🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thiết Kế Một Cuộc Đời Đáng Sống - Dave Evans Ebooks Nhóm Zalo Giới thiệu Bản thiết kế cuộc sống E llen đặc biệt yêu thích những hòn đá.Từ nhỏ, cô đã sưu tầm và phân loại chúng theo kích thước, hình dạng, chủng loại và màu sắc. Khi lớn lên, sau hai năm theo học một trường danh giá, đã đến lúc cô chọn chuyên ngành mình muốn theo đuổi. Thật ra Ellen vẫn chưa biết phải làm gì với cuộc đời mình, cũng không có ý niệm về nghề nghiệp lý tưởng, nhưng cô cần đưa ra lựa chọn. Địa chất học có vẻ là quyết định tốt nhất vào thời điểm đó. Vì dù gì đi nữa thì thứ cô thích nhất chính là những hòn đá. Bố mẹ của Ellen vô cùng tự hào về con gái, một sinh viên chuyên ngành địa chất học, một nhà địa chất trong tương lai. Cuối cùng, ngày tốt nghiệp đã đến, Ellen chuyển về nhà bố mẹ và bắt đầu công việc trông trẻ, dắt thú cưng đi dạo với thu nhập ít ỏi vừa đủ sống. Đây là lúc gia đình cô trở nên bối rối vì đó là những việc Ellen từng làm thời cấp ba. Đến khi nào cô mới trở thành một nhà địa chất như họ kỳ vọng? Tại sao Ellen còn chưa chịu bắt đầu sự nghiệp trong mơ của mình? Đó là vì một hôm, cô chợt nhận ra mình không muốn trở thành một nhà địa chất. Thật ra cô chẳng mấy hứng thú với việc tìm hiểu về các quá trình địa chất, vật chất kiến tạo hay lịch sử hình thành Trái Đất. Cô không muốn đi nghiên cứu thực tế hay vào làm tại các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc các tổ chức môi trường. Cô cũng không thích vẽ bản đồ và làm báo cáo tổng hợp. Ellen chọn ngành địa chất đơn thuần vì niềm đam mê dành cho những viên đá. Giờ đây, với tấm bằng trong tay, Ellen không biết phải tìm một công việc như thế nào, cũng không rõ mình nên làm gì trong suốt quãng đời còn lại. Cô không biết rằng mình chẳng đơn độc vì trên thực tế, chỉ 27% sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ chọn làm công việc đúng với chuyên ngành. Ý nghĩ chuyên ngành đã chọn sẽ theo bạn suốt cuộc đời và đại học là quãng thời gian tuyệt vời trước khi bạn làm việc cật lực – và sống thật buồn tẻ – chính là hai trong số các niềm tin sai lệch thường gặp, những điều huyễn hoặc đã ngăn cản nhiều người kiến tạo một cuộc sống như mong muốn. Niềm tin sai lệch: Bằng cấp quyết định sự nghiệp. Tái định dạng nhận thức: Cứ bốn sinh viên thì có ba người sau khi tốt nghiệp không làm các công việc liên quan đến chuyên ngành. Ở độ tuổi ba mươi, Janine là một phụ nữ thành đạt. Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học hàng đầu, Janine gia nhập một công ty luật lớn và có tầm ảnh hưởng. Mọi thứ trong cuộc sống dường như đều đi theo đúng con đường cô đã định, sức mạnh ý chí và sự siêng năng chăm chỉ đã mang đến cho Janine tất cả những điều cô từng mong muốn. Nhưng Janine có một bí mật. Có những hôm, sau khi lái xe về từ hãng luật nổi danh nhất Silicon Valley, Janine ngồi trên nóc xe ngắm thành phố dần lên đèn, và cô khóc. Janine đã có tất cả những gì cô nghĩ mình cần có, tất cả những gì cô nghĩ rằng mình muốn, nhưng sâu thẳm trong tim cô không cảm thấy hạnh phúc. Janine biết rằng mình nên sung sướng, hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng cô không cảm thấy vui, một chút cũng không. Janine mường tượng về một ngày của mình, cô thức dậy mỗi sáng để vẽ tiếp bức tranh về cuộc đời thành đạt và hằng đêm đi ngủ với bộn bề băn khoăn, suy nghĩ. Đối với Janine, cuộc sống dường như luôn thiếu thốn, cô đã đánh rơi điều gì trên đường đời chăng? Tại sao một người có thể sở hữu mọi thứ và cùng lúc lại chẳng có gì? Giống như Ellen, Janine có một niềm tin sai lệch, cô cho rằng nếu cứ miệt mài tìm kiếm cơ hội và chinh phục thành công thì mình sẽ hạnh phúc. Janine cũng không hề đơn độc vì có gần 70% người đi làm tại Mỹ không cảm thấy hạnh phúc với công việc, 15% trong số họ thậm chí ghét bỏ công việc của mình. Niềm tin sai lệch: Nếu thành công, bạn sẽ hạnh phúc. Tái định dạng nhận thức: Hạnh phúc thật sự đến từ việc tạo dựng một cuộc sống phù hợp với chính bản thân mình. Donald có một sự nghiệp vững chắc và một cuộc sống ổn định. Ông làm công việc hiện tại đã được hơn ba mươi năm. Nay, căn nhà trả góp gần thanh toán xong, các con ông đã tốt nghiệp đại học, quỹ hưu trí cũng được đầu tư. Mỗi ngày, ông chỉ việc thức dậy, đi làm, thanh toán các hóa đơn, về nhà, đi ngủ, cứ như vậy lặp đi lặp lại. Thế nhưng suốt bao năm qua, Donald cứ tự hỏi mãi một câu. Ông mang theo câu hỏi này đến quán cà phê, ngồi vào bàn ăn, đi nhà thờ, thậm chí tới quán rượu, nơi chỉ vài ngụm Scotch đã có thể khiến mọi thắc mắc chìm vào quên lãng, nhưng sau đó câu hỏi ấy vẫn quay trở lại. Gần mười năm qua, nó khiến ông thức giấc vào lúc hai giờ sáng, nó hiện lên trên tấm gương trong phòng tắm mỗi khi ông nhìn vào: “Vì sao mình lại làm công việc này?”. Chưa một lần nào ông tìm được cho mình câu trả lời thỏa đáng. Niềm tin sai lệch của Donald cũng tương tự như của Janine. Ông cho rằng một cuộc sống có trách nhiệm, cũng như sự nghiệp thành công, sẽ khiến cho mình hạnh phúc, điều khác biệt chỉ là ông đã chịu đựng nó quá lâu. Thế tại sao ông không thay đổi? Đó là vì Donald còn mang một niềm tin sai lệch khác, đó là ông không thể ngừng làm những việc mà bấy lâu nay mình vẫn luôn làm. Giá như Donald biết rằng mình không đơn độc, chỉ tính riêng nước Mỹ đã có hơn ba mươi mốt triệu người ở độ tuổi từ bốn mươi bốn đến bảy mươi muốn gây dựng một sự nghiệp viên mãn , phù hợp với mục tiêu cá nhân, đáp ứng được nhu cầu tài chính và giúp ích cho xã hội. Một vài người trong số đó may mắn tìm được sự nghiệp lý tưởng, nhưng rất nhiều người khác không biết phải bắt đầu từ đâu vì họ luôn e sợ đã quá muộn để khởi sự thay đổi. Niềm tin sai lệch: Đã quá muộn rồi. Tái định dạng nhận thức: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu sống cuộc đời bạn muốn. Điểm chung giữa Ellen, Janine và Donald là họ đều mang một niềm tin sai lệch để đối diện với những vấn đề lớn của cuộc sống. Vấn đề là “bạn thân” của nhà thiết kế Hãy quan sát xung quanh, nhìn bao quát văn phòng hay ngôi nhà của bạn, ngó xuống cái ghế bạn ngồi, cả cái bàn và chiếc điện thoại mà có thể bạn đang cầm trên tay nữa, có phải mọi thứ đều được thiết kế bởi một ai đó không? Mỗi thiết kế đều bắt nguồn từ một vấn đề. Trước kia người ta không thể nghe nhiều bài nhạc mà không mang theo hàng tá đĩa CD, giờ đây chúng ta lưu hơn ba ngàn ca khúc vào một thiết bị nằm gọn trong lòng bàn tay. Chính nhờ một vấn đề nào đó trong quá khứ mà giờ đây bạn có thể nhét vừa chiếc điện thoại vào túi quần, làm việc trên máy tính xách tay dùng pin chạy hơn năm giờ đồng hồ, đặt báo thức là tiếng chim hót líu lo thay cho chuông báo inh ỏi. Những vấn đề chính là lý do khiến người ta phát minh ra hệ thống nước máy, vật liệu cách điện, cách nhiệt, ống dẫn nước, bàn chải đánh răng,… Đến một vật đơn giản như cái ghế cũng cần được thiết kế ra khi ai đó, ở một nơi nào đó, cảm thấy rằng ngồi lâu trên đá thì thật là ê mông. Có sự khác biệt giữa vấn đề thiết kế và vấn đề kỹ thuật . Một kỹ sư có thể tìm ra cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sau khi thu thập đủ dữ liệu, đồng thời biết chắc rằng có tồn tại một giải pháp tốt nhất. Bill chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về khớp nối cho chiếc máy tính xách tay Apple đời đầu, giải pháp mà ông và nhóm của mình đưa ra đã làm cho những chiếc máy tính này trở thành một trong những dòng máy đáng tin cậy nhất trên thị trường. Để tìm ra giải pháp, các kỹ sư đã chế tạo nhiều bản mẫu và tiến hành vô số thí nghiệm, tương tự như trong quá trình thiết kế. Tuy nhiên, mục tiêu ở đây rất rõ ràng và được xác định trước, đó là tạo ra những khớp nối có thể hoạt động tốt trong năm năm, hoặc chịu được mười ngàn lần đóng mở. Nhóm của Bill đã thử nghiệm nhiều giải pháp cơ học cho đến khi đạt được mục tiêu, sau đó nó có thể được áp dụng vào quy trình sản xuất thêm hàng nghìn lần nữa. Đó là một vấn đề kỹ thuật được giải quyết êm đẹp. Bây giờ, hãy so sánh vấn đề trên với việc thiết kế chiếc máy tính xách tay đầu tiên có chuột tích hợp. Thời đó, những chiếc máy tính của Apple phụ thuộc vào chuột rời để thực hiện hầu hết các tác vụ, nhưng thật khó chấp nhận nếu họ tạo ra một chiếc máy tính xách tay cứ phải cắm chuột mới có thể sử dụng. Đây chính là một vấn đề thiết kế . Chẳng có bản thiết kế nào trước đó để phát triển tiếp, cũng không có yêu cầu cụ thể. Có vô vàn ý tưởng và thiết kế được đưa vào thử nghiệm nhưng đều không hiệu quả. Chỉ đến khi kỹ sư Jon Krakower nảy ra ý tưởng “điên rồ” với những viên bi xoay thu nhỏ, đẩy phần bàn phím vào phía trong, chừa lại vừa đủ chỗ để đặt thiết bị chuột cảm ứng này. Đây hóa ra chính là bước đột phá mà mọi người hằng trông đợi và kể từ đó, nó trở thành một phần trong phong cách thiết kế máy tính xách tay của Apple. Thẩm mỹ, hay vẻ ngoài của một vật nào đó, cho thấy rằng đối với nhà thiết kế, không có giải pháp nào là tốt nhất để giải quyết vấn đề phát sinh. Trên thế giới có biết bao siêu xe sang trọng, dù cùng hướng đến những đỉnh cao mới về hiệu năng và tốc độ nhưng một chiếc Porsche trông hoàn toàn khác một chiếc Ferrari. Cả hai đều được chế tạo tỉ mỉ, đạt độ hoàn thiện cao và tuy gồm những bộ phận, động cơ tương tự nhau nhưng mỗi chiếc sở hữu nét cuốn hút riêng về mặt thẩm mỹ. Kỹ sư thiết kế ở hãng xe nào cũng chú trọng đến từng đường nét hình dáng, bộ đèn pha và lưới tản nhiệt,… nhưng họ đưa ra những quyết định hoàn toàn khác nhau. Mỗi hãng đi theo phong cách riêng của mình – chiếc Ferrari sở hữu bề ngoài lãng tử đậm chất Ý, còn chiếc Porsche trông tinh nhạy với những chi tiết chuẩn xác kiểu Đức. Những nhà thiết kế nghiên cứu về thẩm mỹ học hàng năm trời để có thể biến những sản phẩm công nghiệp này thành các kiệt tác chuyển động. Đó là lý do vì sao, ở một khía cạnh nào đó, thẩm mỹ chính là vấn đề thiết kế lớn nhất. Thẩm mỹ liên quan đến cảm xúc và chúng ta đã khám phá ra rằng dưới ảnh hưởng của cảm xúc, tư duy thiết kế chính là khí cụ tốt nhất để giải quyết vấn đề. Khi hỗ trợ các sinh viên ra trường, vào đời trở thành một người hạnh phúc và làm việc hiệu quả – giúp họ tìm ra chặng đường phía trước của mình – chúng tôi biết rằng tư duy thiết kế là công cụ tốt nhất. Thiết kế cuộc sống không đòi hỏi một mục tiêu cụ thể, khác với việc chế tạo các khớp nối hoạt động bền bỉ suốt năm năm, hoặc xây một cây cầu theo bản vẽ đã được phê duyệt, vốn là những vấn đề kỹ thuật mà để giải quyết chúng, ta thu thập dữ kiện và vạch ra giải pháp tối ưu. Khi ta mong muốn đạt được một mục tiêu nào đó, chẳng hạn như một mẫu máy tính xách tay thật gọn nhẹ, một chiếc xe thể thao “quyến rũ”, hay một cuộc sống được thiết kế hoàn chỉnh, nhưng lại chưa có giải pháp cụ thể, đó chính là thời điểm để bạn động não, thử nghiệm ý tưởng, ứng biến, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi bạn tìm ra một giải pháp thật sự hiệu quả. Bạn chỉ biết được sau khi đã nhìn thấy nó, có thể là những đường nét hài hòa đến kinh ngạc của một chiếc Ferrari hay một chiếc MacBook Air gọn nhẹ vượt trội. Một thiết kế tuyệt vời không đến từ các phương trình, bảng tính hay quá trình phân tích dữ liệu. Nó có diện mạo riêng và mang đến những cảm nhận độc đáo, đó là một sự mãn nhãn tuyệt vời. Bản thiết kế cuộc sống hoàn chỉnh của bạn cũng sẽ mang một diện mạo và cảm nhận riêng biệt, tư duy thiết kế sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề thiết kế trong cuộc sống. Trong đó, mọi điều khiến cuộc sống hằng ngày trở nên dễ dàng, hiệu quả và thú vị hơn đều được tạo nên từ việc giải quyết vấn đề; thực hiện bởi một nhà thiết kế hoặc nhóm thiết kế nào đó. Các không gian sống, làm việc và giải trí đều được thiết kế để phục vụ cho cuộc đời, sự nghiệp và nhu cầu thư giãn của chúng ta. Dù chúng ta nhìn vào nơi nào trong thế giới rộng lớn này, ở đó luôn có kết quả của các quá trình thiết kế nhằm giải quyết vấn đề. Tất cả là nhờ tư duy thiết kế. Rồi bạn sẽ thấy rõ hơn những lợi ích của tư duy thiết kế trong chính cuộc đời mình. Thiết kế không chỉ để tạo ra những thứ hay ho như máy tính hay siêu xe; tư duy thiết kế rất hữu ích trong việc xây dựng một cuộc sống thú vị, ý nghĩa và trọn vẹn. Không quan trọng bạn là ai, làm công việc gì, đã có tuổi hay vẫn còn trẻ, bạn có thể sử dụng chính phương pháp tư duy đã tạo ra những công nghệ, sản phẩm và không gian tuyệt vời để thiết kế sự nghiệp và cuộc sống của riêng mình. Một cuộc sống được thiết kế chỉn chu sẽ có khả năng tự làm mới chính nó, đó là một đời sống sáng tạo, phong phú, luôn biến đổi, tiến triển và không bao giờ thiếu những bất ngờ thú vị. Chuyện bắt nguồn từ đâu? Tất cả khởi đầu từ một bữa trưa. Vào những năm 1970, khi chúng tôi còn là sinh viên Đại học Stanford, Bill khám phá ra và hào hứng dấn thân vào ngành thiết kế sản phẩm. Khi còn là một cậu bé, ông thường ngồi ở bàn máy may của bà, chăm chú vẽ hình những chiếc xe hơi và máy bay từ trí tưởng tượng. Lúc đó Bill chưa biết rằng thực tế có những người làm công việc này và họ được gọi là nhà thiết kế. Nhiều năm sau, Bill vẫn tiếp tục tưởng tượng và vẽ, chỉ là ông không còn ngồi bên chiếc máy may của bà nữa. Ông điều hành chương trình đào tạo thiết kế bậc đại học và thạc sĩ tại Stanford, đồng thời giảng dạy tại d.school 1. Bill cũng từng làm việc cho nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp Fortune 100, trong đó có bảy năm tại Apple, nơi ông thiết kế những chiếc máy tính xách tay đạt nhiều giải thưởng và vài năm trong ngành công nghiệp đồ chơi để sáng tạo mô hình nhân vật Star Wars. 1. d.school (Học viện Thiết kế Hasso Plattner): trung tâm đào tạo đa phương tiện thuộc Đại học Stanford, tất cả các lớp học tại đây đều dựa trên nền tảng của tư duy thiết kế. Bill đã may mắn phát hiện ra ngành thiết kế sản phẩm và cất bước trên con đường sự nghiệp giàu ý nghĩa và tràn đầy niềm vui. Cả hai chúng tôi đều nhận thấy rằng trường hợp trên thật hiếm có, chuyện thường không lý tưởng như vậy, ngay cả với sinh viên Stanford. Khác với Bill, thời sinh viên, Dave không có định hướng gì cho sự nghiệp của mình. Ông không tốt nghiệp ngành sinh học như mong muốn mà chuyển sang ngành kỹ sư cơ khí, chẳng qua là vì không còn lựa chọn nào khác. Trong những năm đại học, ông chẳng bao giờ tìm ra đáp án cho câu hỏi về công việc mình thật sự muốn làm. Cuối cùng, sau một thời gian “trầy trật”, Dave cũng khám phá được con đường sự nghiệp lý tưởng để có hơn ba mươi năm thử sức và trải nghiệm những điều thú vị mà công việc điều hành kiêm cố vấn quản lý ngành công nghệ cao mang lại. Ông giám sát quá trình phát triển sản phẩm chuột điều khiển và những dự án máy in laser tiên phong của Apple, đồng sáng lập Electronic Arts và hỗ trợ nhiều nhà khởi nghiệp trên con đường tìm lối đi riêng. Sau một khởi đầu gian nan, sự nghiệp của ông phát triển một cách thần kỳ, nhưng ông biết rằng con đường mình đi lẽ ra không gập ghềnh đến vậy. Dù đã qua tuổi khởi đầu sự nghiệp hay lập gia đình, họ vẫn tiếp tục giúp đỡ và làm việc cùng các sinh viên. Ở Stanford, Bill có hàng trăm sinh viên đến xin lời khuyên, hầu hết đều chật vật trong việc tìm hướng đi cho đời mình sau khi tốt nghiệp. Dave thì giảng dạy tại Đại học Berkeley, nơi ông phát triển một chương trình hướng nghiệp và trực tiếp đứng lớp giảng dạy mười bốn khóa trong suốt tám năm, dù vậy ông luôn mong làm được nhiều hơn thế. Thời gian đó, không ít lần họ chạm mặt nhau cả trong công việc lẫn các vấn đề cá nhân. Khi Bill vừa nhậm chức Giám đốc điều hành Chương trình Thiết kế Stanford thì Dave cũng nhận ra rằng những yêu cầu đa chiều dường như đã gây áp lực nặng nề lên vai các sinh viên thiết kế, đòi hỏi ở họ một tầm nhìn để gây dựng sự nghiệp vừa ý nghĩa, phù hợp với bản thân, vừa đáp ứng được các nhu cầu kinh tế - xã hội. Ông quyết định liên lạc với Bill để hẹn nhau ăn trưa và trao đổi ý tưởng, nếu mọi chuyện suôn sẻ, họ sẽ gặp lại để thảo luận thêm. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói tất cả khởi đầu từ một bữa trưa. Bữa ăn chỉ mới bắt đầu được năm phút, chúng tôi đã quyết định sẽ hợp tác cùng nhau khai sinh ra một môn học mới tại Stanford nhằm áp dụng tư duy thiết kế vào việc thiết kế đời sống. Trước tiên, khóa học sẽ được mở cho các sinh viên thiết kế, nếu sau đó mọi thứ tiến triển tốt thì tất cả các sinh viên đều có thể đăng ký. Kết quả là môn học này đã trở thành một trong những bộ môn tự chọn được yêu thích nhất tại Stanford. Khi được hỏi về công việc mình làm, đôi lúc chúng tôi trả lời một cách dè dặt rằng: “Chúng tôi dạy sinh viên Stanford cách ứng dụng những nguyên lý căn bản của tư duy thiết kế vào việc giải quyết các vấn đề tréo ngoe trong cuộc sống, cả thời sinh viên lẫn sau khi tốt nghiệp”. Sau đó, họ sẽ lại thắc mắc: “Tuyệt quá! Nhưng nó có nghĩa là gì vậy?”. Rồi chúng tôi đáp rằng: “Chúng tôi dạy cách áp dụng tư duy thiết kế để giúp bạn tìm ra điều mình muốn làm khi trưởng thành”. Lúc đó, hầu hết mọi người sẽ trở nên hào hứng: “Ồ! Tôi có thể tham gia lớp học này không?”. Nhiều năm trời chúng tôi đã phải từ chối, ít nhất là đối với những ai không nằm trong số mười sáu ngàn sinh viên Stanford. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã bắt đầu giới thiệu hội thảo Thiết kế Cuộc sống đến tất cả mọi người2, và chúng tôi cũng viết quyển sách này nữa, nên bạn không cần phải đến Stanford để có một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo đâu. 2. Tìm hiểu thêm thông tin về các hội thảo tại trang www.designingyour.life. Nhưng bạn phải sẵn sàng trả lời một số câu hỏi hóc búa. Những câu hỏi cũng là “bạn thân” của nhà thiết kế Cũng như Donald nhìn vào gương mỗi tối và tự vấn về công việc của ông, chúng ta ai cũng chật vật với vô số câu hỏi về cuộc đời, công việc, ý nghĩa và mục đích sống. Làm thế nào để tìm được công việc mình yêu thích, đam mê? Làm thế nào để gây dựng một sự nghiệp mang lại cuộc sống sung túc? Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình? Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt cho thế giới? Làm thế nào để trở nên thanh mảnh, quyến rũ và giàu nứt đố đổ vách? Chúng tôi có thể giúp bạn trả lời tất cả những câu hỏi này, trừ câu cuối. Chúng ta đều đã từng được hỏi “Khi lớn lên bạn muốn làm gì?”. Đây là một câu hỏi căn bản về cuộc sống, dù chúng ta mới mười lăm hay đã năm mươi xuân xanh. Những nhà thiết kế bị cuốn hút bởi các câu hỏi, nhưng điều họ thật sự yêu thích chính là quá trình tái định dạng. Tái định dạng nhận thức chính là một trong những tư duy thiết kế quan trọng nhất. Nhiều cải tiến vĩ đại đều bắt nguồn từ sự tái định dạng nhận thức. Tư duy thiết kế chú trọng đến một điều: Đừng bắt đầu từ vấn đề, hãy bắt đầu với sự thấu cảm. Một khi trong ta có sự thấu cảm dành cho những người sẽ dùng sản phẩm của mình, chúng ta sẽ nhận định chính xác hơn để động não, bắt đầu tạo mẫu nhằm khám phá điều ta chưa biết về vấn đề này. Thông thường điều này sẽ dẫn đến việc tái định dạng nhận thức, còn có thể gọi là điểm then chốt. Tái định dạng nhận thức là khi chúng ta có được thông tin mới về một vấn đề, nhận định lại quan điểm cá nhân, bắt đầu suy nghĩ cũng như tạo mẫu một lần nữa. Bạn bắt đầu với việc thiết kế sản phẩm, chẳng hạn như sáng tạo một công thức phối trộn cà phê mới hoặc chế tạo một chiếc máy pha cà phê mới, nhưng tái định dạng nhận thức là khi bạn nhận ra rằng mình đang tái thiết trải nghiệm cà phê (như Starbucks). Hoặc để nỗ lực xóa đói giảm nghèo, ta ngừng việc cho giới thượng lưu trong nước vay tiền (như Ngân hàng Thế giới đã làm) và bắt đầu cho những người nghèo đến mức gần như không có khả năng chi trả mượn tiền (như Ngân hàng Grameen3). Máy tính bảng iPad của Apple cũng là kết quả của sự tái định dạng nhận thức toàn diện về trải nghiệm điện toán di động. 3. Ngân hàng Grameen được sáng lập bởi giáo sư Muhammad Yunus vào năm 1983 tại Bangladesh, là mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghèo, nhất là phụ nữ, giúp họ vay vốn làm ăn để cải thiện đời sống mà không cần thế chấp. Năm 2006, giáo sư Muhammad Yunus đã được trao giải Nobel Hòa bình cho mô hình ngân hàng này. Tái định dạng nhận thức là một yếu tố quan trọng trong việc thiết kế cuộc sống. Sự tái định dạng nhận thức đáng kể nhất chính là nhận thức về tính không hoàn hảo của cuộc sống, bạn không thể lên một kế hoạch hay tìm ra giải pháp lý tưởng cho cuộc đời mình, và trên hết, đó là một điều tốt. Có vô số phiên bản thiết kế cuộc đời, hướng đi nào cũng ngập tràn hy vọng, cơ hội sáng tạo và mở ra một thực tại khiến cuộc đời trở nên thật đáng sống. Cuộc sống của bạn không phải là một món đồ, đó là một hành trình trải nghiệm, và niềm vui thú thật sự đến từ việc thiết kế, đồng thời tận hưởng trải nghiệm đó. Sự tái định dạng nhận thức cho câu hỏi “Khi lớn lên bạn muốn làm gì?” chính là “Khi lớn lên bạn muốn trở thành người ra sao?”. Cuộc sống bao hàm sự phát triển và biến đổi, nó không tĩnh tại, cũng không phải là một điểm đến. Không có chuyện ta trả lời câu hỏi một lần là xong, sau đó vấn đề được giải quyết tận gốc. Chẳng ai thật sự biết được mình muốn trở thành người như thế nào, ta chỉ thấy những hướng đi mập mờ trên mọi nẻo đường cuộc sống. Vì có quá nhiều câu hỏi dai dẳng bám theo mỗi bước chân, điều mọi người cần chính là một quá trình thiết kế nhằm tìm ra điều mình thật lòng muốn, mẫu hình mình thật sự muốn trở thành và cách tạo dựng một cuộc sống thành công mỹ mãn. Bản thiết kế cuộc sống của bạn Thiết kế cuộc sống chính là con đường phía trước. Đó là thứ sẽ giúp Ellen tìm ra công việc đầu tiên. Đó là thứ sẽ giúp Janine chuyển từ cuộc đời cô ấy nên sống sang cuộc đời cô ấy muốn sống. Đó là thứ sẽ giúp Donald trả lời được câu hỏi giày vò ông mỗi đêm. Những nhà thiết kế tưởng tượng nên những thứ chưa từng tồn tại, sau đó xây dựng chúng, và thế là thế giới thay đổi. Bạn cũng có thể làm điều này với chính cuộc sống của mình. Bạn có thể tưởng tượng ra một sự nghiệp và cuộc sống, bạn có thể xây dựng hình ảnh của bản thân trong tương lai, và kết quả là cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Nếu cuộc sống của bạn đã khá hoàn hảo rồi, thiết kế cuộc sống vẫn có thể giúp bạn tạo ra một phiên bản tốt hơn cho cuộc sống yêu quý hiện tại. Khi bạn suy nghĩ như một nhà thiết kế và sẵn sàng đặt câu hỏi, đồng thời nhận ra cuộc sống luôn xoay quanh việc thiết kế một thứ gì đó chưa từng tồn tại, thì cuộc sống của bạn có thể tỏa sáng theo cách mà bạn khó lòng tưởng tượng được – nếu như bạn thích được tỏa sáng, vì sau tất cả thì đó là thiết kế của bản thân bạn mà. Điều bạn cần biết về Thiết kế cuộc sống Tại Stanford, chúng tôi đã giảng dạy cho hàng nghìn sinh viên về tư duy thiết kế và cách thiết kế cuộc sống. Và chúng tôi sẽ tiết lộ cho bạn biết rằng chưa một ai rớt môn này, thật ra thì trượt môn là điều không thể. Chúng tôi có hơn sáu mươi năm kinh nghiệm giảng dạy hợp lại, và giáo trình học được soạn ra cho mọi đối tượng: học sinh trung học, sinh viên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; cả những bạn trẻ ở độ tuổi hai mươi, những nhân viên trên con đường lập nghiệp lẫn những nhà hưu trí muốn có cho mình một sự nghiệp viên mãn. Là những nhà giáo, chúng tôi luôn bảo đảm rằng học viên có thể tìm đến mình, nghĩa là nếu bạn tham gia khóa học, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng bạn. Có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp nhiều năm vẫn quay lại, kể cho chúng tôi nghe về cách các công cụ, ý tưởng và tư duy từng được học trong quá khứ đã tạo nên sự khác biệt trong suốt cuộc đời họ. Chúng tôi khá hy vọng, và thật lòng cũng khá tự tin rằng những ý tưởng này sẽ có thể tạo nên khác biệt trong cuộc đời bạn. Nhưng đừng quá vin vào những lời nói của chúng tôi. Stanford là một nơi rất khắc nghiệt. Mặc dù những giai thoại về môn học này nghe rất tuyệt, nhưng nó không mang lại tác dụng lớn lao gì về mặt lý thuyết, điều bạn cần vẫn là dữ liệu. Môn học của chúng tôi dựa trên nền tảng của tư duy thiết kế, được xây dựng một cách khoa học và được kiểm chứng về khả năng hỗ trợ sinh viên. Hai nghiên cứu sinh văn bằng tiến sĩ đã làm luận văn về môn học này và kết luận rằng những sinh viên từng tham gia môn học của chúng tôi có mức độ nhận thức cao và nhiều khả năng theo đuổi được sự nghiệp mong muốn hơn những sinh viên khác; những sinh viên ấy có ít niềm tin sai lệch hơn và có năng lực tư duy để tìm ra những ý tưởng mới cho việc thiết kế nên cuộc sống của họ. Tất cả những kết luận này đều có ý nghĩa thống kê, hay nói theo cách thông thường là những ý tưởng và bài tập vận dụng chúng tôi đưa ra trong khóa học của mình, cũng như trong quyển sách này, đã được chứng minh về tính hiệu quả trong việc giúp bạn tìm ra điều mình muốn, cũng như cách để đạt được nó. Tuy nhiên, dù mang tính khoa học hay không thì tất cả những điều này đều là chuyện cá nhân. Chúng tôi có thể đưa cho bạn một số công cụ, ý tưởng, hay bài tập rèn luyện; nhưng chúng tôi không thể luận ra hết cho các bạn được đâu. Chúng tôi không thể trao cho bạn sự sáng suốt, không thể thay đổi tầm nhìn của bạn, mọi thứ sẽ không dễ dàng như vậy được. Những gì chúng tôi có thể cam đoan với bạn là nếu bạn sử dụng những công cụ chúng tôi đưa ra và thực hành những bài tập thiết kế cuộc sống, thì sự thấu hiểu, tinh anh sẽ đến với tâm trí bạn. Sự thật là có rất nhiều phiên bản của bạn, và tất cả những phiên bản này đều đúng, việc thiết kế cuộc sống sẽ giúp bạn sống trong bất cứ phiên bản nào. Không có câu trả lời nào là sai, và chúng tôi không chấm điểm hay xếp hạng bạn đâu. Chúng tôi sẽ khuyên bạn làm một số bài tập trong quyển sách này, nhưng đằng sau sách không có đáp án để bạn dò lại. Chúng tôi thêm vào cuối mỗi chương sách một mục tóm tắt các bài tập, nếu có, gọi là mục Thử nghiệm , bởi chúng tôi luôn khuyên bạn làm điều đó. Thử nghiệm là việc mà các nhà thiết kế vẫn hay làm. Chúng tôi sẽ không so sánh bạn với ai cả, và bạn cũng không nên so sánh mình với ai hết. Chúng ta ở đây để cùng nhau tái tạo lại bản thân, hãy xem chúng tôi như là nhân viên trong nhóm thiết kế của riêng bạn. Chúng tôi cũng khuyên bạn lập ra một nhóm thiết kế cho chính mình ngay lập tức, bao gồm những người sẵn sàng đọc quyển sách này và làm các bài tập vận dụng cùng bạn – một nhóm hợp tác cùng phát triển và theo đuổi việc tạo dựng một cuộc sống được thiết kế toàn diện. Tất nhiên bạn cũng có thể thoải mái đọc quyển sách này một mình, chúng tôi chỉ muốn chỉ ra sai lầm của nhiều người khi cứ nghĩ rằng các nhà thiết kế là những thiên tài đơn độc, lặng lẽ làm việc một mình và đợi chờ tia cảm hứng lóe lên, chỉ ra đâu là giải pháp cho vấn đề thiết kế của họ. Có lẽ một số vấn đề đơn giản như thiết kế một chiếc ghế đẩu hay một bộ đồ chơi lắp ráp cho trẻ em sẽ được một cá nhân giải quyết ổn thỏa. Nhưng trong thế giới công nghệ cao hiện nay, hầu hết mọi vấn đề đều cần được giải quyết bởi một đội ngũ thiết kế. Tư duy thiết kế còn cho rằng thành quả tuyệt vời nhất sẽ đến từ sự cộng tác thiết yếu – nhóm những người với xuất thân khác nhau, mang lại những kỹ năng đặc thù và kinh nghiệm đời sống mà họ có cho nhóm. Điều này giúp nhóm thiết kế dễ có được sự thấu cảm dành cho đối tượng sử dụng những gì mình thiết kế. Trong hầu hết các trường hợp, những xung đột bắt nguồn từ sự khác biệt của xuất phát điểm sẽ tạo ra những giải pháp vô cùng độc đáo. Điều này đã được chứng minh rất nhiều lần tại các lớp học d.school ở Stanford, nơi những nhóm sinh viên quy tụ thành viên đến từ nhiều khoa khác nhau như kinh doanh, luật, kỹ sư, giáo dục, y dược,... Họ luôn có được những cải tiến đột phá với chất keo kết dính là tư duy thiết kế. Lối tiếp cận vị nhân sinh trong thiết kế là cách tận dụng sự khác biệt về xuất thân của mỗi thành viên trong nhóm để khuyến khích hợp tác và sáng tạo. Tiêu biểu nhất là trong một khóa mà không học viên nào xuất thân là dân thiết kế, ban đầu ai cũng rất chật vật khi phải học từ đầu cách tư duy như một nhà thiết kế, đặc biệt là sự cộng tác thiết yếu và sự chú tâm đến quá trình. Nhưng một khi những sinh viên này đã quen, họ phát hiện ra rằng khả năng làm việc của nhóm vượt xa hơn rất nhiều so với những gì một cá nhân có thể làm; khi đó sự tự tin sáng tạo của họ mới bùng nổ. Đã có rất nhiều dự án và sáng kiến thành lập doanh nghiệp của sinh viên gặt hái thành công, chẳng hạn như D-Rev hay Embrace, xuất phát từ quá trình này và là minh chứng cho việc hợp tác để hoàn thiện những mẫu thiết kế ngày nay. Vậy nên hãy trở thành một thiên tài thiết kế cuộc sống, chỉ cần đừng nghĩ là bạn phải trở thành một trong những thiên tài đơn độc ngoài kia. Tư duy như một nhà thiết kế Trước khi thiết kế cuộc sống, bạn cần phải học cách tư duy như một nhà thiết kế. Chúng tôi sẽ trình bày một số phương pháp đơn giản để làm được điều này. Nhưng đầu tiên, bạn cần hiểu rõ một điểm quan trọng: Những nhà thiết kế không nghĩ ra giải pháp, họ xây dựng giải pháp . Điều đó có nghĩa là bạn không thể chỉ mơ mộng đến hàng loạt viễn cảnh không chút liên quan đến thế giới thật, hay đời thực của bạn. Bạn sẽ phải xây dựng mọi thứ, chúng tôi gọi đó là tạo mẫu, để thử nghiệm và trải qua vô vàn khoảnh khắc thú vị trong quá trình ấy. Bạn muốn thay đổi sự nghiệp? Quyển sách này sẽ giúp bạn tạo nên sự thay đổi, nhưng không phải bằng cách ngồi một chỗ và cố quyết định xem sự thay đổi đó là gì. Chúng tôi sẽ giúp bạn suy nghĩ như một nhà thiết kế và xây dựng tương lai của bạn, đi từ tạo mẫu này sang tạo mẫu khác. Chúng tôi sẽ giúp bạn hoàn thành thử thách thiết kế cuộc sống với chính sự tò mò, sáng tạo đã giúp người ta phát minh ra máy in, bóng đèn và Internet. Chúng tôi tập trung vào công việc và sự nghiệp, bởi vì thật lòng mà nói thì chúng ta dành hầu hết thời gian một ngày, một đời, cho công việc. Công việc có thể trở thành lẽ sống và nguồn vui thú to lớn mỗi ngày, hoặc cũng có thể trở thành guồng quay vô tận với sự phí hoài thời gian cho việc cố gắng lê lết qua hết những ngày khốn khổ và đợi chờ cuối tuần đến. Một cuộc sống được thiết kế tỉ mỉ không phải là kiếp nô lệ. Bạn không được sinh ra trên thế gian này để đều đặn tám tiếng một ngày làm công việc mà chính mình ghét bỏ, rồi cứ sống thế cho đến khi về với đất mẹ. Có thể nghe hơi cường điệu, nhưng có nhiều người nói với chúng tôi rằng đó là cách chính xác nhất để mô tả về cuộc sống của họ. Và ngay cả với những người may mắn tìm được một nghề nghiệp yêu thích, họ vẫn cảm thấy thất vọng và có một quãng thời gian khó khăn để xoay xở. Đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ khác đi về tất cả mọi chuyện. Tư duy thiết kế bao gồm một số kiểu tư duy đơn giản nhất định. Quyển sách này sẽ chỉ ra năm kiểu tư duy và cách áp dụng nó vào việc thiết kế cuộc sống, đó là tính hiếu kỳ, thiên hướng hành động, tái định dạng nhận thức, nhận thức đúng đắn và cộng tác thiết yếu . Chúng là những công cụ thiết kế và nhờ có chúng, ta có thể xây dựng bất cứ thứ gì, kể cả cuộc sống. Tính hiếu kỳ . Sự hiếu kỳ khiến mọi thứ trở nên mới mẻ. Chúng chào mời sự khám phá và quan trọng nhất là tính tò mò sẽ giúp bạn “trở nên may mắn”. Đó là lý do có một số người nhìn thấy cơ hội ở tất cả mọi nơi. Thử nghiệm/Thiên hướng hành động. Khi bạn có khuynh hướng hành động, nghĩa là bạn đang trên đường đến với giải pháp. Không có chuyện chỉ yên vị trên ghế rồi nghĩ xem mình sẽ làm gì, phải dấn thân vào mới biết được. Những nhà thiết kế luôn thử nghiệm mọi thứ, họ cứ thử và đánh giá, tạo mẫu hết lần này đến lần khác, thường xuyên gặp thất bại cho đến khi tìm ra cách hiệu quả để giải quyết được vấn đề. Đôi khi vấn đề họ gặp phải khác xa hoàn toàn với những gì họ nghĩ, nhưng không hề gì vì những nhà thiết kế luôn trân trọng sự thay đổi. Họ không bám lấy một kết quả nhất định nào, bởi họ luôn chú tâm vào điều diễn ra tiếp theo chứ không phải kết quả cuối cùng. Tái định dạng nhận thức. Tái định dạng chính là cách các nhà thiết kế gỡ rối. Tái định dạng cũng đảm bảo chúng ta tìm ra cách giải quyết cho đúng vấn đề trọng yếu. Thiết kế cuộc sống bao gồm những tái định dạng mấu chốt, điều này cho phép bạn lùi lại, xem xét kỹ những khuynh hướng của bản thân, và mở ra những không gian giải pháp mới. Xuyên suốt quyển sách này, chúng tôi sẽ định dạng lại những nhận thức, niềm tin sai lệch đang ngăn cản bạn tìm được sự nghiệp và cuộc sống bạn muốn. Tái định dạng nhận thức là yếu tố cần thiết để tìm ra đúng vấn đề và giải pháp. Nhận thức đúng đắn. Cuộc sống là một tiến trình, chúng ta hầu như đều thấy rằng cuộc sống là một mớ hỗn độn, sẽ có những lúc bạn tiến tới một bước nhưng cảm tưởng như đang đi lùi hai bước. Chúng ta sẽ phạm lỗi, những mẫu thử thất bại sẽ phải bỏ đi, nhưng phần quan trọng của tiến trình này chính là quên đi ý tưởng ban đầu của bạn, quên đi một giải pháp tốt nhưng chưa đủ tuyệt. Và đôi khi những thiết kế tuyệt vời lại được hình thành từ một mớ hỗn độn. Đồ chơi lò xo cầu vồng Slinky đã được tạo ra theo cách ấy, tương tự với nhựa Teflon, keo siêu dính hay đất nặn thủ công Play-Doh. Tất cả những thứ này sẽ không tồn tại nếu không có một nhà thiết kế nào đó làm rối tung mọi chuyện lên. Khi bạn học cách suy nghĩ như một nhà thiết kế, bạn sẽ học cách để ý đến quá trình. Thiết kế cuộc sống là một hành trình, hãy quên đi mục tiêu cuối cùng và chú tâm vào chính quá trình đó để rồi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sự cộng tác thiết yếu. Yếu tố cuối cùng của tư duy thiết kế có lẽ chính là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề thiết kế cuộc sống, đó là sự cộng tác thiết yếu. Ý nghĩa của cụm từ này rất đơn giản: bạn không cô đơn. Những nhà thiết kế tài ba biết rằng những bản thiết kế tuyệt vời nhất đòi hỏi sự cộng tác thiết yếu. Người họa sĩ có thể một mình tạo nên tuyệt tác nghệ thuật bên bờ biển lộng gió. Nhưng một nhà thiết kế không thể một mình tạo nên chiếc điện thoại iPhone, dù có ở bên một bờ biển lộng gió hay không. Cuộc sống của bạn giống với một thiết kế vĩ đại hơn là một tác phẩm nghệ thuật, vậy nên bạn cũng không thể tạo dựng nó một mình. Bạn không cần phải tự mình tạo ra một bản thiết kế cuộc sống rực rỡ huy hoàng. Thiết kế là một quá trình hợp tác, và nhiều sáng kiến tuyệt vời nhất đến từ chính những người xung quanh. Bạn chỉ cần đặt câu hỏi, nhưng phải hỏi sao cho đúng. Trong quyển sách này, bạn sẽ học cách làm sao để người cố vấn và cộng đồng có thể hỗ trợ bạn trong việc thiết kế cuộc sống. Khi bạn tiếp cận thế giới thì thế giới sẽ phản hồi lại, và điều này làm thay đổi mọi thứ. Nói cách khác, thiết kế cuộc sống cũng giống như thiết kế mọi thứ khác, chúng là một môn thể thao đồng đội. Đam mê của chúng tôi là quên đi mọi đam mê Có nhiều người bị vướng vào một niềm tin sai lệch rằng họ chỉ cần tìm ra đam mê thật sự của mình là gì, rồi tất cả mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Chúng tôi ghét ý nghĩ này vì một lý do rất đơn giản: hầu hết mọi người không biết đam mê của họ là gì. Một đồng nghiệp của chúng tôi, William Damon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Thanh thiếu niên Stanford, chỉ ra rằng trong năm người ở độ tuổi từ mười hai đến hai mươi sáu, chỉ duy nhất một người biết được định hướng tương lai, mong muốn trong cuộc sống và lý do cho những điều đó. Thí nghiệm của chúng tôi cũng chỉ ra điều tương tự, 80% những người ở mọi độ tuổi không thật sự biết họ đam mê điều gì. Vậy nên những mẩu hội thoại cùng chuyên viên tư vấn nghề nghiệp thường diễn ra như thế này: Chuyên viên tư vấn: Bạn đam mê điều gì? Người tìm việc: Tôi cũng không biết nữa. Chuyên viên tư vấn: Chà, vậy thì hãy trở lại khi bạn biết mình đam mê gì nhé! Một số chuyên viên tư vấn nghề nghiệp sẽ cho người tìm việc làm thực hiện một bài kiểm tra để biết được đâu là hứng thú và thế mạnh của mỗi người, hoặc để khảo sát kỹ năng của họ, nhưng những ai đã từng làm bài kiểm tra này đều biết rằng kết quả luôn xa rời thực tế. Bên cạnh đó, chuyện biết rằng bạn có thể làm một phi công, một kỹ sư hay một nhân viên sửa chữa bảo trì thang máy không thật sự mang lại lợi ích lớn lao cho cuộc đời bạn. Vậy nên chúng tôi không có chút đam mê gì với chuyện tìm ra đam mê của bạn. Chúng tôi tin rằng con người cần có thời gian để phát triển đam mê của mình. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối với hầu hết mọi người, đam mê đến với họ sau khi họ đã thử một việc gì đó, rồi phát hiện ra mình thích nó và phát triển thế mạnh đó, chứ họ không tìm ra đam mê trước quá trình ấy. Nói ngắn gọn, đam mê là kết quả của một cuộc sống được thiết kế tốt, chứ không phải là nguyên nhân tạo nên cuộc sống ấy. Hầu hết mọi người không có đam mê cho riêng mình, đó vốn là điều tạo nên động lực thúc đẩy tất cả những quyết định trong cuộc sống, cũng như truyền cho bạn những khoảnh khắc thức tỉnh, nhận ra chí hướng và ý nghĩa. Nếu bạn đã nhận ra rằng nghiên cứu về thói quen giao phối và sự tiến hóa của động vật thân mềm từ kỷ Cambria đến hiện tại chính là lẽ sống đời mình, thì chúng tôi tôn trọng bạn. Charles Darwin đã dành ra ba mươi chín năm nghiên cứu về loài giun đất, chúng tôi tôn trọng Charles Darwin. Điều mà chúng tôi không ủng hộ ở đây chính là phương pháp tiếp cận thiết kế cuộc sống xa rời với 80% dân số trên thế giới. Thật sự, hầu hết mỗi người đều đam mê những điều khác nhau, và cách duy nhất để biết được họ muốn làm gì chính là tạo mẫu một vài hướng đi tiềm năng cho cuộc sống, thử nghiệm, và xem hướng đi nào thật sự phù hợp với họ. Chúng tôi rất nghiêm túc về chuyện này, bạn không cần biết về đam mê của mình để có thể xây dựng cuộc sống. Một khi bạn biết cách làm sao để tạo dựng khuôn mẫu cho một hướng đi, tức là bạn đã bước trên con đường khám phá được điều mình thật sự yêu thích, không cần bận tâm đến chuyện liệu nó có phải là đam mê hay không. Bản thiết kế cuộc sống hoàn hảo Một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo là một cuộc sống hợp lý, là cuộc sống của bản chất con người bạn, là hội tụ của điều bạn tin và điều bạn muốn làm. Khi bạn đã có cho mình một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo và có ai đó hỏi bạn: “Dạo này bạn sao rồi?”, thì bạn luôn có một câu trả lời cho họ. Bạn có thể nói với người đó rằng cuộc sống của bạn đang rất ổn, nhưng như thế nào và tại sao mọi thứ lại ổn. Cuộc sống hoàn hảo thật tuyệt diệu vì được lấp đầy bởi những trải nghiệm, phiêu lưu, thất bại cùng những bài học quý báu, những khó khăn giúp bạn mạnh mẽ hơn và hiểu rõ bản thân mình hơn, kể cả những thành tựu và sự thỏa mãn bạn nhận được. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng những thất bại và khó khăn cũng là một phần trong cuộc sống mỗi người, ngay cả với những cuộc sống được thiết kế hoàn hảo. Chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá ra cuộc sống được thiết kế hoàn hảo cho bạn trông như thế nào. Những học viên và khách hàng của chúng tôi chia sẻ rằng việc ấy rất vui thú. Họ cũng bảo nó chứa đựng đầy những bất ngờ. Chúng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng đến một lúc nào đó, nó sẽ khiến bạn bước ra khỏi phạm vi an toàn của chính bản thân bạn. Chúng tôi sẽ đòi hỏi bạn làm một số điều mà có thể bạn sẽ cảm thấy nó đi ngược với lẽ thường tình, hay ít nhất là khác biệt với những gì bạn đã được dạy bảo trước đây. Tính hiếu kỳ Thiên hướng hành động Tái định dạng nhận thức Nhận thức đúng đắn Sự cộng tác thiết yếu Điều gì xảy ra khi bạn làm những việc này? Điều gì xảy ra khi bạn tham gia vào việc thiết kế cuộc sống? Thật ra, một số chuyện lạ thường sẽ xảy ra. Những điều mà bạn muốn có bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Bạn bắt đầu nghe thấy tiếng gọi của những công việc bạn vẫn hằng mơ ước. Những người bạn muốn gặp như thể đều tình cờ xuất hiện xung quanh. Điều gì đang diễn ra ở đây? Đầu tiên, đó chính là trạng thái “trở nên may mắn” mà chúng tôi đã đề cập bên trên. Đây là kết quả của sự tò mò và nhận thức, và cũng là sản phẩm phụ của việc sử dụng năm loại hình tư duy trên. Hơn thế nữa, quá trình khám phá ra bản thân bạn là ai và thực sự muốn gì có một tác động diệu kỳ đến cuộc sống của bạn. Sẽ cần đến nỗ lực và hành động thực sự, nhưng cũng khá là bất ngờ bởi khi ấy dường như mọi người đều cùng chung sức để giúp bạn. Một khi để ý đến quá trình xây dựng cuộc sống này, bạn sẽ có được rất nhiều niềm vui trên chặng đường ấy. Trong suốt quá trình thiết kế cuộc sống, chúng tôi sẽ ở ngay bên bạn. Để dẫn lối cho bạn, để thử thách bạn. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các ý tưởng và công cụ cần thiết đối với việc thiết kế, tạo dựng cuộc sống. Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm được công việc đúng đắn, gây dựng sự nghiệp tốt đẹp, trải nghiệm những thay đổi to lớn. Chúng tôi sẽ giúp bạn thiết kế cuộc sống, một cuộc sống mà bạn yêu thích. 1 Bắt đầu từ vị trí hiện tại C ó một tấm bảng dựng bên ngoài trường thiết kế Stanford, ghi rằng “Bạn Đang Ở Đây”. Các học viên của chúng tôi rất thích tấm bảng đó, có thể thấy ý nghĩa của nó khá rõ ràng rằng không quan trọng bạn đến từ đâu hay định đi đến đâu, nghề nghiệp bạn đang có hoặc nghĩ mình nên có là gì, tư duy thiết kế vẫn có thể giúp bạn xây dựng cuộc sống trước mắt từ vị thế hiện tại của mình, bất kể vấn đề thiết kế mà bạn đang gặp phải là gì. Nhưng trước khi bạn tìm ra được hướng đi đúng đắn để dấn thân, thì bạn cần biết mình đang ở đâu và vấn đề thiết kế đang cần giải quyết là gì. Như chúng ta đã biết, những nhà thiết kế yêu thích những vấn đề. Khi bạn suy nghĩ như một nhà thiết kế, có nghĩa là bạn tiếp cận vấn đề theo một tư duy hoàn toàn khác. Những nhà thiết kế lấy động lực từ những thứ gọi là vấn đề oái oăm. Họ bảo chúng oái oăm không phải bởi vì chúng quỷ quyệt hay xấu xa gì, mà bởi chúng dường như không thể được giải quyết. Thẳng thắn mà nói, bạn sẽ không đọc quyển sách này khi bản thân đã có hết tất cả các câu trả lời, và cuộc sống của bạn chứa đầy ý nghĩa; có lẽ ở một điểm nào đó trong cuộc sống, bạn đang mắc kẹt với một vấn đề trái khoáy, oái oăm. Và đó là vị trí tuyệt vời để bắt đầu. Tìm kiếm vấn đề + Giải quyết vấn đề = Bản thiết kế cuộc sống hoàn hảo Trong tư duy thiết kế, chúng ta chú trọng vào việc tìm kiếm vấn đề không kém gì so với việc giải quyết vấn đề. Bởi suy cho cùng, có nghĩa lý gì khi bạn bỏ công giải quyết sai vấn đề? Chúng ta chú trọng việc này vì thật sự không phải lúc nào ta cũng dễ dàng hiểu được vấn đề của mình là gì. Đôi khi chúng ta nghĩ mình cần một công việc mới hay muốn có một vị sếp mới, nhưng chúng ta thường không thật sự hiểu rõ điều đó có hiệu quả hay không trong chính cuộc sống của mình. Chúng ta thường tiếp cận những vấn đề của bản thân như thể nó là những vấn đề sẽ phát sinh điều gì đó hoặc giảm bớt điều gì đó; trong khi chúng ta chẳng muốn vơ thêm thứ gì vào mình và cũng chẳng muốn vứt bỏ đi thứ gì. Chúng ta muốn có một công việc tốt hơn, có nhiều tiền hơn, thành công hơn, có cuộc sống cân bằng hơn, giảm cân, bớt đi chuyện buồn cùng những nỗi đau. Cũng có khi chúng ta chỉ đơn giản là có chút bất mãn, có cảm giác muốn một điều gì đó khác đi hoặc cần thêm một thứ gì đó. Thường thì chúng ta nhận định vấn đề của mình bằng việc tìm xem đang thiếu sót điều gì. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, điều cốt yếu là: Bạn có những vấn đề của riêng bạn. Những người mà bạn quen biết cũng có những vấn đề của riêng họ. Tất cả chúng ta đều có vấn đề của riêng mình. Đôi khi những vấn đề đó có liên quan đến công việc của chúng ta, đôi khi liên quan đến gia đình chúng ta, hay liên quan đến sức khỏe, tình yêu, tiền bạc,... Đôi khi những vấn đề của ta có thể vượt quá giới hạn đến nỗi ta chẳng buồn cố gắng giải quyết chúng. Chúng ta cứ thế sống chung với lũ – như thể đang sống cùng một đứa bạn chung phòng phiền phức, chúng ta than phiền mãi nhưng chẳng chuyển chỗ ở. Vấn đề của chúng ta tự dưng trở thành câu chuyện đời ta, và chúng ta mắc kẹt trong những câu chuyện đó. Quyết định xem nên giải quyết vấn đề nào có lẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất bạn cần phải đưa ra, bởi vì người ta có thể mất hàng năm trời, thậm chí cả một quãng đời, chỉ để giải quyết sai vấn đề. Dave từng có một vấn đề (thật ra anh ấy có hàng tá vấn đề và có thể nói rằng cả quyển sách này được viết ra dựa trên kinh nghiệm thực tế của anh ấy) nhưng riêng vấn đề này đã khiến anh ấy mắc kẹt nhiều năm trời. Dave định đến Stanford học ngành Sinh học nhưng không những anh nhận ra mình chẳng đam mê sinh học mà còn bị đánh rớt thê thảm. Ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, Dave quyết định rằng mình phải trở thành một kỹ sư nghiên cứu sinh vật biển. Hai nhân vật mang đến niềm tin này cho Dave là Jacques Cousteau và cô giáo Strauss. Jacques Cousteau là anh hùng thời thơ ấu của Dave. Anh xem hết tất cả các tập trong bộ phim tài liệu Thế giới dưới biển của Jacques Cousteau1, ngầm tưởng tượng anh cũng là người sáng chế ra bộ đồ lặn như Jacques. Cậu bé Dave cũng rất thích hải cẩu và tin rằng điều tuyệt vời nhất thế giới chính là được trả tiền để chơi với hải cẩu. 1. Loạt phim tài liệu The Undersea World of Jacques Cousteau , được phát sóng lần đầu năm 1968. Lý do thứ hai khiến anh ấy muốn trở thành một nhà nghiên cứu sinh vật biển có liên quan đến cô Strauss, giáo viên môn sinh học của Dave thời cấp ba. Khi đó, Dave học giỏi đều tất cả các môn, nhưng anh thích nhất môn sinh học. Tại sao ư? Bởi vì anh thích cô Strauss nhất. Cô ấy khiến môn sinh học trở nên thú vị, cô ấy là một giáo viên tuyệt vời. Dave đã lầm lẫn giữa khả năng giảng dạy, khơi dậy niềm hứng thú của cô với niềm đam mê thật sự trong mình. Nếu giáo viên môn thể dục cũng dạy hay như cô Strauss, biết đâu Dave sẽ nghĩ rằng định mệnh của anh là treo chiếc còi nơi cổ và làm trọng tài môn bóng né. Thế nên sự kết hợp những niềm tin sai lầm của Jacques Cousteau và cô Strauss đã khiến Dave giải quyết sai vấn đề trong hơn hai năm trời. Vấn đề anh nghĩ mình cần giải quyết là làm thế nào để trở thành một nhà nghiên cứu sinh vật học hải dương, hay nói cụ thể hơn là làm thế nào để tiếp nối Cousteau khi vị anh hùng ấy qua đời. Dave vào đại học với một niềm tin mạnh mẽ rằng trong tương lai mình sẽ trở thành một nhà sinh vật học hải dương. Bởi Stanford không có chuyên ngành sinh vật học hải dương nên anh quyết định chọn chuyên ngành sinh học. Nhưng anh ấy không yêu thích nổi các lớp học về sinh hóa và sinh học phân tử. Các sinh viên khác đều hăng hái nhưng Dave thì không, bởi ước mơ của anh là được đùa giỡn bên những chú hải cẩu cơ mà. Sau đó, để sửa chữa vấn đề, bao gồm sự chán nản với môn sinh vật và kết quả học hành tệ hại, Dave nghĩ rằng anh cần phải thực hiện những nghiên cứu khoa học thật sự, chẳng hạn như vào phòng thí nghiệm, làm nghiên cứu để tiếp cận gần hơn với loài hải cẩu. Thế nhưng cuối cùng anh chỉ có thể tham gia quá trình nghiên cứu về axit ribonucleic (RNA), thực tế chỉ là ngồi lau rửa ống nghiệm. Công việc rất chán và cuộc sống của anh còn trở nên sầu thảm hơn trước. Hết lần này đến lần khác, trợ giảng môn sinh học và trợ giảng phòng thí nghiệm thắc mắc về quyết định chọn chuyên ngành sinh học của Dave. Dave kể cho họ nghe về cô Strauss, ngài Jacques Cousteau và cả những chú hải cẩu. Nhưng họ sẽ luôn chặn anh lại như sau: “Cậu không giỏi môn sinh học đâu. Cậu không hề thích nó, lúc nào cậu cũng cau có và khó chịu với nó. Cậu nên từ bỏ chuyên ngành này đi. Thứ duy nhất cậu giỏi chính là tranh luận; biết đâu cậu lại phù hợp với nghề luật sư”. Bỏ ngoài tai cơn bão phản đối gay gắt, Dave vẫn cố chấp vì anh đã ghim chặt ý nghĩ này trong đầu nên không ngừng cố gắng giải quyết vấn đề. Anh đã quá chú tâm vào vấn đề do chính bản thân mình suy diễn ra mà không chịu nhìn nhận thực tế – anh không thích hợp với chuyên ngành sinh học. Vốn dĩ ý niệm về định mệnh của đời anh ngay từ đầu đã sai lệch. Đó là trải nghiệm của chúng tôi, sau khi dành nhiều giờ liền ngồi trong văn phòng để nghiệm ra rằng con người ta đã bỏ phí rất nhiều thời gian để sửa chữa sai vấn đề. Nếu may mắn, họ sẽ nhanh chóng thất bại trong một tình huống nào đó để có thể nhận ra những vấn đề đúng đắn hơn. Còn nếu họ không nhận ra điều đó nhưng lại thông minh, họ sẽ thành công – chúng tôi gọi đó là thảm họa thành công – và rồi mười năm sau, họ thức dậy, tự hỏi bản thân là làm thế nào họ lại chịu đựng được đến tận hôm nay, và tại sao họ chẳng thấy hạnh phút chút nào. Bộ sưu tập những thất bại của Dave trong việc trở thành một nhà sinh vật học hải dương ngày càng lớn, đến nỗi cuối cùng anh đành thừa nhận và đổi chuyên ngành học. Anh ấy mất hai năm rưỡi để hiểu ra vấn đề mà mọi người xung quanh chỉ tốn độ hai tuần để nhận thấy. Cuối cùng, anh chọn chuyên ngành kỹ sư cơ khí, học hành tấn tới và cảm thấy hạnh phúc hơn. Dĩ nhiên, vẫn có những ngày anh lại mong được chơi đùa cùng đàn hải cẩu. Tư duy của người mới bắt đầu Nếu Dave biết cách tư duy như một nhà thiết kế ngay từ thời trung học phổ thông, anh ấy đã tiếp cận vấn đề chọn chuyên ngành đại học với tư duy của người mới bắt đầu. Đáng tiếc thay, anh lại cho rằng bản thân đã biết tất cả các câu trả lời trước cả khi đặt ra câu hỏi và tự đánh mất cơ hội khám phá của chính mình. Đáng ra anh ấy phải tìm hiểu chính xác một nhà sinh vật học hải dương sẽ làm những việc gì, lẽ ra anh có thể tìm đến hỏi han kinh nghiệm của những nhà sinh vật học hải dương. Trong khi đó, từ trường học đến Trạm Hàng hải Hopkins, Đại học Stanford chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ lái xe, Dave có thể đến trải nghiệm, dành chút ít thời gian dạo biển xem liệu có cảm thấy tuyệt vời như khi xem qua màn ảnh không. Anh cũng có thể tình nguyện làm việc trên những chuyến tàu nghiên cứu ngoài khơi, hoặc dành thời gian đi thăm những chú hải cẩu. Thay vào đó, anh cứ thế tiến vào cánh cửa đại học với tâm trí định sẵn để rồi rút ra bài học một cách đáng tiếc rằng có thể ý tưởng ban đầu của anh không hề tuyệt vời chút nào. Không phải tất cả chúng ta đều như thế sao? Đã bao nhiêu lần chúng ta vì quá tâm đắc với ý tưởng đầu tiên của mình nên từ chối nhìn thẳng vào nó, dù kết quả mang lại tệ hại đến mức nào? Quan trọng hơn, ta có thật sự tin rằng quả là một ý kiến hay khi để tư duy của một thanh niên mười bảy tuổi tuy sốt sắng nhưng suy nghĩ chưa vững vàng quyết định một việc sẽ theo ta suốt quãng đời còn lại? Đã bao nhiêu lần chúng ta lao theo ý nghĩ đầu tiên và cho rằng chúng ta biết câu trả lời cho mọi thứ, kể cả các câu hỏi mà chúng ta thậm chí còn chưa từng suy ngẫm? Đã bao nhiêu lần chúng ta tự vấn, phân vân không biết liệu chúng ta có đang giải quyết đúng vấn đề? “Một công việc tốt hơn” không phải là giải pháp cho vấn đề “Tôi không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, tôi thà ở nhà chăm con còn hơn”. Chú tâm vào việc giải quyết một vấn đề vô cùng lớn không hẳn đã là đúng đắn nếu nó không hẳn là vấn đề của bạn . Bạn không thể giải quyết vấn đề hôn nhân ở chỗ làm, hay giải quyết một thử thách trong công việc bằng cách ăn kiêng. Tuy điều đó nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng, cũng như Dave, chúng ta vẫn thường tiêu tốn nhiều thời gian để giải quyết sai vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta còn có khuynh hướng vướng vào cái gọi là vấn đề trọng lực . “Mình gặp phải vấn đề này to tát lắm và mình không biết phải làm sao với nó cả.” “Ôi chà, Jane, vấn đề đó là gì vậy?” “Là trọng lực ấy.” “Trọng lực?” “Ừ, nó làm mình phát điên lên được! Mình cứ thấy càng ngày càng nặng nề, mình không còn đạp xe lên dốc dễ dàng được nữa. Mình không biết phải làm sao cả. Cậu có ý kiến gì không?” Ví dụ trên nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng chúng ta rất hay bắt gặp những “vấn đề trọng lực” như thế này. “Thi sĩ không còn kiếm được nhiều tiền trong nền văn hóa của chúng ta nữa, họ không nhận được sự kính trọng mà lẽ ra phải có. Tôi phải làm thế nào đây?” “Tôi đang làm việc tại một công ty cha truyền con nối đã qua năm đời. Không có chuyện một người ngoài như tôi có thể ngồi vào vị trí quản lý đâu. Tôi phải làm thế nào đây?” “Tôi thất nghiệp cũng được năm năm rồi. Bây giờ tôi sẽ khó kiếm việc làm hơn và điều đó chả công bằng gì cả. Tôi phải làm thế nào đây?” “Tôi muốn trở lại trường học, để tốt nghiệp trở thành một bác sĩ, nhưng nó sẽ ngốn của tôi ít nhất là mười năm, tôi không muốn đến tuổi này rồi mà còn phải bỏ ra nhiều thời gian như thế. Tôi phải làm thế nào đây?” Tất cả những vấn đề này đều là vấn đề trọng lực – chúng không phải những vấn đề thật sự. Trong thiết kế cuộc sống, nếu ta không thể hành động để giải quyết một “vấn đề”, thì đó không phải là một vấn đề; mà là một tình huống, trường hợp nào đó, hoặc một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống. Đó có thể được xem là một trở ngại, nhưng, cũng như trọng lực, không phải là một vấn đề để chúng ta tìm cách giải quyết. Mẩu thông tin nhỏ bên trên chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian do chọn sai vấn đề để giải quyết. Thay vào đó, hãy nhớ rằng mọi hành động đều liên quan đến hiện thực, con người chiến đấu với hiện thực đến cùng, bằng tất cả những gì họ có. Cứ hễ bạn xung đột và đấu đá với hiện thực, hiện thực sẽ thắng. Bạn không thể dụ dỗ hiện thực thay đổi, cũng không thể điều khiển nó theo ý muốn của mình. Bạn không thể làm điều đó bây giờ và sẽ không bao giờ có thể. Giải quyết vấn đề trọng lực Nếu bạn cho rằng mình đã đặt ra một câu hỏi quan trọng, việc không kém phần quan trọng là chúng ta cần làm rõ như thế nào là vấn đề trọng lực. Điểm mấu chốt ở đây là giúp bạn tránh việc mắc kẹt trong một vấn đề không thể giải quyết. Chúng tôi nhận ra rằng có hai loại vấn đề trọng lực, một là những điều hoàn toàn không thể thay đổi (ví dụ như bản chất của trọng lực) và hai là những điều không thể thực hiện được nếu chỉ xét riêng một khía cạnh nào đó (ví dụ như thu nhập trung bình của một thi sĩ). Một số bạn sẽ bắt đầu cố suy nghĩ xem điều mà mình đang trăn trở liệu có phải là một vấn đề trọng lực không thể giải quyết được hay là một vấn đề thật sự khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức, sự hy sinh, bên cạnh đó rủi ro thất bại cũng cao nhưng vẫn đáng để ta cố gắng. Hãy cùng nhận định lại những ví dụ về vấn đề trọng lực mà chúng tôi liệt kê ở trên. Vấn đề trọng lực khi đạp xe Để thay đổi trọng lực, bạn sẽ phải thay đổi quỹ đạo của Trái Đất, đó quả là một mục tiêu điên rồ. Hãy quên đi, đồng thời học cách chấp nhận để có thể thoải mái giải quyết những vấn đề xoay quanh tình huống đó. Người đạp xe có thể đầu tư vào một chiếc xe có trọng lượng nhẹ hơn, giảm đi chút cân nặng hoặc tìm hiểu thêm về mặt kỹ thuật để khiến quá trình leo dốc trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề thu nhập của thi sĩ Để thay đổi thu nhập trung bình của các thi sĩ, bạn có thể tìm cách thay đổi thị trường thơ ca và kích thích nhu cầu của mọi người trong việc tìm mua thơ để đọc, và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho tác giả và tác phẩm. Bạn cứ việc thử, hãy viết thư cho các biên tập viên, tổ chức và mời mọi người tham gia đêm thơ tại một quán cà phê nào đó. Mặt khác, bạn có thể “giải quyết vấn đề” này bằng cách chấp nhận nó như là một tình huống nan giải. Khi đó, một cách tự nhiên bạn sẽ giải phóng tâm trí mình để tìm ra những giải pháp hay cho các vấn đề thực sự khác. Vấn đề tìm việc của người đã thất nghiệp năm năm Số liệu thống kê cũng cho thấy nếu bạn thất nghiệp trong một thời gian dài, sẽ rất khó để tìm được việc làm. Thường thì mọi người luôn tránh tình trạng thất nghiệp quá lâu vì điều đó ám chỉ rằng những nhà tuyển dụng đã từ chối đơn xin việc của bạn trong một khoảng thời gian dài, và họ hẳn phải có lý do chính đáng. Đó là một vấn đề trọng lực – bạn không thể thay đổi cách nhìn nhận của những nhà tuyển dụng, thay vào đó sao bạn không thử thay đổi cách mình trình diện trước họ? Bạn có thể tình nguyện thử việc mà chưa vội nhắc đến chuyện lương bổng, bạn có thể tìm kiếm những vị trí không chú trọng tuổi tác trong nhiều ngành nghề khác nhau. Cũng như Dave, khi quyết định trở thành một giáo viên thì độ tuổi của anh lại là một lợi thế, phần nào giúp khẳng định vốn trí thức và sự dồi dào kinh nghiệm; khi ấy anh cũng chẳng buồn cố gắng khẳng định vị thế chuyên gia marketing trước những người chỉ bằng nửa tuổi mình – những người biết anh không còn nhạy bén với công nghệ nữa. Như vậy, ngay cả khi gặp phải thực tại khó khăn, bạn vẫn luôn có thể tự do thử nghiệm thay vì chống lại quy luật tự nhiên. Vấn đề chức vụ tại công ty cha truyền con nối Trong vòng một trăm ba mươi hai năm qua, chỉ những ai mang họ Fiddleslurp mới có thể nắm giữ một vị trí trong ban quản lý công ty, nhưng bạn nghĩ rồi thời cơ cuối cùng cũng đến, và ta sẽ là người phá luật. Nếu bạn cho rằng chỉ cần cố gắng làm tốt công việc của mình và chờ đợi thời cơ, trong vòng ba đến năm năm, vị trí phó giám đốc sẽ là của bạn thì cũng ổn thôi, bạn có thể dành thời gian cho kế hoạch đó. Nhưng mong bạn cũng hãy nhận thức rằng không có chút bằng chứng nào cho thấy tham vọng này của bạn sẽ trở thành hiện thực. Đó là mong muốn của bạn, nhưng bạn đi mua vé số có khi còn khả thi hơn. Bạn vẫn có những lựa chọn khác cơ mà. Bạn có thể chuyển sang làm việc cho một công ty khác, không phải là công ty gia đình cha truyền con nối. Nhưng nếu bạn yêu thích nơi làm việc đó, và địa điểm đó cũng thuận tiện để bạn đưa con đến trường, thì hãy trân trọng những mặt tốt đẹp và chấp nhận sự thật thôi. Bạn có thể duy trì công việc ổn định, nhận một mức lương tốt, trong một công ty đáng tin cậy mà không cần phải ôm thêm vào mình quá nhiều trách nhiệm. Bạn có thể trở nên thạo việc và có được một sự cân bằng tuyệt đối cho đời sống và sự nghiệp của bản thân. Hoặc hơn thế nữa, bạn cũng có thể tạo dựng cho mình những giá trị tốt hơn thay vì tranh đoạt một chức vụ tốt hơn. Bạn có thể tìm ra một lĩnh vực mới, đề bạt lên công ty nhằm phát triển tổ chức và tăng cường lợi nhuận. Sau đó bạn có thể trở thành người quản lý dự án kinh doanh đó, có thể đó là chức vụ cao nhất bạn đạt được và không bao giờ có thể trở thành phó giám đốc, nhưng bạn đã trở thành người chịu trách nhiệm cho nhiều thứ hơn nên biết đâu bạn có thể trở thành quản lý được trả lương cao nhất công ty. Ai cần đến chức danh cơ chứ, khi bạn đã có được mức thu nhập tương xứng với mong muốn của mình. Vấn đề tiêu tốn mười năm để trở thành bác sĩ Đây lại tiếp tục là một vấn đề trọng lực. Trừ khi bạn muốn khởi đầu dự án thiết kế cuộc sống của mình bằng cách tái thiết hệ thống giáo dục y tế, vốn là điều gần như không thể nhất là khi bạn còn chưa có tấm bằng bác sĩ trong tay; bạn chỉ có thể thay đổi suy nghĩ của mình. Hãy nhớ rằng chỉ đến năm thứ hai đại học, bạn mới được phép tiếp xúc với các bệnh nhân và thực hiện thao tác y tế. Hầu hết các nhiệm vụ trong bệnh viện được thực hiện bởi những thực tập sinh đã hoàn thành bốn năm học y và lấy được tấm bằng bác sĩ. Nếu không thể thay đổi cuộc sống, bạn chỉ cần thay đổi tư duy của mình thôi. Bạn có thể chọn đi theo một hướng khác, trở thành điều dưỡng và làm những việc tương tự nhưng rút ngắn được thời gian học, thực tập và thử việc. Hoặc dấn thân vào lĩnh vực an sinh, thực hiện một dự án tiêm phòng hay đầu quân cho công ty bảo hiểm y tế. Điểm mấu chốt chính là đừng để bị mắc kẹt trong những mục tiêu vĩ đại, gắng sức thay đổi toàn bộ thế giới. Bạn có thể mong muốn chống lại tình trạng bất công, chiến đấu vì nữ quyền, phòng tránh hiện tượng nóng lên toàn cầu,... nhưng hãy hành động thông minh. Nếu bạn suy nghĩ thoáng đến mức đủ để chấp nhận thực tại, bạn có thể tự do tái định dạng những vấn đề khả thi và thiết kế một con đường tiến đến mục tiêu thay đổi thế giới, và biết đâu điều đó có hiệu quả. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn theo đuổi, chúng tôi muốn cho bạn một phương án khả thi nhất để bạn có thể sống cuộc sống bạn muốn, tận hưởng cuộc sống đó, và thậm chí là tạo nên sự khác biệt nữa. Chúng tôi sẽ giúp bạn có một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo nhất, một cuộc sống gần gũi với thực tế chứ không phải một thế giới viễn tưởng đầy mộng mơ. Cách giải quyết một vấn đề trọng lực chính là chấp nhận nó, đó là nơi tất cả các nhà thiết kế giỏi bắt đầu, đó là điểm dựng tấm bảng “Bạn Đang Ở Đây”, và cũng là giai đoạn Chấp nhận trong quá trình tư duy thiết kế. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của bản thân chứ không phải từ nơi mà bạn ước mình có thể chạm tới, không phải là nơi bạn hy vọng đến được, không phải là nơi bạn nghĩ bạn nên ở đó. Hãy chỉ bận tâm đến vị trí hiện tại của bạn. Đánh giá thiết kế cuộc sống Để có thể bắt đầu từ vị trí hiện tại, chúng ta cần phân chia cuộc sống thành nhiều mảng khác nhau – Sức khỏe, Công việc, Vui chơi và Tình yêu . Như chúng tôi đã nói, chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào mảng Công việc, nhưng bạn sẽ không thể tìm ra được cách thiết kế cuộc sống nếu bạn chưa tìm ra được cách thiết kế sao cho phù hợp với những khía cạnh còn lại trong cuộc sống của bạn. Cho nên, để bắt đầu ở vị trí hiện tại, chúng ta cần nhận thức được vị trí đó là ở đâu. Chúng ta sẽ xem xét tình huống bằng cách liệt kê ra những khía cạnh của bản thân để đánh giá chúng. Đó là cách giúp chúng ta nhận định được đặc điểm mấu chốt của vị trí hiện tại, đầu tiên ta cần xác định nền tảng cho câu trả lời của mình. Sức khỏe Từ những ngày đầu của nền văn minh nhân loại, những người sáng suốt đã nhận ra rằng sức khỏe rất quan trọng. Sức khỏe bao gồm cả trạng thái khỏe mạnh về tinh thần, thể chất lẫn tâm hồn. Mức độ quan trọng của từng khía cạnh sức khỏe trên phụ thuộc vào bạn. Cách bạn định mức sức khỏe của bản thân là tùy vào bạn, nhưng một khi biết được đâu là sức khỏe thì bạn cần phải chú ý đến nó. Bạn khỏe mạnh như thế nào chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá chất lượng cuộc sống, từ đó trả lời cho câu hỏi “Dạo này bạn sao rồi?”. Công việc Công việc là một cuộc phiêu lưu của loài người, bạn có thể được trả tiền để làm việc đó, cũng có thể không, nhưng đó là điều bạn “làm”. Giả dụ như bạn không tự chủ về tài chính, bạn thường được trả một phần cho công việc của mình. Dù một phút giây thôi, cũng đừng chỉ làm lượng việc xứng đáng với những gì bạn được trả. Hầu hết mọi người đều làm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc. Vui chơi Nhắc đến chơi là nói đến niềm vui, nếu quan sát một đứa trẻ vui đùa, bạn sẽ thấy được định nghĩa vui chơi mà chúng ta đang hướng đến. Vui chơi là bất cứ hoạt động nào mang đến niềm vui cho bạn khi thực hiện nó, cũng có thể bao gồm các hoạt động có tổ chức, các cuộc thi nhưng chỉ khi những điều đó được thực hiện “vì niềm vui” thì mới được gọi là vui chơi . Nếu mục đích đặt ra là để chiến thắng, nâng cao kỹ năng hay đạt được một thành tựu gì đó, thì mặc dù nó có “vui” cũng không thể được xem là vui chơi . Câu hỏi đặt ra ở đây là “Điều gì mang đến cho bạn niềm vui thuần khiết khi thực hiện nó?”. Tình yêu Tất cả chúng ta đều biết tình yêu là gì, chúng ta biết khi nào ta sở hữu nó và khi nào không. Tình yêu khiến thế giới xoay vòng, và khi thiếu đi tình yêu, cảm giác như thế giới này không còn chuyển động nữa. Chúng tôi sẽ không cố gắng để định nghĩa tình yêu và cũng không có một công thức nào để giúp bạn tìm thấy tình yêu đích thực của mình nhưng chúng tôi biết là bạn cần phải chú ý đến nó. Tình yêu thì muôn màu muôn vẻ, từ cộng đồng, bố mẹ cho đến bạn bè, đồng nghiệp, người yêu. Ai cũng cùng chia sẻ những nhu cầu thiết yếu đó của con người, nó như là một mối dây liên kết. Những người xuất hiện trong cuộc đời bạn là ai, tình yêu nảy nở giữa bạn và những người khác là như thế nào? Vị trí của bạn Nhìn chung, không ai có quyền đánh giá hay phán xét bạn về bốn lĩnh vực này của đời sống. Ai trong chúng ta cũng có lúc cần sửa đổi các lĩnh vực này. Ý tưởng lớn ở đây chính là bạn hãy chọn lấy một mảnh đời sống để thiết kế trước, suy ngẫm về cách kiến tạo lĩnh vực ấy của cuộc sống. Nhận thức đúng đắn và tính hiếu kỳ chính là kiểu tư duy bạn cần để bắt đầu xây dựng con đường phía trước. Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn định vị địa điểm hiện tại của mình cũng như vấn đề thiết kế bạn cần giải quyết. Bạn không thể biết được mình sẽ đi đến đâu nếu không nắm rõ vị trí hiện tại. Thật đấy. Vậy nên hãy cùng thực hành bài tập này! Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu Cách để xác định vị trí hiện tại của bạn chính là tập trung vào thứ chúng ta gọi là Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu . Hãy nghĩ về nó như là một chiếc máy đo trên bảng điều khiển xe hơi, thông báo về tình trạng hiện tại của xe: Bạn có còn đủ xăng để hoàn thành cuộc hành trình không? Có đủ dầu nhớt để giúp bộ máy chạy trơn tru hay không? Máy liệu có đang nóng quá không? Tương tự như vậy, Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu sẽ cho bạn biết về bốn khía cạnh của cuộc sống, tiếp cho bạn năng lượng, giúp bạn tập trung vào hành trình cuộc sống, cũng như giữ cho mọi nhân tố trong đó vận hành một cách thật trơn tru. Niềm tin sai lệch: Tôi phải biết mình đang đi về đâu rồi chứ. Tái định dạng nhận thức: Bạn không thể biết mình sẽ đi đâu nếu chưa biết được mình đang ở đâu. Chúng tôi muốn bạn đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân và cách bạn làm việc, cách bạn vui chơi, cách bạn yêu. Sức khỏe chính là nền tảng của tháp đo chúng ta đang xây dựng. Bởi nếu ốm yếu thì không có gì trong cuộc sống của chúng ta tốt đẹp được cả. Làm việc, vui chơi và yêu thương được xây dựng trên nền tảng sức khỏe và đại diện cho ba mảng đời sống mà ta nghĩ là sẽ rất quan trọng, cần được chú ý. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có một sự cân bằng tuyệt đối nào trong những mảng đời sống này. Chúng ta ai cũng có những sự kết hợp khác nhau giữa sức khỏe, công việc, vui chơi và tình yêu trong cuộc sống của mình, tại những thời điểm khác nhau. Một người trẻ độc thân, vừa vào đại học, có thể có dư dả điều kiện sức khỏe, chơi nhiều và làm nhiều, nhưng chưa có một mối quan hệ yêu thương sâu sắc thật sự. Một đôi vợ chồng trẻ có con có cách vui chơi khác hẳn so với khi còn là những người độc thân hay chưa có con. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng trở thành một mối lo ngại lớn. Bạn cần phải có một sự kết hợp hợp lý, và bạn sẽ nhận thức rõ được mình đang ở giai đoạn nào của cuộc sống. Về sức khỏe, chúng tôi khuyên bạn nên suy nghĩ thấu đáo hơn, không phải chỉ đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe là đủ. Một cuộc sống được thiết kế tỉ mỉ cần được hỗ trợ bởi một cơ thể khỏe mạnh, một ý chí kiên cường, và không phải lúc nào cũng thế, nhưng thường là cần một số thói quen tâm linh nhất định. Từ “tâm linh” ở đây không nhất thiết mang ý nghĩa tôn giáo, theo chúng tôi thì thói quen tâm linh dựa trên niềm tin vào một điều gì đó to lớn hơn bản thân mình. Lại một lần nữa, không có một sự cân bằng khách quan tuyệt đối nào khi nói đến những yếu tố sức khỏe này. Chỉ là những nhận thức chủ quan của một cá nhân, hoặc “Tôi có đủ” hoặc “Tôi thiếu gì đó”. Mặc dù sự cân bằng tuyệt đối không phải mục tiêu của chúng ta, nhưng nhìn vào tháp đo này, đôi khi chúng ta có thể thấy nó đang cảnh báo chúng ta rằng có điều gì đó không ổn. Như chiếc đèn báo hiệu khẩn cấp trên bảng điều khiển xe hơi của bạn vậy, tháp đo này có thể được xem như là vật chỉ thị cho chúng ta biết khi nào cần phải tấp vào lề và tìm ra vấn đề nằm ở đâu. Ví dụ, một người chủ doanh nghiệp nọ có tên là Fred, nhìn vào bảng đánh giá cuộc sống của anh ta và nhận ra rằng anh ta dường như không có chút gì trong hạng mục sức khỏe và vui chơi. Bảng đánh giá của anh ta trông như thế này: Fred đã cân nhắc dành thời gian cho vợ và gia đình của anh ấy, những người làm trong ngành khởi nghiệp thường gặp trắc trở trong các mối quan hệ, vậy nên anh ấy rất hài lòng về thước đo tình yêu của mình. Fred sẵn sàng từ bỏ các thú vui của mình để dành trọn thời gian cho dự án khởi nghiệp. Vậy nên sự thiếu cân bằng ở mục vui chơi là ổn đối với anh ấy. Tuy nhiên, bảng đánh giá này đã giúp anh nhận ra rằng mình đã đi quá xa, đặc biệt là trong vấn đề sức khỏe, hạng mục đang ở mức báo động đỏ. “Để trở thành một người chủ doanh nghiệp thật thành công, tài giỏi, đặc biệt là để có thể chịu đựng sức ép lớn của dự án khởi nghiệp, tôi cần phải chăm lo cho sức khỏe của mình, nhất là bây giờ, khi dự án còn đang dang dở”. Fred đã thay đổi đôi chút: anh thuê một huấn luyện viên thể hình cá nhân, bắt đầu đến phòng gym ba lần một tuần, mỗi tuần nghe một quyển sách nói về các chủ đề thử thách trí tuệ hoặc tâm linh mỗi khi di chuyển trên đường. Nhờ sự phối hợp này mà anh ấy làm việc hiệu quả hơn, sự hài lòng dành cho công việc và cuộc sống cũng cao hơn. Debbie, một nhân viên quản lý sản phẩm tại Apple, gần đây đã xin nghỉ ở nhà để chăm hai bé trai sinh đôi. Thế nhưng cô lại rất ngạc nhiên khi nhìn vào bảng đánh giá của mình. “Tôi cứ tưởng rằng bởi vì tôi không còn ‘làm việc’ nữa thì tôi phải bớt đi hạng mục công việc của mình chứ. Nhưng hóa ra nếu tôi xét làm việc nhà và trông hai đứa trẻ là ‘công việc’, thì thực chất tôi còn làm việc nhiều hơn cả trước kia. Và tôi đang làm rất tốt trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần để bảo đảm rằng tôi có thể toàn tâm tận hưởng quãng thời gian tôi có cùng các con. Bảng đánh giá này cũng cho thấy lựa chọn của tôi – ngừng đi làm kiếm tiền để ở nhà cùng lũ trẻ khi chúng còn nhỏ – là một lựa chọn đúng đắn”. Đó là câu chuyện của Fred và Debbie, giờ thì bắt đầu với bảng đánh giá của bạn nào. Thước đo Sức khỏe của bạn Như chúng tôi đã nói, sức khỏe đối với chúng ta mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ xét về mặt thể chất, nó bao gồm cả tâm trí và tinh thần. Việc đánh giá mức độ quan trọng tương xứng với từng khía cạnh đều tùy thuộc vào bạn, hãy thử đánh giá nhanh sức khỏe của bạn và tô vào thước đo trong bảng xem, bạn đang ở mức ¼, ½ , ¾ hay đạt mức tối đa? (Bill cũng đã thử tô vào những thước đo này và chúng tôi sẽ lấy bảng đánh giá của anh ấy làm ví dụ tham khảo.) Cách bạn đánh giá sức khỏe bản thân sẽ liên quan trực tiếp đến cách bạn đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn, và điều bạn muốn thiết kế từ nay trở về sau. Thước đo Sức khỏe Ví dụ của Bill: “Sức khỏe tổng quát của tôi đang trong tình trạng tốt, gần đây thể chất của tôi rất tốt. Lượng cholesterol có hơi tăng, tôi nên giảm cân để có thân hình lý tưởng hơn. Hiện tại tôi không luyện tập gì cả, tôi đang thiếu cân đối, và tôi liên tục thở gấp nếu phải chạy để kịp lên tàu. Tôi đọc và viết về những triết lý cuộc sống, công việc và tình yêu của mình; tôi đọc những nghiên cứu gần đây về tư duy và mối liên kết giữa tư duy với cơ thể, nhưng tôi lại nhanh quên hơn bình thường. Từ khi con trai tôi ra đời (giờ thằng bé đã hai mươi mốt tuổi), tôi đã có một nhóm bạn luôn hướng dẫn và đồng hành cùng tôi trên những chuyến hành trình tâm linh. Tôi đánh giá sức khỏe của mình ở mức ‘một nửa’.” Thước đo Công việc của bạn Hãy lập một danh sách tất cả những cách “làm việc” của bạn và sau đó “đo lường” chúng. Danh sách đó liệt kê những công việc bạn được trả tiền để làm, bao gồm công việc thường trực, làm thêm, và tất cả những hoạt động tình nguyện,... Nếu bạn là một người nội trợ, như Debbie, hãy nhớ rằng nuôi dạy trẻ, chuẩn bị thức ăn cho gia đình, chăm sóc bố mẹ già và làm việc nhà cũng được xem là “công việc”. Thước đo Công việc Ví dụ của Bill: “Tôi làm việc tại Stanford và có tham gia một số hoạt động tư vấn. Tôi diễn thuyết tại các buổi hội thảo Thiết kế Cuộc sống và là thành viên hội đồng quản trị của VOZ – một dự án khởi nghiệp phi lợi nhuận.” Thước đo Vui chơi của bạn Vui chơi là các hoạt động mang lại niềm vui cho bạn khi bạn thực hiện nó với một mục tiêu thuần khiết. Những hoạt động có tổ chức và những nỗ lực vì năng suất cũng được tính, nhưng với điều kiện là để cho vui chứ không vì một công trạng nào. Chúng tôi cho rằng tất cả mọi người đều cần có thời gian vui chơi, đó là một bước thiết yếu trong việc thiết kế cuộc sống. Hãy lập nhanh một danh sách những cách bạn chơi rồi tô vào thước đo của mình. Bạn đang ở mức ¼, ½, ¾ hay đạt mức tối đa? Thước đo Vui chơi Ví dụ của Bill: “ Tôi giải trí bằng cách nấu ăn cho bạn bè và tổ chức những buổi tiệc lớn ngoài trời, nhưng mà chỉ thế thôi.” (Nhân tiện thì Bill nghĩ anh ấy đang ở mức báo động đỏ cho mục này.) Thước đo Tình yêu của bạn Chúng tôi thật sự nghĩ rằng tình yêu khiến cho trái đất này liên tục quay, và khi chúng ta không có tình yêu, thế giới sẽ không thể tươi sáng và sống động như nó đã từng. Chúng ta cũng biết rằng chúng ta cần phải để ý đến tình yêu, và tình yêu thì muôn hình vạn trạng. Những mối quan hệ cơ bản có thể nhắc đến đầu tiên là tình yêu nam nữ, sau đó đến con cái, rồi lần lượt đến tình yêu dành cho con người, thú cưng, cộng đồng và tất cả những đối tượng khác có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Và cảm giác “được yêu” từ người khác cũng thiết yếu không kém gì việc “yêu”, đó phải là một cảm giác song phương. Dòng chảy tình yêu đang theo hướng nào trong cuộc sống của bạn, xuất phát từ bạn và từ người khác? Hãy lập một danh sách, sau đó tô vào thước đo. Thước đo Tình yêu Ví dụ của Bill: “Tình yêu xuất hiện ở rất nhiều nơi trong cuộc sống của tôi. Tôi yêu vợ con tôi, bố mẹ, anh chị em và tôi nhận lại được tình yêu từ họ theo những cách rất riêng của mỗi người. Tôi yêu những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, đặc biệt là tranh vẽ, và chúng khiến tôi xúc động theo một cách đặc biệt. Tôi yêu tất cả các thể loại âm nhạc, chúng có thể khiến tôi hạnh phúc, cũng có thể khiến tôi khóc. Tôi yêu những không gian rộng lớn trên thế giới này, cho dù có là nhân tạo hay tự nhiên thì chúng cũng đều khiến tôi mê mẩn.” Tóm lại, nhìn vào bảng đánh giá của Bill, ta có thể thấy đôi chút thiếu sót ở hạng mục vui chơi và sức khỏe. Những “tín hiệu khẩn” này chỉ ra các khía cạnh cuộc sống mà Bill cần phải chú tâm hơn. Vị trí hiện tại của bạn Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu sẽ cho bạn cái nhìn khái quát về bản thân. Chỉ có bạn mới biết điều gì là tốt và chưa tốt ở thời điểm hiện tại. Sau một vài chương nữa, cùng với một vài công cụ cũng như ý tưởng khác, có thể bạn sẽ muốn quay lại với mô hình đánh giá này và kiểm tra lại một lần nữa xem có gì thay đổi không. Bởi thiết kế cuộc sống là một quá trình không ngừng nghỉ của việc tạo mẫu và thử nghiệm, trên đoạn đường đó có rất nhiều chông gai. Nếu bạn bắt đầu suy nghĩ như một nhà thiết kế, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống này chẳng bao giờ kết thúc, công việc không bao giờ kết thúc, hoạt động vui chơi, tình yêu và sức khỏe cũng không bao giờ kết thúc. Chúng ta chỉ thật sự kết thúc quá trình thiết kế cuộc sống khi chúng ta chết. Cho đến lúc đó, chúng ta vẫn mắc kẹt vào một vòng xoáy mang tên “đời không như là mơ”. Vậy nên câu hỏi ở đây là: Giờ đây bạn có hạnh phúc với những thước đo đời sống của mình? Bạn có thành thật đối diện với nó? Có mảng đời sống nào bạn cần phải cải thiện? Bạn đã thử đối mặt với một trong những vấn đề oái oăm của mình chưa? Hãy trả lời thật thẳng thắn và chi tiết, vì bạn hoàn toàn có thể, ngay cả khi đây chỉ mới là giai đoạn đầu của quá trình. Nếu bạn nghĩ bạn đã thử làm điều đó rồi, thì trước tiên nhớ kiểm tra xem có vấn đề trọng lực nào không nhé. Hãy hỏi bản thân bạn xem vấn đề đó có thể được giải quyết hay không. Hãy xem xét tính cân đối của bảng đánh giá, nó rất quan trọng cho việc thiết kế. Đừng cố gắng đạt đến sự cân bằng tuyệt đối giữa các mảng đời sống, nhưng nếu các thước đo cho thấy cuộc sống thật sự mất cân bằng, đó có thể là một vấn đề đấy. Bill để ý rằng thước đo vui chơi của anh ấy quá thấp. Còn bạn thì sao? Thước đo vui chơi của bạn có đang ở mức một nửa và thước đo công việc đang ở mức cao nhất, thậm chí hơn thế? Còn tình yêu thì sao? Sức khỏe thì sao? Sức khỏe tinh thần của bạn như thế nào, và tâm hồn của bạn như thế nào? Chúng tôi đoán rằng bạn chắc đã bắt đầu nhận ra mảng nào trong cuộc sống của mình cần được thiết kế và cải tiến rồi nhỉ? Vì bạn đã quen dần với tư duy thiết kế, hãy ghi nhớ thêm một điều quan trọng: Chúng ta không thể dự đoán được tương lai, khi bạn thiết kế một thứ gì đó, điều đó có khả năng thay đổi tương lai. Vậy nên, mặc dù bạn không thể biết trước tương lai, hay biết được đâu là một bản thiết kế cuộc sống hoàn hảo trước khi bắt tay vào hành động, bạn ít nhất vẫn có thể có một ý tưởng tuyệt vời cho điểm khởi đầu. Giờ đây đã đến lúc bạn chọn đúng hướng đi cho hành trình phía trước của mình. Để làm được điều đó, bạn sẽ cần một chiếc la bàn tốt. Thử nghiệm Bảng đánh giá Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu 1. Viết mô tả về từng lĩnh vực sức khỏe, công việc, vui chơi, tình yêu của bạn trong thời điểm hiện tại. 2. Đánh dấu trên thước đo. 3. Tự hỏi bản thân xem liệu bạn có muốn tìm cách giải quyết cho vấn đề thiết kế nào trong số bốn lĩnh vực trên hay không. 4. Tự hỏi xem liệu “vấn đề” của bạn có phải là vấn đề trọng lực hay không. 2 Chế tạo “la bàn” C húng tôi chỉ có ba câu hỏi dành cho bạn: Tên bạn là gì? Điều bạn đang tìm kiếm là gì? Tốc độ bay của con chim nhạn là bao nhiêu? Nếu bạn giống với đa số mọi người thì phía trên có hai câu hỏi mà bạn dễ dàng trả lời. Tất cả chúng ta đều quá quen với việc giới thiệu tên họ và chỉ cần truy cập Google là biết ngay tốc độ bay của một chú chim nhạn: 24 dặm/giờ. Giờ thì hãy bàn đến câu hỏi có phần hóc búa hơn: Điều bạn đang tìm kiếm là gì? Không khó để nhận ra rằng chúng ta vẫn thường cố tìm cách xoay xở trong cuộc sống. Một vài người trong số chúng ta thậm chí còn dành thời gian để trăn trở về đời sống nhiều hơn là thật sự sống. Chúng ta đều lo lắng cho cuộc sống của mình, không ngừng phân tích về đời sống, thậm chí suy đoán về nó. Tiếc thay, sự lo lắng, phân tích và suy đoán không phải là những công cụ giúp ta khám phá về cuộc sống. Hầu như ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy lạc lối và bối rối, đôi khi ta như mắc kẹt vào cái vòng luẩn quẩn và dành hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí nhiều năm liền chỉ để ngồi đó, cố tìm ra điều tiếp theo mình cần làm. Đó không phải là thiết kế cuộc sống. Đó là bị ám ảnh về cuộc sống. Chúng tôi có mặt ở đây để cùng bạn thay đổi điều đó. Và cuối cùng, những câu hỏi chúng tôi đặt ra cũng chính là những câu hỏi mà người Hy Lạp cổ đại đã đặt ra từ thế kỷ thứ năm trước Công nguyên: Một cuộc sống tốt đẹp là gì? Làm thế nào để định nghĩa nó? Làm sao để sống một cuộc đời như thế? Nhiều năm trôi qua, con người hiện nay vẫn tiếp tục đặt ra những câu hỏi: Tại sao tôi lại ở đây? Tôi đang làm gì thế này? Tại sao nó lại là vấn đề? Mục tiêu của tôi là gì? Mục đích của tất cả những việc này là gì? Thiết kế cuộc sống là một cách để bạn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi muôn thuở, và cũng là cách để bạn định nghĩa về cuộc sống tốt đẹp cho riêng mình. Câu trả lời của Dave cho những câu hỏi trên sẽ khác hoàn toàn so với câu trả lời của Bill. Và câu trả lời của chúng tôi tất nhiên sẽ khác với câu trả lời của bạn. Nhưng chúng ta đều có chung những câu hỏi đó. Và chúng ta đều đang kiếm tìm câu trả lời cho chính cuộc sống của mình. Ở chương trước, bạn đã trả lời một trong những câu hỏi yêu thích của chúng tôi – “Dạo này bạn sao rồi?” – một câu hỏi mà chúng ta thường xuyên dùng để hỏi thăm nhau về công việc. Nếu bạn đã hoàn thành bảng đánh giá của mình ở phần trước, giờ bạn đã biết rằng khía cạnh nào là ổn thỏa, khía cạnh nào đang bị bỏ mặc, và bạn cũng xác định được khía cạnh mà mình cần tập trung vào đầu tiên khi bắt đầu thiết kế cuộc sống. Bước tiếp theo chính là chế tạo một chiếc “la bàn” cho riêng bạn. Chế tạo chiếc la bàn của riêng bạn Để làm cho mình một chiếc la bàn, trước tiên bạn cần hiểu về quan điểm làm việc và quan điểm sống . Công việc có ý nghĩa như thế nào với bạn, bạn làm việc vì mục đích gì? Vì sao bạn lại làm công việc đó? Nếu bạn có thể tìm ra và liên kết những triết lý về công việc thì có lẽ bạn không phải là người sẽ để ai khác thiết kế cuộc sống của mình. Việc phát triển một quan điểm về công việc cho riêng mình chính là một phần trong việc chế tạo chiếc la bàn của cuộc đời, phần còn lại chính là quan điểm sống. Bàn về quan điểm sống nghe có vẻ hơi cao siêu, nhưng thật ra điều này rất bình thường, ai trong chúng ta cũng có quan điểm sống. Có thể bạn chưa từng nghĩ đến nó trước đây, nhưng bạn còn sống tức là bạn vẫn có quan điểm sống. Quan điểm sống đơn giản là ý kiến của bạn về thế giới và cách vận hành của nó. Điều gì khiến cuộc sống này ý nghĩa? Điều gì khiến cuộc sống này có giá trị và đáng để sống? Cuộc sống của bạn liên quan thế nào đến cuộc sống của những cá thể khác, ví dụ như gia đình, cộng đồng và thế giới này? Tiền bạc, danh vọng và những thành tựu cá nhân liên quan gì đến sự hài lòng? Vai trò của kinh nghiệm, sự phát triển và sự đủ đầy trong cuộc sống của bạn? Sau khi đã viết ra quan điểm làm việc và quan điểm cuộc sống của bạn, rồi hoàn thành bài tập vận dụng cuối chương, bạn sẽ có được một chiếc la bàn cho riêng mình và lên đường tiến đến một cuộc sống được thiết kế tỉ mỉ. Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu là quan điểm làm việc và quan điểm sống của bạn một ngày nào đó có thể thay đổi. Hệ quan điểm của một thiếu niên, một sinh viên đại học hay một cặp vợ chồng già về cơ bản là khác nhau. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là bạn không nhất thiết phải dành cả cuộc đời của mình để tìm hiểu tường tận về tất cả mọi thứ; bạn chỉ cần tạo ra một chiếc la bàn chỉ cho bạn thấy cuộc sống sẽ đưa bạn đi đến đâu mà thôi. Parker Palmer, một nhà cải cách giáo dục nổi tiếng, đồng thời là tác giả quyển sách Let Your Life Speak , nói rằng có lúc ông bỗng nhận ra mình đang làm một công việc cao quý bằng cách sống cuộc đời của người khác. Parker đã tích cực noi gương những vị anh hùng của mình, đó là Martin Luther King và Gandhi – những nhà đấu tranh vĩ đại vì công bằng xã hội. Ông vô cùng tôn trọng ý kiến và mục đích sống của họ, nên ông ấy chọn đi trên con đường được dẫn lối bởi chiếc la bàn của hai vị anh hùng kia, chứ không phải chiếc la bàn của chính ông. Và cũng từ đó, Parker miệt mài cố gắng để thay đổi hệ thống giáo dục. Ông nhận học vị Tiến sĩ tại Đại học Berkeley và theo đuổi mục tiêu trở thành Hiệu trưởng tại đó. Mọi chuyện đều ổn thỏa và tốt đẹp, nhưng thật lòng Parker lại thấy ghét bỏ cuộc đời mình. Đó là khi ông nhận ra rằng mình có thể được truyền cảm hứng từ những con người vĩ đại như Martin Luther King và Gandhi, nhưng không có nghĩa là ông phải đi theo con đường của họ. Cuối cùng ông quyết định tái thiết kế cuộc sống của mình, trở thành nhà lãnh đạo tư duy và nhà văn. Ông vẫn theo đuổi mục tiêu lúc trước, nhưng theo cách của riêng mình chứ không còn đi sau bất kỳ ai. Điều chúng tôi muốn nói đến ở đây là, rất nhiều người có tiếng nói trên thế giới này, và trong suy nghĩ của chúng ta cũng tồn tại rất nhiều tiếng nói uy lực. Chúng luôn bảo ta phải làm gì hay trở thành con người như thế nào, bởi có quá nhiều hình mẫu cuộc sống mà bản thân muốn noi theo, tất cả chúng ta đều làm liều. Parker chính là một ví dụ, ông đã vô tình sử dụng chiếc la bàn của một người khác và sống cuộc sống của một người khác. Cách tốt nhất để tránh khỏi việc này chính là nhận định rõ quan điểm làm việc và quan điểm sống của bản thân. Từ đó chúng ta có thể tạo ra chiếc la bàn độc nhất cho mình. Mục tiêu cuộc sống của chúng ta khá là đơn giản, đó là một cuộc sống có tính chặt chẽ , gắn kết được cả ba điều này với nhau: Con người của tôi Niềm tin của tôi Hành động của tôi Nếu trong quan điểm sống của mình, bạn muốn hành tinh này trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho thế hệ sau, nhưng bạn lại làm việc cho một công ty lớn vẫn đang gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp; thì dù được trả lương cao bạn vẫn sẽ thấy điều mình làm đang gây lung lạc niềm tin của bản thân. Điều này dẫn đến sự thất vọng và bất mãn. Hầu hết chúng ta ai cũng phải đánh đổi và thỏa hiệp về rất nhiều thứ trong cuộc sống, bao gồm cả những điều mà bạn chẳng hề muốn. Nếu quan điểm sống của bạn là chỉ có nghệ thuật mới đáng để bản thân theo đuổi, nhưng quan điểm làm việc của bạn lại cho thấy quan trọng nhất vẫn là đồng tiền – để nuôi con và trang trải cuộc sống – thì khi đó bạn sẽ phải thỏa hiệp với quan điểm sống, vì con bạn vẫn còn phải phụ thuộc vào bạn. Nhưng điều đó vẫn ổn thôi, bởi vì đó là một quyết định dựa trên lý trí. Nó giúp bạn đi “đúng hướng” và sống chặt chẽ. Sống chặt chẽ không có nghĩa là mọi thứ lúc nào cũng phải được sắp xếp theo một trình tự hoàn hảo. Nó chỉ đơn giản là bạn sống đúng với những giá trị của bản thân và không cần phải hy sinh sự liêm khiết. Một khi bạn có một chiếc la bàn tốt để đưa đường dẫn lối, bạn sẽ có khả năng giảm thiểu những lần thỏa hiệp tương tự. Nếu bạn có thể thấy sợi dây liên kết giữa con người bạn với điều bạn tin tưởng và điều bạn làm, có nghĩa là bạn sẽ biết được khi nào mình đang đi đúng hướng, chỗ nào cần phải thỏa hiệp và ở đâu cần phải theo một định hướng rõ ràng. Kinh nghiệm mà chúng tôi có với những sinh viên của mình đã cho thấy khả năng liên kết ba điểm mấu chốt ấy với nhau sẽ giúp nâng cao năng lực nhận thức của chính bạn để tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa hơn và đạt được mức độ hài lòng cao hơn. Điều bạn đang tìm kiếm là cách thiết kế cuộc sống, chúng ta có thể đều muốn cùng một số thứ trong đời: sống thật khỏe mạnh và thật lâu, làm công việc mình yêu thích, được yêu thương và có những mối quan hệ ý nghĩa, cuộc sống tràn ngập niềm vui. Nhưng cách mỗi người nghĩ về việc có được chúng lại rất khác nhau. Vậy nên giờ đã đến lúc bạn cần tạo cho riêng mình một chiếc la bàn. Suy nghĩ cá nhân về quan điểm làm việc Hãy viết ra những suy nghĩ cá nhân về quan điểm làm việc của bạn. Chúng tôi không yêu cầu bạn phải viết cả bài báo cáo đâu và cũng không chấm điểm hay đánh giá gì. Chỉ là chúng tôi muốn bạn thật sự viết nó ra giấy, đừng chỉ nghĩ trong đầu. Trong khoảng ba mươi phút, hãy cố gắng ghi chú lại, gói gọn suy nghĩ của bạn trong hai trăm năm mươi từ. Quan điểm làm việc cần nêu ra được những vấn đề cốt lõi liên quan đến định nghĩa của bạn về một công việc tốt và ý nghĩa của công việc đối với bạn. Không đơn giản chỉ là một danh sách những gì bạn muốn đạt được từ công việc, bạn cần đưa ra nhận định chung về quan điểm của bản thân đối với công việc, quan điểm làm việc của bạn có thể bao gồm câu trả lời cho những câu hỏi sau: Tại sao lại là công việc đó? Mục tiêu của công việc đó là gì? Công việc đó có ý nghĩa gì? Công việc đó liên quan gì đến cá nhân bạn, những người khác và xã hội? Điều gì tạo nên một công việc tốt và có giá trị? Tiền bạc có mối quan hệ như thế nào với công việc? Kinh nghiệm, sự phát triển và khả năng đáp ứng có mối liên hệ như thế nào đối với công việc? Trong những năm tháng chúng tôi giúp đỡ mọi người với bài tập này, chúng tôi để ý thấy rằng “quan điểm làm việc” là một khái niệm khá mới mẻ đối với hầu hết mọi người, và mọi người mắc kẹt trong bài tập này là do họ không thể viết ra những điều họ trông đợi ở một công việc. Nếu như đây là một tình huống tuyển dụng, điều này đồng nghĩa với việc họ không thể viết ra được một bản mô tả công việc. Thông qua bài tập này, chúng tôi vẫn không có hứng thú với việc bạn muốn làm, nhưng chúng tôi rất quan tâm đến lý do tại sao bạn lại làm công việc đó. Điều chúng tôi theo đuổi ở đây chính là triết lý về công việc mà bạn đưa ra, bạn làm việc vì mục đích gì, và công việc đó có ý nghĩa gì. Điều bạn đưa ra có thể trở thành một bản tuyên ngôn công việc của chính bạn. Khi sử dụng cụm từ “công việc”, chúng tôi hướng đến một định nghĩa bao quát hơn: không chỉ là những công việc giúp bạn kiếm ra tiền, hay là “việc làm”. Công việc thường là yếu tố lớn nhất trong cuộc sống của mỗi người, và càng ngày chúng càng ngốn nhiều sự tập trung và năng lượng của ta hơn bất kể yếu tố nào khác trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi khuyên bạn nên dành thời gian để suy nghĩ thật kỹ và nắm rõ công việc cũng như thiên hướng nghề nghiệp có ý nghĩa gì đối với bạn. Hơn thế nữa, nếu có thể thì bạn hãy nêu luôn rằng công việc đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với người khác. Quan điểm làm việc có thể, và thật sự, rất đa dạng và rộng lớn. Đa dạng ở những khía cạnh họ nhắm đến, cách họ kết hợp những vấn đề khác nhau lại với nhau, ví dụ như suy nghĩ của mọi người về địa vị, về thế giới, về tiền bạc và tiêu chuẩn sống, về sự phát triển, học vấn, kỹ năng và tài năng. Tất cả những vấn đề này đều có thể là một phần của phương trình chúng ta cần giải. Chúng tôi muốn bạn chỉ ra những điều bạn cho là quan trọng. Bạn không cần phải đưa ra những câu hỏi liên quan đến tầm quan trọng của vị thế đối với mỗi người, hay bất cứ vấn đề cụ thể nào liên quan đến xã hội. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhà tâm lý học tích cực Martin Seligman thì những người thấy được mối liên hệ giữa công việc của họ và mục tiêu ý nghĩa về mặt xã hội sẽ dễ tìm thấy sự hài lòng hơn. Họ cũng giỏi hơn trong việc thích ứng với những áp lực thông thường và những thỏa hiệp cần có trong quá trình làm việc. Có nhiều người nói với chúng tôi rằng họ mong mỏi có được một công việc giàu ý nghĩa, tất cả những gì chúng tôi làm là khuyến khích họ đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, tức là viết ra ý kiến của họ về quan điểm làm việc. Chiếc la bàn của bạn sẽ không hoàn thiện nếu thiếu đi những bước đó. Suy nghĩ cá nhân về quan điểm sống Tương tự như điều bạn đã làm với quan điểm làm việc, hãy viết ra suy nghĩ của cá nhân bạn về quan điểm sống. Lần này cũng tiếp tục không nên tốn hơn ba mươi phút và viết trong phạm vi hai trăm năm mươi từ. Dưới đây là một số câu hỏi thường được đặt ra về quan điểm sống, chỉ là để giúp bạn khởi đầu dễ dàng hơn. Mấu chốt là hãy viết ra những nhận định và những yếu tố cơ bản về cách bạn hiểu về cuộc sống. Quan điểm sống sẽ cung cấp cho bạn định nghĩa về những vấn đề xoay quanh các mối lưu tâm cơ bản – những điều khiến bạn lo nghĩ nhiều nhất. Tại sao chúng ta lại ở đây? Ý nghĩa và mục đích của cuộc sống là gì? Mối quan hệ giữa cá nhân bạn với những người khác là gì? Địa vị của gia đình, đất nước và cả thế giới trong bạn? Đâu là điều tốt, đâu là điều xấu? Liệu có tồn tại một Đấng Tối Cao hoặc các vị thần thánh? Nếu có thì họ ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của bạn? Vai trò của niềm vui, nỗi buồn, công lý, tình yêu, hòa bình và sự xung đột trong cuộc sống của bạn là gì? Chúng tôi nhận thấy những câu hỏi này có phần nào giống với những câu hỏi tâm lý, bạn thấy đấy, thiết kế là một công việc trung lập, và chúng tôi không nghiêng về phía lập trường nào cả. Những câu hỏi này, bao gồm luôn câu hỏi về vấn đề tâm linh, được đưa ra để kích thích tư duy của bạn, và bạn muốn trả lời câu hỏi nào là tùy thuộc vào bạn. Chúng không nhằm mục đích châm ngòi tranh luận cho các vấn đề tôn giáo và chính trị, không có câu trả lời nào là sai, không có quan điểm sống nào là lệch lạc; cách duy nhất để trả lời sai là không trả lời gì cả. Hãy tò mò và suy nghĩ như một nhà thiết kế, đặt ra những câu hỏi mà bạn thấy có ý nghĩa với mình; hãy khám phá và xem bạn sẽ tìm được những gì. Bạn đã sẵn sàng chưa? Bắt đầu viết câu trả lời của mình ra giấy đi nào! Mối liên hệ chặt chẽ giữa quan điểm làm việc và quan điểm sống Giờ thì hãy đọc lại quan điểm làm việc và quan điểm sống của bạn, rồi viết ra một vài suy nghĩ của mình để trả lời các câu hỏi sau: Điểm nào trong quan điểm sống và quan điểm làm việc của bạn bổ trợ cho nhau? Điểm nào mâu thuẫn với nhau? Có quan điểm nào chèn ép bên còn lại không? Như thế nào? Xin hãy dành chút thời gian để viết ra những suy nghĩ của bạn về sự kết hợp giữa hai quan điểm này. Những sinh viên của chúng tôi nói rằng đây chính là lúc họ có được nhiều khoảnh khắc “A ha!” nhất. Vậy nên mong bạn hãy thực hiện bài tập này thật nghiêm túc và suy nghĩ kỹ càng về sự kết hợp giữa hai quan điểm của mình. Trong hầu hết các trường hợp, bài tập phản ánh suy nghĩ cá nhân này sẽ giúp bạn thay đổi vài điểm trong một bên quan điểm, đôi khi là trong cả hai. Nhờ việc kết hợp nhịp nhàng giữa quan điểm làm việc và quan điểm sống, cuộc sống của bạn sẽ trở nên rõ ràng, sáng suốt, chặt chẽ và giàu ý nghĩa hơn. Khi đó, những yếu tố như con người của tôi, niềm tin của tôi và hành động của tôi dường như hòa hợp lại thành một khối thống nhất; rồi bạn có thể tạo nên một chiếc la bàn chính xác cho cuộc sống và không bao giờ đi sai đường hay chệch khỏi hướng mà bạn muốn tiến tới. Hướng Chính Bắc Giờ đây bạn đã có một quan điểm sống và quan điểm làm việc rõ ràng, thích hợp, vốn dĩ hai quan điểm này được nhận định rõ ràng cũng là nhằm mục đích giúp bạn xác định được đâu là hướng Chính Bắc. Hai quan điểm này kết hợp lại giúp bạn tạo nên chiếc la bàn của riêng mình. Chúng sẽ giúp bạn biết mình có đang đi đúng hướng hay không, bởi rất hiếm khi người ta có thể nhẹ nhàng chèo thuyền trên dòng chảy cuộc sống mà vẫn giữ cho mình một trạng thái nhàn nhã. Trên thực tế, tất cả những người chèo thuyền đều biết rằng để đến đích, họ không thể hướng con thuyền đi theo một đường thẳng băng, mà còn phải trở buồm tùy theo hướng gió và điều kiện thời tiết. Để hướng đến Chính Bắc, bạn có thể đi theo hướng này, rồi lại rẽ sang đằng khác, đôi khi bạn phải cho thuyền cập sát gần bờ để tránh vùng nước nguy hiểm; nếu rủi thay bão ập đến, bạn đối diện với nguy cơ mất phương hướng, thậm chí có thể bị lật thuyền. Có những lúc sẽ rất tốt nếu bạn có quan điểm sống và quan điểm làm việc phù hợp với việc tái định hướng bản thân. Bất cứ lúc nào bạn bắt đầu cảm thấy cuộc sống của mình đi chệch hướng, hay khi bạn phải trải qua một chuyển biến lớn, bạn nên kiểm tra lại la bàn cuộc sống của mình. Chúng ta cần làm việc này ít nhất mỗi năm một lần – kiểm tra định kỳ xem quan điểm làm việc và quan điểm sống của bạn có còn phù hợp hay không. Bất cứ khi nào bạn thay đổi tình thế, hay theo đuổi một điều mới mẻ, hoặc thắc mắc không biết bản thân đang làm gì thì hãy dừng lại. Trước khi bắt đầu bước đi, tốt hơn hết là kiểm tra la bàn trước để định hướng, sau đó bạn chỉ cần tìm lối đi cho mình thôi. Suy cho cùng thì đây chính là điều mỗi người trong chúng ta luôn tìm kiếm. Niềm tin sai lệch: Tôi luôn biết mình đang đi đâu! Tái định dạng nhận thức: Không phải lúc nào tôi cũng biết mình đang đi đâu nhưng tôi luôn xác định được liệu mình có đang đi đúng hướng hay không. Thử nghiệm Quan điểm làm việc và quan điểm sống 1. Viết một đoạn ngắn nêu lên suy nghĩ cá nhân về quan điểm làm việc của bạn. Gói gọn việc này trong khoảng ba mươi phút và hai trăm năm mươi từ. 2. Viết một đoạn ngắn nêu lên suy nghĩ cá nhân về quan điểm sống của bạn. Cũng gói gọn việc này trong khoảng ba mươi phút và hai trăm năm mươi từ. 3. Đọc lại một lần nữa quan điểm sống và quan điểm làm việc của bạn, sau đó trả lời từng câu hỏi sau: Điểm nào trong quan điểm sống và quan điểm làm việc của bạn bổ trợ cho nhau? Điểm nào mâu thuẫn với nhau? Có quan điểm nào chèn ép bên còn lại không? Như thế nào? 3 Định hướng M ichael từng là một chàng “hot boy” sống ở miền Trung California, cả cuộc đời cậu xoay quanh việc chơi thể thao, tụ tập cùng bạn bè và tận hưởng cuộc sống vô lo. Michael chẳng tốn chút thời gian suy nghĩ hay hoạch định cho tương lai của mình. Cậu ấy chỉ làm xong những nhiệm vụ trước mắt mỗi ngày và cuộc sống có vẻ vô cùng suôn sẻ. Trái lại, mẹ cậu thì lại cực kỳ thích lập kế hoạch, bà ấy lên kế hoạch cho việc học đại học, chọn trường để đăng ký và thậm chí chọn luôn chuyên ngành cho cậu ấy. Cuối cùng Michael nhập học tại Đại học Bách khoa California, chuyên ngành kỹ sư xây dựng. Michael không hẳn là có hứng thú với việc trở thành một kỹ sư xây dựng, cậu chỉ làm theo kế hoạch mẹ mình đã vạch ra.Michael tốt nghiệp đại học với điểm số khá ổn. Sau đó, cậu gặp gỡ và có tình cảm với Skylar, cô gái vừa tốt nghiệp đại học và quyết định chuyển đến Amsterdam để nhận công việc chuyên viên tư vấn. Vậy nên Michael đã đi cùng Skylar và cũng nhận một công việc kỹ sư xây dựng mang lại nhiều cơ hội và thù lao rất tốt. Một lần nữa, Michael hạnh phúc bước đi trên đường đời đã định sẵn cho cậu ấy. Chưa một lần nào cậu dừng lại để ngẫm nghĩ xem mình muốn làm gì, hay muốn trở thành một người như thế nào. Cậu chưa bao giờ tự nhận định về quan điểm sống hay quan điểm làm việc của bản thân, để mặc người khác tác động và định hướng cho mình; và cho tới thời điểm đó, mọi thứ đều ổn thỏa. Sau thời gian sống ở Amsterdam, Michael chuyển về California cùng Skylar, giờ đã là vợ của cậu ấy, người may mắn tìm được một công việc tuyệt vời mà cô ấy yêu thích. Còn Michael thì xin vào làm việc cho một công ty xây dựng gần đó, từ lúc ấy mọi rắc rối bắt đầu. Cậu ấy vẫn làm tất cả những công việc mà kỹ sư xây dựng thường làm, nhưng giờ đây cậu cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi và khốn khổ. Cảm giác ấy khiến Michael trở nên bối rối, cậu không biết phải làm gì. Lần đầu tiên trong đời, kế hoạch của cậu không được suôn sẻ, và cũng không có một hướng đi sẵn có nào cả nên cậu ta hoàn toàn lạc lối. Niềm tin sai lệch: Công việc không cần phải là một điều thú vị. Tái định dạng nhận thức: Sự hứng thú chính là biển chỉ dẫn giúp bạn tìm thấy công việc thích hợp với bản thân. Michael đã nhận được rất nhiều lời khuyên. Vài người bạn gợi ý cậu thành lập một công ty xây dựng của riêng mình, họ tin rằng vấn đề nằm ở chỗ cậu đang phải làm việc cho người khác. Bố vợ cậu thì lại bảo: “Con là một chàng trai thông minh, lại còn là kỹ sư nữa nên chắc chắn sẽ giỏi toán. Con nên làm trong mảng tài chính, hay là con thử làm nhân viên môi giới chứng khoán đi”. Michael nghĩ về tất cả những gợi ý cậu nhận được và bắt đầu tính toán đến chuyện nghỉ việc, sau đó quay lại trường để học tài chính, hoặc kinh doanh. Cậu ấy xem xét tất cả những lựa chọn này, đơn giản bởi chính cậu còn không biết thật sự vấn đề nằm ở chỗ nào. Là cậu ấy không hợp với ngành kỹ sư xây dựng? Hay là ngành kỹ sư xây dựng không hợp với cậu ấy? Hay đáng ra cậu ấy cứ tiếp tục chịu đựng, dù gì đi nữa thì đó cũng chỉ là một công việc thôi mà, đúng không? Sai hoàn toàn. Tìm lối đi riêng Tìm lối đi là một điều mà từ xa xưa ông bà ta vẫn làm vì không biết đích đến chính xác. Để làm được điều đó thì bạn cần có một chiếc la bàn, không phải là một tấm bản đồ, mà là một công cụ giúp xác định phương hướng. Hãy nghĩ về hai nhà thám hiểm người Mỹ Lewis và Clark1. Họ không có trong tay một tấm bản đồ nào cả khi Jefferson bảo họ băng qua vùng Louisiana rộng lớn và tìm đường đến duyên hải Thái Bình Dương. Tự tay họ đã vẽ lại lộ trình tương đương với một trăm bốn mươi tấm bản đồ. Hành trình tìm lối đi cho cuộc sống của bạn cũng tương tự như thế, bởi cuộc đời chúng ta không có một đích đến cụ thể nào, bạn không thể nhập địa chỉ vào thiết bị định vị GPS và nghe theo hướng dẫn để đến được nơi đó. Điều bạn có thể làm là chú tâm vào những manh mối xuất hiện xung quanh và cố hết sức để tiến về phía trước với mọi công cụ mình có trong tay. Chúng tôi nghĩ những manh mối đầu tiên mà bạn cần tìm chính là sự gắn kết và năng lượng. 1. Cuộc thám hiểm nghìn dặm lịch sử xuyên nước Mỹ từ miền Đông sang miền Tây (1804 – 1806) do Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson yêu cầu Đại úy Meriwether Lewis thực hiện, vị này mời thêm Trung úy William Clark cùng tham gia dẫn đầu đoàn thám hiểm. Sự gắn kết Chẳng phải ngành kỹ sư xây dựng không hợp với Michael, chỉ là cậu đã không chú ý đúng mức đến cuộc sống của mình, ở tuổi ba mươi bốn, Michael không biết mình thích gì và không thích gì. Tại thời điểm tìm đến chúng tôi để kêu gọi sự giúp đỡ, cậu ấy đang trên bờ vực của sự đảo lộn hoàn toàn về mặt cuộc sống và sự nghiệp, không vì một lý do nào cả. Chúng tôi bảo cậu ấy dành ra vài tuần để thực hiện bài tập ghi chép mỗi tối, qua đó Michael sẽ ghi lại chính xác những việc mình đã làm mỗi khi cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi hay không hạnh phúc với công việc (quãng thời gian cậu cảm thấy không gắn kết ). Cậu cũng sẽ ghi chép lại những khi cảm thấy hào hứng, tập trung và có một quãng thời gian vui vẻ trong công việc (quãng thời gian cậu cảm thấy gắn kết ). Hoạt động đó của Michael được chúng tôi gọi là Nhật ký Cảm xúc . Tại sao chúng tôi lại để Michael làm bài tập này (đúng vậy, chúng tôi cũng sẽ bảo bạn thực hiện bài tập này)? Đó là vì chúng tôi đang cố giúp cậu ấy nắm bắt quãng thời gian vui vẻ mà mình có được. Khi bạn nhận ra được những hoạt động gắn kết với bản thân, bạn sẽ khai phá được một điều gì đó vô cùng có ích cho công việc thiết kế cuộc sống. Hãy nhớ rằng những nhà thiết kế luôn có khuynh hướng hành động, nói cách khác là họ luôn chú tâm vào việc thực hiện một hành động nào đó, không chỉ đơn giản là suy nghĩ về nó. Hãy ghi chép lại những lúc bạn cảm thấy bản thân có hoặc không gắn kết và dồn tâm huyết vào công việc; điều này sẽ giúp bạn chú tâm hơn vào chuyện mình đang làm và phát hiện những điểm không ổn. Phiêu là cảm giác hoàn toàn gắn kết Phiêu là trạng thái mà trong đó thời gian như ngừng trôi và bạn hoàn toàn đắm chìm vào một hoạt động nào đó. Nếu thử thách bạn gặp phải trong một hoạt động nhất định phù hợp với kỹ năng sẵn có, hoặc là bạn sẽ cảm thấy nhàm chán do hoạt động quá dễ, hoặc là bạn sẽ cảm thấy lo lắng tột độ do hoạt động quá khó. Mọi người mô tả sự gắn kết này như là một trạng thái “phởn phơ”, “phong độ” và “tuyệt cú mèo”. Trạng thái phiêu được phát hiện bởi Giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi, người đã nghiên cứu về hiện tượng này từ những năm 1970. Ông đã nghiên cứu tỉ mỉ về các hoạt động của hàng nghìn người trong đời sống thường ngày của họ và khoanh vùng trạng thái vô cùng đặc biệt khi người ta cảm thấy được gắn kết một cách mãnh liệt. Những người đang trong trạng thái phiêu thường có các biểu hiện sau: Trải nghiệm cảm giác chìm đắm vào trong một hoạt động nào đó. Cảm thấy ngây ngất, mê ly hoặc phởn phơ. Nhận thức rõ ràng trong thâm tâm – biết mình cần làm gì và làm như thế nào. Hoàn toàn điềm tĩnh và thư thái. Cảm giác như thể đang trôi hoặc như biến mất đi trong chốc lát. Phiêu có thể xuất hiện trong hầu hết các hoạt động thể chất hay tinh thần, và thường xuyên nhất là khi cả hai loại hoạt động kết hợp. Dave rơi vào trạng thái phiêu khi chỉnh sửa các chi tiết trong kế hoạch giảng dạy, hay những lúc ngồi hóng mát trên thuyền, điều chỉnh cột buồm theo hướng gió lên. Bill thừa nhận rằng những lúc anh đưa ra lời khuyên cho học sinh, phác họa ý tưởng hay cắt một củ hành với con dao yêu thích là những thời khắc anh cảm thấy dễ phiêu nhất. Phiêu là một trong những trạng thái rất khó để diễn tả nhưng ai cũng biết cảm giác ấy ra sao. Như một trạng thái gắn kết cá nhân cơ bản của con người, cảm giác phiêu chiếm giữ vị trí đặc biệt trong quá trình thiết kế cuộc sống, hãy nắm bắt và lưu giữ các thời điểm “phiêu” để ghi nhận vào Nhật ký Cảm xúc của bạn. Phiêu là cuộc chơi cho người lớn. Trong bảng đánh giá thiết kế cuộc sống, chúng ta có các thước đo về sức khỏe, công việc, vui chơi và tình yêu. Yếu tố chúng ta cảm thấy dễ thoái thác nhất trong cuộc sống hiện đại chính là vui chơi. Bạn có thể nghĩ rằng chúng ta có quá nhiều trách nhiệm cần phải gánh vác nên phải bớt vui chơi lại. Tất nhiên, chúng ta luôn có thể cố gắng để công việc và nhiệm vụ liên quan nhiều hơn đến những kỹ năng ta thích, nhưng nói thẳng thì đó vẫn là công việc chứ chẳng phải vui chơi gì. Có thể đúng, cũng có thể không. Phiêu chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa đến nơi gọi là khu vui chơi dành cho người lớn. Một sự nghiệp huy hoàng và xứng đáng thường bao gồm rất nhiều khoảnh khắc phiêu. Bản chất của vui chơi chính là bạn hoàn toàn hòa mình vào nó và cảm thấy vui vẻ với những gì mình đang làm, không bị phân tâm bởi nỗi lo về kết quả đạt được. Khi chúng ta đang phiêu, chúng ta thật sự chìm đắm trong hiện thực đến nỗi chẳng hề để ý đến thời gian. Nhận định theo hướng này, phiêu là rất cần thiết cho cuộc sống. Năng lượng Sau sự gắn kết, manh mối thứ hai để tìm kiếm lối đi chính là năng lượng. Con người, cũng như tất cả những thực thể sống khác, đều cần năng lượng để tồn tại và phát triển. Tổ tiên ta từng sử dụng hầu hết năng lượng hằng ngày của họ cho những công việc thể chất. Trong lịch sử loài người, đàn ông và phụ nữ đã luôn tay luôn chân săn bắt, hái lượm, nuôi con và trồng trọt. Hầu hết thời gian được dùng vào việc tiêu hao năng lượng thể chất đến hết mức có thể. Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta là những người làm việc trí óc, và chúng ta sử dụng não để thực hiện công việc, trong khi não là cơ quan cần sử dụng nhiều năng lượng nhất. Trong gần hai ngàn calo chúng ta tiêu thụ mỗi ngày thì hết năm trăm calo được dùng cho bộ não. Điều đáng ngạc nhiên là bộ não tuy chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại tiêu hao đến 25% năng lượng chúng ta nạp vào mỗi ngày. Có lẽ vì vậy mà cách chúng ta đầu tư sự tập trung lại liên quan đến việc ta có cảm thấy tràn trề năng lượng hay không. Cả một ngày dài, chúng ta thực hiện những hoạt động thể chất và tinh thần khác nhau. Một số hoạt động duy trì năng lượng và một số rút hết năng lượng ta có. Chúng tôi muốn bạn dõi theo dòng chảy năng lượng đó như là một phần của bài tập ghi lại Nhật ký Cảm xúc. Một khi bạn đã có thể quản lý tốt cách sử dụng năng lượng mỗi tuần, bạn có thể bắt đầu thiết kế các hoạt động để tăng cường sức sống của mình. Hãy nhớ rằng thiết kế cuộc sống là để thu được những kết quả tốt nhất từ cuộc sống hiện tại, không chỉ là tái thiết một cuộc sống hoàn toàn mới. Cho dù lý do khiến bạn tìm đến quyển sách này là gì thì mục đích của việc thiết kế cuộc sống vẫn là để củng cố và nâng cao đời sống của bạn mà không cần thực hiện những thay đổi lớn như chuyển chỗ làm, dọn nhà đi đâu đó hay trở lại trường học. Có thể bạn sẽ thắc mắc: “Chẳng phải theo dõi mức độ năng lượng cũng giống như theo dõi mức độ gắn kết của mình à?”. Đúng, và không đúng. Đúng là vì mức độ thân thiết, gắn kết cao thường đi đôi với mức năng lượng tăng cao, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Một đồng nghiệp của Dave, vốn rất thông minh, nhanh nhạy – cảm thấy rằng việc tranh luận để bảo vệ ý kiến là một hoạt động khiến ông cảm thấy vô cùng gắn kết, nó khiến ông trở nên sáng suốt. Ông rất giỏi tranh luận và đồng nghiệp thường tìm đến để nhờ ông đưa ra ý kiến biện hộ giúp họ. Nhưng ông nhận ra rằng việc tranh cãi khiến mình cảm thấy kiệt quệ, dù là người chiến thắng nhưng ông vẫn có cảm giác tệ hại mỗi khi kết thúc cuộc tranh chấp. Năng lượng đôi khi cũng rất lạ, nó có thể mang đến cảm giác tiêu cực, hút hết năng lượng của chúng ta đến độ ta chẳng màng quan tâm đến chuyện xảy đến tiếp theo. Sự buồn chán chính là một dạng bòn rút năng lượng, nhưng hồi phục từ trạng thái buồn chán dễ hơn nhiều so với hồi phục từ trạng thái kiệt quệ năng lượng. Vậy nên việc để ý đến mức độ năng lượng của bản thân là rất quan trọng. Vui là trên hết Sau khi ghi lại Nhật ký Cảm xúc và chú ý đến những lúc bản thân cảm thấy gắn kết, hoặc “phiêu”, Michael nhận ra rằng anh ấy yêu công việc kỹ sư xây dựng của mình những khi anh được giải quyết các vấn đề kỹ thuật khó và phức tạp. Thời điểm bị hút kiệt năng lượng và khiến anh ấy cảm thấy cực khổ nhất chính là những lúc tiếp xúc với đồng nghiệp cau có, những lúc phải thực hiện các công việc quản trị và đảm đương những điều lặt vặt không chút liên quan đến chuyên môn. Cuối cùng thì lần đầu tiên trong đời, Michael cũng chịu để ý đến những thứ thật sự có hiệu quả và phù hợp đối với anh ấy. Kết quả thật kỳ diệu, chỉ bằng cách phát hiện ra những lúc anh ấy cảm thấy hài lòng khi làm việc, cũng như những điều khiến năng lượng của anh ấy tăng lên hay hạ xuống, Michael đã nhận ra rằng anh ấy thật sự yêu thích công việc kỹ sư xây dựng. Anh chỉ không thích nổi những việc liên quan đến con người, như viết bản kiến nghị, báo cáo, gặp gỡ và thương lượng,... Michael sẽ phải tìm cách sắp xếp công việc sao cho anh ấy có nhiều cơ hội làm công việc mình thích hơn. Thay vì quay lại học kinh doanh, Michael quyết định nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật của mình. Cuối cùng anh quyết định học lên tiến sĩ và trở thành một kỹ sư cấp cao, dành hầu hết thời gian làm việc một mình, nghiên cứu về những vấn đề kỹ thuật phức tạp, và công việc này khiến anh ấy cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thỉnh thoảng, vào những ngày đẹp trời, anh ấy trở về nhà thậm chí với nhiều năng lượng hơn lúc anh rời nhà đi làm ban sáng. Đó quả là một công việc tuyệt vời. Và đây là một yếu tố quan trọng khác khi bạn tìm kiếm lối đi trong cuộc sống của mình, hãy đi theo niềm vui, đi theo điều khiến bạn cảm thấy hào hứng và được gắn kết, điều khiến bạn cảm thấy tràn trề sức sống. Đa số chúng ta được dạy rằng công việc thì luôn khó nhọc và chúng ta phải chịu đựng nó. Ừ thì, công việc và sự nghiệp nào cũng có những phần rất khó nhọc và mang lại cảm giác khó chịu. Nhưng nếu phần lớn công việc bạn đang làm không khiến bạn cảm thấy tràn trề sức sống, thì có nghĩa là nó đang giết chết bạn. Sau tất cả, đó là sự nghiệp của chính bạn cơ mà, và bạn sẽ còn dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời này cho nó. Tính ra thì công việc chiếm từ chín mươi ngàn đến một trăm hai mươi lăm ngàn giờ trong cuộc đời bạn; nếu công việc không vui, một quãng rất lớn trong cuộc đời của bạn sẽ vô cùng tệ hại. Giờ thì điều gì khiến công việc của bạn trở nên vui vẻ? Không phải là điều gì đó bạn nghĩ đến đâu. Không phải là bữa tiệc văn phòng không có hồi kết. Không phải được trả thật nhiều tiền. Cũng không phải nhiều tuần nghỉ phép hưởng lương. Công việc trở nên vui vẻ khi bạn thật sự tận dụng thế mạnh của mình, hoàn toàn đắm chìm vào công việc mình đang làm và được tiếp thêm năng lượng. Mục tiêu Ở giai đoạn này, chúng tôi thường hỏi: “ Chà, mọi thứ đều thật tuyệt, nhưng thế thì mục tiêu và nhiệm vụ nắm vai trò gì? Cuộc sống này có nhiều thứ hơn việc chỉ cảm thấy gắn bó và tràn trề năng lượng. Tôi muốn được làm những việc mà tôi thật sự quan tâm, những việc mà đối với tôi nó quan trọng và có vai trò thiết yếu” . Chính xác. Đó là lý do vì sao chúng tôi nói bạn cần phải tạo cho mình một chiếc la bàn, kết hợp giữa quan điểm làm việc và quan điểm sống của bạn. Như chúng tôi đã gợi ý, việc đánh giá xem công việc của bạn phù hợp như thế nào với các giá trị và các ưu tiên trong cuộc sống là một việc thiết yếu. Có một liên kết chặt chẽ giữa công việc của bạn với bản chất của bạn và niềm tin bạn có. Chúng tôi không khuyên bạn tạo nên một cuộc sống chỉ tập trung vào sự gắn kết và mức độ năng lượng. Chúng tôi khuyên bạn chú ý đến sự gắn kết và mức độ năng lượng để có thể nhìn ra những manh mối hữu dụng cho quá trình tìm kiếm lối đi phía trước của bạn. Thiết kế cuộc sống bao gồm một chuỗi những ý tưởng và công cụ có thể phối hợp hoạt động một cách linh động với nhau. Chúng tôi sẽ cho bạn rất nhiều lời khuyên và gợi ý, nhưng cuối cùng, bạn mới chính là người sẽ quyết định xem nên tập trung vào cái gì và làm thế nào để sắp xếp dự án thiết kế cuộc sống của chính bạn. Bây giờ thì hãy bắt đầu với Nhật ký Cảm xúc của bạn nào. Bài tập Nhật ký Cảm xúc Chúng tôi muốn bạn thử làm một cuốn Nhật ký Cảm xúc, như những gì Michael đã làm. Cách viết nhật ký là hoàn toàn tùy vào bạn, bạn có thể viết vào sổ tay, tập vở hoặc thậm chí là trên máy tính. Điều quan trọng nhất là bạn nghiêm túc thực hiện công việc này và ghi chép lại thường xuyên. Cuốn Nhật ký Cảm xúc bao gồm hai phần: Nhật ký Hoạt động, phần để ghi lại những lúc cảm thấy gắn bó và được tiếp thêm năng lượng. Chiêm nghiệm, phần để ghi lại suy nghĩ, bài học tự mình rút ra được. Phần Nhật ký Hoạt động đơn giản là một danh sách những hoạt động cơ bản mà bạn thực hiện, mức độ gắn kết và năng lượng được tiếp thêm của bạn đối với hoạt động đó. Chúng tôi khuyên bạn nên viết Nhật ký Hoạt động mỗi ngày để chắc chắn rằng bạn giữ lại được những thông tin hữu dụng nhất. Nếu bạn cảm thấy viết ít ngày sẽ dễ hơn thì cũng được, nhưng hãy ghi lại các hoạt động ít nhất hai lần mỗi tuần, nếu không thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ. Bạn có thể dùng mẫu giấy ở cuối chương này, có kèm thước đo độ gắn kết và mức độ năng lượng được tiếp thêm cho bạn bởi hoạt động bạn thực hiện, bạn cũng có thể tải mẫu giấy này tại www.designingyour.life hoặc tự vẽ thước đo này vào cuốn nhật ký, cách gì cũng được miễn là bạn thấy thích và ghi chú đầy đủ các thông tin lại trên giấy. Tất cả chúng ta đều được tiếp thêm động lực bởi những dạng hoạt động khác nhau. Công việc của bạn là phải tìm ra những điều có thể tiếp thêm động lực cho bạn, càng chi tiết càng tốt. Sẽ tốn khá nhiều thời gian để thực hiện việc này, bởi vì nếu bạn giống hầu hết mọi người, bạn không chú tâm đúng mức vào những điều này. Tất nhiên, có những hôm chúng ta đều trở về nhà vào cuối ngày và thốt lên: “Một ngày tuyệt vời” hay “Một ngày tồi tệ”. Nhưng chúng ta ít khi đi vào chi tiết về trải nghiệm. Một ngày được tạo nên từ rất nhiều khoảnh khắc khác nhau, một số khoảnh khắc tuyệt vời, và một số thì tồi tệ, hầu hết những khoảnh khắc khác nằm đâu đó ở đoạn giữa. Công việc của bạn là ghi chép lại chi tiết một ngày và nắm bắt những lúc bạn cảm thấy vui vẻ. Phần thứ hai của Nhật ký Cảm xúc chính là Chiêm nghiệm. Hãy nhìn lại phần Nhật ký Hoạt động của bạn, để ý những xu hướng, những vấn đề sâu sắc, những điều đáng ngạc nhiên, bất cứ điểm nào có thể trở thành manh mối dẫn đến kết luận về điều phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện viết nhật ký trong ít nhất ba tuần, hay bao lâu tùy thích để chắc chắn rằng bạn đã ghi lại được hết tất cả những hoạt động khác nhau đang diễn ra trong đời sống của mình. Sau đó chúng tôi khuyên bạn thực hiện phần Chiêm nghiệm mỗi tuần một lần. Sự chiêm nghiệm của Bill bao gồm quá trình quan sát sau: