🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thói Quen Làm Nên Sáng Tạo Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Thoi-quen-lam-nen-sang-tao https://thuviensach.vn Mục lục 1. Lời giới thiệu 2. Chương 1: Tôi bước vào một căn phòng trắng 3. Chương 2: Nghi lễ chuẩn bị 4. Chương 3: DNA Sáng tạo 5. Chương 4: Khai thác bộ nhớ của bạn 6. Chương 5: Trước khi có thể nghĩ vượt ra ngoài chiếc hộp, bạn phải bắt đầu với chiếc hộp đã 7. Chương 6: Cào 8. Chương 7: Tai nạn sẽ xảy ra 9. Chương 8: Xương sống 10. Chương 9: Kỹ năng 11. Chương 10: Hố và rãnh 12. Chương 11: Điểm A cho thất bại 13. Chương 12: Dài hạn 14. Lời cảm ơn 15. Đôi dòng về tác giả https://thuviensach.vn Lời giới thiệu “Cảm hứng là có thật, nhưng nó chỉ đến khi ta làm việc.” - Pablo Picasso Pablo Picasso là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỉ XX với nhiều tác phẩm đắt giá. Theo các nhà thống kê, ông có tới 26.075 tác phẩm được trưng bày, xuất hiện trước công chúng (chưa tính tới những tác phẩm chưa được tìm thấy hoặc công bố). Thử thực hiện một phép tính đơn giản, Picasso sống đến 91 tuổi, vị chi là 33.403 ngày. Nếu so sánh với số tác phẩm được công chúng biết tới ở trên thì trung bình mỗi ngày ông lại sáng tạo thêm được một tác phẩm mới, tính từ khi ông 20 tuổi cho đến tận lúc qua đời. Nói một cách đơn giản thì Picasso đã sáng tạo không ngừng nghỉ mỗi ngày, trong liên tục 71 năm. Picasso chính là ví dụ sinh động cho thấy khả năng sáng tạo vô hạn của con người, cùng nỗ lực không ngừng để vượt qua giới hạn của bản thân. Bạn có biết ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo đều nằm trong chính con người chúng ta, nó vẫn ở yên đó chờ được chúng ta thức tỉnh? Trong cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo, tác giả Twyla Tharp, một biên đạo múa tài năng bậc nhất nước Mỹ, đã cho chúng ta thấy tiềm lực phi thường của con người trong việc đánh thức khả năng sáng tạo. Thông qua những câu chuyện làm nghề, quan điểm triết học sâu sắc và hiểu biết rút ra từ cuộc sống hằng ngày, bà đã chứng minh được rằng sáng tạo không phải là năng lực do Chúa trời ban tặng mà nó là cốt tủy được hình thành từ sự kỷ luật, gian khổ rèn luyện để hình thành những thói quen làm nên sáng tạo. Hãy đọc sách để thấy thành công luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất và sáng tạo chỉ đến khi được đầu tư công sức và thời gian theo đúng nghĩa. https://thuviensach.vn Trân trọng giới thiệu đến bạn cuốn sách vô cùng hữu ích này! Alpha Books https://thuviensach.vn Chương 1Tôi bước vào một căn phòng trắng Tôi bước vào một phòng tập nhảy nằm ở trung tâm Manhattan. Đó là căn phòng trắng rộng lớn. Tôi mặc một chiếc áo nỉ cùng cái quần jeans bạc phếch và đi đôi giày thể thao Nike. Bao quanh bốn bức tường là những tấm gương cao gần hai mét rưỡi. Một chiếc đài nằm trong góc. Sàn nhà sạch trơn, không vương tì vết, nếu không tính hàng nghìn vệt miết cùng dấu chân còn lưu lại sau những buổi tập của các vũ công. Ngoài mấy tấm gương, chiếc đài, những vệt miết và tôi, căn phòng hoàn toàn trống trải. Năm tuần nữa, tôi sẽ bay tới Los Angeles cùng một nhóm sáu vũ công để tham gia sô diễn kéo dài tám đêm liên tiếp trước 1.200 khán giả mỗi tối. Đó là nhóm nhảy của tôi. Tôi là một biên đạo múa. Tôi đã có trong tay một nửa chương trình – một vở ba lê kéo dài 50 phút cho toàn bộ sáu vũ công trên nền bản xô-nát số 9 của Beethoven dành cho đàn piano, bản “Hammerklavier”. Tôi đã sáng tác tiết mục này từ hơn một năm trước và đã dành mấy tuần vừa qua để luyện tập với cả nhóm. Nửa còn lại của chương trình vẫn còn là một ẩn số. Tôi không biết mình sẽ sử dụng bản nhạc nào. Tôi không biết mình sẽ làm việc với vũ công nào. Tôi còn chưa có ý tưởng về trang phục, thiết kế ánh sáng, hay nhạc công. Tôi cũng chưa nắm được thông tin về thời lượng của tiết mục, dù nó phải đủ dài để lấp đầy nửa còn lại của chương trình và mang đến cho khán giả thứ họ xứng đáng được nhận. Thời lượng của tiết mục sẽ quyết định khoảng thời gian tập luyện mà tôi cần. Thời gian này bao gồm việc liên lạc với vũ công, lên thời gian biểu tại phòng tập và khởi động quá trình luyện tập – tất cả đều dựa trên sự sáng tạo của tôi ở căn phòng trắng trống trơn này trong vài tuần tới. https://thuviensach.vn Các vũ công mong mỏi tôi sẽ thành công vì vũ đạo của tôi chính là sinh kế của họ. Các đại diện ở Los Angeles cũng kỳ vọng điều tương tự vì họ đã bán ra rất nhiều vé cùng lời hứa hẹn rằng khán giả sẽ được chứng kiến điều mới lạ và lý thú từ bàn tay tôi. Chủ rạp cũng mong như thế; vì nếu tôi không tới, rạp hát của ông ấy sẽ trống trơn suốt cả tuần. Như vậy là có rất nhiều người, bao gồm cả những người tôi còn chưa gặp bao giờ, đang gửi gắm niềm tin vào khả năng sáng tạo của tôi. Nhưng ngay lúc này, tôi không hề nghĩ tới những chuyện ấy. Tôi đứng trong một căn phòng với nghĩa vụ phải sáng tác ra tiết mục múa thật đặc sắc. Các vũ công sẽ có mặt ở đây chỉ trong vài phút nữa. Chúng tôi sẽ phải làm gì? Đối với một số người, căn phòng trống biểu trưng cho thứ gì đó sâu sắc, huyền bí và đáng sợ: Nhiệm vụ khởi đầu từ hai bàn tay trắng và nỗ lực để kiến tạo nên cái gì đó trọn vẹn, đẹp đẽ và viên mãn. Nó cũng không khác gì việc một nhà văn mở ra một trang soạn thảo trắng trên máy tính của mình; hay một họa sĩ đối mặt với tấm toan trống trơn; một nghệ sĩ điêu khắc trân mắt nhìn một tảng đá thô; một nhạc sĩ ngồi trước cây đàn piano, ngón tay bâng quơ lướt trên những phím đàn. Một số người cảm thấy khoảnh khắc này – khoảnh khắc trước khi sự sáng tạo khởi phát – quá đỗi đau đớn tới độ họ không tài nào đối mặt nổi với nó. Họ đứng dậy và rời bỏ chiếc máy tính, tấm toan, cây đàn; họ đánh một giấc, đi mua sắm, nấu bữa trưa hoặc làm đủ mọi việc lặt vặt trong nhà. Họ trì hoãn. Trong hình thái cực đoan nhất, nỗi kinh hoàng ấy khiến con người ta tê liệt hoàn toàn. Khoảng không trống vắng có lẽ chỉ tầm thường vậy thôi. Nhưng tôi đã đối mặt với nó trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Đó là công việc của tôi. Đó cũng là sự nghiệp của tôi. Nói tóm lại: Việc lấp đầy khoảng không trống trơn đó đã giúp tôi tạo dựng được tên tuổi cho mình. Tôi là một vũ công kiêm biên đạo múa. Trong 35 năm qua, tôi đã sáng tác 130 vở múa và ba lê. Một số vở tốt, số khác lại dở tệ. Tôi đã làm việc với các vũ công ở hầu hết mọi không gian và môi https://thuviensach.vn trường mà các bạn có thể tưởng tượng ra. Tôi đã tập dượt trên đồng cỏ. Tôi đã kinh qua hàng trăm phòng tập, một số phòng rất xa hoa bởi chính sự mộc mạc chân phương và rộng lớn của nó; nhiều phòng thì bẩn thỉu, đầy sỏi sạn rác rưởi, chuột chạy rầm rập quanh bốn chân tường. Tôi đã làm việc tám tháng trời tại một phim trường ở Prague, biên đạo các bài múa và chỉ đạo các cảnh opera cho bộ phim Amadeus (tạm dịch: Sự đố kỵ của thiên tài) của Milos Forman. Tôi đã tổ chức dàn dựng các cảnh quay dùng ngựa trong Công viên Trung tâm của thành phố New York cho phim Hair (tạm dịch: Mái tóc). Tôi đã làm việc với các vũ công đến từ các nhà hát ở London, Paris, Stockholm, Sydney và Berlin. Tôi đã điều hành công ty của riêng mình suốt ba thập kỷ. Tôi đã sáng tác và đạo diễn một sô diễn rất thành công ở Broadway. Tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm và không ngừng sáng tạo đến mức tới thời điểm này, tôi không chỉ thấy thách thức và lo lắng, mà còn có cảm giác bình yên và hứa hẹn khi đứng trước một căn phòng trắng trống trải. Nó đã trở thành mái nhà của tôi. Sau rất nhiều năm, tôi đã học được rằng sáng tạo là một công việc toàn thời gian với những mô thức thường nhật của riêng nó. Đó là lý do tại sao các nhà văn, chẳng hạn, thích thiết lập các nền nếp cho chính mình. Những người làm việc năng suất nhất bắt đầu công việc từ sáng sớm, khi không gian yên ắng, chuông điện thoại chưa reo và tâm trí họ đang tĩnh tại, tỉnh táo, chưa bị vẩn đục vì lời ra tiếng vào của mọi người. Có thể họ sẽ đặt cho mình một mục tiêu – viết 1.500 chữ, hoặc ngồi trước bàn làm việc cho tới trưa – nhưng bí mật thực sự nằm ở chỗ họ làm việc đó hằng ngày. Nói cách khác, họ có kỷ luật. Theo thời gian, khi nền nếp thường nhật dần biến thành bản năng thứ hai, kỷ luật cũng thay hình đổi dạng thành thói quen. Thực tế này đúng với mọi cá nhân hoạt động sáng tạo, dù đó là một họa sĩ bước tới trước giá vẽ vào mỗi sáng, hay một nhà nghiên cứu y khoa đến phòng thí nghiệm hằng ngày. Nền nếp cũng đóng vai trò ngang ngửa như tia chớp cảm hứng lóe lên trong quá trình sáng tạo, thậm chí còn lớn hơn. Và ai cũng có thể tự thiết lập nền nếp. https://thuviensach.vn Sáng tạo không chỉ là đặc sản của riêng các nghệ sĩ. Nó cũng cần thiết với các doanh nhân đang tìm kiếm những phương thức mới để hoàn tất thương vụ; nó là liều thuốc hữu hiệu cho các kỹ sư đang cố gắng giải quyết vấn đề; nó là yếu tố giúp các bậc cha mẹ muốn con cái mình nhìn nhận thế giới theo nhiều phương diện khác nhau. Trong bốn thập kỷ vừa qua, ngày nào tôi cũng bận bịu với một cuộc rượt đuổi sáng tạo đủ hình đủ dạng, trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân. Tôi đã trăn trở rất nhiều về vấn đề thế nào là sáng tạo và làm thế nào để sáng tạo hiệu quả. Tôi cũng học được từ những kinh nghiệm đau thương, qua những lần sáng tạo theo cách tồi tệ nhất. Tôi sẽ tiết lộ cho các bạn cả hai điều nói trên. Và tôi sẽ đưa ra bài tập thách thức một số giả định về sáng tạo của bạn – để buộc các bạn cố gắng thêm, mạnh mẽ lên, bền bỉ hơn. Nói cho cùng, bạn luôn tập giãn cơ trước khi chạy bộ, khởi động trước khi tập thể hình, tập luyện trước khi chơi. Các hoạt động trí não cũng tương tự như vậy. Tôi sẽ nhấn mạnh luận điểm cho rằng khả năng sáng tạo được bồi đắp từ nền nếp và thói quen. Hãy tập làm quen với nó. Trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy sự mâu thuẫn mang tính triết học liên tục xuất hiện. Đó là cuộc tranh cãi bất tận, có từ thời kỳ Lãng mạn,1 giữa hai đức tin cho rằng mọi hoạt động sáng tạo đều xuất phát từ (a) một tác động ngẫu nhiên cao siêu, vô phương biện giải của cảm hứng, một nụ hôn Chúa Trời đặt lên trán bạn, cho phép bạn trao tặng Cây sáo thần cho thế giới này, hoặc (b) lao động chăm chỉ. 1 Ý chỉ giai đoạn sau năm 1789, sau khi Cách mạng tư sản Pháp đánh đổ chế độ phong kiến (Mọi chú thích trong tác phẩm đều là của người dịch). Nếu ý tứ còn chưa đủ rõ ràng, tôi xin nói tôi thiên về hướng lao động chăm chỉ. Đó là lý do tại sao cuốn sách này có tựa đề Thói quen làm nên sáng tạo. Sáng tạo là một thói quen, và sự sáng tạo đỉnh cao là kết quả của những thói quen lao động tích cực. Nói tóm lại là thế. https://thuviensach.vn Bộ phim Amadeus (và vở kịch của Peter Shaffer, nền tảng của bộ phim) đã kịch tính hóa và lãng mạn hóa căn nguyên siêu phàm của các thiên tài sáng tạo. Antonio Salieri, trong vai nhà soạn nhạc tài năng chuyên nghề viết mướn, bị trời đày phải sống cùng thời với Mozart, người có tài năng thiên bẩm cùng tính tình vô tổ chức, luôn sáng tác như thể có bàn tay của Chúa Trời chạm vào. Salieri nhận thức rõ tầm vóc thiên tư của Mozart, và vô cùng đau khổ vì nghĩ Chúa đã chọn một kẻ khốn nạn làm nơi ký thác sức sáng tạo thần thánh của Người. Dĩ nhiên đó toàn là chuyện tào lao. Chẳng có thiên tài nào “tự nhiên” mà có. Mozart là con trai của Leopold Mozart. Cha ông đã được thụ hưởng một nền giáo dục khắc nghiệt, không chỉ về âm nhạc, mà còn cả về triết học và tôn giáo; ông là người tinh tế, khoáng đạt, nổi danh khắp châu Âu với tư cách một nhà soạn nhạc và một nhà sư phạm. Chuyện này chẳng lạ lẫm gì đối với cộng đồng người yêu nhạc. Leopold có ảnh hưởng rất lớn đến cậu con trai. Tôi nghi ngờ không biết cậu bé này có bao nhiêu phần tố chất “tự nhiên”. Dĩ nhiên, xét về mặt di truyền học, có lẽ cậu có thiên hướng sáng tác nhạc hơn... chơi bóng rổ chẳng hạn, vì khi được công chúng biết tới, cậu chỉ mới cao chưa đầy một mét. Nhưng điều may mắn trước nhất của cậu chính là có một người bố vừa là một nhà soạn nhạc vừa là một nghệ sĩ vĩ cầm bậc thầy, có khả năng sử dụng điêu luyện các loại đàn phím, và khi phát hiện ra chút năng khiếu ở con trai, ông đã tự nhủ: “Hay đấy. Thằng bé thích âm nhạc. Để xem chúng ta có thể đi xa đến đâu.” Leopold dạy cậu nhóc Wolfgang mọi điều về âm nhạc, bao gồm đối âm và hòa âm. Ông tìm mọi cách để con trai được tiếp xúc với tất cả các nhà soạn nhạc danh tiếng hay những ai có thể giúp ích cho quá trình phát triển âm nhạc của cậu bé trên khắp châu Âu. Trong rất nhiều trường hợp, định mệnh lại nằm ở các bậc cha mẹ đầy ý chí quyết tâm. Mozart đâu phải là một vị thần đồng ngây ngô ngồi trước phím đàn và, nhờ có lời Chúa thì thầm bên tai, âm nhạc cứ thế tuôn trào dưới những đầu ngón tay cậu. Đó là một hình ảnh nên thơ, tốt cho việc bán vé, nhưng dù Chúa có hôn lên trán bạn hay https://thuviensach.vn không, bạn vẫn phải lao động. Không học hỏi và chuẩn bị, bạn sẽ không biết cách khai thác sức mạnh của nụ hôn đó. Không ai lao động cần mẫn hơn Mozart. Đến năm 28 tuổi, đôi tay ông đã bị biến dạng vì hàng giờ tập luyện, biểu diễn và siết chặt cây bút lông ngỗng để sáng tác. Đó là yếu tố bị bỏ sót trong tấm chân dung phổ biến về Mozart. Chắc chắn ông sở hữu tài năng vượt trội hơn người. Ông là nhạc sĩ toàn diện nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra, đã soạn nhạc cho tất cả các loại nhạc cụ theo đủ mọi nhóm kết hợp, và chưa ai từng viết ra những bản nhạc tuyệt vời đến thế cho giọng hát con người. Tuy vậy, rất ít người, kể cả những người tài năng hiếm thấy, có được sự chuyên cần và tập trung cao độ như cách Mozart đã thể hiện trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Như chính Mozart từng viết trong một bức thư gửi cho một người bạn: “Nhiều người cứ nghĩ rằng con đường nghệ thuật của tôi chỉ toàn trải hoa hồng. Bạn thân mến ơi, tôi xin cam đoan với bạn rằng, không có ai cống hiến nhiều thời giờ và trí lực cho việc sáng tác bằng tôi. Chẳng có bậc thầy âm nhạc nổi tiếng nào mà tôi chưa nghiên cứu tỉ mỉ kỹ lưỡng nhiều lần.” Sức tập trung của Mozart thật sự đáng nể; phải như thế ông mới tạo ra ngần ấy tác phẩm trong cuộc đời tương đối ngắn ngủi của mình, trong những điều kiện mà ông phải gánh chịu, viết trong xe ngựa và giao các bản nhạc ngay trước giờ kéo rèm, đối mặt với những mối phân tâm của việc phải nuôi sống một gia đình và cảnh túng quẫn triền miên. Tầm vóc và quy mô tài năng âm nhạc của Mozart, cái gọi là thiên tư của ông, vĩ đại đến chừng nào thì kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp của ông cũng lớn đến chừng đó. Tôi dám chắc đó là điều Leopold Mozart đã sớm nhận thấy ở cậu con trai, đứa bé mới ba tuổi đã nhảy lên ghế đẩu để chơi cây đàn hạc của chị gái trong một cơn phấn khích – và đã bị cuốn hút ngay lập tức. Âm nhạc mau chóng trở thành niềm đam mê, hoạt động ưa thích của Mozart. Tôi rất nghi ngờ chuyện Leopold phải mỏi miệng quát con: “Vào nhà học nhạc đi!” Cậu bé đã tự giác làm điều đó. Trên tất thảy, cuốn sách này nói về sự chuẩn bị: Để có thể sáng tạo, bạn phải biết cách chuẩn bị để sáng tạo. https://thuviensach.vn Không ai có thể đưa cho bạn đề tài hay nội dung sáng tạo; nếu có, đó là sáng tạo của họ, chứ không còn là của bạn nữa. Nhưng có một quy trình giúp kiến thiết óc sáng tạo – và bạn có thể học nó. Bạn còn có thể biến nó thành thói quen nữa. Có một nghịch lý trong quan điểm cho rằng sáng tạo nên là một thói quen. Chúng ta luôn mặc định sáng tạo là một cách để giữ cho mọi thứ tươi mới, trong khi đó, thói quen lại hàm chứa nền nếp và sự lặp đi lặp lại. Nghịch lý đó kích thích tôi vì nó chiếm lĩnh địa hạt nơi óc sáng tạo và kỹ năng giao thoa. Ta cần có kỹ năng để đưa thứ được tạo ra trong trí tưởng tượng vào thế giới thực: dùng từ ngữ để tạo nên những cuộc đời mà người khác có thể tin được, chọn màu sắc và chất liệu sơn để phác họa hình ảnh đống cỏ khô dưới ánh chiều tà, kết hợp các nguyên liệu để tạo ra một món ăn đầy hương vị. Không ai sinh ra đã có sẵn những kỹ năng đó. Nó được phát triển nhờ tập luyện, trau dồi, qua một quá trình tổng hợp gồm học hỏi và suy ngẫm vừa khắc nghiệt vừa thỏa mãn. Và nó tiêu tốn rất nhiều thời gian. Ngay đến Mozart, với tài năng thiên bẩm, niềm đam mê âm nhạc, cùng sự dạy dỗ tận tình của bố, đã phải sáng tác tới 24 bản nhạc non nớt đầu tay rồi mới có thể viết được thứ gì đó giá trị với bản nhạc thứ 25. Nếu nghệ thuật là cây cầu nối giữa những gì bạn nhìn thấy trong tâm tưởng với những gì thế giới thấy, thì kỹ năng chính là cách bạn xây cây cầu đó. Đó là lý do tại sao ta cần tập luyện. Chúng sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng. Một số kỹ năng tưởng chừng rất đơn giản. Nhưng cứ làm đi – tập luyện những bước cơ bản không bao giờ là thừa. Trước khi có thể viết ra Cost fan tutte (tạm dịch: Cây sáo thần), Mozart cũng đã phải gian nan luyện tập đấy thôi. Dẫu rằng ba lê và múa hiện đại là chuyên môn của tôi, song đó không phải là đề tài của cuốn sách này. Tôi xin hứa với các bạn rằng câu chữ trong cuốn sách sẽ không bị nhập nhằng với các thuật ngữ vũ đạo. Bạn sẽ không phải bối rối vì bắt gặp những từ như tư thế cơ bản thứ nhất và plié2 hay tendu3trong cuốn sách. Tôi đồ https://thuviensach.vn rằng bạn là người đủ tinh tế và cởi mở. Tôi hy vọng bạn từng đi xem một vở ba lê và từng được quan sát một nhóm vũ công biểu diễn trên sân khấu. Nếu câu trả lời là chưa, thì quả là đáng hổ thẹn; vì như thế chẳng khác nào thừa nhận mình chưa bao giờ đọc một cuốn tiểu thuyết, dạo gót qua một bảo tàng, hoặc nghe trình diễn trực tiếp một bản nhạc của Beethoven. Chỉ cần bạn cho tôi bấy nhiêu thôi là đủ cho đôi bên hợp tác rồi. 2 Một tư thế trong bộ môn múa ba lê, khi vũ công từ từ khuỵu xuống, hai đầu gối choãi ra hai bên sườn nhưng toàn thân vẫn giữ thẳng đứng. 3 Một tư thế trong bộ môn múa ba lê, khi vũ công từ từ nhấc một chân lên đến khi chỉ có đầu ngón chân cái chạm sàn. Bạn sẽ nhận ra tôi là người rất khắt khe đối với khâu chuẩn bị. Các nền nếp thường nhật của tôi đều có tính tương tác. Mọi thứ xảy ra trong ngày đều là sự tương tác giữa thế giới ngoại vi và thế giới nội tại. Tất cả đều là nguyên liệu thô. Tất cả đều thích đáng. Tất cả đều có đất dụng võ. Tất cả đều giúp nuôi dưỡng óc sáng tạo. Nhưng nếu thiếu sự chuẩn bị thích hợp, tôi không thể nhìn thấy nó, nắm giữ nó và vận dụng nó. Thiếu thời gian và công sức đầu tư vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng để sáng tạo, bạn có thể gặp những luồng sét ý tưởng và rốt cuộc chỉ biết sững sờ thảng thốt. Chẳng hạn, hãy nhớ lại một cảnh tuyệt vời trong bộ phim The Karate Kid (tạm dịch: Võ sinh karate). Cậu bé Daniel xin ông cụ Miyagi thông thái và mưu mẹo hãy dạy karate cho mình. Ông cụ đồng ý và sai Daniel trước hết phải đánh bóng xe cho ông bằng những động tác xoay tròn đối xứng chính xác (“xoa tới, xoa lui”). Sau đó ông bắt Daniel sơn hàng rào gỗ nhà mình bằng động tác lên xuống chính xác. Cuối cùng, ông bắt Daniel đóng đinh lên tường. Ban đầu Daniel cảm thấy bối rối, rồi sau cậu nổi giận. Cậu muốn học võ để có thể tự vệ. Nhưng rốt cuộc cậu lại bị lừa làm toàn việc vặt. Khi Daniel làm xong công việc với chiếc xe, hàng rào và những bức tường của Miyagi, cậu đã đùng đùng nổi giận với “sư phụ” của mình. Khi Miyagi lao vào tấn công Daniel, không hề do dự, cũng https://thuviensach.vn chẳng kịp suy nghĩ gì, cậu đã tự vệ bằng những cú thọc và gạt cơ bản của bộ môn karate. Thông qua những công việc tưởng như đơn giản, Daniel đã hấp thụ những yếu lĩnh của karate mà không hề hay biết. Cũng với tinh thần như Miyagi dạy karate, tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn trở nên sáng tạo hơn. Tôi không dám cam đoan mọi thứ bạn tạo ra sẽ đều tuyệt vời – điều đó tùy thuộc vào bạn – nhưng tôi dám hứa là nếu bạn đọc hết cuốn sách và thực hiện chỉ khoảng một nửa số khuyến nghị thôi, bạn sẽ không bao giờ e sợ một trang giấy trắng, một tấm toan trống hoặc một căn phòng trắng nữa. Sáng tạo sẽ trở thành thói quen của bạn. https://thuviensach.vn Chương 2Nghi lễ chuẩn bị Tôi bắt đầu mỗi ngày bằng một nghi lễ: Tôi thức dậy lúc 5 giờ 30 phút sáng, mặc bộ đồ tập, xỏ đôi tất giữ ấm, mặc chiếc áo nỉ và đội mũ. Tôi đi bộ ra trước cửa căn hộ của mình ở Manhattan, gọi một chiếc tắc-xi và bảo tài xế đi đến phòng tập Pumping Iron ở phố 91 đại lộ số 1. Tại đây, tôi tập thể dục trong suốt hai tiếng. Nghi lễ ở đây không phải là việc kéo giãn cơ và tập tạ mà tôi bắt cơ thể mình phải trải qua mỗi sáng; nghi lễ chính là chiếc tắc-xi. Vào chính giây phút tôi nói cho tài xế biết nơi cần đến, tôi đã hoàn tất nghi lễ. Đó là một hành động đơn giản, nhưng việc thực hiện theo cùng một cung cách vào mỗi sáng đã giúp tôi biến nó thành thói quen – khiến nó lặp đi lặp lại, dễ thực hiện. Nó giảm thiểu xác suất tôi sẽ bỏ qua hoặc thực hiện nó theo cách khác đi. Nhờ thế, tôi có thêm một vũ khí trong kho nền nếp của mình và bớt đi một việc phải nghĩ. Có thể một số người sẽ nói rằng việc chỉ đơn giản bước ra khỏi giường và ngồi vào một chiếc tắc-xi khó có thể được gán cho một từ đao to búa lớn như “nghi lễ”. Nó thần thánh hóa một việc làm tầm thường mà ai cũng có thể thực hiện. Tôi không đồng ý với điều đó. Những bước đầu tiên rất khó khăn; chả ai thấy vui vẻ gì khi phải thức dậy trong bóng tối mỗi ngày và lê thân mệt nhoài đến phòng tập. Như tất cả mọi người, cũng có những ngày tôi mở mắt ra, nhìn trân trân lên trần nhà và tự hỏi: “Trời ơi, hôm nay mình có muốn đi tập không?” Nhưng nguồn sức mạnh gần như mang tính tôn giáo mà tôi gắn cho nghi lễ này đã ngăn tôi trở mình và ngủ tiếp. Thiết lập một số nghi lễ – tức là những khuôn mẫu ứng xử có tính tự động nhưng quyết liệt – vào buổi đầu của quá trình sáng tạo là việc vô cùng quan trọng. Khi đang đứng trên bờ vực hiểm họa, hoặc bạn sẽ quay đầu, tháo chạy, từ bỏ, hoặc sẽ đi chệch hướng. https://thuviensach.vn Theo Từ điển tiếng Anh Oxford, nghi lễ là “một trật tự quy định sẵn nhằm thực hiện một hoạt động tôn giáo hoặc có tính chất tôn giáo”. Tinh thần đó được vận dụng triệt để trong nghi lễ buổi sáng của tôi. Việc coi nó như một nghi lễ đã có tác động cải hóa đối với hoạt động đó. Biến việc gì đó thành một nghi lễ giúp triệt tiêu câu hỏi: Tại sao mình lại làm việc này? Tại thời điểm tôi báo điểm đến cho tài xế tắc-xi, khi đó đã là quá muộn để băn khoăn tại sao tôi lại đến phòng tập thay vì vùi mình dưới tấm chăn ấm trên giường. Xe đã chuyển bánh. Tôi đã bị trói buộc. Dù thích hay không, tôi cũng đã đang trên đường đến phòng tập. Nghi lễ không chỉ giúp loại bỏ câu hỏi liệu tôi có thích nó hay không. Nó còn là một lời nhắc nhở thân thiện rằng tôi đang làm một việc đúng đắn. (Mình từng làm việc này rồi. Nó rất tốt. Mình sẽ tiếp tục làm thế.) Mỗi người trong chúng ta đều có những nghi lễ thường nhật của riêng mình, dù ta có ý thức được hay không. Bạn tôi, một người triệt để theo đuổi chủ nghĩa thực dụng, một người không có lấy một tế bào tôn giáo nào trong cơ thể, thường xuyên tập yoga tại nhà vào mỗi sáng để giảm bớt chứng đau lưng. Anh bắt đầu mỗi buổi tập bằng việc thắp một cây nến. Anh không cần đến nến mới thực hiện được các động tác (dù theo như anh tiết lộ, vầng sáng êm dịu và mùi thơm thoang thoảng có tác dụng gợi hứng), nhưng hành động đầy tính “lễ lạt” là thắp cây nến tạ ơn đã biến yoga thành một nghi lễ thiêng liêng. Điều đó cũng có nghĩa là anh coi trọng buổi tập này, và rằng trong 90 phút tiếp theo, anh sẽ toàn tâm toàn ý với việc tập yoga. Nến. Tiếng lách tách. Yoga. Một cơ chế tự động gồm ba bước gọi-và-phản-hồi giúp neo chặt buổi sáng của anh. Khi đã tập xong, anh thổi tắt nến và tiếp tục làm các công việc khác trong thời gian còn lại của ngày. Một vị giám đốc tôi biết bắt đầu mỗi ngày bằng một cuộc họp 20 phút với trợ lý. Đó là một công cụ tổ chức đơn giản, nhưng biến nó thành một nghi lễ thường nhật dành cho hai người sẽ giúp thắt chặt https://thuviensach.vn mối dây liên kết giữa đôi bên và tạo ra một bước khởi động dễ dự đoán, dễ lặp lại cho một ngày của mỗi người. Họ không phải vắt óc nghĩ xem mình sẽ làm gì khi đến công ty. Họ đã biết ngay đó là nghi lễ 20 phút của hai người. Các vũ công bị chi phối hoàn toàn bởi nghi lễ. Bắt đầu với lớp học từ 10 giờ sáng đến trưa hằng ngày, tại đây họ khởi động để làm nóng cơ bắp và buộc cơ thể tập luyện những động tác múa kinh điển. Họ làm việc này mỗi ngày, không ngừng nghỉ, vì tất cả các vũ công đang tập luyện trong phòng đều hiểu rằng những nỗ lực nhằm trau dồi sức mạnh cơ bắp sẽ bảo vệ họ khỏi chấn thương trong tập luyện hoặc biểu diễn. Thứ biến việc đó thành một nghi lễ là họ đã làm mà không hề đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của nó. Cũng như mọi thứ lễ nghi thiêng liêng khác, khung cảnh bắt đầu của một buổi tập quả thật rất đẹp mắt. Các vũ công lục tục bước vào và đi vẩn vơ khắp phòng, nhưng rốt cuộc, với thái độ nghiêm túc quy củ đến đáng sợ, họ sẽ quay về vị trí thường ngày của mình bên thanh ngang hoặc trên sàn tập. Nếu một vũ công chính bước vào, họ sẽ tự giác di chuyển để nhường cho ngôi sao vị trí trung tâm, đối diện với gương. Các nghi lễ được hình thành chính từ những niềm tin và truyền thống như thế. Cũng giống như việc đi lễ nhà thờ vậy. Chúng ta hiếm khi đặt câu hỏi tại sao mình lại đi lễ nhà thờ. Nếu có, ta cũng không kỳ vọng sẽ nhận được một câu trả lời xác đáng. Ta chỉ biết rằng, bằng cách nào đó, nó thỏa mãn nhu cầu tâm linh của ta, và vì thế ta cứ làm. Rất nhiều người sáng tạo theo thói quen có những nghi lễ chuẩn bị gắn liền với bối cảnh họ chọn để bắt đầu một ngày. Bằng việc đặt bản thân vào môi trường đó, họ khởi động một ngày sáng tạo của bản thân. Nhà soạn nhạc Igor Stravinsky luôn làm đúng một việc khi ông bước vào studio mỗi sáng: Ông ngồi xuống trước cây đàn dương cầm và chơi một bản fugue4 của Bach. Có lẽ ông cần nghi lễ này để có cảm giác mình là một nhạc sĩ; hoặc bằng cách nào đó, việc chơi nhạc giúp ông kết nối với các nốt nhạc, vốn là từ vựng của ông. Có lẽ ông https://thuviensach.vn đang tôn vinh người hùng của mình, Bach, và mong được ngài ban phước cho buổi làm việc hôm đó. Hay thật ra nó chẳng phải là thứ gì đó cao siêu mà chỉ là một phương pháp đơn giản giúp tạo đà cho những ngón tay ông chuyển động, để chiếc mô-tơ trong người ông bắt đầu chạy, trí não ông viết ra những khuông nhạc. Nhưng việc lặp đi lặp lại việc này mỗi ngày khi đến phòng thu âm đã tạo ra một cú hích giúp ông khởi động. 4 Là một thể loại âm nhạc phức điệu. Tôi biết một vị bếp trưởng luôn bắt đầu mỗi ngày ở khu vườn trong phố được chăm chút tỉ mỉ của anh. Khoảnh vườn chiếm toàn bộ phần bao lơn nhỏ bé trong căn hộ ở Brooklyn nơi anh sống. Anh nghiện các loại nguyên liệu tươi, đặc biệt là thảo mộc, gia vị và hoa. Dành những phút đầu tiên của một ngày bên đám cây cối của mình là môi trường sáng tạo lý tưởng đối với anh, giúp anh nghĩ ra những món ăn và cách thức kết hợp hương vị mới. Anh dạo quanh vườn, cảm thấy mình được gắn kết với thiên nhiên và điều đó giúp anh “khởi động”. Một khi đã hái rau hoặc thảo mộc, anh không thể bỏ phí nó. Anh phải đi ngay tới nhà hàng và bắt tay vào nấu nướng. Một họa sĩ tôi quen không thể làm gì trong phòng tranh của mình nếu thiếu tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa. Tiếng nhạc cất lên giúp bật chiếc công tắc bên trong cô. Âm nhạc đưa cô vào nền nếp. Đó là chiếc máy đánh nhịp cho đời sống sáng tạo của cô. Một người bạn của tôi là văn sĩ chỉ có thể sáng tác ngoài trời. Anh không thể chịu nổi ý nghĩ bị giam chân trong nhà cùng chiếc máy chữ trong khi “một ngày tuyệt vời” đang diễn ra ngoài kia. Anh sợ mình sẽ bỏ sót thứ gì đó đang rung động trong không khí. Vì vậy, anh chọn cách sống ở miền Đông California và mang tách cà phê ra ngoài để làm việc dưới ánh nắng ấm áp nơi mái hiên mở ở chái sau nhà. Kỳ lạ thay, đến nay anh đã tin rằng mình không còn bỏ sót điều gì nữa. Nói cho cùng, chẳng có một điều kiện lý tưởng nào cho sáng tạo hết. Thứ có tác dụng với người này lại vô dụng với người kia. Tiêu chuẩn duy nhất là: Hãy làm theo cách khiến bạn cảm thấy thoải mái. https://thuviensach.vn Tìm một môi trường làm việc nơi viễn cảnh phải vật lộn với nguồn cảm hứng không làm bạn khiếp hãi, không khiến bạn cụt hứng. Nó phải khiến bạn muốn được ở đó, và một khi tìm thấy nó, hãy gắn chặt với nó. Để có thói quen sáng tạo, bạn cần một môi trường làm việc có khả năng hình thành thói quen. Tất cả mọi điều kiện làm việc được yêu thích, dù có trái ngược nhau đến mức nào, đều có một điểm chung: Khi bạn bước vào đó, chúng sẽ buộc bạn phải bắt tay vào làm việc. Dù đó là hành động mang một cốc cà phê nóng bỏng tay ra ngoài hiên nhà, hay tiếng nhạc rock ‘n’ roll khiến một họa sĩ nổi hứng bừng bừng và vung tay phết màu lên toan, hoặc bầu không khí tĩnh lặng của khu vườn thảo mộc giúp vị bếp trưởng đi vào trạng thái “nhập định ẩm thực”, hoạt động trong lòng những lề thói đó khiến bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm gì đó. Đó là phản xạ có điều kiện: Làm việc theo nếp, tận hưởng sáng tạo. Các vận động viên hiểu rất rõ sức mạnh của một nghi lễ mào đầu. Một tay golf nhà nghề có thể đi bộ quanh hành lang sân và tán gẫu với trợ lý, với bạn chơi, với một vị giám khảo dễ gần hoặc một người tính điểm, nhưng khi đứng trước trái bóng và hít vào một hơi thật sâu, anh ta đã tự ra tín hiệu với bản thân rằng đã đến lúc tập trung. Một cầu thủ bóng rổ bước tới vạch ném phạt, chỉnh lại tất, quần, nhận bóng, đập bóng đúng ba lần, sau đó anh ta sẵn sàng bật lên và ném bóng vào rổ, hệt như cách anh ta đã làm cả trăm lần mỗi ngày khi tập luyện. Bằng việc biến pha mở màn của một chuỗi hành động thành tự động, họ đã thay thế nỗi hoài nghi cùng sự sợ hãi bằng cảm giác thoải mái và thói quen. Cách làm này cũng tỏ ra hiệu quả với Beethoven, như ta thấy trong các bản phác họa dưới đây được J. D. Böhm thực hiện vào khoảng giữa năm 1820 và 1825. Mặc dù điều kiện sức khỏe không cho phép, song Beethoven luôn bắt đầu mỗi ngày với đúng một nghi lễ: đi dạo buổi sáng. Trong khoảng thời gian này, ông sẽ viết tháu vào một cuốn sổ bỏ túi những nốt nhạc đầu tiên của bất cứ ý tưởng âm nhạc nào nảy ra trong đầu. Sau khi làm xong công việc đó, hoàn tất quá trình khởi động trí não và đưa bản thân vào một vùng nhập định https://thuviensach.vn của riêng mình thông qua chuyến đi bộ, ông trở về phòng và bắt tay vào làm việc. Với tôi, trạng thái làm việc yêu thích là ấm nóng – tôi cần nhiệt – và nghi lễ yêu thích của tôi là làm ấm cơ thể. Chính vì thế, tôi mới bắt đầu một ngày của mình ở phòng tập. Lúc nào tôi cũng miệt mài phấn đấu vì một cơ thể ấm nóng. Với tôi, chẳng có thời tiết nào là quá nóng. Ngay cả giữa tiết trời tháng Tám oi ả bức bối, khi cả New York gần như đóng băng trong cái lạnh của máy điều hòa nhiệt độ, tôi vẫn mở toang mọi cửa lớn cửa nhỏ trong căn hộ của mình như muốn nói: “Xin chào cái nóng!” Tôi ghét điều hòa nhiệt độ. Tôi thích một làn da căng mọng tưởng chừng như sắp vỡ bung, ướt đẫm những giọt mồ hôi long lanh. 1 Nhiệt còn là một yếu tố tâm lý khác: Nó gợi nhớ đến tổ ấm. Nói một cách khác, nó rung lên tiếng “mẹ”, vốn bao trọn toàn bộ cảm giác an toàn và vững tin. Một vũ công ấm người và vững dạ có thể nhảy múa mà không hề sợ hãi. Trong trạng thái ấm nóng cả về thể chất lẫn tinh thần ấy, các vũ công có thể chạm đến những khoảnh khắc đỉnh cao của tiềm năng cơ thể. Họ không ngại thử nghiệm những động tác mới. Họ có thể tin tưởng vào cơ thể của mình, và đó là lúc điều thần kỳ xảy ra. Khi vũ công không đủ ấm, họ sẽ sợ hãi – sợ bị chấn thương, sợ mình xấu xí trong mắt người khác, sợ mình quá kém cỏi so với tiêu chuẩn nội tại mà họ tự đặt ra cho bản thân. Đó là một trạng thái cực kỳ tiêu cực. Dĩ nhiên, hệ quả này cũng có nguyên nhân thực tế của nó. Không giống như các loại hình nghệ thuật khác, nhảy múa hoàn toàn xoay quanh các cử động và nỗ lực của cơ thể. Dù đã bước sang tuổi lục tuần, tôi vẫn phải giữ các cơ bắp luôn trong trạng thái sẵn sàng đủ để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, sao cho mỗi khi làm mẫu một động tác trong lúc tập luyện, tôi có thể thực sự thực hiện nó một cách chính xác và duyên dáng mà không tự gây chấn thương cho mình. Mọi vận động viên đều biết điều này: không khởi động đã chơi, bong gân cũng đáng đời. Khi thân thể tôi nóng ấm, tôi cảm thấy mình có thể làm được mọi việc. https://thuviensach.vn Nghi lễ tập thể dục buổi sáng của tôi là dạng thức cơ bản nhất của việc tự lực cánh sinh. Để làm việc, tôi phải dựa vào cơ thể của mình, và nếu cơ thể khỏe mạnh, năng suất của tôi sẽ cao hơn. Buổi tập thể dục hằng ngày chính là một phần trong công cuộc chuẩn bị cho công việc của tôi. Trên tất cả, các nghi lễ chuẩn bị sẽ trang bị cho ta lòng tự tin và khả năng tự lực cánh sinh. Sam Cohn, một ông bầu, đã thuật lại mẩu chuyện về vị luật sư ngành giải trí tên Burton Meyer đã dạy anh một bài học quan trọng thông qua một nghi lễ thường nhật. Hồi đó, Cohn đang làm việc cho CBS, và Meyer nghĩ anh đang làm việc quá vất vả cho CBS và không tận hưởng cuộc sống đúng mức. “Cậu đắm đuối vì công việc quá,” anh ta nói với Cohn. “Cậu biết không, tôi làm nghề luật cho vui thôi. Tôi không buộc phải làm việc này. Để tôi kể cho cậu hay vì sao lại thế nhé. Từ hồi còn là một tay luật sư trẻ, mỗi ngày, sau bữa ăn trưa, tôi lại quay về phòng làm việc, đóng cửa lại, ngồi trên ghế và trong suốt một tiếng đồng hồ, tôi chỉ nhẩm đi nhẩm lại trong đầu một câu hỏi: “Burt, mày thu được gì từ công việc này?” Nghi lễ tự vấn “Mình được gì từ việc này?” có thể không cung cấp thứ triết lý cởi mở nhất về cuộc sống, nhưng nó sẽ giúp bạn tập trung vào những mục tiêu của mình. Nếu triết lý bị đẩy lên mức cực đoan, chúng ta sẽ nhìn nhận thế giới theo cách chẳng hay ho gì, nhưng nó sẽ tạo động lực để bạn tiến bước. Khi bước vào căn phòng trắng, không chỉ có mình tôi mà còn có: cơ thể tham vọng ý tưởng đam mê nhu cầu ký ức mục tiêu thành kiến mối phân tâm nỗi sợ hãi Mười thành tố trên đây chính là bản chất của tôi. Bất cứ thứ gì tôi tạo ra đều phản ánh cách thức chúng định hình cuộc đời tôi, và cách tôi học hỏi để chuyển tải các kinh nghiệm của chính mình vào đó. Hai thành tố cuối cùng – mối phân tâm và nỗi sợ hãi – là những thành tố nguy hiểm. Chúng là những con quỷ quen mặt thường xâm chiếm buổi mở màn của mọi dự án. Không ai khởi đầu một nỗ lực sáng tạo mà không vướng ít nhiều sợ hãi; mấu chốt là chúng ta phải https://thuviensach.vn học được cách ngăn nỗi sợ hãi đang lơ lửng đó khiến ta tê liệt trước khi kịp bắt tay làm. Khi cảm nhận được nỗi sợ hãi, tôi thường cố gắng khiến nó trở nên càng rõ ràng càng tốt. Xin tiết lộ cho bạn năm nỗi sợ lớn của tôi: 1. Mọi người sẽ cười nhạo mình. 2. Đã có người làm điều đó trước mình. 3. Mình chẳng có gì để nói cả. 4. Mình sẽ làm người mình yêu quý phật ý. 5. Khi được hiện thực hóa, ý tưởng sẽ không bao giờ tốt như lúc hình dung trong đầu. Chúng là những con quỷ đáng sợ và chắc hẳn chúng không chỉ đeo bám riêng mình tôi. Có lẽ các bạn cũng có chung vài nỗi sợ trong số đó. Nếu tôi để chúng tự tung tự tác, chúng sẽ dập tắt mọi động lực trong tôi (“Không, mày không làm được đâu!”) và cũng sẽ chặn luôn mọi nguồn sáng tạo. Vì vậy, tôi phải chiến đấu với những nỗi sợ đó bằng một nghi lễ đối mặt, hệt như một tay đấm bốc phải nhìn thẳng vào mắt đối thủ trước cuộc so găng. 1. Mọi người có cười nhạo mình không? Những người tôi kính trọng thì không; họ chưa bao giờ cười nhạo tôi, và họ sẽ không làm như thế. 2. Đã có người làm điều đó trước mình? Bạn thân mến, việc gì mà chả có người làm rồi. Chẳng có gì thực sự là vô tiền khoáng hậu cả. Homer không, Shakespeare không và chắc chắn bạn cũng không. 3. Mình chẳng có gì để nói? Một nỗi sợ vớ vẩn. Tất cả chúng ta đều có thứ gì đó để nói. Vả lại, bạn hoảng sợ quá sớm đấy. Nếu các vũ công không rời bỏ bạn, thì khả năng cao là khán giả cũng sẽ không làm thế. https://thuviensach.vn 4. Mình sẽ làm người mình yêu quý phật ý? Một nỗi lo nghiêm trọng không dễ gì hóa giải hoặc gạt bỏ vì bạn không bao giờ biết được những người bạn yêu quý sẽ phản ứng thế nào với sự sáng tạo của bạn. Điều tốt nhất bạn có thể làm là nhắc nhở bản thân rằng mình là một người tốt với những ý định tốt. Bạn đang cố gắng kiến tạo tình đoàn kết, chứ không phải gây bất hòa hay xích mích. Hãy nghe tiếng vỗ tay mời bạn ra chào khán giả lần nữa. Hãy nhìn cảnh mọi người đều đứng cả dậy. Hãy tận hưởng tiếng hoan hô vang dội. 5. Khi được hiện thực hóa, ý tưởng sẽ không bao giờ tốt như lúc hình dung trong đầu? Hãy cứng rắn lên nào. Leon Battista Alberti, nhà lý luận kiến trúc thế kỷ XV, đã nói: “Sai sót tích tụ chồng chất trên bản vẽ và càng trở nên tồi tệ hơn trong mô hình.” Nhưng một mái vòm kém hoàn mỹ ở Florence còn tốt hơn là những thánh đường trên mây. Trong những đêm dài thao thức, khi không tài nào rũ bỏ hết những nỗi sợ hãi, tôi lại mượn những lời đề từ kinh điển trong cuốn The Demons (Lũ người quỷ ám) của Dostoyevsky: Tôi thấy những nỗi khiếp đảm của mình nhập vào lũ lợn lòi và lợn rừng, và tôi nhìn chúng xô nhau lao tới miệng vực, rồi gieo mình xuống. Dĩ nhiên, đây là một trò tự kỷ ám thị. Nhưng có nghi lễ nào lại không thế? Có lẽ tôi hơi thảm hại khi đến tuổi này rồi mà vẫn cần đến những lời vỗ về kiểu đó để đủ sức đối mặt với lũ quỷ dữ của mình, nhưng hư vô là một nơi đáng sợ, và bất cứ thứ gì mới mẻ đều là một bước dẫn vào hư vô. Nỗi sợ đó chính là nguyên do khiến các nền văn hóa cổ đại tạo ra các nghi lễ vào buổi khai quốc. Họ sống trong sợ hãi triền miên, sợ các bộ lạc khác, sợ các loài thú săn mồi, sợ thiên nhiên và thời tiết, những thế lực mà họ tin là do một hay nhiều vị thần quyền năng, ghê gớm nào đó chi phối. Họ hy vọng mình có thể kiểm soát được nguồn thức ăn, đàn gia súc, khả năng sinh sản, sự an toàn của mình – nói cách khác, cũng chính là nỗi sợ hãi của họ – bằng việc vỗ về các vị thần thông qua các nghi lễ. Họ giết động vật, lấy máu chúng theo cách thức đặc biệt, rồi đưa chúng lên giàn thiêu, sau đó lại ném thêm nhiều con vật khác vào ngọn lửa, và đựng máu trong chiếc bình bằng vàng để dâng lên thánh https://thuviensach.vn thần – vì làm như vậy có thể đảm bảo một vụ mùa bội thu hoặc chiến thắng trong những cuộc giao tranh. Các nghi lễ mê hoặc những bộ lạc nguyên thủy, khiến họ tin rằng mình có thể kiềm tỏa được những thứ vô phương kiềm tỏa. Nhiều thế kỷ sau, các nghi lễ cổ đại dường như đã thành ra ngớ ngẩn (dĩ nhiên chỉ trừ phi bạn vẫn tin vào chúng). Nhưng chúng có khác gì so với toàn bộ những nghi lễ lớn nhỏ mà ta vẫn làm trong suốt một ngày? Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi là một đứa bé nghiện những nghi lễ rối rắm. Tôi nghĩ hầu hết mọi đứa trẻ đều thế. Háo hức muốn có thêm quyền kiểm soát cuộc sống, chúng dựng lên đủ loại trò chơi và nghi thức để bồi đắp thêm ý nghĩa và hình dạng cho thế giới của mình. Búp bê phải ngồi đúng một kiểu trên giường. Phải đi tất trước rồi mới mặc quần. Khi đến trường, phải luôn đi bên phải; khi về nhà phải bước đúng các bước đã đi ban sáng. Hồi còn bé, lúc cầu nguyện, tôi tin rằng khi thở ra, tôi phải nói số từ đúng bằng khi hít vào, nếu không tai họa sẽ ập đến. “Dị” không? Không hẳn. Dù không dã man bằng, nhưng việc đó cũng chẳng khác mấy việc giết một con bò và tế nó cho một vị thần vô hình để cầu mưa. Tôi có quen một nhà văn nọ, mỗi khi bí từ, anh đi lau dọn nhà cửa. Khi anh ngồi trước máy tính, cảm thấy đờ đẫn chán ngán, mọi thứ xung quanh anh có vẻ đều u ám và bụi bặm. Thế là anh lại vớ lấy một miếng giẻ lau và chai nước rửa rồi bắt tay vào công cuộc tống khứ những thứ đáng ghét kia. Khi tất cả đã sạch sẽ và sáng bóng, anh lại ngồi xuống trước màn hình, và chữ nghĩa cứ thế tuôn dào dạt. Anh có một cách biện giải rất tinh tế cho việc tại sao nghi lễ này lại hiệu nghiệm, viện dẫn những ngõ ngách thần kinh, cảm xúc cũng như lòng tự tôn. Anh bảo, công việc của một nhà văn rất giản dị: viết những gì nảy ra trong đầu. Nhưng khi bạn không thể tóm gọn từ ngữ thành những suy nghĩ mạch lạc, nó sẽ trở thành một thách thức về mặt cảm xúc. Đột nhiên bạn hoài nghi chính mình. Khi rơi vào trong cảm giác hoang mang ấy, bạn rời mắt khỏi màn hình máy tính và nhìn thấy những vết bẩn mà trước đó bạn không hề để ý đến; những vết bẩn đó bỗng có một mối liên hệ tất yếu với cảm giác https://thuviensach.vn hoang mang và việc chùi sạch những cáu bẩn đó cũng nhẹ nhàng xua tan cảm giác hoang mang đó. Cơn khủng hoảng cảm xúc được giải quyết. Việc viết lách đã có thể bắt đầu. Cá nhân tôi thì nghĩ chìa khóa của nghi lễ lau chùi kia là ở chỗ anh đứng dậy và vận động. Vận động giúp kích thích trí não theo những cách mà ta chưa đánh giá đúng mức. Nhưng tôi cũng ít nhiều tin vào mối liên hệ ẩn dụ dễ thương giữa những vết bẩn và cảm giác hoang mang mà anh dẫn ra. Có thể đó chỉ là một thứ tượng thần ngớ ngẩn, nhưng những điều thần bí và các loại tượng thần ngớ ngẩn cũng là một phần quan trọng của nghi lễ. Và nếu nó mang lại hiệu quả, thì sao ta phải mất công nghi ngờ? Tôi quen một doanh nhân. Trước mỗi thương vụ, anh có nghi lễ lấy một tờ đô-la ra và chăm chú nhìn nó trong im lặng một lúc, vì trên tờ tiền, đối diện với Quốc huy Mỹ có hình con đại bàng đầu trọc và dòng chữ E Pluribus Unum5 đã quá quen thuộc, phía trên hình kim tự tháp bị xén cụt một cách khó hiểu với con mắt lơ lửng trên đỉnh là khẩu hiệu Annuit coeptis: “Thượng đế ban phước cho công việc của chúng ta”. Trong mắt một số người, việc làm này có vẻ mê tín, nhưng sự mê tín chẳng qua cũng chỉ là một nghi lễ được lặp đi lặp lại mang màu sắc tôn giáo. Chính thói quen và niềm tin gửi gắm trong đó đã biến nó thành một hoạt động đem lại cảm giác dễ chịu và sức mạnh. Đối với vị doanh nhân này, mọi thương vụ đều là một hoạt động biểu thị lòng can đảm và niềm tin, và câu khẩu hiệu trên tờ tiền là lời chúc phúc cho anh. 5 Tiếng La-tinh, có nghĩa là “nhất thể hợp thành từ đa thể”. 2 Cơ chế giúp chúng ta chuyển hóa những thành tố hóa học của cảm giác bi quan sang lạc quan vẫn chưa được lý giải. Nhưng chúng ta biết rõ cảm xúc tiêu cực có sức phá hoại tới mức nào và, tương tự như vậy, tâm trạng lạc quan có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ đến đâu. Tôi chẳng lạ lẫm gì cảm giác bi quan và sợ hãi. Chúng có thể ập đến giữa đêm khuya, vào khoảng 3 giờ sáng, khiến tôi không tài https://thuviensach.vn nào ngủ được và bị giày vò bởi hàng tá “vấn đề”. Tâm trí tôi nhảy nhót từ những vấn đề lớn lao như làm thế nào để giải quyết tất cả những điều tôi muốn làm đến những tiểu tiết vụn vặt như việc phải đến tiệm làm móng để tỉa lại bộ móng nham nhở. Trong những thời điểm như thế, thứ tự ưu tiên lẫn lộn hết cả; một thứ vặt vãnh, như mấy cái móng tay, có thể nhảy lên hàng đầu trong tập hợp những nỗi sợ của tôi. Càng lúc tôi càng lún sâu vào làn sương mù của cảm giác hoang mang bấn loạn. Nhưng các nghi lễ sẽ giúp tôi xua tan làn sương ấy. Một trở ngại khác đối với công việc, và cũng nguy hại không kém gì nỗi sợ hãi, là các mối phân tâm. Tôi biết có những người có thể dung nạp được rất nhiều dữ liệu đầu vào từ mọi nguồn – từ báo đài đến tạp chí, phim ảnh, ti-vi, âm nhạc, bạn bè, Internet – và biến nó thành thứ gì đó kỳ diệu. Họ thăng hoa nhờ nhiều tác nhân kích thích đa dạng, càng phức tạp càng tốt. Tôi không may mắn có được biệt tài kiểu đó. Khi gắn mình với dự án nào đó, tôi không mở rộng mối liên hệ với thế giới mà cố cắt đứt nó hoàn toàn. Tôi muốn đặt mình vào quả bóng của trạng thái đam mê cuồng tín, ở đó, tôi chỉ toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ đang đặt ra trước mắt mà thôi. Kết quả là, tôi thấy mình thường lược bớt các vấn đề ra khỏi cuộc đời, thay vì thêm thắt vào. Tôi cũng đã biến nó thành một nghi lễ. Tôi liệt kê những mối phân tâm lớn nhất trong đời và lập một hiệp ước sẽ “nhịn” chúng trong suốt một tuần. Dưới đây là một số mối phân tâm có sức hấp dẫn bất diệt mà tôi đã loại bỏ được: Phim ảnh: Phải làm điều này khiến tôi đau khổ vô cùng, vì tôi rất thích phim ảnh và việc phải tạm bỏ nó khiến tôi ít nhiều thấy mất mát. Bố mẹ tôi sở hữu một rạp chiếu phim ngoài trời ở San Bernardino, California. Hồi nhỏ, tôi đã dành rất nhiều thời gian làm việc ở đó, nhân thể xem phim luôn. Nhưng khi đang dồn sức cho một dự án, trừ phi phải xem phim để học tập một chi tiết đặc biệt nào đó, tôi không ra rạp xem phim, cũng không thuê video về nhà. Chỉ cần bập vào phim ảnh để giải trí, tôi sẽ nghiện ngay. Sau đó, tôi sẽ xem phim suốt ngày, và rốt cuộc chẳng làm được gì hết. https://thuviensach.vn Làm nhiều việc cùng lúc: Trong một thế giới phát triển chóng mặt, đòi hỏi thành công vượt bậc, ai trong chúng ta cũng lấy làm tự hào về khả năng làm được hai hay nhiều việc cùng lúc: làm việc trong kỳ nghỉ; nhân một bữa tối sang trọng để chốt một thương vụ; vừa đọc sách vừa tập. Điều trái khoáy là nó tiêu tốn rất nhiều sức lực; khi làm hai hay ba việc cùng lúc, bạn phải dùng nhiều năng lượng hơn tổng số năng lượng cần để làm mỗi việc riêng rẽ. Chưa kể bạn còn đang lừa dối bản thân vì bạn chẳng làm được việc gì nên hồn cả. Bạn đang tự bào mòn kỹ năng của mình. Nói như T. S. Eliot, bạn “đang bị những mối phân tâm làm cho phân tâm khỏi những mối phân tâm”. Chấm dứt tình trạng tham công tiếc việc là một thách thức vì tất cả chúng ta đều được nếm trải cảm giác thỏa mãn đầy kích thích khi đủ sức tung hứng nhiều quả bóng trên không cùng lúc. Nhưng một tuần liền không làm điều đó thực sự rất đáng giá, bạn sẽ tăng cường khả năng tập trung và nâng cao ý thức lên rất nhiều. Các con số: Hơn bất cứ thứ gì trên đời, tôi có thể sống mà không cần tới các con số – số trên đồng hồ, điện thoại, các loại dụng cụ đo, cân sức khỏe trong nhà tắm, hóa đơn, hợp đồng, biểu mẫu thuế, sao kê ngân hàng và báo cáo thu nhập từ bản quyền. Trong vòng một tuần lễ, tôi tự ép bản thân “thôi đếm”. Tôi không nhìn vào bất cứ thứ gì chứa các con số. Việc này cũng chẳng khó khăn lắm. Về cơ bản, nó đồng nghĩa với chuyện tôi không phải đối mặt với những vấn đề tiểu tiết nhàm chán của công việc kinh doanh. Mục tiêu là để cho phần bán cầu não trái – phần đảm nhiệm nhiệm vụ đếm – được nghỉ ngơi và đưa bán cầu não phải – vốn tư duy trực giác giỏi hơn – lên nắm vai trò chính. Nhạc nền: Tôi biết nhiều nghệ sĩ có sở thích bật nhạc khi làm việc: Họ dùng âm nhạc để loại bỏ những yếu tố khác. Họ không nghe nhạc; âm nhạc chỉ ở đó với tư cách là một người đồng hành. Tiếng nhạc réo rắt bên tai sẽ gặm nhấm dần nhận thức của bạn. Ai biết được âm nhạc đang rút kiệt bao nhiêu phần năng lực tư duy và trực giác của bạn? Khi nghe nhạc, tôi không làm một việc gì khác; tôi chỉ nghe thôi. Một phần vì đó là công việc của tôi; tôi nghe nhạc để xem https://thuviensach.vn mình có thể nhảy múa theo nhạc không. Tôi lắng nghe bằng sự chăm chú hệt như người nhạc sĩ khi kết hợp các nốt nhạc với nhau. Tôi cũng kỳ vọng điều tương tự từ các khán giả thưởng thức sản phẩm của mình. Chắc chắn tôi sẽ không bằng lòng nếu ai đó đọc sách trong khi các vũ công của tôi đang biểu diễn. Tôi không khuyến khích bất cứ ai biến việc loại bỏ hoàn toàn mọi mối phân tâm trong đời thành lối sống. Sống thế khác nào đi tu? Nhưng nếu có thể áp dụng cách làm này trong một tuần lễ, phần thưởng thu được sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên. Đó là một phương trình đơn giản: Loại bỏ sự lệ thuộc vào một số thứ bạn vẫn coi là thiết yếu sẽ giúp tăng tính độc lập của bạn. Nó sẽ giải phóng bạn, buộc bạn phải dựa vào khả năng của chính mình, chứ không thể nương tựa vào những “cây nạng” thường ngày nữa. Người Mỹ đã có truyền thống từ bỏ một hay nhiều thứ để tăng cường khả năng tự lực cánh sinh. Ralph Waldo Emerson, con người kiến văn quảng bác, luôn tìm kiếm sự cô độc và đơn giản. Henry David Thoreau quay lưng lại với mọi mối phân tâm từ cuộc sống ngoài xã hội để theo đuổi một cuộc sống xanh và chất lượng hơn, nhờ vậy ông đã tìm thấy nguồn cảm hứng và sáng tạo dồi dào trong những cánh rừng ở Massachusetts. Emily Dickinson sống một cuộc đời thầm lặng và tách biệt, bà đã chuyển thẳng mọi nguồn năng lượng của mình vào thi ca. Cả ba con người nói trên đều tìm kiếm cuộc sống tránh xa bầu không khí ồn ã huyên náo của phố thị – họ không phải chịu đựng tiếng ô tô gầm rú, tiếng đài đóm lao xao, tiếng ti-vi oang oang, hay tình trạng bội thực thông tin trên Internet nữa. Hành động từ bỏ thứ gì đó không chỉ tiết kiệm thời gian và dọn dẹp không gian trí não để giúp bạn tập trung. Đó cũng là một nghi lễ khi bạn hy sinh một phần cuộc sống của mình cho những vị thần ước lệ của sáng tạo. Thay vì hiến tế những con dê hoặc gia súc, chúng ta hy sinh ti-vi, âm nhạc hoặc các con số – và một sự hy sinh còn là gì khác, nếu không phải là một nghi lễ? https://thuviensach.vn Khi bạn đã lựa chọn được môi trường phù hợp với mình, thì việc xây dựng một nghi lễ khởi động sẽ buộc bản thân bạn phải tiến lên mỗi ngày, chế ngự được nỗi sợ hãi và đặt những mối phân tâm vào đúng chỗ. Bạn đã phá bỏ xong rào cản đầu tiên và chuẩn bị để bắt đầu. Bài Tập 1. “Bút” của bạn đâu? Trong bài tiểu luận đáng yêu “Why Write?” (tạm dịch: Tại sao phải viết?), tiểu thuyết gia Paul Auster đã thuật lại một mẩu chuyện. Ông kể, hồi còn là một cậu bé tám tuổi sống ở New York, ông rất hâm mộ môn bóng chày, đặc biệt là đội New York Giants. Chi tiết duy nhất ông còn nhớ được về buổi đi xem trận đấu bóng chày nhà nghề đầu tiên cùng bố mẹ và bạn bè ở sân Polo Grounds là ở đó ông đã gặp thần tượng của mình, Willie Mays, bên ngoài phòng thay đồ sau khi trận đấu kết thúc. Cậu bé Auster thu hết can đảm lại gần cầu thủ trung lộ lừng danh đó. “Chú Mays ơi,” cậu nói, “chú cho cháu xin chữ ký được không ạ?” “Được chứ, cậu bé, được chứ,” anh chàng Mays xởi lởi đáp. “Cháu có bút không?” Auster không mang theo bút, cả bố mẹ cậu và những người khác trong nhóm cũng không. Mays kiên nhẫn chờ đợi, nhưng khi rõ ràng rằng không một ai có mặt ở đó mang theo thứ gì có thể viết được, anh đành nhún vai và nói: “Chú xin lỗi. Không có bút thì chú ký làm sao được?” Kể từ đó, Auster đã tập thói quen không bao giờ rời nhà mà không mang theo một chiếc bút trong túi. “Không phải vì tôi đã định sẵn một kế hoạch đặc biệt nào đó với chiếc bút,” Auster viết, “mà là tôi không muốn rơi vào thế bị động. Tôi đã trắng tay một lần, và tôi sẽ không để điều đó xảy ra thêm lần nào nữa. Chí ít là những năm tháng qua đã dạy tôi một điều: Nếu trong túi bạn có một chiếc bút, thì nhiều khả năng là đến một ngày bạn sẽ cảm thấy muốn dùng nó. https://thuviensach.vn Như tôi vẫn hay nói với con, đấy chính là lý do tại sao bố trở thành nhà văn.” Chiếc bút của bạn là gì? Đâu là dụng cụ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho bạn và có vai trò thiết yếu đến nỗi nếu thiếu nó, bạn có cảm giác trống vắng và bị động? Tôi còn quen một nhà văn ở Manhattan, anh không bao giờ rời khỏi nhà mà không tự nhắc nhở mình “quay về với một gương mặt”. Dù đang đi bộ trên phố hay đang ngồi trên một băng ghế nơi công viên hoặc đi tàu điện ngầm, hay đứng xếp hàng chờ thanh toán, anh đều tìm kiếm một gương mặt cuốn hút và tự vẽ ra trong đầu mình một bản miêu tả với đầy đủ chi tiết. Khi có thời gian, anh viết hết những điều mình nghĩ vào cuốn sổ tay. Bài tập này không chỉ giúp “làm nóng” năng lực miêu tả của anh, mà việc ngắm nhìn những đường nét, hình khối khuôn mặt của một người xa lạ còn thôi thúc anh mường tượng ra cuộc đời người đó. Có lúc, nếu may mắn, nhà văn đó còn gắn được cho một gương mặt một bản lý lịch hoàn chỉnh, tiếp đến là một cái tên và một cốt truyện. Trước khi kịp nhận ra, anh đã có trong tay những nguyên liệu cho một câu chuyện. Tôi biết có những họa sĩ truyện tranh luôn mang sổ và bút để phác họa những gì họ nhìn thấy, những nhiếp ảnh gia luôn thủ sẵn máy ảnh trong túi, những nhà soạn nhạc luôn cầm theo máy ghi âm để bắt lấy một giai điệu bất chợt nảy ra trong đầu. Họ luôn có sự chuẩn bị trước. Hãy cầm “bút” lên và đừng rời nhà khi chưa mang theo nó. 2. Bồi đắp khả năng chịu đựng trạng thái đơn độc Một số người mắc chứng sợ sự cô độc. Họ sợ ở một mình. Ý nghĩ phải bước vào một căn phòng và làm việc một mình khiến họ khổ sở đến độ, ban đầu, họ gần như tê liệt khi phải đứng trong căn phòng đó, và khiến họ chùn chân khi bước vào phòng. Thứ giết chết một con người sáng tạo không phải là trạng thái đơn độc, mà chính là trạng thái đơn độc không mục đích. Bạn chỉ còn lại https://thuviensach.vn một mình, bạn cảm thấy khổ sở và bạn không có một lý do chính đáng để ép mình chịu đựng trạng thái khốn cùng ấy. Để bồi đắp khả năng chịu đựng trạng thái đơn độc, bạn cần một mục tiêu. Hãy ngồi một mình trong một căn phòng và để suy nghĩ của bạn được chu du tùy ý. Hãy làm thế trong 1 phút. Hãy luyện tập suy nghĩ vẩn vơ vô định như thế 10 phút mỗi ngày. Sau đó, dần dần tập trung chú ý vào các suy nghĩ của mình để xem có một từ ngữ, hay một mục tiêu nào đó hình thành được không. Nếu không, hãy nâng thời lượng của bài luyện tập lên 11 phút, rồi 12, 13 phút… cho đến khi bạn tìm ra khoảng thời gian mình cần để đảm bảo thứ gì đó thú vị sẽ nảy ra trong đầu. Trong tiếng Xen-tơ, có một cụm từ mô tả trạng thái này của trí óc là “tĩnh lặng mà không cô đơn”. Cần lưu ý là hoạt động này trái ngược hoàn toàn với thiền định. Không phải bạn đang cố thanh tẩy tâm trí mình, cố ngồi một cách tĩnh tại sao cho không vướng bận chút suy nghĩ nào. Bạn đang tìm kiếm suy nghĩ từ miền vô thức và cố gợi chúng lên cho đến khi nắm bắt được chúng. Một ý tưởng sẽ khẽ khàng lẻn vào đầu bạn. Hãy bám lấy ý tưởng ấy, chơi đùa với nó, nhào nặn nó – bạn đã tìm thấy một mục tiêu làm nền tảng cho hoạt động đơn độc này. Bạn không còn cô độc nữa; những mục tiêu và ý tưởng đã vạch ra sẽ đồng hành bên bạn. Hãy xét đến việc câu cá, đây cũng là một hoạt động đơn độc. Bạn đã có sẵn dụng cụ, thiết bị và mồi trong hộp đồ câu. Bạn đã có thuyền và đã định sẵn hành trình phải vượt qua để đến được vùng nước có cá. Bạn buông cần hết lần này đến lần khác và luôn có một tiếng nói rủ rỉ trong thâm tâm nhắc nhở bạn phải chờ bao lâu mới hòng mong một lần cá đớp mồi. Và bạn làm tất cả những việc này chỉ một mình, suốt hàng giờ! Thứ tạo nên hứng thú cho công việc này, thứ giúp nó không biến thành một cực hình đáng sợ, dĩ nhiên, chính là vì bạn có một mục tiêu. Bạn muốn câu được cá. Mơ mộng một cách sáng tạo cũng vậy – chỉ có điều bạn không có hộp đồ câu, thuyền và cá. Khi trí não đang bận rộn, bạn không bao giờ thấy cô đơn. https://thuviensach.vn Một mình là một thực tế, một trạng thái khi không có ai khác xung quanh. Cô đơn là cảm giác của bạn đối với trạng thái ấy. Hãy nghĩ đến năm việc bạn thích làm một mình. Đó có thể là một buổi tắm nước nóng, một chuyến đi bộ lên ngọn đồi bạn thích, một phút tĩnh lặng được thả mình xuống ghế với cốc cà phê trên tay khi con cái đã đi học. Hãy nhớ lại những khoảnh khắc ấy mỗi khi cảm giác đơn độc của quá trình sáng tạo vượt quá sức chịu đựng của bạn. Những ký ức êm đềm sẽ nhắc bạn nhớ rằngđơn độc và cô đơn không giống nhau. Trạng thái đơn độc là một phần không thể tránh khỏi của sáng tạo. Còn khả năng tự lực cánh sinh là một sản phẩm phụ tuyệt vời của quá trình sáng tạo đó. 3. Đối mặt với nỗi sợ hãi của bạn Nỗi sợ hãi khoảng không trống rỗng tác động lên tất cả chúng ta trong mọi hoàn cảnh sáng tạo. Nơi nào không có gì, nơi đó sẽ có thứ nảy sinh từ chính bạn. Chỉ mặt đặt tên cho những nỗi sợ hãi của mình sẽ giúp bạn giảm bớt chúng đáng kể. Khi ngồi họp ý tưởng ở công ty, tại sao bạn không lên tiếng? Khi ý tưởng cho một câu chuyện lướt qua tâm trí, tại sao bạn không theo đuổi và bắt lấy nó? Đã bắt đầu vẽ vào sổ phác họa, tại sao bạn lại bỏ ngang? Tôi đã kể cho bạn nghe năm nỗi sợ lớn của tôi. Dưới đây là một số nỗi sợ có thể chính bạn cũng từng trải qua. Mình không biết phải làm thế nào. Đây quả là một vấn đề, hiển nhiên rồi, nhưng có phải ta đang nói đến chuyện xây cầu Brooklyn đâu. Nếu đã thử và không thấy hiệu quả, bạn có thể thử cách khác vào lần tới. Hành động vẫn tốt hơn là không hành động và nếu bạn làm thứ gì đó rất dở, bạn sẽ học được cách làm tốt hơn. Mọi người sẽ bớt quan tâm đến mình: Những người quan trọng với bạn sẽ không xử sự thế. Bạn bè sẽ vẫn yêu quý bạn, con cái sẽ vẫn gọi bạn là “mẹ”, chú chó cưng sẽ vẫn đi dạo cùng bạn. https://thuviensach.vn Việc đó có thể ngốn quá nhiều thời gian: Đúng, có thể lắm, nhưng trì hoãn sẽ không làm nó xảy ra nhanh hơn. Tay golf Ben Hogan nói: “Mỗi ngày không tập luyện là một ngày bạn đi xa dần khỏi ngưỡng giỏi.” Nếu đó là việc bạn muốn làm, hãy sắp xếp thời gian cho nó. Việc đó sẽ tiêu tốn nhiều tiền của: Những nỗ lực sáng tạo ấy có đáng để bạn bỏ công bỏ của không? Liệu đó có phải là thứ bạn thực sự muốn làm không? Nếu có, hãy biến nó thành ưu tiên hàng đầu của bạn. Hãy lao động vì nó. Một khi những nhu cầu cơ bản của bạn đã được thỏa mãn, thì tiền bạc cũng chỉ để tiêu xài thôi. Còn món đầu tư nào tốt hơn là đầu tư vào chính bạn? Đó là việc chỉ để thỏa mãn ý thích cá nhân: Thì sao? Liệu bạn nuông chiều bản thân mình được mấy nỗi? Mà tại sao bạn không nên làm thế? Bạn sẽ chẳng có giá trị gì trong mắt người khác nếu không học cách trân trọng chính mình và những nỗ lực của mình. Trên đây là một số nỗi sợ phổ biến và kinh khủng nhất. Nếu mổ xẻ kỹ những âu lo của mình, bạn sẽ có thể nhận diện và chế ngự những nỗi sợ đang kìm hãm bản thân. Đừng trốn chạy hoặc phớt lờ chúng; hãy viết ra và lưu tờ giấy đó lại. Sợ hãi chẳng có gì là sai trái hết; sai lầm duy nhất chính là để nó ngăn bạn tiến lên. 4. Cho tôi kiêng một tuần Mọi người vẫn kiêng đủ thứ trên đời. Nếu không ưa cân nặng của mình, họ sẽ kiêng ăn một số loại thực phẩm nhất định. Nếu chi tiêu vượt kiểm soát, họ sẽ khóa thẻ tín dụng. Nếu cần được yên tĩnh khi ở nhà, họ sẽ dứt giắc điện thoại. Tất cả những hành động nói trên đều là kiêng khem dưới hình thức này hay hình thức khác. Cớ sao bạn không áp dụng cách tương tự với sức sáng tạo của mình? Hãy dành hẳn một tuần tránh xa những ồn ào huyên náo và các mối phân tâm, chẳng hạn như: Gương: Hãy thử trải qua một tuần không soi gương. Xem xem cảm giác về bản ngã trong bạn thay đổi ra sao. Thay vì dựa dẫm vào hình ảnh phản chiếu trên tấm gương mà bạn trông thấy, hãy đi tìm nhân dạng của mình theo những cách khác. Bạn sẽ buộc phải nghĩ https://thuviensach.vn nhiều hơn về những việc phải làm, và nghĩ ít hơn về bề ngoài. Có một sự khác biệt giữa cách bạn nhìn nhận bản thân và cách bạn nghĩ những người khác nhìn nhận mình, có thể bạn sẽ tái khẳng định được những gì mình biết trước đó, hoặc sẽ bị bất ngờ. Dù kết quả thế nào thì đó cũng là một quá trình khám phá và là một mẹo tuyệt vời để kích thích trí tò mò trong bạn. Tôi dám đảm bảo là sau một tuần không soi gương, bạn sẽ khao khát muốn gặp lại chính mình. Đó sẽ là một cuộc làm quen lại thú vị. Có thể bạn sẽ được gặp một con người hoàn toàn mới. Đồng hồ: Hãy tháo chiếc đồng hồ đeo tay ra. Đừng để bạn nhìn thấy bất cứ chiếc đồng hồ nào. Hãy thôi dựa dẫm vào các thiết bị chỉ giờ để đo thời gian trôi. Nếu bạn dồn hết tâm trí vào việc đang làm, thời gian sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Nó sẽ trôi qua rất nhanh mà bạn không hề hay biết. Nếu bạn không tập trung, đồng hồ chỉ càng khiến bạn thêm sốt sắng. Nó cho bạn biết điều bạn đã biết từ trước: Bạn đang rơi vào trạng thái trì trệ và công việc thì không đến đâu. Bạn không cần những thứ tiêu cực như vậy. Báo chí: Hãy ngừng đọc báo và tạp chí trong một tuần. Tôi không khuyến khích áp dụng cách này suốt đời vì nó sẽ sinh ra ngu dốt. Nhưng kiêng một tuần thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Cũng giống như bạn đi nghỉ ở một hòn đảo xa xôi, bị cách ly khỏi mọi nguồn thông tin truyền thông ngày thường. Có thể trong đời mình, bạn từng làm việc đó rồi. Bạn đã mất gì? Và quan trọng hơn, bạn đã được gì? Nói: Tôi biết một giọng nữ cao đã suýt hủy hoại giọng hát đẹp đẽ của mình sau một màn biểu diễn opera khó. Phương pháp trị liệu được đưa ra là ba tuần không nói gì để dây thanh quản của cô có thời gian hồi phục. Cô thích thú với trạng thái im lặng tự cưỡng ép đó đến mức cô đã lập ra nghi lễ không nói trong một tuần mỗi năm. Đó không chỉ là thời gian để cổ họng của cô được nghỉ ngơi, mà còn là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự khác biệt giữa thứ đáng nói ra và thứ không đáng. Đó là biên tập viên hoàn hảo cho tâm hồn sáng tạo. https://thuviensach.vn Một khi đã kiêng được bốn thứ trên, bạn có thể dễ dàng xử lý những mối phân tâm khác đang xâm chiếm cuộc sống sáng tạo của bạn. Điện thoại. Máy vi tính. Quán cà phê. Xe hơi. Ti-vi. Bạn sẽ thu được ý tưởng. Ngoài kia có nhiều thứ gây phân tâm lắm – và bạn có thể sống mà không cần đến chúng. Chí ít là trong một khoảng thời gian ngắn. https://thuviensach.vn Chương 3DNA Sáng tạo Hồi mới tới New York, tôi học cùng biên đạo múa Merce Cunningham. Merce có một studio nằm ở tầng hai, ở góc của một tòa nhà nằm giữa Phố 14 và Đại lộ số 8. Studio có cửa sổ hướng ra cả hai mặt phố. Những lúc nghỉ giữa giờ, tôi thường ngắm dòng xe cộ lướt qua ngoài cửa sổ và quan sát thấy hình thái giao thông dưới lòng đường giống hệt các điệu múa của Merce – cả hai đều có vẻ ngẫu hứng và hỗn độn, nhưng thực ra không phải thế. Tôi chợt nghĩ rằng có lẽ Merce cũng thường nhìn ra cửa sổ. Tôi dám chắc quang cảnh phố xá khiến anh cảm thấy thư thái, bồi đắp thêm thế giới quan đầy đối nghịch của anh. Đó là DNA sáng tạo của anh. Anh cảm thấy rất thoải mái với sự hỗn loạn và đùa giỡn với nó trong mọi tác phẩm của mình. Tôi có linh cảm anh đã phải trải qua trạng thái hỗn loạn trước khi đến studio này, nhưng tôi không thể thôi băn khoăn về việc liệu có phải anh đã chọn nơi này chính vì sự hỗn loạn bên ngoài ô cửa sổ đó không. Dĩ nhiên, khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi không nhận thấy những hình thái theo cách Merce thấy, và chắc chắn tôi không tìm thấy cảm giác thư thái trong sự đối nghịch của chúng, tôi không “giác ngộ” được như anh. Tôi không may mắn có được biệt tài đó. Đó không phải là một phần cấu thành DNA sáng tạo của tôi. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có những dải mã sáng tạo được gắn vào óc tưởng tượng của mình. Những dải mã này cũng được khắc sâu vào mỗi chúng ta hệt như những mã gen quy định chiều cao và màu mắt, chỉ khác là chúng chi phối khuynh hướng sáng tạo của ta mà thôi. Chúng quy định phương thức làm việc, những câu chuyện ta kể và cách ta kể chuyện. Tôi không phải Watson và Crick6; tôi không chứng minh được điều này. Nhưng có lẽ bạn cũng nghi ngờ điều đó khi cố hiểu tại sao mình lại làm nghề nhiếp ảnh chứ không theo nghiệp viết lách, hay tại sao bạn luôn khép lại câu chuyện của mình bằng một cái kết có hậu, hoặc tại sao mọi bức tranh của bạn đều dồn những chi tiết thú vị nhất ở phần rìa, https://thuviensach.vn chứ không phải ở trung tâm. Theo nhiều cách, đó là lý do tại sao các nhà sử học và nhà nghiên cứu văn học, nhà phê bình thuộc đủ mọi lĩnh vực có việc để làm: xác định DNA của một nghệ sĩ và giải thích cho chúng ta biết liệu nghệ sĩ đó có trung thành với nó trong các tác phẩm của mình không. Tôi gọi nó là DNA; còn bạn có thể coi nó là các vi mạch sáng tạo hoặc cá tính sáng tạo đều được. 6 Chỉ James Watson và Francis Crick, hai nhà khoa học đã được trao giải Nobel Y học năm 1962 cho phát hiện của mình về cấu trúc gen người. Khi tôi tự đặt mình vào vị trí của một nhà phê bình để xem mình có trung thành với DNA của bản thân không, tôi thường xem xét dưới góc độ tiêu cự, như tiêu cự của ống kính máy ảnh vậy. Mỗi người trong chúng ta lại cảm thấy thoải mái khi nhìn thế giới từ một vị trí riêng: từ một khoảng cách rất xa, trong tầm với, hay cận cảnh. Chúng ta không đưa ra lựa chọn một cách có ý thức. Chính DNA của chúng ta sẽ làm việc đó và thường thì ta không thể thoát ly khỏi nó. Hiếm có họa sĩ nào vừa giỏi vẽ tiểu họa, vừa tinh thông những kỹ thuật vẽ đại cảnh; hay ta ít gặp văn sĩ nào có thể thoải mái phóng bút viết từ các thiên tiểu thuyết lịch sử đến các mẩu truyện ngắn tinh tế. Hãy cùng xem xét trường hợp nhiếp ảnh gia Ansel Adams. Loạt ảnh đen trắng chụp quang cảnh miền Tây nước Mỹ hoang sơ của ông đã trở thành quan điểm uy tín về cách “nhìn” tự nhiên (và góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy trào lưu vì môi trường ở Mỹ), là một ví dụ về người nghệ sĩ bị thiên hướng nhìn ngắm thế giới từ khoảng cách rộng chi phối. Ông cảm thấy khuây khỏa khi vác chiếc máy ảnh nặng trịch đi qua những quãng đường dài tít tắp tới nơi hoang vu hoặc lên một đỉnh núi để có được tầm nhìn rộng nhất của bầu trời và mặt đất. Đất và trời trong hình thái mênh mang nhất của nó là cách Adam nhìn thế giới. Đó là dấu hiệu nhận diện của ông, là biểu hiện của nhiệt độ sáng tạo của ông, là DNA của ông. Tiêu cự không chỉ đúng với các nhiếp ảnh gia mà còn đúng với bất cứ nghệ sĩ nào. https://thuviensach.vn Biên đạo múa Jerome Robbins, người tôi đã có dịp làm việc cùng và rất ngưỡng mộ, lại có xu hướng nhìn thế giới từ khoảng cách trung bình. Tầm nhìn bao quát không hợp với ông. Điểm nhìn của Robbins nằm ngay trên sân khấu. Không chỉ có tôi, mà nhiều người khác đều nhận thấy Robbins rất thường xuyên để các vũ công của mình ngắm một người khác múa. Hãy thử xem Fancy Free (tạm dịch: Chưa từng hẹn ước), vở ba lê đầu tiên của ông. Nhóm nam ngắm nhóm nữ. Sau đó nhóm nữ lại ngắm nhóm nam. Và ở mé trên sân khấu, anh chàng nhân viên pha chế quan sát toàn cục như thể anh ta là hiện thân của Robbins. Điểm nhìn của ông chính là điểm nhìn mà từ đó, câu chuyện của vở ba lê được diễn giải. Robbins vừa là người quan sát, vừa là người bị quan sát, một cách an toàn, ở một khoảng cách trung bình. Chi tiết đó giúp chúng ta biết được rằng từ nhỏ tới lớn, Robbins đã luôn muốn trở thành một nghệ sĩ múa rối. Và tôi nghĩ cách nhìn nhận thế giới – kiểm soát tình hình từ hậu trường hoặc từ trên cao, nhưng ở một khoảng cách không quá xa để có thể duy trì mối liên hệ với các hoạt động trên sân khấu – đã chi phối hầu như mọi tác phẩm sáng tạo của ông. Tôi ngờ rằng đó không phải là thứ ông lựa chọn có chủ đích, mà xét trên phương diện DNA sáng tạo, đó là thành phần chủ đạo trong tác phẩm của ông. Thử xem bộ phim West Side Story (tạm dịch: Câu chuyện miền Viễn Tây) do chính Robbins biên đạo và đạo diễn chẳng hạn. Ai cũng biết, cốt truyện được chuyển thể từ vở kịchRomeo and Juliet của Shakespeare – nói cách khác, đó không phải là tác phẩm do Robbins sáng tạo. Vậy mà với một kịch bản vay mượn như thế, bạn vẫn có thể thấy thiên hướng của Robbins nổi lên rõ rệt, in đậm trong các tình tiết và vũ đạo. Gần như trong trường đoạn nhóm nào, các diễn viên cũng ở vị trí bị quan sát. Nhà Jet nhìn nhà Shark, nhà Shark nhìn lại nhà Jet, nhóm nữ nhìn nhóm nam, nhóm nam nhìn lại nhóm nữ. Đó không phải là cách Shakespeare xây dựng vở kịch. Mà đó là cách Robbins nhìn thế giới. Một số nghệ sĩ khác nhìn thế giới như thể nó chỉ cách mũi mình một phân. Tiểu thuyết gia Raymond Chandler, tác giả của loạt sách xoay quanh nhân vật Philip Marlowe như Farewell, My Lovely (tạm dịch: https://thuviensach.vn Tạm biệt, người yêu dấu) và The Long Goodbye (tạm dịch: Lời từ biệt kéo dài) – những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của thể loại trinh thám hình sự Mỹ, là người bị ám ảnh bởi chi tiết. Ông nhìn sự vật ở khoảng cách cực gần và vẽ ra một loạt những khung hình cận liên tiếp, khiến ta tưởng như chính mình bị đặt vào bên trong đầu nhân vật. Cốt truyện của ông thường vô cùng rối rắm – ông tin rằng cách tốt nhất để người đọc không tài nào đoán được ai làm gì là để chính bản thân người viết cũng không biết câu trả lời – nhưng con mắt quan sát chi tiết của ông thì sắc lẹm như dao. Đây là đoạn mở đầu trong cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên của ông, The Big Sleep (tạm dịch: Giấc ngủ dài): Lúc đó chừng 11 giờ sáng, trung tuần tháng Mười một, mặt trời không ló rạng, xa xa, một cơn mưa nặng hạt in trên nền những chân đồi trong vắt. Tôi vận bộ âu phục màu xanh lơ, đi kèm áo sơ mi xanh nước biển, cùng chiếc cà vạt và khăn mùi soa gài túi, giày vò đen, tất len đen viền xanh tím than. Tôi đã sạch sẽ, gọn gàng, mày râu nhẵn nhụi, đầu óc tỉnh táo, tôi cóc cần quan tâm có ai biết không. Một thám tử tư ăn vận bảnh bao phải như thế. Tôi sắp chơi một phi vụ 4 triệu đô-la. Chandler thường lập danh sách những chi tiết ông quan sát được trong cuộc sống hằng ngày và từ những người ông quen biết: hồ sơ cà vạt, hồ sơ áo sơ mi, danh sách các cụm từ lóng nghe lỏm được, cũng như tên nhân vật, tựa truyện và những truyện cười một dòng ông dự định sẽ dùng trong tương lai. Ông thường viết vào nửa trang giấy, mỗi trang chỉ 12 đến 15 dòng, đi kèm một định mức tự áp đặt là mỗi trang phải chứa cái mà ông gọi là “một chút ma thuật”. “Cuộc sống” trong những câu chuyện của ông được mô tả tỉ mỉ đến từng chi tiết, dù tại thời điểm đó, người hùng Marlowe của ông đang ngồi lười biếng trong văn phòng hay đang tham gia vào một cuộc đối đầu khốc liệt. Không hề có những khoảnh khắc mơ màng ngẫm ngợi về hiện trạng thế giới từ khoảng cách xa. Cũng không có những khung hình nhóm nhân vật ở khoảng cách trung bình. Chỉ là một dòng chảy đều đặn của chi tiết, cho đến khi một nhân vật hoặc một khung cảnh thành hình và một bức tranh sinh động dần hiện lên. Cận cảnh là tiêu cự của Chandler. Nếu như một số người thích lang thang https://thuviensach.vn trong một khu bảo tàng, đứng cách các bức tranh một quãng xa, ngắm nghía hiệu ứng mà người nghệ sĩ cố đạt tới, thì một số khác lại thích nhìn thật gần, vì họ đam mê chi tiết và Chandler chính là kiểu người sẽ dí sát mũi vào bức tranh để xem tác giả phết những nét cọ như thế nào. Rõ ràng, chúng ta đều ngắm tranh từ tất cả các vị trí nói trên, nhưng mỗi người lại tập trung chủ yếu vào một vị trí nhất định. Tôi không có ý định sa đà vào tiêu cự quan sát. Đó chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh làm nên cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, một khi nhìn ra, bạn sẽ dần nhận thấy nó có tác động chi phối đối với tất cả những nghệ sĩ mình ngưỡng mộ như thế nào. Âm hưởng hùng tráng của các bản nhạc do Mahler chấp bút là sản phẩm của một nhà soạn nhạc có tầm nhìn rộng. Ngược lại với ông là một người theo chủ nghĩa tiểu tiết như Satie, các tác phẩm tinh tế của Satie lại hé lộ hình ảnh một người đam mê chi tiết. (Chỉ những “người khổng lồ” như Bach, Cézanne và Shakespeare mới đủ tài sáng tác ở nhiều tiêu cự khác nhau.) Nhưng đó chính là điểm tôi muốn nói. Mỗi người trong chúng ta đều được cài đặt sẵn theo một cách nào đó. Và sự cài đặt sẵn đó tự “thẩm thấu” vào sản phẩm của chúng ta. Đó không phải là một điều xấu. Thực ra, đó chính là những gì thế giới kỳ vọng từ bạn. Chúng ta muốn các nghệ sĩ nhặt nhạnh những chất liệu vụn vặt, tầm thường từ cuộc sống, đưa chúng qua bộ lọc trí tưởng tượng của họ và khiến ta sửng sốt. Nếu về bản chất bạn là một kẻ cô độc, một người xông xáo, một kẻ ngoài cuộc, một người hài hước, một người lãng mạn, một kẻ sầu bi, hoặc bất cứ ai trong hàng chục loại cá tính, thì nét tính cách đó sẽ hiển lộ xuyên suốt sản phẩm của bạn. Robert Benchley từng viết, trên đời này có hai loại người: những kẻ chia thế giới thành hai loại người, và những kẻ không làm thế. Tôi nghĩ mình thuộc loại thứ nhất. Tôi vốn dị ứng với những gì mơ hồ và luôn muốn tách bạch đen trắng rõ ràng. Tôi không thích những khoảng xám, nhưng dĩ nhiên, tôi cũng nhận ra rằng có một số người rất thích những khoảng xám. Do đó, tôi luôn phân chia rõ ràng dù là công việc, sinh hoạt thường https://thuviensach.vn ngày, đồng nghiệp hay mục tiêu. Vũ công hoặc chấp nhận được (xuất sắc) hoặc không (dưới mức xuất sắc). Nhà sản xuất hoặc tốt hoặc xấu. Đồng nghiệp hoặc tận tâm hoặc xao nhãng công việc. Nhà phê bình hoặc là bạn, hoặc là thù. Những kiểu phân biệt cực đoan đó có thể tiếp diễn mãi mãi. Nếu có nhóm phân cực nào định nghĩa DNA sáng tạo của tôi, thì đó chính là việc tôi cảm thấy mình bị giằng co giữa sự nhập cuộc và tách biệt. Tôi nhảy qua nhảy lại giữa hai thái cực, không bao giờ rơi vào trạng thái nửa chừng. Tôi áp dụng nó với tất cả mọi thứ. Chẳng hạn, với các vũ công của mình, tôi thường hay đưa ra yêu cầu khá khó chịu, là không ngừng đòi hỏi bằng chứng về lòng trung thành của họ đối với tôi và dự án của tôi. Vì vậy, tôi luôn rà soát một danh sách kiểm tra trong đầu để xem thói quen làm việc của họ có giống tôi không. Tôi tìm kiếm chứng cứ cho thấy sự gắn bó của họ bằng một thái độ nghiêm túc không khác gì những người làm trong ngành tòa án. Họ có đến tập đúng giờ không? Họ có khởi động không? Họ có nản chí khi quá trình luyện tập bị gián đoạn không, hay họ vẫn kiên cường tiến tới? Họ có đóng góp ý tưởng cho nhóm không, hay chỉ trông chờ tôi cung cấp mọi thứ? Đó là những bài kiểm tra nhanh của riêng tôi để đánh giá mức độ tận tâm của những người khác. Tôi không muốn họ chỉ đơn thuần góp mặt. Tôi luôn tìm kiếm sự cam kết tuyệt đối. Đối với bản thân, tôi cũng nghiêm khắc không kém. Tôi liên tục đo lường mức độ cam kết của mình đối với một dự án và cố thúc ép bản thân dồn nhiều tâm sức hơn bất cứ ai. Ở trạng thái cực đoan nhất, tôi còn đặt mình vào trung tâm của một vở diễn, thậm chí là diễn thử các vai với tư cách một vũ công. Khi đã dùng hết sức có thể để thẩm thấu tất cả tinh túy của vở diễn, tôi tách mình ra và trở thành Nữ hoàng Tách biệt. Tôi lùi lại thật xa và trở thành hiện thân của khán giả. Tôi nhìn nhận tác phẩm theo cách của khán giả. Mới mẻ, xa lạ, khách quan. Khi đến rạp, tôi thường vào trong cánh gà và ngắm các vũ công tập dượt. Nếu tôi https://thuviensach.vn có thể đứng xa hơn mà vẫn nhìn thấy, trên con phố bên ngoài rạp chẳng hạn, tôi sẽ đứng. Đó là mức độ xa cách tôi cần đặt ra giữa mình và tác phẩm của mình để có thể thấu hiểu nó. Thiên hướng này được hình thành một cách tự nhiên. Tôi lớn lên ở vùng chân đồi San Bernardino. Ở đó chẳng có cộng đồng nào để trao đổi, cũng chẳng có hàng xóm láng giềng lẫn bạn bè để chơi cùng. Tôi xem phim ở một rạp chiếu phim ngoài trời, từ khoảng cách khá xa. Tôi thậm chí còn khá xa cách với hai đứa em trai sinh đôi và cô em gái. Chúng sống ở một đầu nhà, còn tôi sống ở đầu bên kia, nhờ thế tôi có thể thoải mái duy trì lịch tập luyện khắc nghiệt một mình. Thậm chí, bạn có thể nói tôi bị tách biệt khỏi thế giới bởi chính lịch làm việc của mình. Đó là lý do tại sao tách biệt lại là một phần DNA của tôi. Nó đã gắn bó với tôi ngay từ khi sinh ra và đến sau này vẫn vậy. Phải chăng nó đã có sẵn trong tôi từ khi lọt lòng? Chẳng ai nói chắc được, nhưng mẹ tôi kể rằng hồi mới sinh trong bệnh viện, tôi là một đứa bé ầm ĩ, cáu bẳn. Các y tá chỉ có một cách duy nhất để bịt miệng tôi là đặt tôi ngoài hành lang một mình để tôi có thể nhìn ngắm mọi thứ diễn ra xung quanh. Tôi sẽ im bặt ngay tức khắc. Hóa ra ngay từ khi còn bé, tôi đã không muốn ở “bên trong” với những người khác. Tôi muốn đứng ngoài nhìn vào. Tự khi nào tôi đã nghĩ sự phân chia rạch ròi giữa nhập cuộc và tách biệt đơn thuần là một biểu mẫu cho thói quen làm việc của tôi. Đắm mình vào từng tiểu tiết của công việc. Dồn hết tâm sức để đạt đến sự hoàn hảo trong mọi khía cạnh. Cùng lúc đó, tôi cũng lùi lại để xem liệu tác phẩm có mượt mà và hoàn chỉnh không, liệu nó có dễ hiểu đối với cả những khán giả bình thường không. Đừng quá đắm đuối vào công việc đến nỗi quên mất mình muốn truyền tải cái gì. Đó là hai cực âm và dương trong công việc của tôi: Đắm mình. Lùi lại. Đắm mình. Lùi lại. Đó là cách tôi nhìn nhận thế giới: Tôi thà bị cận thị còn hơn là có thị lực 20/20. Tôi rất cứng nhắc với điều này. https://thuviensach.vn Và rồi một ngày kia, khi đọc được tác phẩm Dionysos (tạm dịch: Thần Dionysos) của Carl Kerényi, tôi đã khám phá ra bối cảnh rộng hơn cho cách phân chia nói trên. Sự nhập cuộc và tách biệt giúp giải thích cách tôi làm việc, nhưng nó không giúp giải thích lý do tôi tạo ra các tác phẩm của mình. Tôi luôn có một cảm giác bứt rứt, khó chịu, rằng các điệu múa của mình thường không có cốt truyện, và khi tôi cố nhào nặn ra một điệu múa có tính “kể chuyện”, thì kết quả thường kém thuyết phục hoặc tản mát. Tại sao lại thế? Tại sao tôi lại giỏi phong cách này hơn phong cách khác? Câu trả lời đến từ những người Hy Lạp cổ đại, những người đã sáng tạo ra hai từ, zoe và bios, để phân biệt hai bản tính tương khắc mà tôi cảm nhận được trong sâu thẳm bản thân mình. Trong tiếng Hy Lạp, zoe và bios đều có nghĩa là “cuộc sống”, nhưng chúng không phải là từ đồng nghĩa. Kerenyi viết, zoe chỉ “cuộc sống nói chung, không biểu thị rõ đặc điểm”. Bios lại mô tả một cuộc sống cụ thể, phác họa những đặc điểm chính giúp phân biệt một vật thể sống này với một vật thể sống khác. Bios chính là từ gốc Hy Lạp của từ “biography” (tiểu sử), còn từ zoe là từ gốc của “zoology” (động vật học). Tôi không thể diễn tả nổi cách phân biệt này có ý nghĩa lớn lao tới mức nào. Đột nhiên, hai trạng thái trải nghiệm này bỗng trở nên dễ hiểu với tôi. Zoe cũng giống như nhìn Trái đất từ ngoài vũ trụ vậy. Bạn cảm nhận được cuộc sống tồn tại trên một quả cầu đang quay tròn, nhưng không cảm nhận được từng cuộc sống đơn lẻ đang diễn ra trên hành tinh ấy. Trong khi đó, bios đòi hỏi bạn phải hạ cánh, phải rời khỏi vệ tinh do thám siêu mạnh kia, xuống tận thực địa và quan sát kỹ lưỡng từng chi tiết. Bios phân biệt cuộc sống này với cuộc sống khác. Còn zoe chỉ cuộc sống nói chung. Bios bao hàm khái niệm chết, cho rằng mỗi cuộc sống đều có giai đoạn khởi đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn kết thúc, rằng mỗi cuộc sống đều bao hàm một câu chuyện. Còn zoe, như Kerenyi viết: “Không thừa nhận trải nghiệm về sự diệt vong của chính nó: nó là https://thuviensach.vn trải nghiệm không có hồi kết, mang dáng dấp của một cuộc sống vĩnh hằng.” Khác biệt giữa zoe và bios cũng giống như khác biệt giữa thánh thần và trần tục. Nghệ thuật thần thánh được dẫn dắt bởi zoe; còn nghệ thuật trần tục đơm hoa kết trái từ bios. Tôi nhận ra rằng tuy chỉ là từ ngữ, nhưng chúng đã làm sáng tỏ sự khác biệt, giúp làm rõ thêm toàn bộ các tác phẩm sáng tạo của tôi. Khi áp dụng nó với hai biên đạo múa tài năng, Robbins và George Balanchine, tôi có thể trân trọng sự khác biệt giữa hai người họ theo một cách mới. Balanchine là tinh túy của zoe. Đa phần các vở ba-lê của ông là những cấu trúc không cốt truyện tuyệt đẹp phản ánh âm nhạc thay vì biện giải nó. Chúng không cần ngôn ngữ để tự giải thích cho chính mình, chúng cũng không cố kể một câu chuyện. Nội dung của chúng là hồn cốt của cuộc sống, chứ không phải những tiểu tiết. Các bước nhảy và động tác của Balanchine không cụ thể – chẳng hạn như một người đàn ông vờ làm động tác kéo một chiếc ghế tưởng tượng cho một phụ nữ, hoặc sáo mòn hơn, là đặt tay lên trái tim để biểu lộ tình yêu. Ban đầu, mọi người cảm thấy các điệu nhảy của ông trừu tượng quá – câu chuyện đâu? Cốt truyện là gì? Nhưng những phẩm chất zoecủa chúng đã tự hé lộ qua những kết quả ấn tượng. Các bước nhảy và động tác của Balanchine đã chạm đến phần sâu thẳm bên trong mà chúng ta không dễ gì gọi tên. Và chúng đã có những tác động nhất định. Ở chúng có gì đó thân thương vô cùng. Đó chính là cái tài của Balanchine. Trong chuyển động của mình, ông tạo ra một thứ ngữ pháp thể hiện sự tương hợp giữa thế giới tự nhiên và thế giới cảm xúc của con người. Ở cuối vở Serenade (tạm dịch: Khúc nhạc chiều), khi ba người phụ nữ xổ tung mái tóc dài tha thướt, ta bỗng thấy có điều gì đó không thể miêu tả thành lời, vì có một cấu trúc chung trong những động tác của các vũ công và động tác nào đó mà ta còn nhớ khiến ta xúc động. Trái lại, Robbins lại mang phong cách bios thuần túy và phản ánh nó rất tài tình. Khi sáng tạo ra một điệu nhảy, ông luôn tích lũy các chi tiết – từ chuyện nhân vật sẽ mặc gì cho tới họ ngủ với ai – và từ https://thuviensach.vn những tiểu tiết đời thường này, ông sẽ xây dựng một bài tường thuật cuốn hút. Đó là lý do tại sao ông lại có một sự nghiệp thành công và được khán giả yêu mến đến thế. (Tài năng của ông thực sự đáng nể. Mike Nichols từng kể một câu chuyện nhỏ về khâu chuẩn bị cho vở nhạc kịch Annietrên sân khấu Broadway. Có một phân cảnh hài không tài nào khiến khán giả cười nổi, dù Nichols có làm gì đi nữa. Ông bèn nhờ Robbins xem lại cảnh này bằng con mắt của một chuyên gia. Sau đó, Nichols hỏi ông phải sửa cảnh này ra sao. Robbins xem xét sân khấu và chỉ vào chiếc khăn bông trắng treo ở cảnh nền. “Cái khăn đấy nên là màu vàng,” ông nói. Nichols nghĩ bụng: “Thế thôi mà cũng chữa được cảnh này ư?” Nhưng ông vẫn làm theo và kể từ hôm đói, tối nào cảnh này cũng gây cười.) Là một con người của bios, bậc thầy của chi tiết, ông có thể kể một câu chuyện hàm chứa bên trong nó cái mà Balanchine phản ánh – ấy là cuộc sống. Chẳng có cách tiếp cận nào là hợp lý hơn cách nào. Hai người chỉ bước vào tác phẩm của mình qua những cánh cửa khác nhau mà thôi. Nhưng tôi có thể thấy rằng tất cả những gì tôi làm là một cuộc song đấu giữa hai khuynh hướng đối lập bios và zoe trong thâm tâm. Một mặt, tôi có khả năng tạo ra những điệu nhảy về nguồn lực cuộc sống. Mặt khác, đôi lúc tôi lại cảm thấy có một sự thôi thúc, ép tôi thoát khỏi nó và kể một câu chuyện cụ thể. Loại thứ nhất khởi phát trong tôi một cách tự nhiên, loại thứ hai đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Trong thâm tâm, tôi là người có thiên hướng zoe hơn là bios. Tôi ngờ rằng rất nhiều người không bao giờ cố nắm bắt cá tính sáng tạo của mình theo cách này. Họ mặc nhiên thừa nhận động lực, thiên hướng và thói quen làm việc của mình. Nhưng một chút hiểu biết về bản thân sẽ rất hữu ích. Nếu hiểu rõ các yếu tố trong DNA sáng tạo của mình, bạn sẽ bắt đầu nhìn ra cách thức chúng biến đổi thành những hình mẫu trong sản phẩm của mình. Bạn bắt đầu nhìn ra “câu chuyện” mà bạn cố kể; nhìn ra lý do bạn làm những việc đã làm (cả tích cực và tiêu cực); nhìn ra điểm mạnh và điểm yếu của mình (điều này giúp ngăn ngừa rất nhiều xuất phát https://thuviensach.vn điểm sai lầm), và nhìn ra cách bạn nhìn nhận thế giới và sống trong nó. Hãy trả lời bảng câu hỏi dưới đây. Thậm chí nếu chỉ có một câu trả lời cho bạn biết điều gì đó mới mẻ về bản thân, thì điều đó có nghĩa là bạn đã bước thêm được một bước trên con đường thấu hiểu DNA sáng tạo của mình. Ở đây không có câu trả lời nào là sai hay đúng. Bài tập này chỉ dành riêng cho bạn mà thôi, đồng nghĩa với việc bạn không được gian lận, không cần vắt óc nghĩ ra những câu trả lời để gây ấn tượng với người khác. Đó phải là một bản tự đánh giá chân thực về những gì có ý nghĩa đối với bạn. Tất cả mọi thứ dưới mức đó đều là một sự bóp méo. Tôi đã liệt kê ra đây, bạn hãy trả lời thật nhanh chóng và theo cách bản năng nhất. Đừng nâng lên đặt xuống. (Để giúp các bạn, tôi cũng đưa ra câu trả lời ngay sau đó.) TIỂU SỬ SÁNG TẠO CỦA BẠN 1. Khoảnh khắc sáng tạo đầu tiên mà bạn còn nhớ là gì? 2. Khi đó có ai ở đó để chứng kiến hoặc tán thưởng nó không? 3. Ý tưởng tuyệt vời nhất bạn từng có là gì? 4. Trong suy nghĩ của bạn, ý tưởng đó tuyệt vời ở điểm nào? 5. Ý tưởng ngớ ngẩn nhất bạn từng có là gì? 6. Vì sao bạn lại cho là nó ngớ ngẩn? 7. Bạn có thể truy nguyên lại vì đâu bạn có ý tưởng đó không? 8. Tham vọng sáng tạo của bạn là gì? 9. Đâu là trở ngại đối với tham vọng đó? 10. Những bước quan trọng để đạt được tham vọng đó là gì? 11. Bạn bắt đầu một ngày của mình theo cách nào? 12. Bạn có những thói quen gì? Bạn lặp đi lặp lại những khuôn mẫu nào? 13. Hãy mô tả hành động sáng tạo thành công đầu tiên của bạn. 14. Hãy mô tả hành động sáng tạo thành công thứ hai của bạn. 15. Hãy so sánh chúng. 16. Quan điểm của bạn về tiền bạc, quyền lực, lời khen ngợi, đối thủ, công việc, vui chơi là gì? https://thuviensach.vn 17. Bạn ngưỡng mộ những nghệ sĩ nào nhất? 18. Tại sao họ lại là thần tượng của bạn? 19. Bạn và thần tượng của bạn có điểm gì chung? 20. Có ai trong cuộc đời bạn thường xuyên khơi gợi cảm hứng trong bạn không? 21. Nàng thơ của bạn là ai? 22. Hãy định nghĩa “nàng thơ”. 23. Khi đối mặt với những trí thông minh và tài năng siêu việt, bạn phản ứng ra sao? 24. Khi gặp phải sự ngu dốt, thù địch, không khoan nhượng, lười biếng, hoặc bàng quan ở những người khác, bạn phản ứng thế nào? 25. Khi đối mặt với thành công gần kề hoặc hiểm họa thất bại, bạn phản ứng như thế nào? 26. Khi làm việc, bạn yêu quá trình hay kết quả? 27. Ở những khoảnh khắc nào bạn có cảm giác mình đang làm một việc vượt quá tầm? 28. Hoạt động sáng tạo lý tưởng của bạn là gì? 29. Nỗi lo sợ lớn nhất của bạn là gì? 30. Câu trả lời cho hai câu hỏi 28 và 29 có khả năng xảy ra cao đến mức nào? 31. Bạn muốn thay đổi câu trả lời nào nhất? 32. Theo bạn, thế nào là tinh thông một công việc nào đó? 33. Mơ ước lớn nhất của bạn là gì? Tôi đặt ra bảng câu hỏi này vì nó buộc chúng ta quay về với xuất phát điểm, với những ký ức sơ khai nhất, với những động cơ ban đầu của chúng ta. Chúng ta đổi thay dần trên đường đời, nhưng ta không thể chối bỏ nguồn cội của mình và bài kiểm tra này là một cách để khơi gợi lại những gốc rễ đó. Càng hiểu bản thân, bạn càng biết rõ khi nào bạn đang tận dụng những lợi thế và nguồn lực sẵn có và khi nào bạn đang liều lĩnh. Liều mình bước ra khỏi vùng an toàn có lẽ rất nguy hiểm, nhưng bạn vẫn tiếp tục làm bởi khả năng phát triển tỷ lệ thuận với khả năng chấp nhận rủi ro. https://thuviensach.vn Tôi luôn ngưỡng mộ nhà biên kịch Neil Simon. Xét về mặt kinh tế cũng như mức độ được công chúng công nhận, ông có lẽ là nhà biên kịch thành công nhất của thế kỷ XX. Ông viết những vở hài kịch trong phòng khách được dàn dựng khéo đến độ cứ 20 giây một lần khán giả lại phá lên cười. Đó là thiên khiếu của ông và là một tài năng rất hiếm gặp. Tôi dám chắc có những kẻ hợm hĩnh chỉ coi Neil Simon là một tay thợ đẽo gọt các loại hài kịch, sòn sòn đẻ ra mỗi năm một vở kịch ăn khách. Nhưng tôi không thấy thế. Tôi nhìn vào kho thành quả khổng lồ của ông – hơn 30 vở kịch, cả chục kịch bản phim gốc – và một hình tượng mẫu mực về sáng tạo theo thói quen. Không chỉ có vậy, tôi còn thấy một nghệ sĩ liên tục phấn đấu. Ông tự thúc ép tài năng của mình nhiều hơn mức mọi người hiểu được. Ông không đi ngược lại bản chất của mình và cố viết những vở kịch kiểu Eugene O’Neill – ông đủ thông minh để không làm điều đó – nhưng ông luôn cài cắm vào các vở kịch của mình những chi tiết đen tối và đề tài nghiêm túc hòng thử thách năng lực của bản thân đồng thời khiến khán giả phải dụng công suy nghĩ hơn nữa. Nơi nào mà thế mạnh hài kịch có thể đáp ứng được những thí nghiệm và thử thách của ông, nơi đó ông biết mình có thể tiến tới. Có một khoảng cách lớn về thời gian và tham vọng giữa vở Barefoot in the Park (tạm dịch: Chân trần trong công viên) viết năm 1961 với vở kịch đoạt giải Pulitzer Lost in Yonkers (tạm dịch: Bị lạc ở Yonkers) viết năm 1990. Nhưng cả hai vở kịch đều mang phong cách Neil Simon rõ nét. Ông có ý thức rõ ràng về việc mình là ai và mình có thể liều lĩnh bước ra khỏi vùng an toàn bao xa. Một khía cạnh khác của việc biết rõ bản thân là bạn biết những gì không nên làm, nhờ thế, bạn sẽ tránh được vô khối đau đớn cũng như những khởi đầu sai lầm nếu phát hiện ra điều đó từ sớm. Cách đây ít lâu, tôi có một buổi diễn thuyết cho các sinh viên ở Vassar. Khi bàn đến phần tiểu sử của sinh viên, tôi mời lên sân khấu một sinh viên múa, một sinh viên thanh nhạc có mang theo cây kèn saxophone và một sinh viên nghệ thuật. Tôi bảo sinh viên múa nghĩ ra vài động tác từ tư thế bó gối trên sàn nhà. Tôi yêu cầu cậu sinh viên nhạc chơi saxophone họa theo sinh viên múa kia bằng một đoạn nhạc ứng tấu. Và tôi đề nghị cậu sinh viên nghệ thuật mô tả https://thuviensach.vn việc hai người kia đang làm bằng màu sắc. Vâng, quả là tôi có đang dựng lên một gánh xiếc ba người giữa giảng đường thật. Nhưng mục tiêu của tôi là kết nối ba sinh viên nói trên bằng cách buộc họ phải làm việc theo cung cách giống nhau, và cũng để họ tự do khám phá xem mình có thể sáng tạo đến mức nào từ bài tập đơn giản này. Khi tôi bảo sinh viên nghệ thuật đọc to những ấn tượng màu sắc của mình lên, tất cả mọi người trong giảng đường đều sững sờ. Cậu ta kể tràng giang đại hải về bản thân, về những cảm xúc mình đã có, những câu chuyện về bạn bè mình. Không có lấy một từ liên quan đến màu sắc. Mãi rồi tôi mới nghe thấy từ “xanh trong” bật khỏi miệng cậu ta. Tôi vẫy tay, ra hiệu cho cậu ta ngừng đọc. “Em có nhận ra,” tôi nói, “em vừa kể ra khoảng 500 chữ trong một bài tập về màu sắc. Em đã nhắc đến đủ thứ trên đời này, và ‘xanh trong’ là từ đầu tiên em nhắc đến có liên quan tới màu sắc không? Tôi không nghĩ em muốn trở thành họa sĩ.” Theo thiển ý của tôi, chàng trai này đang rơi vào tình cảnh “chối bỏ DNA”. Tôi cho cậu ta một bài tập dành cho họa sĩ, và đổi lại, cậu ta trả lại cho tôi một câu trả lời đầy chữ nghĩa dài dòng. Một người nếu đã có sẵn gen hội họa sẽ lập tức nghĩ ra các màu sắc. Thay vào đó, năng lực vận dụng ngôn ngữ sống động của cậu ta – trong bảng màu của họa sĩ làm gì có màu nào là màu xanh trong – cho thấy cậu ta nên trở thành nhà văn. Sẽ là quá tự phụ nếu tôi nghĩ mình có thể khiến cậu ta bỏ nghề vẽ để theo nghiệp viết văn chỉ sau một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Nhưng nếu tôi có thể khiến cậu ta xem xét lại thiên tư của mình, thì tức là cậu ta đã đi trước hầu hết nhiều người khác một, hai bước rồi. Tôi cũng đã gặp tình huống tương tự trong những năm đầu làm biên đạo. Lúc ấy, tôi đang ngồi ở bàn làm việc, phác thảo hình các vũ công và phục trang của họ. Khi hơi ngả người ra phía sau để ngắm nghía các bản phác thảo, chợt trong một giây phút thoáng qua, tôi bỗng tự nhủ: “Mình có thể trở thành họa sĩ lắm chứ.” https://thuviensach.vn Tôi tự hỏi có bao nhiêu người đã chệch khỏi thiên hướng đích thực của mình chỉ vì thực tế họ có tài ở nhiều hơn một bộ môn nghệ thuật. Đây quả là một lời nguyền hơn là một phúc lành. Nếu chỉ có một lựa chọn, bạn không thể ra quyết định sai được. Nhưng nếu có hai lựa chọn, xác suất bạn lựa chọn sai sẽ là 50%. Nó cũng hệt như một vận động viên trung học xuất sắc có khả năng chơi bóng bầu dục, bóng rổ và bóng chày tốt như nhau vậy. Nếu vận động viên này muốn tiếp tục chơi thể thao chuyên nghiệp ở bậc cao nhất trên đại học, đến một thời điểm nào đó, cậu sẽ phải chọn ra một môn duy nhất. Cậu sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố: cậu có năng khiếu thiên bẩm ở môn nào, cậu thích môn nào nhất, ở bộ môn nào cậu có lợi thế cạnh tranh tự nhiên xét về tầm vóc, tốc độ, sức bền và những thước đo quan trọng khác? Nhưng nói cho cùng, lựa chọn phải dựa trên bản năng thuần túy và sự thấu hiểu bản thân. Cậu cảm nhận rõ từ trong xương tủy mình hợp với môn thể thao nào? Cậu sinh ra là để chơi môn thể thao nào? Trong trường hợp của tôi, rất may là tôi đã kịp dập tắt suy nghĩ “Mình có thể trở thành một họa sĩ” ngay từ giây phút nó manh nha. Có lẽ tôi thực sự có tài diễn giải thế giới bằng hình ảnh. Có lẽ tôi thực sự có khiếu tạo ra những hoạt cảnh hình ảnh khiến người xem thích thú. Có lẽ tôi thực sự biết cách sắp xếp màu sắc và vật thể trong không gian. Tất cả những thứ nói trên đều là những kỹ năng mà một họa sĩ cần có. Nhưng ngay tại thời điểm đó, tôi đã đủ hiểu bản thân để nhận ra dù tôi có thích vẽ các bản phác họa tới mức nào, thì cuộc sống của một họa sĩ vẫn không dành cho tôi. Tôi không cảm thấy nó từ trong cốt tủy của mình. Tôi sẽ kể “câu chuyện” của mình thông qua các chuyển động cơ thể. Tôi phải múa. Bài tập 5. Ta có thể quan sát được rất nhiều điều thông qua việc ngắm nhìn Đó là câu nói của Yogi Berra, và nó đúng. Hãy ra ngoài đường và quan sát quang cảnh trên phố. Chọn ra một người đàn ông và một https://thuviensach.vn phụ nữ đi cùng nhau rồi ghi lại mọi việc họ làm cho đến khi bạn có được 20 gạch đầu dòng. Có thể người đàn ông chạm vào tay người phụ nữ. Ghi lại. Có thể người phụ nữ lùa tay qua mái tóc. Ghi lại. Có thể cô ta lắc đầu. Có thể anh ta ngả vào người cô ta. Có thể cô ta né ra hoặc ngả vào người anh ta. Có thể cô ta đút tay vào túi quần, túi áo, hoặc sục tìm thứ gì đó trong ví. Có thể anh ta ngó nghiêng những phụ nữ khác khi đi ngang qua. Ghi hết lại. Bạn sẽ không cần mất nhiều thời gian để gom đủ 20 gạch đầu dòng đâu. Nghiên cứu danh sách này, bạn sẽ không khó để vận dụng trí tưởng tượng và “vẽ” ra một câu chuyện về cặp đôi nói trên. Họ là bạn bè, người có-thể-sẽ-yêu-nhau, anh chị em, đồng nghiệp, nhân tình, hay hàng xóm tình cờ gặp nhau trên phố? Họ đang cãi cọ, đang chia tay, đang phải lòng nhau, đang lên kế hoạch cho ngày cuối tuần bên nhau, hay đang bàn luận nên xem bộ phim nào? Những chi tiết trong danh sách sẽ cung cấp vô vàn chất liệu cho một mẩu truyện ngắn, song đó không phải là mục tiêu của bài tập này. Giờ hãy lặp lại việc nói trên. Chọn một cặp khác. Lần này chỉ ghi lại những chuyện xảy ra giữa hai người họ mà bạn thấy thú vị, thu hút bạn về mặt thẩm mỹ hoặc cảm xúc. Tôi đảm bảo bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn hẳn để thu thập đủ 20 gạch đầu dòng. Có thể bạn phải cần nguyên một ngày. Đó là điều xảy ra khi bạn đưa sự đánh giá vào năng lực quan sát của mình. Bạn trở nên kén cá chọn canh. Bạn cắt gọt. Bạn “lọc” thế giới qua lăng kính riêng của mình. Giờ hãy đọc kỹ cả hai danh sách. Trong danh sách thứ hai, danh sách có chọn lọc, thứ gì cuốn hút bạn? Những khoảnh khắc xích mích giữa đôi bên hay những phút giây âu yếm? Những cử chỉ cơ thể hay những ánh nhìn xao lãng khỏi đối phương? Hay những khoảng cách khác nhau giữa đôi bên? Cách họ chuyển trọng tâm chân, hay tựa lưng vào tường, hay gỡ cặp kính đang đeo xuống, hay gãi cằm? Điểm thu hút bạn không quan trọng bằng khác biệt giữa hai danh sách. Những gì bạn đưa vào và những gì bạn loại ra nói lên rất nhiều điều về cách bạn nhìn thế giới. Nếu bạn thực hiện bài tập này https://thuviensach.vn đủ nhiều, những hình mẫu sẽ dần hiện lên. Không phải là thế giới được khai mở trước mắt bạn, mà chính bạn sẽ được khai mở. 6. Chọn một cái tên mới Hãy thử tưởng tượng bạn có thể thay tên đổi họ. Bạn sẽ chọn cái tên nào? Đó sẽ là một cái tên hay, hay là tên của một người bạn ngưỡng mộ? Liệu nó có hàm chứa tuyên ngôn về những điều bạn tin tưởng hay cách bạn muốn thế giới nhìn nhận mình không? Bạn sẽ muốn cái tên đó nói lên điều gì về bản thân mình? Đây không chỉ là một bài tập “giả sử”. Cốt lõi của nó chính là danh tính – bạn là ai và bạn muốn trở thành cái gì. Tôi luôn tâm niệm rằng cuộc sống sáng tạo của mình bắt đầu từ giây phút mẹ đặt tên tôi là Twyla. Đó là một cái tên kỳ dị, nhất là khi bạn kết hợp nó với họ Tharp. (Twyla Smith mang lại âm hưởng khác hẳn, đúng không?) Mẹ tôi nói bà nhìn thấy cái tên “Twila” trong một mẩu tin về nữ hoàng của một cuộc thi gọi lợn ở Indiana, và như bà giải thích: “Mẹ đổi chữ i thành y vì mẹ nghĩ khi viết lên các loại biển bảng trông sẽ đẹp hơn.” Mẹ đã ấp ủ sẵn những kế hoạch hoành tráng cho tôi. Bà muốn tôi phải thật khác thường, vì vậy bà đã tặng tôi một cái tên khác thường. Nếu việc khiến đứa trẻ cảm thấy mình đặc biệt là nhiệm vụ của cha mẹ, thì mẹ tôi đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc. Với tôi, cái tên này vừa dữ dội, vừa độc lập và bất khả xâm phạm. Nó không thể bị rút gọn thành Twy hoặc La, và cũng khó mà dung thứ cho bất cứ kiểu tóm lược nào. (Tôi có một anh bạn thân luôn có thói quen thêm hậu tố “leh” của tiếng Yiddish vào những cái tên với hàm nghĩa âu yếm, nhưng “Twylaleh” thì thật quá thể, ngay cả với chính anh ấy.) Đó là một cái tên rất thích hợp nếu bạn muốn để lại dấu ấn của mình trên đời. Dẫu vậy, trên tất cả, cái tên của tôi rất độc đáo. Nó khiến tôi luôn nỗ lực để đạt đến sự độc đáo – cho dù chỉ để xứng với tên mình. https://thuviensach.vn Tôi không hề phóng đại ma thuật và sức mạnh được dồn nén vào tên gọi của chúng ta. Những cái tên thường là nơi ký thác một loại ký ức di truyền nào đó. Các bậc cha mẹ, những người nắm toàn quyền đối với tất cả cái tên khai sinh, chắc chắn cũng cảm nhận được thứ sức mạnh này; đó là lý do tại sao họ đặt tên con mình theo tên các bậc tiên tổ (hoặc theo tên của chính mình). Khi kết nối con mình với quá khứ của nó, họ cũng đồng thời tôn vinh những người đi trước. Họ hy vọng không chỉ một phần gen của cha ông được truyền lại cùng cái tên, mà cả lòng can đảm, tài năng, nghị lực và may mắn của họ cũng được lưu lại cho đời sau. (Vợ chồng tôi đặt tên con trai là Jesse Alexander, theo tên ông tôi, Jesse Tharp, và tên ông của chồng tôi, Alexander Huot, vì chúng tôi ngưỡng mộ đạo đức làm việc và kỹ năng xây dựng, tạo tác của họ. Tôi đồ rằng để gen của họ được truyền lại cho con mình thì nó phải mang tên của họ. Điều thú vị là, Jesse luôn cảm thấy hạnh phúc nhất khi được xây dựng, tạo tác thứ gì đó.) Nhà văn chuyên viết tiểu luận Joseph Epstein từng nhận xét: “Sự thay đổi toàn diện trong tên họ của một người, trong hầu hết các trường hợp, dường như chỉ là một sự dối lừa – về quyền thừa kế, về giai tầng, chủng tộc, về danh tính.” Tôi không đồng tình với lập luận này. Xét theo một khía cạnh, đó là sự ràng buộc với một nỗi thôi thúc cá nhân cao hơn. Và điều này không hề hiếm gặp ở những tâm hồn sáng tạo. Các bậc đại sư nghệ thuật Nhật Bản thời cổ đại được phép đổi tên mình một lần trong đời. Họ phải thật cẩn trọng khi lựa chọn một thời điểm trong sự nghiệp để làm việc đó. Họ sẽ gắn bó với tên khai sinh cho đến khi họ cảm thấy mình đã trở thành người nghệ sĩ mà họ thiết tha mong muốn trở thành; đến thời điểm đó, họ được phép đổi tên. Trong suốt phần đời còn lại, họ có thể sáng tác dưới cái tên mới khi tài năng đã chín muồi. Việc thay tên đổi họ là một dấu hiệu của sự trưởng thành về nghệ thuật. Sự kiện tay đấm bốc Cassius Clay đổi tên mình thành Muhammad Ali là một trong những hành động sáng tạo vĩ đại của thế kỷ XX. Cassius Clay đã là nhà vô địch quyền anh thế giới hạng nặng, https://thuviensach.vn nhưng việc chuyển sang đạo Hồi, vứt bỏ xiềng xích của cái tên nô lệ và trở thành Ali đã mang lại cho ông danh tính thậm chí còn lớn hơn nhiều so với trên một sàn đấu hoành tráng. Nó đã biến ông trở thành người nổi tiếng nhất thế giới. Khi được thực hiện sáng suốt và khéo léo, một sự thay tên đổi họ có thể trở thành một lời tiên đoán tự thực hiện. Như Epstein đã chỉ ra: “Eric Blair, Cicily Fairfield và Józef Teodor Konrad Korzeniowski đã lần lượt trở thành George Orwell, Rebecca West và Joseph Conrad – người đầu tiên đã dám vứt bỏ giai tầng xã hội nơi ông sinh ra, người thứ hai đã lấy tên vị nữ anh hùng của phong trào nữ quyền trong sách của Ibsen làm tên mình, người cuối cùng đã đơn giản hóa tên mình vì các độc giả nói tiếng Anh. Nhìn lại mới thấy, những cái tên ấy mới ‘đắt’ làm sao, và chủ nhân của chúng đã chiếm lĩnh chúng trọn vẹn đến nhường nào!” TIỂU SỬ SÁNG TẠO CỦA TÔI 1. Khoảnh khắc sáng tạo đầu tiên mà bạn còn nhớ là gì? Ngồi trong lòng mẹ, trước phím đàn piano, lắng nghe từng nốt nhạc. 2. Khi đó có ai ở đó để chứng kiến hoặc tán thưởng nó không? Trong những năm đầu đời, tôi nhận được rất nhiều phản hồi và chứng nhận, cũng như mọi đứa trẻ khác khi chúng được dạy thứ gì đó khó nhằn và phải rèn luyện mỗi ngày. Giáo viên dạy đàn piano của tôi luôn dán “dấu chứng nhận” vào cuốn sách học của tôi, từ những ngôi sao vàng, những ngôi sao đen đến những miếng đề can hình con thỏ hoặc các loài động vật nông trại khác. Nhưng thứ tôi nhớ nhất là miếng mút cô dùng để thấm ướt các tấm đề can và dán vào sách học của tôi. Cô để miếng mút trong chiếc lọ nhỏ đặt bên cạnh đàn, và khi chơi, tôi không tài nào rời mắt khỏi miếng mút. Miếng mút đó không chỉ là biểu tượng cho phần thưởng của tôi, nó còn là công cụ thi hành việc tưởng thưởng. Tôi cảm thấy gắn kết với nó theo một cách đặc biệt. Tôi yêu miếng mút ấy. Và tôi yêu những cuốn sách bìa xanh lơ bé nhỏ chứa tất cả những ngôi sao của mình. Tôi vẫn còn giữ chúng đến tận bây giờ. Vì vậy, câu trả lời là có, https://thuviensach.vn luôn có ai đó ở bên để chứng kiến những khoảnh khắc sáng tạo nho nhỏ của tôi. 3. Ý tưởng tuyệt vời nhất bạn từng có là gì? Đi theo con đường của riêng mình và trở thành một vũ công, vì nhảy múa là việc tôi làm giỏi nhất. Chẳng có việc gì tôi có thể làm tốt bằng. 4. Trong suy nghĩ của bạn, ý tưởng đó tuyệt vời ở điểm nào? Tôi đi theo tiếng gọi của trái tim, chứ không phải sự mách bảo của lý trí. Múa là một nghề vất vả (và kiếm cơm bằng nghề này thậm chí còn gian khổ hơn). Biên đạo còn khắc nghiệt hơn thế vì chẳng có cách nào để lưu lại lịch sử của chính mình. Tạo phẩm của chúng tôi biến mất vào đúng giây phút màn trình diễn kết thúc. Bảo tồn một di sản, gây dựng một lịch sử cho chính mình và những người khác là công cuộc vô cùng gian nan. Nhưng tôi đã gạt những điều đó sang một bên và tiếp tục theo đuổi linh tính, trở thành kẻ phản loạn của chính mình. Đi theo sự mách bảo của lý trí đồng nghĩa với thất thường. Đi theo tiếng gọi của niềm tin đồng nghĩa với việc không còn lựa chọn nào khác. Đó là điều không thể tránh khỏi và cũng là lý do tại sao tôi không chút ân hận. 5. Ý tưởng ngớ ngẩn nhất bạn từng có là gì? Cho rằng mình có thể có được tất cả. 6. Vì sao bạn lại cho là nó ngớ ngẩn? Xét theo cung cách làm việc của tôi, đó là một ý tưởng phù phiếm. Để có thể sống cuộc đời nghệ sĩ, bạn phải hy sinh. “Hy sinh” và “có tất cả” không bao giờ song hành cùng nhau. Tôi vừa lập gia đình, vừa gây dựng sự nghiệp, làm diễn viên múa, tự nuôi thân cùng lúc và bị quá tải. Trải qua bao bầm giập, tôi mới nhận ra rằng chẳng ai có được tất cả, bạn phải hy sinh ít nhiều, và không thể hoàn thành mọi vai trò mà bạn đã tưởng tượng. Chúng ta, những phụ nữ của thập niên 1960, 1970, nghĩ rằng mình có thể thay đổi tất cả và tái thiết mọi luật lệ. Một số mặt đã thay đổi, một số mặt bị kéo lùi. Ý tưởng “có tất cả” ngớ ngẩn ở chỗ tôi đã xây dựng một phương pháp làm việc mâu thuẫn trực tiếp với tham vọng cá nhân. Sẽ có thứ phải ra đi. 7. Bạn có thể truy nguyên lại vì đâu bạn có ý tưởng đó không? Khi ấy, tôi là cô sinh viên năm cuối đang ở một mình trong phòng thay đồ, ngay kế bên phòng tập nhảy. Tôi vẫn đang đắm chìm https://thuviensach.vn trong cuộc thảo luận với bản thân, kéo dài bốn năm, kể từ hồi đại học năm thứ hai, khi tôi chuyển từ Đại học Pomona sang Đại học Barnard ở New York (trung tâm của thế giới múa). Tôi nhìn ngắm cơ thể mình trên tấm gương phòng thay đồ và, trong khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy tiềm năng của một vũ công. Khi thay sang đồ tập, tôi có cảm giác như mình đang mặc một bộ đồng phục, thế là tôi thầm nghĩ: “Phải, mình muốn tham gia đội này.” Đó là thời điểm và cách thức tôi thực hiện lựa chọn của đời mình. 8. Tham vọng sáng tạo của bạn là gì? Liên tục trau dồi, để không bao giờ phải nghĩ: “Mình hết thời rồi.” 9. Đâu là những trở ngại đối với tham vọng đó? Bản tính nhỏ nhen của con người trong chính bản thân tôi cũng như những người khác. 10. Những bước quan trọng để đạt được tham vọng đó là gì? Tôi thường nghĩ về chính mình như dòng nước chảy tới các tảng đá. Dòng nước ấy đã len lỏi vào từng lỗ hổng, từng kẽ đá. Nó không ngừng chảy rí rách, tích tụ lại cho đến khi phun trào trong dòng chảy hung hãn ở phía bên kia. Đó là kinh nghiệm sự nghiệp của tôi. Tôi không trau dồi và tiến bộ theo từng bước. Tôi là dòng nước vỗ vào đá. Tôi tích tiểu thành đại rồi... bùng nổ. 11. Bạn bắt đầu một ngày của mình như thế nào? Tôi thức dậy lúc 5 giờ 30 phút sáng, tới phòng gym ở đầu bên kia thành phố để tập luyện ở phòng gym. 12. Bạn có những thói quen gì? Bạn lặp đi lặp lại những khuôn mẫu nào? Tôi lặp đi lặp lại việc thức dậy, tập thể dục, tắm rửa thật nhanh, ăn sáng với ba lòng trắng trứng luộc chín kỹ và một tách cà phê, một tiếng thực hiện các cuộc gọi buổi sáng và xử lý thư từ, hai tiếng rèn giãn cơ và tự xây dựng các ý tưởng một mình trong phòng tập, tập dượt với công ty nhảy, trở về nhà vào lúc chiều muộn để xử lý các tiểu tiết của công việc kinh doanh, ăn tối sớm, và dành vài tiếng đọc sách. Đấy là một ngày của tôi, là tinh cốt cuộc đời của một vũ công: sự lặp đi lặp lại. 13. Hãy mô tả hành động sáng tạo thành công đầu tiên của bạn. Hồi lên tám, khi còn sống ở Bernardino, California, tôi luôn bị buộc phải tập luyện một mình trong phòng. Tôi thèm giao tiếp https://thuviensach.vn với mọi người và muốn được nghe vài lời nhận xét về những gì mình đang làm. Thế là tôi họp bọn trẻ con hàng xóm lại và thuyết phục chúng cùng đi tới những rặng núi phía sau nhà. Đến nơi, tôi thiết kế những tiết mục sân khấu cho bọn nhỏ. Đó là hành động sáng tạo đầu tiên của tôi, khoảnh khắc đầu tiên tôi được đóng vai một đạo diễn sân khấu. Đó cũng là tác phẩm biên đạo đầu tiên của tôi. 14. Hãy mô tả hành động sáng tạo thành công thứ hai của bạn. Buổi công diễn đầu tiên của tôi vào mười sáu năm sau:Tank Dive (tạm dịch: Lặn bể), năm 1965. 15. Hãy so sánh chúng. Như nhau cả. Trong cả hai trường hợp, tôi đều tổ chức con người về thời gian và không gian với cùng một tư duy nghi lễ. 16. Quan điểm của bạn về: Tiền bạc? Ghét một nỗi là tôi lại cần nó. Quyền lực? Nếu không có, hãy thách thức nó. Nếu có, đừng lạm dụng nó. Lời khen ngợi? Đừng tin. Đối thủ? Cảm ơn họ đã có mặt trên đời. Công việc? Lẽ sống của tôi. Vui chơi? Công việc của tôi. 17. Bạn ngưỡng mộ những nghệ sĩ nào nhất? Mozart, Bach, Beethoven, Balanchine và Rembrandt. 18. Tại sao họ lại là thần tượng của bạn? Họ khao khát, họ tiến lên, họ trưởng thành. Họ đã vượt qua những cột mốc quan trọng không chỉ một lần7. Các tác phẩm của họ vượt xa xuất phát điểm ban đầu tới hàng năm ánh sáng. 7 Nguyên gốc: They passed “Go” more than once. “Pass go” là một thành ngữ có xuất xứ từ trò chơi Cờ tỷ phú (Monopoly). Khi con cờ của người chơi đi vào, hoặc đi ngang qua ô khởi hành https://thuviensach.vn (ô có chữ Go), người chơi sẽ được ngân hàng trả cho 200 đô la. Bên ngoài bàn cờ, cụm từ này dùng để chỉ việc hoàn thành một công việc khó khăn, hoặc đạt được một cột mốc quan trọng nào đó. 19. Bạn và thần tượng của bạn có điểm chung gì? Sự cam kết trọn vẹn. Tôi nỗ lực hết sức để noi gương họ. Tôi cố gắng ganh đua với sức bền và khả năng phát triển liên tục của họ. Tôi khác họ vì tôi là phụ nữ. Có một sự khác biệt lớn giữa cách một nghệ sĩ nam sống đời mình và điều thế giới kỳ vọng ở một phụ nữ, dù là nghệ sĩ hay không. 20. Có ai trong cuộc đời bạn thường xuyên khơi gợi cảm hứng trong bạn không? Đó là Maurice Sendak. Chủ nhật nào tôi cũng nói chuyện với anh, và anh luôn cho tôi những tràng cười sảng khoái nhất tuần. Anh là người duy nhất mà tôi có thể tuôn sạch, không chút kiêng dè. Và anh cũng làm thế với tôi. Chúng tôi giống như hai đứa trẻ xấu tính. Vui lắm. Dick Avedon cũng truyền cảm hứng cho tôi nhờ tính kỷ luật bền bỉ, tham vọng bền bỉ, nỗ lực bền bỉ trong việc kỷ luật bản thân và sự duyên dáng bền bỉ của anh. Anh có năng lực tưởng tượng thật tuyệt vời. Anh có thể sáng tạo ngay cả khi vận dụng những giải pháp cũ kỹ. 21. Nàng thơ của bạn là ai? Các vũ công của tôi. 22. Hãy định nghĩa “nàng thơ”. Những người mà tôi khao khát được lao động vì họ. 23. Khi đối mặt với những trí thông minh và tài năng siêu việt, bạn phản ứng ra sao? Hào hứng. Tôi cũng có thể được như thế. Cố lên nào! 24. Khi gặp phải sự ngu dốt, thù địch, không khoan nhượng, lười biếng, hoặc bàng quan ở những người khác, bạn phản ứng thế nào? Sự ngu dốt: Chạy cho nhanh. Thù địch: Tỏ ra thân thiện hơn. Không khoan nhượng: Phản kháng lại. https://thuviensach.vn Lười biếng: Xem phần Sự ngu dốt ở trên. Bàng quan: Bỏ qua, bước tiếp. 25. Khi đối mặt với thành công gần kề hoặc hiểm họa thất bại, bạn phản ứng như thế nào? Thành công: Thở phào nhẹ nhõm. Thất bại: Tiếp tục nỗ lực và phải thật nhanh. 26. Khi làm việc, bạn yêu quá trình hay kết quả? Tôi thích nghiên cứu khởi đầu của mọi thứ. Những bước đầu tiên luôn thú vị nhất – khi mới bắt đầu mày mò con đường tiếp cận một vấn đề, dù đó là vấn đề nghệ thuật hay triết học, khi chưa biết mình đang cố giải quyết cái gì hoặc sẽ giải quyết nó bằng cách nào. Tôi cảm thấy có gì đó rất thuần khiết khi một thứ được hoàn thiện lần đầu tiên. Từ công việc của chính mình, tôi hiểu được rằng khi tôi làm đúng một việc gì đó lần đầu tiên, cảm giác đúng ấy đúng hơn tất cả những cảm giác đúng về sau. Tôi xin ăn gian câu trả lời một chút: Tôi yêu quá trình – lúc nào cũng yêu. Tôi yêu kết quả – của lần đầu tiên. 27. Ở những khoảnh khắc nào bạn có cảm giác mình đang làm một việc vượt quá tầm? Tôi luôn có cảm giác ấy lúc khởi đầu. Nhưng đôi khi gặp may, tôi vẫn làm được. Đó là lý do tại sao tôi nghiên cứu kỹ pha khởi đầu, có thế tôi mới đối mặt được với những nỗi sợ đó. 28. Hoạt động sáng tạo lý tưởng của bạn là gì? Múa tốt. 29. Nỗi lo sợ lớn nhất của bạn là gì? Tôi không thể làm được việc đó. 30. Câu trả lời cho hai câu hỏi 28 và 29 có khả năng xảy ra cao đến mức nào? Lần lượt là: có khả năng xảy ra và không thể tránh khỏi. 31. Bạn muốn thay đổi câu trả lời nào nhất? Số 6. Trong thâm tâm, tôi vẫn muốn có được tất cả. 32. Theo bạn, thế nào là tinh thông một công việc nào đó? Có đủ kinh nghiệm để biết mình muốn làm gì, có tầm nhìn xa để thấy mình sẽ làm nó như thế nào, có can đảm để làm việc với những https://thuviensach.vn gì mình có, và có kỹ năng để hiện thực hóa ý tưởng bốc đồng đầu tiên – phải có tất cả những nhân tố đó, bạn mới có thể giành lấy những cơ hội lớn lao hơn. 33. Mơ ước lớn nhất của bạn là gì? Được nhận mức thù lao ngang các vận động viên nhà nghề và ngôi sao ca nhạc. Điều này đồng nghĩa với việc tôi muốn sống trong một thế giới nơi múa cũng được ưa chuộng chẳng kém gì bóng đá hay nhạc rock ‘n’ roll. Nếu những người may mắn nhất trần đời là người được trả tiền để làm những việc mà họ sẵn sàng làm không công, thì tôi đã là một kẻ may mắn rồi. Nhưng tôi lại là người theo trường phái lạc quan. Ước mơ lớn nhất của tôi luôn là làm sao để được may mắn hơn nữa. https://thuviensach.vn Chương 4Khai thác bộ nhớ của bạn Hi Homer sáng tác trường ca Iliad và Odyssey, ông đã dựa vào các sử liệu trải dài hàng thế kỷ và văn học dân gian truyền miệng. Khi Nicolas Poussin vẽ bức The Rape of the Sabine Women (tạm dịch: Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine), ông đã viết lại lịch sử La Mã. Khi Marcel Proust nhúng những chiếc bánh quy sò nhỏ xinh vào tách trà của mình, mùi vị và hương thơm ấy đã khai mở dòng thác ký ức và cảm xúc khiến văn học hiện đại vẫn chưa hết choáng váng cho tới tận ngày nay. Dạng thức của trí nhớ cũng muôn hình vạn trạng hệt như cách thức tri nhận, và mỗi dạng thức trong đó đều đáng được tận dụng làm nguồn cảm hứng. Trí nhớ, như đại bộ phận chúng ta thường nghĩ đến, bao gồm mọi sự kiện và kinh nghiệm mà ta có thể tùy ý gọi lên từ não bộ. Chúng ta đều có nó với dung lượng to nhỏ khác nhau. Đó là kỹ năng cho phép ta cất giữ những dữ liệu, hình ảnh và kinh nghiệm quan trọng tưởng chừng vụn vặt về cuộc sống. Tuy tôi nói “quan trọng” và “tưởng chừng vụn vặt”, song thực ra tôi không tách bạch hai thứ đó. Với một số người, thông tin quan trọng là số điện thoại của bạn thân. Với người khác, đó là phần lời của bản “Catalog Aria” trong vở nhạc kịch Don Giovanni, hoặc đoạn thoại của nhân vật Rick lúc ra sân bay trong phim Casablanca, hay công thức nấu món couscous8. 8 Thực phẩm chủ yếu trong các bữa ăn ở Bắc Phi, là một loại mỳ (pasta) trông giống như gạo. Tôi mất rất nhiều thời gian để lo lắng về trí nhớ của mình. Một trong những nỗi kinh hoàng của việc già đi là chắc chắn bạn sẽ mất dần trí nhớ và quên vốn từ, hoặc sự kiện hay hình ảnh sẽ ăn mòn trí tưởng tượng của bạn. https://thuviensach.vn Kết quả là, tôi cố gắng ép bộ nhớ của mình phải tập luyện, rèn giũa để luôn sắc bén. Khi tôi xem màn tập dượt hoặc biểu diễn của một trong những vũ công của mình, tôi gắng ghi nhớ 12 đến 14 điểm cần lưu tâm hoặc chỗ cần sửa mà mình muốn bàn với nhóm múa mà không ghi lại. Đấy là giới hạn của tôi – 12 đến 14 điểm – chẳng có gì ghê gớm. Đa phần mọi người không thể nhớ lại quá ba điểm đáng lưu ý trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hãy thử nghĩ đến bài giảng gần đây nhất bạn nghe hoặc buổi họp kinh doanh bạn mới tham gia hay cuốn sách bạn vừa đọc. Bạn có thể nhắc lại bao nhiêu điểm quan trọng cần nhớ nếu không ghi chép lại? Không chỉ cố gắng nhớ những điểm cần lưu ý một cách lộn xộn; tôi còn phân loại chúng theo nhóm trong đầu, ghi nhớ những nhận xét tôi muốn dành cho từng vũ công, hoặc từng cảnh, ghi nhớ chúng bằng cách gắn chúng với không gian, thời gian và âm nhạc. Hành động chia nhóm tự nó đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ trí nhớ, cũng như việc bấm đốt ngón tay để nhẩm đếm các điểm cần lưu ý vậy. Nếu biết mình có 14 điểm cần lưu ý, tôi sẽ có thể nhắc lại chúng thông qua trí nhớ cơ bắp có liên quan, chính là hành động đếm bằng cách bấm đốt ngón tay. Tôi sẽ tăng năng suất làm việc hơn gấp nhiều lần nếu có thể đi đến buổi tập dượt vào ngày hôm sau và nói một lèo những điểm tôi muốn thay đổi với các vũ công thay vì phải lần mò mấy mẩu giấy nhớ. Nó cũng đem lại cho tôi uy quyền nữa. Hãy nhớ đến lần gần đây nhất bạn là người duy nhất trong phòng nhớ được một sự kiện nổi bật. Điều đó có tác động thế nào đến uy tín của bạn trong chính giây phút ấy? Trí nhớ có quyền năng đó. Nhưng nhìn nhận trí nhớ chỉ theo cách này quá đơn giản. Nó thu nhỏ bộ óc của chúng ta lại bằng tầm vóc và mức độ tinh vi của một chiếc máy tính cá nhân – một cỗ máy được đánh giá và định giá dựa trên trữ lượng lưu trữ thông tin và tốc độ truy xuất thông tin. Óc sáng tạo hầu như chẳng liên quan gì đến loại trí nhớ đó. Nếu quả thế thật, những con người sáng tạo nhất sẽ có trí nhớ siêu phàm về các tỷ lệ trong nhiếp ảnh và người ta sẽ được thấy các nghệ sĩ tung hoành trên trò chơi truyền hình Jeopardy!9 Chỉ vì bạn có thể đọc https://thuviensach.vn thuộc làu các bài sonnet của Shakespeare10 không có nghĩa là bạn có năng khiếu thơ phú để tự viết ra một bài sonnet của riêng mình. 9 Jeopardy! là chương trình đố vui kiến thức trên truyền hình tại Mỹ, được Merv Griffin sáng tạo ra vào năm 1964 và đã được phát sóng trong nhiều thập kỷ. Điểm đặc trưng của chương trình là đưa ra manh mối dưới dạng một câu trả lời và người chơi phải đưa ra đáp án của mình dưới dạng câu hỏi. 10 Bài thơ 14 câu có vần với nhau theo một cách xác định nào đó về những đề tài như tình yêu, cái đẹp, chính trị và cái chết. Sáng tạo liên quan nhiều hơn đến khả năng rút tỉa các sự kiện, những điều hư cấu và cảm xúc mà chúng ta lưu trữ, đồng thời tìm ra những cách thức mới để liên kết chúng. Thứ chúng ta đang bàn ở đây chính là phép ẩn dụ. Ẩn dụ là sinh huyết của mọi môn nghệ thuật, nếu không muốn nói nó chính là bản thân nghệ thuật. Ẩn dụ là từ chúng ta dùng để diễn tả việc kết nối những gì ta đang trải nghiệm ngay lúc này với những gì ta từng trải nghiệm trước đây. Đó không chỉ là cách ta diễn tả những gì mình nhớ, đó là cách ta biện giải nó – cho chính mình và cho những người khác. Khi nhân vật Macbeth của Shakespeare quả quyết, trong 11 câu ngắn ngủi, rằng đời là một “ngọn nến chóng tàn”, rằng đời là một “chiếc bóng thoảng qua”, rằng đời là “một thằng hề tội nghiệp”, và chốt lại, đời là “một câu chuyện do một thằng ngốc kể, cũng đủ cả hò hét cuồng nộ, nhưng nào có ý nghĩa gì đâu”, ta hiểu lời y nói ngay tức khắc, vì ta có thể gợi lại ký ức về những cây nến, những chiếc bóng, những thằng hề và những câu chuyện của kẻ ngốc. Đó là cách những lời thoại được viết từ cách đây 400 năm kết nối với chúng ta ngày nay. Chúng không chỉ đùa giỡn với trí nhớ của ta, chúng còn phụ thuộc vào đó. Ẩn dụ, như Cynthia Ozick viết, “cải biến cái xa lạ thành cái gần gũi. Đây là quy tắc của ngay cả phép ẩn dụ giản đơn nhất – biển sẫm như màu rượu của Homer chẳng hạn. Hình ảnh đó ngầm nói rằng, nếu bạn biết rượu, bạn ắt biết biển.” https://thuviensach.vn Nếu toàn bộ nghệ thuật là ẩn dụ, thì toàn bộ nghệ thuật bắt đầu với ký ức. Người Hy Lạp cổ đại hiểu rõ điều này: Trong những câu chuyện thần thoại gốc, họ coi Mnemosyne, nữ thần ký ức, là mẹ của chín Nàng Thơ (Muse). Để nhận thức đúng uy lực của trí nhớ, bạn cần phải hiểu rõ những dạng thức kỳ lạ của trí nhớ còn lẩn khuất bên lề. Bạn nhớ nhiều hơn mức mình nghĩ, theo những cách thức chưa từng suy xét đến. Trí nhớ cơ bắp là một trong những dạng thức trí nhớ có giá trị cao, nhất là đối với một nghệ sĩ biểu diễn. Đó là quan điểm cho rằng sau khi luyện tập kỹ lưỡng và lặp đi lặp lại một số động tác nhất định, cơ thể bạn sẽ nhớ mãi những động tác đó tới hàng năm trời, thậm chí hàng thập kỷ sau khi bạn ngừng thực hiện chúng. Trong thế giới múa, trí nhớ cơ bắp được trọng dụng hằng ngày. Không như nhạc công hay diễn viên có bản nhạc và kịch bản để học, vũ công chẳng có giấy tờ gì hết. Tất cả đều được lưu giữ trong đầu và cơ thể họ. Ngày nào chúng tôi cũng phải tập dượt lại từ đầu nếu cơ bắp không nhớ. Điều đáng kinh ngạc nằm ở khoảng thời gian cơ thể vũ công có thể lưu trữ thông tin. Thử tưởng tượng thế này, tôi nhờ Rose Marie Wright, một vũ công tôi đã làm việc cùng 30 năm trước đây, dạy lại những bài múa chị đã biểu diễn trong nhiều năm cho một thế hệ vũ công mới. Nếu chị có thể thực hiện bài múa mà không cần suy nghĩ về nó, chị sẽ tái hiện mỗi bước nhảy và động tác một cách chính xác hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên, như thể chị đang trong trạng thái “lên đồng” vậy. Trí nhớ cơ bắp là thế. Tự động. Chính xác. Hơi rùng rợn. Tuy nhiên, đến lần múa thứ hai, hoặc khi cố giảng các bước nhảy và hình mẫu cho các vũ công, chị sẽ ngập ngừng, tự vấn chính bản thân, nghi ngờ cơ bắp của mình, và quên. Đó là vì chị đang nghĩ về nó, sử dụng ngôn ngữ để diễn tả một điều chị biết thông qua con đường phi ngôn ngữ. Ký ức về chuyển động của chị không cần được tiếp cận bằng nỗ lực có ý thức. Việc học các bước nhảy chỉ là một ví dụ minh họa về trí thông minh của cơ bắp. Một nghệ sĩ dương cầm bậc thầy cũng làm điều tương tự khi ông ngồi xuống trước phím đàn và chơi ngẫu hứng một bản nhạc mà ông đã không nghĩ đến suốt nhiều năm. Ông đã tập luyện https://thuviensach.vn và chơi bản này rất nhiều lần trong quá khứ, tới mức ký ức về nó chưa bao giờ rời bỏ ông. Nó trú mình trong những bộ phận của não có nhiệm vụ chỉ huy các ngón tay và cơ bắp, chứ không ở những bộ phận mà ông sẽ dùng để đọc hiểu câu văn này. Trí nhớ cơ bắp luôn có đất dụng võ trong cả quá trình sáng tạo, có lẽ nó phục vụ cho việc xây dựng kỹ năng nhiều hơn là phát triển cảm hứng. Nhưng kiểu gì thì nó vẫn có ích. Tôi biết một tiểu thuyết gia thường tự dạy mình kỹ năng hư cấu bằng cách gõ lại truyện của những tác giả mà anh mến mộ. Hành động gõ lại từ ngữ của một người khác – chứ không chỉ đọc nó – khiến anh phải dừng lại và ngẫm nghĩ về cách tác giả lựa chọn từ ngữ, xây dựng câu cú và đoạn văn, sắp xếp các đoạn hội thoại và cấu trúc phần dẫn truyện. Trong trường hợp này, mục đích của bài tập không nằm ở chỗ rèn luyện cơ bắp, mà là để nhìn nhận các cấu trúc và nhóm phối hợp theo cách mới – từ góc nhìn thuận lợi của một tác giả, thay vì một độc giả. Raymond Chandler và Proust cũng trải qua quá trình tương tự khi cần mài giũa những ngón nghề khác nhau của mình. Chandler tin rằng Hemingway là tiểu thuyết gia người Mỹ vĩ đại nhất thời mình và ông hay viết truyện nhái lại phong cách của Hemingway để tự thẩm thấu những gì yêu thích ở phong cách ấy. Proust còn đi xa hơn, ông dành tới 12 năm trời chuyển ngữ và chú giải các tác phẩm của nhà sử học nghệ thuật người Anh John Ruskin. Ông còn viết một loạt bài cho tờ Le Figaronhái theo phong cách của những tượng đài văn học thế kỷ XIX như Balzac và Flaubert. Không khác gì một thanh niên cầm tập sổ vẽ giữa viện bảo tàng để chép tranh của một họa sĩ nổi tiếng, kỹ năng được khắc ghi qua hành động. Nếu có bài học nào cần rút ra ở đây, thì đó chính là: Hãy tích cực sao chép. Đó không phải là một quan điểm phổ biến trong bối cảnh ngày nay, khi tất cả chúng ta đều được dạy phải tìm ra con đường riêng của mình, được khuyên phải thật độc đáo, phải tìm ra tiếng nói của riêng mình bằng mọi giá! Nhưng đây là một lời khuyên lành https://thuviensach.vn mạnh. Đi trên con đường của sự vĩ đại, dù là theo bước của người khác, là một biện pháp quan trọng để rèn giũa kỹ năng. Khi mới khởi sự ở New York, tôi bị ám ảnh với việc nghiên cứu tất cả những vũ công vĩ đại đang hoạt động trong ngành vào thời bấy giờ và rập khuôn theo họ. Trong lớp, tôi đứng sau lưng họ theo đúng nghĩa đen, sẵn sàng ở tư thế bắt chước và vô thức lặp lại những động tác của họ. Kỹ thuật, phong cách và cách căn thời gian của họ tự in dấu trong cơ bắp của tôi. Đó là một trong những cách thức tôi học múa. Tôi không chắc nó có tác động tới mức nào lên vũ đạo của mình, vì rốt cuộc tôi không hề tạo ra những điệu múa giống với bất kỳ ai. Tuy nhiên, như một nhà văn có khả năng viết sinh động hơn vì anh ta có một kho từ vựng khổng lồ, hay một họa sĩ vượt trội nhờ kỹ năng vẽ tuyệt vời, tôi cần phải mài giũa kỹ năng múa của mình để có thể sáng tạo. Nếu không thể múa tốt, làm sao tôi có quyền bảo người khác phải múa thế nào hoặc biết thế nào là một điệu múa hay. Đó là sức mạnh của trí nhớ cơ bắp. Nó sẽ vẽ ra cho bạn con đường đi tới kiến tạo đích thực thông qua tái tạo giản đơn. Còn có những ví dụ khoa trương hơn về trí nhớ, ví như trí nhớ ảo chẳng hạn. Đó là khả năng “phóng” bản thân vào những cảm giác và cảm xúc từ quá khứ rồi để chúng tự vật chất hóa. Các diễn viên vẫn làm vậy – mỗi đôi má ửng đỏ hay dòng lệ trên phim từng chạm đến tâm can bạn đều xuất phát từ một diễn viên đã học được cách “đào mỏ” quá khứ. Các diễn viên luyện mình quay lại bãi biển nọ ở thời điểm 10 năm trước đây và cảm nhận nhiệt độ cũng như không khí, để tìm mối liên kết giữa xưa và nay cũng như tận dụng nó nhằm đưa chi tiết và âm hưởng cá nhân vào một cảnh phim. Thậm chí bạn có thể phóng trí nhớ ảo của mình tới tương lai. Một số doanh nhân thực hiện nó như một bài tập thể dục về hình ảnh hóa, họ tưởng tượng ra kết thúc của một cuộc đàm phán căng thẳng, lấy đó làm phương tiện để đạt đến kết quả mong muốn. Họ nhớ lại một thương vụ thành công gắn liền với cảm giác nào, âm thanh nào và họ gợi lại hình ảnh ấy, nhìn thấy mọi người trong https://thuviensach.vn phòng cùng tươi cười và bắt tay nhau, rồi họ rà soát lại từng bước để xem mình đã đi đến ngày đó như thế nào, và làm cách nào để lại tới được điểm này một lần nữa. Kỳ thủ cờ vua lừng lẫy người Cuba, José Capablanca, nhà vô địch thế giới trong những năm 1920, thường mường tượng ván cờ sẽ kết thúc như thế nào và tự ứng biến cách thức đi tới kết thúc ấy. Nhà vô địch bộ môn trượt tuyết người Pháp, Jean-Claude Killy, như tôi được nghe kể, là một bậc thầy về khoản này. Trước thi đấu vài ngày, nếu phải nghỉ ngơi chờ hồi phục chấn thương và không thể tập dượt trước, ông sẽ dựa vào trí nhớ của mình về ngọn núi và tự hình dung ra cảnh mình thực hiện toàn bộ chặng đua. Ông làm như thế nhiều lần cho đến khi cảm thấy chặng đua đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt của mình. Nó mang lại cho ông cảm giác chiến thắng. Ngoài ra, còn có cả trí nhớ giác quan nữa, đó là khi sự xuất hiện đột ngột của một mùi hương hoặc hương vị, âm thanh hay màu sắc lập tức nhấn chìm trí tưởng tượng trong cơn lũ hình ảnh từ quá khứ. Chỉ nếm vài mẩu vụn bánh quy sò, Proust đã đột nhiên lao vào viết tuyệt tác In Search of Lost Time (Đi tìm thời gian đã mất). Tất cả chúng ta đều từng được trải nghiệm trí nhớ giác quan, dù đó là mùi bánh quy yến mạch lôi tuột ta về với tuổi thơ hay khúc nhạc dạo của một bài hát khơi lên những mộng tưởng (hay ác mộng) về người đã bên ta vào lần cuối cùng ta nghe nó. Đó là những thứ có uy lực to lớn và nó xuất hiện để được tận dụng. Thêm vào đó, còn có cả những loại trí nhớ sản sinh từ môi trường của bạn. Chẳng hạn, các doanh nghiệp thường được bài trí theo cách mang lại cho mọi người thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn sức mạnh tạo cảm hứng của trí nhớ hơn mức họ nhận ra. Một trong những vị giám đốc thành công vượt bậc mà tôi quen từng kể rằng bất cứ khi nào cảm thấy ì trệ hoặc bế tắc ý tưởng sáng tạo trong công việc, anh thường đọc hết nội dung của những bộ hồ sơ từ bốn, năm năm trước. Hành động thoạt trông có vẻ tầm thường lóe lên ý tưởng hoặc chí ít, cũng đưa anh ra khỏi trạng thái hoảng loạn. Tên của một vị đồng nghiệp hoặc một khách hàng đã lãng quên sẽ bật ra từ một trang thư ẩm mốc và kích hoạt não bộ của anh. Như một diễn viên thực hiện bài thể dục giác quan, anh sẽ phác họa hình ảnh https://thuviensach.vn khách hàng trong tâm trí: hình dáng, kiểu cách, lý do họ gặp nhau, những chi tiết về doanh nghiệp và người họ quen. Việc cố nhớ lại một khách hàng sẽ khai mở dòng thác ký ức và liên tưởng. Và giữa cơn lũ ấy, thế nào anh cũng tìm ra một ý tưởng hữu ích. Anh thậm chí còn đặt hẳn tên cho không gian mà mình đang khai mở: trí nhớ có tính tổ chức. Anh từng nói với tôi: “Thật ra, trong môi trường doanh nghiệp, rất khó để bắt gặp thứ gì đó thực sự độc đáo. Đa phần, nếu như không muốn nói là tất cả, những ý tưởng hay có thể đang nằm đâu đó trong các tập hồ sơ của chính bạn hoặc đang bị khóa kín trong não bộ của những người đã làm việc ở công ty nhiều năm. Nói cách khác, những ý tưởng hay đều có tính tổ chức. Chúng vẫn luôn tồn tại, sẵn sàng để bạn khai thác tùy thích. Với tôi, việc đó đồng nghĩa với (a) lục lọi các hồ sơ và (b) thực tâm lắng nghe ý kiến của những người đã làm việc ở đây lâu năm. Những gì họ biết còn vượt xa mức bất kỳ ai nghĩ. Lạy Chúa, họ thậm chí còn không biết mình nhớ nhiều tới mức nào cho tới khi bạn hỏi họ.” Dù biết hay không, vị giám đốc đang tiến gần đến một phát kiến chấn động và hơi có chút tréo ngoe. Trong khi đa phần mọi người tại các cơ quan, doanh nghiệp – và trong cách lĩnh vực nghệ thuật – cho rằng họ phải liên tục hướng tới cá tính và sáng tạo, thì người đàn ông này lại phát hiện ra rằng bí mật thực sự của sáng tạo là quay về và nhớ lại. Trong tất cả các dạng thức của trí nhớ, trí nhớ cổ xưa là thứ khiến tôi cảm thấy thích thú nhất. Nó lý giải tại sao bản thông cáo của Seth Mydans đăng trên tờ New York Times phát hành tháng Ba năm 2002 lại thu hút sự chú ý của tôi. Đó là câu chuyện về vũ công người Campuchia Sina Koy và dấu ấn quê hương trong cuộc đời và tác phẩm của cô. “Chúng tôi tin rằng tổ tiên đang dõi theo mình, ngay cả khi chúng tôi không nhìn thấy họ,” Sina Koy nói. “Chính nhờ linh hồn của tổ tiên ẩn trong mình mà tôi đã trở thành một vũ công.” Cách đây không lâu, cô đã đi thăm đền Angkor và nghiên cứu các phù điêu đá khắc hình các vũ công uốn, vặn và bay, hệt như những gì họ đang làm ngày nay, trên sân khấu trống trơn rộng mênh mông của sảnh tập. https://thuviensach.vn Nhìn vào đó, Sina Koy hiểu rằng chẳng có gì thay đổi hết. Tất cả những điều cô làm hôm nay đều đã được làm từ xưa kia. Tôi hiểu cảm giác của cô. Tôi từng trông thấy bức ảnh chụp một món đồ tạo tác cổ trên mục tin tức. Đó là một mảnh gốm mang hoa văn mô tả cuộc di cư của một bộ lạc, người ta tin rằng đây là hình thức biểu diễn được biết đến sớm nhất của múa. Nó khiến tâm can tôi nhói buốt, nếu không muốn nói là chấn động vì giác ngộ. Tôi cảm thấy như khoảnh khắc được minh họa đó đã lưu sẵn trong bộ gen của mình, nếu không, tôi đã chẳng trở thành vũ công. Đó là trí nhớ cổ xưa. Nó không phải một thứ bùa phép tinh thần; nó có thực. Hình khắc vũ công đầu tiên đó mang đến cho tôi cảm giác “từng trải qua” mãnh liệt. Ký ức ấy không chỉ cổ xưa mà nó còn mang tính cha truyền con nối. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Nếu bạn từng tham gia một nhóm nhảy, thì những người có mặt trên chiếc bình gốm đó chính là các bậc tiền nhân của bạn. 3 Kiểu giác ngộ ấy rất khó diễn đạt thành lời, nhất là khi loại ký ức chúng ta đang xét tới có tính phi ngôn ngữ và liên quan đến một chuyển động cơ thể. Nhưng tôi biết trong một ngày làm việc của mình, có nhiều lúc tôi bỗng ngồi thừ ra và tự hỏi: Làm sao mình biết được một quyết định sáng tạo nhất định trên sàn múa, khi chuyển từ x sang y, là đúng? Điều gì khiến mình tin chắc rằng mình đang đưa ra lựa chọn đúng đắn? Câu trả lời tôi thì thầm với chính mình thường không phải điều gì khác ngoài “cảm giác đúng”. Và một phần lý do khiến nó có “cảm giác đúng” là ở chỗ chuyển động ấy đã được bồi đắp trong chúng tôi qua hàng thế kỷ luyện tập. Mỗi điệu múa tôi tạo ra là một cú gieo mình vào miệng giếng của ký ức cổ xưa này. Một khi nhận ra sức mạnh của trí nhớ, bạn bắt đầu nhận thấy ở những vùng trước kia vốn bị coi nhẹ đang tiềm tàng bao thứ mà bạn có thể tận dụng. Vấn đề là bạn phải tìm ra cách khai mở nó. Bạn không thể lúc nào cũng chờ đợi tấm ảnh chụp một chiếc bình cổ xuất hiện trong mục Khoa học của tờ New York Times được và điều https://thuviensach.vn này sẽ thúc giục bạn bắt tay vào hành động. Đôi khi bạn phải chủ động đào xới các mạch nguồn ký ức bên trong mình. Có lẽ vì tôi là người học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật, nên nền giáo dục của tôi về cơ bản luôn xoay quanh việc phải nhìn ra sao, nhưng những hình ảnh cứ như thỏi nam châm hút lấy tôi, dù hình ảnh đó là tranh, ảnh, phim hay video. Đối với tôi, đó đều là những tảng đá từ cảm hứng. Vào năm cuối đại học, khi tôi đang giằng xé giữa một bên là các nghiên cứu nghệ thuật và bên kia là nỗi khao khát muốn được múa đến thiêu đốt tâm can, tôi từng xoa dịu bản thân bằng cách “đóng đô” ở gian Tư liệu về múa của Thư viện Công cộng New York. Tôi không rõ điều gì đã thôi thúc tôi làm vậy. Không phải như kiểu một sáng nọ, tôi thức dậy và tuyên bố: “Được, hôm nay mình sẽ đi xem các tranh ảnh về múa.” Nhưng tôi là một sinh viên chuyên ngành nghệ thuật, ngày ngày nhìn ngắm các bức ảnh chụp tranh, tượng và tin rằng mọi chi tiết trong một bức hình đều tồn tại vì một lý do nào đó. Thế nên cũng dễ hiểu khi đến một ngày kia, tôi bỗng tự hỏi: Sao mình không đi ngắm hình ảnh về múa nhỉ? Đó là thứ mình rất say mê mà. Thế là tôi đi. Thư viện Công cộng New York lưu trữ một trong những kho tư liệu về múa đồ sộ nhất thế giới. Tôi nhờ người phụ trách mang cho mình ảnh chụp những phụ nữ tiên phong trong làng múa: Isadora Duncan, Ruth St. Denis, Doris Humphrey, Martha Graham. Từ những tấm ảnh trên, tôi có thể đọc được ngôn ngữ chuyển động của họ, giữ lại những gì có ích cho mình và bỏ qua những thứ vô ích. Tôi đưa tay vuốt lên mặt kính, cố chắp nối lại cách họ múa qua những hình ảnh đã đóng băng theo thời gian. Nó chẳng liên quan gì đến khuôn mặt hay cách trang điểm hoặc phục trang của họ – không dính dáng chút nào đến vẻ đẹp của họ hay những mơ mộng của tôi. Tôi đang cố thâu nạp cách cơ thể họ hoạt động, rút tỉa tiềm năng chuyển động khỏi cơ thể và in hằn nó lên cơ thể của chính mình, y như cách tôi vẫn làm hằng ngày trên lớp: bắt chước từng động tác của các vũ công vĩ đại. https://thuviensach.vn Bức hình nổi tiếng chụp Doris Humphrey khỏa thân trong một vòng tròn, dù hiển nhiên là hình chụp có sắp xếp, vẫn cuốn hút tôi mãnh liệt vì bà hoàn toàn đánh rơi mọi sự e dè. Tôi có thể thấy cơ thể bà đang làm gì và tôi cũng cảm nhận được cảm giác thỏa mãn không giấu giếm bà đang tận hưởng khi thực hiện động tác múa trong vòng tròn đó. Cảm giác kiêu hãnh của bà cũng in hằn lên tôi. Tôi cũng săm soi một bức hình của Martha Graham kỹ tới mức có thể ước lượng được độ dài bước nhảy của bà hay cảm nhận được sự căng cứng của cơ thể khi bà vặn mình bên trong bộ đồ biểu diễn. Nếu mỗi bức hình là một ký ức được lưu giữ, thì những bức ảnh múa tuyệt vời kia giúp tôi lưu giữ một ký ức mới. Những tư liệu đó đến với tôi qua đôi mắt và trước hết được hấp thụ vào não, rồi vào cơ thể, và cuối cùng là vào bộ nhớ của tôi. Một khi chúng đã bị khóa chặt trong tôi, tôi có thể tự do “gọi” chúng ra bất cứ lúc nào mình muốn. Xét trên phương diện nào đó, tôi đang tự biến mình thành học trò của những phụ nữ vĩ đại kia, hệt như Proust đối với Ruskin và Chandler đối với Hemingway. Mới đây, một người bạn còn trẻ tuổi của tôi cũng mô tả khóa thực tập sắp tới của mình. Cậu gọi quá trình đó là “làm cái bóng”, tức là bám đuôi một vị sư phụ và học tập từ ông. Đó là việc tôi đang làm trong thư viện, trở thành cái bóng của những người đi trước. Và đó cũng là cách bạn nối nghiệp cha ông mình. Bài Tập 7. Kể tên các Nàng Thơ Đây là một bài tập về trí nhớ liên tưởng dành cho các bạn: Dưới đây, tôi đã liệt kê chín Nàng Thơ, chín cô con gái mẫn tiệp, duyên dáng và phiền toái của thần Zeus và nữ thần trí nhớ Mnemosyne, những người cai quản các bộ môn nghệ thuật cổ điển. Bạn có thể ghi nhớ tên họ nhờ học vẹt, hoặc có thể gắn mỗi người với một hình ảnh hay ký ức mà tên của nàng hoặc bộ môn nàng cai quản gợi ra khi bạn nhìn vào danh sách. Cách thứ hai hiệu quả hơn; thậm chí https://thuviensach.vn bạn sẽ nhận ra mình đang tôn vinh mẹ của chín nàng bằng việc sáng tạo ra hẳn một công cụ hỗ trợ trí nhớ nho nhỏ hoặc một bài vè để in hằn chín cái tên trong tâm trí mình. Calliope Trường ca Clio Lịch sử Erato Thơ tình và thơ trữ tình Euterpe Âm nhạc Melpomene Bi kịch Polyhymnia Thánh ca Terpsichore Múa và đồng ca Thalia Hài kịch Urania Thiên văn học Làm sao tôi nhớ được chín cái tên này ư? Can clear, earnest effort make proper things total up? (Liệu nỗ lực nhiệt tâm, thành thực có thể làm nên chuyện được chăng?) Câu này có thể giúp được bạn – chữ cái đầu tiên của chín từ làm nên câu đó trùng với chữ cái đầu tiên trong tên của các nàng. Nhưng bạn sẽ gắn mỗi nàng với bộ môn của riêng họ bằng cách nào? Những trường hợp dễ bao gồm Urania (nghe giống tên Sao Thiên Vương, Uranus, nên sẽ là thiên văn học), Polyhymnia (hymnsnghĩa là thánh ca), và Erato (eros nghĩa là tình yêu). Sáu cái tên còn lại nhắc bạn nhớ đến điều gì? Bạn có thể kết nối chúng với lĩnh vực của từng người không? Và bạn sử dụng loại trí nhớ gì để gợi lên những hình ảnh đó? Nhớ được các Nàng Thơ không phải là con đường tắt dẫn đến hạnh phúc sáng tạo, mặc dù nó sẽ giúp trò chơi đố chữ bớt khó nhằn đi https://thuviensach.vn một chút và khiến các nàng mỉm cười. Và biết đâu, lòng thành ấy sẽ làm họ cảm động mà ghé thăm bạn khi bạn cần giúp đỡ. 8. Tin tưởng trí nhớ cơ bắp của mình Với bài tập này, bạn sẽ phải tự nghĩ ra một bộ động tác đơn giản bao gồm các động tác rời rạc. Đừng lo lắng nếu bạn chưa bao giờ sáng tạo động tác; bạn đang kiểm tra trí nhớ của cơ thể mình, chứ không phải biên đạo múa cho sân khấu Broadway. Hãy thử với một bộ mười động tác: ví dụ, giơ cao tay phải, giơ chân trái lên, hạ chân trái xuống, lấy chân trái làm trụ rồi xoay 180 độ sang bên phải, hạ tay phải xuống. Chống hai tay lên hông, cúi gập người, rồi đứng thẳng dậy. Giờ lấy chân trái làm trụ, quay 180 độ sang bên phải và lướt về phía trước bằng cả hai chân. Đây là một “điệu”. Lặp lại điệu này năm lần trong ngày đầu tiên, bốn lần trong ngày thứ hai, ba lần trong ngày thứ ba, hai lần trong ngày thứ tư, và một lần trong ngày thứ năm. Giờ tạm nghỉ một tuần. Nhưng trong tuần đó, thỉnh thoảng hãy nghĩ đến nó, phác họa nó trong trí óc của mình. Sau một tuần, bắt đầu điệu đó bằng động tác giơ tay phải. Giờ hãy tiếp tục mà không nghĩ đến động tác nào sẽ nối tiếp sau đó. Cứ để cơ thể tự chuyển động. Bạn sẽ phải ngạc nhiên trước khả năng ghi nhớ của mình (hay cơ bắp của mình). Một khi đã được chứng kiến sức mạnh của trí nhớ cơ bắp, bạn hãy thử bài tập này: Vung vẩy tay chân trong khoảng 10 giây, sau đó đừng nghĩ gì về nó nữa. Liệu bạn có thể lặp lại kiểu vung vẩy đó vào ngày hôm sau không? Lần tới, hãy nghĩ về trò vung vẩy của bạn. Nhẩm lại các chuyển động trong đầu. Suy nghĩ về nhịp điệu trong lúc thực hiện động tác và trong tưởng tượng. Đến ngày hôm sau, hãy thử xem bạn có thể tái hiện lại kiểu vung vẩy này tốt hơn lần thứ nhất không. Bạn đang học cách rèn luyện trí nhớ cơ bắp, tức khả năng lưu giữ và lặp lại chuyển động của bạn. Cơ bắp của bạn thông minh hơn bạn tưởng đấy. https://thuviensach.vn 9. Khai thác ký ức từ một tấm ảnh 4 Không một hình ảnh nào lại có âm vang mạnh mẽ đối với tôi hơn tấm hình đầu đời chụp cùng mẹ. Nó giúp tôi hiểu về ảnh hưởng của mẹ tới cuộc sống sáng tạo của tôi, xét trên nhiều phương diện, đó là một ảnh hưởng triệt để và sâu sắc. Từ việc bà đặt tên tôi là Twyla, chơi đàn piano cho tôi nghe từ hồi tôi mới 3 tháng tuổi, lái xe chở tôi đi suốt thời niên thiếu để tới chỗ những giáo viên giỏi nhất ở Nam California (để tôi có thể học đàn piano, múa gậy, ba lê, cách sử dụng mũi chân, flamenco, trống, diễn thuyết, vẽ, đàn viola, đàn violin, tốc ký, tiếng Đức và tiếng Pháp), mẹ là người đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc sống sáng tạo của tôi. Việc biết được những điều trên sẽ giúp ích cho bạn khi bạn nhìn vào cô bé hai tuổi mặc chiếc váy ngắn. Nó kết nối với nhiều điều hơn là chỉ những năm tháng đầu đời của tôi. Nó cuốn tôi vào dòng chất lỏng ký ức, giải thích nhân dạng của tôi và kể rõ những nguồn cơn. Để tôi nói cho bạn hay tôi nhìn thấy gì từ tấm hình này. Tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ đang háo hức và e dè trước thế giới thực, chính vì thế cô bé chỉ nắm một ngón tay mẹ. Tôi yêu hai tảng đá phía sau cô bé, một chiếc bệ hoàn hảo do chính bố tôi xây, hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến một sân khấu Hy Lạp cổ đại. Có thể coi đây là tấm ảnh sân khấu đầu tiên của tôi. Hãy để ý đến chân trái của cô bé hơi đưa về phía trước. Trông như thể cô bé vừa bước xuống từ một sân khấu và đang bắt đầu chào khán giả. Tôi cũng thích nét tinh nghịch trên khuôn mặt cô bé, đầu hơi cúi, đôi mắt e ấp ngước lên nhìn thẳng phía trước. Nó mang lại cảm giác háo hức và hiếu kỳ, dường như bé đang đứng trước một cánh cửa và chuẩn bị bước qua. Trong cô bé còn ẩn chứa cả niềm say mê và năng lượng tràn trề. Bé muốn đi. https://thuviensach.vn Tôi thích ngón tay của người mẹ. Nó có thể bị nhầm là bà đang không yên tâm, như thể đứa trẻ cần được hỗ trợ. Nhưng tôi lại nhớ khác. Ngón tay ấy là chỗ dựa nhỏ bé tôi có thể bám vào khi chưa thể tự đi được. Tôi cũng thích cả những chi tiết mang tính thời đại: mái tóc ngắn, chiếc váy ngắn để lộ đôi chân của một vũ công, đôi giày và tất bị cắt khỏi tranh vì chúng thiếu vẻ tinh tế, có thể làm hỏng không khí chung. Tấm ảnh này nhắc tôi nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều đã lớn lên với niềm tin tràn trề vào triển vọng tương lai, và cuộc đời, xét theo vài khía cạnh, chỉ là một chuỗi các sự kiện trong đó triển vọng được mở rộng hoặc tước đoạt khỏi tay bạn. Thích nghi ra sao là lựa chọn của bạn. Xét theo tinh thần đó, bức ảnh này mang chất Darwin: Nó là nguồn gốc của muôn loài. Và tôi là muôn loài. Tuy nhiên, hơn tất cả, đối với tôi, đây là tấm ảnh chụp một cô bé đang đứng trước ngưỡng cửa... trước khi bước vào. Nó tổng kết con người tôi. Nếu có lúc nào đó tôi rơi vào một cuộc khủng khoảng nhân dạng, bức hình này sẽ cứu tôi. Giờ đến lượt bạn. Hãy tìm một bức ảnh gia đình và ngắm nó thật kỹ. Bạn thấy trong đó có điểm gì giống với cuộc đời hiện nay, với con người mà bạn đã trở thành? Điểm gì chỉ hơi giống? Điểm gì không có chút tương đồng nào hoặc chẳng gợi lên điều gì đáng nhớ? Điểm gì rốt cuộc đã trái ngược hoàn toàn với những gì bạn thấy? Tại sao lại xảy ra bốn kết quả nói trên? Hãy tự lý giải cho bản thân. Khi làm việc này, hãy để ý những con người và sự kiện bật ra trong tâm trí bạn. Những gương mặt nào – họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo, hàng xóm, kẻ thù, người lạ, thú cưng – tự động xuất hiện? Lần cuối cùng bạn nghĩ đến những người đó là khi nào? Đó là ký ức được chôn giấu trong tất cả những gì bạn đã lưu lại, vẫn kiên nhẫn chờ bạn khai phá và, biết đâu đấy, sử dụng chúng. Cũng giống như việc ngắm lại cuốn kỷ yếu trung học, có ai không trào dâng những cảm xúc nhớ nhung, nuối tiếc, cô đơn và vui sướng kia chứ? Bài tập với tấm ảnh gia đình trong trường hợp này https://thuviensach.vn cũng thế. Mục tiêu của nó là kết nối với thứ gì đó xưa cũ để khiến chúng trở nên mới mẻ. Hãy ngắm nhìn và tưởng tượng. https://thuviensach.vn Chương 5Trước khi có thể nghĩ vượt ra ngoài chiếc hộp, bạn phải bắt đầu với chiếc hộp đã Mỗi người có hệ thống tổ chức của riêng mình. Hệ thống tổ chức của tôi là một chiếc hộp, loại bạn có thể mua ở cửa hàng văn phòng phẩm để lưu chuyển giấy tờ. Tôi khởi đầu mọi điệu múa với một chiếc hộp. Tôi viết tên dự án lên hộp, và theo tiến trình phát triển của nó, tôi bỏ vào hộp mọi thứ góp phần vào công cuộc xây dựng điệu múa, bao gồm sổ ghi chép, các mẩu tin tức, đĩa CD, băng video ghi lại hình ảnh tôi làm việc một mình trong phòng tập, video hình các vũ công tập luyện, sách và ảnh cùng các tác phẩm nghệ thuật đã tạo cảm hứng cho tôi. Chiếc hộp lưu trữ chứng cứ về cuộc nghiên cứu tích cực cho mỗi dự án. Với dự án Maurice Sendak, chiếc hộp chứa đầy các ghi chú của Sendak, các đoạn trích thơ của William Blake, những món đồ chơi biết nói. Tôi dám chắc đây là những thứ mà hầu hết mọi người cất trên giá hoặc bỏ vào các cặp hồ sơ nhưng tôi thích những chiếc hộp hơn. Có những chiếc hộp dành riêng cho tất cả những gì tôi từng làm. Nếu bạn muốn hình dung về cách tôi suy nghĩ và làm việc, bắt đầu từ những chiếc hộp của tôi là một cách làm không tồi. Chiếc hộp mang lại cho tôi cảm giác có tổ chức, rằng tôi có tâm thế làm việc nghiêm túc ngay cả khi chưa biết mình sẽ đi theo hướng nào. Nó cũng đại diện cho sự cam kết. Hành động viết tên dự án lên hộp có nghĩa là tôi đã bắt tay vào việc. https://thuviensach.vn Chiếc hộp khiến tôi có cảm giác gắn kết với một dự án. Đó là mảnh đất của tôi. Tôi vẫn có cảm giác đó ngay cả khi đã tạm gác lại một dự án. Tên dự án trên hộp là lời nhắc nhở liên tục rằng tôi từng nảy ra một ý tưởng và rất sớm thôi, tôi sẽ quay lại với nó. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chiếc hộp đồng nghĩa với việc tôi không bao giờ phải lo lắng về chuyện quên quên nhớ nhớ. Một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với một người làm nghề sáng tạo là một ý tưởng tuyệt vời nào đó có thể biến mất vì bạn không ghi lại và cất nó vào một nơi an toàn. Tôi không lo lắng chuyện đó vì tôi biết phải tìm nó ở đâu. Tất cả đều đã được cất trong hộp. Tôi thích hộp chứa hồ sơ bằng bìa các-tông vì nhiều lẽ, tất cả đều đậm tính đặc thù cá nhân. Các loại giá kệ ở khu làm việc tại nhà, nơi lưu trữ các loại thiết bị âm thanh, hàng trăm đĩa nhạc và hàng chồng bản nhạc; là loại kệ chắc chắn đủ để thợ sơn có thể đứng lên khi sơn vẽ tường bao bên ngoài ngôi nhà. Đó là một lựa chọn thẩm mỹ mang tính cá nhân. Tôi muốn tất cả mọi thứ xung quanh mình, từ các vũ công cho đến các điệu múa và giá kệ của mình, đều phải mạnh mẽ và bền bỉ với thời gian. Các hộp hồ sơ cũng phản ánh thực tế ấy. Chúng dễ mua, lại rẻ. Chúng hữu dụng thực sự; thực hiện chính xác điều tôi kỳ vọng ở chúng: giữ các món đồ. Tôi có thể viết lên chúng để nhận biết nội dung bao chứa bên trong (bạn sẽ không làm thế với một chiếc tủ gỗ anh đào giá 1.000 đô-la). Tôi có thể di chuyển chúng đi đâu tùy thích (đây cũng là việc khó khăn với một hệ thống lưu trữ bằng gỗ nặng nề). Khi một chiếc hộp đã đầy, tôi có thể dễ dàng dỡ nó ra và làm một chiếc hộp khác. Và khi đã xong việc với chiếc hộp, tôi có thể bỏ nó đi và chuyển sang một dự án mới, một chiếc hộp mới. Dễ kiếm. Không đắt đỏ. Tuyệt đối hữu dụng. Dễ vận chuyển. Dễ nhận dạng. Dễ tiêu hủy. Đủ bền chắc. Đó là những tiêu chuẩn của tôi đối với một hệ thống lưu trữ hoàn hảo. Và tôi đã tìm thấy câu trả lời trong một chiếc hộp chứa hồ sơ đơn giản. https://thuviensach.vn Dĩ nhiên, đó không phải câu trả lời duy nhất. Maurice Sendak dùng một căn phòng có vai trò tương tự như những chiếc hộp của tôi, một xưởng làm việc có một chiếc tủ lớn gồm nhiều ngăn kéo dẹt, trong đó anh giữ các bản phác thảo, tài liệu tham khảo, ghi chú, bài viết. Anh thường chạy vài dự án cùng lúc và khi đang xử lý một dự án, anh muốn cất các loại tài liệu không liên quan xa khỏi tầm mắt. Một số người khác lại dựa vào các thẻ chỉ mục được sắp xếp cẩn thận. Những người am hiểu công nghệ hơn thì lưu hết vào máy tính. Không có một hệ thống quy chuẩn duy nhất nào. Cách nào cũng có thể dùng được, miễn là nó cho phép bạn lưu trữ và tra cứu ý tưởng của mình – và không bao giờ đánh mất chúng. Tôi cũng thích sự giản dị của một chiếc hộp. Sự đơn giản này có mối liên hệ mật thiết với tính hiệu quả. Một nhà văn có hệ thống lưu trữ và tra cứu tốt có thể viết nhanh hơn. Anh ta không phải mất nhiều thời gian lục tìm đồ đạc, bới tung đống giấy tờ và sục sạo các phòng khác trong nhà vì hoang mang không biết mình vứt câu trích dẫn hoàn hảo kia ở đâu. Nó ở trong hộp. Một kho tư liệu hoàn hảo còn cho bạn thêm nhiều nguyên liệu để khai thác, để dùng làm chất dẫn truyền cho sáng tạo. Beethoven, dù có tiếng là phóng khoáng và mang một hình ảnh lãng mạn hoang dại, nhưng ông lại là người rất có tổ chức. Ông giữ gìn mọi thứ trong một loạt các cuốn sổ được sắp xếp tùy theo mức độ phát triển của ý tưởng. Ông có sổ dành cho những ý tưởng dạng thô, sổ dành cho phần cải tiến các ý tưởng nói trên và sổ dành cho ý tưởng hoàn chỉnh, cứ như thể ông đã ý thức trước được giai đoạn sơ khởi, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của một ý tưởng vậy. Với bất cứ ai đọc được nhạc, các cuốn sổ phác thảo ghi lại tiến trình sáng tạo của ông theo đúng nghĩa đen. Ông thường viết tháu những ý tưởng thô, chưa thành hình vào cuốn sổ bỏ túi và để chúng đó, chưa dùng đến, ở trạng thái chờ, nhưng chí ít cũng đã được ghi lại. Vài tháng sau, trong một cuốn sổ lớn hơn, bền đẹp hơn, bạn có thể thấy ông nhắc lại ý tưởng đó, nhưng đó không chỉ là hành động sao chép đơn thuần. Bạn sẽ thấy ông phát triển nó, nghiền ngẫm nó, cải tiến nó trong cuốn sổ mới. Ông có thể lấy một mô típ ba nốt và đẩy https://thuviensach.vn nó sang một giai đoạn mới bằng cách giảm nửa tông của một trong ba nốt và nhân đôi nó lên. Sau đó, ông bỏ ý tưởng ở đấy thêm sáu tháng nữa. Nó sẽ xuất hiện lại trong cuốn sổ thứ ba, lần này cũng không phải được sao chép lại mà là cải tiến hơn nữa, có lẽ là được đảo trật tự và đã sẵn sàng để được dùng trong một bản xô-nát cho piano. Ông không bao giờ cất lại một ý tưởng trong tình trạng giống hệt như trước. Ông luôn đẩy chúng tiến lên và bằng cách đó, ông làm chúng thêm tươi mới. Các cuốn sổ đáng chú ý vì nhiều lý do. Beethoven là một người thất thường, ưa xê dịch, luôn đòi hỏi thay đổi khung cảnh. Trong 32 năm sống ở Vienna, ông chưa bao giờ mua một căn nhà và đã chuyển chỗ ở tới hơn 40 lần. Tôi ngờ rằng đó là lý do tại sao ông cần hệ thống sổ sách tỉ mỉ này. Với bao biến động trong cuộc sống riêng, những cuốn sổ neo giữ phần duy nhất có ý nghĩa của cuộc đời ông: sáng tác. Chỉ cần ông “giam” được những ý tưởng của mình vào giấy, sức sáng tạo của ông sẽ không bao giờ suy suyển. Thực tế, nó chỉ càng mạnh mẽ thêm mà thôi. Đó là giá trị đích thực của chiếc hộp: Nó chứa đựng cảm hứng của bạn nhưng không bó buộc sức sáng tạo của bạn. Hãy để tôi giải thích tại sao. Mùa hè năm 2000, tôi nảy ra một ý tưởng: sáng tác một vở nhạc kịch Broadway, toàn bộ là nhảy múa trên nền các bài hát của Billy Joel. Tôi luôn có niềm tin vào âm nhạc của Billy. Tôi đã nghe các bài hát của anh kể từ khi anh bắt đầu thu âm. Tôi cũng có một cảm giác mạnh mẽ rằng âm nhạc của anh sinh ra là để dành cho múa. Cũng trong thời gian đó, tôi mới thành lập công ty gồm sáu vũ công xuất sắc. Thực tế, tôi đang khao khát được giới thiệu họ bằng một tiết mục thật đình đám và tham vọng. Một bữa tiệc múa hoành tráng kéo dài hai tiếng đồng hồ trên nền tất cả các bài hát nổi tiếng của một thần tượng nhạc pop người Mỹ danh tiếng quá phù hợp với yêu cầu đó. https://thuviensach.vn