🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thời Cục Nước Tàu
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : THỜI CỤC NƯỚC TÀU
Tác giả : NGUYỄN-KHẮC-NGUYÊN
Năm xuất bản : 1925
Trích lục ở Tạp-chí hội Trí-tri số 1
------------------------
Nguồn sách : Thư viện Quốc gia Việt Nam
Đánh máy : Nguyễn Khắc Nguyên
Kiểm tra chính tả : Đặng Hoàng Anh, Nguyễn Thị Huyền
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 20/08/2019
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn tác giả NGUYỄN-KHẮC-NGUYÊN đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
THỜI CỤC NƯỚC TÀU1
Trích lục ở Tạp-chí hội Trí-tri số 1 năm 1925 (L'éat politique de la Chine à l'heure actuelle)
https://thuviensach.vn
Thưa các ngài,
Hôm nay tôi xin nói truyện hầu các ngài nghe về thời-cục nước Tàu. Cái thời-cục nước Tàu ngày nay có lẽ khắp cả hoàn-cầu đều chú-ý đến, huống nước ta là nước láng giềng với nước Tàu. Nói vậy hình như quên hẳn mình đi, và lại chẳng hiến thêm một trò cười cho thiên-hạ ư ? Nhưng không dẫu ta ở vào địa-vị nào mặc lòng, việc thế-giới ngày nay hình như nó bách ai ai cũng phải biết tới, mà việc nước Tàu ngay trước cửa ngõ ta, ta xem xét đến lại càng thú-vị lắm.
Tôi xin nói về cái thời-cục nước Tàu từ khi nhà Thanh đổ cho đến hồi lập dân-chủ tới nay. Nước Tàu là một nước văn-minh sớm nhất, mà lại là một nước quân-chủ chuyên-chế tối-cổ, nay thốt-nhiên biến thành một nước dân-trị thì cũng ngạc-nhiên thật, khiến cho dư-luận thiên-hạ cũng có người lo rằng hai chữ « dân-quốc » tốt đẹp kia dễ thường cũng có khi không đứng vững được ở nước Tàu. Dư-luận ấy có ảnh-hưởng gì đến vận-mệnh Trung quốc không, thì cũng không biết trước đâu được, nhưng ý tôi tưởng cái sự lo ấy dường như xa lăng-lắc và hình như một tiếng vang âm lên rồi lại dần dần tắt đi thôi.
Nước Tàu sở-dĩ lập thành chính-thể dân-quốc, chẳng qua là tại nhà Thanh độc-ác, tham-lam, mà lại vụng-về quá, nên mới khiến lòng dân khiếp sợ, chán-ngán về đường chuyên-chế đến như thế. Ví-dụ nhà Thanh, vốn người khác giống đến chiếm-đoạt đất-cát người ta, lại khôn-ngoan, cai-trị cho có tình-nghĩa một chút, thì dễ thường cũng chưa có cái cuộc cách-mệnh ngày nay. Ta phải biết là chưa có thôi, chứ cái lý tất-nhiên thì thế nào cũng phải có, chẳng sớm thì muộn nhà Minh cũng phải đánh lấy lại nước. Nhưng lấy lại nước rồi có lẽ cũng phục lại ngôi vua nhà Minh, chế thành quân-chủ hiến-pháp, chứ không đến nỗi khổ-hại mà cố lập lấy nền dân-quốc như bây giờ. Nhưng tôi xin nhắc lại, nhà Thanh độc-ác quá, hà-hiếp dân-sự, thuế khóa đánh nặng, những danh-vị lại dành cả lấy cho giòng-giống mình, cấp bổng-lộc cho họ-hàng mình, phân-biệt hẳn người Minh ra, coi hình như một loài da khác kém hèn, tôi-tớ mình. Ấy những nỗi tham-lam, độc-ác, vụng-về ấy mà nung-nấu lên cái ngòi cách-mệnh khắp trong nước. Cái ngòi ấy cứ
https://thuviensach.vn
ngấm-ngầm, chỉ chờ những cơn gió con-con đưa lại, là bật lên. Những cơn gió ấy là những trận nha-phiến chiến-tranh vào năm 1842, trận Anh-Pháp liên-binh vào năm 1860, trận Trung-Nhật chiến-tranh vào năm 1893 và đến hồi Nga-Nhật chiến-tranh vào năm 1903 thì thật có ảnh-hưởng đến nước Tàu mạnh quá, làm cho người Tàu bừng mắt ra mà vùng dậy.
Tôi xin nói qua ra đây những nông nỗi gây nên các cuộc chiến-tranh kia nó đã làm cho xấu-sa và thiệt-thòi cho nước Tàu không biết là chừng nào :
1) Trận nha-phiến chiến-tranh năm 1842. Nguyên người Anh vẫn ngấp nghé vào nước Tàu, đôi ba lần sai sứ sang sính vấn, nhưng vì người Tàu hủ lậu tự-cao tự-đại, biết thế-giới là chi chi, cứ đóng cửa nghênh-ngang trong xó nhà, có chịu giao-du tiếp-đãi ai. Người Anh cứ phất-phới đi lại buôn-bán, đem món cơm đen sang đánh bả cho anh Tàu, anh Tàu nếm vào lấy làm
khoái, phì-phèo nằm chéo-khoeo, ngẫm-nghĩ sự đời, tưởng chừng ở trên thế gian này không còn cái gì thú-vị bằng hút thuốc phiện. Thành ra anh Tàu càng ngày càng nghiện vào, càng nghiện vào anh Anh càng chẽ, càng bán được nhiều. Tuy vậy người Anh cũng phải bán giấu-diếm thôi, rồi lâu dần Triều-đình nước Tàu thấy món cơm đen là món hại mới hạ-chỉ cấm cả người bán lẫn kẻ mua. Bởi có lệnh ấy nên các quan Tàu bắt-bớ người Anh lôi-thôi, gây nên cuộc nha-phiến chiến-tranh này. Kết-cục thì Tàu thua Anh được, lập điều-ước ở Nam-Kinh, cắt đất Hương-cảng cho người Anh, bồi-thường binh-phí và bắt phải để các nước khác đến thông-thương ở Tàu, được đặt lãnh-sự mà giám-đốc bảo-hộ lấy quyền-lợi của họ. Trận ấy làm cho nước Tàu được tiếp-xúc với ngoài là lần đầu, mà tiếp-xúc một cách khổ-nhục như thế, thực là Thanh-triều đắc-tội lắm vậy.
2) Đã vậy mà từ đấy trở đi ngoài mặt ra ý Triều-đình cũng mở cửa quan tiếp-đãi các nước, trong lòng thì vẫn lấy làm căm-tím lắm, nào đã biết đến việc thế-giới là gì ? Đã biết đến khoa ngoại-giao là gì ? Cho nên năm 1856 mới xẩy ra một việc viên Tổng-đốc Quảng-đông tra soát giặc biển, xung-đột vào thuyền Anh tự-tiện bắt một bọn thủy-thủ. Viên đề-đốc Anh liền đưa thư trách vá bắt đền thì viên Tổng-đốc Tàu chẳng đáp-từ gì cả. Anh mới tức,
https://thuviensach.vn
cùng người Pháp là người bạn thân ở Tàu bấy giờ, cũng có quyền-lợi vào đấy, mới hợp-binh đánh lấy tỉnh Quảng-đông, bắt viên Tổng-đốc Tàu làm tù. Triều-đình thấy vậy, vội-vàng cầu-hòa, hai nước Pháp Anh mới kéo nhau lên Bắc-kinh để lập điều-ước. Nhưng mới đến Thiên-tân thì quân Tàu lại giữ không cho vào, hai nước lại phải ra tay một trận, làm cho thiên-triều hết vía, xin ra lập hòa-ước bằng lòng để các việc buôn-bán và truyền-giáo của ngoại quốc được tự-do, và hai nước Anh Pháp sẽ lập ngay sứ-quán tại Bắc-kinh, Song khi sứ-thần hai nước sắp-sửa mũ áo lên trình ủy-trạng của mình thì Triều-đình lại hẹn hẵng cứ lui về Thượng-hải chờ khi Thiên-tử cho phép vời mới sẽ được đến bệ-kiến. Hai nước Âu-châu không lấy thế làm hợp-lễ và xứng-đáng với việc thắng-trận của mình, bèn rủ nhau cứ kéo ùa quân lên bách để vào cho được, nhưng bị quân Tàu nhiều quá, đánh thua phải lui về Thượng-hải. Trận ấy quân Âu chết hại cũng nhiều, tưởng cũng là một bài học hay cho cả hai bên vậy. Khi hai Chính-phủ Pháp Anh được tin ấy, bèn cấp đại-đội binh-mã sang vấn-tội Trung-hoa. Trung-hoa thua, Anh pháp tiến Kinh lập điều-ước, nên gọi là Bắc-kinh-điều-ước. Ấy là lần thứ hai người Tàu được tiếp-xúc với Âu-châu vậy.
3) Cái lịch-sử nước Tàu bị bách-cưỡng giao-du với Tây-phương là thế, còn ở cõi trời Đông này thì cái địa vị nước Tàu ra sao ? Đem cái bản-đồ ra mà ngắm, lấy cái lịch-sử văn-minh ra mà xét, thì cơ-hồ ở góc trời Đông này, nước Tàu đứng làm chúa-tể muôn đời vậy. Ấy thế mà ba mặt Đông, Tây, Bắc, tiếp-giáp với Nga, cứ bị Nga lấn-láp đến tận cửa Lữ-thuận. Cái thuật ngoại-giao của Nga thì đã có tiếng hơn hết hoàn-cầu, nên chỉ êm-ái, bạn-bè, nay mật-ước, mai mật-ước, mà đất Mãn-châu thành-thử gần như đất bảo-hộ của Nga. Điều ấy thì cái anh to đầu mà dại, quyết-nhiên là khó tránh được, duy chỉ buồn cười cái giống Nụy-nô là giống người lùn ở ba cái đảo con-con nơi Đông-hải kia cũng sấn vào bóp cổ anh Tàu lè lưỡi ra mới thật lạ chứ ! Ấy là tôi muốn nói về người Nhật-bản vậy. Tại sao mà Nhật đánh Tàu, tôi xin kể ra đây.
Từ khi Nhật tỉnh sớm, biết suy-xét thời-thế, hấp-thụ lấy cái văn-minh Âu Mĩ, rước thầy Âu Mĩ về hết sức học tập, nghe trong mình đã hơi đắc đạo,
https://thuviensach.vn
những muốn đem thử cái sức học của mình, mới xem chừng đè mặt ngay anh láng-giềng bị thịt một phen, thành-hiệu rồi càng ngày càng phấn-khởi mãi lên cho đến khi đánh đổ được cả anh Nga, mà chen chân vào đám đại liệt-cường.
Nguyên năm 1893 ở Triều-tiên (Cao-ly) có nội biến. Triều-tiên là một nước phiên-thuộc của Tàu, mà lại ở ngay cửa ngõ anh Nhật – Tàu đem binh đến dẹp, thì tự-dưng cũng thấy binh của Nhật kéo sang. Tàu lấy lẽ phân-trần không êm, điên tiết đánh Nhật, thì ra chính là gãi phải chỗ ngứa của Nhật, nên Tàu thua mà Nhật được. Thanh-triều phải sai Lý Hồng-Chương sang tận Đông-kinh thỉnh hòa, lập điều ước cắt đất Liếu-đông và đất Đài-loan cho Nhật, cùng là đãi người Nhật cũng bằng-đẳng với người Âu Mĩ, tức là hạng đàn-anh Tàu vậy. Cực thay ! xưa thì vẫn để Nhật vào đuôi con mắt, cho là giống thấp hèn có bận chi ! Nhưng sau liệt-cường thấy Nhật ức Tàu quá thể, mới đứng vào điều-đình hộ cho Tàu, chỉ phải mất đất Đài-loan thôi. Điều ấy có nhà bàn rằng vì liệt-cường lo-lắng cho sự hòa-bình ở Á-Đông này, nên mới can-thiệp vào mà giảng-giải như thế. Nhưng tôi thiết-tưởng vị-tất đã là phải, chẳng qua các nước Âu-châu thấy nước Tàu béo, dễ rút, thì họp lại giữ phần cho nhau, không muốn cho một nước nào ở phương Đông chấm mút vào đấy lắm. Mà Nhật hẳn cũng hiểu ý ấy, chỉ vì xét kỹ mình – lúc bấy giờ chưa là lúc thử sức với Nga – mới đành phải nghe đấy thôi và chủ-tâm chỉ là một cuộc thí-nghiệm của mình mà đã thấy kết-quả như thế thì cũng đã lấy làm mãn-nguyện rồi. Ấy là kết-liễu cuộc Nhật-Trung giao-chiến vậy. Nhật được Trung thua, Nhật phấn-trấn thò mặt ra với hoàn-cầu từ bấy giờ, Trung thì cũng từ đấy trở đi, dân mới nhao-nhao công nhận cái học-thuật Âu Mĩ là cần-thiết cho sự sinh-tồn của mình.
4) Nhất là cách 10 năm sau nữa, tức là năm 1903. Nhật Nga giao-chiến, mà Nga thua Nhật được, thì nước Tàu mới hoảng người. Rồi trong nước sinh ra đảng nọ đảng kia, đảng thì phù-hoàng cứu-quốc, bọn ông Khang Hữu-Vi đứng đầu, đảng thì bài-ngoại hưng-dân, tức là cái loạn Quyền-phỉ mà nay Tàu còn mang nợ đó, đảng thì diệt-Mãn cải-quốc, bọn ông Tôn Dật Tiên khởi-xướng. Trong ba bọn ấy, thì bọn thứ nhì tuy cũng có cái tinh-thần
https://thuviensach.vn
ái-quốc riêng, thấy nước bị ngoài ức-hiếp quá, thì đem lòng bài-ngoại, như thế không phải là đạo ở đời bây giờ, vả không xét mình, có thể nào đem côn quyền ra mà chọi được với súng ống ? Âu cũng là một việc dại, không đáng kể ra. Duy còn hai bọn, thì bọn thứ nhất dùng cái chủ-nghĩa phù-hoàng, tức là cứ để nhà Mãn-Thanh mà lập ra quân-chủ hiến-pháp, như nước Anh, nước Nhật, nước Ý, nước Bồ. Cái tôn-chỉ ấy hay lắm mà không thành là do hai cớ sau này : một là bọn quan lại nhà Thanh phần nhiều đồ công-thần công-tử, hủ lậu dốt-nát cả, quen cậy quyền cậy thế ức-hiếp dân-dan, nay nhất-tiết làm mất lộc, mất vị họ, họ không nghe, tức cũng như bọn kỳ-hào ta bây giờ, chỉ vì miếng thịt miếng xôi mà phản đối việc cải-lương hương tục vậy ; cớ thứ hai là vì lòng dân căm-tím, chán ngán nhà Thanh quá, chỉ nhất quyết tống khứ được đi mới hả dạ, nên không xu-hướng về cái chủ-nghĩa ông Khang Hữu-Vi, thành làm cho bọn ông bị lũ quyền-quan quật-lại hãm-hại, người thì phải chết, người thì phải trốn. Ấy là vận nước Tàu suy, mà đất nhà Thanh đã hết vậy.
Tổng-trung còn bọn ông Tôn Dật-Tiên là hợp lòng dân, càng ngày càng lan rộng ra khắp trong nước, cho đến dân kiều-cư ở ngoài cũng một lòng xu hướng, gửi tiền của về cho ông vận-động. Đảng ông lấy tên là Quốc-Dân đảng, chủ-nghĩa hưng Hán diệt Mãn, cải chính-thể quân-chủ chuyên-chế ra
chính-thể Dân-quốc-cộng-hòa như nước Pháp.
Nhưng nước Pháp là một nước văn-minh vào bậc nhất ở Âu-châu, mà cũng lận-đận đôi ba phen mới lập thành nền dân-chủ vững-vàng như ngày nay, huống nước Tàu là một, nước văn-minh cổ ở Á-Đông, muốn học lấy cái tinh-thần lập-quốc Thái-Tây thì có lẽ nào là một việc dễ-dàng được ? Bởi vậy ông tổ cách-mệnh nước Tàu là ông Tôn Dật-Tiên còn phải gian-lao, chìm-nổi bao phen và thiệt-thòi mất bao nhiêu kẻ đồng-chí như ông Hoàng Hưng, ông Ngũ Đình-Phương, mới mong có ngày đạt được cái mục-đích của mình. Ta nên xem đến cái lịch-sử của ông Tôn Dật-Tiên. Tôn Dật-Tiên, hay Tôn Trung-Sơn, hay Tôn Văn, cũng là tên hiệu ông, sinh năm 1868 ở Hàng châu thuộc tỉnh Quảng-đông. Nhà có hai anh em trai, cha mẹ nghèo-nàn lắm, làm ruộng làm nương quanh năm, đầu tắt mặt tối chẳng đủ ăn, mà Tôn
https://thuviensach.vn
Văn thì cũng hết sức giúp-giập cha mẹ trong việc đồng áng. Người vốn thông-minh, muốn học mà nhà nghèo không biết làm thế nào, may sao có một ông chú mở một trường dạy học ở trong làng, thì Tôn ngày ra đồng, tối xay lúa, giã gạo xong, sang chú « si-sô » lấy mấy chữ. Nhưng sự cũng kỳ, Tôn sang học chú thì được ít, mà chú lại cứ nói chuyện cho cháu nghe thì nhiều, mà nói những chuyện gì, rặt một mầu chuyện loạn-lạc, chuyện chua cay ức-hiếp của nhà Mãn-Thanh, làm cho Tôn Văn càng nghe đến đâu càng chín người đi đến đấy. Ấy cái lò phục-quốc rấm lên ở óc người trượng-phu từ bấy giờ, bấy giờ mới có 13 tuổi đầu.
Năm Tôn 13 tuổi ấy, thì người anh Tôn cũng đã ra lập một thương điếm con-con ở phương xa, mới gọi Tôn đến nuôi đỡ cho cha mẹ. Tôn đến chỗ xa-xôi, lạ-lùng, cái gì cũng tò mò mà xem-xét, sau thấy một trường học của người ngoại-quốc về phái tân-giáo (Protestant) bèn xin vào học, rồi lâu dần theo ngay đạo ấy. Người anh Tôn lấy làm giận dữ lắm, đêm ngày mắng
mỏ thậm-tệ về nỗi bỏ cả tổ-tiên mà theo đạo khác. Bởi vậy chỉ ở với anh được có ba năm Tôn lại phải quay về Quảng-Đông.
Về đến Quảng-đông xin được vào theo lớp y-học ít lâu, rồi trúng-cử được sang Đại-học-đường Hương-cảng chuyên-trị năm năm nữa thì tốt nghiệp ra y-khoa-bác-sĩ. (Có chỗ thuật Tôn là con nhà quyền-quí giầu-có sang du-học tại Mĩ-châu về).
Quan bác-sĩ thiếu-niên Tôn Văn mới có 21 tuổi, ra lập phòng chữa bệnh tại Áo-môn để sinh-nhai, ấy từ bấy giờ Tôn Văn mới để chí hẳn vào việc nước, mà đi khuyên-rủ, khuyến-khích đồng-bào lập không biết bao nhiêu mật-hội để bàn quốc-sự. Khi xem chừng thiên-hạ đã tin-phục mình rồi, mới dâng biểu về Triều, xin nhà vua thuận-mệnh trời, theo lòng dân, mà cải-lương Triều-chính. Mãn-đình chấp-chiếu, lập-tức xuống chỉ cho bọn Tôn Văn là phản-nghịch, truy-tầm mà trừ-khử cho hết. Lệnh ấy ra, lòng dân đương thuận đổi ra nghịch dễ lắm, bốn phía mới nhao-nhao cách mệnh nổi lên cả, Tôn Văn phải theo thời đồ lấy tỉnh Quảng-đông làm căn-bản, nhưng chẳng may bị thất-bại, 50 viên đồng-đảng đều bị thiệt-mạng. Tôn trốn sang Hương-cảng được, đáp tàu đi Âu-Mĩ. Đi ra đến đâu, đồng-bào người người
https://thuviensach.vn
đều kính phục lắm, hết lòng giúp công giúp của cho Tôn mưu đồ lấy đại-sự cho thành-công. Mãn-triều lấy làm lo ngại về Tôn, liền mật-tư đi khắp mọi nơi bắt lấy Tôn Văn. Khi Tôn đến Luân-đôn, thình-lình có một đứa nội-phản lừa tóm được Tôn, để chực đem về nước hành-hình may sao Tôn nhờ được người bạn Anh-cát-lợi, yêu-cầu bản chính-phủ biện-thuyết tại bộ lãnh-sự Tàu bên ấy phải thả Tôn ra. Cho hay người anh-hùng không bao giờ trời để cho thiệt mạng một cách ức-bĩ như thế. Năm 1910, Tôn mới cử-binh về đánh lấy Quảng-đông lần nữa, làm cho tướng Lưu Vĩnh-Phúc (tướng giặc Cờ-đen sang bên ta hồi thất-thủ Hà-nội) một trận tán-lạc. Song thương-hại thay, quân cách-mệnh chỉ giữ tỉnh được vài hôm, thì thiếu lương thiếu đạn, phải bỏ thành mà tháo. Từ bấy giờ trở đi Mãn-Thanh đâm thù, sát hại thiếu niên anh-tuấn trong nước lắm, giết cả con gái nữa, vì con gái phần nhiều cũng tình-nguyện vào bọn cách-mệnh, như thiếu-nữ Trịnh-Dục-Tú bị nạn máy bay mà thiệt mạng, ai cũng từng nghe danh, Nữ-phi-tướng có viết một tập ký-ức rất thú-vị, bản dịch chữ Pháp ấn-hành năm 1920 tại nhà in Payot ở thành Paris. Giá bán 7f.50, ta nên mua xem, và giảng cho đàn-bà nhà nghe. 2
Năm 1911, cách-mệnh lại đột-khởi luôn một kỳ nữa cũng bị thất-bại, thì Tôn Văn lại đành phải ra ngoài cầu-viện lương-dược của đồng-bào di-cư nơi hải-ngoại. Lúc vừa bước chân ra đi, Tàu còn lênh-đênh mặt nước, liền tiếp được điện dân-quân ở nhà do Lê Nguyên-Hồng đốc-xuất đã thắng-trận hạ được thành Vũ-xương, Tôn mới lại quay về Thượng-hải mà tiến lên Nam-kinh ngày 25 tháng chạp năm 1911. Ấy là cái cơ-đồ của Tôn Văn nung đúc trong hai-mươi năm đến đây mới là thấy kết-quả được bước đầu, mà nước Tàu chịu lấy cái danh-mệnh dân-quốc cũng là từ đây vậy.
Chiếm được Nam-kinh, nhóm quốc-hội tại đó, 17 tỉnh khắp trong nước phái đại-biểu lại dự-hội, duy chỉ Bắc-kinh và mấy tỉnh gần nơi Đế-khuyết thì không có thôi. 17 tỉnh đồng-thanh hoan-hô cử Tôn Văn lên làm lâm thời Đại-tổng-thống. 3
Lâm-thời-chính-phủ đã thành-lập ở phương Nam thì cái thế nhà Thanh cũng là nguy lắm rồi. Ở trong Viên Thế-Khải là một vị đại-thần, mới cùng bọn quan-liêu Đường-Thiệu-Nghi, Phùng Quốc-Chương, Đoàn-Kỳ-Thụy,
https://thuviensach.vn
yêu-cầu vua Tuyên-thống nên thuận mệnh trời mà thoái-vị nhường quốc quyền lại cho Hán-tộc. Ấy là Trung-quốc thoát-ly hẳn vòng Mãn-tộc vậy. Bọn Tôn Văn mới vì nghĩa nước dời chính-phủ lên Bắc-kinh mà nhường quyền chính-trị cho Viên Thế Khải là người đứng đầu bọn Bắc-dương quân nhân đã thuyết được vua Thanh thoái-vị, để trước là cho trong nước được thống-nhất, sau là tạ cái công cánh Bắc-quân.
Tưởng như thế thì Viên đã lấy làm đắc-chí, mãn-nguyện lắm rồi, và các ngài nghe đến đây cũng đã mừng cho cái cơ-hội nước Tàu thế là kết quả một cách đẹp-đẽ. Nhưng mà không, Viên đã lấy thế làm đủ đâu, làm ông Tổng thống có được lọn quyền hành-động quốc-sự đâu còn-phải có nghị-viện, có quốc-hội, nên Viên lại mơ-màng đến cái oai-nghi Thiên-Tử, cho nên mới gây nên cái nông-nỗi đồ-thán cho nước Tàu đến ngày nay, Âu ta cũng nên xem đến cái lịch-sử của Viên ra làm sao.
Viên người tỉnh Hà-nam vốn con nhà quí-phải, cha làm đến chức Tổng đốc. Viên là con thứ tư, tính-khí ngang-ngược khó bảo, không chịu học hành, chỉ ham đường võ-nghệ. Khi cha chết rồi, bà mẹ vốn tay học-thức, muốn cho Viên theo lấy nghiệp văn, nhưng Viên không nghe, cứ cố tập-tành binh-pháp. Bởi Viên lược lời mẹ thế nên người ta bảo Viên là con bất hiếu. Nhưng mà phải xét cho Viên thực cũng có cái thiên-tư riêng, trông thấy cái hậu-vận của nước Tàu mà cố công theo đuổi nghề võ, để cốt làm cho nước được vẻ-vang mạnh-mẽ như người. Chính Viên là người đem binh-pháp Âu Mĩ vào đào-tạo nên tướng-tốt Trung-hoa ngày nay. Viên thủy-chung là một nhà võ-sĩ xuất-thân, thiên-tính thông-minh, nhưng học-hành thì kém. Bởi thế nên sau có người chê Viên là một kẻ võ-biền dốt-nát không phục. Bước xuất-thân của Viên như sau này : Nhờ được một người bạn của ông thân sinh Viên làm tổng-binh ở triều-tiên tìm Viên cho làm một tên tì-tướng. Từ đấy Viên hết sức càng luyện-tập binh-khoa ngoại-quốc, rồi sau luồn-lọt vào được bộ tham-mưu của Hoàng-thân Vĩnh-Lộc, là cháu Thái-hậu. Năm 1898 có bọn văn-thân Khang Hữu-Vi, Lương Khải-Siêu, khuyên vua tư-chấp lấy quốc-sự chứ đừng để dưới quyền phụ-chính Thái-hậu nữa, cải-cách quốc chính và sử trảm Vĩnh-Lộc đi. Vua Quang-tự thấy Viên là một viên võ-
https://thuviensach.vn
tướng lanh-lợi hợp-thời thì ủy-nhiệm cho cái việc tối-quan-trọng ấy, dè đâu Viên lại thiết tư lợi, đem việc ấy mách cho Vĩnh-Lộc hay thì hắn lập tức tâu với Thái-hậu thốt-nhiên náo-động Triều-đình, hãm vua Quang-tự vào một nơi, cướp hẳn lấy quốc-quyền, giáng-chỉ chém mất sáu viên cận-thần không trốn kịp. Bởi Viên giúp được một việc to-tát như thế, nên Viên trở nên một yếu-nhân của Thái-hậu. Đã là yếu nhân của Thái-hậu thì tức là một người quyền-thế nhất nước Tàu bấy giờ. Ít bữa Viên đắc-chỉ phong Tổng-đốc Trực-lệ, rồi từ đấy Viên tìm đường kết-thân với các sứ-thần liệt-quốc, để làm cho rõ-rệt cái uy-danh ra.
Ấy là cái lịch-sử của một vị quyền-thần, đã thuyết được vua Thanh thoái-vị, đã thực-thụ ngôi Đại-Tổng-Thống đầu tiên ở nước Tàu, và lại chính là một tay phá-hại nước Tàu, làm cho nước Tàu khổ mãi đến bây giờ chưa yên. Họ Viên đứng đầu sổ những kẻ đắc-tội ở nước Tàu ngày nay vậy.
Thế nhưng sau khi Viên chết rồi mang cái mộng-tưởng « Thiên-tử » xuống đến tận âm-ti rồi, thì nước Tàu đã trải bao tay minh-đức, xứng đáng, tín-dụng ra làm Tổng-thống rồi, mà sao còn có những sự Nam Bắc chiến tranh, địa-phương độc-lập, rối bời mãi cho đến ngày nay ? Ấy là một câu hỏi chắc người Tàu cũng phải ngượng-ngùng mà đáp vậy – Là nguyên vì từ họ Viên manh-tâm như thế, nên trong nước không có lòng tin cậy được nhau, mà cái yếu-nhân thì bắt đầu chia ra đảng nọ đảng kia, mất hẳn cái tình-lý cộng-hòa đi.
Song trước đây ta hãy xét xem ai là người đáng mặt ra thay họ Viên mà cầm quyền nước, thì duy có Lê Nguyên-Hồng, đang làm Phó-Tổng-thống, và chính Lê là người đắc-dụng đã được dân-dảng cách-mệnh kính phục, giao-phó của cải chức Đại-Nguyên-súy mà khởi-binh ở Vũ-xương thành công năm 1911. Họ Lê lên cầm quyền, dân-gian cho làm xứng đáng lắm ; rồi Phùng Quốc-Chương được bầu làm Phó-Tổng-thống, mà Đoàn-Kỳ-Thụy thì vào tổ chức Nội-các. Lê tuy là một tay võ-tướng, nhưng thuộc về dân đảng, lấy vận động làm chủ-nghĩa, thế lực không được oai-phong lắm bằng đám quân nhân. Ta nên xem qua cái lịch-sử của Lê.
https://thuviensach.vn
Lê Nguyên-Hồng người Hồ-bắc, năm nay chừng 60 tuổi. Từ nhỏ Lê cũng không có ý chuyên về kinh-sử, mà nhất quyết theo dõi cha tập lấy nghề thủy-binh. Lê theo học ở Thiên-tân, thực là xuất-sắc mà khốn nỗi mình là người trung-châu, cứ bị bọn quyền-quan nhà Thanh ghét bỏ rìm rập đi. Sau lâu mới tốt-nghiệp được thì cũng cứ phải ở ngôi tiểu tướng mãi, nhưng Lê cố-chí theo học riết về khoa thủy-chiến của một viên thủy-sư Đức.
Hồi Nhật Trung giao-chiến, Lê được quản-đốc việc phóng-hào ở một chiếc chiến-hạm, bị thất-bại thì đã cùng với viên trưởng tàu gieo mình tự-tử, chẳng may lại có người vớt được Lê lên. Sau viên Tổng, đốc Hồ-bắc gọi Lê cho về đào-luyện cơ-binh ở Vũ-xương thì Lê lập được thành-công, và thỉnh cầu được cho bọn thiếu-niên sang du-học rất nhiều ở Nhật-bản và Âu-Châu. Ấy những bọn học-sinh ấy sau này là nhân-vật của Lê, nên đến năm Tuyên thống thứ ba, cách-mệnh rộ lên, thì Lê ở Vũ-xương khởi-binh đầu tiên được thành-công, tiếng đi khắp trong nước, hoan-hô kính-phục lắm. Bởi vậy nên khi dân-quốc thành-lập, Tôn Dật-Tiên lấy nghĩa nhường quyền-vị cho Viên Thế-Khải rồi, chỉ còn Lê được bầu làm Phó-Tổng-thống, mà khi Viên chết thì Lê tiến lên ngôi Giám-quốc.
Lê tiến vị rồi, liền chiêu-tập lại nghị-viện, nhưng khốn Lê là người bản tâm trung-hậu, thuần-thục quá, thành có ý nhu-nhược, không quả quyết, lại gặp phải Đoàn Kỳ-Thụy, tổng-lý Nội-các, là người thuộc phái Bắc-dương quân-nhân, có thế-lực lắm, tính-khí lại cả quyết cương-nghị, nên hai đảng làm việc không được hòa-hảo lắm. Chợt đến cái vấn-đề tham-dự Âu-chiến, Đoàn nhất quyết chủ-trương, mà Lê thì hết sức phản đối. Đoàn bèn cố tình đem võ-đoán ra có ý bách nhị-viện phải công-nhận cái án tham-chiếu không xong thì Lê đắc-thế liền xuống chỉ bãi-chức Đoàn. Các đốc-quân tán thành việc tham-chiến được tin ấy, sợ Nội-các Đoàn đổ thì không thành việc, mới đồng-thời : khởi-xướng độc-lập để tỏ ý phản-kháng chính-phủ, thậm-chí có tỉnh kéo quân về tham-hặc tận kinh-đô. Lê phát cuống, vội-vàng phải triệu một viên đốc-quân có thế-lực vào kinh đề phòng điều-hòa thời-cục. Lê triệu ai ? Triệu Trương-Huân, nguyên vẫn là một vai dị-dạng trong đám quân nhân, tuy rằng vào phe dân quốc, mà trang-phục quân-sĩ vẫn dóc-bím, theo
https://thuviensach.vn
lối nhà Thanh. Trương đắc-chỉ triệu về Kinh giữa lúc này thật là một cơ-hội may cho cái chí định bấy lâu của Trương, nên khi mới tới Thiên-tân hãng bách Lê giải-tán quốc-hội đã, rồi vào đến Bắc-kinh liền thông-điện yêu-cầu các tỉnh thủ-tiêu sự độc lập đi rồi mới điều-đình quốc-sự. Các đốc-quân cũng nghe theo, Trương tưởng chừng đất nhà mình đã giậy, uy mình đã ra khắp trong nước, mới chẳng điều-đình gì, liền hãm ngay Tổng-thống lại, mà mạo tên Lê phụng-hoàn đại-chính nhà Thanh, thỉnh vua Tuyên-thống phục vị, đổi quốc-hiệu làm Tuyên-thống cửu-niên, vời những vị cố-lão ra làm quan, mà tự mình thì làm Trực-lệ Tổng-đốc kiêm Bắc-dương đại-thần như Viên-Thế-Khải xưa. Nghĩ thế thật đã quái chưa ? Hèn chi mà thiên-hạ chả lo thay cho hai chữ Dân-quốc của Tàu !
Nhưng may sao Lê Nguyên-Hồng lại trốn thoát được ; ra náu-mình ở sứ quán Nhật, rồi mật-điện ủy Đoàn Kỳ-thụy làm quốc-vụ tổng-lý và thỉnh Phùng Quốc-Chương lên vì Tổng-thống thay mình. Đoàn khi đó đang lánh ra Thiên-tân để hội-họp các đốc-quân mà giải-quyết cái vấn-đề tham-chiến, chợt nghe Trương Huân phục-tích thì liền cùng mấy viên sư-trưởng, hiệp lực về đánh Bắc-kinh, cờ để chữ « Thảo-nghịch-quân ». Thảo-nghịch-quân đánh được Bắc-kinh, Trương Huân chạy vào được sứ-quán Hà-lan, thế là yên việc phục-tích. Rồi Phùng Quốc-Chương tiếp điện tiến kinh thực-nhận chức Đại-Tổng-thống, Đoàn Kỳ-Thụy lại vào tổ-chức Nội-các.
Song-le từ hồi Trương Huân phục-tích này thì Chính-phủ trung-ương không còn có giá-trị gì nữa, không ai tin cậy được, các tỉnh như Vân-nam, Qúi-châu, Quảng-tây, v.v… đùng-đùng tự-xưng độc-lập, hưởng-ứng với bọn cựu-quốc-hội bị giải-tán, lui cả xuống miền Nam mà lập thành một Hộ pháp-quân chính-phủ, cử Tôn Dật-Tiên lên làm Đại-nguyên-súy để phản kháng với trung-ương-chính-phủ. Ấy là cái thời-kỳ Nam Bắc phân-tranh sinh ra từ đấy vậy. Sau dần-dần càng ngày các địa-phương càng sinh sự ra, có ý cự tuyệt hẳn Chính-phủ trung-ương, mà cùng nhau tổ-chức hẳn nên một Dân-Chính-phủ thật vững-vàng ở Quảng-đông, xin Tôn Dật-Tiên tiến lên vì Tổng-thống. Thế là nước Tàu từ nay có hai ông Tổng-thống vậy. Bởi thế nên mới có câu chuyện nực cười sau này.
https://thuviensach.vn
Nguyên gặp hồi bên Pháp có kỳ tuyển-cử quan MILLERAND trúng Tổng-thống, thì bên này Tôn Tổng-thống gửi điện sang mừng trước, còn Bắc Chính-phủ thì chưa có điện mừng. Bên Pháp không biết xử-trí làm sao, vì Nam Chính-phủ bên Tàu không được các nước công nhận. Pháp-đình liền phải điện cho viên Đại-sứ của mình ở Bắc-kinh giục Chính-phủ ấy mừng quan Giám-quốc mới nước Pháp để bên Pháp trả lời Bắc-kinh trước, rồi 24 giờ sau mới cảm-tạ Tôn Tổng-thống, cho trong việc quốc-tế được phân minh khỏi mếch lòng cả Nam Chính-phủ nữa.
Các ngài nghe thế có rắc-rối không ?
Cái lịch-sử ông Tổng-thống miền Nam thì các ngài đã rõ rồi, còn các ông Tổng-thống miền Bắc, bắt đầu từ Viên Thế-Khải, Lê Nguyên-Hồng, đến Phùng Quốc-Chương, xin lược qua ra đây các ngài nghe.
Phùng-Quốc-Chương người Trực-lệ, còn nhỏ đã theo học trường võ-bị ở Lạc-dương, do Lý Hồng-Chương tổ-chức nên. Khi tốt-nghiệp ở trường Lạc-dương ra, Phùng lại thi đậu văn-khoa tú-tài nữa. Nhưng Phùng ưa nghề võ hơn, nên sung ngay vào cơ binh ở Lạc-dương, lĩnh chức tiểu-tướng, rồi dần-dần thăng Đại-úy, Trung-tá, Triều-đình ủy cho quản-đốc nhiều trường binh mà đào-luyện lấy các sĩ-tốt dũng-cảm theo binh-pháp Âu-châu.
Viên Thế-Khải bấy giờ làm Tổng-đốc, thấy Phùng là người có tài, tiến cử lên, Triều-đình phong cho Phùng chức Đô-đốc.
Sau Phùng đắc-chỉ về Kinh, đứng đầu bộ tham-mưu và quản-đốc trường võ-bị chuyên dạy dòng quí-phái tại Kinh-đô. Kịp khi xẩy ra cuộc cách-mệnh năm 1911. Phùng phụng-mệnh Triều-đình đốc-suất tam-quân ra thắng-trận. Bởi có công ấy Phùng đắc-chỉ phong Quận-công mà chỉ-huy đội vệ-binh.
Khi Chính-phủ cộng-hòa thành-lập thì Phùng được cử ra làm Đạo-đài kiêm Đốc-lý Bắc-trực-lệ. Năm 1912, Quốc-dân-đảng giấy binh ở phương Nam, Phùng đắc-lệnh đem quân xuống dẹp yên mà lấy lại được Nam-kinh. Sau Phùng thiên ra Đốc-biện quân-vụ Giang-tô, đến khi Viên-Thế-Khải cuồng dại đồ việc đăng-cực thì Phùng liền nổi giận đem quân về tiễu-trừ
https://thuviensach.vn
Viên. Ấy vì cái lòng trung với nước thế mà bọn tụ-nghĩa ở phương Nam cùng đảng quốc-dân kính-phục, đồng-thanh bầu Phùng lên làm Phó Tổng thống cho đến khi Lê Nguyên-Hồng, vì việc phục-tích, chịu tội với quốc dân, đem thân về chốn điền-viên, thông điện mời Phùng lên cầm quyền nước, Phùng tiến-vị được một năm thì lâm-bệnh, khi hấp-hối, còn vì nước mà gửi mấy lời sau này lại cho Từ Thế Xương là người quốc-dân đã bầu lên làm Tổng-thống thay Phùng :
« Tôi nay nghe trong mình khó sống được nữa lắm rồi. Thật lúc sinh thời tôi đã chẳng làm được việc gì xứng-đáng cho nước, nên trước khi nhắm mắt lìa cõi trần, tôi còn có một việc này xin nói ra : Ngày nay nước ta chưa thống-nhất được thì dân-gian còn khốn-đốn lắm. Nếu trong nước cứ phân tranh lục-đục mãi, thực chỉ tổ làm mồi cho những kẻ thù-nghịch của ta. Cái thế-tình trong nước ta càng ngày càng bối-rối mãi, tôi chắc rằng ngài sẽ tận-tụy đem cái tài-lược của ngài ra mà điều-hoà được. Hẳn Ngài cũng đau đáu về nỗi thống-nhất trong nước mà Ngài sẽ làm nên, thì tôi thực đáng tiếc riêng cho phần tôi chẳng được sống đến lúc vui-vẻ ấy. Thôi thì nay tôi nhắm mắt lại mà đã được yên-tâm về những điều ấy thì cũng đỡ lo cho những cái tội-lỗi của tôi đã mắc phải trong khi thờ nước. Ấy là mấy lời di-ngữ của kẻ hấp-hối, xin ngài thương-tình mà xét cho ».
Phùng về rồi, Đoàn cũng xin từ-chức, Đoàn từ-chức chẳng phải vì lẽ gì, chính tại nghe dư-luận trong nước có ý không bằng lòng mình từ lúc bách nghị-viện về cái án tham-chiến, vay tiền Nhật-bản, tổ-chức nên đội tham chiến-binh, thực thì không chủ-ý gì về việc tham-chiến cho lắm bằng để dùng vào việc tiếp-uy cho đảng-phái mình, dự-bị chống với Trực-đảng là đảng của Phùng Tổng-thống, mục-đích chỉ chủ-hoà, mà Quản-đảng của Đoàn thì lại chuyên về chủ-chiến. Bởi vậy Phùng với Đoàn cùng chấp-chính mà ngấm-ngầm ở trong vẫn đố-kỵ nhau, cũng như lúc Lê với Đoàn vậy. Ấy người ta chê Đoàn ở chỗ đó.
Khi Phùng, Đoàn về cả rồi, quốc-hội cử một viên lão-thành, không thuộc về đảng-phải nào là Từ Thế-Xương ra làm Đại-Tổng-thống. Lương Sĩ Di là nhân-vật của Trương Tác-Lâm vào tổ-chức Nội-các. Từ tựu-chức, liền
https://thuviensach.vn
đem cái chủ-nghĩa hòa-bình ra hiệu-triệu các nơi, mới xướng lên cuộc Nam Bắc nghị-hòa. Nhưng việc nghị-hòa này có lắm điều hai bên căng nhau thành chẳng ăn thua gì, thì lòng dân nhao-nhao đổ tội cho Quản-phái chỉ một mực chủ-chiến nên nghị hòa không thành-hiệu mà gây vạ mãi cho nước. Trực-phái là bọn Tào-Côn, Ngô Bội-Phu, giao-hiếu với Phụng-phái Trương Tác-Lâm rồi thông-điện về kể tội Quản-phái. Ngô Bội-Phu dẫn đại-đội binh mã về để thừa lúc nhân-tâm ác-cảm mà vấn-tội cánh An-phúc. Lại nỗi Từ thế-Xương thấy Đoàn Kỳ-Thụy đã từ-chức rồi mà trong tay vẫn còn đội Tham chiến-binh, nay vì Âu-châu đã yên, đổi ra làm Biên-phòng-quân, thao túng hoành-hành lắm, bèn hạ-lệnh bãi chức Biên-phòng-quân Tổng-tư-lệnh của Từ Thụ-Tranh là nhân-vật của Đoàn. Đoàn tức mình, bách Từ Tổng thống hạ-lệnh phạt Tào Ngô, thế là cuộc đại-chiến Trực Quản bục ra từ đó. Kết-cục thì Trực-đảng nhờ có Phụng-thiên trợ-lực nên toàn-thắng đánh tan được đảng An-phúc, tức là Quản-đảng của Đoàn. Quản-phái tan thì cái thế lực của Đoàn cùng đồng-thời tiêu-diệt.
Trương Tác-Lâm nhờ có công lớn trong trận ấy nên đem được Lương Sĩ-Di là người của mình vào tổ-chức Nội-các, chủ-ý mong làm cho bành trướng cái thế-lực mình ra vậy. Tào Ngô phạt được Đoàn rồi thì kế lấy vị Đoàn mà lại lộng-quyền bằng mười Đoàn, thế mới thảm !
Cánh Tào Ngô lạm-quyền quá, Từ Thế-Xương chẳng qua cũng như vua Lê với chúa Trịnh ta xưa. Nhưng có điều lạ rằng trước Đoàn có ý thao-túng là vì Đoàn tổng-lý Nội-các, nay Lương chấp-chính, Tào Ngô ở ngoài mà lại có oai-quyền lừng-lẫy mới lạ ! Một tí gì cũng điện cho Tào ở Trực-lệ, cũng điện cho Ngô ở Lạc-dương, nay Tào hạch bộ này, mai Ngô trị bộ kia, chỉ là có ý nhét người mình vào trong chính-giới để bồi đắp lấy thế-lực đảng mình. Thỉnh-thoảng Ngô Tào lại điện về Tài chính-bộ thôi-thúc tiền để chỉnh-đốn binh-mã. Thực cái mệnh-hệ nước Tàu chỉ là ở trong tay bọn vũ-nhân ; bọn nào mạnh thì làm sỏ, bọn nào yếu thì bị hiếp ; ông Đốc-quân đàn-em thì thu thuế chẩm đi một phần lớn cho vào túi mình, còn thừa nộp về ông Đốc-quân đàn-anh, chính thực là chủ mình, chứ cơ-hồ chẳng biết chính-phủ vào đâu
https://thuviensach.vn
cả, chính-phủ chỉ là một vị bù-nhìn thôi, nào có quyền-hành gì ở các địa phương !
Phụng-đảng Trương Tác-Lâm thấy người mình đứng Nội-các, công mình cũng đánh An-phúc thế mà Trực-đảng hình như dành mất cả, hành động chính-sự không có ý kiêng-nể gì mình, mới thông-kết với các đảng ở ngoài như Việt-đảng Tôn Dật-Tiên cùng các đảng linh-tinh bé nhỏ khác họp cả với đảng An-phúc nữa, để tu-binh mãi-mã chờ ngày quyết đánh Tào Ngô. Tào Ngô vốn cũng đã đề-phòng và thật ra cũng có ý muốn triệt hết các đảng mà làm chúa-tể, nên binh-bị cũng sẵn sàng lắm. Bởi hai bên cùng rấm cái ngòi chiến-tranh thế, nên chỉ hơi thoảng qua có một luồng gió con con, tức khắc hai bên can-qua nổi lên đùng-đùng. Kết-cục thì Phụng-đảng thua, mà Trực-đảng thắng. Phụng-đảng thua là chắc ở đồng-minh và thủ-hạ của mình, thì chẳng may đảng nọ lại bị nội-tình biến-đổi, cánh kia lại bỏ mình giở giáo qua bên nghịch, vả tướng-tá thao-luyện chưa được tinh-thông chiến-trận lắm. Trực-đảng thắng là sở-dĩ cái thanh-danh Ngô-Bội-Phu mấy năm nay đánh đâu được đấy, khéo thu-phục ba quân, không xẩy ra sự nội-biến bao giờ, và Ngô lại siêng-năng tài-lược, dùng được nhiều tay tướng-tá lanh-lợi, như bọn Phùng Ngọc-Tường.
Phụng-thiên đại-bại rồi, thế-lực Trực-đảng thực là lừng-lẫy lắm, liền bỏ Từ Thế-Xương đi mà thỉnh Lê Nguyên-Hồng ra phục-vị Tổng-thống. Xin kể qua cái lịch-sử của Từ Tổng-thống.
Từ Thế-Xương người Trực-lệ, bạn đồng-cán với Viên Thế-Khải.
Còn nhỏ, Từ đã thâm-hiểu sử-ký và triết-lý. Sau khi đậu Hàn-lâm rồi, thì Từ giốc lòng chuyên về khoa chính-trị Hồi Viên Thế-Khải phụng-mệnh Thanh-triều đào-tạo sĩ-tốt theo qui-thức Âu-châu, có triệu Từ đến trợ-lực cho.
Năm 1900 Từ-hi Thái-hậu xuống chiếu dùng anh-tài, thì Viên và Từ đều được viên Tổng-đốc Hồ-bắc tiến-cử. Từ được sung vào chân tiên-thẩm ủy-viên hội-đồng cải-lương chính-trị, cái danh-hiệu Từ tỏ rạng ra từ đấy. Năm 1901 Từ lại kiêm cả chức chưởng-binh đội quân Hộ-vệ nữa. Năm sau
https://thuviensach.vn
vào tiên-thẩm-ủy-viên ban tài-chính. Sau dần-dần thăng Thị-lang bộ Binh, cố-vấn-lão-thần, Mãn-châu Thượng-sứ, rồi đến năm 1906 thì lên Nội-vụ-bộ Thượng-thư. Năm sau là năm 1907 lại sang Tổng-đốc Mãn-châu làm cho xứ ấy được hưng-thịnh mọi đường, người Mãn-châu ái-mộ nhớ ơn lắm. Ở Mãn châu 2 năm lại có lệnh triệu về sung Giao-thông-bộ Tổng-trưởng thì Từ hết sức mở-mang bưu-cục và lập một trường chuyên-môn về khoa thiết-lộ, tuyển cho học-trò sang Âu-Mĩ để học cho được chu-đáo về khoa ấy. Năm 1911 thì thụ-chức Phụ-chính, rồi năm sau thì làm Phó-Thủ-tướng.
Sau Từ phải mệt, xin cáo-hồi về dưỡng-bệnh ; ngày ngày tiêu-dao, túi thơ bầu rượu, rõ ra một mặt thi-ông.
Kịp đến khi Dân-quốc thành lập. Viên Thế-Khải lên làm Tổng-thống liền triệu Từ ra đứng vào một chân Cố-vấn, chỉ bảo cho các việc quốc-chính. Nhưng đến khi Viên giở chứng xưng đế thì lập-tức Từ phản-kháng mà bỏ Viên ngay. Ấy là cái lịch-sử của quan Tổng-thống Từ Thế-Xương.
Từ Thế-Xương bị khước-vị rồi, quay về rũ sạch cả chính-sự không tưởng tới ; còn Lê Nguyên-Hồng được Trực-đảng rước ra, tưởng là đắc-dụng lắm, ai ngờ lại chính tay Tào Ngộ hiếp đuổi đi lần nữa, trốn-tránh khổ-sở mới thoát thân, vợ con còn tiếc miếng đỉnh-chung, cứ vác ấn-tỉ chạy quanh mãi. Ấn mà làm gì ? Tỉ mà làm gì ? Tiếc làm gì cái miếng thịt bụng ấy, rõ đàn-bà cũng ít suy nghĩ ! Mà ông Lê Nguyên-Hồng kia thì từ đây chắc là đúc chuông, tô tượng, tụng kinh, niệm Phật ở nhà thôi, chứ cáp tiền cũng chả dám ra làm Tổng-thống nữa. Thật thế, vừa đây Đoàn Kỳ-Thụy thỉnh Lê ra dự cuộc Hội-nghị, Lê đã trả lời không có chí rây vào chính-sự nữa.
Tào đuổi Lê rồi, đổ tiền của ra, vác vũ-lực ra vận-động lên làm Đại Tổng-thống. Nhị-viên bọn nào vào cánh mình, bọn nào mua chuộc được, Tào cho mỗi vị vài nghìn bạc còn bọn nào không mua được thì súng lục ô tô, bắt đến giam cổ vào phải bàu cho bằng được. Tào tốn hàng chậu triệu bạc mới mua được cái chức Tổng-thống. Tuy-nhiên cũng có bọn nghị-viên cứng-cổ kéo nhau xuống Thượng-hải triêu-tập Hội-nghị phản-đối nỗi hà hiếp bất-công của Tào, nhưng ngán thay, số nghị-viên ấy lại là số ít, và nước Tàu ngày nay không phải là ngày quốc-vận quang-hưng, nên lòng dân mờ-
https://thuviensach.vn
ám chỉ theo tà ma không theo chính, còn nỗi khiếp sợ cái vũ-lực của Tào Ngô cũng có.
Tào tức-vị rồi, cái thủ-đoạn đầu tiên của Tào là cấm các hí-trường diễn những tích « Cát tu bí bào », « Huê-dung Tiểu-lộ », vì Tào tự-nhận mình là cháu mấy đời Tào-Tháo, thì không được làm nhục ông tổ mình. Cái lệnh ấy phát ra, thiên hạ ôm bụng mà cười, các nhà báo được dịp diễu cợt mãi, làm cho Tào phải thu-hồi các lệnh ấy về. Ông chúa-tể một nước mà tư-tưởng hẹp-hòi làm sao ! Dưới này tôi sẽ kể cái lịch-sử Tào Côn, nay hãy nói Tào lên chấp-chính, ai vào tổ-chức Nội-các ? Kể thực nhiều : nào Nhan Huệ Khánh, nào Vương Chính-Đình, nào Hoàng Phủ, nào Tôn Bảo-Kỳ, nào Cố Duy-Quân, những tay này toàn là tay có học-lực cứng-cáp cả, già từ Tôn Bảo-Kỳ, đã từng làm Đại-sứ tại Paris, trẻ như Cố Duy-Quân là người đã có tiếng trong chính-trị và ngoại-giao-giới ở nước Tàu. Tại làm sao mà cái chức Tổng-lý Nội-các về đời Tào Côn thay đổi nhiều thế ? Là vì khó chiều chuộng được bọn vũ-nhân lắm, nhất là Ngô Bội-Phu hạch-lạc luôn luôn, ông Thủ-tướng cứ nay lại lóp-cóp đi Lạc-dương, mai lại lóp-cóp đi Lạc-dượng. Nhưng khốn nhất, mà kể cũng sung-sướng nhất là viên tài-chính Tổng trưởng, vì viên ấy lo-liệu hết sức cho đủ cung-cấp được cái túi tham của bọn vũ-nhân, dịp nào quẫn thì lo sốt-vó, không ăn không ngủ được, đêm nằm thường thon-thót giật mình tưởng như cái bàn tay sắt nó đã ấn cổ mình vào trong ngục-thất rồi : nhưng dịp nào xoay-sửa được thanh-thỏa, thì thôi tha hồ mà tiệc-tùng, chỗ này ca-tụng cái tài-lược mình, chỗ kia tán-dương cái công-nghiệp mình. Giữ được bộ tài-chính lâu nhất có Vương Khắc-Mân, tuy cũng lắm lúc bị cùng quá, phải đôi ba lần xin từ-chức, nhưng Tào thấy Vương là người chu-biện giỏi, nên cố tình lưu Vương ở lại cho. Thế thì Vương cũng là một nhân-vật đắc-dụng cho Tào Ngô lắm vậy.
Trong khi Tào Côn làm Tổng-thống, đối với ngoài được một việc công nhận Chính-phủ Xô-viết nước Nga, còn phải cái vấn-đề kim-phật-lăng điều đình mãi với nước Pháp chưa xong, đối với trong thì bốn phương giặc cỏ nổi lên bời-bời, bắt cóc người ngoại-quốc luôn luôn, dữ nhất là bọn thổ-phỉ ở Lâm-thành. Còn nỗi các địa-phương, thì trước sau ngoài bọn Trực đảng
https://thuviensach.vn
nhân vật ra, không đâu tùng-phục Tào mà lại còn hết sức vận-động phạt Ngô Tào nữa. Căm hơn hết thì mạn trên có Trương Tác-Lâm đêm ngày tu-binh mãi-mã, đặt máy bay, thửa súng ống, cùng là gửi học-trò đi thao-luyện ở ngoại quốc, chỉ để chờ ngày dẫn quân vào quan-nội rửa cái hờn năm 1922. Miền dưới thì Tôn Dật-Tiên ra công vận-động việc Bắc-phạt, lằng nhằng mãi là chỉ vì anh Trần Quýnh-Minh, nó nhờ viện-lực của Ngô Bội-Phu trước là để chực ụp lại Quảng-đông sau là làm cho ngăn-trở việc binh của Tôn, chứ không mà đằng-thằng ra thì một tay Lý Liệt-Quang đã tiến lên đến đâu rồi !
Còn các nơi khác thì Vân-nam Đường Kế-Nghiêu từ khi tiễu trừ được Cố Bỉnh-Thành làm phản rồi thế-lực thực là vững-vàng lập hẳn ra – như Mãn-châu của Trương Tác-Lâm, một Vân-nam Chính-phủ cũng có Ngoại giao bộ, Tài-chính bộ, Giáo-giục bộ, vân-vân, nào còn biết tới trung-ương chính-phủ là chi-chi nữa ? Nói tóm lại thì từ khi Tào Côn lên cầm quyền khắp trong nước ai cũng ghét giận lắm mà Tào chỉ cậy vào Ngô, nên các đảng hết sức truy Ngô lắm nữa. Ngô cũng không phải là tay vừa, giăm năm nay đánh đâu được đấy, thiên-hạ nghe danh cũng có ý chồn, nên Ngô quyết
chí đem vũ-lực ra mà thống-nhất lấy nước Tàu. Trước kia thì chủ-chiến có Đoàn-Kỳ-Thụy, mà nay thì có Ngô Bội-Phu. Như thế thì tức là trong nước bao giờ cũng đều dự-bị việc chiến-tranh, đảng nào cũng chỉ chờ cơ-hội là dấy binh, để hòng tránh tội với sử-xanh mai hậu. Hay đâu xẩy ra việc Giang Triết đấu-trí làm ngòi cho cuộc đại-náo này. Giang Triết giao-chiến, cái tội gây nên là ở Tề Nghiếp-Nguyên, cậy thế Tào Ngô, muốn dành lấy Thượng hải cho phần Giang-tô kiểm-đốc ; chứ không để thuộc phận Triết-giang cai trị. Ngô giúp quân-lương cho Tề, đàng này thì Trương Tác-Lâm Tôn Dật Tiên ủng-hộ cho Lư, nhưng quân Trương chưa gửi xuống, mà quân Tôn thì còn bị nghẽn chưa lên được, đột-nhiên trong hàng trận Triết giang có nội biến vị một tên bộ-hạ Lư nghe lời đứa thi-thiếp mà phản thầy, nên Tôn Truyền-Phương là nhân-vật của Ngô-Bội-Phu dẫn quân Phúc-kiến sang thúc đánh đứt quãng Triết đội ra, thành Lư thua, phải cùng Hà Phong-Lâm chạy sang Nhật-bản.
https://thuviensach.vn
Cứ cái tình hình Triết giang đại-bại như thế này rồi thì tưởng Trương đâm trùng. Thế mà không, Trương liền cất đại-đội binh-mã kéo thẳng xuống Sơn-hải-quan tìm Ngô. Tào-Côn bèn hạ lệnh cử Ngô Bội-Phu làm Thảo-tặc quân Tổng-tư-lệnh, cầm 60.000 sĩ-tốt đi tiễu-trừ Trương, mà đem Mãn-châu về cho trung-ương-chính-phủ. Trong khi thượng-mã-bôi, Ngô hứa ba tháng sẽ định yên Đông-tam-tỉnh, thì ai ai cũng đau-đáu đợi chờ thời-cục, các sử thần ngoại-quốc, nhất là Công-sứ Mĩ tin Ngô lắm, có tình với Ngô, thì xem
ra có ý chắc phen này Ngô đạt được cái mục-đích nhất-thống Trung-hoa bằng võ-lực. Nhưng riêng nước Nhật, ngoài mặt thì vẫn tỏ ý giữ cái thái-độ trung-lập như các nước khác, song trong lòng thì rất là lo ngại cho cái quyền-lợi mình ở Mãn-châu, thậm-chí có mấy kẻ nóng tiết ở Đông-kinh xung-đột vào tận ngoại-giao-bộ hỏi xem Nhà nước xử-trí về việc binh-cách này ở Trung-hoa ra sao. Hay đâu Phụng-thiên lại được, mà Trực-lệ bị thua, Trương-Tác-Lâm kéo quân xuống tận Bắc-kinh, mà Ngô Bội-Phu thì chạy lạc-lõng đi bốn phương trời.
Nói thế thì rõ-ràng Trương thắng mà Ngô bại, nhưng cứ tuần-tự mà kể ra thì Trương cũng vị-tất đã là đại-thắng, mà Ngô cũng vị-tất đã là đại-bại. Nguyên-lai như sau này : Trong khi giao-chiến, Phụng-quân tuy thắng-thế đôi ba nơi, nhưng chưa lấy gì làm quan-trọng, sau Ngô tiến-binh lên thì mặt trận hai bên lại xoay ra khi lợi khi hại. Đang dùng-dằng thế, bỗng đâu Phùng Ngọc-Tường, bộ-thuộc của Ngô, âm mưu với các tay chủ-hòa, đêm hôm 23 tháng 10 năm 1924, tự hàng trận kéo quân về đóng chặt cửa quan lại, cắt đứt đường giây-thép thông với chiến-địa bắt Tổng-thống Tào Côn cùng em là Tào Nhuệ giam lại, và truy-nã những nhân-vật của Tào Ngô, như bọn Ngô Cảnh-Liêm, bọn Vương Khắc Mân, v.v… đều phải chạy trốn cả. Phùng bách Tào hạ-lệnh bãi-chiến tiêu cái chức Thảo tặc-quân Tổng-tư-lệnh của Ngô đi. Xong rồi Phùng mời các tay chủ-hòa cừu-quốc ra lập một Nội-các chấp-sự do Hoàng Phủ đứng đầu, để chờ thỉnh lấy Đoàn Kỳ-Thụy ra dựng lại Trung ương Chính phủ cho có giá trị, mà mời các yếu-nhân trong nước như Trương Tác-Lâm, Tôn Dật-Tiên đến điều-hòa lấy cuộc thống-nhất. Trong khi Hoàng Nội-các chấp-chính, Phùng dự vào quốc-sự thì trước tiên Phùng xử-trí với phế-đế nhà Thanh một cách dữ-dội quá, là trục vua Tuyên-thống ra khỏi
https://thuviensach.vn
điện-nội và truất hẳn cái danh-hiệu thiên-tử đi, Phùng làm thế viện lẽ rằng nay đã hơi văng-vẳng lại thấy tin phục-tích, thì làm cho tiệt hẳn cái tiếng Hoàng-đế đi cho khỏi ai tưởng đến nữa, sau là cho vua Tuyên-thống được đủ quyền-lợi như một người dân Trung-hoa, muốn ở đâu thì ở, làm gì thì làm, giỏi-giang ra có ngày lại đắc dụng cho dân-quốc. Cái thuyết thì nó đi như thế, nhưng kể thực là ai-oán cho nhà Thanh quá thậm chí có bà cung nhân trước lăn ra ở trong điện mà chết, nhất-định không muốn để cho binh-lính trục ra khỏi chốn điện-đài của tiên-triều xây đắp nên. Còn vua Tuyên-thống thì nói là được tự-do, muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, nhưng thật đêm ngày vẫn ngay-ngáy đến cái tính-mệnh không yên. Hiện nay vua phải trốn ở sứ quán Nhật-bản, trú tại chính cái phòng Lê Nguyên-Hồng ẩn thân ngày trước.
Phùng xử-tri thế thiên-hạ lấy làm hồ-nghi lắm ; nhất là từ khi Tào Nhuệ đương ở ngục, thốt-nhiên lâm-bệnh chết ngay, người ta mới lại càng ngờ vực Phùng nữa-Còn Tào Côn thì vẫn bị giam để chờ ngày đem ra công-phán. Xin lược qua cái lịch-sử Tào Côn.
Cái lịch-sử của Tào kể cũng vẻ-vang, vì Tào chỉ là một tên lính thường xuất-thân mà làm nên đến chúa-tể nước Tàu. Khi Tào đăng vào lính, chịu khó chăm chỉ và tỏ ra người có đảm lược lắm. Quan trên xem thấy liền gửi cho Tào vào học trường võ-bị ở thiên-tân. Sau Tào tốt-nghiệp ra, lại được dùng làm giáo-sư ngay trường ấy. Hồi Viên Thế-Khải đứng lên cải-hóa binh pháp trong nước, Tào cũng đắc-dụng được vào một chân binh-khoa giáo thụ, ấy là con đường danh-lợi mở ra cho Tào từ đó.
Năm 1902, Tào được thăng Sư-trưởng rồi sau được cử sang làm Tổng binh ở Phụng-thiên. Khi cách-mệnh nổi lên năm 1911, Tào đắc chỉ cầm quân ra thắng-trận, thu phục được thành Trường-sa, Triều-đình thưởng-công cho làm Tổng-thống Binh-vụ miền Tứ-xuyên Hồ-bắc.
Năm 1916, Viên Thế-Khải dở chứng xưng đế đã chết rồi, Tào được dân-quốc cử ra làm Đô-đốc Trực-lệ. Năm 1918 thì Tào nhậm chức Tổng-tư lệnh đốc-xuất các đạo quân Tứ-xuyên, Quảng-đông, Hồ-nam, Hồ-bắc ra dẹp đảng cách-mệnh miền Nam. Bấy giờ Tào đã dùng được Ngô Bội-Phu, đứng đệ tam đoàn-trưởng, ra đánh đâu được đấy, thu-phục được mấy tỉnh Hồ-bắc,
https://thuviensach.vn
Hồ-nam, đã vào tay quân cách-mệnh. Thế là từ đây Tào làm thủ-lĩnh đảng Trực-lệ mà cái oai-danh Tào càng dậy lên từ năm 1922, đánh được đảng Phụng-thiên nữa. Đến năm 1923, thì Tào vận-động lên làm Đại-Tổng-thống cho tới hồi vào ngục-thất. Đến đời Tào là ông Tổng-thống thứ năm ở nước Tàu. Trước nhất Viên Thế-Khải ở ngôi được 4 năm, Lê Nguyên-Hồng ở ngôi lần trước được một năm, lần sau được một năm, cộng là hai năm, Phùng Quốc-Chương được một năm, Từ Thế-Xương được 4 năm, Tào Côn được một năm, thế là từ khi nước Tàu lập dân-quốc, chưa ông Tổng-thống nào ở ngôi được hết kỳ nhiệm bảy năm. Nhưng trong năm ông Tổng-thống yểu tướng ấy, thì nghe chỉ có Phùng Quốc-Chương được vì lâm-bệnh mà cáo hồi, còn thì ông nào cũng bị trục cả, thảm nhất là Lê Nguyên-Hồng hai lần trốn-tránh vất-vả, nay đến Tào Côn thì còn ở ngục, biết sau thế nào. Lại xét kỹ đến 5 ông Tổng-thống này thì thật Viên Thế-Khải là một kẻ đắc-tội nhất, làm hại cho nước Tàu lầm-than đến ngày nay. Mà cái điều-ước 21 khoản làm nhục cho nước Tàu biết là dường nào, cũng là do tội ở Viên Thế-Khải vậy. Chẳng hay năm đứa con trai Viên bây giờ đã trưởng-thành có biết đái công thục-tội với nước không ? Sau Viên thì kẻ đắc-tội thứ nhì là Tào Côn, đã tác-ác mãi ra trong nước, làm cho sinh thù sinh oán mãi ở các đảng ra. Còn Lê Nguyên-Hồng, Phùng Quốc-Chương, Từ Thế-Xương, chẳng qua còn ít phúc chưa định được thiên-hạ thôi, chứ kể cũng chẳng mang tội gì với sử xanh sau này cho lắm.
Nay đến Đoàn Kỳ-Thụy ra chấp-chính, chẳng hay có đủ tài-lược hòa hợp được các đảng-phái, thu-phục được các địa phương và thống nhất lấy nước Tàu cho thành nghĩa lớn không ? Nghe dư-luận thì khắp nước Tàu đều tôn-trọng Đoàn lắm, tuy cái mền đay làm sao chả có mặt trái, như Đường Thiệu-Nghi còn đang chê hạch Đoàn, không chịu dời Thượng-hải lên Bắc
kinh nhận chức Ngoại-giao Tổng-trưởng mà Đoàn đã ủy tặng cho Đường ; nhưng cứ xem những tay cải-thời-thế ở nước Tàu ngày nay là Phùng Ngọc Tường, Trương Tác-Lâm, tôn-trọng kính-thỉnh Đoàn ra, thì cũng có thể đoán Đoàn đem được tài lược ra mà lập được công lớn với nước khoa này. Tôn Dật-Tiên cũng dời bỏ Quảng đông lên Bắc lo việc hội-nghị với Đoàn, và các tỉnh độc-lập cũng đã điện về tùng-phục. Tề Nhiếp-Nguyên là kẻ gây nên cái
https://thuviensach.vn
vạ binh-đao ngày nay thì đã bị chính-phủ triệt-hồi và dân-gian trục ra khỏi địa-phận Giang-tô rồi, Tề hợp với Tôn Truyền-Phương đốc-quân Triết Giang, phản-kháng chính-phủ, nhưng chắc chẳng bao lâu Chính-phủ cũng dẹp yên. Sau nữa là chính Ngô Bội-Phu hiện đương bị bơ-vơ góc bể bên trời, cũng đã mật-điện chúc Đoàn. Như thế tức là Đoàn được khắp trong nước tin yêu vậy. Tuy-nhiên, Đoàn cũng chưa dám nhận chức Đại-Tổng thống, còn cố chờ lập Toàn quốc hội nghị có thành-công thống-nhất được trong nước mới sẽ hay. Đoàn chỉ đứng đầu Lâm-thời Chính-phủ mà đốc-biện quốc-sự, đối với trong với ngoài cho có thể thống thôi. Nay nên xem đến cái lịch-sử của Đoàn.
Đoàn Kỳ-Thụy người An-huy, năm Quang-tự thứ 11, Đoàn trúng hạch vào học trường võ-bị chuyên-trị về khoa Công-binh. Học bốn năm tốt nghiệp, Lý Hồng-Chương cử Đoàn sang Đức, vào xưởng Krupp học nghề chế súng xong thì đi kinh-nghiệm những pháo-đài quan-trọng và những nơi địa-hiểm ở bên ấy cơ-ngữ ra làm sao. Đoàn ở Đức về được bốn năm thì có việc Nhật Trung giao-chiến, lục-quân thủy-quân Tàu đều bị tan-nát, vua Thanh mới nhận thấy khoa binh-cách cũ của mình là hủ-bại, liền ủy Viên Thế-Khải đem binh-pháp Âu-châu ra đào-luyện lấy lính-tráng. Viên liền tuyển Đoàn vào làm giáo-sư trường Thiên-tân, thao-luyện được binh-sĩ ngày một tấn-tới, sau Đoàn thăng lên trưởng-đốc trường võ-sĩ quan, khi Lý Hồng Chương mất, Viên Thế-Khải được lên thay làm Tổng-đốc Trực lệ, thì Viên dùng Đoàn làm thủ-túc đắc công cho nhà nước lắm, nêu Đoàn được phong chức Đô-đốc.
Năm Quang-tự thứ 29, có lập ra một binh-viện thì Đoàn được thụ chức Trung tướng mà sung Tổng-trưởng viện ấy. Năm thứ 33, bộ Binh cử Đoàn tổng-quản các trường võ-bị và đến năm Tuyên-thống nguyên-niên thì Đoàn phụng-chỉ ra sát-hạch các võ-sĩ du-học ngoại-quốc về. Năm 1911, cách mệnh nổi lên ở Vũ-xương, Viên Thế-Khải thuyên Tổng-đốc Hồ-bắc dùng Phùng Quốc-Chương làm đệ-nhất sư-trưởng tâu xin cho Đoàn làm đệ-nhị sư-trưởng, kéo quân xuống miền Nam giẹp giặc. Sau Viên và Phùng đều có chỉ triệu về kinh thì Đoàn lại thay vào Phùng mà cầm quân ra trận. Nhưng
https://thuviensach.vn
Đoàn nghĩ rằng Nam Bắc cũng là người trong một nước, anh em một nhà, mà cứ đùng-đùng tuốt gươm ra giết nhau thì sao cho đang tâm, dẫu Triều đình có thắng thì cũng không phải là cứu được nước, hưng được nhà. Ấy là Đoàn đã xét kỹ đến cơ-hội nước Tàu, mới điện xuống giảng-hòa với phương Nam, sau cùng với các yếu-nhân trong nước dâng biểu thỉnh vua Thanh nên vì nước mà thoái-vị. Khi chiếu-chỉ Thanh-triều thoái-vị ra, Đoàn xem thấy ứa nước mắt mà khóc. Người trong nước thì vui mừng hớn-hở, đồng-thanh ca-tụng nước Tàu thành được dân-quốc cộng-hòa đây là nhờ về công-lao họ Đoàn cả. Dân-quốc lập thành rồi Đoàn vào thự Tổng-lý Nội-các kiêm Binh bộ tổng-trưởng. Năm 1913, Lê Nguyên-Hồng đắc-cử phó-thống-lĩnh về kinh thụ chức thì Đoàn ra Vũ-xương thay Lê nhận chức Hồ bắc Đô-đốc ; năm sau thì thuyên sang Hà-nam, rồi lại quay về Binh-bộ Thượng-thư. Sau lại vào tổ chức Nội các cho đến hồi Trương-Huân phục tích thì xin từ, mà đến trận Quản Trực động-binh bị thất-bại thì yên phận về náu hình cho tới ngày nay trong nước rước ra mà chấp-sự.
Kể Đoàn thì thật là một người xứng-đáng ở nước Tàu ngày nay và chắc các nước ngoài cũng đã biết đến Đoàn, vì chính Đoàn đã hô-hào nên cuộc tham-chiến cho Trung-hoa cũng được có mặt ở Versailes, ở Hoa-thịnh-đốn. Nhưng biết đâu Đoàn lại chẳng giống Lê Nguyên-Hồng cũng được thỉnh ra chấp-chính rồi lại bị trục bị khu ? Dẫu Đoàn cũng là một tay hảo-hán trong đám quân-nhân, nhưng nay binh-tốt không còn, mà Phùng Ngọc-Tường là người tạo nên cái thời thế này, sẵn hết cả quân trong nước, lại chẳng vẩn-vơ có bữa đuổi Đoàn hay sao ? Phùng-Ngọc-Tường, ông tướng theo đạo Thiên chúa, dễ thật không dối-giá hay sao ? Cứ xem cách xử-trí lúng-túng của Phùng bấy nay thì cũng dễ đoán. Phùng ý cũng muốn ngấp-nghé cái ngôi Tổng-thống lắm chứ chẳng không đâu, nhưng chỉ vì khôn hơn Tào Côn, xét phúc mình cũng bạc mà không dám cả gan đấy thôi, chứ kể Phùng cũng cuồng-dại như Viên, Tào thì làm gì chả được. Thế mới phải rước Đoàn ra. Đoàn ra thật có cơ hay cho nước Tàu lắm.
Đoàn lên chấp-chính, thi-hành được một điều rất trung-hậu, ai ai cũng kính-phục ; là bỏ cái lệnh của Hoàng-các ức-hiếp nhà Thanh quá cho khỏi
https://thuviensach.vn
hại đến cái điều-ước của Dân-quốc đối với phế-đế, rồi lại ân-cần an-ủy vua Tuyên-thống chớ nên trốn-tránh làm gì. Vua Tuyên-thống cũng lấy làm cảm, yên lòng ở lại, nay mới sắp-xửa sang Nhật ít lâu rồi đi du-lịch Âu-châu 4. Dân-gian lấy việc ấy làm kính-phục Đoàn lắm. Có lẽ phen này Đoàn thành công được, dẫu rằng miền Dương-tử chưa được yên hẳn cũng chẳng mờn gì cho lắm. Cốt là Trương-Tác-Lâm đã tự mình xin miễn chức thượng-đẳng Đốc-quân Đông-Tam-Tỉnh, có ý đem Mãn-châu theo mệnh-lệnh Chính-phủ trung-ương ; Quảng-đông thì Tôn Dật-Tiên đã đòi bỏ lên lo việc hội-nghị với Đoàn. Nhưng phải cái anh Trần Quýnh-Minh nay lại rình bò về Quảng châu để cầu lấy vinh-lợi. Trần đã phong-thanh chủ-nghĩa trung-lập, lấy Quảng-đông làm chúa Quảng-đông cho sung-sướng, không can-thiệp giao hảo với địa-phương nào mà cũng chẳng theo về trung-ương-chính-phủ nữa. Trần có lẽ cũng muốn được như Đường Kế-Nghiêu ở Vân-nam đây, nhưng Quảng-đông là một miếng thịt nát, quần-tam-tụ-ngũ, dân-sự lại ương-ngạnh, ngay như việc thương-đoàn đột-khởi, gây nên cuộc thiêu-táng gởm-ghê ở Quảng-châu vừa rồi, mà không có những tay thao-lược như Tôn Văn, có uy linh như Tôn Văn, thì đã dễ mà giẹp yên được sao ? Phỏng Trần Quýnh Minh lại định vào làm chúa Quảng-đông lần nữa có nổi không và có thọ không 5? Bọn Hứa Sùng-Trì còn ở đó, và những người có danh-nghĩa như bọn Hồ Hán-Dân, cũng vẫn còn ở phương Nam cả. Vậy thì về phương Nam, Đoàn Kỳ-Thụy chỉ cần phải điều-đình với Tôn Dật-Tiên là xong. Chẳng may Tôn nay lại lâm-bệnh, các y-sĩ bảo là đau buồng gan đã 10 năm, giờ phải cần tĩnh-dưỡng lắm mới được, thì có lẽ Tôn vào Bắc-kinh nay mai theo lời thầy thuốc, nghỉ lo đến quốc-sự cho việc điều-trị được có hiệu-nghiệm. Thế thì cuộc Toàn-quốc Đại-Hội-nghị của Đoàn cũng chóng triêu tập được. Cuộc Hội-nghị này rất quan-hệ cho nước Tàu, cái số-mệnh tương-lai của Trung quốc là ở trong cuộc Hội-nghị này vậy.
*
Ta mong cho cuộc Hội-nghị ấy giải-quyết được cái vấn-đề thống-nhất, cho nước Tàu khỏi phải khổ-sở lao-lung nữa, 13 năm trời nay thí-nghiệm nền dân-trị cũng đã là lâu lắm rồi, dân gian khốc-hại lắm rồi, làm cho người
https://thuviensach.vn
ngoại-cục trông vào đã có phen rơi lụy, có phen chau mày, có phen phải ôm bụng mà cười. Người Tàu cũng đã biết anh em trong nhà đâm nhau giết nhau thì chỉ chết mình, thiệt mình, mang thêm lấy tiếng xấu, tổ cho người ngoài khinh-miệt thôi. Việc trong nhà mình không êm, ra với thiên-hạ ai tin cần được, ngay như cuộc vạn-quốc hội-nghị vừa rồi Tàu có được một chân nào trong hội-đồng trị sự đâu ? Chẳng qua phái-viên của Tàu đến Genève chỉ hình như một vị dự-thính thôi, Tàu muốn triệu-tập cuộc hội-nghị quan thuế, theo như điều-kiện trong hội-nghị Hoa-thịnh-đốn, để đem quyền-lợi quan-thuế về cho Tàu, mà nào liệt-cường có nghe cho đâu, bắt hãng giải
quyết vài vấn-đề về việc ngoại-giao cho thanh-thỏa đã. Những việc ấy kể cũng có ức, nhưng phải nên tự xét mình làm ra cho có những cái ức ấy thì còn kêu ai được nữa ? Thế mà nước Tàu còn chưa muốn yên, kẻ nọ cứ ghét người kia, vị này cứ chê ông khác mãi, anh nào cũng vơ-vét cho đầy túi tham, thế ra nước Tàu không có người hay hay sao ? Dư-luận Tàu có người bảo rằng nước Tàu to lắm, không thống-nhất được ; các đảng đánh nhau lâu dần cũng đến chết hết rồi còn lại đảng nào là đảng ấy lên cầm quyền, bấy giờ sẽ yên nước, ngay như những đời Tam-quốc xưa cũng vậy. Việc chính trị trong nước tuy rối-bời nát-bét thế, nhưng đường thương-mại kỹ nghệ cũng không bị ảnh-hưởng thiệt-thòi gì cho lắm, thì cũng chả lấy làm lo ! Có người lại còn mê tín rằng đã có điềm trước về việc loạn này còn chưa đến thời-hạn yên-ổn được.
Vậy thì đến năm nào, ngày nào, giờ nào trời mới giải-ách cho thiên quốc ? Mà bảo để các đảng đánh nhau cho chết hết đi thì không trông thấy Trương Tác-Lâm đã có con là Trương Học-Lương, cầm quân ra trận đấy ư ? Tôn Dật-Tiên đã con là Tôn Khoa làm Đốc-lý Quảng-đông đấy ư ? Ngô Bội
Phu đổ thì đã có Phùng Ngọc-Tương lên, Tề Nhiếp-Nguyên chạy thì có Tôn Truyền Phương giúp đỡ đấy ư ? Đời nào cho hết nọc được ? Nếu nước Tàu không thống-nhất được thì phải tìm lấy phương-pháp nào thỏa-mãn thích hợp mà thi-hành chứ cứ để như ngày nay giang sơn nào anh hùng ấy thì tài nào khỏi cướp bóc, giặc-giã, ghen ghét nhau, mà trong nước còn có thể thống gì nữa ? Dẫu rằng đường thương-mại kỹ-nghệ cho phát-đạt đến đâu mà việc chính-trị, việc ngoại-giao không được vẻ-vang thì thời buổi này
https://thuviensach.vn
không đủ mà sinh-tồn được chứ đừng nói đến cái địa-vị mình ở trong vạn quốc cộng đồng nữa !
*
Đấy, từ nãy các ngài nghe cái thời-cục nước Tàu chuyển-vận trong 13 năm nay như thế khổ-hại cho nước Tàu biết là dường nào, mà công-cuộc vẫn chưa thành, là tại cái học-thuật của người Tàu chưa được chu-đáo mà ra cả. Người ta cho bọn chính-khách quân-nhân ở Tàu toàn là một hạng thiếu niên hăng-hái nông-nổi cả, chưa đủ lão-luyện mà trị-dân cứu-quốc. Lời diễu bọn ấy là những quân đèn cù thấp-thoáng trên vũ-đài kể cũng chẳng lấy gì làm ngoa vậy. Người An-nam ta nên lấy đấy mà làm gương…
NGUYỄN-KHẮC-NGUYÊN
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Notes
[←1]
Diễn-thuyết tại Hội Trí-tri Hà-nội ngày thứ năm 26 tháng 2 năm 1925.
https://thuviensach.vn
[←2]
Sou Mé-Tcheng, Souvenirs d'enfance et de révolution.
https://thuviensach.vn
[←3]
Tôn Văn vừa tạ thế hồi 9 giờ sáng hôm 12 tháng 3 năm 1925 mới rồi.
https://thuviensach.vn
[←4]
Vừa đây vua Tuyên-Thống lại ăn mặc giả làm một tên lính Nhật mà trốn rá ở tòa Lãnh-sự Nhật tại Thiên-tân, khiến cho dư-luận hồ-đồ, nhưng chắc thể nào cũng có mưu mô của Nhật ở trong chứ chăng không.
https://thuviensach.vn
[←5]
Nghe điện-tín vừa đây thì Trần Quýnh-Minh đã bị thất bại hẳn rồi.
https://thuviensach.vn
Table of Contents
1
2
3
4
5
←1
←2
←3
←4
←5
https://thuviensach.vn