cao gấp bốn lần doanh thu của thị trường đĩa CD.
Ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận dòng nhạc cổ điển dễ dàng hơn rất nhiều so với thời cha mẹ mình, không bàn đến những thế hệ trước đó. (Hãy nhớ, phương pháp thu âm chỉ mới được phát minh cách đây 100 năm, thậm chí vài trăm năm trước người ta còn chưa biết cách nào ghi lại các nốt nhạc một cách chính xác.)
Thế nhưng, vẫn còn nhiều người thờ ơ với loại hình nghệ thuật này. Tại sao vậy? Vài người đổ lỗi cho thời đi học không ai dạy nhạc. Người khác cho rằng do thị hiếu số đông ngày càng trở nên tầm thường. Nhưng hàng triệu người vẫn bị thể loại nhạc này mê hoặc. Các tác phẩm bất hủ của những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất là một trong những thành quả vĩ đại nhất của con người, chúng xóa nhòa giới hạn về địa lý, rào cản ngôn ngữ và những khác biệt về chính trị, tôn giáo.
Âm nhạc rất dễ hiểu nhưng lại không thể dịch được, nó là loại hình nghệ thuật trừu tượng và tuyệt vời nhất trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Schopenhauer cảm thấy âm nhạc thể hiện “tinh hoa của cuộc sống”, niềm đam mê, tình yêu thương và sự khao khát. Tác giả người Anh Walter Pater cho rằng tất cả các loại hình nghệ thuật đều mong mỏi đạt được vị thế giống như âm nhạc. Không có âm nhạc, Neitzsche cho rằng cuộc sống này là cả một sai lầm.
Âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung của cảm xúc, bạn không cần kiến thức để thưởng thức âm nhạc, bởi nó khiến bạn rung động tận tâm can. Sáng tác nhạc là một trong những hoạt động cơ bản của con người; đặc trưng không kém gì ngôn ngữ và các tác phẩm hội họa.
Mọi nền văn hóa đều có âm nhạc. (Ngay cả những bức vẽ trong hang động Paleolithic cũng thể hiện cảnh người ta ca hát và chơi nhạc.)
Âm nhạc lan tỏa xa hơn cả hình ảnh, sâu sắc hơn cả ngôn từ. Nó có thể khiến ta rung động, phấn chấn, làm tâm trạng ta biến đổi và nhảy nhót theo điệu nhạc. Thính giác và hệ thần kinh của con người cực kỳ phù hợp cho việc thưởng thức âm nhạc. Ngay cả những người không hiểu gì về nhạc lý và chưa từng chơi một loại nhạc cụ nào cũng bị âm nhạc ảnh hưởng một cách sâu sắc. Tuy nhiên, nhạc cổ điển khiến không ít người lúng túng. Lớn lên trong những tiết tấu giản đơn của nhạc pop, người ta không biết phải nghĩ gì – hay cảm thụ nhạc cổ điển ra sao.
May mắn thay, thưởng thức nhạc cổ điển là một kỹ năng có thể rèn luyện. Chỉ cần chịu khó tìm hiểu một chút về sáng tác chẳng hạn, ta có thể hiểu tường tận và tận hưởng loại hình âm nhạc tuyệt vời này. Bạn chỉ cần tập trung chú ý, thêm chút trí tưởng tượng, và tư duy trừu tượng một tí.
Dĩ nhiên, sẽ có người nhất mực cho rằng họ không có thời gian cho âm nhạc. Họ quá bận rộn với việc kiếm tiền và tiêu xài – quá mải mê theo đuổi thành công như bao người khác – đến mức cả đời họ không hề biết đến hội họa và âm nhạc. Đáng tiếc thay, giàu có về mặt vật chất không làm cho cuộc đời này đáng sống hơn. Và nhạc cổ điển là một lối thoát tuyệt vời giúp bạn xua tan buồn bực và căng thẳng thường nhật.
Thị trường tự do và kỹ thuật thu âm ngày nay cho phép chúng ta sở hữu và thưởng thức những tác phẩm tuyệt diệu nhất của các nhà
soạn nhạc vĩ đại với mức chi phí tối thiểu. Nên là như thế. Các nhà khoa học cho rằng thể loại âm nhạc này tác động đến phản ứng sinh hóa của não bộ. Âm nhạc chứa đựng sức mạnh huyền diệu có thể đẩy lùi sự chìm đắm mê muội và hóa giải những lo âu muộn phiền. Hầu hết âm nhạc của Haydn, Mozart và Vivaldi có thể xoa dịu cơn giận, xóa bỏ muộn phiền và giúp bạn biết quý trọng cuộc sống hơn.
Nhân đây tôi nói luôn, nhận thức mới mẻ này không bất ngờ biến bạn thành kẻ khoe khoang kiến thức âm nhạc. Tôi lớn lên trong giai điệu của nhạc rock và pop. Và tôi vẫn thích nghe hai dòng nhạc này.
Nhưng tôi không đồng tình với quan điểm xem âm nhạc đại chúng ngang hàng với nhạc cổ điển, hoặc tất cả nằm ở sở thích cá nhân. Những người mang tư tưởng kiểu này rõ ràng đi ngược lại quan điểm cho rằng nghệ thuật cũng có thể được đánh giá một cách sáng suốt, rằng cấp bậc về giá trị thật sự tồn tại, hoặc quả thực là có những sự thật khách quan.
Tôi sẽ không bao giờ quên có lần tôi nói với giáo sư dạy nhạc ở trường đại học rằng tôi thấy âm nhạc của Robert Schumann chẳng có gì xuất sắc. Ông chăm chú nhìn tôi qua cặp mắt kiếng vài giây rồi đáp, “Nhận xét này bộc lộ con người anh nhiều hơn, anh Green ạ, chứ không phải về Schumann.”
Khi gạt bỏ được đám mây mù che phủ tâm trí, tôi như được khai sáng. Âm nhạc đại chúng giống như hamburger và khoai tây chiên. (Và đôi khi bạn cũng chỉ cần có thế.) Tuy nhiên, những kiệt tác bất hủ chính là mì sợi dẹt và sốt nghêu trắng với rau mùi tây, tiêu đen, lá kinh giới băm nhuyễn, tỏi băm nhuyễn, điểm thêm chút phô mai Parmesan.
Có thể bạn chưa biết cách thưởng thức nó, nhưng không có nghĩa là nó không tuyệt vời một cách khách quan.
Tiếp xúc với những tâm hồn âm nhạc vĩ đại dạy ta cảm nhận vẻ đẹp siêu việt. Đời ta cũng dẹp bớt những giới hạn, ít tầm thường hơn, và trở nên ý nghĩa hơn.
Như nhà thơ Joseph Addison đã viết, nhạc hay cũng giống như “điều tuyệt vời nhất của cuộc sống phàm trần, đó chính là thiên đường hạ giới.”
Những Điều Phụ Nữ Thật Sự Muốn
Sigmund Freud được xem là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại đầu thế kỷ XX. Ông khám phá ra sự tồn tại của tiềm thức, chữa trị
chứng rối loạn tâm thần, giải mã giấc mơ, là nhà phân tâm học tiên phong trong lĩnh vực này và có những nghiên cứu quan trọng về chứng liệt đại não.
Vậy mà vào những năm cuối đời, ông đã thú nhận, “Một câu hỏi lớn chưa có lời đáp, câu hỏi mà cho dù một người đã bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu tâm lý phụ nữ như tôi vẫn chưa có câu trả lời, ‘Phụ nữ thật sự muốn gì?’ ”
Phái nam đã tìm hiểu về vấn đề này suốt cả nghìn năm. Đôi khi ta cứ ngỡ mình đã tìm ra câu trả lời. Phụ nữ mong muốn được yêu thương, quan tâm, thích sự chân thành, vẻ đẹp, gắn bó lâu dài, ân cần, ổn định, được đồng cảm và ngưỡng mộ. Ít nhất đó cũng là nhu cầu của đa số. Vậy mà vẫn sai. Những gì phụ nữ thật sự muốn
– hãy xem cách họ gật đầu đồng ý thì rõ – chính là sô-cô-la.
99% phụ nữ được hỏi đều trả lời họ thích sô-cô-la. (Rõ ràng là 1% còn lại không đáng tin cậy.) Ngay cả đàn ông cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ với món này.
Sô-cô-la hiện đang là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 60 nghìn tỷ đô-la. Một người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 6 ký sô-cô-la mỗi năm (riêng trong dịp Valentine, người ta đã bán được hơn 29 triệu ký sô-cô-la). Ở Thụy Sĩ, Áo, Đức, Ai-len, Anh, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển và Úc, người ta còn ăn sô-cô-la nhiều hơn ở Mỹ.
Công thức làm sô-cô-la này có bề dày lịch sử lâu dài và thú vị. Những người Mỹ đầu tiên đã bắt đầu trồng hạt ca-cao cách đây hơn 3.000 năm. Người Maya dùng chúng để chế biến thành một thứ nước thánh để dâng cho nhà vua hoặc đặt trong lăng tẩm của giới
quý tộc để họ có thể thưởng thức ở thế giới bên kia. Dân thường cũng rất thích món này. 500 năm trước, nhà sử học người Tây Ban Nha, Oviedoy Valdes, có viết, “Những người da đỏ thuộc khu vực Trung Mỹ có thói quen quết từng mảng ca-cao lên cơ thể nhau rồi bắt đầu nhấm nháp.” (Không có ghi chép nào về kết quả bùng nổ dân số sau đó cả.) Khi Columbus đến châu Mỹ, ca-cao trở thành mỏ vàng của châu lục. Và không lâu sau đó, nhu cầu ca-cao của những người châu Âu ở quê nhà rộ hẳn lên.
Hiện nay, thế giới sản xuất hơn 3 triệu tấn hạt ca-cao mỗi năm. Thế nhưng loại hạt này – thứ mà nhà thực vật học người Thụy Sĩ Carolus Linnaeus và (ôi dào) vợ tôi gọi là “thứ thuốc tiên trời cho” – lại rất đỏng đảnh. Muốn trồng được nó cần có mùa mưa dài và thổ nhưỡng màu mỡ, vị trí địa lý dao động trong khoảng 20 độ cận xích đạo. Và ca-cao, cũng giống như những người thích nó, rất thất thường. Loài cây này thích độ ẩm cao, cần được cắt tỉa thường xuyên và bảo vệ khỏi vật gây hại.
Nhưng như thế cũng đáng. Sô-cô-la không chỉ có mùi vị hấp dẫn, mà xét về phương diện hóa học, nó còn là loại thực phẩm gần như hoàn hảo.
Một nghiên cứu năm 2006 của Johns Hopkins cho biết mỗi ngày ăn một ít sô-cô-la sẽ có lợi cho sức khỏe. Ca-cao có tác dụng giúp cơ thể sản sinh ra ô-xít ni-trích, một hợp chất có lợi cho tuần hoàn máu và huyết áp. Nó chứa những tác nhân chống khuẩn giúp ngừa sâu răng. Bơ ca-cao trong sô-cô-la chứa a-xít oleic, một loại chất béo không bão hòa đơn giúp tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể. Sô cô-la còn chứa phenyl ethylamine (chất làm dịu tinh thần) và flavonoid giúp mạch máu đàn hồi hơn. Nghiên cứu cho thấy mỗi tuần
ăn một ít sô-cô-la sẽ giảm nguy cơ đột quỵ từ 25% đến 45%. Tuy nhiên sô-cô-la sữa lại chứa nhiều ca-lo, đường và chất béo bão hòa. Và nếu bạn muốn ăn sô-cô-la để tốt cho sức khỏe – thì chớ đùa
– chỉ dùng sô-cô-la đen mà thôi. Sô-cô-la đen chứa nhiều ca-cao và ít đường.
Ca-cao chứa rất nhiều khoáng chất tự nhiên. Nó là nguồn cung cấp chất đồng trong chế độ ăn hằng ngày và có hàm lượng chất chống ô xi hóa tương đương với trà xanh, giúp tránh bệnh tim và giảm căng thẳng. Sô-cô-la đen giàu polyphenol tương đương với rượu đỏ. Sô
cô-la còn cung cấp năng lượng. Ăn sô-cô-la là một cách đơn giản để bạn lấy sức trước và trong khi hoạt động với cường độ cao.
Ngoài ra, sô-cô-la còn có lợi về mặt thần kinh. Nó giúp tăng cường sự sản sinh serotonin và phóng thích endorphin. Nó chứa phenylethylamine, một hợp chất não bộ thường tiết ra khi bạn đang yêu. Ăn sô-cô-la khiến nhiều phụ nữ có được trạng thái “thăng hoa” tự nhiên, một cảm giác ngây ngất.
Nhiều nhà nghiên cứu còn tin rằng sô-cô-la giúp làm chậm quá trình lão hóa. (Tôi vẫn nghi ngờ nhưng nếu tin thì bạn có mất gì đâu?)
Đương nhiên chúng ta cũng đừng quá trông cậy vào nghiên cứu này. Hiếm có bác sĩ nào nói, “Anh đi mua một thanh kẹo ăn rồi sáng mai gọi tôi báo kết quả” đâu. Làm gì có thứ sô-cô-la nào thay được thuốc thang chứ.
Tuy nhiên suy nghĩ của nhiều người về nó đã thay đổi. Thời tôi còn nhỏ, ai cũng bảo sô-cô-la sẽ làm bạn béo, nổi mụn và sâu răng. Thế nhưng khoa học hiện đại đã phản bác quan điểm này.
Và lợi ích mà sô-cô-la mang lại không chỉ về mặt sinh lý mà cả thẩm mỹ. Sô-cô-la là nét chấm phá tao nhã cuối cùng cho một bữa ăn ngon – hay một món đặc biệt để ngồi nhấm nháp.
Ngay cả khi tài chính eo hẹp, bạn vẫn có thể mua được sô-cô-la. Chuyên gia làm bánh Norman Love nói, “Chỉ mất 5 đô là bạn đã có thể mua được 2 thanh sô-cô-la ngon nhất thế giới. Nữ hoàng Anh cũng chỉ tìm được loại ngon đến thế mà thôi.”
Sô-cô-la cao cấp cũng không kém cạnh gì rượu vang ngon. Người ta nhận biết nó thông qua mùi hương, độ đậm đặc, cảm giác khi vừa nếm và độ sánh mịn của kẹo. Bạn nhớ thong thả nhìn, ngửi, nếm và chầm chậm thưởng thức. Một nhà ẩm thực người Pháp nói rằng, hãy biết ơn “vì Thượng Đế và hơn 2.000 năm văn minh nhân loại đã kết tinh nên miếng ngon đầu lưỡi bạn.”
Sô-cô-la là thứ luôn nhắc ta nhớ về những tháng ngày tươi đẹp nhất thời thơ ấu. Nó gợi lên cảm giác vui sống và rõ ràng là có lợi cho sức khỏe. Không chỉ ngon, nó còn giúp bạn sống lâu hơn. Chẳng lạ gì chuyện phụ nữ xem sô-cô-la đứng hàng thứ hai sau không khí.
Vì thế, thay vì hoa hay rượu sâm-banh, lần sau hãy thử đem về nhà một thanh sô-cô-la lớn với nhân lỏng ca-cao đen đậm đặc hiệu Ghirardelli. Rồi tránh ra chỗ khác. Chắc chắn bạn không muốn xen vào giữa một người phụ nữ và thanh sô-cô-la của nàng đâu.
Chuyện này chẳng mang lại kết cục tốt lành gì cho bạn. Tàn Rơi Sáng Rực Của Ngọn Lửa Nước Mỹ
Vài tháng trước, gia đình tôi chuyển đến nhà mới gần Charlottesville, và một người bạn đã tặng cho gia đình tôi món quà tân gia tuyệt vời nhất: cái máng ăn dành cho chim ruồi.
Bạn chẳng cần trang bị quá nhiều thứ, chỉ cần tìm nơi phù hợp treo cái máng lên và châm vào đó một dung dịch theo tỉ lệ 1 đường 4 nước. Thế nhưng kết quả thu được lại rất lớn. Ngắm chim ruồi vô cùng thú vị. Chúng là những sinh vật rất cơ hội. Một khi khám phá ra được nơi nào có thức ăn, chúng sẽ tìm đến mãi, và thi nhau kéo đến không ngớt.
Với một cái máng ăn thông thường, bạn có thể phát chán vì ngày nào cũng thấy một loài chim nhất định tìm đến ăn – hoặc phát mệt với
chiến tranh lạnh nổ ra với mấy con sóc trong vùng. Thế nhưng ngồi ngắm chim ruồi chẳng bao giờ hết vui thú.
Chim ruồi không chỉ là họ chim nhỏ nhất thế giới, chúng còn là sinh vật máu nóng nhỏ nhất trên hành tinh này. Loài có kích thước lớn nhất, Chim Ruồi Khổng Lồ, cũng chỉ nặng khoảng 350 gram; loài nhỏ nhất, Chim Ruồi Ong Cuba, nặng chưa đầy 10 gram. Chúng là những mô hình thu nhỏ tuyệt diệu. Tổ chim ruồi chỉ to bằng nửa quả óc chó, vừa đủ để bạn thả một đồng xu. Hai quả trứng trong tổ chờ ấp cũng chỉ bằng hai viên kẹo ngậm hiệu tic tac.
Loài chim này tìm đến máng ăn của tôi miết hoàn toàn là có lý do. Chúng là sinh vật có tỉ lệ trao đổi chất cao nhất trái đất này. Chim ruồi luôn trong trạng thái sắp chết đói. Cơ thể chúng chỉ dự trữ được đủ năng lượng để duy trì sự sống qua một đêm.
Bạn cứ nghĩ mà xem… một con chim rồi đập cánh 200 lần/ giây. Thở 300 lần/phút. Nhịp tim khi chúng nghỉ ngơi là 600 lần/ phút. Khi bay, nhịp tim chúng tăng gấp đôi.
Bởi chim ruồi đốt năng lượng dữ dội như thế nên chúng cần nạp thức ăn liên tục, và thường khối lượng thực phẩm trong ngày, gồm các loài côn trùng nhỏ và mật hoa, nhiều gấp đôi trọng lượng cơ thể của chúng. Một con chim ruồi có thể ghé thăm hơn 2.000 bông hoa từ khi bình minh ló dạng đến lúc chập tối. (Nỗ lực tìm kiếm không ngừng này giúp chúng nhanh chóng phát hiện ra nguồn thức ăn mới.)
Nhà nghiên cứu Crawford Greenewalt tính rằng nếu con người sử dụng năng lượng tương đương chim ruồi, anh ta sẽ phải ăn chừng 40 túi khoai tây, mỗi túi nặng 5 kg hoặc hơn 1.000 cái bánh
hamburger Quarter Pounder của McDonald mỗi ngày. Hãy nhớ điều này nếu sau này có người nói bạn “ăn như chim”.
Chim ruồi là loài bay cực giỏi, chúng di chuyển với tốc độ hơn 55 km/h và lao xuống với tốc độ gần 95 km/h. Chúng có thể bay lượn trong suốt một khoảng thời gian dài, giữ cân bằng cực chuẩn, như đang lơ lửng trong không trung. Và chúng là loài chim duy nhất có khả năng bay giật lùi.
Bạn sẽ nghĩ rằng loài sinh vật nặng chưa đến 10 gram, có cái mỏ nhỏ xíu và sống bằng cách hút mật hoa phải là loài nhút nhát. Không hẳn thế. Chim ruồi rất chú trọng lãnh thổ của chúng và bảo vệ nguồn thức ăn cực kỳ hung hãn. Mỗi độ hè về, ngày nào tôi cũng chứng kiến các cuộc không chiến ở sân sau vườn nhà. Chim ruồi không ngần ngại tấn công những loài chim khác, bướm – hay thậm chí con người vô tình đi ngang – lảng vảng quá gần máng ăn của chúng.
Và loài tí hon đó không biết sợ là gì. Chúng kêu ầm ĩ đòi phần dung dịch đường và nước dù tôi đang ăn trưa cách đó cả 2 mét.
Nếu không nhìn thấy hoặc không nghe thấy tiếng kêu the thé của bọn chúng thì tôi vẫn biết chúng đã có mặt bởi tiếng đập cánh như bầy ong từ địa ngục bất thình thình xuất hiện sau lưng.
Khi ngày bắt đầu ngắn lại, chim ruồi cũng vãn dần. Đến tầm cuối tháng 10, chúng sẽ bắt đầu cuộc di trú dài hơn 3.200 km đến vùng Trung Mỹ, trong đó bao gồm cuộc ma-ra-tông hơn 800 cây số băng qua Vịnh Mexico, một thử thách dài 18 giờ qua vùng nước mênh mông, không điểm dừng chân, không thức ăn tiếp tế cho đến khi tới đất liền.