🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thiên Tài Và Sự Giáo Dục Từ Sớm
Ebooks
Nhóm Zalo
THÔNG TIN EBOOK
Tên sách
THIÊN TÀI VÀ SỰ GIÁO DỤC TỪ SỚM
Tác giả
Kimura Kyuichi
Nhà Xuất Bản
NXB TP HCM
Ebook
2020 kindlekobovn
—★—
MỤC LỤC
THIÊN TÀI VÀ SỰ GIÁO DỤC TỪ SỚM
Kimura Kyuichi
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI TỰA
CHƯƠNG 1: GIÁO DỤC TỪ SỚM LÀ ĐÀO TẠO THIÊN TÀI CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA WITTE CHƯƠNG 3: ANH EM THOMSON, MILL, GOETHE ĐƯỢC GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?
CHƯƠNG 4: THIÊN TÀI ĐƯỢC SINH RA NHƯ THẾ NÀO? CHƯƠNG 5: QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA SIDIS CHƯƠNG 6: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA BERLE CHƯƠNG 7: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA STONER CHƯƠNG KẾT
VỀ TÁC GIẢ
THIÊN TÀI VÀ SỰ GIÁO DỤC TỪ SỚM
Kimura Kyuichi
---------------------------------
"Nếu có thể làm cho dù chỉ một linh hồn trở nên tốt đẹp thì ta đã không tồn tại vô ích trong cuộc đời này"... - The Minstrel
“Ngay cả một người bình thường, nhưng nếu được giáo dục tốt, cũng sẽ trở thành thiên tài.” - Helvestius
LỜI NÓI ĐẦU
“Một người trở thành thiên tài hay không hoàn toàn là do yếu tố di truyền” – quan niệm đó dường như đã trở thành “tín ngưỡng” chung từ xưa. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không phải yếu tố di truyền, mà chính môi trường sống và sự giáo dục mới là yếu tố quyết định. Và sự giáo dục từ sớm là minh chứng cho lập luận này.
Cuốn sách Thiên tài và sự giáo dục từ sớm được viết năm ngoái và đã trích đăng một phần trên tạp chí Nghiên cứu tâm lý. Những chỉnh sửa trong lần viết lại này mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách hoàn thiện hơn. Những trích dẫn trong sách, tôi chỉ dịch tóm tắt bởi mục đích của tôi là viết cho công chúng, do đó tôi nghĩ rằng càng đơn giản, dễ hiểu càng tốt. Cuốn sách này cũng có thể khiến người đọc nhàm chán, nhưng nếu có ai đó áp dụng thành công vào việc nuôi dạy các em nhỏ thì tôi đã rất vui.
Tháng 4 năm 1917
Kimura Kyuichi
---- eBook by Daniel PhucNguyen
LỜI TỰA
Nhiều năm trước đây thường xảy ra chuyện con cái của những gia đình giàu có bị bắt giữ vì những hành vi trái đạo. Khi ấy, những gia đình giàu có này sẽ tìm đến cánh nhà báo mà họ vẫn thường qua lại để phân bua “Tôi vì quá bận rộn với việc kinh doanh nên không thể để mắt đến con cái được. Nay xảy ra hậu quả thế này, tôi thật không còn mặt mũi nào nữa...”. Những lời như thế từng được đăng trên khắp các mặt báo.
Nếu nói rằng công việc kinh doanh bận rộn đến mức không có thời gian dành cho con cái chỉ là ngụy biện cho sự quá ham mê kiếm tiền của bản thân. Trên đời này chắc chắn có nhiều người như thế và cuốn sách này viết ra hiển nhiên không phải để cho những người đó đọc.
Cũng có những cô gái “của thời đại mới” mang trong mình suy nghĩ “Việc làm mẹ sẽ cản trở sự phát triển cá nhân, phá hỏng công việc cũng như làm đảo lộn sinh hoạt của bản thân”. Như thế, những người này ghét làm mẹ ít nhiều vì điều đó ảnh hưởng đến thói ích kỷ của họ. Trên đời này có không ít những cô gái như thế, và đương nhiên, cuốn sách này được viết ra cũng không dành cho họ.
Nhưng vẫn còn những người, tuy biết rằng bản thân chỉ đạt đến đây thôi, nhưng ít nhất sẽ cố gắng làm cho con mình trở thành hoàn hảo. Họ hiểu rằng mình chỉ là nấc thang thứ nhất, con của mình sẽ là nấc thứ hai, và những gì mình đã không thể làm được thì con cái sẽ tiếp tục giúp mình... Những con người đó, bất kể họ có thành công hay thất bại, nhưng, đối với xã hội, đối với nhân loại thì họ vẫn là những thiên tài, là những con người ưu tú mà hàng ngàn vạn người mới có một. Cuốn sách này của tôi được viết ra với kỳ vọng dành cho những người như thế.
CHƯƠNG 1: GIÁO DỤC TỪ SỚM LÀ ĐÀO TẠO THIÊN TÀI
1. Nhiều năm trước, có một thiếu niên đã tốt nghiệp Đại học Harvard khi mới 15 tuổi. Người thiếu niên đó có tên là William James Sidis, con trai của nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, Boris Sidis. Thành tích học tập của William được coi là hết sức kỳ diệu. Cậu bé William bắt đầu được học từ khi 1 tuổi rưỡi, đến lúc 3 tuổi đã biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ. Lên 5 tuổi, khi nhìn thấy tiêu bản một bộ xương trong nhà, cậu bé đặc biệt hứng thú với cấu tạo cơ thể người và bắt đầu bước vào môn Sinh lý học, không lâu sau đã đạt được trình độ học vấn tương đương với người có chứng chỉ hành nghề y. Vào mùa xuân năm lên sáu tuổi, cậu đến trường tiểu học cùng những đứa trẻ khác. Ngày nhập học, William vào lớp 1 lúc 9 giờ, và đến 12 giờ khi mẹ đến đón, cậu đã học xong lớp 3. Trong năm đó, cậu bé đã học xong tiểu học. Lên 7 tuổi William muốn học tiếp trung học nhưng vì tuổi còn nhỏ nên bị từ chối và phải học ở nhà. Ở nhà, William đã tự học chủ yếu môn Toán ở bậc trung học.
Năm 8 tuổi, cậu vào trường Trung học, môn nào cũng xuất sắc, đặc biệt là Toán học, thậm chí có thể giúp thầy sửa bài cho những học sinh khác.
Thời gian đó, William đã viết sách Thiên văn học, ngữ pháp tiếng Anh và sách giáo khoa tiếng La-tinh. Tất cả kiến thức Trung học cậu đã nắm vững và chẳng mấy chốc mà tốt nghiệp. Từ lúc đó trở đi, tên tuổi William bắt đầu lan rộng. Nhiều người gần xa đã đến tìm cậu để kiểm chứng và tất cả đều hết sức khâm phục. Lấy một ví dụ như sau. Một giáo sư dạy ở Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã chất vấn William bằng một câu hỏi khó trong đề thi kỳ thi lấy bằng Tiến sĩ của chính ông tại Đức. Chỉ trong nháy mắt, cậu đã giải xong. Lúc đó William mới 9 tuổi. William tự học ở nhà và đến 11 tuổi thì vào học tại Harvard, không lâu sau đã tham gia diễn thuyết về đề tài Không gian bốn chiều - một vấn đề rất khó của Toán học, và đã khiến các giảng viên hết sức ngạc nhiên. Năm 12 tuổi, William đã rất tâm đắc với cuốn Thiên tài và người bình thường của bố mình là Tiến sĩ Boris. Cậu đặc biệt giỏi về Thiên văn
học và Toán học cao cấp, là những thứ mà các học giả thời đó rất đau đầu. Đặc biệt hơn, William còn thuộc cả bản gốc bộ sử thi Iliad và Odise viết bằng tiếng Hy Lạp. Cậu rất giỏi các ngôn ngữ cổ xưa. Những tác phẩm của các nhà hài kịch Hy Lạp cổ đại như Sophocles, Euripides, Aristopaanes… cậu đều đọc và hiểu dễ dàng, chẳng khác gì cuốn truyện phiêu lưu Robinson Crusoe mà những đứa trẻ khác vẫn hay đọc. Cậu cũng nắm rõ về thần thoại và ngôn ngữ so sánh, lý luận học, lịch sử cổ đại, lịch sử nước Mỹ… đồng thời cũng am hiểu về chính trị và hiến pháp của các quốc gia khác.
Với trình độ đó, cậu đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, và tiếp tục học để lấy bằng Tiến sĩ. Cũng trong năm đó, cùng tuổi với Sidis còn có một thiếu niên khác cũng tốt nghiệp Harvard, là Adoref Berle, con trai của giáo sư Berle, giảng viên môn Thần học trường Đại học Taft. Cậu vào học sau Sidis một chút, khi 13 tuổi rưỡi, tuy nhiên thay vì học 4 năm như mọi người, cậu chỉ học mất 3 năm. Sau đó cậu tiếp tục theo ngành Luật.
Ngoài ra vẫn còn một người khác, con trai của Tiến sĩ ngôn ngữ Slav, tên là Nobert Wiener. Cậu vào học Đại học trước Sidis, đúng ra là học Đại học Taft từ năm 10 tuổi, và đến năm 14 tuổi thì tốt nghiệp và học tiếp Cao học tại Havard, đỗ Tiến sĩ năm 18 tuổi.
Đọc những điều ở trên người ta chắc hẳn sẽ nghĩ đấy chính là những Thần đồng trên thế giới. Nếu chúng ta cố gắng và làm được một chút rồi giải thích rằng ta chỉ là người bình thường, còn để là những Thần đồng trong một chốc lát đã học xong Đại học, họ là “của hiếm”, thì đó là cách nghĩ sai lầm! Những người đó không phải sinh ra đã là Thần đồng. Họ là kết quả của nhiều nền giáo dục, là những anh tài đã được giáo dục và đào tạo.
Berle và Nobert cũng có anh chị em, và cũng được trải qua quá trình học tập như nhau. Chị gái của Berle là Lina, trong khi Berle học tại Havard thì ở tuổi 15, Lina cũng vào học tại Đại học nữ Radcliffe và cùng đồng thời tốt nghiệp với Berle. Và, em gái của Wiener là Constans cũng vào học tại Radcliffe năm 14 tuổi, và cô em gái kế tiếp là Berta cũng vào học trong cùng năm ở tuổi 12. Không thể có sự ngẫu nhiên nào như thế. Đó thực sự là kết quả của việc giáo dục mà nên. Nhưng sự giáo dục cũng
có nhiều loại, và nền giáo dục đó là như thế nào? Có thể nói nó tựa như việc nuôi dưỡng trong nhà kính vậy. Những cô bé cậu bé đó, giống như những bông hoa trồng trong nhà kính, được chăm bón để ra hoa kết trái sớm, vì thế trở thành những thần đồng. Nói cách khác, đó chính là “Thần đồng nhân tạo”, do vậy tất nhiên sẽ mang trong mình những căn bệnh vốn có và đương nhiên cũng chịu chi phối bởi quy luật “10 tuổi là thần đồng, 15 tuổi là tài tử, còn trên 20 tuổi lại là người bình thường”.
2. Từ xa xưa cũng đã có những người được hưởng nền giáo dục giống như những cô bé cậu bé ở trên. Nhà Luật học người Đức Karl Witte là một trong số đó. Ông sinh vào tháng 7 năm 1800 tại một ngôi làng của vùng Hale. Cha ông chỉ là mục sư của làng, nhưng có rất nhiều sáng kiến đáng ngạc nhiên, trong số đó đặc biệt nhất là những lý luận về giáo dục. Khó có thể hiểu được tại sao ở vào thời đó ông đã có những suy nghĩ như vậy, nhưng quả thực ông đã cho rằng phải giáo dục con cái ngay từ khi là một đứa trẻ còn đỏ hỏn. Nói theo ngôn ngữ của ông, giáo dục con trẻ phải là giáo dục bắt đầu từ buổi bình minh của khả năng nhận thức, và ông tin rằng với cách đó, đứa trẻ sẽ trở nên phi phàm. Ông cũng tuyên bố rộng rãi rằng mình sẽ làm như vậy với con cái. Không may, đứa con đầu lòng của ông đã qua đời ngay sau khi sinh. Karl Witte là con kế. Nhưng ông không ngờ Witte lại là đứa trẻ đần độn, đến nỗi chính ông đã phải thốt lên “Tôi đã làm gì nên tội mà ông Trời bắt tôi có một đứa con thế này!”
Những người xung quanh cũng đến an ủi ông. Ngoài mặt tuy họ nói rằng không đến mức phải lo lắng quá, nhưng lại thì thầm sau lưng rằng Witte đúng là một đứa trẻ kém phát triển. Tuy nhiên, người cha đã không tuyệt vọng. Ông từng bước áp dụng những kế hoạch nuôi dưỡng của chính mình. Đầu tiên, ngay cả mẹ Witte cũng nói rằng, đứa trẻ thế này thì dù có dạy dỗ thế nào cũng vô ích, sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Nhưng tấm lòng người cha của ông không cho phép từ bỏ, và rồi không lâu sau đứa trẻ đần độn đã khiến tất cả mọi người xung quanh phải kinh ngạc.
Năm lên 8, 9 tuổi, cậu bé đã thông thạo sáu thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La-tinh, Anh và Hy Lạp; không những thế lại còn hiểu biết cả về Động
vật học, Thực vật học, Vật lý, Hóa học, và đặc biệt là Toán học. Kết quả là năm 9 tuổi Witte đã thi đậu vào Đại học Leipzig. Tháng 4 năm 1814, cậu bé chưa đầy 14 tuổi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ về đề tài toán học, sau đó nhận bằng tiến sĩ triết học, nhận bằng tiến sĩ luật năm 16 tuổi và được bổ nhiệm làm giảng viên Luật của trường Đại học Berlin. Trước khi đảm nhận cương vị giảng viên, Witte nhận được khoản học bổng khá lớn từ Quốc vương Prosia và sang Ý du học. Trong thời gian lưu lại Firenze, ông đột ngột chuyển sang nghiên cứu Dante (là nghiên cứu Thần học nói về Địa ngục, linh hồn,...), lĩnh vực khó không chỉ đối với người nước ngoài mà ngay cả với người dân Ý. Ngay cả nơi Dante sinh ra cũng phát sinh rất nhiều những cách hiểu sai lạc. Ông tiếp tục quá trình nghiên cứu đến năm 23 tuổi và cho ra đời cuốn sách Sai lầm của Dante, trong đó chỉ trích những sai lầm của các học giả nghiên cứu về Dante thời bấy giờ và mở ra một hướng nghiên cứu mới.
Chuyên môn của ông là về Luật học, nhưng sau khi chuyển sang nghiên cứu Dante lại rất thành công trong lĩnh vực này. Tuy nhiên Quốc vương Prosia cho ông đi Du học ở Ý là với mục đích để ông trở thành một Luật sư tài giỏi, vì thế ông lại tập trung vào nghiên cứu Luật học, còn nghiên cứu Dante chỉ như là giải trí. Sau khi từ Ý trở về, ông trở thành giảng viên luật tại Đại học Bresau, 2 năm sau chuyển sang Đại học Hale và giảng dạy ở đó đến khi qua đời vào năm 1883.
Điều đáng mừng là cha ông đã ghi lại tất cả những phương pháp đã áp dụng với ông cho đến lúc 14 tuổi, và sau đó viết thành cuốn sách mang tên Phương pháp giáo dục của Witte. Cuốn sách được viết cách đây hàng trăm năm và đến nay gần như đã bị thất lạc hoàn toàn. May sao trong thư viện của Đại học Harvard còn lại một quyển, là quyển duy nhất ở Mỹ, và nó được bảo quản cẩn thận trong phòng lưu trữ tác phẩm quý.
Độc giả chắc vẫn còn nhớ, cha Wiener là giảng viên tại trường Harvard. Ông đã đọc cuốn Phương pháp giáo dục của Witte, và dùng nó để dạy cho các con mình. Tiếp theo là Tiến sĩ Boris Sidis, cha của James Sidis, cũng từng là học sinh trường Harvard, và cũng tình cờ đọc và áp dụng cuốn sách này để nuôi dạy và giáo dục con cái.
Còn về cha của Berle, tôi không rõ ông có mối liên hệ gì với trường Havard hay không, nhưng tôi đã đọc cuốn “Trường học gia đình” của
ông, và biết chính xác rằng ông đã đọc cuốn “Cách giáo dục với Karl Witte” cũng như đã nuôi dạy con theo cách đó.
Tóm lại, cả Wiener, Sidis và Berle đều được giáo dục theo phương pháp của Witte, và nếu nhìn từ cuộc đời Witte thì có thể thấy rằng họ sẽ có tương lai đầy triển vọng. Vì thế chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng về việc “sau 20 tuổi sẽ thế nào”.
3. Nói một cách ngắn gọn thì Phương pháp mà Witte được giáo dục cách đây hơn một trăm năm, sau đó áp dụng cho Sidis, Berle, Wiener, có thể gọi là Giáo dục từ sớm. Nói theo ngôn ngữ của Witte-cha, thì đó là giáo dục từ buổi bình minh nhận thức của con trẻ. Tất cả những người áp dụng phương pháp này đều tin rằng giáo dục từ sớm là cơ sở để đào tạo nhân tài, và đây là một niềm tin có căn cứ.
Nếu nhìn vào lịch sử Hy Lạp, ta có thể thấy Athens là một nơi mà “Thiên tài nhiều như sao trên trời”, trong khi dân số lại rất ít. Ở vào thời thịnh vượng nhất cũng chỉ có khoảng 500.000 người, nhưng trong số đó 4/5 là nô lệ. Năm 490 trước công nguyên, Vua Darius xứ Parsua, Ba Tư đã đưa 120.000 quân, 600 tàu chiến chinh phạt Athens. Tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Thế nhưng tại trận đại chiến Marathon, quân Athens chỉ với khoảng 10.000 đã giành thắng lợi, chỉ tổn thất 192 người. Nhìn vào đây có thể thấy rằng Athens tuy chỉ là một đô thị nhỏ nhưng có rất nhiều nhân tài. Thực chất, những nhân tài đó đều là những người được giáo dục từ sớm – một tập quán của người Hy Lạp xưa.
Thêm một ví dụ nữa. Độc giả hẳn đã từng nghe tên Huân tước Kelvin William Thomson, nhà vật lý học vĩ đại sau Newton, cũng là một người được giáo dục từ khi còn rất nhỏ. Cha ông, James Thomson, là con của một nông dân người Scotland di cư sang Ireland sinh sống. Đã là nông dân thì ở đâu cũng có cuộc sống vất vả, cực khổ giống nhau. Với suy nghĩ “phải làm gì đó để cuộc sống của con cái sau này bớt khổ”, cha mẹ Thomson đã cố gắng làm mọi việc để kiếm tiền nuôi con ăn học và đem con gửi ở trường. Nhưng sau khi vào trường, Thomson không muốn học nên cuối cùng họ phải gửi Thomson cho một trường học làng bên cạnh.
Ở ngôi trường ngày, Thomson đặc biệt giỏi toán. Thomson nghĩ sau này mình nhất định sẽ vào học đại học hoặc theo chuyên ngành thần học
và gia nhập vào thế giới tôn giáo để làm gì đó cứu giúp xã hội. Thomson cũng biết rằng dù lựa chọn theo con đường nào thì mục tiêu trước tiên vẫn là phải vào đại học. Tuy nhiên, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên Thomson cũng biết rằng không thể nhờ vào cha mẹ, do đó ông vừa học vừa làm thêm. Mỗi năm ông chỉ học sáu tháng ở trường, còn sáu tháng làm thêm. Nhưng cuối cùng ông cũng tốt nghiệp đại học Glasgow vào năm 28 tuổi, đúng theo thời gian đào tạo là bốn năm. Sau khi tốt nghiệp, Thomson trở thành giáo sư Toán học tại học viện Hoàng gia Belfast, Bắc Ireland. Cũng tại nơi này, ông đã quen và sau này kết hôn với cô bạn gái thời đại học và có bốn người con. Hai người con đầu là con gái, hai con trai sau là James và William. (James sinh năm 1822, William sinh năm 1824).
Với suy nghĩ “dạy con từ thuở còn thơ”, ngay từ khi con mình được sinh ra, ông nhìn lại nửa cuộc đời mình và quyết định phải giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ. Không ai biết ông có đọc sách của Witte không, nhưng ông có một điểm chung với bố của Witte, đó là bắt đầu dạy con đọc và viết từ khi chào đời. Sau đó cùng với vợ dạy các môn Toán học, Lịch sử, Địa lý và tìm hiểu thiên nhiên. Ngoài việc giảng dạy môn Toán, ông còn viết sách, vì thế hết sức bận rộn. Hàng ngày ông dạy từ 4h sáng, Chuẩn bị bài giảng và viết sách, buổi trưa dành thời gian dạy con. Không may, năm 1830 vợ ông qua đời, là một cú sốc rất lớn với ông và các con. Còn lại một mình, ông vẫn tiếp tục cố gắng nuôi dạy anh em William. Năm 1833, ông được bổ nhiệm làm giáo sư Toán học tại Đại học Glasgow, nhờ đó ông có thể sắp xếp cho James (10 tuổi) và William (8 tuổi) tham gia các giờ giảng của mình và hai ba giảng viên khác. Kết quả thật đáng mừng, sau 2 năm, các con ông đã được nhận vào học và đều là những học sinh xuất sắc. Đặc biệt William được xếp vào nhóm mười học sinh có thành tích học tập cao nhất. Năm 20 tuổi, William đã dịch cuốn Cuộc đàm thoại của các vị thần từ tiếng Nga sang tiếp Anh, sau đó ông nhận một giải thưởng từ nhà trường. Sau này, James trở thành chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, còn William trở thành nhà vật lý học vĩ đại - Huân tước Kelvin.
Tiếp theo là John Steward Mill - nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, lý luận học người Anh. Theo cuốn tự truyện của Mill thì không rõ
ông được dạy tiếng Hy Lạp từ lúc nào, nhưng từ 3 tuổi ông đã được cho học bảng chữ cái Hy Lạp. Bảy tuổi Mill đã đọc được Plato bằng tiếng Hy Lạp, học tiếng La-tinh năm 8 tuổi và đọc được Logic của Aristotle năm 11 tuổi. Luận văn của ông đã được đăng rộng rãi trên các tờ báo và tạp chí khi Mill 16 tuổi.
Nhà thơ Đức Goethe cũng được giáo dục từ rất sớm. Ông có thể đọc và viết thông thạo tiếng Đức, Pháp, Ý, La-tinh và tiếng Hy Lạp khi mới 8 tuổi. Kiệt tác Bàn tay thép của Goetz von Berlichingen được viết khi ông 22 tuổi. Ngoài ra, Goethe cũng đảm nhận một số vai trò quan trọng trong bộ máy hành chính của Đức khi còn rất trẻ: Bộ trưởng Tài chính năm 23 tuổi, Thủ tướng năm 24 tuổi. Từ rất sớm, Goethe đã được cho học tất cả các môn học phổ thông, đặc biệt là các ngôn ngữ như tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp và tiếng Anh. Ngoài ra, ông còn được học khiêu vũ, cưỡi ngựa và đấu kiếm. Phương pháp giáo dục của cha Goethe có điểm rất đặc biệt: Ông không chỉ mời thầy giáo dạy học cho con, mà còn chú ý phát huy tính tự tin cho con. Thỉnh thoảng, ông bắt Goethe đứng trên ghế và đọc to những bài văn cho ông và mọi người nghe. Nhờ đó, ông đã giúp Goethe dần dần khắc phục tâm lý e ngại khi đứng trước đám đông. Năm 14 tuổi, tài diễn thuyết và hùng biện của Goethe thật sự làm nhiều người thán phục.
Luật sư Richard Bethell khi cùng cha đến xin nhập học vào Đại học Oxford đã bị hiệu trưởng từ chối vì khi ấy ông mới 14 tuổi. Cha của Richard Bethell đã nói với thầy hiệu trưởng rằng: “Con trai tôi tuy nhỏ tuổi nhưng hiểu biết không hề nhỏ. Xin hãy cho cháu một cơ hội thử xem. Không chỉ vậy, nếu sau khi cháu được nhập học, tôi mong muốn cháu có thể được nhận học bổng nếu như thành tích học tập tốt”. Cuối cùng, Bethell cũng được nhập học và đúng là ông đã nhận được nhiều học bổng trong thời gian học tập ở Đại học Oxford.
Nhìn vào các ví dụ này, chúng ta có thể phần nào khẳng định rằng lập luận giáo dục từ sớm sẽ tạo ra thiên tài không phải là vô căn cứ.
4. Tại sao giáo dục từ sớm sẽ tạo ra nhân tài?
Để kiểm chứng chắc chắn phải đề cập đến khả năng của trẻ. Ví dụ như việc trồng một cái cây. Nếu chúng ta mong muốn nó sẽ cao 30 mét
và có thể làm cho nó phát triển như vậy thì coi như chúng ta đã phát huy hết khả năng vốn có của nó. Tuy nhiên việc này rất khó. Như cái cây kia dù có khả năng phát triển chiều cao đến 30 mét, nhưng thực tế nó khó mà đạt đến độ cao đó. Nếu chịu khó chăm sóc và nuôi dưỡng đúng cách thì nó có thể cao 15 hoặc 20 mét, trường hợp xấu hơn là 6 mét đến 9 mét, hoặc tệ nhất có thể là nó sẽ không sống được.
Con người cũng như vậy. Đứa trẻ sinh ra sẵn có 100 phần năng lực, nhưng nếu cứ để một cách tự nhiên thì có thể chỉ phát triển được 20, 30 phần. Nếu được giáo dục tốt có thể khi trưởng thành sẽ phát triển đến 60, 70 phần, hay tốt hơn là được 80, 90 phần. Lý tưởng nhất là đứa trẻ được giáo dục để phát huy được đủ 100 phần năng lực của mình. Nhưng năng lực của trẻ tồn tại theo quy tắc giảm dần: Nếu được giáo dục tốt từ khi sinh ra thì có thể đạt được đủ 100 phần, nhưng nếu bắt đầu giáo dục từ khi 5 tuổi thì dù có làm tốt đến mấy cũng chỉ phát huy được 80 phần, nếu bắt đầu từ 10 tuổi thì tối đa chỉ được 60 phần. Nghĩa là, thời điểm bắt đầu càng muộn bao nhiêu thì khả năng phát huy năng lực sẵn có cũng giảm đi bấy nhiêu.
Vậy tại sao lại có quy tắc giảm dần này?
Đối với mỗi loài động vật, khả năng của chúng đều có một thời kỳ phát triển nhất định. Đương nhiên có những khả năng mà thời kỳ dành cho việc phát triển là khá dài, nhưng có những khả năng chỉ có thể phát triển trong một thời gian rất ngắn, và nếu nó không được phát triển trong thời gian đó thì sẽ vĩnh viễn mất đi. Lấy ví dụ kỳ phát triển “khả năng theo dấu gà mẹ” của gà con là thời gian sau khi sinh được khoảng bốn ngày, nếu trong vòng bốn ngày mà tách gà con khỏi gà mẹ thì sau đó gà con sẽ không bao giờ biết đi theo gà mẹ nữa. Hay là kỳ phát triển “khả năng nghe được tiếng gà mẹ” là thời gian sau khi sinh tám ngày, nếu trong tám ngày mà gà con không được nghe tiếng gà mẹ thì sau đó cũng sẽ không bao giờ nhận dạng được âm thanh đó nữa. Đối với chó con cũng có một khả năng gọi là “chôn thức ăn thừa xuống đất”. Khả năng này cũng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, mà nếu đúng vào thời gian đó, chó con được nuôi trong ngôi nhà không có chỗ để chôn những thứ này thì sau này nó cũng sẽ không bao giờ biết làm việc đó nữa.
Con người chúng ta cũng như vậy.
Có lần tôi đến một làng chài và trò chuyện với các ngư dân. Một người than phiền với tôi rằng: “Gần đây chẳng có người nào bơi giỏi, chèo thuyền, quăng lưới giỏi như trước nữa, bởi vì vào tuổi 11, 12 là thời kỳ rất quan trọng để bắt đầu cho việc đó thì các em đều phải đến trường”. Đối với việc học ngoại ngữ, nếu trẻ không bắt đầu từ trước 10 tuổi thì sau này cũng sẽ không tiến bộ được. Nhưng phải bắt đầu cho trẻ học tiếng mẹ đẻ cho nhuần nhuyễn trước khi học tiếng nước ngoài. Những môn năng khiếu như Piano, violon… cần được dạy từ rất sớm. Thậm chí có ý kiến cho rằng muốn thành tài thì nên cho trẻ học piano trước 5 tuổi và violon thì phải từ lúc 3 tuổi. Mỗi chúng ta đều có cơ hội để phát triển khả năng của mình, nhưng nếu bỏ qua “thời điểm vàng” của nó thì từng khả năng sẽ vĩnh viễn mất đi. Đây gọi là sự giảm dần khả năng tiềm tàng của trẻ. Và “giáo dục sớm sẽ tạo ra thiên tài” chính là ở dựa trên quan điểm đó.
Nhưng, độc giả có thể sẽ lo lắng cho sức khỏe của con mình nếu được giáo dục từ sớm. Thật ra đây cũng là vấn đề nan giải mà từ xưa người ta đã nghĩ đến. Cha của Witte, cha của anh em nhà Thomson,...đều phải đối mặt với vấn đề này.
Nhưng trên thực tế, những người mà ta đã tìm hiểu ở trên tất cả đều có sức khỏe tốt: Witte sống đến 83 tuổi, Huân tước Kelvin thọ 83 tuổi, James Thomson 70 tuổi... Tóm lại là không có bằng chứng nào về việc giáo dục từ sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA WITTE
1. Chúng ta biết rằng cha của Witte đã viết lại một cuốn sách về việc dạy con từ nhỏ đến lúc 14 tuổi. Được viết năm 1818, đây có lẽ là cuốn sách cổ nhất về phương pháp giáo dục. Nhưng người thời đó hầu như không lưu giữ cuốn sách này. Có hai lý do. Thứ nhất là vì cách viết kém: cuốn sách dày hơn 1000 trang nhưng hầu hết là những lý luận không trọng yếu và không lấy gì làm thú vị. Sau này Tiến sỹ Wiener đã dịch ra tiếng Anh và đã lược bỏ những phần đó, còn lại khoảng 300 trang, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỗ dài dòng, (cuốn này tên là Phương pháp giáo dục của Witte). Lý do thứ hai là những luận điểm trong sách không phù hợp với cách nghĩ của người thời đó. Quan điểm mà cha của Witte đưa ra là: Giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ buổi bình minh của nhận thức. Ông cũng đưa ra tập quán giáo dục từ sớm của người Hy Lạp, nhưng thực tế tập quán tốt đẹp đó đã không còn trên thế giới từ lâu, và thay vào đó người ta bắt đầu có quan điểm giáo dục trẻ từ 7, 8 tuổi. Ngày nay nhìn chung mọi người cũng nghĩ như thế, nhưng vào thời Witte, niềm tin đó còn tuyệt đối và sâu sắc hơn. Và người ta cho rằng Giáo dục từ sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, luận điểm giáo dục của cha Witte được xem như là “lộng ngôn”, và tài năng của Witte được nghĩ là do sinh ra đã có chứ không phải nhờ giáo dục mà nên.
Nguyên văn lời của cha Witte như sau:
“Mọi người nói rằng con trai tôi sinh ra vốn đã có năng khiếu bẩm sinh chứ đó không phải là kết quả giáo dục của tôi. Không ai tin rằng con tôi được như thế là do tôi dạy dỗ. Nếu quả thực con tôi trở thành nhân tài là do ơn huệ trời ban, là tài năng thiên bẩm thì tôi cũng không có gì đáng để vui mừng đến thế. Vì thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Hầu hết mọi người đều không tin lời tôi, kể cả những người bạn thân. Chỉ duy nhất có một người tin tôi, đó là mục sư Graupit, bạn rất thân với tôi từ khi còn nhỏ, người hiểu tôi nhất. Ông ấy nói: “Cháu Karl hoàn toàn không phải tài năng thiên bẩm. Cháu thực sự là kết quả của việc giáo dục. Nhìn vào cách giáo dục cháu thì việc cháu trở nên giỏi giang là điều
tất yếu. Chắc chắn sau này cháu sẽ khiến cả thế giới ngạc nhiên. Tôi hiểu rất rõ phương pháp mà cháu được giáo dục và tôi tin rằng nó sẽ mang lại thành công lớn.”
Và dưới đây là dẫn chứng cho những gì tôi nói. Trước khi con trai tôi được sinh ra, trong vùng Magdeburg và lân cận có một số giáo viên và mục sư trẻ. Những người này cùng nhau lập ra một hội nghiên cứu về giáo dục. Mục sư Graupit là một hội viên ở đó và ông đã giới thiệu tôi vào hội. Nhưng vào thời đó trong hội có tư tưởng rằng, giáo dục con trẻ quan trọng là ở khả năng thiên phú, và những giáo viên cho dù có tâm huyết dạy dỗ đến mấy thì kết quả cũng rất hạn chế. Chỉ có mình tôi là phản đối tư tưởng này. “Không, tôi nói, giáo dục con cái thì điều cốt yếu không phải là tư chất sẵn có. Trẻ lớn lên trở thành nhân tài hay chỉ là người bình thường, ít nhiều cũng có yếu tố trời cho, nhưng quan trọng hơn là việc giáo dục trẻ trong giai đoạn từ khi mới sinh đến khi 5, 6 tuổi. Đương nhiên tư chất của trẻ có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt này chỉ ở mức độ nhất định. Và, không chỉ đứa trẻ sinh ra với tài năng thiên bẩm mà cả những đứa trẻ sinh ra rất bình thường, ta đều có thể giáo dục chúng trở thành những tài năng phi phàm. Nhà triết học khai sáng của Pháp Claude-Adrien Helvetius đã nói rằng, nếu mười đứa trẻ cùng được giáo dục đúng đắn thì tất cả mười sẽ trở thành nhân tài, và tôi rất tin tưởng vào luận điểm đó”. Tất cả mọi người lên tiếng phản đối tôi. Tôi lại nói “Các vị ở đây có 13, 14 người, còn tôi chỉ có 1 mình, nếu tranh luận thì tôi chẳng thể nào thắng được. Nhưng, tôi nhất định chọn con đường của tôi, và sẽ cho các vị thấy bằng chứng. Sau này nếu trời ban cho tôi một đứa con, bất kể nó thế nào, tôi cam đoan sẽ dạy dỗ nó thành một nhân tài.”
Những người có mặt hôm đó đã chấp nhận “cam kết” của tôi. Khi buổi họp kết thúc, mục sư Shuder có mời tôi và Graupit về nhà. Và chúng tôi lại tiếp tục bàn về vấn đề trên. Nhưng nói gì đi nữa, tôi vẫn giữ ý kiến của mình. Graupit trước sau chỉ im lặng, cuối cùng mới lên tiếng, đúng như một người bạn thân lâu năm và hiểu tôi nhất “Tôi tin rằng Witte sẽ biến lời hứa của mình thành sự thực”. Riêng mục sư Shuder thì vẫn cho rằng đó là điều không thể.
Không lâu sau con trai tôi được sinh ra. Khi Graupit thông báo cho Shuder và các hội viên khác, ai nấy đều rất tò mò muốn biết con trai tôi là người như thế nào. Tôi và Graupit thường xuyên nhận được những câu hỏi kiểu như “Thế nào rồi, thằng bé có triển vọng trở thành nhân tài hay không?”… nhưng chúng tôi chỉ im lặng khiến họ càng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt nghi ngờ.
Khi con trai lên 4 tuổi, có lần tôi dẫn cậu bé đến gặp mục sư Shuder. Chỉ mới gặp lần đầu nhưng ông đã trầm trồ: “Ồ, đây là một đứa trẻ sáng dạ!” và rất có thiện cảm với Witte. Khi đó, mục sư Shuder cũng đang được gửi gắm nuôi dạy mười đứa trẻ bình thường khác. Sau này do thành tích của những đứa trẻ này có sự tiến bộ rất khác nhau nên ông dần dần tin vào học thuyết của tôi. Ông bắt đầu tìm cách thuyết phục người khác. Tuy nhiên, mọi người hoàn toàn không tin vào những lời ông nói. Như vậy có thể nói rằng cuốn sách của tôi dường như đã bị lãng quên.
2. Trong số những học thuyết của triết gia người Pháp Helvetius thì thuyết về giáo dục là đáng chú ý hơn cả. Đại ý thuyết này cho rằng nếu mười đứa trẻ cùng được giáo dục như nhau thì cả mười đều có thể trở nên tài giỏi xuất chúng. Cá nhân tôi tin tưởng vào thuyết này, tuy nhiên, khác với Helvetius, tôi vẫn thừa nhận có sự khác biệt về khả năng thiên bẩm của trẻ. Khả năng thiên bẩm này đương nhiên ở mỗi người mỗi khác. Có những đứa trẻ sinh ra được trời phú cho 100 phần, cũng có những đứa trẻ sinh ra chỉ được không quá 10. Trong 10 đứa trẻ bình thường thì khả năng này chỉ khoảng dưới 50. Nếu tất cả đều hưởng nền giáo dục như nhau, lớn lên chúng ít nhiều vẫn khác nhau, đó là do khả năng bẩm sinh. Giả sử khả năng bẩm sinh của một đứa trẻ được trời cho 80, nếu không được giáo dục tốt chỉ đạt 40, một đứa trẻ trời cho 60, nếu không được giáo dục chỉ đạt 30, thậm chí có khi còn hoàn toàn không phát huy được khả năng ấy. Ngược lại, có đứa trẻ trời cho chỉ 50 nhưng nhờ giáo dục tốt cũng có thể đạt 80. Đương nhiên, đứa trẻ sẵn có 80 mà giáo dục tốt đương nhiên sẽ đặc biệt xuất chúng.
Tuy nhiên trên thực tế những đứa trẻ như vậy quả thực rất ít, mà đại đa số trẻ sẽ rơi vào khoảng 50, tức là ở mức trung bình. Vì vậy, lý thuyết của tôi có thể không còn đúng sau khoảng một trăm năm nữa. Vào thời
điểm đó sự giáo dục trẻ em ở các nước thường theo kiểu phổ cập chung, vì vậy có lẽ phương pháp giáo dục nào đó thành công hay không thành công cũng là kết quả chung đối với đa số trẻ chứ không có ngoại lệ. Và cho đến nay, nhìn vào những người được coi là vĩ nhân, những thiên tài cũng vẫn thấy rất nhiều khuyết điểm mà nếu họ được thừa hưởng nền giáo dục khéo léo hơn thì nhất định họ sẽ trở nên vĩ đại hơn, hoàn hảo hơn, và kết quả sẽ là điều mà chúng ta khó có thể đo đếm được.
3. Cha Witte đã dựa vào thuyết giáo dục của Helvetius để tìm ra phương pháp dạy con mình. Đó chính là phương pháp giáo dục sớm Điều quan trọng nhất là không được để cho khả năng tiềm tàng của trẻ mai một dần mà phải cố gắng nắm bắt thời cơ để phát huy tối đa khả năng đó. Cha của Witte rất hiểu điều đó và ông tin rằng để con mình phát huy được 80 hay 90 phần năng lực thì nhất định phải theo phương pháp này.
Tuy nhiên, việc phát huy năng lực của trẻ cũng cần tuân theo những trình tự nhất định, bằng không, bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu. Việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là giáo dục ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chính là công cụ để tiếp cận mọi kiến thức khác. Con người tiến bộ hơn các động vật khác chính là ở chỗ chúng ta biết sử dụng ngôn ngữ. Để phát huy khả năng này của trẻ, ngay từ đầu nên tìm cách cho trẻ học thuộc và nhớ từ vựng. Việc tưởng như đơn giản này dường như chỉ được chú trọng trong những năm gần đây với phong trào học thêm tiếng nước ngoài. Nhưng thật ngạc nhiên là cha Witte đã thấy trước tầm quan trọng của nó từ cách đây cả trăm năm.
Cha của Witte đã bắt đầu dạy ngôn ngữ cho con ngay từ khi Witte biết cảm nhận sự vật. Ông viết: “Với giáo dục con trẻ thì không có sự bắt đầu nào là quá sớm”. Đầu tiên, ông dạy Witte làm quen với các danh từ thông qua các hành động miêu tả. Ví dụ, ông đưa một ngón tay dứ dứ trước mặt trẻ, khi trẻ nhìn thấy sẽ nắm lấy. Đầu tiên trẻ có thể chưa phát hiện ra và chưa nắm được, nhưng vài lần sẽ thành công. Khi nắm được rồi, trẻ sẽ rất vui mừng và cho ngay vào miệng, lúc đó là lúc ta bắt đầu phát âm từ “ngón tay, ngón tay” lặp đi lặp lại nhiều lần để cho trẻ nghe. Với cách làm này, cha Witte đã dạy cho con khả năng nghe chính xác từ
ngữ đồng thời với việc nhận biết được sự vật, và không lâu sau Witte đã phát âm được tên của các vật đó. Tiếp theo, Witte được dạy nhận biết các đồ vật trên bàn ăn, các bộ phận của cơ thể, quần áo, đồ nội thất, các phần trong nhà, cây cỏ ngoài sân... Rồi dần dần cha Witte dạy các động từ, tính từ. Nhờ đó, vốn từ vựng của Witte ngày càng phong phú.
Phương pháp của cha Witte là kể những câu chuyện liên quan đến sự vật muốn dạy và kèm thêm vào đó những từ mới có liên quan, đồng thời giải thích ý nghĩa của chúng. Đầu tiên là những từ đơn giản rồi khó dần lên. Cứ thế mỗi ngày một chút, ông cho con nghe và bắt nhớ từng thứ một. Đối với trẻ con thì việc được nghe kể chuyện là điều quan trọng nhất, vì trẻ là “người lạ” với thế giới này, và chúng muốn tìm hiểu về mọi thứ. Kể chuyện vừa là cách giúp trẻ từng bước tiếp cận với thế giới tri thức xung quanh, vừa phát triển khả năng ngôn từ của trẻ. Nhưng không phải chỉ nói để cho trẻ nghe một lần, mà phải lặp đi lặp lại thì mới có hiệu quả.
Kết quả của phương pháp giáo dục này là khi lên 5 tuổi, Witte đã nhớ được khoảng 30000 từ. Điều này thật sự rất đáng ngạc nhiên, vì đối với học sinh trung học, mất 5 năm học ngoại ngữ cũng không thể nhớ được 5000 từ, thông thường chỉ khoảng 3000. Đây có thể là một ví dụ minh chứng cho sự thành công của phương pháp giáo dục từ sớm.
Trong cách dạy con của cha Witte có một điều mà ta không thể không nói tới. Đó là việc ông không dạy những ngôn ngữ trẻ con, tiếng địa phương, hay những âm điệu... theo kiểu truyền thống. Ông cho rằng dạy trẻ những từ mô phỏng tiếng kêu của một số động vật nuôi trong nhà như gâu gâu, meo meo, cạp cạp… thì chẳng có ích gì, dù chúng rất dễ phát âm. Trẻ khoảng từ 2 tuổi khi nghe nhiều lần một từ chuẩn thì có thể phát âm gần chính xác từ đó. Vì thế nếu dạy gâu gâu, meo meo, thì chẳng khác nào lãng phí thời gian của trẻ. Thay vào đó, ông dạy luôn “con chó, con mèo” - là những từ chuẩn, ngay từ đầu. Ông cố gắng phát âm thật chậm và chính xác (bằng tiếng Đức) rồi lặp đi lặp lại nhiều lần để Witte nghe và bắt chước. Khi Witte phát âm đúng, ngay lập tức ông khen “Giỏi lắm, giỏi lắm”. Nếu chưa, ông nói với vợ mình: “Mẹ nó xem, con đang nói gì này”... Sau đó, ông khéo léo cùng vợ sửa những lỗi phát âm cho con.
Nhờ đó ngay từ lúc còn nhỏ Witte đã cố gắng bắt chước cha, mẹ và phát âm chuẩn được hầu hết các từ, không hề nói ngọng, nói lắp. Cha Witte không dừng lại ở những từ và cách nói đơn giản, ông tiếp tục dạy con các từ phức và cách sử dụng chúng. Để dạy được chính xác, ông và cả vợ đều phải dùng những từ thật chuẩn, phát âm thật chuẩn, đồng thời dùng cách diễn đạt chính xác, mạch lạc, trong sáng, bỏ hẳn những từ địa phương. Điều này giúp cho Witte không chỉ nói tốt mà về sau còn đọc và hiểu được nhanh chóng những điều viết trong sách. Ngoài ra, cha Witte cũng dặn vợ và mọi người trong nhà không được sử dụng tiếng địa phương và các ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ duy nhất mà ông bắt Witte phải học và phát âm chính xác lúc đầu là ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Đức).
4. Cha Witte đã bắt đầu dạy con đọc từ 3 tuổi, và đây hoàn toàn không phải việc vô ích. Phương châm của ông là không bắt ép. Ông luôn biết cách tạo hứng thú cho con, sau đó mới bắt đầu dạy. Đối với việc đọc, đầu tiên ông mua tranh và sách bằng tranh của trẻ con về, sau đó nghĩ ra những điều thú vị để nói với con, kích thích trí tò mò của con, đại khái như “Con không biết chữ thì cuốn sách này làm sao mà hiểu được nhỉ?”, hay là “Có rất nhiều câu chuyện hay, thú vị về bức tranh này”... Thế là Witte bắt đầu muốn học đọc chữ, và cha Witte bắt đầu dạy. Nhưng, cách dạy chữ của ông khác với tất cả các trường học. Trước tiên ông đi Leipzig, mua mỗi loại 10 bộ những con chữ được in cỡ khoảng 10 cm, bao gồm chữ cái tiếng Đức, La tinh, chữ số Ả Rập. Tiếp theo ông dán những chữ đó lên các tấm bảng nhỏ cùng cỡ và dùng nó để vừa chơi vừa dạy con. Bắt đầu dạy từ nguyên âm, sau đó chơi trò ghép vần. Cha Witte muốn áp dụng phương pháp cách đây hơn một thế kỷ của Maria Montessori, được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan và chủ yếu dựa trên năng lực riêng của từng trẻ. Bảng chữ cái La-tinh chỉ gồm 26 chữ và cách phát âm trong tiếng Đức cũng không có nhiều quy tắc ngoại lệ nên Witte hầu như không gặp khó khăn để ghi nhớ cách đọc. Và mỗi lần ghi nhớ cách đọc của một từ, Witte học luôn từ đó. Dần dần, qua cách ghép vần, vốn từ của Witte trở nên phong phú và có thể nhanh chóng đọc thành thạo những cuốn sách cha mua về. Trong hệ thống ngôn ngữ phương Tây thì tiếng Đức, Pháp, Anh, Ý là những ngôn ngữ thuộc
“ngữ hệ gần”, vì vậy chỉ cần dạy Witte thông thạo tiếng Đức thì các ngôn ngữ kia tự nhiên sẽ rất dễ tiếp nhận. Sau khi Witte có thể đọc khá rành tiếng Đức, cha Witte đã dạy con tiếng Pháp. Đối với học sinh trung học bình thường ở Đức bấy giờ thì chỉ cần rành một ngôn ngữ này thôi đã mất rất nhiều thời gian, do đó ít có người học thêm ngôn ngữ khác. Nhưng cha Witte do đã yên tâm với kiến thức tiếng Đức của con nên muốn Witte học thêm một ngoại ngữ nữa. Sau khi học tiếng Pháp, ngôn ngữ tiếp theo mà Witte được cho học là tiếng Ý. Witte chỉ mất sáu tháng để nắm vững ngôn ngữ này. Thế là cha của Witte bắt đầu nghĩ đến việc dạy Witte tiếng La-tinh.
Lần lượt, Witte được dạy thông thạo tiếng Đức, tiếng Pháp, Ý, La tinh, trong đó tiếng La-tinh là khó hơn cả. Ở phương Tây, khi học ngoại ngữ, người ta thường bắt đầu bằng tiếng La-tinh, nhưng cha của Witte cho rằng cách đó không phù hợp. Tiếng Pháp và tiếng Ý gần gũi với tiếng Đức, vì thế ông dạy con trước, còn tiếng La-tinh là một ngôn ngữ khó, ông nghĩ cần phải có sự chuẩn bị dài hơn. Trước khi dạy Witte tiếng La-tinh, ông đã kể cho Witte nghe câu chuyện về Aeneas – vị anh hùng thành Troy trong thần thoại Hy Lạp – và cả những tác phẩm của nhà thơ La Mã cổ đại Virgil nhằm khơi gợi sự quan tâm của Witte.
Khi lên 7 tuổi, Witte được cha đưa đến buổi hòa nhạc ở Nhà hát Leipzig. Vào giờ nghỉ giải lao, Witte nhìn tờ giấy in chương trình và thấy lời của bản opera ghi trong đó, Witte hỏi “Cha à, chữ trong này không phải tiếng Pháp, tiếng Ý, chắc là chữ La-tinh phải không ạ?” “Đúng rồi, con thử đoán xem nó có nghĩa gì?”. Witte suy diễn từ những ngôn ngữ đã học và cũng hiểu được đôi chút, cậu bé nói “Cha à, chữ La-tinh dễ thế này thì con cũng cũng muốn học.” Khi đó cha Witte biết rằng có thể bắt đầu dạy con tiếng La-tinh, và Witte mất 9 tháng để học được ngôn ngữ này. Tiếp đó, cậu bé học tiếng Anh mất 3 tháng, tiếng Hy Lạp mất 6 tháng nữa. Lên 8 tuổi, Witte đã bắt đầu đọc tác phẩm của các tác giả La Mã cổ đại như Homer, Plutarchus, Virgil, Ciero, Fenelon… Witte còn có thể đọc những cuốn sách văn học của các tác giả lớn của Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp, La Mã.
Về phương pháp dạy ngoại ngữ của cha Witte cũng có một điểm đáng chú ý là ông chủ trương “nghe quen rồi thì sẽ nhớ” và không đặt
nặng vấn đề dạy ngữ pháp khi còn nhỏ.
Đối với tiếng mẹ đẻ thì đó là cách tốt nhất. Trẻ con có thể nghe mà không chán. Người lớn thường chỉ đọc một cuốn tiểu thuyết một lần, nhưng trẻ con có thể nghe đi nghe lại nhiều lần mà vẫn thích thú. Cho nên, người lớn cần phải lưu ý điều đó thì mới dạy được trẻ. Cha Witte rất tâm đắc với điều này. Vẫn là một câu chuyện nhưng ông luôn cho con nghe nhiều lần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn ông kể truyện ngụ ngôn của Aesop cho Witte nghe không chỉ bằng tiếng Đức mà còn bằng tiếng Pháp, Ý và tiếng La-tinh. Phương pháp lặp đi lặp lại này đã thực sự hiệu quả.
5. Đối với một người bình thường, việc thông thạo 6 ngôn ngữ có thể là mục tiêu phấn đấu cả đời, trong khi Witte chỉ là một đứa trẻ, thế nên dễ khiến người ta nghĩ rằng chắc hẳn cậu bé chỉ có mỗi một việc là học ngoại ngữ. Thực tế không phải như vậy. Cha Witte không chỉ chú ý đến việc dạy ngoại ngữ cho con. So với những đứa trẻ khác thì thời gian Witte ngồi vào bàn học ít hơn rất nhiều. Cậu có một đời sống rất lành mạnh, vận động nhiều, vui chơi hợp lý. Ngoài việc thông thạo 6 ngoại ngữ, cậu còn được học cả về thực vật học, động vật học, vật lý, hóa học, toán học. Ngay từ lúc 3 tuổi, Witte đã được cha dẫn đi dạo mỗi ngày ít nhất 2 tiếng. Trong thời gian đó, cha Witte vừa đi bộ vừa nói với con rất nhiều điều. Đi qua cánh đồng hoa ông cũng phân tích cho con nghe, cái này là gì, cái kia là gì. Bắt được con côn trùng nhỏ ông cũng giảng giải những hiểu biết của mình cho con. Từng viên đá, từng cọng cỏ đều là tư liệu để ông giảng bài. Ông tuyệt đối không bắt ép mà luôn tạo hứng thú cho con. Ông cũng không dạy theo hệ thống, cái này là thực vật học, cái kia liên quan đến động vật học... Ông đưa những tri thức, những hiểu biết phù hợp với những thứ mà con có hứng thú trong khi đi dạo. Nhờ đó về sau, khi đọc sách về thực vật học, động vật học, Witte có thể nắm bắt vấn đề rất nhanh.
Bí quyết dạy của ông là tạo cho con hứng thú và khuyến khích con đưa ra những câu hỏi. Không như các bậc cha mẹ khác, khi con 2, 3 tuổi và bắt đầu biết đặt câu hỏi thì luôn than phiền là con ồn ào, nhiều chuyện và thường trả lời đại khái cho xong chứ không tận tình giải thích. Chính
điều này là giết chết năng lực của trẻ, để rồi khi con bắt đầu đi học lại kêu ca “sao con mình thành tích học tập không cao…” Cha Witte thì nhất quyết không để con muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, hiểu thế nào thì hiểu, kiên quyết không truyền đạt cho con những kiến thức sai lệch. Nếu gặp phải câu hỏi mà ngay cả bản thân mình cũng không nắm rõ, ông cũng không ngần ngại thừa nhận mình không biết, sau đó 2 cha con sẽ đi tìm hiểu trong sách hoặc đến thư viện. Điều này tạo cho con thói quen tìm tòi những kiến thức chính xác, gạt bỏ thói đại khái, giản tiện trong học tập nghiên cứu.
Đối với môn địa lý, ông dạy con bằng cách thường xuyên đưa con đi dạo quanh khu làng. Nhờ đó mà Witte có thể hiểu được cơ bản về các vùng lân cận. Trong ngôi làng nơi gia đình Witte sinh sống có một ngọn tháp cao, thỉnh thoảng hai cha con ông mang theo giấy bút, trèo lên tháp, và cha Witte để cho con thoải mái quan sát bốn phía. Ông giảng giải cho con phía này là gì, phía kia là gì, dựa vào đó hai cha con cùng nhau vẽ một bản đồ sơ lược. Sau đó họ lại tiếp tục đi dạo khu vực xung quanh, lần lượt bổ sung đường đi, rừng núi, sông suối, cây cỏ… Cuối cùng hai cha con ông hoàn thành bản đồ của các vùng lân cận. Xong xuôi ông mua một tấm bản đồ chuẩn, đối chiếu với bản đồ đã vẽ, sửa lại những chỗ chưa đúng, nhờ đó Witte đã có khái niệm về bản đồ địa lý. Vật lý và hóa học cũng được ông dạy theo cách tương tự.
Với môn thiên văn học, cha Witte đã gián tiếp nhận được sự giúp đỡ của nhà quý tộc Zekkendoruf, đồng thời là một học giả. Ban đầu ông và cha Witte không quen biết, nhưng vì nghe nhiều người đồn đại về Witte nên ông tò mò tìm đến xem thử. Đến nơi ông nhận thấy trình độ học lực của Witte còn hơn cả lời đồn đại. Ông rất mến cậu bé và thường dẫn Witte đến nhà, tận tình chỉ bảo cho Witte những kiến thức về thiên văn học Witte tỏ ra rất thích thú với những chiếc kính viễn vọng trong phòng thí nghiệm của Zekkendoruf. Ngoài ra ở đây còn có những dụng cụ thí nghiệm Vật lý và Hóa học, hơn nữa còn rất nhiều sách. Witte được ông cho phép sử dụng tất cả những thứ đó, nhờ vậy mà cậu học ngày càng tiến bộ.
6. Điểm đáng chú ý nữa trong phương pháp giáo dục của cha Witte là ông coi trọng việc mở rộng tầm hiểu biết cho con hơn là nhồi nhét kiến thức, và ông luôn tận dụng mọi cơ hội để làm việc đó. Thí dụ đứng trước một tòa nhà cao, ông sẽ nói với con đây là cái gì, là nơi người ta làm những việc gì… đứng trước 1 tòa thành cổ ông sẽ kể lại về lịch sử của nó… Khi Witte mới 2 tuổi, ông đã đưa con đi khắp nơi, cả từ đi mua sắm, thăm hỏi bạn bè, đến xem các buổi lễ hội âm nhạc, vũ kịch. Lúc rỗi rãi ông lại đưa con đi viện bảo tàng, bảo tàng mỹ thuật, vườn bách thú, bách thảo, thậm chí cả công trường, hầm mỏ, bệnh viện, nhà dưỡng lão…
Sau khi từ các nơi đó trở về, ông để con tự nói lại tỉ mỉ hoặc kể lại cho mẹ. Vì thế ngay trong lúc đi xem, Witte rất biết chú ý quan sát và lắng nghe lời thuyết giảng của cha cũng như của những người hướng dẫn viên tại đó. Khi Witte 3 tuổi ông bắt đầu đưa con đi du lịch khắp nơi, và đến 5 tuổi thì cậu bé đã đi hầu hết các thành phố lớn của Đức. Ở mỗi điểm du lịch ông đều bảo con viết thư kể cho mẹ và những người thân, đến khi về nhà lại kể lại lần nữa. Cha Witte không bao giờ tiếc tiền bạc và công sức để trau dồi tri thức cho con, thậm chí ông sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để Witte được một nhà ảo thuật tiết lộ bí quyết của một số tiết mục biểu diễn mà cậu thích. Qua đây ta có thể thấy cha Witte tâm huyết với việc nuôi dạy con đến mức nào.
7. Dạy trẻ yêu và gần với thiên nhiên cũng là một điều cần thiết. Cha Witte đã dành một khoảng nhỏ ngay trong sân nhà để làm khu vườn vui chơi cho Witte. Ông rải sỏi, xung quanh trồng nhiều loại cây và hoa. Rải sỏi là để nếu mưa sẽ nhanh khô, trẻ lại có thể ngồi mà không sợ bẩn quần áo. Ở đấy, Witte có thể tìm hiểu các loài hoa, côn trùng. Cha Witte hầu như không mua đồ chơi cho con. Ông cho rằng, trẻ không thể dựa vào đồ chơi mà nhớ được sự vật, và cứ cho trẻ chơi đồ chơi rồi lại ném đi là một sai lầm. Trên thực tế Witte từ khi còn rất nhỏ đã biết đọc sách, quan sát sự vật, và không dành nhiều thời gian rảnh rỗi vào việc chơi đồ chơi.
Thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện” không chỉ đúng với người lớn mà cả trẻ con cũng vậy. Nếu cứ có đồ chơi rồi lại ném đi sẽ khiến trẻ thấy nhàm chán, bực mình, rồi sẽ phá hỏng, rồi lại quấy khóc. Cha Witte cho
rằng điều đó sẽ hình thành thói ưa phá hoại trong tính cách trẻ sau này. Ai cũng biết rằng khi trẻ chán sẽ dẫn đến bực bội, và sẽ thường nhằm vào đồ chơi, hoặc có thể là những thứ xung quanh, dù là cái gì thì kết quả cũng không hề tốt đẹp.
Cha Witte cho rằng trẻ con thường thích bắt chước người lớn và những công việc trong nhà bếp là hoạt động mà trẻ đặc biệt thích tham gia. Người lớn chúng ta thường cho rằng trẻ làm thế chỉ vướng chân, nhưng thực tế nếu làm tốt thì cũng là 1 cách mở rộng tri thức cho trẻ. Cha Witte rất quan tâm đến điều này, vì thế, ông chuẩn bị cho con 1 bộ đồ chơi là dụng cụ nhà bếp.
Mẹ của Witte cũng không giống như nhiều người mẹ khác. Bà thường vừa làm bếp vừa tận tình trả lời các câu hỏi của con. Sau đó bà hướng dẫn để con làm món ăn với các đồ chơi. Ví dụ, bà đóng vai trò người làm bếp, Witte là chủ nhà. Người làm bếp sẽ được yêu cầu làm nhiều việc, còn chủ nhà thì đưa ra mệnh lệnh. Nếu mệnh lệnh không hợp lý thì chủ nhà sẽ bị biến thành người làm bếp. Khi Witte thành người làm bếp thì mẹ sẽ là người ra lệnh, như là: bây giờ sẽ làm món này, món kia, hãy ra vườn lấy nguyên liệu về... nếu lấy sai sẽ không được làm đầu bếp nữa.
Những trò chơi “đóng vai” như thế khiến Witte rất hào hứng. Hai mẹ con có lúc diễn lại những cảnh trong sách lịch sử, có lúc lại chơi trò đi du lịch tới những nơi mà đã từng đi qua. Đó là cách hay để củng cố lại kiến thức về lịch sử và địa lý cho Witte. Mẹ Witte kể lại: “Lần đó, Karl là mẹ, còn tôi là con. Karl là người ra lệnh. Có những việc tôi cố ý làm rất tốt, có lúc lại chẳng làm gì. Nếu Karl không để ý đến điều đó thì sẽ bị thua và không được làm mẹ nữa. Nhưng Karl đã phát hiện ra và góp ý với tôi rất nghiêm túc, tôi xin lỗi và hứa lần sau sẽ chú ý hơn. Sau đó tôi lại làm điều không được phép, Karl cũng mắng tôi giống hệt điệu bộ của tôi. Lần khác, Karl làm giáo viên, tôi làm học sinh. Tôi cũng cố ý mắc những lỗi mà Karl hay mắc phải, và Karl cũng nghiêm khắc mắng tôi. Với trò chơi này, Karl tránh được những việc chưa tốt thường ngày.”
Như vậy, qua các trò chơi, Witte đã dần dần nắm bắt được hầu hết các phương diện trong đời sống thường nhật, và tất cả những việc này đều diễn ra từ khi rất nhỏ. Đó là vì ngay từ khi đó cha Witte đã nỗ lực
phát triển 5 giác quan của con thông qua các trò chơi, theo đúng như tư tưởng của Montessori ngày nay.
Trò chơi của trẻ con không nên chỉ là một việc vô ích, mà phải thông qua đó giúp trẻ sử dụng được cái đầu. Như thế trẻ cũng sẽ không thấy chán và không quấy khóc. Cha Witte nói rằng “Con trai tôi, dù chỉ có rất ít đồ chơi nhưng vẫn không bao giờ thấy buồn tẻ, mà ngược lại, luôn vui vẻ hạnh phúc với số đồ chơi đó.”
8. Nhà bác học Edison từng nói: “Phần lớn người dân nước ta ăn quá nhiều, vì thế năng lượng phải dồn xuống dạ dày để tiêu hóa hơn là cung cấp cho cái đầu làm việc”. Khi đó dạ dày sẽ phải làm việc hơn mức cần thiết, tương ứng với nó, bộ não lại không hoạt động. Người có cái bụng luôn no căng sẽ có xu hướng trì trệ. Đọc tự truyện của Franklin cũng sẽ thấy sinh thời ông rất chú ý đến điều này. Và cha Witte, từ cách đó hàng trăm năm đã biết áp dụng với con trai đúng như thế. Ông cũng có suy nghĩ rằng, tinh lực của trẻ nếu chỉ tiêu hao vào việc tiêu hóa thì sẽ không thể phát triển não bộ. Vì thế trong quá trình nuôi dạy Witte, ông chủ trương không bắt con ăn nhiều hơn mức cần thiết. Trong khi đó có những đứa trẻ ăn không biết chán, ăn quá nhiều dẫn đến bị bệnh. Có điều đấy không phải là đặc điểm trời sinh của trẻ mà chính là do thói quen ăn uống phát sinh từ sự thiếu hiểu biết của bố mẹ. Đương nhiên ai cũng mong con chóng lớn, nhưng không thể bừa bãi được mà phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Cha Witte rất chú ý đến điểm này. Witte chỉ ăn những thứ được cho phép, và cậu cũng được dạy bảo điều đó. Ông giải thích cho con nghe về tầm quan trọng của sức khỏe như thế này: “Người ta nếu ăn quá nhiều thì cơ thể sẽ khó chịu, đầu óc sẽ kém minh mẫn, lâu dần sẽ sinh bệnh. Nếu bị bệnh thì không thể học được mà cũng chẳng thể chơi được. Không những thế, khi con bệnh thì bố mẹ cũng sẽ phải vì chăm sóc con mà không thể làm việc được.” Nếu thấy có đứa trẻ con nhà người quen biết bị ốm, cha Witte sẽ dẫn con đến thăm, không quên những lời giáo huấn từ thiết thực: “Đó con xem, bạn ấy vì ăn uống bừa bãi nên sinh bệnh đó.”
Ông kể lại, “Có lần 2 cha con đi dạo gặp người quen và nói chuyện như sau:
- Xin chào, mọi người trong nhà có khỏe không ạ?
- Dạ cảm ơn.
- Chẳng phải cháu ở nhà bị ốm sao?
- Vâng, nhưng sao bác biết ạ?
- Cái đó tôi biết chứ, vì là sau Giáng sinh mà.
Tôi hoàn toàn không nói sai. Đứa trẻ đó ngày thường đã ăn quá nhiều, sau lễ Giáng sinh thì chắc chắn sẽ phát ốm thôi. Sự thực đúng như vậy. “Tôi đưa con trai đến thăm, đứa bé đó đang rên hừ hừ vì đau bụng và đau đầu, và khi nói chuyện thì quả thật là do ăn uống. Con trai tôi bên cạnh khi đó cũng đã tận mắt chứng kiến và hiểu được mọi chuyện.
Nhờ cách giáo dục này mà Witte hầu như không bao giờ bị ốm vì ăn uống. Khi đến chơi nhà người quen, được mời kẹo, nhưng dù có hấp dẫn thế nào và họ nói gì đi nữa thì con trai tôi vẫn không đụng đến. Mọi người nhìn vào, không nghĩ đó là do Witte tự nguyện. Ai cũng cho rằng đó là do tôi quá nghiêm khắc. Suy từ bản thân họ và con họ thì đúng là không thể hiểu nổi tại sao Witte lại có thể tự kiềm chế như vậy. Nhưng nếu được dạy bảo từ đầu, chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ giống như con tôi”, cha Witte kể lại.
Đúng như cha Witte nói, nhiều cha mẹ vì nuông chiều con nên để con ăn uống không có quy tắc, không có giới hạn, tạo cho con thói quen ăn uống bừa bãi. Điều đó làm giảm sút tinh thần và trí lực của trẻ. Và như thế dù có giáo dục từ sớm hay giáo dục kiểu gì đi nữa thì cũng không có hiệu quả.
9. Cha Witte khuyến khích con toàn tâm toàn ý trong lúc học, phân biệt rõ ràng thời gian học và chơi. Còn phương pháp giáo dục của bản thân ông lại không mấy phân biệt điều đó. Khi chơi, khi đi dạo hay lúc ăn uống ông đều nỗ lực mở rộng hiểu biết cho con. Nói đến sự toàn tâm toàn ý ở đây là nói đến thời gian quy định cho việc học. Như đã nói, ông bắt đầu dạy Witte tiếng Pháp từ khi lên 6. Đầu tiên mỗi ngày học 15 phút. Trong khoảng thời gian này, nếu Witte lơ là, không tập trung sẽ bị ông la rầy và ông không cho bất kỳ ai làm phiền Witte trong lúc học. Dù mẹ cậu hay người hầu có gì cần hỏi thì ông cũng sẽ nghiêm khắc từ chối “Bây giờ thì không được, Karl đang học”. Nếu có khách đến chơi ông
cũng sẽ “Xin lỗi đợi tôi một lúc” và nhất quyết không rời khỏi ghế. Nhờ đó mà Witte hình thành thói quen tập trung cao độ khi học tập và học thông thạo rất nhanh các ngoại ngữ khác nhau.
Ngoài ra, cha Witte còn rèn luyện cho con thói quen làm gì cũng phải nhanh nhẹn, hoạt bát. Nếu Witte chậm chạp, ù lì thì dù có làm được việc ông cũng tỏ ra không vui. Kết quả của việc giáo dục này là Witte làm gì cũng nhanh chóng và vì thế có rất nhiều thời gian cho việc vận động, nghỉ ngơi cũng như tham gia các hoạt động khác.
Ông nhờ vợ mình và mọi người trong nhà thường xuyên dẫn Witte đi dạo và bày trò chơi vận động để Witte giải tỏa căng thẳng trong học tập. So với những đứa trẻ khác thì thời gian Witte ngồi vào bàn học ít hơn rất nhiều. Cậu có một đời sống lành mạnh, vận động thường xuyên, vui chơi hợp lý.
Trong việc dạy ngôn ngữ và Toán học, cha Witte rất nghiêm khắc. Ông nghiêm cấm con mình học theo kiểu đại khái và luôn rèn cho Witte thói quen học phải nắm vững triệt để, tường tận, đến nơi đến chốn. Ông coi việc đó cũng giống như xây một bức tường gạch, nếu không làm như thế thì nhất định không thể đạt kết quả. Trên thế giới có những người được coi là thông thái nhưng họ nói, họ viết bằng những “thuật ngữ” mà người khác không hiểu nổi. Cha của Witte gọi họ là những học giả, những nhà giáo dục chỉ giỏi lý thuyết suông. Cha của Witte đã dùng hành động thực tế để chứng minh thay cho lời nói và ông luôn tin tưởng sâu sắc vào những việc mình làm mà không cần để ý đến xung quanh.
Có lẽ những gì tôi viết ra ở đây vẫn chưa đủ thuyết phục và mọi người vẫn nghĩ rằng làm theo cách của cha Witte cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, thực tế thì cha Witte mỗi ngày chỉ mất một đến hai tiếng vào việc dạy Witte. Ông cũng là nhà cải cách giáo dục có tư tưởng mới khi đề cao việc giáo dục tại nhà. Ban đầu ông chỉ nghĩ là sẽ giáo dục để Witte không thua kém các bạn, đến 17-18 tuổi là có thể vào đại học như các bạn cùng trang lứa. Còn việc khả năng của Witte đã phát triển vượt xa cả mong đợi là điều ông không ngờ tới. Ông đã hứa là sẽ giáo dục con để sao cho “kỳ phát triển” không bị muộn, nên sau đó cũng cố gắng để thực hiện. Ông đã xác định từ đầu rằng sẽ phải mất nhiều công sức để giáo dục con, nhưng về sau những môn như Ngữ văn và nhiều môn học
khác Witte đều tự mình học và nhớ được là chính. Đến năm 8, 9 tuổi thì học vấn của Witte đã vượt hơn cả cha mình.
10. Người đọc có thể cảm thấy phương pháp giáo dục của cha Witte là lệch lạc, chủ yếu nhằm nâng cao trí tuệ. Tuy nhiên, ông lý giải về phương pháp giáo dục của mình như sau: “Mọi người nghĩ tôi giáo dục con theo phương châm đào tạo học giả, hơn nữa còn cho rằng tôi muốn con trở thành thần đồng, làm cả thế giới phải ngạc nhiên. Thực sự không phải như thế. Tôi chỉ muốn con tôi được phát triển toàn diện. Tôi đã hứa sẽ giúp con phát huy mọi khả năng sẵn có, và tôi nỗ lực để con tôi có thể lớn lên trở thành một người hoạt bát, khỏe mạnh, hạnh phúc. Bản thân tôi thích những người hoàn thiện cả về tinh thần và trí lực, rất ghét những kẻ gọi là học giả nhưng lại chỉ biết về một phía. Vì thế tôi dạy con cả tiếng Hy Lạp, tiếng La tinh, Toán học cũng là để giáo dục con theo hướng toàn diện ngay từ đầu. Tôi cũng không phải người chỉ giáo dục tri thức cho con.
Tôi và vợ tôi luôn động viên khuyến khích những sở thích cũng như trí tưởng tượng của con, đồng thời cũng cố gắng để con hiểu rằng yêu hay ghét không phải chỉ dựa trên cảm tính mà phải được quyết định bởi đạo đức và lương tâm. Tôi ghét cái gọi là học giả, là những người giống như cái cây khô không có tình cảm và không thể kết bạn, những người chỉ chăm chăm vào cái mình biết, đi đến đâu, gặp bất kỳ ai cũng thao thao về chuyên môn của mình. Đó là những kẻ không bình thường, là trò cười cho thiên hạ. Tôi không muốn con tôi trở thành học giả theo kiểu đó. Chuyện con tôi là thần đồng chỉ là tin đồn nhảm. Thần đồng là gì chứ? Chẳng phải chỉ là hoa trong nhà kính hay sao? Nếu tôi mà có thể lập kế hoạch biến con mình thành thần đồng, chẳng phải là tôi đã mạo danh cả các vị thần làm công việc của họ hay sao?”
Nếu xét đến phương diện trí tuệ của một đứa trẻ, 8 tuổi biết 6 thứ tiếng, 9 tuổi vào đại học, 14 tuổi thành tiến sĩ, là một kết quả rất tuyệt vời, nhưng nhìn theo một khía cạnh khác thì có thể chỉ là bình thường. Những người thời đó, chỉ nhìn vào thành tích học tập của Witte nên cho rằng phương pháp giáo dục của cha Witte là phương pháp hướng vào tri thức. Còn đối với cha Witte, ông mong muốn giáo dục con đầy đủ về
mọi mặt. Việc trí tuệ của Witte trở nên xuất chúng như vậy là hoàn toàn bất ngờ. Thực tế để thực hiên mong muốn giáo dục toàn diện của mình, ông đã dồn nhiều tâm sức để giáo dục đức độ cho con hơn là tài năng. Bản thân ông lại là mục sư, vì thế Witte ngay từ nhỏ đã được dạy về lòng mộ đạo, và kết quả là cậu bé thông thạo kinh thánh một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là lời của Chúa thì Witte thuộc lòng từng chữ. Có không ít những đứa trẻ là con mục sư, nói về kinh thánh thì cái gì cũng biết, nhưng lại quá đỗi nghịch ngợm, khó bảo. Nhưng Witte thì không như thế. Đó là một cậu bé sùng đạo tuyệt vời với trái tim nhân ái sâu sắc, theo lời mọi người là “thanh khiết như Thiên sứ”. Từ nhỏ tới lớn cậu không tranh giành với ai, thậm chí còn không cả làm đau hoa cỏ. Witte là điển hình của một cuộc đời hào hiệp với lòng kính Chúa sâu đậm.
11. “Khi Witte lên 6 tuổi, một lần tôi dẫn con sang nhà vị mục sư ở làng bên chơi và ở lại đó qua đêm. Witte rất thích sữa nên mọi người đã mang ra loại sữa ngon nhất cùng rất nhiều bánh kẹo cho Witte. Nhưng trong bữa tiệc trà, Witte đã làm đổ một ít sữa. Bình thường ở nhà có quy định là nếu Witte làm đổ vỡ vật gì thì sẽ bị phạt và không được ăn bánh. Khi đó Karl tỏ ra bối rối và hơi đỏ mặt, rồi không ăn uống gì nữa.
Tôi lặng im, giả vờ như không nhìn thấy. Nhưng mục sư đã nói: “Cháu cứ uống nữa đi, uống nhiều vào”. Cậu bé từ chối: “Cháu đã làm đổ sữa nên không được uống nữa”. “Hay là cháu sợ cha không đồng ý?”, mọi người hỏi Witte. Lúc đó tôi vừa uống trà vừa ăn bánh, làm như không để ý đế, xem Witte phản ứng ra sao. Witte vẫn không uống thêm chút nào. Hình như mọi người không vui lắm vì nghĩ rằng cách giáo dục của tôi khiến cậu bé quá sợ hãi và đánh mất đi vẻ ngây thơ, hồn nhiên vốn có.
Tôi bế Witte đặt lên ghế và giải thích cậu bé cư xử như vậy là do từ nhỏ đã được dạy về việc khống chế thói quen ăn uống những thứ mình thích. Mọi người nghe vậy đã trách tôi sao quá nghiêm khắc. “Không phải vậy, con trai tôi hiểu rõ những gì nó làm. Cho dù tôi có bảo cháu uống sữa nữa đi thì chắc chắn cháu cũng không uống vì cháu hiểu cái gì tốt và không tốt cho mình. Thói quen tự điều chỉnh và kiểm soát những gì mình muốn này đã được hình thành từ lâu”. Mọi người vẫn tỏ vẻ
không tin. “Vậy thì tôi sẽ ra khỏi phòng, các vị cứ tự nhiên gọi Witte và thử cho cháu uống thêm sữa. Tôi chắc chắn rằng dù có tôi hay không thì Witte cũng sẽ không uống thêm sữa.”
Sau khi tôi ra khỏi phòng, mọi người tiếp tục làm mọi cách để Witte uống thêm sữa nhưng hoàn toàn vô ích. Họ còn đem bánh kẹo ra dụ dỗ Witte, nói rằng cứ ăn đi vì cha không biết đâu... nhưng Witte không nghe mà còn thẳng thắn nói “Cho dù cha cháu không thấy, không biết nhưng Thần thánh biết, cháu không thể làm như thế được.” “Nhưng lát nữa chúng ta sẽ cùng đi dạo, nếu ăn ít thì sẽ không đủ sức đi chơi đâu!” Nhưng Witte vẫn khăng khăng “Cháu không sao!”
Mọi người ra ngoài gọi tôi vào. Cậu bé vừa khóc vừa kể lại mọi chuyện. Tôi liền ôm Witte vào lòng và nhẹ nhàng nói “Karl, con ngoan lắm. Con chịu phạt như thế là đủ rồi. Mọi người đều vì yêu mến con nên muốn con ăn bánh kẹo và uống sữa. Con không ăn là phụ lòng tốt của mọi người đấy”.
Nghe tôi nói vậy, Witte mới vui vẻ tiếp tục uống hết chỗ sữa và ăn bánh. Việc cậu bé mới 6 tuổi mà đã biết tự chủ như vậy khiến mọi người ở nhà vị mục sư rất ngạc nhiên.
Đọc đến đây chắc nhiều người sẽ nghĩ rằng cha Witte quá nghiêm khắc trong việc giáo dục con. Nhưng đôi khi sự nghiêm khắc đó cũng có hiệu quả, vấn đề là cần áp dụng đúng người đúng việc. Khi nhỏ nếu không rèn thói quen “đúng lúc đúng chỗ” này thì lớn lên sẽ khó hình thành tính kỷ luật. Thông thường, sự giáo dục nghiêm khắc thường làm cho trẻ rất khổ sở, nhưng riêng phương pháp giáo dục của Witte thì, ngược lại, rất thoải mái tự nguyện. Cũng giống như việc xây nhà: phải sắp xếp có trật tự ngay từ những viên gạch ban đầu. Và cha Witte đã làm rất tốt điều này.
Nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con của ông là cái gì đã nói là không thì nhất định không được làm, tránh thái độ bất nhất khi yêu cầu trẻ, lúc thì cho phép, lúc thì không cho. Như nhà thơ Đức, Johann Christoph Fredrich Schiller đã nói: “Cái gì chúng ta không bao giờ có thì sẽ không cảm thấy thiếu”. Điều đó dễ hình thành trong suy nghĩ của trẻ khái niệm “khi cha mẹ nói không được là không được”. Cha Witte rất tuân thủ nguyên tắc này, và ông áp dụng nó ngay từ khi Witte được 1
tuổi. Ta thường thấy các ông bố bà mẹ có suy nghĩ, cứ để cho con làm, lớn thêm chút nữa sẽ cấm, nhưng như vậy con càng khổ hơn. Vì thế cái gì là tốt, cái gì là xấu thì những người làm cha mẹ phải nhất quán từ đầu đến cuối không được thay đổi. Và giữa những người lớn phải có sự đồng thuận, tránh mẹ nói một đằng, cha nói một nẻo. Việc giáo dục luôn đòi hỏi sự phối hợp thống nhất của cha, mẹ và cả những người trong nhà. Đôi khi cha quá nghiêm khắc, còn mẹ lại quá nuông chiều con, thế nên việc giáo dục không đạt kết quả. Cha Witte rất chú ý đến điều này. Dù trong giáo dục tri thức hay giáo dục nhân cách, ông đều có sự hợp tác của vợ. Cái gọi là “mẹ hiền cha nghiêm” nhất định không phải là biện pháp giáo dục tốt.
12. Phương pháp dạy con của Witte tuy có nghiêm khắc, nhưng hoàn toàn không phải kiểu giáo dục độc tài, chuyên chế, bắt con làm theo ý mình một cách mù quáng. Trong cách dạy con của ông cũng như trong các vấn đề khác, ông luôn tôn trọng tính hợp lý. Ông cho rằng trong giáo dục thì điều tối quan trọng là không được che lấp lý trí, không làm rối loạn năng lực phán xét của trẻ. Vì thế ngay cả khi mắng con ông cũng không bao giờ để con không hiểu vì sao lại bị mắng. Người làm cha mẹ mà có quan điểm sai lầm dẫn đến mắng con vô lý là đã điều rất không hay, nhưng cho dù sự trách mắng và ngăn cấm là chính đáng nhưng lại không cho con biết lý do thì lại cũng vẫn là đáng trách. Phần đông các bậc cha mẹ hay lại mắc phải sai lầm này - Đấy chính là sự chuyên chế. Cha Witte thì khác, ông luôn cố gắng nhìn vào thực tế để không mắng con một cách không thỏa đáng, và bao giờ ông cũng giải thích để con hiểu vì sao lại không được. Ông cho rằng nếu làm hỏng năng lực tự phán xét của trẻ thì suốt cuộc đời sau này trẻ sẽ không có được cái nhìn khách quan, công bằng trong mọi vấn đề. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn cản trở sự tiến bộ của cả xã hội.
Khi Witte cứ nói mà không suy nghĩ, cha Witte không mắng mà chỉ ôn tồn nhắc: “Như thế không có gì là xấu cả nhưng từ giờ con không nên nói thế nữa”. Khi đó con sẽ hiểu như vậy là không hay, nhưng sau đó chắc chắn sẽ hỏi lý do, và tôi sẽ bắt đầu giải thích: “Điều con nói đúng là sự thật, cha cũng thừa nhận. Nhưng đó không phải cái có thể nói trước
mặt người khác. Con xem chẳng phải vì con nói thế mà ông N đã xấu hổ đến đỏ cả mặt sao? Bình thường ông ấy rất quý con, lại rất nể cha, nên ông ấy đã không nói gì, nhưng sau đó không còn vui vẻ nữa đúng không? Từ lúc ấy ông ấy không nói một câu nào nữa, đó chính là vì con đã thốt ra những lời như thế đấy”. Đây là cách để tôi cố gắng không làm tổn hại đến khả năng đánh giá của con. Nghe những lời này thì con trai tôi cũng hiểu là việc không nên làm, nhưng vẫn thắc mắc: “Nhưng mà, điều con nói là sự thật còn gì?” “Đúng là sự thật, nhưng ông N cũng có cách nghĩ của ông ấy, chúng ta chưa chắc đã biết được. Không chừng ông ấy lại bảo con là trẻ con nên không hiểu ông ấy cũng nên. Hơn nữa, cho dù điều con nói là sự thật nhưng không phải là điều bắt buộc phải nói. Những người khác cũng biết, nhưng họ đâu có nói như con? Nếu con nghĩ chỉ mình con biết thì con đã nhầm rồi! Và thử nghĩ xem nếu như ai đó để ý tìm ra lỗi của con và nói trước mặt người khác thì con có vui không? Thực ra trẻ con thì có rất nhiều lỗi. Nhưng những người khác luôn làm như không thấy lỗi của con. Không phải người ta không biết đâu, họ biết, nhưng họ im lặng, là vì họ không muốn làm con xấu hổ. Như vậy con thấy họ có tốt bụng không? Chính vì thế con cũng nên làm như họ. Chẳng phải Kinh thánh dạy “Muốn người khác làm gì cho mình thì hãy làm điều đó với họ”, hay sao? Dù là sự thật đi nữa nhưng chỉ ra sai lầm của người khác trước mặt mọi người là việc rất không nên làm.”
Hiểu được điều tôi nói rồi, nhưng Karl vẫn băn khoăn: “Vậy con sẽ phải nói dối ạ?”
“Không, đó không phải là nói dối. Con không cần phải nói dối. Chỉ im lặng là được rồi. Vì nếu như ai cũng chăm chăm để ý và chỉ trích sai lầm của người khác ở chỗ đông người thì chắc hẳn thế giới này sẽ chỉ toàn là cãi cọ và có thể chúng ta sẽ chẳng thể sống an lành như thế này được.”
Bao giờ cũng thế, tôi luôn giải thích cặn kẽ cho đến khi Karl đã hoàn toàn lý giải được, và sau khi nghe những lời tôi nói, Karl hứa với tôi: “Từ nay về sau con nhất định sẽ không làm như thế nữa”.
Sự hợp lý trong phương pháp giáo dục của cha Witte chính là như vậy - không che lấp lý trí và không làm tổn hại đến năng lực phán xét của trẻ. Witte cũng qua đó biết thêm được nhiều từ ngữ, hiểu được
nguyên nhân, hiểu được những lời giáo huấn của cha. Song phần lớn những đứa trẻ khác sẽ không hiểu được căn nguyên dù có được giải thích, vì thế rất khó áp dụng phương pháp giáo dục hợp lý này. Đó là lý do vì sao phải làm phong phú vốn từ cho trẻ ngay từ đầu.
13. So với các bậc cha mẹ khác, Witte rất nghiêm khắc trong việc để con ra ngoài chơi. Theo như lời ông, nếu để con ra ngoài chơi sẽ không thể chọn được bạn, bất cứ đứa trẻ nào cũng chơi cùng, và sẽ nhiễm phải những thói xấu. Ví dụ như học đòi làm chuyện người lớn, đánh bạc bên lề đường, cãi lộn... Trẻ con hầu như chưa biết suy nghĩ, chúng lấy cát đá ném nhau, rồi bị thương, có khi còn hỏng cả mắt. Nói chung là khá nguy hiểm. Khi gặp những đứa trẻ bị hỏng mắt, vỡ mũi, gãy tay, què chân, ông luôn hỏi kỹ nguyên nhân, và biết rằng hầu hết là xảy ra trong lúc chơi. Vì lý do đó, ông nhất quyết không cho con ra ngoài chơi, không chỉ có vậy, ông hầu như không để con chơi cùng những đứa trẻ khác. Ông nói về điều này như sau:
“Nhiều người nói rằng trẻ con không thể không có bạn chơi vì như thế sẽ không vui và còn có thể khiến trẻ trở nên tiêu cực, khó bảo. Tôi thử bàn với vợ và chúng tôi quyết định chọn cho con 2 cô bạn. Hai cô bé này được dạy bảo tốt nhất vùng, lại biết hát và biết nhảy, con trai tôi đã cùng chơi rất vui vẻ. Nhưng đúng như tôi đã lo lắng. Từ sau khi chơi với 2 cô bé đó, con trai tôi trở nên bướng bỉnh và bắt đầu nói dối, thậm chí lại dùng những từ ngữ hạ đẳng, tính tình thì trở nên ích kỷ. Đó là vì hai cô bạn không hề phản đối con tôi bất kỳ việc gì. Tôi đã dặn chúng đừng nghe theo tất cả mọi lời nói của con tôi, và khi cháu tỏ ra ích kỷ thì hãy nói với tôi, nhưng không có kết quả. Từ đó, tôi bỏ ý định cho con chơi với những đứa trẻ khác.
Tôi đã nghĩ rằng trẻ con nếu không có bạn chơi thì sẽ không vui, nhưng điều đó là không đúng. Đương nhiên trẻ con mà chơi với trẻ con thì có thể thích nói gì thì nói, thích làm gì thì làm, được hoàn toàn theo ý mình, rõ ràng là rất thoải mái. Mọi người cho đó là vui? Nhưng nếu vui là như thế thì thà không có còn hơn.
Nếu chúng ta có thể cũng mang trái tim và tâm hồn trẻ thơ để cùng chơi với chúng thì trẻ sẽ vẫn vui mà lại có thể chơi một cách có ích,
không bị tác động bởi những thói quen xấu. Nếu chỉ toàn trẻ con chơi với nhau, đứa trẻ ngoan cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cái xấu, đứa trẻ hư thì càng bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn. Việc trẻ ngoan có những thói quen tốt sẽ tác động lên trẻ hư là điều không thể có, vì thói xấu mới là thứ dễ lây lan nhanh chóng. Đơn giản vì đức tính tốt là thứ cần phải nỗ lực rèn luyện và phải biết tự chủ cao độ mới có được, còn học cái xấu thì chẳng cần phải mất chút công sức nào. Vì thế, trường học theo cách nghĩ này sẽ là nơi thói hư tật xấu có thể dễ dàng tấn công trẻ, và những nguy hại mà trường học có thể mang đến là không nhỏ. Và như vậy nếu việc học có khả năng được đảm bảo ngay tại nhà thì trẻ chẳng cần phải đến trường. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đều không thể tự dạy dỗ con mà phải đưa đến trường, thế nên trường học phải đặc biệt chú ý đến điểm này và tiến hành giám sát trẻ chặt chẽ trong cả thời gian chơi.
Tóm lại, nói rằng trẻ không có bạn chơi sẽ trở nên ích kỷ, khó bảo, là hoàn toàn không phải sự thật. Ngược lại, để cho trẻ con chơi riêng với nhau không có người lớn sẽ phát huy chủ nghĩa vị kỷ, dối trá, lừa lọc, cứng đầu, ganh ghét, tị nạnh, nói xấu, cãi cọ, vu khống,... Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tuyệt đối không cho con chơi với những đứa trẻ khác mới là tốt. Đôi khi vẫn nên cho trẻ gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc với nhau dưới sự giám sát của bố mẹ, như thế trẻ sẽ tránh được những ảnh hưởng xấu. Con trai tôi được hạn chế theo cách đó, và kết quả rất tốt. Karl không bị nhiễm những thói hư tật xấu, vì thế không bao giờ cãi nhau đánh nhau với những trẻ khác, nếu thấy bạn có hành vi xấu thường tránh xa. Vì thế mọi đứa trẻ khi tiếp xúc với Karl đều rất quý mến, khi tôi cho cháu đi chơi ở đâu thì lúc về những đứa trẻ khác cũng đều khóc và muốn giữ lại.
Ở nhà Karl không có cơ hội để tranh chấp với ai, vì thế không dễ bị kích động như những đứa trẻ khác. Và đứa trẻ dù có xấu đi nữa cũng không có lý do gì để tức giận với Karl. Cho đến tận năm 18 tuổi, tôi vẫn không hề thấy Karl cãi lộn. Trong thời gian học đại học cũng có xảy ra tranh luận về học tập, nhưng Karl không hề làm người khác mất cảm tình. So với hầu hết các bạn học thì Karl ít tuổi hơn, nên tôi cũng khá lo lắng. Nhưng vì Karl đối với mọi người rất chân thành, nên tự nhiên có rất nhiều bạn bè thân thiết, khiến tôi cũng phải cảm động.
Như vậy, theo kinh nghiệm của tôi, trẻ không có bạn chơi sẽ không vui, dẫn đến hay cáu kỉnh, khó bảo,... là nhận định sai lầm. Và vì thấy trẻ có hứng thú chơi với trẻ con mà quan niệm rằng phải để cho trẻ được làm như vậy, với tôi đó là một thành kiến, có điều nó chưa dễ thay đổi”.
14. Cha Witte đã mất rất nhiều công sức để hướng thiện cho con. Ngay từ lúc thơ ấu ông đã kể cho con nghe những câu chuyện về cái thiện, đặc biệt là những truyện trong kinh thánh. Và khi Witte làm được điều tốt, ông đều khen ngợi, nhưng cũng luôn chú ý để việc khen ngợi không quá đà khiến con sinh ra kiêu ngạo. Khi Witte lớn hơn một chút, ông cho con đọc thơ về đạo đức. Ở Đức có rất nhiều thơ ca ca ngợi tình bạn, tình yêu, lòng dũng cảm, đức hi sinh… Witte đều thuộc hết. Ngoài ra, ông còn có một cuốn sách ghi lại những việc tốt của Witte để giữ làm kỷ niệm. Với cách khen ngợi này, ngay từ nhỏ Witte đã rất biết tự mình nỗ lực làm những điều tốt đẹp.
Nhưng, điều mà cha Witte đã cố gắng nhất chính là làm sao để con có thể cảm thấy niềm vui khi làm việc thiện, niềm vui trong việc nghiêm khắc với chính mình. Không phải chỉ nói thôi, làm sao để con có thể thấy được những điều này mới là khó, tuy nhiên không phải là không thể. “Chỉ cần ta dốc sức để làm việc thiện, Thánh thần sẽ biết” - cha Witte đã cố gắng để con thấm nhuần ý nghĩ đó. Và, ông cũng nói về những kẻ làm điều xấu với sự phê phán rất nghiêm khắc.
Tuy nhiên, phương pháp khuyến khích con làm điều thiện có đôi chút khác với việc khuyến khích con học. Nếu nói gọn trong một câu thì phương châm của cha Witte sẽ là “Học tập sẽ giúp ta trở nên giàu có, còn làm điều thiện ta sẽ được Chúa trời ban thưởng”. Nếu một ngày học tập chăm chỉ sẽ được một đồng xu, nhưng nếu làm sai điều gì sẽ mất đi đồng xu đó. Ông viết về điều này như sau: “Thi thoảng con trai tôi có nói với tôi “Hôm nay con đã làm sai mất rồi, chắc là con sẽ không được thưởng nữa”. Nghe điều này tôi rất vui, muốn thưởng cho con gấp đôi, nhưng tôi vẫn nói: “Thế à? Cha không biết đấy. Vậy ngày mai con nhớ làm điều tốt để bù lại nhé!”.
Dùng tiền để khích lệ con học có thể khiến người ta thấy là không hay, nhưng đấy chính là ý nghĩa của việc “học tập mang lại sự giàu có”.
Cha Witte viết “Đúng là hơi buồn cười, nhưng tôi trả 1 đồng xu cho 1 ngày học tập của con, để con tôi hiểu được phải vất vả thế nào mới có thể được trả công. Như thế con cũng học được cách sử dụng đồng tiền cho có ý nghĩa. Nếu mua kẹo thì sẽ hết ngay mà chẳng được gì, nếu mua sách, mua đồ dụng học tập sẽ còn mãi. Hơn nữa, vào ngày Giáng sinh, có thể mua quà cho bạn bè và cho những gia đình nghèo, điều đó sẽ giúp con thấy ý nghĩa hơn rất nhiều.”
Khi trong vùng xảy ra thiên tai, cha Witte bao giờ cũng đến thăm những gia đình không may, và Witte cũng dùng tiền của mình để hỗ trợ. Ông sẽ khen con “Con làm rất tốt. số tiền của con tuy nhỏ nhưng với nó chính là Lepta của người quả phụ nghèo khổ đó.” “Lepta của người quả phụ nghèo khổ” là câu trích dẫn trong kinh thánh. Trong phần cuối của chương 12 phần kể về Thánh Marco có đoạn Chúa Jesus ngồi im lặng nhìn mọi người bỏ tiền vào chiếc hộp quyên góp. Ai nấy bỏ vào rất nhiều tiền, chỉ riêng bà quả phụ Lepta bỏ vào có hai xu. Các môn đệ của Người thấy vậy liền gọi lại hỏi và Lepta trả lời: “Các vị ở đây ai cũng giàu có nhưng tôi chỉ là một quả phụ nghèo. Số tiền đó là tất cả gia tài tôi đang có. Mong các vị vui lòng nhận cho”.
Cha Witte rất hay dùng những lời dạy trong kinh thánh, những điển tích điển cố, những lời của thi ca, để khích lệ con làm việc thiện. Và ngay từ nhỏ, Witte đã phải ghi nhớ tất cả những câu chuyện đó và mỗi lần có ai làm điều gì sai mà Witte nhìn thấy, cha Witte đều hỏi: “Theo con người đó làm đúng hay sai?”. Witte ngay lập tức hiểu ra và không bao giờ bắt chước như vậy.
Để khích lệ con học, cha Witte còn làm thế này: Khi con đọc được hết một quyển sách cổ, thuật lại được, đó sẽ là một việc cực kỳ trọng đại, lúc đó ông sẽ dùng tên của những người nổi tiếng để gọi con. Tiếp đó là mẹ Witte bước vào, chúc mừng và tặng quà cho con. Sau đó sẽ vào thị trấn mua rất nhiều thứ con thích để mở tiệc, mời một vài người bạn thân đến ăn cùng. Rồi ông nói trước bữa ăn “Hôm nay Karl đã đọc hiểu một cuốn sách rất khó, chứng tỏ học lực của cháu đã có nhiều tiến bộ.” Mọi người đều chúc mừng và hỏi Witte về cuốn sách, Witte sẽ nói sơ lược về những gì đã đọc, sau cùng sẽ cảm tạ ông trời “đã ban cho sức khỏe và nhiều ân huệ để có thể có được học vấn như ngày nay”.
15. Chúng ta thấy cha Witte thưởng tiền khi con học tốt, còn khi làm việc thiện thì ghi chép vào một cuốn vở và khen ngợi con nhiều hơn so với lúc học. Nhìn chung ông rất hiếm khi khen ngợi con, vì theo ông nếu lạm dụng lời khen sẽ không có hiệu quả. Vì thế khi con học tốt, ông chỉ nói: “À, con làm tốt đấy!”. Nhưng khi Witte làm được việc thiện, ông sẽ ca ngợi “Chà, con làm rất tốt. Chắc rằng Chúa Trời cũng sẽ rất vui!” Nếu là việc đặc biệt tốt, ông sẽ ôm hôn con, nhưng việc đó đặc biệt hiếm, và đối với Witte đó là món quà hết sức giá trị. Bằng cách đó ông làm cho Witte cảm nhận được niềm vui khi làm việc thiện. Quan điểm của ông là nếu khen thái quá sẽ khiến con sinh ra kiêu ngạo, mà nếu còn nhỏ đã tự phụ thì khi lớn lên sẽ không khá được. Việc ông dạy cho con rất nhiều thứ, nhưng ông không bao giờ nói rằng đây là Hóa học, đây là Vật lý, cũng là để tránh cho con sinh ra kiêu ngạo, hợm hĩnh về những kiến thức mình có được. Còn nhỏ đã tự phụ thì sau này lớn lên khó thành đạt.
Cha Witte quả là đã rất lao tâm khổ tứ để tránh cho con khỏi sinh ra tính tự phụ. Ông không chỉ hạn chế khen ngợi con, mà còn tránh cả việc để người khác khen ngợi. Khi người ngoài khen Witte, ông sẽ đưa con ra khỏi phòng để khỏi phải nghe. Và một khi đã đề nghị mà vẫn không được, ông sẽ đoạn tuyệt không đến nhà đó nữa. Ông làm việc này quyết liệt đến mức nhiều khi người khác không hiểu và có những lời bình phẩm không hay. Khi Witte lớn hơn một chút, ông dạy: “Tri thức thì có thể nhận sự khen ngợi của người khác, còn làm việc thiện sẽ được Chúa Trời ban thưởng. Nhưng, lời tán thưởng của nhân gian nói chung rất dễ thay đổi, dễ có được mà cũng dễ mất. Còn phần thưởng của Chúa Trời có được là do việc thiện tích tụ lại mà nên, vì thế sẽ rất khó để đạt được, nhưng sẽ là thứ vĩnh viễn không thay đổi. Bởi vậy không nên mê muội với những lời tán tụng của nhân gian. Người nào mà vui mừng với những lời tán tụng thì cũng sẽ buồn phiền vì những lời cay độc, và chỉ có kẻ ngốc mới phải bận tâm về miệng lưỡi người đời. Con người ta, dù có học rộng đến đâu, so với ông Trời thì chỉ là muối bỏ bể, và người nào mà bằng lòng với lượng kiến thức của mình thì sẽ thật đáng thương.”
Nói những điều này, ông mong muốn Witte sẽ không mắc phải thói tự phụ. Đây thực sự là một điều khó khăn, nhưng ông đã thành công tốt
đẹp.
16. Có không ít trẻ, do được mọi người ca ngợi quá mức, đã sinh ra thói kiêu căng, tự mãn. Cha Witte đã cố gắng tránh cho Witte thói hư này. Ông viết:
“Có lần, tiến sĩ Zenfer, ủy viên Giáo hội của Hale, đã hỏi tôi: ‘Witte thông minh như vậy chắc kiêu căng chứ?’. ‘Không, cháu không hề kiêu căng’, tôi trả lời với giọng tự hào. ‘Làm gì có chuyện đó. Thật khó tin! Thần đồng thông minh như thế mà không kiêu căng ư? Kiêu căng, tự phụ cũng là bình thường thôi mà, huống chi Witte dù sao vẫn còn là trẻ con’, tiến sĩ Zenfer tỏ vẻ không tin và muốn gặp Witte để nói chuyện. Tôi đồng ý. Sau buổi gặp và trò chuyện ấy, tiến sĩ Zenfer mới tin lời tôi là thật”.
Lần khác, giám sát viên H đến nhà người thân ở Gottingen chơi. Trước đó, ông ta đã nghe về Witte qua những câu chuyện truyền miệng và qua báo chí, nhưng ông muốn tìm hiểu rõ hơn về Witte vì biết người thân của ông có quen cha Witte. Qua sự giới thiệu và nể tình là chỗ quen biết, cha Witte đồng ý để vị này gặp và thử tài Witte với một điều kiện: “Cho dù thế nào thì cũng không được khen ngợi Witte”. Ông H đồng ý và nói rằng rất muốn thử kiểm tra kiến thức của Witte ở nhiều môn, nhưng do thời gian không nhiều nên chỉ kiểm tra môn toán. Witte và ông đã có buổi trò chuyện ngắn, sau đó là một cuộc kiểm tra kiến thức nhẹ nhàng xoay quanh đề tài toán học, từ những vấn đề đơn giản nhất đến phức tạp nhất. Tất cả những vấn đề ông nêu ra đều được Witte trả lời trôi chảy đến mức ông ngạc nhiên không nói được lời nào, mặc dù trước đó ông cũng đã biết rằng Witte rất giỏi toán.
Nếu cha Witte không đưa tay lên miệng làm dấu nhắc “Im lặng” thì đã rất nhiều lần ông phá vỡ lời hứa “không được khen Witte”. Do cả ông lẫn Witte đều thích môn toán nên bàn luận về chủ đề này không biết chán. Kết thúc buổi kiểm tra kiến thức, ông đã phải thốt lên: “Thật là giỏi! Có những điều Witte còn hiểu và nắm rõ hơn cả tôi”. Khi nghe cha Witte kể rằng Witte mới chỉ học môn toán được sáu tháng và chủ yếu là qua những lần nghe lỏm bài giảng của các vị giáo sư, ông lại càng ngạc nhiên hơn. Nhưng ông vẫn muốn thử Witte: “Đây là câu hỏi cuối cùng”,
ông nói với Witte, “câu hỏi này, nhà toán học và vật lý Leonhard Euler đã mất ba ngày mới giải được. Nếu cậu giải được thì tôi thật sự rất vui”. Ông nói như thế là muốn thách đố, dường như không chịu thua Witte.
Cha Witte cảm thấy lo lắng, ông không lo vì Witte không trả lời được, mà lo vì nếu Witte trả lời được thì có thể cậu bé sẽ cảm thấy tự phụ. Nhưng vì nhận lời rồi nên ông không thể “dừng cuộc vui” của hai người, vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt ông. Giám sát viên H không hiểu nên lại nghĩ cha Witte sợ con không giải được.
Câu hỏi ông H đưa ra cho Witte như sau: “Một người nông dân có mảnh đất hình chữ L. Ông muốn chia thành ba phần bằng nhau cho ba người con, mỗi phần có diện tích và hình dạng giống nhau. Hãy giúp người nông dân đó”. Rồi ông ấy còn hỏi thêm: “Cháu đã từng nghe hay đọc một câu hỏi nào khó tương tự như thế này chưa?”. “Dạ, chưa. Hãy cho cháu chút thời gian suy nghĩ, cháu sẽ cố gắng tìm ra câu trả lời”. Ông H kéo tay cha Witte lại góc phòng và thầm thì: “Câu hỏi tôi đã hỏi nhiều đứa bé được coi là thông minh thần đồng rồi nhưng đến giờ chưa ai trả lời được. Tôi hiểu là tôi đã ra một câu hỏi khó, nhưng đây cũng là dịp để Witte học tập thêm”. Nhưng ông ấy vừa nói xong thì có tiếng Witte reo lên mừng rỡ: “Cháu tìm ra đáp án rồi”. Giám sát viên H ngạc nhiên đến nỗi không thốt nên lời. Witte bắt đầu giải thích. Ông H hoàn toàn bị thuyết phục nhưng vẫn không tin: “Cháu đã biết câu hỏi này từ trước phải không?”. “Dạ, không ạ”, Witte vừa trả lời vừa khóc. Cậu bé luôn miệng “Dạ, không ạ” như muốn thanh minh là mình nói thật và nhìn cha bằng ánh mắt cầu cứu. Ngay cả khi cha Witte xác nhận là Witte chưa hề biết câu hỏi này thì vị giám sát viên ấy vẫn chưa thật sự tin.
Ông ấy đùa: “Như vậy thì con trai ông giỏi hơn Euler rồi”. “Không, có lẽ do may mắn thôi. Kiến thức là vô hạn, tôi luôn cố gắng để Witte hiểu điều đó để cháu không tự phụ”.“Có lẽ nhờ phương pháp giáo dục đúng hướng mà Witte khác hẳn những cậu bé mà tôi đã gặp và chắc chắn cháu còn sẽ thành đạt hơn nữa”, vị giám sát viên gật gù. Witte không nghe rõ hai người nói gì, nhưng cậu rất vui vì quen được một người bạn
mới tâm đầu ý hợp. Trước khi về, cậu bé còn mời ông H hôm nào đến chơi nữa.
Xin nói thêm một chút về câu hỏi mà vị giám sát viên H đã đố Witte. Hình như câu hỏi và tỉ lệ trong phần hình vẽ minh họa không được chính xác. Tuy không thể chứng minh bằng toán học nhưng tôi và một số giáo sư toán cũng đã thử trên mô hình bằng giấy. Kết quả là không làm cách nào chia ba phần có diện tích bằng nhau với hình dáng y hệt nhau được. Nếu câu hỏi sai thì chắc chắn không thể tìm ra đáp án. Hay vấn đề ở đây là do việc chuyển ngữ? Từ “similar” trong tiếng Anh sử dụng trong toán học phải chăng mang một nghĩa khác? Nếu không, Euler đã không phải mất đến ba ngày mới tìm ra đáp án. Mà cũng có thể vị giám sát viên H đó nhầm lẫn chỗ nào chăng?
17. Phương pháp giáo dục của cha Witte, như ông đã nói, là để tạo ra một con người tài đức vẹn toàn với thể lực tối ưu. Vì thế, giáo dục tri thức, nhân cách, thể chất, đều được coi trọng. Tuy nhiên, trong sách của ông không có ghi chép về việc giáo dục thể chất nên mọi người cũng không biết chính xác. Chỉ thấy hình như hai cha con có cùng nhau đi bộ quanh làng, leo núi và đi bộ ra cả thành phố. Không thấy đề cập đến bơi lội, tennis hay cưỡi ngựa. Nhưng rõ ràng cha Witte rất chú ý đến vấn đề sức khỏe, và Witte là một cậu bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đến cuối đời vẫn duy trì một thể lực tốt.
Cha Witte còn cho rằng, tri thức, nhân cách, thể lực, thì chỉ dạy thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải “thổi” được cảm hứng vào trong đó, làm sao để tạo cho việc dạy và học trở nên thú vị. Để làm điều này, ông đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bắt đầu từ ngôi nhà. Trong nhà ông không có cái gì là không thú vị. Ông cũng rất coi trọng sự hòa hợp của ngôi nhà. Giấy dán tường phải là loại giấy khiến người ta cảm thấy dễ chịu, trên đó treo những bức tranh vui chơi giải trí. Đồ vật trong nhà cũng thế, cái nào cũng có hoa văn trang nhã. Nếu là thứ được tặng nhưng không hòa hợp với các đồ vật khác trong nhà thì ông nhất định không dùng. Trang phục cũng vậy. Ông đặc biệt tẩy chay những thứ lòe loẹt, chỉ dùng những thứ giản dị mà vẫn quý phái. Tiếp đến là những thứ xung quanh nhà. Ông
trồng nhiều loại hoa tao nhã, để sao cho từ đầu mùa xuân đến cuối mùa thu luôn có hoa nở. Ngay cả ở đây, mọi thứ cũng phải hài hòa. Nhờ được cha truyền cho cảm hứng văn học , Witte có khả năng cảm thụ thơ ca rất tốt và biết làm thơ từ sớm. Trong thư gửi Witte năm cậu bé lên 10 tuổi, nhà ngôn ngữ học Heine, nhà thơ Wieland đều rất ngạc nhiên về khả năng ngôn ngữ xuất sắc của cậu bé. Nhìn vào cuộc đời Witte, học vị đầu tiên là tiến sĩ Toán học, sau trở thành một giảng viên luật học, ngoài ra lại có những nghiên cứu rất giá trị về Dante,... ta có thể thấy rằng đây là một người rất đa tài, rất toàn diện.
18. Nhờ những nỗ lực của cha và sự phấn đấu của bản thân, đến khi 7 tuổi rưỡi Witte đã có những tiến bộ vượt bậc trong học tập, xa gần đều biết. Nhiều người tìm đến để thử sức và ai nấy đều phải trầm trồ thán phục. Tháng 5 năm 1808, giảng viên Ranfort ở Mersebug, với mong muốn khích lệ học sinh của mình, đã tìm đến và đề nghị được thử tài của Witte trước mặt các học sinh. Ban đầu, cha Witte từ chối vì sợ rằng điều đó có thể khiến con trở nên kiêu ngạo, nhưng sau khi suy nghĩ lại ông đã đồng ý với điều kiện tất cả những người có mặt đều không được thốt ra một lời khen ngợi nào. Giảng viên Rant Fort mời hai cha con Witte đến trường học, vừa lúc vào giờ dạy tiếng Hy Lạp, là môn học tương đối khó. Rant Fort đề nghị Witte làm thử mấy câu khó, ngay lập tức cậu bé làm hết dễ dàng, ngoài ra còn trả lời trôi chảy những câu khác. Các môn tiếng La-tinh, tiếng Pháp, lịch sử Hy Lạp, Toán học… Witte đều làm rất tốt khiến ai nấy đều thán phục. Năm đó cậu bé mới 7 tuổi 9 tháng.
Mấy ngày sau trên báo đăng một bài về Witte với nội dung như sau: “Đã có một sự kiện gây chấn động ngành giáo dục đương thời bởi một cậu bé rất nhanh nhẹn hoạt bát, không hề có dấu hiệu già trước tuổi, đặc biệt lại không hề kiêu căng tự phụ, thậm chí hoàn toàn không ý thức về tài năng của mình. Cậu bé đó là Karl Witte, con trai duy nhất của mục sư, tiến sĩ Karl Heinrich Gottfried Witte ở làng Lochau, Hale. Phương pháp giáo dục được áp dụng cho cậu bé đã đạt được sự lý tưởng cả về tinh thần và thể chất. Chắc hẳn phương pháp đó rất lý thú, song đáng tiếc lại không được cha cậu kể lại tỉ mỉ.”
Ngay lập tức cái tên Karl Witte trở nên nổi tiếng khắp nước Đức khiến càng nhiều người từ nhiều nơi tìm đến thử tài Witte, và không ai là không thán phục, trong đó có những vị là học giả nổi tiếng lúc bấy giờ như nhà thơ người Mỹ Casar Flaischlen… Một giáo sư của trường Đại học Leipzig và một số quan chức thành phố đã nghĩ đến việc nhận Witte vào học. Tiến sĩ Loster – một học giả nổi tiếng, hiệu trưởng trường trung học Thomas, người được mời đến kiểm tra trình độ của Witte – đã tha thiết khuyên cha của Witte đưa con đến đó học. Lúc đầu, cha của Witte từ chối vì nghĩ thi cử sẽ chỉ làm phí thời gian của Witte. Nhưng họ cứ nhiệt tình mời nên cuối cùng ông đã nhận lời.
Tiến sĩ Loster là người rất tốt bụng. Ông cũng đoán biết cha của Witte không tán thành nên đã giải thích tỉ mỉ. Sau khi cha của Witte đồng ý, ông lập tức tổ chức kỳ thi vấn đáp cho Witte. Đó là ngày 20 tháng 12 năm 1809. Ngay khi kỳ thi kết thúc, ông đã trao giấy chứng nhận cho Witte, đồng thời viết một bài báo ca ngợi cậu, trong đó có đoạn: “ Karl Witte, con trai Tiến sỹ - Mục sư Witte, mới chưa đầy 9 tuổi, nhưng đã có kiến thức không thua kém những thanh niên 18, 19 tuổi hiện nay. Đó chính là thành quả chính đáng của việc giáo dục từ sớm mà cha cậu đã áp dụng. Cậu bé có thể dịch thơ văn tiếng Pháp, Ý, La tinh, Anh và Hy Lạp rất có hồn. Các học giả đều phục tài cậu. Trước mặt Quốc vương, cậu cũng đã thể hiện một kiến thức khổng lồ về Lịch sử, Địa lý, Văn học từ cổ điển đến hiện đại. Điều ngạc nhiên hơn là sức khỏe của cậu bé hoàn toàn khác với các Thần đồng, cậu đặc biệt nhanh nhẹn, hoạt bát. Cũng không như nhiều Thần đồng, cậu hoàn toàn không có tính tự phụ. Đây thật là một cậu bé kỳ lạ. Nếu sau này được tiếp tục giáo dục tốt, chắc hẳn kết quả sẽ không thể nói hết được. Nhưng cha cậu chỉ là một người dân quê với thu nhập thấp, vì thế việc học của cậu sau này sẽ tương đối khó khăn. Cho đến nay, cha cậu là người dạy dỗ cậu, nhưng sau này sự giáo dục đó sẽ không theo kịp nữa. Nguyện vọng của cha cậu là chuyển cả gia đình lên thành phố trong thời gian khoảng 3 năm học đại học, nhưng với tình trạng kinh tế hiện giờ thì không thể thực hiện được. Vì vậy tôi viết bài báo này để mong độc giả quan tâm giúp đỡ. Nếu có 4 mác (*) mỗi năm, cậu bé tài năng này có thể tới Leipzig để theo học một trường đại học danh giá. Đây thực sự là một nghĩa cử cao
đẹp, và tôi tin nó sẽ không vô ích. Sau này, Tiến sĩ Witte có thể sẽ truyền đạt lại những gì mình có được cho những trẻ khác, và sự nghiệp giáo dục của chúng ta sẽ được cải thiện. Tôi hi vọng độc giả sẽ ủng hộ.”
(*) Mác Đức, theo chế độ bản vị vàng (được bãi bỏ từ năm 1914).
Hiệu quả của bài báo rất lớn, không những một năm được 4 mác, mà hai cha con được hứa tài trợ 8 mác. Không những thế, họ còn được chu cấp một khoản tiền đủ dùng cho 2 người và có thể khởi hành ngay đến Leipzig. Để được sự cho phép của Quốc vương, hai cha con tới Kassel. Để tránh hiểu lầm, tôi xin giải thích một chút: Quốc vương không phải là vua Prosia mà là vua Jemom (con trai thứ 2 của Napoleon). Năm 1807, dưới thời Napoleon, phía Tây sông Elbe là phần của vua West Falia, vì thế vùng Lochau và Hale thuộc quyền quản lý của vị vua này và về mặt chính trị thì vùng này do cả người Pháp lẫn người Đức cai quản.
Khi 2 cha con tới Kassel thì Quốc vương đang đi du lịch. Họ đã gặp một vị quan tên là Raist, người này cũng thử tài Witte và vô cùng ngạc nhiên. Sau khoảng 3 giờ chất vấn, ông thấy để một nhân tài như thế đi ra nước ngoài là điều rất đáng tiếc, vì vùng Leipzig là địa phận của Sacsonia. Ông cũng hỏi cha Witte rất nhiều về phương pháp giáo dục, và sau cùng ông đề nghị 2 cha con sẽ không đi Leipzig mà ở lại trong nước. Hôm sau hai cha con được mời dự tiệc buổi tối với các quần thần và mọi người đều hài lòng với Witte. Quốc vương cũng không muốn 2 cha con đi Leipzig mà ở lại học tại Đại học Hale hoặc Gottingen. Nhưng cha Witte vì không muốn thất hứa với những người dân Leipzig nên đã từ chối. Không được phép của Quốc vương, họ phải tạm thời dừng lại ở Lochau để đợi. Ngày 29 tháng 7 năm đó, triều đình gửi tới một bức thư thông báo sẽ tài trợ cho Witte mỗi năm 6 mác để theo học trường Đại học Gottingen.
19. Mùa thu năm đó, Witte nhập học trường Đại học Gottingen và học tại đây 4 năm. Trong thời gian này cậu đã học được rất nhiều. Học kỳ 1 là về Vật lý học và Lịch sử cổ đại, học kỳ 2 là Số học và Thực vật học, kỳ 3 là Toán học ứng dụng và Lịch sử tự nhiên, kỳ 4 là Hóa học và
Giải tích, kỳ 5 là Lượng giác và Hóa học thực nghiệm, học kỳ 6 là Đại số, Quang học, Văn học Pháp, học kỳ 7 là Chính trị, Lịch sử, học kỳ 8 là Toán học cao cấp, Logic, Đạo đức, Ngôn ngữ học... Trong thời gian đầu, vì Witte còn khá nhỏ nên cha của Witte đã đi cùng để tiện chăm sóc. Một cậu bé 10 tuổi học cùng với những thanh niên 20 tuổi, tưởng rằng sẽ rất vất vả nhưng thực tế lại rất thư nhàn. Cậu vẫn có thời gian vận động, vui chơi. Witte thường hay ra ngoài sưu tập động thực vật, vẽ tranh, chơi piano và cả khiêu vũ. Ngoài những bài giảng, cậu vẫn không quên nghiên cứu về ngôn ngữ học cổ điển và hiện đại. Mùa xuân năm 1811, khi gần hết học kỳ 2, cha Witte kể lại: “Vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, tôi đưa con đi du lịch. Điều này khiến mọi người rất ngạc nhiên. Họ đã nghĩ tôi sẽ nhân cơ hội này để giúp con ôn tập miệt mài trong thư viện. Thực tế là có một người bạn đã khuyên tôi như vậy, nhưng tôi bảo: Nếu muốn con tôi thành con rối thì tôi sẽ làm như vậy. Nhưng mục đích của tôi không phải là biến con thành con rối. Hơn nữa sức khỏe và tầm nhìn của con tôi quan trọng hơn học vấn. Thời gian cho việc học như thế là đủ rồi.”
Cha Witte luôn chú ý đến sức khỏe của con. Vào những ngày thời tiết khô ráo, ông rất khuyến khích con ra ngoài vận động. Vào ngày mưa nhỏ hoặc có tuyết, 2 cha con chỉ đi dạo. Trời lạnh thì hiếm khi thấy họ ra khỏi nhà. Mùa hè năm thứ 2, Quốc vương Jemom tới thăm trường Đại học Gottingen. Ông đi dạo quanh trường rồi dừng lại ở vườn thực vật. Lúc này Witte đang học môn Thực vật học cùng với các học sinh khác. Thấy Witte ông vui vẻ gọi lại nói chuyện, động viên 2 cha con cố gắng, ông sẽ trợ giúp học phí. Mùa xuân năm 1812, sang kỳ học thứ 5, ở tuổi 12, Witte viết luận văn về các đường xoáy ốc và đưa ra những quan điểm của mình về tính tiện lợi của việc dùng những dụng cụ có rãnh. Luận văn này đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Sau khi cuộc viễn chinh nước Nga thất bại, thế lực Napoleon dần suy yếu. Việc bại trận tại Leipzig và sự kiện Quốc vương Jemom qua đời tháng 10 năm đó đã khiến tình hình chính trị trong nước có nhiều biến động. Khi đó, Witte đang ở học kỳ thứ 7. Witte đã viết cuốn Thuật tam giác, nhưng không xuất bản ngay mà phải đợi đến năm 1815, khi cậu đã rời trường Gottingen tới Đại học Heidelberg. Trong năm 1813, cha Witte nhận được lời hứa của Quốc vương rằng sẽ tài trợ cho việc học của con
ông thêm 4 năm nữa, nhưng giờ đây, việc của hai cha con Witte sẽ do chính phủ nắm quyền của cả ba vùng là Hannover, Brunswick, Hessen giải quyết. Chính phủ của Jemom vốn một nửa là người Đức, vì quá sa đà vào chiến tranh nên ngân khố luôn cạn kiệt, hoàn toàn không phải lúc mà người ta có thể dễ dàng mở hầu bao. Thế nhưng, học phí của Witte lại được cả 3 chính phủ đề nghị chi trả, như vậy có thể thấy rằng tài học của cậu đã được thừa nhận. Học kỳ thứ 8 tại trường Đại học Gottingen, Witte được cả 3 chính phủ này đã cùng tài trợ.
Tháng 4 năm sau, Witte đi du lịch Wetzlar, nhân tiện thăm trường Đại học Giessen và rất được hoan nghênh. Các giáo sư trong trường nói chuyện rất nhiều với cậu về vấn đề học tập (đặc biệt là về giá trị của luận văn đã công bố). Hiệu trưởng của trường đã trao cho cậu học vị Tiến sĩ triết học. Đó là ngày 10 tháng 4 năm 1814. Sau đó cậu tới Đại học Marburg và cũng được chào đón nồng nhiệt. Nếu trước đó cậu chưa nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Giessen thì chắc hẳn sẽ được trao ở đây. Như đã nói, học phí của Witte kỳ thứ 8 tại Đại học Gechigen được 3 chính phủ chi trả. Khi hai cha con đi tới Brunswick để nhận, họ đã gặp người đứng đầu chính phủ ở đó, và sau khi tiếp xúc, người này nhiệt tình khuyên cha con Witte nên tới Anh quốc du học và ông ấy hứa sẽ chi trả toàn bộ học phí.
Cha con Witte tới Hannover. Ở đây, Witte được mời thuyết trình tại giảng đường của một trường Trung học lớn về đề tài số học và đã rất thành công. Đó là ngày 3 tháng 5 năm 1814 (Witte 14 tuổi). Sau buổi hôm đó, chính phủ quyết định trả nhiều hơn số tiền học phí đã hứa, đồng thời cũng đưa ra đề nghị cho Witte sang Anh du học. Kết thúc học kỳ 8, cha Witte đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai của con. Nếu muốn nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thì tốt nhất là nên dừng lại để tập trung vào một trong số các lĩnh vực đã học. Nhưng như vậy thì sẽ lại trở thành học giả, tức là chỉ hoàn thiện được một phần kiến thức. Mà ông thì nghĩ rằng những thứ Witte phải học vẫn còn rất nhiều.
Làm giảng viên Toán cũng rất hay, nhưng phải đến 18 tuổi, từ giờ đến lúc đó phải tiếp tục mở mang kiến thức. Nếu đến 18 tuổi mà vẫn thích Toán học hơn cả thì sẽ theo hướng đó. Với suy nghĩ như vậy, ông cho con theo học Đại học Heidelburg. Hai năm sau Witte nhận được học
vị Tiến sĩ Luật. Thời gian đó, Quốc vương Prosia đề nghị cho Witte đi du học tại Ý, nhưng cha Witte thấy con mình tuổi còn nhỏ nên đã từ chối, đến năm 1818, khi đủ 18 tuổi, Witte bắt đầu tới Ý du học.
20. Từ nhỏ đến lớn Witte luôn là một người rất khỏe mạnh, cả tinh thần và thể lực. Cậu không phải người suốt ngày ngồi ở bàn học, ngược lại vận động và vui chơi ở ngoài lại khá nhiều.
Vì Witte được giải thích cho biết nguyên cơ của mọi sự việc từ sớm, nên khác với trẻ khác, không có gì cậu nghe mà không hiểu. Witte lại sáng dạ, nên những trẻ khác rất thích chơi cùng. Và mặc dù hiểu biết hơn người nhưng Witte không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo, coi thường người khác, nên bạn bè rất quý mến.
Từ xa xưa đã có câu nói “Học giả thì chỉ biết chúi mũi vào học”, nhưng Witte không phải là con mọt sách khô khan mà luôn luôn mang lại sự vui vẻ thoải mái cho người khác. Nhân cách Witte, dù trên cương vị học giả hay là người bình thường, đều rất hoàn thiện.
CHƯƠNG 3: ANH EM THOMSON, MILL, GOETHE ĐƯỢC GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?
1. Cha của Witte đã lưu lại phương pháp giáo dục của mình nhưng cha của Thomson và cha Mill thì không. Chính vì họ không ghi chép lại nên chúng ta không thể hiểu tường tận về phương pháp giáo dục đã áp dụng trong việc dạy dỗ anh em nhà Thomson và Mill. Tuy nhiên sau đây tôi sẽ giới thiệu những hiểu biết của mình về phương pháp này.
Anh em Thomson được sinh ra khi cha của họ, James Thomson, đang là giáo sư của một trường chuyên ngành ở Beltfast (Một thành phố trung tâm của Bắc Ireland). Cũng giống như cha của Witte, ông bắt đầu dạy ngay khi anh em Thomson vừa biết nói. Phương pháp này được bắt đầu bằng cách truyền sự đam mê qua ngôn ngữ. Người chị lớn kể lại: “Hàng ngày, trước mỗi bữa sáng cha tôi lại dắt bốn anh em tôi đi dạo và lần nào ông cũng chuẩn bị sẵn một câu chuyện thú vị để kể cho chúng tôi nghe. Vừa đi ông vừa khéo léo sắp xếp sao cho cả bốn anh em đều lần lượt được nắm tay ông. Điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy rất vui.
Anh em Thomson thích thú lắng nghe những câu chuyện của cha. Cha họ kể về những chuyến vượt biển đến Ấn Độ - Trung Quốc. Những chuyến ngược sông Nile gặp người da đen. Những chuyến thám hiểm sâu trong lục địa Châu Phi gặp sư tử, voi. Chuyện cưỡi lạc đà du lịch qua sa mạc. Thám hiểm vùng băng tuyết ở Bắc Cực. Phiêu bạt trong cánh rừng hương ngào ngạt ở Sri Lanka. Quay trở về mấy ngàn năm trước cùng với người spartan tấn công thành Troy. Hay lên thuyền của Odysseus (một nhân vật trong truyện cổ của Anh) và lạc trên biển. Tham gia vào đội quân của Alexander viễn chinh châu Á…
Qua câu chuyện kể của người chị thì cha họ đã làm điều giống như cha của Witte đã từng thực hiện. Cha họ không nói chuyện một mình, ông kích thích trí tưởng tượng của các con, giúp con cùng tham gia vào câu chuyện. Bằng phương pháp này ông đã dạy ngôn ngữ cho anh em Thomson và làm phong phú kiến thức của họ. Ông còn tận dụng thời gian trong bữa ăn để nói với con rất nhiều chuyện.
2. Ông James Mill, cha của Mill, là học giả nổi tiếng trong các lĩnh vực triết học, kinh tế, lịch sử hơn nữa ông cũng là nhà tâm lý học nổi tiếng. Dựa trên các nghiên cứu tâm lý ông đã nhận ra rằng giáo dục từ sớm là điều cần thiết. Tuy nhiên cũng giống như cha của anh em Thomson ông không để lại tài liệu nào về phương pháp giáo dục của mình, đây là điều rất đáng tiếc.
Nhưng trong tự truyện của mình Mill đã ghi lại phương pháp giáo dục mà ông được thụ hưởng thời thơ ấu. Ông viết: “Tôi đã sống một cuộc sống không có những sự kiện đặc biệt, đó thật sự là một cuộc sống cực kỳ đơn điệu. Chính vì vậy khi đọc tự truyện của tôi chắc người khác sẽ không thấy thú vị. Gần đây giáo dục của nước nhà đang được tiến hành nghiên cứu, tôi viết tự truyện này vì nghĩ rằng phương pháp giáo dục mà cha tôi tiến hành sẽ có ích cho các nhà nghiên cứu. Tôi đã được nhận một sự giáo dục khác thường từ cha mình. Thông thường trẻ em sẽ tiêu phí khoảng thời gian thơ ấu của mình. Nhưng nếu nhìn từ phương pháp giáo dục mà tôi được tiếp nhận thì những đứa trẻ có thể sẽ tiếp thu được một lượng tri thức khổng lồ ở thời kì thơ ấu thường bị bỏ qua một cách lãng phí này”. Đọc trích đoạn trên có lẽ bạn đã hiểu mục đích viết tự truyện của Mill. Tuy nhiên nếu có được ghi chép từ người dạy sẽ tốt hơn những ghi chép của người học.
Mill sinh năm 1806, tức là sau Karl Witte sáu năm. Theo tự truyện của Mill thì từ năm 3 tuổi ông đã được học tiếng Hy Lạp, nên có thể đoán rằng ông được học tiếng mẹ đẻ từ 1 tuổi rưỡi. Ông học tiếng Hy Lạp bắt đầu bằng việc nhớ những từ ngữ thông thường. Cha Mill làm cho ông những tấm bìa cứng ghi những câu ngắn và nghĩa của nó.
Trước hết, Mill được dạy những từ đơn. Sau khi nhớ được những từ đơn, Mill được cha cho đọc sách tiếng Hy Lạp ngay cho dù cậu không hiểu hết ý nghĩa các từ. Những truyện Mill đọc đầu tiên là Ngụ ngôn Aesop, tiếp đến là Tòng quân ký của Xenophon. Giống như cha của Witte, cha của Mill cũng không dạy ngữ pháp, ông chỉ dạy ngữ pháp cần thiết khi không thể không dạy. Quyển sách đọc tiếp theo là Lịch sử của Herodotos, Bảo Điển của Xenophon , Ngôn hành lục của Socrates, - Tự truyện của triết gia của Diogenes, Những câu chuyện tự kể của các triết gia của Laertius, Trước tác của Licien và nhiều tác phẩm nổi tiếng trong
văn học Nga. Năm 7 tuổi, Mill bị bắt đọc Đối thoại của Platon, nhưng ông không hiểu gì. Cha Mill viết sách nên rất bận rộn, hơn nữa ông lại là người rất nóng tính. Vì vậy ông đặt bàn học của Mill gần nơi mình làm việc và cho Mill học, lúc đó trên bàn học chỉ có từ điển Hy Lạp - La
tinh, không có từ điển Hy Lạp - Anh, Do Mill chưa biết tiếng La-tinh nên phải hỏi cha ý nghĩa của rất nhiều câu đơn giản. Dù là người nóng tính và công việc rất bận rộn nhưng cha Mill đã dạy Mill rất chu đáo. Qua đó có thể thấy rằng cha Mill rất tận tâm trong việc dạy dỗ con cái.
Tuy nhiên có thể coi phương pháp giáo dục của cha Mill là hơi khác thường, có ý kiến cho là học lệch. Ông đã không dạy những điều gần gũi với thiên nhiên như cha của Witte. Witte học rất nhiều từ thiên nhiên còn Mill học chủ yếu từ sách. Hơn nữa ngoài học tiếng Hy Lạp, Mill chỉ được học toán. Và toán cũng không được chú trọng lắm nên Mill chỉ học môn này vào buổi tối. Ban ngày ngoài đọc sách tiếng Hy Lạp Mill còn đọc rất nhiều sách tiếng mẹ đẻ.
Mỗi ngày cha Mill dắt cậu đi dạo trước bữa sáng. Việc đi dạo này không chỉ nhằm giáo dục Mill mà còn vì sức khỏe của cha Mill. Cha Mill luôn vận động vì sức khỏe của mình. Trong khi đi dạo ông thường hỏi và bảo Mill nói về những quyển sách cậu đã đọc hôm trước. Chính vì vậy khi đọc sách Mill luôn ghi chép lại để có thể nói chuyện với cha. Mỗi buổi sáng Mill vừa nhìn những ghi chép này vừa nói chuyện với cha. Cha Mill vừa nghe vừa hỏi lại, sửa những chỗ sai, giải thích thêm những chỗ còn thiếu. Trong giai đoạn này, những sách Mill đọc phần lớn là sách lịch sử bắt đầu bằng sách của Robertson, Hume, Gibbon, Mill đặc biệt thích “Thế hệ thứ 2 và thế hệ thứ 3 của dòng họ Philip” của Waston, Lịch sử Roma của Hooke. Mill thường đọc đi đọc lại bản dịch tiếng Anh cuốn “Lịch sử cổ đại” của Roland, bản dịch tiếng Anh “Truyện các anh hùng Hy Lạp” của nhà sử học La Mã cổ đại Plutarchus. Ngoài ra Mill còn đọc rất nhiều các sách khác, các truyện ký, truyện thám hiểm, nhật ký hàng hải. Cha Mill rất ít khi cho con đọc tiểu thuyết nhưng những truyện nổi tiếng như Robinson Crusoe, Nghìn lẻ một đêm, Donkihote... Mill đều đã đọc. Đây là những sách mà Mill đã đọc cho đến 7 tuổi.
Mill bắt đầu học tiếng Latin từ 8 tuổi, đến năm 12 tuổi Mill đã đọc hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của Hy Lạp và La Mã. Cũng từ thời kỳ
này ông bắt đầu học đại số và hình học, để học được hai môn này ông bắt đầu học vi phân, tích phân của toán học cao cấp. Mill đọc rất nhiều sách bằng tiếng mẹ đẻ. Khoảng tuổi Mill bắt đầu đọc sách khoa học, tuy nhiên những môn khoa học mà Mill đã học chỉ là sự nghiên cứu lý thuyết. Mill học hầu hết từ sách. Mặc dù vậy, bất kỳ ai cũng phải sửng sốt với số lượng sách khổng lồ mà Mill đã đọc trong thời niên thiếu.
3. Theo lời kể của Mill thì cha Mill đã ngừng sự dạy dỗ của mình khi Mill được 14 tuổi. Bởi vì năm 14 tuổi Mill rời nước Anh đến Pháp trong khoảng 1 năm. Khi quay trở về Anh, Mill bắt đầu tự học, khoảng năm thứ 3, thứ 4 cấp trung học cơ sở Mill có thể tự học mà không cần đến sự hướng dẫn của bất kỳ thầy giáo nào. Mill đã viết về điều đó như sau: “Từ thời niên thiếu tôi đã được học những tri thức đỉnh cao. Có thể mọi người nghĩ rằng cha tôi đã rất lao tâm khổ tứ trong việc dạy dỗ tôi nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Tôi đã tiếp thu những tri thức đó một cách hết sức đơn giản. Dựa vào điều này chúng ta có thể thấy rằng, những đứa trẻ có thể tiếp thu một lượng kiến thức đáng kinh ngạc trong thời thơ ấu của mình. Do đó tôi cho rằng chúng ta chỉ dạy một chút tiếng La-tinh và Hy Lạp cho bọn trẻ ở các trường học như hiện nay là sự lãng phí rất lớn về thời gian. Nếu tôi có năng lực tiếp thu và ghi nhớ của một thiên tài thì những gì tôi vừa nói sẽ không đúng. Nhưng tôi lại là người có khả năng tiếp thu chậm hơn bình thường. Tôi khẳng định, những đứa trẻ có sức khỏe và năng lực tiếp thu bình thường hoàn toàn có thể học được những gì tôi đã học. Nếu tôi có được một thành công nào đó thì đều nhờ vào sự giáo dục từ sớm của cha tôi. Sự giáo dục từ sớm của cha tôi giúp tôi trưởng thành nhờ có được lượng kiến thức mà người khác phải tích lũy suốt 25 năm.
Sự giáo dục từ sớm của cha tôi có những ưu điểm hết sức quan trọng. Những ưu điểm đó mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích. Đa phần những thanh thiếu niên chỉ ghi nhớ kiến thức vì vậy họ không thể phát triển tư duy của mình được một chút nào. Hơn nữa, họ cũng chỉ thụ động nhớ ý kiến của người khác nên đã tự mình làm thui chột đi khả năng đưa ra ý tưởng. Rất nhiều đứa trẻ, con của những người cha ưu tú, thường là bản sao của cha mình chứ tự bản thân họ không phát triển hơn được. Nguyên
nhân là do người cha khi dạy con đã trao cho con mình những suy nghĩ tinh túy nhất của bản thân. Tuy nhiên, tôi đã được giáo dục không theo kiểu như vậy. Cha tôi không theo chủ nghĩa nhồi nhét kiến thức. Ông dạy tôi sao cho tôi có thể tư duy như ông, hoặc tự bản thân tôi phải có những tư duy vượt trội cha mình. Cha tôi cho rằng hễ suy nghĩ thì sẽ hiểu được. Ông thường bảo “Con tự suy nghĩ xem sao!” và quyết không dạy khi tôi chưa đưa ra được suy nghĩ của chính mình.
Tuy nhiên tôi lại là người không thành công ở điểm này, những lúc như vậy cha tôi đưa ra rất nhiều câu hỏi gợi ý, sau cùng mới bắt đầu giải thích. Mặc dù vậy cách dạy của cha vẫn có chỗ khó khăn đối với tôi. Ví dụ lúc 13 tuổi, khi tôi dùng từ “quan niệm”, cha đã hỏi quan niệm là gì, tôi giải thích theo suy nghĩ của mình nhưng như thế này cũng không phải như thế kia cũng sai và cha tôi đã rất bực mình về điều này. Hoặc thỉnh thoảng khi ngẫu nhiên tôi nói “Về mặt lý luận thì chính xác nhưng thực tiễn cần chỉnh sửa ít nhiều”. Cha liền hỏi lý luận là gì? Giải thích đi! Tôi đã giải thích rất nhiều bằng suy nghĩ của mình, nhưng đối với đứa trẻ 13 tuổi thì đây chẳng phải là điều dễ dàng. Lúc đó cha tôi cũng cực kỳ bực mình. Cuối cùng cha cũng giải thích cho tôi ý nghĩa của từ lý luận như sau: “Thật ra lý luận và thực tiễn không phải là hai vấn đề tương phản. Vì vậy khi nghĩ nó như là sự tương phản thì chẳng hiểu gì về ý nghĩa của từ lý luận cả. Cũng có những người dùng từ lý luận nhưng không hiểu nghĩa của nó, những người như vậy là người vô học”. Nhưng tôi nghĩ điều này thật vô lý. Đây là những điều mà đứa trẻ 13 tuổi không dễ gì hiểu được. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ nếu đứa trẻ không được yêu cầu những điều ngoài khả năng của nó thì chúng không thể phát huy hết năng lực của mình”.
4. Đa số đều cho rằng những đứa trẻ được coi là thần đồng từ khi còn nhỏ thì kết quả học tập ở tiểu học, thậm chí lên đến trung học thường rất tốt, nhưng thành tích này sẽ sụt giảm dần. Những trường hợp này không phải là hiếm.
Tại sao lại như vậy? Đây có lẽ là hậu quả của bệnh tự mãn và tính lơ đãng. Tuy đã được giáo dục từ sớm nhưng do tính tự mãn và thiếu trau dồi thường xuyên nên khả năng sẵn có sẽ dần mai một. Đó là điều tự
nhiên. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý việc này, nếu không thì công sức coi như “đổ sông đổ biển”. Về điểm này, Mill đã viết:
“Những đứa trẻ được giáo dục từ sớm và được coi là thần đồng rất dễ có khuynh hướng kiêu căng, tự phụ. Để tránh điều này, cha mẹ cần rèn cho con tính khiêm tốn, bất kể con mình tài giỏi đến đâu. Cha tôi đã tốn rất nhiều công sức để rèn đức tính này cho chúng tôi bằng cách tránh để chúng tôi nghe những lời tán dương quá mức. Và bản thân ông cũng rất ít khi khen ngợi con cái. Tôi đã tự học và nhận ra rằng kiến thức là vô hạn, còn hiểu biết của mình thì có hạn. Những điều tôi biết rất có thể người khác đã biết, ngay cả những điều tôi không biết, chưa biết thì có thể đã có người khác biết. Cha tôi cũng dạy “nếu so sánh với người khác để học hỏi những điều hay ở họ thì hãy so sánh, không nên so sánh chỉ để cảm thấy mình hơn họ”. Có lẽ thấm nhuần tư tưởng giáo dục này mà bản thân tôi cảm thấy mình luôn giữ được sự cân bằng cần thiết: không quá khiêm tốn, cũng không quá tự cao.
Năm 14 tuổi, tôi rời Anh sang Pháp du học. Trước khi đi, cha tôi dẫn tôi đến một nơi để thực hiện một cuộc “huấn luyện đặc biệt”. Đó là công viên Hyde Park. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cuộc nói chuyện ngày hôm đó. Cha nói: “Chuyến sang Pháp lần này là cơ hội để con gặp gỡ nhiều người và học hỏi nhiều điều mới lạ. Kết quả này chủ yếu là do bản thân con đã nỗ lực trong thời gian qua. Có thể con sẽ nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Nhưng con hãy nhớ: thành tích của con hôm nay không chỉ là công sức của riêng con! Dù con thật sự xuất sắc, nhưng mình giỏi còn có người giỏi hơn. Con có điều kiện và nhận được sự giáo dục tốt nên thành tích có thể trội hơn so với các bạn cùng lứa, nhưng đừng vì thế mà tỏ ra tự mãn. Được khen thì vui, nhưng vui quá mức cũng không tốt. Con cần cảm thấy xấu hổ khi đuợc khen thì mới tiến bộ được. Con hãy ghi nhớ lời cha. Có thể bây giờ con chưa hiểu đâu, nhưng dần dần con sẽ hiểu”. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên cha khen tôi “con thật sự vượt trội”, nhưng tôi lại thấy bình thường, không có chút cảm giác tự mãn nào. Có lẽ đây là kết quả của nhiều năm được cha giáo dục.
Cũng giống như cha Witte, cha sợ tôi lây nhiễm tính xấu nên không cho tôi kết bạn với những đứa trẻ khác. Hay cha tôi cũng sợ rằng nếu tôi
chơi với bạn bè thì sẽ lộ ra sự khác biệt quá rõ ràng giữa tôi và họ từ đó tôi sẽ sinh ra kiêu ngạo chăng? Cũng còn lý do khác nữa. Đó là cha tôi sợ tôi bị ảnh hưởng những suy nghĩ, thái độ của họ. Vì những lý do này mà cha không cho tôi đến trường giống như những đứa trẻ khác. Tôi chủ yếu học theo phương pháp “Cha truyền con nhận” và tự học.
Mục tiêu của cha tôi là “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”, vì thế tuy thời gian học của tôi bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng không có nghĩa là tôi suốt ngày cắm cúi bên bàn học. Cha thường dẫn tôi đi dạo, cho tôi tham gia một số môn thể thao như chạy bộ, cưỡi ngựa. Nhưng nói thật là tôi không xuất sắc trong các môn thể thao. Cha tôi luôn kết hợp “học mà vui, vui mà học” nên dù là Chủ nhật, tôi cũng ít khi được nghỉ ngơi hoàn toàn. Cha cho rằng không học tập đều đặn ắt sẽ dẫn đến thói quen lười biếng.
5. Goethe - một vĩ nhân trong nền thi ca thế giới - cũng là một người được giáo dục từ sớm. Qua những thông tin trong cuốn tự truyện của ông, chúng ta có thể khẳng định điều đó. Cha Goethe vốn xuất thân là quân nhân nên ngay từ nhỏ, Goethe đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc mang tính kỷ luật chặt chẽ của quân đội.
Cha của Goethe cũng áp dụng phương pháp giống như cha của Witte. Ông chú ý dạy con ngay từ nhỏ. Mặc dù Goethe là con trai duy nhất nhưng không vì thế mà ông nuông chiều con. Ông cũng chú ý phát triển toàn diện cho Goethe. Nước Đức có rất nhiều bài đồng dao và cha của Goethe đã bắt con học thuộc lòng tất cả. Những bài hát này vừa dễ thuộc, vừa giúp làm tăng vốn từ vựng cho trẻ. Chưa đầy 4 tuổi, Goethe bắt đầu được dạy đọc thông qua những cuốn sách đơn giản có sử dụng những ca từ trong các bài đồng dao này. Lớn hơn một chút, cha của Goethe thỉnh thoảng dẫn con đi dạo quanh vùng Frankfurt và kể cho con nghe về địa lý, lịch sử của những nơi này. Đặc biệt những nơi liên quan đến ca từ trong các bài đồng dao thì cha của Goethe cố gắng tìm hiểu và giải thích tỉ mỉ cho con. Đây là một phương pháp giáo dục tâm lý rất tốt. Nhờ vậy mà Goethe luôn cảm thấy thích thú và muốn nghe, muốn học nhiều bài đồng dao hơn.
Trong việc giáo dục Goethe không thể không nhắc đến vai trò của người mẹ. Từ lúc lên 2, Goethe đã được mẹ kể cho nghe rất nhiều chuyện cổ tích. Ngày nào cũng thế, mỗi ngày một chuyện. Dường như bà mẹ này hiểu được đòi hỏi then chốt trong việc giáo dục trẻ từ sớm là không ngừng bổ sung vốn từ vựng của trẻ.
Mẹ của Goethe không chỉ kể chuyện cho con nghe, mà thỉnh thoảng bà còn để Goethe tự đọc và kể lại. Đối với những việc khó hơn như đọc một câu chuyện ngắn trên báo hay một đoạn trong cuốn tiểu thuyết nào đó thì mỗi lần đọc, bà thường dừng lại ít phút để con có thời gian ghi nhớ và tưởng tượng. Hôm sau, Goethe trao đổi với mẹ những cảm nhận của mình về câu chuyện. Cứ như vậy kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Việc rèn luyện trí tưởng tượng này thật sự rất hiệu quả đối với Goethe và giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp sáng tác sau này. Từ năm 8 tuổi, ngoài tiếng Đức, Goethe còn thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp. Nhưng cũng giống như Witte, ông không chỉ được dạy về ngôn ngữ, mà còn được tiếp cận nhiều lĩnh vực khác như khoa học, văn học, âm nhạc, hội họa.
---- eBook by JarvisBooks.org
CHƯƠNG 4: THIÊN TÀI ĐƯỢC SINH RA NHƯ THẾ NÀO?
1. Đây là một ví dụ được nhà văn Pháp Rousseau đưa ra trong cuốn Emile: “Giả sử ta có hai con chó. Chúng được sinh ra từ cùng một mẹ, được nuôi dưỡng và dạy dỗ như nhau. Nhưng một con thì rất thông minh nhanh nhẹn, một con lại ngốc nghếch chậm chạp. Điều này hoàn toàn do bẩm sinh”. Hay một ví dụ khác lấy từ truyện ngụ ngôn của nhà sư phạm Thụy Sĩ Pestalozzi: “Có hai con ngựa. Một con được người nông dân tham lam dạy bảo. Người này ngay lập tức sử dụng nó để kiếm tiền, và kết quả không thu được bao nhiêu. Con thứ hai được người nông dân khôn ngoan dạy bảo, kết quả là con ngựa trở nên rất có ích”.
Hai câu chuyện này đại diện cho hai quan điểm về tư chất và hoàn cảnh. Người thứ nhất đề cao phẩm chất thiên phú, cho rằng số phận con người được thế nào là do Chúa Trời ban cho, không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Người thứ hai thì ngược lại, cho rằng hoàn cảnh là yếu tố quan trọng hơn. Từ xưa đến nay, đa số chúng ta vẫn nghĩ như Rousseau, chỉ có rất ít người có suy nghĩ như Pestalozzi.
Người tiên phong có quan điểm giống như Pestalozzi là triết gia người Pháp Helvetius. Ông cho rằng trẻ con sinh ra hoàn toàn giống nhau, việc chúng trở thành thiên tài, nhân tài, người bình thường hay kẻ dốt nát, đều là do môi trường sống, đặc biệt là môi trường sống những năm đầu đời, tạo nên. Ông phủ nhận hoàn toàn sự khác biệt về tố chất. Cha của Witte đã tiếp thu tư tưởng của Helvetius, tuy nhiên ông tiến bộ hơn ở chỗ không phủ nhận giá trị của tố chất. Điều này thể hiện rất rõ trong phần đầu cuốn sách của ông: “Độc giả có thể nghĩ rằng cuốn sách của tôi viết ra để cho những nhà giáo dục tham khảo, nhưng không phải như vậy. Những nhà giáo dục coi tôi như kẻ thù, có muốn viết cho họ tham khảo cũng không được. Từ trước đây rất lâu tôi vẫn nói rằng, giáo dục tốt có thể khiến cho một đứa trẻ bình thường trở nên phi phàm. Và, kết quả sự giáo dục của tôi là con trai tôi đã trở thành người đúng như thế. Điều này khiến cho những người khác đặt câu hỏi: vậy tại sao các nhà giáo dục lại không dạy dỗ học trò theo cách của Witte? Phải chăng
họ không đủ năng lực? Đòi hỏi này là vô lý, và tôi đã cố làm rõ ngay từ đầu nhưng vô hiệu.
Vì tôi mà những nhà giáo dục bị coi là bất tài, cho nên họ có coi tôi như kẻ thù thì cũng dễ hiểu. Trên thực tế, nếu giáo dục trong gia đình mà không tốt thì dù các nhà giáo dục có tài ba đến mấy cũng không thể dạy dỗ trẻ thành tài được.
Vậy tại sao tôi lại công bố cuốn sách này? Là vì những người ghét tôi dù có rất nhiều, nhưng những người ủng hộ tôi cũng không ít. Đó là những người bạn luôn tin tưởng động viên tôi trong suốt thời gian qua. Từ đáy lòng mình tôi rất biết ơn họ. Chính họ đã rất khuyến khích và mong mỏi tôi công bố phương pháp giáo dục của mình. Tôi không cam đoan phương pháp giáo dục của tôi nếu được áp dụng sẽ mang lại thành công giống như tôi. Ngoài ra, cũng không phải mọi đứa trẻ đều cần được giáo dục như con tôi. Nhưng tôi tin rằng phương pháp của tôi ít nhiều cũng sẽ mang lại hiệu quả với bất kỳ ai.
Pestalozzi là người đầu tiên thừa nhận phương pháp giáo dục của tôi, cho rằng tôi chắc chắn sẽ thành công. Ông cũng là người khuyên tôi công bố cuốn sách. Giáo sư Julian ở trường Đại học Bali cũng khuyên như vậy. Khi tôi quyết định viết sách cũng đúng là lúc tôi nhận được thư của Pestalozzi (ngày 4 tháng 9 năm 1817), trong đó có đoạn viết: “Tôi nhớ 14 năm trước, anh đã từng nói về vấn đề giáo dục ở Buseto. Hồi đó anh nói sẽ áp dụng phương pháp giáo dục đặc biệt của mình để đạt hiệu quả tốt nhất cho con. Nay đã 14 năm trôi qua, tôi thấy con trai anh đã vượt xa cả dự định ban đầu. Nhưng có nhiều người không biết điều đó, họ nghĩ con trai anh sinh ra đã như thế rồi chứ không phải là thành quả giáo dục của anh. Nhân dịp này anh hãy công bố phương pháp của mình, chắc chắn nó sẽ có ích cho nhiều trẻ em khác. Tôi nghĩ đây là một việc nên làm và tôi tha thiết mong anh hãy nhanh chóng thực hiện”.
Tiếc rằng đến nay vẫn rất ít người có suy nghĩ như cha của Witte.
2. Chúng ta biết rằng, Sir Francis Galton, là người khởi xướng Thuyết Ưu sinh. Ông cho rằng năng lực trí tuệ là dựa trên những yếu tố thể chất và thực sự là những đặc tính di truyền, cũng như màu mắt hay nhóm máu. Vì thế những người thông minh và khỏe mạnh nên được đối
xử tốt, trả lương cao, và nên khuyến khích họ có nhiều con cái. Còn những người “chẳng ra gì” nên được đối xử tử tế miễn là họ phải chịu khó làm việc và ở độc thân, không kết hôn. Học thuyết đó đưa ra ví dụ sau:
“Cách đây hơn 200 năm, ở Mỹ có một nhà bác học đa tài Jonathan Edwards, một nhà thần học, triết học, nhà thuyết giáo nổi tiếng nhất trong cộng đồng Tin lành. Con cháu ông hiện đã đến đời thứ 7, 8. Trong số đó Hiệu trưởng các trường đại học có 13 người, giảng viên đại học hơn 100 người, sáng lập viên đại học 14 người, bác sỹ hơn 60 người, mục sư hàng trăm người, quân nhân 75 người, nhà văn hơn 80 người, phó tổng thống 1 người, đại sứ 1 người, thượng hạ viện hơn 20 người, chủ bút các báo và tạp chí 18 người. Có thể nói đây là dòng họ vô cùng thành đạt.
Cũng khoảng 200 năm trước, có một người nghiện rượu là Marks Juke, con cháu cũng được 7, 8 đời. Trong số đó nghèo khổ thiếu ăn hơn 300 người, phạm tội bị tử hình 7 người, cướp bóc trộm cắp 63 người, chết và tàn phế vì nghiện rượu hơn 400 người, bị đưa vào trại giáo dưỡng 50 người, số người sống bình thường có khoảng 20 người và 10 người trong số đó làm việc trong các nhà tù”.
Trong thuyết ưu sinh có rất nhiều các ví dụ tương tự như vậy, qua đó có thể thấy rõ ràng là vấn đề di truyền rất được coi trọng. Ta lại xem đến một ví dụ khác:
“Ở New York có một hiệp hội tương trợ trẻ em (Children’s Aid Society) chuyên nuôi dưỡng các trẻ em nghèo, trẻ em bị bỏ rơi, cô nhi. Nhưng hội này có cách làm khác với cô nhi viện. Với phương châm là những đứa trẻ này phải được giáo dục tốt trong những gia đình tốt, chúng được cho làm con nuôi (cùng với một số tiền tương ứng) tại những gia đình đã được lựa chọn kỹ càng.
Hội này đến nay đã có lịch sử hơn 50 năm, những trẻ em được cho làm con nuôi khoảng 28.000 trẻ. Chúng hầu hết là con của những người bần hàn, khốn khổ, vì thế nếu nhìn từ quan điểm của thuyết ưu sinh thì sẽ không có triển vọng gì, nhưng thực tế chúng lại có thành tích rất tốt. Theo báo cáo gần đây, 87% trong số họ là những người thành đạt, trong đó có cả những người đứng đầu bang. Thống đốc Alaska cũng xuất thân
từ đó. Có người làm thẩm phán cấp cao, có người làm thị trưởng, có người làm thanh tra tài chính bang, 2 người trong hạ viện, ủy viên bang 9 người, quan chức trọng yếu hơn 20 người, mục sư 24 người, luật sư 35 người, bác sỹ 19 người, phóng viên 16 người, chủ ngân hàng 29 người, giáo viên 86 người, hiệu trưởng trường Trung học 7 người, giảng viên đại học 2 người, ngoài ra những người thành công trong nông nghiệp, kinh doanh nhiều không kể xiết. Số còn lại thì 85 trở về New York, 2% bị trả về cho Hiệp hội, có người chết, có người bỏ trốn, có người phạm tội, nhưng đó hầu hết là những trẻ được đưa vào hội khi đã khá lớn. Về cơ bản, có thể nói rằng Hiệp hội này đã đạt được những thành quả rất đáng ngưỡng mộ. Vậy nguyên nhân của thành công này là gì? Nói một cách đơn giản, đó là nhờ môi trường tốt và giáo dục tốt.
Người đứng đầu bang Dakota và thống đốc bang Alaska, Mỹ, đều là con nhà nghèo và bị bố mẹ bỏ rơi, sau được Hiệp hội cho làm con nuôi trong những gia đình nông dân, nhưng họ đều được hưởng nền giáo dục rất tốt. Một điều thú vị là mới đây, con cháu đời thứ 9 của Marks Juke trong ví dụ trước cũng được đưa vào hội và đã được một gia đình nhận nuôi. Hiện cậu bé 12 tuổi, đang học rất giỏi ở trường và được đánh giá là có nhiều triển vọng”.
Đưa ra những ví dụ trên không có nghĩa tôi hoàn toàn phản đối Thuyết Ưu sinh. Tôi thừa nhận vai trò của di truyền. Nhưng nếu chỉ bám vào thuyết này và cho rằng vận mệnh con người cũng di truyền, phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố sinh học, từ đó coi nhẹ ý nghĩa của giáo dục thì thật sai lầm.
Nếu được giáo dục đúng cách ở một môi trường lành mạnh thì ngay cả những trẻ em không hề có triển vọng. Theo quan điểm của Thuyết Ưu sinh, vẫn hoàn toàn có thể trở thành nhân tài. Tôi khẳng định rằng giáo dục có thể mang lại kết quả lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta có thể tưởng tượng.
3. Khi nói về vấn đề thiên tài, Galton không hề nhìn vào khía cạnh nào khác, ngoài di truyền. Vì thế cũng như rất nhiều người, ông không công nhận giá trị của giáo dục, nhất là giáo dục từ sớm. Ông chỉ đưa ra
những ví dụ về thiên tài mang yếu tố di truyền và tập trung vào lập luận theo hướng đó.
Tuy nhiên, thiên tài do di truyền lại đặc biệt hiếm. Tại sao vậy? Theo Thuyết Ưu sinh, khả năng của con người cũng là một yếu tố di truyền – điều này là có thực. Nhưng sự di truyền của khả năng không giống như sự thừa kế tài sản. Tài sản là thứ hữu hình, còn khả năng là vô hình. Cái mà cha mẹ truyền cho con cái chính là khả năng tiềm tàng, nhưng nếu khả năng đó cứ để nguyên như thế sẽ không phát huy tác dụng. Những người theo Thuyết Ưu sinh cho rằng, khả năng tỉ lệ thuận với tố chất. Nghĩa là, nếu đứa trẻ có sẵn tố chất “thiên tài bẩm sinh” là 80, thì dù tốt xấu thế nào thì khả năng cũng sẽ được gần 80, nếu tố chất là 60 thì sau cùng khả năng sẽ đạt gần 60… Nhiều người còn tin rằng trẻ sinh ra mà tố chất ưu việt thì sớm muộn cũng thành thiên tài. Thật sai lầm!
Trên thực tế, nếu trẻ không được giáo dục đúng cách thì có khi chỉ phát huy được một nửa khả năng. Đối với một thiên tài, thì tố chất trời ban là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để phát huy tố chất đó. Nói như vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận yếu tố di truyền. Tôi thừa nhận. Nhưng nếu chỉ có tố chất thôi chưa đủ. Tố chất đó phải được phát huy trọn vẹn. Đáng tiếc là trên đời này có rất nhiều người sẵn có tố chất, nhưng vì không được phát huy nên cuối cùng chỉ trở thành người bình thường. Thiên tài hiếm hoi là vì thế.
4. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về tư chất cần có của một thiên tài. Triết gia Đức Schopenhauer cho rằng thiên tài là sự khách quan. Tuy nhiên, khách quan cần đặt trong phạm trù đối lập với chủ quan để hiểu rằng thiên tài là do nhiều yếu tố tạo thành.
Nhà tự nhiên học Pháp Buffon nói rằng thiên tài là kết quả của sự kiên nhẫn, còn nhà thơ Đức Goethe nói thiên tài là kết quả của sự cần cù. Tôi tin điều đó. Và tôi cũng tin rằng thiên tài là kết quả tổng hòa của nhiệt tình, say mê, nỗ lực, chăm chỉ, kiên nhẫn, và cả óc tưởng tượng. Những thiên tài mà chúng ta biết đều hội tụ các phẩm chất này.
Chúng ta thử kiểm chứng lại những đức tính này qua các ví dụ cụ thể.
Buffon là một tấm gương điển hình của tính nhẫn nại. Ông đã chỉnh sửa bản thảo cuốn Các kỷ nguyên của tự nhiên tới 11 lần mới cảm thấy hài lòng. Goethe là một ví dụ tiêu biểu cho sự cần cù. Tác phẩm Faust của ông mất 14 năm mới hoàn thành. Maro mất 11 năm để hoàn thành kiệt tác Aeneis. Edward Gibbon mất 15 năm để hoàn thành Lịch sử Roma. Montesquieu mất 25 năm để xong Tinh thần luật pháp, Butler tốn 20 năm để hoàn thành Analogỵ. Harvery cần 26 năm để hoàn thành Exercitatio de motu coráis et sanguinis in animalibus. Tuker cũng mất 18 năm để hoàn thành The Tight of nature Pursed. Ariosto mất 10 năm để hoàn thành Orlando furioso. Gibbon chỉnh sửa bản thảo Memories 7 lần. Bobois chỉnh sửa Provinciales tới 17 lần.
Năm 1814, mặc dù cả nước Pháp đang hỗn loạn bởi Paris bị các nước liên minh bao vây nhưng Don Rumble vẫn giữ được sự bình thản để ngắm những vì sao đêm; Spinoza vẫn mải mê mài những chiếc thấu kính trong một căn phòng thuê. Họ là những tấm gương sáng về khả năng tập trung và tính kiên trì. Palissy quên ăn quên ngủ miệt mài vào việc chế tạo đồ gốm trong suốt 18 năm; Herschel suốt một đời sống cùng em gái trong cảnh cơ hàn nhưng vấn không từ bỏ niềm say mê nghiên cứu thiên văn học. Những thành quả của nhà thiên văn học Halley, “vua phát minh” Edison và vô số những nhà khoa học khác cũng không thể không có sự say mê, nhiệt tình, nhẫn nại... Khi Định luật Vạn vật Hấp dẫn được công bố, có người đã hỏi Newton: “Làm sao ông phát hiện ra điều vĩ đại như vậy?”. “Đó là nhờ suy nghĩ không ngừng”, Newton trả lời không do dự. Michelangelo cũng nói: “Điêu khắc không hề làm tôi mệt mỏi vì đó là đam mê của tôi” và không ngày nào ông không dành thời gian cho công việc này. Họa sĩ Reynolds đã rất nhiều lần từ chối những chuyến đi chơi với bạn bè để chuyên tâm vào việc sáng tác - ông xem công việc như một nhu cầu thiết yếu, như không thể sống mà không ăn vậy. Trong một cuộc gặp gỡ cuối năm ở Manchester, nhà vật lý và hóa học Anh John Dalton nói rằng: “Nếu những việc tôi làm được mọi người ghi nhận thì đó không phải là kết quả tài năng của tôi, mà là kết quả của sự làm việc chăm chỉ và kiên nhẫn”.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Hoàng đế Napoléon là ông luôn dành thời gian suy nghĩ về các chiến thuật. Ngay cả những
lúc đi xem nhạc kịch giải trí thì “thân xác ông ở trong rạp hát mà tâm trí ông dường như đang ở ngoài chiến trận”. Nhạc sĩ thiên tài Mozart lúc nào cũng để hết tâm trí vào việc lựa chọn giai điệu cho các bản nhạc của mình. Dante viết Thần khúc bằng tinh thần say mê hiếm thấy trong nhiều ngày tháng làm việc miệt mài.
Những ví dụ như thế này không biết bao nhiêu mà kể. Nhà thơ Nhật Bản Raisanyo cũng từng nói: “Người nào nói biết rõ tài năng của thiên tài thì chỉ là những kẻ không biết gì. Chính những người hiểu rõ khó khăn của thiên tài mới là những người thật sự hiểu biết”. Đây là một câu nói thâm thúy.
5. Kiên trì, cần cù, nhẫn nại là phẩm chất không thể thiếu của thiên tài và họ sẵn sàng dành ra nhiều năm tháng để hoàn thành tác phẩm tâm huyết của mình. Tuy nhiên, có những tác phẩm được sáng tác trong khoảng thời gian rất ngắn, chẳng hạn như Erasmus viết Encomium Moriae chỉ trong 7 ngày, Dumas viết Bá tước Monte Cristo trong vòng 16 ngày, Byron viết Người tù ở Chillon chỉ trong vòng hai ngày tại một căn phòng trọ trong một lần ông đi du lịch vào năm 1816...
Khi bàn đến vấn đề tốc độ nhanh hay chậm để đạt được thành công, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện vui. Có lần, họa sĩ Pháp Émile Jean Horace Vernet đã ký tên bằng bút chì lên một cuốn sổ tay kỷ niệm. Sau đó, ông nhận được khoản thù lao 1.000 Franc. Mọi người nói đùa: “Chỉ mất 5 phút mà kiếm được 1.000 Franc, có quá nhiều chăng?”. Vernet trả lời: “Để mất 5 phút như thế này tôi đã phải rèn luyện suốt 30 năm vất vả”.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải là thời gian. Việc tác phẩm hoàn thành nhanh hay chậm không phải là tiêu chuẩn để đánh giá người đó có được “xếp vào nhóm” thiên tài hay không, mà quan trọng là ở tính kiên nhẫn, tinh thần lao động nghiêm túc và quyết tâm theo đuổi ý tưởng đến cùng.
6. Chúng ta hãy cùng quay trở lại vấn đề chính. Thiên tài, như đã đề cập ở trên, có một đức tính đặc trưng là sự say mê mãnh liệt và tập trung cao độ. Trẻ con từ khi còn ẵm ngửa thực ra đã có khả năng tập trung và
hứng thú với mọi vật. Điều này, những người thường xuyên quan sát kỹ trẻ con sẽ dễ dàng nhận thấy. Thực tế là trẻ nhỏ hoàn toàn có khả năng tập trung. Cha của Witte cũng viết trong cuốn sách của mình: “Khi thấy con tập trung chú ý vào cái gì, tôi liền hướng vào cái đó để nói”. Nếu biết nắm bắt đúng thời điểm và tích cực tác động, chúng ta có thể giúp trẻ phát huy tối đa năng lực.
Thế nhưng, tại hầu hết các gia đình, ngọn lửa của niềm hứng thú và nhiệt huyết của trẻ lại thường bị dập tắt, chẳng khác nào mầm cây mới nhú ra đã bị dẫm nát. Thế giới khan hiếm thiên tài chính là bởi vì lý do đó. Tiềm năng này, nếu như ngay từ đầu đã được trợ giúp và khuyến khích để phát triển theo đúng trình tự thì chắc chắn sẽ tạo ra một thiên tài, hay ít ra là một nhân tài. Vấn đề then chốt ở đây là sự giáo dục từ sớm.
Nhưng từ xưa đến nay, không có mấy ai áp dụng phương pháp Giáo dục sớm, vậy thiên tài do đâu mà có? Đương nhiên, một phần do họ thừa hưởng khả năng thiên phú dồi dào, và trong tuổi thơ của mình, họ không bị vùi dập nhiệt huyết kiểu dẫm nát mầm cây, họ là những người may mắn được phát triển đúng hướng. Nói cách khác, họ may mắn bởi vì nhiều trẻ dù có sẵn tư chất thiên tài nhưng vẫn không có cơ hội để phát huy hết khả năng. Do không biết bí quyết của thiên tài nằm ở sự say mê và lòng kiên nhẫn nên nhiều bậc cha mẹ đã không rèn luyện đức tính này cho trẻ từ sớm.
Việc nuôi dạy để một người trở thành thiên tài cũng giống như trò chơi xổ số vậy, tỉ lệ trúng rất thấp, một trong hàng vạn. Tuy nhiên, nếu biết giáo dục khôn khéo, đúng cách, thì muốn có bao nhiêu thiên tài cũng được. Và điều này đòi hỏi cha mẹ phải nắm bắt “thời điểm vàng” khi trẻ thể hiện sự hứng thú và tập trung cao độ. Việc này càng để lâu càng khó và hiệu quả ngày càng giảm. Cho nên, giáo dục sớm và đúng lúc là hết sức cần thiết.
7. Tuy ở phần lớn các gia đình, niềm hứng thú và lòng say mê của con trẻ thường bị người lớn dập tắt. Nhưng đôi khi có những niềm đam mê lại ngày càng bùng cháy, và thiên tài chính là từ đó mà sinh ra. Trường hợp của nhà soạn nhạc Hendel là một ví dụ. Cha ông có ý định
cho ông theo học ngành luật, nhưng ngay từ lúc 5 tuổi Hendel đã có hứng thú đặc biệt với âm nhạc. Cha ông tìm đủ mọi cách để ngăn cấm, thậm chí còn không cho ông đến trường vì ở trường có dạy môn âm nhạc. Nhưng mọi biện pháp khi đó đều đã muộn, niềm đam mê âm nhạc của Hendel không cách gì có thể ngăn cản. Ông giấu cha mẹ mua một cây đàn spinet, buổi tối sau khi cả nhà đã ngủ say, ông trèo lên mái nhà và tập đàn trên đó. Trường hợp của Bach cũng tương tự như vậy. Anh trai Bach cũng là một nhạc sỹ, nhưng vì ganh ghét với em từ nhỏ nên không cho mượn các bản nhạc. Nhưng Bach không từ bỏ. Vào lúc đêm khuya, ông lấy trộm các bản nhạc của anh và chép lại dưới ánh trăng. Cuối cùng, cả Hendel và Bach đều trở thành những nhạc sỹ vĩ đại như mọi người được biết.
Chúng ta cũng thường thấy, con của nhạc sỹ lớn lên trở thành nhạc sỹ, con của học giả lớn lên thành học giả... đó là vì sống trong cùng một gia đình, trẻ dễ dàng được nhìn, nghe, và bắt chước. Trong Thuyết Ưu sinh thì lại đề cập đến vấn đề này theo quan niệm đó là yếu tố di truyền, nhưng như thế là không đúng. Nếu hàng ngày được nhìn, được nghe, trẻ sẽ có hứng thú mà khi hứng thú thì trẻ sẽ dễ dàng tập trung.
Cha của nhà Toán học và Vật lý học Galilei cũng là một nhà Toán học, và Galilei cũng được tiếp xúc với Toán học từ nhỏ. Nhưng nhìn vào cuộc đời mình, Galilei-cha thấy rằng theo đuổi Toán học sẽ rất nghèo khổ, vì thế ông cố tránh để con theo nghiệp Toán. Nhưng ông nghĩ đến điều này sau khi ngọn lửa nhiệt huyết của Galilei-con đã bắt đầu được nhóm lên, vì thế những cố gắng dập tắt nó của ông đã là vô ích. Trường hợp của nhà thơ Tagore cũng giống như vậy, cha ông không muốn ông trở thành nhà thơ nhưng cuối cùng niềm đam mê nhiệt thành của ông đã chiến thắng.
Như vậy, lòng nhiệt huyết được thắp lên từ thời thơ ấu cùng với sự nỗ lực miệt mài có thể xem là cơ sở để hình thành thiên tài. Lòng nhiệt huyết chính là ma lực tạo nên những điều kỳ diệu. Nhưng lòng nhiệt huyết này, nếu không có từ thời thơ ấu thì sau này cũng sẽ khó mà có được. Nhìn lại tiểu sử của các thiên tài, ta thấy rằng họ đều là những người sớm bộc lộ ngọn lửa ham mê cháy bỏng, vì thế họ trở thành thiên tài cũng là lẽ tự nhiên. Theo cách nghĩ này, thì việc tạo ra người bình
thường (tầm thường) thật đơn giản. Đó là không cho trẻ tập trung vào thứ gì cả! Nếu không tập trung thì sẽ không hứng thú - đấy chính là đặc trưng của người tầm thường.
8. Từ xưa đến nay, thiên tài thường được biết đến như những tài năng bộc lộ sớm. Tìm hiểu về tiểu sử các thiên tài thì thấy quả đúng như vậy, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật.
Các thiên tài được gọi là “thần đồng âm nhạc” thường bộc lộ tài năng từ rất sớm, khi mới chỉ 6, 7 tuổi, hay thậm chí từ lúc 3, 4 tuổi. Đa số họ sáng tác nhạc khi 11, 12 tuổi. Mozart bắt đầu sáng tác từ khi mới 4 tuổi, viết nhạc kịch Laflni semplice khi 12 tuổi, Mandate re di Ponto khi 14 tuổi, Lucio Silla khi 17 tuổi, Idomeneo khi 25 tuổi và đã khiến cả châu Âu thời đó phải kinh ngạc, Beethoven cũng sáng tác từ năm 3 tuổi. Weber năm 12 tuổi đã trở thành nhạc trưởng của dàn nhạc cung đình và tác phẩm ca kịch Bellerophon ra đời khi ông 25 tuổi. Mendelssohn năm 16 tuổi đã viết vở ca kịch Đám cưới của Camacho, 19 tuổi viết bản nhạc Giấc mộng đêm hè và 20 tuổi đã sáng tác rất nhiều ca khúc.
Ngoài âm nhạc, lĩnh vực hội họa, mĩ thuật cũng có nhiều thiên tài được giáo dục từ sớm như Michelangelo, Raphael. Raphael hoàn thành tác phẩm Trận chiến của Centaurus năm 18 tuổi, Eros say ngủ và Dante năm 20 tuổi. Vernet vẽ tranh từ 5 tuổi và nổi tiếng trước 20 tuổi. Bức tượng Đấu sĩ bò tót của Botta được sáng tác khi ông 20 tuổi.
Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng cũng sớm bộc lộ tài năng. Milton từ 4 tuổi đã làm thơ bằng tiếng La-tinh. Pope khi 4 tuổi đã sáng tác thơ bằng tiếng Hy Lạp, 12 tuổi viết Ode on Solitude và 16 tuổi viết The Pastorals. Wieland từ 3 tuổi đã đọc sách, 7 tuổi đọc thông thạo tiếng La-tinh và viết DieVollkomenmenste Welt năm 16 tuổi. Molière đã sáng tác rất nhiều vở kịch khi mới 10 tuổi. Voltaire 12 tuổi đã làm thơ.
Nhà toán học, vật lý học, triết gia người Pháp Blaise Pascal cũng là nhân tài sớm bộc lộ tài năng. Pascal nổi tiếng là thần đồng và tỏ rõ niềm say mê Toán học từ năm 12 tuổi. Năm 16 tuổi, Pascal đã viết một luận án quan trọng về đối tượng của hình học ánh xạ. Tác phẩm này khiến rất nhiều nhà toán học nổi tiếng thời đó ngạc nhiên. Pascal cùng với Pierre de Fermat đã xây dựng nên lý thuyết xác suất - đây là công trình có ảnh
hưởng lớn tới sự phát triển của kinh tế học hiện đại và các khoa học xã hội. Sau đó, ông đã từ bỏ lĩnh vực khoa học, dành tâm huyết vào nghiên cứu triết học và thần học.
Nhà toán học, nhà thiên văn người Ý- Pháp Joseph-Louis Lagrange đã trở thành giáo sư toán học tại trường Pháo binh Hoàng gia ở Torino năm 18 tuổi. Nhà toán học Scotland Colin Maclaurin trở thành giáo sư ở Đại học Aberdeen năm 19 tuổi. Luật sư, nhà triết học, thần học người Anh Francis Bacon vào Đại học Cambridge năm 13 tuổi và hoàn thành Novum Oraganum ngay khi còn học đại học, công bố Of the state of Europe năm 19 tuổi.
Nhà toán học, thiên văn học, địa lý học người Pháp Alexis Claude de Clairaut bộc lộ năng khiếu toán học từ nhỏ. Năm 13 tuổi, ông đã công bố luận văn liên quan đến đường cong thứ tư và xuất bản sách về vấn đề đó năm 16 tuổi. Năm 1731 ở tuổi 18, ông đã là thành viên của viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Nhà toán học Đức Gotthold Ephraim Lessing khi còn học trung học đã dịch tập 3 và 4 quyển hình học của Euclide, 15 tuổi đã diễn thuyết bằng tiếng La-tinh về luận đề toán De Mathematica Barbaroru. Luật sư Alexander Hamilton thông thạo 11 thứ tiếng khi mới 13 tuổi. Nhà vật lý, nhân chủng học người Đức Johann Friedrich Blumenbach viết Nhân loại luận khi 23 tuổi. Bác sĩ, nhà phẫu thuật người Anh Edward Jenner tìm ra phương pháp chữa bệnh đậu mùa khi chưa đầy 20 tuổi. Triết gia, nhà hùng biện, chính khách và nhà lý luận chính trị La Mã Marcus Tullius Cicero khi 13 tuổi đã viết văn liên quan đến thuật hùng biện.
Những ví dụ như thế kể cả ngày cũng không hết. Vậy tại sao hầu hết các thiên tài lại có thể bộc lộ tài năng từ sớm? Nhìn vào những ví dụ ở trên, chúng ta thấy có những thiên tài thành công chỉ bằng cách tự tìm tòi học hỏi mà không hề được khuyến khích hay hỗ trợ. Điều này khiến không ít người nghĩ rằng trên thế giới có những người đặc biệt, không cần giáo dục mà vẫn thành thiên tài. Đây là suy nghĩ sai lầm! Các thiên tài chắc hẳn đều là những người được giáo dục từ sớm, nhưng các ghi chép về họ lại không mấy lưu ý đến vấn đề này. Tôi tin chắc rằng dù là thiên tài hay nhân tài, dù tự học hỏi hay nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, họ đều được lớn lên trong nền giáo dục sớm.
9. Nhiều thiên tài có kết quả học tập lúc nhỏ rất kém cỏi, thậm chí có người còn bị đánh giá là ngốc nghếch.
Có hai người bạn học thời tiểu học. Trong hai người thật khó phân định ai xứng đáng ở vị trí “đội sổ” hơn ai. Sau 12 năm, hai người tình cờ gặp lại nhau. Một người đã trở thành giám đốc nhà hát kịch ở Vienne, còn người kia là nhà hóa học nổi tiếng Liebig. Khi Liebig còn học ở trường, một lần hiệu trưởng đã đích thân đến gặp và bảo: “Kết quả học tập của em thực sự làm thầy cô rất buồn, mà đối với cha mẹ thì như thế em cũng không phải là đứa con ngoan. Cứ học tập như thế này thì tương lai của em không thể sáng sủa được”. Nhưng không muốn làm Liebig buồn nên ông đổi cách trò chuyện: “Sau này em muốn làm gì?”, ông hỏi. Liebig trả lời không do dự: “Em muốn trở thành nhà hóa học”. Nghe vậy thầy hiệu trưởng phì cười. Câu chuyện này chính Liebig đã ghi lại trong cuốn tự truyện của mình. Vì điểm số ở trường của Liebig quá kém nên cha cậu bắt nghỉ học và gửi vào trường cho theo học nghề thuốc. Sau 10 tháng “quản thúc” không hiệu quả cha đành cho Liebig về nhà.
Nhà thực vật học, bác sĩ, nhà động vật học người Thụy Điển Carl von Linné, tuy được coi là “ông tổ” của ngành thực vật học nhưng thời tiểu học cũng là một trong những học sinh kém. Một lần, thầy hiệu trưởng đã gửi cho cha Linné lá thư với nội dung: “Con trai ông có vẻ không phù hợp với con đường học vấn. Theo ý tôi, nên sớm cho cháu nghỉ học, kiếm cho cháu một công việc liên quan đến tay chân thì tốt hơn”. Thậm chí giấy chứng nhận tốt nghiệp của Linné cũng có lời nhắn nhủ của thầy hiệu trưởng: “Các học sinh ở trường này đều như những hạt mầm đang được ươm trồng trong vườn. Có một vài hạt tuy không thể nảy mầm, trổ bông, nhưng nếu nỗ lực chăm sóc thì một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, hạt sẽ nảy mầm, đơm hoa kết trái. Tôi chỉ có một mong muốn nhỏ nhoi này gửi gắm các em trong lễ tốt nghiệp” - Tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp đó sau này trở thành kỷ vật quý giá của Linné. Tuy nhiên, nó cũng như một bằng chứng về kết quả học tập tồi tệ của ông thuở nhỏ.
Hồi cấp hai, Darwin cũng thường bị rầy la vì tội học dốt, lại lười biếng. Trong nhật ký của mình, Darwin ghi rằng: “Tôi làm cả thầy cô và cha mẹ đều thất vọng vì tôi chỉ là một đứa trẻ bình thường, không có gì
thú vị, thậm chí năng lực tiếp thu còn kém hơn những đứa trẻ bình thường khác. Cha thường mắng tôi: ‘Mày lười học quá, chỉ lêu lổng suốt từ sáng đến tối, hẳn rồi tương lai sẽ mù mịt và làm ô danh dòng họ Darwin thôi’. Trong đầu tôi lúc đó xuất hiện một loạt câu hỏi: Tương lai của tôi rồi sẽ ra sao? Tôi dốt nát thế sao? Tôi có phải là kẻ vô dụng không?”.
Napoléon lúc còn nhỏ cũng bị gọi là đứa trẻ đần độn với thành tích học tập kém xa các bạn dù vẫn được khen là “có sức mạnh phi thường”. Sau này, khi tốt nghiệp trường Quân binh Paris, ông cũng chỉ được xếp hạng 42. Tuy không biết số sinh viên tốt nghiệp khi đó là bao nhiêu, nhưng hạng 42 chắc chắn không phải là một thành tích xuất sắc. Nghe nói ông khá giỏi về toán học, nhưng các môn khác đều dở tệ. Khi đó, mọi người cũng nhận xét rằng sau này “tương lai tăm tối” vì Napoleon không chỉ kém về ngôn ngữ mà ông nói, viết cũng rất khó khăn. Thật trùng hợp là Thống chế Arthur Wellesley, người đã đánh bại Napoleon Bonaparte trong trận Waterloo năm 1815, hồi nhỏ cũng bị gọi là đứa trẻ đần độn với kết quả học tập rất kém. Mẹ ông còn gọi ông là “đồ bỏ đi”.
Newton khi học tiểu học cũng thường bị bạn bè và thầy cô gọi là “kẻ đần độn”. Thời đi học của ông kéo dài hơn các bạn do ông thường... bị lưu ban. Năm 15 tuổi, mẹ ông do quá thất vọng vì kết quả học tập của con mình nên đã buộc ông nghỉ học để phụ giúp công việc đồng áng. Sau đó, mặc dù ông vào đại học nhưng do thành tích học tập quá kém nên thường xuyên bị giáo viên rầy la.
Heine cũng là một học sinh kém thời tiểu học. Heine rất ghét việc học, ghét luôn nề nếp kỷ luật của nhà trường, ông thường bị bạn bè trêu chọc và thầy cô cũng đùa rằng "là người mang dòng máu di truyền về tính nguyên tắc và sự khô khan vốn có của người Đức như vậy thì làm sao có thể sáng tác ra những bài thơ lãng mạn chứ”. Khi Heine vào đại học, thành tích học tập của ông cũng không được cải thiện là mấy. Vậy mà cuối cùng Heine lại trở thành một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ tình rất nổi tiếng.
Nhà toán học, nhà triết học phân tích, nhà khoa học máy tính Anh Charles Babbage và nhà văn, nhà biên tập Frederick Marryat là bạn thời tiểu học. Cả hai đều là những học sinh có kết quả học tập đáng xấu hổ.
Giáo viên thường bắt họ đứng trên ghế trước mặt tất cả học sinh trong lớp và nói: “Các em hãy nhìn xem. Hai bạn này chắc chắn không thể có tương lai sáng sủa được vì thành tích học tập quá kém. Các em cố gắng đừng bắt chước hai bạn này nhé”.
Nhà cải cách giáo dục Thụy Sĩ Johann Heinrich, Pestalozzi; nhà vật lý học Augustin Jean Fresnellens, người đã phát minh ra thấu kính Fresnel với ứng dụng ban đầu dành cho đèn hải đăng; nhà toán học, thực vật học Pháp Buffon; một số đại văn hào Pháp như Denis Diderot, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas... khi còn nhỏ cũng là những nhân vật nổi tiếng về… học kém.
Tiếp nối danh sách này còn có nhà soạn kịch Na Uy, Henrik Johan Ibsen; nhà vật lý Pháp, Pierre Curie; nhà toán học, nhà khoa học Đức, Carl Friedrich Gauss; nhà vật lý, sinh vật học Helmholtz; nhà sinh vật học Đức, người sáng lập ra học thuyết tế bào, Rudolph Carl Virchow...
10. Vậy tại sao thiên tài lại có kết quả học tập yếu kém? Điều này không được lý giải trong những ghi chép còn lưu lại đến ngày nay, việc tìm hiểu cũng không hề đơn giản. Nhìn chung, các thiên tài đều có ít nhất một lĩnh vực nào đó vượt trội. Kết quả học tập kém chẳng qua là do chương trình phổ thông yêu cầu học nhiều môn cùng một lúc, trong khi đa số họ chỉ tập trung và yêu thích một môn nào đó. Và do sự tập trung vào môn học hoặc lĩnh vực mà mình say mê nên họ sao nhãng những việc khác. Như trường hợp của nhà nghiên cứu Đông dương học, Krapmote, chẳng hạn. Ông bị xem là học sinh kém của trường Đại học Berlin. Giám thị thấy trong suốt giờ thi, ông không viết được chữ nào liền hỏi: “Em không biết gì cả sao?”, ông trả lời: “Có chứ ạ. Em biết tiếng Trung Quốc”. Thì ra ông rất thích tiếng Trung Quốc nên đã tập trung vào môn này mà không để ý đến các môn khác.
Văn hào William Sott hồi nhỏ là một học sinh không có gì nổi bật, nhưng do đọc rất nhiều sách lịch sử và tiểu thuyết nên vốn kiến thức xã hội của ông rất rộng. Mỗi lần kể chuyện thì bạn bè đều trầm trồ thán phục. Nhà thơ lãng mạn người Anh William Wordsworth hồi nhỏ say mê đọc sách đến nỗi không muốn học môn gì khác. Những nhà thơ, nhà văn
khác như Byron, Sherry, Tennyson, Goethe... cũng suốt ngày chìm đắm trong những trang sách và say mê sáng tác thơ.
Các nhà thơ, nhà văn lớn thì thường do ham mê đọc sách và sáng tác nên kết quả học kém, còn các nhà phát minh, tư tưởng do dành nhiều thời gian để suy tư ý tưởng nên kết quả học tập cũng không mấy xuất sắc. Nhà phát minh ra tàu thủy hơi nuớc Fulton thời đi học thường bị thầy cô la rầy vì “đầu óc để đâu mà không tập trung nghe giảng”. Newton do tập trung cao độ với những con số mà không để ý đến lời quát mắng của những người xung quanh. Emerson hồi học đại học suốt ngày chỉ mải mê nghiên cứu văn học mà không học các môn khác. Đối với Emerson, kiến thức nhà trường đem lại không có gì thú vị vì cậu có thể tự học qua sách vở.
11. Sau khi nhà văn Nhật Natsume Soseki qua đời, thi thể ông đã được giải phẫu và kết quả cho thấy não ông nặng hơn người bình thường rất nhiều. Cuộc giải phẫu thi thể của chính trị gia Nhật Katsura trước đó cũng cho kết luận tương tự. Nhìn vào đó, nhiều người nghĩ rằng bộ não của vĩ nhân sẽ nặng hơn não của người bình thường. Cách nghĩ này cũng không có gì sai, tuy nhiên nếu cho rằng “kẻ sinh ra với bộ não to thì sẽ trở thành vĩ nhân, não nhỏ sẽ chỉ là kẻ tầm thường” thì lại hoàn toàn không đúng. Chúng ta đã tiến hóa từ vượn người, đến người nguyên thủy cổ đại, người nguyên thủy cận đại, rồi thành người hiện đại ngày nay. So sánh kích thước não của từng giai đoạn, ta thấy kích thước não cũng lớn dần (vượn người: 600 cm3; người nguyên thủy cổ đại 1.200 cm3; người nguyên thủy cận đại: 1.400 cm3; người hiện đại: 1.600 cm3).
Năm 1892, nhà nhân chủng học, bác sĩ giải phẫu người Hà Lan là Eugene Dubois và các đồng nghiệp đã phát hiện ra di tích đầu tiên về vượn người tại đảo Java thuộc Indonesia. Kích thước não bộ của loài vượn người này khoảng 900 cm3 vừa đúng bằng kích thước não của người vượn nhưng nhỏ hơn so với não của người nguyên thủy cổ đại. Ngoài ra, các nhà nhân chủng học Broca, Pritchard, Welcker, khi nghiên cứu bộ não của người Pháp, người Ý, người Anh, người Do Thái, người Ai Cập... cũng có kết luận tương tự. Tóm lại, tuy cùng chủng tộc nhưng bộ não của người hiện đại sẽ lớn hơn người cổ đại.
Chính điều này khiến người ta dễ nghĩ rằng khi có bộ não lớn hơn, người ta sẽ thông minh và thành đạt hơn. Nhưng sự thực không hẳn như vậy, dù có khá nhiều trường hợp những người ưu tú sở hữu bộ não lớn. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Còn rất nhiều nghiên cứu khác về các thiên tài cho thấy rằng não của họ hoàn toàn không lớn hơn người bình thường, thậm chí có trường hợp còn nhỏ hơn. Đã có những cuộc thử nghiệm nghiên cứu bộ não của một số nhân vật được gọi là thiên tài như nhà toán học Blaise Pascal, chính trị gia Hansemann, nhà sinh vật học Helmholtz, nhà khoa học Bunsen, nhà sử học Mommsen, họa sĩ Menzel - kết quả cho thấy bộ não của họ kích thước không khác mấy so với người bình thường. Kích thước bộ não của nhà thơ Byron, chính trị gia Bismarck, nhà tự nhiên học Cuvier, đại văn hào Turgenev lớn hơn người bình thường; nhưng bộ não của nhà hóa học Liebig, nhà thần học Dante, nhà thơ Housman thì nhỏ hơn người bình thường.
Chính trị gia Hansemann cho rằng não của một thiên tài không nhất thiết phải lớn hơn so với người bình thường, vì bộ não không phải là “dấu hiệu nhận biết” của thiên tài. Vấn đề không nằm ở khối lượng hay kích thước bộ não, mà ở diện tích bề mặt và số lượng “mối nối” và tính hiệu quả của hệ thống tế bào thần kinh. Nếu không được kích thích để phát triển đúng thời điểm, các tế bào thần kinh sẽ mất dần khả năng kết nối, mà những cố gắng sau này chỉ mang lại hiệu quả rất hạn chế. Tóm lại, cấu tạo bộ não của con người về cơ bản là như nhau, nhưng sở dĩ mỗi người bộc lộ theo cách khác nhau - thành thiên tài hay chỉ là người bình thường - là do cách chúng ta kích thích năng lực tiềm tàng ấy.
12. Gần đây đã có một vài nghiên cứu về tuổi thọ của các thiên tài. Người ta đã lựa chọn để tìm hiểu 400 vĩ nhân thuộc các quốc gia Âu - Mỹ trong vòng 16 thế kỷ ở 21 lĩnh vực khác nhau như thiên văn, toán học, triết học, thần học, thi ca, văn học… và kết quả cho thấy các thiên tài nói chung có tuổi thọ khá cao. Người đoản mệnh nhất là một thi nhân - 58 tuổi, người sống lâu nhất là một nhà phát minh - 97 tuổi, tuổi thọ trung bình khoảng 66, 67 tuổi. Trong 400 người này thì có 65 người thọ trên 65 tuổi.
Một nghiên cứu khác với 850 vĩ nhân cho thấy 250 người tuổi thọ dưới 60, 130 người trên 60 tuổi, 470 người có tuổi thọ từ 60 đến 80. Một cuộc điều tra nữa với 500 vĩ nhân cho thấy tuổi thọ bình quân của các thiên tài là 65. Tuy nhiên, nếu tính cả những người chết trẻ - dưới 20 tuổi – thì tuổi thọ bình quân là 51.
Không có sự khác biệt nào giữa thiên tài và người thường. Họ cũng như chúng ta, cũng chịu sự chi phối của quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Cái làm cho họ có vẻ khác người đó chính là tinh thần miệt mài làm việc, làm việc đến sinh bệnh.
Có thể nói các thiên tài có tuổi thọ cao là do đặc điểm tính cách của họ - giàu hứng thú và đầy nhiệt huyết. Người ta vẫn thường nói học sinh mà thức khuya thì có hại nhưng học giả mà thức khuya thì không. Đó là vì học sinh vừa thức học vừa chán ngán, còn học giả thì rất tích cực và hứng thú. Nếu chúng ta mà cứ nghĩ về những việc chán ghét thì cuộc sống sẽ ngắn lại - đó là sự thực. Cuộc sống sẽ tốt nhất khi người ta thực sự khoan khoái và hài lòng. Thiên tài là những người rất cần mẫn, và sự cần mẫn đó dựa trên niềm say mê, hứng khởi, vì thế không những không có hại mà còn tốt cho sức khỏe. Say mê theo đuổi hứng thú của mình, đó là hạnh phúc của các thiên tài mà người bình thường không mấy khi biết đến.
Có những thiên tài, vì quá cần mẫn, dẫn đến quá sức mà sinh bệnh - những chứng bệnh về tinh thần, sống độc thân, hay kết hôn cũng không có con cái. Đúng như người ta vẫn thường nói: “Thiên tài là những người điên, nhưng những người điên chưa chắc là thiên tài”. Còn Eugene Dubois nói rằng: “Mọi người đều ít nhiều khác nhau, chỉ có những người bệnh tâm thần là giống nhau”. Câu này không chỉ đề cập đến những người mắc bệnh tâm thần thực sự, mà còn là một cách nói ẩn dụ ám chỉ sự say mê, cuồng nhiệt đến không để ý tới bất cứ việc gì khác của thiên tài.
13. Nước Nhật có một câu thành ngữ “Dưỡng dục hơn gia thế”. Đây là một thành ngữ mang ý nghĩa rất sâu sắc. Gia thế ở đây là sự di truyền, là yếu tố mang tính bẩm sinh; còn dưỡng dục là hoàn cảnh, là sự giáo dục mà trẻ thừa hưởng từ gia đình, nhà trường, xã hội. Chỉ một câu thành
ngữ này đã mang đầy đủ những gì tôi muốn nói về sự hình thành thiên tài: môi trường sống và sự giáo dục là hai yếu tố quan trọng hơn bộ mã di truyền hay tài năng thiên bẩm.
CHƯƠNG 5: QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA SIDIS
1. Ở phần trên, tôi đã đề cập đến cuốn sách Người bình thường và thiên tài nói về phương pháp giáo dục của tiến sĩ Boris Sidis. Đây là một cuốn sách khá thú vị. Xin phép nhắc lại để bạn đọc nhớ. Tiến sĩ Sidis là người Mỹ gốc Nga. Ông di cư sang Mỹ từ nhỏ và sau đó vào Đại học Harvard, chuyên ngành tâm lý, là học trò của tiến sĩ James. Từ lâu đã nghe danh của thầy mình nên Sidis cảm thấy rất vui, ngược lại tiến sĩ James cũng rất yêu mến người học trò xuất sắc. Cảm kích trước tình cảm của thầy, Sidis đã lấy họ của thầy gắn kèm với họ tên mình: James Boris Sidis. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về đề tài tâm lý và viết rất nhiều sách liên quan đến bệnh thần kinh như Nghiên cứu về giấc ngủ, Tâm lý học về tiếng cười, Trạng thái bình thường và không bình thường trong tâm lý học.
2. Trước đây, triết gia Platon đã đưa ra những khái niệm về việc xây dựng mô hình nhà nước lý tưởng với nền tảng dựa trên giáo dục. Đây thực sự là một ý tưởng uyên bác. Việc giáo dục từ sớm có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành tính cách của một cá nhân, từ đó bồi đắp nên những tình cảm lớn hơn như tình yêu đồng loại, yêu quê hương đất nước. Giá trị truyền thống của các nước châu Á, chủ nghĩa tri thức của người Hy Lạp, chủ nghĩa tự do, tôn thờ nghệ thuật, chủ nghĩa bảo thủ của người La Mã... đều là kết quả của sự giáo dục mà nên. Con người trưởng thành được ví như những công trình nghệ thuật, và công trình đó có hình dáng, đường nét ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào cách các bậc cha mẹ “tạo tác” ngay từ giai đoạn ban đầu. Vì thế chúng ta có thể thông qua việc giáo dục để điều chỉnh, nuôi dạy trẻ theo như chúng ta muốn.
3. Rõ ràng việc giáo dục trẻ ngay từ giai đoạn đầu sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong tính cách của trẻ về sau. Tôi khẳng định lại một lần nữa và triển khai thêm ý này.
Hiện nay, những người nghĩ đến việc giáo dục từ sớm không phải ít. Nhưng họ lại cho rằng đầu óc trẻ là những tảng đá vô tri hay chiếc hộp trống rỗng, thế nên họ cố gắng nhồi nhét những kiến thức mà họ nghĩ rằng có ích cho tương lai của trẻ. Tuy nhiên, nếu không được chọn lọc cẩn thận thì vô hình trung những thứ gọi là kiến thức ấy có thể trở thành một đống hổ lốn với toàn là những câu chuyện cổ quái hay những hiểu biết khoa học kiểu nửa vời... Chúng ta vô tình bị chi phối bởi một học thuyết nào đó mà chúng ta làm hoặc cái gọi là niềm tin, rồi nhắm mắt tin rằng điều đó đúng, rồi cố nhồi nhét vào đầu trẻ. Liệu cách làm đó có thể giúp trẻ xây dựng nền tảng kiến thức và hình thành những phẩm chất tuyệt vời không? Ngoài ra, vì muốn trẻ vâng lời, hành động theo ý chúng ta như những con búp bê ngoan ngoãn không hề phản kháng, chúng ta đã “dán” vào suy nghĩ của trẻ những khái niệm tượng trưng cho sự tưởng thưởng hay trừng phạt như “Thiên đường”, “Địa ngục”... Theo quan điểm của tôi thì việc này rất nguy hiểm.
4. Thế giới chúng ta đang sống dường như đang chìm trong hỗn loạn: từ những cuộc sát hại hàng loạt người dân vô tội, những cuộc chiến tranh tôn giáo, những cuộc tàn sát đẫm máu... Tất cả những hành động đó đều rất dã man, thiếu tính người. Chúng ta luôn tự hào rằng chúng ta là người văn minh, tuy nhiên cái gọi là văn minh ấy dường như đã được phết một lớp sơn dày và còn được đánh bóng bằng véc-ni.
Động vật khi thường xuyên tiếp xúc với một mùi nào đó thì sẽ có cảm giác quen thuộc, sẽ không e dè hay sợ hãi nữa. Có rất nhiều hành vi sai trái nhưng chúng ta không nhận thức được. Cứ xem những bài báo hàng ngày thì rõ: nào là chiến tranh sát hại, tử hình, giết người, bãi công, biểu tình, chết đói, trầm mình, tham nhũng, án oan... Nhưng mấy chuyện đó chúng ta nghe rồi lập tức quên ngay, dường như không chút ấn tượng. Như vậy chúng ta khác gì con vật kia - khi quen mùi rồi thì không còn cảm giác sợ nữa.
5. Những hành động dã man không hề thay đổi so với trước đây. Không những thế, mức độ dã man còn tăng lên gấp bội. Cách đây vài thế kỷ, có nhà tiên tri đã dự đoán rằng trong tương lai chiến tranh sẽ không
còn. Nhưng trái với lời tiên tri đó, những cuộc chiến tranh cứ kéo dài liên miên, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác và còn lan rộng đến nhiều vùng trên khắp thế giới... Một số quốc gia tự xưng là văn minh đã liên tục mở nhiều cuộc tấn công xâm lược, cướp bóc, chiếm đoạt lãnh thổ và tài nguyên của các nước khác duới những hình thức khác nhau. Cái gọi là vì chủ nghĩa hòa bình đang bị lợi dụng. Trong thời đại mà luật “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé” vẫn tồn tại thì cả thế giới dường như bị cuốn vào niềm tin về sự “cứu rỗi” của một đấng cứu thế nào đó nhằm đưa con người thoát khỏi biển máu chiến tranh. Đây dường như là thời đại mà đạo đức và những giá trị nhân văn bị lãng quên.
Chúng ta đã không được giáo dục để không gây ra những điều xấu, trong khi thực tế đang diễn ra trước mắt chúng ta đã như dạy điều ngược lại. Và chúng ta đã dạy con cháu mình dựa trên những gì chúng ta tin tưởng và mong muốn. Chúng ta đã mượn danh nghĩa của Thuyết Tiến hóa để khẳng định về cái gọi là “mạnh được, yếu thua”. Theo lập luận này, kẻ chiến thắng luôn là kẻ chiếm ưu thế, còn cái gọi là tình yêu, công lý, hòa bình, từ bi, niềm tự hào... chỉ là những thứ tình cảm yếu đuối cản trở sự tiến bộ của nhân loại. Do vậy, từ cách đây 2.000 năm, thành ngữ “được làm vua, thua làm giặc” đã trở thành một khẩu hiệu phản ánh chính xác quan điểm xã hội của thời đại.
6. Chúng ta là những người theo chủ nghĩa quan, thậm chí nhà bác học Leibniz còn lạc quan đến mức cho rằng mọi thứ trên thế giới này đều tuyệt vời. Ngược lại, triết gia Schopenhauer lại tỏ ra bi quan. Ông cho rằng “thế giới này đầy rẫy những chuyện khổ đau và bi thảm. Người và người sống với nhau quá lạnh lùng, vô cảm như không có trái tim.” Ông muốn dẫn những người thuộc trường phái chủ nghĩa lạc quan đi đến bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà tù, chiến trường, những nơi buôn bán nô lệ... để họ xem thử. Rất hiếm những người có suy nghĩ như Schopenhauer, nhưng tôi cho rằng ông là một người thực tế.
7. Có lần, trong bài phát biểu trước sinh viên tốt nghiệp đại học, tiến sĩ James nhấn mạnh: “Mục đích của giáo dục là dạy cho các em tính hướng thiện.” Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này.
Mục đích của giáo dục là tạo ra những con người lương thiện, giàu tình cảm có nhiệt tình cống hiến, biết hy sinh vì hạnh phúc của cộng đồng và xã hội. Những tín đồ cuồng đạo luôn miệng rêu rao về tình yêu đất nước và sẵn sàng quên mình vì lợi ích tôn giáo của họ không phải là đối tượng mà tôi muốn nói đến. Trong thế giới thiện ác lẫn lộn này, việc dạy cho trẻ phân biệt rõ ràng tốt xấu không phải là điều dễ. Chúng ta cũng không thể phó mặc điều đó cho nhà trường, mà phải có sự chung tay của cả gia đình - tất cả nhằm tạo ra môi trường tốt nhất để giúp trẻ tiếp thu những kiến thức tốt nhất.
8. Điều quan trọng trong giáo dục là không được nhồi nhét vào đầu óc trẻ các khuôn mẫu và từ ngữ học thuật. Hãy giúp trẻ phát huy tiềm năng một cách tự nhiên nhất. Người lớn thường hành động máy móc, như chiếc xe lửa cứ chạy theo đường ray sẵn có, rồi dạy trẻ hành động và tư duy theo kiểu đó. Nhưng việc hành động theo thói quen lâu ngày sẽ đánh mất đi tính sáng tạo vốn là điều kiện cần thiết để mở rộng và phát huy khả năng tiềm ẩn của con người. Có thể nói, giáo dục trẻ hành động theo thói quen là nguyên nhân khiến tài năng thui chột.
Mặt khác giáo dục thường coi trọng tính kỷ luật. Kỷ luật là để sửa chữa những thói quen xấu, hình thành thói quen tốt. Tuy nhiên, xét từ một góc độ khác thì tính kỷ luật cũng làm ngăn trở sự phát huy tiềm năng của trẻ, khiến trẻ vì sợ hãi mà không dám - hay không thể - phát huy khả năng vốn có. Giáo dục là một cách để tạo thói quen, nhưng theo tôi, không nên áp dụng một khuôn mẫu cố định nhằm tránh biến trẻ thành những robot chỉ biết hành động như một cái máy, không suy nghĩ.
9. Ngoài việc dùng kỷ luật, quy tắc để ràng buộc trẻ, chúng ta thường dùng uy quyền để gây áp lực buộc trẻ phải vâng lời. Phương pháp giáo dục này cũng làm cho trẻ không thể phát huy tính độc lập trong tư duy và sáng tạo. Không những thế, áp lực có thể làm trẻ cảm thấy sợ hãi, dẫn đến những tổn hại lâu dài về thần kinh. Do đó, trong việc giáo dục trẻ cần tránh gây áp lực ngay cả khi yêu cầu trẻ làm hoặc không làm việc gì đó. Có rất nhiều ông bố bà mẹ, vì cảm thấy bực bội với những câu hỏi ngớ ngẩn của trẻ, đã gắt hay quát mắng, chỉ để trẻ thôi không hỏi nữa.
Thái độ đó thật sai lầm, bởi khi đó, cha mẹ đã vô tình khiến trẻ cụt hứng, dẫn đến tâm lý bị ức chế. Tốt nhất là cha mẹ hãy cố gắng trả lời mọi câu hỏi của trẻ. Không phải trả lời qua loa cho xong chuyện, mà cần giải thích thật tỉ mỉ để trẻ hiểu tường tận vấn đề, hay ít nhất cũng giúp trẻ thỏa mãn với những thông tin mà cha mẹ cung cấp. Quan trọng là bất cứ việc gì cũng phải nói đúng, nói thật, cho dù là việc của thần thánh hay người trần, tránh để trẻ rơi vào “thế giới ảo” và cho rằng như thế sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng óc tưởng tượng. Cách làm đó không chỉ khai nhãn, tức là mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết cho trẻ, mà còn giúp khai tâm, tức là giúp trẻ hiểu và cảm nhận được những việc đúng, sai đang diễn ra xung quanh bằng một nhận thức đúng đắn. Có thể nói con người lý tưởng mà chúng ta cần sẽ phải nhận thức được đầy đủ về hoàn cảnh mình đang sống và những hành động mình đang làm, tránh trường hợp giống như Adam và Eva ở vườn Địa đàng - cứ mãi u mê, không nhận rõ tình trạng khỏa thân của mình.
10. Vậy việc giáo dục trẻ nên bắt đầu từ khi nào? Nên “Dạy con từ thuở còn thơ” như người xưa thường nói. Nên bắt đầu giáo dục trẻ từ độ tuổi lên 2 lên 3. Môn tâm lý học hành vi thừa nhận những hành động cơ bản của trẻ thường bắt đầu ở độ tuổi 2, 3. Do đó, nếu không được kích thích phù hợp đúng trong giai đoạn này thì cả hành vi, cảm xúc và tâm hồn đều không phát triển được đầy đủ. Việc có thể dạy mà không dạy thì thật lãng phí. Như nhà tự nhiên học Lamarck nói: “Nếu không được sử dụng và phát huy đúng cách thì năng lực của trẻ sẽ không phát triển được.”
11. Chúng ta đã không chú trọng mục tiêu của giáo dục là có những con người với trái tim nhân hậu. Điều đó thể hiện rõ nét ở giai đoạn phát triển thời kỳ đầu của trẻ. Thậm chí, chúng ta cũng bỏ quên việc phát huy đặc điểm tâm lý ấy ở trẻ. Do vậy, trái tim hồn nhiên thánh thiện của trẻ như cây khô, cứ chết mòn. Trong trạng thái này làm sao trẻ có thể cảm thấy hứng thú, say mê với tri thức? Người Hy Lạp giáo dục trẻ từ rất sớm và không theo chủ trương nhồi nhét kiến thức tổng hợp hoặc nuôi