🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thời Khắc Tươi Đẹp - Nina Riggs Ebooks Nhóm Zalo Lời cảm ơn Nina thực sự muốn thấy Thời khắc tươi đẹp được in ra. Dù không thể thấy cuốn sách hoàn toàn thành hình, cô ấy đã chết khi biết nó sắp hoàn thiện và vô cùng biết ơn rất nhiều người đã hiện thực hóa điều đó. Người đại diện của Nina tại The Book Group, Brettne Bloom, là một người tử tế đáng kinh ngạc, tài năng, ấm áp và mạnh mẽ. Có Brettne làm đại diện cũng giống như có được một người chị mà Nina không biết mình có. Tình bạn bền lâu đôi khi không kéo dài mãi, thật đáng buồn, nhưng chắc chắn Nina và Brettne đã thiết lập nền tảng cho một tình bạn như thế. Nina cũng muốn cảm ơn biên tập viên của mình tại nhà xuất bản Simon & Schuster, Marysue Rucci. Khi chúng tôi gặp Brettne và Marysue ở Greensboro, tôi không thể tin rằng Nina có may mắn được tham gia công việc một cách chuyên nghiệp với cả hai người phụ nữ này. Tôi cho rằng thật hợp lý khi người đại diện trong mơ của Nina tìm cho cô một biên tập viên hoàn hảo. Marysue không chỉ đảm nhận dự án của một phụ nữ sắp chết, với tất cả những rủi ro vốn có của nó (không hoàn thành chẳng hạn), mà còn khiến Nina cảm thấy quan trọng như bất kỳ tác giả nào – bị bệnh hay khỏe – trong việc viết ra một bản thảo. Mối quan hệ của cô với Nina cũng vượt trên vai trò trong công việc của họ. Trong chuyến thăm duy nhất của Nina đến New York và văn phòng Simon & Schuster, cô ấy đã được nhóm xuất bản của mình tổ chức ăn mừng tại Simon & Schuster trước khi cô hoàn thành công việc. Marysue đã đặt nền móng, còn toàn bộ những người ở Simon & Schuster theo sau, bao gồm: Carolyn Reidy, Jonathan Karp, Richard Rhorer, Cary Goldstein, Sarah Reidy, Dana Trocker, Ebony LaDelle, Martha Schwartz, Carly Loman, Jackie Seow Thomas Colligan và Lisa Rivlin. Đặc biệt cảm ơn Zack Knoll tại Simon & Schuster và Dana Murphy tại Book Group vì công việc tuyệt vời của họ ở hậu trường. Nina muốn cảm ơn Samantha Hahn vì đã vẽ một bìa sách đầy nghệ thuật và Jenny Meyer, người đã xử lý vấn đề bản quyền nước ngoài cho Nina. Cô cũng vô cùng biết ơn tất cả các nhà xuất bản nước ngoài, đặc biệt là Michael Heyward và các đồng nghiệp đáng yêu của anh tại Text, với những sự khuyến khích và phản hồi được đánh giá cao trong quá trình viết. Ngoài ra còn có Michelle Weiner tại CAA. Cảm ơn Dan Jones tại chuyên mục Tình yêu hiện đại của New York Times đã cho đăng bài của Nina,“Khi một chiếc trường kỷ còn hơn một chiếc trường kỷ,” một ấn phẩm mơ ước dành cho cô ấy và là thứ trực tiếp dẫn đến cuốn sách này. Nina cũng muốn cảm ơn Drew Perry, người có những chỉnh sửa sâu sắc gần như đều được đưa vào cuốn sách; Tita Ramirez; Melissa và Adam Tarleton; Heidi Levine; Amanda Moore, người đọc những bản thảo gần hoàn thiện; và Cristina Henriquez, người đã khuyên Nina sớm thai nghén một dự án sách. Nina nhận được sự hỗ trợ của nhiều người rất gần gũi trong suốt cuộc đời và khi bị bệnh, bao gồm em gái tôi Jennie Duberstein; em họ của Nina là Bonnie Dundee; người bạn thân nhất của cô từ khi còn học trung học là Mta Harrington Myers; em trai cô ấy là Charlie Riggs, và vợ, là Amelia; và bố cô, Peter Riggs, người cha tốt bụng nhất, cảm thông nhất và có năng lực thầm lặng nhất mà một cô gái có thể hi vọng và là một trong những người tốt nhất tôi từng gặp. Nina không thể chia sẻ Thời khắc tươi đẹp với mẹ cô, Jan Riggs, người đã qua đời vào tháng Tám năm 2015. Sự quyết tâm và thấu suốt của Nina khi đối mặt với căn bệnh nan y là một sự tôn vinh ngầm đối với mẹ cô, người là nguồn gốc của sức mạnh và sự thấu suốt của Nina về cái chết. Nina cũng rất biết ơn bác sĩ Cavanaugh và bác sĩ Rosenblum tại Trung tâm Ung thư Duke. Bất cứ nơi nào đi tới, dường như Nina đều gặp những phụ nữ chuyên nghiệp. Nói về những phụ nữ khí chất, xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người bạn của Nina, Virginia Darden Meek, thân mật là Ginny. Ginny được chẩn đoán mắc ung thư cùng thời điểm với Nina, cũng với căn bệnh ung thư vú bộ ba âm tính cực kỳ nhảm nhí, và qua đời trước ba ngày, khi Nina nằm trong trung tâm an dưỡng. Khi tôi nói với Nina về cái chết của Ginny, nó tác động tới cô ấy mạnh hơn bất cứ thứ gì. Ginny là một người mạnh mẽ, vui nhộn và đáng yêu. Những đứa trẻ mà Ginny bỏ lại và tình bạn mà cô ấy giúp tạo dựng giữa hai gia đình chúng tôi đã là một món quà, không những thế cô ấy còn khiến cho hành trình qua cõi u ám ung thư vú di căn của Nina trở nên sáng sủa hơn rất nhiều. Cuối cùng, mặc dù chúng ta đã nói về việc Thời khắc tươi đẹp là di sản mà Nina dành cho các con, Freddy và Benny – và tôi hi vọng thông qua các bài đọc liên tiếp sẽ giúp chúng biết về mẹ và hiểu nhiều hơn về tình yêu mà cô ấy dành cho chúng khi bọn trẻ lớn hơn – tôi chắc chắn Nina muốn cảm ơn hai con và tôi. Chúng tôi đúng là một tổ đội nhỏ bé và tác phẩm để đời này của cô ấy thiên về việc gieo mầm hạnh phúc trong tương lai cho chúng tôi hơn là viết về bản thân. Hạnh phúc thay, tôi nghĩ cô ấy đã làm được cả hai. Chẳng lời đề tặng nào có thể diễn tả được tôi yêu hay nhớ cô ấy đến mức nào, nhưng tôi cũng thực sự biết ơn tất cả những gì cô ấy đã làm để chuẩn bị cho chúng tôi trước nỗi mất mát to lớn này cùng tất cả những gì cô ấy đã bỏ lại, đặc biệt là hành trình này và hai cậu bé của chúng tôi. JOHN DUBERSTEIN TỦ SÁCH Y HỌC 1. Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks, Rebecca Skloot 2. DNA: Hành trình khám phá cấu trúc chuỗi xoắn kép, James D. Watson 3. Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại, Siddhartha Mukherjee 4. Hiểu về sự chết, Sherwin B. Nuland 5. Khi hơi thở hóa thinh không, Paul Kalanithi 6. Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh, Siddhartha Mukherjee 7. Não bộ kể gì về bạn?, David Eagleman 8. Mọi chuyện trên đời đều có nguyên do, Kate Bowler 9. Tế bào gốc, Paul Knoepfler Dành tặng các anh chàng của tôi: John, Freddy, và Benny và tưởng nhớ mẹ tôi, Janet Angela Riggs, 1947–2015 Tôi vui mừng với thời khắc ẩm thấp, ấm áp, lấp lánh, vừa chớm nở và du dương xuyên qua những bức tường hẹp của tâm hồn tôi, kéo dài rung động và sinh khí đến tận chân trời. Đó là buổi sáng, một thời khắc tươi đẹp để thôi là tù nhân của cơ thể ốm yếu này, để trở nên rộng lớn như Thế gian. Ralph Waldo Emerson, 1838 Mở đầu. Tập đạp xe “Cái chết phải đâu ngày tận thế,” mẹ tôi đã đùa sau khi được chẩn đoán là sẽ không qua khỏi. Tôi chưa từng thực sự hiểu ý mẹ, cho đến ngày tôi nhận ra – vài tháng sau khi mẹ chết – khi mà căn bệnh ung thư vú tôi mắc phải lúc ba mươi tám tuổi đã di căn và vô phương cứu chữa. Có rất nhiều điều còn tồi tệ hơn cái chết: những mối hận thù, không nhận thức được bản thân, chứng táo bón, không có khiếu hài hước, sự nhăn nhó trên khuôn mặt chồng bạn khi anh ta trút dịch mổ của bạn vào cốc. John và tôi đang ở trên vỉa hè trước nhà, chúng tôi sánh bước dưới ánh mặt trời buổi sáng muộn, cùng tập đạp xe cho cậu con trai nhỏ. “Đừng thả tay mẹ ơi!” Benny la lên. “Nhưng con đi được rồi, đi được rồi,” tôi cứ nói, chạy bên cạnh con. Tôi có thể cảm thấy sự vững vàng dưới bàn tay đang giữ yên xe. “Con sắp tự đi một mình được rồi mà.” “Nhưng con chưa sẵn sàng đâu!” Benny la toáng. Chúng tôi chưa từng dạy cậu con trai lớn Freddy đạp xe. Một ngày nọ, thằng bé nài nỉ tháo bánh tập, và vài phút sau nó đã đạp thoăn thoắt đằng sân sau. Benny thì khác. Nó chẳng sẵn sàng để tự đạp xe. “Mẹ có giữ con không đấy?” nó lại hỏi. Không khí cuối tuần là một liều thuốc, và tôi bắt đầu cảm thấy ngày một mạnh mẽ hơn: nhiều tháng hóa trị đã lùi bước về sau, đã gần hoàn thành sáu tuần xạ trị. Chúng tôi đang hướng tới chỗ cái biển báo ở góc đường, còn khoảng hơn chục mét nữa, và cái xe đã thăng bằng hết mức. “Chân đạp mạnh,” John nói. “Mắt nhìn, tay vững.” Một cặp vợ chồng trẻ dắt theo chó băng qua đường để tránh lối cho chúng tôi. Họ mỉm cười với Benny. Tôi mỉm cười với họ và tìm ánh mắt của John. Thằng bé đang làm được. Tôi không nhìn xuống. Tôi nhìn về phía trước. Bỗng chân tôi vấp phải một gờ xi măng. Trong khoảnh khắc, một thứ gì đó bên trong đột ngột xảy đến. Benny nghe tiếng tôi la, và cả John và tôi đều buông xe ra. John đang đỡ toàn bộ sức nặng của tôi và tôi đang lạc trôi đâu đó trong một vũ trụ mới mang tên Đau đớn. Nhưng tôi cũng đang dõi theo Benny lắc lư tiến về phía trước. Chiếc xe cứ đi đều. “Con xin lỗi! Mẹ sao rồi?” Benny kêu. “Nhìn này! Con vẫn đang đi!” Và thế đó: Thế giới sống động, tươi đẹp này cứ tiếp diễn. Ngày hôm sau tại bệnh viện, bên trong cỗ máy MRI, nơi nghe có vẻ như người ngoài hành tinh thù địch đã thành lập một ban nhạc rock, tôi nhớ lại một câu chuyện từng nghe trên đài NPR về một bài tập xây dựng đội nhóm mà một ông chủ ở Hàn Quốc đang sử dụng để nâng cao tinh thần công nhân. Trong buổi tập, các nhân viên mặc áo choàng dài và ngồi vào bàn làm việc. Mỗi người viết một lá thư cho một người thân yêu như thể đó là lá thư cuối cùng của họ. Sụt sùi hay thậm chí khóc lóc đều được chấp nhận. Bên cạnh mỗi bàn là một hộp gỗ lớn. Nhưng không phải là một hộp gỗ thông thường: một cỗ quan tài. Khi các công nhân hoàn thành lá thư, họ nằm xuống quan tài và ai đó giả vờ là Thiên sứ của Cái chết xuất hiện và đóng nắp quan lại. Họ nằm im hết mức trong bóng tối bên trong quan tài trong khoảng mười phút. Ý tưởng là sau khi bị chôn cất như vậy, họ sẽ có một thế giới quan mới, một điều sẽ khiến họ say mê hơn với công việc và trân trọng cuộc sống. Xung quanh tôi: Phòng của những bệnh nhân mặc áo choàng nằm ngửa trên những ống lớn và những bệnh nhân im lặng được đưa ra đưa vào từ những căn phòng dưới tầng hầm tăm tối này. Chúng tôi đang luyện tập, tôi nghĩ. Khi máy kêu lách cách và rì rầm trong hơn một giờ, Tôi trở thành Thiên sứ của Im lìm. Tôi nghĩ: Quên Thiên sứ của Cái chết đi. Thuốc cản quang xuất hiện trong huyết quản của tôi, và đúng lúc kỹ thuật viên cảnh báo tôi, Thiên sứ của Hình ảnh Y khoa đến gần nhưng không chạm vào tôi. Khi tiếng ồn cuối cùng dừng lại, tôi có thể nghe thấy giọng nói của một chiếc máy khác trong một căn phòng gần đó hướng dẫn: THỞ. NGỪNG THỞ. THỞ. Trong phòng điều khiển, một hình ảnh đang nổi lên từ bóng tối của màn hình: cột sống của tôi bị khối u nuốt chửng. Họ gọi đó là sự nứt bệnh lý. Đây là phòng chụp MRI nơi họ nhận thấy ung thư đã lan đến xương của tôi. Đây là phòng chụp MRI cho thấy tôi có mười tám đến ba mươi sáu tháng để sống. Nửa tiếng sau tôi sẽ nằm cùng một vị trí trong một phòng cấp cứu có rèm, được một kỹ thuật viên xạ trị thông báo trong nước mắt – siết lấy tay tôi, vỗ nhẹ vào cái đầu hói của tôi – rằng cơn đau mà tôi phải chịu trong suốt hai tháng, thứ mà họ trấn an rằng là hệ quả sau nhiều tháng hóa trị, thực ra chính là từ căn bệnh ung thư sẽ chẳng bao giờ biến mất. Giai đoạn một 01. Một chấm nhỏ C uộc gọi đến khi John đi công tác ở New Orleans. Đừng nán lại với ánh sáng mỏng manh rọi vào phòng ngủ khi tôi gấp quần áo, những chiếc lá cuối cùng run rẩy trên cây sồi liễu ngoài kia – muốn buông mà chưa nỡ. Hơi nóng huyên náo trong ống thông hơi. Con chó mải nghịch một chỗ ở chân nó. Năm mới lửng lơ trong không trung như dấu hỏi. Điện thoại réo rắt trên giường. Đã gần trưa rồi. Lúc này ở trường, hẳn bọn trẻ đang xếp hàng cho giờ nghỉ, những ngón tay luồn trong găng như những nhà thám hiểm. Ung thư vú, đó là lời bác sĩ từ kết quả sinh thiết. Một chấm nhỏ. Một chấm nhỏ. Tôi nhắc lại với John, lúc anh vừa họp xong và nhận tin nhắn của tôi. Tôi nhắc lại với mẹ, người nói rằng, “Con đùa mẹ à. Không phải con, được chưa.” Tôi nhắc lại với bố, người xuất hiện tại nhà tôi với món súp gà. Tôi nhắc lại với cô bạn thân nhất Tita, và cô ấy nhắc lại điều đó khi chúng tôi ngồi trên chiếc ghế dài, quá ám ảnh trước hai mươi từ của cuộc trò chuyện qua điện thoại với bác sĩ. Tôi nhắc lại khi đánh răng, trong dòng xe nối đuôi nhau, khi cởi áo ngực, đi ngủ, đi giữa các kệ hàng siêu thị, đi trên thảm cỏ xanh, nằm trong cái động chật chội, tù túng của cỗ máy MRI trong khi bác sĩ khám kỹ hơn. Một chấm nhỏ. Nó trở thành một khúc kinh cầu, một tiếng kêu xung trận. Một chấm nhỏ thì có thể sửa chữa. Một chấm nhỏ là một năm của cuộc đời bạn. Không ai chết vì một chấm nhỏ. “Dào, ung thư vú,” tôi nhớ lại lời mà người bà cô từng nói trước khi qua đời ở tuổi chín mươi ba vì suy tim. “Bà bị vậy từ thập niên 1970 cơ.” 02. Thế giới của rắc rối Vài tuần trước cuộc gọi này, ấy là một đêm ấm áp: John và tôi ngồi trên hiên trước với ly rượu whiskey và để mặt trời lặn trong đáy mắt – tắm một màu cam lên chúng tôi và cả thế giới khi nó chìm xuống dưới mái nhà bên kia đường, nơi người hàng xóm đang ngồi trên xích đu – một vị giáo sư đã nghỉ hưu, không còn nhớ nổi tên chú chó của mình. Vợ ông lấp ló bên cửa sổ bếp, và ông gật đầu với chúng tôi. Bầu trời duy nhất ông thấy là bóng tối đang tới. Một thế giới của rắc rối, tôi bảo các con đó là thứ sẽ chờ nếu chúng rời khỏi giường để theo chúng tôi ra ngoài này. 03. Bảng Punnett “Ông nội tôi bị ung thư vú.” Điều này có thể làm cho bất cứ ai đang lập biểu đồ tiền sử y khoa của tôi chú ý. “Ông đã được phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc vào thập niên 1970. Và em gái ông cũng bị – bà đã chết ở tuổi ngũ tuần. Và một trong những cháu gái của ông. Và con gái của ông – bác của tôi.” Tôi đang ngồi trong văn phòng của một chuyên gia tư vấn di truyền, trong khi cô ấy mải mê phác thảo phả hệ nhà tôi trên một tờ giấy. Có những hình vuông và hình tròn, người bị ung thư được đánh dấu X. Rất nhiều dấu X. Về phần mẹ tôi: cả ông bà ngoại đều mắc ung thư, mặc dù không phải ở vú. Một khối u ác tính sớm ở dì tôi. Và chưa đầy sáu tháng sau cuộc trò chuyện này, chính mẹ tôi sẽ chết vì căn bệnh ung thư máu gọi là đa u tủy. Khi nhà tư vấn di truyền đang vẽ sơ đồ, tôi nhớ một thứ tương tự từ lớp khoa học lớp bảy, bảng Punnett: gần giống như một thầy bói, tốt hơn so với bảng cầu cơ và trò gấp giấy đông tây nam bắc – khi ta gần như không thể hình dung và không thể chấp nhận nổi việc trưởng thành. Chọn bất kỳ cậu bé nào trong lớp, và bạn có thể dự đoán khả năng bạn và cậu ta sẽ có những đứa con với đôi mắt nâu hoặc lông trên ngón chân và ngón tay. Hay như gợi ý từ sơ đồ của nhà tư vấn di truyền – bệnh ung thư. Theo bảng Punnett, hai bạn học ở bàn của tôi, Mike Henninger và Christina Stapleton, có 100% cơ hội sinh con mắt xanh. Điều này khiến tôi hồi đó giật thót: rốt cuộc, có những điều trong tương lai đã được định sẵn. Một sự chắc chắn nào đó – nếu Christina và Mike yêu nhau. Rồi muốn có con. Rồi Christina mang thai. Rồi đứa trẻ an toàn đến với thế giới này. Về phần bố tôi: Chị gái của ông mang gen ung thư vú BRCA2. Bà là người đầu tiên trong chúng tôi được xét nghiệm, sau khi được chẩn đoán vào thập niên 1990. Con gái bà, người không bị ung thư, cũng mang gen đột biến. Và ít nhất một trong ba người em còn sống của bố tôi cũng thế. Nhưng hóa ra tôi không mang gen đột biến. Tôi vừa được chẩn đoán mắc ung thư vú ở tuổi ba mươi bảy, nhưng tôi không mang gen đột biến ung thư vú. “Tôi sẽ gửi cho chị một nghiên cứu mà tôi tìm thấy,” người tư vấn di truyền nói với tôi. “Chị có thể quan tâm đến những kết quả này, trong hoàn cảnh của chị.” Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy trong các gia đình mang đột biến gen ung thư vú được xác định như BRCA1 hoặc BRCA2, g g ợ ị ặ ngay cả những thành viên không mang gen đột biến cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều. “Điều này có nghĩa là có một số gen mà chúng ta chưa lập bản đồ thành công,” người tư vấn nói. “Chúng ta đang thấy một phần của bức tranh, nhưng không phải toàn bộ.” Chúng ta chỉ chắc chắn rằng có rất nhiều điều mà chúng ta chưa chắc chắn. Theo như chúng ta biết hiện nay, vấn đề di truyền chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng các ca bệnh ung thư vú. Nghĩa là 89% sẽ ngẫu nhiên rơi xuống đầu chúng ta. Ông nội tôi, người bị ung thư vú, qua đời khi tôi lên bảy, hai năm sau khi bà tôi mất. Ung thư, cả hai người – có lẽ đã di căn từ vú, hoặc có thể là thứ gì khác. Chúng ta không thể chắc chắn – đó là đầu thập niên 1980. “Cháu có bao giờ trông thấy những vết sẹo của ông nội do phẫu thuật đoạn nhũ không?” một trong những người chú hỏi tôi sau khi chẩn đoán. Tôi từng thấy chúng một lần, mặc dù lúc đó tôi nghĩ đó là hậu quả của chiến tranh. Khi ấy là mùa hè. Tôi mới năm hoặc sáu tuổi và chúng tôi đã xuống bãi đá bờ biển bên dưới ngôi nhà mùa hè của gia đình ở đảo Cape Cod, nơi con ngựa của bà tôi, Sachem, bị kẹt một chân giữa hai tảng đá lớn, cái chân gãy dưới sức nặng cơ thể và nó phải bị bắn. Cơ thể con ngựa quá to để di chuyển, và ai cũng toát mồ hôi với việc lấp một đống đá còn cao hơn tôi lên con ngựa. Cơ thể ông nội tôi săn chắc, vạm vỡ và rắn rỏi. Đó là vóc dáng quen thuộc của gia đình, nhưng bộ ngực trần của ông là một thứ khác hẳn: bị biến dạng, nhăn nheo với mô sẹo, lõm vào lồng ngực như một chiếc thuyền gỗ. Những người trưởng thành thì đầy bất ngờ, tôi nhớ mình đã nghĩ vậy. Ai có thể mường tượng được sẽ thành người như thế nào? Nhiều năm sau, ở xa hơn dưới bờ biển nơi dốc đứng uốn thành một cái vịnh nhỏ, vài mảnh xương của Sachem cuối cùng đã quay trở lại với chúng tôi – được tẩy trắng, mài mòn và nặng đến mức lúc đầu tôi tưởng chúng thuộc về một con thú thời tiền sử. Bây giờ một mảnh được đặt trên bàn gần lò sưởi, bên cạnh cái hàm giận dữ của một con cá ngừ vây xanh, bộ da lột của một con rắn chúa, một chuỗi xoắn giòn của hàng ngàn quả trứng ốc xà cừ và hai tấm gỗ khắc tên tuổi của ông nội tôi. Một số điều cứ muốn quay lại với chúng ta hết lần này đến lần khác. 04. Chẳng có gì tốt “Con không nghĩ mình có thể nói với bọn trẻ trước khi chấp nhận được chuyện này,” tôi bảo mẹ vào cái hôm sau khi được chẩn đoán. Freddy vừa lên tám tuổi, còn Benny lên năm. “Được thôi,” mẹ nói, “nhưng cứ nhớ rằng chẳng có lúc nào là thời điểm hoàn hảo cả.” Tám năm trước, khi mẹ gọi cho tôi từ phòng khám sau khi được chẩn đoán mắc đa u tủy, tôi đang ngồi trên mép giường, chăm sóc con. Freddy mới được hai tuần tuổi. “Khốn nạn, con ơi sao mẹ lại bị thế này,” tôi nhớ mẹ đã nói. Tôi không khóc. Tôi bảo mẹ đừng lo lắng, hãy tập trung lái xe về nhà an toàn, tôi sẽ gọi cho em trai tôi, Charlie, hiện nó đang học đại học xa nhà. Nhưng đến lúc là người mang tin tức, tôi lại khó cất lời được. “Chị đang nói gì vậy?” Charlie cứ hỏi. “Không có gì tốt đẹp cả,” đó là câu hay nhất tôi có thể đáp. Rất may, em tôi chỉ nghe và hỏi vài câu. Tôi đã không rời khỏi mép giường một lúc lâu. Con đã no sữa trong lòng tôi, và bộ đồ của nó đã ướt sũng. 05. www.nayninariggsmoichuyenseonthoi.com Bọn trẻ đã nghỉ học vào thứ Hai sau khi tôi được chẩn đoán, nên John xin nghỉ một ngày để cố giữ chúng ngoài căn nhà trong khi tôi chấp nhận tin dữ này. Tôi nằm ngửa trên giường, mường tượng mình là một người bệnh. Người bệnh nghĩ gì nhỉ? Làm sao để biết khi nào bạn bắt đầu trở thành người bệnh? Tôi cũng tự hỏi về sự bình tĩnh lạ lẫm này, thứ đã chiếm lĩnh tôi vài ngày qua – kể từ lúc trên điện thoại bác sĩ thốt ra từ ung thư. Đồng thời khi trông thấy vẻ hãi hùng trong mắt John, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm thế nào đó. Nó đã xảy ra, tôi tiếp tục suy nghĩ. Điều tồi tệ. Đây là cảm giác về điều tồi tệ ư. Bằng cách nào đó, một khoảng trống đẹp đẽ đã mở ra trong ngực tôi, một hồ nước nhỏ, sâu trong khu rừng rậm rạp nhất. Một phiên bản trước đó của tôi – tôi của chỉ một tuần trước thôi – đã sẵn sàng tìm cách trở thành một tiến sĩ về tỉ lệ tử vong do ung thư vú. Trong thập niên qua, tôi đã trở thành một tiến sĩ Google trong ít nhất một trăm chủ đề thảm khốc – thường là vận rủi có thể xảy đến với những đứa con tội nghiệp của tôi: khả năng tử vong do vết cắn mang bệnh dại mà không được phát hiện, do tiêu chảy phân xanh, do dái tai to, do ăn đất mùn ở sân chơi, do quá thích chơi với quạt trần và mèo. Tôi nhớ đã có lần đọc rằng ung thư buồng trứng thường không bị phát hiện vì bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng sớm rõ ràng nào. Mình cũng không có triệu chứng rõ ràng, tôi suy luận, rõ là mình bị ung thư buồng trứng rồi. John lắc đầu: “Em quá bệnh,” anh nói. “Để hòng thoát khỏi bệnh tật.” Từ khi còn là một cô bé, tôi đã lên kế hoạch thoát thân mỗi khi ngủ trên một chiếc giường không phải của mình. John thì chẳng lo lắng về bất cứ điều gì cho đến khi các phòng đầy khói và ai đó lay anh dậy khi ngọn lửa đang cháy lan dưới cửa: Được rồi, có lẽ chúng ta nên gọi 911. Lời thú nhận đen tối nhất: Một lần, một mình với con quá nhiều giờ – hôm đó trời đã tối, John vẫn ở văn phòng – tôi cố tình để Freddy chín tháng tuổi liên tục mút cọng dây sạc máy tính xách tay – thằng bé cười khúc khích và rên rỉ đồng thời mỗi lần nó thè lưỡi – để tôi có thể có một giây rảnh rỗi lùng sục trên Internet tìm thứ gì đó sẽ cho tôi biết khả năng mà một đứa trẻ tự kỷ chín tháng sẽ tinh khôn, khỏe mạnh. Vài năm trước, khi một nhà trị liệu giúp tôi nhận ra qua một loạt các bài tập rằng điều duy nhất làm tôi hài lòng trên Internet là một trang web nói rõ ràng: “Freddy và Benny sẽ ổn thôi. Bạn và John cũng vậy,” tôi đã cười toáng lên với chính mình. Nhưng điều đó không thực sự ngăn tôi nhìn thấy thảm họa ở mọi ngóc ngách, hoặc thỉnh thoảng lại kiểm tra để chắc chắn rằng trang web ma thuật trên thực tế không tồn tại. “Chị đang quá gò bó,” nhà trị liệu nói với tôi. “Chị nghĩ rằng mình sẽ tiêu tùng nếu có điều gì xấu xảy ra.” Giờ đây, nằm trên giường mình, sự tiêu tan này như sự tĩnh tâm, như trôi dần vào giấc ngủ. Đây chính là điều tồi tệ. Trong khi đó, John và bọn trẻ đi đến công viên, đến Target, đến thư viện. Khi về đến nhà, John lặng lẽ lên lầu và ngồi xuống cuối giường. “Anh cần nói chuyện với em,” anh nói. “Ừm,” tôi đáp. “Thực sự anh không muốn nói điều này, nên đừng hoảng hốt nhé.” “Ừm,” tôi lại đáp. “Anh nghĩ Freddy bị tiểu đường.” John đã bị tiểu đường típ một gần hai mươi năm. Họ nói nó không di truyền... “Ừm.” Tôi không thể nghĩ nổi điều gì khác để nói. “Anh thấy con đã uống rất nhiều từ vòi nước ở thư viện, khiến anh nhớ lại khi mình được chẩn đoán. Vậy nên anh đã kiểm tra lượng đường trong máu của con trên máy của anh. Nó cao vượt mức.” “Ừm.” “Sao lại cứ phải thế này kia chứ,” anh đáp. Khó lòng nói thêm lời nào nữa, tôi mặc quần áo vào, chúng tôi lên xe và gọi cho bác sĩ nhi khoa rồi đến bệnh viện. Mắt Freddy đầy sợ hãi và kiệt sức. “Thật tệ quá đi,” tôi nói, kéo anh lại đối diện tôi khi chúng tôi bước ra xe. “Nhưng hãy tin em: Chúng ta sẽ sống sót.” Trên đường đến bệnh viện tôi được báo rằng đã có kết quả chụp cộng hưởng từ MRI của tôi. Chúng tôi dừng ở Trung tâm Vú, cùng nằm trong một khu phức hợp. Cô lễ tân đưa cho tôi kết quả kiểm tra và một túi đeo lớn màu hồng. “Miễn phí!” cô nói. Một chấm nhỏ, thông tin xác nhận. Tôi có thể thở lại nhưng rồi tôi không thể khi chúng tôi bước vào khoa nhi, cái túi màu hồng đè trên vai tôi. Freddy rất thích chơi tại bệnh viện, nhưng thằng bé ghét phải tiêm tĩnh mạch, với kha khá mũi đâm vào bàn tay nhỏ bé của nó, và không ngại cho các y tá biết điều này. “Cháu thấy lạ khi mọi người thoải mái làm những việc đau đớn cho một đứa trẻ,” thằng bé cố gắng, nổi đóa sau nhiều lần bị tiêm. Và: “Cô có chắc là từng tiêm tĩnh mạch trước đó không?” Và: “Không phải đang có một bệnh nhân khác mà cô nên giúp ngay hay sao?” Cô y tá thánh thiện trợn tròn mắt, và John đi ra ngoài để mua cho Freddy một ít cánh gà và nước dùng từ nhà hàng Trung Hoa yêu thích của con – thứ gì đó với lượng carbohydrate thấp không làm tăng đường huyết. Trong khi anh ra ngoài, tôi gọi cho mẹ. “Con biết nghe có vẻ như con đang bịa ra chuyện này,” tôi nói. Đầu tiên tôi nói cho mẹ kết quả MRI của tôi, sau đó là chẩn đoán của Freddy. Họ muốn giữ chúng tôi ở đây trong ba đến bốn ngày – để kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định thận, dạy chúng tôi cách tiêm cho con – ngay cả khi John đã thành thạo rồi. Benny không được phép ở trong khoa nhi vì đang là mùa cúm, vì vậy John đưa thằng bé về nhà sau bữa tối. Sau đó, chúng tôi nói chuyện điện thoại. “Anh thật không muốn nói với em đâu,” John nói. “Thực ra, anh đã cân nhắc việc đưa con đến thẳng bệnh viện và nói với em rằng anh muốn đưa bọn trẻ đi chơi một cách ngẫu hứng. Có lẽ không nên để em biết chuyện này.” Cuối cùng Freddy cũng thiếp đi. Tôi nằm gần con trên chiếc ghế xếp, đèn trong phòng bệnh đã tắt – chỉ còn màn hình theo dõi nhịp tim chớp sáng, gửi một mật mã ổn định vào màn đêm như một ngọn hải đăng: giờ ổn rồi, giờ ổn rồi, giờ ổn rồi. “Em rất vui vì có anh chăm con,” tôi nói. “Em nghĩ em đã lơ là việc đó. Có cảm giác em bị phẫu thuật cắt thùy não rồi.” “Thế à, chẳng định bảo em đâu, nhưng anh cũng để họ cắt não mất rồi,” anh nói. “Như thế là tốt nhất.” 06. Chưng hửng Nữ hoàng của Ung thư Vú Bộ ba Âm tính: đó là vị bác sĩ mà tôi rất may mắn được khám để xem cô ấy có thể xác định cách điều trị khối u hormone âm tính có vẻ xâm lấn này, điều phối viên phòng khám tại Trung tâm Ung thư Duke nói với tôi như vậy. John và tôi chụp ảnh selfie trong phòng khám trong khi chờ đợi. “Đây chính là hình ảnh của hai con người đang sợ chết điếng, những người đang cố tỏ ra như thể họ kiểm soát được mọi thứ,” tôi nói, chỉ cho anh thấy. “Em nghĩ có bao nhiêu người sẽ chạm vào ngực em hôm nay?” anh hỏi. Cuộc hẹn đầu tiên vào lúc 9:20 sáng và chúng tôi không rời phòng khám cho đến 6:00 tối. Bác sĩ Cavanaugh thông minh sắc sảo với đôi bốt đen cao đến đầu gối và chiếc áo choàng trắng. Cô ấy trông rất ra gì và này nọ. Cô ấy có thể là đối cực của tôi. Dường như cô khiến mọi người xung quanh khiếp sợ, tôi và John đều yêu cô ngay lập tức. Cô ấy nhớ là có biết các chi tiết về trường hợp của tôi. Cô nói bệnh ung thư của tôi “nhiều khả năng chữa được.” Cô nói rằng cô thích gọi việc hóa trị kết hợp là “các đơn thuốc” vì từ “hỗn hợp” khiến cô nghĩ về việc uống quá sớm trong ngày và thế thì chán lắm. Vì vậy, có lẽ chúng tôi không phải là đối cực. “Em thích cách cô ấy chưng hửng trước tất cả mọi thứ,” tôi nói với John sau khi bác sĩ rời khỏi phòng và tôi mặc lại chiếc áo ngực thể thao. Vẫn còn một vết bầm lớn trên ngực sau khi sinh thiết, và tôi phải tự nhủ rằng đó đâu phải khối u – chỉ là một tác dụng phụ. “Cô ấy hoàn toàn dửng dưng trước căn bệnh ung thư của em. Có lẽ còn hơi chán nữa. Em nghĩ thế là tốt.” “Anh không nghĩ từ chưng hửng có nghĩa như em bảo,” John nói, khi đang nghe tin nhắn thoại công việc mà anh đã bỏ lỡ. “Có thật không?” tôi nói. Áo của tôi bị lộn ngược. Anh giúp tôi kéo nó qua đầu. “Không phải nó có nghĩa là dửng dưng – không thèm để tâm đến thứ gì đó sao?” “Nó có nghĩa ngược lại.” Bây giờ anh đang mò mẫm dưới áo sơ mi của tôi bằng một tay trong khi tìm kiếm từ đó trên điện thoại bằng tay kia. “Em không tin anh,” tôi nói. Anh chỉ cho tôi xem định nghĩa. “Ồ,” tôi nói, đẩy tay anh ra. “Vậy thì em thích cách cô ấy không hề chưng hửng. Và hành vi của anh trong phòng khám thực sự khiến em chưng hửng.” Phần còn lại của ngày: chiếu chụp, chờ đợi, nói chuyện với các dược sĩ, chờ đợi thêm nữa và gặp gỡ những người còn lại – bác sĩ xạ trị ung thư, bác sĩ phẫu thuật. Tôi mỉm cười vì bác sĩ phẫu thuật nói hớ khi coi sự lựa chọn giữa phẫu thuật cục bộ và phẫu thuật tận gốc là vết mổ/incision thay vì là quyết định/decision. 07. Trường học hóa trị Mọi người đều hớn ha hớn hở khi học cách không ăn cá ngừ quý hiếm, buộc một chiếc khăn vuông và biết loại nước súc miệng nào tốt cho bệnh loét miệng. Tôi ngồi với một y tá có khuôn mặt thân thiện và một số người mới được chẩn đoán khác trong độ tuổi bảy mươi và tám mươi, chen chúc quanh một cái bàn nằm giữa trung tâm ung thư. Quả là có rất nhiều người bị ung thư, tôi cảm thấy ngột ngạt. “Chúng ta đã được vui chưa nhở?” một người phụ nữ có nhiều son môi hỏi khi bà nghịch cây gậy chống. “Tôi thì vui rồi đấy!” chồng bà thốt, cười toe toét với cô y tá, rồi với tôi. Tôi nhắn tin cho Tita, người đã đề nghị đi cùng tôi. “Hiện mình rất muốn cậu ở đây. Cậu sẽ rất thích cảnh này.” Cô ấy là một nhà văn, và cô ấy thích sự vận hành nội tại của mọi thứ: cơ thể, tâm trí, các mối quan hệ, các cuộc họp nhóm chia sẻ. Cô ấy thích kéo mọi thứ ra và kiểm tra mọi ngóc ngách kỳ lạ của chúng. Chúng tôi có thể dành nhiều giờ để mổ xẻ một mối tương tác kỳ lạ tại cửa hàng tạp hóa, những kiểu cách của người phục vụ hoặc những thách thức về cảm xúc mà mẹ của bạn trai cũ của chị gái cô có thể phải đối mặt. “Mình cảm thấy như được ra vào thoải mái trong thánh địa của sự thân mật bất ngờ,” tôi nói. “XIN. VIẾT. TỪNG. THỨ. MỘT. RA,” cô nhắn lại. Y tá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục giữa kỳ hóa trị và mọi người đều nhìn về phía tôi. Tôi vội ghi lại rất cẩn thận. Tôi gạch chân từ bao cao su hai lần, có thể là ba lần. “Tôi biết chữ b này rồi nhưng chữ b này không biết tôi,” có người nói và tất cả chúng tôi đều gật gù. Thảo luận về việc cấm ăn các loại tôm cua ốc hến, một người đàn ông mặt xám mặc áo khoác golf tuyên bố rằng ông ta có một “sức hấp dẫn tính dục trong việc kéo vỏ tôm từ đuôi.” “Ôi trời – lại thế rồi,” người vợ rên rỉ. Sau khi im trong chốc lát, mọi người cười to. Chúng tôi đồng thanh đọc thuộc số điện thoại của trung tâm ung thư, với sự thích thú. Chúng tôi cùng chúc nhau bình an. Chúng tôi tốt nghiệp. Chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc đấu lớn. 08. Trong phòng hóa trị Phòng hóa trị không có cửa. Có thể là một bức màn kéo, một giọng nói lặng đi, nhưng cuối cùng là một biển người cùng chờ đợi để nhận những thứ độc hại với hi vọng sẽ làm cho chúng ta tốt hơn. Thời gian di chuyển khác nhau ở đây – có rất nhiều sự chờ đợi, rất nhiều thủ tục. Tất cả các lần kiểm tra kép và quét vòng đeo tay. Tất cả các phần việc phụ: truyền Zofran, steroid, tẩy ống truyền. Xin vui lòng nhắc lại tên của chị và ngày sinh. Chị có cần một chút đồ ăn? Nhiều nước hơn? Đôi mắt sắc sảo của các y tá trong bộ đồ chuyên dụng, chai truyền nhỏ giọt đều đặn, tiếng cười, mùi khoai tây chiên, tiếng khui các lon nước gừng, tiếng tin nhắn phát ra từ mọi hướng. “Mình có ổn không đây?” tôi tự hỏi bản thân trong phòng hóa trị. “Chắc là ổn,” tôi đáp. 09. Xứ sở đáng ngờ Ngay sau khi chẩn đoán, tôi thấy gần như không thể đọc được. Tôi không thể suy nghĩ rõ ràng, và tôi không đủ kiên nhẫn cho việc phát triển ý tưởng và hình ảnh của người khác. “Ừm, mẹ cũng vậy,” mẹ nói khi tôi đề cập đến việc này. “Mẹ đã nhìn chằm chằm vào tường. Và mẹ đã xem từng tập phim NCIS. Nó giống như việc có một đứa trẻ. Đừng lo lắng – con sẽ trở lại như trước.” Tôi nhớ một mùa Giáng sinh vài năm trước khi mẹ cảm thấy rất ốm yếu và vô phương hướng, chúng tôi đã dành dịp cuối tuần giá lạnh ở bãi biển để đọc và thảo luận về tiểu sử của Michel de Montaigne. Việc đó đã giúp mẹ ổn định hơn. Tôi lôi cuốn Các tiểu luận của Montaigne có từ thời trung học ra và bắt đầu đọc. Trong một trong những tiểu luận yêu thích của tôi, ông viết về cái chết đột ngột của anh trai mình ở tuổi hai mươi ba sau khi bị một quả bóng tennis đập vào đầu: Anh không ngồi xuống hay nghỉ ngơi, nhưng năm hay sáu giờ sau anh chết vì chảy máu trong sau cú đánh. Với những ví dụ phổ biến, thường xuyên như vậy diễn ra trước mắt, làm sao chúng ta có thể rũ bỏ ý nghĩ về cái chết; làm sao điều đó không khỏi ám ảnh chúng ta mọi lúc? Montaigne biết rõ về cái chết trong suốt quãng đời ở Pháp thế kỷ 16: việc mất đi năm trong số sáu cô con gái nhỏ tuổi, sự lìa đời bất ngờ của người bạn thân nhất dưới bàn tay của bệnh dịch hạch, cả đời ông phải chống chọi với sỏi thận. Đó là nguồn cơn đau khổ liên tục không ngớt chút nào. Chẳng nơi nào mà nó không thể tìm đến; chúng ta cứ tiếp tục quay đầu không ngừng theo hướng này và hướng kia, như trong một xứ sở đáng ngờ. Xứ sở đáng ngờ – tôi đang bắt đầu biết về nơi đó. Hẳn rồi, đó là cái tên hay ho hơn nhiều cho một cửa hàng trong thị trấn được gọi là Special Place Wigs: một cửa hàng dành cho những người hóa trị bị rụng tóc với đầy đủ mũ, khăn quàng sáng màu, tóc giả, kem che vết, thậm chí cả những gói màu vàng nhỏ buồn tẻ chứa những cặp lông mày giả. Lần đầu tiên tôi đến đó, tôi mở cánh cửa tay cầm đơn thuốc từ bác sĩ chuyên khoa ung thư, kê rằng “bộ phận giả ở đầu.” Trong cơn mê sau chẩn đoán, tôi đã ném bỏ tờ đơn bệnh đầu tiên mà cô ấy đưa cho tôi, nghĩ rằng: Ồ, cái này phải dành cho ai đó khác. Tôi nào có mất đầu. Katrine, nhà tạo mẫu, đã cạo sạch những gì còn lại của tóc tôi trong phòng sau và giúp tôi đội tóc giả. Tita chụp rất nhiều ảnh và chúng tôi cười miết. Montaigne viết: “Khi một con ngựa vấp ngã, một mái ngói rơi xuống, hay chỉ như cái ghim đâm nhói một cái, hãy ngay lập tức suy ngẫm về điều này: ‘Vậy, nếu đây là cái chết thì sao?’” Khi những đường kéo đột ngột và thô thiển. Khi chiếc tông đơ xén vào. Khi mái tóc mới trông bóng mượt và có trật tự được đặt trong một hộp đựng giày. Tôi thích Montaigne, mặc dù có rất nhiều nhóm trộm cướp vãng lai và biến động chính trị liên tục, nhưng ông chẳng bao giờ bảo vệ lâu đài của mình. Ông mở khóa tất cả các cửa. Ông thừa nhận sự khủng bố có thể đến. Nhưng bằng sự cân nhắc và cho phép nó vào nhà, ông kiên định sống trong sự hiện diện của nó: “Tôi muốn cái chết đến tìm khi tôi đang trồng cải bắp, chẳng quan tâm đến nó, chứ đừng nói đến khu vườn còn dang dở của tôi.” Mái tóc giả của tôi có mùi độc hại và khiến tôi cảm thấy mình như một tên cướp ngân hàng. Nhưng có lẽ nó chỉ là một chiếc áo choàng để tiến vào xứ sở đáng ngờ. 10. Tôi tin (khi tôi yêu, sẽ yêu mãi) Freddy háo hức trở lại trường ngay sau hôm được xuất viện. Chúng tôi xuất hiện trong phòng y tá với đồng hồ đo và bút tiêm insulin, gạc cồn và bộ dụng cụ glucagon cùng các kế hoạch chăm sóc. Thằng bé chủ yếu tập trung vào khía cạnh lạc quan, giờ đây nó được phép ăn một lượng thịt bò khô dường như không giới hạn. Nhưng tôi thấy giờ đây con đang trải qua những thay đổi – như việc sẽ luôn phải mang một cái túi trên vai. Một cái túi với các từ: Tiêm. Bệnh mạn tính. Chỉ số đường huyết. Ketone. Bệnh viện. Rồi tôi nhớ lại một đêm vào đầu thập niên 1980. Bố và tôi đang lái chiếc xe bán tải màu trắng cũ kỹ của ông xuống Đường 128 ở đâu đó phía bắc Boston thì xe quá nóng, khiến chúng tôi bị mắc kẹt bên rìa xa lộ trong cơn dông bão. Đó là thời kỳ mà khi hỏng xe thì vẫn phải đi bộ để tìm điện thoại. Khi ấy tôi khoảng tám tuổi – chưa đủ tuổi để bị bỏ lại trong một chiếc xe tải vào ban đêm bên đường xa lộ. Thế là, trong lúc ngơi nghỉ của trận mưa như trút nước, hai chúng tôi tiến vào bãi cỏ cao ẩm ướt hướng về phía mấy ngôi nhà tối tăm không xa lối ra. Sức lực của mỗi người đã bị cuốn theo cơn bão, và phải mất vài lần thử trước khi chúng tôi tìm thấy ai đó có điện thoại để gọi cho mẹ, người chắc chắn đã bắt đầu lo lắng. Sau đó, chúng tôi tìm đường trở lại xe tải đợi cho đến khi mẹ đến đón. Ắc quy xe tải vẫn hoạt động, vậy là chúng tôi nhét chiếc băng cassette mà hồi ấy bố tôi thích vào để nghe – Sách nói của ca sĩ Stevie Wonder. Tất cả cửa kính đều mờ đi và tôi vẫn nhớ buồng lái chiếc xe bán tải đó có mùi của hỗn hợp mùn cưa, vỏ cam, bụi bẩn và cà phê. Giống như bố. Tôi ngủ gật một chút, đầu óc tôi mải miết trên tấm bọc ghế vải dệt bị trầy xước, với tiếng hát của Stevie,“Tôi tin (khi tôi yêu, sẽ yêu mãi)” lặp đi lặp lại, rồi chúng tôi nghe lại một lần nữa và bố tôi sẽ có một dạng giọng falsetto và hòa âm-y trong phần “Tôi tin” và tôi thì có trải nghiệm được thức quá giờ đi ngủ, đèn xe trong bóng tối, kể chuyện phiêu lưu tuyệt hơn bao giờ hết. Rồi mẹ đến trên chiếc xe Volkswagen Rabbit nhỏ và đưa chúng tôi về nhà an toàn để ngủ. Freddy bằng tuổi tôi lúc đó. Tôi đang cố gắng cởi mở với con về căn bệnh tiểu đường của thằng bé, căn bệnh ung thư của tôi, cách điều trị, những phần tôi lo lắng – để làm cho con bớt sợ. Có lẽ không quá lo, nhưng cứ phải nói hết cho chắc. Tôi quan sát con để tìm dấu hiệu thương tổn, đau khổ, tức giận. Tôi hỏi con cảm thấy thế nào khoảng một trăm lần một ngày, bất chấp cảm giác tội lỗi và sự không chắc chắn của chính tôi. Ngày nọ, chạm vào vết tiêm đang đóng vảy mới nhất trên tay tôi, con nói, “Thỉnh thoảng con nhớ bệnh viện đến muốn khóc ý mẹ ạ.” Bệnh viện. Các cỗ máy phát tiếng bíp. Ánh sáng mờ lúc 3 giờ sáng ở hành lang. Hàng ghế nhựa hẹp và phiếu theo dõi. Mái tóc xơ xác của tôi. Đồ đạc vứt bừa trên ghế, cái túi ung thư vú màu hồng. Cái bô tiểu mà tôi lo lắng quan sát những dấu hiệu của ketone trong nước tiểu của Freddy. Con trai tôi người đầy dây dợ và ống dẫn. Bốn giờ và mười hai phút khi họ nghĩ rằng con tôi cũng có vấn đề về tim chưa được chẩn đoán. Cuộc diễu hành bất tận của các kỹ thuật viên, y tá và bác sĩ. Bệnh viện đó ư? “Con thích chơi những trò chơi điện tử suốt thời gian đó,” Freddy nói. “Mẹ có nhớ mẹ đã leo lên giường và âu yếm con như thế nào vào ban đêm và chúng ta chỉ nói chuyện với nhau?” Ồ. Bệnh viện đó. Mùi những lọn tóc ướt đẫm mồ hôi của con vương dưới cằm tôi. Cái cách con siết chặt tay tôi mỗi khi có người mới bước vào phòng. Hơi thở đều đặn của con mà tôi không còn tỉnh táo để nghe kể từ khi con còn nhỏ và tôi là một bà mẹ mới điên rồ. Vấn đề thế này: Có thể hồi đó bố tôi đã không thực sự có trải nghiệm như tôi – sau khi lái xe vào đêm khuya trong mưa, kéo đứa con của mình đến nhà của người lạ, ngồi ven lề Đường 128 và cuối cùng phải bỏ lại chiếc xe tải hỏng của mình trong đêm? Thay vào đó ông đã lo lắng, kiệt sức và gần như phải chống chọi? Có phải bài “Tôi tin” rõ là không thể gợi lên một thế giới phiêu lưu lung linh cho ông? Phải chăng giờ đây ông không hát một mình trong xe, mỗi khi cảm thấy hạnh phúc, được yêu thương và hào hứng về bất cứ điều gì có thể xảy ra tiếp theo? Một dạo trước, tôi hỏi bố có nhớ chuyến đi đó không. “Chắc chắn rồi. Bố đã mệt lả khi chúng ta về nhà.” Tôi đã ghi cho bố một đĩa CD Sách nói để thay cho chiếc băng cassette đã hỏng từ lâu. Tối nọ ông bật nó trong căn bếp của mình, và hóa ra ba mươi năm sau ông vẫn ngâm nga chính xác cùng một điệu của bài “Tôi tin.” Điều này làm cho tôi nghĩ như thế này: Khi bạn yêu những đứa trẻ của mình, bạn sẽ yêu mãi mãi. Và tình yêu đó mang hình dáng y hệt như trong buồng lái của chiếc xe bán tải hỏng bên lề đường xa lộ tối tăm – đầy sự an toàn cùng ca sĩ Stevie Wonder và bình an. Hoặc dáng hình y hệt như chiếc giường đơn của bệnh viện với hai con người nằm trên đó. Với gợi ý rằng bất kể thế nào, đứa trẻ cũng sẽ ổn thôi. 11. Nhảy với chính mình Trước mỗi cuộc hẹn hóa trị, Tita và chồng cô ấy, Drew, gửi cho tôi những bức ảnh selfie của họ với bộ dạng những tên cướp biển nhệch môi điên khùng / khuôn mặt kiểu nhạc sĩ Billy Idol. “Rock ‘n’ roll, cưng,” Tita viết. “Cưng làm được mà.” Một lần tôi đang đứng giữa phòng khám, giữ chiếc áo choàng bệnh viện màu xanh trong khi chụp ảnh selfie để gửi lại cho họ khuôn mặt giống hệt như họ đã gửi cho tôi thì một kỹ thuật viên mở cửa mà không gõ. “Chà. Mọi thứ ổn cả chứ, chị Riggs? Chị có vẻ hơi lạ.” “Tôi hoàn toàn ổn,” tôi nói, cố gắng không cười. “Tôi chỉ cố giả vờ rằng mình là một ngôi sao nhạc rock cho bạn xem.” “Ồ, thế à,” kỹ thuật viên đáp. “Vâng, tôi sẽ quay lại ngay với y tá phòng khi cần. Chị vui lòng ngồi xuống và nhấn nút màu xanh nếu cần báo gì nhé.” 12. Nhà thơ cáo Một ngày nọ tại Duke, John và tôi trông thấy một người đàn ông trong bộ đồ cáo lông. Anh ta đang ngồi trong hành lang với máy đánh chữ. Bạn cho anh ta một từ, và anh ta sẽ say sưa sáng tác một bài thơ dựa trên từ đó, khi bạn chờ đợi. Tôi đã chờ đợi rất lâu ở phòng khám vú đông đúc, và John lang thang đi tìm bữa trưa. Anh dừng lại bên nhà thơ cáo trên đường về. Một phụ nữ trước anh có một bài thơ lan man về ký ức thời thơ ấu của nhà thơ cáo. Người khác nhận được một bài thơ năm câu sáng tác xung quanh từ hi vọng: không, xà phòng, thuốc phiện. Chú cáo có vẻ hơi mệt mỏi. Khi đến lượt của mình, John đưa cho chú cáo từ chưng hửng. “Chưng hửng,” chú cáo nói. “Được rồi.” Và anh ta gõ một bài thơ tự do, trong khi nhấn mạnh rằng nhà thơ cáo cũng không biết ý nghĩa thực sự của từ chưng hửng, đây là một món quà lưu niệm đáng giá. Cứ / chưng hửng. Khiến / chúng tưng tửng / để bẻ gãy / bạn, nhà thơ cáo viết. “Em sẽ thích nó,” John nói khi anh quay lại phòng khám vú với bài thơ đánh máy. “Hừm. Đây không hẳn là triết lý cảm xúc của em,” tôi nói. “Tuy nhiên, em thích được vỡ vụn.” “Dù sao thì đó không phải là một câu thần chú tồi cho hành trình y tế,” John đáp. “Đặc biệt là khi nó đến từ một người đàn ông trong bộ đồ cáo.” “Cũng được,” tôi nói. Tất cả các thuật ngữ chiến tranh xung quanh bệnh ung thư – trận chiến, sống sót, thắng/ thua, tống khứ nó đi – đã không đúng với tôi. Nhưng tôi thấy ổn với việc không để nó khiến tôi vỡ vụn. “Em sẽ là bé hạt dẻ cứng cỏi nhất trên thế giới,” tôi nói với John. “Xanh lá cây và kiên cường. Cơn ác mộng của một chú sóc.” “Một chấm nhỏ,” John nói, siết chặt tay tôi. 13. Dasein1 1. Dasein là thuật ngữ siêu hình học của triết gia Heidegger, chỉ sự hiện hữu đặc thù của con người. John và tôi gặp nhau trong một nghĩa địa. Đó là trong thời gian đi làm thêm khi học đại học ở Carlisle, Pennsylvania, nơi chúng tôi đều là trợ giảng tại một trại dành cho trẻ em năng khiếu. Tôi dạy một lớp viết và anh dạy một khóa học về chủ nghĩa hiện sinh. Các lớp học của chúng tôi đôi khi sẽ giao lưu gặp gỡ trong các chuyến đi thực địa đến một nghĩa trang lịch sử không cây cối, xuôi theo con đường nơi trại được tổ chức. Sở thích chồng sở thích, có thể nói như vậy. “Lớp học của bạn thế nào rồi?” John hỏi khi cả hai chúng tôi đi lang thang quanh nghĩa địa phát tờ rơi. Anh có đôi mắt xanh đến lạ, mũ lưỡi trai đội ngược và nụ cười gợi cảm, anh mặc áo phông Bad Religion và mang theo một cuốn sách quăn mép, Hữu thể và Hư vô của Sartre – bằng tiếng Pháp. Ý tôi là: Quên nó đi. “Không tồi,” tôi nói. “Mình sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi buổi học kết thúc. Nghe như mình biết những gì mình đang nói cả ngày quá tầm mình. Bọn trẻ thực sự rất thông minh.” “Ừ. Hãy thử thêm Kant vào xem,” anh nói. “Xin ‘Kant’ ngăn bạn,” tôi đáp. Tôi nói là tôi rất mệt, tôi cứ nói nhầm “bẻ con” khi muốn nói trẻ con. “Bạn sẽ làm một người mẹ tuyệt vời vào một ngày nào đó,” anh nói. Bài tập ở nghĩa địa: Lấy một cái tên cùng ngày tháng trên bia mộ và viết một bản phác thảo nhân vật. Miêu tả thứ gì đó bạn thấy ở đây mà không tiết lộ rõ. Hãy mường tượng và miêu tả cái chết của chính bạn. Viết đoạn đầu tiên của một câu chuyện tình yêu bắt đầu trong nghĩa trang này. Học sinh của John đọc Kierkegaard và nhìn chằm chằm vào những chiếc gương cầm tay mà họ đã mang theo như những đạo cụ gần chỗ học sinh của tôi. Cỏ trong nghĩa địa rất sắc, khô và đầy tổ kiến mà bạn khó có thể ngồi xuống, và không có chút gió nào thổi bay những hàng cờ cũ. Nếu có bất kỳ âm thanh nào khác ngoài chiếc xe cơ bắp nổ máy lúc dừng đèn đỏ, thì đó là âm thanh của ong. Những con ong lớn vo ve tuyệt vọng và những con ong nhỏ, yên tĩnh hơn, trông như kim loại tụ tập quanh mắt cá chân của bạn. Ong mồ hôi, đó là tên chúng. Một ngày nọ, ba học sinh nữ trong lớp đến tìm tôi trong chiếc váy màu be quá khổ và giơ cao cây thông nòng của tượng đài Molly Pitcher gần cổng vào rồi nói với tôi rằng một người đàn ông vừa xuất hiện gần nơi chúng đang ngồi, mang một cái bẫy với một con sóc macmot bên trong vào chiếc xe bán tải của mình. Họ nói rằng con vật đã lồng lộn trong bẫy và người đàn ông đã đập vào đầu nó bằng xẻng cho đến khi nó bất động. Một trong bộ ba đang khóc. “Thế à,” tôi nói. “Nhưng cô đoán bây giờ các em có một cốt truyện tuyệt vời cho câu chuyện của mình rồi.” Chúng đã nhún vai và bỏ đi. Tôi cho rằng có lẽ đã đến lúc quay lại lớp học. “Gặp bạn ở phòng ăn,” tôi nói với John bằng một cái nhìn đầy ý nghĩa,“nếu quả là bạn tồn tại.” Anh tròn mắt và quay lại để giải g q ạ ạ q y ạ g thích từ Dasein của Heidegger cho một đứa trẻ mười ba tuổi với mái tóc tím và quần short đan len. Tôi luôn yêu thích Molly Pitcher, người mẹ anh hùng của Chiến tranh Cách mạng Mỹ, người đã lao vào cuộc chiến không ngừng khua khoắng nồi niêu, chăm sóc vết thương, lau chùi vết máu, trong tất cả các cuốn sách lịch sử lớp bốn. Bà là người đã tìm thấy một dòng suối ngầm trong một ngày đấu súng nóng bỏng ở Monmouth và mang nước mát lạnh cho những người lính. Vào buổi chiều hôm đó, người ta nói rằng bà nhặt được thanh thông nòng mà chồng mình đánh rơi sau khi anh ta kiệt sức trên khẩu súng thần công, rồi bắt tay vào nhồi thuốc súng và bắn tung người Anh trở lại Sandy Hook, New Jersey. Ngoài ra: Đã có lúc chiếc váy bị xé toạc phần thân dưới khi một viên đạn hỏa mai của quân Anh bắn qua giữa khe chân, và Molly được cho là đã thốt lên,“Chà, có thể còn tệ hơn!” Tôi nghĩ về Molly Pitcher suốt những ngày này, bất cứ khi nào tôi cảm thấy như mình đang đứng trên chiến trường với trái tim đập thình thịch và một lỗ thủng đang cháy trên váy. Ấy là khi lông vùng kín của tôi rụng hết một lượt lúc tắm và trông chúng như một con rối nhỏ bù xù dưới cống. Ấy là khi tôi được mời đến trường tiểu học để thảo luận về một số hành vi không chuẩn mực của cậu con trai lớn, một bé mẫu giáo trong hội trường nhìn thấy tôi và bắt đầu khóc. Ấy là khi tôi cố gắng nhuộm trứng Phục sinh với bọn trẻ và cuối cùng phải bịt miệng vì mùi lưu huỳnh và giấm trong phòng tắm. Ấy là khi sáng nọ thức dậy với đầy vết phát ban, mắt môi tôi sưng lên như thể vừa bị đấm cho không trượt phát nào. Melissa, bạn tôi, là con người đời thực giống nhất với Molly Pitcher mà tôi biết, đến đón con tôi đi học, giữ chúng hàng giờ liền trong khi điều hành công việc kinh doanh riêng, và tổ chức g g ệ g một cuộc diễu hành của những người bạn xuất hiện trước hiên nhà với bữa tối hết đêm này qua đêm khác: súp và gà nướng cùng với món phô mai parmesan cà tím. Lúc đầu, tôi cố gắng trông như con người khi mọi người ghé thăm, nhưng cuối cùng tôi dừng lại. Ung thư loại bỏ bất cứ rào cản kỳ lạ nào giữa chúng ta với người khác. Phẫu thuật cắt hết sự nhảm nhí, mẹ tôi đề nghị. Mấy cái thứ mọi-chuyện-đều-tuyệt cuối cùng được bỏ vào một túi chất thải y tế. Một buổi sáng với lớp học của tôi ở nghĩa địa Carlisle, tôi tìm thấy một bia mộ gần Molly Pitcher của một người tên là Molly McCauley. Tôi lục tìm trong thư viện địa phương và hóa ra đây là một phụ nữ có thật: một cô hầu trứ danh – với tiếng chửi thề như một người lính – từng sống và chết ở Carlisle. Và đó là nguyên mẫu tạo nên Molly Pitcher – có lẽ là một huyền thoại tương truyền sau nhiều thế kỷ hoặc có thể là một câu chuyện nửa thực nửa hư mà tác giả viết sách giáo khoa lớp bốn bịa ra khi người vợ bảo ông ta gấp quần áo. Cuối cùng, tôi cảm thấy khó chịu với huyền thoại này thay cho Molly thật – và ngày càng thích câu chuyện ít được biết đến của cô ấy về công việc khó khăn và sự sống sót thầm lặng với sự giúp đỡ của một vài câu chửi thề. Và tôi cũng thích những con ong mồ hôi hơn – mặc dù chúng đã chích tôi vài lần. Chúng rất thích mồ hôi, vị ngọt ngào, con người, vì Chúa. Chẳng phải chúng ta cũng vậy ư: John và tôi kết hôn đúng hai năm sau đó. Tôi yêu người phụ nữ anh hùng dũng cảm bằng xi măng và cũng yêu cô hầu quen miệng chửi thề bằng xương bằng thịt với chiếc mũ bonnet diềm ren được chôn đâu đó bên dưới ngôi mộ vô danh. Tôi yêu viên đạn súng hỏa mai không bắn trúng tôi, và tôi cũng yêu viên đạn súng hỏa mai. Tôi yêu khốn nạn mẹ kiếp, và tôi thực sự yêu Chà, có thể còn tệ hơn. ầ ố 14. Nhãn cầu trong suốt Steroid: Tôi thức dậy với vị nhờn của hóa chất trong miệng – ngay cả vị cà phê cũng trượt khỏi lưỡi. Tôi không thuộc về cái giường, nhưng tôi cũng không vừa với thế giới này. Tôi thấy mình là một chiếc máy ảnh hỏng đang lấy nét một thứ gì đó ở phía chân trời (tương lai, chữa bệnh, tái phát, tử vong) và sau đó, không cảnh báo, ngắm vào một ngọn cỏ (mùi vị kỳ lạ trong miệng tôi là gì, là một khối u mới, cảm ơn bạn vì tấm thiệp tuyệt vời này, bữa ăn tuyệt vời này, có ai nhớ gói chút thức ăn cho bọn trẻ không). Rồi dõi về phía chân trời một lần nữa, rồi quay lại, rồi thêm lần nữa. Tôi không thể tìm ra nơi cần chĩa máy ảnh vào. Biết rằng mình không thể ngồi trong phòng thêm phút nào nữa, tôi hướng về phía khu rừng, nay nó xanh rợn và sống động đến mức gần như đau đớn, và tôi cảm thấy mình đang say đắm mùi hương đậu tía. Thoạt đầu, tôi gần như chạy bộ – tôi không thể làm chậm cơ thể mình – tôi cảm thấy như có dòng điện chạy trong ngực và đầu ngón tay, cùng nhịp tim vọng trong tai. Nhưng rồi nhịp thở lấn át và tôi bắt đầu chậm lại – bước chân đều đều hòa nhịp cùng lá và rễ cây, xuyên qua những đám rêu phủ tầng đáy rừng. Có một bản phác thảo ấn tượng từ cuối thập niên 1830 của nghệ sĩ và nhà văn siêu việt Christopher Pearse Cranch để minh họa cho khái niệm về “nhãn cầu trong suốt” trong tiểu luận Tự nhiên của Ralph Waldo Emerson. Emerson cảm thấy thiên nhiên là thứ gần gũi nhất để chúng ta có thể chiêm nghiệm Thiên Chúa, và ông tin rằng để thực sự đánh giá đúng thiên nhiên, thì ta không chỉ nhìn vào và chiêm ngưỡng nó, mà còn phải cảm nhận được khi nó choán lấy các giác quan. Nhãn cầu trong suốt hấp thụ – thay vì phản chiếu – những gì nó nhận được: Đứng trên mặt đất trống trải – đầu tôi tắm trong không khí vui vẻ, và thăng hoa vào không gian vô tận – nghĩa rằng cái tôi tiêu tan. Tôi trở thành một nhãn cầu trong suốt; tôi không là gì cả; tôi thấy tất cả; dòng chảy của vạn vật luân chuyển qua tôi; tôi là một phần hoặc hạt của Chúa. Trong hình minh họa của Cranch, một nhãn cầu khổng lồ trên đôi chân dài, mảnh, trần trụi đứng trên một đồng cỏ rộng mở với những ngọn đồi trên đường chân trời. Nhãn cầu đội mũ chóp cao và áo gi-lê kiểu Emerson. Đó là một hình ảnh hài hước và đẹp đẽ, và đó chính xác là cách mà các loại thuốc khiến tôi cảm thấy: Tôi là một nhãn cầu lố bịch: Tôi không loại thứ gì đi cả: Tất cả các dòng chảy luân chuyển qua tôi và tôi nhận hết thảy. Nhãn cầu Emerson trong mộ của ông: Steroid và hóa trị là thứ gần nhất đưa tôi đến với Chúa. Một buổi chiều, bố tôi ghé qua trên đường đi làm về để bảo tôi là ông đã nghe trên radio rằng tất cả con người đều có một điểm mù sinh lý nằm cách mặt chúng tôi khoảng mười hai đến mười lăm inch. Bố tôi, một chủ thầu xây dựng nghỉ hưu, hiện làm việc như một người thợ sửa đồ tại một số khu chung cư trong thị trấn. Ông có một cái máy nhắn tin và nhận tiếng bíp vào mọi lúc cả ngày lẫn đêm để thay thế một cánh cửa bị kẹt, lắp lại bệ toilet, sửa lại một nhà bếp bị ngập nước, lắp lại ổ khóa. Ông không hề bận tâm chút nào. Thực ra, tôi nghĩ rằng ông yêu việc này. Ông ghét ngồi yên, và với công việc này ông được đi khắp thị trấn trong chiếc minivan nghe kênh radio NPR, được đi ra đi vào các cửa hàng kim khí và cuộc sống của mọi người. “Bố hiếm khi thấy chán,” ông nói. “Và thường thì bố có thể dạo trong thế giới của riêng mình – đó là nơi bố tạo ra thứ ý nghĩa nhất.” Ông có tiếng là hơi xa cách và đôi khi nói những điều xa lạ. Có một quãng thời gian đáng nhớ ở tuổi đôi mươi của tôi khi mẹ cùng John và tôi hút cần cùng nhau trước khi ra ngoài ăn tối tại một nhà hàng ưa thích, và bố tôi – người từng hút cần quá nhiều trong thập niên 1960 và 1970 – đã không hút. Chúng tôi đều đồng ý rằng bố chưa bao giờ tỏ ra sáng suốt hơn hay có ý thức hơn. Về điểm mù: Bố bảo tôi rằng rõ ràng đó là khu vực trong trường thị giác nơi dây thần kinh thị giác đi qua đầu mút thị giác, ngay tại nơi đặt các tế bào thụ cảm ánh sáng. Chúng ta hiếm khi nhận thấy điều đó bởi vì con mắt còn lại của chúng ta thường trông thấy những gì đang xảy ra, và nếu không – nếu các điểm mù chồng lên nhau – thì não bộ sẽ làm việc để điền thông tin còn thiếu. “Cũng ra gì phết, nhở?” ông nói. “Ẩn dụ thú vị. Chúng ta là những thiết kế hoàn toàn không hoàn thiện.” Ra gì – trừ phi bạn là một nhãn cầu khổng lồ duy nhất. Điểm mù trải dài và phát triển. Chúng tôi tìm kiếm trên laptop và tìm thấy một bài kiểm tra trực tuyến mô phỏng điểm mù – một dấu cộng và một vòng tròn cạnh nhau trên màn hình trắng. Chuẩn luôn, vòng tròn hoàn toàn biến mất khi bạn nhắm một mắt lại và giữ mắt cách màn hình khoảng một bước chân. “Con tự hỏi điểm mù có thể lớn đến mức nào, theo giả thuyết, trước khi bộ não của chúng ta không thể bù lại chính xác,” tôi nói. “Bố thích ý tưởng rằng không có bất kỳ kích cỡ chính xác nào,” bố tôi đáp. “Một chấm nhỏ để phỏng đoán khi ta quan sát.” Khi hóa trị, tôi muốn bò vào bên trong điểm mù đó, bất kể kích thước của nó – nhồi nhét cơ thể tôi và biến mất. Đó là, bộ não tưởng tượng ra, một giọt mưa trên kính chắn gió, bụng của một con ong, một chú sẻ trên cành cao, một vầng trăng khuyết – không – chờ đã – một vầng trăng tròn. Vấn đề với các điểm mù: bạn không bao giờ thấy chúng đến. Cái đêm bố tôi tốt nghiệp cấp ba, ông gặp tai nạn khi đâm xe trực diện vào chiếc ô tô mà ông chẳng hề trông thấy. Khi được kiểm tra sau đó, họ phát hiện ra ông gần như bị mù. Em út trong số sáu đứa trẻ: người cha mạnh mẽ thường xuyên vắng mặt, người mẹ tự lập với nền giáo dưỡng quý tộc ở New England, người không làm bất cứ điều gì không được bảo làm – và thích nuôi ngựa hơn nuôi con, và một gia đình Thanh giáo quá cứng nhắc để xem xét việc cầu cạnh giúp đỡ. Ông sống bất cần và thây kệ – không bao giờ được kiểm tra mắt, được kiểm tra những khó khăn trong học tập, hoặc có một bài học về bất cứ điều gì. Bố mẹ ông thậm chí còn không cho ông một cái tên đệm. “Bố đã rất ngạc nhiên khi thấy những nhành cây đầy những chiếc lá riêng lẻ và những bức tường gạch là sự sắp xếp của hàng trăm viên đá đỏ riêng biệt,” ông nhớ lại. “Bố chưa bao giờ biết vữa là gì. Sau tai nạn, khi lần đầu tiên được đeo kính, bố cứ đi đi lại lại trong trạng thái không tin nổi.” Bằng cách nào đó ông đã sống sót. Bằng cách nào đó ông lớn lên thành người tài ba nhất tôi từng biết. Ông có thể: cưỡi ngựa, tâng bóng bằng đầu, chiên gà, sửa máy giặt, sửa động cơ, cột thuyền trong một cơn bão, nhảy điệu foxtrot, xây một căn nhà trên cây, tạo một giai điệu với cây đàn piano, dỗ một em bé, thắng bài rummy. Ông chẳng bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì, mặc dù tính đến giờ tôi đã thấy ông bị sét đánh, bị một con nhện nâu cắn, và mất đi người bạn đời của mình. Bố mẹ tôi gặp nhau ở San Francisco vào đầu thập niên 1970. Mẹ tôi đang sống ở Haight, đang hồi phục sau cuộc hôn nhân đầu tiên, nó kết thúc vào một ngày khi bà về nhà sớm và thấy chồng mặc đồ lót trong phòng khách với một người đàn ông khác. “Thật ngạc nhiên khi nó vẫn chưa kết thúc sau đó,” mẹ từng kể với tôi một lần. “Mẹ gần như đã nói, ‘Ồ, không sao đâu.’ Mẹ ngây thơ vãi. Ông ta phải gợi ý với mẹ về một cuộc chia tay.” Năm mười tám tuổi, bà chuyển đến San Francisco, thành phố nơi bà ngoại lớn lên – từ ngôi nhà ở Khu vực Kênh đào Panama được che chắn, nơi bà sống với tư cách là con gái của một thuyền trưởng giận dữ, độc đoán và một y tá muộn phiền không nguôi. Bà đã tìm thấy sự nổi loạn, những người bạn thân, một công việc tốt trong vai trò đánh máy lại lời bác sĩ – và cuối cùng là bố tôi, người lúc đó đang làm việc cho lớp dạy nhảy Fred Astaire. Ông đã tuyển nhân viên bất động sản của mình cùng người bạn chung phòng là mẹ tôi để giúp ông có thêm hai mươi đô la mà lớp dạy nhảy trả hoa hồng cho việc giới thiệu khách hàng mới. Họ có một mối tình lãng mạn nhanh chóng và không bền vững: bố tôi ngốc nghếch, tốt bụng và trẻ trung, mang tinh thần nổi loạn phản chiến và chống lại gia đình Yankee hống hách của ông, mẹ tôi trưởng thành hơn một chút và bị giày vò khi không chắc bà phải đảm đương vai trò nào trong thế giới này. “Đêm đầu tiên ở bên bố, mẹ thức dậy với một chiếc ô tô bấm còi inh ỏi bên ngoài lúc bình minh,” mẹ thường nhớ. “Ông ấy nhảy khỏi giường, ném hai đôi quần lót và bàn chải đánh răng vào một cái túi giấy và nói với mẹ rằng ông ấy sẽ đi bè ở Colorado và sẽ trở lại sau một tuần nữa. Lẽ ra mẹ phải rời khỏi giường rồi đi ngay lúc đó.” Bà đã không làm thế. Họ kết hôn tại Tòa thị chính. Họ đã có thời gian vui vẻ cùng nhau và chiến đấu về ý nghĩa của việc “đồng hành trong cuộc sống.” Tôi chào đời năm 1977. Năm 1982, bố tôi làm xây dựng và mẹ tôi vẫn làm nhân viên đánh máy, họ đã đi đến một thỏa thuận khó khăn về những gì có thể, và một ngày nọ, chúng tôi nhảy lên chiếc Volkswagen Rabbit với một toa kéo nhỏ phía sau và lái về miền Đông – đến Concord, trở lại vòng tay của gia đình mà bố tôi đã bỏ lại mười lăm năm trước. Chúng tôi được cho một ngôi nhà nhỏ trên vùng đất của ông bà để có một tổ ấm. Những người cụ nội của tôi mang họ Emerson, và Ralph Waldo Emerson là cụ tổ của tôi. Nói về chiếc váy màu be huyền thoại của Molly Pitcher, việc là hậu duệ của ai đó chẳng phải việc đơn giản. Giống như nhiều thành viên trong đại gia đình này, tôi vẫn đang tìm kiếm rìa của cái bóng mà Emerson bao trùm: Ông kéo tôi về phía ông, ông đẩy tôi ra. Đặc biệt là tinh thần tự lực của người Mỹ: “Tự tin vào chính mình: mọi trái tim rung động theo sợi dây sắt đó.” Nhìn theo con mắt này, bài luận mang tính biểu tượng này là cẩm nang cho những thiên tài và tiếng kêu xung trận cho chủ nghĩa cá nhân kỳ quặc. Nhìn theo con mắt khác, đó là một công thức cho sự tự nuông chiều bản thân và một cơn ác mộng nuôi dạy con cái: “Điều tôi phải làm chỉ là những thứ liên quan đến tôi, không phải điều mọi người nghĩ.” Mọi người: Đó là từ Freddy gọi chúng tôi khi thằng bé không hài lòng với chúng tôi. “Benny, tối nay mọi người nói rằng chúng ta không thể xem TV.” Chúng cũng là con cháu của Emerson – đại thể là một loại điểm mù khác. Dù sao thì Emerson cũng dõi theo tôi – lại thêm một đợt hóa trị khác, một cuộc lang thang khác trong rừng. Một chấm nhỏ tôi lặp lại, nhãn cầu khổng lồ nghiến xuống con đường, như thể việc lặp lại cụm từ nhỏ này sẽ giúp tôi gắn bó hơn với quả đất quay tròn này. Nhưng tôi cũng nghĩ về những gì người đàn ông vĩ đại đã viết trong bài tiểu luận yêu thích của tôi, Các vòng tròn: “Vũ trụ có tính lỏng và dễ bay hơi.” Tôi đang đọc lại. “Vĩnh viễn chỉ là một từ chỉ mức độ.” Tôi cố gắng giữ cả hai ý tưởng này như hai cục nam châm nhỏ trong tay: của ông và của tôi. Một chấm nhỏ và vũ trụ có tính lỏng, dễ bay hơi. Hai ý tưởng này đẩy lẫn nhau: “Một chấm nhỏ” đòi hỏi năng lượng liên tục để giữ ổn định mọi thứ. “Vũ trụ có tính lỏng và dễ bay hơi” rất đáng sợ, nhưng cho phép ta nghĩ rằng có những thứ không thể chứa đựng. Hai suy nghĩ này lật qua lật lại và giờ thì không thể tách rời. Ba mươi ba năm trước: Tôi năm tuổi, đứng trên sườn đồi với anh em họ. Đó là một trăm năm ngày mất của Emerson, và chúng tôi đều cầm một vòng hoa khổng lồ tại mộ của ông. Chúng tôi là cháu nhiều đời của ông. Một phóng viên chụp ảnh chúng tôi. Tôi nhớ trọng lượng của vòng hoa khổng lồ và cái lạnh của mùa xuân Massachusetts trên đôi chân trần, khi tôi từ chối mặc quần bó. “Mắt là vòng tròn đầu tiên; tầm nhìn mà nó hình thành là vòng tròn thứ hai,” ông nói khi mở bài luận đó. Các vòng tròn – giống như các tế bào, như các hành tinh, như các gia đình, như các đốm sáng nhảy múa trên mi mắt bạn vào sáng sớm. Ông viết: Cuộc sống của chúng ta là việc học về sự thật, rằng xung quanh mỗi vòng tròn có thể vẽ được một vòng tròn khác; rằng không có kết thúc trong tự nhiên, mà mỗi kết thúc là một khởi đầu; rằng luôn có một bình minh khác mọc lên vào giữa trưa, và dưới mỗi vực sâu, một vực sâu hơn nữa mở ra. Đây một chấm nhỏ; đây quả hạch đặc chắc nhất. Đây lỗ thủng do đạn súng hỏa mai. Đây hình dạng trong thế giới của con bạn, bạn bao bọc lấy đứa trẻ. Đây cái hồ tăm tối trong khu rừng rậm rạp nhất. Đây mặt trời lặn trong mắt bạn. Ba mươi ba năm trước: Mẹ tôi đang cau mày. Con nên mặc quần bó. Tôi đang chạy với anh em họ trong nghĩa địa sau buổi lễ. “Hãy đến đây,” người nào đó thì thầm. Đó là em họ Bonnie của tôi, cũng năm tuổi. Con bé đã tìm thấy một nơi ẩn náu cho chúng tôi. Chúng tôi nấp sau một bia mộ. “Mọi người sẽ tìm thấy chúng ta ở đây, và rồi chúng ta sẽ cười thật to,” con bé nói vậy – ý tưởng hay nhất mà tôi từng nghe. 15. Cạo đầu Khi tóc rụng, đầu tôi loang lổ và chẳng đẹp chút nào. “Thế này không ổn cho cậu, phải không?” Tita hỏi. “Mình nghĩ rằng chúng ta cần tạo cho cậu một thần thái bá đạo kiểu Sinéad O’Connor.” Đây là lần đầu tiên John chính thức tiến hành cạo đầu tôi với máy cạo của anh ở hiên trước, nơi tôi thường cắt tóc cho các con. “Nâng cằm em lên thật cao và cố gắng không thở sâu hay làm gì.” “Chuyện nhỏ,” tôi đáp. “Bao năm rồi em nào được thở sâu đâu.” 16. Đại dương trống không Khi hóa trị, họ không thể tìm thấy tĩnh mạch của tôi nữa. Đó là một tác dụng phụ của việc hóa trị, nó hủy hoại bất cứ thứ gì nó chạm vào. Bác sĩ Cavanaugh không muốn gắn buồng truyền cho tôi: “Tôi không muốn bất cứ điều gì không cần thiết ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của cô vào thời điểm này.” “Có vẻ như tôi đang câu cá trong một đại dương lớn, trống không,” một y tá nói khi kiểm tra cánh tay tôi bằng một công cụ tìm tĩnh mạch công nghệ cao khi tôi chăm chăm nhìn ra cửa sổ. “Ở đó khá hiu quạnh. Tôi rất xin lỗi tôi không thể tìm thấy gì cả.” Ngay bên ngoài khu vực điều trị là một khu vực có mái che với bàn ăn ngoài trời và ghế chờ cùng những bồn lớn đầy hoa. Một gia đình đang mở hết túi đồ ăn Chick fil-A này đến túi khác. “Một khi chúng ta truyền thuốc xong, liệu tôi có thể gắn thanh truyền và đi ra ngoài không?” tôi hỏi y tá. “Tôi nghĩ rằng mặt trời sẽ có ích.” Trong trung tâm ung thư lúc nào cũng lạnh buốt, và bạn sẽ học cách không bao giờ nói không với những chiếc chăn ấm mà họ đưa cho bạn. Chúng có thể là điều tốt nhất thuộc về nơi này. “Không,” y tá đáp. “Chị thông cảm. Bệnh nhân không được phép ra khỏi đó. Chỉ người nhà mới được thôi. Thật buồn cười phải không nào?” Một trong những đứa trẻ với gia đình dã ngoại đang bẻ vụn miếng bánh tổ ong và ném chúng qua lan can. Người mẹ đang ôm đứa trẻ trong lòng, nhưng không để ý. Cô ấy đang vội nói chuyện trên điện thoại và cứ liếc nhìn đám bệnh nhân chúng tôi trong khu vực điều trị. Một người bà nhìn từ bên kia bàn, mỉm cười và vỗ tay với đứa trẻ mỗi khi một miếng thức ăn biến mất qua lan can. Khi hóa trị, tôi không bao giờ có thể tìm thấy trung tâm của mình nữa. Nó giống như một đại dương lớn, trống không. 17. Báo cháy “Họ làm gì với mẹ khi hóa trị?” Benny hỏi khi tôi đang nằm trên giường với các con trước khi chúng đến trường. Mỗi buổi sáng khi John đang tắm, cả hai chạy ra khỏi phòng, trèo lên giường và chúng tôi ôm ấp nhau. Freddy bắt tôi vẽ những bức tranh bằng ngón tay lên lưng để đoán xem tôi vẽ gì. Benny cư xử như một con thú bé con mà tôi phải đoán tên mỗi buổi sáng. Sáng nay, nó cứ ngửi rồi ngoáy mũi rồi vẫy thân dưới rồi tạo ra những tiếng động nhỏ. “Một bé cáo tai to,” tôi nói. “Chuẩn luôn, mẹ ơi!” nó la lên. Đừng quá phấn khích: Tôi đã biết tỏng từ trước. Thằng bé đã bắt chước một chú cáo tai to trong sáu ngày liên tiếp. “Thế là họ đặt mẹ vào một cái ghế và truyền thuốc cho mẹ,” tôi nói với chúng, những ngón tay vẽ trên lưng Freddy. “Thật ra nó không quá tệ.” Cả hai đứa đều không thích những ngày hóa trị vì khi chúng rời xa, tôi khá bình thường và có thể giúp chúng sửa bánh tổ ong và mọi thứ, còn đến khi chúng đi học về, tôi đã trở nên xanh xao, cáu kỉnh và muốn ở một mình. “Con sẽ trốn đi,” Freddy bảo. “Con sẽ nhờ Benny kéo chuông báo cháy rồi con sẽ chạy ra khỏi cửa khi không ai chú ý.” “Nhưng mẹ muốn dùng thuốc,” tôi nói. “Giống như khi con ở bệnh viện và chúng ta muốn có thuốc chữa bệnh tiểu đường của con.” “Trời ạ. Con luôn quên phần này,” Freddy nói. Tôi vừa hoàn thành việc vẽ một khinh khí cầu trên lưng con. “Có phải là một trái tim? Ý con là không phải là một biểu tượng trái tim mà giống một trái tim thật của con người với các mạch máu dẫn ra ngoài?” “Không. Nhưng mẹ thích ý tưởng của con hơn,” tôi nói, xoa lớp da mịn màng bằng các đầu ngón tay. 18. Di chúc y khoa Một xứ sở đáng ngờ hơn: Montaigne sẽ thế nào khi ký di chúc hoặc di chúc y khoa hoặc ủy quyền chăm sóc sức khỏe cho luật sư – của các công chứng viên với những con dấu đã sẵn sàng và mùi cà phê pha; những tài liệu và các bản sao của các bản sao của các bản sao; những cây bút bi mực đen tươi rói rải khắp trên bàn phòng họp? John và tôi đi thang máy lên tầng mười chín của tòa nhà nơi John thường làm việc trong phòng riêng. Tôi đã mặc một chiếc váy lửng nhưng đột nhiên tôi rất lạnh và cần một chiếc áo len. Người bạn của chúng tôi, Adam – một chuyên gia xử lý tài sản với hàng chục số không nhiều hơn so với của chúng tôi – làm việc tại hãng luật và đang đứng đó chào đón chúng tôi khi cánh cửa mở ra. Adam và vợ của anh, Melissa, là những người bạn đủ thân thiết để chúng tôi coi họ như những người giám hộ khả dĩ cho các con. Con của họ là những người bạn thân nhất của con chúng tôi. Tôi đã học trung học với cả Adam và Melissa; John và Adam thì cùng học trường luật; bốn cậu con trai của chúng tôi đều sinh ra cùng một lúc; chúng tôi sống ngay gần nhà nhau. Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau, dành buổi tối thứ Bảy để nấu ăn trong bếp của nhau, ôm và cho ăn và quở trách những đứa trẻ của nhà kia như thể đó cũng là con mình. “Đây,” Adam nói khi thấy chúng tôi. “Xin chào. Xin lỗi khi các cậu phải ở đây.” “Nếu người ta may mắn và thông minh, cuối cùng họ cũng kết thúc ở đây thôi,” John nói. Trợ lý của Adam đang in những chồng giấy tờ vô tận và chúng tôi yên vị trên những chiếc ghế văn phòng êm ái khi cô ấy in xong. “Tôi có thể lấy cho chị Diet Coke hay thứ gì không?” cô ấy hỏi. Chúng tôi không cần thứ gì cả. “Mọi người có thực sự đặt ra những điều điên rồ trong di chúc của họ không,” tôi hỏi Adam khi chúng tôi chờ mọi thứ được đối chiếu,“như là họ thích giao tài sản cho con chó của họ hay một cô hầu bàn ở quán cà phê, hoặc là chôn tài sản trên một hoang đảo hay đại loại thế?” “Có,” anh nói, và không nói thêm lời nào nữa. Adam biết tất cả những gì bí mật nhất trong thị trấn và sẽ không nói cho ai biết dù cuộc sống của anh phụ thuộc vào nó, ngay cả khi anh đã uống say. Cả Adam và Melissa đều được đào tạo như những nhà thơ, nhưng tôi nghi ngờ bản năng của Adam là một nhà văn viết tiểu thuyết. “Mình không thích những thăng trầm trong công việc,” anh từng nói với tôi một lần tại một bữa tiệc. “Những mối thù và những đứa trẻ bất hợp pháp cùng những người vợ cũ bị hắt hủi và những người hai mươi tuổi bỗng được thừa kế hàng triệu đô la. Mình chỉ cố để quên hết đi.” “Cậu có điên không?” tôi nói. “Mình sẽ ghi chép chi tiết. Mình sẽ kể cho Melissa nghe mỗi tối. Mình sẽ tự kiếm được hàng triệu đô la bằng cách viết một lô một lốc những câu chuyện bán chạy nhất, bẩn thỉu nhất từ trước đến nay.” “Ờ, mình nghĩ cậu sẽ không trở thành luật sư được đâu,” anh nói. Đọc kỹ các tài liệu, Adam phải hướng chúng tôi đến một số câu hỏi khó trước khi chúng tôi ký: bài kiểm tra lý luận định lượng đen tối nhất thế giới. “Hãy đánh dấu vào tùy chọn ưa thích của cậu,” anh nói. Tôi muốn CẢ thủy dưỡng nhân tạo VÀ nuôi dưỡng nhân tạo. Tôi muốn CHỈ thủy dưỡng nhân tạo VÀ KHÔNG nuôi dưỡng nhân tạo (ví dụ, thông qua các ống truyền). Tôi muốn CHỈ nuôi dưỡng nhân tạo VÀ KHÔNG thủy dưỡng nhân tạo (ví dụ, thông qua các ống truyền). Tôi KHÔNG muốn nuôi dưỡng nhân tạo HAY thủy dưỡng nhân tạo. Sau đó: “Ký ở đây nếu bạn thích SẼ. Hoặc ở đây nếu bạn thích NÊN,” anh nói bằng giọng điềm tĩnh, như thể: Các bạn muốn rượu hay bia? Trong trường hợp tôi mất đi năng lực, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của tôi NÊN từ chối hoặc hủy bỏ các biện pháp kéo dài cuộc sống hay SẼ từ chối hoặc hủy bỏ các biện pháp kéo dài cuộc sống. Tôi nhìn John, nhún vai rồi ký vào cạnh mục SẼ. Nên hoặc sẽ. Tôi nên đi dạo trên các cánh đồng hoang muộn hơn. Tôi sẽ bị trễ tiệc trà. Nhưng tất nhiên: không. Hoàn toàn không phải như vậy. “Tại sao ngôn ngữ chung của chúng ta, vốn rất đơn giản trong các mục đích sử dụng khác, lại trở nên mơ hồ và không thể hiểu được trong các hợp đồng và di chúc?” Montaigne từng hỏi. Tôi có một ý niệm mơ hồ. Tôi chắc chắn Montaigne cũng vậy, nếu ông nán lại với suy nghĩ đó – một quả bóng tennis bay tứ tung trong buổi sáng mát mẻ, đầu chúng tôi quay cuồng không ngừng theo hướng này rồi hướng nọ. Giống hệt như một phòng họp hoàn thảo, hàng đống giấy tờ, cà phê pha, công chứng viên và các nhân chứng đang chờ đợi, Adam trong chiếc cà vạt của mình. Tôi, NINA ELLEN RIGGS, người lập di chúc, ký tên vào tài liệu này và sẵn sàng tuyên thệ, sau đây tuyên bố rằng tôi ký và thực thi tài liệu này như là Di chúc và Ước nguyện cuối cùng của tôi và rằng tôi sẵn sàng ký vào đó, rằng tôi thực thi nó trên tinh thần tự do và tự nguyện cho các mục đích trong đó, rằng tôi từ mười tám tuổi trở lên, tâm trí ổn định, không bị ràng buộc hay tác động phi pháp. Tám tiếng sau, thứ ngôn ngữ đơn giản và phổ thông của chúng tôi là như thế này đây – căn bếp tối tăm, bọn trẻ đi ngủ. Cởi hết quần áo để bên cạnh giường. Tìm kiếm cái móc cho chiếc áo ngủ, mát xa cục u nhói trong da hướng nửa đêm trên cái mặt đồng hồ vú, liếc nhìn bản thân trong gương. Tôi đi rồi. Thông báo: Tôi đã ở đây, ngay tại đây, nhìn vào vết mực này, đường cong của chữ N và bây giờ tôi đã biến mất, và tôi để lại những thứ này cho chồng tôi, JOHN A. DUBERSTEIN, bởi vì anh sống lâu hơn tôi. 19. Trong bóng tối Một buổi tối ấm áp. Bữa tiệc tối trên sân nhà đằng sau – nến, một chai rượu ngon khác được mang đến chiếc bàn đã dọn sạch, một đám trẻ lao ra sân sau. Chúng tôi cùng tụ họp với nhau sau đó – rất lâu sau khi đồ ăn đã hết sạch, John đang giật mạnh áo tôi và Freddy xuất hiện ở ngưỡng cửa nói rằng có một điều gì đó “rất Scooby Doo” xảy ra trên giường của thằng bé và tôi trông thấy một con dơi bay từ phòng các con ra chỗ cầu thang – cửa sổ hẳn bị mở một phần. Nhưng cảm giác của tôi là con dơi hẳn đã điên cuồng vào được nhà trong những thời khắc chộn rộn nhất của buổi tối – nhích dọc theo phần phào cửa, ẩn trong tấm rèm gấp nếp rồi tìm đường lên lầu. Một cuộc rượt đuổi trong vô vọng, và chúng tôi dồn nó vào trong tiền phòng, nhưng rồi nó biến mất vào chốn bừa bộn vô tận của chúng tôi, có thể là ở trong ngăn tủ sâu, một chồng khăn, một túi dụng cụ nào đó. Trong nhiều giờ, John và tôi cứ thay phiên nhau đứng trong khoảnh sân tối. Tôi cầm thanh cời lò cho vững dạ và theo dõi tiền phòng xem có bất kỳ rung động, bất kỳ đốm nâu, bất kỳ sự chắc chắn le lói nào để xác nhận: vị trí, cách thức, sự tồn tại. Bãi cỏ tối tăm ồn ào như một khán giả đứng ngồi không yên – đám dế và ve sầu, những tiếng kêu không ngừng nghỉ của chúng. Đêm là sân khấu của côn trùng, và khắp xung quanh, những con dơi khác đang rời khỏi chỗ đậu trên cây và ống khói, báo hiệu cho chuyến bay bằng tiếng lách cách siêu âm, thứ âm thanh trung tính, rỗng không – cái loài lạ lùng chẳng giống thú – thứ âm thanh của suy tư, khẩn cầu bạn chớ xé màn đêm thành từng mảnh: Một con rắn kêu, nhưng chậm hơn nhiều, tiếng líp của chiếc xe đạp đang lao xuống dốc, một đứa trẻ vô hình kéo cây gậy dọc theo hàng rào, khúc hát ru tôi đã nghĩ cho Benny khi còn bé trong hàng triệu đêm con thức giấc – lá cờ phất pha phất phới, cái quạt lách ca lách cách, ánh đèn nhấp nha nhấp nháy. Đó là lời ru tôi chưa từng khẽ hát, mà hát dõng dạc. 20. Thêm steroid Tôi đã dán giấy dán tường cho tiền phòng và sắp xếp lại đám dụng cụ đồ nghề và bảng treo. Tôi đã bố trí một khoảnh sân rải sỏi nhỏ và một bệ đốt lửa ở sân sau bên cạnh phần sàn gỗ ngoài trời mà bố đã xây cho chúng tôi. Tôi đã trồng các loại thảo mộc, cây một năm, ớt và bí. Ba cây cẩm tú cầu mới, một cây dành dành, một cây phong Nhật Bản. Một giàn lưới mắt cáo, một cây hoa ông lão, một khu vườn nhỏ bóng mát gần cây sồi. Những cái thùng trồng hoa phong lữ. Tôi đã lắp một chiếc ghế bập bênh và phủ mười lăm bịch mùn cưa. Tôi chỉ dừng việc trồng cây vì tôi đang tránh người thu ngân ở cửa hàng bán cây. “Chào mừng quay lần nữa, Nina,” anh nói khi tôi bước qua cửa. Anh ấy biết tên tôi từ thẻ ghi nợ của tôi. Tôi biết anh ấy từ thẻ tên của anh ấy. “Xin chào, Clark,” tôi nói mà không thể giao tiếp bằng mắt. Mỗi ngày khi John đi làm về, tôi kéo anh ta ra sân và cười rạng rỡ. “Dừng thôi em,” anh nói. “Đẹp đấy, nhưng em phải từ từ đã.” “Kệ em,” tôi nói. Nước mắt tuôn trào từ mắt tôi. “Em đã thử ngồi trên ghế bập bênh chưa?” anh hỏi, ôm lấy tôi. Sau đó, tôi thức khuya để đọc các bài luận của Montaigne và hàng tá bài viết về làm vườn mà tôi tìm thấy trên Pinterest. Và tôi thức khuya đọc những cuốn sách về ung thư: Xoa dịu tận gốc: y ọ g g ị ậ g Sống sót sau ung thư; Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalanithi; tập thơ tàn bạo của Claudia Emerson, Người vợ quá cố. Và tôi đang đọc Lời nguyện cầu từ Chernobyl của Svetlana Alexievich vì tôi không thể ngừng đọc nó – mặc dù câu lạc bộ sách của tôi đã từ chối tác phẩm quá u tối này. Thay vào đó, chúng tôi giải quyết cuốn tiểu thuyết lạnh gáy của Adam Johnson về cuộc sống ở Triều Tiên, Công tử mồ côi, vậy là tôi cũng thức khuya để đọc nó luôn. 21. Câu lạc bộ sách Trong nhiều năm, mẹ tôi đã tổ chức câu lạc bộ sách tại nhà của bà mỗi tháng. Bà không thích phải ra ngoài. Câu lạc bộ gồm bà và ba người bạn thân: Linda, Anne và Teresa. Và tôi cùng Tita. Mẹ tôi luôn ngồi trên chiếc ghế da khổng lồ trong phòng khách và không ăn nhiều. Loại thuốc từ thử nghiệm lâm sàng mà bà sử dụng khiến bà luôn cảm thấy buồn nôn – mặc dù gần như lúc nào bà cũng ăn vận đẹp, thường là tươi tỉnh và uống một hoặc hai ly rượu. Còn chúng tôi vây quanh bà, ăn cá hồi hun khói trên bánh quy giòn và salad. “Thật tốt khi chúng ta đọc Công tử mồ côi thay vì một thứ gì đó u tối,” Tita đùa. “Không có cuốn nào như kiểu Danh sách của Schindler để đọc tiếp nhỉ? “Thôi nào,” mẹ tôi nói. “Tại sao mọi người lại sợ bóng tối đến vậy?” Bà nói nửa đùa nửa thật. “Có lẽ chúng ta không như vậy,” tôi nói. “Có lẽ chúng ta chỉ cảm thấy chúng ta phải như vậy.” Nhưng có thể nói rằng không phải ai cũng đồng ý với tôi. “Có vẻ như những cuộc thảo luận thú vị nhất của chúng ta diễn ra khi chúng ta phải phê bình những cuốn sách nông cạn, thực sự tệ,” Linda nói. “Đúng vậy,” Anne nói, người có sở thích rất giống với tôi. “Những cuốn sách đẹp, nặng nề có cách khiến tất cả chúng ta câm lặng. Nhưng tôi nghĩ bằng cách nào đó tôi thấy ổn với điều đó.” “Tôi cũng vậy,” Teresa nói, người yêu thích những tiểu thuyết lịch sử nặng nề. “Tôi không biết nữa,” Linda nói. “Tôi đoán tôi đang mở một thứ đen tối – tôi có thể đọc lướt. Nhưng tôi không thể chấp nhận sự tàn ác với động vật. Không được có chó hay ngựa bị tra tấn hoặc thứ gì như thế. Đó là ranh giới tôi vạch ra.” “Hoàn toàn đồng ý,” Tita nói. Tất cả chúng tôi cuối cùng cũng gật đầu. “Có phải chúng ta hơi dị không nhỉ?” mẹ tôi. “Đàn ông bị tra tấn, trẻ con bị hãm hiếp, những bà mẹ sắp chết: Bằng cách nào đó chúng ta chịu đựng những điều đó. Nhưng những chú chó gầy trơ xương: Không đời nào, José.” Chúng tôi quyết định đọc Con người nhà máy, cuốn sách về sự suy giảm của ngành công nghiệp nội thất ở miền nam Virginia, trong tháng tới. 22. Những con mèo quái thú Hai đêm trước khi chụp chiếu sau hóa trị, tôi có một giấc mơ, ấn tượng đến nỗi nó choán hết thực tại của tôi trong suốt ngày tiếp theo. Tôi đang nằm trong phòng siêu âm tối tăm, người đơ ra, nửa thân bên phải đè lên miếng nêm xốp, cánh tay vòng trên đầu, còn bác sĩ đang chạy đầu dò qua ngực và nách tôi như một cậu bé đang chơi với chiếc xe đồ chơi Matchbox. Tôi nhìn lên màn hình nơi mà thường thì bạn chỉ thấy một vũ trụ lạ lẫm của những bóng tối và bóng ma kỳ lạ thể hiện hình ảnh bên trong của bạn, thay vào đó tôi lại thấy hai con hổ đang dạo quanh lãnh thổ là thành ngực của tôi. Đó không phải là một hình ảnh hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi có hai con hổ bằng xương bằng thịt ở Greensboro. Hai sinh vật nặng gần hai trăm cân, nửa gốc Bengal, nửa gốc Siberia, được giải cứu từ nơi nào đó – có thể là con cháu của những con hổ xiếc – sống trong khu rừng sát Đại lộ Lawndale tại Trung tâm Khoa học Greensboro. Những con mèo quái thú, một trong hai cậu con tôi thường gọi chúng như vậy. Có vài điều hấp dẫn nhưng đáng sợ về những con hổ: cách chúng dán mắt vào bánh xe đẩy và bọn trẻ chập chững biết đi; âm lượng mà cả hai cùng gầm lên khi con đực cưỡi lên con cái (không thường xuyên); làm thế nào mà một số phân khu vùng rìa Greensboro hỗ trợ cho môi trường sống của chúng, cách con cái không ngừng quan sát từ tảng đá của nó trong khi những con đực ngủ trong bóng râm, làm thế nào mà có những lúc chỉ có một vách ngăn nhỏ giữa bạn và chúng. Nhưng điều đáng lo ngại nhất về những con mèo quái thú là cách chúng bước đi. Đó là dáng đi nhịp nhàng, ám ảnh, bồn chồn mà bạn có thể nhận ra từ chú chó của mình trong cơn dông bão hoặc một đêm không ngủ trước hàng loạt các xét nghiệm chụp chiếu quan trọng. Những người quản lý trung tâm khoa học cho biết lý do khiến hổ dạo quanh là vì chúng đang thèm sự tiếp xúc của con người – chúng được cho bú bình khi còn bé và rất gần gũi với mọi người, đó là lý do khiến chúng rất thích vòng ngoài của khu chuồng nhốt. Đó là nơi có con người. Tôi không hiểu. Cái gì vậy? Có vẻ hơi điên rồ với tôi rồi. Nhiều thập niên trước khi được chẩn đoán mắc ung thư vú, nhà thơ ập ợ g Jorie Graham đã viết về cơn gió scirocco khô và nóng ở Ý như sau: Ai là linh hồn lo lắng của thế giới này phải đi qua lượn lại nơi nó đã biết Có lẽ điều này không thực sự điên rồ. Có lẽ đó là một phản ứng hoàn toàn lành mạnh khi bị từ chối tiếp xúc với con người. Hoặc với rất nhiều thứ – những kết quả và các phác đồ điều trị và tương lai. Vậy đấy, những con mèo quái thú đang dạo bước sau thành ngực tôi. Sáng hôm qua – sau một cuộc đi bộ để hồi phục sức khỏe và trở lại thành người bình thường trong trời gần mưa giữa nhiều khu vườn và sân vườn nở rộ tuyệt đẹp với một người bạn tốt đã mất cả cha lẫn mẹ trong một năm, cả chú chó cũng vừa mới chết – tôi đang nhớ về giấc mơ này. Vừa chưng hửng lại vừa không chưng hửng, tôi đã nghĩ: Ở đây có những con hổ trong rừng và chúng ở hơi xa cái xích đu của chúng, nhưng đó là nơi chúng ta sống. Giai đoạn hai 01. Cái thứ u ám như nỗi tiếc thương L ần siêu âm đầu tiên: Tôi đang mang thai mười sáu tuần. Căn phòng tối om, John đứng bên cạnh tôi. Chúng tôi đang xem kết quả – rồi một bác sĩ bước vào từ một phòng khác, rồi một bác sĩ khác nữa – vợt qua vớt lại đại dương trong bụng tôi, tìm cậu bé đang lớn của chúng tôi trong đó – xương sống của con tôi cong như một mảnh gỗ trôi dạt, trái tim thì đập như sấm. Đó là điều kỳ lạ nhất chúng tôi từng thấy. Chúng tôi không thể ngừng xem cái màn hình/đại dương này. Con tôi. Nhưng họ đang chụp quá nhiều ảnh. Quá nhiều phép đo. Hai bàn chân. Hai cẳng chân. Não bộ. Trái tim. Lại hai bàn chân. Không ai nói gì cả, cho đến khi đột nhiên có người nói, “Chà, tôi đoán là bây giờ các bạn biết có gì đó không ổn lắm.” Chúng tôi không biết chính xác, nhưng chúng tôi đang lờ mờ nhận ra. Chúng tôi chưa bao giờ gặp cảnh này trước đó. Tôi thấy mình nhớ lại lần đầu tiên chúng tôi đưa chú chó già Zilch đi biển. Chúng tôi cho nó ra khỏi ghế sau xe, và nó lao thẳng ra bãi biển – thả ga nhiều vòng trên bãi cát khô, ngửi mùi vết thủy triều rút, những mớ rong biển, đám vỏ cua thối, một cái bọc trứng cá đuối. Cuối cùng, mũi nó tiến tới chỗ rìa thủy triều thấp, tiếng liếm nhẹ nhàng của cửa lạch vỗ bờ cát, và rồi, khi nước biển chạm nước mũi, nó đơ luôn, như thể vừa mới nhận ra đây không phải là chậu nước sân sau của nó. Chúng tôi theo dõi khi nó đặt bàn chân trước lên mặt đất không chắc chắn, rồi ngẩng đầu cảnh giác quan sát xung quanh, nơi đại dương tỏa ra ngàn hướng xanh, to lớn và khó hiểu như giấc ngủ, như một tin xấu. Nó lùi hai bước, dừng lại và gầm ghè. Thế giới thậm chí còn xa lạ hơn trước. Thứ gì đó u ám như nỗi tiếc thương lướt qua mắt trước khi nó chuyển ánh nhìn sang một con mòng biển bay thấp rồi đuổi theo. Talipes equinovarus, họ nói với chúng tôi sau khi chụp chiếu – khoèo chân. Nghe như thứ gì đó vừa mới lao về phía chúng tôi từ những kỷ nguyên tăm tối. Não tôi đang nhớ về huyền thoại Beowulf. Bẩm sinh, họ nói. Nghe như Hy Lạp đối với một nhân vật tưởng khờ mà thông thái của Shakespeare, nhưng hóa ra đây là một tin tốt: đó không phải là một phần của một vấn đề lớn hơn, đáng sợ hơn. Chỉ là bàn chân. Bàn chân phải. Không phải thế giới diệt vong, mà là mặt đất nghiêng ngả. Mọi thứ còn lạ hơn trước. Con tôi sẽ đi được chứ? Họ đang nói về việc phẫu thuật và chỉnh hình, về việc cắt gân Achilles ngay sau khi sinh. Trong khi chúng tôi chỉ vừa mới biết đó là con trai. Có thể chữa được, họ cứ nói thế. Sau khi về nhà, John cấm tôi tìm kiếm trên Internet để khỏi bị ám ảnh, nhưng đồng ý đọc cho tôi một danh sách những người chân khoèo bẩm sinh mà anh tìm thấy. Hóa ra không chỉ có những vua chúa xa lạ ghét tiếp xúc với con người. Còn có những vận động viên trong danh sách: Troy Aikman. Kristi Yamaguchi. Mia Hamm. Freddy Sanchez – người đã giành danh hiệu tay đánh bóng chày xuất sắc vào năm 2006 cho đội bóng quê hương của John, Cướp biển Pittsburgh, và của hình hài siêu âm sẽ sớm được đặt tên kia. Tám năm tiếp theo – sau khi bó bột, quấn chân chỉnh hình, phẫu thuật – chúng tôi dõi theo con chạy quanh sân bóng chày, trượt chạm mốc thứ ba. Hôm nay khi chụp chiếu sau hóa trị, tôi và bác sĩ lại thảo luận. Nó rất giống với giấc mơ của tôi, lờ mờ và nhớp nháp, vì vậy tôi nói với bác sĩ X quang về những con hổ. “Hmmmm – hai con hổ hả?” cô hỏi. Cô ấy đang đo, cô ấy đang chụp phim – gõ bàn phím lách cách. Lại chụp lại. Quá nhiều hình ảnh. “Chà, tôi không thể nói tôi thích những gì đang thấy,” cuối cùng cô ấy đáp. Một thứ gì đó u ám như nỗi tiếc thương. Khối u vẫn còn đó. Nó không nhỏ hơn. Trên thực tế, nó còn lớn hơn suy nghĩ ban đầu. Dường như nó tỏa ra ngàn hướng. Và, trên hết, có một khối u khác cách đó vài centimet đã nổi lên từ đâu đó mà trước giờ chẳng thấy. Con hổ thứ hai. “Chúng ta sẽ cần làm thêm một số kiểm tra nữa,” cô ấy nói. Mặt đất nghiêng ngả – vừa mới diễn ra thôi. Tôi nhắn tin cho John trong phòng chờ và biết rằng bước chân anh cũng đang nghiêng ngả. Mọi thứ còn kỳ lạ hơn trước. Zilch không bao giờ thực sự trở thành một con chó biển. Nó thấp, thấp hơn con sóng – giống bealge săn thỏ lai với giống corgi xứ Wales – và phần thân trước thì thấp hơn phần thân sau. Nhưng chiều muộn hôm đó, trong một khoảnh khắc, nó đã đuổi theo một con mòng biển ngay vào vùng nông và hầu như không cúi đầu xuống. 02. Khối u huyền bí Trung tâm Thẩm mỹ Duke, nơi đặt văn phòng bác sĩ phẫu thuật ung thư vú của tôi, là một nơi mới toanh và rất đáng yêu - yên vị giữa dãy đồi trập trùng “ngực cỡ B” hoàn hảo trong một khu đất y tế có bóng râm với hai bãi đậu xe “chân dài”. Toàn bộ khu phức hợp này thật tươi mát và như trong bộ phim The Truman Show, thật vậy, dường như thật may mắn khi chúng tôi đến muộn một chút để xem những người làm vườn phủ thêm rơm thông. Tôi khá chắc chắn rằng một vài cây gỗ hoàng dương được trồng vội vàng khi chúng tôi đi dọc theo con đường tới văn phòng. Phòng chờ im lặng và thoải mái. Hai người phụ nữ khác đang ngồi đọc tạp chí, nhưng họ chẳng nói gì hoặc nhìn lên hay được gọi tên, và trông họ như những diễn viên quần chúng. Sau đó, y tá của bác sĩ phẫu thuật nói với tôi rằng họ là những người “độ ngực.” Phẫu thuật nâng ngực. Họ sẽ gặp bác sĩ sau các bệnh nhân ung thư. Khi bác sĩ phẫu thuật vào phòng khám, ông nói, “chắc chắn cô đã ném cho chúng tôi một đường bóng cong khó nhằn rồi đấy, cô gái trẻ.” Khối u mới là u ác tính, và các bác sĩ phẫu thuật thích đổ lỗi cho bệnh nhân. “Bây giờ chúng ta sẽ phải phẫu thuật tận gốc thay vì cắt u. Tùy thuộc vào việc cô có muốn chọn cắt cả hai bên ngực hay không.” Montaigne dẫn lời Plato rằng các bác sĩ nên trải nghiệm mọi căn bệnh mà họ tìm cách chữa trị: “Họ nên bị đậu mùa nếu muốn biết cách chữa bệnh này.” Có vẻ ông hơi khó ở, nhưng ông bị sỏi thận mạn tính và tôi có thể hiểu rằng bị thế mà không cáu mới lạ. Tôi hỏi bác sĩ phẫu thuật liệu ông ta có đề nghị phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú nếu đó là vợ mình – câu hỏi mà bạn luôn phải hỏi. Ông thoái thác việc trả lời thẳng. “Mỗi người chúng ta đều khác nhau,” ông nói. Ông bảo chúng tôi rằng các khối u có hình dạng như một quả tạ, với mỗi khối u là một khối nặng ở đầu tạ. Và giữa họ – không ai hoàn toàn chắc chắn – là một vật liệu gây ung thư dài bốn centimet. Ông gọi khối u mới của tôi là một khối u huyền bí – bị ẩn đi trên ảnh chụp trước đó. Cứ như thể họ thực sự tạo dựng một màn chính kịch ngay tại Trung tâm Thẩm mỹ này. “Tôi chắc chắn không mong đợi diễn biến khó lường này,” vị bác sĩ nói một cách nghiêm túc, nhưng với một chút phấn khích tràn ngập trong giọng nói. Tôi cứ nghĩ về một bác sĩ phẫu thuật mà một trong những y tá hóa trị từng nói với tôi. Đó là những năm 1970 và đầu thập niên 1980, khi cô làm việc trong khoa ung thư và thường xem tất cả các hồ sơ bệnh nhân. Bác sĩ đã đề nghị phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc, một quy trình gây biến dạng không chỉ loại bỏ tất cả các mô vú mà còn rất nhiều cơ ngực ở toàn bộ bệnh nhân của ông. Mặc dù đã được thực hành tiêu chuẩn trong nhiều thập niên, quy trình đau đớn này đã không còn được ưa chuộng vào giữa thập niên 1970 nhờ những kiến thức mới về sự lan truyền của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, vị bác sĩ phẫu thuật này vẫn tiếp tục khuyến cáo phẫu thuật tận gốc cho đến ngày vợ ông ta bị ung thư vú. “Không phải cho cô ấy,” y tá hóa trị nói. “Đó là khi ông ta thực hiện ca phẫu thuật vú tận gốc đơn giản đầu tiên của mình.” Khi John và tôi rời khỏi tòa nhà, vẫn không có xe trong bãi đậu xe. Và tôi không thể nhìn ra bất kỳ phòng khám nào khác trong khu phức hợp này – hình ảnh quá lẫn lộn trong bóng râm. Tôi cảm thấy chân John nặng trĩu trên bàn đạp khi chúng tôi vội vã từ đường lái xe vào đi vào một con đường hoang sơ, không hoàn toàn chắc chúng tôi đang thoát khỏi – hay tham gia vào – một thứ nghệ thuật hắc ám mới mẻ. ố 03. Thông điệp từ bóng tối Nói về bóng tối: Đã quá nửa đêm và chúng tôi đang nằm trên giường. “Anh không thể chờ đợi mọi thứ trở lại bình thường,” John nói từ “bên kia mặt trăng.” Tôi không chắc phải trả lời thế nào. Tôi không nhận ra mình đã gắn bó với ý tưởng này thế nào, thậm chí trong tất cả những điều này, chúng tôi đang tiến lên phía trước bằng cách nào đó, và việc giải quyết tất cả những điều này là đáng giá. Tôi cảm thấy vị sắc trong cổ họng, sự chắc chắn trượt xuống dưới tôi. “Em không nghĩ anh lại nói thế,” tôi nói sau một khoảng im lặng, mặc dù tôi biết anh không cố gây sự. “Nghĩ kiểu đó như làm đời em giờ đây thành vô nghĩa ấy. Em phải yêu những ngày này giống như cách em yêu bất kỳ ngày nào khác. Có thể không còn ngày nào là ‘bình thường’ từ giờ trở đi nữa đâu.” Anh không vui. Tôi cảm thấy những viên gạch lạnh tanh của một bức tường vô hình đang dựng lên giữa hai người. Tôi quay mặt đi về phía cửa sổ, một đám mây màu cam nặng nề len lỏi qua những tán cây. Trời không tối như đáng ra phải vậy. “Anh không tin em,” anh nói. “Anh không nghĩ em đang trung thực.” Đây là giọng điệu mà tôi từng nghe khi tôi bảo rằng tôi nghĩ anh là một phụ huynh tồi tệ. Hoặc là bất kể thế nào thì chắc chắn tôi sẽ chẳng bao giờ thích xem khúc côn cầu. Sự tổn thương đã biến hình thành nỗi tức giận. “Anh thực sự nghĩ em đang như kiểu chối từ sự thật sờ sờ trước mắt khi nghĩ rằng những ngày này là đáng yêu.” “Ngày nào thì vẫn là ngày,” tôi nói, bình tĩnh và điên tiết. “Chúng ta chọn cách chúng ta giữ lấy chúng. Ngủ ngon.” Khoảng 4 giờ sáng, tôi cảm thấy bàn tay anh trên lưng. “Anh sợ đến không thở nổi,” anh thì thầm. “Em biết,” tôi nói, ngả mình về phía anh một chút nhưng vẫn quay mặt đi. “Em cũng vậy.” Montaigne: “Tôi học cách không tin tưởng các bước đi của mình ở mọi nơi, và tôi cẩn thận kiểm soát chúng.” Ông cũng tin vào những trận la hét sôi nổi trước bữa ăn và việc chỉ “sinh ra những đứa con” trước khi ngủ. Chúng tôi đang làm sai mọi chuyện. 04. Nói xin vui lòng Bọn trẻ nghĩ rằng tôi bị ám ảnh bởi từ xin vui lòng. Tại sao nó lại quan trọng như vậy, chúng than vãn, có gì to tát đâu? Tối nọ tôi đã đưa cho chúng một danh sách. Danh sách chúng sẽ không thể hiểu được trong hai đến ba mươi năm nữa, nhưng tôi đang cố viết mọi thứ ra: Bởi vì các con sẽ thấy rằng trái cây sẽ rơi, nhưng hiếm khi rơi vào miệng mình. Bởi vì vòi phòng tắm bị vướng, và xin vui lòng làm cho bàn tay mạnh mẽ ít mệt mỏi hơn. Bởi vì vào những đêm mùa hè, bầu trời mong đợi che phủ những cái cây như tấm ga trải giường và các cơn bão phun ra những cơn lốc xoáy về phía chúng ta từ phía nam sâu hơn, và cây sồi liễu ở sân sau là một con quái vật, và mỗi đêm chúng ta nằm dưới chân nó. Bởi vì chúng ta không bao giờ dạy các con cầu nguyện. Bởi vì ban đêm các con khát nước. Bởi vì một ngày nào đó, con cái của các con, ở phía bên kia bức tường nhà, sẽ rúc rích trong bóng tối quá lâu sau khi đã lên giường đi ngủ. Bởi vì ngay bây giờ thông qua các cửa sổ đang mở, mẹ có thể nghe thấy cặp vợ chồng mới cưới nhà hàng xóm trang trí sân sau trong ánh sáng đèn, thong thả khi họ quỳ xuống trong sân, đặt những viên đá xuống. Những viên đá họ trao cho nhau đều nặng và có hình dạng kỳ lạ. Và họ phải sắp xếp mỗi viên đá trong đất bụi – vỗ về, âu yếm và bao bọc những tảng đá khó nhằn – rồi lên lầu đi ngủ. Bởi vì âm x trong xin vui lòng là âm thanh ngọt ngào nhất, như hơi nước bốc lên sau lúc tắm mùa hè, như tiếng em bé thì thầm trên giường. Bởi vì các con là con người, và bản chất của các con là yêu cầu nhiều hơn. Bởi vì ham muốn, nhu cầu – những ngõ cụt tăm tối – thì vốn quá nguy hiểm. 05. Chuyến đi nước Ý của mẹ và con gái Tôi lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ tận gốc một bên vú theo sự thúc giục của bác sĩ Cavanaugh. Chia đôi cơ hội biến chứng, cô nói. Chia đôi, phân ra, tách rời, cắt bỏ – đây là ngôn ngữ mới của chúng tôi: tế bào, thống kê, phẫu thuật, bổn phận gia đình, sự lo lắng. Nhưng trong khi cố gắng làm giảm mọi sự đi ít nhiều, chúng ta luôn bằng cách nào đó tạo ra nhiều vấn đề hơn. Tôi đấu tranh nhiều nhất với sự bất đối xứng của việc phẫu thuật đoạn nhũ một bên. Nó dễ gây chú ý hơn – và chẳng tương xứng. Tôi cứ hình dung ra một ngọn núi lửa – ngọn Vesuvius đang đe dọa phía đường chân trời. Thời sinh viên tôi du học ở Florence, Ý. Tôi sống trong một căn hộ mà mỗi tối đều phủ bóng của nhà thờ Duomo và mỗi sáng rung chuyển với những tiếng chuông của nhà thờ San Lorenzo. Tôi đã học cách vẽ tranh khỏa thân và đánh giá bức tượng Đức Mẹ sầu bi và tranh tường. Tôi nhảy lên phà tới Elba và những chuyến tàu đứng đến Venice, Rome và xa hơn chỉ với chiếc máy nghe nhạc Walkman và một chiếc ba lô da nhỏ. Tôi đi nhờ xe vào vùng nông thôn Tuscan và băng qua những con đường tối tăm ở Florence với những cậu bé kỳ lạ để mua thuốc phiện từ những kẻ buôn ma túy ở Bắc Phi, những người túm tụm trên quảng trường yên tĩnh gần Piazza della Signoria. Tuổi mười chín: Về cơ bản, tôi là người quốc tế nhất thế giới. Và là một chuyên gia về Chianti và Brunello. Thế rồi, sau khi tôi sống ở Ý gần hai tháng, mẹ tôi đã đến thăm. Gần như ngay từ giây đầu tiên, chúng tôi đã hục hặc: căn hộ của tôi quá ư lộn xộn, da tôi nhờn ngậy, mẹ đang mặc gì vậy, tại sao mẹ lại cáu, trời ơi, đừng nhìn vào bản đồ ở nơi công cộng nữa. Cả hai chúng tôi đều bị tàn phá trước sự rạn nứt này. Tôi đã đếm ngược từng ngày suốt nhiều tuần cho chuyến thăm của mẹ. Tôi nhớ bà nhiều đến nhức nhối vào ban đêm. Điểm nổi bật của mỗi tuần là các cuộc gọi vào Chủ nhật – đưa tấm thẻ điện thoại quốc tế của tôi vào chiếc điện thoại duy nhất trong cái sảnh bẩn thỉu của tòa nhà, thưởng thức và bực mình một lúc cho đến khi thẻ hết tiền. Tôi sững sờ khi bà không nghĩ tôi là ngôi sao của vũ trụ Ý như tôi tự tán dương bản thân. Ngoài ra còn có một chuyện – điều mà mãi sau này chúng tôi mới cùng nhận ra: bà rất cần được làm mẹ tôi, tôi rất cần chứng minh cho mẹ biết tôi không cần bà nữa. Chúng tôi tranh cãi và chỉ trích nhau lúc ở bảo tàng Uffizi, trước mặt tượng David, trên những bậc thang Tây Ban Nha, dưới bức bích họa baroque ở Sant’Ignazio, trong một nhà hàng nằm trong một hang động ở Orvieto, trong một buổi hòa nhạc Vivaldi. Những năm giữa tuổi ba mươi, tôi đã cố gắng viết một bài thơ về trải nghiệm này: hai chúng tôi cãi nhau trên những con đường cổ kính, không bằng phẳng của thành phố Pompeii với ngọn núi lửa Vesuvius ẩn sau chúng tôi. Đó là một bài thơ kỳ lạ vô trật tự, một bài thơ mà tôi chưa bao giờ thực sự cảm thấy mình đã thành công. Nhưng nhiều năm sau mẹ bảo rằng muốn tôi đọc nó trong đám tang bà. Xem kìa: Mẹ tôi sắp chết. Thật kỳ lạ khi viết như vậy – giống như tôi đang nói điều gì đó không hay sau lưng mẹ. Nhưng đó là sự thật. Và không ai biết điều đó rõ hơn bà. Tám năm bị ung thư. Họ nói với mẹ rằng bà sẽ sống thêm năm năm sau lần chẩn đoán đầu. Các loại thuốc mới vẫn tiếp tục xuất hiện và một số trong số chúng đã phát huy tác dụng – được một thời gian. Cấy ghép tế bào gốc. Hóa trị. Mẹ đã thấy em trai tôi kết hôn và xem các con tôi lớn lên. Nhiều lần nhập viện, vô số liệu trình steroid, truyền máu và tiểu cầu, năm lần sinh thiết tủy xương, buồn nôn và tiêu chảy hằng ngày, ba liệu trình lâm sàng thất bại. Bà vẫn tiếp tục theo dõi: năm ngày không cảm thấy khỏe so với hai ngày mà về cơ bản bà vẫn ổn. Chúng tôi đọc cuốn Ai rồi cũng chết của Atul Gawande cùng nhau. Sự rõ ràng của việc chăm sóc cuối đời đã khuấy động trong tôi như một cơn bão mùa hè. Tôi đưa cuốn sách cho mọi người mà tôi biết. Phần lớn cuộc thảo luận của Gawande xoay quanh quyết định ngừng điều trị ung thư, thứ dường như không thể chối cãi. Rất nhiều câu chuyện mà ông kể ở đó – kể cả cái chết của cha ông với một khối u cột sống – rất khó đọc. Nhưng những gì ông đang tiến hành trong chuyến thăm dò khó khăn đó lại đẹp đến hiển nhiên: làm thế nào để chắt chiu những gì quan trọng nhất với mỗi chúng ta trong cuộc sống để đưa chúng ta tới rìa của nó theo một cách thật ý nghĩa và thỏa mãn. Không giống như phần còn lại của thế giới, tâm trí của mẹ tôi không bị thổi bay. “Đây là những gì mẹ đã nói suốt mà,” bà bảo. “Chỉ là con chưa sẵn sàng lắng nghe.” Một trong những điều mà bác sĩ Gawande đưa ra trong cuốn sách là biết cách tìm ra điều gì làm cho cuộc sống của một người đáng sống, để đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất khi đi đến g g g ự ọ ợp ý đoạn cuối cuộc đời. Một người đàn ông trong cuốn sách nói rằng anh ta sẵn sàng sống nếu được ăn kem chocolate và xem bóng bầu dục trên TV. Anh ta thậm chí sẽ chịu đựng mức độ đau đớn cao nếu có thể làm những điều này. Những người khác rất vui khi được sống miễn là họ không phải trải qua nỗi đau. Một người khác chỉ là sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được dự một đám cưới gia đình. Mẹ và tôi ngồi trên trường kỷ của bà và nói ra mong muốn của mình. Mẹ bảo với bà, đó là về sự sáng suốt: bà muốn có thể có một cuộc trò chuyện, cảm thấy một sự kết nối. Điều đó có thể giúp chúng tôi xác định cần tiếp tục truyền máu và thay thế chất điện giải trong bao lâu để giữ cho bộ não của bà tỉnh táo nhất có thể trước khi khối u tủy xâm lấn. Bà được mời phát biểu tại một bữa ăn tối trước khi diễn ra cuộc thi ba môn phối hợp ở Washington, DC, cho Hiệp hội Ung thư bạch cầu và Ung thư bạch huyết và nói với một khán phòng có các vận động viên trông có vẻ căng thẳng: Đôi khi, điều quan trọng nhất là biết khi nào nên từ bỏ. Đôi khi trở thành anh hùng là biết khi nào nói đủ là đủ. Họ không mời bà quay lại vào năm tới. Có lẽ họ biết bà sẽ không còn ở đây nữa. Tin tức mới nhất về mẹ: Liệu trình thử nghiệm lâm sàng hiện tại mà bà đang áp dụng đã không hiệu quả. Việc xét nghiệm máu đã đi sai hướng hoàn toàn. Và tuần này bà đã nói đủ là đủ. Bà không muốn điều trị thêm nữa. Mẹ tôi: bản đồ của tôi, Nhà nguyện Sistine của tôi, cẩm nang Lonely Planet của tôi, tàn tích đẹp tuyệt của tôi, núi lửa của tôi. Tuần tới – cùng ngày với cuộc phẫu thuật đoạn nhũ của tôi – mẹ dự định đến bệnh viện Duke để gặp bác sĩ ung thư của Gasparetto, một bác sĩ đầy ấn tượng khác: cao gần một mét tám, tóc đen gợn sóng, giày cao gót, chất giọng Ý khiến ngay cả những liệu trình hóa trị độc hại nhất nghe cũng như những giai điệu xé lòng – cô phát âm loại thuốc tủy xương thông thường thalidomide là ta-lidio-MY-da. Kế hoạch là hỏi cô ấy chính xác thì một người sẽ chết vì bệnh đa u tủy như thế nào. Bất cứ điều gì cô ấy nói sẽ giống như một bài hát. Và tôi sẽ ở cách chỗ đó năm tầng nữa, trôi theo khung cảnh mơ màng của thuốc mê. Tôi cứ nghĩ về giáo viên hội họa của mình ở Florence – một lớp học màu nước trong một studio có trần kính như trường tồn trên đường Via dell’Alloro. “Bạn phải hứa chỉ làm theo lời khuyên này với màu nước – không phải bất cứ điều gì khác trong cuộc sống của bạn – à, nấu ăn thì cũng được,” cô ấy nói với chúng tôi. “Ấn mạnh dần dần. Sử dụng nhiều màu nước rồi tẩy màu. Bước ra xa, để cho sắc tố dịch chuyển, chảy ra và khô trên trang giấy. Sau đó quay lại với một màu đậm hơn một chút, lặp đi lặp lại cho đến khi bạn thấy hài lòng. Dù có làm gì cũng đừng vội vã. Những phần tốt nhất xảy ra khi bạn vừa rời đi.” Phẫu thuật, gây mê: những dạng rời đi nào đó. Giai đoạn nghỉ ngơi sau điều trị: chắc chắn là một sự rời đi. Nhưng quay lại điều trị: Đây là thứ gì đó hoàn toàn khác. Cô ấy không bao giờ thực sự nói với chúng tôi làm sao để biết khi nào thì bức tranh được vẽ xong. Tất nhiên: Cô ấy chỉ hứa hẹn với chúng tôi về màu nước, một phòng đầy những cô gái Mỹ chưa tròn hai mươi. Nghĩ về điều đó đi, Pompeii và ung thư thực sự có nhiều điểm chung – mặc dù chúng tôi chiến đấu ít hơn nhiều trong chuyến lưu diễn này. Cả hai nơi đều đầy ma mị và đáng ngạc nhiên, những sự gợi nhớ sờ thấy được về cuộc sống bị gián đoạn giữa chừng: những ổ bánh mì vẫn còn trong lò, nghệ thuật dang dở, ngọn Vesuvius không hoàn toàn im lìm bên trên thành phố. Một vài dòng cuối cùng của bài thơ thất bại đó: Bạn đã tìm đến tôi để cân bằng / dẫu rằng chúng ta chẳng nói gì / và một phút g g g g g ộ p sau tôi cũng phải làm điều tương tự. 06. Hành hương Những ngày xuân mát mẻ, và từ căn nhà tôi khởi hành trong cơn mưa về phía lối đi xanh và công viên. Tita và tôi cũng đi theo chính con đường này vào một buổi sáng khác. Khu phố đầy cảm xúc: hoa nở, ánh nắng, lớp mùn thơm ngát và máu tôi tràn đầy steroid. Nhịp đi của chúng tôi là lảm nhảm về những ý kiến tham vấn thứ hai, tư vấn cho trẻ em, khả năng thiền định, phẫu thuật đoạn nhũ một bên hay hai bên, việc cơ thể phụ nữ sẽ bị biến dạng và nỗi kinh hoàng khi soi gương, sự tái thiết: có lấy lại vóc dáng hay không. Tôi không kịp thở, thỏa mãn và biết ơn về tình bạn cũng như cuộc trò chuyện rõ ràng này. Hôm nay, tôi đi bộ một mình. Mọi thứ đã thay đổi. Trong đám cỏ, một chú thỏ nâu nằm yên chờ đợi như một vật trang trí trong sân. Và tôi trông thấy những vết bùn nhỏ nhất thế giới lấp đầy cái tên “Thomas”, in dấu trên con đường bê tông, một luống hoa lily tím cao quá đầu trẻ em, và con lạch hoàn toàn xa lạ với mọi cơn mưa. Dòng chảy mạnh mẽ của nó bên dưới chân cầu biến thành ghềnh giận dữ ở khúc quanh rộng có cống thoát nước. Trong tiểu luận Tự nhiên, Emerson nói, “Khi nghĩ tới một dòng sông trong giờ thiền định, ai lại không nhớ về dòng chảy của mọi thứ?” Với sự đơn độc và một cơn mưa: Mọi thứ đã thay đổi. Bố mẹ không dạy tôi truyền thống đi nhà thờ. Nhưng thiên nhiên chính là nhà thờ, cụ tổ của tôi tin như vậy – và tôi được nuôi dưỡng để đi vào rừng. “[Tự nhiên] luôn nói về Linh hồn. Nó gợi ý về sự tuyệt đối. Đó là một hệ quả bất diệt. Đó là một cái bóng lớn luôn hướng về phía mặt trời đằng sau chúng ta... Người hạnh phúc nhất là người học được từ thiên nhiên bài học về sự tôn kính.” Ông dạy các con ông đi vào rừng để làm lễ thánh – và họ dạy con họ làm điều tương tự, rồi cứ thế. “Con ghét thiên nhiên lắm,” tôi từng tâm sự với mẹ khi tôi khoảng chín tuổi sau một tuần ở trại Audubon. Tôi thích sự ấm cúng với một cuốn sách hoặc sử dụng thú nhồi bông của tôi để diễn những cảnh trong Những cô gái nhỏ. “Ha ha,” mẹ cười. “Đừng bao giờ để bất cứ ai phía đằng nhà nội nghe thấy con nói điều đó. Có thể con sẽ bị đuổi khỏi dòng họ luôn.” Vấn đề ở chỗ, bản thân Emerson có lẽ sẽ ổn với điều đó. Như con trai ông đã viết,“thái độ riêng [của RWE] trong vấn đề này là, đó đơn thuần là câu hỏi dành cho mỗi người rằng nhà thờ tốt nhất là ở đâu – ở trong khu rừng đơn độc, căn buồng, buổi nói chuyện với người bạn nghiêm túc, hoặc nghe người giảng đạo.” Thành thật mà nói, lớn lên tôi cũng không quan tâm nhiều đến Emerson. Trong những bức chân dung, ông trông hách dịch và hơi nghiêm nghị. Tôi hoàn toàn không hiểu những bài luận hay bài thơ của ông, mặc cho các giáo viên của tôi thường bảo rằng tôi sẽ hiểu một khi họ phát hiện ra dòng dõi của tôi. Là một cây viết đầy tham vọng, tôi có một cuốn nhật ký chi tiết và một ghi chép về tất cả những cuốn sách tôi đọc, tôi được kể rằng cụ tổ tôi cũng làm điều tương tự – và tôi đã học thuộc một số bài thơ của cụ. Nhưng tôi là một kẻ giả hiệu: Tôi quan tâm nhiều hơn về những gì đang xảy ra trong loạt phim Hội những người trông trẻ và những gì tôi có thể làm cho tóc mái với một cái máy uốn. Điều gì đó đã thay đổi khi tôi học tại Đại học North Carolina. Tôi bắt đầu đi bộ ra ngoài một lần nữa – trên những con đường đi sâu vào rừng quanh đồi Chapel – và tôi tham gia một lớp học nhỏ theo phong cách hội thảo về văn học Mỹ thế kỷ XIX. Tôi đã p g ộ ọ ỹ ỷ không đề cập đến cụ Emerson của tôi. Tôi nhận thấy những trang nhật ký với sự trung thực đẹp đẽ, thân mật, lộn xộn này như một cách để bắt đầu yêu thích sự viết lách của cụ. Sáng nay trên đường đi bộ với con lạch đầy nước và tất cả các động vật hoang dã tràn đầy năng lượng nhờ mưa – tôi đang nghĩ về một bài luận của một nhà văn yêu thích khác của tôi, Annie Dillard: “Việc nhìn” từ cuốn sách Hành hương ở Tinker Creek. Trong đó, bà viết: “Mọi vấn đề nằm ở việc giữ cho đôi mắt của tôi mở ra.” Dillard hòa mình vào thiên nhiên với một đôi mắt kiểu Emerson khổng lồ – sự tôn kính, nhiệt thành – gần như sùng đạo. Bà nhắc chúng ta hết lần này đến lần khác hãy xóa đi tầm nhìn về những kỳ vọng, cố gắng để nhìn mà không hiểu. Hành hương, pilgrim, là một từ đẹp. Tôi yêu vần điệu mỏng của từ này mà tôi nghe trong cả hai âm tiết. Và sự nghiêm túc đáng ngạc nhiên của từ “grim.” Tiếng Latin là peregrinus – nghĩa là xa lạ. Cùng gốc với peregrine, giống như chim ưng. Chim săn mồi, thành viên nhanh nhất trong thế giới động vật. Cuộc phiêu lưu kết hợp với sức mạnh và mục đích – đượm vẻ lạ lùng. Lớn lên ở Massachusetts, pilgrim nghĩa là đám rước với các bài hát cùng mũ giấy và cổ cồn trắng. Ngoài ra: các chuyến đi thực địa đến đồn điền Plymouth và những con tàu cũ chật chội và quá nhiều kẹo bơ cứng trên xe bus về nhà. Sau này, ở trường đại học, đọc cuốn Tiến trình hành hương – một hành trình tuyệt vọng, bị hành hạ, tôi đã liên tưởng nó với ý tưởng đi bộ với mục đích thiêng liêng. Ý tưởng về việc tìm kiếm. Các địa danh báo điềm gở: Thung lũng Ô nhục, Lâu đài Ngờ vực. Luôn có chỗ và thời gian cho một hành trình: Theo cách này thì mỗi chuyến đi đường vào tuổi đôi mươi của tôi đều hợp lý. Emerson gọi phòng khách trong nhà mình là Phòng của Người hành hương. Một số người hành hương nổi bật trong số đó: Margaret Fuller, Thoreau. “Sau hàng ngàn năm, chúng ta vẫn là những kẻ xa lạ với bóng tối, những kẻ ngoại lai đáng sợ trong trại của kẻ thù với hai cánh tay khoanh trước ngực,” Dillard viết trong “Việc thấy” khi bà quan sát hoàng hôn đến với Tinker Creek, màn đêm đan một “chiếc mặt nạ không lỗ mắt” trên mặt cô. Khi bị bệnh, sự chết, cái chết – những bóng tối đó – dường như chúng ta vẫn còn rất nhiều người hành hương Plymouth – mọi nỗi sợ hãi, bực dọc và rào cản, cùng ý thức mạnh mẽ về sự xa lạ của chính chúng ta trên một vùng đất thù địch. Chúng ta không biết phải làm gì với chính mình. Chúng ta khoanh tay trước ngực và cố gắng nhìn vào mặt tươi sáng khi chúng ta thèm khát. Tôi nghĩ rằng các khối u trong vú ngày càng lớn lên thay vì nhỏ hơn. Chúng đau nhức. Chúng nhô ra. Chí ít thì tôi mường tượng như vậy. Thêm một tháng nữa: tôi khó có thể chờ đến lúc thoát khỏi chúng. Một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi đã đọc về chuyến hành hương thuần túy đó là – ngoài Chúa – họ thực sự thích rượu vang và giặt giũ sạch sẽ. Người hành hương yêu thích của tôi là nhà thơ Anne Bradstreet. Bà đã bị dứt khỏi quê hương và gia đình và đã trải qua ba tháng say sóng trên con tàu đến nước Mỹ. Bà bị bệnh đậu mùa, liệt và lao. Bà sinh được tám đứa con sau mười năm – và chúng đều sống. Bà là người phụ nữ đầu tiên xuất bản một tập thơ ở Tân Thế giới (ở tuổi ba mươi tám), mặc dù đã bị cộng đồng của mình đẩy vào vị trí nội trợ. Và bà đã đặt cho bài thơ của mình những cái tên vững chắc tuyệt vời như “Về đêm khi những người khác ngủ ngon” và “Những vần thơ khi nhà của chúng tôi cháy, ngày 10/7/1666) và “Một lá thư gửi cho chồng, vắng mặt khi làm việc ở Publick.” Bà và chồng đến từ Anh cùng với Thống đốc John Winthrop và công ty Puritans của ông vào ngày 14/6/1630, trên tàu buồm Arbella, một chiếc tàu chở lượng rượu gấp ba lần lượng nước khi đi qua Đại Tây Dương. Gần như tất cả mười ngàn gallon rượu đã được dùng hết vào thời điểm họ đặt đôi chân mệt mỏi lên bờ Salem, Massachusetts. Trước khi rời khỏi Anh – khi họ chờ trên chiếc tàu neo đậu ngoài khơi để có điều kiện thời tiết thích hợp để bắt đầu hành trình – một nhóm nhỏ trong số họ đã bất chấp những ngọn sóng trắng để chèo trở lại Yarmouth để chùi sạch những cái khăn choàng cổ vải lanh của họ lần cuối trước khi sửa soạn cho nơi tận cùng hoang dã. Tôi thích điều đó. Một nghi thức đẹp đẽ kiểu con người. Đồ giặt sạch, rượu. Tối nay John đến quán bar để gặp vài người bạn. Tụ tập uống bia khẩn cấp. Anh cần điều này cũng như tôi cần phẫu thuật đoạn nhũ. Tôi có thể cảm thấy con tàu Arbella chạy xuyên màn đêm hướng về phía cửa sổ nhà bếp của tôi. Chồng bát đĩa để khô, con tôi xếp vào giường, nhưng Anne Bradstreet tiến vào: cả hai chúng tôi đều xa nhà trong căn bếp này. Không ai trong chúng tôi có thể cảm thấy mặt đất dưới chân mình. Chúng tôi đứng ở bàn ăn và xếp đồ giặt sạch. “Những chiếc khăn này rất mềm và ấm,” bà ngạc nhiên, nhấp ly của mình. Chồng bà đang ở trên boong tàu phát hiện ra một bờ biển xanh, còn chồng tôi đang dưới ngọn đồi tại quán bar giống như một cái ghim trên bản đồ của một nơi tôi vừa đến. John Winthrop đã ghi chép trong nhật ký rằng trước khi họ trông thấy Tân Thế giới, họ đã ngửi thấy nó: “một bầu không khí ngọt ngào thật dễ chịu, làm chúng tôi sảng khoái, và mùi thơm từ bờ biển như mùi của một khu vườn.” Pilgrim. Peregrinus. Người nước ngoài. Tôi đang cố mở rộng vòng tay trong bóng tối. Tôi đang cố giữ cho đôi mắt mở. Đầu giờ chiều nay trong sân sau có một sự om sòm ở cành trên của cây sồi khổng lồ. Hai hoặc ba con quạ đang ầm ĩ quanh một con diều hâu, và con diều hâu đang đậu trên cành cây một cách yên vị, phớt lờ cái đám ồn ào kia. Cái gì thế này? Tôi đã suy nghĩ. Chẳng phải con diều hâu đó có thể xé xác những con quạ trong khoảng ba giây nếu nó thích ư? Nhưng sau đó khoảng một phút hay đại loại thế thì mọi chuyện chấm dứt – những con quạ bay đi, con diều hâu vẫn đậu trên cành cây, cặp mắt lanh lợi của nó đăm đăm về phía chân trời. Tôi sợ hãi. Tôi ổn. Thế giới đã thay đổi và chính xác như trước đây. Có những con quạ trên tóc tôi. Tôi không có tóc. Hãy mang cho tôi một bình rượu. Mang cho tôi một cái khăn để lau sạch không tì vết. 07. Người bị tổn thương Ginny, người bạn của tôi sống ở Charleston cũng bị ung thư vú như tôi và chúng tôi thích nhắn cho nhau ý tưởng về những tấm thiệp cảm ơn của bệnh nhân ung thư sắp chết cho những người thực và tưởng tượng mà Ginny gọi là “những ả khốn thịt hầm.” Cô ấy là một luật sư đáng tin cậy và đẳng cấp, vì vậy cô ấy là một chuyên gia về những ả khốn thịt hầm và trò nháy mắt của họ. Công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ được gọi là Người bị tổn thương và chúng tôi dự tính sẽ khiến con cái mình giàu có. Cảm ơn bạn cho món thịt hầm taco. Nó thậm chí còn ổn hơn chất làm mềm phân của tôi. Những suy tư và lời cầu nguyện thì tuyệt vời, nhưng thuốc Ativan và cái chậu nôn còn tốt hơn. Cảm ơn bạn về những bông hoa. Tôi hi vọng chúng chết rũ trước tôi. Tất cả các tin nhắn điện thoại về việc bạn căng thẳng thế nào khi không biết chính xác những gì đang xảy ra với tôi quả thực đã giúp tôi nhìn nhận lại mọi thứ. Xanax có màu trắng, Zofran có màu xanh, steroid làm tôi cảm thấy như đang bóp cổ bạn. Khi họ phát hiện ra căn bệnh ung thư của Ginny, vài tuần sau thì đến lượt tôi, ung thư đã xâm lấn vào một trong những hạch bạch huyết của cô ấy. Ginny là một sinh viên tốt nghiệp ở Carolina giống như tôi, vì vậy, tự nhiên cô ấy đặt tên cho hạch ung thư hiểm ác của mình theo tên đối thủ truyền kiếp của đội Tar Heel là Christian Laettner. Chúng tôi không chắc về việc phụ thuộc vào bệnh viện Duke hòng cứu mạng tôi. Ginny đặt tên cho khối u vú theo tên một sinh viên trường Duke nổi tiếng khác, Bobby Hurley. “Hóa trị sẽ làm nổ tung những thứ khốn kiếp này vào tăm tối,” cô ấy nhắn tin. 08. Chính kịch Chín giờ chiều, và đứa con trai mới mọc nửa răng cửa của tôi đang lảng vảng trong phòng ngủ của chúng tôi sau mũi tiêm insulin mỗi đêm. Thằng bé giả vờ kể cho tôi nghe về ý tưởng cho một cuốn truyện tranh, nhưng cứ lén nhìn màn hình TV, dừng lại ở chương trình Binge Mode của Netflix với phần Xem tập tiếp theo với đoạn văn bản nhỏ bên dưới. CHASING LIFE: Tập 12. Bệnh ung thư tháng Tư đã thuyên giảm, nhưng việc trở lại làm việc của cô không suôn sẻ. Cùng lúc đó, Leo héo mòn trong cơn hôn mê. “Chà, mẹ đang xem một chương trình về bệnh ung thư à?” cuối cùng thằng bé rụt rè nói. “Tại sao mẹ lại xem nó?” “Mẹ không biết,” tôi nói. “Mẹ nghĩ nó khiến mẹ cảm thấy bình thường hơn một chút. Thêm vào đó nó có câu chữ thực sự kinh khủng, nên làm mẹ buồn cười.” “Kinh khủng như thế nào cơ?” thằng bé hỏi. “Kinh khủng như những nhân vật cãi nhau,‘Chà, có lẽ bạn đã quên, nhưng tôi bị ung thư!!!’” “Ồ,” con thốt. “Ra là kinh khủng kiểu như vậy. Giống như,‘Bình tĩnh. Chúng tôi biết mà. Chúng tôi xin lỗi về bệnh ung thư của bạn nhưng vui lòng ngừng la hét giùm đi.’” “Đấy,” tôi nói. “Chuẩn luôn con ạ.” 09. Địa lý Những hình chụp nhũ ảnh mới nhất trông như thể bạn đang nhìn xuống từ một chiếc máy bay vào ban đêm. Hai khối u là những thành phố nhấp nháy – như Greensboro và Winston Salem. Và quãng đường dài bốn centimet giữa chúng là Xa lộ Liên bang 40, được chiếu sáng bằng đèn. Chúng tôi sẽ không biết chính xác tình trạng giao thông ở Xa lộ 40 này khó khăn như thế nào cho đến khi bác sĩ phẫu thuật xem xét. Theo bác sĩ Cavanaugh, đây là một cách hành xử ngu ngốc của bệnh ung thư. Thứ ung thư thông minh tự phát nổ như một quả bom nguyên tử – mọc nhanh như nấm ở mọi vị trí khả dĩ và nhảy lên chuyến tàu hạch bạch huyết để đi đến những nơi xa của cơ thể và thiết lập các cơ sở vệ tinh hiểm ác ở đó. Thứ ung thư ngu ngốc tạo ra một khối u, chán nản, xâm lấn xung quanh, tạo thêm một khối u gần đó. Chúng tôi có hi vọng. Cavanaugh không sợ nói những điều như hi vọng được chữa khỏi và có lẽ không còn hóa trị nữa. Nhưng cô ấy cũng gửi cho tôi nhiều ảnh chụp hơn – căn phòng chật ních những người phụ nữ lo lắng, từ hai mươi đến chín mươi tuổi, tất cả đều mặc áo choàng xám giống hệt nhau, một nửa trong số chúng tôi nhắn tin, một nửa đan len – chỉ để xác nhận vị trí cho rõ ràng, như cô nói. Dẫu sao thì việc có một tấm bản đồ cũng đâu làm cho con đường ít tuyết hơn. 10. Hang Sói Đây là cách các bác sĩ sẽ biết liệu bệnh ung thư của bạn có khả năng lan rộng hay không: Một ngày trước khi phẫu thuật, dưới máy chụp trong phòng lạnh tầng hầm, một cây kim sẽ được đưa vào khối u của bạn và bạn sẽ được tiêm một thứ thuốc cản quang đồng vị phóng xạ màu xanh. Sau khi tiêm xong, bạn sẽ nằm yên. Cỗ máy sẽ là thứ duy nhất nói với bạn – một giọng nói robot ra lệnh cho bạn hãy thở đi. Tiếp theo, bạn sẽ được đi ăn trưa. Bạn sẽ ngồi dưới ánh mặt trời trên hiên của quán cà phê Ung thư, ăn món cuốn gà tây và dõi theo một cặp vợ chồng bằng tuổi bố mẹ bạn, cả hai đều ngồi xe lăn, một người bị mắc dây thở ôxy, người còn lại vừa dịu dàng gỡ dây thở mắc trong bánh xe ra vừa giơ điếu thuốc lên cao. Sau đó, trở lại tầng hầm, một bác sĩ X quang sẽ theo dõi đường đi của phóng xạ bằng máy đếm Geiger. Bất cứ thứ gì xung quanh các hạch bạch huyết phát sáng sẽ là các hạch mà khối u có thể xâm nhập – các hạch chốt chặn – do đó, các hạch này có khả năng chứa những tế bào ung thư thoát ra. Chúng vẫn sẽ được thắp sáng khi bác sĩ phẫu thuật xử lý vào ngày hôm sau. Đây là các hạch mà bác sĩ phẫu thuật sẽ tách ra và gửi cho nhà nghiên cứu bệnh lý học, người sẽ cắt và phết chúng lên các phiến kính để kiểm tra dưới kính hiển vi trong một căn phòng tối, như cảnh hai đứa con trai của bạn xem những cuốn sách về khủng long và thẻ bóng chày bằng đèn pin sau khi căn phòng đã tắt đèn. Chỉ có một hạch sáng lên trong bản đồ các chốt chặn này. Chốt chặn đơn độc trước cánh cổng lâu đài. “Thế là xấu phải không?” tôi hỏi kỹ thuật viên. “Không tốt cũng chẳng xấu,” anh ta nói. Anh ta có vẻ mệt mỏi. “Nó chỉ có nghĩa là chị có một chốt chặn.” “Tôi không có người bảo vệ hay chốt gác, nhưng tôi có các vì sao,” Montaigne nói, nhắc đến việc những ngôi nhà hàng xóm cạnh ông được bảo vệ nghiêm ngặt thì lại thường xuyên bị tấn công như thế nào – còn nhà ông thì không. “Nhà tôi không đóng trước bất kỳ ai gõ cửa, chỉ có một người gác cổng kiêm bảo vệ – và ‘bảo vệ’ chỉ là theo nghĩa ngày xưa; thay vì bảo vệ số phận của tôi, người gác cổng giới thiệu nó với sự thanh lịch và tao nhã tuyệt vời.” Hẳn là Montaigne cũng sẽ gửi chốt chặn của tôi về nhà, tôi đoán vậy – vào màn đêm sương mờ ở Aquitaine. Không có ổ khóa, cho ông. Không có bảo vệ, không có người nếm thức ăn. Tôi đang đọc tiểu sử Montaigne. Tuổi ba mươi tám cũng là một năm lớn đối với ông: Sau cái chết của người cha vài năm trước, ông từ bỏ đời sống thế tục ở Bordeaux, nơi ông từng là một chính khách nổi tiếng, lánh mình trong ngôi nhà ở quê, và bắt đầu viết những bài luận nổi tiếng của mình. “Anh có nghĩ rằng thật lạ khi Montaigne chưa bao giờ có người kiểm tra thực phẩm – dẫu rằng ông nổi bật về mặt chính trị như thế nào trong thời kỳ khó khăn đến vậy?” tôi hỏi John. “Thế mới đúng là ông ấy. Montaigne Khắc kỷ,” anh đáp. “Anh cá là những tổ tiên Thanh giáo của em cũng chẳng có người nếm thức ăn. Không gì chữa được một liều thuốc độc như với một thái độ dửng dưng và đi bộ nhanh.” John yêu Montaigne nhiều như tôi. Anh là người đầu tiên bảo tôi đọc ông. “Nhưng thực sự, anh nghĩ chỉ những người chuyên quyền mới có người nếm đồ ăn. Hoàng đế Claudius, Hitler, Vladimir Putin. Có lẽ là Donald Trump. Những người như vậy.” Một buổi sáng, tôi trượt xuống một cái hang thỏ trên Internet để đọc về cuộc đời của Margot Woelk, người duy nhất trong số mười lăm người nếm đồ ăn của Hitler – “binh đoàn độc dược” của ông ta – còn sống sau chiến tranh. Giờ đây bà đã gần trăm tuổi: “Các món ăn rất ngon... măng tây, ớt chuông, mọi thứ ta có thể mường tượng,” bà kể cho người phỏng vấn về thực đơn của họ trong hầm. Hương vị hoang dại, tươi ngon của thời bình. “Nhưng... chúng tôi không bao giờ có thể thưởng thức [nó].” Mỗi sáng một chiếc xe bus có vũ trang sẽ đón bà từ nhà của mẹ chồng và đưa bà đến một doanh trại ở một thị trấn gần đó, nơi thức ăn được chuẩn bị để đưa đến trụ sở Wolfterchanze của Hilter – Hang Sói. Việc nếm thử diễn ra mỗi ngày từ 11:00 sáng đến trưa. Bà nhớ mình đã khóc trong nỗi khiếp đảm với mỗi miếng thức ăn, ngồi cùng những cô gái chủng tộc Aryan độc thân khác quanh một chiếc bàn gỗ với lính SS canh gác. Suốt hai năm rưỡi. Đôi khi các cô gái sẽ vật xuống sàn trong đau đớn, nhưng đó là vì lo lắng chứ không phải là do trúng độc. Bảy thập niên sau, Margot rõ ràng đã giữ thói quen ăn thành miếng nhỏ, thận trọng. Trong một bài báo tôi tìm thấy, bà đang nhấm nháp những mẩu bánh cà phê khi nói chuyện với nhà báo. Tuy chưa bao giờ tận mắt trông thấy Hitler, nhưng bà nói rằng bà khinh miệt kẻ mà bà phải liều mạng mỗi ngày. Ông ta là một kẻ thực sự đáng ghét. Và là một con lợn. Tôi được dẫn đến đây bằng phép ẩn dụ – hãy để lâu đài được mở khóa – nhưng giờ đây tôi không thể cứ theo tinh thần đó được. Tôi là Hitler chăng? Hay Hitler là khối u? Đây thậm chí không phải là một phép ẩn dụ, phải không nào? Đây chỉ là một câu chuyện khó khăn khác nữa. Nhưng Margot và tôi có một điểm yệ g g ộ chung: cơ thể chúng tôi. Cơ thể chúng tôi không thuộc về chúng tôi nữa. Cơ thể của Margot đã bị SS trưng dụng; còn của tôi thì thuộc về bệnh tật, thuốc men. “Ngực của mẹ sẽ ở đâu ạ,” Freddy hỏi, “sau khi họ cắt bỏ nó ấy.” “Có lẽ là một ngăn kéo trong phòng thí nghiệm dưới tầng hầm ở đâu đó tại bệnh viện Duke,” tôi nói. “Chà, họ giữ khối u cho thử nghiệm trong tương lai, nhưng mẹ nghĩ có lẽ họ sẽ vứt nó đi.” John trêu tôi sau đó. “Đây là hình ảnh tuyệt vời để một đứa trẻ nhớ trong đầu. Cho xin năm trăm đô la Chấn thương Cảm xúc, Alex.” “Thế em biết phải nói sao giờ?” tôi hỏi. Tôi không bao giờ biết những gì mình phải nói. Thú thật: John cũng không. Chúng tôi tìm kiếm các nhà trị liệu cho trẻ em. “Sẽ thật tuyệt vời nếu ai đó biết những điều phù hợp để nói,” tôi nhắn tin cho Ginny. Con của Ginny lớn hơn con tôi hai tuổi. Con gái cô, mười một tuổi, đã biết tỏng mọi thứ. “Amen,” cô nói. Sau cuộc phẫu thuật, khi John và tôi cùng bước xuống hành lang ở bệnh viện Duke, đôi khi anh sẽ lên giọng cao vút và kỳ quái. “Niii-na, bạn ở đâu? Vú của bạn đây này. Tôi nhớ bạn. Cứuuu tôiii, Niii-na.” Hãy thử nhìn mà không hiểu. Lần đầu tiên tôi thấy cận cảnh một ống dẫn lưu là khoảng một tuần trước khi phẫu thuật đoạn nhũ trong phòng chờ khám vú. Tôi không biết nó là gì. Tất cả chỉ là vấn đề giữ cho mắt tôi mở. Một phụ nữ rất trẻ, có lẽ hai mươi lăm tuổi, trò chuyện với nhân viên tiếp tân, với hai quả cầu trong suốt được kẹp vào chiếc thắt lưng lấp lánh trên quần bò, một ống chứa đầy chất lỏng vòng xuống hông cô ấy ở mỗi bên rồi biến mất dưới áo sơ mi. Chúng chứa đầy một chất lỏng màu đỏ cam rực rỡ trông như Gatorade. Cô bắt đầu cười lớn, rồi vồ lấy bản thân, chạm nhẹ vào quả cầu đầy nước. “Ôi trời,” nhân viên tiếp tân nói đùa. “Thật khổ khi cô thậm chí không thể cười.” Chúng tôi khoanh tay trước ngực. 11. Một đàn voi Như một đàn cá: a school of fish, hay một đàn sư tử: a pride of lions, hay một đàn quạ: a murder of crows, một đàn voi được gọi là a memory of elephants. Một ký ức về voi. Chẳng có gì âm vang trong cụm từ đó – chẳng có gì giống như một bầy voi hoặc một cuộc diễu hành của voi. Giống lũ voi đang uống từ một hồ nước thấp khi mặt trời mọc hơn. Hoặc một nơi mà lũ voi từng uống, nhưng giờ không còn nữa. Một thứ to lớn, ám ảnh và thanh tao. Thật ra, không phải không giống như gây mê, thứ mà – vì sự vắng mặt của mọi giác quan – khiến cho bạn có những vết rạch, những cơn đau nhức và băng bó mà bạn không thể giải thích được theo kinh nghiệm, từ đó buộc phải đưa ra lý do bằng cách tạo ra một tập hợp toàn những điều chắc chắn như một giấc mơ và không thể lay chuyển. Cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Trước đó, bố mẹ tôi lên lầu trước cuộc hẹn của mẹ với bác sĩ Gasparetto để tiễn tôi vào hư vô. John ở ngay bên cạnh khi tôi thức dậy – rồi sau đó ngủ thiếp đi – rồi lại thức dậy – rồi lại thiếp đi. Mẹ chồng tôi đã bay từ Oregon đến để trông các cháu ở Greensboro. “Chúng rất ngoan,” anh nói. “Chúng đang bận chơi với nhau. Chúng không hỏi về em lần nào.” Anh xoa bóp tay tôi, mỉm cười trước sự ngốc nghếch của tôi và chọc cười tôi trên mạng truyền thông xã hội: Nina đang làm rất tốt và còn tốt hơn cả hướng dẫn của diễn viên Gary Busey. Mô tả đầu tiên của cô ấy về “cơ thể mới” là nhìn xuống áo choàng bệnh viện, nhìn lên, giơ một ngón tay lên và nói “có một không hai.” Âm thanh của hai cậu con đóng vai Cướp biển chơi một trò chơi buổi tối trên một chiếc TV ở xa trong một vũ trụ ở xa xao động như ánh sáng xuyên qua rèm bệnh viện khi tôi từ từ quay trở lại thế giới. Thế rồi, bác sĩ phẫu thuật nhìn xuống, nói cho tôi hay anh ta đã làm một công việc tuyệt vời thế nào và hạch chốt chặn của tôi có vẻ âm tính rồi đùa những câu mà tôi không thể hiểu mặc dù tôi khá chắc chắn đó là những câu đùa giống như anh ta đã nói trước khi phẫu thuật. Về chủ đề lũ voi, có cảm giác phòng hồi sức có đầy bọn chúng – một đàn voi. Có một con voi bị ung thư: Hạch bạch huyết sẽ cho chúng ta biết gì sau khi được xét nghiệm bệnh lý? Một con voi khác: Vú tôi mất đâu rồi? Có một không hai. Và rồi con voi của mẹ tôi, con thú không thể đoán trước đó, nó co lại và lớn lên, đôi khi trông quen thuộc, nhưng đôi khi thật kỳ lạ và thô thiển, tôi nghĩ rằng thực ra nó là một con tê giác – một phần của vụ đụng độ giữa lũ tê giác, hay sự bướng bỉnh của chúng. “Phù,” mẹ tôi nói khi nghe tin tốt về hạch bạch huyết. “Mẹ không thể chịu được việc rời khỏi cuộc sống này mà không biết rằng con sẽ ổn.” Một đàn gấu mèo: a gaze of raccoons. Một đàn rắn chuông: a rhumba of rattlesnakes. Một đàn cá sấu: a float of crocodiles. Một đàn gà tây: a rafter of turkeys. Một đàn chồn sương: a business of ferrets. Một đàn chim chiền chiện: an exaltation of skylarks. Những đàn động vật lấp đầy căn phòng, và tôi chìm lại vào giấc ngủ. Tôi chưa được thấy bên dưới dải băng vết mổ – vùng đất xa lạ, thế giới mới đó. Nó không hẳn là đẫm máu hoặc bầm tím hay sưng. (Trên thực tế, bác sĩ phẫu thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.) Nhưng tôi không biết nó là gì. Trông nó bằng phẳng, gần như lõm xuống – như cái hồ nơi một đàn voi từng uống nước. Đó là một sự vắng mặt, cũng chính là một ký ức. Ngay bây giờ cảm xúc của tôi xung quanh nó đang chực chờ như thể một cái kệ nằm ngoài tầm với. Ngay bây giờ vấn đề của tôi hoàn toàn thuộc về cơ thể, gần như là về địa lý. Ngay bây giờ: ống dẫn lưu trong ngực tôi, cơn đau ở nách, cái cách mà áo sơ mi của tôi chùng xuống một bên. Nhưng có những thứ khác nữa – cảm giác nữ tính bị xóa sạch, sự lệch lạc của bản thân, sự kỳ lạ của cơ thể. Tôi không thể tìm ra từ để hiểu được chúng. Tôi đoán đây chính là lý do khiến ngay bây giờ thực tế này thật voi làm sao. Chắc chắn nó ở đó, nhưng dường như tôi không thể biết phải nói gì về nó. Vì vậy, ngay bây giờ tôi tập trung vào những điều chắc chắn như một giấc mơ này: Phương thuốc của các bác sĩ sẽ khám cho tôi vào buổi sáng. Trong lúc đó, những cơn dông bão sấm sét đang sôi sục phía chân trời và một dự liệu về món thuốc hỗn hợp cocktail đang chờ chút đá lạnh. 12. Phẫu thuật tái tạo Trước khi vào làm ở công ty đầu tư gia đình, cụ Raymond Emerson của tôi đã làm việc như một kỹ sư xây dựng và nhà khảo sát ở miền Tây nước Mỹ. Tôi chưa bao giờ gặp cụ – cụ đã chết vào năm tôi sinh ra – nhưng bố tôi nhớ cụ là một người lạ lùng, thông minh, không chịu ngồi yên – rồi sau đó bị loạn trí – có lẽ vì cụ buộc phải quay trở lại với lề lối vùng Bờ Đông. Hoặc có thể bởi cụ đã dành cả đời để nhai một viên đạn chì cũ. Trải nghiệm thân mật và duy nhất của tôi về cụ là ngôi nhà do cụ thiết kế và xây dựng vào thập niên 1930 bên cạnh một dốc đá heo hút trên một hòn đảo ngoài khơi Massachusetts, nơi tôi đã trải qua mỗi mùa hè của cuộc đời. Đó là một ngôi nhà đơn giản – lâu đời, cứng cáp và mộc mạc với mái nhà đặc trưng trong trí nhớ và mái hiên rộng – ở một vị trí biệt lập, ấn tượng, với tầm nhìn rộng gần như đường chân trời miền Tây. Có vẻ nó giống như một ngôi nhà trên vách núi hoặc trên một thảo nguyên thay vì nhìn ra đám thuyền buồm và đảo Martha’s Vineyard. Khi ở đó, tôi tưởng tượng cụ bước ra khỏi ngôi nhà trên ngọn đồi trống rỗng – nghĩ về nó khi đi xuyên những ngọn cỏ cao, đôi chân cụ nắm bắt những đường nét và thử thách của vùng đất. Ngôi nhà rõ ràng là thiết kế của một người yêu thích ngoài trời hơn tất thảy, và ít quan tâm đến nội thất. Bức chân dung của ông nội ghê gớm của cụ, Ralph Waldo Emerson, đã thống trị bệ sưởi bên trong nhà. Chỉ cách ngôi nhà vài chục mét có một dốc đá dựng đứng xuống biển, nơi mọi người trong gia đình tôi đã biết là một ranh giới rõ ràng – nơi chúng tôi đo những bước chân trong bóng tối. Nơi tôi đã đo được ý nghĩ rằng trong bóng tối không có dốc đá nào cả, chỉ có tôi và thanh âm của dốc đá, rìa của kết thúc, tiếng gầm gừ của thứ nào đó bắt đầu. Mặc dù nó thuộc về gia đình của bà cố tôi, Amelia Forbes – vợ của Raymond Emerson – bà đã được thừa kế hòn đảo này, Ralph Waldo Emerson đã đến hòn đảo này ít nhất vài lần trong đời với tư cách là một người bạn của gia đình và một người bên đằng nội. Tôi không chắc ông thích bờ biển hoang vu lồ lộ này hơn khu rừng yên tĩnh của mình, nhưng ông đã viết bài thơ “Walinsinsamkeit” ở đây. Waldeinsamkeit là từ tiếng Đức không thể dịch tả cảm giác đơn độc thiêng liêng và sự chiêm nghiệm trong rừng. Nhà thờ trong rừng. Giống như cụ Emerson của tôi, mẹ tôi chỉ bắt đầu đến đây khi bà thành con dâu trong nhà. Tuy nhiên, mẹ luôn bảo bà muốn tro cốt của mình được rải khắp ngọn đồi này. Gần đây tôi đang mường tượng hành động trên một cách chi tiết hơn. Đêm nọ, trong cơn kích động và lạc quan, tôi đã dứt một trong những ống dẫn lưu ra, và tối nay, miếng dán vết thương Steri Strips cuối cùng đã tự bong ra. Bây giờ, lần đầu tiên kể từ khi phẫu thuật đoạn nhũ, tôi thoát khỏi mọi thiết bị đi kèm – tất cả những thứ không phải tôi – và tôi cảm thấy như cuối cùng mình cũng chấp nhận được hoàn cảnh. Tôi đang vượt qua. Tôi đang tái tạo lại cạnh vết thương. Dưới đây là những ghi chú nghiệp dư của tôi: Tôi đã không thực sự chú ý trước đây, nhưng vết sẹo này có hình chữ S kéo dài – như một dòng sông uốn khúc – ngoằn ngoèo khoảng hai mươi phân từ xương ức đến nách. John nhìn thấy một chữ S như trong Siêu nhân bị lệch. Tôi thấy một dấu hỏi lười biếng không có dấu chấm. Toàn bộ khu vực đó còn tê, nên việc lần mò nó bằng ngón tay là khoảng cách hụt hẫng giữa kỳ vọng và thực tế. Nó không đáng yêu, chính xác, nhưng với những ngón tay của tôi, nó là một thế giới mới. Tôi chỉ muốn biết về nó rõ hơn. Dĩ nhiên Ralph Waldo Emerson đã đọc Montaigne – và tôn sùng ông như một ví dụ về chủ nghĩa hoài nghi lành mạnh. Hoài nghi – gốc Hy Lạp là skeptesthai: tìm kiếm, ngụ ý tìm kiếm nhưng không tìm thấy. Không phải là một người hoài nghi như trong một người không tin, mà đúng hơn, theo lời của RWE, là “người cân nhắc, thận trọng, dong buồm ra khơi, đếm cổ phiếu, khéo sử dụng phương tiện của mình, tin rằng một người đàn ông có quá nhiều kẻ thù so với khả năng chấp nhận.” “Tôi thà hiểu về bản thân mình còn hơn là hiểu về Cicero,” Montaigne nói. Ông viết rất chi tiết về chế độ ăn uống, thói quen đại tiện, tập thể dục, tình dục, đau nhức, sỏi thận. “Tôi tự học về