🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tiền Không Mua Được Gì?
Ebooks
Nhóm Zalo
“Tiền Không Mua Được Gì? của Michael Sandel là một cuốn sách tuyệt vời và tôi khuyên tất cả các nhà kinh tế học nên đọc... Cuốn sách đầy những ví dụ thú vị buộc bạn phải tư duy... Tôi đã đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này trong chưa đầy hai ngày. Và tôi đã ghi chú vào sách nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào tôi từng đọc trong nhiều năm qua”.
Timothy Besley, Journal of Economic Literature
“Tuyệt vời, dễ đọc, được truyền tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyến, xen lẫn dí dỏm... một cuốn sách không thể không đọc về quan hệ giữa đạo đức và kinh tế”.
David Aaronovitch, The Times (London)
“Michael Sandel là một trong những nhà tư tưởng chính trị hàng đầu của thời đại chúng ta. Tôi khuyến khích mọi người đọc cuốn sách mới của Sandel, Tiền Không Mua Được Gì? Đó là bản cáo trạng hùng hồn dành cho cái xã hội mà chúng ta đang trở thành, ở đó cái gì cũng có giá của nó”. Michael Tomasky, The Daily Beast
“Một khảo luận sắc bén, được trình bày một cách khéo léo về những vấn đề lớn của đời sống”.
Kirkus Reviews
Mục lục
LỜI GIỚI THIỆU
GIỚI THIỆU VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ ĐẠO ĐỨC
KỶ NGUYÊN TÔN VINH THỊ TRƯỜNG
MỌI THỨ ĐỀU MUA BÁN ĐƯỢC
TƯ DUY LẠI VỀ VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG
1. CHEN LÊN ĐẦU HÀNG
LỐI ĐI NHANH
LÀN ĐƯỜNG DÀNH CHO XE LEXUS
NGÀNH KINH DOANH XẾP HÀNG
ĐẦU CƠ VÉ KHÁM BỆNH
BÁC SỸ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN
LẬP LUẬN DỰA VÀO THỊ TRƯỜNG
THỊ TRƯỜNG VÀ XẾP HÀNG
THỊ TRƯỜNG VÀ THAM NHŨNG
ĐẦU CƠ VÉ THÌ SAO?
QUY LUẬT XẾP HÀNG
2. ĐỘNG CƠ
TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI TRIỆT SẢN
TIẾP CẬN KHÁI NIỆM SINH MẠNG THEO QUAN ĐIỂM KINH TẾ
THƯỞNG TIỀN CHO HỌC SINH ĐƯỢC ĐIỂM CAO HỐI LỘ ĐỂ GIỮ GÌN SỨC KHOẺ
NHỮNG CÔNG CỤ KHUYẾN KHÍCH SAI LẦM
TIỀN PHẠT VÀ TIỀN PHÍ
TRẢ TIỀN ĐỂ SĂN TÊ GIÁC
TRẢ TIỀN ĐỂ ĐƯỢC BẮN MỘT CON HẢI CẨU
ĐỘNG CƠ VÀ RẮC RỐI ĐẠO ĐỨC
3. THỊ TRƯỜNG LẤN ÁT ĐẠO ĐỨC
TIỀN MUA ĐƯỢC GÌVÀ KHÔNG MUA ĐƯỢC GÌ?
MUA LỜI XIN LỖI VÀ LỜI CHÚC MỪNG ĐÁM CƯỚI QUAN ĐIỂM PHẢN ĐỐI TẶNG QUÀ
TIỀN TỆ HÓA QUÀ TẶNG
MUA SỰ TÔN VINH
HAI LẬP LUẬN PHẢN ĐỐI THỊ TRƯỜNG
LẤN ÁT GIÁ TRỊ PHI THỊ TRƯỜNG
BÃI CHẤT THẢI HẠT NHÂN
NGÀY QUYÊN GÓP VÀ ĐÓN CON MUỘN
HIỆU ỨNG THƯƠNG MẠI HÓA
BÁN MÁU
HAI NGUYÊN LÝ CỦA NIỀM TIN THỊ TRƯỜNG KINH TẾ HÓA TÌNH YÊU
4. THỊ TRƯỜNG SỐNG VÀ CHẾT
BẢO HIỂM CHO NHÂN VIÊN TẠP VỤ
BẢO HIỂM BÁNH THÁNH: ĐÁNH CƯỢC VÀO MẠNG SỐNG
CÁ CƯỢC NGƯỜI CHẾT
LƯỢC SỬ ĐẠO ĐỨC CỦA BẢO HIỂM TÍNH MẠNG THỊ TRƯỜNG HỢP ĐỒNG KHỦNG BỐ TƯƠNG LAI TÍNH MẠNG NGƯỜI LẠ
TRÁI PHIẾU CÁI CHẾT
5. QUYỀN ĐẶT TÊN
BÁN CHỮ KÝ
TÊN CỦA TRẬN ĐẤU
GHẾ THƯỢNG HẠNG
BÓNG TIỀN
BẠN QUẢNG CÁO Ở ĐÂY
THƯƠNG MẠI HÓA CÓ GÌ SAI?
MARKETING CHÍNH QUYỀN
TÁCH BIỆT GIÀU NGHÈO
LỜI CẢM ƠN
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng ta đã quen và bị thuyết phục bởi nền kinh tế thị trường: thông qua giá, thị trường điều phối tài nguyên quý hiếm để phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Ai sẵn sàng bỏ nhiều tiền nhất để mua một cái gì đó sẽ là người sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Nhưng, sâu thẳm trong lòng mình, chúng ta cũng tin rằng tiền không thể mua được tất cả mọi thứ: nó không mua được danh dự, không mua được sự sống và cái chết.
Nhưng đâu là ranh giới giữa những gì có thể mua được bằng tiền và những gì thì không. Chúng ta đã quen với việc những người mua vé máy bay có quyền lên máy bay trước mà không cần xếp hàng. Chúng ta cũng quen, tuy rằng cảm thấy khó chịu hơn, khi có người bỏ tiền để tranh giành cho được một chỗ trong trường tốt cho con mình đi học. Nhưng chúng ta rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền để chen hàng cho người nhà mình vào phòng mổ cấp cứu. Chúng ta cũng rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền ra để mua bộ phận trên cơ thể người khác hầu cấy vào cơ thể mình.
Vậy thì đâu là ranh giới giữa những gì chúng ta chấp nhận để tiền có thể mua được và những gì thì không?
Trong Tiền Không Mua Được Gì?, tác giả cung cấp những cơ sở triết học, những lập luận căn bản để mỗi người trong chúng ta có thể xác định được ranh giới cho chính mình. Có những thứ mà khi ta coi nó như một mặt hàng có thể mua đi bán lại thì ta đã hủy hoại giá trị làm nên bản chất của nó.
Đọc xong Tiền Không Mua Được Gì?, dù ta có không trả lời trọn vẹn được câu hỏi này, ít ra ta cũng nhận thức được rằng đặt ra câu hỏi này là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta không đặt câu hỏi, không tranh cãi để đi đến xác định một ranh giới mà toàn bộ cộng đồng, xã hội chấp nhận, thì rất có thể thị trường sẽ quyết định hộ chúng ta. Tôi thấy đây là một nhận định rất quan trọng của Michael Sandel.
Ngô Bảo Châu
★★★★★
CÙNG TÁC GIẢ
• Chủ nghĩa tự do và giới hạn của công lí (1982, 1998).
• Chủ nghĩa tự do và phê phán (chủ biên) (1984).
• Sự bất mãn của nền dân chủ: Nước Mỹ đi tìm kiếm triết lý chung (1996).
• Triết học công cộng: Luận về đạo đức trong chính trị (2005). • Tình huống phản đối sự hoàn hảo: Đạo đức trong thời đại công nghệ di truyền (2007).
• Công lý: Người đọc (chủ biên) (2007).
• Phải trái đúng sai (2009).
GIỚI THIỆU VỀ
THỊ TRƯỜNG VÀ ĐẠO ĐỨC
Có những thứ không thể mua được bằng tiền. Nhưng vào thời đại này, con số đó không nhiều.
Ngày nay, hầu như cái gì cũng có thể mua bán được. Sau đây là một vài ví dụ:
• Nâng cấp phòng giam: 82 dollar một đêm. Ở Santa Ana, bang California và một vài thành phố khác, các tội phạm không liên quan đến bạo lực được phép trả tiền để hưởng điều kiện tốt hơn: một phòng giam sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa phòng giam của những tội phạm không trả tiền[1].
• Xe chỉ có một người chạy trên làn đường dành cho xe nhiều người: 8 dollar vào giờ cao điểm. Minneapolis và vài thành phố khác đang nỗ lực giảm ùn tắc bằng cách cho phép các xe ô tô chỉ có một người trả thêm tiền để đi vào làn đường dành cho xe có nhiều người. Mức giá thay đổi tùy theo tình trạng giao thông[2].
• Dịch vụ thuê phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ: 6.250 dollar. Ngày càng nhiều cặp vợ chồng phương Tây muốn tìm người mang thai hộ đang hướng về Ấn Độ – nơi dịch vụ mang thai hộ là hợp pháp, giá cả lại chỉ bằng một phần ba so với ở Mỹ[3].
• Quyền nhập cư vào nước Mỹ: 500.000 dollar. Tất cả những người nước ngoài đầu tư 500.000 dollar vào Mỹ và tạo ra ít nhất mười việc làm ở nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao đều được cấp thẻ xanh – giấy chứng nhận họ được phép cư trú vĩnh viễn trên đất Mỹ[4].
• Quyền được bắn một con tê giác đen – loài vật đang bị đe dọa: 150.000 dollar. Nam Phi bắt đầu cho phép các chủ trang trại chăn nuôi bán cho các thợ săn quyền được giết hại một số lượng tê giác nhất định để tạo động lực cho giới chủ trang trại tiếp tục nuôi và bảo vệ các loài động vật đang bị đe dọa[5].
• Số điện thoại bác sỹ riêng: 1.500 dollar trở lên một năm. Ngày càng nhiều bác sỹ muốn cung cấp dịch vụ “chăm sóc khách hàng” bằng cách cho
bệnh nhân số điện thoại và hẹn khám ngay trong ngày với giá từ 1.500 đến 25.000 dollar một năm [6].
• Quyền được phát thải một tấn carbon vào bầu khí quyển: 13 euro (khoảng 18 dollar). Liên minh châu Âu đã thành lập thị trường phát thải carbon, trong đó các công ty được phép mua bán quyền phát thải[7]. • Cho con nhập học vào một trường đại học danh tiếng:
Mặc dù không nêu giá, nhưng ban lãnh đạo một số trường đại học hàng đầu tiết lộ với tạp chí Wall Street Journal rằng: họ chấp nhận một số sinh viên không xuất sắc lắm vào học nếu cha mẹ của sinh viên này giàu có và sẵn lòng đóng góp một khoản tiền đáng kể cho trường[8].
Không phải ai cũng đủ tiền mua những thứ nói trên. Nhưng giờ đây có rất nhiều cách kiếm tiền mới mẻ. Nếu bạn cần tiền thì có thể thử một vài giải pháp mới lạ sau:
• Cho thuê trán (hoặc bộ phận khác trên cơ thể bạn) để làm quảng cáo: 777 dollar. Hãng hàng không New Zealand đã thuê 30 người để cạo tóc và xăm lên đầu họ dòng chữ: “Bạn cần thay đổi? Hãy hạ cánh xuống New Zealand”[9].
• Đóng vai chuột bạch cho các công ty dược phẩm thử nghiệm tính an toàn của thuốc trên cơ thể người: 7.500 dollar. Mức giá có thể cao hoặc thấp hơn, tùy vào mức độ ảnh hưởng của quy trình thử nghiệm thuốc và sự khó chịu mà bạn phải chịu đựng[10].
• Đánh thuê ở Somalia hoặc Afghanistan: từ 250 dollar một tháng tới 1.000 dollar một ngày. Mức giá phụ thuộc trình độ, kinh nghiệm và quốc tịch[11].
• Xếp hàng ở Đồi Capitol để giữ chỗ cho những người vận động hành lang muốn tham gia phiên điều trần quốc hội: 15-20 dollar/giờ. Những người chuyên vận động hành lang trả tiền cho các công ty dịch vụ xếp hàng và các công ty này sẽ thuê những người vô gia cư và nhiều người khác để xếp hàng hộ[12].
• Nếu bạn là một học sinh lớp hai ở một ngôi trường dưới chuẩn ở thành phố Dallas, đọc một cuốn sách, bạn được 2 dollar. Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhà trường sẽ trả tiền cho mỗi cuốn sách các em đọc[13]. • Nếu bạn bị béo phì, giảm được 6,5kg trong bốn tháng, bạn được 378
dollar. Các công ty bảo hiểm sức khỏe sẵn lòng trả tiền để tạo động lực cho bạn giảm cân cũng như có các thói quen sống lành mạnh khác[14]. • Mua bảo hiểm nhân thọ cho người ốm hoặc người già, nộp phí bảo hiểm hàng năm trong thời gian người đó còn sống rồi nhận tiền bồi thường khi người đó qua đời: có khả năng lên tới hàng triệu dollar (tùy vào từng hợp đồng). Hình thức đánh cược vào tính mạng người lạ này đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá 30 tỷ dollar. Người mà ta đánh cược càng sớm qua đời thì ta càng kiếm được nhiều tiền[15].
Chúng ta đang sống trong thời đại mà gần như mọi thứ đều có thể mua bán được. Trong hơn ba thập kỷ qua, thị trường – và các giá trị của thị trường – đã chi phối đời sống của chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta không hề cố ý làm như vậy. Mà nó tự xuất hiện, rơi xuống đầu chúng ta.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thị trường và tư duy thị trường chiếm ưu thế độc tôn, cũng dễ hiểu. Thực tế cho thấy không có phương thức tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa nào mang lại sự thịnh vượng, giàu có bằng thị trường. Và hiện tại, ngay cả khi có ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cơ chế thị trường để vận hành nền kinh tế thì vẫn có điều gì khác đang diễn ra. Các giá trị của thị trường đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong đời sống. Kinh tế thống trị tất cả.
Ngày nay, logic mua bán không chỉ còn áp dụng cho hàng hóa vật chất mà nó chi phối toàn bộ đời sống. Đã đến lúc cần đặt câu hỏi: liệu chúng ta có muốn sống kiểu này không?
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
KỶ NGUYÊN TÔN VINH THỊ TRƯỜNG
Những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là thời kỳ niềm tin vào thị trường và quan điểm nới lỏng quản lý lên đến đỉnh cao nhất. Một kỷ nguyên tôn vinh thị trường, khởi đầu vào đầu thập niên 1980, khi Ronald Reagan và Margaret Thatcher tuyên bố rằng thị trường – chứ không phải chính phủ – chính là chìa khóa dẫn đến thịnh vượng và tự do. Kỷ nguyên này kéo dài đến những năm 1990, thời kỳ của những người ủng hộ tư tưởng tự do và thị trường như Bill Clinton và Tony Blair. Hai ông có quan điểm ôn hòa, nhưng có niềm tin vững chắc rằng thị trường là giải pháp cơ bản để mang lại lợi ích cho cả xã hội.
Giờ đây, niềm tin đó đang bị lung lay. Kỷ nguyên tôn vinh thị trường đang bước vào giai đoạn cuối. Cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ khiến người ta nghi ngờ khả năng chia đều rủi ro của thị trường, mà còn khiến nhiều người có cảm giác rằng thị trường ngày càng xa rời các giá trị đạo đức, và chúng ta cần mang chúng lại gần nhau. Nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về tiến trình này, và vẫn chưa biết phải giải quyết ra làm sao.
Một vài người cho rằng bản thân lòng tham đã là biểu hiện của suy đồi đạo đức ở cốt lõi của tư tưởng tôn vinh thị trường, và lòng tham là thứ khiến con người ta nhắm mắt làm liều. Vì vậy, theo họ, giải pháp là kiềm chế lòng tham, đòi hỏi giới chủ ngân hàng và các giám đốc ở Wall Street phải tự trọng hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn. Đồng thời, cần áp dụng các quy định phù hợp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự diễn ra lần nữa.
Giỏi lắm thì luận điểm trên cũng chỉ đúng phần nào đó thôi. Tất nhiên, lòng tham đóng vai trò đáng kể trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng còn có nguyên nhân lớn hơn nhiều. Thay đổi lớn nhất trong suốt ba thập niên qua không phải là con người tham lam hơn, mà là sự mở rộng của thị trường, của các giá trị thị trường. Chúng đã thâm nhập cả vào những lĩnh vực trong đời sống vốn không phải nơi của chúng.
Để chống lại tình trạng này, chúng ta không thể chỉ công kích lòng tham. Chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong xã hội; cần tranh luận công khai về ý nghĩa của việc giữ thị trường ở đúng vị trí của nó. Để làm
được vậy, chúng ta cần phải xem xét các giới hạn đạo đức của thị trường. Chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu có cái gì mà có tiền cũng chẳng mua được hay không?
Ảnh hưởng của thị trường và tư duy thị trường lên những khía cạnh của đời sống vốn không bị các chuẩn mực thị trường chi phối là một trong những thay đổi đáng kể nhất của thời đại chúng ta.
Hãy xem sự xuất hiện như nấm của các trường học, bệnh viện, nhà tù hoạt động vì lợi nhuận và hiện tượng thuê các nhà thầu quân sự tư nhân trong chiến tranh. (Thực tế là ở Iraq và Afghanistan, lính đánh thuê thuộc các nhà thầu tư nhân đông hơn quân nhân chính quy thuộc quân đội Mỹ[16]).
Hãy xem sự lu mờ của lực lượng cảnh sát trước các công ty an ninh tư nhân – nhất là tại Mỹ và Anh, nơi cảnh sát tư nhân đông gấp đôi cảnh sát nhà nước[17].
Hãy xem chiến dịch marketing thuốc hùng hổ của các công ty dược phẩm hướng vào người dân các nước giàu. (Nếu bạn đã từng xem chương trình quảng cáo trong các bản tin buổi tối của truyền hình Mỹ thì hoàn toàn có thể hiểu được chuyện bạn nghĩ rằng vấn đề y tế nghiêm trọng nhất thế giới không phải bệnh sốt rét, bệnh mù sông[18]hay bệnh ngủ, mà là dịch bệnh khủng khiếp có tên là rối loạn cương dương).
Và hãy xem xét hiện tượng quảng cáo xuất hiện trong trường học; mua bán “quyền đặt tên” công viên và không gian công cộng; quảng cáo “thiết kế” trứng và tinh trùng cho những người cần hỗ trợ trong sinh sản; thuê phụ nữ ở các nước đang phát triển mang thai hộ; các công ty và các quốc gia mua bán quyền phát thải; hay một hệ thống tài chính trong bầu cử gần như cho phép mua bán phiếu bầu.
Ba mươi năm trước, việc sử dụng thị trường để phân bổ các dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, công lý, bảo vệ môi trường, giải trí, sinh con và các hàng hóa xã hội khác là điều chưa ai nghe đến. Giờ đây, chúng ta cho rằng hầu hết những hiện tượng này là hiển nhiên.
MỌI THỨ ĐỀU MUA BÁN ĐƯỢC
Tại sao phải băn khoăn chuyện chúng ta đang trở thành một xã hội mà trong đó mọi thứ đều mua bán được?
Vì hai lý do. Thứ nhất là bất công, và thứ hai là tham nhũng. Hãy nói về bất công trước. Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người có càng ít của cải thì cuộc sống sẽ càng khó khăn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự giàu có (hoặc nghèo đói) càng đáng quan tâm.
Nếu lợi thế duy nhất mà người giàu có được là họ có thể mua du thuyền, mua ô tô thể thao, hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời thì bất công bằng về thu nhập và tài sản không phải vấn đề quá lớn. Nhưng nếu tiền mua được ngày càng nhiều thứ – ảnh hưởng chính trị, y tế chất lượng tốt, nhà ở nơi an toàn chứ không phải nơi có nhiều tội phạm, trường học nổi tiếng – thì việc phân chia thu nhập và của cải càng quan trọng hơn. Nếu mọi điều tốt đẹp đều có thể mua bán được thì tiền sẽ tạo ra mọi sự khác biệt trên đời này.
Vì lý do đó mà vài thập kỷ vừa qua là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các gia đình nghèo và trung lưu. Cách biệt giữa người giàu và người nghèo tăng lên, hơn nữa, việc mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa đã làm hậu quả của bất công bằng thu nhập trở nên tồi tệ hơn, và việc kiếm được tiền càng trở nên cần thiết.
Khó mà nói tường tận ngọn ngành lý do thứ hai. Đây không phải vấn đề bất công/công bằng, mà là chuyện thị trường có xu hướng làm xói mòn cuộc sống. Khi những điều tốt đẹp trên đời bị định giá, chúng sẽ không còn tốt đẹp nữa. Vì thị trường không chỉ phân bổ hàng hóa mà còn bộc lộ, khuyến khích con người có những thái độ nhất định với các loại hàng hóa. Trả tiền cho trẻ có thể làm các em đọc sách nhiều hơn, nhưng đồng thời các em cũng sẽ coi đọc sách như làm việc vặt chứ không phải là một cách để thỏa mãn nhu cầu tự thân. Trao một ghế sinh viên năm thứ nhất đại học cho người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá sẽ tạo thu nhập cho trường đại học, nhưng cũng làm xói mòn uy tín của trường, suy giảm giá trị tấm bằng mà trường cấp. Sử dụng lính đánh thuê người nước ngoài cho cuộc chiến nước mình tham gia sẽ hạn chế tổn thất tính mạng người dân trong nước, nhưng cũng
làm mất đi ý nghĩa về bổn phận công dân.
Các nhà kinh tế học thường giả định rằng thị trường có tính “trơ”, không tác động gì đến các loại hàng hóa trong đó. Nhưng không phải vậy. Thị trường có tạo ra ảnh hưởng. Đôi khi, giá trị thị trường lấn át những giá trị phi thị trường đáng quan tâm.
Dĩ nhiên, không ai nhất trí được với nhau giá trị nào đáng quan tâm, giá trị nào không và tại sao. Vì vậy, để xác định xem cái gì nên và không nên mua được bằng tiền, chúng ta phải xác định được những giá trị nào chi phối các lĩnh vực khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Cách suy nghĩ về vấn đề này chính là nội dung chủ đạo của cuốn sách.
Tôi xin trình bày tóm tắt câu trả lời mà tôi nghĩ là phù hợp: khi quyết định những hành vi, sự vật nào được phép mua bán, chúng ta đang ngầm cho rằng chúng phù hợp với vai trò hàng hóa – tức là công cụ sinh lợi và đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhưng không phải hàng hóa nào cũng phù hợp với cách đánh giá này[19].
Ví dụ rõ ràng nhất là con người. Chế độ nô lệ thật kinh khủng bởi nó coi con người là hàng hóa, có thể mua bán ở phiên chợ đấu giá. Đối xử với con người theo cách ấy là sai trái, vì mỗi người đều có phẩm giá và đáng được tôn trọng chứ không thể bị coi là một vật để sở hữu hay một công cụ để sử dụng.
Có thể đánh giá tương tự về nhiều sự vật hoặc hành vi tốt đẹp khác. Chúng ta không cho phép mua bán trẻ em trên thị trường. Ngay cả khi người mua đối xử tốt với những em bé họ mua được thì việc cho phép hình thành thị trường trẻ em đã khuyến khích xã hội đánh giá sai về giá trị của các em nhỏ. Trẻ em không thể là hàng hóa tiêu dùng, mà phải là đối tượng của tình yêu, sự quan tâm. Hoặc vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân. Nếu bạn được yêu cầu thực hiện một nghĩa vụ pháp lý thì bạn không thể thuê người khác làm hộ bạn. Chúng ta cũng không cho phép người dân được bán lá phiếu của mình cho dù có nhiều người sẵn lòng mua chúng. Tại sao? Vì chúng ta tin rằng không thể coi nghĩa vụ công dân là tài sản của cá nhân mỗi người mà phải coi đó là trách nhiệm đối với xã hội. Thuê người khác thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chính là hạ thấp và đánh giá sai nghĩa vụ đó.
Những ví dụ nói trên minh họa cho một điều có ý nghĩa lớn hơn: Có
những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, bị hư hỏng nếu chúng bị coi là hàng hóa. Vì vậy, để xác định xem thị trường có thể tồn tại ở đâu, cái gì nên tránh xa thị trường thì chúng ta phải tìm ra cách thức đánh giá giá trị một số thứ như sức khỏe, giáo dục, cuộc sống gia đình, tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân, v.v... Chúng đều là những vấn đề mang tính đạo đức và chính trị chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Muốn trả lời câu hỏi nói trên, chúng ta phải tranh luận từng vấn đề một về ý nghĩa đạo đức của chúng và cách đánh giá chúng sao cho hợp lý.
Cuộc tranh luận này không hề tồn tại trong kỷ nguyên tôn vinh thị trường. Hậu quả là khi không nhận biết được vấn đề, không bao giờ nghĩ đến chuyện tranh luận về chúng, từ chỗ có một nền kinh tế thị trường, chúng ta đã trượt sang trạng thái trở thành một xã hội thị trường.
Sự khác biệt là ở chỗ: Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Trong xã hội thị trường, các mối quan hệ xã hội đều thay đổi cho phù hợp với hình ảnh thị trường.
Thiếu sót lớn của nền chính trị đương đại là chúng ta chưa từng tranh luận về vai trò, phạm vi của thị trường. Chúng ta muốn một nền kinh tế thị trường hay một xã hội thị trường? Vai trò của thị trường trong đời sống xã hội và các mối quan hệ cá nhân là gì? Làm sao chúng ta xác định được hàng hóa nào được phép mua bán, còn hàng hóa nào phải chịu sự chi phối của các giá trị phi thị trường? Chỗ nào không nên có vai trò của đồng tiền?
Cuốn sách này sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi trên. Vì chúng liên quan đến những quan điểm còn đang gây tranh cãi về một xã hội tốt đẹp, một cuộc sống tốt đẹp nên tôi không dám hứa mình có câu trả lời dứt khoát. Nhưng tôi hy vọng ít nhất mình cũng khởi xướng được cuộc tranh luận công khai về chúng, đồng thời đưa ra được cơ sở triết học cho các lập luận.
TƯ DUY LẠI VỀ VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG
Ngay cả nếu bạn đồng ý rằng chúng ta cần tranh luận về những vấn đề lớn liên quan đến đạo đức của thị trường thì hẳn bạn cũng không tin là cuộc tranh luận sẽ đi đến hồi kết. Lo ngại này là chính đáng. Nếu muốn tư duy lại về vai trò và phạm vi của thị trường, trước hết chúng ta cần biết rằng sẽ gặp phải hai trở ngại lớn, dễ gây nản chí.
Thứ nhất là tư duy thị trường đã có uy tín và quyền lực từ lâu, ngay cả sau khi thị trường vừa gặp phải thất bại lớn nhất trong 80 năm qua. Thứ hai là các cuộc tranh luận công khai xưa nay thường vô nghĩa và chứa đầy ác ý. Hai trở ngại này không phải hoàn toàn độc lập với nhau.
Trở ngại đầu tiên khá khó hiểu. Giờ đây, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được đa phần mọi người coi là hậu quả đạo đức của việc o bế thị trường một cách mù quáng trong ba thập kỷ, trải qua nhiều thay đổi về chính trị. Nhưng khi các công ty tài chính một thời lừng danh của Wall Street gần như sụp đổ, đòi hỏi ngân sách nhà nước – vốn là thuế người dân đóng vào – phải chi một số tiền cứu trợ khổng lồ thì có vẻ cần xem xét lại vai trò của thị trường. Ngay cả Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, một “thầy cả” của tín ngưỡng tôn vinh thị trường cũng phải thừa nhận mình bị rơi vào “tình trạng choáng váng mất niềm tin” vì hóa ra thị trường tự do không còn khả năng tự sửa chữa sai lầm [20]. Trang bìa The Economist – một tạp chí ủng hộ mạnh mẽ thị trường tự do của Anh – đã đăng hình một cuốn giáo trình kinh tế học đang tan thành bùn dưới hàng tít lớn: KINH TẾ HỌC ĐÃ SAI Ở ĐÂU?[21]
Kỷ nguyên tôn vinh thị trường đi đến kết cục thảm hại. Vì vậy, giờ hẳn là lúc để nghĩ về đạo đức, là khoảng thời gian để suy ngẫm lại, thật kỹ càng, về niềm tin vào thị trường. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như thế.
Thất bại ngoạn mục của thị trường tài chính nhìn chung không làm suy giảm đi bao nhiêu niềm tin vào thị trường. Thực tế là cuộc khủng hoảng tài chính làm tổn thất uy tín của chính phủ nhiều hơn là của ngân hàng. Năm 2011, các cuộc điều tra cho thấy người dân Mỹ cho rằng chính phủ liên bang có lỗi lớn hơn các thể chế tài chính Wall Street trong vấn đề kinh tế mà đất
nước đang gặp phải – với tỷ lệ cao hơn 2:1[22].
Cuộc khủng hoảng tài chính đã nhấn sâu nước Mỹ và phần lớn thế giới vào một đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời Đại Khủng hoảng và khiến hàng triệu người mất việc làm. Nhưng nó vẫn không làm cho chúng ta suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về thị trường. Tại Mỹ, hậu quả rõ ràng nhất về mặt chính trị chỉ là sự nổi lên của phong trào Tea Party của những người thù ghét chính phủ và ủng hộ thị trường tự do quyết liệt đến mức Ronald Reagan cũng phải xấu hổ. Mùa thu năm 2011, phong trào Chiếm phố Wall đã gây ra những cuộc biểu tình ở khắp các thành phố trên nước Mỹ và cả thế giới. Người dân biểu tình chống lại sức mạnh của các ngân hàng và công ty lớn và phản đối sự bất công về thu nhập và tài sản đang ngày càng gia tăng. Mặc dù có xu hướng tư tưởng khác nhau, nhưng cả hai đều thể hiện sự giận dữ kiểu dân túy trước cách nhà nước tung tiền cứu trợ[23].
Mặc dù các phong trào biểu tình đã lên tiếng phản đối, nhưng một cuộc tranh luận nghiêm túc về vai trò, phạm vi của thị trường gần như vẫn chưa xuất hiện trong đời sống chính trị. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, như bấy lâu nay, vẫn cãi cọ về thuế, chi tiêu, thâm hụt ngân sách, chỉ khác là giờ tư tưởng đảng phái của họ mạnh hơn và gần như không có khả năng tạo cảm hứng hay thuyết phục người khác. Ảo tưởng về nền chính trị vỡ tan khi người dân trở nên chán nản trước một hệ thống chính trị không thể hành động vì lợi ích chung hay làm gì để giải quyết những vấn đề gay cấn nhất.
Trở ngại thứ hai ngăn cản chúng ta tranh luận về giới hạn đạo đức của thị trường là các cuộc tranh luận công khai chẳng đâu vào đâu. Giờ đây, các cuộc tranh luận chính trị chủ yếu chỉ là hai người hét vào mặt nhau trên truyền hình, những bài đả kích chua cay nặng tính đảng phái trên sóng phát thanh, những trận “ẩu đả” tư tưởng tại Quốc hội. Trong tình hình đó, thật khó tưởng tượng xã hội sẽ tranh luận nghiêm túc về những vấn đề đạo đức gây tranh cãi để đánh giá đúng giá trị của những thứ như sinh con, trẻ em, giáo dục, sức khỏe, môi trường, trách nhiệm công dân... Nhưng tôi tin là chúng ta có thể tranh luận nghiêm túc, và nó sẽ tiếp thêm sinh lực cho đời sống xã hội chúng ta.
Một số người thấy trong nền chính trị đầy ác ý này lại chứa niềm tin đạo đức thái quá: Quá nhiều người tin tưởng quá sâu sắc, quá phấn khích vào
niềm tin của họ và muốn áp đặt nó cho mọi người xung quanh. Với tôi, nghĩ như vậy là hiểu sai tình hình tồi tệ hiện tại. Vấn đề mà nền chính trị đang gặp phải không phải là người ta tranh luận quá nhiều về đạo đức mà thực ra là quá ít. Và căng thẳng chính trị lên quá cao chính là vì nó hầu như không có chút đạo đức, tinh thần nào cả. Nó không thể trả lời được những câu hỏi lớn mà mọi người quan tâm.
Có nhiều nguyên nhân khiến chính trị hiện đại thiếu vắng yếu tố đạo đức. Một trong số đó là chúng ta thường tìm cách loại bỏ các khái niệm về sống đẹp ra khỏi các cuộc tranh luận công khai. Với mong muốn tránh xung đột bè phái, chúng ta thường yêu cầu các công dân phải cởi bỏ niềm tin đạo đức và tinh thần của họ trước khi bước vào diễn đàn chung. Mong muốn ấy đúng, nhưng khi ngần ngại tranh luận thế nào là sống đẹp trong chính trị, chúng ta đã tạo cơ hội thuận lợi cho tư tưởng tôn vinh thị trường và lập luận dựa vào thị trường phát triển.
Lập luận dựa vào thị trường cũng làm đời sống xã hội mất đi ý nghĩa đạo đức theo cách của riêng nó. Thị trường hấp dẫn một phần là ở chỗ nó không phán xét lựa chọn của con người. Nó không hỏi cách đánh giá giá trị hàng hóa này có tốt hơn, đáng coi trọng hơn cách kia hay không. Nếu có người sẵn lòng trả tiền để được phục vụ nhu cầu tình dục hay để mua một quả thận, và có một người trưởng thành khác sẵn lòng đáp ứng thì câu hỏi duy nhất các nhà kinh tế học đưa ra là: “Bao nhiêu tiền?” Thị trường không chỉ tay vào mặt ta và bảo: Không được. Nó không phân biệt lựa chọn nào cao quý, lựa chọn nào tầm thường. Mỗi người tham gia giao dịch được tự quyết định mình đặt giá bao nhiêu cho hàng hóa, dịch vụ được đem ra mua bán.
Quan điểm không phán xét đối với các giá trị là cốt lõi của lập luận dựa vào thị trường và nó giải thích đáng kể tại sao thị trường được ưa chuộng. Nhưng khi ngại ngần tranh luận về đạo đức và tinh thần, cộng với việc quá o bế thị trường, chúng ta đã phải trả giá đắt. Dòng chảy đạo đức và tinh thần công dân trong các cuộc tranh luận chung đã cạn kiệt. Nền chính trị kiểu kỹ trị, quản lý đã hình thành, ảnh hưởng xấu đến rất nhiều xã hội hiện nay.
Một cuộc tranh luận về giới hạn đạo đức của thị trường sẽ cho phép chúng ta, với tư cách là một xã hội, quyết định được ở đâu thì thị trường có thể mang lại điều tốt đẹp và ở đâu thì không. Nó cũng sẽ tiếp thêm sinh lực
cho nền chính trị khi mời gọi các quan điểm khác nhau về sống đẹp quay trở lại diễn đàn chung. Vì những lập luận này còn đem lại điều gì nữa? Nếu bạn đồng ý rằng việc mua bán một loại hàng hóa sẽ làm hư hỏng, suy thoái hàng hóa ấy thì hẳn bạn phải tin rằng có cách khác phù hợp hơn để đánh giá giá trị của nó. Thật vô nghĩa nếu nói rằng một hành vi, một vai trò nào đó có thể bị hư hỏng – chẳng hạn như làm cha mẹ hay tư cách công dân – nếu bạn không nghĩ rằng có cách làm cha mẹ, hoàn thành nghĩa vụ công dân tốt hơn những cách khác.
Những phán xét đạo đức nói trên chính là nguyên nhân khiến thị trường vẫn có một số rất ít giới hạn nó chưa vượt qua. Chúng ta không cho phép cha mẹ bán con hay công dân bán phiếu bầu. Và một trong những lý do chính là rõ ràng chúng ta đang phán xét: chúng ta tin rằng bán con hay bán phiếu bầu có nghĩa là chúng ta đánh giá sai giá trị của con cái, của lá phiếu, đồng thời gieo mầm cho nhiều tư tưởng xấu.
Khi suy ngẫm về giới hạn đạo đức của thị trường, chúng ta sẽ không tránh được những vấn đề trên. Nó đòi hỏi chúng ta phải công khai tranh luận cùng nhau về cách thức đánh giá giá trị của những điều tốt đẹp mà chúng ta coi trọng. Thật điên rồ nếu ta hy vọng rằng một môi trường tranh luận chung chú trọng hơn về đạo đức, kể cả khi chú trọng hết mức có thể, sẽ giúp chúng ta đồng thuận về mọi vấn đề đang gây tranh cãi. Nhưng nó sẽ làm cho xã hội lành mạnh hơn. Và nó sẽ khiến chúng ta biết rõ hơn cái giá mình phải trả khi sống trong một xã hội mà mọi thứ đều đem ra mua bán được.
Mỗi khi nghĩ về đạo đức trong thị trường, chúng ta liên tưởng ngay đến các ngân hàng ở Wall Street với những việc làm khinh suất của họ; các quỹ phòng ngừa rủi ro với khoản tiền cứu trợ và cải cách quy định quản lý. Nhưng thách thức đạo đức và chính trị mà chúng ta đang phải đối mặt lại trần tục hơn, rộng lớn hơn nhiều. Đó là phải tư duy lại về vai trò, phạm vi của thị trường trong đời sống xã hội, mối quan hệ giữa con người và cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
1
CHEN LÊN ĐẦU HÀNG
Không ai thích phải xếp hàng chờ đợi. Đôi khi bạn có thể trả tiền để được chen lên trên khi xếp hàng. Đã từ lâu, ai cũng biết rằng ở các nhà hàng nổi tiếng, vào những tối đông khách, khách sẽ không phải chờ lâu nếu đưa một khoản tiền “tip” hậu hĩnh cho người phụ trách nhà hàng. Khoản tiền này gần như là tiền hối lộ, được trao nhận một cách kín đáo. Nhà hàng không hề treo biển ngoài cửa sổ để thông báo rằng ai dúi cho người phụ trách tờ 50 dollar thì sẽ có bàn ngay lập tức. Nhưng những năm gần đây, việc bán quyền chen chỗ khi xếp hàng đã trở nên công khai và phổ biến.
LỐI ĐI NHANH
Dòng người xếp hàng dài ở cửa kiểm tra an ninh sân bay khiến nhiều người thấy di chuyển bằng máy bay thật mệt mỏi. Nhưng không phải ai cũng phải chờ đợi trong dòng người xếp hàng ngoằn ngoèo. Những người mua vé hạng nhất hoặc hạng thương gia có thể vào bằng lối ưu tiên để lên thẳng vị trí đầu hàng. Hãng hàng không Anh British Airways gọi đây là “lối đi ưu tiên” – dịch vụ cho những người trả phí cao được chen lên trên khi xếp hàng ở cửa kiểm tra hộ chiếu và nhập cảnh[24].
Nhưng phần lớn mọi người không đủ khả năng mua vé máy bay hạng nhất. Nên các hãng hàng không bắt đầu cho phép khách hàng hạng thông thường có cơ hội được mua vé chen lên hàng đầu như một dạng nâng cấp một phần dịch vụ. Với 39 dollar, bạn sẽ mua được quyền lên máy bay trước, đồng thời không phải xếp hàng ở điểm kiểm tra an ninh cho chặng bay từ Denver đến Boston của hãng United Airlines. Ở Anh, sân bay Luton, London cung cấp dịch vụ “lối đi ưu tiên” với giá còn rẻ hơn: hoặc bạn xếp hàng để kiểm tra an ninh, hoặc bạn trả 3 bảng (khoảng 5 dollar) để được đổi lên đầu hàng[25].
Những người phản đối phàn nàn rằng dịch vụ “lối đi ưu tiên” vào kiểm tra an ninh ở sân bay không phải để bán.
Họ cho rằng kiểm tra an ninh là vấn đề liên quan đến quốc phòng, chứ không phải tiện nghi như ghế ngồi có chỗ để chân rộng hay đặc quyền lên máy bay sớm. Và mọi khách hàng nên cùng chia sẻ trách nhiệm không để bọn khủng bố lên máy bay. Các hãng hàng không trả lời là ai cũng bị kiểm tra như nhau, chỉ có thời gian chờ đợi là khác nhau, tùy vào số tiền họ trả. Chừng nào mọi người đều bị kiểm tra toàn thân giống nhau – cái mà họ đảm bảo duy trì – thì dịch vụ không phải xếp hàng chờ đợi lâu là một tiện nghi mà họ có quyền tự do đem bán[26].
Các công viên giải trí cũng bắt đầu bán quyền chen lên trên khi xếp hàng. Theo truyền thống, khách tham quan phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ để được chơi trò tàu lượn hay vào những điểm tham quan phổ biến nhất. Giờ đây, công viên Universal Studios Hollywood và một số công viên giải trí khác đã cung cấp dịch vụ giúp bạn không phải chờ: nếu mua vé với giá gấp đôi mức thông thường, bạn sẽ được cấp thẻ cho phép bạn chen lên đầu hàng. Dịch vụ ưu tiên vào chơi trò tàu lượn mạo hiểm ở công viên giải trí chủ đề Xác ướp báo thù có lẽ không phải chịu gánh nặng đạo đức bằng dịch vụ đặc quyền vào kiểm tra an ninh sân bay. Thế nhưng một số người vẫn rên rỉ chê bai, cho rằng nó làm xói mòn thói quen của người công dân. Một trong số họ viết: “Đã qua rồi những ngày mà việc xếp hàng vào công viên giải trí là một công cụ vĩ đại giúp mang lại công bằng, và mỗi gia đình đến tham quan đều chờ đợi đến lượt mình một cách dân chủ”[27].
Điều thú vị là các công viên giải trí thường che đậy đặc quyền họ cung cấp. Để tránh làm tổn thương các khách hàng thông thường, một số công viên cho khách hàng đặc biệt đi cửa sau, cổng riêng; một số khác lại cho người dẫn riêng khách VIP đi khi họ được chen lên hàng đầu. Hành vi thận trọng này cho thấy việc trả tiền để chen lên trên khi xếp hàng – kể cả ở công viên giải trí – đã đánh mạnh vào nhận thức thông thường là công bằng có nghĩa là bạn phải đợi đến lượt mình. Nhưng trên trang web bán vé thì công viên Universal không tỏ ra dè dặt như vậy. Họ chào giá 149 dollar cho tấm thẻ được xếp hàng ở vị trí đầu tiên với câu tuyên bố thẳng thừng, không thể nhầm lẫn: “Không phải xếp hàng cho mọi trò chơi, buổi diễn và điểm tham
quan!”[28]
Nếu bạn không muốn chen lên khi xếp hàng ở công viên giải trí, bạn có thể chọn một điểm tham quan cổ điển hơn, ví dụ như tòa nhà Empire State. Với 22 dollar (trẻ em là 16 dollar), bạn có thể đi thang máy lên tầng 86 để ngắm khung cảnh ngoạn mục của thành phố New York. Không may là địa điểm này cũng thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, và thời gian chờ thang máy có thể lên đến hàng giờ. Vì vậy, tòa nhà Empire State đưa ra dịch vụ lối đi ưu tiên theo kiểu của họ. Với 45 dollar một người, bạn có thể mua vé đi ưu tiên và không phải xếp hàng cả ở cửa kiểm tra an ninh và cửa lên thang máy. 180 dollar cho một gia đình hoặc bốn người có vẻ là một mức giá cao cho việc được lên ưu tiên lên thang máy nhanh. Nhưng như trang web bán vé đã nêu: vé đi ưu tiên là “một cơ hội tuyệt vời” để bạn “có khoảng thời gian đặc biệt nhất ở New York và ở tòa nhà Empire State khi không phải xếp hàng và đi thẳng lên nơi có tầm nhìn đẹp nhất”[29].
LÀN ĐƯỜNG DÀNH CHO XE LEXUS
Có thể thấy xu hướng sử dụng lối đi ưu tiên trên đường cao tốc khắp nước Mỹ. Ngày càng nhiều người không muốn đi trên đoạn đường tắc nghẽn với xe cộ nối nhau san sát và họ trả tiền để được đi vào làn đường tốc độ cao. Dịch vụ này bắt đầu từ thập niên 1980 với sự xuất hiện của làn đường dành riêng cho phương tiện có nhiều người bên trong. Để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí, nhiều bang đã xây dựng làn đường đi riêng dành cho những người sẵn lòng ngồi chung một phương tiện. Người nào đi ô tô một mình mà sử dụng làn đường riêng sẽ bị phạt rất nặng. Một số người đã đặt búp bê bằng bong bóng vào ghế sau với hy vọng đánh lừa cảnh sát giao thông. Trong một tập phim truyền hình hài Đừng có lạc quan quá (Curb Your Enthusiasm), Larry David đã có một sáng kiến tuyệt vời để được đi vào làn đường ưu tiên. Anh ta dự định đi xem trận bóng chày của đội LA Dodgers, nhưng đường cao tốc đang ùn tắc khủng khiếp. Anh ta bèn thuê một cô nàng gái điếm – nhưng không phải để thỏa mãn nhu cầu tình dục mà để cô ta đi ô tô cùng anh đến sân vận động. Tất nhiên, anh ta được phép sử dụng làn đường ưu tiên và đến nơi đúng lúc bắt đầu pha bóng đầu tiên[30].
Ngày nay, nhiều người tham gia giao thông có thể làm tương tự mà không phải thuê người hỗ trợ. Với mức phí tối đa 10 dollar vào giờ cao điểm, những người đi ô tô một mình có thể mua quyền đi vào làn đường dành cho xe có nhiều người đi. San Diego, Minneapolis, Houston, Denver, Miami, Seattle và San Francisco là những thành phố bán quyền đi vào làn đường ưu tiên. Mức phí thường phụ thuộc vào tình trạng giao thông – đường càng ùn tắc thì phí càng cao (Thông thường xe có hai người trở lên ngồi trong vẫn được sử dụng miễn phí làn đường ưu tiên). Ở đại lộ Riverside phía đông thành phố Los Angeles, vào giờ cao điểm, trên làn đường thông thường, các xe phải bò trên đường với vận tốc 25-30km/giờ, trong khi đó nếu người lái xe trả tiền để sang làn đường ưu tiên, họ có thể đạt vận tốc 95-105km/giờ [31].
Một số người phản đối ý tưởng bán quyền chen lên trên khi xếp hàng. Họ cho rằng sự xuất hiện ồ ạt của các chương trình lối đi ưu tiên đã tạo thêm lợi
thế cho người giàu và đẩy người nghèo xuống cuối hàng. Những người phản đối chính sách trả tiền để vào làn đường ưu tiên gọi đây là “làn đường dành cho xe Lexus”, và nó không công bằng với những người sử dụng ô tô hạng thường. Người khác lại không cho là như vậy. Họ lập luận rằng chẳng có gì sai khi đòi thêm tiền để được hưởng dịch vụ nhanh hơn. Hãng chuyển phát nhanh Federal Express đưa ra mức giá cao hơn nếu muốn bạn chuyển phát ngay qua đêm. Cửa hàng giặt là sẽ thu thêm tiền nếu bạn muốn lấy quần áo ngay trong ngày. Và chưa ai phàn nàn rằng FedEx hay cửa hàng giặt là không công bằng khi họ chuyển hàng của bạn sớm hơn, giặt áo cho bạn nhanh hơn cho người khác.
Với nhà kinh tế học, việc nhiều người xếp hàng dài để được hưởng hàng hóa và dịch vụ là lãng phí, không hiệu quả - một dấu hiệu cho thấy hệ thống giá cả không sắp xếp được cung cầu sao cho hợp lý. Cho phép mọi người trả tiền để được hưởng dịch vụ nhanh hơn ở sân bay, ở công viên giải trí, ở đường cao tốc đều làm gia tăng hiệu quả kinh tế, thông qua việc để con người định giá cho thời gian của mình.
NGÀNH KINH DOANH XẾP HÀNG
Ngay cả khi bạn không được mua quyền chen lên đầu hàng thì đôi khi bạn vẫn có thể thuê người khác xếp hàng thay cho bạn. Mỗi mùa hè, Nhà hát Thành phố New York lại biểu diễn các vở kịch của Shakespeare miễn phí ngoài trời ở công viên Central Park. Nhà hát bắt đầu phát vé cho các suất diễn buổi tối từ 1 giờ chiều, và mọi người phải xếp hàng từ nhiều giờ trước. Năm 2010, khi Al Pacino đóng vai Shylock trong vở Người lái buôn thành Venice thì nhu cầu vé càng đặc biệt căng thẳng.
Nhiều người New York rất muốn xem vở kịch, nhưng họ không có thời gian xếp hàng. Theo báo New York Daily News, tình thế khó khăn đã làm nảy sinh một nghề kinh doanh giản đơn mới: có những người sẵn lòng xếp hàng để nhận vé hộ những người sẵn lòng trả tiền để không phải xếp hàng. Những người xếp hàng hộ đã đăng quảng cáo trên trang web tìm việc Craigslist và các trang web khác. Để đổi lấy công xếp hàng và chờ đợi, họ có thể yêu cầu khách hàng trả đến 125 dollar cho mỗi tấm vé xem kịch miễn phí họ lấy được[32].
Nhà hát đã cố tránh tình trạng có người kiếm tiền từ việc xếp hàng hộ vì cho rằng: “điều này không phù hợp với tinh thần của Shakespeare trong không gian công viên chung”. Nhiệm vụ của Nhà hát Thành phố, đơn vị được nhà nước bao cấp, hoạt động không vì lợi nhuận là phải làm cho khán giả từ mọi tầng lớp xã hội có thể được tiếp cận với họ nhiều hơn. Andrew Cuomo, tổng chưởng lý thành phố New York đã gây sức ép, buộc Craigslist phải dỡ bỏ quảng cáo của những người cung cấp dịch vụ xếp hàng hộ. “Bán những tấm vé được phát miễn phí đã tước đi của người New York những lợi ích mà cơ quan được nhà nước bao cấp [Nhà hát Thành phố New York] đem lại”[33].
Công viên Central Park không phải nơi duy nhất giúp người ta kiếm tiền từ việc xếp hàng chờ đợi. Ở Washington, D.C., xếp hàng đang nhanh chóng trở thành một nghề liên quan chặt chẽ đến nhà nước. Khi các ủy ban quốc hội tổ chức phiên điều trần về các điều luật được đề xuất ban hành, họ thường dành vài chỗ ngồi để các nhà báo và người dân có thể đến xem, theo
nguyên tắc ai đến trước được chỗ trước. Tùy vào nội dung điều trần và quy mô phòng họp mà hàng người xếp hàng tham dự phiên điều trần có thể hình thành từ một hay nhiều ngày trước đó, bất kể trời mưa hay gió mùa đông lạnh. Các chuyên gia vận động hành lang cho các công ty rất muốn tham dự phiên điều trần này vì họ muốn nói chuyện với các nhà lập pháp vào giờ nghỉ và theo dõi sát sao những điều luật liên quan đến ngành kinh doanh của họ. Nhưng bất đắc dĩ lắm họ mới xếp hàng hàng giờ để có chỗ ngồi. Giải pháp của họ là: trả hàng nghìn dollar cho công ty xếp hàng chuyên nghiệp, và các công ty này sẽ thuê người để xếp hàng hộ.
Các công ty xếp hàng thường thuê người về hưu, người đưa thư, và ngày càng phổ biến là người vô gia cư – họ là những người chấp nhận mọi hoàn cảnh để đứng xếp hàng. Họ chờ ở ngoài rồi theo dòng người, dịch chuyển dần vào trong sảnh tòa nhà quốc hội, xếp hàng ngoài phòng điều trần. Ngay trước khi phiên điều trần bắt đầu, tay chuyên gia vận động hành lang giàu có mới tới, đổi chỗ với cái người ăn mặc lôi thôi đang đứng xếp hàng và chiếm được một ghế trong phòng[34].
Các công ty xếp hàng thuê yêu cầu các chuyên gia vận động hành lang phải trả từ 36 đến 60 dollar cho một giờ xếp hàng, nghĩa là cái giá cho một chỗ ngồi trong phòng điều trần có thể lên đến 1000 dollar hoặc hơn. Người đứng xếp hàng thuê được trả từ 10 đến 20 dollar một giờ. Báo Washington Post đã có bài xã luận phản đối hiện tượng này, cho rằng nó “hạ thấp” Quốc hội và “khinh thường công chúng”. Thượng nghị sỹ Claire McCaskill thuộc đảng Dân chủ, đại diện bang Missouri đã cố gắng tìm cách cấm, nhưng không thành công. Theo bà, “việc các nhóm lợi ích đặc biệt mua được chỗ ngồi ở phiên điều trần của Quốc hội không khác gì mua vé xem hòa nhạc hay bóng bầu dục là một sự xúc phạm đối với tôi”[35].
Gần đây, ngành kinh doanh xếp hàng đã mở rộng địa bàn từ Quốc hội sang đến Tòa án tối cao Mỹ. Khi Tòa bước vào phiên tranh tụng trong các vụ kiện lớn liên quan đến Hiến pháp thì không dễ mà vào nghe được. Nhưng nếu bạn sẵn lòng trả tiền, bạn có thể thuê một người xếp hàng hộ để kiếm cho bạn một chỗ ngồi để chứng kiến phiên tòa tối cao của đất nước[36].
Công ty LineStanding.com tự mô tả họ là “công ty hàng đầu trong lĩnh vực xếp hàng ở Quốc hội”. Khi Thượng nghị sỹ McCaskill đề xuất luật cấm
ngành kinh doanh xếp hàng, Mark Gross – chủ sở hữu công ty – đã lên tiếng tự bảo vệ. Ông so sánh nghề xếp hàng thuê với việc phân công lao động trên dây chuyền lắp ráp của Henry Ford: “Mỗi công nhân trên dây chuyền phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của riêng mình”. Các chuyên gia vận động hành lang xuất sắc trong việc tham gia phiên điều trần và “phân tích mọi lời khai”, các nghị sỹ thì giỏi “ra quyết định khi có thông tin”, còn “người xếp hàng thì làm tốt một việc, là chờ đợi. Phân công lao động đã giúp nước Mỹ trở thành môi trường lao động tuyệt vời”, Gross khẳng định. “Công việc xếp hàng nghe có vẻ lạ, nhưng nói cho cùng nó là một nghề trong sạch trong nền kinh tế thị trường tự do”[37].
Oliver Gomes, một người xếp hàng chuyên nghiệp cũng đồng ý với Gross. Khi được tuyển vào làm, anh đang sống ở khu vực của người vô gia cư. CNN đã phỏng vấn anh khi anh đứng xếp hàng thuê cho một chuyên gia vận động hành lang chờ một phiên điều trần về biến đối khí hậu. “Ngồi ở sảnh Quốc hội khiến tôi thấy dễ chịu hơn”, Gomes trả lời CNN. “Công việc này làm tôi phấn chấn, tôi cảm thấy... à anh biết đấy... hình như tôi thuộc về nơi này, hình như tôi đang làm việc có ích mỗi phút giây”[38].
Nhưng cơ hội của Gomes lại khiến một số nhà môi trường nản lòng. Một nhóm các nhà môi trường đến dự buổi điều trần về biến đổi khí hậu đã không thể vào được bên trong. Đội quân xếp hàng thuê đã giúp giới vận động hành lang chiếm hết tất cả mọi chỗ ngồi trong phòng điều trần[39]. Dĩ nhiên, người ta có thể nói rằng nếu các nhà môi trường thực sự quan tâm thì họ cũng nên đến xếp hàng từ đêm trước. Hoặc họ nên thuê những người gia cư xếp hàng hộ họ.
ĐẦU CƠ VÉ KHÁM BỆNH
Xếp hàng để kiếm tiền là hiện tượng không chỉ có ở nước Mỹ. Gần đây, khi đến Trung Quốc, tôi phát hiện ra nghề xếp hàng thuê đã trở nên phổ biến ở những bệnh viện hàng đầu ở Bắc Kinh. Cuộc cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường trong hai thập kỷ qua đã khiến các bệnh viện và phòng khám nhà nước, đặc biệt ở vùng nông thôn, bị cắt giảm tiền ngân sách nhà nước cấp. Vì vậy, bệnh nhân từ nông thôn thường đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lớn ở thủ đô, và họ xếp hàng dài ở sảnh đăng ký. Họ xếp hàng suốt đêm, đôi khi mất nhiều ngày để có vé khám bệnh[40].
Vé khám bệnh không hề đắt – chỉ 14 nhân dân tệ (khoảng 2 dollar). Nhưng không dễ có được nó. Thay vì phải cắm trại ngày đêm xếp hàng, một số bệnh nhân vì quá sốt ruột muốn được khám ngay nên đã mua vé khám bệnh từ những kẻ đầu cơ. Giới đầu cơ kiếm được tiền nhờ chênh lệch giữa cung và cầu. Họ thuê người xếp hàng lấy vé khám bệnh rồi bán lại với giá hàng trăm dollar – số tiền còn cao hơn thu nhập nhiều tháng trời của nông dân. Vé khám các bác sỹ hàng đầu thì đắt khủng khiếp, được giới đầu cơ săn tìm và bán như thể đó là vé xem giải vô địch bóng chày quốc gia Mỹ vậy. Báo Los Angeles Times mô tả cảnh đầu cơ vé khám bên ngoài sảnh đăng ký của một bệnh viện ở Bắc Kinh như sau: “Bác sỹ Tang đây. Bác sỹ Tang đây. Ai muốn mua vé khám bác sỹ Tang không? Chuyên khoa khớp và lây nhiễm đây”[41].
Hành động đầu cơ vé khám bệnh có cái gì đó đáng ghê sợ. Lý do là nó đem lại lợi nhuận cho những kẻ môi giới tồi tệ chứ không phải cho những người làm dịch vụ y tế. Bác sỹ Tang hoàn toàn có thể đặt câu hỏi là nếu một vé khám bệnh khớp trị giá 100 dollar thì tại sao phần lớn số tiền này không thuộc về ông hay về bệnh viện mà lại thuộc về một kẻ môi giới nào đó. Các nhà kinh tế học cũng nhất trí với ông và sẽ khuyên bệnh viện nâng giá khám bệnh lên. Thực tế là một số bệnh viện ở Bắc Kinh đã bổ sung cửa bán vé khám đặc biệt. Ở đây giá vé đắt hơn và số người xếp hàng ít hơn nhiều[42]. Vé khám bệnh giá cao chính là một dạng vé cao cấp, không phải chờ đợi, giống như ở công viên giải trí hay lối đi ưu tiên ở sân bay – cơ hội cho bạn
trả tiền để chen lên hàng đầu.
Nhưng cho dù ai kiếm được tiền từ hiện tượng cầu vượt quá cung – kẻ đầu cơ hay bệnh viện – thì dịch vụ “lối đi ưu tiên” vào phòng khám bệnh khớp cũng đặt ra một câu hỏi cơ bản: Liệu bệnh nhân có nên được ưu tiên khám bệnh trước vì họ có khả năng chi nhiều tiền hơn không?
Sự xuất hiện của giới đầu cơ vé khám và cửa bán vé khám đặc biệt ở các bệnh viện Bắc Kinh càng làm câu hỏi này trở nên cấp thiết. Nhưng ở Mỹ, ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự cho một hình thức chen hàng khác tinh vi hơn – sự ra đời của các bác sỹ “chăm sóc bệnh nhân”.
BÁC SỸ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN
Mặc dù những kẻ đầu cơ không đứng đầy các bệnh viện ở Mỹ, nhưng người đi khám cũng phải chờ đợi rất lâu. Bạn phải hẹn trước với bác sỹ nhiều tuần, đôi khi nhiều tháng. Khi đến gặp bác sỹ, bạn phải chôn chân ở phòng đợi rất lâu chỉ để được khám rất nhanh trong mười đến mười lăm phút. Lý do là: các công ty bảo hiểm không trả nhiều tiền cho các bác sỹ với dịch vụ khám thông thường. Vì vậy, để có cuộc sống phong lưu hơn, các bác sỹ khám đa khoa phải thu xếp khám cho hơn 3.000 bệnh nhân và họ phải khám được cho từ 25 đến 30 người mỗi ngày[43].
Rất nhiều bệnh nhân và bác sỹ chán nản với hệ thống này. Với nó, bác sỹ có rất ít thời gian, không đủ để hiểu bệnh nhân, trả lời các câu hỏi của họ. Vì vậy, ngày càng có nhiều bác sỹ muốn cung cấp dịch vụ quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn có tên là “y khoa chăm sóc bệnh nhân”. Giống như nhân viên phục vụ khách sạn năm sao, các bác sỹ chăm sóc bệnh nhân luôn sẵn lòng phục vụ bạn cả ngày lẫn đêm. Với mức phí hàng năm từ 1.500 đến 25.000 dollar, bệnh nhân chắc chắn sẽ được bác sỹ khám ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau, không phải chờ đợi, được tư vấn một cách thong thả, và có thể gửi thư điện tử, gọi điện cho bác sỹ 24 giờ một ngày. Còn nếu bạn cần gặp chuyên gia đầu ngành thì vị bác sỹ chăm sóc bạn sẽ giới thiệu[44].
Để cung cấp được dịch vụ như vậy, các bác sỹ phải giảm đáng kể số bệnh nhân của mình. Những bác sỹ quyết định đi theo con đường dịch vụ chăm sóc bệnh nhân sẽ phải gửi thư cho các bệnh nhân hiện tại của mình và đề nghị họ lựa chọn: hoặc đăng ký dịch vụ mới, không phải chờ đợi khi khám bệnh và trả tiền phí hàng năm, hoặc tìm bác sỹ khác[45].
Một trong những công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân đầu tiên, và là một trong những dịch vụ đắt tiền nhất là MD2 (MD bình phương), ra đời năm 1996 ở Seattle. Với mức phí 15.000 dollar một năm cho một người (25.000 dollar cho một gia đình), công ty cam kết khách hàng được “gặp bác sỹ hoàn toàn bất cứ khi nào, không hạn định thời gian và không ai chen ngang”[46]. Mỗi bác sỹ chỉ phục vụ 50 gia đình. Như công ty giải thích trên trang web, “dịch vụ được cung cấp ở mức cao hiển nhiên đòi hỏi chúng tôi
phải giới hạn số lượng khách hàng”[47].
Theo một bài viết trên tạp chí Town & Country, phòng chờ của MD2 “trông giống sảnh khách sạn Ritz-Carlton hơn là một phòng khám”. Nhưng vẫn có rất ít bệnh nhân đến. Phần lớn họ là “các vị tổng giám đốc, các doanh nhân, không muốn mất một giờ làm việc để đến phòng khám. Họ ưa chuộng hơn dịch vụ khám bệnh riêng tư tại nhà hoặc tại nơi làm việc”[48].
Các công ty chăm sóc bệnh nhân khác hướng tới giới trung lưu. MDVIP, một chuỗi công ty chăm sóc bệnh nhân hoạt động vì lợi nhuận tại bang Florida cũng cung cấp dịch vụ hẹn khám trong ngày và khám ngay lập tức (họ sẽ trả lời điện thoại của bạn ngay sau hồi chuông thứ hai) với mức giá từ 1.500 đến 1.800 dollar một năm, và chấp nhận cho bảo hiểm chi trả với quy trình khám bệnh thông thường. Các bác sỹ ở đây chỉ nhận 600 bệnh nhân để họ có nhiều thời gian khám hơn cho từng người[49]. Công ty đảm bảo với các bệnh nhân rằng “trong dịch vụ y tế của chúng tôi không có phần chờ đợi”. Theo báo New York Times, một chi nhánh MDVIP ở Boca Raton có đặt hoa quả và bánh xốp trong phòng đợi. Nhưng vì gần như không có ai phải đợi nên đồ ăn thường không được động đến[50].
Với bác sỹ “chăm sóc bệnh nhân” và khách hàng của họ, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chính là toàn bộ ý nghĩa của từ “y tế”. Bác sỹ có thể gặp từ tám đến mười hai bệnh nhân một ngày thay vì ba mươi người, và vẫn kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng bác sỹ tham gia MDVIP được giữ lại hai phần ba mức phí khách hàng trả (một phần ba còn lại thuộc về công ty), có nghĩa là dịch vụ y tế cung cấp cho 600 bệnh nhân sẽ đem lại doanh thu 600.000 dollar một năm, đó là tiền phí, chưa tính tiền bồi hoàn của các công ty bảo hiểm. Với những bệnh nhân có khả năng chi trả thì những cuộc gọi bất kể ngày đêm, những cuộc hẹn không vội vàng với bác sỹ chính là thứ hàng hóa xa xỉ đáng đồng tiền[51].
Tất nhiên, nhược điểm của dịch vụ chăm sóc bệnh nhân là nó đẩy tất cả những người khác vào đám đông khách hàng của các bác sỹ khác[52]. Do đó, nó cũng gặp phải sự phản đối giống như mọi cơ chế tạo lối đi ưu tiên, rằng nó không công bằng với những người đang mỏi mòn chờ đợi trên lối đi thông thường.
Nhưng chắc chắn dịch vụ chăm sóc bệnh nhân khác với cửa bán vé đặc
biệt hay hệ thống đầu cơ vé khám ở Bắc Kinh. Những người không đủ khả năng chi trả cho bác sỹ chăm sóc bệnh nhân nhìn chung vẫn có thể tìm được dịch vụ y tế tốt ở bác sỹ khác, trong khi ở Bắc Kinh, ai không đủ tiền mua vé khám đầu cơ thì chỉ còn cách chờ đợi cả ngày lẫn đêm.
Nhưng hai hệ thống đều có một điểm chung: chúng cho phép người giàu có thể chen lên hàng đầu để hưởng dịch vụ y tế. Kiểu chen hàng ở Bắc Kinh sống sượng hơn so với ở Boca Raton. Giữa sảnh đăng ký đông đúc ồn ào và phòng chờ vắng lặng với món bánh xốp không ai động đến quả là sự khác biệt một trời một vực. Nhưng lý do chỉ là khi bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt đến phòng khám thì quá trình đưa bệnh nhân vào danh sách xếp hàng đã diễn ra từ trước – mà không ai nhìn thấy – thông qua việc họ đóng phí.
LẬP LUẬN DỰA VÀO THỊ TRƯỜNG
Những câu chuyện chúng ta đề cập ở trên là dấu hiệu của một thời đại mới. Ở sân bay, trong công viên giải trí, tại hành lang Quốc hội hay phòng chờ khám bệnh, quy luật xếp hàng – “đến trước được phục vụ trước” – không còn, thay vào đó là quy luật của thị trường – “tiền nào của nấy”. Và dần dần nó phản ánh một điều còn lớn hơn: tiền và thị trường có phạm vi tác động ngày càng rộng, lên cả những khía cạnh của đời sống vốn không bị chi phối bởi các chuẩn mực thị trường.
Mua bán quyền chen hàng không phải ví dụ đáng buồn nhất của xu hướng này. Nhưng xem xét ưu nhược điểm của hệ thống xếp hàng, đầu cơ vé và các hình thức chen hàng khác có thể giúp chúng ta có ý niệm về sức mạnh tinh thần – và giới hạn đạo đức – của lập luận thị trường.
Thuê người xếp hàng hộ hay đầu cơ vé khám có gì sai không? Phần lớn các nhà kinh tế học đều nói không. Họ không đồng cảm mấy với quy luật xếp hàng. Họ đặt câu hỏi: tôi muốn thuê một người vô gia cư thay mặt tôi đến xếp hàng, có gì mà thiên hạ phải phàn nàn? Tôi muốn bán tấm vé khám tôi kiếm được chứ không muốn dùng nó, tại sao lại không được?
Tình huống quy luật thị trường vượt qua quy luật xếp hàng đã dẫn đến hai lập luận về tôn trọng tự do cá nhân và về tối đa hóa phúc lợi xã hội. Lập luận thứ nhất là của những người theo trường phái tự do. Nó cho rằng con người có quyền tự do mua bán bất cứ thứ gì họ muốn, chừng nào không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Phái tự do phản đổi các điều luật cấm đầu cơ vé vì lý do giống như khi họ phản đối các điều luật cấm hành nghề mại dâm hoặc cấm bán các bộ phận cơ thể người: Họ tin rằng những điều cấm ấy vi phạm quyền tự do cá nhân khi can thiệp vào lựa chọn của người đã trưởng thành.
Lập luận thứ hai liên quan đến thị trường, quen thuộc với giới kinh tế hơn với những người khác, là của những ngươi theo tư tưởng vị lợi. Nó cho rằng hoạt động trao đổi trên thị trường khiến người mua và người bán có lợi như nhau, vì vậy phúc lợi của tất cả chúng ta, tức là phúc lợi xã hội sẽ tăng lên. Việc tôi và người xếp hàng thuê cho tôi thỏa thuận được với nhau cho thấy
cả hai chúng tôi đều có lợi. Đối với tôi, trả 125 dollar để được xem kịch Shakespeare mà không phải chờ đợi là tốt hơn, nếu không tôi đã không thuê người xếp hàng. Với người xếp hàng thuê, mất vài giờ đồng hồ đứng chờ mà kiếm được 125 dollar cũng tốt, nếu không anh ta đã không nhận việc này. Cả hai chúng tôi đều được lợi khi trao đổi, tức là phúc lợi của chúng tôi tăng lên. Đây là cái mà các nhà kinh tế học muốn nói khi họ phát biểu rằng thị trường tự do luôn phân bổ hàng hóa một cách hiệu quả nhất. Thông qua việc để cho mọi người thực hiện các giao dịch đôi bên cùng có lợi, thị trường đã phân bổ hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, và giá trị ấy được đo bằng mức độ sẵn lòng chi trả của người mua.
Đồng nghiệp của tôi, nhà kinh tế học Greg Mankiw là tác giả một trong những cuốn giáo trình kinh tế học phổ biến nhất ở Mỹ. Ông dùng ví dụ đầu cơ vé để minh họa cho ưu điểm của thị trường tự do. Thứ nhất, ông giải thích khái niệm hiệu quả kinh tế nghĩa là hàng hóa được phân bổ sao cho “phúc lợi của tất cả mọi người trong xã hội” đạt giá trị lớn nhất. Rồi ông quan sát và nhận thấy thị trường tự do góp phần đạt được mục tiêu này khi nó phân bổ “hàng hóa được cung cấp cho những người đánh giá giá trị hàng hóa cao nhất, giá trị ấy được đo bằng mức sẵn lòng chi trả của người mua”[53].
Hãy xem những người đầu cơ vé. “Nếu nền kinh tế hoạt động với mục tiêu là phân bổ các nguồn lực khan hiếm sao cho hiệu quả nhất thì hàng hóa phải thuộc về những người tiêu dùng đánh giá giá trị nó cao nhất. Đầu cơ vé là một ví dụ cho thấy thị trường phân bổ hiệu quả như thế nào... Khi đòi mức giá cao nhất mà thị trường có thể chấp nhận được, những người đầu cơ góp phần đảm bảo rằng người tiêu dùng nào có mức sẵn lòng trả tiền mua vé cao nhất sẽ là người mua được vé”[54].
Nếu lập luận về thị trường tự do là đúng thì chúng ta không nên gièm pha giới đầu cơ vé và công ty xếp hàng thuê là họ đã vi phạm nguyên tắc xếp hàng. Mà ngược lại, chúng ta nên ca ngợi họ vì họ đã làm phúc lợi xã hội tăng lên khi đưa những hàng hóa bị thị trường đánh giá quá thấp đến với những người sẵn lòng trả giá cao nhất cho hàng hóa đó.
THỊ TRƯỜNG VÀ XẾP HÀNG
Vậy thì nguyên tắc xếp hàng sẽ thế nào? Tại sao chúng ta lại tìm cách ngăn chặn việc xếp hàng thuê hoặc đầu cơ vé ở Central Park và Đồi Capitol? Phát ngôn viên sự kiện Shakespeare ở Central Park giải thích như sau: “Họ đang chiếm chỗ, chiếm vé của những người muốn có mặt và hào hứng xem kịch Shakespeare trong công viên. Chúng tôi muốn mọi người được thưởng thức sự kiện này miễn phí”[55].
Ý thứ nhất trong lập luận của anh này sai. Người xếp hàng thuê không hề gây ảnh hưởng đến số lượng người được xem kịch mà chỉ tác động đến ai là người được xem. Như phát ngôn viên sự kiện Shakespeare nói, đúng là người xếp hàng thuê đã lấy đi tấm vé của những người đứng xếp hàng sau họ, những người thật sự muốn xem kịch. Nhưng người cuối cùng nhận được những tấm vé đó cũng hào hứng muốn xem kịch như vậy. Cho nên họ mới bỏ ra 125 dollar để thuê người xếp hàng lấy vé.
Có lẽ điều mà anh chàng phát ngôn viên muốn nói là việc đầu cơ vé là không công bằng với những người không thể chi số tiền 125 dollar. Hành vi đầu cơ vé đã đẩy những người bình thường vào tình thế bất lợi, khiến họ khó nhận được vé xem kịch hơn. Lập luận này hợp lý hơn ý trên. Khi người xếp hàng thuê hoặc người đầu cơ kiếm được một tấm vé thì tức là một ai đó xếp hàng sau anh ta bị loại khỏi ghế khán giả - người bị loại không thể có đủ tiền để mua vé với giá đầu cơ.
Những người ủng hộ thị trường tự do có thể phản hồi như sau: Nếu nhà hát kịch thực sự muốn khán phòng chỉ dành cho những người muốn xem kịch và sự hài lòng mà vở kịch đem lại đạt mức tối đa thì nhà hát nên mong muốn tấm vé xem kịch phải đến được với người nào đánh giá nó cao nhất. Và hẳn họ phải là những người trả nhiều tiền nhất để có vé. Vì vậy, cách tốt nhất để khán phòng có những khán giả thấy hài lòng nhất về vở kịch là hãy để thị trường tự do hoạt động – có thể bằng cách bán vé với bất cứ mức giá nào mà người mua chấp nhận, hoặc cho phép người xếp hàng thuê và người đầu cơ bán vé cho người trả giá cao nhất. Bán vé cho người sẵn lòng trả giá cao nhất chính là cách tốt nhất để xác định xem ai là người đánh giá buổi
diễn kịch Shakespeare cao nhất.
Nhưng lập luận này không thuyết phục. Kể cả khi mục tiêu là tối đa hóa phúc lợi xã hội thì thị trường tự do chưa chắc đã làm việc đó một cách đáng tin cậy bằng để người mua xếp hàng. Lý do là mức sẵn lòng chi trả cho một hàng hóa không cho ta thấy ai là người đánh giá hàng hóa ấy cao nhất và giá cả thị trường phản ánh cả khả năng chi trả lẫn mức sẵn lòng chi trả. Những người muốn xem kịch Shakespeare nhất hoặc xem Red Sox[56]thi đấu nhất có thể lại không đủ tiền mua vé. Và trong một số trường hợp, người trả giá cao nhất có khi lại không hề đánh giá cao sản phẩm, dịch vụ mình định mua.
Ví dụ, tôi nhận thấy những người ngồi ghế hạng đắt tiền ở sân bóng lại thường đến muộn và về sớm, làm tôi phải tự hỏi họ thích bóng chày đến mức nào. Việc họ đủ tiền mua chỗ ngồi ngay sau căn cứ (base) đội nhà có lẽ chỉ chứng tỏ sức nặng túi tiền của họ chứ không phải niềm đam mê họ dành cho bóng chày. Rõ ràng họ không hâm mộ bóng chày bằng một số người khác, đặc biệt là thanh niên, những người không có khả năng mua vé ghế lô riêng, nhưng có thể đọc cho bạn tỷ lệ đánh bóng ghi điểm của từng cầu thủ trong đội hình chính thức khi bắt đầu trận đấu.
Điều này là bình thường, thậm chí ai cũng thấy. Nhưng nó khiến người ta nghi ngờ lời khẳng định của các nhà kinh tế học rằng thị trường luôn làm tốt việc phân bổ hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, tốt hơn so với khi bắt người mua xếp hàng. Trong một số trường hợp, so với việc sẵn lòng chi trả, việc sẵn lòng xếp hàng – với người mua vé xem kịch hoặc xem bóng chày – lại là dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy ai là người thực sự muốn đến nhà hát hoặc sân đấu.
Những người bảo vệ nhóm đầu cơ vé phàn nàn rằng xếp hàng là hành vi “phân biệt đối xử với ưu đãi dành cho những người có nhiều thời gian rảnh nhất”[57]. Họ nói đúng, nhưng chỉ khi câu nói sau đây cũng đúng: thị trường “phân biệt đối xử” với ưu đãi dành cho những người có nhiều tiền nhất. Trong khi thị trường phân bổ hàng hóa dựa trên khả năng và mức sẵn lòng chi trả thì việc xếp hàng sẽ dẫn đến hàng hóa được phân bổ dựa trên khả năng và mức sẵn lòng chờ đợi. Và không có lý do gì cho rằng mức sẵn lòng chi trả cho hàng hóa lại là tiêu chí tốt hơn mức sẵn lòng chờ đợi khi đo giá trị của hàng hóa đối với một người.
Do đó, quan điểm vị lợi coi trọng thị trường hơn xếp hàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đôi khi thị trường phân bổ được hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, nhưng đôi khi xếp hàng lại làm việc ấy tốt hơn. Trong bất kỳ tình huống nào, muốn đánh giá thị trường hay xếp hàng tốt hơn thì đều phải làm thực nghiệm chứ không thể đoán định trước câu trả lời chỉ bằng lập luận trên lý thuyết.
THỊ TRƯỜNG VÀ THAM NHŨNG
Nhưng lập luận coi trọng thị trường hơn xếp hàng của tư tưởng vị lợi lại găp phải một sự phản đối khác cơ bản hơn: đó là quan điểm vị lợi không phải là cách duy nhất để đánh giá sự việc. Giá trị của một số hàng hóa không chỉ thể hiện qua độ thỏa dụng chúng mang lại cho người mua và người bán có được. Cách thức phân bổ hàng hóa cũng là một yếu tố góp phần tạo ra nó là loại hàng hóa gì.
Hãy xem lại ví dụ về các buổi biểu diễn kịch Shakespeare miễn phí vào mùa hè của Nhà hát thành phố. Để giải thích việc nhà hát phản đối xếp hàng thuê, người phát ngôn nhà hát nói: “Chúng tôi muốn mọi người được thưởng thức sự kiện này miễn phí”. Nhưng tại sao? Cảm giác thưởng thức có bị ảnh hưởng không nếu có những người mua bán vé? Dĩ nhiên là có với những người muốn xem kịch nhưng không đủ tiền mua vé. Nhưng tính công bằng không phải vấn đề duy nhất cần quan tâm. Nếu các buổi biểu diễn miễn phí của nhà hát bị biến thành hàng hóa để mua bán trên thị trường thì sẽ có cái gì đó bị mất mát, không chỉ là sự thất vọng của những người bị loại khỏi buổi biểu diễn vì không trả tiền.
Nhà hát thành phố coi những buổi biểu diễn miễn phí ngoài trời của họ là một festival, một sự kiện chào mừng chung. Tức là nó như một món quà thành phố tặng cho chính mình. Tất nhiên, số ghế ngồi không phải vô hạn, cả thành phố không thể cùng xem kịch trong một buổi tối được. Nhưng ý tưởng của họ là đưa kịch Shakespeare miễn phí đến cho mọi người, không quan tâm đến việc ai có khả năng mua vé. Bán vé vào cửa hoặc cho phép người đầu cơ vé kiếm tiền từ quà tặng là không phù hợp với mong muốn ấy, vì lúc đó một festival công cộng đã bị biến thành một hoạt động kinh doanh, một công cụ để các cá nhân kiếm lời. Nó giống như thành phố bắt mọi người phải trả tiền để xem pháo hoa vào ngày Quốc khánh vậy.
Tương tự, ta có thể giải thích tại sao việc thuê người xếp hàng ở Đồi Capital lại sai. Một trong số đó là vấn đề công bằng: sẽ không công bằng khi các chuyên gia vận động hành lang giàu có có thể lũng đoạn thị trường nghe phiên điều trần của Quốc hội, khiến các công dân bình thường không còn cơ
hội để tham gia. Nhưng sự bất công không phải vấn đề duy nhất. Giả sử các chuyên gia vận động hành lang bị đánh thuế khi họ thuê công ty xếp hàng thuê, và tiền thuế thu được sẽ dùng để trợ cấp sao cho xếp hàng thuê trở thành dịch vụ mà mọi người đều có thể tiếp cận. Nhà nước có thể trợ cấp dưới dạng cấp phiếu mua dịch vụ với giá rẻ hơn cho người dân khi họ đến công ty xếp hàng thuê. Cơ chế này có thể xóa bớt tình trạng bất công của hệ thống hiện tại. Nhưng vẫn sẽ có người phản đối, vì biến việc đến dự phiên điều trần của Quốc hội thành một hàng hóa mua bán được sẽ làm xói mòn ý nghĩa của nó.
Từ quan điểm kinh tế, cho phép mọi người đến dự phiên điều trần của Quốc hội miễn phí là hành động “định giá quá thấp” hàng hóa, khiến số người xếp hàng để có nó tăng lên. Ngành kinh doanh xếp hàng thuê đã giải quyết được tình trạng phi hiệu quả này khi đặt ra giá thị trường cho nó. Các công ty xếp hàng thuê đã phân bổ ghế ngồi trong phòng điều trần cho những người sẵn lòng trả cho họ số tiền lớn nhất. Nhưng định giá việc chứng kiến nhà nước đại diện cho người dân làm việc theo cách này là sai.
Chúng ta sẽ thấy rõ hơn nếu đặt câu hỏi tại sao ngay từ đầu Quốc hội lại “đánh giá quá thấp” việc được dự buổi điều trần của họ. Giả sử để quyết liệt giải quyết tình trạng nợ quốc gia, Quốc hội quyết định bán vé cho người dân vào dự phiên điều trần, ví dụ 1.000 dollar cho ghế ngồi hàng đầu trong phiên điều trần của Ủy ban Ngân sách. Rất nhiều người sẽ phản đối ngay, không chỉ vì bán vé là bất công với những người đủ khả năng mua vé, mà còn vì bắt người dân phải trả tiền để dự một phiên điều trần thực chất là một dạng tham nhũng.
Chúng ta thường liên tưởng tham nhũng với những khoản thu lợi bất chính. Nhưng tham nhũng không chỉ là hối lộ hay nhận tiền trái phép. Tham nhũng với một hàng hóa, một hành vi tốt đẹp với xã hội còn có nghĩa là làm xói mòn nó, đối xử với nó theo cách định giá nó quá thấp thay vì đánh giá nó một cách thích đáng. Bán vé vào nghe Quốc hội điều trần chính là một hành vi tham nhũng theo nghĩa này. Làm như vậy là coi Quốc hội như một đơn vị kinh doanh chứ không phải một cơ quan thuộc nhà nước đại diện cho nhân dân.
Những người hay chỉ trích có thể đáp lại rằng Quốc hội đã biến thành một
đơn vị kinh doanh rồi vì họ thường xuyên dành ảnh hưởng, sự ủng hộ của họ cho các nhóm lợi ích đặc biệt. Cho nên tại sao không công khai điều đó và bán vé cho mọi người xem? Câu trả lời là vận động hành lang, bán ảnh hưởng, lợi dụng công việc làm lợi cho bản thân, những hành vi gây ảnh hưởng đến Quốc hội đều là điển hình của tham nhũng. Chúng cho thấy chính phủ đã làm xói mòn lợi ích xã hội. Ẩn sau việc coi cái gì là tham nhũng chính là nhận thức về những mục tiêu, những kết quả mà một tổ chức (trong ví dụ này là Quốc hội) cần theo đuổi. Ngành kinh doanh xếp hàng thuê ở Đồi Capitol – mở rộng từ ngành vận động hành lang – bị coi là tham nhũng nếu xét theo nghĩa này. Xếp hàng thuê không phạm pháp, việc trả tiền là công khai. Nhưng nó làm xói mòn hình ảnh của Quốc hội khi coi Quốc hội là nơi để kiếm lợi cho cá nhân thay vì coi đây là một công cụ đem lại lợi ích chung.
ĐẦU CƠ VÉ THÌ SAO?
Tại sao một số thứ như trả tiền để chen hàng, xếp hàng thuê và đầu cơ vé lại làm chúng ta muốn phản đối, trong khi những thứ khác thì không? Câu trả lời là thị trường làm xói mòn giá trị một số hàng hóa nhưng lại định giá thích hợp cho nhiều hàng hóa khác. Trước khi quyết định hàng hóa nào nên được phân bổ thông qua thị trường, hoặc xếp hàng, hoặc cách nào khác thì chúng ta phải xác định nó thuộc loại gì và nên được định giá ra sao.
Trả lời câu hỏi trên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hãy xem ba ví dụ về hàng hóa “bị đánh giá thấp” nên dẫn tới tình trạng đầu cơ vé gần đây: cắm trại ở Công viên quốc gia Yosemite, lễ mixa ngoài trời của Giáo hoàng Benedict XVI và các buổi biểu diễn của ca sỹ Bruce Springsteen.
Đầu cơ vé cắm trại ở Yosemite
Công viên quốc gia Yosemite, bang California mỗi năm thu hút bốn triệu lượt khách du lịch. Khách đến thăm có thể đặt trước một trong 900 chỗ cắm trại trong công viên với giá 20 dollar một đêm. Dịch vụ đặt trước qua điện thoại hoặc mạng internet bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 15 hằng tháng, và bạn được đặt trước tối đa năm tháng. Nhưng không dễ đặt được chỗ cắm trại. Nhu cầu quá cao, đặc biệt là vào mùa hè, đến mức chỉ vài phút sau thời điểm mở dịch vụ đặt trước là hết chỗ.
Nhưng vào năm 2011, báo The Sacramento Bee cho biết giới đầu cơ vé đang bán chỗ cắm trại ở Yosemite trên trang web Craigslist với giá từ 100 đến 150 dollar một đêm. Ban Dịch vụ của công viên – trước nay luôn cấm bán lại chỗ đã đặt trước – phải đối mặt với một cơn bão phàn nàn về những kẻ đầu cơ và họ phải nỗ lực tìm cách ngăn chặn các giao dịch trái phép[58]. Theo logic thị trường thông thường thì không hiểu tại sao họ lại phải làm vậy. Nếu Ban Dịch vụ của công viên muốn tối đa hóa phúc lợi mà công viên Yosemite mang lại cho xã hội thì hẳn họ phải muốn chỗ cắm trại thuộc về những người đánh giá trải nghiệm này cao nhất – thể hiện qua mức sẵn lòng chi trả. Vậy thì thay vì tìm cách đấu tranh với giới đầu cơ, họ nên chào đón những người này mới đúng. Hoặc nếu không thì họ nên nâng giá cắm trại lên bằng với mức giá trên thị trường đầu cơ để loại bỏ phần cầu dư thừa.
Nhưng sự giận dữ của xã hội về hiện tượng đầu cơ chỗ cắm trại ở Yosemite đã cho thấy xã hội bác bỏ logic thị trường. Tờ báo phanh phui câu chuyện đầu cơ đã tung ra một bài xã luận lên án giới đầu cơ với tiêu đề: GIỚI ĐẦU CƠ TẤN CÔNG CÔNG VIÊN YOSEMITE: KHÔNG CÒN GÌ THIÊNG LIÊNG NỮA SAO? Theo bài xã luận, đầu cơ chỗ cắm trại là một hành vi bất lương cần ngăn chặn chứ không phải một dịch vụ đem lại lợi ích cho xã hội. Bài báo viết: “Những kỳ quan trong công viên Yosemite thuộc về tất cả chúng ta, chứ không chỉ những người có đủ khả năng trả thêm tiền cho lũ đầu cơ”[59].
Thái độ chống đối hiện tượng đầu cơ chỗ cắm trại ở Yosemite hàm chứa hai lập luận phản đối: một về công bằng, và một về cách đánh giá giá trị công viên quốc gia thế nào là phù hợp. Lập luận thứ nhất cho rằng đầu cơ gây ra bất công với những người có nguồn lực hạn hẹp, không thể chi 150 dollar cho một đêm cắm trại. Lập luận thứ hai – chính là hàm ý của câu hỏi rất hùng hồn trong bài xã luận (“Không còn gì thiêng liêng nữa sao?”) – cho rằng có những thứ không nên đem ra mua bán. Theo đó, công viên quốc gia không chỉ thuần túy mang lại độ thỏa dụng cho xã hội mà còn là nơi chứa đựng vẻ đẹp của các kỳ quan thiên nhiên, xứng đáng được đánh giá cao, thậm chí được kính trọng. Để những người đầu cơ đấu giá quyền tham quan một nơi có giá trị như vậy có vẻ như là một hành vi báng bổ.
Lễ mixa của Giáo hoàng
Sau đây là một ví dụ khác về việc thị trường làm mất giá trị của một điều thiêng liêng. Khi Giáo hoàng Benedict XVI công du nước Mỹ lần đầu tiên, nhu cầu sở hữu vé đến dự lễ mixa của ông tổ chức ở sân vận động các thành phố New York và Washington, D.C. lên rất cao, vượt xa lượng chỗ ngồi sẵn có dù tổ chức ở sân vận động Yankee. Vé được phát miễn phí thông qua các giáo khu và giáo xứ. Tình trạng đầu cơ vé là không thể tránh khỏi – vé được rao bán trên mạng với giá hơn 200 dollar. Và các quan chức giáo hội phải lên tiếng phản đối vì họ cho rằng không nên mua bán quyền tham dự một nghi lễ tôn giáo. Một phát ngôn viên của nhà thờ đã nói: “Thị trường mua bán vé cho sự kiện này không nên tồn tại. Không ai có thể trả tiền để được ban phước cả”[60].
Những người đã mua vé từ giới đầu cơ hẳn không đồng ý với bà. Họ đã
làm được việc trả tiền để có mặt trong lễ ban phước. Nhưng theo tôi, phát ngôn viên của nhà thờ có ý khác khi nói như vậy: Mặc dù thông qua việc mua vé từ người đầu cơ, bạn có thể trả tiền để được có mặt trong lễ mixa của Giáo hoàng, nhưng ý nghĩa tâm linh của lễ ban phước sẽ mất đi nếu người ta mua bán nó. Nếu chúng ta coi các nghi lễ tín ngưỡng hay kỳ quan thiên nhiên là những hàng hóa mua bán được trên thị trường thì chúng ta đang hành xử thiếu tôn trọng. Biến những điều thiêng liêng thành công cụ sinh lợi nhuận là cách đánh giá giá trị sai lầm.
Thị trường vé xem Springsteen
Nhưng nếu một sự kiện vừa có tính thương mại vừa mang ý nghĩa khác thì sao? Năm 2009, nghệ sỹ Bruce Springsteen có hai buổi biểu diễn ở quê hương, bang New Jersey. Ông đưa ra giá vé cao nhất là 95 dollar mặc dù ông có thể bán với giá cao hơn nữa mà sân vận động vẫn kín người xem. Giá vé thấp khiến tình trạng đầu cơ vé hoành hành, tước đi của Springsteen khá nhiều tiền. Gần đây, ban nhạc Rolling Stones đã đưa ra giá vé 450 dollar cho chỗ ngồi đẹp nhất trong những chuyến lưu diễn của họ. Các nhà kinh tế học nghiên cứu giá vé của Springsteen nhận thấy rằng khi Springsteen đặt giá vé thấp hơn giá thị trường, ông đã mất khoảng 4 triệu dollar cho một tối biểu diễn[61].
Vậy tại sao Springsteen không lấy giá vé bằng giá thị trường? Với ông, giữ giá vé ở mức tương đối dễ chịu là cách duy trì niềm tin của những người hâm mộ thuộc tầng lớp lao động. Và đây cũng là cách ông thể hiện ý nghĩa những buổi biểu diễn của ông. Ông biểu diễn để kiếm tiền, đương nhiên, nhưng chỉ là một phần. Những buổi biểu diễn còn là những sự kiện mà sự thành công của chúng phụ thuộc vào tính cách, thành phần đám đông tham dự. Trong buổi biểu diễn không chỉ có những ca khúc mà còn có mối quan hệ giữa người nghệ sỹ và khán giả cũng như cái tinh thần đã mang họ đến với nhau.
Trong một bài báo trên tờ New Yorker về kinh tế học về các buổi biểu diễn nhạc rock, John Seabrook đã chỉ ra rằng các buổi biểu diễn nhạc sống không hoàn toàn là hàng hóa. Nếu chúng bị đối xử như hàng hóa thì giá trị của chúng sẽ suy giảm. “Băng đĩa nhạc là hàng hóa, còn các buổi biểu diễn là các sự kiện xã hội. Khi cố biến một trải nghiệm nhạc sống thành một hàng
hóa, công chúng có thể sẽ mất đi cơ hội thưởng thức sự kiện ấy cùng nhau”. Seabrook trích lời của Alan Krueger, một nhà kinh tế học từng nghiên cứu giá vé xem các buổi biểu diễn của Springsteen như sau: “Những buổi biểu diễn nhạc rock luôn có trong nó một phần tiệc tùng chứ không đơn thuần là một thứ hàng hóa trên thị trường”. Krueger giải thích rằng tấm vé xem buổi biểu diễn của Springsteen không chỉ là hàng hóa, về mặt nào đó nó còn là một món quà. Nếu Springsteen lấy giá vé ngang mức giá thị trường thì ông sẽ làm mất đi mối quan hệ thân thiết với người hâm mộ[62].
Một số người có thể xem đây thuần túy là chiến lược quan hệ công chúng – chấp nhận hy sinh chút ít doanh thu hiện tại để chiếm được cảm tình và tối đa hóa thu nhập trong tương lai. Nhưng nhận định này không phải là cách giải thích duy nhất những gì Springsteen làm. Springsteen tin – một niềm tin đúng đắn – rằng nếu coi buổi biểu diễn của mình là hàng hóa thuần túy trên thị trường thì ông sẽ làm mất ý nghĩa của nó, đánh giá nó theo cách sai lầm. Ít nhất về mặt này, ông và Giáo hoàng Benedict có điểm chung.
QUY LUẬT XẾP HÀNG
Chúng ta đã xem xét một số cách khác nhau để chen lên trên khi xếp hàng: thuê người xếp hàng thay, mua vé từ giới đầu cơ, hoặc mua dịch vụ chen hàng do hãng hàng không hoặc công viên giải trí trực tiếp cung cấp. Trong mỗi giao dịch nói trên, quy luật thị trường (trả tiền để có dịch vụ nhanh hơn) đã thay thế quy luật xếp hàng (chờ đến lượt mình). Thị trường hay xếp hàng – trả tiền hay chờ đợi – đều là hai cách phân bổ hàng hóa nhưng khác nhau, và mỗi cách lại phù hợp với những hoạt động khác nhau. Quy luật xếp hàng là “đến trước được phục vụ trước” có vẻ như theo chủ nghĩa quân bình. Nó cho phép chúng ta không phải quan tâm đến những người có đặc quyền, có quyền lực hay có túi tiền không đáy – ít nhất là trong một số trường hợp nhất định. Chúng ta được dạy bảo từ hồi nhỏ rằng: “Hãy đợi đến lượt mình. Đừng có chen hàng”.
Nguyên tắc này có vẻ phù hợp ở sân chơi, ở bến xe buýt hoặc khi mọi người đang xếp hàng dài trước nhà vệ sinh trong nhà hát hoặc sân bóng chày. Chúng ta phẫn nộ khi có người chen hàng. Nếu có người có nhu cầu cấp bách đề nghị được chen lên trên thì hầu hết mọi người sẽ đồng ý. Nhưng nếu có người đang xếp hàng phía sau đưa cho ta 10 dollar để đổi chỗ thì ta sẽ thấy kỳ cục. Cũng thật không ổn nếu bố trí thêm hàng người trả tiền để được sử dụng ngay nhà vệ sinh miễn phí nhằm phục vụ những người giàu có (hoặc đang có nhu cầu cấp bách).
Nhưng quy luật xếp hàng không chi phối mọi tình huống. Nếu tôi rao bán nhà thì không ai bắt tôi phải chấp nhận lời đề nghị mua nhà đầu tiên chỉ vì đó là người đầu tiên lên tiếng. Bán nhà hoàn toàn khác với chờ xe buýt, nên chúng bị chi phối bởi những chuẩn mực khác nhau. Không có lý do gì để quy định rằng việc phân bổ mọi loại hàng hóa đều bị chi phối bởi một quy luật duy nhất – dù là xếp hàng hay trả tiền. Đôi khi các chuẩn mực cũng thay đổi, và chúng ta không thấy rõ chuẩn mực nào đang chiếm vị trí thượng phong. Bạn hãy nhớ lại những tin nhắn thoại thu sẵn bạn được nghe đi nghe lại khi nhấc điện thoại gọi cho ngân hàng, cơ quan bảo hiểm y tế hay nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp: “Quý khách sẽ được hồi âm theo thứ tự
cuộc gọi”. Đây là cốt lõi của quy luật xếp hàng. Như thể các công ty đang cố gắng xoa dịu sự sốt ruột của bạn bằng nguyên tắc công bằng. Nhưng bạn không nên quá tin tưởng vào tin nhắn kia. Có những cuộc gọi được trả lời nhanh hơn các cuộc gọi còn lại. Bạn có thể gọi đây là chen hàng trên điện thoại. Ngày càng có nhiều ngân hàng, hãng hàng không, công ty thẻ tín dụng cung cấp cho khách hàng thân thiết số điện thoại đặc biệt để họ có thể gọi trực tiếp lên tổng đài dịch vụ cao cấp và được xử lý ngay mọi yêu cầu. Công nghệ tổng đài cho phép các công ty “chấm điểm” các cuộc gọi đến và cung cấp dịch vụ nhanh hơn cho những khách hàng giàu có hơn. Gần đây hãng hàng không Delta đã đề xuất trao cho khách hàng bay thường xuyên một đặc quyền gây tranh cãi: khách hàng có thể trả thêm 5 dollar để được gọi điện cho trung tâm chăm sóc khách hàng ở Mỹ thay vì phải gọi cho trung tâm ở Ấn Độ. Nhưng Delta đã phải từ bỏ ý định này vì bị công chúng phản đối[63].
Có gì sai khi trả lời điện thoại của những khách hàng tốt nhất (hoặc hứa hẹn nhất) trước? Câu trả lời phụ thuộc vào loại hàng hóa bạn đang bán là gì. Khách hàng gọi điện để hỏi về phí thấu chi hay yêu cầu mổ ruột thừa?
Tất nhiên, thị trường và xếp hàng đều không phải những cách duy nhất để phân bổ hàng hóa. Một số hàng hóa được phân bổ theo công trạng, một số khác được phân bổ theo nhu cầu, và có những loại lại thông qua ngẫu nhiên hoặc may mắn. Các trường đại học thường nhận những sinh viên có năng lực tốt nhất, hứa hẹn nhất chứ không phải những người nộp hồ sơ đầu tiên hay cam kết nộp nhiều tiền nhất để được nhập học. Khoa cấp cứu trong bệnh viện ưu tiên chăm sóc bệnh nhân nào trong tình trạng nguy kịch nhất chứ không phải theo thứ tự ai vào trước hay ai sẵn sàng trả nhiều tiền nhất. Các thành viên hội thẩm nhân dân được chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên, nếu bạn được gọi đi thực hiện nghĩa vụ hội thẩm thì bạn không thể thuê người khác làm thay mình.
Xu hướng thị trường thay thế xếp hàng – và các cách thức phân bổ hàng hóa phi thị trường khác – đã trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại đến mức gần như chúng ta không quan tâm đến nó nữa. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các hình thức trả tiền để được chen hàng mà chúng ta xem xét ở trên – ở sân bay, công viên giải trí, festival Shakespeare, phiên điều trần của Quốc hội, tổng đài giải đáp thông tin, phòng khám, đường cao tốc, công viên
quốc gia – đều mới xuất hiện gần đây chứ ba mươi năm trước thì gần như không ai hình dung ra chúng. Hiện tượng mua bán chỗ xếp hàng ở những nơi tôi vừa nhắc đến có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế thị trường còn vươn đến nhiều nơi hơn thế.
2
ĐỘNG CƠ
TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI TRIỆT SẢN
Mỗi năm, có hàng trăm nghìn em bé có mẹ nghiện ma túy được sinh ra. Một số bé bị nghiện ma túy bẩm sinh, và rất rất nhiều bé sẽ bị ngược đãi hoặc không được quan tâm. Barbara Harris, người sáng lập một tổ chức từ thiện ở bang North Carolina có tên là Project Prevention đã đưa ra một giải pháp mang tính thị trường. Bà đề nghị trả cho những người phụ nữ nghiện ma túy 300 dollar tiền mặt nếu họ chấp nhận triệt sản hoặc áp dụng biện pháp tránh thai lâu dài. Hơn 3.000 phụ nữ đã tham gia chương trình của bà kể từ khi nó ra đời năm 1997[64].
Những người phản đối cho rằng chương trình này “tội lỗi về mặt đạo đức”, một dạng “hối lộ để triệt sản”. Theo họ, dùng động cơ tài chính để xúi giục người nghiện ma túy từ bỏ khả năng sinh sản thực chất là ép buộc họ, đặc biệt khi đối tượng của chương trình là những phụ nữ dễ bị tổn thương, sống ở khu vực nghèo khổ. Thay vì giúp đỡ họ vượt qua chứng nghiện ngập thì chương trình lại dùng tiền để bao cấp họ. Như câu khẩu hiệu được in trên một tờ rơi của chương trình: “Đừng để việc mang thai ảnh hưởng đến thói quen nghiện ngập”[65].
Harris cũng thừa nhận rằng khách hàng của bà dùng tiền nhận được để mua ma túy. Nhưng bà tin rằng đây là cái giá rẻ phải bỏ ra để ngăn chặn tình trạng các em bé sinh ra đã nghiện ma túy. Một số phụ nữ tham gia chương trình đã từng mang thai cả chục lần trước đó, rất nhiều người đã có nhiều con và đều phải gửi đến trung tâm chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Harris đặt câu hỏi: “Tại sao lại cho rằng quyền sinh sản của phụ nữ quan trọng hơn quyền được hưởng một cuộc sống bình thường của trẻ em?” Quan điểm của bà xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân. Vợ chồng bà đã nhận bốn con nuôi ở Los Angeles, đều là các bé có mẹ nghiện hút. “Tôi sẽ làm mọi điều tôi phải làm
để các em bé không phải chịu khổ. Tôi không tin rằng có ai lại có quyền truyền sự nghiện ngập của mình sang người khác”[66].
Năm 2010, Harris đem chương trình tới Anh, nơi ý tưởng trả tiền để người nghiện triệt sản của bà gặp phải sự phản đối dữ dội của báo chí và Hiệp hội Y khoa Anh. Một bài báo trên tờ Telegraph gọi đây là một “đề xuất đáng ghê sợ”. Không nản chí, Harris tiếp tục mở rộng hoạt động sang Kenya, nơi bà trả cho mỗi phụ nữ dương tính với HIV 40 dollar để họ đặt vòng – một công cụ tránh thai lâu dài. Ở Kenya và Nam Phi, nơi Harris dự kiến sẽ đến, các quan chức y tế và các nhà hoạt động vì nhân quyền đều lên tiếng chê bai và phản đối bà[67].
Từ quan điểm lập luận thị trường, khó có thể hiểu tại sao chương trình của Harris lại bị chỉ trích. Mặc dù một vài nhà phê bình cho rằng nó khiến họ nhớ đến thuyết ưu sinh của Đức Quốc xã, nhưng chương trình trả-tiền-cho người-triệt-sản là một dạng thỏa thuận tự nguyện giữa các cá nhân. Nhà nước không tham gia chương trình, và không ai bị triệt sản trái với mong muốn. Một số người thì giải thích là những người nghiện ma túy rất muốn có tiền, và họ không thể đưa ra lựa chọn thực sự tự nguyện khi được cho tiền dễ dàng như vậy. Harris đáp lại rằng nếu người nghiện thiếu năng lực xét đoán đến mức ấy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng họ sẽ có những quyết định đúng đắn liên quan đến việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái?[68]
Nếu nhìn theo quan điểm mua bán trên thị trường thì thỏa thuận giữa Project Prevention và người nghiện đã tạo lợi ích cho cả hai bên và làm gia tăng phúc lợi xã hội. Người nghiện được nhận 300 dollar, đổi lại họ từ bỏ khả năng sinh con. Với 300 dollar bỏ ra, Harris và tổ chức của bà nhận được sự đảm bảo rằng người nghiện sẽ không sinh ra một em bé nào bị nghiện ma túy bẩm sinh nữa. Theo logic thị trường, thỏa thuận trao đổi này hiệu quả về mặt kinh tế. Nó đã phân bổ hàng hóa – ở đây là biện pháp tránh thai cho người nghiện – đến người sẵn lòng trả giá cao nhất cho hàng hóa đó, và cũng là người đánh giá hàng hóa đó cao nhất (tức là Harris).
Vậy tại sao xã hội lại ồn ào lên thế? Vì hai lý do, và chúng sẽ soi sáng cho ta thấy được hạn chế về mặt đạo đức của lập luận thị trường. Một vài người cho rằng thỏa thuận trả-tiền-cho-người-triệt-sản là một dạng ép buộc, người khác lại gọi đây là hành vi hối lộ. Hai lập luận phản đối này thực chất rất
khác nhau. Mỗi lập luận nêu ra một lý do cho việc ngăn không cho thị trường vươn tầm ảnh hưởng tới những nơi không phải chỗ của nó. Theo lập luận phản đối sự ép buộc, khi một phụ nữ nghiện ma túy đồng ý triệt sản để có tiền thì đây không phải một quyết định tự nguyện hoàn toàn. Mặc dù không ai kề súng vào đầu ép buộc cô ta, nhưng dường như tiền là một thứ quá quyến rũ, khó có thể cưỡng lại. Với người nghiện ma túy – trong hầu hết các trường hợp, họ cũng là người nghèo – hành động chọn triệt sản để có 300 dollar không thực sự là tự nguyện. Thực tế, có thể cô ta bắt buộc phải làm như vậy vì tình trạng cuộc sống hiện tại. Tất nhiên, chúng ta không nhất trí được với nhau về việc trong điều kiện nào, nguyên nhân nào khiến cô ta bị ép buộc phải quyết định. Nên để đánh giá đúng ý nghĩa đạo đức của một giao dịch trên thị trường, trước tiên chúng ta phải trả lời câu hỏi: Trong điều kiện nào thì giao dịch trên thị trường hàm ý con người được tự do đưa ra quyết định, và điều kiện nào dẫn đến họ phải quyết định trong tình trạng bị ép buộc?
Lập luận phản đối hành vi hối lộ lại khác. Vấn đề không phải giao dịch diễn ra trong điều kiện nào mà là bản chất của loại hàng hóa được đem ra giao dịch. Hãy xem một tình huống hối lộ điển hình. Nếu có một nhân vật xấu hối lộ một thẩm phán hoặc một quan chức chính phủ để thu lợi bất chính hoặc để được ưu ái thì giao dịch xấu này có thể hoàn toàn là tự nguyện. Cả hai bên đều không bị ép buộc, và cả hai đều có lợi. Lý do khiến nó bị phản đối không phải vì hai người bị ép buộc thực hiện giao dịch mà vì nó là một hành vi tham nhũng. Tham nhũng còn có nghĩa là mua bán những thứ không nên đem ra trao đổi (ví dụ một phán quyết thiên vị ở tòa án hay ảnh hưởng chính trị trên chính trường).
Chúng ta thường nghĩ tham nhũng là hành vi đưa tiền trái phép cho quan chức nhà nước. Nhưng như đã nói ở chương 1, tham nhũng có ý nghĩa rộng hơn. Chúng ta tham nhũng một hàng hoá, một hoạt động, một hành vi xã hội có nghĩa là chúng ta đối xử với chúng theo những chuẩn mực thấp, không phù hợp với chúng. Lấy một ví dụ thật cực đoan: người nào sinh con ra để bán kiếm tiền thì tức là người đó đã tham nhũng tư cách làm cha mẹ vì đã coi trẻ em là công cụ sử dụng thay vì đối tượng để yêu thương. Tham nhũng chính trị cũng có thể được nhìn nhận tương tự. Khi một vị thẩm phán nhận
tiền hối lộ để đưa ra phán quyết sai, ông ta đã coi quyền tư pháp của mình là công cụ để kiếm lợi cá nhân thay vì là công cụ để duy trì niềm tin của xã hội. Ông ta đã làm xói mòn, làm mất ý nghĩa của nghề tư pháp khi đối xử với nó theo những chuẩn mực không xứng đáng.
Tham nhũng nghĩa rộng chính là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng chương trình trả-tiền-cho-người-triệt-sản là một dạng hối lộ. Những người gọi đây là hành vi hối lộ cho rằng bất kể thỏa thuận diễn ra là tự nguyện hay không, nó vẫn là tham nhũng. Lý do là cả hai bên – người mua (tức Harris) và người bán (người nghiện ma túy) – đã đánh giá hàng hóa (khả năng sinh con của người nghiện) theo cách sai lầm. Harris coi những phụ nữ nghiện ma túy và dương tính với HIV như thể những cỗ máy sinh sản bị lỗi và có thể bỏ tiền ra tắt chúng đi. Những người chấp nhận thỏa thuận với Harris đã tự làm xói mòn hình ảnh của chính mình. Đây là khía cạnh đạo đức của lập luận cho rằng Harris đang hối lộ. Giống như vị thẩm phán hay quan chức nhà nước tham nhũng, những người đi triệt sản để có tiền đã bán một thứ không nên đem ra mua bán. Họ coi năng lực sinh sản của mình là công cụ kiếm tiền chứ không phải một món quà, một trách nhiệm phải thực hiện theo chuẩn mực trách nhiệm và quan tâm thông thường.
Ngược lại, cũng có thể lập luận rằng so sánh như vậy là sai. Vị thẩm phán nhận tiền hối lộ để đưa ra phán quyết sai đã bán cái không thuộc quyền sở hữu của ông ta. Phán quyết tại tòa không phải tài sản của ông. Nhưng người phụ nữ đồng ý triệt sản để có tiền đã bán cái mà cô ta sở hữu – tức năng lực sinh sản của cô. Nếu không có sự xuất hiện của tiền ở đây thì cô ta không hề sai khi quyết định triệt sản (hoặc không sinh con); còn vị thẩm phán thì sai khi đưa ra một phán quyết bất công, bất kể ông ta có được hối lộ hay không. Nhiều người sẽ cho rằng nếu một phụ nữ có quyền từ bỏ khả năng sinh con của mình vì lý do cá nhân thì cô ta cũng hoàn toàn có quyền làm điều đó để có tiền.
Nếu chấp nhận lập luận này thì thỏa thuận trả-tiền-cho-người-triệt-sản hoàn toàn không bị coi là hối lộ nữa.
Như vậy, để quyết định liệu khả năng sinh đẻ của phụ nữ có thể được đem ra mua bán không, chúng ta phải xem nó là loại hàng hóa gì: Có nên coi cơ thể mỗi người là tài sản chúng ta được sở hữu và có thể sử dụng theo bất
cứ cách nào chúng ta muốn không, hay việc sử dụng cơ thể của chính mình sẽ làm suy giảm giá trị bản thân? Đây là câu hỏi lớn và gây nhiều tranh cãi, thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận về các vấn đề mại dâm, mang thai hộ, mua bán trứng và tinh trùng. Trước khi kết luận liệu các quan hệ mua bán trên thị trường có phù hợp với chúng không, chúng ta phải xem đời sống tình dục và sinh sản hiện đang bị chi phối bởi những chuẩn mực nào.
TIẾP CẬN KHÁI NIỆM SINH MẠNG THEO QUAN ĐIỂM KINH TẾ
Phần lớn các nhà kinh tế học không muốn đưa vấn đề đạo đức vào phân tích, ít nhất khi họ nghiên cứu với tư cách chuyên môn. Họ nói nhiệm vụ của họ là giải thích chứ không phải phán xét hành vi của con người. Họ khẳng định rằng cái họ làm không phải cho chúng ta biết khi làm việc này thì nên theo những chuẩn mực nào hay chúng ta nên đánh giá hàng hóa kia theo cách ra sao. Hệ thống giá cả phân bổ hàng hóa theo sở thích của mọi người; nó không đánh giá sở thích của ai đáng giá hơn, đáng ngưỡng mộ hơn hay phù hợp hơn với hoàn cảnh. Nhưng dù đã lên tiếng phản đối, các nhà kinh tế học vẫn ngày càng vướng vào nhiều câu hỏi đạo đức hơn.
Có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất phản ánh thế giới đang thay đổi, nguyên nhân thứ hai cho thấy cách hiểu của các nhà kinh tế học cũng đang thay đổi.
Trong vài thập niên trở lại đây, tư duy thị trường và định hướng thị trường đã vươn tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống vốn bị chi phối bởi các chuẩn mực phi thị trường. Chúng ta đang đặt giá thị trường cho ngày càng nhiều hàng hóa vốn không thuộc về thị trường. Mức giá 300 dollar của Harris chính là một ví dụ cho thấy xu hướng này.
Đồng thời, các nhà kinh tế học cũng đang xem xét lại chuyên môn của mình, làm cho nó trừu tượng hơn, thách thức hơn. Trước đây, giới kinh tế học chỉ nghiên cứu những vấn đề kinh tế rõ ràng như lạm phát và thất nghiệp, tiết kiệm và đầu tư, lãi suất và xuất nhập khẩu. Họ giải thích tại sao các quốc gia lại giàu có, hệ thống giá cả giải quyết cung cầu đối với hợp đồng tương lai mua bán thịt ba chỉ và các hàng hóa khác như thế nào.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà kinh tế học đã bước chân vào những dự án tham vọng hơn. Họ cho rằng cái họ đem lại không chỉ đơn thuần là những lập luận giải thích hành vi sản xuất và tiêu dùng hàng hóa vật chất mà còn là khoa học về hành vi của con người. Cốt lõi của môn khoa học là một tư tưởng đơn giản, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng:
Trong mọi lĩnh vực đời sống, luôn có thể giải thích hành vi của con người
với giả định rằng họ đưa ra quyết định dựa trên việc so sánh lợi ích và chi phí của những lựa chọn mà họ có, và họ sẽ chọn cái mà họ tin là đem lại cho họ lợi ích ròng – hay còn gọi là phúc lợi – lớn nhất.
Nếu tư tưởng này là đúng thì mọi thứ đều phải có giá tiền. Giá tiền có thể hiển thị rõ ràng, như với ô tô, lò nướng bánh hay thịt ba chỉ. Hoặc giá có thể ẩn, như với tình dục, hôn nhân, trẻ em, giáo dục, tội phạm, phân biệt chủng tộc, tham gia chính trị, bảo vệ môi trường, thậm chí sinh mạng con người. Quy luật cung cầu chi phối hầu hết những thứ chúng ta vừa liệt kê cho dù chúng ta có biết sự tồn tại của nó hay không.
Người đưa ra phát biểu nổi tiếng nhất phản ánh quan điểm này là Gary Becker, nhà kinh tế học thuộc Đại học Chicago. Ông đã viết như vậy trong cuốn sách Cách tiếp cận kinh tế đối với hành vi của con người (The Economic Approach to Human Behavior) (1976). Ông phản đối cách nhìn cũ cho rằng kinh tế học “nghiên cứu sự phân bổ hàng hóa vật chất”. Ông phân tích rằng quan điểm truyền thống là cố chấp vì nó “không chịu đưa một số hành vi của con người vào sự tính toán lạnh lùng của kinh tế học”. Becker tìm cách đưa chúng ta thoát khỏi sự cố chấp đó[69].
Theo Becker, con người hành động nhằm mục đích tối đa hóa phúc lợi của mình bất kể họ tham gia hoạt động gì. Giả định này “được sử dụng liên tục và rất tự nhiên, và nó chính là cốt lõi của cách tiếp cận kinh tế” đối với hành vi của con người. Có thể áp dụng cách tiếp cận kinh tế với mọi loại hàng hóa. Nó giải thích từ những quyết định mang tính sống còn đến chuyện bạn “chọn nhãn cà phê nào”. Nó xuất hiện từ trong quyết định chọn bạn đời đến mua thùng sơn. Becker viết tiếp: “Tôi đã đi đến chỗ mà cách tiếp cận kinh tế trở thành một công cụ toàn diện, áp dụng được cho mọi hành vi của con người, cho dù hành vi đó liên quan đến giá tiền công khai hay giá ẩn, quyết định bất chợt hay thường xuyên, quyết định lớn hay nhỏ, mục đích vật chất hay tình cảm, người giàu hay người nghèo, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ em, người thông minh hay kẻ ngốc, bệnh nhân hay bác sỹ, doanh nhân hay chính trị gia, giảng viên hay người học”[70].
Becker không nói rằng bệnh nhân hay bác sỹ, doanh nhân hay chính trị gia, giảng viên hay người học thực tế đều hiểu được rằng quyết định của họ bị chi phối bởi lý do kinh tế, nhưng là vì chúng ta thường không biết nguyên
nhân sâu xa của hành động của chính mình. “Cách tiếp cận kinh tế không giả định” rằng con người “luôn ý thức được mình đang nỗ lực tối đa hóa phúc lợi, hoặc có thể phát biểu hay mô tả theo cách thức nào khác” lý do họ hành động. Tuy nhiên, những ai có cái nhìn sắc sảo, thấy được tín hiệu giá ẩn trong mọi tình huống thì đều thấy được rằng mọi hành vi của chúng ta, dù không liên quan gì đến vật chất, cũng đều có thể được giải thích và dự báo dựa trên tính toán hợp lý lợi ích và chi phí[71].
Becker minh họa nhận định của mình với phần phân tích hôn nhân và ly hôn dưới góc độ kinh tế:
Theo cách tiếp cận kinh tế, một người quyết định kết hôn khi lợi ích thu được từ hôn nhân lớn hơn lợi ích thu được khi sống độc thân hoặc khi tìm người yêu khác. Tương tự, một người đã kết hôn sẽ quyết định ly hôn khi lợi ích kỳ vọng có được từ việc quay trở lại cuộc sống độc thân hoặc kết hôn với người khác lớn hơn mất mát người đó phải chịu khi ly hôn, bao gồm mất mát khi phải sống xa con cái, tổn thất khi chia tài sản chung, án phí... Vì có rất nhiều người đang tìm bạn đời nên có thể nói thị trường hôn nhân có tồn tại [72].
Một số người nghĩ quan điểm tính toán làm cho hôn nhân mất cả lãng mạn. Họ cho rằng tình yêu, nghĩa vụ và cam kết là những khái niệm không thể quy thành tiền. Họ nhấn mạnh rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp là vô giá, là cái mà tiền không thể mua được.
Đối với Becker, chính tư tưởng ủy mị đang cản trở chúng ta suy nghĩ một cách rõ ràng. Ông viết: “Với sự khôn ngoan đáng ngưỡng mộ đáng lẽ phải được sử dụng đúng chỗ”, những người không chấp nhận cách tiếp cận kinh tế lại giải thích rằng hành vi của con người là hỗn loạn và khó đoán định; do con người “ngu dốt và hành xử vô lý, thay đổi giá trị thường xuyên một cách khó hiểu, do phong tục tập quán và do sức ép từ chuẩn mực xã hội gây ra”. Becker không thể kiên nhẫn trước lập luận lộn xộn này. Ông tin rằng chỉ cần quan tâm đến hiệu ứng thu nhập và hiệu ứng giá là đủ để có cơ sở vững chắc cho khoa học xã hội[73].
Liệu có thể nhìn nhận mọi hành vi của con người dưới góc độ thị trường? Các nhà kinh tế học, khoa học chính trị, học giả ngành luật và các chuyên gia khác vẫn chưa thống nhất. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cách nhìn này
đang trở nên phổ biến không chỉ trong học thuật mà cả trong đời sống hàng ngày. Trong vài thập niên trở lại đây, chúng ta đang chứng kiến các mối quan hệ xã hội đang thay đổi theo hướng trở thành mối quan hệ thị trường một cách đáng kể. Bằng chứng chính là con người đang sử dụng công cụ tiền tệ để giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng thường xuyên hơn.
THƯỞNG TIỀN CHO HỌC SINH ĐƯỢC ĐIỂM CAO
Trả tiền để con người ta triệt sản chỉ là một ví dụ thô thiển. Sau đây là một ví dụ khác: các trường công trên hầu khắp nước Mỹ đang nỗ lực cải thiện kết quả học tập của học sinh bằng cách thưởng tiền cho những em được điểm tốt hoặc đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hóa. Ý tưởng của họ là dùng tiền làm động lực có thể cứu vãn được nguy cơ thất bại của trường học đang ngày càng hiển hiện rõ khi tiến hành cải cách giáo dục.
Hồi nhỏ tôi đi học ở một trường công rất tốt và có môi trường rất cạnh tranh ở Pacific Palisades, bang California. Đôi khi tôi nghe nói có những bạn cứ đạt điểm A là được bố mẹ thưởng tiền. Đa số chúng tôi thấy chuyện này khá giật gân. Nhưng chưa bao giờ có học sinh nào lại được nhà trường thưởng tiền khi đạt điểm cao. Tôi nhớ hồi đó đội bóng chày Los Angeles Dodgers có chương trình khuyến mại tặng vé miễn phí cho học sinh trung học đạt kết quả tốt. Tất nhiên chúng tôi không phản đối, và tôi và bạn bè chỉ đi xem rất ít trận đấu. Nhưng không ai nghĩ đây là công cụ khuyến khích học tập cả, nó là một việc mất thời gian thì đúng hơn.
Giờ đây mọi chuyện đã khác. Khuyến khích bằng tiền đang ngày càng được coi là bí quyết để cải thiện chất lượng học tập, nhất là với học sinh của những trường chất lượng kém ở thành phố.
Tạp chí Time gần đây đã đặt câu hỏi thẳng tuột lên trang bìa: “Trường học có nên hối lộ học sinh?”[74] Một vài người cho rằng câu trả lời phụ thuộc vào việc hối lộ có đạt được kết quả như mong muốn không.
Một vị giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard là Roland Fryer, Jr. đang nỗ lực giải đáp câu hỏi này. Fryer, một người Mỹ gốc Phi đã trải qua tuổi thơ ở những khu vực nghèo đói của bang Florida và Texas tin rằng tiền có thể tạo động lực tốt cho học sinh ở các trường học vùng đô thị. Với sự hỗ trợ của một quỹ tài chính, ông đã thí điểm ý tưởng của mình trên một số trường công lớn nhất nước Mỹ. Từ năm 2007, dự án của ông đã thưởng tổng cộng 6,3 triệu dollar cho học sinh ở 261 trường học vùng đô thị có đa phần học sinh là người Mỹ gốc Phi và người Hispanic, con cái các gia đình có thu nhập thấp.
Ở mỗi thành phố, ông lại sử dụng một cơ chế thưởng tiền khác nhau[75]. • Ở thành phố New York, các trường thưởng cho mỗi học sinh lớp bốn 25 dollar nếu các em đạt điểm cao trong kỳ thi chuẩn hóa. Học sinh lớp bảy được thưởng 50 dollar cho mỗi kỳ thi. Mỗi học sinh lớp bảy trung bình được thưởng 231,55 dollar tổng cộng[76].
• Ở Washington, D.C., các trường trung học cơ sở thưởng cho học sinh tiền mặt khi các em đi học đầy đủ, cư xử đúng đắn và nộp bài tập về nhà. Những em chăm chỉ có thể kiếm được 100 dollar trong hai tuần. Một học sinh bình thường nhận được khoảng 40 dollar vào mỗi kỳ thanh toán diễn ra hai tuần một lần, và sau một năm học thì tổng cộng em đó nhận được 532,85 dollar[77].
• Ở Chicago, các trường thưởng tiền mặt cho học sinh lớp chín nếu các em đạt điểm tốt: 50 dollar cho điểm A, 35 dollar cho điểm B và 20 dollar cho điểm C. Sau một năm học, những em giỏi nhất sẽ có một món tiền khá: 1.875 dollar[78].
• Ở Dallas, học sinh lớp hai được thưởng 2 dollar khi đọc được một cuốn sách. Để nhận được tiền thưởng thì các em phải làm một bài trắc nghiệm trên máy tính để chứng minh rằng mình đã đọc sách thật[79].
Việc thưởng tiền đã đem lại những kết quả trái ngược. Ở thành phố New York, nó không hề làm kết quả học tập của học sinh tốt hơn. Ở Chicago, nó khiến học sinh đi học đầy đủ hơn, nhưng kết quả kỳ thi chuẩn không thay đổi. Ở Washington, nhờ được thưởng tiền mà một số học sinh (các em người Hispanic, các em trai và các em gặp vấn đề về hạnh kiểm) đã có kết quả môn đọc hiểu cao hơn. Cơ chế thưởng tiền hiệu quả nhất là ở Dallas, các em học sinh lớp hai được thưởng 2 dollar khi đọc thêm một cuốn sách đã đạt kết quả tốt trong kỳ thi môn đọc hiểu cuối năm [80].
Dự án của Fryer là một trong rất nhiều nỗ lực thưởng tiền cho học sinh để các em học tốt hơn gần đây. Một chương trình khác tương tự, cũng thưởng tiền cho các em đạt kết quả cao trong kỳ thi AP. Các khóa học AP cho phép học sinh trung học được theo học các khóa toán học, lịch sử, khoa học, tiếng Anh và nhiều môn khác ở cấp độ đại học. Năm 1996, bang Texas đưa ra Chương trình khuyến khích AP, theo đó mỗi học sinh được thưởng từ 100 đến 500 dollar (tùy trường) khi thi đỗ một môn trong kỳ thi AP (từ 3 điểm
trở lên). Giáo viên của các em cũng được thưởng 100 đến 500 dollar cho mỗi học sinh của họ thi đỗ, ngoài ra họ còn được thưởng thêm. Chương trình khuyến khích AP hiện đang hoạt động ở 60 trường trung học trong bang Texas, mục tiêu là giúp học sinh thuộc nhóm thiểu số và thuộc các gia đình thu nhập thấp sẵn sàng hơn cho khóa học đại học. Khoảng 10 bang khác cũng đang áp dụng chính sách khuyến khích bằng tiền cho học sinh và giáo viên đạt kết quả tốt trong kỳ thi AP[81].
Một số chương trình khuyến khích không hướng vào học sinh mà vào giáo viên. Mặc dù công đoàn giáo viên tỏ ra dè dặt trước đề xuất thưởng tiền-theo-kết-quả-học-tập, nhưng ý tưởng thưởng cho giáo viên nếu học sinh đạt kết quả cao giờ đã trở nên phổ biến đối với các cử tri, chính trị gia và một vài nhà cải cách giáo dục. Từ năm 2005, các trường công ở các thành phố Denver, New York, Washington, D.C.; hạt Guilford, bang North Carolina và thành phố Houston đã áp dụng cơ chế thưởng tiền cho giáo viên. Năm 2006, Quốc hội đã thành lập Quỹ Khuyến khích giáo viên để cung cấp nguồn tài chính cho chương trình thưởng-tiền-theo-kết-quả-học-tập cho giáo viên ở những trường nhiều học sinh kém. Chính phủ Obama còn cấp nhiều tiền hơn cho chương trình. Gần đây, một dự án khuyến khích do tư nhân tài trợ ở Nashville đã đề xuất thưởng cho giáo viên dạy toán ở các trường trung học cơ sở khoản tiền lên tới 15.000 dollar nếu cải thiện được kết quả kỳ thi của học sinh[82].
Ở Nashville, mặc dù tiền thưởng có giá trị khá lớn nhưng nó không thay đổi kết quả học tập môn toán của học sinh. Nhưng các chương trình khuyến khích AP ở Texas và nhiều nơi khác đã có tác động tích cực. Ngày càng nhiều học sinh, trong đó có những em thuộc nhóm cộng đồng thiểu số hoặc gia đình có thu nhập thấp đã có động lực theo học các khóa học AP. Rất nhiều em đã vượt qua được kỳ thi chuẩn hóa và được công nhận đã hoàn thành khóa học một số môn ở trình độ đại học. Một tin rất tốt. Nhưng nó không phản ánh quan điểm của kinh tế học về công cụ khuyến khích tài chính rằng học sinh càng nhận được nhiều tiền thì học càng chăm chỉ hơn và đạt kết quả càng tốt hơn. Câu chuyện thực tế phức tạp hơn nhiều.
Những chương trình khuyến khích AP đã thành công là những chương trình không chỉ thưởng tiền cho học sinh và giáo viên mà còn làm thay đổi
văn hóa trường học cũng như thái độ của học sinh đối với kết quả học tập. Chương trình đã mở khóa đào tạo đặc biệt cho giáo viên, cung cấp trang thiết bị phòng thí nghiệm, tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh ngoài giờ học và vào thứ bảy. Một trường kém ở Worcester, bang Massachusetts đã mở các lớp AP cho mọi học sinh chứ không chỉ cho những em xuất sắc được chọn từ trước. Họ mời gọi học sinh vào lớp AP với những tấm áp phích in hình các ngôi sao nhạc rap, “chúng hấp dẫn đến nỗi các cậu trai chuyên mặc quần bò thụng, thần tượng các ca sỹ rap như Lil Wayne cũng chọn những lớp khó nhất”. Số tiền thưởng 100 dollar mỗi em nhận được khi vượt qua kỳ thi AP cuối năm chính là động lực, và dường như nó hiệu quả vì ý nghĩa của tiền thưởng chứ không phải vì bản thân khoản tiền: “Được nhận tiền thưởng có cái gì đó rất thú vị”, một em học sinh đã thi đỗ nói với báo New York Times. “Một cảm giác cực kỳ đặc biệt”. Các lớp hướng dẫn học tập sau giờ học được tổ chức hai lần một tuần và 18 giờ học vào các ngày thứ bảy cũng có tác dụng tích cực[83].
Một nhà kinh tế học đã nghiên cứu kỹ chương trình khuyến khích AP ở các trường dành cho học sinh từ gia đình có thu nhập thấp ở bang Texas. Ông nhận thấy có một điểm thú vị: chương trình đã thành công trong việc làm kết quả học tập của các em tăng lên đáng kể, nhưng không phải bằng “hiệu ứng giá” thông thường (bạn càng thưởng nhiều thì học sinh càng đạt điểm cao). Mặc dù một số trường thưởng 100 dollar cho những em vượt qua được kỳ thi AP, một số trường khác lại thưởng đến 500 dollar, nhưng kết quả thi cử của học sinh hai nhóm này không khác biệt. Giáo viên và học sinh “không đơn giản là tối đa hóa doanh thu” – như tác giả nghiên cứu C. Kirabo Jackson đã viết[84].
Vậy cái gì đã xảy ra? Tiền có ý nghĩa tinh thần – nó khiến cho kết quả học tập tốt trở thành “sành điệu”. Đó là lý do tại sao số tiền bao nhiêu không quan trọng. Mặc dù ở hầu hết các trường, khuyến khích bằng tiền chỉ áp dụng với các khóa học AP môn tiếng Anh, toán và khoa học, nhưng chương trình này đã làm gia tăng số học sinh theo học các môn học AP khác như lịch sử, khoa học xã hội. Chương trình khuyến khích AP thành công không chỉ nhờ “hối lộ” học sinh để các em học tốt mà còn vì nó thay đổi thái độ của các em đối với thành tích học tập cũng như thay đổi văn hóa trong trường
học[85].
HỐI LỘ ĐỂ GIỮ GÌN SỨC KHOẺ
Ytế là một lĩnh vực nữa mà công cụ khuyến khích bằng tiền đang thịnh hành. Ngày càng phổ biến hiện tượng các bác sỹ, công ty bảo hiểm, chủ doanh nghiệp trả tiền cho mọi người để họ giữ gìn sức khỏe – thông qua việc uống thuốc, bỏ thuốc lá, giảm cân. Bạn có thể nghĩ ai chẳng có động cơ giữ gìn sức khỏe để không bị bệnh tật, bị đe dọa tính mạng. Nhưng điều ngạc nhiên là thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Một phần ba đến một nửa số bệnh nhân không uống thuốc đúng như được kê đơn. Khi tình trạng sức khỏe của họ kém đi, hậu quả chung là mỗi năm họ phải tốn thêm hàng tỷ dollar để chữa bệnh. Vì thế, các bác sỹ, các công ty bảo hiểm đã đưa ra chính sách khuyến khích người bệnh uống thuốc bằng cách trả tiền[86].
Ở Philadelphia, những người được kê warfarin – một loại thuốc chống chứng máu đóng cục – có thể nhận được khoản tiền từ 10 đến 100 dollar khi uống thuốc. (Một hộp đựng thuốc được điều khiển bằng máy tính sẽ ghi lại việc bệnh nhân uống thuốc mỗi ngày và hôm đó họ có được thưởng tiền không). Những người tham gia chương trình khuyến khích uống thuốc bằng tiền nhận được trung bình 90 dollar một tháng khi tuân thủ đúng đơn thuốc. Ở Anh, một số bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt được nhận 15 bảng (khoảng 22 dollar) nếu họ đi tiêm thuốc thần kinh hằng tháng. Các em gái tuổi thanh thiếu niên được nhận thẻ mua hàng trị giá 45 bảng (khoảng 68 dollar) nếu đi tiêm vacxin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus có thể lây nhiễm qua đường tình dục gây ra[87].
Hành vi hút thuốc khiến các công ty phải bỏ ra chi phí rất lớn để chi trả bảo hiểm y tế cho nhân viên. Vì vậy, năm 2009, tập đoàn General Electric bắt đầu trả tiền cho một vài nhân viên để họ bỏ thuốc. Nếu một người bỏ thuốc được một năm thì sẽ nhận được 750 dollar. Kết quả đạt được hứa hẹn đến mức GE đã mở rộng chương trình cho toàn bộ nhân viên ở Mỹ. Chuỗi cửa hàng tạp hóa Safeway cho phép nhân viên đóng phí bảo hiểm y tế thấp hơn nếu họ không hút thuốc, duy trì cân nặng, huyết áp và cholesterol trong mức kiểm soát. Ngày càng có nhiều công ty sử dụng kết hợp hai công cụ cây gậy và củ cà rốt để khuyến khích nhân viên cải thiện sức khỏe. Giờ đây 80%
các công ty lớn ở Mỹ thực hiện khuyến khích bằng tiền để nhân viên tham gia tập thể dục. Và gần một nửa các công ty áp dụng chính sách phạt người lao động nếu họ có thói quen có hại cho sức khỏe, thường dưới dạng yêu cầu họ phải nộp phí bảo hiểm y tế cao hơn[88].
Giảm cân là mục tiêu hấp dẫn nhất nhưng cũng khó đạt được nhất trong các thử nghiệm khuyến khích giữ sức khỏe bằng tiền. Kênh NBC đã đẩy mốt trả tiền để mọi người giảm cân lên kịch tính trong chương trình truyền hình thực tế Kẻ thất bại lớn nhất (The Biggest Loser).
Chương trình này thưởng 250.000 dollar cho thí sinh nào đạt được thành tích giảm cân tốt nhất trong suốt cuộc thi.[89]
Các bác sỹ, nhà nghiên cứu và chủ doanh nghiệp đã từng thử áp dụng những biện pháp ôn hòa hơn. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, mức thưởng vài trăm dollar đã giúp những người béo phì tham gia nghiên cứu giảm được hơn 6kg trong bốn tháng. (Không may là họ không giảm cân được lâu dài). Ở Anh, nơi Cục Y tế Quốc gia (NHS) phải chi 5% ngân sách của họ vào việc điều trị các bệnh liên quan đến béo phì, NHS đã thử nghiệm thưởng cho người béo phì số tiền lên tới 425 bảng (khoảng 612 dollar) để họ giảm cân và duy trì cân nặng trong hai năm. Chương trình này có tên là “Nhận pound (đồng bảng) để giảm pound (cân nặng)”[90].
Có hai câu hỏi đặt ra về việc trả tiền để con người sống lành mạnh hơn: Khuyến khích bằng tiền như vậy có hiệu quả không? Nó có đáng bị chê trách không?
Xét trên quan điểm kinh tế, trả tiền để con người sống lành mạnh hơn đơn giản chỉ là bài toán so sánh lợi ích và chi phí. Câu hỏi thực sự duy nhất là liệu công cụ này có hiệu quả không. Nếu tiền giúp khuyến khích mọi người uống thuốc, bỏ thuốc lá, tập thể dục, qua đó giảm chi phí y tế tốn kém sau này thì sao lại phản đối nó?
Nhưng có rất nhiều người phản đối. Việc sử dụng tiền để khuyến khích các thói quen có lợi cho sức khỏe đã gây ra cuộc tranh cãi quyết liệt về đạo đức. Một số người phản đối vì tính công bằng, một số người khác liên tưởng đến hối lộ. Lập luận phản đối liên quan đến tính công bằng xuất hiện ở cả hai đảng đối lập. Phe bảo thủ cho rằng những người béo phì phải tự giảm cân, trả tiền để họ làm việc đó (nhất là tiền thuế của người dân) là bất công vì như
thế là tưởng thưởng cho sự lười biếng. Họ coi số tiền khuyến khích là “tiền thưởng cho sự chiều chuộng bản thân chứ không phải một cách điều trị”. Tư tưởng nằm sau thái độ phản đối này là “tất cả chúng ta đều tự kiểm soát được cân nặng”, nên thật bất công nếu thưởng tiền cho những người không tự làm được, đặc biệt tiền thưởng lại từ ngân sách của NHS như đôi khi diễn ra ở Anh. “Trả tiền để một người từ bỏ thói quen xấu chính là đặc điểm chính của tư tưởng nhà nước bảo mẫu, làm cho con người không còn có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân mình”[91].
Phe tự do lại lo lắng điều ngược lại: thưởng tiền cho người khỏe (và phạt người yếu) có thể gây bất lợi cho những người mà việc phải sử dụng thuốc nằm ngoài mong muốn của họ. Cho phép các doanh nghiệp, các công ty bảo hiểm phân biệt đối xử giữa người khỏe và người yếu thông qua phí bảo hiểm là sự bất công đối với những người có sức khỏe kém hơn, do đó phải chịu rủi ro lớn hơn mà không phải lỗi của họ. Giảm giá để mọi người đi tập thể dục là một chuyện, nhưng đưa ra phí bảo hiểm khác nhau dựa trên tình trạng sức khỏe, là điều mà mỗi người không thể kiểm soát được, lại là chuyện khác hẳn[92].
Lập luận phản đối vì đây là hành vi hối lộ thì trừu tượng hơn. Báo chí thường gọi việc khuyến khích giữ gìn sức khỏe bằng tiền là hành vi hối lộ. Nhưng có thật như thế không? Cơ chế trả tiền để triệt sản thì là hối lộ rõ ràng. Những người phụ nữ được trả tiền để từ bỏ khả năng sinh sản, không phải vì lợi ích của họ mà vì mục đích khác: ngăn cản họ sinh ra những em bé nghiện ma túy. Họ được trả tiền để triệt sản, và ít nhất, với nhiều người, họ làm việc này trái với mong muốn của mình.
Nhưng không thể kết luận tương tự với chương trình khuyến khích mọi người bỏ thuốc và giảm cân bằng tiền. Dù kết quả cuối cùng là gì (giảm chi phí y tế cho các công ty hoặc cơ quan y tế quốc gia) thì số tiền thưởng cũng khuyến khích người nhận có hành vi cải thiện sức khỏe. Thế thì sao lại gọi đây là hối lộ?[93] Hay có thể hỏi hơi khác: tại sao có thể gọi đây là hành vi hối lộ mặc dù kết cục của nó là người được hối lộ có lợi vì cải thiện được sức khỏe?
Tôi nghĩ nó là hối lộ, vì động cơ bằng tiền ở đây trội hơn các động cơ khác tốt đẹp hơn. Lý do như sau: Người có sức khỏe tốt không chỉ có mức
cholesterol trong máu hay chỉ số khối cơ thể chuẩn, mà còn là người có thái độ đúng đắn đối với sức khỏe thể chất và biết tự quan tâm, chăm sóc bản thân. Nếu mọi người được thưởng tiền để uống thuốc, thái độ của họ sẽ không tốt hơn mà thậm chí còn kém đi.
Đó là vì bản chất hối lộ rất tinh vi. Nó đi đường vòng để thuyết phục chúng ta, đánh tráo lý do bên ngoài bằng lý do tưởng chừng như xuất phát từ bên trong. Bạn chưa quan tâm đúng mức đến bản thân nên chưa bỏ thuốc lá hay giảm cân? Thế thì tôi sẽ đưa bạn 750 dollar để bạn thực hiện nhé”.
Tiền hối lộ để bảo vệ sức khỏe đã dụ dỗ chúng ta làm một việc mà dù thế nào chúng ta cũng nên làm. Nó xúi bẩy ta làm một điều đúng đắn với một lý do sai lầm. Đôi khi, sự dụ dỗ, xúi bẩy cũng có lợi. Chúng ta không dễ tự bỏ thuốc hay giảm cân. Nhưng nói cho cùng, chúng ta phải vượt qua được sự lôi kéo. Nếu không, hối lộ sẽ trở thành một công cụ tạo thói quen.
Nếu hối lộ có tác dụng thật thì sự lo ngại về việc chúng ta đang làm hỏng thái độ đúng đắn đối với sức khỏe có vẻ như cao thượng không cần thiết. Nếu tiền bạc có thể cứu chúng ta thoát khỏi tình trạng béo phì thì tại sao phải cãi nhau về chuyện chúng ta bị tiền lôi kéo? Câu trả lời là: sự quan tâm đúng mức về sức khỏe chính là một phần của thái độ tự tôn trọng bản thân. Hoặc một câu trả lời khác thực tế hơn: nếu một người không có thái độ đúng đắn đối với sức khỏe thì anh ta sẽ tăng cân trở lại khi không được khuyến khích bằng tiền nữa.
Có vẻ điều này đã xảy ra trong các chương trình thưởng tiền để giảm cân được nghiên cứu cho đến nay. Chương trình thưởng tiền để bỏ thuốc có chút hy vọng le lói.
Nhưng ngay cả nghiên cứu lạc quan nhất cũng kết luận rằng hơn 90% người hút thuốc từng bỏ thuốc khi được thưởng tiền đã hút thuốc trở lại sau khi chương trình kết thúc được sáu tháng. Nhìn chung, chương trình thưởng tiền có vẻ hiệu quả hơn trong việc buộc người tham gia phải xuất hiện vào một dịp đặc biệt nào đó – ví dụ gặp bác sỹ hoặc đi tiêm thuốc – hơn là làm thay đổi thói quen, hành vi lâu dài của họ[94].
Thưởng tiền để con người sống lành mạnh hơn có thể gây ra tác dụng ngược vì không tạo ra được những giá trị giúp duy trì sức khỏe. Nếu kết luận này đúng thì câu hỏi của các nhà kinh tế (“Khuyến khích bằng tiền có hiệu
quả không?”) và câu hỏi của các nhà nghiên cứu đạo đức (“Có nên phản đối công cụ này không?”) có quan hệ chặt chẽ với nhau hơn chúng ta nghĩ ban đầu. Công cụ khuyến khích bằng tiền “hiệu quả” hay không tùy thuộc vào mục tiêu là gì. Và mục tiêu, xét một cách đúng đắn, là phải bao gồm việc tạo ra những giá trị, thói quen – những thứ mà chính công cụ khuyến khích bằng tiền đang làm xói mòn.
NHỮNG CÔNG CỤ KHUYẾN KHÍCH SAI LẦM
Một người bạn của tôi từng thưởng cho con cái anh ta 1 dollar mỗi khi chúng viết một lá thư cảm ơn (Đọc thư thì tôi có thể nói rằng bọn trẻ đã miễn cưỡng viết những lời cảm ơn ấy). Việc làm của bạn tôi có thể có tác dụng hoặc không trong dài hạn. Có thể sau khi viết rất nhiều thư cảm ơn, bọn trẻ cũng hiểu ra được ý nghĩa thực sự của những lá thư, và sẽ tiếp tục viết để thể hiện sự biết ơn mỗi khi nhận được quà cho dù không còn được thưởng tiền nữa. Và cũng có thể bọn trẻ học phải một bài học sai lầm, coi việc viết thư là chuyện vớ vẩn, là gánh nặng phải làm nếu muốn có tiền. Trong tình huống sau, bọn trẻ không hình thành được thói quen tốt, và chúng sẽ chấm dứt ngay việc viết thư khi không còn tiền thưởng. Tệ hơn, hành vi hối lộ của ông bố đã làm xói mòn bài học đạo đức, khiến bọn trẻ khó mà hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Cho dù hành động thưởng tiền làm bọn trẻ chăm viết thư cảm ơn hơn trong ngắn hạn, nhưng ông bố vẫn sẽ thất bại vì đã khắc sâu vào tâm trí con cách đánh giá hành động cảm ơn theo cách sai lầm.
Với chính sách thưởng tiền khi học sinh đạt điểm tốt cũng phát sinh câu hỏi tương tự: Tại sao không thưởng tiền cho học sinh khi các em đạt điểm tốt hoặc đọc được một cuốn sách? Mục tiêu của việc thưởng tiền là khuyến khích các em học và đọc. Tiền là công cụ giúp đạt được mục tiêu cuối cùng đó. Kinh tế học nói rằng con người sẽ phản ứng khi được khuyến khích. Một số em có thể sẽ đọc sách vì ham học hỏi, nhưng một số em khác thì không. Thế thì tại sao không sử dụng tiền để khuyến khích các em nhiều hơn?
Theo lập luận của kinh tế học, có thể hai công cụ khuyến khích sẽ hiệu quả hơn một. Nhưng cũng có thể hóa ra là khuyến khích bằng tiền sẽ làm xói mòn động cơ thực sự, khiến các em học sinh đọc ít đi chứ không phải nhiều hơn. Hoặc trong ngắn hạn, các em sẽ đọc nhiều hơn, nhưng với động cơ sai lầm.
Với tình huống này thì thị trường chỉ là một công cụ, nhưng nó không phải vô hại. Cái ban đầu chỉ là cơ chế thị trường về sau đã trở thành chuẩn mực thị trường. Rõ ràng người ta lo ngại rằng tiền thưởng sẽ gieo vào đầu các em ý nghĩ rằng đọc sách là một cách kiếm tiền, do đó làm xói mòn, hoặc
lấn át, hoặc làm suy yếu chính tình yêu của các em với sách. Việc dùng tiền để làm động cơ khuyến khích giảm cân, đọc sách hoặc triệt sản đều phản ánh logic của giải pháp kinh tế trong đời sống, không những thế còn mở rộng ý nghĩa của nó. Vào giữa thập niên 1970, khi Gary Becker viết rằng có thể giải thích được mọi hành vi của con người nếu giả định con người luôn tính toán lợi ích và chi phí đối với bản thân, ông có nhắc đến “giá bóng” – mức giá tưởng tượng, được cho là tồn tại ẩn sau những lựa chọn mà chúng ta có và lựa chọn cuối cùng của chúng ta. Ví dụ, khi một người quyết định duy trì hôn nhân thay vì ly hôn, anh ta không đưa ra mức giá nào cả. Nhưng thực ra anh ta có xem xét giá ẩn sau việc ly hôn – bao gồm cái giá về tiền bạc và cái giá về tình cảm, và quyết định rằng lợi ích của ly hôn không đáng để anh ta phải trả cái giá này. Nhưng cơ chế khuyến khích rất phổ biến ngày nay còn đi xa hơn. Nó đưa ra mức giá thật, công khai cho những hành động không liên quan mấy đến mục tiêu vật chất, khiến cho cái Becker gọi là “giá bóng” bước ra khỏi bóng tối và hiển hiện rất thực tế. Và nó chứng minh nhận định của Becker rằng mọi mối quan hệ giữa con người với nhau, nói cho cùng, đều là quan hệ thị trường.
Chính Becker cũng đưa ra một đề xuất ấn tượng đi kèm: giải pháp thị trường cho cuộc tranh luận chưa có hồi kết về chính sách nhập cư. Theo ông, nước Mỹ nên bỏ hết cơ chế phức tạp gồm hạn mức người nhập cư, hệ thống điểm số, các quy định về gia đình và chính sách xếp hàng, thay vào đó, đơn giản là bán quyền nhập cư. Với lượng người có nhu cầu nhập cư đang có, Becker đề xuất giá nhập cư là 50.000 dollar một người hoặc có thể cao hơn [95].
Becker giải thích như sau: Những người sẵn lòng trả nhiều tiền để được nhập cư sẽ tự động có những phẩm chất mà nước Mỹ mong muốn. Họ sẽ là những người trẻ, có kỹ năng, có tham vọng, chăm chỉ làm việc và sẽ không dùng đến trợ cấp thất nghiệp hay các phúc lợi khác của nhà nước. Khi Becker đề xuất bán quyền nhập cư lần đầu tiên vào năm 1987, rất nhiều người cho rằng ông cường điệu. Nhưng với những người có tư duy kinh tế mạnh mẽ, đây là cách sử dụng lập luận thị trường một cách hợp lý, thậm chí rõ ràng để trả lời một câu hỏi hóc búa: Làm thế nào tính được chúng ta nên chấp nhận bao nhiêu người nhập cư?
Một nhà kinh tế khác là Julian L. Simon cũng đưa ra đề xuất tương tự gần như đồng thời với Becker. Ông gợi ý nên đặt ra hạn mức số người được nhập cư mỗi năm và đấu giá quyền nhập cư trong hạn mức đó cho những người trả giá cao nhất. Simon cho rằng bán quyền nhập cư là công bằng “vì nó phân biệt đối xử theo tiêu chí của xã hội định hướng thị trường: tức là dựa vào khả năng và mức sẵn lòng chi trả”. Trước những lời phản đối rằng theo kế hoạch của ông thì chỉ người giàu mới được nhập cư, Simon đưa ra giải pháp là cho phép người thắng đấu giá quyền nhập cư được vay chính phủ một phần phí nhập cư rồi hoàn trả lại sau thông qua thuế thu nhập. Nếu họ không trả được thì luôn có thể trục xuất họ[96].
Một số người thấy ý tưởng bán quyền nhập cư là một sự xúc phạm. Nhưng ở thời đại mà niềm tin vào thị trường đang lên cao, đề xuất của Becker và Simon đã nhanh chóng được luật hóa. Năm 1990, Quốc hội ra quy định những người đầu tư 500.000 dollar vào nước Mỹ có thể nhập cư vào Mỹ cùng gia đình trong hai năm, sau hai năm họ có thể được nhận thẻ xanh (công dân vĩnh viễn) nếu dự án đầu tư của họ tạo ra ít nhất 10 việc làm. Chương trình tiền-đổi-thẻ-xanh thực chất chính là cơ chế chen hàng, tạo ra lối đi ưu tiên để có thẻ công dân. Năm 2011, hai thượng nghị sỹ đã đề xuất đạo luật có cơ chế khuyến khích bằng tiền tương tự để phát triển thị trường nhà cao cấp vẫn đang còn èo uột sau cơn khủng hoảng tài chính. Bất kỳ người nước ngoài nào mua một ngôi nhà trị giá 500.000 dollar đều được cấp thị thực cho phép người mua cùng vợ/chồng và con cái được sống ở Mỹ trong thời gian họ sở hữu nhà. Tạp chí Wall Street Journal tóm gọn chương trình này trong một câu: mua nhà, được thị thực[97].
Thậm chí Becker còn đề xuất đánh phí cư trú đối với người tị nạn vì sợ bị khủng bố, ngược đãi. Ông cho rằng thị trường tự do sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn khi quyết định nên chấp nhận cho ai tị nạn: những người có động lực trả tiền. “Người tị nạn chính trị và những người bị khủng bố, bị ngược đãi ở quê hương rõ ràng là có lý do để sẵn lòng trả một số tiền đáng kể để được chấp nhận cư trú ở một quốc gia tự do. Vì vậy, hệ thống phí sẽ giúp chúng ta đương nhiên không phải nghe những lời trình bày dài dòng về việc người tị nạn sẽ thực sự gặp nguy hiểm thế nào nếu họ bị buộc phải trở về quê hương” [98].
Đối với bạn, đòi người tị nạn phải bỏ ra số tiền 50.000 dollar có vẻ nhẫn tâm – một ví dụ nữa cho thấy nhà kinh tế không thể phân biệt được đâu là mức sẵn lòng trả, đâu là khả năng chi trả. Vì vậy, hãy xem một gợi ý khác cũng giải quyết bài toán người tị nạn theo hướng thị trường. Nó không bắt người nhập cư phải lộn sạch túi ra vẫn không đủ tiền. Peter Schuck, một giáo sư ngành luật đề xuất như sau:
Hãy để một tổ chức quốc tế quyết định hạn mức người tị nạn mà mỗi nước phải tiếp nhận mỗi năm, dựa vào mức độ thịnh vượng của từng nước. Sau đó hãy để các nước mua bán nghĩa vụ tiếp nhận người tị nạn với nhau. Ví dụ, nếu Nhật Bản có nghĩa vụ phải nhận 20.000 người tị nạn mỗi năm, nhưng lại không muốn nhận, thì họ có thể trả tiền cho Nga hoặc Uganda để các nước này nhận hộ. Theo logic thị trường thông thường, cả hai nước sẽ đều có lợi. Nga hoặc Uganda có thêm thu nhập, còn Nhật vẫn đáp ứng được nghĩa vụ tiếp nhận người tị nạn bằng cách nhờ nước khác làm hộ, và sẽ có nhiều người tị nạn được cứu giúp hơn so với khi họ phải tự tìm nơi ẩn náu [99].
Thị trường người tị nạn – nghe có vẻ đáng sợ, cho dù nó giúp nhiều người tị nạn tìm được nơi trú ẩn hơn. Nhưng chính xác thì đâu là nguyên nhân khiến nó bị phản đối? Hẳn nguyên nhân phải có liên quan đến một điều rằng thị trường người tị nạn sẽ làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về người tị nạn: họ là ai, phải đối xử với họ như thế nào. Thị trường người tị nạn sẽ khuyến khích những người tham gia – bao gồm người bán, người mua, và cả những người mà nơi ở của họ đang bị đem ra mặc cả – coi người tị nạn là gánh nặng cần dỡ bỏ, hoặc là phương tiện tạo thu nhập, chứ không phải như những con người đang rơi vào hiểm nguy.
Ai đó có thể biết thị trường người tị nạn sẽ gây hiệu ứng xấu như thế nào, nhưng vẫn cho rằng cơ chế này có nhiều ưu điểm hơn là nhược điểm. Nhưng ví dụ này cho thấy một điều: thị trường không chỉ đơn thuần là các quy tắc. Nó cũng có những chuẩn mực nhất định. Nó phỏng đoán — và khẳng định – một số cách thức để đánh giá hàng hóa.
Các nhà kinh tế học thường giả định thị trường không động vào, cũng như không hề làm hư hỏng hàng hóa được mua bán. Không đúng. Thị trường có để lại dấu ấn lên các chuẩn mực xã hội. Các động cơ thị trường thường làm
xói mòn hoặc lấn át các động cơ phi thị trường.
Một nghiên cứu về các trung tâm chăm sóc trẻ em ở Israel đã chứng minh điều này. Các trung tâm đều gặp phải vấn đề giống nhau: đôi khi phụ huynh đến đón con muộn. Một giáo viên phải ở lại đợi cùng các em. Để giải quyết tình trạng ấy, các trung tâm quy định phụ huynh phải nộp phạt nếu đón con muộn. Bạn đoán chuyện gì sẽ xảy ra? Càng nhiều người đón con muộn hơn [100].
Bạn nghĩ mọi người sẽ phản ứng khi được tạo động lực, nhưng kết quả thực tế làm bạn bối rối Bạn nghĩ phạt tiền sẽ làm giảm tình trạng đón con muộn, chứ không phải làm tăng lên. Tại sao lại như vậy? Vì cơ chế trả tiền đã làm thay đổi chuẩn mực cư xử. Trước đó, các phụ huynh đến muộn thường cảm thấy có lỗi khi gây phiền toái cho giáo viên. Nhưng giờ họ coi việc đón con muộn là quyền lợi mà họ sẵn lòng trả tiền để được hưởng. Họ coi tiền phạt là tiền phí. Không phải họ đang gây phiền toái cho giáo viên mà đơn giản là họ đã trả tiền để giáo viên làm thêm giờ.
TIỀN PHẠT VÀ TIỀN PHÍ
Tiền phạt và tiền phí khác nhau ở chỗ nào? Rất đáng tìm hiểu sự khác biệt này. Phạt thể hiện sự phản đối về mặt đạo đức, còn phí đơn giản là cái giá phải trả, không hàm ý phán xét gì về đạo đức. Khi chúng ta bắt người vứt rác bừa bãi phải nộp phạt, chúng ta muốn nói rằng vứt rác bừa bãi là hành vi sai trái. Vứt một vỏ lon bia xuống thắng cảnh Grand Canyon không chỉ làm tăng chi phí vệ sinh mà còn là hành vi xấu mà xã hội không khuyến khích. Giả sử tiền phạt là 100 dollar, và một vị khách giàu có sẵn sàng nộp phạt để đỡ phải mang lon bia rỗng đi bộ một quãng đường dài ra khỏi khu du lịch. Anh ta đã coi tiền phạt là tiền phí và vứt luôn rác xuống hẻm núi. Mặc dù anh ta có trả tiền, nhưng chúng ta vẫn cho rằng anh ta đã có hành vi xấu. Khi xem thắng cảnh Grand Canyon như một thùng rác đắt tiền, anh ta đã không đánh giá giá trị của nó một cách đúng đắn.
Hoặc ví dụ khác là chỗ đỗ xe dành cho người tàn tật. Giả sử một nhà thầu khỏe mạnh bình thường, rất bận rộn, muốn đỗ xe gần tòa nhà làm việc. Để được đỗ xe ở chỗ dành cho người tàn tật, ông ta sẵn lòng trả một số tiền phạt lớn. Ông ta coi tiền này là chi phí kinh doanh. Mặc dù ông có nộp phạt, nhưng chúng ta có nghĩ ông ta đang làm sai không? Ông ta coi tiền phạt đơn giản là mức phí đỗ xe đắt đỏ. Nhưng ông ta đã quên mất ý nghĩa đạo đức.
Khi coi tiền phạt là tiền phí, ông ta đã không tôn trọng nhu cầu của người tàn tật cũng như mong muốn của cộng đồng là hỗ trợ người tàn tật khi dành cho họ chỗ đỗ xe riêng.
Phiếu phạt chạy quá tốc độ trị giá 217.000 dollar
Những người coi tiền phạt là tiền phí đã chế giễu những chuẩn mực mà mọi người coi trọng thông qua việc đưa ra mức phạt. Thường thì xã hội sẽ phản ứng lại. Những tài xế giàu có coi phiếu phạt chạy quá tốc độ là cái giá phải trả cho việc muốn chạy nhanh bao nhiêu cũng được. Ở Phần Lan, các quy định pháp luật được xây dựng dựa trên cách nghĩ (và cách lái xe) này. Họ đưa ra mức tiền phạt phụ thuộc vào thu nhập của người vi phạm. Năm 2003, Jussi Salonoja – 27 tuổi, người thừa kế một gia đình chuyên sản xuất xúc xích – đã bị phạt 170.000 euro (khoảng 217.000 dollar vào thời điểm đó)
vì đã lái xe với tốc độ 80 km/h trên đoạn đường giới hạn tốc độ 40 km/h. Salonoja là một trong những người giàu nhất Phần Lan với thu nhập hàng năm là 7 triệu euro. Kỷ lục tiền phạt cao nhất trước đó thuộc về Anssi Vanjoki, thành viên ban giám đốc công ty điện thoại di động Nokia. Năm 2002, ông bị phạt 116.000 euro vì chạy quá tốc độ trên chiếc xe máy Harley Davidson của ông ở Helsinki. Về sau, thẩm phán đã giảm mức phạt xuống khi Vanjoki chứng minh được rằng thu nhập của ông ta bị giảm đi do lợi nhuận của Nokia giảm [101].
Tấm phiếu phạt chạy quá tốc độ ở Phần Lan thực sự là tiền phạt chứ không phải tiền phí, không chỉ bởi tiền phạt được tính dựa vào thu nhập mà vì đằng sau khoản tiền phạt là sự sỉ nhục vì vi phạm đạo đức – xã hội phán quyết rằng vượt quá tốc độ cho phép là hành vi sai trái. Thuế thu nhập lũy tiến cũng được tính theo thu nhập, và thuế không phải tiền phạt. Mục đích của thuế là để tạo nguồn thu cho ngân sách chứ không phải để phạt những hành vi tạo thu nhập. Tấm phiếu phạt trị giá 217.000 dollar cho thấy xã hội Phần Lan không chỉ muốn dùng tiền phạt để bù đắp cho hành vi nguy hiểm mà họ còn muốn trừng phạt đích đáng kẻ gây ra tội lỗi – và cả tài khoản ngân hàng của hắn.
Cho dù một số tài xế có thái độ quá phóng túng đối với tốc độ tối đa được phép thì ranh giới giữa tiền phạt và tiền phí cũng không dễ mất đi. Ở hầu hết các nước, bị cảnh sát yêu cầu tấp vào lề đường và đưa phiếu phạt vẫn là một chuyện đáng xấu hổ. Không ai nghĩ cảnh sát giao thông chỉ đơn giản là thu phí qua đường hay đưa phiếu phạt để tài xế được phép chạy nhanh. Gần đây, tình cờ tôi đọc được một đề xuất khá kỳ quặc nhưng cho thấy rõ sự khác biệt thông qua việc chỉ ra phí (chứ không phải phạt) đi quá tốc độ nghĩa là như thế nào.
Năm 2010, Eugene “Gino” DiSimone, ứng cử viên độc lập chạy đua vào vị trí thống đốc bang Nevada đã đưa ra một đề xuất khác thường nhằm tăng thu nhập cho ngân sách bang: Cho phép người dân nộp 25 dollar mỗi ngày để được lái xe quá tốc độ cho phép là 145 km/h trên một số đường nhất định ở Nevada. Nếu bạn muốn chỉ đôi khi chạy quá tốc độ, bạn phải mua một bộ thu phát tín hiệu và dùng máy điện thoại di động truy cập vào tài khoản ngân hàng mỗi khi muốn đến một nơi thật nhanh. Thẻ tín dụng của bạn sẽ bị trừ
25 dollar, và bạn được quyền lái xe với bất cứ tốc độ nào bạn muốn trong vòng 24 giờ mà không bị cảnh sát bắt. Nếu cảnh sát giao thông dùng radar phát hiện ra bạn đang chạy quá tốc độ trên đường cao tốc thì bộ thu phát sóng sẽ phát tín hiệu cho biết bạn đã trả tiền, và bạn sẽ không bị phạt. DiSimone ước tính đề xuất của ông sẽ mang lại ít nhất 1,3 tỷ dollar mỗi năm cho ngân sách bang mà không cần tăng thuế. Mặc dù số tiền thu được cho ngân sách bang thật hấp dẫn, nhưng Cục Cảnh sát tuần tra đường cao tốc Nevada vẫn cho rằng đề xuất này sẽ đe dọa sự an toàn của mọi người, và DiSimone đã thất bại trong cuộc bầu cử[102].
Gian lận vé tàu điện ngầm và thuê video
Trong thực tế, sự khác biệt giữa tiền phạt và tiền phí có thể không rõ ràng, thậm chí gây tranh cãi. Hãy xem ví dụ sau: Nếu bạn đi tàu điện ngầm Métro ở Paris mà không mua vé với giá 2 dollar, bạn có thể bị phạt 60 dollar. Số tiền này là để phạt bạn đã gian lận khi không chịu trả tiền vé. Nhưng gần đây, một nhóm người chuyên trốn vé đã tìm ra một biện pháp khôn ngoan để biến tiền phạt thành tiền phí theo cách khá ôn hòa. Họ lập ra quỹ bảo hiểm dùng để nộp phạt khi có thành viên bị bắt vì trốn vé. Mỗi tháng mỗi thành viên nộp vào quỹ khoảng 8,5 dollar, ít hơn nhiều so với số tiền 74 dollar họ phải bỏ ra khi mua vé tháng hợp lệ (họ gọi nó là mutuelle des fraudeurs – quỹ tương hỗ của những kẻ gian lận).
Thành viên của mutuelle nói họ gian lận không phải vì tiền mà vì họ theo tư tưởng giao thông công cộng phải là miễn phí. “Đây là một cách để chúng tôi cùng thể hiện sự phản đối” – người đứng đầu nhóm gian lận trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Times. “Ở Pháp có những thứ mặc định là miễn phí – giáo dục, y tế. Tại sao giao thông công cộng lại không?” Mặc dù gian lận là không thuyết phục, nhưng cơ chế mới lạ của nhóm đã biến tiền phạt gian lận thành phí bảo hiểm hằng tháng, thành mức giá mà họ sẵn lòng trả để phản đối lại hệ thống thu tiền[103].
Để biết một khoản tiền phải nộp là phạt hay phí, chúng ta cần xác định được tổ chức xã hội ta đang tìm hiểu thu tiền với mục đích gì và những chuẩn mực cần được áp dụng. Câu trả lời phụ thuộc vào việc chúng ta đang nói về chuyện đến đón con muộn, hay nhảy qua cửa quay vào ga tàu điện ngầm ở Paris, hay... thuê đĩa DVD quá hạn ở cửa hàng băng đĩa gần nhà.
Ban đầu, các cửa hàng băng đĩa coi phí trả băng đĩa muộn là tiền phạt. Nếu tôi thuê DVD và trả muộn, nhân viên đứng quầy sẽ tỏ ra khó chịu. Cứ như thể tôi đã sai về đạo đức khi giữ đĩa phim lại thêm ba ngày. Tôi nghĩ thái độ của anh ta như vậy là không đúng.
Nói cho cùng, cửa hàng kinh doanh băng đĩa không phải thư viện công cộng. Các thư viện yêu cầu người mượn nộp phạt nếu trả sách muộn, tiền phạt chứ không phải phí. Đó là vì mục đích của họ là tổ chức, sắp xếp việc chia sẻ sách miễn phí cho cộng đồng. Vì vậy, nếu tôi quay lại thư viện với cuốn sách mình mượn đã quá hạn chưa trả thì đúng là tôi sẽ cảm thấy có lỗi.
Nhưng cửa hàng băng đĩa là cơ sở kinh doanh. Mục đích của họ là kiếm tiền thông qua việc cho thuê băng đĩa. Vì vậy, nếu tôi giữ một đĩa phim lâu hơn bình thường và trả tiền cho thời gian quá hạn thì tôi phải được coi là khách hàng tốt chứ không phải xấu. Tôi nghĩ như vậy. Dần dần, chuẩn mực này đã thay đổi. Giờ đây, các cửa hàng băng đĩa có vẻ đã coi khoản tiền phải trả khi thuê quá hạn là tiền phí chứ không phải tiền phạt.
Chính sách một con của Trung Quốc
Thường mối lo ngại về đạo đức là lớn hơn. Hãy xem một ví dụ gây tranh cãi về ranh giới đôi khi khá mơ hồ giữa tiền phạt và tiền phí: Ở Trung Quốc, khoản tiền phạt vi phạm chính sách một con đang được ngày càng nhiều người giàu coi là cái giá phải trả để được sinh thêm con. Chính sách một con – với quy định mỗi gia đình sống ở đô thị chỉ được sinh một con – đã có hiệu lực hơn ba thập kỷ nay, với mục đích giảm tốc độ tăng dân số của Trung Quốc. (Các gia đình nông thôn được phép có hai con nếu con đầu lòng của họ là con gái). Mức phạt khác nhau giữa các vùng, ở các thành phố lớn, nó lên đến 200.000 nhân dân tệ (khoảng 31.000 dollar) – một con số kinh khủng đối với công nhân bình thường, nhưng không đáng là gì với các doanh nhân, ngôi sao thể thao, những người nổi tiếng giàu có. Một cơ quan thông tấn Trung Quốc từng đưa tin: Ở Quảng Châu, có một cặp vợ chồng với người vợ đang mang bầu bước vào phòng kế hoạch hóa gia đình địa phương, ném tiền lên bàn và bảo: “Đây là 200.000 tệ. Chúng tôi muốn nuôi đứa con này. Đừng có đến làm phiền chúng tôi đấy”[104].
Các cán bộ làm kế hoạch hóa gia đình đang tìm cách lấy lại ý nghĩa phạt của khoản tiền người vi phạm phải nộp, bằng các cách như tăng tiền phạt đối
với người giàu, công khai tên người nổi tiếng vi phạm, cấm họ xuất hiện trên truyền hình, không cho các chủ doanh nghiệp có hơn một con nhận các hợp đồng của chính phủ. Trạch Chấn Vũ, giáo sư xã hội học Đại học Nhân dân giải thích: “Đối với người giàu thì số tiền phạt ấy chỉ bằng cái móng tay. Chính phủ phải có biện pháp mạnh hơn với họ, đánh đúng chỗ làm họ bị tổn thương – danh tiếng, uy tín, vị trí trong xã hội”[105].
Cơ quan chức năng coi số tiền phải nộp là tiền phạt và họ muốn ý nghĩa của nó là phản ánh hành vi đáng xấu hổ. Họ không muốn nó biến thành tiền phí. Lý do không phải vì họ sợ người giàu có quá nhiều con; rất ít người giàu vi phạm chính sách này. Điều họ lo ngại là chuẩn mực xã hội ẩn sau chính sách. Nếu tiền phạt thực chất chỉ là tiền phí thì chính phủ hóa ra đang làm một công việc kỳ cục là bán quyền sinh thêm con cho những người có khả năng và sẵn lòng chi trả.
Giấy phép sinh con có thể chuyển nhượng
Kỳ quặc không kém là một số nhà kinh tế học phương Tây lại kêu gọi giải quyết vấn đề kiểm soát dân số bằng một giải pháp thị trường khá tương tự như hệ thống phí mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ. Họ đề xuất với các nước cần hạn chế tăng dân số là nên phát hành giấy phép sinh con có thể chuyển nhượng. Năm 1964, nhà kinh tế học Kenneth Boulding đưa ra hệ thống giấy phép sinh con có thể mua bán được trên thị trường như một giải pháp cho vấn đề tăng dân số. Mỗi phụ nữ sẽ được nhận một giấy phép (hoặc hai, tùy chính sách của nhà nước) theo đó cô được sinh một em bé. Cô có quyền sử dụng nó hoặc bán nó với giá hiện hành trên thị trường. Boulding hình dung có một thị trường trong đó những người muốn có con sẽ mua giấy phép từ “những người nghèo, các nữ tu sĩ, những phụ nữ không lập gia đình v.v.” (ông nói thẳng ra một cách thô lỗ như vậy)[106].
Hệ thống giấy phép không mang tính ép buộc như chính sách giới hạn số con, ví dụ mỗi gia đình chỉ có một con. Nó cũng hiệu quả hơn xét về mặt kinh tế vì nó phân bổ hàng hóa (trong trường hợp này hàng hóa chính là trẻ em) cho những người sẵn lòng trả tiền nhất. Gần đây, có hai nhà kinh tế học người Bỉ đã khơi lại đề xuất của Boulding. Hai ông chỉ ra rằng vì người giàu sẽ mua giấy phép sinh đẻ của người nghèo nên cơ chế giấy phép còn có một ưu điểm nữa là làm giảm sự bất công vì nó tạo thêm thu nhập cho người
nghèo[107].
Một số người phản đối mọi hình thức hạn chế sinh đẻ, còn những người khác tin rằng có thể dùng luật pháp hạn chế quyền sinh sản để tránh dân số tăng quá nhiều. Nếu tạm bỏ qua sự bất đồng và hình dung một xã hội có áp dụng chính sách kiểm soát dân số thì bạn thấy dễ nhất trí với cơ chế nào hơn: Chính sách hạn chế số con, theo đó mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con, ai vi phạm sẽ bị phạt; hay hệ thống dựa vào thị trường, tức là nhà nước trao cho mỗi cặp vợ chồng một giấy phép sinh đẻ có thể chuyển nhượng, ai sở hữu nó thì được phép sinh một con?
Xét từ quan điểm kinh tế, rõ ràng chính sách thứ hai tốt hơn. Nếu mọi người có quyền tự do lựa chọn dùng giấy phép sinh con hoặc bán nó cho người khác thì sẽ có nhiều người được hưởng lợi hơn và không ảnh hưởng đến lợi ích của ai cả. Những người mua hoặc bán giấy phép sinh con sẽ có lợi (vì việc mua bán khiến hai bên cùng có lợi). Còn những người không tham gia thị trường cũng không thiệt hại gì so với khi nhà nước áp dụng chính sách hạn chế số con – họ vẫn được sinh một con như thế.
Nhưng hệ thống giấy phép giúp mọi người có thể mua bán quyền có con cũng không ổn. Một phần là tính chất thiếu công bằng của họ trong xã hội còn bất công. Chúng ta do dự, không muốn biến con cái thành một loại hàng hóa xa xỉ, người giàu mới đủ tiền mua nhưng người nghèo thì không. Nếu có con là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của con người thì thật bất công khi biến nó thành một loại hàng hóa chỉ thuộc về ai có khả năng chi trả.
Ngoài lập luận phản đối vì bất công, chúng ta còn thấy băn khoăn về vấn đề hối lộ. Về cơ bản, giao dịch thị trường này khiến người ta lo ngại về mặt đạo đức: cặp vợ chồng nào muốn có thêm con phải thuyết phục, lôi kéo các cặp vợ chồng có khả năng sinh con khác bán quyền sinh con cho họ. Về mặt đạo đức, nó không khác nhiều so với việc mua đứa con duy nhất đã ra đời của một cặp vợ chồng khác.
Các nhà kinh tế học có thể cho rằng thị trường con cái hoặc thị trường quyền sinh con có ưu điểm là hiệu quả, nó phân bổ con cái cho những người đánh giá việc có con cao nhất, được đo bằng năng lực chi trả. Nhưng quyền sinh con nếu được buôn bán sẽ sinh ra thái độ vụ lợi đối với trẻ em, làm xói mòn vai trò làm cha mẹ. Cha mẹ dành tình yêu cho con cái cơ bản là vì con