🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thi Sĩ Tản Đà
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Mục Lục
THI SĨ TẢN ĐÀ
Tiểu sử Tản Đà
ĐỂ LÀM BÀI TỰA
Ông Nguyễn khắc-Hiếu ra đời!
Mộng và Mộng
Tình Cảm
Ngông
Một tín đồ của-chủ nghĩa khoái-lạc Văn-sĩ
Thi-sĩ
… Kiêm triết-học
Nhà Làm Báo
Một người có công với quốc-văn
Thế là tan một giấc mộng
https://thuviensach.vn
THI SĨ TẢN ĐÀ
Tác giả: Lê Thanh
Nghiên cứu & Phê bình: Trần Huệ Phong
Tản Đà Thư Cục 1939
Nguồn: Tve-4U.org
Đánh máy: quyche
Trình bày & Hiệu đính: VC
Tạo bìa: inno14 - Tạo ebook: tna
https://thuviensach.vn
Tiểu sử Tản Đà
Ông Tản-Đà sinh ngày 29 tháng tư năm Thành-thái nguyên-niên (1888), quán làng Khê-Thượng, huyện Bất-Bạt, Sơn-Tây. Ông là con cụ Nguyễn danh-Kế.
Ông vốn giòng giõi quyền-quí, tổ-tiên xưa đã làm quan dưới triều Lê. Đến khi nhà Lê suy nhà Nguyễn lên ngôi trị-vì các ngài đã thề với nhau rằng sẽ không bao giờ ra làm quan nữa. Nhưng đến đời thân-sinh của ông, cụ Nguyễn danh-Kế, sự bần hàn trong gia-đình đã bắt cụ ra thi chịu ấn phong của triều Nguyễn. Cụ giỏi chữ lại hay thơ, làm đến án-sát, đã giữ chức ngự-sự trong Kinh.
“Tục truyền văn án tiên-sinh dùng để gỡ tội cho bị-cáo-nhân bao giờ cũng đanh thép, nhiều lần vua Tự-Đức đã phải khen. Muốn chứng thực tài văn-án của tiên-sinh, tôi tưởng không gì bằng thuật lại ở đây một vụ truy tố ly-kỳ sẩy ra dưới triều Tự-Đức mà trong đó tiên-sinh đóng vai ngự-sử.
Nguyên hồi ấy trong cung vua Tự-Đức có nuôi một con hạc rất đẹp. Vua yêu nó lắm đã phong tước Vương cho nó. Ở cổ hạc lủng lẳng một cái bài ngà. Một buổi chiều kia, hạc ta ngất-nghểu ngao du ra ngoài cửa thành và bị cắn chết bởi một con chó của người chủ quán bán hàng cơm gần đấy; tức thời chủ quán bị bắt giam và truy-tố. Tiên-sinh ở địa vị ngự-sử, làm trạng-sư cãi cho bị-cáo-nhân. Bản cãi rất hùng hồn và nhiễm một cách trào phúng rất sâu-sắc. Trong đó có bốn câu dưới đây, lý thú nhất:
Hạc hữu kim bài
Khuyển bất thực tự
Xúc vật tương thương
Hà phương nhân sự.
• Dịch nghĩa: Con hạc có đeo kim bài thật nhưng con chó không biết chữ. Đó là việc loài vật hại lẫn nhau. Việc chi đến người bị tội.”
https://thuviensach.vn
Vua Tự-Đức mến phục tài tiên-sinh liền truyền tha bổng người chủ quán”[1].
NHỚ BẠN
Ai lên Bất-bạt nhắn nhe cùng
Nhắn hỏi ai rằng : có nhớ không
Nửa bước xa-xa bằng mấy dậm
Một ngày đằng đẵng ví ba đông
Giọng thơ tri-kỷ say mê mệt
Ngọn lửa trứng tri đốt cháy nồng
Khắc khoải năm canh lòng luống những
Thơ tình mơ mở lại phung phung.
Trên đây là một bài thơ xướng-họa ấy.
Theo quan-niệm của chúng ta, thì thơ không được xuất-sắc lắm nhưng, với cái thi tài của Nguyễn danh-Kế tiên-sinh, nó cũng đủ chứng thực một di-truyền trong cái nghiệp “ngâm vịnh” của thi-sĩ Tản-Đà.
Thuở nhỏ, cậu ấm Nguyễn khắc-Hiếu cũng như các con quan khác, đúc chuốt ở cái khuôn học vấn Khổng-Mạnh.
Lên năm tuổi ở Nam-Định học vỡ lòng chữ Hán, cậu ấm, học Tam-tự kinh, Ấu-học-ngôn-ngữ-thi. Cái mộng thi đỗ lấy vợ đẹp, cậu ấm có từ bây giờ:
Hoa cù hồng phấn nữ
Tranh khán lục y lang.
Năm lên bảy, về Sơn-Tây. Trong ba bốn năm giời, cậu ấm dự bị để sau này giật giải tranh lèo cũng có mà dự bị để sau này có một cuộc đời lãng mạn giang-hồ cũng có. Thường ngày cùng trẻ con hàng xóm, cậu ấm tập hát chèo. Có lần cậu ấm đóng vài Từ-thức, mặc áo mà không mặc quần;
https://thuviensach.vn
đến lúc cởi áo cẩm-bào để tha cho người tiên-nữ thì cả chúng bạn cũng cười. (Giấc Mộng Lớn)
Từ năm 11 đến 18 tuổi, theo ông anh là Nguyễn tái-Tích, một người hay chữ; nay Sơn-tây mai Nam-định, Vĩnh-yên học, chuyên tâm về sự học khoa-cử.
Năm 19 tuổi, ông anh được về làm ở Hà-nội, cậu ấm cũng về Hà-nội học. Câu chuyện tình với cô hàng tạp-hóa ở Hàng-Bồ bắt đầu từ đấy. Năm sau cậu ấm đi thi trường Nam mong đem cái cử-nhân về làm lễ vật vấn-danh với người mộng-tưởng. Nhưng hỏng trường Nam, trở về thì ý-trung-nhân đã sắp sửa bước lên chiếc xe song-mã để về làm dâu một nhà quan Huyện.
Tuyệt-vọng, cậu ấm ra đi, lang-thang lên đến Hòa-bình; bài thơ “gánh tình nặng lắm em ơi” làm vào hồi đó.
Ở Hòa-bình về Sơn-tây, cái buồn thêm vào cái buồn, cậu ấm gần như loạn trí, làm hịch đọc để đuổi đức Thánh-Tản khỏi núi Ba-Vì, ban ngày cầm quắm chém lung tung, ban đêm thắp nến ăn đầu heo… Tiếc rằng nhiều văn thơ làm vào hồi ấy, qua cơn khủng-hoảng về tinh-thần của thi-sĩ, không được in thành sách…
Sau hồi ấy, lại có truyện tế nàng Chiêu-Quân ở Non-tiên (có chép trong Giấc Mộng Lớn). Ở một ngôi chùa thờ tiên mà cậu ấm đem bày ra tế nàng Chiêu-Quân, mới nghe ta tưởng không hợp lý; nhưng không, đó chỉ là một việc có liên-can đến mối tình dang-dở. Nàng Chiêu-Quân xưa kia đi cống Hồ lấy phải người “man-phương”. Cô gái Hàng-Bồ là một người đẹp lấy phải một người không xứng đáng.
“Cô ơi cô đẹp nhất đời!”
Lời khóc Chiêu-Quân hay là lời khóc nàng tiên của thi-sĩ Nguyễn khắc-Hiếu!
https://thuviensach.vn
Khi còn là một học-sinh trường Qui-thức, ông Nguyễn khắc-Hiếu đã tỏ là một người thông-minh và có tài về văn chương. Hôm ấy trong lớp phải làm một bài luận về hiện-trạng của hai châu Âu-Á. Ông làm thành một bài văn với những lời lẽ rất sác-đáng. Ông nhận thấy bây giờ châu Á kém châu Âu; như vậy chỉ vì cái tinh thần của văn-minh cổ, nhưng nếu người châu Á sớm biết tỉnh-ngộ thì ngày sau có thể hơn người châu Âu. Ông kết
luận rằng sau này hay dở là ở thanh-niên chúng ta.
Bài văn ấy được nhất; sau này lại được một tờ báo ở Thương-Hải lục đăng, và những tờ như Đông-dương tạp-chí ở ta cũng không bỏ qua. Cũng vì đã được quốc dân để ý đến nên ông được một nhà đại tư-bản ở Nam-Định triệu về sưu-tập văn thơ cổ, dịch sách Tàu in thành sách. “Cái duyên báo-chí phát đoan từ đấy“.
Nhưng chẳng được bao lâu, ông lại theo mệnh-lệnh của gia-đình về Khê-thượng rồi Vĩnh-yên. Sang năm Duy-Tân thứ mười, ông anh hấp hối nhà thơ đa tình của ta, dầu mối tình ở Hàng-Bồ chưa quên hẳn cũng phải nhắm mắt lập gia-đình. Ông anh tạ thế.“ Cái cảnh bi-thương trong gia đình, hợp với cái cảnh ngộ bần hàng của thân-thế, khiến cho kẻ chán đời chẳng được lại phải tùy thế mà sinh nhai lối học đường ngang.” (Giấc Mộng Lớn)
Cái danh dự của ông đã làm cho nhiều người phải ghen ghét ông. Tuy vậy sự eo hẹp và cuộc đời vật-chất hợp với cái trí phiêu-lãng của ông không để cho ông ở một chỗ thực-hành cái chương-trình văn-chương của ông. Ông đi, đi để mà đi… vào Trung kỳ cùng một nhà tư-bản, và để lại trở về Khê-thượng. Tiểu thuyết Thề Non Nước viết vào hồi bấy giờ.
Đến năm 1921, ông đứng lên làm chủ bút tạp-chí Hữu-Thanh. Trước khi nhận cái chức-vụ ấy, ông diễn-thuyết ở hội-quán hội Trí-Tri Hà-nội về chủ-nghĩa chán đời. Ông được đồng-bào hoan nghênh lắm.
Làm chủ-bút Hữu-Thanh được sáu tháng, vẫn cái trí phiêu-lãng nó gọi ông đi, ông từ giã báo Hữu-Thanh:
Mới nửa năm giời báo Hữu thanh
https://thuviensach.vn
Biệt-ly lai láng xiết bao tình
Chút tình hữu ái không ly biệt
Tiếng gọi đàn xa núi Tản xanh.
Ra mở Tản-Đà như điếm, Tản-Đà thư-cục dịch Đại-Học, Kinh-Thi. Nhưng hình như hai chữ thất bại đã in rõ vào số mệnh của ông, thư điếm, thư-cục chẳng đứng được bao lâu.
Ông đứng xin xuất bản tạp-chí An-nam (1925-1926). Một ngọn cờ vàng, một số báo xuất-bản chẳng đem lại cho ông được cái gì khác là mấy vết nhăn trên trán, mấy mớ tóc bạc trên đầu và một món nợ to chẳng kém chồng báo ế.
Ông lại đi.
Tính từng độ đường, ông vào Nghệ-An, Hà-Tính, Huế, Nha-trang, Qui-nhơn, Bình-định:
Phân-vân xã hội gia-đình.
Hơi men nớp dạ, giọt tình thấm khăn.
Trở ra Bắc, nghĩ rằng :
Hơn mười năm bút sắt, bút lông, hao giấy mực chẳng ích gì, cho xã-hội.
Trải ba xứ, đường xe đường bể, chụi râu mày còn thẹn mãi với giang-sơn.
Thôi hãy đành tạm ly-dán với văn-chương, ông về Yên-lập. Vĩnh-yên ở một cái ấp. Với cái trí ngang tàng của ông, lại vào thời-kỳ loạn lạc, người ta không để cho ông làm chủ cái giang-sơn nhỏ ấy của ông.
Ông xuống Hải-phòng tìm kế sinh-nhai, lên Nam-định, Hà-nội tái bản An-nam tạp-chí.
https://thuviensach.vn
Vào Sài-gòn ra Bắc…
Nhưng mỗi lần ra vật lộn là lại một lần thất bại, một lần nữa ra đi… Cách đây mấy năm, ông mới đem gia-đình về ở Khê-thượng, Sơn-tây, tính việc dịch văn cho mấy nhà xuất bản và in dần những văn thơ đã làm từ trước. Nhưng công việc chẳng ra sao, ông ra Quảng Yên, cuộc đời của ông cũng không hơn trước; ông phải về ở Hà-Đông, để tiện việc giao dịch với các báo, trở lại làm ăn bằng cán bút. Ông dịch thơ cổ, Liêu Trai Chí Dị, chú-thích quyển Vương-Thúy-Kiều.
Cái đời lãng-sĩ của thi-nhân đến đây là hết. Ông đã từ trần ngày mồng bảy tháng sáu năm 1939 tại Ngã-Tư-Sở, Hà-Đông.
https://thuviensach.vn
ĐỂ LÀM BÀI TỰA
Bao giờ tôi quên được cái buổi gặp-gỡ cuối cùng của tôi và ông bạn Thiếu-Sơn với thi-sĩ Tản-Đà.
Hôm ấy vào trung tuần tháng Avil năm 1939. Ông bạn Thiếu-Sơn ở trong Nam ra Bắc có việc nhà, đến chơi tôi rồi rủ tôi đi thăm ông Nguyễn khắc-Hiếu, hồi đó đang sống những ngày tàn của một thi-sĩ bị đời quên, ở dưới xóm Bạch-Mai bằng cái nghề đoán vận-mệnh cho người.
Chúng tôi xuống tới nơi, gõ cửa đến một khắc đồng hồ, chẳng thấy một ai thưa, vẫn tưởng giờ này, ông còn ngủ. Hồi lâu mới có một đồng-bào của Tôn-Trung-Sơn hé cửa ra. Thì ra căn nhà của ông trên tường còn hai chữ “TẢN-ĐÀ” kẻ dở hơi đã bị những ông Tàu lánh nạn chiếm mất và nhà thi-sĩ thân yêu của ta đã bị nạn chiến-tranh Trung-Nhật đuổi xuống tận Ngã-tư-Sở được mấy hôm nay rồi.
Chúng tôi lại tìm xuống chỗ ở mới của ông. Ông vui-vẻ tiếp chúng tôi theo thói quen nhưng vẫn còn khách-sáo mà xin lỗi về sự nhà cửa mới dọn còn luộm-thuộm.
Trong cuộc đàm-đạo, ông vẫn tỏ ra một người vui đời, ham sống, thích làm việc, thế mà hơn một tháng sau, ông đã là người thiên-cổ! “Tôi chẳng còn sống được bao nhiêu nữa, nên bây giờ tôi muốn làm gấp. Thơ văn của tôi rải-rác các nơi còn nhiều, giờ tôi muốn sưu tập lại rồi đem xuất-bản. Tôi có ngỏ ý với các ông ở báo “Ngày nay”, nhưng các ông ấy muốn đem thơ văn của tôi in thành những sách đẹp đắt tiền để người ta bầy làm đồ chơi trong các tủ sách. Cái đó tôi không thích vì tôi muốn thơ văn của tôi được phổ-thông trong đám bình-dân. Sách của tôi sẽ bán rất rẻ cho những ông hàng xén để các ông này đem bán rong phố hay ở các chợ quê như những chuyện Kiều, Nhị-độ-Mai, Phạm-Công Cúc-Hoa, Trê-Cóc chẳng hạn, thế thì mới có ích cho đồng bào chứ. Tôi còn một bồ thơ văn ở trong kia. Chẳng cần nhiều, dá bây giờ tôi chỉ có độ hai trăm bạc thì tháng
https://thuviensach.vn
nào tôi cũng có sách xuất bản. Biết đâu rằng công việc này chẳng làm cho tôi một ngày kia cũng mặc âu-phục như các ông, và cái mộng đi tầu bay lên Bắc-băng-dương chẳng thành ra thực.”
Nói đoạn ông cười ròn-rã rồi vào buồng trong xách ra một cái bồ chứa đầy những cuộn giấy cũ nát vàng khè:
“Đây thuần là những thơ văn chưa hề đăng báo hay in ra sách, xuất bản được hết kể cũng còn chán.”
Thì ra trong khi quên đời mình, nhà thi-sĩ đã rút hết ruột tằm ra để ru đời, vẫn muốn làm ích cho đời. Cao-thượng thay, tấm lòng thủy-chung ấy! Song còn một tấm lòng hào-hiệp cũng giúp vào sự lôi kéo thi-sĩ Tản Đà ra ngoài cái “bể quên” ấy là ông Lê Thanh, tác giả cuốn sách nhỏ mọn này.
Ông Lê thanh không đành tâm để thi-sĩ kéo dài cái mẩu đời vô-vị ở giữa làn không-khí lãnh-đạm của người đời. Ông muốn người ta nhớ đến thi-sĩ, gọi là đem lại một chút an-ủi cho kẻ đã bao năm làm rung động tơ lòng ta. Ông muốn nhắc lại cái công của ông Nguyễn-khắc-Hiếu làm văn viết báo đối với tiền-đồ quốc-văn.
Ngay từ hồi báo “Tin Văn” của tôi còn xuất bản, ông đã làm việc ấy trong thiên khảo cứu “Sóng rợn sông Đà”. Đầu năm nay ông đã định xuất bản những bài báo đó để gọi là giúp thêm chút đỉnh vào sự sống eo-hẹp của Tản-Đà tiên-sinh, hồi ấy phải dạy Hán văn và quốc-văn bằng cách hàm thụ mà chẳng được các ông học-trò trả học-phí nên lại phải kiêm thêm cả nghề thầy số nữa.
Tiếc thay, công việc chưa xong thì nhà thi-sĩ của ta đã qua đời! Nay ông lại để cho Tản-Đà thư-cục làm tiếp việc ấy.
Trong bài tựa trước, tôi có viết “… Nhưng than ôi! Tiếng đàn vừa rứt dư âm, trái tim người ta vừa thôi hồi-hộp, ấy là người ta đã quên ngay nhà nghệ-sĩ mất rồi! Thói đời như vậy. Biết bao nhiêu văn-sĩ, nghệ-sĩ, thi-sĩ đã nhắm mắt trong cảnh khốn cùng, trước sự thờ-ơ của người đời, để mãi mấy trăm năm sau mới có người nhắc đến!” Thế mà nay ông Tản-Đà lìa bỏ
https://thuviensach.vn
chúng ta chửa bao lâu, cuốn sách này đã ra đời để đánh dấu lấy cái bước đã qua của ông trên đường văn-học và để gợi mãi mãi trong trí nhớ của người đời cái bóng của một con họa-mi vừa lướt qua, sau khi đã kêu hót đến rã rời, thì tác-giả thiên khảo cứu này lại thêm có chút công với nền quốc văn hiện lúc này đang ở trong một cơn khủng-hoảng đáng sợ.
Tập “Thi sĩ Tản-Đà” này, bởi sự nghiên-cứu có phương-pháp và sự phê-bình xác lý, sẽ đem lại cho người đọc một cái hứng thú vô song là mãi mãi sống với một Thi-sĩ Tản-Đà có trái tim bị phân tích. Đọc nó, ta sẽ hiểu Tản-Đà hơn, ta sẽ thấy yêu nhà thi-sĩ của ái-tình lý-tưởng, ta sẽ thấy mờ hết cái hình-ảnh xấu-xí của một Tản-Đà đã bị đem ra chế-diễu trên những tờ báo khôi-hài.
Hanoi, ngày 4 Aout 1939
THÁI-PHỈ
https://thuviensach.vn
Ông Nguyễn khắc-Hiếu ra đời!
Đầu thế-kỷ thứ hai mươi, cái cảnh xã-hội ta là cảnh một xã-hội đang đổ nát trong bầu không khí một chiều thu. Nước ta vốn một nước trọng văn-học. Thi đỗ làm quan là nguyện-vọng chung của mọi người cắp sách đi học. Thế mà bao nhiêu người thông minh anh-tuấn xây cái hi vọng kia trong mười lăm, hai mươi năm trời, nay hi vọng chưa đạt hẳn, bỗng nhà nước bãi khoa cử bằng chữ nho; tiếp đấy những người đỗ đạt cũng “nằm co” ở nhà.
Giữa trận phong ba ấy họ theo cũ, cũ không hợp thời nữa; theo mới, mình không phải là người theo mới được; cái dư-luận nghiêm khắc kia bao giờ cũng chực sẵn để mỉa mai những kẻ “quên đạo” theo cái nghiệp “thầy ký” “cậu bồi”. Thôi đành ôm cái mớ học thức thu lượm trong mười năm hai mươi năm, ở nhà làm một ký-sinh-trùng, trong gia-đình, xã-hội. Họ đành nằm ở nhà uống rượu ngâm thơ để quên những nỗi buồn rầu đau khổ, sống cho qua những ngày vô vị, khỏi phải để ý đến những cuộc tang thương.
Một hạng đàn em, tuy đã có nếm qua mùi khoa cử, nhưng nho học chưa thâm tuổi vẫn còn ít, có thể học chữ Pháp trong ít lâu rồi vào làm trong một công sở. Họ tuy được hưởng một cuộc đời khá đầy đủ về vật chất, được “Tối rượu sâm-banh sáng sữa bò” nhưng họ vẫn tưởng đến quãng đời mà họ đã qua; họ trông thấy những cuộc cái cách đột ngột trong chính-giới, trong xã-hội, họ bùi ngùi. Sự thay đổi dẫu rằng sự thay đổi ấy sẽ có kết quả tốt đẹp, cũng không khỏi đem đến cho người ta những nỗi buồn rầu.họ như loài cây mọc trên núi, quen với khí-hậu trên núi bị đánh xuống giồng dưới đồng bằng vậy.
Còn hậu sinh chúng ta được hấp thụ ngay văn-minh âu-tây, được học ngay chữ Pháp chúng ta không phải sống vào buổi giao thời. Chúng ta có thể tự lấy làm sung sướng hơn phụ-huynh chúng ta; chúng ta có thể có một cuộc đời hoàn toàn mới. Nhưng khốn nỗi, nếu chúng ta không học sách nho, chúng ta lại phải tiếp súc với đồ-đệ của nho giáo. Mỗi ngày chúng ta
https://thuviensach.vn
mục-kích biết bao nhiêu cuộc sung đột của cái mới mà ta vừa hấp thụ được và cái cũ còn lại. Chính cái cảnh ngộ của người thất vọng, những cuộc sung đột ấy đã gây nên cho gia-đình và xã-hội ta một bầu không khí nặng nề chán nản.
Trong bầu không khí ấy, người ta chỉ sống cho qua ngày tháng. Người ta bắt đầu không thích những ý tưởng khô khan của luân-lý cũ, người ta không cần để ý đến đời vật chất, và không cần săn sóc đến đời tinh-thần của mình.
Một đời tình cảm cẩu thả và hỗn độn. Con tâm thắng lẽ phải. Luân lý tính cảm thắng luân-lý nghĩa-vụ.
Người ta đọc sách không phải để học kinh luân mà để chiều một vài xu-hướng. Những ý tưởng trong sách Pháp về thế-kỷ thứ mười chín lúc bấy giờ mới tự do chiếm lấy những không khí dễ thở hơn. Trào lưu lãng-mạn lan mãi ra. Cái bệnh khủng-hoảng về tinh thần không còn có cơ hội nào hơn để phát ra nữa.
Người ta không thích suy-nghĩ, chỉ thích mê man trong đời tình-cảm. Người ta mong đợi một người có thể tả được những nỗi chán nản, những điều ước vọng của mình, có thể ru được mình trong giấc mộng triền miên.
Thi-sĩ Nguyễn khắc-Hiếu ra đời!
Thi-sĩ ra đời giữa sự mong đợi của cả một thế-hệ.
Những bản đàn lòng du dương như “Khối tình” được đặc biệt hoan nghênh. Trước cái thiên-hạ sống vì tình cảm ấy, ông là người có cuộc đời thích hợp với những tư tưởng mới, cuộc đời họ đang mơ ước.
Ông là một nhà văn lãng-mạn. Sớm ông đã mắc cái thời-bệnh mà hầu hết các văn-gia ở Âu-châu về thế kỷ thứ mười chín không tránh được. Ông chán đời, ông muốn mê man chán đời.
Ngày như đêm, ông vẩn vơ, chẳng có ý định gì chắc chắn, chẳng có ý tưởng gì sáng suốt “bụng không biết no, không biết đói, người không biết
https://thuviensach.vn
vui, không biết buồn”. Ông dùng những ngày dài dằng-dặc, phẳng lì-lì của ông để làm những việc không đáng làm nghĩ những việc không đáng nghĩ. Ông mơ mộng.
Nếu chàng René vẩn vơ ngồi nhìn chiếc lá khô bay trước mặt, ngọn rêu xanh rung rinh trước gió, hoặc ngồi tần ngần để ý đến những lá liễu trôi dưới nước thì thi-sĩ Tản-Đà cũng “đem chõng ra nằm dưới cây ngọc-lan, nghe những con chim kêu trên cành cây hoặc là xem những đám mây đi trên trời, con chim bay trên không, xem kết cục đến đâu là hết (Giấc Mộng Lớn), hoặc tìm một nơi tĩnh mịch ngồi tư lự:
Chiều qua khách chơi về đã vãn.
Gốc cây thơ thẩn một mình ngồi.
Cây xanh nước biếc hồng tung bụi.
(K.T.C. II)
Sầu là cái bệnh của ông. Lúc nào ông cũng sầu, một việc không vào đâu cũng làm ông sầu: “Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, giăng trong gió mát mà sầu; một mình tịch-mịch mà sầu, đông người cười nói mà sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu.” (Giải sầu)
Nhiều khi cái sầu không theo dõi ông mà chính ông tìm đến nó. Ông thích buồn; những lúc buồn ông cảm thấy một sự êm đềm man mác nó ru ông, nó đưa ông đến những thế-giới xa lạ.
Ông lại cho rằng: “Ở đời chỉ những sự buồn mới là thật, còn những chuyện vui phần nhiều là giả dối cả” (Trần ai tri kỷ) và “bao nhiêu sự phiền não đều để cho ta luyện trong bụng, cái đó tức là một cái nhà học Giời cho tự nhiên (Giải sầu). Như vậy sầu là một cái thú, lại là một cái hay thì việc gì lại không tìm đến nó, giữ lấy nó và giải nó đi chẳng phải là dại hay sao?
Nhưng đây ta nên hiểu câu trên này là ông viết khi đã quên được cái buồn, hoặc viết vào thời kỳ đang vơ vẩn buồn mà thôi. Có lúc ông muốn
https://thuviensach.vn
giết cái buồn ấy đi, mà cái buồn vẫn không chịu thua ông, cứ lôi cuốn ông đi. Ông không phải như Tú-Xương, hễ buồn thì xuống Hàng-Thao để mua vui. Ở xóm bình-khang ông còn có câu:
Đời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.
Cái sầu của ông không dễ mà giải được.
Đôi lúc ông liên-miên nghĩ ngợi, một chuyện con con lọt vào trí ông, những tư tưởng của ông nhuộm chuyện ấy một màu ảm-đạm. Rồi ông buồn.
Lại có khi trầm ngâm; không có chuyện gì làm cho ông buồn mà ông cũng buồn; ông tự nghĩ trơ trơ giữa một bể người, cảnh vật, không biết đưa mắt vào đâu; ông tìm đến cái chết : “Cái bụng chán đời đến cực điểm, quyết mong tịch cốc để từ trần. Tiếc không nhớ bắt đầu từ ngày nào, thôi sự ăn cơm, chỉ khát chịu không được còn phải uống nước.” (Giấc Mộng Lớn).
Ông Nguyễn khắc-Hiếu đã sáng tạo ra một cách lãng-mạn. Tâm tính của người ta có thể do sự học và ảnh hưởng của người đồng thời đào tạo. Như tính lãng-mạn của ông Tản-Đà thì thật không phải vì sự học hay ảnh hưởng của người đồng thời đào tạo nên.
Những sách Tàu mà ông bó buộc phải học tự khi lên năm tuổi, những ý tưởng nghiêm khắc về Khổng-giáo không có thể làm cho mầm lãng-mạn của ông nảy nở, ông cũng như hầu hết các nhà nho, học để đi thi, thì còn có thì giờ đâu mà đọc và nghiên-cứu những sách ngoài sách học.
Hoặc bảo, ông cũng có đọc những bản dịch những sách Âu-tây như sách của Stuard Mill, Rousseau, Montesquieu nhưng những sách ấy ông chỉ đọc khi đã bỏ khoa cử, và lúc bấy giờ những tư tưởng lãng-mạn đã in sâu vào tâm hồn ông rồi.
Ông cũng không chịu ảnh hưởng của tiền nhân và người đồng thời. Sự chơi của ông Tô Đông-Pha trên sông Xích-Bích, của ông Nguyễn công Trứ
https://thuviensach.vn
trong rừng thông chỉ do ở tình lãng-mạn sáng suốt thôi. Lãng-mạn như vậy ông cho là chưa đủ. Ông cần tự vạch lấy một cách lãng-mạn hợp với lý tưởng của ông hơn.
Những “lúc bóng tà dương một mình trên con đường đê cao, bên nọ sông Đà, bên kia núi Tản” ông bị cảnh nó lôi cuốn ông, nó làm cho ông phải tan hòa với nó.
Ông sống ở một nơi tịch mịch “bốn bề phong cảnh, gió mát trăng treo, rừng reo suối chảy”. Ông thích sống vì tưởng tượng, ông tạo ra những cảnh tuyệt đẹp, thế mà ông bị giam hãm vào những cảnh trật hẹp buồn tẻ, hoặc bó buộc phải sống với sự thật ở đời; ông muốn bay theo mây gió để đi tìm một cuộc đời khác ở nơi mịt mù xa tắp:
“Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong”
Ông muốn:
“Làm đôi chim nhạn tung giời mà bay,
Tuyệt mù bể nước non mây…”
Hoặc: “Đôi lúc sông Đà mùa nước, nước rộng mênh mông gió cuốn mặt sông, sóng nhô giòng nước, cái cảm tình phấn khích lại cũng theo với những sóng gió, nước mà tưởng như phá lãng thừa phong.” Nhưng:
Ông lãng-mạn, ông phải đem cái bản-ngã của ông ra mà hiến thiên hạ. Ông muốn diễn những tư tưởng lãng-mạn của ông, ông phải dùng một thứ văn xuôi dịu dàng, bóng bẩy, hoặc vận văn.
Khó cho ông lắm!
Ông sinh trưởng vào hồi mà ảnh hưởng của văn-hóa âu-tây ở xứ ta chưa rõ rệt cho lắm, lúc bấy giờ mỗi người còn như đang sống vào thời cổ điển, còn khư khư giữ lấy những ý tưởng nghiêm khắc, cho cái ta là đáng
https://thuviensach.vn
ghét”: Một người nói đến cái bản ngã của mình là một người tự đắc bất lịch sự.
Khi ông Nguyễn khắc-Hiếu xuất-bản tập “Giấc Mộng Con”, ông Phạm-Quỳnh phê-bình:
“Người ta, phi người cuồng, không ai trần chuồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem cái thân thế mình mà làm chuyện cho người đời xem.”
Ông làm thơ nôm giữa lúc người ta cho rằng “Vận văn chỉ là cái đồ thích tính đào tình, tiêu khiển trong lúc trà-dư tửu-hậu “ hay là: “Tiểu-thuyết-ký-sự, luận thuyết, diễn thuyết là những văn chương hữu dụng, còn thơ phú, ca dao, có vần có điệu chỉ dùng để ngâm nga, không suy ra sự thực… những lối ngâm hoa vịnh nguyệt dù hay cho quỷ khóc thần kinh cũng không đáng giá một đồng tiền kẽm”. ( Nguyễn-bá-Trác) Giữa lúc ai ai cũng sốt sắng nâng cao trình độ quốc-văn, hấp thụ lấy văn mình âu-tây, ông sống biệt một nơi để phụng sự những ý tưởng lãng mạn của ông. Ông mang tiếng là một người “ngồi không ăn dưng”. Thời gian qua, người ta bắt đầu hiểu ông ca tụng ông và chịu ảnh hưởng của ông.
https://thuviensach.vn
Mộng và Mộng
Ông Nguyễn khắc-Hiếu nói: “Mộng là mộng, đời người cũng là mộng, mộng là cái mộng con, đời là cái mộng lớn chỉ khác nhau vì giài ngắn lớn nhỏ mà thôi”.
Cái quan-niệm về đời người ấy không phải ông Hiếu đã có đầu tiên; từ hai ba mươi thế kỷ, người ta đã lẩm bẩm “đời là giấc mộng”, người ta đã không tin ở phần vật chất của đời.
Nhưng trái hẳn với tiền-nhân, ông Nguyễn khắc-Hiếu không đem cái quan-niệm ấy ra làm một quan-niệm triết-lý, một lý-thuyết hẳn. Ông là một nhà ngụy-thuyết (un sophis-te). Khi ông nói đời là một giấc mộng, ông còn nhìn thấy mảnh giấy, cán bút, ông còn đang nghĩ một cách thông suốt, ông không phải ở trong một cõi mộng. Ông biết thế nhưng ông cũng cố tưởng rằng ông đang ở trong mộng ông muốn đánh lừa trí tưởng tượng của ông rồi, ông mới đếm cái quan-niệm kia ra để phụng sự một vài trí hướng của ông.
Ông mộng. Đời ông là một giấc mộng lớn, trong giấc mộng lớn ông lại có những giấc mộng con, có giấc mộng con thứ nhất rồi lại giấc mộng con thứ hai, rồi lại giấc mộng con thứ ba, ông mộng rồi ông lại mộng, ông chỉ sống vì mộng mà thôi.
Vì thế mỗi khi đọc ông, người ta tưởng tượng ngay một người nét mặt hàng giờ không thay đổi, trí “tiêu dao những chốn mộng ảo bất kinh”. Ta có thể tìm được những cớ nó đem ông vào “cõi hư tưởng” như ông Phạm-Quỳnh đã nói.
Theo ông thì “đời là một chỗ bắt người ta phải ở”. Sống riêng với cái đời vật chất, người ta chỉ thấy những cái nhỏ nhen đáng chán. Sống như vậy thì còn ý-vị gì nữa.Muốn tìm thấy ý-vị người ta phải thoát-ly cái đời vô vị ấy, người ta phải vượt khỏi cái đời bao la, tuy thân ta vẫn phải nhẫn nại ngồi trong ấy. Ta chỉ cần rời hẳn cái đời mà ta đang sống mà thôi. Tìm một
https://thuviensach.vn
thế giới khác đó là một sự nhu-cầu của một linh hồn đã chán cái đời hiện tại.
Nhưng nếu một lần ông đã xa hẳn cái thế giới ta đang sống, ông lại sống vào những cảnh đáng buồn thứ hai, thứ ba nữa… Không, khi ông mộng, ông được sống những cuộc đời mới mẻ đẹp đẽ, tự ông vẽ ra theo trí tưởng tượng của ông. Chính trong những cuộc đời ấy, ông mới có thể có được “cái tự do trong sạch, cái độc lập thanh nhàn” mà từ trước đến nay óc lãng-mạn của ông vẫn ao ước. Chính trong những lúc ông ngao du như vậy, ông mới có thể thấy những “cảnh bao la bát ngát” mà trí tưởng tượng của ông vẫn khát khao, nào núi tuyết, nào rừng băng, nào sông Ngân-Hà, nào bể Nam-Minh. Lại trong mộng ông mới có thể gặp được những người lý tưởng.
Ông cho tình ở hạ giới là hèn ông tự vẽ ra một người vừa đẹp, vừa giỏi văn-chương. Rồi ông cũng bắt tình với người ấy, ông cũng thư từ thăm hỏi, ông cũng biệt cũng ly, ông cũng cùng tình nhân ngao du trên mặt sông: “Một giải nước trong không đáy, hai thuyền con nhè nhẹ cùng bơi; ra đến giữa dòng sông thật là “thu thủy trường thiên nhất sắc”, khi đó gác rầm cùng buông thuyền cho trôi xuôi”.
Nhưng cái động-lực nó bắt ông mộng mị luôn có lẽ là tính ngông của ông. Cái gì thuộc của ông là ông muốn cho khác đời, cái tình của ông cũng lạ; văn-chương thi-ca của ông, ông cũng muốn nó là văn-chương độc nhất; thi tứ của ông, cũng muốn từ xưa đến nay chưa từng có. Ông dùng cái mộng của ông để cho đời biết rằng văn của ông là “văn có số hạn”, từ xưa đến nay từ nay về sau chắc không ai bằng, ý ông nghĩ là những ý tưởng ly kỳ người tri thức tầm thường không thể thấu được”; những văn ấy có trời hiểu và trời đã phê-bình một cách xác đáng:
“Giời lại phê cho: văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
https://thuviensach.vn
Khi văn hùng mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng! tinh như sương
Dầm như mưa sa! Lạnh như tuyết”.
Những văn thơ của ông không thể bán ở trần gian, đã mấy lần ông đem nó lên tận chợ giời để bán.
Về phương diện tư-tưởng, cái quan-niệm về đời thường của ông Tản Đà thật đáng trách. Ông là người có thiên tài, lúc nào ông cũng có cái mộng làm một nhà văn-học kiêm triết-học, ông lại có những tư tưởng ly-kỳ ấy được. Ông là người lúc nào cũng toan ghé vai vác quả địa cầu thế mà vì chán đời ngồi rồi mơ tưởng đến những sự không có, để mất thì giờ. Ông viết:
“Nhân hồi trong từ nửa đêm nay thuộc năm Quí-dậu trở về trước, giấc mộng con là mộng, giấc mộng lớn cũng là mộng. Duyên trái Hà-Thành, thì bay Nam-Định đã là mộng, chủ bút báo Hữu-Thanh, chủ sự báo An-nam chẳng qua cũng là mộng. Diễn thuyết Tri-tri giảng học Hồng-bàng đã là mộng; thư điếm phố Hà-nội, biệt thự Vĩnh-yên chẳng qua cũng là mộng. Nghĩ vậy thời lại thấy bao nhiêu năm trước Quí-dậu đó đều cũng chẳng có chi là giá trị mà cứ gì Quí-dậu một năm”. (Tản-Đà Xuân Sắc). Nếu như vậy không kể những năm đã qua, còn những năm sẽ tới ông còn coi nó ra gì, nghĩ mà tiếc cái tài của ông.
Khi quyến Giấc Mộng Con của ông xuất bản, ông Phạm-Quỳnh chủ nhiệm báo Nam-phong, có đứng về phương diện tư tưởng mà phê-bình một cách cay nghiệt ông, coi quan niệm của ông Tản-Đà là một quan niệm đứng đắn, một quan niệm triết lý, một lý thuyết và “lý thuyết ấy có nhiều người công nhận không, hay chỉ là sự mơ tưởng của một bọn chán đời, của mấy tay yêu quái trong làng văn”. Ông coi quyển Giấc Mộng Con là một tập văn nghị luận, vì thế ông HIếu nói chơi ông bắt buộc lời ông phải thật, rồi ông cứ đem những văn chơi ấy ra mà bẻ, bẻ một cách hóm hỉnh:
https://thuviensach.vn
“Ông đương ở Sài-Sơn, hốt nhiên thấy vào Sài-gòn, đương ở Sài-gòn hốt nhiên thấy sang Đại-Pháp, đang ở Đại-Pháp hốt nhiên thấy sang Mỹ châu, đang ở Mỹ-châu hốt nhiên thấy lên Bắc-Cực, đang ở Bắc-Cực thẳng tới bể Nam-Minh như chim bằng trong sách Trang-Tử. Vùn vụt lại vùn vụt, chẳng biết đầu đuôi duyên cớ làm sao. Nhưng lạ thay! Đã đi đến thế sao không quá bước lên cung mây hỏi thăm chú Cuội” (Nam-phong 1918).
Ông quên rằng những quyển Giấc-Mộng đều kê vào loại tiểu thuyết của ông Hiếu cả, có trách chỉ nên trách ông Hiếu đã tự đem ông ra làm vai chính trong tiểu thuyết của ông. Khi viết tiểu thuyết, ông lại quên rằng ông viết cho đồng-bào xem, ông cứ tự tiện tán tụng ông, khen ông, đặt ông lên trên mọi người.
Nay ta thử đứng riêng về phương diện văn chương mà xét mấy Giấc Mộng của ông.
Ta không nên tin ở cái đầu đề ông đã chọn, ông nói cuốn “Ba mươi bảy năm Nguyễn Khắc-Hiếu” của ông là Giấc Mộng Lớn, nhưng ta đọc Giấc Mộng Lớn ta không thấy gì là mộng cả. Nó không khác gì những tập ký ức, những pho tự thuật của các văn sĩ Âu tây. Nó là “một phiến ảnh của tác giả đưa cùng các bạn tương thân tương ái ở gần xa, có quen biết hay không quen biết”. Nó có thể gọi là tập ký ức viết bằng quốc văn thứ nhất của ta. Từ khi nó ra đời, người ta đã bắt đầu mạt sát nó, ngày nay người ta đem nó lên xe lửa bán giao, nhưng sau này nó sẽ rất có giá trị cho ai muốn khảo cứu về thân thế và văn chương của ông.
Còn mấy quyển Giấc Mộng Con chẳng qua chỉ là một phương tiện để cho cái tâm hồn thi sĩ của ông phát triển. Trong ba Giấc Mộng, cảnh và nhân vật đều có vẻ nên thơ. Những bức thư của tác giả, của những người trong mộng như Chu Kiều Oanh đều đầy một thứ tình êm đềm và ý vị. Những bài thơ làm trong khi ông mộng hoặc khi ông đã tỉnh mộng đều là những áng thơ tuyệt tác. Ta hãy giở trong tập thơ của ta từ mấy trăm năm nay, ta tìm thế nào cho thấy những bài thơ như bài:
“Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
https://thuviensach.vn
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi,
Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu dễ chán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu
Nào khi canh điệp bốn phương giời
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cứ mê đường biết hỏi ai”.
Để mà kết, ta không nên quá nghiêm khắc khi xét mấy cái mộng của ông. Khi ta đọc xong, ta không xét xem có phải “mộng là cái mộng con, đời là cái mộng lớn” hay không, ta chỉ nên biết rằng ông đã tìm được trong cái quan niệm của ông những thi tứ lạ và đáng yêu mà thôi.
https://thuviensach.vn
Tình Cảm
Ông Nguyễn khắc-Hiếu cũng thờ ông Khổng ông Mạnh, nhưng ông không thể sai khiến được tình-cảm của ông. Ông là đồ chơi của tình-cảm của ông. Ông là một nhà văn hoàn toàn trữ-tình lạc vào một thế-giới khô khan, sống vì đạo lý.
Trong tập Nhàn Tưởng của ông, ông viết: “Lấy cảm tình mà nghĩ thời cân cả thế giới với một người chưa hẳn đã bên nào nặng hơn” Chỉ xét câu ấy cũng đủ biết cái tình của ông nặng đến bực nào và muốn biết thế không gì bằng tìm những nguồn tình cảm của ông, cách phát triển của những tình cảm ấy.
Cứ tin ở Giấc Mộng Lớn của ông thì văn nghiệp của ông bắt đầu bằng hai câu thơ:
“Đêm thu buồn lắm chị hằng ơi,
Trần giới em nay chán nửa rồi.”
Năm ấy ông mới mười chín tuổi theo học trường Quy-thức ở phố Gia Ngư. “Ở phố Hàng-Bồ số nhà hơn hai mươi về bên lẻ có một người con gái ngồi bán hàng tạp hóa không biết có phải người tuyệt-sắc hay không mà tự con mắt mình khi bấy giờ thì như ngoài người ấy không có ai là người con gái”.
Ông đem lòng yêu.
Rồi “mỗi buổi chiều tan học ở Gia-Ngư về phố Hàng-Nón trừ khi trời mưa gió, thường tất phải đi quanh qua phố hàng Bồ”
“Tấm lòng ao ước ngỏ cùng một người bạn học đồng canh. Người bạn đi nói giúp việc mối. Cứ bên nhà người con gái thời việc có lẽ xong: Bên nhà ông, thời ông anh chỉ bảo một câu rằng: “nhà ta nghèo như thế lấy đâu song-mã mà cưới”.
Ông bị thất-vọng vì tình khi ông 20 tuổi.
https://thuviensach.vn
Ông vốn đa tình từ bé, khi còn đi học, học “Ấu học ngũ ngôn thi”, ông ưa nhất hai câu:
Hoa cù hồng phấn nữ.
Tranh khán lục y lang.
Tả lúc học trò thi đỗ về, con gái thành phố ngấp nghé nhìn. Một người như ông mà mãi đến 20 tuổi mới yêu? Không. Ông đã yêu, một cách kín đáo và từ khi mới 13 tuổi. Về sau khi ngồi buồn, ông lại nhớ đến mối tình ngây-thơ của ông:
“Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi,
Viết bức thư này gửi đến ai,
Non nước thề nguyền xưa đã lỗi!
Ân tình nay có bốn xu thôi”
(K. T. C. II)
Trong văn-nghiệp của ông, chỉ có dấu vết của hai mối tình trên. Đối với một người trong lòng lúc nào cũng mang nặng cái “khối tình”, thì tôi thiết tưởng hai mối tình cũng chưa thể làm “vợi được cái nguồn thương nỗi nhớ “ của ông.
Ông phải tưởng-tượng ra, một tình nhân, một tình nhân … không quen biết; ông tưởng-tượng ra rồi ông cũng yêu, cũng nhớ, rồi ông:
“Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi.
Viết bức thư này gửi đến ai,
Non nước xa khơi tình bỡ ngỡ,
Ai tri âm đó! Nhận mà coi.”
(K. T. C. II)
https://thuviensach.vn
Trong thư ông tỏ rõ rằng ông nhớ, ông mong. Một sự kỳ dị trong sự nhớ mong của ông là ông nhớ một người ông chưa từng gặp, mà sự nhớ của ông cũng man-mác lâm-ly mới lạ :
“Giải sông cũ đầy vơi cữ nước,
Đỉnh non xưa tản mác ngàn mây.
Nước mây ngày tháng đổi thay.
Non sông ngày cũng một ngày khác xưa.
Tình thư gửi đến chưa? Chưa đến?
Nước non này ai hỏi hỏi ai!
Ngư nhàn trông mất tăm hơi,
Nước mây man mác cho người sầu thương…
Thế mà gửi tình thư hai bức
Những là mong tiêu tức tám năm
Phải rằng ai hẳn vô tâm,
Núi sông mây nước cũng nhầm bấy nay.”
Ông viết đến bức thư tình thứ ba thì thôi vì không có ai trả lời cho ông cả; ông coi như trên đời ông không có ai là “người tình nhân không quen biết”.
Sau đấy ít lâu, bà Song-Khê, em ruột Tương-Phô nữ-sĩ dưới cái biệt hiệu Đỗ-tang-Nữ gửi tặng ít rau sắng; kèm với rau có mấy câu:
“Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Tiền đò đỡ tốn, còn đường đỡ xa,
Không đi thì gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.”
Bà giả lời mấy câu của ông viết trong tập Khối Tình Con:
https://thuviensach.vn
“Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa,
Người đi ta ở lại nhà
Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm.”
Bà Song Khê tức là một người tình nhân không quen biết của ông vậy. Ở trên đời, còn có bao nhiêu người cũng yêu ông, mến ông nhưng chưa hề quen ông.
Câu chuyện tình trên này của ông sẽ được người ta nói đến mãi. Như thế không những là vì mấy lá thư của ông gửi cho tình-nhân của ông lời lẽ lâm-ly mà lại vì nó là một chuyện tình oái oăm. Nó sẽ được người ta nói đến chẳng khác gì mối tình của Arvers bên Pháp. Yêu một số đông người người không quen biết còn chưa thể nhẹ được cái khối tình của ông, ông còn yêu độc giả An-nam tập-chí, “yêu không lúc nào rước“, như ông thường nói, yêu tất cả mọi người:
“Kể từ độ lọt đầu se tóc,
Cũng cùng mang tiếng khóc mà ra.
Cõi sầu ta lại với ta,
Lọ quen biết mới gọi là tương tri.”
(K. T. C. II)
Yêu hết người sống, ông yêu đến người chết; ông nhớ chị Xuân Hương, nói chuyện với Hàn-Thuyên, với Nguyễn-Trãi.
Yêu hết người sống và người chết, như đã nói, ông yêu người trong mộng.
Cô Chu-kiều-Oanh là một người yêu lý-tưởng của ông. Ông rất yêu phục cô, trái lại cô cũng rất mến yêu ông. Cô là người có sắc lại giỏi văn chương. Ông được gặp cô trong mấy giấc mộng của ông. Cô gửi cho ông
https://thuviensach.vn
những bức thư đầy rẫy tình yêu, ông cũng gửi cho cô những bức thư rất thân mật.
Người ta thường nói “yêu nhau một cách cao thượng“ yêu bằng một mối tình lý-tưởng. Nếu ở trên đời thực có tình lý-tưởng thì mối tình của ông Tản-Đà phải là một.Còn gì cao thượng bằng yêu một người mình tưởng-tượng ra, còn gì nên thơ bằng yêu một người mà mình chỉ có thể gặp được ở trong mộng.
Nếu những mối tình với cô bán hàng tạp-hóa ở Hàng-Bồ… mà được người ta nhắc đến, thì mối tình Chu-kiều-Oanh phải được người ta ca tụng đời đời.
Đã có người nghi rằng cái tình của Tản-Đà không thực, những tình cảm của ông là những tình tiểu thuyết. Khi ông nói rằng ông nhớ ông thương, ông chỉ nói thế cho có chuyện mà thôi, thực ra ông không nhớ không thương; ông cần nặn ra thơ, thì ông phải tìm đề trong sự nhớ thương.
Về phần tôi, tôi không nghĩ thế. Tôi tin rằng, khi ông nhớ người tình nhân có quen biết hay không quen biết, ông có cảm thấy sự nhớ nhung khi lâm-ly khi man mác:
“Mình ai chiếc bóng đêm thâu,
Nỗi riêng, riêng một mối sầu vì ai.
Tâm sự ấy nói dài sao xiết,
Giấy mực đâu vẽ hết du mà
Dở dang là chữ tài hoa,
Chắp tay vái lạy giăng già chứng cho
………………………………………
Gập tờ giấy niêm phong hạt lệ,
Nhờ cánh tem bay độ cung mây.
Ái ân thôi có ngần này,
https://thuviensach.vn
Thề nguyền non nước đợi ngày tái sinh.”
(K. T. C. II)
Hoặc:
“Trông mây nước bốn bề lạnh ngắt
Ngắm non sông tám mặt sầu treo.
Đường xa gánh nặng bóng chiều;
Cơn giông biển lớn, mái chèo thuyền nan.
… Nghĩ thân thế mềm gan lắm lúc
Nhìn giang-san bạc tóc như chơi.
Mong ai mỏi gối chân trời,
Nhớ ai đi dứng ăn ngồi thẩn thơ.”
***
Văn-chương thời nôm na,
Thú chơi có sơn-hà.
Ba-vì ở trước mặt,
Hắc-giang bên cạnh nhà,
Tản-Đà.
Ông Tản-Đà sinh trưởng ở chốn nguồn sông kẽ núi từ bé ông đã luôn luôn thấy Ba-vì ở trước mặt, Hắc-giang bên cạnh nhà.
Sau này khi ông đã trưởng-thành, ông vẫn luôn luôn nhớ đến những cảnh nó đã bao bọc ông khi còn ngây thơ. Ông vẫn tự cho là hơn người ở chỗ được sinh vào nơi ấy:
“Sông-Đà núi Tản đúc nên ai,
Thân thế xưa nay được mấy người… “
https://thuviensach.vn
Cái tình của ông đối với nước non một phần nẩy ra từ đó. Ông lại còn là một nhà nho đã đọc nhiều sách Tàu và ta ông chịu rất nhiều ảnh-hưởng lãng-mạn sáng suốt của họ.
Theo các cụ nho, thì sông núi gió giăng là những vật có thể gợi cho các cụ cái quá khứ hoặc êm đềm, hoặc cay đắng. Nhưng nó không được làm bận trí các cụ, khi các cụ không đứng vào những cảnh ấy.
Sông núi đối với các cụ là biểu hiện quốc-gia, biết bao nhiêu thi-sĩ đã đem những nỗi đau thương vì nước để gửi vào non sông. Bao nhiêu người đã đứng lặng ngắm non sông mà không khỏi tưởng đến những cuộc tang thương ở đời, và gẩy những khúc nhạc ai oán.
Ở cái tình đối với non nước của ông Tản-Đà, tôi phải phân biết tình tự nhiên mà có và tình do sự học đào-tạo ra.
Tình tự nhiên của ông rất phức tạp, khi nó man mác khi nó đắm đuối, khi nó có vẻ không thành thực. Có một điều chắc chắn nhất là cái tình đối với non nước của phần nhiều là do ở “lòng quê” mà ra. Ông là một làng sĩ[2]lang-thang quản bút với sơn-hà.Mỗi khi ông nhắc đến sông Đà núi Tản là ông nhắc đến quê-hương của ông.
Mà có lẽ ông chỉ nhắc đến là vì thế : “Từ bấy đến nay, tính ra đã bảy tám năm giời, chưa từng về đến gia-hương; mây non Tản, sóng sông-Đà, chỉ tưởng xa trông mà nhận đó là nơi cố hương vậy… “
“Sóng dợn sông Đà con cá nhảy,
Mây chùm non Tản cái diều bay.”
Yêu non nước không phải vì non nước ấy đẹp mà vì non nước ấy là cửa quê-hương; tình non nước phối hợp với lòng quê, kể cũng là một cái đặc-sắc trong cái tình đối với non nước của một nhà nho.
Một đặc điểm nữa: Có khi ông đứng trước một cảnh, ông thấy tâm hồn ông rung động mạnh, hình như có một tiếng huyền bí nó gọi ông, nó dục ông tan hòa vào với nó.
https://thuviensach.vn
“Hằng khi dưới bóng tà dương, một mình lơ lửng trên con đường đê cao, bên nọ sông Đà, bên kia núi Tản. Một mối cảm tình thanh thượng, lơ thơ như tơ liễu chiều xuân…
“Lại đôi lúc sông Đà mùa nước, nước rộng mênh mông, gió cuốn mặt sông, sông nhô giòng nước, cái cảm tình phấn khích lại cũng muốn theo những sóng gió nước, mà tưởng như phá lãng thừa phong”.
“Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong.”
Chịu ảnh hưởng của sách, ông Nguyễn khắc-Hiếu cũng có những tình non nước mà tôi đã gọi là tình tiểu-thuyết.
Những câu, đoạn văn gợi cái tình ấy ra chỉ là những cái khung cho một bài thơ, hoặc một đoạn văn:
“Đỉnh non Tản mấy giờ man mác,
Giải sông Đà bọt nước lênh đênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình,
Nước kia mây nọ như mình với ta”
Hoặc:
“Bước chân ra khỏi cổng Hàn,
Nước non man mác muôn ngàn dặm khơi.
Gánh tình nắng lắm ai ơi!
Tiền mang bạc giắt thuê ai đỡ cùng”.
Nhưng đối với ông Tản-Đà cái tình tiểu-thuyết có vẻ thực hơn rồi:
“Hỏi mây nước mây xanh chẳng biết
Hỏi cùng sông, nước biếc không hay.
https://thuviensach.vn
Sông nước chảy, núi mây bay.
Mình ơi có biết ta đây nhớ mình”.
Lại như trong bài thơ tuyệt tác “Thề non nước” có mấy câu:
”Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Sương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Giời tây chiếu bóng tà dương
Càng phai vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước đà quên non”.
Đọc mấy câu thơ này, ta thấy cái tình của non đối với nước nặng bao nhiêu thì cái tình của thi-sĩ đối với non nước nặng bấy nhiêu. Tuy thế, ông Tản-Đà cũng không khỏi rơi vào những cái sáo của tiền nhân, ông dùng thơ tả cảnh làm mũ cho bài thơ:
“Trông giăng lại nhớ đến người”
“Trông thấy giăng mà nhớ đến ai”…
Nhưng khi ta xét cái tình của ông, ta có đôi chút quan-niệm về lịch-sử, ta đặt ta về hai mươi năm về trước, ta công nhận cách tả cảnh tổng hợp của tiền-nhân, ta sẽ thấy ông có một ngọn bút tài tình:
“Con sông xuân nước chẩy lờ đờ
Thuyền trôi lững thững, giăng tờ mờ soi…
Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt,
Đá hỏm hom đen tối tò mò…
https://thuviensach.vn
Dưới đường sóng bể nhấy reo
Như mừng bạn mới, như chào khách xa.”
Khi ông tả cảnh cũng như khi ông gợi tình, ta nhận thấy cái đặc điểm “chơi” của nhà thi sĩ. Mà thật ra thì ông cũng như hầu hết các nhà nho, tả cảnh gợi tình chỉ để mà chơi thôi:
Chơi cho biết mặt sơn-hà
Cho sơn-hà biết ai là mặt chơi
https://thuviensach.vn
Ngông
Ngông, làm thơ để ví mình với vua, tiên, làm văn để tỏ mình khác người, hơn người, đó là cái bệnh chung của các nhà nho, thứ nhất là các nhà nho yếm-thế, quay lưng lại thời cuộc, đi sống một đời riêng của mình.
Từ Chu-mạnh-Trinh, Nguyễn-Du qua Nguyễn-Công-Trứ, Cao-Bá Quát, Tú-Xương, bao nhiêu là kiểu-mẫu của cái ngông ấy trong lịch-sử văn-học.
Tôi còn chưa kể thi-sĩ Tản-Đà.
Ông Tản-Đà vốn giòng giõi quyền quí, tổ tiên xưa đã thi đỗ đỗ làm quan; ông thân sinh ra ông làm đến chức ngự-sử trong kinh, thế mà có bao giờ ông nói đến; ông không cho thế là hơn người. Ông chỉ tự-hào ở chỗ ông là người của núi Tản sông Đà.
“Sông Đà núi Tản đúc nên ai,
Thân thế xưa nay được mấy người!”
Người ta tượng-trưng cái cao-thượng của người, ở đám mây trắng, cái quan-tử, bằng cây thông, ông tượng-trưng cái to lớn hùng vĩ của ông bằng cả quả núi ngọn sông.
Ông là thi-sĩ, văn của ông là văn có số hạn, người ta khen ông cũng nhiều, chê ông cũng nhiều, nhưng ông tỏ vẻ khinh đời, không hề để ý đến những lời khen chê ấy.
Văn-thơ của ông ế, ông đem lên chợ giời để bán cho tiên, cho giời. Và theo ông, các ngài có biết giời phê thế nào không? Giời lại phê:
“… Văn thật tuyệt,
Văn trần được thế chắc có ít,
Nhời văn tốt đẹp như sao băng,
https://thuviensach.vn
Ý văn hùng mạnh như mây chuyển,
Êm như gió thoảng, tình như sương,
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết.”
Và lại có dịp để giời hỏi:
“Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?
Người ở phương nào ta chưa biết.”
-Dạ bẩm lạy trời con xin thưa:
Con tên Khắc-Hiếu họ là Nguyễn,
Quê ở Á-Châu về Địa-cầu,
Sông Đà núi Tản nước Nam-Việt,
Thiên-Tào tra sổ, xét vừa song,
Đệ sổ lên trình Thượng-Đế trông:
“Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc-Hiếu,
Đày xuống hạ giới vì tội ngông.
Trời rằng không phải là trời đày,
Trời định sai con một việc này,
Là việc thiên-lương của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay”.
Cả cái ngông cuồng nhà thi-sĩ là ở đoạn thơ tôi trích trên đây. Tôi không cần bàn luận thêm nữa.
Hai lần hỏng trường Nam đem lại cho ông sự thất vọng về công danh, lại đem cho ông sự tuyệt-vọng về tình-ái.
Không được “võng anh đi trước võng nàng đi sau“, cô hàng tạp-hóa ở Hàng-Bồ đã để cho trái tim ông một vết thương nặng. Sự thật là thế, nhưng
https://thuviensach.vn
cứ căn-cứ ở văn-thơ ông thì đó chỉ là một truyện vặt ông đã kể qua khi ông viết Giấc Mộng Lớn mà thôi.
Một mối tình của con người trần tục đâu ông thèm để ý đến. Sau này ông không có cô hàng tạp-hóa ở hàng Bồ nhưng ông có bao nhiêu mối tình “tiên” hơn.
Một mỉm cười, một e-lệ của con người chưa thoát được vòng danh-lợi làm cho ông cảm động đâu bằng một nắm rau sắng chùa Hương của người tình không quen biết (!)
Những lời thỏ thẻ của người con trần tục có mãnh lực đâu bằng những bức thư tâm-huyết của Chu-Kiều-Oanh, một người tình lý-tưởng của ông, một vị tiên đã cùng ông ngao du trên sông Ngân-Hà, ngoài bể Nam-Minh.
Lại có lần ông cho ông là một vị tiên ăn trộm đào bị đầy xuống hạ giới, còn nhớ trời có hai đứa con gái, Chức-Nữ với Hằng-Nga, ông viết thư lên hỏi, để cho trời mắng:
“Tình riêng ra ngẩn vào ngơ
Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi giời.
Xem thư giời cũng bật cười
Cười cho hạ-giới có người oái-oăm.
***
Khách hà-nhân giả
Cớ làm sao xuồng-xã dám đưa thư
Chốn thiên cung ai kén rể bao giờ
Chỉ những truyện vẩn vơ cùng giấy má,
Chức-Nữ tảo phùng giai-tế giá,
Hằng Nga bất nại bảo phu miên.
Mở then mây quăng giả bức hồng-tiên
https://thuviensach.vn
Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục
Người đâu kiếp trước Đông-phương-Sóc
Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa,
Trần gian đầy mãi không chừa.
Chắc mỗi lần nghĩ đến những giấc-mộng, những người tình của ông, ông phải hỏi: “Có ai tiên như ta, có ai được yêu như ta không?” Ta để ông trả lời, để ông được hơn người cho toại cái ngông của ông. Đã có lần tôi nói đến cái sứ-mệnh mà thi-sĩ đã tự đeo lên lưng thi-sĩ. Trừ việc thiên-hương trên, tôi còn muốn chép lại một vài câu chuyện, hoặc đã được đọc trên báo, hoặc đã được nghe người kể lại. Nghe đâu một người đàn bà vì yêu thơ của ông, muốn có một bức ảnh của ông. Người ấy viết thơ đến hai lần, thi-sĩ mới trả lời, mà trả lời ở đâu, ở trên An-Nam tạp-chỉ. Đại khái ông nói rằng đã từ hai ba mươi năm ông không hề chụp ảnh, vì vậy ông không có ảnh cho. Mà cần gì phải có ảnh của ông, văn-thơ của ông tức là hình ảnh của ông vậy. Nếu khó tính chưa được toại lòng về bức ảnh ấy thì ông lại xin cho một bức ảnh khác rõ hơn: Hình ảnh người gánh sách ở bìa An-Nam tạp-chí và tất cả các sách của ông. Hình ảnh ấy, ai cũng rõ, tượng-trưng công-việc của ông, sứ-mệnh của ông.
Thế vẫn chưa hết.
Ông Tản-Đà cũng như mỗi nhà nho ta, trong bụng có một ông vua. Ông cũng làm thơ khẩu-khí vịnh “bù-nhìn”, “giang-san”, ngông-nghênh coi như đất nước là của mình. Theo người bạn kể lại thì khi ông có cái đồn điền ở Vĩnh-Yên, ông sửa-sang làm như xứ-sở riêng của ông. Ông sung-sướng được làm chủ An-Nam với ngọn Cờ-Vàng. Ông có trách nhiệm bồi bổ xứ sở làm cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Tôi muốn ngừng lại đây để có thì giờ đi sâu vào những chuyện đã kể hơn là kể thêm những chuyện ngông còn lại của thi-sĩ.
Tản-Đà là một nhà nho, khí-khải, quân-tử. Tản-Đà là một thi-sĩ có chân tài. Tản Đà là một khách đa-tình thất vọng vì tình, một người rất có
https://thuviensach.vn
chí, một kẻ chiến-bại trên đường công-danh. Tất cả cái ngông của Tản-Đà là ở đấy.
Cái ngông đã giúp Tản-Đà khinh những cái mà đời trọng, tọng những cái cao quá sức người đời. Cái ngông đã giúp thi-sĩ Tản-Đà bầy tỏ cái chân tài, cái khác đời của thi-sĩ. Cái ngông đã giúp khách đa tình của sông Đà núi Tản biểu-lộ những mối tình ly kỳ trên lớp trần-tục. Vì có cái ngông, con người bất đắc-chí ở trường Nam, kẻ chiến bại trên trường ngôn luận đã tỏ được rằng mình hơn người, ít nhất là bằng người trong học-vấn và sự làm
việc.
Nói như vậy chắc có người hiểu rằng ngông tức là kiêu căng. Không, ta nên phân biệt; những chuyện tôi vừa kể trên chứng nhận một cách rõ ràng. Một thí dụ: Tản-Đà không đặt danh giá vào gia-thế, ông chỉ tự cao một cách nên thơ rằng ông hơn người ở chỗ ông là của núi Tản sông Đà. Mà của núi Tản sông Đà thì đã hơn ai. Một chuyện gần như khôi-hài. Chính cái nên thơ và khôi-hài ấy đem lại cho cái tự-cao của ông một tính cách riêng; nó không phải cái tự-cao ta thường hiểu, mà là cái ngông của ông vậy.
Tự cao người ta ghét, ngông người ta yêu, bác Tản-Đà của chúng ta vẫn được người ta yêu, không vì một cớ gì mà mỉa-mai nhà thi-sĩ của chúng ta được.
Tôi viết câu này để trả lời mấy câu phê-bình khắc-nghiệt của một nhà văn mà tôi đã nhắc đến nhiều lần trong tập này:
“Ông tự cao tự đại… thứ nhất là làm sách để tán tụng mình thì lại càng khó nghe lắm”.
https://thuviensach.vn
Một tín đồ của-chủ nghĩa khoái-lạc
Ông Tản-Đà là một nhà văn lãng-mạn.Đã từng tế nàng Chiêu-quân ở Non-tiên. Vì chán đời có phen định tịch cốc để từ trần. Ông là tác giả những Khối-tình, Giấc-Mộng, Thề Non Nước, Trần Ai Tri Kỷ. Ông sáng tác ra thuyết thiên-hương.
Ông là một nhà văn duy-tâm.
Nhưng ông không phải là nhà văn duy-tâm thuần túy, Nếu văn thơ, đạo lý đem sự đầy đủ say-sưa cho tinh thần ông, sự ăn uống cũng đem sự khoái-lạc cho thân thể ông. Ông thích làm thơ, tan-hòa vào những cảnh đẹp, nhưng ông cũng thích uống rượu, ăn ngon.
Trong văn-chương và tư tưởng của ông đã hơn một lần ông để lộ một bản-tính duy-vật rõ rệt chẳng kém gì bản tính duy-tâm.
Ta không lấy làm ngạc nhiên. Sự mâu-thuẫn và phức-tạp của bản-tính ấy không phải là không thể có. Thứ nhất là ở một thi-sĩ, nghĩa là một người mà ta có thể ngờ được tất cả.
Có người bảo rằng những tư-tưởng duy-vật của ông chỉ là kết quả của một đời lãng-mạn. Nhà nho Nguyễn Khắc-Hiếu chán đời mà mách ông cách quên đời bằng rượu. Nhà thi-sĩ Tản-Đà bi-quan bảo ông rằng thì giờ đi mau quá, ông chóng già và đời chỉ là một giấc mộng, không có một ý nghĩa gì khác, ông phải tận hưởng lấy những sự khoái-lạc, mê ly mà “giấc mộng” ấy có thể tạo cho ông.
Ông tiếc khoái-lạc, tham đời, khát khao sự sống tự đấy.
Nói như vậy là không công bằng với bản tính duy-vật của ông, hay nói cho đúng chỉ công nhận nó là một cái phụ của bản tính duy-tâm. Tôi không đồng ý về chỗ ấy, hơn thế nữa tôi đã có những suy nghĩ trái ngược lại. Tôi muốn xếp theo thứ tự về can hệ:
Bản tính duy-vật
Tâm hồn thi sĩ
https://thuviensach.vn
Sự đào tạo của nho-giáo
Sự đào tạo của cuộc-đời.
Bấy nhiêu đặc-tính đúc thành nhà thi-sĩ Nguyễn khắc-Hiếu của chúng ta.
Vì cái giá trị của người ta là ở chỗ người ta có tâm hồn thi sĩ, người ta là một tín đồ của đạo giáo, một thức-giả trước cuộc đời đang thay đổi chứ không phải ở chỗ người ta là một người tôn thờ khoái-lạc, nên ở ông Tản Đà, thứ nhất là trong văn thơ, nhà thi-sĩ, nhà nho yếm-thế lúc nào cũng lăm-le bóp chết Tản-Đà, môn-đồ trung thành của chủ-nghĩa khoái-lạc, hoặc khoác cho môn-đồ ấy chiếc áo của một con người ngông, của một văn-sĩ giác-ngộ.
Bản-tính của ông là thích uống rượu, ưa ăn ngon, ham chơi. Muốn tìm một bài thơ vịnh rượu, ca tụng vịnh rượu, ca tụng cái say trong văn-nghiệp của ông là một việc ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng. Ông thích rượu đến nỗi, gần đây bao nhiêu người hễ nói đến ông chỉ nói đến be lớn be con để mua lấy một nụ cười.
Nhưng hãy khoan đã. Ta chớ vội cười ông, ông là giòng dõi lưu-linh nhưng ông đâu phải như những phường cục-mịch chỉ biết có cái thú say trơn.
Ông thích rượu vì rượu là nguồn mộng, và nguồn cảm-hứng của thơ ông. Ta hãy nghe ông đại khái kể:
Về sự uống rượu thì có kỷ-niệm sau này là lý thú hơn cả. Khi còn An Nam tạp-chí mà ông in ở Vinh, tòa báo thì ở ngoài Bắc, ông thường phải đi từ Hà-Nội vào Vinh và từ Vinh ra Hà-Nội luôn. Hôm ấy trời hơi mưa. Ở Hà-Nội lên xe lửa ông có đem theo một chai rượu. Xe chạy quá Nam-Định có người con gái đẹp mang nem lại mời ông. Ông mua, nhưng không giả tiền ngay cứ bắt người con gái ngồi trước ông. Rượu say, hình người con gái mỗi ngày một mờ, một đẹp hơn. Thi-sĩ hứng thú, tưởng không bao giờ có dịp thứ hai như thế nữa; ông ngồi uống mãi cho đến lúc say quá nằm xuống xe, bên be rượu để ngủ.
https://thuviensach.vn
Tàu đỗ ở vinh, thi-sĩ vẫn ngủ.
Đến Huế tàu bỏ toa lại, thi-sĩ vẫn ngủ. Đến sáng mặt giời đã lên cao, có người phu quét toa vào đánh thức thi-sĩ dậy.
Sự thật hay là một giấc mộng đẹp! Thi-sĩ kết câu chuyện một cách mến tiếc.
Ông uống rượu là để quên sự tang-thương ở đời. Ta hãy nghe ông ngâm:
“Công danh sự nghiệp mặc đời
Bên thời be rượu, bên thời bài thơ”
“… cho vơi hũ rượu cho đầy túi thơ,
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi-sĩ sửu đồ là ai.”
Tín-đồ của chủ-nghĩa khoác-lạc ngồi uống rượu đã khoác chiếc áo của thi-sĩ Tản-Đà và nhà nho yếm-thế Nguyễn khắc-Hiếu.
Ông thích ăn ngon; ông thận trọng ở sự ăn. Đã có lần ông viết: “Đồ ăn không ngon thời không ngon, giờ ăn không ngon thời không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon thời không ngon, không được người cùng ăn cho ngon thời không ngon” – Ăn ngon.
Nói chuyện văn-chương thi-sĩ còn viết:
“Văn-chương có giống như mâm gỏi. Đĩa cá lạng, đĩa giấm ngọt thời người thường để ăn, còn miếng mắt, miếng xương phải đợi con nhà gỏi. Văn-chương có giống như thịt chim, sào thuôn, nướng chả thì dễ chín, hấp cách thủy lửa không đến mà nhừ hơn.
Văn-chương có giống như ngũ-vị…”
Và:
“Từ khi về ở quê, đương ăn rau đổi ra ăn thịt. Mỗi ngày cũng chỉ có một bữa ăn; mỗi bữa ăn hoặc là cái thủ heo hoặc con gà, con vịt, hoặc con
https://thuviensach.vn
cá, tất toàn thể đặt trong mâm với con dao đĩa muối; rượu thì uống hũ không uống chai. Bữa ăn cũng rất vô thường; nếu về phần đêm thời có khi thắp hai mươi tám ngọn nến gọi là nhị-thập-bát-tú, thắp bảy ngọn nến gọi là thất-đình-đàn. Bữa ăn nếu về phần ngày, thời sau khi ăn xong tất phải có con dao thanh quắm đi chém phạt ít nhiều cành cây như không thế thời không thấy sướng. Lại như những con gà con vật nếu không được tự tay mình cắt tiết thời ăn không thấy ngon “Giấc Mộng Lớn”.
Đó, ông thích ăn nhưng cái thú, ông không đặt ở miếng ngon như người ta, ông đặt ở nghệ-thuật ăn. Một công việc ở miếng đất của vật-chất, ông nhắc lên miếng đất của tinh-thần.
Ông tưởng-tượng một ngày kia ông già, hơn thế nữa, một ngày kia ông chết, ông sẽ không được hưởng những sự khoái-lạc ở đời… Nghĩ thế ông sợ già, sợ chết. Ông càng sợ bao nhiêu, ông càng vồ-vập tham lam trong cuộc đời vật-chất bấy nhiêu.
Tôi nói vậy nhưng các ngài đừng vội đi tìm một sự biểu-lộ sống sượng của tâm-lý ấy.
Nhà nho Nguyễn khắc-Hiếu đâu có quyền khát sống và sợ chết. Tâm-lý ấy chỉ được biểu-lộ một cách dụt dè trong một thi-tứ cũ-kỹ của cổ nhân truyền lại: Tiếc xuân.
“Người có tình xuân không có tình. Mình tiếc xuân, xuân tiếc chi mình; mình thương xuân, xuân chẳng thương mình, thời mình thương tiếc mình hơn tiếc xuân:
Xuân kia sáu bẩy mươi lần
Của giời tham được độ ngần ấy thôi.
Chơi hoang mất nửa đi rồi
Ngẩn ngơ ngồi nghĩ thân đời mà lo.
Trông gương luống đã thẹn thò
Một mai tóc bạc vai gù mới dơ.
https://thuviensach.vn
Thương thay xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay xuân những hững hờ với xuân…
Cái tài của ông Tản-Đà, con người phức tạp là ở chỗ ấy. Ta phải khen Tản-Đà thi-sĩ văn-sĩ đã khéo lợi dụng để Tản-Đà thờ khoái lạc phải giúp mình trong việc xây một sự-nghiệp văn-chương tinh-túy.
https://thuviensach.vn
Văn-sĩ
Vào đầu thế - kỷ thứ hai mươi, giữa lúc người ta còn say mê khoa-cử, giữa lúc người ta còn cho tiếng ta là một thứ tiếng nôm na không đáng để ý, một số ít người dám đứng lên hô hào vun đắp thứ tiếng ấy để sau này có thể thành một nền văn-chương.
Ngày chủ-nhật 4 Aout 1907 ở hội quán hội Trí-tri Hà-Nội, ông Nguyễn văn-Vĩnh đã đọc bài diễn-văn nói nước ta muốn tiếp kịp người phải hấp-thụ lấy những tư-tưởng mới và muốn những tư-tưởng ấy được phổ thông thì phải dùng những sách dịch ở chữ nước ngoài ra tiếng An-nam làm phương-tiện truyền bá.
Ông khởi-xướng công việc dịch sách, vấn đề dùng chữ quốc-ngữ thay chữ nho, hai thức chữ khó học và khó hiểu.
“Nước Nam ta mai sau này, hay dở là ở như chữ quốc ngữ “ đó là câu tâm-huyết của ông.
Năm 1917, Ông Phạm-Quỳnh xuất bản tạp-chí Nam-Phong với mấy lời nói đầu:
“Mục này sẽ mở để hoan nghênh các nhà văn-sĩ mới nước ta, nhất là những nhà đã khéo đào luyện cái chất nôm mở đường cho lối văn-chương riêng bằng quốc-ngữ. Chúng tôi mong ở các nhà văn-sĩ mới ấy lắm, vì bao giờ lời nôm ta có được bằng nhập-tịch vào cõi văn-chương thì sự học trong nước mới có cơ phát-đạt lên được. Văn-chương vốn là cái máy truyền đạt tư tưởng rất nhậy. Cái trất nôm tuy còn mộc mạc như xúc gỗ chưa thành đồ nhưng nếu khéo đẽo trạm thì có ngày “trắc gụ” cũng nên”.
N.P. số 1, 1917
Ông Nguyễn khắc-Hiếu cùng với các ông Vĩnh, Quỳnh, là người đã gây cái mầm quốc-văn ấy.
Việc xây đắp một nền thi-ca mới, tôi sẽ nói đến trong một mục sau, bây giờ tôi hãy chỉ nói đến cái công việc của ông đối với văn xuôi ta.
https://thuviensach.vn
Ông đã viết được: Ba Giấc-Mộng-Con, Giấc-Mộng-Lớn, Thề-Non Nước, Trần-Ai, Tri-Kỷ…
Ông dịch Đại-Học, Đàn-Bà-Tầu, Đài Gương. Đó là mới kể những văn đã in thành sách. Nếu ta lục những tập báo cũ như Hữu-Thanh, Đông-Pháp thời-báo, An-nam tạp-chí, ta còn thấy bao nhiêu công-trình trứ-tác, đáng giữ một địa vị quan-trọng trong nền văn-chương Việt-Nam.
… Người học trò bậc trung đẳng nào chẳng thuộc lòng, hoặc nhớ những bài “Cái chưa trong bụng người”, “Đánh bạc…”
Khi Tản-Đà thư-cục vừa thành lập, ông gom góp nhiều bài tản-văn ngắn dài, luận về tình-cảm, sự đời, in thành tập Tản-Đà tản-văn. Người phê-bình sách vào thời bấy giờ còn ít, chúng ta không có một dấu vết gì về dư luận, tôi không căn cứ vào đâu mà định cái giá trị và ảnh-hưởng riêng cuốn sách đó về thời bấy giờ. Tôi chỉ có dịp chép ra đây mấy lời tựa của ông Dương bá-Trạc :
“Nước ta xưa nay trước-thuật thuần dùng chữ Tàu, văn quốc âm chỉ văn vần còn có đôi bài mà tản-văn bói không ra một quyển. Mới mười lăm năm nay sĩ-phu trong nước mới có cái khuynh hướng về văn quốc âm, lấy bút sắt thế bút lông, mà dóng trống mở cờ cùng nhau đua đuổi trên trường hãn-mạc. Giọng Hàn-Thuyên, hồn Đại-Việt đã lập lòe có một tia lửa sáng xuất-hiện trong văn-giới hoàn-cầu. Ông Nguyễn khắc-Hiếu Sơn-Tây chính là một kiện-tướng trên trường hãn-mạc ấy.”
Một vài nhà phê-bình trước tôi, cho rằng văn suôi của ông Tản-Đà không được minh-bạch và chính xác; không được thâm thúy như văn ông Phạm-Quỳnh, dản dị như văn ông Nguyễn văn-Vĩnh.
Người ta có ý chê ông.
Nhưng ông là một thi-sĩ, chịu ảnh hưởng của nho học hơn là tây-học. Tuy đã có lần ông nói rằng về văn xuôi, ông nghĩ thế nào viết thế nhưng không nên tin ở lời ông làm.Ở ông cũng như bất cứ như thi-sĩ nào khác ý muốn viết cho dản dị và chính xác, nhưng cái thi-năng ẩn núp trong ngòi bút bắt ông phải viết cho có âm-điệu. Ông là một cây đàn ngàn phím. Khi
https://thuviensach.vn
ông nghiêm-nghị chỉnh tề, ông gẩy thành những khúc nhạc đã đành, khi ông cầm đàn lơ đễnh vuốt phải sợi tơ, nó cũng nổi lên những điệu déo dắt. Vì vậy muốn thưởng thức văn ông, tôi không muốn tìm những đặc-sắc khác cái đặc-sắc của nhà thi-sĩ làm văn suôi.
Ảnh hưởng của văn suôi của ông có lẽ không mạnh bằng văn của các ông Quỳnh ông Vĩnh. Nhưng từ 1920 hình như nhà văn ta bắt chước lối hành-văn của ông cũng nhiều, những cuốn tiểu-thuyết như “Giọt lệ sông Hương” của Tam-Lang, “Kiếp hồng nhan“ của Nguyễn công Hoan có lẽ chỉ là những tiếng dội của lối văn Tản-Đà.
Nhưng có một điều ta có thể chắc chắn hơn là văn suôi ấy có ảnh hưởng rất lớn cho sự đào tạo cái nhạc-năng của các thi-sĩ ở những lớp sau này.
Ta hãy đọc:
“Ông Nã-phá-Luân khi ở đảo Thanh-hy-Liễn, mây giời man mác, nước bể mênh-mông tiếng sóng sa tai ngọn cờ khuất mắt, mà tưởng-tượng công việc trên mặt đất cõi Âu-châu.
Bà Chiêu-Quân khi ở đất Hồ, mặt đất cát bay đầu non gió thổi mà nhớ đến cung-điện trốn Trường-An.
Vua Đường-Minh-Hoàng khi vào Ba-Thục, chuông chùa khuya đưa, mây ngàn sớm đuổi mà thương người dưới dốc lê…
Và :
“Thử trèo bức tường đổ trông quãng đường sa, mồ con mả lớn, chỗ năm chỗ ba, chẳng quan thì dân, chẳng trẻ thì già, trước cũng người cả, bây giờ đã ma! Nào tiền nào của, nào cửa nào nhà, nào con nào vợ, nào lợn nào gà, nào câu đối đỏ, nào mành mành hoa, nào đâu đâu cả mà chỉ thấy sương mù nắng dãi với mưa sa! Cuộc nhân thế từ xưa mãi thế, làng chơi ta phải biết, trăm năm khôn dại dễ ru mà.”
Ta đừng vội tìm tư-tưởng trong những câu ấy, ta lắng nghe cái dư âm của lời ta đọc đang dắt déo như là cung đàn. Và ta hãy bằng lòng nhận lấy
https://thuviensach.vn
có thế, thứ nhất là ta khi còn phải chờ ở ông một sự nghiệp về triết-lý và thi-ca nữa.
https://thuviensach.vn
Thi-sĩ
… Nhưng nếu sau này ông sẽ được cùng thời gian mà sống thì có lẽ ông chỉ sống vì thơ của ông mà thôi. Còn những tập tản văn, những tiểu thuyết, tập An-nam tạp-chí của ông, hậu-sinh sẽ chỉ giờ bằng mấy ngón tay vô tình.
Ông Nguyễn Khắc-Hiếu là một thi-sĩ có tài.
Xét tác-giả những tập Khối tình xin phân biệt nhà sáng-tác thi-đề và người “thợ thơ”.
Người ta nói ông Tản-Đà không có tư tưởng, ông không thích suy nghĩ, ông thích mơ-mộng, ông thích sống trong cõi mông-lung. Nói vậy không phải là không đúng. Ta cứ giở mấy tập thơ của ông đọc qua mấy đầu-đề, ta chỉ thấy nào là nhớ chị hàng cau, nhớ độc-giả An-nam tạp-chí, nhớ ông Trâu-Quỳ, nhớ người không quen biết, nhớ người ông đã gặp trong mộng, nào là nói chuyện với gió, với trăng, với bóng, ông không bao giờ đem những tư tưởng về nước, về đời, những tư-tưởng đúng đắn làm tài-liệu cho bài thơ. Đọc thơ ông người ta không cần phải ngừng lại ở một chỗ nào để suy-nghĩ, để nhận lấy một vài tư-tưởng mới lạ. Đọc một bài thơ của ông chỉ như hát một khúc ly-tao, ngâm một câu hát vặt? Nếu ông không chú-trọng về tư-tưởng chỉ cốt gọt câu cho đẹp, ghép vần cho hay là vì tuy ông là một con hoang của thời-đại nhưng ông vẫn còn giữ được những ảnh-hưởng của thời-đại nó đã nuôi ông.
Ông vẫn còn cái quan-niệm về thơ của tiền nhân: Thơ nôm chỉ là một đồ chơi làm ra trong những phút an-nhàn lãng-mạn, sau những giờ khô khan với kinh-luân, sử; những thi-đề thông thường là con sông dẫy núi, cái quạt giấy, thẳng bồ nhìn… những chuyện đứng đắn không được đem ra làm đồ chơi cho một lũ ăn không ngồi dưng.
Cũng như vua Lê thánh-Tôn, ông vịnh thằng bồ nhìn, cũng như ông Nguyễn công-Trứ, ông vịnh phỗng đá, vịnh hoa sen, nhưng ông cũng đã
https://thuviensach.vn
tìm ra được thi-đề mới; những thi-đề này rất cần cho cái trữ-tình của ông, ông đã ngâm những sự nhớ nhung thương tiếc kỳ-dị; ông nhớ người chưa từng quen biết, người trong mộng, ông cho non nước mượn những tình lâm-ly, những ước vọng mơ hồ, Những bài Thư đưa cho người chưa quen biết, Thề non nước, là những bài thơ chưa từng có trong văn thơ Việt-Nam.
Nói về thi-đề của ông Tản-Đà, ta nên nhận kỹ cái đặc-sắc này với những câu chuyện sống qua, ông là một thi-sĩ thường, nhưng khi ông nói ông nhớ mà không biết nhớ ai, ông thương mà không biết thương ai, ông than mà không biết than về cái gì, thì ông là thơ sống, và thơ của ông là chất thơ trong như lọc, với những cảnh-tượng không rõ rệt, với những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ nên những bức tranh tuyệt bút, với những tư-tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ màng, ông làm nên những câu thơ tuyệt-mỹ.
Nhưng giá-trị trong thơ của thi-sĩ Tản-Đà không phải tư-tưởng, giá trị phần nhiều ở tiếng, ở câu, ở điệu thơ.
Đối với thi-sĩ mỗi tiếng có một chất thơ riêng.
Khi muốn tả một cảnh ngoạn mục, một cảm-giác lâng lâng man-mác, thi sĩ dùng những tiếng rất dịu dàng:
“Nước đi, đi mãi không về cùng non…
“Nước kia dù hãy còn đi
“Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui…”
Khi muốn tả một cảnh đặc sắc về hình tượng, thi sĩ tìm những tiếng chỉ mới nghe đọc cũng đã nhận được cái đặc sắc ấy rồi, ông phối hợp “âm” với “ý” :
“Con sông xuân nước chẩy lờ đờ
“ Thuyền trôi lững thững, giăng tờ mờ soi…
“ Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng,
“ Mưa mưa mãi giời mưa rả rich
https://thuviensach.vn
“ Hạt mữa thu dạ khách đầy vơi.
Về điệu thơ.
Một hôm, một nhà thơ “tự-do” ngồi đàm luận về văn-chương nói rằng: Thơ đường-luật mà cứ đem đọc lên thì bài nào cũng giống bài nào; bài của một đại thi-hào cũng giống bài của một người thợ thơ tập-sự.
Bây giờ ta đưa cho một người tốt giọng đọc, hay hơn nữa, ngâm hai bài thơ, một bài làm đúng luật của một thi-sĩ vô danh nào đó, ta sẽ thấy hai bài tương tự giống nhau và đều có một điệu mềm mỏng nên thơ. Thơ thường làm để mà đọc, để ngâm, thế mà đọc, ngâm lên người ta khó lòng mà nhận được cái giá-trị đặc-biệt của bài thơ, đó chẳng phải là một điều khuyết-điểm hay sao.
Sự khuyết-điểm ấy do luật thơ mà ra. Luật thơ Đường cũng nhất định như các luật thơ khác, nhưng nghiêm-khắc quá.
Số tiếng, số câu nhất định, âm-thanh nhất định, chỗ “nghỉ” cũng nhất định.Ngoài cái “nhất tam ngũ bất luận” ta không còn một sự xuất-qui nào nữa. Cái luật bằng trắc chỉ là một cái khuôn mà mỗi thợ thơ phải dùng.Điệu thơ là ở vần, ở chữ và chỗ nghỉ thề mà vần, chữ, chỗ nghỉ đã định trước cả rồi, thì cái điệu cũng phải định trước rồi. Vì thế, một thi-sĩ ta không như một thi-sĩ Pháp, Anh… có thể đem diễn cái đặc sắc của mình trong điệu thơ được.
Bao nhiêu năm, người ta vẫn ngâm những điệu đã có sẵn, người ta ngâm mãi mà không chán, không hề nghĩ đến sự thay đổi, người ta cho những luật ấy là thần thánh, bất di-dịch.
Ý kiến này là của những người không yêu thơ cũ, biện-luận để đánh đổ thơ cũ, nhưng tôi thiết tưởng cũng có một phần chân-lý. Tuy nhiên ta không nên tin hẳn ý ấy và vội vàng kết tội một thể thơ đã làm vinh-dự cho bao nhiêu thi-sĩ.
Với những thi-sĩ có chân tài, những luật nghiêm-khắc chỉ làm tăng giá trị của thi-sĩ mà thôi.
https://thuviensach.vn
Vả lại, trong một bài thơ đường-luật bằng trắc có nhất định nhưng vẫn còn một sự tự do rất lợi cho sáng-tác điệu thơ.
Trong chữ hán, nói về thanh của tiếng, có bốn loại: Bình-thanh, thượng-thanh, khứ-thanh, nhập-thanh.
Loại trên thuộc về loại bằng, và ba loại dưới thuộc về loại trắc của ta. Nhưng ở quốc văn ta, ta lại có thể phân biệt trong bình-thanh hai loại: Tiếng bình-thanh không dấu, thí dụ âm, và tiếng bình-thanh có dấu huyền, thí dụ: Ầm.
Trong những thanh về sau cũng thế, cứ một thanh của Tàu là có hai thanh của ta.
Khi làm thơ, thí dụ trong luật bắt buộc chỗ này phải là tiếng bằng, thi sĩ ta có thể đặt một tiếng bằng không dấu, hay bằng có dấu huyền được. Chính sự tự do này làm cho âm điệu của thơ có đặc-sắc riêng.
Như thi-sĩ Tản-Đà đã nói trong một số An-nam tạp-chí, luôn luôn thi sĩ lợi dụng sự tự-do ấy. Trong bài thơ Ngày xuân tương tư:
Trách cái tầm xuân nhả mối tơ,
Làm cho bối dối mối tương-tư.
Sương mù mặt đất người theo mộng
Nhạn lảng chân trời kẻ đợi thư.
Nghìn dặm dám quên tình lúc ấy,
Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa.
Tương-tư một mối hai người biết,
Ai đọc thư này đã biết chưa…
Nếu ta đổi câu thứ tư như sau này:
“Nhạn lảng chân mây kẻ đợi thư “, như thế nghĩa không khác mấy, luật cũng đúng, song tiếng “mây” điệp-thanh với “thư” ở vần, như thế điệu không được mềm mỏng bằng điệu của câu trên.
https://thuviensach.vn
Làm thơ thi-sĩ Tản-Đà, không những chú-trọng về toàn bài mà lại chú trọng về điệu từng câu, một phần câu nữa.
“Đỉnh non Tản mây giời man mác,
Giải sông Đà, bọt nước lênh đênh;
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình,
Nước kia mây nọ như mình với ta…
“Hỏi cùng núi mây sanh chẳng biết,
Hỏi cùng sông nước biết không hay
Sông nước chảy núi mây bay,
Mình ơi có biết ta đây nhớ mình.”
(Thư trách người tình-nhân không quen biết)
Trông mây nước bốn bề lạnh ngắt,
Ngắm non sông tám mặt sầu treo,
Đường xa gánh nặng bóng chiều,
Cơn going biển lớn mái trèo thuyền nan.,
Nghĩ thân-thế mềm gan lắm lúc,
Nhìn giang sơn bạc tóc như chơi,
Mong ai mỏi gối chân trời,
Nhớ ai đi đứng ăn ngồi thẩn thơ.
(Thư lại trách người tình-nhân không quen biết)
Nói về điệu của toàn bài, thì như điệu của bài
Thề non nước có thể gọi là hoàn toàn:
“Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non,
https://thuviensach.vn
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại non còn đứng trông
Xuối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy;
Tóc mây một mái đã dầy tuyết-sương
Giời tây chiếu bóng tà-dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước đà quên non
Dù như sông cạn đá mòn.
Còn non còn nước, hãy còn thề xưa,
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi,
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui,
Nghìn năm dao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.”
Khi muốn tả những tình lâm-ly thì giọng điệu cũng lâm-ly, khi muốn tả những cảnh ảm đạm thì hình thơ cũng có vẻ ảm đạm:
“Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà,
Đường xa người vắng, bóng chiều tà.
Một dãy lau cao làn gió chạy,
Mấy cây thưa lá sắc vàng phai”
https://thuviensach.vn
(Thăm mả cũ bên đường)
Khi muốn giọng thơ tự nhiên, thi-sĩ làm những câu thơ như những câu chuyện nói:
“Nguyên lúc anh ba nằm một mình,
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh.
Nằm buồn, ngồi dậy đun nước uống,
Uống xong ấm nước, nằm ngâm văn.”
(Hầu giới)
Trái lại, đôi lúc cái tài nó bỏ ông với kiên-nhẫn của ông thì ông là một người thợ vụng về.
Nhưng không phải vì đó mà ông là một thi sĩ có thiên-tài và có ảnh hưởng đến thi-ca Việt-Nam hiện-đại.
https://thuviensach.vn
… Kiêm triết-học
Ông Tản-Đà là một thi-sĩ, một văn-sĩ. Nhưng cái mộng của ông là làm “một thi-sĩ, văn-sĩ kiêm triết-học” chứ như ông đã nói trong một bức thư gửi cho Chu-Kiều-Oanh, chỉ đem hai chữ văn-sĩ mà gói cái đời phù sinh thì thế nào gọi là đủ được.
Những tư-tưởng triết-lý dải dác ở các sách không kể, những bài luận về thuyết thiên-lương của ông có thể gọi là một công trình sáng-tác về triết lý có giá trị. Tôi nói “sáng tác” với một sự dè dặt mà tôi có thể có.
Thiên-lương là gì?Thuyết của ông thế nào? Phân-tích và phê-phán rõ ràng, đó là một công việc trên cái sức lực của tôi, tôi chỉ tóm tắt và luận qua về thuyết ấy.
Thiên lương là cái “tốt” của người ta. Nó là động-lực của tất cả những việc hay của người. Không phải giáo-dục mới có, nó có trong lòng người ta từ khi mới lọt lòng.
Và nó sẽ còn mãi mãi nếu người ta biết gìn giữ; nó sẽ sáng dần ra nếu người ta biết cách trông mong nó; nó sẽ lu mờ đi và có khi mất hẳn nếu người ta không bồi-dưỡng nó.
Ông so sánh thiên-lương với cái bọng dầu cay của con cà-cuống. Cà cuống mất cái bọng cay thì không còn giá-trị nữa. Ông khuyên người ta rằng “cái bọng” giời cho rất quí-báu, nó đặt ta lên trên mọi vật, phải giữ thiên-lương của người ta có cái to, cái nhỏ, cái to tức là thiên-lương của những bậc xuất-chúng thánh-hiền, thiên-lương nhỏ của những người bán khai ăn lông ở lỗ, chưa thấy được thế nào là đạo-lý.
Viết đến đây tôi nghĩ Rousseau. Và tôi có quyền nghĩ đến vì theo lời ông thì ông có đọc Rousseau bằng những văn dịch chữ Hán của Tàu. Ông rất phục Rousseau và hình như ông chịu ảnh hưởng của Rousseau nhiều lắm. Tác-giả Emile và những Discours có giúp nhà triết học Nguyễn Khắc Hiếu được phần nào trong thuyết thiên-lương không?
https://thuviensach.vn
Rousseau đề sướng rằng con người ta sinh ra vốn có một cái bản-chất tốt trong lòng. Nếu người ta đừng bị giáo-dục, đừng bắt trước những người khác thì có lẽ người ta chỉ biết làm có điều lành mà thôi. Bản chất tốt ấy ví như một hạt ngọc đã sáng, người ta không biết đem mân mê, mài dũa làm lu-mở đi mất.
Ta thấy thuyết của ông Tản-Đà giống thuyết của Rousseau ở bản chất tốt giời phó cho, khác ở chỗ thể-lực của người trong sự gìn giữ thiên-lương. Tôi không nói thêm về thuyết của Rousseau vì có nói thêm tôi cũng chỉ đến chỗ kết-luận: Rousseau là một nhà ngụy-thuyết đáng là tác-giả những Mộng-Lớn, Mộng-Con của ta. Hai tiếng ngụy-thuyết tôi đã dùng vào cho nhà nho Nguyễn Khắc-Hiếu và có lẽ tôi sẽ phải dùng một lần nữa khi kết-luận bài này.
Những chỗ yếu của thuyết thiên-lương là người nào đã không gìn giữ nó để đánh mất nó đi thì không thể lại nói tới được nữa.Mất là hết. Mất thiên-lương là mất bản tính con người.
Kết quả, người đã làm tội ác, đinh ninh rằng mình chỉ còn cái thể-lực làm tội ác. Sự thật có phải thế đâu. Biết bao nhiêu người đã phạm những tội tầy đình sau này lại trở nên những người có đức, có lương-tâm.
Điểm thứ hai là có sự hơn kém trong việc trời ban thiên-lương cho nhân loại. Ông Tản-Đà chỉ mới đặt một giả-thuyết căn cứ vào việc ở đời có những bực thánh-hiền và những người ăn ở thất đức; từ giả-thuyết ấy, một số người có thể tưởng mình kém thiên-lương không chịu tìm đường tiến thủ chỉ bo bo giữ lấy những cái mà mình đã có, với một tư-tưởng oán hận trong lòng.
Bác là bác vậy, thuyết thiên-lương chưa viết xong. Thuyết ấy có đứng vững hay không, việc ấy ta phải chờ câu trả lời của người đã khởi xướng ra nó.
Một điều đó làm cho ta băn khoăn hơn, là ông Tản-Đà đã đặt viên đá đầu tiên cho cái lâu đài triết-học của ông từ lâu, nay cách mười lăm năm,
https://thuviensach.vn
mà ta cũng chỉ mới có viên đá đầu tiên ấy. Bây giờ giữa lúc trí còn hăng hái, ông đã xa lánh chúng ta.
Bây giờ ông đã trông thấy đó chỉ là một ngụy thuyết chăng? Ông muốn quay lưng về tương lai, giữ cái chủ nghĩa yếm-thế để giả thủ bọn hậu-sinh bạc bẽo là chúng ta chăng?
Bao giờ nhà triết-học Tản-Đà của ta mới trở lại với chúng ta làm nốt cái công việc bỏ dở từ mười lăm năm nay?
https://thuviensach.vn
Nhà Làm Báo
Hành động! Đó là một phong-trào rất mạnh nổi lên ở xã-hội ta, sau thời kỳ binh lửa ở Âu-châu. Đã gọi là tai mắt của quốc dân, ai cũng muốn đem tài lực của mình ra thi thố để gây ảnh-hưởng. Giờ an nhàn mơ-mộng cũng có, giờ bôn tẩu phiêu-lưu cũng nên có. Giữa lúc ấy, ông Tản-Đà, một người sống vì mộng, lúc nào cũng mơ ước làm được những công kia việc nọ, chẳng lẽ lại chỉ ngồi để cho giăng gió ru hồn.
Ông bước chân vào làng báo với cái nhiệm vụ chủ bút báo Hữu-Thanh (1920).Trước khi ra đời, ông khua chuông gõ trống, diễn-thuyết ở hội Tri trí. Nhưng khi tiếng ông còn văng vẳng ở tòa nhà phố hàng Nón thì ông đã đi theo “ tiếng gọi đàn xa núi Tản xanh”.
Đến năm 1926, ông ra chủ-trương tờ An-nam tạp-chí. Tờ tạp-chí ấy là con cưng của ông. Nó đã chết đi sống lại mấy lần và vẽ thêm cho ông mấy nét nhăn trên trán. Nó không cho ông an cứ bên núi Tản với sông Đà, bắt ông nay đây mai đó, lang thang quản bút với sơn hà.
Ông bị thất bại.
Theo ông thì ông bị thất bại vì “ông không có đất làm báo cũng như Tào-Tháo ngày xưa không có đất dụng võ vậy”.
Trong một tiểu thuyết của ông, ông đã tỏ lòng hối hận của ông, ông biết công việc của ông không phải ở đó:
“Sông Đà-Giang ở Bắc-Kỳ, một là Hắc-giang chữ tây là Rivière Noire; tục thường gọi là Sông-Bờ, lấy vì có chảy qua tỉnh Bờ. Con sông ấy truyền vào hạt Sơn-tây qua chỗ Đá-chông, xuống đến ghềnh La-phù, bờ bên tả là huyện Thanh-thủy, thuộc tỉnh Hưng-hóa; bờ bên hữu là huyện Bất-bạt, Sơn-tây.
… “ Một khúc Sông-Đà đó, mỗi mùa nước, nhất là tối hôm trước mưa to gió lớn, sáng hôm sau đầy sông trôi củi, cái lớn có thể sẽ làm được nhiều tấm ghế ngựa, hoặc có thứ gỗ quý, như vàng tâm; những cái bé thuôi thuổi
https://thuviensach.vn
như cột nhà; nho nhỏ như ống thổi, gỗ, nứa, bương, sậy, cành, lá ngọn gốc, ngang dọc, chìm nổi, loạn giòng sông cùng trôi…
…” Cách nay chừng khoảng mười lăm năm, trong thôn đó có một nhà thi-sĩ, sinh nhai bằng thơ văn, đêm đêm đóng cửa làm văn, thường ngâm nga suốt sáng. Một đêm, chính cũng về mùa nước, giời gần sáng, thấy mưa gió dữ dội. Êm cơn gió, giời vừa sáng, nghe người làng gọi nhau đi vớt củi, tình-trạng rất náo nhiệt. Nhà thi sĩ lúc ấy cao hứng, liền khóa cửa buồng văn, cũng theo chúng lên mạn sông, thì thấy người làng đã đầy bờ, những chiếc thuyền ở giòng xa đang nhấp nhô trên mặt sông. Củi đầy rẫy từ thượng lưu trôi về. Cái hứng thú lúc ấy lại càng cao lắm, anh chàng ta chạy thẳng lên chỗ vở thật trên ngược đứng, nhắm thấy một cái hình trôi mập mờ thật to mà đen, cách vở sông chừng độ ba sào nửa. Nhìn đã rõ, anh ta cởi quần áo bơi ra, thời quả là một cái gỗ rất to, mà hình thể như sao thì không biết được rõ. Trong cơn đắc-ý, anh chàng hết sức vần vào lúc bám ở bên trong mà lôi, lúc đè ở bên ngoài mà đi. Người và gỗ theo giòng nước trôi xuôi thật nhanh mà phần chuyển vào bờ thì thấy không được mấy; vì nước to gỗ lớn mà người không cả sức vậy. Tuy vậy có lôi có đẩy thời cái gỗ cũng phải có chuyển dần dần vào cách bờ chừng còn một sào nữa, sức nước càng mạnh, sự trôi xuôi cũng càng mạnh, thế nhưng khó chuyển vào cho đến bờ được. Người trên bờ đứng xem, ai nấy lấy làm rất nguy hiểm, kêu anh chàng ta phải buông bỏ cái gỗ ra mà y cứ một mực lôi rồi lại đẩy. Anh ta kêu chúng ở trên bờ đưa con sào nứa ra cho để nắm, để nhờ chúng lôi vào. Không ngờ cái sào nứa đưa ra anh ta vừa nắm tay , bị sức ở cái gỗ lôi xuôi, vặn rập nứa mà tay tóe những máu. Ấy là một tay bên phải đã phải buông con sào nứa ra. Còn tay bên trái, y lại kêu chúng đưa sào cho để cầm, cũng lại vặn rập và tóe máu như vậy. Lúc đó tình thế thấy nguy cấp, người như đã gần hết sức, ôm theo cái gỗ cũng trôi xuôi.
Các người trên bờ không sao bảo hắn ta buông bỏ cái gỗ được, cũng không thể đành tâm mà nhìn vậy, chúng nhân cùng chạy theo trên bờ. Sau cuối cùng, một người ném ra cho một đầu giây thừng, anh ta cầm quấn vào một chỗ vấu của cái gỗ, rồi chúng cùng lôi vào.
https://thuviensach.vn
Khi đã vào đến bờ, các người cùng níu lấy cái gỗ, còn anh chàng thi-sĩ thời ngoi ngóp đi lên, được có người đưa quần áo cho mặc, rồi đi luôn vào trong chỗ lò gạch ở gần đấy, nằm sóng sượt không muốn thở. Mỗi người cùng trông mặt anh ta, trắng nhợt không còn có sắc màu. Chúng hãi, lấy rơm lửa chất đốt ở bên. Hồi lâu hắn ta đã giậy được.
Anh chàng đó sau lúc đã giậy, đi ra ở bờ sông, để xem cái gỗ của mình vớt thời thấy là một cái gốc cây rất to, gồ ghề những vấu, xét ra như nguyên là cái cây to trên rừng, người ta đã ngả lấy làm gỗ, mà đó là cái gốc còn lại, lâu ngày, bị nước lũ, rữa đất đem xuống, cho nên còn cả vấu rễ vậy. Cứ cái gốc ấy, nói về sự làm củi thì bổ ra cho được cũng khó… ( Vớt củi).
Ông Tản-Đà, người đã chủ-trương tờ An-nam tạp-chí, chính là anh vớt củi trên này. Ông đuổi theo một gốc cây, ông đuổi theo một cái mộng. Có người cho ái tình mơ-mộng của ông là nguyên nhân sự thất bại của ông trong nghề báo.
Thi-sĩ là thi-sĩ, ông chủ báo là ông chủ báo. Hai người cần phải có những đặc-tính khác nhau, có thể nói là mâu-thuẫn với nhau được; một người cần phải sống với cái đời gần như đời lý-tưởng, một người cần phải sống cái đời thực-tế, cần phải hành-động.
Mỗi khi ông chủ-trương một tờ báo, ông không nghĩ đến tiền nhiều hay ít. Năm mươi đồng bạc cũng đủ để tổ chức một tờ báo của ông, ông tự cao, cứ tưởng tượng như tờ báo của mình ra thì thế nào cũng được quốc dân hoan nghênh.
Ông chỉ tưởng-tượng đến cái vinh của nghề báo mà thôi. Trên con tầu An-nam của ông, ông chỉ tưởng tượng đến những cảnh tuyệt đẹp của nó sẽ đưa ông đến chứ ông không nghĩ đến than củi cần dùng cho con tàu của ông.
Ông không hề nghĩ đến sự thất-bại ở đời.
Nói thế không phải là không đúng, nhưng tôi thiết tưởng cũng không đúng hẳn. Cái tính mơ-mộng của ông không phải là cái nguyên-nhân chính của sự thất-bại của ông.
https://thuviensach.vn
Sự thất-bại của ông là sự thất-bại chung của mọi người “buôn văn bán chữ” của những thân tằm “ăn dâu xanh để rút giả sợi tơ vàng”:
Dâu xanh rút giả sợi tơ vàng
Thân thế con tầm những vấn vương
Tớ nghĩ thân tầm như tớ nhỉ
Tơ tầm như tớ mối văn-chương.
***
Bao nhiêu củi nước mới thành văn
Được bán văn ra chết mấy lần
Ông chủ nhà in, in đã đắt
Lại ông hàng sách máy mươi phân!
***
Càng đau mà vẫn phải càng theo
Theo mãi cho nên cứ vẫn nghèo
Nghèo chỉ có văn, văn lại ế,
Ế văn cho tớ hết tiền tiêu.
Ấy là mấy lời than của ông khi ông thất-bại về việc xuất bản sách của ông; nó cũng là tiếng than chung của mọi nhà làm báo ở xứ ta. Không nói gì đến mười năm về trước, người đọc văn và yêu văn ta còn ít, ngay bây giờ có ai đã dám tự hào rằng mình ra đứng chủ-trương một tờ báo mà không thất bại… huống gì thi-sĩ Tản-Đà.
Đem cái mơ mộng của ông để đổ tội cho ông, để quên cái lãnh đàm của quốc dân đối với ông, như thế tôi tưởng là một sự hẹp hòi, trong sự phê-bình ông.
https://thuviensach.vn
Ta nên nói rằng sự thất bại của ông phần lớn là ở độc giả mà bao lần ông tỏ rằng ông nhớ và ông yêu:
Nhớ ai chẳng nhớ những là ai,
Máy nước xa trông luống ngậm ngùi
Tạp-chí mười kỳ duyên đã nhạt
An-nam hai chữ mực hồ phai
Ba thu ngày tháng la-đà uổng
Bốn bể âm thư vắng vẻ hoài
Bóng lặn tà dương giời sầm tối
Ếch kêu đầy phố tiếng xe hơi.
(Nhắc các bạn đọc giả An-nam tạp-chí)
Có người cho rằng ông bỏ cái đời mộng của ông để bước vào con đường thực tế là ông đi lầm đường, ông đi vào con đường cạnh tranh thì cái thi-cảm của ông nó cũng “lên mây”.
Về phần tôi, tôi không tin thế. Việc ông ra làm báo là một việc tự nhiên. Ông Tản-Đà lúc nào cũng muốn “vác quả địa cầu trên vai”, lúc nào cũng mơ làm những việc to tát. Những ước vọng của ông, ông đã bầy tỏ trong một bức thư gửi cho Chu-kiều-Oanh; ông đã có một chương-trình.
Nếu cái chương-trình của ông chưa được đem thực hành cả, ông cũng đã làm được nhiều việc đáng ghi.
Những mục văn-đàn, thi-đàn của ông trong An-nam tạp-chí không phải là không có ảnh hưởng cho văn thơ ta.
Vả lại dẫu công cuộc của ông không có kết quả đi nữa, nó cũng có thể là một tấm gương nghị-lực và nhẫn nại cho ai đang dụt dè bước vào con đường văn-học.
Mỗi lần hi vọng là một lần thất vọng.
https://thuviensach.vn
Một người có công với quốc-văn
Ông Nguyễn Khắc-Hiếu là một thi-sĩ, một văn-sĩ có chân-tài. Ông là một nhà làm báo có tin-tưởng và kiên-nhẫn.
Với bấy nhiêu, ông đã có thể chiếm một chỗ danh-dự trong làng văn. Nhưng còn một quan điểm nữa ở đời ông nó sẽ làm cho lịch-sử phải mắc nhở đến ông luôn, ấy là cái công của ông đối với văn-học Việt Nam.
Từ khi Tú-Xương qua đời, để lại một chỗ trống lớn bên chúng ta. Ông Tản-Đà là nhà thi-sĩ độc nhất của chúng ta. Nói thế không khỏi có người phản đối rằng hãy dở tạp-chí Đông-Dương, Nam-Phong, mỗi kỳ người ta được ngâm hai ba trang thơ viết bằng quốc-văn; những bài thơ ấy phải đâu đều ký tên Nguyễn Khắc-Hiếu cả. Vâng, ở những tạp-chí ấy người ta có thể lấy thơ ra chất thành đống, nhưng đó chỉ là những viên đá, đã bao nhiêu thể kỷ lăn từ nguồn lễ-giáo về đến đấy xếp thành hàng, ngang bẩy dọc tám. Đó chỉ là những cái xác không hồn sinh ra bởi những nhà nho sống vào thời buổi tàn-tạ.
Lục trong đống thơ lớn ấy, ta tìm được bao nhiêu bài thơ, thơ như thơ Tản-Đà.
Ông Tản-Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế-hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt-Nam đang hấp hối – tôi không muốn nói đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi-sĩ thành-thực dám ca hát cái đời sống của lòng. Ông đã mơ-mộng đã chán đời, yêu đời, thiết-tha với đời một cách tự-do. Ông đã dám ngông, dám có một bản-ngã, dám công nhiên để cho cái trữ tình mê man của mình dãi trong văn thơ.
Ông đã sống một đời thi-sĩ và đã dám có một tâm hồn thi-sĩ. Thơ của ông là tiếng nói dịu dàng trong trẻo của Nàng thơ Việt-Nam. Văn-học Việt-Nam ta bao giờ mới lại có một thi-sĩ như thi-sĩ Tản-Đà! Thế mà, khi thi-sĩ mới ra đời, phê-bình thi-sĩ ông Phạm-Quỳnh còn viết:
https://thuviensach.vn
“Nay cứ hiện-tượng quốc-ngữ mà xét thì ông Nguyễn khắc-Hiếu cũng là một tay sành làm văn trong buổi bây giờ, ví như một tay thợ khéo trong bọn xây cái “nhà quốc văn” ngày nay. Nhưng đương khi những người thợ kia kẻ gánh vôi, người gánh cát, kẻ lợp ngói, người xây gạch, kẻ leo chót vót trên ngọn tường, người ngồi éo le trên đầu nóc thời ông đem một phiến gụ ngồi biệt ra một nơi xa mà chạm cái cửa võng, chạm rất chăm-chỉ rất công phu, chạm lòng rồi lại chạm tỉa, thiệt là tinh, thiệt là sảo, các thợ đi qua dù bận đến đâu cũng phải dừng lại xem mà khen là đẹp, ông chạm xong cái cửa võng ông lại chạm đến cái bao-lơn, cũng vẫn kỹ-càng công tế như thế. Nhưng trong khi ấy nhà vẫn chưa dựng xong, không biết đặt cửa võng vào đâu và đóng bao-lơn vào chỗ nào.
Thôi thì ông đã có công chạm, ta nên lượng cái công cho ông. Như thế thì ông Nguyễn khắc-Hiếu cũng có công với quốc-văn vậy… Xong, nếu tôi có quyền khuyên được những nhà thiếu niên mới tập
làm văn quốc-ngữ thì tôi xin khuyên đừng nên vội học cái nghề chạm của ông Nguyễn khắc-Hiếu mà hãy ra công cố sức gánh gạch, quẩy vôi xây tường, lợp nóc cho cái nhà ta thành đã. Đến bấy giờ trên kín dưới cao, trong ngăn ngoài nắp bà con ta được thảnh thơi khỏi phải cực đi ở nhờ thì lúc ấy những cửa võng bao-lơn mới thật là có giá trị vậy”.
Nam-Phong 1918
Ông Phạm-Quỳnh đã không nhận rằng cái công của ông Tản-Đà là thực dụng. Ông đã phê-bình ông Tản-Đà qua quan-niệm, văn-chương của ông.
Nếu những nhà thiếu-niên đã nghe ông, không vội học cái nghề chạm của ông Nguyễn khắc-Hiếu thì làm gì chúng ta có một cái di-sản về thơ quí-báu như bây giờ.
Càng nghĩ đến những lời phê-bình khắc-nghiệt của ông, ta càng lượng được một cách chính xác cái công của ông Tản-Đà.
***
https://thuviensach.vn
Ngày nay thi-sĩ của chúng ta đã về sống những ngày lạnh-lùng thanh bạch trong tháp-ngà ở Khê-Thượng, Sơn-Tây. Thi-sĩ muốn quay lưng lại với người đời, mặc để cho người đời quên thi-sĩ, không biết đến thi-sĩ.
Mặc để cho người đời nói đến cái say, cái mơ-mộng, cái nghèo của thi-sĩ, đem thi-sĩ mua lấy một nụ cười cho người vô ý thức. Mặc để cho người đời hăm hở hoan-nghênh những tập thơ, những tiểu-thuyết có cái tên đẹp, có cái vẻ hào nháng, còn những tập thơ Khối Tình Con, những tiểu-thuyết như Thề Non Nước, mặc để cho người đời đem bán giao, kèm những hộp sáp thơm, lọ dầu soa, trong ga xe lửa, ngoài bến ô-tô.
Thật là bạc bẽo! Thật là đau đớn!
Còn đâu là thời-kỳ lừng lẫy xưa kia. Cái ngày mà mỗi một lời thơ của thi-sĩ là một tiếng tơ réo rắt làm rung động bao nhiêu tâm hồn, nay đã thuộc hẳn về quá khứ rồi!
Biết làm thế nào…
Người ta kể rằng ở một xứ văn-minh kia có một thi-sĩ, mang một bộ quần áo bẩn-thỉu, rách-rưới, thi-sĩ không gia-đình, không bà con anh em, một mình thui-thủi trên con đường đời.
Anh làm thơ theo luật cổ-điển. Trong thơ anh, anh chỉ nói đến giăng hoa, mây gió, đến giọt mưa… ngâu rơi bên cửa sổ, đến ánh sáng mặt trời lạnh lùng trong cụm lá vàng mùa thu, đến người đàn bà yêu trong giấc mộng.
… Và mỗi đêm, vào khoảng mười giờ đêm, ở những vỉa hè, những tụm người chen chúc thành vòng hỗn độn ở giữa một người rách rưới, miệng hát tay đánh đàn. Bài hát tả cái buồn não nùng của một đô-thành đã chịu bao nhiêu cuộc tang-thương. Giọng hát vụng về, nhưng thiết tha xuất tự một tâm hồn đầy vơi điên đảo, gợi lên trong trí của người nghe hình ảnh một người đàn bà yêu quí.
https://thuviensach.vn
Mấy đồng trinh ở trên tay rơi lả tả xuống lòng nón trả cái bài hát kia đương bay khắp thành phố như con chim lạc đàn.
Rồi một người đàn ông bật ra tiếng thở dài, một người đàn bà nhỏ một vài giọt lệ.
Rồi đến đêm khuya người ta vẫn nghe cái tiếng hát ấy nó hòa lẫn với sương sa gió lạnh, luồn qua khe cửa vào làm tê-tái lòng người. Rồi, ngày một ngày, bài hát ấy cứ bay qua các con đường vào tận chỗ hang cùng ngõ hẻm.
Thi-sĩ làm ra những bài hát bán cho con hát cứ đêm đến là lại lang thang đi kiếm ăn ở những đầu đường.
Nhưng ở đời, tiếng thở dài của người tài-tử, giọt lệ của kẻ giai nhân hồ dễ bán được.
Thi-sĩ vẫn nghèo, vẫn để cho cái thiếu thốn ngày ngày đục khoét cái thân thể trầm-luân.
Thi-sĩ là một người đến chậm ở cuộc đời và đã mất hết tính cách của người đời; thi-sĩ đã thành ra một trò cười cho thiên hạ.
Thân-thể thi-sĩ như xác con ve cuối hè. Cái nghèo ăn cái thân của thi sĩ cũng như thơ ăn cái óc của thi-sĩ.
Thế mà cái nghiệp văn thơ vẫn không bỏ được, động nói là thơ với thơ.
Thật một anh chàng giá trị không bằng một bó rau, một đồng kẽm mà đã dám để cả tâm hồn vào một nghệ-thuật.
Cái đời của thi-sĩ là một buổi hoàng-hôn mà sự thực đã phủ lên một màu ảm-đạm. Cái tâm hồn thi sĩ là do những câu thơ kết thành, như một vòng hoa héo lả đặt trong cõi hư-vô.
Với tâm-hồn ấy thi-sĩ phiêu lưu đem đời mình hiến cho một lý-tưởng, và sau bao nhiêu năm lê-la trong cuộc đời, trải bao nhiêu năm dầm mưa dãi nắng, cái thân của thi-sĩ đã tàn, cái tâm hồn của thi-sĩ đã dạn vỡ, thi-sĩ chỉ
https://thuviensach.vn
còn đem sẻ cái thân tàn ấy, cái tâm hồn dạn vỡ ấy vứt chỗ này một mảnh, chỗ kia một mảnh, thế là hết chuyện.
… Mấy năm sau, thi-sĩ mất tích để lại trong thành phố mấy bài thi ca bơ-vơ như đàn chim lạc mẹ.
Cũng thời kỳ ấy, ngoài đường người rao: “Bánh! Bánh! Một xu hai cái!”
Và ở những nơi lịch-sự người ta nhỏ nhẻ kể rằng trong thành phố sở cảnh sát hợp lực với sở liêm-phóng mới bắt được một bọn làm nghề chôn người chết vô thừa nhận ở nhà thương, lâu nay thường dấu thây rồi mang đi băm ra làm nhân bánh, bán một xu hai cái. Mà trong số những người bất hạnh ấy có cả thi-sĩ nói trên.
Rồi người ta hỏi, ai đã ăn cái tai của thi-sĩ, ai đã ăn cái mắt của thi-sĩ. Một con chó của một nhà giầu nào đó. Ai đã ăn bộ óc của thi-sĩ, ai ăn quả tim của thi-sĩ. Một anh chàng say rượu nào đó.[3]
Nhà thi-sĩ của chúng ta, nghe câu chuyện kể trên đã rõ cái giá trị và cái công dụng của thi-sĩ ở đời này. Thi-sĩ của chúng ta phải bùi-ngùi thương người đồng điệu, nghĩ đến cái mẩu đời còn lại của mình, tự tìm cho mình một câu an-ủi: Đó là số phận chung của những con tằm ăn lá dâu xanh để nhả sợi tơ vàng, những người mang cái thiên-chức thiêng-liêng, đem những nỗi đau đớn của mình ra để ru người đời, và để sau cùng, nhận lấy sự quên bỏ, sự bạc bẽo của người đời.
***
Chiều hôm ấy, tôi đi chơi định qua mấy hàng sách xem có gì lạ, và thứ nhất là để tìm mua những cuốn sách, tập báo quốc-văn in từ lâu. Tôi vào một hiệu nhỏ ở đầu phố Hàng-Bông.
Lục ở trồng sách báo cũ nằm lộn-xộn dưới một làn bụi mỏng, một cuốn sách nhỏ đã cũ lắm nhưng vẫn còn giữ được vẻ xinh-xắn, tập Nhàn tưởng của ông Tản-Đà hiện trước mắt tôi.
Tôi vội cầm lấy vật quý-báu ấy.
https://thuviensach.vn
Tôi hỏi, bà chủ hiệu bảo cho tôi biết rằng bà chỉ bán cuốn sách ấy có hai xu.
Tôi còn vừa lục ở trồng sách, vừa nhắc lại trong trí mấy tiếng nó đã làm cho tôi ngạc-nhiên một cách buồn rầu: “Ông cho hai xu”, một người ở trên gác đi xuống rồi vào thẳng trong nhà khiến cho tôi phải chú ý. Bà chủ nói:
- Đó là Tản-Đà tiên-sinh.
- Tản-Đà tiên sinh!
Ngay từ lúc ấy tôi đã nhận được hình ảnh của tiên-sinh, hình ảnh của một thi-sĩ bị quên bỏ, đang sống những ngày tàn.
Hình ảnh ấy đã cùng sự công-phẫn, sự bùi-ngùi phảng-phất trong trí tôi, mỗi khi tôi cầm bút viết tập nghiên-cứu và phê-bình này. Viết xong năm 1936
https://thuviensach.vn
Thế là tan một giấc mộng
Từ 1936, cùng gia-đình, ông lang-thang nay Quảng-Yên, mai Hà đông, sống cái đời của một gia-đình giang-hồ lãng-sĩ.
Trong thời kỳ ấy nhiều lần tôi được gặp ông, vì thế tôi được hiểu ông và văn-chương của ông hơn.
Đáng lẽ tôi phải viết ra đây.
Nhưng cán bút tôi cầm muốn rời khỏi tay tôi. Tôi muốn làm một việc gì hơn là ngồi chép những ý-nghĩ mà tôi đã có về cái Giấc-Mộng-Lớn của ông.
Vì nay giấc mộng ấy đã tàn rồi.
Thi-sĩ của chúng ta đã qua đời, giữa lúc mặt giời của sinh-mệnh chưa sế bóng, để lại cho chúng ta một vết thương.
Cách đây hai tháng, theo lời thúc-dục của an hem, tôi dự-bị giao cho một nhà xuất-bản in tập văn nghiên-cứu và phê-bình này. Buổi chiều hôm ấy tôi tìm xuống thăm thi-sĩ ở dưới xóm Bạch-Mai định xin một tấm ảnh về in vào tập sách của tôi.
Ở xe điện xuống, đi bộ một quãng nữa tôi đến một ngôi nhà, bề ngoài cũng khá rộng rãi trên tường có hai chữ TẢN-ĐÀ kẻ dở. Cứ trông màu mực thì hai chữ ấy kẻ từ lâu, và chắc không bao giờ thi-sĩ nghĩ đến việc kẻ nốt hai chữ ấy nữa.
Có lẽ ở đời Tản-Đà tiên-sinh việc gì cũng phải bỏ dở. Không ngờ ở cái công việc nho nhỏ ấy, ta đã thấy một tượng-trưng rõ rệt.
Tôi vào, rồi theo người nhà lên gác.
Thi-sĩ đang nằm ở giường.
Tôi cảm thấy hình như xung quanh tôi cái gì cũng đang chán nản chờ một ngày mai tươi đẹp hơn. Tôi bùi ngùi nghĩ đến mấy câu trong bài tựa mà ông Thái-phỉ vừa đưa cho tôi hôm trước:
https://thuviensach.vn
“Thi-sĩ Tản-Đà hiện đang sống những ngày tàn ở dưới xóm Bạch-mai bằng nghề đoán vận mệnh cho người.”
“Đó cái kết cục khốc tàn của đời một thi-sĩ.”
“Còn đâu là thời kỳ trìu-mến xưa kia”.
Thi-sĩ tiếp chuyện tôi. Nhưng lần này kém sự vui vẻ. Mà vui làm sao được. Thi-sĩ đang ở trong sự thất-bại. Chua chát nhất là thi-sĩ bị thất-bại trong nghề đoán số, đã không có duyên với văn-tự lại vô duyên với cả cái nghề đoán số mệnh. Những câu như “mạch Thái-tố, số Hà-lạc“ mà thi-sĩ thường đọc, cái trí thông minh của thi-sĩ, không đủ làm quảng cáo cho cái nghề của thi-sĩ. Thôi đành mở cửa hàng xem số để xem số cho mình, và để biết rõ thêm về cái số phận lênh đênh của mình…
“Có lẽ ông giời muốn suốt đời tiên-sinh phải sống cái đời thi-sĩ”, tôi an ủi thi-sĩ, rồi kể qua công việc tôi định làm. Tôi ngỏ lời xin thi-sĩ một bức ảnh.
Thi-sĩ nghiêm nghị giả lời tôi:
“Ngài lại xin tôi một bức ảnh in vào tập sách ngài viết để nói về thân thế và văn-chương tôi. Ngài làm cho tôi giật mình; mỗi lần có ai muốn giữ một cái gì của tôi để kỷ-niệm, tôi lại tưởng như tôi sắp chết đến nơi. Vì mình sắp xa người ta, và vì người ta quí mình, người ta mới xin mình kỷ niệm. Mà tôi thì tôi còn thấy khỏe lắm. Chính bây giờ mới đến lúc tôi góp các văn thơ của tôi lại, chia ra từng loại định in ra tất cả. Tôi đã gói riêng ra và định in dần. Tôi chưa làm được. Thuyết thiên-lương tôi cũng chưa viết xong. Từ biệt các ngài thế nào được. Cứ ở sự tôi chưa làm xong những việc tôi phải làm là giời chưa cho tôi chết rồi”.
Nói đến đây có lẽ thi-sĩ nghĩ đến cái sứ mệnh của mình, ha hả cười. Tôi cũng cười theo. Thi-sĩ hạ giọng:
“Nói là nói cho vui, thực tình chắc ngài cũng biết cho rằng đã lâu lắm tôi không chụp ảnh, mà bây giờ thì tôi không muốn chụp. Cho thấy cái thân già yếu của mình, thấy sự thanh bạch của mình, e mất cảm tình của quốc
https://thuviensach.vn
dân. Từ nay không làm được công việc cho quốc dân quí mến hơn nữa thì được quốc đã quí mến bao nhiêu nên giữ lấy bấy nhiêu.”
Tôi phản đối những tư-tưởng bi-quan của thi-sĩ, làm cho thi-sĩ phải nhận lời hứa, một hôm nào thi-sĩ khăn áo chỉnh tề sẽ đi chụp ảnh để cho tôi in vào sách.
Tôi cáo từ; ra đến cửa thi-sĩ còn cho tôi biết rằng vài ngày nữa thi-sĩ sẽ xuống ngụ tại Ngã-tư-Sở, số nhà 71, và dặn tôi lần sau có xuống thăm thi-sĩ thì xuống đấy. Đi xe điện cũng tiện.
Tôi không ngờ rằng hôm ấy tôi xuống xin thi-sĩ một bức ảnh lại cả xuống để ghi lấy ảnh cuối cùng của thi-sĩ.
Tôi không ngờ thi-sĩ dặn tôi lần sau có xuống thăm thi-sĩ thì xuống Ngã-tư-Sở, lần sau tôi xuống lại là để đưa thi-sĩ ra chỗ ở cuối cùng của thi sĩ.
Thi-sĩ đã từ trần một ngày mồng bảy tháng sáu.
Đám tang thi-sĩ là đám tang thi-sĩ của muôn đời. Sau linh-cữu, lẻ tẻ một số bạn-hữu và nhà-văn, âm thầm đi hai bên đường, người đời nghểnh cổ lạnh lùng nhìn.
Tôi muốn giữ người đi đường kia lại hỏi xem người ta có biết đó là đám tang một thi-sĩ mới qua đời không. Tôi muốn chạy lại cô Hồng, cô Tuyết kia bảo cho họ biết rằng đó là đám tang thi-sĩ, tác-giả những câu mà đêm đêm họ hát theo với dịp phách cung đàn của họ.
Nhưng thôi mặc.
Sẽ có hậu sinh làm cái gì ta đang mong đợi.
Họ sẽ nhớ công của thi-sĩ, sẽ đặt tên thi-sĩ lên trang đầu của cuốn sử văn-chương Việt-Nam cận-đại. Họ sẽ tìm đến mộ thi-sĩ, khắc vào một tảng đá mấy chữ: Đây là chỗ an-nghỉ của nhà thơ Việt-Nam, Nguyễn khắc-Hiếu.
Và một ngày kia, người đi qua, đứng dừng lại đọc mấy chữ ấy. Sau một phút âm-thầm thấy tâm hồn rạo rực… một vài giọt lệ rỏ. Những giọt lệ
https://thuviensach.vn
ấy, giọt lệ của người đời sẽ kết lại thành một vòng hoa bất-diệt, trăm năm đặt trên mộ thi-sĩ…
Với những ý nghĩ ấy ta có thể an ủi, chấm dấu chấm hết trên trang giấy này và, để vĩnh-biệt, nghiêng đầu viếng lần cuối cùng thi-sĩ thân yêu của chúng ta.
******
https://thuviensach.vn
[1] Truyện này ông Tản-Đà đã thuật lại với ông Trương-Tửu – Uống rượu với Tản-Đà. Bà thân sinh ra ông Tản-Đà cũng hay chữ. Cụ làm nhiều thơ lắm, nhưng thường làm để chơi. Khi quan Huyện Trịnh đình-Kỳ, tri huyện Bất-Bạt, thường cụ vẫn có thơ xướng họa với bà Nhàn Kanh, chính thất cụ huyện.
[2] Chủ nghĩa Bohemian là lối sống tự do phóng túng, không theo khuôn phép của xã hội.
[3] Theo truyện ngắn của Umberto Salvador, một văn-sĩ có tiếng ở Nam-Mỹ là tiên-viên diễn ra quốc-văn.
https://thuviensach.vn