🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thiện, Ác Và Smartphone Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Thiện Ác và Smartphone Tác giả: Đặng Hoàng Giang Nhã Nam 12/2016 Pdf: ryuuha9999 Ebook: Mèo Lười https://thuviensach.vn Mục lục LỜI NÓI ĐẦU PHẦN 1 “NHÂN DANH CÔNG LÝ, HÃY LÀM NHỤC CHÚNG” THỜI CỦA NHỮNG DÂN PHÒNG TRÊN MẠNG CÔNG LÝ CỦA CUỒNG NỘ VÀ SỰ TRẢ THÙ CỦA ĐÁM ĐÔNG XÉT XỬ LƯU ĐỘNG: SHOW DIỄN CỦA CÔNG LÝ LÀM NHỤC CÔNG CỘNG: MỘT LỊCH SỬ NGHÌN NĂM NHỮNG NGHI THỨC HẠ NHỤC PHẦN 2 LÀM NHỤC MUA VUI VÀ TÀN NHẪN GIẢI KHUÂY LÀM NHỤC MUA VUI VÀ TÀN NHẪN GIẢI KHUÂY CÁI GIÁ CỦA SỰ THÔ LỖ PHẦN 3 BẢY BƯỚC ĐI CỦA CĂM GHÉT BẢY BƯỚC ĐI CỦA CĂM GHÉT 50 SẮC THÁI CỦA CĂM GHÉT TÀN NHẪN TỚI TỪ ĐÂU: KHI CÁI THIỆN CUỒNG TÍN VÀ CÁI TÔI BỊ ĐE DỌA PHẦN 4 GIÃ TỪ VĂN HÓA LÀM NHỤC SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐIỀM TĨNH GIÃ TỪ VĂN HÓA LÀM NHỤC “VÀ CỨ NHƯ THẾ CHO ĐẾN VÔ CÙNG”: SUY NGẪM VỀ TỬ TẾ TA CẦN BIẾT BAO NHIÊU VỀ CUỘC ĐỜI NGƯỜI KHÁC? PHẦN 5 TA NÓI Gì KHI NÓI VỀ THA THỨ KẺ THÙ TA ĐÂU CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI, GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI? TỘI LỖI VÀ... TRỪNG PHẠT VÀ... TA NÓI GÌ KHI NÓI VỀ THA THỨ: CỨU RỖI ĐẾN VỚI AI? TA NÓI Gì KHI NÓI VỀ THA THỨ: CHỈ CÓ Ở CON NGƯỜI NHÂN PHẨM ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? https://thuviensach.vn PHẦN KẾT DỰ ÁN TRẮC ẨN DỰ ÁN TRẮC ẨN “CHÚC CON RA VỀ BÌNH AN” LỜI BẠT https://thuviensach.vn Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế! Qua những câu chuyện thời sự nóng bỏng, Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang phác họa sắc nét chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, khiến chúng ta rùng mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó. Những phân tích thấu đáo buộc chúng ta phải đối diện với bản thân, và giật mình nhận ra đôi khi chính mình cũng đang góp phần tạo ra bức chân dung đó, để hủy hoại người khác và hủy hoại bản thân. Không dừng lại ở đó, tác giả chỉ ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của lòng trắc ẩn. Để luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc. Giàu chất thời sự nhưng mang ý nghĩa vững bền, chạm tới từng góc khuất trong tâm can mỗi người nhưng đồng thời bao quát cả xã hội, cuốn sách mang tính xây dựng và tinh thần nhân văn sâu sắc. Hãy đặt smartphone xuống và đọc cuốn sách này! https://thuviensach.vn Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư Tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức; bảo vệ tiến sĩ Kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Hiện sống và làm việc tại Việt Nam. Tác giả cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can, cùng nhiều bài viết gây tiếng vang trong xã hội. facebook.com/giang.dang.9469 https://thuviensach.vn “Phần đầu của cuốn sách khiến tôi run rẩy. Tôi càm thấy xấu hổ khi đã từng gõ những lời tàn nhẫn trên bàn phím mà không để ý tới số phận con người đằng sau câu chuyện!” Thu Hà, Tác giả Con nghĩ đi, mẹ không biết “Tôi đặc biệt thích thú với những chương cuối trong cuốn sách. Nó mở ra những giải pháp và đặt vào tay người đọc những cơ hội thay đổi. Nó giúp mỗi chúng ta nhìn nhận rõ hơn sự khác nhau giữa phê bình và mạt sát, giữa lên án và sỉ nhục, giữa bản án của trái tim khoan dung và bản án của sự căm giận, giữa công bằng của pháp quyền và cái gọi là công lý của sự cuồng nộ.” TS. Nguyễn Phương Mai, Tác giả Con đường Hồi giáo “Nếu bạn không đủ kiên nhẫn để đọc hết cuốn sách này, bạn không nên bắt đầu nó! Bởi có thể bạn sẽ không chịu nổi khi nhận ra mình đã từng độc ác đến thế nào. Nếu bạn đọc hết cuốn sách này, tôi tin chắc bạn sẽ không thể like, share hay bình luận những câu chuyện trên mạng xã hội vội vã như trước kia nữa.” Phạm Trung Tuyến, Nhà báo https://thuviensach.vn Tặng Mai Chi An https://thuviensach.vn “Cả cuộc đời anh ta cố gắng là một cá nhân tốt. Nhiều lần lắm, nhưng anh ta thất bại. Bởi cuối cùng thì anh ta vẫn chỉ là con người” - Charles M. Schulz “Sông có khúc, người có lúc.” - Tục ngữ Việt Nam https://thuviensach.vn LỜI NÓI ĐẦU Cuốn sách của Đặng Hoàng Giang ngập tràn những câu chuyện thực tế và những ví dụ cụ thể. Vì vậy, tôi sẽ viết lời tựa cho nó cũng bằng một ví dụ cụ thể. Tháng 9 năm 2016, một quán karaoke ở Hà Nội bị cháy và bức ảnh một nữ nhân viên chạy ra ngoài che mặt bằng chiếc áo lót thấm nước lan truyền trên mạng. Thay vì khen ngợi cô gái có kỹ năng sống và biết xử lý tình huống rất thông minh (trong hỏa hoạn ta dễ chết ngạt vì khói hơn là chết thiêu trong lửa), vô số những bình luận độc ác nhanh chóng nhấn chìm cô gái xuống bùn đen. Người ta mặc định cô là gái bán hoa, miệt thị nhân cách của cô, phán xét cô vì là gái bán hoa nên cũng sẽ là kẻ toàn ăn không ngồi rồi, cướp chồng người khác (!), và ám chỉ nếu cô chết thiêu thì cũng đáng kiếp bằng những lời nói dửng dưng tàn nhẫn: “Úi giời, toàn là bọn điếm ý mà”. Hai ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng, cô gái phải kêu lên: “Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?” Hãy thử tưởng tượng là họ chạy ra từ một công sở bị cháy, cô gái có cách xử lý cực kỳ thông minh ấy sẽ được tung hô như người hùng. Nhưng định kiến xã hội và sự tàn ác của những kẻ vô danh mạnh hơn sự công bằng: làm ở quán karaoke thì là gái làm tiền. Không ai có bằng chứng, nhưng cần gì bằng chứng? Một xã hội càng thiếu khoan dung thì càng nhiều định kiến, đơn giản vì nó khiến người ta phán xét tốt xấu một cách giản đơn nhất mà không cần lòng nhân ái, khả năng biết chờ đợi sự thật, và khả năng lắng nghe những số phận riêng biệt của từng con người. Việc tuyên án các cô gái là người bán dâm tạo nguyên cớ cho việc sỉ nhục thay vì tung hô. Trong cuốn sách này, Đặng Hoàng Giang phân tích khá kỹ lưỡng về quá trình diễn biến và nguồn gốc của sỉ nhục từ khía cạnh tâm lý. Khối lượng kiến thức mà tác giả đầu tư khiến cuốn sách mang tầm vóc của một tác phẩm khoa học thường thức. Nó thỏa mãn sự đòi hỏi học thuật của các chuyên gia tâm lý, nhưng đồng thời cũng là một cánh cửa biến hóa với chiếc tay https://thuviensach.vn nắm vừa tầm với bất kỳ một người đọc nào, dù tình cờ hay chủ ý. Cuốn sách là một chiếc gương tâm lý phản chiếu một phần cuộc sống của chúng ta, nơi mỗi cá nhân có thể dễ dàng nhận thấy mình đã từng vừa là nạn nhân, và đôi khi vừa là thủ phạm một cách vô thức. Là một người nghiên cứu văn hóa từ góc độ liên ngành (interdisciplinary), tôi cảm thấy thực sự thích thú khi có cơ hội được ráp nối những phân tích sắc sảo của tác giả với những hiểu biết của chính mình về vai trò của “ý thức nhóm” trong sinh học tiến hóa. Từ góc nhìn chọn lọc tự nhiên, một lý do khiến con người trở nên ác độc với kẻ khác là việc chúng ta phải bảo vệ người cùng phe với mình. Con người là sinh vật bầy đàn, không có bầy đàn thì cá nhân không thể tồn tại. Vì vậy, bầy đàn trở thành đối tượng quan trọng để yêu thương, hy sinh và bảo vệ. Trong quá trình tiến hóa, chúng ta dần dần xây dựng khả năng nhận biết kẻ cùng bầy đàn thông qua ngôn ngữ, cách ăn mặc, giá trị, hoặc hành vi... Kẻ không chia sẻ những đặc tính này thường kích hoạt hệ thống amygdala trong não chúng ta với tín hiệu “kẻ lạ, dè chừng”. Khi phải cạnh tranh nguồn sinh sống, chúng ta không thể vị tha với kẻ khác bầy đàn giống như kẻ cùng bầy đàn được, và tiến hóa xã hội hình thành một công cụ hữu hiệu để giúp con người có đủ dã tâm tàn hại kẻ khác (demonization - nghĩa là “biến kẻ khác thành quỷ dữ”). Để lòng trở nên vô cảm với kẻ thù, ta sẽ miêu tả họ là vô đạo đức, dã thú, xấu xa. Giết một kẻ xấu xa sẽ dễ dàng hơn giết một kẻ cũng giống như chúng ta. Đó là công cụ đắc lực để con người coi đồng loại là loài cầm thú đáng bị tiêu diệt, để vượt qua lòng vị tha và sẵn sàng vung kiếm trên chiến trường hoặc trên Facebook. Phi nhân hóa và sỉ nhục kẻ khác vì vậy một phần có nguồn gốc tiến hóa, và oái oăm thay, lại là sản phẩm của lòng trung thành với bầy đàn của chính mình. Nói cách khác, chúng ta vì yêu bầy đàn (gia đình, tộc họ, quốc gia, tôn giáo) của mình quá mà kết quả là biến bầy đàn khác thành kẻ xấu xa. Điều đó giải thích cho việc một số phụ nữ kiên quyết đổ tội cho gái mại dâm chứ chồng mình nhất định chỉ là nạn nhân bị dụ dỗ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng vậy, nó bôi nhọ, kết án, sỉ nhục, và biến quốc gia và nhóm người khác thành quỷ dữ. https://thuviensach.vn Con đường mà Đặng Hoàng Giang dẫn bạn đọc đi qua sẽ khiến không ít kẻ trong chúng ta giật mình vì nhìn thấy chính bản thân trong đó. Vô tình hay cố ý, ai trong chúng ta cũng từng phán xét, hạ nhục, hoặc phi nhân hóa kẻ khác, về khía cạnh tâm lý, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi các phân tích của tác giả bởi tôi cho rằng, một cách gián tiếp, hạ thấp kẻ khác khiến cho ta cảm thấy hài lòng với bản thân, với nhân cách mình đang có mà không mất nhiều thời gian tự kiểm điểm. Nếu kẻ kia xấu xa thì đương nhiên kẻ mạt sát họ (tức là ta) trở thành tốt đẹp. Những vấn đề mà ta đang có bị lu mờ và đẩy lùi vào hậu trường. Ta mải mê mạt sát mà quên soi gương để tự kiểm điểm bản thân, vì chỉ cần chứng minh kẻ kia là bóng tối thì ta thành ánh sáng. Tôi đặt tên cho hành động này là “thủ dâm nhân cách”, với ý rằng sỉ nhục, hạ thấp, phi nhân hóa đối phương chỉ là một cơn cực khoái bằng đồ giả, một liều doping trá hình để xoa xít cho cái nhân cách đang hơi hoang mang, hơi bối rối, thậm chí đôi khi hơi thiếu tự tin của bản thân. Như một kẻ phải bắt nạt người khác mới thấy mình mạnh mẽ, bôi đen người khác mới có thể tự thuyết phục rằng mình trong sạch, giết chết người khác mới có thể biết rằng mình đang sống. Ai trong chúng ta cũng từng thủ dâm nhân cách, và đều từng bị vướng vào vòng xoáy khủng khiếp ấy, nhất là những kẻ từng chịu đớn đau. Đặng Hoàng Giang đã rất chính xác khi gọi tên khát vọng muốn chà đạp kẻ khác đôi khi xuất phát từ sự tổn thương vì bị chối bỏ. Những nỗi đau vô thức dù ta đã quên đi nhưng luôn tồn tại như các cơn sóng ngầm lái con thuyền hành vi vào tâm bão, khiến ta quay cuồng mà khó thực sự hiểu ra nguyên cớ. Những trận đòn của bố mẹ hay sự xâm phạm tình dục thời thơ ấu sẽ như vết thương vô hình đi theo suốt cuộc đời và ngấm ngầm phá hoại tình yêu, công việc, hay các giao tiếp hết sức thông thường hằng ngày. Tôi đặc biệt thích thú với những chương cuối trong cuốn sách. Nó mở ra những giải pháp và đặt vào tay người đọc những cơ hội thay đổi. Nó giúp mỗi chúng ta nhìn nhận rõ hơn sự khác nhau giữa phê bình và mạt sát, giữa lên án và sỉ nhục, giữa bản án của trái tim https://thuviensach.vn khoan dung và bản án của sự căm giận, giữa công bằng của pháp quyền và công lý của sự cuồng nộ. Những điều xấu xa và tốt đẹp sẽ luôn song hành với nhau, nhưng cuốn sách này sẽ khiến bạn tự hỏi, liệu có gì không ổn ở việc trừng phạt sự xấu xa này bằng một sự xấu xa khác? Nó giống như án tử hình vậy, giết người để dạy rằng giết người là sai. Liệu chúng ta có thể đối mặt với cái ác bằng trái tim nhân từ và lý trí sáng suốt? Nếu có kẻ sỉ nhục ta hoặc những giá trị mà ta tôn thờ, liệu ta có nên sỉ nhục lại kẻ đó và biến kẻ đó thành ác quỷ? Liệu ta có hiểu rằng, ta không thể làm tổn thương kẻ khác trước khi làm chính mình bị tổn thương bởi những khát khao làm điều ác? Liệu ta có còn kịp nhớ rằng, ta không thể biến kẻ khác thành ác quỷ nếu trái tim ta không đủ nguyên liệu để hình thành nên ác quỷ? Ác quỷ không dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Nó dọn đường cho một bãi chiến trường. Nếu trên bãi chiến trường ấy những đấu sĩ trở thành vô danh, những đối thủ chỉ là các avatar hư ảo, những nhát kiếm giết người chỉ cần bấm nút like, thì khả năng tàn sát của chúng ta chẳng kém gì các trò chơi điện tử đẫm máu. Vấn đề ở đây là máu thật và những số phận người thật. Chính vì lý do này, những điều Đặng Hoàng Giang chia sẻ chưa bao giờ đúng thời điểm hơn, khi mà mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Cho nên, tôi sẽ là người đầu tiên tham gia vào “dự án trắc ẩn” của anh. Đó là những cố gắng ứng xử tử tế khi đối diện với giận dữ, đó là việc dừng lại và chờ cho đến khi tiếng nói cất lên không phải tiếng nói của nỗi căm ghét mà là của lòng từ tâm. TS. Nguyễn Phương Mai Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, tác giả Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo https://thuviensach.vn PHẦN 1 “NHÂN DANH CÔNG LÝ, HÃY LÀM NHỤC CHÚNG” Thời của những dân phòng trên mạng Công lý của cuồng nộ và sự trả thù của đám đông Xét xử lưu động: Show diễn của công lý Làm nhục công cộng: Một lịch sử nghìn năm Những nghi thức hạ nhục https://thuviensach.vn THỜI CỦA NHỮNG DÂN PHÒNG TRÊN MẠNG “Độc ác với người khác không phải là cái gì mới. Nhưng trên mạng, với công nghệ hỗ trợ, sự lăng nhục được phóng đại lên, không bị kiềm chế, và ở đó mãi mãi.” - Monila Lewinsky1 “Mỗi chúng ta đều rộng lớn hơn điều tồi tệ nhất mà chúng ta đã từng làm.” - Bryan Stevenson Tôi nhớ rõ ngày Internet chỉ cho tôi thấy cái mặt u ám của nó. Đó là mùa hè 2015, và câu chuyện liên quan tới hai anh em Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương, trên dưới 30 tuối, chủ một đại lý bia ở quận Long Biên, Hà Nội. Đó là ngày cái Internet mà tôi vẫn biết - lạc quan, trong trắng, vô tư, yên bình - đã chết, và thay vào đó là một Internet tục tĩu, chói tai và xấu xí. Hai thập kỷ trước, khi Internet đang trong tuổi dậy thì, Rheingold Howard, một nhà tiên phong về công nghệ mạng người Mỹ, phấn khởi tiên đoán nó sẽ đưa chất lượng tương tác của chúng ta trong xãâ hội lên một tầm mới. “Nó như là một cái xa lông nhỏ,” ông mô tả cho những người còn chưa biết mạng là gì, nghĩa là đa số trong xã hội hồi đó, “tôi có thể tham gia vào hàng trăm câu chuyện, nơi người ta không quan tâm mặt mũi tôi thế nào, giọng nói tôi ra sao, mà chỉ quan tâm tới những ý nghĩ của tôi.”2 Cư dân mạng không nhìn thấy hình hài, tuổi tác và xuất xứ của nhau, ông lạc quan, do đó mạng sẽ là một vùng đất không có định kiến. Ai có thể trách được sự ngây thơ của Rheingold Howard? Tới giờ, sự lạc quan này đã phải nhường chỗ cho một thừa nhận cay đắng. Chính sự vô danh và vô hình trên mạng khiến người ta cư xử vô cảm và độc địa. Khi không phải nhìn vào mắt nhau, https://thuviensach.vn người ta sẵn sàng làm đau kẻ khác. Chúng ta sẽ nhìn kỹ vào hiện tượng này ở phần sau của cuốn sách. Nhưng trước hết, chúng ta hãy quay lại ngày Internet chỉ cho tôi cái mặt u ám của nó. SỰ PHỤC SINH CỦA LÀM NHỤC CÔNG CỘNG Vào giữa tháng 7 năm 2015, Tiến Dũng và Hồng Phương vừa có một chuyến du lịch châu Âu sáu ngày. Qua những bức ảnh mà về sau trôi nổi trên mạng, người ta nhìn thấy hai anh em cùng nhảy lên không trên nên tuyết trắng của núi Alpen, giơ hai chân hai tay lên pha trò, đằng sau là bầu trời xanh ngắt, hoặc ảnh họ selfie trong cung điện Versailles sơn son thếp vàng. Thảm họa xảy ra vào ngày cuối cùng của chuyến đi, tại Zurich, Thụy Sĩ, nơi cả đoàn đi mua sắm trước khi bay về Việt Nam vào hôm sau. Tiến Dũng và Hồng Phương bị công an bắt về đồn vì ăn cắp ba cái kính trị giá 300 euro mỗi chiếc trong một cửa hàng. Đến tận đêm hôm đó họ mới được thả sau khi nộp phạt 2000 euro. Chừng một tuần lễ sau, những bức ảnh chụp họ ngồi trong đồn, cộng hai biên lai nộp phạt cho cảnh sát địa phương được người hướng dẫn viên du lịch của đoàn đưa lên Facebook. Một siêu bão nổi lên trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam. Vào những ngày đó sẽ khó tìm được một tờ báo hay một trang mạng nào không đăng tin về vụ trộm kính trị giá 20 triệu VND này. Các báo lớn thì xóa tên trên biên lai nộp phạt và làm mờ mặt hai anh em trong bức ảnh chụp họ đang bị lập biên bản, nhưng tường thuật tỉ mỉ diễn biến của buổi tối định mệnh từ lúc đoàn lạc hai người tới lúc nhận được hung tin bằng tiếng Đức. Kênh YouTube hải ngoại Người Việt online chạy tin này trong chương trình thời sự, cùng mức độ quan trọng với “Phi cơ dân sự Đức suýt đụng phi cơ không người lái gần Warsaw” và “Tòa liên bang Đức buộc chính phủ bỏ trợ cấp để cha mẹ ở nhà trông con”. Rất nhanh chóng, người ta tìm ra tung tích của hai người qua giấy phép kinh doanh trên trang mạng của Sở Kế hoạch và Đầu tư, họ tung lên mạng tên và địa chỉ công ty, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại và tài khoản Facebook của cả hai. Tôi gặp khó khăn để mô tả mức độ sỉ nhục khổng lồ mà Tiến Dũng và Hồng Phương gặp phải. Để có thể có chút ít cảm nhận về https://thuviensach.vn nó, đây là một gáo nước, lấy từ đại dương mênh mông của các phát ngôn về câu chuyện này: “Quá xấu hổ. Nếu là cán bộ công nhân viên thì phải đuổi ngay việc và thông báo về địa phương.” “Đề nghị không làm mờ ảnh để mọi người được ‘chiêm ngưỡng’.” “Đẹp mặt lắm đây mà còn chụp ảnh lưu niệm. Còn thiếu cái còng số 8 ở tay nữa. Không biết 2 con chó này quê ở đâu vậy?” “Theo tôi cứ chụp ảnh dán vào bản tin nơi đối tượng cư trú.” “Thành thật xin lỗi cảnh sát Thụy Sĩ.” “Hai gương mặt ăn cắp xuyên lục địa, từ VN sang Thụy Sĩ ăn cắp kính thời trang?” “Bọn này đã quen ăn cắp, ăn cướp của nhân viên và khách hàng ở VN rồi. Nay ra nước ngoài còn làm nhục dân VN, đúng là đồ khốn nạn!!!” “Chúng đã làm nhục quốc thể, bôi nhọ danh dự của người Việt, quá xứng đáng để mọi người phỉ nhổ! Ai còn bênh chúng thì cũng là loại người chả ra gì!” “Loại này mấy đời ăn cắp nên có gen di truyền rồi, không thể bỏ được...” “Hai đứa đánh đổi tất cả để lấy chữ nhục rồi, ngu hết cả phần trâu, phần chó” “Nhục nhã chưa, sao ko thấy anh em nó nhảy sông hồng?” “Nước sông Hồng cần trong sạch :-).... Đừng làm bẩn đi... Không nên cho họ nhảy xuống.” “Tôi đoán 2 người ăn cắp ấy là người trong băng đảng” “Lạy 2 ông bà xin 2 ông bà đừng bơi vào TP.HCM” “Loại này đập chết chôn ngay k nó lại đẻ chứng.”3 “ĐỒ CẶN BÃ CỦA XÃ HỘI”. https://thuviensach.vn Sẽ khó để giải thích vì sao trong vô vàn những vụ vi phạm lớn nhỏ xảy ra hằng ngày người ta lại chọn đưa hai anh em này ra đoạn đầu đài. Có lẽ sự kết hợp của nhân thân của họ (doanh nhân được cho là thành đạt), của bối cảnh câu chuyện (một cuộc du lịch châu Âu xa xỉ), sự khôi hài của tình huống (ba cái kính), và lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương (chữ “nhục quốc thể” là một trong những chữ được nhắc tới nhiều nhất) đã tạo nên thùng thuốc súng. Có thể hai anh em họ Nhâm đã không gặp may khi câu chuyên của họ được một vài Facebooker ngàn sao nhìn thấy và chia sẻ. Nếu tối hôm đó có một trận chung kết bóng đá trên ti vi và những vị chúa tể trên Facebook không có thời gian để kiểm tra newsfeed của mình, số phận của họ chắc sẽ khác. Nhưng sự thất thường là một đặc tính của công lý trên mạng, chúng ta sẽ trở lại khía cạnh này ở một chương tiếp theo. Tôi vốn là người tin tưởng vào sức mạnh và vẻ đẹp của Internet. Tôi vẫn say mê nói với bạn bè về tiềm năng dân chủ của mạng xã hội, về sự sáng tạo và quyền lực của báo chí công dân. Ở thế kỷ 21, chúng ta không cần “trời có mắt nữa”, bởi Internet đã có mắt, có tai, có tay ở mọi nơi. Khi trước đó nửa năm, khi cộng đồng mạng Singapore phát hiện tung tích và chế giễu Jover Chew, tay chủ một cửa hàng điện tử đánh lừa anh công nhân Phạm Văn Thoại lúc anh mua chiếc iPhone ở đây khiến anh phải khóc và quỳ xuống van lạy, tới mức anh ta phải đóng cửa hàng và chuyển nhà, tôi vẫn còn hoan hỉ cùng mọi người. Công lý nằm trong tay của chúng ta, những con người bé nhỏ. Cùng nhau, chúng ta có thể trở thành Robin Hood, hay ít nhất là Lục Vân Tiên. Nhưng lần này, thay vì hào hứng và phấn khởi, tôi thấy có vị chát trong miệng. Tôi bắt đầu thấy bất an. Không khí lãng mạn của Lục Vân Tiên đã biến mất. Tôi không chắc mình vừa chứng kiến một cuộc đấu tranh cao đẹp giữa cái thiện và cái ác. Nó gần với một cuộc đấu tố hơn là công cuộc kiến tạo đạo đức xã hội. Sự gầm thét của cơn bão sỉ nhục vì ba cái kính này chính là âm thanh của cỗ máy công lý đang vận hành? Chúng ta có muốn sống trong một xã hội mà không ai được quyền phạm lỗi? Chúng ta đang kiêu ngạo tới mức cho rằng mình không bao giờ sa ngã? Khi nào thì chúng ta vẫn https://thuviensach.vn đang góp tay xây dựng xã hội, và khi nào thì chúng ta đã trở nên độc ác? Có một điều đã rõ: chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiên tượng làm nhục công cộng. Những kẻ vi phạm chuẩn của cộng đồng bị đem ra bêu riếu và ném đá trước toàn dân thiên hạ, và ở thế kỷ 21, có một không gian công cộng nào thích hợp hơn, có được sự chú ý của mọi người tốt hơn, trưng bày kẻ xấu tốt hơn, là trên mạng? SỰ TRỖI DẬY CỦA NHỮNG DÂN PHÒNG TRÊN MẠNG Đằng sau hiện tượng làm nhục công cộng online là sự trỗi dậy của những dân phòng trên mạng (thuật ngữ tiếng Anh là digital vigilantism). Nhìn bề ngoài, người ta có thể thấy những dân phòng và những kẻ bắt nạt trên mạng giống nhau, nhưng có một khác nhau cơ bản, chính ở chỗ họ nhìn bản thân thế nào. Những kẻ bắt nạt trên mạng, còn được gọi là troll, chúng ta sẽ còn quay lại với họ, quấy rối và hành hạ người khác để mua vui, họ biết mình là những kẻ du côn. Dân phòng trên mạng, những người hằng ngày đi tuần để khui ra và trừng phạt những “kẻ xấu” có thể gây hại, ngược lại, cho rằng mình đang bảo vệ cộng đồng. Ở Trung Quốc, nơi tất cả được đẩy lên đỉnh điểm, có hẳn một khái niệm riêng cho những chiến dịch dân phòng này: “tìm kiếm thịt người” (renrou sousuo yinqing). Trong những chiến dịch này, hàng chục ngàn cư dân mạng trở thành thám tử, hợp tác để truy lùng danh tính của những kẻ họ cho là cần bị trừng phạt. Vì “không yêu nước”, “hành hạ động vật, hay vì “ngoại tình”. “Truy tìm nó và đạp chết nó như nó đã làm với con mèo”, cộng đồng mạng phát lời hiệu triệu sau khi clip quay cảnh một phụ nữ lấy gót giày cao gót giẫm chết một con mèo lan truyền trên mạng. Các thám tử online phân tích từng chi tiết nhỏ trong các khung hình, như là phong cảnh bờ sông nơi video được quay, để tìm ra một con người trong một tỉ người. Sáu ngày sau, họ thành công. Wang Jiao, người giết con mèo trong lúc thất tình, bị đuổi việc và phải bỏ đi nơi khác sinh sống. https://thuviensach.vn Một năm sau, người ta dùng sơn đỏ viết lên cửa nhà Wang Fei, một luật sư ở Bắc Kinh: “Nợ máu phải trả bằng máu”. Trước đó, vợ anh nhảy lầu tự tử sau khi phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Những tâm sự trên blog của cô khiến cư dân mạng cho rằng họ có trách nhiệm trả thù. Wang và Dong Fang, người tình của anh ta, bị đuổi khỏi công ty quảng cáo danh giá Saatchi. Chưa bằng lòng, dân phòng mạng còn thông báo: “Gửi tất cả những người sử dụng lao động: Không bao giờ tuyển Wang Fei hay Dong Fang vào làm, nếu không chúng tôi sẽ tìm kiếm thịt người các anh.”4 Ngay từ năm 2008, Anne Chung, giáo sư luật của Đại học Hong Kong đã nhận xét về những dịch chuyển trong việc sử dụng mạng ở Trung Quốc: “Việc dùng Internet đế lăng nhục công khai, theo dõi và tẩy chay, để phục vụ cho mục đích trả thù cá nhân, đã trở nên phổ biến trong xã hội Trung Quốc.”5 Tình hình tệ tới mức cuối năm 2014 chính quyền Trung Quốc ra quy định cho phép truy tố những người đứng đằng sau các chiến dịch “tìm thịt người”.6 Ngày nay, ở Việt Nam, với 40 triệu người sử dụng mạng, những dân phòng online hoạt động hằng ngày và có mặt ở những ngóc ngách nhỏ nhất của thế giới mạng rộng lớn. Họ ra tay vì hai mục đích: kiểm soát tội phạm và kiểm soát xã hội. Mục tiêu của nhóm kiểm soát tội phạm là đem lại sự trừng phạt nhanh chóng tới những kẻ vi phạm pháp luật, những người như Tiến Dũng và Hồng Phương. Tuy nhiên, nhiều khi người ta bị sờ tới chỉ vì đã có một cư xử “không đẹp”, trong con mắt của các dân phòng online. Tấm ảnh chụp một bác sĩ để một chân lên giường bệnh nhân khi nói chuyện với người bệnh khiến anh bị mất việc.7 Không ai biết, không ai quan tâm xem người bác sĩ đó có lịch sử công tác thế nào, anh ta được bệnh nhân cũng như đồng nghiệp đánh giá ra sao. Một bình luận trên báo khiến ta lạnh gáy: “Khéo khen ai chụp được tấm hình này.” Nếu như các dân phòng kiểm soát tội phạm tự trao cho mình nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, thì mục đích của nhóm kiểm soát xã hội là bảo vệ những chuẩn mực luân lý của cộng đồng trước những mối https://thuviensach.vn đe dọa. Sự trừng phạt Wang Fei rơi vào thể loại này. Hồ Ngọc Hà là một câu chuyện tương tự. Không chỉ là những giá trị đạo đức liên quan tới hôn nhân và gia đình, các sở thích cá nhân cũng có thể nằm trong tầm kiểm soát của những dân phòng mạng kiểm soát xã hội. Một ví dụ điển hình là chiến dịch của các thành viên của Vozforum, vốn là một diễn đàn về công nghệ, vào tháng 3 năm 2016. Không ưa ngôn tình và cho rằng nó có hại cho thanh niên Việt Nam, các vozer, tên gọi các thành viên của diễn đàn, kêu gọi nhau đánh sập các trang ngôn tình ảo mộng trên Facebook qua hình thức tố cáo (report). Thông tin cá nhân của một số thành viên chủ chốt của các trang này bị đưa tràn lan trên mạng8, “vì một tương lai không còn ngôn lù.”9 Có lẽ các vozer nhìn bản thân giống batman, họ làm “sạch” xã hội, chỗ mà quyền lực nhà nước không với tới được. Trên không gian mạng ẩn danh, người mạnh thắng kẻ yếu. Ở đây, những dân phòng online an toàn, họ không phải trả giá, nạn nhân không có cơ hội trả đũa. Một vozer tóm tắt điều này một cách sinh động: “mày biết tao là thằng nào ko? đéo biết phải ko? bất lực quá đi mà hợ hợ”. Được làm Batman trên mạng, với chi phí và rủi ro bằng không, gây hưng phấn. Cảm giác được trao quyền hấp dẫn và ngọt ngào vì nó cho chúng ta cảm giác chúng ta đang làm chủ cuộc sống của mình, đang kiến tạo xã hội. Chúng ta là những activist. Liệu các vozer có đang làm người khác sợ hãi không? Một vozer chủ chốt trấn an trong một phỏng vấn: “Voz ko phải là một cái gì đó quá đáng sợ (...), chẳng ai phải dè chừng ai cả, cứ đúng mà làm.” Tất nhiên, “đúng” ở đây là đúng theo ý của các dân phòng online này. Một vozer giải thích về triết lý hành động của họ khi có người thắc mắc về tính chính danh của chiến dịch này: “Bọn tao làm vậy là vì cả 1 thế hệ sau này (...) Bọn tao muốn xóa bỏ những cái cổ xúy đi ngược với dòng phát triển của loài người.” Triết lý này được trình bày bởi một nhóm dân phòng của Singapore một cách tinh tế hơn: https://thuviensach.vn “Có đúng luật hay không, chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi chỉ biết rằng để chống lại một con rồng thì bạn không thể dùng một con hổ móm. Bạn phải có một con rồng tầm cỡ tương đương, bất kể con rồng đó có tuân thủ pháp luật của đất nước hay không. Đôi khi, ác quỷ dọn đường cho một cái thiện lớn hơn.”10 KỲ LẠ HƠN HƯ CẤU Kiểm soát xã hội có thể không mang lại những thiệt hại rõ rệt về người và của. Khi các trang ngôn tình bị sập, không có cuộc sống nào bị phá hủy như cuộc sống của Tiến Dũng và Hồng Phương, không có cá nhân nào phải bỏ quê mà đi như Wang Jiao, “người phụ nữ giết mèo”, nhưng nó có tác động sâu sắc. Kiểm soát xã hội trên mạng reo rắc sự sợ hãi và bóp nghẹt tự do biểu đạt như một cơ quan quản lý văn hóa hiệu quả nhất. Điều mà các vozer làm chính là kiểm duyệt văn hóa, bịt miệng những giọng nói, xóa sổ những nội dung họ không ưa. Trên mạng, kẻ mạnh (tức là kẻ to tiếng hơn, thạo công nghệ hơn và đông hơn) là người có thể cho phép người khác được xem gì, đọc gì, thảo luận gì. Họ có quyền lực thiết lập các chuẩn mực xã hội cùng các hình phạt - cho tới khi những kẻ mạnh hơn họ xuất hiện. Sau câu chuyện của Tiến Dũng và Hồng Phương, tôi bắt đầu chú ý tới những thân phận bị sa vào vòng lao lý của cộng đồng mạng, và tôi không ghi chép kịp với những gì xảy ra. Cộng đồng mạng cần kịch tính. Mỗi một ngày lại có một người bị khoác lên tấm biển “quái vật” và đẩy ra ngoài ánh sáng. Nhiều lúc, thực tế còn kỳ lạ hơn hư cấu, và có khi, tai họa được gió mang tới, theo đúng nghĩa đen. Ngày 17 tháng 2 năm 2016, một nữ phóng viên VTV đứng trên bờ biển Đà Nẵng đầy gió làm phóng sự kỷ niệm cuộc chiến 17-2- 1979. Cô đội một cái mù vải mềm màu xanh lá cây, có ngôi sao đằng trước, để tóc khỏi bay vào mặt. Tối hôm đó, một Facebooker báo động: “Phóng viên Diệu Quỳnh đội nón lính Trung Cộng lên truyền hình VTV đúng ngày 17/2. Dấu hiệu gì đây?” đi kèm là ảnh cô phóng viên và ảnh lính Trung Quốc đặt cạnh nhau để so sánh. Nhìn kỹ thì hai loại mũ không giống nhau lắm, và sau này người ta xác nhận cái mũ cô đội là mũ của Che https://thuviensach.vn Guevara, được bán rất nhiều ở Hội An. Nhưng tất nhiên không ai nhìn kỹ cả, và chỉ sau một đêm, một dòng thác bình luận đã kịp đổ xuống và lan đi các ngóc ngách trên mạng, với các kêu gọi tử hình cô hoặc gửi cô tới các lò mổ nội tạng, gọi cô là phản quốc và so sánh cô với các động vật cấp thấp nhất. Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế nào? Đây là cuộc cách mạng công nghệ số mà chúng ta vẫn mong đợi? Ở nơi công cộng, bất cứ hành vi nào của bạn cũng có thể được ghi lại rồi tái xuất hiện trên YouTube. Lên mạng tán nhảm, bạn cũng phải nhận được bảo kê. Tôi không tránh khỏi cảm giác là chúng ta đã trở thành con sâu cái kiến trong cuộc bể dâu mang tên Internet mà chính chúng ta đã tạo nên. Cái công lý lãng mạn trên mạng mà tôi đã từng hy vọng và hình dung ra, ngày càng mang hình dạng của một thứ công lý của cuồng nộ và sự trả thù của đám đông. https://thuviensach.vn CÔNG LÝ CỦA CUỒNG NỘ VÀ SỰ TRẢ THÙ CỦA ĐÁM ĐÔNG “Lẽ phải không liên quan tới số lượng - không thể có một hành vi, trong pháp luật hay trong đạo đức, bị cấm đối với một cá nhân nhưng lại được phép đối với một đám đông.” - Ayn Rand “Những hệ thống của công lý có thể được coi là sự chuyển hóa thành công của thôi thúc báo thù sâu kín, và giữ thôi thúc này bên trong những ranh giới chấp nhận được.” - Frans De Waal Trên YouTube, ngoài những video về mèo yêu, em bé ăn bột hay các màn karaoke nghiệp dư, có một thế giới riêng, ở đó người ta đưa lên những clip ghi lại các vụ đánh trộm, cướp. Những video này có một lượng khán giả đông đảo và thường có những tiêu để như thế này: Trộm chó bị bắt đeo biển (hơn 500 ngàn lượt xem); Thanh niên trộm gà bị lột trần, té nước giữa trời lạnh (hơn 800 ngàn lượt xem, tăng 200 ngàn khi tôi quay lại sau hai tháng); Gái xinh đi cướp bị bắt khóc lóc van xin (1,2 triệu lượt xem, tăng gấp đôi sau hai tháng); Ăn cướp bị người dân đánh dã man (1,6 triệu lượt xem). Tuy không bật âm thanh, tôi chỉ có thể xem được chừng 10 giây ở mỗi clip. Hình ảnh những người phụ nữ xúm lại xô đẩy cô gái ăn trộm tóc đen dài quá vai đang gào thét van xin tới múc mặt mũi biến dạng, cảnh họ giằng tóc, xé áo, cùng nhau gỡ một cái dây để trói cô vào cột, hình ảnh mấy người đàn ông đội mũ bảo hiểm lạnh lùng giơ cao cây gậy phang một thanh niên ăn trộm bị trói nằm dưới đất, mỗi cú quật khiến những người vây quanh phải giật nẩy người và quay mặt đi, khiến tôi phải đóng băng bất động trong tư thế của mình. Và trong tất cả các clip, tác giả của nó, người cầm smartphone, hối hả đi vòng quanh, cúi xuống dưới, giơ lên cao, cố tìm vị trí để nhìn rõ nhất trong đám đông vòng trong vòng ngoài. “Ai cũng muốn tham gia.” Elias Canetti viết trong cuốn Đám đông và quyền lực11năm 1960. “Ai cũng muốn xuống đòn, và vì thế anh ta tiến sát tới nạn https://thuviensach.vn nhân tới mức có thể. Nếu anh ta không tự đánh được, anh ta phải nhìn thấy người khác đánh.” Trọng sự câm lặng như được nhìn qua một vách kính dày, cái rung, nhòe, cái giật cục của video truyền tải sự giận dữ và năng lượng khổng lồ của đám đông. THÔI THỨC BÁO THÙ Cái người ta nhìn thấy ở đây là công lý của sự cuồng nộ, được thực thi trong các phiên tòa của đám đông giận dữ. Đáng sợ nhất ở Việt Nam là các phiên tòa cuồng nộ nhằm vào đối tượng ăn trộm chó. Chỉ cần tìm sơ qua trên mạng cũng ra hàng chục vụ người trộm chó bị đánh chết trong vòng năm năm qua. Thường chúng chỉ xuất hiện qua vài dòng trên báo, rồi rơi vào hư không. Một ví dụ: vào tháng 9 năm 2010, ở xã Hưng Đông, thành phố Vinh, người dân đánh chết Nguyễn Đình Phong, 27 tuổi, vì tội trộm chó. Đám đông kéo xác Phong ra đồng, tưới xăng xe máy lên rồi đốt cả người và xe.12 Khá khó hiểu khi dư luận có thể rất ồn ào với việc du khách Việt xả rác ở bãi biển hay chen nhau khi ăn buffet, nhưng hoàn toàn thờ ơ với những vụ việc này. Dường như không có ai, từ lãnh đạo địa phương tới dân thường, tỏ ra lo lắng địa phương mình mang tiếng xấu sau khi trộm chó bị giết, trong khi người ta có thể rất xấu hổ nếu người quê mình hôi bia đổ ven đường. Mạng chó và mạng người, cái gì đáng giá hơn? Với nhiều người, câu trả lời là rõ ràng, thể hiện qua các bình luận trên mạng: “Chó nhà tớ còn đáng giá hơn bọn chó tặc đó nhiều. Chó nhà tớ chết, tớ khóc mấy ngày, còn chó tặc chết tớ cười mấy tháng” và “Không có nhà tù nhiều mà bỏ tù cẩu tặc... chúng nó bị đánh chết thì cũng đáng thôi!” và “Trộm chó thì chết như chó thôi chả có gì là oan ức cả.” Sự thờ ơ của truyền thông, sự làm ngơ của pháp luật cộng với những ý kiến ủng hộ giết người công khai như trên phản ánh một thái độ dung túng, nếu không nói là ủng hộ ngầm của xã hội cho công lý của đám đông cuồng nộ. Dường như có một quy ước ngầm là kẻ trộm chó không xứng đáng nằm trong sự che chở của pháp luật. Nguyễn Đình Phong bị thiêu chết tới nay đã sáu năm, nhưng tôi không tìm thấy một tin tức nào đi tiếp về trường hợp này. https://thuviensach.vn Nếu như dân chủ, democracy, là một nền quản trị được thực hiện bởi đại diện của người dân qua những cơ chế rõ ràng, nhất quán và công bằng, thì mobocracy, một nền quản trị được thực hiện bởi mob, đám đông cuồng nộ, là một cơn ác mộng. Nếu như hệ thống pháp luật chính thống ra quyết định dựa trên những văn bản rõ ràng và xác định mức độ trầm trọng của một vụ án dựa trên tác động của nó vào xã hội, cũng như qua so sánh nó với vô vàn các vụ án trước đó, thì công lý của cuồng nộ tuyên án và trừng phạt dựa trên cảm xúc nguyên thủy. Chớp nhoáng và mù quáng, nó thường chỉ đắn đo trong vòng vài tích tắc để ra quyết định có xuống tay hay không, sau đó bạo lực ập xuống như con sóng thần, không có thời gian cho bất cứ cân nhắc hay giải thích nào. “Khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng.” - Nguyễn Huy Tưởng viết. “Họ không phân biệt phải trái.” Trong các phiên tòa cuồng nộ, thể hiện qua ngôn từ bạo lực trên mạng hay bạo lực vật lý ngoài đời, năng lượng của đám đông tới một phần từ khao khát trả thù không được kiểm soát. Mong muốn phục thù vốn nằm sâu trong tâm lý con người, được lập trình qua hàng trăm nghìn năm của quá trình tiến hóa. Trả thù có mục đích ngăn chặn những âm mưu gây hại tương tự trong tương lai, để đối trọng lại cảm giác bị làm nhục, để thiết lập lại danh dự và khôi phục lại cảm nhận về công lý vừa bị phá hủy. Trong một xã hội sơ khai, trả thù giúp cho tổ tiên chúng ta tự vệ và trừng phạt những thành viên bất hợp tác trong cộng đồng. Mục tiêu của trả thù là đem lại đau đớn cho kẻ gây hại, và như ta đã thấy, mong muốn trả thù có thể thiêu đốt tới mức hành vi đáp trả trầm trọng gấp nhiều lần mức độ thiệt hại ban đầu. Trả thù giúp chúng ta thắng được cảm giác bất lực và mất mát, và thay vào đó là một sự mãn nguyện và hưng phấn. Sự ngọt ngào của báo thù lớn tới mức có người thân của nạn nhân nuối tiếc vì sát nhân kết liễu đời mình sau khi gây án. Họ muốn tự tay đem lại đau đớn cho kẻ đã làm tổn thương mình. Bị cuốn trôi bởi thôi thúc trả thù, người ta đánh mất một phần đạo đức của mình, và quay ra vi phạm một cách trầm trọng nhất các chuẩn mực và quy ước của xã hội lẫn pháp luật. Nhưng “ăn miếng https://thuviensach.vn trả miếng” cũng là dạng công lý có hình hài sơ đẳng nhất, bạo lực nhất, phá hủy nhất. Một trong những thành tựu lớn nhất của xã hội hiện đại là nó lấy việc thực thi công lý ra khỏi tay những cá nhân và đưa vào tay của nhà nước. Để công bằng, sự trừng phạt phải tới từ các thể chế công, thay vì tới từ các cá nhân bị hại. Một xã hội văn minh là xã hội kiềm chế được khao khát trả thù của các cá nhân. TỪ BƯU THIẾP TỚI YOUTUBE Điều gì khiến người ta không chỉ muốn chứng kiến một đám đông hành hạ một ai đó, mà còn muốn ghi lại những hình ảnh đó và đưa chúng lên mạng? Điều gì khiến hàng trăm ngàn người lên mạng tìm xem những hình ảnh đó? Lý do gì chăng nữa thì chắc hẳn nó đã tồn tại từ rất lâu. Hồi đầu thế kỷ 20, ở Mỹ, bưu thiếp đóng vai trò của YouTube bây giờ. Đó là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra những cuộc hành hình bởi đám đông (lynching) ở những bang miền Nam. Trong giai đoạn đen tối này, có chừng năm nghìn người bị đám đông giết chết ngoài vòng pháp luật vì các tội khác nhau, thật hay oan (lừa đảo, ăn trộm, hãm hiếp v.v.). Các nạn nhân phần lớn là người da đen, nhưng cũng có người Mexico, Trung Quốc và cả người da trắng. Vào đúng thời kỳ hành hình lynching bùng nổ, máy ảnh Kodak và phim cuộn được đưa ra thị trường đại chúng và tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiếp ảnh. Nghề nhiếp ảnh được tổ chức chuyên nghiệp, chụp ảnh nghiệp dư trở thành mốt trong xã hội. Những cảnh hành hình nhanh chóng trở thành một lĩnh vực tăng trưởng nóng của ngành công nghiệp bưu thiếp. Tạp chí Time trích lại lời của một nhân chứng trong vụ hành hình Thomas Brooks ở bang Tennessee năm 1915: “Hàng trăm máy Kodak bấm tanh tách cả buổi sáng ở hiện trường. Người ta đi ô tô và xe ngựa từ nhiều dặm lân cận tới để xem cái thây treo lủng lẳng. Các nhiếp ảnh gia đã lắp sẵn máy in bưu thiếp di động ở đầu cầu.”13 Đầu thế kỷ 20, điện ảnh chưa ra đời, công nghệ còn chưa cho phép hình ảnh và âm thanh đi liền với nhau, và người ta thường trưng bày những bức ảnh chụp cảnh hành hình lynching kèm với máy thu thanh bên cạnh để mọi người có thể nghe lại những tiếng rên rỉ, gào thét của nạn nhân trong khi xem ảnh. Theo cuốn https://thuviensach.vn Lynching và diễn cảnh: chứng kiến bạo lực chủng tộc ở Mỹ 1890- 1940 của Amy Louise Wood, ở trên đường phố Seattle năm 1901, người ta mời chào người qua lại thưởng thức “hình thức giải trí mới và tuyệt vời” này. “Kinh khủng quá, kinh khủng quá!” một nhân chứng nhớ lại. “Chúng ta rao bán những tiếng van xin và kêu rên của một người đang chịu đau đớn tột cùng khi hai con mắt anh ta lần lượt bị đốt cháy bởi sắt nung”.14 Ngày nay, chiếc smartphone đã thay thế cho chiếc máy ảnh Kodak và máy thu thanh của một trăm năm trước, và nó có mặt trong các cuộc hành hình lynching vẫn đang xảy ra ở các ngõ ngách khác nhau trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Cuối tháng 12 năm 2015, một cô gái Afganistan 27 tuổi ở Kabul bị một đám đông vu cho là đốt kinh Koran, và bị tra tấn nhiều giờ bên bờ sông cho tới chết. Xung quanh cô, hàng trăm chiếc điện thoại được giơ lên cao để quay phim, và sau đó đưa lên mạng.15 Đầu năm 2015, hàng ngàn người tràn vào một nhà tù ở bang Nagaland, Ấn Độ, nơi một người đàn ông nhập cư người Bangladesh bị buộc tội hiếp dâm một nữ sinh địa phương 20 tuổi đang bị giam chờ ngày ra tòa. Qua những bức ảnh, người ta có thể thấy nhiều thanh niên hoan hỉ chụp thân thể trần truồng và đầy máu của người đàn ông 35 tuổi bất động trên đường phố.16 Nếu như vào cuối thế kỷ 19, công nghệ, cụ thể là xe lửa, nhiếp ảnh, công nghiệp bưu thiếp, báo chí, đã là các yếu tố biến các cuộc hành hình ở miền Nam nước Mỹ từ những cuộc trả thù của những đám đông địa phương thành những sự kiện giật gân toàn quốc, thì ngày nay Internet có khả năng biến một hành vi bạo lực địa phương thành một sự kiện toàn cầu. Năm 2004, khi video quay cảnh kỹ sư Mỹ Nick Berg bị chặt đầu ở Iraq được phiến quân al-Qaeda đưa lên mạng, nó nhanh chóng trở thành thứ được tìm nhiều nhất trên mạng trong cả một tuần lễ, và chữ Nick Berg xuất hiện trong cả mười từ khóa tìm kiếm phố biến nhất. Từ đó trở đi, câu chuyên lặp lại với tất cả các video chặt đầu tiếp theo của al-Qaeda và ISIS. Công nghệ đã tách bạo lực ra khỏi không gian và thời điểm nó được sinh ra, biến nó thành sản phẩm phục vụ cho sự ham thích https://thuviensach.vn giật gân của quảng đại công chúng, và cho lợi ích thương mại. Giống như việc bán bưu thiếp cảnh hành hình trước kia, lượng view khổng lổ từ các clip đánh trộm đem lại lợi nhuận. Được xem bởi hàng triệu, hàng triệu người, vào những lúc cửa hàng vắng khách, khi nghỉ trưa ở văn phòng, hay buổi tối ở nhà, những clip này góp phần tạo nên sự chắp nhận của xã hội với công lý của cuồng nộ. Trong một không gian cá nhân, bạo lực, qua màn hình điện thoại, được thuần hóa, trở thành cái tiêu khiển, giải trí. Internet cho người xem sự ẩn danh, cho ta cái cảm giác không can dự, tạo ra một khoảng cách, nhưng mặt khác lại cách ta chỉ một cái gõ ngón tay. Chúng ta luôn được ngồi hàng ghế đầu, nữ tác giả Frances Larson phân tích trong bài nói chuyện TED của cô về chủ đế “Vì sao những video chặt đầu luôn có hàng triệu người xem?”, nhưng lại có thể tự nhủ “Không liên quan gì tới tôi, sự việc đã xảy ra rồi, tôi không ở đó.”17 Nhưng xem nghĩa là tán thành, là phê chuẩn màn diễn của đám đông ra đòn, trong đó nạn nhân bị ép đóng vai nhân vật chính. Người xem clip không phải kẻ đứng ngoài, mà trở thành nhân chứng và tòng phạm trong việc chà đạp lên nhân phẩm của những nạn nhân. Chiếc smartphone đã trở thành một vũ khí hoàn hảo để trả thù. Và trên YouTube, cơn trả thù kéo dài mãi mãi. CHỦ NGHĨA TỰ XỬ Sự phục hưng của trả thù cá nhân cũng là một báo hiệu cho trạng thái bất lực của bộ máy quyền lực. Sự hiện diện của hành vi trả thù không những chỉ là lỗi lầm của các cá nhân bạo lực, mà còn chỉ ra những rạn nứt trong xã hội. Ngoài mong muốn phục thù, công lý của cuồng nộ được sinh ra bởi sự bất lực của pháp luật chính thống và nỗi sốt ruột của người dân. Trong các vụ đánh trộm, giết trộm, những lý giải người ta hay nghe được là: “Bà con tự xử kẻ xấu cho hả dạ”, hoặc là “pháp luật ko làm được gì nó thì luật rừng phải làm thôi”. “Tự xử” là từ khóa cơ bản ở đây - người dân tự tay tuyên án và triển khai hành vi trừng phạt. Hành vi xử trộm đem lại cho người ta một cảm giác mạnh mẽ, quyền lực. Gần như người trộm chó là kẻ https://thuviensach.vn đại diện đứng ra hứng chịu tất cả những bức xúc của người dân vì những bất công họ chịu đựng từ trước tới nay. Với Teju Cole, nhà văn người Nigeria, một quốc gia mà những cuộc hành hình công cộng xảy ra gần như hằng tuần, với cách thức phổ biến là “đeo vòng” (một chiếc lốp ô tô tấm xăng được đeo vào cổ nạn nhân và châm lửa), công lý của cuồng nộ là một khạo khát tới Utopia, một tiểu xã hội hoàn hảo, nơi công lý được thực thi tức thì, và những nỗi đau bởi bất công từ bấy lâu được vỗ về an ủi. Chủ nghĩa tự xử là một thách thức với độc quyền vũ lực của nhà nước pháp quyền, và chúng ta bắt đầu nhìn thấy những di căn đáng ngại của nó. Người ta không chỉ đánh và giết người trong cơn thịnh nộ bùng phát khi bị mất trộm. Một người đàn ông trung niên bị đánh chết trong khi đang cầm bát cơm đi trong xóm, vì bị tưởng nhầm là kẻ trộm. Hai thanh niên đi xe máy, một bị giết chết, một bị đánh trọng thương, chỉ vì trên xe có một bao tải dứa, và người ngồi sau cầm một thanh sắt, “trông giống như đồ trộm chó”. Những ví dụ như vậy có thể tìm thấy khá nhiều trên các mặt báo.18 Trong một số trường hợp, sự trừng phạt không dừng lại khi kẻ trộm đã chết. Ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An, người dân bắt gia đình kẻ trộm trả 20 triệu mới cho xe chở xác nạn nhân rời hiện trường tới nhà mai táng.19 Gần đây nhất, vào tháng 5 năm 2016, Nguyễn Văn Nam, một người đàn ông 58 tuổi bé nhỏ và có khuôn mặt khắc khổ ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, cầm dao chém chết người con rể 34 tuổi, khi anh này tới nhà mình trong trạng thái say xỉn, chửi bới thô tục, rồi chất thi thể anh ta lên sau xe máy, chở tới trụ sở công an phường đầu thú. Đằng sau câu chuyên này là một bi kịch con người, là những cá nhân bế tắc trong cuộc sống, là cái nghèo, tác động của rượu, sự thiếu vắng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giải quyết xung đột trong cộng đồng. Nhưng cái ta nhìn thấy qua những bình luận trên mạng là những lời ca ngợi chủ nghĩa tự xử. Ông Nam được nhiều cư dân mạng khen ngợi như một nạn nhân quả cảm, một người hùng tuyệt vọng. Bình luận ngắn gọn “Người đàn ông bản lĩnh nhất năm” nhận được 700 like trên một tờ báo mạng lớn. https://thuviensach.vn Chủ nghĩa tự xử mang trong mình những mâu thuẫn. Nó là một cố gắng dùng một hành vi sai để sửa một hành vi sai. Trong mong muốn tái thiết trật tự công cộng, chủ nghĩa tự xử lại quay ra phá hủy nó thêm. Người ta trở nên bạo lực nhất, man rợ nhất bởi họ muốn được sống trong hòa bình. Muốn thiết lập công lý, những phiên tòa cuồng nộ lại tạo ra những không gian vô pháp luật nhất, nơi những quy ước xã hội bị tạm ngưng cho tới khi đám đông giải tán. Chủ nghĩa tự xử là một lời cảnh báo ở hai khía cạnh. Một mặt, nó báo hiệu về tính chính danh lỏng lẻo của bộ máy quản trị. Không phải ngẫu nhiên chủ nghĩa tự xử hay xảy ra ở những quốc gia có nền pháp trị yếu kém, nơi người dân mất niềm tin vào bộ máy tư pháp. Đôi khi, nó được dùng như một công cụ để củng cố quyền lực. Ở Philippines, ba tháng sau khi tân tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi người dân tự tay xử những kẻ bị nghi là nghiện ma túy, đã có gần 2,500 người bị giết.20 Đây là một trường hợp đặc biệt, khi khao khát dùng bạo lực để “thực thi công lý” của người dân được quyền lực chính thống bật đèn xanh. Mặt khác, chủ nghĩa tự xử thể hiện sự trơ lì về mặt đạo đức trong cộng đồng, và do đó nó là một mối nguy hiểm cho bất cứ nền dân chủ nào. Chính quyền có thể bất lực trong việc bảo vệ tài sản của người dân, nhưng nếu chúng ta coi đó là lý do để cho phép mình coi người khác, kẻ trộm chó, người nghiện ma túy... không phải là người nữa, thì ta đã suy thoái về đạo đức, và đó là nguy cơ sâu xa hơn của chủ nghĩa tự xử: nó thay đổi cách nghĩ và quy ước trong xã hội. Một khi các thành viên của cộng đồng cho rằng bạo lực phi pháp là biện pháp hợp lý và chính đáng để giải quyết xung đột, họ sẽ không tin vào một hệ thống pháp luật nào khác. Lúc đó, xã hội có nguy cơ bị phá hủy từ bên trong. Chủ nghĩa tự xử, được hình thành bởi mong muốn sống yên ổn nhưng biến dạng méo mó thành sự sốt ruột và khao khát trả thù, cùng những thể chế yếu kém, sẽ dẫn xã hội vào một tương lai u ám, nơi luật rừng, bạo lực và sự tuyệt vọng ngự trị. https://thuviensach.vn XÉT XỬ LƯU ĐỘNG: SHOW DIỄN CỦA CÔNG LÝ “Bao nhiêu năm mới có một vụ thế này” – Một người dự xét xử lưu động “Tôi đến đây xem xử bắn” - Một người dự xét xử lưu động Từ 7 giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 2014, hàng nghìn người đổ về Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, để mong tìm được chỗ xem phiên tòa lưu động xử hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý về tội bạo hành trẻ em. Trên đường Võ Văn Ngân, hàng trăm người dân bám rào chắn do cảnh sát lập ra, đứng ngóng ra phía trước. Bên trong Nhà Thiếu nhi, hỗn loạn xảy ra sau khi khán phòng với sức chứa 500 người bị quá tải, trong khi người dân vẫn tiếp tục đập cửa, la ó, tìm cách chen vào. Nhiều cánh tay giơ điện thoại lên cao quay phim, mặc dù chưa có gì xảy ra. Mồ hôi nhễ nhại, một tiểu thương chừng ngoài 60 bức xúc: “Nghỉ mua bán thất thu biết bao nhiêu mà giờ không được coi. Đem ra sân xử cho dân coi chớ!” Sự giận dữ chỉ lắng xuống sau khi một cái phông được dựng lên ở bên ngoài để người ta có thể theo dõi trực tiếp. Tòa bắt đầu lúc 8 giờ 30, muộn nửa tiếng, trong lúc hàng trăm người vẫn tiếp tục dồn về phòng xử, hò hét, xô đẩy và nhớn nhác hỏi nhau: “Có nhìn thấy hai bà bảo mẫu không?” Đây là một trong những vụ án có thủ tục tố tụng ngắn nhất: từ khi vụ án được phát hiện tới xét xử chỉ hơn một tháng. Đông Phương, 31 tuổi vào thời điểm bị truy tó, mở nhà trẻ Phương Anh và nhận Thiên Lý vào làm cấp dưỡng kiêm thêm nhiệm vụ cho trẻ ăn. Lúc này Thiên Lý 19 tuổi. Chỉ hai tháng sau khi nhà trẻ Phương Anh mở cửa, một công nhân xây dựng đến công an phường tố cáo các bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ, và cung cấp một đoạn video làm chứng cứ. Trong khi https://thuviensach.vn công an đang thu thập chứng cứ tại địa bàn, bất ngờ chương trình 60s của HTV và báo Tuổi trẻ đăng tải đoạn clip trên, và nó lan nhanh trên mạng. Lo ngại cho an toàn cá nhân của Đông Phương và Thiên Lý, ngày hôm sau công an câu lưu hai người và tiến hành khởi tố vụ án. Trong những tuần tiếp theo, người dân sôi sục và phẫn nộ như đây là một vụ thảm sát hay khủng bố cỡ lớn. Vĩnh viễn đi vào trí nhớ là hình ảnh hai cô bảo mẫu đứng tựa vào tường trong một căn phòng hẹp, ngay sát trước mặt họ là ba hàng phóng viên, đằng trước ngồi, sau đó đứng, và cuối cùng là đứng trên bàn, tất cả đều chĩa máy ảnh và điện thoại vào họ như những khẩu súng. Khi trang Facebook cá nhân của hai bảo mẫu được khui ra, cư dân mạng nổi xung lên gấp bội trước những status tình cảm và những selfie âu yếm chụp cùng tụi trẻ. Trên mạng tràn lan các bình luận kiểu: “Tao không biết là ai, nhưng mày cùng tao đi xử hai con bảo mẫu nhé.” Từ trại giam, một tờ báo cập nhật: “Bảo mẫu ‘ác thú’ trong trại giam: ‘Tôi sẽ bỏ nghề!’” Mười một giờ trưa, tòa tạm nghỉ, người dân trong phòng ào lên, chen lấn, xô đẩy để tiến gần đến hai bị cáo. Mười lăm phút sau, chủ tọa tuyên án: “Áp dụng khoản..., điều..., xử phạt bị cáo Lê Thị Đông Phương”, tới đây ông nghỉ hai giây, “ba năm tù!” Khán phòng dậy lên tiếng reo hò và vỗ tay rào rào, kéo dài không ngớt. Đèn máy ảnh lóe sáng như chớp trong cơn giông. “Áp dụng khoản..., điều..., xử phạt Nguyên Lê Thiên Lý” - lại một tích tắc nghỉ dài vô tận - “ba năm tù! Lại rộ lên phấn khởi, làn sóng vỗ tay lan rộng như khi kết thúc một buổi biểu diễn nhạc giao hưởng xuất sắc. Hai bị cáo đứng như tượng, nước mắt chảy dài. Từ đó trở đi, khán phòng ồn ào như một cái chợ, nhấn chìm giọng ông chủ tọa đều đều đọc tiếp các khoản hai bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân. Gần 11 giờ rưỡi, mọi người vỗ tay và hò hét lần cuối khi phiên tòa được tuyên bố kết thúc. Thiên Lý gục xuống, tựa vào hông của người nữ công an đứng cạnh. Bên ngoài, người ta kiên nhẫn bao vây lối ra, hòng kiếm được một cái nhìn “ác thú” cận cảnh. Nhưng họ chờ đợi vô ích, hai bị cáo đã được giải đi bằng lối khác. “TRỰC QUAN SINH ĐỘNG” https://thuviensach.vn Xét xử lưu động, những phiên tòa diễn ra trong một không gian công cộng ngoài trụ sở tòa án, là một hoạt động tố tụng phổ biến ở Việt Nam, chủ yếu cho các vụ án hình sự. Có lẽ nó có xuất xứ từ thời kỳ chiến tranh, khí radio và ti vi còn chưa phủ sóng toàn quốc, khi chưa có trụ sở tòa án cố định ở vùng giải phóng, các cơ quan tố tụng phải đi các nơi để xét xử. Ngày nay, nó tiếp tục được duy trì bởi tư duy phiên tòa là nơi tốt nhất để “tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật” trong nhân dân vì tính “trực quan sinh động” của nó. Tòa có nhiệm vụ đem kiến thức pháp luật đến với dân như cán bộ nông nghiệp phổ biến kiến thức nuôi trồng hay cán bộ y tế tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch. Những người ủng hộ xét xử lưu động cho rằng qua đó “người dân có thêm thông tin về các thủ doạn phạm tội mới, nâng cao ý thức cảnh giác”. Cứ như là báo chí ngày nay vẫn còn quá hiếm tin tức về cướp, giết, hiếp như năm mươi năm trước. Đáng lưu ý là tới nay, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản dưới luật không hể có một quy định cho tiêu chuẩn quyết định xét xử lưu động và các nguyên tắc tổ chức nó. Nhưng điều này không ngăn cản việc hoạt động này được coi là một tiêu chí thi đua của ngành. Trong những năm gần đây, mỗi năm có từ chín tới mười nghìn phiên tòa xét xử lưu động, chiếm từ 12 tới 14% tổng số các phiên tòa, một con số khá lớn.21 Để phục vụ mục đích của minh, địa điểm mở tòa thường là nơi bị cáo ở hoặc nơi “thuận tiện giao thông”. Lượng người tham dự dao động từ trên dưới chục người (ở miền núi, với những vụ án nhỏ lẻ như đánh bạc) tới nhiều nghìn người trong những vụ án ly kỳ chấn động cả nước. Với kinh phí hạn hẹp, ở nhiều nơi người ta phải dùng xe máy cho vành móng ngựa, quốc huy, phông chữ, loa, tăng âm, tài liệu, hồ sơ vụ án, vật chứng... tới nơi tòa được tiến hành. Xét xử lưu động là một thực hành tư pháp có nhiều vấn đề, nhưng không được công luận chú ý đúng mức. Chỉ sau phiên tòa lưu động xử ba bị cáo trong vụ án thảm sát ở Bình Phước vào giữa tháng 12 năm 2015 thì những quan ngại và tiếng nói phản đối hình thức xét xử này mới dấy lên mạnh mẽ hơn. https://thuviensach.vn Năm tháng trước đó, Nguyễn Hải Dương (24 tuổi), với sự giúp đỡ của Vũ Văn Tiến (24 tuổi) và Trần Đình Thoại (27 tuổi), đã giết chết người yêu cùng năm thành viên nữa, từ 14 tới 47 tuổi, của một gia đình sản xuất và kinh doanh gỗ ở Bình Phước. Từ 4 giờ sáng, bốn ngàn người từ Bình Phước và các tỉnh lân cận đổ về địa điểm xét xử, một khu đất rộng bốn ha ở Bình Phước. Khung cảnh nhanh chóng trở nên hỗn loạn vì người đến trước đứng che kín người tới sau. Hàng trăm phóng viên ngồi xổm trên mặt đất gõ liên tục vào laptop tường thuật trực tiếp như ở chiến trường. Trời về trưa nắng nóng dữ dội. Đám đông kiên nhẫn hứng chịu cái nắng như thiêu đốt và những đợt gió tốc làm bụi cát bay mù mịt. Sau này, các báo tường thuật lại: “Khi bị cáo Nguyễn Hải Dương khai: “Tao kêu mày làm đi thì mày sẽ siết cổ nha” thì giông gió nổi lên, dây buộc tấm bạt bị đứt, tấm che phía trên Hội đồng xét xử rách toác...” Thân nhân gia đình bị hại không ngừng gào khóc khi các chi tiết đẫm máu mô tả đêm thảm sát được đọc lên trong cáo trạng. Người dân rời nhà từ nửa đêm đến dự tòa vì khao khát kiến thức pháp luật? Họ công kênh những đứa trẻ trên vai để chúng có thể kiến diện công lý? Khó mà hình dung được điều này. Trên thực tế, lý do của họ là thế này: “Ở nhà cũng có truyền hình qua ti vi nhưng tôi đến đây để coi trực tiếp mặt mũi tụi nó ra sao mà ác dữ vậy.” Nhiều người còn không rõ họ sẽ chứng kiến một phiên tòa hay một buổi hành hình: “Tôi đến đây để coi xử bắn.” Một người khác bổ sung: “Bao nhiêu lâu mới có một vụ như thế này.” SHOW DIỄN CỦA CÔNG LÝ Trên thực tế, hiển nhiên, mục tiêu của xét xử lưu động là răn đe, là chứng minh cho sự trơn tru của cỗ xe công lý, và người ta cho rằng tính thuyết phục sẽ cao hơn khi sự trừng phạt được đem ra triển lãm (sau khi đã triển lãm tội ác bằng cách mô tả tỉ mỉ từng tư thế cầm dao, từng nhát chém). Phiên tòa lưu động là nơi công lý trình diễn. Theo trang mạng của Trung tâm Tư vấn pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, các thẩm phán được chọn cho các phiên xét xử lưu động, ngoài chuyên môn khá, bản lĩnh chính trị vững vàng, diễn đạt khúc chiết và khẩu khí tốt còn cần có “ngoại hình ổn.”22 Yếu tố https://thuviensach.vn sân khấu thể hiện rõ trong phiên tòa Bình Phước khi ngay từ đầu, đoàn thân nhân mang sáu di ảnh xen kẽ người cầm hoa hồng trắng nối nhau hàng một đi vào vị trí, khiến hàng ngàn người ngừng thở, các phóng viên đứng dọc hai bên lối đi chụp ảnh tanh tách. Để phục vụ yếu tố trình diễn với bốn nghìn người xem, phiên tòa phải diễn ra nhanh gọn và kết thúc trong một ngày, không thể dể sang ngày hôm sau. Bản án dài gần 20 trang với hai án tử hình và một án tù 16 năm đã được năm thành viên của hội đồng xét xử viết chỉ trong vòng gần một tiếng, ít hơn thời gian mua một bảo hiểm nhân thọ. Khi bản án được đọc lúc 6 giờ 30 tối, sân tòa đã tối om vì không có hệ thống chiếu sáng, ngoài đèn pha của các xe cứu hỏa được lực lượng phòng cháy chữa cháy bật lên hỗ trợ. Ban tổ chức liên tục khuyến cáo người dân đề phòng kẻ gian lợi dụng bóng tối trộm cắp. Ông chủ tọa mở căng mắt, vất vả đọc bản án trong ánh sáng của một chiếc đèn LED nhỏ, xung quanh gió lồng lộng và một màn đêm đen kịt. Trình diễn công lý và triển lãm sự trừng phạt cũng là triết lý của các cuộc hành hình công cộng ở các thế kỷ trước. Triết lý này tới từ suy nghĩ rằng người ta tin vào cái người ta thấy, rằng thị giác là giác quan quan trọng nhất để tác động lên suy nghĩ. Vào giữa thế kỷ 18 ở London, cứ sáu tuần một lần, một cuộc diễu hành lại được tổ chức, đi ngoằn ngoèo ba dặm qua những con phố đông đúc nhất của thành phố, dẫn tử tù tới nơi hành quyết. Bản thân cuộc hành quyết được thiết kế như một buổi trình diễn lớn, đánh vào tất cả các giác quan của người chứng kiến.23 Cuộc hành quyết không chỉ đơn thuần là một hành vi thực thi pháp luật, nó là một nghi lễ biểu dương độc quyền về vũ lực, một lời nhắc nhở tới quyền năng tuyệt đối của nhà nước. Ở phiên tòa Bình Phước, quyền lực của nhà nước được thể hiện rõ ràng nhất trong giây phút nó tuyên bố với hai bị can rằng nó sẽ lấy đi mạng sống của họ trong một tương lai gần. Nhưng ngay cả ở Anh, vào cuối thế kỷ 18, người ta cuối cùng đã nhận ra sự vô nghĩa trong mục đích răn đe và giáo dục của các buổi hành quyết công cộng. Cuộc diễu hành đưa phạm nhân từ nhà tù tới giá treo cổ đáng lẽ phải đầy sự uy nghiêm và ám ảnh, nhưng, như được thuật lại trong một tài liệu năm 1783, “tình huống trở nên https://thuviensach.vn rất chướng và đáng xẩu hổ” khi đám đông nhốn nháo bám theo xe ngựa chở phạm nhân, chửi bới, pha trò tục tĩu và thóa mạ thánh thần. Cứ như mô tả các phiên tòa lưu động ở Việt Nam 230 năm sau, tài liệu này cho biết tiếp: buổi hành quyết, thay vì đem tới cho dân chúng một nỗi kinh hãi và suy ngẫm, thì trở thành “một buổi giải trí công cộng.” Cũng vào năm đó, chính quyền London chuyển địa điểm hành quyết tới trước cổng nhà tù, bỏ hẳn cuộc diễu hành, và đẩy giờ tử hình từ buổi trưa lên buổi sáng để hạn chế lượng người xem. Hơn 80 năm sau, những cuộc hành quyết được đưa vào bên trong các bức tường của nhà tù và biến mất khỏi cuộc sống công cộng ở Anh.24 NHỮNG QUAN NGẠI Có hai khía cạnh khác khiến nhiều người quan ngại về xét xử lưu động ở Việt Nam. Khía cạnh đầu là sự trung lập của tòa. “Các bản án được tuyên đã được người dân đồng tình ủng hộ”, đây là một câu người ta hay đọc thấy trong các báo cáo thành tích về tổ chức xét xử lưu động. Có vẻ như người ta thừa nhận rằng công lý bầy đàn có lý của nó và việc đám đông ủng hộ phán quyết của tòa là một dấu hiệu của thành công, đồng nghĩa với việc ngầm hiểu mục đích của tòa là xoa dịu sự căm phẫn của người dân hơn là để kiến tạo công lý. Ông Phạm Công Hùng, cựu thẩm phán Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thừa nhận: “xét xử lưu động tạo rất nhiều áp lực cho cả bị cáo lẫn Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát và công an.”25 Thật khó hình dung luật sư có thể bào chữa hiệu quả trong khi có thể sờ nắn được cơn giận của hàng nghìn người xung quanh, hay Hội đồng xét xử có thể đưa ra một mức án thấp hơn mức mà đám đông đang chờ đợi trong sự phẫn nộ tập thể, sau khi chứng kiến gia đình người bị hại vất vã khóc lóc. Nhiều khi, thách thức đến từ những điều đơn giản hơn. Luật sư Nguyễn Thế Tân, tỉnh Tây Ninh, cho rằng việc giáo dục pháp luật của xét xử lưu động chỉ là lý thuyết: “Nắng nóng nên chỉ mong làm sao xong cho rồi. Dân họ chỉ nghe mức án cuối cùng, còn gì đọng lại rất ít.”26 Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có xu hướng dùng những phiên tòa thế kỷ, xét xử những kẻ chịu trách nhiệm cho những vụ https://thuviensach.vn hủy diệt hàng loạt, vì mục tiêu giáo dục, như một cơ hội để kiến tạo ký ức tập thể cho cả dân tộc, để rút ra những bài học lịch sử, để đất nước có thể bước sang một chương mới. Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, giới chuyên môn cũng hoài nghi về việc để thẩm phán đóng vai trò nhà đạo diễn kịch. Tác giả Ian Buruma viết trong cuốn Hậu quả của tội lỗi: Ký ức chiến tranh ở Đức và Nhật. “Giống như niềm tin thì thuộc về nhà thờ, giáo dục lịch sử thuộc về trường học. Khi tòa án được sử dụng cho các bài học lịch sử, có rủi ro rằng phiên tòa đó chỉ là một cái show. Tòa án trình diễn27 (show trial) có thể là phương tiện chính trị tốt, nhưng phương tiện chính trị tốt không nhất thiết phục vụ sự thật.” Tương tự như vậy, Michael Marrus, một sử gia Canada chuyên về thảm họa diệt chủng người Do Thái, cho rằng các thủ tục pháp lý không được thiết kế để kể những câu chuyện lịch sử, mà để tạo ra những phán định công bằng. “Nếu anh muốn viết sử, anh hãy tới các nhà sử học, đừng tới gặp các luật sư.”28 Tất nhiên, vụ hai bảo mẫu Thủ Đức đánh trẻ hay ba thanh niên giết người ở Bình Phước không phải các sự kiện lịch sử của đất nước (mặc dù truyền thông muốn ta tin như vậy). Và khi không có chức năng “rút ra bài học lịch sử” thì các phiên tòa lưu động này chỉ còn là một cái duy nhất: một sự kiện lăng nhục công cộng khổng lồ, và đó là khía cạnh đáng quan ngại thứ hai của hình thức xét xử lưu động. Trên nguyên tắc, chưa bị kết án bởi tòa phúc thẩm thì bị can vẫn vô tội - một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật - nhưng phiên tòa sơ thẩm lưu động, thông qua màn trình diễn của mình, đã chính thức mời cộng đồng nhìn bị cáo như một tội phạm. Sự “tò mò”, “hiếu kỳ” của người xem chính là yếu tố cần thiết để cuộc xét xử lưu động trở thành một màn làm nhục, và nó đánh cả vào gia đình và họ hàng bị cáo, bồi cho họ thêm một bản án nữa của dư luận. Ở phiên tòa Bình Phước, bà mẹ của Vũ Văn Tiến mặc áo trùm đầu, đeo khẩu trang kín mít, đứng lẫn trong hàng nghìn người dự khán, khóc thầm và chứng kiến Tiến bị người nhà nạn nhân chửi rủa, đám đông pha trò và bình luận khoái trá. https://thuviensach.vn Trong phiên tòa lưu động xử Hồ Chí Bảo vào cuối năm 2015 về tội giết người ở Quảng Trị, bị cáo đã ngã quỵ khi nhìn thấy hàng ngàn người trong hội trường văn hóa thông tin của huyện, đứng đầy hành lang và chen nhau ở ngoài sân. Năm 2014, Tuổi trẻ thuật lại câu chuyện một học sinh tên K. ở Quảng Nam bị truy tố vì nhắn tin tống tiền 3 triệu VND một bạn học sinh cùng thôn. K. đã uống thuốc độc tự tử sau khi loa phát thanh xã thông báo mời bà con hôm sau tới dự phiên tòa lưu động, nhằm “đưa ra quần chúng làm gương cho những thanh niên khác.”29 Trong nhiều trường hợp khác, bị cáo bị xử oan bởi tòa lưu động trước hàng trăm người dân địa phương tham dự. Sau khi được minh oan, buổi xin lỗi lại chỉ xảy ra trong phòng nhỏ. Người bị oan không bao giờ có cơ hội thanh minh với cộng đồng.30 Và như vậy, để phục vụ cho mục tiêu giáo dục pháp luật của nhà nước, nhiều người đã phải hy sinh nhân phẩm, thậm chí tính mạng mình. Thẩm phán Hoàng Trọng Hồng, chánh tòa hình sự tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, thừa nhận: “Có vụ án khi chúng tôi đi khảo sát địa điểm... gia đình họ hàng bị cáo xin tòa đừng đưa ra xét xử (lưu động), họ rất xấu hổ với địa phương. Nhưng chúng tôi thấy cần thiết cho công tác tuyên truyền pháp luật nên vẫn phải tiến hành.”31 Khi đã hy sinh nhân phẩm của những người liên quan thì phiên tòa có nguy cơ trở thành một phiên tòa trình diễn, với một cái kết được xác định sẵn, một hành vi trả thù được phê chuẩn chính thức. “Những phiên tòa trình diễn thường trở thành những nghi thức trả thù, giống như những cuộc diễu hành kẻ thù quốc gia trên đường phố tới trường bắn,” tác giả Jeremy Peterson viết về chúng. “Một nhà nghiên cứu liên tưởng chúng với việc tìm ra kẻ giơ đầu chịu báng. Một nhà nghiên cứu khác cảnh báo nguy cơ chúng được tiến hành vội vã và đưa đến những hình phạt khắc nghiệt. Bàn về thách thức sau khi nạn diệt chủng xảy ra ở Rwanda, một tác giả khác cảnh báo rằng “những phiên tòa trình diễn mang tính chính trị được tiến https://thuviensach.vn hành với khuynh hướng trả thù thì sẽ khó dẫn tới thượng tôn pháp luật, dù ở mức quốc gia hay quốc tế.”32 Điều tương tự có thể được phát ngôn với những phiên tòa lưu động ở Việt Nam. Giáo dục pháp luật phải là một quá trình lâu dài học ứng xử và xây dựng hệ giá trị thông qua gia đình, nhà trường và xã hội. Nó không thể xảy ra ở một nơi mà tính nhân văn bị lép vế trước sự hả hê, lòng hiếu kỳ và sự đắc thắng của số đông. Thượng tôn pháp luật và niềm tin vào công lý không được bồi đắp khi người ta tước đi nhân phẩm và khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội. https://thuviensach.vn LÀM NHỤC CÔNG CỘNG: MỘT LỊCH SỬ NGHÌN NĂM “Tôi luôn luôn cảm thấy bí ẩn là tại sao người ta lại có thể cảm thấy vinh dự khi làm nhục những người đồng loại của mình.” - Mahatma Gandhi “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện”- Nam Cao, “Tư cách mõ” Trước Facebook, YouTube và báo mạng, các cộng đồng đã làm nhục công cộng những thành viên phạm chuẩn của mình như thế nào? Nhục nhã là một cảm giác phổ quát, có lẽ chính vì thế mà dường như các xã hội khác nhau, trải qua các thời kỳ khác nhau, đều nghĩ ra những cách làm nhục tương tự nhau, kể cả khi giữa chúng không có giao lưu văn hóa. Các nhà nghiên cứu Joerg Wettlaufer và Yasuhiro Nishimura so sánh các thực hành trừng phạt mang tính làm nhục của Tây Âu và Đông Á từ thế kỷ 13 tới thế kỷ 19, và rút ra ba loại hình thức chính: 1) diễu hành nơi công cộng, nạn nhân có thể trong trạng thái khỏa thân hoặc bị bắt mang một biểu tượng nào đó, một hòn đá, hay một bảng ghi tội lỗi và hình phạt của mình; 2) phơi mặt trước công chúng, ví dụ qua hình thức gông cổ và tay vào một cái giàn gông đặt ở nơi công cộng, và 3) để lại vết tích trên người qua các can thiệp cơ thể như nhúng nạn nhân xuống bùn, đánh roi, cạo đầu hay xăm lên mặt.33 Các loại hình phạt này ít khi được vận dụng riêng lẻ mà hay đi cùng nhau, như ta sẽ thấy ở dưới. LỊCH SỬ LÀM NHỤC: TỪ TA... Khói lam chiều, một tác phẩm được nhà văn Lưu Trọng Lư viết năm 1941, cho chúng ta một cái nhìn tốt về làm nhục công cộng ở https://thuviensach.vn thời kỳ phong kiến suy tàn. Trong truyện, cái Vịnh, con ông Bá Ngưỡng ở làng Phú Mỹ, chửa hoang. Vào thời điểm này, xã hội đã văn minh hơn, cái Vịnh không còn bị voi chà ngựa xé hay cạo đầu bôi vôi nữa, nhưng nó vẫn phải đối mặt với một buổi làm nhục công cộng. Hôm cái Vịnh bị một đoàn các “ông Lý, ông Phó, ông trùm và ba bốn thằng xeo bịt khăn tai chó” đột ngột áp giải từ nhà ra chợ thì bố nó thực hiện một cuộc điều đình phút chót với thằng Mõ của làng, thuyết phục nó nhận đã ăn ngủ với cái Vịnh, để cứu thể diện của gia đình mình, với giá ba chục bạc. Thằng Mõ nhận lời. Không để phí một phút, nó chạy một mạch ra chợ. Lúc này, buổi làm nhục công cộng đang ở cao trào. Thiên hạ vòng trong, vòng ngoài, đứng xem chật ních... Nó chen lấn hết hơi mới vào được. Nó thấy con Vịnh đương nằm dài trên mặt đất. Trong chợ, các hương chức đang gật gù cùng nhau uống rượu. Dãy bên này thì ông Lý, ông Phó, ông Trùm, ông hương Kiểm, ông hương Bộ... dãy bên kia là các ông hào mục. Đã ngà ngà hơi men, ông Lý bắt đầu lấy cung: - Hỡi con kia! Mi không biết làng ta xưa nay là một làng có tiếng thuần phong mỹ tục, sao mi dám làm điều xấu xa, trái phép thế kia? Mi ăn nằm với ai thì khai ra đi! Cái Vịnh bị đe dọa lột hết quần áo và đánh năm chục roi nếu không khai ra ai đã làm nó có mang. May mắn cho nó, thằng Mõ đứng ra nhận là đã ăn ngủ với nó. Cái Vịnh được tha với điều kiện thằng Mõ phải nộp sáu quan tiền phạt để được lĩnh nó về. “Nám chục roi”, “sáu quan tiền” có lẽ là những mức phạt được quy định trong hương ước của làng Phú Mỹ. Hương ước là những văn bản ghi lại điều lệ, quy ước liên quan đến tổ chức và đời sống sản xuất và xã hội trong làng.34 Hương ước của làng Thiện Kỵ, xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, lập năm 1844, quy định: “Nếu con gái chưa chồng hoang dâm thì phạt tiền 20 quan và cạo đầu, cha mẹ cũng bị phạt 3 quan. Sau khi đẻ con được 100 ngày người con gái hoang dâm đó còn bị phạt 30 roi. Người đàn ông thông dâm cũng bị phạt 3 quan tiền và 50 roi (...) Tiền dâm hậu thú https://thuviensach.vn thì phải phạt 4 quan. Trường hợp loạn luân, hay tái phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn.”35 Xã Mỹ Phong, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, được lập năm 1901, thì đưa ra những hình phạt nhẹ hơn về mặt tài chính và thể xác, chỉ 12 quan tiền và 10 roi cho “phụ nữ gian dâm” cùng 3 quan tiền phạt người nhà. Tuy nhiên, sự trừng phạt tinh thần thì ở mức cao hơn nhiều: người phụ nữ sẽ bị “trói giải đi bêu các ngõ” và “không được cùng ngồi, cùng đi, cùng chuyện trò với người khác.”36 Đó là các quy ước của làng xã, còn luật của nhà nước phong kiến thì sao? Bộ luật Hồng Đức, được ban bố lần đầu trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đưa ra năm hình phạt (ngũ hình). Hình phạt nhẹ nhất là xuy, tức là đánh roi, từ 10 tới 50 cái, có thể kèm phạt tiền, áp dụng cho cả nam và nữ. Nặng hơn một bậc là trượng, hay đánh bằng gậy, từ 60 tới 100 trượng, chỉ dành cho nam. Mức tiếp theo là đồ, tức là làm nghĩa vụ phục dịch, nhẹ thì ở nơi nuôi tằm, nặng thì ở đồn điền nhà nước. Đi kèm là các mức đánh trượng khác nhau. Cũng ở mức này, lần đấu tiên hình phạt thích xuất hiện. Thích là xăm. Nam bị thích từ hai tới bốn chữ vào mặt, nữ bị thích vào cổ. Trên đồ là lưu, tức là đày đi xa, tới châu gần (Nghệ An), châu ngoại (Quảng Bình), hay châu xa (Cao Bằng), kèm với đánh trượng và đeo xiểng. Bị đày đi châu gần thì bị thích vào mặt 6 chữ, châu ngoại là 8 chữ và viễn châu là 10 chữ?37 Cuối cùng, hình phạt cao nhắt là tử, xử tử, qua các hình thức như chém đầu (trảm), thắt cổ (giảo), hay tùng xẻo (lăng trì). Thích được duy trì cho tới tận 1815, khi bộ Luật Gia Long của thời nhà Nguyễn ra đời và được áp dụng thay cho bộ Luật Hồng Đức. Luật Gia Long cũng bỏ lăng trì (tùng xẻo), hình thức trừng phạt dã man nhất của nhà nước phong kiến Việt Nam.38 Người ta thích những chữ gì lên mặt hay cổ của người phạm tội? Quê quán của phạm nhân, loại tội, mức độ phạm tội của anh ta? Tám tới mười chữ sẽ thành một hồ sơ pháp lý ở trên mặt? Nhưng https://thuviensach.vn bất kể chữ gì, người bị thích không khi nào có thể che giấu quá khứ của mình. Trong trường hợp này, cái nhục là vĩnh viễn. LỊCH SỬ LÀM NHỤC:... SANG TÂY Vào thế kỷ thứ 8, Nhật Bản tiếp thu luật hình sự Trung Quốc với năm loại hình phạt mà Việt Nam phong kiến cũng sử dụng: phạt roi, phạt gậy, lao động khổ sai, đi đày và xử tử. Sau này, các hình phạt làm nhục thuần túy như bắt diễu ngoài đường hay phơi mặt trước công chúng cũng hay được sử dụng. Năm 1796, trong một vụ đi tuần ở khu đèn đỏ ở Tokyo, người ta bắt hơn 70 tu sĩ và phơi mặt họ trước công chúng trong ba ngày, sau đó đuổi họ khỏi thành phố.39 Những cuộc diễu hành làm nhục ở Triều Tiên vào thế kỷ 17 được một du khách châu Âu thuật lại như sau: “Nếu một người đàn ông độc thân bị phát hiện trên giường của một phụ nữ đã có gia đình, anh ta bị lột trần chỉ còn quần đùi, mặt bôi đầy chanh, mỗi tai bị đóng một mũi tên, lưng buộc một cái trống nhỏ, và người ta đánh trống trong lúc giải anh ta trên đường phố. Sự trừng phạt kết thúc khi anh ta bị đánh 40 hay 50 gậy trên mông trần, nhưng người phụ nữ thì được phép mặc quần lót khi bị đánh.”40 Một “sáng kiến” phổ quát của các xã hội là cái gông, ở châu Âu từ thời Trung cổ cho tới giữa thế kỷ 19, tội phạm bị gông và bêu giữa chợ. Thoạt tiên dụng cụ này được sử dụng cho những tội nhỏ như bán thịt thiu, hay làm bánh mì nhỏ hơn cỡ quy định, rồi vào thế kỷ 15 và 16 cho các tội lớn hơn liên quan tới đạo đức như ngoại tình và báng bổ thánh thần. Người bị gông có thể trong tư thế đứng, cổ và tay đóng trong gông, để công chúng ném táo thối và xác mèo; hoặc anh ta bị xích cổ rồi nối với còng chân, xích ngắn khiến người bị xích luôn phải ở trong tư thế lom khom. Đã bị gông nơi công cộng là bị mất danh dự và làm nhục khôn tả, tới mức không ai muốn mời người đã từng bị gông ngồi vào bàn ăn cùng.” Những người này không những bị coi như vô đạo đức và đồi bại, mà còn mắc tội làm mất thanh danh của cả một khu phố và giáo xứ.41 Ở Trung Quốc, từ thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, và các nước Đông Á và Đông Nam Á khác (trong đó có cả Việt Nam), gông di https://thuviensach.vn động (tức là không được đóng xuống đất) hay được sử dụng. Trên mặt gông có thể có dán giấy cung cấp thông tin về tội ác và phạm nhân. Sự khốc liệt của loại gông này nằm ở chỗ tuy hai tay của nạn nhân có thể tự do, nhưng cái gông cồng kềnh như mặt một cái bàn nhỏ khiến họ không tự đưa thức ăn lên miệng được, và vì thế dần dần chết đói nếu không có người qua đường hay người nhà cho ăn,42 Đóng một vết nhơ lên mặt người phạm tội cũng không phải “phát minh” của riêng các vua chúa Việt Nam; ở châu Âu, nó là một hình phạt phổ biến, bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại.43 Trong tiếng Anh, động từ stigmatize, kỳ thị, bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ, stigma, và có nghĩa là dấu bỏng bởi sắt nung. Theo nhà triết học Marta Nussbaum, người ta chọn khuôn mặt của phạm nhân để đóng sắt nung lên, không những vì đó là chỗ dễ nhìn thấy nhất, mà còn vì đó là nơi chứa đựng nhân tính và tính cá nhân của người đó. Không chỉ những người phạm luật bị đóng dấu, mà còn là những người nô lệ, những kẻ lang thang hay thuộc về một thiểu số tính dục hay tôn giáo nào đó. Ở thế kỷ 16, những người Đức không chịu gia nhập Công giáo bị đóng sắt đỏ một chữ thập vào trán. Ở Pháp, người ta không đóng dấu loại tội, mà hình phạt, ví dụ TFP (travaux forcés à perpetuité - lao động khổ sai cả đời). Hình thức này kéo dài tới tận 1832. Ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17, những người bị buộc tội ngoại tình bị đóng chữ A vào ngực. Chữ D được dùng cho tội say rượu và chữ B cho tội báng bổ Chúa.44 Những người nô lệ thường bị đóng sắt nung đỏ vào bàn tay, vai, mông hay má.45 Chủ nô lệ truy tìm nô lệ chạy trốn bằng những dấu nung này như người ta tìm gia súc bị mất. “Tôi đốt chữ M vào má trái của cô ta,” một chủ nô lệ mô tả kẻ tẩu thoát như vậy.46 Một chủ nô lệ khác, vào năm 1848, mô tả nô lệ chạy trốn của mình “cô ta có một vết sắt nung trên ngực, trông giống như chữ L.”47 Ở Anh, theo luật quản lý những người lang thang của năm 1547, những người lang thang và người Digan bị đóng chữ V lên https://thuviensach.vn ngực. Nô lệ chạy trốn bị đóng chữ S lên trán hoặc má. Tác giả Alexander Smith mô tả một vụ đóng sắt nung: “Một đạo luật có hiệu lực tới năm 1822 yêu cầu kẻ cắp bị đóng dấu bằng sắt nung đỏ ở chỗ “nhìn thấy rõ nhất ở má trái, gần mũi nhất”... Hình phạt được tiến hành dưới sự trông coi của một quan tòa, và sau khi xong việc, người được giao việc ấn cái sắt vào má tội phạm để tạo ra một chữ T lớn (“thief”- kẻ cắp), sẽ xướng lên ‘Một cái dấu ra trò, thưa ngài’, mặc dù ấn mạnh hay nhẹ là phụ thuộc vào nắm tiền mà thủ phạm đã nhét vào tay anh ta trước đó.”48 LÀM NHỤC THỜI HIỆN ĐẠI Làm nhục, ở nơi công cộng hay trước tập thể cơ quan, tiếp tục được thực hành thường xuyên trong nửa sau của thế kỷ 20 ở Việt Nam. Trong Cát bụi chân ai, hồi ký in năm 1993 của nhà văn Tô Hoài, tác giả hồi tưởng lại chuyện xảy ra với nhà thơ Xuân Diệu. Trong một thời gian dài, Tô Hoài và Xuân Diệu sống với nhau, đi công tác với nhau, nói chuyện thơ văn với người dân cùng nhau. Xuân Diệu mê con trai. Trong truyện, Tô Hoài mô tả những đêm Xuân Diệu tìm đến mình một cách say mê, khi hai người ở Tam Đảo. Cuối cùng, các hành vi của Xuân Diệu bị chính thức đưa ra cơ quan. Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài hai tối. “Cả cơ quan họp đến khuya,” với sự tham gia của tất cả mọi người, trừ nhà văn Phan Khôi “vẫn đi ngủ từ chặp tối, bỏ ngoài tai mọi việc”. “Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Không biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiển, thằng Nghiêm Bình, những thằng Đại, thằng Đắc, Tô Sang và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, tất nhiên không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà, chứ có phải một mình Xuân Diệu đâu. Không nói cụ thể việc ấy nhưng ai cũng to tiếng, to tiếng gay gắt nghiêm trang phê phán tư tưởng tư sản, tư tưởng tư sản xấu xa phải chừa đi. Xuân Diệu nức nở nói đấy là tình trai của tôi... tình trai...! rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra, không hứa hẹn sửa chữa gì cả.” https://thuviensach.vn Xuân Diệu nhận một vết “thích” vô hình trên mặt. Cuộc làm nhục công cộng biến ông thành một người khác. Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ. “Từ đấy không ai nhắc nhở đẽn những việc chủ chốt ở ban thường vụ trước kia Xuân Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người có thì giờ chỉ chuyên đi và viết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác.”49 Giáo dục đạo đức thông qua làm nhục công cộng vẫn là một triết lý được chính quyền thực hiện sau 1975 cho tới thời kỳ Đổi Mới. Đầu thập kỷ 1980, nhạc vàng, “nhảy đầm”, tóc dài, quần loe, áo đuôi tôm bị cấm vì không phù hợp với “nếp sống văn minh”. Nhiều người bị các đoàn viên hay công an giữ lại và cắt quần, cắt tóc giữa đường.50 Trong một bức ảnh không rõ nguồn, người ta thấy một thanh niên tóc dài trùm tai, đầu cúi gằm, hai tay để sau lưng, dường như là bị trói, bị áp giải diễu phố. Trước ngực, anh ta đeo một cái biển lớn để tên mình và ở dưới là “MÊ NHẢY ĐẦM”. Đi sau một đoạn ngắn là bốn người bộ đội mặc quân phục, vây xung quanh là một lũ thiếu niên và trẻ con. Cũng với cách thức tương tự như vậy, ở Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, những người phụ nữ bị buộc tội giao du, ăn nằm với lính Đức Quốc xã trong thời gian Pháp bị chiếm đóng (người ta gọi họ là những “cộng tác viên nằm ngửa”), bị cạo trọc đầu, vẽ dấu chữ thập lên trán và má, rồi diễu qua các phố. Đám đông đàn ông, phụ nữ, trẻ em thích thú rùng rùng kéo theo, ước chừng có gần 20 nghìn người phụ nữ đã bị đối xử như vậy. Cắt tóc là một biện pháp kinh điển để tước đi tính cá nhân của một bản thể, nó được thực hành với tù nhân, với những người ngoại tình ở Việt Nam thời phong kiến, với những thanh niên thích nhạc punk ở bang Aceh ở Indonesia hiện nay. Ở Trung Quốc người ta dùng hình phạt này từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, ở Nhật Bản, người phạm tội ngoại tình hay hiếp dâm bị cạo nửa đầu, để tránh bị nhầm với nhà sư.51 https://thuviensach.vn “Bôi nhựa và dính lông” là một biện pháp họ hàng với cạo đầu bôi vôi nhưng kinh khủng hơn nhiều lần. Biện pháp làm nhục và tra tấn này được nhắc tới lần đầu ở Anh vào thế kỷ 12, và được sử dụng ở châu Âu và Bắc Mỹ cho tới tận đầu thế kỷ 19.52 Người ta đổ hắc ín hay nhựa thông nóng lên người nạn nhân trần truồng rồi bắt lăn qua lông chim để trở thành một con gà khổng lồ trước khi bắt đi diễu phố trong đau đớn. Ngày nay, làm nhục công cộng vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia. Công an Trung Quốc thường xuyên bắt các cô gái bán dâm diễu hành trên phố. Họ đồng loạt mặc áo khoác vàng, tay đeo còng số tám giằng vào nhau, đầu cúi gằm. Hai bên đường là hàng nghìn người dân ồ à, các phóng viên chạy đằng trước bấm máy ảnh tanh tách. Hơn một thập kỷ trước, ông Alfredo Lim, thị trưởng Manila, Philippines, cho xịt sơn đỏ lên 200 căn nhà của những người bị buộc tội buôn bán chất cấm nhưng chưa bị kết án. Nhiều địa phương khác noi theo. Phạt bằng roi vẫn thường xuyên được tổ chức ở bang Aceh, Indonesia để trừng phạt những người mắc tội chơi bài, ngoại tình, hay độc thân mà ngồi với người khác giới. Trong những bức ảnh trên báo, người ta có thể thấy trẻ em chen chúc trong đám đông, mọi người lăm lăm smartphone trên tay. Trước kia, luật không cho phép người quật roi vung tay quá vai, nhưng đã được đổi vào năm 2013, nhằm để có những cú quật đau hơn. Trước mỗi roi, dám đông reo hò cổ vũ người cầm roi như cổ vũ một võ sĩ quyền Anh, và tỏ ra thất vọng khi thấy số roi “không thích đáng”.53 Nhiều nạn nhân bất tỉnh và phải được cáng tới xe cứu thương, không rõ vì đau đớn thể xác hay áp lực tinh thần. Gắn đây nhất, ở Việt Nam, một nữ học sinh bị bắt đeo biển “Tôi là người ăn trộm” đứng trước cửa hiệu sách. Một người đàn ông ăn trộm gà quần áo tả tơi bị trói giật cánh khuỷu, ngồi bệt, mồm ngậm một cái chân gà. Trải qua các thế kỷ, dường như phản xạ chà đạp lên nhân phẩm của người phạm chuẩn và niềm tin vào tính chính danh của các hình thức trừng phạt mang tính lăng nhục vẫn dai https://thuviensach.vn dẳng tồn tại. Chỉ có hình thức làm nhục công cộng đã thay đổi, những trận đòn giữa chợ không mất đi, chúng được bổ sung bằng những trận ném đá trên mạng. Vết xăm trên mặt được thay thế bởi vết nhơ online. Nhưng có một điểm không thay đổi, chúng tồn tại như một lời mời cho kỳ thị và định kiến. NHỮNG NGHI THỨC HẠ NHỤC “Có thể mâu thuẫn một chút khi ta gọi ‘nhục nhã’ là một cảm xúc, vì ban đầu thì nhục nhã làm đau đớn, nhưng sự làm nhục liên tục dẫn tới cái chết của cảm giác. Nhục, giống như cái lạnh, về bản chất là sự thiếu hơi ấm. Và khi nó đạt tới mức độ mạnh mẽ bao trùm, nhục được cảm nhân như sự lạnh giá, một cảm giác của chết chóc và tê liệt. Trong ‘Inferno’ của Dante, tầng thấp nhất của địa ngục không phải là nơi của lửa thiêu, mà của băng đá, của giá lạnh tuyệt đối.” -James Gilligan “Nhục nhã là chốn sình lầy của tâm hồn.”- Brene Brown Chiều ngày 15 tháng 3 năm 2012, hôm đó Hà Nội vẫn còn lạnh, hơn 200 người yêu sách, áo khoác, khăn choàng, chen nhau đứng ngồi chật cứng trong Không gian Sáng tạo Trung Nguyên. Nhã Nam ra mắt Lolita, bản dịch tiếng Việt của Dương Tường, “viên ngọc gây tranh cãi của văn học thế kỷ 20”, theo lời giới thiệu của thông cáo báo chí. Sự kiện đã được chờ đợi từ lâu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Vladimir Nabokov về cuộc tình bệnh hoạn và ám ảnh của Humbert, một người đàn ông gần 40 tuổi, với cô bé Lolita 12 tuổi, và chuyến đi lang thang trên nước Mỹ của họ qua giọng kể của Humbert, là một thách thức khổng lồ với bất cứ người dịch của bất cứ ngôn ngữ nào. Dương Tường bắt tay vào Lolita vào đầu 2009. Mùa hè năm sau, báo Thể thao và Văn hóa cho biết ông tranh thủ dịch giữa các hiệp của World Cup 2010. “Với sức tưởng tượng và tài năng của Nabokov (...) chơi chữ, đảo chữ, điệp vần, nghĩa lồng trong nghĩa; Dương Tường nhiều khi mất ăn mất ngủ vì một chữ, không biết bao nhiêu lần phải sửa đi sửa lại bản dịch,” một người bạn ông cho biết. https://thuviensach.vn Sau hơn hai năm, công trình 430 trang được hoàn thành, đặc biệt với hơn 500 chú thích tỉ mỉ của dịch giả, được coi là những chiếc “chìa khóa thoát hiểm” để giúp độc giả thoát khỏi “những cái bẫy của nhà phù thủy ngôn ngữ Nabokov”. “Tôi đi vào việc dịch Lolita như một cuộc phiêu lưu, vì yêu Nabokov, yêu Lolita (...) Tôi rất vui vì đã làm được một việc hơn mình một chút,” Dương Tường phát biểu trong cuộc họp báo.54 Cách đó vài tháng ông vừa đón sinh nhật 80 tuổi của mình. Lolita được coi là một đóng góp quan trọng vào gia tài và uy tín dịch thuật của cây đại thụ Dương Tường, được xây dựng qua năm thập kỷ, với hơn 50 đầu sách, từ Tchekhov, Tolstoy tới Murakami và Marcel Proust. Nhưng rất nhanh chóng, những hoài nghi về chất lượng dịch thuật nổi lên. “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” (cách dịch “on the dotted line” của Dương Tường) đã đi vào lịch sử dịch thuật Việt Nam như một vụ tranh cãi nóng bỏng và dai dẳng nhất. Khi bụi lắng xuống, Lolita hoặc được coi là “thảm họa dịch thuật”, “dịch sai từ dòng đầu tiên và dốt tới chữ cuối cùng”, hoặc được coi là “giữ nguyên được văn phong riêng của tác giả” và “bản dịch hay nhất của Dương Tường từ trước tới nay”. Tháng 10, Lolita, lúc này đã tái bản, được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về dịch thuật của 2012. Dịch giả Đoàn Tử Huyến chốt lại: “Giải thưởng cho Lolita là đã rõ, rõ ở giá trị của tác phẩm, cả bản gốc và bản dịch. Tôi nghĩ không phải nói thêm nhiều nữa.”55 Trên mạng, một số ý kiến cho rằng quyết định này của Hội Nhà văn Hà Nội thể hiện “thái độ bao biện, mập mờ, gian dối và bè cánh” của Dương Tường và bạn bè, rộng hơn là của giới trí thức “chính thống” Việt Nam. Câu chuyện tưởng chừng đã kết thúc. Nhưng đầu tháng 7 năm 2013,15 tháng sau buổi ra mắt ở Cà phê Trung Nguyên kia, một cư dân mạng với biệt danh Haze Dolores (cũng là tên cúng cơm của cô bé Lolita) kích nổ một quả bom. Theo người này, hầu hết 500 chú thích của Dương Tường được ông dịch từ cuốn Lolita bình chú của tác giả Mỹ Alfred Appel Jr., một nhà nghiên cứu về Nabokov và cũng là học trò của nhà văn. Lolita bình chú cung cấp 900 chú thích tỉ mỉ https://thuviensach.vn về các đùa giỡn ngôn từ, những ám chỉ, châm biếm và tham khảo chéo trong cuốn tiểu thuyết. Các báo đồng loạt chạy tít “Lolita lại gây tranh cãi”. Đến thời điểm này, Lolita có lẽ đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng nhất Việt Nam, chắc chắn nhiều người trước đó và sau này không bao giờ biết thêm tới một cuốn tiếu thuyết nào khác nữa. Một tuần sau, Dương Tường công khai thừa nhận ông đã sử dụng thông tin từ cuốn sách kia cho gần một nửa các chú thích của mình, nhưng chỉ nhắc tới nguồn này ở một chỗ. Trong khi đó, lời nói đầu của bản dịch ghi rõ: “Mọi chú thích trong sách đều là của người dịch.” Phát ngôn của Dương Tường được đăng tải trên hàng chục tờ báo: “Tôi rất buồn, có cảm giác như mình ăn gian và không trung thực với độc giả. Họ xếp mình vào họ ‘đạo’ là đúng rồi. Có lỗi thì phải chịu thôi. Tôi xin độc giả thứ lỗi.”56 Tưởng như câu xin lỗi của Dương Tường có thể khép lại câu chuyện. Nhưng ngược lại, nó lại là ngòi nổ cho cơn bão căm ghét. Khác với vụ bảo mẫu hay hai anh em ăn cắp kính, cơn bão lăng nhục Dương Tường có quy mô nhỏ hơn, do đặc thù của câu chuyện, nhưng cũng dai dẳng hơn rất nhiều. Tới hơn một năm sau những lời thóa mạ vẫn xuất hiện không mệt mỏi trên một số diễn đàn mạng: “Các bạn là mẹ, mà lại chấp nhận được 1 thằng ăn trộm ăn cắp? Các bạn không sợ con cái mình lớn lên cũng như Dương Tường à?” và “dịch thì đã sai be bét, lại còn đi ăn cắp kiến thức, đúng là thô bỉ! Cái nước mình dột từ nóc” và “Văn hóa lớp 4. Chỉ giỏi đàn đún gái mú. Viết tiếng Việt còn chả xong nữa là đi dịch” và “Tôi mà có loại con ăn cắp như thằng này là tôi tát vỡ mặt ngay, ở đó mà bênh” và “Nó ăn cắp thì cần gì phải tôn trọng nó nữa, trên đời này chỉ có bọn ăn cắp tôn trọng thằng ăn cắp mà thui”. NHỤC: CHÂN DUNG MỘT CẢM XÚC Trong tiếng Anh, chữ làm nhục, humiliate, có gốc La tinh là humus, tức là đất. Bị làm nhục là bị biến thành đất bụi. Nhà tâm lý học Evelin Lindner định nghĩa làm nhục là hành vi hạ thấp đối https://thuviensach.vn tượng, khuất phục họ, tước đi tự hào và danh dự của họ. Giẫm đạp lên họ, ấn họ xuống đất, dồn họ vào tường.57 Chính vì thế mà bức ảnh chụp hai bảo mẫu đứng trước tường, trước mặt là ba hàng máy ảnh, lại thay thế được hàng nghìn lời nói. Khác với cảm giác mắc lỗi, cảm giác nhục nhã tấn công vào toàn bộ con người. Thay vì lên án một hành vi (“anh đã làm một việc xấu”), lăng nhục lên án cá nhân đó (“anh là một người xấu”), đánh đồng hành vi đó với bản chất con người đó, bỏ qua tất cả các khía cạnh khác. Người thấy mình có lỗi nói “Tôi đã làm một điều tồi tệ”. Người có cảm giác nhục nhã nói: “Tôi là một kẻ tồi tệ”. Cảm giác có lỗi làm người ta muốn sửa sai, muốn chứng tỏ mình làm được điều tốt đẹp hơn. Cảm giác nhục nhã làm người ta tê liệt, muốn ẩn náu, bỏ trốn. Đó là lý do lăng nhục chỉ phá hủy mà không đem lại thay đổi. Liệu có thể đo được mức độ trầm trọng của sự lăng nhục và mức độ phá hủy của nó với nạn nhân? Theo các tác giả Walter J. Torres và Raymond M. Bergner, các khía cạnh sau có thể được xem xét:58 Cộng đông chứng kiến sự lăng nhục quan trọng thế nào với nạn nhân? Sự lăng nhục có xảy ra trong một cộng đồng gắn với căn tính chủ đạo của nạn nhân, ví dụ cộng đồng y học đối với một bác sĩ, hay chỉ ở một môi trường ngoại vi, như là câu lạc bộ tennis của anh ta? Người lăng nhục quan trọng thế nào với người bị làm nhục? Họ là người thân, đồng nghiệp, fan hâm mộ, hay chỉ là người xa lạ? Mức độ phổ biến của sự lăng nhục như thế nào? Chỉ vài cá nhân, một tập thể nhỏ, hay thậm chí cả quốc gia biết tới sự lăng nhục này? Sự lăng nhục nhận được sự tán thành rộng rãi hay không? Có sự nhất trí cao là nạn nhân xứng đáng bị đối xử như vậy không? Và cuối cùng, tính độc địa của sự lăng nhục như thế nào? Các hành vi và lời nói càng độc địa thì tính phá hủy của chúng càng cao. https://thuviensach.vn Nhìn vào những khía cạnh trên, chúng ta thấy lăng nhục trên mạng có thề đạt điểm tối đa ở mọi mặt: nó được tán thành rộng rãi, lan rộng khắp nơi, và thường có mức độ độc địa cao nhất. Chỉ có một an ủi duy nhất, đó là những người làm nhục không nhất thiết phải là những người gần gũi nhất với nạn nhân, phần lớn họ là những người không quen biết. Nhưng số lượng của họ, cộng hưởng với truyền thông, tạo ra một mức phá hủy nghiêm trọng, share và like tới vô cùng. Cảm giác chung của những người bị làm nhục là tuyệt vọng và bất lực. Sự lăng nhục xé rách cái cốt lõi của một cá nhân, nhục nhã khiến họ bị đóng băng và trở nên vô phương hướng. Đó là lý do họ có khả năng tự sát cao. Đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin về giá trị của bản thân, người bị làm nhục có xu hướng coi mình là phế phẩm, không xứng đáng để được yêu thương, để được kết nối. Bị tước mất căn tính, nạn nhân có thể phải di chuyển tới một cộng đồng khác để khôi phục lại vị trí xã hội của mình, và chỉ dám âm thầm lên mạng, sợ hãi khi người khác nhận ra mình. Khi lăng nhục phá hủy chỗ đứng xã hội của một cá nhân, họ cũng mất tiếng nói, khả năng đáp trả và quyền được lắng nghe. Trong những vụ làm nhục công cộng chúng ta đã thấy tới giờ, không nạn nhân nào đủ dũng cảm lên tiếng, không ai có nhu cầu nghe họ. Monika Lewinsky mất 17 năm để tìm lại tiếng nói của mình. Đầu năm 1998, cuộc tình của cô, lúc đó là một thực tập sinh 25 tuổi, với tổng thống Bill Clinton, bị đưa ra ánh sáng, biến cô thành nạn nhân quy mô toàn cầu đầu tiên của làm nhục công cộng thời Internet. Chỉ có vài năm trước đó thôi, người ta vẫn tiêu thụ thông tin và thời sự chủ yếu qua báo chí, radio và ti vi. Câu chuyện của Lewinsky là “một cú nhấn chuột làm rung chuyển thế giới”, theo lời của chính cô. Trong những ngày tháng đó, mẹ của Lewinsky bắt cô mở cửa buồng tắm khi tắm, và đêm đêm ngồi bên giường cô để canh không cho cô tự tử. Monica Lewinsky bị làm nhục ở mức độ nào? Ở mức khó để hình dung ra được. Cô nói rằng tên cô xuất hiện trong gần 40 bài rock và rap, từ của Beyoncé tới Eminem. New York Magazines cẩn https://thuviensach.vn thận đếm lại, và hóa ra Lewinsky đã nhầm to: có tới 128 bài hát, từ tiếng Anh, Pháp, Đức tới Tây Ban Nha và Ba Lan, nhắc tới tên cô. Có hai bài hoàn toàn nói về cô, trong đó một bài mang cái tên rất hình ảnh là “Bắn tung tóe lên Monica”. Một ca sĩ hồi tưởng về thập kỷ 90: “Thời đó, khi Billy Clinton tóm được l... của Lewinsky, mọi thứ thật tốt đẹp”. Trong 70 bài, tên cô được dùng như một động từ để thay thế cho động từ kích thích dương vật bằng miệng. Nhiều bài khác dùng tên cô thay cho động từ lên đỉnh. Một loại bài khác nữa biến tên cô thành một danh từ để chỉ loại các cô gái điếm sẵn sàng dùng cơ thể để câu đàn ông quyền lực.59 Trong 17 năm, Lewinsky vật lộn với cuộc sống, bị trầm cảm, liên miên gặp các bác sĩ tâm lý. Năm 2015, cô bước ra ngoài ánh sáng, và bằng một bài diễn thuyết nổi tiếng trên TED, hướng sự chú ý của công luận tới số phận của những nạn nhân như cô. NHỮNG NGHI THỨC HẠ NHỤC Có gì khác nhau giữa quá trình làm nhục như đã xảy ra với những cá nhân như Dương Tường, hai anh em Tiến Dũng, Hồng Phương hay Monica Lewinsky, và sự trừng phạt chúng ta vẫn thấy trong gia đình hay nhà trường? Bố mẹ có thể phạt con, nhưng sau đó vẫn thương yêu nó, nó vẫn giữ nguyên vị trí người con trong gia đình. Giáo viên có thể phạt một học trò, nhưng nó vẫn là một thành viên của lớp, ngang hàng với các bạn khác. Ngược lại, những cuộc làm nhục công cộng có một thuộc tính đặc biệt. Chúng là những nghi thức hạ nhục. Những nghi thức hạ nhục (degradation ceremony), theo chữ của nhà xã hội học Harold Garfinkel, là những nghi lễ lên án và tố cáo, nhằm đánh tụt vị thế xã hội của người bị cho rằng có hành vi lệch chuẩn.60 Gọi là nghi lễ vì chúng có cấu trúc chung: bao gồm kẻ phạm tội, hành vi gây tội, những người lên án, và công chúng chứng kiến. Đi qua nghi lễ này, kẻ bị lên án chuyển hóa từ “người” hay “công dân” thành “kẻ xấu” và “phạm pháp”. Bản thể của anh ta được tái định nghĩa, anh ta trở thành một con người mới. Dường như căn tính cũ của anh ta chỉ là cái vỏ, nay bị xé toạc ra, để lộ căn tính mới, https://thuviensach.vn mà cũng chính là căn tính góc từ trước tới nay, giờ đây không che giấu được với ai nữa. Người bị vạch mặt không chỉ bị đánh tụt trên cái thang xã hội, nghi thức hạ nhục khiến anh ta “lộ nguyên hình”. Cái vỏ cô gái 19 tuổi vụng về của Thiên Lý bị xé bỏ, để lộ căn tính của “ác quỷ”. Tương tự, cái mặt nạ mang hình hài “dịch giả đại thụ” của Dương Tường bị lột ra, để lộ bản chất thật, được một cư dân mạng mô tả bằng câu: “Chắc chắn trước đó nó cũng đã ãn cắp, mà sau này nó còn ăn cắp nữa.” Trong nghi lễ hạ nhục, Garfinkel viết, những người lên án xướng lên lời nguyền: “Hãy làm chứng. Hắn ta không phải là cái hình dạng bên ngoài của hắn, hắn khác cơ, và trong bản chất hắn là một giống thấp kém hơn.”61 VẾT NHƠ Trong nhiều trường hợp, người bị hạ nhục bị coi là mối đe dọa cho đạo đức hay trật tự của cộng đồng, bị đẩy ra ngoài rìa, bị coi là “không thuộc về chúng ta” nữa, không đáng được tin cậy, không được chấp nhận hay tha thứ, không được hưởng tình đoàn kết và tương trợ. Kẻ bị hạ nhục trở nên cô đơn. Anh ta bị đóng một vết nhơ. Vết nhơ, stigma, như chúng ta đã biết từ chương trước, là chữ Hy Lạp có để chỉ vết sắt nung đóng lên mặt hay cơ thể của những người mà xã hội cần tránh xa: nô lệ, tội phạm, vô đạo đức, kẻ phản bội. Vết nhơ báo hiệu vấn đề, một sự khác biệt, không bình thường, thấp kém, nguy hiểm, cần xa lánh, cách ly. Người ta có thể bị đóng vết nhơ bởi muôn ngàn lý do: người đồng tính, người khuyết tật, người có HIV, người đã từng phạm tội, phụ nữ không lập gia đình, phụ nữ ly dị v.v. Vết nhơ dẫn tới định kiến. Người có HIV được mặc định là hư hỏng, phụ nữ không có con là ích kỷ, người đồng tính là bị bệnh tâm thần. Định kiến dẫn tới kỳ thị và phân biệt đối xử. Vết nhơ là giấy phép để người ta coi người bị dán nhãn không hẳn là người. Kể cả khi vết nhơ không liên tục tác động vào những việc làm hằng ngày của cá nhân bị dán nhãn, https://thuviensach.vn nó vẫn ở trong ký ức và tâm trí của anh ta. Anh ta sống trong trạng thái lưu vong trong xã hội của chính mình. Vết nhơ có đặc thù là nó trở thành trạng thái chủ đạo của một cá thể. Trạng thái chủ đạo là khía cạnh quan trọng nhất của căn tính cá nhân, nó được biết tới đầu tiên, và thường định hình cuộc đời của anh ta. Trạng thái chủ đạo áp đảo các trạng thái khác của người đó. Một chính trị gia được nhìn trước hết là một quan chức, sau đó mới là người ông, hay kỹ sư. “Hot girl” có thể là một trạng thái chủ đạo của một cô gái trẻ, mặc dù cô ấy còn là người con hay sinh viên. Hơn tất cả các trạng thái khác, trạng thái chủ đạo quyết định cá nhân đó được người khác nhìn nhận và đối xử như thế nào, và quyết định cách anh ta nhìn nhận bản thân mình. Người ta thường nhìn vào vết nhơ đầu tiên. Một người đồng tính có thể là một nhà toán học hay một Phật tử, nhưng những yếu tố này thường là thứ yếu so với trạng thái “đồng tính” của anh ta. Một học trò được chẩn đoán ung thư được coi trước hết như một bệnh nhân ung thư, thay vì là một đứa trẻ nghịch ngợm.62 Năm 2005, một cô sinh viên Hàn Quốc trở nên “nổi tiếng” khi từ chối dọn chỗ phân mà con chó của cô vừa ị ra trong toa tàu điện ngầm ở Seoul. Ảnh của cô cùng con chó và bãi phân dưới sàn được đưa lên mạng, cái tên “cô gái phân chó” ra đời. Vụ việc lên hình trong chương trình thời sự của cả nước và thậm chí cô còn “được” nhắc tới trong các buổi thuyết giáo tại các nhà thờ Hàn Quốc ở Washington, Mỹ. Cô phải rời bỏ trường đại học của mình.63 Tới lúc này, những số phận như của cô gái này không còn xa lạ với chúng ta. Nhưng đáng suy nghĩ là bình luận của một trang mạng. “Cô gái này đã đạt được những gì khác trong cuộc đời mình? Cô ấy muốn gì, cô có tài năng gì? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được.” Bài báo suy ngẫm, rồi kết luận. “Từ giờ trở đi, cô ấy là ‘cô gái phân chó’.”64 Một sự dán nhãn hoàn hảo. Bài báo trên nhắc tới một điều mà các nhà xã hội học đã nhận ra từ lâu: xã hội không có cơ chế để người bị dán nhãn lấy lại được https://thuviensach.vn căn tính trước kia của họ, để họ tẩy vết nhơ và trở thành người bình thường. Không cần viện tới kiến thức hàn lâm, một bài báo cũng xác nhận điều này trong câu chuyện của hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý: “Vết nhơ này sẽ theo suốt cuộc đời của các bảo mẫu.” Một người căm ghét Dương Tường tái khẳng định bằng bình luận của mình: “Dương Tường sẽ mãi mãi là thằng ăn cắp, 100 năm nữa, 1000 năm nữa cũng vẫn thế.” https://thuviensach.vn PHẦN 2 LÀM NHỤC MUA VUI VÀ TÀN NHẪN GIẢI KHUÂY Làm nhục vui và tàn nhẫn giải khuây Cái giá của sự thô lỗ https://thuviensach.vn LÀM NHỤC MUA VUI VÀ TÀN NHẪN GIẢI KHUÂY “Đặc tính tệ nhất của con người là vui trên nỗi đau của kẻ khác, nó là họ hàng của sự độc ác, thậm chí chỉ khác độc ác như là lý thuyết khác với thực hành.” - Arthur Schopenhauer “Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui vẻ cái xấu xí của người khác.” - Franz Schönthan von Pernwaldt Các bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý bị tòa tuyên án ba năm tù vào ngày 20 tháng 1 năm 2014, chỉ trước Tết Nguyên đán đúng 11 ngày. Đọc lại những phản ứng của cư dân mạng sau khí phiên tòa xảy ra, một loại bình luận làm tôi chú ý, bởi chúng có điểm khác. Ví dụ, bình luận này được 15 nghìn like: “Lý cho rằng không biết hành vi của mình là phạm tội mà chỉ muốn các cháu bé được ăn uồng đầy đủ, ngoan ngoãn.:)) anh cũng muốn 2 em đc ngoan.” Một người khác phụ họa: “Giao hai cô này để mình trông giúp cho.” Bình luận này cũng được 5 nghìn like: “Ăn tết vui vẻ sau song sắt nhé 2 em :) “ Và tiếp theo là: “Xuân này con không về...” “Hai em vào tù chắc các bạn tù cũng cho 2 em ăn uồng đầy đủ, ngoan ngoãn.” Hai bảo mẫu Phương và Lý đã trở thành Internet meme, những tấm hình chèn chữ được cho là “vui nhộn” lan tỏa trên mạng như virus. Trở thành meme là minh chứng chắc chắn nhất cho sức hấp dẫn của một sự việc - nó đã chinh phục được công đồng mạng, làm https://thuviensach.vn họ thích thú và hào hứng để trình diễn sự “sáng tạo” của mình. Chế ảnh về hai cô bảo mẫu trở thành thời thượng, thành cool, nó đóng góp cho “kho tàng văn hóa” mạng. Ai muốn sành điệu, người đó tham gia. Các ảnh chế được các báo chính thống đăng lại một cách vô tư và thích thú. VNExpress65chạy một bài dài với các ảnh “xuất sắc” nhất. Trong một ảnh, một người đàn ông tóc tai bù xù giơ hai tay phát biểu: “Cô bảo mẫu bị lên hình như thế, vậy là suốt đời sẽ không lấy được chồng nữa đâu nhỉ.” Trong một ảnh chế khác, bên trên hình hai cô bảo mẫu đầu cúi gằm, đứng trước tường, là dòng chữ: ”Là người Việt Nam lương thiện, tôi muốn pháp luật trả tự do cho bộ đôi này” Và bên dưới cái hình đó: “Từ độ cao 1000m” Người ta có thể nghe được tiếng cười khoái trá của đám đông vọng ra từ bài báo. LÀM NHỤC MUA VUI Chúng ta nhìn thấy điều gì ở dây? Một sự bằng lòng, sung sướng, hả hê trước số phận của hai bảo mẫu. Người Đức dùng chữ Schadenfreude để chỉ cảm xúc này, nó được kết hợp giữa hai chữ Schaden (thiệt hại) và Freude (niềm vui). Niềm vui về cái bất hạnh, cái không may, cái tai họa, và người ta vui chính vì cái tai họa đó rơi vào đầu người khác. Tôi gọi niềm vui trên nỗi đau của người khác này là niềm vui độc địa. Nó có thể kín đáo (ta thầm khoái trá khi thấy tay hàng xóm bị đâm móp cái xe ô tô mới tậu), hoặc có thể được phô trương ra không ngần ngại, trở thành giễu cợt, chế nhạo, châm biếm, và được thông báo thẳng cho đổi phương mà không cần phải che giấu. Tôi tin rằng những người hoan hỉ trên kia mà có cơ hội gào vào mặt hai bảo mẫu “Ăn Tét vui vẻ nhé hai em!” thì niềm vui của họ sẽ lên đến https://thuviensach.vn tột cùng. Triết gia Arthur Schopenhauer cho rằng niềm vui này là cảm xúc ma quỷ nhất mà người ta có thể có: “Ghen tị là một phần của con người, nhưng thưởng thức niềm vui trên nỗi đau của người khác thì là ma quỷ.” Những bình luận vui vẻ về cái Tết trong tù của hai bảo mẫu chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lổ. Vui khi người khác bị nhục, và vui khi làm nhục người khác, đó là hai mặt của một đồng xu. Hiện tượng này phổ biến trong xã hội hơn là chúng ta tưởng, và nhiều khi chúng ta tham dự vào nó một cách vô thức. Nó được thể hiện rõ nhất, công khai nhất, rộng khắp nhất, yêu thích nhất qua các chương trình truyền hình thực tế, khi nhiều thí sinh tối tối trở thành những chú hề bất đắc dĩ, thành trò cười cho hàng chục triệu người khắp cả nước. Ngay từ 2002, thời truyền hình thực tế trên thế giới còn mới trứng nước, và so với mức độ thô thiển của bây giờ thì một trời một vực như độ hở trang phục của hoa hậu Việt Nam đầu tiên và của Ngọc Trinh, hai nhà nghiên cứu Brad Waite and Sara Booker đã đưa ra khái niệm humilitainment. Chữ này được cấu thành bởi hai chữ humiliation (làm nhục), và entertainment (giải trí). Trong tiếng Việt ta có thể gọi là “làm nhục mua vui”. Làm nhục mua vui trên truyền thông là một xu hướng của văn hóa đại chúng, nó tạo ra những đấu trường La Mã của thời hiện đại, nó tái tạo lại những show đấu thế kỷ 20 triển lãm người lùn và người dị tật để đám đông thưởng ngoạn như trong sở thú. Làm nhục mua vui kiếm tiền bằng cách khuyến khích người khác biểu diễn những trò lố bịch, hoặc đặt họ vào những tình huổng đáng xấu hổ: một “thánh quẩy” uốn éo trên sàn, một bà cụ 60 tuổi nhảy Gangnam Style. Và người dân sẵn sàng trả tiền. Có vẻ như làm nhục mua vui đã trở thành món ăn không thể thiếu cho mọi nhà. Báo chí thường xuyên đăng tải tỉ mỉ các “tiết mục thảm họa”, các pha “dở khóc dở cười”, các màn “khó đỡ” của nhiều chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí, các tiết mục này đã trở thành một vũ khí lợi hại của một số show, và cả nhà sản xuất, người xem, và truyền thông đều rất ý thức được điều này. Năm qua, VTC News xác nhận: “Những màn https://thuviensach.vn trình diễn thảm họa luôn là ‘đặc sản’ của Vietnam Idol qua các mùa” và bình luận tiếp: 90 90 “Khán giả đã được... ‘cười thả ga’ với những tiết mục ‘thảm họa’ và những khoảnh khắc thú vị của ban giám khảo. Vòng Audition tại Hà Nội có một số phần thi khá hài hước, đem đến cho ban giám khảo và khán giả những phút giây thư giãn. Giám khảo Bằng Kiều, Thu Minh đã có những phản ứng, nhận xét vô cùng hài hước khi chứng khiến những phần thi thảm họa.”66 Lưu ý là chỉ ba năm trước, cũng trang này còn băn khoăn: “Got Talent: Câu khách bằng cách xúc phạm thí sinh?” và lên án chương trình “cố tình chọn các tiết mục làm trò cười cho khán giả”. Đây là một trích đoạn từ một bài báo năm 2012: “... yếu tố câu khách đã khiến đạo diễn chương trình Vietnam’s Got Talent trở nên coi thường thí sinh và gia đình họ khi khoét quá sâu vào những ngây ngô của gia đình thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh67 khiến họ trở nên lố bịch trước hàng triệu khán giả truyền hình. Hẳn sau này thí sinh 15 tuổi này sẽ còn phải đối mặt với nhiều những lời bàn tán dị nghị về cách cư xử của mình cũng như của gia đình. Có cần hay không khi phải gây tổn thương với thí sinh và người nhà thí sinh như thế để câu khách?” Ba năm là một quãng thời gian dài trong công nghiệp giải trí. Giờ đây, những băn khoăn trên đã trở nên ngớ ngẩn, nhường chỗ cho những “trận cười thả phanh”, những “phút giây thư giãn”. Những phản ứng và nhận xét “vô cùng hài hước” của các giám khảo, được thảy vào mặt thí sinh và được mọi người tán thưởng, thì kiểu như thế này: “Một giọng hát thì phải có cao độ, trường độ và cường độ. Còn em thì KHÔNG độ.” (giám khảo Thu Minh) “Em hát nghiến răng rất là ghê, và cách hát của em cứ như đang đay nghiến ai đó.” (giám khảo Quốc Trung) https://thuviensach.vn “Hình tượng của em là Thỏ mà sao em hát như Cáo vậy!?” (giám khảo Quang Dũng, với thí sinh đeo nơ to như tai thỏ). ĐẰNG SAU NIỀM VUI ĐỘC ĐỊA Đằng sau niềm vui độc địa là diễn biến tâm lý gì? Vì sao người ta thích xem người khác bị làm nhục? Một lý giải tới từ thuyết so sánh xã hội, được xây dựng từ những năm 1950 bởi nhà tâm lý học Leon Festinger. Theo thuyết này, chúng ta hay có xu hướng đánh giá bản thân không qua những chuẩn khách quan, mà qua việc so sánh mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác vấp ngã. Đó cũng là lý do những người thiếu tự tin thì hay có cái niềm vui độc địa này hơn những người khác - một học sinh giỏi có thể sẽ thương cảm cậu bạn bị điểm kém, còn tay học kém thì sẽ khoái trá khi thằng bàn trên còn bị điểm thấp hơn mình, và cảm thấy bản thân mình cũng “không đến nỗi”. Người thiếu tự tin thường xấu hổ và ghen tị khi thấy mình kém cỏi hơn, và khinh khỉnh và kiêu ngạo khi cho rằng mình hơn người khấc. Những vi phạm của hai bảo mẫu là niềm vui của nhiều người bởi qua đó họ thấy bản thân thật ưu việt về mặt đạo đức. Và giống như những người nghiện, hằng ngày họ đi tìm lỗi của người khác để được sống trong cảm giác của người đứng bên trên. Richard Smith, tác giả cuón Niềm vui từ nỗi đau, viết rằng chúng ta thích xem những “pha khó đỡ” trên truyền hình thực tế vì chúng làm ta thấy rằng cuộc đời của mình cũng không đến nỗi tệ. “Nhìn xuống”, như người ta vẫn nói, sẽ làm ta nhẹ nhõm hơn, vì ta thấy “không ai bằng mình” Thuật ngữ chuyên môn ở đây là “so sánh xuống”, và theo Richard Smith, nó đem lại một niềm vui hào sảng.68 Niềm vui độc địa có một người chị ruột, đó là ghen tị. Ghen tị là nỗi đau khi người ta thấy người khác thành công hay gặp may, niềm vui độc địa là niềm vui khi người khác vấp ngã. Đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti. Càng tự ti thì càng hay ghen tị, càng hay ghen tị thì càng hay cười trên nỗi đau của người khác. Nhà văn Pháp thế kỷ 17 Francois de La Rochefoucauld viết: “Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác.” Nhà văn Mỹ https://thuviensach.vn Gore Vidal có một câu tự châm biếm nói tiếng: “Mỗi lần một người bạn thành công, tôi lại chết ở trong lòng một ít.” Một câu khác, được cho là của nhà văn Somerset Maugham thì như thế này: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ.” Đó cũng là lý do chúng ta dễ đồng cảm và yêu thương những người đã trải qua hoạn nạn hơn. Chúng ta không ghen tị với họ, vì họ không thể hơn ta được. Ngược lại, có điều gì không may xảy ra với người mà trước đó ta đã ghen tị với họ, ta sẽ thấy hả hê hơn. Trong trường hợp của các bảo mẫu hay là hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, người ta còn hả hê vì cho rằng những người này xứng đáng bị như vậy. Lúc này, người ta có thể công khai trưng bày niềm vui độc địa của mình ra mà không phải che giấu nó đi hay xấu hổ về nó. Cái cảm xúc độc địa được khoác một cái áo là ủng hộ lẽ phải và công lý. Trong thực tế, tất nhiên, nó không liên quan gì tới công lý cả. Hãy hình dung một người bạn thân của bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể buồn, đau xót, bạn có thể thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi. TÀN NHẪN GIẢI KHUÂY Nếu như niềm vui độc địa xảy ra khi chúng ta chứng kiến kẻ khác gặp nạn, nhưng chúng ta không nhất thiết góp tay tạo ra cái hoạn nạn đấy cho người kia, thì với nhiều người, điều đó không đủ. Họ cần một liều thuốc mạnh hơn, họ tàn nhẫn để giải khuây. Trong số những clip bắt trộm, đánh trộm trên YouTube, có một cái làm tôi chú ý. Khác những clip khác, ở đây người mất trộm, một thanh niên thấp và vạm vỡ, không đánh đập, không chửi bới, mà nhốt kẻ trộm trong một cái lồng gà lớn, cung cấp một bài giáo huấn dài, rồi bắt anh ta hát hai bài. Tay kẻ trộm ngồi xổm trong lồng gà, đầu gối quá mang tai, vừa thút thít không ngừng vừa lí nhí và run run hát “anh yêu bình minh...” Cậu thanh niên ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ bên cạnh và đánh nhịp một cách cường điệu. Clip kéo dài 4 phút và được hơn 600 ngàn lượt xem. Phản ứng đầu tiên của tôi là bật cười, thậm chí còn khen thầm kẻ bắt trộm là sáng tạo. Chắc nhiều người cũng nghĩ giống tôi. Một https://thuviensach.vn người xem bình luận: “rất khâu phục anh. 1 đức tính nhân từ và vị tha và bản lĩnh”.69 Nhưng sau đó, vẫn có một cái gì đó làm tôi băn khoăn mà không giải thích được. Tôi tự hỏi, liệu bắt nạn nhân phải hát hay múa, trong một trạng thái hoảng sợ và ở một tư thế quái đản, có phải là làm nhục không? Kỹ thuật này có phổ biến không, nó có kinh điển không? Tìm hiểu thêm, tôi kinh hoàng phát hiện ra hành động của anh chàng bắt trộm này nằm trong một truyền thống lâu đời từ Đông sang Tây, dùng âm nhạc để làm nhục và thực ra nó được coi là một biện pháp tra tấn. (Tra tấn, theo định nghĩa của tổ chức Ân xá Quốc tế, được hiểu là hành vi cố tình và có hệ thống đem lại sự đau đớn về thể xác hay tâm lý trong một thời gian nhất định cho nạn nhân.) Cuốn Mặt tối của giai điệu: nhạc pop và bạo lực của hai tác giả Bruce Johnson và Martin Cloonan kể ra một loạt các ví dụ. Trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ, các tù binh người Croatia bị quân Serb bắt hát quốc ca của Nam Tư hai lần trong ngày và bị đánh nếu họ không hát đủ lớn. Năm 2002, ở Zimbabwe, để trừng phạt việc bố một cô bé 12 tuổi tham gia phong trào dân chủ chống lại chính quyền, cô bé bị hiếp tập thể trong khi mẹ và các em cô chứng kiến và bị bắt hát các bài hát ca ngợi tổng thống Mugabe. Năm 2004, một sĩ quan Israel tại một trạm kiểm soát bắt một nhạc công Ả Rập chơi “nhạc gì đó buồn” trong khi những người lính khác đứng xung quanh chế nhạo, rồi mới cho anh ta đi qua.70 Có hệ thống nhất là phát xít Đức, họ chọn ra các tù nhân biết chơi nhạc và lập ra các dàn nhạc ở các trại tập trung. Riêng trại khét tiếng Auschwitz có tới sáu dàn nhạc, mỗi dàn nhạc có tới hơn trăm nhạc công. Các nhạc công được hưởng một chế độ ăn uống tốt hơn, được tắm rửa hằng ngày và chừng nào họ còn chơi được nhạc thì không bị cái chết đe dọa. Một trong những nhiệm vụ của các dàn nhạc là chơi thể loại nhạc du dương hoặc quân nhạc trong khi những tù nhân khác bị dẫn vào lò thiêu. Trong cuốn sách Chơi nhạc câu giờ (Playing for time), bà Fania Fenelon, một nhạc công ở trại Auschwitz, kể lại trải nghiệm cá nhân của mình: “Chúng tôi phải chơi nhạc liên tục hàng giờ liền, và trong thời gian đó, mắt chúng tôi dõi https://thuviensach.vn theo hàng ngàn người xếp hàng bước đều vào các lò thiêu và phòng hơi ngạt.” Tỉ lệ tự tử của các nhạc công cao hơn của tất cả các nhóm tù nhân khác trong trại.71 Tác giả M. J. Grant cho rằng bắt nạn nhân hát hay múa là cách khẳng định tuyệt đối nhất, đắc thắng nhất, quyền lực và vị trí thượng đẳng của kẻ tra tấn. Hơn bất cứ cú đẫm đá nào, sự làm nhục này bẻ gãy lòng tự trọng, cái tôi, và nhân phẩm của người kia.72 Hơn tất cả các bạo lực vật lý, sự làm nhục này chạm tới cái cơ bản nhất của cá nhân người đó. Khi người ta không còn được kiểm soát những âm thanh mình phát ra, phải đóng giả vui vẻ trong một trạng thái hoảng loạn, sự quy hàng là tuyệt đối. Bị chiếm đoạt giọng nói, phải nói giọng của người khác còn kinh khủng hơn là bị ra lệnh câm mồm. Nó tương đương với việc lính Mỹ bắt các tù nhân Iraq trong trại Abu Ghraib thủ dâm để họ xem. Hay việc người theo đạo Hồi bị bắt phải tiểu tiện ở bên trong nhà thờ Hồi giáo của mình, như đã xảy ra trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ. Nó bắt người ta tự tay xóa sổ danh dự của mình. “CÓ AI BẮT NÓ PHẢI CHẾT ĐÂU” Không phải ai cũng “may mắn” tóm được trộm trong nhà để có thể quay một clip có hơn nửa triệu người xem. Nhiều người bằng lòng với những phương thức khiêm tốn hơn. Hàng tháng trời, Nhâm Thị Hồng Phương, một trong hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, bị khủng bố điện thoại. “Cứ từ chiều, khi họ bắt đầu uống vào, họ gọi tới chửi bới, hay nhắn tin đe dọa, kéo dài tới tận đêm.” Từ đó tới nay, Phương không dám tham gia bất cứ diễn đàn trên mạng nào nữa. “Họ độc ác lắm anh ạ,” Phương nói với tôi trong một cuộc trao đổi điện thoại. Cái ta nhìn thấy ở đây là sự tàn nhẫn khi người ta nhàn hạ - buổi chiều tan việc, ta tụ tập làm cốc bia và hành hạ người khác chơi. Chúng ta nhớ lại cảnh ông Lý “ngà ngà hơi men” trong Khói lam chiều của Lưu Trọng Lư ở chương trước, khi ông ta tra hỏi cái Vịnh về tội chửa hoang trong buổi làm nhục giữa chợ của làng Phú Mỹ. Ở https://thuviensach.vn Ở trên mạng, tàn nhẫn giải khuây lại càng dễ. Nhiều khi nó chỉ mang hình dạng của nút share. Giữa tháng 6 năm 2015, nữ sinh T., 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300 ngàn người xem, 18 ngàn like, 4 ngàn lượt share, và hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. “Hàng ngon thế!” và “Đẹp mặt chưa bé gái!” và “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”. Cộng đồng mạng lại càng đổ xô vào, cùng nhau khui ra trang Facebook của T. và bạn trai. Hàng nghìn người follow T., chuyền nhau các ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T., gọi cô là bán dâm chuyên nghiệp, và rủa: “chết đi đồ hư hỏng”?73 Hai hôm sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử.74 Sau cái chết của T., người ta vẫn tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”. Người chết thì không nghe được, nên họ quay ra lăng nhục bạn trai cô; “Đụ má thằng chó.....hên cho mày là đéo gặp tao..... gặp là mày chết mẹ mày với tao rồi” và “Loại này chết đi là vừa, sống chi cho chật đất”. Một động tác đưa cái clip lên mạng chưa làm T. chết, nó chỉ buộc cô vào một cái cọc, nhưng hàng chục nghìn người xem và chuyền tay nhau, mỗi người đã góp một viên đá để ném cô tới chết. Tôi cố gắng đi qua hàng trăm bình luận trên mạng, một công việc khó khăn. Xen lẫn giữa các câu lăng mạ kiểu “kiếp sau cho nó thành chó thiến”, là trùng trùng những câu hỏi nhớn nhác “ai có clip hk cho xem với”. Trong nửa sau của tháng 6 năm 2015, “nữ sinh 2000” là từ khóa được tìm nhiều nhất. Khác với các trường hợp bảo mẫu hành hạ trẻ, hai người ăn cắp kính hay Dương Tường, ở đây họ tàn nhẫn không phải vì căm ghét, mà để tiêu khiển. Tàn nhẫn giải khuây không chỉ giới hạn ở cư dân mạng Việt Nam. Hiện tượng trolling, tạm gọi là đầu gấu trên mạng, lên mạng chỉ với mục tiêu làm nhục, miệt thị, quấy rối, khiêu khích người khác, đã trở thành nỗi đau đầu của nhiều quốc gia. https://thuviensach.vn Cuối tháng 3 năm 2015, một phi công của hãng hàng không Germanwings trong khi bay từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức) đã đâm máy bay vào vách núi tự sát, kéo theo cái chết của 150 hành khách, trong đó có nhiều người vùng Catalan của Tây Ban Nha, vốn có truyền thống đòi tự trị. Ngày hôm sau, trên Twitter đầy những tin ăn mừng. “Nếu có tụi Catalan trên đó thì vụ này hay đấy” và “Một máy bay đầy dân Catalan và Đức rơi ở Pháp. Ba lần thắng lớn!” và “Từ từ nào, có gì kInh khủng đâu. Tụi Catalan trên máy bay ấy mà, không phải người đâu.”75 Một trò được các troll, các đầu gấu mạng, ưa thích, là vào các trang tưởng niệm người quá cố trên Facebook và lăng mạ gia đình người chết hay khách viếng thăm trang đó. Hiện tượng này được nhà nghiên cứu Whitney Phillips đặt tên là “RIP76 trolling”. Các troll không cần tiền, mục tiêu của họ là tiếng cười khoái trá, thu hoạch được từ những phản ứng của người bị làm nhục. Những sân chơi nổi tiếng nhất của troll có thể thu hút tới 300 nghìn post mỗi ngày, và được mô tả như một bãi rác khổng lồ, không ngừng nghỉ, phục vụ cho sự tục tĩu, lăng mạ và hằn học.77 Tình hình tệ tới mức năm 2015, cả New Zealand và Anh đểu ra một đạo luật chống troll, với mức án tới hai năm tù giam. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh, Chris Grayling, phát biểu: “Đây là những kẻ hèn nhát, chúng đầu độc cuộc sống của quốc gia. Điều luật này nhằm chống lại sự độc ác, nó đánh dấu quyết tâm của chúng ta ngăn chặn những kẻ du côn trên mạng.” Theo tờ Telegraph của Anh, năm 2015, trong khuôn khổ Luật Giao tiếp Ác ý (Malicious Communications Act) của nước này, trung bình cứ mỗi ngày có năm người bị kết án vì đã gửi tin nhắn, email v.v. với mục đích lăng nhục, khủng bố người khác, một con số cao gấp mười lần so với thập kỷ trước.78 Chúng ta đang sống trong một văn hóa căm ghét và làm nhục. Nhưng chúng ta đã tới đây như thế nào? https://thuviensach.vn CÁI GIÁ CỦA SỰ THÔ LỖ “Chúng ta đang ở trong một vòng xoáy nguy hiểm. Càng click vào các câu chuyện phiếm, chúng ta càng chai lì trước những số phận đằng sau chúng. Càng chai lì, chúng ta lại càng click. Trong lúc đó, người ta kiếm bội tiền trên lưng của những người đang bị hành hạ.” - Monika Lewinsky “Một thực tế rõ ràng đáng kinh hãi là công nghệ của chúng ta đã vượt xa nhân tính của chúng ta.”-Albert Einstein Chúng ta đang sống trong một văn hóa của căm ghét và lăng nhục. Những chúng ta đã tới đây như thế nào? Mấy thập kỷ trước, người ta vẫn còn hoan hỉ với hình dung về “ngôi làng toàn cầu” và sự tự do mà nó đem lại: truyến thông và công nghệ thông tin rút ngắn khoảng cách, trái đất trở nên nhỏ bé như một ngôi làng thân thiện. Ai cũng có thể làm hàng xóm của ai. Nhưng hóa ra, ngôi làng này được ngự trị bởi “sự soi mói và những lời đồn đại độc ác được nhai đi nhai lại.” Nhà làm phim và phê bình Guy Debord bình luận vậy khi nói về mặt tối của cỗ máy truyền thông vào cuối thập kỷ 1980. “Đây là một sự mô tả chính xác cho sự thô tục hiện nay của điện cảnh toàn cầu.”79 Trong thời đại của Internet, đánh giá này vẫn nguyên giá trị. Còn hơn cả báo chí và ti vi lá cải truyền thống của cuối thế kỷ 20, mạng xã hội có khả năng kết hợp một cách tài tình sự chật chội của tỉnh lẻ, nơi người ta bị soi mói, theo dõi, xì xào, đặt chuyện, với sự ẩn danh của một siêu đô thị. ẨN DANH VÀ VÔ HÌNH Rheingold Howard, nhà tiên phong về công nghệ mạng mà chúng ta đã nhắc tới từ chương đầu tiên, đã nhầm khi cách đây hai thập kỷ ông tin tưởng rằng Internet sẽ là miền đất của tình bằng hữu, sự công bằng và không kỳ thị, bởi người ta không nhìn được https://thuviensach.vn màu da và xuất xứ của nhau. Chính sự ẩn danh trên mạng khuyến khích người ta bỏ qua các chuẩn mực xã hội, giống những người vượt đèn đỏ lúc nửa đêm vì xung quanh không có ai nhìn. Trong một thí nghiệm kinh điển của nhà tâm lý học Phillip Zimbardo, các nữ sinh viên tham gia thí nghiệm được chia làm hai nhóm để giám sát và trừng phạt người khác bằng cách giật điện. Một nhóm được cho mặc áo choàng phòng thí nghiệm rộng quá khổ, đội mũ kín đẳu, và đeo biển số thay cho tên. Nhóm kia đeo biển tên để dễ dàng được xác định danh tính. Kết quả là nhóm nữ sinh ẩn danh giật điện nhiều gấp đôi nhóm kia, các cú giật cũng dài hơn và mức độ cao hơn. Khi ẩn danh, người ta có xu hướng nới lỏng kiểm soát cá nhân và mở lồng cho phần xấu của mình ra ngoài.80 Vậy vì sao nhiều người dùng tên thật trên Facebook nhưng vẫn thô tục? Thoạt tiên điều này khó hiểu, nhưng theo Danielle Keats Citron, khi người ta không nhìn thấy người đối diện, họ có cảm giác rằng họ vẫn ở trạng thái ẩn danh, và tin rằng phát ngôn của mình sẽ chìm đi trong hàng trăm bình luận khác. Không nhìn được vào mắt nhau khiến người ta dễ dàng lăng nhục hơn. Trong một thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Israel, người tham gia được chia thành từng đôi để cùng đàm phán về một vấn đề. Có đôi không nhìn thấy nhau, có đôi chỉ nhìn nghiêng được nhau, và có đôi nhìn được vào mắt nhau. Kết quả là ở những đôi nhìn được vào mắt nhau ít xảy ra mạt sát và miệt thị nhất.81 Sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt. “Ta cho rằng người khác chỉ là những mẩu thông tin,” phó chủ tịch Quỹ Tự do Điện tử (Electronic Freedom Foundation), John Perry Barlow, nhận xét. “Khi bạn đâm chém số liệu, chúng không chảy máu. Bạn muốn làm gì người khác thì làm, bởi họ không là người mà chỉ là cái ảnh.”82 Tôi cũng đã từng hỉ hả đọc tất cả các truyện cười về Lewinsky mà không nghĩ tới thân phận cô gái 25 tuổi đằng sau. https://thuviensach.vn “THẾ GIỚI NÀY KO DÀNH CHO NGƯỜI YẾU BÓNG VÍA, KAKA” Có hai lý do khác nữa khiến văn hóa lăng nhục dần dần leo thang trong xã hội, và ở những điểm này, nó vận hành giống tham nhũng ở Việt Nam. Thứ nhất, mọi người quen dần, trở nên chai sạn và thờ ơ với nó. Thứ hai, thủ phạm không bị làm sao cả. Tháng 3 năm 2016, chương “Bảy bước đi của căm ghét” của cuốn sách này mô tả lại trải nghiệm bị lăng nhục cá nhân của tôi được đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần và thu hút nhiều sự chú ý. Nhiều người nói rằng họ cũng đã từng là nạn nhân của một cơn bão căm ghét như tôi. Nhiều người khác giật mình nhận ra rằng họ đã từng tham gia vào bảy bước đi của căm ghét. Nhưng nhiều người khác nữa thì cho rằng điều mà tôi đã trải qua là bình thường. “Có gì lạ đâu” và “Thế giới này ko dành cho người yếu bóng vía, kaka” và “Đã lên mạng thì phải chấp nhân”. Một số người còn tự hào rằng mình đã được tôi luyện trong sỉ nhục từ lúc mạng xã hội còn ở tuổi ấu thơ - họ “không ngán thằng nào” - cứ như lăng mạ là một cuộc thi ai bịt mũi lặn xuống sình lầy được lâu hơn. Một số khác nữa thì cho rằng lăng nhục tập thể là để giúp “xã hội tiến lên”, bởi vì “đám đông lúc nào cũng có lý”. Nhiều vụ xô xát trên mạng được sung sướng chờ đợi. Một người tiên đoán: “Sắp tới là vài anh nữa, cứ gọi là chết như giun như dế trên luống cày của dư luận. Có con tan xác, có con banh xác, có con đứt đôi, có con què chân, có con mất râu...” Trong một vụ khác, một Facebooker có ảnh hưởng kết thúc bài viết của mình: “Chửi xong sướng cả cái lỗ mồm”. Một fan bình luận ở dưới: “Đọc xong mà nghe sướng cả lỗ tai.” Sự sung sướng này có thể giải thích được. Cơ thể chúng ta vẫn giữ phản xạ thèm khát đường và mỡ bởi ở thời nguyên thủy chúng ta cần tích trữ chúng để sống sót qua những lúc khó khăn. Tương tự, về mặt tâm lý, chúng ta cũng bị thu hút bởi những tin giật gân, bạo lực, những lời đồn thổi, lăng mạ để tránh những mối nguy tiểm ẩn. Nếu không cẩn trọng, chúng ta cũng lâm vào tình trạng phì nộn về tinh thần, giống như cơ thể của những người triền miên ăn mỡ. https://thuviensach.vn Xã hội vẫn lên án bạo lực học đường hoặc sự vô cảm của người qua đường khi gặp người bị nạn, nhưng dường như bạo lực trên mạng lại được chấp nhận với một cái nhún vai. Đây là một điều nguy hiểm, vì khi quen với nó, không bị khó chịu bởi nó, người ta được chuẩn bị cho một mức bạo lực cao hơn. Nhìn thấy bạo lực không bị lên án, dần dần tất cả, kể cả nạn nhân, sẽ cho rằng nó là bình thường, chấp nhận được, là một cách hành xử thông dụng, thậm chí hiệu quả. Khác với bạo lực học đường hay trong gia đình, văn hóa làm nhục trên mạng còn được nuôi dưỡng bằng một yếu tố đặc biệt khác: lợi nhuận. Càng có nhiều view, nguồn thu từ quảng cáo cho các trang mạng và các diễn đàn lại càng lớn. Mục tiêu của các công ty là tăng tối đa thời gian người dùng lưu lại trên ứng dụng của mình. Với họ, các cơn bão căm ghét có giá trị, giống ảnh “mát mẻ” có giá trị với các báo in lá cải trước kia, hay giống một đám đánh nhau ngoài đường: nó gây chú ý, nó thu hút người xem. “Tôi không muốn ai phải tự tử”, tay quản lý một trang mạng chuyên đăng các video sex để trả thù sau khi các cặp đôi chia tay nhau (revenge porn) phát biểu, rồi đế thêm là nhưng nếu chuyên đó có xảy ra thì anh ta cũng không phàn nàn, vì anh ta sẽ được nhiều view hơn.83 Tác giả Whitney Phillips, người đã bỏ ra ba năm nghiên cứu hiện tượng du côn trên mạng, cho rằng sự độc ác và thô tục trên mạng là tấm gương phản chiếu sự độc ác của truyền thông chính thống trong xã hội, của báo chí lá cải, của truyền hình. Trong sự thèm khát chú ý của mình, trolling hoạt động theo cùng một logic và chiến lược như truyền thông chính thống.84 Trolling là một sản phẩm của cả xã hội, không phải của một nhóm nhỏ nào đó. Nhiều người tự an ủi rằng phần lớn chỉ mạt sát và lăng nhục trên mạng, còn ở ngoài đời họ vẫn “bình thường”. Nhưng liệu người ta có thể phân thân dễ dàng như vậy? Một người mẹ trẻ có thể vừa gọi người khác bằng tên những con vật thấp kém nhất trên mạng, vừa có thể ở ngoài đời truyền tải cho đứa con ba tuổi tinh thần khoan dung và nhân ái? Một ông bố đã quen hung hăng tấn công https://thuviensach.vn các ý kiến trái chiều trên các diễn đàn có thể kiên nhẫn lắng nghe đứa con mình một cách tôn trọng? Và trẻ em sẽ nhận ra rất nhanh bố mẹ chúng đang tương tác với thế giới, và với chúng, như thế nào. Chúng sẽ cho rằng mạt sát để giải quyết xung đột là bình thường. Để mất kiểm soát bản thân khi bị khiêu khích cũng vậy. Rằng tấn công cá nhân và hăm dọa là cách tốt để đạt được mục tiêu. Rằng bạo lực là công cụ đầu tiên người ta nên dùng tới. Chúng không được học cách giải quyết vấn đề nào khác. Bên ngoài gia đình, ngôn ngữ bạo lực hàm chứa những đe dọa vật lý, trực tiếp hay gián tiếp, còn có một ảnh hưởng lớn hơn tới môi trường xã hội. Chuyên gia chống khủng bố và về những nhóm Do Thái cực đoan, Ehud Sprinzak, cho rằng bạo lực ngôn từ được dùng để thay thế bạo lực vật lý, và việc diễn giải căm hận qua ngôn ngữ làm tăng khả năng bạo lực vật lý xảy ra.85 Và do đó, những lời kêu gọi bạo lực trên mạng như “Tao không biết mày là ai, nhưng mày cùng tao đi xử hai con bảo mẫu nhé” (về hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý), hay “Loại này đập chết chôn ngay k nó lại đẻ chứng” (về Tiến Dũng và Hồng Phương), không chỉ mang tính “chợ búa”, chúng có liên kết chặt chẽ với công lý bầy đàn và những vụ đánh trộm chó tàn khốc ngoài đời. HIỆU ỨNG THÔ TỤC VÀ CÁI GIÁ CỦA SỰ THÔ LỖ Chúng ta khó chịu khi gặp những bình luận thô tục và tấn công cá nhân ở các diễn đàn hay dưới các bài báo. Những bình luận loại này khiến chất lượng của cuộc tranh luận đi xuống, những người bị lăng mạ thì bị tổn thương, những người ôn hòa khác thì không dám hay không muốn lên tiếng nữa. Nhưng các bình luận thô lỗ này còn có một hệ quả trầm trọng hơn, chúng tạo cái mà một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison gọi là “hiệu ứng thô tục”. Hiệu ứng thô tục gây hậu quả gì? Các nhà nghiên cứu chia hơn 1,000 người ra hai nhóm để đọc và thảo luận về một bài báo khoa học về lợi và hại của công nghệ nano. Họ chọn chủ đề này vì nó còn khá mới mẻ, và chưa tạo ra các cuộc thánh chiến gây chia rẽ xã hội như chủ đề biến đổi khí https://thuviensach.vn hậu hay kiểm soát sở hữu súng ở Mỹ. Cùng với bài báo, một nhóm đọc được các bình luận trái chiều, nhưng ôn hòa. Nhóm kia đọc thấy những bình luận thô tục, lăng mạ, kiểu “Thế mà cũng nói được, não chó à?. Sau thí nghiệm, các tác giả nhận thấy có một sự dịch chuyển trong quan điểm của nhóm thứ hai. Họ trở nên cực đoan hơn, phản đối công nghệ này một cách gay gắt hơn. Lưu ý là sự thay đổi này không phải do nội dung bài báo gây ra, vì nó không xảy ra ở nhóm thứ nhất. Nó được kích hoạt bởi những bình luận thô thiển.86 “Chỉ cần thêm vào một bình luận tấn công cá nhân đã đủ để những người tham gia thí nghiệm cho rằng mặt tiêu cực của công nghệ lớn hơn rất nhiều so với trước đó,” các tác giả viết trên New York Times.87 Ai cũng thích nghĩ rằng quan điểm của mình về một vấn đề nào đó, từ chính sách bảo hiểm xã hội tới án tử hình, từ hôn nhân đồng giới tới hợp pháp hóa mại dâm, từ cấm xe máy tới học chữ Hán trong trường phổ thông, được xây dựng dựa trên chứng cứ khách quan, logic, lý luận chặt chẽ. Khó mà ngờ được là quan điểm của ta được định hình một phần bởi ta va chạm với sự lăng mạ khi ta đọc tin tức trên mạng. Trớ trêu là chỉ một thập kỷ trước, người ta tin tưởng rằng một trong những ưu thế của báo mạng mà báo in và ti vi không thể có được là sự tham gia của bạn đọc vào cuộc thảo luận, tạo ra một không khí thực sự dân chủ, trong đó bạn đọc được lên tiếng chứ không chỉ là người tiêu thụ thông tin thụ động. Năm 2008, trong một bài báo mang tên “Cuộc cách mạng của giai cấp bình luận online”, nhà phân tích chính trị Peter Daou ca ngợi: “Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta nói to ra điều mình nghĩ, không bị kiểm soát bởi các kẻ canh cửa của truyền thông đại chúng. Chưa bao giờ diễn ngôn toàn cầu lại dễ tiếp cận và bền vững như thế này.”88 Năm 2009, biên tập viên của báo Washington Post phụ trách mục bình luận của bạn đọc tự hào là mục này nhắc nhở các nhà báo rằng “bạn đọc không phải lúc nào cũng đồng ý về việc điều gì là quan trọng”.89 Năm 2010, https://thuviensach.vn Georgina Henry, một biên tập viên của The Guardian, một tờ báo lớn của Anh, nhận xét: “Với tôi, báo chí mà thiếu phản hồi, sự tham gia, tranh luận và ý kiến của bạn đọc ở phần cuối bài thì không còn đầy đủ nữa.”90 Ngày nay, các báo lớn nhỏ phải bỏ ra một nguồn lực đáng kể cho việc lọc, chặn và xóa các bình luận trên mạng mang tính quấy rối, lăng mạ, hăm dọa, tấn công cá nhân, phân biệt chủng tộc và kỳ thị. The Guardian phải xử lý từ 50 nghìn tới 70 nghìn bình luận mỗi ngày. Cuối năm 2014, trang công nghệ WIRED ước tính toàn cầu các công ty tin học phải dùng tới hơn một trăm nghìn nhân lực để xử lý các nội dung vi phạm trên mạng (ảnh bộ phận sinh dục, video sex với trẻ em, clip chặt đầu hay hành hạ động vật, các lời đe dọa giết, các mời chào làm tình), gấp 14 lần lượng nhân lực của Facebook.91 Quy trình xử lý thường được chia thành hai nấc, nấc cơ bản, dễ hơn, được đặt ở các nước đang phát triển và có nhân công rẻ hơn, như là Philippines. Nấc thứ hai cần hiểu biết sâu hơn về văn hóa và xã hội để có thể đánh giá một bức ảnh hay một post có vi phạm hay không, và được làm ở Mỹ. Phải xem những nội dung như vậy tám giờ một ngày, hết ngày này qua ngày khác tạo ra áp lực tâm lý khủng khiếp cho những người làm công việc này, và trung bình sau ba tới năm tháng người ta bắt đầu bị trầm cảm hay bất ổn tâm lý. Thật khó hình dung ra những tổn thất và chi phí con người để hằng ngày, hằng giờ đưa những nội dung đáng sợ ra khỏi Internet.Không chịu đựng được sự độc hại và không thấy việc bỏ ra nguồn lực để giữ các diễn đàn trong sạch là có ý nghĩa nữa, nhiều báo đã đóng phần bình luận. Popular Science là một trong những báo đầu tiên làm việc này, vào cuối năm 2013, với lý do các bình luận méo mó có thể làm ảnh hưởng tới cái nhìn của bạn đọc với khoa học. Đây là một quyết định khó khăn và gây sốc toàn cầu vào thời điểm đó, đặc biệt vì nó tới từ một tờ báo khoa học thường thức. Là một phần của một tạp chí khoa học và công nghệ với lịch sử 140 năm, chúng tôi cam kết truyền bá tri thức khoa học và xây dựng một văn hóa tranh luận sống động và trí thức.” Ban biên tập trần tình. “Nhưng các du côn https://thuviensach.vn trên mạng không cho phép chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ này.”92 Họ bổ sung: “Chỉ một nhóm nhỏ đã có thể nắm quyền lực tới mức họ làm biến dạng cái nhìn của bạn đọc về một tin khoa học.”93 Năm sau, Chicago Sun-Times noi theo, vì “chất lượng và cung cách phát ngôn” của các bình luận. Cuối năm 2014 có vẻ như là thời điểm nhiều báo đồng loạt tuyên bố thua cuộc: Reuters, Recode, The Week, CNN với phần lớn nội dung, rồi The Verge, WIRED, The Daily Dot, Bloomberg94. Danh sách ngày càng dài và không chỉ ở Mỹ. Cuối 2015, hai trang thời sự lớn nhất Nam Phi, 24News và IOL, cũng đầu hàng.95 Trước đó vài tháng, BBC đặt câu hỏi liệu chúng ta đang chứng kiến thời điểm bắt đầu của cái chết của bình luận online, rằng đó có còn là những cộng đồng mạng nhiều sức sống hay thực ra là những bể phốt chứa sự xỉ vả.96 Cá biệt, có trang đi con đường mới, khiến người ta không biết nên cười hay nên khóc: tạp chí Tablet cho bạn đọc truy cập miễn phí nội dung, nhưng lại phải trả tiền để có thể bình luận. 2 đô la cho 24 giờ, 18 đô la cho một tháng và 180 đô la cho cả năm.97 Nhiều diễn đàn bắt đầu học tập theo với sự lạc quan khiên cưỡng. Nhưng không thể phủ nhận không khí buồn bã và vỡ mộng. Một giấc mơ đẹp về bình đẳng, dân chủ, về trải nghiệm cộng đồng của báo mạng mà báo in không thể có được, đã tan vỡ. Sự thô lỗ không chỉ giới hạn tác động của nó ở phần bình luận của bạn đọc, mà còn tới bản thân các tác giả. Một cuộc khảo sát ẩn danh với các tác giả viết cho tạp chí Time cho thấy 80% tránh tranh luận về một đề tài nhất định vì họ ngại những phản ứng trên mạng. Gần một nửa các tác giả nữ đã từng tính tới chuyện nghỉ việc vì sự căm ghét online mà họ đã gặp phải.98 Trên tờ WIRED, nổi tiếng với các phân tích về tác động của công nghệ tới văn hóa, chính trị và xã hội, tác giả Laura Hudson tóm tắt lại: “Lúc tốt nhất, mạng xã hội đem lại tiêng nói cho những người yếm thế, cho phép họ đi qua những kẻ canh cửa của quyền lực và đưa những bất công ra ngoài ánh sáng. Lúc tệ nhất, nó là vũ khí hủy https://thuviensach.vn diệt thanh danh hàng loạt, có khả năng khuếch đại những phỉ báng, bắt nạt, và sự ngu ngốc vô tình ở mức độ chưa từng có.”99 Sau khi phải ra một quyết định cực chẳng đã, chia bạn đọc ra làm hai “giai cấp”, những người được kiểm chứng là “đứng đắn” để có thể bình luận mà không bị kiểm duyệt, và những kẻ còn lại, trang tin Jezebel gửi tâm thư tới các du côn trên mạng: “Các anh đã gây ra bao nhiêu đau đầu, bao nhiêu phiền toái. Xin gửi tới các anh một lời chúc mừng miễn cưỡng: các anh đã cho chúng tôi một ví dụ đáng kinh ngạc là Internet có thể xấu xí một cách khủng khiếp như thế nào.”100 https://thuviensach.vn PHẦN 3 BẢY BƯỚC ĐI CỦA CĂM GHÉT Bảy bước đi của căm ghét 50 sắc thái của căm ghét Tàn nhẫn tới từ đâu: Khi cái thiện cuồng tín và cái tôi bị đe dọa https://thuviensach.vn BẢY BƯỚC ĐI CỦA CĂM GHÉT “Tôi hình dung rằng một trong những lý do để người ta cứ khư khư bám vào nỗi căm ghét của mình là họ cảm thấy rằng nếu họ dừng căm ghét, họ sẽ phải đối mặt với nỗi đau.” - James Baldwin “Căm ghét sẽ đơn giản hơn nhiều. Với ghét, tôi sẽ biết mình phải làm gì. Ghét rõ ràng, lạnh như kim loại, thẳng tay, không nao núng; không như tình yêu.” - Margaret Atwood Khi đặt bút xuống phác ra hình hài của cuốn sách này, tôi tự hỏi vì sao mình lại băn khoăn về câu chuyện của hai anh em có đại lý bán bia Tiến Dũng và Hồng Phương, những người rõ ràng rất khác với bạn bè của tôi? Vì sao tôi không đưa được các bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý ra khỏi đầu, mặc dù họ đã ngồi tù từ hai năm nay? Tại sao, khi mà câu chuyện của những người này dường như xảy ra ở một nơi xa xôi, tôi và họ quá khác nhau, chúng tôi ở trong những thế giới không liên quan gì tới nhau. Nhưng một hôm, trong khi đọc lại những bài báo tôi thu thập được, bỗng nhiên tôi hiểu ra: mặc dù không muốn nhớ lại, tôi đã từng ở vị trí của họ. Tôi đã từng là họ, đã trải qua những gì họ trải qua, đã bị làm nhục công công như họ, tuy ở một mức độ khác. Tôi hiểu rằng với tôi cuốn sách này là một cố gắng cá nhân để lý giải. Lý giải hành vi và tâm lý của những người làm nhục, lý giải những cảm xúc mà người bị làm nhục trải qua. Lý giải sự độc ác trong xã hội. Đầu tháng 3 năm 2014 tôi trả lời phỏng vấn của một phóng viên báo Lao động. Trong một cà phê hơi lạnh và ồn ở Vạn Phúc, câu chuyện xoay quanh câu hỏi vì sao tôi lại chuyển về Việt Nam sống sau nhiều năm định cư yên ổn ở Áo, cái gì hấp dẫn tôi ở Việt Nam, quan điểm của tôi về xã hội phương Tây như thế nào và cái nhìn của tôi về khao khát hướng ngoại của người Việt ra sao. Tôi tâm sự rằng mình rời bỏ phương Tây vì sự máy móc và lạnh lùng của nó, rằng Việt Nam mặc dù bất an nhưng thú vị vì cái bất ngờ và khó đoán định trong cuộc sống ở đây, rằng tôi trở về vì có khả năng thử nghiệm bản thân ở nhiều lĩnh vực. Tôi cho rằng nhiều phụ huynh https://thuviensach.vn