🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Nguyễn Nhật Ánh
Ebooks
Nhóm Zalo
Giới thiệu
Ta bắt gặp trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh một thế giới đấy bất ngờ và thi vị non trẻ với những suy ngẫm giản dị thôi nhưng gần gũi đến lạ. Câu chuyện của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có chút này chút kia, để ai soi vào cũng thấy mình trong đó, kiểu như lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạn... ngây ngô và khờ khạo.
Nhưng Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hình như không còn trong trẻo, thuần khiết trọn vẹn của một thế giới tuổi thơ nữa. Cuốn sách nhỏ nhắn vẫn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào nhưng lại phảng phất nỗi buồn, về một người cha bệnh tật trốn nhà vì không muốn làm khổ vợ con, về một người cha khác giả làm vua bởi đứa con tâm thầm của ông luôn nghĩ mình là công chúa,... Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” truyện dài mới nhất của nhà văn vừa nhận giải văn chương ASEAN Nguyễn Nhật Ánh - đã được Nhà xuất bản Trẻ mua tác quyền và giới thiệu đến độc giả cả nước.
Cuốn sách viết về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê, bên cạnh đề tài tình yêu quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật phản diện và đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. 81 chương ngắn là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ xảy ra ở một ngôi làng: chuyện về con cóc Cậu trời, chuyện ma, chuyện công chúa và hoàng tử, bên cạnh chuyện đói
ăn, cháy nhà, lụt lội,... “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hứa hẹn đem đến những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của trẻ con cùng nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ và cảm động trong suốt hơn 300 trang sách. Cuốn sách, vì thế có sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn không thể bỏ qua.
Mời các bạn đón đọc Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.
Chương 1: Hoa Tay
Chú Đàn bảo tôi:
- Con xòe tay ra cho chú xem nào!
Tôi co những ngón tay lại, nắm thật chặt và giấu ra sau lưng: - Tay con sạch cơ mà. Hồi sáng con đã rửa tay rồi.
Chú Đàn phì cười:
- Chú có định khám tay con đâu. Con xòe tay ra để chú xem con có mấy cái hoa tay thôi.
Đằng sau lưng, hai bàn tay tôi lỏng đi. Tôi chìa bàn tay trái ra trước mặt chú Đàn, thắc mắc:
- Hoa tay là gì hở chú?
Chú Đàn dựng mắt nhìn tôi:
- Con lớn từng này rồi mà không biết hoa tay là gì à? Chú cầm lấy bàn tay tôi, chậm rãi giải thích:
- Hoa tay là những vân tay hình tròn ở đầu mỗi ngón tay. Hoa tay càng nhiều thì vẽ càng đẹp. Nếu con có mười cái hoa tay, con sẽ vẽ đẹp nhất lớp. Con viết chữ cũng đẹp nhất lớp.
Tôi hồi hộp nhìn chú Đàn săm soi từng ngón tay tôi. Có cảm giác như chú đang nghiên cứu những chiếc gân lá trên năm chiếc lá.
Tôi nín thở, hỏi:
- Con có mấy cái hoa tay hả chú?
Chú Đàn lắc đầu, thất vọng:
- Chẳng có cái nào hết.
Tôi lặp lại, buồn rười rượi:
- Chẳng có cái nào hết.
Trong một giây, tôi cảm thấy mắt tôi chợt tối đi. Trái tim tôi quặn thắt và rơi xuống một chỗ nào đó, rất xa, có thể là tận những đầu ngón chân.
- Con đừng lo! - Chú Đàn vừa nói vừa dùng ánh mắt để sưởi ấm tôi - Con đâu có biết vẽ bằng tay trái, đúng không? Tay phải mới quan trọng. Nào, con đưa tay phải ra đây!
Tôi như vừa được vớt lên từ dưới suối.
Tôi lật đật chìa tay phải ra và chú Đàn thận trọng nâng bàn tay tôi lên sát mắt, lần này động tác của chú hết sức từ tốn, như thể chú cho rằng những cử động mạnh sẽ khiến vân tay của tôi xô lệch đi.
Ngay cả khi kiếm tìm những đường vân tròn trên từng ngón tay tôi, trông chú cũng chăm chú hơn, tôi thấy môi chú mím chặt và mày chú nhíu lại, tưởng như chú đang quan sát những con bọ qua kính lúp.
- A, có một cái đây rồi! - Chú hét lên sung sướng.
- Hoa tay hở chú? - Tôi nôn nao buột miệng, cố kềm một tiếng reo vì sợ mình nghe nhầm.
- Ờ, hoa tay! - Gương mặt chú Đàn sáng bừng như có một ngọn nến vừa thắp lên trong mắt chú - Có một cái hoa tay trên ngón cái.
Tôi run run hỏi:
- Chú ơi, thế còn những ngón khác?
Chú Đàn chẹp chẹp miệng:
- Chờ đã!
Chú lại nghiêng đầu, mân mê từng ngón tay tôi bằng cả tay lẫn mắt, miệng lẩm bẩm xuýt xoa:
- Ngón trỏ, chậc, hỏng rồi!
- Ngón giữa. Ôi, sao ngón này cũng chẳng thấy gì!
- A, có đây rồi. Một cái hoa tay nữa nè!
Tôi lại hỏi, như người mơ ngủ:
- Hoa tay hở chú?
- Ơ, cái thằng này! - Chú Đàn mắng tôi nhưng mắt chú nói điều ngược lại - Chú đang tìm hoa tay của con mà.
Nhưng đó là cái hoa tay cuối cùng chú tìm được. Ngón út tay phải của tôi chẳng có cái hoa tay nào. Như vậy tôi có cả thảy hai cái hoa tay. Một trên ngón cái và một trên ngón áp út.
Chú Đàn bảo tôi nhìn vào đầu mỗi ngón tay và chú bắt đầu giảng giải. Đúng như chú Đàn nói, những đường vân trên đầu ngón tay áp út bên phải của tôi tròn quay, vòng bên trong nhỏ nhất, bé bằng hạt tấm, rồi tới những vòng lớn hơn xếp thành từng lớp trông hệt như những vòng sóng khi tôi nghịch ngợm ném một hòn sỏi xuống mặt ao. Hoa tay trên ngón cái của tôi không đều đặn bằng, những đường vân xoắn vào nhau như vũng nước xoáy nhưng chú Đàn bảo nó chính là hoa tay đấy con, chỉ có điều cái hoa này không đẹp bằng cái hoa kia. Chú nhìn ra sân nắng, nheo nheo mắt:
- Con nhìn ra sân mà xem. Có rất nhiều loài hoa, nhưng không phải các loài hoa đều đẹp như nhau, đúng không?
Kể từ hôm đó, gặp ai tôi cũng tóm lấy, đòi xem hoa tay.
Thằng Tường em tôi có sáu cái hoa tay khiến tôi sửng sốt:
- Ôi, sao mày nhiều hoa tay thế này. Mai mốt lớn lên mày viết và vẽ đẹp lắm đấy!
- Hoa tay là gì hở anh? - Tới phiên thằng Tường hỏi tôi. Và tôi lại giảng giải cho nó.
Nó tròn mắt nhìn tôi:
- Thế anh có mấy cái hoa tay?
Tôi thở dài:
- Tao chỉ có hai cái à.
Giọng tôi thất vọng như thể tôi chỉ có hai cái răng hoặc hai ngón chân.
Tường kiểng chân lên để có thể bá vai tôi:
- Nhưng dù thế em cũng không thể vẽ đẹp bằng anh. Bao giờ anh cũng là người vẽ đẹp nhất.
Nghe Tường nói vậy, tôi cảm thấy mình được an ủi một chút. Đến lớp, tôi chộp tay từng đứa bạn, săm soi.
Và tôi buồn nẫu ruột khi nhận ra đứa nào cũng nhiều hoa tay hơn tôi.
Riêng con Mận, ngón tay nào của nó cũng có hoa tay. Các đường vân tròn xoay, đều tăm tắp. Tôi nhìn những ngón tay nở hoa của nó, nói giọng ghen tị:
- Mày nhiều hoa tay thật đấy. Nếu mỗi bàn tay của mày có sáu ngón như ông Năm Ve, chắc mày có tới mười hai cái hoa tay.
Con Mận rụt cổ:
- Eo ôi, mình sợ lắm! Mình không cần tới mười hai cái hoa tay đâu!
Chương 2: Những Ngón Tay
Từ hôm đó, tôi có thói quen ngắm nghía hai bàn tay của mình.
Trước nay, tôi chưa bao giờ quan tâm đến chúng. Tôi sai bảo hai bàn tay làm cái này cái nọ, chép bài, gọt bút chì, gãi lưng, đấm nhau với tụi bạn, giật tóc con Mận, đem chiếc ghế từ chỗ này sang chỗ khác, và thường là tôi quên mất chúng.
Bây giờ ngồi phơi nắng một mình ngoài vỉa hè, tôi mới có thì giờ nhìn ngắm hai bàn tay của mình. Có bao giờ bạn nhìn ngắm hai bàn tay của bạn không? Nếu có lần nào bạn nhìn ngắm hai bàn tay của bạn, bạn sẽ thấy chúng thật là ngoan.
Bạn không cần nói ra miệng, bạn chỉ ra lệnh trong đầu thôi, chẳng hạn “Đưa lên”, bàn tay sẽ nghe lời bạn ngay tức khắc. Cả hai bàn tay đều đưa lên, nếu bạn muốn cả bàn tay trái lẫn bàn tay phải cùng nghe lời. Nếu bạn muốn chúng nắm lại, chúng sẽ nắm lại. Bạn bảo “Tụi bay đứng im, chỉ ngón tay cái nhúc nhích thôi”, ngón tay cái sẽ nhúc nhích trong khi những ngón còn lại không dám cựa quậy.
Bàn tay của bạn không bao giờ chống lại bạn, nên người lớn thường sai bảo bàn tay làm đủ thứ việc, từ những việc tốt như “Đóng cho tao cái đinh này” hoặc “Giặc cho tao chiếc áo kia” đến những việc không tốt như bóp cò súng hay kích nổ một quả bom.
Nếu bạn là trẻ con thì chắc bạn cũng làm như tôi thỉnh thoảng vẫn làm tức là sai ngón tay ngoáy mũi hay sai nó bẹo tai cô bạn học ngồi cạnh, tức là những chuyện mà ba mẹ và cô giáo tôi cấm ngặt.
Nói chung, hai bàn tay của chúng ta rất ngoan, chúng thường nằm im chờ chúng ta sai khiến. Trong khi chúng ta chẳng hề thương xót chúng, thỉnh thoảng lại bắt chúng làm những việc nguy hiểm khiến chúng bị trầy xước hoặc chảy máu rất nhiều.
Tôi yêu hai bàn tay của mình lúc ngồi ngắm chúng, thường là vào lúc mẹ tôi vừa cắt móng tay cho tôi xong. Lúc đó những ngón tay giống như những đứa trẻ vừa được tắm gội, nom sạch sẽ và gọn gàng.
Khi săm soi hai cái hoa tay trên ngón cái và ngót áp út ở bàn tay phải, tôi yêu hai ngón tay này quá, thậm chí có một chút gì đó tự hào. Giống như bạn có mười đứa con, nhưng chỉ hai đứa học giỏi mới có thể khiến bạn nở mặt với hàng xóm “Hai thằng cu nhà tôi mới vừa đỗ đại học đó, chị!”, có khi bạn còn hãnh diện khoe thêm: “Chẳng thấy tụi nó ôn bài gì cả mà vẫn thi đỗ như chơi chị à” để được nghe láng giềng của bạn xuýt xoa “Ồ, hai thằng bé thông minh ghê”.
Những ngón tay còn lại, tôi cũng yêu, yêu nhiều hơn là đằng khác, theo kiểu bố mẹ yêu những đứa con không may. Tôi lẩn thẩn nghĩ nếu sau này tôi lớn lên, lấy vợ và sinh được mười đứa con tôi sẽ cố yêu mười đứa như nhau dù chắc chắn trong mười đứa đó đứa kém thông minh sẽ kém thông minh hơn đứa thông minh, đứa kém xinh đẹp sẽ kém xinh đẹp hơn đứa xinh đẹp, hẳn thế.
Hai bàn tay của ta giống như những người bạn thân, luôn chia sẻ với ta mọi vui buồn trong cuộc sống. Bạn cứ ngẫm mà xem, có phải khi bạn mừng rỡ hay phấn khích, hai bàn tay hăng hái vỗ vào nhau để nhân đôi niềm vui trong lòng bạn. Khi bạn khóc, hai bàn tay lại thay phiên nhau kiên trì lau khô những giọt lệ lăn tròn trên gò má bạn. Hai bàn tay lúc đó giống như những chú chim vàng anh trong cổ tích, cần mẫn tha từng hạt cườm long lanh trên mặt bạn đem gửi vào nắng, vào gió, vào mưa để một chốc sau sự tươi tỉnh lại nhuộm hồng gương mặt mới đây còn tái xanh của bạn.
Từ khi nhận ra điều đó, tôi có thói quen thò tay ra ngoài cửa sổ bên bàn học.
Tôi tắm hai bàn tay của mình trong mưa để thấy những đầu ngón tay nhăn nheo như câu đố bọn trẻ con chúng tôi hay đố: “Một cây
mà có năm cành / Nhúng nước thì héo để giành thì tươi”.
Rồi sau đó tôi phơi chúng trong nắng như mẹ tôi vẫn phơi quần áo ngoài bờ dậu để hong khô những ngón tay dưới ánh mặt trời và nghe gió cù mơn man nhồn nhột.
Có lần con Mận qua nhà tôi chơi, thấy tôi đang thò tay ra bên ngoài cửa sổ, liền trố mắt:
- Bạn đang làm gì vậy?
- Tao đang phơi những ngón tay. Mày có bao giờ phơi những ngón tay không?
- Không.
- Thế khi tay mày bị ướt mày làm gì?
- Mình lau vào quần.
Tôi kêu lên:
- Eo ơi, ai lại lau tay vào quần!
Mấy hôm sau tôi qua nhà con Mận mua chai xì dầu (nhà nó bán tạp hóa), thấy nó ngồi trong nhà thò tay ra ngoài cửa sổ y hệt tôi, tôi sung sướng hỏi:
- Mày đang phơi hai bàn tay đấy à?
Để nghe nó sung sướng đáp:
- Ờ, mình vừa rửa chén xong.
Nhưng không phải lúc nào con Mận cũng đáp lời tôi bằng giọng reo vui như vậy.
- Mày đang phơi hai bàn tay theo kiểu mới à?
Lần khác tôi hỏi, khi thấy nó hai tay chống lấy cằm, cùi tay tựa lên bậu cửa sổ, thừ mặt trông ra.
- Không, mình có phơi hai bàn tay đâu. - Nó đáp, giọng rầu rầu - Mình đang phơi khuôn mặt.
- Mặt mày làm sao mà phơi? Mày vừa tắm xong à? - Không. Mẹ mình vừa đánh đòn mình.
Tôi không hỏi nữa. Vì tôi hiểu rồi. Con Mận đang hong khô những giọt nước mắt. Tội nó ghê!
Chương 3: Chú Đàn
Chú Đàn lớn hơn tôi tám tuổi.
Chú là em út của ba tôi.
Chú sống với bà tôi, vì chú là người con duy nhất chưa lập gia đình.
Nhà bà tôi và nhà tôi cách nhau không xa lắm nên tôi thường chạy qua chơi với bà tôi và chú Đàn thường qua chơi với hai anh em tôi.
Chú Đàn cụt một tay. Tay phải của chú cụt tới tận khuỷu, lúc chú đi ngoài đường một ống tay áo phất phơ như tay áo thằng bù nhìn giữ dưa, nhưng với cánh tay còn lại chú thổi acmônica hay nhất làng.
Ba tôi bảo trước đây chú phụ việc ở lò mía đường, chả hiểu thế nào (chắc là chú ngủ gục) tay chú bị cuốn vào cối xay mía, dập nát, bác sĩ phải cưa bỏ mới cứu được chú.
Hôm trước, lúc chú xem hoa tay cho tôi, tôi quên hỏi chú có mấy cái hoa tay. Điều đó làm tôi băn khoăn suốt ngày hôm đó.
Tối, tôi định chạy qua nhà bà để tìm chú thì chú đã tằng hắng ầm ĩ trước ngõ. Đó là cách ra hiệu của chú, kiểu như là “Thiều ơi, Tường ơi! Chú Đàn tới chơi nè!”.
Tôi chạy bay ra ngõ ngay sau tiếng tằng hắng đầu tiên.
- Chú Đàn ơi! Chú có mấy cái hoa tay hở chú? - Tôi vừa chạy vừa hét lớn.
- Chú hả? - Chú xoa đầu tôi bằng bàn tay duy nhất - Trước đây chú có năm cái hoa tay. Nhưng bây giờ chẳng còn cái nào.
- Sao thế hả chú? - Tôi ngơ ngác - Những cái hoa tay cũng biến mất sao?
- Không phải là biến mất! - Chú Đàn cười khì khì, buông tay khỏi đầu tôi để mân mê mẩu tay cụt - Chỉ vì cả năm cái hoa tay của chú đều nằm ở bàn tay phải.
Bàn tay phải của chú tức là bàn tay dã bị cưa đi.
Đột nhiên tôi nói:
- Nhưng dù bàn tay phải của chú không còn nữa thì chú vẫn là người có năm cái hoa tay chứ?
Chú Đàn có vẻ ngạc nhiên trước lý lẽ của tôi. Chú tròn mắt nhìn tôi chằm chặp như thể mới thấy tôi lần đầu. Chú nhìn như thế một lúc lâu và không nói gì khiến tôi đâm chột dạ.
- Con nói không đúng hả chú? - Tôi lo lắng.
- Không! Con nói rất hay! Điều đơn giản thế mà lâu nay chú không nghĩ ra! Ha ha, hay quá! Thế là tôi vẫn có năm cái hoa tay, bà con ơi!
Tôi xác nhận với các bạn là chú Đàn vẫn còn năm cái hoa tay, dù không ai được nhìn thấy chúng nữa. Vì chú vẽ rất đẹp. Dưới mắt thằng Tường thì tôi là người vẽ đẹp nhất. Nhưng dưới mắt tôi thì
chú Đàn mới là người số một. Các bài tập vẽ của tôi, lúc mê chơi tôi vẫn thường nhờ chú vẽ giùm và bao giờ các tranh vẽ của chú cũng đạt điểm cao nhất lớp.
Chương 4: Chuyện Ma Của Chú Đàn
Hồi đó, nhà tôi ở cạnh đường quốc lộ, sau nhà là một nghĩa trang rộng mênh mông. Nghĩa trang rộng đến mức ngay trong vườn nhà tôi cũng có hai ngôi mộ hoang trú ngụ từ rất lâu trước khi gia đình tôi dọn đến. Buổi tối ngồi trong nhà nhìn ra những đốm nhang lập lòe mẹ tôi vẫn thắp hằng đêm trước mộ, anh em tôi đứa nào cũng cảm thấy rờn rợn.
Đã thế, chú Đàn mỗi khi đến chơi lại hay tụ tập hai anh em tôi lại để nghe chú kể chuyện ma.
Chú Đàn thổi acmônica tuyệt hay nhưng có vẻ chú chẳng hứng thú biểu diễn cho bọn trẻ chúng tôi nghe. Nằn nì lắm, chú mới rút cây kèn trong túi áo ra, lướt khẽ trên môi, nảy ra vài giai điệu ngắn ngủi rồi lại nhét vô túi áo, nói “Chú hết hơi rồi”. Trông chú như người vừa gặm phải một trái bắp thối.
Chú Đàn bảo hết hơi rồi nhưng lại nói “Để chú kể chuyện ma cho tụi con nghe” và lúc đó tôi thấy chú chẳng hết hơi chút nào hết. Chú kể liên tu bất tận, hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện nào của chú cũng rùng rợn, tôi chẳng rõ từ đâu chú biết lắm thế.
Chúng tôi ngồi dỏng tai nghe, thinh thích, sờ sợ, chốc chốc lại liếc mắt ra cửa, tim đập thình thịch khi bắt gặp những đốm lửa chỗ hai ngôi mộ ở góc vườn.
Chú Đàn kể chuyện cô Thoan đi hái củi trên rừng, bị ma giấu giữa bụi rậm suốt hai ngày, đến khi người nhà đốt đuốc đi tìm thấy cô ngất xỉu vì đói và vì rét. Về đến nhà, bụng cô mỗi ngày một lùm lùm, ba mẹ cô nghi cô tằng tịu với trai, tra hỏi đến mấy cô cũng chối không có, tức giận đánh cô chết đi sống lại mấy bận rồi giam cô trong nhà kho. Chín tháng sau cô đẻ ra một bọc vải điều mọi người mới biết là cô bị ma làm.
Chú lại kể chuyện thằng Ghế đi làm rẫy, trưa đứng bóng gặp ông Năm Ve dọc đường về, hỏi “Ba đi đâu đây?”, nhưng khi về tới nhà thì thấy ba nó đang ngồi đánh cờ tướng với ông Bé hàng xóm, hỏi ra mới biết ba nó ngồi chơi cờ từ sáng đến giờ. Lần đó thằng Ghế bị ốm cả tháng trời, tưởng chết, còn bị ba nó mắng “Sao mày ngu thế? Giờ Ngọ là giờ ma trêu, thấy bất cứ ai quen hoặc nghe bất cứ ai gọi cũng không được lên tiếng. Mày gặp ma, mở miệng hỏi, chưa bị hớp mất hồn là phúc ba đời nhà mày đó”.
Trong những câu chuyện của chú Đàn, tôi vẫn thích nhất chuyện ma nhà ông Ba Huấn.
Nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có căn gác gỗ, thằng Sơn con trai ông vẫn ngủ trên đó. Thằng Sơn đi ngủ chỉ mặc áo may-ô, trước khi ngã lưng thường cởi áo sơmi treo trên móc. Một sáng nọ thằng Sơn thức dậy vớ tay lấy chiếc áo, ngạc nhiên thấy chiếc áo màu trắng hôm qua tự nhiên biến thành màu hồng. Nó sờ tay vào, thấy nhơm nhớp, đem chiếc áo ra cửa trước săm soi, thấy chiếc áo dính đầy máu liền thét lên bài hãi, vứt chiếc áo xuống đất rồi co giò bỏ chạy.
Ông Ba Huấn mời thầy cúng tới. Ông hầy cúng sục sạo khắp nhà ba ngày rồi tuyên bố trong nhà có một con ma uất khí rất nặng. Ông Ba Huấn hỏi “Sao áo con tôi dính máu?”. Thầy cúng nói “Đó là do nửa đêm con ma lấy áo cậu cả mặc chơi”. Thầy cúng hỏi lại “Dạo này đồ ăn trong nhà có hay bị thiu không?”. Bà Ba Huấn trợn mắt “Sao thầy biết?”. Thầy cúng nhún vai “Biết chứ sao không. Đồ ăn thiu là do ma vọc”.
Hôm sau ông Ba Huấn cắp ô đón xe ra thành phố đi tìm người chủ cũ. Lúc về bà vợ hỏi “Sao ông?”, ông buồn thiu “Ổng xác nhận rồi. Con gái ổng lấy phải thằng chồng cờ bạc, về sau thằng này đi tù, con gái ổng buồn tình treo cổ chết trên lầu”.
Ông Ba Huấn thuật lại cho ông thầy cúng nghe. Ông thầy cúng leo lên căn gác lần nữa, mò mẫm khắp các bức vách, tìm thấy một
đường gờ hình chữ nhật, nói “Chỗ này hồi trước là cái cửa sổ, về sau ai đó xây bít lại”. Ông giải thích “Trên lầu có bàn thờ phật, con ma không dám ở nên nó chạy xuống đây. Chủ nhà xây bít lại, nó chạy ra không được”. Ông Ba Huấn tái mặt “Vậy phải làm sao?”. Thầy cúng phán “Đục tường cho nó chui ra, xong mình bít lại như cũ”.
Tôi hỏi chú Đàn:
- Làm sao biết con ma có chui ra hay không hở chú? Mình đâu có nhìn thấy no!
Chú Đàn nheo mắt nhìn tôi:
- Người phàm mắt thịt không nhìn thấy ma, nhưng mấy ông thầy cúng thấy tất.
Thằng Tường khẳng định:
- Con ma không dám chui ra đâu.
Tôi hỏi:
- Sao?
Tường nói:
- Nó sợ mấy ông Phật trên lầu.
Chú Đàn nạt:
- Con ngốc quá. Con ma sẽ không sống trên lầu. Nó chỉ lên lầu lạy Phật thôi, sau đó đi đầu thai kiếp khác.
Thằng Tường chưa chịu thôi. Lần nào nó cũng hỏi câu cũ rích: - Sao con ma không lẻn ra ngoài bằng cửa trước hả chú?
Để được nghe chú Đàn trả lời cũng bằng một câu cũ rích khác:
- Ma không bao giờ ra vào bằng cửa trước. Ma chỉ đi cửa sau hoặc cửa hông.
Chuyện ma nhà ông Ba Huấn chỉ có vậy nhưng hai anh em tôi rất thích. Lần nào nghe câu chuyện này tôi cũng mường tượng ra cảnh con ma lấy áo thằng Sơn mặc vào, lúc cởi ra áo đã dính đầy máu để nghe bụng thắt lại như có ai xoắn lấy. Tôi cũng thích hình dung ra cảnh con ma bị nhốt trong nhà, lúc đó chắc nó giống một đứa con nít, chắc nó cũng khóc hu hu nhưng nhà ông Ba Huấn không ai nghe thấy đó thôi.
Bọn tôi thích câu chuyện này đến nỗi hôm nào chú Đàn mải mê kể chuyện cô Thoan hay thằng Ghế là tôi và thằng Tường nhao nhao:
- Kể chuyện nhà ông Ba Huấn đi chú!
- Kể chuyện thằng Sơn liệng cái áo rồi bỏ chạy ấy.
Thế là chú Đàn chiều bọn tôi. Chú quấn ống tay áo vào cánh tay cụt, ý là sắp xếp tư thế cho gọn gàng rồi mỉm cười hắng giọng:
- Nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có một con ma từ thời chủ cũ…
Chỉ đợi có vậy, hai anh em tôi lập tức xích sát vào nhau, há hốc mồm ra nghe, tóc gáy dựng đứng, thích thú và sợ hãi.
Để nhấn chìm bọn tôi hơn nữa vào cơn sợ, lần nào kể xong chú Đàn cũng láo liên mắt nhìn ra cửa, rú khẽ:
- Ối! Ma! Ma! Nó kìa!
Và lần nào cũng vậy, chú Đàn vừa nhát ma là hai đứa tôi hét lên thất thanh, người bắn lên khỏi chỗ như đang ngồi trên cái cập kênh, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Nghe tiếng la bài hãi, ba tôi ở nhà trên hộc tốc lao xuống. Ông chắn ngang đường thoát thân của tôi và thộp lấy cổ tôi:
- Gì thế con?
Mặt cắt không còn hột máu, tôi chỉ tay về phía chú Đàn đang cười hăng hắc, miệng lắp bắp:
- Chú Đàn nhát ma.
Ba tôi chộp vội cây gậy đánh chó dựng bên vách, mắng: - Tao đập mày nghe Đàn. Lớn đầu rồi mà chơi ngu thế!
Chú Đàn lao ra bóng đêm, nhanh như cắt. Ba tôi cầm gậy rượt theo. Tôi không biết ba tôi có đánh trúng chú Đàn được gậy nào không, chỉ nghe tiếng chân hai anh em đuổi nhau huỳnh huỵch quanh hè.
Chạy một lát, chú Đàn vù ra cổng, vọt lên đường lộ, phi thẳng về nhà bà. Lúc đó ba tôi mới thở phì phò hậm hực quay vô.
Tuổi thơ ấu của tôi, lần kể chuyện ma nào của chú Đàn cũng kết thúc với tiết mục đó. Những cuộc rượt bắt giữa ba tôi và chú chỉ chấm dứt từ ngày chú Đàn bỏ làng lặng lẽ đi tìm chị Vinh.
Chương 5: Cây Gậy Của Ba Tôi
Cây gậy dựng bên vách, ban đêm ra đường ba tôi thường cầm theo để phòng chó dữ.
Tôi không biết ông từng đánh trúng con chó nào xông vào chân ông chưa. Cũng như tôi không biết ông đã lần nào quẹt được đầu gậy vào người chú Đàn.
Nhưng cây gậy đó đã nện lên lưng tôi và mông tôi nhiều lần.
Ba tôi là người hoạt khẩu. Ông nhiều lần chở tôi đi chơi, đến đâu tôi cũng thấy người ta mê tài nói chuyện của ông. Ông nói chuyện hoạt bát và hấp dẫn. Mỗi khi ông kể chuyện Tiết Đinh San hay Chung Vô Diệm, cả mấy chục người xúm xít nghe, mặt đờ ra như bị hút hồn.
Ông lại có tài đặt thơ.
Trong làng có ông Tư Cang góa vợ, sống với đứa con gái tên Bé Na. Ông Tư Cang nuôi hai con trâu, cổ con nào cũng đeo lục lạc, mỗi khi trâu chạy lạc, ông lần theo tiếng leng keng để đi tìm. Lúc đầu hai con trâu của ông đi tới đâu, con nít xúm lại tới đó. Nghe tiếng lục lạc, chúng tưởng xe cà rem dạo. Từ đó người làng gọi ông là “ông già cà rem”.
Hai cha con ông Tư Cang sống bằng nghề gặt thuê. Một hôm hai cha con đang lui cui gặt, nhằm bụi lúa có tổ ong lá. Con Bé Na bị ong đốt vào mông, kêu ầm. Ông Tư Cang quýnh quíu xông vô “Chi vậy con? Chi vậy con?”, bầy ong bay ra, chích vô háng ông. Ông quăng liềm hái, chạy một mạch. Chạy một đỗi xa, ông vạch háng ra xem, than trời như bộng.
Ba tôi đặt thơ trêu ông, bữa sau bọn con nít chăn bò đi đâu cũng nghêu ngao:
- Ong vừa mới chích Bé Na / Chừ quay sang chích ông già cà rem / Ông già vạch háng ra xem / Mới hai hòn đó chừ thêm một hòn.
Giỡn chơi vậy thôi mà ông Tư Cang xách rựa đi lùng ba tôi suốt một tuần.
Lại chuyện ông Cả Hớn trúng số. Cả Hớn cả đời mới mua một tờ vé số, nghĩ không bao giờ trúng, lấy cơm nguội dán tờ vé số vô cây cột cái giữa nhà để trang trí. Nào ngờ lần đó Cả Hớn trúng thật, lại trúng độc đắc.
Cả Hớn mừng quýnh, kẹt nỗi không làm sao gỡ tờ vé số ra khỏi cây cột. Cố gỡ thì sợ rách, Cả Hớn cưa luôn cây cột, vác xuống đường lộ, đón xe ra thành phố lãnh giải. Cuối cùng Cả Hớn cũng lãnh được tiền, nhưng dọc đường đi cây cột trên vai Cả Hớn đụng ngã cả chục người. Không ai chết, nhưng tiền bồi thường cho nạn nhân thuốc men và nằm nhà thương ngốn gần hết tiền trúng số. Mất cây cột cái, mái nhà võng xuống, vài hôm sau gặp mưa lớn, sập luôn. Vợ chồng con cái Cả Hớn nhanh chân chạy thoát, nhưng hôm sau Cả Hớn phải đi vay nợ khắp nơi để dựng lại nhà, mồm miệng lệch qua một bên như bị trúng gió.
Ba tôi tức cảnh sinh tình:
- Trúng số cứ tưởng trúng bom / Hết ôm cây cột tới ôm nợ nần.
Con nít hát trêu hôm trước, hôm sau ông Cả Hớn đến nhà tìm ba tôi. Ông đi tay không, chỉ để mếu máo:
- Anh Sáu nói đúng. Nhà tôi bây giờ tan hoang như thể trúng bom. Anh làm ơn cho tôi vay một ít.
Ba tôi ra ngoài thì hoạt bát, vui vẻ như vậy nhưng về nhà rất hay nổi cộc. Anh em tôi ăn đòn của ba tôi khá thường xuyên. Ba tôi không biết kiếm đâu ra cây roi mây, giắt trên vách. Mỗi lần anh em tôi làm điều gì lầm lỗi, ông bặm môi rút cây roi một cái “sột”, quất một cái “vút”. Tôi ăn roi mây, đau vãi ra quần, lằn ngang lằn dọc khắp người.
Mẹ tôi hãi quá, len lén rút cây roi trên vách giấu đi. Lúc nổi giận tìm không thấy cây roi, ba tôi vớ cây gậy đánh chó vụt đen đét vào lưng tôi.
Thế là mẹ tôi lại lén lút cắm cây roi vào chỗ cũ.
Từ bữa đó anh em tôi ăn đòn bằng cả roi lẫn gậy.
Chương 6: Nhà Con Mận
Bất cứ đứa trẻ con nào cũng có hàng trăm lý do, hàng trăm tội lỗi để bị ăn đòn.
Một trong người cái tội lớn nhất của tôi là tội sợ ma.
Tôi sợ ma, không dám đi ngang nghĩa trang vào ban đêm, mặc dù ban ngày nghĩa trang là một sân chơi kỳ diệu với bọn trẻ chúng tôi. Tôi theo đám bạn chăn bò chạy nhảy qua những mô đất, nô đùa với trò chơi u, chơi rượt bắt và cuối cùng bao giờ chúng tôi cũng chơi trò ưa thích nhất là thả diều. Cái cảm giác kéo một chú diều giấy chạy ngược gió để sung sướng nhìn nó bay lên, tay không ngừng nới lỏng cuộn dây cước rất giống với cảm giác mình đang nâng đỡ cả bầu trời. Tôi thả hết sợi cước trong tay, cột một đầu dây vào gốc cây dương liễu rồi gối đầu trên khúc gỗ mục, ngửa mặt nhìn lên bầu trời xanh ngắm những cánh diều bay lượn.
Thế nhưng khi bóng đêm thả xuống những mảng tối, thế giới quanh tôi bỗng mang một bộ mặt khác. Nghĩa trang ban đêm đom đóm chập chờn bay lẫn với ma trơi, mỗi lần buộc phải đi ngang tóc gáy tôi dựng đứng. Những câu chuyện ma của chú Đàn lần lượt hiện ra trong óc khiến tôi muốn xỉu.
Tiệm tạp hóa nhà con Mận cách nhà tôi một quãng xa, mẹ tôi lại hay sai tôi sang nhà nó khi thì mua cái hột vịt khi thì mua chai nước mắm, toàn vào những lúc tối mịt. Đối với tôi, đó là một cực hình.
Năm đó tôi học lớp bảy, đã mười ba tuổi, nhưng vẫn còn sợ ma. Tôi sợ sệt đi ngang nghĩa trang dưới ánh sao mờ, cứ có cảm giác ai đang đi sau lưng mình. Khi ngoảnh cổ nhìn ra sau thì không thấy ai. Nhưng hễ quay lại là tôi nghe có tiếng chân bước ngay sau lưng. Tôi sợ quá, co cẳng chạy, người phía sau cũng chạy theo tôi, tiếng chân thình thịch khiến tôi muốn són ra quần. Lần nào cũng vậy, tôi vừa ló đầu vô quán là con Mận ngạc nhiên hỏi “Làm gì Thiều hớt hơ hớt
hải thế?”. Tôi không dám nói là tôi sợ ma. Tôi bảo chó rượt. Nhìn mặt tôi biết con Mận không tin, nhưng nó không nói gì. Nhà tôi cách nhà nó một nghĩa trang, ở giữa không có nhà nào khác nên không thể có con chó nào khác trừ con Vện nhà nó.
Con Vện nhà con Mận là một con chó già. Mắt nó bị lòa, gần như không nhìn thấy gì. Tai và mũi nó không còn thính nhạy nữa, nhưng dĩ nhiên tôi vào nhà thì nó vẫn biết. Nó nằm yên dưới gầm giường, mông quay về phía tôi và vẫy đuôi chào tôi một cách biếng nhác.
Con Vện giống hệt chủ của nó. Ba con Mận cũng bị bênh thong manh, tôi nghe ba tôi nói thế. Trước đây, lúc mắt còn tinh, ông hành nghề cắt tóc. Ông là một trong hai người thợ cắt tóc trong làng. Nhưng ông oách hơn, ông cắt tóc ở nhà, có treo tấm giấy các-tông trước cửa, ghi nguệch ngoạc: HỚT TÓC. Ông thợ kia là người hớt tóc dạo. Một thời gian dài, tôi cắt tóc chỗ ba con Mận.
Nhưng rồi ba tôi không cho tôi cắt tóc ở chỗ ông nữa. Một lần ông suýt cắt đứt tai người này, lần khác ông làm chảy máu cằm người khác. Đến một ngày, người làng thấy da ông ửng đỏ, rồi nửa tháng sau trên làng da đỏ hiện lên những vảy trắng. Ông vừa cắt tóc vừa gãi. Khi ông gãi, những vảy trắng tróc ra, bay khắp nơi như bụi phấn. Người ta đồn ông bị bệnh phong. Có người bảo chính bệnh phong đã làm hỏng đôi mắt ông. Chẳng biết điều đó đúng không nhưng khách cắt tóc lảng dần.
Chẳng bao lâu tiệm hớt tóc đóng cửa. Mẹ con Mận mở tiệm tạp hóa để kiếm sống qua ngày.
Tối nào cũng vậy, vừa cầm cái hột vịt hay chai nước mắm con Mận đưa là tôi cắm cổ chạy vù về nhà, hai mắt gần như nhắm tịt để tia nhìn khỏi bị hút về phía nghĩa trang. Rất nhiều lần tôi vấp té dọc đường, đồ cầm trên tay bị vỡ nát, về đến nhà nếu lòng trắng lòng đỏ không nhoe hoét khắp người thì đầu cổ cũng nồng nặc mùi nước mắm.
Ba tôi bắt gặp thế nào cũng vụt gậy vào lưng tôi. Mẹ tôi can “Ông ơi, con nó sợ ma”. Ba tôi càng vụt tợn, vừa vụt gậy vừa gầm gừ “Ma với cỏ này! Lớn tồng ngồng rồi mà còn sợ ma này!”.
Thế là lưng tôi nổi lằn.
Thế là tối đó mẹ tôi vừa khóc vừa lấy muối đắp lên lưng tôi
Chương 7: Thằng Tường
Thực ra tuổi thơ tôi không ăn đòn thường xuyên bằng thằng Tường, em tôi.
Tường là một thằng nhóc rất đẹp trai. Nó đẹp ngay từ khi còn bé. Tường mang khuôn mặt thanh mảnh của mẹ tôi và đôi mắt to với cặp lông mi dài của ba tôi. Tóc nó dày, mịn như tơ, da trắng hồng,
miệng rộng với hàm răng trắng và đều tăm tắp như những viên đá cuội được mài dũa và sắp xếp cẩn thận. Mỗi khi Tường cười có cảm giác gương mặt nó đang tỏa sáng. Nụ cười đó, gương mặt đẹp như thiên thần đó luôn đem lại cho người đối diện một niềm vui khó giải thích.
Thế nhưng trong hai anh em tôi, nó là đứa ăn đòn của ba tôi nhiều nhất, không phải vì nó quỷ quái gì mà vì nó có một ông anh quỷ quái.
Một lần, tôi rủ nó trốn ngủ trưa chạy qua bãi đất trống cạnh nhà chơi trò ném đá.
Làng định xây trạm xá trên bãi đất này, đá ba lát mua về chất đống nhưng rồi thiếu tiền nên cứ để mãi.
Đá ba lát to bằng nắm tay, rắn như thép, các cạnh lại nhọn sắc, ném trúng là vỡ đầu, thằng Tường hãi lắm.
Nó tần ngần nhìn đống đá, rụt cổ:
- Em không chơi trò này đâu. Rủi trúng vào đầu thì chết!
- Chết sao được mà chết. - Tôi trấn an nó - Tao và mày đứng thật xa ném nhau, thấy hòn đá bay tới là mình nhảy tránh. Đứng xa thì rủi đá trúng vào người cũng chẳng hề hấn gì.
Tường có vẻ không bị tôi thuyết phục. Nó nhìn lên cành phượng đỏ rực bên kia đường:
- Hay mình hái nhụy hoa phượng chơi trò đá gà đi, anh.
Nhụy hoa phượng có cọng dài và mảnh, đầu hình hạt gạo, màu nâu. Trẻ con bọn tôi hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng. Hai con gà là hai cái nhụy móc đầu vào nhau, giựt mạnh, đầu gà nào đứt trước là gà ấy thua. Mỗi độ hè về, tôi cũng hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng, nhưng lúc này tôi đang thích trò ném đá.
Tôi bĩu môi:
- Đó là trò con gái. Tao và mày là con trai. Con trai phải chơi trò ném đá hoặc phóng lao.
Tôi nhìn thằng Tường qua khóe mắt, láu lỉnh:
- Hay mày muốn chơi trò phóng dao?
Nghe hai chữ phóng dao, thằng Tường sợ run:
- Thôi, anh và em chơi trò ném đá đi!
Nói xong, thằng Tường co giò chạy ra thật xa. Nó chạy tuốt ra sát đường lộ rồi quay đầu lại:
- Em đứng chỗ này được chưa?
- Ờ, mày đứng đó đi. Bắt đầu ném nha.
Tôi nói, và cuối xuống lượm hai hòn đá ba lát, mỗi tay một hòn. Thằng Tường cũng lật đật thủ đá trong tay.
Tôi đứng sát rìa nghĩa trang, thằng Tường đứng cạnh đường lộ thi nhau ném. Suốt một tiếng đồng hồ cứ như có một cơn mưa đá trút
xuống buổi chiều chói chang. Những hòn đá bay lấp lánh trong nắng, kêu vù vù.
Thằng Tường ném khỏe hơn tôi. Những hòn đá nó ném ra bay nhanh và chính xác.
Tôi càng chơi càng quýnh, bị thằng Tường ném trúng cả chục lần. Đá bay sắp hết đà, chỉ va vào người, không đau lắm nhưng vẫn khiến tôi điên tiết. Điên nhất là tôi vẫn chưa ném trúng nó được lần nào.
Đã thế, cứ mỗi lần ném trúng tôi, thằng Tường lại thõng tay, giọng áy náy:
- Thôi, mình ngừng chơi nghe anh.
Tôi tự ái ghê gớm mỗi lần nghe nó nói thế.
- Không ngừng gì hết!
Tôi hậm hực đáp và nghiến răng liệng đá ra.
thằng Tường có vẻ lúng túng trước sự hăng máu của tôi. Nó vẫn tiếp tục cuộc chơi để chiều tôi, nhưng những hòn đá của nó bắt đầu bay ngập ngừng và toàn lạc đi đâu xa lắc.
Biết nó cố tình ném trật, tôi lại càng sôi gan. Nhưng tôi không biết làm gì để trút giận.
Cuối cùng tôi nghĩ được một kế.
- Thôi, tao đầu hàng. - Tôi nói, ỉu xìu, và hạ tay xuống.
Tường mừng quýnh, nó đã muốn chấm dứt cuộc chiến không mong đợi này quá lâu rồi.
Nó chạy xô lại phía tôi, không mảy may ngờ vực, giọng ân cần:
- Anh có bị bầm chỗ nào không, để em vô nhà lấy dầu xức cho anh. Tường không biết tôi vẫn nắm khư khư hòn đá ba lát trong tay. Đợi nó lại gần, tôi mím môi vung tay ra.
Hoàn toàn bất ngờ, Tường không kịp né. Hòn đá đập ngay màng tang nó.
Thực lòng tôi không cố ý ném vào đầu Tường. Tôi chỉ hành động theo sự xúi giục của cơn giận.
Tường ngã bệt xuống đất, hai tay ôm đầu:
- Ối, đau em quá!
Tôi hoảng hốt chạy lại gỡ tay nó ra, giọng hồi hộp:
- Mày bỏ tay ra tao xem thử nào.
Tường bỏ tay ra, tôi xám mặt thấy những ngón tay nó dính đầy máu. - Chết rồi! Chảy máu, mày ơi!
Tường lo lắng:
- Nhiều không anh?
- Hơi hơi thôi.
Tôi nói dối và một tay bịt vết thương trên đầu nó, tay kia đỡ lưng nó, tôi nói tiếp:
- Mày đứng lên đi. Tao dìu mày vô nhà lấy thuốc sức. Tường đi bên cạnh tôi, mếu máo:
- Sao anh lại ném em? Anh bảo là anh đầu hàng rồi kia mà!
- Cái đó là trá hàng, tức là giả vờ đầu hàng đó, mày hiểu chưa? - Tôi chống chế - Khi đánh nhau, người ta phải dùng mọi mưu mẹo để giành chiến thắng. Có thế mới gọi là tướng tài.
Thằng Tường nghe tôi ba hoa, phục lăn. Nó quên mất cơn đau âm ỉ chỗ màng tang, miệng xuýt xoa:
- Mưu mẹo của anh hay thật. Em chả nghi ngờ gì cả. Lớn lên nếu đi đánh giặc thế nào anh cũng làm tới đại tướng.
- Chắc chắn rồi!
Tôi đáp, bụng ngập tràn hối hận. Tôi đã lừa em tôi, đã làm nó bị thương, thế nhưng nó vẫn luôn hồn nhiên tin tưởng tôi, kể cả những lời bốc phét khó tin nhất.
Tôi dìu Tường dọc bờ rào, đầu loay hoay nghĩ cách chuộc lỗi với nó. Tôi tự hứa với mình: mai mốt nếu thằng Tường gặp phải hoạn nạn gì, bị ba tôi phạt đánh đòn vì tội ham chơi bỏ bê bài vở chẳng hạn, tôi sẽ xung phong nhận tội thay nó, tôi sẽ nói với ba tôi là chính tôi xúi thằng Tường đi chơi…
Một giọng nói sang sảng thình lình vang lên cắt ngang những ý nghĩ tốt đẹp trong đầu tôi:
- Hai đứa bay không ngủ trưa trốn ra đây làm gì đó?
Không cần ngước mắt lên, chỉ nghe giọng nói lạnh lẽo kia xát vào tai, tôi đã run như cầy sấy, biết địa ngục sắp sửa trút xuống đầu.
Để ba tôi bắt quả tang hai anh em lang thang ngoài trưa nắng, cũng gần như để thần chết tóm được gáy.
Thế là không nói không rằng, tôi buông ngay thằng Tường ra, co giò phi một mạch qua nhà bà tôi.
Tôi trốn ở nhà bà tôi đến tối mịt, khi biết chắc ba tôi đã đi ngủ, tôi mới dám mò về nhà.
Tôi thậm thụt vô nhà bằng ngả sau, len lén đi về phía giường ngủ trên những đầu ngón chân, sè sẹ phủi chân rồi vén mùng rón rén chui vô.
- Anh hai hả? - Tiếng thằng Tường thì thào.
- Ờ, tao đây. - Tôi thì thào lại - Ba mẹ ngủ hết rồi hả? - Dạ.
- Đầu mày hết đau chưa?
- Còn đau sơ sơ.
Đang nói, thằng Tường bỗng la “oái” một tiếng.
- Khe khẽ thôi mày! - Tôi giật mình - Gì vậy? Tao có đụng vô đầu mày đâu.
- Nhưng anh đụng vô người em.
Tôi sực nhớ ra:
- Hồi trưa chắc mày te tua với ba hả?
- Anh cũng biết rồi mà.
Tôi rùng mình nhớ đến cây gậy đánh chó dựng ở góc nhà và cây roi mây ba tôi giắt trên vách, bỗng thấy thương em tôi vô vàn. Tôi nói và nghe cay cay nơi mắt:
- Mày đừng giận tao nghe. Hồi trưa đáng lẽ tao không nên bỏ chạy. Nếu ba đánh đòn cùng lúc hai đứa, tao đã san sẻ được với mày. Và mày sẽ ăn đòn ít hơn.
- Anh bỏ chạy là đúng rồi. - Thằng Tường thò tay nắm tay tôi - Anh là anh Hai, nếu anh đứng đó, em ăn đòn ít hơn nhưng anh sẽ chết với ba.
Thằng Tường không trách móc gì, tôi càng bứt rứt tợn.
Tôi lục lọi trong óc những từ ngữ tồi tệ nhất để rủa sả mình. Và mấy ngày sau, nhân cả nhà đi vắng tôi rủ Tường ra sau hè ngồi đánh bài cát tê, bị ba tôi tình lình về nhà nhìn thấy, tôi lập tức quên hết những lời tự thề thốt, lại ba chân bốn cẳng vù ra cổng để mặc thằng Tường
ở lại một mình chịu trận.
Chương 8: Mê Truyện
Đôi khi tôi có cảm tưởng tôi là em, còn thằng Tường là anh. Mẹ tôi hay mắng tôi mỗi khi tôi tranh ăn với Tường: - Con là anh, con phải nhường nhịn em!
Nhưng trên thực tế, toàn thằng Tường nhường nhịn tôi, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
Chẳng phải Tường sợ gì tôi, dù tôi luôn bắt nạt nó. Tường nhường tôi chỉ vì nó là đứa em rất thương anh.
Nó thương tôi và phục vụ tôi. Vì tôi học giỏi, năm nào cũng lãnh phần thưởng đem về.
Tường mân mê hộp bút chì và những cuốn tập gói trong giấy kiếng màu tôi đặt trên chiếc bàn chính giữa nhà, rồi ngước nhìn tôi, mắt lấp lánh niềm vui và sự ngưỡng mộ, miệng không ngớt xuýt xoa:
- Thích quá! Không biết bao giờ em mới học giỏi được như anh.
Một đứa con học giỏi luôn luôn là đứa con được hưởng lợi nhiều nhất trong nhà.
Mẹ tôi hay mắng tôi, hay bảo tôi nhường nhịn Tường nhưng khi trong nhà có việc mẹ tôi ít khi đụng đến tôi. Chạy qua nhà bà mượn cái thúng, cái nia, qua nhà hàng xóm xin rơm về lót ổ cho gà đẻ hay xách nước đổ vô lu mẹ tôi toàn sai thằng Tường. Chỉ vì lý do: “Để cho anh Hai con học bài!”.
Thằng Tường thay tôi gánh hết việc nặng việc nhẹ trong nhà, mặt mày lúc nào cũng vui vẻ, tuyệt không oán thán một câu.
Vì nó cũng nghĩ như mẹ tôi: “Để cho anh Hai học bài!”.
Trừ những lúc ba tôi nổi cộc trút mưa roi lên người tôi, thời gian còn lại tôi chẳng khác nào ông vua con trong nhà, chả phải mó tay vào việc gì. Sau này, ba tôi đi xin việc ngoài thành phố, mỗi cuối tuần mới về nhà, những trận mưa roi gần như tạnh hẳn.
Trong hoàn cảnh đó, tôi đã giỏi càng học giỏi, thằng Tường đã kém càng học kém.
Tường gồng gánh nhiều việc nên ít có thì giờ mó tay vào bài vở, nhưng nó xem đó như là số phận của mình và nó chấp nhận cái phần số hẩm hiu đó một cách nhẹ nhõm, miễn sao tôi học cao thiệt cao, mai mốt trở thành bác sĩ hay kỹ sư và nếu có giặc giã thì tôi ráng làm tới đại tướng để nó có lý do để tự hào.
Tường học hành ì ạch nhưng rất mê đọc sách.
Trong khi tôi chả bao giờ sờ tới một quyển sách thì thằng Tường đi đâu cũng nhét sách trong túi quần. Quần không có túi thì nó lận sách vào thắt lưng.
Bất cứ lúc nào rảnh là nó lôi sách ra say sưa dán mắt vào những trang chữ. Nằm bò ra trên cỏ hàng giờ để đọc sách đối với nó là một điều vô cùng thú vị. Nó đọc sách cả khi ngồi thõng chân trên thành giếng hay đang vắt vẻo trên cành ổi sau vườn.
Lần nào bắt gặp cảnh đó, tôi cũng gắt om:
- Mày không sợ té gãy cổ hả Tường!
Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa ngủ trong rừng, Cô bé Lọ Lem và hàng mớ những chuyện khác, Tường thuộc vanh vách.
Những chuyện đó tất nhiên tôi cũng biết. Nhưng tôi toàn nghe ba tôi và chú Đàn kể. Tự mình mày mò trên những trang sách đặc chữ để lượm từng mẩu chuyện nhét vào trí nhớ là một gánh nặng đối với tôi.
Tường mê đọc sách, tự nhiên tôi được hưởng lợi.
Tôi không cần rớ tới một quyển sách nào vẫn biết được bao nhiêu là chuyện hay.
Tối, lúc hai anh em đã chui vô giường, tôi thường gạ nó kể chuyện cho tôi nghe. Tôi nghe và tôi ngủ lúc nào không hay.
Tối hôm sau tôi lại hỏi “Hôm qua mày kể đến chỗ nào hả Tường?”.
Chương 9: Chuyện Cóc Tía
Thằng Tường đọc được rất nhiều chuyện hay. Nhưng nó đặc biệt thích chuyện Cóc tía. Trong khi tôi thấy chuyện đó dở tệ.
Chuyện kể về một chàng thư sinh nhà nghèo nhưng chăm học.
Ban ngày chàng thư sinh vào rừng hái củi đem bán để lấy tiền mua gạo và mua dầu đèn. Ban đêm chàng cặm cụi đọc sách cho đến lúc gà hàng xóm gáy lần thứ hai mới đi ngủ.
(Chắc chắn chàng thư sinh này đọc sách giáo khoa để đi thi chứ chẳng phải đọc truyện như thằng Tường).
Nhà chàng chỉ là một túp lều con, tài sản vỏn vẹn một con dao quắm và một chồng sách.
Làm bạn với chàng chỉ có một con cóc tía, những buổi chàng học khuya con cóc nhảy ra quanh quẩn ở dưới chân chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve.
(Thằng Tường đặc biệt thích đoạn này, nó có thể đọc thuộc lòng đoạn văn bằng giong ngân nga thích thú).
Rồi tới ngày chàng lên kinh ứng thí, cóc tía cũng đi theo. Dọc đường chàng dùng viên ngọc thần của cóc tía để cứu sống một người bạn xấu.
Khi biết đó là viên ngọc có khả năng cải tử hoàn sinh, người bạn xấu liền ra tay chiếm đoạt viên ngọc của chàng thư sinh.
Lúc ấy, công chúa trong cung tự nhiên lâm trọng bệnh. Nhà vua và hoàng hậu vội gọi ngự y tới cứu chữa, nhưng các quan ngự y đều bó tay. Nhà vua hấp tấp treo bảng tìm danh y, thông báo khắp kinh thành: “Ai cứu sống công chúa sẽ được tuyển làm phò mã”.
Tin đó tới tai cóc tía. Cóc tía nói với chủ: “Đây là dịp tốt để ta lấy lại viên ngọc và tìm ra kẻ cắp”. Hôm sau, tên ăn cắp ngọc đội lốt danh y vào cung chữa bệnh cho công chúa, chàng thư sinh và cóc tía tìm cách lẫn vào hàng các quan văn võ để đi theo.
Tới nơi, tên bạn xấu rút viên ngọc ở trong túi ra đặt vào mũi công chúa nhưng công chúa vẫn nằm bất động trước sự sốt ruột của nhà vua và hoàng hậu.
Giữa lúc đó, chàng thư sinh rẽ đám đông tiến lại trước mặt nhà vua, chàng vừa nói vừa chỉ vào mặt tên cắp:
- Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại.
Chàng cầm lấy viên ngọc rồi chỉ vào cóc tía – bây giờ đã nằm gọn trên bàn tay của chàng – giảng giải cho mọi người nghe đây là viên ngọc cải tử hoàn sinh của cóc thần. Chỉ có cóc thần và chàng mới dùng được viên ngọc này để cứu sống người chết. Tên kia là kẻ cắp nên không biết rằng viên ngọc chỉ phát huy tác dụng nếu được sự đồng ý của cóc thần.
Đoạn, người thư sinh nhẹ tay đặt viên ngọc vào mũi công chúa. Quả nhiên, công chúa bỗng cựa mình và dần dần hồi tỉnh trước sự hồi tỉnh trước sự reo mừng của mọi người.
Đoạn kết thì dĩ nhiên là thế này:
Sau khi công chúa được cứu sống, nhà vua bèn nhận chàng thư sinh làm phò mã.
Sau đó, chàng làm bài xuất sắc nhất trong trường thi và đỗ trạng nguyên.
Sau đó nữa thì chàng lại được toàn thể triều thần tôn lên giữ chức tể tướng.
Chương 10: Cu Cậu
Tôi không hiểu tại sao thằng Tường lại thích câu chuyện dở ẹc đó.
Lần nào cũng vậy, hễ tôi kêu nó kể chuyện bao giờ nó cũng kể chuyện Cóc tía trước tiên.
- Thôi, kể chuyện khác đi! - Tôi gạt phắt - Cóc tía, cóc tía hoài!
Tường kể chuyện khác. Nhưng qua hôm sau, khi hai anh em phủi chân chui vô mùng là nó lại lôi chuyện Cóc tía ra kể.
Nó cóc tía hoài đến mức tôi bực mình tuyên bố thẳng:
- Từ nay về sau mày đừng bao giờ kể chuyện Cóc tía với tao nữa nghe Tường!
Chỉ đến hôm tình cờ nhìn thấy một con cóc dưới gầm giường, tôi mới vỡ lẽ tại sao Tường thích câu chuyện này đến vậy.
Con cóc tôi nhìn thấy dĩ nhiên không phải là cóc tía. Chú Đàn bảo cóc tía chỉ sống trên những ngọn núi cao, ven bờ nước hay ao hồ có nhiều cây cỏ, da có màu đỏ tía hay đỏ vàng.
Con cóc đang ngồi chồm chỗm trước mặt tôi giống như mọi con cóc tôi từng nhìn thấy: da xam xám, xù xì, dáng ngồi giống như vận động viên đang thủ thế trên bục xuất phát để chuẩn bị thi chạy 100 mét. Khi tôi ngồi xổm xuống trước mặt nó tò mò quan sát thì nó cũng giương cặp mắt lồi ra nhìn tôi đầy tư lự, có vẻ đang tự hỏi tôi là ai mà bây giờ nó mới nhìn thấy.
Tôi đang ngắm nghía con cóc thì Tường ở ngoài bước vô. - Con cóc mày nuôi đấy à? - Tôi hỏi.
- Dạ.
- Mày đem ở đâu về thế?
- Nó ở đây từ hồi nào đến giờ, tại anh không thấy đó thôi. Hang của nó ở dưới chân giường mình.
Tường đáp và thảy xuống trước mặt con cóc bảy, tám xác ruồi nó vừa iếm được bằng cái vỉ đập ruồi đan bằng nan tre còn cầm trên tay.
- Thức ăn của mày nè, Cu Cậu?
Con cóc nhảy tới, cái lưỡi nhọn thò ra thụt vào nhanh như chớp, nhoáng một cái mớ ruồi đã biến sạch.
- Nó tên Cu Cậu à?
- Dạ. Em đặt tên cho nó đó. Nó là thằng cu nhưng nó cũng là cậu ông trời. - Tường vừa nói vừa ngồi xuống cạnh tôi, mắt không ngừng dán vào Cu Cậu lúc này đang quay lưng ì ạch nhảy về hang sau khi chén xong bữa tiệc ruồi.
Chắc Cu Cậu đói bụng nên mò ra đợi Tường. Tôi nghĩ, và hỏi: - Nhưng nó đâu phải là cóc tía?
- Dạ.
- Vậy nó đâu có viên ngọc cải tử hoàn sinh để tặng mày? - Dạ.
Tôi vỗ vai Tường, cười khì:
- Cho nên mày đừng có mơ đến chuyện cưới công chúa. Tường không đáp trả câu trêu của tôi. Nó hỏi, mắt mơ màng: - Công chúa có thật trên đời không anh Hai?
Tôi vò tóc, ngập ngừng:
- Tao cũng chẳng biết nữa. Hồi xưa thì có, bây giờ tao nghĩ chắc là không có.
Chương 11: Chị Vinh
Thằng Tường rất cưng Cu Cậu.
Từ ngày biết có một con cóc dưới gầm giường, tôi để ý thấy Tường ngày nào cũng kiếm thức ăn về cho Cu Cậu.
Cu Cậu dĩ nhiên vẫn tự mình kiếm ăn. Nó ăn ruồi, muỗi và sâu bọ.
Nhưng Tường vẫn sợ Cu Cậu không đủ no. Nó chuốt tre, đan một cái vỉ hình tam giác, lúc rảnh rỗi lại cầm đi săn ruồi.
Bữa nào, Tường cũng nhặt cơm rơi vãi, gom lại để giành cho Cu Cậu.
Đêm nào Cu Cậu nghiến răng ken két dưới gầm giường, sáng hôm sau thế nào trời cũng mưa.
Những ngày mưa đối với anh em tôi luôn luôn là những ngày tuyệt vời.
Trong khi tôi và Tường mặc nguyên quần áo dầm mưa và rượt nhau ngoài trời, Cu Cậu cũng hớn hở nhảy khỏi gầm giường, men ra tới cửa để rình đớp những chú mối bay ngang.
Tôi và Tường nghịch mưa chán lại chen nhau đứng dưới máng xối để nghe nước dội ồ ồ lên đầu lên cổ, tưởng tượng đang tắm dưới một ngọn thác hùng vĩ, mặc dù cho đến lúc đó ngoài các hình vẽ trong sách giáo khoa, tôi chưa nhìn thấy thác bao giờ.
Dầm mưa một lát, bao giờ thằng Tường cũng quay vào chơi với Cu Cậu bằng cách mà Cu Cậu thích nhất là phụ với chú bắt những con mối cánh.
Những lúc như vậy, tôi bỏ mặc thằng Tường với con cóc của nó, ba chân bốn cẳng băng ngang đường lộ, nôn nao chạy qua nhà chị
Vinh.
Nhà chị Vinh là ngôi nhà ngói to nhất làng, trước nhà có cái sân gạch rộng mênh mông với cây phượng lâu năm tỏa bóng nơi góc rào, nơi bọn trẻ con chúng tôi thường tụ tập chơi nhảy lò cò, chơi u, chơi bịt mắt bắt dê và đủ thứ trò hấp dẫn khác.
Chị Vinh lớn hơn tôi sáu tuổi.
Trong khi tôi chỉ là thằng nhóc mười ba tuổi thì chị đã là cô thiếu nữ xinh đẹp, nhưng gầy gò. Da chị trắng hồng, tóc chị đen, dày và dài chấm lưng, khi chị cười đôi mắt chị nhắm tít, trông như hai dấu trừ, đuôi mắt dài thật dài.
Tôi thích nhất là lúc chị cười.
Chị lại rất hay cười với tôi, mặc dù trong sân nhà chị ngoài tôi ra lúc nào cũng có một bọn nhóc con chạy nhảy hò hét ầm ĩ.
Chị Vinh hay cười với tôi là vì chị thích chú Đàn.
Chuyện này chính thằng Tường kể tôi nghe.
Nó bảo:
- Anh không nhớ hồi đó ngày nào chú Đàn cũng đứng dưới cây phượng trước nhà chị Vinh thổi acmônica suốt đêm sao?
- Tao nhớ.
Tôi nói và tôi nhớ không ít lần ba tôi hầm hầm xô cửa xách gậy đi ra, mắng “Mày khùng hả Đàn? Sao mày không cho ai ngủ hết vậy?”, lúc đó chú Đàn mới co giò bỏ chạy.
Tường nói như một kẻ sành sỏi:
- Chú Đàn tỏ tình với chị Vinh đó.
Tôi nhún vai:
- Mày là nhóc con mà biết gì!
- Chính chú Đàn nói với em mà.
- Tỏ tình bằng tiếng kèn à?
- Ờ.
Nếu chú Đàn nói với nó thì đúng rồi! Tôi là thinh một lát, lại thắc mắc:
- Sao cả tháng nay tao không thấy chú Đàn thổi kèn dưới gốc phượng nữa hở mày?
Hóa ra thằng Tường cũng từng thắc mắc y hệt tôi. Nó chép miệng: - Em đã hỏi chú Đàn rồi.
- Chú bảo sao?
Tường cười khúc khích:
- Chú bảo chị Vinh đã mê chú, chú không cần phải khản cổ “gặm bắp nướng” hằng đêm nữa.
Chương 12: Chim Xanh
Chị Vinh mê chú Đàn không chỉ nhờ tiếng kèn.
Chị mê chú còn vì những bức thư tình nồng nàn của chú.
Lại cũng Tường kể với tôi. Thằng này có cái tật lớn là không bao giờ kể chuyện một lèo. Chuyện gì cũng vậy, nó cứ hôm nay he hé một chút, hôm sau he hé một chút khác. Có nhiều chuyện, khi tôi nghe được phần sau thì đã quên béng mất phần đầu.
Người đưa thư cho chú Đàn dĩ nhiên là thằng Tường.
Tôi không hiểu tại sao chú Đàn lại không nhờ tôi. Tôi ghen tị nghĩ, nhưng rồi tôi tự giải đáp được ngay. Ba chị Vinh là thầy Nhãn, là thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi, chú Đàn không nhờ tôi có lẽ sợ tôi khiếp vía thầy sẽ làm hỏng việc.
Khi nghe Tường kể, tôi công nhận chú Đàn tính toán hay thật.
Chú Đàn viết thư bỏ vào phong bì rồi lật áo thằng Tường lên, nhét phong thư ngang lưng quần, giấu sau vạt áo.
Buổi trưa, Tường chạy qua nhà chị Vinh, réo inh ỏi:
- Chị Vinh ơi, chị Vinh!
Chị Vinh bước ra:
- Có chuyện gì thế em?
Chú Đàn bày cho Tường cả chục câu trả lời:
- Chị cho mẹ em xin quả ớt.
- Chị cho mẹ em xin quả chanh.
- Chị cho mẹ em mượn chai xì dầu.
- …
Tùy theo câu trả lời của Tường mà chị Vinh đưa cho nó một quả chanh, một quả ớt hay một chai xì dầu, tay kia lật áo thằng nhóc rút phong thư rồi lật đật giấu vào vạt áo của chị.
- Thế mày qua nhà mà thầy Nhãn không hay biết à? - Tôi thắc mắc. - Biết chứ.
Tôi cắn môi:
- Thế thầy không hỏi gì sao?
- Có. Thỉnh thoảng thầy hỏi “Con đi đâu đó Tường?”. Có hôm thầy hỏi “Con tìm chị Vinh làm gì vậy con?”.
Tôi rụt cổ:
- Nếu tao là mày chắc tao tè ra quần rồi.
- Thầy chỉ ngồi trong nhà hỏi vọng ra thôi.
- Ngồi trong nhà hay ngồi đâu cũng vậy. - Lần này tôi vừa rụt cổ vừa rùng mình - Hễ nghe giọng thầy cất lên là tao muốn xỉu rồi.
Tường cười khì khì:
- Anh nhát gan quá.
Bị chê, tôi nổi khùng:
- Mày ngu quá! Tại giáo viên chủ nhiệm của mày là cô Trang. Nếu mày học thầy Nhãn như tao thử coi mày có nhát gan không!
Chương 13: Chim Xanh Gặp Nạn
Chú Đàn coi việc chuyển thư của người con trai đến người con gái là “làm chim xanh”.
Chú khen Tường “Con là con chim xanh giỏi nhất thế gian” làm thằng nhóc sướng rơn.
Nhưng con chim xanh giỏi nhất thế gian đó cũng có ngày gặp nạn.
Chuyện Tường gặp nạn, cả tuần lễ sau nó mới bẽn lẽn kể cho tôi nghe. Tôi đã nói rồi, thằng này chẳng có chuyện gì nó chịu kể dứt một lần.
Hôm đó, như mọi lần Tường nhét lá thư của chú Đàn vào lưng quần rồi vù qua nhà thầy Nhãn.
- Chị Vinh ơi, chị Vinh!
Tường đứng ngoài sân, kêu lớn. Nhưng lần này nó không thấy chị Vinh đâu.
Người từ trong nhà đi ra là thầy Nhãn.
Nhìn bộ mặt khó đăm đăm của thầy, lúc đó Tường mới biết thế nào là sợ hãi. Nó hoàn toàn bất ngờ, ruột gan như trôi tuột đi đâu mất. Nó chợt nhớ đến con rồng hai đầu canh giữ vườn táo vàng trong câu chuyện nó vừa đọc và nhìn lom lom vào cổ áo thầy, hồi hộp chờ một chiếc đầu thứ hai mọc ra từ chỗ đó.
- Con tìm chị Vinh làm gì vậy con?
Thầy Nhãn lại gần và cất tiếng hỏi, giọng lạnh tanh.
Tường lấm lét liếc xuống vạt áo rồi ngước nhìn thầy:
- Dạ, con hỏi xin cho mẹ con quả chanh.
Ánh mắt thằng Tường đã tố cáo nó. Thằng Tường nói với tôi như vậy. Bàn tay thầy Nhãn lần theo tia nhìn của nó, mò vào dưới vạt áo.
Thầy rút lá thư ra khỏi lưng quần Tường rồi quay gót trở vào nhà, không nói một tiếng nào.
Mặt xanh như tàu lá, Tường đứng trơ giữa sân nắng có đến vài phút, tay chân cứng đờ, chỉ muốn khuỵu xuống.
Đến khi có thể nhúc nhích được, nó bất chợt òa ra khóc.
Tường chạy về nhà, vẫn không ngừng nức nở cho đến khi chú Đàn đang chờ sẵn ở bụi chuối sau hè dang tay ôm lấy nó.
- Nín đi con. Có chuyện gì thế?
Nghe chú Đàn hỏi, Tường càng khóc to hơn. Câu hỏi giống như mũi dao khoét vào vết thương lòng của nó, nếu có thể xem tai nạn của nó xứng đáng để gọi là “vết thương lòng”. Và thế là nó khóc tức tưởi, khóc tồ tồ như vòi nước bị hỏng khóa.
Chú Đàn vén áo nó lên, không thấy lá thư đâu, ngẫm nghĩ một lát rồi khẽ giọng hỏi:
- Con không gặp chị Vinh hở?
- Dạ… không… - Tường đáp qua tiếng khóc.
Chú Đàn thở ra:
- Con đừng khóc nữa.
Tường vẫn tiếp tục khóc, có thể nó cũng muốn ngưng lại nhưng không được. Con người ta khóc cũng giống như trời mưa. Chỉ khi nào hết nước thì trời mới thôi mưa và chúng ta mới thôi khóc.
Thằng Tường cũng vậy thôi. Nó khóc, khóc hoài. Nhưng dần dần tiếng khóc yếu đi, một hồi sau chuyển qua thút thít. Rồi tạnh hẳn.
Lúc đó nó mới rảnh rỗi để lắp bắp:
- Thầy Nhãn…
Chú Đàn xoa đầu nó:
- Chú biết rồi. Con không cần kể nữa.
Rồi chú đứng lên:
- Để chú xé giấy xếp cho con chiếc máy bay.
Chiếc máy bay giấy của chú Đàn khiến mặt thằng Tường nở ra. Nó phóng máy bay lượn vòng vèo trong vườn và quên rất nhanh những giọt nước mắt vừa tắm ướt hai gò má nó.
Tôi tặc lưỡi, khi Tường kể xong:
- Mày ngu quá. Không phải đợi đến khi nhìn ánh mắt của mày thầy Nhãn mới biết mày lận thư dưới vạt áo đâu.
Tường ngơ ngác:
- Thầy biết từ trước hở anh?
Tôi đá vào chân nó, giọng hiểu biết:
- Tao nghĩ thầy biết lâu rồi. Chả ai lại xin ớt, xin chanh, xin xì dầu hoài như thế. Có họa là hâm!
Chương 14: Gió Mưa Là Bệnh Của Trời Một hôm, tôi tò mò hỏi thằng Tường:
- Mày có nhớ mày đưa thư giùm chú Đàn bao nhiêu lần rồi không? Tường véo môi, ngập ngừng:
- Mười mấy lần.
- Nhiều thế cơ à?
- Dạ.
Tôi nheo mắt:
- Thế có lần nào mày lén mở thư ra xem chú Đàn viết gì trong đó không?
- Có một lần. - Tường ngượng ngập đáp, mặt ửng lên như đột ngột tráng một lớp ráng chiều.
Tôi xích lại gần nó hơn:
- Chú Đàn viết gì trong đó vậy?
- Hình như là một bài thơ.
- Thơ à?
- Vâng.
- Thơ gì vậy?
- Em không biết.
- Thế mày có nhớ được câu nào không?
- Em nhớ được hai câu.
- Mày đọc tao nghe coi.
Tường đọc:
- Gió mưa là bệnh của trời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Tôi không biết đó là thơ Nguyễn Bính. Tôi chỉ thấy hai câu thơ hay hay, ngồ ngộ. Và tôi nhẩm hoài trong miệng để khỏi quên.
Suốt mấy ngày tôi chẳng biết làm gì với hai câu thơ đó, cho đến khi tôi chợt nhớ tới con Xin ngồi cạnh tôi trên lớp.
Xin là con bé xinh xắn, mặc dù hai gò má nó trổ đầy tàn nhang. Tôi, nó và thằng Sơn con ông Ba Huấn ngồi chung một bàn. Tôi ngồi chính giữa, nó ngồi bên phải, thằng Sơn ngồi bên trái.
Hằng ngày tôi và thằng Sơn vẫn hay trêu nó. Đang ngồi học, tôi thình lình quay sang nó:
- Ăn không, Xin?
- Ăn gì?
- Ăn xin chứ ăn gì!
Một lát đến thằng Sơn:
- Ôi, đói bụng quá! Ăn không, Xin?
- Ăn gì?
- Ăn xin!
Bị trêu “ăn xin”, lần nào con Xin cũng thút thít khóc. Nó giận dỗi ngoảnh mặt đi chỗ khác, không thèm trò chuyện với bọn tôi.
Nhưng tính nó mau quên. Qua ngày hôm sau nó lại mắc lỡm hai đứa tôi một cách dễ dàng. Nghe tôi hỏi “Ăn không, Xin?” nó lại láu táu “Ăn gì?”. Để rồi sau đó rơm rớm nước mắt cả buổi. Cả ngàn lần như vậy.
Có nghĩa cả ngàn lần tôi thấy nó khóc.
Tới lần thứ một ngàn lẻ một, tôi đột ngột hiểu ra tôi hay chọc con Xin khóc vì tôi thích mê tơi vẻ ngúng nguẩy hờn giận của nó. Nhiều đứa con gái lúc bình thường trông chẳng có gì đặc biệt nhưng không hiểu sao khi giận dỗi nom chúng đáng yêu quá chừng.
Chương 15: Đồ Tham Lam
Tôi quyết định gửi hai câu thơ “hay hay, ngồ ngộ” kia cho con Xin.
Tôi chẳng hiểu tại sao tôi làm vậy, nhưng tôi biết là tôi không đừng được.
Có lẽ tôi muốn bắt chước chú Đàn.
Trong tâm hồn non nớt của tôi, nếu tôi là chú Đàn thì chị Vinh dứt khoát phải là con Xin.
Tôi xé tập, nắn nót viết hai câu thơ lên tờ giấy trắng rồi gấp làm tư bỏ vào phong bì.
Nhưng tôi không giúi lá thư vào tay con Xin, mặc dù điều đó thực là dễ dàng. Tôi muốn nhất nhất đều giống chú Đàn.
Giờ ra chơi tôi kéo thằng Sơn ra sau hè, móc túi lấy lá thư ra đưa cho nó:
- Lát vô học mày đưa thư này cho con Xin giùm tao! - Thư gì vậy? Mày không tự đưa được à?
- Không được. - Tôi nói, giọng trải đời - Những lá thư như thế này người ta phải nhờ tới “chim xanh”.
- Chim xanh á? - Thằng Sơn ngẩn tò te - Chim xanh là gì? Tôi gãi đầu:
- Chim xanh tức là… người đưa thư đặc biệt.
Tôi vỗ vai Sơn, bằng động tác đó tôi hy vọng có thể dập tắt những câu hỏi tiếp theo chắc là rất oái oăm của nó:
- Mày là chim xanh của tao.
Sợ nó từ chối, tôi hắng giọng tâng bốc:
- Chim xanh oai lắm! Không phải ai cũng làm chim xanh được đâu. Phải là người giỏi giang lắm mới làm được.
- Nhảm nhí!
Thằng Sơn phun nước bọt qua kẽ răng, nhưng nó không từ chối. Nó giương cặp mắt ti hí nhìn tôi, giọng rặt mùi hám lợi:
- Thế làm chim xanh thì tao được gì?
- Được gì hả? - Tôi ấp úng hỏi lại, hoàn toàn không chờ đợi một thắc mắc như vậy.
- Ừ. - Thằng Sơn thẳng toẹt - Đưa thư giùm mày tao phải được trả công gì chứ?
Tôi thò tay vào túi quần mò mẫm, bụng tiếc hùi hụi sao trước đây con ma treo cổ trong nhà thằng Sơn không bắt hồn nó quách cho rồi.
Tôi khoắng tay trong túi một hồi, lôi ra một vốc bi ve đủ màu.
Học trò thôn quê chẳng có lắm trò chơi như học trò thành phố, lớn tồng ngồng rồi vẫn quanh quẩn với trò chơi bi, chơi đáo và các trò con nít khác.
- Mày xem đi! - Tôi chìa nắm bi trước mặt nó - Mày được quyền lấy viên bi nào mày thích.
Sơn trợn mắt nghiêng ngó, lấy tay khều khều từng viên bi rồi liếm mép:
- Viên nào tao cũng thích hết.
- Là sao? - Tôi tròn xoe mắt.
- Tao lấy hết chỗ này. - Sơn nhăn nhở.
- Tao đập mày nghe, Sơn! - Tôi phồng mang, mặt đỏ bừng - Cả tuần nay tao mới đánh thắng được chừng này. Mày lấy hết tao lấy gì tao chơi.
- Mày không đồng ý thì thôi. - Sơn vừa nói vừa quay mình bỏ đi - Tự mày đưa thư cho con Xin đi.
Tôi thấp thỏm nhìn theo con “chim xanh”, lòng bỗng chốc rối bời.
Một chuyện như thế này mà không có “chim xanh” là hỏng bét, tệ nhất là tôi không thể giống chú Đàn được.
Cuối cùng, tôi hét lớn:
- Tao đồng ý!
Tôi tiếc nuối trút hết số bi trên tay vào tay thằng Sơn, giọng chán ghét:
- Đồ tham lam!
Chương 16: Đồ Lăng Nhăng
Ra chơi vô, thằng Sơn có thêm một lá thư trong túi áo và một vốc bi trong túi quần, người nó tăng lên vài gam.
Nhưng nó đi rất nhanh.
Nói đúng ra nó đi nhanh là do tôi cố tình đi chậm.
Bàn ba đứa, con Xin ngồi sát tường, rồi tới tôi, rồi mới tới thằng Sơn. Nếu len vào chỗ theo thứ tự lâu nay, tôi sẽ ngáng đường thằng Sơn.
Đó là lý do tôi đi tụt lại phía sau, mắt bám chặt con “chim xanh” từng giây một.
Tôi tưởng thằng Sơn sẽ lúng túng ghê lắm, nào ngờ nó “làm nhiệm vụ” nhanh nhoay nhoáy. Nó rút lá thư trong túi áo ra, ném xoẹt ngay trước mặt con Xin, hất hàm, giọng cụt ngủn:
- Của mày nè, Xin!
- Thư gì vậy? - Con Xin rụt rè nhìn lá thư.
- Thằng Thiều gửi cho mày đó.
Nói xong, thằng Sơn lật đật lui ra, nhường lối cho tôi vô. So với nỗi vất vả của Tường khi đưa thư giúp chú Đàn, công sức thằng Sơn bỏ ra trong chuyện của tôi bé như hạt cát. Thái độ của nó lại lấc ca lấc cấc trông chả ra làm sao. Việc một đứa con trai lần đầu gửi thư cho một đứa con gái ý nghĩa trọng đại là thế mà cử chỉ của nó ngang phè phè, lời ăn tiếng nói thì cứ như dấm vào tai người nghe.
Nhưng tôi không có thì giờ để tiếc mấy viên bi ve.
Tôi len lén ngồi vào chỗ, không dám nhìn con Xin. Nhưng qua khóe mắt tôi vẫn hồi hộp theo dõi nó và gần như nín thở khi thấy nó sè sẹ mở phong bì rút lá thư ra đọc.
Tất nhiên tôi hoàn toàn không biết được con Xin sẽ làm gì sau khi đọc hai câu thơ tôi viết cho nó. Tôi còn quá bé để có thể hình dung những bước đi của một câu chuyện tình, nếu lá thư của tôi có thể mở ra một chuyện tình bé con.
Tôi chỉ bắt chước chú Đàn. Và chỉ bắt chước nửa vời.
Tôi copy bài tạp tình yêu của chú, nhưng chỉ copy được phần nhập đề. Phần thân bài và phần kết luận bị chú lấy tay che mất. Do đó, tôi không đoán được những diễn biến tiếp theo. Tôi vẩn vơ nghĩ: Chắc là con Xin sẽ viết cái gì đó trong mẩu giấy và gửi lại cho tôi?
Tôi nghĩ và nghĩ, véo môi và véo môi. Tôi phỏng đoán con Xin sẽ làm thế này hoặc làm thế kia. Tôi mường tượng đến cả hậu quả tệ hại nhất: con Xin sẽ vò lá thư thành một quả cầu giấy và ném vào mặt tôi.
Tôi nhấp nhổm trên băng ghế, tưởng tượng lan man đủ thứ. Trừ một thứ tôi không tưởng tượng nổi: Con Xin không chửi tôi, cũng không ném trả lá thư vào mặt tôi, nó cầm lá thư bước ra khỏi chỗ và đi thẳng lên bàn thầy. Xui một nỗi, lúc đó lớp tôi đang học giờ văn của thầy Nhãn cộc tính.
Kết quả đến nhãn tiền: Thầy Nhãn kêu tôi lên bảng và trước những cặp mắt tò mò của lũ bạn, thầy bẹo tai tôi đau điếng, gần như xách hẳn người tôi lên khiến tôi suýt rớt cả tai, răng nghiến ken két:
- Yêu với chẳng đương! Làm tập làm văn chính tả còn viết sai be sai bét mà bày đặt lăng nhăng!
Chương 17: Em Ơi Nếu Mộng Không Thành Thì Sao?
Sau tai nạn đó, tôi giận con Xin cả tháng trời.
Vô lớp tôi không nhìn mặt nó, nói chuyện lại càng không. Ngồi chép bài, nó vô tình chạm khuỷu tay tôi, tôi lập tức hất tay nó ra một cách lạnh lùng, thô bạo.
Tôi cũng không đến nhà nó chơi nữa, dù nhà nó có cái sân phơi thóc lớn gần bằng cái sân gạch nhà chị Vinh. Đó là một trong hai sân chơi của bọn trẻ con trong làng. Những đêm trăng sáng, nếu
không qua nhà chị Vinh, tôi và lũ bạn lại tụ tập ở sân nhà con Xin chơi u, chơi bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ, chơi thả đỉa ba ba… đến khuya lơ khuya lắc, lần nào cũng đợi ba mẹ xách roi đi tìm, tụi tôi mới co giò chạy tứ tán và men theo các bờ giậu chuồn về nhà.
Con Xin biết tôi giận nó, nó buồn lắm.
Thỉnh thoảng liếc qua bên tay phải, tôi hả hê thấy mặt nó như sắp khóc, những nốt tàn nhang lấm tấm trên gò má nó như đang run lên.
Đôi lúc nhìn vẻ thẩn thờ của nó, lòng tôi không nén được cảm giác nao nao nhưng tôi nhất quyết không chịu làm hòa.
Lúc tôi vác bộ mặt đẫm nước mắt quay về chỗ ngồi sau khi bị thầy Nhãn trừng phạt, con Xin đã lo lắng quay sang tôi, giọng ngập tràn hối hận:
- Mình xin lỗi bạn nhé. Mình không ngờ thầy Nhãn lại phạt bạn.
- Xin lỗi cái đầu mày! - Tôi điên tiết - Mày nghĩ sao mà đem lá thư của tao nộp cho thầy vậy hả?
- Mình có nghĩ gì đâu. Mình tưởng bạn chọc phá mình nên mình méc với thầy thôi.
- Mày đui hả? - Tôi càng cáu - Tao chọc phá mày hồi nào?
Con Xin sợ xanh mặt, chắc nó thấy quai hàm tôi bạnh ra như sẵn sàng nhai xương nó. Nó cụp mắt xuống, ấp úng:
- Thế bạn gửi lá thư đó cho mình làm gì?
Tới đây thì tôi tắc tị. Tôi không biết phải giải thích với nó như thế nào. Tôi đoan chắc chị Vinh không bao giờ hỏi chú Đàn một câu ngu ngốc như thế.
- Mày đúng là đồ con nít! - Cuối cùng, tôi thở hắt ra, giận dỗi tuyên bố - Tao không chơi với mày nữa!
Đúng ra thì tôi không giận con Xin lâu như thế. Tôi biết nó không cố tình hãm hại tôi. Nhưng những lời chọc ghẹo của lũ bạn trong lớp khiến tôi không thể ép mình làm hòa với con Xin được.
Gặp tôi ở đâu là những cái mồm độc địa lại nghêu ngao: “Bà già lấy le ông già / Chiều chiều dắt ra bờ sông…”.
Ngay cả thằng Sơn cũng ra rả khoét vào vết thương lòng của tôi: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao / Mu chai thuốc chuột uống vô cho rồi đời”.
Suốt một thời gian dài như vậy.
Chương 18: Thầy Nhãn
Tôi chỉ hết giận con Xin từ ngày thầy Nhãn xách con roi mây đi lùng sục chú Đàn và chị Vinh.
Thầy đi lòng vòng ngoài hè nhà tôi, miệng sang sảng: - Thằng Đàn đâu, ra đây tao bảo!
Lúc đó là buổi tối, tôi và thằng Tường đang ngồi chồm hổm dưới nền nhà.
Cả hai đang ngóc đầu nhìn vô gầm giường gọi con Cu Cậu ra ăn cơm vãi thì giọng thầy Nhãn bất thần dội vào tai rào rào như vãi đạn.
Ăn cơm xong, mẹ tôi qua nhà bà tôi để bàn chuyện chuẩn bị đám giỗ ông nội tôi nên chỉ có hai anh em tôi ở nhà.
Bụng thắt lại, hai đứa tôi sợ hãi ngó nhau.
- Mày biết chú Đàn ở đâu không? - Tôi thì thầm.
Tường lo lắng không kém gì tôi. Giọng nó bẹt đi như phát ra từ một cái loa bị hỏng:
- Giờ này chắc chú Đàn và chị Vinh đang ngồi ngoài bờ mương.
Cái mương Tường nói nằm ngay sau nhà thầy Nhãn, kế ruộng lúa. Tôi và nó thỉnh thoảng vẫn qua đó câu cá và soi bờ chắn giữa các đám ruộng để đặt lờ.
Tôi nói, và nghe ruột gan đang tan ra:
- Ngồi chơi ngoài đó, thầy Nhãn bắt gặp thì chết!
- Anh đừng lo! - Tường trấn an tôi bằng giọng run run - Thầy Nhãn làm ầm thế này, chú Đàn và chị Vinh đã kịp bỏ chạy rồi.
- Thằng Đàn nấp đâu? - Tiếng thầy Nhãn lại vang lên lồng lộng ngoài sân - Tao mà tóm được thì mày chết với tao!
Tôi rúm người lại, tâm trạng lúc đó chẳng khác nào một anh lính nhút nhát đang bị bao vây. Đã thế, súng hết đạn, dao găm lại rơi đâu mất trong khi quân địch loa kèn ầm ĩ, sắp sửa tấn công.
Quân địch tấn công thật. Hò hét một hồi không thấy động tĩnh gì, thầy Nhãn ập vào nhà như một cơn bão. Giọng thầy ầm ầm, có cảm giác mái nhà rung rinh sắp sập xuống:
- Mày dắt con Vinh trốn đâu rồi hả Đàn?
Thầy đứng giữa nhà, giận dữ quét mắt sang phải sang trái, tôi thấy rõ gò má thầy giần giật, và nếu lúc đó người thầy đột ngột bốc khói tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.
Bắt gặp tôi và Tường đang ngồi thu lu dưới đất, thầy gằn giọng:
- Hai đứa bây ngồi đây làm gì? Có đứa nào thấy thằng Đàn đâu không?
Tôi nuốt nước bọt, cố tỏ ra ngoan ngoãn:
- Thưa thầy, con không biết ạ.
- Hừm, không biết!
Gầm gừ một câu, nhác thấy thằng Tường thầy sực nhớ ra tội đồng lõa của thằng này, liền cáu tiết vung roi vụt lên lưng nó:
- “Chim xanh” nè!
Thầy ra tay nhanh và mạnh đến mức Tường không kịp né. Tôi nghe một tiếng “bộp” và thấy thằng Tường giật nảy một cái, nó không kêu lên tiếng nào nhưng trông bộ tịch biết là đau lắm.
Đang điếng người, tôi chợt thấy thầy lia mắt sang tôi. Trong ánh đèn, tôi vẫn kịp thấy mắt thầy vằn những gân đỏ. Nhờ vậy tôi kịp vọt mình ra cửa trước khi ngọn roi của thầy quất xuống kèm theo tràng mắng mỏ:
- Còn thằng này nữa! “Gió mưa là bệnh của trời” nè!
Sau lần đó, tôi hiểu ra hôm trước thầy Nhãn bẹo tay tôi đau điếng không phải vì thầy ghét bỏ gì tôi mà vì thầy đang tức chú Đàn.
Chắc thầy đã đọc được hai câu thơ Nguyễn Bính trong lá thư chú Đàn gửi cho chị Vinh. Hành động của con Xin chỉ vô tình kích nổ quả bóng giận dữ trong lòng thầy thôi.
Chương 19: Thầy Nhãn Đánh Chú Đàn
Tôi nhớ hồi tôi tám tuổi, có một lão thầy bói ghé vào nhà tôi xin nước uống.
Áo quần bạc phếch, dáng người gầy gò khắc khổ, râu cằm ngắn và thưa, mặt mày xám xịt như suốt đời chỉ xực củ cải muối, lão ngồi tréo chân trên ghế uống từng ngụm nước trong chiếc ca nhựa vừa đưa mắt ngắm nghía hai anh em tôi.
Ca nước đó tôi chỉ uống vài tợp là hết, nhưng lão ngồi uống tì tì cả buổi. Trong khi uống, lão chẳng hé môi tiếng nào.
Nhưng trước khi đi, lão chỉ tay vào tôi, gật gù nói với mẹ tôi: - Thằng bé này cẩn thận kẻo sau này chết đuối!
Tôi nghe lão phán, chẳng có cảm xúc gì nhưng mẹ tôi mặt xanh như tàu lá. Trán mẹ tôi chỉ giãn ra khi lão nói thêm:
- Qua mười tám tuổi, nếu không chết sông chết suối thì nó sẽ sống rất thọ.
Lão quay sang thằng Tường, ngoẹo cổ nhìn:
- Còn thằng bé này đẹp quá, nên bị con tạo ganh ghét. Số nó vất vả, nhưng có quý nhân phò trợ. Bà đừng lo, đời nó gặp nhiều tai nạn nhưng rốt cuộc đều vượt qua được hết.
Tôi chẳng biết những gì lão thầy bói phán chính xác được bao nhiêu phần trăm. Nhưng riêng chuyện thằng Tường gặp nhiều tai nạn thì bây giờ nhớ lại, tôi công nhận là lão nói đúng.
Thằng Tường hết bị ba tôi vụt gậy vô người đến bị tôi ném đá vỡ đầu, bây giờ lại bị thầy Nhãn nổi cộc quất roi lên lưng, toàn tai bay vạ gió.
Tôi nghịch ngợm hơn nó, quậy phá hơn nó, lại chuyên bày trò, nhưng nhờ nhanh chân nên hầu như trận đòn nào tôi cũng thoát.
Bữa đó tôi nấp ngoài hè một lúc lâu, đợi thầy Nhãn ra về mới rón rén chui vô.
Thằng Tường vẫn ngồi dưới đất. Nó và con Cu Cậu đang đối diện nhau. Con cóc mải đớp mồi còn nó mải khóc.
Nhìn nó thút thít, tôi cầm lòng không đậu. Tôi ngồi xuống bên cạnh, ôm vai nó, dỗ:
- Nín đi, em!
Xưa nay tôi vẫn gọi Tường bằng “mày”. Tự nhiên nghe tôi gọi nó bằng tiếng “em” ngọt lịm, Tường mủi lòng lại càng nức nở.
Tôi rờ tay lên lưng nó, nhẹ nhàng và thận trọng như chạm vào thứ gì dễ vỡ:
- Đau lắm hả em?
- Bớt đau rồi, anh Hai. - Tường sụt sịt.
- Thế sao em khóc hoài vậy?
- Ai biểu thầy Nhãn vô cớ đánh em. - Tường ngước gương mặt nhòe nhoẹt lên nhìn tôi, nó chùi nước mắt bằng cả hai tay, ấm ức đáp - Khi bắt quả tang em đem thư cho chị Vinh, sao lúc đó thầy Nhãn không đánh em, bây giờ lại đánh?
Tôi thờ dài:
- Không phải thầy Nhãn đánh em đâu. Thầy đánh chú Đàn đó.
Chương 20: Mùa Bắt Ve Sầu Chưa Tới
Thầy Nhãn đánh chú Đàn nhưng chú Đàn chẳng hề hấn gì. Trong khi đó lưng thằng Tường bầm tím.
Sáng hôm sau tôi vén áo nó lên xem, thấy vết bầm đã nhạt đi nhưng vẫn còn con lươn xanh mờ vắt ngang lưng nó.
- Tường nè. - Giọng tôi chùng xuống.
- Gì hở anh?
- Sắp đến mùa hè rồi đó.
- Dạ.
- Khi nào mùa hè tới, lũ ve sầu trở lại, tao sẽ dẫn mày đi rình bắt ve ve.
- Ôi, thích quá! Bắt bằng mủ mít hả anh?
- Ờ, bằng mủ mít. Tao sẽ vót hai cái que thật dài. Mày một cái, tao một cái. Rồi mình bôi mủ mít lên đầu que.
- Em biết rồi. Như năm ngoái chứ gì!
Năm ngoái hai anh em tôi trưa nào cũng dọ dẫm ven bờ rào rình bắt ve ve dưới cái nắng chói chang. Nắng mùa hè rơi xuống từng bưng, hong vàng lá gòn nhà ông Ba Huấn, lá nhãn lồng nhà thầy Nhãn, lá vú sữa trong vườn nhà bà tôi và hong vàng tóc hai anh em tôi.
Chiều nào đi bắt ve về, mặt mày tôi và Tường cũng đỏ lơ đỏ lưỡng, đầu tóc xác xơ và đỏ quạch như hai cây chổi rơm. Mẹ tôi la một trận, dọa méc ba khiến tôi và Tường sợ xanh mặt nhưng qua hôm sau hai anh em lại trốn ngủ trưa lẻn ra sau hè cầm que đi rảo dọc
các bờ rào để ngóng tìm lũ ve đang đồng ca râm ran trên các tàng cây.
Nhưng mùa hè năm nay không hoàn toàn giống hệt mùa hè năm ngoái. Năm ngoái, và những năm trước nữa, người vót que luôn luôn là thằng Tường.
“Anh Hai học bài đi, để em làm cho!”, thằng Tường luôn nói thế khi vung vẩy cây rựa trên tay. Những lúc như vậy tôi sung sướng để mặc nó lo liệu mặc dù thi học kỳ hai xong, tôi chẳng còn bài gì để học, chỉ mải chơi.
Nhưng mùa hè năm nay, tôi sẽ giành phần vót que. Tôi muốn bù đắp cho nó. Thầy bói đã nói rồi, số nó vất vả, gặp nhiều tai nạn. Tôi muốn gánh cho em tôi một phần vất vả, và trong những chuyện vất vả thì chuyện ít vất vả nhất là vót que đi rình bắt ve sầu.
Nhưng cây phượng trước sân nhà chị Vinh chưa trổ hoa, mùa hè còn lâu mới đến. Tôi tặc lưỡi nhìn Tường:
- Bây giờ tao sẽ đi tìm cỏ gà giùm mày.
- Chơi đá gà hở anh?
- Ừ.
- Em biết chỗ nè. - Tường reo lên - Để em dẫn anh đi.
Nói xong, Tường nắm tay tôi kéo ra khỏi nhà, lần về phía giếng đá sau vườn.
Tôi lẽo đẽo đi theo nó, lòng buồn thỉu buồn thiu. Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần tôi động lòng định giúp Tường điều gì thì y như rằng người được giúp cuối cùng lại là tôi. Hoài hoài như vậy.
Chương 21: Chuồn Chuồn Cắn Rốn
Những vạt đất quanh giếng đá lúc nào cũng ẩm ướt nên cỏ dại quanh năm tốt tươi. Cỏ lá gừng, cỏ xuyến chi mọc lẫn với rau dền, rau sam, thỉnh thoảng chen vào một cây hoa mào gà đỏ tía.
Cỏ mọc dày, lan cả lên thềm giếng.
Phía xa xa là vạt rau muống, lá sum xuê và xanh ngăn ngắt. Cỏ gà mọc lên chỗ tiếp giáp giữa cỏ và rau. Tôi không biết từ khi nào thằng Tường phát hiện ra chỗ đó. Mọi lần tôi vẫn hái cỏ gà ở chân rào.
Trong khi tôi loay hoay lựa những cọng cỏ gà thật dai thật khỏe, chốc lát đã hái được cả nắm, thằng Tường dường như chưa hái được cọng nào.
Tôi thấy nó ngồi lom khom một chỗ, săm soi cái gì đó trong tay. - Mày ngồi làm gì đó, sao không hái cỏ gà đi, Tường?
- Anh xem này! - Tường xoay người về phía tôi, chìa tay ra, vẫn ngồi chồm hổm trên hai chân.
Tôi nhìn gương mặt rạng ngời của nó, liếm môi hỏi:
- Dế lửa hả mày?
- Không.
Tôi lại gần, cúi xuống nhìn, thấy con sâu cuốn chiếu đang nằm co trong lòng bàn tay Tường.
- Ghê quá! - Tôi nhăn mặt - Mày chơi sâu à?
- Sâu cuốn chiếu mà, anh Hai. Nó hiền khô à.
Tôi phun nước bọt phèo phèo:
- Cuốn chiếu cũng là sâu. Mày chơi dơ quá, tao không chơi với mày nữa.
Nó xong, tôi cầm mớ cỏ gà quay vào nhà, mặc Tường mải mê lấy ngón tay khều khều con cuốn chiếu để thích thú ngắm nó sợ hãi cuộn tròn người lại.
Trẻ con thôn quê là bạn của các con vật. Con trâu, con bò, con chó, con mèo, các loại chim chóc và các loại côn trùng. Tôi cũng thế. Tôi có những hộp diêm và những hộp các-tông dùng để nhốt dế, cánh quýt, ve sầu và bọ rầy. Nhưng tôi khác thằng Tường.
Tường hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm, hiện nay lại đang nuôi một con cóc dưới gầm giường.
Cái cách thằng Tường thân thiện với mọi con vật khiến đôi lúc tôi có cảm giác nó hơi khùng khùng. Chỉ với một cái que trên tay, nó có thể say sưa đùa giỡn hàng giờ với một con sâu róm ngo ngoe trên thân gỗ mục. Nó bênh vực, mỗi khi tôi bĩu môi vào đám bạn của nó: “Anh không biết đó thôi. Nhền nhện giăng tơ để mình có thứ cầm máu khi bị đứt tay. Còn chuồn chuồn cắn rốn giúp mình biết bơi”.
Về tơ nhện thì Tường nói đúng. Trước nay mỗi lần đứt tay chảy máu, tôi thường ngậm ngón tay trong miệng rồi ba chân bốn cẳng chạy vô nhà kho hoặc chái bếp để tìm mạng nhện. Tơ nhện quấn quanh vết đứt, máu ngưng chảy liền, chẳng rõ vì sao. Một thời gian dài, đó là thuốc tiên của tuổi thơ lắm trầy xước của bọn tôi.
Nhưng tôi chẳng tin chuyện chuồn chuồn cắn rốn tẹo nào. Tôi nheo mắt nhìn Tường:
- Mày ngốc quá. Chuồn chuồn cắn rốn mà biết bơi á? - Dạ.
- Ai bảo mày vậy?
- Chú Đàn bảo.
- Chú Đàn bảo à. - Tôi hạ giọng, ngập ngừng - Mày nói thật không đấy? Để tao chạy đi tìm chú Đàn tao hỏi.
- Thật mà.
Tường nói, và nó chạy vụt ra sau vườn.
Lát sau, nó chạy vô với con chuồn chuồn ớt trên tay.
- Anh vén áo lên đi! - Tường nhìn lom lom vô bụng tôi, hào hứng giục.
- Thôi. - Tôi bước lui một bước - Mày phanh rốn cho nó cắn trước đi! Tường vạch áo, đặt con chuồn chuồn vào giữa rốn.
Tôi chống tay lên hai đầu gối, ngoẹo đầu nhìn. Tôi thấy con chuồn chuồn đột ngột vểnh đôi cánh mỏng, đuôi cong vòng, chưa kịp nhìn kỹ đã nghe thằng Tường hét lên bài hãi, tay hấp tấp kéo con chuồn chuồn ra xa
- Sao thế? - Tôi giật bắn - Đau lắm à?
Tường cười lỏn lẻn:
- Đau sơ sơ. Như kiến cắn thôi.
- Đau sơ sơ mà mày la muốn bể nhà như thế?
Tôi nhìn Tường nghi ngờ, thậm chí tôi thấy có vẻ nó đang ứa nước mắt vì đau.
Cho nên khi Tường chìa con chuồn chuồn cho tôi, nói “Tới lượt anh nè”, tôi đưa tay gạt phắt:
- Tao không chơi trò ngu ngốc này đâu!
- Ngu ngốc á?
- Chứ gì nữa! - Tôi nhún vai - Khi nào tao thấy mày bơi được, tao mới tin.
Chiều đó, hai anh em kéo nhau ra suối.
Tôi đứng trên bờ theo dõi, còn thằng Tường dọ dẫm khúc suối cạn, tìm chỗ nước ngập ngang ngực để tập bơi.
Kết quả buổi thực tập được đúc kết trong mẫu đối thoại buồn rầu sau đó giữa hai anh em:
- Bơi được không?
- Được.
- Chìm không?
- Chìm.
Chương 22: Ca Nô Một Tay
Tôi cười khì khì trên đường từ suối về nhà:
- Thấy chưa! Tao đã bảo đây là trò ngu ngốc mà.
Tường chống chế:
- Hay tại chuồn chuồn ớt không linh. Hôm nào em sẽ bắt một con chuồn chuồn ngô.
Nghe thằng Tường nói, tôi sởn cả gai ốc. Chuồn chuồn ngô to gấp hai, ba lần chuồn chuồn ớt, lại rất dữ tợn. Để chuồn chuồn ngô cắn rốn, thủng bụng như chơi.
- Mày đừng có chơi dại. - Tôi nạt Tường.
- Chú Đàn bảo thế mà.
Đúng là chú Đàn có bảo thế thật. Nhưng hôm sau chú Đàn bảo khác.
Tôi và Tường gặp chú, kể chú nghe chuyện thằng Tường tập bơi, chú xoa đầu thằng oắt, áy náy:
- Sao con khờ thế. Chú chỉ nói chơi thôi mà. Hồi bé chú từng cho chuồn chồn cắn rốn nhưng có bơi được đâu.
Hóa ra hồi bằng tuổi bọn tôi, chú Đàn cũng khờ như thằng Tường.
- Thế bây giờ chú đã biết bơi chưa? - Thằng Tường chớp mắt, ngẩn ngơ hỏi.
Chú Đàn trả lời bằng cách lôi hai anh em tôi ra suối. Trước cặp mắt kinh ngạc của tôi và Tường, chú cởi áo rồi lao mình xuống suối, thoáng mắt biến mất giữa làn nước xanh.
Chú lặn một mạch qua bờ bên kia, trồi đầu lên giữa bụi chuối nước nở hoa đỏ ối ven bờ, cười toe toét:
- Hay không?
Tường vỗ tay bôm bốp:
- Hay quá! Chú dạy tụi con bơi đi.
Chú Đàn bơi ngược trở lại. Tôi phục lăn khi thấy chú bơi nhanh như rái cá dù chỉ quạt nước bằng một tay.
Hôm đó, tôi và Tường thay nhau cưỡi lên tấm lưng trần trơn tuột của chú, thích thú và sợ hãi. Chú làm chiếc ca nô chở hai anh em tôi chạy qua chạy lại giữa hai bờ suối, cả chục lần như vậy.
Chú không dạy bọn tôi bơi, nhưng chỉ như vậy tôi và Tường đã sướng mê.
Chú bảo:
- Bữa nay tụi con chỉ đi ca nô thôi. Bữa sau chú sẽ tập tụi con bơi.
Trước khi rời con suối, chú còn hái lá dứa dại ven bờ quấn thành chiếc kèn đưa cho thằng Tường thổi toe toe dọc đường về. Ý là chú muốn đền bù cho thằng oắt về cái chuyện trót nghe lời chú mời chuồn chuồn xơi rốn của mình đau điếng đó mà.
Chương 23: Acmônica Buồn
Lúc chú Đàn tặng thằng Tường chiếc kèn lá dứa, chưa xảy ra chuyện thầy Nhãn hầm hầm cầm roi đi kiếm chú và chị Vinh.
Khi biết bữa đó thằng Tường vô cớ lãnh một roi đau thấu xương, mặt chú Đàn buồn thiu.
Chú lại xoa đầu thằng Tường:
- Tội con quá!
Giọng chú bùi ngùi, nghe như tiếng than.
Chú nói với Tường nhưng không nhìn nó, ánh mắt chú đong đầy phiền muộn và đang lang thang đâu đó ngoài rặng tre xa. Gương mặt chú hằng ngày vui tươi là thế, bỗng trở nên khắc khổ, những đường nét sinh động đột ngột cứng lại, như làm bằng gỗ.
Tôi ngồi bên cạnh, không dám nhìn chú, cũng không hé môi tiếng nào. Tường cũng thế, nó bắt chước chú Đàn mơ màng thả mắt ngoài xa xăm.
Một bầu không khí khắc khoải bao quanh ba chú cháu khiến ngực tôi nặng chình chịch.
Đột nhiên tiếng kèn acmônica cất lên.
- Hay quá! - Tiếng Tường reo khẽ - Chú thổi kèn cho tụi con nghe đi. Tôi hớn hở:
- Lâu quá không thấy chú thổi acmônica.
Nhưng nghe chú Đàn thổi kèn một hồi, lòng tôi lại xẹp ngay xuống. Tiếng kèn của chú bữa nay nghe buồn da diết, chẳng giống mọi
ngày.
Tiếng kèn nỉ non, như oán trách ai đó. Chắc chú Đàn đang nghĩ đến mối tình trắc trở với chị Vinh. Chị Vinh và chú yêu nhau, nhưng thầy Nhãn không muốn chị Vinh lấy chồng cụt tay.
Tôi bỗng buột miệng:
- Chú đừng thổi kèn nữa.
Tường cũng nói:
- Nghe buồn quá, chú ơi!
Chú Đàn nhét cây kèn vào túi áo:
- Ờ, chú không thổi nữa. Để chú kể chuyện ma cho các con nghe.
Lúc đó là buổi chiều. Chuyện ma nghe ban đêm mới thích. Nhưng tôi và Tường vẫn hào hứng:
- Đúng rồi đó. Chú kể chuyện thằng Sơn thức dậy thấy chiếc áo màu trắng biến thành màu hồng đi, chú!
Thế là chú Đàn lại quấn ống tay áo vào cánh tay cụt, một động tác quen thuộc trước khi chú tằng hắng hai ba tiếng để lấy giọng:
- Tụi con cũng biết rồi đó, nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng…
Chương 24: Cọp Thành Tinh
Một hôm tôi hỏi thằng Sơn:
- Nhà mày có con ma treo cổ, mày không sợ hả Sơn?
- Làm gì có con ma treo cổ nào! - Sơn nhún vai - Là do người ta đồn thôi.
Nó phun nước bọt, giở giọng mất dạy:
- Chỉ đứa nào ngu mới tin.
Tôi tức uất nhưng không biết làm gì, đành giương mắt ếch: - Thế do người ta phịa à?
- Dĩ nhiên rồi.
- Thế sao tao nghe nói con gái người chủ cũ lấy phải người chồng cờ bạc, khi người này đi tù, cô vợ buồn tình kiếm dây treo cổ?
Thằng Sơn nhìn tôi như nhìn một bắp cải thối, môi dài ra: - Cô vợ treo cổ hồi nào. Cô ta chết là do bệnh thương hàn.
- Thấy chưa! - Tôi gần như reo lên, giọng đắc thắng - Hễ có người chết là có ma. Thế mà mày còn chối. Lại dám bảo tao ngu.
Sơn lúng túng, trông nó như kẻ cắp bị bắt quả tang: - Tao có chối đâu.
Nó e hèm một tiếng, trở lại giọng bướng bỉnh:
- Mày ngu thiệt chứ bộ!
Trước vẻ mặt ngớ ra của tôi, nó chậm rãi giải thích cho tôi biết cái ngu của tôi nằm ở chỗ nào:
- Chết vì bệnh thương hàn khác với chết do treo cổ. Chết do treo cổ mới biến thành ma.
- Mày mới ngu! - Tôi điên tiết vặc lại - Chết vì nguyên nhân gì cũng biến thành ma hết á.
Thằng Sơn có vẻ nhận ra lý lẽ của mình không vững. Nó đưa tay gãi gáy:
- Nhưng ma thương hàn rất hiền. Chỉ có ma treo cổ mới quậy phá.
Chỗ này thì thằng Sơn nói đúng. Tôi nhớ chú Đàn từng bảo những người chết vì treo cổ uất khí rất nặng, linh hồn không siêu thoát được nên phá phách rất ghê.
- Thế chuyện ma treo cổ nhà mày là chuyện phịa à? - Cuối cùng tôi hạ giọng, phân vân.
- Ờ, phịa tất. - Sơn vung tay, hùng hổ - Cả chuyện tao liệng chiếc áo rồi bỏ chạy cũng vậy. Còn khuya chiếc áo của tao mới dính máu!
Không hiểu sao tôi không nghi ngờ gì thằng Sơn, mặc dù nó vừa chửi tôi ngu tới những hai lần. Có lẽ không phải câu nói mà chính vẻ mặt của nó đã thuyết phục tôi.
Tôi liếm môi:
- Thế chuyện cô Thoan đi hái củi bị ma giấu cũng phịa à?
- Cũng phịa. - Sơn gật đầu, nó nói bằng cái giọng như thể trừ cái đứa ngu là tôi ra cả làng này ai cũng biết sự thực cả rồi - Cả chuyện thằng Ghế đi làm rẫy gặp ma trêu cũng thế.
Xác nhận của thằng Sơn làm tôi bất giác cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi nghĩ đến cái nghĩa trang mênh mông sau nhà, nhè nhẹ thở ra:
- Thế ra tất cả chuyện ma đều là phịa tất.
- Mày lại ngu nữa! - Sơn hừ mũi - Chỉ có ba chuyện vừa kể là phịa thôi. Còn sau lưng nhà mày là ma thật.
- Sau lưng nhà tao? - Tôi hỏi giọng run run, cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng - Mày muốn nói ma trong nghĩa trang…
- Nghĩa trang cạnh nhà mày chả có ma cỏ nào sất. - Sơn ngắt lời tôi - Nhưng đi hết nghĩa trang là gặp đồi Cỏ Úa, đúng không?
- Ờ.
- Thế đi hết đồi Cỏ Úa là tới chỗ nào?
- Tao không biết. Tao chưa đi tới chỗ đó bao giờ.
Tôi đáp và vểnh tai chờ thằng Sơn tiếp tục chửi tôi ngu. Nhưng lần này nó chỉ nhe răng cười hè hè:
- Bên kia đồi Cỏ Úa là xóm Miễu. Tao cũng chưa đi tới đó nhưng tao nghe ba tao kể. Xóm Miễu trước đây là chốn ma thiêng nước độc, bây giờ cây cối thưa thớt nhưng vẫn còn dấu vết của rừng già. Riêng con ma cọp vẫn còn ở đó.
- Ma cọp? - Mắt tôi trố lên.
- Ờ. - Sơn gật đầu, mắt láo liên, giọng nó đột ngột vo ve khiến tôi gần như cụng tai vào miệng nó để nghe cho rõ - Trong khu rừng thưa ở xóm Miễu có một con cọp già thành tinh vì nó đã ăn thịt đủ một trăm người. Ba tao bảo hồi xưa nó bị phường săn bắn què một chân nên nó rất hung dữ, luôn nuôi mộng báo thù.
- Thế cọp thành tinh khác gì cọp không thành tinh? - Tôi liếm đôi môi khô rang, thì thầm hỏi.
- Cọp thành tinh nghe được tiếng người. Ở xa mấy nó cũng nghe. Mình bàn tính gì nó đều biết hết. - Thằng Sơn vừa nói vừa ngoảnh
cổ nhìn dáo dác cứ như thể con cọp ba chân đang rình rập quanh đây làm tôi phải quay đầu nhìn theo nó, lòng chờn chợn.
Tôi tự trấn an mình bằng nhận xét:
- Nhưng nó đâu phải là ma. Ma mới đáng sợ. Chứ cọp thành tinh dù sao cũng…
- Cọp thành tinh với ma cọp là một. Tinh là yêu tinh, tức là thuộc dạng ma quỷ rồi.
Thằng Sơn đáp bừa, rồi nó nghiêng đầu nó vào đầu tôi, xì xào qua khe răng:
- Ba tao bảo con ma cọp này khôn lắm. Muốn bắt người nào, nó làm cho người đó bị đau bụng, thế là nạn nhân không cố thủ trong nhà được, phải lần sau hè đi ị. Nó nấp sẵn trước cửa, nạn nhân vừa bước ra là nó vồ ngay, trăm người không trật một.
Câu chuyện rùng rợn của thằng Sơn quét lên mặt tôi một thứ màu làm bằng bột mì. Người tôi như gây gây sốt.
Đang lúc muốn lăn ra ốm, tôi chợt nhớ tới một chi tiết, mắt liền sáng lên:
- He he, mày chỉ giỏi phịa. Nếu đúng như mày nói tại sao ông Tám Tàng mổ lợn dám cất nhà ở xóm Miễu?
- Mày chả biết gì mà cũng nói. - Thằng Sơn xì nước bọt qua kẽ răng - Trước khi chuyển sang mổ lợn, ông Tám Tàng hành nghề thầy cúng. Ông Tám Tàng có bùa, ma cọp chẳng làm gì được.
Tôi không thể bắt bẻ thằng Sơn được. Tôi vặn vẹo cỡ nào, nó cũng đáp ro ro. Túng thế, tôi phẩy tay:
- Tao cóc tin mày. Để tao về tao hỏi chú tao.
Chương 25: Truyền Thuyết Xóm Miễu
Chú Đàn im lặng nghe tôi thuật lại những gì thằng Sơn nói. Cho đến khi tôi kể xong, chú vẫn không hé môi một tiếng nào.
- Thằng Sơn nói xạo phải không chú? - Tôi bối rối nhìn chú, ngập ngừng lên tiếng.
Tôi hỏi và thấy chú vẫn đang nhìn đi đâu đó ngoài trời. Có lúc tôi ngờ ngợ không biết chú có nghe thấy câu hỏi của tôi không.
Lâu thật lâu chú mới tặc lưỡi đáp:
- Bạn con nói đúng đó, con.
- Đúng là sao, chú? - Tôi sửng sốt hỏi lại, vẫn không tin vào tai mình dù tôi nghĩ tôi nghe rất rõ.
Chú Đàn đặt tay lên vai tôi và thở hắt ra:
- Đúng là ở xóm Miễu có một con cọp thành tinh. Tụi con đừng bao giờ đi về phía đó.
Thằng Tường ngồi cạnh, vọt miệng:
- Vậy sao trước nay chú không nói cho tụi con biết? - Tại vì chú nghĩ tụi con không có việc gì phải đến xóm Miễu. - Con cọp đó biết nghe tiếng người thật hả chú? - Tường lại hỏi.
- Ờ, con cọp a chân đó tinh ranh lắm. Chuyện này rất nhiều người biết.
Ánh mắt chú Đàn đi qua đi lại giữa tôi và Tường, vẻ mặt chú đột nhiên nghiêm trang:
- Tụi con nhớ lại xem. Có phải trẻ con làng mình xưa nay không đứa nào đi xuống xóm Miễu.
Tôi níu tay chú Đàn:
- Ba mẹ tụi nó không cho đi hả, chú?
- Ờ, tụi nó đi đâu thì đi, nhưng xuống xóm Miễu là bị cấm ngặt. Chú Đàn không gạt tôi. Hôm sau đến lớp, tôi vờ hỏi con Mận: - Mận này! Ngày mai mày đi xuống xóm Miễu chơi với tao không?
- Eo ôi, mình không dám đâu. Xuống đó cho cọp ăn thịt à? - Con Mận vừa nói vừa rụt cổ.
Tôi rủ con Xin, con Xin cũng lắc đầu nguây nguẩy:
- Mình không đi đâu. Mình sợ lắm.
Tôi giả bộ khờ:
- Sợ gì cơ?
- Ma cọp.
- Ai bảo mày ở xóm Miễu có ma cọp?
- Ba mình bảo.
Nó thè lưỡi:
- Mình mà léng phéng xuống đó, ba mình đánh cho bét đít. Con Xin đem ba nó ra làm bằng chứng, tôi không thể không tin. Tôi gật đầu:
- Ờ, ba mày đã nói vậy thì ngày mai tao cũng ở nhà luôn.
Chương 26: Ba Con Xin
Ba con Xin là ông Xung hành nghề hốt thuốc Bắc.Nhà ông có dãy tủ gỗ mít đen bóng ốp sát tường, ngăn kéo san sát. Mỗi lần đến nhà con Xin, chạy nhảy ngoài sân chán tôi lại vào nhà xem ông hốt thuốc.
Trước tiên ông nghiêm nghị bắt mạch người bệnh với ba ngón tay, sau đó hỏi han đủ thứ, rồi ông vạch mí mắt người bệnh ra xem, bắt người bệnh thè cả lưỡi ra nữa. Những lúc đó trông ông rất oai, như một ông vua, bảo làm gì là khách làm theo răm rắp.
Nhưng tôi vào nhà không phải để xem ông khám bệnh. Tôi hồi hộp đợi tiết mục tiếp theo. Đó là lúc ông hốt thuốc.
Ông mở ngăn kéo này, hốt một nắm vỏ quýt, mở ngăn kéo kia hốt một nắm cam thảo. Có vô số ngăn như vậy, mỗi ngăn chứa một loại thảo dược khác nhau.
Sau khi hốt đủ các vị thuốc cần thiết, cuối cùng bao giờ ông cũng bắc ghế trèo lên thò tay vào ngăn trên cùng, bốc vài quả táo Tàu cho vào thang thuốc.
Quả táo Tàu to bằng ngón tay cái, khô quắt queo và đen thùi lùi nhưng cắn vào nghe sừng sực và ngọt lịm, con nít đứa nào cũng mê tơi.
Lần nào cũng vậy, thấy tôi đứng thập thò sau quầy ngăn giương cặp mắt thèm thuồng ra nhìn ông, thế nào ông Xung cũng lấy thêm một quả táo chìa ra trước mặt tôi, vui vẻ:
- Bác cho con nè.
Trăm lần như một, hễ tôi có mặt lúc ba con Xin hốt thuốc bao giờ tôi cũng có phần.