🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thượng - Chi - Văn - Tập 1 Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Tên sách : THƯỢNG CHI VĂN TẬP - TẬP 1 Tác giả : PHẠM QUỲNH Nhà xuất bản : EDITIONS ALEXANDRE DE RHODES HANOI Năm xuất bản : 1943 --------------------------------------- Nguồn sách : Thư viện TVE-4U Đánh máy : Nhóm đánh máy trên wiki TVE-4U Kiểm tra chính tả : nhungpham2001, hazin, mist, NhânVôsự, xuan_an_221, Vancuong7975, Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành ebook : 08-11-2017 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả PHẠM QUỲNH đã chia sẻ kiến thức đến người đọc https://thuviensach.vn MỤC LỤC TỰ-NGÔN NGHĨA-VỤ LÀ GÌ ? SỰ GIÁO-DỤC ĐÀN-BÀ CON GÁI THƠ TA THƠ TÂY VĂN QUỐC-NGỮ NGHĨA-VỤ NHÀ LÀM BÁO KHÁI-LUẬN VỀ VĂN-MINH HỌC-THUẬT NƯỚC PHÁP « NGHĨA CÁI CHẾT » HỘI HÀN-LÂM NƯỚC PHÁP NGHĨA GIA-TỘC CHÚA BỂ PHỤC THÙ CHO CHA Thơ BAUDELAIRE https://thuviensach.vn TỰ-NGÔN Nhiều bạn độc-giả có bụng yêu thường nói với tôi rằng : - Báo Nam-Phong bây giờ ít người giữ được trọn bộ. Những bài luận thuyết-cứu của ông đăng trong báo, nhiều bài còn có giá-trị. Chúng tôi muốn đọc mà tìm kiếm rất khó. Ông nên cho lựa chọn những bài hay, tái bản thành sách, thật là ích lợi cho chúng tôi lắm. Tôi ngần ngại, tự nghĩ : những bài đăng báo là phần nhiều vì câu chuyện hiện-thời mà viết ra, cách mười-lăm, hai-mươi năm về sau không còn thích-hợp nữa. Vả tựu-trung vàng thau lẫn lộn, lựa chọn cho được toàn bích, đáng để lưu-truyền cũng khó lắm. Song lại nghĩ rằng : báo Nam-Phong cũng là tiêu biểu cho một thời kỳ trong công-cuộc cải-tạo quốc-văn, đề-xướng quốc-học. Quốc-văn sau này còn tấn-tới nhiều, quốc-học sau này còn mở-mang rộng. Nhưng cái bước đầu khó-khăn cũng nên ghi nhớ lấy, để có thể so-sánh trước sau hơn kém thế nào. Sau hơn trước là lẽ cố-nhiên, nhưng có trước mới có sau thời trước đối với sau cũng không phải là tuyệt-vô quan-hệ. Cho nên tôi cũng vui lòng lựa lấy ít nhiều bài gọi là nghe được, cho in thành sách, đề là Thượng-Chi văn-tập để cống-hiến các độc-giả có bụng chiếu-cố. Chỉ xin nhớ cho rằng những bài này là viết tự khoảng trên dưới mười lăm hai-mươi năm trước, chỉ có nhuận-sắc đính-chính lại một đôi chút mà thôi. Hoa đường PHẠM QUỲNH Cẩn chi Huế, ngày tháng 6 năm 1943 https://thuviensach.vn NGHĨA-VỤ LÀ GÌ ? Tiên nho có câu : « Muốn nhập-môn đạo Khổng Mạnh, trước hết phải biết phân-biệt điều nghĩa điều lợi. » Tiên-nho gọi điều nghĩa, tức ta gọi là nghĩa-vụ ; tiên-nho gọi điều lợi tức ta gọi quyền-lợi. Hai cái quan-niệm về nghĩa-vụ quyền-lợi thực là cái chốt của luân-lý vậy. Nghĩa với lợi quan-hệ nhau thế nào, đó là một vấn-đề rất trọng, người ta dù ở đời nào nước nào, cũng phải từng xét đến. Vì giải vấn-đề ấy, tức là giải nghĩa đời người vậy. Đại để các xã-hội ngày xưa lấy nghĩa trọng hơn lợi. Không những thế, mà trong hai cái quan-niệm về nghĩa-vụ cùng quyền-lợi, chỉ biết nghĩa-vụ mà không hề nghĩ đến quyền-lợi. Lại không những thế, mà trong một xã hội những người bởi địa-vị của mình được có quyền-lợi đối với người khác, cũng tự coi quyền-lợi ấy là nghĩa-vụ. Vua đối với tôi, cha đối với con, chồng đối với vợ, đều là có quyền-lợi riêng, mà thực là có nghĩa-vụ riêng. Vua có quyền trị dân, nhưng cái quyền ấy tức là phải lo cho dân được an lạc ; cha có quyền dạy con, nhưng cái quyền ấy tức là phải gây cho con được nên người ; chồng có quyền khuyên vợ, nhưng cái quyền ấy tức là phải mưu cho gia-đình được hòa thuận vui-vẻ. Nói rút lại, thì ngày xưa quan-niệm quyền-lợi thuộc về « tiêu-cực », mà quan-niệm nghĩa-vụ thuộc về « tích-cực ». Ngày nay tựa-hồ như phản trái lại : « tiêu-cực » chuyển ra « tích-cực » mà « tích-cực » chuyển ra « tiêu-cực », quyền-lợi xem ra trọng hơn nghĩa vụ. Sự chuyển-dịch ấy khởi ra tự Âu-Châu. Các nước Âu-Tây xướng ra nhân-quyền, lại xướng ra dân-quyền, làm kinh-thiên động-địa vì hai chữ « quyền-lợi ». Vua có quyền-lợi đối với dân, nhưng dân cũng có quyền-lợi đối với vua, cha có quyền-lợi đối với con, nhưng con cũng có quyền-lợi đối với cha, chồng có quyền-lợi đối với vợ, nhưng vợ cũng có quyền-lợi đối với chồng. Bấy nhiêu quyền-lợi tranh dành xung-đột nhau, khởi lên như giao dựng, thì phán-địch làm sao cho được ? Ai cũng có quyền-lợi cả, mà duy có https://thuviensach.vn cái quyền-lợi tối-yếu là cái quyền quyết-định mọi sự cạnh-tranh thì không thuộc về ai ! Bởi vậy mà trong lịch-sử Âu-Châu đã từng nổi lên lắm phen biến-loạn cải-cách, gây nên phong-trào tự-do bình-đẳng ngày nay. Nhưng người Âu-Châu giàu tính tự-trị, tập thói tự-do đã lâu đời, nên đã khởi ra mới có thể đương được cái phong-trào ấy. Thế mà lắm khi nó mạnh quá cũng còn sinh ra nhiều sự nguy-hiểm cho xã-hội. Như trong nước ai cũng đòi quyền-lợi, thậm-chí người đàn-bà cũng bỏ chốn khuê-phòng mà ra nơi công-chúng yêu-cầu những quyền bầu-cử, quyền chính-trị, thì xã-hội còn có trật-tự nào nữa, gia-đình còn có thể vững bền sao được ? Các nhà trí-thức bên Âu-Châu vẫn biết cái nguy đó, nên nhiều người đã tìm cách để duy trì cho xã-hội. Các nhà ấy nghĩ rằng tự-do mà đem đến cực-điểm thì không phải là một sự hay nữa mà thành một cái vạ, quyền-lợi mà không có hạn-chế thì chỉ đủ gây nên rối-loạn. Vậy muốn chữa cái tệ ấy, không gì bằng bồi-dưỡng lấy « lòng nghĩa-vụ » trong quốc-dân, khiến cho ai nấy đều hiểu rằng người ta tuy có quyền-lợi, nhưng trọng nhất là nghĩa vụ của mình, muốn hưởng quyền-lợi kia, trước phải làm cho trọn nghĩa-vụ này mới được. Một nhà làm sách có tiếng ở nước Pháp bàn về nghĩa-vụ đã nói rằng : « Từ thủa đồng-ấu cho đến tuổi trưởng-thành, cả công giáo-dục phải là chỉ gồm lại một bài dạy nghĩa-vụ. Phàm việc mưu-toan, phàm sự-nghiệp, mục-đích gì, cũng phải xét theo một phương-diện cao-thượng ấy cả, khiến cho hai chữ nghĩa-vụ thành một cái đầu-bài hằng ngày phải giảng đến, diễn ra đủ các mặt, lấy những gương danh-dự xưa nay mà chứng-tỏ thêm vào. Phải giải cho rõ rằng nghĩa-vụ đối với quyền-lợi là đứng cái thế quân-bình, không những thế mà lại điều-hòa thích-hợp với nhau nữa. Phải bày cho tường rằng nghĩa-vụ vốn nó trang-nghiêm tôn-trọng càng thực-hành ra bao nhiêu lại càng cao càng quý lên bấy nhiêu. Phàm người làm cha, làm thầy, làm bạn, không cần phải có văn-bằng sư-phạm, đều là có tư-cách dạy nghĩa-vụ cho bọn thiếu-niên. Phải khiến cho chúng biết nghĩa-vụ mãnh-liệt thế nào, phong-phú thế nào, nó cho người ta cái sức cất nổi quả núi, nó tắm https://thuviensach.vn gội cho tâm-hồn người ta, rửa sạch mọi sự phiền-não, khiến cho trong lòng được vui-vẻ bình-tĩnh. Phàm việc gì bởi nghĩa-vụ mà làm thì làm mới được trọn-vẹn, mà những việc ấy thường lại là những việc rất khó-khăn. Làm việc nghĩa-vụ, dù không được thành-công, không được lợi-lộc, mà trong sự thất-bại cũng có cái thú âm-thầm nó đền cho công khó-nhọc. Nghĩa-vụ không bao giờ khiến cho phải oán-phẫn hối-hận. Bao giờ cũng có cái vẻ bình-tĩnh uy-nghiêm, mà không biết cái mùi xót-xa cay-đắng… » (Henri Lavedan) Mấy lời đó thực là cực-tả cái thế-lực, cái oai-quyền, cái hiệu-nghiệm, cái công-đức của hai chữ Nghĩa-vụ. Ấy các nước Âu-Tây là nơi tư-tưởng về quyền-lợi thịnh-hành như thế, mà còn trọng, còn thờ nghĩa-vụ như vậy. Cho hay hai mối nghĩa-vụ quyền lợi thực như lời nhà danh-sĩ Pháp đã nói, đứng thế quân-bình, nếu thiên trọng một bên nào thì trật-tự xã-hội tất phải điên-đảo. Âu-Tây còn thế, phương-chi là ta. Nước ta từ khi nho-học suy, luân-lý cũ thấy đã lãng bỏ-nhiều. Mà luân-lý cũ, tức là luân-lý « duy-nghĩa », không có một phần nào « duy-lợi » vậy. Cả cái lâu-đài đạo-đức của ông cha ta, đều là xây lên một cái nền chữ Hiếu cả : Hiếu chẳng phải là nghĩa-vụ rất tôn, rất nghiêm, rất cao-thượng, rất thuần-túy dư ? Nhưng hiện nay lâu-đài ấy không được vững-vàng như xưa nữa, dường như sắp đến ngày đổ-nát. Thử xét khắp các hạng người trong xã-hội, đâu đâu cũng chỉ thấy đua nhau mà xô-đẩy vào trường cạnh tranh quyền-lợi. Người làm quan hầu như chỉ có một mục-đích : là vơ-vét lấy của dân cho thật nhiều, để mưu sự sung-sướng cho một mình. Kẻ đi học cũng không chủ ở sự học, chỉ cốt ở đường thi-cử tiến-thân, học để làm việc nọ cầu chức kia, không phải học cho nên người tài-giỏi. Những kẻ được quốc-dân suy-tôn nhất, là người khéo yêu-hãnh cầu-cạnh, kiếm được nhiều tiền, chiếm được vị cao, không phải là người phẩm-hạnh hay, nhân-cách tốt. https://thuviensach.vn Muốn cứu lại cái tình-thế nguy-hiểm ấy, phải bồi-dưỡng lấy lòng nghĩa-vụ trong quốc-dân ; phải in sâu hai chữ « nghĩa-vụ » vào trong tâm não mỗi người, khiến cho ai làm công-việc gì cũng biết coi việc ấy là một sự thuộc về bổn-phận mình phải làm cho trọn. Một nước còn yếu-hèn như nước ta, người dân lại cần phải có lòng nghĩa-vụ nhiều hơn các nước khác. Vì thế nước mạnh cũng ví như vốn nước đã giàu, cái nợ của dân đối với nước nhẹ mà của nước đối với dân nặng ; nên dân có nhiều quyền-lợi mà ít nghĩa-vụ. Thế nước yếu cũng ví như vốn nước còn nghèo, cái nợ của dân đối với nước nặng mà của nước đối với dân nhẹ ; nên dân có nhiều nghĩa-vụ mà ít quyền-lợi. Âu cũng là một lẽ thừa-trừ tự-nhiên vậy. Dân ta thực là thuộc vào cái cảnh-ngộ thế nước yếu mà vốn nước nghèo ; nên cái nợ của dân đối với nước có phần nặng, phải trả cho xong mới mong có ngày được hưởng quyền-lợi lớn. Làm thế nào cho hết nghĩa-vụ đó ? Phải mỗi người tùy tài tùy sức mình, làm cho trọn cái bổn-phận của mình, nghĩ đến lợi chung cho nước hơn là lợi riêng cho mình, đặt công-việc mình một cái mục-đích cao mà gắng sức cho đạt tới mục-đích. Cái vốn chung của một nước chính là gồm những công-phu riêng của mỗi người vậy. Nay xét riêng trong cõi học mà thử hỏi nghĩa-vụ của kẻ trí-thức trong nước ta là thế nào ? Nghĩa-vụ ấy vừa to vừa rộng, vì bọn ta được lạm cái danh-dự làm người đi trước, phải đưa đường chỉ nẻo cho quốc-dân trong cuộc văn-minh tiến-bộ. Danh-dự ấy có lớn, mà cái trách-nhiệm tương đương nặng biết dường nào ! Cổ-nhân có câu : Độc thư cứu quốc ; câu ấy phải là cái khẩu-hiệu của bọn ta. Vì ta học để làm gì ? Nếu mục-đích sự học chỉ là để sung-sướng lấy một thân ta, thì mục-đích ấy chẳng là thấp mà sự học ấy chẳng là hẹp lắm dư ? Ta phải biết nghĩa-vụ, biết danh-dự của ta. Nghĩa-vụ ấy, danh-dự ấy, là học để giúp cho nước ta khỏi yếu-hèn mà được cường-thịnh, dân ta khỏi ngu-tối mà được sáng-suốt. Có lẽ có kẻ cho lời nói ấy là vu-khoát, quá cao https://thuviensach.vn mà không thiết với sự thực. Người nào nghĩ như thế là lầm to. Phàm làm việc gì cũng phải có một mục-đích ; mục-đích ấy là cái nêu, cái mốc cho công-phu mình, là nơi công-phu mình phải đạt tới mới được hoàn-toàn. Mục-đích ấy tất phải xa phải cao hơn công-việc làm, mình càng tiến lên thì mục-đích ấy lại càng phải cao phải xa, hơn mãi ; vì cuộc sống sinh-hoạt là một sự tiến-bộ vô hồi vô-hạn, hễ không tiến là thoái, lẽ tự-nhiên như thế. Trong các công-việc của người đời, còn việc gì cao hơn sự học nữa ! Lấy một công-việc tối-cao như thế mà chỉ dùng để làm cái thang tiến-đạt cho mình thì chẳng là mất giá-trị của sự học lắm dư ? Ai đã đem thân vào cõi học, phải có nghĩa-vụ với nhà nước. Nhất là trong buổi sự học chửa thành nền-nếp như ngày nay, nghĩa-vụ ấy lại càng quan-trọng lắm nữa. Chúng ta nay lênh-đênh như chiếc bách giữa dòng, sóng này xô đi, sóng kia đẩy lại, ta phải ra tay chèo mà đưa thuyền ta vào nơi cửa bể kín đáo. Cõi học mênh-mông, nước nhà lắm việc. Trách-nhiệm của học-giả nước Nam nặng nề biết dường nào ! Anh em ta đã theo đuổi về đường học vấn, phải gắng-gỏi cho đi tới nơi ; cốt nhất là phải tiệt cái mê-mộng những sự danh-lợi hão-huyền, mà coi sự học là một nghĩa-vụ của mình, làm trọn được nghĩa-vụ ấy tức là thêm được một phần vào cái vốn chung của nước, trả được một phần trong cái nợ riêng của mình. Chắc là kết-quả sự học sẽ có ngày khiến cho mình được địa-vị, quyền-lợi xứng-đáng với tài-học mình. Nhưng không nên để cái mục-đích sự học ở đấy, phải đặt nó cao hơn mới được. Đến được đấy, cũng chửa nên tự lấy làm mãn-nguyện, mà tưởng rằng công học đã thập-phần hoàn-toàn rồi. Sự học không bao giờ là hoàn-toàn được. Cái nợ khác có khi trả hết ; nợ học là nợ chung-thân vậy. Huống dân ta về đường học-thức mới còn thiếu-thốn nhiều. Phi kiệt lực mà theo đuổi, mong sao cho bằng người ? https://thuviensach.vn Ấy nghĩa-vụ của học-giả nước Nam như vậy. Có làm trọn nghĩa-vụ ấy mới mong hưởng được quyền-lợi về sau. Người ta thường nói : không quyền-lợi nào là không có nghĩa-vụ, không nghĩa-vụ nào là không có quyền-lợi. Nhưng chắc hơn nhất là trước phải biết nghĩa-vụ mình ở đâu mà làm trọn nghĩa-vụ đã : nghĩa-vụ đã trọn, quyền-lợi tất đến, không sai. Có lẽ phàm việc gì cũng nên một phương-pháp đó, không chỉ một việc học mà thôi. (1917) https://thuviensach.vn SỰ GIÁO-DỤC ĐÀN-BÀ CON GÁI Quách-Phác ngày xưa có bài ca bốn câu tả người đàn-bà : Chàng như mây mùa thu, Thiếp như khói trong lò. Cao thấp lẽ có khác, Một thả cùng tuyệt vời ! Ý-vị thay lời thơ cổ ! Đàn-ông với đàn-bà thực là mây với khói, địa-vị có khác nhau mà tính-chất cũng là một : tạo-vật cho cùng cái sức bay-bổng như nhau. Đã cùng có sức bay-bổng như nhau, sao nỡ để kẻ mau người chậm ? Bởi đó mà vấn-đề giáo-dục đàn-bà con gái, thành ra một việc quan trọng vô-cùng. Cớ sao từ xưa đến nay, dù nước nào cũng vậy, đàn-ông vẫn được trọng mà đàn-bà phải chịu khinh ? Chẳng qua là bởi lẽ yếu-mạnh tự-nhiên, lẽ ấy bắt đầu từ khi các xã hội mới thành-lập, mà nhân-tuần mãi đến những thời-đại đã văn-minh. Đàn bà bẩm sinh kém đàn-ông bề lữ-lực, nên từ nguyên-thủy vẫn phải mang phận mỏng-hèn. Rồi sau các xã-hội đặt pháp-luật, dựng luân-lý, cứ chuẩn-y cái địa-vị lúc ban đầu mà nhận thành một công-lệ thiên-nhiên. Từ đấy nhân loại tiệt-nhiên chia làm hai phần : đàn-ông là bậc chủ-nhân, đàn-bà là hàng nô-lệ. Xét lịch-sử các dân các nước, đời xưa đời nay, về khoản thân-phận người đàn-bà trong xã-hội, thực là lắm đoạn thảm-thê thê-thảm, biểu-dương mà lưu-truyền đến thiên-vạn-cổ cái ô-danh ô-hạnh của giống tu-mi ! Mãi đến cận-đại, các nước Âu-Châu mới xướng lên cái thuyết đàn ông đàn-bà bình-đẳng, thực là mở ra một kỷ-nguyên mới trong lịch-sử loài người. Người đàn-bà như cây hoa mọc trong buồng tối, đem ra nơi sáng-sủa https://thuviensach.vn mát-mẻ, hô-hấp cái không-khí tự-do của trời đất, được thỏa sức mà nở nang, thơm-tho mà tô-điểm thêm cho cuộc đời trên cõi đất. Từ xưa thế-giới là của riêng đàn-ông, từ nay thế-giới là của chung cả đàn-bà. Đàn-bà tuy không làm những sự-nghiệp lớn lao, biến-cải mặt địa cầu, nhưng ảnh-hưởng trong gia-đình, trong xã-hội, đằm-thắm mà sâu-xa biết dường nào ! Ai cũng biết văn-minh của các nước Thái-Tây ngày nay vừa có sức mạnh-mẽ mà vừa có vẻ thanh-tao, vẻ này điều-hòa cho sức kia được mềm-mại êm-đềm, khỏi thành ra cái võ-lực thô-bỉ mà tàn-bạo. Sức mạnh-mẽ ấy là công của đàn-ông đặt máy móc, lập công-trình, đào sông xẻ núi, lội bể vượt không ; vẻ thanh-tao kia là công của đàn-bà, trong bể vật chất cạnh-tranh ngày nay, gây thành một chốn Bồng-lai tiên-đảo, gồm hết cái ái-tình, cái phong-thú của đời người mà bầy ra những cảnh nên thơ nên mộng. Người ta ở trong một cõi đời chỉ om-sòm những tiếng máy móc, nồng-nàn những khí cạnh-tranh thì sống sao được ? Phải có lúc được nghe giọng hát véo-von, cung đàn dìu-dặt, trông bóng trăng mà không ghen đến chị Hằng. Hằng Nga đã bỏ cung mây xuống trần, thì mới giải được sự phiền-muộn, thư-thái được tinh-thần mà di dưỡng được tình-tính. Ấy cái thiên-chức của người đàn-bà ở đời như thế. Phàm giáo-dục đàn-bà con gái phải tùy theo cái thiên-chức ấy mới là phải đường, mới là hợp lẽ vậy. Như ở nước ta từ xưa đến nay, phép dạy đàn-bà con gái thế nào ? Trình-độ ta tuy chưa được bằng các nước Âu-Tây ngày nay biết ưu đãi đàn-bà, nâng-niu như bông hoa hòn ngọc, nhưng cũng không đến nỗi như lắm dân bán-khai ngược-đãi kẻ nhu-thuận, coi như cái máy đẻ con hay con vật mang nặng. Đàn-bà nước ta từ xưa đến nay vẫn được cái địa-vị xứng-đáng trong xã-hội, mà cũng không bao giờ phụ tiếng gái lành, vợ https://thuviensach.vn hiền, mẹ từ, là gương tốt nghìn năm của bạn nữ lưu. Nhưng các cụ ta ngày xưa quá tin cái thuyết cổ về lẽ âm dương, cương nhu, cho đàn-bà là kém hẳn đàn-ông, không thể dạy cho bằng đàn-ông được. Không những thế, mà lại cũng không cần phải dạy nữa, vì âm vốn phải tùy dương, nhu vốn phải thuận cương, đàn-bà đã không thể tự-chủ, được ỷ-lại vào đàn-ông, thủa con gái theo cha, thủa làm vợ theo chồng, thủa làm mẹ theo con, nhất-sinh gồm trong ba chữ tòng, thì cha hay, chồng hay, con hay là mình được hay ; dạy cho lắm, học cho lắm, cũng thuộc về vô-ích. Bởi thế nên các cụ chăm-chút cho con trai bao nhiêu, lãng-bỏ con gái bấy nhiêu. Nói sự giáo-dục đàn-bà con gái, thì nước ta hầu-như tuyệt-nhiên không có. Không phải rằng ngày xưa không có lắm bà hay chữ, lắm bậc tài-tình, nhưng đó là những người lỗi-lạc xuất-chúng, không thể kể được. Cũng không phải là các cụ ta không hề dạy đến con gái chút nào, phó-mặc cả cho công gây-dựng của tạo-hóa. Nhưng cách dạy ấy là bằng ở tập-tục cả, chỉ cốt cho biết phép cư-xử khi ở nhà, khi xuất-giá, để trọn phận-sự làm con làm vợ mà thôi. Không bao giờ chủ mở-mang trí-thức cho đàn-bà con gái cũng được hiểu nghĩa-lý như đàn ông. Nói rút lại thì người đàn-bà ở nước ta ngày xưa tuy không đến nỗi bị bạc-đãi, nhưng cũng vẫn coi như trong luật gọi là người « vị-thành-niên », chung-thân là « vị-thành-niên », đã không có tư-cách tự-chủ tự-trị, cũng không cần phải học-tập giáo-dục cho lắm. Ấy tư-tưởng của các cụ ta về thân-phận đàn-bà như thế ; tư-tưởng ấy ngày nay có thích-hợp nữa không ? Quyết rằng không. Đàn-bà quyết không phải là trời bẩm-sinh ra kém Đàn-ông, tính-tình trí-tuệ có khác, nhưng không phải là kém. Đàn-ông là mây thì đàn-bà cũng là khói, nếu cùng thả cũng có thể cùng nhau bay-bổng trên tầng xanh. Nhất là đàn-bà nước Nam lại có lắm tư-cách hay : linh-lợi mà can đảm, nhẫn-nại mà khôn-ngoan, xưa nay đã có tiếng đảm-đang về đường kinh-tế. Thương-nghiệp trong nước phần nhiều là ở trong tay các bà. Dễ cả thế-giới không đâu có cái cảnh rất đáng kính đáng phục, là cảnh nhà https://thuviensach.vn nho vợ nuôi chồng đi học, - học suốt đời vì sự học ở nước ta không có thời hạn, - một mình tần-tảo mà cung-cấp được cả nhà, trên cha mẹ, dưới lũ con. Tôi thường ước-ao trong làng văn ta xuất-hiện được một tay tiểu-thuyết có tài mà mô-tả cái cảnh đáng kính đáng phục ấy, để lưu-truyền mãi-mãi về sau. Một nước có những đàn-bà giỏi như thế, sao nỡ lãng-bỏ mà không chăm-chút việc giáo-dục, khiến cho thành nhân-cách hoàn-toàn, xứng đáng với cái tư-chất tốt, với địa-vị cao trong xã-hội ? Ngày xưa nho-học giới nghiêm về đường đạo-đức, người đàn-bà dẫu không có học cũng chịu cảm-hóa trong gia-đình mà đủ giữ được phẩm hạnh. Sức cảm-hóa ấy vừa mạnh vừa sâu, người con gái mới sinh ra đã hình như hô-hấp ngay trong không-khí quanh mình. Rồi sau lớn lên, ai nấy đều như ngầm hiểu mà tự biết cái đường chính nên đi, không mấy người đến nỗi sai-lạc. Nhưng đó chẳng qua là sự hun-đúc tự-nhiên của xã-hội. Trình-độ đạo-đức trong xã-hội còn cao bao nhiêu thì sự hun-đúc ấy còn có hiệu nghiệm bấy nhiêu. Trình-độ càng thấp xuống thì sự hun-đúc cũng ngày càng phai-lạt dần đi. Lò than có hồng mới đủ sức nóng mà hun được vật ngoài ; lò than đã vạc thì ngoài da còn lạnh, mong chi ấm-áp được đến ai ? Lòng đạo-đức trong quốc-dân ta ngày nay, tức là cái cảnh lò than đã vạc, mỗi ngày một nguội dần đi. Phàm người biết trông biết nghĩ, ai cũng phải công-nhận như thế. Sự nguội-lạnh ấy hại cho đàn-ông một, mà hại cho đàn-bà mười. Đàn-bà là cái cây cảnh quí của trời đất, bẩm-sinh ra thân yếu ớt mà lá mong-manh, phải trồng trong nhà « ôn-thất » mới sống được ; nếu đem hạ nhiệt-độ xuống, nếu lại để cho xông-pha sương-tuyết nắng mưa thì được mấy nả mà cây tàn lá rụng ? Than ôi ! Phẩm-hạnh người đàn-ông kém, cái hại cho xã-hội thực là to ; hại ấy cũng chưa bằng là phẩm-hạnh người đàn-bà hư ; vì đàn-bà hư là hại đến nguồn-gốc xã-hội vậy. https://thuviensach.vn Xét như thế thì một đàng tư-tưởng mới của thế-giới văn-minh ngày nay chủ-trương cái thuyết nam-nữ bình-quyền, giục-giã ta phải lưu-tâm về sự giáo-dục đàn-bà con gái, khiến cho đàn-bà ở đời bây giờ cũng được địa vị, quyền-lợi tương đương với đàn-ông ; một đàng thì bởi nền đạo-đức cũ suy-đồi, cái tình-thế riêng trong xã-hội khiến cho người đàn-bà khó biết nương-tựa vào đâu mà giữ được phẩm-hạnh, dễ mắc những phong-thói bại hoại ngày nay, cần phải giáo-dục cho đến nơi mới có đủ tư-cách mà tự-chủ tự-thủ được. Hai phương-diện ấy tuy khác nhau, nhưng kết-luận đều là cần phải cho đàn-bà con gái được học, học cho đến nơi đến chốn, ngõ-hầu được biết nghĩa-lý mà suy-xét điều nọ lẽ kia, không thể để mang-nhiên như xưa được nữa. Hiện nay còn có nhiều người theo đuổi cái não đời Trung-cổ, mà chủ trương cái thuyết bó-buộc người đàn-bà, không muốn cho thông-hiểu điều gì, nói rằng đàn-bà càng biết chữ lắm càng dễ nhiễm thói xấu nhiều ; bất nhược để cho ngu-dốt như xưa lại dễ dạy hơn. Không những cái tư-tưởng ấy không có lượng, chỉ tỏ lòng vị-kỷ của đàn-ông, mà lại thực trái với tình thế hiện thời. Phong-hội ngày một mở-mang, văn-minh ngày một tiến-bộ, cuộc đời như bài kịch hay, lắm vẻ ly-kỳ, lắm màu thú-vị, đàn-ông có thể giữ lấy một mình mà coi, không cho đàn-bà được dự sao ? E ngăn cầm bao nhiêu lại càng thúc giục lòng hiếu-kỳ bấy nhiêu. Mà lòng hiếu-kỳ không được thỏa-mãn, dễ sinh ra lắm nỗi hiểm-nghèo, di-hại cho xã-hội không phải là ít vậy. Ai không nhớ chuyện Phật-tổ ngày xưa, vua cha từ khi sơ-sinh cố giữ không cho ra ngoài cung để khỏi trông thấy những cảnh phiều-não ở đời. Tử nhỏ đến ngót ba-mươi tuổi, Như-Lai mang-nhiên không biết nông-nổi người đời sống thác ra sao, thường khao-khát muốn được xem-xét tận nơi. Bèn mưu với tên thị-vệ, trốn đấng Hoàng-khảo, ra dạo chơi nơi phố phường. Bốn lần ra bốn cửa thành thì lần thứ nhất gặp người hành-khất, lần thứ nhì gặp kẻ bệnh-nhân, lần thứ ba gặp đám tang-ma, lần thứ tư gặp https://thuviensach.vn người đạo sĩ ; bốn lần trở về đều phát-phiền, nghĩ cõi trần là nơi khổ-ải, nên mới đi tu cho thoát nợ đời. Bấy giờ vua Cha mới tự hối muốn tránh cho con khỏi trông những cảnh phiền-não mà thực là gây cái mối phiền-não ở trong lòng. Nay muốn khỏi sự nguy-hiểm ấy, phải kíp mưu việc giáo-dục đàn-bà con gái, xét xem như trình-độ nước ta ngày nay thì cách giáo-dục phải thi hành thế nào cho thích-hợp. Vấn-đề khó giải thay ! Vì sự giáo-dục ấy trước chưa có cơ-sở, nay nhất-thiết phải gây-dựng cả, phải định mục-đích sự học, nghĩ phương-pháp nên theo, lượng kết-quả về sau, đo ảnh-hưởng bây giờ ; nói rút lại là phải xét xem nước ta hiện nay cần người đàn-bà phải có những tư-cách thế nào, và phải dạy học ra làm sao để có thể gây được những tư-cách đó. Chúng tôi không dám tự-phụ giải-quyết được một vấn-đề lớn lao quan-trọng như vậy. Chỉ xin bày-tỏ đại-khái để cảnh-cáo quốc-dân, và bàn góp thêm mấy ý-kiến thô-thiển. Ở nước ta ngày nay, đàn-bà con gái có thể dạy học được, còn thuộc về hạng thượng-lưu cùng trung-lưu trong xã-hội. Thượng-lưu là gồm những nhà thế-gia cự-tộc, cùng đại-để những bậc nền-nếp giàu-sang, không bị bách về đường doanh-sinh mà có thể lưu-tâm về sự học-vấn. Tuy những nhà thế-phiệt tất mỗi ngày một ít đi, nhưng lại có một hạng người khác xuất-thân hàn-vi mà gặp thời gặp vận dựng nên cơ-đồ lớn, có công mở mang nền kinh-tế trong nước. Những nhà ấy như bên Âu-Châu thì gọi là bậc « cao cấp trung-lưu », bên ta cũng có thể liệt vào hàng thượng-lưu được. Thường là những tay phú-hào, tự mình đã quá tuổi không học được, tất hết sức chăm-chút cho sự giáo-dục các con về sau này. Đến như trung-lưu thì là gồm cả những nhà Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung, không giàu không nghèo, vừa đủ sức cho con đi học, nhưng thường coi sự học như là một cái vốn về sau mà cốt vụ đường thực lợi. Hạng trung-lưu đó là phần đông hơn cả, lại là phần chăm-chỉ cần-mẫn, https://thuviensach.vn ham bề tiến-thủ ; một nước phải lấy đấy làm gốc, nước giàu dân mạnh cũng là nhờ công-phu tài-trí của hạng này nhiều. Trong việc giáo-dục đàn-ông con trai không thể phân-biệt thượng-lưu trung-lưu, vì mục-đích sự giáo-dục ấy là để đào-tạo nhân-tài, mà nhân-tài không có thể lấy giai-cấp mà hạn-chế được. Đến như sự giáo-dục đàn-bà con gái thì là cốt nhất gây lấy nhân-cách hợp với tình-thế cùng hoàn-cảnh trong xã-hội ; xã-hội có đẳng-cấp, sự học cũng phải tùy mà thay đổi. Cậu ấm con quan lớn hay là anh cả con bà hai, nếu có tư-cách tốt cũng có thể tiến-đạt bằng nhau mà cùng làm nên sự-nghiệp lớn. Nhưng cô chiêu sinh nơi phú-quí với chị mỗ đẻ chỗ bán-buôn, thì cái cảnh-ngộ đã khác, sự học hành cũng không thể giống nhau được. Bởi thế nên trong việc giáo-dục đàn-bà con gái, phải tùy địa-vị trong xã-hội mà xếp đặt phương-pháp vậy. Cứ như trên đã nói về địa-vị người đàn-bà ở các nước văn-minh, thì đàn-bà tuyệt-phẩm ví như cái hoa thơm hòn ngọc quí để tô-điểm cho đời người được thêm vui thêm thú. Người đàn-bà con gái đứng vào bậc thượng lưu trong nước cũng có thể mang một cái hy-vọng tuyệt-phẩm ấy ở trong lòng. Sinh-trưởng nơi phú-quí, phải có cái học-thức tương-đương với địa-vị mình. Không phải lao-động về đường doanh-nghiệp, phải có cách tiêu-dùng thì giờ cho xứng-đáng. Cổ-nhân dạy đàn-bà con gái những nhà quí-tộc các nghề phong-nhã như : cầm, kỳ, thi, họa. Tuy ở đời thực-học này, những nghề ấy đã mất giá đi nhiều, nhưng không phải là đáng bỏ hẳn. Nghề đàn nghề thơ bao giờ cũng vẫn là hai món tất-yếu của người con gái « hay chữ ». Nhưng trước hết hãy hỏi người con gái ở nước ta phải « hay chữ gì ? ». Theo ý tôi thì quyết là phải « hay » chữ quốc-ngữ. Đàn-bà con gái học quốc-ngữ không những đọc để biết đọc biết viết mà thôi, phải học cho đến làm thơ được văn bằng quốc-âm. Biết đâu ? Đương buổi quốc-văn còn nghèo-ngặt này, đàn-ông vì thời-thế không thể chuyên-chủ cả tinh-lực mà luyện-tập lấy tiếng nước nhà, người đàn-bà nếu biết đem cái tài-tình riêng của mình mà uốn-nắn cho lời nôm được mềm-mại, cũng thanh-tao mà cũng https://thuviensach.vn yểu-điệu như mình, khá lấy diễn được hết những cảnh sầu-vui trong mộng thế, mối cảm-động trong tính-tình, thì thơ văn nôm sau này há lại chẳng được nhờ cái công đào-tạo ấy mà phấn-khởi bồng-bột lên dư ? Cái não khô khan của đàn-ông vun trồng mãi chưa thành, có lẽ mối tình đườm-nhuận của đàn-bà tẩm-tưới mà nên chăng ? Chúng ta rất mong-mỏi ở các tân-nữ-sĩ sau này. Nhưng đó là cái mộng-tưởng, sự hi-vọng về tương-lai. Hiện nay còn có một điều khó-khăn, là đã đành rằng dạy văn quốc-ngữ cho con gái mới là phải, nhưng văn chưa thành, sách chưa có, dạy thế nào bây giờ ? Kể câu hỏi đó cũng khó trả lời thật. Nhưng đợi đến ngày có nhiều sách hay bằng quốc văn xuất-hiện ra đời, - mà mong rằng ngày ấy không xa, - hiện sách quốc ngữ đã có ít nhiều có thể cung cho sự cần-dùng của các bà các cô lúc mới đầu. Nhất là những thơ truyện cũ (như truyện Kiều, Cung-oán, Nhị-độ-mai, Chinh-phụ, Lục-vân-tiên, v. v.), lại là hợp tính-chất người đàn-bà lắm. Một nền thơ kiệt-tác như truyện Kiều mà khéo diễn-giải, bình-luận, thuyết-minh cho đàn-bà con gái nghe, thì tưởng không kinh thánh truyện hiền nào hay bằng, thiết-tha mà thâm-trầm bằng ! Các cụ ngày xưa vẫn giới-nghiêm về truyện Kiều, không cho con gái đọc, sợ dâm-loạn mất tính-tình. Thiết-tưởng các cụ quá nghiêm như vậy là lầm. Người ta thường nói đàn-ông thuần-lý, đàn-bà thuần-tình ; thuần-lý thì để lấy lý mà phục, thuần-tình thì phải lấy tình mới cảm được. Truyện Kiều thực là một kho tình vô-hạn, mỗi câu như mang nặng một gánh tương-tư với đời. Lại là một cái gương tầy liếp, phản chiếu cho ta trông thấy hết các hạng người trong xã-hội, người nào tật nấy in như thực, như trên màn chớp bóng vậy. Vậy thì những sách như truyện Kiều chẳng là những sách « giáo-khoa » tuyệt-phẩm cho nữ-lưu dư ? Ta bàn khí dài về sự học quốc-văn mà chưa kịp nói đến các môn học khác cần cho đàn-bà con gái. Tuy người thượng-lưu có thể chuyên-trọng về nghệ-thuật văn-chương, nhưng không phải là lãng bỏ được các môn thực học. Toán-pháp, cách-trí, vệ-sinh, địa-dư, lịch-sử, đều là những môn học thiết-yếu cả. Nên dùng quốc-ngữ mà dạy những điều phổ-thông cần phải https://thuviensach.vn biết. Lại các món nữ công khác, như thêu-thùa, làm bánh, kết hoa, v. v. cũng nên thông-thạo cả. Còn nghề đàn, nghề vẽ, là những nghề tài-hoa, học được rất nên dụng-công. Người con gái nào có tư-chất thông-minh ; muốn học lên bậc cao-đẳng hơn nữa, thì phải nghiên-cứu một ít Hán-học. Đã thông văn nôm thì học chữ Hán cũng dễ, không bao lâu tất đọc sách ngâm thơ được. Đến khi ngâm câu Đường-thi, bình bài cổ-văn mà hiểu được nghĩa, thì bấy giờ cái cổ-học là đủ, không cần phải miên-man vào kinh truyện cho lắm. Nếu còn có sức học được nữa thì học thêm Pháp-văn lại là hay lắm. Nhưng muốn học chữ Pháp cho thông phải lâu năm, mà cái thời kỳ học của người con gái, dẫu là người thượng-lưu nữa, cũng có hạn nhất định, không thể quá được. Thiết-tưởng đến khi kiêm-thông được ba thứ chữ thì nhà nữ-sĩ đã đến tuổi hôn-nhân, mà sắp bước vào một cuộc đời mới vậy. Nhưng cứ cái học-thức như trên, cũng tạm đủ làm người đàn-bà thượng-lưu trong xã-hội ta. Các khoa phổ-thông đã thiệp-liệp, tuy chưa được rộng được sâu nhưng cũng biết được ngành-khái, lại thêm được thơ đọc văn đề hàm-dưỡng tính-tình, dù lấy chồng là người có vị-vọng hay kẻ có học-vấn, cũng là có cái trí-thức tương-đương với địa-vị mình. Trong cuộc giao-tế, biết lấy tài hoạt-bát ứng-đối mà trang-điểm cho câu chuyện, ai nghị-luận gì cũng am-hiểu mà biết bày tỏ ý-kiến riêng ; không tất-nhiên là phải có tư-tưởng sâu-sắc hơn người, cối là lời nói xuất ư tự-nhiên mà đạt được ý-tứ của mình vậy. Đã nghiệm phàm đàn-bà ăn-nói tự-nhiên, dù lời nói rất tầm-thường cũng có cái thú-vị riêng. Đã có cái biệt-tài hơn đàn-ông như vậy, không nên lạm-dụng. Vì thói thường đàn-bà ở nước ta là hễ hơi biết chữ tất lên mặt cao-kỳ. Công giáo-dục là phải sửa cái thói ấy lại, khiến cho nhớ rằng bao giờ sự ôn-nhu khiêm-nhượng vẫn là đầu các nữ-hạnh. Ấy đại-khái phép giáo-dục đàn-bà con gái bậc thượng-lưu như thế. Sự giáo-dục ấy xưa nay hầu như không có, nhà nào có cũng là còn khuyết điểm nhiều. Đại-để các quan thường cho con gái học, song sự học ấy không có định-kiến, kết-quả cũng là thuộc về hư-không vậy. https://thuviensach.vn Ngày nay nếu con gái bậc thượng-lưu nước ta, vào khoảng mười-tám, hai-mươi tuổi, mà đều có cái học–thức như vừa phác-họa ở trên, thì tưởng trong xã-hội ta cũng nảy được một cái tia sáng mới, một cái hương thơm lạ ở nơi khuê-các, chốn gia-đình vậy. Dân ta có lẽ nhờ đó mà bước được một bước to trên con đường văn-minh tiến-hóa. Nhưng bậc thượng-lưu còn là số ít ; hạng trung-lưu mới thực là phần đông trong xã-hội. Sự giáo-dục đàn-bà con gái bậc thượng-lưu là không chủ một cái mục-đích cận-lợi gì, chỉ cốt gây-dựng nhân-cách, đào-luyện tính tình ; giáo-dục đàn-bà con gái bậc trung-lưu, ngoài việc gây-dựng nhân cách, còn phải phục vụ sự thực-ích thực-lợi nữa. Đại-để xưa nay các nhà phường-phố không từng cho con gái học chữ. Mới lớn lên đã phải tập theo nghề nhà, chăm việc bán-buôn, còn lúc nào mà lưu-tâm đến sự học. Từ ngày có trường nữ-học, đã có nhiều nhà đua nhau cho con vào trường, nhưng thường-thường chỉ cho học mấy năm còn nhỏ mà thôi, đến 14, 15 tuổi thì đem về coi-sóc việc nhà ngay. Nên cái học ấy cũng chưa thành kết-quả được mấy. Vả chương-trình các trường nữ-học còn chưa được thích-hợp với trình-độ nước ta. Phàm phổ-thông giáo-dục mà dạy bằng tiếng ngoại-quốc nhiều là thất-sách cả. Đối với con trai còn hại huống-chi là con gái. Đại-khái phép giáo-dục con gái bậc trung-lưu cũng sâm-si với bậc thượng-lưu mà nên lấy quốc-văn làm chốt. Nhưng có điều khác, là văn chương nghệ-thuật không trọng bằng thực-học thực-nghiệp. Nên dạy cho biết các khoa phổ thông bằng quốc-ngữ, lại chú-trọng về các nữ-công, như vá-may, thêu-thùa, đan-dệt, v.v. Có một khoa cũng cần lắm, là khoa kế-toán, học giữ sổ-sách buôn-bán, tính-toán tiền-nong đồ-hàng, vì phần nhiều con gái bậc trung-lưu là con nhà buôn-bán cả, nếu biết những điều cần-thiết ấy có thể giúp cho cha mẹ và có ích cho nghề-nghiệp mình về sau. Đến khi đã thuộc các món phổ-thông rồi, thì không cần phải học chữ Hán là món trang điểm cho bậc thượng-lưu mà thôi. Bấy giờ có thể bắt đầu học chữ Pháp được. Nhưng học cốt cho giản-dị, thiết-thực, đủ viết được nói được tiếng https://thuviensach.vn Pháp cho thông, nghĩa là để về sau trong khi buôn-bán giao-thiệp có thể trực-tiếp với người Tây được. Đó là cái chương-trình phác-họa trong tưởng-tượng về giáo-dục đàn bà con gái ở nước ta ngày nay. Nay muốn thi-hành chương-trình ấy, phải làm thế nào ? Thuộc về sự giáo-dục con gái bậc trung-lưu thì thiết-tưởng chỉ nên cải-cách các trường nữ học hiện nay, theo như ý-nghĩa vừa nói, nghĩa là nên dạy nhiều chữ quốc-ngữ mà chữ Pháp thì dùng cách trực-tiếp giản-dị mà dạy, cốt cho mau hiểu mau biết là đủ, lại chú-trọng về các món thiết-thực có ích-lợi cho chức-nghiệp người đàn-bà. Về đường ấy thì cơ-sở đã tiệm có, chỉ nên khoáng-trương mà phát-đạt lên vậy. Nhưng đến việc giáo-dục con gái bậc thượng-lưu, thì mục-đích vừa khác mà vừa cao hơn, thể-lệ chương-trình trường Nhà-nước quyết là không thích-hợp. Ngày xưa, các nhà thế-phiệt thường dạy con gái ở nhà, nhưng bất-quá là dạy cho biết ít chữ Hán mà thôi. Ngày nay phạm-vi sự học rộng hơn, cái giáo-dục gia-đình ấy không đủ nữa. Vậy phải làm thế nào cho điều hòa được phép dạy học ngày nay với cái nền-nếp ngày xưa ? Cố-nhiên là trường Nhà nước có chương-trình nhất-định, không thể chiều riêng một bọn thượng-lưu mà dạy những khoa-học đặc-biệt. Thiết-tưởng chỉ có một cách, là lập ra một nhà « Nữ-học-viện » riêng để chuyên dạy những con gái thượng-lưu. Gọi là « học-viện », không gọi là « học-đường », là có ý tỏ cái tính-cách đặc-biệt, không giống các trường học thường. Học-viện là một hội học, hơn là một trường học. Cái tổ-chức có ý uyển-chuyển cho hợp với cái khuynh-hướng, lòng sở-thích của người học. Một người có danh-vọng trong xã-hội, hoặc ông quan hay bà quan nào, đứng lên lập ra, làm giám đốc. Giáo-viên thì lựa chọn những người hay chữ, đứng-đắn, có phẩm-giá, có địa-vị, một tuần-lễ mấy ngày đến giảng-diễn về các món trong chương trình. Vì lối dạy ở Nữ-học-viện này phải là lối diễn-thuyết bình-dị, không nên đặt thành học-khóa như các trường. Đại-khái, trong học viện chia ra làm hai ban : một ban gọi là « dự-bị » để dạy các khoa phổ-thông cho https://thuviensach.vn những người còn ít tuổi, chưa thể nghe giảng nghĩa được. Cách dạy ở ban ấy cũng sâm-si như ở các trường nữ-học nhà nước ; nếu không có giáo-viên riêng, có thể mượn các cô giáo trường nhà-nước dạy cũng được. Một ban nữa là ban « diễn-giảng » như vừa nói ở trên. Ban này mới thực là phần cốt yếu trong học-viện, để cho những người lớn đã có học phổ-thông rồi, đủ tư cách nghe được các bài giảng-diễn. Không những các cô học-trò, các bà cũng có thể buổi buổi đến nghe được, vì ban này vừa là một lớp dạy học, lại vừa là một nơi diễn-đàn, cách tổ-chức tham-bác cả hai đàng. Nếu thuần là một lớp dạy học thì chương-trình nhất-định, e đàn-bà con gái không hứng theo ; nếu thuần là một nơi diễn-đàn thì những bài diễn-giảng hoặc thất ư quá cao, hoặc thất ư quá phiếm, có lẽ không được thiết-thực và bổ-ích cho sự giáo-dục. Ngoài các bài diễn-thuyết, lại đặt nhiều món nữ-công do các bà giáo dạy. Thêm một khoa dạy đàn, một khoa dạy hát nữa, cũng lại là hay lắm. Nói rút lại thì phải khéo điều-hòa nghệ-thuật với thực học, cho cô con gái sau khi ở học-viện ra có đủ tư-cách người tài-hoa kiến-thức đáng làm chủ-nhân trong cuộc xã-giao. Trong học-viện sẽ đặt một lớp riêng dạy chữ Hán, chữ Pháp cho những người có thể học cao được đến bậc ấy. Cách dạy học thì như đã bàn qua trên kia, cốt thông–hiểu, không vụ nghiên cứu. Nhưng phần cốt-yếu vẫn là phần giảng-thuyết, vì chỉ có cái lối dạy ấy là hợp với tính-chất người đàn-bà. Dùng cách nói chuyện mà dạy, thì người học cũng vui mà người dạy cũng vui. Người học lại được cái lợi nữa, là học không khó nhọc gì, chỉ nghe mà biết. Nếu được ông giáo bà giáo giỏi thì cái hiệu-lực của cách dạy ấy có lẽ bằng bội phần cách dạy thường. Đó là một điều nên chú-ý trong khi kén-chọn các giáo-viên. Nên lựa vừa người tân học, vừa người cựu-học, không nệ bên nào. Ấy là ý riêng của tác-giả về cách tổ-chức một nhà học-viện cho nữ lưu nước nhà. Cũng biết đó đẳng qua là một sự mộng tưởng mà thôi, chưa có thể một mai mà thực-hành ngay được. Hiện nay nước ta còn chưa có nữ giới như các nước ; đàn-bà con gái chưa có một cuộc « xã giao » chung, https://thuviensach.vn xưa nay thường ai ở nhà nấy, không hay có dịp đi lại giao-thiệp với nhau mà bàn xét đến những điều ích lợi chung. Lại thêm phong tục có điều chặt chẽ, bó-buộc người đàn-bà, không được tự-do cử-chỉ. Bấy nhiêu sự ngăn trở không thể nhất-đán mà vượt qua được, nên cũng chưa mong cái công– cuộc lớn–lao về sự giáo-dục đàn-bà con gái đã sắp đến ngày khởi hành mà thành-công ngay được. Nhưng tây-nho có câu : « Mộng-tưởng là mẹ sự thực ». Phàm sự kiến-thiết lớn, lúc khởi-thủy cũng là do một cái tư-tưởng xuất-hiện ra trong tâm-trí một người. Như thế thì cái mộng-tưởng trên kia không phải là vô-ích ; nếu lại khiến được các nhà trí-thức trong nước để ý vào vấn-đề giáo-dục này thì có lẽ cũng là sự mơ mộng hay vậy. (1917) https://thuviensach.vn THƠ TA THƠ TÂY Vơ-vẩn tơ vương hồn Đại-Việt, Thanh-tao thép lột giọng Hàn-Thuyên… Giọng Hàn-Thuyên ! Hồn Đại-Việt ! Hai câu ấy thực là gồm cả cái lòng hi-vọng tối-thiết của bọn ta. Than ôi ! vì sao mà ta khắc-khoải trong lòng, ta băn-khoăn trong dạ, vì sao mà ta mong-mỏi mà tủi-thương ? Chẳng phải từ xưa đến nay ta chưa từng được đem cái giọng Hàn-Thuyên này mà diễn cái hồn Đại-Việt kia dư ? Bởi thế nên ngày nay được đọc được ngâm những mảnh thơ nôm văn nôm của các bậc tiền-bối còn sót lại đến giờ, trong lòng có cái cảm vô-hạn. Tưởng như hồn xưa của đất Việt ta còn phảng-phất đâu ở trong mảnh thơ tàn văn vụn ấy, mà vẳng đưa đến tai ta những giọng vui sầu của người thủa trước. Cùng một tiếng khóc, cùng một giọng cười mà sao giọng cười tiếng khóc bằng cái lời họ Hàn kia, nó cảm ta như thế ? Là bởi trời sinh ta để nói cái tiếng ấy, trời sinh ra cái tiếng ấy để ta nói, ta có nói bằng tiếng ấy mới nói được lòng ta, nói bằng tiếng khác là nói những chuyện không đâu cả. Trong trời đất chỉ có tiếng nói ấy với ta, ta với tiếng nói ấy, là sẵn có duyên nợ với nhau vậy. Ví chăng duyên nợ ba sinh, Làm chi đem thói khuynh-thành trêu ngươi ? Ấy cái hồn văn nôm nó thường « trêu ngươi » bọn ta là vì thế. Không phải ngẫu-nhiên mà tôi phát-khởi ra cái tư-tưởng miên-man như thế. Chính là nhân đọc sách của một nhà nhiệt thành về quốc-văn, đã dụng công sưu-tập những thơ văn nôm của các bậc danh-sĩ để lại. Sách ấy là Cổ-xúy nguyên-âm, của ông Nguyễn Đông-châu, hiện mới xuất-bản được một tập thứ nhất ở nhà Đông-kinh ấn-quán. Ông Đông-châu muốn « đánh https://thuviensach.vn trống thổi sáo » để đón rước những bậc con cháu cụ Hàn-Thuyên đã biết nối nghiệp tổ tiên mà ngâm-vịnh bằng nguyên-âm của nước nhà. Ông làm một việc đáng khen thay ! Ông chia sách làm bảy mục, gồm cả các lối văn thơ nôm cũ : 1. – Thi ; 2. – Phú ; 3. Kinh-nghĩa ; 4. – Văn-sách ; 5. – Ca-từ ; 6. – Văn-thư ; 7. – Đối liễn. Hiện nay mới in xong được một tập thứ nhất về mục thơ. Ta ước ao các mục khác sẽ kế-tiếp mà xuất-bản, cho mau thành một kho tài-liệu về văn-học nước nhà, và chứng tỏ cho thiên-hạ biết rằng tiền-nhân ta cũng có lưu-tâm đến quốc-âm, chứ không phải không. Trong tập thứ nhất này ông giảng tường về luật làm thơ. Xem đấy thì biết luật thơ cũng nghiêm như luật hình vậy : người nào thuộc luật thì bằng trắc tất không lẫn-lộn, vần tất áp, luật tất niêm, điệu tất xứng, đối tất chỉnh, sành những khóe thôi-xao, giỏi những cách xuất-sáo, mà gây nên những bức thanh-âm tuyệt-điệu ; người nào không thuộc luật thì phạm những tội ghê-gớm, đọc đến mà rùng mình : nào là tội thất-luật, tội thất-niêm, tội khổ độc, tội cưỡng-áp, tội trùng ý, trùng-chữ, điệp-điệu, vân vân. Khuyên ai mới làm thơ phải học thi-luật cho kỹ, đừng có bằng ở tai, mà cũng chớ nên cậy ở tài, kẻo mà lắm khi mắc phải những tội trên ! Ông đã diễn hết các điều luật nghiêm khắc ấy rồi, ông bèn lục ra đến ngót trăm bài thơ để làm minh-chứng cho những điều luật ấy. Thơ đủ các lối : thất-ngôn bát-cú, Đường-luật bát-cú, thủ-vĩ ngâm, bát-cú liên-hoàn, bát-cú họa-vần ; thất-ngôn tứ-tuyệt ba vần, tứ-tuyệt họa-vần, tứ-tuyệt liên hoàn ; thơ yết-hậu (lối thơ này rất buồn cười) ; ngũ-ngôn bát-cú, ngũ-ngôn tứ-cú, ngũ-ngôn trắc. Trong tập này mới có các lối đó, còn lối khác như : trường-thiên cổ-thể, lục-bát, lục-bát gián-thất, ca-từ (thơ ả-đào, hát nói, v. v.) thì tập sau tất tiếp theo. Trong các lối thơ ấy có lối Đường-luật (8 câu 7 chữ) là thịnh-hành hơn cả. Vậy nên xét qua cái « tâm-lý » của lối thơ ấy. Nói « tâm-lý » tất có người lấy làm lạ mà hỏi : sao thể-cách thơ văn mà cũng có « tâm-lý » được https://thuviensach.vn ? Xin đáp rằng : Thực như thế. Bao nhiêu người làm thơ cùng theo một lối, lấy lối ấy làm hay làm tiện, đủ hình-dung diễn-đạt được sự cảm-giác, cái tình-tự của mình, thì lối thơ ấy với tính-tình người làm thơ tất có một mối quan-hệ gì, không phải là không ; nghiên-cứu sự quan-hệ ấy, tức là xét cái « tâm-lý » của lối thơ, vì nhân đấy mà có thể biết được tính-tình chung của các người làm thơ cùng dùng một lối ấy. Như lối Đường-luật 8 câu 7 chữ, chia ra làm bốn phần : hai câu 1-2 là câu đề (phá đề và thừa đề), hai câu 3-4 là câu thực, hai câu 5-6 là câu luận, hai câu 7-8 là câu kết. Trong cái phạm vi 56 chữ ấy mà bộ-phận rất chỉnh-đốn, then máy rất cẩn-mật, phải làm thế nào vẽ được một bức tranh hoàn-toàn, hình-dung được cái ngoại-cảnh của tạo-vật cùng cái nội-cảnh trong lòng người, cái nọ hưởng-ứng với cái kia, không hề ngang trái nhau. Đó là vấn-đề rất khó mà các nhà thơ Tàu thơ ta phải giải-quyết vậy. Muốn xét vấn-đề ấy giải-quyết ra làm sao thì phải biết cái quan-niệm riêng của người Tàu người ta về thi-học cùng họa-học. Ta coi thơ tức là vẽ, mà vẽ tức là thơ ; thơ là vẽ bằng lời, bằng thanh-âm, vẽ là thơ bằng hình, bằng màu sắc. Nên bức tranh sơn-thủy tức là bài thơ tả cảnh hiển-hiện ra cho mắt ta trông ; mà bài thơ tả cảnh tức là bức tranh sơn-thủy cất tiếng lên cho tai ta nghe vậy. Như muốn vẽ bức tranh thì con mắt phải nhìn trong cảnh-vật mà thu lấy cái hình-ảnh, rồi mới tìm cách truyền-thần cho ra giấy ra lụa. Muốn làm bài thơ cũng vậy, trong trí phải tưởng-tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên-nhiên, hoặc là cảnh trong tâm-giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phảng phất tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực-tiếp, một đàng là vẽ cách gián-tiếp, nhưng đều là muốn khêu gợi ra một mối tư-tưởng cảm-tình trong tâm-trí người ta vậy. Bởi thế nên phàm thơ Tàu, thơ ta, nhất là lối thơ Đường-luật, thực là những bức tranh cảnh con con. Đã là bức tranh để vẽ cái cảnh đẹp thiên nhiên, hay là cái cảnh thú trong lòng, thì phải theo khuôn khổ của một bức https://thuviensach.vn tranh, phải phỏng nét bút người thợ vẽ, nghĩa là phải làm thế nào mà truyền-thần được cái cảnh trong mấy câu nhất định, không được hơn không được kém, không được tùy cái sóng ngổn-ngang ở trong lòng mà khi cao khi thấp, khi vắn khi dài vậy. Ấy « tâm-lý » của lối thơ luật là như thế. Người ta thường nói thơ là tiếng kêu tự-nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm túc cho nghề thơ, thực là muốn chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy, cho nó hay hơn, trúng vần trúng điệu hơn, nhưng vì đó có lẽ cũng làm mất cái giọng thiên-nhiên đi ít nhiều vậy. Thử đọc bài thơ « Qua đèo Ngang » của bà huyện Thanh-quan : Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom-khom dưới núi tiều vài chú, Lác-đác bên sông chợ mấy nhà. Luyến chúa đau lòng con cuốc-cuốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia-gia. Dừng chân đứng lại trời non nước, Một mảnh tình riêng ta với ta. Còn bức tranh nào vẽ khéo bằng ! Thực như một mảnh sơn-thủy ở các lọ sứ tàu, đem phả vào khúc đàn hay vậy. Lời chuốt như ngọc, giọng êm như ru. Nào trời, nào nước, nào non, nào cây cỏ, nào đá hoa, nào chim kêu vượn hót, chẳng thiếu tí gì, lại thêm chút tình cảm-động của kẻ tha-hương, người lữ-thứ một mình đối với cảnh trời cao bể rộng. Mà bấy nhiêu thứ chỉ trong khoảng 8 câu, 56 chữ. Một bài thơ như thế là tuyệt-bút. Rằng hay thì thực là hay, nhưng hay quá, khéo quá, phần nhân-công nhiều, mà vẻ tự-nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vậy. Cùng một đầu bài ấy, cùng một cái cảm-hứng ấy mà vào tay một nhà thơ tây, thì tất vẽ không được khéo bằng, bức tranh có lẽ kém bề phong-nhã, https://thuviensach.vn kém vẻ thanh-tao, nhưng nét bút đậm-đà biết dường nào, lời thâm-thiết mà giọng hùng-hồn, như đưa như cuốn cả tâm-hồn người lên mấy tầng mây ! Thí-dụ như bài thơ bằng chữ Pháp sau này, cũng là tả cảnh buổi chiều đi chơi núi, mà cảnh tình man-mác gợi ra bao nhiêu ý-tứ cao-thượng, bao nhiêu tư-tưởng thâm-trầm. Xin lục ra cả nguyên-văn và dịch nôm-na ra quốc ngữ, cốt diễn lấy nghĩa đen cho người không thông Pháp-văn dễ hiểu, và để làm tài-liệu so sánh tinh-thần hai lối thơ. Bài thơ Pháp đề là : « Buổi chiều chơi núi » (Soir en montagne). 1Lời rằng : J'ai gravi par ce beau crépuscule d'été Ta cime abrupte, ô mont noir de gorges secrètes, Qui te casques de rocs et de sapins te crètes, Et jusqu'au plus altier faîte je suis monté. La clarté déclinante enveloppe les choses. Un calme élyséen plane. A peine distincts, Quelque cloche, un torrent font vibrer des lointains Noyés dans un brouillard tissu de gazes roses. Rougis d'obliques feux, des troupeaux mugissants Mêlent, semant les prés de tâches purpurines, Aux tintement épars l'angelus des clarines, Et du mont solitaire animent les versants. Une sereine extase, une paix infinie Me gagnent. Le soleil à peine disparu Couronne les sommets voisins où l'ombre a crû, Des pourpres de sa brève et royale agonie. Des trésors oubliés de tendresse et de foi S'offrent à ma pensée en qui tout s'exagère, https://thuviensach.vn J'imagine qu'avec plus de fraîcheur légère Mon âme de dix ans se renouvelle en moi. Déjà transfiguré d'ivresse intérieure, Je me refais petit, ingénu ; je reviens Sans nul effort à des souvenirs très anciens, Comme va ce qui passe à ce qui seul demeure. Puis délivré d'un corps presque immatériel, Ma candeur reconquise en sa grâce enfantine, Sur les illusions sans nombre je butine, Abeille heureuse éclose à la saison du miel. Et je crois, tellement l'atmosphère est subtile, Respirer un air vierge où des baumes divins S'épandent, exhalés d'invisibles ravins, Et vivre un de ces soirs que le Rêve distille. Des paysages d'or s'évoquent enchanteurs, Et des impressions ressuscitent naïves. Je suis le fil d'un fleuve aux lumineuse rives, Au caressant murmure, aux suaves senteurs. Et le courant m'entraine aux chères nostalgies De limpides séjours et d'horizons élus, Si tranquilles, si purs, que je ne les vois plus Qu'à travers la splendeur d'exaltante magies. Et quand je redescends vers les hommes, longtemps Ebloui d'un reflet du passé qui persiste, Je médite d'un cœur moins amer et moins triste Sur ce mystérieux au délà que j'attends. https://thuviensach.vn Diễn nghĩa ra quốc-ngữ : « Mùa hạ, bóng chiều đã xế, trời sáng tạnh, ta trèo lên trên ngọn tranh-vanh của nhà ngươi, hỡi núi cao ! Ngươi tối sầm những vực sâu hang thẳm, đầu ngươi đội mũ đá, mọc sừng thông (là cây thông). Ta trèo mà ta lên tận đỉnh thật cao. « Bấy giờ bóng tà-dương bao bọc cả cảnh-vật. Trời đất phẳng-lặng như tờ. Chốc chốc có tiếng chuông đánh, tiếng suối reo, xa đưa thoảng lại, như rung động cả bốn bề. Sương mù dủ che, như căng bằng thứ màn sa đỏ. « Trông lên cánh đồng lốm-đốm những đám đỏ, tức là ánh mặt trời chiếu xiên khoai vào mấy đàn bò, vừa đi vừa kêu, tiếng nhạc rung, xa đưa đồng-vọng với những tiếng động khác mà vang khắp sườn núi trơ-vơ. « Trong người tôi thấy bình-tĩnh, cao-hứng vô-cùng. Mặt trời mới bắt đầu lặn, các núi chung quanh đã tối dần, nhưng trên đỉnh còn chói-lọi sáng, tựa-hồ như ông Đông-quân trước khi từ-biệt thế-gian còn muốn ra oai rực rỡ trong một giây phút sau cùng nữa. « Tư-tưởng tôi bấy giờ khoát-đạt vô-cùng, thấy trong lòng như có kho tình bể ái, lâu nay không từng tưởng nhớ đến. Tôi tưởng như cái hồn lúc mười tuổi nó lại tỉnh-thức lại trong người tôi mát-mẻ mà nhẹ-nhàng. « Trong lòng như say như mê, tưởng đã thay hình đổi dạng, nay lại bé nhỏ, lại ngây-thơ như xưa. Tự-dưng mà hồi lại những việc cũ, như cái gì qua đi muốn quay về với cái còn lại. « Rồi thấy như mình thoát ra ngoài cái thân-thể vô-hình, khôi-phục lại cái tâm-hồn tuyết trắng hoa thơm thủa đồng-ấu, khác nào như cái ong nở ra giữa mùa mật, tha hồ mà hút những bông hoa ảo-tưởng. « Khí trời rất là thanh-tịnh tưởng như cái không-khí mình thở là cái không-khí cực trong-sạch, lựng thơm những mùi hương thần ngào-ngạt tự https://thuviensach.vn nơi hang sâu vực thẳm nào đưa lên ; mà chiều hôm nay thì là một buổi chiều của thần mộng gây nên vậy. « Những cảnh hoàng-kim xuất hiện ra phấp-phới, những mối cảm giác cũ khôi-phục lại tơi-bời. Tinh-thần như theo giải doành-ngân, nước chảy như ru, hương đưa ngào-ngạt. « Nước chảy đưa đến bờ tưởng-nhớ, tưởng-nhớ những nơi tiên-cảnh bồng-lai, rất bình-tĩnh, rất thanh-tịnh, chỉ lúc tuyệt-hứng mơ-màng mộng tưởng mới trông thấy được « Đến khi ở trên núi xuống, trở về với người đời, trong trí vẫn còn phảng-phất những chuyện cũ. Bấy giờ tôi nghĩ đến cái cõi lai-sinh là nơi tôi sắp đến đây, thấy trong lòng đã bớt giận mà bớt buồn. » Chắc rằng bức « tranh » tây không được gọn-ghẽ, không được chải chuốt, không được « thép-lột » bằng bức « tranh » ta, nhưng tình-từ dồi-dào biết dường nào, tư-tưởng siêu-việt biết bao nhiêu ! Cái cảm-hứng người ta lắm lúc đăng-lâm, thực là giãi bày ra hết lời hết ý. Lên cao trông rộng thì tâm-hồn nở-nang khoát-đạt ra. Bao nhiêu những tư-tưởng nhỏ-nhen là cái tâm-cảnh thường ở trong đám rừng người huyên-náo, tiêu tán hết cả. Hô hấp cái không-khí trong-sạch ở nơi thượng tầng thì tinh-thần tỉnh-táo ra, hồi-tưởng lại những việc cũ, mộng–du lại những chốn bồng–lai tiên–cảnh. Tưởng mình như lại trở về tuổi đồng-ấy, tuyết trắng hoa thơm. Đến khi xuống thì trong lòng sạch cả mọi sự phiền-muộn oán-phẫn, nghĩ đến cái chết cũng không sợ nữa. Ấy cái tình-cảm của nhà thơ triền-miên mà vấn-vít như thế, không thể xếp thành bức tranh cảnh, không thể thu trong vòng tám câu thơ được. Cứ so-sánh hai lối thơ ấy thì biết hai cái tinh-thần khác nhau là dường nào. Một bên thì vụ bề nhân-công, một bên thì chuộng vẻ thiên-thú. Vụ đề nhân-công thì chủ lấy cực-kỳ tinh-xảo, làm thơ như trạm một hòn ngọc, uốn một cái cây, sửa cái vườn cảnh, thế nào cho trong cái giới-hạn nhất-định, https://thuviensach.vn thêu nên bức gấm trăm hoa. Chuộng vẻ thiên-thú thì nhà thơ tự coi mình như cái phong-cầm, tùy gió thổi mà nên tiếng. Tiếng trong như hạc bay qua, Tiếng đục như suối mới sa nửa vời … lời thơ phải tùy theo lớp sóng trong lòng mà khi dài khi ngắn, khi thấp khi cao, không thể cầm-giữ trong phạm-vi nhất-định. Bọn ta ngày nay thực là đứng giữa nơi giao-tiếp của hai cái tinh-thần ấy, hai cái gặp nhau ở ta, nếu ta khéo ra thì có thể điều-hòa được cái hay của hai đàng mà không mắc phải những điều khuyết-điểm. Ta cứ nên giữ cái lối « tranh cảnh » của ta, nhưng ta nên rộng cái khuôn nó ra một chút mà bắt chước lấy cái vẻ thiên-thú của người. Có thế thì thơ văn nôm ta mới có thể phát-đạt lên được. Dù vậy cốt nhất vẫn là phải nuôi lấy cái « hứng » ở trong lòng trước. Đã có cái cảm-hứng đặc-biệt thì làm thế nào cũng tìm được lời thích-đáng mà diễn ra. Nhân đọc sách « Cổ xúy nguyên-âm » của ông Nguyễn Đông-châu mà chạnh nghĩ ra những ý-kiến ngổn-ngang như thế, nghĩ làm sao viết ra làm vậy, đâu dám tự-phụ xướng ra một lý-thuyết mới về thơ tây với thơ ta ! (1917) https://thuviensach.vn VĂN QUỐC-NGỮ Vấn-đề quan-trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn-đề văn quốc ngữ. Vấn-đề ấy có giải-quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở-mang, cuộc tiến-hóa sau này mới có thể mong-mỏi được. Đến ngày chữ quốc-ngữ dùng làm quốc-văn được thì người nước Nam mới có thể thâu-thái các khoa-học mới mà gây thành một nền học thích–hợp với trình–độ, với tính-cách dân ta. Đến ngày ấy thì người nước ta mới phát-biểu được tinh-thần cốt-cách của mình, tinh-thần cốt-cách ấy hiện nay còn mập mờ phảng-phất như ảnh không hình vậy. Nói rút lại, văn quốc-ngữ có phát đạt thì nền quốc-học mới gây dựng được, mối tư-tưởng mới mở-mang được, quốc-dân ta mới không đến nỗi chung-kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy. Trách lịch-sử cũng không bổ-ích gì, mà làm án tiền-nhân lại là phạm tội bất-hiếu. Vậy ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ tàu nên lãng-bỏ tiếng nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe ngoài những câu nhật-dụng thường-đàm. Ta chỉ nên xét hiện-tình mà khuyên quốc-dân để tâm để ý vào một vấn-đề rất quan-hệ cho tương-lai nước nhà. Hiện nay ai cũng rõ rằng chữ quốc-ngữ là tiện-lợi, so với chữ tây chữ nho-học vừa dễ mà vừa mau, nhưng cũng vì thế mà coi thường coi khinh, cho là không đáng công học, không biết rằng chữ quốc-ngữ ấy chính là cái bè từ để cứu-vớt bọn ta trong bể trầm-luân vậy. Ôi ! có nước mà không có tiếng nói, còn gì khổ bằng ! Trong khi họp tập năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những chuyện thiết-tha, nói những điều tâm-sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng tây hay điểm mấy câu chữ tàu, thì cực biết bao nhiêu ! Viết một bức thư là sẻ tấm lòng cho người yêu kẻ mến, lời đi cảm-tình cũng phải đi theo, thế mà bày tỏ cái cảm-tình ấy ra cũng không thể không dùng được thứ tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ, thì thảm biết dường nào ! https://thuviensach.vn Ấy cái hiện-tình như thế. Người trong nước ai là người đoái nghĩ đến ? Những người nhiệt thành về tây-học thì ước cho chữ tây thông-dụng cả trong nước, lấy tiếng Pháp mà thay vào tiếng ta không những trong khi học-tập mà đến cả trong lúc chuyện-trò nữa, không biết rằng sự « đổi não » ấy là thuộc lẽ thiên–nhiên không thể nào thành được. Mà dù có làm được nữa cũng là một sự không nên. Vì chữ Pháp phải coi là một thứ « cao-đẳng văn-tự », người nào có tư-cách nên nghiên cứu cho thực thâm để làm cái thang mà bước lên cõi văn-minh, nền học-thuật mới, nhưng cái của báu ấy không thể đem ban-phát cho khắp mọi người được, sợ không biết của, dùng lầm mà làm mất giá đi vậy. Cứ xem người nước ta theo tây-học đã ngoại bốn mươi năm nay mà chưa thấy gì là tấn-tới cho lắm, mới biết rằng một thứ văn-tự cao-quí như chữ Pháp phải phí nhiều công-phu lắm mới học cho đến nơi đến chốn được. Còn học dở-dang, biết mập-mờ thì thà không học không biết lại còn hơn. Đến những nhà cựu-học thì tuy ngày nay không còn mấy nữa, nhưng còn người nào đều là ôm cái chủ-nghĩa chán đời cả. Trông thấy cái học cũ mỗi ngày một mòn-mỏi đi, không thể cứu vớt được nữa, trong lòng những thương cùng nhớ, không hề xét đến tình-thế tất-nhiên, không hề nghĩ đến tiền-đồ sự học, tựa-hồ như quay mặt cả về ký-vãng mà ngoảnh lưng lại với tương-lai vậy. Nói văn quốc-ngữ với các nhà ấy thì họ cũng cho là vô vị như chuyện Khổng Mạnh đối với người tây-học vậy. Như thế thì cả quốc-dân không hề lưu-tâm đến cái vấn-đề tâm-huyết, là vấn-đề chữ quốc-ngữ ; cả quốc-dân không hề tự hỏi : một nước có thể không có quốc–văn được không ? Một nước muốn mưu sự sinh-tồn tìm đường phát-đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không ? Đười trước đã lầm, đời nay phải biết tránh vết xe cũ mà đừng đi. Ví nước Nam xưa kia có được vài ba ông Nguyễn–Du, năm bảy bà Thị-Điểm, https://thuviensach.vn mấy cụ Bảng–Đôn, mấy cụ Yên–Đổ, thì chi mà quốc-văn chẳng đã phong phú rồi, chi mà đến nỗi nghèo-nàn như ngày nay ! Các cụ đã xao–lãng, bọn ta phải chăm-chút. Dám quyết rằng công phu này không phải là công-phu uổng. Cái chất nôm tuy còn mộc-mạc như súc gỗ chửa thành đồ, nhưng nếu khéo bào khéo chuốt thì có ngày bóng– bảy như trắc gụ cũng nên. Vẫn biết rằng văn quốc-ngữ ngày nay chưa có cái thú-vị gì khá lấy làm vui được cho các bậc cao-sĩ. Ngồi hầu chuyện các văn-nhân thi-sĩ nước Tàu nước Tây vẫn còn sướng hơn là để tai nghe những tiếng bi-be của đứa lên ba đất Nam-Việt. Nhưng mà kính-trọng bậc tôn-trưởng bao nhiêu, tưởng cũng nên phù-trì cho đứa anh-hài bấy nhiêu mới là phải. Huống-chi đứa anh-hài lại là sản-nhi giống Hồng-Lạc, thì công phù trì ấy há lại chẳng nên thiết-tha mà chăm-chút bội-phần dư ? Bởi vậy mà ngày nay người nào chịu tập văn nôm là làm một việc công-đức, người nào chịu xem văn nôm là làm một việc nghĩa-vụ vậy. Công-đức ấy, nghĩa-vụ ấy, người có lòng có dạ với nước, há lại chẳng nên vui-vẻ mà làm dư ? Nào các nhà tây-học, sau khi các ông đọc xong một chuyện hay, lại chẳng nên tự nghĩ rằng : cái chuyện này ta thử thuật lại ra tiếng ta cho vợ ta em ta nghe xem năm phần còn có được một phần không ? Đương khi các ông gặp được một cái tư-tưởng lạ, lại chẳng nên tự hỏi rằng : tư-tưởng này, ta thử đem diễn ra lời nôm xem mười phần có được một phần không, cái ý nghĩa của nó sẽ kém đi bao nhiêu, sự sâu sắc của nó sẽ giảm mất chừng nào. Ông tự nghĩ tự hỏi như thế rồi, ông thử cầm bút viết, lần đầu tất còn chưa được thanh-thoát lắm, lần thứ nhì, đến lần thứ ba thì có lẽ năm phần đã đến được ba mà mười phần đã tới đến bảy rồi. Thế là đội văn nôm được thêm một suất tinh-binh, mà trong cái kho thiện-nghiệp của ông cũng được thêm một công-đức mới vậy ! Việc đó tưởng không khó–khăn gì, miễn là có chút hảo–tâm hảo-ý là đủ. Vả các ông cũng có thể tự chắc rằng có công tất https://thuviensach.vn có quả, vì một thứ tiếng đã dùng để giãi được tính-tình tâm-sự một cô Kiều không phải là tiếng man-mọi gì mà không thể thành văn được. Lại các nhà nho-học, trong khi các ông bình một đoạn văn hay, lời gióng-giả như bài biểu Chư-Cát, giọng dịp-dàng như bài tựa Vương-Bột, khí mát-mẻ như bài phú Đông-Pha, tình cảm-động như bài văn Hàn Dũ, lại chẳng nên tự hứa trong bụng rằng : Ta sẽ cố luyện cho tiếng nôm ta cũng có cái thể-cách nghiêm-trang như lời văn chữ, để gây lấy một lối từ-chương cho người mình, sau này cũng có thể làm tựa, làm ký, làm tứ-lục biền-ngẫu được như người Tàu. Nếu cái văn-chương mới ấy mà gây-dựng lên được thì công-đức của các ông không phải là nhỏ vậy. Nhờ cả các bậc cựu-học tân-học trong nước vun-trồng vào, thì cái mầm quốc-văn mấy nỗi mà mọc thành cây, sinh hoa kết quả, thêm tốt đẹp cho cảnh vườn cũ đất Việt-Nam này. Nhà tây-học thì phỏng cái lối thuyết-lý tả-thực của Âu-châu mà vụ cho lời nôm được rõ-ràng thiết-thực, trọng phép trực-tiếp hơn phép gián-tiếp. Nhà nho-học thì theo cái lối từ-chương biền ngẫu của văn Tàu mà luyện cho lời nôm được chải-chốt nghiêm-trang, dùng phép gián-tiếp hơn phép trực-tiếp. Hai lối điều-hòa với nhau thì quốc văn cũng được đủ tư-cách mà ra ứng-đối trong trường ngôn-luận, kết cấu trong cõi văn-đàn. Song nhà làm văn gắng sức đã đành, người đọc văn cũng phải chịu khó mới được. Nói thế tất có người lấy làm lạ mà nghĩ rằng : Người ta xem sách cốt lấy vui, nếu đọc sách cũng phải khó nhọc thì còn đọc làm gì ? – Cái đó đã cố-nhiên rồi, nhưng phải xét đến cái tình-cảnh riêng của văn quốc-ngữ mới được. Cổ-thi La-mã có câu : « Mày là đứa con sinh ra không có mẹ ». Văn quốc-ngữ ta ngày nay cũng là một đứa con sinh ra không có mẹ vậy. Trước ta không ai làm văn bằng nôm, ta không thể lấy người trước làm gương làm mẫu được. Ta phải nhất-thiết sáng-tạo dựng-đặt ra cả, từ chữ dùng cho đến phép đặt câu. Việc đó không phải là một việc dễ : ai đã từng làm văn quốc-ngữ, cầu cho lời nôm diễn được hết ý-tứ, đạt được hết tư-tưởng của mình, mới biết cái nỗi gian-nan đó. Người đọc thường không https://thuviensach.vn lượng cái khổ tâm cho người viết mà quá trách-bị ở văn quốc-ngữ, muốn cho văn quốc-ngữ đọc cũng vui cũng thú ngang bằng văn tàu văn tây, không biết rằng trẻ lên ba đã khôn sao bằng người đầu bạc được ! Nhưng có nuôi thì có lớn, rồi cũng có ngày trưởng-thành. Cốt là đương buổi ấu-trĩ này phải có người chăm-chút, phải có người trông-nom, phải có người phù-tri mà cũng phải có tưởng-lệ, thì mới mong ra khỏi tuần măng-sữa, hết thời-kỳ sài đẹn, mà đến tuổi lớn khôn mạnh-mẽ vậy. Văn quốc-ngữ ngày nay cũng tức như đồ Bát-tràng Phù-lãng ngày xưa. Ai đã từng vào xem nhà bảo-tàng của trường Bác-cổ Hà-nội, tất trông thấy ở gian bày đồ cổ An-Nam có mấy bộ tam-sự, ngũ sự, đỉnh, lọ bằng sành từ đờ Cảnh-hưng Vĩnh-thịnh, hình cổ-kính mà trang-nghiêm, chất bóng-bày mà chải-chuốt, nước men nét bút cũng chẳng kém gì sứ tàu. Cớ sao mà những đồ ấy nay không thấy ai chế, không thấy đâu nữa ? Cớ sao mà cái kỹ-nghệ quý-báu của ông cha ấy, ngày nay ngoài mấy bộ của trường Bác-cổ, không còn di-tích nữa ? Cớ sao mà chính người nơi sản-xuất dắt đến xem lấy làm kinh-ngạc mà không dám nhận ? Chẳng phải là nước ta xưa nay đã quá dùng quá chuộng đồ tàu, mà đồ sứ tàu đã giết mất đồ sành ta dư ? Ai ôi, quốc-nghệ xưa kia đã thế, quốc-văn sau này thế nào ? Xin đồng-bào ta chớ lãng-bỏ, chớ khinh-rẻ văn quốc-ngữ. Tương-lai nước nhà chính ở đó. (1917) https://thuviensach.vn NGHĨA-VỤ NHÀ LÀM BÁO Un journal ! une plume ! quels prodigieux leviers de force ! Một tờ báo ! một ngọn bút ! còn cái động-lực nào mạnh bằng !.. (Lời quan Toàn-quyền A. Saurrat, 1917) * Bài diễn-thuyết của quan Toàn quyền Albers Sarraut ở hội các báo– quán Nam-kỳ ngày tháng mười năm 1917, thật là cái khuôn vàng thước ngọc cho các nhà làm báo trong xứ này. Quan Toàn-quyền bình-sinh là một tay viết báo có tiếng bên Quí quốc, nên ngài vẫn có cảm tình riêng với các nhà báo. Ngài yêu mến nghề báo vô-cùng, yêu đến say-mê, đến sùng-phụng, coi là một nghề tuyệt-phẩm ở đời. Suốt bài diễn thuyết của ngài tức là một bài ca ngợi-khen công-đức nghề làm báo. Vậy thì nghề báo có cái nghĩa thâm-trầm, cái thú cao-thượng thế nào mà cảm được một bậc tài-trí như thế ? Cái thú cao-thượng, cái nghĩa thâm-trầm ấy, ngài đã giải ra trong mấy lời hùng-hồn như sau này : « Một tờ báo ! Một ngọn bút ! Còn cái động lực nào mạnh bằng ! Người ta ở đời như đứng trong trường sinh-hoạt lớn, nhân-loại đang cố công cùng sức mà tiến lên cõi Công-lý là nơi ai ai cũng nhiệt-tâm mong mỏi cho tới được, thế mà mình được đem dùng cái động-lực kia để giúp cho lòng hi vọng này, thì trần-gian còn khoái-lạc nào bằng ! Trong khi nhân-loại bước tới để cầu lấy sự thực sự hay thì những tư-tưởng này, chủ-nghĩa nọ khởi lên bời-bời, dành nhau kịch-liệt, mình đứng giữa mà tiêu-biểu cho cái lý tưởng nào là chân-chính, khá sáng-tạo được những sự-nghiệp hay, đem phô-bày cho người biết, đem ban-bố trong nhân-quần, lấy mà kích-thích tinh-thần người ta, chiếu-diệu tâm-trí người ta, tự coi mình như người lính thổi kèn để truyền sự thực, báo tin lành, tự coi mình như người quân tiên- https://thuviensach.vn phong tay cầm đuốc để chiếu sáng vào trong đám người u-âm sầu khổ, để soi đường cho cái Công-lý nó sắp đến ; còn chức-vụ nào đẹp bằng, còn phẩm-giá nào cao bằng, đáng cho một đời người nên tận tụy ! Không những thế, trong công-việc hằng ngày, sự chiến đấu hằng giờ, để bênh cho cái quyền-lợi người ta phạm hại, giữ cho cái tự-do người ta giày-xéo, biểu cho cái công-đức người ta không biết đến, cáo những sự tệ-lạm của kẻ gian tham, thiên-hạ đều sợ-hãi không ai dám nói, mà một mình mình nói to lên cho ai ai cũng biết, mình là cái lời ngôn-luận tự-do, mình là cái lương-tâm không chịu khuất-phục, đứng lên đối lại với cường-quyền nó áp-chế người ta để bênh-vực cho kẻ công-chúng, cho kẻ nghèo-hèn, cho kẻ bị áp-bức khốn-khổ, tựa-hồ như một tay võ sĩ của thần Công-lý, nghiễm-nhiên là một cái quyền-thế đối với quyền-thế của kẻ có quyền, còn chức-trách nào quảng-đại bằng, tôi thử hỏi một đời người còn mục-đích nào cao-thượng bằng cái mục-đích ấy nữa không ? » Quan Toàn-quyền đã cực-tả cái thiên-chức của nhà làm báo như thế, thật là hết lời hết ý, không còn thể nào nói thêm được nữa. Cứ mấy lời ấy mà suy thì biết nghề báo trọng là dường nào, mà cái thế-lực của nhà báo mạnh biết bao nhiêu ! Thế lực ấy đủ chuyển-dịch được lòng người, thay đổi được cục-diện, rèn-đúc uốn-nắn được cái vật vô-hình vô-trạng gọi là cái « Dư-luận » vậy. Bởi đâu mà nhà báo có oai-quyền thế-lực như thế ? Bởi nhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư-luận trong một nước. Ai nói đến báo là nói đến dư-luận, ai hỏi đến dư-luận là tìm đến báo, báo với dư-luận, dư-luận với báo là lần-lót, là hình-ảnh cho nhau, là tinh-thần là hình-thức của nhau vậy. Vậy thì dư-luận là gì ? Lấy lời giản-dị mà giải thì dư-luận là ý-kiến chung của nhiều người, là cái tư-tưởng của công-chúng. Cứ lấy ý-kiến riêng của mỗi người thì dù hay dù phải, hiêu-lực nó cũng là có-hạn mà thôi ; họp ý kiến của nhiều người thì dù sai dù lầm, hiệu-lực nó có thể đến vô-cùng vậy. Quần-chúng bao giờ cũng vẫn có sức mạnh, dù cuồng dại cũng mạnh hơn cá nhân. Bởi thế nên từ xưa đến nay các bậc đế-vương lo việc trị-bình trong https://thuviensach.vn thiên-hạ, đều vụ-lấy được lòng dân làm cốt ; được lòng-dân tức là thu được cái sức mạnh của quần chúng. Xưa gọi là « lòng dân », tức nay gọi là « dư luận », chỉ khác xưa dân còn thuần-phác, bằng cả ở cái đức-hóa của các bậc đế-vương, chỉ biết đem lòng trung-thành tin cậy mà phục-tòng ; nay dân trí đã mở-mang, biết suy-nghĩ mà xét lẽ phải chăng, điều lợi-hại, không phải cứ yêm yêm thiêm thiếp như xưa nữa. Nhưng dù là « dân-tâm », dù là « dư luận », tên có khác mà sự thật cũng là một, đều là chỉ cái sức mạnh vô-hình của phần đông người trong một nước. Sức mạnh ấy xưa thuộc về « tiêu-cực », nay bởi lẽ tiến-hóa tự-nhiên, dần dần chuyển ra « tích-cực ». Còn thuộc về « tiêu-cực » thì phải tùy ở số ít người chủ-trương đốc-suất ; đã chuyển ra « tích-cực » thì có sức mạnh hoạt động, người có quyền, không thể sử linh sai khiến được, phải biết khéo châm chước mà lợi-dụng vậy. Bởi thế nên trong thời-đại-này, thế-lực của dư-luận bành-trướng ra vô-cùng, khiến cho có người gọi đó là « kỷ nguyên của dư-luận ». Lắm nước như nước Pháp nước Anh, dư-luận thật là giữ quyền chúa-tể trong nước, chi-phối cả cuộc sinh-hoạt quốc-dân về chính-trị, xã-hội, kinh-tế. Nhưng cái sức mạnh như thế mà để phó mặc tự-nhiên, không đoàn luyện, không tổ-chức, không sắp-đặt cho có kỷ-luật, phương-pháp thì chẳng qua là cái sức hỗn-độn, vô-tri vô-giác, có ích-lợi gì cho nhân-quần xã-hội ? Không những không ích gì mà có khi lại quấy-rối nhân tâm, làm loạn trí não, hại cuộc công-an. Cái công đoàn-luyện, tổ-chức, đặt kỷ luật phương pháp cho dư-luận ấy là thuộc về ai ? Chính là công của các nhà báo. Lấy cái sức của dư-luận mà rèn-đúc cho dư-luận, khiến cho không tán-mạn đi mà thành một khối bền-chặt, giúp được cho cuộc sinh-hoạt chung của một dân một nước, đó là cái nhiệm-vụ tối-cao của các nhà làm báo. Báo bởi dư-luận mà thành ra, lại có sức biến-hóa được dư-luận : cho hay dư-luận cũng như chất kim-cương, chỉ có mình mới giũa được mình vậy. https://thuviensach.vn Như thế thì báo vừa biểu được dư-luận mà lại vừa gây nên dư luận, cái thế-lực trong một dân một nước lại chẳng to-tát lắm dư ? Bởi thế nên nói ngọn bút tờ báo là hai cái động-lực rất mạnh, khá lấy mà biến-hóa được các nhân-quần xã-hội, không phải là nói quá. Bởi thế nên lấy những lời hùng-hồn mà tả cái khoái-lạc tuyệt-trần của con nhà làm báo trong những lúc đua tranh gắng gỏi, hăng-hái vẻ-vang, không phải là vẽ cho ta một cảnh mơ-màng không thực. Cảnh ấy quả có thực, nhưng chỉ để riêng cho những người nhiệt-thành về nghề báo, coi nghề báo là một thiên-chức rất cao, mà tận-tâm tận-lực làm cho trọn cái thiên-chức ấy. Ấy nghề báo có cái nghĩa cao, cái thú lạ, cái sức mạnh như thế. Vậy nên dùng thế nào cho phải đường, cho được việc ? Như xét riêng về nước ta thì nhà viết báo ở nước Nam ngày nay phải làm thế nào cho xứng-đáng cái nghĩa-vụ của mình ? Quan Sarraut khuyên các nhà làm báo nên tự-nhiệm cái trách giáo dục cho dư-luận trong nước. Như trên kia đã nói cái thế-lực của dư-luận mạnh là dường nào, thì đủ biết công giáo-dục ấy không phải là không quan trọng. Nhưng nước ta xưa nay chưa từng có dư-luận bao giờ, hoặc là cái dư luận chửa thành-hình. Ta phải gây lấy một nền dư luận trước đã. Việc đó không phải là việc dễ. Dân ta đương vào buổi dở-dang, mới cũ giao nhau, khó lòng mà biết được cái ý-kiến chung của quốc-dân thế nào. Phàm những vấn-đề quan-trọng ngày nay, thuộc về chính-trị, giáo-dục, kinh-tế, xã-hội, mỗi người xét ra một cách, mỗi người hiểu ra một đường, mà phần nhiều người thì hãy còn mang-nhiên chưa giải đầu-đuôi ra sao cả. Ấy là nói hạng thượng-lưu trí-thức, còn các giai-cấp khác thì trình-độ còn kém nữa. Như thế mà muốn hội ý-kiến phần nhiều người để gây thành một mối dư luận chung có thế-lực trong nước có thể ảnh-hưởng đến các công-việc lớn để khuynh-hướng dân-tâm dân-trí về một đường nào, thì thực là khó thay ! https://thuviensach.vn Tuy vậy, nếu biết thi-thố cho phải đường, cũng có thể thành-công được. Cốt nhất là nhà báo phải định một chương-trình phân-minh, lập một chủ-nghĩa nhất-định, rồi cứ thi-hành cái công « giáo-dục » theo một chương-trình, một chủ-nghĩa ấy. Đương buổi quốc-dân còn phân-vân chưa biết theo đường nào là phải, ta nên suy-xét trước sau mà quyết-định lấy một cái đường lối chính-đáng, cứ thế mà đi, không hề thay đổi. Phàm lập-ngôn khởi-luận cũng cứ theo một đường ấy, khiến cho quốc-dân hằng phải chú-ý vào đấy, rồi tất có ngày khuynh-hướng mà theo vào với ta. Như thế dần dần gây nên một cái « tư-trào », trước còn nhỏ, sau lớn lên, gồm cả những người cùng một ý-kiến, cùng một tư-tưởng như mình, tức là nhóm thành một dư-luận về sau vậy. Đến khi cái dư-luận ấy đã đủ có thế-lực thì bấy giờ mới có thể mong ảnh-hưởng đến cuộc sinh-hoạt trong nước, mà giúp cho thực-hành được những sự-nghiệp hay. Nhưng hiện nay dư-luận chưa thành, trách-nhiệm của nhà báo lại càng trọng lắm nữa. Buổi này mới là buổi nên sức thi-hành cái công giáo dục như quan Saraut đã khuyên ta trong bài diễn-thuyết. Dân Việt-Nam ngày nay thực là đương gặp một cảnh-ngộ đặc biệt. Vốn là một dân cổ, từ xưa vẫn có một nền văn-minh học-thuật riêng, đủ sinh-tồn phát-đạt trong một cuộc lịch-sử mấy nghìn năm ; hốt-nhiên phải ra đối-đãi với một thế-giới mới, xưa nay chưa từng biết bao giờ, thành ra mang-nhiên không hiểu một tí gì, nhất-thiết phải học cả, như người học-trò mới vào trường vậy. Nhờ công khai-hóa của Bảo-hộ, có một số người ở các nơi thành-thị, học-tập các trường tây, giao-tiếp với người Tây, cũng đã tạm có chút trí-thức tân-thời. Nhưng chẳng qua là một thiểu-số mà thôi. Còn phần nhiều người trong quốc-dân, trình-độ hãy còn kém lắm, chưa hiểu được chính-sách mới, chưa rõ sự lợi-hại của mình, chưa lý-hội được những sự mưu-toan của chính-phủ thế nào. Vậy thì cái nhiệm-vụ tối-thiết của các nhà báo hiện nay là phải làm người đứng giữa mà giãi-bày ban-bố những công-việc của Chính-phủ cho cái phần đông người đó được biết, cùng thay mặt quốc-dân mà trình bày cho Chính-phủ rõ chân-tình trong nước và https://thuviensach.vn những điều sở-nguyện của dân. Nếu các nhà báo biết khéo điều-hòa trên dưới mà làm trọn được cái nhiệm-vụ ấy thì công giúp cho chính-trị không phải là nhỏ vậy. Nhà báo không những là có thể giúp cho chính-trị hiện-thời, mà lại còn có thể mở đường cho chính-trị tương-lai nữa. Bởi sao vậy ? Như trên kia đã nói, dân ta là một dân đương biến-cải, mỗi ngày tất một khác, mỗi ngày tất xuất-hiện ra những vấn-đề mới cần phải giải-quyết cho xuôi. Nhưng nếu đợi cho đến khi những vấn-đề ấy đã xuất-hiện ra rồi mới tìm đường giải-quyết thì kịp sao được ? Đã hay rằng trách-nhiệm của nhà chính-trị là phải dự-liệu trước mọi việc, nhưng nhà báo được trực-tiếp vơi dư-luận, cũng phải dọn đường mở lối sẵn thì nhà chính-trị thi thố mới được ích lợi. Như thế thì công của nhà báo đối với tương-lai chẳng to tát lắm dư ? Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy. Nếu ta biết khéo dùng cái động-lực rất mạnh là tờ báo ngọn bút kia, mà gây thành được một dư-luận sáng-suốt khôn-ngoan, thông-hiểu tình-thế, giúp được cho cái công tiến-hóa về chính-trị của quốc-dân, thì mới thực là xứng đáng với lương-tâm cùng thiên-chức của nhà nghề vậy. (1917) https://thuviensach.vn KHÁI-LUẬN VỀ VĂN-MINH HỌC-THUẬT NƯỚC PHÁP Văn-minh học-thuật một nước là tiêu-biểu cho tinh-thần nước ấy. Tinh-thần ấy phát-hiện ra nhiều cách, nhưng rút lại có mấy cái đặc-tính nó phân-biệt nước ấy với các nước khác, khiến cho nước ấy có một cái hình dạng riêng trong vạn-quốc, một cái địa-vị riêng trong thế-giới. Phàm các nước lớn đời xưa đời nay, đã có ảnh-hưởng đến cuộc tiến-hóa của nhân loại, đều có một cái tinh-thần riêng như thế cả. Tinh-thần ấy cũng tức như nhân-cách của từng người vậy. Nhân-cách mỗi người một khác, phát-hiện ra ở cách tư-tưởng cảm-giác, sự cư-xử hành-vi của mỗi người. Tinh-thần một nước cũng vậy mà phản-chiếu vào văn-minh học-thuật của nước ấy. Vậy muốn lý-hội được tinh-túy một văn-minh học-thuật nào, tất phải hiểu cái tinh–thần riêng của nước đã tạo-thành ra văn-minh học-thuật ấy. Nay thử hỏi các nhà tây-học nước ta, sau khi đọc xong một quyển sách hay bằng chữ Pháp, sách văn-chương hay sách nghị-luận, sách tiểu thuyết hay sách nhàn-đàm, thì cảm-giác ra làm sao ? Tất ai ai cũng từng nhận rằng cái cảm-giác ấy có một hứng-vị, một phong-thú riêng, không thể giải được, êm-đềm mà vui-vẻ, nhẹ nhàng mà thiết-thực, thơm-tho mà mặn mà ; cái hương, cái sắc, cái điệu, cái tình nó có một vẻ thiên-nhiên mà đườm-nhuận, thanh-tao mà đậm-đà, thực xưa nay ta chưa từng được thưởng-thức bao giờ. Cảm-giác ấy tuy không nói rõ ra lời được, nhưng phàm ai đã nếm mùi văn-chương Pháp đều thấy phảng-phất như thế cả. Bởi đâu mà văn-chương nước Pháp có cái sức cảm-hóa sâu-xa mà đặc-biệt như thế ? Bởi cái tinh-thần riêng của nước Pháp vậy. Giải rõ được cái tinh-thần ấy, phát-biểu được cái đặc-tính của nó, không phải là một việc dễ. Tất phải am-hiểu tính-tình tư-tưởng người Pháp, thông-thuộc văn-chương xã-hội nước Pháp, lý-hội lịch-sử hiện-tình dân Pháp, mới có thể nghị-luận một cách xác-đáng được. Chúng tôi không dám tự-phụ có đủ tư-cách như thế. Nhân mới được đọc một bài luận rất hay về « https://thuviensach.vn Văn-minh nước Pháp » (La civilisation française) của một danh-sĩ bên quí quốc, ông Victor Giraud 2, thấy lời-lẽ thực là ứng-hợp với cái cảm-giác lúc bình-thời, tựa-hồ như cái mình vẫn ám-giải một cách phảng-phất xưa nay, nay có người đến chỉ-thị, diễn-thích, phát-minh cho rất tinh-tường, khám phá được nhiều điều hay lẽ thực về văn-minh học-thuật nước Pháp. Vậy tưởng không gì bằng tóm-tắt đại-ý ra sau này, bàn thêm vào, để giúp cho học-giả trong nước ta hiểu rõ cái tinh-thần một nước đã có tiếng là nước đàn anh, trên trường văn-minh thế-giới. I Trong bộ tiểu-thuyết trứ-danh của một văn-hào Pháp ngày nay, có kể chuyện một người thiếu-niên châu Alsace lòng nhiệt-thành yêu-mến tổ-quốc Pháp, có cái chí cao-thượng muốn thờ tổ-quốc một cách đặc-biệt, khiến cho người Đức cũng phải cảm-phục. Bèn quyết-chí ở đất Alsace, lòng nhiệt thành yêu-mến tổ-quốc Pháp, có cái chí cao-thượng muốn thờ tổ-quốc một cách đặc-biệt, khiến cho người Đức cũng phải cảm-phục. Bèn quyết-chí ở đất Alsace, không xin về nước Pháp, đến tuổi binh-dịch lại nhận đăng làm lính với Đức, tự nghĩ rằng : mình là con nhà Pháp-lan, đại biểu một lối văn minh cao-thượng, lạc loài ở cùng với giống người thô-bỉ cường-bạo, cái nghĩa-vụ của mình là phải ở chốn nhượng-địa này, như người lính canh bờ cõi, để giữ cho văn-minh tổ-quốc, phát-biểu văn-minh ấy ra mà cảm-hóa bọn thô-bỉ kia. Một năm trời ở trong trại quân Đức, thực là được lòng đủ mọi người, quan trên yêu, bạn bè phục, xử với ai cũng rất mực nhã-nhặn, đến lúc mãn-khóa ra về, ai nấy đều tiếc ; khi từ-giã viên đội Phổ già coi mình trước thì được tin con gái lão vừa mới chết, bèn đi mua ngay một vòng hoa sắt đến viếng. Hai vợ chồng lão đội thấy anh ta sắp biệt mình mà còn xử tử-tế như thế, rất cảm-động trong lòng mà nói rằng : « Phải chịu rằng người nước Pháp có nhiều nhân-đạo hơn người nước khác. »… Một câu của lão đội già nước Đức ấy thực là tóm tắt được tinh-thần đặc-sắc của văn-minh nước Pháp. https://thuviensach.vn Dân Pháp xưa nay vẫn là có nhân-đạo phong-phú hơn các dân khác. Trong các dân các nước đời xưa đời nay, có lắm dân còn hiển-hách hơn dân Pháp nhiều. Nhưng có lẽ chưa thấy dân nào có cái mầu-vị nhân-đạo đằm thắm bằng người Pháp vậy. Thi-nhân Pháp đã có câu thơ rằng : Plus je suis Français, plus je me sens humain. (Tôi làm người Pháp bao nhiêu, là làm người bấy nhiêu). Người các nước khác thì thường càng gần « quốc-túy » bao nhiêu, càng xa « nhân-đạo » bấy nhiêu, vì quốc túy là đặc-biệt, mà « nhân-đạo » là phổ-thông. Xem như nước Đức : người Đức càng là người Đức bao nhiêu thì lại càng cách xa với nhân-loại phổ-thông bấy nhiêu, vì cái nghĩa của người Đức không phải là cái nghĩa của loài người, quyền-lợi riêng của người Đức không giống quyền-lợi chung của thiên hạ, càng sai-biệt bao nhiêu thì lại càng xa cách bấy nhiêu. Đến như người Pháp thì có cái đặc tính quan-sát mọi sự mọi vật theo phương-diện chung hơn là phương-diện riêng theo lẽ thông-thường hơn là lẽ đặc-biệt, thành ra người Pháp càng thâm phần quốc-túy bao nhiêu lại càng gần với « nhân-đạo » bấy nhiêu. Cho nên nói người Pháp có nhiều nhân-đạo hơn các người khác là thế. Nhân-đạo là gì ? Nhân-đạo tức là cái người ta sở-dĩ là người ta vậy. Muốn nói giản-dị hơn thì nhân-đạo là cái cách làm người, cái đạo làm người theo một lý-tưởng thông-thường cho cả loài người. Trong thế-giới này không có dân nào thi-hành cái đạo làm người một cách thông-thường phổ-cập như dân Pháp. Cả văn-minh học-thuật nước Pháp đều là tiêm-nhiễm một cái mầu nhân-đạo ấy cả. Muốn chứng rõ điều ấy thì phải xét kỹ về bốn phần-tử lớn tạo-thành ra văn-minh một nước : 1) văn-chương ; 2) triết-học ; 3) tôn-giáo ; 4) lịch-sử. Ông Giraud xét lần lượt bốn bộ-phận ấy một cách rất tinh-tế, diễn thích phân-minh, luận-chứng thâm-thiết, lời văn bình-dị mà hùng-hồn, nét https://thuviensach.vn bút tả-thực mà văn-hoa, thuật-giả tiếc không thể thu được cái hứng-vị của nguyên-văn qua lời nôm sốc nổi. II Trước hết xét văn-chương, Tác-giả nói : « Văn-chương là hình-ảnh của tinh-thần riêng, tính-chất riêng của một dân một nước, mà là hình-ảnh tự-nhiên hơn cả. « Nói rằng văn-chương nước Pháp có nhiều nhân-đạo hơn các văn chương đời nay thì thiết-tưởng chỉ xét qua văn-chương các nước khác là đủ biết vậy. Như văn-chương nước Nga thì thiên trọng về thần-bí, văn-chương nước Anh thì nhiều thi-vị, văn-chương nước Đức thì nhiều triết-lý, văn chương nước Tây-ban-nha thì nhiều tưởng tượng hơn văn-chương Pháp. Nhưng so-sánh với các văn-chương ấy thì văn-chương Pháp có nhiều nhân đạo hơn. Các nhà làm văn Pháp chỉ tư-nghị đến người ta trước nhất cả, chỉ chủ hình-dung tả-mạc con người ta trong tình-cảnh, tâm-tính, ý-tứ của mỗi người. Phàm những vấn-đề xét đến là những vấn-đề quan-hệ với người ta cả, hoặc thuộc về đạo-lý, hoặc thuộc về xã-hội. Bao giờ cũng là chủ ý về đạo xử-thế chung của một đoàn-thể. Mà các nhà văn ấy trước-thuật cũng là chỉ vị người ta, muốn trực-tiếp với người ta, mà cốt nhất là cái người hiển nhiên trông thấy, chứ không phải cái người lỗi-lạc đặc biệt, tức là người trung-bình mà không phải là người siêu-việt. Vậy lời văn cốt bình-thường cho người ta dễ hiểu, ý-tứ cốt giản-dị cho người ta thấu được. Nói rút lại thì mục-đích cốt-yếu của các nhà văn ấy là dạy-dỗ, khuyên-răn người đời, truyền-thụ cho người ta cái nhân-đạo vậy. Bossuet ngày xưa có phê-bình các thi nhân Hy-lạp mấy câu rằng : « Sách vở của các bậc ấy vừa có cái vẻ vui-thú mà vừa có cái vẻ nghiêm-trang. « Các ngài chỉ tán-tụng những công-nghiệp có ích-lợi cho đời người ta, chỉ vụ việc công-ích, ích cho nước nhà, ích cho xã-hội, thực là có cái khí-vị thuần-lương vậy. » Mấy câu ấy dùng để giải-nghĩa văn-chương nước Pháp tưởng cũng không phải là không đúng. » https://thuviensach.vn Tác giả đã giải-thích tính-cách chung của văn-chương Pháp như thế rồi, bèn cử từng thời-đại, từng văn-phái mà bàn cho rõ thêm ra. Hai thời-đại trứ danh nhất trong văn-học sử nước Pháp là thế-kỷ thứ 17 và thế-kỷ thứ 18. Hai thế-kỷ ấy có khác nhau mà có giống nhau. Thế-kỷ thứ 17 là đời cổ-điển, thế-kỷ thứ 18 là đời cách-mệnh. Nhà văn đời cổ-điển chỉ vụ nghiên-cứu tâm-lý người ta. Cho người ta là một « giống rất phù phiếm, uyển-chuyển, phức-tạp » (être merveilleusement vain, ondoyant et divers), nên phải xét nghiệm thật kỹ, cho tỏ tường được hết các khóe ăn-ở mà tìm cách răn-dạy. Vì các nhà ấy đã thông-tỏ tâm-lý người ta mà biết rằng người ta « tính bản ác », nếu không kiềm-chế những cái vật-dục bất lương, thì xã-hội không thể sinh tồn được. Bởi thế các nhà ấy lấy sự duy-trì xã-hội làm mục-đích, vì xã-hội có duy trì được, lòng người có kiềm-chế được thì người ta cùng xã-hội mới được an-toàn. Nói rút lại thì văn-chương thế-kỷ thứ 17 là văn-chương cảnh-thế, văn-chương dạy đời, chủ sự lợi ích cho xã-hội nhân-quần, tức là một pho tâm-lý, một bài luân-lý thực-hành vậy. Thế-kỷ thứ 18 cũng là vụ cầu cho người đời được sung-sướng. Các nhà làm văn đời cách-mệnh cũng chỉ nghiên-cứu một cái vấn-đề về sự hạnh-phúc của người ta, nhưng khác người đời trước, là đời trước lấy cái hạnh-phúc của sự kiềm-chế, đời này lấy cái hạnh-phúc ở sự tự-do, đời trước chủ sự duy-trì, đời này trọng đường cải-cách. Đời trước chủ cái thuyết « tính bản ác », đời này chủ cái thuyết « tính bản thiện ». Người đời đã tính vốn lành thì mọi sự khổ ở đời là bởi xã-hội cả, xã-hội đã không ra gì thì phải phá đổ xã-hội đi, mà hồi-phục lấy cái bản-tính của người ta lúc sơ sinh. Bởi thế nên các nhà văn thường công kích xã-hội, mà tán-tụng đời cổ sơ là cái « hoàng-kim thời-đại » của loài người. Như vậy thì hai cái tư-trào của thế-kỷ thứ 17 và thế-kỷ thứ 18 thật là trái ngược nhau hẳn. Nhưng xét kỹ có lẽ tôn-chỉ cũng là giống nhau. Hai thời-đại tuy xét người đời ra hai phương-diện khác nhau, song đều là mưu-cầu cho người ta được hạnh phúc, đều là thiên-trọng về nhân-đạo cả. https://thuviensach.vn Đã cai-quát hai thế-kỷ lớn trong văn-học-sử, lại bắt đầu từ khi mới có văn-chương cho đến cận-đại, lục ra những sách nào là lưu-truyền hơn cả mà xét xem sở-dĩ làm sao được lưu-truyền như thế, thì thấy những sách ấy đều là diễn-giải về nhân-đạo một cách tuyệt-phẩm cả. Kể từ sách « Roland anh hùng ca » (La Chanson de Roland) là áng văn-chương cổ nhất của nước Pháp, đến tuồng Le Cid của Corneille, đến tập « Tư-tưởng lục » (les Pensées) của Pascal, những hí kịch của Molière, sách « Vạn-pháp tinh-lý » (L’Esprit des lois) của Montesquieu, cho đến thơ Lamartine, tiểu-thuyết George Sand, cho đến những bài phê-bình của Sainte-Beuve, tuy thể văn phong-phú như thế, mà rút lại tôn-chỉ cũng là một, là mô-tả con người ta ra đủ mọi cách, trong đủ mọi cảnh : khi sướng, khi khổ, khi vui, khi buồn ; lúc khôn-ngoan, lúc khờ-dại ; lúc khao-khát những sự vô-hạn, lúc mưu-toan những việc trị bình ; lúc khổ vì cái ái-tình uốn-éo, lúc than vì thế-sự ngặt nghèo… Như vậy thì từ xưa đến nay, phàm những sách hay trong văn-chương Pháp, được người đương-thời cảm-phục, hậu-thế suy tôn, chính là những sách giàu về nhân-đạo cả. Văn-chương Pháp có nhiều nhân-đạo, vì văn chương Pháp chủ nghiên-cứu về người ta, mà trọng nhất là những vấn-đề quan-hệ đến người ta, đến sự hạnh-phúc ở đời, đường xử-thế cùng vận mệnh của người ta. Thi-nhân La-mã đời xưa có câu thơ rằng : « Tôi là người, phàm cái gì quan-hệ đến người ta không phải là không quan-hệ đến tôi ». Câu thơ ấy thực là tiêu-biểu cho tôn-chỉ văn-học Pháp. Xưa nay người ta vẫn khen văn-chương Pháp có ba tính-cách hay nhất : một là phân-minh, hai là giản dị, ba là thành-thực. Ba tính-cách ấy cũng là bởi cái tôn-chỉ nhân-đạo mà ra cả… Người Anh, người Đức, người Ý, coi văn-chương là một món thưởng-thức, dùng văn-chương hoặc để diễn cái mộng riêng của mình, hoặc làm món tiêu-khiển cho mình. Người Pháp làm văn vị người hơn là vị mình, cầm ngòi bút viết là muốn nói gì cho người đời nghe cả. Vậy cốt nhất là cho người ta hiểu mình. Nên phàm xướng ra tư-tưởng gì, không phải cứ mộc-mạc thế, gạn-lọc lấy tinh-hoa rồi https://thuviensach.vn mới diễn ra thành lời ; lời văn ấy cũng không phải là cẩu-thả, thật là chải chuốt trau-dồi cho rất vắn-tắt, rất giản-dị, rất phân-minh, nói lên nghe ra ngay, không phải mất công khó nhọc mới hiểu được. Bởi văn Pháp có cái đặc-tính như thế nên xưa nay đã được cái danh-dự dùng làm văn chính-thức trong các công văn điều ước quốc-tế, không phải là không xứng-đáng vậy. III Nay xét đến triết-học. Muốn phát-biểu cái đặc-tính của triết-học nước Pháp, không gì bằng so-sánh triết-học Pháp với triết-học Đức. Nước Đức xưa nay vẫn tự-phụ là sở trường về triết-học. Cứ hình-thức mà xét thì triết-học Pháp trái hẳn với triết-học Đức. Nước Đức lấy triết-học làm khoa chuyên-môn, chỉ một số ít người chuyên-trị, học riêng với nhau, không trực-tiếp với người ngoài, và không từng đem tư-tưởng của mình đối-chiếu với thực-tế, so-sánh với lẽ phải giữa đời. Bởi thế nên triết-học của Đức có vẻ u-âm huyền-bí, khi cao thì siêu-vệt quá mà biến ra mây ra khói cả, khi thấp thì thô-sơ thiển-cận, cứng-cỏi sỗ sàng. Triết-học Pháp khác hẳn. Người Pháp lấy triết-học là một món phổ thông chung cho cả mọi người có học-vấn, có trí-thức. Phàm làm người, ai cũng có tư-cách biết suy-nghĩ, biết tư-tưởng, vậy thì ai cũng có thể lĩnh-hội phán-đoán về chân-lý được. Nhà triết-học nghiên-cứu về chân-lý, sở-đắc điều gì, phải đem công-bố ra cho mọi người biết, không phải là để nghiền ngẫm trong một bọn chuyên-môn với nhau. Bởi thế nên phần nhiều nhà triết-học Pháp đều là nhà văn hay cả, vì muốn truyền-bá tư-tưởng của mình cho đắc-lực, tất phải biết khéo diễn-giải ra cho người ta dễ nghe và dễ hiểu. Thực là trái hẳn với nhà triết-học Đức, thường dùng một lối văn kỳ-khu trắc-trở, ngoài bọn nhà nghề ai xem cũng phải chán. Triết-học Pháp lại còn có một đặc-tính nữa, là thường tiêm-nhiễm cả các môn học khác. Nhà triết-học thường kiêm văn-học, nhà văn-học cũng không mấy khi là không có tư-cách triết-lý. Những văn-hào như Bossuet, https://thuviensach.vn Voltaire, Lamennais, Taine, Renan có thể liệt bằng-đẳng với các nhà triết học trứ-danh được. Ngoại-giả đến những nhà văn thuần-túy như Corneille, Molière, Racine mỗi nhà cũng có một cái « triết học » riêng, nghĩa là một cái quan-niệm về vũ-trụ, về nhân-sinh, triết-học ấy tản-mạn trong khắp văn chương của mỗi nhà. Triết-học Pháp cũng tiêm-nhiễm cả khoa-học nữa. Lệ thường ở nước Pháp nhà triết-học bao giờ cũng có cái học « cách-vật trí-tri » tức là kiêm cả khoa-học ; lắm bậc triết-học đại-gia lại vừa là tay lý-học trứ-danh nữa, như Descartes, Pascal, Auguste Comte, Cournot, Claude Bernard, Henri Poincate. Khoa-học triết-học tiêm-nhiễm nhau như thế, lợi cả hai đàng. Nhà triết-học trong khi nghiên-cứu về nguyên-lý, lấy thực-tế làm căn-cứ, không sợ tư-tưởng những sự hoang-đường. Nhà khoa-học trong khi nghiên-cứu về vật-chất, lấy nguyên lý làm tôn-chỉ, không sợ mê-man những sự phiền-toái. Một cái đặc-tính nữa của triết-học Pháp, là không ưa những lối độc đoán. Ngồi không mà kết-cấu những « lâu-đài tư-tưởng », không nương tựa vào cái gì chắc-thực, không căn-cứ vào cái gì vững-vàng, ấy là lối các nhà triết-học Đức. Nhà triết-học Pháp thì chỉ chủ sự thiết-thực. Không phải rằng không có tài kết-cấu bằng người Đức : Descartes nước Pháp có kém gì Kant nước Đức, Auguste Comte có kém gì Hegel ? Nhưng người Pháp không lấy học-thuyết của mình mà tự bó-buộc mình, làm như cái ngục để giam mình vào đấy, không dám vượt ra ngoài mà xét sự-vật ra phương-diện khác. Người Pháp ưa tự-do, biết rằng chân lý có năm bảy đường tới được, đường nào cũng là chính-đáng cả, không bắt ai phải theo một đường nào. Bởi thế nên triết-học nước Pháp có cái tính thiết-thực hơn triết-học nước khác. Nói rút lại thì các nhà triết-học Pháp kỵ nhất là những tư-tưởng hoang-đường, mà trọng nhất là những vấn-đề thiết-yếu cho người ta. Trong các lẽ huyền-vi của trời đất, các nhà ấy chú-trọng về tâm-lý người ta. Cho rằng hễ giải được các mối huyền-vi ấy, là giải được nghĩa đời người. Thế chẳng hơn là lấy tư-tưởng làm quân cờ mà đem chọi nhau trên cái bàn cờ https://thuviensach.vn vô-hình dư ? Thế chẳng hơn là lấy tư-tưởng làm viên gạch, mà chồng-chất lên để xây cái lâu-đài trên bãi cát dư ? Tác-giả nói : « Dạy cho người ta biết làm người, làm người cho hoàn toàn, châu-đáo, nhân-tâm thế nào thì coi như thế, đừng quá trọng mà cũng chớ quá khinh, đừng suy-tôn quá mà cũng chớ hạ-miệt hoài ; phải nhận biết cái giới-hạn của nó, phải phát-triển cái tiềm-lực của nó, phải điều-hòa sự phản-trái của nó ; ấy là tôn-chỉ của triết-học nước Pháp từ xưa đến nay, tôn chỉ ấy các nhà triết-học Pháp đã truyền-bá ra khắp thế-giới. Trong thiên-hạ còn có những lý-tưởng cao-siêu hơn ; không đâu có cái lý-tưởng, khôn ngoan, nhũn-nhặn mà rộng-rãi bằng ? » Nói tóm lại thì triết-học Pháp cũng như văn-học, cũng có tính-cách thuộc về nhân-đạo vậy. IV Nay lại xét đến tôn-giáo. Đại-để có thể nói triết-học là tôn-giáo của người trí-thức, tôn-giáo là triết-học của người bình-thường. Bình-dân là phần số nhiều trong một nước ; vậy thì tôn-giáo là tiêu-biểu cho cái lòng tín-ngưỡng chung của cả một dân-tộc. Nước Pháp từ xưa đến nay vẫn lấy đạo « La-mã Thiên-chúa » làm quốc-giáo. Đạo Thiên-chúa thật đã có một phần to trong sự gây-dựng ra nước Pháp, trong sự giáo-hóa người dân Pháp, mà nước Pháp, người Pháp, từ đời Trung-cổ đến giờ, cũng có công to với Giáo-hội, xưa đã được tiếng gọi là « con trưởng của Giáo-hội ». Đạo Thiên-chúa thật là có thanh-khí với người Pháp, có nhân-duyên với nước Pháp vậy. Nay đạo Thiên-chúa ở nước Pháp có những đặc-tính gì ? Về phần giáo-lý, giáo-thống thì cố-nhiên là ở nước nào cũng vậy. Nhưng đại-để cùng một đạo ở mỗi nước cũng có khác nhau nhiều. Như đạo Thiên-chúa ở Ý đại-lợi thì thiên-trọng về phần mỹ-thuật, đạo Thiên-chúa ở Tây-ban-nha https://thuviensach.vn thời thiên-trọng về bề thần-bí. Đến như đạo Thiên-chúa ở nước Pháp thời thiên-trọng về phần xã-hội. Bossuet đã giải nghĩa tôn-giáo là cái giây liên lạc trong xã-hội, không những liên-lạc người một đời với nhau, mà liên-lạc cả người đời này với người đời trước, với người đời sau nữa ; không những liên-lạc người một nước với nhau, mà liên-lạc cả người nước nọ với người nước kia, hết thảy cả người ta trong thế-giới. Tôn-chỉ của đạo Thiên-chúa ở nước Pháp không những là muốn gây thành một đoàn-thể tinh-thần ở trong đoàn-thể quốc-gia ; lại còn muốn khuếch-trương đoàn-thể ấy ra khắp thế giới mà dựng nên như trong kinh thánh gọi là cõi « thiên-quốc » (la cité de Dieu) ở chốn nhân-gian nữa. Cứ xét tổng-số những nhà truyền-giáo của đạo La-mã Thiên-chúa, ba phần đến hai phần là người Pháp, thì đủ chứng rằng tôn-chỉ ấy không phải là một hư-tưởng vậy. Như thế thì Thiên-chúa-giáo của nước Pháp là vị chung cả loài người hơn là vị riêng một nước mình. Thật là hợp với cái chủ-nghĩa « cứu-thế » của đạo. Nói rút lại thì đạo Thiên-chúa của nước Pháp có mấy đặc-tính khác đạo Thiên-chúa các nước, mà tiêu-biểu cho tinh-thần riêng của nước Pháp. Tác-giả giải thích như sau này : « Thiên-chúa-giáo của nước Pháp bao giờ cũng chú-trọng một điều, là tăng cái giá-trị về « phần hồn », tăng cái phẩm-cách của người ta. Nên chuộng về phần công-nghiệp hơn là phần quan-niệm, mà lại chuộng cái công-nghiệp có ích cho xã-hội hơn là sự tu-hành riêng của từng người. Đến việc tu-hành nữa cũng không phải là tu-hành lấy một mình, bao giờ cũng chủ lấy ích-lợi cho nhân-quần. Bởi thế nên các nhà tôn-giáo nước Pháp không hứng những sự biện-nạn huyền-bí về thần-học, những sự khảo-cứu tỉ-mỉ về thánh-thư, những cách lễ-bái phiền-phức mà cầu-kỳ như nhà tôn giáo các nước khác. Nhà tôn-giáo nước Pháp theo lẽ phải thông-thường mà vụ những điều cốt-yếu ; lòng tín-ngưỡng bình-dị mà không tần-phiền ; rất am hiểu tâm-lý nhân-tình ; nhiệt-thành muốn truyền cái lòng tin của mình cho người khác ; nhất là khao-khát tấm lòng bác-ái từ-bi. » https://thuviensach.vn Gồm bấy nhiều đặc-tính, há chẳng phải là giàu về nhân-đạo dư ? V Sau nữa xét về Lịch-sử. Một nước có văn-chương, triết-học, tôn-giáo hay cũng chưa đủ ; phải có lịch-sử hiển-hách mới biểu-dương được những cái hay đó. Lịch-sử nước Pháp thật là xứng-đáng với văn-chương, triết-học, tôn giáo nước Pháp. Nước Pháp lập-quốc sớm, sớm đã tự-nhiệm cái thiên-chức một nước lớn. Từ đời Trung-cổ, cuộc nhất-thống trong nước đã tiệm-thành, tuy chưa được hoàn-toàn, nhưng đã có cơ-sở. Gây được cuộc nhất-thống ấy, phải nhiều phen chiến-tranh. Nước Pháp ngày xưa đã có tiếng là nước thượng võ, đã từng biết đủ các lối chiến-tranh : chiến-tranh để giữ nước, chiến tranh để lấy đất, chiến-tranh vì cái thế quân-bình, chiến-tranh vì cái sức bành-trướng, chiến-tranh để đồ bá-quyền, chiến-tranh để đi truyền-bá. Nhưng đại-để các lối chiến-tranh ấy đều chủ một mục-đích : là làm cho vững-bền vận nước cả. Nhân làm vững-bền vận nước, mà giữ được quân bình Âu-châu. Vì chính-sách của nước Pháp xưa nay vẫn là cầm-giữ, ngăn ngừa những nước lớn khác không được xâm-phạm đến bờ cõi, đến quyền độc-lập các nước nhỏ, để chiếm lấy phần hơn trong lục địa Âu-châu. Chính sách ấy vẫn chủ lấy nước nọ hạn-chế nước kia, khiến cho thế-lực các nước ngang nhau, mỗi nước được tự-do mà phát-triển văn-minh quốc-túy, theo đuổi tiền-đồ vận-mệnh của mình. Bởi thế nên khi nào có một nước hay một vua hùng-cường khởi lên, muốn xâm-đoạt nước khác để cướp lấy thế-lực to hơn, thì Pháp cũng can-thiệp vào đánh, cố giữ lấy cái thế quân-bình cho Âu-châu. Xem như mấy phen Pháp giao-chiến với nhà vua Tây-ban-nha cùng nha vua Áo-đại-lợi thì đủ biết. Chắc rằng trong những trận ấy, Pháp cũng có cái lợi riêng của mình ; nhưng bao giờ lợi riêng ấy cũng hòa-hợp với lợi chung của Âu-châu, nên hồi nào Pháp đắc-thắng là hồi ấy Âu-châu hòa bình. Pháp không những giữ cho các nước được tự-do độc-lập, lại còn https://thuviensach.vn đem tiền đem người đi giúp nhiều nước khôi-phục lại quyền tự-do độc-lập đã bị mất. Mỹ được độc-lập là nhờ có Pháp cứu-viện. Ý được thống-nhất là bởi công người Pháp nhiều. Hi-lạp thoát-ly được quyền chuyên-chế Thổ nhĩ-kỳ, chẳng phải là may mà được người Pháp can-thiệp giúp ư ? Pháp có công với vạn-quốc như thế, là bởi Pháp có tài điều-hòa quyền-lợi riêng của mình với quyền-lợi chung cả Âu-châu hoặc cả thế-giới. Cũng vì thế mà Pháp được hơn các nước khác có cái tư-cách biết quên mình vị người, hay cổ-võ những việc nghĩa-cử, nhiệt-thành với công-lý công-nghĩa. Hoặc có người chê Pháp đi viễn-chinh để lấy thuộc-địa là trái với chủ-nghĩa nhân-đạo. Nói thế là không hiểu cái tình-thế một nước lớn trong thế-giới đời nay. Pháp đi lấy thuộc-địa cũng là bởi cái địa-vị trên trường quốc-tế bắt-buộc như thế. Các cường-quốc đều có thuộc-địa mà mình không, là đành chịu phần thua phần thiệt, mà không giữ được thế quân-bình trong liệt-cường. Vả sự đi lấy thuộc-địa cũng có nhiều cách. Lấy đất của người ta mà nô-lệ bác-tước người ta, là phi nhân-đạo. Lấy đất của người ta mà ra công dìu-dắt cho người ta bước mau trên đường tiến-hóa, vị-tất đã là việc phi-nghĩa. Pháp lấy thuộc-địa dù là Algérie, Tunisie, Madagascar, Maroc, Tây Phi-châu hay đất Ấn-độ - Chi-na này nữa, đều tuyên-bố lấy khai-hóa làm chủ-nghĩa, hiệp-tác làm phương-châm. Thế thì cũng không phải là xa với nhân-đạo vậy. Suốt lịch-sử nước Pháp chứng rõ rằng nước ấy từ xưa đến nay vẫn biết ham-chuộng việc nghĩa, biết điều-hòa cái nghĩa riêng của mình với nghĩa chung của văn-minh thiên-hạ. Hồi giặc Hung-nô xâm-nhập Âu-châu, bấy giờ nước Pháp chửa thành nước Pháp mà đã ngăn-ngừa được quân giặc, khiến cho văn-minh Âu-châu khỏi phải tiêu-diệt vì quân mọi-rợ. Lại hai thế-kỷ sau, giặc Hồi tiến sang nam-bộ Âu-châu, Pháp cũng phá tan được ở đồng-bằng Poitiers, cứu được đạo Thiên-chúa khỏi cái nạn dị-đoan. Lịch-sử nước Pháp vẫn có một cái tính-cách khoát-đạt, thường ba-cập ra ngoài, chứ không khu-khu trong giới-hạn một nước. Không những khi đối-ngoại mới có tính-cách ấy ; ngay trong phạm-vi quốc-gia cũng vậy. https://thuviensach.vn Tựa-hồ như nước Pháp có cái sức phản-chiếu ra ngoài rất mạnh, nhất-cử, nhất-động, dẫu chỉ quan-hệ đến một mình, cũng có ảnh-hưởng ra ngoài, người ngoài lấy đấy làm gương, theo đó bắt chước. Cứ xét một cuộc Đại Cách-mệnh năm 1789 thì đủ biết ảnh-hưởng ấy sâu-xa là dường nào. Cách mệnh ấy chẳng qua là khuynh đảo chính-thể quân-chủ cũ mà đặt chính-thể dân-chủ mới, tưởng cũng là một cuộc nội-biến thường, không có quan-hệ gì đến thế-giới. Cớ sao mà mới nổi lên đã kích-động cả toàn Âu ? Chẳng phải là bởi cuộc cách-mệnh ấy tuy vị nghĩa riêng một nước mà hàm cả nghĩa chung nhân-loại dư ? Sau khi phá được ngục Bastille, ngày 27 tháng 8 năm 1789, hội « Lập-hiến » (La Constituante) bá-cáo tờ « Nhân-quyền tuyên ngôn », xướng lên rằng phàm làm người ai cũng được tự-do bình-đẳng cả. Lời tuyên-ngôn ấy nói chung cả nhân-loại, không phải riêng một dân Pháp. Bởi cái tính-cách đại-đồng phổ-cập ấy mà cuộc Cách-mệnh năm 1789 có ảnh-hưởng sâu xa như vậy. Vậy thì lịch-sử nước Pháp cũng như văn-chương, triết-học, tôn-giáo, cũng hàm có ý-nghĩa về nhân-đạo vậy. VI Nói tóm tắt một câu thì nhân-đạo là đặc-tính hiển-nhiên, có thể được gọi là « linh-tính » của cả văn-minh học-thuật nước Pháp. Suy-diễn ra cũng một đặc-tính ấy, qui-nạp lại cũng một đặc-tính ấy. Tác-giả đã suy-diễn cái lý-tưởng nhân-đạo ấy trong suốt một bài đại luận, lời-lẽ nghiêm-trang như cái lâu-đài cổ Hi-lạp, tình-tứ cảm-động như bộ tiểu-thuyết mới thời nay, bèn qui-nạp lại mấy câu kết-luận như sau này : « Trách-nhiệm của nước Pháp, thiên-chức của nước Pháp là phải xét mọi sự mọi vật theo về phương-diện nhân-đạo. Bởi đó mà văn-chương, triết-học, tôn-giáo, lịch-sử, đều có cái sức cảm-động rất mạnh. Nước Pháp, đã đem cái lòng ham nhân-đạo đến cực-điểm, đến bậc nguy-hiểm cho mình. Bình-sinh đã từng lắm phen phải lừa phải hại vì cái lòng nhân-đạo ấy. Nhưng mà cái « dại » ấy là cái dại vẻ-vang, vì dại là dại không biết ghen- https://thuviensach.vn ghét ai, không biết ngờ-vực ai, dại là dại mau quên những bước từng trải gian-nan, những sự đố-kỵ thâm-trầm, những kẻ tham-lam quá-độ. Nước Pháp không thể tin được rằng muôn việc trong thiên-hạ chỉ dùng võ-lực, cái võ-lực kiêu-căng tàn-ngược, mà giải-quyết được. Nước Pháp không bao giờ chịu rằng cái mục-đích cứu-cánh của sự học là chỉ để nghĩ thêm cho người ta những cách tương-tàn tương-hại lẫn nhau. Một văn-sĩ cổ nước Pháp, Rabelais, đã từng nói câu tuyệt-ngôn này : « Học-vấn không có lương-tâm chỉ là tai-hại tâm tính » (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme). Nước Pháp không thể tưởng-tượng được rằng một dân-tộc hay một văn minh nào, lại có quyền đạp đổ những dân-tộc cùng văn-minh khác. Lý– tưởng của nước Pháp không phải là cái lý-tưởng muốn biến cả sự tư-tưởng sinh-hoạt của người ta thành cái máy vô-hồn cứng-cỏi, thực là lý-tưởng muốn để cho tinh-thần riêng của mỗi dân-tộc được tự-do mà phát-triển cho điều-hòa. Một thế-giới chỉ thấy thịnh-hành cái võ-lực của bọn quân-nhân, cái phiền toái của kẻ học giả, cái kiêu-căng của phái quan-lại, chỉ thấy thiên-trọng những vẻ cục-cằn thô-lỗ, những thói hung-hãn bạo-tàn, một thế giới như thế, nước Pháp cho là nơi địa-ngục cực-kỳ khả-ố. Kẻ khác gọi đó là « văn hóa » (la culture), nước Pháp cho thế là « dã-man ». Dã-man càng có học mới lại càng thậm-tệ. Đối với cái văn-hóa giả đó thì văn-minh của Pháp thật là trái-ngược hẳn. Văn-minh Pháp là tự-do, là diễm-lệ, là điển nhã, là điều-hòa, là mầu-nhiệm, là tiêm-tất, là khoan-dung đại-độ, là bác-ái nhân-từ ; nói tắt một câu, là gồm trong hai chữ « nhân-đạo » vậy. Trong thiên-hạ ví không có văn-minh Pháp, thì sẽ thiếu mất cái mầu-mẽ phong nhã cao-thượng vậy. (1917) https://thuviensach.vn « NGHĨA CÁI CHẾT »3 (Bình-luận tiểu-thuyết) Cái chết có nghĩa không ? Hỏi câu ấy thì nhà khoa-học đáp « không » mà nhà tôn-giáo đáp « có ». Nhà khoa-học nói : « Chết là cùng-tận của sự sống ; phàm sinh-vật lúc sống thì cái sinh-khí ngưng tụ lại, khi chết thì cái sinh-khí giải-tán ra. Cuộc sinh tử là một cuộc hợp tan, không có nghĩa gì đối với ai cả, vì trước khi sống là hư-không, sau khi chết cũng là hư-không mà thôi. » Nhà tôn-giáo nói : « Người ta có hai phần, linh-hồn và nhục-thể. Linh-hồn vĩnh-viễn bất-diệt, chỉ có nhục-thể là sống chết theo phép « lý-hóa ». Đời người chẳng qua là một độ đường của linh-hồn. Lúc chết là lúc linh hồn rời xác-thịt mà siêu thăng lên một cõi cao hơn cõi trần-thế. Chết không phải là một sự cùng-tận, thực là một sự bắt-đầu, bắt-đầu một cuộc đời mới thuần về linh hồn. » Trong hai thuyết ấy, thuyết nào là phải ? Không thể lấy một câu mà quyết-định được. Các nhà tư-tưởng cũng chia ra hai phái, không đồng ý nhau. Lúc bình-thường thì sự chết là một vấn-đề cao-xa huyền-bí, người đời không mấy khi để ý đến. Người ta không tất-nhiên phải kén chọn trong hai cái thuyết cho biết nên theo cái nào, bỏ cái nào. Đương lúc sống thì tưởng cái chết như một kỳ-hạn xa-xa, có bàn đến cũng coi như một món thanh đàm, một câu chuyện giữ đời, không quan-hệ gì đến ai cả. Nhưng hiện nay cuộc gươm-lửa kinh-thiên động địa đương biến-hóa một phần thế-giới ra máu ra tro. Hàng vạn hàng ức con người xô đẩy nhau vào cái vực vô hạn, không ai là không hình như đã được đến gần cái chết mà biết mặt-mũi nó thế nào rồi. Đương buổi cái chết thịnh-hành như thế, người đời đau xót trong lòng mà băn-khoăn tự hỏi : chết là cái gì ? Câu chuyện xuông khi https://thuviensach.vn trước nay thành lời thảm thiết bi ai. Cái vấn-đề « chết » phát-hiện ra trước thế-gian như viết bằng chữ lửa chữ máu. Không phải chỉ nhà triết-lý chuyên-môn mới có tư-cách nghiên-cứu vấn-đề đó. Phàm người có tấm lòng khối óc, ai cũng có thể đem tâm suy nghĩ về một câu chuyện có thể nói là thiết-thân đến mọi người vậy. Văn-sĩ Paul Bourget vừa cống-hiến ta một bộ tiểu-thuyết chính nhan đề là « Nghĩa cái chết », đem vấn-đề đó bảy hiển-nhiên cho người đời rõ. Tiên–sinh lấy địa-vị cao trong văn-học nước Pháp, lấy tư-cách một nhà văn có biệt-tài về lối tiểu-thuyết, có kinh-nghiệm về khoa tâm-lý, lại có tư-tưởng cao-xa về nhân-tâm thế đạo, mà xét cái vấn-đề tâm-huyết đó, chắc là khám-phá được một cách thâm-trầm mầu-nhiệm. Trong tiểu-thuyết ấy, tiên sinh vẽ cho ta hai cái cảnh chết cùng cao thượng như nhau mà phản đối nhau, tiêu-biểu cho hai lý-thuyết như trên kia đã nói. Nhưng trong cách hình-dung tả-mạc hai cảnh ấy, đã khéo diễn được cái ý-nghĩa sâu-xa cùng những tình-tiết u-ẩn, khiến cho ta ám-hiểm tác-giả khuynh-hướng về đường nào. Đại-khái như chuyện sau này : Tác-giả giả-thiết mình là người khách-quan, tình-cờ được biết đầu đuôi một việc bi-kịch xẩy ra trong mấy người với nhau, việc xong thuật lại để ghi nhớ về sau. Tự-thuật dùng lối kỷ-sự, nghĩa là cứ việc mà kể, không đem ý-kiến riêng can-thiệp vào. Nhưng việc rất bi-thảm, không thể ngừng cảm-động được, vả mình cũng có quan-hệ vào đấy một đôi chút, nên lời tự thuật không thể bình-dị như nhà khoa-học nghiên-cứu một vấn-đề cách-trí vậy. Cái vẻ phong-thú trong chuyện chính là ở giọng ngậm-ngùi cảm-động ấy. Y-sĩ Marsal (tức là người khách-quan, tức là tác-giả) nguyên là học trò của ông danh-y ngoại-khoa Ortègue, vẫn giúp việc quản-lý nhà bệnh viện của ông lập ra. Chuyện này bắt đầu giữa lúc khởi cuộc chiến-tranh bên Âu-châu. Y-sĩ vì có tật chân, nên không được cái danh-dự ra chữa bệnh nơi https://thuviensach.vn chiến trường. Nhân thầy là ông Ortègue được phép bộ Lục-quân đổi nhà bệnh-viện của mình làm nhà thương cho lính bị thương, chuyên-trị những vết thương thuộc về thần-kinh, cố giữ y-sĩ ở lại giú việc. Y-sĩ tự nghĩ đâu cũng là nghĩa-vụ, dù ở nơi chiến-trường, dù ở trong bệnh-viện, cũng có thể hết lòng thờ nước, bèn nhận lời thầy. Bởi cơ hội đó mà y-sĩ được mục-kích một cái bi-kịch riêng trong gia đình ông thầy mình, cùng diễn-ngang với cái bi-kịch chung cả nước. Cái bi kịch riêng ấy tuy chỉ có quan-hệ đến vận-mệnh mấy người với nhau, ngoài mấy người ấy cùng một vài người khác nữa không ai biết đến, người ở bên cạnh cũng không ai ngờ, mà ý-nghĩa nó rất sâu-xa, không những là khá lấy giải được một phần cái bi-kịch lớn kia, mà lại còn rạng tỏ được nguyên nhân tối-tăm của một cuộc sinh-tử con người ta. Nhưng phải thuật rõ đầu đuôi chuyện mới hiểu được. Mấy ngày đầu thì trong bệnh-viện còn rộn-rịp xếp-dọn để đợi lính bị thương đến. Danh-y và phu-nhân tận-lực mà sửa-sang cho chỉnh-đốn, muốn đem hết lòng yêu nước, hết tài sức riêng để giúp nước trong buổi nạn chung. Danh-y là một nhà ngoại khoa có tiếng nhất trong y-giới nước Pháp, có lẽ trong cả thế-giới nữa. Chuyên-môn những bệnh thuộc về thần-kinh bộ, ông đã chữa được nhiều bệnh bí-hiểm, phát-minh được nhiều chứng lạ. Ông lại được cái tay khóe không ai bằng, múa dao trong tâm-can phế-phủ kẻ bệnh-nhân một cách tuyệt-diệu, cũng dịp-dàng tiết-tấu như tên bào-đinh trong sách Trang-tử vậy. Bởi vậy mà ông đã gây nên một cái danh-dự lớn, dựng được một cái gia-tư to. Vừa giàu có, vừa vẻ-vang, thật là cực-phẩm-hạnh-phúc ở đời. Lại được phu-nhân là một người tuyệt đẹp, bụng tốt, trí cao. Tưởng cái diễm phúc đến thế là thập-phần viên-mãn. Cuộc hôn-nhân của ông với phu-nhân lại là một thiên nhã-sử. Ông bấy giờ đã ngoài bốn mươi tuổi. Kẻ quen người thuộc đều tưởng rằng quyết chí không lấy vợ. Một hôm hớn-hở mừng rỡ chạy lại bảo học-trò thân là https://thuviensach.vn Marsal rằng : « Anh ơi, tôi mới tìm được cái Tuyệt-phẩm ở đời, anh ạ. Anh thử đoán xem ! … Tôi sắp cưới vợ, vợ tôi là con gái ông cố-danh-y Mỗ, hẳn anh cũng biết tiếng. » Công-nương bấy giờ mới có hai-mươi tuổi, mồ-côi cha, mẹ đi lấy chồng. Cha ngày trước cũng là một nhà y-học có tiếng, đồng-bối với ông, ông biết công-nương từ thủa còn nhỏ, vẫn yêu-chuộng tính-nết ; kịp đến tuổi lớn lên, trông như nàng tiên ở trên trời xuống. Bấy giờ ông mới biết cái sức mạnh vô-cùng của ái-tình. Hai vợ chồng tuy tuổi cách xa nhau mà yêu qui nhau rất mực. Từ khi lấy nhau cho đến lúc bắt đầu chuyện này đã qua sáu năm trời. Trong bấy lâu cái cuộc nhân-duyên hai người lại càng thêm mặn thêm nồng hơn lên. Trong ái-tình của phu-nhân đối với chồng lại thêm lòng cảm-phục kính trọng nữa. Nhưng trung-gian, ông lúc lấy bà đã buốn-mươi-tư tuổi mà người còn như trai trẻ, nay năm-mươi tuổi trong đã ra mặt già. Người thấy mỗi ngày một gầy, sức thấy mỗi ngày một yếu. Tự nghiệm ra thì biết trong mình mang một cái quái-bệnh, không thể nào chữa được, là cái ung ở gần gan, chỉ mấy tháng nữa thì nó vỡ, là cái chết đến nơi. Nhưng vẫn dấu, không hề nói cho vợ biết. Học trò cũng không ngờ rằng thày phải cái bệnh nguy-hiểm ấy, vẫn tưởng rằng vì làm việc quá mà yếu người đi. Chỉ một mình ông biết bệnh mình, một mình ngấm-ngầm chịu đau-khổ. Lắm lúc đau-đớn quá, phải tiêm tinh a-phiến cho nó nguôi đi. Tinh a-phiến là một thuốc độc, dùng mãi cũng hại người bằng bệnh vậy. Thành ra vừa bệnh, vừa thuốc cùng công phạt mà sức sinh-hoạt ngày một kém đi. Lại thêm từ khi mởi bệnh-viện để tiếp lính bị thương, ông ngày đêm săn-sóc cho những người liều thân vì nước mà phải những vết đau-đớn hiểm-nghèo, nay Nhà-nước ủy-thác cho cái tay thần của bậc danh-y để biến-hóa những mảnh người bán-sinh bán-tử đó thành người toàn vẹn, còn có thể lại ra chống giữ cho đất nước được nữa. Những công-việc khó-nhọc đó càng như tiếp mạnh thêm cho sức bệnh, lại càng rút ngắn bớt cái kỳ-hạn sau cùng đã sắp tới. https://thuviensach.vn Một ngày kia, đương mổ một viên quan ba phải đạn ở giữa đường xương xống, sâm-sâm tối mắt lại, buông dao mà ngã người xuống. Người nhà vực sang buồng bên cạnh được ít lâu mới hồi-tỉnh lại. Đoạn này là đoạn trung-tâm trong chuyện, chỗ hai vợ chồng sắp ra đối mặt nhau, đối với cái chết, mà cùng nhau thề quyết một sự rất cuồng mà rất thảm. Phu-nhân vẫn nhận biết đã lâu rằng chồng có bệnh nặng, lấy làm lo lắng trong lòng, nhưng vẫn thấy cần-mẫn như thường, không dám hỏi. Nhân cái cơn vựng hôm ấy, lúc hồi-tỉnh dậy, cố kêu-van chồng nói thực cho biết. Chồng bấy giờ không thể cầm lòng được, phải nói rõ cái tên bệnh ra, cùng thở-than hết nỗi đau-đớn trong lòng : mình bệnh hiểm sắp chết, vợ tuổi trẻ đương xuân, bỏ nhau thảm-thiết dường nào ! Lại nói : vả mình lâu nay mang cái ác-bệnh trong người, bình-thể đã suy-đồi lắm rồi, vợ chắc không giữ được với mình cái ái-tình như xưa nữa. Bụng yêu nay tất đã đổi ra lòng thương rồi. Lắm lúc nghĩ đến cái chết tức quá, phát cuồng lên, muốn giết vợ rồi tự-tử, để hai người cùng chết một lúc cho thỏa lòng. Yêu-quí vợ đến thế là cùng vậy. Nhưng vợ chắc còn có yêu mình nữa không ? … Phu-nhân thấy chồng ngờ cái ái-tình của mình, bèn kêu lên rằng : « … Thế ra anh vẫn không rõ vì sao tôi yêu anh, vì sao mà tôi đem cả sinh-mệnh tôi gửi vào anh, anh ơi ! Thực tôi đã đem cả cuộc đời tôi mà phó-thác cho anh đó. Tôi vẫn lấy rằng phàm làm phận đàn-bà không được có hai mối chung-tình, đã thương yêu ai không được dứt tình yêu, nhất là không được thay-đổi cuộc đời mình. Bởi thế nên không bao giờ tôi khỏi oán mẹ tôi đã đi cải-giá. Tôi vẫn biết rằng anh nhiều tuổi hơn tôi ; tôi vẫn biết rằng rồi anh già trước tôi. Vì thế mà tôi lại yêu quí anh hơn nữa. Cha tôi ngày xưa đã dạy cho tôi biết thờ sự học-vấn. Cha tôi đã từng cho tôi biết cha tôi trọng anh là dường nào, phục sự học-vấn của anh thâm-thúy là dường nào. Tôi lấy anh cũng là vì tôi ham cái thú cao-thượng một đời người tận-tụy về sự học, vì tôi hiểu cái ý-nghĩa thâm-trầm, cái công-dụng lớn-lao của nghề ngoại-khoa là cái nghề mà người đời nông-nổi thường cho là tục-tằn thô-bỉ. https://thuviensach.vn Tôi vẫn nghĩ riêng một mình rằng : đến khi chồng tôi trở về già thì tôi phụng-dưỡng chồng tôi ; chồng tôi có đau yếu thì tôi thuốc-thang cho chồng tôi. Được như thế thì đời tôi là trọn-vẹn… Lúc này là lúc anh phải biết bụng cho tôi, mà anh không biết, thì thân tôi ra làm sao ? Tôi biết trông cậy vào đâu ? Nếu trong lúc cùng-cực này mà tôi không giúp đỡ được anh, thì còn trông mong gì nữa. Nhưng tôi sẽ quả-quyết gánh vác cho anh, gắng gỏi phù-trì đỡ anh… » Nói đến đây thì phu-nhân dừng lại một lát, rồi nói to lên, ra giọng người đương quyết-định một điều kịch-liệt, hỏi rằng : - Có phải anh đã nghĩ muốn giết tôi không ? Có phải thế không ? Chồng đáp : - Phải. Lại hỏi : - Có phải anh muốn tự-sát cả anh nữa không ? Chồng đáp : - Phải. Phu-nhân lại nói : - Ừ ! thế thì hai chúng ta cùng chết cả, có sướng không ? Thế anh đã tin rằng tôi yêu anh chưa ?... « Ông chồng nghe câu ấy như say như mê, mặt đương buồn rầu, đổi ra vui-vẻ, nói rằng : - Em nói thế anh mới tin... Thế thì anh cám ơn, cám ơn em lắm. Đã mấy tháng nay anh như nằm trong cơn ác mộng, bây giờ mới thấy tỉnh ra, mới thấy được thở cái không-khí mát-mẻ. Thật thế, bây giờ anh mới cảm giác rằng em yêu anh. Bây giờ anh mới thấy được bình-tĩnh khoan-khoái trong lòng. Em nói ra một câu như thế, thì em yêu anh thế nào ! Phu-nhân nói : - Có thế chứ ! Bây giờ anh mới thật là tin tôi ! Thực tôi yêu anh vô-hồi vô-hạn, đến khi anh không còn nữa thì tôi còn tiếc gì cái cõi trần-gian này mà không bỏ đi để theo anh. Tôi không sợ cái chết. Tôi vẫn biết rằng chết là cái giấc ngủ vô-cùng. Anh định đến bao giờ để đôi ta cùng dắt tay nhau vào giấc ngủ nghìn năm ấy ? Ngay hôm nay, nhé ? cho anh khỏi đau-đớn. Hay là ngay bây giờ, ngay cái giây phút này, giữa lúc đôi https://thuviensach.vn ta đang đồng-tâm đồng-cảm với nhau, đương như mở hai tấm lòng ra cho nhau soi ?... Ừ anh có muốn ngay bây giờ không ? Tôi đã sẵn-sàng đây… « Chồng đáp : - Chưa. Anh đang khoan-khoái quá. Anh không muốn bỏ qua mất cái lúc này. Mắt anh còn trông thấy em, tay anh còn cầm được tay em, anh còn có tư-tưởng để biết được em còn đấy, em yêu anh, thì anh còn chưa muốn chết vội, anh không muốn mất một giờ, một phút nào cùng với em. Đã có tinh a-phiến đây cứu cho đỡ đau đớn quá. Trước kia anh vẫn sợ không dám dùng nhiều, vì đã nghiệm dùng nó thì không làm việc gì được nữa. Nay anh dùng nó cho đỡ đau-đớn mà ngồi trông em, biết em ngồi đấy, thì sung-sướng dường nào ! Anh còn sống được mấy tuần nữa, có lẽ mấy tháng nữa. Anh muốn hưởng cho hết cái thời-giờ ấy. « Vợ nói : - Tôi cũng thế. Nhưng tôi xin anh thề với tôi một điều, lấy ái-tình ta làm chứng mà thề với tôi rằng cái chết của đôi ta chỉ là hoãn lại đó mà thôi ; chờ bao giờ đến kỳ thì anh sẽ bảo tôi, không có để yên mà đi lấy một mình. Tôi xin anh nguyện-ước với tôi như thế, như ngày đôi ta mới lấy nhau, anh có nhớ không ? … Mình là thầy thuốc, tất biết cái hiệu lúc nào là lúc sắp đến. Gần đến bấy giờ thì anh bảo cho tôi biết, anh bảo cả cho tôi phải dùng cách gì. Tôi sẽ có can-đảm mà theo anh. Đôi ta cùng nhau bước xuống cái vực thẳm, vực tối, vực sâu. Anh thử nghĩ xem, cái thẳm ấy, tối ấy, sâu ấy còn chưa thấm vào đâu với cái vắng-vẻ lặng-lẽ trong nhà ta, sau khi anh đi mà tôi còn lại… Anh ơi, xưa nay tôi vẫn biết anh là người thành-tín. Thế anh có thề với tôi điều ấy không ? « Chồng đáp : - Anh thề với em. « Vợ nói : - Thế thì tôi cảm ơn… » Hai người lúc nói bấy nhiêu câu, không còn là tâm-tính thường nữa. Thật là hai người cuồng-sảng, mà trong cơn cuồng-sảng đã đem ái-tình ra ngoài giới hạn thiên-nhiên. Vợ hiến mình cho chồng, chồng nhận lời của vợ, trong lúc bấy giờ cũng là thành-thực trong lòng cả, nhưng mà sở-dĩ một người hiến như thế, một người nhận như thế, chẳng phải là một sự trái https://thuviensach.vn thường dư ? Bời đâu mà gây nên việc trái thường như thế ? Cái chết thường vẫn là một sự rất dễ dàng mà sao đây nó gian-nan trắc-trở như thế ? Chẳng qua là bởi cái quan-niệm của hai người về sự chết. Hai người cho chết là hết, lấy cái chết là một sự vô-nghĩa, coi cái chết như một thiên-tai. Kìa như hai vợ chồng mình, đương xum hiệp vui vầy, mọi bề sung-sướng ở đời không thiếu gì cả, có đủ tư-cách mà diễn một cuộc ái tình như xưa nay người đời chưa từng trông thấy nhiều lần, đáng phải sống cho trọn cái đời êm-ái ấy mới là hợp lẽ. Cớ sao đương nửa chừng, bài kịch đương giữa hồi hay, cái chết đã vội đến phá đám như thế ? Một sự xảy ra vừa ác-hại mà vừa vô-nghĩa như thế, thì dù sức người không thể cưỡng được, nhưng lòng người cũng không thể nhận được. Chết thì đành là phải chịu, nhưng không chịu rằng một cái chết chướng ngược như thế là phải lẽ. Bởi vậy mà trong cơn điên cuồng tức giận, nghĩ đến những kế cùng để phản-đối với cái chết cho cam tâm. Tựa-hồ như thách cái chết rằng : - Đôi ta đương ham mê nhau, mày ác, mày hại mày đến lìa hai người ra, mà phá đổ cuộc nhân duyên. Nhưng ta thử hỏi : Đôi ta cùng đi cả thì mày ác với ai ? mày hại ai ? mày lìa ai ? … Đó thật là một câu nói cùng vậy. Danh-y chính là vào bậc những nhà khoa-học tin cuộc sinh-tử là một cuộc hợp-tan, trước sau đời người là cái hư-không cả ; cho nên đến lúc chính mình sắp phải vào cõi hư không ấy, nghĩ nó thẳm, nó tối, nó sâu là dường nào mà ghê, mà sợ. Phu nhân là con nhà khoa-học, lại chịu cảm-hóa của chồng, tất cũng một tư tưởng như chồng. Cho nên lúc biết cái nguy-cơ của chồng, muốn cứu giúp chồng, muốn làm cho cái chết nó khỏi nặng-nề cho người yêu, tưởng không gì bằng là cùng chết với chồng. Nhưng đó cũng lại là một cái kế cùng nữa. Đến sau ngẫm-nghĩ ra, không phải rằng có hối-hận gì, nhưng mới rõ rằng kế ấy chưa phải là chính-đáng. Bởi cơ-hội gì mà phu-nhân nghĩ ra thế ? Vì sự suy-nghĩ ấy là miễn cưỡng, cứ tự-nhiên thì một người cao-thượng khảng khái như phu-nhân, trong bụng đã quyết-định một việc, tất không có nghĩ lại việc ấy hay hay là dở, phải hay là trái nữa. Phương-chi cái việc mình quyết-định lại là một https://thuviensach.vn việc không duy-kỷ, rất đại-lượng, tức như Thiên-chúa-giáo gọi là một việc « cứu-vãn linh-hồn » vậy. Cơ-hội khiến cho phu-nhân miễn cưỡng mà suy-nghĩ đến việc mình đã quyết-định ấy là cơ-hội như sau này, - tức là phần thứ nhì trong truyện, tức là cái cảnh thứ nhì mà nhà làm sách định bày ra cho ta để so-sánh hai cái chết. Phu-nhân nguyên có một em họ tên là Le Gallic, trước khi chiến-tranh học ở trường võ-bị Saint-Cyr, đến khi khai-chiến đóng Thiếu-úy đi tòng chinh. Hai chị em thủa nhỏ chơi thân-thiết với nhau lắm, dễ có lúc cũng đã ước-thầm với nhau những cuộc trăm năm. Nhưng đến tuổi lớn lên, một người đi lấy chồng, một người đi theo học, những sự mơ-tưởng lúc thủa nhỏ như cái hoa cuối mùa, dần dần rơi rụng hết. Chị dễ không còn nhớ đến nữa, nhưng ái-tình trong bụng em vẫn ngầm-ngấm như xưa, biết rằng không bao giờ thành được lại càng thiết-tha hơn. Thiếu-úy vốn là người đa-tình đa-cảm, lại là người rất sùng-đạo, có lẽ trong bụng tin rằng đời không gặp nhau được, lai-sinh tất có ngày tái-hợp. Nhưng tình-cảm ấy là âm-thầm trong bụng mà thôi, một mình mình biết một mình mình hay, vẫn vùi-dập trong tâm-khảm, không lộ ra cho ai biết. Chị cũng không biết, mà anh rể cũng không ngờ. Danh-y đối đãi với em vợ mình rất là nhã-nhặn tử-tế. Chỉ có một khoản là hai người bất-như-ý nhau, là khoản tôn-giáo. Thiếu-úy là người rất tin-sùng đạo Gia-tô, danh-y thì giữ chủ-nghĩa vô-thần. Tư-tưởng hai người xa nhau như Nam-cực với Bắc-cực vậy. Lúc bình thường họp mặt, vẫn thường cãi nhau về vấn-đề tín-ngưỡng. Thiếu-úy thì lấy lòng nhiệt-thành vì đạo mà nói ; danh-y thì coi tôn-giáo là một sự mê-tín, người trí-thức không đáng dụng-công mà nghiên-cứu. Còn phu-nhân thì bởi sự cảm-hóa của cha ngày xưa với của chồng bây giờ, khuynh-hướng về phương-diện chồng hơn là về phương-diện em. Nói rút lại thì sự bất-như-ý, sự phản-đối ấy chỉ thuộc về tư-tưởng mà thôi. Nhân việc ngẫu-nhiên mà xui phát-hiện ra sự-thực. Thiếu-úy đi tòng-chinh tự khi khởi việc chiến-tranh, theo đánh mấy trận ở Alsace-Lorraine. Được ít lâu thì bị thương, phải một https://thuviensach.vn viên đạn vào đầu. Quan thầy thuốc ở hàng quân lấy làm một vết thương nặng, sợ có hư-tổn đến bộ thần-kinh, xin cho đem về bệnh-viện của danh-y ở Paris để chữa. Thế là tình-cờ mà em vợ được vào tay anh rể chữa. Nhưng bấy giờ là giữa lúc xẩy ra cái bi-kịch trên kia. Danh-y cùng phu-nhân đương vào tuần mê-sảng nguyền ước với nhau cùng chết. Hai người đương băn-khoăn về cái chết mà ở đâu có một người cũng đương thập-tử nhất-sinh đến bày cho mình một cái cảnh chết khác, thì hai cái quan-niệm về sự chết ấy khỏi xung đột với nhau sao được ! Trước hai quan-niệm ấy, phu-nhân xưa nay mới biết có một, là cái quan-niệm của chồng. Nay sắp được biết cái khác là cái quan-niệm của người em mình, mà tự-nhiên thành ra phải so-sánh với nhau. Thiếu úy từ khi bị thương đau-đớn vẫn bình-tĩnh như thường, không những thế, lòng tin đạo lại lấy nỗi đau khổ là một sự hay, là một cái dịp tăng-tiến cho linh-hồn. Người ta lúc bình-thường thì ai cũng như ai, hơn nhau chỉ những lúc hoạn-nạn đau khổ ; lúc ấy nếu biết bền lòng vững chí, nhẫn-nhục kiên-gan, không những thế, người đời lấy làm khổ mà ta lấy làm vui-sướng, thế mới là có cái linh-tính kiện-toàn hơn người thường. Vả người ta ở đời, có phải chỉ có quan-hệ với một cái đời này đâu. Sau cái đời ngửa-ngang chếch-lệch này, còn có một cõi lai-sinh hoàn-toàn hơn, làm người ai cũng phải mong cho đến được đấy. Nếu không có cái hi- vọng ấy, nếu cái nhỡn-giới của người ta chỉ đến chết là cùng, nếu cứu-cánh cuộc đời chỉ ở trong khoảng mấy mươi năm, thì trời đất này không có giống gì khổ bằng giống người, không có cảnh nào buồn bằng cõi đời nữa. Nếu linh hồn người ta như giam trong cái buồng kín, trông trước trông sau không thấy gì nữa, không có chỗ nào mà nhìn qua tới một cõi đời sáng-sủa tốt-đẹp hơn, thì lấy đâu sức mạnh mà chịu-đựng những nỗi đau-đớn, gánh-vác những việc nặng-nề ở đời ? Kìa như cuộc chiến-tranh long trời lở đất này, có phải đã từng nghiệm phàm người có lòng tín-ngưỡng tôn-giáo, thường biết vui vẻ mà chết cho nước hơn là chỉ vì nghĩa-vụ mà thôi ? https://thuviensach.vn Bấy nhiêu câu, hình như phu-nhân đọc thấy trên nét mặt viên Thiếu úy vậy. Từ khi mang về bệnh-viện, Thiếu-úy tuy đau nặng mà tinh-thần vẫn sáng-suốt. Thường nói chuyện với phu-nhân, biết cái bệnh hiểm của danh-y, lại cảm-giác cái bi-kịch hai người với nhau, lấy làm thương-tâm vô-cùng. Về phần mình thì không còn nghi-ngờ nữa : thường trông thấy anh em bị nạn mà biết một vết thương ở đầu như vết thương của mình là trước sau cũng đến chết mà thôi. Cho nên bao nhiêu tâm-lực chỉ chủ vào một sự chết đó, dường như muốn sửa-soạn để chết cho xứng-đáng. Nghĩ đến chết, không hề sợ hãi tức giận, mà lại bình-tĩnh khoan-khoái vô-cùng. Mắt hồ nhắm lại, đã tựa-hồ như trông thấy ánh sáng thiêng-liêng. Thấy mình đối với cái chết vững-vàng như thế, mà thấy hai người kia đối với cái chết một cách bi-thảm như vậy, bất-giác sinh vô-hạn thương-tâm, muốn làm thế nào cứu vớt cho hai người, bèn cầu nguyện Thượng-đế xin đem linh-hồn của mình chuộc tội cho kẻ lầm đường lạc lối. Phu-nhân trông thấy thái-độ viên Thiếu-úy như thế mà cảm-động trong lòng, chạnh nghĩ đến cái thái-độ của mình cùng chồng mình : một bên thì bình-tĩnh mà kiên-nghị, một bên thì khắc-khoải mà gian-truân. Lại thêm mấy hôm sau, danh-y bệnh mỗi ngày một nặng, biến-đổi cả tính-khí đi : người xưa nay vốn độ-lượng lớn-lao, vậy mà một hôm nghi ngờ thế nào, thậm-chí mình là người chữa bệnh, người ta là người có bệnh sắp chết, đến gần Thiếu-úy hỏi đốp vào mặt một câu rằng : có phải xưa nay vẫn thầm yêu trộm giấu vợ mình không ! Một người cao-thượng như ông mà tự-hạ đến những thói ghen tuông tầm-thường, vào một thời-khắc bi thương như thế, thì thật là cuồng vậy. Trông thấy hai cái thái-độ trái ngược như vậy, phu-nhân không thể không hồi-tưởng đến việc quyết-định của mình mà tự hỏi có chính-đáng không. Bấy giờ trong lòng xuất-hiện một mối hồ-nghi lớn. Nghĩ tâm-sự phu-nhân lúc ấy mà thương thay ! Nay sắp phải thi-hành lời ước minh, mà tự mình không tin lời ấy nữa. Mà nào có phải lời nguyền-ước tầm-thường đâu : nguyền-ước gớm-ghê thay ! … https://thuviensach.vn Lòng phu-nhân đã thay đổi như thế, mà ông chồng vẫn chưa biết, vẫn còn mê chưa tỉnh, cho mãi đến giờ cuối là lúc cùng-tận mới tỉnh-ngộ. Hôm ấy là trước ngày ông định từ-biệt thế gian để cùng chết với vợ. Phu-nhân thấy ông sửa-soạn, biết đã tới nơi, nhưng đến lúc sắp bước chân xuống vực thẳm, thì thấy có cái ám-lực gì nó cầm lại, không thể nào bước được cái bước sau cùng. Cực thân, tủi phận, thẹn với chồng, thẹn với mình vì thất ước, ôm mặt nức-nở khóc, lấy mảnh giấy vạch mấy lời để giãi tâm-sự. Chồng xem giấy bấy giờ mới tỉnh-ngộ, không những là không giận vợ thất ước, mà lại hối mình đã mê-cuồng. Bấy giờ mới nói với học-trò mấy lời tuyệt-ngôn, rồi tiêm một liều thuốc mạnh hơn mọi lần, ngồi tựa vào cái ghế mà chết. Viên Thiếu-úy mấy hôm sau, vết thương đau nặng mãi lên, không thể chữa được, cũng tạ-thế. Lúc hấp-hối tay ôm thánh-giá trên ngực, miệng cầu kinh, mặt điềm-nhiên, sắc tươi-tỉnh, như người đã bước chân vào cõi cực lạc. Phu-nhân từ đấy như mang cái u-sầu ở trong lòng, ngày đêm chỉ kiệt lực thuốc thang cho những người đau trong bệnh-viện, quên ăn quên ngủ, tựa-hồ như muốn hi-sinh cái thân mình để chuộc tội với vong-linh người thác. Y sĩ Marsal thấy phu-nhân làm việc nhiều quá, thường khuyên nên rè sức, phu-nhân đáp lại rằng : « Bác khuyên tôi không nên làm việc quá. Tôi có làm việc thì tôi mới khuây-khỏa được. Có khi đã làm việc cả ngày cả đêm, mệt-nhọc quá, tự nghĩ rằng : nếu lòng tín-ngưỡng của anh Le Gallic là phải, nếu còn có một thế-giới khác nữa, nếu linh hồn của chồng tôi không tiêu-diệt hẳn, còn phảng-phất ở nơi nao mà phải chịu đau-khổ, thì có lẽ công tôi giúp-đỡ cho những người đau ốm ở đây cũng ảnh-hưởng đến chồng tôi được ít nhiều… Ấy là tôi nguyện-ước như vậy, vẫn còn hồ-nghi lắm. Nhưng hễ nghĩ đến thế thì thấy trong người khoan khoái lạ, tựa-hồ như có một tiếng cám ơn ở đâu xa đưa văng-vẳng đến tai tôi … Nhưng ở đâu ? … » https://thuviensach.vn Nhưng ở đâu ? … Muốn đáp câu hỏi đó thì phải có lòng tín-ngưỡng, không lấy lý-luận mà giải được. Phu-nhân tuy chưa có lòng tín-ngưỡng, nhưng đã khởi lên câu hỏi ấy, đủ biết đã có tư-cách chịu cảm-hóa của tôn giáo vậy. Đó là kết-luận bộ tiểu thuyết. Nhà làm chuyện đã tả cho ta hai cảnh chết thật là khác nhau. Một bên là một người Thượng-lưu nhân-vật, đủ bề tài-trí vẻ-vang. Hốt-nhiên thấy cái chết nó phát-hiện ra trước mắt, bèn lấy một quan-niệm riêng mà đối-đãi. Nhưng không thể bình-tâm mà thuận-nhận được. Vì cứ theo quan-niệm ấy thì chết là tuyệt-diệt cái « hồn cảm-giác » của mình, tất bao nhiêu tình-cảm trong người nổi cả lên mà để-kháng lại. Lại theo quan-niệm ấy thì chết là tuyệt-diệt cái « hồn trí-thức » của mình nữa. Chắc sau khi chết thì học trò lại kế lấy nghiệp thầy, những người đau đã chữa cho khỏi nhờ mà được sống thêm lên. Danh tiếng mình chắc không sợ mai-một đi mất. Nhưng tư-tưởng mình, công-phu học-vấn suy-nghĩ của mình, sức mạnh tinh-thần đã khiến cho mình cai-quát được cả vũ-trụ, bấy nhiêu cái sẽ chìm đắm vào trong cõi hư-không cả. Cả cái nhân-cách lỗi-lạc của mình, rồi sẽ không còn tí gì nữa. Nghĩ đến thế mà chán, mà tức, mà nổi giận, mà phát cuồng. Nhưng sau biết tức giận cũng là vô-ích, bèn cam-tâm mà chịu phận, khác nào như người võ-tướng thế bất-đắc-dĩ phải ra hàng, nhưng trong lòng vẫn không phục. Một bên thì một người bình-thường, một nhà « hành-động » không có thế-lực gì và tư-tưởng cũng giản-đơn. Quan-niệm về đời, không phải tự mình gây dựng ra, cũng là thừa di-truyền của tổ-tiên. Người ấy hốt-nhiên cũng phải ra đối-đãi với cái chết. Nhờ có cái quan-niệm di-truyền đó, thuận nhận ngay lấy sự chết là một duyên-cớ để tu-luyện cho mình, coi cái chết như cái dịp để tăng-tiến cho mình, tăng-tiến cho kẻ khác. Cái « hồn cảm giác » của mình không phản-đối sự chết, vì có thể đem sự đau-khổ về thân thể cống-hiến để cứu giúp cho kẻ thân-yêu. Cái « hồn cảm-giác » cũng thuận-nhận vì hiểu biết rằng chết không phải là hết, linh-hồn vốn vĩnh-viễn bất-diệt. https://thuviensach.vn Như vậy thì khác nào như hai người cùng phải ra quyết-đấu với cái chết, một người cương-quyết mà chịu thua, một người nhu-thuận mà được thắng, một người thì coi cái chết là một sự tai-hại mà ruồng-rẫy, một người thì coi cái chết là một sự thành-tựu mà hoan-nghênh. Trong hai cách đối-đãi cái chết đó, nhà làm sách phán-đoán ra làm sao ? Nhà làm sách nói : trong hai cách ấy, bất-luận rằng cách nào là chân chính, cách nào là không, nhưng phải chịu rằng một bên thì hữu-dụng, một bên thì không. Hữu-dụng ấy là cách đối-đãi của người « nhu–thuận », tức là của viên Thiếu-úy trong chuyện này. Thế nào gọi là hữu-dụng ? Hữu-dụng nghĩa là được việc cho mình, được việc cho người. Thử xét cái cách chết của viên Thiếu-úy có phải là gồm cả hai điều ấy không ? Không những lấy cái chết là một sự tăng-tiến cho mình, mà lại coi cái chết là một dịp cứu giúp cho kẻ khác. Đương lúc thế-giới đa-nạn, quốc-bộ gian-nan, dù người không tin thần-lực của tôn-giáo, cũng phải chịu rằng cách chết ấy là thuận tiện hơn, hợp-thời hơn cả. Lời kết giản dị mà ý-vị thay ! Nhưng đến được đấy, tất phải vượt qua sông « Hoài-nghi » mà bước sang bờ « Tín-ngưỡng » vậy. (1917) https://thuviensach.vn HỘI HÀN-LÂM NƯỚC PHÁP Nước Pháp là nước trọng văn-học. Người Pháp xưa nay vẫn ưa câu văn hay, lời nói khéo. Cùng một tư-tưởng, mỗi nước diễn ra một khác, nhưng bao giờ lời của nước Pháp vẫn là thanh-thoát hơn, có văn-chương, có lý-thú hơn. Người Hi-Lạp ngày xưa, nhất là người thành Nhã-điển (Athenes), rất ham văn-chương, mà văn-chương của họ sáng-sủa mát-mẻ như khí trời đất Hi-lạp. Văn-chương nước Pháp ngày nay cũng có cái khí-vị đó, và người Pháp thường được gọi là người Nhã-điển đời nay. Người Pháp lại còn giống người Nhã-điển về cái thói-cách phong-nhã nữa, mà thói cách phong-nhã ấy tức là kết-quả của văn-học Pháp. Cả thế-giới không nước nào có hội văn-sĩ giống như hội Hàn-lâm nước Pháp (Academie française). Hội ấy là trung-tâm-điểm của văn-học trong nước. Hội có bốn mươi hội-viên, toàn là những bậc tai mắt trong làng-văn, những người đã trước-thuật nhiều, mà có danh-tiếng ai cũng biết. Bốn mươi ông Hàn-lâm đó đã có tên gọi là « bốn mươi ông bất-tử », là có ý nói là những người đã làm nên sự-nghiệp văn-chương bất-hủ, khá lưu truyền lâu-dài về sau. Cái số Hàn-lâm có hạn như vậy, thì chắc ngoài ra còn nhiều nhà văn có tài nữa, nhưng đại-để những người đã có chân Hàn-lâm là vào bậc trứ-danh hơn cả. Vả phàm văn-sĩ trong nước đều lấy đấy làm nơi tôn-trọng hơn hết, coi như chốn thành-tựu cho sự-nghiệp văn-chương của mình, và ai ai cũng có bụng ước-ao được vào đó. Cho nên các bậc văn-hào xưa nay, sớm trưa cũng là liệt vào hàng « bất-tử » cả. Hội Hàn-lâm nước Pháp sáng-lập tự năm 1634. Nguyên giáo-chủ Richelieu, tể-tướng vua Louis XIII, nghe có mấy nhà văn thời bấy giờ thường họp ở nhà một người tên là Conrart để bàn văn đọc sách. Giáo-chủ nghĩ đổi cái văn-đàn riêng ấy thành một đoàn-thể công của nhà nước. Nhân đó lập ra viện Hàn-lâm để họp-tập những ngừoi có tài văn-chương trong nước. https://thuviensach.vn Ngay từ hồi đầu, đã định có bốn-mươi người. Trong số ấy thì cử ra ba người, một Chủ-tịch, một chưởng-ấn với một « vĩnh-viễn thư-ký », để trông nom việc hội. Chức chủ tịch cùng chưởng-ấn thì bầu ba tháng một ; còn chức thư-ký thì cả đời, nên gọi là « vĩnh-viễn thư-ký » (secrétaire perpétuel). Khi họp thường, không công-khai. Duy mỗi năm có một kỳ « đồng niên công-khai » (séance publique annuelle), thiên-hạ được vào nghe mấy ông Hàn-lâm diễn-thuyết. Thường có bài diễn của ông chủ-tịch về các « phần thưởng đạo-đức », (prix de vertu), bài diễn của ông thư-ký về các « phần thưởng văn-chương » (prix littéraires). Vì Hàn-lâm có hai chức-vụ lớn với quốc-dân : một là mỗi năm phải tra xét trong toàn quốc, bất cứ đàn-ông, đàn-bà, người già, người trẻ, nhất là hạng bình dân, những người nào đã làm nên công-đức đáng khen, đem ra ngợi khen trước công-chúng và ban thưởng cho tiền-bạc, tức là cái chức-vụ tán-dương những công-việc đạo đức trong nước ; hai là sát-hạch những sách thơ-văn của các tác-giả gửi đến, để ban thưởng cho sách hay, tức là cái chức-vụ biểu-dương các tác-phẩm văn-chương trong nước.4 Còn công-việc thường của viện Hàn-lâm là soạn một bộ « Pháp văn đại tự-điển », định nghĩa tường các tiếng quốc-âm, để làm khuôn-mẫu cho quốc-văn. Việc này là việc lâu dài, làm đi làm lại nhiều lần, đã từng có xuất-bản, nhưng vẫn chưa nhất-định, vì tiếng nói thay đổi luôn. Ở hội Hàn-lâm vui nhất là ngày tiếp các ông Hàn mới. Khi nào trong bốn mươi ông bất-tử có ông bất-hạnh mất đi, thì hội tuyển-cử một người khác vào thay. Người nào ứng-cử phải làm giấy tình-nguyện, rồi toàn-viện bỏ phiếu bầu. Được bầu rồi thì định ngày làm lễ tiếp. Lễ ấy trọng-thể lắm. Thật là lúc vinh-dự nhất trong một đời văn-sĩ, như bên ta lúc ông Nghè vinh-qui bái-tổ vậy. Không gì vẻ-vang bằng được « đứng nói dưới mái tròn » (mái tròn là mái nhà chính-đường trong viện Hàn-lâm). Ông Hàn-lâm mới mặc phẩm-phục, đeo gươm, đọc một bài diễn-thuyết để cảm ơn viện đã bầu mình và tán dương sự-nghiệp văn-chương ông Hàn-lâm cũ mình đến thay. https://thuviensach.vn Bài diễn-văn ấy thường dài lắm, lời-lẽ bóng-bẩy, ý-tứ sâu-xa và giọng-điệu hùng-hồn. Kế đến ông chủ-tịch đứng lên đọc một bài đáp lại, cũng dài như vậy, vừa khen người cũ, vừa mừng người mới. Những lời khen ấy cũng khéo lắm. Như Emile Faguet năm 1910 tiếp René Doumic vào thay chân Gaston Boissier 5, bắt đầu bài diễn-thuyết như sau này : « Thưa ngài, giáo-sĩ Tallemant cũng có chân hội ta đây, ngày xưa có tiếng là người diễn-thuyết ở Hàn-lâm giỏi lắm. Bởi thế nên khi De Boze khen Tallemant có câu nói rằng : « Tiên-sinh tả những người chết trong hội ta khéo cho đến nỗi có lúc mong cho thường có dịp luôn để nghe tiên-sinh nói ». De Boze nói câu ấy nghĩ mình không có quan-hệ vào đấy. Tôi đây không dám tự nghĩ như vậy ; nên không dám khen ngài câu ấy. Chỉ xin nói rằng trong bài diễn thuyết mới rồi ngài đã tả Boissier tiên-sinh như tiên-sinh ước được tả như thế, lời bình-dị như văn Hi-lạp, nghiêm-trang như giọng La-mã, lại thêm cái cảm-tình con nhà Đại-Pháp nữa… » Ông Doumic bấy giờ mới góa vợ. Phu-nhân vốn là một người thông tuệ. Trong bài diễn-thuyết ông Faguet nói về phu-nhân mấy lời rất khéo mà rất cảm động : « …Khi vào học trường Cao-đẳng Sư-phạm thì ngài đã đính-hôn với một cô con gái con nhà danh-giá… Đến khi tốt-nghiệp ở trường ra, mới kết duyên với người tri-kỷ. Phu-nhân thật là người trí-tuệ thông-minh, có tài bộ, có tính-tình, học rộng, cảm sâu. Từ khi ấy cho đến cái tang mới rồi, đau đớn cho ngài mà buồn-bã cho cả chúng tôi, ngài không từng viết một giòng mà không trình cho phu-nhân đọc trước, không từng soạn một quyển sách hay một bài văn mà không hỏi ý phu-nhân, không từng sáng-nghĩ ra một tư tưởng gì mà phu-nhân không được biết, không từng thảo một bài diễn thuyết mà trước khi ra diễn lại không diễn riêng cho phu-nhân nghe. « Trong bấy lâu, ngài thật đã được hạnh-phúc hoàn-toàn. Ngài được hạnh-phúc ấy ở trong chốn gia-đình. Ngài được hạnh-phúc ấy vì chính tự https://thuviensach.vn ngài đã đem lại ; lại vì một người nữa cùng đem lại với ngài. Ở đời này chỉ có hạnh-phúc ấy là đích-đáng. Nay ngài đã phải đọc đến câu tuyệt-ngôn của Louis Veuillot : Ôi ! Chúa tôi, xin Người cất cho tôi cái tuyệt-vọng mà để cho tôi cái bi-ai » 6, thì ngài phải so-sánh cảnh xum-hiệp khi xưa với cảnh vắng-vẻ bây giờ, mà còn nên cảm ơn vì đã được hưởng bấy nhiêu sự vui thú ngon-lành mà trong-sạch, cảm ơn vì sự đau-đớn này nữa, vào một người như ngài thì lại càng làm cho kiên-nghị thêm lên, khiến cho thêm yêu mến những lẽ cao-thượng ». Lời an ủi khôn-khéo mà thiết-tha, người nghe cầm lòng sao được ! Thật là những lời tự trong lòng mà ra, tất cảm sâu đến lòng người. Văn chương đã đến bậc cảm-động ấy, là văn-chương-tuyệt hay vậy. Lại mấy câu kết như sau tả cái không-khí riêng của hội Hàn-lâm cũng khéo lắm : « Thôi, nói rút lại thì xin ngài vui lòng mà vào hội với chúng tôi, chúng tôi đây mong đợi ngài cả. Mời ngài vào trong nhà này là nơi chúng tôi vẫn ước-ao ngài ; ngài không sợ lạ, vì xưa nay tuy ngài chưa ngồi cùng với chúng tôi, nhưng sách-vở ngài thay mặt ngài ở đây đã lâu rồi. Ngài vào với chúng tôi rồi ngài sẽ biết cái nhà này cũng dễ chịu, không phải chỉ những ngày tiếp khách như ngày hôm nay -- cái đó đã cố-nhiên rồi - nhưng ngày thường cũng vậy. Ngài sẽ thấy những tay biện-sĩ sành nghề hùng-biện đến nỗi biết nói giản-dị như người thường, thông-thạo các khóe ăn nói đến nỗi nói chuyện không biết cái cầu-kì là cái gì. Ngài sẽ thấy những nhà khoa học có tài văn-chương đến nỗi nhà văn trông thấy phải ghen mà nói : « Cái người này là người nào, họ viết phấn trắng lên trên bảng đen, mà họ lại viết mực đen lên trên giấy trắng giỏi hơn mình ? » Ngài sẽ thấy những người lúc thủa trẻ đã vui chơi mà làm qua những chức Thượng-thư Tướng-quốc rồi từ đấy lưu-tâm về những việc trước-thuật quan-trọng hơn, lấy cái kinh-lịch bình-sinh mà gây cái « lạc quan chủ-nghĩa » để xét-đoán việc đời. Ngài sẽ thấy những văn-sĩ làm vẻ-vang cho nước Pháp ta trong thế-giới, những nhà ấy cũng không hẹp gì mà coi bọn « phê-bình » ta vào bậc văn-sĩ. Nói rút lại https://thuviensach.vn thì cái nhà này dễ chịu lắm. Chúng tôi đãi nhau thường đối nghĩa đồng-liêu làm tình bè bạn, thật như trong triết-học gọi là « dung-hòa sự mâu-thuẫn » vậy. Cái nhà này có triết-lý lắm, thưa ngài ». Những bài diễn-thuyết như bài đó thật như văn tây gọi là « bữa tiệc văn-chương », khoái-chá người đời. Từ khi có việc chiến-tranh đến giờ, viện Hàn-lâm không làm lễ tiếp những hội-viên mới, muốn để đến ngày chiến-thắng cho lễ được trọng-thể hơn. Nhưng cuộc chiến-tranh diên-man ra mãi, nên năm nay đã định bắt đầu làm lễ tiếp những ông được bầu. Trong số đó có ba người trứ-danh nhất, ai cũng biết, là Lyautey, Boutroux và Bergson. Lyautey là một bậc võ-tướng, văn võ kiêm-toàn, trước làm thống đốc Maroc, đầu năm nay sung chức lục quân tổng-trưởng ; mưu-lược giỏi, văn-chương tài. Boutroux và Bergson thì là hai nhà triết-học nhất nhì trong thế-giới, lại thêm hai tay văn-học tuyệt luân. Hội Hàn-lâm nước Pháp sắp đãi thiên-hạ mấy « bữa tiệc văn-chương », như xưa nay chưa từng có nhiều lần như vậy. (1917) https://thuviensach.vn NGHĨA GIA-TỘC (Bình-luận tiểu-thuyết) Một danh-sĩ đã có câu nói rằng : Công-việc người ta ở đời ví như con trẻ đánh thia-lia. Hòn cuội mới rơi xuống nước thành một cái quầng nhỏ trên mặt nước, rồi cái quầng nhỏ ấy lan ra mà thành một cái quầng lớn hơn, cái quầng lớn ấy lại lan thành cái lớn hơn nữa, cứ thế mãi cho đến khắp mặt ao. Nghĩa là người ta ở đời không phải sống một mình ; phàm việc gì, dù nhỏ đến đâu, cũng có quan-hệ đến kẻ khác, ba-cập ra ngoài như cái thia-lia trên mặt nước vậy. Đó là cái nghĩa liên-lạc sâu nó buộc người ta với nhau thành từng đoàn-thể, để cùng nhau mà gánh vác việc đời. Đoàn-thể nhỏ nhất, mạnh nhất, bền nhất, hợp với lẽ thiên-nhiên hơn cả là gia-đình. Trong một nhà, cha con, anh em, vợ chồng, đều liên-lạc với nhau, sống để giúp-đỡ, bênh-vực, phù-trì lẫn nhau. Cho nên nước nào từ xưa đến nay, cũng lấy nghĩa gia-tộc làm trọng. Nhưng ngày nay khoa-học tấn-tới, nhân-trí mở-mang, nhân-tâm thế đạo cũng theo thời-thế mà thay-đổi đi nhiều. Lòng người khao-khát tự-do, như muốn phá-đổ cả những chế-độ cổ đời trước. Gia-tộc chính là một chế độ cổ, có từ khi loài người mới biết họp thành xã-hội. Chế-độ ấy có chịu được phong-trào mới đời nay không ? Có thể duy-trì được nữa không ? Hay sắp đến ngày phá-hoại ? Henry Bordeaux làm bộ tiểu-thuyết Les Roquevillards (Chuyện nhà Roquevillards), chủ-ý xét về vấn-đề ấy. Ông là một nhà văn có tiếng ở nước Pháp, làm sách thường lấy cái mục-đích duy-trì phong-tục. Nên tiểu-thuyết của ông chính là bài luân-lý diễn ra sự thực, có cái khí-vị hồn-hậu, không giống những sách văn-chương có hay hơn mà ý-nghĩa kiêu-bạc như phần nhiều sách tiểu-thuyết ngày nay. Ông không những làm sách, lại còn vận động để thực-hành chủ-nghĩa nữa. Thấy nghĩa-gia tộc ngày một suy đồi, https://thuviensach.vn ông có xướng-lập ra một hội đặt tên là Le Foyer (« Gia-tộc bảo-tồn hội »), làm nơi họp-tập, mời các sĩ-phu trong nước diễn-thuyết về các vấn-đề xã hội. Hội ấy cũng có ảnh-hưởng trong việc giáo-dục giai-cấp trung-lưu trong nước. Bộ tiểu-thuyết bàn đây, tuy xuất-bản đã lâu, nhưng ý-nghĩa vẫn còn hợp thời. Đại-lược chuyện như sau này. Họ Roquevillards là một cựu-tộc ở đất Savoie. Đời đời giữ chức trọng về việc hình cùng việc quân. Có tiếng trong một xứ là nhà thế-gia nền-nếp. Khi bắt đầu chuyện này thì ông François Roquevillard là trưởng một chi thứ đã sáu mươi tuổi. Ông làm luật-sư ở tòa-án Chambéry đã hơn ba mươi năm, lại vừa giữ nghiệp nhà quê, làm ruộng trồng nho. Sinh được năm người con : con trai cả làm quan ba lục-quân đóng ở thuộc-địa, con trai thứ nhì mới đỗ tiến-sĩ luật ở Paris về, tập-sự ở nhà luật-sư Frasne. Còn ba người con gái thì một người lấy chồng cùng tỉnh ấy, một người đi tu làm khán-hộ ở nhà thương Hà-nội, con gái út ở nhà đã có người giạm hỏi. Ông bà song-toàn, một nhà vui-vẻ. Ông tính cương trực, thiết-tha giữ nền-nếp tổ-truyền. Bà hiền-từ một lòng thương con yêu chồng. Cả nhà hòa-mục, lạc-thú nào bằng. Bỗng đâu xảy ra một việc, tan-nát cửa nhà. Người con trai thứ tên là Maurice từ khi ở Kinh-đô về tập-sự tại nhà luật-sư Frasne, đã được ngót nửa năm. Luật-sư có bà vợ vốn đa-tình, khi trước vì ép-uổng mà lấy ông, nhưng lòng chẳng ưa lòng, nên vẫn khao-khát nỗi lòng. Vậy bà chủ với thày tập-sự không bao lâu sinh mến nhau, rồi đến mê nhau. Ông bà Roquevillard xem ý biết sự nguy-hiểm cho con, muốn tìm cách ngăn-giữ, nhưng nước đã đến chân, không sao được nữa. Nhân một hôm luật-sư đi xa có việc, anh chị rắp nhau trốn sang Ý-đại-lợi để phỉ tình loan-phượng. Khi đi bà luật-sư có lấy của chồng mười vạn quan để tiêu-dùng ở đất khách. Thầy tập-sự cũng vấu-víu chỗ nọ chỗ kia được mấy nghìn quan để cùng đi. Nguyên cái mười vạn quan ấy là duyên-do thế này : khi luật-sư lấy bà thì bà nhà nghèo sa-sút, không có tiền « đốt », nghĩa là của hồi-môn. Nhưng ông mê nhan-sắc bà, không vị cớ ấy mà không lấy. Trong luật có điều vợ chồng có phép cho của https://thuviensach.vn nhau, vậy bà không có « đốt » thì ông cho « đốt », để trước pháp-luật hai bên bình-đẳng ăn-ở về sau cho dễ. Khi làm hôn-ước ông viết cho bà mười vạn làm của riêng. Cứ theo luật thì tiền ấy cũng coi như của riêng người vợ, trừ khi li-hôn mới hoàn lại người chồng. Bởi vậy bà vẫn cho tiền ấy là của bà, muốn lấy lúc nào cũng được. Khi đi cứ đem đi, tưởng quyền mình được thế, không ngờ có thể sinh sự về sau được. Hôm sau luật-sư về thấy vợ mất tiền mất, căm-tức lắm. Pháp-luật sẵn trong tay, nghĩ ngay kế báo-thù quân bất-lương một cách thật đau. Nhưng cứ luật thì vợ ăn trộm của chồng không phải là tội. Vậy đành không làm gì được vợ, phải lập mưu hại riêng một anh nhân-ngãi. Song tội quyến-dụ vợ người cũng chưa là tội nặng, phải làm thế nào cho người ta nghi rằng cái mười vạn quan ấy, chính tay anh nhân-ngãi ăn trộm, vừa dỗ vợ chủ, vừa cướp tiền chủ thì mới thành án to được. Nghĩ được kế, liền phát đơn thưa ngay. Tòa-án xử Maurice Roquevillard một năm tù, nhưng vắng mặt làm án khuyết-tịch. Sự-tình như thế, nghĩ đến nhà Roquevillard mới xót-sa. Tiếng-tăm ấy đợi đến bao giờ cho tắt ! Ô-danh nầy rửa đến bao giờ cho sạch ! Thế là công-nghiệp ông cha, mấy đời danh-dự, nhất-đán ra tro cả, chỉ vị một cớ con dại, mắc tiếng vu-oan. Dù thế nào cũng phải gỡ được án này mới nghe ! Dù thế nào cũng phải vớt lại tiếng thơm một họ, giữ lấy hương-hỏa tinh thần của tổ-tiên đời trước để lại mà vì án oan nầy có cơ nguy-vong mất. Không phải rằng sợ hình-ngục khổ cho một người, nhưng sợ tiếng-tăm hại đến một họ. Vì vậy suốt một nhà nhất-tâm để cứu lấy một người, ai nấy đều quên lợi-hại riêng, chỉ nghĩ vận-mệnh chung. Bà mẹ vốn yếu-đuối, nghe tin như sét đánh ngang tai, nửa thương nỗi con, nửa cực nỗi nhà, không được mấy lâu tạ-thế. Người anh cả coi binh ở thuộc-địa, xin đổi đi đóng nơi hiểm-yếu, để mau lập công-danh, rửa tội cho em, chuộc tiếng cho nhà. Sau chẳng may vì lam-chướng mắc bệnh chết ở rừng Phi-châu. Người em gái bên giường mẹ chết, tình-nguyện không đi lấy chồng, để lấy danh-tiết tu hành, lấy công-nghiệp từ thiện bồi-dưỡng cho linh-hồn tổ-tôn. Ông cha thì không hề một chút ngã lòng, gặp hoạn-nạn lại càng tin công-đức tổ-tiên. Chắc rằng con vô-tội, hết sức cứu ; khánh-kiệt gia-tài để đền người độc-ác, https://thuviensach.vn hết tài hùng-biện cho vẹn tình máu-mủ. Sau phá được án-oan, rửa được tiếng cho nhà. Maurice Roquevillard nghe tin mẹ chết để tình-nhân ở Ý-đại-lợi mà về. Cha cãi cho được trắng án. Nhưng anh trẻ tuổi này cũng đáng khen thay ! Cách cử-động thật ra con giòng cháu giống : khi ở Ý-đại-lợi về, biết đầu đuôi kẻ thù vu oan cho mình, nếu chỉ cãi lên một câu rằng không phải mình lấy mười vạn quan, là đủ đổi cái án lừa chủ ra cái án lừa chồng, mà mình khỏi mắc tội. Nhưng nhất-định không chịu nói, không chịu tố-cáo tình nhân, không chịu để tiếng xấu cho người yêu, thậm-chí cấm luật-sư cãi án không được đọc đến tên phu-nhân. Thế mới là loài tình-chủng, thế mới là giòng hiệp-khách. Người ấy thật là đáng cha ấy, mẹ ấy, anh ấy, em ấy. Cách ăn ở cao-thượng như thế, thì tội gì mà chẳng chuộc được, phương-chi là « tội tình » ! Kết-luận chuyện này là ở mấy câu cha bảo con khi mới ở ngục ra, đi thăm mồ mẹ : « Con ơi ! Bây giờ cha già rồi. Con sắp đến ngày phải nối nghiệp cha. Hôm nay ta có cái trách-nhiệm nói cho con nghe, con phải nghe ta. Con đừng cảm-động. Chốn này là hình-ảnh chốn thiên-niên. Lòng thờ người chết, ấy là nghĩa đời người bất-diệt đấy. Nếu quá-khứ với tương-lai không đặt cho đời người ta có nghĩa, thì đời người là cái gì ? Khi con theo đuổi phận riêng của con, là con quên cái nghĩa chung đó. Không có phận đẹp nào riêng cho một người, có nô-lệ mới có thanh-cao. Người ta hoặc thờ nhà, thờ nước, thờ trời, thờ mỹ-thuật, thờ học-vấn, thờ một lý-tưởng gì. Xấu-hổ cho kẻ nào chỉ biết thờ mình ! Như con thì con được nhờ ta, nhưng con cũng phải lụy ta. Cái danh-dự con người ta, là biết chịu lụy vậy… « Con ơi, người lương-thiện với người bất-lương cách nhau không mấy tí. Tình-dục thì xóa bỏ cái rào cách ấy đi, mà gia-tộc thì làm cho nó vững bền lạị. Song, con ơi, dù đến lúc này cha cũng không trách ái-tình, nếu con biết hiểu rõ ái-tình là gì. Ái-tình ấy, là lòng ta hi-vọng đến cái gì cao https://thuviensach.vn